Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 11:56:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương  (Đọc 64737 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #10 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 06:31:52 pm »

“Thưa Tổng thống, có chuyện gì xảy ra với người Nhật thế?

-Họ vừa tấn công chúng tôi tại Trân Châu Cảng. Giờ đây chúng ta là kẻ cùng thuyền”.
Churchill đã nhắc lại cuộc đàm thoại này trong tập Hồi ký của ông và thêm vào lời bình phẩm này:

“Lúc đó chúng tôi trở lại phòng ăn và cố tập trung ý tưởng để suy nghĩ về biến cố quốc tế ấy vốn bất ngờ đến nỗi đã làm hụt hơi ngay cả những kẻ trong cuộc”.


Lúc cơn lốc tin tức ấy được chuyển đến dinh Tể tướng tại Bá Linh là 22 giờ, nơi đây đặc biệt lại có mặt Adolf Hitler, vừa từ Tổng hành dinh của ông tại Đông Phổ trở về hôm trước. Vừa nghe tin đài phát thanh, ông chạy như gió vào phòng hành quân nơi Tướng Jodl và Thống chế Keitel làm việc. Cả hai người giật nẩy mình khi biết tin cuộc tấn công của Nhật. Fuhrer tức giận điên cuồng và đánh giá sự khởi xuống cuộc chiến mà ông không hề được biết trước này là “Sự không đứng đắn không tha thứ được” và là “chiến lược sai lầm”. Ông cũng không quên ra lệnh cho Hải quân từ ngày mai phải tấn công bất cứ chiến hạm nào của Mỹ bị bắt gặp “trong bất cứ khu vực nào”. Vậy thì chiến tranh giữa Đức và Mỹ đã được âm thầm tuyên bố.


Tại Điện Cẩm Linh, Stalin nhận được tin mà không tỏ ra ngạc nhiên chút nào và lại còn với cả một sự hài lòng ra mặt. Trong thực tế, chính ông ta cũng nổi cơn thịnh nộ, nhưng lần này lại thịnh nộ với chính mình. Ông ta đã được báo tin tám ngày trước về bản chất, ngày tháng của cuộc tấn công nhờ màng lưới gián điệp của ông tại Nhật, nhưng ông ta đã không để ý đến nguồn tin ấy. Sự coi thường này lại càng khó giải thích khi mà nguồn tin lại xuất phát từ điệp viên Sorge, người mà tất cả các tay nhà nghề ngày nay đều nhất trí thừa nhận là điệp viên tài ba nhất trong Đệ nhị Thế chiến và có lẽ là vô tiền khoáng hậu.


Sorge là người Đức. Trong suốt cuộc Đệ nhất Thế chiến, ông chiến đấu trong hàng ngũ của đạo binh vùng Kaiser. Giải ngũ về nhà năm 1918, ông tiếp xúc với các phân tử cực tả trong đó có nhiều người là bạn thân của gia đình. Ngày truớc tổ phụ ông là thư ký của Karl Marx. Đổi chính kiến theo cộng sản, ông bí mật qua Mạc Tư Khoa và trải qua một cuộc huấn luyện đặc biệt trong các cơ sở gián điệp tại đấy. Được người Nga phái qua hoạt động tại Viễn Đông, ông đã sống dưới nhiều “vỏ“ khác nhau, trước hết tại Thượng Hải, sau đó tại Đông Kinh, tại đây tư cách công dân Đức đã giúp ông trở thành thông tin viên chính thức của tờ “Franfkurter Zeitung“. Ông kết thân được với Đại sứ Đức tại Nhật và được ông này coi là một cộng sự viên quí giá và đáng tin cậy đến mức thường gọi ông đến để thảo các công điện! Phía người Nhật, Sorge đã tạo nên được nhiều môn đệ, trong số đó có một người chiếm giữ địa vị rất cao. Hozumi Ozaki, người sau đó trở thành một trong những Bộ trưởng quan trọng của nội các Tojo, và cung cấp cho ông những tin tức quan trọng hàng đầu.


Staline đã từng có cơ hội thẩm định giá trị của các tin tức do Sorge cung cấp, bởi vì lần lượt ông đã được báo trước về việc ký kết hiến chương Antinkomintern, về cuộc tấn công của Đức vào Nga Sô và quyết định của Nhật không tấn công vào Sibérie (tất cả các tin tức này được chứng thực là hoàn toàn đúng). Thế tại sao ông lại không quan tâm một chút nào về tin tức liên quan đến Trân Châu Cảng? Bí mật… Vì là quốc trưởng duy nhất biết được nguồn tin, ông có thể rút ra từ đó phần lợi ích lớn lao đáng kể. Rất có thể là sự khinh thường bệnh hoạn của ông đã ngăn trở ông.


Ngoài “tiết lộ Sorge”, không một điểm nào của các kế hoạch Nhật Bản bị thoát ra ngoài. Thật vậy, qui tắc bí mật, luôn luôn được tôn trọng chi li tại Nhật, đã được đẩy mạnh đến cực điểm đối với công cuộc chuẩn bị cho cuộc không tập vào Trân Châu Cảng. Ngoài các giới tối cao trong chính phủ (trong số đó có người cung cấp tin tức cho Sorge), chỉ có các Đô đốc và Tư lệnh hạm đội không hải lực thuộc Hải quân sẽ tham dự trực tiếp vào cuộc hành quân mới được biết mục tiêu là Trân Châu Cảng. Các mệnh lệnh được chuyển đi trong các cặp hồ sơ khằn kín cho tất cả các viên chức chấp hành với lời ghi chú “Bí mật tuyệt đối, chỉ được mở khi đã ở trên biển cả”. Lệnh im lặng vô tuyến đã được ban hành và được tất cả chiến hạm tuyệt đối tôn trọng. Ngoài các máy phát trên các hàng không mẫu hạm trực tiếp tham dự cuộc hành quân, nhiều máy phát tin chính xác tương tự cũng được đặt trên các đảo nhỏ ở phía Nam Thái Bình Dương để gây ảo tưởng về một hoạt động gắt gao trong vùng này qua khối lượng điện văn đánh đi. Bộ tư lệnh tối cao Nhật còn đẩy mạnh sự cẩn trọng đến mức giao cho các hiệu thính viên phục vụ trên các hàng không mẫu hạm điều khiển các máy phát tin này, họ tạm thời được các chuyên viên khác thay thế. Do đó các cơ sở bắt tin của Mỹ nên được giải tội vì đã bị cho vào bẫy.


Trừ lệ độc nhất đối với qui tắc cứng rắn này đã được dành cho một nhà ngoại giao Nhật đã sống nhiều năm tại Hạ Uy Di. Ông “Phó lãnh sự Morimura“ không ai khác hơn là một cựu sĩ quan Hải quân, bị giải ngũ vì lý do sức khoẻ, tên là Takeo Yoshikawa. Ông được nhà cầm quyền Nhật giao cho nhiệm vụ cung cấp tin tức hàng ngày về các cuộc điều động của hạm đôi tại Trân Châu Cảng. Ông đã thi hành nhiệm vụ một cách hoàn toàn và các báo cáo của ông, được chuyển từ Honolulu đến Đông Kinh bằng đường dây điện tín thương mại thông thường, đã được thích nghi hoá theo một ngôn ngữ ước định cực kỳ đơn giản đến nỗi chúng chẳng hề báo động gì cho các chuyên viên Mỹ vốn rất từng trải đối với công việc “giải mật mã” phức tạp chỉ lo tận lực mở khoá hàng đống điện văn đáng nghi. Chính bức điện tín cuối cùng của ông-bề ngoài rất hoà dịu-“Có ít hoa nở hơn bất cứ mùa nào trong năm, ngoại trừ hoa dâm bụt và hoa cúc vàng”, vào phút chót, đã khiến cho Bộ Tư lệnh tối cao quyết định chuyển cho hạm đội hàng không mẫu hạm mệnh lệnh cuối cùng-bề ngoài cũng rất hoà dịu-“Leo núi Nitaka”, có nghĩa là “Hãy khởi động cuộc tấn công!”.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #11 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 06:32:52 pm »

Cuộc tấn công

Đô đốc Nagumo chỉ huy hạm đội này đã khởi hành từ ngày 26 tháng 11 trước với sáu hàng không mẫu hạm từ vùng biển hiu quạnh Tankan trong quần đảo Kouriles và có mặt vào lúc trước bình minh ngày 7 tháng 12 cách Hạ Uy Di 200 hải lý về phía bắc. Khi nhận được điện văn qui định trước, ông tung đoàn quân xung phong vào Trân Châu Cảng. Biển rất động. Từng khối bọt nước bắn tung toé trong bóng đêm lờ mờ cứ mỗi lần tàu chồng chềnh gối sóng và quét sạch sàn phi cơ cất cánh được soi sáng yếu ớt, trên đó nhiều toán thuỷ thủ mệt nhọc kìm giữ các máy bay sắp cất cánh. Sáu chiếc chiến hạm cho cất cánh 183 phi cơ thuộc đợt tấn công đầu. Đại tá Fushida, người chỉ huy không đoàn xung phomg, bay vòng hạm đội một lần chót để tập họp tuỳ tùng và, đúng 6 giờ 15 hướng thẳng về phía Nam.


Với cao độ 2.000 thước, đoàn phi cơ bay xuyên qua các dám mây dày bắt đầu ửng hồng ánh sáng bình minh. Không có một tiêu điểm nào để tính độ lệch, các phi đoàn trưởng lái phi cơ bắt chước theo vị tư lệnh không đoàn.


