Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 15 Tháng Năm, 2024, 05:18:59 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương  (Đọc 64738 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #90 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 08:58:23 am »

Trong khi hạm đội lưu động số 1 lao vào bóng đêm, các phi cơ của Mitscher gặp rắc rối to trong khi tìm cách trở lại mẫu hạm của chúng. Mặt trăng lưỡi liềm chiếu sáng các cuộc tấn công sau cùng nay đã bị mây bao phủ cả chân trời che khuất và các phi công phải bay bằng dụng cụ phi hành trong bóng tối hoàn toàn. Các làn sóng vô tuyến bận rộn vì các tiếng gọi lo âu và các chỉ dẫn do chiến hạm phát đi bị chìm ngập trong một thứ tiếng lao xao không nghe rõ được.


Lo âu khi chờ đợi phi cơ trở về, Mitscher đã áp dụng một quyết định chưa từng có trong các niên giám của các cuộc hải chiến. Ông ra lệnh cho tất cả các chiến hạm hướng các đèn rọi lên chiếu sáng bầu trời và cho chiếu sáng sàn đáp các mẫu hạm bằng tất cả mọi phương tiện kể cả đèn pha xe hơi. Sau đó ông tung các phi cơ săn giặc đêm bay lên đón đoàn phi cơ trở về để hướng dẫn chúng đáp xuống tổ ấm.


Cuộc thao diễn nối tiếp sau đó trông thật ngoạn mục. Sáu mẫu hạm nặng và năm mẫu hạm nhẹ chạy trên hai trục dưới một vòm các chùm đèn chiếu sáng và hoả châu. Khi các phi cơ xuất hiện như những con đom đóm sáng bạc, các đèn ròi được tắt đi và các phi công có thể hạ xuống phía các sàn đáp được đèn xe hơi rọi sáng. Nhưng thần kinh căng thẳng quá cho nên mọi chuyện khó thể xẩy ra như trong một cuộc thực tập. Nhiều phi công không móc được dây hãm đà và đâm vào các rào cản, làm chậm trễ những chiếc theo sau; nhiều chiếc khác, hết xăng phải đáp trên biển; sau hết nhiều chiếc chìm luôn xuống nước vì nhiều lý do. Trong tổng số 216 phi cơ cất cánh lúc 16 giờ, chỉ có 116 là được thu hồi. Trong số 100 chiếc thì 20 chiếc bị quân Nhật bắn hạ, 80 bị mất vì tai nạn. Mitscher đã làm tất cả mọi chuyện, và các thuộc viên của ông cũng đã thực hiện chuyện phi thường để cứu các phi công lâm nạn. 101 người được vớt ngay trong đêm và 59 người được cứu khỏi các xuồng cao su hôm sau. Do đó, tổn thất về người chỉ lên đến con số rất thấp 49 bị giết hay mất tích.


Riêng về phần thiệt hại của hạm đội thứ 5 thì không đáng kể: một trái bom đã rơi trên thiết giáp hạm South Dakota, một phi cơ-quyết tử đâm vào thiết giáp hạm Indiana, nhưng không có mẫu hạm nào bị đánh trúng.


Quả thật là thiệt hại không bao nhiêu nếu so sánh với thảm bại mà hạm đội lưu động số 1 phải chịu đựng. Gần như tất cả chiến hạm đều bị hư hại, và trong tổng số 430 phi cơ lúc khởi hành, chỉ còn lại có 35 chiếc là còn có thể bay được.


Ngay khi bỏ neo hạm đội, Ozawa gửi cho vị Tổng tư lệnh hạm đội liên hợp một lá đơn từ chức diễn tả niềm hổ thẹn đã để cho cơ hội đưa Nhật Bản đến chiến thắng bị trôi qua một lần nữa. Ông tự gán cho sự thất bại của mình nguyên nhân đầu tiên là do sự kém cỏi của ông, nhưng đồng thời cũng là do tình trạng thiếu huấn luyện phi công. Tổng hành dinh Thiên hoàng từ chối không cho ông từ chức vì như thế là kéo theo sự từ chức của Toyoda. Hải quân Nhật Bản trong tình trạng bị săn đuổi không thể nào đủ sức chịu đựng sự thay đổi chức vụ Tổng tư lệnh lần thứ ba.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #91 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 08:59:47 am »

Tiến ngược lên phía Nhật Bản

Một sự chọn lựa khó khăn

Như một võ sĩ quyền anh bị hạ đo ván, vị Tổng tư lệnh hạm đội liên hợp phải mất một thời gian lâu mới tĩnh trí lại được. Trong một nỗ lực tối thượng để ngăn chặn tiếng cồng bại trận, ông nghiên cứu tập họp các lực lượng của mình. Trong tình trạng hiện thời của hạm đội lưu động số 1, mọi hy vọng cứu vãn quần đảo Mariannes đều bị tiêu tán. Phải cần nhiều tháng trời mới có thể tái lập lại các phi đoàn cho những hàng không mẫu hạm và của các căn cứ trên đất liền tại Đài Loan và Phi Luật Tân. Trong khi chờ đợi phải tìm cách làm chậm lại đà tiến quân của Mỹ bằng cách chống cự kịch liệt tại các đảo còn chiếm đóng và sử dụng tối đa phi cơ và tàu ngầm nhưng không đưa bất cứ một chiến hạm nào còn lại vào vòng mạo hiểm.


Chính vì vậy, trong bầu trời và trên một mặt biển trống vắng, mà các lực lượng của Đô đốc Spruannce có thể đổ bộ lên hết đảo này đến đảo kia từ Saipan cho đến Iwo-Jima. Tuy nhiên, mặc dầu có sự vắng mặt của tất cả những sự can thiệp từ bên ngoài, cuộc kháng cự của quân Nhật mau lẹ mang tính cách kịch liệt đến nỗi nhiều cuộc hành quân được dự liệu trong vài ngày đi phải kéo dài hàng tuần.


Tại Saipan, nơi lực lượng chuyển vận thuỷ bộ của Đô đốc Turner đã đổ bộ dễ dàng trong ngày 15 tháng 6 năm 1944, sau một đợt chuẩn bị mãnh liệt bằng hải pháo và oanh tạc (8.000 người được đổ bộ trong vòng 20 phút) cuộc tiến quân của Mỹ bị chặn kẹt cứng ngay trên bãi biển. Các máy kéo bọc sắt chỉ có thể tiến lên được chừng 30 thước và phần nhiều đã bị các ổ đại bác được nguỵ trang tài tình bắn tan tành. Sau hai ngày chiến đấu mệt nhọc, thuỷ quân lục chiến của sư đoàn 2 bị thiệt mất 1.575 người, tử trận hoặc bị thương và bộ binh đến sau đó chỉ mở rộng đầu cầu được đôi chút. Thiếu tướng Holland Smith hiểu rằng Saipan sẽ là một Bétio thứ hai.


Quả thế thật, nhưng cả Holland Smith lẫn Turner đều không phải chịu trách nhiệm, vì cả hai người đều được các phụ tá thay thế, tướng Harry Schmidt và Đô đốc Hill. Đối thủ đáng sợ của họ, tướng Seito, đã tổ chức trên các sườn của ngọn núi lửa Tapotchau một hệ thống rắc rối gồm các pháo đài, các hang động nối nhau bằng những đường hầm. Toàn bộ được nguỵ trang tài tình đến nỗi các cuộc oanh tạc và hải pháo đã hoàn toàn vô hiệu. Mỗi một hang hốc, mỗi một hầm hố phải bị tấn công bằng Bazoka và súng phun lửa, và phải mất 24 ngày với 77.000 quân Mỹ được 209 tàu chuyên chở đến chiến trường mới đánh bại được 20.000 quân trú phòng trên đảo.


Ngày 7 tháng 7 năm 1944, các tiểu đoàn sau cùng của tướng Seito tung ra một đợt phản công đầy tuyệt vọng. Bốn ngàn binh sĩ và thường dân võ trang đủ loại vũ khí từ đại liên cho đến gậy tre có gắn mũi dao, nhô ra khỏi các hầm hố hò hét “Banzai”1 (Banzai: nghĩa thật sự là “ngàn kiếp sống”. Được sử dụng hoặc để nói một câu chúc tụng-trong khi dự một tiệc rượu chẳng hạn-hoặc như một tiếng la tỏ tình yêu nước để huấn luyện binh sĩ khi xung phong) và “Hy sinh bảy kiếp để cứu tổ quốc!”. Hai đại đội bị đụng trước tiên phải nhường bước cho làn sóng người và người ta lại phải gọi chính Sư đoàn 2 thuỷ quân lục chiến đến trám kẽ hở. Rồi sự can thiệp của pháo binh đã chấm dứt lò tàn sát bằng cách bắn như sấm sét sát ngay cạnh những kẻ sống sót sau cùng. Hôm sau chỉ còn binh sĩ lẻ tử ở phía bắc đảo. Bị quân Mỹ bao vây, vài trăm quân nhân và thường dân lúc đó từ trên đỉnh của bờ biển dốc đứng tại mũi Marti đều nhảy xuống vực tự sát. Xác của tướng Seito không thể nào được nhận ra giữa hàng ngàn xác chết chất thành đống trước các hầm hố hay bị cháy ra tro trong các hang động. Xác của Đô đốc Nagumo, người chiến thắng tại Trân Châu Cảng, tư lệnh hải quân và không lực thuộc hải quân tại quần đảo Mariannes, được tìm thấy trong đống đổ nát của các toà nhà dùng làm Bộ tư lệnh Hải quân. Ông không chịu để cho mang đi và tự bắn một viên đạn vào đầu.


Mức độ kịch liệt của cuộc phòng thủ do Seito chỉ huy đã cho nếm trước mùi vị của những gì phải trả giá cho các cuộc chinh phục trong tương lai. Do đó các cuộc tấn công vào Tinian và Guam đều được một cơn hồng thuỷ toàn bom và đại pháo trút xuống trước. Tại Tinian, sự phá huỷ các cứ điểm phòng thủ kiên cố được dễ dàng nhờ nó nằm gần các bờ biển dốc đứng của Saipan, nơi đại pháo của Mỹ có thể bắn qua, và nhờ sự sử dụng một phương tiện tàn phá mới được mang ra thử lần đầu tiên tại đó: bom Napalm1 (Xăng chứa 6% tinh thể Napalm đông đặc) với hiệu quả làm bốc cháy cho thấy đã vượt hơn loại lân tinh nhiều. Hòn đảo được quét sạch trong chín ngày. Tám ngàn quân trú phòng bị tiêu diệt với giá năm trăm sinh mạng quân Mỹ.


Ngày 2 tháng 8 đến lượt Guam chịu đựng cuộc xung phong của thuỷ quân lục chiến, được chuẩn bị trước bằng một cuộc hải pháo rùng rợn do chính tay một bậc thầy, Đô đốc Conolly, thực hiện. Hệ thống phòng thủ cũng có phương pháp như tại Tinian, và sự hăng say của binh sĩ Nhật rất hữu hiệu, nhưng ưu thế vĩ đại về số lượng của Mỹ đã áp đảo họ một cách mau lẹ.


Ngày 10 tháng 8 năm 1944, công cuộc chiếm đóng các đảo chính trên quần đảo Mariannes chấm dứt. Quân Nhật tổn thất ở đấy mất 43.000 người, nhiều trăm phi cơ và một số lượng tương đương phi công bất khả thay thế. Ba tháng sau, các phi trường dự liệu dành cho các siêu pháo đài bay B-29 đã được thiết lập xong tại đấy. Chiến thắng dường như đang nằm trong tầm tay.


Đấy chính là lúc mà sự tình cơ-loại sức mạnh thứ ba của chiến tranh ấy-lựa chọn để làm xáo trộn các kế hoạch của Đô đốc Nimitz.

Ngày 26 tháng 7 năm 1944, trong lúc công cuộc chinh phục quần đảo Mariannes gần như chắc chắn rồi, Tổng thống Roosevelt đến Honolulu và cho triệu trụng Tướng Mac Arthur đến. Ông muốn đặt Mac Arthur đối diện với Nimitz và chấm dứt sự xung khắc giữa hai người. Theo ông đã đến lúc nhập chung ba chiến trường Thái Bình Dương (nam, tây nam và trung ương) vào làm một vì chiến trường đầu tiên không còn lý do nào để tồn tại nữa kể từ khi chiếm được Bougainville, và sau đó qui định những đường nét chính yếu của cuộc tiến quân về phía Nhật Bản.


Cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra tại Trân Châu Cảng trên chiếc tuần dương hạm Baltimore. Nimitz đã sử dụng trước một bản đồ Thái Bình Dương và giải thích với Tổng thống các lý do biện minh thuận lợi cho một mũi tấn công thẳng vào Nhật Bản, bằng cách tựa vào các tiểu quần đảo Bonins và Volcanos-đặc biệt và Iwo Jia là nơi mà ông đã oanh tạc xuống các phi trường. Các phi trường tại Saipan và tại Tinian sẽ được sửa sang lại để dùng làm căn cứ cho siêu pháo đài bay B-29. Các trung tâm kỹ nghệ và các hải cảng Nhật có thể bị oanh tạc từ mùa thu. Các không đoàn của hải quân Nhật không còn có thể được tái lập nữa và vài mẫu hạm còn chạy được không thể nào tiến ra khơi, thế thì tội gì mà lại nhọc sức chiếm hết đảo này đến đảo khác của các quần đảo phía nam, bởi vì quân trú phòng bị đói khát áp đảo rốt cuộc rồi cũng đến chết mà thôi?
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #92 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:01:55 am »

Khi Mac Arthur bước lên chiếc Baltimore, với một tuỳ viên duy nhất, mình khoác bộ quân phục tác chiến bằng ni-lông thoáng khí và đầu đội chiếc kết rộng vành, bị những cơn mưa nhiệt đói làm bạc màu, ông chào lại toán gác danh dự đang chào kính ông và tiến vào phòng khách của Đô đốc với cùng một dáng điệu của lực sĩ thế vận động như khi ông vượt qua các bãi biển theo các làn sóng quân sĩ xung phong. Ông bị khích động với nhiệt tâm chực bùng nổ của một tướng lãnh bị lưu đày không bao giờ được phép giải thích quan điểm và từ lâu phải đau khổ chịu đựng các sự chèn ép của Bộ Tổng tham mưu.


Khi chỉ cho ông các cứ điểm sau cùng vừa chiếm được trên bản đồ, Tổng Thống hỏi ông để đánh tan không khí lạnh nhạt:

-“Sao! Douglas, bây giờ chúng ta sẽ đi đâu đây?”.

Câu trả lời bật ra như một viên đạn:

-“Đổ bộ lên Leyte chứ còn đâu nữa, thưa Tổng Thống, và từ đó tiến lên Lujon!”.

Rõ rệt là các thành công của Nimitz đã không làm cho ông đổi quan điểm. Ông luôn luôn tin tưởng sắt đá rằng điều mà ông gọi là “trục Tân-Guinée-Mindanao-Lujon-Đài Loan”, là con đường duy nhất đưa đến Đông Kinh.


Phần biện hộ của ông thật hùng hồn. Ông đã ám chỉ mơ hồ đến các trung đoàn thuỷ quân lục chiến quí báu hi sinh trên các đảo san hô và “cơ hội trôi quí” mới đây để dứt khoát tiêu diệt hạm đội liên hợp Nhật Bản. Rồi ông trở lại luận đề ưng ý nhất của ông: sự cam kết mà ông đã đưa ra khi rời Corregidor là sẽ “trở lại” Phi Luật Tân. Dựa trên lời hứa này, nhiều quân du kích đáng thương đã chiến đấu từ hơn hai năm qua trong các chiến khu Mindanao và Leyte. Danh dự của Mỹ quốc bị thử thách và nếu ông không chu toàn với lời hứa, thì sẽ không còn dân tộc Á châu nào tin tưởng vào lời ông nữa.


Rõ rệt là bị xúc động bởi bài diễn thuyết của Mac Arthur mà giọng nói dần dần nhuốm về giọng điệu của một công tố trạng, phần thì bị một mệt mỏi vì chuyến hành trình, Roosevelt ngước mắt lên nhìn Đô đốc Nimitz với niềm hy vọng được ông ta cung cấp vài yếu tố để trả lời.


Nhưng vô ích, Nimitz là một con người lạnh lùng và quá mực thước vốn rất ghét những hiệu quả của thuật hùng biện. Ông đã nói với Tổng thống những gì cần phải nói. Những luận cứ tình cảm mà người ta thôi thúc ông, không thuộc thẩm quyền ông. Ông im lặng. Ngoài ra ông Tướng còn lớn hơn ông năm tuổi, đã từng nắm giữ chức vụ tham mưu trưởng Lục quân trong khi đó ông chỉ là một Đề đốc đơn thuần. Lòng tôn kính mà ông vẫn chứng tỏ đối với hệ cấp quân đội bắt buộc ông phải lễ phép im lặng.


Sự do dự này đã làm cho Tổng thống bực mình vì là một người cô độc do tật bệnh, Tổng Thống chỉ sống trong những xúc tiếp nhân bản và trí thông minh rộng lớn của ông chỉ tác dụng toàn diện với một kẻ đồng hành để có thể trả lời lại ông Tướng. Các luận cứ của Mac Arthur lại càng đập mạnh vào ông hơn vì ông đã thấy chúng được trình bày trên các cột báo của đảng Cộng Hoà. Từ ít lâu nay cả một chiến dịch được điều hợp rất khéo léo sử dụng các luận đề của ông Tướng để tạo nên biết bao lời châm chích chính sách của toà Bạch Ốc.


Ông ngắt ngang cuộc hội kiên với thái độ hiền hậu thân thiết rất quen thuộc nơi ông và cho các thuộc viên rút lui sau khi xác định thêm rằng họ hoàn toàn đồng ý với nhau về nội dung, do đó họ phải chấm dứt sự bất đồng ý kiến.


Khi trở về Hoa Thịnh Đốn; nhiều mối ưu tư khác đang chờ đợi ông. Tất cả mọi nỗ lực đều dồn về phía chuẩn bị cho Hội nghị liên đồng minh sẽ được khai mạc tại Québec vào đầu tháng 9 năm 1944 để điều hợp các cuộc hành quân trên khắp tất cả chiến trường với mục đích thu đạt nhanh hơn một chiến thắng dường như sắp sửa đến nơi rồi. Mối lo giải quyết cuộc xung đột Mac Arthur-Nimitz lại được để lại cho Uỷ ban tham mưu hỗn hợp; thế nhưng bị công việc trà ngập, Uỷ ban cũng bỏ quên luôn nội vụ. Trong suốt tháng 8, Nimitz được tự do tiếp tục các cuộc oanh tạc trên các quần đảo Bonins và Volcanos trong lúc Mac Arthur và Halsey gia tăng gấp dôi nỗ lực để vô hiệu hoá, bằng các cuộc oanh tạc, phía tây quần đảo Carolines trên đó các căn cứ hải quân kiên cố tại đảo Yap và Palaos đe doạ mạn sườn của mũi tiến quân về phía Mindanao.


Tuy nhiên vào cuối tháng, Uỷ ban tham mưu hỗn hợp vì bị toà Bạch Ốc trách cứ chưa chịu giải quyết mau lẹ việc khó khăn, nên Đô đốc King quyết định nhập chung hai hải đoàn của Halsey và của Spruance làm một. Để tránh tình trạng thống thuộc gây khó chịu, ông quyết định rằng hai vị Đô đốc sẽ lần lượt luân phiên chỉ huy các lực lượng hải quân đang hoạt động. Khi một người đang tham chiến trên mặt biển thì người kia sẽ chuẩn bị kế hoạch tấn công sắp đến, tại bộ tham mưu ở Trân Châu Cảng, và kiểm soát việc sửa chữa cũng như huấn luyện các chiến hạm có mặt tại đấy. Hệ thống luân phiên chỉ huy được quyết định một cách tài tình như thế đã san bằng những khó khăn và cho thấy có tính cách vô cùng thực dụng. Các hải đoàn được mệnh danh là Lực lượng đặc nhiệm 38 (của Halsey) và Lực lượng đặc nhiệm 58 (Spruance). Bên trong, đó chẳng qua cũng chỉ là gồm cùng một số các các chiến hạm, vì các mẫu hạm của Mistcher là rường cột chủ yếu của cả hai Lực lượng đặc nhiệm, nhưng cứ mỗi lần thay đổi người chỉ huy thì danh hiệu của lực lượng cũng thay đổi theo1 (Người ta cũng còn gọi là hạm đội thứ 3 (Halsey) và hạm đội thứ năm (Spruance))


Trong tháng 9 năm 1944, đúng lúc Hội nghị liên đồng minh sắp nhóm họp tại Québec, Uỷ ban tham mưu hỗn hợp chấp thuận kế hoạch tái chiếm quần đảo Phi Luật Tân do Mac Arthur thiết lập và Lực lượng đặc nhiệm 38 do Halsey chỉ huy nhổ neo tiến về phía nam.


Kế hoạch dự liệu các cuộc đổ bộ tiên khởi lên các đảo phía tây quần đảo Carolines, tức là tiểu quần đảo Palaos và đảo Mindanao. Các mẫu hạm của Halsey có bổn phận chuẩn bị cho các cuộc đổ bộ bằng nhiều cuộc oanh tạc liên tục trong suốt một tuần lễ. Nhưng sau thời hạn này, vì thấy không hề gặp một phản ứng nào của không quân địch như đã dự liệu, Halsey suy tính rằng khu vực phía nam gần như đã bị vô hiệu hoá và như thế đổ bộ lên đó là chuyện vô ích. Ông gửi một điện văn cho Đô đốc King đề nghị thọc sâu thẳng vào Leyte, và vì lúc đó King đang có mặt tại Québec với Roosevelt, thủ tướng Anh, và tất cả các thành viên của Uỷ ban tham mưu hỗn hợp, đề nghị của Halsey được chấp thuận tại chỗ.


Thật ra, Halsey hoàn toàn ý thức được nền tảng hợp lý của kế hoạch do Nimitz soạn thảo và không mong gì hơn là thấy Uỷ ban từ chối cuộc đổ bọ lên quần đảo Phi Luật Tân. Nhưng ông không muốn làm Mac Arthur thất vọng, một người mà ông có nhiều liên hệ móc nối, đặc biệt là một khuynh hướng tôn sùng cá nhân nào đó. Ngoài ra, ông cũng hy vọng sẽ tìm thấy cơ hội “đập tan hạm đội liên hợp" tại Phi Luật Tân.


Những sự nhượng bộ hỗ tương liên tiếp ấy dần dần đã làm dịu không khí căng thẳng. Sự phân địch chức trưởng giữa Nimitz và Mac Arthur mơ hồ hơn bao giờ hết, nhưng sự đồng tình tốt đã được tái lập, không còn có những đụng chạm nghiêm trọng xảy ra trong thời gian có các cuộc hành quân nữa. Gia dĩ các cuộc hành quân cũng được giới hạn vào một số rất ít cho đến giữa tháng 10: oanh tạc các phi trường bằng phi cơ của các mẫu hạm và đổ bộ lên các đảo ít được phòng vệ. Sự kiện quan trọng đáng chú ý duy nhất trong chiến dịch một tháng này là sự kháng cự kỳ lạ của tiểu đảo Peleiu-đảo nằm xa nhất về phía nam quần đảo Palaos, sở dĩ có quyết định chinh phục đảo này là vì tầm quan trọng của các phi trường trên đó. 10.000 quân Nhật ẩn nấp trong các hang động và có chiến xa nhẹ đã làm cho chừng 5.000 thuỷ quân lục chiến và 15.0000 bộ binh Mỹ phải thất bại qua nhiều đợt tấn công suốt trong mấy tuần lễ liền. Công cuộc giải phóng toàn diện đảo chỉ hoàn tất trong tháng 11 nghĩa là quá trễ để cho các phi trường đó kịp được sử dụng cho cuộc hành quân đánh chiếm Phi Luật Tân. Cuộc chinh phục vô ích này đã phải trả một giá vượt các cuộc chinh phục Saipan… Riêng về nỗ lực đánh chiếm Phi Luật Tân thì phải trả giá mắc hơn nhưng với lợi ích lớn hơn.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #93 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:04:41 am »

Kế hoạch SHO

Trong khi các biến cố trên đây đang diễn tiến, dân chúng Nhật Bản đột nhiên ý thức được mức độ trầm trọng của tình hình. Sự thảm bại của hạm đội lưu động số 1 của Ozawa và cuộc xâm chiếm quần đảo Mariannes không còn có thể được che đậy nữa, và các chuyển động chính trị đã nối tiếp theo đó. Khi tin tức Saipan thất thủ được loan truyền, Tướng Tojo người đòi hỏi “danh dự được đứng ra phòng vệ đảo này”, bị cưỡng bách từ chức. Để thay ông ta trong chức vụ Thủ tướng, Thiên hoàng chọn lựa vị Đô đốc già Suzuki, chiến sĩ kỳ cựu thời chiến tranh Nga-Nhật nổi tiếng là có tư tưởng ôn hoà. Chính phủ mới đã thực hiện các nỗ lực lớn lao để tăng gia tốc độ sản xuất phi cơ, chiến hạm và những đường biểu diễn năng suất kỹ nghệ chiến tranh bắt đầu nhích lên đôi chút.


Nhưng thì giờ thiếu hụt. Hạm đội liên hợp trở thành chiến luỹ cuối cùng chống cự cuộc xâm chiếm quần đảo Nhật Bản, và sự khôn ngoan dường như buộc phải tập trung hạm đội vào Nội hải, đặt dưới sự che chở của Không quân trên đất liền, hầu có đủ thời gian cần thiết để tái trang bị phi cơ và phi công cho hạm đội. Khốn thay, giải pháp này lại không thể áp dụng được vì tình trạng thiếu dầu cặn tại chính quốc. Đô đốc Toyoda bị lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc gửi các chiến hạm của ông xuống phía Nam, nơi chúng có thể tìm thấy dầu cặn cần thiết, nhưng lại không thể tiếp nhận cả đạn được lẫn phi cơ, hoặc giữ chúng lại trong Nội hải, nơi chúng có thể tiếp nhận vũ khí mới ra lò, nhưng lại không tìm đâu ra dầu cặn để nhổ neo ra khơi. Ông bèn chọn lựa một giải pháp trung dung: Tất cả các thiết giáp hạm và tuần dương hạm được gửi xuống phía Nam, chỉ một mình hạm đội lưu động số 1 còn gồm có một mẫu hạm nặng và ba mẫu hạm nhẹ là được tiếp tục giữ lại trong Nội hải.


Sau khi tập họp được trong vùng biển Brunei, phía bắc Bornéo, hải đoàn thiết giáp hạm của Đô đốc Kurita dường như trở nên một lực lượng đáng sợ với bảy thiết giáp hạm-trong đó có hai chiếc khổng lồ Yamato và Musachi và 13 tuần dương hạm chạy nhanh, được võ trang hùng hậu. Nhưng hải đoàn này lại hoàn toàn lệ thuộc vào sự che chở của các không đoàn đặt căn cứ trên đất liền tại Đài Loan, Lujon, Leyte và Mindanao, mỗi khi nó tiến ra khỏi căn cứ tập trung.


Kế hoạch của Toyoda-kế hoạch Sho-tiên liệu sự đột nhập lần lượt các chiến hạm của hải đoàn Kurita vào hải phận Phi Luật Tân để tiêu diệt đoàn quân đổ bộ của Mỹ khi họ tiến gần đến Leyte, bằng đại bác hạng nặng trên chiến hạm. Hải đoàn sẽ được chia làm hai đội, một hải đội  sẽ chạy qua quần đảo Phi Luật Tân về phía bắc và ló ra khỏi eo biển San Bernardino trong lúc hải đội thứ hai tiến qua quần đảo theo ngõ phía Nam, mượn đường eo biển Surigao.


Toyoda hy vọng rằng các không đoàn trên quần đảo Phi Luật Tân đủ sức che chở cho các thiết giáp hạm của ông và các không đoàn đặt căn cứ trên đảo Đài Loan sẽ giúp đỡ Ozawa khi ông ta đương đầu với các mẫu hạm Mỹ. Niềm hy vọng này rất mong manh vì lẽ sự tiêu hao liên tục mà các không đoàn phải gánh chịu trong các đợt oanh tạc tàn phá của không quân Mỹ. Trong hải đoàn của Kurita, nhiều lời phản đối đã được nêu lên nhằm chống lại ý định điên rồ là đưa “tinh hoa của hạm đội Nhật đến chỗ hy sinh” mà không có không lực che chở để tấn công vào lực lượng hải quân thuỷ bộ của Mỹ. Nhiều sĩ quan do các bản cử làm đại diện, đã đến trình bày những lo ngại với Đô đốc, trên thiết giáp hạm Musachi: “Chúng tôi không sợ chết, nhưng chúng tôi tâm niệm phải cứu vãn danh dự của Hải quân Nhật. Nếu thấy Hải quân bị hy sinh cho một nhiệm vụ nhục nhã như vậy, các Đô đốc Togo và Yamamoto sẽ khóc dưới nấm mồ của họ!” Kurita trả lời: “Tôi biết rằng nhiều người trong các anh không chấp nhận cuộc chiến đấu mà Tổng hành dinh Thiên hoàng chỉ định cho chúng ta, nhưng tình hình nghiêm trọng đến mức không một ai trong các anh có thể tưởng tượng được. Nếu hạm đội của chúng ta bất động trong khi dân tộc bị đe doạ tiêu diệt thi há chẳng đáng hổ thẹn lắm sao? Tổng hành dinh cho chúng ta một cơ may. Phải chấp nhận nó. Ai có thể quả quyết rằng không có cơ may nào để thay đổi chiều hướng chiến tranh bằng một trận chiến quyết định? Các anh cần phải nhớ rằng đôi khi phép lạ vẫn xảy ra!”.


Lúc ấy các sĩ quan có mặt đanh người lại trong cái đập gót chào và hoan hô Đô đốc với tiếng la rung chuyển “Banzai”. Khi trở về tàu của mình, họ đã lặp lại cho tất cả mọi người những lời nói đầy hy vọng mà họ vừa nghe và công việc chuẩn bị liền được tiếp tục trong sự chờ đợi các đại biến cố được loan báo.


Trong bản doanh đặt dưới hầm thuộc Viện Đại học Keio, Toyoda không có ảo tưởng nào về các thiếu sót của kế hoạch Sho. Sự yếu kém của không lực đặt căn cứ trên đất liền đã khiến ông ưu tư hơn bao giờ hết. Những phi công ưu tú nhất của không lực thuộc hải quân đã được tập họp tại Đài Loan, đặt dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc Fukudomé1 (Đệ nhị Không lực). Ông cũng muốn thực hiện một nỗ lực tương tự để tăng cường cho đệ nhất không lực đồn trú tại Phi Luật Tân và giao quyền chỉ huy cho Phó Đô đốc Onishi.


Tại Đông Kinh, Phó Đô đốc Takiri Onishi nắm giữ các chức vụ quan trọng của người chỉ huy ngành vật liệu cho không lực của hải quân trong Bộ Võ trang. Đấy là một phi công kỳ cựu luôn luôn có mặt để trám kẽ hở. Ông đã từng chiến đấu tại Trung Hoa trước khi trở thành cánh tay mặt của Đô đốc Yamamoto để cùng soạn thảo kế hoạch trứ danh nhằm tấn công vào Trân Châu Cảng. Sau đó ông đã chỉ huy một trong các không lực, mà trong tháng 12 năm 1941, đã quét sạch bầu trời Thái Bình Dương từ Phi Luật Tân cho đến các thuộc địa của Hoà Lan và đánh chìm hai thiết giáp hạm của Anh, chiếc Prince of Wales và chiếc Repulse. Toyoda rất coi trọng ông; ông ta biết rằng sự chọn lựa của mình sẽ được nhất trí chấp thuận. Mặc dầu các chức vụ tại Đông Kinh rất quan trọng, Toyoda yêu cầu ông lên đường đi Manile ngay lập tức.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #94 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:05:52 am »

Đêm Mabalacat

Trưa ngày 17 tháng 10 năm 1944, một chiếc phi cơ dường như bị khó khăn đã đáp xuống phi trường Nichol’s Field, gần Manile. Một người bước ra khỏi phi cơ, lưng còng xuống vì bộ y phục phi hành nặng nề và tiến đến trước hàng xe đang nhồi xóc chạy trên phi trường lỗ chỗ hố bom để tiếp đón. Đấy chính là Đô đốc Onishi, vừa từ Đông Kinh hấp tấp bay đến đảm nhận quyền chỉ huy đệ nhất không lực tại Phi Luật Tân.
Cuộc hành trình thật bi thảm. Phi cơ phải tránh khỏi Đài Loan vì không quân Mỹ đang mở cuộc oanh tạc dữ dội tại đó. Phi cơ vừa đến được Manille thì cạn xăng.


Một đoàn xe tuỳ tùng được sắp xếp và chạy về thành phố nơi đặt bộ tham mưu của Đệ nhất không lực. Chiếc xe dừng lại trước một biệt thự hào nhoáng chắc phải là rất oai vệ trong những ngày tươi đẹp của năm 1942, nhưng nay bị chìm ngập dưới con mưa như thác đổ và ẩn mình dưới mành lưới nguỵ trang, thoát ra một vẻ buồn tẻ vô hạn.


Càng buồn tẻ hơn nữa là hình dáng của vị chủ nhân toà nhà, Đô đốc Teraoka vừa bị một mệnh lệnh của Thiên hoàng cách chức tư lệnh. Lễ bàn gian được theo nghi thức thường lệ tuy nhiên được thu ngắn lại vì các hung tin được đưa đến. Quân Mỹ đã đổ bộ lên Saloun ngay lối vào vịnh Leyte. Đệ II không lực đặt căn cứ tại Đài Loan từng tấn công các Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ mà không thành công, đã tự mình đâm đầu vào chỗ bị tiêu diệt thật sự… Cuộc xâm chiếm Phi Luật Tân có thể đột ngột xảy đến ngày một ngày hai, Tổng tư lệnh hạm đội liên hợp đã ra lệnh áp dụng kế hoạch Sho để phòng thủ quần đảo.


Sự thành công của kế hoạch này lệ thuộc vào một sự che chở ồ ạt của không quân, thiếu nó, các thiết giáp hạm hùng mạnh của Đô đốc Ugaki sẽ lần lượt bị đánh chìm trước khi tấn công được đối phương. Nhưng tìm đâu ra sự che chở tối cần thiết ấy khi mà giờ đây tại Manille chỉ còn lại hơn 100 phi cơ có thể hoạt động được?


Hai vị Đô đốc thảo luận rất lâu về tình hình. Tại Đài Loan, Đô đốc Fukudomé đã hoàn toàn bị thảm bại. Trong ba ngày oanh tạc, 18 mẫu hạm cơ hữu của hạm đội Mỹ đã tiêu diệt gần 500 phi cơ Nhật trên mặt đất hay trong các cuộc không chiến. Mặc dầu có các báo cáo lạc quan của các phi công, tổn thất của Mỹ dường như rất nhẹ và số lượng quá ít phi cơ còn lại tại Đài Loan chỉ có thể mang lại một sự hỗ trợ yếu ớt cho hạm đội lưu động khi nó phải chặn đầu Lực lượng đặc nhiệm vĩ đại của Mỹ.


Tái diễn toan tính của Fukudomé với các phương tiện không đáng kể của Đệ nhất không lực sẽ là gánh lấy một thảm hoạ còn trầm trọng hơn nếu tham chiến theo các hình thức cổ điển. Vậy thì cần phải vận dụng đến chính các biện pháp cực đoan.


Trong thời gian làm việc tại Đông Kinh, Onishi đã nghiên cứu mọi loại dự án nhằm khắc phục thế yếu của không lực Nhật Bản. Một trong các dự án ấy là sử dụng các “bom bay” được tiên liệu về mặt lý thuyết là sẽ do vô tuyến điều khiển, nhưng trong trường hợp khẩn cấp cũng có thể do một phi công tự sát điều khiển. Trước khi cho xúc tiến dự án được mệnh danh một cách nên thơ là “hoa anh đào” này, Onishi đã tham khảo các cấp chỉ huy cao cấp của hải quân và thảo luận với họ về “các ảnh hưởng tinh thần” có thể xảy ra sau đó. Ông hoàn toàn ngạc nhiên khi bắt gặp nơi những nhân vật này, những người mà ông tin rằng sẽ có thái độ cứng rắn và sự lãnh đạm toàn diện, một thái độ ngần ngại đầy cẩn trọng thuộc về ý thức còn đáng chú ý hơn thái độ của ông nữa. Tất nhiên là giáo điều về sự hy sinh không hề bị xét lại, nhưng ý tưởng chỉ định trước và chỉ định một cách lạnh lùng những phi công trẻ tuổi sẽ phải bắt buộc tự huỷ mình, ý tưởng ấy đánh thức nơi họ đôi chút ngại ngùng. Dự án “hoa anh đào” do đó đã chỉ được theo đuổi trong danh nghĩa rút kinh nghiệm, mà không được quan niệm có ưu tiên tuyệt đối không thể không có để thực hiện trong đoản kỳ.


Khi Đô đốc Teraoka giải thích cho ông rõ chi tiết tình hình tương lai của hạm đội Nhật một khi tiến ra khỏi các eo biển tại Phi Luật Tân, Onishi đã tự trách mình đã tỏ ra yếu lòng một cách đáng khinh trong khi thảo luận dự án “hoa anh đào”. Nếu ông có sẵn 400 hay 500 mẫu vật bay dễ thương ấy, thì hải quân đế quốc Mặt trời mọc đã có thể toan tính tiến ra với những cơ may thành công như hạm đội của tiền nhân được tung ra để tấn công đoàn thuyền của Kubilai Khan. Ngọn gió thần trứ danh-Kamikaze-ngày hôm đó đã càn quét đúng lúc các chiến thuyền của địch sẽ được thay thế một cách hữu hiệu hơn bởi các “đoá hoa anh đào”.


Onishi là một con người không bao giờ bỏ cuộc. Lúc cáo biệt Teraoka, quyết định của ông đã thành hình” ông sẽ thay thế các “Đoá hoa anh đào” bằng các phi cơ xưa cũ đang làm vướng bận các hăng ga trên các phi trường tại Phi Luật Tân, chất đầy bom và phái chúng đến đâm đầu xuống cầu tầu của chiến hạm địch. Ông bước xuống cầu thang của chỗ ở mới và ra lệnh đưa ông đến Mabalacat, bản doanh của bộ tham mưu phi đoàn 201.


Mabalacat là một thị trấn bản xứ nhỏ hẹp chỉ có vài căn nhà kiểu tây phương. Căn lớn nhất được dùng làm tổng hành dinh của không lực thuộc hải quân. Khu vườn trông rất dễ thương, với những cây kiểu nhiệt đới xa hoa, nếu không có cơn mưa như thác đổ lên trên những bức mành rách bươm và nếu không có hai thùng phuy đựng đầy nước mưa rõ ràng là để dùng làm bể tắm cho những người chiếm ngụ. Riêng phần bên trong của ngôi nhà thì nó bày ra quang cảnh của một căn trại của những người lang thang: không có bàn ghế, nhiều giường xếp nhất đống sát vách tường, khắp nơi bừa bãi y phục phi hành, giày vớ, nón bay và khăn mặt.


Trong những lúc khác, quang cảnh hỗn loạn này bày ra khi một Đề đốc đến, chắc đã gây ra một cơn biến động toàn diện rồi, nhưng hai hay ba sĩ quan cao cấp trực nhật tại Bộ tham mưu đang sốt vó bận khảo duyệt các điện văn và điện thoại  để ra mệnh lệnh, không có thì giờ đâu mà lo lắng đến chuyện kẻ đến người đi nữa. Mãi đến lúc Onishi vượt qua người tuỳ phái đưa lối để bước ngang qua hành lang tầng lầu thứ nhất, thì một tiếng hô “nghiêm” phát ra trong cổ họng tắt nghẹn của một hạ sĩ quan mới làm mọi người trong nhà giật nẩy mình. Không đầy 20 phút sau, tất cả không đoàn trưởng đều có mặt trong phòng hội.


Đô đốc dò xét vẻ mặt từng người dự hội với sự chăm chú kéo dài, rồi cất lời qua giọng nói chát tai:

Tất cả các anh, ông nói, đều đã biết kế hoạch Sho đang được áp dụng. Nếu nó thất bại, tình thế của Nhật Bản sẽ rất bi thảm. Thế mà nó chỉ có thể thành công nếu các đại chiến hạm của hạm đội tiến lên dưới một chiếc dù không quân hùng mạnh che chở. Chiếc dù ấy, chúng ta không còn phương tiện để cung ứng nữa. Giải pháp duy nhất còn lại cho chúng ta ngăn cản-sẽ chỉ trong vài ngày thôi-không cho phi cơ địch cất cánh khỏi các mẫu hạm. Kết quả này chỉ có thể thu đạt được bằng cách gắn bom 250 kí lô lên các khu trục cơ và tất cả các phi cơ huấn luyện còn lại của chúng ta và phái các phi cơ này bay đến đâm xuống sàn tàu địch.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #95 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:06:32 am »

Và, vừa nhắc lại hồi tưởng lịch sử, ông vừa nói thêm:

-Ngọn gió từ các chong chóng phi cơ của các anh sẽ lại là ngọn thần phong Kamikaze và cũng như vào năm 1265, sẽ cứu hạm đội Nhật Bản khỏi bị tiêu diệt.

Những lời nói ấy rơi vào trong sự im lặng giá băng. Không một sĩ quan nào hiện diện lại tỏ ra có một chút cho do dự nếu như Đô đốc yêu cầu họ hy sinh chính mạng sống của họ, nhưng họ biết rằng mạng sống hay cái chết của hàng trăm phi công trẻ tuổi sẽ lệ thuộc vào câu trả lời của họ. Tất cả yêu cầu được bàn định trong một căn nhà kế cận.


Cuộc thảo luận rất ngắn ngủi. Ý tưởng được xổ tung. Nhiều sĩ quan và hạ sĩ quan thuộc các không đoàn đã từng nghĩ đến phương tiện tuyệt vọng này. Trong các trận không chiến liên miên xảy ra bên trên các phi trường tại Phi Luật Tân, nhiều phi công vì hết đạn đã hạ các oanh tạc cơ Mỹ bằng cách lao vào cánh lái của chúng. Bốn ngày trước đó, Đô đốc Arima, chỉ huy trưởng không đoàn 26, trái với thông lệ, đã quyết định dẫn đầu đợt xung phong thứ hai tấn công vào một Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang tiến về phía Lujon. Lúc khởi hành, ông trình diện trước nhóm phi công, lột bỏ huy hiệu cấp bậc của mình và ngồi vào tay lái của chiếc phi cơ dẫn đầu rồi cất cánh ngay, theo sau ông là 80 khu trục cơ. Không ai còn gặp lại ông nữa. Kéo dài cuộc tấn công quá giới hạn dự trữ xăng, ông đã hoàn toàn tự ý lao mình xuống sàn một hàng không mẫu hạm.


Sau khi gợi lại những gương sáng ấy, các không đoàn trưởng trở lại phòng họp. Onishi vẫn đợi họ tại đấy, ngồi tại chỗ, bất động như một tượng phật bằng đồng. Ông nhướng đôi mày rậm và liếc nhìn một vòng chung quanh.

-Thưa Đô đốc, người chỉ huy thâm niên nhất lên tiếng, chúng tôi hoàn toàn đồng lòng với ông.

Onishi chần chừ một lúc, rồi chỉ trả lời đơn giản “Tốt lắm!”. Và ông bước mau ra khỏi căn phòng sợ rằng sẽ phản bội niềm xúc động đang làm ông đau thắt.

Bây giờ các không đoàn trưởng chỉ còn có việc nói cho các thuộc viên biết quyết định của vị tư lệnh lực lượng. Biết rằng tinh thần đã được chuẩn bị, họ không hề nghi ngờ rằng quyết định ấy sẽ được chấp nhân không than vãn và số người tình nguyện sẽ tràn ngập. Nhưng cũng như Onishi đã làm, họ muốn được sự đồng tình về phương diện tinh thần của các sĩ quan. Vì từ lúc ấy mọi sự do dự đều không thể chấp nhận được, họ bèn dùng một công thức tam đoạn luân rất quen thuộc với những kẻ tài tử trước đa số tuyệt đối: “Anh thích chết bằng cách một chống mười mà không một tí hy vọng nào đạt được kết quả, hay là chết bằng cách mỗi người đánh chìm một mẫu hạm địch hơn?”.


Câu trả lời hoàn toàn nhất trí và chiến thuật Kamikaze được trưng cầu ý kiến trong mọt không khí phấn khởi điên cuồng.

Bộ tham mưu của Đệ nhất không lực liền bắt tay vào việc soạn thảo các mệnh lệnh cần thiết cho sự thành lập “đơn vị Kamikaze”. Đơn vị phải gồm có vài huấn luyện viên-tình nguyện chết như những người khác nhưng là một cái chết bị trì hoãn-có sứ mạng huấn luyện thật nhanh các sinh viên phi công đang thời kỳ thực tập, những người sẽ là chủ lực của đơn vị. Onishi chấp thuận các kỹ thuật vận dụng cực kỳ đơn giản bởi vì các phi công thành thạo rất hiếm có và phải được giữ lại để dẫn dắt đơn vị ra đi tấn công. Với một vài thay đổi để xích nhau thôi, chiến thuật gồm có lao xuống sát mặt nước trên chiến hạm mục tiêu bằng cách quay lưng về phía mặt trời, rồi hướng lên cao một chút và bay theo chữ chi để tránh đạn, sau đó đâm bổ xuống thật sâu vào phút chót.


Những toán đầu tiên đã sẵn sàng vài ngày và, ngay từ ngày 22 tháng 10, một toán đã cất cánh để thử lửa. Sự rủi ro đã muốn rằng trời rất xấu. Bị quáng mắt vì những loạt mưa, các phi công không thấy các Lực lượng đặc nhiệm của địch đâu nên phải quay về. Ngày 23 tháng 10, tình hình khí tượng còn trầm trọng thêm, và sự thất bại tương tự lại tái diễn. Sự hổ thẹn và nỗi kinh hoàng càng lớn lao khi mà cứ một cuộc khởi hành là có một lễ nghi tiến đưa long trọng. Chính Đô đốc Onishi đích thân đến phi trường. Các phi công Kamikaze tập họp chung quanh ông, uống một chén Saké sau khi nâng ly chúc tụng Thiên hoàng. Sau đó họ khoác vào người biển hiệu của đơn vị: một chiếc khăn choàng rộng bằng lụa quấn chung quanh cổ. Rồi tay cầm lưỡi kiếm võ sĩ đạo, họ chạy về phía các phi cơ, Đô đốc chạy theo và đứng im trước chiếc phi cơ thứ nhất để chào từng người chạy qua, những anh hùng trẻ tuổi bay lao về phía thần chết.


Ngày 24 tháng 10, các phi công Kamikaze được huấn luyện lại và một đội hình cổ điển gồm có những phi cơ tốt nhất do các phi công ưu tú của Đệ nhất không lực lái, đã được tung ra tấn công và đã khám phá thấy lực lượng địch ngoài khơi đảo Leyte.


Đã đến lúc! Kể từ ngày 20 tháng 10, bên trong vịnh Leyte, 420 chiến hạm thuỷ bộ đủ mọi kiểu đã đổ bộ lên bờ hai sư đoàn bộ binh mà chẳng phải lo lắng gì cả. Ngày hôm đó, đến chiến trường lúc 10 giờ sáng trên chiếc tuần dương hạm Nashville, Mac Arthur đã dự kiến cuộc đổ bộ. Vài giờ sau, ông yêu cầu một chiếc Landing Craft đưa ông vào bờ. Ngay khu bụng chiếc tàu trượt ầm ĩ lên trên đá sạn của bãi biển San Pedro, ông Tướng bước xuống dọc theo chiếc cửa mở nghiêng xuống bãi, tất cả sĩ quan thuộc bộ tham mưu nối gót theo ông. Ông bước qua khoảng các mấy thước ngăn cách bãi cát, bằng cách lội xuống nước trong những lượn sóng nhỏ xanh biếc viền đầy bọt trắng. Khi đã đặt chân lên mặt cát khô, ông bắt đầu chạy trên bãi cát như một cậu bé tinh nghịch rốt cuộc thoát khỏi được lớp học để chạy nô đùa dưới ánh mặt trời. Thế rồi ông dừng lại đột ngột và quay về phía các sĩ quan ngơ ngẩn vẫn chạy theo cách ông một khoảng, ông la lớn với họ: Các anh tin hay không tin cũng mặc, chúng ta đã đến đấy rồi! “Và lần này, chúng ta sẽ ở lại!”.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #96 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:07:39 am »

Trò chơi tàn sát

Bình minh ngày 25 tháng 10, hạm đội của Kurita vốn đã bị tiềm thuỷ đỉnh Mỹ tấn công bất ngờ đêm hôm trước và bị thiệt mất một tuần dương hạm, tiến về phía eo biển San Bernardino, từ đó nó sẽ phơi mình cho các cuộc tấn công của những mẫu hạm Mỹ đang canh phòng ngoài khơi vịnh Leyte. Cuộc tấn công của các phi cơ dưới quyền Onishi thật đáng ngưỡng mộ. Mặc dầu có sự hiện diện của vô số phi cơ khu trục Mỹ, một oanh tạc cơ đâm bổ của Nhật đã liệng được một trái bom trên mẫu hạm Princeton với sự chính xác đến mức nó xuyên qua nhiều hầm tàu và đâm ngang vào hầm chứa thuỷ lôi. Một tiếng nổ khủng khiếp làm chiếc mẫu hạm bắn tung thành từng mảnh và gây tổn thất nặng nề cho tuần dương hạm Birmingham đang tiến đến gần. Phi công Nhật tránh né được và bay về căn cứ theo mệnh lệnh thượng cấp, nhưng sự táo bạo điên rồ mà anh ta đã chứng tỏ khi thực hiện cuộc tấn công đã nhập vào tinh thần Kamikaze và đã chứng minh rằng ngọn gió mới giờ đây khích động toàn thể các phi công.


Quân Mỹ trả đũa sấm sét. Tất cả phi cơ của năm mẫu hạm khác ào ạt tấn công các siêu thiết giáp hạm của Ugaki và mặc dầu có sự dũng cảm phi thường của vào khu trục cơ dưới quyền Onishi, họ đã đánh trúng được chiếc Musachi 17 trái bom và 19 thuỷ lôi. Dầu cho có chắc chắn bao nhiêu chăng nữa, chiếc soái hạm cũng không thể nào chịu nổi một lượng bom đạn như thế và nó chìm dần trong sóng biển. Như thế là chiếc siêu thiết giáp hạm, niềm kiêu hãnh của hạm đội Nhật, biến mất ngày hôm ấy mà không bao giờ bắn được một phát đại bác nào trong suốt cuộc chiến tranh.
Các chiến hạm khác cũng bị trúng bom ít nhiều cho nên sau khi chuyển qua chiếc Yamato, Đô đốc Kurita ra lệnh cho hải đoàn quay lui để chờ đêm tối.


Hành động này là một sự sai trật trầm trọng đối với kế hoạch Sho vì kế hoạch ấy dự liệu một cuộc tấn công đồng thời vào các chiến hạm đổ bộ do bởi hai hải đoàn dưới quyền Kurita, hải đoàn của Ugaki và hải đoàn của Nishimura. Hải đoàn sau đã tiến dọc theo bờ biển Mindanao để tiến vào eo biển Surigao lúc đêm tối; do đó nó đã đến vịnh Leyte trước các thiết giáp hạm khá lâu. Được thông báo khoảng cách chậm trễ này, Toyoda đành phải gửi cho tất cả một bản điện văn ngắn gọn sau: “Lao vào địch với tất cả lực lượng của quí ông”.


Nishimura lao vào tấn công trước.  Lúc 2 giờ 30 sáng ngày 25 tháng 10, các khinh tốc đỉnh và khu trục của Đô đốc Kinkaid đang tuần hành trong eo biển Surigao đã phóng vào trục tiến quân vô số chùm thuỷ lôi mà một quả đã đánh chìm được thiết giáp hạm Fuso. Nishimura không vì thế mà không tiếp tục tiến. Người chiến sĩ kỳ cựu mà người ta đã lôi ra khỏi các quân trường tại chính quốc cùng các chiến hạm già nua ấy, đã muốn trút hết các với hầm đạn vào địch quân bằng mọi giá.


Đến 3 giờ 30 sáng, những làn sóng dội ngược trở lại các giàn rada trên cột buồm các chiến hạm Nhật bắt đầu làm cho các mặt kính hiện lên những đốm sao báo hiệu các thiết giáp hạm Mỹ dưới quyền Kinkaid xuất hiện. Vài phút sau, những quả đạn đầu tiên được bắn đi và những vòng cung sáng chói của vô số đạn đạo “Tracers” đã chọc thủng bầu trời tối mịt. Các thiết giáp hạm Mỹ mà phần đông là những chiếc còn sống sót sau vụ Trân Châu Cảng, đã “chắn ngang hình chữ T” các thiết giáp hạm của Nishimura và tưới ngập đạn đại bác vào chúng theo đúng chiến thuật cổ điển đã được Đô đốc Togo sử dụng để chống hạm đội Nga tại eo biển Tsoushima.


Đến 4 giờ, thiết giáp hạm Yamashiro, bốc cháy từ trước ra sau, mới chớm vận dụng để làm lạc hướng tác xạ của địch, nhưng đúng lúc đó bị trúng nhiều thuỷ lôi và biến mất trong một vùng lửa sáng loé. Tuần dương hạm Mogami cũng bị bốc cháy phải lẩn tránh cùng chiếc Shigura còn nguyên vẹn như nhờ có phép lạ. Vừa rút lui, hai tuần dương hạm lại gặp các tuần dương hạm của Đô đốc Shima chạy đến tiếp cứu. Các chiến hạm này sau khi phóng hết thuỷ lôi từ xa nhằm vào các tuần dương hạm địch, cũng quay đầu trở lại. Sự can thiệp của chúng đã quá chậm.


Trước bình minh ngày quyết định ấy, thế là một trong các “mũi kìm” do kế hoạch Sho tiên liệu đã bị bẻ gãy. Nhưng đúng lúc đó, một biến cố bất ngờ xảy đến làm đảo ngược một tình thế đã quá sức tai hại, và nghiêng lợi thế cho quân Nhật. Các hải đoàn mẫu hạm của Halsey, được một phi cơ tuần thám báo tin có sự hiện diện của hạm đội lưu động số 1 thuộc quyền Ozawa về phía bắc Phi Luật Tân, liền nhận được lệnh rời khỏi vị trí canh gác để đến chặn đầu địch. Khi Đô đốc Kurita rốt cuộc cùng với hải đoàn của ông tiến ra khỏi eo biển San Bernardino, ông không thấy một chiến hạm nào của Mỹ và lợi dụng ngay phép lạ này, ông cho mở hết tốc độ lao về phía nam tấn công thẳng vào lực lượng đổ bộ. Lúc ấy các chiến hạm chuyển vận thuỷ bộ này chỉ được che chở bởi độc có các mẫu hạm hộ tống được dự liệu để yểm trợ cho quân đổ bộ. Khi Đô đốc Sprague, tư lệnh một trong các hải đội mẫu hạm hộ tống ấy được báo tin một hạm đội hùng mạnh đang tiến đến gần, ông phải mất ít lâu để xem có phải đó là tàu Nhật hay không. Tôn trọng lệnh im lặng vô tuyến, Halsey đã không thông báo sự ra đi của ông và tin tưởng là đã tránh khỏi được mọi bất ngờ. Khi ý thức hiểm nguy đang đe doạ, ông phân tán các chiến hạm theo một vòng cung rộng lớn và cho tất cả các phi cơ cất cánh đúng lúc các quả đại pháo đầu tiên của Kurita bắt đầu rơi từng chùm siết chặt chung quanh ông. Sáu mẫu hạm hộ tống đáng thương của Sprague, chỉ là những tàu vận tải được trang bị một sàn phi đạo, trở nên các tấm bia đỡ đạn không được phòng vệ trước các đại pháo hùng mạnh của các thiết giáp hạm Yamato, Kongo và Haruna. Chúng chạy về phía nam với tốc độ 17 gút, nhưng vì hạm đội địch chạy mau hơn 10 gút, chúng không có ảo tưởng gì nữa về chung cục của trận đánh. Chính lúc đó, một phép lạ mới đã xảy ra-lần này có lợi cho quân Mỹ. Sprague đã tung lên không gần 200 phi cơ và được chừng 50 phi cơ khác của các hải đội kế cận đến trợ chiến. Như một kẻ lấy trộm tổ ong bị bắt gặp đang hành sự, Kurita bị tấn công bởi những con ong vò vẽ hung dữ đổ dồn bom trên các chiến hạm của ông và càn quét các cầu tàu bằng các loạt đại liên. Hơn nữa những cơn mưa rào liên miên từ trên trời trút xuống đã che khuất mục tiêu, khiến ông tin là đang có chuyện với cả một hải lực mẫu hạm hùng hậu thật sự. Hải đoàn của ông đã bị cuộc tấn công đêm trước làm yếu đi nhiều, cho nên Kurita không dám săn đuổi các mẫu hạm Mỹ mà ông đã ước tính qua tốc độ thật sự của chúng. Sợ sẽ bị rơi vào một tổ ong vò vẽ mới, ông quay lui sau hai giờ theo đuổi và sau khi chỉ đánh đắm được một mẫu hạm hộ tống1 (Chiếc Gambier Bay) và một tuần dương hạm.


Những nỗi khốn khổ của Sprague chưa phải là đã hết. Khi các quả đại pháo cuối cùng vừa rơi xuống thì nhiều phi cơ Nhật xuất hiện trên dãy núi thuộc đảo Samar. Người ta thấy chúng tiến tới theo một đội hình phân tán và thực hiện các động tác nhào lộn bất thường. Đấy là các phi cơ Kamikaze của Onishi, lần này thì thấy được hải đội mẫu hạm hộ tống địch, và cương quyết lao xuống, mỗi chiếc nhắm vào con mồi của mình. Không đầy một giờ, các mẫu hạm Santee, Saint Lo, Suwannee, Kitkum Bay và chiếc Kalinin Bay trông thấy nhiều phi cơ đủ loại bay lượn làm lạc hướng tác xạ của súng phòng không rồi đâm xuống vỡ tan trên sàn tàu. Phần đông các mẫu hạm hộ tống làm chủ được các đám cháy nhưng trên chiếc Saint Lo, bom và thuỷ lôi chứa trong hăng ga đã gây ra một tiếng nổ tai biến. Trận chiến chấm dứt theo cuộc quần ngựa ấy, cuộc quần ngựa đua đầu tiên của cả một loạt ghê gớm và lâu dài.


Sprague đã cứu hải đội của ông thoát chết cơn tai biến, những tổn thất của buổi sáng hôm đó thật là nặng ngoài việc mất chiếc Saint Lo, 1.130 người đã bị giết và 913 bị thương nặng trên toàn thể các mẫu hạm hộ tống. Hơn nữa chiến thuật khủng khiếp của Nhật đã làm giao động tinh thần các thuỷ thủ đoàn. Tin tưởng có sự hiện diện của hải đoàn Halsey bên cạnh, Đô đốc Kinkaid quyết định gửi ba hải đội mẫu hạm hộ tống về Uliti để sửa chữa các chỗ bị hư hỏng.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #97 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:08:26 am »

Trận đánh cuối cùng của Ozawa

Trong khi trước vịnh Leyte xảy ra các biến động huyên náo ấy, Lực lượng đặc nhiệm 38 của Đô đốc Halsey đã theo đuổi sát hạm đội lưu động số 1 vốn đang tránh né ở phía bắc để lôi kéo các mẫu hạm Mỹ xa dần hải đoàn của Kurtita theo đúng kế hoạch Sho. Ozawa có bốn mẫu hạm tổng cộng 116 phi cơ, 2 thiết giáp hạm, chiếc Hynge và Ise, 4 tuần dương hạm nhẹ và 9 khu trục hạm. Mặc dầu ông chỉ có thể sở cậy vào một hậu thuẫn yếu ớt của phi cơ trên đảo Đài Loan, ông không ngần ngại tấn công Lực lượng đặc nhiệm của Halsey ngay khi phi cơ tuần thám lúc rạng đông báo hiệu lực lượng Mỹ đến gần. Khoảng cách còn xa và ưu thế đè bẹp của địch với 787 phi cơ trong đó có 402 khu trục cơ đã làm cho toan tính anh hùng này trở nên vô ích. Trong số 76 phi cơ tấn công vào nhóm đi đầu của các mẫu hạm thuộc quyền Mitscher, một vài chiếc bị hạ, chừng 20 chiếc bay đến Lujon và chỉ có 29 chiếc trở lại các mẫu hạm của chúng.


Ozawa tạm thời rút lui rồi điều động để trở lại cách 200 dặm phía bắc Lujon lúc đêm đến. Chắc chắn là ông hy vọng rằng Kurita có thể tấn công trở lại vào rạng đông ngày 25 tháng 10, do đó ông tính rằng bổn phận của ông là phải ở lại đó như là một con mồi để cầm chân hạm đội thứ 3 của Mỹ.


Thật kỳ dị, Halsey rơi vào cái bẫy mà chính ông thường giăng ra để nhử Yamamoto và Koga trong các cuộc đụng độ tại quần đảo Salomon và, tập họp bốn hải đoàn của mình trong đêm, ông tung chúng lên phía bắc theo đội hình rẻ quạt rộng lớn bỏ hạm đội đổ bộ của Kinkaid lại rất xa đằng sau. Bất chấp những lời kêu gọi khẩn cấp và liên tục của Kinkaid, ông từ chối trích bớt một thiết giáp hạm thuộc một hải đoàn thôi để đi tiếp cứu, mặc dầu ông có một ưu thế áp đảo và không hề cần đến những chiến hạm khổng lồ vướng bận này. Bị ám ảnh bởi lòng ham muốn “đập bể bụng vĩnh viễn” hạm đội lưu động, ông không muốn tách rời khỉ bất cứ chiến hạm nào của mình.


Tảng sáng ngày 25 tháng 10, tất cả các mẫu hạm của Mitscher đều báo động, và đến 8 giờ, vì thấy được địch, 200 phi cơ cất cánh bay ùa đến các chiến hạm của Ozawa. Mẫu hạm Chitose bị trúng bom chìm ngay và mẫu hạm vinh quang Zuikaku bị trúng thuỷ lôi phải tách ra khỏi trục. Khi đợt phi cơ thứ hai và thứ ba bay đến, đội hình của chiến hạm Nhật bị hoàn toàn rối loạn. Ý thức được sự bất lực của các phi công cuối cùng còn lại, Ozawa đã gửi cho Onishi tất cả các phi cơ chiến đấu, chỉ giữ lại vài khu trục cơ. Những phi cơ cuối cùng này lần lượt bị hạ hết chiếc này đến chiếc khác; hạm đội lưu động lâm vào thế xuôi tay đưa mình chịu trận trước các đoàn của địch quân. Trò chơi tàn sát của Mitscher tiếp tục như trong một cuộc thực tập. Đến 14 giờ 15, mẫu hạm Zuikaku, lần lượt bị ba trái thuỷ lôi, nghiêng về một bên và chìm lỉm sau vài phút. Ozawa chuyển hiệu kỳ qua tuần dương hạm Oyodo và dẫn đầu hạm đội của ông chạy về phía bắc. Trong cuộc điều động này, ông mất luôn hai mẫu hạm chót là chiếc Chiyoda và chiếc Zuiho. Trong thời gian đầu hôm, phi cơ Mỹ ào ạt dồn về tấn công các thiết giáp hạm Ise và Hynge nhưng không có kết quả, thế rồi mất liên lạc với địch1 (Halsey không chịu gọi chúng về và đưa các lực lượng đặc nhiệm trở lại trước vịnh Leyte. Ông đã nhận được một điện văn hạ nhục của Nimitz như sau: “Lực lượng đặc nhiệm 38 đâu rồi? Cả thế guiơí đang tự hỏi như thế”). Vài chiến hạm còn sống sót đến tiếp hợp với chiếc Oyodo và cùng với nó, trở về được Nhật. Ozawa đã bị những tổn thất kinh khủng-ông không thể nào bị khác hơn được-nhưng là người duy nhất trong số các Đô đốc tham chiến trong kế hoạch Sho, ông đã thành công toàn diện trong sứ mạng đánh lạc hướng bằng cách nhử cho Halsey bỏ đi thật xa khỏi trận đánh chính yếu.


Trong thời gian đó, về phía nam, hải đoàn của Kurita vốn đã để mất cơ hội trời cho để đánh chìm các mẫu hạm hộ tống và các hải vận hạm Mỹ bằng hải pháo, đã rút lui về phía tây ngang qua eo biển Bernardino. Lực lượng đặc nhiệm của Halsey rốt cuộc cũng được quyết định gửi đi lùng kiếm, nhưng vì quá cách xa nên không gây phiền phức gì cho hải đoàn Nhật. Đêm 25 rạng 26 trôi qua mà không có chuyện gì xảy ra cho nó. Kurita gửi một điệp văn cho các đô đốc Onishi và Fukudomé để báo rằng “cơ hội có vẻ tốt đẹp cho một toan tính lấy lại quyền làm chủ bầu trời”. Một công điện cũng được Toyoda gửi đến yêu cầu ông “tái diễn cuộc tấn công nếu ông còn đủ sức làm như thế”. Ông xét đoán rất đứng đắn là “không còn đủ sức nữa” và tiếp tục con đường tiến về phía tây. Thuộc cấp của ông đã phải chịu đựng từ ba ngày qua các cuộc tấn công liên tục của tiềm thuỷ đỉnh, khinh tốc đỉnh và phi cơ địch. Chính bản thân ông, sau đó cũng phải đồng ý rằng đã kiệt sức và chỉ còn có một ý tưởng: cứu vãn các chiến hạm sau cùng và tránh cho các thuỷ thủ đoàn dũng cảm của ông khỏi một cái chết vô ích.


Đến 8 giờ 30 ngày 26 tháng 10, lúc hải đoàn Nhật chạy ngang quan Sibouyan, thì bị 30 chiến đấu cơ tấn công. Một tuần dương hạm trúng thuỷ lôi bị hư hại, và chiếc siêu thiết giáp hạm Yamato lãnh hai quả bom mà không hề hấn gì. Hai giờ sau, 30 oanh tạc cơ B-24 còn oanh tạc soái hạm nữa. Một quả bom nổ trước mũi, một quả khác mở ra bên tả mạn một lỗ hổng to tướng, nhưng nó vẫn tiếp tục rẽ sóng ngay giữa một rừng cột nước biển tung lên cao như những toà nhà mười tầng. Thiết giáp hạm Nagato, mặc dầu bị trúng bốn quả bom, vẫn theo sau lằn sóng rẽ đôi của chiếc Yamato. Hai chiến hạm để lại đằng sau một cái đuôi dầu cặn và mảnh vỡ rộng lớn nhưng vẫn đến được Brunei, có ba tuần dương hạm và tám khu trục chạy theo. Chúng đã trải qua 1.000 hải lý mà không giảm tốc độ mặc dầu bị nước tràn vào và bị nhiều hư hỏng. Sau biết bao nhiêu thảm bại đáng buồn, dầu sao đó cũng là một niềm an ủi. Tuy vậy là một niềm an ủi mong manh bởi vì từ nay chúng cứ đã cho thấy rằng các đại thiết giáp hạm, không có khả năng tự vệ chống lại phi cơ, sẽ không còn một hiệu dụng nào nữa như là một chiến hạm xung kích. Ngoài ra hạm đội của Ozawa đã bị mất tất cả hàng không mẫu hạm.


Hy vọng duy để làm tê liệt cuộc tiến quân của lực lượng Mỹ từ nay là nhấn chìm các lực lượng ấy dưới một đám mây Kamikaze.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #98 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:10:35 am »

Cơn thịnh nộ Kamikaze

Trong các cuộc hải chiến tại Leyte, năm phi công do Onishi tung ra theo chiến thuật tấn công tự sát đã giáng cho hạm đội Mỹ nhiều tổn thất hơn cả 500 phi cơ mà Fukudomé đã hy sinh. Trước kết quả kỳ lạ này, tất cả các phi cơ có khả năng cất cánh đều được phân phối cho nhiều phi đội khác nhau và các phi công bắt đầu bổ chính các chiến thuật mới. Onishi tổ chức một cơ cấu dính liền gồm có nhiều huấn luyện viên. Các phi công Kamikaze được ở trong một khu doanh trại đặc biệt-những lều tre dựng sát mé nước đầy muỗi quấy phá-trong đó họ sống như thầy tu qua các buổi huấn luyện và các buổi suy nghiệm bộ luật Bushido. Vì họ quyết tâm trở lại căn cứ nếu hoàn cảnh không giúp họ trông rõ mục tiêu, một vài người đã sống như thế ít lâu trong những điều kiện phi nhân. Kể từ ngày 26 tháng 10 năm 1944, Onishi dùng các không đoàn trưởng của ông để quấy phá chiến hạm Mỹ chung quanh Leyte trong khi các hải vận hạm của Nhật lo tiếp tế nhân bóng đêm cho quân trú phòng trên đảo theo kiểu “chuyến tốc hành Đông Kinh”.


Ngày 29 tháng 10, 45.000 bộ binh Nhật và 10.000 tấn vũ khí và vật liệu đã được đổ bộ lên Ormoc, trên bờ đối diện và 100.000 binh sĩ của Mac Arthur bị mắc kẹt tại các vị trí của họ. Vì lẽ có chừng 350.000 quân Nhật được phân phối trên quần đảo Phi Luật Tân, viễn ảnh tương lai không lấy gì làm sáng sủa lắm cho quân Mỹ. Đô đốc Kinkaid kêu gọi các mẫu hạm của Mitscher đến oanh tạc trong hai ngày xuống phi trường Clark và Mabalacat. Phi cơ Kamikaze trả đũa khốc liệt. Chừng nửa tá phi cơ ấy vượt qua được hàng rào hoả lực phòng không để lao vào ba mẫu hạm và một thiết giáp hạm. Chiếc thiết giáp hạm thoát được trong gang tấc, nhưng các mẫu hạm Intrepid, Franklin và Belleau Wood không thể tránh né được các ngôi sao băng lao xuống nổ tan trên sàn phi đạo hay đài chỉ huy. Ngay đêm đó ba chiến hạm bị hư hại nặng này được đưa hoặc dắt về tận Uliti. Hôm sau Đô đốc Halsey ra lệnh rút lui toàn diện hạm đội thứ 3. Các thuỷ thủ đoàn đã chiến đấu liên miên từ ngày 6 tháng 10. Họ đã hớn hở tham dự các trận đánh trong những tuần lễ đầu, nhưng từ khi nổi cơn cuồng nộ Kamikaze thì tinh thần họ căng thẳng tột độ.


Tin tức về sự thành công này đã gây tiếng vang mênh mông tại Nhật, tại đấy, một thứ điên cuồng bí ẩn xâm chiếm công luận. Mặc dầu quân Mỹ tiến đều, một niềm hy vọng mới phát sinh và được tuyên truyền phóng đại. Báo chí và đài phát thanh đã đi quá mức nồng nhiệt khi ca tụng “các cánh thiên thần lao xuống chiến hạm địch… Những than niên với cặp mắt sáng quắc đang mở đường cho vinh quang chiến thắng… Mỗi người cột một khăn quàng vào đầu, bạn bè nói lời vĩnh biệt với những người trưởng thành và bầu trời xung quanh họ từ từ sáng rực…” lời báo chí tại Đông Kinh.


Hàng trăm người tình nguyện đến trình diện xin được thu vào đơn vị Kamikaze. Rủi thay, máy bay thiếu hụt và khi Onishi thực hiện một chuyến trở về Đông Kinh ngắn trong tháng 11, ông phải mất công lắm mới kiếm được 150 phi cơ. Chúng được các phi công tân tuyển, phần đông không có hơn 100 giờ bay, lái theo ông để đi Đài Loan. Ông để viên tham mưu trưởng lại đấy, đại tá Inoguchi, để thiết lập một trung tâm huấn luyện Kamikaze. Các khoá học kéo dài trong bảy ngày” hai ngày huấn luyện cất cánh với tối đa trọng lưựơng chuyên chở, hai ngày khác huấn luyện bay tập thể theo đội hình, ba ngày chót để học các chiến thuật tấn công khác nhau. Hai phương pháp thường được áp dụng nhiều nhất là đâm xuống 45 độ từ đằng sau mục tiêu sau một cuộc hạ thấp tiên quyết từ 7.000 xuống 1.000 thước, hoặc bay là sát mặt nước tiến đến cách mục tiêu 500 thước, rồi bay ngược trở lên và sau đó đâm thẳng góc xuống. Mỗi lần có thể tấn công bằng một cặp, hai phương pháp cùng đồng thời được áp dụng cho cùng một mục tiêu. Mỗi phi đội một khi đã được đào tạo xong sẽ đến tập họp tại Phi Luật Tân, từ đó sẽ được sáp nhập vào các đơn vị trên đảo Lujon hay đảo Cébu. Vài ngày sau, những kẻ mới học đạo được gửi vào chỗ chết và những người mới đến sẽ thế chỗ họ. Vài phi đoàn chính thống được Onishi giữ lại cũng đã làm chuyện phi thường để yểm trợ quân trú phòng tại Leyte.


Đáp ứng một lời kêu gọi khẩn cấp của Kinkaid, Halsey gửi một trong các lực lượng đặc nhiệm của ông đến thực hiện một cuộc không tập mới xuống Cébu, Clark Field và Mabalacat, nhưng vì mẫu hạm mới Lexington bị hư hại nặng vì một phi cơ Kamikaze, cho nên kinh nghiệm đã không được tái diễn nữa. Tám ngày sau, một Lực lượng đặc nhiệm khác trở lại tấn công “chuyến tốc hành Đông Kinh” mới vốn vẫn tiếp tục tiếp tế cho Leyte. Một tuần dương hạm và ba hải vận hạm Nhật bị đánh chìm, nhưng các mẫu hạm Mỹ Intrpid, Cabot và Essex đều bị phi cơ Kamikaze làm hư hại. Lúc đó Halsey gửi cho Nimitz một điệp văn báo tin rằng “những cuộc tấn công đứt đoạn trên quần đảo Phi Luật Tân theo ông dường như không có lợi”. Vị Tổng tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương  lúc ấy quyết định gọi Lực lượng đặc nhiệm 38 về nghỉ ngơi một thời gian.


Vào đầu tháng 12, các phi trường tại Leyte rơi vào tay quân Mỹ và sau cùng đã được sửa chữa lại. Tướng Krueger, tư lệnh đệ lục lộ quân Mỹ có trong tay 183.000 quân nhưng ông đã bị tổn thất 2.250 tử trận và phải cho di tản nhiều ngàn binh sĩ bị thương hay bị các loại bệnh tật khác nhau-kiết lỵ, bệnh nhiệt đới, hay chân bị nhiễm độc năng do tình trạng dẫm đi liên tục trong bùn. Lúc đó ông yêu cầu Đô đốc Kinkaid chuẩn bị đâu đó sẵn sàng cho một cuộc đổ bộ lên Ormoc để cắt đứt cầu liên lạc cuối cùng mà từ đó tăng viện được đưa đến cho đối thủ đáng sợ của ông, tướng Suzuki. Lập tức tất cả các khinh tốc đỉnh phóng thuỷ lôi, các khu trục hạm và chiến hạm thuỷ bộ của hạm đội thứ 7 được tập họp và ngày 12 tháng 12 năm 1944, cả một sư đoàn được đổ bộ lên Ormoc. Trước mối đe doạ này, 35.000 quân của Suzuki phải rút lui vào trong bán đảo San Isidro.


Lúc ấy Mac Arthur quyết định coi đảo Leyte như đã được chinh phục xong và bắt đầu chuẩn bị xâm chiếm Lujon. Phía Nhật, Tướng Yamashita, tư lệnh binh đoàn Nhật Bản tại Phi Luật Tân, điện cho Suzuki là phải bỏ Leyte để tập trung về Lujon, “dầu phải tràn ngập nước mắt hối tiếc cho số phận 10.000 anh hùng phải bỏ lại để chiến đấu những trận cuối cùng mà không có một nguồn yểm trợ nào”. 10.000 anh hùng này đã đáp ứng lời kêu gọi chân tình ấy và chứng tỏ là xứng đáng với những truyền thống cao cả nhất của quân lực Nhật Bản, bởi vì họ đã hăng say chiến đấu trong những điều kiện thể chất khốn khổ không thể tưởng tượng được mãi cho đến tháng 5 năm 1945!
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #99 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2010, 09:11:55 am »

Mac Arthur trở lại Manille

Kế hoạch của Mac Arthur là đổ bộ lên Lujon tại vịnh Lingayen như quân Nhật đã làm năm 1941, và cũng như họ thọc sâu vào Manille càng nhanh càng tốt. Trong sự vội vã muốn giải phóng các con tin Phi Luật Tân đang chết đói dần mòn trong các trại giam, ông ấn định ngày đổ bộ là 20 tháng 12 năm 1944. Đô đốc Kinkaid lưu ý ông rằng cần phải chiếm đảo Mindoro trước để có thể chuyển vận quân của Tướng Krueger từ Leyte đến Lingayen qua nội hải Soulou dưới sự che chở của không lực đặt căn cứ trên các phi trường thuộc đảo này. Ông Tướng nghe theo và cuộc đổ bộ lên Mindoro được ấn định là ngày 15 tháng 12, trong khi ngày đổ bộ lên Lujon được dời lại cho đến đầu tháng giêng năm 1945.


Cuộc chuyển quân của Krueger từ Leyte đến Mindoro không gặp khó khăn vì Tướng Yamashita không tiên liệu được quả đấm móc này nên đã để cho tiểu đảo này gần như không được phòng thủ. Nhưng các chuyến tàu đi lại cần thiết để chuyển vận 200.000 người và một số vật liệu cồng kềnh vĩ đại đã kéo dài mất hai tuần, trong thời gian đó lực lượng thuỷ bộ của Đô đốc Kinkaid hàng ngày phải chịu đựng các cuộc xung phong của phi cơ Kamikaze.


Tại Lujon và tại Cébu, bằng tất cả mọi thứ mưu chước, Onishi đã tăng cường được cho các đơn vị phi cơ tự sát bất chấp các cuộc oanh tạc liên tục. Các phi công được huấn luyện kỹ hơn số đầu tiên và sự tiến quân đến gần của địch đã khích động toàn thể đơn vị bằng một cơn mưa cuồng nộ quái gở. Về phía ông, Toyoda đã thực hiện một nỗ lực tối hậu để làm chậm đà tiến của Mỹ. Hai chiếc Oyodo và Ashigara-hai tuần dương hạm chót-đã được lệnh khởi hành dưới quyền Đô đốc Kimura để làm tê liệt hải đội vận chuyển quân xâm chiếm. Đại mẫu hạm Unryu, đang còn dở dang, cũng được lệnh nhổ neo đến Phi Luật Tân bằng cách chạy dọc theo bờ biển Nam Hải qua eo biển Đài Loan. Chính bờ biển này đã hoàn toàn bị Nhật chiếm đóng từ Thượng Hải cho đến Hà Nội để đề phòng các cuộc đổ bộ của Mỹ và mọi mưu toan tiếp tế bằng đường biển cho đạo quân của Tưởng Giới Thạch. Thời gian quân Mỹ bị mất đi trong cuộc đổ bộ lên Mindoro đã làm lợi cho Nhật.


Kể từ 15 tháng 12 các đơn vị Kamikaze của Onishi tràn ngập các hải vận hạm và chiến hạm thuỷ bộ của Kinkaid. Năm L.S.T (Landing Ship Tank) và ba Liberty Ships bị đánh chìm và tuần dương hạm Nashville, mang hiệu kỳ của Đô đốc Strubble, bị hư hại nặng, 133 sĩ quan và thuỷ thủ trong đó có tham mưu trưởng của Strubble tử trận sau tiếng nổ của Kamikaze. Mối đe doạ trở nên trầm trọng. Mac Arthur liền ra lệnh cho đệ ngũ không lực gửi gấp 92 khu trục cơ và 13 B-25 đến Mindoro. Kinkaid phân phối các tiềm thuỷ đỉnh chung quanh quần đảo Phi Luật Tân và tập họp đến Mindoro nhiều hải đội khinh tốc đỉnh phóng thuỷ lôi.


Ngày 19 tháng 12, tiềm thuỷ đỉnh Redfish may mắn bắt gặp đại mẫu hạm Unryu lộ liễu tại eo biển Đài Loan, và phóng thuỷ lôi đánh chìm nó. Mối đe doạ trầm trọng nhất đã bị gạt bỏ. Ngày 25 tháng 12, khi hai tuần dương hạm của Kimura tiến vào vùng nội hải Soulou để tấn công lực lượng của Đô đốc Strubble, chúng bị tấn công bởi một đoàn phi công đông như ong và các khinh tốc đỉnh phóng thuỷ lôi, đến nỗi phải quay trở lại và trở về Nhật Bản. Kinkaid đã thoát nguy và tự khen là đã chiếm Mindoro được


Giai đoạn tiếp theo tiến về Lingayen lại là một việc hoàn toàn khác. Đảo Lujon to lớn được phòng thủ bởi chừng 60.000 quân của Tướng Yamashita, số quân này được tăng cường mau lẹ bởi 10.000 thuỷ quân lục chiến của Đô đốc Ywabachi, tư lệnh căn cứ Manille. Onishi và Fukudomé chỉ huy những gì còn lại của đệ I và đệ II không lực, gần như gồm toàn Kamikaze. Toàn diện đạo quân chiếm đóng Lujon đều được vũ trang cùng mình và quyết định đánh đến chết không có ý tưởng rút lui.


Lực lượng hải quân che chở của Mỹ, với sức mạnh 6 thiết giáp hạm, 6 tuần dương hạm, 12 mẫu hạm hộ tống và chừng 40 khu trục hạm, nhổ neo rời Leyte ngày 3 tháng giêng năm 1945 đặt dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Oldendorf, tiến vào nội hải Soulou qua eo biển Surigao dưới sự che chở của một chiếc dù khu trục cơ hùng mạnh. Trong ngày đầu tiên, các phi cơ của Mỹ thành công trong việc làm tê liệt không cho Kamikaze cất cánh bằng cách oanh tạc các phi trường của chúng. Nhưng kể từ ngày 4 tháng giêng, Onishi tuôn vào hạm đội xâm chiếm một cuộc thao diễn liên tục. Một mẫu hạm hộ tống bị đánh chìm, một chiếc khác bị hư hại nặng cũng như hai tuần dương hạm và một khu trục hạm. Lực lượng hải quân che chở không vì thế mà từ bỏ tiếp tục hải trình đến vịnh Lingayen để oanh tạc hệ thống phòng thủ của Nhật. Cuộc oanh tạc và hải pháo này được dự liệu trong ba ngày trước khi lực lượng chuyển vận thuỷ bộ chuyển quân đến. Đó là ba ngày hoả ngục. Trưa ngày 6 tháng giêng, một trong các chiến hạm đầu tiên, chiếc thiết giáp hạm New Mexico khai hoả đồng loạt 12 khẩu đại pháo 355 ly nhắm vào hệ thống công sự phòng thủ của Nhật. Đứng trên cánh trái của đài chỉ huy, viên hạm trưởng quan sát cuộc tác xạ bằng ống dòm. Bên cạnh ông có trung tướng Herbert Lumsden, sĩ quan liên lạc đặc biệt của riêng Churchill cạnh Tướng Mac Arthur và phóng viên của tạp chí “Time”. Đột nhiên một tiếng la vang lên từ spardeck (chiếc cầu trên boong tàu) và súng cao xạ bắt đầu khạc đạn điên cuồng. Các sĩ quan quay lại và bị chói mắt vì một ngọn lửa đỏ rực soi sáng những cuộn khói bốc ra từ các nòng súng sau khi viên đạn thoát ra. Trước khi họ kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì một tiếng bùng lên vang dội làm bay tung cánh trái của đài chỉ huy và tất cả những người đứng trên đó. Chiến hạm đột ngột chậm lại và tách ra khỏi trục tiến quân. Một Kamikaze vừa đâm xuống tan nát với một sự chính xác quái lại ngay trên đài chỉ huy. Hoàn toàn bất ngờ, vì chiếc phi cơ này vừa bị trông thấy trong đám mây khói bay chữ chi cầu may với một cánh đã bị lửa thiêu rụi ba phần tư. Chiếc thiết giáp hạm dập tắt được ngọn lửa nhưng 30 người-trong đó có hạm trưởng và khách của ông-đã bị giết và có 87 người bị thương.


Vài phút sau, đến lượt khu trục hạm Walk bị bốn Kamikaze tấn công. Hai chiếc đầu hụt con mồi, nhưng chiếc thứ ba đâm bể tan trên cầu tàu gây ra một vụ cháy xăng tại đấy. Hạm trưởng và nhiều thuỷ thủ, biến thành những cây đuốc sống, đã chết vì vết cháy. Hai khu trục hạm khác bị hư hỏng cũng bằng cách đó và một tàu rà mìn bị đánh chìm. Mặt biển Lingayen phô bày một quang cảnh trước nay chưa từng có. Bầu trời hoàn toàn lặng gió. Khói súng cao xạ liên tục rất lâu tan. Bên trên, bầu trời phủ đầy những đốm trắng sau các tiếng nổ của đạn phòng không. Bên dưới, mặt biển dâng lên vì những chùm đạn đạo và nhiều đám khói dày đặc kéo lê sau các chiến hạm bị bốc cháy. Đôi lúc, mọt chiếc nấm đen khổng lồ bốc lên cao, chen lẫn những vạch lửa đỏ rực: một Kamikaze vừa đâm xuống nước.


Thiết giáp hạm California, tuần dương hạm nhẹ Columbia, tuần dương hạm của Úc Australia-mà đây là lần thứ hai bị đánh trúng-lần lượt bị Kamikaze đâm tan nát trên sàn tày hay trên đài chỉ huy. Đến 17 giờ 30, sau một lúc yên tĩnh, tuần dương hạm nặng Louisville phủ đầy khói. Một Kamikaze đâm xuống sàn trước mũi, ngang với đài chỉ huy, Đề đốc Chandler, tư lệnh hải đội, bị thảm xăng bừng lửa phủ ập lên cầu tàu đốt cháy. Ngọn lửa thoát ra từ kẽ hở do trái bom nổ xoi thủng. Chiến hạm, tạm thời bị hư hỏng, rút lui khỏi vòng chiến.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM