Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 05:00:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến đấu ở Tây Nguyên  (Đọc 44943 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:56:36 pm »


        Bây giờ có thời gian để suy ngẫm, chúng tôi mới thấy nếu giáo điều máy móc dập khuôn là hết sức nguy hiểm, hậu quả tác hại của nó là rất lớn khó mà lường trước được Bài học đó không chỉ cảnh tỉnh giới quân sự mà còn với mọi lĩnh vực khác của xã hội ta trước kia và cả ngày nay và thực tế chiến trường cũng phải vận dụng theo điều kiện thực tế của chiến tranh.

        Mặt khác, qua công tác đào tạo cán bộ ở Học viện cũng khẳng định một chân lý: "Lý luận phải đi đôi với thực hành". Cái đó ví như người phải đi bằng cả hai chân mới vững chắc, nếu chỉ đi một chân ắt sẽ chậm chạp và không đạt được tốc độ cần thiết.

        Sự trưởng thành của các đồng chí mà giờ đây đã từng giữ cương vị cao trong chỉ huy bộ đội, và cấp hàm cao như thượng tướng Minh Châu... Lê Ngọc Hiền, thượng tướng Giáp Văn Cương... là một bằng chứng xác thực rằng họ đã trưởng thành không chỉ trong thực tiễn chiến đấu mà cả trong việc họ đã được dự các lớp học bồi dưỡng lý luận ở Học viện.

        Có một điểm đáng tự hào và rất đúng đắn thuộc về quan điểm chỉ đạo của Ban lãnh đạo nhà trường là: Phải thật sự cầu thị, khiêm tốn trong việc tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp của các chuyên gia Trung Quốc và Liên Xô. Song các chuyên gia của Bạn chỉ bồi dưỡng, giúp đỡ cho số cán bộ giảng dạy cho học viên của ta. Tiếp thu ý kiến đến đâu và như thế nào là do ta, còn nội dung ta giảng gì, giảng như thế nào thì do ta xác định vì thế mà ta giữ được tính độc lập. Hồi đó, cũng có một số học viên là cán bộ quân sự của Lào và Campuchia. Cũng có đồng chí học qua học viện mà hiện nay đang là uỷ viên Bộ chính trị ở Lào.

        Về đội ngũ giáo viên của Học viện, sau năm 1954, trên đã chọn được những đồng chí vừa có trình độ lý luận vừa có kinh nghiệm chiến đấu. Chính vì thế mà chất lượng huấn luyện của nhà trường được bảo đảm. Điều đáng nói ở đây là qua Học viện này phần lớn học viên đều nắm được những tri thức cơ bản về tác chiến hiệp đồng binh chủng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thì ta chưa thực hiện được, nay trên cơ sở học tập kiến thức quân sự của Liên Xô, Trung Quốc và một phần đầu kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, mà giảng dạy và vận dụng vào thực tiễn chiến tranh.

        Lúc này, chế độ huấn luyện và sinh hoạt của Học viện đã đi vào nền nếp chính quy chặt chẽ. Làm được điều đó bởi nhiều lẽ, trong đó có một thuận lợi là cán bộ, giáo viên cũng như học viên đều là thanh niên trẻ tuổi, chưa có gia đình, ăn ở sinh hoạt học tập tập trung tại trường. Các chế độ nội quy được thực hiện khá nghiêm, như chế độ trực ban, trực nhật, trực chỉ huy, tập đội ngũ, bắn súng, thể dục thể thao, tăng gia sản xuất v.v ..

        Thủ trưởng học viện thường xuyên cùng trực ban kiểm tra việc thực hiện chế độ giờ giấc, nơi ăn, chốn ở ... Điều này chắc là có nhiều người cho là quá cụ thể và không cần thiết, nhưng thực ra đó chính là những biểu hiện tính sâu sát cụ thể, sự quan tâm lãnh đạo chỉ huy trong đơn vị. Việc làm đó là vô cùng cần thiết và không phải đơn vị nào cũng thực hiện nghiêm được.

        Ngoài các vấn đề đó ra, các phong trào thi đua, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, tăng gia sản xuất cũng được chú ý đúng mức. Đấy là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày của đơn vị quân đội. Không chỉ ta mà cả lớp học của Bạn (Lào, Campuchia) cũng có chế độ học tập chặt chẽ, cũng được huấn luyện theo phương pháp chính quy hiện đại.

        Ngoài phần lý luận ra, quy trình huấn luyện thường bao gồm những bước cơ bản như: lên lớp, thảo luận tổ, tập bài trên bản đồ, tập bài ở dã ngoại, diễn tập thực binh, kiểm tra sát hạch, thi cuối khoá. Tất cả quy trình đó đặt cơ sở rất tốt cho công tác huấn luyện chính quy của nhà trường sau này. Vì có như vậy chất lượng đào tạo mới được nâng cao.

        Nhưng cũng nên nhắc tới những khó khăn khách quan ít nhiều cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quy trình cùng như chất lượng huấn luyện, đó chính là cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập của nhà trường rất thô sơ. Chỉ xin nêu một ví dụ thôi: khi chúng tôi cho anh em học viên lớp đào tạo học bộ môn binh chủng xe tăng thì cũng có được ra bãi tập được ngồi trong xe tăng để nghe giới thiệu tính năng kỹ thuật và cấu tạo, còn không có điều kiện để tập lái (thực hành) hoặc cũng có dành một ít thời giờ để anh em học về lái xe ô tô, nhưng vẫn còn nặng về lý thuyết.

        Song, chúng tôi vẫn cho là tất cả những gì mà chúng tôi đã làm được đều khẳng định hướng vươn lên, thể hiện nỗi trăn trở, khao khát chính đáng của mỗi cán bộ, giáo viên học viên học viện, đặt cơ sở bước đầu rất khiêm tốn cho một số phương pháp huấn luyện cơ bản của một Học viện chính quy.

        Và những ai trong số cán bộ trưởng thành qua bước đường binh nghiệp của mình, hẳn sẽ không bao giờ quên được những kỷ niệm đơn sơ, nhỏ bé nhưng vô cùng quý giá, ấy là những năm tháng "dùi mài kinh sử" ở các nhà trường, Học viện trong quân đội. Đa số các đồng chí được đào tạo cơ bản đều thừa nhận có như vậy thì cán bộ mới vượt lên vừa nhanh chóng, vừa chất lượng, thể hiện được ở việc đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của quân đội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2016, 12:04:51 am »


PHẦN 6

TIẾNG GỌI CỦA CHIẾN TRƯỜNG

        Trước sự phát triển của cách mạng Việt Nam, bị thất bại trong loại hình "chiến tranh đặc biệt", đế quốc Mỹ tiến thêm một bước trong chính sách vũ trang xâm lược bằng loại hình "chiến tranh cục bộ".

        Cùng với việc đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ còn mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc.

        Những năm đầu của thập kỷ 60 (1960-1965) nước Mỹ phạm một sai lầm nghiêm trọng mà sau này tất cả các nhà nghiên cứu Lịch sử và các nhà lý luận quân sự, các chính khách và tướng lĩnh Hoa Kỳ đều xác nhận. Đó là việc để cho Lin-đơn Giôn Xơn bước vào Nhà trắng sau cái chết của Ken - Nơ - Đi (11-1963) và việc quốc hội Mỹ đã thông qua "nghị quyết Vịnh Bắc Bộ", cho phép Giôn Xơn leo thang chiến tranh trên toàn cõi Việt Nam.