Đến 7 giờ, khi tính rằng mới chỉ được nửa đường, Fushida ngạc nhiên thích thú khi nghe đài phát thanh Honolulu như thường lệ phát ra các điệu nhạc Hạ Uy Di. Lập tức ông điều chỉnh hướng bay theo các chỉ dẫn của máy đo góc vô tuyến. Tất cả các phi đoàn trưởng bắt chước làm theo ông.


Fushida dẫn đầu, 49 oanh tạc cơ thả bom từ trên cao bay theo sau. Cách 500 thước bên mặt và hơi thấp hơn một chút là 40 phi cơ phóng thuỷ lôi. Cùng khoảng cách ấy bên trái, nhưng trên cao hơn là 51 oanh tạc cơ đâm bổ. Toàn diện đội hình được 43 khu trục cơ che chở.


Cùng với giờ phút từ từ trôi qua, sự nóng nảy gia tăng dần trên các phi cơ. Phi công và quan sát viên dò xét chung quanh, giờ đây trong sáng tuyệt đối, với trạng thái căng thẳng đến nỗi đồng tử của họ trở nên đau đớn. Vị tư lệnh không đoàn đã tiên liệu rằng phải ngờ trước sự tổn thất ít nhất cũng 50%. Ước tính này hợp lý và mỗi người nhẫn nại chịu đựng với sự khắc kỷ hoàn toàn. Sau cùng, khi đỉnh núi Oahu bị sương mù phủ một lớp trên chóp, hiện ra trước những cặp mắt mệt nhọc của họ, thì bầu trời chẳng có chiếc phi cơ nào, không một chiến hạm nào hiện ra trên mặt biển phẳng lặng như tờ. Trạng thái bất động hoàn toàn này đã chứng thực cho sự chính xác của các dự liệu của Bộ Tư lệnh tối cao. Một từng cột buồm hiện ra ngay theo các đường quanh co trong Trân Châu Cảng, các thiết giáp hạm đậu thẳng hàng như những con vịt phô bày những cái sườn trống trải cho thuỷ lôi, các tuần dương hạm và phóng ngư lôi hạm bỏ neo từng cặp trong bến. Lợi dụng sự yên tĩnh của một ngày Chủ nhật đẹp trời và tuyệt đối không ý thức được nguy cơ đang đe doạ, cả hạm đội Mỹ hoàn toàn buông neo.


Đúng 7 giờ 55, Fushida phát hiện tấn công. Các oanh tạc cơ đâm bổ tách khỏi đội hình và nhào xuống hai phi trường trên đảo, trong khi các phi cơ phóng thuỷ lôi sà xuống sát mặt nước và phóng các quả đạn ra. Riêng phần lực lượng khu trục, che chở vì không thấy có đối thủ nào xuất hiện, cũng đã đâm xuống các nhà chứa máy bay và các cơ sở của hải cảng để tấn công bằng đại liên.


Đến 03 giờ 05, hãnh diện theo dõi diễn tiến tuyệt vời của cuộc tấn công, Fushida rải ra 10 toán oanh tạc cơ bay ngang để trút xuống hạm đội địch hàng chuỗi bom không dứt. Nhiệm vụ của ông từ lúc đầu gặp khó khăn vì hoả lực điên cuồng của một giàn cao xạ DCA đột nhiên thức tỉnh nhưng trái lại, được dễ dàng thêm sau đó nhờ các cột nước tung lên từ bên sườn các thiết giáp hạm. Gần như tất cả thuỷ lôi đều trúng đích và khói từ các đám cháy vạch rõ ràng các mục tiêu.


Khi chiếc oanh tạc cơ cuối cùng chấm dứt cuộc tấn công, Fushida ngắm nhìn quang cảnh bi hùng diễn ra bên dưới, rồi dùng vô tuyến điện thoại tập họp lại đội hình và ra lệnh cho tất cả quay về. Sau đó ông bay vòng núi Oahu chụp vài tấm hình và đợi đợt phi cơ thứ hai đã cất cánh lúc 8 giờ trên các mẫu hạm của Đô đốc Nagumo. 135 oanh tạc cơ khác đã hoàn tất cuộc tàn sát dưới sự che chở của 36 khu trục cơ.


Khi đợt tấn công thứ hai bay đến, hải cảng bị bao phủ bởi một màn khói dày đặc đến nỗi các phi cơ khó tìm ra mục tiêu. Fushida chỉ cho họ cứ theo ánh loé ra từ các giàn DCA là đúng các chiến hạm còn nguyện vẹn. Trong khi cuộc tấn công thu dọn chiến trường này diễn ra, ông có sư thì giờ và rảnh trí để ước tính số lượng nạn nhân.


Tất cả các thiết giáp hạm của hạm đội Thái Bình Dương kiêu hùng theo ông đều bị loại ra khỏi vòng chiến, các hầm chứa xăng đều bị bốc cháy cũng như hầu hết các phi cơ đậu rải rác trong sáu phi trường của Lục quân và Hải quân. Lớp khói quá dày đã ngăn không cho ông thấy những gì đã xảy ra cho các tuần dương và khu trục hạm bỏ neo rải rác trong nhiều cầu tầu khác nhau, nhưng chúng chỉ là các mục tiêu phụ được ghi trong các lệnh hành quân để ghi nhớ mà thôi.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #12 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 06:33:34 pm »

Điểm đen duy nhất trong bức tranh về cuộc săn phi thường này là không có chiếc hàng không mẫu hạm nào có mặt tại đấy cả. Sự vắng bóng của chúng đã được các điệp viên báo trước, rồi được các phi vụ thám thính xác nhận. Đô đốc đã bỏ qua. Chắc chắn ông hy vọng có thể tấn công chúng trên mặt biển trong ngày, vì lúc đó mới có 10 giờ sáng.


Phi cơ của Fushida là chiếc cuối cùng đáp xuống mẫu hạm Akagi. Vị tư lệnh của không đoàn hỏi ngay tin tức những người vắng mặt, tổn thất đợt đầu vô nghĩa: một oanh tạc cơ đâm bổ, năm phi cơ phóng thuỷ lôi và một kế hoạch trục cơ. Tổn thất đợt nhì trầm trọng hơn: mười lăm oanh tạc cơ đâm bổ và sáu khu trục cơ, tổng cộng 27 phi cơ với phi hành đoàn 59 người. Người ta vẫn còn hy vọng vài người trong số đó được cứu sống nhờ các phi công phóng thuỷ lôi hộ tống được lệnh khám phá mặt biển xung quanh hạm đội địch. Trong thực tế, mối hy vọng này trở thành tuyệt vọng, tất cả các phi cơ vắng mặt đều bị hạ trên đảo (Tuy nhiên một phi công Nhật đã sống sót được ít lâu trên đảo nhỏ Nuhau nơi phi cơ anh ta rơi và cho ta một ví dụ điển hình về tinh thần kháng cự phi thường mà sau đó các người đồng hương của anh luôn luôn chứng tỏ. Được một người Nhật sống trên đảo cứu và săn sóc, anh ta thu hồi vũ khí và bắt được các người bản xứ tuân phục mình. Nhưng sau 8 ngày, một người Hạ Uy Di to lớn như Hercule bắt gặp thình lình anh ta sau vườn nhà nơi trú ẩn. Viên phi công nổ hết một băng đạn súng lục về phía người khổng lồ lúc đó đã ôm chặt được anh ta. Hai người lăn xuống đất trong một cuộc cận chiến man rợ, người Hạ Uy Di mặc dầu bị 2 viên đạn làm bị thương, cũng đập đầu được người Nhật vào một tảng đá đến vỡ sọ).


Khi Fushida báo cáo cho Đô đốc xong, vấn đề đặt ra là có thể tung ra một đợt tấn công mới nữa không, nhưng kết quả của hai đợt tấn công vừa qua tốt đẹp đến nỗi Đô đốc Nagumo cho rằng việc phơi bày không đoàn ra trước phản ứng của địch lâu hơn nữa là vô ích. Ông không còn được tin tức gì về các hàng không mẫu hạm của Mỹ nữa và cũng không nên coi thường mối đe doạ của tàu ngầm địch. Mặc cho ý kiến của Đại tá Genda, phụ trách hành quân, và của Fushida, người luôn luôn nhiệt tâm hành động, mong ước một chiến thắng vẹn toàn hơn nữa, Nagumo ra lệnh cho hạm đội quay về Nhật.


Quãng đường về không sinh ra chuyện gì. Cuộc tấn công vào căn cứ Hải quân nhỏ của Mỹ tại Midway, có trù liệu trong kế hoạch, bị huỷ bỏ vì thời tiết xấu. Nagumo tách hai trong số các mẫu hạm của ông và hai tuần dương hạm để hợp tác tấn công đảo Wake, còn hạm đội thì tiếp tục tiến về Kuré và đến đích ngày 22 tháng 12.


Tại đấy, đoàn chiến hạm được tiếp đón bằng sự vui mừng cuồng loạn của toàn dân. Chưa bao giờ trong lịch sử một chiến thắng hải quân có tính cách quyết định như thế lại được mang về với một giá ít ỏi như thế.


Tại Trân Châu Cảng, hải cảng và thành phố bày ra quang cảnh thảm đạm nhất. Bệnh viện tràn ngập người bị thương và vô số quan tài sáng rực dưới ánh nến thắp chung quanh dồn đống ngày càng nhiều. Tại Fort Island những sườn sắt của thiết giáp hạm cháy đen vì ngọn lửa còn nhả ra từng cuộn khói. Bảng kết toán kinh khủng được thiết lập như sau: Chiếc Arizona bị nổ tung làm chết 1.100 người trong số 1.400 thủy thuỷ, chiếc Oklahoma bị chìm, sống tàu đưa lên không đã trải qua một cơn hấp hối ghê rợn, chiếc California và chiếc West Virginia tránh khỏi bị lật úp nhờ sự khéo léo của các thuỷ thủ đoàn cấp cứu, nhưng không khỏi bị chìm sâu xuống đáy biển. Chiếc Nevada, chiếc thiết giáp hạm duy nhất toan tính nhổ neo cũng không tránh khỏi thất bại nên bị chìm ngay giữa lối ra vào hải cảng. Chỉ có hai chiếc Maryland và Tennessee, được cặp vào hai chiếc trên, là khỏi bị thuỷ lôi nên còn nổi trên mặt nước mặc dầu bị bom làm cho hư hại nặng. Riêng chiếc Pennsylvania, soái hạm của hạm đội Thái Bình Dương, cũng bỏ neo trong vịnh với hai khu trục hạm, nó chỉ bị trúng có một quả bom trong khi hai khu trục hạm thì biến thành hai đống sắt vụn.


Chiếc Pennsylvania-cùng với chiếc Colorado lúc ấy đang được sửa chữa tại San Francisco-là thiết giáp hạm duy nhất trong số chín chiếc của hạm đội Thái Bình Dương còn sử dụng được. Bảy chiếc khác thì hoặc vĩnh viễn mất luôn, hoặc lâm vào tình trạng bất khiển dụng trong nhiều tháng trời. Do đó hạm đội Nhật được rảnh tay để bình tâm áp dụng kế hoạch chinh phục nhắm vào các quần đảo phía nam Thái Bình Dương.


Cuộc oanh tạc ngày 7 tháng 12 không những chỉ làm mất bảy thiết giáp hạm, vài tuần dương và phóng ngư lôi hạm, cùng nhiều chiến hạm cơ xưởng, nó cũng loại hẳn phần lớn phi cơ và phi trường trên đảo Oahu. Không lực của Hải quân và của Thuỷ quân Lục chiến bị mất 196 phi cơ trên tổng số 250 chiếc. Lục quân 166 trên 231, không kể nửa tá pháo đài bay bị đánh bất ngờ khi đáp xuống. Buổi tối ngày rùng rợn đó, tại Oahu chỉ còn lại 119 phi cơ mà chỉ có một nửa là còn đôi chút tình trạng bay được.


Tổn thất về nhân mạng rất nặng nề: Hải quân có hơn 2.000 chết và 710 bị thương, Lục quân và Thuỷ quân Lục chiến 327 chết và 433 bị thương, thêm vào đó là chừng 70 nạn nhân thường dân.


Những giây phút sững sờ đã trôi qua, công cuộc cấp cứu được tổ chức và những người đàn ông còn mạnh khoẻ đã tận lực chiến đấu chống thần lửa và cấp cứu các người bị thương. Rồi các nhà chức trách bắt đầu tái lập lại công cuộc phòng thủ trên đảo, vì vô số nguồn tin trái ngược nhau đồn đại khắp nơi và ai cũng chờ đợi một cuộc đổ bộ của Nhật.


Cơn ác mộng này bị gạt bỏ mau lẹ. Ngoài các cuộc không thám của một số phi cơ còn lại bay đến nhập đoàn với các phi cơ của hàng không mẫu hạm Enterprise (Chiếc phi cơ tuần tiễu đầu tiên đã bị một giàn DCA nóng nảy bắn hạ lầm lúc nó bay đến Oahu), chiếc mẫu hạm này chở các khu trục cơ đến đảo Wake và trở về chậm trễ, cho biết không thấy chiến hạm nào của địch, tin loan báo về các cuộc đổ bộ của Nhật trên tất cả các quần đảo nam Thái Bình Dương cho các nhà cầm quyền thấy rõ rằng việc chiếm đóng Hạ Uy Di không được ghi trong kế hoạch tấn công hiện thời.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #13 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 06:34:33 pm »

Cuộc điều tra

Sự xúc động do thảm kịch Trân Châu Cảng làm bùng lên tại Mỹ mạnh mẽ đến nỗi một trong những ưu tư đầu tiên của toà Bạch Ốc là chỉ thịt một cuộc điều tra sâu rộng ngay lập tức để xác định những sai lầm đã phạm phải và những người có trách nhiệm. Các uỷ ban điều tra, gồm nhiều sĩ quan cao cấp, tướng lĩnh của Lục quân và Hải quân, đến Trân Châu Cảng để thu thập bằng chứng và vẽ lại tỉ mỉ từng chi tiết các biến cố trong buổi sáng bi thảm của ngày 7 tháng 12. Các cuộc điều tra này được tiếp nối bởi một cuộc điều tra của Quốc hộikéo dài nhiều tháng và sử dụng hàng tấn giấy. Vì thế Morison, sử gia chính thức của Hải quân Mỹ mới nói, không có một biến cố quân sự nào ngay cả trện đánh Gettysburg hay trận đánh Jutland, lại là đối tượng của các loại tìm tòi kỹ lưỡng như vậy hơn cuộc không tập tại Trân Châu Cảng. Không những chỉ diễn tiến của biến cố được tái lập lại từng phút, mà nhiều sơ xuất về phía Mỹ, khiến cho Nhật có thể chiến thắng sấm sét được, cũng được moi móc ra và được phân tách tỉ mỉ.


Tình trạng thiếu chuẩn bị của quân lực Mỹ bắt nguồn từ ý chí chung của dân tộc và của các nhà lãnh đạo Mỹ muốn đứng ngoài vòng chiến tranh, và trong khuynh hướng tự nhiên của con người là thoả mãn lòng ham muốn của mình thay vì chú ý đến những hoàn cảnh thực tại. Chính sách con đà điểu được áp dụng từ thượng tầng đến hạ tầng và điều này phần nào đã giải thích được sự chậm trễ của nhiều cơ cấu khác nhau của Bộ Tổng tư lệnh khi bắt đầu chuyển động. Các cơ cấu này, vốn ở trong tay các sĩ quan có trình độ kỹ thuật và trí thức có thể so sánh được với các đồng nghiệp của họ, thật ra cũng đã có thể mở mắt sớm hơn nếu những tin tức được chuyển đến họ kịp thời và dưới hình thức mong muốn-nhất là khi mà một vài tin tức ấy lại được thu thập một cách hữu hiệu nhờ các phương thức mới mà địch không hề nghi ngờ gì.


Các phương thức này do người Anh sáng chế ra, và Churchill, trong mục đích lôi kéo Hoa Kỳ vào cuộc chiến, đã thông báo cho Roosevelt để ông này giúp kỹ nghệ hoá chúng. Một trong các khám phá mới lạ ấy là máy rada mà người Anh lần đầu tiên hoàn tất từ đầu cuộc chiến, một sáng chế mới khác là “Hệ thống kỳ ảo”, hay là bộ nhớ máy mở khoá mật mã, mà công cuộc chế tạo cực kỳ phức tạp đã được một nhóm chuyên viên hỗn hợp Anh-Mỹ thực hiện. Hai phương thức này đã giúp cho phía Anglo-Saxon có một ưu thế đè bẹp đối với đối phương cả hai đều đã sẵn sàng được đưa ra sử dụng từ tháng 12 năm 1941 và đã cung ứng một cách hữu hiệu những tin tức quan trọng hàng đầu, nhưng đã không được khai thác kịp thời do khiếm khuyết thuộc về cơ cấu kiến trúc các cơ sở tình báo và do sự điều hành kém cỏi của các bộ tham mưu thuộc các bộ tư lệnh các cấp.


Khiếm khuyết liên quan đến kiến trúc các cơ quan tình báo không những chỉ làm tê liệt sự khai thác các phương thức sáng chế mới, chúng ta sẽ thấy rằng chúng đã xen lẫn vào trong tất cả các guồng máy cổ điển nhất, chẳng hạn như sự truyền đi các dấu hiệu báo động bằng phương tiện quang học hay vô tuyến. Các khiếm khuyết ấy còn chịu trách nhiệm cả một phần nào về sự thụ động lạ kỳ mà các Bộ Trưởng Hải quân và Tổng trưởng Chiến tranh đã chứng tỏ cũng như các bộ tham mưu của họ trong thời gian vài giờ trước và sau cuộc tấn công ngày 7 tháng 12 của Nhật Bản. Thật vậy, dường như các cơ sở tình báo và các vị chỉ huy chúng đã bị mất tín nhiệm trong các giới chính quyền và trong Bộ Tổng tư lệnh tối cao đến nỗi tất cả những gì họ nói ra đều không hề được coi làm trọng.


Sai lầm trong việc chuyển đi, tập trung, kiểm soát và chuyển giao trong thời hạn và dưới các hình thức chấp nhận được như thế, các tin tức có lợi ích sống còn (trong đó một số có thời gian rộng rãi đủ để được khai thác hữu ích) đã bị thất lạc trong cái mê cung thuộc các cấp trung gian giống như nước của một con suối mất hút trong cái sa mạc.


Từ đầu chương này, chúng ta đã thuật lại quang cảnh diễn ra tại toà Bạch Ốc khi những tiếng vang đầu tiên của các quả bom tại Trân Châu Cảng được đưa đến. Phản ứng điềm nhiên của Tổng thống Roosevelt có hai nguyên nhân: Nguyên nhân đầu tiên chính là vì đêm hôm trước (6 tháng 12), ông đã được báo động về tính cách cấp bách của một cuộc tấn công xâm lăng nhờ việc đọc được một giác thư của Nhật gửi cho viên Đại sứ tại Hoa Thịnh Đốn vốn đã đánh thức nơi ông những kinh nghiệm lịch sử, khiến cho tin tức về cuộc tấn công thật sự không làm cho ông kinh ngạc hoàn toàn; nguyên nhân thứ hai chính là vì ông tin rằng bản giác thư ấy đã được chuyển cho các Tư lệnh Lục quân và Hải quân và ông nghĩ rằng những người này đã phải cho thi hành các biện pháp cần thiết để có thể đối đầu với tình thế một cách tốt đẹp nhất.

Thế mà thực tế đã không phải như vậy. Chúng ta sẽ thấy tại sao.

Tại Hoa Thịnh Đốn, cơ sở “Magic”, với bộ máy Purple được hoàn tất, đã thành công trong việc giải được các mật mã ngoại giao của Nhật-loại mật mã khó nhất so với tất cả các loại khác. Nhưng vì số chuyên viên ít quá, cơ sở này được Lục quân và Hải quân thay phiên nhau điều động từ một đến hai ngày.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #14 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 06:35:11 pm »

Ngày 6 tháng 12, chính Hải quân có nhiệm vụ giải mật mã và ghi lại hoàn toàn các điện văn bắt được. Thật là một gánh nặng trong ngày hôm đó? Đông Kinh đã loan báo cho Đại sứ Nhật tại Hoa Thịnh Đốn rõ việc chuyển đến mười ba đoạn đầu của một giác thư mười bốn đoạn, đoạn thứ mười bốn được chậm lại một ngày chưa xác định.

Vì rõ rệt đó là một tài liệu tối quan trọng, chuyên viên giải mật mã bắt tay vào việc ngay khi vừa nhận được.


Đến 21 giờ, công việc hoàn tất. Các bản sao được phân phối và một sĩ quan thuộc cơ sở Truyền tin của Hải quân mang một bản đến toà Bạch Ốc. Tuỳ viên hải quân liền trình lên cho Tổng thống lúc ấy đang vừa ăn tối xong. Ông đọc mười ba đoạn của giác thư và mặc dầu nói chung, chúng có vẻ hoà dịu, chi tóm lược tại các trọng điểm được các đại biểu toàn quyền Nhật, Nomura và Kurusu, phát biểu nhiều lần trong các buổi thương nghị, Tổng thống hướng về Harry Hopkins thì thầm: “Lần này, tất là chiến tranh rồi!”. Rồi ông gọi điện thoại cho Đô đốc Stark, tư lệnh Hải quân. Người ta trả lời là Đô đốc hiện đang ở Học viện Quốc gia, nhưng có thể đi tìm ông ta. Tổng thống bác bỏ đề nghị này và giải thích với Hopkins rằng ông sợ sự ra về đột ngột của Stark ngay giữa một dạ hội, khi ông ta ngòi ngay lô hạng nhất, sẽ báo động các khán thính giả một cách vô ích. Chắc chắn là ông ta có một bản sao giác thư này khi ông ta quay trở lại văn phòng, nghĩa là trong vòng không đầy một giờ nữa.


Dự kiến lạc quan này đã không xảy ra, Stark sẽ đi thẳng về nhà và ngủ luôn. Chiếc phong bì chứa bản giác thư được trao cho Bộ Tham mưu Hải quân mà không có một ghi chú nào đặc biệt, và được viên trưởng phòng hành quân mở ra, nhưng vì đây là một “tài liệu ngoại giao”, bản văn được gửi cho Đô đốc chỉ được để vào tập công văn đến thông thường. Diễn tiến ấy cũng được noi theo từng điểm một tại Tổng hành dinh của tướng Marshall, Tư lệnh Lục quân, và vì phong bì không để lại một dấu vết đặc biệt nào, không một ai có ý định làm phiền ông Tướng.


Hôm sau là một ngày chủ nhật, cả Đô đốc lẫn Đại tướng không ai đến sở sớm, nhất là Đại tướng vì ông vẫn có thói quen đi dạo bằng ngựa dọc theo bờ sông Potomac vào ngày chủ nhật.


Tại Bộ tham mưu, dầu sao người ta cũng bắt đầu lo ngại và đến 9 giờ, một tuỳ phái được lệnh đi tìm ông. Anh ta không tìm thấy và trở về tay không. Sau cùng mãi đến 11 giờ 15-sau khi về nhà, tắm rửa-Đại tướng mới đến văn phòng.


Trong khoảng thời gian đó, đoạn thứ mười bốn của bản giác thư đã được nhận và được giải mật mã-một đoạn trọng nổ tung, bởi vì nó được chấm dứt bằng câu đe doạ này: Chính phủ Nhật lấy làm tiếc lưu ý chính phủ Mỹ rằng, vì thái độ của Mỹ, Nhật bắt buộc phải coi như không thể nào tiến tới sự thoả hiệp bằng cách tiếp tục thương thuyết.


Ít lâu sau quả bom này, một trái khác lại được đưa đến dưới hình thức một công điện ra lệnh cho Đại sứ Nhật tại Hoa Thịnh Đốn phá huỷ ngay lập tức các máy móc mật mã cũng như tất cả các tài liệu mật và ấn định đến 13 giờ (giờ Hoa Thịnh Đốn) sẽ cho chuyển lại đoạn mười bốn của bức giác thư.


Sau khi đọc đi đọc lại tài liệu này, Tướng Marshall với các cộng sự viên chính yếu bao quanh, cho thảo một điện văn chung cho tất cả các Tư lệnh quân sự tại chiến trường Thái Bình Dương, trong đó ông tóm tắt nội dung các điện văn của Nhật, đoạn ra lệnh cho họ “sẵn sàng trong thế báo động”.


Trước khi ký, ông thay đổi ý kiến và gọi điện thoại cho Đô đốc Stark để hỏi ông này có định làm như vậy không. Nhưng Stark bác bỏ đề nghị này. Các Đô đốc Kimmel, tại Trân Châu Cảng, và Hart, tại Phi Luật Tân, hoàn toàn biết rõ tình hình. Tài liệu ngoại giao này không mang lại một yếu tố quân sự mới mẻ nào. Nếu cứ lạm dụng lệnh báo động, rốt cuộc chẳng ai thèm quan têm đến nó nữa. Nhưng ông không thấy có gì bất tiện việc các nhà chức trách Lục quân thông báo cho các Tư lệnh Hải quân bản điện văn này khi học nhận được.


Marshall gác máy, thêm một đoạn bổ túc theo chiều hướng đó vào công điện, và giao cho viên Đại tá đặc trách tình báo tại Viễn Đông để mã hoá và chuyển đi ngay. Ông không hề nghĩ đến việc sử dụng chiếc máy điện thoại đặc biệt “loại trộn lẫn” đặt thường trực cho các giới chức sử dụng để được mau lẹ hơn bởi vì-cũng như phần đông các cộng sự viên-ông ghé bỏ một cách lộ liễu khám phá mới này vốn bị ông coi như hoàn toàn không được kín đáo. Ông đành nhấn mạnh vào chữ “ngay lập tức” mà ông lặp đi lặp lại nhiều lần.


Nói thì dễ hơn làm nhiều! Một khi điện văn được mã hoá cẩn thận, công việc này đòi hỏi một giờ vì chữ viết của ông Tướng như mèo quà, vấn đề đặt ra cho các nhân viên chấp hành là làm cách nào để chuyển bức điện văn đi. Bằng vô tuyến điện? Lục quân chỉ có một máy phát 10 kw mà từ sáng sớm đã cố bắt liên lạc với các đơn vị tại Viễn Đông nhưng không được. Hải quân thì có những máy mạnh hơn, nhưng trên Thái Bình Dương có những khu vực im lặng đặc biệt chung quanh Hạ Uy Di. Như vậy chỉ còn lại đường dây liên lạc thương mại vốn có nhiều trạm tiếp vận nhưng chắc chắn hơn và nói chung thì mau hơn. Người ta dùng chính đường dây liên lạc này.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #15 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 06:35:50 pm »

Rủi thay, hôm ấy đường liên lạc này lại rất bận. Và tại Honolulu, để làm cho sự rủi ro thêm toàn vẹn, chiếc máy viễn ấn đảm bảo sự liên lạc giữa nhà bưu điện và bản doanh của Fort Shafer tại Oahu lại bị hư hỏng. Sau cùng, để đến được tay người nhận chính thức, Tướng Short, Tư lệnh lực lượng quân sự tại Hạ Uy Di, bức điện văn của Tướng Marshall đã phải mượn chiếc sắc cốt đáng thương hại của một tiểu bưu lại với chiếc xe đạp, bị chen lấn trong các đám đông cản lối và bị chặn bởi các nhân viên phòng vệ dân sự vì anh ta là một người Nhật, và điện văn ấy đã chỉ đến được tay người nhận một tiếng rưỡi đồng hồ sau khi hạm đội Mỹ bị tiêu diệt.


Thế còn chuyện gì đã xảy ra tại Hạ Uy Di, trong lúc các cấp chỉ huy tối cao của Lục và Hải quân Mỹ do dự về các quyết định phải ban hành, khiến cho các cơ sở tình báo, lẫn các đài rada, lẫn các cuộc không thám đều không báo trước được cho các giới chức hữu trách địa phương về cuộc tấn công của Nhật sắp xảy đến cấp kỳ?


Bảng liệt kê thứ tự các biến cố theo thời gian được uỷ ban điều tra của Thượng viện tỉ mỉ nêu ra, có thể cho chúng ta một lời giải thích:

Tại Hạ Uy Di, cơ sở phản gián do Tướng Bicknell chỉ huy đã khám phá ra được một cuộc điện đàm đúng ngay trên đường dây điện thoại thương mại giữa Honolulu và Đông Kinh tối nàgy 5 tháng 12. Cuộc điện đàm xuất phát từ một nha sĩ Nhật sống trên đảo ông ta gọi cho Nhật báo Yomiuri Shimbu để nói chuyện này chuyện nọ; đặc biệt là về sự hiếm hoi của loại cây có hoa, ngoại trừ cây dâm bụt và cây cúc vàng Nam Mỹ thì trái lại nở hoa rất đẹp. Ngay sau khi được thông báo cuộc điện đàm đáng nghi này. Tướng Bicknell đến bộ tham mưu và xin được gặp riêng Tướng Short, Tư lệnh Lục quân tại Hạ Uy Di. Ông này đã tiếp ông ngoài cửa văn phòng. Lúc đó là 18 giờ 30 và vợ ông ta đang chờ dưới kia vì họ phải đi dự một buổi dạ tiệc. Ông ta đã rất trễ giờ và tỏ dấu hiệu nóng nảy khi nghe câu chuyện hoá dâm bụt. Ông ta chấm dứt cuộc tiếp xúc bằng cách nói với Bicknell rằng dầu sao “đêm nay cũng đã quá khuya và rằng ông ta sẽ suy nghĩ lại”.


Vốn đã bị khiển trách một đôi lần vì làm rối trí thượng cấp một cách vô ích, Bicknell không dám khẩn nài thêm.


Trong khi dự tiệc, Tướng Short tự trách mình đã đuổi khéo Bicknell như thế. Cuộc nói chuyện bị ngắt ngang có thể có tương quan với các chiến hạm hiện diện trong Trân Châu Cảng lắm chứ. Nhưng ông lại không đảm trách vấn đề an ninh cho hạm đội. Đó là việc của Đô đốc Kimmel, vốn cũng có cơ sở tình báo riêng và đoàn thủy phi cơ thám sát. Ông tin rằng Đô đốc chắc phải biết rõ vị trí chiến hạm Nhật mà nhất cử nhất động đều được nhiều nguồn tin thông báo cho ông ta. (Tướng Short lúc đó không biết rằng phòng nhì của hạm đội Thái Bình Dương từ hai hôm nay đã mất dấu những hàng không mẫu hạm Nhật). Kimmel lại không đến dự dạ tiệc. Ông ta đi ngủ sớm sau một ngày mệt đứt hơi. Ngày mai báo cho ông ta cũng còn kịp.


Lúc 3 giờ 50 sáng hôm sau, chiếc tàu rà mìn Condor đang tuần tiễu bên ngoài tầm lưới chắn ngang lối vào hải cảng, tin chắc là đã thấy một kính tiềm vọng nhô lên trước mũi. Nó lập tức báo ngay cho chiếc khu trục hạm Ward có nhiệm vụ canh phòng ngoài khơi. Chiếc Ward chạy về phía kính tiềm vọng đáng nghi, nhưng không nghe gì cả, phải hỏi chiếc Condor các chi tiết chính xác. Một cuộc đàm thoại vô tuyến diễn ra giữa hai chiến hạm và được đài truyền tin Trân Châu Cảng nghe rõ mồn một. Nhưng vì không có chiếc nào trực tiếp nói với đài, hiệu thính viên đành chỉ biết ghi âm lại. Nhiều cuộc báo động hụt loại này xảy ra bất thường. Người chuyên viên nghĩ là không cần phải báo cáo cho thượng cấp làm chi.


Đến hừng đông, ba chiếc thuỷ phi cơ thám sát cất cánh lúc 6 giờ 26, một chiếc bay trên một cơ xưởng hạm đang tiến vào lối vào hải cảng, cánh cửa tàu mở rộng. Chiếc khu trục hạm Ward, tiếp tục cuộc tìm kiếm, chạy băng qua luồng sóng của chiếc tàu sửa chữa và rất ngạc nhiên thấy khói bốc lên từ một chiếc phao vừa được chiếc thuỷ phi cơ ném xuống. Tất cả những người canh đêm đều quan sát mặt biển về phía chiếc phao nhả khói và một người đã thấy được một vật đáng nghi giống như chiếc tháp của một tàu ngầm bỏ túi. Lập tức chiếc Ward chạy đến và khai hoả. Đến lượt chiếc thuỷ phi cơ thả bom. Lúc ấy khu trục hạm Ward mới báo cáo cho đài truyền tin tại Trân Châu Cảng: “Chúng tôi đã tấn công một tàu ngầm hiện diện trong khu vực cấm lai vãng”.


Lần này, tín hiệu được trực tiếp gửi đến, hiệu thính viên đài truyền tin Trân Châu Cảng chuyển cho sĩ quan trực, người này lại trình lên thượng cấp qua các cấp chỉ huy theo hệ thống.


Nhưng hệ cấp này quá dài và các cấp chỉ huy khác nhau của Bộ tư lệnh tỏ ra đặc biệt nghi ngờ. Câu chuyện tàu ngầm xuất hện tại lối vào hải cảng có vẻ hoạt kê quá. Hơn nữa, đây là một sáng chủ nhật, và giờ này chưa có ai tỉnh giấc cả.


Mãi đến 7 giờ 30, Đô đốc Kimmel mới được báo tin. Ông đang mặc áo quần để đi lễ và đành chỉ ra lệnh chỉ ra lệnh cho chiếc Ward tiếp tục tìm kiếm và báo cáo kết quả cho ông. Ám hiệu của chiếc Ward đối với ông có vẻ biểu dương trí tưởng tượng phong phú nhất. Ông có vẻ bực tức hơn là xúc động. Sau một cái liếc mắt cuối cùng vào trang phục, ông bước ra bãi cỏ của ngôi biệt thự xa hoa và sửa soạn đến nhập đoàn với các sĩ quan cao cấp đang cùng vợ con chờ đợi về tháp tùng ông đến nhà thờ.

Lúc ấy là 7 giờ 55. Vài giây sau, những tiếng động vẳng lại. Nhiều cột khói bốc lên từ hải cảng và lập tức nhiều tiếng nổ vang lên tiếp theo sau.


Đô đốc nhảy vào chiếc xe và chạy hết tốc lực về văn phòng Bộ tham mưu. Ông phải mất 20 phút mới qua khỏi đoạn đường ngổn ngang người chạy trốn và xe chữa lửa. Khi ông đến hải cảng, tiếng động chát tai của bom nổ tạm ngưng, nhưng tất cả các thiếp giáp hạm của ông thì đang bốc cháy, chìm xuống nước hay bị hư hỏng tan nát.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #16 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 06:36:49 pm »

Câu chuyện tàu ngầm này có vẻ rất hoạt kê và thật vậy nó rất hoạt kê. Nó đã chứng tỏ rằng kế hoạch của Nhật, mặc dầu được soạn thảo tỉ mỉ, cũng bị nhiều kẽ hở mà Bộ tư lệnh Mỹ lẽ ra đã có thể lợi dụng được. Bức điệnt ín sau cùng mà ông lãnh sự gỉ Morimura, được đánh đi qua trung gian của ông nha sĩ, là một lầm lỗi, vì nó có thể thức tỉnh đối phương. Nhưng ít ra nó cũng còn cho phép bật đèn xanh cho Đô đốc Nagumo khi xác nhận với ông ta rằng có các thiết giáp hạm trong hải cảng. Tấn công hải cảng bằng một toán tàu ngầm bỏ túi là một lỗi lầm thứ hai, và trầm trọng hơn, bởi vì nó tạo thành một sai lầm chiến thuật có thể làm hỏng nỗ lực chính nhất là khi nó không được chuẩn bị kỹ.


Không có thuỷ thủ nào của chiếc Condor lẫn chiếc Ward lại mơ ngủ cả khi họ báo hiệu thấy khi thì một tiềm vọng kính, khi thì một tháp tàu ngầm. Quả thật kế hoạch Yamamoto đã có trù liệu một cuộc tấn công các thiết giáp hạm buông neo trong Trân Châu Cảng bằng một nhóm năm tàu ngầm bỏ túi được các tàu ngầm mẹ trang bị đặc biệt mang đến tuyến xuất phát.


Trong thực tế, Đô đốc chỉ còn hối tiếc cho cuộc tấn công cầu âu này, cuộc tấn công khó mà diễn ra đồng thời với cuộc tấn công của phi cơ. Tuy nhiên ông đã phải nhượng bộ áp lực của ông Bộ trưởng Hải quân khi ông này nại ra các lý do tâm lý. Sự sử dụng độc có phi cơ sẽ tạo ra ganh tỵ. Đặc biệt các quân nhân phục vụ dưới tàu ngầm, những người từ lâu đã nghiên cứu khả năng tấn công các chiến hạm đang bỏ neo bằng các tàu ngầm bỏ túi, đột nhiên thấy mình bị chiếm đoạt mất con ngựa chiến có hy vọng hơn cả. Yamamoto không muốn cho họ bị nhục và chấp thuận cho nhóm ưu tú này của Hải quân danh dự được hy sinh tối thượng cuộc tấn công đầu tiên mở màn cuộc chiến tranh.


Bởi vì đây chính là một sứ mạng tự sát đầu tiên. Mười chiếc tàu ngầm nhỏ ấy có tầm hoạt động không đủ để trở về tàu ngầm mẹ nữa kìa. Năm chiếc tàu ngầm mẹ há chẳng phải bị đe doạ vì địch trông thấy nếu chúng nổi lên mặt nước ngay giữa ban ngày lúc ở quá gần Trân Châu Cảng hay sao ? Hơn nữa, những hiểm nguy bị ném lựu đạn chống tàu ngầm hoặc cả bị mắc cạn nữa, đã không cho thấy gần như một cơ may chiến thắng nào cả.


Cơ may thành công của chính cuộc tấn công cũng không mấy lớn lao, cuộc hành quân không biểu dương một lợi ích quân sự nào cả. Trái hẳn lại, nó đe doạ làm hỏng hiệu quả của sự bất ngờ. Quả thật đó là điều đã xảy ra và nếu không có sự chậm trễ khó tin của việc chuyển đi các tín hiệu báo động từ chiếc Condor, Bộ tư lệnh Mỹ đã có thể được biết tin trước trong khoảng từ 4 đến 5 giờ sáng-Nghĩa là hơn 3 giờ trước khi cuộc tấn công bắt đầu-rằng có một cái gì bất thường đang xuất hiện. Do đó có đủ thì giờ để cho các các khu trục cơ cất cánh, để lắp đạn cho các giàn cao xạ DCA, trên mặt đất và trên chiến hạm, để phân tán tất cả phi cơ trên mặt đất và để tăng cường sự theo dõi màn ảnh rada. Có lẽ cuộc tấn công của Nhật sẽ không giảm phần chí tử nhưng nó cũng bắt quân Nhật phải trả trá đắt.


Mới cách đó ít lâu Oahu cũng được trang bị các rada trên đất liền-thêm vào các giàn rada của các thiết giáp hạm vốn sẽ không thấy gì khi đậu trong lòng chảo. Nhưng đây là một kiểu mới, nhân viên không được huấn luyện kỹ, và ít quá; đèn để thay thế thì hiếm hoi và mệnh lệnh tiết kiệm gắt go đã được ban hành. Dầu vậy, bất chấp những thiếu sót, những giàn máy tuyệt vời này đã hoạt động hoàn hảo và đã khám phá được không đoàn của Fushida lúc còn cách xa 200 cây số. Tại đây cũng lại chính vì tổ chức chuyển lệnh báo động kém cỏi quá đã làm cho Bộ tư lệnh không nhận được tin tức cốt yếu này.


Cuộc phiêu lưu của các binh nhì thuộc sở Truyền tin Lục quân, tốt nghiệp chuyên viên rada tạm thời Joseph Lockard và George Elliot, vẫn thường được kể lại với đôi chút tưởng tượng thêm vào. Chúng ta sẽ nhắc lại một cách tóm tắt thôi bởi vì nó là một tổng hợp điển hình nhất của các thiếu sót khác nhau thuộc lĩnh vực cơ cấu tổ chức vốn đã làm tê liệt hẳn hệ thống ra lệnh báo động trong buổi sáng hôm đó.


Tướng Short có trong tay năm trạm rada được thiết lập rải rác trên các đỉnh núi cao thuộc đảo. Cho rằng bình minh là thời gian mà cuộc tấn công đáng sợ nhất, ông đã ra lệnh vì các lý do, tiết kiệm vật liệu, rằng sự canh chừng thật sự sẽ chỉ được thực hiện từ 4 giờ đến 7 giờ, tức là hai giờ trước bình minh và một giờ sau đó. Một buổi huấn luyện ngắn sẽ được tổ chức tiếp theo đó từ 7 giờ đến 8 giờ, nhưng vì ngày 7 tháng 12 là một ngày chủ nhật và vì hôm ấy không có máy bay cất cánh, cho nên năm trạm rada sẽ chấm dứt sự canh chừng vào lúc 7 giờ.


Mỗi trạm rada có đường liên lạc điện thoại với Trung tâm Tin tức của Fort Shafter. Hôm đó một sĩ quan không quân, trung uý Kermit Tyler, là sĩ quan trực. Ông có một bản đồ lớn treo tường để định vị trí và một tổng đài điện thoại nối liền với tất cả phi trường trên đảo và các bộ chỉ huy hành quân khác. Như thế đồng thời vừa là quá nhiều vừa là quá ít. Quá nhiều vì chỉ một bộ chỉ huy cũng đủ với điều kiện là phải đặt cạnh Trung tâm Tin tức và hoạt động thích nghi. Quá ít bởi vì Trung tâm Tin tức cô lập ấy lại chỉ được giao cho một trung uý không quân trẻ tuổi vô thẩm quyền chịu trách nhiệm.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #17 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 06:37:21 pm »

Trong số năm trạm rada hoạt động tại Oahu, có một trạm được thiết trí tại một địa điểm rất thích hợp: trạm Opana, nằm trên một ngọn đồi cao 250 thước phía tây bắc đảo và hướng nhìn chiếu thẳng ra khơi. Chính hai binh sĩ Lockard và Elliot có mặt trong trạm này.


Cuộc canh chừng lâu 3 giờ của họ trôi qua mà không có chuyện gì lạ: không một chiếc máy bay, một chiếc tàu nào xuất hiện làm rối mặt kính được chiếu sáng như ánh trăng.


Đến 7 giờ, Lockard sửa soạn tắt máy, nhưng Elliot vốn ít được huấn luyện hơn bạn, xin tiếp tục cuộc canh chừng với hy vọng bắt gặp được các phi cơ vận tải thông thường sắp đến giờ bay đến, Lackard chấp thuận và đứng dậy để chân cẳng giãn gân, nhưng gần như ngay lúc đó người bạn goi anh: “này, anh nhìn coi, có cái gì kìa“.


Lockard nghiêng người qua vai Elliot và thấy một nhóm điểm sáng mà số lượng mỗi giây một nhiều. Anh không tin vào mắt mình nữa. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là một đoàn phi cơ quan trọng đang bay hết tốc lực đến gần và cách 180 cây số về phía bắc đông bắc. Anh nhảy chồm đến chiếc điện thoại và gọi Trung tâm Tin tức của Fort Shafter. Một binh sĩ trả lời anh và bảo rằng anh ta có một mình, phiên trực đã chấm dứt. Nhưng trung uý Tyler, lúc đó chưa bỏ đi, nhấc ống liên hợp lên nghe. Giọng của người đối thoại càng lúc càng lo âu. Tyler ghi lại các chỉ dẫn vừa được chuyển đến: vị trí, đường bay và tốc độ phi cơ đáng nghi. Có một lúc mối nghi ngờ của ông bị lung lay. Thế rồi tâm trí ông lại được soi sáng: ông nhớ có thoáng qua một hiệu lệnh phát đi từ đài truyền tin KGMB tại Oahu nói rằng, một đoàn pháo đài bay từ Mỹ sẽ bay đến lúc 8 giờ. Chắc chắn đoàn phi cơ đã bay quá lên phía bắc và giờ đây chuyển về hướng nam về phía phi trường Hickam. “Đừng lo“ ông nói với Lockard, “đừng nghĩ đến chuyện đó nữa!“


Vốn là một binh sĩ tận tâm, Elliot tiếp tục theo dõi đoàn phi cơ trên mặt kính rada. Đối với anh đây là cơ hội độc nhất để tự học hỏi. Đúng 7 giờ 30 đoàn phi cơ chỉ còn cách xa 80 cây số, 10 phút sau nó biến mất trong vùng rối loạn vì núi non. Anh tắt máy, ngắt điện rồi bước ra khỏi ngưỡng cửa để cùng Lockard chờ chiếc xe trực lên chở họ xuống. Trên đường đi xuống phía Trân Châu Cảng, họ gặp các binh sĩ bộ binh vũ trang đi ngược chiều. Kìa, họ nghĩ, vậy ra có cuộc thực tập sao?


Không, đấy không phải là một cuộc thực tập. Bom đã rơi xuống Fort Shafter. Trân Châu Cảng bị khói bao phủ. Hạm đội Thái Bình Dương không còn nữa.

Một giờ rưỡi sau cơn tai biến, khi người bưu lại nhỏ bé của Honolulu chuyển đến được tận tay người nhận bức công điện của Marshall, cử động đầu tiên của Tướng Short là giận dữ xé tan bản văn ấy. Nó được soạn thảo như sau: “Hôm nay lúc 1 giờ trưa (giờ Hoa Thịnh Đốn) người Nhật có chuyển giao cho chúng ta một công hàm mà trong thực tế là một tối hậu thư. Họ cũng đã nhận được lệnh phá huỷ lập tức các máy móc mật mã của họ. Chúng tôi chưa rõ ý nghĩa chính xác của phần thêm vào liên quan đến giờ giấc, nhưng dầu sao ông cũng hay ra lệnh báo động. Hãy thông báo các chỉ thị này cho các cấp chỉ huy Hải quân. Ký tên: Tướng George Marshall”.


Nếu nhận được các tin tức này trong đêm trước, chắc chắn là có thể tránh được cuộc tàn sát ghê rợn rồi. Bị chìm ngập bởi những công việc hoả tốc như ông, Short không có thì giờ tìm hiểu bí mật của sự chậm trễ luôn năm tiếng rưỡi đồng hồ để hoàn thành việc chuyển đi bức điện văn này, nhưng khi đã bình tĩnh trở lại, ông tìm thấy lại điện văn ấy và cẩn thận giữ bên mình.


Than ôi, chắc nó không hữu ích gì cho ông trong cuộc điều tra những kẻ có trách nhiệm cả. Thật vậy Short sẽ cùng với Kimmel là những nạn nhân đầu tiên của sự thanh lọc sau cơn tai biến. Không ai quan tâm đến các luận cứ của họ, và trong hoàn cảnh bị thất sủng, họ cay đắng biết rằng các thượng cấp trực tiếp của họ-Marshall và Stark-vẫn còn ngồi lại ghế của mình.


Chắc chắn là Roosevelt đã phán xét, cũng như về sau người kế tục của ông J.F.Kennedy phán xét tiếp theo sau sự thất bại tại vịnh Con Heo ở Cuba, nơi mà quân đội và các cơ quan tình báo của Mỹ đã dồn dập vấp phải các lỗi lầm cùng loại, rằng trong vụ thê thảm này có quá nhiều người để khiển trách.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #18 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2009, 08:35:46 pm »

Kế hoạch miền Nam

Hạm đội liên hợp

Với một thái độ trầm tĩnh tuyệt đối của một tay chơi bài Poker, mà ông là một người sành sỏi thật, Đô đốc Isoroku Yamamoto, tư lệnh “Hạm đội liên hợp” của Nhật, không chờ kết quả của vố tấn công táo bạo vào Trân Châu Cảng, đã cho áp dụng ngay kế hoạch miền Nam, một kế hoạch mà các chi tiết được qui định trước các chi tiết liên quan đến cuộc không tập căn cứ Hải quân Mỹ rất lâu.


Vốn là đối tượng của vô số các cuộc nghiên cứu tham mưu, kế hoạch này đã hoàn thành sau các thất bại đầu tiên tại Trung Hoa khiến cho hy vọng vào một chiến thắng mau lẹ bị dập tắt! Rõ ràng là Nhật Bản không thể nào chịu đựng được một chiến tranh lâu dài vì cuộc kháng chiến của Trung Hoa đã không cho phép khai thác các lãnh thổ chinh phục được. Để có thể đập tan các cuộc kháng chiến này, điểm chủ yếu là phải có thể cung cấp gạo cho binh sĩ và nhiên liệu để tiếp tế. Còn đâu khác hơn? Nghĩa là trong các quần đảo giàu có tại Đông Nam Á từng được khai thác tận tình bởi các kẻ xâm lăng tây phương từ nửa thế kỷ qua. Kế hoạch miền Nam được thiết lập tỉ mỉ chính là để chiếm hữu các nguồn tài nguyên này của người Tây phương.


Trái với kế hoạch xâm chiếm Trung Hoa vốn thuộc thẩm quyền riêng biệt của Lục quân, kế hoạch miền Nam chủ yếu lệ thuộc vào “Hạm đội liên hợp”.

Danh xưng “Hạm đội liên hợp” không mới mẻ gì. Nó đã có một tiền lệ vinh quang. Chính đó là danh hiệu được đặt cho hạm đội của Đô đốc Togo năm 1904, người chiến thắng trận Port Arthur và trận Tsoushima lừng danh sau đó. Yamamoto thường được so sánh với vị tiền nhiệm trứ danh, cũng có các đức tính của một Tư lệnh đại đơn vị y như bậc tiền nhiệm, và cũng giống như ông ta, ông có cái thiên phú hiếm có làm cho thuộc viên yêu mến mặc dầu vẫn đòi hỏi họ một sự phục vụ tận tuỵ vô bờ bến. Nhưng chính tại đấy, nghĩa là trên bình diện con người, đã có sự khác biệt giữa hai nhân vật.


Trước hết về phương diện thể chất, họ không giống nhau. Togo là một người mảnh khảnh, vẻ mặt khổ hạnh mà cái nhìn sâu sắc phản chiếu năng lực tiềm tàng và sự chừng mực. Yamamoto cũng giống như ông ta, có một tầm vóc trung bình nhưng thể chất vạm vỡ hơn. Thói quen tập thể thao đã khiến toàn thể bắp thịt của ông mềm dẻo và mạnh mẽ hơn. Khuôn mặt tròn của ông rạng rỡ nhờ cặp mắt linh động thường như tươi cười và biến đổi mau lẹ đến lạ lùng. Ký ức của ông thật phi thường và ngoài kiến thức rộng rãi như một bách khoa tự điển sống, ký ức ấy khiến ông có khả năng nhớ mặt người cực kỳ dễ dàng. Ông được mọi con tim trìu mến nhờ sự chăm sóc mà ông dành cho mỗi người và đối đãi với thuộc viên với thái độ thẳng thắn tự nhiên như người nhà. Đấy là một con người hành động mà đức tính nổi bật nhất là sự ưa thích các “mạo hiểm có tính toán”.


Trên bình diện chiến lược, ông là môn đệ của Togo, người mà tài năng rất được ông ngưỡng mộ. Ông không giấu giếm là đã mô phỏng các kế hoạch của mình theo những kế hoạch của bậc thầy ông. Ý tưởng tấn công bất ngờ một địch thủ đồng sức mạnh để che chở cho một cuộc đổ bộ đang diễn tiến là ý tưởng được trực tiếp gợi ra từ cuộc điều quân của Togo trong trận đánh quân Nga tháng 2 năm 1904.


Chúng ta hãy nhắc lại, trong đêm 8 rạng ngày 9 tháng 2 năm ấy, ba hải đoàn phóng ngư lôi hạm-của Hạm đội liên hợp đầu tiên đương thời-đã đến tấn công đoàn chiến thuyền Nga Sô đang bỏ neo trong vùng biển ngoài cảng Port Arthur. Cho đến lúc đó, chưa bao giờ có lực lượng hải quân nào trên thế giới lại toan tính mạo hiểm đưa các chiến hạm nhỏ bé bị coi là cực kỳ tầm thường ấy, đi tập kích quá xa căn cứ như thế mà lại không hề được một sự yểm trợ nào khác. Sự táo bạo có tính toán ấy đã thành công vượt quá sự chờ mong. Các phóng ngư lôi hạm bất thần đột kích vào một địch thủ đang say ngủ và chỉ trong vài phút đã đánh đắm được ba trong số các chiến hạm địch mạnh nhất. Tính cách mới mẻ và táo tợn của phương thức tấn công đã đảm bảo cho sự thành công. Ba mươi bảy năm sau, cũng chính chiến thuật ấy đã thành công tại Trân Châu Cảng với hàng không mẫu hạm của Nagumo.


Thời cơ chính trị cũng thế, rất giống nhau: các cuộc thương thuyết rắc rối một cách cố ý, bắt đầu bằng cấp cao nhất do các đại sứ đặc biệt làm ra vẻ muốn đạt đến một thoả hiệp, và kéo dài càng lâu càng tốt để ru ngủ sự khinh thường của đối phương.

Cho đến cả sự ấn định thời biểu đồng nhất của các cuộc hành quân như đã được dự liệu trong ngày 8 tháng 2 năm 1904 cũng được lặp lại một cách trung thực trong cuộc không tập ngày 8 tháng 12 năm 1941. Cuộc đổ bộ quân Nhật lên Chemulpo, ở Triều Tiên đã xảy ra trước 7 giờ so với cuộc tấn công của các phóng ngư lôi hạm vào Port Arthur. Bằng vào các phương tiện truyền tin mau lẹ hơn, Yamamoto đã giảm bớt thời gian đi trước này xuống 1 giờ, nhưng nguyên tắc chỉ là một. Sự chọn lựa hải cảng đổ quân ban đầu cũng tương ứng với cùng một kế hoạch chiến thuật: Chemulpo là đầu cầu của phòng tuyến dọc theo con đường đưa thẳng tới biên giới sông Yalou hải cảng nhỏ bé được Yamamoto chọn lựa để đổ quân xâm chiếm trên bán đảo Mã Lai, cũng nối thẳng với Tân Gia Ba, một đồn canh xa nhất bảo vệ sự di chuyển của tàu bè từ biển Java vào biển Nam Hải mà ông phải chiếm đóng bằng mọi giá.


Song song với cuộc đổ bộ này, kế hoạch miền Nam tiên liệu một cuộc tấn công gọng kềm trên các quần đảo Đông Nam Á châu: Quần đảo Phi Luật Tân, Bornéo, Célèbes và Moluques. Một khi bị nhốt trong hải phận Java, các lực lượng hải quân yếu kém của Tây phương sẽ thấy bị rơi vào bẫy chuột và việc bắt chúng chấp nhận hải chiến trong các điều kiện thuận lợi nhất cho Hạm đội liên hợp chỉ còn là trò chơi của hạm đội này.


Kế hoạch này phải được thực hiện từng điểm một. Thời biểu nguyên thuỷ được tôn trọng đều đặn như kim đồng hồ quay. Sự sai biệt so với thời biểu qui định không bao giờ vượt quá một tuần tại các địa điểm khó khăn nhất.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #19 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2009, 08:36:58 pm »

Cuộc tấn công tại Mã Lai

Yamamoto cho rằng Tân Gia Ba là pháo đài vững chắc nhất trong hệ thống phòng thủ của Anh tại Đông Nam Á. Nằm trên một hòn đảo nhỏ ở mũi cực nam bán đảo Mã Lai và nhìn ra dọc theo eo biển Malacca,  hải cảng Tân Gia Ba có thể cho cả một hạm đội trú ẩn, về hệ thống phòng thủ chung quanh hải cảng được xây dựng rất kiên cố. Ba phi trường trên đảo hợp với các phi trường trên bán đảo tạo thành một hêệ thống phòng thủ đáng sợ. Một cuộc tấn công trên không bất ngờ y như kiểu tấn công vào Hạ Uy Di không có một cơ may thành công nào, vì trái ngược với người Mỹ, người Anh biết đề cao cảnh giác và từ lâu đã chờ đợi một cuộc tấn công của Nhật vào các thuộc địa của Hà Lan tại Ấn Độ Dương. Để chiếm hữu Tân Gia Ba, do đó cần bắt đầu đổ bộ vào bán đảo Mã Lai, chiếm các phi trường, rồi công hãm pháo đài ấy vốn chỉ cách đất liền bằng một eo biển hẹp rất dễ vượt qua.


Vì tầm quan trọng của các lực lượng Anh quốc tại Mã Lai (31 tiểu đoàn quân Anh, Ấn và Úc tương đương với hơn 3 sư đoàn) kế hoạch xâm chiếm tiên liệu một cuộc đổ bộ lên bờ biển phía đông bán đảo của quân đoàn 25 thuộc Tướng Yamashita, với sức mạnh ba sư đoàn được chọn lựa trong số đơn vị tinh nhuệ nhất và một sư đoàn không quân. Sự di chuyển một đạo quân như thế phải được đảm bảo bằng cách xuất phát từ một hải cảng gần địa điểm đổ bộ càng tốt. Chỉ có giang cảng Sài Gòn tại Đông Dương là hội đủ các điều kiện bắt buộc, và Bộ Tổng tham mưu hoàng gia đã chọn lựa giang cảng này.


Chính vì mối ưu tư cần có một hải cảng xuất phát tối cần thiết này mà chính phủ của hoàng thân Konoye (Thời đó Tướng Tojo chưa làm Thủ tướng) đã làm áp lực đối với nước Pháp, ngay sa khi Pháp bại trận, để Pháp chấp thuận dành cho quân Nhật vài tiện ích quân sự tại Đông Dương. Những yêu sách đầu tiên rất khiêm nhường: sử dụng ba phi trường, đồn trú chừng 6.000 người. Trong suốt một năm, nền ngoại giao của chính phủ Vichy đã thành công một cách kỳ diệu trong việc tránh né được các sự lấn áp khác. Nhưng đến tháng 7 năm 1941 khi chiến thắng của Hitler tại Nga Sô đảm bảo cho Nhật khỏi trông thấy viễn ảnh đáng sợ bị quân Nga tấn công vào Mãn Châu, các đòi hỏi của Nhật tại Đông Dương lại đè nặng hơn. Chính phủ Pháp đã trả lời bằng sự bác bỏ, Không quân Nhật liền oanh tạc Hải Phòng trong khi đó Lục quân Nhật đuổi dồn các tiền đồn biên giới của Pháp tại Thượng du Bắc Việt. Hoa Kỳ không đáp ứng lời kêu cứu của Toàn quyền Pháp tại Đông Dương, ông này bắt buộc phải thoả mãn các đòi hỏi của Đông Kinh, mà giờ đây là sự sử dụng tám phi trường, giang cảng Sài Gòn và vịnh Cam Ranh.


Trong thực tế, những yêu sách mới này đã có ảnh hưởng quyết định đến chiều hướng biến chuyển của các cuộc thương thuyết Nhật-Mỹ. Ý thức được mức độ trầm trọng của sự kiện, và để trả đũa, Tổng thống Roosevelt quyết định phong toả mọi ngân khoản của Nhật tại Mỹ, rồi noi theo Anh quốc và Hà Lan, phong toả luôn mọi nguồn cung cấp nguyên liệu và dầu hỏa chở đến Nhật.


Các biện pháp này đưa Nhật Bản vào tình thế bế tắc. Số dự trữ nhiên liệu giảm dần vì chiến cuộc tại Trung Hoa không cho phép Nhật được sống còn nữa. Một phong trào uất hận rộng lớn đã quét sạch chính phủ của hoàng thân Konoye và Thiên Hoàng đã phải kêu gọi lãnh tụ đảng quân nhân, Tướng Tojo lên nắm chính quyền.


Anh quốc là nước đầu tiên bị rúng động. Nó liền phái đến Tân Gia Ba viên Bộ trưởng trẻ tuổi Duff Cooper với sứ mạng là phối hợp hành động giữa các nhà chức trách quân sự và dân sự tại các thuộc địa ở Viễn Đông. Tình thế trước mắt ông ta có vẻ đã đến mức báo động. Sự phân phối quyền hành thiếu phân minh và không ai chấp thuận sự cần thiết phải thống nhất chỉ đạo công việc trong các thuộc địa khác nhau thuộc vùng Đông Nam Á. Cũng giống như tại Pháp sau vụ Munich, các kiều dân Tây phương tiếp tục hy vọng một phép lạ sẽ xảy đến để kéo dài sự yên ổn vàng son của họ. Trong những bungalow mở rộng cửa trong làn sương đêm vùng nhiệt đới, sự thù tạc vẫn tiếp tục như chẳng có gì xảy ra cả. Đô đốc, Tướng lĩnh và công chức cao cấp thảo luận về tình hình với nhau trong các lễ phục màu trắng. Phần đông đều vững tin. Vị Tổng tư lệnh Quân lực tại Viễn Đông là một ông Air-Marshall của Không lực Hoàng gia, Sir Robert Brooke Popham. Ông ta không ngừng lặp đi lặp lại rằng pháo đài Tân Gia Ba là một cứ điểm không thể bị chiếm được và Hồng Kông là một thứ Gibraltar của Viễn Đông. Để trả lời cho những ai tỏ ra ít lạc quan hơn về khả năng kháng cự của các cứ điểm này, các vị Đô đốc nói rằng lực lượng Hải quân Hoàng gia có mặt ở đây để phòng vệ chúng. Và rồi thì hạm đội thiết giáp hùng mạnh của Mỹ há chẳng phải đã được tập trung tại Hạ Uy Di trong mục tiêu rõ rệt là để can thiệp khi có lệnh báo động đầu tiên đó sao?


Chắc chắn, lực lượng Hải quân địa phương quá yếu rồi: ba tuần dương hạm của Hà Lan, một của Anh, và một của Úc trong hải phận Java, chừng một tá khu trục hạm và một số tàu ngầm tương đương phân tán trong quần đảo. Rõ rệt lực lượng ấy không đáng gì. Nhưng đã có tin đồn đại từ lâu rằng, đáp ứng các đòi hỏi của Đô đốc Tư lệnh Hải quân tại Tân Gia Ba, Churchill đã phái đến để tiếp cứu chiếc thiết giáp hạm Prince of Wales, một chiến hạm tối tân nhất và hùng mạnh nhất của hạm đội Anh quốc. Đấy là sự kiện có bản chất rất an ủi tâm trí các Đồng minh và nâng cao tinh thần những kẻ chủ bại.


Tin này chính xác. Nó đã thoát ra được khỏi vùng im lặng dày đặc thường bao phủ chung quanh các sự di chuyển của các chiến hạm lớn. Bất chấp các lời khuyên thận trọng của Bộ Tư lệnh Hải quân, Churchill đã ra lệnh cho viên Bộ trưởng Hải quân lập một lực lượng hải quân-Lực lượng Z-với chiếc thiết giáp hạm Prince of Wales, tuần dương hạm chiến đấu Repulse và hàng không mẫu hạm Indomitable. Quyền chỉ huy được giao cho một trong các tướng lĩnh sáng chói của Hải quân Hoàng gia, Đô đốc Sir Tom Philips, mà cho đến lúc đó phụ trách phòng hành quân của Bộ Tư lệnh Hải quân. Ba chiến hạm chạy riêng rẽ với các khu trục hạm hộ tống phải có mặt tại Tân Gia Ba vào ngày 1 tháng 12 năm 1941 và ở lại đấy cho đến khi có lệnh mới.


Nếu tin tức về việc phái đến ba chiến hạm ấy được lan truyền một cách dễ dàng, chính là tại vì trong tâm trí Winston Churchill, biện pháp này trước hết có mục đích tạo ra điều mà ngày nay chúng ta goi là hiệu lực gián chỉ. Một hiệu lực như thế theo định nghĩa, phải bao gồm một hình thức quảng cáo nào đó. Thủ tướng Anh quốc đã giải thích điểm này trong Hồi ký của ông, nói rằng ông hy vọng bằng cách này “có thể thực hiện một thứ đe doạ mà các chiến hạm tối quan trọng, với ý định được giấu kín, có thể áp đảo lên các kế hoạch một địch thủ hải quân trong tương lai”.


Đi ngược thời gian, ngày nay ta không thể không nghĩ rằng chính đó là lối suy nghĩ mà một thế kỷ trước đây, vị Nữ hoàng trẻ tuổi Victoria đã có thể thực hiện, khi mà câu châm ngôn trứ danh ”Britannia rules the waves” (Anh quốc thống trị đại dương) đang còn đúng cách. Nó có vẻ quá lỗi thời đối với chúng ta một ngày trước cuộc tấn công tại Trân Châu Cảng.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM