Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu nước ngoài => Tác giả chủ đề:: ptlinh trong 02 Tháng Chín, 2009, 06:52:55 pm



Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 02 Tháng Chín, 2009, 06:52:55 pm
Tác giả: Albert Vulliez
Người dịch: Người Sông Kiên - Lê Thị Duyên
Nhà xuất bản: Sông Kiên
Năm xuất bản: 1974
Số hoá: ptlinh


Một quyển sách ly kỳ, hấp dẫn, lôi cuốn từ đầu đến cuối, như một tiểu thuyết phiêu lưu, cần thiết trong việc tìm hiểu cuộc chiến tranh Thái Bình Dương trong trận đại chiến vừa qua.

"Sấm sét trên Thái Bình Dương" là một bức hoạ rộng lớn về cuộc chiến tranh ở Viễn Đông. Quyển sách bắt đầu với trận đột kích Trân Châu Cảng của quân Nhật và cuộc xâm lược sấm sét trên các quần đảo ở Đông Nam Á; miêu tả tường tận các năm dài đánh nhau trong vùng rừng rậm và sình lầy trên các quần đảo trên Thái Bình Dương và xuyên qua vùng chằng chịt các hòn đảo nhỏ trong Biển San Hô.

Tác giả cho chúng ta tham dự, từng giờ, vào diễn tiến của các trận hải-không chiến dữ dội ở Midway và Guadalcanal, tiếp theo đó là các cuộc đổ bộ kinh hồn, những trận đánh trên bộ khủng khiếp: các cuộc đổ bộ đẫm máu tại Iwo Jima và Okinawa. Bấy giờ chúng ta sẽ chứng kiến sự kháng cự tuyệt vọng của một dân tộc từ chối chấp nhận sự đầu hàng, sự xuất hiện của các phi cơ tự sát Kamikaze, sự hi sinh của các phần tử ưu tú của tuổi thanh niên Nhật. Cuối cùng là cuộc oanh tạc Đông Kinh bằng bom xăng đặc và hồi chung cuộc tàn khốc, quả bom nguyên tử trên Hiroshima.

Cũng với diễn tiến của các trận đánh kinh thiên động địa, tác giả cũng đã phác hoạ lại hình ảnh của các lãnh tụ chính trị và quân sự của hai phe đối nghịch: Đồng Minh và Nhật Bản, thời bấy giờ.


Tự ngôn

Khi viết lịch sử một cuộc chiến tranh, cần phải dành một phần lớn cho khía cạnh nhân bản, cho những tình cảm đam mê khích động người chiến binh, và cho cảnh trí chung quanh cuộc chiến ấy. Sự miêu tả này có thể được giảm thiếu tối đa nếu tấn thảm kịch xảy ra tại một nơi gần chỗ chúng ta và trong một quá khứ gần gũi với chúng ta. Rõ ràng là ta có thể kể lại cuộc chiến trên đất Pháp bằng cách chỉ chú trọng đến sự kiện mà thôi bởi vì các nhân vật và khung cảnh, trong đó cuộc chiến xảy ra quá quen thuộc với chúng ta. Nhưng trái lại nếu cuộc chiến tranh ấy xảy ra tại một nơi xa lắc, trên một đại dương bao phủ gần hai phần ba quả địa cầu và giữa các phe đối nghịch mà cách sống, nhân dáng và phong thái đều hoặc là khác biệt hoặc là không dính líu gì đến cách sống, phong thái hay nhân sáng của chúng ta, thì một bản tường trình các sự kiện cho dù được trình bày khéo léo đến đâu chăng nữa, cũng không có ý nghĩa gì cả. Làm như thế là bắt buộc độc giả phải không ngừng cố gắng vị trí hoá trong không gian, các địa điểm mang những địa danh man dại, mà sự phân tán trên bản đồ lên đến mức có thể làm sửng sốt cả trí tưởng tượng. Làm sao độc giả có thể thích thú theo dõi được các trận đánh rải rác cách nhau hàng ngàn cây số mà không liên hệ gì với nhau và không có mục đích rõ rệt? Làm sao co thể bắt độc giả khu vị vào không gian và thời gian những cuộc điều động các lực lượng không, hải và lục quân mà thời gian kéo dài hàng tháng không nhất thiết luôn luôn phù hợp với nhau và không có vẻ gì là hữu ích cho độc giả?


Cũng như nhân vật Avare của Molière, độc giả sẽ dễ dàng tự hỏi những cái nhà ông ấy nhúng tay vào việc này để làm gì nhỉ?

Để tránh cho độc giả khỏi thường phải vun đắp mãi vào cái dấu hỏi này, cần phải cung cấp cho độc giả vài điểm soi sáng và vị trí hoá các biến cố trong khung cảnh lịch sử và chính trị của chúng.

Vấn đề đầu tiên mà độc giả sẽ đặt ra là vấn đề sau: tại sao, trong mùa đông năm 1941 ấy, lúc chiến tranh đang tàn phá Âu châu, Nhật Bản lại từ bỏ một chủ trương trung lập vốn rất có thể đảm bảo cho xứ ấy một sự hội nhập vĩnh viễn trong mối tương quan hoà nhịp với các đại cường mà không phải đánh chác gì cả? Ta nên nhắc lại cho độc giả rõ là Quốc gia này vốn đã hoàn tất một công cuộc canh tân chưa từng có trong lịch sử trong vòng 50 năm, đã cho rằng mình là nạn nhân của một bao vây kinh tế, chính trị và quân sự, một cảm nghĩ bị mặc cảm chủng tộc làm trầm trọng thêm. Nhật Bản đã thử phá vỡ vòng vây ấy bằng một kế hoạch bành trướng tại Mãn Châu và Trung hoa, nhưng sau chiến thắng sáng chói, quân Nhật bị sa lầy năm 1939 tại ngã tư các đường giao thông. Quân đội ấy đã thiệt mấy 500.000 người và một số vật liệu khổng lồ để chiếm tài nguyên của bốn tỉnh mà cuộc chiến tranh du kích liên tục đã ngăn cảm mọi sự khai thác. Chỉ có các quần đảo Đông Nam Á châu là có thể cung cấp cho Nhật các nguyên liệu cần thiết cho 72 triệu dân đang bị ngộp thở trên một  mảnh đất nghèo nàn và nhỏ thua một phần tư lãnh thổ nước Pháp.


Vậy thì vũ trụ đồng thịnh vương của Đại Á Châu đặt dưới quyền giám hộ của Nhật, đối với các nhân vật chính trị và quân sự của vương quốc Mikado, có vẻ là con đường chiến thắng duy nhất của các dân tộc Viễn Đông. Vũ trụ đồng thịnh vượng này đã bắt đầu được hình thành trong thời gian giữa hai cuộc thế chiến bằng các cuộc thương thuyết theo đường lối ngoại giao tại khu vực trung ương Thái Bình Dương. Nhưng nếu việc đặt chân lên các quần đảo hoang vu kết thành chuỗi trên đại dương mênh mông là chuyện dễ dàng, thì sự bành trướng đến các quần đảo lớn về phía Nam đang bị các cường quốc Tây phương kiểm soát chỉ có thể được thực hiện bằng sức mạnh.


Chính vì nhắm vào viễn ảnh không thể tránh được đó mà Bộ tham mưu Hải quân Nhật đã bí mật phát triển hạm đội chiến thằng bằng cách cấp cho nó-mà không cần đếm xỉa gì đến các hiệp ước-những thiết giáp hạm hùng mạnh nhất thế giới và một hạm đội liên hợp độc nhất vô nhị, chủ yếu là gồm các hàng không mẫu hạm.


Năm 1939, khi sự thất bại ở Trung Hoa bắt buộc Nhật Bản tính đến chuyện dùng vũ lực đánh chiếm thuộc địa của Đồng minh trong vùng Đông Nam Á. Nhật bèn gia nhập khối Trục, nghĩ rằng trong trường hợp có xung đột tại Âu châu, lực lượng hải quân Pháp-Anh đủ mệt tại Bắc Hải và Địa Trung Hải để dành cho Nhật rảnh tay tại Viễn Đông. Theo dự tính, Nhật chỉ còn phải đối phó với hạm đội Mỹ, chắc chắn là đáng sợ rồi, nhưng lúc đó đang bỏ neo ở xa và có vẻ kém huấn luyện đến nỗi Nhật có thể tính chuyện vô hiệu hoá được.


Hải quân Nhật được chuẩn bị tỉ mỉ cho viễn ảnh này trong thời gian 2 năm đầu tiên của chiến tranh Âu châu, và trong mùa hè năm 1941, khi cuộc tiến quân sấm sét của Đức tại Nga Sô cho phép hy vọng khối Trục chiến thắng trong một thời gian ngắn, thì cơ hội tỏ ra quá hẹp để Nhật Bản thực hiện mộng ước bành trướng của mình.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 02 Tháng Chín, 2009, 06:54:11 pm
Ngày nay hành động táo bạo chưa từng có ấy đã căn cứ trên những ước tính hoàn toàn sai lầm, nhưng không nên quên rằng vào thời đó, chúng được đa số chuyên gia Tây phương cùng thừa nhận và mặt khác, tính khí người Nhật lại hoàn toàn khác với chúng ta. Một vài giáo điều như Nhật Bản là vô địch, như tính cách thần thánh của nhân thân Thiên Hoàng đã đè rất nặng trên các quyết định có tính cách chiến lược và làm sai lạc tất cả các kế hoạch được thiết lập theo kiểu mẫu thuần thuý Tây phương.


Điều này đã khiến cho chúng tôi phải lưu ý độc giả cần chống lại khuynh hướng tự nhiên có thể cảm thức là phán xét kẻ khác theo tiêu chuẩn của mình. Trong những chuyện sắp được tường thuật sau đây mà các nhân vật phần lớn là Mỹ hay Nhật, thì cách phán xét như thế khả dĩ có thể chấp nhận được đối với hạng thứ nhất, nhưng đối với hạn ng thứ hai, thói quen ấy e rằng sẽ dẫn độc giả đến những kết luận thậm vô lý.


Người Mỹ có kiểu sống rất khác chúng ta, có thể nói là họ không có lịch sử và truyền thống của họ thì còn quá mới mẻ. Họ tiến hoá trong một xứ vô cùng rộng lớn và giàu có hơn xứ sở chúng ta với một dân tộc đông hơn chúng ta gấp năm lần. Tất cả những yếu tố đó đã có ảnh hưởng đến cách hành động và cách suy nghĩ, nhưng dầu sao họ cũng chính là người Tây phương, một thứ hậu duệ của người Âu châu và các phản ứng của họ về căn bản, cũng không khác chúng ta. Họ không ưa chiến tranh và chỉ đánh nhau khi không thể nào làm khác hơn, nhưng dòng máu của các chiến binh hung dữ của cuộc chiến tranh dành độc lập và của cuộc nội chiến chảy trong huyết quản của họ và có thể bị đánh thức mau lẹ. Một khi nhào vào cuộc ẩu đả, họ chơi hết sức mình. Cùng với lòng can đảm tự nhiên còn có thêm sự tức giận vì bị quấy rầy cuộc sống yên vui. Mạnh thế vì quyền chính đáng của mình, lúc ấy họ xông tới như một chiếc xe ủi đất mà không cần quan tâm đến xương máu lẫn sự mệt nhọc.


Do vậy, chúng ta sẽ không thấy sự khác biệt nơi tầm mức một chiến binh đơn thuần, mà chính là nơi các cấp lãnh đạo. Công luận đóng một vai trò rộng lớn tại Mỹ vì kiến trúc xã hội của xứ ấy. Ở tại mọi cấp bậc của hệ cấp cầm quyền, các lãnh tụ chính trị và cả quân sự cũng vậy đều bị bắt buộc lưu tâm đến công luận, và mối ưu tư bất di dịch này đè rất nặng lên các quyết định của họ. Dân chúng Mỹ vẫn luôn luôn lý tuởng một cách ngây thơ  và bằng mọi giá tìm cách hội nhập các lợi ích của mình vào các nguyên tắc luân lý. Chính vì vậy mà kể từ cuộc chiến tranh dành độc lập, một và danh từ như “chủ nghĩa cô lập hoá”, “chủ nghĩa giải thực và nền dân chủ” đã mang một ý nghĩa thần bí thật sự. Hơn thế nữa, dân Mỹ chống chủ nghĩa quân sự hoá từ trong căn bản. Nhất là trong thời kỳ giữa hai cuộc Thế chiến vì nhớ lại kỷ niệm nhọc nhẵn của chiến trường năm 1917 và vì người Âu châu có ý xấu không chịu trả nợ. Tuy thời ấy quân đội Mỹ không làm gì khác hơn là bay qua tiếp cứu sự chiến thắng, nhưng đối với nhân dân Mỹ, kinh nghiệm này cũng đã quá đủ. Toàn dân Mỹ đã thề là sẽ không tái diễn hành động ấy nữa.


Khi một cuộc chiến tranh mới lại bùng nổ tại Âu châu và các đồng mình cũ đã đến lúc tận số, Mỹ quốc không thể và không muốn tiếp cứu họ chút nào. Các nhà lãnh đạo của chúng ta chắc phải u mê một cách khó tin mới nuôi dưỡng ảo tưởng ấy trong một thời gian. Hơn một năm sau khi nước Pháp sụp, và mặc dầu kỹ nghệ vũ khí Mỹ đã đột khởi một bước tiến khổng lồ, Winston Churchill-tuy bị săn đuổi dữ-cũng không thể nào lôi kéo từ Tổng thống Roosevelt điều gì khác hơn là công thức: “ALL BUT WAR” (tất cả, trừ chiến tranh). Gần như chắc chắn rằng, nếu không có cuộc tấn công của Nhật vào Trân Châu Cảng, nước Mỹ sẽ còn giữ lâu dài công thức này vốn thoả mãn được đồng thời lý tưởng dân chủ lẫn sự thận trọng phát sinh từ chủ thuyết cô lập hoá.


Nếu Franklin D.Roosevelt đã có thể chế ngự được nền chính trị của xứ ông trong suốt cuộc chiến tranh ấy là vì ông đã nhân cách hoá mình đúng y như người Mỹ điển hình. Ông để ra một nửa thì giờ để dò dẫm dư luận và mở các cuộc tiếp xúc liên miên tại phòng khách hình trái soan trứ danh của toà Bạch Ốc mọi khuynh hướng chính trị và từ mọi tầng lớp xã hội.


Một vài quyết định chiến lược không áp đặt trên bình diện quân sự, có lẽ đã được hình thành tiếp theo sau những cuộc tham khảo rộng rãi mà một phần không khác gì các cuộc trưng cầu dân ý. Quyết định quan trọng nhất trong số đó, “Germany First” (Đức quốc trước đã), đã không được hình thành do ảnh hưởng thuyết phục của Winston Churchill. Mặc cho sự lăng nhục tại ttc, Mỹ quốc vẫn bị ám ảnh bởi bóng ma của sự tiêu diệt các nền dân chủ Âu châu, một sự tiêu diệt mà hậu quả là đưa kẻ thù Quốc Xã ở phía Đông đến quá gần bờ biển Hiệp chủng quốc hơn là các địch thủ da vàng ở phía tây nhiều. Mỹ quốc hy vọng tránh được một cuộc chiến thắng của Đức bằng cách cung cấp cho Anh quốc và Nga Sô bất kỳ bao nhiêu chiến cụ được đòi hỏi, nhưng khi các biến cố đã đẩy Mỹ quốc vào cuộc chiến tranh, xứ này lại bằng lòng ưu tiên khu trừ mối hiểm nguy này trước hết.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 02 Tháng Chín, 2009, 06:55:07 pm
Roosevelt lại càng có nhiều công đức hơn nếu tuân theo áp lực chính trị này, khi mà nhiều người trong số cố vấn quân sự của ông lại có ý kiến trái ngược lại. Đặc biệt là Hải quân, một binh chủng mà sự tiêu diệt hạm đội Thái Bình Dương đã làm ô nhục tận cùng của linh hồn, đã đòi hỏi bằng tất cả mọi quyền hạn rằng người ta phải cho mọi phương tiện để phục thù sự mạo phạm. Vốn là người từng nắm giữ ghế Bộ trưởng Hải quân rất lâu, Roosevelt yêu thích thuỷ quân và chiến hạm. Tham mưu trưởng nhân viên của ông Leahy, là một đô đốc. Chắc chắn là ông rất khổ tâm nếu biếm trích xuống hàng thứ yếu, công cuộc tái tạo hạm đội này, một hạm đội mà ông yêu mến nhất đời và sự tái lập ưu thế trên Thái Bình Dương mà cho đến lúc đó, vốn là một trong các trục chính thuộc chính sách của ông. Có lẽ chưa bao giờ ông phải lấy một quyết định đau đớn như vậy nếu không phải vì ông thấy nó đáp ứng đúng với ý nguyện sâu xa của đồng bào.


Độc giả có lẽ sẽ phán đoán rằng dưới ánh sáng của các biến cố mà chúng tôi sẽ kể lại, thì quyết định này không hoàn toàn vững chắc hay ít ra nó cũng không chấp nhận một vài biện pháp tạm thời. Chúng ta hãy nhắc lại rằng vạch các lỗi lầm của một người đánh bài khi ta đứng ngoài nhìn vào thì bao giờ cũng là việc dễ dàng cả. Chúng ta đành nói rằng, dù tốt hay xấu, giải pháp “Germany First” đã tạo ra một sự vận hành đứt đoạn cho công cuộc điều khiển các cuộc hành quân trên Thái Bình Dương. Chúng ta sẽ cố gắng lưu tâm đến những biến cố phức tạp để giải thích những sự do dự và chậm trễ đánh dấu diễn tiến của cuộc chiến.


Trong cuộc tiến quân của Nhật tháng 12 năm 1941, Hải quân Mỹ đã chịu những thất bại não lòng. Tại Trân Châu Cảng, hạm đội Thái Bình Dương của Đô Đốc Kimmel đã mất gần như toàn diện các thiết giáp hạm của mình. Tại Phi Luật Tân, hạm đội Á chấu của Đô Đốc Hart đã phải chạy trốn mãi tận Úc châu. “Chỉ có đạo quân của Tướng Douglas Mac-Arthur gồm có 80.000 binh sĩ Phi Luật Tân và 28.000 quân Mỹ là còn cố chống cự lại quân xâm lăng bằng cách rút lui về bán đảo Bataan, phía bắc Vịnh Manile. Ông tướng vẫn ở lại lãnh đạo binh sĩ vừa kêu ca om sòm-giống y như Paul Reynaud năm 1940-xin quân tăng viện mà Tổng thống Mỹ không có phương tiện lẫn không muốn gửi cho ông. Mac Arthur lại càng tức tối hơn vì sự bỏ rơi này khi ông là Tổng tư lệnh của quân đội xứ Liên hiệp Phi Luật Tân từ nhiều năm qua và khi mà sự tái hội nhập vào quân đội Mỹ của ông chỉ mới được có vài tháng. Từ sự kiện này, ông được quyền tự trị rộng rãi và đã không quên sử dụng quyền hạn ấy. Điên tiết vì sự từ chối các yêu cầu giúp đỡ của ông, ông bèn liều cho đến mức khuyến khích Tổng thống Quenzon, người lãnh đạo chính quyền Phi Luật Tân, doạ Roosevelt là sẽ thương thuyết với người Nhật vốn sẵn sàng dâng hiến cho ông ta “sự tôn trọng nền trung lập của xứ sở ông”. Chắc Roosevelt không bao giờ tha thứ cho ông hành động điên rồ này và sự bất hoà này giữa hai người đã gây ra biết bao là hậu quả đáng buồn.


Tuy vậy, gương anh hùng mà ông Tướng đã chứng tỏ bằng cách ở lại với binh sĩ tại Bataan đã mang lại cho ông một kết quả lớn lao tiếng tăm vang dội trong dân chúng tại Hoa Kỳ. Đó là lý do khiến cho tên ông không bị ghi bên cạnh tên Kimmel và Hart trên danh sách các con vật bị tế thần bị hy sinh để làm dịu công luận sau vụ Trân Châu Cảng. Trái lại ông thấy mình được giao cho quyền chỉ huy mặt trận tây nam Thái Bình Dương, được đặt ngay tại Úc sau khi cơ cấu quân sự Đồng minh tại Viễn Đông bị sụp đổ. Người Úc đón nhận sự chỉ định này với lòng biết ơn vì xứ sở của họ bị trực tiếp đe doạ, nhưng sự chỉ định ấy lại bị dị nghị gay gắt tại Bộ Tư lệnh tối cao Mỹ, đặc biệt là Đô đốc King. Tư lệnh các cuộc hành quân biển, đang đảm nhận trọng trách mặt trận Thái Bình Dương, Đô đốc đã cho rằng phạm vi hoạt động của ông bị định giới một cách độc đoán và tình trạng chỉ huy song hành phát sinh ra từ sự chỉ định này chỉ có thể đưa lại những bất hoà vô ích.


Chúng đã xảy ra không ít. Khi mối đe doạ nhắm vào Úc chấu đã qua, Mac Arthur tự ý bước ra khỏi vai trò vị cứu tinh mà ông được giao cho trên lục địa xa xôi này và toan tính áp đặt các kế hoạch về một cuộc phản công mai hậu do ông soạn thảo. Ông đã cáo biệt đạo quân Phi Luật Tân của mình bằng cách nói “Tôi sẽ trở lại!” và muốn giữ lời hứa ấy bằng mọi giá. Mục tiêu này chiếm vị trí ưu tiên trong tâm trí ông trước tất thảy mọi nhận định chiến lược khác và ông đã sử dụng mọi nguồn tài năng để bênh vực cho quan điểm của mình.


Chiến trường Thái Bình Dương chủ yếu là thuộc Hải quân, chính Hải quân Mỹ phải chịu trách nhiệm chống trả hải quân Nhật và đảm bảo các điểm tựa cần thiết để chiến đấu với hạm đội địch một cách hữu hiệu. Vị Tư lệnh Hải quân thật khó mà chịu đựng nổi một chức quyền từ bên ngoài lại xía vào việc thiết lập các kế hoạch hành quân của mình.


Sau này ta sẽ thấy sự xung đột quyền uy này đạt đến mức độ tệ hại nào. Tại đây chỉ cần nói rằng trong lịch sử, ít khi người ta thấy những ưa thích cá nhân của một ông Tướng lại đóng một vai trò quan trọng như thế trong diễn tiến của các cuộc hành quân.
Cứ bằng vào tinh thần tôn trọng kỷ luật một cách vô điều kiện của người Nhật, chắc chắn ta sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng những mối bất hoà tương tự cũng đã xảy ra trong guồng máy chiến tranh đáng sợ của họ mặc dầu guồng máy ấy đã được cho chạy thử kỹ càng. Tất nhiên là các mối bất hoà ấy thể hiện một cách bí mật hơn, nhưng chúng đã tồn tại trong suốt thời gian cuộc chiến.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 02 Tháng Chín, 2009, 06:55:49 pm
Mối tương đồng này có lẽ đã phát sinh từ sự tương tự của các khu vực địa lý do các phe đối nghịch chiếm đóng, sự tương tự dẫn đến cách phân địch khu vực gần như đối xứng với nhau. Cùng nguyên nhân tất sinh cùng hậu quả. Lục quân Nhật kiểm soát các đảo lớn vùng tây nam Thái Bình Dương nhờ quân số lớn lao của lực lượng chiếm đóng, hải quân thì phụ trách tất thảy các quần đảo nhỏ phía đông và đông nam. Không có một Bộ Tư lệnh duy nhất và sự phối hợp được thực hiện ở cấp bậc Tổng hành Dinh Hoàng gia.


Dưới sự lãnh đạo theo danh nghĩa của Thiên Hoàng, Tổng hành Dinh này là cơ cấu chủ yếu cả Bộ Tổng tư lệnh tối cao của lục quân. Các Tổng trưởng Chiến tranh và Bộ trưởng Hải quân được tham dự vào cơ cấu này cũng như các tham mưu trưởng thuộc các bộ Tổng tham mưu binh chủng. Các cơ quan tối yếu cũng có đại diện trong đó. Vậy thì kiến trúc có tính cách quân bình. Các cuộc thảo luận xảy ra giữa binh chủng được thể hiện hoàn toàn bình đẳng và nếu có tranh chấp xảy ra, Thiên Hoàng và các cố vấn của ông có mặt tại chỗ để giải quyết.


Rủi thay, các biến cố chính trị, ngay từ trước khi chiến tranh với Mỹ bùng nổ, đã đưa vào chính quyền một tướng lĩnh hiếu chiến. Tướng Tojo, người mặc dầu đã trở thành Thủ tướng nhưng vẫn kiêm giữ chức Tổng trưởng Chiến tranh và Nội vụ. Cùng lúc ông là người lãnh đạo quân đội và thêm vào đó, lãnh đạo chính phủ. Do đó ông có uy quyền tuyệt đối trên các thành phần cấu tạo Tổng hành Dinh. Và vì ông quyết tâm nắm quyền chỉ huy Quân lực, một quân lực vào thời đó hội nhập vào đời sống của xứ sở đến mức trở thành một chính đảng mạnh nhất, cho nên ông bắt buộc phải hy sinh tất cả cho Quân lực. Hải quân đã lên án ông “đưa xứ sở vào chỗ bị sa lầy trong vụ Trung Hoa” và hiểu biết sai lầm “tính cách hải và không quân trong cuộc chiến tranh chống Mỹ”. Những sự bất đồng quan điểm này tồn tại trong khắp các bộ phủ. Về phía Hải quân, các Đô đốc lên án vị Bộ trưởng của mình đã không chịu đương đầu với Tojo khi ông ta cắt xén ngân sách của Hải quân và từ chối không cấp nhiên liệu cho Hải quân.


Bên cạnh các lời than phiền của Hải quân, còn có thêm lời than phiền của Không quân với cũng như tại Hoa Kỳ, chưa được tự trị và luôn luôn là đơn vị bị bạc đãi nhất.

Tuy nhiên tại Nhật, ngay từ trước chiến tranh, nhân cách sung mãn nổi bật của Tướng Tojo đã được cân bằng bởi nhân cách kín đáo hơn, nhưng chói sáng hơn nhiều, của Đô đốc Isoroku Yamamoto, Tổng tư lệnh Hạm đội liên hợp (Danh hiệu này có từ năm 1904 trong trận chiến chống Nga và có nghĩa là vị Tư lệnh hạm đội cũng có thẩm quyền đối với các thành phần bộ chiến và không quân cần thiết cho cuộc hành quân). Kể từ thời cuộc chiến tranh Nga-Nhật, thời mà vị tiền bối xa xưa của ông, Đô đốc Togo (Đông Điều), đem về các chiến công vang dội, chức vụ Tư lệnh Hạm đội Nhật Bản luôn luôn được giao cho một nhân vật hàng đầu, vượt hẳn khung cảnh binh chủng Hải quân. Năm 1938, Thiên Hoàng chọn lựa Đô đốc Isoroku Yamamoto, một nhân vật mà trí nhớ kỳ dị và trí thông minh bén nhọn đã được hậu thuẫn bởi một cá tính sống động đặc biệt.


Vốn là Tuỳ viên Hải quân tại Hoa Thịnh Đốn, Yamamoto hiểu quá rõ tâm trạng người Mỹ và theo đó phán đoán được hiệu năng của Hạm đội Thái Bình Dương. Ông đã chỉ huy Trường Không quân của binh chủng Hải quân và nhân dịp đó, lấy bằng phi công. Những kinh nghiệm liên tục đã khiến ông tin tưởng vào tầm quan trọng quyết định của Không quân trong các trận hải chiến và ít người xứng đáng hơn ông để mang ý tưởng này-lúc ấy có tính cách rất cách mạng-ra cải hoá một nhân vật có thế lực nhất của Hải quân và trong giới chính trị.


Kiến giải có tính cách tiên tri này đã được nhiều thành quả vang lừng chứng thực, tiếng tăm trong dân chúng đã cho phép ông đương đầu với Tojo. Ông là bậc thầy thật sự của chiến lược Nhật trong năm đầu tiên của cuộc chiến, và cái chết của ông, tháng 4 năm 1943 đã ảnh hưởng trầm trọng đến sự tiếp diễn các biến cố.


Nếu ông còn sống lâu hơn, tất nhiên Nhật Bản cũng không thể chiến thắng được rồi, nhưng nỗi thống khổ ê chề sẽ được thu ngắn nhiều hơn. Tất cả mọi kế hoạch tấn công của Yamamoto đều căn cứ trên định đề một chiến thắng chớp nhoáng. Ông biết rằng tài nguyên kỹ nghệt yếu kém không cho phép Nhật Bản theo đuổi một cuộc chiến tranh lâu dài. Khi các chiến thắng của Đồng minh tại Âu châu đã triệt tiêu một viễn ảnh hoà bình sắp đến, ông đã dùng ảnh hưởng của mình để bắt Tổng hành Dinh Hoàng gia chấp nhận sự cần thiết phải tính đến một giải pháp điều đình. Tojo đã vùng dậy chống đối ý tưởng này với nhiệt tâm cuối cùng và cái chết của đô đốc đã chấm dứt cuộc tranh luận. Không một người nào kế vị ông có đủ sức mạnh của cá tính và uy tín cần thiết để cân bằng uy thế toàn năng của ông Thủ tướng và chiến tranh phải tiếp diễn khốc liệt mà không một cơ may thành công nào cả. Sự phát triển kinh khủng của công cuộc sản xuất vũ khí của Hoa Kỳ quả thật đã làm gãy đổ thế quân bình tạm bợ trên Thái Bình Dương, và một thời kỳ xả hơi đột ngột đã làm lệch cán cân có lợi cho Mỹ. Bằng vào tình trạng căng thẳng giữa các lực lượng đối nghịch ngày càng diễn tiến mau lẹ, rõ ràng là hồi chung cục của cuộc chiến không còn bao xa nữa. Tuy nhiên nếu nó còn trì hoãn thêm được một năm nữa, ấy là vì quân đội và nhân dân Nhật Bản đã chứng tỏ một khả năng đề kháng tập thể vô tiền khoáng hậu trong lịch sử. Nhưng chúng ta khoan nói trước. Câu chuyện về các hành động uy dũng ấy sẽ đến lúc. Trước khi phân tách các yếu tố tâm lý khiến cho cuộc đề kháng dũng cảm ấy thể hiện được chúng tôi sẽ đề cập đến các dữ kiện địa dư tối yếu cho sự hiểu biết các biến cố, để soi sáng độc giả.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 02 Tháng Chín, 2009, 06:56:55 pm
Nếu cách sống và cách suy nghĩ đã làm cho người Nhật và người Mỹ khác nhau một trời một vực, thì xứ sở của họ lại cách nhau bởi một đại dương rộng lớn nhất hoàn cầu: 9.000 cây số trên một mặt biển tuyệt đối trống trải giữa Tokyo và San Francisco, hơn 6.000 cây số giữa Oahu, đảo căn cứ xa nhất của Hải quân Mỹ, và Nội hải, nơi tập tập trung các căn cứ hải quân chính yếu của Nhật. Trước chiến tranh, người Mỹ nắm quyền sở hữu các đảo Wake và Guam và chiếm đóng trong thực tế quần đảo Phi Luật Tân trên Thái Bình Dương, nhưng vì các điểm tựa ấy được phòng thủ rất kém cỏi cho nên chúng bị quét sạch ngay từ khi cuộc chiến mở màn như cọng rơm trong cơn bão tố. “Vũ trụ đồng thịnh vượng của Đại Á chấu” đã được thiết lập vững chắc từ đầu năm 1942, đảm bảo cho Nhật Bản quyền kiểm soát một vùng mênh mông, rải rác vô số đảo nhỏ, với một bán kính trung bình 5.000 cây số chung quanh Tokyo.


Để có một ý niệm về sự táo bạo của kế hoạch chinh phục của Nhật và điều kiện đồng thời thực hiện có tính cách bó buộc, từng giây phút, chúng ta cần chú ý rằng các hàng không mẫu hạm tham dự cuộc tấn công Trân Châu Cảng phải mất 11 ngày mới đến chiến trường, phải mất 8 ngày để lực lượng chính yếu của hạm đội lúc ấy đang còn ở Nhật chờ kết quả cuộc oanh tạc, để tập trung đến căn cứ tiền phương Palau (quần đảo Carolines) và 10 ngày khác để đến Java đánh vài chiến hạm của Đồng minh đang tập họp tại đó.


Một khi “chu vi” được đảm bảo, công cuộc tiếp tế bằng tàu chở hàng cho các đạo binh Nhật trên các đảo xa nhất (Mã Lai, Sumatra, Java, quần đảo Bismarck) đòi hỏi tối thiểu mười hai ngày hành quân.


Tình trạng các chiến hạm Mỹ được giao cho sứ mạng ngăn chặn mũi tiến quân Nhật Bản lại càng khẩn trương hơn. Khi mối đe doạ nhắm vào Nam Dương đã được xác định, người Mỹ hấp tấp gửi đến Java chiếc mẫu hạm cũ kỹ Langley chở phi công P-38 để che chở cho không phận đảo này. Chiếc chiến hạm cơ khổ ấy đã phải mất đúng bốn mươi ngày để băng qua đại dương: nó bị phi cơ trên các mẫu hạm Nhật đánh chìm trước khi đến đích. Khi đạt được tất cả các mục tiêu, người Nhật dừng lại để củng cố vòng đai chu vi, người Mỹ phải tiếp tế cho những gì còn lại của lực lượng Không, Hải, Lục quân được rút về Úc châu và Tân Calédonie. Một tàu hàng phải mất 23 ngày để đi từ San Francisco đến Sydney. Các chuyến tiếp tế đi và về kể cả thời gian ghé vào những hải cảng thiếu thốn những trang bị bốc giỡ, đòi hỏi hơn hai tháng trời. Rriêng đối với một vài chiến hạm chạy nhanh hơn còn ở trong tay người Mỹ (hàng không mẫu hạm và tuần dương hạm) thì chúng phải mất 5 ngày mới đi được từ Trân Châu Cảng đến Nouméa.


Mặc dầu các con số trên đây rất khô khan nhưng rất cần ghi vào trí nhớ. Chúng giúp ta hiểu một vài quái trạng bề ngoài của sự điều khiển các cuộc hành quân và sự khó khăn-nếu không phải là vô phương-trong việc thay đổi một khi chúng đã được khởi động rồi.


Vì các khoảng cách vĩ đại đó, vấn đề bảo trì chiến hạm và sửa chữa các chiếc bị hư trong trận đánh đã đặt ra cho hai bên tham chiến một cách mãnh liệt. Trước chiến tranh rất lâu, người Nhật đã tổ chức các căn cứ sửa chữa lưu động trên các đảo làm điểm tựa. Họ đã chú tâm thiết lập phía Tây và phía Đông quần đảo Carolines các căn cứ Palau và Truck. Phần người Mỹ thì chẳng có gì cả. Sự tổ chức các căn cứ bất chợt chung quanh 40.000 hải lý của vòng đai chu vi phòng thủ Nhật Bản, đối với họ là cả một công việc nặng nhọc. Đô đốc King, Tư lệnh các cuộc hành quân biển đã viết trong một phúc trình: ”Trong tất cả các yếu tố của sức mạnh quân sự, chính sự thiếu hụt căn cứ là yếu điểm lớn nhất của Hoa Kỳ. Chiến tranh trên Thái Bình Dương là một trận đánh dành căn cứ”. Ông ta có thể thêm rằng đó cũng là một trận đánh dành phi trường, bởi vì các đảo nhỏ trong Thái Bình Dương, các “hàng không mẫu hạm không bao giờ bị đánh chìm” ấy đã giữ một vai trò ngang với, nếu không hơn, vai trò các hạm đội chiến đấu.


Vấn đề căn cứ xuất phát của Không quân trên bộ, ngay từ đầu, đã được đặt ra một cách cấp bách vì khoảng cách và tầm hoạt động của phi cơ thời đó. Các trận chiến đấu đầu tiên tại quần đảo Salomon đã được tung ra và theo đuổi với tất cả khốc liệt là để chiếm hữu các phi đạo sơ sài được đôi bên tham chiến sửa soạn hấp tấp. Tình trạng cũng tương tự như thế trong suốt cuộc chiến và vài cuộc hành quân đổ bộ cực kỳ đắt giá về người cũng như vật liệu như tại quần đảo Marianne năm 1944 cũng không nhằm mục tiêu nào khác hơn là cung ứng các căn cứ xuất phát cho những siêu pháo đài bay của Mỹ. Cuộc chinh phục đẫm máu đảo Iwo Jima bị bắt buộc bởi sự cần thiết phải thay phiên các khu trục cơ hộ tống vốn không đủ sức chu toàn sứ mạng từ đầu đến cuối. Các oanh tạc cơ B-29 Enola-Gay cất cánh từ Tinian (quần đảo Mariannes) để ném bom nguyên tử xuống Hiroshima đã được hộ tống trên chặng đường thứ hai bởi các khu trục cơ cất cánh từ Iwo Jima.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 02 Tháng Chín, 2009, 06:57:38 pm
Sự phân cách ngay từ đầu giữa các căn cứ và các phi trường đã gây trở ngại lớn cho hạm đội Mỹ, nhưng loại chiến cụ bị gây khó nhiều nhất là hạm đội tàu ngầm. Trong các cuộc đổ bộ lên Phi Luật Tân, Mã Lai và thuộc địa Hà Lan tại Ấn, hạm đội xâm lăng Nhật phô bày cho các tàu ngầm Mỹ những tấm bia cực kỳ dày đặc và dễ dàng. Thế nhưng, mặc dầu tiếp theo sau một phản ứng tuyệt đối bất ngờ, Tổng thống Roosevelt đã cho phép “một cuộc chiến tranh tàu ngầm không hạn chế” (điều mà cả Hitler cũng chưa dám làm), hạm đội tàu ngầm Hoa Kỳ cũng chỉ đánh chìm được chừng 10 dương vận hạm địch. Con số không đáng kể này bên cạnh thành tích của tàu ngầm Đức đã chứng tỏ tỏ “có cái gì không nổn nơi các quả thuỷ lôi”. Sự xa cách với căn cứ mẹ tại Mare Island trong vịnh San Francisco đã ngăn cản việc sửa chữa “cái gì” đó. Các phúc trình của những hạm trưởng tàu ngầm chỉ nhận được các câu trả lời diên kỳ. Các nhân viên đã đổ lỗi cho những người sử dụng tàu ngầm và ngược lại. Nhiều sự bổ khuyết lẽ ra chỉ cần vài tuần lễ là xong lại phải mất hàng năm mới thực hiện nổi. Hậu quả của tình trạng rắc rối tơ vò này là Bộ Tư lệnh Tối cao Mỹ-vốn đang có những bận tâm khác trong đầu-rốt cuộc tin tưởng và không ra sức khẩn nài tổ chức một cuộc hành quân ăn khớp dưới mặt biển để chống lại một địch thủ ở trên các đảo mà tất cả hệ thống thần kinh cũng như bộ máy tuần hoàn vẫn lệ thuộc vào biển cả.


Cũng có thể là bộ tư lệnh đã không muốn việc đó. Đã khuất phục Nhật Bản bằng cách dùng tàu ngầm phong toả bờ biển, Bộ Tư lệnh phải biết làm phép tính lạnh lùng của người chỉ huy hạm đội tàu ngầm U-Boote của Đức Quốc, chấp nhận mất 20 tàu ngầm mỗi tháng nếu các công xưởng cung cấp được cho ông ta 30 chiếc. Một phép tính như thế rõ là không thể nào thích nghi được với tâm trạng của vị Đô Dốc thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.


Tại Nhật, trái lại, nó không nêu lên một sự chống đối nào. Các tàu ngầm bỏ túi, do lời thỉnh nguyện khẩn bách của các hải đoàn đã được phái đi tấn công Trân Châu Cảng mà không có một hy vọng gì trở về, là một bằng chứng. Ta có thể trích dẫn nhiều ví dụ tương tự khác. Nếu các Đô Đốc Nhật tin tưởng có thể mang chiến thắng tức thời về bằng cách hy sinh các đoàn thuỷ thủ như vậy thì họ làm ngay, không do dự. Một sự hy sinh như vậy rất phù hợp với luật Bushido, bộ luật danh dự quân đội của Nhật vốn qui định rằng chết cho Thiên Hoàng là một “nghĩa vụ vinh quang và dễ dàng”. Nếu họ không làm, chỉ vì chiến tranh tàu ngầm không tương hợp với định đề một chiến thắng chớp nhoáng. Đừng nên quên rằng đó cũng là một giáo điều căn bản, song song với giáo điều về sức mạnh vô địch của Nhật Bản. Sự kiện nó có thể điều khiển chiều hướng các cuộc hành quân theo điểm này và tồn tại cho đến phút chót ngày nay vẫn còn là một bí mật đối với tinh thần tây phương chúng ta.


Nếu muốn hiểu nguyên nhân sâu xa các hiện tượng đánh dấu phong thái của người Nhật trong suốt quá trình chiến đấu vĩ đại của họ, chúng ta phải cố gắng xuyên nhập vào tánh khí của họ, hay hơn nữa, và sự bí mật tâm hồn của họ. Một nhiệm vụ khó khăn vì thiếu dữ kiện, bởi vì họ rất ít bộc lộ và cả những người Âu hoá nhiều nhấy trong số đó cũng dành cho người tây phương chúng ta một sự e dè khinh miệt. Chúng tôi không giấu giếm những thiếu sót trầm trọng liên hệ đến bức chân dung mà chúng tôi sắp vẽ nhưng thà nói lên đôi chút những điều mình biết còn hơn là chẳng nói gì. Sự yếu kém của kết quả gặt hái được ít ra cũng cho ta một ý niệm về tầm rộng lớn của sự dốt nát của chúng.


Người Nhật là một mẫu người nhỏ bé bình tĩnh và đầy suy tư, có một truyền thống giữ lễ độ mà sự tinh tế giống như của chúng ta, và lời nói cũng như văn viết đều chìm ngập trong một niềm xúc động nên thơ liên tục. Họ có ý thức là được ở trên một xứ sở đẹp nhấy hoàn vũ và đã thiết lập trên đó một trật tự xã hội hoà điệu nhất. Phong cảnh bao quanh mái nhà, mảnh vườn, hoa cỏ, tập quán cả họ khiến cho đời sống gia đình trở nên như ở thiên đàng mà họ không ngừng dùng công việc và tài năng khéo léo để to đắp thêm mãi. Đối với mảnh đất nơi sinh ra đời, đặt dưới sự che chở thần thánh của Thiên Hoàng, Tổng tư lệnh quân đội, họ có một niềm say mê phấn khích đến mức độ thần thánh hoá. Không bao giờ họ quan niệm được rằng người ta lại có thể dám tranh luận điều đó với họ. Họ càng không quan niệm được rằng có một dân tộc nào đó lại có thể toan tính chống đối sự bành trướng lãnh thổ tối cần thiết cho dân tộc tăng gia không ngừng của họ. Họ đau khổ vì cảm nghĩ bị giam cầm vĩnh viễn trên mấy hòn đảo chật hẹp, và họ không chấp nhận rằng các nông dân, anh em của họ, những người có sức chịu đựng dẻo dai và đức tính bình dị điển hình lại bị mai một đi vì những nỗ lực vô vọng. Những cảm nghĩ nổi loạn đột ngột khi tình thế ấy trầm trọng thêm, lại càng dữ dội hơn, khi mà bộ luật tinh tế về sự lễ độ đã cấm họ bộc lộ ra bên ngoài. Hiếm khi họ nói lên điều đó với các chính khách hay chính phủ của họ, mà thường với người ngoại quốc hay đúng hơn những người da trắng mà họ cảm thấy đầy ích kỷ, ngu dốt và cố chấp. Niềm say mê của họ dành cho Tổ quốc đã lên đến cực điểm, khi họ xét thấy nó bị áp bức, đến nỗi sự tinh tế đầy tính chất nghệ thuật, và sự tử tế gần như của trẻ thơ vốn chi phối phong thái của họ đột nhiên tiêu tán để nhường chỗ cho một sự giận dữ và tàn bạo đến phi nhân. Đấy là một thứ hiện tượng thăng hoa (khoảng cách không tiếp chuyển giữa hai cực đoan) rất lạ lùng bối rối đối với người Tây phương.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 02 Tháng Chín, 2009, 06:58:22 pm
Một khi bị niềm tức giận thiêng liêng khích động, người Nhật càng trở thành một chiến binh dễ sợ hơn khi chiếm được một chỗ được chỉ định từ lúc còn bé trong tổ chức Quân đội Hoàng gia tuyệt vời, thừa kế các truyền thống cổ xưa, và một chỗ được dành riêng cho mình trong cõi vô mình, bên cạnh tiền nhân và các đấng anh hùng bảo vệ Tổ quốc. Vậy thì người Nhật là một hạng người sinh ra đã là lính rồi, và vẫn còn là lính ngay cả khi qua bên kia thế giới. Họ sẵn sàng hy sinh cho Thiên Hoàng, biểu tượng thần thánh của dân tộc, bất kỳ trong trường hợp nào và không hề có một chút do dự nào cả.


Sự đồng nhất hoá có tính cách bí ẩn giữa tổ quốc và cá nhân Hoàng đế có vẻ quá xưa cũ đối với tâm trí người tây phương vốn khó mà tưởng tượng được rằng nó lại có thể tồn tại trong một dân tộc tiến hoá đến như vậy về mặt trí thức. Tuy vậy nó đã bén rễ sâu xa trong lòng người Nhật thuộc tất cả mọi giai tầng xã hội. Để có một ý tưởng về vấn đề này chúng ta hãy trích dẫn trước câu chuyện sau đây, chuyện xảy ra sau cuộc không tập trứ danh xuống Tokyo của Tướng Mỹ, Doolittle. Trong cuộc oanh tạc ngoạn mục nhưng chẳng có lợi ích quân sự nào nơi đây, một quả bom đã rơi trúng khu vườn thuộc Hoàng cung mà không nổ. Vị tướng lãnh Nhật chỉ huy hệ thống phối hợp lập tức xin Tổng hành dinh cho phép tự mổ bụng, vì không thể chịu đựng nổi sự hổ thẹn đã để xảy ra một sự xúc phạm như thế vào sự tôn quí của Hoàng gia. Ông đã không được phép vì người ta e rằng một hành động như thế có thể kéo theo một phản ứng đồng loạt… Vị tướng lãnh kiên nhẫn chờ cho đến lúc chiến tranh kết liễu để mang dự định của mình ra thực hiện.


Đối với chúng ta, ý định tự sát này có vẻ lố lăng, nhất là khi do một lỗi lầm tưởng tượng và do sự sám hối tưởng tượng, thì đối với một sĩ quan Nhật lại là một viễn tưởng tuyệt đối bình thường. Bộ luật danh dự quân đội, luật Bashido trứ danh, vẫn luôn luôn lấy đó làm trọng. Đây là sự trừng phạt một vài sự kiện một vài lỗi lầm, hay sự tham dự dầu cho không cố ý vào các biến cố xâu xa. Trong những điều kiện đó, tự nhiên người chiến binh Nhật chấp nhận không than vãn những sứ mệnh tự sát và tự nhiên là Bộ Tư lệnh tối cao đã nghĩ đến việc tổng quát hoá sự sử dụng khi cảm thấy cần thiết.


Một tổ chức quân sự căn cứ trên những hiệu lệnh quyết liệt như thế, bắt buộc phải có tính cách cứng rắn. Quân đội Nhật được tổ chức thuần nhất. Trong đó sáng kiến gần như không được biết tới ngoại trừ ở cấp bậc tối cao. Các mệnh lệnh ban đầu luôn luôn được thiết lập trước từ lâu và ấn định các sứ mạng trong từng chi tiết nhỏ. Vả lại ngôn ngữ phức tạp và không chính xác của Nhật không sẵn sàng để giúp thay đổi mệnh lệnh lúc chúng đang được thi hành. Trong các câu chuyện sắp được thuật lại sau đây, ta sẽ thấy Bộ Tư lệnh Nhật vẫn khăng khăng cứng đầu trong những cuộc hành quân vô vọng, lý do là vì họ không thể nào hướng thuộc viên các cấp theo một đường lối khác. Một vài sự thất bại mà chúng ta hay có khuynh hướng quy trách nhiệm cho những lầm lỗi chiến thuật, thật ra là hậu quả của sự bất lực căn bản này. Một Tư lệnh Hạm đội hay Tư lệnh Không đoàn chỉ thấy mình ở trong vị thế của một tài công đầu máy xe lửa trông thấy dấu hiệu và nghe tiếng pháo báo động nhưng không còn có phương tiện nào nữa để đảo ngược hơi nước được nữa.


Đổi lại, so với tất thảy mọi quân đội khác trên thế giới, quân đội Nhật Bản có một ưu thế không thể chối cãi được: giá trị tinh thần của người chiến binh. Thái độ tàn khốc của người binh sĩ Nhật trên chiến trường thật khác xa với thái độ của binh sĩ thuộc các dân tộc khác. Sự tận tuỵ, tinh thần tôn trọng kỷ luật, sự bình dị, sự chấp nhận vô điều kiện mọi thử thách khổ nhọc nhất về phương diện thể chất của anh ta, cũng khác biệt như vậy. Với một chén cơm, một ít rượu Sake và một phần nước uống không đáng kể, anh ta có thể sống và chiến đấu trong nhiều tháng không nghỉ ngơi và gần như không ngủ. Anh ta đề kháng một cách đáng ngưỡng mộ với thời tiết khắt khe dù cho đó là cái lạnh hay sức nóng kinh hồn. Anh ta chiến đấu xuất chúng trong rừng rậm, di chuyển như con mèo trong rừng cây dày đặc nhất mà không gây một tiếng động nhỏ và có khả năng ngồi chồm hỗm trong thế bất động tuyệt đối hàng giờ để rồi đột ngột xuất hiện như ma quỷ khi thời cơ thuận lợi. Tính lãnh đạm di truyền được triển khai rất mạnh mẽ do một công cuộc huấn luyện liên tục giúp anh ta không bao giờ chùn tay phạm vào điều mà ta gọi là sự tàn ác.


Có lẽ đấy là một trong những khía cạnh đặc thù nhất của công cuộc đào tạo về mặt quân sự của Nhật. Trong tất cả các quân đội trên thế giới, những người chuyên đi đổ thùng, quét dọn chiến hào, cảm tử đặc biệt, đều được lựa chọn cẩn thận và chịu một công cuộc huấn luyện hà khắc. Hiếm khi họ được sử dụng vào các nhiệm vụ khác. Tại Nhật Bản, bất cứ viên Thiếu uý nào cũng có thể buộc phải chỉ huy một nhóm hạ sĩ quan để thi hành một công việc tàn sát, tận diệt.


Mới đây tôi có cơ hội rất đặc biệt được gặp một ông Trung tá tuỳ viên quân sự tại một toà đại sứ Nhật ở ngoại quốc mà ngày xưa đã từng tham dự các cuộc hành quân loại này trong vùng rừng rậm tại Bornéo. Đó là một chàng trai cao nhã, dễ thương một người mà khi mặc quân phục vào, trông giống như một kẻ đầu tiên nhận thánh thể. Ông nói tiếng Pháp rất giỏi khiến cho sự trao đổi kỷ niệm giữa chúng tôi dễ dàng hơn nhiều. Chắc chắn tôi đã gây được niềm tin nơi ông nhờ các cố gắng tìm hiểu thành thật của tôi.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 02 Tháng Chín, 2009, 06:59:17 pm
Vì rất băn khoăn khi được nghe nói nhiều lần đến công cuộc huấn luyện sử dụng kiếm mà các cấp chỉ huy Nhật quan niệm là hết sức quan trọng, tôi hỏi ông về điểm này. Lúc đó còn lâu tôi mới nghĩ rằng chính ông ta cũng đã sử dụng kiểu chiến đấu xưa cũ ấy trong thời kỳ chiến tranh. Tôi hy vọng ông sẽ tha thứ cho tôi nếu một ngày nào đó những dòng này xuất hiện dưới mắt ông vì đã viết lại câu chuyện của ông gần như nguyên văn.


“Mùa Xuân năm 1944 tại Bornéo, ông nói, tôi là một thiếu uý thuộc một sư đoàn vừa nhận được lệnh rút về các cơ sở lọc dầu ở Balikpapan và chống giữ đến cùng, vì đã không thể nào một mình đẩy lui một quân đoàn có xe lội nước của Úc đông đến 30.000 người. Đạo quân đóng tại Balikpapan chỉ gồm có 3 hay 4 ngàn người, tất cả gần như là chuyên viên kỹ thuật trù bị, không hề được huấn luyện như bộ binh. Bộ chỉ huy quyết định thành lập, với phần còn lại của sư đoàn của tôi, một số cảm tử quân và các toán phá hoại có nhiệm vụ vượt qua phòng tuyến địch để thực hiện các cuộc đột kích quấy rối hậu tuyến địch. Mục đích là làm giảm tinh thần chiến đấu của quân Úc, vốn đã bị đập mạnh khi thiết lập đầu cầu và bị thử thách tàn bạo vì khí hậu ác nghiệt đang ngự trị trên đảo Bornéo vào đầu mùa mưa lũ. Vì lực lượng của chúng tôi quá chênh lệch, các cuộc đột kích này là phương cách độc nhất của chúng tôi nhằm trì hoãn cuộc tấn công cho đến khi đoàn quân tăng viện giả định của chúng tôi đến tăng cường”.


Vì không thấy mối tương quan giữa lời giáo đầu này và vụ đánh gươm, tôi nhìn ông với vẻ dò hỏi.

“Công cuộc huấn luyện đánh gươm, ông nói tiếp, trong quân đội chúng tôi là một truyền thống xưa cũ. Các thanh gươm đều thuộc sở hữu của trung đoàn, ngoại trừ gươm của sĩ quan. Chúng chỉ được cấp phát cho hạ sĩ quan trong các cuộc hành quân nhất định, và phải được thu hồi lại bằng mọi giá, bất chấp mọi hiểm nguy. Chúng không dài lắm, hơi cong và được chế bằng thứ thép tốt nhất thế giới. Chúng là vật được dành cho một sự săn sóc đến phát ghen lên được-ta có thể nói đó là một sự thờ phụng thật sự. Vinh dự cao quí nhất của một hạ sĩ quan có nhiều chiến công nhiều sứ mạng là được chấp nhận cho suốt đời làm chủ một trong các thanh gươm ấy”.


“Tại Balikpapan, các nhóm của tôi gồm có chừng 10 hạ sĩ quan, mỗi nhóm do một sĩ quan chỉ huy. Việc mang súng bị cấm đoán nghiêm ngặt mặc dầu rất hữu ích trong một trận đánh rút lui. Khẩu súng cá nhân hay tiểu liên bị cấm bởi vì chúng cồng kềnh và ồn ào trong khi tiến quân, còn khẩu súng lục thì vì mối đe doạ bị một người rối trí sử dụng không đúng lúc”.

-Vậy ra các ông chỉ vũ trang bằng gươm thôi sao?

-Đúng thế. Sự im lặng tuyệt đối là đảm bảo duy nhất cho sự thành công của chúng tôi. Gươm là thứ vũ khí duy nhất có thể giúp tạo ra cái chết tức thời mà không gây ra một tiếng động nhỏ nào. Tất nhiên là còn phải biết vận dụng đúng cách.


“Các toán phá hoại theo nhau cách một quãng ngắn để lơi dụng lỗ hổng do các toán xung kích đi đầu thực hiện. Chúng tôi tiến gần lại phòng tuyến địch lúc chập tối và tiến lên với sự thận trọng tuyệt đối cho đến tiền đồn địch trong một thứ tự được nghiên cứu kỹ lưỡng. Mỗi lính canh của địch trong khu vực chọn lựa bị một toán ba hay bốn người chúng tôi bao vây. Thời điểm tấn công phải càng đồng loạt càng tốt để giúp cho các toán phá hoại một khoảng trống đầy đủ, tạm thời tránh khỏi bị kiểm soát. Chiến thuật quen thuộc là rình cơ hội thuận tiện hay là tạo ra cơ hội bằng cách lôi kéo sự chú ý của tên lính canh qua hướng khác nhờ một tiếng động trên cành lá. Đúng lúc chính xác, người nào trong chúng tôi ở vào vị trí thuận lợi nhất liền nhảy vào đối thủ với thanh gươm”.


Sau một lúc im lặng, ông Trung tá dễ thương của tôi nói thêm vừa lấy bàn tay phác hoại một cử chỉ dưới cổ áo chỗ tiếp nối của xương vai.

“Chúng tôi chém ở đây…”.

Tôi định thần. Tôi thấy quang cảnh đó. Tôi thấy không cần phải nài nỉ thêm và cuộc đàm thoại chuyển qua một đề tài tổng quát. Tiếp theo sau câu chuyện này tôi đã có thể sử dụng nó một cách hữu ích rộng rãi.


Sự trái ngược giữa cung cách như phụ nữ của người đối thoại với tôi và sự gợi lại các hành động oai hùng trong quá khứ của ông gây ngạc nhiên đến nỗi tôi đã tìm cách tập trung các kỷ niệm, và các điều tôi có thể quan sát được trong những ngày thăm viếng Nhật Bản để cố tìm ra lời giải thích.


Dầu thuộc bất cứ giai tầng xã hội nào, dầu là một trong những kẻ được cưng chiều nhất thế giới, trẻ con tại Nhật cũng cho việc bắt chước các bậc cha anh chống đối lại niềm đau đớn với nụ cười là một vinh dự. Nhiều cuộc trình diễn trong hội chợ đã duy trì khuynh hướng này nơi đứa bé, đặc biệt các đấu thủ đô vật hay đánh côn vốn đạt đến mức tàn bạo tuyệt đỉnh trước công chúng. Ai cũng nghe nói đến các đô vật Ainos thuộc một chủng tộc khác cực kỳ cao lớn và mạnh hơn chủng tộc Nhật. Nguồn góc xuất phát từ đảo Kouriles, các tay đô vật này ngay từ tuổi ấu thơ, đã bị đặt dưới các sự thử thách thể chất ghê gớm nhất và dưới một chế độ ăn uống có thể gia tăng sức vóc và trọng lượng. Một vài người đã đạt đến những kích thước đồ sộ cao hơn hai thước và nặng gần 200 kí lô! Các tay vô địch đấu với nhau trước sự hiện diện của Thiên Hoàng đã lôi cuốn hàng chục ngàn khán giả và tạo ra các cuộc biểu tình điên cuồng. Người thắng trận được đãi ngộ gần như thần thánh và nhận được các tặng phẩm vô giá và các số tiền khổng lồ, có thể làm cho các minh tinh nổi tiếng nhất của chúng ta phải tái mặt vì ganh tị.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 02 Tháng Chín, 2009, 06:59:55 pm
Một sắc dân khác ít nổi tiếng hơn, đã tập luyện ngay từ bé cách sử dụng bàn tay như một thứ khí giới không làm chảy máu, cứ mải chặt mép phía ngoài của lòng bàn tay, da dần dần cứng lại như sừng. Các ngón tay teo lại và dính liền vào với nhau, bàn tay nở lớn và biến dạng cho đến khi trở thành một bàn tay hộ pháp quái gở. Những tay cự phách của nhóm này có thể chặt vài cái lá phá vỡ được bức tường gạch hay chẻ một hòn đá đẽo ra làm hai. Ta có thể kể nhiều ví dụ khác về môn phái vô cảm giác thể chất này thật tương phản với dáng điệu dịu dàng và mức sống cao của dân chúng. Phải chăng đây là mặc cảm tự ti của một chủng tộc bề ngoài có vẻ yếu kém? Hay đây là sự xác nhận tập thể về quyết tâm không gì chế ngự nổi của mình? Dầu gì chăng nữa, chính đấy là một trong những nét của cá tính Nhật Bản có thể giải thích-nếu không phải là để tạ lỗi-một vài điều quá lạm. Ta cần nên nhớ điều đó.


Dựa trên sức chịu đựng lạ kỳ, của thể xác, tinh thần của chiến binh Nhật thật là sắt đá. Không có một hệ thống tuyên truyền nào, một sự quyến dụ nào có thể tác động lên anh ta được. Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, quân Mỹ đã cố gắng chấm dứt lò tàn sát bằng các truyền đơn giải thích rằng kháng cự là chuyện không tưởng, nhưng vô ích. Họ còn ra sức đến mức mạo hiểm có thể chết được, để đặt những loa phóng thanh gần các miện hang núi mà dân chúng vào trốn trong đó. Không ăn thua gì. Đàn ông, đàn bà chờ cái chết với sự khắc kỷ hơn là tính chuyện đầu hàng nhục nhã.


Sau khi chiếm cứ quần đảo san hô Eniwetok, và khi quân Mỹ đổ bộ lên Bikini, họ tìm thấy dưới một căn lều xác bốn lính Nhật, toán phòng thủ duy nhất trên đảo. Họ tự mổ bụng để khỏi bị quân địch bắt sống.


Sự hăng say khó hiểu nhằm chống lại tất cả lý lẽ đã tiếp diễn trong các vùng biển phía Nam, ngay cả sau khi có cuộc đầu hàng chính thức. Dân chúng Nhật đã cam chịu với tinh thần kỷ luật bởi vì họ đã nghe giọng nói của Thiên Hoàng ban các chỉ thị. Nhưng đối với các toán quân đóng cô lập trên các đảo tại Thái Bình Dương thì tình trạng không giống như thế. Bốn năm sau khi chiến tranh chấm dứt, các phi cơ Mỹ tại Saipan đã thấy những làn khói đáng nghi trên hòn đảo nhỏ Anatahan mà ai nấy tin là không có người ở, viên chỉ huy trưởng phái một khinh tốc đỉnh đến xem có chuyện gì. Chiếc tàu được nhiều nhiều tràng tiểu liên tiếp đón và phải chạy tháo lui hết tốc lực. Truyền đơn liền được thả đầy xuống đảo để báo cho các ông Lỗ Bình Sơn rõ rằng xứ sở họ đã ký kết hiệp ước hoà bình từ bốn năm và một chiếc tàu của Mỹ sẽ đến rước họ. Khi chiếc tàu tiến đến, nó cũng bị tưới nhiều loạt đạn và phải từ bỏ nhiệm vụ. Quân Mỹ thấy không nên đưa mạng sống binh sĩ ra mạo hiểm một cách vô ích làm gì, đành đều đặn rải truyền đơn xuống cho những kẻ cứng đầu và chỉ cho họ dấu hiệu phải làm khi họ quyết định đầu hàng. Trong khoảng thời gian này, một thảm kịch đã xảy ra trên đảo. Các tay Lỗ Bình Sơn ấy là những người bị đắm tàu cả dân sự lẫn quân nhân, tàu của họ bị trúng thuỷ lôi vào cuối cuộc chiến. Tổng số chừng 10 người trong đó có một phụ nữ. Một trung sĩ cực kỳ tàn bạo và cuồng tín đã chỉ huy nhóm và cai trị bằng sự khủng bố. Người phụ đã phải tổ chức cả một cuộc âm mưu mới thắng được tên hung hăng này, sau cùng y bị hạ.


Rốt cuộc khi dấu hiệu hoà bình xuất hiện trên đảo thì cả một đoàn sinh vật hốc hác thảm thương đã được chiếc khinh tốc đỉnh Hoa Kỳ đưa ra khỏi cơn ác mộng hãi hùng.

Chắc ta có thể tưởng rằng vở bi kịch kỳ lạ tại Anatahan đã kết thúc hẳn cuộc kháng cự khăng khăng của những kẻ cuồng tính cuối cùng. Không phải vậy. Một nhóm binh sĩ Nhật đã được tìm thấy cách đây không đầy một năm trong quần đảo Đông Nam Á châu và rất có thể là khi tôi đang viết những dòng này, nhiều kẻ không nao núng khác còn lang thang trong rừng rậm, chờ đợi “ngọn gió thần” mang lại chiến thắng cho xứ sở của họ.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 08 Tháng Chín, 2009, 06:31:13 pm
Trân Châu Cảng


Những phản ứng thượng đỉnh

Ngày 7 tháng 12 năm 1941 giờ TMG (giờ Ba Lê) một tin tức kinh hoàng làm chấn động hoàn cầu. Đối với cả thế giới đã chai đá vì chiến tranh này, sự loan báo một cuộc tấn công bằng không quân của Nhật vào hạm đội Mỹ tại Trân Châu Cảng là một đại biến cố khó tin. Đấy là một biến cố có tầm mức quan trọng đến nỗi, trong tất cả mọi quốc gia, các Quốc trưởng, các Thống chế, Đại sứ, Tổng Bộ trưởng đều được báo tin ngay tức khắc. Tuỳ viên và thư ký hấp tấp đến gặp họ, người thì đang ăn, kẻ đang ngủ, đang chơi golf hay ở đâu đó, vì quả thật 21 giờ ngày 7 tháng 12 tại Ba Lê và Luân Đôn, là 22 giờ tại Bá Linh, 23 giờ tại Mạc Tư Khoa, 5 giờ ngày 8 tháng 12 tại Trùng Khánh và 6 giờ cùng ngày tại Đông Kinh.


Trên quần đảo Hạ Uy Di, nơi xuất phát nguồn tin, lúc đó là 3 giờ sáng Chủ nhật 7 tháng 12, tiếng bom nổ như sấm do các phi cơ Nhật ném xuống căn cứ Hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng như chiếc búa của người nhắc tuồng đã vén màn cho cảnh đầu tiên của vở tuồng chiến tranh trên Thái Bình Dương. Chắc chắn là một nhát búa mạnh mẽ rồi; nhưng trong tầm mức của sân khấu vĩ đại ấy.


Vài phút sau, vô số điện tín được gửi đi ào ào như tuyết băng bằng bạch văn và lập tức được tất cả các thông tấn tiếp chuyển đi nữa. Một vài điện tín chuyển các câu nói lẫn lộn khó nghe đã mang tính cách trung thực không còn chối cãi gì được, khi thì ghi câu nói từ một đài kiểm soát chỉ vào các phi cơ đang sà xuống: “Nhiều phi cơ lạ tấn công phi trường”, khi thì ghi câu nói từ một bộ chỉ huy được lặp đi lặp lại bằng giọng lo âu: “Không tập trên Trân Châu Cảng! Đây không phải là một cuộc thực tập!”.


Ngay cả trước khi các sĩ quan trực tại Ngũ Giác Đài kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra, toàn thể thế giới đã biết rằng một cuộc không tập táo bạo và rộng lớn đến sửng sốt, đã được khởi động trên căn cứ Hải quân lớn lao của Mỹ tại Thái Bình Dương. Toàn thế giới… ngoại trừ toà Bạch Ốc như xưa nay vẫn vậy, vốn dường như là nơi cuối cùng được báo tin, vì chiều cao của các bậc thang ở khắp nơi và luôn luôn như thế, đưa đến vị lãnh đạo tối cao, cũng như vì các nhân vật hữu trách sợ làm rối loạn niềm say sưa chiến thắng đang ngự trị nơi đó.


Lúc Tổng thống Roosevelt đang ăn trưa một mình với Harry Hopkins trong căn phòng hình trái xoan, bàn phiếm đến điều này điều nọ chẳng ăn nhập gì đến chiến tranh, trước 14 giờ một chút, thì Bộ trưởng Hải quân Frank Knox điện thoại đến báo cáo rằng người ta vừa trình cho ông một công điện vừa nhận được loan báo một cuộc không tập đang xảy ra tại Oahu và rằng đấy khong phải là một cuộc thực tập.


Hopkins quả quyết tuyên bố rằng đấy là một sự lầm lẫn và rằng “Nhật Bản không bao giờ tấn công Honolulu”. Tổng thống đồng ý và bắt đầu lại chuyện bỏ dở, đề cập đến các nỗ lực của ông để giữ cho nước Mỹ đứng ngoài vòng chiến tranh, những nỗ lực của ông muốn theo đuổi cho đến khi nhiệm kỳ của ông chấm dứt. Rồi cuộc điện đàm với Frank Knox lại trở lại trong trí ông, ông nhìn Hopkins và nói: “Người Nhật chuyên môn tìm cách châm ngòi chiến tranh một cách bất ngờ và đúng lúc họ đang thương thuyết hoà bình! Trong trường hợp ấy ít ra là tôi cũng được rảnh tay, họ đã quyết định thay tôi!”.


Đến 14 giờ 05, ông gọi điện thoại cho Ngoại trưởng Cordel Hull, báo cho ông ta biết về bức công điện và yêu cầu ông ta thay mặt ông tiếp các sứ thần đặc biệt Nhật, Đô đốc Nomura và Công sứ toàn quyền Kurusu, mà ông đã hẹp tiếp vào lúc 15 giờ và đối xử lễ độ với họ mà không cần ám chỉ đến bản công điện.


Lúc 14 giờ 28, đến phiên Đô đốc Stark, tư lệnh hành quân biển, gọi điện thoại cho Tổng thống và xác nhận rằng quả có một cuộc tấn công vào hạm đội và rằng người ta phàn nàn về nhiều tổn thất nhân mạng. Ông ta hỏi Tổng thống phải làm gì, Roosevelt trả lời rằng mọi sự sắp đặt đã có sẵn, chỉ còn chuyển đến cho các Tư lệnh Lục quân và Hải quân, mệnh lệnh yêu cầu thi hành các biện pháp đã tiên liệu trong trường hợp chiến tranh khai mào trên Thái Bình Dương. Một lát sau Tổng thống soạn một thông cáo cho báo chí và cho triệu tập vào lúc 15 giờ Tổng trưởng Chiến tranh Stimson, Bộ trưởng Hải quân Konx, Đô đốc Stark và tướng Marshall, lần lượt là tư lệnh Hải quân và tư lệnh Lục quân.


Dường như mãi đến lúc đó Roosevelt vẫn còn rất nghi ngờ giá trị của tin tức do Konx chuyển trình và tầm quan trọng của cuộc tấn công do quân Nhật chủ xướng. Cuộc hội nghị do Tổng thống triệu tập với hai Tổng trưởng và hai vị Tư lệnh đã diễn ra trong một không khí bình tĩnh. Trong hội nghị người ta nói về sự cần thiết phải chiến thắng chế độ độc tài Hitler bằng vũ khí, điều này bắt buộc trước sau gì cũng phải tham chiến. Mỗi người đều phát biểu ý kiến rằng nếu Nhật tạo cho Mỹ một cái cớ thì lại càng tốt hơn.


Cuộc hội nghị không ngớt bị gián đoạn vì tiếng chuông điện thoại mà Tổng thống chỉ im lặng nghe, nét mặt ghi dấu một mối âu lo ngày càng lớn. Tuy nhiên để trả lời cho một trong các cuộc điện đàm ấy, người ta nghe ông đã trả lời bằng một giọng cương quyết: “Giờ đây chúng ta là kẻ đồng hội đồng thuyền. Ngày mai tôi sẽ triệu tập Quốc hội…”.


Đó là Churchill từ Luân Đôn gọi ông. Thủ tướng Anh biết tin lúc đang ăn tối tại Chequers với Đại sứ Winant và Averell Harriman. Một chiếc máy thu thanh xách tay nhỏ-quà của Harry Hopkins-để trên bàn và trong bản tin 21 giờ, giọng nói thản nhiên của xướng ngôn viên đài BBC đã làm rối loạn cuộc tiếp xúc giữa ba nhân vật. Lập tức Churchill rời khỏi bàn và bước qua căn phòng ăn để bước vào phòng các thư ký, ông yêu cầu dùng đường dây liên lạc đặc biệt với Hoa Thịnh Đốn và ông được nói chuyện lúc hội nghị đang họp.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 08 Tháng Chín, 2009, 06:31:52 pm
“Thưa Tổng thống, có chuyện gì xảy ra với người Nhật thế?

-Họ vừa tấn công chúng tôi tại Trân Châu Cảng. Giờ đây chúng ta là kẻ cùng thuyền”.
Churchill đã nhắc lại cuộc đàm thoại này trong tập Hồi ký của ông và thêm vào lời bình phẩm này:

“Lúc đó chúng tôi trở lại phòng ăn và cố tập trung ý tưởng để suy nghĩ về biến cố quốc tế ấy vốn bất ngờ đến nỗi đã làm hụt hơi ngay cả những kẻ trong cuộc”.


Lúc cơn lốc tin tức ấy được chuyển đến dinh Tể tướng tại Bá Linh là 22 giờ, nơi đây đặc biệt lại có mặt Adolf Hitler, vừa từ Tổng hành dinh của ông tại Đông Phổ trở về hôm trước. Vừa nghe tin đài phát thanh, ông chạy như gió vào phòng hành quân nơi Tướng Jodl và Thống chế Keitel làm việc. Cả hai người giật nẩy mình khi biết tin cuộc tấn công của Nhật. Fuhrer tức giận điên cuồng và đánh giá sự khởi xuống cuộc chiến mà ông không hề được biết trước này là “Sự không đứng đắn không tha thứ được” và là “chiến lược sai lầm”. Ông cũng không quên ra lệnh cho Hải quân từ ngày mai phải tấn công bất cứ chiến hạm nào của Mỹ bị bắt gặp “trong bất cứ khu vực nào”. Vậy thì chiến tranh giữa Đức và Mỹ đã được âm thầm tuyên bố.


Tại Điện Cẩm Linh, Stalin nhận được tin mà không tỏ ra ngạc nhiên chút nào và lại còn với cả một sự hài lòng ra mặt. Trong thực tế, chính ông ta cũng nổi cơn thịnh nộ, nhưng lần này lại thịnh nộ với chính mình. Ông ta đã được báo tin tám ngày trước về bản chất, ngày tháng của cuộc tấn công nhờ màng lưới gián điệp của ông tại Nhật, nhưng ông ta đã không để ý đến nguồn tin ấy. Sự coi thường này lại càng khó giải thích khi mà nguồn tin lại xuất phát từ điệp viên Sorge, người mà tất cả các tay nhà nghề ngày nay đều nhất trí thừa nhận là điệp viên tài ba nhất trong Đệ nhị Thế chiến và có lẽ là vô tiền khoáng hậu.


Sorge là người Đức. Trong suốt cuộc Đệ nhất Thế chiến, ông chiến đấu trong hàng ngũ của đạo binh vùng Kaiser. Giải ngũ về nhà năm 1918, ông tiếp xúc với các phân tử cực tả trong đó có nhiều người là bạn thân của gia đình. Ngày truớc tổ phụ ông là thư ký của Karl Marx. Đổi chính kiến theo cộng sản, ông bí mật qua Mạc Tư Khoa và trải qua một cuộc huấn luyện đặc biệt trong các cơ sở gián điệp tại đấy. Được người Nga phái qua hoạt động tại Viễn Đông, ông đã sống dưới nhiều “vỏ“ khác nhau, trước hết tại Thượng Hải, sau đó tại Đông Kinh, tại đây tư cách công dân Đức đã giúp ông trở thành thông tin viên chính thức của tờ “Franfkurter Zeitung“. Ông kết thân được với Đại sứ Đức tại Nhật và được ông này coi là một cộng sự viên quí giá và đáng tin cậy đến mức thường gọi ông đến để thảo các công điện! Phía người Nhật, Sorge đã tạo nên được nhiều môn đệ, trong số đó có một người chiếm giữ địa vị rất cao. Hozumi Ozaki, người sau đó trở thành một trong những Bộ trưởng quan trọng của nội các Tojo, và cung cấp cho ông những tin tức quan trọng hàng đầu.


Staline đã từng có cơ hội thẩm định giá trị của các tin tức do Sorge cung cấp, bởi vì lần lượt ông đã được báo trước về việc ký kết hiến chương Antinkomintern, về cuộc tấn công của Đức vào Nga Sô và quyết định của Nhật không tấn công vào Sibérie (tất cả các tin tức này được chứng thực là hoàn toàn đúng). Thế tại sao ông lại không quan tâm một chút nào về tin tức liên quan đến Trân Châu Cảng? Bí mật… Vì là quốc trưởng duy nhất biết được nguồn tin, ông có thể rút ra từ đó phần lợi ích lớn lao đáng kể. Rất có thể là sự khinh thường bệnh hoạn của ông đã ngăn trở ông.


Ngoài “tiết lộ Sorge”, không một điểm nào của các kế hoạch Nhật Bản bị thoát ra ngoài. Thật vậy, qui tắc bí mật, luôn luôn được tôn trọng chi li tại Nhật, đã được đẩy mạnh đến cực điểm đối với công cuộc chuẩn bị cho cuộc không tập vào Trân Châu Cảng. Ngoài các giới tối cao trong chính phủ (trong số đó có người cung cấp tin tức cho Sorge), chỉ có các Đô đốc và Tư lệnh hạm đội không hải lực thuộc Hải quân sẽ tham dự trực tiếp vào cuộc hành quân mới được biết mục tiêu là Trân Châu Cảng. Các mệnh lệnh được chuyển đi trong các cặp hồ sơ khằn kín cho tất cả các viên chức chấp hành với lời ghi chú “Bí mật tuyệt đối, chỉ được mở khi đã ở trên biển cả”. Lệnh im lặng vô tuyến đã được ban hành và được tất cả chiến hạm tuyệt đối tôn trọng. Ngoài các máy phát trên các hàng không mẫu hạm trực tiếp tham dự cuộc hành quân, nhiều máy phát tin chính xác tương tự cũng được đặt trên các đảo nhỏ ở phía Nam Thái Bình Dương để gây ảo tưởng về một hoạt động gắt gao trong vùng này qua khối lượng điện văn đánh đi. Bộ tư lệnh tối cao Nhật còn đẩy mạnh sự cẩn trọng đến mức giao cho các hiệu thính viên phục vụ trên các hàng không mẫu hạm điều khiển các máy phát tin này, họ tạm thời được các chuyên viên khác thay thế. Do đó các cơ sở bắt tin của Mỹ nên được giải tội vì đã bị cho vào bẫy.


Trừ lệ độc nhất đối với qui tắc cứng rắn này đã được dành cho một nhà ngoại giao Nhật đã sống nhiều năm tại Hạ Uy Di. Ông “Phó lãnh sự Morimura“ không ai khác hơn là một cựu sĩ quan Hải quân, bị giải ngũ vì lý do sức khoẻ, tên là Takeo Yoshikawa. Ông được nhà cầm quyền Nhật giao cho nhiệm vụ cung cấp tin tức hàng ngày về các cuộc điều động của hạm đôi tại Trân Châu Cảng. Ông đã thi hành nhiệm vụ một cách hoàn toàn và các báo cáo của ông, được chuyển từ Honolulu đến Đông Kinh bằng đường dây điện tín thương mại thông thường, đã được thích nghi hoá theo một ngôn ngữ ước định cực kỳ đơn giản đến nỗi chúng chẳng hề báo động gì cho các chuyên viên Mỹ vốn rất từng trải đối với công việc “giải mật mã” phức tạp chỉ lo tận lực mở khoá hàng đống điện văn đáng nghi. Chính bức điện tín cuối cùng của ông-bề ngoài rất hoà dịu-“Có ít hoa nở hơn bất cứ mùa nào trong năm, ngoại trừ hoa dâm bụt và hoa cúc vàng”, vào phút chót, đã khiến cho Bộ Tư lệnh tối cao quyết định chuyển cho hạm đội hàng không mẫu hạm mệnh lệnh cuối cùng-bề ngoài cũng rất hoà dịu-“Leo núi Nitaka”, có nghĩa là “Hãy khởi động cuộc tấn công!”.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 08 Tháng Chín, 2009, 06:32:52 pm
Cuộc tấn công

Đô đốc Nagumo chỉ huy hạm đội này đã khởi hành từ ngày 26 tháng 11 trước với sáu hàng không mẫu hạm từ vùng biển hiu quạnh Tankan trong quần đảo Kouriles và có mặt vào lúc trước bình minh ngày 7 tháng 12 cách Hạ Uy Di 200 hải lý về phía bắc. Khi nhận được điện văn qui định trước, ông tung đoàn quân xung phong vào Trân Châu Cảng. Biển rất động. Từng khối bọt nước bắn tung toé trong bóng đêm lờ mờ cứ mỗi lần tàu chồng chềnh gối sóng và quét sạch sàn phi cơ cất cánh được soi sáng yếu ớt, trên đó nhiều toán thuỷ thủ mệt nhọc kìm giữ các máy bay sắp cất cánh. Sáu chiếc chiến hạm cho cất cánh 183 phi cơ thuộc đợt tấn công đầu. Đại tá Fushida, người chỉ huy không đoàn xung phomg, bay vòng hạm đội một lần chót để tập họp tuỳ tùng và, đúng 6 giờ 15 hướng thẳng về phía Nam.


Với cao độ 2.000 thước, đoàn phi cơ bay xuyên qua các dám mây dày bắt đầu ửng hồng ánh sáng bình minh. Không có một tiêu điểm nào để tính độ lệch, các phi đoàn trưởng lái phi cơ bắt chước theo vị tư lệnh không đoàn.


Đến 7 giờ, khi tính rằng mới chỉ được nửa đường, Fushida ngạc nhiên thích thú khi nghe đài phát thanh Honolulu như thường lệ phát ra các điệu nhạc Hạ Uy Di. Lập tức ông điều chỉnh hướng bay theo các chỉ dẫn của máy đo góc vô tuyến. Tất cả các phi đoàn trưởng bắt chước làm theo ông.


Fushida dẫn đầu, 49 oanh tạc cơ thả bom từ trên cao bay theo sau. Cách 500 thước bên mặt và hơi thấp hơn một chút là 40 phi cơ phóng thuỷ lôi. Cùng khoảng cách ấy bên trái, nhưng trên cao hơn là 51 oanh tạc cơ đâm bổ. Toàn diện đội hình được 43 khu trục cơ che chở.


Cùng với giờ phút từ từ trôi qua, sự nóng nảy gia tăng dần trên các phi cơ. Phi công và quan sát viên dò xét chung quanh, giờ đây trong sáng tuyệt đối, với trạng thái căng thẳng đến nỗi đồng tử của họ trở nên đau đớn. Vị tư lệnh không đoàn đã tiên liệu rằng phải ngờ trước sự tổn thất ít nhất cũng 50%. Ước tính này hợp lý và mỗi người nhẫn nại chịu đựng với sự khắc kỷ hoàn toàn. Sau cùng, khi đỉnh núi Oahu bị sương mù phủ một lớp trên chóp, hiện ra trước những cặp mắt mệt nhọc của họ, thì bầu trời chẳng có chiếc phi cơ nào, không một chiến hạm nào hiện ra trên mặt biển phẳng lặng như tờ. Trạng thái bất động hoàn toàn này đã chứng thực cho sự chính xác của các dự liệu của Bộ Tư lệnh tối cao. Một từng cột buồm hiện ra ngay theo các đường quanh co trong Trân Châu Cảng, các thiết giáp hạm đậu thẳng hàng như những con vịt phô bày những cái sườn trống trải cho thuỷ lôi, các tuần dương hạm và phóng ngư lôi hạm bỏ neo từng cặp trong bến. Lợi dụng sự yên tĩnh của một ngày Chủ nhật đẹp trời và tuyệt đối không ý thức được nguy cơ đang đe doạ, cả hạm đội Mỹ hoàn toàn buông neo.


Đúng 7 giờ 55, Fushida phát hiện tấn công. Các oanh tạc cơ đâm bổ tách khỏi đội hình và nhào xuống hai phi trường trên đảo, trong khi các phi cơ phóng thuỷ lôi sà xuống sát mặt nước và phóng các quả đạn ra. Riêng phần lực lượng khu trục, che chở vì không thấy có đối thủ nào xuất hiện, cũng đã đâm xuống các nhà chứa máy bay và các cơ sở của hải cảng để tấn công bằng đại liên.


Đến 03 giờ 05, hãnh diện theo dõi diễn tiến tuyệt vời của cuộc tấn công, Fushida rải ra 10 toán oanh tạc cơ bay ngang để trút xuống hạm đội địch hàng chuỗi bom không dứt. Nhiệm vụ của ông từ lúc đầu gặp khó khăn vì hoả lực điên cuồng của một giàn cao xạ DCA đột nhiên thức tỉnh nhưng trái lại, được dễ dàng thêm sau đó nhờ các cột nước tung lên từ bên sườn các thiết giáp hạm. Gần như tất cả thuỷ lôi đều trúng đích và khói từ các đám cháy vạch rõ ràng các mục tiêu.


Khi chiếc oanh tạc cơ cuối cùng chấm dứt cuộc tấn công, Fushida ngắm nhìn quang cảnh bi hùng diễn ra bên dưới, rồi dùng vô tuyến điện thoại tập họp lại đội hình và ra lệnh cho tất cả quay về. Sau đó ông bay vòng núi Oahu chụp vài tấm hình và đợi đợt phi cơ thứ hai đã cất cánh lúc 8 giờ trên các mẫu hạm của Đô đốc Nagumo. 135 oanh tạc cơ khác đã hoàn tất cuộc tàn sát dưới sự che chở của 36 khu trục cơ.


Khi đợt tấn công thứ hai bay đến, hải cảng bị bao phủ bởi một màn khói dày đặc đến nỗi các phi cơ khó tìm ra mục tiêu. Fushida chỉ cho họ cứ theo ánh loé ra từ các giàn DCA là đúng các chiến hạm còn nguyện vẹn. Trong khi cuộc tấn công thu dọn chiến trường này diễn ra, ông có sư thì giờ và rảnh trí để ước tính số lượng nạn nhân.


Tất cả các thiết giáp hạm của hạm đội Thái Bình Dương kiêu hùng theo ông đều bị loại ra khỏi vòng chiến, các hầm chứa xăng đều bị bốc cháy cũng như hầu hết các phi cơ đậu rải rác trong sáu phi trường của Lục quân và Hải quân. Lớp khói quá dày đã ngăn không cho ông thấy những gì đã xảy ra cho các tuần dương và khu trục hạm bỏ neo rải rác trong nhiều cầu tầu khác nhau, nhưng chúng chỉ là các mục tiêu phụ được ghi trong các lệnh hành quân để ghi nhớ mà thôi.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 08 Tháng Chín, 2009, 06:33:34 pm
Điểm đen duy nhất trong bức tranh về cuộc săn phi thường này là không có chiếc hàng không mẫu hạm nào có mặt tại đấy cả. Sự vắng bóng của chúng đã được các điệp viên báo trước, rồi được các phi vụ thám thính xác nhận. Đô đốc đã bỏ qua. Chắc chắn ông hy vọng có thể tấn công chúng trên mặt biển trong ngày, vì lúc đó mới có 10 giờ sáng.


Phi cơ của Fushida là chiếc cuối cùng đáp xuống mẫu hạm Akagi. Vị tư lệnh của không đoàn hỏi ngay tin tức những người vắng mặt, tổn thất đợt đầu vô nghĩa: một oanh tạc cơ đâm bổ, năm phi cơ phóng thuỷ lôi và một kế hoạch trục cơ. Tổn thất đợt nhì trầm trọng hơn: mười lăm oanh tạc cơ đâm bổ và sáu khu trục cơ, tổng cộng 27 phi cơ với phi hành đoàn 59 người. Người ta vẫn còn hy vọng vài người trong số đó được cứu sống nhờ các phi công phóng thuỷ lôi hộ tống được lệnh khám phá mặt biển xung quanh hạm đội địch. Trong thực tế, mối hy vọng này trở thành tuyệt vọng, tất cả các phi cơ vắng mặt đều bị hạ trên đảo (Tuy nhiên một phi công Nhật đã sống sót được ít lâu trên đảo nhỏ Nuhau nơi phi cơ anh ta rơi và cho ta một ví dụ điển hình về tinh thần kháng cự phi thường mà sau đó các người đồng hương của anh luôn luôn chứng tỏ. Được một người Nhật sống trên đảo cứu và săn sóc, anh ta thu hồi vũ khí và bắt được các người bản xứ tuân phục mình. Nhưng sau 8 ngày, một người Hạ Uy Di to lớn như Hercule bắt gặp thình lình anh ta sau vườn nhà nơi trú ẩn. Viên phi công nổ hết một băng đạn súng lục về phía người khổng lồ lúc đó đã ôm chặt được anh ta. Hai người lăn xuống đất trong một cuộc cận chiến man rợ, người Hạ Uy Di mặc dầu bị 2 viên đạn làm bị thương, cũng đập đầu được người Nhật vào một tảng đá đến vỡ sọ).


Khi Fushida báo cáo cho Đô đốc xong, vấn đề đặt ra là có thể tung ra một đợt tấn công mới nữa không, nhưng kết quả của hai đợt tấn công vừa qua tốt đẹp đến nỗi Đô đốc Nagumo cho rằng việc phơi bày không đoàn ra trước phản ứng của địch lâu hơn nữa là vô ích. Ông không còn được tin tức gì về các hàng không mẫu hạm của Mỹ nữa và cũng không nên coi thường mối đe doạ của tàu ngầm địch. Mặc cho ý kiến của Đại tá Genda, phụ trách hành quân, và của Fushida, người luôn luôn nhiệt tâm hành động, mong ước một chiến thắng vẹn toàn hơn nữa, Nagumo ra lệnh cho hạm đội quay về Nhật.


Quãng đường về không sinh ra chuyện gì. Cuộc tấn công vào căn cứ Hải quân nhỏ của Mỹ tại Midway, có trù liệu trong kế hoạch, bị huỷ bỏ vì thời tiết xấu. Nagumo tách hai trong số các mẫu hạm của ông và hai tuần dương hạm để hợp tác tấn công đảo Wake, còn hạm đội thì tiếp tục tiến về Kuré và đến đích ngày 22 tháng 12.


Tại đấy, đoàn chiến hạm được tiếp đón bằng sự vui mừng cuồng loạn của toàn dân. Chưa bao giờ trong lịch sử một chiến thắng hải quân có tính cách quyết định như thế lại được mang về với một giá ít ỏi như thế.


Tại Trân Châu Cảng, hải cảng và thành phố bày ra quang cảnh thảm đạm nhất. Bệnh viện tràn ngập người bị thương và vô số quan tài sáng rực dưới ánh nến thắp chung quanh dồn đống ngày càng nhiều. Tại Fort Island những sườn sắt của thiết giáp hạm cháy đen vì ngọn lửa còn nhả ra từng cuộn khói. Bảng kết toán kinh khủng được thiết lập như sau: Chiếc Arizona bị nổ tung làm chết 1.100 người trong số 1.400 thủy thuỷ, chiếc Oklahoma bị chìm, sống tàu đưa lên không đã trải qua một cơn hấp hối ghê rợn, chiếc California và chiếc West Virginia tránh khỏi bị lật úp nhờ sự khéo léo của các thuỷ thủ đoàn cấp cứu, nhưng không khỏi bị chìm sâu xuống đáy biển. Chiếc Nevada, chiếc thiết giáp hạm duy nhất toan tính nhổ neo cũng không tránh khỏi thất bại nên bị chìm ngay giữa lối ra vào hải cảng. Chỉ có hai chiếc Maryland và Tennessee, được cặp vào hai chiếc trên, là khỏi bị thuỷ lôi nên còn nổi trên mặt nước mặc dầu bị bom làm cho hư hại nặng. Riêng chiếc Pennsylvania, soái hạm của hạm đội Thái Bình Dương, cũng bỏ neo trong vịnh với hai khu trục hạm, nó chỉ bị trúng có một quả bom trong khi hai khu trục hạm thì biến thành hai đống sắt vụn.


Chiếc Pennsylvania-cùng với chiếc Colorado lúc ấy đang được sửa chữa tại San Francisco-là thiết giáp hạm duy nhất trong số chín chiếc của hạm đội Thái Bình Dương còn sử dụng được. Bảy chiếc khác thì hoặc vĩnh viễn mất luôn, hoặc lâm vào tình trạng bất khiển dụng trong nhiều tháng trời. Do đó hạm đội Nhật được rảnh tay để bình tâm áp dụng kế hoạch chinh phục nhắm vào các quần đảo phía nam Thái Bình Dương.


Cuộc oanh tạc ngày 7 tháng 12 không những chỉ làm mất bảy thiết giáp hạm, vài tuần dương và phóng ngư lôi hạm, cùng nhiều chiến hạm cơ xưởng, nó cũng loại hẳn phần lớn phi cơ và phi trường trên đảo Oahu. Không lực của Hải quân và của Thuỷ quân Lục chiến bị mất 196 phi cơ trên tổng số 250 chiếc. Lục quân 166 trên 231, không kể nửa tá pháo đài bay bị đánh bất ngờ khi đáp xuống. Buổi tối ngày rùng rợn đó, tại Oahu chỉ còn lại 119 phi cơ mà chỉ có một nửa là còn đôi chút tình trạng bay được.


Tổn thất về nhân mạng rất nặng nề: Hải quân có hơn 2.000 chết và 710 bị thương, Lục quân và Thuỷ quân Lục chiến 327 chết và 433 bị thương, thêm vào đó là chừng 70 nạn nhân thường dân.


Những giây phút sững sờ đã trôi qua, công cuộc cấp cứu được tổ chức và những người đàn ông còn mạnh khoẻ đã tận lực chiến đấu chống thần lửa và cấp cứu các người bị thương. Rồi các nhà chức trách bắt đầu tái lập lại công cuộc phòng thủ trên đảo, vì vô số nguồn tin trái ngược nhau đồn đại khắp nơi và ai cũng chờ đợi một cuộc đổ bộ của Nhật.


Cơn ác mộng này bị gạt bỏ mau lẹ. Ngoài các cuộc không thám của một số phi cơ còn lại bay đến nhập đoàn với các phi cơ của hàng không mẫu hạm Enterprise (Chiếc phi cơ tuần tiễu đầu tiên đã bị một giàn DCA nóng nảy bắn hạ lầm lúc nó bay đến Oahu), chiếc mẫu hạm này chở các khu trục cơ đến đảo Wake và trở về chậm trễ, cho biết không thấy chiến hạm nào của địch, tin loan báo về các cuộc đổ bộ của Nhật trên tất cả các quần đảo nam Thái Bình Dương cho các nhà cầm quyền thấy rõ rằng việc chiếm đóng Hạ Uy Di không được ghi trong kế hoạch tấn công hiện thời.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 08 Tháng Chín, 2009, 06:34:33 pm
Cuộc điều tra

Sự xúc động do thảm kịch Trân Châu Cảng làm bùng lên tại Mỹ mạnh mẽ đến nỗi một trong những ưu tư đầu tiên của toà Bạch Ốc là chỉ thịt một cuộc điều tra sâu rộng ngay lập tức để xác định những sai lầm đã phạm phải và những người có trách nhiệm. Các uỷ ban điều tra, gồm nhiều sĩ quan cao cấp, tướng lĩnh của Lục quân và Hải quân, đến Trân Châu Cảng để thu thập bằng chứng và vẽ lại tỉ mỉ từng chi tiết các biến cố trong buổi sáng bi thảm của ngày 7 tháng 12. Các cuộc điều tra này được tiếp nối bởi một cuộc điều tra của Quốc hộikéo dài nhiều tháng và sử dụng hàng tấn giấy. Vì thế Morison, sử gia chính thức của Hải quân Mỹ mới nói, không có một biến cố quân sự nào ngay cả trện đánh Gettysburg hay trận đánh Jutland, lại là đối tượng của các loại tìm tòi kỹ lưỡng như vậy hơn cuộc không tập tại Trân Châu Cảng. Không những chỉ diễn tiến của biến cố được tái lập lại từng phút, mà nhiều sơ xuất về phía Mỹ, khiến cho Nhật có thể chiến thắng sấm sét được, cũng được moi móc ra và được phân tách tỉ mỉ.


Tình trạng thiếu chuẩn bị của quân lực Mỹ bắt nguồn từ ý chí chung của dân tộc và của các nhà lãnh đạo Mỹ muốn đứng ngoài vòng chiến tranh, và trong khuynh hướng tự nhiên của con người là thoả mãn lòng ham muốn của mình thay vì chú ý đến những hoàn cảnh thực tại. Chính sách con đà điểu được áp dụng từ thượng tầng đến hạ tầng và điều này phần nào đã giải thích được sự chậm trễ của nhiều cơ cấu khác nhau của Bộ Tổng tư lệnh khi bắt đầu chuyển động. Các cơ cấu này, vốn ở trong tay các sĩ quan có trình độ kỹ thuật và trí thức có thể so sánh được với các đồng nghiệp của họ, thật ra cũng đã có thể mở mắt sớm hơn nếu những tin tức được chuyển đến họ kịp thời và dưới hình thức mong muốn-nhất là khi mà một vài tin tức ấy lại được thu thập một cách hữu hiệu nhờ các phương thức mới mà địch không hề nghi ngờ gì.


Các phương thức này do người Anh sáng chế ra, và Churchill, trong mục đích lôi kéo Hoa Kỳ vào cuộc chiến, đã thông báo cho Roosevelt để ông này giúp kỹ nghệ hoá chúng. Một trong các khám phá mới lạ ấy là máy rada mà người Anh lần đầu tiên hoàn tất từ đầu cuộc chiến, một sáng chế mới khác là “Hệ thống kỳ ảo”, hay là bộ nhớ máy mở khoá mật mã, mà công cuộc chế tạo cực kỳ phức tạp đã được một nhóm chuyên viên hỗn hợp Anh-Mỹ thực hiện. Hai phương thức này đã giúp cho phía Anglo-Saxon có một ưu thế đè bẹp đối với đối phương cả hai đều đã sẵn sàng được đưa ra sử dụng từ tháng 12 năm 1941 và đã cung ứng một cách hữu hiệu những tin tức quan trọng hàng đầu, nhưng đã không được khai thác kịp thời do khiếm khuyết thuộc về cơ cấu kiến trúc các cơ sở tình báo và do sự điều hành kém cỏi của các bộ tham mưu thuộc các bộ tư lệnh các cấp.


Khiếm khuyết liên quan đến kiến trúc các cơ quan tình báo không những chỉ làm tê liệt sự khai thác các phương thức sáng chế mới, chúng ta sẽ thấy rằng chúng đã xen lẫn vào trong tất cả các guồng máy cổ điển nhất, chẳng hạn như sự truyền đi các dấu hiệu báo động bằng phương tiện quang học hay vô tuyến. Các khiếm khuyết ấy còn chịu trách nhiệm cả một phần nào về sự thụ động lạ kỳ mà các Bộ Trưởng Hải quân và Tổng trưởng Chiến tranh đã chứng tỏ cũng như các bộ tham mưu của họ trong thời gian vài giờ trước và sau cuộc tấn công ngày 7 tháng 12 của Nhật Bản. Thật vậy, dường như các cơ sở tình báo và các vị chỉ huy chúng đã bị mất tín nhiệm trong các giới chính quyền và trong Bộ Tổng tư lệnh tối cao đến nỗi tất cả những gì họ nói ra đều không hề được coi làm trọng.


Sai lầm trong việc chuyển đi, tập trung, kiểm soát và chuyển giao trong thời hạn và dưới các hình thức chấp nhận được như thế, các tin tức có lợi ích sống còn (trong đó một số có thời gian rộng rãi đủ để được khai thác hữu ích) đã bị thất lạc trong cái mê cung thuộc các cấp trung gian giống như nước của một con suối mất hút trong cái sa mạc.


Từ đầu chương này, chúng ta đã thuật lại quang cảnh diễn ra tại toà Bạch Ốc khi những tiếng vang đầu tiên của các quả bom tại Trân Châu Cảng được đưa đến. Phản ứng điềm nhiên của Tổng thống Roosevelt có hai nguyên nhân: Nguyên nhân đầu tiên chính là vì đêm hôm trước (6 tháng 12), ông đã được báo động về tính cách cấp bách của một cuộc tấn công xâm lăng nhờ việc đọc được một giác thư của Nhật gửi cho viên Đại sứ tại Hoa Thịnh Đốn vốn đã đánh thức nơi ông những kinh nghiệm lịch sử, khiến cho tin tức về cuộc tấn công thật sự không làm cho ông kinh ngạc hoàn toàn; nguyên nhân thứ hai chính là vì ông tin rằng bản giác thư ấy đã được chuyển cho các Tư lệnh Lục quân và Hải quân và ông nghĩ rằng những người này đã phải cho thi hành các biện pháp cần thiết để có thể đối đầu với tình thế một cách tốt đẹp nhất.

Thế mà thực tế đã không phải như vậy. Chúng ta sẽ thấy tại sao.

Tại Hoa Thịnh Đốn, cơ sở “Magic”, với bộ máy Purple được hoàn tất, đã thành công trong việc giải được các mật mã ngoại giao của Nhật-loại mật mã khó nhất so với tất cả các loại khác. Nhưng vì số chuyên viên ít quá, cơ sở này được Lục quân và Hải quân thay phiên nhau điều động từ một đến hai ngày.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 08 Tháng Chín, 2009, 06:35:11 pm
Ngày 6 tháng 12, chính Hải quân có nhiệm vụ giải mật mã và ghi lại hoàn toàn các điện văn bắt được. Thật là một gánh nặng trong ngày hôm đó? Đông Kinh đã loan báo cho Đại sứ Nhật tại Hoa Thịnh Đốn rõ việc chuyển đến mười ba đoạn đầu của một giác thư mười bốn đoạn, đoạn thứ mười bốn được chậm lại một ngày chưa xác định.

Vì rõ rệt đó là một tài liệu tối quan trọng, chuyên viên giải mật mã bắt tay vào việc ngay khi vừa nhận được.


Đến 21 giờ, công việc hoàn tất. Các bản sao được phân phối và một sĩ quan thuộc cơ sở Truyền tin của Hải quân mang một bản đến toà Bạch Ốc. Tuỳ viên hải quân liền trình lên cho Tổng thống lúc ấy đang vừa ăn tối xong. Ông đọc mười ba đoạn của giác thư và mặc dầu nói chung, chúng có vẻ hoà dịu, chi tóm lược tại các trọng điểm được các đại biểu toàn quyền Nhật, Nomura và Kurusu, phát biểu nhiều lần trong các buổi thương nghị, Tổng thống hướng về Harry Hopkins thì thầm: “Lần này, tất là chiến tranh rồi!”. Rồi ông gọi điện thoại cho Đô đốc Stark, tư lệnh Hải quân. Người ta trả lời là Đô đốc hiện đang ở Học viện Quốc gia, nhưng có thể đi tìm ông ta. Tổng thống bác bỏ đề nghị này và giải thích với Hopkins rằng ông sợ sự ra về đột ngột của Stark ngay giữa một dạ hội, khi ông ta ngòi ngay lô hạng nhất, sẽ báo động các khán thính giả một cách vô ích. Chắc chắn là ông ta có một bản sao giác thư này khi ông ta quay trở lại văn phòng, nghĩa là trong vòng không đầy một giờ nữa.


Dự kiến lạc quan này đã không xảy ra, Stark sẽ đi thẳng về nhà và ngủ luôn. Chiếc phong bì chứa bản giác thư được trao cho Bộ Tham mưu Hải quân mà không có một ghi chú nào đặc biệt, và được viên trưởng phòng hành quân mở ra, nhưng vì đây là một “tài liệu ngoại giao”, bản văn được gửi cho Đô đốc chỉ được để vào tập công văn đến thông thường. Diễn tiến ấy cũng được noi theo từng điểm một tại Tổng hành dinh của tướng Marshall, Tư lệnh Lục quân, và vì phong bì không để lại một dấu vết đặc biệt nào, không một ai có ý định làm phiền ông Tướng.


Hôm sau là một ngày chủ nhật, cả Đô đốc lẫn Đại tướng không ai đến sở sớm, nhất là Đại tướng vì ông vẫn có thói quen đi dạo bằng ngựa dọc theo bờ sông Potomac vào ngày chủ nhật.


Tại Bộ tham mưu, dầu sao người ta cũng bắt đầu lo ngại và đến 9 giờ, một tuỳ phái được lệnh đi tìm ông. Anh ta không tìm thấy và trở về tay không. Sau cùng mãi đến 11 giờ 15-sau khi về nhà, tắm rửa-Đại tướng mới đến văn phòng.


Trong khoảng thời gian đó, đoạn thứ mười bốn của bản giác thư đã được nhận và được giải mật mã-một đoạn trọng nổ tung, bởi vì nó được chấm dứt bằng câu đe doạ này: Chính phủ Nhật lấy làm tiếc lưu ý chính phủ Mỹ rằng, vì thái độ của Mỹ, Nhật bắt buộc phải coi như không thể nào tiến tới sự thoả hiệp bằng cách tiếp tục thương thuyết.


Ít lâu sau quả bom này, một trái khác lại được đưa đến dưới hình thức một công điện ra lệnh cho Đại sứ Nhật tại Hoa Thịnh Đốn phá huỷ ngay lập tức các máy móc mật mã cũng như tất cả các tài liệu mật và ấn định đến 13 giờ (giờ Hoa Thịnh Đốn) sẽ cho chuyển lại đoạn mười bốn của bức giác thư.


Sau khi đọc đi đọc lại tài liệu này, Tướng Marshall với các cộng sự viên chính yếu bao quanh, cho thảo một điện văn chung cho tất cả các Tư lệnh quân sự tại chiến trường Thái Bình Dương, trong đó ông tóm tắt nội dung các điện văn của Nhật, đoạn ra lệnh cho họ “sẵn sàng trong thế báo động”.


Trước khi ký, ông thay đổi ý kiến và gọi điện thoại cho Đô đốc Stark để hỏi ông này có định làm như vậy không. Nhưng Stark bác bỏ đề nghị này. Các Đô đốc Kimmel, tại Trân Châu Cảng, và Hart, tại Phi Luật Tân, hoàn toàn biết rõ tình hình. Tài liệu ngoại giao này không mang lại một yếu tố quân sự mới mẻ nào. Nếu cứ lạm dụng lệnh báo động, rốt cuộc chẳng ai thèm quan têm đến nó nữa. Nhưng ông không thấy có gì bất tiện việc các nhà chức trách Lục quân thông báo cho các Tư lệnh Hải quân bản điện văn này khi học nhận được.


Marshall gác máy, thêm một đoạn bổ túc theo chiều hướng đó vào công điện, và giao cho viên Đại tá đặc trách tình báo tại Viễn Đông để mã hoá và chuyển đi ngay. Ông không hề nghĩ đến việc sử dụng chiếc máy điện thoại đặc biệt “loại trộn lẫn” đặt thường trực cho các giới chức sử dụng để được mau lẹ hơn bởi vì-cũng như phần đông các cộng sự viên-ông ghé bỏ một cách lộ liễu khám phá mới này vốn bị ông coi như hoàn toàn không được kín đáo. Ông đành nhấn mạnh vào chữ “ngay lập tức” mà ông lặp đi lặp lại nhiều lần.


Nói thì dễ hơn làm nhiều! Một khi điện văn được mã hoá cẩn thận, công việc này đòi hỏi một giờ vì chữ viết của ông Tướng như mèo quà, vấn đề đặt ra cho các nhân viên chấp hành là làm cách nào để chuyển bức điện văn đi. Bằng vô tuyến điện? Lục quân chỉ có một máy phát 10 kw mà từ sáng sớm đã cố bắt liên lạc với các đơn vị tại Viễn Đông nhưng không được. Hải quân thì có những máy mạnh hơn, nhưng trên Thái Bình Dương có những khu vực im lặng đặc biệt chung quanh Hạ Uy Di. Như vậy chỉ còn lại đường dây liên lạc thương mại vốn có nhiều trạm tiếp vận nhưng chắc chắn hơn và nói chung thì mau hơn. Người ta dùng chính đường dây liên lạc này.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 08 Tháng Chín, 2009, 06:35:50 pm
Rủi thay, hôm ấy đường liên lạc này lại rất bận. Và tại Honolulu, để làm cho sự rủi ro thêm toàn vẹn, chiếc máy viễn ấn đảm bảo sự liên lạc giữa nhà bưu điện và bản doanh của Fort Shafer tại Oahu lại bị hư hỏng. Sau cùng, để đến được tay người nhận chính thức, Tướng Short, Tư lệnh lực lượng quân sự tại Hạ Uy Di, bức điện văn của Tướng Marshall đã phải mượn chiếc sắc cốt đáng thương hại của một tiểu bưu lại với chiếc xe đạp, bị chen lấn trong các đám đông cản lối và bị chặn bởi các nhân viên phòng vệ dân sự vì anh ta là một người Nhật, và điện văn ấy đã chỉ đến được tay người nhận một tiếng rưỡi đồng hồ sau khi hạm đội Mỹ bị tiêu diệt.


Thế còn chuyện gì đã xảy ra tại Hạ Uy Di, trong lúc các cấp chỉ huy tối cao của Lục và Hải quân Mỹ do dự về các quyết định phải ban hành, khiến cho các cơ sở tình báo, lẫn các đài rada, lẫn các cuộc không thám đều không báo trước được cho các giới chức hữu trách địa phương về cuộc tấn công của Nhật sắp xảy đến cấp kỳ?


Bảng liệt kê thứ tự các biến cố theo thời gian được uỷ ban điều tra của Thượng viện tỉ mỉ nêu ra, có thể cho chúng ta một lời giải thích:

Tại Hạ Uy Di, cơ sở phản gián do Tướng Bicknell chỉ huy đã khám phá ra được một cuộc điện đàm đúng ngay trên đường dây điện thoại thương mại giữa Honolulu và Đông Kinh tối nàgy 5 tháng 12. Cuộc điện đàm xuất phát từ một nha sĩ Nhật sống trên đảo ông ta gọi cho Nhật báo Yomiuri Shimbu để nói chuyện này chuyện nọ; đặc biệt là về sự hiếm hoi của loại cây có hoa, ngoại trừ cây dâm bụt và cây cúc vàng Nam Mỹ thì trái lại nở hoa rất đẹp. Ngay sau khi được thông báo cuộc điện đàm đáng nghi này. Tướng Bicknell đến bộ tham mưu và xin được gặp riêng Tướng Short, Tư lệnh Lục quân tại Hạ Uy Di. Ông này đã tiếp ông ngoài cửa văn phòng. Lúc đó là 18 giờ 30 và vợ ông ta đang chờ dưới kia vì họ phải đi dự một buổi dạ tiệc. Ông ta đã rất trễ giờ và tỏ dấu hiệu nóng nảy khi nghe câu chuyện hoá dâm bụt. Ông ta chấm dứt cuộc tiếp xúc bằng cách nói với Bicknell rằng dầu sao “đêm nay cũng đã quá khuya và rằng ông ta sẽ suy nghĩ lại”.


Vốn đã bị khiển trách một đôi lần vì làm rối trí thượng cấp một cách vô ích, Bicknell không dám khẩn nài thêm.


Trong khi dự tiệc, Tướng Short tự trách mình đã đuổi khéo Bicknell như thế. Cuộc nói chuyện bị ngắt ngang có thể có tương quan với các chiến hạm hiện diện trong Trân Châu Cảng lắm chứ. Nhưng ông lại không đảm trách vấn đề an ninh cho hạm đội. Đó là việc của Đô đốc Kimmel, vốn cũng có cơ sở tình báo riêng và đoàn thủy phi cơ thám sát. Ông tin rằng Đô đốc chắc phải biết rõ vị trí chiến hạm Nhật mà nhất cử nhất động đều được nhiều nguồn tin thông báo cho ông ta. (Tướng Short lúc đó không biết rằng phòng nhì của hạm đội Thái Bình Dương từ hai hôm nay đã mất dấu những hàng không mẫu hạm Nhật). Kimmel lại không đến dự dạ tiệc. Ông ta đi ngủ sớm sau một ngày mệt đứt hơi. Ngày mai báo cho ông ta cũng còn kịp.


Lúc 3 giờ 50 sáng hôm sau, chiếc tàu rà mìn Condor đang tuần tiễu bên ngoài tầm lưới chắn ngang lối vào hải cảng, tin chắc là đã thấy một kính tiềm vọng nhô lên trước mũi. Nó lập tức báo ngay cho chiếc khu trục hạm Ward có nhiệm vụ canh phòng ngoài khơi. Chiếc Ward chạy về phía kính tiềm vọng đáng nghi, nhưng không nghe gì cả, phải hỏi chiếc Condor các chi tiết chính xác. Một cuộc đàm thoại vô tuyến diễn ra giữa hai chiến hạm và được đài truyền tin Trân Châu Cảng nghe rõ mồn một. Nhưng vì không có chiếc nào trực tiếp nói với đài, hiệu thính viên đành chỉ biết ghi âm lại. Nhiều cuộc báo động hụt loại này xảy ra bất thường. Người chuyên viên nghĩ là không cần phải báo cáo cho thượng cấp làm chi.


Đến hừng đông, ba chiếc thuỷ phi cơ thám sát cất cánh lúc 6 giờ 26, một chiếc bay trên một cơ xưởng hạm đang tiến vào lối vào hải cảng, cánh cửa tàu mở rộng. Chiếc khu trục hạm Ward, tiếp tục cuộc tìm kiếm, chạy băng qua luồng sóng của chiếc tàu sửa chữa và rất ngạc nhiên thấy khói bốc lên từ một chiếc phao vừa được chiếc thuỷ phi cơ ném xuống. Tất cả những người canh đêm đều quan sát mặt biển về phía chiếc phao nhả khói và một người đã thấy được một vật đáng nghi giống như chiếc tháp của một tàu ngầm bỏ túi. Lập tức chiếc Ward chạy đến và khai hoả. Đến lượt chiếc thuỷ phi cơ thả bom. Lúc ấy khu trục hạm Ward mới báo cáo cho đài truyền tin tại Trân Châu Cảng: “Chúng tôi đã tấn công một tàu ngầm hiện diện trong khu vực cấm lai vãng”.


Lần này, tín hiệu được trực tiếp gửi đến, hiệu thính viên đài truyền tin Trân Châu Cảng chuyển cho sĩ quan trực, người này lại trình lên thượng cấp qua các cấp chỉ huy theo hệ thống.


Nhưng hệ cấp này quá dài và các cấp chỉ huy khác nhau của Bộ tư lệnh tỏ ra đặc biệt nghi ngờ. Câu chuyện tàu ngầm xuất hện tại lối vào hải cảng có vẻ hoạt kê quá. Hơn nữa, đây là một sáng chủ nhật, và giờ này chưa có ai tỉnh giấc cả.


Mãi đến 7 giờ 30, Đô đốc Kimmel mới được báo tin. Ông đang mặc áo quần để đi lễ và đành chỉ ra lệnh chỉ ra lệnh cho chiếc Ward tiếp tục tìm kiếm và báo cáo kết quả cho ông. Ám hiệu của chiếc Ward đối với ông có vẻ biểu dương trí tưởng tượng phong phú nhất. Ông có vẻ bực tức hơn là xúc động. Sau một cái liếc mắt cuối cùng vào trang phục, ông bước ra bãi cỏ của ngôi biệt thự xa hoa và sửa soạn đến nhập đoàn với các sĩ quan cao cấp đang cùng vợ con chờ đợi về tháp tùng ông đến nhà thờ.

Lúc ấy là 7 giờ 55. Vài giây sau, những tiếng động vẳng lại. Nhiều cột khói bốc lên từ hải cảng và lập tức nhiều tiếng nổ vang lên tiếp theo sau.


Đô đốc nhảy vào chiếc xe và chạy hết tốc lực về văn phòng Bộ tham mưu. Ông phải mất 20 phút mới qua khỏi đoạn đường ngổn ngang người chạy trốn và xe chữa lửa. Khi ông đến hải cảng, tiếng động chát tai của bom nổ tạm ngưng, nhưng tất cả các thiếp giáp hạm của ông thì đang bốc cháy, chìm xuống nước hay bị hư hỏng tan nát.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 08 Tháng Chín, 2009, 06:36:49 pm
Câu chuyện tàu ngầm này có vẻ rất hoạt kê và thật vậy nó rất hoạt kê. Nó đã chứng tỏ rằng kế hoạch của Nhật, mặc dầu được soạn thảo tỉ mỉ, cũng bị nhiều kẽ hở mà Bộ tư lệnh Mỹ lẽ ra đã có thể lợi dụng được. Bức điệnt ín sau cùng mà ông lãnh sự gỉ Morimura, được đánh đi qua trung gian của ông nha sĩ, là một lầm lỗi, vì nó có thể thức tỉnh đối phương. Nhưng ít ra nó cũng còn cho phép bật đèn xanh cho Đô đốc Nagumo khi xác nhận với ông ta rằng có các thiết giáp hạm trong hải cảng. Tấn công hải cảng bằng một toán tàu ngầm bỏ túi là một lỗi lầm thứ hai, và trầm trọng hơn, bởi vì nó tạo thành một sai lầm chiến thuật có thể làm hỏng nỗ lực chính nhất là khi nó không được chuẩn bị kỹ.


Không có thuỷ thủ nào của chiếc Condor lẫn chiếc Ward lại mơ ngủ cả khi họ báo hiệu thấy khi thì một tiềm vọng kính, khi thì một tháp tàu ngầm. Quả thật kế hoạch Yamamoto đã có trù liệu một cuộc tấn công các thiết giáp hạm buông neo trong Trân Châu Cảng bằng một nhóm năm tàu ngầm bỏ túi được các tàu ngầm mẹ trang bị đặc biệt mang đến tuyến xuất phát.


Trong thực tế, Đô đốc chỉ còn hối tiếc cho cuộc tấn công cầu âu này, cuộc tấn công khó mà diễn ra đồng thời với cuộc tấn công của phi cơ. Tuy nhiên ông đã phải nhượng bộ áp lực của ông Bộ trưởng Hải quân khi ông này nại ra các lý do tâm lý. Sự sử dụng độc có phi cơ sẽ tạo ra ganh tỵ. Đặc biệt các quân nhân phục vụ dưới tàu ngầm, những người từ lâu đã nghiên cứu khả năng tấn công các chiến hạm đang bỏ neo bằng các tàu ngầm bỏ túi, đột nhiên thấy mình bị chiếm đoạt mất con ngựa chiến có hy vọng hơn cả. Yamamoto không muốn cho họ bị nhục và chấp thuận cho nhóm ưu tú này của Hải quân danh dự được hy sinh tối thượng cuộc tấn công đầu tiên mở màn cuộc chiến tranh.


Bởi vì đây chính là một sứ mạng tự sát đầu tiên. Mười chiếc tàu ngầm nhỏ ấy có tầm hoạt động không đủ để trở về tàu ngầm mẹ nữa kìa. Năm chiếc tàu ngầm mẹ há chẳng phải bị đe doạ vì địch trông thấy nếu chúng nổi lên mặt nước ngay giữa ban ngày lúc ở quá gần Trân Châu Cảng hay sao ? Hơn nữa, những hiểm nguy bị ném lựu đạn chống tàu ngầm hoặc cả bị mắc cạn nữa, đã không cho thấy gần như một cơ may chiến thắng nào cả.


Cơ may thành công của chính cuộc tấn công cũng không mấy lớn lao, cuộc hành quân không biểu dương một lợi ích quân sự nào cả. Trái hẳn lại, nó đe doạ làm hỏng hiệu quả của sự bất ngờ. Quả thật đó là điều đã xảy ra và nếu không có sự chậm trễ khó tin của việc chuyển đi các tín hiệu báo động từ chiếc Condor, Bộ tư lệnh Mỹ đã có thể được biết tin trước trong khoảng từ 4 đến 5 giờ sáng-Nghĩa là hơn 3 giờ trước khi cuộc tấn công bắt đầu-rằng có một cái gì bất thường đang xuất hiện. Do đó có đủ thì giờ để cho các các khu trục cơ cất cánh, để lắp đạn cho các giàn cao xạ DCA, trên mặt đất và trên chiến hạm, để phân tán tất cả phi cơ trên mặt đất và để tăng cường sự theo dõi màn ảnh rada. Có lẽ cuộc tấn công của Nhật sẽ không giảm phần chí tử nhưng nó cũng bắt quân Nhật phải trả trá đắt.


Mới cách đó ít lâu Oahu cũng được trang bị các rada trên đất liền-thêm vào các giàn rada của các thiết giáp hạm vốn sẽ không thấy gì khi đậu trong lòng chảo. Nhưng đây là một kiểu mới, nhân viên không được huấn luyện kỹ, và ít quá; đèn để thay thế thì hiếm hoi và mệnh lệnh tiết kiệm gắt go đã được ban hành. Dầu vậy, bất chấp những thiếu sót, những giàn máy tuyệt vời này đã hoạt động hoàn hảo và đã khám phá được không đoàn của Fushida lúc còn cách xa 200 cây số. Tại đây cũng lại chính vì tổ chức chuyển lệnh báo động kém cỏi quá đã làm cho Bộ tư lệnh không nhận được tin tức cốt yếu này.


Cuộc phiêu lưu của các binh nhì thuộc sở Truyền tin Lục quân, tốt nghiệp chuyên viên rada tạm thời Joseph Lockard và George Elliot, vẫn thường được kể lại với đôi chút tưởng tượng thêm vào. Chúng ta sẽ nhắc lại một cách tóm tắt thôi bởi vì nó là một tổng hợp điển hình nhất của các thiếu sót khác nhau thuộc lĩnh vực cơ cấu tổ chức vốn đã làm tê liệt hẳn hệ thống ra lệnh báo động trong buổi sáng hôm đó.


Tướng Short có trong tay năm trạm rada được thiết lập rải rác trên các đỉnh núi cao thuộc đảo. Cho rằng bình minh là thời gian mà cuộc tấn công đáng sợ nhất, ông đã ra lệnh vì các lý do, tiết kiệm vật liệu, rằng sự canh chừng thật sự sẽ chỉ được thực hiện từ 4 giờ đến 7 giờ, tức là hai giờ trước bình minh và một giờ sau đó. Một buổi huấn luyện ngắn sẽ được tổ chức tiếp theo đó từ 7 giờ đến 8 giờ, nhưng vì ngày 7 tháng 12 là một ngày chủ nhật và vì hôm ấy không có máy bay cất cánh, cho nên năm trạm rada sẽ chấm dứt sự canh chừng vào lúc 7 giờ.


Mỗi trạm rada có đường liên lạc điện thoại với Trung tâm Tin tức của Fort Shafter. Hôm đó một sĩ quan không quân, trung uý Kermit Tyler, là sĩ quan trực. Ông có một bản đồ lớn treo tường để định vị trí và một tổng đài điện thoại nối liền với tất cả phi trường trên đảo và các bộ chỉ huy hành quân khác. Như thế đồng thời vừa là quá nhiều vừa là quá ít. Quá nhiều vì chỉ một bộ chỉ huy cũng đủ với điều kiện là phải đặt cạnh Trung tâm Tin tức và hoạt động thích nghi. Quá ít bởi vì Trung tâm Tin tức cô lập ấy lại chỉ được giao cho một trung uý không quân trẻ tuổi vô thẩm quyền chịu trách nhiệm.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 08 Tháng Chín, 2009, 06:37:21 pm
Trong số năm trạm rada hoạt động tại Oahu, có một trạm được thiết trí tại một địa điểm rất thích hợp: trạm Opana, nằm trên một ngọn đồi cao 250 thước phía tây bắc đảo và hướng nhìn chiếu thẳng ra khơi. Chính hai binh sĩ Lockard và Elliot có mặt trong trạm này.


Cuộc canh chừng lâu 3 giờ của họ trôi qua mà không có chuyện gì lạ: không một chiếc máy bay, một chiếc tàu nào xuất hiện làm rối mặt kính được chiếu sáng như ánh trăng.


Đến 7 giờ, Lockard sửa soạn tắt máy, nhưng Elliot vốn ít được huấn luyện hơn bạn, xin tiếp tục cuộc canh chừng với hy vọng bắt gặp được các phi cơ vận tải thông thường sắp đến giờ bay đến, Lackard chấp thuận và đứng dậy để chân cẳng giãn gân, nhưng gần như ngay lúc đó người bạn goi anh: “này, anh nhìn coi, có cái gì kìa“.


Lockard nghiêng người qua vai Elliot và thấy một nhóm điểm sáng mà số lượng mỗi giây một nhiều. Anh không tin vào mắt mình nữa. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là một đoàn phi cơ quan trọng đang bay hết tốc lực đến gần và cách 180 cây số về phía bắc đông bắc. Anh nhảy chồm đến chiếc điện thoại và gọi Trung tâm Tin tức của Fort Shafter. Một binh sĩ trả lời anh và bảo rằng anh ta có một mình, phiên trực đã chấm dứt. Nhưng trung uý Tyler, lúc đó chưa bỏ đi, nhấc ống liên hợp lên nghe. Giọng của người đối thoại càng lúc càng lo âu. Tyler ghi lại các chỉ dẫn vừa được chuyển đến: vị trí, đường bay và tốc độ phi cơ đáng nghi. Có một lúc mối nghi ngờ của ông bị lung lay. Thế rồi tâm trí ông lại được soi sáng: ông nhớ có thoáng qua một hiệu lệnh phát đi từ đài truyền tin KGMB tại Oahu nói rằng, một đoàn pháo đài bay từ Mỹ sẽ bay đến lúc 8 giờ. Chắc chắn đoàn phi cơ đã bay quá lên phía bắc và giờ đây chuyển về hướng nam về phía phi trường Hickam. “Đừng lo“ ông nói với Lockard, “đừng nghĩ đến chuyện đó nữa!“


Vốn là một binh sĩ tận tâm, Elliot tiếp tục theo dõi đoàn phi cơ trên mặt kính rada. Đối với anh đây là cơ hội độc nhất để tự học hỏi. Đúng 7 giờ 30 đoàn phi cơ chỉ còn cách xa 80 cây số, 10 phút sau nó biến mất trong vùng rối loạn vì núi non. Anh tắt máy, ngắt điện rồi bước ra khỏi ngưỡng cửa để cùng Lockard chờ chiếc xe trực lên chở họ xuống. Trên đường đi xuống phía Trân Châu Cảng, họ gặp các binh sĩ bộ binh vũ trang đi ngược chiều. Kìa, họ nghĩ, vậy ra có cuộc thực tập sao?


Không, đấy không phải là một cuộc thực tập. Bom đã rơi xuống Fort Shafter. Trân Châu Cảng bị khói bao phủ. Hạm đội Thái Bình Dương không còn nữa.

Một giờ rưỡi sau cơn tai biến, khi người bưu lại nhỏ bé của Honolulu chuyển đến được tận tay người nhận bức công điện của Marshall, cử động đầu tiên của Tướng Short là giận dữ xé tan bản văn ấy. Nó được soạn thảo như sau: “Hôm nay lúc 1 giờ trưa (giờ Hoa Thịnh Đốn) người Nhật có chuyển giao cho chúng ta một công hàm mà trong thực tế là một tối hậu thư. Họ cũng đã nhận được lệnh phá huỷ lập tức các máy móc mật mã của họ. Chúng tôi chưa rõ ý nghĩa chính xác của phần thêm vào liên quan đến giờ giấc, nhưng dầu sao ông cũng hay ra lệnh báo động. Hãy thông báo các chỉ thị này cho các cấp chỉ huy Hải quân. Ký tên: Tướng George Marshall”.


Nếu nhận được các tin tức này trong đêm trước, chắc chắn là có thể tránh được cuộc tàn sát ghê rợn rồi. Bị chìm ngập bởi những công việc hoả tốc như ông, Short không có thì giờ tìm hiểu bí mật của sự chậm trễ luôn năm tiếng rưỡi đồng hồ để hoàn thành việc chuyển đi bức điện văn này, nhưng khi đã bình tĩnh trở lại, ông tìm thấy lại điện văn ấy và cẩn thận giữ bên mình.


Than ôi, chắc nó không hữu ích gì cho ông trong cuộc điều tra những kẻ có trách nhiệm cả. Thật vậy Short sẽ cùng với Kimmel là những nạn nhân đầu tiên của sự thanh lọc sau cơn tai biến. Không ai quan tâm đến các luận cứ của họ, và trong hoàn cảnh bị thất sủng, họ cay đắng biết rằng các thượng cấp trực tiếp của họ-Marshall và Stark-vẫn còn ngồi lại ghế của mình.


Chắc chắn là Roosevelt đã phán xét, cũng như về sau người kế tục của ông J.F.Kennedy phán xét tiếp theo sau sự thất bại tại vịnh Con Heo ở Cuba, nơi mà quân đội và các cơ quan tình báo của Mỹ đã dồn dập vấp phải các lỗi lầm cùng loại, rằng trong vụ thê thảm này có quá nhiều người để khiển trách.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 11 Tháng Chín, 2009, 08:35:46 pm
Kế hoạch miền Nam

Hạm đội liên hợp

Với một thái độ trầm tĩnh tuyệt đối của một tay chơi bài Poker, mà ông là một người sành sỏi thật, Đô đốc Isoroku Yamamoto, tư lệnh “Hạm đội liên hợp” của Nhật, không chờ kết quả của vố tấn công táo bạo vào Trân Châu Cảng, đã cho áp dụng ngay kế hoạch miền Nam, một kế hoạch mà các chi tiết được qui định trước các chi tiết liên quan đến cuộc không tập căn cứ Hải quân Mỹ rất lâu.


Vốn là đối tượng của vô số các cuộc nghiên cứu tham mưu, kế hoạch này đã hoàn thành sau các thất bại đầu tiên tại Trung Hoa khiến cho hy vọng vào một chiến thắng mau lẹ bị dập tắt! Rõ ràng là Nhật Bản không thể nào chịu đựng được một chiến tranh lâu dài vì cuộc kháng chiến của Trung Hoa đã không cho phép khai thác các lãnh thổ chinh phục được. Để có thể đập tan các cuộc kháng chiến này, điểm chủ yếu là phải có thể cung cấp gạo cho binh sĩ và nhiên liệu để tiếp tế. Còn đâu khác hơn? Nghĩa là trong các quần đảo giàu có tại Đông Nam Á từng được khai thác tận tình bởi các kẻ xâm lăng tây phương từ nửa thế kỷ qua. Kế hoạch miền Nam được thiết lập tỉ mỉ chính là để chiếm hữu các nguồn tài nguyên này của người Tây phương.


Trái với kế hoạch xâm chiếm Trung Hoa vốn thuộc thẩm quyền riêng biệt của Lục quân, kế hoạch miền Nam chủ yếu lệ thuộc vào “Hạm đội liên hợp”.

Danh xưng “Hạm đội liên hợp” không mới mẻ gì. Nó đã có một tiền lệ vinh quang. Chính đó là danh hiệu được đặt cho hạm đội của Đô đốc Togo năm 1904, người chiến thắng trận Port Arthur và trận Tsoushima lừng danh sau đó. Yamamoto thường được so sánh với vị tiền nhiệm trứ danh, cũng có các đức tính của một Tư lệnh đại đơn vị y như bậc tiền nhiệm, và cũng giống như ông ta, ông có cái thiên phú hiếm có làm cho thuộc viên yêu mến mặc dầu vẫn đòi hỏi họ một sự phục vụ tận tuỵ vô bờ bến. Nhưng chính tại đấy, nghĩa là trên bình diện con người, đã có sự khác biệt giữa hai nhân vật.


Trước hết về phương diện thể chất, họ không giống nhau. Togo là một người mảnh khảnh, vẻ mặt khổ hạnh mà cái nhìn sâu sắc phản chiếu năng lực tiềm tàng và sự chừng mực. Yamamoto cũng giống như ông ta, có một tầm vóc trung bình nhưng thể chất vạm vỡ hơn. Thói quen tập thể thao đã khiến toàn thể bắp thịt của ông mềm dẻo và mạnh mẽ hơn. Khuôn mặt tròn của ông rạng rỡ nhờ cặp mắt linh động thường như tươi cười và biến đổi mau lẹ đến lạ lùng. Ký ức của ông thật phi thường và ngoài kiến thức rộng rãi như một bách khoa tự điển sống, ký ức ấy khiến ông có khả năng nhớ mặt người cực kỳ dễ dàng. Ông được mọi con tim trìu mến nhờ sự chăm sóc mà ông dành cho mỗi người và đối đãi với thuộc viên với thái độ thẳng thắn tự nhiên như người nhà. Đấy là một con người hành động mà đức tính nổi bật nhất là sự ưa thích các “mạo hiểm có tính toán”.


Trên bình diện chiến lược, ông là môn đệ của Togo, người mà tài năng rất được ông ngưỡng mộ. Ông không giấu giếm là đã mô phỏng các kế hoạch của mình theo những kế hoạch của bậc thầy ông. Ý tưởng tấn công bất ngờ một địch thủ đồng sức mạnh để che chở cho một cuộc đổ bộ đang diễn tiến là ý tưởng được trực tiếp gợi ra từ cuộc điều quân của Togo trong trận đánh quân Nga tháng 2 năm 1904.


Chúng ta hãy nhắc lại, trong đêm 8 rạng ngày 9 tháng 2 năm ấy, ba hải đoàn phóng ngư lôi hạm-của Hạm đội liên hợp đầu tiên đương thời-đã đến tấn công đoàn chiến thuyền Nga Sô đang bỏ neo trong vùng biển ngoài cảng Port Arthur. Cho đến lúc đó, chưa bao giờ có lực lượng hải quân nào trên thế giới lại toan tính mạo hiểm đưa các chiến hạm nhỏ bé bị coi là cực kỳ tầm thường ấy, đi tập kích quá xa căn cứ như thế mà lại không hề được một sự yểm trợ nào khác. Sự táo bạo có tính toán ấy đã thành công vượt quá sự chờ mong. Các phóng ngư lôi hạm bất thần đột kích vào một địch thủ đang say ngủ và chỉ trong vài phút đã đánh đắm được ba trong số các chiến hạm địch mạnh nhất. Tính cách mới mẻ và táo tợn của phương thức tấn công đã đảm bảo cho sự thành công. Ba mươi bảy năm sau, cũng chính chiến thuật ấy đã thành công tại Trân Châu Cảng với hàng không mẫu hạm của Nagumo.


Thời cơ chính trị cũng thế, rất giống nhau: các cuộc thương thuyết rắc rối một cách cố ý, bắt đầu bằng cấp cao nhất do các đại sứ đặc biệt làm ra vẻ muốn đạt đến một thoả hiệp, và kéo dài càng lâu càng tốt để ru ngủ sự khinh thường của đối phương.

Cho đến cả sự ấn định thời biểu đồng nhất của các cuộc hành quân như đã được dự liệu trong ngày 8 tháng 2 năm 1904 cũng được lặp lại một cách trung thực trong cuộc không tập ngày 8 tháng 12 năm 1941. Cuộc đổ bộ quân Nhật lên Chemulpo, ở Triều Tiên đã xảy ra trước 7 giờ so với cuộc tấn công của các phóng ngư lôi hạm vào Port Arthur. Bằng vào các phương tiện truyền tin mau lẹ hơn, Yamamoto đã giảm bớt thời gian đi trước này xuống 1 giờ, nhưng nguyên tắc chỉ là một. Sự chọn lựa hải cảng đổ quân ban đầu cũng tương ứng với cùng một kế hoạch chiến thuật: Chemulpo là đầu cầu của phòng tuyến dọc theo con đường đưa thẳng tới biên giới sông Yalou hải cảng nhỏ bé được Yamamoto chọn lựa để đổ quân xâm chiếm trên bán đảo Mã Lai, cũng nối thẳng với Tân Gia Ba, một đồn canh xa nhất bảo vệ sự di chuyển của tàu bè từ biển Java vào biển Nam Hải mà ông phải chiếm đóng bằng mọi giá.


Song song với cuộc đổ bộ này, kế hoạch miền Nam tiên liệu một cuộc tấn công gọng kềm trên các quần đảo Đông Nam Á châu: Quần đảo Phi Luật Tân, Bornéo, Célèbes và Moluques. Một khi bị nhốt trong hải phận Java, các lực lượng hải quân yếu kém của Tây phương sẽ thấy bị rơi vào bẫy chuột và việc bắt chúng chấp nhận hải chiến trong các điều kiện thuận lợi nhất cho Hạm đội liên hợp chỉ còn là trò chơi của hạm đội này.


Kế hoạch này phải được thực hiện từng điểm một. Thời biểu nguyên thuỷ được tôn trọng đều đặn như kim đồng hồ quay. Sự sai biệt so với thời biểu qui định không bao giờ vượt quá một tuần tại các địa điểm khó khăn nhất.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 11 Tháng Chín, 2009, 08:36:58 pm
Cuộc tấn công tại Mã Lai

Yamamoto cho rằng Tân Gia Ba là pháo đài vững chắc nhất trong hệ thống phòng thủ của Anh tại Đông Nam Á. Nằm trên một hòn đảo nhỏ ở mũi cực nam bán đảo Mã Lai và nhìn ra dọc theo eo biển Malacca,  hải cảng Tân Gia Ba có thể cho cả một hạm đội trú ẩn, về hệ thống phòng thủ chung quanh hải cảng được xây dựng rất kiên cố. Ba phi trường trên đảo hợp với các phi trường trên bán đảo tạo thành một hêệ thống phòng thủ đáng sợ. Một cuộc tấn công trên không bất ngờ y như kiểu tấn công vào Hạ Uy Di không có một cơ may thành công nào, vì trái ngược với người Mỹ, người Anh biết đề cao cảnh giác và từ lâu đã chờ đợi một cuộc tấn công của Nhật vào các thuộc địa của Hà Lan tại Ấn Độ Dương. Để chiếm hữu Tân Gia Ba, do đó cần bắt đầu đổ bộ vào bán đảo Mã Lai, chiếm các phi trường, rồi công hãm pháo đài ấy vốn chỉ cách đất liền bằng một eo biển hẹp rất dễ vượt qua.


Vì tầm quan trọng của các lực lượng Anh quốc tại Mã Lai (31 tiểu đoàn quân Anh, Ấn và Úc tương đương với hơn 3 sư đoàn) kế hoạch xâm chiếm tiên liệu một cuộc đổ bộ lên bờ biển phía đông bán đảo của quân đoàn 25 thuộc Tướng Yamashita, với sức mạnh ba sư đoàn được chọn lựa trong số đơn vị tinh nhuệ nhất và một sư đoàn không quân. Sự di chuyển một đạo quân như thế phải được đảm bảo bằng cách xuất phát từ một hải cảng gần địa điểm đổ bộ càng tốt. Chỉ có giang cảng Sài Gòn tại Đông Dương là hội đủ các điều kiện bắt buộc, và Bộ Tổng tham mưu hoàng gia đã chọn lựa giang cảng này.


Chính vì mối ưu tư cần có một hải cảng xuất phát tối cần thiết này mà chính phủ của hoàng thân Konoye (Thời đó Tướng Tojo chưa làm Thủ tướng) đã làm áp lực đối với nước Pháp, ngay sa khi Pháp bại trận, để Pháp chấp thuận dành cho quân Nhật vài tiện ích quân sự tại Đông Dương. Những yêu sách đầu tiên rất khiêm nhường: sử dụng ba phi trường, đồn trú chừng 6.000 người. Trong suốt một năm, nền ngoại giao của chính phủ Vichy đã thành công một cách kỳ diệu trong việc tránh né được các sự lấn áp khác. Nhưng đến tháng 7 năm 1941 khi chiến thắng của Hitler tại Nga Sô đảm bảo cho Nhật khỏi trông thấy viễn ảnh đáng sợ bị quân Nga tấn công vào Mãn Châu, các đòi hỏi của Nhật tại Đông Dương lại đè nặng hơn. Chính phủ Pháp đã trả lời bằng sự bác bỏ, Không quân Nhật liền oanh tạc Hải Phòng trong khi đó Lục quân Nhật đuổi dồn các tiền đồn biên giới của Pháp tại Thượng du Bắc Việt. Hoa Kỳ không đáp ứng lời kêu cứu của Toàn quyền Pháp tại Đông Dương, ông này bắt buộc phải thoả mãn các đòi hỏi của Đông Kinh, mà giờ đây là sự sử dụng tám phi trường, giang cảng Sài Gòn và vịnh Cam Ranh.


Trong thực tế, những yêu sách mới này đã có ảnh hưởng quyết định đến chiều hướng biến chuyển của các cuộc thương thuyết Nhật-Mỹ. Ý thức được mức độ trầm trọng của sự kiện, và để trả đũa, Tổng thống Roosevelt quyết định phong toả mọi ngân khoản của Nhật tại Mỹ, rồi noi theo Anh quốc và Hà Lan, phong toả luôn mọi nguồn cung cấp nguyên liệu và dầu hỏa chở đến Nhật.


Các biện pháp này đưa Nhật Bản vào tình thế bế tắc. Số dự trữ nhiên liệu giảm dần vì chiến cuộc tại Trung Hoa không cho phép Nhật được sống còn nữa. Một phong trào uất hận rộng lớn đã quét sạch chính phủ của hoàng thân Konoye và Thiên Hoàng đã phải kêu gọi lãnh tụ đảng quân nhân, Tướng Tojo lên nắm chính quyền.


Anh quốc là nước đầu tiên bị rúng động. Nó liền phái đến Tân Gia Ba viên Bộ trưởng trẻ tuổi Duff Cooper với sứ mạng là phối hợp hành động giữa các nhà chức trách quân sự và dân sự tại các thuộc địa ở Viễn Đông. Tình thế trước mắt ông ta có vẻ đã đến mức báo động. Sự phân phối quyền hành thiếu phân minh và không ai chấp thuận sự cần thiết phải thống nhất chỉ đạo công việc trong các thuộc địa khác nhau thuộc vùng Đông Nam Á. Cũng giống như tại Pháp sau vụ Munich, các kiều dân Tây phương tiếp tục hy vọng một phép lạ sẽ xảy đến để kéo dài sự yên ổn vàng son của họ. Trong những bungalow mở rộng cửa trong làn sương đêm vùng nhiệt đới, sự thù tạc vẫn tiếp tục như chẳng có gì xảy ra cả. Đô đốc, Tướng lĩnh và công chức cao cấp thảo luận về tình hình với nhau trong các lễ phục màu trắng. Phần đông đều vững tin. Vị Tổng tư lệnh Quân lực tại Viễn Đông là một ông Air-Marshall của Không lực Hoàng gia, Sir Robert Brooke Popham. Ông ta không ngừng lặp đi lặp lại rằng pháo đài Tân Gia Ba là một cứ điểm không thể bị chiếm được và Hồng Kông là một thứ Gibraltar của Viễn Đông. Để trả lời cho những ai tỏ ra ít lạc quan hơn về khả năng kháng cự của các cứ điểm này, các vị Đô đốc nói rằng lực lượng Hải quân Hoàng gia có mặt ở đây để phòng vệ chúng. Và rồi thì hạm đội thiết giáp hùng mạnh của Mỹ há chẳng phải đã được tập trung tại Hạ Uy Di trong mục tiêu rõ rệt là để can thiệp khi có lệnh báo động đầu tiên đó sao?


Chắc chắn, lực lượng Hải quân địa phương quá yếu rồi: ba tuần dương hạm của Hà Lan, một của Anh, và một của Úc trong hải phận Java, chừng một tá khu trục hạm và một số tàu ngầm tương đương phân tán trong quần đảo. Rõ rệt lực lượng ấy không đáng gì. Nhưng đã có tin đồn đại từ lâu rằng, đáp ứng các đòi hỏi của Đô đốc Tư lệnh Hải quân tại Tân Gia Ba, Churchill đã phái đến để tiếp cứu chiếc thiết giáp hạm Prince of Wales, một chiến hạm tối tân nhất và hùng mạnh nhất của hạm đội Anh quốc. Đấy là sự kiện có bản chất rất an ủi tâm trí các Đồng minh và nâng cao tinh thần những kẻ chủ bại.


Tin này chính xác. Nó đã thoát ra được khỏi vùng im lặng dày đặc thường bao phủ chung quanh các sự di chuyển của các chiến hạm lớn. Bất chấp các lời khuyên thận trọng của Bộ Tư lệnh Hải quân, Churchill đã ra lệnh cho viên Bộ trưởng Hải quân lập một lực lượng hải quân-Lực lượng Z-với chiếc thiết giáp hạm Prince of Wales, tuần dương hạm chiến đấu Repulse và hàng không mẫu hạm Indomitable. Quyền chỉ huy được giao cho một trong các tướng lĩnh sáng chói của Hải quân Hoàng gia, Đô đốc Sir Tom Philips, mà cho đến lúc đó phụ trách phòng hành quân của Bộ Tư lệnh Hải quân. Ba chiến hạm chạy riêng rẽ với các khu trục hạm hộ tống phải có mặt tại Tân Gia Ba vào ngày 1 tháng 12 năm 1941 và ở lại đấy cho đến khi có lệnh mới.


Nếu tin tức về việc phái đến ba chiến hạm ấy được lan truyền một cách dễ dàng, chính là tại vì trong tâm trí Winston Churchill, biện pháp này trước hết có mục đích tạo ra điều mà ngày nay chúng ta goi là hiệu lực gián chỉ. Một hiệu lực như thế theo định nghĩa, phải bao gồm một hình thức quảng cáo nào đó. Thủ tướng Anh quốc đã giải thích điểm này trong Hồi ký của ông, nói rằng ông hy vọng bằng cách này “có thể thực hiện một thứ đe doạ mà các chiến hạm tối quan trọng, với ý định được giấu kín, có thể áp đảo lên các kế hoạch một địch thủ hải quân trong tương lai”.


Đi ngược thời gian, ngày nay ta không thể không nghĩ rằng chính đó là lối suy nghĩ mà một thế kỷ trước đây, vị Nữ hoàng trẻ tuổi Victoria đã có thể thực hiện, khi mà câu châm ngôn trứ danh ”Britannia rules the waves” (Anh quốc thống trị đại dương) đang còn đúng cách. Nó có vẻ quá lỗi thời đối với chúng ta một ngày trước cuộc tấn công tại Trân Châu Cảng.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 11 Tháng Chín, 2009, 08:37:29 pm
Sự di chuyển lực lượng muộn màn này lẽ ra đã có thể đạt được mục tiêu nếu như chiếc hàng không mẫu hạm được những người tun tin loan báo, đã thật sự lên đường đi Viễn Đông. Thế mà thực tế không phải như vậy… Chiếc Indomitable, mà sự hoàn tất gặp rất nhiều khó khăn và các cuộc chạy thử đã chấm dứt trong vùng biển Caraibles, đã bị thất bại như khó tưởng tượng được rằng khi biết việc bất lợi này mà Đô đốc Tom Philips còn chấp nhận tiếp tục cuộc hành trình. Ông vừa rời các bạn đồng sự của Không lực Hoàng gia, những người đã cùng ông làm việc trong suốt một năm để làm tê liệt các thiết giáp hạm của Đức bỏ neo trong hải cảng Brest. Ông không lạ gì những nguy cơ mà các thiết giáp hạm phải đương đầu trước các phi cơ phóng thuỷ lôi và các oanh tạc cơ đâm bổ. Trong lúc cáo biệt các đồng sự của Lục quân và Không quân RFA, Thống chế Không quân Harris, tư lệnh đơn vị Bomber Command một trong các tướng lĩnh viễn kiến nhất về cuộc chiến, đã nói khi bắt tay ông: “Don’t forget your umbrella Tom!” (Đừng quên chiếc dù không lực săn giặc!). Philips đã cười với người bạn thân với một cái nháy mắt để ông ta yên tâm. Tuy vậy sau đó, ông đã chẳng hề để tâm đến lời khuyến cáo này.


Đến Tân Gia Ba ngày 2 tháng 12 năm 1941, ngày 5 Sir Tom Philips lấy phi cơ đi Manille để hội kiến với Mac Arthur và Đô đốc Hart. Ông thấy họ rất tin tưởng vào các cứ điểm vững chắc của Mỹ tại Phi Luật Tân, nhất là khi họ vừa nhận được nhiều “pháo đài bay” B-17, kiểu phi cơ tối tân nhất của kỹ nghệ hàng không. Không gạt bỏ khả năng mở cuộc tấn công của Nhật vào các thuộc địa Hà Lan tại Ấn Độ Dương, họ ước tính rằng đấy là cả một mối đe doạ trường kỳ và đảm bảo với ông một sự hỗ trợ của Mỹ ngày càng tăng, trong giới hạn của công thức “All but war”. Nhưng tối ngày hôm sau, 6 tháng 12, có tin một đoàn công voa Nhật mới được phát giác trong Vịnh Xiêm La. Chắc đó là một sự lấn áp mới của Nhật trên xứ sở nhỏ bé Đông Nam Á này, tương tự như những lấn áp mà họ đã làm cách mấy tháng trước tại Đông Dương bằng cách lợi dụng sự bại trận của Pháp. Biến cố không kém phần nghiêm trọng và vị Đô đốc Anh lập tức quyết định cáo biệt các chủ nhân.


Từ Manille hấp tấp ra đi ngày 7, tối hôm đó Philips đến Tân Gia Ba và thảo luận với vị Tổng tư lệnh Sir Robert Brooke, về cơ hội thuận tiện để tung ra đúng lúc cuộc tấn công được dự liệu trong kế hoạch dưới danh hiệu “Matador”, mà nội dung gồm có việc chiếm đóng Thái Lan để đi trước cuộc xâm lăng của Nhật. Thật vậy ai cũng tin rằng đoàn công voa bị phát giác đêm trước tiến về Singora, một hải cảng của Thái Lan nằm cách biên giới Mã Lai vài chục cây số về phía bắc. Vừa mới nhận được lệnh từ Luân Đôn, theo đó chỉ tung ra “cuộc hành quân Matador" là nếu có bằng cớ chắc chắ quân Nhật vi phạm qui chế trung lập của Thái Lan, Sir Robert Brooke ước tính rằng phải chờ đợi, trước khi chủ động một hành động quân sự có hậu quả lớn lao như thế, cho đến khi có tin tức chính xác hơn về hải trình của đoàn công voa Nhật.


Cuộc hội kiến giữa hai tướng lĩnh vừa mới chấm dứt thì cả một làn sóng tin tức báo động đổ đến chấm dứt thái độ do dự của vị Tổng tư lệnh. Chỉ huy trưởng cảng Khota Baru, nằm ngay biên giới Thái Lan, báo cáo một cuộc đổ bộ lên bờ biển và một cuộc hải pháo dữ dội. Vài giờ sau, trong khi Bộ tham mưu ban hành mệnh lệnh cho các phi trường để khởi động một cuộc không tập nhắm vào đoàn công voa Nhật Bản, các đài rada Tân Gia Ba báo hiệu có một đoàn phi cơ lạ đang bay về phía đảo này.


Đến 4 giờ 40 sáng, thành phố đang còn sáng trưng ánh đèn, đột nhiên bị đánh thức vì tiếng bom nổ. Công tác chuyển lệnh báo động đến các nơi đã do các chấp hành thiếu kinh nghiệm và thiếu lương tâm đảm trách. Sự bối rối tương tự cũng đã làm tê liệt phản ứng ở mọi cấp thuộc hệ thống chỉ huy và sáng ngày 8 tháng 12, tất cả các phi trường tại Mã Lai bị oanh tạc nặng nề mà không một phi cơ săn giặc nào của Anh cất cánh được. Cuộc tấn công sấm sét này nhắm vào các đoàn phi cơ vốn đã yếu thế hơn về lượng lẫn phẩm đã mang lại những hậu quả thảm hại: Ngay từ đầu tiên của cuộc xung đột, quân Nhật đã làm chủ được bầu trời trên bán đảo Mã Lai.


Nếu cuộc oanh tạc lần đầu tiên vào Tân Gia Ba không gây hậu quả quân sự nào-các phi cơ Nhật bị chiếu sáng bất chợt, đã không thể nào phân biệt được mục tiêu-thì nó lại gây hậu quả thê thảm trên tinh thần dân chúng. Hai trăm nạn nhân thiệt mạng trong khu bản xứ quá đông đúc và người Mã Lai cho đến lúc đó vốn tin tưởng rằng sức mạnh của Anh là vô địch, đột nhiên mất hẳn ảo tưởng. Tiếp theo đó là một tình trạng rối loạn tiềm năng và mau lẹ bùng nổ thành cơn hỗn loạn gây xáo trộn sâu xa công cuộc cai trị tại thuộc địa. Cảm nghĩ khinh thường tương tự cũng lan tràn tại một vài đơn vị quân Ấn Độ đang được đưa ra nằm ở tuyến đầu và câu chuyện truyền kỳ về ưu thế tuyệt đối của quân lực Nhật Bản lan truyền mãi cho đến cả trong hàng ngũ quân Anh. Riêng về phần các nhà chức trách dân sự, những người đã bất cẩn bộc lộ niềm tin tưởng lạc quan và đã tuyên bố với những ai muốn nghe nói đến một cuộc xâm lăng của Nhật Bản là hoàn toàn không thể nào có được, thì họ đã bị mất hết lòng tin của dân chúng kể cả dân bản xứ Á châu lẫn người Âu châu.


May thay, còn có hải quân! Trong một môi trường chủ yếu là hàng hải như thế này, Hải quân Hoàng gia Anh đã giữ được cho uy tín khỏi bị sứt mẻ.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 11 Tháng Chín, 2009, 08:38:22 pm
Thiết giáp hạm Prince Of Wales và tuần dương hạm Repulse

Vào thời đó, Tân Gia Ba là viên ngọc đẹp nhất của xâu chuỗi những bến ghé cho thương thuyền bao chung quanh lục địa Á châu. Đấy là hải cảng xinh tươi nhất và cũng là hải cảng hạng nhất đối với du khách từ Âu châu đến. Ngay khi vừa bước chân xuống tàu, sức quyến rũ đông phương đã làm nghẹn cổ du khách với những bó nhang cháy rực trước chùa chiền, mùi xào nấu của các xe hàng ăn lưu động, những thớ thịt rung rinh, những thực phẩm kỳ lạ và những cửa hàng bí mật phảng phảng những làn khói siêu nhiên. Bến tàu và đường phố treo đầy những bảng hiệu vàng chói và những biểu ngữ bằng vải; sôi sục một thứ tiếng ồn ào không dứt, xen vào những tiếng lách cách chói tai và tiếng kêu la hổn hển của những người kéo xe. Tại đấy ta có thể cảm thấy luồng thương vụ khổng lồ trao đổi giữa Đông phương và Tây phương như nhịp tim đập của mạch máu trong cơ thể. Đối với những kiều dân Anh vốn sống hơi tách biệt một chút trong các biệt thự kiểu cổ thời Victoria, được một thứ rừng thẳm con con che chở khỏi những cái nhìn tò mò của người ngoài, thì Tân Gia Ba, với những kho quân dụng và những pháo đài mạnh mẽ, là cả một biểu tượng sống động của hào quang chiến thắng thuộc Vương quốc. Riêng phần các thuỷ thủ của Hải quân Hoàng gia, thì từ trên cao của các chiến hạm, họ hãnh diện ngắm nhìn hải cảng trù phú ấy, nơi mà tàu bè của cả thế giới đi qua trong không khí hoà bình kiểu “Pax Britannica” vốn được đảm bảo dưới họng súng đại bác của họ.


Chắc chắn vì biết trách nhiệm chung của mình trong việc duy trì không khí hoà bình xưa cũ ấy mà hơn ai hết họ mẫn tiệp thấy sự xúc phạm của mấy anh lùn Nhật Bản là khó lòng tha thứ được. Đối với Đô đốc Philips, quyết định phải ban hành là đương nhiên: ông sắp đưa các thiết giáp hạm xuất trận và giáng cho quân xâm lăng một vố trừng trị sấm sét.


Khi Đô đốc Tom Philips vừa mới rời khỏi văn phòng Tư lệnh thì người ta báo đưa cho ông bản tin khó tưởng tượng nổi về tai biến tại Trân Châu Cảng. Ông nhảy lập tức đến Bộ tham mưu Không quân để yêu cầu Tướng Pulford che chở trên không cho sư đoàn trong cuộc xuất trận vào ngày mai. Sau khi khu trục cơ săn giặc đêm của ông trở về không, tiếp theo cuộc oanh tạc của Nhật, Pulford trả lời một cách mơ hồ: tất cả đều lệ thuộc vào tin tức ông ta nhận được từ biên giới Thái Lan, nơi mà hai trong số ba phi đoàn của ông được tung vào trận đánh.


Khi trở về chiến hạm Prince of Wales sau một đêm mệt nừ, Philips triệu tập các hạm trưởng và các sĩ quan chính yếu của ông. Trong buổi hội này, tất cả mọi tin tức địch tình đều được mang ra cứu xét. Quân Nhật đã đổ bộ lên Khota Baru và Singora dưới sự che chở ở tầm xa của một thiết giáp hạm thuộc cùng loại với chiếc Kongo-thiết giáp hạm cũ thời 1914-và năm tuần dương hạm kiểu mới hơn. Không ai biết số lượng phi cơ Nhật đặt căn cứ tại Đông Dương, nhưng mọi chỉ dẫn đã cho thấy đó là một lực lượng rất đáng kể. Vậy thì chỉ cần một sự che chở hạn chế của khu trục cơ cũng đủ cho phép Lực lượng Z đánh bất ngờ vào các dương vận hạm chở quân của Nhật rồi sau đó sẽ quay trở lại hạm đội che chở của đối phương. Giờ thuận lợi nhất để tấn công đoàn dương vận hạm Nhật ở Khota Baru là bình minh ngày mốt, 10 tháng 12. Điều này đòi hỏi phải nhổ neo từ Tân Gia Ba ngay đêm nay lúc 17 giờ.


Tất cả các sĩ quan hiện diện đều nhất trí thừa nhận rằng Hải quân Hoàng gia không thể nào toan tính điều gì trong những hoàn cảnh trầm trọng như vầy, và rằng cuộc hành quân do Đô đốc đề nghị là “liều lĩnh nhưng chấp nhận được”.


Vài giờ sau, chiếc Prince of Wales và chiếc Repulse ra lệnh sẵn sàng nhổ neo. Đến 17 giờ 35 hai chiến hạm được bốn khu trục hạm hộ tống tiến ra khỏi hải cảng hướng về phía đông để trong đêm sẽ chạy vòng quần đảo nhỏ Anambas hầu tránh khu vực hải phận bị nghi ngờ là có mìn.


Bóng đêm ngày 8 rạng ngày 9 tháng 12 buông xuống rất sớm dưới một bầu trời đầy mây xám và mưa to. Các thủy thủ đoàn thích thú được biết rằng họ sẽ được đi “tìm cuộc đánh nhau”. Niềm tin của họ vào các đại chiến hạm mà họ đang ở trên đó là niềm tin tuyệt đối. Không một ai trên tàu lo lắng thật sự.


Tại Sài Gòn, Bộ tư lệnh Hải quân Nhật vì sợ sự can thiệp của đoàn chiến thuyền Anh quốc mà tất cả các đài phát thanh trên thế giới đều loan báo là đã đến Tân Gia Ba, nên vội tăng cường các biện pháp đề phòng cẩn mật. Đô đốc Kondo, tư lệnh hạm đội số 2 đã nhổ neo với hai thiết giáp hạm và năm tuần dương hạm. Ngoài công cuộc thám sát liên tục được các máy bay trên chiến hạm thực hiện, nhiều tàu ngầm được bố trí chờ đợi đây đó trong quần đảo Anambas.


Các cuộc thám sát chưa mang lại kết quả nào thì lúc 14 giờ ngày 9 tháng 12, một trong các tàu ngầm tuần tiễu thấy lực lượng Hải quân Anh từ xa. Điện văn xác định vị trí do tàu ngầm này đánh đi đã tạo ra biến động toàn diện tại Sài Gòn. Một phi đoàn sẵn sàng cất cánh để oanh tạc đêm một lần nữa vào Tân Gia Ba đã được chặn lại kịp thời. Người ta vội vàng thay thế bom bằng thuỷ lôi và các phi cơ xếp hàng để chờ cất cánh ngay lập tức. Hạm đội của Đô đốc Kondo lúc ấy đang ở phía nam đảo Côn Đảo, chuyển hướng về phía Tây để cắt ngang đường về của đối phương và phóng các phi cơ thám sát lên trời.


Trong suốt ngày 9 tháng 12 đó, lực lượng Z tiếp tục hải trình lên phía bắc bằng cách chạy theo chữ chi. Trời xấu, mây thấp và mưa rào liên miên làm tràn ngập các cầu tàu, nhưng chếin hạm vẫn đường bệ rẽ sóng trên mặt biển Nam Hải. Kế hoạch của Đô đốc Philips có vẻ diễn tiến trong những điều kiện thuận lợi nhất.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 11 Tháng Chín, 2009, 08:39:00 pm
Tuy nhiên, đến 18 giờ 20 một khoảng trời sáng hiện ra, các binh sĩ canh gác của Lực lượng Z thoáng thấy chiếc bóng tí Honolulu của một phi cơ bay rất cao. Vừa lúc Đô đốc ra lệnh hướng về phía tây bắc để tiến đến hải cảng Khota Baru. Sự xuất hiện của chiếc phi cơ lạ mặt đã gieo rắc mối kinh hoàng trên cầu tàu chiếc Prince of Wales. Trong lúc ấy Philips vẫn tiếp tục con đường hy vọng rằng chiếc phi cơ độc nhất ấy không thấy được các chiến hạm. Nhưng một giờ sau, một phi cơ khác lại bay trên đoàn tàu. Không thể nghi ngờ gì nữa, quân Nhật đã xác định được vị trí của Lực lượng Z, và hy vọng tấn công bất ngờ các dương vận hạm địch vào bình mình sáng hôm sau trở thành ảo vọng.


Gần như cùng lúc đó, một điện văn từ Tân Gia Ba được gửi đến cho chiếc Prince of Wales. Nó báo hiệu sự hiện diện của hai hàng không mẫu hạm Nhật phía nam vịnh Thái Lan và sự tập trung mạnh mẽ các oanh tạc cơ trên các phi trường tại Đông Dương. Điện văn còn thêm rằng các phi trường của Anh phía bắc Mã Lai bị oanh tạc nặng nề và không thể nào gửi đến Khota Baru lực lượng không quân che chở được yêu cầu cho ngày mai.


Những tin tức tai biến tuôn đến như thác đổ này làm cho những ngần ngại của Đô đốc trở nên có lý. Đến 20 giờ 50 ông ra lệnh cho Lực lượng Z quay ngược trở lại để trở về Tân Gia Ba.

Bầu trời lại bị mây che kín và bóng đêm đen tối đặc biệt. Đô đốc tin chắc rằng việc đổi hướng của ông không bị quan sát và nhờ bóng tối, ông có thể tránh xa khu vực nguy hiểm mà không lo ngại gì cả.

Thật vậy 4 giờ trôi qua mà không có cuộc báo động mới nào. Trên cầu tàu Prince of Wales người ta bắt đầu hít thở tự do.


Beê phía Nhật Bản trái lại, tình trạng báo động khẩn cấp hơn bao giờ hết. Các oanh tạc cơ đã trở về không trên phi trường Tân Sơn Nhất và không một tàu ngầm nào có thể tiếp xúc được đối phương. Đô đốc Kondo, vốn không có ý đương đầu ngay trong đêm với các chiến hạm khổng lồ của Anh mà các họng súng lớn gấp đôi vũ khí của ông, đã hướng thẳng hạm đội lên phía Bắc để chờ kết quả cuộc thám sát vào cuộc bình minh hôm sau.

Chính lúc đó bàn tay Thượng Đế can thiệp vào.

Lúc 1 giờ sáng ngày 10, Đô đốc Philips đang nằm nghỉ trong phòng trực, được một sĩ quan mang điện văn đến trình đánh thức dậy. Tân Gia Ba báo cho ông biết rằng một cuộc đổ bộ mới của Nhật đang diễn ra tại Kuantanr trên bờ biển Mã Lai. Sĩ quan phụ trách hải hành nghiêng người trên bản đồ và trình Đô đốc rằng Kuantan nằm giữa Tân Gia Ba và Khota Baru không đầy 6 giờ đường đối với chiếc Prince of Wales. Lập tức Sir Tom Philips ra lệnh tiến thẳng đến đấy. Ông đâu có bếit, con người khốn khổ, ông sẽ lao đầu một cách vô ích vào tình trạng nguy khốn như thế nào!


Hai giờ sau, một tàu ngầm Nhật đang tuần tiễu phía tây bắc quần đảo Anambas từ xa trông thấy Lực lượng Z và nhắm phóng luôn sáu quả thuỷ lôi nhưng không quả nào trúng đích. Chúng còn chạy cách xa các chiến hạm là đằng khác vì các xạ thủ không thấy được luông sóng sau chiến hạm. Nhưng chiếc tàu ngầm báo hiệu cho Đô đốc Kondo về cuộc tấn công và cho biết vị trí phỏng định. Tin tức này rất quan trọng. Giờ đây Kondo biết rằng lực lượng Anh sắp đi qua phía tây quần đảo Anambas. Ông ra lệnh cho Tân Sơn Nhất cho cất cánh tất cả các oanh tạc cơ và oanh tạc cơ phóng thuỷ lôi sẵn có nhằm về hướng đó một giờ giờ trước bình minh.


Không biết rằng mình đã lộ vị trí một lần nữa, Tom Philips tiếp tục tiến tới Kuantan và đến nơi khi trời vừa hừng sáng. Thuỷ thủ đoàn các chiến hạm đều ở vào thế chiến đấu và các xạ thủ đại bác sắp sửa khai hoả vào các dương vận hạm địch. Nhưng mặt trời nhô lên trên một vùng biển trống trơn… Trong vòng ba khắc đồng hồ-từ 8 giờ đến 8 giờ 45-Lực lượng Z chạy dọc theo bờ biển chầm chậm mà không thấy gì ngoài vài chiếc ghe. Do lương tâm nghề nghiệp, Đô đốc phái một chiến hạm hộ tống đến thám sát chúng, rồi với tư thế hoàn toàn bình tĩnh, ông ra lệnh chạy nhanh về Tân Gia Ba.


Bộ tư lệnh Nhật vì không bao giờ tính toán đổ bộ lên Kuantan cho nên không hề tưởng tượng rằng Lực lượng Z lại có thể tiến gần vào bờ biển như thế, bất chấp nguy cơ rơi vào bãi mìn, cũng vì vậy đoàn phi cơ từ Tân Sơn Nhất bay trên vùng biển thật xa bờ về phía đông đã không trông thấy đoàn tàu Anh. Chúng nới rộng vùng tìm kiếm mãi tận khu vực cách Tân Gia Ba 200 hải lý, rồi vì sợ thiếu xăng, đành quay trở về.


Một loạt chuyển động tuy không ăn khớp này, đã khoá chặt số phận của Lực lượng Z.
Đến 10 giờ 20, trong lúc chiếc Prince of Wales và chiếc Repulse rời xa bờ biển chạy theo hướng đông nam, các màn rada của chúng nổi lên nhiều chấm trắng: đó là các oanh tạc cơ phóng ngư lôi Nhật đang bay trở về căn cứ phía bắc…


Lập tức tiếng kèn báo động vang dội. Lệnh báo động được loan đi: “Có phi cơ bên phải!”. Các vũ khí loại Vickers nòng đôi được chụp vào các nắp sa thạch để tránh nóng đỏ. Tất cả các vũ khí nhắm ngay vào các phi cơ địch đang xuất hiện trên bầu trời xanh như vô số viên ngọc chói sáng. Các sĩ quan phụ trách hướng bắn chống phi cơ dùng dụng cụ riêng tính toán khoảng cách và giác độ. Giờ đây chỉ còn chừ khoảng cách giảm dần để khai hoả vào các phi cơ tấn công mà số lượng ngày càng đông.


Ngay lúc các súng cao xạ bắt đầu nổ đinh tai, một toán chín oanh tạc cơ đầu tiên thả bom xuống chiếc Repulse. Phần lớn đều rơi ra ngoài nhưng một trái đã trúng vào hầm chứa phi cơ khiến nó bốc cháy. Toán an ninh hướng chiếc máy phóng phi cư và trút chiếc phi cơ đang chảy xang xuống biển. Hoả hoạn được dập tắt ngay và thiệt hại không đáng kể. Một tiếng la thắng át cả tiếng ồn ào: đó là các xạ thủ cao xạ đang thét lớn “Trúng nó rồi!”. Một phi cơ Nhật vừa bị hạ và một cột nước vĩ đại bốc lên cao hàng trăm thước khỏi chiến hạm.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 11 Tháng Chín, 2009, 08:39:55 pm
Đợt báo động nóng bỏng vừa qua, chín phi cơ khác nhào tới chiếc thiết giáp hạm. Lần này chúng bay xuống sát mặt nước bất chấp hoả lực khủng khiếp bắn chặn. Ba phi cơ bị hạ, nhưng sáu chiếc khác phóng được thủy lôi và hai quả trúng chiếc Prince of Wales bên trái phía sau.


Lần này thì cả một tai hoại. Máy điều khiển bánh lái bị hư, trục quay chong chóng bên trái bị gãy tung để lại đằng sau môt lỗ thủng lớn. Chiếc chiến hạm tả tơi tìm chỗ trốn. Nó chỉ có thể chạy chầm chậm và chiếc Repulse thì vượt qua không tỏ vẻ vì là muốn điều động đến tiếp cứu. Chính nó cũng bị đe doạ bị một đợt phi cơ thứ ba tấn công và phải chạy theo chữ chi để tránh các luồng sóng.


Đến 12 giờ 20, sau một thời gian yên lắng ngắn, đợt tấn công thứ ba đã đến. Phi cơ tấn công chia làm hai toán: sáu chiếc nhắm vào chiếc Prince of Wales và sáu nhắm vào chiếc Repulse. Chiếc đầu lại lãnh ba quả thuỷ lôi, chiếc thứ nhì một quả thôi. Nhưng ba phút sau một đợt tấn công mới thúc vào chiếc tuần dương hạm chiến đấu kỳ cựu không còn khả năng trả miếng nữa. Không thể thoát được các đợt xung phong hung dữ từ khắp mọi phía, chiếc Repulse bị đánh đến chết bởi bốn thuỷ lôi mới. Nó bị lật nghiêng và trong lúc thuỷ thủ đoàn trượt theo thân tàu để nhảy xuống nước, nó chúi xuống từ từ và chìm lỉm.


Tuy nổi danh là không thể bị đánh chìm được, thiết giáp hạm Prince of Wales cũng không còn sống lâu hơn. Lại bị chín phi cơ khác tấn công và trở thành bất lực, đến phiên chiếc chiến hạm đường bệ chìm xuống nước. Lúc 14 giờ ngày 10 tháng 12, nó biến mất trong một đám mây khói khổng lồ. Một phóng ngư lôi hạm can đảm tiến đến gần vớt được hai phần ba thuỷ thủ đoàn (Chừng 1.200 người. Số phận của thủy thủ đoàn chiếc Repulse ít may mắn hơn vì xuồng cấp cứu không thể thả xuống được. Chỉ có 780 người được vớt lên mà đa số đều bị thương) nhưng cả Đô đốc lẫn Hạm trưởng đều không có mặt trong số những người sống sót. Họ không thể hay không muốn rời chiến hạm.


Tin tức về tai biến mới này đập mạnh vào trái tim Anh quốc. Mới đêm trước đây Churchill còn dự tính với ông Bộ trưởng Hải quân thành lập một hải lực hùng mạnh của Đồng minh xung quanh hai chiến hạm ấy để giữ vững biên giới Mã Lai, nay ông thật sự rụng rời khi hay tin ấy. Vì sắp lên đường qua Mỹ, ông đến Quốc hội đọc một diễn văn, cố gắng quân bình chứng cớ thất bại này bằng cách nói đến sự bố trí mặt trận Nga Sô và sức mạnh kỹ nghệ của Hoa Kỳ. Lời nói của ông được lăắn nghe trong một không khí im lặng lạnh lẽo. Trong Thứ dân Nghị viện này, nơi làm việc của các đại biểu một dân tộc mà ngành hàng hải là chủ yếu, mỗi người đều bối rối cảm thức rằng đây không phải là hồi chung cục thảm bại của một trận hải chiến thường nhưng kết cục bi thảm của chiếc Prince of Wales và chiếc Repulse là hồi chuông báo tử của thời đại thiết giáp hạm và từ sự kiện đó, là hồi chuông báo tử của thuộc địa Anh quốc…


Tại Tân Gia Ba, sự xúc động còn lớn lao hơn. Người Nhật nay đã làm chủ tuyệt đối bầu trời và mặt biển. Họ sẽ có thể mang đến tận khắp nơi bao nhiêu tăng viện cũng được. Đạo quân nhỏ bé của Anh đang chiến đấu dũng cảm trong rừng rậm tại các cứ điểm rải rác, chẳng chóng thì chầy sẽ bị đẩy ra biển và giờ đây mỗi người đều biết rằng sẽ không có một “Dunkerque” nữa.

Quả thật đã không có một Dunkerque nào.


Cùng ngày hôm ấy, 10 tháng 12, các thành phần xung kích của đạo quân thuộc Tướng Yashimura từ Singora đến đã tấn công và đặt chân lên biên giới Mã Lai, đẩy lùi hai lữ đoàn Anh bảo vệ cứ điểm. Đạo quân xâm lăng tràn lan khắp nơi theo hai đường giao nhau, một phía tây, một phía đông dọc theo dãy núi chạy dài từ bắc đến nam Mã Lai.


Kế hoạch phòng thủ của Anh chủ yếu là dựa vào sự thành công của một cuộc phản công trên biên giới Thái Lan. Trong trí vị Tổng Tư lệnh Sir Robert Brooke, sự chiếm đóng mau lẹ các phi trường của Thái Lan chắc sẽ phải tạo cho quân Anh một ưu thế không quân địa phương tuyệt đối giúp họ đập tan mọi mưu toan xâm lăng từ trong trứng nước. Nhưng để ngăn chặn viễn ảnh của các cuộc đổ bộ lên bờ biển, các phi trường tại Mã Lai phải được phòng vệ vững chắc. Các phi trươờn này được thiết lập rải rác dọc theo những cánh đồng bằng phù sa nằm viền phía tây của rặng núi xương sống, trên bán đảo một hệ thống phòng thủ chiều sâu đã được thiết lập chung quanh chúng. Sự kiện này làm cho các sư đoàn quân Anh bị rải mỏng dọc theo bờ biển phía tây của bán đảo.


Các cuộc đổ bộ bất thần tại Singora và Khota Baru giúp cho quân Nhật chiếm được tất cả các phi trường tại Thái Lan và tại Khota Baru ngay trong ngày đầy tiên, do đó kế hoạch của Anh biến thành hư vô. Phần lớn phi cơ của Anh bị tiêu diệt trên mặt đất bởi các cuộc oanh tạc liên miên, và một vài chiếc hiếm hoi còn sót lại phải rút lui về phía nam. Các lữ đoàn phòng vệ các phi trường này lần lượt bị tấn công, và vì không có hậu thuẫn của không quân, chúng phải rút lui và cố sức tập trung vào khu vực giữa núi và biển.


Chính các khu vực được phù sa bồi đắp này tập trung tất cả công cuộc canh tác của bán đảo và các đồn điền cao su. Chúng được nối liền với nhau bằng một hệt hống đường bộ và thiết lập từ Johore đến Bangkok, nhưng một vài điểm tựa hiếm hoi được thiết lập tại đấy đã phô bày cho không quân Nhật những tấm bia đỡ đạn tuyệt diệu. Trong tuần lễ kế tiếp, nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra dưới các cuộc oanh tạc không ngừng nhằm chống lại một địch thủ đông hơn và được huấn luyện kỹ hơn. Tiến sâu trên đường bộ với loại chiến xa hạng nhẹ, theo sau các đơn vị thiết giáp Nhật là các đơn vị bộ binh ưu tú tràn ngập khắp nơi bằng xe đạp mà họ lấy cắp khi tràn qua làng mạc. Các lữ đoàn Anh đang tháo lui không có đường rút nào khác hơn là lẩn vào các khu rừng lân cận. Họ thấy bị cô lập ngay tại đó, không có phương tiện truyền tin lẫn pháo binh yểm trợ.


Phải biết rõ rừng rậm Mã Lai mới hiểu nỗi thống khổ mà những con người khốn khổ ấy phải chịu đựng. Ngoài đầm lầy và ruộng lúa, khoảng cách trông rõ của họ bị hạn chế trong tầm vài chục thước. Một đơn vị lọt vào đấy phải tổ chứ phòng thủ tứ phía. Quân Nhật thì rất thông thạo trong việc khai thác cảm giác sợ hãi hỗn loạn xâm chiếm các toán quân Anh lạc vào trong thế giới thù nghịch ấy. Họ tung vào rừng rậm các toán xung kích thường chỉ gồm vài chục người, nổ súng rời rạc khắp mọi phía và tạo cho quân Anh cảm tưởng bị bao vây. Khi đơn vị quân Anh cố gắng tổ chức lại để toan tính phá vòng vây rút lui, họ sẽ bị tấn công từ mạn sườn bởi đoàn người hung hăng lao đến với gươm dao. Lối thoát duy nhất của họ là bắn mù quáng để tìm cách ra khoảng trống với cơn nguy bị tiêu diệt bởi không quân hay hoả lực của thiết giáp địch.


Thoạt tiên các đồn điền cao su có vẻ như có thể giúp ích cho công cuộc điều quân, nhưng các cấp chỉ huy quân Anh lại tìm thấy tại đấy một thứ thất vọng khác. Những hàng cây thẳng tắp vô tận của hàng ngàn thân cây trơn tru và cách khoản nhau đều đặn đã làm cho việc xác định vị trí không thể nào thực hiện được. Trong rừng cao su, con người dễ dàng mất khả năng định hướng. Một sự rối loạn nhỏ xảy ra trong khi di chuyển, dẫn dắt mau lẹ cả đơn vị tán loạn hoàn toàn. Mọi cố gắng tập họp đều bị tê liệt vì ám ảnh thấy quân địch xuất hiện đột ngột dọc theo hàng thân cây dài viền quanh các khoảng đất trống. Lúc ấy những người bị cô lập cảm thấy chóng mặt. Sự thất vọng xâm chiếm cả những người can đảm nhất.


Một đoàn quân không được huấn luyện kỹ để học cách thoát ra khỏi hiện tượng đó và chỉ biết chịu đựng một cách thụ động, sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn và mau lẹ. Quân Nhật thì đã được huấn luyện như thế trước khi qua tham chiến. Quân Anh thì không làm như vậy, quân Úc lẫn cả quân Ấn lại càng không. Do đó các trận đánh để rút lui mau lẹ trở nên có tính cách một cuộc chạy trốn hỗn loạn, đối với những người sống sót, kết thúc trong những trại lao tác ghê gớm của “những chiếc cầu sông Kwai”.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 11 Tháng Chín, 2009, 08:41:40 pm
Cuộc xâm chiếm Phi Luật Tân

Trong khi về phía tây những trận đánh đầu tiên diễn ra tại Ma Lai, về phía đông người Mỹ cũng phải chịu đựng những thất bại đau đớn tại Phi Luật Tân.

Thật vậy, kế hoạch miền Nam đã tiên liệu việc tiêu diệt các kẻ gây rối đang đe doạ cạnh sườn con đường chuyển vận đoàn quân xâm lăng chính yếu của Nhật Bản.

Nhờ màng lưới gián điệp xuất sắc, Yamamoto đã xác định giá trị của hệ thống phòng vệ Hoa Kỳ trên quần đảo Phi Luật Tân. Một tiểu hạm đội tuần dương hạm, vài tàu ngầm đặt căn cứ tại cửa khẩu Cavite trong vịnh Manille, hay hay ba sư đoàn bộ binh được thành lập với người bản xứ do các huấn luyện viên Mỹ chỉ huy. Không có gì có thể làm ông quá lo âu. Chắc ông có thể “qua mặt” dễ dàng những tiền đồn mong manh này mà sự tiêu diệt hạm đội Mỹ tại Trân Châu Cảng làm tiêu tan mọi hy vọng được yểm trợ. Nhưng đến phút chót, ông vừa được biết có 36 phi cơ B-17 vừa mới đến Manille, những pháo đài bay trứ danh mà vào thời đó không có một kiểu nào tương đương. Do đó ông đã ra lệnh oanh tạc ồ ạt các phi trường và đổ bộ vài đơn vị bộ binh lên phía bắc đảo Lujon, đảo quan trọng nhất và gần Đài Loan nhất trong quần đảo Phi Luật Tân.


Ngay trong thời bình, bộ tham mưu Mỹ cũng không bao giờ quan niệm có thể bảo vệ chừng 1.700 đảo và 8.000 đảo nhỏ của quần đảo tản mác này mà diện tích 300.000 cây số vuông trải dài trên hơn mười vĩ độ giữa đường xích đạo và các chí tuyến (Đúng 1.400 cây số). Quân đội của xứ “Commonwaelth” này được thành lập từ năm 1934 dưới sự giám hộ của Mỹ gồm binh sĩ được tuyển mộ tại địa phương và được huấn luyện bởi Tướng Mac Arthur, một trong các tướng lĩnh nổi bật nhất của Hoa Kỳ.


Là con của một người từng chủ toạ cuộc giải phóng lãnh thổ Phi Luật Tân thời chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha, ông tướng này đã tham dự các trận đánh đầu tiên tại quần đảo, đã đóng ở đấy hai lần, và có dây liên lạc thân hữu với quốc trưởng, Tổng thống Quezon.


Năm 1930, sau một binh nghiệp chói sáng, khi Douglas Mac Arthur leo lên chiếc ghế tối cao Tổng tham mưu trưởng Quân đội Hoa Kỳ, ông đã không quên xứ này, một xứ sở mà ông xem như là tài sản riêng của gia đình. Ông luôn luôn có ý tưởng thành lập một đạo quân Phi Luật Tân được các huấn luyện viên Mỹ chỉ huy và biến quần đảo thành ra tiền đồn của Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương.


Chính sách này không thu được thắng lợi tại Quốc hội Mỹ, và năm 1935, khi ông được Tướng Malin Craig thay thế tại Ngũ giác đài, thì không ai làm gì để tăng cường căn cứ hải quân Cavite lẫn hòn đảo nhỏ Corregidor, vị trí phòng thủ lối ra vào vịnh Manille. Riêng phần đạo quân Phi Luật Tân thì mặc dầu có các nỗ lực của ông, đã giảm xuống còn vài ngàn “hướng đạo sinh” được huấn luyện theo kiểu Mỹ và vài sư đoàn tuyển mộ từ người bản xứ vốn chỉ có trên giấy tờ. Mặc dầu đã leo lên đến tận đỉnh của hệ cấp quân sự, Douglas Mac Arthur cũng không làm sao biến được các ý tưởng của ông thành ra có giá trị thực tiễn, và ông cho đó là niềm cay đắng của mình. Hiểu rằng không còn có thể chờ đợi được gì nữa trong xứ mình với một chức hàm thuần tuý, ông xin Tổng thống Roosevelt phái qua Phi Luật Tân trong danh nghĩa trưởng phái bộ. Do tính cách quân sự lẫn chính trị của danh nghĩa này, ông sẽ đứng đầu một quái trạng tạo nên bởi sự hiện diện của một tướng lĩnh bốn sao trong vị trí chỉ huy một đạo quân trơ xướng ốm yếu. Tổng thống Roosevelt thoả mãn yêu cầu này và vị cựu Tổng tham mưu trưởng quân lực Mỹ hân hoan đến nhận lại các chức vụ cũ của mình bên cạnh ông bạn Quezon.


Hai năm sau, mặc dầu nhiệm vụ ông còn lâu mới hoàn tất, Mac Arthur bị gọi về Mỹ đột ngột không một lời giải thích “để phục vụ trong quân đội chính quốc”. Hành động đầu tiên của ông là gửi đơn từ chức, nhưng vì nghi ngừ có âm mưu gì, Tổng thống Quezon đã can gián ông. Do đó ông tướng nghe theo lời khuyên của bạn đáp ngay chuyến tàu đầu tiên về biện minh cho mình trước Roosevelt. Cuộc tiếp kiến thoạt tiên không được nồng đượm lắm, nhưng vốn là người biết đánh giá cao những kẻ có cá tính, Tổng thống Roosevelt để cho bị thuyết phục rằng không thể bỏ mặc Phi Luật Tân cho một vị thống đốc dân sự nào đó, và cho phép Mac Arthur về hưu rồi trở lại cạnh Quezon với một tước vị bán chính thức: “Cố vấn quân sự".


Trong vai trò mới, ông đi biểu dương một hoạt động đáng kể đến nỗi danh hiệu cố vấn được thay thế mau lẹ bởi một danh hiệu ồn ào hơn “Field Marshall của quân đội thuộc xứ liên hiệp Phi Luật Tân”. Dưới sự thúc đẩy gắt gao của ông, trong vòng hai năm, đạo quân này lên đến 100.000 người. Nhờ ảnh hưởng cá nhân, ông được sự hậu thuẫn vô điều kiện của Tướng Satherland, trưởng phái bộ quân sự Hoa Kỳ để huấn luyện đạo quân của ông và để chỉ huy cả họ nữa. Nhưng, ngoài vài sự cung cấp vũ khí, sự giúp đỡ chính thức chỉ giới hạn trong việc cho mượn tạm vài huấn luyện viên trích ra trong đoàn quân chừng hai mươi ngàn người dưới quyền của Sutherland. Không một yêu cầu nào do Quezon gửi cho Tổng thống Roosevelt để tổ chức hệ thống phòng vệ quần đảo, để cải thiện các phi trường tại đấy và biến căn cứ hải quân Cavite thành một Tân Gia Ba thứ hai, được thoả mãn cả.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 11 Tháng Chín, 2009, 08:42:35 pm
Do đó, ông tướng có vóc dáng cao lớn, vẫn còn giữ vẻ trẻ trung lạ lùng, đã trải qua những năm trước chiến tranh trong một chức vụ, ngồi không ăn lương, vàng son như thế. Ông sống với bà vợ trẻ (Đó là cuộc hôn nhân thứ hai của ông-cuộc ly dị của ông đã gây tai tiếng rất nhiều tại Hoa Thịnh Đốn và tạo thêm động lực để đẩy ông đi Phi Luật Tân) và người con nhỏ trong một căn nhà sang trọng nằm trên tầng chót của khách sạn lớn nhất Maniille. Mọi sự chuyển dịch của ông là cả một sự phô trương kiểu Á Đông. Ông chỉ huy theo cách của Lyautey, với một quyền uy thay đổi, ôn hoà khi phải làm như thế vì một thứ lòng tốt rất quý phái vốn biết làm rung động và lôi cuốn những quả tim. Nhưng ông chỉ điều khiển độc có quân đội Phi Luật Tân.


Tháng 7 năm 1941, khi cuộc tấn công của Nhật vào Đông Dương rốt cuộc đã mở mắt người Mỹ, vấn đề tăng viện cho Phi Luật Tân được đặt ra với tất cả nhạy bén. Tướng Marshall đề nghị gửi cho Tướng Sutherland tăng viện về người và chiến cụ cũng như sự thiết lập một căn cứ không quân cho các pháo đài bay. Nhưng một không đoàn chiến đấu có tầm mức quan trọng đó phải được một tướng lĩnh không quân chỉ huy. Thật khó mà đặt ông ta dưới quyền một tướng lĩnh khác cùng cấp bậc, đó là trường hợp ông tướng trưởng phái bộ quân sự Mỹ. Cần phải tìm một tướng lĩnh khác có hơn một sao…

Một người gợi ý: “Tại sao không phải là Mac Arthur?”

Marshall không ưa ông quan chuyên chế địa phương có dáng điệu như một đại minh tinh màn bạc ấy, do đó đã nhăn mày. Trái lại, Roosevelt thì lại thấy ý kiến ấy là tuyệt diệu. Gia đình Mac Arthur luôn luôn theo đảng Cộng hoà. Chính Douglas cũng có ảnh hưởng không chối cãi được trong đảng. Nếu không làm cho con người quái quỉ ấy bận rộn việc gì, ông ta có thể trở thành một ứng cử viên gây khó chịu trong các cuộc bầu cử Tổng thống. Gọi ông trở lại quân đội là sắp xếp được hết mọi chuyện…


Chính vì vậy mà ngày 27 tháng 7 năm 1941, trong khi đang ăn trưa trên chiếc sân thượng tràn ngập hương hoa ngoại quốc của đại khách sạn Palace tại Manille, Douglas Mac Arthur được biết rằng ông bị mất tước vị “Field Marshall của quân đội Phi Luật Tân” để được gắn lon Trung tướng khiêm nhường hơn nhiều-cùng cấp bậc mà ông đã lên lên đến nơi, cũng tại nơi này hai mươi lăm năm trước (Qui tắc xưa cũ của quân đội Mỹ bó buộc việc phục hồi cấp bậc này chỉ có tính chất tạm thời). Quả thật là người ta đã ban thưởng cho ông một trong những chức vụ chỉ huy cao cấp nhất của quân đội Hoa Kỳ: đó là chức vụ chỉ huy chiến trường Thái Bình Dương mới vừa được sáng lập.


Nhà quân sự lão thành đã nhận sự đãi ngộ ve vuốt này sau khi hạ bệ mà không chau mày. Thái độ đầu tiên của ông là từ chối. Nhưng, trong lúc ấy, nhờ một thông tin viên bí mật báo cho biết nội vụ, Tổng thống Quezon hấp tấp chạy đến. Ông ta nhón gót ôm hôn ông tướng và đeo vào vai ông, tìm cách xoay chuyển cái nhìn lạnh lùng của ông bằng cặp mắt van lơn.

”Tất cả những gì chúng tôi có là của ông. Tất cả những gì mà chúng tôi được như bây giờ là nhờ ông!” Tổng thống Phi Luật Tân thì thầm.

Niềm hăng say cao cả, giọng nói chân thành, Mac Arthur đành nhượng bộ. Ông chấp nhận nhiệm vụ bạc bẽo là phòng thủ với gần như bàn tay trắng, xứ sở này, một xứ sở có một dân tộc được ông yêu thương và nơi đó ông được yêu thương.


Ngọn lao đã phóng đi. Ông bắt đầu làm việc với nhiệt tâm mãnh liệt vẫn luôn luôn thúc đẩy ông trong hành động. Trong vài tháng trời ông đã sẵn sàng đưa ra chiến trường một đạo quân thuần nhất, đã cho xây doanh trại đồn trú dành cho đoàn quân mà rốt cuộc người ta đã chấp thuận gửi cho ông, ông phái các xe ủi đất nới rộng phi đạo các phi trường Clark Field và Nichols Field tại Lujon, và phi trường Del Monte tại Mindanao. Ông cho thiết trí đại bác phòng không chung quanh các cứ điểm quan trọng và thiết trí hai đài rada vừa được ban cấp trên núi cao phía bắc và phía nam Lujon.


Ba tháng sau, ông có trong tay 60.000 binh sĩ Phi Luật Tân, 12.000 hướng đạo kinh nghiệm chiến đấu trong rừng rậm và 20.000 quân Mỹ do tướng Sutherland nhường lại để trở thành Tham mưu trưởng của ông. Vũ khí của họ còn bất ổn định, chiến xa cũ kỹ nhưng kỷ luật thì hoàn toàn và tinh thần thì rất cao.


Công cuộc phòng thủ đảo Lujon được phân chia cho hai đạo quân. Khu vực phía bắc đặt dưới quyền của một trong các môn đệ được ông yêu mến nhất của trường West Point, tướng Wainwright, người được ông đặt hoàn toàn tin tưởng. Chính ông sở cậy đạo quân này để chịu đựng vố đầu tiên trong trường hợp bị xâm lăng.


Ngày 4 tháng 11 1941, tướn Brereton, một phi công kỳ cựu thuộc thế hệ đầu tiên, đáp xuống phi trường Clark để nắm quyền chỉ huy không lực. Tháng 12, Brereton có trong tay 72 khu trục cơ, trong đó có 18 P-40 kiểu mới nhất và 35 pháo đài bay B-17. Kế hoạch phòng thủ của Mac Arthur tiêu liệu rằng các pháo đài bay này sẽ đến oanh tạc các phi trường của Nhật tại Đài Loan ngay khi chiến tranh bùng nổ. Chúng phải đặt căn cứ tại Del Monte trên hòn đảo lớn Mindanao, nằm ngoài tầm oanh tạc cơ Nhật.


Tối hôm trước ngày 8 tháng 12, một phần sự di chuyển này đã được thực hiện: 18 chiếc B-17 đến Del Monte, 17 chiếc còn lại ở Clark Field trong khi chờ đợi các công tác sắp xếp đã định trước.


Vì thận trọng, Mac Arthur cho phép Đô đốc Hart, tư lệnh Hạm đội Á châu gửi ba tuần dương hạm và sáu khu trục hạm của ông ta xuống biển Java và ở lại đó chờ đợi tình hình sáng sủa hơn. Ông chỉ giữ lại tại căn cứ Cavite hạm đội tàu ngầm và các khinh tốc đỉnh phóng thuỷ lôi.


Mac Arthur tin chắc rằng đã làm tất cả những gì trong phạm vi thẩm quyền để chịu đựng trong hai tuần lễ vố tấn công xâm lăng trong tương lai-nghĩa là thời gian cần thiết để Hạm đội Thái Bình Dương đến tiếp cứu.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 11 Tháng Chín, 2009, 08:43:53 pm
Trưa ngày 6 tháng 12, khi Đô đốc Sir Tom Philips từ Tân Gia Ba đến thăm, Mac Arthur tiếp ông với lòng trắc ẩn kín đáo của một người độc thân cường tráng mà một người thân trong gia đình vừa đến báo tin một trong các con cái lâm bệnh. Thật vậy “các thuộc địa” của Anh và Hà Lan tại Viễn Đông đối với ông có vẻ được thể hiện một cách lý tưởng và có thực chất hơn là xứ “Commonwealth Phi Luật Tân” được hạm đội Thái Bình Dương bảo vệ nhiều. Ông đảm bảo với Sir Tom Philips rằng chính phủ Mỹ vốn đã cung cấp cho Anh và Nga những số lượng vũ khí khổng lồ để chịu đựng cuộc chiến tranh tại Âu châu sẽ can thiệp đúng lúc nếu sự đe doạ của Nhật trở nên rõ rệt hơn. Sự hiện diện của chiếc Prince of Wales và chiếc Repulse tại Viễn Đông là một lá bài tẩy quan trọng và phải sẵn sàng sử dụng chúng tối đa bằng cách nghiên cứu ngay từ bây giờ những nét chính của một sự hợp tác trong tương lai. Những nét chính này sẽ được ấn định cùng với Đô đốc Hart trong cuộc hội nghị tham mưu mà ông đề nghị đích thân chủ toạ vào sáng ngày mai.


Nhưng hôm sau, 7 tháng 12, có tin cho biết một đoàn tàu Nhật đã được phát hiện trong vịnh Thái Lan. Như chúng tôi có nói, Sir Tom Philips xếp hành lý và hấp tấp trở lại Tân Gia Ba.


Dầu vị Đô đốc Anh đã ra đi, buổi hội nghị cũng vẫn được tổ chức. Đa số có ý kiến rằng đoàn tàu ấy đang trên đường đến Thái Lan. Sau Đông Dương thuộc Pháp, những yêu sách lấn át của Nhật lan tràn như vết dầu loang. Tổng thống Roosevelt khó thể chấp nhận một cách thụ động hành động thách đố mới này. Vậy thì phải đặt quân lực trong tình trạng báo động. Các đài rada liền được lệnh canh chừng liên tục, các ổ cao xạ thường trực sẵn sàng khai hoả, các phi cơ sẵn sàng cất cánh và các tàu ngầm gia tăng gấp đôi các cuộc tuần tiễu.

Đến tối, vì không nhận được điện văn nào mới, Mac Arthur và các cộng sự viên bình yên đi ngủ.

Đúng lúc họ chìm vào giấc ngủ, sáu hàng không mẫu hạm của Đô đốc Nagumo quay hướng và tung thuỷ lôi vào Trân Châu Cảng. Tại Đài Loan, 100 oanh tạc cơ chạy ra khỏi hăng-ga và xếp hàng dọc theo phi đạo. Tại Khota Baru, đoàn công voa đầu tiên của Nhật đã đến đích.


Chắc rằng độc giả tin là bị đánh thức bởi tiếng vang động của bom, cùng với các tướng lĩnh. Độc giả sẽ thất vọng. Tướng Sutherland bị lôi ra khỏi giường lúc 3 giờ 30 sáng chính là do tiếng chuông điện thoại reo. Sĩ quan trực tại Bộ tham mưu xin lỗi đã làm rầy ông tướng vào một giờ giấc quá sớm nhưng người ta vừa được nghe đài phát thanh loan tin một cuộc tấn công chớp của Nhật vào Trân Châu Cảng. Vì có quá nhiều tin đồn đại sai lạc trong mấy tuần trước đó nên Sutherland không ra lệnh áp dụng các biện pháp báo động nào nữa. Ông chậm rãi mặc quân phục và lên xe đến Bộ tham mưu. Không khí ở đấy có vẻ khích động dữ, mỗi người bình luận một kiểu các thông cáo của báo chí mà các hiệu thính viên vừa bắt được. Ông tướng đòi xem các công điện chính thức. Ông chẳng thấy gì khác hơn là các vấn đề thường nhật. Ông quyết định chờ sự xác nhận trước khi báo cho Mac Arthur. Rồi ông soạn thảo một điện văn báo động chung.


Đến 5 giờ, các tin tức do nhiều đài phát thanh thương mại phát đi càng nhiều và chính xác đến mức ông phải nhấc chiếc điện thoại liên lạc trực tiếp với tướng Mac Arthur.

-Trân Châu Cảng? Ông không nghĩ đến chỗ đó sao! Đấy là cứ điểm vững nhất, ông tướng trả lời. Rồi ông thêm:

-Cám ơn Dick! Và gác máy.

Thật hay giả, tin tức ấy cũng không đáng cho ông phải đặc biệt can thiệp vào. Mọi kế hoạch đều bị đình chỉ, mọi biện pháp đã được thi hành, mỗi người đã biết việc phải làm trong trường hợp có sự gây hấn hay chiến tranh bùng nổ. Chỉ còn việc chờ đợi các biến cố.


Trong chiến tranh, sự tình cờ luôn luôn đóng vai trò quan trọng. Trong các kế hoạch chuẩn bị kỹ nhất, vẫn có các góc cạnh bị che khuất và các điểm không chính xác. Trong số các sự việc khôn lường trước được, đứng hàng đầu là khí tượng, thứ khoa học phù thuỷ ấy.


Luôn luôn lạc quan một cách cương quyết, Yamamoto đã điều hợp nhiều cuộc tấn công khác nhau bằng cách giả định một cách “tiên thiên” rằng thời tiết tốt sẽ đứng về phía ông. Thế mà rõ ràng là không thể nào trong cùng một ngày, cùng một giờ, những điều kiện khí tượng lại giống nhau tại nhiều địa điểm trên trái đất xa cách như Hạ Uy Di, biển Nam Hải và vịnh Thái Lan. Nhưng ông là tay chơi bài và ông toan tính chuyện bất khả. Sự liều lĩnh này suýt bắt ông phải trả giá đắt.


Ngày 8 tháng 12 (Ngày của Đông Kinh), trước bình minh một chút, khi 192 oanh tạc cơ của không đoàn 21 và 22 thuộc không lực Hải quân, do Phó Đô đốc Tsukahara chỉ huy, xếp hàng từ đầu phi đạo của các phi trường ở Đài Loan sẵn sàng bay đi oanh tạc Phi Luật Tân, thì một làn sương mù dày đặc bao phủ toàn đảo và cản trở hoàn toàn các cuộc cất cánh.


Lát sau, vào lúc mà Fushida trút bom xuống Trân Châu Cảng, phi cơ của Tsukahara vẫn luôn luôn bị đóng đinh xuống mặt đất chờ đợi một khoảng trời trong. Thời gian chờ đợi này kéo dài 4 giờ… Ta có thể dễ dàng tưởng tượng nỗi kinh hoàng của các cấp chỉ huy thuộc Bộ tư lệnh Nhật và những lời cầu nguyện của họ nhiệt thành đến mức nào. Chắc chắn là quân Mỹ nhờ được báo tin cuộc oanh tạc tại Trân Châu Cảng, đã cho tất cả các phi cơ cất cánh và nạp đạn cho tất cả vũ khí phòng không để chờ đợi các kẻ đến tấn công. Hiệu quả bất ngờ, lá bài tẩy chủ yếu của Yamamoto, dường như hoàn toàn vô dụng.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 11 Tháng Chín, 2009, 08:44:27 pm
Tại Lujon, những giờ đầu tiên của buổi sáng trôi qua trong không khí hoàn toàn bình thản. Tuy nhiên, đến 9 giờ, căn cứ thủy phi cơ trong vịnh Davao báo hiệu bị một thuỷ phi cơ thám sát của Nhật ném một quả bom. Tướng Brereton liền cho một không đoàn khu trục cất cánh. Một lát sau, mười bảy chiếc pháo đài bay B-17 cất cánh trong một phi vụ thường lệ. Chúng phải hạ cánh sau đó một giờ, rồi đổ đầy xăng chờ bay đi tấn công Đài Loan vào quá trưa, nếu cuộc xâm lăng Davao được xác định. Đến 10 giờ, các khu trục cơ bay về mà chẳng trông thấy gì và đáp xuống phi trường sau khi che chở cho mười bảy pháo đài bay hạ cánh. Trong thời gian đó, các phi cơ P-40 mới đến đang lấy xăng trước các hăng-ga phi trường Clark và các phi công đang than phiền điều kiện cư trú tệ hại. Họ bỏ đi ăn sáng trong khi chờ đợi cuộc tạp dịch bất tận này chấm dứt.


Đúng lúc đó, sương mù trên đảo Đài Loan tan dần và hai không đoàn phi cơ thuộc Hải quân Nhật được năm mươi bốn khu trục cơ Zéro hộ tống phóng lên bầu trời sáng sủa. Chúng chờ đợi chịu đựng các cuộc tấn công dữ dội ngay cả trước khi đến mục tiêu. Tuy vậy phi vụ của họ chẳng xảy ra chuyện gì. Các phi cơ thám thính Mỹ cất cánh từ sáng sớm quả thật đã trở về căn cứ từ lâu vì sương mù mà họ đã gặp ngoài khơi.


Vào lúc 11 giờ 30, đài rada phía bắc Lujon báo hiệu có một đoàn phi cơ quan trọng bay đến theo hướng Nam cách bờ biển năm mươi hải lý. Lệnh báo động được chuyển đến tất cả các phi trường. Nó chỉ đến phi trường Clark đúng giữa trưa, lúc các phi cơ P-40 vừa đổ đầy xăng lần lượt cất cánh từng chiếc một.


Đến 12 giờ, một đợt 27 oanh tạc cơ Nhật bay đến bên trên phi trường, trút hết bom và quay về mà chẳng phải lo ngại gì. Mục tiêu lớn lao quá: 17 pháo đài bay sắp hàng như vậy vịt, những chiếc cánh vĩ đại xếp chồng lên nhau từng cặp, phản chiếu ánh mặt trời chói lọi.


Những toán người dưới đất, kinh hoàng, trông thấy cả một tấm màn gần như liên tục gồm những điểm ság trút xuống, lớn dần như giọt lệ. Mọi người chạy tứ tán trong khi tiếng còi báo động sầu thảm cất lên. Rồi thì là tiếng bom nổ như sấm động, và vô số cột khói thoạt tiên đột ngột, rồi đường bệ bốc lên bao phủ cả bầu trời đầy mây trắng như sữa.


Đợt thứ nhất vừa biến đi, một trung chuyển khác, còn ghê rợn hơn vì không khí mờ mịt khói lửa, đã bắt các kẻ chạy trốn chậm chân dán người xuống mặt đất. Một đợt thứ hai tương tự đợt đầu tiên đến phiên trút bom xuống phi trường.

Sau một thời gian nghỉ ngơi 15 phút, quang cảnh lại tái diễn một lần thứ ba…

Khi sự hỗn loạn dịu dần, hàng khói đen cuồn cuộn bốc lên trên phi trường với những ánh lửa đỏ hồng loé lên ngang dọc: mười bảy pháo đài bay, hơn năm mươi sáu khu trục cơ và hai mươi phi cơ đủ các loại mà các bình chứa xăng tuôn ra hàng suối xăng biến phi trường thành một biển lửa mênh mông.

Lực lượng xung kích của Mac Arthur chỉ còn lại một đống sườn sắt bốc khói.

Vài giờ sau, một phi đoàn nhỏ oanh tạc cơ Nhật lại tiêu diệt vài chiếc P-35 trên phi trường tiếp cứu Aparri, phía bắc Lujon, và các tàu vận tải đầu tiên đổ bộ binh sĩ lên các bãi biển kế cận mà không bị một chống đối nào. Cuộc chinh phục Phi Luật Tân bắt đầu.


Tại làm sao mà không ai có ý tưởng tổ chức các cuộc tuần tiễu liên tục và nhất là các pháo đài bay cất cánh ngay để oanh tạc các phi trường ở Đài Loan? Tại làm sao mà tướng Brereton lại có thể phạm vào điều bất cẩn là đem trở về phi trường Clark, vốn nằm trong tầm hoạt động của oanh tạc cơ Nhật, 17 pháo đài bay đã cất cánh trong một phi vụ bay điều chỉnh? Tại sao ông không cho áp dụng trước vài giờ kế hoạch oanh tạc Đài Loan dự định sẽ thực hiện vào buổi chiều? Biết bao nhiêu câu hỏi vẫn còn chưa được trả lời.


Hai tướng Sutherland và Brereton đổ lỗi cho nhau về sự thiếu sót này. Dường như hai ông đã xung đột dữ dội, nhưng tướng Mac Arthur vốn không thể không biết tình trạng ấy, đã phải chấm dứt tàn nhẫn sự xung đột giữa hai người. Kết quả rất đáng công.


Mac Arthur vẫn luôn từ chối không soi sáng các bí mật ấy. Ông đã làm câm họng các tin đồn đại về vấn đề này bằng cách cho công bố vài tháng sau một thông cáo trong đó ông hoàn toàn che chở vị tư lệnh không quân của ông. Lúc ấy, gương chiến đấu chói sáng của các đơn vị quân đội Phi Luật Tân và nhiệt tâm khiến ông vẫn ở lại tại bộ chỉ huy của pháo đài Corregidor dưới các cuộc oanh tạc tàn khố của Nhật đã biến ông thành anh hùng dân tộc, mà dưới mắt công chúng Hoa Kỳ, biểu tượng cho sức đề kháng của dân tộc Mỹ; do đó không còn vấn đề trách cứ ông về những sai lầm đã qua lẫn vấn đề hạ bệ ông nữa.


Mac Arthur lại còn là người duy nhất trong tất cả các tướng lĩnh Đồng minh phải chịu đựng vố tấn công bất thần đầu tiên ngày 7 tháng 12, được hưởng một thời hạn đủ để phản ứng chống trả. Thế mà, mặc dầu ông đã chứng tỏ hoàn toàn thụ động, ông là người duy nhất không bị cách chứ tư lệnh. Sau này ta sẽ thấy chẳng những ông không bị khiển trách gì, mà các biến cố bi thảm đầu năm 1942 lại khiến ông được bơm lên chức vụ Tư lệnh đạo quân quan trọng nhất của Mỹ tại Thái Bình Dương.


Sau khi làm chủ được bầu trời và mặt biển tại Phi Luật Tân một cách dễ dàng giống như tại Mã Lai, quân Nhật có thể yên chí hoàn tất nhiệm vụ của mình. Ngày 10 tháng 12, trong lúc các dương vận hạm chở quân đổ bộ vốn phải rút lui vì sương mù hôm trước, tiếp tục con đường tiến về vinh Lingayen-trên bờ biển tây bắc Lujon-chính các phi cơ đã từng oanh tạc các phi trường lại nhào đến căn cứ hải quân và thành phố Cavite nằm trong vùng vịnh Manille. May thay, hải cảng trống trơn, vì hạm đội nhỏ bé của Đô đốc Hart đã đến tiếp hợp với các hạm đội của Hà Lan và của Úc trong vùng biển Java. Tại Phi Luật Tân chỉ còn lại chừng mười tàu ngầm đang rình các tàu đổ bộ tận ngoài khơi và một vài khinh tốc đỉnh phóng thuỷ lôi.


Trong khi các biến cố trên đang diễn ra, quân đôi xâm lăng của Nhật ở Hoa Nam tràn vào thuộc địa nhỏ hẹp của Anh tại Cửu Long đối diện đảo Hồng Kông, và vô hiệu hoá mau lẹ hải cảng và căn cứ hải quân. Các đoàn quân Anh bị số đông địch tràn ngập, vội rút lên các đỉnh núi cao trên đảo để đánh trì hoãn như ở Mã Lai. Nhưng cuộc chiến đấu anh dũng của họ cũng không trì hoãn được một ngày nào sức tiến quân vũ bão của Nhật. Kể từ 20 tháng 12 năm 1941, không còn gì có thể ngăn Hạm đội liên hợp tiếp tục các cuộc chinh phục về phía nam. Sáu mẫu hạm của Đô đốc Nagumo đã trở về Kuré, nơi đây sau khi ăn mừng vì xứng đáng với chiến thắng tại Trân Châu Cảng, chúng lại điền khuyết phi công và phi cơ. Yamamoto phái chúng đến đảo Palau (quần đảo Carolines), nơi có một căn cứ hải quân quan trọng. Sự bố trí ban đầu của hạm đội được sửa đổi lại nhằm mục đích tấn công dứt điểm, lần này nhắm vào hàng rào ngăn chặn Mã Lai, nghĩa là dãy đảo (Sumatra, Yaya, Bali, Soembava, Florès và Timor-là những đảo quan trọng nhất) trải dài theo chiều ngang dọc theo kinh độ 10 nam giữa bán đảo Mã Lai và tân Guinée. Ngoài tính cách là thành lũi cuối cùng trước Úc châu, các đảo này, vốn được người Hà Lan khai khẩn tốt đẹp, tạo thành một trong các thuộc địa giàu có nhất thế giới. Cũng chính vì để chiếm hữu các mỏ dầu, các đồn điền cao su, và các mỏ đồng và vì, bị thúc đẩy bởi lệnh phong toả sự cung cấp nguyên liệu do Tổng thống Roosevelt ban hành, mà Nhật Bản khai mào chiến tranh. Do đó cuộc chiếm đóng thật mau các đảo ấy là mục tiêu số một của kế hoạch phía Nam.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 13 Tháng Chín, 2009, 11:16:58 am
Một năm với khởi điểm đen tối


Hàng rào Mã Lai

Kể từ 15 tháng 12 năm 1941, nhờ đi sớm hơn lịch trình, Yamamoto ra lệnh cho thuộc cấp phải hạn chế rủi ro. Hiệu quả bất ngờ, cho đến lúc đó, đã đóng vai trò lớn lao trong các chiến thắng, từ nay sẽ không còn nữa. Giờ đây, tất cả những gì còn lại của Hải và Không quân Đồng minh đã được tập trung về biển Java-một vùng biển khép kín, rải rác đá ngầm, và vùng biển cạn khó nhận biết, không thể nào đưa hàng không mẫu hạm và thiết giáp hạm vào đó. Các căn cứ xuất phát của Hải quân Nhật-Cam Ranh tại Đông Dương và Davao tại Mindanao thuộc Phi Luật Tân-đều nằm cách xa mục tiêu mới cũng gần cả ngàn cây số. Một hải trình mà các tàu đổ bộ phải chạy mất hai ngày như thế đòi hỏi một sự bảo vệ liên tục của không quân. Vậy thì tiên quyết là phải đảm bảo một chuỗi phi trường thiết lập trên các đảo gần với đường vận chuyển của các dương vận hạm ấy: đảo Bornéo lớn lao và các đảo Célèbes.


Ngày 16 tháng 12, một bộ phận nhỏ của Thuỷ quân lục chiến được đổ len Miri, trên đảo Sarawark thuộc Bồ Đào Nha, và chiếm đóng phi trường. Lập tức vài khu trục oanh tạc cơ của không đoàn 21 từ Sài Gòn đến đáp xuống đấy. Mười ngày sau, cùng một cuộc hành quân tương tự đã diễn tiến tai Kuching, về phía nam của xứ này. Sự chống cự của Bồ Đào Nha gần như là số không.


Tiên liệu một phản ứng mạnh hơn nơi người Anh và Hà Lan, cuộc xung phong vào các hải cảng chính phía Bắc và phía Đông các đảo lớn Bornéo và Célèbes được giao cho các đơn vị chuyên môn của hải quân đội-đặc biệt là đoàn quân đổ bộ Sasebo, đơn vị đầu tiên của lực lượng Hải quân xung kích. Các không đoàn 21 và 22 thuộc đại đoàn không quân 11, do Đô đốc Tsukahara chỉ huy-chính các không đoàn đã tiêu diệt các pháo đài bay của Brereton tại Clark Field-rời Đài Loan để đến Davao. Một đoàn hai mươi tám phi cơ chở ba trăm bốn mươi bốn binh sĩ nhảy dù, đến nhập đoàn với hai không đoàn ấy, và bình mình ngày 10 tháng 11 năm 1941, các đoàn công voa rời Davao hướng về Tarakan, hải cảng dầu lửa quan trọng nhất của đảo Bornéo, thuộc địa Hà Lan.


Đạo quân trú phòng Tarakan chỉ có 1.300 người, mà hai phần ba là các quân nhân trừ bị không hề được huấn luyện quân sự tí nào. Hiểu rằng chống trả vô ích, viên Tư lệnh Hà Lan khi thấy cả một khối vũ khí vĩ đại ấy tiến đến gần, liền quyết định đốt các giếng dầu. Đoàn công voa Nhật buông neo cách bờ biển mười hải lý, vì khói từ các đám cháy do gió mùa mang đi bao phủ mặt biển trong một làn sương mù. Họ phải đợi đến hôm sau mới đổ bộ, nhưng quân Nhật chiếm phi trường mà chẳng tốn một tí hơi sức nào, và vài giờ sau phi cơ của Tsukahara đáp xuống thong thả.


Cùng lúc đó, đơn vị đổ bộ Sasebo đến Menado phía cực bắc Célèbes và ba trăm ba mươi bốn binh sĩ nhảy dù được thả xa hơn một chút về phía Nam, gần phi trường Kema.


Đó là lần đầu tiên Nhật sử dụng đến quân dù, và ngọn gió mùa thổi mạnh làm phân tán các biệt kích quân, nhưng quân trú phòng Hà Lan lại còn yếu hơn quân ở Tarakan và cả hai phi trường bị chiếm đóng mà không có một cuộc chống cự nào. Vài oanh tạc cơ Đồng minh từ đảo Amboine kế cận đến thực hiện một hành động giống như tấn công, và bốn pháo dài bay-thuộc lực lượng không quân của Brereton còn sót lại-vốn được rút về Java, đã bay đến thả bom xuống đoàn tàu đổ bộ. Mức độ trông thấy rõ rất kém, phi hành đoàn không được huấn luyện kỹ, bom rơi cầu âu chẳng tạo được tác dụng nào.


Sau chiến thắng này, quân Nhật lại chịu nghỉ ngơi một thời gian. Tất cả các phi trường chiếm được liền được sửa sang lại và được bố phòng. Các dương vận hạm đi đi lại lại để mang quân đội đến và lực lượng hải quân lo tập họp để đánh trận cuối cùng.


Phó đô đốc Kondo, Tư lệnh hạm đội số 2, đến Davao với các thiết giáp hạm và tuần dương hạm của ông. Lực lượng xâm lăng được chia ra làm hai đoàn: đoàn đầu tiên (lực lượng đông bộ và trung tâm) đặt dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc Takhoashi, đoàn thứ hai (lực lượng tây bộ) dưới quyền Phó Đô đốc Ozawa. Mỗi đoàn lại được phân chia làm hải đội tương ứng với các mục tiêu phải đạt, với các dương vận hạm, hộ tống hạm và lực lượng che chở của Hải quân như Không quân. Để cho tất cả đều được chuẩn bị, hạm đội hàng không mẫu hạm của Đô đốc Nagumo được đặt dưới quyền của Đô đốc Kondo.


Trước khối khí giới khổng lồ và được tổ chức hoàn hảo hơn gấp bội, trước các đạo quân xung kích gan dạ nhờ các các chiến thắng liên tiếp ấy, phía Đồng minh có gì để chống đối lại? Vài tuần dương hạm và khu trục hạm của ba quốc gia khác nhau, chừng ba mươi tàu ngầm phân tán trong các quần đảo và hành động đơn độc, vài không lực trơ xương và chẳng có chiếc mẫu hạm nào.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 13 Tháng Chín, 2009, 11:17:49 am
Trong tình cảnh mạnh ai nấy lo sau các cuộc bại trận liên tiếp cả ở Mã Lai lẫn ở Phi Luật Tân, các ban tham mưu cũng không được tha cho. Sir Brooke Popham bị thay thế bởi Trung tướng lục quân Percival vốn đã phải vất vả mới đến được nhiệm sở là đảo Tân Gia Ba bị bao vây. Đô đốc Hart của Mỹ, người chỉ huy hạm đội các tuần dương hạm (vẫn được gọi một cách kiêu kỳ là Hạm đội Á châu) được đưa đến biển Java từ tháng 11 năm 1941, đã rời Corregidor trên một tàu ngầm ngày 25 tháng 12 để đến Batavia. Khi đến nơi, ông ngạc nhiên được biết rằng người ta đã bơm ông lên chức Tổng Tư lệnh các lực lượng Hải quân Đồng minh tại biển Java. Ông lại trở thành phụ tá Hải quân cho tướng Wavell của Anh, Tư lệnh quân Anh tại Ấn, cho đến lúc đó, một quyết định tại toà Bạch Ốc giữa Churchill và Rosevelt đã nâng ông này lên chức vụ ít ai thèm muốn lo Tổng Tư lệnh ABDA-ký hiệu bí mật này vốn là chữ viết tắt chỉ định toàn diện các lực lượng Mỹ, Anh, Hà Lan và Úc rải rác trong các quần đảo tại Đông Nam Á.


Sự chỉ định Tư lệnh ABDA đã là đầu đề của các cuộc thảo luận gay go trong phạm vi Bộ tham mưu liên quân (Joint Chiefs Staff) bắt đầu được hoạt động tại Hoa Thịnh Đốn. Churchill, cố tranh đấu để cho tôt Mỹ lấy quyết định “Germany first”, đã không còn mấy hy vọng cưu vãn Tân Gia Ba t khi thiệt mất chiếc Prince of Wales và chiếc Rupeles. Số phận của các thuộc địa Hà Lan tại Ấn thì chỉ làm ông lưu tâm có một nửa, và ông không nghĩ bắt một trong các tướng lĩnh của ông gánh vác thêm trách nhiệm về một tai hoạ mới. Phần Roosevelt thì chẳng có sẵn ai dưới tay. Đã có lúc ông nghĩ đến Mac Arthur, nhưng ông này lại cương quyết không chịu rời Corregidor, nơi ông đang chỉ huy công cuộc chống cự của quân đội Phi Luật Tân đang bị bao vây trên bán đảo Bataan.


Thấy cuộc thảo luận sắp đi đến chỗ bế tắc, Tổng thống Mỹ liền đưa ra tên Wavell như là một nhà quân sự có thể đem lại sự đồng tý nhất trí. Được vuốt ve vì sự đề cao vị cứu tinh của Ai Cập, rốt cuộc Churchill đã bằng lòng.


Hoàn toàn biết rõ tình hình thực tế, Wavell thấy liều thuốc vừa được cấp cho thật là đắng. “Người ta đã trao vào tay tôi không phải là một đứa con hoang mà là những đứa con song sinh!” ông tâm sự với một trong những người thân tín. Trong tư cách là Tư lệnh quân lực tại Ấn, ông thường đến Tân Gia Ba và từ lâu đã biết rõ tính cách tuyệt vọng của các trận đánh trì hoãn của quân Anh trên bán đảo Mã Lai.


Ngày 9 tháng 1 năm 1942, khi ông đến Batavia nhậm chức, 85.000 người thoát vây tại Mã Lai, gần như đã rút hết về đảo Tân Gia Ba nhỏ bé, sẵn sàng chống lại quân địch trong một cuộc chống cự khốc liệt. Không thể nào còn có vấn đề bắt một đơn vị nào quay trở lại để phòng ngự hàng rào ngăn chặn Mã Lai nữa. Riêng phần các đơn vị mà Luân Đôn đã trích ra từ lực lượng đóng tại Ai Cập trong thời kỳ còn hy vọng cứu vãn bán đảo, thì cũng đã bị chặn lại tại Colombo vì mối đe doạ của Nhật tại Miến Điện. Do đó ông chỉ còn có các đạo quân trú phòng yếu ớt của Hà Lan trên đảo Sumatra và Java (chừng 25.000 người) và vài tiểu đoàn Anh hoặc Ấn đã thoát ra được khỏi Bornéo. Một nhúm quân nhân đó rõ rệt là không thể nào đẩy lui được một cuộc tấn công của Nhật Bản. Giải pháp duy nhất đối với ông là trì hoãn cuộc tấn công này lâu chừng nào hay chừng đó để cho quân Mỹ từ Úc có thể đến tăng viện được. Để đạt được mục tiêu trì hoãn này, ông có trong tay các lực lượng hải quân và không quân, mặc dầu ít hơn và phân tán hơn, nhưng cũng rất đáng kể.


Tại Batavia, ông thấy một quang cảnh rối loạn không thể tưởng tượng. Cuộc tản cư của thường dân và lính đào ngũ từ Mã Lai, Tân Gia Ba, Bornéo và Célèbes đã bắt đầu. Hải cảng chật ních tàu bè mà nơi đến thì lại ở trong tay địch. Nhà chức trách Hà Lan làm việc không xuể. Mỗi người đều lo thủ thân và từ chối tuân lệnh với lý do “chờ chỉ thị của chính phủ mình”. Do vậy, công việc đầu tiên của ông là tái lập trật tự và tổ chức một Bộ tham mưu hỗn hợp Đồng minh.


Giao quyền chỉ huy các lực lượng bộ chiến cho tướng Hà Lan Ian Der Poorten, ông đặt không lực dưới quyền chỉ huy của tướng Mỹ Brereton. Sự chọn lựa này cũng chẳng thích hợp gì. Brereton là một chuyên viên ngành oanh tạc chiến lược chưa bao giờ chỉ huy-ở nơi nào khác ngoai trừ Manille-các đại đơn vị không quân. Hơn nữa, các pháo đài bay của ông đến Java mà không có nhân viên dưới đất, không có phụ tùng thay thế gần như hoàn toàn vô dụng. Mối ưu tư lớn lao nhất của ông là đưa chúng ra khỏi tình trạng tệ hại này càng sớm càng hay. Wavell mau lẹ ý thức được rằng Brereton chẳng có ích lợi gì cho ông cả. Ông liền quyết định cho rút về các phi trường tại Palem-bang phía nam Sumatra, các phi đoàn săn giặc và oanh tạc tại Tân Gia Ba vì bị phô bày quá lộ liễu ở đấy, và giao cho một Phó Thống chế không quân Hoàng gia RFA. Sau đó ông nới rộng quyền chỉ huy này đến các không lực Hà Lan và các phi đoàn săn giặc Mỹ bắt đầu được phái từ Úc đến.


Riêng phần hải lực Đồng minh thì một mệnh lệnh của Bộ tham mưu hỗn hợp Đồng minh đã giao cho Đô đốc Hart, lực lượng này đủ mạnh để ngăn chặn quân Nhật mở cuộc tấn công cấp thời. Hạm đội của Đô đốc Hà Lan Ian Doorman gồm có ba tuần dương hạm hạng nhẹ, chiếc De Ruyter, chiếc Java và chiếc Tromp, hạm đội của Đô đốc Mỹ Glassford có một tuần dương hạm nặng, chiếc Houston, hai tuần dương hạm nhẹ Boise và Marblehead, và hạm đội của Phó Đô đốc Anh Collins (cựu Hạm đội China fleet) còn gồm tuần dương hạm nặng Exeter, tuần dương hạm nhẹ Perth và một đám các chiến hạm nhỏ già nua của Anh hay của Úc. Cùng với bảy chiến hạm chính yếu ấy còn có thêm bảy khu trục hạm Hà Lan, chín Mỹ, bốn Anh, cũng như một hạm đội tàu ngầm 38 đơn vị (13 Hà Lan, 25 Mỹ).


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 13 Tháng Chín, 2009, 11:18:44 am
Về phương diện tổng quát, hải lực Đồng minh như vậy có thể so sánh được với lực lượng hải quân Nhật có ý định mạo hiểm đi vào biển Java, nhưng có điểm khác nhau là chúng không được thuần nhất, chia rẽ vì ngôn ngữ khác nhau, không có chủ thuyết chiến thuật và không có phương tiện báo hiệu chung.


Hơn nữa, ở cấp chỉ huy tối cao, còn lâu mới có đồng quan điểm. Đã chứng kiến các cuộc oanh tạc xuống căn cứ Cavite và Corregidor, Hart không còn có ảo tưởng gì về việc thắng trận. Ông chỉ có một ý tưởng là giữ cho các tuần dương hạm của ông hoạt động phía Đông Java để giúp chúng chạy trốn kịp thời về Úc châu. Collins, bị ám ảnh bởi sự phòng thủ Tân Gia Ba, chỉ quan tâm đến những gì xảy ra tại phía Tây. Riêng phần Phó Đô đốc Hà Lan Ian Helfrich, Tư lệnh Hải quân Hà Lan, rất bực bội phải nhận sự lệ thuộc của người ta áp đặt lên ông. Ông ước tính một cách hữu lý rằng tốt hơn hết là đặt tất cả hải lực Đồng minh dưới quyền ông và sử dụng Bộ tham mưu của ông hơn là đặt ra một Bộ tham mưu mới vào phút chót. Trong tình cảnh trái nghịch nhau đó, Hart chấp nhận giải pháp đơn giản nhất: để cho các Tư lệnh hạm đội quyền có sáng kiến rộng rãi và chỉ can thiệp vào bằng cách ra lệnh cho Hải quân Mỹ mà thôi.


Chính ông là người được vinh dự nhờ một sứ mạng tấn công hữu hiệu đầu tiên đánh vào hạm đội tập trung của Nhật. Ngày 20 tháng giêng, được tin có một đoàn công voa lớn lao đang bỏ neo ngoài khơi Balikpapan, ông ra lệnh cho Đô đốc Glassford tiến đến tấn công. Chiếc Boise và chiếc Marblehead vừa đến Kupang, hải cảng chính của đảo Timor để được tiếp tế nhiên liệu sau kế hoạch hộ tống các đoàn công voa khởi hành từ Úc và trở về. Ngay khi được tiếp tế xong, Glassford nhổ neo cùng với hai tuần dương hạm và bốn khu trục hạm để đến trước mặt Balikpapan lúc 2 giờ sáng ngày hôm sau nữa.


Ngay khi khởi hành, rủi ro đã xảy ra, chiếc Boise, mà Glassford dùng làm chiến hạm chỉ huy và dẫn đầu, đụng phải đá ngầm trong eo biển Sape. Một vết thủng quan trọng làm nước tuôn vào được phát giác, Đô đốc phải kéo cờ lệnh trên tuần dương hạm Marblehead và cho chiếc Boise trở lai Úc châu. Giây lát sau, chính chiếc Marblehead dừng lại vì hỏng máy. Sau khi sửa chữa tạm thời, chiếc tuần dương hạm lại tiếp tục chạy nhưng vì nó chỉ có thể chạy với tốc lực 15 gút, Glassford đành để cho các khu trục hạm vượt qua tiến về phía Balikpapan và cho chúng điểm hẹn để che chở chúng khi rút lui.


Bốn chiến hạm nhỏ này, được đặt dưới quyền chỉ huy sáng chói của Đại tá Paul Talbot, đến Balikpapan lúc 3 giờ sáng và thấy một đám dương vận hạm tập trung lớn lao của Nhật in bóng đằng sau ánh lửa của các chiếc giếng dầu đang bốc cháy. Trong hơn một giờ, các khu trục hạm len lỏi vào giữa đoàn tàu vừa chạy vừa bắn và phóng tất cả các thuỷ lôi. Bị bất ngờ, vì cuộc tấn công đột ngột, quân Nhật phản ứng chậm chạp và khi các khu trục hạm tập họp để giải cứu, chúng không còn thể nào đuổi kịp kẻ tấn công. Tất cả chiến hạm Mỹ trở về Sourabaya mà không bị trở ngại gì.


Đấy là chiến thắng đầu tiên của các chiến hạm Đồng minh kể từ khi khởi đầu chiến tranh và quân Mỹ hân hoan ca khúc khải hoàn, tuy nhiên những gì lẽ ra phải là một cuộc tàn sát, trong thực tế chỉ như một vết kim châm. Gần như tất cả các thủy lôi của Mỹ đều tác động tệ hại, chạy ngang qua bên dưới tàu địch rồi nổ thật chậm hoặc là tịt ngòi luôn. Tổn thất của Nhật giới hạn trong số bốn chiếc tàu chở hàng và một tàu hộ tống nhỏ. Các cuộc đổ bộ có chậm đi đôi chút, nhưng không gián đoạn.


Tuy vậy cuộc tấn công tại Balikpapan đem lại một kết quả may mắn: nó làm cho mũi tiến quân của Nhật quyết định lấy một điểm tựa khác tại Bandermasin, phía bị trì hoãn lại ít lâu, thật vậy Bộ tư lệnh Nhật tây Bornéo, trước khi khởi cuộc tấn công.


Tháng giêng yên tĩnh trôi qua không bị cuộc báo động mới mẻ nào và, ngày 2 tháng 2, Hart muốn tái diễn cuộc tấn công với sự hậu thuẫn của Hải quân Hà Lan, vào Balikpapan mà lần trước đã gần đạt được thành công hoàn toàn. Một lực lượng hải quân đột kích được thành lập đặt dưới quyền chỉ huy Phó Đô đốc Doorman với những chiếc De Ruyter, Tromp, Marblehead và Houston, ba khu trục hạm Hà Lan và bốn của Mỹ. Hải Lực nhổ neo tại Sourabaya trong đêm, nhưng đến sáng ngày 3 tháng 2, trong lúc lực lượng xung kích đang chạy theo hàng dọc cách phía bắc Bali 50 hải lý, thì một đoàn 80 oanh tạc cơ Nhật đột ngột hiện ra khỏi các đám mây và ném bom xuống đoàn chiến hạm Đồng minh. Ba tuần dương hạm bị trúng bom và Doorman phải cho lệnh quay lui để trở về Tjilatjap, trên bờ biển phía nam Java, hải cảng duy nhất nằm ngoài tầm oanh tạc cơ Nhật. Khi đến Tjilatjap, bảng kết toán những thiệt hại nặng nề: tuần dương hạm Marblehead bị hư nặng đến nỗi phải gửi về Mỹ, chiếc Houston bị sập tháp pháo phía sau và bộ phận điều khiển hướng bắn chống phi cơ bị hỏng. Chỉ có chiếc cuối cùng này là có thể được sửa chữa tại chỗ, tuy nhiên chiếc Houston vẫn cứ đuợc giữ lại vì sáu khẩu 203 ly còn bắn được.


Đấy không phải là tai biến độc nhất trong ngày, một thương thuyền chở súng phòng không của Mỹ trên đường đi đến Palembang bị đánh chìm ngoài khơi Sumatra và một tiểu đoàn chuyên viên tác xạ phòng không bị mất tích trong một tai nạn xe lửa kinh hồn gần Batavia.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 13 Tháng Chín, 2009, 11:19:28 am
Vài ngày sau, cơ sở tình báo thuộc quyền thông báo cho Wavell một hải lực tập trung của Nhật đang được thành lập tại quần đảo Anambas. Tân Gia Ba đã bị vây hãm, đích đến của các chiến hạm này chỉ có thể là Sumatra vì nơi đây các mỏ dầu hoả phong phú tạo thành mục tiêu chính yếu của địch. Ông ra lệnh ngay cho Doorman tập họp tất cả các chiến hạm có mặt tại phía tây Java và cho Brereton tung ra tất cả các oanh tạc cơ có sẵn trên quần đảo Anambas. Không có một pháo đài bay nào ở trong tình trạng bay được, do đó chính các oanh tạc cơ của không lực RFA vừa mới đến Palembang được giao cho sứ mạng này.


9 giờ tối ngày 11 tháng 2, chừng 20 chiếc Blênhim và Hudson nối đuôi nhau ở đầu phi đạo. Khi vài chiếc đầu tiên vừa cất cánh, một cơn giông nhiệt đới ào đến và mau lẹ biến thành cuồng phong dữ dội. Ba phi cơ rơi vỡ tan ở cuối phi đạo, chiếc thứ tư cất cánh được nhưng phải quay về và đáp xuống ngay. Chỉ có 5 chiếc Hudson là bay đến được Anambas nhưng thời tiết quá xấu và hoả lực phòng không quá dữ dội đến nỗi các phi công phải ném bom đại và quay về Palembang.

Sáng hôm sau, tin tức cho hay là đoàn tàu địch đã nhổ neo hướng về phía Nam. Cuộc xâm chiếm Sumatra bắt đầu.


Trong những ngày 12 và 13 tháng 2, một thời tiết dễ sợ vẫn tiếp tục che chở đoàn công voa Nhật tránh khỏi không lực RFA. Mặc dầu bị tấn công vài lần, toàn thể đoàn tàu đã đến được eo biển phân cách Palembang và đảo Banka. Bộ binh Anh và Hà Lan bị hải pháo từ các chiến hạm địch mau lẹ gây tán loạn và các xuồng đổ bộ bắt đầu đổ quân lên bãi biển. Bình minh ngày 14, ba trăm sáu mươi binh sĩ nhảy dù Nhật được thả xuống vùng lân cận phi trường chính của Palembang trong khi đó các khu trục cơ Nhật bắn phá vào các phi cơ-may thay không có là bao nhiêu-còn đậu dưới mặt đất. Sau những trận đánh rất dữ dội kéo dài suốt ngày, Tư lệnh các đơn vị quân đội Hà Lan quyết định tập trung lực lượng tại phi trường chính. Nhưng các phi cơ Nhật được tiếp tế ngay tại phi trường này lại cất cánh lập tức và bắn xối xả liên tục vào các đơn vị bộ binh Đồng minh. Sáng ngày 15 tháng 2, không còn vấn đề phản công nữa nhưng chỉ còn vấn đề là làm sao rút lui thật nhanh để đến được Java qua Ostaven và eo biển Sonde.


Trong khi các trận đánh trên đang diễn ra, Đô đốc Doorman theo lệnh của Hart, đã cho phân tán mỏng các chiến hạm phía nam Bali để đặt chúng ra ngoài tầm oanh tạc cơ địch và giờ đây đang tập họp chúng để đến tấn công các đoàn công voa Nhật tại Sumatra. Nhưng các chiến hạm này lại ở cách xa mục tiêu đến 800 hải lý.


Mãi đến tối ngày 14 tháng 2, những chiếc De Ruyter, Java, Tromp và Exeter được hộ tống bởi tuần dương hạm hạng nhẹ của Úc Hobart, bốn khu trục hạm Hà Lan và sáu của Mỹ, mới đến được eo biển Sonde.


Đoàn tàu vượt qua eo biển trong đêm tối mịt, khiến chiếc phóng ngư lôi hạm của Hà Lan Van Ghent, bị mưa lũ che khuất, đã đụng phải đá ngầm bị thiệt hại nặng nề. Bình minh hôm sau, đoàn tàu ra ngoài khơi đảo Banka, chạy vòng phía Bắc đảo này để đánh bọc hậu đoàn dương vận hạm Nhật đang buông neo trước Palembang.


Đến 8 giờ sáng ngày 15, do một khoảng trời sáng, đoàn tàu Đồng minh bị một phi cơ Nhật trông thấy. Một giờ sau, đợt phi cơ oanh tạc đầu tiên bay đến. Bay cao khỏi tầm đạn DCA của các chiến hạm, nhưng các oanh tạc cơ này cũng vẫn thả bom rất chính xác và hạm đội của Doorman đành bỏ cuộc tấn công. Nhờ các vận chuyển liên tục, các tuần dương hạm tránh được các đòn trực tiếp và chỉ phải chịu đựng vài quả bom nổ gần; nhưng cuộc báo động nóng bỏng biết bao! Vào khoảng 6 giờ chiều, Doorman tập họp được hạm đội trở lại và chạy trở về eo biển. Hôm sau, hạm đội trở về buông neo tại Tjilatjap. Chiếc tuần dương hạm cũ kỹ Hobart và các chiến hạm tuần tiễu nhỏ của Anh có vẻ bị đe doạ quá nên được phép chạy về Colombo.


Chứng cứ cho thấy rằng, không được không quân che chở, hạm đội Đồng minh chỉ có thể hành quân ban đêm bằng cách áp dụng chiến thuật “Hit and run” (đánh và chạy).
Ngày 15 tháng 2 còn được đánh dấu bởi nhiều thảm hoạ khác. Tại Tân Gia Ba, quân Nhật chiếm được các hồ  chứa nước ngọt. Dự trữ xăng cũng như đạn pháo binh đều cạn. Các tướng lĩnh chỉ huy ba điểm tựa, đang còn đánh nhau với địch, báo cho Percival rõ rằng mọi cuộc phản công đều bất khả và quân đội thiếu nước không thể nào chiến đấu hơn 24 giờ nữa. Toan tính rút lui về thành phố và tổ chức chiến đấu từ nhà này qua nhà kia đã có lúc được liệu đến nhưng số lượng người tị nạn Âu châu về bản xứ đông đến nỗi một quyết định như vậy chắc chắn sẽ kéo theo một cuộc tàn sát không thể tưởng tượng được, Percival báo cáo cho Wavell rõ tình trạng bi thảm hiện tại của ông. Điều này là cả một đòn búa bổ kinh hồn đối với Wavell. Ông vẫn còn hy vọng Tân Gia Ba đứng vững vài tuần và ý tưởng về một đạo quân Anh với quân số quan trọng nhường ấy lại phải đầu hàng làm ông không thể chịu đựng nổi. Ông trả lời Percival bằng cách nhắc lại rằng mỗi giờ phút đứng vững có tầm quan trọng sống còn và phải chiến đấu “chừng nào có thể gây được thiệt hại cho địch quân”. Khi nhận được điện văn này những quân nhân đáng thương phòng vệ Tân Gia Ba phải nấp kín trong hâầm bị cơn khát và sốt hành hạ, rõ ràng là không còn khả năng gì gây tổn thất cho địch. Đến một giờ trưa, Percival gửi một đại diện đến gặp tướng Yamashita, ông này đòi hỏi phải đích thân tư lệnh quân Anh đến gặp. Điều kiện đầu hàng thật khắc nghiệt. Chừng 80.000 quân Anh phải đầu hàng với tất cả quân cụ và các thường dân phải được đoàn ngũ hoá để tái lập công sở và các tư gia bị bom đạn phá huỷ. Môộ vài cuộc hành quyết công khai và cuộc tàn sát các người bị thương đang nằm chật ních trong các bệnh viện đánh dấu bước khởi đầu của một chế độ chiếm đóng tàn nhẫn nhất trong chiến tranh.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 13 Tháng Chín, 2009, 11:20:02 am
Cùng ngày hôm đó, tuần dương hạm Houston của Mỹ cùng với ba khu trục hạm hộ tống rời hải cảng Darwin (Úc châu) để che chở cho hai dương vận hạm chở quân Úc lên đường đến Sourabaya. Bình minh hôm sau, đoàn tàu bị oanh tạc cơ tấn công và một phi cơ thám thính báo cáo cho Wavell biết có nhiều hàng không mẫu hạm ở phía bắc đảo Timor. Để tránh một thảm hoạ mới, ông ra lệnh cho Hart cho các dương vận hạm quay về Darwin và gọi chiếc Houston đến Tjilatjap. Tin tức do ABDA nhận được này hoàn toàn chính xác. Sáng ngày 19 tháng 2, trong khi các dương vận hạm vừa trở về Darwin, các mẫu hạm của Nagumo giáng cho hải cảng này một đợt tấn công tiêu huỷ. Tất cả các cơ sở hải cảng và bến tàu đều bị tiêu diệt, các tàu chở đạn nổ tung, bốn chiếc khác đều bị tiêu diệt, các tàu chở đạn nổ tung, bốn chiếc khác bị đánh chìm hay bị lật nghiêng. Mười khu trục cơ Mỹ trên đường bay đến Java bị hạ và 13 chiếc khác bị tiêu diệt trên mặt đất. Đến giữa trưa, các oanh tạc cơ của không đoàn 21 Nhật đến thay phiên cho phi cơ thuộc các hàng không mẫu hạm để hoàn tất công việc san bằng các cơ sở hải cảng Darwin thành bình địa. Đến tối ngày bi thảm đó, 11 chiến hạm Đồng minh bị mất, 25 phi cơ bị huỷ diệt cũng như tất cả kho hàng tiếp tế dự trữ. Mục tiêu đầu quí giá Darwin vốn là trạm tiếp sức cho lực lượng tăng viện của Hoa Kỳ đến Java bị loại bỏ trong vòng nhiều tháng.


Song song với cuộc tấn công này, quân Nhật bắt đầu đổ bộ lên Bali. Helfrich ra lệnh cho Doorman vội vàng tập trung các tuần dương hạm lúc đó đang được phân tán mỏng, để tấn công lực lượng đổ bộ bằng mọi giá. Thấy rằng thời gian đã quá chậm trễ không thể tập họp chiến hạm trước khi tấn công, Doorman ấn định một điểm hẹn phía Tây Bali. Ông nhổ neo từ Tjilatjap với chiếc De Ruyter và chiếc Java trong khi đó chiếc Tromp còn ở trước Batavia mở hết tốc độ chạy về phía Đông. Java là chiến hạm đầu tiên thấy địch quân và khai hoả lúc 10 giờ đêm vào các tàu chở quân địch. Trong cuộc đụng độ ngắn ngủi sau đó, một tàu phóng ngư lôi Hà Lan bị trúng một tạc đạn và bị chìm sau khi nồi súp-de nổ tung. Vì một chiếc khác bị mắc cạn trong eo biển Bali, lực lượng hộ tống của Doorman giảm thiểu còn hai khu trục hạm. Ông ra lệnh ngưừn chiến đấu chờ chiếc Tromp đến cùng với bôn khu trục hạm Mỹ. Nhưng hệ thống liên lạc vô tuyến quá xấu, không thể lập được liên lạc với nhau và chiếc Tromp với bôn khu trục hạm chạy trước, đến chiến trường lúc một giờ sáng mà không biết chuyện gì đã xảy ra. Các khu trục hạm Mỹ phóng tất cả thuỷ lôi mà không giảm tốc độ vào các chiếc bóng nổi bật trên khối bờ biển đen sậm. Không có quả nào nổ cả. Các khu trục hạm hộ tống của Nhật đuổi theo ngay và rơi vào chiếc Tromp vốn đang khai hoả vào chúng và bị bắn chìm một chiếc. Thế rồi đến lượt nó cũng bị trúng đạn và một khu trục hạm Mỹ bị đánh chìm.


Đến 2 giờ 30 sáng, các tuần dương hạm của Doorman đến tiếp cứu nhưng một tuần dương hạm và nhiều khu trục hạm của Nhật đuổi kịp chiếc Tromp và tập trung hoả lực vào nó, mức độ hư hỏng trầm trọng đến nỗi phải khó nhọc lắm nó mới thoát khỏi cuộc săn đuổi. Sợ bị phi cơ Nhật trông thấy khi trời sáng, Doorman chạy theo chiếc Tromp để che chở cho nó rút lui và cả hạm đội trở về đến Sourabaya lúc rạng đông.

Với sự chiếm giữ Bali, quân Nhật khoá chặt được cánh cửa đông phương của chiếc bẫy chuột,


Hart bị một vố nặng do sự thất bại của các tuần dương hạm dưới quyền. Ông chỉ còn lại năm chiếc-cùng với chiếc Houston đã bị hư hỏng nặng-là tượng trưng cho sự tham dự của Mỹ vào chiến cuộc. Tướng Brereton vốn đã cho di tản từng chiếc pháo đài bay quí giá về Colombom cũng đã tự rút về đó theo chiếc cuối cùng, nhường lại quyền tư lệnh không lực của ABDA cho phó Thống chế không quân Anh Maltby. Hart quyết định theo gương ông ta và đề nghị quyền chỉ huy hải lực cho Đô đốc Helfrich là người trong thực tế đã hành xử quyền này trong mấy ngày qua. Hoa Thịnh Đốn chấp thuận, ông lấy phi cơ đi Úc và trở về Mỹ. Khi bước chân xuống phi trường ông trả lời các ký giả đến phỏng vấn: “Tất cả những gì tôi có thể nói là chúng tôi bị đánh tơi bời hoa lá”. Ông không được khen thưởng gì và hôm sau xin về hưu.


Ngày 20 tháng 2, Uỷ ban tham mưu hỗn hợp tối cao Đồng minh báo cho Wavell biết rằng “Java phải được bảo vệ với sức mạnh cuối cùng vì tầm quan trọng của sự chiếm hữu và rằng ông có thể sử dụng tất cả phương tiện hải quân còn dùng được trên khu vực chiến trường thuộc chiến trường thuộc ABDA cũng như các phi cơ Mỹ được phái từ Úc đến”. Hôm sau ngày 21, cùng nguồn tin trên cho Wavell biết rằng trách nhiệm phòng thủ Miến Điện của ông được rút lại và tất cả tăng viện của Anh nay được chuyển đến chiến trường này. Một lát sau cùng ngày hôm ấy, một điện văn yêu cầu ông dời bộ tư lệnh “đến địa điểm nào và vào lúc nào thuận tiện cho ông nhất”.


Wavell trả lời các mệnh lệnh tráo trở này rằng Bộ tư lệnh ABDA của ông không còn nữa, điều thích nghi nhất không phải là di chuyển nó mà giải tán nó. Ông thêm rằng công cuộc chống giữ Java sẽ được giao lại cho người Hà Lan và đề nghị giao quyền chỉ huy cho Thống đốc các thuộc địa Hà lan là Van Starkenborgh.


Đề nghị này được chấp thuận, ABDA bị giải tán lúc 9 giờ ngày 25 tháng 2 năm 1942 sau 9 tuần lễ hiện diện. Hành động sau cùng của Wavell trước khi bỏ mặc người Hà Lan cho số phận đáng buồn của họ là ra lệnh cho hàng không mẫu hạm Langley của Mỹ và chiếc tàu chở hàng Seawitch đang tải các khu trục cơ đến Miến Điện, chuyển hướng tiến về Tjilatjap. Sau đó, ông lên chiếc vận tải cơ độc nhất có thể bay đến Colombo. Viên phi công chiếc máy bay này không có một ý tưởng nào về vị trí của Tích Lan và chỉ có được một bản đồ du lịch. Khi thấy trên bản đồ này địa điểm được chỉ định, anh ta tuyên bố rằng “mọi chuyện đều OK cả” và cất cánh mà không hỏi gì thêm. Chuyến bay thật sôi động, trong những rung chuyển do cuồng phong nhiệt đói gây ra, một đám cháy phát khởi trong hầm chứa hành lý nhưng phi hành đoàn dập tắt được. Như phép lạ, chiếc phi cơ đến được Colombo giữa đêm tối. Ông tướng bị kiệt sức vì những đêm thức trắng và những thử thách tinh thần phải chịu đựng, đã ngủ vùi trong suốt chuyến bay và chẳng biết chuyện gì đã xảy ra cả…


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 13 Tháng Chín, 2009, 11:20:37 am
Wavell ra đi chỉ để lại toàn là những người thắp đèn đường. Nếu việc ông ra đi có thể biện minh được thì sự kiện bỏ đi ấy sau không biết bao nhiêu người khác, đã không làm cho tinh thần của các chiến binh được nâng cao. Điều đó gây cho mọi người cái cảm nghĩ ghê rợn là “đàn chuột đã rời bỏ con tàu”… Tại Batavia, tại Bandoeng và tại Sourabaya những người tỵ nạn chạy đến với vợ con loan truyền các tin đồn kinh khủng. Phần đông họ từ Tân Gia Ba chạy đến. Tàu chở họ bị địch phóng thuỷ lôi dọc đường, nhiều ghe tàu khác bị gió mùa đánh lạc hướng, bị sóng lớn trên Ấn Độ Dương vùi dập. Người ta đọc được trong những cặp mắt thất thần của họ nỗi kinh hoàng mà họ đã chịu đựng. Nhiều người là binh sĩ đào ngũ trá hình kém cỏi dưới những bộ y phục lấy cắp được, những người còn lại, tả tơi trong những bộ quân phục phai màu. Đường phố ngổn ngang những đổ vỡ, chật ních xe cộ đủ loại. Mỗi giờ trôi qua không khí ẩm ướt của đại hoạ lại bị đè nặng dưới sức nóng ẩm của gió mùa.


Trong vùng biển khốn khổ ấy, chỉ có các cấp chỉ huy Hà Lan là còn giữ được bình tĩnh. Được giải thoát khỏi sự giám hộ giả tạo của ABDA vốn chỉ làm cho tình hình đáng buồn thêm trầm trọng, rốt cuộc họ thấy hoàn toàn được chủ động tại xứ mình và tự do tổ chức công cuộc phòng vệ hơn. Thuộc địa Hà Lan là xứ sở của họ. Vấn đề chủng tộc bị giảm thiểu rất nhiều nhờ các cuộc hôn nhân hỗn hợp, gần như không còn được đặt ra nữa. Dân bản xứ là những người được đồng hoá mạnh mẽ nhất vượt xa tất cả các thuộc địa của Âu châu tại Viễn Đông. Vậy thì ý chí kháng cự nay đã nhất trí. Nhưng phương tiện thì còn quá thiếu thốn, không đáng kể.


Tướng Der Porten Tư lệnh lục quân có trong tay chừng 25.000 người thuộc quân đội Hà Lan và chừng 10.000 dân quân Mã Lai, rất can đảm nhưng không có kinh nghiệm chiến đấu. Ông cho tập họp tất cả những binh sĩ không quân của các đơn vị đã ra đi hoặc bị tiêu diệt thành các đơn vị chiến đấu. Hai trung đoàn DCA của Anh từ Sumatra đến, hai tiểu đoàn Úc, nhiều chiến xa nhẹ và các giàn rada vừa được chở đến đã tăng cường thêm cho đạo binh thiếu đồng nhất mà ông đã kích thích được tinh thần nhờ nêu gương ngay giữa cảnh hỗn loạn toàn diện do các cuộc oanh tạc không ngừng gây ra.


Điểm yếu của hệ thống phòng thủ rõ ràng là tình trạng thê thảm của không quân, nhưng bầu trời luôn luôn đầy mây và những đêm tối mịt mùng có lẽ đã giúp bù trừ vào sự yếu kém đó. Hơn nữa Phó Thống chế không quân Anh Maltby, người đã đưa từ Sumatra về nhiều phi đoàn, hiện đang phân phối chúng ra bốn phi trường trên đảo Java. Đó là một cấp chỉ huy ngoại hạng mà quyền uy sáng chói đã tạo nên nhiều phép lạ. Ông có ngày lập tức 35 oanh tạc cơ, 26 thám thính cơ và 25 khu trục cơ-lực lượng này đang chờ thêm các khu trục cơ do chiếc Langley và Seawitch sẽ mang đến vào ngày 27 hay 28 tháng 2.


Do đó, giờ đây là cả một cuộc chạy đua với thời gian mà sự thành công hoàn toàn dựa vào hoạt động của hải quân nhằm trì hoãn các cuộc đổ bộ của Nhật trong 2 tuần lễ cần thiết để quân tăng viện của Mỹ từ Úc có thể đến kịp. Helfrich cho tập họp về phía Đông Java tất cả các chiến hạm Đồng minh còn để lại cho ông và giao cho Đô đốc Doorman là người phần lớn đã từng dắt chúng tham dự các trận hải chiến. Hạm đội mới được thành lập như thế cũng khá mạnh: hai tuần dương hạm nặng (Houston và Exeter) có tổng cộng một giàn đại bác 12 khẩu 203 ly, ba tuần dương hạm nhẹ (De Ruyter, Java và Perth) tổng cộng 25 khẩu 150 ly, chín khu trục hạm (4 Mỹ, 3 Anh và 2 Hà Lan), không nói đến chừng 20 tàu ngầm rải rác trong quần đảo.


Phía bên kia chiến tuyến, say sưa chiến thắng vì đã chiếm đóng pháo đài được phòng vệ vững chắc nhất của Đồng minh một cách dễ dàng không ngờ, bộ tư lệnh Nhật không hề tưởng tượng rằng sẽ gặp một sự kháng cự mãnh liệt tại Java. Sau các cuộc oanh tạc mà chiến hạm Đồng minh phải chịu đựng trên biển cả cũng như trong hải cảng, giới chỉ huy Nhật đã ước tính rằng chúng đã bị đánh chìm hết, hoặc là bị hư hỏng nặng nề hết. Các phi công tấn công chúng đã trở về ca khúc khải hoàn. Cứ như lời họ thì vùng biển Java đã trở thành một “cái hồ của Nhật Bản”.


Kinh nghiệm quá mới mẻ. Chưa ai biết rằng các phi công oanh tạc đã ước lượng quá đáng hiệu quả của bom đến mức nào, trong cảnh lửa đạn mù mịt và khói do các vụ nổ gây ra và rằng thật khó cho họ biết bao nhiêu khi phân biệt giữa một trái bom “trúng đích” luôn luôn tàn phá kinh khủng và một quả bom “rơi gần” mục tiêu chỉ tạo ra vài hư hỏng nhẹ. Bằng cách giảm xuống một nửa thành tích của các phi công, Đô đốc Kondo tiến tới kết luận là chỉ còn lại hai tuần dương hạm và vài khu trục hạm của Đồng minh là còn sử dụng được. Do đó ông quyết định chiếm các đảo cuối cùng của hàng rào chặn Mã Lai mà không chờ đợi thêm và tung các đoàn công voa của ông về phía Java mà không cần một sự che chở nào khác hơn một nhóm tuần dương hạm như ông đã làm tại Célèbes, tại Bornéo và tai Timor.


Mối đe doạ của tàu ngầm có vẻ đáng sợ nhất đối với ông, vì thế một hải đội khu trục hạm được tăng cường cho đoàn công voa phía đông, đoàn tàu phải di chuyển một hải trình dài ngoài biển khơi. Ngoài ra, ông hoàn toàn tin tưởng vào sự khéo léo của các hạm trưởng tuần dương hạm, vốn là những người rất thuần thục trong kỹ thuật dạ chiến, và các quân sĩ canh phòng trên cầu tàu, vốn được lựa chọn rất kỹ trong số những binh sĩ sống trong bóng tối và rình bóng đêm tinh nhuệ không khác gì mèo.


Để ngăn không cho tăng viện từ Colombo hay từ Úc đến, ông nhổ neo cùng hai thiết giáp hạm và bốn hàng không mẫu hạm của Nagumo đến dàn phía nam hàng rào chặn Mã Lai trong thời gian tiến hành cuộc đổ bộ.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 13 Tháng Chín, 2009, 11:21:31 am
Áp dụng các chỉ thị của ông, 56 tàu chở quân đổ bộ thuộc đoàn công voa phía tây được các tuần dương hạm của Phó Đô đốc Ozawa che chở, ngày 25 tập họp trong eo biển Banka, từ đó, chúng chỉ có một lóng tay phải vượt qua là đến bờ biển Batavia kế cận và eo biển Sonde. 41 tàu đổ bộ thuộc đoàn công voa phía đông, một số từ Balikpapan đến, một số từ Bandjermasin đến, nhổ neo sáng sớm ngày 26 tháng 2 để đến các điểm tập hợp lựa chọn để đổ bộ chung quanh Sourabaya. Lực lượng hộ vệ đoàn công voa này mạnh hơn cả, gồm có hai tuần dương hạm nặng của Phó Đô đốc Takeo Takagi-chiếc Nashi và chiếc Haguro-hai đoà khu trục hạm mỗi đoàn do một tuần dương hạm nhẹ hướng dẫn và ba phi đội thuỷ phi cơ để đảm bảo che chở chống tàu ngầm cho đoàn công voa.


Ý tưởng điều quân của Phó Đô đốc Takagi rất đơn giản: giữ cho tiểu hạm đôi của ông cách đoàn tàu đổ bộ hai dặm về phía trước, bằng cách sử dụng các khu trục hạm sao cho có thể ngăn chặn hải lực địch trong trường hợp lực lượng này có thể toan tính vượt thoát ra khỏi hải cảng.


Ngày 25 tháng 2, một số các phóng ngư lôi hạm đổ bộ lên đảo Bawean, nằm cách Sourabaya 100 cây số về phía bắc, một toán cảm tử thủy quân lục chiến để thiết lập tại đấy một đài phát tin.


Nhờ một phi cơ thám thính báo cho biết cuộc điều quân này, Đô đốc Helfrich ra lệnh cho Doorman tập họp tất cả các tuần dương hạm và lập một hàng rào phía Bắc đảo Madoera kéo dài về phía Đông cho đến bờ phía Bắc của Java nơi che chở hải cảng Sourabaya. Vì không thấy một bóng chiến hạm nào của địch, toàn thể hạm đội trở về Sourabaya để tiếp tế nhiên liệu.


Tối ngày 26, Helfrich họp Đô đốc Doorman và tất cả các hạm trưởng để ra chỉ thị liên quan đến trận chiến quyết định không thể nào không xảy ra vào hôm sau. Một vài sự sắp xếp đơn giản được quyết định để tránh việc trao đổi tín hiệu càng nhiều càng hay. Các khu trục hạm thì vẫn được tập họp theo nhóm quốc gia, trong khi đó các tuần dương hạm thì xếp nối nhau theo hàng dọc trong thứ tự De Ruyter (soái hạm), Exeter, Houston, Perth và Java. Vì không được huấn luyện kỹ để bay đêm, người ta đã quyết định để các phi cơ thám thính của các tuần dương hạm lại đất liền để tránh các đám cháy vì xăng trong khi đang chiến đấu.


Helfrich chấm dứt hội nghị bằng cách tuyên bố rằng các thuỷ thủ đoàn Hà Lan nhất quyết chiến thắng hay là chết, và cám ơn các hạm trưởng Anh, Úc và Mỹ đã nhận lời theo hạm đội Hà Lan trong sứ mạng chủ yếu này. Ông nói thêm rằng giá trị mà họ đã chứng tỏ trong mấy tuần qua là một đảm bảo chắc chắn cho quyết tâm mà họ sẽ mang theo khi chiến đấu, rồi ông cáo biệt họ mà không hề giấu vẻ xúc động. Đô đốc Doorman và các hạm trưởng còn ở lại với nhau một lát trước khi chia tay. Họ sẽ không bao giờ còn gặp lại nhau, vì tất cả, ngoại trừ một người, (Hạm trưởng chiếc Perth được quân Nhật vớt lên khi tàu chìm. Chính nhờ các bằng cớ mà ông đã viết khi bị bắt, diễn tiến trận đánh mới được dựng lại) đều bị mất tích trong cuộc tàn sát rùng rợn.


Ngay khi trở về tàu De Ruyter, Doorman ra lệnh nhổ neo. Một cuộc dò xét mới được tổ chức tận ngoài khơi đảo Badoera ngay trong đêm, nhưng không gặp gì. Sáng ngày 27 tháng hai, Đô đốc quyết định gửi về Sourabaya để bổ túc việc tiếp tế các chiến hạm hầu có thể ra khơi lại khi đêm về.


Đoạn đường về không xảy ra gì khác hơn là bị vài phi cơ Nhật từ Bali bay đến thả bom, nhưng đến 14 giờ 30, trong lúc hạm đội sắp vào hải cảng, một điện văn tối khẩn được gửi đến cho Soái hạm De Ruyter: một đoàn công voa địch được hộ tống rất mạnh mẽ đã bị phát giác từ hơn một giờ cách đảo Bawean hai mươi hải lý về phía Tây. Sau cùng Doorman định được vị trí của địch. Ông ra lệnh cho hạm đội quay mũi để đến đối diện với địch quân.


Kể từ lúc các oanh tạc cơ Nhật thấy hạm đội Đồng minh, các thuỷ phi cơ thám thính Nhật không ngừng bí mật bay theo dõi trên không. Nhờ vậy Đô đốc Takagi mau lẹ đoán trước một cuộc điều động các tuần dương hạm của Doorman. Ông lập tức di chuyển hạm đội để cắt đường về của nó tại phía Nam đảo Bawean và ra lệnh cho các tàu đổ bộ chạy trốn về phía Tây.


Không biết gì về vị trí của hạm đội địch, Doorman tiếp tục chạy nhanh để kịp tấn công các đoàn công voa lúc chập tối. Trong hai giờ tiếp theo đó, các hạm trưởng Đồng minh hối tiếc một cách cay đắng sự vắng mặt của các phi cơ quan sát. Để báo tin hạm đội địch đến gần, Đô đốc chỉ có chiếc khu trục hạm Anh Electra vốn được phái đi đầu hạm đội để làm hướng đạo. Trên các cầu tàu ai nấy lo âu rình xem hiệu lệnh của chiếc tàu nhỏ đang mở hết tốc độ chạy trong tầm trông thấy của các bạn đằng sau.


Đến 16 giờ, một chiếc đèn rọi bật cháy trên chiếc Electra. Đó là dấu hiệu cho biết “Thấy tàu địch…” 16 giờ 10, sau khi giảm tốc độ, Electra báo hiệu “hai tuần dương hạm, 12 phóng ngư lôi phía bắc-đông bắc”. Vài phút sau hai tuần dương hạm nặng Exter và Houston khai hoả khi còn cách địch 27.000 thước. Các tuần dương hạm nhẹ chỉ có pháo đội 150 ly không thể bắn xa như thế, chạy theo mục tiêu mà không thể bắn được. Lập tức chung quanh chúng những cột nước khổng lồ tung lên cao trong lúc đó các khẩu đại bác điên cuồng của chúng lại không trả đũa được. Đấy là các đại bác 203 ly của chiếc Nashi và chiếc Haguro đang khạc đạn theo một nhịp độ ngày càng mau.


May thay, với khoảng cách như thế, tác xạ của Nhật cũng bị phân tán xa mục tiêu và cuộc chiến đấu tay dôi này kéo dài trong suốt 20 phút dưới hình thức một cuộc trao đổi tác xạ tầm xa không kết quả gì cả.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 13 Tháng Chín, 2009, 11:22:10 am
Hai đối thủ không ai tìm cách tiến gần đối phương-Doorman, bởi vì ông muốn tránh cho đoàn tuần dương hạm của mình bị hoả lực địch vây kín, Takagi, bởi vì không muốn rơi vào một hạm đội đông hơn và không bao giờ tính chuyện để rơi vào tầm hoả lực của tuần dương hạm nhẹ của đối phương. Ông còn nổi khùng vì lúc đó đã cho lệnh tấn công bằng thuỷ lôi, với khoảng cách như thế-không có cơ may thành công nào.


Một trong các khu trục hạm Nhật bị trúng một trái phá 150 ly của chiếc Perth và tất cả hạm đội Nhật đều quay mũi sau một màn khói. Thành quả nấy kích thích lòng can đảm của binh sĩ Đồng minh và Doorman nghiêng đường tiến của hạm đội để tiến gần các tuần dương hạm địch.


Nhưng đối phương của ông, với sự chính xác đáng ngạc nhiên của hệ thống tác xạ trên các tuần dương hạm nhẹ, điều động để giữ khoảng cách và chờ cho các khu trục hạm đến đủ gần địch để ra lệnh một đợt tấn công mới bằng thuỷ lôi.


Không chờ đợi kết quả, hạm đội Nhật trở hướng mạnh để chặn hạm đội Đồng minh theo hình chữ T và khai hoả tất cả các đại bác 203 ly.

Đến 17 giờ, một tạc đạn trúng vào một nồi xúp de của chiếc Exeter, bắt nó phải tránh qua một bên để cho chiếc Houston chạy theo sau khỏi bị chạm vào.


Chính đây là một đòn tiền định. Chiến hạm này có cả một huyền thoại. Chính nó, hai năm trước đã bắt buộc chiếc thiết giáp hạm bỏ túi của Đức, chiếc Graal Spee phải tự đâm vào mình tại Montevideo. Sau thử thách kinh khủng này, hình như không còn gì trên thế giới có thể ngăn chặn nó được. Khi chiếc Houston thấy Exeter nghiêng về bên trái, nó theo ngay chẳng ngần ngại gì. Nhưng một khối hơi nước khổng lồ đã che ngay tầm quan sát của nó và hiểu ngay là đã phạm phải sai lầm to lớn. Than ôi, quá chậm! Hai chiếc Perth và Java theo sau phải giảm tốc độ đột ngột. Để cho sự rủi ro thêm toàn vẹn, một thuỷ lôi phóng tử xa đến thế lại trúng một khu trục hạm Hà Lan, chiếc Kortenaer khiến nó chìm lỉm trong một đám lửa vĩ đại. Tất cả hạm đội của Doorman tán loạn ngay giữa khói lửa trong lúc các tuần dương hạm của ông đến gần địch và sẵn sàng khai hoả.


Một quang cảnh hỗn loạn xảy ra sau đó giữa các khu trục hạm đôi bên trong các cuộc bắn trực xạ sát bên nhau mỗi khi gặp khoảng trời sáng bất ngờ. Các chiến hạm lớn không thấy tàu của Đô đốc đâu trong khi soái hạm vẫn lặp lại không ngừng bằng quang hiệu mệnh lệnh trứ danh “All ship, follow me!” (Tất cả, hãy theo tôi”).


Bên phía Nhật, tình thế cũng rối loạn nhưng ít trầm trọng hơn. Takagi biết rằng ông chỉ bị mất có các khu trục hạm và các phi cơ quan sát đã cho ông biết quang cảnh hỗn loạn của đối phương. Ông cho hạm đội lùi xa về phía bắc để “suy nghĩ tiếp”.


Khí gió mùa thổi đến làm bầu trời sáng dần, sau cùng Doorman cũng tập họp được các chiến hạm thuộc quyền, và vì địch quân đã biến mất, ông lại dẫn chúng tiến lên phía bắc để cô bọc vòng các tuần dương hạm Nhật và sau đó đợi đoàn tàu đổ bộ mà giờ đây theo ông đã đến rất gần…


Không bao giờ người ta biết được tại sao ông bỏ ngang dự tính này sau vài giờ vì ông không trở về để giải thích, nhưng ta chỉ biết rằng đột nhiên ông trở hướng xuống về Nam. Tiếng đại bác đã im bặt. Trên chiến trường hoang vắng, chỉ có vài thuỷ thủ tuyệt vọng trên mặt biển ngập đầy dầu mazut. Chiếc chiến hạm dũng cảm Exeter vốn đã sống một cuộc đời đầy thử thách nay còn chạy chầm chậm về Sourabaya, có một khu trục hạm đi kèm. Các tuần dương hạm sắp thành đội hình hàng dọc chạy theo soái hạm De Ruyter.


Đêm đến, gió mùa kéo mây che phủ bầu trời. Không khí ẩm ướt len lỏi khắp nơi khiến cho không khí nóng bức bên trong tàu trở thành khó thở.


Ai nấy đều đặt ra câu hỏi: Người ta sẽ làm gì?... “Người ta”, đấy là Đô đốc, vị chủ nhân của định mệnh. Trên các chiến hạm Hà Lan thì không có vấn đề gì. Nhưng trên các chiến hạm Úc, Mỹ, Anh?


Mặt trăng mọc lúc 21 giờ. Hạm đội luôn luôn tiến về phía Nam. Liệu có phải trở về hải cảng tay không để rồi bị phi cơ địch ngày mai bắn như vịt không?


Đến 21 giờ, Doorman kiểm điểm lại tổn thất và thấy rằng dầu sao chúng cũng tương đối nhỏ và tính rằng chắc ông còn cơ may gặp đoàn tàu đổ bộ địch. Mặc dầu đang ở cách Sourabaya không đến một giờ, ông ra lệnh cho hạm đội quay về phía tây, nhưng để cho bốn khu trục hạm Mỹ vào hải cảng vì đã phóng hết thuỷ lôi rồi.


Đêm tối tuyệt đối yên tĩnh. Các thuỷ thủ đoàn được nghỉ ngơi đã lấy lại sức. Quyết định của Đô đốc tiếp tục ra đi tấn công được đón tiếp với sự vui mừng trên khắp chiến hạm.


ửa giơờnữa trôi qua mà không có biến cố nào. Thế rồi sự im lặng đè nặng của đêm tối vùng nhiệt đối bị xé toang dữ dội bởi một tiếng nổ. Một ngọn lửa bừng bừng loé ra bên phải đoàn tàu, đấy là chiếc khu trục hạm Anh Jupiter vừa bị nổ tung.


Mặc dầu Doorman không hiểu tí gì về nguyên nhân của thảm cảnh này, ông nghiêng đội hình về phía bắc sợ gặp phải một hàng rào tàu ngầm và cuộc hải hành tiếp tục với sự đều đặn đáng lo ngại.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 13 Tháng Chín, 2009, 11:22:42 am
Đến 22 giờ, các binh sĩ canh đêm của chiếc De Ruyter báo hiệu thấy vô số mảnh tàu vỡ nổi trên mặt biển. Người ta phân biệt được ngay đó là các bè cấp cứu chở ngập xác người và những cái đầu đen đủi. Những gì còn lại gớm ghiếc của số người bị đắm tàu.


Mặc dầu có lệnh khắt khe do chính ông ban hành là không được cứu ai cả trong khi chiến đấu. Doorman cho tách rời chiếc khu trục hạm cuối cùng của hạm đội để đến giúp đỡ những người bị nạn. Con người sắt đá ấy, người không ngần ngại đưa cả hạm đội đến chỗ hy sinh, đột nhiên nhường bước cho một hành động đầy tình thương. Có lẽ lúc đó ông đã mất hết tất cả hy vọng chiến thắng và muốn trình bày với Thượng đế một bằng chứng về lòng nhân đạo sâu xa của ông.


Không đầy một giờ sau, hai bóng tàu hiện ra dưới ánh trăng. Tất cả các tuần dương hạm Đồng minh đều khai hoả một lượt. Cùng lúc đó mặt biển phía trước được hoả châu chiếu sáng rực. Đấy là ánh sáng phát ra từ các phao cháy sáng do phi cơ thám thính Nhật rải dọc theo đường bay để giúp cho chiến hạm Nhật tác xạ dễ dàng.


Kể từ lúc đó, các biến cố đến dồn dập theo nhịp độ điên cuồng. Nhiều cột nước vọt lên cao chung quanh đoàn tàu Đồng minh và chiếc De Ruyter bị trúng đạn. Chiếc Houston và Perth lạng ra một bên để tránh đụng chạm. Ngay cả trước khi chúng kịp chạy ngang hàng với chiếc Soái hạm, hai tiếng nổ dữ dội chế ngự tất cả tiếng súng chát chúa. Cách nhau vài giây, chiếc De Ruyter đi đầu và chiếc Java đi sau chúng nổ tung chiếu sáng cả bầu trời. Cả hai chiến hạm lần lượt bị trúng thủy lôi do kẻ thù vô hình phóng đến.


Hai tuần dương hạm còn sống sót gần như hết đạn và nhiên liệu. Thuỷ thủ đoàn kiệt sức. Hạm trưởng chiếc Perth, một người Úc lực lưỡng, do thâm niên đã trở thành tư lệnh hạm đội, ra lệnh cho chiếc Houston theo mình và quay lui hết tốc độ về Batavia. Như nhờ phép lạ, hai chiến hạm thoát ra khỏi vùng pháo cháy sáng nơi hai xác tàu Hà Lan đang hấp hối. Trận chiến danh dự đã kết thúc.


Cuộc gặp gỡ lãng mạn đã chấm dứt như thế, một cuộc gặp gỡ diễn tiến mà không có một oanh tác cơ nào, không có một phi cơ phóng thuỷ lôi nào can thiệp vào để làm cho quang cảnh hỗn độn thêm. Do bởi sự tình cờ của hoàn cảnh, hai đối thủ đều theo đúng các nghi thức xưa cũ do chính người Nhật thiết lập 40 năm về trước trong trận hải chiến lừng danh tại eo Tsoushima.


Kinh nghiệm đắt giá xảy ra quá bất ngờ cũng như quá xưa cũ này sẽ không còn tái diễn. Mất tích cùng với chiếc soái hạm, Karel Doorman đã lật qua một trang lịch sử.


Ngày 27 tháng 2 năm 1942 tiền định ấy lại được đánh dấu bằng một tai biến khác. Chiếc hàng không mẫu hạm Langley và chiếc tàu hàng Seawitch mà Wavell cho trở hướng chạy về Tjilatjap chạy về gần đến đích thì gặp đoàn oanh tạc cơ của Đô đốc Nagumo đang canh giữ ngoài khơi. Sàn tàu chiếc Langley-một tàu chở hàng cũ được biến cải từ thời chiến tranh 1914-phủ đầy khu trục cơ P-40. Nó không có máy phóng phi cơ và không một phi cơ nào có thể cất cánh. Bị đánh ngất ngư bởi hai thuỷ lôi, nó chìm xuống biển mang theo số hàng quí báu. Riêng chiếc Seawitch mà các oanh tạc cơ Nhật để cho chạy trốn thì cũng chẳng còn gì để chờ đợi. Ngay khi vừa đến Tjilatjap, một đợt oanh tạc mới cực kỳ dữ dội đã nhấn chìm nó xuống đáy trước khi các phi cơ đóng thùng được bốc dỡ lên bờ.


Thống đốc Van Starkenborgh nay không còn phi cơ lẫn chiến hạm nữa-đến lượt chiếc Houston và chiếc Perth bị gục ngã trước hạm đội của Ozawa trong khi chạy trốn về eo biển Sonde (Chiếc Tromp bị nằm ụ từ 20 tháng 2 tại Sourabaya đã chạy trốn được qua ngõ eo biển Bali dưới một lớp nguỵ trạng thần tình bằng cây leo vĩ đại. Bốn khu trục hạm Mỹ sống sót cũng làm được như thế)-chỉ có thể chống lại quân xâm lăng chiến thắng bằng một cuộc kháng cự tượng trưng. Cuộc kháng chiến này rồi cũng chấm dứt ngày 8 tháng 3 năm 1942 bằng cuộc đầu hàng vô điều kiện.


Làm chủ được hàng rào ngăn chặn Mã Lai, quân Nhật đã đạt tất cả các mục tiêu. Trận chiến phi thường này đã kết thúc sau khi chỉ kéo dài chín mươi ngày.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 13 Tháng Chín, 2009, 11:23:50 am
Corregidor

Corregidor là một đảo nhỏ có hình dáng con nòng nọc hoàn toàn nằm trong con lạch dẫn vào vịnh Manille. Thật ra không hoàn toàn nằm ngay giữa, mà gần bên bờ phía bắc con lạch hơn: mũi Mariveles cực điểm của bán đảo Bataan. Đầu con nòng nọc là một chỏm núi đá cao 200 thước và đường kính 1800 thước. quân Mỹ xây dựng ở đấy bốn pháo đài chế ngự biển khơi và đồn trú tại đấy. Đuôi con nòng nọc trải dài về phía đông và chìm xuống vịnh Maniile. Nó cũng là một dãy núi đá hiểm trở, ít ra cũng là phần nằm về phía tây. Cổ con nòng nọc là một cánh đồng nhỏ phân cách hai núi đá bên này và bên kia. Phía đuôi có nhiều triền đồi cực kỳ cheo leo đến nỗi quân đội phải cho đào đường hầm dài 200 thước vốn sẽ trở nên vô cùng quí giá trong các cuộc oanh tạc sau này.


Khi rời bỏ Manille, Mac Arthur đến đặt văn phòng trong các kiến trúc của quân trú phòng tại cực điểm của chiếc đuôi, kế bên một phi trường nhỏ. Ông chọn một biệt thự thật xinh cất trên một chỏm đá dưới các pháo đài để làm nơi cư ngụ. Một cánh nhà ngang được dùng làm bản doanh, cánh kia dành cho người vợ trẻ và đứa con trai bốn tuổi của ông.


Chính từ địa điểm quan sát từ trên cao này mà ông tướng đã điều khiển đạo quân Phi Luật Tân rút lui về bán đảo Bataan bằng cách quan sát bằng ống nhòm.


Từ ngày 29 tháng 2 năm 1941, cuộc oanh tạc của Nhật diễn ra hàng ngày. Địch quân xâm nhập vào khắp chung quanh vịnh Manille. Thực phẩm hiếm hoi, cuộc sống trên đống đá cô quanh ngày càng khắc nghiệt. May thay, quân Nhật tại Phi Luật Tân, vốn không được đông lắm, bằng lòng với cuộc bao vây quân Mỹ trên bán đảo và chờ đợi sự đói khát và mệt mỏi bắt họ đầu hàng.


Mặt trận 22 cây số phân cách hai bên đối địch được phòng thủ tương đối dễ dàng và không có gì xứng đáng với sự hiện diện của một Trung tướng cả. Nhưng Mac Arthur lại rất thăm thiết với đạo quân Phi Luật Tân và quyết tâm tôn trọng đến cùng những cam kết của ông với Tổng thống Quezon, Quốc trưởng Phi Luật Tân. Ông đã từn tuyên bố urbi ot orbi-và vẫn còn tuyên bố khi có cơ hội-rằng không thể nào Hoa Kỳ, trong khi hàng ngày gửi sang Âu châu hàng trăm chuyến tàu vận tải và cả một làn sóng phi cơ, lại không có phương tiện đến tiếp cứu các chiến sĩ tạ Bataan mà, trong chiều hướng diễn tiến của sự kiện, vốn là những chiến sĩ duy nhất giữ vững được một mặt trận kháng địch.


Lợi dụng những đường dây liên lạc cuối cùng còn lại, ông nhắc lại với Tổng thống Roosevelt rằng đây là những cam kết danh dự được đưa ra nhân danh cá nhân ông và rằng về phần ông, không bao giờ ông bỏ mặc Phi Luật Tân lại cho số phận hẩm hiu của xứ này.


Sự xác định lập trường có tính cách vừa chính trị vừa chiến lược này đã vượt quá xa chức chưởng của một Trung tướng cho dầu là một Trung tướng uy danh lừng lẫy đi chăng nữa. Nó gây bối rối rất nhiều cho Roosevelt khiến ông ta không biết làm sao thoát ngõ bí. Đô đốc King cực chẳng đã phải bằng lòng gửi nhiều tàu ngầm và các chiến hạm nhỏ, hai ba lần tránh được các chiến hạm tuần tiễu Nhật, đến tiếp tế cho quân trú phòng. Các khinh tốc đỉnh của Asiatic Fleet còn tại chỗ, thực hiện được vài chuyến đi về giữa Corregidor và các đảo lân cận chưa bị Nhật chiếm đóng. Nhưng đấy chỉ vừa đủ để có những gì giúp binh sĩ khỏi chết đói.


Vì mọi ưu đều hướng cả về Âu châu, tướng Marshall chống đối việc gửi quân và cả việc tăng cường vài phi cơ cho lực lượng không quân vẫn còn rải rác tại các phi trường trên các đảo.


Do đó chính trong trạng thái phẫn nộ chất chứa, mà Mac Arthur theo dõi bằng máy thu thanh, qua các làn sóng quấy phá cực mạnh của Nhật, diễn tiến các cuộc hành quân và những nỗ lực vô vọng của Wavell để bảo vệ hàng rào ngăn chặn Mã Lai.


Tân Gia Ba thất thủ làm ông phẫn uất. Trong các cuộc hội nghị tham mưu, Tân Gia Ba được coi là một “thành trì không thể bị chiếm được. Mới hai tháng trước đây, Đô đốc Philips của Anh còn lặp lại với ông như thế. Là người đương đầu với quân Nhật tại Bataan với một nhóm người nhỏ bé nhưng quyết tâm, ông chấp nhận được rằng một đạo quân 85.000 người được một không lực mạnh mẽ yểm trợ lại có thể bị đánh đưa đến hoàn cảnh phải đầu hàng mà không chiến đấu gì cả. Bị cô lập hoá quá lâu trong lãnh địa của mình, ông đã tiêm nhiễm tinh thần của dân sống ở đảo luôn luôn có khuynh hướng xem quê hương của mình như trung tâm điểm trái đất.


Ngày 23 tháng 2 năm 1942, một sĩ quan hớt hải đến tổng hành dinh cầm trong tay một điện văn đóng dấu “ưu tiên tuyệt đối” Mac Arthur chững chạc mở ra và mặt ông biến sắc. Roosevelt ra lệnh cho ông phải rời Corregidor ngay lập tức để đi Melbourne và nắm quyền Tổng Tư lệnh mới được thành lập tại đấy cho chiến trường Tây Nam Thái Bình Dương.


Đi Melbourne? Tại sao không đi Nam Cực luôn? Hiển nhiên là các anh thầy rùa ở Hoa Thịnh Đốn đã bị mất trí rồi!


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 13 Tháng Chín, 2009, 11:24:46 am
Ông vứt bản điện văn và bắt đầu đi lòng vòng trong văn phòng như một con gấy bị nhốt trong chuồng. Nửa giờ sau, ông lấy quyết định: ông sẽ trả lời Roosevelt bằng một danh từ Mỹ tương đương với tiếng của Cambronne (Cambronne (Pierre), Đại tướng Pháp sinh ở Nantes (1770-1842). Ông chỉ huy một đạo quân ở Waterloo; bị địch quân đang vây khốn ông thúc giục đầu hàng, ông trả lời: “Thà chết chứ không bao giờ đầu hàng”). Đối với ông không còn giải pháp nào khác. Người ta đã đập vỡ ông, biếm nhục ông. Ông đã đưa ra lời cam kết danh dự với người Phi Luật Tân và bây giờ đây, người ta ra lệnh cho ông “căng buồm chuồn đi” để cho họ ở lại trong cảnh bối rối tận cùng!

Thế thì không! Ông sẽ trả lời “Không. Thật đơn giản. Không, không và không!”.

Khi ông thảo văn bản trả lời nổ tung xong, ông tập họp các cộng sự viên cao cấp lại: Tham mưu trưởng sutherland, Đô đốc Rockwell, Tư lệnh hải lực. Ông rất muốn mời Tư lệnh Lục quân đến, nhưng tiếng súng vọng từ trên các đồi xuống đã ngăn ông lại.


Khi các tướng lĩnh đến, Mac Arthur một tay chìa cho họ bản điện văn của Tổng thống và tay kia điện văn trả lời của ông. Trước sự ngạc nhiên hoàn toàn của ông, hai quân nhân cao quí ấy lắc đầu trong im lặng với sự biểu lộ bất đồng ý kiến rõ rệt. Rồi họ lựa lời khéo léo nói với vị chỉ huy rằng chức vụ Tư lệnh mà ông được giao phó có tầm quan trọng tối cao vừa đối với nước Mỹ vừa đối với Đồng minh, rằng có lẽ Wavell vừa bị bãi chức sau cuộc đại bại tại Mã Lai và rằng quân đội và dân tộc Mỹ giờ đây hướng mắt chăm chú vào ông…


Ông tướng sắp ngắt lời cộng sự viên nhỏ con của mình thì Sutherland, vốn là người hiểu rất rõ thượng cấp của mình, tiếp lời đúng lúc. Ông gợi ý rằng sự bổ nhiệm ông không có mục đích nào khác hơn là giao phó cho ông một đạo quân chắc chắn đang được tập trung tại Úc nhằm tái chiếm Phi Luật Tân.


Mac Arthur suy nghĩ. Nếu Sutherland nói đúng, bổn phận của ông đã được vạch ra rồi. Ông phải nhận. Nhưng trước hết ông phải đảm bảo được như thế đã. Do đó ông để cho các cộng sự viên cáo lui và nói với họ là ông sẽ suy ngh lại.

Sáng hôm sau, ông soạn một điện văn khác uyển chuyển hơn điện văn trước: “Vì các cuộc hành quân đang tiếp diễn và các nghĩa vụ đã kết ước, tư lệnh không thể rời khỏi Corregidor ngay được”.


Ba ngày sau, hạm đội của Doorman bị tiêu diệt tại biển Java. Hàng rào Mã Lai rơi vào tay quân Nhật. Lúc ấy Mac Arthur mới hiểu tại sao Tổng thống vội vàng đến thế.

Cùng với Rockwell đang nghiên cứu các điều kiện và ngày giờ của chuyến khởi hành sắp đến, thì ngày 10 tháng 3 năm 1942, một điện văn mới của Roosevelt lại được đưa đến, lần này rất cương quyết: “Đi Melbourne ngay lập tức”.


Mac Arthur đến thăm Wainwright ngoài mặt trận. Ông tập họp các cộng sự viên chính và giải thích cho họ rõ tình hình. Cuộc họp mặt rất cảm động. Vị tướng lĩnh lão thành không còn tìm được lời để diễn ta hết tình cảm của ông đối với người học trò cũ đã phải chịu đựng gánh nặng kinh hồn của chiến trận và có thể là người mà ông sắp để lại cho trách nhiệm của sự bại trận. “Hãy cố giữ vững cho đến khi tôi trở lại và hãy nói lại với tất cả mọi người rằng tôi sẽ trở lại!”.


Công việc tổ chức cuộc khởi hành không phải là dễ. Chiếc tàu ngầm dự định đến ngày 27 tháng 2 từ lâu đã được phái đi làm nhiệm vụ khác. Ông phải tìm cách khác. Rockwell đề nghị dùng các khinh tốc đỉnh của ông, những chiếc PT boat trứ danh, kể từ khi hạm đội Á châu ra đi, đã từng làm chuyện phi thường để tiếp tế cho Bataan. Mac Arthur cho gọi trung uý Bucknell, người chỉ huy đoàn tàu đến. Đấy là một cậu thanh niên 25 tuổi có nét mặt rất cởi mở.

-Anh có thể chở tôi đến Mindanao nơi đó sẽ có máy bay từ Úc đến đón tôi không?
Bucknell tính nhẩm phỏng định trọng lượng của ông Trung tướng với ban tham mưu và gia đình của ông, các thư ký với hồ sơ của họ, vài người giúp việc. Cả một thế giới đó với hành lý… Các chiến hạm của anh thường chỉ được tiên liệu để chứa chí người của thuỷ thủ đoàn. Luật hiếy khách cấm đưa lên tàu thêm quá ba hay bốn người… Nhưng suy cho cùng, thì đây là thời chiến mà! Anh đã chẳng cùng với bốn khinh tốc đỉnh của mình, tám ngày trước, đã cứu 296 người bị đắm tàu của một chiến hạm bị chìm vì trúng mìn lúc chạy ra eo biển đó sao?

-Thưa Trung tướng, ông tính lúc nào khởi hành? Anh ta trả lời không ngần ngại gì nữa.
Hôm sau khi anh thấy trên bến có 40 người và một chiếc cam nhông vĩ đại chất đầy thùng bộng, va li, anh hối tiếc là đã không trình bày vài điểm dè dặt… nhưng đã quá trễ, phải cố chất tất cả mọi thứ xuống bốn chiếc khinh tốc đỉnh. Đêm tối không trăng rất thuận lợi. Cần nhất là phải làm nhanh để tránh không cho một phi cơ Nhật đến chúi mũi vào câu chuyện gia đình này.


Ông tướng bước lên chiếc tàu của Bucknell với bà Mac Arthur, cậu Arthur Douglas Mac Arthur, chị vú, sĩ quan tuỳ viên, Sutherland và vài người khác. Đô đốc Rockwell lên chiếc thứ hai. Chiếc thứ ba và thứ tư chia phần còn lại.


Khi mặt trời vừa lặn thì đoàn tàu nhổ neo. Các khinh tốc đỉnh cố gắng giữ khoảng cách gần nhau, nhưng một điểm hẹn cũng được tiên liệu tại một đảo nhỏ giữa đường đi đến Mindanao để giúp chúng tập họp lại trước khi bắt đầu phần nguy hiểm nhất của cuộc hành trình: một đoạn đường biển mà trên đó các động cơ vì đã quá mệt mỏi sau ba tháng đi lại liên miên rất có hy vọng thối chí không chịu chạy nữa.


Cuộc hải trình rất sôi động. Các khinh tốc đỉnh chở quá nặng nổ máy khó nhọc trong đáy sóng sâu. Mặt biển dường như bao phủ bởi các bóng đen đáng lo ngại và các luồng sáng thỉnh thoảng xuất hiện bắt buộc các hạm trưởng phải thắng mạnh làm hành khách ngã chúi vào trong “phòng ăn” chật hẹp được biến thành phòng ngủ. Đến nửa đêm các khinh tốc đỉnh phân tán cách nhau rất xa.


Chính chiếc thứ ba lại đến điểm hẹn trước, mặc dầu nó đã bị trễ mất ba giờ so với thời biểu. Nó phải đợi chiếc chở ông Tướng suốt cả một ngày tại đấy. Ông này khi đến lại từ chối tiếp tục đi mà không có Đô đốc Rockwell vốn đi trên một chiếc mà dường như máy móc bị trục trặc ngay khi khởi hành. Quả thật nó đã bị trục trặc máy móc nhưng sau cùng cũng đến được, rất trễ giữa đêm khuya, ba trong bốn động cơ của nó ngưng chạy. Phải bỏ nó lại và chia các hành khách lên hai chiếc khác. Riêng chiếc thứ 4 thì phải tự giải quyết bằng cách tiếp tục đi mà không đợi nó.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 13 Tháng Chín, 2009, 11:25:20 am
Đoạn thứ hai của cuộc hành trình lại càng khổ nhọc hơn đoạn đầu nhiều. Từ nửa đêm gió nổi lên thổi hàng loạt với cơn mưa như thác đổ. Tất cả hành khách đều kiệt sức, ướt loi ngoi, ngã quị vì những cơn say sóng rùng rợn. Không có vấn đề chạy chậm lại vì phải tuyệt đối đến được bờ biển Mindanao trước khi trời sáng.


Nhờ phép lạ, động cơ của hai chiếc khinh tốc đỉnh anh dũng chịu đựng sự thử thách và đến chiếc vịnh nhỏ vừa kịp, tại đây một tiểu đội tiền sát Mỹ đang chờ đón. Ngày 13 tháng 3 năm 1942 lúc 10 giờ sáng, mọi người tập họp dưới hăng ga phi trường Cogayan, phía bắc đảo. Điều thiếu thốn duy nhất là ba chiếc pháo đài bay được tiên liệu đến rước ông tướng và đoàn tuỳ tùng. Viên chỉ huy trưởng phi trường cho biết một chiếc bị rơi vỡ tan khi mới đến, hai chiếc khác ở trong tình trạng phải cho bay không trở về Úc. Ông ta hy vọng có hai chiếc mới sẽ đến vào hôm sau.


Thời gian chờ đợi kéo dài ba ngày. Viên Đại tá Mỹ lâm vào tình trạng nguy khốn kịch liệt bởi vì phi cơ Nhật mà ông ta không có gì để chống cự, lảng vảng rình mò khắp nơi và nếu chúng đánh hơi được chuyện gì đang xảy ra, chúng có thể thực hiện dễ dàng một mẻ lưới ngon lành nhất trong suốt cuộc chiến tranh.


Phần ông tướng thì lại vui vẻ. Ông đã chịu đựng rất cừ cuộc thử thách trên mặt biển. Đó là một con người ưa mạo hiểm và là một con người của các hoạt động đã làm thay hình đổi dạng. Trước những nguy cơ, ông biểu lộ một thái độ khinh thường quen thuộc. Một hôm, Tổng thống Quezon, bạn ông, ép ông phải vào hầm nấp khi bom địch rơi như mưa, ông vừa cười vừa trả lời: “Ông đừng có lo! Có nhiều trường hợp một ông tướng chết lại tốt hơn là một ông tướng sống!”.


Sau cùng, quá nửa đêm ngày 17 tháng 3, hai chiếc pháo đài bay chở nặng, cất cánh rời khỏi Mindanao đi Port Darwin. Cuộc hành tình bình yên và đến 9 giờ sáng phi cơ đáp xuống phi trường Batchelor Field. Phi trường quá lộ liễu đối với các cuộc tấn công của Nhật đến nỗi một phi cơ khác gần như cất cánh ngay lập tức với ông tướng và đoàn tuỳ tùng để có thể giúp ông mượn đường hoả xa xưa cũ, cách đó 1000 cây số về phía nam, đưa đến Adelaide. Khi sang phi cơ, Mac Arthur hỏi viên phi công Mỹ về tình tình tại Úc:

-Có bao nhiêu quân sĩ ở đây để phản công?

Người sĩ quan trẻ chưa bao giờ được nghe nói gì đến vấn đề này, trả lời ấp úng:

-Thưa Trung tướng, tất cả những gì tôi được biết là chúng ta chỉ có một nhóm người nhỏ tại Úc mà thôi…

Sau khi phi cơ cất cánh, Mac Arthur quay sang vừa cười vừa nói với Sutherland:

-Bọn trẻ giống nhau cả, họ chẳng biết chuyện gì xảy ra…

Phi cơ đáp xuống ngay giữa sa mạc cạnh một nhà ga xe lửa sau ba giờ bay. Hai toa xe lửa có trần chạm trổ được móc vào một đầu máy bằng đồng đỏ đang khạc ra từng quả cầu hơi nước trắng. Mac Arthur và đoàn tuỳ tùng ở trong các toa chật hẹp nhưng tiện nghi mà ghế bọc da sáng loáng và các màn cửa thêu dường như xưa cũ từ thời nữ hoàng Victoria. Đối với các hành khách nhọc mệt này thì đây là cả một góc thiên đường, là sự di dưỡng sau cơn ác mộng bom đạn, là sự nghỉ ngơi sau nhiều đêm tức trắng.


Hôm sau, trong chuyến hành trình diệu vợi qua sa mạc, ông tướng xua đuổi các ưu tư bằng cách kể cho cậu bé Arthur, đầy kinh ngạc, nghe các cuộc phiêu lưu của những người Úc tiền phong: các cuộc tấn công xe ngựa bởi những tay “convicts” nổi loạn, các chiến tích rùng rợn của tên cướp Ben Joyce, mối đe doạ của đàn kangourous xuất hiện đột ngột bằng cách nhảy như một đám mây châu chấu…


Tại Adelaide phải miễn cưỡng rời bỏ các toa xe nhỏ nhồi xóc của xứ thần tiên để bước lên các toa xe sang trọng do chính phủ Úc đặc biệt phái đến đón. Đối với cậu con, nếu không phải là đối với người cha, cuộc phiêu lưu điên cuồng đã chấm dứt.


Sự thức tỉnh thật tàn bạo. Khi đến Melbourne, Mac Arthur sửng sốt biết rằng viên phi công trẻ tại Darwin đã nói đúng sư thật. Trên khắp nước Úc chỉ có độ chừng 25.000 quân Mỹ, gần như hầu hết là pháo thủ phòng vệ duyên hải, pháo thủ phòng không hay chuyên viên công binh. Không có đơn vị không quân nào, nhưng có 200 phi cơ phân tán trên khắp một lục địa cũng rộng bằng lãnh thổ Hoa Kỳ. Còn hơn thế nữa! Ngoài một lữ đoàn bộ binh vừa đến Perth, tất cả các sư đoàn bộ binh của Úc còn đang ở tại Trung Đông hay Ấn Độ. Không những không có vấn đề đạo quân viễn chinh để tái chiếm Phi Luật Tân, mà cũng chẳng còn gì để phòng vệ một lãnh thổ mông mênh cô quạnh như thế trên địa cầu mà phần cực bắc bị bao bọc bởi các quần đảo gần như hoàn toàn nằm trong tay Nhật.


Tất cả những tin tức ấy rơi trên người ông như những hột mưa đá trong cơn giông tố. Mặt ông tái xanh. Lần đầu tiên trong đời ông suýt bị xỉu. Ông thì thầm qua làn môi mím chặt: “Xin Thượng đế giúp đỡ!” và khắp chặt mình trong toa xe lửa.


May thay, một niềm khích lệ lớn lao chờ đợi ông ở cuối cuộc hành trình bất tận. Người đón tiếp ông đứng đen nghẹt sân ga, và khi ông bước xuống, tiếng hoan hô vang trời. Nhiệt tình đầm ấm đó cũng chờ đợi ông nơi Thủ tươớn Curtin, ông ta không giấu giếm là do sự khẩn nài cấp bách của mình, Tổng thống Roosevelt mới chỉ định ông. Vài giờ sau, ông phải bất ngờ đọc một diễn văn khác tại Quốc hội. Ông vẫn mặc bộ quân phục kaki bạc màu và chiếc nón kết khổng lồ viền lá sồi kim tuyến mà những cơn mưa lũ nhiệt đói đã làm méo mó phần nào. Mặc cho vẻ tiều tuỵ biểu lộ sự mệt mỏi ghê gớm, những lời ông nói ra đã làm rung động quả tim người lắng nghe ông. Ông nói với tất cả những người lạ mặt ấy rằng ông cảm thấy như đang ở nhà mình cùng với họ, rằng tất cả mọi người đều được kết nối chặt chẽ với nhau bằng dây liên lạc huyết thống, bởi cùng chung lý tưởng cùng yêu mến tự do và rằng ông đến đây để chiến thắng hay để cùng chết với họ.


Mỗi người đều cảm thấy ông nói đúng và cái ông tướng có bộ dáng như một đại tài tử trở lại sân khấu này đã có một đức tính chủ yếu đối với họ: Ông có quả tim hoàn toàn kết chặt với phía thiện lương.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 27 Tháng Mười Hai, 2009, 07:15:40 am
Ổn định và lật ngược thế cờ

Chu vi Đại Đông Á

Trong khi tại Đông Nam Á các trận đánh diễn ra như chúng ta vừa thuật lại, Hải quân Nhật đã bí mật nới rộng cuộc chinh phục đến các quần đảo nhỏ tại trung bộ Thái Bình Dương. Một số quần đảo đó như Mariannes, Carolines và Marshall, đã từng thuộc về họ trong trận đại chiến trước. Các quần đảo khác được đặt thuộc quyền uỷ trị của Mỹ, Úc hay Anh. Ngoài các đảo Wake và Guam được dùng làm trạm tiếp nối của Mỹ giữa Hạ Uy Di và Phi Luật Tân, không một quần đảo nào được đặt trong tình trạng phòng vệ, đến nỗi công việc chiếm hữu chúng trông giống như một cuộc đi dạo của lực lượng quân sự.


Trong vùng Tây Nam Thái Bình Dương, cuộc tiến quân của Nhật cũng dễ dàng như thế. Sau khi chiếm đóng các đảo lớn Halmahera và Céram ở phía nam Phi Luật Tân, các bộ phận hải quân đến đóng tại Blak và trong vài hải cảng khác nằm trên bờ biển phía bắc của Tân Guinée.


Tân Guinée là một hòn đảo rộng mênh mông, chỉ mình nó đã rộng gấp đôi quần đảo Nhật Bản, có hình dáng giống như một con khủng long bự và hơi gù lưng mà chiếc xương sống là một dãy núi dài 2.500 cây số bao phủ bởi một thứ rừng già rậm rạp nhất thế giới. Năm 1942 ngoài việc không thám sát dãy núi này, người Nhật cũng không tính chuyện vượt qua vì chẳng lợi ích gì, vì chính chiếc bụng của con khủng long cũng là một sa mạc rộng lớn. Phần duy nhất đáng chú ý của đảo là phần đuôi kéo dài của con khủng long vốn cũng bị dãy trường sơn chia đôi, nhưng tại hai viền Nam và Bắc lại có một loạt hải cảng tuyệt vời phía sau lan tràn một khu vực đầy tài nguyên khoáng sản và canh nông. Chính khúc đuôi giống như đoạn ruột thừa này đã được Tổng hành dinh Thiên hoàng lựa chọn. Vì không thể đến đó theo ngõ phía Nam do sự chật hẹp và các mối nguy hiểm của eo biển Torrès nằm giữa bụng con khủng long tại mũi York với mũi đất xa nhất của Úc châu, quân Nhật xâm chiếm theo ngõ phía Bắc. Các đoàn quân khởi hành từ đại căn cứ hải quân Truck, tháng 1 năm 1942 đã đổ bộ lên Nouvelle-Bretagne và Nouvelle-Irlande và đặt căn cứ vững chắc trong các hải cảng Rabaul và Kavieng. Chỉ cần bước một bước là có thể chiếm các hải cảng Lae và Salamaua tại Tân Guinée; cuộc hành quân này đã được thực hiện gần như chẳng phải đánh nhau gì cả, các đội quân trú phòng của Úc được lệnh rút lui dọc theo bờ biển cho đến tận Port-Moresby, hải cảng chính của bờ phía Nam.


Giờ đây cái quạt khổng lồ đã trải ra từ Miến Điện cho đến quần đảo Kouriles. Nhờ chiếm hữu được hàng rào Mã Lai, bờ biển phía Bắc của Tân Guinée, Tân Bretagne và Tân Irlande, các quần đảo Gillbert và Marshall, Nhật Bản được đảm bảo bằng một chuỗi gần như liên tục các điểm tựa, cụ thể hoá vòng đai “chu vi Đại Đông Á” trên một đường bán kính trung bình 3.500 cây số chung quanh Đông Kinh. Bên trong chu vi này, Nhật Bản hoàn toàn rảnh tay khai thác các giếng dầu hoả, mỏ khoáng sản, đồn điền cao su, ruộng lúa, tóm tắt, tất cả nguyên liệu mà Nhật Bản thiếu.


Cái giá phải trả cho những tài nguyên giàu có này thấp đến mức khó tin: Hải quân Nhật chỉ mất có năm phóng ngư lôi hạm, tám tàu ngầm và 50.000 tấn thương thuyền; Lục quân gần như đã bước ra khỏi cuộc phiêu lưu mà không bị sứt mẻ gì: 10.000 chết và 4.000 bị thương. Riêng phần thành tích chiến đấu của Hải quân, Lục quân và nhất là Không quân Nhật thì thật đáng sợ. Chín thiết giáp hạm, bảy tuần dương hạm, một hàng không mẫu hạm nhẹ (chiếc HMS Hermes bị tiêu diệt trên Ấn Độ Dương do phi cơ của Nagumo sau một cuộc đột kích tại Chlombo), vô số các chiến hạm nhỏ đủ loại, 200.000 tấn thương thuyền mà phần đông hàng hoá đều được thu hồi nguyên vẹn và đem ra sử dụng lại, không nói đến chừng 300.000 tù binh vừa quân sự vừa dân sự phải làm việc để xây dựng lại các đổ nát và tái lập sự khai thác canh nông và kỹ nghệ.


Chính tai biến khổng lồ này đã đưa toà Bạch Ốc đến chỗ phải sửa đổi lại các kế hoạch. Quyết định “Germany first” đã đặt chiến trường Thái Bình Dương vào tình trạng lu mờ như ngọn đèn đêm, nhưng ngọn đèn đêm này hoàn toàn sắp tàn lụn. Hải quân Mỹ chỉ có tổng cộng, trên Thái Bình Dương, ba hàng không mẫu hạm nhờ phép lạ thoát khỏi cuộc oanh tạc tại Trân Châu Cảng và chừng mười tuần dương hạm. Chúng đã cố sức hoạt động đáng ca ngợi bằng cách thực hiện các cuộc đột kích bên ngoài vòng đai chu vi Đại Đông Á, nhưng vô ích, đấy chỉ là vết muỗi đốt trên da voi. Gia dĩ một trong các hàng không mẫu hạm ấy, chiếc Saratoga, lại rủi ro gặp một tàu ngầm Nhật và bị nó tặng một thuỷ lôi khiến phải chạy về nằm ụ tại San Francisco nhiều tháng trời. Như vậy là chỉ còn lại hai mẫu hạm-chiếc Lexington và chiếc Enterprise-để ngăn chặn hạm đội Nhật nếu nó muốn tái diễn cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng hay nới rộng vòng vây phía Nam để bao vây luôn Úc châu (Trong số ba mẫu hạm của hạm đội Thái Bình Dương, hai chiếc, Saratoga và Lexington được đóng năm 1927. Chúng được đóng bằng thân của các tuần dương hạm sau khi thay đổi cách sắp đặt bên trong nhiều lần để thích nghi với vai trò mới. Đấy là các chiến hạm chạy nhanh (33 gút) và cũng như các tuần dương hạm được võ trang 8 khẩu 203 ly, nhưng các cơ cấu dành cho phi cơ-đặc biệt là hầm chứa xăng-thì lại tương ứng với quan niệm của một kỷ nguyên khác. Song le, vì chúng di chuyển gần cả 40.000 tấn, lại có một phi đạo 280 thươớ, chừng 80 phi cơ chở trên mỗi chiếc có thể hoạt động dễ dàng. Trái với các lợi điểm đó, thành tàu quá cao và ống khói khổng lồ của chúng tạo thành một mục tiêu dễ bị trông thấy từ đằng xa. Chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba, chiếc Enterprise đóng năm 1938, và các nhà chế tạo đã biết lợi dụng kinh nghiệm thu thập được với các chiếc trước. Nó chỉ chở được 20.000 tấn, nhưng vì nó chỉ được trang bị súng phòng không, nó có thể chuyên chở cùng một số lượng phi cơ như hai chiếc trên. Hơn thế nữa nó còn có ưu điểm trội hơn là rất dễ vận dụng và các cơ cấu kiến trúc liên quan đến phi cơ đều toàn hảo). Đấy chính là các đe doạ có mức độ trầm trọng đối với Hoa Kỳ đến nỗi chính sách diên trì không thể nào tiếp tục được nữa. Vả chăng công luận đã bắt đầu xì xầm và báo chí thì đặt tít lớn: “Hạm đội trở thành cái quái gì rồi?” Sau khi một tàu ngầm Nhật táo tợn đến nỗi dám đến oanh tạc ban đêm vào các giếng dầu tại Texas, nội vụ sắp đến chỗ bùng nổ.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 27 Tháng Mười Hai, 2009, 07:16:18 am
Kể từ khi có vụ bãi chức các con vật tế thần, Bộ Tư lệnh tối cao Hải quân được cải tổ hoàn toàn. Đô đốc King, trở thành tư lệnh hạm đội thế chỗ Đô đốc Stark, là một người có khí phách khác hẳn. Ông không bao giờ chấp nhận chịu đựng gian không than vãn các quyết định không ăn khớp. Nhờ vừa nắm quyền tư lệnh hạm đội Đại Tây Dương, ông có cơ hội thuận tiện để trình bày với Tổng thống về ưu tiên của cả hai chiến trường. Ông xung đột rất nặng với Bộ trưởng Hải quân Anh, Sir Dudley Pound vì theo như lời lên án của ông, thì đã không chịu tôn trọng lời cam kết tại Đông Nam Á và quá “ỷ lại” vào Hải quân Mỹ để hộ tống các đoàn công voa Anh. Vì lối ăn nói thẳng thừng như thế cho nên các cuộc can thiệp của ông tại Bộ tham mưu hỗn hợp liên quân thường được đánh dấu bằng các vụ la lối ầm ỹ.


Người thay thế Kimmel đứng đầu hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Nimitz, lại là một con người khác hẳn. Chính ông cũng là một cấp chỉ huy đầy nhiệt tâm, nhưng cách hành động thì uyển chuyển hơn. Sự khéo léo và các biện pháp mà nhờ đó ông biết cách nắm một hạm đội Thái Bình Dương mất tinh thần sau vụ Trân Châu Cảng đã đảm bảo cho ông sự hậu thuẫn của tất cả các cấp thuộc quyền. Chỉ có trong tay hai mẫu hạm và mười tuần dương hạm, ông phải liên tục bổ khuyết yếu điểm. Tình trạng của ông cũng giống như một lính chữa lửa, để dập tắt đám cháy mà chỉ có một vòi phun nước bị thủng nhiều lỗ luôn luôn phải buộc đầu này thắt đầu kia. Bất kể sự tận tuỵ vô điều kiện của thuộc viên và sức chịu đựng dẻo dai lạ kỳ mà các chiến hạm của hạm đội từng chứng tỏ, tình trạng khốn khó này không thể kéo dài thêm. Nhờ sự khẩn nài của King, hàng không mẫu hạm Yorktown được gọi yừ Đại tây dương đến nhập vào hạm đội Thái Bình Dương. Sự tăng viện này giúp Nimitz thành lập ba “lực lượng đặc nhiệm”, mỗi lực lượng tiếp hợp chung quanh một hàng không mẫu hạm. Hệ thống tổ chức này cho thấy mềm dẻo hơn và thích nghi với tình hình dễ hơn là hệ thống hạm đội cũ. Trên nguyên tắc do một Đô đốc chỉ huy, các lực lượng đặc nhiệm này có thể gồm có một tuần dương hạm và khu trục hạm thay đổi, chúng có thể được tập trung cho một sứ mạng xác định và sao đó lại trở về tình trạn tự trị. Chính các Đô đốc cũng vậy, họ cũng có thể thay phiên nhau chỉ huy lực lượng này hay lực lượng kia. Hệ thống tổ chức do hoàn cảnh bắt buộc ấy đã mang lại những kết quả tốt đẹp đến nỗi được tổng quát hoá và kéo dài cho đến hết chiến tranh.


Vừa mới nhận được chiếc Yorktown tăng cường, Đô đốc Nimitz liền phái nó đến nhập đoàn với chiếc Lexington tại vùng biển Corail để thực hiện toan tính oanh tạc Rabaul đã từng bị thất bại. Cuộc hành quân dự liệu vào ngày 10 thaán 3 năm 1942 cũng không mang lại kết quả hơn lần trước, vì lẽ Rabaul có một tổ chức canh phòng quá chặt chẽ. Phó Đô đốc Brown chỉ huy lực lượng đặc nhiệm đã chứng kiến tinh thần hiếu chiến của các phi công khu trục Nhật, nên tính toán rằng hy sinh các phi công oanh tạc cơ của mình là điều vô ích. Do đó ông quay trở về nhưng lại lấy một quyết định rất thích nghi là đưa lực lượng đến Port-Moresby và cho oanh tạccơ cất cánh ra khởi bằng cách vượt lên trên dãy núi Owen Stanley-dãy núi chia đuôi của con khủng long ra làm hai phần Nam Bắc-để bất ngờ oanh tạc hai hải cảng Lae và Salamaua. Sự xuất hiện đột ngột của các oanh tạc cơ Mỹ trên các sườn núi đã thoát khỏi tầm khu trục cơ Nhật và các cơ sở hải cảng bị trúng vài quả bom. Những thiệt hại vật chất không đáng kể, nhưng hiệu quả tinh thần thì rất quan trọng. Nói chung thì đó là lần đầu tiên phi cơ Mỹ biểu dương sức mạnh, các giới chỉ huy Nhật thật không bao giờ lại có thể tưởng tượng đó là chính các phi cơ của các hàng không mẫu hạm mà họ đã đẩy lùi 15 ngày trước đó tại Rabaul. Họ tin là chúng từ Port-Moresby đến và do đó ước tính quá cao các phương tiện mà lực lượng trú phòng Úc và Tân Tây Lan có trong tay tại Tân Guinée.


Trong thực tế các phương tiện này chỉ là số không. Tại Port-Moresby chỉ có hai phi đạo không được sửa soạn kỹ, nên chỉ có các khu trục cơ là có thể cất cánh. Mac Arthur cũng mới đặt chân đến Úc châu cùng ngày hôm đó, chưa hề có chỉ thị, lẫn chiến hạm và binh sĩ nào để tăng viện cho đội quân trú phòng đang ngoắc ngoải gồm 7.000 người mất tinh thần và bị bệnh sốt rét quật ngã ấy. Nếu quân Nhật đẩy mạnh thêm về phía nam thêm một mũi tấn công nữa thì họ đã lấy được Port Moresby cũng như toàn thể phần còn lại rồi. Đô đốc Inoue chỉ huy hạm đội thứ 4 và không đoàn 24 không hải quân đã không tin rằng nên thực hiện sáng kiến này, do đó đã bỏ qua một cơ hội chắc sẽ không bao giờ còn đến lại nữa.


Tóm tắt, trong các huấn thị của Inoue, không có điểm nào có thể chính thức hoá một sáng kiến như thế. Tổng hành dinh Thiên hoàng rất chia rẽ nhau về một cơ hội mới nhằm bành trướng vòng đai chu vi Đại Đông Á. Lục quân thì vì đang tung ra toàn diện lực lượng tại Miến Điện hầu cắt đứt những liên lạc cuối cùng giữa Trung Hoa và Đồng minh cho nên nhất định không chịu phân tán lực lượng của mình trên một chiến trường thuần tuý thuộc Hải quân vốn là thứ yếu đối với Lục quân. Chính bản thân Yamamoto, người đã thực hiện xong tất cả các mục tiêu của kế hoạch miền Nam, cũng muốn giữ phần chủ lực của hạm đội liên hợp trong hải phận bản quốc, ngày nào mà ông còn chưa hết chuyện với các lực lượng hải quân Mỹ. Theo ý ông, điểm yếu của vòng đai chu vi nằm về phía đông và đông bắc, nơi đó, dãy quần đảo Hạ Uy Di và Aléoutiennes-vẫn luôn luôn nằm trong tay quân Mỹ-nh chĩa một mũi giáo nhọn hướng ngay vào quả tim Nhật Bản. Ngày nào chưa chiếm được đảo san hô Midway và các đảo Atu và Kiska, thì nền an ninh của quần đảo Nhật Bản còn chưa được đảm bảo. Và nếu, điều này rấy có thể xảy ra đối phương tung ra tất cả lực lượng hải quân vào trận chiến để phòng vệ các pháo đài chủ yếu này thì đây là một cơ hội rất tốt để tiêu diệt chúng nhờ ưu thế số lượng vĩ đại của hạm đội liên hợp.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 27 Tháng Mười Hai, 2009, 07:16:49 am
Tình thế thật khá nghịch thường, chính Đô đốc Nagano, Tổng Tham mưu trưởng Hải quân vốn là người luôn luôn hoà dịu, lại trở thành người biện hộ cho sự bành trướng vòng đai chu vi trong vùng phía Nam Thái Bình Dương. Ông ước tính rằng phải chiếm Port-Moresby và quần đảo Salomon ngay lập tức bằng cách lợi dụng tình hình rối loạn toàn diện của Đồng minh trong khu vực này. Bằng cách khoá chặt vùng biển Corail trước Úc châu Nhật sẽ loại từ các căn cứ xuất phát cho một cuộc phản công mai hậu, và hành động này chỉ phải trả giá bằng một sự nối dài vô nghĩa lý các đường giao thông liên lạc mà thôi. Có lẽ ông ta hy vọng rằng luận cứ chót ấy sẽ làm Yamamoto hết đường biện bạc với kế hoạch tấn công vào Midway mà ông ta xét đoán là quá liều lĩnh. Thật vậy vấn đề đường giao thông liên lạc đã được đặt ra với tất cả mẫn nhuệ vì các khoảng cách quá lớn lao giữa các giếng dầu vừa chiếm được và các xưởng lọc dầu tại chính quốc. Sự huỷ diệt phần lớn các xưởng lọc dầu trên các đảo bị chinh phục khiến cho Nhật cần phải gửi dầu thô về nước và phải gửi lại các loại nhiên liệu bằng tầu dầu để tiếp tế cho lực lượng Hải quân và không quân; từ đó phát sinh cả một hệ thống giao thông vĩ dại treê một đoạn đường 6.000 hải lý (11.000 cây số), đặc biệt rất dễ bị tàu ngầm địch tấn công lại thêm vào đó phí tổn trở nên cực kỳ đắt đỏ. Một sự bành trướng mới vòng đai chu vi về hướng quần đảo Aléoutiennes và Midway sẽ gia tăng thêm một dịch vụ chuyên chở phụ tới trên một đoạn đường khứ hồi dài 4.000 hải lý mà hạm đội thương thuyền Nhật không thể nào cáng đáng nổi một cách lâu dài.


Trong khi tại Đông Kinh các cuộc thảo luận cực kỳ sôi động giữa người ủng hộ và kẻ chống đối các kế hoạch tương lai, King theo đuổi một cách có phương pháp công việc tổ chức phòng vệ những điểm tựa cuối cùng của ông trên Thái Bình Dương. Quần đảo Samoa đã nhận được một trung đoàn Thuỷ quân lục chiến (Là một đơn vị tự trị của quân đội Mỹ, có pháo binh, chiến xa và không lực riêng) và một lực lượng viễn chinh 17.000 người đã được gửi đến Tân Calédonie và được Toàn quyền Pháp Sautot, mới ngả theo phe Pháp quốc Tự do rộng tay đón tiếp. Các đảo san hô Palmyre, Canton và Christmas được sửa sang lại thành trạm tiếp nối cho các phi cơ bay ngang qua Thái Bình Dương và 4.000 kỹ thuật gia ra sức làm việc để xây cất một căn cứ tiếp liệu cho chiến hạm tại Borabora trong các quần đảo thuộc Pháp. Về phần mình, Tân Tây Lan cũng đã tăng viện cho quân trú phòng trên quần đảo Fiji và Úc cũng đã làm như thế tại Port-Moresby.


Rồi đến vấn đề định giới hạn trách nhiệm của các giới chức Hải quân và Lục quân, nghĩa là giữa Nimitz và Mac Arthur. Ý định đầu tiên của Roosevelt là giao cho Mac Arthur một thẩm quyền chỉ huy tuơng ự như cuủaavell trong cơ cấu ABDA bao trùm không phân biệt Hải hay Lục quân. Nhưng cả Marshall lẫn Nimitz không ai ưa Mac Arthur. Rõ ràng là họ sợ các phản ứng của ông và nết cứng đầu đến trở thành chuyện truyền kỳ của ông. Marshall thì sợ rằng ông không còn tâm trí mềm dẻo cần thiết để thích nghi với một quyền chỉ huy chưa từng có trong lịch sử, trong đó chiến hạm và phi cơ sẽ đóng vai trò ưu thế. Về phần King, thì không muốn nghe nói đến chuyện một Đô đốc lại thuộc quyền một tướng lĩnh bộ binh-và nhất là cái ông tướng ấy. Như vậy, họ đồng ý về nội dung, nhưng sự áp dụng xem ra cực khó. Làm sao có thể phân chia một chiến trường hoàn toàn gồm có các vùng biển mênh mông rải rác vô số đảo lớn đảo nhỏ, hay đảo san hô mà không có đặc điểm nào giúp phân biệt đảo này với đảo kia được chứ? Cuộc thảo luận kéo dây dưa đến mức Roosevelt quyết định giải quyết lấy một mình. Cố vấn Harry Hopkins của Tổng thống chủ trương rằng, nghiêng người trên một bản đồ Thái Bình Dương, ông vạch một đường viết chì theo một kinh tuyến lướt qua Phi Luật Tân và quyết định những gì xảy ra bên trái là thuộc Mac Arthur và những gì ở bên mặt thì về phần Nimitz. Phần chia cắt bất hợp lý này ít ra cũng được một điểm là đơn giản, và ai nấy đều vui vẻ nghe theo. Các huấn thị chi tiết được soạn thảo rất lâu, nhưng chúng có một đoạn mở đầu thật phân minh: “sứ mạng của ông là ngăn chặn quân địch trong các giới hạn hiện thời và sự chuẩn bị cho một cuộc phản công trong tương lai. Thật ngắn gọn, thật hay, và không ai đòi hỏi gì thêm.


Nimitz đòi hỏi ngay một Phó Đô đốc để được uỷ quyền chỉ huy tại chỗ các lực lượng đặc nhiệm đang hành quân trong khu vực Đông Nam Thái Bình Dương. King chỉ định Đô đốc Ghormeley, bản doanh của ông này được đặt tại Auckland thuộc Tân Tây Lan. Như thế, ngay trong tình thế hỗn loạn, một tổ chức chỉ huy khởi điểm đã được thành hình, cũng có giá trị như một tổ chức kia, bởi vì, sau khi được chiến trận thử thách, nó kéo dài không thay đổi cho đến cuối cùng.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 27 Tháng Mười Hai, 2009, 07:17:50 am
Ba mươi giây trên Đông Kinh

Không một cuộc cải tổ ngoạn mục nào đã được thực hiện trên đây có thể vuốt ve được công luận Mỹ vốn phải ngậm đắng nuốt cay từ hơn bốn tháng qua. Người ta đã ráng sức làm cho công luận vui lòng với các câu chuyện tường thuật các cuộc không chiến 1 chống 10 diễn ra tại Trung Hoa dưới sự điều khiển của Tướng Claire Lê Chennault, người sát cánh với Tưởng Giới Thạch nắm quyền chỉ huy không lực Trung Hoa và nhóm American Volunteer Group, do ông ta đứng ra tuyển mộ từ năm 1939. Mặc dầu đấy là các chiến công vũ dũng phi thường, chúng chỉ chứng tỏ cho dân chúng Mỹ biết rằng trong giới trẻ tuổi Hoa Kỳ có những thanh niên can đảm tuyệt vời, nhưng vì không bao giờ nghi ngờ gì đến sự kiện đó, sự tường thuật các chiến công này càng làm trầm trọng tổng mối oán hận sự bất lực của các giới lãnh đạo.


Với ý thức vận động quần chúng bén nhạy, Roosevelt hiểu rằng phương cách duy nhất để tái lập lại lòng mến chuộng của dân chúng là tổ chức một hành động lừa dối ngoạn mục mà ông vừa có ý tưởng thoáng qua. Cơ hội đã đến do một Đại tá phi công thuộc Lục quân Mỹ, chuyên viên oanh tạc, tác giả một kế hoạch mà mục tiêu không hơn không kém là ném bom xuống Đông Kinh. Điểm xứng đáng nơi Tổng thống là quan tâm đến kế hoạch này, một kế hoạch mà ban sơ vào thời kỳ đó dường như phát sinh từ một dưỡng trí viện.


Viên Đại tá, tên James Doolittle, cam đoan là có thể cất cánh từ một hàng không mẫu hạm với các oanh tạc cơ trung bình B-25 Mitchell vừa mới được mang ra sử dụng, bay đi ném bom xuống Đông Kinh rồi sau đó cầu may bằng cách cố bay đến Vladivostok hoặc tất cả phi trường bạn trên lãnh thổ Trung Hoa. Roosevelt ra lệnh cho chỉ huy trưởng không lực thuộc Lục quân và các chuyên viên không lực thuộc Hải quân nghiên cứu dự án này. Tất cả đều có ý kiến rằng mặc dầu quá táo bạo, nhưng cũng có đủ may mắn để thành công, nên thử. Thoạt tiên có vẻ lơ là, Đô đốc King sau này cũng để cho bị thuyết phục vì ông thấy đã có hàng không mẫu hạm Hornet chiếc mới nhất cùng loại với các mẫu hạm Yorktown, Enterprise vừa chấm dứt chạy thử sau nhiều sự thay đổi. Vì chiếc mẫu hạm này cần thực hiện một chuyến hải hành để thử sức chịu đựng, cơ hội này rất tốt để thử thách nó mà không vì thế làm chậm trễ sự tham chiến của nó trên chiến trường Thái Bình Dương.


Ngày 4 tháng 4 năm 1942, hàng không mẫu hạm Hornet nhổ neo từ San Francisco với 16 oanh tạc cơ B-25 đậu trên sàn, và 80 phi công sẽ lái chúng bay đi tấn công. Sau cuộc ghé bến Trân Châu Cảng và được thông báo các tin tức cuối cùng về các phi trường có thể đáp xuống được tại Trung Hoa, chiếc Hornet lại khởi hành đến một điểm hẹn với lực lượng đặc nhiệm chung quanh chiếc Enterprise do Phó Đô đốc Halsey chỉ huy và sẽ hộ tống nó cho đến cách bờ biển Nhật Bản 700 cây số và sau đó đưa nó trở về hải cảng sau khi phóng các phi cơ lên không.


Phần đầu của cuộc hải hành không xảy ra chuyện gì, nhưng bình minh ngày 8 tháng 4 năm 1942 (ngày theo Đông Kinh), lúc đi vào hải phận do Nhật kiểm soát, lực lượng đặc nhiệm thấy một chiếc phóng ngư lôi hạm địch. Hải pháo của các hộ tống hạm hành động tức khắc và đánh chìm chiếc tàu chiến của Nhật lúc ấy dại dột muốn cắt ngang đường của hạm đội Mỹ. Trước biến cố bất ngờ này, Doolittle và Halsey kinh hoàng. Làm sao biết được liệu trước khi chìm, quân Nhật có kịp gửi đi lời kêu cứu SOS và báo động Đông Kinh hay không? Tung ngay cuộc tấn công trước giờ ấn định há chẳng hơn sao? Chiếc Hornet còn cách duyên hải Nhật đến 1.200 cây số, một khoảng cách vượt quá xa mức dự liệu, nhưng đó là cách duy nhất chắc chắn có thể đến được mục tiêu trước khi nhà cầm quyền Nhật cho áp dụng các biện pháp đề phòng.


Trong một chớp mắt quyết định đã dứt khoát. Doolittle bình tĩnh ra lệnh và đích thân xem xét mọi thứ sẵn sàng. Động cơ của 16 oanh tạc cơ bắt đầu nổ và Doolittle leo lên chiếc đầu tiên. Đến 8 giờ 18 phút, ông nhả thắng và chạy trên phi đạo đầy bọt nước biển do các lượng sóng cao phủ lên. Giờ phút ấy thật cảm động. Ai cũng rung sợ phải thấy chiếc phi cơ của vị chỉ huy đâm xuống biển. Mặc dầu sóng lớn, ông Đại tá đã cất cánh theo một kiểu cách hoàn hảo. Lợi dụng các đợt sóng nhấp nhô, 15 chiếc khác cất cánh tiếp theo cách nhau vài phút. Từ trên đài chỉ huy chiếc Enterprise, Đô đốc Halsey đưa mắt nhìn theo một lát rồi ra lệnh cho hạm đội mở hết tốc độ quay trở về Trân Châu Cảng, vì lúc bấy giờ hạm đội đang ở sâu quá trong vòng bán kiín hoạt động của các thuỷ phi cơ thám sát thuộc hải quân Nhật.


Trong lúc đó, đoàn oanh tạc cơ tập họp thành đội hình, và bay là là mặt biển để tránh khỏi bị rada đối phương khám phá, hướng thẳng đến Đông Kinh. Trên suốt đường bay, phi đoàn không hề gặp một phi cơ nào của địch. Trong thực tế, trước khi bị chìm, chiếc tàu tuần tiễu của Nhật đã kịp gửi đi hiệu lệnh kêu cứu và chỉ rõ vị trí của mình. Khoảng cách với duyên hải xa quá khiến cho tín hiệu mơ hồ đến nỗi Bộ Tư lệnh Nhật không tin là phải báo động ngay tức khắc cho các lực lượng không quân.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 27 Tháng Mười Hai, 2009, 07:18:21 am
Cuộc đột kích của Doolittle được thực hiện đều đặn như kim đồng hồ xoay. Giữa trưa, trong khi các đường phố Đông Kinh đang bày cảnh náo nhiệt thường lệ, tiếng phi cơ gầm thét làm mọi người ngước mặt nhìn lên. Ai cũng nghĩ là một cuộc biểu dương sức mạnh mới của không quân và sau vài phút ngưỡng mộ, lưu thông trở lại nhịp bình thường. Nhưng tiếng bom đầu tiên nổ và tiếng cao xạ DCA đã mau lẹ biến niềm say sưa chiến thắng êm dịu ấy thành thái độ sửng sốt. Đám đông hỗn loạn ùa chạy để kiếm chỗ ẩn thổ sơ trong vài ngôi nhà đúc tại khu vực trung tâm. Các xe chữa lửa chạy như bay trong các đường phố chật hẹp trong khi còi báo động hú vang. Và khi khói lửa từ các đám cháy bốc cao lên bầu trời trong tiết xuân kế cạnh Hoàng cung, sự sửng sốt của quần chúng biến thành sự kinh hoàng.


Tại Tổng hành dinh Thiên hoàng, các chức sắc cao cấp sửng sốt đến nỗi phải một lát sau họ mới quyết định được các biện pháp, Nagano ra lệnh cho Yamamoto cho hạm đội nhổ neo ngay lập tức. Tất cả các khu trục cơ của Nhật đều cất cánh để ngăn chặn. Nhưng đã quá trễ! Đoàn B.25 đã bay đi mà không cần biết đến kết quả. Cả 16 chiếc đều bình an, nhưng chúng còn phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất. Số xăng rất ít còn lại không cho các phi công cơ may bay đến các phi trường Trung Hoa. May thay một luồng gió mạnh từ đằng sau đẩy họ về phía lục địa Á châu, nhưng những cơn giông và thì giờ chậm trễ đã làm họ mất khả năng định hướng.


Những thử thách gay go đang chờ đợi họ. Các sự bố trí để đón họ trên các phi trường Trung Hoa đã không được nghiên cứu kỹ. Vì các lý do phải giữ bí mật, người ta đã lơ đễnh không báo trước rằng họ sẽ đến, cho một người duy nhất có thể đảm bảo sự thành công của họ: Tướng Claire Lee Chennault, người vẫn luôn luôn ở bên cạnh Tưởng Giới Thạch nhưng giờ đây là Tư lệnh Không lực 14 của Mỹ. Ông tướng ấy là một Outsider, một người ngoài, vốn đã rời khỏi quân đội từ nhiều năm qua và được gọi trở lại phục vụ trong những điều kiện giống y như Mac Arthur nghĩa là do các biến cố thúc đẩy. Những đấng thanh giáo tại Ngũ giác đài coi ông như là một người làm trò múa rối vì ông coi thường các quy tắc ước lệ và đã cách mạng hoá chiến thuật săn giặc bằng cách bắt các phi công tập nhào lộn từng nhóm thường làm quan khách rùng mình. Nhưng kinh nghiệm cho thấy ông có lý và các kết quả phi thường đạt được trong các cuộc không chiến chống Nhật tại Trùng Khánh và Miến Điện, trong lúc trên khắp tất cả các chiến trường khác Không quân Mỹ chỉ ghi nhận toàn thất bại, đã bắt buộc Bộ Tổng Tư lệnh phải xin lỗi. Chennault đã tổ chức một hệ thống canh chừng trải dài cho đến tận khu vực bị chiếm đóng của Trung Hoa. Vậy thì chắc chắn là ông có thể hướng dẫn các oanh tạc cơ của Doolittle đến các phi trường yên ổn. Nhưng vì lý do bí mật, người ta đã lơ là không chịu báo tin cho ông.


Kết quả thật thê thảm. Ngay khi bay đến được bờ biển, các phi công nhận thấy rằng tìm một phi trường để đáp trong bóng tối bi thảm này là một điều gần như không thể được. Doolittle và phi hành đoàn, chiếc đầu tiên, nêu gương, và nhảy dù ra khỏi phi cơ. Họ được phi haàn đoàn 9 chiếc khác bắt chước ngay, 50 chiếc dù mở ra trong đêm tối, một chiếc bị tréo dây làm cho một quân nhân thiệt mạng. Các chiếc B-25 khác toan tính đáp xuống đất ngay khi họ lờ mờ phân biệt được hình dáng bờ biển, và họ đã gặp nhiều hoàn cảnh bất ngờ khác nhau. Một chiếc rơi xuống biển nhưng khá gần bờ nên phi công và phi hành đoàn bơi vào bờ được. Một chiếc khác lật úp trong ruộng lúa, may thay không bị thiệt hại nhiều. Chiếc thứ ba có số phận bi thảm hơn: đâm xuống một giải cát và tất cả phi hành đoàn đều bị thương ít nhiều. Trong số ba chiếc còn lại, một chiếc bay hướng về Mãn Châu và đáp xuống được cách Vladivostok 35 cây số. Hai chiếc khác rơi và giữa vùng bị Nhật kiểm soát. Trong số 10 nhân viên phi hành, hai người bị chết đuối trong khi cố gắng thoát ra khỏi phi cơ, 8 người khác bị bắt ngay. Bị kết án là đã oanh tạc vào vị trí không có tính cách quân sự, họ bị mang ra xét xử. Hai sĩ quan và một trung sĩ bị tử hình và bị treo cổ sau khi bị tra tấn, năm người bị đưa vào trại tập trung trong đó một người bị chết ngày vì kiệt sức.


Nhờ may mắn lạ kỳ, phần đông các phi công khác đều sống sót sau cuộc phiêu lưu kinh hồn. Nhờ sự tận tuỵ của nông dân Trung Hoa đến đón, họ thoát khỏi các đoàn tuần tiễu Nhật, và đến được Trùng Khánh sau không biết cơ man nào là nghịch cảnh. Sau nhiều tháng lo âu chờ đợi người ta được biết rằng trong số 80 nhân viên phi hành của chiếc Hornet chỉ có 8 tử trận hay bị mất tích. Rõ ràng đấy là một tỷ lệ nhỏ bé so với một cuộc đột kích táo bạo nhất trong lịch sử. Nhưng không có một chiếc B-25 nào kịp thời được thu hồi lại cả. Là người rất cần các phi cơ này và biết rằng có thể cứu chúng thoát nếu được báo tin, Chennault đã phản đối Ngũ Giác Đài một cách dữ dội. Hố chia cách giữa con người đởm lược ấy và các thượng cấp của ông sau đó không ngừng rộng thêm ra-làm cho nước Mỹ bị thiệt hại nhiều nhất, bởi vì đó không những chỉ là chiến thuật gia lỗi lạc nhất về không lực săn giặc, mà còn là người Mỹ duy nhất có các dữ kiện hính xác nhất về Trung Hoa và dân tộc xứ ấy.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 27 Tháng Mười Hai, 2009, 07:19:20 am
Đêm canh cùng chiến trận

Kết quả đầu tiên của vụ đột kích Doolittle là đặt lại trên bàn hội nghị của Tổng hành dinh Thiên hoàng vấn đề vòng đai chu vi Đại Đông Á còn bỏ dở dang. Sau cuộc nghiên cứu các B-25 mà những mảnh vụn được tìm thấy tại trung Hoa, phải chấp nhận một sự thật hiển nhiên: các phi cơ này cất cánh từ trên một hàng không mẫu hạm. Chứng cớ cho thấy rằng quần đảo Nhật bị bỏ trống trải trên các mạn sườn phía bắc và phía đông. Một lần nữa Yamamoto đã thấy đúng. Cần phải áp dụng kế hoạch tấn công Midway của ông để ngăn không cho Thiên hoàng bị xúc phạm theo kiểu này một lần nữa. Trái bom duy nhất rơi vào trong ngự viên tại hoàng cung đã dấy lên một sự xúc động mà toàn diện mọi người đều cùng lúc cảm thấy.


Song lẽ, vì các mệnh lệnh liên quan đến cuộc xâm chiếm quần đảo Salomon phía bắc và hải cảng Port-Moresby đang được xúc tiến thi hành, Tổng Tư lệnh Nagano khẩn nài để cho các cuộc hành quân này được tiếp tục. Nhật Bản đang ở vào cực điểm của sức mạnh; do đó rất có thể mở cuộc tấn công cùng lúc trên cả hai mặt trận. Yamamoto chịu điều khiển cuộc hành quân mà không kêu gọi hai hàng không mẫu hạm đang canh chừng ngoài khơi Salomon. Lực lượng của hạm đội liên hợp có sẵn trong vùng hải phận chính quốc-4 hàng không mẫu hạm lớn, 2 mẫu hạm nhẹ, và toàn diện hạm đội thiết giáp hạm đối với ông có vẻ đủ để chiếm Midway và quần đảo Aléutiennes.


Yamamoto rời Đông Kinh với thẩm quyền toàn diện do Bộ Tổng tham mưu giao phó cho, và trở về soái hạm-chiếc thiết giáp hạm khổng lồ Yamamoto-để chỉnh bị lại các kế hoạch hành quân. Tay cao cờ điên cuồng này sắp làm tiêu tan hẳn hay gia tăng gấp đôi danh tiếng vang lừng là một lãnh tụ chiến tranh của mình.


Tại Mỹ, cuộc đột kích Doolittle đã làm bùng lên một niềm phấn khởi lạ kỳ. Báo chí bất chấp liêm sỉ phóng đại tầm quan trọng của các thiệt hại vật chất đã được giáng lên đầu người Nhật, và tung ra một tấm màn trinh liệt che đậy các điều kiện tiếp đón các phi hành đoàn tại Trung Hoa. Công luận lắng dịu một thời gian. Như vậy là mục tiêu đã đạt được.


Không bị xúc động vì niềm say sưa chiến thắng hời hợt này, King không có ảo tưởng nào đối với những ngày sắp đến mà nay đang được chuẩn bị. Chiếc máy trứ danh Système Magic, vốn đang có vẻ gục từ vụ Trân Châu Cảng, vừa mới bừng tỉnh dậy ít lây nay. Cho đến lúc đó nó chỉ được khai thác để mở các khoá mật mã ngoại giao; mệnh lệnh im lặng vô tuyến dược các chiến hạm Nhật tôn trọng triệt để không cho phép thu thập đủ yếu tố thiết lập lưới mật mã của địch. Nhưng giờ đây, nhiều hạm đội Nhật được rải ra trong vô số căn cứ Hải quân phía Nam Thái Bình Dương, chúng trao đổi tín hiệu cho nhau theo một loại mật mã PK-2 mà các chuyên viên điều khiển Magic đã giao phó cho sự khôn ngoan của bộ máy kỳ diệu này. Kể từ giữa tháng 4 năm 1942, khối lượng các tín hiệu này cho phép nghĩ rằng có cái gì rất đáng nghi đang bắt đầu tại phía Nam và King đã yêu cầu các chuyên viên giải mật mã gia tăng nỗ lực gấp đôi để chọc thủng màn bí mật của khoá PK-2. Vào cuối tháng, họ gần như đã đạt kết quả và King đã có thể báo trước cho Nimitz cuộc đổ bộ rộng lớn của Nhật phía Bắc Salomon và tại Port-Morseby.


Thật dúng lúc! Hai mẫu hạm Enterprise và Hornet đã không trở về hải cảng sau chuyến khứ hồi nhằm hướng Đông Kinh chiếc Lexington thì có mặt tại Trân Châu Cảng để được tiếp tế và cho thuỷ thủ đoàn nghỉ ngơi đôi chút, sau khi liên tục chiến đấu từ đầu; chiếc Yorktown đang được chăm sóc lại tại Tongatabu (quần đảo Fiji). Nimitz liền ra lệnh cho hai chiếc sau nhổ neo đến điểm hẹn ngày 30 tháng 4 cùng với các tuần dương hạm có mặt tại phía Nam. Hơn nữa ông hứa với Ghormley là sẽ phái cho ông chiếc Enterprise càng sớm càng tốt. Giao cho Đô đốc Fletcher lực lượng đặc nhiệm được cấu tạo như thế, ông chỉ ra một huấn thị ngắn gọn “chống lại cuộc đổ bộ của địch và tiêu diệt hải lực địch”.


Ngày 2 tháng 5 năm 1942 các hàng không mẫu hạm Mỹ tiến vào biển Corail theo ngõ phía Nam đang ngay lúc vài tuần dương hạm Nhật hộ tống vài dương vận hạm đến Tulagi men dọc theo đảo lớn Bougainville mà một phần đã bị Nhật chiếm đóng. Một “trinh sát viên cận duyên” người Tân Tây Lan ở lại đảo cho đến phút chót và rút lui về Santa-Isabel cùng với chiếc máy phát tin bằng một xuồng của người bản xứ, đã cung cấp tin này cho Tổng hành dinh của Mac Arthur, Fletcher đã được báo trước, liền cho một phi cơ trinh sát cất cánh lúc rạng đông ngày 3 tháng 5. Ông nhận được điện vắn tắt sau; “Chiến hạm tập trung trong hải cảng Tulagi”.


Bắt đầu quen thuộc với biển Corail, Fletcher biết ngay Tulagi nằm ở đâu. Một hòn đảo nhỏ không có gì quan yếu, bị vô số đảo nhỏ bao bọc chung quanh, nhưng có thể neo chiến hạm rất tốt và được chọn lựa vì vị thế trung tâm như là thủ đô hành chính của quần đảo Salomon. Ông nghĩ rằng phải toan tính để trục quân Nhật ra khỏi đấy. Các hàng không mẫu hạm Yorktown và Lexington được lệnh men theo bờ phía Nam đảo Guadalcanal và phóng các oanh tạc cơ vượt ngang qua các rặng núi trên đảo xa để xuất hiện đột ngột từ trên các chiến hạm địch đang bỏ neo tại Tulagi.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 27 Tháng Mười Hai, 2009, 07:20:08 am
Đến trưa ngày 3 tháng 5 năm 1942, các phi công trở về gần như toàn vẹn. Cứ theo lời họ thì quân Nhật hoàn toàn bị đánh bất ngờ và cửa biển Tulagi ngập đầy xác tàu. Đối với ngày chiến thắng đầu tiên các phi công Mỹ còn quá lạc quan hơn cả những đồng nghiệp Nhật Bản của họ…


Sau khi đi lại tuần phòng đến tối một cách vô ích vì không thu được tin nào mới về lực lượng hải quân địch, lực lượng đặc nhiệm của Fletcher chạy xuống phía nam để kịp đến điểm hẹn vào bình minh hôm sau với chiếc tàu dầu vĩ đại Neosho sẽ đến tiếp tế cho các chiến hạm.


Công cuộc tiếp tế kéo dài suốt ngày 4  tháng 5. Công việc kéo ngang các vòi dầu cặn giữa các chiến hạm đang chạy, việc chuyển giao thư từ do chiếc Neosho mang đến việc trao vài tân binh đổi lấy các quân nhân trừ bị được giải ngũ, đã tạo nên không khí náo nhiệt và đầy lạc quan gữa các thuỷ thủ đoàn. Rồi cuộc tuần hành lại tiếp tục hướng về bắc, và đêm tối trải qua mà không có biến cố nào làm rộn chuyến hải hành bình yên này. Đô đốc bắt đầu nghi ngờ giá trị của tin tức do Trân Châu Cảng chuyển đến trong khi nhìn thì giờ trôi qua. Các cuộc tuần tiễu bằng phi cơ thám thính liên tục từ sáng sớm đã không hề báo hiệu một tí gì về việc trông thấy “Kanawishi-thuỷ phi cơ thám thính vĩ đại của Nhật” vẫn không ngừng bay lượn trên các bờ biển Corail.


Vào khoảng 4 giờ chiều, khi các lời bình luận tuôn tràn trên các cầu tầu cũng như trong các phòng thường trực báo động, trong lúc gió kéo mây che kín một bầu trời vốn đã mờ mờ vì sương mù, thì các loa phóng thanh của tất cả các trung tâm thu tin trên các chiến hạm đã làm chấn động các hiệu thính viê đang ngủ gật:

“Ariel gọi Yorktown; Kanawishi ở phía bắc, cao độ 18.000 bộ!”

Tất cả các phi cơ đang bay đều nghiêng cánh hướng về phía kẻ nhìn trộm và các loa phóng thanh vẫn vang dội không ngừng tiếng nói chát tai; Joan gọi Ariel; hiểu rồi tôi theo anh”, ”Lily gọi Kate: tôi thấy có cái gì trong 320, tôi đến đó”…

Nhưng cơn mưa nhiệt đới đã chấm dứt những sự thổ lộ không mấy kín đáo này. Mẫu hạm Yorktown báo hiệu cho tất cả: “Trở về tàu”. Chiếc Kanawishi biến mất sau khi phát một tín hiệu, Đô đốc Nhật Bản biết chắc được thành phần và vị trí của lực lượng đặc nhiệm Mỹ.


Đêm 6 rạng ngày 7 tháng 5 năm 1942 ấy, mây tan mau lẹ trên bầu trời, làm như Thượng đế muốn cho những kẻ có thể chết vào ngày mai trông thấy một lần cuối cảnh đẹp nhất của vũ trụ. Dường như các hàng không mẫu hạm kéo theo sau dòng sông Ngân hà uốn lượn chập chờn theo làn sóng biển vỡ tan tành tô điểm một chỏm bạc trên các bóng đen di động ban đêm. Tất cả đều vĩ đại và đẹp mê hồn trong cái im lặng dửng dưng của vũ trụ ban đêm. Các thuỷ thủ trinh sát đêm đứng trên các cầu tàu, các sĩ quan trực nhật, các hạm trưởng, các hoa tiêu trong thế báo động đều ngắm nhìn quang cảnh đ nhất phô diễn trước mắt họ trong tứ ánh sáng thanh cao trác tuyệt này.

Chắc những người sống sót sau trận hải chiến sẽ không bao giờ quên được.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 27 Tháng Mười Hai, 2009, 07:20:43 am
Biển Corail

Không nên đánh nhau trong một vùng biển san hô. Các bên đối phương của năm 1942 nhờ đấy mà có kinh nghiệm trên. Những ngày 7 và 8 tháng 5 chỉ là những ngày đầy ngộ nhận, hỗn độn và lầm lỗi to lớn.


Trong cái góc đó và vào thời kỳ này, những trò quỷ quái của thời tiết chắc chắn là đứng về phe Nhật Bản, bởi vì hạm đội của Takagi, người được Inoue giao cho quyền chỉ huy cuộc hành quân Mo-đánh Moresby-chuyển dịch dọc theo phía bắc Salomon, rồi đến tận quần đảo Louislade mà không lúc nào gió mùa ngừng mang phủ bên trên một lớp mây dày che chở. Hệ thống bố trí của Takagi gồm có 2 phần: một lực lượng đổ bộ được hộ tống bởi vài trung đoàn và một hàng không mẫu hạm nhẹ-chiếc Soho-và một lực lượng che chở gồm có hai mẫu hạm lớn nhất của hạm đội Nhật, chiếc Shokaku và chiếc Zuikaku mà sứ mạng là che chở từ xa và không quá tiến sâu vào cuộc hành quân đổ bộ dường như không có gì là khó khăn đặc biệt.


Trong khi các dương vận hạm chở quân đổ bộ và các chiến hạm hộ tống tập họp tại quần đảo Shortland phía nam Bougainville, hai chiếc Shokaku và Zuikaku thì tuần tiễu phía đông Salomon. Chúng chỉ phải tiến vào biển Corail vào phút chót để nếu cần, giáng một đòn từng phạt làm gương cho những hải lực nào của đối phương dám mạo hiểm vào đấy.


Phút chót nói đây là ngày 7 tháng 5, ngày mà các dương vận hạm chở quân đổ bộ được vài phi cơ của chiếc Soho che chở sẽ phải băng ngang qua quần đảo Shortland tại eo biển Jomard (Louiside) theo đường chéo phía bắc biển Corail.


Lúc ấy Takagi không được biết một tí gì về vị trí của lực lượng đối phương. Do vậy, ông đưa đoàn công voa chở quân đổ bộ tiến vào biển Corail mà không có một chỉ dẫn nào khác hơn là một sự nghi ngại mơ hồ rằng nhóm phi cơ nhỏ bé đã từng tấn công Tulagi ngày 4 tháng 5 rất có thể là đã cất cánh từ một hàng không mẫu hạm nào đó. Gia dĩ đó là một viễn ảnh không làm ông sợ mà còn mong cho xảy ra là đằng khác. Theo tin tức tình báo mà ông biết thì hiện có ba mẫu hạm Mỹ trong vùng bắc Thái Bình Dương và một mẫu hạm ở phía Nam, ít có thể nào-ngoại trừ phải là một phù thuỷ-mà nó lại biết ngày và giờ của cuộc tấn công Port-Moresby. Takagi tin cậy vào các phi cơ thám thính Kanawishi có tầm hoạt động rất xa để được thông báo trước các sự xê dịch của đối phương.


Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên… chiếc mẫu hạm Mỹ nói đây không phải là chiếc duy nhất và ngoài ra, vì bộ máy Magic, nó lại là một phù thuỷ.

Bình minh ngày 7 tháng 5 năm 1942, tất cả đã được khởi động với một sự mau lẹ sấm sét. Phi vụ thám thính đầu tiên do chiếc Yorktown phóng lên đã khám phá lực lượng đổ bộ Nhật trong eo biển Jomark. Bốn phi đoàn lập tức cất cánh tấn công và chiếc mẫu hạm đáng thương Sôh của Nhật bị đánh bất ngờ trước khi kịp phóng các phi cơ của mình lên không trong không đầy 15 phút đã lãnh đủ 13 trái bom và 7 thuỷ lôi. Các phi đoàn Mỹ khi rút lui còn thấy nó chìm tỏng một chùm tia lửa khổng lồ. Khi ấy các dương vận hạm chở quân đổ bộ phân tán theo lệnh của người chỉ huy lực lượng hộ tống đang xét đoán không thể nào tiếp tục cuộc tấn công vào Port-Moresby vì thiếu sự che chở của không lực.


Gần như cùng lúc đó một Kanawishi đang tuần thám báo hiệu trông thấy phía đông nam  một mẫu hạm và một tuần dương hạm đang tìm cách thoát ra khỏi biển Corail. Lập ức Đô đốc Takagi ra lệnh cho các phi cơ thuộc hai mẫu hạm Shokaku và Zuikaku lúc ấy đang ở cách điểm chỉ định chừng 30 hải lý, cất cánh đuổi theo. Cuộc tấn công cũng diễn tiến với mức độ mãnh liệt như các phi công Mỹ đã làm với chiếc Soho và kết quả cũng rất thảm hại. Chiếc “mẫu hạm” bị tấn công phát hoả từ đầu đến đuôi và chìm lỉm sau một tiếng nổ kinh hồn… Những phi công oanh tạc sau cùng rất nóng nảy muốn tấn công mà chưa được may mắn ném bom, liền ùa đến chiếc “tuần dương hạm” đang toan tính một cách tuyệt vọng chạy trốn sau một màn khói. Nó bị bắt kịp và đến lượt bị đánh chìm ngay khiến cho các phi công chiến thắng không kịp ý thức được các lầm lẫn tai hại kế tiếp nhau: Chiếc tàu lớn có hình dáng khổng lồ mà họ cho là một hàng không mẫu hạm, không gì khác hơn là chiếc tàu dầu vô tội Neosho đã trút hết dầu cho các chiến hạm; riêng chiếc “tuần dương hạm” thì thật ra đấy là chiếc khu trục hạm Sima được giao nhiệm vụ hộ tống tàu dầu.


Khi trở về mẫu hạm, các phi công Nhật được đón tiếp như thường lệ sau một đại chiến công và mãi nhiều giờ sau đó, khi đối chiếu các bằng chứng thu thập được, ban tham mưu của Takagi mới bắt đầu nghi ngờ sự thật được báo cáo.


Trong thời gian này Đô đốc Nhật Bản được biết cuộc mạo hiểm ghê rợn đã xảy đến cho mẫu hạm Soho và lần này được thông báo tin tức chính xác hơn về lực lượng đặc nhiệm Mỹ nhờ một Kanawishi khác trông thấy rõ, ông liền ra lệnh cho tất cả oanh tạc cơ có sẵn cất cánh truy lùng.


Chiều xuống đã lâu và những cơn mưa rào nhiệt đới lại bắt đầu. Một trận đụng độ hỗn loạn giữa các phi cơ đã xảy ra tại phía tây, trong đó các oanh tạc cơ cất cánh từ Rabaul đến cứu viện chiếc Soho khai hoả vào bất cứ chiến hạm nào vừa trông thấy, trong khi đó các pháo đài bay B-17 của Mac Arthur cũng làm như vậy.


Trong tiìn trạng không thể nào tái lập trật tự ngay gữa cuộc thao diễn lực lượng ấy, Fletcher đã kêu các đoàn tuần tiễu của ông trở về để giữ cho lực lượng còn nguyên vẹn dành cho trận chiến quyết định mà ông tiên liệu sẽ xảy ra ngày mai.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 27 Tháng Mười Hai, 2009, 07:21:21 am
Vào khoảng 6 giờ chiều, tất cả phi cơ của chiếc Yorktown và chiếc Lexington đều đáp xuống mẫu hạm ngoại trừ một. Đêm tối mịt. Mưa rào nối tiếp nhau. Các toán chuyên viên làm việc trên các sàn tàu trơn trượt. Trên boong những trinh sát viên ban đêm dò xét chân trời để kiếm chiếc phi cơ về trễ.


Đột nhiên một ánh lửa chớp chớp trong mây. Đấy chỉ có thể là chiếc phi cơ đang được chờ đợi. Người ta thấy nó hạ dần xuống chiếc Lexington, và các đèn rọi được thắp sáng để đáp lại dấu hiệu nhận nhau.


Vài giây sau, ha, ba, bốn, năm ánh sáng xuất hiện tiếp theo sau chiếc thứ nhất. Từ trên đài chỉ huy chiếc Lexington người ta thấy chúng bay thành hàng theo một tứ tự không chê vào đâu được. Một phi đoàn phi cơ Nhật sắp đáp xuống chiếc Yorktown! Sự xuất hiện này đã tạo ra sửng sốt đến nỗi không ai nổ súng… Phải đợi đến lúc chiếc phi cơ về trễ ý thức được mình bị rơi vào tổ ong vò vẽ nên xả một tràng đại liên, thì các giàn cao xạ DCA trên các chiến hạm mới quyết định khai hoả. Đoàn phi cơ của mẫu hạm Shokaku (vì quả thật là chính nó) biến mất trong đêm tối không cần biết chuyện gì xảy ra sau đó.

Đấy là điểm chấm hết cho một ngày lừa phỉnh nhau. Trong cả hai bên đối thủ, thần kinh nghiệm của các phi công bị thử thách nặng nề.


Đêm tối trôi qua, sau đó quả là một đêm canh chừng đụng trận. Giờ đây, mỗi người đều biết rằng hai lực lượng đặc nhiệm cách nhau rất gần và bình minh hôm sau sẽ xảy ra trận đánh quyết định. Số phi cơ của mỗi bên đối phương gần bằng nhau: vào khoảng 120 chiếc. Riêng về phẩm chất thì rõ rệt bên phía Nhật có ưu thế hơn: khu trục cơ Zéro trội hẳn loại Wildcat của Mỹ, các oanh tạc cơ đâm bổ có giá trị bằng nhau, nhưng các phi cơ phóng thuỷ lôi Nhật và nhất là các quả thuỷ lôi của họ thì rõ rệt vượt xa những chiếc TBD Devastotor của Mỹ.


Bình minh ngày 8 tháng 5 năm 1942, các phi cơ tuần thám của 2 bên cất cánh cùng một lúc, các mẫu hạm Nhật ở phía Bắc nhờ thời tiết mưa gió nên được che chở tương đối. Chiếc Yorktown và chiếc Lexington chạy phía nam rất lộ liễu và bị khám phá trước tiên bởi một phi cơ của Shokaku nó báo động ngay lập tức.


Vài phút sau một phi cơ của chiếc Yorktown nhờ một khoảng trời sáng, may mắn trông thấy hạm đội Nhật liền thông báo vị trí cho Đô đốc Fletcher, ông cho phi đoàn của mình cất cánh ngay.


Quân Nhật đã tung phi cơ của họ để tấn công. Thế là hai đoàn phi cơ giao nhau trên không mà chẳng trông thấy nhau. Lần đầu tiên trong lịch sử, hai hạm đội sắp đương đầu với nhau ngoài tầm mắt trông rõ không phả bằng hải pháo, mà bằng không lực của mình.


Cuộc đọ sức không rõ ràng gì lắm. Được ưu thế nhờ thời tiết, phi cơ Nhật cùng lúc tấn công vào cả hai chiếc Yorktown và Lexington. Chiếc thứ nhất lãnh hai trái bom, chiếc thứ hai, ba quả trong đó có một quả nổ dưới đáy tàu. Đã có lúc Fletcher tin là bại trận rồi vì chằng có tin tức gì về cuộc tấn công của đoàn phi cơ Mỹ. Do vậy ông vô cùng thoải mái khi nghe qua loa phóng thanh giọng nói của một phi công thuộc chiếc Yorktown vốn đang la hét trong một trạng thái phấn khích vô bờ: “Mẫu hạm địch bốc cháy! Tôi đến thanh toán nó đây!”. Sau đó ông phải chờ phi cơ của mình chở về mới biết được kết quả của trận chiến.


Trong thực tế, vì bị mây cản trở, các phi đoàn Mỹ chỉ có thể tấn công một mẫu hạm Nhật mà thôi. Chiếc Shokaku vốn thật sự chỉ bị hai quả bom. Sàn đáp bị thổi bay đến nỗi không thể đón bất cứ chiếc phi cơ nào của nó được, nhưng chiếc Zuikaku thì hoàn toàn còn nguyên vẹn.


Thấy chiếc Lexington dường như đã làm chủ được ngọn lửa và có thể chạy với tốc độ 25 nút, Fletcher ra lệnh cho hạm đội xuôi về phía Nam với tốc độ này. Ông đã bẻ gãy cuộc tấn công của địch, nên ông rời bỏ chiến trường, thì cũng  là trong thế của kẻ thắng và trong sự hài lòng.


Bên phía Nhật, căn cứ vào báo cáo của các phi công, Takagi ước tính rằng hai mẫu hạm Mỹ đã bị đánh chìm và ra lệnh cho hạm đội quay trở về Rabaul.


Nói chung các Đô đốc của hai bên đều ca khúc khải hoàn và đấy là hậu quả bất ngờ của trận hải chiến theo một kiểu hoàn toàn mới lạ này.


Không một vị Đô đốc nào lại có cái nhìn bao quát về trận đánh và không ai có thể can thiệp trong khi trận đánh đang diễn tiến. Do đó không ai ngạc nhiên khi thấy con số ước lượng của họ về mức thiệt hại của đối phương có đôi phần giàu tưởng tượng. Fletcher và Takagi nói chung đều đã đánh bóng mình, và chỉ có một cuộc phân tích chặt chẽ các báo cáo của họ, các ban tham mưu mới xác định được những nét chính của một chiến thuật chiến đấu ấu trĩ.


Trong thực tế, Đô đốc khó mà làm cho thượng cấp của ông thừa nhận rằng ông đã mang về một chiến công lớn lao nếu một biến cố bất ngờ không xảy đến, để xác nhận một cách chậm trễ báo cáo khoác loác của các phi công Nhật. Chiều ngày 8 tháng 5, trong lúc các toán an ninh của chiếc Lexington tin rằng đã diệt được ngọn lửa, thì một tiếng nổ kinh hồn làm rung chuyển đáy tàu. Vì cách xếp đặt cũ các hầm chứa xăng, một hỗn hợp chất khí nổ đã lan tràn trong một hầm tàu mà các vách thép mỏng đang còn nóng bỏng. Lửa lại vùng cháy dữ dội hơn, mặc dầu các đội cứu hoả nỗ lực tối đa cũng không làm sao chế ngự được. Lập tức nhiều tiếng nổ và đám cháy khác bùng lên và chiếc Lexington đáng thương, bùng cháy như cây đuốc mất hẳn lá và dàn máy, bắt đầu trôi theo làn gió như một xác tàu hư. Đến 17 giờ hạm trưởng (Đại tá F.Sherman) ra lệnh bỏ tàu, và các tuần dương hạm, khu trục hạm do Fletcher phái đến cứu các người bị thương lên trước rồi với các thuỷ thủ lành mạnh sau. Các toán an ninh còn tiếp tục chiến đấu chống lửa cho đến khi hạm trưởng chắc chắn đã không bỏ người nào lại sau. Rồi ông lại cho họ di tản và là người sau chót rời chiếc sàn tàu nóng bỏng cùng với Đô đốc Fitch, bằng một chiếc thang dây.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 27 Tháng Mười Hai, 2009, 07:21:46 am
Đến 18 giờ 30 một tiếng nổ kinh hồn vang dội từ chiếc xác tàu: hầm chứa thuỷ lôi của phi cơ phóng thuỷ lôi phát nổ. Ngọn lửa chiếu sáng bầu trời bốc lên cao đến nỗi Đô đốc Fletcher phải ra lệnh cho một khu trục hạm dùng thuỷ lôi đánh chìm ngọn đuốc cháy rực ấy. Chiếc chiến hạm dũng cảm mà các đoàn thuỷ thủ thân mật gọi là “Lady Lex”, và cho đến lúc ấy, một mình đã lập thành tích nhiều hơn tất cả các chiến hạm Mỹ cộng lại, chìm từ từ xuống biển và biến mất dưới một đám mây hơi nước đang dập tắt ngọn lửa của đám cháy.


Hồi chung cục bi thảm của chiếc Lexington đã đập một đòn thẳng vào con tin Đô đốc Nimitz. Thành quả tuyệt vọng của Fletcher, ngăn chặn được cuộc xâm lăng của Nhật tại biển Corail, đã giúp ông lấy lại can đảm giữa các niềm lo âu mới đang tràn ngập tâm trí ông. Thật vậy máy Magic tiên báo rằng Yamamoto đang chuẩn bị một cuộc tấn công vĩ đại nhắm vào quần đảo Midway và phía tây quần đảo Aléoutiennets. Vì đã gửi chiếc Enterprise về phía Nam để hậu thuẫn cho lực lượng đặc nhiệm của Fletcher, tại Trân Châu Cảng, ông chỉ còn lại chiếc Hornet. Đây là một chiến hạm cực tốt vừa được mang ra sử dụng và được điều khiển một cách tài tình bởi Đại tá hạm trưởng Mitscher, một trong các phi công lỗi lạc nhất thuộc không lực hải quân, nhưng chưa bao giờ đụng trận. Như vậy không thể có vấn đề một mình ông đương đầu với cả hạm đội liên hợp. Thế mà Midway lại có thể bị tấn công ngày một ngày hai. Khi nào và bằng cách nào? Ông chẳng biết gì cả, nhưg điều ông chắc chắn là nếu quân Nhật đặt chân lên được các “quần đảo này vốn là đoạn cuối cùng của một dãy đảo nhỏ kéo dài thuộc quần đảo Hạ Uy Di, thì căn cứ Trân Châu Cảng quí báu vừa được xây dựng lại với biết bao khó nhọc sẽ thất thủ cũng mau lẹ như-nếu không phải là mau lẹ hơn-Hồng Kông và Tân Gia Ba.


Tình thế nghiêm trọng đến nỗi ông phải lấy ngay lập tức quyết định chủ yếu. Để cho sự rủi ro thêm toàn vẹn, Đô đốc Halsey ngã bệnh phải đi nằm nhà thương sau chuyến đột kích Doolittle trở về. Ông triệu dụng Đô đốc Spruance (thay Halsey chỉ huy lực lượng đặc nhiệm) và Đại tá Mitschet, hạm trưởng chiếc Hornet. Tất cả đều đồng ý khẩn cấp yêu cầu Hoa Thịnh Đốn gửi tất cả không lực có sẵn đến tăng viện để phòng thủ các quần đảo và không để mất một phút gọi mẫu hạm Enterprise và nếu có thể chiếc Yorktown trở về. Đối với chiếc sau, tất cả còn lệ thuộc vào các chỗ hư hỏng chưa được xác định.


Ít ra về phương diện này, tin tức giúp yên tâm mau lẹ. Máy tàu hoạt động bình thường và sàn tàu phi đạo có thể được sửa chữa tạm thời. Việc sửa chữa toàn diện sẽ được thực hiện tại Trân Châu Cảng trong vòng ba hay bốn tuần.


Nimitz ra lệnh cho Fletcher trở về Trân Châu Cảng với tốc lực tối đa và báo cho hải quâ công xưởng biết trước chi tiết các sửa chữa cần thiết để cho công tác có thể bắt đầu ngay khi chiếc Yorktown cập bến. Phía Nam chỉ còn lại năm tuần dương hạm Mỹ và bộ phận hải quân Úc thuộc Đô đốc Grace của Anh… Mặc kệ biển Corail, mặc kệ Mac Arthur và quần đảo Salomon. Trong hoàn cảnh hiện tại, chính Midway là nơi cần cứu vãn.


Đối với những người biết được bí mật, những ngày sắp đến sẽ trôi qua trong cơn sốt và trong nỗi âu lo. Magic không còn cung cấp thêm giữa về ý định của bộ chỉ huy tối cao Nhật Bản. Một tình trạng vô tuyến báo hiệu điềm xấu đã thay thế cho cảnh lắm lời thường lệ. Một sự im lặng tương tự như thế cũng đã xảy ra trước cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Than ôi, rất có thể là cuộc hành quân M1 đã khởi động rồi.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 27 Tháng Mười Hai, 2009, 07:22:29 am
Midway-Một hạt cát trong Thái Bình Dương

Vừa dắt trung đội chạy như tập thể thao dọc theo bờ vịnh kín như chiếc hồ nước mặn, trung sĩ Price, tiểu đoàn 3 thuỷ quân lục chiến Mỹ, vừa nguyền rủa không ngừng.Bị hãm trên đảo san hô lố bịch hẻo lánh giữa Thái Bình Dương trong mùa xuân năm 1942 này, quả thật là ngu… Vả lại do lỗi của anh ta nữa chứ! Chính anh ta đã xin đổi đến Midway! Phải! Anh ta đã làm thế. Vì đã xem một số hình ảnh. Ngay trước khi chiến tranh bùng nổ… Chúng thật hấp dẫn, những tấm ảnh đó: căn cứ hải quân, bến thuỷ phi cơ, công ty Cable, các phi đạo của Pan American… Người ta đã đặt các thiếu nữ đứng trên thang máy bay. Những cô tiếp viên phi hành nổi bật lên nền trời xanh lơ khó tin. Thật là cả một trò lừa bịp!


Giờ đây tất cả đều mới đặt chân đến, anh và các đồng đội. Mặc cho các hoạt động có vẻ khôi hài đang ào ạt diễn ra từ tháng 4, rõ rệt là không còn có thể làm gì để cứu vãn hòn đảo được nữa. Quân Nhật chỉ có việc đến, họ sẽ chớp lấy các đảo san hô, các “bông hoa của Thái Bình Dương”, và hơn thế nữa, tất cả mọi người! Ít ra cũng là những gì còn lại của số người trên đảo… Bởi vì tự nhiên là phải đánh nhau rồi, nhất là các thuỷ quân lục chiến, để nêu gương, trong khi đó thâm tâm ai nấy đều nghĩ rằng làm như vậy là hoàn tòn ngu xuẩn…


Đang nghĩ đến đó thì trung sĩ Price, vẫn chạy đều, vấp phải một ổ trứng hải âu: dẫm vỡ các trứng chim, chửi thề như bọng, ra hiệu cho trung đội dừng lại ngay giữa bãi phân chim và phóng tầm mắt nhìn phong cảnh chung quanh. Đột nhiên một bầy chim bay lên che kín bầu trời. Chúng ở đấy hàng ngàn con vừa bay lên khỏi các dải cát thuần một màu trắng đến nhức mắt. Những chiếc cánh rộng đủ giữ chúng trên không, con này sát cánh con kia, nhờ những cái đập cánh theo hình dấu mũ, nhịp theo những tiếng kêu sợ hãi.


Một trong các tai ách của các đảo là bọn hải âu ấy. Chúng kêu rú suốt ngày đêm làm như để than khóc vì bị rủi ro mắc kẹt trên đảo Midway… Ban đêm, nếu thoát khỏi bị muỗi đốt, thì ta có thể tin chắc là sẽ bị khúc bi ca của chúng làm giật mình thức giấc. Trong khi đó dưới các hầm trú ẩn lợm giọng vì không khí ẩm thấp, thế nào cũng có một “chú lính mới” làm nổ súng hoặc một tay hoạt kê la lớn “Bọn lùn đấy!... để gây ra một đợt hoan hô toàn diện.


Phải nói rằng, từ một tháng qua, thần kinh mọi người bị căng thẳng tột đọ. Không phải chỉ vì chưa bao giờ quân Nhật có vẻ ở gần như thế, nhưng trái lại quân Mỹ thì liên tục gửi cho họ cả một chuỗi tàu bè đổ lên bến tàu nhỏ bé Sand Island, vốn đã tràn ngập vật dụng, nào thép gai, nào đạn dược, súng phòng không, vật liệu thay thế đủ loại làm như để chịu đựng một cuộc bao vây bất tận. Hàng không đoàn trọn vẹn các phi cỡ lỗi thời đáp xuống phi đạo vừa mới làm xong trên đảo Eastern Island và vì các hăng ga đã đầy nhóc, người ta phải phân tán chúng ra ngoài các bãi phân chim. Ngoài ra, trong những ngày mới đây, một số đông khác thường gồm các sĩ quan cấp tướng đã đến thanh sát hệ thống phòng thủ và biểu dương với đội quân trú phòng một thái độ ân cần thân thiết đến mức phải rất ngây thơi mới không hiểu rằng ngày J không còn xa nữa…


Chính trong viễn ảnh đó mà trung sĩ Price huấn luyện tân binh theo nhịp độ gấp đôi. Ý thức được trách nhiệm của mình anh chấm dứt sự nghỉ ngơi để đi sâu xuống hầm tiếp nối, sát bờ cát với tất cả hệ thống phòng thủ trên đảo. Phải làm cho các tân binh trẻ tuổi quen thuộc với hệ thống mê lộ phức tạp đó, một hệ thống hầm hố giúp cho toàn diện đội quân trú phòng luôn luôn ở trong tình trạng báo động và luôn luôn ở sẵn trong chiến hào.


Bài học Trân Châu Cảng đã có ảnh hưởng. Ngoài các bồn chứa xăng lớn, các hăng ga của công ty hàng không PAA và ba phi đạo, tất cả những gì trên đảo Midway đều sống dưới hầm ẩn nấp.


Khi chấm dứt buổi huấn luyện tân binh, trung sĩ Price trở về vị trí chiến đấu của mình, một căn hầm tối tăm dùng làm bộ chỉ huy đại đội. Tại đấy anh thấy ngổn ngang nhiều dụng cụ lạ lùng nơi đó có nhiều cuộn dây ló ra. Viên toán trưởng đặc trách chất nổ, một trong các bạn cũ của anh, đang làm việc để thiết trí một mạch điện phá hoại nhằm cho nổ tất cả các cơ sở khi những người lính phòng vệ cuối cùng bị quân Nhật tràn ngập. Vì anh ta đã được lệnh kín miệng để khỏi làm xao động tinh thần binh sĩ, anh ta tránh né tất cả câu hỏi. Tất nhiên là rất tò mò và ganh tị với các chuyên viên kỹ thuật, đột nhiên Price xen vào câu chuyện:

-Cái trò máy móc của anh buồn cười thật. Một kiểu rada mới chăng? Bộ anh tính dùng điện giật chết bọn lùn à? Chỉ cách vận dụng một tí coi…

Chuyện gì đã xay ra đúng ngay lúc đó. Không ai có đủ thì giờ để mở cuộc điều tra. Đấy cũng vẫn chỉ là một tiếng nổ kinh hồn làm rung chuyển toàn đảo. Bồn chứa xăng chính sẽ cung cấp xăng cho các vòi tiếp tế tại phi đạo vừa nô tung với tiếng động vĩ đại.


Khi viên sĩ quan công binh đến báo cáo cho trung tá hải quân Simard, chỉ huy trưởng căn cứ, về sự bất cẩn đáng tiếc này, ông chờ đợi ít ra là cũng bị xử bắn. Hoàn toàn ngạc nhiên, ông thấy ông ta đang chuyện trò náo nhiệt với bạn đồng nghiệp Shannon, trung tá, chỉ huy trưởng thuỷ quân lục chiến và họ đang cụng ly Whisky với nhau. Khi ông ấp úng mấy lời xin lỗi, người ta đã ra hiệu, cắt ngang lời ông ngay:

“Tất nhiên, tất nhiên… một vụ làm quấy nhỏ… Không thể nào chiên trứng mà không đập vỡ quả trúng… Dù sao vụ này cũng chứng tỏ được một điều, đó là cái hiệu tạp hoá phá hoại đáng ghét của anh tác động quá tốt!”.


Viên sĩ quan công binh can đảm được giải thích mau lẹ tại sao lại có thái độ nhân từ này: hai chàng vừa được công điện báo cho biết là vừa được thăng cấp bậc…
Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc tấn công chắc sẽ xảy đến vào ngày mai…


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 27 Tháng Mười Hai, 2009, 07:23:31 am
Thật vậy, 900.000 lít xăng dự trữ tại Sand Island vừa mới cháy hết thì ba phi đoàn Nhật tấn công vào Midway từ ba phía nhập lại.

Trên chiếc Yamamoto, chiến hạm khổng lồ 70.000 tấn với chín đại bác 430 ly thách thức tất cả mọi chiến hạm, đang rẽ sóng, vị tư lệnh không thể nào bại trận của “hạm đội liên hợp”, Đô đốc Yamamoto bình tĩnh đi lui tới trên boong tàu. Mũi chiếc thiết giáp hạm sáng chói trong ánh mặt trời hoàng hôn nhuộm một màu vàng hoa cúc như trên các đồ dùng vương giả. Trời tốt, có vẻ còn quá tốt là đằng khác, vì lực lượng vũ trang vĩ đại đi theo tàu ông chắc bị trông thấy từ trên cao khoảng một cách rất xa. Nhưng đấy là một viễn tưởng đã được tiên liệu và chẳng quan trọng gì. Không phải như tại Trân Châu Cảng, có vấn đề nghiền nát một hạm đội hùng mạnh, nhưng đây chỉ là vấn đề chiếm hai hòn đảo nhỏ gần như không có phòng thủ gì cả, vấn đề triệt hạ mũi giáo nhọn chĩa thẳng về phía Nhật nằm ngay đầu của dãy quần đảo san hô Hạ Uy Di. Con người đã từng, bằng một cái phẩy tay, hất văng quyền sở hữu của Đồng minh trên các đảo thuộc Thái Bình Dương, biết rõ có thể chiếm Midway khi nào ông muốn. Điều thú vị nhất đối với ông là việc kéo đuôi con sư tử để khiêu khích nó làm một phản ứng không phải lúc. Yamamoto như một con nhện nằm giữa chiếc lưới bủa giăng, hy vọng kéo số chiến hạm ít ỏi còn lại của hải quân Mỹ về phía hạm đội khổng lồ của mình. Phía bắc, ông đã phái hạm đội hàng không mẫu hạm của ông, chính hạm đội đã tấn công Trân Châu Cảng, do cùng vị tư lệnh Nagumo chỉ huy, trang bị cùng các phi công cũ. Hạm đội tiến dưới sự che chở của mây trời để khởi động cuộc oanh tạc ồ ạt xuống Midway vào ngày mai. Về phía đông nam, các dương vận hạm hướng thẳng về phía các đảo mục tiêu để đổ bộ quân xung kích lên bờ. Cách đấy hàng trăm dặm, hàng rào tàu ngầm và thuỷ phi cơ có tầm hoạt động xa đang rình rập phản ứng của hạm đội Mỹ. Chính lực lượng thiết giáp hạm của ông cũng đang trên đường săn đuổi con mồi.


Tay cao cờ Yamamoto toan tính làm chuyện đội đá vá trời. Ông chỉ còn đợi tín hiệu vô tuyến báo cho biết đối phương đã rơi vào bẫy.

Ông chẳng bao giờ nhận được tín hiệu ấy, bởi vì các cơ sở thuộc quyền đã phạm phải một lỗi lầm không thể tha thứ. Người ta đã chuyển một điện văn tối mật qua đường dây vô tuyến: lệnh cho hạm đội đổ bộ đang tập họp ở Saipan phải nhổ neo ngày 27 tháng 5 để đến tiếp hợp với các tuần dương hạm hộ tống thuộc hạm đội liên hợp tại một địa điểm mà toạ độ được xác định… Đó chính là điều mà chiếc máy Magic đang chờ đợi.


Bộ tham mưu của Nimitz có thể suy ra, từ tin tức chủ yếu ấy, đại cương sự bố trí của Nhật. Giờ đây ông tin chắc rằng cuộc tấn công vào các đảo san hô sẽ xảy ra ngày 3 hay 4 tháng 6 năm 1942 dưới sự che chở của một cuộc vận dụng khổng lồ các hàng không mẫu hạm và chiến đấu hạm. Một cuộc đấu tranh với thời gian bắt đầu và số phận của chiến tranh lệ thuộc vào đó.


Đến Trân Châu Cảng ngày 25 tháng 5, mẫu hạm Enterprise lập tức cùng với chiếc Hornet tách bến hướng đến Midway. Chiếc Yorktown đến nơi ngày 27, được các toán chuyên viên chăm sóc và như có phép lạ, đã được sửa tạm trong có ba ngày, mang hiệu kỳ của Đô đốc Fletcher, tư lệnh tối cao, và được hai tuần dương hạm nặng cùng sáu khu trục hạm hộ tống. Fletcher ấn định cùng với Spruance-vẫn ở trên chiếc Hornet-một điểm hẹn cách Midway 200 hải lý về phía đông bắc, tại đó cả hai lực lượng đặc nhiệm sẽ phải được tiếp tế.

Các mệnh lệnh của Nimitz cho các Đô đốc rất mềm dẻo và rõ ràng:

“Bố trí phía đông bắc Midway và giữ khoảng cách trong giới hạn ngoài tầm hoạt động của thám thính cơ thuộc hạm đội tấn công. Ngay khi các phi cơ thám thính của ta trên các đảo đã định được vị trí hạm đội địch, quí ông hãy ráng tấn công liên tục nhiều đợt để giảm thiểu sức mạnh của nó…

Hãy áp dụng nguyên tắc rủi ro có tính toán và chỉ phô bày chiến hạm của mình ra trước sự đe doạ của một hải lực mạnh hơn, khi nào quí ông được đảm bảo có thể giáng cho địch các thiệt hại lớn hơn tổn thất phía mình”
.


Spruance đã thêm vào các chỉ thị tổng quát đó một nhật lệnh cho các thuỷ thủ đoàn:
“Ta đang chờ đợi một cuộc tấn công xâm chiếm Midway, lực lượng tấn công của địch có thể gồm nhiều chiến hạm đủ loại kể cả bốn hay năm mẫu hạm, nhiều dương vận hạm và các chiến hạm khác. Nếu địch vẫn không biết có sự hiện diện của các lực lượng đặc nhiệm chúng ta, ta có thể đánh thình lình vào hông các mẫu hạm địch, từ phía đông bắc Midway. Các cuộc hành quân mai hậu sẽ lệ thuộc vào kết quả của những cuộc tấn công này, của các tổn thất do các đơn vị trên đảo Midway gây ra cho địch, và cả các tin tức liên quan đến chuyển động của hạm đội địch. Một kết cục thích đáng sẽ là một phần thưởng lớn lao cho xứ sở chúng ta”.


Từ ngày 1 tháng 6, các thuỷ phi cơ thám thính PB-Y từ Midway đã bay tuần thám xa đến 600 hải lý phía tây các đảo. Tất cả các không đoàn đều tập hợp tại các phi đạo của San và Eastern Island-16 oanh tạc cơ đâm bổ của thuỷ quân lục chiến, 7 khu trục cơ Wildcat, 18 pháo đài bay B-17 và 4 oanh tạc cơ B-26 của lục quân-sẵn sàng nhào vào các hàng không mẫu hạm địch ngay hiệu lệnh báo động đầu tiên. Nếu gặp cơ may các mẫu hạm Nhật lầm lẫn phái hết cùng một lúc các phi cơ của họ bay đến tấn công Midway, rất có thể bằng cách hy sinh công cuộc phòng thủ các đảo, giáng chọ địch các thiệt hại đủ để họ phải e dè…


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 27 Tháng Mười Hai, 2009, 07:24:12 am
Kế hoạch của Nimitz là như thế. Theo kế hoạch này, trung sĩ Price, đại tá Jimard và đại tá Shannon bị bỏ rơi mặc cho số phận hẩm hiu. Toàn thể đạo quân trú phòng trên đảo Midway đóng vai trò con mồi và cũng như con giòi của ngư phủ, nếu không bị cá ăn, thì cũng bị rỉa cho thủng không ít…


Tin tức chính thức đầu tiên xác định hải lực Nhật đến gần được báo cho Midway chiều ngày 3 tháng 6. Một chiếc PB-Y có tầm hoạt động xa, lúc quay về vì đã đến giới hạn bán kính hoạt động, đã trông thấy hạm đội đổ bộ. Ngay khi có hiệu lệnh báo động, B-17 và Catalina cất cánh nhiều đợt kế tiếp và lao vào địa. Nhưng vì khoảng cách còn xa cho nên vài quả bom và thuỷ lôi ném xuống lúc hoàng hôn chẳng mang lại kết quả gì. Chỉ có phi vụ cuối cùng thực hiện ngay trong đêm tối là đánh trúng được một mục tiêu bằng thuỷ lôi vì một ngọn lửa lớn đã bùng lên soi sáng bầu trời cho đến rạng đông.


Hôm sau, ngày 4 tháng 6 năm 1942, lúc 5 giờ, một Catalina lại ra hiệu báo động mới. Lần này chính các phi cơ địch bay đến Midway. Nhiều oanh tạc cơ của hải quân Nhật lập đội hình chặt chẽ và được nhiều khu trục cơ hộ tống. Hướng phi cơ địch bay đến dường như cho thấy rằng các hàng không mẫu hạm đã phóng chúng lên đang có mặt phía tây bắc các đảo, và tất cả phi cơ chiến đấu của Midway cất cánh bay đi tấn công. Than ôi chúng ra đi mà không có hộ tống, 7 khu trục cơ phải ở lại để chờ những kẻ tấn công.


Hai đoàn phi cơ giao nhau trên không với khoảng cách rất xa, phi đoàn Nhật Bản, thuần nhất và được hộ tống kỹ, phi đoàn Mỹ tạp nhạp và không được hộ tống gì cả.
Một giờ trôi qua, thời gian mà những binh sĩ phòng vệ các đảo chờ đợi quyết định của số phận thế nào cũng phải xảy đến..


Đến 6 giờ 30, tiếng cao xạ DCA nổ ran như sấm, tiếp ngay sau đó là tiếng bom chát chúa. Tất cả các kiến trúc của Sand đều đổ sụp xuống trong ửa đỏ. Bầu trời tối sầm vì một lớp khói làm cản trở các khu trục cơ Mỹ theo dõi cuộc chiến đấu.


Về phía mình, phi đoàn oanh tạc cơ của thuỷ quân lục chiến cũng khám phá thấy địch và bắt đầu tấn công vào các mẫu hạm Nhật, nhưng các khu trục cơ đáng sợ Zéro đã đâm vào chúng như những con diều hâu và bắn hạ gần hết.


Hai giờ sau, vài chiếuc hiếm hoi còn sống sót sau cuộc tàn sát, hạ cánh xuống phi trường Eastern Island vừa được hấp tấp sửa sang lại. Chỉ huy trưởng đoàn quân trú phòng lập bảng kết toán cho buổi sáng. Nếu tổn thất của thuỷ quân lục chiến thấp một cách kỳ diệu: 16 chết và 28 bị thương, thì tổn thất của các phi công thật nặng: 50 người trong đó có 25 sĩ quan. Vài phi cơ hiếm hoi trở về được, bay nặng nề như có chì trong cánh. Hệ thống phòng không bị triệt tiêu. Sand và Eastern chỉ còn cách chờ chống quân đổ bộ của địch bằng gươm giáo của mình.


Lúc đó không ai không thể nghĩ rằng hai hòn đảo vừa chịu đựng cuộc tấn công đầu tiên và cũng là cuộc tấn công cuối cùng của cuộc chiến tranh.


Trên các hàng không mẫu hạm Nhật, các phi công khu trục lần lượt đáp xuống để lấy tiếp tế, được các thuỷ thủ đoàn tiếp đón trong tiếng hoan hô vang dậy. Mặc dầu đã quen với các chiến thắng dễ dàng, vụ hạ các phi cơ của Midway như kiểu bắn chim bồ câu đã kích thích họ quá mức và toàn diện mọi người đều hân hoan. Chỉ riêng Phó Đô đốc Nagumo là có đôi phần bối rối. Trên boong chiếc Akagi, ông đang thảo luận với các cấp thuộc quyền. Đó là một người nặng nề, hai hàng lông mày rất rậm, và hàng râu mép điểm hoa râm. Trái ngược hẳn với vị tư lệnh tối cao vốn là một con người lanh lẹn và nóng nảy, ông có một vẻ trầm tĩnh như lực sĩ thế vận hội và phản ánh những truyền thống của lực lượng hải quân kỳ cựu. Hơn nữa, chính ông lại không phải là một phi công và mặc dầu có kinh nghiệm dồi dào, một vài ảnh hưởng đã thoát khỏi sự hiểu biết của ông. Ông không muốn bị định vị sớm quá và thái độ quyết tâm mà các phi công Mỹ đã chứng tỏ đã gây ấn tượng sâu xa nơi ông. Do đó ông đã tỏ vẻ khó chịu phần nào khi viên không đoàn trưởng vừa chỉ huy cuộc oanh tạc các đảo đến báo hiệu cho ông rằng cần một đợt oanh tạc thứ hai để tiêu diệt hoàn toàn các cơ sở trên đảo Midway. Số chín mươi ba phi cơ trừ bị sẵn sàng cất cánh trên hai trong số các mẫu hạm của ông đều được gắn đầy bom đặc biệt và thuỷ lôi để tấn công hạm đội địch. Nếu phái chúng đi tấn công Midway, phải đưa chúng xuống hăng ga và thay đổi bom đạn.


Nagumo ngần ngại không muốn lấy một quyết định vốn đe doạ phô bày hạm đội của ông ra trước một nguy cơ trầm trọng nhất: cơ nguy bị địch tấn công ngay giữa lúc di chuyển phi cơ. Nhưng các sĩ quan trẻ hiếu thắng của Bộ tham mưu đã có mặt ở đấy rồi, chung quanh ông, và áp lực ông bỏ qua những sợ hãi vô ích đến thế… Ông sợ bị coi là một kẻ nhút nhát và rốt cuộc phải nhượng bộ.


Thời gian trôi và sự thiếu vắng mọi dấu hiệu báo động dường như đã làm cho những người lạc quan có lý. Khi việc thay bom gần như hoàn tất thì một hiệu lệnh vô tuyến được chuyển đến gây kinh hoàng trên khắp các sàn tàu. Hiệu lệnh phát xuất từ một thuỷ phi cơ thám sát đang tuần thám phía bắc Midway: “Thấy địch! Nhiều chiến hạm, có một mẫu hạm!”.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 27 Tháng Mười Hai, 2009, 07:24:56 am
Lúc ấy là 8 giờ 30. Một giờ trước đó chắc tin ức này sẽ được tiếp đón trong không khí phấn khởi. Đó là cơ hội được chờ đợi từ lâu để thanh toán trọn hạm đội Mỹ. Trong khi giờ đây các phi cơ trừ bị còn nằm trong hăng ga đang được thay bom và đợt phi cơ tấn công Midway đầu tiên trên đường băng về cũng sắp xuất hiện để đáp xuống mẫu hạm.


Đã có lúc Nagumo toan cho cá phi cơ trong tình trạng mới được thay bom lên và ra lệnh cất cánh tấn công địch, nhưng ông còn ngần ngại vài phút và để cơ hội trôi qua. Các phi cơ từ Midway trở về bắt đầu xuất hiện. Vài chiếc báo hiệu bị hư hỏng, nhiều chiếc khác cho biết sắp hết xăng. Quá chậm, phải để cho chúng hạ cánh.


Ngọn lao đã phóng đi! Vài khu trục cơ cất cánh vôi vàng để bố trí bên trên đoàn phi cơ trở về. Các phi cơ này có trách nhiệm che chở cho một công tác cực kỳ nguy hiểm là sự tiếp nhận trên các mẫu hạm đang chứa đầy phi cơ trong hang ga ngay giữa cuộc chuyển dịch bom và thuỷ lôi. Công cuộc huấn luyện các thuỷ thủ đoàn kỹ đến nỗi tất cả các công việc ấy được thực hiện mà không gây ra một trở ngại nào. Và các công việc ấy ké dài không dưới một giờ… Khoảng thời gian trong đó lúc nào người ta cũng phải chờ đợi các chấm đen các phi cơ địch xuất hiện trên bầu trời.


Đúng 9 giờ 30 chuyện không tránh được đã xảy đến. Một phi đoàn phóng thuỷ lôi tiến gần đến chiếc Akagi. Đấy là phi đoàn của chiếc Hornet được phóng lên không ngay khi các phi cơ thám thính Mỹ biết được vị trí của các mẫu hạm Nhật. Các phi cơ đáng thương ấy đã bay lạc rất lâu trước khi khám phá được mục tiêu trong lớp sương mù ban mai. Chúng đều cạn xăng, nhưng không kém phần quyết tâm tiếp tục lao vào chiếc soái hạm Nhật Bản để ít ra sự hy sinh của họ không hoàn toàn vô ích…


Các khu trục cơ Zéro chờ sẵn ở đấy. Từ trên cao chúng bổ nhào xuống các phi cơ tấn công. Tất cả phi đoàn của chiếc Hornet đều bị bắn bốc cháy rơi xuống và các phi công đều bị tử trận ngoại trừ một người, chuẩn uý Gay, trong chiếc xuồng cao su cấp cứu như ngồi trong ghế hạng nhất, chứng kiến một quang cảnh dị thường nhất mà con người có thể nhìn ngắm được.


Thật vậy, các phi cơ của mẫu hạm Hornet vừa chìm khuất xuống biển, hai phi đoàn phóng thuỷ lôi khác (của mẫu hạm Enterprise và Yorktown) tấn công chiếc Akagi theo thế gọng kềm trong khi một phi đoàn thứ ba phụ trách chiếc Hiryu. Cao xạ DCA vạch các đạn đạo đầy trời, các khu trục cơ bắn tung ra mọi hướng. Những ánh lửa đỏ rực bốc cháy trên biển cả giúp đếm được số lượng nạn nhân Mỹ. Tuy vậy cuộc tàn sát lần này không toàn vẹn vì các khu trục cơ Nhật có phần làm việc không xuể. Nhiều chiếc Zéro vì hết xăng, đã phải đáp xuống mẫu hạm đang khi đánh nhau. Không còn chiếc nào canh chừng từ trên cao nữa.


Trên mẫu hạm Akagi, Nagumo vì vững tin rằng tất cả chiến hạm của ông đều không bị tổn thương nên ra lệnh tung phi cơ xung kích đến tấn công các mẫu hạm địch. Trên soái hạm, vài khu trục cơ trừ bị rồi vài oanh tạc cơ đang xếp hàng nối đuôi nhau. Các phi cơ Zéro đầu tiên bắt đầu cho quay động cơ hết tốc độ, được thuỷ thủ đoàn chào tiễn bằng tiếng hoan hô.. rồi thình lình một tiếng kèn vang dội. Nững trinh sát viên vừa la lớn: “Coi chừng oanh tạc cơ đâm bổ!.


Bất ngờ hoàn toàn! Tiếng rít kinh hồn của phi cơ làm mọi người phải cúi rạp xuống, tiếp ngay sau đó là cả một loạt tiếng nổ thật sự. Ngọn lửa loé lên trên chiếc Akagi. Chiếc thang máy trung ương bị thổi bay và qua lỗ hổng toang hoác ấy khói cuồn cuộn bốc lên làm tê liệt các đội cứu hoả. Lửa tràn vào các hăng ga sắp đầy phi cơ phóng thuỷ lôi khiến chúng lần lượt nổ tung. Mẫu hạm Akagi, biến thành lò lửa, chỉ còn là một xác tàu trong chốc lát… Bị các sĩ quan thôi thúc, Nagumo chấp thuận để cho thuộc viên chuyển qua một tuần dương hạm. Có lẽ ông sẽ có thể nắm lại hạm đội?


Than ôi! Một cái liếc nhìn trên mặt biển đã tước mất của ông ảo vọng ấy. Chiếc Kaga đã chịu đựng một cuộc tấn công còn hung dữ hơn. Nó chạy ngang dọc như một con thú bị đánh cho đến chết bởi vì máy tàu còn chạy được, nhưng bên dưới các cơ khí viên không còn nhận được mệnh lệnh nữa và phải vẫy vùng trong bóng tối. Cửa hầm bị chặn ngang và gió lại khêu thêm ngọn lửa. Các cầu tàu bị nung đỏ, từng chùm thuỷ thủ bị thiêu sống ghê rợn và rụng xuống biển. Riêng đối với những người dưới hầm tàu, không một ai có thể thoát ra khỏi lò lửa ấy.


Xa hơn một chút, mặc dầu cũng bị trúng bom và thuỷ lôi, chiếc Soryu vẫn còn chiến đấu chống lửa, nhưng tất cả các phi cơ đều bị thiêu rụi. Hạm đội đầy kiêu hãnh của Nagumo chỉ còn lại mẫu hạm Hiryu đang mở hết tốc lực chạy về phía Bắc…


Trên cầu tàu chiếc Yamamoto đang dẫn đầu hạm đội thiết giáp hạm cách đấy chừng ba trăm dặm vị Tư lệnh hạm đội liên hợp đang lâm vào tình trạng âu lo vô bờ bến. Ông nhận được cả một cơn mưa tin tức xấu, dồn dập đưa đến theo cùng với nhịp độ ăn bom của chiếc Akagi. Con người sắt thép, cho đến lúc đó chỉ biết có chiến thắng ấy, đột nhiên ngã quị. Theo một vài người hiếm hoi được chứng kiến quang cảnh thì hình như ông trở nên ngây ngô và không ai dám lại gần. Ông bước từng bước chậm rãi, gặm dần nắm cơm vắt mà lệ tràn khoé mắt…


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 27 Tháng Mười Hai, 2009, 07:25:41 am
Khi ông tĩnh tâm trở lại, ấy là để tung hạm đội hùng mạnh của mình đến cứu các hàng không mẫu hạm. Nhưng khoảng cách xa đến nỗi chỉ sau vài giờ hải hành, ông từ bỏ ý định.


Vả chăng, ông có thể làm gì bây giờ đây? Hy vọng cuối cùng của ông là mẫu hạm Hiryu, chiếc duy nhất còn nguyên vẹn, mà các phi cơ vừa đến tấn công chiếc Yorktown. Có lẽ nó đánh bại được hạm đội địch nếu, đúng như điều ông hy vọng, hạm đội ấy không còn mẫu hạm nào khác. Có thể là vị thần vạn năng che chở vương quốc đang đè nặng lên cán cân và rốt cuộc may mắn sẽ quay trở lại…


Quả thật đã có lúc may mắn ngập nừng quay lại thật. Các oanh tạc cơ của mẫu hạm Hiryu đã đến tấn công chiếc Yorktown đúng lúc nó đang đón phi cơ trở về, và cùng một loạt tai biến vốn đã làm chìm chiếc Akagi đang tái diễn. Chiếc mẫu hạm Mỹ bốc cháy!


Một giờ trôi qua trong sự chờ đợi tin tức đầy âu lo. Thế rồi niềm phấn khích ngự trị trên các cầu tàu chiếc Yamamoto đột ngột tắt ngấm. Không ai dám mang bản điện văn tuyệt vọng vừa được gửi đến: Hiryu bị hai đợt oanh tạc cơ tấn công đang bốc cháy từ trước ra sau… Nó đang chạy chậm chạp lên phía bắc và biến mất trong ánh hoàng hôn.


Thế là hết. Tin thuỷ thủ đoàn chiếc Yorktown đang bị bốc cháy phải bỏ tàu đã không làm cho Đô đốc xao lãng khỏi dòng tư tưởng đen tối của ông. Là một trong những chiến lược sáng suốt hiếm hoi của Nhật, Yamamoto không hề có ảo tưởng. Ông ý thức được lầm lẫn chí mạng mà ông vừa chạm phải. Chính ông, một người suốt đời làm việc để cung ứng cho Nhật một hạm đội hàng không mẫu hạm đáng sợ nhất thế giới, nay đứng đây, bất lực, trên boong con quái vật khổng lồ 70.000 tấn này, mà trong hoàn cảnh hiện tại đã trở thành vô hại như một con rắn biển. Ông không còn dám áp dụng cho đến cùng các ý tưởng cách mạng của mình để làm biến thành một đống sắt vụn cả một đoàn thiết giáp hạm và đại bác khổng lồ vốn không còn chỗ đứng trong các cuộc chiến tranh hiện đại nữa.


Không bao giờ ông khuyến cáo gây nên cuộc chiến tranh này, nhưng khi ông bị áp đặt bởi chiến tranh, ông đã hành động với tất cả nhiệt tình mà ông có thể có được. Ông biết rằng mình có sáu tháng để thắng hoặc là bại trận. Không bao giờ ông có thể thay thế bốn mẫu hạm này lẫn tinh hoa của các phi công đã biết mất cùng với chúng, trong khi mà người Mỹ thì lại đóng thêm tàu, thêm nữa và huấn luyện hàng ngàn tân binh…
Đến đêm, Đô đốc Ysokoru Yamamoto rút lui vào phòng riêng, tự tay thảo lệnh rút quân toàn diện.

Nhật Bản không phải là đã thua một trận đánh, mà là thua cả cuộc chiến tranh.

Trong thời gian đó, tại Midway, trung sĩ Price và trung đội của anh rời bỏ những pháo đài không đáng kể. Đã từ nhiều giờ qua, họ dấn mình vào một cuộc đi đi, lại lại hùng tráng giữa các xà lan đậu trong căn cứ hải quâ và các phi đạo của phi trường Eastern. Họ lăn những thùng xăng, đẩy những xe goòng, khuân vác những “can” xăng. Họ phải tiếp tế nhiên liệu bằng mọi phương tiện bất ngờ cho các phi cơ vừa mới đến: các phi cơ của chiếc Yorktown đáng thương mà người ta mới được tin là đang chìm và của chiếc Enterprise vốn không thể trở về mẫu hạm sau khi thanh toán chiếc Hiryu. Những câu chuyện sôi nổi của các phi công mà họ phải giúp đưa ra khỏi phòng lái đã làm họ quên hết nhọc mệt của chính mình. Thất thểu, lấm đầy bùn, kiệt sức, bị khói của các đám cháy bôi đen từ đầu đến chân, họ dẫm lên bãi phân chim, tiếp tục các chuyến công tác mệt nhoài. Đối với tinh hoa của các đơn vị xung kích thuộc thuỷ quân lục chiến Mỹ, công tác của phu khuân vác ấy, thật chẳng lấy gì làm chói lọi cho lắm…


Nhưng đấy, chiến tranh là như thế. Hôm qua, chính họ là các đơn vị anh hùng hy sinh, những chiến sĩ gác giặc ở tiền đồn sẵn sàng chịu đựng vố kinh khủng đầu tiên. Người ta phủ lên họ những săn sóc ân cần, người ta cho thăng cấp bậc, người ta còn tha thứ cả cho Price khi anh làm nổ cả bồn chứa xăng… Giờ đây thì chẳng còn là gì cả, những điều động chẳng quan trọng gì. Họ phải chạy chọt rầm rộ để đừng bị đối đãi như những binh sĩ tiền tuyến nữa mới được.


Khi chiếc phi cơ cuối cùng đáp xuống sau khi cố gắng săn đuổi hạm đội Nhật đang rút lui, đại tá Shannon tập họp trung đoàn 3 thuỷ quân lục chiến và giải thích tầm quan trọng của chiến thắng đầy tuyệt vọng vừa mới được các hàng không mẫu hạm Mỹ mang về. Rồi để an ủi họ vì không có mặt trong hàng ngũ những vị anh hùng trong ngày lịch sử này, ông nói thêm trong không khí im lặng kỳ lạ của bầu trời lấp lánh đầy sao:

“Hoà bình đã trở lại đây, tại Midway, nhưng đối với chúng ta, thuỷ quân lục chiến, chiến tranh mới chỉ bắt đầu!”.

Chắc ông không tin rằng mình đã nói đúng đến thế. Một tháng sau, trung đoàn 3 đổ bộ lên Guadalcanal.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 03 Tháng Giêng, 2010, 08:17:55 am
Guadalcanal

Trạm thống khổ đầu tiên
Vào mùa hè năm 1942, khi các đài phát thanh trên toàn thế giới bắt đầu nói đến Guadalcanal, thì địa danh bí mật này đã làm mọi người vểnh tai nghe. Guadalcanal? Nó là cái gì nhỉ? Một “con kênh” nối liền hai nội hải chắc… Phải, nhưng là nội hải nào kia chứ? Đâu đó tại phía nam Thái Bình Dương chăng?... Phải vận dụng đến cuốn Grand Atlas mới khám phá thấy, mà khong phải là ít ngạc nhiên đâu, trong thực tế đó chỉ là một hòn đảo (gia dĩ lại được viết đúng theo chính tả là Guadalcanar) và hòn đảo này thuộc quần đảo Salomon, nằm giữa một số đảo khác mang những tên Tây Ban Nha cùng một âm điệu buồn buồn: Santa Cruz, San Cristobal, Malaita, Santa Isabel, những địa danh tương phản một cách buồn rầu với một loạt địa danh tươi vui của quần đảo Mariannes và Carolines từng làm cho địa đồ khu vực trung ương Thái Bình Dương thêm vui vẻ.


Một khi đã vứt bỏ được sự mơ hồ về địa lý này, thì vẫn còn có một điểm mơ hồ khác cũng gây bối rối: Trời đất quỉ thần tại sao người ta lại sắp đánh nhau tại một nơi như thế?


Câu giải thích chính thức, mãi lâu về sau mới được đưa ra, đã không làm mọi người thoả mãn lắm: Guadalcanal là một trong các đảo nằm xa nhất về phương bắc của quần đảo Salomon, dường như là có thể tạo thành một căn cứ xuất phát cho một mũi tấn công sắp đến của Nhật nhắm vào Tân Hébrides, nơi quân đội Mỹ vừa đưa quân đến đồn trú. Thoạt nhìn sự chọn lựa này có vẻ bất kỳ đến nỗi, quần chúng vốn khao khát cái gì hợp lý, nên mau lẹ chấm dứt sự chú ý đến góc trời cô liêu ấy.


Trong thực tế, công chúng lầm to bởi vì trong chiến tranh, sự tình cờ thường đóng một vai trò lớn hơn là sự hợp lý.

Viên tướng Nhật chiếm hữu quần đảo nhỏ Tulagi đối diện với, Guadalcanal, thấy quần đảo này hoàn toàn không thích đáng cho việc xây cất một phi trường, do đó theo sáng kiến riêng, ông đã phái các toán tuần thám lên các đảo kế cận để tìm kiếm một thế đất trống và dễ dọn dẹp hơn.


Chính các cha sứ công giáo làng Visale bản xứ, nằm tận cùng phía tây bắc Guadalcanal gần mũi Espérance, đã thấy một trong các toán tuần thám ấy xuất hiện tại một khúc quanh con đường đất, chiều ngày 3 tháng 7 năm 1942. Một sĩ quan và chín binh sĩ đi theo đến gõ cửa nhà thờ. Được Cha bề trên tiếp đón rất lạnh nhạt, viên sĩ quan đòi gặp Đức cha Aubin, giám mục địa phận Salomon, mà ông ta biết là có mặt tại Visale.


Vị giáo chủ, một người Pháp chừng 60 tuổi, từng sống tại quần đảo 37 năm, đã lịch sự phản đối sự xâm nhập của các quân nhân vào các trụ sở của giáo hội. Viên sĩ quan Nhật thông báo cho đức giám mục là y sẽ đưa Cha bề trên đến trại binh để giải quyết vấn đề liên quan đến một sự hợp tác tương lai và sẽ mang trả lại sau ba ngày. Rõ ràng là y cần nhân công bản xứ và sở cậy các nhà truyền giáo để tuyển người. Y đã giữ lời, nhưng trong chuyến viếng thăm thứ nhì, y lấy mất chiếc tàu của phái bộ truyền giáo, máy thu thanh, rương hòm của những người Âu châu và người Trung Hoa tỵ nạn, các tủ lạnh, nông cụ và cả các ống dòm…


May cho các nhà truyền giáo, làng Visale, cũng như các làng khác trên bờ biển phía bắc đảo Guadalcanal kế cận mũi Espérance, nằm dựa lưng vào các mỏm núi đá hiểm trở trên các sườn núi thật dốc đứng. Chỉ cách đó chừng 30 cây số về phía đông nam bờ biển mới trở thành bằng phẳng và ngay hàng thẳng lối. Mặc dầu rất tiếc vì không đặt phi trường được gần các làng đông dân cư nhất, quân Nhật quyết định chọn cửa sông Lunga và chỉ để tại Visale một văn phòng tuyển mộ. Do đó Đức cha Aubin có thể tiếp tục quản giáo khu của mình và giúp đỡ các con chiên bổn đạo trong các cuộc thử thách đang dồn dập đổ đến.


Guadalcanal có hình dáng như một con sâu dài 150 cây số mà chiếc lưng có ngấn là do hàng chục con sông đổ ra cửa biển. Nếu đảo Tulagi và các đảo kế cận có vẻ quyến rũ và đẹp như tiên cảnh bao nhiêu thì Guadalcanal lại ủ dột và khắc khổ bấy nhiêu. Một dãy trường sơn cao ngất chạy từ đầu đến cuối đảo. Trong đoạn chính giữa của dãy núi này nhiều ngọn đã vượt cao lên đến 2.500 thước. Nhìn từ ngoài khơi, hòn đảo xuất hiện như một khối màu lục và xanh biếc, phủ đầy các đám mây tích tụ nhiệt đới trắng nõn bám thường trực các chỏm núi. Viền quanh bờ biển là những dãy bọt trắng của những lượn sóng dài vỡ tan khi xô vào đỉnh các bãi san hô chìm khuất một nửa dưới lớp phù sa do các con sông mang xuống. Chính trên vùng bờ biển phù sa phía bắc này mới có loại cây cối độc nhất được trồng trọt: khoai lang ngọt, xoài, và nhất là dừa mà thân cây đạt đến kích thước khổng lồ. Khắp mọi nơi, núi đá chạy ra sát tận biển.


Ngay từ các dãy núi đâm ngang ra đến biển là bắt đầu một khu vực rừng rậm thù nghịch, lầy lội, nằm giữa những cánh đồng lầy rồi dần dần nhường chỗ cho rừng già. Rừng quái gở khủng khiếp gồm toàn cây cối thậm cổ xưa mà cành lá đan vào nhau nhọn đến ngọn tạo thành một chiếc vòm màu xanh liên tục không bao giờ mặt trời có thể xuyên qua được. Một lớp cây leo khổng lồ, cây dứa hoang và cây đước đen, dày đặc rối bù, nẩy nở trong không khí nóng bức của một nhà kiếng thấm nước, nuôi dưỡng một lớp lá cây mục nát lầy lụa chỉ có côn trùng và loại thằn lằn sinh sống. Chính từ tấm bọt biển ướt đẫm mênh mông ấy, rỉ ra phía bờ biển vô số dòng suối con ngập nước và dần dần xói mòn mặt huyền vũ nham dưới lớp lá cây mục nát, sau đó họp lại thành sông chảy thẳng ra biển, cắt ngang bãi san hô bằng những đường trùng lệch lạc không đều.


Trong phần chính giữa của bờ biển phía bắc nơi có những cửa sông lớn nhất, cánh đồng phù sa trải dài hàng 4 hay 5 cây số vào sâu bên trong. Chính tại đó, giữa hai con sông Lunga và Tenaru, những binh sĩ tuần thám Nhật đã chọn lựa thế đất thuận tiện. Nó sẽ trở thành địa bàn của những trận đánh khốc liệt nhất trong chiến tranh.
Đoàn quân đóng tại Lunga từ những ngày đầu tháng 7 năm 1942, gồm chừng năm trăm thuỷ quân lục chiến, phần đông là tiền thám viên và các chuyên viên kỹ thuật. Họ có vài xe kéo chạy xích, xe rơ-moóc và xe ủi đất, một máy phát tin và một trạm rada còn thô lậu nhưng rốt cuộc cũng đã được hoàn thành. Nhân công bản xứ được tuyển mộ trong các làng làm việc chẳng có hứng thú gì dưới làn roi tàn bạo của các hạ sĩ quan Nhật. Địa điểm làm phi đạo đã được chọn lựa rất cẩn trọng và, được bóng dừa nguỵ trang, các chuyên viên ủi bằng phẳng có thể đẩy vệt đẩy vệt đất được ủi tiến về phía trước mà không sợ các phi cơ tuần thám của Mỹ, đôi khi lục lạo trong quần đảo Salomon, đánh hơi được chuyện gì đang được âm mưu bên dưới.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 03 Tháng Giêng, 2010, 08:18:37 am
Kể từ các cuộc hải chiến trong biển Corail, Tulagi vẫn còn như là một cây gai trong gót giày cua Đô đốc Ghormley. Trong các kế hoạch phản công mai hậu của ông, sự giải phóng hải cảng này là sứ mạng ưu tiên. Nhưng Mac Arthur, nay đã có trong tay hai sư đoàn Mỹ và sư đoàn 7 của Úc vừa từ Trung Đông hồi hương, thì lại cổ xuý một cuộc tấn công vào Rabaul. Ông muốn thực hiện càng sớm càng hay một cuộc đổ bộ lớn lao lên Tân Irlande và Tân-Angleterre, bước đầu tiên của cuộc tiến quân ngược lên phía Phi Luật Tân. Cuộc hành quân này đòi hỏi sự tham dự của tất cả các mẫu hạm cơ hữu và một sư đoàn thuỷ quân lục chiến được huấn luyện để đổ bộ bằng xe lội nước và tất nhiên là được trang bị các quân dụng thích nghi. Nói cách khác, Mac Arthur đòi hỏi toàn diện các lực lượng nằm trong tay Ghormley.


Nimitz và King chính thức chống lại kế hoạch này trong khi nó lại được tướng Marshall và Bộ tham mưu lục quân ủng hộ nhưng không có gì là hứng thú lắm.

Chính vì thế mà trận đánh đầu tiên tại quần đảo Salomon đã diễn ra gữa Auckland, Melbourne, Trân Châu Cảng và Ngũ đài giác với những với những phát súng điện văn, chỉ thị, hay các đặc sứ. Trận đấu tranh thật nóng bỏng. Mỗi người bảo vệ miếng bít tết của mình một cách bạo tợn. Ghormley muốn trước hết chiếm Tulagi rồi sau đó tiến ngược lên chiếm hết đảo này đến đảo khác. Mac Arthur muốn tấn công thẳng vào Rabaul. Tất nhiên là ông chấp thuận chiếm Tulagi khi đi ngang qua, nhưng đối với ông đó chỉ là một cuộc hành quân phụ thuộc nằm trong kế hoạch toàn diện của ông. Và, vì ông xét rằng sự thống nhất chỉ huy là điều không thể không có, nếu ông muốn thấy Ghormley được đặt thuộc quyền ông để thi hành kế hoạch.


Cuộc thảo luận đã đến một khúc quanh hết sức gay gắt nên được đưa lên các thẩm quyền cao hơn. Để kết thúc, Đô đốc King đề nghị một giải pháp dung hoà: Cuộc tấn công Rabaul được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn đầu gồm có việc chiếm Tulagi (Đô đốc Ghormley sẽ phụ trách), giai đoạn hai sẽ được thực hiện song hành dọc theo một bên là quần đảo Salomon và bên kia là Tân Guinée (Mac Arthur sẽ nắm quyền chỉ huy). Ghormley được yêu cầu đi Melbourne để thuyết phục Mac Arthur chấp thuận kế hoạch này. Cuộc hội kiến diễn ra lạnh nhạt. Cả hai người đều giữ vững lập trường và chia tay nhau trong không khí xung đột gay go.


Trong khi Hoa Thịnh Đốn ngần ngại không muốn đương đầu với vị anh hùng của Corregidor, một biến cố bất ngờ đã xảy đến thúc giục chấm dứt ngay cuộc khủng hoảng.


Ngày 9 tháng 7-hai ngày sau cuộc hội kiến Ghormley-Mac Arthur-một thuỷ phi cơ PB-Y tuần thám trên phía nam quần đảo Salomon trong một cảnh trí thông thường là rất trống vắng, chợt thấy vài tàu vận tải nhỏ dọc theo bờ biển Guadalcanal. Viên phi công vội ẩn vào trong mây và khá vui sướng vì có thể đến gần mà không bị trông thấy. Nhiều xà lan đổ bộ vật liệu và hàng đoàn nhân công bản xứ tiến theo hàng dọc như bầy kiến vào bên trong. Vụ sử dụng nhân công này có ý nghĩa gì đây? Đã đến lúc cần biết rõ điều đó. Chiếc phi cơ đổi hướng trong mây và được điều khiển để chỉ ló ra trên dãy núi đâm ngang đầu tiên. Và thình lình qua một khoảng trời sáng, viên phi công chợt thấy bên dưới, nhiều xe ủi đang hoạt động dưới bóng dừa. Anh ta lay cánh tay người ngồi bên cạnh-một đại tá thuọc Bộ tham mưu của Mac Arthur-và dùng ngón tay chỉ tấm thảm xanh giờ đây đang diễn qua thật nhanh dưới cánh phi cơ bay nghiêng, anh hét vào tai viên đại tá: “Ông nhìn kia kìa! Chúng đang làm một phi đạo!”.
Nắm được tin tc chủ yếu này rồi, chiếc phi cơ lại bay lên cao và đổi hướng quay về phía tây để trở lại căn cứ.


Vài giờ sau, khi bản điện văn mật mã của viên đại tá được gửi đến bản doanh Melbourne, không khí tại Bộ tham mưu hết sức sục sôi. Những kẻ độc miệng cho rằng phải mất cả tiếng đồng hồ mới khám phá ra điểm bí mật do các phi công chỉ định trên bản đồ cũ kỹ của Anh. Sau đó người ta lục lạo các huấn thị hải vụ và cuốn Guide Bleu về các vùng biển phía nam. Vì kết quả thu lượm được không có là bao, Mac Arthur cho tìm kiếm tất cả những người Anh tị nạn đã từng ở trong vùng này. Những lời khai mơ hồ của họ ít ra cũng phù hợp được ở một điểm: cửa sông Lunga là một cảnh trí man rợ do các đỉnh san hô cắt ngang và chung quanh bị bao bọc bởi một khu rừng rậm không thể nào đi xuyên vào được, nơi đó khí hậu thật dễ sợ. Tóm tắt, đó là địa điểm cuối cùng của trái đất mà một phi trường đang được xây cất. Vốn hay khinh thường các tin tức không báo, Mac Arthur tin lời các cư dân Anh hơn là bản điện văn của các phi công chiếc Catalina. Do đó ông ra lệnh thám sát một lần nữa để xác nhận tin này.


Nhưng tin tức cũng đã được đưa đến Auckland, nơi mà Bộ tham mưu của Ghormley, vốn biết rõ địa hình khu vực quần đảo Salomon hơn, định ngay được vị trí cửa sông Lunga và cánh đồng phù sa chẳng khó khăn gì. Một điện văn được hoả tốc gửi về Hoa Thịnh Đốn, đề nghị thực hiện gấp cuộc hành quân chiếm Tulagi và bổ túc thêm bằng cuộc đổ bộ đột ngột lên Guadalcanal để chiếm hữu phi trường quí giá đang được xây cất ấy trước khi quân Nhật kịp sử dụng.


Ngày 10 tháng 7 một công điện của Hoa Thịnh Đốn, gửi đồng thời cho Ghormley và cho Mac Arthur, ra lệnh “đổ bộ ngay lập tức lên Guadalcanal bất kể tổn thất để chiếm phi trường đang được hoàn thành”. Lập tức Ghormley gửi một đại diện đến gặp Mac Arthur để yêu cầu ông tăng phái cho một phần trong số 50.000 quân Úc và Mỹ đang có sẵn tại Port Morsesby. Ông tướng từ chối thẳng từng. Ông sợ một cuộc tấn công mới trong khu vực này và nại rằng không chắc ông đủ quân số cần thiết để đẩy lui địch…


Các biến cố xảy ra sau đó xác nhận sự lo sợ của ông là vững chắc. Một đoàn quân Nhật xuất phát từ Lae đã lên đường toan tính vượt qua đèo thuộc dãy núi Owen Stanley. Nếu thành công, họ sẽ đột ngột đánh úp Port Morsesby với sự yểm trợ của không quân và các đơn vị nhảy dù. Được báo trước cuộc điều động này, Mac Arthur tổ chức một cuộc phục kích rộng lớn trên triền phía Nam dãy núi để lợi dụng địa hình cực kỳ khó khăn hiểm trở hầu có thể đánh thình lình, và tiêu diệt trọn đoàn quân Nhật. Kế hoạch này đã thành công mỹ mãn. Quân Nhật, bị kiệt sức sau nhiều tuần lễ leo núi và gần như tất cả đều bị lâm bệnh nhiệt đới, hoàn toàn bị tàn sát trong các hẻm núi. Không một binh sĩ nào thoát thân được. Chiến công này làm tinh thần quân sĩ được nâng cao và xác nhận vĩnh viễn uy tín của Mac Arthur. Không còn ai nghĩ đến việc trách cứ ông từ chối không chịu gửi quân tăng viện cho Ghormley khiến ông này đành bằng lòng với các đoàn thuỷ quân lục chiến duy nhất để tấn công Tulagi và Guadalcanal.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 03 Tháng Giêng, 2010, 08:20:08 am
Cuộc đổ bộ

Thoạt tiên ngày J của cuộc đổ bộ kép này được ấn định là 1 tháng 8 năm 1942, nhưng vì Sư đoàn 1 tlqc chỉ mới đến Wellington có mười lăm ngày và vì phải dự liệu hai cuộc hành quân bằng xe lội nước, nên Ghormley quyết định dời lại đến ngày 7 tháng 8.


Ngay cả với sự trì hoãn này, hạn kỳ cũng quá ngắn. Mệnh lệnh giữ bí mật tuyệt đối đã được ban hành và tại Wellington không ai có lấy được một ý niệm cỏn con nào về điểm đến của Sư đoàn 1 thuỷ quân lục chiến cũng như của xe lội nước đang được chất đống trong kho. Lý do được đưa ra là một cuộc thực tập đổ bộ lớn lao sẽ được tổ chức tại đảo Koro trong quần đảo Fiji.


Công việc đưa người và chiến cụ xuống tàu tại Wellington bắt đầu trong một không khí căng thẳng. Mùa đông đã đến. Mưa lạnh rơi tầm tã. Các phu bến tàu khuân vác các kiện hàng liên miên từ mộtt háng qua, nay từ chối không làm việc nữa. Chỉ huy trưởng căn cứ hải quâ Mỹ không có một thẩm quyền nào đối với các công nhân có chân trong các nghiệp đoàn này, phải kêu gọi thuỷ quân lục chiến đến thay thế họ. Hoặc vì bực dọc hoặc vì vụng về, chiến cụ không được chăm sóc nhẹ nhàng cần thiết. Những chiến binh ưu tú ấy không hề có một xu hướng nào đối với nghề khuân vác. Lập tức người ta thấy Coca Cola và thuốc lá từ các kiện hàng bằng giấy cactong, đổ tung téo thành sông trên bến tàu. Tin rằng họ sẽ tham dự một cuộc thực tập, thuỷ quân lục chiến sẽ đi đến đấy một cách cương quyết… Còn lâu, những người đáng thương ấy, mới nghi ngờ rằng trong vài tuần lễ nữa, kỷ niệm về cái kho tàng bị phung phí dễ dàng này sẽ ám ảnh họ qua những đêm không ngủ.


Nhờ sự khuyến khích vui vẻ, hoặc trừng phạt, công cuộc chất hàng lên tàu hoàn tất dưới cơn mưa như thác, và các phu bến tàu bất đắc dĩ phải dồn đống vào giữa sân tàu trong bộ quân phục vĩnh viễn ướt nhẹp. Đoàn công voa mười ba hải vận hạm đặt dưới quyền chỉ huy của Đề đốc Turner, mà hiệu kỳ đươợ kéo lên chiến hạm chỉ huy, chiếc Mac-Cawley, nhổ neo rời Wellington ngày 31 tháng 7.


Cái cớ của một cuộc thực tập không phải hoàn toàn láo. Thiếu tướng Vandegrift, tư lệnh Sư đoàn 1 thuỷ quân lục chiến, quả đã có khẩn cầu được chấp thuận cho ít ra cũng là một cuộc tổng dượt.


Cuộc đổ bộ lên Koro còn lâu mới được coi như thành công. Tuy vậy nó giúp sửa chữa các lầm lỗi, chỉnh đốn lại hàng ngũ binh sĩ và nhất là để cho các tướng lĩnh tiếp xúc nhau, những người sẽ chịu trách nhiệm về cuộc phiêu lưu vĩ đại mà chưa bao giờ có cơ hội gặp gỡ bàn luận với nhau.


Chính Đô đốc Fletcher, vẫn luôn luôn có mặt trên mẫu hạm Enterprise, là người chỉ huy toàn bộ cuộc hành quân. Lực lượng đặc nhiệm của ông được các mẫu hạm Saratoga và Wasp vừa mới từ Đại Tây Dương đến tăng cường. Bao quanh lực lượng mẫu hạm là sáu tuần dương hạm mà trong đó có hai chiếc của Úc. Đô đốc Anh Crutchley do Mac Arthur cho mượn cùng với hai tuần dương hạm Úc, được bổ nhiệm làm phụ tá cho Đô đốc Fletcher. Ngoài ra ông còn có lực lượng đổ bộ baằn xe lội nước đích danh do Đề đốc Turner chỉ huy và sư đoàn 1 thuỷ quân lục chiến do tướng Vandegrift làm tư lệnh.


Ngày 7 tháng 8, lúc 9 giờ sáng, trong khi Fletcher và các mẫu hạm của ông đảm trách phần vụ che chở trên không, lực lượng đổ bộ chia làm hai toán cùng lúc đổ quân lên Tulagi và Guadalcanal.


Khắp nơi địch quân bị hoàn toàn bất ngờ. Tại Tulagi, 3.500 thuỷ quân lục chiến Nhật, phân tán rất mỏng trên đảo, không có thì giờ để tập họp để chống lại 6.500 thuỷ quân lục chiến Mỹ. Ẩn vào các ngọn, họ cương quyết chống trả và phải mất 48 giờ quân Mỹ mới lôi họ ra khỏi các hang động trú ẩn được.


Tại Guadalcanal, trái lại, phi trường đang được xây cất chỉ được phòng bởi vài trăm binh sĩ. Vandegrift đổ bộ cùng với 10.500 quân của ông lên phía đông sông Lunga mà không gặp một cuộc tấn chống cự nhỏ nào. Sáng ngày 8 tháng 8, ông điều động binh sĩ trên một mặt trận rộng lớn vượt qua hai con sông ngăn cách ông với mục tiêu, tiêu diệt các chốt phòng thủ trong đó quân Nhật dùng súng tự động bắn ra, và dễ dàng xâm nhập phi trường.


Đến 16 giờ, thuỷ quân lục chiến Mỹ chiếm hữu được phi trường. Các công nhân đã biến mất không kịp phá huỷ gì cả. Tất cả dụng cụ đều được tìm lại còn nguyên vẹn ngoại trừ một xe ủi đất bị một trung sĩ cuồng tín cương quyết phá hoại bằng một chiếc vồ bọc sắt. Số quân trú phòng còn lại biến mất trong rừng rậm. Ngay tối hôm đó các tiểu đoàn công binh bắt tay vào việc để hoàn tất phi đạo vốn đã được quân Nhật khởi công rất tốt.


Nhưng nỗ lực của quân nhu thì không theo kịp… Ngay trong ngày 7 tháng 8, vài oanh tạc cơ Nhật đã đến làm tán loạn các ghe buồm chở quân dụng. Chính những ghe này cũng được đóng rất tệ và các thuỷ quân lục chiến lại đóng vai trò phu khuân vác, thấy khó mà bốc dỡ hàng lên khỏi chúng. Các thùng vật liệu chất trên bãi như kim tự tháp, số người ít quá không sao di chuyển chúng hết được. Đến tối, Turner phải cho ngưng đổ bộ vật liệu để tránh khỏi tình trạng bị kẹt bến toàn diện.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 03 Tháng Giêng, 2010, 08:21:02 am
Hôm sau ngày 8 tháng 8, oanh tạc cơ Nhật từ Rabaul bay đến hàng loạt và mặc dầu số tổn thất lên cao, cuối cùng cũng tràn ngập được đoàn khu trục cơ của Fletcher. Nhịp độ bốc dỡ quân dụng khỏi các hải vận hạm chậm chạp hơn và đến tra thì tình thế cho thấy rõ ràng là thời gian một ngày không đủ để hoàn tất công việc.


Mặc cho sự mệt mỏi của quân lính, Turner quyết định tiếp tục làm đêm. Ông muốn bằng mọi giá phải chấm dứt công việc trước bình minh hôm sau vì Fletcher đã báo cho ông biết rằng dự trữ xăng của ông gần cạn và phải mang lực lượng đặc nhiệm về Espiritu Santo để được tiếp tế.


Đến 21 giờ, kết quả bốc dỡ dở tệ đến nỗi ông được báo cho biết rằng hơn một nửa quân dụng của Sư đoàn 1 thuỷ quân lục chiến còn nằm trên hải vận hạm và tàu chở hàng.


Turner thấy mình bị đặt trước một thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc là bỏ ơi thuỷ quân lục chiến với quân dụng rút xuống còn một nửa, hoặc là phơi bày toàn diện lực lượng đổ bộ cho địch quân phá huỷ hoàn toàn nếu, theo dự đoán của ông, hạm đội Nhật đã lên đường đến tấn công.


Quyết định sẽ có hậu quả lớn lao đến nỗi ông phải cho mời Crutchley và tướng Vandegrift đến chiếc hải vận hạm Mac-Cawley được dùng làm chiến hạm chỉ huy. Crutchley trên chiếc Australia cùng với sáu tuần dương hạm đang tuần tiễu không xa mũi Espérance. Vừa nhận được hiệu lệnh của Turner, ông đến bỏ neo cạnh chiếc Mac-Cawley. Hai vị Đô đốc thảo luận tình hình trong khi chờ đợi Vandegrift vì phải cho người mò mẫm trong đêm tối tìm ông ta tại bộ chỉ huy sư đoàn giữa các hàng rào kẽm gai. Họ hoàn toàn đồng ý là khó có thể nào quân Nhật tấn công ngay trong đêm. Căn cứ Rabaul cách xa đến năm trăm sáu mươi lăm hải lý, tức là hai mươi giờ hải hành và các phi cơ không thám chẳng có báo hiệu trông thấy hải lựuc địch nào trong ngày cả (Ít ra họ cũng tin thế… thật ra từ sáng, một Catalina Úc đã thấy bảy tuần dương hạm Nhật ngoài khơi Bougainville nhưng tiếp theo những sơ sót không tha thứ được, tin tức chỉ được đưa đến Melbourne lúc 18 giờ, quá chậm không khai thác gì được nữa). Trái lại, địch có thể đến vào sáng ngày 9, được che chở bởi một lực lượng khu trục hùng mạnh và được oanh tạc cơ tại Bougainviille hộ tống. Nếu không có hậu thuẫn của các mẫu hạm của Fletcher, hy vọng chống lại một lực lượng như thế là vô ích. Giải pháp duy nhất là rút lui toàn diện các hải vận hạm vào bình minh hôm sau.


Khi tướng Vandegrift đến, hai vị Đô đốc giải thích chi tiết các lý do bắt buộc họ phải chọn giải pháp bi đát này và hỏi ông ta liệu có thể cầm cự đến khi họ trở lại không. Vandegrift vốn là một tay đánh nhau kỳ cựu từng tham chiến tại Nicaragua, Mễ Tây Cơ và Trung Hoa. Đó là cả một tâm trí thực tiễn và hơn nữa ông lại ưa mạo hiểm. Ông trả lời được.


Khi cuộc hội kiến gần kết thúc thì câu chuyện bị ngắt quãng bởi những tiếng súng nổ ồn ào ghê rợn. Ba sĩ quan hấp tấp trèo lên boong và cả một quang cảnh đầy sửng sốt đang chờ đợi họ: mặt biể chung quanh đảo Savo chiếu sáng rực và người ta thấy bóng các tuần dương hạm của Crutchley tách ra trong ánh sáng của các đám cháy. Tiếng súng khởi đi, tiếng đầu đạn nổ tung nối tiếp nhau luân lưu bất tận… Viễn ảnh mà các vị Đô đốc gạt bỏ một giờ trước đó vừa xảy ra: quân Nhật đang tấn công các tuần dương hạm đồng minh tại eo biển giữa mũi Esprérance và Tulagi.


Sự may mắn đã từng từ chối trước Yamamoto nay dường như muốn chuộc lỗi. Khởi hành từ Rabaul ngay từ khi lệnh báo động đầu tiên, một hạm đội gồm có bảy tuần dương hạm, do Đô đốc Mikawa chỉ huy, đã tiến đến Guadalcanal bằng cách vòng qua Bougainville với hy vọng thoát khỏi tầm quan sát của phi cơ tuần thám. Thấy một chiếc Catalina xuất hiện, hạm đội khéo léo quay về phía bắc làm như để trở về Rabaul. Chiếc Catalina không theo dõi và trở về căn cứ. Ngay khi nguy hiểm đã qua, Mikawa lại đưa hạm đội lên đường và vì lẽ các cuộc tuần thám của Mỹ rất hiếm, đoàn tàu hải hành cho đến tối mà không gặp trở ngại nào cả. Đến 23 giờ, hạm đội trông thấy đảo Savo, giảm tốc độ để tránh cho các luồng sóng bạc trắng đằng sau chiến hạm khỏi lôi kéo sự chú ý của các trinh sát viên địch.


Hòn đảo nguyên hoả diệm sơn Savo là một ổ bánh đường bệ vệ nổi lên ngay giữa Guadalcanal và Tulagi. Dường như tạo hoá đã dựng lên nó một cách rành rẽ để canh chừng, như một trụ điện báo ở bờ biển, sự đi lại trong eo biển phân cách mũi Espérance và quần đảo nhỏ bé kia.


Hải đội của Crutch chia làm hai nhóm: chiếc Canberra và chiếc Chicago tuần tiễu giữa mũi Espérance và bánh đường; chiếc Vincennes, chiếc Quincy và chiếc Astoria tuần tiễu chậm phía đông bắc.


Lúc một giờ sáng, chiếc soái hạm của Nhật Chokai vượt qua hai chiếc phóng ngư lôi hạm bố trí tại trạm chính mà không bị khám phá. Với sáu chiếc theo sau, nó tiến với tốc độ 12 gút về phía hai chiếc hạm đồng minh vừa được thấy bóng. Đúng 1 giờ 36 phút bốn chiếc tuần dương hạm dẫn đầu đồng loạt phóng thuỷ lôi vào chúng trong khi ba chiếc sau tách qua bên trái để vượt qua phía đông đảo Savo, nơi xuất hiện bóng nhiều chiến hạm khác. Vài giây sau, hải pháo của các tuần dương hạm Nhật phủ lên hai chiếc Canberra và Chicago một cơn mưa trái phá. Phát hoả và bị nước tràn vào qua hai lỗ thủng lớn, chiếc đầu bị thuỷ thủ đoàn bỏ mặc, trong khi chiếc thứ hai chạy trốn về phía tây. Hạm trưởng thình lình bị các tiếng nổ đánh thức chỉ còn nghĩ đến việc chạy trốn để cứu chiếc tàu, hoàn toàn quên mất rằng Crutchley tạm thời giao cho ông quyền chỉ huy hải đội.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 03 Tháng Giêng, 2010, 08:22:19 am
Trong thời gian đó, ba tuần dương hạm đoạn hậu của Mikawa len lỏi bằng cách chạy sát bờ đảo Savo cho đến lúc ngang với ba tuần dương hạm Mỹ khác. Đúng lúc các chiến hạm này cho gọi thuỷ thủ đoàn vào vị trí chiến đấu vì được vụ chạm súng trước và hoả châu báo động, thì đến lượt chúng cũng lãnh vô số đạn đại bác bắn ngay kế bên cạnh. Chiếc Quincy, bị chiếc thuỷ phi cơ bốc cháy soi sáng, lập ức lãnh hai thuỷ lôi. Chiếc Vincennes chung số phận tương tự. Riêng chiếc Astoria cố gắng trốn về đảo Savo lại bị lọt vào giữa hai nhóm tuần dương hạm Nhật và chịu một sự trừng phạt cũng nghiêm khắc như thế. Chắc chắn là nó đã bị hạ tại chỗ rồi nếu Đô đốc Mikawa, vì không thấy toàn diện các tuần dương hạm của mình trong cuộc chiến đấu rối loạn, không ra hiệu lệnh tập họp quá sớm về phía bắc đảo. Nhờ án treo đó mà chiếc Astoria có thể sống sót thêm mười giờ, nhưng mặc dầu thuỷ thủ đoàn rất cố gắng, nó cũng phải bị bỏ rơi.


Khi Đô đốc Miakawa đã tập họp xong chiến hạm của mình, ông ngần ngại không biết phải làm gì tiếp. Trong trận đánh sấm sét chỉ kéo dài có 32 phút ấy, năm trong số sáu tuần dương hạm đồng minh bị đánh chìm hoặc vĩnh viễn bị loại ra khỏi vòng chiến. Như vậy ông có quyền thoả mãn rồi. Mặt khác, chiếc soái hạm Chokai nhào vào trong trận đánh hỗn loạn bất ngờ đã bị trúng một trái đạn phá làm huỷ diệt phòng bản đồ. Lại ra đi với tình trạng đui mù trong một eo biển nổi tiếng là nguy hiểm cho các cuộc hải trình, đối với ông là quá táo bạo. Đã hai giờ sáng rồi và các tuần dương hạm địch đang còn lẩn quẩn trong vùng kế cận. Nếu ông tiếp tục tiến tới Guadalcanal chắc chắn sáng sớm mai ông sẽ bị các phi cơ của mẫu hạm Mỹ, mà ông chẳng có gì để đối phó, tấn công ngay chóc. Vì vậy ông ra lệnh cho hạm đội theo mình và mở hết tốc độ trở về Rabaul, bở qua cơ hội hiếm có để tiêu diệt ngay các dương vận hạm của Turner và quân dụng quí báu đang chở trên tàu.


Trong thời gian đó, trên chiếc Mac-Cawley, Turner chờ đợi báo cáo của Crutchley vốn đã ào ạt ra đi tiếp cứu hải đội trên chiếc Australia. Tin tức được đưa đến càng làm cho nỗi kinh hoàng của ông thêm toàn diện. Chiếc Canberra còn chiến đấu với ngọn lửa nhưng nó đang chìm dần. Chiếc Astoria cũng lâm tình trạng tương tự và đang tìm cách giạt vào bờ biển. Riêng chiếc Quincy và chiếc Vincennes thì hoàn toàn bị đánh chìm. Đấy là một tai biến trước nay chưa hề có. Trong sáu tuần dương hạm của hạm đội dưới quyền Crutchley chỉ còn lại một chiếc duy nhất, chiếc của ông, nhờ phép lạ được cứu thoát bởi vì nó không có mặt ở đấy lúc trận đánh xảy ra… Riêng phần chiếc Chicago thì biến mất. Về sau được biết rằng nó đã chế ngực được ngọn lửa nhưng bị loại khỏi vòng chiến và chạy thật chậm về Espiritu Santo. Hạm trưởng, ý thức được lầm lỗi mà mình đã phạm phải, đã tự sát.


Trước Lunga, tiếng súng vang dội và ánh lửa của trận đánh đã gieo rắc hỗn loạn trên các hải vận hạm đang bốc dở hàng. Công việc thật sự không thể nào bắt đầu lại trước bình minh hôm sau.

Turner, ngoài những khuyết điểm khác, còn có một khuyết điểm đôi khi rất tốt: ông cứng đầu như một con lừa. Ông đã hứa với Vandegrift là sẽ cho bốc xuống một nửa quân dụng. Ông giữ lời. Dây liên lạc vừa mới chớm nở giữa hai người vì thế lại càng thắt chặt thêm. Mặc dù lực lượng chuyển vận đổ bộ của ông có thể lâm vào tình trạng hiểm nguy vì các tuần dương hạm địch mà ông tin là còn nằm trong vùng kế cận và các phi cơ oanh tạc Nhật từ sáng sớm đã bắt đầu thả bom xuống đoàn hải vận hạm, Turner vẫn ra lệnh bắt tay vào việc trở lại. Lực lượng chuyển vận vẫn bỏ neo suốt buổi sáng hôm sau. Nó lãnh đạm nhận bom của Nhật, vốn chỉ may mắn gây ra rất ít nạn nhân. Đến quá trưa, Turner hài lòng được biết rằng phi trường sẽ có thể tiếp đón các khu trục cơ trong vòng 48 giờ nữa và các khu trục hạm chuyên chở các thùng xăng sắp khởi hành từ Espiritu Santo. Hơn một nửa quân dụng đã được đưa lên bờ và phần nào yên tâm với số phận của các thuỷ quân lục chiến mà ông sẽ để lại đằng sau mình, Turner cho kéo kỳ hiệu nhổ neo.


Không được hải lực che chở đúng nghĩa của nó và chỉ với một nửa vũ khí, đạn dược và đồ tiếp tế đã tiên liệu, khu vực chiếm đóng của Mỹ trên đảo Guadalcanal sắp sửa lâm vào trường hợp một đội quân trú phòng bị bao vây.


Vandegrift tập họp các sĩ quan và trình bày cho họ tình hình chung. Để kết luận ông nói thêm rằng tổ quốc đang chăm chú nhìn vào thuỷ quân lục chiến và Guadalcanal phải được giữ vững bằng bất cứ giá nào. Phi trường liền được đặt tên là Henderson Field tên của một không đoàn trưởng bị tử trận tại Midway. Tên gọi ấy sẽ có giá trị như một biểu tượng. Khi cuộc họp chấm dứt, các sĩ quan trở về đơn vị phấn khởi vì sự can đảm của ông tướng tư lệnh và các chỉ thị sáng suốt của ông. Ngay đêm đó, niềm phấn khích lan tràn khắp mọi cấp bậc: dầu cho có chuyện gì xảy ra chăng nữa, Guadalcanal cũng sẽ đứng vững.


Ngay từ 15 tháng 8, Vandegrift báo hiệu cho Ghormley là Henderson Field đã có thể hoạt động được. Hôm sau các khu trục hạm chở đầy phuy xăng và nhớt đến trước Lunga Point. Ngày 20 tháng 8, 19 khu trục cơ F4F Grumman và 12 oanh tạc cơ đâm bổ SBD của thuỷ quân lục chiến đáp xuống phi trường. Một chu vi phòng thủ vững chắc đã được thiết lập bao chung quanh phi đạo trên mặt trận 10 cây số. Bất chấp ánh mặt trời gay gắt, mưa rào, và muỗi, những con người ấy, những người đã cáu kỉnh biết bao khi phải khuân vác các thùng chứa quân dụng, đã hoàn tất trong vòng mười ngày một công việc mà trong những lúc khác phải đòi hỏi đến hai tháng…


Về phía quân Nhật, họ ra sức thắng quân Mỹ bằng tốc độ. Khinh thường một cách quá lố tầm quan trọng và nhất là giá trị các lực lượng của Vandegrift, tướng Hyakudate, tư lệnh lộ quân 17 tại Rabaul đã cho các hải vận hạm kiêm phóng ngư lôi đỉnh chở đến Guadalcanal bộ phận tiền phương của một lữ đoàn bộ binh. Một ngàn người đã đổ bộ lên đảo cách Henderson Field chừng 20 cây số về phía đông dưới quyền chỉ huy của đại tá Ichiki. Cuộc đổ bộ này được thực hiện ban đêm đã thoát khỏi tai mắt quân Mỹ, nhưng một toán tuần tiễu của Nhật lại bất cẩn tiến quá xa một cách lộ liễu. Ichiki quyết định tấn công ngay mà không chờ phần còn lại của lữ đoàn được đưa đến. Viên đại tá này vốn vừa từ các thuộc địa Hà lan tại Ấn Độ Dương đến, nơi ông từng biết các chiến thắng dễ dàng, tưởng tượng có thể đánh úp thuỷ quân lục chiến Mỹ trước khi họ kịp chạy vào chiến hào và đẩy họ ra biển chẳng khó khăn gì cả.


Ngày 21 tháng 8, lúc 3 giờ sáng, ông tung quân xung phong vào dải cát chắn ngang trước cửa sông Ilu mà thủy triều rút xuống đã để lộ lên khỏi mựt biển. Ba trăm bộ binh vừa gào thét vừa nhào vào các cứ điểm phòng thủ của Mỹ, vài người còn cắm cả lưỡi lê vào đầu súng. Nhưng lập tức bị phản công bởi vũ khí tự động và pháo binh nhẹ, họ bị giết tại chỗ hoặc phải rút lui. Một giờ sau, Ichiki tấn công trở lại, lần này dựa vào hoả lực yểm trợ của pháo binh. Một cuộc đấu sức cực kỳ dữ dội xảy ra trên cửa sông, nhưng các pháo đội của Mỹ đặt trên các đỉnh đồi san hô phía tây con sông đã cho quân Nhật vào tròng và chặn đứng đà tấn công. Lúc đó Vandegrift phái ba trong các đại đội ưu tú nhất của ông tiến quân về nam để đánh bọc hậu lực lượng của Ichiki trước khi trời tối, các đại đội này đã được rừng rậm che khuất. Đến 9 giờ sáng, họ vượt qua sông trên một chiếc cầu dã chiến. Lệnh xung phong toàn diện được ban hành lúc 14 giờ dưới sự che chở của các phi cơ khu trục vừa mới đến Henderson Field hôm trước. Quân Nhật bị bao vây và bị quấy rối khắp mọi phía, đã kháng cự cực kỳ hung dữ, chứng tỏ lần đầu tiên, sức chịu đựng phi thường mà họ có thể biểu lộ trong các trận đánh phòng thủ. Đến 17 giờ, Ichiki toan tính một nỗ lực cuối cùng để phá vỡ chiếc thòng lọng đang siết chặt chung quanh quân đoàn của mình. Vô ích. Vài binh sĩ thoát chạy được dọc theo bờ biển đều bị liên thanh của các phi cơ bay sát mặt đất bắn gục.


Khi các thuỷ quân lục chiến vượt qua các đống xác tiến vào doanh trại của Nhật, họ chỉ trông thấy còn có 130 người sống sót. Khi dở tấm ván che của một chiếc lều dã chiến dùng làm bộ chỉ huy lên, họ thấy một hình dáng màu trắng nằm sóng sượt trong một vũng máu. Đến phút chót, khoác chiếc Kimôn đại lễ vào người trên đó có ghim một mảnh giấy ghi lời xin lỗi Thiên hoàng, đại tá Ichiki đã dùng dao găm tự mổ bụng.


Thế là xong cuộc xung phong đầu tiên của quân Nhật vào Henderson Field chấm dứt. Chiến công này đã làm cho thuỷ quân lục chiến Mỹ say sưa đôi phần, nhưng Vandegrift biết rằng đấy chỉ mới là một cuộc chạm trán sơ sơ. Ông được tổng hành dinh của tướng Mac Arthur, nay được đặt tại Brisbane, tiên báo rằng phần còn lại của lữ đoàn do tướng Kamaguchi chỉ huy sắp sửa ra khơi dưới sự yểm trợ của một hải lực hùng mạnh.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 03 Tháng Giêng, 2010, 08:23:47 am
Anh hùng ca của thuỷ quân lục chiến

Các tin tức đáng lo ngại từ Melbourne chuyển đến cho Ghormley đã xuất phát từ một nguồn cung cấp vừa bất ngờ vừa phi chính thống, nguồn tin mà cho đến lúc ấy quân Mỹ chấp nhận với rất ít tin tưởng.


Các nhà chức trách của Liên hiệp Anh và chính phủ Úc đã mô phỏng theo kiểu cơ quan tình báo Anh, tổ chức một màng lưới nhân viên tình báo gọi là “coast watchers” (trinh sát viên duyên hải) trên các đảo thuộc quyền tại phía nam Thái Bình Dương. Các nhân viên này được tuyển mộ hoặc trong số công chức của cơ quan hành chính, hoặc trong số các chủ đồn điền sống trên các đảo từ lâu. Phần đông đấy là những người bạo gan, biết rất rõ rừng sâu và rất quen thuộc với phong tục tập quán của dân bản xứ mà họ có thể giao tiếp bằng thổ ngữ. Họ đã được huấn luyện từ thời bình về các sứ mạng tình báo và mỗi người có một máy phát tin xách tay giúp họ có thể liên lạc được với Melbourne. Khi quân Nhật đến chiếm đảo, họ rút lui vào rừng với các hướng đạo viên bản xứ. Trên các đảo như Tân Bretagne, họ vẫn ẩn trốn trong rừng nhờ sự thông đồng của dân bản xứ. Tại Bongainville, viên chức Read rút lên phía bắc đảo, trong khi phía nam, chủ đồn điền Paul Mason, một người nhỏ thó chừng 40 tuổi mà dưới một vẻ bề ngoài hiền lành nhu nhược, ẩn giấu cả một ý chí và một tinh thần táo bạo khó tin, thì canh chừng các eo biển cho đến đảo Shortland. Cả hai người này sẽ vẫn giữ vững cứ điểm của mình cho đến khi lãnh thổ họ được giải phóng, bất chấp các thử thách tàn bạo, mà không hề được tưởng thưởng, được thăng cấp gì cả, và trong gần một năm trời đã liên tục cung cấp nhiều tin tức vô giá.


Tại Tân Georgie, chính viên chức hành chính Tân Tây Lan, tên Đonal Kennedy phụ trách việc canh chừng địch. Sau vô số nghịch cảnh phải chịu đựng, ông đến ở trên bán đảo Ségi nằm về phía cực nam của đảo, tại đó ông sống trong một ngôi nhà xa hoa theo kiểu một nhân vật của Jack London. Không những chỉ thông báo cho Henderson Field các phi đoàn và hải lực địch đi qua, ông còn thu lượm các phi công bị bắn hạ và cùng với các cảm tử quân bản xứ luôn luôn làm cho các toán quân Nhật đi lùng kiếm phải chịu thất bại.


Vào cuối tháng 8, được ông báo cho biết rằng hải quân Nhật đang thể hiện một mức hoạt động không ngừng gia tăng giữa Rabaul và Shortland, Ghormley ra lệnh cho Fletcher nhổ neo với các mẫu hạm Enterprise và Saratoga được hộ tống bởi một thiết giáp hạm (đây là chiếc North Carolina vừa mới được tách khỏi hạm đội Đại Tây Dương để đến tăng cường cho hạm đội của Ghormley), bốn thiết dương hạm và mười khu trục hạm.


Về phía Nhật, Yamamoto phái Nagumo với các mẫu hạm Shokaku, Zuikaku và tiểu hạm Ryujo đến phía đông quần đảo Salomon để che chở tầm xa cuộc đổ bộ quân của tướng Kawaguchi.


Hai lực lượng hải quân Nhật, Mỹ gặp nhau ngày 24 tháng 8 trong các điều kiện gần tương tự với trường hợp xảy ra trong biển Corail. Các phi đoàn Mỹ bay đến chiếc tiểu mẫu hạm Tyujo đi đầu, trong khi đó phi cơ của chiếc Zuikaku tấn công chiếc Enterprise và chiếc thiết giáp hạm North Carolina. Nhiều trận không chiến cực kỳ dữ dội đã nối tiếp nhau không ngừng suốt buổi sáng mà không quyết định được kết quả cuộc chiến. Chiếc Enterprise bị trúng ba quả bom, tay lái bị hư Riêng chiếc Ryujo thì bị chìm ngay đợt tấn công đầu tiên.


Vào quá trưa, bầu trời phủ đầy mây và hai bên đối thủ tách rời nhau ra. Đến tối Fletcher quyết định dứt chiến và đưa chiến hạm của ông trở về Espiritu Santo.

Cuộc đụng độ không có kết quả rõ rệt này một lần nữa lại được hai bên coi là chiến thắng của mình. Có lẽ đó là một chiến thắng của Mỹ thật nếu như chiếc Saratoga lại không bị trúng thuỷ lôi của một tàu ngầm Nhật khiến bị hư hại nặng trên đường về. Các cuộc giao đấu ấy gia dĩ lại không có ảnh hưởng gì đến tình hình tại Guadalcanal. Chúng không ngăn cản được lữ đoàn bộ binh của Kawaguchi đổ bộ trong đêm tối về phía đông nhờ các khu trục hạm đi đi lại lại.


Lần này Vandegrift bị đe doạ bởi một lực lượng quan trọng khác hẳn với đoàn quân của Ichiki: hơn bảy ngàn người nay đã có mặt trên đảo và đang chuẩn bị một cuộc xung phong mới.

Trong thời gian hai tuần lễ tiếp theo, hai bên đối thủ phân phối lực lượng, dự liệu cho cuộc chiến đấu. Vandegrift nhận thêm được hai trung đoàn tăng viện của sư đoàn 2 thuỷ quân lục chiến đang được thành lập và Kawaguchi tiếp đón các binh sĩ tiên phong của công binh và đã cực nhọc vạch được một con đường mòn khá rộng trong rừng rậm giúp bọc vòng chu vi phòng thủ của Mỹ về phía nam và nối tiếp được với các thuỷ quân lục chiến Nhật đang đóng tại phía tây sông Lunga từ đầu cuộc chiến.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 03 Tháng Giêng, 2010, 08:25:15 am
Ngày 12 tháng 9, ngay giữa đêm tối, tiếng súng vang động như sấm và ánh hoả châu đã đánh dấu phút khởi đầu của cuộc tấn công. Một giờ trước đó, áp dụng một phương pháp mà sau đó sẽ được hoàn thiện mỹ mãn, Kawaguchi đã biệt phái các toán “đánh trộm” chỉ võ trang bằng kiếm, xâm nhập vào phòng tuyến sau khi cắt cổ lính gác mà họ không kịp kêu một tiếng nào. Ngay từ khi bắt đầu hành động, nhiều kẽ hở thật sâu bị mở toang trên sườn phía nam của chu vi phòng thủ. Nhiều trận đụng độ khốc liệt đã xảy ra suốt đêm và, khi bình minh vừa ló dạng, hàng trăm oanh tạc cơ Nhật bay đến hết đợt này đến đợt khác dưới sự yểm trợ của vài khu trục cơ. Một cuộc trình diễn bi thảm bên trên các chiến binh, trong một bầu trời tối sẫm vì tiếng nổ và khói từ các phi cơ bị bắn hạ. Sau hai ngày đụng độ ác liệt, các tiểu đoàn của Kawaguchi đã bắt buộc quân Mỹ lùi lại một cây số trên cạnh sườn một đỉnh núi san hô tơi tả, song song với dòng sông Lunga, được quân Mỹ đặt cho tên “Bloody Ridge” (Đỉnh đồi máu). Nhiều cuộc xâm nhập đã xảy ra và bộ chỉ huy của Vandegrift suýt bị tiêu diệt… Kiệt sức vì ba mươi sáu giờ chiến đấu liên tục trong không khí nóng bức ngột ngạt của rừng già, thuỷ quân lục chiến Mỹ sắp sửa buông xuôi. Nhưng thái độ anh hùng của các sĩ quan và sự hiện diện liên tục của ông tướng tư lệnh tại điểm bị tấn công mạnh nhất đã nâng đỡ được tinh thần dũng cảm của binh sĩ. Về phía quân Nhật, họ bị những tổn thất kinh khủng. Thấy lực lượng của mình giảm dần, Kawaguchi từ bỏ việc theo đuổi cuộc tấn công và ra lệnh rút lui toàn diện.


Trong tâm trí ông, đấy chỉ là một cuộc rút lui chiến lược. Trận đánh này đã cung ứng cho ông các bài học mà ông tìm kiếm. Ông đã hoàn thiện chiến thuật chiến đấu trong rừng rậm và đối với ông, chắc chắn ông sẽ chiến thắng ngay khi nhận được vài tiểu đoàn hiện đang bị thiếu hụt.


Rủi thay cho ông ta, Turner, nhờ các mối giao thiệp cao cấp mà ông còn giữ được với Ngũ giác đài, đã nhận được trong thời gian ấy tăng viện về vũ khí, phi cơ và người. Ngày 18 tháng 9, một đoàn công voa đầu tiên với sáu hải vận hạm-trong đó có chiếc Mac Cawley táo bạo đổ bộ 4.000 người và 147 xe thiết giáp trên bờ biển Lunga dưới sự che chở của khu trục cơ và oanh tạc cơ đâm bổ. Thành công của chiến dịch sẽ toàn vẹn nếu chiếc mẫu hạm Wasp, mà Fletcher phái đến để tung các phi cơ lên trên Henderson Field, lúc quay về không bị rơi vào ổ phục kích của tàu ngầm Nhật, và bị thuỷ lôi của chúng đánh chìm.


Bất chấp vụ què quặt mới xảy đến cho hạm đội che chở ấy, Turner tiếp tục một cách can đảm các chuyến đi về tiếp tế và đổ thêm lên bãi biển vài tiểu đoàn nữa.

Vững mạnh nhờ ưư thế về số lượng, Vandegrift quyết định tấn công bãi biển đổ bộ của Nhật tại phía tây sông Lunga. Ông đã thất bại. Địa thế rất khó khăn. Hàng trăm thuỷ quân lục chiến suýt bị bao vây gữa hai con sông. Cuộc tấn công bị huỷ bỏ ngay cả trước khi bắt đầu.


Kết quả của cuộc điều quân này là đưa quân Nhật lên đóng trên núi Austen, một ngọn đồi cao chung quanh bao phủ bởi một khu rừng già nổi danh là không thể xuyên qua được, từ đó họ chế ngự được vòng đai phòng thủ và có thể quan sát được tất cả hoạt động của Henderson Field.


Đến đầu tháng 10 năm 1942, đội quân trú phòng của Vandegrift đã được nâng lên đến 19.500 người, quân số của Kawaguchi chỉ mới được là 12.000 người, nhưng các vị trí của ông thì không thể nào bị chiếm được và tạo thành các cc xuất phát tuyệt diệu. Ngoài ra, gần như hàng đêm ông nhận được tiếp viện nhờ các đoàn công voa nhỏ gồm có các khu trục hạm chuyển vận mà quân Mỹ đặt cho cái tên là “chuyến tốc hành Đông Kinh”.


Từ đó, trận đánh tại Henderson Field mang một hình thái khác. Tất cả mọi hoạt động của hải quân và không quân đều được tập trung vào phi trường này làm như nó là trung tâm điểm của trái đất. Một cuộc chạy đua bằng tốc độ được tung ra cho bên nào đến trước đổ được nhiều quân và chiến cụ nhiều nhất. Trong các trận đánh kéo dài bất tận đó, cả hai đối thủ đều sẽ chứng tỏ cùng can đảm như nhau cùng lì lợm như nhau và-cần phải nói điều này-cùng thiếu óc tưởng tượng như nhau. Thay vì tử tìm cách khác-chẳng hạn như xây dựng một phi trường cạnh đó-họ bám cứng ngắt ở đó như các con cừu đực húc đầ gài sừng vào nhau và không thể nào tách rời nhau ra được nữa…


Đến giữa tháng 10, rốt cuộc hiểu rằng họ sẽ không bao giờ thắng được nếu chính họ không mang đến đại pháo và thiết giáp, quân Nhật quyết định phá huỷ các kho dự trữ xăng và các cơ sở tại Henderson Field bằng các cuộc hải pháo. Một lực lượng đặc nhiệm Nhật gồm nhiều thiết dương hạm và hai thiết giáp hạm được tập họp tại Shortland.


Được Mason đảm lược báo trước, ông ta vẫn luôn luôn canh chừng địch bất chấp các thử thách Ghormley cũng vậy, phái các thiết dương hạm của mình đến xung quanh đảo Savo để chặn ngang eo biển. Nhiều cuộc đụng độ rối loạn xảy ra trong đêm tối trước mũi Espérance, nhưng chúng không ngăn cản được quân Nhật cày nát Henderson Field bằng các cuộc hải pháo vĩ đại từ các thiết dương hạm và thiết giáp hạm.


Các cuộc pháo kích này đã đạt đến mức tột đỉnh trong đêm 15 rạng 16 tháng 10 năm 1942. Ánh mặt trời lên cao chiếu sáng một quang cảnh lăng nhục nhất. Những thuỷ quân lục chiến còn đang ngô ngô thất thểu vì những tiếng nổ của đạn pháo từ các chiến hạm và của những phuy xăng, khi bước ra khỏi hầm trú ẩn liền thấy bốn hạơc năm tàu chở hàng của Nhật đổ quân lên bãi như trong một cuộc thực tập. Không một khu trục cơ nào của Mỹ còn sót lại sau cuộc tận diệt có thể cất cánh, và viên sĩ quan chỉ huy trưởng căn cứ hò hét ầm ĩ: “Trời ơi! Các anh hãy đi tìm xăng đi, và lẹ lên!”. Các binh sĩ phân tán khắp phi trường và chạy hụt hơi tìm kiếm các thùng xăng dự trữ được che giấu. họ tìm được vài thùng, rồi chuyển bằng ống cao su vào bình chứa của các pháo đài bay B-17 vừa từ Úc đến, tất cả đều ít nhiều bị hư hại vì cuộc hải pháo. Một giờ sau, các khu trục cơ đầu tiên cất cánh để che chờ cho các phi cơ vận tải chờ xăng được Turner hấp tấp phái đến. Buổi tối, một tàu ngầm đem đến thêm 30 tấn nữa. Nhờ đó Henderson Field lại được diên trì thêm một lần nữa, nhưng chưa bao giờ các quân nhân phòng thủ lại cảm thấy khốn khổ đến như thế.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 03 Tháng Giêng, 2010, 08:26:00 am
Cùng ngày hôm đó, Đô đốc Nimitz, vốn cam tâm chịu đựng thái độ dửng dưng của Bộ Quốc phòng từ trước đến nay, đã tóm tắt tình hình trong mấy dòng sau: “Đã có chứng cớ cho thấy chúng ta không có khả năng kiểm soát hải phận trong khu vực Guadalcanal nữa. Vì vậy chúng ta không thể tiếp tục tiếp tế cho các cứ điểm bạn với giá những hy sinh quá lớn lao tình hình không đến nỗi tuyệt vọng, nhưng đã quá đỗi hiểm nguy”.


Sự lượng giá rất đụng chạm này vốn của một người luôn luôn mềm dẻo như ông đã đem lại kết quả mong muốn. Đô đốc King, mặc dầu bị thu hút hoàn toàn vào mối ưu tư dành cho các đoàn công voa lớn lao tiến tới Bắc Phi vừa nhổ neo ra khơi, đã thông báo kịp thời cho Roosevelt. Tổng thống Mỹ lập tức gửi một điệp văn đầy đe doạ cho các thành viên uỷ ban tham mưu hỗn hợp đồng minh, truyền lệnh “tăng viện cho Guadalcanal, và làm mau…”.


Một loạt các biện pháp mạnh mẽ được áp dụng mà biện pháp đầu tiên-và chắc chắn là biện pháp ít thích nghi nhất là-một sự xáo trộn toàn diện bộ chỉ huy cao cấp. Đô đốc Halsey, với sức khoẻ đã khả quan, đến thay Ghormley. Đô đốc Kinkaid đến thế chỗ nhân vật đảm lược Fletcher người bị trách cứ là đã rút lui các mẫu hạm quá sớm trong đêm 8 tháng 8. Quả thật là một vụ thay đổi xà ích ngay khúc sông cạn…


Nhiều biện pháp khác tiếp tục được áp dụng mang lại cho các chiến sĩ bảo vệ Henderson Field một sự tiếp cứu rõ rệt hơn. Một thiết giáp hạm mới 35.000 tấn, chiếc South Dakota vừa mới được trang bị một rừng cao xạ DCA, 6 tuần dương hạm, 90 oanh tạc cơ đâm bổ, 75 khu trục cơ của lục quân, 2 phi đoàn B-17, 24 tiềm thuỷ đỉnh, và một hải đoàn khinh tốc đỉnh, đấy là món quà mừng lên chức của vị tư lệnh mới.
Vì bếit rằng sự bổ nhiệm vừa qua bắt nguồn ở danh tiếng hiếu chiến của ông, Halsey lập tức ra lệnh cho tất cả chiến hạm dưới quyền nhổ neo ra khơi.


Về phía Nhật, Bộ tư lệnh cũng chịu đựng các thay đổi tương tự. Kawaguchi bị đặt dưới quyền Đại tướng Maruyama vừa đến cùng với quân tăng viện và Đô đốc Kondo, mặc dầu liên tục chiến đấu ngay từ đầu, đã thay thế Nagumo chỉ huy hạm đội hàng không mẫu hạm. Trong lúc Maruyama tung ra một đợt tấn công mới và cày nát Henderson Field từ trên cao đỉnh Austen, Lực lượng Đặc nhiệm của Kondo chạy xuống nam dọc theo phía đông quần đảo Salômn hy vọg gặp hạm đội Mỹ, mà theo các tin tức ông có được, thì chỉ còn lại có một mẫu hạm.


Ít ra cùng là trên điểm này, dự đoán của ông quá lạc quan. Ngoài mẫu hạm Hornet, Halsey còn có chiếc Enterprise vừa được sửa chữa vội vàng, đã trở lại chiến tranh chiến đấu. Hai thiết giáp hạm, hai tuần dương hạm nặng và ba tuần dương hạm phòng không bổ huyết cho Lực lượng Đặc nhiệm của Hoa Kỳ như thế là được trang bị một hoả lực phòng không tập trung mạnh mẽ cho đến lúc ấy chưa bao giờ được thực hiện.


Bình minh ngày 26 tháng 10 năm 1942, trong lúc mẫu hạm Enterprise và Hornet tiến ngược lên theo phía đông quần đảo Salomon đến ngang đảo Guadalcanal, một PB-Y Catalian báo hiệu thấy hạm đội địch. Bất chấp lực lượng chênh lệch, ông Tư lệnh hăng hái Halsey tung ra một hiệu lệnh rất đúng kiểu của ông: “Tấn công! Tấn công! Tôi lặp lại: Tấn công!”. Mẫu hạm Enterprise vốn đã phóng lên một phi đoàn oanh tạc cơ tuần tiễu, liền chuyển cho nó mệnh lệnh tấn công này. Thấy chiếc tiểu mẫu hạm Zuiho đi đầu Lực lượng Đặc nhiệm Nhật, các oanh tạc cơ đâm bổ nhào vào và đánh chìm nó trong vài phút. Nhưng các phi đoàn của mẫu hạm Zuikaku và Shokaku đã lên đường. Chúng gặp các phi cơ của mẫu hạm Enterprise, và các khu trục cơ Zéro, ẩn nấp trong mây, đâm bổ từ 7000 thước xuống để tiêu diệt địch. Một nửa tổng số oanh tạc cơ Mỹ bị hạ. Những chiếc khác theo đuổi cuộc tấn công và đánh trúng chiếc Shokaku rồi tiếp đến lại các phi đoàn của chiếc Hornet bay đến oanh tạc.


Trong thời gian đó các phi đoàn Nhật vượt qua mẫu hạm Enterprise vốn được một cơn mưa rào nhiệt đới thiên nhiên che chở. Thấy chiếc Hornet chúng đổ dòn đến tấn công bất chấp hàng rào phòng không kín mít của các giàn cao xạ trên những tuần dương hạm. Viên phi công một oanh tạc cơ bị bốc cháy điều khiển để phi cơ đâm vào sàn tàu mẫu hạm, trong lúc đó phi công một phi cơ phóng thuỷ lôi tấn công hụt, tự ý đâm sầm phi cơ xuống phi đạo của mẫu hạm, thế là họ đã khai mào cho chiến thuật tự sát ghê rợn, mà hai năm sau sẽ được tổng quá hoá một cách bi thảm. Bị cháy từ trước ra sau và không thể nào điều khiển được nữa, chiếc mẫu hạm đáng thương biến thành tấm bia cho các đợt phi cơ tiếp nối nhau và sau cùng bị thuỷ thủ đoàn bỏ lại. Sau đó ít lúc, nó chìm luôn. Đến lượt mẫu hạm Enterprise bị tấn công, nó nhận lãnh hai quả bom, mà một quả trúng thang máy nâng phi cơ và chỉ nhờ vào hoả lực của chiếc thiết giáp hạm South Dakota mới thoát khỏi tay những phi cơ tấn công.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 03 Tháng Giêng, 2010, 08:29:59 am
Về phía Nhật, Kondo cũng chịu đựng nhiều tổn thất. Mẫu hạm Shokaku lại bị trúng bom nữa và chiếc Ruyho bị đánh chìm và mang theo chừng 30 phi cơ cùng chừng ấy phi công. Khi được báo cáo là chiếc Hornet và chiếc Enterprise “bốc cháy”, vị tư lệnh hạm đội Nhật quyết định không theo đuổi cuộc tấn công nữa. Đến 11 giờ sáng ngày một bản tin chiến thắng quá lạc quan của tướng Maruyama lại khiến ông nghĩ rằng việc chiếm Henderson Field chỉ còn là vấn đề thời gian. Ông liền tập họp hạm đội và trở về Rabaul tin rằng đã mang về một đại chiến công.


Đấy là một chiến thắng theo kiểu Pyrrhus. Quân Nhật mất 100 phi cơ và 80 phi công phần đông không thể thay thế được vì họ là nhóm ưu tú nhất của không lực thuộc hải quân Nhâậ. Tình hình bên phía Mỹ cũng trầm trọng như thế. Ngoài việc mất chiếc Hornet và 75 phi cơ, những hư hỏng xảy đến cho chiếc Enterprise sắp khiến cho hạm đội của Halsey không còn lại hàng không mẫu hạm nào đúng vào lúc các đơn vị phòng thủ Henderson Field phải chịu đựng cuộc tấn công quy mô nhất trong trận chiến.


Trong tình trạng không thể cung ứng cho Turner sự che chở bằng không quân cần thiết để thực hiện cuộc đổ bộ các lực lượng tăng viện và tiếp tế cho Guadalcanal vào ban ngày, Halsey ra lệnh cho ông phái các hải vận hạm đến ban đêm trước Lunga theo kiểu “chuyến tốc hành Đông Kinh”.


Không muốn tái diễn kinh nghiệm đáng buồn đêm 9 tháng 8 tại đảo Savo, Turner điều nghiên thật kỹ các biện pháp phải làm trước khi bắt đầu công tác nguy hiểm này. Trong tám ngày liền, ông phái các phi cơ B.17 và B25 từ Espiritu Santo đến oanh tạc các vị trí Nhật để tiêu diệt các ổ súng phòng thủ bãi biển và cho tập họp tất cả tuần dương và khu trục hạm để chặn ngang eo biển trong khi có cuộc đổ bộ. Ông còn yêu cầu cả Halsey cho biệt phái khi cần hai thiết giáp hạm thuộc quyền, chiếc South Dakât và chiếc Washington vừa mới đến. Ý tưởng sử dụng các đại chiến hạm như thế này rất cách mạng, được Halsey chấp thuận trên nguyên tắc.


Kể từ 11 tháng 11 năm 1942, các hải vận hạm của Turner gần như đi lại hàng đêm và một thứ trò chơi cút bắt kỳ lạ đã xảy ra giữa các tuần dương hạm Mỹ đảm bảo sự che chở chung quanh đảo Savo và các tuần dương hạm cùng khu trục hạm của “chuyến tốc hành Đông Kinh” tìm cách vượt qua eo biển. Khi các cuộc đụng độ xảy ra, thường thường chính quân Nhật nắm thế chủ động bởi vì, mặc dầu có ưu thế lớn lao nhờ vài giàn rada tinh xảo mà quân Mỹ có trong tay, tình trạng thiếu huấn luyện cho các chuyên viên chưa cho phép quân Mỹ vượt trội hơn các trinh sát viên đêm của Nhật vốn có khả năng phi thường. Các chiến hạm Mỹ thường bị bất ngờ vì ánh lửa léo lên đột ngột do tiếng nổ của một thuỷ lôi Nhật và tiếp theo đó những ánh chớp rung chuyển của tiếng đại bác. Nhờ có số đông, chiến hạm Mỹ trả đũa bằng một màn hoả lực thường không chính xác nhưng cũng đủ nguy hiểm chết người khiến phải e dè. Cuộc mạo hiểm kết thúc bằng các trận đánh đối phương cận chiến tương tự lạ lùng với những trận chiến tại Lépante năm 1571. Điểm khác biệt duy nhất là chúng chỉ kéo dài có 30 hoặc 40 phút thay vì suốt ngày, nhưng cũng giống như tại Lépante, các bên đối thủ tản mác đi nơi khác mà không biết ai là kẻ thắng trận.


Cuộc đụng độ bi tráng sau cùng thuộc loại này đã xảy ra đêm 14 rạng ngày 15 tháng 11 năm 1943 tại eo biển rất xấu giữa Savo và mũi Espérance. Hai đối thủ đã tung ra tất cả các lực lượng cơ hữu. Phía nhật thì thiết giáp hạm Kirishima, ba tuần dương và mười khu trục của Đô đốc Kondo, bên phía Mỹ thì hai thiết giáp hạm Washington và South Dakota do bốn khu trục hạm hộ tống - tất cả các tuần dương hạm của Mỹ đều bị đánh đắm hay bị hư hại nặng trong những lần đụng độ trước. Trận chiến khởi đầu rất tệ cho bên Mỹ vì vài khu trục hạm hộ tống đã bị áp đảo bởi ưu thế tuyệt đối về kỹ thuật cũng như về số lượng của khu trục hạm Nhật. Ngoài ra rủi ro còn muốn cho chiếc South Dakota bị hỏng điện nên không thể bắn được. Chính Đô đốc Lee, trên thiết giáp hạm Washington, là người đã cứu vãn tình thế. Vừa cho chiến hạm chạy lên ngang chỗ các khu trục hạm bị tàn sát và vừa ném bè cấp cứu xuống cho các thuỷ thủ đoàn đang vùng vẫy trong mặt nước đầy dầu cặn, ông khám phá qua máy rada các tuần dương hạm của Kondo và chiếc thiết giáp hạm Kirishima đang nhào đến Lunga để tiêu diệt phi trường Henderson Field. Biết rằng không bị địch trông thấy, ông để cho họ tiến đến gần còn 8.000 thước và, đúng 12 giờ đêm, ông ra lệnh khai hoả. 75 đạn pháo 480 ly, chỉ trong vài phút, rơi xuống thiết giáp hạm Nhật khiến nó biến ngay thành một xác tàu cháy đỏ rực, trong khi Đô đốc Kondo và các tuần dương hạm của ông phải mở hết tốc lực rút lui. Yamamoto không bao giờ tha thứ hành động chạy trốn này, và mặc dầu có một quá khứ sáng chói, ông ta cũng bị Yamamoto tước quyền tư lệnh ngay.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 03 Tháng Giêng, 2010, 08:30:47 am
Trong khi xảy ra các trận hải chiến ác liệt này, lực lượng thuỷ quân lục chiến của Vandegrift đã được tăng viện gần như toàn diện sư đoàn 2 và một sư đoàn bộ binh được thành lập vội vàng tại Tân-Calédonie và mang một danh xưng rất mỹ lệ: Americal Division (American Caledoian Division). Vandegrift đã mở lại cuộc tấn công dọc theo bờ biển hướng về con sông Manitaku và sắp vượt qua. Quân Nhật mưu toan thực hiện một cuộc đổ bộ lên phía đông của chu vi phòng thủ nơi mà Yamamoto ra lệnh phải lập một phi trường khác, nhưng họ đã bị thất bại đổ máu. Tiếp theo cuộc hành quân đắt giá này, quân Nhật tập trung về phía bắc và phía tây chu vi phòng thủ Mỹ, nơi đây họ còn có thể bám chắt ven biên nhờ cứ điểm kinh khủng trên đồi Austen.


Tình trạng mất quân bình lực lượng ngày càng gia tăng. Bị báo động vì các tổn thất về chiến thuyền và nhất là phi cơ, Yamamoto đề nghị với Tojo bỏ Guadalcanal. Vừa mới từ bỏ kế hoạch đẩy Mac Arthur ra khỏi Tân-Guinée, để có thể tăng viện cho Guadalcanal quân đoàn của Maruyama, Tojo từ chối cuộc rút lui nhục nhã ấy.

Yamamoto phải nhượng bộ, nhưng dường như, ngay từ lúc ấy, ông đã coi như canh bài đã bị thua, vì không bao gìơ ông còn tái diễn một cuộc hành quân qui mô nào để đánh Henderson Field nữa. “Chuyến tốc hành Đông Kinh” chót có tầm khá quan trọng đã vượt qua các eo biển ngày 30 tháng 11 trong một đêm trời tối đen như mực. Điểm đổ bộ được dự liệu là một bãi cát gần một vùng biển nhỏ đầy đá gọi là Tassafaronga. Đoàn công voa gồm có tám khu trục hạm không có tuần dương hạm nào hộ tống. Mặc dầu các cầu tàu chật ních quân lính, phuy xăng và thùng lương thực đạn dược tiếp liệu, các chiến hạm nhỏ này đã thực hiện một thành tích đẹp đẽ nhất trong cuộc chiến bằng cách phóng thuỷ lôi vào bốn tuần dương hạm Mỹ đến chặn đầu chúng. Một trong các tuần dương hạm bị đánh chìm, và ba chiếc khác bị hư hại nặng nề đến nỗi phải trở về Mỹ. Hành động sáng chói này nếu đã có thể giúp mang lại đôi chút thoải mái cho các đoàn quân Nhật Bản mệt nhoài và thiếu ăn, thì cũng là một hành động vô vọng chót.


Từ đầu tháng 12 năm 1942, quân số của Mỹ trên đảo gia tăng đến 40.000 người; quân số của Nhật rớt xuống còn 25.000 trong tình trạng thể chất và tinh thần tệ hại. Đây là lúc thích nghi nhất để cho di tản Sư đoàn 1 thuỷ quân lục chiến vốn phải chịu dựng trong năm tháng liền những trận đánh hàng ngày trong các điều kiện vô nhân đạo. Những trường hợp mắc bệnh sốt rét, kiết lỵ và suy nhược thần kinh đã vọt tăng nguy hiểm. Đã đến lúc phải cho đơn vị vinh quang này nghỉ ngơi.


Ngày 9 tháng 12, tướng Vandegrift bàn giao quyền chỉ huy lại cho tướng Patch, tư lệnh Sư đoàn Americal, và vĩnh viễn rời luôn Guadalcanal cùng với các bộ phận còn lại của Sư đoàn ông. Những người mới đến, hầu hết đều thuộc Lục quân, phải mất ít lâu mới làm quen được với rừng già Guadalcanal và khí hậu ghê rợn tại đấy. Cho đến cuối năm ấy, hai bên đối phương án binh chờ đợi, quân Nhật đành phải tiếp tế tằng tiện cho binh sĩ của họ bằng cách phái các tàu ngầm ban đêm chở đến một số thực phẩm, phuy xăng, phần quân Mỹ thì ngày nào cũng gửi dương vận hạm đến, dưới sự che chở của một lực lượng không quân khổng lồ.


Trong tháng giêng năm 1943, cuộc tấn công đầu tiên vào cứ điểm đồi Austen đã chạm phải một hệ thống phòng thủ không thể vượt qua được. Không dám tiến quân trước khi vô hiệu hoá cứ điểm ấy, Patch chờ được tăng viện thêm người và vật liệu để bao vây ngọn đồi, do đó mặt trận trở nên ổn định.


Về phía Halsey, ông đã rút ra bài học nhân các sự thất bại vừa qua. Nimitz, đã theo ý kiến của ông, viết một phúc trình cho rằng nguyên nhân của các thất bại ấy là sự huấn luyện đáng phàn nàn của các tuần dương hạm và khu trục hạm theo chiều hướng chỉ biết có sứ mạng hộ tống khiến cho chúng mất hết các ý tưởng tấn công. Sự ổn định tình hình tại Guadalcanal và sự biến dần các “chuyến tốc hành Đông Kinh” dường như cho thấy một chiều hướng mới trong chiến lược của Nhật, Halsey liền gọi các chiến hạm trở về phía nam để tập họp lại và huấn luyện chúng.


Trong hai tuần đầu của tháng giêng, cuộc tấn công lên đồi Austen bị hoãn lại ngày này đến ngày khác vì lý do thiếu hụt chiến xa nhẹ và tình trạng bi đát của các phi đạo bị các con sông đầy bùn lầy cản trở. Tuy vâth ngày 18 tháng giêng, ba chiến xa nhẹ cũng tấn công lên sườn phía tây. Hai chiếc bị sa lầy nhưng chiếc thứ ba bò lên được đến đỉnh. Trong khi nó pháo và phía sau pháo đài Gifu, nơi dường như còn các binh sĩ khoẻ mạnh cuối cùng của Nhật rút vào ẩn nấp, các thông dịch viên Mỹ dùng loa phóng thanh thúc giục họ đầu hàng. Lời kêu gọi chẳng có kết quả gì. Một vài tù binh bị bắt khi được thẩm vấn đã cho rằng một số binh sĩ không mong gì hơn là được đầu hàng, nhưng họ sợ các sĩ quan và cũng chẳng còn sức đâu mà đi tới được nữa…


Nhiều chiến xa đã tiếp nối được chiếc đầu tiên chạy đến tận pháo đài Gifu, sau hai ngày oanh tạc dữ dội, Patch ra lệnh thử tấn công. Một chiến xa chọc thủng được phòng tuyến và một cuộc cận chiến hung tàn xảy ra sau nó, trong hệ thống mê cung gồm hang hốc và các hầm trú ẩn che đậy bằng các thân cây. Đến 2 giờ sáng đêm 22 rạng 23 tháng giêng, chừng 100 binh sĩ Nhật nhảy ra khỏi chỗ ẩn nấp theo lệnh của thiếu tá Inagaki, chỉ huy trưởng cứ điểm, vừa ném lựu đạn vừa nổ súng tự động. Tất cả toán quân đều bị đốn ngã mau lẹ. Khi trời sáng, 85 xác chết nằm sóng sượt trước các hầm ẩn nấp trong đó hai đại đội bộ binh Mỹ rút vào để đẩy lùi cuộc phản công tự sát này. Trong số xác chết có Inagaki, một tiểu đoàn trưởng khác, tám đại uý và mười lăm trung uý. Khi tiến vào pháo đài, quân Mỹ chỉ tìm thấy những sinh vật ngơ ngẩn hình dáng chỉ còn lại bộ xương và những thương binh đang hấp hối.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 03 Tháng Giêng, 2010, 08:31:47 am
Vừa được báo tin, lập tức Patch cho tiến quân qua phía tây trên một mặt trận rộng lớn. Cuộc tiến quân qua các bờ sông dựng đứng giúp cho quân Nhạt tung ra nhiều trận đánh trì hoãn. Từ ngày 26 tháng giêng cho đến ngày 6 tháng 2 năm 1943, quân Mỹ tiến được mười lăm cây số, lần lượt vượt qua các bãi biển đầy xác tàu được dùng để đổ quân và vật liệu từ các “chuyến tốc hành Đông Kinh”. Địch quân vừa đánh vừa rút lui, nhưng càng lúc họ phải bọ lại càng nhiều xe cộ và trọng pháo.


Tại Henderson Field, mỗi ngày nghe tiếng súng rời xa hơn, bộ tham mưu của Patch bắt đầu tiếp đón các cuộc viếng thăm. Sau Đonal Kennedy, Halsey đã đến. Rồi do sự thiếu kín đáo, một đài phát thanh đã loan khắp căn cứ một sửng sốt: không những các Đô đốc Nitmitz và King được loan báo, mà cả Bộ trươởn Hải quân, Frank Knox cũng đã rời Washington đáp máy bay đến viếng thăm Guadalcanal! Rõ ràng là các nhân vật ấy muốn chứng kiến tận mắt chiến trường của các trận đánh đã từng gây cho họ biết bao lo âu đó. Họ cũng muốn thảo luận tại chỗ các bài học rút ra được từ trận chiến đắt giá này và để biết trong điều kiện nào có thể bắt đầu trận kế tiếp. Có lẽ họ cũng hy vọng chứng kiến cuộc bao vây và cuộc đầu hàng quân Nhật. Về điểm này, họ bị thất vọng. Cuộc tiến quân của Mỹ diễn tiến rất chậm chạp và tiếng súng như sấm động liên tục vẫn rung chuyển ngày đêm.


Bình minh ngày 8 tháng 2, cường độ tác xạ pháo binh đột nhiên gia tăng. Tại nhiều nơi, địch quân tung ra nhiều cuộc phản công ác liệt đánh bất ngờ vào đạo quân của Patch. Đến tối, quân Mỹ vấp phải một hàng rào chống cự tàn khốc với nhiều cuộc cận chiến tương tự như trường hợp tại pháo đài Gifu. Rồi đến nửa đêm, trật tự lại được ổn định. Lúc trời sáng, một không khí bình an kỳ dị đột nhiên nối tiếp những tràng súng đạn liên miên mà từ sáu tháng nay vẫn chám phá các đêm thức trắng canh phòng của đạo quân tại phi trường Henderson. Binh sĩ vốn quen với tiếng động, nhảy ra khỏi hố cá nhân với một cảm tưởng khó chịu như bị bệnh. Mặt trời lên cao trên một cảnh rừng già bình yên, đang còn ngái ngủ trong sương sớm.


Trên đảo không còn bóng dáng một quân sĩ Nhật nào nữa. Họ hoàn toàn biến mất như có phép lạ… “Chuyến tốc hành Đông Kinh” cuối cùng đã cặp vào làng Visale nay tại chỗ đức cha Aubin tiếp những người Nhật đầu tiên cách sáu tháng trước. Các hạm trưởng khu trục hạm Nhật đã thành công phi thường trong việc cặp tàu vào hải cảng tí hon, đưa lên tàu gần 10.000 người và ra đi trước khi trời sáng mà không hề làm cho quân Mỹ chú ý.


Các tiền thám viên đầu tiên đến Visale trông thấy các kiến trúc của phái bộ truyền giáo bị cướp phá. Dân bản xứ chạy trốn vào rừng đã trở về từng nhóm nhỏ. Nhờ đó, quân Mỹ mới biết được rằng tất cả các tu sĩ đều rút lui được vào rừng sâu do các hướng đạo viên của các Coast Watchers hướng dẫn, ngoại trừ hai linh mục và một nữ tu sĩ bị bắn bỏ.


Các sử gia Hoa Kỳ kể lại rằng những binh sĩ Nhật Bản kiêu dũng vốn đã đương đầu với một chống mười trước cuộc tiến quân của Patch được tiếp đón rất tệ bạc tại Rabaul, vì bị sa thải hết tại chỗ, “để tránh cho họ mối nhục phải trở về nước trong tư thế những người bại trận”. Điều này khá đúng sự thật, vì sau những khổ đau mà họ phải chịu đựng, họ không còn có ích nữa và vì bộ tư lệnh Nhật muốn dấu công luận tin tức về cuộc thối lui nhục nhã này.


Ta có thể tìm thấy trong các xứ khác nhiều tấm gương vô ơn bạc nghĩa cũng khó chịu như vậy. Chỉ nói đến Mỹ thôi, cũng không ai ngạc nhiên khi biết không có một vị Đô đốc nào tham dự ngay từ đầu “cuộc mạo hiểm ghê rợn ấy lại được tưởng thưởng xứng với công lao của họ. Sau khi bị tước quyền tư lệnh chỉ vì quá thận trọng, Fletcher chìm trong bóng tối cho đến khi hết chiến tranh, và Ghirmley thì không được giữ một chức vụ quan trọng nào khác. Khi cơn nguy hiểm vừa qua, ai cũng quên ngày những trách nhiệm ngàn cân từ rất lâu đè nặgn trên vai những người phòng vệ pháo đài cuối cùng.


Chính ngay cả Vandegrift cũng vậy, mặc dầu được thăng lên trung tướng và được huy chương phủ đầy ngực, cũng không được sự tôn kính long trọng như ông xứng đáng được hưởng. Có lẽ người ta đã xét đoán rằng ông ta có đôi phần lăng nhục khi thú nhận rằng, nếu không có nhiệt tâm bất khuất của một ông thiếu tướng và một nhóm nhỏ thuỷ quân lục chiến, thì chiến thắng đã lọt vào tay quân địch từ lâu.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:30:08 am
Cuộc phản công

Thanh toán Yamamoto

Ngay khi sự kháng cự của Nhật tại Guadalcanal sụp đổ, Mac Arthur cũng đã gửi đi bản tin về chiến thắng đầu tiên của ông: sau sáu tháng nỗ lực ông đã đuổi được quân Nhật ra khỏi hai cứ điểm tiền phương Gona và Buna nằm về phía cực nam của Tân-Guinée. Chiến công này rất xứng đáng bởi vì về phía đất liền, quân Nhật được che chở bởi một vùng rừng rậm cũng đáng sợ như tại Guadalcanal, và các sư đoàn Mỹ-Úc, vì không thể trông cậy vào sự yểm trợ nào của Hải quân chỉ có thể tiến quân nhờ các đợt thả quân dù tăng viện.


Hãnh diện với thành quả này, Mac Arthur trơ lại làm áp lực để đòi hỏi mở màn giai đoạn thứ hai của cuộc tấn công vào Rabaul mà ông sẽ đảm trách nhiệm vụ chỉ huy tối cao. Nimitz liền nại cớ rằng vì hạm đội Thái Bình Dương của ông chỉ trong vòng ba tháng mà đã mất ba mẫu hạm, bảy tuần dương hạm và mười bốn khu trục hạm, nên không thể nào cùng một lúc đảm bảo sự yểm trợ bằng hải quân và không quân cho cả Tan-Guinée lẫn quần đảo Salomon.


Uỷ ban tham mưu hỗn hợp đồng minh hậu thuẫn ý kiến này và quyết định giới hạn hoạt động của hai chiến trường vào các cuộc hành quân thuần tuý bằng không quân cho đến khi hạm đội của Halsey được tăng cường bởi các mẫu hạm đang được đóng, nghĩa là cho đến mùa thu.


Bên kia phòng tuyến, nay được cụ thể hoá bằng quần đảo Bismarck (người Mỹ gọi là “Bismarck barrier”), Yamamoto cũng tu chỉnh lại các kế hoạch. Mục tiêu của ông thì luôn luôn vẫn như cũ: tiêu diệt hạm đội Mỹ trước khi nó kịp được thành lập lại. Không biết rằng ông bị lọt vào mưu chước của bộ máy Magic, ông gán cho thất bại tại Midway nguyên nhân vì ở quá xa các căn cứ khiến ông không thể nào che chở hạm đội bằng không lực lúc nguy hiểm xảy đến. Nhưng giờ đây, ông đã đóng vững chắc sau Bismarck Barrier, nếu như được vài mẫu hạm hiếm hoi của Mỹ còn chạy được về phía tổ ong vò vẽ Rabaul, thì ông có thể tham chiến trong những điều kiện tốt đẹp nhất. Hai mẫu hạm mới- chiếc Juyno và chiếc Hiyo-vừa đem ra sử dụng trong lúc bên phía Mỹ chỉ còn lại chiếc Enterprise và chiếc mẫu hạm xưa cũ Saratoga. Cần phải lợi dụng cấp kỳ vì cơ may đặc biệt này rất có thể không bao giờ xuất hiện một lần nữa.


Kế hoạch của vị Đô đốc trứ danh liền được trình cho Tổng hành dinh Thiên hoàng và một lẫnn được chấp thuận, Yamamoto liền rời khỏi chiếc thiết giáp hạm khổng lồ Musachi-sister ship của chiếc Yomoto-vừa mới được hạ thuỷ, để đặt bộ tư lệnh tại Rabaul.


Đây là lần đầu tiên trong lịch mà một vị Tư lệnh hạm đội Nhật lại rời bỏ soái hạm để đặt bản doanh trên đất liền ngay giữa chiến trận, nghĩa là kế bên không lực của hải quân. Dường như trong tâm trí ông, cử chỉ này có một giá trị tượng trưng và bằng sự hiện diện của mình ngay giữa các phi công, ông muốn nhấn mạnh rằng chiến thắng từ nay sẽ lệ thuộc vào các phi công ấy.


Vừa đến Rabaul, Yamamoto liền phân phối tất cả các không đoàn cơ hữu đến các căn cứ tại Salomon và tại Tân-Guinée kể cả phi đoàn trên các mẫu hạm tạm thời bị giải giới. Thật vậy, giai đoạn đầu của “kế hoạch A” gồm có việc làm cho đời sống tại căn cứ Mỹ khó chịu đựng nổi bằng các cuộc oanh tạc vĩ đại khiến cho hạm đội Mỹ phải đến can thiệp. Trước khi mở cuộc tấn công, vị Tổng tư lệnh tập họp các phi đoàn trưởng và thẳng thắn trình bày với họ tính cách trầm trọng của tình hình. “Chúng ta sẽ, ông nói, tung ra nhiều trận đánh gay go trên mặt biển và trên không trung. Kết quả của các trận đánh ấy và do đó kết cục của cuộc chiến, phần lớn lệ thuộc vào cung cách hành động mà các anh chứng tỏ trong các cuộc không chiến”. Tất cả những người tham dự đều bị lời nói của ông ghi những ấn tượng sâu sắc. Giờ đây họ hiểu rằng một thất bại mới sẽ kéo theo những hậu quả như thế nào.


Cuộc tấn công đầu tiên được tung ra ngày 8 tháng 4 năm 1943. 70 oanh tạc cơ và hưon 100 khu trục cơ cất cánh từ Buin (Bongainville) hướng về Tulagi và Henderson Field. Ba ngày sau, đến lượt các phi trường mà Mac Arthu đã vô cùng cực nhọc cho xây dựng trên triền phía bắc dãy trường sơn tại Tân-Guinée bị tấn công. Rồi ngày 14 tháng 4 Milne Bay và Morserby được 43 oanh tạc cơ do 130 khu trục cơ hộ tống đến viếng thăm.


Trong giai đoạn đầu của “kế hoạch A” đó, Yamamoto thường đến viếng thăm các đơn vị không lực. Ông bước ra khỏi một oanh tạc cơ một cách bất chợt và tiến qua các vũng bùn lầy, với bộ quân phục kaki của không lực hải quân. Các phi hành đoàn tập họp trên phi trường, những người không bao giờ tưởng tượng ra ông trong hình dáng nào khác hơn là trong bộ quân phục trắng tinh tua tủa dây biểu chương, đã xúc động sâu xa khi thấy vị chỉ huy tối cao cũng chia sẻ những hiểm nguy giống như họ, chịu đựng cùng thời tiết xấu trong cùng bộ quân phục như họ. Tất cả những người ra đi chiến đấu đều cảm thấy ấm lòng.


Khi cuộc oanh kích sau cùng chấm dứt, Đô đốc nghiên cứu báo cáo của các đơn vị trưởng. Kết quả dường như rất thuận lợi: 1 tuần dương, 2 khu trục và 25 hải vận hạm bị đánh chìm, 150 phi cơ bị hạ. Không phải là không nghi ngờ các sự ước lượng ấy quá lạc quan, ông giao hoàn lại các phi công về với các mẫu hạm của họ rồi bắt đầu một vòng thanh sát mới khắp các căn cứ trong vùng chiến đấu. Ông nhìn tương lại với sự yên tâm. Ông có trong tay bốn mẫu hạm nặng, hai mẫu hạm nhẹ tương trưng một tổng số 400 phi cơ, 190 phi cơ thuộc không đoàn 2 đặt căn cứ tại Kavieng (tân-Irlande) vfa tại Bum (Bougainuille) và 300 phi cơ của lục quân được phân phối trên các phi trường khác. Hải đoàn mẫu hạm thứ nhất do Phó Đô đốc Ozawa, người đã từng được tôn vinh tại Mã Lai, chỉ huy, hải đoàn thứ 2 do Phó Đô đốc Kusaka, một trong các phi công danh tiếng nhất của không lực hải quân. Với các thiết giáp hạm Yamato và Musachi hậu vệ và chừng mười lăm tuần dương hạm cùng bốn mươi khu trục hạm, hạm đội liên hợp vượt hẳn hạm đội của Halsey đến mức độ chiến thắng trong một cuộc đụng độ ctoàn diện là điều không thể còn nghi ngờ gì nữa. Tất cả vấn đề bây giờ là làm sao khiêu khích nó.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:31:28 am
Ngày 18 tháng 4 năm 1943, lúc 6 giờ sáng Đô đốc Yamamoto bước lên một oanh tạc cơ hai máy Mitsubishi với ba trong số các sĩ quan của ông. Đô đốc Ugaki, tham mưu trưởng của ông, bước lên chiếc thứ hai cùng loại. Cuộc viếng thăm đầu tiên của ông sẽ dành cho tướng Hyakudaté, tư lệnh Lộ quân 17, vừa rời khởi Rabaul để đến đặt bản doanh ở căn cứ tiền phương Buin tại Bougainville; nhưng ông đã dự liệu dừng chân trên hòn đảo nhro Ballale nơi đặt ban chỉ huy của hải đoàn mẫu hạm thứ hai. Các giới chức chỉ huy liên hệ đã báo trước bằng một công điện mã hoá ghi rõ giờ đến của các phi cơ.


Sau khi cất cánh từ Rabaul và được chín khu trục cơ hộ tống, các oanh tạc cơ bay vòng miệng núi lửa bao quanh vịnh và hướng thẳng đến Bougainville. Các điều kiện phi hành đều rất tôt đẹp và các đỉnh núi xanh có sương mù bao phủ trên chóp đã bắt đầu hiện rõ. Đến 7 giờ 15 phút, các oanh tạc cơ bắt đầu giảm cao độ để tiến gần đến bờ biển và bay trên rừng rậm ở cao độ 600 thước trong khi các khu trục cơ vẫn giữ cao độ cũ. Đúng 7 giờ 30, tức là còn cách Ballade 15 phút bay, một trong các khu trục cơ hộ tống vừa trông thấy một toán phi cơ P.38 bay trên đầu, nên muốn báo hiệu cho Đô đốc càng sớm càng hay. Hành động này được các phi công oanh tạc cơ giải thích như là một sự thông báo cần hạ thấp xuống hầu đê trống xạ trường cho các khu trục cơ, và cả hai chiếc oanh tạc cơ đều chúi xuống thấp về phía rừng già. Nỗ lực điều động máy bay của họ vô ích. Nhờ có tốc độ cực lớn khi đâm bổ xuống các phi cơ P.38 bỏ xa dần các khu trục cơ Nhật và lao vào các oanh tạc cơ xả súng bắn ác liệt. Chiếc phi cơ của Đô đốc là chiếc bị trúng đạn đầu tiên và rơi tan tành xuống rừng già sau khi bốc cháy. Chiếc oanh tạc cơ thứ hai lái vòng ra biển cũng bị rượt kịp và bị bắn rơi xuống biển. Các phi cơ tuần thám bờ biển hấp tấp bay đến phía chiếc oanh tạc cơ đã chìm mất một nửa và kéo ra được Đô đốc Ugaki vốn bị thương rất nặng. Nhờ chỉ dẫn của các khu trục cơ, xác chiếc phi cơ của Yamamoto được đánh dấu và một đoàn quân thám sát vạch được một lối đi cho đến đó. Hai phần ba phi cơ bị cháy ra tro, nhưng chiếc ghế của Đô đốc bị văng ra xa khi phi cơ chạm đất. Xác ông có vẻ gần như nguyên vẹn và ông còn nắm chặt đuôi kiếm trong tay. Bốn sĩ quan tuỳ tùng của ông chỉ còn lại các mảnh vụn không nhận diện được. Viên bác sĩ khám nghiệm xác Đô đốc khám phá thấy các vết đạn trong đó có một viên trúng và tạo ra cái chết tức thời.


Xác Yamamoto được đưa về Buin để hoả thiêu tại đấy. Tro tàn của người anh hùng Trân Châu Cảng được để trong một bình đựng di hài đặt trên một nấm mộ nhỏ kế cạnh bộ chỉ huy.

Tin tức về tai hoạ này không thể nào giữ bí mật được lâu. Nó tạo ra một nỗi kinh hoàng vô bờ bến tại Nhật Bản. Dân chúng vốn bị giấu kín về cuộc thảm bại tại Midway, vốn luôn luôn coi Yamamoto như một vị tư lệnh không thể nào bị thua trận. Chắc chắn là niềm tin ấy không có gì sai lầm cả bởi vì sự thất bại này đã lệ thuộc vào một sự tình cờ có thể nói là kỳ diệu của các điều do máy Magic khám phá.


Tại Hoa Kỳ, tin loan báo cái chết bị thảm của vị Tổng tư lệnh quân Nhật gây ra cả một cơn vui sướng bùng nổ thật sự. Rốt cuộc rồi Đáng toàn năng cũng đã trừng phạt kẻ có trách nhiệm về cuộc xâm lăng xảo trá tại Trân Châu Cảng! Đối với các lãnh tụ cao cấp của Hải quân, tin ấy không gây ngạc nhiên, vì một lần nữa bộ máy Magic lại đã hướng dẫn uy lực của công lý.


Chiều ngày 17 tháng 4, Bộ trưởng Hải quân Frank Knox, đã được sở kiểm báo trình một điện văn đã được mở khoá, nhờ máy Magic, mặc khải tất cả chi tiết liên hệ đến chuyến thanh tra của vị Tổng tư lệnh hạm đội liên hợp với giờ giấc hạ cánh và cất cánh. Sau khi tham khảo mau chóng với Đô đốc King, ông quyết định ra lệnh cho Halsey tổ chức một cuộc mai phục để loại trừ đối thủ nguy hiểm này. Buổi tối, một công điện tối mật được gửi đến cho đại uý Mitchell, không đoàn trưởng P.38 đặt căn cứ tại Henderson Field. Công điện ghi tất cả các tin tức về lộ trình và thành phần của đoàn phi cơ. Bình minh ngày 18, 16 chiếc P.38 cất cánh bay về phía Bougainville và đúng 7 giờ thì đến nơi. Phi đoàn bay vòng trên khu vực kế cận bờ biển bằng cách ẩn nấp trong mây ở cao độ rất lớn. Đúng 7 giờ 30, họ trông thấy các khu trục cơ hộ tống toàn phi cơ Nhật và mở cuộc tấn công. Chính đại uý Lanphier là người đuổi theo phi cơ của Yamamoto. Ông bắn một tràng dài vào động cơ bên phải từ phía sau và lập tức bay trốn khi thấy chiếc cánh phát hoả và tách ra khỏi phi cơ. Lần này bộ máy Magic tuyệt hảo đã vĩnh viễn khoá chặt số phận của nạn nhân.


Hành động không có vẻ mã thượng tí nào. Cuộc phục kích tại Bogainville phảng phất khó chịu mùi vị của các cuộc thanh toán giữa bọn bất lương. Nhưng vết thương Trân Châu Cảng còn tươi rói và các nỗi khổ đau tại Guadalcanal cũng chưa dịu hẳn được. Vả chăng người ta có còn dừng lại mãi đó đâu! Nhiều trận đánh trên các đảo và chung quanh đảo đã trở nên vô cùng khốc liệt. Chẳng có một đồn trại nào và rất ít hoặc không có tù binh. Từ lâu chiến tranh tiềm thuỷ đỉnh đã là “không hạn chế” và từ lâu, các khu trục hạm Mỹ đã làm lơ khi chạy ngang qua các hàng lớp binh sĩ Nhật vùng vẫy trong mặt biển ngập đầy dầu máy. Quân Mỹ được khuyến khích bởi chính quân Nhật, vì họ không bao giờ dừng chiến hạm lại để cứu vớt đồng bào của họ. Chắc chắn là họ đã tuân phục một cách vô thức nguyên tắc dửng dưng với cái chết vốn rất thông thường tại Viễn Đông: bớt đi một tên lính Nhật là có thêm một hột gạo cho những người khác, phải không nào… Nhưng mặc dầu không thú nhận lộ liễu, Bộ tư lệnh tối cao Nhật cũng không có gì là không bằng lòng khi thấy nguyên tắc ấy được áp dụng trong mọi trường hợp. Điều mà họ thiếu thốn không phải là người, mà là vật liệu chiến tranh. Mất thì giờ và đặt chiến hạm vào tình trạng nguy hiểm trong một vụ cấp cứu là hành động không đáng được nghĩ đến đối với một binh sĩ Nhật rồi. Người Mỹ cũng thường áp dụng nguyên tắc này, nhưng chỉ khi nào bị nhu cầu bắt buộc. Mỗi khi có thể, họ cứu vớt những thuỷ thủ bị đắm tàu. Ngoài tất cả các vấn đề tình cảm, họ đã ước tính rằng tinh thần binh sĩ sẽ có thể được giữ vững trong một khung cảnh có tình liên đới toàn diện. Hơn nữa, họ là những người đầu tiên hiểu được rằng mạng sống của một phi công đánh giá bằng cả một tiểu đoàn bộ binh. Do đó nhiều khi họ đã không ngần ngại tổ chức cả một cuộc hành quân thu hồi thật sư với các thủy phi cơ và tiềm thủy đỉnh. Công cuộc tiếp cứu các phi hành đoàn bị hạ trong rừng rậm đã trở thành một trong các sứ mạng chính yếu của các Coast Watchers.


Yamamoto không sớm hiểu được sự tái lượng gia đột ngột ấy về mạng sống con người vốn đã từng kéo theo ưu thế của không lực mặc dầu ông là người đầu tiên tạo ra nó. Sự bỏ rơi các phi công ưu tú của các mẫu hạm mặc cho số phận hẩm hiu của họ, trong lúc mà một tổ chức kết hợp có thể cứu vớt hàng trăm người, đã là một trong các nguyên nhân đưa đến sự suy tàn của hạm đội liên hợp. Đúng lúc Yamamoto ngã gục dưới làn đạn của Lanphier, không phải ông ta đã thiếu chiến hạm và phi cơ, mà chính là thiếu các phi công ưu tú. Và ông đã chẳng làm gì để chặn đứng một cơn trích huyết mới.


Sự thờ ơ này lại càng đáng ngạc nhiên hơn khi mà các công binh xưởng của hải quân Nhật đang đổ ra các cố gắng lớn lao để hoàn thành các mẫu hạm Taiho, Unruyu và Chitose, và để biến thành một hàng không mẫu hạm không lổ, chiếc Shinano, thiết giáp hạm vĩ đại thứ ba đồng loại với chiếc Yamato, đang được đóng tại Yokosuka. Làm sao ông có thể hy vọng cấp cho chiến hạm ấy phi cơ và phi công, trong khi ông hy sinh họ bất kể tại các căn cứ đặt trên các đảo mà lại không có một nỗ lực song hành nào được thực hiện để thay thế họ?


Người ta không thể không nghĩ rằng, tay cao cờ bất trị ấy đã tung không lực của ông ra để hoặc là sạch nợ hoặc là ăn gấp đôi, vì biết rằng trong trường hợp thất bại, xứ sở ông vĩnh viễn bị bại trận.


Giá trị của giả thuyết này dường như đã được xác nhận bởi mối suy tư của vị tư lệnh cuối cùng của hạm đội liên hợp, người được quân Mỹ thẩm vấn sau chiến tranh về kế hoạch của vị tiền nhiệm, đã chỉ trả lời:

-Yamamoto đã gặp may. Ông chết rất đúng lúc.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:32:39 am
Trinh sát viên Coast Watchers

Cái chết của vị Tư lệnh hạm đội Nhật Bản đã gây ra một hậu quả bất ngờ: nó xác nhận với người Nhật sự bành trướng kịch liệt các hoạt động của những trinh sát viên Coast Watchers. Ít lâu nay họ đã dò tìm được vị trí phát tin của Read và của Mason tại Bougainville, nhưng họ nghĩ đó chỉ là việc đối phó với một vài người lẻ loi đơn độc, ẩn náu trong rừng, huấn luyện dân bản xứ để làm lợi cho đồng minh. Trong tình trạng mù tịt về sự hiện hữu của bộ máy Magic, đột nhiên họ có ý tưởng là một vụ khủng bố có thể đã xảy ra nhắm vào Yamamoto do một tổ chức bí mật có chi bộ khắp trên quần đảo Salomon. Ngay khi vừa đến Rabaul, người kế vị Yamamoto, Đô đốc Koga, liền cho lệnh các cấp chỉ huy quân trú phòng trên đảo phải dứt bỏ cho ông những kẻ lì lợm này.


Nạn nhân đầu tiên của mẻ lưới là ông Mason đáng thương khiến ông ra phải rút lui vào khu rừng sâu nhất của Bougainville cùng với vài phi công được cứu thoát. Read và các tu sĩ cũng bị truy nã không thương tiếc. Nhiều biện pháp trừng trị liên hệ cũng lan tràn trên khắp quần đảo.


Tại Tân-Géorgie các cuộc hành quân trừng phạt đã được tổ chức để toan tính đuổi Donald Kennedy ra khỏi chỗ trú ẩn trên bán đảo Ségi. Trước các dấu hiệu hoạt động gia tăng của quân Nhật chung quanh Munda, phía đảo này, Kennedy vừa mới yêu cầu Melbourne tăng viện. Đại tá Hải quân Feldt thuộc Hải quân Úc, người lãnh đạo tổ chức, vừa gửi đến cho ông thêm các trung uý Horton, Evans và Josselyn, để ông có thể phân phối đến các đảo lân cận Rendova, Kolombangara và Vella Lavella. Như thế ông ta hy vọng rằng con người táo bạo ấy, vốn đứng vững như một con nhện nằm giữa mành lưới của mình, có thể cung cấp tin tức về tất cả các hoạt động của Nhật trong khu vực.


Trái với các đảo lân cận thuộc quần đảo Salomon, các bờ biển của đảo Tân-Géorgie bị đứt đoạn rất nhiều. Người ta nói rằng Thượng đế đã giỡn chơi bằng cách giáng cho nó mất lát búa; những mảnh vỡ nhỏ nằm rải rác chung quanh mảnh lớn nhất có hình dáng một con cá ngựa. Bên trên chiếc mõm của nó, trông iống như một con lật đật, đó là hòn đảo tròn trịa Kolombangra, bên dưới là Rendova, mắc vào nó như một quả lắc đồng hồ. Giữa hai đảo ấy là một số mảnh vụn mỏng: Arundel và Wana Wana. Về phía nam, nhiều vùng san hô ngầm kết chặt tại đó và hoàn toàn làm cho cái mê lộ này thêm phức tạp, chỉ có những ngư phủ bản xứ mới có thể đi lại trên các chiếc xuồng được giữ thăng bằng rất thanh lịch của họ. Chính nhờ thành luỹ đá ngầm che chở đó mfa Donald Kennedy chọn lựa bán đảo Ségi làm nơi ẩn trốn. Hoàn toàn không thể đến được bằng đường biển, nó lại còn được che chờ về phía đất liền bởi cánh rừng xốp nhất quần đảo, điều này không phải nói ngoa.


Trước khi các phụ tá, mà người ta đã hứa với ông, đến Donald Kennedy phải đương đầu với các binh sĩ Nhật đang dùng những xà lan bản xứ để đổ bộ lên bờ biển. Các chiến binh bản xứ của ông tác xạ rất hữu hiệu, nhưng cuộc đụng độ khiến số đạn dược của ông bị hao huụ nhiều. Ông nóng lòng muốn số dự trữ phải được tái lập ngay vì thế ông yêu cầu gửi một phi cơ liên lạc đến.


Vài ngày sau, ông được báo tin mừng: một Catalina đến! Chiếc thuỷ phi cơ lượn nhiều vòng trên vũng nước ở giữa đảo san hô, làm như nó không nhớ rõ lắm phải đáp nơi nào, rồi chắc chắn nhờ thấy các cử chỉ ra hiệu của dân bản xứ, nó bay là ngang dừa và đáp đọt cây tức khắc xuống mặt nước chẻ đôi mặt biển phẳng lặng như viên kim cương trên mũi dao cắt kiến. Sau đó, phi cơ chạy từ từ, chiếc mũi to lớn làm bốc hơi từng đám bọt ngũ sắc.


Không một ai đứng trên bờ tại góc trời hẻo lánh này lại bằng lòng với tiếng động ồn ào như thế, nhưng tất cả mọi người đều chờ đợi người thông tin viên này đến với biết bao nhiêu là âu lo đến nỗi họ sắp thành vòng tròn trên bãi cát để giúp sức đẩy xuống nước một chiếc xuồng thằng bằng bản xứ. Đó là chiếc xuồng của vị tù trưởng nên sống mũi thuyền được khảm xà cừ. Chiếc xuồng cặp ngay vào sườn phi cơ và các tay chèo bám chặt vào cánh trong khi chờ đợi bốc dỡ các kiện hàng xuống. Thông thường đó là các thùng đạn, súng ống, thực phẩm đóng hộp và thuốc men quí gia như của trời cho, khiến có thể giúp phân phối mau lẹ sau đó cho các cứ điểm hẻo lánh trong rừng. Cửa phi cơ mở ra trong sự im lặng hoàn toàn nhưng quang cảnh diễn ra đã nhận chìm tất cả những người đứng xem vào một trạng thái kinh hoàng: thay vì các thùng, xách, họ thấy một nữ tu sĩ và hai người Trung Hoa bước xuống! Viên sĩ quan đi theo họ đóng cửa phi cơ và tiếng gầm của động cơ hoàn toàn làm mối hy vọng tiêu tan sụp đổ: chiếc Catalina lại ra đi…


Vị lãnh chúa tại Ségi đã tiếp đón quan khách với một thái độ không hào hứng mấy. Viên sĩ quan nói chuyện với ông tên là Horton và là trung uý trừ bị thuộc Hải quân Úc mà Feldt gửi đến làm phụ tá cho ông. Anh giải thích lý do tại sao đã đến tay không: chiếc Catalina đổi hướng về Bougainville vì tình hình ở đây nguy ngập, trại của Masoan bị đánh thình lình và vài phi cồng được cứu thoát phải chạy trốn mãi tận trong rừng sâu, bị quân Nhật, nay đã kiểm soát toàn đảo, săn đuổi không ngừng. Tại điểm hẹn, chiếc Catalina chỉ thấy có 2 tu sĩ Trung Hoa và một nữ tu sĩ do các hướng đạo viên của Mason đưa đến. Sau khi chờ đợi các phi công Mỹ hơn một giờ, chính anh chịu trách nhiệm quyết định để lại cho toán quân của Mason toàn thể tiếp liệu dự tính sẽ đưa đến Ségi, vì hoàn cảnh của họ hết sức nguy nan.


Mặc dầu mẹ bề trên với chiếc áo bằng sơ sống bị nhiều vết máu vấ bẩn phất phơ trên một thân thể chỉ còn xương da, đã gợi cho ông một niềm thương sâu xa. Kennedy cũng không thể không nghĩ rằng tốt hơn là người ta nên cho họ đến nơi khác. Tin tức do các tiền thám viên của ông mang về không làm ông yên tâm. Một toán 250 quân sĩ Nhật đã đổ bộ lên hải cảng nhỏ bé Viru, cách vùng biển san hô không đầy 30 cây số. Cuộc chiếm đóng đảo Tân-Géorgie nới rộng dần như vết dầu loang. Ông quyết định ngay đêm đó phái Horton đi thám sát rừng già chung quanh Munda để kiếm một vị trí quan sát thích hợp. Viên sĩ quan này nguyên là một viên chức hành chánh biết rất rõ vùng này. Anh ta xin sáu người và một máy phát tin. Chất đống tất cả xuống một chiếc xuồng và ra đi thực hiện sứ mạng hiểm nghèo.


Đến đêm, chiếc xuồng của Horton tiến vào cùng biển san hô bao chung quanh Munda. Bầu trời hoàn toàn tối đen và chỉ có tiếng động mơ hồ lộn xộn đôi lúc làm xáo trộn không khí im lặng. Đột nhiên có tiếng động cơ. Mọi người đều nằm dán sát xuống mặt xuồng. Tiếng động đang xa rồi trở lại hai ba lần. Horton liều lĩnh ngước đầu lên nhìn… Một quang cảnh kỳ lạ bày ra trước mắt anh. Chiếc xuồng trôi lửng lơ và bây giờ đang ở rất gần vườn dừa ven bờ biển. Nhiều đèn phản chiếu máng trên thân cây chiếu sáng mặt đất trên đó nhiều xe ủi đất đi lại. Bên trên ánh sáng lờ mờ chiếu một cách yếu ớt vào những vòng cung của một chiếc lưới vĩ đại. Những cành lá dừa cao được dây nối lại với nhau đỡ các tấm lưới phủ đầy lá cây. Nhờ cách nguỵ trang tài tình này, quân Nhật đã dọn dẹp một phi trường mà không bị các phi cơ trinh sát trông thấy.


Chiếc xuồng chạy trốn ngay lập tức. Giờ đây Horton đã biết phải làm gì. Anh phải tìm một địa điểm thích hợp để đặt vọng quan sát.

Sau nhiều mưu toan vô ích, anh đành từ bỏ ý định đổ bộ lên bờ biển và rời xa cái tổ ong ồn ào mà chu vi được canh quá kỹ ấy. Theo lời khuyên của các hướng đạo viên địa phương, anh sẽ đến chiếm đảo Rendoua một thứ bánh đường bao phủ rừng gia, nổi lên trên một vụng biển san hô khác cáh Munda câu cây số. Chưa có một binh sĩ Nhật nào trên đảo và Horton có đủ thì giờ chọn lựa một vị trí quan sát được nguỵ trang kỹ. Khi mọi chuyện đều sẵn sàng, anh báo tin cho Kennedy và chờ đợi các biến cố.


Nắm được tin tức quí báu này, Kennedy khẩn cấp yêu cầu gửi một chiếc Catalina đến để ông đi hội kiến với tướng Patch. Ông này hiểu ngay mối đe doạ kinh khủng do bởi một căn cứ không quân mới của Nhật nằm cách Henderson Field không đầy 300 cây số, và xin phép Halsey phái đến Ségi một đơn vị cảm tử thuỷ quân lục chiến và một đại đội Seabees1 (SEABEES: Tiểu đoàn công binh kiến tạo. Các chữ đầu C.B của Construction Batalion đọc tương tự với chữ Seabee (ong biển)) để thiết lập tại đấy một phi trường tạm thời. Danh tiếng của Donald Kennedy lớn đến nỗi Halsey chấp thuận ngay kế hoạch của Patch và vị lãnh chúa Ségi trở về bán đảo của mình trên một khu trục hạm với một đơn vị cảm tử thuỷ quân lục chiến. Tương lai thế là được đảo bảo ngay.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:34:21 am
Những bước nhảy bọ chét

Khi hội nghị Trident được khai mạc tại Washington ngày 12 tháng 5 năm 1943, tình hình của đồng minh đều được cải thiện trên khắp tất cả các mặt trận. Tại Bắc Phi, đệ bát lộ quân của Anh đã đẩy Rommel lui về Lybia và lực lượng Pháp-Mỹ đã vượt qua biên giới Tunisie để đánh bọc hậu vào đoàn quân thiết giáp Đức. Tại Stalingrad, đạo quân của Von Paulus coi như đã bị tiêu diệt. Tại Miến Điện và Trung Hoa, các lực lượng của Wavell và của tướng Tưởng Giới Thạch được kết nối với nhau bằng một cầu không vận ngang qua Hi Mã Lạp Sơn, bắt đầu chuyển qua thế chủ động. Công cuộc sản xuất cho chiến tranh tại Hoa Kỳ được dự liệu theo một kế hoạch khổng lồ nguyên thuỷ, đã khởi đầu một cách chậm chạp, nhưng giờ đây đang ở mức độ năng suất tối đa và thừa sức cung cấp cho nhu cầu các đạo quân tham chiến tại Bắc Phi. Và vì sau cùng đã có quyết định cho dời cuộc đổ bộ lên các bờ biển Pháp lại sang năm 1944, nên đã có thể trích vài chiến hạm và vài phi cơ để tăng cường cho chiến trường Thái Bình Dương.


Thứ mà Halsey thiếu thốn nhất là hàng không mẫu hạm. Vì lẽ không có mẫu hạm nào đang đóng có thể hoàn thành sẵn sàng trước mùa thu, nên tất cả các cuộc hành quân qui mô đều không thể tổ chức được cho đến lúc đó. Ngược lại, ông đã được cấp cho rất nhiều tàu đổ bộ kiểu mới: Landing Ships Tanks (L.S.T), Landing Craft Infantry (L.C.I) và Landing Craft Personal (L.C.P) v.v… được sản xuất sau khi rút kinh nghiệm tại Bắc Phi. Đó là các chiến hạm có cửa nghiêng hạ xuống nâng lên được, có thể tự làm mắc cạn trên bãi biển và lùi ra khỏi bãi biển bằng phương tiện riêng. Do đó, với các chiến hạm này có thể thực hiện các bước nhảy bọ chét ngắn từ đảo này đến đảo kia hay dọc theo bờ biẻn, với điều kiện được không quân che chở mạnh mẽ.


Khẩn cấp nhất là đổ bộ lên Tân-Géorge để vô hiệu hoá phi trường Munda bắt đầu gây khó chịu. Kế hoạch hành quân đã được chấp thuận từ tháng giêng năm 1943 và ngày tấn công được ấn định là tháng 5. Nhưng, vì không có vấn đề bắt các sư đoàn mới chiến đấu tại Guadalcanal, chịu đựng thêm thử thách mới, cho nên phải đợi hai sư đoàn bộ binh, mới hấp tấp thành lập, được huấn luyện đầy đủ. Theo các tin tức do Horton cung cấp, Munda được bảo vệ bởi 10.000 quân Nhật đồn trú và, vùng bờ biển bao vây phải đổ bộ về phía đông ngay giữa rừng già trong các điều kiện khó khăn.
Sau một công cuộc chuẩn bị cần mẫn, ngày tấn công bị hoãn nhiều lần được ấn định là ngày 1 tháng 7 năm 1943. Đô đốc Turner nhổ neo cùng với chiếc Mac Cawley theo sau 9 hải vận hạm, 12 khu trục vận tải và 20 L.S.T hoặc L.C.I. Hòn đảo nhỏ Rendova trên đó có sự hiện diện của Horton đã được quân Nhật di tản khỏi, do đó nó được chọn làm giai đoạn chuyển tiếp trước khi đổ bộ lên Tân-Géorgie. Các hướng đạo viên bản xứ của Horton phải hướng dẫn các chiến thuyền đầu tiên vượt qua lối vào vũng nước phẳng trong vùng biển san hô nhờ các dấu hiệu thích nghi. Công việc dường như không biểu hiện một khó khăn nào.


Rủi thay, vào lúc bình minh ngày 1 tháng 7, khi các L.C.I đến trước vũng nước nhỏ phía bắc Rendova, nơi sẽ đổ quân, thì bị tiếng súng tiếp đón… Vì nghi ngờ Horton có mặt trên đảo quân Nhật phái 300 binh sĩ đến bắt, và chính họ đã khai hoả lúc trông thấy các chiến thuyền có dáng điệu khác thường.


Mặc dầu bị trở ngại bất ngờ gieo rắc vài lộn xộn đó, Turner ra lệnh tiếp tục cuộc đổ bộ theo đúng thời biểu. Các tàu L.C.I và L.S.T chuồi lên bãi từ sáng sớm, hạ các cửa cầu tàu xuống bất kể hay dở, và đoàn chiến xa cùng bộ binh bắt đầu diễn hành dưới một hoả lực yểm trợ bắn chặn điếc tai làm cho những cây dừa đẹp nhất thế giới bị tiện ngang đầu.


Đến 8 giờ, mọi việc dường như đều tốt đẹp. Nếu cuộc đổ bộ tiếp tục với nhịp độ này, Turner tính rằng ông có thể nhổ neo đoàn tàu trống rỗng vào lúc giữa trưa, vừa đúng lúc trước các phi cơ của Nhật từ Buin bay đến. Nhưng trung đoàn đầu tiên vừa mới đổ bộ xong, bầu trời bị mây che phủ một cách đáng ngại, và thình lình Rendova biến mất trong một cơn mưa như thác lũ. Ai chưa thấy mưa tại Rendova thì chưa biết được thế nào là mưa. Tất cả đều bị chìm ngập, tiêu tan, biến mất tăm; tiếng huyên náo của cuộc đổ bộ bị tiếng ào ào vĩ đại của những giọt mưa đè bẹp, chung quanh các chiến hạm, mặt biển dường như bị sôi sục và ta không thể trông thấy gì rõ cách khoảng 20 thước. Trên bờ, các binh sĩ đáng thương bị chôn chặt tại chỗ. Hàng dãy cam nhông chạy xuống cửa tàu bị sa lầy cho đến trục xe. Những người khuân vác vật liệu đổ bộ vứt tất cả dồn đống trên bãi cát trong một quang cảnh rối loạn hãi hùng…


May thay tình trạng không kéo dài quá lâu. Các đám mây đen tan còn nhanh hơn khi tụ lại và bầu trời chiếu sáng lấp lánh trên khu rừng già ngập nước.

Thời gian ngừng nghỉ này làm lợi cho các xạ thủ ưu tú của Nhật bám chặt trên đọt cây. Rồi đến phiên phi cơ thám thính đến bắn vài tràng đại liên. Những người bị thương rú lên, những binh sĩ khác chạy tán loạn đến ẩn giữa đống thùng vật liệu và các thân cây bị hạ nổi lều bều như các hòn đảo giữa một biển bùn lầy. Hơi nước bốc lên dưới ánh mặt trời soi chiếu vào một tình thế vốn đã rất rối loạn. Phải nhờ đến tất cả cường lực của một đại tá bị thương vì nhiều vết đạn chửi bới binh sĩ như sấm mới tái lập được trật tự.


Cuộc đổ bộ tiếp tục, nhẩn nha, giữa vũng nước, nhưng đến 11 giờ một nửa hải vận hạm chưa được bốc dỡ. Mặc dầu bị đe doạ bị một cuộc oanh tạc cấp kỳ, Turner quyết định ở lại. Ông sở cậy vào sự che chở của không lực tại Henderson Field sắp đến. Quả thật chúng đến vừa lúc để đối phó với các khu trục cơ Zéro hộ tống đợt oanh tạc đầu tiên. Và lần này các điều kiện không còn tương tự như tại Guadalcanal nữa. Các khu trục cơ mới của Mỹ Hellcat và Corsair vượt hơn hẳn các đối thủ một cách rõ rệt và vì thế các oanh tạc cơ Nhật thả bom một cách cầu âu. Cuộc đổ bộ tiếp tục.


Đến 16 giờ, tất cả hải vận hạm đều trống rỗng và Turner nhổ neo với chiếc Mac Cawley, lực lượng tàu đổ bộ theo sát bên. Tình hình tại Rendova ổn định, các trọng pháo sẵn sàng nã đạn về phía Munda. Turner không còn phải thấy hải cảng nhỏ bé mà các khinh tốc đỉnh của Guadalcanal vừa chạy vừa trú ẩn. Từ nay có lẽ chúng là các chiến hạm độc nhất lo đảm bảo công cuộc canh phòng các eo biển.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:36:03 am
Khi chiếc Mac Cawley vừa mới chạy ngang mũi Rendova thì một đàn 50 phi cơ Nhật lao vào đoàn công voa. Một trận không chiến mới lại xảy ra giữa Corsair và Zéro, và nhiều phi cơ phóng thuỷ lôi bay sát mặt biển diễn tiến đến gần các hải vận hạm. Khu trục hạm Farenholt là chiếc đầu tiên bị trúng đạn nhưng trái thuỷ lôi không nổ nhưng đó chỉ bị thiệt hại nhẹ. Rồi đến lượt chiếc Mac Cawley, lần này nó bị rung chuyển vì tiếng nổ dữ dội. Chiến hạm bị nghiêng đến mức phải di tản. Turner chuyển qua chiếc Farenholt, bỏ lại đằng sau chiếc chiến hạm kỳ cựu mà một tàu tuần duyên cố dùng nó đưa trở lại Rendova. Đoàn cônv voa tiếp tục hải hành mà không bị một cuộc báo động nào mới và biến mất trong bóng đêm.


Một giờ sau, các khinh tốc đỉnh của đại uý Kelly, chỉ huy trưởng hải đội chiến sĩ kỳ cựu tại Guadalcanal trở về căn cứ sau cuộc tuần tiễu ngoài khơi. Kelly thoáng thấy một bóng đen nổi bật trước mặt đất liền và vì người ta đã nói rằng các hải vận hạm Mỹ đã nhổ neo từ trưa, nên ông nghĩ rằng đây chỉ có thể là một chiến hạm Nhật. Ông nhào tới với tốc độ 30 gút phóng các thuỷ lôi và vui sướng nghe hai tiếng nổ mạnh.


Khi trở về Rendova, rất hãnh diện với chiến công của mình, Kelly báo cáo cho vị chỉ huy trưởng căn cứ. Ông này nhướng mày. Cả ai liền cúi xuống bản đồ, đối chiếu các lộ trình, giờ giấc… Không còn nghi ngờ gì nữa, chính chiếc Mac Cawley đáng thương đã bị Kelly lạng quạng phóng thuỷ lôi! Lần này thì kết quả tốt dẹp, bởi vì ông đã đánh chìm nó.


Khi biết được sự việc, Turner tỏ ra rộng lượng. Ông vừa được bổ nhiệm làm tư lệnh một lực lượng chuyển vận đổ bộ mới đang được thành lập tại Trân Châu Cảng trong mục đích chuẩnb ị cho các cuộc hành quân sắp đến trong vùng Thái Bình Dương. “Ai cũng có thể lầm cả”, ông đành nói vậy, “nhưng cần phải khuyến cáo viên sĩ quan trẻ tuổi ấy đừng có phóng thuỷ lôi vào các soái hạm nữa”.

Cùng với hồi chung cục của soái hạm Mac Cawley và sự ra đi của Turner, một trang lịch sử đã được lật qua.


Hình phạt duy nhất mà các khinh tốc đỉnh của Kelly phải chịu đựng là bị cấm không cho ló mũi ra khơi mỗi khi có chiến hạm Mỹ lui tới trên các eo biển. Thật ra, hình phạt quá nẹh, vì các tdh của Halsey ít khi mạo hiểm hải hành qua các eo biển ấy. Ngay khi vừa ra khỏi eo biển, chúng liền bị các khu trục hạm Nhạt hành hạ hung dữ đến nỗi chúng chỉ còn mạo hiểm tới ranh giới tối đa trong các vùng biển cũng nguy hiểm như vịnh Kula hay eo biển Blackett.


Trong đêm 5 tháng 7, hải đội của đô đốc Ainsworth gồm có chiếc Helena, Honolulu và chiếc Saint-Loius vừa đến pháo kích vào Kolombangara, lại được tung về phía Kula để chặn một đoàn công voa Nhật chở theo quân sĩ. Cuộc gặp gỡ xảy ra bất ngờ lúc 1 giờ 30 sáng ngày 6 tháng 7. Các tdh Mỹ thấy xuất hiện trên màn ảnh rada một đoàn kth Nhật, liền khai hoả trước lúc còn cách chúng 15.000 thước trong khi vẫn mở hết tốc độ tiến đến gần. Ainsworth tin chắc là vẫn nằm ngoài tầm thuỷ lôi địch nên tiếp tục nổ súng vài phút trước khi chạy lẩn tránh. Ông đâu ngờ rằng từ một khoảng cách khó tin như thế, các khu trục hạm Nhật đã phóng ra cả một chùm thuỷ lôi kiểu mới mạnh hơn kiểu cũ nhiều và có tầm hoạt động tăng gấp đôi. Kết quả thật bi thảm: chiếc Helena nhận liên tiếp ba trái gần như bị cắt ra làm đôi. Hai chiéc khác rút lui để mặc cho các khu trục hạm săn sóc chiếc Helena sắp chìm. Nhờ chiến thắng này mà quân Nhật đổ bộ được lên hải cảng nhỏ Vila gần 4.000 quân và lập tức được chở băng qua eo biển để đến Munda. Trái với ước lượng của quân Mỹ, đội quân trú phòng của Nhật chỉ mới có 3.500 người, nay nhờ sự kiện này, đã tăng lên gấp đôi trước khi chiến trận bắt đầu.
Nhưng vụ Helena chưa xong sau khi bị rủi ro, bởi vì nó đưa đến một công cuộc cấp cứu mà tất cả mọi điểm đều xứng đáng được ghi vào truyện truyền kỳ trên mặt biển phía nam Thái Bình Dương.


Các khu trục hạm đã cặp vào xác tàu và đưa qua được gần 600 người thuộc đoàn thuỷ thủ, sau đó vội vàng rút lui để khỏi bị phi cơ Nhật tấn công thình lình khi trời sáng. Chúng đã để lại đàng sau hơn 200 bĩnh sĩ đáng thương đang bám chặt vào xác chiến hạm. Hôm sau, một chiếc PB-Y đã đến ném cho họ các xuồng cấp cứu bằng cao su, họ tập họp bám chung quanh bè và bắt đầu lội về phía bờ gần nhất, nhưng than ôi, gió và hải lưu đã hợp sức để đẩy họ theo chiều ngược lại. Người thâm niên nhất của nhóm thuỷ thủ bị đắm tàu lúc đó lấy một quyết định hùng tráng là bắt họ quay lưng bờ vào để mưu toan lội qua vùng biển rộng ngăn cách họ với đảo Vella Lavella.


Đêm đầu tiên trôi qua thật kinh khủng. Một trong những người bị thương tắt thở trên bè. Vài người bỏ bè lội trở về Kolombangara. Nhiều người khác ngủ mê luôn dưới nước hoặc không chịu bơi nữa. Không bao giờ ta còn nghe nhắc lại các người ấy nữa. Khi trời sáng, chiếc bè như vậy là nhẹ bớt đi nên trôi nhanh hơn, và niềm hy vọng lại khích động con tim của những kẻ bị đắm tàu. Sau một ngày và một đêm khác cố gắng vượt sức người, hai chiếc bè đến vùng có thể trông thấy được bờ đất hứa. Vella Lavella hiện ra rất gần và các thuỷ thủ lội giỏi nhất bỏ bè lội vào trước để làm cho bè nhẹ hơn. Một giờ sau, họ được những người Mélanésiens với màu da đen đẹp đẽ nhất đón tiếp với những cử chỉ biểu lộ niềm thân ái rất ấm lòng. Trước lúc dứng bóng, tất cả những kẻ bị chìm tàu đều đến được bờ biển mà không bị máy bay Nhật trông thấy. Tạm thời họ thoát nguy.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:36:54 am
Trên đảo có hai Coast Watchers, các trung uý Josselyn và Firth, đều gan dạ như nhau. Mặc dầu có các toán tuần tiễu Nhật Bản đổ đến săn đuổi, họ cũng rời khỏi chỗ ẩn nấp để mang cho những kẻ bị đắm tàu tất cả số lương thực dự trữ và để cho các hướng đạo viên lo việc canh gác, họ điện về Guadalcanal yêu cầu đến rước gấp dùm những miệng ăn vô ích đang ngốn hết tất cả thực phẩm dự trù trong tháng của họ. Cuộc tiếp cứu tế nhị đến nỗi phải cần sáu ngày để chuẩn bị. Sáu ngày trong đó các thuỷ thủ Mỹ quá mệt đến không ý thức nổi nguy cơ đe doạ, nhưng là cả một cơn ác mộng đối với những Coast Watchers Tân Tây Lan và các bạn người bản xứ của họ. Nhiều lần quân Nhật tiến gần đến các trại tạm trú. Chỉ cần họ có mộ tí táo bạo thôi là đủ tiêu diệt những người gần như hoàn toàn bị giải giới ấy; nhưng chắc họ tin rằng đây là một bộ phận tiền phương đang giăng bẫy, bởi vì mỗi lần như thế họ lại lảng xa mà không tấn công.


Ngay giữa đêm tối ngày 13 tháng 7, các trinh sát viên của trại tạm trú thấy bóng hai phóng ngư lôi hạm đến bỏ neo gần sát bờ cát. Hai giờ sau, 13 sĩ quan và 152 thuỷ thủ sống tó của thuỷ thủ đoàn thuộc tdh Helena rời xa dần bờ biển tâm hồn tràn ngập lòng biết ơn những người Coast Watchers và dân chúng bản xứ quảng đại, vốn đã giúp họ thoát chết bằng cách đem cả mạng sống của chính mình ra thử thách với nguy cơ.


Các khu trục hạm của Halsey hôm đó đã thực hiện một công cuộc tiếp cứu đáng chú ý nhất trong chiến tranh.

Trong lúc câu chuyện đầy tình cảm trên đây xảy ra, sự việc tại Tân-Géorgie không tốt đẹp chút nào. Nhiều đoàn bộ binh từ Rendova, vượt ngang qua vùng biển san hô nhỏ hẹp đến đổ bộ lên bờ đối diện, bị lún dưới một tấm bọt biển vĩ đại mà không còn ai biết được chuyện gì đã xảy ra nữa. Những binh sĩ Mỹ khốn khổ vùng vẫy trong những cánh đồng lầy phù sa trong khi đi tìm các lối mòn mà người ta chỉ cho họ, và khi tìm ra được chúng một cách tình cờ, thì chúng lại bị cắt ngang bởi những con lạch ngập nước không thể nào vượt qua được. Vũ khí cổ điển từng giúp cho thuỷ quân lục chiến Mỹ phòng thủ được tại các cứ điểm được thiết lập, tại đây hoàn toàn vô hiệu vì là một cuộc tiến quân. Một vài chiến xa nhẹ đổ bộ lên bờ biển liền bị sa lầy ngay lập tức. Các súng đại liên mà đầu đạn đội lên trên cành cây gần như không mang lại tác dụng nào. Tình trạng không thể nào cho phép binh sĩ nghỉ ngơi một chút, các binh sĩ vừa từ những doanh trại tương đối tiện nghi của Mỹ đến, đã kéo theo những hậu quả còn trầm trọng hơn cả những viên đạn bắn sẻ của các xạ thủ Nhật mai phục trên cây. Sau tám ngày bị thử thách một cách vô nhân đạo, hai trung đoàn bộ binh mệt nhọc điều quân tiến thẳng góc với bờ biển với hy vọng bao vây Munda. Vài xe cơ giới và xe ủi đấ vừa bắt đầu vạch các đường mòn sau hậu cứ của họ. Cuộc tiến quân chậm chạp đến tuyệt vọng và tinh thần binh sĩ đã bộc lộ điều đó. Mặc dầu có mùng cá nhân, các đám mây muỗi đòn sóc dày đặc đến nỗi binh sĩ phải nuốt chúng mỗi khi hít thở. Phần thuốc kí ninh cho mỗi người không đủ và các cơn sốt đốt cháy binh sĩ khiến họ càng dễ bị làm mồi choc ác xạ thủ vô hình. Thay vì mang lại đôi chút nghỉ ngơi sau những gian lao ban ngày, thì đêm tối lại biến chúng thành những cơn ác mộng tàn bạo. Quân Nhật dùng các mưu chước quái gở. Rừng sâu tối đen tràn ngập tiếng rú lạ lùng thỉnh thoảng lại điểm một lời cầu cứu bằng tiếng Anh. Khốn nạn cho những ai dám mạo hiểm bước ra khỏi chỗ ẩn nấp để đến tiếp cứu những người gọi là bị thương đó! Anh ta sẽ bị một viên đạn gạ gục ngay hay bị một lát kiếm hớt bay đầu.


Sau 15 ngày sống trong một điều kiện như thế, người ta trông thấy đi ngược về phía biển hàng dãy người mắt lạc thần, biến thành một khối bùn rõ rệt, như là bị đánh bằng roi. Các trường hợp suy nhược thần kinh và cả trường hợp điên loạn nữa đã vượt xa số người bị thương.


Thiếu tướng Helster chỉ huy cuộc hành quân quá bất ngờ này, đang lo âu chờ đợi tin tức vài tiểu đoàn được đổ bộ lên phía bắc đảo để đánh bọc hậu vào Munda. Công chờ đợi của ông vô ích, bởi vì sau một cuộc khởi đầu tương đối dễ dàng, họ cũng bị rừng già chặn đứng. Các hướng đạo viên bản xứ đã bị lạc, và họ cứ tiến cầ may dọc theo các con sông, rồi dừng ngay lại, hoàn toàn bị lạc lối. Nhu cầu sống còn trong rừng rậm và sự bảo toàn vũ khí đã đặt ra cho đoàn quân những vấn đề khó khăn đến nỗi họ từ chối đụng độ với địch.


Được thông báo các biến cố đó, Halsey nóng nảy sôi sục. Không lực của ông đã làm tê liệt phi trường Munda và phi trường mới được quân Nhật thiết lập tại Vila1 (Vila nằm trên bờ phía nam đảo Kolombangara kế cận) chỉ còn có vài khu trục cơ hoạt động. Ông không hiểu tại sao Helster, với các phương tiện khổng lồ nắm trong tay, lại không tràn ngập được trong vòng 15 ngày các vị trí rõ rệt là rất trống trải mà điểm tựa duy nhất gồm có ba ngọn đồi nằm về phía đông bắc phi trường.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:38:12 am
Tất cả những điều đó có thể đúng trên giấy tờ, nhưng thực tại thì khác xa. Tướng Sazaki, người được Tướng Hyakutaké giao trọng trách phòng thủ phi trường Munda, là mộ chuyên gia phi thường trong chiến thuật chiến đấu trong rừng. Ông đã huấn luyện quân sĩ từ nhiều tháng qua cách đánh kiếm trên một bãi tập dượt kế cận phi đạo và các người dân bản xứ đã phải kết luận rằng quân Nhật cử động trong các dáng điệu đơn giản nhất, rồi bất thần nhào đến các hình nộm và dùng gậy đánh vào đó. Toàn diện quang cảnh đó được nhịp theo bằng những tiếng thét nghe giống như các câu thần chú quái gở. Thạt ra đó là một công cuộc huấn luyện quân sự được qui định cho đến từng chi tiết nhỏ. Một khi đã thông thạo với kỹ thuật đáng sợ đó, các kiếm sĩ ưu tú của Sazaki ban đêm len lỏi vào hệ thống kinh rạch chằng chịt mê hồn theo sau mtọ trưởng toán cách một khoảng ngắn. Mỗi binh sĩ mang trên nón một chiếc lồng nhẹ đan bằng tre trong chứa đom đóm. Vì trong rừng sâu, đom đóm tràn đầy, phải là các cặp mắt mẫn nhuệ mới phân biệt được đường bay của các con bị nhốt với các con khác được bay tự do. Một cái lắc đầu nhẹ là đủ để ra hiệu đổi hướng. Viên sĩ quan hướng dẫn toán của mình xuyên qua phòng tuyến, và trên đường đim hành quyết một hay hai lính Mỹ và các vị trí ẩn nấp làm bằng thân cây sau hậu tuyến đột nhiên bị xáo trộn vì những tiếng lựu đạn nổ ngay giữa các tiếng rú cuồng loạn. Những binh sĩ đáng thương bỏ chạy trốn liền bị sa xuống các con đường mòn mà không khí ẩm ướt ban đêm biến thành các bãi trượt tuyết. Không một người nào đứng dậy nổi. Lần khác, chính một bộ chỉ huy phát hoả hay một kho đạn phát nổ không có lý do rõ rệt. Các sĩ quan Mỹ chẳng hiểu gì ráo về các vụ đột nhập bất thình lình ấy và các báo cáo mơ hồ được chuyển trình vị tư lệnh cũng không soi sáng thêm cho tình hình được bao nhiêu. Điều khiến cho cơn thịnh nộ của Halsey tràn đầy chính là ngay cả lực lượng hải quân của ông cũng không chứng tỏ đủ sức đối phó với tình thế. Công cuộc canh phòng của các tuần dương hạm dưới quyền Ainsworth giữa  Kolombangara và Tân Géorie đã bất lực không ngăn chặn nổi các khu trục hạm vận tải của địch. Trong đêm 12 rạng ngày 13 tháng 7 năm 1943, chiếc tuần dương hạm Leander của Anh cũng chịu chung số phận như chiếc Helena mà nó vừa được phái đến để thay thế1 (Đó là một tuần dương hạm của hải đội dưới quyền Crutchley do Mac Arthur cho mượn. Nó không bị chìm nhưng không còn sửa chữa lại được nữa). Hai chiếc Saint-Louis và Honolulu chạy thoát trong đường tơ kẽ tóc nhưng bị hư hại nặng. Kể từ lúc ấy, chỉ còn lại các khinh tốc đỉnh để lo canh phòng các eo biển mà thôi. Mặc dầu có sự táo bạo và sự khéo léo của các hạm trưởng, chúng cũng không luôn luôn ngăn cản được các ghe buồm Nhật Bản vượt từ đảo này đến đảo kia.


Kể từ khi có các cuộc chiến đấu tại Guadalcanal, những chiến hạm nhỏ này đã phục vụ trng vô càn sứ mạng và bộ tư lệnh quen tiêu thụ chúng bất kể.

Vào thời kỳ mà chúng ta đang nói đến đây, các sĩ quan trên khinh tốc đỉnh hầu hết là các sinh viên trẻ tuổi thuộc đạo quân trù bị. Sau một công cuộc huấn luyện nhanh chóng tại California, họ được gửi đến Thái Bình Dương. Chừng vài tháng kinh nghiệm sau đó, những người tài ba nhất sẽ được chỉ huy một khinh tốc đỉnh.


Không có gì khích động hơn là sống trên một chiếc khinh tốc đỉnh. Trong phòng lái vừa dùng làm đài chỉ huy, chính hạm trưởng phải cầm lái tàu. Bên cạnh là sĩ quan phóng thuỷ lôi-một Midship vừa mới ra trường xong. Sĩ quan tác xạ đại bác đứng đằng trước, bám chắc vào khẩu Poms-Poms. Vả chăng ai nấy cũng phải bám chắc vào một cái gì trên chiếc chiến hạm ồn ào cứ chực giật nẩy mình trên mỗi đợt sóng nhỏ ấy. Đàng sau, các cơ khí viên, bị nhốt kín trong hầm máy, cũng ngồi co quắp trước ba động cơ rung chuyển phun khói mù mịt.


Nội dung của nhiệm vụ gần như luôn luôn chỉ là một: ra khỏi hải càng khi trời vừa tối, các chiến hạm nhỏ lướt đi trong đêm mà không có một tiếp xúc nào với bên ngoài ngoại trừ vài lời trao đổi ngắn qua vô tuyến điện thoại với chiếc gần nhất, và không có cuộc báo động nào khác ngoài tiếng động xa xa của một cuộc chạm súng thỉnh thoảng vọng đến.


Kể từ khi có cuộc đụng độ với các tuần dương hạm của Ainsworth, quân Nhật ít dám liều lĩnh thường xuyên đưa các khu trục hạm chạy vào các eo biển. Công cuộc tiếp tế cho Kolombangara được thực hiện bằng thuyền buồm. Gần như đêm nào các khinh tốc đỉnh cũng tấn công bằng đại bác vào các chiếc ghe bọc sắt và được võ trang hùng hậu chạy sát bờ biển dưới sự che chở của các ổ trọng pháo được đặt khuất trong rừng. Cả hai bên đều tổn thất nặng. Mặc dầu cơ nguy thường trực phải thấy chiến thuyền mong manh của mình biến thành cây đuốc bởi ngay cả một viên đạn nhỏ, các thuỷ thủ đoàn Mỹ đã chứng tỏ có rất nhiều hùng khí có thể so sánh ở mọi điểm với tinh thần đối phương.


Các trận đánh được lập đi lập lại này thường kết thúc với kết quả là huề. Một chiếc ghe buồm bị chặn lại, nhiều chiếc khác vượt qua được. Được tiếp tế đầy đủ vũ khí cũng như thực phẩm, các toán quân phòng vệ Munda còn có thể đứng vững lâu dài và bắt đối phương phải trả giá đắt cho mạng sống của họ.


Ngày 20 tháng 7 năm 1943, lực lượng 30.000 quân của Helster vẫn luôn luôn bị kẹt cứng cách phi trường vài cây số. Điên tiết vì sự chậm trễ này, Ngũ giác đài liền cách chức Helster và cử Thiếu tướng Clayton Vogel thay thế. Biện pháp vừa bất công vừa vô hiệu chỉ mang lại một yếu tố mới cho căn bệnh trong đoàn quân đổ bộ mà thôi.


Tuy vậy ngày 30 tháng 7, nhờ chiến xa cách quân bên trái tiến dọc theo bờ biển đã trông thấy được vườn dừa viền quanh Munda. Nhưng cuộc tiến quân trong rừng thì được đếm từng thước. Để trả lời một viên Đại tá chỉ cho các binh sĩ dưới quyền phi trường Munda và nói với họ: “Các anh thấy kia! Chỉ còn cách 4.000 bộ theo đường chim bay”, một chiến binh kỳ cựu nói: “Phải rồi, nhưng… chúng ta đâu phải là chim”.


Ba ngày sau, rốt cuộc tin mừng đầu tiên đã được đưa đến: các tiền sát viên đi kiếm đoàn quân từ phía bắc đến đã tiếp xúc được với nó rồi. Hôm qua ngày 3 tháng 8, hai cánh quân tiếp hợp được với nhau, phi trường bị bao vây.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:40:42 am
Tướng Hykutaké lúc ấy hiểu rằng kháng cự là vô ích, và vì lẽ giờ đây quân sĩ của ông đã đồn trú vững chắc tại Kolombangara dưới sự che chở của không lực đặt căn cứ tại Vila, ông ra lệnh cho Sazaki di tản khỏi Munda. Đoàn quân trú phòng chỉ còn lại 6.000 rút lui từng toán nhỏ và vượt qua được eo biển mà không làm kinh động địch quân. Ngày 5 tháng 8, quân Mỹ tiến vào phi trường không gặp kháng cự. Chỉ hai ngày cũng đủ cho các đơn vị Seabees sửa sang lại phi trường, nhưng các ổ đại liên địch còn hoạt động trên các cao điểm kế cận và phải mất hai ngày chiến đấu mới bắt chúng im lặng được.


Trong khi các binh sĩ bất khuất phòng vệ phi trường Munda chờ chết trong các hầm trú ẩn của họ, thì một biến cố đã xảy ra suýt làm dòng lịch sử thay đổi bằng cách làm thiếu mất một vị tổng thống tương lại của Hoa Kỳ. Một trong các khinh tốc đỉnh thuộc nhóm Kelly, chiếc PT 109, được chỉ huy bởi con trai một nhà triệuphú tên là John Fitzgerald Kennedy. Đấy là một lực sĩ từ bé đã quen thuộc với các môn thể thao dưới nước. Trong đêm 2 rạng ngày 3 tháng 8 năm 1943, chiếc PT 109 tuần tiễu trong eo biển Blackett với bốn chiếc khinh tốc đỉnh bạn để chặn một đoàn công voa nhỏ mà các nhân viên Coast Watchers báo hiệu đến gần. Đêm tối đen và các khinh tốc đỉnh phải chạy chậm để khỏi bị khám phá vì các luồng sóng sau tàu.


Vào khoảng 1 giờ sáng, đột nhiên, Kolombangara như một khối đen sậm được chiếu sáng về bên phải.

Đạn chiếu sáng, súng nổ rồi im lặng trở lại. Cuộc báo động này đã làm các hạm trưởng xao lãng trong một chốc lát việc lưu ý đến nhau và một cơn mưa rào nhiệt đới làm họ mất hút bóng dáng chiếc tàu bạn chạy kế cận. John Kennedy tiếp tục hải trình một cách hoàn toàn đơn độc. Mọi người trên chiếc PT 109 quan sát chân trời qua ống dòm để tìm lại chiếc tàu bạn gần nhất. Sau vài phút chờ đợi đầy lo âu, một trinh sát viên đêm báo hiệu có một bóng đen bên phải. Kennedy bẻ tay lái để áp lại gần nhưng thấy ngay đó không phải là một khinh tốc đỉnh mà là một chiến hạm lớn hơn nhiều đang xông đến hết tốc lực.


“Chuẩn bị phóng thuỷ lôi! Chạy thẳng hết tốc lực” ông thét trong loa truyền âm và bẻ hết tay lái… Quá chậm! Một sự đụng chạm ghê rợn làm rung chuyển chiếc PT 109 lúc đó bị lật nghiêng trên mặt biển. Mũi một khu trục hạm Nhật đang cắt nó ra làm hai làm lửa bắn tung toé. Xăng bắt đầu cháy đàng sau. Thế là hết! Mọi người nằm sát bất động phía trước mũi tàu, bị sức chạm làm ngã lộn nhào, chờ đợi tiếng nổ. Nhưng một phép lạ đã xảy ra: chiếc khu trục hạm đã chạy qua và sự chuyển động các chong chóng quạt nước đã nhận phần sau của chiếc khinh tốc đỉnh xuống nước và nó bị chìm ngay tức khắc. Phần phía trước còn nổi và thuỷ thủ đoàn sau khi hoàn hồn liền kiếm vài miếng ván để làm một chiếc bè nhỏ. Kennedy lao xuống biển để vớt hai cơ khí viên đang còn nổi trên mặt biển mặc dầu bị phỏng nặng. Ông đưa họ bơi dọc theo xác tàu và cho thả bè xuống nước. Đã đến lúc phải di tản khỏi chiếc PT 109 vì nó đang chìm nhanh dưới sóng biển.


Chiếc bè trên đó có những người bị thương trôi theo gió, do các người còn mạnh bơi dưới nước đầy đỉ. Khị họ đến được một hòn đảo san hô tí hon thì trời vừa sáng. Mọi người mệt nhoài nằm sóng sượt xuống đất và uống nước dừa để lại sức. Đến tối Kennedy phục hồi sức khoẻ và mặc dầu xương sống đau tàn nhẫn, ông quyết định lội về phía eo biển Ferguson mà ông tin là rất gần đó, hy vọng gặp một chiếc khinh tốc đỉnh đang đi tuần, vì ông biết rằng ai cũng nghĩ là ông đã chết và chẳng ai lại có ý tưởng đến tìm kiếm ông trên hòn đảo san hô hẻo lánh ấy.


Một cuộc bơi lâu dài trong cuộn sóng biển quả là một nỗi thống khổ thật sự. Ông lội suốt đêm. Đến sáng vẫn không thấy có một khinh tốc dỉnh nào. Sau một thời gian chờ đợi rất lâu trên một tảng đá ngầm có mũi nhọn sắc như dao, Kennedy quay trở lại đảo san hô của mình. Nhưng lần này dòng hải lưu chảy ngược chiều ông bơi. Sau khi lội suốt đêm mà gần như không tiến lên được, ông kiệt sức phải dừng lại trên đảo san hô đầu tiên nào đó được gặp. Phải mất hai mươi bốn giờ mới lấy lại sức và một ngày lội nữa mới gặp lại các bạn đồng hành. Ông được tiếp đón bằng một tiếng hoan hô vang dội và ngạc nhiên thấy những người bản xứ đứng chung quanh các bạn, những người bản xứ này dường như biểu lộ ý tốt. Họ để lại cho các nạn nhân đắm tàu một chiếc xuồng độc mộc, và Kennedy giao cho họ một điệp văn khắc bằng dao trên một chiếc vỏ dừa để trong trường hợp đang lưới mà họ gặp được một chiến hạm Mỹ.


Đêm đến, vì hy vọng một cuộc gặp gỡ như thế rất mong manh, Kennedy cùng sĩ quan phụ tá ra đi trên chiếc xuồng để đến eo biển Ferguson một lần nữa. Chiếc xuồng quá nhẹ và các tay chèo thì vụng về. Sau hai giờ đường, xuồng bị chìm và một lần nữa hai sĩ quan phải quay trở về bằng cách lội ngược dòng hải lưu. Nỗi thống khổ còn tệ hơn lần trước. Hai chàng trai trẻ, kiệt sức và run lập cập vì bị sốt, đặt chân lên một tảng đá ngầm. Phải mất hai ngày nữa họ mới về đến hòn đảo của mình, và lần này họ quyết định đưa tất cả mọi người đến một đảo san hô ít hẻo lánh hơn. Chiếc bè nhỏ được tăng cường thêm một chút được hạ thuỷ cùng với các thương binh, và cuộc thiên di bắt đầu trong những điều kiện khổ nhọc nhất. Bình minh ngày 7 tháng 8, trong khi các kẻ bị đắm tàu kiệt sức bắt đầu tuyệt vọng, thì nhièu xuồng của dân bản xứ cặp vào bãi biển đao san hô mới của họ. Một người Mélanésien chìa cho họ một tờ giây. Trên đầu có ghi một địa chỉ hết sức mơ hồ:

”Gửi cho người có cấp bậc cao nhất còn sống sót của chiếc PT 109”

Nhưng văn bản tiếp theo đó thì vang dội như đoạn kết của một chuyện thần tiên:
“Những người mang điệp văn này có nhiệm vụ đưa anhd dến Wana Wana để tổ chức việc hồi hương cho thuỷ thủ đoàn của anh”.

Ký tên:
Trung uý Evans. Coast Watcher tại Kolombangara.



Vài ngày sau, trong khi trung uý John F.Kennedy cùng các thuộc viên chờ đợi tại Guadalcanal để được hồi hương, thì Evans và Josselyn xin các nhà chức trách cho họ từ chức Coast Watchers, trong cuộc cút bắt ghê rợn được thực hiện trên các đảo để tìm kiếm các binh sĩ Nhật cuối cùng, quân Mỹ đã oanh tạc các làng bản xứ và bắn cầu may vào rừng rậm, tàn sát tất cả những gì cử động. Hai người Úc không thể nào chịu đựng được sự hổ thẹn khi thấy những chiến sĩ nhỏ con đầy can trường đã giúp đỡ họ nhiều biết bao nhiêu trong suốt cuộc chiến, bị gục ngã gần như dưới mắt họ.


Cuộc đời trôi qua như thế, chiến tranh tiếp diễn như thế, qua những con đường lót bằng xương máu chiến sĩ vô danh, viền hai bên là những gương anh hùng không tên tuổi. Và giá như sự tình cờ đã không làm cho một vị trong các vị anh hùng của cuộc mạo hiểm ấy trở thành Tổng thống Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, thì có lẽ chẳng bao giờ có ai nghe nói đến nó nữa.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:41:19 am
Những bước nhảy ếch

Nếu tổn thất về nhân mạng và chiến cụ của không và hải lực Mỹ rất nặng nề trong năm đầu tiên của cuộc phản công này, thì tổn thất của bộ binh lại rất thấp đáng ngạc nhiên. Trong các cánh rừng sâu ấy, nơi mà các đầu đạn bắn phỏng chừng, bệnh tật đã tàn hại mạnh hơn là vũ khí. Chỉ có 1.600 quân Mỹ tử trận tại Guadalcanal, không đầy 1.000 tại Tân-Georgie. Bảng tổng kết thành tích cũng không kém phần chán nản: trong vòng 12 tháng, vòng đai chu vi Đại Đông Á chỉ thụt lùi có 450 cây số. Tại Munda, một đội quân trú phòng 8.000 binh sĩ Nhật, gần như không được sự yểm trợ của không lẫn hải quân, đã làm cho 36.000 quân Mỹ phải thất bại trong suốt 66 ngày. Bên phía kia của hàng rào “Bismarch Barrier”, nơi mà mặc dầu Mac Arthur có trong tay 8 sư đoàn (5 sư đoàn của Úc), bước nhảy bọ chét cũng chỉ ngang cỡ đó: 400 cây số. Vì thiếu phương tiện chuyển vận đổ bộ và bị địa hình núi non bên trong làm tê liệt, các lực lượng đồng minh hoàn toàn thiếu hẳn sự yểm trợ của không lực, vẫn còn kẹt cứng trước các pháo đài kiên cố tại Lar và Salamaua. Cuộc đổ bộ lên Tân-Irlande, nguyên thuỷ được trù liệu vào tháng 6 năm 1943, đã được hoãn lại đến một ngày vô định… Với cái đà này, muốn đến được Đông Kinh phải kể đến hàng chục năm!


Không bao giờ Nimitz ủng hộ hoàn toàn cuộc đổ bộ lên Tân-Géorie, cũng như cuộc tiến quân của Mac Arthur dọc theo xương sống của Tân-Géorie. Chính uỷ ban tham mưu hỗn hợp đồng minh do sự khẩn nài của ông Tướng, đã ra lệnh mở hai cuộc hành quân đó. Nhưng kết quả đáng chán của những bước nhảy bọ chét này đã cung cấp cho ông một bằng cớ tốt đẹp để lại lôi ra khỏi chồng hồ sơ một dự án mà ông ấp ủ từ lâu.


Tại sao lại để cho bị kiệt sức như thế bằng cách nhảy từ đảo này sang đảo kia trên một đoạn phòng tuyến được phòng thủ quá mạnh? Nhảy những bước bất ngờ trên một khoảng cách lớn hơn bằng cách chồm lên trên các đảo khó chiếm để đặt chân lên các đảo khác được phòng thủ yếu hơn, há chẳng phải là hay hơn sao? Với các phương tiện vật liệu đã bắt đầu được đưa đến, rất có thể cô lập hoá các trung tâm đề kháng rồi để mặc cho chúng tự tan rã mai một. Nguyên tắc này trái với giáo điều quân sự chính thống đến nỗi đã bị Uỷ bản tham mưu hỗn hợp đồng minh nêu lên các sự chống đối kịch liệt.


Nimitz là một tay làm chính trị tế nhị, thay vì trở lại đòi hỏi, ông tổ chức một cuộc hành quân nhỏ trên một chiến trường phụ thuộc để làm cách nào có thể chứng tỏ quan điểm của ông là đúng.


Vào tháng 5 năm 1943, trong lúc Hasley vất vả chuẩn bị cho cuộc xâm chiếm Tân-Géorgie, Nimitz tập họp một lực lượng đặc nhiệm hùng mạnh-ít ra cũng là trên giấy tờ-gồm có ba thiết giáp hạm sống sót tại Trân Châu Cảng mà không ai biết sử dụng làm gì, và một lực lượng chuyển vận đổ bộ nhỏ chở hai trung đoàn để tái chiếm hai đảo Attu và Kiska thuộc quần đảo Aléoutienns bị quân Nhật chiếm đóng từ trận chiến Midway. Thời tiết xấu liên miên và những khó khăn trong việc tiếp tế đã ngăn cản quân Nhật khai thác lợi điểm và sau cùng họ phải tập họp tất cả lực lượng của hai đạo quân trú phòng lên đảo Kiska, đảo gần căn cứ Dutch Harbor của Mỹ nhất.


Cơ hội rất tốt đẹp để toan tính một bước nhảy ếch lên đảo Attu bằng cách “by passant” đảo Kiska1 (Do dach từ Anh “by-pass” có nghĩa là qua mặt để cô lập hoá). Kinh nghiệm có tính cách rất xác minh. Đội quân trú phòng bị cô lập hoá phải bỏ cuộc sau hai tháng.


Vững tâm với thành công này, Nimitz làm cho uỷ ban tham mưu hỗn hợp đồng minh chấp thuận một bước nhảy ếch tương tự qua đảo Kolombangara, nơi các đạo quân trú phòng vừa được tăng cường các tay kiếm rùng rợn của Sazaki và được phi cơ tại căn cứ Vila che chở, sẵn sàng cầm cự một cuộc bao vây bất tuyệt.


Ngày 15 tháng 8 năm 1943, trong khi đôi bên đang đánh nhau tại Tân-Géorgie, một lực lượng chuyển vận đổ bộ do Đo đốc Wilkinson chỉ huy đã bất thình lình đổ lên bờ đảo Vella Lavella 6.000 bộ binh và 8.000 tấn quân dụng. Chừng 500 quân trú phòng Nhật Bản phải rút lui vào trong một cánh rừng già và bị bỏ mặc cho số phận tù hãm trong đó. Sau nhiều cố gắng vô vọng để tiếp tế cho họ, tướng Hyakutaké đành phải cho mười chiếc khu trục hạm và vài khinh tốc đỉnh đến tìm và di tản họ. Các tuần dương hạm Mỹ có nhiệm vụ phong toả, đảo đã cố gắng can thiệp. Rủi cho chúng. Nhờ ưu thế các thuỷ lôi mới, quân Nhật đánh chìm ba tuần dương hạm Mỹ và chỉ bị tổn thất một. Nhưng kết quả thì đã đạt được. Quân Nhật chỉ hồi hương được phần còn lại của một đạo quân trú phòng đói khát.


Lần này Nimitz đã chứng tỏ là chính sách nhảy ếch được trả giá. Kolombangara như thế là bị qua mặt và bị cô lập hoá và phần Wilkinson, lực lượng chuyển vận đổ bộ được tăng cường thêm nhiều chiến hạm, sẵn sàng toan tính một bước nhảy khác.


Sự chọn lựa mục tiêu kế tiếp đã gây ra nhiều cuộc tranh luận phũ phàng. Nimitz thì bằng bất cứ giá nào cũng không muốn tấn công một hòn đảo được quân Nhật bố phòng vững chắc. Thế mà chung quanh Rabaul, hòn đảo nào cũng được bố phòng vững chắc cả. Các đảo Shortland, Bougainville, Tân Bretagne và Tân Irlande, đều là các pháo đài kiên cố không thể bị chiếm được, lại do một không lực hùng mạnh che chở với vô số phi trường trong tay. Đô đốc Koga, kế vị Yamamoto, luôn luôn theo sát các huấn thị của vị tiền nhiệm sáng chói của ông, và quyết tâm sẵn sàng khai thác bất cứ một vụng về nhỏ bé nào của các Đô đốc Mỹ chủ lực của hạm đội mẫu hạm của ông đang rình rập trong các căn cứ lớn tại Truk hoặc tại Ponape và, trong những ngày cuối thu 1943 ấy, các mẫu hạm mới của Mỹ đang còn được chạy thử tại San Diego hay tại Trân Châu Cảng. Mạo hiểm đưa hai mẫu hạm già nua Enterprise và Saratoga vào các hải phận bị canh phòng chặt chẽ giống như vùng biển Corail (San hô) hay là biển Bismarck, thì đúng là đưa mồi cho đối phương.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:43:13 am
Trong khi Mac Arthur thì nóng nảy cuống cuồng. Giờ đây dưới quyền ông đã có cả một quân đoàn không lực: Quân đoàn V mới được thành lập do một tướng lĩnh sáng chói chỉ huy, Tướng Kenney. Chính bản thân ông cũng đã rút ra các bài học hữu ích về những sai lầm đã phạm phải tại Phi Luật Tân, và giờ đây ông là người biết cách vận dụng các đơn vị không quân hơn phần đông tướng lĩnh Mỹ. Lực lượng đổ bộ thứ VII của ông do Đề đốc Barbey chỉ huy rất thiện chiến trong các cuộc hành quân đổ bộ. Ông ước tính là có thể thanh toán Lae và Salamaua rồi đuổi lực lượng Nhật ra khỏi bán đảo Huon để từ đó nhảy lên Tân-Bretagne. Uỷ ban tham mưu hỗn hợp đồng minh cho ông toàn quyền với trừ lệ duy nhất là ông không được đòi hỏi bất cứ hợp tác nào của hạm đội Halsey và phải bằng lòng với hải đoàn Anh-Mỹ vẫn do Đô đốc Crutchley chỉ huy.


Các cuộc hành quân tại Tân-Guinée đã phát động ngay từ đầu tháng 9 năm 1943. Kenney oanh tạc các phi trường Nhật hữu hiệu đến nỗi ông có thể thực hiện một cuộc hành quân không vận ngày 5 tháng 9 trên phi trường Nizab, phía bắc Salamaua, sự chiếm đóng phi trường này đảm bảo cho ông quyền làm chủ tuyệt đối không phận bên trên hai cứ điểm bị bao vây. Quân Úc đổ bộ gần Lae và chiếm đóng các vị trí của Nhật một cách sáng chói và đến lượt Salamaua thất thủ ngày 16 tháng 9. Ngày 2 tháng mười, bán đảo Huon được giải phóng ngoại trừ một ốc đảo còn kháng cự hải cảng Finschafen, đối diện với Tân-Bretagne. Sau những trận đánh trì hoãn cực kỳ dữ dội với quân Nhật đành phải di tản khỏi cứ điểm và quân của Mac Arthur tiến vào đấy ngày 20 tháng 10 năm 1943. Phần đầu của chiến dịch đánh Rabaul đã chấm dứt, và phương cách sáng chói được áp dụng trong đoạn cuối, đã làm cho uy tín của Mac Arthur được nâng cao gấp bội, khiến cho uỷ ban tham mưu hỗn hợp đồng mình đã chấp thuận một mưu toan đổ bộ lên Bougainville để khắp chặt mũi thứ hai của gọng kìm.


Kế hoạch hành quân này đã bị sửa đổi nhiều lần vì Nimitz không chịu thi hành ngay. Sau nhiều cuộc trao đổi quan điểm chua cay với Mac Arthur, ông bằng lòng giới hạn vào một cuộc đổ bộ lên phần chính giữa của hòn đảo to lớn ấy, tại vịnh Nữ hoàng Augusta, và vào sự thiết lập một vòng đai chu vi phòng thủ vài cây số giữa núi và biển. Vì vòng đai này nằm cách đều Buka và Buin, là hai cứ điểm tập trung lực lượng của Nhật, nên các tác giả của kế hoạch ước tính rằng địch quân phải mất ba tháng mới vượt qua được các cánh rừng già che chở chung quanh khu vực phòng thủ. Thời hạn này có thể giúp quân Mỹ xây dựng một phi trường và thiết lập các công sự phòng thủ kiên cố.


Kế hoạch này được thi hành không mấy khó khăn vào tháng 11 năm 1943. Đô đốc Wilkinson, kế vị Turner, người đã thành công rực rỡ tại Vella Lavella, đã chứng tỏ còn khéo léo hơn người tiền nhiệm của ông nhiều, trong việc điều động các đoàn tàu chuyển vận đổ bộ lớn lao, riêng phần tướng chỉ huy đoàn thuỷ quân lục chiến thì bị ngã chết vài ngày trước ngày J, khiến cho chính Vandegrift, mới được thăng Trung tướng ít lâu, đã được triệu dụng đến thay thế. Với một cấp chỉ huy khí phách như thế, thành quả đã được đảm bảo rồi. Vài giàn đại pháo phòng duyên chế ngự vịnh Nữ hoàng Augusta bị các cuộc oanh tạc làm câm họng và bị chiếm giữ bằng lưỡi lê bởi một toán cảm tử thuỷ quân lục chiến. Bình minh ngày 1 tháng 11, hạm đội của Wilkinson đổ bộ lên bờ 14.00 quân và 6.200 tấn quân dụng. Mười hai hải vận hạm đưa quân đến đã có thể nhổ neo ngay đêm đó mặc dầu có hai cuộc oanh tạc của Nhật. Các oanh tạc cơ Nhật bị khu trục cơ Corsair Mỹ từ phi trường Munda đẩy lùi, nhờ một phương pháp hành quân hoàn toàn mới: sự hướng dẫn khu trục cơ bằng rađa và vô tuyến điện thoại do một bộ chỉ huy đặt bản doanh trên một khu trục hạm điều khiển.


Đêm 1 rạng ngày 2 tháng 11 năm 1943, một hải lực của Nhật gồm bốn tuần dương hạm và sau khu trục hạm do Đề đốc Omori chỉ huy đến tấn công lực lượng đặc nhiệm của Đề đốc Merril đang che chờ cho đầu cầu đổ bộ cách vịnh 15 cây số ngoài khơi. Cuộc dạ chiến này đem ưu thế về cho phía Mỹ nhờ các rađa được bổ chính tuyệt vời khám phá kịp thời đoàn chiến thuyền địch đang lao đến. Mặc dầu Merril không đưa được lợi thế về số lượng nhưng ông cũng đánh chìm được một tuần dương và một khu trục hạm của Nhật mà không mất một chiến hạm nào. Đề đốc Omori hy vọng tái lập chiến công của Mikawa tại đảo Savo, phải chịu kết quả ngược lại. Đến sáng ông rút lui với ảo tưởng là đã giáng cho quân Mỹ những tổn thất nặng nề trong lúc thật ra quân Mỹ chỉ có ba chiến hạm bị hư hại nhẹ.


Thời gian đã thay đổi và Halsey, được khích lệ nhờ chiến công đầu tiên này, liền mạo hiểm đưa hai trong các mẫu hạm của ông đến oanh tạc Rabaul. Thật vậy ông vừa nhận được chiếc Princetown, một mẫu hạm nhẹ 12.000 tấn được trang bị những thiết trí hướng dẫn phi cơ kiểu tối tân nhất sẽ giúp tăng cường sự che chở cho mẫu hạm Saratoga cũ kỹ. Cuộc oanh tạc hải cảng Rabaul do hai mẫu hạm này thực hiện ngày 5 tháng 11 năm 1943 đã làm hư hại các tuần dương hạm của Koga nặng nề đến nỗi ông phải cho rút lui tất cả về Truk và không bao giờ còn dám mạo hiểm đưa chúng đến hải phận Bougainville. Nhưng phản ứng của không quân thì rất ác liệt khiến Nimitz phải cho tiếp cứu thuộc viên của mình. Mặc dầu đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công khác, ông cũng phải cho tách khỏi Trân Châu Cảng nơi đang tổ chức công cuộc huấn luyện, hai hàng không mẫu hạm mới trọng tải 30.000 tấn. Essex và Banker Hill và mẫu hạm nhẹ Independence để tấn công từ phía đông, phi trường Rabaul. Cuộc phản công của không quân Nhật mặc dầu rất mạnh mẽ nhưng đã bị cương quyết đẩy lùi và trong dịp này Koga tổn thất 50 phi cơ của hải quân và các phi công bất khả thay thế mà vẫn không đánh trúng được các mẫu hạm của Mỹ.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:44:02 am
Sự đột nhập của ba hàng không mẫu hạm mới thuộc quyền Nimitz đã gieo rắc bối rối bên phe Nhật Bản. Kế hoạch đầy tham vọng của Yamamonton nhằm lôi kéo, hải lực yếu ớt của Mỹ đến khá gần Rabaul để huỷ diệt trong một trận đánh quyết định, nay không còn một cơ may thành công nào nữa. Với ba mẫu hạm tăng cường thêm và một ưu thế không quân ngày càng được xác nhận, quân Mỹ đã lấy lại thế chủ động. Giờ đây chính họ mới có lợi nếu một cuộc đụng độ toàn diện xảy ra. Vị Đô đốc thận trọng Koga lùi bước trước viễn cảnh này và quyết định không gửi tăng viện cho Rabaul lẫn Bougainville nữa. Ông rút lui chủ lực của các hạm đội về Palua và về Truk nằm ngoài tầm các phi trường vừa mới được quân Mỹ xây dựng.


Một lý do khác đã bắt buộc phải áp dụng biện pháp này: xăng và dầu máy bay bắt đầu thiếu hụt. Cho đến lúc đó tiềm thuỷ đỉnh Mỹ vốn nổi bật vì sự vắng mặt trên các trục hải hành chính yếu giữa Nhật và thuộc địa Hoà Lan, đột nhien bắt đầu hành động. Nhiều tàu dầu bị đánh đắm và những tổn thất ấy đã kéo theo một sự xáo trộn trầm trọng trong việc tiếp dầu cặn cho hạm đội và xăng cho phi cơ. Trong thời chiến tuy sự tổn thất vài chiếc tàu dầu là sự kiện tầm thường và có thể tiên liệu được, nhưng với niềm tin mù quáng vào một chiến thắng mau lẹ, người Nhật chẳng làm gì để đối phó với viễn ảnh này. Thay vì xây dựng lại các nhà máy lọc dầu của Hoà Lan và của Anh tại Bornéo và tại Java, họ lại chỉ lo mang dầu thô về Nhật và gửi các chế phẩm trở lại cho các căn cứ trên Thái Bình Dương để thoả mãn nhu cầu của các đơn vị. Phương thức này không những chỉ làm giảm một phần ba hiệu suất tiếp tế dầu, mà còn gia tăng gấp đôi sự phô bày các tàu dầu cho các cuộc tấn công của tiềm thuỷ đỉnh Mỹ.


Ta có quyền ngạc nhiên tự hỏi, tại sao người Mỹ phải mất đến cả hai năm trời mới ý thức được điểm yếu đó của đối phương và không khởi động sớm hơn một cuộc tấn công qui mô bằng tiềm thuỷ đỉnh vốn có thể làm cho Nhật bị mắc nghẽn. Sự kiện lại càng đáng ngạc nhiên hơn nữa vì các thương thuyền của Mỹ vừa chịu đựng các cuộc càn quét của tiềm thuỷ đỉnh Đức trên Đại Tây Dương. Trong lúc 20 tàu ngầm của hạm đội Thái Bình Dương chỉ đánh chìm được có 350.000 tấn thương thuyền Nhật, từ tháng 6 đến tháng 12 năm 1942, thì chừng 20 U-boote của Đô đốc Doenitz đã gửi xuống đáy biển trong cùng thời gian đó, ba triệu tấn thuyền bè Mỹ. Quả không cần làm gì hơn để cho nỗ lực chiến tranh của Nhật vốn hoàn toàn lệ thuộc vào sự vận chuyển trên mặt biển bị tiêu diệt.


Thay vì rút ra từ những con số ấy các kết luận áp đảo, Bộ tư lệnh Mỹ, vì bị ám ảnh bởi sức mạnh của hạm đội liên hợp Nhật còn nguyên vẹn với hai thiết giáp hạm 70.000 tấn, chín mẫu hạm và bốn mươi tuần dương hạm của nó, nên đã phân phối các tàu ngầm của mình cho nhiều hải đoàn khác nhau để thực hiện sứ mạng yểm trợ chúng. Sự phân tán này đã gây ra quá nhiều hậu quả đáng giận. Luôn luôn bị sử dụng trong các công tác phụ đới, các hạm trưởng tàu ngầm không được thi thố nghề nghiệp thật sự của mình. Hơn nữa, thuỷ lôi của họ cũng cho thấy là hoàn toàn vô hiệu; hoặc giả là chạy lạc lối hoặc giả là bị tịt ngòi không nổ. Sự đối chiếu kết quả trở nên khá khó khăn vì khoảng cách xa giữa các đơn vị và căn cứ mẹ của chúng tại Mare Island (San Francisco) không có nỗ lực nào được thực hiện để điều chỉnh các quái tượng này. Vô số báo cáo đã được chuyển trình nhưng chỉ nhận được các câu trả lời diên kỳ. Phải đợi đến khi xảy ra chứng nghiệm kỳ dị của tiềm thuỷ đỉnh Tinosa thì các giới chức hữu quyền tại Hoa Thịnh Đốn mới xúc động: sau khi phóng hai thuỷ lôi làm hư hại một tàu dầu lớn của Nhật, tiềm thuỷ đỉnh Tinosa đã cố sức thanh toán nó bằng cách phóng thêm mười một thuỷ lôi nữa, nhưng vô ích, cả mười một quả đạn đều trúng địch nhưng không một quả nào nổ. Viên hạm trưởng đáng thương của chiếc Tinosa chắc phải là người bình tĩnh ghê gớm mới cho giữ lại quả thuỷ lôi thứ 14 và quả cuối cùng để gửi về Mare Island xin tháo mở ra xem xét… Lần này đã có lệnh mở cuộc điều tra, nhiều sự trừng phạt đã được áp dụng và vài tháng sau, hai kiểu thuỷ lôi tuyệt diệu mới đã hoàn thành bởi công binh xưởng tại Mare Island. Chúng được gửi đến khu vực nam Thái Bình Dương vào tháng 11 năm 1943 và lập tức con số trọng tấn tàu Nhật bị đánh chìm hàng tháng đã từ 100.000 vượt lên 200.000 tấn!


Nhưng ngọn lửa bùng lên không được bao lâu. Các cuộc hành quân đại qui mô do Đô đốc Nimitz chuẩn bị tại khu vực trung ương Thái Bình Dương sắp đưa về chiến trường này gần như tất cả hải lực của Mỹ và bắt buộc các tiềm thuỷ đỉnh phải rời bỏ khu vực săn mồ trên biển Nam Hải để đảm trách lại vai trò con chó chăn cừu, nhằm bảo vệ cho các lực lượng hải quân chạy trên mặt biển. Vả chăng, chúng sẽ được hào quang chiến thắng bao phủ nhân các trận đại chiến trên biển Phi Luật Tân.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:44:41 am
Suy tư trên cấp thượng đỉnh

Ý tưởng tấn công vào vòng đai Đại Đông Á ngay nơi phần chính giữa Thái Bình Dương và là phần nằm gần Nhật Bản nhất đã tỏ ra có tiến bộ nơi các nhân vật chung quanh Roosevlet. Nhiều người có hảo ý nghĩ rằng “nên vặn cổ con mực ma hơn là chặt từng cái vòi một của nó”. Thiếu tá Alexandre De Seversky, một chuyên gia đóng phi cơ cừ khôi và lý thuyết gia về kỹ thuật oanh tạc tầm xa, đã hăng hái bênh vực một dự án nhằm tiêu diệt kỹ nghệ hàng không và những hải lộ giao thông của Nhật bằng cách oanh tạc các nhà máy và các khu vực kế cận hải cảng tại chính quốc. Ông muốn rằng nỗ lực chiến tranh của Mỹ phải được ưu tiên hướng đến sản xuất các pháo đài bay mới B-29 vốn có một bán kính hoạt động đủ để bay đến Nhật từ các phi trường tại Trung Hoa và trên các đảo thuộc quần đảo Aléoutiennes. Luận đề này được hỗ trợ bởi Tướng Chennault, vẫn còn nắm quyền Tư lệnh Không lực 14 tại Trùng Khánh và vẫn đề nghị dùng phi cơ B-25 oanh tạc tàu bè Nhật đang tự di di chuyển dọc theo bờ biển Nam Hải.


Uỷ ban tham mưu hỗn hợp đồng minh bác bỏ chủ trương này; sợ rằng sự sử dụng các phi trường Trung Hoa sẽ khiêu khích một cuộc tổng tấn công tại miền trung Trung Hoa nơi quân đội Tưởng Giới Thạch không thể kháng cự và, về phần quần đảo Aléoutiennes, thời tiết đáng ghét ở đấy thường làm cho hoạt động của không quân bị tê liệt suốt 8 tháng trời mỗi năm.


Các biến công tiếp diễn sau đó chứng tỏ rằng chỉ có sự chống đối thứ hai là có giá trị, và sự chống đối vì lập luận liên quan đến các phi trường Trung Hoa không đúng. Dầu sao chăng nữa, những đề nghị nói trên cũng đã không được Uỷ ban tham mưu hỗn hợp giữ lại, Uỷ ban cũng không muốn gia tăng cường độ của cuộc chiến tranh tiềm thuỷ đỉnh. Phòng hành quân của Đô đốc King liền đệ trình một kế hoạch tấn công vào các quần đảo tại khu vực trung ương Thái Bình Dương bằng các lực lượng đổ bộ được các hàng không mẫu hạm che chở, chính ke này đã được Uỷ ban chấp thuận. Quyền chỉ huy lại được giao về cho Nimitz là người đã nhận thức được kế hoạch ấy. Ông được ưu tiên cung cấp các mẫu hạm và hải vận hạm khi chúng dần dần được đưa ra khỏi công xưởng. Vì chiến trường Âu châu nhận phần lớn nhất trong sự phân phối các sản phẩm chiến tranh của Mỹ, cho nên các phương tiện được hứa hẹn này bị giảm thiểu không thể nào giúp cho cuộc tiến quân của Mac Arthur ngược lên Phi Luật Tân có thể cũng được xúc tiến song song. Về phương diện chính thức thì người ta không ra lệnh cho ông dừng lại, nhưng người ta để cho ông hiểu rằng từ nay ông chỉ có thể sở cậy vào chính lực lượng của mình.


Không cần phải nói với ông Tướng sôi nổi chẳng bao giờ vui vẻ chấp nhận một vố cản trở mà người ta đã áp đặt như thế. Trong một văn thư dữ dội như sấm sét, ông cảnh giác Hoa Thịnh Đốn phải chống lại “một loại xung phong bằng quân đổ bộ được yểm trợ bởi các phi cơ của mẫu hạm nhằm đánh các cứ điểm được bộ binh, hải lực và phi cơ đặt căn cứ trên đất liền phòng thủ vững chắc” và nói thêm rằng “gương Midway còn đó để chứng tỏ các cuộc hành quân liều lĩnh giống nhau đến mức nào”. Nhưng uỷ ban tham mưu ước tính rằng các điều kiện khác nhau và bỏ mặc ác điểm ông lưu ý.


Nếu tất cả mọi người đồng ý từ bỏ con đường quá dài đưa đến Đông Kinh ngang qua Tân-Guinée và Phi Luật Tân, thì đã không có sự nhất trí liên quan đến địa điểm tấn công phải chọn lựa đầu tiên nằm trên viền phía đông chu vi Đại Đông Á. Đô đốc King vẫn luôn luôn đề nghị quần đảo Marshall vì nếu chiếm được thì sẽ có thể tiếp tục nhảy đến quần đảo Mariannes và từ đó có thể oanh tạc trực tiếp lên đất Nhật. Thế nhưng King phải bay lượn trong các địa hạt của những giới chức cao cấp, và các ưu tư liên quan đến công cuộc đổ bộ tại Âu châu đã bắt buộc ông phải giao lại cho các cấp thuộc quyền suy tính-đặc biệt là Nimitz, người chủ chốt trong nội vụ. Mà Nimitz thì coi kế hoạch này như quá liều lĩnh. Ngoài việc ông không được tin tức chính xác về tình trạng phòng thủ của Nhật trên các đảo san hô, vị trí kế cận của pháo đài Tarawa kiên cố, trong quần đảo nhỏ Gilbert nằm cạnh phía đông nam quần đảo Marshall, đã gợi cho ông nhiều âu lo sôi động nhất. Mặc dầu là người đầu tiên chủ trương chính sách “By-Pass”, ông cho rằng, trong trường hợp này, chính sách ấy quá nguy hiểm. Hơn nữa, Tarawa nằm trong vòng bán kính hoạt động của các phi cơ đặt căn cứ trên nhiều phi trường của Mỹ trên quần đảo Ellice, trong khi đó thì căn cứ Kwajalein hùng mạnh của Nhật thì không bị lâm vào tình trạng như thế. Cuộc tấn công thẳng vào căn cứ này phải được thực hiện với sự yểm trợ duy nhất của các phi cơ trên mẫu hạm của ông và ông ước tính rằng số lượng mẫu hạm chưa đủ để đảm bảo cho sự thành công. Ông đặt vấn đề cho ủy ban tham mưu hỗn hợp đồng minh dưới hình thức một thế lưỡng đao: hoặc tấn công Kwajalein, trong trường hợp này phải đợi các mẫu hạm được đưa đến (và như thế là giúp cho quân Nhật có đủ thì giờ tăng cường kiên cố thêm nữa các đảo san hô thuộc quần đảo Marshall) hoặc là tấn công Tarawa ngay lập tức (nghĩa là ngắt ngang các lực lượng tăng viện của ông). Và vì vấn đề tuần trăng và giờ thuỷ triều lên bắt buộc phải chọn lựa ngày 20 tháng 11, uỷ ban tham mưu bị thì giờ thúc giục nên phải nghe theo. Nimitz ra lệnh áp dụng ngay lập tức cuộc hành quân Galvanic: đổ bộ lên các đảo san hô Tarawa.


Lúc ấy không ai biết rằng vùng biển san hô hẻo lánh, chung quanh bị một chuỗi đá ngầm hình tam giác bao bọc, lại là một trong các cứ điểm được phòng thủ vững chắc hơn cả trên Thái Bình Dương và trận đánh sắp đến là một trong các trận đẫm máu nhất trong chiến tranh.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:46:36 am
Chiến trường trung ương Thái Bình Dương

Thảm cảnh tại Bétio

Ma quỉ nào đã thúc đẩy trung sĩ nhất Price, vừa mới được gắn huy chương tại Guadalcanal, xin thuyên chuyển về trung đoàn 2 thuỷ quân lục chiến? Chỉ có anh mới có thể trả lời được. Đơn vị của anh đang dưỡng quân tại Wellington sau sáu tháng chiến đấu kiệt sức, và nhiều bạn hữu của anh đã được gửi về Hoa Kỳ trong những vị trí hoàn toàn yên nghỉ. Anh vẫn còn có thể nghỉ ngơi ít lâu nữa mà không mất chức vụ huấn luyện viên rất xứng đáng do kinh nghiệm chiến đấu trong rừng của anh. Nhưng Price là người có bản chất quân sự từ tâm hồn. Sau vụ Midway và sau các trận xáp lá cà hung dữ tại Henderson Field, anh đã có ý tưởng rất cao cả về vai trò trung đội trưởng bộ binh của mình. Anh tính toán hữu lý rằng, dẫn một toán người được đào tạo theo hình ảnh của anh và hoàn toàn ngưỡng mộ anh tiến lên xung phong, là một trong các sứ mạng cao cả nhất và phấn khởi nhất của hệ cấp quân đội. Khi được biết rằng vị chỉ huy cũ của mình tại Guadalcanal, trung tá Shoup, đã lần lượt được thăng cấp Đại tá và được bơm lên làm trung đoàn trưởng trung đoàn thuỷ quân lục chiến, nhiệt tâm anh bùng lên. Không những là một trong các trung đoàn danh tiếng nhất của thuỷ quân lục chiến mà Shoup còn là một trong những người mà anh cũng thích được tháp tùng để dấn mình vào cuộc mạo hiểm. Hơn nữa, trung sĩ Price vừa được biết rằng giờ đây là một cuộc hành quân vào miền trung Thái Bình Dương và anh nghĩ, nhớ các kinh nghiệm tại Midway, anh có thể mang lại sự giúp đỡ quí báu cho vị Đại tá của mình. Anh không muốn nói đến một thứ tình hoài hương đối với các đảo san hô ấy, nhưng dầu sao, ý tưởng được đánh nhau dưới bầu trời lồng lộng gió biển thay vì vùng vẫy bất tận giữa những cây đước và cây dứa dại, cũng không phải là một ý tưởng không làm anh hài lòng. Qua hệ thống quân giai anh viết một lá đơn cho vị chỉ huy cũ và nhận được lệnh thuyên chuyển ngay khi người bưu tín viên trở lại.


Khi đến trung đoàn 2, anh được bổ nghiệm vào một toán tiền sát viên do một trung uý có tên Hawkins chỉ huy, một cậu bé to con nhõng nhẽo mới hai mươi ba tuổi, vừa gia nhập vào thuỷ quân lục chiến từ tháng giêng năm 1942, mà đã kiếm lon ngay tại mặt trận theo một mức độ mau lẹ khó tin. Thoạt tiên, có phần ganh tị với sự thăng thưởng khác thường ấy, nhưng Price bị chinh phục mau lẹ bởi sự giản dị, và sự tươi vui của người chỉ huy trẻ tuổi ấy, người đã tiếp anh với thái độ như muốn xin lỗi vì phải chỉ huy một chiến sĩ kỳ cựu như anh.


Toán tiền sát viên đang được huấn luyện cho một cuộc đổ bộ bằng phương tiện hải quân. Mỗi ngày các quân nhân theo học các lớp lý thuyết chen vào giữa là các cuộc thực tập lên tàu và đổ bộ thật nhanh trên các chiếc L.C.P. và các máy kéo lội nước, một kiểu xe kéo chạy xích mới đang được chất đống như cá mồi trên bến tàu, được trang bị với cả một kho vũ khí tự động thật sự.


Tin đồn lan truyền mau lẹ rằng mục tiêu xung phong sắp đến là quần đảo Gilbert đánh dấu ranh giới giữa quần đảo Ellice do Mỹ chiếm đóng, và quần đảo Marshall và người ta nói là quân Nhật đã xây dựng một hành trì không thể đánh chiếm được.


Nhìn lên bảo đồ, Price nhận thấy rằng quần đảo Gilbert này có một đặc điểm về địa lý độc nhất trên địa cầu:” vĩ độ số không, kinh độ 180. Cưỡi lên đường xích đạo như thế là cách đều hai địa cực, và lại còn nằm cách đều hai lục địa Á châu và Mỹ châu. Có lẽ người bản xứ ở đây đã chọn lựa nơi này trong số hàng ngàn đảo để được cách biệt mọi người càng xa càng tốt và có thể sống bình an không bị ai quấy rầy. Căn cứ theo cuốn Guide Bleu mà anh có trong túi, Price thấy rằng sự chọn lựa này rất chí lý. Chẳng ai chú ý đến các đảo san hô này trong nhiều thế kỷ và ngay cả cuộc viếng thăm của các thuyền trưởng Anh quốc Marshall và Gilbert năm 1788 cũng không làm xáo trộn sự yên tĩnh của họ. Trong thế kỷ 19, khách hàng cũng rất hiếm hoi: vài kẻ buôn cùi dừa khô tài tử, và sau đó một là viên chức hành chính người Anh thích cảnh cô tịch. Thoả mãn với những hiểu biết tổng quát này, Price, như một triết gia, chờ đợi được các cấp chỉ huy của mình nói nhiều hơn về mục tiêu thật sự của cuộc tấn công trong tương lai.


Các điểm giải thích chính xác còn lâu mới được đưa đến. Mặc dầu Đô đốc Nimitz biết nhiều chi tiết hơn trung sĩ Price về quần đảo Gilbert và những người mới đến chiếm đóng, nhưng các tin tức ông có cũng đầy dẫy thiếu sót. Ông biết rằng quân Nhật đã chọn các đảo san hô Bétio và Makin để thiết lập các phi trường, nhưng tất cả các tin tức gần như chỉ có thế.


Bétio là một trong 16 đảo san hô thuộc nhóm đảo Tarawa, một nhóm đảo nằm rải lên trên các cạnh không đều của một tam giác vuông mà đường huyền là một dãy đá ngầm. Nằm ở cực tây của cạnh ngắn nhất, nó có lợi điểm là kế cận được lối đi qua duy nhất có thể cho phép tàu bè với một trọng tải nào đó tiến vào vùng biển san hô. Riêng phần đảo Marshall thì được quân Nhật chọn lựa vì nằm gần các đảo san hô kế cận thuộc quần đảo Marshall.


Tất cả những điều đó, Nimitz đã biết, nhưng điều ông chưa biết là bản chất và công cuộc bố trí phòng thủ cũng như số quân trú phòng trên đảo.

Lợi ích của quần đảo Gilbert đối với quân Nhật đã thay đổi trong hai năm chiếm đóng. Ngay khi vừa thiết lập xong phi trường tại đấy, thì hoạt động chiến tranh của họ được chuyển đến Rabaul. Makin và Bétio có đôi phần bị bỏ quên cho đến khi quân Mỹ đến xây cất phi trường tại quần đảo Ellice kế cận. Kể từ lúc đó, nhiều chuyến tàu vận tải đi đi lại lại giữa căn cứ hải quân lớn lao Truk và đảo san hô Tarawa.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:47:24 am
Tháng 7 năm 1943, Đô đốc Koga chấp nhận viễn ảnh phải hy sinh Rabaul, ông quyết định tăng cường chu vi phòng thủ phía đông và giao cho Đô đốc Shibasaki quyền tư lệnh nhóm đảo Tarawa. Với 4.000 thuỷ quân lục chiến và 3.000 nhân công Cao Ly, Shibasaki biến đảo san hô Bétio thành pháo đài. Đó là một cấp chỉ huy cực kỳ sinh động trở thành bậc thầy trong nghệ thuật tổ chức thành luỹ kiên cố. Trong tháng 10 năm 1943, ông đã đoan quyết với Koga rằng “phải có ba triệu quân Mỹ và 100 năm cố gắng mới chiếm được Bétio”. Các chiến luỹ được xây cất bằng thân cây dừa nối với nhau nhờ các màu thép, được củng cố bằng các khối san hô nghiền vụn, sẽ mau lẹ chứng tỏ sức chịu dựng kỳ lạ của chúng. Các mệnh lệnh do ông ban hành cho các sĩ quan đều rất đơn giản và rất hợp lẽ phải: “Hãy chờ đợi các tàu chờ quân tấn công được tập họp để đổ quân trước khi khai hoả. Chỉ nhắm bắn các chiến hạm. Nếu địch bắt đầu đổ bộ, hãy bắn xối xả vào các tàu chuyển quân bằng tất cả vũ khí trong suốt đoạn đường chúng tiến vào bãi biển. Sau đó, hãy tập trung hoả lực vào các thành phần đầu tiên đặt chân lên ven bãi biển. Vì lẽ địch chỉ có một khoảng cách 20 giữa mé nước này và bức tường chiến luỹ liên tục của anh, họ sẽ không thể nào tập họp các đơn vị lần lượt thực hiện một đợt phá khẩu để thiết lập một đầu cầu”.


Kế hoạch này sẽ được áp dụng sát khi quân Mỹ đổ bộ và thật khó mà không thành công.

Các không ảnh và kết quả quan sát của các hạm trưởng tiềm thuỷ đỉnh đã cho Nimitz thấy tầm quan trọng của các hệ thống phòng thủ ấy, ông liền quyết định tiêu diệt chúng bằng các cuộc hải pháo và oanh tạc liên tục trong một tuần lễ, rồi sau đó tràn ngập chúng nhờ ưu thế đề bẹp về số lượng của lực lượng đổ bộ vốn lên đến 14.000 quân, nhiều chiến xa nhẹ và pháo binh. Điều làm ông lo âu hơn cả là hệ thống phòng vệ bao quanh bờ biển của đảo. Mức thuỷ triều lên xuống thay đổi đáng kể lại thêm một ẩn số mới vào chiều sâu bất định được ghi trên bản đồ. Các chuyên viên của bộ tham mưu khuyên nên chờ đợi con nước lớn vào cuối tháng 12, nhưng thì giờ thôi thúc quá, cuộc hành quân phải được thực hiện càng sớm càng tốt để cho quân Nhật không có đủ thì giờ hoàn thiện hệ thống phòng thủ. Rủi thay, con nước lớn của tháng 11 lại hạ xuống quá sớm. Ngày thích hợp nhất phải được ấn định là khoảng 15 tháng 11, điều này khiến Nimitz có quá ít thời gian để tập họp số lượng chiến thuyền, phi cơ và binh sĩ khổng lồ để đổ bộ. Bất chấp cơ nguy của một tình trạng lộn xộn nào đó, ông muốn toan tính thực hiện trò đu dây này hơn là trì hoãn ngày mở cuộc hành quân.


Sau cùng ngày J được ấn định là ngày 20 tháng 11 năm 1943, ngày giới hạn tối đa mà thuỷ truyền lên cao. Cuộc hành quân mang ám danh “Galvanic” ấy, được đặt dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Spruance, cựu tư lệnh lực lượng đặc nhiệm của mẫu hạm Hornet tại Midway, giờ đây đang chỉ huy hạm đội thứ 5 gồm có sáu mẫu hạm mới, sáu thiết giáp hạm, bốn tuần dương và hai mươi mốt khu trục hạm. Lực lượng hải quân quan trọng này phải che chở từ ngoài khơi cho các cuộc hành quân đổ bộ và tham dự vào cuộc hải pháo cũng như không kích. Lực lượng hải vận hạm chở quân đổ bộ do Đô đốc Turner chỉ huy và tư lệnh quân đoàn đổ bộ là Thiếu tướng Holland Smith thuộc thuỷ quân lục chiến. Một lực lượng hải quân che chở khác, gồm có các thiết giáp hạm cũ, các tuần dương và khu trục hạm sẽ đảm bảo công cuộc yểm trợ tiếp vận và đặt dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Hill.


Số lượng các giới chức tham dự, sự qui định mơ hồ về chức trưởng của họ và sự phân tán các lực lượng của họ sẽ không làm cho diễn tiến của cuộc đổ bộ được dễ dàng.

Sự sử dụng một hải đoàn thiết giáp hạm để hải pháo bờ vào một bờ biển được phòng thủ vững chắc từ một khoảng cách ngắn là một quyết định chưa bao giờ được toan tính kể từ kinh nghiệm tai hại tại eo biển Dardanelle năm 1915. Tướng Julian Smith, tư lệnh đạo quân phải đổ bộ lên Bétio, tiên liệu rằng người ta sẽ tung binh sĩ thuộc quyền ông vào các công sự pháo đài của Nhật viền theo bờ biển trong những điều kiện tương tự như các điều kiện của Anzac tại Gallipoli, nên sợ rằng sẽ thấy binh sĩ của ông cũng chịu đựng một số phận thảm thương như thế. Trong một phiên họp tham mưu duy nhất giữa các giới chức có trách nhiệm về cuộc hành quân, ông phát biểu sự nghi ngờ về hiệu năng của các cuộc hải pháo. Đô đốc Hill tỏ ra rất khó chịu vì các điểm lưu ý này và tuyên bố rằng “tất cả những gì cưỡng lại được các cuộc oanh tạc sẽ, không những bị vô hiệu hoá, mà còn bị nghiền ra bột bởi trọng pháo của các chiến hạm thuộc quyền ông vốn không ngần ngại tiến sát vào bờ biển”. Ông đã lôi kéo câu trả lời thật cứng rắn của tướng Julian Smith: “Tàu chiến của ông có thể tiến gần cách bờ biển 1.000 thước, nhưng tôi được nghe nói rằng chúng được giáp sắt che chở, trong khi chúng tôi phải băng qua bãi biển chỉ cách địch vài thước, thì lại chỉ có lưỡi lê và không có thứ áo giáp nào khác hơn là chiếc áo kaki của chúng tôi”.


Chính ông Tướng thuỷ quân lục chiến là người có lý. Từ đầu đến cuối, cuộc hành quân Galvanic, chỉ là một cuộc xung phong liên tục vào các công sự phòng thủ còn nguyên vẹn, do bởi những chiến binh không được võ trang đầy đủ và chỉ có chiếc áo kaki, ướt đẫm vì sóng biển, che thân.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:48:47 am
Ngày 12 tháng 11 năm 1943, 14.000 quân nhổ neo từ hải cảng Efaté trong quần đảo Tân-Hébrides. Hai ngày trước đó, các L.S.T chất đầy những máy kéo lội nước mới ra lò từ Hoa Kỳ đến, cũng đã rời Wellington để đến tiếp hợp với lực lượng đổ bộ. Riêng hải đoàn của Đô đốc Hill, từ Trân Châu Cảng, cũng đã lên đường đến điểm hẹn chung được ấn định vào ngày 19 tháng 11 tại phía nam quần đảo Gilbert. Mặc dầu có sự cách trở ban đầu, sự tiếp hợp đã được thực hiện đúng theo thời biểu và hai nhóm hải vận hạm tại Makin và tại Tarawa bắt đầu chuyển quân qua tàu đổ bộ L.C.I đúng thời hạn mong muốn.


Giai đoạn đầu tiên của các cuộc đổ bộ lên bờ biển phải bắt đầu vào bình minh ngày 20 tháng 11 năm 1943 gồm có việc thiết lập ba đầu cầu trên đảo Bétio. Một nằm ngay giữa đảo, hai đầu cầu kia nằm hai bên và cách đều đầu cầu giữa chừng 500 thước.


Đảo Bétio có hình dáng một con két nằm chổng vó dọc theo xích đạo, mà chiếc mỏ hướng về địa cực. Một bến tàu từ rốn con két nhô ra, băng ngang qua hàng rào san hô ngầm thông góc với bờ biển. Các phi đạo của phi trường được thiết lập bên trong sâu một chút, ngay bụng của con chim.


Ba tiểu đoàn tương ứng với 3 đầu cầu phải được đổ bộ lên bờ thành nhiều đợt, trước hết bởi các máy kéo lội nước, tiếp đó và khi nước lên khá cao, bởi các tàu L.C.I và L.C.T.


Ngay từ lúc khởi sự thảm cảnh đã bắt đầu. Sau khi các hải vận bỏ neo trong vùng biển san hô, việc chuyển binh sĩ và chiến cụ được thực hiện không có gì lộn xộn quá, nhưng khi các tàu đổ bộ tập họp tại tuyến xuất phát, chúng liền bị tán loạn vì hoả lực tập trung dày đặc của các giàn súng Nhật trên bờ. Mọi người hoàn toàn bị bất ngờ vì tin rằng chúng đã bị “nghiền ra bột” bởi tác xạ của hải pháo trên thiết giáp hạm. Các khu trục hạm phải tiến vào gần sát bờ mới làm chậm bớt được cơn mưa trái phá rơi xuống các tàu đổ bộ.


Sau cùng, cuộc tập họp trước được dự liệu lúc 7 giờ, nhưng mãi đến 9 giờ mới có thể thực hiện được và khi đợt thứ nhất đến được hàng rào đá ngầm, một hoả lực ác liệt chờ đón họ. Thuỷ triều đã xuống thấp và các máy kéo còn chạy được phải vất vả lắm mới vượt qua được. Các binh sĩ mang quá nặng phải nhảy xuống cách bãi biển rất xa, và trong cuộc đi bộ kiệt sức của họ, sáu trăm người đã bị giết hoặc bị thương. Những người lọt lưới được liền chạy tán loạn, tìm cách thoát hiểm trong các thế đất gồ ghề hiếm hoi. Nhiều máy kéo lội nước, cực nhọc rút ra để quay trở lại chở đợt thứ hai, phải chất đầy người bị thương. Nhiều thương binh còn mắc trên hàng rào đá ngầm và các binh sĩ vùng vẫy trong nước tập họp lại để ẩn núp sau đó. Đến 10 giờ, rốt cuộc chừng vài trăm binh sĩ đã đặt được chân lên bãi biển nhưng các đơn vị thì hoàn toàn tan rã. Binh sĩ không tìm thấy được sĩ quan của mình và không chịu tuân hành mệnh lệnh triệt để. Bị kẹt cứng trong các hố cá nhân, cách chiến luỹ bằng thân cây viền theo bờ biển có vài thước, họ nghe tiếng đạn rít trên đầu do các xạ thủ mai phục đằng sau móng đá của bến tàu nhắm bắn và không dám thò mũi ra ngoài. Không một điều tiên liệu nguyên thuỷ nào được thể hiện. Cả Đại tá Shoup lẫn đại đội chỉ huy của ông đều không ai đặt chân lên bờ được. Sáng kiến nằm trong tay các trung đội trưởng. Gần như tất cả trung đội trưởng đều đã kháng cự với sự can đảm tuyệt diệu và chính một người trong số đó đã cứu vãn tạm thời tình thế.


Toán tiền sát viên của trung uý Hawkins và trung sĩ Price bám chặt được vào móng của bến tàu. Hiểu rõ nguy cơ giết người mà quân đổ bộ phải lãnh đủ do đạn tác xạ cạnh sườn của các xạ thủ đại liên Nhật Bản đang mai phục trong các bờ đá của chân móng bến tàu, Hawkins gọi tên từng người một, tập họp một số đông nhất binh sĩ thuộc quyền, rồi dẫn họ nhào lên vừa xung phong vừa thét: “Phải tiến đến đó!”.


Sau một trận cận chiến kinh hồn, các binh sĩ tiền sát của Hawkins quét sạch được tất cả các cổ đại liên mà binh sĩ Nhật tiếp tục bắn cho đến phút chót. Chắc chắn là hệ thống liên lạc với Đô đốc Shibasaki đã bị hư hại do cuộc hải pháo của các khu trục hạm lúc đó đạt đến cường độ mãnh liệt, bởi vì không có một thuộc viên nào của ông ta có sáng kiến phản công quân Mỹ. Dầu sao chăng nữa, bến tàu rốt cuộc đã được giải toả. Nhưng quân đổ bộ đã không thể sử dụng được vì quân NHật, nấp trên ngọn dừa tưới đạn xuống đấy không ngừng nghỉ, tuy vậy, các tàu L.C.T đã có thể cặp vào bến bằng cách nấp vào sau các bờ đá của con đê chặn sóng, và vài chiến xa nhẹ còn chạy được vào cả trong đất liền.


Đến trưa, Đại tá Shoup đổ bộ và lập ban chỉ huy trên chiếc mái sụp đổ của một lô cốt lớn bị đối phương bỏ lại. Chỗ này, đầu cầu đổ bộ có chiều sâu 20 thước. Khi bóng đêm phủ xuống, ông thấy đằng sau mình cả một đoàn máy ủi và tàu đổ bộ vĩ đại đủ mọi kiểu. Gần như tất cả đều cặp được vào đầu con đê chặn sóng. Binh sĩ bắt đầu tiến lên theo hàng dọc, hoặc bò theo đường dẫn ra bến tàu hoặc ẩn nấp bên dưới nó. Khi đêm tối hoàn toàn, Shoup nhận được tin mừng đầu tiên trong ngày, một đại đội của ông đã cặp được vào bờ rất xa về phía tây-trên chiếc mỏ của con két-tại một địa điểm mà sự phòng thủ của Nhật không đáng kể. Đại đội tiến về phía đông gần 500 thước và nối kết được với những toán quân nhỏ lạc lõng trong vùng kế cận.


Khi được thông báo về tình hình của binh sĩ đổ bộ-nghĩa là vào lúc đêm đã rất khuya-thiếu tướng Julian Smith gửi cho Shoup một điện văn vắn tắt: “Chuẩn bị tấn công khi trời vừa sáng. Tôi sẽ gửi cho anh hai tiểu đoàn tăng viện”.


Mặc dầu thuỷ quân lục chiến không hề được nghỉ ngơi từ lúc 6 giờ sáng, không một ai có thể có lấy mọt phút nghỉ mệt. Không những họ bị cuốn hút vào công cuộc chuẩn bị tấn công vào sáng ngày hôm sau, mà ánh sáng của hoả châu, tiếng úng liên miên của các chiến hạm và mùi hôi thối dễ sợ bốc ra từ các xác chết mà khi thuỷ triều rút xuống, nằm phơi đầy bãi biển, tất cả những thứ đó không thể nào thích nghi cho giấc ngủ được.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:49:33 am
Đến sáng, hai tiểu đoàn tăng viện đến, Shoup ra lệnh tấn công. Các binh sĩ dồn cục sau bộ chỉ huy của ông ra khỏi chiến luỹ, được các phi cơ của thuỷ quân lục chiến đâm xuống sát mặt đất tác xạ “straffing” liên tục. Nhưng hoả lực của quân Nhật trong các lô cốt còn dày đặc hơn hôm qua. Bất chấp lựu đạn được phóng qua các kẽ hở của thân cây và súng phun lửa, quân Nhật tiếp tục bắn. Sau một giờ nỗ lực ngoài sức người, Shoup phải chấp nhận một sự thực hiển nhiên: cuộc phản công bị bảy gãy từ trong trứng nước. Phần lớn sĩ quan của ông bị chết hoặc bị thương. Hawkins, viên sĩ quan từng thực hiện chuyện phi trường với nhóm tiền sát viên của mình bị một mảnh đạn trái phá vào chân và ba mảnh vào vai. Mặc dầu anh từ chối không chịu cho di tản, Price phải lên thay anh nắm quyền chỉ huy… Shoup điện thoại cho Julian Smith báo rằng ông không còn làm chủ được tình hình. Ông thiếu tướng trả lời: “Ráng giữ vững vài giờ nữa, tôi sẽ gửi trung đoàn 6 đến cho anh”.


Trung đoàn này là đơn vị trừ bị chót của toàn diện cuộc hành quân đổ bộ. Trung tướng Holland Smith đã giữ nó lại để dự phòng trường hợp cuộc đánh chiếm Makin gặp khó khăn. Thế mà phản ứng tại Makin không đáng kể và vì đội quân trú phòng Nhật không qua 400 người hòn đảo ấy đã bị chiếm đóng từ sáng. Tổn thất duy nhất của hải lực đổ bộ tại đó là một mẫu hạm hộ tống, chiếc Liscomb Bay, rủi ro bị một tàu ngầm Nhật phóng thuỷ lôi đánh chìm. Turner và Holland Smith từ lâu tin tưởng rằng sự việc tại Bétio cũng dễ dàng như thế, nên khi nhận được hung tin, họ mở hết tốc độ chạy về Tarawa.


Lời hứa sắp đưa trung đoàn 6 đến tăng viện chắc chắn đã làm yên tâm những binh sĩ cố thủ ba đầu cầu đổ bộ tại Bétio, nhưng phải giữ vững vài giờ và không một ai biết có thể làm được việc này hay không. Binh sĩ của Shibasaki chiến đấu với một sức mạnh hung tàn. Chắc chắn lúc ấy vị Đô đốc Nhật đang có mặt bên cạnh binh sĩ của ông ta, ngay giữa lòng cuộc chiến, chuẩn bị phản công để hất quân Mỹ ra biển. Tổn thất của quân Mỹ lên đến mức dễ sợ. Xác chết xếp thành đống chung quanh đầu cầu đổ bộ. Các khẩu trọng pháo phải được vác đến sát lô cốt để bắn vào các lỗ châu mai, vì chúng không gây hiệu quả gì trên các thân cây bằng gỗ hay cây dừa được khôn ngoan nối kết với nhau bằng các mấu thép. Từ các thân cây còn đứng vững, những xạ thủ ưu tú Nhật, bắn hạ từng binh sĩ Mỹ lộ liễu với mức độ chính xác không chê được. Các sĩ quan than phiền với Shoup là những thành phần binh sĩ ưu tú của họ đã bị giết và những người khác bắt đầu mất can đảm. ”Các anh chỉ cần bảo: ai muốn theo tôi?”. Shoup trả lời. “Nếu có 10 người theo, các anh nên cho là đã sung sướng. Ít thật đấy, nhưng còn hơn không có ai!”.


Đến 13 giờ, mùi hôi thúi của xác chết nồng nặc đến nỗi các binh sĩ khiêng cáng phải dìm xác xuống nước. Trung uý Hawkins đáng thương, ngất ngư, phải được di tản bằng một cái bè cao su. Năm trong sáu sĩ quan thuộc tiểu đoàn lập đầu cầu chính giữa đã bị giết… Rõ ràng là binh sĩ đã chịu đựng đến cùng. Shoup đi từ đại đội này đến đại đội kia xác định rằng-mà không tin chắc lắm-quân tăng viện sắp đến.


Nửa giờ trôi qua… một thế kỷ! Shoup thấy trước tai biến toàn diện. Nhưng đột nhiên ông nghe đàng sau một thứ xì xầm bắt ông phải quay lại: vùng san hô bao phủ những chấm đen và những tua bọt sóng. Đấy là các tàu đổ bộ quân trừ bị đang lao vào các bờ biển với tất cả sức mạnh của động. Cùng lúc đó một đám mây oanh tạc cơ đâm bổ tràn ngập trên các công sự phòng thủ của Nhật. Hầu hết các tàu chờ quân đổ bộ ủi vào bờ vô sự.


Hai giờ sau, gần 1000 chiến binh mới và khoẻ khoắn được đưa lên bờ cùng với chiến xa nhẹ, pháo binh và các cấp chỉ huy. Cuộc phản công mà ai cũng sợ, đã không xảy ra. Chắc Đô đốc Shibasaki phải vùi thây dưới đống đổ nát của một hầm trú ẩn nào đó bởi vì một vẻ hoang mang đang bộc lộ bên phía quân Nhật.


Nhiều xe Jeep bắt đầu chạy dọc theo chân thành luỹ. Đầu cầu bên trái đột nhiên mở rộng được gần 100 thước. Ngọn gió chiến thắng kích thích lại tinh thần can đảm của các đại đội bị khốn khổ nhất. Chiến trường bị một lớp khói bao phủ càng dày đặc hơn vì giờ đây còn có thêm khói từ các đám cháy bốc lên từ các hầm trú ẩn. Chiến binh Nhật đều tự để cho bị thiêu sống tại chỗ hơn là đầu hàng. Không có một tù binh nào… Chỉ có những xác chết cháy thành than và các thân người nát bét bị bom giết chết và hất từ ngọn cây dừa xuống đất. Cùng với bóng đêm, tiếng huyên náo giảm dần. Chiến thắng của thuỷ quân lục chiến giờ đây đã được đảm bảo. Tên Tarawa đã đi vào lịch sử, làm lu mờ một cách rất bất công địa danh Bétio, nhưng cần gì! Một sự thất bại có thể đưa lại nhiều hậu quả đáng sợ vừa tránh được trong gang tấc.


Ngày 22 tháng 11 năm 1943 còn được đánh dấu bằng các trận đánh gay go vì các pháo đài sau cùng của Nhật, mặc dầu bị tràn ngập bởi cả một làn tuyết băng toàn xe tăng, pháo binh và binh sĩ, vẫn tiếp tục chiến đấu đến cùng. Trong tổng số 4.500 quân trú phòng, người ta chỉ tìm thấy còn có 400 công nhân Cao Ly là còn sống. Nhưng trung đoàn 2 thuỷ quân lục chiến phải trả giá đắt cho chiến công này. Trong 48 giờ, toàn diện lực lượng binh sĩ đổ bộ đã bị tổn thất 3.300 chết, bị thương hoặc mất tích, bằng số tổn thất tại Guadalcanal trong sáu tháng…


Khi ký giả Robert Sherrod, người cùng đổ bộ với thuỷ quân lục chiến và theo dõi trận đánh tại tuyến đầu, đến hỏi đại tá Shoup phép lạ đã diễn ra như thế nào, người anh hùng của Bétio trả lời bằng câu đơn giản sau: “Người ta yêu cầu chúng tôi giữ vững, và, lạy chúa, chúng tôi đã giữ vững!”.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:51:01 am
Số phận bị thúc giục

Cuộc tấn công vào Bétio quá đắt giá. Nhiều đơn vị ưu tú bị tàn sát, nhiều tàu đổ quân và xe lội nước bị tiêu huỷ. Nhưng các bài học rút ra được từ cuộc tấn công vào một tiểu đảo được phòng thủ kiên cố ấy đều vô giá cho nỗ lực tiếp tục tấn công. Cuộc đánh chiếm quần đảo Gilbert chỉ là bước đầu để tiến lên quần đảo Marshall, nơi có các đảo lớn có thể đưa cả hạm đội vào trú ẩn, và là nơi quân Nhật có năm hoặc sáu phi trường. Biết rằng chúng được phòng thủ chặt chẽ Nimitz muốn tấn công ngay để lợi dụng sự bối rối gây ra cho địch sau cuộc xung phong vào Bétio. Nhưng tám ngày oanh tạc và hải pháo liên tục đã không đủ giảm thiểu hệ thống phòng thủ của tiểu đảo san hô Bétio, thì phải cả tháng oanh kích như thế mới vô hiệu hoá được hệ thống phòng thủ trên các đảo lớn thuộc quần đảo Marshall. Hơn nữa, lực lượng chuyển quân đổ bộ của Turner cần phải được bổ chính lại và Spruance lai muốn chờ bốn mẫu hạm mới và hai thiết giáp hạm sắp từ Mỹ đến.


Địch quân làm gì trong thời gian đó? Họ có toan tính mở cuộc hành quân lớn đánh quần đảo Gilbert để khiêu khích hạm đội của Spruance không?

Nimitz không biết gì cả và phải tiên liệu một viễn ảnh như vậy. Do đó ông đặt hạm đội này trong tìng trạng báo động trong suốt tháng 12 năm 1943, bắt hạm đội thực hiện các cuộc oanh tạc trên các đảo Kwajalein và các cuộc tuần thám trên hải cảng Truk và trên quần đảo Mariannes.


Song song với các hoạt động này, Uỷ ban tham mưu hỗn hợp cho phép Mac Arthur đổ bộ lên mũi Gloucester về phía cực tây của Tân-Bretagne. Quân Nhật đã thiết lập một phi trường tại đó để giúp họ ngăn cản mọi sự di chuyển trên hai eo biển Vitraz và Dampier mà lực lượng hải quân chuyển vận đổ bộ khó khăn nên ông đòi hỏi và được sự hỗ trợ của sư đoàn 1 thuỷ quân lục chiến mới được thành lập lại sau những thử thách gay go tại Guadalcannal. Sư đoàn này, với thêm 2.500 bộ binh tăng viện, đổ bộ lên mũi Gloucester ngày 26 tháng 9. Chừng 6.000 hay 7.000 quân Nhật bảo vệ phi trường bị đánh hoàn toàn bất ngờ phải rút lui vào rừng già kế cận mà các điều kiện còn tệ hơn cả ở Guadalcannal. Bệnh kiết lỵ, thương hàn và sốt rét tạo ra nhêìu nạn nhân hơn là súng đạn trong 15 ngày đụng độ sau đó. Tuy vậy, ngày 16 tháng 1 năm 1944, một chu vi phòng thủ kiên cố đã được thiết lập quanh phi trường, nên Mac Arthur đã có thể bắt đầu kế hoạch tiến quân bằng các bước nhảy ếch dọc theo xương sống đảo Tân-Guinée.


Lo âu vì sự khởi đầu các hoạt động bất ngờ này tại phía tây nam, Koga trở về Đông Kinh để thảo luận về chiến lược phòng thủ mà từ nay ông đành phải chấp nhận. Ông đã quyết định rằng chi vi Đại Đông Á sẽ được giới hạn về phía đông bằng một phòng tuyến mới chạy qua các quần đảo Mariannes, Truk và Biak và các cứ điểm tiền phương trên quần đảo Marshall sẽ được tăng viện tối đa bằng các phi cơ còn sót lại tại Rabaul, đoạn bỏ mặc chúng. Phòng tuyến mới sẽ được bảo vệ quyết liệt không chấp nhận một ý tưởng rút lui nào và nếu hải lực Mỹ mạo hiểm vượt qua, hạm đội liên hợp còn nguyên vẹn có thể tung ra trận quyết định mà từ hai năm nay không lúc nào ngừng chuẩn bị. Nhưng còn phải làm thế nào cho các không đoàn thuộc các mẫu hạm bị tiêu diệt tại Rabaul và tại Bougainville được bô sung ngay lập tức.


Koga được hứa rằng các nhu cầu về phi cơ và phi công sẽ được ưu tiên thoả mãn, ông cũng đã yêu cầu cho tạm thời rút các mẫu hạm lui về Tân Gia Ba và về quần đảo Mã Lai, nơi chúng có thể được tiếp nhiên liệu và huấn luyện các phi công mới khi nào họ dần đần được đến. Song song với cuộc rút lui chiến lược này, Koga đã được thượng cấp chấp thuận một kế hoạch cải tổ hạm đội liên hợp căn cứ trên những nguyên tắc mới mẻ. Các đại thiết giáp hạm Musachi, Yamato và chiếc Nagato1 (Không mạnh bằng các chiếc kia, Nagato là một thiết giáp hạm 35.000 tấn, võ trang 8 đại bác 360 ly hoàn toàn được canh tân) cũng như hai thiết giáp hạm cũ, Kongo và Haruna, sẽ được sử dụng để che chở cho các mẫu hạm sẽ là vũ khí phòng vệ chính yếu. Về mặt cơ cấu, hạm đội liên hợp được chia làm hai hạm đội: hạm đội thứ nhất gồm có ba đoàn mẫu hạm tổng cộng 9 mẫu hạm, và 15 khu trục hạm hộ tống; hạm đội thứ hai gồm có năm thiết giáp hạm phân làm hai hải đội và mười tuần dương hạm nặng phân thành ba hải đội.


Phó Đô đốc Ozawa, người đã chỉ huy với sự thành công, ai cũng biết, cuộc xâm chiếm Sumatra và Java, lãnh quyền chỉ huy hạm đội mẫu hạm được mệnh danh là “Hạm đội lưu động số 1”. Hạm đội thiết giáp được giao cho phó Đô đốc Kurita, chiến sĩ kỳ cựu tại Midway và tại Guadalcanal, Ugaki, cựu tham mưu trưởng của Yamamoto, sống sót nhờ phép lạ sau cuộc phục kích tại Bougainville, nắm quyền chỉ huy lực lượng thiết giáp hạm khổng lồ.


Một quyết định chiến lược khác bổ túc cho các sự sắp xếp bố trí trên: không lực số 1 của hải quân mà quyền chỉ huy vừa được giao cho Phó Đô đốc Kakuta (phi công kỳ cựu, nguyên chỉ huy trưởng không lực số 2 của các mẫu hạm) sẽ được phân phối cho các căn cứ trên đất liền rải dọc theo chu vi phòng thủ mới từ Iwo Jima cho đến Kiak (Tân Guinée) ngang qua quần đảo Mariannes và tiểu quần đảo Palaos. Kakuta, với chừng 1.500 phi cơ trong tay, đặt ban chỉ huy tại Tinian, thuộc quần đảo Mariannes.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:51:58 am
Tất cả các biện pháp ấy không phải đã được Tổng hành dinh Thiên hoàng chấp thuận dễ dàng. Những giới chức cao cấp sống trong tháp ngà cách xa chiến trường hàng ngàn cây số ấy, khó chấp nhận rằng Nhật Bản phải rút lại thế phòng thủ trong khi còn có cả một hạm đội nguyên vẹn và một đạo quân đang bành trướng-thêm vào đặc tính này, còn là một đạo quân quen chiến đấu thắng lợi trong thế một chống mười. Phải cần cả một sức mạnh thuyết phục của vị tư lệnh hạm đội liên hợp, mới lấy được quyết định. Trong các cuộc bàn cãi, ông không ngừng bị Tojo đương đầu vì cho rằng hải quân đã bi quan quá đáng. Tojo còn đi xa đến mức đòi hỏi cho bộ binh Nhật “vinh dự đảm bảo công cuộc phòng thủ quần đảo Mariannes” mà ông ta tin là có thể biến tất cả các đảo thành “những thành trì không thể bị chiếm được”. Koga nhận sự cung hiến này với tất cả lịch sử nhưng cương quyết giữ vững lập trường. Đó là một con người có vóc dáng cao lớn, nét mặt khắc khổ, mà vẻ Á châu chỉ lưu lại vết tích bằng đường nhăn mờ trên hai hàng lông mày. Được nhào nặn trong các truyền thống hải quân kỳ cựu, ông cũng có cùng tâm trí công kích như vị tiền nhiệm của ông. Ông có cái nhìn rất sáng suốt về tình hình tổng quát và là một trong các lãnh tụ duy nhất của Nhật có thể đối phó với tình thế trầm trọng. Tính cách cương nghị trong thái độ của ông, tính cách sáng suốt trong sự trình bày của ông, và tính cách táo bạo trong các giải pháp đề nghị của ông, đã khiến cho những người chống đối phải nghe theo ông. Khi ông rời Đông Kinh để trở lại Truk, ông được Tổng hành di Thiên hoàng ban cấp cho toàn quyền.


Trong tháng giêng năm 1944, Koga làm việc liên miên với viên tham mưu trưởng của ông, Đề đốc Fukudomé, để xây dựng chi tiết của cơ cấu tổ chức mới. Ngay từ cuối tháng giêng, tin tức đã được đưa đến cho biết rằng quần đảo Marshall phải chịu đựng các cuộc oanh tạc ngày đêm bởi các phi cơ của mẫu hạm địch mà theo các quan sát viên, số lượng không ít hơn 12 chiếc! Koga lập tức gửi những phi cơ sau cùng của ông đến tiếp cứu. Đã có lúc ông ngần ngại muốn gửi một nhóm tuần dương hạm đến cứu viện quân trú phòng trên quần đảo Marshall, nhưng rồi ông rút lui ngay ý định trước mối đe doạ có thể bị tàn sát hết. Ngày 3 tháng 2, ông cho nhổ neo các thiết giáp hạm Yamato và Nagato đến Palaos và chiếc Mushashi trở về Nhật để thực hiện các sửa chữa khẩn cấp. Vì năm tuần dương hạm bị hư hại quá nặng trong các cuộc oanh tạc tại Rabaul cũng đang còn ở Nhật, cho nên các chiến hạm của hạm đội liên hợp trong vài tháng tới sẽ bị phân tán nguy hiểm. Nhưng Koga không tưởng tượng được rằng hạm đội Mỹ, tham dự trong hiện trạng vào các cuộc tấn công lên quần đảo Marshall, lại có thể bắt đầu các cuộc tấn công mới trước thời hạn vài tháng này. Hơn nữa, ông còn có gì để chọn lựa. Ông phải chờ đợi cho các chiến hạm được sửa chữa và các phi cơ mới chế tạo được đưa đến.


Ưu tư chính yếu của Koga kể từ khi lên nắm quyền tư lệnh là tái lập các không đoàn. Hơn 7.000 phi cơ và bằng chừng đó phi công đã bị tiêu diệt trong trận chiến tại quần đảo Salomon-hai lần lớn hơn tổng số phi cơ và phi công của Nhật lúc chiến tranh mới phát động. Kỹ nghệ hàng không, vốn chỉ có thể sản xuất trong thời gian ấy là 400 phi cơ mỗi tháng, nên không thể nào bù đắp được cho tình trạng bị xuất huyết ấy, bởi vì số lượng phi cơ bị lục quân trích ra từ đó để cung ứng cho chiến trường Trung Hoa và Miến Điện đã làm giảm phần cung cấp yếu kém hàng tháng cho hải quân xuống còn một nửa. Nói về mặt phi công thì tình hình không khá hơn. Phẩm chất của hoa tiêu giảm sút từng tháng một. Sự thiếu hụt tàu bè vận tải đã làm chậm trễ việc chuyển giao phi cơ, những phi công trẻ mới được đào tạo ở Nhật được giao cho nhiệm vụ lái phi cơ vừa mới ra lò đưa đến các căn cứ trên Thái Bình Dương, vì thiếu kinh nghiệm nên các tổn thất gây nên bởi những sai lầm trong kỹ thuật phi hành đã lên đến mức báo động. Một nỗ lực vĩ đại đang xúc tiến tại chính quốc để sửa chữa cho các lầm lỗi này nhưng các nỗ lực ấy không thể nào đạt được hiệu quả toàn diện trước năm hay sáu tháng nữa. Vậy thì bổn phận của Koga là giữ cho hải đoàn hàng không mẫu hạm còn nguyên vẹn cho đến ngày ấy. Căn cứ vào những tổn thất nặng nề, mà quân Mỹ phải chịu đựng vè chiến hạm đủ mọi loại và nhất là về hàng không mẫu hạm trong thời kỳ chiến trận tại Salomon, ông có lý do vững chắc để nghĩ rằng họ sẽ không thắng được trong cuộc chạy đua tốc độ.


Koga, cũng không hơn gì bất cứ đại lãnh tụ nào của Nhật, lúc đó không có được một ý niệm chính xác về khả năng vĩ đại của kỹ nghệ Mỹ. Nhiều biến cố sẽ mau lẹ làm ông mở mắt.

Ngày 29 tháng giêng năm 1944, lực lượng đặc nhiệm của mẫu hạm do Đề đốc Mitscher chỉ huy, vị cựu hạm trưởng mẫu hạm Hornet trong vụ oanh tạc Đông Kinh, vốn là một phi công sáng chói của không lực hải quân Mỹ, bắt đầu tham chiến tại khu vực miền Trung Thái Bình Dương. Lực lượng được cấu tạo do hai mẫu hạm kỳ cựu của chiến trận tại Salomon, chiếc Enterprise và chiếc Saratoga, bốn mẫu hạm cùng loại với mẫu hạm Essex và sáu mẫu hạm nhẹ cùng loại với chiếc Independence. Hai thiết giáp hạm tối tân và nhiều tuần dương hạm che chở cho lực lượng về mặt phòng không.


Vừa thực hiện các cuộc oanh tạc ngoạn mục trên các phi trường tại Marshall, các phi cơ tuần tiễu của Mitscher bay trên Truk gần như hàng ngày trong tuần lễ đầu tiên của tháng 2. Những nỗ lực anh hùng của vài khu trục cơ Nhật còn sử dụng được trong quần đảo Carolines, hoàn toàn trở nên bất lực trong việc ngăn chặn phi cơ tuần thám Mỹ. Lần này, Koga phải nhận chân một sự thực hiển nhiên: hải quân Nhật đã mất quyền làm chủ bầu trời trên các căn cứ chính yếu trong Thái Bình Dương. Lập tức ông quyết định rút bộ tư lệnh về Palaos và mang theo ông các tuần dương hạm cuối cùng ngoại trừ một chiếc ở lại với bốn khu trục hạm để đảm bảo các sứ mạng tuần thám.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:52:33 am
Quần đảo Palaos tuyệt đẹp đối với Koga là cả một hải cảng mỹ miều sau khi rời bỏ địa ngục Truk. Nhưng khi vừa mới đến, bộ tham mưu bị một làn sóng hung tin nhận chìm: một lực lượng chuyện vận thuỷ bộ hùng mạnh chở 41.000 người và các máy móc đổ bộ được cải thiện, ào ạt xuyên nhập vùng biển san hô Kwajalein, tràn ngập hệ thống bố  phòng của Nhật và trong ba ngày, lấy được các phi trường chính. Bất kể sự chiến đấu hăng say của quân trú phòng mà mọi điểm đều xứng đáng giống như các binh sĩ tại Bétio, không có gì có thể cưỡng lại được cơn hồng thuỷ máy kéo lội nước bọc sắt kiểu mới, chiến xa xung kích, pháo binh và bộ binh đang tấn công lên các đảo này. Ngày 7 tháng 2, đảo Kwajalein, đảo quan trọng nhất do vị trí nằm ngay lối ra vào phía nam của vùng biển san hô mênh mông cùng mang tên như nó, hoàn toàn lọt vào tay quân Mỹ và 6.000 quân trú phòng Nhật Bản bị tiêu diệt. Hai dải cát Roi và Namur trấn giữ các lối ra vào phía bắc vùng biển san hô Kawajalein cũng bị thất thủ. Các phi cơ Mỹ từ Bétio đến, liền đặt căn cứ trên các phi trường, và nhờ ưu thế áp đảo về số lượng đã vô hiệu hoá tất cả hệ thống phòng không của Nhật tại quần đảo Marshall. Không quan tâm đến các đảo Laluit, Mili và Wotje mà đạo quân trú phòng mạnh mẽ hơn cả, các Đô đốc Mỹ lập tức tổ chức bất thần một cuộc đổ bộ lên Einwetok, đảo san hô nằm ở vị trí xa nhất về phía bắc của quần đảo Marshall. Nắm giữ vọng canh tiền phương này, quân Mỹ không phải chỉ làm sây sát chu vi Đại Đông Á, mà thật ra trong chốc lát họ mở một kẽ hở rộng 2.500 cây số.


Cùng ngày đánh chiếm Eniwetok, hai lực lượng đặc nhiệm Mỹ tổng cộng 12 mẫu hạm lao vào căn cứ hải quân Truk với hy vọng bắt gặp bất chợp hạm đội liên hợp đang bỏ nào tại đấy. Nhưng lần này chiếc lồng trống trơn. Các biện pháp phân tán của Koga đã tránh cho hải quân Nhật một Aboukir thứ hai. Tuy nhiên cuộc oanh tạc xuống Truk không kém phần thảm khốc cho quân Nhật: nó kéo theo tổn thất 200.000 tấn thương thuyền và 275 phi cơ, không nói đến một tuần dương hạm và bốn khu trục hạm bị đuổi kịp ngoài khơi trong khi chúng ra sức chạy trốn. Hơn thế nữa tất cả mọi cơ sở thuộc hải cảng Truk đều bị tiêu diệt.


Thực tại đã vượt quá xa những dự kiến đen tối nhất của Đô đốc Koga. Từ nay ông đã thua trong cuộc chạy đua tốc độ với người Mỹ. Không bao giờ các không đoàn lẫn hạm đội mẫu hạm của ông còn có thể sẵn sàng đúng lúc để đương đầu với lợi thế, trước các lực lượng hải quân kinh khủng của địch nữa. Trước tầm rộng lớn của thảm hoạ, ông phải lấy một quyết định đau đớn là rút lui thêm một lần nữa. Quần đảo nhỏ Palaos không cung ứng các lợi điểm giống như pháo đài vững chắc Truk. Vị tổng tư lệnh hạm đội liên hợp không chịu bỏ rơi nó để tập trung chủ lực vào biển Phi Luật Tân và biển Célèbes kế cận khu vực dầu hoả Bornéo. Tin loan báo về một thảm hoạ mới đã xác tín thêm quyết định của ông: thật vậy, đạo quân của Mac Arthur vốn không ngừng tiến ngược lên theo xương sống đảo Tân-Guinée, vừa đổ bộ lên quần đảo Amirauté từ đó đe doạ pháo đài Biak vốn là chốt cực nam của vòng đai chu vi phòng thủ Đại Đông Á.


Thấy rằng chính căn cứ Palaos cũng không còn là nơi ẩn nấp các cuộc oanh tạc của Mỹ, Koga quyết định rút lui bản doanh của ông về Davao trong đảo Mindanao thuộc Phi Luật Tân.


Ngày 31 tháng 3 năm 1944, hai thuỷ phi cơ bốn máy cất cánh khỏi vùng biển Korok thuộc quần đảo Palaos. Trên chiếc thứ nhất có Đô đốc Koga với hai sĩ quan tuỳ viên, Đề đốc Fukudomé, tham mưu trưởng, bay trong chiếc thứ hai với người phụ tá và các thư ký. Hai phi cơ nhắm đến vùng biển Davao nơi vị Tổng tư lệnh hạm đội liên hợp sẽ thiết lập tổng hành dinh mới, trong một giờ đầu tiên chúng được các khu trục cơ của căn cứ Korok hộ tống, rồi tiếp tục đường bay không có hộ tống hướng đến Phi Luật Tân với chỉ hai giờ bay. Gần như ngay sau đó, hai chiếc thuỷ phi cơ gặp một cơn giông và lúc bay vào mây, không trông thấy nhau nữa.


Tại Davao, Đô đốc chỉ huy trưởng căn cứ được bí mật thông báo vị tổng tư lệnh sẽ đến nhưng không có thời biểu chính xác, vì thế ông không thực hiện các biện pháp báo động nào khác trước khi trời tối. Nhưng đêm tối trải qua mà vẫn không có tin tức gì, Đô đốc liền báo động cho các cứ điểm trinh sát tại Phi Luật Tân. Sáng ngày 1 tháng 4, ông được biết một phi cơ bốn máy bị hạ trên đảo Cébu ngay giữa đêm tối trong lúc nó cố gắng đáp dọc theo bờ biển. Một đoàn quân thám sát được gửi đến tận nơi. Xác chiếc thuỷ phi cơ được tìm thấy trong rừng sâu, riêng phần các hành khách, tất cả đều bị thương nặng thì bị người bản xứ mang vào trong rừng. Phải mất hai ngày săn đuổi mới giải thoát được. Mặc dầu bị thương, Đề đốc Fukudomé được đưa về Davao, tại đó ông đã kể lại cuộc phiêu lưu của mình1 (Bị dân bản xứ bắt, Fukudomé bị giao cho một toán hướng đạo Phi Luật Tân mà lãnh tụ-một người Mỹ-vừa rơi vào tay quân Nhật. Không biết đang giữ trong tay một nhân vật quan trọng như thế nào, các người hướng đạo đề nghị đánh đổi lấy vị chỉ huy của họ. Đó là một trong các cuộc thương lượng độc nhất kiểu này trong suốt cuộc chiến trên Thái Bình Dương). Phi cơ của ông bay vào trong một trận cuồng phong nhiệt đới kinh khủng, nhưng nhờ kinh nghiệm già dặn của một phi công, ông thoát ra khỏi được trong gang tấc bằng cách bẻ lái về phía nam bay sát mặt biển. Hành động này đưa ông lạc quá xa trục bay khiến cho xăng cạn dần và phải đáp tai hại xuống đảo Cébu. Rất có thể là Đô đốc Koga không có may mắn tương tự và có thể phi cơ ông bị rơi ngoài khơi, vì không bao giờ còn nghe ai nói đến ông nữa.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:54:00 am
Kế hoạch A-Go

Tháng 4, tháng 5 năm 1944. Trên đổ biểu tổ chức vĩ đại của uỷ ban tham mưu hỗn hợp, các hàng cột tương ứng với những tháng ngày định mệnh này, nổi bật lên trong một màu xám vì chống chất vô vàn con số, các yếu tố biến đổi, các ước tính. Tất cả mọi sự việc ở đấy đều lệ thuộc vào cuộc hành quân Overlord, cuộc đổ bộ vĩ đại tại Normandie vốn sẽ phải quyết định số phận của cuộc chiến tranh tại Âu Châu. Trong các sự dự liệu cũ về chiến trường Thái Bình Dương, thì sự chiếm đóng bảy đảo san hô Mili, Jalut, Majuro, Maloelap, Wotffe, Kwajalien và Eniwetok sẽ kéo dài 2 tháng. Bình thường thì nó phải chấm dứt vào tháng 4 và 1 tháng nghỉ ngơi đã được xem là cần thiết trước khi mở cuộc tấn công tiếp.


Cuộc tiến quân thần tốc của Nimitz đã làm xáo trộn các tiên liệu này. Đại quân đảo Marshall đã bị vô hiệu hoá ngày 15 tháng 3 và căn cứ Truk bị tiêu diệt. Lực lượng của Spruance chỉ bị các tổn thất không đáng kể, không có gì ngăn trở một đợt tiến quân mới nếu kế hoạch cho phép thay đổi thời biểu. Nhưng không thể được. Giống như một chuyến xe lửa tốc hành đã phóng trên đường ray, guồng máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ phục vụ cho một số quá đông người thụ hưởng đến nỗi không thể nào thay đổi gì được nơi nó. Gia dĩ kế hoạch tấn công lên quần đảo Marianné đã không được uỷ ban tham mưu hỗn hợp chấp thuận vì bị Mac Arthur thúc giục, uỷ ban còn ngần ngại không biết phải theo đường lối nào.


Vả lại, ông Tướng sôi sục chẳng cần chờ được bật đèn xanh mới thực hiện thêm một bước nhảy nữa trên lộ trình của mình. Từ lâu ông có thói quen hành động không cần chờ đợi khi ông thấy chắc chắn thành công mà không cần phải xin bất cứ một sự giúp đỡ nào. Đó là trường hợp cuộc hành quân được dự trù sắp đến gồm có trước hết “By-Pass” căn cứ không quân hùng mạnh Wewak rồi chiếm duyên hải đảo Hollandia, 300 cây số xa hơn về phía tây, nơi có rất nhiều phi trường lớn.


Cuộc xung phong đổ bộ lên Hollandia, mà trước đó đã được chuẩn bị kỹ bởi một loạt oanh tạc có phương pháp, đã diễn ra trong các ngày đầu tháng 6, đúng lúc quân sĩ của Eisenhower lan tràn khắp Normandie. Cuộc đánh chiếm cũng thành công như cuộc đổ bộ tại Âu châu nhưng đã đưa lại một trong những niềm thất vọng sôi động nhất trong cuộc chiến định mệnh này: Các phi trường của Hollandia bị ngập nước vì nằm kế cận hồ Sentani, không thể nào làm khô được và hoàn toàn không thích nghi cho các pháo đài bay cất cánh… Nhưng cần gì! Cuộc đổ bộ tại Normandie đã thành công1 (Đọc “Hitler và trận đánh Normandie”-Sông Kiên xuất bản. Sách đã phát hành), chiếc đầu con bò cái ốm yếu đã bị vượt qua. Từ Aléoutennes đến Tân-Guinée, các lực lượng Mỹ đang hào hứng sửa soạn cuộc xung phong quyết định.


Về phía Nhật Bản, vụ mất tích của Koga đã đưa đến một tình trạng do dự. Tổng hành dinh Thiên hoàng đã để hơn một tháng2 (Đô đốc Takáu, tư lệnh khu vực tây nam Thái Bình Dương xử lý thường vụ) mới chỉ định người kế vị ông là Đô đốc Toyoda, người cho đến lúc đó vẫn chỉ huy khu vực hải quân Yokosuka. Trong tư cách là chỉ huy trưởng căn cứ hải quân quan trọng bao bọc cả vịnh Đông Kinh này, Đô đốc Toyoda đã tham dự chặt chẽ vào việc thiết lập các kế hoạch phòng thủ quần đảo Nhật Bản. Ông cũng đã trông nom công cuộc cải biến thành hàng không mẫu hạm chiếc Shinano, thiết giáp hạm thứ ba cùng loại với chiếc Yamato, vốn đã được lên khung tại công xưởng Yokosuka. Tổng hành dinh Thiên hoàng đặt niềm kỳ vọng lớn lao nhất vào chiếc siêu hàng không mẫu hạm 71.000 tấn này. Một mẫu hạm có thể mang theo 100 phi cơ và gần như không thể nào bị đánh chìm được. Nhưng Toyoda chưa bao giờ hành sử quyền chỉ huy trên mặt biển trong thời gian chiến tranh, và tên ông gần như là xa lạ với tất cả thuỷ đoàn. Đúng vào lúc quyết định ấy, chính đây là một điểm yếu trầm trọng. Có lẽ ông có thể bù trừ yếu điểm này bằng cách đặt bộ chỉ huy trên một trong các chiến hạm của mình, chiếc siêu thiết giáp hạm Musachi hoặc mẫu hạm mới Taiho rực rỡ vừa mới được mang ra sử dụng. Các giải pháp khác nhau ấy đều đã được đưa ra nghiên cứu tại Tổng hành dinh Thiên hoàng, sau cùng cơ cấu chỉ huy tối cao này chọn lựa một giải pháp dung hoà: Toyoda sẽ đặt hiệu kỳ của ông trên chiếc tuần dương hạm Oyodo, trên nguyên tắc vẫn bỏ neo tại Kisakaru trong vịnh Đông Kinh, nhưng sẽ di chuyển tuỳ theo tình thế.


Công thức tạp nham này sẽ cho thấy là không thực hành được. Năm tháng sau, khi mối đe doạ của các pháo đài bay Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản trở nên chính xác, Toyoda rời tuần dương hạm để thiết lập bộ chỉ huy trên đất liền, trong các hầm trú ẩn dưới mặt đất thuộc viện đại học Keio, lân cận Đông Kinh. Ông có đi ra ngoài vài tuần để đích thân đến Đài Loan nhận quyền chỉ huy không lực thuộc hải quân đúng lúc các trận đánh tháng 10 năm 1944 đang diễn tiến. Sau khi trận chiến thất bại, ông có ý định đến Phi Luật Tân, nhưng bộ tham mưu ép ông trở về Đông Kinh, và sau đó, ông ở tại đấy cho đến khi chiến tranh kết thúc.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:55:00 am
Chính trong bối cảnh đó mà chúng ta thấy có các mệnh lệnh hành quân do Toyoda soạn thảo nhắm vào các trận đánh quyết định-và đặc biệt là kế hoạch A-Go nổi tiếng bắt đầu có hiệu lực từ lúc có cuộc tấn công của Mỹ vào quần đảo Mariannes. Kế hoạch này lặp lại các nét chính của kế hoạch Koga. Tuy nhiên kế hoạch nhấn mạnh nhiều hơn đến sự cần thiết phải hoà nhập về mặt chiến thuật không lực của lục quân và của hải quân vào trong một cơ cấu duy nhất, và xác định rõ ràng các khu vực mà ông hy vọng sẽ xảy ra một trận quyết định với lực lượng Mỹ. Đấy là khu vực phía Nam, giữa quần đảo Carolines và Tân-Guinée vốn được coi là khu vực có thể xảy ra chiến trận nhất. Khu vực quần đảo Mariannes trở thành thứ yếu. Ý tưởng hành quân thì vẫn như cũ: nhử chủ lực hạm đội mẫu hạm địch đến càng gần dãy phi trường trên các đảo càng tốt để cho phi cơ trên các phi trường này có thể hỗ trợ các không đoàn của mẫu hạm Nhật.


Vì số lượng phi cơ cần thiết chỉ có thể được tập trung vào cuối tháng 5 năm 1944, cho nên tất cả các đơn vị được lệnh từ chối đụng độ cho đến nhật kỳ ấy. Các điểm tiên liệu trong kế hoạch đã chú trọng vào tuần lễ sau cùng của tháng 5 năm 1944, đến 450 phi cơ của hải quân trong khu vực phía bắc phân phối trên các căn cứ Iwo-Jima, Saipan, Tinian và Guam, và đến 510 phi cơ trong khu vực phía nam được phân phối trên quần đảo Carolines, Phi Luật Tân, Célèbes và Tân-Guinée. Quá ít. Mỗi một khu vực ấy cũng đã rộng bằng cả Đại Tây Dương giữa quần đảo Antilles và Dakar, và mật độ của các phi cơ đặt căn cứ trên mặt đất trong mỗi khu vực tỏ ra quá yếu. Hơn nữa, do sự kiện quân Mỹ đã loại trừ căn cứ Truk và các phi trường Nhật trên quần đảo Carolines về phía đông, cho nên một thứ no man’s land không được phòng thủ sẽ nằm giữa giới hạn bán kính hoạt động của các phi cơ đặt căn cứ trên đất liền trên hai khu vực.


Để cố bít kẽ hở nguy hiểm này, ban tham mưu của hạm đội liên hợp đã cho thay đổi kiểu chiến đấu cơ đang được sản xuất (oanh tạc cơ đâm bổ Susei và phi cơ phóng thuỷ lôi Tenzan) để cho chúng có một bán kính hoạt động 400 dặm, trội hơn 30% bán kính hoạt động của phi cơ Hellcat Mỹ vốn chỉ có 280 dặm. Loại phi cơ đầu tiên kiểu này đã được đưa ra khỏi công xưởng vào cuối tháng 4 năm 1944 và được ưu tiên gửi đến Tân Gia Ba, nơi mà tất cả mẫu hạm của Ozawa đang được tập họp để huấn luyện. Vị tư lệnh hạm đội lưu động số 1 hy vọng còn có ba tuần nữa để hội nhập các phi cơ mới. Các cuộc thực tập ban ngày và ban đêm nối tiếp nhau theo một nhịp độ điên cuồng. Từ trên xuống dưới ai cũng mơ hồ cảm thấy ván bài sắp đánh sẽ có tầm quan trọng sống còn cho Nhật Bản. Nhưng chín mẫu hạm của hạm đội lưu động số 1, trong đó có chiếc Taiho, mới đến gia nhập, vượt trội hơn hẳn tất cả các mẫu hạm đang chạy trên mặt biển, và các siêu thiết giáp hạm của Ugaki, đã gây ra một cảm tưởng về sức mạnh đến nỗi chiến thắng gần như là một điều chắc chắn. Do đó chính trong không khí say sưa này mà tiếng cồng đầu tiên của hiệp quyết định vang lên một cách bất ngờ.


Ngày 20 tháng 5 năm 1944, Mac Arthur, thấy rằng Hollandia không cung cấp được cho các oanh tạc cơ của ông những căn cứ xuất phát mà ông cần thiết để phá tan công cuộc phòng thủ trên quần đảo Phi Luật Tân, mưu toan một cuộc đổ bộ bất ngờ lên đảo Biak, bất chấp khoảng cách quá lớn giữa nó và các căn cứ của ông và bất chấp tầm quan trọng của lực lượng trú phòng trên đảo. Đấy là một cuộc hành quân táo bạo nhất và có hậu quả lớn nhất trong suốt cuộc chiến của Mac Arthur. Lực lượng thuỷ bộ số VII do viên Đề đốc trẻ tuổi Fechteler xử lý quyền chỉ huy. Ngày 27 tháng 5 đã thành công trong việc đổ bộ 10.000 quân lên đảo. Mặc dầu đạo quân trú phòng Nhật trên tiểu quần đảo này cũng đông đến cả chục ngàn người, nhưng họ đã không đẩy lùi được quân tấn công. Viên Đại tá chỉ huy quân Nhật đã cho lập chung quanh các phi trường một hệ thống phòng thủ chiều sâu vô cùng kiên cố bẻ gãy được cuộc tiến quân của Mỹ, nhưng ông ta không thể đẩy họ ra biển. Binh sĩ của Mac Arthur đã tiến sát phi trường trong tầm súng đại bác, cho nên quân Nhật không thể sử dụng các phi trường được nữa.


Chốt Biak được coi như vô cùng quan trọng cho công cuộc phòng thủ khu vực phía nam đến nỗi vị tư lệnh hạm đội liên hợp phải tổ chức ngay một cuộc hành quân để đẩy lùi quân xâm chiếm. 2.500 thuỷ quân lục chiến Nhật được đưa lên khu trục hạm tại Mindanao để đi tiếp cứu; các thiết giáp hạm Musachi và Yamato cùng với lực lượng tuần dương hạm hộ tống hùng mạnh áp đảo, sẵn sàng can thiệp. Song Toyoda đã không dám ra lệnh nhổ neo hạm đội lưu động số 1 của Ozawa vì các chiến hạm bị phân tán rải rác đang huấn luyện và không sẵn sàng chiến đấu với hiệu năng tối đa. Nhưng vì hạm đội thiết giáp của ông rất cần sự che chở của không quân để có thể đương đầu với hạm đội Mỹ, ông ra lệnh cho Ozawa gửi một phần phi cơ và một số phi công ưu tú đến Mindanao.


Do sự kiện này, các kế hoạch A-Go, vốn được soạn thảo hết sức tỉ mỉ, đã bị một sự xáo trộn đầu tiên. Tại Mindanao, mọi người đều tin rằng sắp có một sự can thiệp cấp kỳ của hạm đội Mỹ tại khu vực phía Nam Thái Bình Dương. Vị Đô đốc chỉ huy cuộc hành quân tiếp cứu vì nhận được một điện văn báo hiệu sai lầm là có sự hiện diện của một mẫu hạm Mỹ nên đã vội cho lực lượng quay lui mà không chờ có sự xác nhận. Trong lần toan tính thứ hai, ông ta gặp các tuần dương hạm của Crutchley đang canh gác ngoài khơi Biak, và ông ta đã ẩn tránh mà không tấn công, tin rằng đang có chuyện với bộ phận tiền phương của một hải lực quan trọng.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:55:34 am
Nhưng cùng ngày ấy-ngày 8 tháng 6 năm 1944-vị Tổng tư lệnh hạm đội liên hợp được thông báo rằng các mẫu hạm Mỹ đã rời khỏi quần đảo Marshall để tiến về quần đảo Mariannes. Mọi hy vọng của một cuộc gặp gỡ tại khu vực phía nam đều tiêu tan. Cuộc hành quân tiếp cứu Biak bị huỷ bỏ ngay và hạm đội lưu động số 1 được lệnh quay trở về Tawi-Tawi phía bắc Bornéo để được tiếp tế. Sau đó nó sẽ phải đến tiếp hợp với hạm đội thiết giáp của Kurita và sau khi tiếp nhận các phi cơ biệt phái, cùng với các thiết giáp hạm lên đường tiến tới Saipan “để tìm kiếm hải lực địch tại đó và tiêu diệt chúng cùng một lúc”.


Ngày 15 tháng 6, Ozawa và Kurita thực hiện cuộc tiếp hợp hai lực lượng trong quần đảo Phi Luật Tân. Trong thời gian đó, các mẫu hạm Mỹ thực hiện các cuộc oanh tạc tàn phá Saipan và một không đoàn còn tiến xa đến tận Iwo-Jima cách 400 cây số phía bắc quần đảo Mariannes. Sau đó ít lâu, phi cơ thám sát của Kusaka thấy một hải lực gồm nhiều trăm chiến thuyền đang trên đường tiến tới Mariannes. Sáng ngày 15, Toyoda chuyển đến các Đô đốc thuộc hạm đội liên hợp bản điện văn sau đây: “Nhiều lực lượng quan trọng của địch đã bắt đầu các cuộc đổ bộ trong vùng Saipan-Tinian. Hạm đội liên hợp sẽ tấn công chúng trong hải phận quần đảo Mariannes để tiêu diệt chúng. Áp dụng kế hoạch A-Go cho trận đánh quyết định".

Ngọn lao đã phóng đi. Cuộc gặp gỡ sẽ xảy ra ở cách quá xa căn cứ không quân của Kujaka.

Chiều ngày 16 tháng 6, hạm đội liên hợp tiến ra khỏi các eo biển thuộc quần đảo Phi Luật Tân và được tiếp tế bổ túc dầu cặn trong ngày 17 bằng các tàu dầu của hạm đội. Nhiều tin tức rất chính xác hôm ấy được đưa đến cho Ozawa, liên quan đến sự phân phối hải lực Mỹ. Một lực lượng mẫu hạm tuần tiễu ngoài khơi Saipan và dường như muốn ở lại đó trong suốt cuộc hành quân xâm chiếm; rất nhiều chiến hạm, trong số đó có các mẫu hạm nhẹ và các mẫu hạm hộ tống, phụ trách che chở cho cuộc đổ bộ và oanh tạc thúc giục không ngừng nghỉ các phi trường và hệ thống phòng thủ trên bộ tại Guam, Saipan và Tinian.


Nhờ có thì giờ trong suốt ngày 17 để hoàn tất kế hoạch tấn công, Ozawa không chờ đợi mệnh lệnh của Đông Kinh, ra lệnh lên đường tấn công, trên các chiến hạm, tinh thần căng thẳng từ giờ phút. Các thuỷ thủ đoàn đã được thông báo những biến cố trọng đại đang được chuẩn bị, biển lặng, bầu trời đêm lấp lánh ánh sao. Các điều kiện hết sức thuận tiện cho một cuộc tấn công bằng phi cơ. Các hoa tiêu ngồi chờ trong phòng báo động trong cơn sốt mệnh lệnh cất cánh.


Đến nửa đêm, một đệp văn từ Đông Kinh gửi đến và sau đó được công bố trên tất cả các chiến hạm thuộc hạm đội. Điệp văn ký tên vị Tổng tư lệnh hạm đội và được soạn thảo như sau: “Tôi kính cẩn cúi đầu chuyển đến quí ông bản điệp văn của Thiên hoàng mà Tổng hành dinh vừa đưa đến.-Cuộc hành quân đang xúc tiến sẽ có vô vàn ảnh hưởng sâu xa đến số phận vương quốc. Chúng tôi hy vọng rằng các lực lượng hải quân sẽ ráng hết sức mình và cũng sẽ thu đạt được các kết quả tuyệt vời như trận đánh Tsoushima.


Được khuyến đại bởi âm vang mênh mông của tước vị thiên hoàng, đấy chính là sự khích lệ tối hậu cho tất cả chiến hạm mà tư lệnh các hải đoàn phổ biến trước ngày xảy ra trận chiến vĩ đại. Bất chấp sự mệt mỏi tột độ của những ngày trước đó, không một người nào tính đến chuyện nghỉ ngơi. Từ trên xuống dưới hệ cấp các đơn vị, trong tâm trí mọi người đều nghĩ đi nghĩ lại các hành động phải làm trong cuộc thử thách vĩ đại ngày mai.


Ý tưởng điều quân của Ozawa rất đơn giản: lợi dụng bán kính hoạt động cực lớn của các phi cơ mà ông vừa nhận được (gần gấp đôi bán kính hoạt động của phi cơ Mỹ) để đồng loạt tung chúng về phía hạm đội địch, rồi tiến đến gần mà không sợ bị tấn công cho đến khoảng cách vừa tầm của các phi cơ kiểu cũ mà bán kính hoạt động yếu hơn. Lúc đó các mẫu hạm địch sẽ hoặc bị hư hại, hoặc quá bận phòng thủ nên không thể nghĩ đến chuyện tấn công. Như thế, ông có thể tiếp đón các phi cơ thuộc đợt đầu lên mẫu hạm và tuyên bố một đợt tấn công thứ hai với sự yểm trợ của các không đoàn đặt căn cứ trên đất liền. Các thiết giáp hạm khổng lồ và các tuần dương hạm sẽ can thiệp tiếp theo bằng hải pháo để tiêu diệt những gì còn nổi trên mặt biển. Kế hoạch táo bạo này có tính cách vô vùng hữu lý. Nhưng nó đã phạm nhiều lầm lỗi.


Ozawa là một sĩ quan hải quân sáng chói đã từng chia sẻ binh nghiệp giữa sự chỉ huy trên biển và các văn phòng thuộc bộ Tổng tham mưu. Ông được nhào nặn bởi các chủ thuyết thuộc nhiều trường phái chiến tranh và có thiên phú đáng kể về mặt tổ chức-tư thế của ông trong các cuộc hành quân tại Mã Lai là một bằng chứng-nhưng ông không phải là một phi công và không biết thích nghi các phương pháp của ông với thứ vũ khí mới mà kỹ thuật đã vượt khỏi tầm hiểu biết của ông. Quen thấy các phi công Nhật vượt trội hẳn phi công Mỹ, ông không ý thức được một cách chính xác tình trạng giảm giá trị mà các không đoàn của ông phải chịu đựng từ khi những phi công tân tuyển thay thế các phi công lão luyện. Ông cũng không tưởng tược được rằng các căn cứ không quân trên các đảo, được cao xạ D.C.A bảo vệ mạnh mẽ, lại có thể bị phi cơ địch vô hiệu hoá. Kế hoạch của ông có phần nào dựa trên sự tiếp tay của các phi cơ đặt căn cứ tại Saipan, Tinian và Guam; thế mà ngay cả trước khi trận đánh bắt đầu, các phi cơ này đã bị tiêu diệt thật sự ngay trên mặt đất bởi các oanh tạc cơ hạng nặng của quân đội Mỹ hoặc bị hạ từ trên không bởi vô số khu trục cơ của các mẫu hạm nhẹ đang tuần tiễu trong quần đảo Mariannes.


Sự thận trọng đòi hỏi phải chiến ngay khi nhận biết được tin tức này. Thế nhưng một biện pháp như thế không thể nào phù hợp với tâm tánh của vị tư lệnh hạm đội lưu động. Ông không hề nghĩ đến biện pháp ấy.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:56:26 am
Ozawa là một người nhỏ thó mảnh khảnh, nét thanh tú và dáng vóc sinh động. Cái nhìn của ông lọc qua hai hàng lông mi gấp nếp chiếu sáng rõ một khuôn mặt bất động. Một cảm tưởng về sự bình tĩnh không có gì lay chuyển được và về sự quyết tâm lạnh lùng, đã thoát ra từ nhân cách ông. Ông có thiên phú tạo niềm tin nơi kẻ thuộc quyền nhờ những tia sáng chói lọi từ nơi đức tự tin mãnh liệt của chính ông.


Khi Ozawa được báo cho biết có sự hiện diện của các hải lực địch cách 50 hải lý về phía tây nam Saipan lúc 7 giờ sáng ngày 19 tháng 6 năm 1944, 246 phi cơ có tầm bán kính hoạt động lớn của hải đoàn 1 và 2 được lệnh cất cánh. Cuộc hành quân diễn tiến nhỏ trong một cuộc thực tập. Đến 8 giờ, hai mẫu hạm cư phi cơ cất cánh đổi hướng về phía nam để giữ khoảng cách. Mỗi người đưa mắt theo dõi đoàn phi cơ hùng hậ bay xa dần trong bầu trời xanh biếc. Toàn diện hạm đội lưu động đều phấn khởi vì niềm tin tuyệt đối vào sự thành công.


Đột nhiên, đài chỉ huy của soái hạm được báo động bởi một phi cơ tuần thám đang bay sát mặt nước theo lối chữ chi kỳ lạ để tránh sự chú ý. Gần như lập tức các trinh sát viên báo hiệu có nhiều luồn sóng thuỷ lôi và chiếc phi cơ đâm thẳng góc xuống một trong các thuỷ lôi ấy rồi vỡ tan, cách soái hạm vài chục thước. Sự hy sinh anh hùng ấy dường như đã tránh cho chiếc Taiho khỏi bị đe doạ một chốc lát sau khi đột ngột chạy tréo sang một bên, nó lại tiếp tục hướng đi ban đầu. Vài giây sau, một tiếng nổ điếc tai làm rung chuyển chiếc chiến hạm: một thuỷ lôi thứ hai đã trúng đích! Cách sắp đặt các phòng ngăn dưới hầm tàu Taiho đã được nghiên cứu kỹ đến nỗi chiếc đại chiến hạm chịu đựng tiếng nổ như là một mũi kim chích vào da. Sau khi chậm lại một chút, nó trở lại tốc độ bình thường trong lúc các toán an ninh lo bít các chỗ nước tràn vào. Không có gì thay đổi kế hoạch khởi thuỷ. Chiếc Taiho chỉ chứng tỏ một điểm yếu và vừa hợp thức hoá danh tiếng “mẫu hạm không thể bị đánh chìm” của nó.


Một niềm lo âu bắt đầu biểu hiện trên đài chỉ huy của soái hạm khi chẳng có tin tức gì về các đoàn phi cơ tấn công được chuyển đến sau hai giờ chờ đợi. Đến 10 giờ, Ozawa ra lệnh phóng đợt xung phong thứ hai, khoảng cách với địch quân giờ đây giảm xuống đủ để cho các phi cơ có bán kính hoạt động ngắn can thiệp vào. Ngay lúc đó, thang máy của chiếc Tahio lại bị hư làm chậm trễ giờ khởi hành của các phi cơ và mãi đến 12 giờ 30 chúng mới có thể cất cánh được. Vài phút sau, nhiều phi cơ Nhật, trong số đó nhiều chiếc dường bị như bị khó khăn, bay trên chiếc đại chiến hạm, để đáp xuống. Sự vận chuyển để tiếp nhận gần như tận, nhất là khi ai nấy rất nóng lòng muốn biết kết quả của trận đánh.


Báo cáo của các phi công kiệt sức, mà phần đông phải được giúp đỡ mới bước ra khỏi phòng lái được, đã gieo rắc mối kinh hoàng trên đài chỉ huy của soái hạm. Đợt tấn công đầu tiên thoạt kỳ thuỷ đã gặp mây, rồi cả một đoàn phi cơ địch đông như bầy ong ẩn đằng sau, cách mục tiêu hơn 30 hải lý (35 cây số) chờ đợi chúng. Trong cuộc đụng độ rối loạn xảy ra sau đó, các phi cơ Nhật bị số đông phi cơ địch áp đảo. Đa số bị bắn hạ, nhưng vài chiếc chắc đã vượt được hàng rào phi cơ ngăn chặn của hạm đội Mỹ. Chắc chắn chúng đã có thể tấn công địch và đáp xuống Guam sau khi hết xăng vì người ta không thấy chúng trở lại nữa.


Khi biết được các tin tức này, Ozawa đã do dự một lúc, rồi quyết định tung đợt cuối cùng 42 chiếc của hải đoàn số 1. Khi các phi cơ vừa cất cánh hết, một tiếng la lớn vang đến đài chỉ huy của mẫu hạm Taiho: chiếc Shokaku lúc đó đang chạy ngang hàng cách hai dặm, bị trúng đạn ở mạn hữu đang tuôn ra một làn mây khói. Tiếng động do một vụ nổ xa xa đã làm tiêu tan mọi nghi ngờ: đến lượt chiến hạm bị trúng thuỷ lôi!


Trên mẫu hạm Shokaku, các toán an ninh quen thuộc với các hư hại trong khi đụng độ, đã dập tắt được ngọn lửa do tiếng nổ gây ra và sau một giờ chiến đấu, nguy cơ cháy xăng có vẻ đã đi qua.


Trong lúc đó vài phi cơ của đợt hai bắt đầu đáp xuống chiếc Taiho. Thấy mẫu hạm Shokaku đã chế sự được các hư hỏng, Ozawa ra lệnh cho hai mẫu hạm tiến về phía đông để tiếp đón hai đoàn phi cơ cuối cùng sau khi chiến đấu trở về. Không một phi cơ nào của Mỹ đến tấn công hạm đội Nhật. Những hư hỏng duy nhất gây ra cho hạm đội cua rông đều do các tàu ngầm địch rủi ro gặp phải trên trục tiến quân. Mặc dầu các phi cơ trở về với nhịp độ rất yếu, ông có quyền nghĩ rằng quân Mỹ phải bị thiệt hại khá nặng nên phải rút lui về phía đông để khỏi bị thiệt hại thêm.


Theo như các nhân chứng có mặt lúc đó thì vị Tư lệnh hạm đội lưu động số 1 “rạng rỡ lạc quan” trong lúc đột nhiên, cả một loạt tiếng gầm kéo dài làm vỡ tan sự im lặng, lúc đó là 15 giờ. Thoạt tiên ông cho đó là tiếng nổ của lựu đạn chống tiềm thuỷ đỉnh do các khu trục hạm vốn có nhiệm vụ săn đuổi liên tục tàu ngầm Mỹ tung ra. Nhưng khi thấy chiếc Shokaku, ảo tưởng biến mất. Nhiều cuộn khói bốc cao cho đến cột buồm và, hai phút sau, một tiếng nổ phát ra vang dội, phóng một chùm tia lửa lên cao. Rồi các cuộc khói đen quay cuồng do gió thổi tạt lên mặt biển trên hai luồng sóng sau chiến hạm. Mẫu hạm kỳ cựu của những trận đụng độ hùng tráng trên biển San hô và quần đảo Salomon lần này phải gục ngã vì cháy xăng.


Ozawa vừa mới có thì giờ ra hiệu cho chiếc Zuikaku đến gần, 15 phút sau một tai nạn bi thảm đã làm đài chỉ huy soái hạm bối rối. Hơi xăng lan tràn dưới đáy hầm và từ các loa phóng thanh lệnh báo động được ban ra: “Nguy cơ cháy xăn”. Tất cả các mạch điện đều bị cắt trong các ngăn bị đe doạ khiến gây ra một cảnh hỗn loạn. Thuỷ thủ đoàn trên chiếc Taiho không cùng có kkn như của chiếc Shokaku. Người chỉ huy an ninh, hoảng hồn vì tỷ lệ lớn lao các ngăn tàu mà hơi xăng tràn, liền ra lệnh mở hệ thống quạt để thông hơi đáy tàu. Mệnh lệnh điên rồ này cũng như một mồi lửa đưa xuống dưới một thùng thuốc súng. Đáy mẫu hạm đồng loạt biến thành một lò lửa thép và xô ngã các tường vách ngăn cách hầm tàu. Hầm máy bị lửa tràn ngập và tất cả các động cơ đều ngừng quay. Mẫu hạm nghiêng và nắt đầu chìm.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:57:34 am
Đô đốc Ozawa ra lệnh di tản và cùng với bộ tham mưu chuyển sang chiếc tuần dương hạm gần nhất. Vừa đặt chân lên đó, ông thấy mẫu hạm Taiho chúi xuống từ đằng sau và biến mất trong sự rung chuyển vĩ đại.


Khi đêm xuống, bộ tham mưu của ông đặt tại các phòng ốc chật hẹp của tuần dương hạm Majuro, Ozawa tuyệt đối bình tĩnh soạn thảo các huấn lệnh cho hạm đội lưu động số 1. Ông đã bị những tổn thất nặng nề, nhưng ông còn lại một đại mẫu hạm, chiếc Zuikaku, chiến hạm luôn luôn may mắn, và toàn diện lực lượng mẫu hạm nhẹ. Ông chưa có con số chính xác các phi cơ được tiếp nhận trở lại, nhưng tính toán rằng những chiếc không trở về chắc đã xuống Guam hoặc Rota trong quần đảo Mariannes. Hơn nữa, các báo cáo của những phi công sống sót sau trận đánh đã nhấn mạnh đến bốn mẫu hạm nặng của Mỹ bị đánh chìm và một số lớn khu trục Hellcat bị bắn hạ.


Do đó Ozawa suy tính rằng không có lý do gì không tiếp tục cuộc tấn công. Một điểm hẹn liền được ấn định với các tàu tiếp tế vào ngày mai, trong khi đó mệnh lệnh tiếp tục các cuộc không thám vào lúc bình minh được chuyển đến cho các mẫu hạm của hạm đội. Sau đó Đô đốc ra lệnh im lặng vô tuyến hoàn toàn cho tất cả các chiến hạm đang hành quân trong vùng.


Đêm tối và những giờ đầu tiên của hôm sau trôi qua mà không có báo động mới, Ozawa kết luận rằng hạm đội Mỹ bị khó khăn phải rút về phía đông, nên quyết định đuổi theo.

Mặc dầu những điều tiên liệu của Ozawa hoàn toàn sai lạc (các phi công của ông chỉ có làm hư hại được hai mẫu hạm và một thiết giáp hạm) thì không phải hạm đội Mỹ không tỏ ra kém phần ham chiến đấu. Không có một máy bay tuần thám ban đêm nào đến quấy rối sự yên tĩnh của các chiến hạm Nhật trong khi các thuỷ phi cơ thám sát của Nhật không ngừng quan sát từ xa mọi chuyển động của đối phương. Đối với Ozawa thật khó-nếu không phải là không thể nào tưởng tượng ra nguyên nhân của sự ngần ngại quá thận trọng này.


Trong thực tế, có hai nguyên nhân: một mặt Đô đốc Sprannce, tổng tư lệnh quân lực xâm chiếm quần đảo Mariannes, đã ra lệnh cho Đô đốc Mitscher, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm mẫu hạm, đừng rời xa Saipan nơi đang diễn ra cuộc đổ bộ khó khăn; mặt khác, sự ngăn chặn các phi cơ Nhật (mà phi công Mỹ mệnh danh cho là một “cuộc bắn chim bồ câu” vì số lượng nạn nhân lớn quá) đã kéo theo một sự mệt mỏi không phải là ít, đến nỗi Mitscher phải gạt bỏ ý tưởng tung các phi công của mình vào một cuộc phiêu lưu mới.


Mitscher là một phi công lão luyện có vô số giờ bay, và trái ngược với các đô đốc thường vốn hay có khuynh hướng sử dụng máy bay như là đạn đại bác mà không cần nghĩ đến chuyện gì có thể xảy ra cho chúng sau đó, ông chăm sóc tinh thần của các phi công, những chiến sĩ mà ông biết rằng ngày một ngày hai sắp đến sẽ quyết định chiến thắng hay chiến bại. Vì lẽ ông hoàn toàn không biết gì về tổn thất của địch do tàu ngầm gây ra, ông ngại một cuộc tấn công mới sẽ xảy ra ngày 20 tháng 6 và muốn đương đầu với đợt tấn công này với đầy đủ phương tiện của mình. Một buổi sáng nghỉ ngơi, theo ông, là vô cùng cần thiết và cũng không đòi hỏi-đáng lẽ ra ông phải làm-gia tăng thập bội các cuộc tuần thám để tìm lại vị trí hạm đội Nhật.


Thế mà, trong buổi sáng đó, Ozawa đã nhận được một điện văn dài của Kasuka, Tư lệnh không lực tại quần đảo Mariannes, báo tin rằng 17 phi cơ sống sót sau cuộc “bắn chim bồ câu” hôm trước đã khẩn cấp đáp xuống Guam, hoàn toàn không thể cất cánh lại được nữa, và rằng các không đoàn của riêng ông vì bị thử thách quá nhiều bởi các cuộc oanh tạc ồ ạt của đối phương đến nỗi chỉ có thể mang lại cho ông một sự hỗ trợ yếu kém mà thôi. Khi biết được về định mệnh mới này, thái độ lạc quan của Ozawa đột ngột sụp đổ. Ông huỷ bỏ sự tiếp tế đã tiên liệu, và rút lui hạm đội lưu động của ông về Nhật Bản.


Như thế là hai hạm đội đối nghịch xa dần nhau thay vì xáp lại gần nhau và mãi đến 16 giờ ngày 20 tháng 6 một phi cơ tuần thám của Mỹ mới báo hiệu được vị trí hạm đội Nhật Bản. Mặc dầu nhận được lệnh của Đô đốc Spruannce là “tấn công ngay khi có tin chính xác”, Mitscher vẫn ngần ngại không muốn tung ra các không đoàn của mình để tấn công. Quyết định của ông sẽ rất trầm trọng: mặt trời đã hạ dần xuống chân trời và hạm đội Nhật đang ở vào vị trí xa nhất của bán kính hoạt động, điều này bắt buộc các phi cơ phải quay trở về lúc trời tối và bắt buộc tổ chức một cuộc tiếp đón phi cơ hết sức liều lĩnh. Nhưng cơ hội đánh bất ngờ và tiêu diệt hạm đội địch hết sức tốt đẹp. Do đó, rốt cuộc ông chấp nhận mạo hiểm.


Các không đoàn Mỹ tổng cộng 216 phi cơ tấn công làm nhiều đợt từ 18 giờ 20 đến 19 giờ, nghĩa lúc mặt trời lặn. Hạm đội lưu động số 1 vẫn còn phân tán xa nhau, tạo thành nhiều mục tiêu dễ dàng, nhưng sau khi bay một chặng đường 450 cây số, các phi cơ của Mitscher chỉ vừa đủ xăng để thả bom hoặc phóng thuỷ lôi vào chiến hạm đầu tiên trông thấy, rồi quay lui ngay không để mất một giây.


Tham chiến trong các điều kiện này, trận chiến hết sức mơ hồ rối loạn, các phi cơ khu trục của Ozawa mặc dầu số ít, nhưng đã chống cự rất hung dữ. Trong số bảy mẫu hạm của hạm đội lưu động, năm chiếc bị đánh trúng, nhưng chỉ một chiếc bị chìm (chiếc Hiyo) vì bị trúng nhiều bom và hai thuỷ lôi1 (Mà một quả lại do một tàu ngầm phóng đi). Tất cả chiến hạm khác có thể tiếp tục chạy về Okinawa và Nhật Bản. Hạm đội của Ozawa đã thoát khỏi cuộc tàn sát.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:58:23 am
Trong khi hạm đội lưu động số 1 lao vào bóng đêm, các phi cơ của Mitscher gặp rắc rối to trong khi tìm cách trở lại mẫu hạm của chúng. Mặt trăng lưỡi liềm chiếu sáng các cuộc tấn công sau cùng nay đã bị mây bao phủ cả chân trời che khuất và các phi công phải bay bằng dụng cụ phi hành trong bóng tối hoàn toàn. Các làn sóng vô tuyến bận rộn vì các tiếng gọi lo âu và các chỉ dẫn do chiến hạm phát đi bị chìm ngập trong một thứ tiếng lao xao không nghe rõ được.


Lo âu khi chờ đợi phi cơ trở về, Mitscher đã áp dụng một quyết định chưa từng có trong các niên giám của các cuộc hải chiến. Ông ra lệnh cho tất cả các chiến hạm hướng các đèn rọi lên chiếu sáng bầu trời và cho chiếu sáng sàn đáp các mẫu hạm bằng tất cả mọi phương tiện kể cả đèn pha xe hơi. Sau đó ông tung các phi cơ săn giặc đêm bay lên đón đoàn phi cơ trở về để hướng dẫn chúng đáp xuống tổ ấm.


Cuộc thao diễn nối tiếp sau đó trông thật ngoạn mục. Sáu mẫu hạm nặng và năm mẫu hạm nhẹ chạy trên hai trục dưới một vòm các chùm đèn chiếu sáng và hoả châu. Khi các phi cơ xuất hiện như những con đom đóm sáng bạc, các đèn ròi được tắt đi và các phi công có thể hạ xuống phía các sàn đáp được đèn xe hơi rọi sáng. Nhưng thần kinh căng thẳng quá cho nên mọi chuyện khó thể xẩy ra như trong một cuộc thực tập. Nhiều phi công không móc được dây hãm đà và đâm vào các rào cản, làm chậm trễ những chiếc theo sau; nhiều chiếc khác, hết xăng phải đáp trên biển; sau hết nhiều chiếc chìm luôn xuống nước vì nhiều lý do. Trong tổng số 216 phi cơ cất cánh lúc 16 giờ, chỉ có 116 là được thu hồi. Trong số 100 chiếc thì 20 chiếc bị quân Nhật bắn hạ, 80 bị mất vì tai nạn. Mitscher đã làm tất cả mọi chuyện, và các thuộc viên của ông cũng đã thực hiện chuyện phi thường để cứu các phi công lâm nạn. 101 người được vớt ngay trong đêm và 59 người được cứu khỏi các xuồng cao su hôm sau. Do đó, tổn thất về người chỉ lên đến con số rất thấp 49 bị giết hay mất tích.


Riêng về phần thiệt hại của hạm đội thứ 5 thì không đáng kể: một trái bom đã rơi trên thiết giáp hạm South Dakota, một phi cơ-quyết tử đâm vào thiết giáp hạm Indiana, nhưng không có mẫu hạm nào bị đánh trúng.


Quả thật là thiệt hại không bao nhiêu nếu so sánh với thảm bại mà hạm đội lưu động số 1 phải chịu đựng. Gần như tất cả chiến hạm đều bị hư hại, và trong tổng số 430 phi cơ lúc khởi hành, chỉ còn lại có 35 chiếc là còn có thể bay được.


Ngay khi bỏ neo hạm đội, Ozawa gửi cho vị Tổng tư lệnh hạm đội liên hợp một lá đơn từ chức diễn tả niềm hổ thẹn đã để cho cơ hội đưa Nhật Bản đến chiến thắng bị trôi qua một lần nữa. Ông tự gán cho sự thất bại của mình nguyên nhân đầu tiên là do sự kém cỏi của ông, nhưng đồng thời cũng là do tình trạng thiếu huấn luyện phi công. Tổng hành dinh Thiên hoàng từ chối không cho ông từ chức vì như thế là kéo theo sự từ chức của Toyoda. Hải quân Nhật Bản trong tình trạng bị săn đuổi không thể nào đủ sức chịu đựng sự thay đổi chức vụ Tổng tư lệnh lần thứ ba.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 08:59:47 am
Tiến ngược lên phía Nhật Bản

Một sự chọn lựa khó khăn

Như một võ sĩ quyền anh bị hạ đo ván, vị Tổng tư lệnh hạm đội liên hợp phải mất một thời gian lâu mới tĩnh trí lại được. Trong một nỗ lực tối thượng để ngăn chặn tiếng cồng bại trận, ông nghiên cứu tập họp các lực lượng của mình. Trong tình trạng hiện thời của hạm đội lưu động số 1, mọi hy vọng cứu vãn quần đảo Mariannes đều bị tiêu tán. Phải cần nhiều tháng trời mới có thể tái lập lại các phi đoàn cho những hàng không mẫu hạm và của các căn cứ trên đất liền tại Đài Loan và Phi Luật Tân. Trong khi chờ đợi phải tìm cách làm chậm lại đà tiến quân của Mỹ bằng cách chống cự kịch liệt tại các đảo còn chiếm đóng và sử dụng tối đa phi cơ và tàu ngầm nhưng không đưa bất cứ một chiến hạm nào còn lại vào vòng mạo hiểm.


Chính vì vậy, trong bầu trời và trên một mặt biển trống vắng, mà các lực lượng của Đô đốc Spruannce có thể đổ bộ lên hết đảo này đến đảo kia từ Saipan cho đến Iwo-Jima. Tuy nhiên, mặc dầu có sự vắng mặt của tất cả những sự can thiệp từ bên ngoài, cuộc kháng cự của quân Nhật mau lẹ mang tính cách kịch liệt đến nỗi nhiều cuộc hành quân được dự liệu trong vài ngày đi phải kéo dài hàng tuần.


Tại Saipan, nơi lực lượng chuyển vận thuỷ bộ của Đô đốc Turner đã đổ bộ dễ dàng trong ngày 15 tháng 6 năm 1944, sau một đợt chuẩn bị mãnh liệt bằng hải pháo và oanh tạc (8.000 người được đổ bộ trong vòng 20 phút) cuộc tiến quân của Mỹ bị chặn kẹt cứng ngay trên bãi biển. Các máy kéo bọc sắt chỉ có thể tiến lên được chừng 30 thước và phần nhiều đã bị các ổ đại bác được nguỵ trang tài tình bắn tan tành. Sau hai ngày chiến đấu mệt nhọc, thuỷ quân lục chiến của sư đoàn 2 bị thiệt mất 1.575 người, tử trận hoặc bị thương và bộ binh đến sau đó chỉ mở rộng đầu cầu được đôi chút. Thiếu tướng Holland Smith hiểu rằng Saipan sẽ là một Bétio thứ hai.


Quả thế thật, nhưng cả Holland Smith lẫn Turner đều không phải chịu trách nhiệm, vì cả hai người đều được các phụ tá thay thế, tướng Harry Schmidt và Đô đốc Hill. Đối thủ đáng sợ của họ, tướng Seito, đã tổ chức trên các sườn của ngọn núi lửa Tapotchau một hệ thống rắc rối gồm các pháo đài, các hang động nối nhau bằng những đường hầm. Toàn bộ được nguỵ trang tài tình đến nỗi các cuộc oanh tạc và hải pháo đã hoàn toàn vô hiệu. Mỗi một hang hốc, mỗi một hầm hố phải bị tấn công bằng Bazoka và súng phun lửa, và phải mất 24 ngày với 77.000 quân Mỹ được 209 tàu chuyên chở đến chiến trường mới đánh bại được 20.000 quân trú phòng trên đảo.


Ngày 7 tháng 7 năm 1944, các tiểu đoàn sau cùng của tướng Seito tung ra một đợt phản công đầy tuyệt vọng. Bốn ngàn binh sĩ và thường dân võ trang đủ loại vũ khí từ đại liên cho đến gậy tre có gắn mũi dao, nhô ra khỏi các hầm hố hò hét “Banzai”1 (Banzai: nghĩa thật sự là “ngàn kiếp sống”. Được sử dụng hoặc để nói một câu chúc tụng-trong khi dự một tiệc rượu chẳng hạn-hoặc như một tiếng la tỏ tình yêu nước để huấn luyện binh sĩ khi xung phong) và “Hy sinh bảy kiếp để cứu tổ quốc!”. Hai đại đội bị đụng trước tiên phải nhường bước cho làn sóng người và người ta lại phải gọi chính Sư đoàn 2 thuỷ quân lục chiến đến trám kẽ hở. Rồi sự can thiệp của pháo binh đã chấm dứt lò tàn sát bằng cách bắn như sấm sét sát ngay cạnh những kẻ sống sót sau cùng. Hôm sau chỉ còn binh sĩ lẻ tử ở phía bắc đảo. Bị quân Mỹ bao vây, vài trăm quân nhân và thường dân lúc đó từ trên đỉnh của bờ biển dốc đứng tại mũi Marti đều nhảy xuống vực tự sát. Xác của tướng Seito không thể nào được nhận ra giữa hàng ngàn xác chết chất thành đống trước các hầm hố hay bị cháy ra tro trong các hang động. Xác của Đô đốc Nagumo, người chiến thắng tại Trân Châu Cảng, tư lệnh hải quân và không lực thuộc hải quân tại quần đảo Mariannes, được tìm thấy trong đống đổ nát của các toà nhà dùng làm Bộ tư lệnh Hải quân. Ông không chịu để cho mang đi và tự bắn một viên đạn vào đầu.


Mức độ kịch liệt của cuộc phòng thủ do Seito chỉ huy đã cho nếm trước mùi vị của những gì phải trả giá cho các cuộc chinh phục trong tương lai. Do đó các cuộc tấn công vào Tinian và Guam đều được một cơn hồng thuỷ toàn bom và đại pháo trút xuống trước. Tại Tinian, sự phá huỷ các cứ điểm phòng thủ kiên cố được dễ dàng nhờ nó nằm gần các bờ biển dốc đứng của Saipan, nơi đại pháo của Mỹ có thể bắn qua, và nhờ sự sử dụng một phương tiện tàn phá mới được mang ra thử lần đầu tiên tại đó: bom Napalm1 (Xăng chứa 6% tinh thể Napalm đông đặc) với hiệu quả làm bốc cháy cho thấy đã vượt hơn loại lân tinh nhiều. Hòn đảo được quét sạch trong chín ngày. Tám ngàn quân trú phòng bị tiêu diệt với giá năm trăm sinh mạng quân Mỹ.


Ngày 2 tháng 8 đến lượt Guam chịu đựng cuộc xung phong của thuỷ quân lục chiến, được chuẩn bị trước bằng một cuộc hải pháo rùng rợn do chính tay một bậc thầy, Đô đốc Conolly, thực hiện. Hệ thống phòng thủ cũng có phương pháp như tại Tinian, và sự hăng say của binh sĩ Nhật rất hữu hiệu, nhưng ưu thế vĩ đại về số lượng của Mỹ đã áp đảo họ một cách mau lẹ.


Ngày 10 tháng 8 năm 1944, công cuộc chiếm đóng các đảo chính trên quần đảo Mariannes chấm dứt. Quân Nhật tổn thất ở đấy mất 43.000 người, nhiều trăm phi cơ và một số lượng tương đương phi công bất khả thay thế. Ba tháng sau, các phi trường dự liệu dành cho các siêu pháo đài bay B-29 đã được thiết lập xong tại đấy. Chiến thắng dường như đang nằm trong tầm tay.


Đấy chính là lúc mà sự tình cơ-loại sức mạnh thứ ba của chiến tranh ấy-lựa chọn để làm xáo trộn các kế hoạch của Đô đốc Nimitz.

Ngày 26 tháng 7 năm 1944, trong lúc công cuộc chinh phục quần đảo Mariannes gần như chắc chắn rồi, Tổng thống Roosevelt đến Honolulu và cho triệu trụng Tướng Mac Arthur đến. Ông muốn đặt Mac Arthur đối diện với Nimitz và chấm dứt sự xung khắc giữa hai người. Theo ông đã đến lúc nhập chung ba chiến trường Thái Bình Dương (nam, tây nam và trung ương) vào làm một vì chiến trường đầu tiên không còn lý do nào để tồn tại nữa kể từ khi chiếm được Bougainville, và sau đó qui định những đường nét chính yếu của cuộc tiến quân về phía Nhật Bản.


Cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra tại Trân Châu Cảng trên chiếc tuần dương hạm Baltimore. Nimitz đã sử dụng trước một bản đồ Thái Bình Dương và giải thích với Tổng thống các lý do biện minh thuận lợi cho một mũi tấn công thẳng vào Nhật Bản, bằng cách tựa vào các tiểu quần đảo Bonins và Volcanos-đặc biệt và Iwo Jia là nơi mà ông đã oanh tạc xuống các phi trường. Các phi trường tại Saipan và tại Tinian sẽ được sửa sang lại để dùng làm căn cứ cho siêu pháo đài bay B-29. Các trung tâm kỹ nghệ và các hải cảng Nhật có thể bị oanh tạc từ mùa thu. Các không đoàn của hải quân Nhật không còn có thể được tái lập nữa và vài mẫu hạm còn chạy được không thể nào tiến ra khơi, thế thì tội gì mà lại nhọc sức chiếm hết đảo này đến đảo khác của các quần đảo phía nam, bởi vì quân trú phòng bị đói khát áp đảo rốt cuộc rồi cũng đến chết mà thôi?


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:01:55 am
Khi Mac Arthur bước lên chiếc Baltimore, với một tuỳ viên duy nhất, mình khoác bộ quân phục tác chiến bằng ni-lông thoáng khí và đầu đội chiếc kết rộng vành, bị những cơn mưa nhiệt đói làm bạc màu, ông chào lại toán gác danh dự đang chào kính ông và tiến vào phòng khách của Đô đốc với cùng một dáng điệu của lực sĩ thế vận động như khi ông vượt qua các bãi biển theo các làn sóng quân sĩ xung phong. Ông bị khích động với nhiệt tâm chực bùng nổ của một tướng lãnh bị lưu đày không bao giờ được phép giải thích quan điểm và từ lâu phải đau khổ chịu đựng các sự chèn ép của Bộ Tổng tham mưu.


Khi chỉ cho ông các cứ điểm sau cùng vừa chiếm được trên bản đồ, Tổng Thống hỏi ông để đánh tan không khí lạnh nhạt:

-“Sao! Douglas, bây giờ chúng ta sẽ đi đâu đây?”.

Câu trả lời bật ra như một viên đạn:

-“Đổ bộ lên Leyte chứ còn đâu nữa, thưa Tổng Thống, và từ đó tiến lên Lujon!”.

Rõ rệt là các thành công của Nimitz đã không làm cho ông đổi quan điểm. Ông luôn luôn tin tưởng sắt đá rằng điều mà ông gọi là “trục Tân-Guinée-Mindanao-Lujon-Đài Loan”, là con đường duy nhất đưa đến Đông Kinh.


Phần biện hộ của ông thật hùng hồn. Ông đã ám chỉ mơ hồ đến các trung đoàn thuỷ quân lục chiến quí báu hi sinh trên các đảo san hô và “cơ hội trôi quí” mới đây để dứt khoát tiêu diệt hạm đội liên hợp Nhật Bản. Rồi ông trở lại luận đề ưng ý nhất của ông: sự cam kết mà ông đã đưa ra khi rời Corregidor là sẽ “trở lại” Phi Luật Tân. Dựa trên lời hứa này, nhiều quân du kích đáng thương đã chiến đấu từ hơn hai năm qua trong các chiến khu Mindanao và Leyte. Danh dự của Mỹ quốc bị thử thách và nếu ông không chu toàn với lời hứa, thì sẽ không còn dân tộc Á châu nào tin tưởng vào lời ông nữa.


Rõ rệt là bị xúc động bởi bài diễn thuyết của Mac Arthur mà giọng nói dần dần nhuốm về giọng điệu của một công tố trạng, phần thì bị một mệt mỏi vì chuyến hành trình, Roosevelt ngước mắt lên nhìn Đô đốc Nimitz với niềm hy vọng được ông ta cung cấp vài yếu tố để trả lời.


Nhưng vô ích, Nimitz là một con người lạnh lùng và quá mực thước vốn rất ghét những hiệu quả của thuật hùng biện. Ông đã nói với Tổng thống những gì cần phải nói. Những luận cứ tình cảm mà người ta thôi thúc ông, không thuộc thẩm quyền ông. Ông im lặng. Ngoài ra ông Tướng còn lớn hơn ông năm tuổi, đã từng nắm giữ chức vụ tham mưu trưởng Lục quân trong khi đó ông chỉ là một Đề đốc đơn thuần. Lòng tôn kính mà ông vẫn chứng tỏ đối với hệ cấp quân đội bắt buộc ông phải lễ phép im lặng.


Sự do dự này đã làm cho Tổng thống bực mình vì là một người cô độc do tật bệnh, Tổng Thống chỉ sống trong những xúc tiếp nhân bản và trí thông minh rộng lớn của ông chỉ tác dụng toàn diện với một kẻ đồng hành để có thể trả lời lại ông Tướng. Các luận cứ của Mac Arthur lại càng đập mạnh vào ông hơn vì ông đã thấy chúng được trình bày trên các cột báo của đảng Cộng Hoà. Từ ít lâu nay cả một chiến dịch được điều hợp rất khéo léo sử dụng các luận đề của ông Tướng để tạo nên biết bao lời châm chích chính sách của toà Bạch Ốc.


Ông ngắt ngang cuộc hội kiên với thái độ hiền hậu thân thiết rất quen thuộc nơi ông và cho các thuộc viên rút lui sau khi xác định thêm rằng họ hoàn toàn đồng ý với nhau về nội dung, do đó họ phải chấm dứt sự bất đồng ý kiến.


Khi trở về Hoa Thịnh Đốn; nhiều mối ưu tư khác đang chờ đợi ông. Tất cả mọi nỗ lực đều dồn về phía chuẩn bị cho Hội nghị liên đồng minh sẽ được khai mạc tại Québec vào đầu tháng 9 năm 1944 để điều hợp các cuộc hành quân trên khắp tất cả chiến trường với mục đích thu đạt nhanh hơn một chiến thắng dường như sắp sửa đến nơi rồi. Mối lo giải quyết cuộc xung đột Mac Arthur-Nimitz lại được để lại cho Uỷ ban tham mưu hỗn hợp; thế nhưng bị công việc trà ngập, Uỷ ban cũng bỏ quên luôn nội vụ. Trong suốt tháng 8, Nimitz được tự do tiếp tục các cuộc oanh tạc trên các quần đảo Bonins và Volcanos trong lúc Mac Arthur và Halsey gia tăng gấp dôi nỗ lực để vô hiệu hoá, bằng các cuộc oanh tạc, phía tây quần đảo Carolines trên đó các căn cứ hải quân kiên cố tại đảo Yap và Palaos đe doạ mạn sườn của mũi tiến quân về phía Mindanao.


Tuy nhiên vào cuối tháng, Uỷ ban tham mưu hỗn hợp vì bị toà Bạch Ốc trách cứ chưa chịu giải quyết mau lẹ việc khó khăn, nên Đô đốc King quyết định nhập chung hai hải đoàn của Halsey và của Spruance làm một. Để tránh tình trạng thống thuộc gây khó chịu, ông quyết định rằng hai vị Đô đốc sẽ lần lượt luân phiên chỉ huy các lực lượng hải quân đang hoạt động. Khi một người đang tham chiến trên mặt biển thì người kia sẽ chuẩn bị kế hoạch tấn công sắp đến, tại bộ tham mưu ở Trân Châu Cảng, và kiểm soát việc sửa chữa cũng như huấn luyện các chiến hạm có mặt tại đấy. Hệ thống luân phiên chỉ huy được quyết định một cách tài tình như thế đã san bằng những khó khăn và cho thấy có tính cách vô cùng thực dụng. Các hải đoàn được mệnh danh là Lực lượng đặc nhiệm 38 (của Halsey) và Lực lượng đặc nhiệm 58 (Spruance). Bên trong, đó chẳng qua cũng chỉ là gồm cùng một số các các chiến hạm, vì các mẫu hạm của Mistcher là rường cột chủ yếu của cả hai Lực lượng đặc nhiệm, nhưng cứ mỗi lần thay đổi người chỉ huy thì danh hiệu của lực lượng cũng thay đổi theo1 (Người ta cũng còn gọi là hạm đội thứ 3 (Halsey) và hạm đội thứ năm (Spruance))


Trong tháng 9 năm 1944, đúng lúc Hội nghị liên đồng minh sắp nhóm họp tại Québec, Uỷ ban tham mưu hỗn hợp chấp thuận kế hoạch tái chiếm quần đảo Phi Luật Tân do Mac Arthur thiết lập và Lực lượng đặc nhiệm 38 do Halsey chỉ huy nhổ neo tiến về phía nam.


Kế hoạch dự liệu các cuộc đổ bộ tiên khởi lên các đảo phía tây quần đảo Carolines, tức là tiểu quần đảo Palaos và đảo Mindanao. Các mẫu hạm của Halsey có bổn phận chuẩn bị cho các cuộc đổ bộ bằng nhiều cuộc oanh tạc liên tục trong suốt một tuần lễ. Nhưng sau thời hạn này, vì thấy không hề gặp một phản ứng nào của không quân địch như đã dự liệu, Halsey suy tính rằng khu vực phía nam gần như đã bị vô hiệu hoá và như thế đổ bộ lên đó là chuyện vô ích. Ông gửi một điện văn cho Đô đốc King đề nghị thọc sâu thẳng vào Leyte, và vì lúc đó King đang có mặt tại Québec với Roosevelt, thủ tướng Anh, và tất cả các thành viên của Uỷ ban tham mưu hỗn hợp, đề nghị của Halsey được chấp thuận tại chỗ.


Thật ra, Halsey hoàn toàn ý thức được nền tảng hợp lý của kế hoạch do Nimitz soạn thảo và không mong gì hơn là thấy Uỷ ban từ chối cuộc đổ bọ lên quần đảo Phi Luật Tân. Nhưng ông không muốn làm Mac Arthur thất vọng, một người mà ông có nhiều liên hệ móc nối, đặc biệt là một khuynh hướng tôn sùng cá nhân nào đó. Ngoài ra, ông cũng hy vọng sẽ tìm thấy cơ hội “đập tan hạm đội liên hợp" tại Phi Luật Tân.


Những sự nhượng bộ hỗ tương liên tiếp ấy dần dần đã làm dịu không khí căng thẳng. Sự phân địch chức trưởng giữa Nimitz và Mac Arthur mơ hồ hơn bao giờ hết, nhưng sự đồng tình tốt đã được tái lập, không còn có những đụng chạm nghiêm trọng xảy ra trong thời gian có các cuộc hành quân nữa. Gia dĩ các cuộc hành quân cũng được giới hạn vào một số rất ít cho đến giữa tháng 10: oanh tạc các phi trường bằng phi cơ của các mẫu hạm và đổ bộ lên các đảo ít được phòng vệ. Sự kiện quan trọng đáng chú ý duy nhất trong chiến dịch một tháng này là sự kháng cự kỳ lạ của tiểu đảo Peleiu-đảo nằm xa nhất về phía nam quần đảo Palaos, sở dĩ có quyết định chinh phục đảo này là vì tầm quan trọng của các phi trường trên đó. 10.000 quân Nhật ẩn nấp trong các hang động và có chiến xa nhẹ đã làm cho chừng 5.000 thuỷ quân lục chiến và 15.0000 bộ binh Mỹ phải thất bại qua nhiều đợt tấn công suốt trong mấy tuần lễ liền. Công cuộc giải phóng toàn diện đảo chỉ hoàn tất trong tháng 11 nghĩa là quá trễ để cho các phi trường đó kịp được sử dụng cho cuộc hành quân đánh chiếm Phi Luật Tân. Cuộc chinh phục vô ích này đã phải trả một giá vượt các cuộc chinh phục Saipan… Riêng về nỗ lực đánh chiếm Phi Luật Tân thì phải trả giá mắc hơn nhưng với lợi ích lớn hơn.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:04:41 am
Kế hoạch SHO

Trong khi các biến cố trên đây đang diễn tiến, dân chúng Nhật Bản đột nhiên ý thức được mức độ trầm trọng của tình hình. Sự thảm bại của hạm đội lưu động số 1 của Ozawa và cuộc xâm chiếm quần đảo Mariannes không còn có thể được che đậy nữa, và các chuyển động chính trị đã nối tiếp theo đó. Khi tin tức Saipan thất thủ được loan truyền, Tướng Tojo người đòi hỏi “danh dự được đứng ra phòng vệ đảo này”, bị cưỡng bách từ chức. Để thay ông ta trong chức vụ Thủ tướng, Thiên hoàng chọn lựa vị Đô đốc già Suzuki, chiến sĩ kỳ cựu thời chiến tranh Nga-Nhật nổi tiếng là có tư tưởng ôn hoà. Chính phủ mới đã thực hiện các nỗ lực lớn lao để tăng gia tốc độ sản xuất phi cơ, chiến hạm và những đường biểu diễn năng suất kỹ nghệ chiến tranh bắt đầu nhích lên đôi chút.


Nhưng thì giờ thiếu hụt. Hạm đội liên hợp trở thành chiến luỹ cuối cùng chống cự cuộc xâm chiếm quần đảo Nhật Bản, và sự khôn ngoan dường như buộc phải tập trung hạm đội vào Nội hải, đặt dưới sự che chở của Không quân trên đất liền, hầu có đủ thời gian cần thiết để tái trang bị phi cơ và phi công cho hạm đội. Khốn thay, giải pháp này lại không thể áp dụng được vì tình trạng thiếu dầu cặn tại chính quốc. Đô đốc Toyoda bị lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc gửi các chiến hạm của ông xuống phía Nam, nơi chúng có thể tìm thấy dầu cặn cần thiết, nhưng lại không thể tiếp nhận cả đạn được lẫn phi cơ, hoặc giữ chúng lại trong Nội hải, nơi chúng có thể tiếp nhận vũ khí mới ra lò, nhưng lại không tìm đâu ra dầu cặn để nhổ neo ra khơi. Ông bèn chọn lựa một giải pháp trung dung: Tất cả các thiết giáp hạm và tuần dương hạm được gửi xuống phía Nam, chỉ một mình hạm đội lưu động số 1 còn gồm có một mẫu hạm nặng và ba mẫu hạm nhẹ là được tiếp tục giữ lại trong Nội hải.


Sau khi tập họp được trong vùng biển Brunei, phía bắc Bornéo, hải đoàn thiết giáp hạm của Đô đốc Kurita dường như trở nên một lực lượng đáng sợ với bảy thiết giáp hạm-trong đó có hai chiếc khổng lồ Yamato và Musachi và 13 tuần dương hạm chạy nhanh, được võ trang hùng hậu. Nhưng hải đoàn này lại hoàn toàn lệ thuộc vào sự che chở của các không đoàn đặt căn cứ trên đất liền tại Đài Loan, Lujon, Leyte và Mindanao, mỗi khi nó tiến ra khỏi căn cứ tập trung.


Kế hoạch của Toyoda-kế hoạch Sho-tiên liệu sự đột nhập lần lượt các chiến hạm của hải đoàn Kurita vào hải phận Phi Luật Tân để tiêu diệt đoàn quân đổ bộ của Mỹ khi họ tiến gần đến Leyte, bằng đại bác hạng nặng trên chiến hạm. Hải đoàn sẽ được chia làm hai đội, một hải đội  sẽ chạy qua quần đảo Phi Luật Tân về phía bắc và ló ra khỏi eo biển San Bernardino trong lúc hải đội thứ hai tiến qua quần đảo theo ngõ phía Nam, mượn đường eo biển Surigao.


Toyoda hy vọng rằng các không đoàn trên quần đảo Phi Luật Tân đủ sức che chở cho các thiết giáp hạm của ông và các không đoàn đặt căn cứ trên đảo Đài Loan sẽ giúp đỡ Ozawa khi ông ta đương đầu với các mẫu hạm Mỹ. Niềm hy vọng này rất mong manh vì lẽ sự tiêu hao liên tục mà các không đoàn phải gánh chịu trong các đợt oanh tạc tàn phá của không quân Mỹ. Trong hải đoàn của Kurita, nhiều lời phản đối đã được nêu lên nhằm chống lại ý định điên rồ là đưa “tinh hoa của hạm đội Nhật đến chỗ hy sinh” mà không có không lực che chở để tấn công vào lực lượng hải quân thuỷ bộ của Mỹ. Nhiều sĩ quan do các bản cử làm đại diện, đã đến trình bày những lo ngại với Đô đốc, trên thiết giáp hạm Musachi: “Chúng tôi không sợ chết, nhưng chúng tôi tâm niệm phải cứu vãn danh dự của Hải quân Nhật. Nếu thấy Hải quân bị hy sinh cho một nhiệm vụ nhục nhã như vậy, các Đô đốc Togo và Yamamoto sẽ khóc dưới nấm mồ của họ!” Kurita trả lời: “Tôi biết rằng nhiều người trong các anh không chấp nhận cuộc chiến đấu mà Tổng hành dinh Thiên hoàng chỉ định cho chúng ta, nhưng tình hình nghiêm trọng đến mức không một ai trong các anh có thể tưởng tượng được. Nếu hạm đội của chúng ta bất động trong khi dân tộc bị đe doạ tiêu diệt thi há chẳng đáng hổ thẹn lắm sao? Tổng hành dinh cho chúng ta một cơ may. Phải chấp nhận nó. Ai có thể quả quyết rằng không có cơ may nào để thay đổi chiều hướng chiến tranh bằng một trận chiến quyết định? Các anh cần phải nhớ rằng đôi khi phép lạ vẫn xảy ra!”.


Lúc ấy các sĩ quan có mặt đanh người lại trong cái đập gót chào và hoan hô Đô đốc với tiếng la rung chuyển “Banzai”. Khi trở về tàu của mình, họ đã lặp lại cho tất cả mọi người những lời nói đầy hy vọng mà họ vừa nghe và công việc chuẩn bị liền được tiếp tục trong sự chờ đợi các đại biến cố được loan báo.


Trong bản doanh đặt dưới hầm thuộc Viện Đại học Keio, Toyoda không có ảo tưởng nào về các thiếu sót của kế hoạch Sho. Sự yếu kém của không lực đặt căn cứ trên đất liền đã khiến ông ưu tư hơn bao giờ hết. Những phi công ưu tú nhất của không lực thuộc hải quân đã được tập họp tại Đài Loan, đặt dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc Fukudomé1 (Đệ nhị Không lực). Ông cũng muốn thực hiện một nỗ lực tương tự để tăng cường cho đệ nhất không lực đồn trú tại Phi Luật Tân và giao quyền chỉ huy cho Phó Đô đốc Onishi.


Tại Đông Kinh, Phó Đô đốc Takiri Onishi nắm giữ các chức vụ quan trọng của người chỉ huy ngành vật liệu cho không lực của hải quân trong Bộ Võ trang. Đấy là một phi công kỳ cựu luôn luôn có mặt để trám kẽ hở. Ông đã từng chiến đấu tại Trung Hoa trước khi trở thành cánh tay mặt của Đô đốc Yamamoto để cùng soạn thảo kế hoạch trứ danh nhằm tấn công vào Trân Châu Cảng. Sau đó ông đã chỉ huy một trong các không lực, mà trong tháng 12 năm 1941, đã quét sạch bầu trời Thái Bình Dương từ Phi Luật Tân cho đến các thuộc địa của Hoà Lan và đánh chìm hai thiết giáp hạm của Anh, chiếc Prince of Wales và chiếc Repulse. Toyoda rất coi trọng ông; ông ta biết rằng sự chọn lựa của mình sẽ được nhất trí chấp thuận. Mặc dầu các chức vụ tại Đông Kinh rất quan trọng, Toyoda yêu cầu ông lên đường đi Manile ngay lập tức.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:05:52 am
Đêm Mabalacat

Trưa ngày 17 tháng 10 năm 1944, một chiếc phi cơ dường như bị khó khăn đã đáp xuống phi trường Nichol’s Field, gần Manile. Một người bước ra khỏi phi cơ, lưng còng xuống vì bộ y phục phi hành nặng nề và tiến đến trước hàng xe đang nhồi xóc chạy trên phi trường lỗ chỗ hố bom để tiếp đón. Đấy chính là Đô đốc Onishi, vừa từ Đông Kinh hấp tấp bay đến đảm nhận quyền chỉ huy đệ nhất không lực tại Phi Luật Tân.
Cuộc hành trình thật bi thảm. Phi cơ phải tránh khỏi Đài Loan vì không quân Mỹ đang mở cuộc oanh tạc dữ dội tại đó. Phi cơ vừa đến được Manille thì cạn xăng.


Một đoàn xe tuỳ tùng được sắp xếp và chạy về thành phố nơi đặt bộ tham mưu của Đệ nhất không lực. Chiếc xe dừng lại trước một biệt thự hào nhoáng chắc phải là rất oai vệ trong những ngày tươi đẹp của năm 1942, nhưng nay bị chìm ngập dưới con mưa như thác đổ và ẩn mình dưới mành lưới nguỵ trang, thoát ra một vẻ buồn tẻ vô hạn.


Càng buồn tẻ hơn nữa là hình dáng của vị chủ nhân toà nhà, Đô đốc Teraoka vừa bị một mệnh lệnh của Thiên hoàng cách chức tư lệnh. Lễ bàn gian được theo nghi thức thường lệ tuy nhiên được thu ngắn lại vì các hung tin được đưa đến. Quân Mỹ đã đổ bộ lên Saloun ngay lối vào vịnh Leyte. Đệ II không lực đặt căn cứ tại Đài Loan từng tấn công các Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ mà không thành công, đã tự mình đâm đầu vào chỗ bị tiêu diệt thật sự… Cuộc xâm chiếm Phi Luật Tân có thể đột ngột xảy đến ngày một ngày hai, Tổng tư lệnh hạm đội liên hợp đã ra lệnh áp dụng kế hoạch Sho để phòng thủ quần đảo.


Sự thành công của kế hoạch này lệ thuộc vào một sự che chở ồ ạt của không quân, thiếu nó, các thiết giáp hạm hùng mạnh của Đô đốc Ugaki sẽ lần lượt bị đánh chìm trước khi tấn công được đối phương. Nhưng tìm đâu ra sự che chở tối cần thiết ấy khi mà giờ đây tại Manille chỉ còn lại hơn 100 phi cơ có thể hoạt động được?


Hai vị Đô đốc thảo luận rất lâu về tình hình. Tại Đài Loan, Đô đốc Fukudomé đã hoàn toàn bị thảm bại. Trong ba ngày oanh tạc, 18 mẫu hạm cơ hữu của hạm đội Mỹ đã tiêu diệt gần 500 phi cơ Nhật trên mặt đất hay trong các cuộc không chiến. Mặc dầu có các báo cáo lạc quan của các phi công, tổn thất của Mỹ dường như rất nhẹ và số lượng quá ít phi cơ còn lại tại Đài Loan chỉ có thể mang lại một sự hỗ trợ yếu ớt cho hạm đội lưu động khi nó phải chặn đầu Lực lượng đặc nhiệm vĩ đại của Mỹ.


Tái diễn toan tính của Fukudomé với các phương tiện không đáng kể của Đệ nhất không lực sẽ là gánh lấy một thảm hoạ còn trầm trọng hơn nếu tham chiến theo các hình thức cổ điển. Vậy thì cần phải vận dụng đến chính các biện pháp cực đoan.


Trong thời gian làm việc tại Đông Kinh, Onishi đã nghiên cứu mọi loại dự án nhằm khắc phục thế yếu của không lực Nhật Bản. Một trong các dự án ấy là sử dụng các “bom bay” được tiên liệu về mặt lý thuyết là sẽ do vô tuyến điều khiển, nhưng trong trường hợp khẩn cấp cũng có thể do một phi công tự sát điều khiển. Trước khi cho xúc tiến dự án được mệnh danh một cách nên thơ là “hoa anh đào” này, Onishi đã tham khảo các cấp chỉ huy cao cấp của hải quân và thảo luận với họ về “các ảnh hưởng tinh thần” có thể xảy ra sau đó. Ông hoàn toàn ngạc nhiên khi bắt gặp nơi những nhân vật này, những người mà ông tin rằng sẽ có thái độ cứng rắn và sự lãnh đạm toàn diện, một thái độ ngần ngại đầy cẩn trọng thuộc về ý thức còn đáng chú ý hơn thái độ của ông nữa. Tất nhiên là giáo điều về sự hy sinh không hề bị xét lại, nhưng ý tưởng chỉ định trước và chỉ định một cách lạnh lùng những phi công trẻ tuổi sẽ phải bắt buộc tự huỷ mình, ý tưởng ấy đánh thức nơi họ đôi chút ngại ngùng. Dự án “hoa anh đào” do đó đã chỉ được theo đuổi trong danh nghĩa rút kinh nghiệm, mà không được quan niệm có ưu tiên tuyệt đối không thể không có để thực hiện trong đoản kỳ.


Khi Đô đốc Teraoka giải thích cho ông rõ chi tiết tình hình tương lai của hạm đội Nhật một khi tiến ra khỏi các eo biển tại Phi Luật Tân, Onishi đã tự trách mình đã tỏ ra yếu lòng một cách đáng khinh trong khi thảo luận dự án “hoa anh đào”. Nếu ông có sẵn 400 hay 500 mẫu vật bay dễ thương ấy, thì hải quân đế quốc Mặt trời mọc đã có thể toan tính tiến ra với những cơ may thành công như hạm đội của tiền nhân được tung ra để tấn công đoàn thuyền của Kubilai Khan. Ngọn gió thần trứ danh-Kamikaze-ngày hôm đó đã càn quét đúng lúc các chiến thuyền của địch sẽ được thay thế một cách hữu hiệu hơn bởi các “đoá hoa anh đào”.


Onishi là một con người không bao giờ bỏ cuộc. Lúc cáo biệt Teraoka, quyết định của ông đã thành hình” ông sẽ thay thế các “Đoá hoa anh đào” bằng các phi cơ xưa cũ đang làm vướng bận các hăng ga trên các phi trường tại Phi Luật Tân, chất đầy bom và phái chúng đến đâm đầu xuống cầu tầu của chiến hạm địch. Ông bước xuống cầu thang của chỗ ở mới và ra lệnh đưa ông đến Mabalacat, bản doanh của bộ tham mưu phi đoàn 201.


Mabalacat là một thị trấn bản xứ nhỏ hẹp chỉ có vài căn nhà kiểu tây phương. Căn lớn nhất được dùng làm tổng hành dinh của không lực thuộc hải quân. Khu vườn trông rất dễ thương, với những cây kiểu nhiệt đới xa hoa, nếu không có cơn mưa như thác đổ lên trên những bức mành rách bươm và nếu không có hai thùng phuy đựng đầy nước mưa rõ ràng là để dùng làm bể tắm cho những người chiếm ngụ. Riêng phần bên trong của ngôi nhà thì nó bày ra quang cảnh của một căn trại của những người lang thang: không có bàn ghế, nhiều giường xếp nhất đống sát vách tường, khắp nơi bừa bãi y phục phi hành, giày vớ, nón bay và khăn mặt.


Trong những lúc khác, quang cảnh hỗn loạn này bày ra khi một Đề đốc đến, chắc đã gây ra một cơn biến động toàn diện rồi, nhưng hai hay ba sĩ quan cao cấp trực nhật tại Bộ tham mưu đang sốt vó bận khảo duyệt các điện văn và điện thoại  để ra mệnh lệnh, không có thì giờ đâu mà lo lắng đến chuyện kẻ đến người đi nữa. Mãi đến lúc Onishi vượt qua người tuỳ phái đưa lối để bước ngang qua hành lang tầng lầu thứ nhất, thì một tiếng hô “nghiêm” phát ra trong cổ họng tắt nghẹn của một hạ sĩ quan mới làm mọi người trong nhà giật nẩy mình. Không đầy 20 phút sau, tất cả không đoàn trưởng đều có mặt trong phòng hội.


Đô đốc dò xét vẻ mặt từng người dự hội với sự chăm chú kéo dài, rồi cất lời qua giọng nói chát tai:

Tất cả các anh, ông nói, đều đã biết kế hoạch Sho đang được áp dụng. Nếu nó thất bại, tình thế của Nhật Bản sẽ rất bi thảm. Thế mà nó chỉ có thể thành công nếu các đại chiến hạm của hạm đội tiến lên dưới một chiếc dù không quân hùng mạnh che chở. Chiếc dù ấy, chúng ta không còn phương tiện để cung ứng nữa. Giải pháp duy nhất còn lại cho chúng ta ngăn cản-sẽ chỉ trong vài ngày thôi-không cho phi cơ địch cất cánh khỏi các mẫu hạm. Kết quả này chỉ có thể thu đạt được bằng cách gắn bom 250 kí lô lên các khu trục cơ và tất cả các phi cơ huấn luyện còn lại của chúng ta và phái các phi cơ này bay đến đâm xuống sàn tàu địch.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:06:32 am
Và, vừa nhắc lại hồi tưởng lịch sử, ông vừa nói thêm:

-Ngọn gió từ các chong chóng phi cơ của các anh sẽ lại là ngọn thần phong Kamikaze và cũng như vào năm 1265, sẽ cứu hạm đội Nhật Bản khỏi bị tiêu diệt.

Những lời nói ấy rơi vào trong sự im lặng giá băng. Không một sĩ quan nào hiện diện lại tỏ ra có một chút cho do dự nếu như Đô đốc yêu cầu họ hy sinh chính mạng sống của họ, nhưng họ biết rằng mạng sống hay cái chết của hàng trăm phi công trẻ tuổi sẽ lệ thuộc vào câu trả lời của họ. Tất cả yêu cầu được bàn định trong một căn nhà kế cận.


Cuộc thảo luận rất ngắn ngủi. Ý tưởng được xổ tung. Nhiều sĩ quan và hạ sĩ quan thuộc các không đoàn đã từng nghĩ đến phương tiện tuyệt vọng này. Trong các trận không chiến liên miên xảy ra bên trên các phi trường tại Phi Luật Tân, nhiều phi công vì hết đạn đã hạ các oanh tạc cơ Mỹ bằng cách lao vào cánh lái của chúng. Bốn ngày trước đó, Đô đốc Arima, chỉ huy trưởng không đoàn 26, trái với thông lệ, đã quyết định dẫn đầu đợt xung phong thứ hai tấn công vào một Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang tiến về phía Lujon. Lúc khởi hành, ông trình diện trước nhóm phi công, lột bỏ huy hiệu cấp bậc của mình và ngồi vào tay lái của chiếc phi cơ dẫn đầu rồi cất cánh ngay, theo sau ông là 80 khu trục cơ. Không ai còn gặp lại ông nữa. Kéo dài cuộc tấn công quá giới hạn dự trữ xăng, ông đã hoàn toàn tự ý lao mình xuống sàn một hàng không mẫu hạm.


Sau khi gợi lại những gương sáng ấy, các không đoàn trưởng trở lại phòng họp. Onishi vẫn đợi họ tại đấy, ngồi tại chỗ, bất động như một tượng phật bằng đồng. Ông nhướng đôi mày rậm và liếc nhìn một vòng chung quanh.

-Thưa Đô đốc, người chỉ huy thâm niên nhất lên tiếng, chúng tôi hoàn toàn đồng lòng với ông.

Onishi chần chừ một lúc, rồi chỉ trả lời đơn giản “Tốt lắm!”. Và ông bước mau ra khỏi căn phòng sợ rằng sẽ phản bội niềm xúc động đang làm ông đau thắt.

Bây giờ các không đoàn trưởng chỉ còn có việc nói cho các thuộc viên biết quyết định của vị tư lệnh lực lượng. Biết rằng tinh thần đã được chuẩn bị, họ không hề nghi ngờ rằng quyết định ấy sẽ được chấp nhân không than vãn và số người tình nguyện sẽ tràn ngập. Nhưng cũng như Onishi đã làm, họ muốn được sự đồng tình về phương diện tinh thần của các sĩ quan. Vì từ lúc ấy mọi sự do dự đều không thể chấp nhận được, họ bèn dùng một công thức tam đoạn luân rất quen thuộc với những kẻ tài tử trước đa số tuyệt đối: “Anh thích chết bằng cách một chống mười mà không một tí hy vọng nào đạt được kết quả, hay là chết bằng cách mỗi người đánh chìm một mẫu hạm địch hơn?”.


Câu trả lời hoàn toàn nhất trí và chiến thuật Kamikaze được trưng cầu ý kiến trong mọt không khí phấn khởi điên cuồng.

Bộ tham mưu của Đệ nhất không lực liền bắt tay vào việc soạn thảo các mệnh lệnh cần thiết cho sự thành lập “đơn vị Kamikaze”. Đơn vị phải gồm có vài huấn luyện viên-tình nguyện chết như những người khác nhưng là một cái chết bị trì hoãn-có sứ mạng huấn luyện thật nhanh các sinh viên phi công đang thời kỳ thực tập, những người sẽ là chủ lực của đơn vị. Onishi chấp thuận các kỹ thuật vận dụng cực kỳ đơn giản bởi vì các phi công thành thạo rất hiếm có và phải được giữ lại để dẫn dắt đơn vị ra đi tấn công. Với một vài thay đổi để xích nhau thôi, chiến thuật gồm có lao xuống sát mặt nước trên chiến hạm mục tiêu bằng cách quay lưng về phía mặt trời, rồi hướng lên cao một chút và bay theo chữ chi để tránh đạn, sau đó đâm bổ xuống thật sâu vào phút chót.


Những toán đầu tiên đã sẵn sàng vài ngày và, ngay từ ngày 22 tháng 10, một toán đã cất cánh để thử lửa. Sự rủi ro đã muốn rằng trời rất xấu. Bị quáng mắt vì những loạt mưa, các phi công không thấy các Lực lượng đặc nhiệm của địch đâu nên phải quay về. Ngày 23 tháng 10, tình hình khí tượng còn trầm trọng thêm, và sự thất bại tương tự lại tái diễn. Sự hổ thẹn và nỗi kinh hoàng càng lớn lao khi mà cứ một cuộc khởi hành là có một lễ nghi tiến đưa long trọng. Chính Đô đốc Onishi đích thân đến phi trường. Các phi công Kamikaze tập họp chung quanh ông, uống một chén Saké sau khi nâng ly chúc tụng Thiên hoàng. Sau đó họ khoác vào người biển hiệu của đơn vị: một chiếc khăn choàng rộng bằng lụa quấn chung quanh cổ. Rồi tay cầm lưỡi kiếm võ sĩ đạo, họ chạy về phía các phi cơ, Đô đốc chạy theo và đứng im trước chiếc phi cơ thứ nhất để chào từng người chạy qua, những anh hùng trẻ tuổi bay lao về phía thần chết.


Ngày 24 tháng 10, các phi công Kamikaze được huấn luyện lại và một đội hình cổ điển gồm có những phi cơ tốt nhất do các phi công ưu tú của Đệ nhất không lực lái, đã được tung ra tấn công và đã khám phá thấy lực lượng địch ngoài khơi đảo Leyte.


Đã đến lúc! Kể từ ngày 20 tháng 10, bên trong vịnh Leyte, 420 chiến hạm thuỷ bộ đủ mọi kiểu đã đổ bộ lên bờ hai sư đoàn bộ binh mà chẳng phải lo lắng gì cả. Ngày hôm đó, đến chiến trường lúc 10 giờ sáng trên chiếc tuần dương hạm Nashville, Mac Arthur đã dự kiến cuộc đổ bộ. Vài giờ sau, ông yêu cầu một chiếc Landing Craft đưa ông vào bờ. Ngay khu bụng chiếc tàu trượt ầm ĩ lên trên đá sạn của bãi biển San Pedro, ông Tướng bước xuống dọc theo chiếc cửa mở nghiêng xuống bãi, tất cả sĩ quan thuộc bộ tham mưu nối gót theo ông. Ông bước qua khoảng các mấy thước ngăn cách bãi cát, bằng cách lội xuống nước trong những lượn sóng nhỏ xanh biếc viền đầy bọt trắng. Khi đã đặt chân lên mặt cát khô, ông bắt đầu chạy trên bãi cát như một cậu bé tinh nghịch rốt cuộc thoát khỏi được lớp học để chạy nô đùa dưới ánh mặt trời. Thế rồi ông dừng lại đột ngột và quay về phía các sĩ quan ngơ ngẩn vẫn chạy theo cách ông một khoảng, ông la lớn với họ: Các anh tin hay không tin cũng mặc, chúng ta đã đến đấy rồi! “Và lần này, chúng ta sẽ ở lại!”.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:07:39 am
Trò chơi tàn sát

Bình minh ngày 25 tháng 10, hạm đội của Kurita vốn đã bị tiềm thuỷ đỉnh Mỹ tấn công bất ngờ đêm hôm trước và bị thiệt mất một tuần dương hạm, tiến về phía eo biển San Bernardino, từ đó nó sẽ phơi mình cho các cuộc tấn công của những mẫu hạm Mỹ đang canh phòng ngoài khơi vịnh Leyte. Cuộc tấn công của các phi cơ dưới quyền Onishi thật đáng ngưỡng mộ. Mặc dầu có sự hiện diện của vô số phi cơ khu trục Mỹ, một oanh tạc cơ đâm bổ của Nhật đã liệng được một trái bom trên mẫu hạm Princeton với sự chính xác đến mức nó xuyên qua nhiều hầm tàu và đâm ngang vào hầm chứa thuỷ lôi. Một tiếng nổ khủng khiếp làm chiếc mẫu hạm bắn tung thành từng mảnh và gây tổn thất nặng nề cho tuần dương hạm Birmingham đang tiến đến gần. Phi công Nhật tránh né được và bay về căn cứ theo mệnh lệnh thượng cấp, nhưng sự táo bạo điên rồ mà anh ta đã chứng tỏ khi thực hiện cuộc tấn công đã nhập vào tinh thần Kamikaze và đã chứng minh rằng ngọn gió mới giờ đây khích động toàn thể các phi công.


Quân Mỹ trả đũa sấm sét. Tất cả phi cơ của năm mẫu hạm khác ào ạt tấn công các siêu thiết giáp hạm của Ugaki và mặc dầu có sự dũng cảm phi thường của vào khu trục cơ dưới quyền Onishi, họ đã đánh trúng được chiếc Musachi 17 trái bom và 19 thuỷ lôi. Dầu cho có chắc chắn bao nhiêu chăng nữa, chiếc soái hạm cũng không thể nào chịu nổi một lượng bom đạn như thế và nó chìm dần trong sóng biển. Như thế là chiếc siêu thiết giáp hạm, niềm kiêu hãnh của hạm đội Nhật, biến mất ngày hôm ấy mà không bao giờ bắn được một phát đại bác nào trong suốt cuộc chiến tranh.
Các chiến hạm khác cũng bị trúng bom ít nhiều cho nên sau khi chuyển qua chiếc Yamato, Đô đốc Kurita ra lệnh cho hải đoàn quay lui để chờ đêm tối.


Hành động này là một sự sai trật trầm trọng đối với kế hoạch Sho vì kế hoạch ấy dự liệu một cuộc tấn công đồng thời vào các chiến hạm đổ bộ do bởi hai hải đoàn dưới quyền Kurita, hải đoàn của Ugaki và hải đoàn của Nishimura. Hải đoàn sau đã tiến dọc theo bờ biển Mindanao để tiến vào eo biển Surigao lúc đêm tối; do đó nó đã đến vịnh Leyte trước các thiết giáp hạm khá lâu. Được thông báo khoảng cách chậm trễ này, Toyoda đành phải gửi cho tất cả một bản điện văn ngắn gọn sau: “Lao vào địch với tất cả lực lượng của quí ông”.


Nishimura lao vào tấn công trước.  Lúc 2 giờ 30 sáng ngày 25 tháng 10, các khinh tốc đỉnh và khu trục của Đô đốc Kinkaid đang tuần hành trong eo biển Surigao đã phóng vào trục tiến quân vô số chùm thuỷ lôi mà một quả đã đánh chìm được thiết giáp hạm Fuso. Nishimura không vì thế mà không tiếp tục tiến. Người chiến sĩ kỳ cựu mà người ta đã lôi ra khỏi các quân trường tại chính quốc cùng các chiến hạm già nua ấy, đã muốn trút hết các với hầm đạn vào địch quân bằng mọi giá.


Đến 3 giờ 30 sáng, những làn sóng dội ngược trở lại các giàn rada trên cột buồm các chiến hạm Nhật bắt đầu làm cho các mặt kính hiện lên những đốm sao báo hiệu các thiết giáp hạm Mỹ dưới quyền Kinkaid xuất hiện. Vài phút sau, những quả đạn đầu tiên được bắn đi và những vòng cung sáng chói của vô số đạn đạo “Tracers” đã chọc thủng bầu trời tối mịt. Các thiết giáp hạm Mỹ mà phần đông là những chiếc còn sống sót sau vụ Trân Châu Cảng, đã “chắn ngang hình chữ T” các thiết giáp hạm của Nishimura và tưới ngập đạn đại bác vào chúng theo đúng chiến thuật cổ điển đã được Đô đốc Togo sử dụng để chống hạm đội Nga tại eo biển Tsoushima.


Đến 4 giờ, thiết giáp hạm Yamashiro, bốc cháy từ trước ra sau, mới chớm vận dụng để làm lạc hướng tác xạ của địch, nhưng đúng lúc đó bị trúng nhiều thuỷ lôi và biến mất trong một vùng lửa sáng loé. Tuần dương hạm Mogami cũng bị bốc cháy phải lẩn tránh cùng chiếc Shigura còn nguyên vẹn như nhờ có phép lạ. Vừa rút lui, hai tuần dương hạm lại gặp các tuần dương hạm của Đô đốc Shima chạy đến tiếp cứu. Các chiến hạm này sau khi phóng hết thuỷ lôi từ xa nhằm vào các tuần dương hạm địch, cũng quay đầu trở lại. Sự can thiệp của chúng đã quá chậm.


Trước bình minh ngày quyết định ấy, thế là một trong các “mũi kìm” do kế hoạch Sho tiên liệu đã bị bẻ gãy. Nhưng đúng lúc đó, một biến cố bất ngờ xảy đến làm đảo ngược một tình thế đã quá sức tai hại, và nghiêng lợi thế cho quân Nhật. Các hải đoàn mẫu hạm của Halsey, được một phi cơ tuần thám báo tin có sự hiện diện của hạm đội lưu động số 1 thuộc quyền Ozawa về phía bắc Phi Luật Tân, liền nhận được lệnh rời khỏi vị trí canh gác để đến chặn đầu địch. Khi Đô đốc Kurita rốt cuộc cùng với hải đoàn của ông tiến ra khỏi eo biển San Bernardino, ông không thấy một chiến hạm nào của Mỹ và lợi dụng ngay phép lạ này, ông cho mở hết tốc độ lao về phía nam tấn công thẳng vào lực lượng đổ bộ. Lúc ấy các chiến hạm chuyển vận thuỷ bộ này chỉ được che chở bởi độc có các mẫu hạm hộ tống được dự liệu để yểm trợ cho quân đổ bộ. Khi Đô đốc Sprague, tư lệnh một trong các hải đội mẫu hạm hộ tống ấy được báo tin một hạm đội hùng mạnh đang tiến đến gần, ông phải mất ít lâu để xem có phải đó là tàu Nhật hay không. Tôn trọng lệnh im lặng vô tuyến, Halsey đã không thông báo sự ra đi của ông và tin tưởng là đã tránh khỏi được mọi bất ngờ. Khi ý thức hiểm nguy đang đe doạ, ông phân tán các chiến hạm theo một vòng cung rộng lớn và cho tất cả các phi cơ cất cánh đúng lúc các quả đại pháo đầu tiên của Kurita bắt đầu rơi từng chùm siết chặt chung quanh ông. Sáu mẫu hạm hộ tống đáng thương của Sprague, chỉ là những tàu vận tải được trang bị một sàn phi đạo, trở nên các tấm bia đỡ đạn không được phòng vệ trước các đại pháo hùng mạnh của các thiết giáp hạm Yamato, Kongo và Haruna. Chúng chạy về phía nam với tốc độ 17 gút, nhưng vì hạm đội địch chạy mau hơn 10 gút, chúng không có ảo tưởng gì nữa về chung cục của trận đánh. Chính lúc đó, một phép lạ mới đã xảy ra-lần này có lợi cho quân Mỹ. Sprague đã tung lên không gần 200 phi cơ và được chừng 50 phi cơ khác của các hải đội kế cận đến trợ chiến. Như một kẻ lấy trộm tổ ong bị bắt gặp đang hành sự, Kurita bị tấn công bởi những con ong vò vẽ hung dữ đổ dồn bom trên các chiến hạm của ông và càn quét các cầu tàu bằng các loạt đại liên. Hơn nữa những cơn mưa rào liên miên từ trên trời trút xuống đã che khuất mục tiêu, khiến ông tin là đang có chuyện với cả một hải lực mẫu hạm hùng hậu thật sự. Hải đoàn của ông đã bị cuộc tấn công đêm trước làm yếu đi nhiều, cho nên Kurita không dám săn đuổi các mẫu hạm Mỹ mà ông đã ước tính qua tốc độ thật sự của chúng. Sợ sẽ bị rơi vào một tổ ong vò vẽ mới, ông quay lui sau hai giờ theo đuổi và sau khi chỉ đánh đắm được một mẫu hạm hộ tống1 (Chiếc Gambier Bay) và một tuần dương hạm.


Những nỗi khốn khổ của Sprague chưa phải là đã hết. Khi các quả đại pháo cuối cùng vừa rơi xuống thì nhiều phi cơ Nhật xuất hiện trên dãy núi thuộc đảo Samar. Người ta thấy chúng tiến tới theo một đội hình phân tán và thực hiện các động tác nhào lộn bất thường. Đấy là các phi cơ Kamikaze của Onishi, lần này thì thấy được hải đội mẫu hạm hộ tống địch, và cương quyết lao xuống, mỗi chiếc nhắm vào con mồi của mình. Không đầy một giờ, các mẫu hạm Santee, Saint Lo, Suwannee, Kitkum Bay và chiếc Kalinin Bay trông thấy nhiều phi cơ đủ loại bay lượn làm lạc hướng tác xạ của súng phòng không rồi đâm xuống vỡ tan trên sàn tàu. Phần đông các mẫu hạm hộ tống làm chủ được các đám cháy nhưng trên chiếc Saint Lo, bom và thuỷ lôi chứa trong hăng ga đã gây ra một tiếng nổ tai biến. Trận chiến chấm dứt theo cuộc quần ngựa ấy, cuộc quần ngựa đua đầu tiên của cả một loạt ghê gớm và lâu dài.


Sprague đã cứu hải đội của ông thoát chết cơn tai biến, những tổn thất của buổi sáng hôm đó thật là nặng ngoài việc mất chiếc Saint Lo, 1.130 người đã bị giết và 913 bị thương nặng trên toàn thể các mẫu hạm hộ tống. Hơn nữa chiến thuật khủng khiếp của Nhật đã làm giao động tinh thần các thuỷ thủ đoàn. Tin tưởng có sự hiện diện của hải đoàn Halsey bên cạnh, Đô đốc Kinkaid quyết định gửi ba hải đội mẫu hạm hộ tống về Uliti để sửa chữa các chỗ bị hư hỏng.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:08:26 am
Trận đánh cuối cùng của Ozawa

Trong khi trước vịnh Leyte xảy ra các biến động huyên náo ấy, Lực lượng đặc nhiệm 38 của Đô đốc Halsey đã theo đuổi sát hạm đội lưu động số 1 vốn đang tránh né ở phía bắc để lôi kéo các mẫu hạm Mỹ xa dần hải đoàn của Kurtita theo đúng kế hoạch Sho. Ozawa có bốn mẫu hạm tổng cộng 116 phi cơ, 2 thiết giáp hạm, chiếc Hynge và Ise, 4 tuần dương hạm nhẹ và 9 khu trục hạm. Mặc dầu ông chỉ có thể sở cậy vào một hậu thuẫn yếu ớt của phi cơ trên đảo Đài Loan, ông không ngần ngại tấn công Lực lượng đặc nhiệm của Halsey ngay khi phi cơ tuần thám lúc rạng đông báo hiệu lực lượng Mỹ đến gần. Khoảng cách còn xa và ưu thế đè bẹp của địch với 787 phi cơ trong đó có 402 khu trục cơ đã làm cho toan tính anh hùng này trở nên vô ích. Trong số 76 phi cơ tấn công vào nhóm đi đầu của các mẫu hạm thuộc quyền Mitscher, một vài chiếc bị hạ, chừng 20 chiếc bay đến Lujon và chỉ có 29 chiếc trở lại các mẫu hạm của chúng.


Ozawa tạm thời rút lui rồi điều động để trở lại cách 200 dặm phía bắc Lujon lúc đêm đến. Chắc chắn là ông hy vọng rằng Kurita có thể tấn công trở lại vào rạng đông ngày 25 tháng 10, do đó ông tính rằng bổn phận của ông là phải ở lại đó như là một con mồi để cầm chân hạm đội thứ 3 của Mỹ.


Thật kỳ dị, Halsey rơi vào cái bẫy mà chính ông thường giăng ra để nhử Yamamoto và Koga trong các cuộc đụng độ tại quần đảo Salomon và, tập họp bốn hải đoàn của mình trong đêm, ông tung chúng lên phía bắc theo đội hình rẻ quạt rộng lớn bỏ hạm đội đổ bộ của Kinkaid lại rất xa đằng sau. Bất chấp những lời kêu gọi khẩn cấp và liên tục của Kinkaid, ông từ chối trích bớt một thiết giáp hạm thuộc một hải đoàn thôi để đi tiếp cứu, mặc dầu ông có một ưu thế áp đảo và không hề cần đến những chiến hạm khổng lồ vướng bận này. Bị ám ảnh bởi lòng ham muốn “đập bể bụng vĩnh viễn” hạm đội lưu động, ông không muốn tách rời khỉ bất cứ chiến hạm nào của mình.


Tảng sáng ngày 25 tháng 10, tất cả các mẫu hạm của Mitscher đều báo động, và đến 8 giờ, vì thấy được địch, 200 phi cơ cất cánh bay ùa đến các chiến hạm của Ozawa. Mẫu hạm Chitose bị trúng bom chìm ngay và mẫu hạm vinh quang Zuikaku bị trúng thuỷ lôi phải tách ra khỏi trục. Khi đợt phi cơ thứ hai và thứ ba bay đến, đội hình của chiến hạm Nhật bị hoàn toàn rối loạn. Ý thức được sự bất lực của các phi công cuối cùng còn lại, Ozawa đã gửi cho Onishi tất cả các phi cơ chiến đấu, chỉ giữ lại vài khu trục cơ. Những phi cơ cuối cùng này lần lượt bị hạ hết chiếc này đến chiếc khác; hạm đội lưu động lâm vào thế xuôi tay đưa mình chịu trận trước các đoàn của địch quân. Trò chơi tàn sát của Mitscher tiếp tục như trong một cuộc thực tập. Đến 14 giờ 15, mẫu hạm Zuikaku, lần lượt bị ba trái thuỷ lôi, nghiêng về một bên và chìm lỉm sau vài phút. Ozawa chuyển hiệu kỳ qua tuần dương hạm Oyodo và dẫn đầu hạm đội của ông chạy về phía bắc. Trong cuộc điều động này, ông mất luôn hai mẫu hạm chót là chiếc Chiyoda và chiếc Zuiho. Trong thời gian đầu hôm, phi cơ Mỹ ào ạt dồn về tấn công các thiết giáp hạm Ise và Hynge nhưng không có kết quả, thế rồi mất liên lạc với địch1 (Halsey không chịu gọi chúng về và đưa các lực lượng đặc nhiệm trở lại trước vịnh Leyte. Ông đã nhận được một điện văn hạ nhục của Nimitz như sau: “Lực lượng đặc nhiệm 38 đâu rồi? Cả thế guiơí đang tự hỏi như thế”). Vài chiến hạm còn sống sót đến tiếp hợp với chiếc Oyodo và cùng với nó, trở về được Nhật. Ozawa đã bị những tổn thất kinh khủng-ông không thể nào bị khác hơn được-nhưng là người duy nhất trong số các Đô đốc tham chiến trong kế hoạch Sho, ông đã thành công toàn diện trong sứ mạng đánh lạc hướng bằng cách nhử cho Halsey bỏ đi thật xa khỏi trận đánh chính yếu.


Trong thời gian đó, về phía nam, hải đoàn của Kurita vốn đã để mất cơ hội trời cho để đánh chìm các mẫu hạm hộ tống và các hải vận hạm Mỹ bằng hải pháo, đã rút lui về phía tây ngang qua eo biển Bernardino. Lực lượng đặc nhiệm của Halsey rốt cuộc cũng được quyết định gửi đi lùng kiếm, nhưng vì quá cách xa nên không gây phiền phức gì cho hải đoàn Nhật. Đêm 25 rạng 26 trôi qua mà không có chuyện gì xảy ra cho nó. Kurita gửi một điệp văn cho các đô đốc Onishi và Fukudomé để báo rằng “cơ hội có vẻ tốt đẹp cho một toan tính lấy lại quyền làm chủ bầu trời”. Một công điện cũng được Toyoda gửi đến yêu cầu ông “tái diễn cuộc tấn công nếu ông còn đủ sức làm như thế”. Ông xét đoán rất đứng đắn là “không còn đủ sức nữa” và tiếp tục con đường tiến về phía tây. Thuộc cấp của ông đã phải chịu đựng từ ba ngày qua các cuộc tấn công liên tục của tiềm thuỷ đỉnh, khinh tốc đỉnh và phi cơ địch. Chính bản thân ông, sau đó cũng phải đồng ý rằng đã kiệt sức và chỉ còn có một ý tưởng: cứu vãn các chiến hạm sau cùng và tránh cho các thuỷ thủ đoàn dũng cảm của ông khỏi một cái chết vô ích.


Đến 8 giờ 30 ngày 26 tháng 10, lúc hải đoàn Nhật chạy ngang quan Sibouyan, thì bị 30 chiến đấu cơ tấn công. Một tuần dương hạm trúng thuỷ lôi bị hư hại, và chiếc siêu thiết giáp hạm Yamato lãnh hai quả bom mà không hề hấn gì. Hai giờ sau, 30 oanh tạc cơ B-24 còn oanh tạc soái hạm nữa. Một quả bom nổ trước mũi, một quả khác mở ra bên tả mạn một lỗ hổng to tướng, nhưng nó vẫn tiếp tục rẽ sóng ngay giữa một rừng cột nước biển tung lên cao như những toà nhà mười tầng. Thiết giáp hạm Nagato, mặc dầu bị trúng bốn quả bom, vẫn theo sau lằn sóng rẽ đôi của chiếc Yamato. Hai chiến hạm để lại đằng sau một cái đuôi dầu cặn và mảnh vỡ rộng lớn nhưng vẫn đến được Brunei, có ba tuần dương hạm và tám khu trục chạy theo. Chúng đã trải qua 1.000 hải lý mà không giảm tốc độ mặc dầu bị nước tràn vào và bị nhiều hư hỏng. Sau biết bao nhiêu thảm bại đáng buồn, dầu sao đó cũng là một niềm an ủi. Tuy vậy là một niềm an ủi mong manh bởi vì từ nay chúng cứ đã cho thấy rằng các đại thiết giáp hạm, không có khả năng tự vệ chống lại phi cơ, sẽ không còn một hiệu dụng nào nữa như là một chiến hạm xung kích. Ngoài ra hạm đội của Ozawa đã bị mất tất cả hàng không mẫu hạm.


Hy vọng duy để làm tê liệt cuộc tiến quân của lực lượng Mỹ từ nay là nhấn chìm các lực lượng ấy dưới một đám mây Kamikaze.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:10:35 am
Cơn thịnh nộ Kamikaze

Trong các cuộc hải chiến tại Leyte, năm phi công do Onishi tung ra theo chiến thuật tấn công tự sát đã giáng cho hạm đội Mỹ nhiều tổn thất hơn cả 500 phi cơ mà Fukudomé đã hy sinh. Trước kết quả kỳ lạ này, tất cả các phi cơ có khả năng cất cánh đều được phân phối cho nhiều phi đội khác nhau và các phi công bắt đầu bổ chính các chiến thuật mới. Onishi tổ chức một cơ cấu dính liền gồm có nhiều huấn luyện viên. Các phi công Kamikaze được ở trong một khu doanh trại đặc biệt-những lều tre dựng sát mé nước đầy muỗi quấy phá-trong đó họ sống như thầy tu qua các buổi huấn luyện và các buổi suy nghiệm bộ luật Bushido. Vì họ quyết tâm trở lại căn cứ nếu hoàn cảnh không giúp họ trông rõ mục tiêu, một vài người đã sống như thế ít lâu trong những điều kiện phi nhân. Kể từ ngày 26 tháng 10 năm 1944, Onishi dùng các không đoàn trưởng của ông để quấy phá chiến hạm Mỹ chung quanh Leyte trong khi các hải vận hạm của Nhật lo tiếp tế nhân bóng đêm cho quân trú phòng trên đảo theo kiểu “chuyến tốc hành Đông Kinh”.


Ngày 29 tháng 10, 45.000 bộ binh Nhật và 10.000 tấn vũ khí và vật liệu đã được đổ bộ lên Ormoc, trên bờ đối diện và 100.000 binh sĩ của Mac Arthur bị mắc kẹt tại các vị trí của họ. Vì lẽ có chừng 350.000 quân Nhật được phân phối trên quần đảo Phi Luật Tân, viễn ảnh tương lai không lấy gì làm sáng sủa lắm cho quân Mỹ. Đô đốc Kinkaid kêu gọi các mẫu hạm của Mitscher đến oanh tạc trong hai ngày xuống phi trường Clark và Mabalacat. Phi cơ Kamikaze trả đũa khốc liệt. Chừng nửa tá phi cơ ấy vượt qua được hàng rào hoả lực phòng không để lao vào ba mẫu hạm và một thiết giáp hạm. Chiếc thiết giáp hạm thoát được trong gang tấc, nhưng các mẫu hạm Intrepid, Franklin và Belleau Wood không thể tránh né được các ngôi sao băng lao xuống nổ tan trên sàn phi đạo hay đài chỉ huy. Ngay đêm đó ba chiến hạm bị hư hại nặng này được đưa hoặc dắt về tận Uliti. Hôm sau Đô đốc Halsey ra lệnh rút lui toàn diện hạm đội thứ 3. Các thuỷ thủ đoàn đã chiến đấu liên miên từ ngày 6 tháng 10. Họ đã hớn hở tham dự các trận đánh trong những tuần lễ đầu, nhưng từ khi nổi cơn cuồng nộ Kamikaze thì tinh thần họ căng thẳng tột độ.


Tin tức về sự thành công này đã gây tiếng vang mênh mông tại Nhật, tại đấy, một thứ điên cuồng bí ẩn xâm chiếm công luận. Mặc dầu quân Mỹ tiến đều, một niềm hy vọng mới phát sinh và được tuyên truyền phóng đại. Báo chí và đài phát thanh đã đi quá mức nồng nhiệt khi ca tụng “các cánh thiên thần lao xuống chiến hạm địch… Những than niên với cặp mắt sáng quắc đang mở đường cho vinh quang chiến thắng… Mỗi người cột một khăn quàng vào đầu, bạn bè nói lời vĩnh biệt với những người trưởng thành và bầu trời xung quanh họ từ từ sáng rực…” lời báo chí tại Đông Kinh.


Hàng trăm người tình nguyện đến trình diện xin được thu vào đơn vị Kamikaze. Rủi thay, máy bay thiếu hụt và khi Onishi thực hiện một chuyến trở về Đông Kinh ngắn trong tháng 11, ông phải mất công lắm mới kiếm được 150 phi cơ. Chúng được các phi công tân tuyển, phần đông không có hơn 100 giờ bay, lái theo ông để đi Đài Loan. Ông để viên tham mưu trưởng lại đấy, đại tá Inoguchi, để thiết lập một trung tâm huấn luyện Kamikaze. Các khoá học kéo dài trong bảy ngày” hai ngày huấn luyện cất cánh với tối đa trọng lưựơng chuyên chở, hai ngày khác huấn luyện bay tập thể theo đội hình, ba ngày chót để học các chiến thuật tấn công khác nhau. Hai phương pháp thường được áp dụng nhiều nhất là đâm xuống 45 độ từ đằng sau mục tiêu sau một cuộc hạ thấp tiên quyết từ 7.000 xuống 1.000 thước, hoặc bay là sát mặt nước tiến đến cách mục tiêu 500 thước, rồi bay ngược trở lên và sau đó đâm thẳng góc xuống. Mỗi lần có thể tấn công bằng một cặp, hai phương pháp cùng đồng thời được áp dụng cho cùng một mục tiêu. Mỗi phi đội một khi đã được đào tạo xong sẽ đến tập họp tại Phi Luật Tân, từ đó sẽ được sáp nhập vào các đơn vị trên đảo Lujon hay đảo Cébu. Vài ngày sau, những kẻ mới học đạo được gửi vào chỗ chết và những người mới đến sẽ thế chỗ họ. Vài phi đoàn chính thống được Onishi giữ lại cũng đã làm chuyện phi thường để yểm trợ quân trú phòng tại Leyte.


Đáp ứng một lời kêu gọi khẩn cấp của Kinkaid, Halsey gửi một trong các lực lượng đặc nhiệm của ông đến thực hiện một cuộc không tập mới xuống Cébu, Clark Field và Mabalacat, nhưng vì mẫu hạm mới Lexington bị hư hại nặng vì một phi cơ Kamikaze, cho nên kinh nghiệm đã không được tái diễn nữa. Tám ngày sau, một Lực lượng đặc nhiệm khác trở lại tấn công “chuyến tốc hành Đông Kinh” mới vốn vẫn tiếp tục tiếp tế cho Leyte. Một tuần dương hạm và ba hải vận hạm Nhật bị đánh chìm, nhưng các mẫu hạm Mỹ Intrpid, Cabot và Essex đều bị phi cơ Kamikaze làm hư hại. Lúc đó Halsey gửi cho Nimitz một điệp văn báo tin rằng “những cuộc tấn công đứt đoạn trên quần đảo Phi Luật Tân theo ông dường như không có lợi”. Vị Tổng tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương  lúc ấy quyết định gọi Lực lượng đặc nhiệm 38 về nghỉ ngơi một thời gian.


Vào đầu tháng 12, các phi trường tại Leyte rơi vào tay quân Mỹ và sau cùng đã được sửa chữa lại. Tướng Krueger, tư lệnh đệ lục lộ quân Mỹ có trong tay 183.000 quân nhưng ông đã bị tổn thất 2.250 tử trận và phải cho di tản nhiều ngàn binh sĩ bị thương hay bị các loại bệnh tật khác nhau-kiết lỵ, bệnh nhiệt đới, hay chân bị nhiễm độc năng do tình trạng dẫm đi liên tục trong bùn. Lúc đó ông yêu cầu Đô đốc Kinkaid chuẩn bị đâu đó sẵn sàng cho một cuộc đổ bộ lên Ormoc để cắt đứt cầu liên lạc cuối cùng mà từ đó tăng viện được đưa đến cho đối thủ đáng sợ của ông, tướng Suzuki. Lập tức tất cả các khinh tốc đỉnh phóng thuỷ lôi, các khu trục hạm và chiến hạm thuỷ bộ của hạm đội thứ 7 được tập họp và ngày 12 tháng 12 năm 1944, cả một sư đoàn được đổ bộ lên Ormoc. Trước mối đe doạ này, 35.000 quân của Suzuki phải rút lui vào trong bán đảo San Isidro.


Lúc ấy Mac Arthur quyết định coi đảo Leyte như đã được chinh phục xong và bắt đầu chuẩn bị xâm chiếm Lujon. Phía Nhật, Tướng Yamashita, tư lệnh binh đoàn Nhật Bản tại Phi Luật Tân, điện cho Suzuki là phải bỏ Leyte để tập trung về Lujon, “dầu phải tràn ngập nước mắt hối tiếc cho số phận 10.000 anh hùng phải bỏ lại để chiến đấu những trận cuối cùng mà không có một nguồn yểm trợ nào”. 10.000 anh hùng này đã đáp ứng lời kêu gọi chân tình ấy và chứng tỏ là xứng đáng với những truyền thống cao cả nhất của quân lực Nhật Bản, bởi vì họ đã hăng say chiến đấu trong những điều kiện thể chất khốn khổ không thể tưởng tượng được mãi cho đến tháng 5 năm 1945!


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:11:55 am
Mac Arthur trở lại Manille

Kế hoạch của Mac Arthur là đổ bộ lên Lujon tại vịnh Lingayen như quân Nhật đã làm năm 1941, và cũng như họ thọc sâu vào Manille càng nhanh càng tốt. Trong sự vội vã muốn giải phóng các con tin Phi Luật Tân đang chết đói dần mòn trong các trại giam, ông ấn định ngày đổ bộ là 20 tháng 12 năm 1944. Đô đốc Kinkaid lưu ý ông rằng cần phải chiếm đảo Mindoro trước để có thể chuyển vận quân của Tướng Krueger từ Leyte đến Lingayen qua nội hải Soulou dưới sự che chở của không lực đặt căn cứ trên các phi trường thuộc đảo này. Ông Tướng nghe theo và cuộc đổ bộ lên Mindoro được ấn định là ngày 15 tháng 12, trong khi ngày đổ bộ lên Lujon được dời lại cho đến đầu tháng giêng năm 1945.


Cuộc chuyển quân của Krueger từ Leyte đến Mindoro không gặp khó khăn vì Tướng Yamashita không tiên liệu được quả đấm móc này nên đã để cho tiểu đảo này gần như không được phòng thủ. Nhưng các chuyến tàu đi lại cần thiết để chuyển vận 200.000 người và một số vật liệu cồng kềnh vĩ đại đã kéo dài mất hai tuần, trong thời gian đó lực lượng thuỷ bộ của Đô đốc Kinkaid hàng ngày phải chịu đựng các cuộc xung phong của phi cơ Kamikaze.


Tại Lujon và tại Cébu, bằng tất cả mọi thứ mưu chước, Onishi đã tăng cường được cho các đơn vị phi cơ tự sát bất chấp các cuộc oanh tạc liên tục. Các phi công được huấn luyện kỹ hơn số đầu tiên và sự tiến quân đến gần của địch đã khích động toàn thể đơn vị bằng một cơn mưa cuồng nộ quái gở. Về phía ông, Toyoda đã thực hiện một nỗ lực tối hậu để làm chậm đà tiến của Mỹ. Hai chiếc Oyodo và Ashigara-hai tuần dương hạm chót-đã được lệnh khởi hành dưới quyền Đô đốc Kimura để làm tê liệt hải đội vận chuyển quân xâm chiếm. Đại mẫu hạm Unryu, đang còn dở dang, cũng được lệnh nhổ neo đến Phi Luật Tân bằng cách chạy dọc theo bờ biển Nam Hải qua eo biển Đài Loan. Chính bờ biển này đã hoàn toàn bị Nhật chiếm đóng từ Thượng Hải cho đến Hà Nội để đề phòng các cuộc đổ bộ của Mỹ và mọi mưu toan tiếp tế bằng đường biển cho đạo quân của Tưởng Giới Thạch. Thời gian quân Mỹ bị mất đi trong cuộc đổ bộ lên Mindoro đã làm lợi cho Nhật.


Kể từ 15 tháng 12 các đơn vị Kamikaze của Onishi tràn ngập các hải vận hạm và chiến hạm thuỷ bộ của Kinkaid. Năm L.S.T (Landing Ship Tank) và ba Liberty Ships bị đánh chìm và tuần dương hạm Nashville, mang hiệu kỳ của Đô đốc Strubble, bị hư hại nặng, 133 sĩ quan và thuỷ thủ trong đó có tham mưu trưởng của Strubble tử trận sau tiếng nổ của Kamikaze. Mối đe doạ trở nên trầm trọng. Mac Arthur liền ra lệnh cho đệ ngũ không lực gửi gấp 92 khu trục cơ và 13 B-25 đến Mindoro. Kinkaid phân phối các tiềm thuỷ đỉnh chung quanh quần đảo Phi Luật Tân và tập họp đến Mindoro nhiều hải đội khinh tốc đỉnh phóng thuỷ lôi.


Ngày 19 tháng 12, tiềm thuỷ đỉnh Redfish may mắn bắt gặp đại mẫu hạm Unryu lộ liễu tại eo biển Đài Loan, và phóng thuỷ lôi đánh chìm nó. Mối đe doạ trầm trọng nhất đã bị gạt bỏ. Ngày 25 tháng 12, khi hai tuần dương hạm của Kimura tiến vào vùng nội hải Soulou để tấn công lực lượng của Đô đốc Strubble, chúng bị tấn công bởi một đoàn phi công đông như ong và các khinh tốc đỉnh phóng thuỷ lôi, đến nỗi phải quay trở lại và trở về Nhật Bản. Kinkaid đã thoát nguy và tự khen là đã chiếm Mindoro được


Giai đoạn tiếp theo tiến về Lingayen lại là một việc hoàn toàn khác. Đảo Lujon to lớn được phòng thủ bởi chừng 60.000 quân của Tướng Yamashita, số quân này được tăng cường mau lẹ bởi 10.000 thuỷ quân lục chiến của Đô đốc Ywabachi, tư lệnh căn cứ Manille. Onishi và Fukudomé chỉ huy những gì còn lại của đệ I và đệ II không lực, gần như gồm toàn Kamikaze. Toàn diện đạo quân chiếm đóng Lujon đều được vũ trang cùng mình và quyết định đánh đến chết không có ý tưởng rút lui.


Lực lượng hải quân che chở của Mỹ, với sức mạnh 6 thiết giáp hạm, 6 tuần dương hạm, 12 mẫu hạm hộ tống và chừng 40 khu trục hạm, nhổ neo rời Leyte ngày 3 tháng giêng năm 1945 đặt dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Oldendorf, tiến vào nội hải Soulou qua eo biển Surigao dưới sự che chở của một chiếc dù khu trục cơ hùng mạnh. Trong ngày đầu tiên, các phi cơ của Mỹ thành công trong việc làm tê liệt không cho Kamikaze cất cánh bằng cách oanh tạc các phi trường của chúng. Nhưng kể từ ngày 4 tháng giêng, Onishi tuôn vào hạm đội xâm chiếm một cuộc thao diễn liên tục. Một mẫu hạm hộ tống bị đánh chìm, một chiếc khác bị hư hại nặng cũng như hai tuần dương hạm và một khu trục hạm. Lực lượng hải quân che chở không vì thế mà từ bỏ tiếp tục hải trình đến vịnh Lingayen để oanh tạc hệ thống phòng thủ của Nhật. Cuộc oanh tạc và hải pháo này được dự liệu trong ba ngày trước khi lực lượng chuyển vận thuỷ bộ chuyển quân đến. Đó là ba ngày hoả ngục. Trưa ngày 6 tháng giêng, một trong các chiến hạm đầu tiên, chiếc thiết giáp hạm New Mexico khai hoả đồng loạt 12 khẩu đại pháo 355 ly nhắm vào hệ thống công sự phòng thủ của Nhật. Đứng trên cánh trái của đài chỉ huy, viên hạm trưởng quan sát cuộc tác xạ bằng ống dòm. Bên cạnh ông có trung tướng Herbert Lumsden, sĩ quan liên lạc đặc biệt của riêng Churchill cạnh Tướng Mac Arthur và phóng viên của tạp chí “Time”. Đột nhiên một tiếng la vang lên từ spardeck (chiếc cầu trên boong tàu) và súng cao xạ bắt đầu khạc đạn điên cuồng. Các sĩ quan quay lại và bị chói mắt vì một ngọn lửa đỏ rực soi sáng những cuộn khói bốc ra từ các nòng súng sau khi viên đạn thoát ra. Trước khi họ kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì một tiếng bùng lên vang dội làm bay tung cánh trái của đài chỉ huy và tất cả những người đứng trên đó. Chiến hạm đột ngột chậm lại và tách ra khỏi trục tiến quân. Một Kamikaze vừa đâm xuống tan nát với một sự chính xác quái lại ngay trên đài chỉ huy. Hoàn toàn bất ngờ, vì chiếc phi cơ này vừa bị trông thấy trong đám mây khói bay chữ chi cầu may với một cánh đã bị lửa thiêu rụi ba phần tư. Chiếc thiết giáp hạm dập tắt được ngọn lửa nhưng 30 người-trong đó có hạm trưởng và khách của ông-đã bị giết và có 87 người bị thương.


Vài phút sau, đến lượt khu trục hạm Walk bị bốn Kamikaze tấn công. Hai chiếc đầu hụt con mồi, nhưng chiếc thứ ba đâm bể tan trên cầu tàu gây ra một vụ cháy xăng tại đấy. Hạm trưởng và nhiều thuỷ thủ, biến thành những cây đuốc sống, đã chết vì vết cháy. Hai khu trục hạm khác bị hư hỏng cũng bằng cách đó và một tàu rà mìn bị đánh chìm. Mặt biển Lingayen phô bày một quang cảnh trước nay chưa từng có. Bầu trời hoàn toàn lặng gió. Khói súng cao xạ liên tục rất lâu tan. Bên trên, bầu trời phủ đầy những đốm trắng sau các tiếng nổ của đạn phòng không. Bên dưới, mặt biển dâng lên vì những chùm đạn đạo và nhiều đám khói dày đặc kéo lê sau các chiến hạm bị bốc cháy. Đôi lúc, mọt chiếc nấm đen khổng lồ bốc lên cao, chen lẫn những vạch lửa đỏ rực: một Kamikaze vừa đâm xuống nước.


Thiết giáp hạm California, tuần dương hạm nhẹ Columbia, tuần dương hạm của Úc Australia-mà đây là lần thứ hai bị đánh trúng-lần lượt bị Kamikaze đâm tan nát trên sàn tày hay trên đài chỉ huy. Đến 17 giờ 30, sau một lúc yên tĩnh, tuần dương hạm nặng Louisville phủ đầy khói. Một Kamikaze đâm xuống sàn trước mũi, ngang với đài chỉ huy, Đề đốc Chandler, tư lệnh hải đội, bị thảm xăng bừng lửa phủ ập lên cầu tàu đốt cháy. Ngọn lửa thoát ra từ kẽ hở do trái bom nổ xoi thủng. Chiến hạm, tạm thời bị hư hỏng, rút lui khỏi vòng chiến.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:15:15 am
Tình thế rất nghiêm trọng. Chưa bao giờ kể từ các trận đánh hỗn loạn tại Guadalcanal, hạm đội Mỹ lại bị những tổn thất đến thế. Oldendorf lại càng lo lắng hơn khi mà hai lực lượng chuyển vận thuỷ bộ, các mẫu hạm hộ tống và chiếc tuần dương hạm Boise chở Mac Arthur và ban tham mưu của ông đã nhổ neo lên đường. Nhưng bóng đêm đổ xuống mà không có báo động mới nào và khi nhận được các báo cáo yên tâm do các hạm trưởng các chiến hạm bị hư hại gửi ông quyết đến, định chờ đến sáng để xem có nên từ bỏ cuộc hành quân hay không.


Ngày 8 tháng giêng năm 1945 ít sôi động hơn. Vài tàu rà mìn bị đánh trúng và tự nhiên là bị tan nát bay tung từng mảnh, và tuần dương hạm Australia, rõ rệt là gặp rủi ro, lần lượt tiếp nhận chiếc phi cơ Kamikaze thứ ba rồi thứ tư. Nhưng chiếc chiến hạm mạnh mẽ của Úc sống thật dai, và khi đã thoát khỏi nguy hiểm, viên hạm trưởng chắc sẽ không ít kiêu hãnh vì kỷ lục lạ lùng này.


Trong thời gian đó, lực lượng xâm chiếm chạy dọc theo bờ biển tây Lujon, tiến đều mà không hề bị một cuộc tấn công nào cả, bởi vì Onishi được biết tin có một Lực lượng đặc nhiệm gồm nhiều mẫu hạm đang bọc vòng phía bắc Phi Luật Tân, nên đã để dành phi cơ Kamikaze cho con mồi quan trọng ấy. Thật vậy, Đô đốc Halsey đã quyết định che chở cho cuộc đổ bộ của Mac Arthur bằng cách oanh tạc tất cả các phi trường tại Đài Loan và dọc theo bờ biển Nam Hải.


Trước khi đến cùng biển Lingayen hai lực lượng chuyển vận thủy bộ của Đô đốc Kinkaid với các mẫu hạm hộ tống và các tuần dương hạm che chở cho chúng cũng bị một vài Kamikaze tấn công. Mẫu hạm Kinkum Bay và tuần dương hạm Boise chở Mac Arthur và bộ tham mưu của ông đều bị tấn công nhưng không bị chìm.


Ngày 9 tháng giêng khi cuộc đổ bộ bắt đầu, tuần dương hạm Columbia bị chiếc Kamikaze thứ hai, nó thoát ra được mà không bị thiệt hại gì nhiều nhưng đã thêm 92 người tử trận vào một danh sách đã quá dài. Dầu cho hung tàn và gây mệt lử đến mấy, các mũi chích của bầy ong vò vẽ ấy cũng không thể nào làm chậm được nhịp đổ bộ lý do là vì cuộc chống cự trên bãi biển quá yếu. Mặc dầu có sự can thiệp quá chậm của nhiều khinh tốc đỉnh chứa đầy chất nổ bắt chước kiểu tàu M.A.S. của Ý, ban đêm lao vào các chiến hạm đổ quân, nhưng các hải vận hạm chở quân và chiến cụ đã có thể chuyển lên bờ tất cả binh sĩ và vật liệu rồi nhổ neo trước khi bình minh ngày 10 tháng giêng ló dạng. Mẫu hạm hộ tống Salamaua suýt bị một Kamikaze đánh chìm, đã kết thúc vận đen của những ngày khủng khiếp ấy.


Trong khoảng thời gian đó, Onishi sử dụng tất cả phi cơ có trong tay để tấn công Lực lượng đặc nhiệm của Halsey và gây cho ông ta những tổn thất nặng nề: 201 phi cơ, 167 phi công, hai mẫu hạm bị hư-chiếc Langley và chiếc Tincoderoga-và một khu trục hạm biến thành cái xác tàu. Nhưng vì tất cả tài nguyên đã cạn, ông quyết định gửi đến Đài Loan, đặt dưới quyền của Fukudomé, 47 phi cơ tốt nhất còn lại. Chính ông, ở lại tại chỗ với 10 phi cơ cũ kỹ chỉ có thể cất cánh được với chừng 30 phi công không thể nào di tản được. Cũng như hạm trưởng một chiến hạm không muốn bỏ tàu, Onishi nghĩ rằng bổn phận của ông là ở lại với những người “hèn mọn” tại các phi trường thuộc Phi Luật Tân, những người trong hơn ba tháng liền đã đảm trách một công việc làm bạc bẽo, việc làm của các cơ khí viên đằng sau bối cảnh của thiên anh hùng ca Kamikaze. Sau khi thiết lập ban chỉ huy trong núi, với một nhiệt tâm bất khuất, ông điều động tổ chức cuộc bố phòng theo chiều sâu tại phi trường Clark với nhân viên của không lực thuộc hải quân được vũ trang bằng đại liên, súng cá nhân và lựu đạn.
Khi công việc đang tiến hành tốt đẹp thì ông nhận được một công điện của Đô đốc Salomon nay là tư lệnh hải quân tại Manille, báo tin là ông phải cấp tốc trở về Nhật do lệnh của Tổng hành dinh Thiên hoàng. Phản ứng đầu tiên của Onishi là từ chối thi hành mệnh lệnh này. Phải có sự khẩn nài tha thiết của viên tham mưu trưởng của ông, đại tá Inoguchi, ông mới bằng lòng rời thuộc viên của mình. Kondo không để cho ông phải đòi hỏi giải thích nguyên nhân: “Tổng hành dinh Thiên hoàng đã chỉ định ông làm tư lệnh tất cả những gì còn lại của không lực thuộc hải quân tại Nhật Bản. Fukudomé sẽ gửi cho ông một phi cơ từ Đài Loan. Ông sẽ đi ngay khi phi cơ đáp xuống Clark.


Onishi nhượng bộ Kondo nói tiếp: “Inoguchi phải tập họp các phi công ưu tú nhất và các cơ khí viên còn sống sót của Đệ I không lực. Nhiều phi cơ khác cũng sẽ đến kiếm họ”.

Vài giờ sau, Onishi và Inoguchi vẫy chào tất cả thuộc viên giữa các pháo đài và hang động mà họ vừa thiết lập. Sự thử thách còn đau đớn hơn nữa vì sự ra đi của những người được tuyển lựa này có thể tạo cho người ở lại một cảm nghĩ đào nhiệm. Hôm sau Onishi rời phi trường Clark. Khi đến Đài Loan, phi cơ của ông thoát khỏi một phi đoàn khu trục Mỹ trong gang tấc. Lúc Fukudomé đến đón ông tại phi trường và chúc mừng sự may mắn mà ông vừa trải qua, ông buồn bã gật đầu. Trăm lần ông thích cái chết hơn là cái thử thách đang chờ ông.


Trong khi binh sĩ của Yamashita tổ chức kháng cự trong các dãy núi xanh om, trên đảo Lujon, đệ lục lộ quân của Tướng Mac Arthur đồn trú chung quanh Lingayen với sự chậm chạp huy hoàng vẫn thường chi phối các cuộc điều động các đại đơn vị. Cuộc kháng cự từng đợt của địch không đáng kể nhưng khung cảnh thiên nhiên của chiến trường và các sự phá hoại của quân Nhật đủ làm tê liệt đà tiến của chiến xa và thiết giáp. Mac Arthur dậm chân nóng nảy. Ông được báo tin rằng gần 3.000 người Phi Luật Tân và vài trăm người Mỹ bị nhốt trong các trại giam ở Manille đang chết đói dần mòn. Thấy rằng không thể nào sửa đổi lệnh di chuyển các sư đoàn bộ binh nặng nề được, ông cho gọi từ Leyte đến sư đoàn 1 khu trục hạm binh thân yêu của ông, sư đoàn mà ông sử dụng để đánh chiếm bất thần quần đảo Amiranté. Khi Tướng Oscar Griswold, tư lệnh sư đoàn, đến Lingayen, Mac Arthur nói với ông: “Hãy thọc sâu vào Manille! Bọc vòng bọn lùn, đẩy dồn bọn lùn lại, nhưng hãy thọc sâu vào Manille và giải phóng các con tin!”.


Sư đoàn 1 đổ bộ ngày 27 tháng giêng, và không có sự yểm trợ nào ngoài hai không đoàn thuỷ quân lục chiến, nó dấn mình vào con đường lồi lõm ngay hôm sau, bắc cầu qua những con sông nước lớn, vượt qua các đầm lầy. Coi thường các khẩu đại bác từ trên đồi cao bắn xuống, băng qua ruộng lúa để bọc vòng các ngã tư đường do quân Nhật chiếm giữ, trong ba ngày sư đoàn tiến xa 80 cây số. Ngày 3 tháng 2 năm 1945 lúc 18h 30, các chiến xa nhẹ của thiếu tướng Chase tiến vào Manille sau khi đẩy dồn các tiền đồn của quân trú phòng. Thiếu tướng thọc sâu bất định vào các con đường tối om và vắng ngắt của thành phố to lớn ấy, nhờ các hướng đạo viên và các chiến sĩ trong các chiến khu thu lượm dọc đường hướng dẫn. Chiến xa vượt qua con sông Pasig chảy ngang qua Manille trên chiếc cầu duy nhất còn lại nguyên vẹn và đột nhập vào tổng hành dinh đặt tại viện đại học San Thomaco, nơi các con tin bị nhốt. Bất ngờ vì cuộc tấn công sấm sét này, quân trú phòng trong viện đại học rút lui về nhiều dãy nhà khác nhau và hoả lực của họ càn quét các con đường kế cận. Chase ra lệnh bao vây khám nhà và gửi các đại biển đến gặp viên Đại tá Nhật, mà sau cuộc thảo luận kéo dài, bằng lòng phóng thích các con tin với điều kiện để cho ông thoát ra khỏi vòng vây cùng với binh sĩ mang theo vũ khí nhẹ. Thoả hiệp này được tôn trọng triệt để và đến bình minh hôm sau, 2.700 người Phi Luật Tân, 300 người Mỹ xanh xao ốm yếu và gần chết đói bước ra khỏi nhà giam, nơi họ bị nhốt suốt trong ba năm chết chóc.


Cuộc ngưng bắn này chỉ là tạm thời. Trước khi bộ binh của đệ lục lộ quân đến, 20.000 quân Nhật có mặt trong thành phố Manille đã có thì giờ đào hào đắp luỹ. Nhiều trận đánh trên đường phố cũng khốc liệt như tại Stalingrad diễn ra trong hai tuần ngay giữa các đống đổ nát, giữa nhiều bức tường đổ sụp lẫn lộn với thép gai và trong một mùi hôi thối không chịu nổi của các xác chết bị ánh mặt trời nhiệt đới hấp nóng. Ngày 3 tháng 3 năm 1945, khi pháo đài cuối cùng của Nhật bị triệt hạ bằng lựu đạn và súng phun lửa, thành phố chỉ còn là một đống gạch vụn ngổn ngang. Khách sạn Manille Hotel là một trong các cao ốc còn đứng vững và Mac Arthur còn có thể leo lên để thăm lại căn nhà xa hoa trong cảnh điêu tàn của ông. Ông tìm thấy lại ở đây chiếc đàn dương cầm vỡ nát, vài cuốn sách và các tài liệu bị cháy đến ba phần tư nằm sóng sượt trên những mảnh vụn của thư viện riêng. Người ta đã đánh nhau tại đó mấy hôm trước, từ tầng lầu này đến tầng lầu khác.


Tại Corregidor, sau khi được giải phóng nhờ một tiểu đoàn dù, ông vui sướng thấy lại được chiếc xe hơi Rolls xưa cũ được đánh bóng loáng và còn chạy được. Ông cho thượng quốc kỳ “sao và sọc” lên cột cờ của đồn binh trong khi cả một trung đoàn hát bản quốc ca. Sau vài phút nghi lễ tiếp đón, ông quay lại phía các binh sĩ tháp tùng và nói với họ: “Tạ ơn Chúa! Này các ông, chúng ta đến nơi rồi đấy!... Đoạn đường đã quá dài!...”

Không một người nào nghe ông lại có thể tưởng tượng được rằng công cuộc giải phóng toàn thể Phi Luật Tân sẽ còn đòi hỏi thêm năm tháng chiến đấu gay go nữa.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:16:42 am
Vòng vây siết chặt

Iwo Jima, Okinawa

Sau cuộc đổ bộ lên Lingayen, hạm đội thứ 3 trở về Uliti, và Halsey trao quyền chỉ huy lại cho Đô đốc Spruance. Vài hôm sau hạm đội từ Saipan lại khởi hành để bắt đầu các cuộc hành quân tiến về phía Nhật Bản vốn đã bị chậm mất 4 tháng vì quả đấm móc Phi Luật Tân. Kế hoạch hành quân đã được bộ tham mưu của Nimitz và Spruance soạn thảo tỉ mỉ. Kế hoạch gồm có trước hết một cuộc đổ bộ lên tiểu đảo Iwo Jima nơi các phi trường có thể sửa sang lại cho các pháo đài bay sử dụng. Nằm giữa đường đi từ quần đảo Mariannes đến Nhật Bản, Iwo Jima sẽ là một phi trường tiếp cứu tương lai đối với các oanh tạc cơ gặp khó khăn, và là một phi trường đảm bảo sự nối tiếp các khu trục cơ cất cánh tại Saipan vốn không có tầm hoạt động đủ lớn để hộ tống từ đầu đến cuối các pháo đài bay B-29 trong các chuyến bay đến Nhật Bản và trở về. Căn cứ theo các tin tức không thám, Nimitz và Spruance ước tính rằng đảo này không được phòng thủ kỹ.


Iwo Jima biểu tượng cho một tính cách đặc thù thuộc các đảo cùng loại: đặc tính bị xáo trộn từ đầu thế kỷ tiếp theo sau một cuộc động đất dữ dội dưới đáy biển. Nó là một khối không có hình thù gì rõ rệt gồm các phiến dung nham và tro hoả diệm sơn. Không có một mảnh đất nhỏ trồng trọt được, cho nên dân cư trên đảo chỉ là các phu mộ lưu huỳnh trước khi người Nhật nghĩ đến chuyện thiết lập các phi trường trên đó. Trên bản đồ, Iwo Jima mang hình dáng một chiếc đầu của con Tapir, đầu mút của chiếc vòi có tua là một miệng núi lửa vươn thẳng từ mặt biển lên. Dưới chân núi lửa hình nón này, eo đất chỉ rộng từ 5 đến 800 bước, rồi hai bờ biển dang xa nhau đến mức rộng nhất là 5 cây số trong phần tạo thành cái sọ của con Tapir. Chính trong vùng bằng phẳng nằm giữa miệng núi lửa và các dãy núi là nơi có phi trường lớn nhất, nằm sát kế bên một bãi biển thẳng tắp dài 3 cây số. Bãi biển này là một bãi đổ bộ lý tưởng nếu có bị phơi bày dưới làn đạn tác xạ của các đại bác được che giấu trên núi lửa về phía bắc. Các tác giả của kế hoạch xâm chiếm đảo đã bỏ qua điểm bất tiện lớn lao này bởi vì họ nghĩ rằng một hòn đảo nhỏ bé dường ấy sẽ có thể bị hải pháo của thiết giáp hạm cày nát đến mức độ không còn có “một thước đất nào mà không có một hố đạn nổ”.


Chính vì đã dựa trên niềm hy vọng này mà sau ba ngày oanh tạc dữ dội, hải lực thuỷ bộ Mỹ đã đồng thời đổ bộ sư đoàn 4 và 5 thuỷ quân lục chiến1 (Hai sư đoàn mới mẻ vừa được thành lập) trên suốt chiều dài của bãi biển. Ngày đầu tiên, mọi việc đều êm xuôi. Không có một phản ứng nào của địch và phi trường bị chiếm dễ dàng. Hy vọng đã được xác nhận rằng quân trú phòng bị nghiền nát ra bột. Nhưng giữa trưa hôm sau, các sườn núi đột nhiên nhiều ánh lửa nổi lên lốm đốm. Nhiều đại bác ló ra khỏi miệng hầm như những con chim báo giờ trên kiểu đồng hồ cũ rồi biến ngay lập tức. Một lưới đạn đại bác úp chụp lên đầu cầu quân đổ bộ, giết chết 570 thuỷ quân lục chiến và làm bị thương 1.700 người. Trận đánh Iwo Jima bắt đầu.


Nó sẽ kéo dài trong bốn tuần lễ rùng rợn dưới những điều kiện còn tệ hại hơn cả tại Bétio, tại Guam và tại Peleliu, bởi vì tại đây các pháo đài không phải là hầm hố công sự thường bằng thân cây và bằng đá, mà chính là các hang động hùng tráng được sửa chữa lại giữa các khối dung nham, trong đó mùi hôi thối từ xác chết trộn lẫn với hơi lưu huỳnh và hơi nước trên mặt biển bị đè nặng bởi khói phun ra từ các ống khói của các mỏ lưu huỳnh. Tất cả các công sự đều thông thương với nhau bằng những hành lang. Nước, điện, không khí được dẫn vào trong đó bằng các đường ống ngầm dưới đất. Những chỗ ẩn nấp rộng rãi nhất được sửa sang thành bệnh xá, kho vật liệu hay trại lính.


Tác giả của tổ chức phòng thủ kiểu mẫu này là trung tướng Kuribayashi, người mà đài phát thanh Đông Kinh đã nói-ít ra lần này cũng không quá đáng-rằng “bụng chứa đầy nhiệt tâm chiến đấu và biết rõ hòn đảo của ông đến nỗi có thể tìm thấy tất cả các hang chuột trên đó”. Với 20.000 người và vài trăm công nhân Cao Ly, thiên tài của chiến thuật phòng thủ ất đã đương đầu trong suốt 36 ngày dưới một thảm bom như thác lũ và 60.000 thuỷ quân lục chiến Mỹ. Theo lời Đô đốc Nimitz, ông đã đạt đến “mức toàn thiện trong nghẹ thuật làm cho cường độ tác xạ của pháo binh tương xứng với kích thước của phi trường”. Đây là lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh bắt đầu, ông đã ghi khắc vào tâm trí người Nhật mối ưu tư cho sự an toàn của chính bản thân họ; cùng với Shakespeare ông ước tính rằng “một người nhút nhát còn sống còn hơn là một vị anh hùng gục chết” bởi vì một người lẩn tránh một cách có ý thức là có thêm một chiến binh cho ngày mai. Nhưng số “người nhút nhát còn sống” của Kuribayashi không đủ để chặn đứng biển người quân Mỹ vốn đã thay thế luôn luôn các “anh hùng gục chết” bằng các quân đoàn mới, từ từ theo nhu cầu kể từ ngày 10 tháng 3 năm 1945, thuỷ quân lục chiến dưới quyền Tướng Schmidt đã xuyên vào phòng tuyến hỗn loạn của quân Nhật và chia cắt đội quân trú phòng kiệt sức thành từng mảnh vụn.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:17:21 am
Người ta đã không tìm thấy được xác của Tướng Kuribayashi trong mê cung hang động tại Iwo Jima mà phần lớn đã bị bít kín vĩnh viễn, tuy nhiên giấy tờ lượm được trong một hầm núp dường như cho thấy rằng ông đã tự tử. Các thông dịch viên Nhật của đoàn thuỷ quân lục chiến đã dịch một tài liệu mà họ cho là bản chúc thư của ông tướng, hay đúng hơn là thỉnh nguyện cuối cùng của ông xin Thiên hoàng xá tội, người mà trước đây ông đã chỉ huy đoàn quân danh dự để bảo vệ. Ông diễn tả “những lời xin lỗi hèn mọn nhất vì đã bị bắt buộc phải để cho một cứ điểm chiến lược quan trọng đến thế rơi vào tay quân thù” và trong tài liệu này ông đã có ám chỉ mơ hồ đến sự bại trận không thể tránh khói của Nhật Bản bằng cách khẩn cầu chủ nhân của ông “đừng bao giờ mất niềm tin nơi định mệnh vĩnh cửu của dân tộc”, và hứa với Thiên hoàng là “sau khi chết sẽ hiện về giúp làm hồi sinh quân lực Thiên hoàng”.


Tài kháng cự sau cùng còn lại phía đông bắc của tiểu đảo đã có thể bị tiêu diệt dần dần nhờ nhiều chiến cụ đang còn được thí nghiệm “chiến xa phun lửa, xe ủi đất bọc thép”. Ngày 26 tháng 3 năm 1945, thuỷ quân lục chiến của sư đoàn 5, mặc dầu thể xác và tinh thần mệt mỏi, đã có thể xuyên nhập vào đằng sau quân trú phòng vào trong các hầm hố và hang động. Nhưng 200 quân Nhật xâm nhập ngang qua các phòng tuyến, hôm đó mưu toán một đợt phản công. Họ bị tiêu diệt bởi các tiểu đoàn thu dọn chiến trường đi sau thuỷ quân lục chiến. Đấy là những cái giật mình hấp hối của quân phòng vệ Iwo Jima.


Sự “diên trì” tại Iwo Jima đã giúp cho những người tổ chức cuộc tấn công kế tiếp có đầy đủ thì giờ hoàn thành kế hoạch hành quân. Kế hoạch này gồm có một đổ bộ 120.000 người lên đảo Okinawa rộng lớn nằm cách quần đảo Nhật Bản 300 hải lý về phía nam. Không một sư đoàn thuỷ quân lục chiến nào từng tham dự cuộc chinh phục trước đó sẽ lại được sử dụng trong cuộc đổ bộ này. Iwo Jima là một vụ thuần tuý của “thuỷ quân lục chiến". Okinawa sẽ chủ yếu là của “bộ binh", với sự vận dụng các đại đơn vị, sự sử dụng chiến xa và chiến tranh cơ động. Ngoài kích thước, địa hình của đảo này không có điểm nào có thể so sánh với Iwo Jima. Okinawa là một hòn đảo kéo dài (107 cây số trên 2 đến 5 cây số bề rộng), bờ biển viền xung quanh bị bào xoi, có vẻ bị bỏ rơi ngay giữa mặt biển, như là một miếng cuối cùng của trò chơi ghép hình mà không ai có thể ráp được vào mê cung của bờ biển đối diện.


Bộ tham mưu của Đô đốc Turner hy vọng có thể đổ bộ thật nhanh chóng bốn sư đoàn của thiếu tướng Simon Bolivar Buckner. Với một hạm đội bành trướng hàng tuần, Spruance nay có 20 mẫu hạm1 (Trong đó có 4 của Anh, sau khi Đức đầu hàng, đã được đưa đến cùng với thiết giáp hạm King George V, để nhập đoàn với hạm đội Mỹ-mặc dầu không được yêu cầu), 8 thiết giáp hạm, 15 tuần dương hạm và vố số khu trục hạm, trong số này một vài chiếc được sửa sang lại thành “Pipqueta Radar” để đảm trách nhiệm vụ báo động phi cơ địch từ xa. Các phi đoạ của Tinian đã được nới rộng, các pháo đài bay B-29 của tướng Curtis Le May đã bắt đầu các cuộc không tập dò dẫm đầu tiên trên đất Nhật Bản và chuẩn bị cuộc oanh tạc ồ ạt vào các trung tâm kỹ nghệ. Các mẫu hạm của Mistcher cũng đã thực hiện các cuộc không tập trên những thành phố cận duyên. Do đó lực lượng khu trục cơ địch luôn luôn bị đặt trong tình trạng báo động, nên không thể nào hộ tống các oanh tạc cơ, lại càng ít có thể hy sinh hơn cho các cuộc tấn công tự sát. Gia dĩ, các phi cơ Kamikaze lại được chú ý vì sự vắng mặt tại Iwo Jima và ai cũng hy vọng là quân Nhật đã tung ra những con ma trời cuối cùng rồi.


Trong tâm trí của Uỷ ban tham mưu hỗn hợp, lấy được Okinawa là đảm bảo được cuộc phong toả cuối cùng quần đảo Nhật Bản, giúp thiết lập các phi trường tiếp liên cho pháo đài bay B-29 đặt căn cứ trên lãnh thổ Trung Hoa và cung ứng một căn cứ xuất phát lý tưởng cho cuộc xâm chiếm cuối cùng toàn bộ quần đảo Nhật Bản. Do đó, đây là một cuộc hành quân tối quan trọng về mặt chiến lược, và chính phủ Hoa Kỳ không nề hà tổn thất. Hơn nữa chính phủ Hoa Kỳ còn bí mật nuôi dưỡng niềm hy vọng rằng một sự vận dụng lực lượng như thế nhằm vào các bờ biển, sẽ thúc giục đối phương chấp nhận “đầu hàng vô điều kiện" do Tổng Thống Roosevelt đòi hỏi, mà không cần phải đi đến chỗ đổ bộ lên chính lãnh thổ Nhật Bản.


Hy vọng như thế quả là đã ru mình trong ảo tưởng. Từ lâu, Tổng hành dinh Thiên hoàng đã sợ một cuộc tấn công lên Okinawa, nên đã dồn vào đấy một đạo quân hơn 100.000 người, đặt dưới quyền chỉ huy của Tướng Ushijima, một trong các sĩ quan sáng chói nhất của lục quân. Cuộc kháng cự lâu dài tại Iwo Jima đã giúp hoàn thiện hệ thống phòng tại Okinwa. Trong khi hạm đội Mỹ điều động để tiêu diệt chúng thì tất cả các phương tiện hải quân và không quân Nhật sẽ khởi động trên đảo này. Kế hoạch mang ám danh “Ten-Go” ấy trước hết dựa vào chiến thuật của “các cuộc tấn công đặc biệt”. Hàng ngàn thanh niên được đào tạo cấp tốc thành hoa tiêu, rồi được huấn luyện các kỹ thuật Kamikaze dưới quyền lãnh đạo tối cao của Onishi. Tất cả các phi cơ còn bay được đều được tập trung trên các phi trường tại Kiou Siou. Các bom bay “Hoa anh đào”, các khinh tốc đỉnh Shinio chứa đầy chất nổ và các thuỷ lôi do người lái Koiten đang được sản xuất ồ ạt, bổ túc cho bộ sưu tập vũ khí rùng rợn được đưa ra cho những người tình nguyện tìm cái chết chọn lựa.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:18:26 am
Hoả thiêu Đông Kinh

Nhưng khi các chi tiết thi hành đang được chuẩn bị, một biến cố xuất hiện đột ngột đã làm thay đổi hoàn toàn không khí cho đến lúc đó tương đối yên tĩnh cho các hội nghị tại Tổng hành dinh Thiên hoàng. Ngày 9 tháng 3 năm 1943, một vụ hoả hoạn bề ngoài có vẻ là do tai nạn đã được loan báo giữa đêm khuya tại khu vực trung ương Đông Kinh, một pháo đài bay B-29 lợi dụng cơ hội đó đã hạ xuống thấp bằng cách ẩn mình trong đám khói. Đến 23 giờ 30, chiếc oanh tạc cơ này bị trông thấy và cao xạ D.C.A bắt đầu hoạt động, nhờ thế toàn thể thành phố lâm vào tình thế bị xác định với những tiêu mốc chính xác. Vài phút sau, các giàn rada báo hiệu cả một đoàn phi cơ vĩ đại đang tiến đến gần, và những trái bom đầu tiên bắt đầu rơi xuống Đông Kinh. Dân chúng ở khu vực công nhân Koto, một khu vực dường như bị đặc biệt nhắm đến, nghe những tiếng nổ chát tai rất khác lạ với tiếng động sắt ngọt của loại bom nổ, và cũng không có những ánh chớp rung chuyển soi sáng bầu trời đột ngột làm hiện ra những mái nhà kiểu Trung Hoa. Không có gì đáng lo lắm, chung qui các quả bom ấy… ít ra cũng rơi cách xa.


Nhưng nửa giờ sau cuộc biểu diễn kỳ lạ đó, một ánh lửa đỏ rực bắt đầu bốc cao lên trên khu vực Koto. Bom vẫn tiếp tục rơi, ánh lửa lan rộng và dần dần đạt đến một cường độ quáng mắt. Cả khu ngoại ô đồng loạt bị hoả thiêu dưới hiệu quả của loại bom đốt cháy có hiệu lực ghê gớm1 (Đây là một loại bom Napalm trứ danh mà một trong các phụ tá của Tướng Le May, thiếu tá Powers, sau khi thấy hiệu quả tại Tainan, đã thuyết phục cấp chỉ huy của mình sử dụng trên các thành phố Nhật-Nay là Trung tướng Powers là tư lệnh lực lượng không quân chiến lược của Hoa Kỳ). Cho đến 3 giờ 30 sáng, các pháo đài bay B-29 liên tiếp bay đến trên thủ đô Nhật Bản với một cao độ mà cao xạ D.C.A. không làm phiền được. Những người dân đáng thương ở các khu vực ngoại ô lập tức thấy bị ngọn lửa bao vây, liền chạy ùa ra tứ phía hy vọng thoát khỏi sức nóng của lò lửa. Nhưng dường như gió vẫn luôn luôn quay cuồng, và luôn luôn hạ ngọn lửa úp chụp lên những kẻ chạy trốn đang chạy tháo lui để rồi đụng phải một biển người khác.


Mặt trời lên cao chiếu sáng một quang cảnh rùng rợn. Những người ốm yếu, bệnh hoạn, già cả, trẻ con bị ngã trước tiên và bị dẫm chết. Những kẻ mạnh nhất chạy đến được bờ sông, kiệt sức nằm sõng sượt bên bờ, “như những con cá trong một cái hồ cạn nước”. Ngọn lửa đã kéo theo một mức độ hấp thụ dưỡng khí đến nỗi không khí dưới mặt đất không thở nổi. Hiện tượng chết ngạt ấy cũng lan tràn trong nhà dân chúng, trong các giao thông hào và hầm trú ẩn. Một khi đã bị hạn chế, ngọn lửa vẫn tiếp tục cháy trong 4 ngày. Sau đó, những người sống sót còn mạnh khoẻ hiếm hoi tiến vào đống đổ nát để tìm thân nhân hay của cải. Rồi các toán hướng đạo sinh đổ đến để tôi ra hàng núi xác chết ít nhiều bị cháy thành than tràn ngập cả đường phố. Xác chết được kéo bằng móc cho đến các xe vận tải để chuyên chở đến lò thiêu xác được ứng biến thiết lập.


Mặc dầu đã cho áp dụng các biện pháp đề phòng, nhưng cũng không thể nào giấu được bản kết toán hãi hùng với dân chúng tại các khu vực khác thuộc thủ đô. Hệ thống vận tải bị hỗn loạn, thực phẩm trở nên hiếm hoi, trên các đường phố tại Đông Kinh, nỗi kinh hoàng có thể đọc được trên khuôn mặt tất cả mọi người.


Tổng hành dinh Thiên hoàng khi nhận được các báo cáo phòng thủ thụ động đầu tiên (hơn 60.000 chết, 48.000 bị thương, hàng chục ngàn nhà cửa bị thiêu huỷ) đã hiểu rằng loại bom lửa mới có thể giúp cho người Mỹ tận diệt dân Nhật trong các ngôi nhà bằng gỗ và bằng giấy của họ. Ngay khi Thủ tướng Nhật được báo tin, ông tiếp xúc với những nhà ngoại giao trung lập ngay lập tức để nhờ họ áp lực với các chính phủ đồng minh nhằm tiến tới thương thuyết hoà bình, nhưng ông cố ý không để cho họ tất cả các tổng bộ trưởng biết-đặc biệt là các bộ trưởng lục quân và hải quân. Thật vậy nếu ý tưởng về một nền hoà bình “nhục nhã” không hề được thoáng qua trong trí óc các lãnh tụ quân sự, thì ý tưởng về một cuộc đầu hàng không điều kiện lại càng không thể nào được họ nghĩ đến. Vả chằn sự phẫn nộ do cái tang ngày 9 tháng 3 gây ra chỉ làm cho nhiệt tâm của họ được củng cố thêm. Giờ đây cuộc hành quân Ten-Go mang một âm vang sâu xa hơn: nó sẽ là một “cuộc xung phong Banzai” đầu tiên mà toàn dân sẽ lao vào để làm cho địch quân phải thất vọng vì kết quả của chiến thắng và bắt địch quân phải trả quá mắc cho chiến thắng ấy.


Các cuộc thảo luận cuối cùng tại Tổng hành di Thiên hoàng được khai diễn trong trạng thái tinh thần mới ấy. Một trong các câu hỏi đầu tiên được đặt ra là sự tham chiến của hạm đội: “Các chiến hạm sẽ làm gì trong lúc lục quân đang hy sinh trong các hang động tại Okinawa và các phi cơ Kamikaze đâm vỡ tan vào các mẫu hạm địch”.


Toyoda không dám trả lời: “Chúng tôi sẽ ở lại các hải cảng trong khi chờ đợi một cơ hội tốt đẹp hơn”. Các tướng lĩnh gặp cơ hội thuận tiện để nói với ông rằng chính vì sự chờ đợi cơ hội tốt nhất này mà xứ sở bị đẩy đến vực thẳm. Do đó ông đành đề nghị một cuộc hành quân đánh lạc hướng với những gì còn lại của hạm đội Ozawa để lôi kéo một phần hải lực của Mỹ đang tập trung chung quanh Okinawa. Giải pháp này dường như cũng không đủ đối với đa số các sĩ quan hiện diện, do đó đã có quyết định phái toàn diện hạm đội vào một cuộc xung phong tự sát để tiêu diệt tất cả chiến hạm Mỹ nào thoát khỏi tay phi cơ Kamikaze.


Một tuần lễ sau, những phi cơ thám sát hiếm hoi còn lại của Nhật còn bay trên hải phận báo hiệu thấy một hạm đội vĩ đại của địch bao phủ mặt biển đến ngút ngàn, đã rời Mariannes và dường như tiến về Okinawa. Cùng ngày hôm đó, quân Mỹ đã đặt đảo nào dưới một đợt oanh tạc và hải pháo nghiêm khắc vốn chỉ là sự khởi động của một cuộc hành quân tấn công.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:19:54 am
Hồi chung cục của Hạm đội liên hợp

Ngày lễ Phục sinh 1 tháng 4 năm 1945, 1.200 chiến hạm đủ mọi cỡ của hạm đội Mỹ bố trí về phía tây nam đảo Okinawa trước các bãi biển đổ bộ. Trong nội buổi sáng, 50.000 quân đã được đổ lên bờ và có thể chiếm các phi trường kế cận Yontan và Kadena mà không gặp một sự chống đối nào cả. Đến 16 giờ các hải vận hạm chính đã có thể nhổ neo đi chở các đơn vị đổ bộ tiếp theo. Chúng bị ngạc nhiên khó chịu với các cuộc tấn công của hai phi cơ Kamikaze, mỗi chiếc đâm trúng một hải vận hạm. Đấy là biến cố duy nhất của ngày đầu tiên. Một sự im lặng hoàn toàn, giống như thế đã đánh dấu 4 ngày kế tiếp. Các đơn vị lần lượt được đổ bộ và bố trí trên phần phía nam đảo. Tướng Buckner đồn trú vững chắc quân sĩ của ông trên các cánh đồng rải rác vườn cây và vườn hoa trải dài từ đỉnh núi Kakazu bị pháo đài xưa cũ Shuri chế ngự, và eo đất rất chật hẹp Ishikawa, thắt chặt lại như một chiếc nịt ngực ngay đoạn giữa hòn đảo rộng lớn.


Dư luận chung rất là lạc quan. Binh sĩ của lục quân trong tâm trí chờ đợi được thấy một cảnh trí lỗ chỗ hố bom đạn như cảnh mặt trăng, đã nói đùa với nhau và nói bóng gió rằng các câu chuyện về Iwo Jima do thuỷ quân lục chiến kể lại đều “đã quá phóng đại như thường lệ”. Phần nguy hiểm nhất của một cuộc hành quân loại này là lúc đổ quân lên bờ, sự kiện đổ bộ thành công 200.000 người dường như là một triệu chứng tốt. Cuộc tấn công vào các đỉnh núi phía Nam đảo, các đỉnh Kazuka và Shuri, được ấn định vào ngày 9 tháng 4.


Tuy nhiên trước bình minh ngày 6, trong khi các chiến hạm Mỹ chuẩn bị thực hiện cuộc hải pháo buổi sáng vào các cứ điểm của Nhật, thì tiếng nổ dòn của cao xạ D.C.A đã phá tan sự im lặng. Những chùm bom đã quấy rộn mặt biển im lặng. Lần này, không còn nghi ngờ gì nữa, địch quân đã phản ứng.


Và phản ứng kinh khủng biết bao! Hai khu trục hạm đang tuần tiễu trước các đại chiến hạm đã hoàn toàn bị Kamikaze phá huỷ, những chiếc khu trục hạm làm mốc rađa có phận sự canh phòng không phận ngoài khơi,phải chịu đựng một trận đánh vô vọng với các phi cơ tự sát ào tới hết đợt này đến đợt khác không ngừng nghỉ. Chính cảnh địa ngục tại Lingayen đã được tái diễn với tầm mức rộng lớn hơn nhiều. Trong vài phút tất cả các khu trục cơ trên các mẫu hạm đều cất cánh và nhiều cuộc không chiến ác liệt diễn ra trên các khu trục hạm làm mốc rada để toan tính chặn đứng phi cơ Kamikaze. Những tiếng nổ của đạn phòng không làm bầu trời nổi đốm đen giống như những quả bong bóng của trẻ con, trong đó những cánh phi cơ Zéro tơi tả hay những thân phi cơ oanh tạc nặng nề nhào lộn theo hình chữ chi. Đa số các máy bay tấn công đã kéo theo sau những vệt khói. Thỉnh thoảng một phi cơ đâm xuống nước bùng cháy một thoáng rồi nổ tan và biến mất trong một xoáy nước đen ngòm. Đôi khi nhiều cuộn khói nặng nề đã bốc lên cao từ chính các chiến hạm. Đến 4 giờ chiều, cơn cuồng nộ dịu hẳn đột ngột cũng như khi bắt đầu. Số lượng các cuộc tấn công tự sát lên đến 355. Một số gần tương đương oanh tạc cơ tung ra các đợt tấn công cổ điển rất hữu hiệu, phi cơ săn giặc Mỹ hoạt động không xuể, gần như không có chiếc nào bị bắn hạn.


Nếu tổn thất về phi cơ của Mỹ cực kỳ thấp, thì tình thế lại khác hẳn đối với hải lực: 6 khu trục hạm bị đánh chìm, 17 chiến hạm các kiểu bị thương tổn trong đó có 10 chiếc vĩnh viễn không còn sử dụng được nữa. Số tử thương là 466, số bị thương-phần đông là bị bỏng khó sống-lên đến 568.


Trong lúc diễn ra loạt tấn công mệt nhoài ấy, hạm đội Nhật đã khởi hành cho chuyến ra đi tự sát, theo đúng kế hoạch Ten-Go. Quyết định dứt khoát đưa thiết giáp hạm Yamato, tuần dương hạm Yahagi và 8 khu trục hạm, tức là gần toàn diện hải lực tại chính quốc của Nhật, vào chỗ chết, đã được chuyển đến cho các giới chức liên hệ. Những người này cũng không ít ngạc nhiên khi biết rằng hải đội được cấu tạo như thế lại được giao cho Phó Đô đốc Ito, mặc dầu ông ta chưa bao giờ chỉ huy một trận hải chiến, mà suốt thời kỳ chiến tranh chỉ làm việc tại Bộ Tổng tham mưu. Sự kiện duy nhất này chứng tỏ rằng Tổng hành dinh Thiên hoàng không có một phút nào nghĩ đến một trận hải chiến thật sự sẽ xảy. Hiểu rằng một cuộc điều động ra đi trong các điều kiện như thế sẽ gây nên biết bao lời chỉ trích, Toyoda phái viên tham mưu trưởng của mình, Kusaka, đến thiết giáp hạm Yamato để hội họp với các sĩ quan cấp tướng của hạm đội. Những giới chức này sau khi biết rõ chuyện gì, yêu cầu một thời hạn để lấy ý kiến các hạm trưởng. Toàn thể đều nhất trí gạt bỏ ý tưởng một sứ mạng-tự sát kiểu này, không phải vì một sự hy sinh nhường ấy đã làm cho họ công phẫn, nhưng bởi vì nó không có một cơ may nào được bù trừ bởi sự phá huỷ một mục tiêu quan trọng.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:21:13 am
Trên chiếc tuần dương hạm Yahagi, Đề đốc Komura, tư lệnh hải lực nhẹ, triệu tập 6 đại tá và 3 trung tá hạm trưởng dưới quyền. Tham mưu trưởng của ông. Đại tá Hara, sẽ sống sót sau thảm cảnh, đã kể lại cho chúng ta mọi chi tiết về quang cảnh đã diễn ra trên chiến hạm của ông. Chúng ta ghi lại ở đây qua những nét chính:

-“Các ông, Komura nói, tất cả các ông đều đã thấy kỳ hiệu được kéo lên chiếc Yamato ra lệnh cho chúng ta thực hiện hành quân Ten-Go. Cuộc hành quân này đơn thuần chỉ là một cuộc tự sát, và tôi đã nói điều đó với vị tham mưu trưởng của hạm đội liên hợp. Tôi được sự đồng ý của hai vị Đề đốc hiện diện. Phó Đô đốc Ito giữ im lặng khiến tôi không rõ ông nghĩ gì. Như các ông đã biết, tôi là tham mưu trưởng của Ozawa khi ông ta bị phái đi đóng vai trò nhử mồi trong vùng biển Phi Luật Tân. Tôi đã thấy một số lớn binh sĩ của ta bị giết chết. Tôi không chú ý đến số phận của bản thân tôi, nhưng tôi ghê tởm việc bắt thuỷ thủ đoàn của ta hy sinh trong một cuộc hành quân vô ích như vậy. Do đó tôi yêu cầu có một thời hạn để biết quan điểm của các ông”.
Một sự im lặng suy tư tràn ngập khiến không một ai dám khuấy động. Đột nhiên một trong các đại tá hạm trưởng cất lời:

“Có phải Kusaka đến đây dùng sức mạnh bắt ta thi hành lệnh không?

-Ông ta không nói đến mệnh lệnh, Komura trả lời. Không ai có thể ra lệnh cho người khác phải chết. Có thể là ông ta có mệnh lệnh ấy, nhưng ông ta không nhắc nhở đến. Ông ta chỉ đòi hỏi những đề nghị của các ông”.

Viên sĩ quan lại cất lời, giọng lạc hẳn đi: Tôi có mặt với Kurita tại Leyte. Cuộc hành quân ấy đã lố bịch rồi. Cuộc hành quân mà nay chúng ta được yêu cầu thi hành càng lố bịch hơn. Chúng ta sẽ chết tất cả và còn lại gì để phòng vệ chính quốc?”.

Lời thuyết minh này có hiệu lực làm mọi người hết cứng lỗi. Có những tiếng la “chúng tôi cũng nghĩ như ông ấy” Nhiều tiếng thì thầm tán đồng lan tràn. Cuộc hội nghị chuyển qua một khúc quanh kỳ dị. Đô đốc Komura vẫn im lặng, mắt lim dim. Hạm trưởng Hara, người rất có ảnh hưởng trong số các hạm trưởng khu trục hạm lên tiếng:
“Giải pháp thông minh nhất theo ý tôi là thực hiện các cuộc hành quân biệt lập trên trục giao thông quá kéo dài của địch. Chiến hạm của tôi, chiếc Yahagi, có một rada và một máy Sonar mà rốt cuộc ta phải hãnh diện. Tôi sẽ tiêu diệt ít ra là một nửa tá chiến hạm trước khi bị khám phá. Thế còn hơn là giải pháo mà người ta đề nghị cho chúng ta vốn chỉ là đem trứng chọi đá”.


Lúc ấy nhiều hạm trưởng khác cũng đưa ra các đề nghị tương tự. Tất cả đều hãnh diện với chiến hạm của mình và tỏ ra nóng nảy vì ham muốn tung chúng vào trận đánh. Cái chết không quan trọng lắm đối với họ, nhưng với điều kiện là chết để phục vụ cho một cái gì, và họ biết các thuỷ thủ đoàn cũng bị khích động bởi cùng những ham muốn như họ. Một trong các hạm trưởng kết luận cuộc tiếp xúc bằng những lời được nói lên với nhiệt tình chan chứa:

“Toàn diện chiến hạm Asashino của tôi đều được giương về trận đánh, Xin hãy cho nó một cơ may để phục vụ đắc lực cho tổ quốc!”

Lúc đó, Komura cho dọn bữa ăn trưa. Không một ai đụng đến bữa ăn, các sĩ quan tiếp tục trao đổi quan điểm.

Đúng 13 giờ, Đô đốc đi đến chiếc Yamato. Ông trở về lúc 15 giờ và mặt tái ngắt bước vào phòng khách nơi các sĩ quan chờ ông:

“Tôi đã chấp nhận thi hành mệnh lệnh. Nó sẽ có hiệu lực lúc 15 giờ 30”.

Sau khi liếc mắt nhìn quanh, ông kể lại chuyện gì đã xảy ra:

“Tôi đã trình bày quan điểm của các ông và nhấn mạnh rằng tôi cũng chia sẻ quan điẻm ấy. Kusaka và Ito chăm chú nghe tôi. Nhưng khi tôi dứt lời, Kusaka đã giải thích rằng đây là một cuộc điều động đánh hướng để tập trung các phi đoàn của những hàng không mẫu hạm địch trong lúc hàng trăm phi cơ Kamikaze tại Kiou-Siou tấn công vào các chiến hạm chở quân đổ bộ. Ông ta kết thúc bằng cách nói rằng kế hoạch không do ông vạch ra nhưng ông tin rằng đợt ra quân của chúng ta sẽ không kết thúc một cách vô ích như các lần trước. Và để trả lời câu hỏi của một vị Đô đốc, ông ta nói thêm rằng toàn thể xứ sở sẽ phẫn nộ nếu như chiếc Yamato vốn đã bị công khai mệnh danh “khách sạn nổi của những Đô đốc ngu xuẩn” vẫn còn nguyên vẹn khi chiến tranh chấm dứt, sau khi nghỉ ngơi trong 3 năm liền không hề bắn một phát đại bác. Lúc đó Đô đốc Ito phá vỡ sự im lặng đầy bối rối tiếp sau lời của Kusaka.

“Thưa các ông, ông ta bảo, chúng ta được cung ứng một cơ hội để chết một cách vinh dự. Một võ sĩ đạo luôn luôn sẵn sàng hy sinh đời sống của mình”.

“Câu nói nhắc nhở đến chân lý ấy đã chấm dứt cuộc thảo luận. Tất cả chúng tôi đều hứa thi hành mệnh lệnh".

Komura cúi đầu xuống khi nói những lời này, như là để xin lỗi vì đã nhượng bộ áp lực của thượng cấp.

Lúc ấp, đại diện mọi người, Hara lên tiếng, tin chắc là sẽ diễn tả đúng tư tưởng của họ:

“Thưa Đô đốc, chúng tôi xin cám ơn ông đã trình bày ý tưởng của chúng tôi. Nhưng lệnh là lệnh. Chúng tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình”.

Các sĩ quan nghiêng người tỏ dấu hiệu dồng quan điểm, và cáo biệt để trở về chiến hạm.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:22:06 am
Công cuộc chuẩn bị nhổ neo được thực hiện lập tức, rồi các bệnh binh được di tản cũng như các sinh viên sĩ quan đang thực tập và tất cả những nhân viên không cần thiết lắm. Nhiều người trong số này muốn ở lại trên chiến hạm, và phải dùng mệnh lệnh bắt buộc họ rời tàu. Đến tối, Komura triệu tập tất cả các hạm trưởng để ăn bữa cơm vĩnh biệt. Ông đã tìm thấy lại được thái độ nhã nhặng thường lệ và mời các thực khách uống rượu Saké thả giàn. Dạ tiệc diễn ra trong một bầu không khí siêu thực. Ai cũng tỏ ra vui sướng, nhưng sự đùa giỡn trong phòng ăn sĩ quan, những câu chuyện vui về chiến trận tạo nên những tràng cười và hoan hô. Sau khi các hạm trưởng khu trục hạm ra đi, đô đốc Komura và hạm trưởng Hara chấp thuận đến phòng ăn của sĩ quan cấp dưới thuộc chiến hạm Yahagi. Ở đấy cũng thế, rượu Saké chảy như thác cho đến 23 giờ, và đêm thức canh phòng chấm dứt trong một truyền thống thuần tuý Nhật Bản, ai nấy đều che dấu vẻ mệt nhọc và say sưa do sự tôn trọng một sự câu thúc có tính cách nghi lễ.


Hôm sau ngày 6 tháng 4 năm 1945, lúc 16 giờ, siêu thiết giáp hạm Yamato, tuần dương hạm Yahagi và 8 khu trục hạm hộ tống của chúng nhổ neo rời Tokayama để thực hiện chuyến hải trình cuối cùng. Đô đốc Ito ra lệnh men theo bờ biển phía đông đảo Kiou Siou trong đêm tối. Đến 4 giờ sáng ngày 7, ông ra lệnh hướng về phía tây để lôi kéo càng xa càng tốt các phi cơ địch vốn sẽ không chậm trễ cất cánh săn đuổi.


Chúng không chậm trễ thật. Lúc 11 giờ 30, một trong các trạm gác giặc trên đảo Amami báo hiệu “250 phi cơ địch, tiến về phía bắc”. Đó là các phi cơ của Lực lượng đặc nhiệm 58 của Spruance đã từng được báo tin từ đêm hôm trước về sự xuất đầu lộ diện của hạm đội Nhật. Bốn mươi phút sau, các rada của chiếc Yamato thấy chúng xuất hiện trên mặt kính và Ito thông báo tin tức cho tất cả chiến hạm đồng thời ra lệnh dang va nhau và chạy hết tốc lực. Từ trên đài chỉ huy chiếc Yahagi, Komura và Hara thấy chiếc thiết giáp hạm danh tiếng, mà hải quân sùng bái “bằng một thứ niềm tin gần như tôn giáo”, hơi hướng mũi lên trời nâng cao hai làn sóng vĩ đại hai bên sống mũi tàu. Trong cơn mưa phùn bay lất phất, nhìn thấy chiếc thiết giáp hạm thần tuý và hùng tráng ấy rẽ sóng với tốc độ 35 gút, quả là một quang cảnh khích lệ, mặc dầu tình thế đã đến lúc nghiêm trọng. Những người không được dự kiến cuộc tàn sát tại Leyte không thể tưởng tượng được rằng một chiến hạm khổng lồ như thế lại có thể gục ngã dưới sức tấn công của phi cơ. Nhưng Komura là người, đã trông thấy thiết giáp hạm Musachi bị đánh chìm, nên không hề nuôi ảo tưởng.


Lúc 12 giờ 20 trưa, một cơn mưa rào bất chợt bao phủ các chiến hạm trong một màn sương lờ mờ. Không một phi cơ nào bị nhìn thấy mặc dầu các rada canh chừng không phận của chiếc Yawato vẫn có thể theo dõi chúng trên màn ảnh và ra lệnh hướng về phía chúng, tất cả các nòng đại pháo của thiết giáp hạm kể cả những khẩu đại bác khổng lồ 460 ly.


Đột nhiên trinh sát viên của chiếc Yahagi la lớn: “Hai phi cơ tả mạn phía trước!” và lập tức tất cả súng phòng không của tất cả các chiến hạm bắt đầu nổ tứ phía. Không phải chỉ có 2 chiếc phi cơ bay ra khỏi các đám mây mà là 20 chiếc, 40 chiếc, 50 chiếc… Ngay sau đó, bom rơi xuống. Tuần dương hạm Yahagi và các khu trục hạm chạy chữ chi hỗn loạn để toan tránh bom, nhưng, nhưng các làn sóng thuỷ lôi màu lam đã xé mặt biển chung quanh các chiến hạm. Thỉnh thoảng một khu trục cơ đâm bổ xuống ngang các cột buồm và càn quét cầu tàu bằng đại liên.


Đến 12 giờ 40, tức là 10 phút sau khi phi cơ địch đến, chiếc Yamato, bị trúng trái thuỷ lôi đầu tiên. Sáu phút sau đến lượt chiếc Yahagi lãnh một trái ngay hầm máy, giết chết tất cả các nhân viên tại đó. Chiếc chiến hạm chạy lang thang một lát trong khi hạm trưởng Hara gào thét các mệnh lệnh để nắm lại tay lái con tàu, không biết rằng chiến hạm của ông đã bị quả đạn duy nhất ấy làm cho vĩnh viễn bị tê liệt. Từ lúc đó nó trở thành tấm bia cho hơn 100 oanh tạc cơ đâm bổ.


Từ trên đài chỉ huy, Komura và Hara làm khán giả dự kiến cuộc phòng vệ của các xạ thủ đại bác trên chiếc Yahagi. Thỉnh thoảng người ta nghe có tiếng rú lên vì vui sướng: một pháo thủ vừa thấy chiếc bia của mình bốc cháy và rơi xuống như một hòn đá. Những chùm bom siết chặt dần chung quanh chiếc chiến hạm bất động và những tiếng nổ đã làm rung chuyển thân tàu đến mức độ người ta có thể nghe những đầu đinh tán chạm lách cách vào thành tàu và ống khói như tiếng đạn ria chứa trong các trái phá. Thế rồi chuyện không tránh được đã đến. Một trái thuỷ lôi thứ hai phát nổ đã phá vỡ tung phía sau chiến hạm làm nhiều xác người rách bươm bắn lên trời. Ngay lúc đó một oanh tạc cơ đâm bổ đặt một quả bom ngay giữa pháo và tháp phía trước, xoi thủng sàn tàu bọc thép rồi rơi xuống nổ tung dưới đáy kế các hầm dầu. Nếu không có phản xạ tức thì của viên sĩ quan tác xạ cho mở ngay những “van” nhận chìm, thì chiếc Yahagi đã nổ tung cùng với thuỷ thủ đoàn. Thay vì như thế, nó đành chịu chúi mũi thêm một chút và khạc ra nhiều hơi nước, nhiều ngọn lửa hơn mà thôi.


Bản án treo không kéo dài được lâu. Những tiếng nổ kế tiếp nhau theo một nhịp độ đến mức đứng trên đài chỉ huy, hạm trưởng không bao giờ thấy được cùng một lúc 1/4 chiến hạm. Khi khói tan dần, một lỗ thủng khổng lồ xuất hiện ngay nơi giàn đại pháo hoặc nơi sàn đặt ống phóng thuỷ lôi. Độ nghiêng của chiến hạm gia tăng không ngừng, nhưng đều đều, từ tốn, làm như chiếc chiến hạm muốn chết một cách đường bệ. Khi mặt cầu tàu chìm ngang mặt nước và sóng biển xô đến quét sạch các vũng máu, Đô đốc Komura gọi một trong các khu trục hạm cuối cùng còn chạy tốt đến gần để chuyển những người còn sống sót sang rồi tiến thẳng đến Okinawa. Khu trục hạm Isokasé mở hết tốc lực chạy đến gần xác chiếc Yahagi, nhưng khi còn cách 200 thước thì nó biến mất, cũng bị trúng thuỷ lôi-trong một đám mây khói.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:22:49 am
Thế là hết… Mặt biển bao phủ đầy đầu người đen ngòm. Những kẻ bị đắm tàu bám chặt vào các mảnh tàu vỡ hay mảnh xuồng cấp cứu, vùng vẫy trong một lớp dầu cặn dày, mà không có một tia hy vọng nào được vớt lên. Những người còn tĩnh trí quay đầu nhìn về phía chiếc Yamato vẫn còn tiếp tới ở xa xa cùng với những chùm bom và những tiếng nổ đi kèm. Tất cả những hy vọng và cuộc đời còn sót lại nơi họ đều hướng về chiếc bóng oai nghiêm đường bệ dường như đang thách thức với số phận ấy. Từ lâu vẫn đứng bên nhau, đột nhiên Komura và Hara không còn thấy nhau nữa mà chưa kịp nói một lời vĩnh biệt. Lớp dầu cặn dày đặc nay loang dần, Hara kiệt sức, chập chờn trên một mảnh tàu vỡ mà ông bá chặt vào, rồi thình lình một ánh sáng loé lên ở phía xa kéo ông ra khỏi cơn hôn mê. Ông nhắm mắt lại một lát và khi mở mắt trở lại, mặt biển trở nên trống vắng và yên tĩnh lạ kỳ. Một cột khói trắng khổng lồ bốc lên trời ngay tại chỗ chiếc Yamato hiện hữu trước đó. Những tiếng nổ kế tiếp nhau như sấm động đã làm những nỗi nghi ngờ cuối cùng tan biến: chiếc đại thiết giáp hạm vừa chìm xuống sóng biển.


Khi bóng đêm sắp bao phủ bầu trời, những nạn nhân bị đắm tàu thuộc chiếc Yahagi dường như có nghe một tiếng động cơ đến gần. Vài phút sau, một chiếc canô thuộc một khu trục hạm lần lượt vớt hết người này đến người khác và đưa họ trở lại chiếc Hatsushimo chiến hạm độc nhất của hải lực Nhật Bản còn sót lại như có phép lạ. Chiếc khu trục hạm chở đầy người lấm lem dầu cặn được thuỷ thủ đoàn tẩy sạch và an ủi. Trong bệnh xá, Hara, nằm dài trên chiếc bàn mổ, quan sát viên bác sĩ đang chăm sóc các vết thương của mình. Ông không còn nhớ được gì cả. Không biết mình có bị một vết trầy trụa nào không!


Cuộc sống lại tiếp diễn; ông vui sướng được biết rằng Komura cũng có mặt trên tàu với chừng mười sĩ quan của chiếc Yamato. Chính nhờ họ ông mới biết trường hợp tổn thất chiếc chiến hạm này.


Ngay từ đầu, chiếc Yamato đã bị 1 thuỷ lôi và 2 quả bom đánh trúng. Điều đó không làm nó giảm tốc độ và đại bác phòng không của nó đã hạ mười phi cơ địch. Ba khắc sau, đợt tấn công thứ hai do Mitscher tung ra đã nhắm vào chiếc chiến hạm khổng lồ với mệnh lệnh dứt khoát là phải đánh chìm nó. Trong vòng nửa giờ đồng hồ, hơn 100 oanh tạc cơ đâm bổ và một số lượng phi cơ phóng thuỷ lôi tương đương từ khắp bốn phương trời ùa đến tấn công. Ba quả bom mới rơi trúng và mức tác xạ chậm lại vì các đám cháy càn quét cầu tàu cũng như các kiến trúc thượng tầng. Lúc ấy nhiều đợt phi cơ phóng thuỷ lôi bay đến để tiêu diệt nó. Chín thuỷ lôi trúng vào tả mạn và chiếc chiến hạm bị nghiêng ngay 30 độ. Từ lúc ấy thảm hoạ dồn dập xảy đến. Vài quả đạn 450 ly lăn ra khỏi phòng phân phối, rơi xuống các hầm tàu qua các vết thủng và phát nổ. Mọi nỗ lực để lấy lại sự kiểm soát con tàu đều vô ích, các tường chắn bị rung chuyển đành lần lượt đổ sụp.


Khi mối đe doạ chìm tàu trở nên cấp kỳ, đô đốc Ito cho gọi lên cầu tàu vài sĩ quan hiếm hoi còn sống sót và nói lời vĩnh biệt. Ông phải bám vào thành lan can để khỏi ngã. Đề đốc Ariga, hạm trưởng phải giúp ông ta trèo lên sàn tàu gần như dựng thẳng đứng để trở vào đến phòng trực và tự khoá mình vào trong đó. Chính Ariga cũng đã nhờ một tuỳ viên cột chặt mình vào đường dốc của một hầm trú ẩn khi hải hành và chào các sĩ quan sau khi chúc họ may mắn. Vài giây sau cuộc chia tay cảm động ấy, nhóm sĩ quan bị một tiếng nổ trong lòng chiến hạm hất văng xuống biển và chiếc tàu đột ngột chìm luôn.


Toàn diện nước Mỹ bừng bừng khích động khi nghe tin loan báo ông kẹ Nhật Bản bị đánh chìm. Số lượng 5 hoặc 6 phi cơ của Mitscher bị hạ, và chừng 20 chiếc bị cao xạ D.C.A của các chiến hạm Nhật bắn trúng có vẻ như là một phần cống hiến quá nhẹ cho chiến công này.


Nhật Bản tiếp nhận tin tức ấy với niềm cay đắng đen tối. Lại một ảo vọng nữa bị sụp đổ tan tành sau biết bao ảo tưởng khác. Kết quả rõ rệt nhất của cuộc huỷ diệt lịch sử này là chặn đứng lại trong các hải quân công xưởng của Mỹ và Anh, công cuộc đóng 4 thiết giáp hạm từ 40.000 đến 50.000 tấn, mà các Đô đốc phe Đồng minh, rõ rệt là mù quáng, vẫn cứ khăng khăng đòi hỏi cho bằng được. Lần này chứng cớ rõ rệt cho thấy rằng kỷ nguyên của những “dreandoughts” (thiết giáp hạm) đã cáo chung và một trang sử của hải quân đã được lật qua.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:25:10 am
Kế hoạch Manhattan

Cái chết của Roosevelt

Những ngày kế tiếp đã làm cho các trang sử lật qua với một nhịp độ mau đến nỗi câu chuyện chiếc thiết giáp hạm Yamato và cuộc kháng cự kịch liệt của quân Nhật tại Okinawa còn chiếm hàng đầu của tin tức thời sự nữa.


Khi những bức ảnh chính thức về cuộc hội nghị của các quốc trưởng tại Yalta xuất hiện trên trang nhất của báo chí, thì những dáng nét bị tàn phá của Tổng thống Hoa Kỳ đã tương phản với khuôn mặt đỏ au của Churchill và khuôn mặt sắc sảo của nhà độc tài tại Mạc Tư Khoa đến nỗi cả dân tộc Mỹ đều thấy khó chịu như mắc một căn bệnh không định nghĩa được. Những bài diễn văn thường điểm một vài nét lạc quan vững chắc của ông giờ đây nhuốm màu sắc một chủ nghĩa thần bí, mà các cộng sự viên thân tín không thể nào hiểu nổi ý nghĩa. Khi lên tiếng nhân dịp lễ kỷ niệm Jefferson, bất ngờ ông nhấn mạnh đến sự kiện theo đó người tiền nhiệm siêu phàm của ông là một nhà “bác học” và trích dẫn các tài liệu viết về “tinh thần huynh đệ của khoa học và mối liên hệ vĩ đại giữa các dân tộc mà công cuộc tìm kiếm chân lý đã kết tạo nên”.


Vài ngày sau, ông phải đọc một bài diễn văn mới nhân dịp lễ nhậm chức nhiệm kỳ 4 của ông. Các bắp thịt mạnh mẽ trên đôi vai lực sĩ của ông chỉ có thể nâng đỡ ông đôi chút bề ngoài khi ông đứng dậy để nói với cử tọa. Ông lại chuyên tâm bắt đầu cùng một luận đề như trước.

“Chúng ta đang đứng trước, ông nói, một sự kiện chủ yếu: nếu nền văn mình phải sống sót, thì khoa học mà chúng ta phải được dạy dỗ là khoa học về những mối giao tiếp giữa con người, về tính cách khả hữu của sự làm việc trong hoà bình cho tất thảy mọi dân tộc”.


Câu nói đầy màu sắc triết lý của Wilson này đối với các cố vấn của ông thật bất ngờ vì họ chờ đợi ông nói đôi lời ám chỉ mạnh mẽ đến các chiến sĩ tại Okinawa và đến sự ghê rợn của những cuộc tấn công của các phi công Thần phong Kamikaze. Nhưng câu nói ấy đã thật sự làm cho một sống rất nhỏ các nhân vật hiện diện ngẩn ngơ, những người được chia xẻ với ông sự bí mật được giữ kỹ nhất của kỹ nghệ chiến tranh Hoa Kỳ. Họ thấy một cách hợp lý trong câu nói ấy có sự phản ánh niềm lo âu của ông trước một tin tức hấp dẫn vừa được thông báo cho ông và họ là những người được biết: sự thực hiện cấp kỳ một quả bom nguyên tử do một nhóm các nhà bác học thuộc đủ mọi quốc tịch cùng làm việc với nhau từ năm 1942 thực hiện. Tin tức này đã tạo ra hậu quả gấp đôi việc sáng chế một quả bom bởi vì không một ai còn chờ đợi nó nữa. Nhưng nó chỉ được thông báo cho một số tối thiểu các nhân vật cao cấp: Tổng trưởng chiến tranh Stimson, tướng Marshall, và đô đốc Leahy, tham mưu trưởng riêng của Tổng thống. Các cơ sở tình báo Mỹ đã từng chứng tỏ khéo léo “đập vỡ được các khoá mật mã” của lịch, quả thật lại còn thành công đáng chú ý hơn nữa trong việc che phủ một màn bí mật không có gì xuyên qua được chung quanh kế hoạch Mahattan, một kế hoạch sau bốn năm cố gắng có lúc phải ngã lòng, nay đã đạt được thành quả phi thường ấy. Những người có trách nhiệm trong cuộc đàm luận về sự bí mật này lại càng xứng đáng hơn nữa khi mà tự xúc tiến kế hoạch đã đòi hỏi những kinh phí lên đến nhiều triệu Mỹ kim và đòi hỏi sự tuyển mộ nhiều nhà máy vĩ đại dưới sự lãnh đạo của một Brain’ Trust vô danh, và chính những người thuộc cơ cấu này cũng bị an trí trong một nơi ẩn dật cách xa nhà máy hàng trăm cây số. Sau một cuộc khởi hành mau lẹ sấm sét dựa trên một kế hoạch thuần tuý khoa học, nhóm Brain’ Trust này đã giải quyết được phần lớn các bài toán làm thế nào để tách rời nhân nguyên tử. Nhiều nhà máy đồ sộ đã được dựng lên tại Oak Ridge trong tiểu bang Tennesse để tách rời những đồng vị của Uranium và đại xí nghiệp Du Pont de Nemours đã dùng các nhà máy của mình tại Chicago để chế tạo những cơ phận của quả bom tương lai.


Nhưng hàng trăm bác học nhà tu trú ngụ tại Los Alamos thuộc tiểu bang Tân Mễ Tây Cơ, nơi họ nghiền ngẫm trong một khung cảnh đầy ứ giải Nobel, đều vấp phải một bài toán nghiêm trọng: làm sao thực hiện, dưới một khối lượng có thể chấp nhận được, phản ứng dây chuyền cần thiết cho sự giải phóng nguyên tử nặng. Chính giải đáp của bài toán này đã vừa được tìm thấy trong tháng 4 năm 1945 ấy. Trung tướng Groves, người đảm trách ngay từ đầu nhiệm vụ điều hợp và khích động các nỗ lực của những nhà bác học thuộc Kế hoạch Manhattan, đến báo tin cho Tổng trưởng Chiến tranh Stimson, ông này trình ngay cho Tổng thống. Tin đến quá trễ. Bá Linh đã bị bao vây chặt chẽ, Hitler1 (Đọc “Những trận đánh lịch sử của Hitler” Sông Kiên in lần thứ tư) đang hấp hối trong căn hầm tại dinh Tể tướng; riêng phần Nhật Bản thì các nhà tiên tri của Ngũ đài giác vẫn khẳng định không ngừng là đang lâm vào tuyệt địa.


Theo sự ước tính của các nhà bác học, cần phải có một thời hạn 3 tháng mới thực hiện được một vụ nổ nguyên tử “có kích thước như thật” đầu tiên để thí nghiệm. Sau đó lại phải mất 1 tháng nữa để hoàn tất một kiểu bom do phi cơ mang được. Có rất nhiều cơ may cho thấy chính phủ Nhật bản sẽ đầu hàng trước nhật kỳ đó.


Thành quả của kế hoạch Mahattan cũng đã tạo nên một biến cố có tầm ảnh hưởng mênh mông không ít, và chính có lẽ những suy tư về tương lai nhân loại đã gợi cho Tổng thống Roosevelt những ám chỉ dự trí về khoa học và về “sự sống còn của nền văn minh”. Chúng ta sẽ không bao giờ được biết quyết định của ông như thế nào về lĩnh vực quân sự, bởi vì ngay từ ngày 10 tháng 4, tình trạng sức khoẻ buộc ông phải nghe lời bác sĩ, và phải từ bỏ những gánh nặng quyền chính để đi nghỉ ngơi vài tuần tại Warm Spring thuộc tiểu bang California. Ngày 12 tháng 4, lúc 17 giờ 25, có điện thoại mời Phó Tổng Thống Truman đến toà Bạch Ốc; Bà Roosevelt đang chờ ông ta tại đấy. Bà tiến lên và nhẹ nhàng đặt tay lên vai ông trong khi thấp giọng nói thì thầm: “Harry, Tổng Thống đã mất!”.


Ngày thứ sáu 13 tháng 4, tại Okinawa, trong lúc lực lượng hải quân thuỷ bộ đang điên cuồng tưới đại bác như sấm động để chặn đứng một đợt phản công hung tàn của Nhật trên một đỉnh núi mới vất vả chiếm được hôm trước, tất cả hiệu kỳ của mọi chiến hạm đều được kéo để tang.


Tin về cái chết của Tổng thống Hiệp Chủng Quốc Mỹ được loan truyền tron đoàn quân của Tướng Buckner do đoàn quân tiếp viện đổ bộ vội vã để trám vào khoảng trống của phòng tuyến bị chọc thủng. Cơn mưa trút xuống không ngừng làm cho cảnh vật bị bom cày nát mang một vẻ ảm đạm. Hy vọng vào một cuộc tiến quân nhanh chóng thế là tiêu tan. Những đỉnh núi xếp theo bậc tại Okinawa được nối liền với nhau bằng một hệ thống hành lang ngầm mà các lối xuất nhập đều hoàn toàn vô hình. Khi quân Mỹ tiến tới, đột nhiên họ bị đánh úp bởi những đại bác đặt trên đường ray xuất hiện đột ngột đằng sau lưng, trên các triền núi mà họ vừa đi qua. Cả các cuộc không tập lẫn tác xạ ghê gớm của hải pháo đều không thể nào làm thương tổn được hệ thống phòng thủ kỳ dị này. Đoàn quân chinh phục của Buckner bị mắc kẹt trong phần giữa đảo trong một thời kỳ vô địch.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:26:09 am
Hung tin tại Okinawa bắt đầu đến tai các giới chức cao cấp của chính phủ tại Hoa Thịnh Đốn kể từ ngày 20 tháng 4, Tổng trưởng Chiến tranh Stimson, đã thiết lập bản tổng kê lực lượng của Nhật và nhận thấy rằng nếu hải quân và không quân Nhật gần như không còn hiện hữu nữa, thì tình trạng của lục quân Nhật lại khác hẳn. Hai triệu quân được phân phối trong các đạo quân trú phòng khác nhau trên quần đảo Nhật Bản; hai triệu khác trên lãnh thổ Trung Hoa và Cao Ly; cộng thêm 200.000 trong vùng Đông Nam Á; cộng thêm 500.000 trên các thuộc địa của Hoà Lan và Phi Luật Tân, vài trăm ngàn rải rác trên các quần đảo san hô trên Thái Bình Dương.


Cuộc xâm chiếm dự tính lên quần đảo Nhật Bản với 1 đạo quân 6 triệu người đang được thành lập tại Hoa Kỳ và nỗ lực càn quét có hệ thống tất thảy các lãnh thổ bị chiếm đóng sẽ kéo theo những tổn thất khổng lồ mà căn cứ vào số tổn thất trước, các chuyên viên ước tính có thể lên đến 500.000 tử thương và 1.700.000 bị thương. Viên Bộ trưởng Hải quân trẻ tuổi và sáng chói, James Forestal, người thay thế Frank Konx cũng đã đích thân báo cho Tổng trưởng Chiến tranh mối lo âu thật sự của ông do cuộc tấn công của phi công Thần phong Kamikaze gây ra. Các mẫu hạm hạng nặng Wasp, Saratoga và Bunker Hill đã phải trở về Mỹ trong tình trạng thảm thương. Chiếc Franklin phát hoả lúc ngay đang cố gắng trở lại Guam, nhưng không có gì đảm bảo là nó sẽ không bị chìm dọc đường. Nhiều khu trục hạm quý báu đã biến mất cũng như nhiều hải vận hạm và chiến hạm đủ kiểu. Cơn xuất huyết không làm chết người nhưng tổn thất về nhân mạng thì rất nặng nề, tính theo tỷ lệ, số tổn thất sĩ quan lại càng nặng nề hơn nữa: nhiều Đô đốc, Đại tá Hải quân và sĩ quan tham mưu đã bị giết. Đấy là loại nhân sự khó thay thế.


Quân Nhật sắp có ngay cả chục ngàn phi cơ đủ mọi loại bở vì các nhà máy của họ còn sản xuất mỗi tháng bài trăm chiếc. Nếu, như phải tiên liệu như thế, cơn cuồng nộ Kamikaze tăng gia thêm cường độ đi vào lúc thực hiện cuộc đổ bộ cuối cùng lên các đảo Kiou-Siou và Hondo, hạm đội Mỹ sẽ bị đặt dưới một sự thử thách cũng nghiêm trọng như sự thử thách phải chịu đựng từ đầu cuộc chiến.


Nắm vững toàn bộ các tin tức này, Stimson đến toà Bạch Ốc để trình bày cho Tổng thống Truman có một nhãn quan tổng quát về tình hình.

Vì các chức chưởng của Phó Tổng Thống Hoa Kỳ đã không cho ông có quyền biết các bí mật quân sự, nên Truman đã không biết gì về kế hoạch Mahattan trước khi Tổng Thống qua đời; đúng hơn là ông chỉ được biết có kế hoạch đó và nó đã gây tốn kém nhiều triệu Mỹ kim. Stimson sợ sẽ làm tổn thương đến lòng tự ái của ông khi thú nhận sự giấu giếm vĩ đại này, và lòng vương vấn không ít lo ngại, ông bước vào căn phòng hình thuẫn nơi vẫn còn bừa bộn những mẫu hình chiến hạm và các kỷ niệm cá nhân của người vừa quá cố. Nhưng ngay những lời nói đầu tiên, Truman đã làm ông thấy dễ chịu:

“Tôi không biết gì về kế hoạch này. Ông đã hành động rất đúng khi không nói gì với tôi về nó”, ông vừa cười vừa nói. Sau khi chăm chúc đọc phúc trình do Stimson soạn thảo, ông ngước nhìn con người có cặp mắt ngây thơ ấy, con người mang đến cho ông một cách hết sức khiêm nhường, một tài liệu có thể làm thay đổi bộ mặt hoàn cầu. Giờ đây ông mới hiểu tại sao Roosevelt, dù với 70 tuổi trời và dù thường có những lập trường cục bộ, lại chịu đựng được những gì mà ông ta giữ lại liên quan đến trách nhiệm của những người được giao phó thuộc quân đội Mỹ. Không một lời nào là không để lộ một chút thông minh, và các kết luận, hoàn toàn vứt bỏ những câu kéo vô ích, nêu lên những quyết định phải lấy với một ý nghĩa sắc bén liên quan đến thực tại.

“Tôi hoàn toàn đồng ý với ông, Stimson ạ”, ông nói. “Hãy ra lệnh cho tướng Groves để bắt tay vào việc hầu đốt cháy các giai đoạn chót. Một quả bom phải sẵn sàng để thử với kích thước như thật, trong thời hạn trước ba tháng, và ngay từ bây giờ phải chỉ định một uỷ ban gồm có những nhân vật tài ba nhất của giới khoa học và quân sự để quyết định khả năng sử dụng chất nổ mới”.

Stimson liền cáo lui ngay, để Tân Tổng Thống ở lại với vô vàn trách vụ đang chờ đợi ông. Hai người sẽ không gặp lại nhau trước vài tuần lễ nữa.


Khi trở về Bộ Chiến tranh, Stimson gặp lại tướng Groves đang đi lòng vòng như con gấu bị nhốt trong chuồng trong lúc chờ đợi ông, mặc dầu ông ta nổi tiếng là người bình tĩnh lạ lùng. Vị chỉ huy của khu vực “Mahattan District” là một con người lực lưỡng  cao 1m90. Mái tóc đen hơi dợn sóng và nước da ngăm ngăm của ông cho thấy ông có gốc tích xa xôi với người Tây Ban Nha. Ông có vẻ như là một chủ đồn điền cà phê hơn là một sĩ quan cấp Tướng thuộc binh chủng Công binh. Vẻ bề ngoài ấy hoàn toàn rất dễ gây lần lẫm và khi giao cho ông trách nhiệm xúc tiến kế hoạch Mahattan, Stimson đã chứng tỏ cũng sáng suốt khi đề nghị Eisenhower nắm quyền Tổng tư lệnh Quân đội Đồng minh tại Âu Châu. Groves đồng thời là nhà bác học và là nhà quân sự (chính nhờ tài năng kiến trúc của ông mà Mỹ quốc mới có toà Ngũ đài giác danh tiếng ngày nay). Ông có khá nhiều thẩm quyền để theo dõi công việc của các lý thuyết gia, khá thực tiễn và độc đoán để tập trung các nỗ lực của họ vào mục tiêu đã được qui định: sự thực hiện có tính cách thực dụng, “quả bom đặc biệt”. Trong nhóm người phi trường gồm toàn những nhà bác học thượng đẳng về khoa học vật lý nguyên tử, chính Groves là người đã nhận ra nhà bác học trẻ tuổi Robert Oppenheimer thuộc Viện Californie tại đại học Berkeley, gần San Francisco.


Robert Oppenheimer mới có 40 tuổi. Ông không được giải Nobel về Vật lý và tên tuổi ông mới chỉ được một nhóm nhỏ các nhà bác học biết đến. Nhưng dưới mắt ông Tướng, ông có 2 điều xứng đáng khó đo lường: ông ta là dân Mỹ chính cống-cha là một doanh gia Nữu ước gốc Đức đến định cư tại Mỹ lúc 17 tuổi-và có năng khiếu thuyết phục đặc biệt. Sự chọn lựa này sau đó phải chịu biết bao lời chỉ trích gay gắt, nhưng Groves hậu thuẫn cho người được ông che chở cho đến giai đoạn thực hiện sau cùng. Ông đã viết trong tập Hồi ký rằng: “Thành quả đã chứng tỏ tôi có lý. Không ai có thể làm điều mà con người ấy đã làm”. Được thiên phú đến mức tuyệt đỉnh về điều mà các sinh viên gọi là môn “sex-appeal khoa học”, Oppenheimer đã khuất phục thật sự những người nghe ông nhờ vóc dáng có duyên và giọng nói nồng nàn của ông. Ông là một trong những người duy nhất-nếu không phải là người duy nhất-ở trong khu ẩn dật Los Alamos có một niềm tin Tuyệt đối vào sự thành công của kế hoạch Mahattan. Tháng 7 năm 1943 khi ông nhận chức giám đốc phòng thí nghiệm Los Alamos, ông đã ấn định cuối năm sau là ngày nổ trái bom nguyên tử đầu tiên. Nếu hạn kỳ ấy không giữ được thì không phải là do ông. Vả chăng, sự tiên liệu của ông đã chỉ được thể hiện trước vài tháng.


Cặp Groves-Oppenheimer có một điểm xứng đáng rất hiếm có là phối hợp được công việc của nhiều chuyên gia tham dự trong chương trình và giải quyết song hành nhiều vấn đề phức tạp do vấn đề sử dụng quả bom cho mục tiêu quân sự đến lúc đặt ra. Do đó, khi Stimson từ toà Bạch Ốc trở về với sự chấp thuận toàn diện của Tổng thống, thì Groves đã có thể loan báo với ông ta với đôi phần hãnh diện rằng các biện pháp cần thiết đã được áp dụng trong viễn ảnh được chấp thuận ấy và rằng các phi hành đoàn thuộc các pháo đài bay trang bị đặc biệt, đang được huấn luyện để ném quả bom.


Chính trong tháng 9 năm 1944, khi được Oppenheimer thông báo là chắc chắn có một quả bom sử dụng plutonium có thể được thực hiện vào mùa xuân 1945, Groves đã quyết định ấn định hình dáng và thước của quả bom để có thể sửa đổi các pháo đài bay sẽ mang chúng đi. Đấy là một hành động tin tưởng kỳ diệu bởi vì nếu phương pháp mới, nhằm sản xuất gia tốc chất plutonium do bác sĩ Neddemayer đề xướng, đã hoàn tất, thì không một ai biết được phải trong bao lâu mới sản xuất được đủ số plutonium cần thiết. Riêng về phần nhà máy phân cách đồng vị có nhiệm vụ cung cấp U-235, thì nó vẫn chạy với sự chậm chạp đầy khôn ngoan. Một cuộc chạy đua giữa hai phương thức đã xảy ra, và Groves đã phải cho vẽ 2 kiểu bom: quả bom Fat-Man sẽ dùng plutonium và quả Thin-Man hay Little-Boy sẽ dùng U-235. Sau đó, ông yêu cầu Tướng Arnold, Tư lệnh Không quân, người được ông cho biết về kế hoạch, cung cấp 2 pháo đài bay B-29 để có thể sửa đổi nhân mục tiêu đó.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:27:20 am
Chiếc Enola Gay và chiếc Great Artiste

Trong những ngày cuối cùng của tháng 12 năm 1944, một phi cơ vận tải đưa đến Tinian một viên Đại tá mà mặc dầu có vẻ còn niên thiếu, nhưng được các giới chức quân sự tiếp đón như là một nhân vật tối quan trọng. Quả thật ông có những thư giới thiệu và giấy phép do đích thân tướng Marshall ký để “dành dho Đại tá Tibbets mọi sự dễ dàng trong khi thăm viếng các cơ sở hải cảng và phi trường trên đảo”. Đấy là một con người nhỏ con, vóc dáng trung bình, cặp mắt rất linh động làm rạng rỡ một khuôn mặt dễ thương. Mọi người đều cố hết sức để làm cho sứ mạng của ông được dễ dàng vì dường như đó là sứ mạng cải thiện các cơ sở hiện có. Riêng phần hiểu biết công cuộc canh tân ấy nhằm mục đích gì, thì bí mật. Đối với vấn đề này Đại tá Tibbes hoàn toàn câm lặng.


Vài tuần sau, một toán công binh đến Tinian và bắt tay vào việc. Đến tháng 3 năm 1945, các phi đạo được nối dài, hải cảng được cung cấp những phương tiện bốc dỡ mạnh mẽ và nhiều dãy nhà được dựng lên trong một doanh trại đặc biệt nằm bên ngoài doanh trại của không quân. Khi các công tác vừa hoàn tất thì một phi đội B-29-phi đội Composite Wing 509-đáp xuống đảo. Chính Đại tá Tibbets là người chỉ huy phi đội. Các toán chuyên viên dưới đất đã đến từ hôm trước liền chiếm lấy các phi cơ, trong khi các sĩ quan, dù muốn dù không cũng phải vào ở trong các dãy trại chung quanh thép gai bao bọc.


Hai trong số các siêu pháo đài bay của phi đội có một vẻ kỳ dị: tất cả vũ khí nặng đều biến mất cả, ngoại trừ những khẩu đại liên đằng đuôi. Các phi hành đoàn được nhiều nhân viên dân sự và vài sĩ quan có cấp bậc cao tháp tùng: 1 Hải quân Đại tá, một Hải quân trung tá và nhiều Thiếu tá Không quân. Số lượng lon đáng chú ý này đã tạo cho nhóm người mới đến một vẻ gì đặc biệt. Không thể nói rằng ở đó kỷ luật được buông thả, nhưng nó có dáng dấp khác hẳn. Nó gợi ra hình ảnh của kỷ luật trong một đội bóng bầu dục. Hai siêu pháo đài bay mang trên thân tàu những cái tên cũng đặc thù. Một chiếc tên là Enola Gay, tên mẫu thân của Đại tá Tibbets. Chiếc kia tên là Great Artiste, biệt danh của một trong các thành viên của phi hành đoàn, đại uý Kermit K.Beahan, rất nổi tiếng vì vẻ hào hoa và những thành quả tỏng lĩnh vực giao thiệp với phái yếu.


Các phi vụ huấn luyện-luôn luôn do Tibbets chỉ huy-bắt đầu ngay hôm sau. Các pháo đài bay cất cánh từ 3 chiếc một và mỗi lần như thế chúng quần trên không chừng 10 giờ trước khi trở về căn cứ. Không một ai biết được các đội hình này thi hành những cuộc thực tập bí mật gì. Bí mật bao quanh các phi vụ ấy, lực lượng canh gác tuần phòng xung quanh phi cơ và sự phân cách rõ rệt mà các phi hành đoàn đó phải chịu đựng, đã kích thức cực điểm óc tòm mò của các phi công khác thuộc không lực 20. Thái độ dè dặt và có đôi phần kiểu cách của vài người trong số mới đến, đã mau lẹ trêu tức các tay kỳ cựu tại Tinian khiến họ bị gọi một cách chế giễu là “những chàng trai của chiến thắng”, “những đứa con của vinh quang”, và bị tặng cho những lời nhạo báng ít nhiều có tính cách xúc phạm. Sự xác định thái độ ghét bỏ ấy đã lan tràn nhanh chóng từ trên xuống dưới. Nhóm của Tibbets luôn luôn bị bạc đãi nhất trong phòng ăn sĩ quan và khi lĩnh các vật phẩm hàng tuần. Vì hơi nóng ngày càng ngột ngạt, đời sống trong các doanh trại trở nên cực kỳ khổ nhọc và vẻ giận dữ đã bộc lộ ra ngoài. Ngoài Tibbets, Hải quân Đại tá Parson và Thiếu tá Ferebee, không một ai hiểu được đây là vụ gì và tại sao hầm chứa bom của hai pháo đài bay lại bị sửa đổi và hầu hết vũ khí tự vệ đều bị tháo gỡ hết. Chỉ có những cuộc thực tập lẩn tránh bằng kỹ thuật bán-đâm bổ xuống ở tốc độ cao sau khi ném bom, và các dây nịt đặc biệt móc vào ghế ngồi, là cho phép phi hành đoàn nghĩ rằng một ngày nào đó họ sẽ sử dụng một vật nổ có sức mạnh lớn lao.


Do đó họ rất vui sướng được biết một hải vận hạm vừa đổ bộ lên Tinian những quả bom khổng lồ mang tên hiệu rất rợi ý “quả bí đao Pumpkins”. Họ nghĩ rằng đây là lúc chấm dứt cực hình chờ đợi! Sự chán nản thật là dữ dội khi những người phải đi ném loại bom Pumpkins một cách thận trọng trên những vùng không có dân chúng tại Nhật, khám phá ra rằng những quả bom to lớn ấy chỉ có đặc thù ở khối lượng còn hiệu quả thì dường như cũng giống với loại bom khác. Sự buồn bực bộc lộ đến mức Tibbets, Parson và Ferebee phải hé một góc màn bí mật và hứa với các bạn là những quả bom Pumpkins sẽ được thay thế ngay bằng các chiến cụ có một sức mạnh chưa từng thấy.


Quả thật họ không phải chờ đợi lâu vì đúng vào lúc ấy, nhóm bác học Los Almos đang tập họp trong một đường hầm ngay giữa sa mạc trong khi chờ đợi cho nổ lần đầu tiên một quả bom plutonium. Tại đấy cũng vậy, chính các nhà bác học cũng đã gặp phải những nỗi thất vọng kịch liệt hơn cả các phi hành đoàn của Tibbets nữa. Cuộc thí nghiệm bị hoãn lại nhiều lần vì các lý do kỹ thuật hoặc thời tiết.


Do đó chỉ có một số ít hiện diện trong đường hầm quan sát tại sa mạc Alamogordo ngày 15 tháng 7 năm 1945 lúc 5 giờ sáng khi Groves và Oppenheimer ra lệnh khai hoả chiến cụ to lớn đã từng được đưa lên một đài cao 100 thước từ hai ngày qua. Mặc dầu có mang kính, nhưng cũng hoàn toàn bị loá mắt bởi một tia chớp có sức chiếu sáng phi thường, các nhà bác học đều theo linh tính cúi mình xuống và bám chặt vào tường của căn hầm núp. Họ chờ đợi một làn song chấn động cực kỳ dữ dội và hoàn toàn ngạc nhiên khi chỉ nhận thấy một loạt gió tạt ôn hoà 50 giây sau khi bom nổ. Lúc ấy tất cả những người có mặt tại đấy để lộ thái độ cực kỳ khích động. Oppenheimer bị một cái vỗ vai đến suýt té ngửa. Có những cái bắt tay và những nụ hôm cảm động. Người ta nghe đại tá Parrell, phụ tá của Groves, thét lên oang oang: “Thưa quí ngài, chiến tranh đã chấm dứt!”.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:28:32 am
Trong khi máy móc mật mã đập lách cách để báo tin thành công, Tổng Thống Truman đã lên đường đi Postdam, Groves liền ra lệnh cho khắp nơi thi hành các biện pháp được ông dự liệu trước từ nhiều tuần lễ. Phần lớn Uranium 235 của quả bom Little Boy được đưa đến San Francisco. Ngay sáng ngày 16, chết liệu ấy được chuyển lên chiếc tuần dương hạm Indianapolis, chiến hạm nhổ neo ngay với tốc độ 32 gút lên đường đi Tinian. Hai trong số các nhà bác học thuộc nhóm Los Alamos, các giáo sư Furman và Nolan cũng lên tàu, cải trang làm hai thuỷ thủ. Vì người ta cho họ huy hiệu xạ thủ đại bác, họ được bổ nhiệm đến một tháp pháo và phải hết sức vất vả để trả lời các sĩ quan lục vấn. Ngoài sự kiện này, cuộc hành trình không gặp chuyện gì lạ. Quả bom Little Boy được đưa lên hải cảng Tinian ngày 26 tháng 7. Cùng ngày hôm đó số lượng U-235 bổ túc cũng được hai phi cơ vận tải C-54 đưa đến. Viên chỉ huy trưởng không vận đã thốt ra những tiếng kêu công phẫn khi thấy phải động viên hai phi cơ khổng lồ để rồi mỗi chiếc chỉ mang hai cái hộp nhỏ, toàn thể chỉ nặng có 50 kilô, nhưng vì mệnh lệnh lại do chính tướng Arnold ký cho nên ông ta phải nhượng bộ.


Tướng Spaatz vừa nhận quyền chỉ huy không lực chiến lược tại Thái Bình Dương cũng đích thân đến Tinian hai ngày trước quả bom Little Boy mang theo mệnh lệnh của Stimson, chỉ thị không đoàn Composite Group 509 “ném quả bom đặc biệt thứ nhất từ ngày 3 tháng 8 ngay cơ hội đầu tiên khi có thời tiết thuận lợi xuống một trong các mục tiêu: Hiroshima, Kokura, Niigaha hoặc Nagasaki”.


Thời hạn 8 ngày cách biệt ấy là để tạo cơ may cho quả bom Fat Man đang được nhồi nhét với tất cả những gì còn lại của plutonium có sẵn sau cuộc thí nghiệm ngày 15 tháng 7. Groves muốn rằng quả Fat Man được sử dụng trước bởi vì chỉ có nó mới được công nhận nhờ cuộc thí nghiệm, nhưng trong trường hợp có sự chậm trễ, quả Little Boy cũng có thể được ném trước.


Kể từ ngày 3 tháng 8, chiếc siêu pháo đài bay Enola Gay do đại tá Tibbets lái, sẵn sàng cất cánh với quả bom Little Boy trong hầm bom. Hai siêu pháo đài bay khác sẽ phải hộ tống, để che chở khi gặp biến cố và để quan sát hiệu quả của trái bom. Tính cách khả hữu của một phản ứng địch rất thấp bởi vì không có một mục tiêu nào ghi trong mệnh lệnh lại bị oanh tạc từ nhiều tháng qua.


Tối ngày 5 tháng 8, quả Fat Man vẫn chưa được đưa đến, và vì các tiên đoán thời tiết thì lại rất tốt, Tibbets tổ chức một cuộc “Briefing” chót cho phi hành đoàn. Sau cùng ông nói rõ sức mạnh kỳ lạ của quả bom này, một sức mạnh tương đương với 20.000 tấn chất nổ TNT, nhưng ông nói thêm rằng theo sự ước tính của các chuyên gia, các kỹ thuật vận dụng mà họ đã được huấn luyện thật sự có thể giúp đưa chiếc Enola Gay bay xa chừng 10 cây số lúc làn sóng chấn động lan đến chỗ phi cơ. Kiến trúc của chiếc máy bay lúc ấy chỉ phải chịu đựng các nỗ lực không quá một nửa trọng lượng giới hạn đã được tính trước (2g thay vì 4g). Sau khi nhắc lại một lần nữa các biện pháp phòng ngừa phải theo: mang kính đặc biệt, và các dây nịt an toàn thật chắc chắn, quay đầu về phía trong phi cơ, chỉ nhìn ra ngoài sau khi bom nổ và ghi chú cẩn thận những điều quan sát được, ông yêu cầu tất cả mọi người hết sức bình tĩnh và tin tưởng bằng cách chấp nhận phần còn bí ẩn của cuộc thí nghiệm này vốn là một cuộc thí nghiệm chưa hề xảy ra lần nào trong lịch sử nhân loại.


Giọng nói nghiêm trang của Tibbets khi đọc bài diễn văn ngắn của ông tương phản hẳn với thái độ cười cợt thường lệ đến nỗi sự huyên náo thân hữu vẫn thường nối tiếp các cuộc hội họp loại này đã không xảy ra. Làm như đột nhiên họ ý thức được tầm nghiêm trọng của sứ mạng sắp phải chu toàn, các hoa tiêu rời nhau trong im lặng để trở về những chiếc giường khắc khổ như của các tu sĩ và cầu nguyện trong khi chờ đợi bình minh hôm sau.


Lúc 0 giờ ngày 7 tháng 8, chiếc pháo đài bay có nhiệm vụ quan sát thời tiết trên mỗi mục tiêu, cất cánh rời Tinian. Đúng 3 giờ 45, chiếc Enola Gay có mặt tại đầu phi trường. Chiếc Great Artiste và pháo đài bay thứ ba theo sau. Tibbets đạp mạnh thắng, cho động cơ quay hết tốc lực, và những viên nham thạch nhỏ trên phi đạo Tinian bị gió thổi bắn tung như những viên đạn. Sau khi thử lại hai hoặc ba lần, Tibbets nới lỏng thắng và chiếc oanh tạc cơ to lớn tiến tới nặng nề trên các giàn bánh xe bẹp dí rồi dần dần gia tăng tốc độ. Đối với phần đông những người đã rành việc có dự kiến cuộc cất cánh lịch sử này, giờ phút đó thật là đầy âu lo. Nếu chiếc Enola Gay chở quá nặng vì xăng bị vỡ tan tại đầu kia của phi đạo với quả bom nguy hiểm Little Boy, thì không một ai có thể biết đúng tai biến nào sẽ xảy ra. Các nhà bác học đưa ra giả thuyết rằng, sự khởi động phản ứng dây chuyền là chuyện không thể xảy ra được, nguy cơ duy nhất phải gánh chịu là một vụ nổ có sức mạnh kém kéo theo những tia Uranium bị bắn tung. Chung qui cũng chỉ là một vụ lộn xộn nhỏ… chẳng có gì nguy cấp. Nhưng họ không có vẻ tin tưởng những gì khác hơn.


Vì thế, khi chiếc Enola Gay với những ngọn đèn báo hiệu vị trí khuất dần tầm mắt, nhảy chồm lên hai lần nhẹ nhàng trước khi bốc lên không, một hơi thở dài khoan khoái thoát ra từ mọi lồng ngực. Các nhà bác học và các nhân vật quân sự trở lại phòng ăn và bàn luận huyên náo những cơ may thành công của cuộc thí nghiệm phi thường. Khó khăn đầu tiên đã được vượt qua.


Thì giờ trôi qua, Nolan, Furman và 20 chuyên viên khác, những người đã o bế con ngựa tơ trước cuộc đua, giờ đây đang chờ đợi, với tâm trạng nóng nảy còn sôi động hơn cả những quân nhân, các tin tức liên quan đến phi vụ Enola Gay và hai pháo đài bay khác.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:29:39 am
Trên chiếc phi cơ định mệnh, trong thời gian đó mọi việc xảy ra y như trong một cuộc thực tập. Lúc bờ biển Nhật Bản hiện ra trước mắt, chiếc B-29 quan sát cơ báo hiệu: “Trời tốt trên Hiroshima, độ trông rõ tuyệt hảo”. Hướng bay được điều chỉnh để tiến thẳng mục tiêu.

Từ cao độ 10.000 thước1 (Cao độ đặc biệt này do Tibbets lựa chọn vì các lý do an toàn. Cao độ ấy đòi hỏi phải tháo bỏ tất cả các vũ khí). Nhật Bản hiện ra dưới mắt các hoa tiêu của phi hành đoàn như một trang sách địa dư mở rộng trên màu xanh của Thái Bình Dương. Mặc dầu họ rất quen thuộc, quang cảnh này mỗi lần lại đưa họ vào một thứ cảm giác ngây ngất thuộc về địa lý; thế giới xinh đẹp, quả đất tròn, cuộc đời thật tươi thắm. Nhưng điểm mà họ chưa bao giờ được thấy vì khu vực ấy bị cấm, chính là thành phố Hiroshima với kích thước thật sự, khác với hình ảnh lờ mờ khi nhìn ở ngoại biên. Tibbets để ra một lát nhìn cái bàn cờ ô vuông gồm nhà cửa kiểu Nhật với mái nhà màu xám, chung quanh có khu vườn tí hon bao bọc, như ông bám sát ngay vào các chỉ dẫn của Beahan, chiếc oanh tạc cơ đang cố giữ tiêu điểm trong thị trường dợn sóng của chiếc máy nhắm. Những người khác có một vài phút để chiêm ngưỡng sự bài trí bình dị của thành phố mênh mông này.


Nhưng tiếng kèn báo động kêu vang ngay dưới các chiếc nón phi hành. Các động cơ mở cửa hầm bom bắt đầu chạy và dưới chiếc bụng mở rộng của chiếc Enola Gay những mái nhà của Hiroshima xuất hiện dưới ánh chớp mặt trời, gợi lên hình ảnh ngay hàng thẳng lối của mộ chí trong một nghĩa trang.


“Coi chừng! Bốn, ba, hai, một, zéro!”, Little Boy được giải phóng khỏi gốc, nhào lăn xuống trong một tiếng động lớn của các cây sắt nhỏ, trong khi chiếc phi cơ trống rỗng bị chòm lên trước khi đổi hướng và chúi xuống mặt đất. Tất cả nhân viên phi hành đoàn của chiếc Enola Gay thở hổn hển một lát dưới áp lực dữ dội của các dây nịt, rồi như những người máy, một tia loé sáng không thể tưởng tượng làm loá mắt họ bất chấp mặt kính đen của cặp kính hình vòng cung bao kín mắt của những người thợ hàn. Tia chớp thoáng qua rất mau và khi áp lực của thắt lưng giảm bớt, họ kéo bức màn che chở nơi các cửa kính phi cơ, quang cảnh hùng vĩ nhất mà một con người có thể nhìn ngắm được đang diễn ra dưới mắt họ với sự chậm chạp huy hoàng. Trước hết, một quả cầu lửa sáng chói hơn cả mặt trận bốc lên cao đến độ chóng mặt trước khi loang ra thành một lò lửa đỏ rực. Rồi một cột khói trắng bốc lên trời như cái đuôi của một hoả tiễn nở ra bên trên lò lửa đỏ hồng để rồi ẩn dưới một vành hoa mênh mông.
Còn mạnh hơn cả quang cảnh ảo mộng ấy, chiếc Enola Gay bị chấn động vì hai cái tát tàn bạo. Chiếc phi cơ bị rơi một lúc như hòn đá, rồi gượng lại được trong khi tất cả sườn tàu đều rung chuyển. Với một thái độ bình tĩnh tuyệt đối, Tibbets đưa phi cơ trở lại đường bay và la lớn trong máy vi ấm:

“Này các bạn! Chúng ta vừa ném quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử!”.

Đến 15 giờ, nhẹ nhàng như một phi cơ kiểu Piper Cub, chiếc Enola Gay đáp xuống phi đạo Tinian. Một cuộc biểu dương đặc biệt của rất nhiều sao và lá sồi đang chờ nó trên phi trường. Tướng Spaatz tiến tới trước đại tá Tibbets lúc đó đang bình tĩnh bước xuống phi cơ sau lưng kéo lê các dây nịt được tháo lỏng. Ông ta gắn lên bộ áo phi hành chiếc huy chương “Distinguished Service Cross”, trong khi một ban nhạc hoan nghênh đứng thành hàng dài, chào các nhân viên phi hành đoàn đang bước xuống từng người một, mang theo bản đồ và tài liệu. Tất cả rượu Whisky dự trữ của vị tư lệnh không lực chiến lược tại Thái Bình Dương đều được hy sinh trong những giờ tiếp theo đó cho cổ họng cháy khát của những con người đã tạo nên chiến thắng khó tin này.


Tại Hiroshima, quả bom của Tibbets đã gây ra những sự tàn phá vượt khỏi sức tưởng tượng. Sau tiếng nổ kinh khủng làm cháy tiên trong nháy mắt 70.000 nhân mạng đang làm công việc thường nhật, một đoàn ma quỉ rùng rợn sắp hàng dọc đi lang thang vô định trong đám mây tro bụi bao phủ thành phố. Tất cả đều ngây ngô lạc thần nghĩ rằng một quả bom đã rơi đúng lên trên nhà mình. Họ chạy trốn khỏi nơi mà họ tưởng là tai biến đã xảy đến và hy vọng thấy được tiếp cứu ở địa điểm xa hơn. Nhưng khi dần dần tiến tới, họ chạm phải một hàng rào lửa hoặc những người chạy trốn khác theo chiều ngược lại. Những người còn giữ lại được cái nhìn bình thường đều phải kinh hãi lùi lại khi thấy những con quỉ mặt cháy bỏng mà “da tay đong đưa như những chiếc găng lộn ngược”.


Những đoàn tiếp cứu đầu tiên đến được ngoại ô thành phố khi các sĩ quan của căn cứ hải quân Kuro kế cận ý thức được tầm rộng lớn của thảm hoạ. Tin tức liền được chuyển về Đông Kinh nhưng tại đây nó đụng phải một thái độ nghi hoặc. Mãi đến 10 giờ đêm, một phóng viên của hãng thông tấn Domei mà ngôi biệt thự tại vùng ngoại ô không bị thiêu huỷ và là người có có can đảm đạp xe đạp đi xuyên qua thành phố, rốt cuộc mới có thể gửi một báo cáo cô đọng cho đài phát thanh. Suốt đêm, nhiều đoàn người từ các thành phố lân cận ùa đến các khu ngoại ô và nhiệm vụ cứu trợ siêu phàm bắt đầu.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:30:44 am
Khi nhận các báo cáo đầu tiên, các giới chức quân sự hoàn toàn bế tắc không đoán ra được bản chất sát đúng của thứ vũ khí đã rơi xuống Hiroshima. Các ý kiến nêu ra đều khác biệt nhau. Các tướng lĩnh nghĩ rằng đây, hoặc là loại bom hoả tiễn được ném thành chùm vĩ đại, hoặc là một loại mìn khổng lồ được các pháo đài bay còn lớn hơn loại B-29 thả dù xuống. Chỉ có hải quân là nghĩ rằng rất có thể đây là quả bom nguyên tử. Họ được khẩn cầu đừng làm lan truyền dư luận này, và nhiều mệnh lệnh đã được ban hành cho cơ quan kiểm duyệt để giảm thiệu hậu quả của thảm hoạ. Thủ tướng chính phủ Suzuki vốn đã bí mật thương thuyết hoà bình qua trung gian của Nga Sô, liền điện cho viên đại sứ Nhật Sato hoả tốc yêu cầu Molotov chấp thuận gửi giúp những đề nghị mới cho Hoa Kỳ. Những kỳ vọng của Nhật Bản lần này được giới hạn xin được thong thả rút các đạo quân trú phòng ở hải ngoại trở về, xin được tự giải giới mà không có sự chiếm đóng lãnh thổ Nhật Bản và xin tôn trọng quyền uy của Thiên hoàng. Molotov kéo dài các cuộc thương thuyết trong suốt ngày 8 tháng 8 mà không hé hai một lời nào với Hoa Kỳ. Staline đang chuẩn bị một lát dao găm đâm sau lưng: tuyên chiến với Nhật Bản. Ông ta hoàn toàn có lợi khi kéo dài sự xung đột.


Trong thời gian đó một chiếc C-54 được trang bị đặc biệt, do hai phi cơ B-29 hộ tống, rốt cuộc đã chở đến Tinian những thành phần cấu tạo chót của quả bom Fat Man chứa đầy putonium cần thiết. Những cơ phận khác nhau của quả bom thứ hai được ráp vội vàng vì khí tượng còn rất tốt. Mục tiêu chọn lựa là hải cảng rộng lớn Kokura; nếu thời tiết tại đó  hỏng, chiếc Great Artiste sẽ cố ném quả Fat Man xuống Nagasaki.


Mối nguy hiểm do sự chuyển vận bằng phi cơ đã được Groves chấp nhận, không những chỉ vì để tranh thủ thời gian, nhưng còn vì ông thấy ít nguy hiểm hơn là sự chuyển vạn bằng đường biển để chở quả bom Little Boy. Thật vậy, tuần dương hạm Indianapolis, sau khi khởi hành khỏi Tinian, đã gặp phải số phận bi thảm. Trong lúc chạy về Phi Luật Tân một mình không hộ tống, nó bị trúng thuỷ lôi ngay trong đêm tối, ngày 29 tháng 7, của một tàu ngầm Nhật Bản. Một sự trùng nhập các hoàn cảnh đã làm cho thảm hoạ thêm trầm trọng. Những tín hiệu S.O.S của chiếc Indianapolis không được ai nghe, và sự bí mật bao quanh chuyến hải hành của nó được giữ cẩn thận đến nỗi không một ai lo lắng gì về sự mất tích của nó. 800 thuỷ thủ sống sót sau khi tàu bị chìm đã phải bám vào các bè hay cano cấp cứu trong suốt ba ngày liền. Gần 500 người trong số đó đã bị chết chìm khi những người tiếp cứu đến được nơi xảy ra thảm hoạ. Biết bao nhiêu là lầm lỗi và sơ xuất đã làm cho Tướng Groves phải rùng mình vì một sự ghê rợn phản hồi…


Tối ngày 7 tháng 8, một trục trặc về vận hành đã được khám phá nơi một trong các động cơ của chiếc Great Artiste liền có quyết định đưa quả bom Fat Man vào hầm chứa của chiếc pháo đài bay Box Car vẫn được dùng làm trừ bị cho đến lúc đó. Tất cả phi hành đoàn của thiếu tá Sweeney chuyển qua chiếc Box Cả lúc này tạm thời được đổi lại tên là Great Artiste. Trong đêm 8 tháng 8, trong lúc tưởng đâu mọi chuyện êm đẹp cả, thì các cơ khí viên báo hiệu chiếc bơm xăng bị hư hỏng. Thiếu tá Ashowrth và phi công Sweeney đến gặp Đô đốc Purnell là người có trách nhiệm về an ninh. Sự hư hỏng chiếc bơm xăng làm giảm bớt 1/4 số xăng dự trữ. Sau những cuộc bàn cãi thật lâu và sau những ước tính chặt chẽ, Purnell tính rằng phải chấp nhận mạo hiểm bởi vì giai đoạn thời tiết tốt đẹp sắp chấm dứt. Hơn nữa Stimson đã nhấn mạnh qua một công điện rằng cần phải ném hai quả bom liên tiếp nhau để gia tăng xúc động tâm lý và để làm cho đối phương tin rằng có cả một kho dự trữ bom vô hạn.


Phi hành đoàn của ba pháo đài bay được tập họp để nghe “Briefing” một lần chót vào lúc 3 giờ sáng. Vì lý do có một số lớn phi cơ Nhật trên đảo Kiou-Siou, cho nên một điểm hẹn được ấn định cho các khu trục cơ che chở tại Yakoshima. Nhiều khu trục hạm và tuần dương hạm cũng phải tuần tiễu theo đoạn đường bay qua của đoàn phi cơ.


Lúc 3 giờ 45 ngày 9 tháng 8, chiếc phi cơ quan sát thời tiết báo hiệu độ trông rõ tại Kokura “chấp nhận được”, chiếc Great Artiste mới, chở nặng, được thiếu tá đưa lên không vừa đúng, theo sau là hai chiếc B-29 quan sát cơ, và lên đường tiến về phía Yakoshima.


Ngay khi khởi hành, đoàn phi cơ đã bay vào mây, kỹ thuật phi hành trở nên khó khăn và các phi cơ thường bay khuất tầm mắt của nhau. Nhiều tia chớp đáng lo ngại vạch lên bầu trời ở phía xa. Tuy vậy, đến rạng sáng, thời tiết khá hơn và các tin tức nhận được lúc 8 giờ báo hiệu rằng độ trông rõ tại Kokura là “thoả đáng”. Nhưng khi bay đến bên trên Yakoshima, Sweenney thấy đằng sau mình chỉ có một pháo đài bay, chiếc thứ ba không thấy đâu cả. Sau 25 phút chờ đợi đầy lo âu, thiếu tá Sweeney quyết định tiếp tục hành trình. Đồng hồ trên phi cơ chỉ 9 giờ và phải còn bay qua 400 cây số nữa. Từ đây chiếc Great Artiste đã bị trễ mất 400 giờ so với thời biểu ấn định trong chương trình.


Than ôi, những thất vọng ấy mới chỉ là bắt đầu. Khi đến Kokura, một cơn mưa phùn nhẹ làm nhãn quan tối sầm lại, Đại uý Beahan, chuyên viên thả bom không thể phân biệt rõ các điểm chuẩn. Chiếc Great Artiste bay qua bay lại trên thành phố, nắp hầm bom mở rộng, bom sẵn sàng và đã ba lần, Beahan không thể ra lệnh ném bom. Đến lần bay thứ ba ngang qua thành phố, hải quân trung tá Ashworth, chuyên viên gắn ngòi bom báo hiệu thấy khu trục cơ Nhật, rồi những cụm khói đen của đạn cao xạ phòng không D.C.A xuất hiện… Yếu tố bất ngờ đã mất, phải bỏ đi! Sweeney đổi hướng phi cơ và nhắm về phía Nagasaki. Nhưng mức dầu xăng hạ dần và độ trông rõ chỉ khá hơn trên Kokuru một chút. Sweeney, Ashworth và Beahan chỉ có vài phút để quyết định. Mặc dầu các mệnh lệnh giao cho họ không có tiên liệu kỹ thuật nhắm bằng rada, nhưng họ đồng ý với nhau rằng đấy là đường lối độc nhất còn lại phải áp dụng. Sau khi lấy một điểm chuẩn trên một đại lộ của thành phố, Sweeney nhìn vào các chỉ dẫn của rada để bay dọc theo thung lũng Urakani trên đó có điểm chuẩn được tiên liệu. Nhà cửa xây từng bậc trên các sườn đồi bắt đầu xuất hiện trong các khoảng không trống mấy. Hình ảnh lờ mờ của hải cảng vạch lên trên mặt kính rada và quả bom đã được ném đi… Có lẽ hơi quá sớm, nhưng còn hơn là không ném được khi phi cơ bay hết chiều ngang thành phố. Cuùn với tia chớp dữ dội giống như tại Hiroshima, cùng cây nấm như thế bốc lên cao và, trong khi chiếc Great Artiste vừa đổi hướng vừa đâm chúi xuống hết tốc độ, nó bị chấn động năm lần như bị một quả đấm khổng lồ giáng xuống. Làn sóng chấn động lần này bị dội lại và phóng đại thêm bởi các ngọn đồi.


Khi yên tĩnh đã trở lại, phi hành đoàn quá kiệt sức đến nỗi không thể quan sát diễn tiến của quang cảnh. Thành phố và hải cảng Nagasaki hoàn toàn bị bao phủ bởi một thảm khói điểm những ánh lửa của các đám cháy. Chiếc pháo đài bay thứ hai bay vòng chung quanh cây nấm khổng lồ mà một khi bị phân tán liền mở lối cho một cột khói mới bốc thẳng lên trời và phản chiếu ánh sáng muôn màu. Sweeney không có thì giờ trì hoãn để ngắm nhìn quang cảnh ảo mộng ấy. Đồng hồ xăng chỉ rõ mức hạ thấp báo động. Không còn có thể có vấn đề trở về Tinian được nữa. Chính Okinawa là nơi phải cố gắng đáp chiếc Great Artiste xuống.


Lúc ấy là 12 giờ 15, máy vô tuyến trên phi cơ gửi về Tinian điện văn qui ước: “Fat Man đã chu toàn nhiệm vụ". Một giờ sau, hòn đảo Okinawa dài ngoằn với những bờ biển uốn cong gồ ghề xuất hiện trong bầu trời xám ngắt. Nhân viên vô tuyến gọi đài kiểm soát phi trường Yontan. Không nhận được hồi âm, anh lập lại lời kêu hai phút một lần, nhưng than ôi, vẫn không có kết quả gì. Độ trông rõ vừa đủ để trông thấy những ngọn núi cao và pháo đài Shuri vốn là chiến trường trong cuộc chiến tranh trên Thái Bình Dương. Sweeney bắt đầu hạ xuống và thấy phi đạo ngay. Dường như nó quá bừa bộn với một số phi cơ ấy mà không có phép của đài kiểm soát là cả một sự nguy hiểm lớn lao, vì thế ông vẫn phải bay vòng trên Yontan và lập lại dấu hiệu báo nguy: “May Day! May Day!”. Trước 14 giờ một chút, đồng hồ xăng chỉ số không, Sweeney ra lệnh bắn hoả tiến báo nguy và tiến vào vị trí đáp. Sau cùng một ánh đèn bật lên trên đài kiểm soát và phi đạo có vẻ được dẹp trống. Chiếc Great Artiste đáp xuống ngay. Phi cơ chạm mặt đất dữ dội. Sweeney phải đảo ngược chong chóng để thắng phi cơ và nó dừng lại đúng lúc ngay đầu phi đạo. Trong sự im lặng trở về, người ta nghe có ai thì thầm: “Tạ ơn chúa!”. Thần kinh căng thẳng đến mức độ không ai nhúc nhích gì được.


Một lát sau, cửa phi cơ mở và một đại uý nhô đầu vào khung phi cơ la lớn: “Trong đó bình yên không? Không có bị hãy tay chân gì chứ?”. Rồi khi mọi sự đều tốt đẹp, ông ta nói một tràng: “Các anh có nghe đài phát thanh không? Người Nga đã tuyên chiến với Nhật và một phi cơ Mỹ đã ném một quả bom nguyên tử xuống Nagasaki!”.


Viên phi công của chiếc Great Artiste vốn là dân Ái Nhĩ Lan chính cống, làm như là giật mình trên ghế và trả lời viên đại uý: “Xuống Nagasaki! Ông khong đùa đấy chứ!”.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:32:14 am
Tro tàn thảm bại

Tại Đông Kinh quả bom rơi xuống Nagasaki đã biến tâm trạng bối rối của các nhà lãnh đạo Nhật thành ra tình trạng hỗn loạn hoàn toàn. Các nhân viên chính phủ họp thường trực tại phủ Thủ Tướng đã cho phổ biến các thông cáo đưa ra những lời kêu gọi thường mâu thuẫn nhau. Các nhật báo đầu tiên trong ngày 10 tháng 8 chạy những hàng tít lớn về bố cáo của Tổng trưởng Nội vụ: “Dân tộc Nhật Bản đã chuẩn bị cho tình trạng tệ hại nhất. Chúng ta phải thừa nhận rằng sự tệ hại đã đến. Chính phủ sẽ làm những gì có thể làm để cứu vãn Vương quốc và danh dự của dân tộc. Chính phủ chờ đợi nơi nhân dân vượt qua mọi khó khăn để giúp chính phủ tiếp tục nhiệm vụ”. Nhưng trong ấn bản tiếp theo của các nhật báo thì chính một lời kêu gọi của tướng Anami, Tổng trưởng Chiến tranh, thế chỗ bố cáo trên: “Sự chọn lựa duy nhất của chúng ta là lãnh đạo cuộc chiến tranh thần thánh để bảo vệ tổ quốc, ngay cả khi chúng ta phải ăn cả rễ cây và cả khi chúng ta chỉ còn đồng ruộng để nằm. Nếu chúng ta tiếp tục chiến đấu với sự can đảm, chúng ta sẽ tìm thấy lại cái Sống trong cái Chết”.


Đến tối, Suzuki họp các nhân viên chính phủ và các tham mưu trưởng Lục quân và Hải quân để thông báo cho họ kết quả thất bại của các cuộc thương thuyết. Ông loan báo với họ rằng, Thiên hoàng có ý định chuyển đến các Quốc Trưởng đồng minh sự chấp thuận trên nguyên tắc các điều kiện của họ ngay khi nào Ngài nhận được sự xác nhận chính thức là họ từ chối những đề nghị sau chót của Nhật. Phiên họp hết sức sóng gió. Tướng Anami phẫn nộ quyết liệt chống đối. “Lục quân, ông nói, sẽ không bao giờ chấp nhận một sự nhục nhã như vậy!”. Bộ trưởng Hải quân thì ít cuồng nhiệt hơn, nhưng ông cũng phát biểu ý kiến tương tự. Các cấp chỉ huy quân sự thì giữ im lặng. Điểm duy nhất mà tất cả mọi người đều đồng ý là sẽ không đưa ra một sáng kiến hành động nào trước khi nhận được sự xác định từ chối chính thức của đồng minh.


Tình trạng hỗn tạp ngự trị tại Potsdam và tình trạng tắc nghẽn của các đường liên lạc vô tuyến đã làm cho tài liệu này đến trễ mất ba ngày tang tóc. Dân chúng Nhật Bản vốn đã bị yếu kém vì thiếu thực phẩm và bị mất tinh thần vì các cuộc oanh tạc, nên chỉ theo dõi biến cố với sự nhận nhục thụ động. Tổ chức cực đoan Kempi Tai, mà Tojo vẫn còn điều khiển hoạt động, tuyên cáo tử chiến, nhưng quần chúng còn có những lo âu khác hơn là nghe các nhà hùng biện. Những thanh niên được đưa vào các đơn vị Kamikaze bắt đầu đào ngũ. Nhiều người trong số đó đã bị bắt buộc gia nhập và sự tình nguyện của họ chỉ là thuần tuý hình thức. Nhiều cuộc ẩu đả đã xảy ra giữa những tay tổ cứng đầu và những kẻ mềm yếu. Đây là lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh bắt đầu, những quân nhân công khai thúc nhận sự mệt mỏi của họ. Sự nhất trí quốc gia đang tan rã dần.


Sáng ngày 13 tháng 8, sự từ chối tàn bạo các đề nghị của Nhật được đưa đến Đông Kinh. Thủ tướng Suzuki và Ngoại trưởng Togo hấp tấp đến Hoàng cung, Thiên hoàng tiếp họ ngay và với vẻ lạnh lùng bề ngoài, lắng nghe lời loan báo tin tức tai biến ấy. Ông tin cho Suzuki rõ ý định triệu tập một hội đồng đặc biệt vào ngày mai.


Ngày 14 tháng 8 lúc 8 giờ, những binh sĩ phòng vệ Hoàng cung dùng xe gắn máy chạy ồ ạt qua các đường phố để mang đến các nhân viên chính phủ, và các tướng lĩnh thuộc Tổng hành dinh Thiên hoàng thư mời họp long trọng. Vì lý do giờ họp-10 giờ-quá gấp nên họ được miễn mặc trào phục. Đấy là lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản đã xảy ra những sự xáo trộn như thế đối với hiến pháp cũng như đối với nghi thức.


Khi đến Hoàng cung, các nhân vật cao cấp được đưa vào một phòng khách dưới hầm sâu qua một hàng rào quân danh dự và binh sĩ vũ trang. Thiên hoàng tiến vào phòng hội và phác một cử chỉ nghi lễ ngắn gọn thường lệ. Thủ tướng Suzuki đọc ngay một phúc trình trong đó ông trình bày các biến cố của những ngày vừa qua và các lý do đã khiến ông đề nghị chấp nhận đơn thuần tối hậu thư của đồng minh. Đến lượt tham mưu trưởng Lục quân và Hải quân tiếp lời, cả hai đều ước tính rằng lực lượng mà họ đang nắm trong tay còn có thể chiến đấu và còn có thể chống trả cả một cuộc đổ bộ xâm chiếm lãnh thổ. Tổng trưởng Bộ Chiến tranh Anami, mà sự xúc động đã bộc lộ cực điểm, đã bác bỏ một cách cuồng nhiệt sự chấp nhận những điều kiện nhục nhã “sẽ làm cho cả bản thân Thiên hoàng lâm nguy”.


Nét mặt tái ngắt biểu lộ tình trạng thần kinh căng thẳng tột độ, Hiro Hito đưa mắt nhìn khắp lượt những người dự hội và đến lượt ông lên tiếng trong một không khí lạnh lẽ đầy tử khí: “Nếu không còn ai có ý kiến gì để phát biểu, trẫm sẽ diễn tả ý kiến của trẫm. Trẫm yêu cầu các khanh chấp nhận nó. Trẫm thấy chỉ có một lối thoát cho Nhật Bản. Chính vì lý do đó mà Trẫm chấp thuận đề nghị của Đồng minh!”.

Một sự dao động khó tả lan khắp hội trường. Nước mắt rào rụa trên các nét mặt. Những lời than vãn dâng cao âm thầm. Đột ngột phá vỡ nghi thức, tướng Anami khóc nức nở quì mọp xuống chân Thiên hoàng.

“Anami, đừng khóc”, Hiro Hito nói với ông ta. “Nếu Trẫm đi đến quyết định này, chính là do sau khi suy nghĩ lâu dài”.

Khi sự xúc động lắng dịu đôi chút, nhà vua loan báo với hội đồng rằng ông sẽ đích thân nói với dân chúng qua một bài diễn văn sẽ được truyền thanh vào ngày mai. Còn hơn cả sự chấp nhận bại trận nữa, lời tuyên bố này đã làm cho các nhân vật cao cấp ngẩn ngơ thật sự. Nếu Đấng Chí Tôn vốn tượng trưng cho sự vĩ đại của Đế quốc và nhân cách hoá linh tiền nhân vẫn phò trợ cho sự vĩnh phúc của Người lại chấp nhận bước xuống ngai vàng để cho những thần dân hèn mọn nhất được nghe giọng nói uy nghiêm, thì chính bức màn của hai ngàn năm lịch sử đã rơi xuống.


Vào cuối ngày định mệnh đó, một số sĩ quan cao cấp Bộ Tổng tham mưu Lục quân nhóm họp tại trụ sở của Kempi Tai. Nhiều người trong số đó được sự hậu thuẫn của một vài tổng trưởng để lật đổ chính phủ Suzuki.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:33:54 am
Đến 1 giờ sáng ngày 15 tháng 8, họ đến bản doanh của chỉ huy trưởng quân danh dự phòng vệ hoàng cung, tướng Takeshi Mori và yêu cầu công theo họ. Takeshi Mori từ chối bằng cách nại ra lòng tận tuỵ của ông đối với bản thân Thiên hoàng. Lập tức ông bị hạ bằng một lát kiếm. Tất cả các sĩ quan của đoàn quân danh dự đều bị nhốt trong một phòng của Hoàng cung bởi những người chủ mưu và những cán bộ cuồng tín của tổ chức Kempi Tai. Viên Đại tá thâm niên nhất chiếm lấy khuôn dấu của Tướng Mori và thảo ngay một huấn thị ra lệnh đóng cửa Hoàng cung và gia tăng gấp đôi số lính canh. Trung tướng Hasunuma, tuỳ viên riêng của Thiên hoàng và tất cả các giới chức cao cấp ở trong Hoàng cung đều bị quản thúc tại nhà. Chỉ có viên tổng quản lý hoàng cung và quan chưởng ấn riêng của Thiên hoàng là thoát được mẻ lưới táo bạo này.


Quả thật một tình trạng rắc rối khó giải quyết đã xảy ra từ đầu hôm giúp cho hai viên chức cao cấp thoát ra khỏi Hoàng cung sau khi cho áp dụng các biện pháp cần thiết để có thể tiếp tục thi hành mệnh lệnh của Thiên hoàng. Thật vậy, từ lúc 4 giờ chiều, họ vẫn còn ở kín dưới hầm của Hoàng cung với viên giám đốc Thông tin và ba viên chức thuộc đài phát thanh để hoàn tất việc ghi âm vào một đĩa hát lời tuyên bố của Thiên hoàng. Đĩa hát này sẽ được phát thanh vào 8 giờ sáng mai, những viên chức ấy phải mang nó đi ngay từ đầu hôm. Nhưng những tin đồn đáng lo ngại bắt đầu lan tràn ngoài phố và viêm giám đốc Thông tin liền điện thoại báo tin, cho nên viên Tổng quản lý quyết định cất đĩa hát vào tủ sắt riêng mà một mình ông biết chỗ giấu và ngày mai, đến phút chót mới cho gửi đến phòng vi âm. Các viên chức đài phát thanh rời Hoàng cung sau 11 giờ đêm một chút và khi họ bị bắt ở cổng ra vào thì những chiếc xách tay nhỏ của họ hoàn toàn toàn trống rỗng. Bị đặt dưới một cuộc thẩm vấn tàn bạo, họ không thể nào cho các người dự mưu biết được tin tức gì, khiến họ bị đưa trở lại xuống căn hầm để giúp tìm lại chiếc đĩa ghi âm mà họ muốn chiếm đoạt bằng mọi giá.


Đến 3 giờ 30 sáng, công cuộc tìm kiếm vẫn vô hiệu, và Thiếu tá Hatanakato, một trong những lãnh tụ hiếu động nhất của lực lượng nổi loạn, quyết định đích thân đến đài phát thanh để đưa ra một lời kêu gọi. Đài phát thanh liền bị chừng 30 binh sĩ chiếm đóng và các chuyên viên, dưới sự đe doạ của mũi súng lục, bị bắt buộc phải truyền thanh trực tiếp lời của Hatanakato. Lúc đường dây đã sẵn sàng, thì còi báo nguy của hệ thống phòng thủ thụ động bắt đầu hú vang: các oanh tạc cơ Mỹ bay ngang qua thành phố thật thấp. Nhân viên đài phát thanh đã cắt ngang buổi phát thanh, Hatanakato nhảy đến chụp điện thoại để yêu cầu Tổng hành dinh ra lệnh tái lập các buổi phát thanh.


Trong khi xảy ra vụ xúc động “đứng tim” này, thì những biến cố quyết định đã xảy ra tại Hoàng cung. Tướng Suzuichi Tanaka, tư lệnh Quân đoàn miền đông và là cánh tay mặt cũ của Tojo, dùng xe chính thức của ông tiến đến trước cổng và lính gác đã để cho ông tiến vào vườn. Với một tuỳ viên độc nhất đi theo, ông đột nhập vào phòng những người dự mưu. Uy tín của ông lớn lao đến nỗi, ngay từ những lời kêu gọi đầu tiên yêu cầu phải tuân phục mệnh lệnh chính thức của Thiên hoàng, bốn trong số các Đại tá đã tự bắn một viên đạn vào đầu. Những người khác liệng vũ khí và im lặng rút lui. Riêng phần Hatanakato, được thông báo chuyện gì xảy ra, hấp tấp trở về Hoàng cung và tự sát ngoài vườn ngay khi biết sự thất bại của bạn hữu. Cuộc nổi loạn bị đập tan.


Kể từ 6 giờ 30 sáng, cứ cách nửa giờ đài phát thanh lại loan đi bản tuyên cáo của Thiên hoàng. Công chúng vốn không biết gì về các biến cố bắt đầu tập họp chung quanh các loa phóng thanh được mắc tại khắp các ngã tư đường phố. Trong các vùng ngoại ô, đám đông công nhân tập trung đông đảo trước cửa nhà máy. Còn hơn cả sự chờ đợi những hun tin, sự tò mò được nghe giọng nói của Thiên hoàng đã làm cho không khí im lặng lạ lùng. Khi giọng nói ấy cất lên để loan báo rằng Nhật Bản đã bại trận, nước mắt ràn rụa trên khắp nét mặt mọi người: “số phận đang chờ đợi dân tộc ta chắc chắn sẽ rất khổ nhọc. Trẫm biết rõ những cảm nghĩ sâu xa của tất cả mọi người, thần dân của Trẫm. Tuy nhiên, trước sự cần thiết ghê gớm của giờ phút lịch sử và của định mệnh, Trẫm đã quyết định chuẩn bị một con đường hoà bình thênh thang cho tất cả các thế hệ tương lai, bằng cách chấp nhận điều không thể chấp nhận được và bằng cách cam chịu điều không thể chịu đựng được. Vì có thể cứu vãn cơ cấu kiến trúc của Đế quốc, cho nên Trẫm ở lại với mọi người, với những thần dân thiện lương và trung kiên của Trẫm, tin tưởng vào sự chân thành và sự liêm khiết của tất cả mọi người. Hãy giữ ký lại mọi sự biểu hiện xúc động có thể tạo ra những rắc rối vô ích, mọi cảnh cốt nhục tương tàn có thể gây ra hỗn loạn, làm mọi người bơ vơ lạc lối và mất niềm tin nơi thế giới!”.


Khi giọng nói uy nghiêm của nhà vua chấm dứt, những đám dông dân chúng tan dần và các thị dân từng nhóm hoặc đi về nhà hoặc về các trung tâm tiếp đón người lâm nạn. Suốt ngày và suốt đêm những kẻ cô đơn không nơi ẩn trú tiếp tục đi lang thang vô định trong trạng thái ngơ ngẩn vì những nỗi đau đớn sâu thẳm vô bờ.


Trong ngày hôm đó có rất nhiều người không nghe theo mệnh lệnh của Thiên hoàng “chấp nhận điều không thể chấp nhận được”. Tướng Tanaka, sau khi khuất phục cuộc nổi loạn của các Đại tá, đã tự sát trong văn phòng tại bản doanh của ông. Thống chế lão thành Sugiyama, người tiền nhiệm của Tojo tại Bộ Tổng tham mưu, tự bắn một phát súng lục vào đầu trong khi vợ ông, trong bộ lễ phục, tự mổ bụng giữa một đám hoa theo nghi thức. Cùng lúc đó Tướng Anami tự sát tại nhà, để lại một câu cảm động: “Tôi hy vọng rằng cái chết của tôi sẽ là sự tha thứ cho những lầm lẫn của tôi”. Tại Yokosuka, các nhóm phi công tự sát của hải quân tự nhốt mình trong doanh trại và toan tính tung một khối chất nổ sống Banzai vào số quân cảnh đến giải giới họ. Trong số những nhóm cuồng tín của không lực thuộc hải quân, có những cảnh say sưa và những trận ẩu đả chết người. Đô đốc Ugaki, người chỉ huy các thành phần cuối cùng của đơn vị phi công tự sát, đã tự bước lên một oanh tạc cơ để thực hiện một cuộc tấn công tự sát cuối cùng; tin tức ấy đã được đưa đến làm cho sự khích động của họ lên đến tột độ.


Tối ngày 15 tháng 8, Đô đốc Onishi mời vài sĩ quan về nhà riêng của ông và giữ họ lại cho đến nửa đêm. Đấy là tất cả những người kỳ cựu thuộc Đệ Nhất không lực còn sống sót sau cuộc tàn sát ghê gớm do mệnh lệnh của ông để lại các tài liệu về thiên anh hùng ca Kamikzae và làm chứng cho các nguyên động lực của hành động đó với các thế hệ tương lai.


Vài giờ sau khi họ ra đi, ông tự mổ bụng. Một trong những người thân chạy đến ngay. Đô đốc mổ bụng mình bằng một cây dao găm nhỏ, nhưng chắc vì nó quá ngắn cho nen vết thương không làm ông chết ngay.

Để trả lời cho những người muốn chăm sóc cho ông, ông thầm thì:

-Hãy để tôi yên.

Ông chết sau 12 giờ hấp hối tàn khốc, từ chối mọi sự cấp cứu, làm như ông muốn lấy cái đau đớn của mình để trả món nợ mà ông còn thiếu đối với những phi công trẻ tuổi của Đệ I không lực, nhưng người mà ông từng áp đặt một cơn hấp hối tinh thần còn lâu hơn và có lẽ còn kinh khủng hơn trong những doanh trại thối mục tại Mabalacat.
Người ta tìm thấy được chúc thư của ông. Đấy chính là một chúc thư của một Samourai, một người mà tự tôn sùng tổ quốc được nhân cách hoá nơi cá nhân Thiên hoàng, cấu thành nền tảng căn bản của cuộc sống.


Nhưng, thật kỳ lạ, nơi con người đã từng hy sinh bất kể hàng ngàn thanh niên ấy, người ta cũng tìm thấy được những giọng điệu dịu hiền đầy cảm động với thế hệ trẻ tuổi.

“Tôi nói với đơn vị Kamikaze, đơn vị đã gục ngã một cách anh hùng và là đơn vị gồm những con dân ưu tú của xứ sở.

“Để chuộc lỗi lầm vì đã đưa họ đến cái chết vô ích, tôi xin dâng hiến cái chết của tôi cho linh hồn các thuộc viên của tôi và cho gia đình họ.

“Tôi cũng gửi lời đến thế hệ trẻ tuổi. Hãy rút ra một bài học từ nơi cái chết của tôi. Hãy vâng lệnh Thiên hoàng! Tôi khuyên họ hãy tự trọng và chuyên nhất. Ngay cả trong sự thất bại, cũng phải hãnh diện được là dân Nhật.

“Trẻ con là kho tàng của xứ sở”.

Trong cuộc đối thoại này ở bên kia thế giới, những người chết và những người sống hoà lẫn thân ái với nhau và lời kêu gọi của bậc Samourai lão thành ấy với thế hệ trẻ tuổi cũng là lời nói đồng thời với những anh hùng đã khuất bóng cũng như với những người sống sót hiếm hoi của đơn vị Kamikaze làm như những người này cũng như những người kia đều đã an vị giữa những Kamikaze, những linh hồn phò trợ nước Nhật vĩnh viễn.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:34:35 am
Giờ phút vinh quang của Mac Arthur

Sau khi nuốt chửng 1.000 nạn nhân, làn sóng tự sát ấy tàn lụi trên những bờ biển của một nước Nhật nhẫn nhục. Quốc gia này đã thoát khỏi cuộc thảm sát và còn thở. Dần dần từng chút một, sự sống lại hồi sinh. Một niềm hy vọng phát hiện: hoà bình! Không còn nghe nói đến bom đạn, lẫn Hara-Kiri, lẫn Kamikaze nữa, không còn nghe trích dẫn cả Tojo lẫn Kempi Tai nữa. Xây dựng lại mái nhà nhỏ bé trong im lặng để được ở trong đó, ăn một nắm cơm rưới một chút rượu Saké, đằng sau một màn chắn gió chống lại những cơn ác mộng.


Ngày 24 tháng 8 năm 1945, ngày mà các sĩ quan Hoa Kỳ đầu tiên sẽ phải đến Nhật bằng phi cơ, mộ cơn gió nóng bốc lên và mau lẹ biến thành một cơn giông tố: một cơn bão mùa hè đến muộn. Những truyền đơn cuối cùng do các phi cơ lén lút ném xuống, những lời kêu gọi nổi loạn sau cùng đều tan loãng vì ngọn thần phong, ngọn gió thần Kamikaze hoà bình đã cứu nước Nhật khỏi bị huỷ diệt hoàn toàn. Ngay trước khi các cơn gió lốc dịu bớt, trật tự khắp nơi đã dược tái lập và ngày 28 tháng 8 lúc 8 giờ, khi chiếc phi cơ Mỹ đầu tiên đáp xuống phi trường Atsugi, vài chiếc xe hơi đã tiến lên đón tiếp như đây là một cuộc viếng thăm xã giao nào đó. Hai sĩ quan bước xuống phi cơ, Đại tá Tent và Thiếu tá Bowers, thông dịch viên tiếng Nhật Tent đang có tâm trạng của một Pérouse bước lên Vanikoro: ông đã viết sẵn chúc thư và chờ bị giết chết. Ông nhanh nhẹn bước lên một chiếc xe hơi mà không biết người ta sẽ đưa mình đi đâu.


Cuộc hành trình không xa. Chiếc xe dừng lại trước một chiếc lều được dựng lên ở đầu phi trường. Trung tướng Arisuýe, Tư lệnh quân khu miền đông đang chờ ông tại đấy và hai sĩ quan bắt đầu thi hành nhiệm vụ giải quyết, với sự hợp tác của Thiếu tá Bowers, các vấn đề do việc đưa quân dù Mỹ đến được đặt ra. Arisuyé đã nghĩ đến tất cả và có vẻ muốn san bằng mọi khó khăn.


Ngay từ hôm sau, nhiều phi cơ C-54 bay đến, chở đầy xăng và vật liệu. Ngày 30 tháng 8, các phi cơ vận tải của sư đoàn 2 nhảy dù hạ cánh xuống phi trường với nhịp độ mỗi phút một chiếc. Đến trưa, đông đảo các sĩ quan được tập họp trên phi trường. Chiếc Bataan phi cơ riêng của Thống Tướng Mac Arthur được loan báo sắp hạ cánh. Thật vậy, chính ông là người được Truman chỉ định để chỉ huy đoàn quân chiếm đóng. Vài phút sau, chiếc phi cơ to lớn lăn bánh trên phi đạo và đến dừng trước hàng sĩ quan dàn chào.


Chiếc bóng cao lớn của ông tướng xuất hiện trong khung cửa mở rộng và dừng lại đó một lát. Ông mang cặp kính đen và cắn chặt răng vào đầu chiếc tẩu thuốc lá lõi ngô danh tiếng. Chiếc nón kết nặng nề viền lá sồi che bóng một khuôn mặt gầy guộc. Ông chầm chậm bước xuống thang, chào lại những người đón tiếp và nói vài lời: “Từ Melbourne tới Đông Kinh, con đường thật xa và khổ nhọc. Nhưng hình như là những mệt nhọc của chúng ta đã được trả giá. Mới cách đây có vài ngày, 300.000 binh sĩ Nhật Bản vũ trang có mặt trong khu vực mà quân ta sắp đến đóng. Tôi có thể loan báo với các ông là họ sẽ rút lui mà không xảy ra một biến cố nào”.


Ngay sau bài diễn văn ngắn ấy, ánh đèn chụp hình loé lên và các máy quay phim bắt đầu kêu rè rè. Ban nhạc của sư đoàn II nhảy dù đánh một bản quân hành và ông tướng bước lên một chiếc xe Hoa Kỳ cũ để tiến giữa hai hàng quân cảnh Nhật Bản đến tận khách sạn Nouveau Grand Hotel tại Yokohama. Con đường bị bom tàn phá đến mức khoảng đường đi qua phải mất những hai giờ. Một không khí tưng bừng như hội chợ dính liền với sự hoan lạc của người Mỹ ngự trị trên sân trước khách sạn. Khi đến nơi, ông tướng được tiếp đón bằng những tiếng sáo miệng khích động, rồi bị tiếng chập choả như sấm động át đi khi ban nhạc chơi bản quốc thiếu và lá quốc kỳ Mỹ vĩ đại gắn 5 ngôi sao của vị tổng tư lệnh đạo quân chiếm đóng được kéo lên cột cờ. Ông “Nhiếp chính” rốt cuộc đã tìm thấy được một lãnh địa đúng với tầm vóc của mình.


Trong khi các nghi lễ này đang diễn ra, lực lượng đặc nhiệm 38, do Đô đốc Halsey chỉ huy được điều động dọc theo bờ biển và các phi cơ của Mitscher bay trên bầu trời Nhật Bản trong một cuộc biểu dương đầy xúc động. Căn cứ Yokosuka đã được hải quân chiếm đóng và vài chiếc L.C.P đã đến tiếp thu cảng Yokohama. Ngày 1 tháng 9, một hải lực đồng minh gồm 258 chiến hạm đủ mọi kiểu buông neo trong vịnh Đông Kinh. Mac Arthur để cho Nimitz chọn lựa địa điểm làm nơi ký kết văn kiện đầu hàng của Nhật Bản và ông này đã đề nghị bãi trống đằng sau thiết giáp hạm Missouri.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:35:26 am
Chúa nhật ngày 2 tháng 9, nhiều nhân vật được mời dự lễ đã bước lên chiến hạm từ 7 đến 8 giờ và ngồi vào sau một chiếc bàn phủ thảm xanh. Trong số đó có Đô đốc Nimitz và Halsey, Đô đốc Sir Bruce Fraser của Anh, Tướng Leclers, đại diện chính phủ Pháp, và nhiều sĩ quan cấp Tướng thuộc mọi binh chủng. Vào khoảng 8 giờ 30, phái đoàn Nhật đến. Người ta nghe tiếng còi bái hiệu “Lên tàu” và hàng trăm thuỷ thủ và thuỷ quân lục chiến được phép dự kiến liền chen chúc nhau trên những spardeck và những sàn gỗ được dựng lên chung quanh sân thượng dành cho chuyên viên điện ảnh và báo chí. Những ánh đèn chớp loé ngay mặt những thành viên đáng thương của phái đoàn Nhật Bản ngay khi họ đến cầu tàu. Họ nhẫn nhịn tất cả, nhưng rất ít muốn thấy cái không khí hội chợ này, đến nỗi người ta thấy mặt họ đanh lại vì nhục nhã và đau đớn. Một trong các tướng lĩnh để lộ vẻ muốn quay trở lại, nhưng ngoại trưởng mới của Nhật, Shigemitsu, trước đây đã bị cụt chân vì bom của một đảng viên Kempi Tai cực đoan, đang khó nhọc tiến bước với chiếc chân giả, đã phát một cử chỉ ngăn chặn và các đại biểu đến đứng thẳng hàng trước chiếc bàn trải thảm xanh. Họ tạo thành một cái đinh gây nhạc nhiên trong buổi lễ” các quân nhân thì mặc những bộ quân phục cắt xấu xí, đầu đội những chiếc mũ hình nón cụt có lưỡi trai rất rộng đứng chen với các viên chức dân sự áo đuôi chồn dài, quần sọc, găng trắng và nón cao cổ.


Khi tất cả đứng dậy sắp hàng theo thứ tự ngôi thứ xong, tu sĩ tuyên uý trên chiếc Missouri đọc vào máy vi âm vô hình vài đoạn thánh kinh và im lặng được tái lập. Lúc đó, cánh cửa phòng khách danh dự được mở rộng và Tướng Douglas Mac Arthur long truợng bước vào cuộc lễ: ông mặc quân phục mùa hè, áo sơ-mi cổ hở trên đó lấp lánh năm ngôi sao. Chỉ có chiếc nón kết viền lá sồi danh tiếng của ông, mặc dầu đã bạc màu là cho thấy tầm quan trọng của cấp bậc. Ông tiến tới chiếc bàn, hai bên cạnh là tham mưu trưởng của ông, Sutherland, và hai sĩ quan cấp Tướng vẻ mặt hốc hác tiều tuỵ và thân hình trơ xương lùng bùng trong những bộ quân phục cũ: đó là tướng Wainwright, người phòng thủ dũng cảm bán đảo Bataan, và tướng Sir Arthur Percival, vị anh hùng đáng thương của Tân Gia Ba vừa được phi cơ đến đón trong một trại tù binh ở Mãn Châu. Mac Arthur với vóc dáng cao lớn, ngạo nghễ nhìn các đại biểu Nhật Bản và nói vài lời trình bày bản chất của các tài liệu mà học phải ký vào. Rồi, rõ rệt là bị bối rối bởi nét mặt khổ hạnh và phong thái đầy cao thượng của những kẻ thù chiến bại, ông đọc bài diễn văn đã được soạn trước trong khi cố tìm cách biến đổi giọng nói để làm dịu bớt các từ ngữ. Khi ông nói đến phần kết luận, không khí cho đến lúc ấy thật giá lạnh, dần dần trở nên ấm áp cùng với sự cảm động bộc lộ rõ rệt của ông. Và để kết luận, ông tuyên bố: “Niềm hy vọng chân thành nhất của tôi mà cũng là niềm hy vọng của toàn thể nhân loại-là một thế giới tốt đẹp hơn sẽ hiện lên, nhân dịp long trọng này, bên trên cuộc tàn sát trong quá khứ, một thế giới đặt nền tảng trên niềm tin cậy và sự thông cảm hỗ tương, một thế giới biết tôn kính phẩm giá con người và cương quyết thoả mãn những khát vọng thân yêu nhất: tự do, độ lượng và công lý!”.


Có lẽ mặc dầu khi nói những lời này, hơn bao giờ hết, Mac Arthur có vẻ như đang quay một cuốn phim cho Hô Ly Vọng, nhưng các đại biểu Nhật Bản, vốn cho đến lúc đó đã nhìn quang cảnh buổi lễ với cặp mắt trống vắng phản ánh sự bất thông cảm tuyệt đối, đã trao đổi với nhau những cái nhìn rụt rè, rồi vẻ mặt rắn đanh của họ dịu dần một cách khó nhận thấy. Về sau, có người trong số họ đã nói rằng “trong giờ phút tuyệt vọng và khốn cùng ấy, một tia sáng chói đã phát hiện từ đích bản thân của Mac Arthur”.


Khi các đại biểu toàn quyền ký tên vào dưới văn kiện, ông tướng nói thêm: “Giờ đây chúng ta hãy cầu nguyện để cho hoà bình được tái lập trên thế giới và để cho thiện chí của tất cả mọi người giúp cho hoà bình được trường tồn mãi mãi”.


Trong khi nghi lễ trên diễn ra, nhiều Landing crafts của hải lực thuỷ bộ đã đưa lên bờ sư đoàn 1 kỵ binh của Tướng Chase, người được lệnh “tiến thẳng về Đông Kinh”. Cuộc điều quân được thực hiện như một cuộc đổ bộ các lực lượng chiến đấu thật sự vì chưa có gì chắc chắn về thái độ của các đơn vị Nhật Bản đồn trú trong khu vực đó. Nhưng mọi chuyện đã xảy ra không gặp khó khăn và ngày hôm sau 3 tháng 9, tất cả sư đoàn đã đặt xong bản doanh trong các doanh trại tại Hara Machida cách Đông Kinh vài cây số.


Lúc đó, trong vùng đồng bằng Kanto, còn có 14 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn thiết giáp và 17 lữ đoàn thuộc các binh chủng khác. Không một ai hoàn toàn yên tâm… Nhưng đã không có một phản ứng nào, các cuộc tiếp xúc được thiết lập không gặp khó khăn giữa người chiến thắng và kẻ chiến bại và trước sự ngạc nhiên của các đoàn quân Mỹ vừa chịu đựng các đợt xung phong hung tàn tại Lujon, thái độ của các quân nhân Nhật Bản không những là nghiêm chỉnh mà còn có vẻ rất hợp tác.


Ngày 8 tháng 9, lúc 8 giờ sáng, tướng Chase long trọng tiến quân vào Đông Kinh, chính ông đi đầu đoàn quân chiến sĩ kỳ cựu của cuộc chiến. Vài giờ sau, đến lượt Mac Arthur đến, với một phi đoàn hộ tống. Ban quân nhạc của Sư đoàn 1 kỵ binh chờ đón ông trên tiền đình Toà Đại sứ Hoa Kỳ giữa một đoàn quân đông đảo mang quân kỳ và hiệu kỳ các đơn vị. Khi ông tướng đặt chân lên thềm, quốc kỳ được kéo lên lầu cột cờ dưới ánh mặt trời chói lọi trong khi ban quân nhạc cử bài “Star-spangled Banner”. Vị tổng tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh quay về phía quan khách và nhìn quốc kỳ tung bay, ông nói mấy lời này: “Cầu cho quốc kỳ của xứ sở chúng ta tung bay dưới ánh mặt trời Đông Kinh trong vinh quang toàn diện như là một biểu tượng của niềm hy vọng dành cho những kẻ bị áp bức và như là một sứ giá đại biểu cho sự toàn thắng của luật pháp!”

Công cuộc chiếm đóng yên ổn nhất lịch sử bắt đầu.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:36:08 am
Đoạn kết


Qua các thông cáo báo chí, khi được biết cuộc ngưng bắn và cuộc giải giới được thi hành với sự mẫn tiệp và trật tự như thế nào, công luận thế giới đã có đôi chút vội vàng kết luận rằng Nhật Bản đã bị hấp hối từ lâu và rằng cuộc thảm sát ghê gớm tại Hiroshima lẽ ra đã có thể tránh được.


Như chúng tôi đã nhấn mạnh nhiều lần, sửa lưng những đòn của đối phương khi ta có cả hai lá bài trong tay bao giờ cũng là chuyện dễ dàng. Lúc ấy quyết định ném quả bom A xuống Nhật Bản, người Mỹ chỉ có những dự kiện hết sức mơ hồ để đo lường mức độ yếu kém của kẻ thù: các không ảnh những khu vực bị oanh tạc (mà họ đã từng biết là có thể có hiệu quả lừa dối đến mức nào) và các tin tức do các cơ quan tình báo cung cấp, những tin tức không chính xác và mâu thuẫn. Ngược lại, điều mà họ biết quá rõ, chính là sức chiến đấu lạ thường mà quân đội Nhật Bản đã chứng tỏ, và tầm quan trọng của những kho dự trữ vũ khí đạn dược mà Nhật đã tích trữ trên khắp các lãnh thổ chiếm đóng bên trong vòng đai chu vi Đại Đông Á cũ.


Chiến lược do các Đô đốc King và Nimitz đề nghị gồm có bao vây trực tiếp nước Nhật mà không chiếm lại các lãnh thổ mênh mông tại phía Nam Thái Bình Dương, tại Trung Hoa và tại Đông Nam Á, đã dựa vào một định đề vốn chưa được kinh nghiệm kiểm chứng: đó là ưu thế của không quân. Đó là áp dụng đơn thuần, với ít nhiều nguỵ trang, binh thuyết của một tướng lĩnh thời danh người Ý, Douhet, một binh thuyết mà từ mười lăm năm nay vẫn không ngớt gây ra những cuộc tranh luận gay go tại khắp mọi quốc gia. Liệu có thể áp dụng nó cho trường hợp Nhật Bản hay không? Liệu có thể hay không có thể chẹn họng quân đội Nhật, mà không cần phải chiến đấu trên bộ, nhưng chỉ bằng vào sự huỷ diệt vũ khí và các đường giao thông của Nhật? Những kết quả thu đạt được tại Đức quốc có khuynh hướng chứng tỏ rằng không thể, thế nhưng sự tàn hại do bom lửa gây ra lại đưa đến kết luận trái ngược. Song le, những cuộc oanh tạc ấy đòi hỏi một sự vận dụng phi cơ đến mức phải tiên liệu mất hàng nhiều tháng trời, mới mong tiêu diệt được dứt khoát hết các lực lượng của đối phương. Và trong những tháng trời dài dặc ấy, khi mà chiếc đầu con bạch tuộc chưa bị vặn ngược thì những chiếc vòi của nó vẫn tiếp tục bám chặt trên các quần đảo bị “bypass”, cũng như tại Miến Điện và Trung Hoa. Uỷ ban tham mưu hỗn hợp đã rất mạo hiểm khi chấp thuận kế hoạch của các Đô đốc, và Tướng Mac Arthur đã không có lỗi khi luôn miệng nhắc nhở phải đề phòng.


Lúc mà Tổng trưởng Chiến tranh Stimson báo cho Tổng thống Truman biết sự thành công chắc chắn của kế hoạch Mahattan, thì quân trú phòng Nhật Bản tại Okinawa vẫn còn kháng cự. Tướng Simson Bolivar Buckner vừa tử trận tại tiền tuyến. Tổn thất của Mỹ nội trong trận đánh này đã được ước tính lên đến 12.500 tử trận và 36.500 bị thương-tức là 50% lực lượng tham chiến. Mặc dầu tướng Ushijima phải tự sát, và tất cả đạo quân trú phòng trên đảo vốn được lãnh đạo đúng đắn, đã bị tiêu diệt, nhưng vố số những tổ kháng cự lẻ tẻ, gồm binh sĩ cũng như thường dân, vẫn còn chiến đấu với sự hăng say điên cuồng. Trong một góc của hòn đảo chưa bị lọt vào tay quân Mỹ, dân chúng đã đến hợp tác với các binh sĩ hiếm hoi còn khoẻ mạnh để tay không chống lại chiến xa và súng phun lửa đằng sau vị Tổng đốc dân sự được vũ trang bằng thanh kiếm Samourai của ông. Chắc chắn đấy là mùi vị được nếm trước của khung cảnh địa ngục mà một cuộc đổ bộ lên chính lãnh thổ Nhật Bản phải trải qua trên đó 30 triệu công dân Nhật và 2 triệu binh sĩ sẵn sàng hy sinh mạng sống cho đến người cuối cùng.
Lúc đó, theo lệnh của Truman, Stimson đã chỉ định một “Uỷ ban lâm thời” để nghiên cứu sự sử dụng bom A. Uỷ ban này gồm có 5 nhân vật thuộc giới chính trị và 3 nhà bác học Mỹ được giao cho trách vụ tổ chức nghiên cứu về quân sự từ năm 1940. Mặc dầu 3 nhà bác học này đã tham dự tích cực vào công việc của nhóm Los Alamos, nhưng họ cũng yêu cầu chỉ định một tiểu ban gồm các chuyên viên nguyên tử để hướng dẫn họ. Tiểu ban chuyên viên này, dược gọi là “Scientific Panel”, phải tổ chức hội họp các nhà bác học thượng thặng nổi tiếng nhất trong giới khoa học bất chấp quốc tịch. Tiểu ban giới hạn trong số 7 thành viên mà 4 người là Do Thái gốc ngoại quốc.


Các cuộc thảo luận của “Scientific Panel” và của Uỷ ban lâm thời đã đưa đến việc soạn thảo một “bản khuyến nghị” mà sau đây là các kết luận:

1. Quả bom phải được sử dụng để chống lại Nhật Bản càng sớm càng tốt.

2. Nó phải được ném xuống một “mục tiêu kép” vừa kỹ nghệ vừa quân sự.

3. Không thể đưa ra một lời báo trước nào về bản chất của thứ vũ khí này.


Chính vì nhận được ác kết luận chính thức này mà Stimson đã ra lệnh cho Groves tiến hành nhanh hơn cuộc thí nghiệm tại Alamogordo và chuẩn bị các biện pháp để sử dụng quả bom chống lại Nhật Bản. Nhưng vài ngày sau, tiếng đồn về những khuyến cáo này đã lan tràn trong số các nhà bác học nguyên tử thuộc nhóm Los Alamos và thuộc đại học đường Chicago. Bảy nhà khoa học thuộc đại học này liên nhóm họp dưới quyền chủ toạ của giáo sư lão thành Frank-cựu giám dốc Học viện Vật lý Gottingen, được xem như “giáo hoàng” của thế giới nguyên tử-đã soạn thảo một bản khuyến nghị khác đề nghị rằng sự biểu diễn thứ vũ khí mới phải được tổ chức dưới sự chứng kiến của các đại biểu Liên hiệp Quốc trong một sa mạc hay trên một hòn đảo không có người ở, để chính phủ Nhật có thể được thông báo sức mạnh tàn phá của nó và cạm chịu chấp nhận đầu hàng vô điều kiện.


Tiêu đề: Sấm sét trên Thái Bình Dương
Gửi bởi: ptlinh trong 28 Tháng Hai, 2010, 09:37:00 am
Tài liệu này được đưa đến cho đích thân Stimson, ông ta chuyển ngay cho Uỷ ban lâm thời và Uỷ ban này liền hỏi ý kiến của Tiểu ban chuyên viên. Các thành viên của Uỷ ban không tin rằng phải đề nghị sửa đổi lại lập trường, nại lý do rằng trong tư cách là các nhà khoa học họ không có thẩm quyền để quyết định liệu có nên sử dụng quả bom để chống lại Nhật Bản hay không, ngoài ra họ cũng chẳng biết gì về tình hình quân sự và không biết liệu có thể lôi kéo Nhật Bản đến chỗ đầu hàng bằng các phương cách khác hay không.


Vững tâm vì sự xác định mới phát xuất từ những con người siêu việt này vốn chẳng có thù hiềm gi với Nhật Bản, mà sự suy luận riêng tư chỉ có thể bị ảnh hưởng bởi niềm ưu tư chính đáng là tránh làm tăng thêm tang tóc cho một xứ sở được họ coi như quê hương thứ hai của mình, Stimson không hề nghĩ đến chuyện thay đổi các mệnh lệnh đã được ban hành nữa. Ngọn lao đã phóng đi và đã quá trễ, không thể nào rút lại một quyết định có hậu quả nặng nề như vậy.


Ngày 15 tháng 7 năm 1945, trên đường đi Potsdam, Truman nhận được tin cuộc thí nghiệm thành công tại Alanmogordo. Vài ngày sau, Stimson đến gặp ông để trình bày hiệu quả tàn khốc của chất nổ mới. Hai nhân vật đều đồng ý là không tiết lộ bản chất sát đúng trong thời gian cuộc Hội nghị Liên Đồng minh và chỉ yêu cầu các Quốc trưởng tham dự hội nghị chấp thuận rằng họ sẽ hậu thuẫn cho một lời cảnh cáo long trọng gửi cho Nhật Bản.


Như chúng ta đã thấy, dân tộc Nhật bản đời nào lại chấp nhận một tối hậu thư được trình bày dưới một hình thức mơ hồ như thế và thủ tướng Suzuki, mặc dầu rất hoà hoãn, cũng chỉ có thể trả lời không chấp thuận.


Những liên luỵ chính trị của sự xuất hiện vũ khí nguyên tử đã đến mức lúc ấy Tổng Thống Mỹ không còn có sự chọn lựa nào khác hơn là ném quả bom A xuống Hiroshima. Gia dĩ lãnh tụ quốc gia đồng minh duy nhất được biết rõ bí mật, Winston Churchill, lại mạnh mẽ đứng lên chống đối ý tưởng trì hoãn dầu cho chỉ là một giây đồng hồ, sự sử dụng một phương tiện căn bản như vậy để chấm dứt cuộc xung đột.


Vài ngày trước khi chiếc Enola Gay cất cánh, Stimson nhận được một phúc trình bất ngờ do 60 nhà bác học thuộc mọi quốc tịch ký kết đòi hỏi đặt những công trình nghiên cứu phân cách nguyên tử dưới sự kiểm soát quốc tế và chấm dứt mọi công tác liên quan đến việc chế tạo quả bom. Những tay tập sự phù thủy đột nhiên ý thức được hậu quả rùng rợn của những suy luận khoa học mà họ là tác giả và liền ném một hòn đá xuống ao thả vịt! Những người ký tên gồm có hoặc là những khoa học gia vật lý trẻ tuổi, mới đến chỗ trú ẩn, hoặc là những người kỳ cựu của viện Gottingen, những nhà bác học đầy lòng quảng đại và đầy lý tưởng, đã xếp vào hàng ngũ chủ hoà của các nhà trí thức thiên tả, ngay từ lúc mới trưởng thành. Rõ ràng là họ chẳng có ảo tưởng gì về kết quả của đường lối vận động này, nhưng họ muốn trách nhiệm của họ được bao yểm.


Stimson cho đọc những lời khẩn cầu của họ cho Groves nghe, ông tướng nhún vai với sự thẳng thắn quen thuộc, tuyên bố: “Người ta thấy rõ rằng không một ai trong số các nhà bác học thân mến ấy có thân nhân đang chiến đấu ngoài mặt trận!”. Lúc đó Stimson ưu tư thì thầm: “Nếu tôi không sử dụng trái bom để chấm dứt chiến tranh, tôi sẽ không bao giờ còn dám nhìn ngay mặt một thanh niên Mỹ”…


Thật rõ ràng…. Những ý tưởng thuộc về tình nhân loại từ lâu đã trở thành thứ yếu trong số những ưu tư của các dân tộc đang lâm chiến. Sự hăng say của binh sĩ Nhật Bản, nền tảng vô nhân đạo của họ, một nền tảng mang tính cách ngày càng điên rồ trước sự thảm bại sắp xảy ra, đã khiến cho thảm kích Hiroshima không thể nào tránh được, Little Boy và Enola Gay đã được đưa vào một tiến trình không thể nào đảo nghịch được.


Vốn chỉ có trong tay 2 quả bom, Stimson cần tạo ra một sự xúc động tâm lý tức thời cho phép ông “diễn dich mau chóng ưu thế đè bẹp mà Hoa Kỳ có trong tay do những kết quả kinh tế”. Chấn động tâm lý này cũng cần thiết cho chính phủ Nhật Bản để bước ra khỏi cơn mơ mộng không tưởng về tính cách bất khả chiến bại của mình. Nếu không có nó, hàng trăm ngàn sinh mạng Nhật Bản còn bị hy sinh một cách vô ích. Một cuộc tàn sát chưa từng có sẽ được tránh khỏi, khi mà Thiên hoàng có thể nhẫn nhục “chịu đựng điều không thể chịu đựng nổi và cam chịu điều không thể chấp nhận được”, mà không cần phải rời khỏi ngai vàng.


Được giải thệ nhờ mệnh lệnh của Thiên hoàng, người binh sĩ Nhật đã cứu vãn danh dự của mình. Anh ta đã đẩy lùi giới hạn của chủ nghĩa anh hùng, anh ta đã chứng tỏ cho đến cùng một khả năng kháng cự chưa từng thấy trong lịch sử, và không phải là vấn đề ít kiêu hãnh của dân tộc chiến bại khi mà phải có cả một đại biến khủng khiếp Hiroshima mới thắng được dân tộc ấy.