        Bằng thủ đoạn lừa bịp mà sau này đã được phơi bầy nhân vụ công bố tài liệu mật của Lầu năm góc (ngày 13-6-1971) do một quan chức cao cấp Mỹ là Đa - ni - en En -xbe tiến hành, Giôn Xơn đã thao túng các cơ quan lập pháp của Hoa Kỳ, buộc quốc hội Mỹ thông qua "bản nghị quyết tai hại" mà sau này được coi là "một sai lầm lớn nhất có tính chất lịch sử đối với ngành lập pháp Hoa Kỳ".

        Với chính sách hiếu chiến của Giôn Xơn, cuộc chiến tranh Việt Nam bắt đầu bước vào một giai đoạn mới, ngày càng quyết liệt hơn. Sau khi quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết về sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Giôn Xơn đã giành được đặc quyền tiến hành mở rộng chiến tranh trên cả hai miền Nam Bắc Việt Nam. Một mặt, Giôn Xơn liên tục cho không quân và hải quân Mỹ "leo thang” chiến tranh ở miền Bắc, một mặt ông ta bắt đầu nghĩ đến chiến lược mở rộng phạm vi hoạt động trên bộ của quân đội Mỹ ở miền Nam song song với việc củng cố chính phủ Sài Gòn đang trong cơn khủng hoảng nặng nề sau một loạt cuộc đảo chính của giới quân sự. Tướng Nguyễn Khánh đang loay hoay trong cái mớ bòng bong của một chính phủ mọt rỗng, chia rẽ xâu xé lẫn nhau.

        Chiến lược của Giôn Xơn không có gì khác hơn là việc đẩy mạnh cường độ chiến tranh trên cả hai miền Nam Bắc Việt Nam mà mục tiêu của nó là hòng đánh gục ý chí của Bắc Việt và dập tắt mọi hy vọng thắng lợi của “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam”. Nhưng phải đến tháng 11 năm 1964, khi Giôn Xơn được bầu lại làm tổng thống nước Mỹ thì những âm mưu đó bắt đầu được thực hiện với một tốc độ ngày một ráo riết hơn.

        Cuộc chiến đấu của nhân dân ta đứng trước những thử thách mới. Lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên như một hồi kèn xung trận:

        "Dân tộc ta là một dân tộc anh hùng. Chúng ta từng đánh đổ phát xít Nhật, đánh bại thực dân Pháp và hiện nay đang kiên quyết đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược"

        “Chúng ta quyết tâm giành độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, giành tự do hoàn toàn cho nhân dân.”

        “Đứng trước nguy cơ giặc Mỹ cướp nước, đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu , dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn" (Lời kêu gọi thi đua sản xuất và chiến đấu chống Mỹ của Hồ Chủ tịch ngày 20/7/1965)

        Trong những ngày tháng sôi sục đó tôi đang công tác ở Học viện Quân sự. Đối với một người đã từ lâu có ham thích học hỏi nghiên cứu nghệ thuật quân sự thì Học viện là nơi lý tưởng. Đây là nơi quy tụ những cán bộ chỉ huy, những nhà nghiên cứu chiến thuật, nghệ thuật chiến dịch có nhiều năng lực của quân đội ta. Nhiều người được phân công về đây làm cán bộ giảng dạy, nhiều người từ các chiến trường về để tham gia nghiên cứu học tập những vấn đề mới mà thực tiễn chiến đấu đang đặt ra. Chính họ đã mang tới Học viện không khí náo nức sôi sục của các chiến trường, chính họ luôn đặt ra cho những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu những vấn đề ngày càng trở nên bức thiết đối với cuộc chiến đấu ngoài Mặt trận.

        Mỗi khi có những đồng chí mới từ các chiến trường ra, về Học viện để học tập nghiên cứu hay phổ biến kinh nghiệm, thì chúng tôi thường tổ chức những cuộc gặp gỡ, trao đổi để qua đó nhận được từ họ hơi thở nóng ấm và những điều sục sôi của Mặt trận.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2016, 02:46:40 pm »


        Sau mỗi cuộc gặp gỡ như vậy, những ấn tượng trong tôi thật sống động và thường thường kéo theo sau đó là những ngày trăn trở, những đêm mất ngủ về những câu hỏi mà mới đặt ra. Và, rồi trong học viện của chúng tôi đã lác đác có người được ra trận. Những cuộc tiễn đưa đó để lại trong tôi những băn khoăn, trăn trở mới. "Liệu rồi có đến lượt mình được ra Mặt trận hay không”. Liệu với độ tuổi như thế này, sức khoẻ như thế này mình còn có thể vượt Trường Sơn được hay không?

        Để làm nòng cốt cho sự phát triển chiến tranh du kích kết hợp với chiến tranh chính quy trên chiến trường miền Nam, chúng ta cũng đã thành lập được một số đơn vị cấp Trung đoàn, Sư đoàn. Tuy nhiên để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ tác chiến thì phải tăng thêm quân số cho lực lượng vũ trang.

        Việc Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam là một yêu cầu thực tế buộc chúng ta phải có đối sách phù hợp. Do vậy, cũng trong thời gian này, cùng với việc đưa bộ đội từ miền Bắc vào miền Nam để xây dựng các đơn vị chủ lực, Bộ cũng đã tổ chức việc cử nhiều đoàn cán bộ quân sự tăng cường cho các chiến trường và tổ chức ra nhiều Sư đoàn.

        Sau một thời gian nghiên cứu về địch, chúng ta đã xác định muốn đánh Mỹ và thắng Mỹ phải tổ chức được những đòn đánh tập trung, chính quy theo cấp Sư đoàn, tác chiến bằng các Sư đoàn. Kết hợp chặt chẽ với tác chiến du kích, tác chiến của chiến tranh nhân dân địa phương. Chiến tranh phát triển phải tuân theo quy luật là kết hợp tác chiến du kích với tác chiến chính quy, từ đánh nhỏ đánh vừa tiến lên đánh lớn.

        Một trong những chiến trường có khả năng đánh lớn lúc đó là chiến trường Tây Nguyên. Ý định của ta là tổ chức đánh lớn, tập trung trên chiến trường này. Phải đưa những cán bộ có kinh nghiệm tác chiến bằng bình đoàn chủ lực vào chỉ đạo ở chiến trường miền Nam. Đó là lý do của bước ngoặt mới, trong cuộc đời quân ngũ của tôi.

        Giữa năm 1966, tôi đang làm Viện trưởng Học viện Quân sự, nhà trường phải sơ tán vào chân núi Tam Đảo (Vĩnh Phú) vì cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Không khí ở cả hai miền Nam - Bắc lúc bấy giờ vô cùng sôi động, chiến tranh ác liệt đã xảy ra không chỉ ở tiền tuyến mà ngay cả hậu phương lớn.

        Người ở hậu phương nóng lòng chờ đón tin chiến thắng từ chiến trường. Nam nữ thanh niên háo hức xung phong ra Mặt trận. Người ngoài Mặt trận cũng chờ đón những tin vui tin bắn rơi máy bay Mỹ - nguồn động viên vô tận của hậu phương miền Bắc.

        Đúng lúc ấy, tôi được lệnh Bộ Quốc phòng gọi lên nhận nhiệm vụ mới. Người đầu tiên tôi được gặp là đồng chí Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí ấy phổ biến chỉ thị của Thường vụ Quân uỷ Trung ương cử tôi vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Thú thực, là người lính tôi cũng đã nhiều lần nhận nhiệm vụ, nhưng lần này tôi lại cảm thấy hồi hộp lạ thường, cho dù lúc này, mọi dự đoán đã đúng, là người lính khi đất nước đang có chiến tranh ác liệt thì chỉ có thể ra Mặt trận. Mình vốn đang ở hậu phương nay thì chỉ có ra Mặt trận chứ còn đi đâu nữa. Thế mà sao tôi vẫn cảm thấy xốn xang trong lòng trước những gì đã xác định được chắc chắn.

        Trong những năm 1965 và đầu năm 1966, Học viện đã cử nhiều đoàn cán bộ đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam, trong đó có chiến trường Tây Nguyên. Nhiều đồng chí đã đi thực tế chiến trường, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và nay trở lại học viện để tiếp tục làm công tác giảng dạy. Những kinh nghiệm quý báu mà các anh thu hoạch được trong cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt ấy đã giúp cho chúng tôi nâng cao một bước chất lượng huấn luyện ở Học viện. Được các anh kể lại chuyện chiến trường, bọn tôi nghe rất háo hức. Nhiều người, trong đó có tôi đang ấp ủ nguyện vọng sớm được đến lượt mình ra trận.

        Và giờ đây, nguyện vọng của tôi đã thành hiện thực. Nhiều năm ở Học viện, được nghiên cứu lý luận nhiều, tôi vẫn mong được dịp này để khảo nghiệm, tích luỹ thêm những kinh nghiệm thực tiễn chiến tranh. Tôi muốn cùng đồng đội của mình tham gia cuộc chiến đấu chống Mỹ. Lúc đó, anh Chu Huy Mân đang giữ cương vị Tư lệnh kiêm Chính uỷ Mặt trận Tây Nguyên, anh Cao Văn Khánh là Phó tư lệnh Mặt trận. Bộ Quốc phòng cử thêm tôi vào làm Phó tư lệnh Mặt trận.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2016, 02:47:10 pm »


        Nếu ai đã từng nhận nhiệm vụ đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam lúc ấy, hẳn còn nhớ lắm từ "đi B". Đã ra đi chiến đấu ai cũng mong đến ngày chiến thắng trở về xum họp hạnh phúc với gia đình, vợ con. Và lẽ dĩ nhiên chiến tranh luôn đi liền với sự mất mát, hi sinh. Ở Học viện chúng tôi, có đồng chí đã ra đi nhưng vĩnh viễn nằm yên nghỉ ngay Mặt trận... Tâm trạng đó, vui có, băn khoăn có, ấy là lẽ thường tình của những người "đi B".

        Với tôi lúc đó có tâm trạng như thế, háo hức và sẵn sàng vui vẻ nhận nhiệm vụ. Thời gian chuẩn bị rất gấp, gần ngày lên đường tôi cũng không khỏi lo lắng cho gia đình, hậu phương của mình. Vợ tôi vất vả vì sức khoẻ vốn kém, các con còn nhỏ, lại phải bồng bế nhau đi sơ tán. Người phụ nữ trong cuộc sống chiến tranh thật sự vất vả, phải chịu đựng bao nỗi gian truân, thiệt thòi, những khó khăn không kể hết, nhiều khó khăn khó hình dung nổi, liệu ai cũng có thể vượt qua được không? Nhưng cũng vì họ mà lớp lớp chúng tôi ra trận mới yên lòng. Đó chính là sức mạnh phi thường để chiến thắng quân thù.

        Song, nhìn tấm gương của các anh đi trước, với nhiều hoàn cảnh éo le khác, thậm chí khó khăn hơn mình, nhiệm vụ người lính và tiếng gọi của đồng bào chiến sĩ miền Nam – đang chịu bao đau thương mất mát đã thúc dục tôi, động viên, tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi vững bước lên đường.

        Đây là nhiệm vụ lớn - cả nước đang dốc sức hoàn thành. Mệnh lệnh với người lính là phải chấp hành một cách nghiêm chỉnh. Tôi nhanh chóng bắt tay vào làm công tác chuẩn bị cá nhân và thu xếp công việc gia đình.

        Vào một ngày đầu tháng 7 năm 1966 tôi được mời lên gặp đồng chí Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị để nhận nhiệm vụ mới. Vừa bước vào tới cửa, anh Song Hào đã vừa cười vừa tiến lại, bắt tay tôi:

        - Chúc mừng anh! Thế là anh toại nguyện rồi đó. Tôi muốn được chia xẻ niềm vui với anh nên mời anh lên đây. Những chi tiết của nhiệm vụ, cấp trên sẽ thông báo với anh sau.

        Thế là rõ. Tôi đã được cấp trên phân công vào công tác tại chiến trường Tây Nguyên với cương vị là Phó tư lệnh, làm Phó cho đồng chí Chu Huy Mân. Trước đó có các anh Huỳnh Đắc Hương, Nguyễn Chánh, Đoàn Khuê, Cao Văn Khánh, toàn là những đồng chí dầy dạn kinh nghiệm và giàu năng lực cả. Rõ ràng Đảng ta và Bộ Tổng tư lệnh đã nhận rõ tầm quan trọng chiến lược của chiến trường Tây Nguyên nên đã bố trí ở đó những cán bộ có năng lực của quân đội ta. Được sự giúp đỡ của các đồng chí ấy tôi có thể yên tâm vượt qua những khó khăn của buổi ban đầu.

        Nhưng dù sao đứng trước một nhiệm vụ vô cùng to lớn như vậy tôi vẫn rất lo lắng. Khi ngồi trên xe, tôi phác nhanh trong đầu những kế hoạch làm việc của mình trong những ngày mới. Làm việc với Bộ Tổng tham mưu để tìm hiểu tình hình chiến trường. Đặc biệt chú ý về địch ở chiến trường này. Đọc một số tài liệu về địa lý, xã hội phong tục tập quán của các dân tộc Tây Nguyên. Gặp gỡ một vài đồng chí ở Tây Nguyên để tham khảo ý kiến. Thu xếp bàn giao các công việc ở Học viện.

        Giải quyết một số việc gia đình, con cái trước khi lên đường. Tóm lại trước mặt tôi là một loạt các công việc phải làm nhưng tôi không hề cảm thấy bối rối. Các đồng chí, đồng đội xung quanh tôi và cả gia đình tôi, chắc chắn sẽ tìm mọi cách giúp đỡ tôi để tôi để tôi có thể hoàn thành mọi công việc chuẩn bị thật nhanh, gọn để sớm có thể lên đường ra trận.

        Hình như cũng đoán được tâm trạng của tôi lúc lên đường, trong buổi gặp tôi, sau khi phổ biến nhiệm vụ, anh Song Hào có hỏi tôi rất thân tình:

        - Trước lúc lên đường, Anh còn có khó khăn gì, nguyện vọng gì thì cứ nói?

        Tôi có tâm sự với Anh, những băn khoăn thật sự của mình, nhưng nhất định tôi khắc phục được và giờ đây không gì có thể cản trở được công việc mà tổ chức đã giao cho tôi.

        Sau khi nghe tôi nói, Anh Song Hào tỏ ý rất mừng và khẳng định ngay:

        - Cậu cứ yên tâm lên đường, ở nhà bọn mình sẽ bàn với cơ quan tổ chức giúp đỡ thêm cho "hậu phương” của cậu ổn thoả. Việc đó nhất định bọn mình phải lo rồi, trách nhiệm của tổ chức mà. Thế là xong nhé, còn nhiệm vụ cụ thể thế nào thì đến khi gặp đồng chí Văn Tiến Dũng cậu sẽ biết rõ.

        Tiễn chân tôi ra khỏi phòng làm việc, anh Song Hào còn nói một câu rất vui, vừa là động viên vừa là nhắc lại:

        - Thế là cậu vinh dự được đi chiến trường để cùng anh em chiến đấu nhé!

        Tôi tạm biệt anh Song Hào trong vòng tay thân thiết ôm chặt lấy nhau đầy hứa hẹn ngày chiến thắng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2016, 02:47:41 pm »


        Sau đó, tôi đi gặp anh Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng. Anh Dũng trao đổi với tôi khá kỹ càng về tình hình địch, ta trên chiến trường, những kinh nghiệm mới vào chiến trường nên như thế nào. Tôi còn nhớ rõ tinh thần cơ bản mà anh Dũng trao đổi với tôi trong buổi giao nhiệm vụ cụ thể hôm ấy là:

        - Bây giờ Mỹ nhảy vào miền Nam rồi, vì thế ta lại càng phải tích cực tìm cách đánh lớn. Mặt trận Tây Nguyên là địa bàn có thể tập trung đánh lớn được. Dự kiến của chúng ta là sẽ tổ chức ở đây cấp Sư đoàn. Anh vào trong đó sẽ làm phó cho anh Chu Huy Mân. Dù sao ít nhiều thì anh cũng đã có kinh nghiệm tác chiến tập trung. Ở Học viện anh đã có ít năm học tập, nghiên cứu và giảng dạy về vấn đề này rồi, giờ chiến trường cần, đó là thuận lợi và hợp với anh đấy? Anh hãy cố gắng khảo nghiệm. Chỉ có điều anh nhớ là đi lúc này dọc đường 559 đang rất thiếu gạo, anh em ta đi lại rất vất vả. Tôi sẽ nói với Tổng cục hậu cần cho xe thồ gạo đi theo. Việc bảo đảm cho anh đi vào trong đó tôi sẽ giao cho anh em chỉ huy ở các trạm trên đường 559 lo tổ chức chu đáo.

        Trước khi lên đường tôi còn được làm việc vài lần với đồng chí Thượng tướng Văn Tiến Dũng. Với tư cách là Tổng tham mưu trưởng, Thượng tướng đã giúp tôi tìm hiểu toàn bộ tình hình chiến trường và cũng luôn nhắc nhở tôi về tam quan trọng chiến lược của Tây Nguyên.

        Trong một lần trao đổi về nhiệm vụ của tôi, đồng chí Văn Tiến Dũng nói:

        - Nếu muốn đi đến thắng lợi lớn thì trước hết phải xây dựng căn cứ địa Tây Nguyên, phải nắm chắc địa bàn Tây Nguyên.

        Trong lần gặp gỡ cuối cùng, Tổng tham mưu trưởng đặc biệt quan tâm tới cuộc hành quân sắp tới của tôi. Rõ ràng đồng chí rất lo cho sức khoẻ của tôi khi tiễn tôi ra về, đại tướng (Nhầm, phải là thượng tướng – Sao Vang) nắm chặt tay tôi, im lặng một lát rồi nói:

        - Ở vào tuổi chúng ta mà phải hành quân vượt Trường Sơn thì không phải là chuyện đơn giản nữa rồi. Tôi đã liên lạc với các đơn vị tuyến trong yêu cầu họ giúp đỡ anh. Nhưng trong cuộc ra trận này có lẽ anh phải tự lo lấy sức khoẻ của mình là chính anh Thảo ạ. Chúng tôi sẽ rất vui mừng khi nhận được tin anh vào chiến trường an toàn.

        Xiết chặt tay nhau, anh Dũng tiễn tôi ra về với thái độ rất tin tưởng vào thắng lợi của cuộc chiến đấu. Và lúc này, tôi mới thực sự cảm thấy nhiệm vụ đặt ra cho mình biết bao công việc ngổn ngang phía trước. Tôi chợt nghĩ, phải làm thế nào để khỏi phụ lòng tin của các anh, của bạn bè, đồng đội.

        Người thứ ba mà tôi được gặp trước khi lên đường là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

        Mấy ngày sau tôi được mời lên gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp Bộ trưởng Bộ quốc phòng. Đại tướng Bộ trưởng đã dành phần lớn thời gian để nói về vị trí chiến lược của chiến trường Tây Nguyên và vai trò của bộ đội chủ lực Tây Nguyên. Đại tướng nhấn mạnh:

        - Muốn giành được thế chủ động chiến lược tại chiến trường này thì vấn đề sống còn là phải xây dựng cho được một lực lượng chủ lực đủ mạnh để đánh những trận tiêu diệt tiến tới đủ sức chủ động mở những chiến dịch, bộ đội chủ lực đứng chân trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên sẽ có những vai trò đặc biệt tác động rất lớn đến cục diện chiến tranh. Rất có thể từ vùng đất này ta sẽ tạo nên những bước ngoặt lớn của chiến tranh.

        Gần chục năm sau, năm 1975, diễn biến của chiến tranh đã hoàn toàn xác nhận lời tiên đoán đó của Đại tướng. Còn trong những ngày này, tôi rất xúc động khi được Đảng và quân đội giao cho nhiệm vụ quan trọng trên địa bàn chiến lược đó.

        Trước đồng chí Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi đã hứa khi vào chiến trường sẽ dựa chắc vào các đồng chí đi trước để nắm tình hình chiến trường. Tích cực tham gia vào việc xây dựng bộ đội chủ lực Tây Nguyên, mở rộng địa bàn, tạo ra thế trận vững chắc để bám trụ chiến trường tiến tới đánh to thắng lớn.

        Đại tướng còn nhắc nhở tôi rằng, muốn tạo được điều kiện để bộ đội chủ lực có thể rảnh rang xây dựng và tổ chức những chiến dịch lớn, phải xây dựng cho được những lực lượng vũ trang nhân dân địa phương vững mạnh và rộng khắp. Trách nhiệm này của bộ đội chủ lực Tây Nguyên rất nặng nề vì những vấn đề về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân địa phương ở các tỉnh Tây Nguyên có những đòi hỏi đặc biệt và có nhiều đặc thù cần phải luôn luôn vận dụng sáng tạo đường lối quân sự, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng để luôn luôn đáp ứng đúng với tình hình ở từng khu vực, từng địa phương và từng dân tộc khác nhau trong những thời kỳ cách mạng khác nhau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2016, 02:48:10 pm »


        Tôi ghi nhớ những lời căn dặn sâu sắc đó của Đại tướng và sau này trong quá trình chỉ huy chiến đấu ở Mặt trận Tây Nguyên, tôi đã có dịp để tìm hiểu, thể nghiệm và dần dần nhận ra sự sáng suốt của luận điểm đó.

        Riêng với anh, tôi được gặp hai lần, một lần ở trong cơ quan Bộ - nơi anh làm việc và lần khác với tư cách thân tình đồng đội ở nhà riêng của Anh. Lúc ấy, dù với tư cách là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng Anh căn dặn tôi rất tỉ mỉ, sâu sắc. Anh ôn tồn động viên, chỉ bảo:

        - Anh Mân, anh Khánh là hai đồng chí đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp, nay thêm anh vào nữa, mấy anh em cùng lo chỉ huy đánh lớn, tôi cho chắc chắn là thuận lợi. Nhưng các anh nên nghiên cứu kỹ kinh nghiệm tác chiến và những quy luật hoạt động cũng như thủ đoạn chiến thuật của quân Mỹ. Trước đây đánh Pháp khác, nay đánh Mỹ khác. Vì Mỹ mạnh hơn Pháp. Ta mới đánh Mỹ nên chưa thể hiểu hết Mỹ đâu.

        Ngừng nói, anh đưa cốc nước mát cho tôi, mời tôi uống, rồi anh tiếp tục phân tích:

        - Anh thấy đấy, cuối năm 1965, ta đã đánh một trận (Plâyme) - điều này thì anh Mân có nhiều kinh nghiệm vì là người trực tiếp chỉ huy. Các trận Vạn Tường, Plâyme, Bầu Bàng là dịp cho ta hiểu về quân Mỹ ít nhiều. Quân Mỹ mạnh, nhưng nếu ta điều được chúng lên chiến trường rừng núi mà đánh thì có thể hạn chế cái mạnh của nó. Nếu biết đánh thì cũng có thể thắng được.

        Sau lần gặp Anh Võ Nguyên Giáp, tôi ra về mà lòng thanh thản. Và tự tin tuy cũng không khỏi lo lắng vì lần đầu đánh Mỹ.

        Tôi hiểu rằng, lúc này xung quanh tôi đã có một tập thể cán bộ chỉ huy quân sự có nhiều kinh nghiệm, dám đánh và biết thắng. Tổ chức càng tin mình bao nhiêu, mình cũng thấy trách nhiệm nặng nề bấy nhiêu. Lúc này mới là lúc thử thách ác liệt nhất, nghị lực và ý chí của mỗi người lính trong chiến tranh.

        Tôi gấp rút trở về đơn vị, tổ chức cuộc họp với Ban giám đốc Học viện, Đảng uỷ Học viện để báo cáo lại tình hình gặp cấp trên nhận nhiệm vụ. Tôi đề nghị trên phân công anh Vũ Yên thay tôi làm Viện trưởng, anh Đỗ Trình và anh Minh Vân làm phó viện trưởng. Cấp trên đã chấp nhận đề nghị của tôi .

        Thời gian ngắn ngủi còn lại, tôi tranh thủ nghiên cứu lại những kinh nghiệm đánh Mỹ do anh Trần Văn Quang và một số anh em giáo viên đã đi thực tế ở chiến trường miền Nam về giới thiệu ở Học viện. Ngoài ra tôi cũng đã gặp gỡ trực tiếp các Anh ấy để nghe các anh kể lại kinh nghiệm cụ thể hơn rút ra qua những lần đi thực tế.

        Công việc cuối cùng của tôi trước khi lên đường là tổ chức số anh em đi cùng. Tôi chọn anh Dương Trọng Khoan, lúc đó là giáo viên khoa Pháo binh làm thư ký riêng và một vài chiến sĩ nữa đi bảo vệ.

        Những ngày còn lại trôi đi rất nhanh. Tôi đã cố gắng hết sức nhưng vẫn chưa hoàn toàn thu xếp xong những công việc riêng tư. Khác hẳn những cuộc ra trận năm xưa, lần này tôi không còn hồi hộp thấp thỏm nữa nhưng lại có nhiều điều cần phải quan tâm hơn. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi có cái may mắn là có nhiều thời gian được tham gia chiến đấu trên giải đất đồng bằng và vùng duyên hải Bắc Bộ. Nói chung, không nơi nào không gần gũi với cảnh sắc của làng quê mình. Nghe một tiếng ru con, một câu dân ca chèo hay nhìn thấy một cánh cò lướt trên thảm lúa xanh rờn, lòng tôi cũng dịu đi bao niềm thương nỗi nhớ. Nhưng cuộc ra trận lần này tôi sẽ tới một vùng đất hoàn toàn khác với cảnh sắc quê hương. Tuy vậy, là người cán bộ quân sự của Đảng tôi biết phải tìm ra cái để mà yêu, mà gắn bó với vùng đất mình sẽ chiến đấu cho nó.

        Từ hôm nhận được quyết định công tác ở Tây Nguyên tới nay, như có một tình cảm tự nhiên vừa hình thành, hễ đọc những tài liệu về Tây Nguyên tưởng như chính những tài liệu ấy đang nói với tôi những lời tâm tình về một vùng đất xa xôi mà tôi sắp đặt chân tới.

        Thấm thoắt thời gian trôi đi rất nhanh. Ngày lên đường đã đến. Buổi chia tay hôm ấy thật bịn rịn. Tôi còn nhớ mãi. Vợ tôi, các con tôi, bạn bè thân thiết, những đồng nghiệp của tôi... những cái bắt tay rất chặt, rất lâu, những vòng tay ôm chặt lấy nhau bịn rịn tưởng chừng không dời ra được, và cả những giọt nước mắt nhớ nhung, tiễn biệt lên đường... ôi! thật gần gũi, thân thiết và trìu mến làm sao? Vừa lo đi làm nhiệm vụ, vừa lo cho vợ con ở hậu phương sống trong cảnh sơ tán. Phải kìm lắm tôi mới không để nước mắt mình trào ra khỏi hàng mi. Tôi quay đi nơi khác để giấu nỗi xúc động của mình. Những tình cảm dễ hiểu đó rồi cũng nén lại được, bởi lời giục giã của chiến trường, bởi không chỉ riêng tôi bước vào cuộc chiến đấu này, nhiều đồng đội, đồng chí của tôi đã ra đi trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng đâu có kém mình về khó khăn, ai cũng có gia đình, người thân và họ cũng đã có những cuộc chia tay như vậy.

        Xe đã nổ máy và lăn bánh, những cánh tay còn vẫy mãi lưu luyến tiễn chúng tôi đi xa ... 
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 01:25:38 am »


PHẦN 7

ĐƯỜNG RA MẶT TRẬN

        Chuyến đi này Tổng cục Hậu cần cho tôi một xe và một đồng chí lái xe đã có "thâm niên chiến trường”. Đồng chí ấy đã từng quen với bom đạn, đường xá. Đoàn chúng tôi từ Hà Nội vào Khu 4. Hầu như suốt chặng đường đó, xe chúng tôi chỉ chạy được vào ban đêm, còn ban ngày thì nghỉ, ngủ cho lại sức vì lúc này giặc Mỹ đang điên cuồng đánh phá miền Bắc ác liệt.

        Từ Hà Nội chúng tội đi ô tô thẳng tới Bộ Tư lệnh Quân khu 4 ở nơi sơ tán. Cùng đi chiến trường với tôi lần này còn có đồng chí Dương Trọng Khoan, bí thư của tôi khi còn công tác ở Học viện và một vài đồng chí phục vụ, cảnh vệ. Anh Vũ Lăng Tư lệnh Quân khu 4, được Bộ thông báo đã chuẩn bị sẵn sàng để giúp đỡ chúng tôi vượt qua chặng đường tuyến lửa Khu 4.

        Đó là những ngày mưa dầm dề, nước các triền sông dọc miền Trung đang dâng lên cuồn cuộn. Tuy thời tiết xấu nhưng máy bay địch vẫn hoạt động rất tích cực. Có nơi chúng đánh phá trực tiếp vào các công trình thuỷ lợi hay những nơi đang bị nạn lụt đe doạ. Để bảo đảm cho đoàn chúng tôi đi lại thuận lợi Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã điều hẳn cho chúng tôi một chiếc xe lội nước. Thế là bất chấp mưa gió, lụt bão, chúng tôi vội vã chào tạm biệt các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Quân khu 4 rồi khẩn trương lên đường ngay.

        Đối với tất cả các cán bộ và chiến sĩ đã từng một lần đi đánh Mỹ ở miền Nam đều không thể quên được những kỷ niệm về tuyến lửa Khu 4. Là một cán bộ nghiên cứu quân sự, mặc dù đã có lần đi nghiên cứu tình hình địch đánh phá ở Quân khu và thường vẫn được thông báo về những hoạt động của không quân và hải quân Mỹ dọc các tuyến đường khu 4 nhưng tôi vẫn bị bất ngờ trước mức độ tàn phác ác liệt của bom đạn Mỹ, và tôi càng bất ngờ hơn trước sự chịu đựng kiên cường, bền bỉ của nhân dân các tỉnh Khu 4 trước sức tàn phá dã man của bom đạn Mỹ. Phải có một niềm tin thật vững bền mới có thể trụ vững trên những vùng lửa đạn này. Sách báo, phim ảnh đến nay đã cung cấp cho chúng ta những lượng thông tin đáng kể để hiểu biết toàn bộ quy mô của cuộc chiến tranh phá hoại mà đế quốc Mỹ đã tiến hành ở các tỉnh khu 4 trong những năm tháng này. Nhưng ngày nay, đọc những tư liệu đó nếu không có những kinh nghiệm trực tiếp, những ấn tượng cụ thể, cũng khó mà hình dung nổi vì sao mà nhân dân ta lại có thể vượt qua được, trụ vững được mà để rồi hoàn toàn chiến thắng.

        Đi suốt chặng đường tuyến lửa Khu 4 trong những ngày quyết liệt đó tôi đã có dịp để hiểu thêm ý nghĩa rộng lớn của chiến tranh nhân dân và thấy rõ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược giành độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta. Tôi tự hỏi, ở Mặt trận, người lính của chúng ta có trách nhiệm nặng nề biết mấy khi đối mặt với kẻ thù.

        Chặng đầu chúng tôi đi được vào đến bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hoá. Trên trục đường này, chúng tôi đã bắt đầu "nếm mùi" bom đạn, chứng kiến tận mắt những trận oanh kích của không quân Mỹ. Trong đó, phải kể đến những trọng điểm mà địch đánh phá dữ dội nhất là cầu Đò Lèn, dốc Bỉm Sơn và cầu Hàm Rồng trên dòng sông Mã anh hùng. Nhưng rồi đêm thứ nhất đã trôi qua. Đêm thứ hai, đoàn chúng tôi vào đến Quân khu 4. Lại phải qua những trọng điểm mới như Phà Ghép, khe nước lạnh. Vào đây chúng tôi gặp anh Vũ Lăng, anh Lăng thông báo với chúng tôi: Từ đây trở vào đoàn chúng tôi sát nhập với một đoàn cán bộ đi Quân khu 5.

        Vì số lượng người đông hơn, anh Vũ Lăng đã kịp thời bổ sung cho đoàn một xe lội nước để đi vào Quảng Bình. Trên chặng đường này xe phải qua các sông, đèo, khe vừa trơn vừa dốc rất khó đi, nhờ có thêm một xe lội nước mà từ Nghệ An đi Quảng Bình mọi khó khăn về đường xá đều được khắc phục.

        Ở chặng đêm thứ nhất chúng tôi phải nghỉ chân ở Hương Khê (Hà Tĩnh) rồi đi tiếp vào Đồng Hới.

        Đêm thứ nhất chẳng có chuyện gì, nhưng đến đêm thứ hai thì xảy ra một chuyện mà anh em trong đoàn ai cũng phải hú vía.

        Chuyện là thế này: Khi xe leo lên dốc, là người có chút vốn liếng hiểu biết về xe cộ, tôi đã "cẩn tắc vô áy náy"dặn đồng chí lái xe:

        - Cậu nhớ là xe lên dốc, để đảm bảo an toàn phải cài cầu trước vào nhé!

        - Vâng! Thủ trưởng cứ yên tâm và tin ở tôi - đồng chí lái xe đáp.

        Không ngờ, đồng chí lái xe chỉ vâng thế thôi rồi tuổi trẻ cứ vô tư chứ có làm đâu. Thế là khi xe gần lên đỉnh dốc, thấy "xài" hết ga mà xe vẫn không "dướn" lên được, lúc đó cậu ta mới hốt hoảng cài cầu. Giờ thì làm sao mà cài cầu được nữa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 01:25:56 am »


        Thế là đành mặc cho số phận may rủi mà thôi. Xe cứ thế mà tụt xuống chân dốc. Anh em chúng tôi vẫn ngồi cả trên xe bình tĩnh động viên đồng chí lái xe cố mà phanh cho được, nếu không thì chết cả nút. May quá, khi xe vừa tụt xuống đến bờ miệng một hố bom to tướng, thì cũng vừa lúc xe dừng lại được vì "phanh đã thắng”. Anh em trong đoàn vội nhảy cả xuống xe, nhìn hố bom sâu hoắm vừa sợ vừa thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng "nghìn cân". Đồng chí lái xe lúc ấy như hiểu ra điều tai hại, nét mặt cậu ta hối hận và xúc động thật sự. Đồng chí ấy đề nghị các thủ trưởng cho nghỉ ít phút để lấy lại sức lực và tinh thần thì mới có thể đi tiếp được. Chúng tôi vui vẻ đồng tình vì thấy lúc này cậu ta là người quan trọng nhất.

        Trên đường vào Quảng Bình, không phải chúng tôi đi liên tục được, nghỉ ngày đã đành, nhưng có lúc phải nghỉ cả đêm nữa, vì chặng này nhiều đêm địch vẫn đánh phá ác liệt, pháo sáng chúng thả lúc đằng trước xe, lúc đằng sau xe trông cũng "khiếp".

        Trên đường đi vào chiến trường lần này, gợi cho tôi nhớ lại lần đầu tiên chúng tôi đi thực tế Khu 4. Đó là vào năm 1965, Học viện tổ chức cho một đoàn cán bộ đi thực tế. Lúc ấy, cái gian khổ ác liệt bởi bom đạn đã gớm, nếu so với lần này lại chẳng thấm vào đâu cả. Vào đến Quảng Bình chúng tôi gặp anh Sự đang là Tỉnh đội trưởng Quảng Bình. Nghe chúng tôi hỏi thăm về cách tránh bom đạn của Mỹ thế nào, anh giới thiệu cho chúng tôi xem các hầm trú ẩn, đồng thời cũng chính là nhà ở luôn. Bấy giờ nhà ở dưới lòng đất nên thường gọi là "nhà âm". Tất cả mọi sinh hoạt đều ở "dưới nhà". Qua đây chúng tôi nhận thức sâu sắc hơn một điều: sức chịu đựng của con người Việt Nam trước sự tàn khốc của chiến tranh thật khó tưởng tượng nổi!

        Có lẽ vì thế mà địa đạo Bến Hải, Củ Chi đã đi vào lịch sử không chỉ Việt Nam, mà cả trên thế giới - Điều làm cho biết bao người Mỹ tiến bộ phải hết lời thán phục. Còn những kẻ xâm lược phải kinh ngạc và khuất phục.

        Đến đây, đoàn chúng tôi thay đổi phương tiện hành quân từ "ngựa sắt" sang "thuyền rồng”. Anh Sự nói giờ nên đi đường sông an toàn hơn. Và anh tổ chức cho đoàn đi bằng một chiếc xuồng máy theo đường sông vào huyện Lệ Thuỷ. Đang đi đường bộ mệt mỏi bụi bặm, gập ghềnh căng thẳng bao nhiêu, thì giờ đây chuyển sang đường thuỷ mới thấy được cái ngọt ngào êm dịu và mát mẻ của làn nước dù máy bay địch vẫn bay qua trên đầu.

        Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã vào đến Lệ Thuỷ. Thế là hết đoạn "sướng" rồi nhé. Một đồng chí trong đoàn nói vui.

        Tới khu vực làng Ho (Quảng Bình) chúng tôi đã chấm dứt chặng đường hành quân bằng các phương tiện cơ giới. Tất cả những gian truân, nguy hiểm khi hành quân từ Hà Nội vào tới đây hoá ra chỉ là "trò đùa" so với chặng đường dài đằng đặc qua ngàn dặm núi non sắp tới.

        Thật khó mà tả hết nỗi vui mừng của tôi khi qua được ngày trèo dốc đầu tiên. Đôi chân chưa đến nỗi "phản bội" tôi, dĩ nhiên so với các đồng chí cùng đi tôi được ưu tiên hơn cả, nghĩa là được miễn mang vác nặng. Tuy vậy, qua được cái dốc đầu tiên mồ hôi vẫn cứ ướt đẫm áo, mắt hoa đầu váng, tôi đã tưởng khó mà có thể hoàn thành được cuộc hành quân.

        Nhưng rồi qua ngày thứ hai, thứ ba trở đi chân dường như có "dẻo" hơn thật. Vả lại, càng đi vào đường giao liên càng đông vui. Thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp một đoàn cán bộ chiến sĩ từ các chiến trường đi ngược chiều. Đôi khi ra hỏi thêm tình hình hậu phương, người vào sốt ruột muốn biết tình hình chiến trường nên chuyện lập tức nở như ngô rang.

        Một lần chúng tôi gặp một đoàn các em dũng sĩ diệt Mỹ trên đường hành quân ra Bắc. Chúng tôi lập tức dừng lại, các em quây chúng tôi đòi kể chuyện miền Bắc, kể chuyện Bác Hồ. Nhìn các em nhỏ tuổi mà đã vượt Trường Sơn, cũng lưng đeo ba lô vai vác gạo, gậy chống trong tay, lòng tôi rưng rưng xúc động. Tôi cố gắng kể cho các em nghe đôi điều về thủ đô Hà Nội. Về Bác Hồ, về thiếu nhi miền Bắc. Còn các em, bằng giọng nói thơ ngây các em cặn dặn chúng tôi đủ điều từ cách đi tìm rau rừng, cách chống muỗi vắt đến cách tránh lũ trực thăng đi soi đường ban đêm và tránh pháo bẫy như thế nào. Với chiến trường có lẽ tôi quả là "lính mới" so với những chiến sĩ tý hon này. Không ai có thể ngờ ở tuổi như các em mà lại biết được nhiều điều về chiến tranh, về kẻ thù đến thế. Ở những nước xã hội chủ nghĩa không có chiến tranh, lứa tuổi các em được hưởng biết bao niềm vui hạnh phúc. Vậy mà ở nước ta, các em đã biết đánh giặc. Nghĩ vậy, tôi bỗng thấy trách nhiệm của mình thật nặng nề, làm gì đây để góp phần vào sự nghiệp giải phóng đất nước, mang lại hạnh phúc cho các em?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 01:26:39 am »


        Cuộc gặp gỡ các em nhỏ chiến sĩ đã động viên chúng tôi rất nhiều. Trường Sơn chẳng có gì ghê gớm nếu như những chú bé tí hon này đã có thể vượt qua bằng những đôi chân nhỏ xíu của mình? Tôi bỗng thấy mình bước đi khoẻ khoắn hơn, lưng bớt đau hơn và chặng đường như ngắn lại.

        Giờ thì chúng tôi lại chuyển sang hành quân bộ theo đường 559, Ai đã một thời là lính trong chống Mỹ, chắc còn nhớ con đường này - con đường nổi tiếng hôm qua, hôm nay và vĩnh hằng tồn tại. Nó bắt đầu được tính từ Ho trở vào - Từ đây trở vào là đoạn đường đi bộ nên bom đạn cũng ít hơn nhưng đường lại rất khó đi. Ngay khi đến trạm đầu tiên bắt đầu đi vào "chế độ" ăn ở sinh hoạt lán trại là thấy vất vả hơn trước rồi. Qua dốc 1001 rất khó đi, toàn đường núi đá quành quèo, ngay khi đi bộ không mang gì đã khó, nay lại còn cả ba lô, súng, gạo, thì lại càng khó đi hơn... chúng tôi đâu có dám sánh với đồng đội của mình. Nếu so sánh với anh em bộ đội ta phải mang vác đạn dược, cối, ĐK thì khó biết chừng nào? Thế mới biết được các đồng chí ấy có nghị lực rất phi thường, và không kém phần quan trọng là họ có tài leo núi, để vượt qua những đoạn đường khó khăn như thế.

        Qua được dốc 1001 chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, và phải nghỉ lấy lại sức để rồi đi tiếp. Cũng may là đoạn sau dễ đi hơn đoạn trước. Lúc đó cùng đi với đoàn là một xe đạp thồ gạo. Trên đường vào, dọc đường chúng tôi gặp anh em bộ đội ta ra Bắc, cũng đói quá. Chúng tôi bàn nhau, phải đồng cam cộng khổ với anh em, nếu thiếu gạo ta tính sau, trước mắt còn gạo ta cứ chia cho các đồng chí ấy một ít. Trên chặng đường không dài, xe gạo có vơi hẳn đi nhưng lòng chúng tôi cũng thanh thản một phần.

        Vào đến Bạc (trạm giữa của đường 559), đó là vùng đói nhất, gạo chúng tôi đem theo lại gần hết, lúc này lương thực là vấn đề nan giải. Ở một trạm giao liên gần sông Bạc, chúng tôi đã may mắn gặp được anh Ba, anh Nguyễn Lang và anh Nguyễn An, các anh phụ trách các binh trạm của tuyến đường Trường Sơn. Qua các anh tôi biết thêm một số tình hình chiến trường. Ở tình hình chiến trường cũng đang có nhiều biến động. Mỹ đang ráo riết chuẩn bị cho những bước phiêu lưu quân sự mới ở Tây Nguyên đã quyết giành lấy thế chủ động trên chiến trường quan trọng này.

        Tôi chú ý đến hoạt động của bộ đội chủ lực Tây Nguyên và rất vui mừng khí biết tin các đơn vị chủ lực bộ đội Tây Nguyên đã biết đánh Mỹ và thắng Mỹ. Anh Nguyễn An trước kia thời kỳ đánh Pháp đã công tác và chiến đấu với tôi ở Hải Phòng Kiến An. Nay gặp nhau ở trên đường 559, trong bữa ăn cơm chiều, và bom đạn ác liệt, nhưng rất vui, Anh An kể cho tôi nghe về những trận đánh hay trong chiến dịch PLây Me nổi tiếng diễn ra mùa khô năm ngoái (1965). Khi còn ở Học viện, chúng tôi đã thảo luận rất sôi nổi về những trận đánh diễn ra ở PLây Me dưới chân núi Chư Pông và ở thung lũng Ia drăng. Tôi cho rằng đó là những trận đánh rất quan trọng của bộ đội Tây Nguyên, cho phép chúng ta rút ra nhiều kinh nghiệm hay khi tác chiến với quân Mỹ ở chiến trường rừng núi hiểm trở.

        Giờ đây tôi càng nao nức trong lòng, chỉ muốn đi được thật nhanh vào chiến trường, để trực tiếp được gặp những đồng chí, đồng đội đã làm nền những chiến công tuyệt vời đó, đồng chí An, cán bộ chỉ huy, bạn chiến đấu cũ với tôi hồi còn ở khu 3 trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhìn anh một lúc tôi mới nhận ra, vì thiếu thốn gian khổ, nên anh rất gầy và già đi nhiều, nước da xanh tái như người bị bệnh sốt rét. Tôi xúc động và thương anh vô cùng. Đã một thời sống và công tác cùng nhau, tôi hiểu Anh là một con người trung thực, chất phác, tính tình hiền lành, ăn ở rất tốt. Anh An vội đem ra ít sữa, và một nắm gạo lẫn lộn thành cháo đường để cùng nhau ăn mừng ngày hội ngộ.

        Nếu ai không cùng thời với chúng tôi, lúc đó, chắc khó mà thấu hiểu cái thiếu, cái khổ vì đói. Mọi vật chất thật nhỏ nhoi trước tinh thần yêu nước, cách mạng. Anh em cơ quan, chiến sĩ phải ăn cơm (rất ít) độn với rất nhiều quả gắm hoặc củ chuối, củ rừng. Được tận mắt "mục kích" thấy một số anh em ta bị phù chân vì thiếu chất đạm, mà ứa nước mắt vì thương mến và cảm phục họ. Những người đang hi sinh tất cả vì sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi ách ngoại xâm. Tinh thần chiến đấu của họ cao hơn cả sự thiếu thốn gian khổ. Vì họ đã thấm nhuần lời hiệu triệu bất hủ của Bác Hồ, "Không có gì quý hơn độc lập tự do", hơn thế họ luôn luôn lạc quan yêu đời dù cái sống cái chết chỉ cách thau gang tấc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2016, 05:10:31 am »


        Nhưng đường vẫn còn dài, càng đi vào khó khăn càng nhiều. Tôi đã được nghe nói nhiều về đường giao liên Trường Sơn nhưng đến bây giờ mới thật hiểu hết những nỗi gian lao mà những người chiến sĩ đường dây phải vượt qua.

        Đường giao liên không chỉ thơ mộng như trong bài thơ, bài hát mà trên thực tế đó là những con đường đầy chông gai, thử thách. Bom đạn, biệt kích, muỗi vắt và cái đói là những kẻ thù thường xuyên của bộ đội Trường Sơn. Chúng tôi dù sao cũng chỉ là "khách qua đường” tuy cũng được hưởng đầy đủ "mùi vị" của đường giao liên Trường Sơn nhưng chưa thấm đâu so với với những chiến sĩ Trường Sơn. Hết năm này qua năm khác gắn bó với tuyến đường này. Có đồng chí có mặt trên đường dây này từ khi con đường mòn chưa hình thành, từ khi còn phải vạch lá mà đi, đi tới đâu xoá dấu vết tới đó không để lộ một dấu chân. Nhiều đồng chí đã nằm lại đây đó trên những nẻo đường rừng heo hút và bị sốt rét, bị trúng bom đạn Mỹ hay có khi hy sinh chỉ vì cây đổ hay nước lũ cuốn đi bất thần. Những người chiến sĩ vô danh đó đã hiến thân để làm nên con đường đi giải phóng Tổ quốc.

        Đi trên đường Trường Sơn, tôi càng thấm thía hơn nữa lời thề quyết tâm đánh Mỹ của Đảng của Bác. "Nếu có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập tự do....". Đã có lần Bác kêu gọi chúng ta như vậy.

        Ngày nay câu nói "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" đã trở thành câu nói cửa miệng của mỗi người ra trận. Trên con đường này, các thế hệ đánh giặc cứu nước đã gặp nhau. Từ lớp chúng tôi, thế hệ đã từng được tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp đến các chiến sĩ tí hon mà chúng tôi vừa gặp hôm qua trên đường Trường Sơn đều có chung một nguyện vọng, một lý tưởng. Có lẽ vì thế mà chúng ta gặp nhau là hiểu nhau ngay, phải khôngđồng đội của tôi?

        Tôi muốn được cám ơn những người đi trước đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh để dựng nên tuyến đường cho chúng tôi ra trận hôm nay. Nhìn những hàng tên khắc trên các thân cây trong các trạm giao liên tôi bổng hiểu rằng, cả nước đã ra trận, cả nước đang đi trên con đường này, cả nước đang hướng về miền Nam ruột thịt. Trong những tháng năm này tôi chỉ như một chiếc lá nhỏ góp phần làm nên cái xanh tươi hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn.

        Thông thường, cuộc hành quân bộ của chúng tôi chỉ tính bằng trạm. Một ngày đi hết một trạm. Nhưng có một lần, chúng tôi đi đến một trạm, nghĩ là bình thường, nên cũng vẫn vào nghỉ ngơi để ngày mai đi tiếp. Không ngờ, vừa đặt ba lô xuống, anh em trong trạm thông báo rằng: "Theo trinh sát của ta, tối nay bom Mỹ và biệt kích sẽ đánh vào trạm này. Như thế là trạm đang ở tình trạng không được an toàn.

        Thế là, không còn cách nào khác đồng chí trạm trưởng bắt chúng tôi phải hành quân ngay đến trạm tiếp sau không được nghỉ lại qua đêm nữa. Ai cũng mệt mỏi rã rời khi phải đi gấp đôi chặng đường thường đi. Riêng tôi vì chưa rèn luyện đi bộ thường xuyên, sức khoẻ lại có hạn, nhiều năm lại chưa đi bộ thế này bao giờ nên mới đi hết một phần ba cung đường thì tôi mệt quá không đi được nữa. Anh em chiến sĩ thấy tôi như vậy, rất thương, họ giục tôi nằm lên võng để khiêng đi. Lúc đầu, mệt quá tôi đành chấp nhận. Đi được một vài cây số, tôi cảm thấy người có dễ chịu hẳn đi, nhưng nằm trên võng thấy anh em đi lại vất vả quá sao đành lòng? Tôi vội bảo các đồng chí đó cho tôi xuống đi bộ tiếp vì thấy đỡ mệt rồi, nhưng giờ nên đi chậm lại vậy.

        Mọi khó khăn trên đường rồi cũng qua đi, tất cả đều ở lại sau lưng chúng tôi. Vào đến địa phận của B3 (lúc đó Mặt trận Tây Nguyên được gọi là Mặt trận B3), chúng tôi gặp đồng chí Đoá. Đồng chí này cũng là đồng nghiệp của tôi trước đây là giáo viên khoa Thông tin của Học viện. Anh Đoá vui mừng ôm chầm lấy tôi và anh em trong đoàn:

        - Được tin anh vào, anh Chu Huy Mân cử tôi ra đây chờ và đón các anh. Tôi rất mừng vì các anh vượt được chặng đường dài gian khổ để vào được đến đây an toàn, khoẻ cả. Anh Đoá vừa cười vừa nói vui vẻ.

        Ít phút sau, anh Đoá như sực nhớ ra và nói:

        - à! anh Mân còn dặn tôi đem cho các anh một con gà để "thết đãi các anh”. Biết chắc đi đường các anh ăn uống kham khổ lắm.

        Từ đây trở vào đường đi lại thuận lợi hơn. Chúng tôi gặp gỡ rất nhiều đoàn người đi mương, rẫy, đi rừng - đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Mặc chiến tranh ác liệt, họ vẫn sống hồn nhiên vui vẻ lạc quan. Cũng giống như ở chặng đường trước, chúng tôi đã gặp đồng bào Vân Kiều, vào đây lại gặp đồng bào Tây Nguyên, những nét tương đồng giữa họ thật dễ nhận thấy, mộc mạc, chất phác, hiền dịu vô tư. Trong số họ có cả cán bộ địa phương và bộ đội đi làm công tác dân vận. Họ rất ủng hộ bộ đội, vui mừng chào đón khi thấy các chú bộ đội vào đây sát cánh đoàn kết cùng với họ chiến đấu.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM