Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 03:33:39 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến đấu ở Tây Nguyên  (Đọc 44933 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #100 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2017, 10:40:03 am »


        Chấp hành lệnh của sở chỉ huy tiền phương, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên cho rằng, sai lầm lớn về chiến lược của địch nhất định sẽ dẫn chúng đến hàng loạt sai lầm về hành động tác chiến và chiến thuật. Đây là thời cơ rất thuận lợi để tiêu diệt toàn bộ quân tháo chạy, vì chúng đã ra ngoài công sự, tinh thần đang hoang mang rối loạn, hàng ngũ lộn xộn, tổ chức chỉ huy không chặt chẽ. Mất đoàn quân này thì quân đoàn 2 ngụy coi như sạch túi, vì Sư đoàn 23 chỉ còn 1 Trung đoàn 44 sắp bị tiêu diệt ở Phước An, Sư đoàn 22 đã bị loại 1 Trung đoàn ra khỏi vòng chiến, rồi đây cũng sẽ bị tiêu diệt nốt.

        Quyết tâm tiêu diệt đoàn quân tháo chạy của địch từ Plâyku - Kon Tum về Cheo Reo, bộ chỉ huy chiến dịch đã sử dụng vào trận đánh:

        - Sư đoàn 320.

        - Tiểu đoàn xe tăng 1, Trung đoàn 273

        - Trung đoàn pháo cao xạ 593.

        - Trung đoàn pháo binh 675.

        Ngoài ra, khi chiến đấu còn có 2 tiểu đoàn địa phương tỉnh Phú Yên và các lực lượng vũ trang tỉnh Đắc Lắc, huyện Phú Túc, huyện Củng Sơn phối hợp tác chiến. Để hiệp đồng với đòn tiêu diệt đoàn quân tháo chạy của địch về Cheo Reo, các hướng cũng tiếp tục đẩy mạnh đà tiến công của mình.

        Ở hướng Plâyku - Kon Tum, các đơn vị chủ lực và địa phương gồm bộ binh, pháo binh, đặc công dùng một bộ phận lực lượng tiến nhanh vào Plâyku, vượt qua các vị trí dọc đường để bám sát đội hình rút chạy của địch, từ phía sau đánh tới.

        Các đơn vị bộ đội địa phương và du kích hai tỉnh Đắc Lắc, Phú Yên, đánh chặn và chốt ở dọc đường không cho địch chạy thoát về Tuy Hoà.

        Sự điều động lực lượng tiếp theo là cả một cơn lốc. Những mệnh lệnh ngắn gọn được khẩn trương phát đi. Bộ Tư lệnh chiến dịch trong lúc này, vừa chỉ huy lực lượng đang đánh địch phản kích, vừa đề ra kế hoạch đánh địch rút chạy. Kế hoạch tác chiến hình thành trong chốc lát. Chúng ta kiên quyết giành lại quyền chủ động thời gian.

        Kế hoạch tác chiến đánh địch rút chạy được định ra như sau:

        - Tiểu đoàn 9 (trung đoàn 64, Sư đoàn 320) đang làm nhiệm vụ ở tây-nam Cheo Reo lập tức cơ động ra chặn đứng quân địch ở cầu Ia-Nu, tiếp đó toàn Trung đoàn 64 ra bố trí thế trận vận động tiến công kết hợp với chốt đã có sẵn của Tiểu đoàn 9 tiêu diệt địch trong khu vực Chư Mơ-ri A. Nếu quân địch co cụm ở thị xã Cheo Reo thì dùng một mũi đánh từ phía nam lên, phối hợp với các hướng tiến công khác đánh địch trong thị xã.

        - Trung đoàn 48 (sư đoàn 320) đánh ép và chia cắt địch ở phía tây, tây bắc Cheo Reo. Các đơn vị vừa diệt địch, vừa ngăn chặn, bám chắc không cho chúng rút chạy. Sư đoàn khẩn trương điều động các lực lượng đến tiếp, tổ chức bao vây tiến công tiêu diệt địch.

        - Trong khi các Trung đoàn bạn truy kích, tiến công, ngăn chặn địch ở khu chiến Cheo Reo thì Trung đoàn 9 (sư đoàn 320) nhanh chóng hiệp đồng đánh chiếm Phú Nhơn - Mỹ Thạch và bao vây cô lập quận lỵ Phú Thiện ở tây bắc Cheo Reo để chia cắt đội hình rút chạy của địch.

        Thực hiện kế hoạch tác chiến, đêm 16 tháng 3 quân ta bắt đầu triển khai lực lượng tiến công địch.

        Sư đoàn 320 và các đơn vị nhận lệnh truy kích trên đường đường số 7 lúc đại bộ phận còn đang làm nhiệm vụ trên đường số 14, đoạn giữa Buôn Ma Thuột và Plâyku, trên ngã ba đường từ Thuần Mẫn đi Cheo Reo. Về số lượng, bọn địch rút chạy đông hơn ta đến hai, ba lần, hoả lực pháo binh, xe tăng và các phương tiện chiến đấu khác cũng nhiều hơn, đồng thời có không quân yểm hộ trực tiếp Chúng lại rút bằng cơ giới và chạy trước ta một, hai ngày đường. Thế nhưng nắm chắc thời cơ lớn và thế thua chạy hỗn độn của địch, các đơn vị vẫn tràn đầy khí thế quyết thắng, khẩn trương chuẩn bị và nhanh chóng chạy đua thời gian với địch để bắt kịp và chặn chúng lại mà tiêu diệt.

        Suốt đêm 16, chạy dưới ánh đuốc bập bùng do chính mình đốt lên (còn cách nào tốt hơn nữa?), Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 nhận lệnh xuyên rừng ra chốt chặn đường 7, làm bức tường chặn đứng cuộc tháo loạn ô hợp của cả vạn tên địch để lực lượng lớn phía sau có thể kịp vận động đến tiêu diệt. Và nhiệm vụ ấy đã được hoàn thành xuất sắc, mặc dù bộ đội ta phòng ngự trong hình thái dã ngoại không công sự.

        Tôi còn nhớ tấm gương của người chiến sĩ anh hùng Nguyễn Vy Hợi và tiểu đội của đồng chí. Các đồng chí đã chặn giữ một đoạn đường đầu cầu diệt hàng chục xe tăng địch với một tinh thần anh dũng ngoan cường.

        Nhiệm vụ tiêu diệt những lực lượng tháo chạy của quân đoàn 2 được giao cho Sư đoàn 320, lúc đó đang là lực lượng dự bị chiến dịch đứng chân ở đường 14. Hành quân thần tốc bằng mọi phương tiện, Sư đoàn đã triển khai ngay thành ba mũi bao vây đội hình mấy chục ki-lô-mét của địch trên đường số 7.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #101 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2017, 10:43:26 am »


        Mũi phía bắc do Trung đoàn 9, mũi phía nam do Trung đoàn 64, và hình thành một tay dao chém vào cụm lực lượng chủ yếu của địch ở thị xã Cheo Reo là Trung đoàn 48. Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn này do Trung tá, Tham mưu trưởng Sư đoàn Ngô Huy Phát trực tiếp nắm lúc đó, đã kiên quyết táo bạo đánh bại một lực lượng địch đông gấp bội từ thị xã nống sục về phía tây, buộc chúng phải co về để Trung đoàn từ phía sau kịp đến hình thành thế bao vây.

        Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 64) xuất phát từ 22 giờ 30 phút ngày 16 tháng 3, hành quân gấp băng qua rừng rậm, vượt núi cao đến 11 giờ ngày 17 tháng 3 ra tới mặt đường số 7 thì bộ phận địch đi đầu đã lọt qua từ sáng. Tiểu đoàn lập tức tổ chức chốt ở đó và đến 16 giờ 30 phút đã chặn đứng rồi tiêu diệt cả một đoàn 8 xe chở bộ binh địch chạy tới.

        Tiếp sau, các đơn vị khác của Trung đoàn 64 lần lượt đến đầy đủ, đã liên tục vận động tiến công kết hợp với chốt của Tiểu đoàn 9 đánh tan nhiều toán quân địch rút chạy ở khu vực đèo Mơ-ri A. Từ đấy, không một tên địch nào chạy lọt qua được trận địa chốt của quân ta. Trung đoàn đã tranh thủ chuẩn bị sẵn sàng hiệp đồng cùng xe tăng tiến công vào khu chiến Cheo Reo.

        Từ hướng nam tiến lên, sở chỉ huy và tiểu đoàn đi đầu Trung đoàn 48 đã đến khu vực Chư Pa. Phát hiện thấy liên đoàn 23 biệt động quân nguỵ và lực lượng bảo an từ thị xã Cheo Reo nống ra hướng tây-nam, quân ta liền nhanh chóng chiếm dãy Chư Pa đánh ngăn chặn và buộc chúng phải quay về thị xã.

        Thừa thắng, Trung đoàn đưa đội hình vào sát sân bay và phái một bộ phận ra cắt đoạn đường số 7 cách Cheo Reo 3 ki-lô-mét về phía bắc hình thành thế bao vây cô lập địch trong khu chiến, đồng thời chuẩn bị bàn đạp cho các lực lượng đến tiếp sau tiến công vào thị xã trên hướng chủ yếu.

        9 giờ ngày 17 tháng 3, ở hướng Phú Nhơn, Trung đoàn 9 cũng đến khu vực Kênh Sắn thuộc chi khu Phú Nhơn. Phát hiện thấy địch ở Kênh Sắn sắp chạy, quân ta liền đánh ngay, diệt một số lớn, còn lại một số tháo chạy về Phú Nhơn.

        Trước khí thế áp đảo của quân ta, cả bọn chiếm đóng lẫn bọn tàn quân mới đến vội vàng tháo chạy. Một bộ phận của Trung đoàn 9 tiếp tục truy kích và phát triển thế tiến công, giải phóng một loạt "ấp chiến lược" từ Phú Quang đến Mỹ Thạch, diệt luôn cả đồn Mỹ Thạch và căn cứ 443. Bộ phận còn lại cơ động xuyên rừng sang đường số 7 đánh chiếm các chốt bảo an, đến sáng 18-3 thì đưa được đội hình vào sát phía tây và đông-nam Phú Thiện, chuẩn bị tiến công quận lỵ này, thực hiện kế hoạch chia cắt phía sau đội hình quân địch rút chạy, tạo điều kiện thuận lợi cho các Trung đoàn bạn tiến công địch ở Cheo Reo.

        Trong lúc các đơn vị bộ binh đi trước ngăn chặn và bao vây cô lập địch ở Cheo Reo, các đơn vị pháo binh, cao xạ được công binh tích cực mở đường, tiến vào chiếm lĩnh trận địa. Đúng 7 giờ sáng 18 tháng 3, về cơ bản quân ta đã hình thành thế trận tiến công vào hướng nam, hướng bắc và trong thị xã Cheo Reo.

        Về phía địch, bấy giờ bọn chỉ huy quân đoàn 2 cũng lệnh cho các lực lượng của chúng phải chốt giữ bằng được hai cụm Cheo Reo và Phú Thiện, bảo đảm cho đoàn quân rút chạy được an toàn.

        Trước tình hình địch co cụm như vậy, quân ta liền thay đổi thủ đoạn tiến công, dùng hoả lực tập trung của pháo binh tập kích các cụm quân địch, tiêu hao và tiêu diệt từng bộ phận địch làm cho chúng hoang mang, đội hình rối loạn rồi bộ binh bất ngờ xung phong tiêu diệt toàn bộ.

        Đúng 11 giờ 30 phút ngày 18 tháng 3, pháo binh ta bắt đầu bắn đã trúng mục tiêu: nhiều xe địch bốc cháy, quân địch hoảng sợ, có bộ phận đè cả lên nhau tháo chạy lung tung. Đồng thời, các cỡ súng cối ta cũng bắn vào các mục tiêu trên hướng đột phá. Địch bị thiệt hại nặng, tinh thần vốn đã hoang mang, đội hình vô cùng hỗn loạn. Lợi dụng thời cơ, pháo binh bắn dồn dập mãnh liệt vào khu sân bay và cơ quan tiểu khu, nơi địch co cụm đông.

        Phối hợp với Trung đoàn 64 chặn đầu và Trung đoàn 9 đuổi đánh ở phía sau, hồi 1 giờ Trung đoàn 48 bắt đầu công kích vào giữa đội hình quân địch ở Cheo Reo.

        Bị tấn công dồn dập, hồi 13giờ ngày 18 tháng 3 (theo lời khai của Tướng Phạm Duy Tất sau này khi bị bắt) tướng Phạm Văn Phú điện cho Phạm Duy Tất: "Mở đường máu mà thoát thân, xe không đi được thì phá xe, bỏ qua mọi tình huống mà chạy, lấy Củng Sơn làm tụ điểm".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #102 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2017, 10:45:31 am »


        Nhận được điện, Tất than thở: Tổn thất quá nặng nề, gần như tan rã! Phạm Duy Tất được Phú giao cho nhiệm vụ chỉ huy cuộc hành quân này. Tất hoàn toàn bất lực trước sự tan rã và thất bại không thể nào cứu vãn của đám quân rút chạy. Tất bỏ mặc binh lính trèo lên máy bay trực thăng và chạy trốn.

        17 giờ phát hiện thấy quân địch ở khu sân bay định tháo chạy, bộ binh ta lập tức tiến lên xung phong đánh chiếm vị trí này. Mặc cho địch dựa vào các công sự, vật cản có sẵn ở bắc sân bay chống trả, quân ta vẫn lợi dụng nhà cửa che đỡ, vận động áp sát bao vây và dùng các loại hoả lực chi viện cho bộ binh liên tục đột phá, liên tục công kích các mục tiêu. Đến 18 giờ 30 phút, quân ta hoàn toàn làm chủ sân bay, tiêu diệt và đánh tan toàn bộ Liên đoàn 23 biệt động quân nguỵ.

        Ở hướng tây bắc Cheo Reo, quân ta cũng nắm thời cơ đột phá vào cụm địch ở trại Ngô Quyền. Địch co lại, dựa vào hoả lực xe tăng chống trả mạnh. Quân ta tổ chức lại đội hình, dùng hoả lực đi cùng diệt xe tăng, đến 18 giờ thì đánh chiếm được trại Ngô Quyền, đài phát thanh. Và đến 21 giờ 30 phút hiệp đồng với hướng tây-nam đánh lên, quân ta đã đánh chiếm được hết các mục tiêu ở tây-bắc tiểu khu.

        Đêm hôm đó, quân địch trong thị xã Cheo Reo bị ta tiêu diệt phần lớn, bộ phận chỉ huy và xe tăng cùng lực lượng chiếm đóng cụm lại trong tiểu khu ngoan cố chống cự. Nhưng rốt cuộc đến 24 giờ, chúng cũng bị pháo binh và bộ binh ta hiệp đồng chặt chẽ, tiến công tiêu diệt nốt.

        Số tàn quân địch và bọn địch rút chạy trên đường số 7 bị các trận địa chốt của ta đánh bật trở lại, dồn cục thành hai cụm ở cách thị xã Cheo Reo 2 ki-lô-mét về phía nam, 6 giờ 30 phút ngày 19 tháng 3, quân ta tiếp tục bao vây và tiến công. Bị ta đánh bất ngờ, cả hai cụm quân địch này đều không chống đỡ nổi, một số lớn bị tiêu diệt và số còn lại phải kéo cờ trắng xin hàng. Quân nguỵ bị chết đầy đường, từng đoàn dài kéo nhau ra hàng đông nghịt. Tù, hàng binh không còn đủ người giữ, nên cứ chỉ đường để họ tự đi về hướng trại tập trung.

        Đến 9 giờ ngày 19 tháng 3, quân ta hoàn toàn giải phóng thị xã Cheo Reo.

        Cùng thời gian đó, ở phía tây-bắc thị xã, Trung đoàn 9 quân ta cũng đánh chiếm được Phú Thiện. Một số xe tăng, cơ giới địch chở bộ binh địch chạy về Cheo Reo. Song thị xã đã bị ta chiếm, chúng hốt hoảng tháo chạy theo đường 2e. Quân ta trong thị xã phát hiện thấy, liền dùng pháo 155 ly mới chiếm được của địch bắn chặn và cho một bộ phận cơ động ra hiệp đồng cùng Trung đoàn 9 diệt hết đoàn xe này.

        Ở phía đông-nam thị xã, một bộ phận lớn quân địch và xe pháo rút chạy trên đường 7 đến chốt Ia Nu bị quân ta đánh bật trở lại, phải co cụm ở tây đèo Mơ-ri A, từ 10 giờ đến 13 giờ ngày 19 tháng 3, Trung đoàn 64 đã vận động tới tiêu diệt và bắt sống toàn bộ.

        Tổng cộng trong ba ngày liên tục chiến đấu (17, 18, 19-3), Sư đoàn 320 và các đơn vị tăng cường đã diệt, bắt sống và gọi hàng hơn 13.000 tên địch, thu và phá huỷ hàng nghìn xe các loại, thu gần 4.000 súng, pháo các loại và rất nhiều phương tiện, khí tài. Đồng thời ta cũng chiếm được quận lỵ Phú Nhơn, Mỹ Thạch, Phú Thiện và thị xã Cheo Reo, giải phóng hàng chục vạn dân.

        Như vậy tiếp cận địch trong ngày 17 tháng 3, Sư đoàn 320 lao ngay vào cuộc chiến đấu không một giây ngừng nghỉ. Truy kích, tập kích vào các cụm phòng ngự, đánh chặn giao thông, đánh gặp gỡ, vận động bao vây tiến công liên tục... Tất cả các hình thức tác chiến đã được cán bộ và chiến sĩ trong Sư đoàn vận dụng trong từng trường hợp đánh địch cụ thể, quyết giành thắng lợi về mình. Và thắng lợi ấy đã đến vào ngày 19 tháng 3 khi Sư đoàn giải phóng thị xã Cheo Reo quét sạch địch trên đường số 7, diệt và bắt hàng vạn tên cùng rất nhiều trang bị kỹ thuật. Một bộ phận địch chạy thoát trước đó về Phú Yên đã bị hai tiểu đoàn bộ đội địa phương và du kích Phú Yên được lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 bỏ hết các mục tiêu khác, ra chặn đứng ở Củng Sơn, rồi cùng với Trung đoàn 64 vận động xuống tiêu diệt nốt. Giải phóng Tuy Hòa là do bộ đội địa phương và du kích Phú Yên cùng sư 320 hợp sức lập nên.

        Thắng lợi ở Củng Sơn cùng với thắng lợi ở Cheo Reo đã làm nên chiến thắng trọn vẹn tiêu diệt hoàn toàn đoàn quân rút chạy của địch trên đường số 7, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tiến công của quân ta xuống vùng đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ vào những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1975.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #103 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2017, 03:37:49 pm »


        Trong lúc quân ta giải phóng thị xã Cheo Reo, tiêu diệt bộ phận đi đoạn giữa và đoạn cuối của đoàn quân địch tháo chạy trên đường số 7 thì nhận được tin quân địch ở thị xã Quảng Trị tháo chạy về Huế (19-3). Như vậy quân địch không phải chỉ bỏ cái cửa Tây Nguyên mà còn bỏ cả cái cửa ngoài đồng bằng. Sự chỉ đạo chiến lược của kẻ địch lúc này càng thêm lỡ đà và thất thế, càng thêm bối rối và do dự - một điều vô cùng nguy hiểm đối với chúng.

        Cùng thời gian này, ngày 18 tháng 3, Trung đoàn 19 và tỉnh đội Kon Tum giải phóng thị xã Kon Tum, Trung đoàn 95A giải phóng thị xã Plâyku, Trung đoàn 19 giải phóng Thanh Bình. Ngày 20 tháng 3, Trung đoàn 271 (thiếu) đánh chiếm Kiến Đức, địch ở Gia Nghĩa rút chạy, quân ta vào tiếp quản thị xã này.

        Trước tình hình thắng lớn của ta ở Tây Nguyên, trong cuộc họp ngày 18 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược: giải phóng miền Nam trong năm 1975. Và chỉ thị cho toàn quân: Tập trung binh khí kỹ thuật và vật chất, giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Nắm thời cơ địch đang rút lui chiến lược, làm tan rã quân đoàn 1 và bộ phận quân đoàn 2 nguy, không cho chúng co cụm về xung quanh Sài Gòn.

        Cờ đến nước bí, bọn cầm đầu quân nguỵ buộc phải điều Sư đoàn dù thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược từ Đà Nẵng về giữ Sài Gòn. Chiến trường Quân khu 1 của địch mất hẳn một lực lượng nòng cốt. Song thực ra Sư đoàn dù này cũng đã bị sa sút nghiêm trọng vì bị đánh nhừ tử trong trận phản kích ở khu vực Thượng Đức (Quảng Đà) từ mùa thu 1974, tiếp đó lại phải chiến đấu liên miên cả mùa đông cho đến mùa Xuân 1975. Trên đường chuyển vào Sài Gòn, chúng phải bớt lữ đoàn dù số 3 để ném vào khu vực Nha Trang bấy giờ hầu như đang bị bỏ ngỏ. Lữ đoàn này sau được phái ra tổ chức một tuyến phòng ngự mới từ xa để bảo vệ Nha Trang, ở đèo Phượng Hoàng trên đường số 21, quãng giữa Ninh Hoà đi Khánh Dương.

        Biết rằng một lữ đoàn dù đã mệt mỏi, tiêu hao cả về vật chất và tinh thần khó có thể ngăn nổi cuộc tiến công vũ bão của ta, bọn cầm đầu ngụy quân đành phải bỏ chiến trường Bình Định, rút Trung đoàn 40 (thiếu) của Sư đoàn 22 đưa ra chiếm lĩnh thêm một tuyến phòng ngự của quân dù trên đường số 21. Mặt khác, chúng cố tìm mọi cách đưa bộ phận còn lại của đoàn quân tháo chạy trên đường số 7 về Tuy Hoà rồi đi Nha Trang để cùng với các lực lượng được tăng cường ngăn chặn cuộc tiến công của quân ta từ Tây Nguyên xuống hướng này.

        Về phía ta, sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, Plâyku, Kon Tum, Cheo Reo và Gia Nghĩa, quân ta đã có điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển xuống vùng đồng bằng. Mục tiêu của ta là tiêu diệt gọn đoàn quân tháo chạy trên đường số 7 và tiêu diệt Trung đoàn 40 (thiếu) cùng lữ đoàn dù 3 trên đường số 21. Sau đó, quân ta sẽ chia làm ba mũi, tiến trên ba hướng xuống giải phóng các thị xã ở vùng đồng bằng ven biển.

        Các tư liệu lịch sử và nhiều cuốn sách khác nhau nói về thời kỳ này đều coi bước ngoặt của chiến tranh đã được quyết định vào những ngày giữa tháng 3 Tây Nguyên năm 1975, xuất phát từ sự kiện là lần đầu tiên một quân đoàn địch đã bị giập xương sống trên một địa bàn chiến lược trọng yếu. Nhưng đã khác nhau căn bản ở cách tìm đến nguyên nhân. Các tác giả phương Tây - tôi muốn nói đến ngay cả nhiều sĩ quan của nguỵ quyền Sài Gòn đã chạy đi - đã có xu hướng quy mọi thất bại lên đầu tổng thống tồi Nguyễn Văn Thiệu mà họ cho rằng quyết định rút bỏ Tây Nguyên của y là một sai lầm "chết điếng” đã dẫn đến sự tháo chạy chiến lược của cả miền Nam.

        "Vậy thì trong trường hợp cụ thể đó, bộ chỉ huy chiến lược của các anh cần xử trí như thế nào thì hợp lý". Đáp lại câu hỏi này của chúng tôi, tại cuộc làm việc đã được đề cập ở trên, lạ thay, không ít sĩ quan cao cấp cũ của quân đội Sài Gòn lại tỏ ra khá lúng túng. Ít kẻ có thể đưa ra ngay một giải pháp rõ ràng. Thậm chí, có viên sĩ quan nọ lúc đầu cho rằng nên như thế này, về sau lại "à...", rồi đưa ra một kế hoạch khác. Và thậm chí nữa, có kẻ còn xin "để tôi suy nghĩ thêm rồi trả lời sau”, (chết nỗi ba năm qua rồi (1978) mà ngài chỉ huy vẫn lúng túng, để mất cả thời cơ chiến lược lẫn chiến thuật!).

        Nhưng đáng chú ý là tất cả những kẻ có nhãn quan chiến lược một chút đều cho rằng trong hoàn cảnh đó không có cách nào hơn, chỉ có thể "tẩu vi thượng sách!" Nghĩa là "tướng Thiệu đã quyết định đúng khi rút bỏ cao nguyên nhưng ông ta đã thiết kế hành quân quá vội vã..."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #104 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2017, 03:39:45 pm »


        Nói như thế thì còn khả dĩ. Sai lầm của chúng là ở chỗ ấy, nhưng rõ ràng sự thất bại đã không phải là sai lầm chủ quan của một cá nhân (điều đó nếu có cũng chỉ là thứ yếu). Sự thất bại nằm trong tồn tại khách quan là, đối phương đã đẩy đến tình trạng không còn cách lựa chọn nào khác. Sẽ đi quá xa phạm vi một cuốn hồi ký thông thường nếu tôi đưa thêm những ý kiến phân tích nữa, cho nên chỉ có thể tóm tắt: rút bỏ, khó mà lựa chọn cách nào khác.

        Giữ nguyên hiện trạng lúc đó? Lực lượng đối phương đang dồi dào trong thế chẻ tre. Tây Nguyên đằng nào cũng không thể giữ, và quân đoàn 2 sẽ bị tiêu diệt. Thiệu biết rõ điều đó. Cũng không thể trông vào lực lượng tổng dự bị chiến lược, đang bị căng ra đối phó ở Sài Gòn và Huế, Đà Nẵng, chưa nói tới nếu như tất cả các quân đoàn chủ lực của Việt Cộng - đang sẵn sàng – đều nhất loạt vào trận thì ... Thiệu biết rõ điều đó.

        Còn lực lượng của chính quân đoàn 2 - Quân khu 2? Cạn rồi! Cần khẩn trương gom lại nếu còn muốn có một đòn phản công tái chiếm Buôn Ma Thuột, nơi có vị trí chiến lược quan trọng hơn cả trên cao nguyên, nhưng ôi thôi! con át chủ bài đã bị mất rồi, niềm hy vọng cuối cùng đã bị tiêu tan nên chỉ có một con đường bỏ chạy mà thôi. Gom lại, co hẹp phòng tuyến lại nếu còn muốn giữ lấy đồng bằng hậu phương, nhân tố thường xuyên quyết định trong chiến tranh. Và thế là việc rút bỏ cao nguyên được quyết định và thi hành ngay, còn diễn biến và kết cục của nó như thế nào thì ta đã biết.

        Tôi nhớ ngay đến những cuộc họp của chiến lược để chuẩn bị cho năm 1975 mà tôi được tham dự ở Hà Nội. Khi bàn đến hướng phát triển tiếp theo của Chiến dịch Nam Tây Nguyên, đồng chí Lê Duẩn đã nói: "Địch sợ nhất một đòn chia cắt chiến lược toàn miền Nam. Giải quyết xong Nam Tây Nguyên thì cần phát triển xuống đồng bằng duyên hải Phú Yên, Khánh Hoà, cắt đôi miền Nam ra". Tình hình phát triển vào những ngày giữa tháng 3 đó đã tạo cơ hội cho quyết sách chiến lược sáng suốt ấy.

        Nếu trận Buôn Ma Thuột đã quyết định chiến dịch Tây Nguyên thì trận đường số 7 tiêu diệt quân đoàn 2 tháo chạy ấy đã tạo nên bước ngoặt chiến lược. Từ sự bùng nổ về chiến dịch đã châm ngòi cho sự bùng nổ về chiến lược. Từ những ngày giữa tháng 3, thời gian đối với chúng tôi đã là một dòng chảy xiết đến chóng mặt các sự kiện chiến đấu, chảy xiết cho đến tận ngày cuối cùng của chiến tranh.

        Cùng thời gian đó, phối hợp với bộ đội địa phương và các lực lượng nổi dậy của nhân dân, Trung đoàn 29 tiến vào Kon Tum, Trung đoàn 95A tiến vào Plâyku, Trung đoàn 19 tiến vào Thanh Bình ở hướng bắc Tây Nguyên.

        Phía cực nam Mặt trận, thị xã Gia Nghĩa nằm ven đường 14, hướng được dự kiến phát triển ban đầu của Chiến dịch nam Tây Nguyên cuối cùng đã được giải phóng bởi Trung đoàn 271.

        Trong suốt những ngày tháng 3 ấy, khi thời gian được đếm không phải bằng ngày giờ mà bằng các sự kiện chiến đấu diễn ra liên tiếp, có một phút chúng tôi để cho lòng mình thư thái: ấy là cái phút chúng tôi nhìn vào bản đồ Tây Nguyên - 70.000 ki-lô-mét vuông của vùng cao sơn nguyên bao la lần đầu tiên bỗng chợt nhận thấy các sĩ quan tham mưu không tác nghiệp lên đó những lá cờ xanh. Chúng ta đã qua một chớp mắt hay một thế kỷ? Hay bốn mươi thế kỷ đến ngày hôm nay?

        Một cái gì cay nơi mắt dễ mềm lòng người lính khiến tôi bước ra khỏi hầm chỉ huy. Chúng tôi vốn vẫn nhận ra Tây Nguyên ở những rừng khộp, những rừng già tán lá kín bưng, những sườn đá cheo leo mà mỗi "quăng dao" là một buổi đi đường cật lực.

        Ở đây, tại sở chỉ huy Chiến dịch phía tây Thuần Mẫn, tôi lại bất chợt nhận thấy một Tây Nguyên giải phóng rồi, đồng bào các dân tộc sẽ thoát khỏi cảnh đói khổ. Với đất này, với bàn tay lao động cần cù của mình, đồng bào sẽ cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Có gì khác đâu, đây là mục đích mà chúng ta cầm súng.

        Bầu trời trên Cao nguyên trong những ngày này thật trong sáng làm sao, khiến tôi sực nhớ ra đang là mùa con ong đi lấy mật, mùa phát rẫy làm nương của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên...nhưng, từ phía xa xa vẫn còn tiếng súng nổ ì ầm.

        Có điện gấp. Bộ Tổng tư lệnh ra quyết định tập trung các Sư đoàn: 10, 320, 316 và những đơn vị binh khí kỹ thuật nhanh chóng chấn chỉnh, sẵn sàng cơ động vào miền Đông Nam Bộ để chuẩn bị giải phóng Sài Gòn.

        Với tinh thần chủ động và trách nhiệm, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên nhận thấy quân ta đang trên đà phát triển thuận lợi xuống vùng ven biển miền Trung, nên đã đề nghị xin cho bộ đội được tiếp tục tiến xuống giải phóng các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Cam Ranh rồi sau đó sẽ hành quân vào Nam Bộ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #105 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2017, 03:42:27 pm »


        Kiến nghị đã được trên chấp thuận. Ngày 21 tháng 3, Bộ Tổng tư lệnh điện giao nhiệm vụ tiến công tiếp theo cho Bộ Tư lệnh chiến dịch "Tiếp tục phát triển tiến công trên 3 trục đường số 7, 19, 21, giải phóng Phú Yên và Khánh Hoà, đồng thời phối hợp với Quân khu 5 giải phóng Bình Định. Hướng vào mục tiêu chủ yếu là tiêu diệt lữ dù 3 ở đèo Phượng Hoàng, tiến xuống giải phóng Nha Trang và Cam Ranh.

        Ngày 27 tháng 3, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư cho chúng tôi chúc mừng chiến thắng nội dung bức thư như sau:

        "Anh Hoàng, Vũ Lăng, Hiệp. Tôi viết thư vắn chúc mừng quân ta, mùa Xuân 75 ra quân đại thắng trên chiến trường Tây Nguyên.

        Chúc các anh khoẻ, chỉ huy và lãnh đạo quân đội giành thắng lợi to lớn hơn nữa.

        Nhờ chuyển lời chào đại thắng và lời chúc sức khoẻ của tôi đến anh em cán bộ.

        Thân.

        Ký tên:

        Văn Hà Nội 27/3/75."

        (Hoàng là bí danh của tôi)

        Cùng ngày 27 tháng 3 Bộ Tổng tham mưu thông báo chính thức tuyên bố thành lập Quân đoàn 3 rút ra từ những lực lượng chủ yếu của bộ đội Tây Nguyên. Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh đã hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn. Quân đoàn 3 được thành lập và được giao nhiệm vụ sẽ đảm nhiệm một hướng tiến công quan trọng. Nhưng ngay bây giờ, các chiến sĩ Tây Nguyên ấy còn phải hoàn thành trách nhiệm tiến xuống đồng bằng, cùng với các đơn vị bạn giải phóng vùng duyên hải. Cánh cửa lớn đã bật tung, ba cánh quân tràn xuống theo ba con đường của Tây Nguyên: Sư đoàn 968 và Trung đoàn 95A trên đường 19; Sư đoàn 320 trên đường số 7, Sư đoàn 10 và Trung đoàn 25 trên đường số 21.

        Các trận chiến đấu còn tiếp tục.

        Tôi lại từ giã Tây Nguyên vào một ngày cuối tháng 3 để cùng các đơn vị Tây Nguyên tiến xuống đồng bằng duyên hải miền Trung. Các hướng chiến trường đang phát triển, biết bao công việc trước mắt? Tôi muốn nói với các bạn chiến đấu thân thiết của tôi rất nhiều mà hầu như không nói được gì cả. Vừa ký vào tấm bản đồ Quyết tâm chiến dịch Nam Tây Nguyên mà các đồng chí xây dựng lại để giữ làm kỷ niệm, tôi vừa nói: Xin hẹn giữa thành phố Sài Gòn giải phóng! Tạm biệt...Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng.

        Quân ta thừa thắng chia làm ba mũi tiến xuống đồng bằng ven biển miền Trung và một mũi tiến vào Đông Nam Bộ.

        Mũi thứ nhất trên đường 19 tiến xuống tỉnh Bình Định. Ở đây, Sư đoàn 3 thuộc Quân khu 5 của ta đang hoạt động trên đường số 19 và tiêu diệt sư 22 Sài Gòn.

        Tiếp đó, Sư đoàn 968 và Trung đoàn 95A cũng từ Tây Nguyên tiến xuống, ngày 31 tháng 3 đánh một trận lớn từ Phú Phong đến sân bay Gò Quánh thuộc tỉnh Bình Định góp phần tiêu diệt Sư đoàn bộ binh số 22 ngụy, lúc chúng đang hoảng loạn rã rời, không còn sức chiến đấu.

        Nhân đà thắng lợi, mưu kế của Trung đoàn địa phương Bình Định thật hay. Khi Sư đoàn 3, Quân Khu 5 và Trung đoàn 95A đang đánh bại sư đoàn 22 nguỵ thì Trung đoàn địa phương Bình Định lợi dụng thời cơ này tranh thủ tiến vào đánh chiếm để giải phóng thị xã Quy Nhơn và ngày 1 tháng 4 Trung đoàn địa phương tỉnh Bình Định kết hợp với quần chúng nổi dậy và tiến công giải phóng thị xã Quy Nhơn. Đây chính là nghệ thuật tranh thủ thời cơ.

        Các Sư đoàn kịp thời chấn chỉnh lực lượng, được các đơn vị địa phương và nhân dân thị xã giúp đỡ vật chất và phương tiện vận chuyển, tiếp tục phát triển theo dọc quốc lộ 1, tiến về thị xã Nha Trang, Cam Ranh và Phan Rang.

        Mũi thứ hai trên đường số 7 tiến xuống Tuy Hoà. Sau khi để lại một bộ phận cùng lực lượng địa phương tỉnh Phú Yên diệt nốt cụm địch ở phía nam sông Ba và lùng quét tàn binh, đại bộ phận lực lượng của Sư đoàn 320 nhanh chóng phát triển xuống đồng bằng tỉnh Phú Yên. Ngày 1 tháng 4, sư đoàn cùng bộ đội địa phương và dân quân du kích tỉnh Phú Yên nổ súng tiến công thị xã Tuy Hoà.

        Quân địch trên toàn tỉnh Phú Yên lúc này đã hoang mang cao độ. Nhưng trước nguy cơ bị tiêu diệt, chúng vẫn cố sức tập hợp số tàn quân ở Tây Nguyên chạy thoát về và lực lượng tại chỗ, gồm 11 tiểu đoàn bộ binh, 3 đại đội bảo an lẻ, 1 chi đội thiết giáp, ban chỉ huy tiểu khu Phú Yên, ban chỉ huy liên đoàn 21 mới khôi phục và toàn bộ lực lượng ác ôn, cảnh sát ở các quận lỵ, thị xã. Bọn cầm đầu quân nguỵ phái Trần Văn Cẩm, chuẩn tướng phó tư lệnh quân đoàn 2, ra thị xã Tuy Hoà để động viên trấn an binh lính và củng cố phòng ngự. Chúng tổ chức thành các cụm lớn trên nhiều tuyến ở các quận lỵ, các điểm cao xung quanh thị xã, có hải thuyền, tàu chiến ngoài biển trực tiếp chi viện. Thế nhưng vì thua lớn quá, tinh thần của cả binh lính lẫn sĩ quan địch đều suy sụp, không sao gượng dậy nổi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #106 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2017, 03:45:00 pm »


        Quán triệt tư tưởng tích cực tiến công nhân đà quân địch hoang mang, quân ta dùng cách đánh tập trung, hiệp đồng binh chủng tiến công địch trong hành tiến, phát triển nhanh là chính, song vẫn chuẩn bị tốt mọi mặt để kiên quyết đánh thắng địch nếu chúng co cụm chống lại ta.

        Trận đánh diễn ra từ 6 giờ 30 đến 15 giờ ngày 1 tháng 4. Sư đoàn 320 phối hợp chặt chẽ với các lực lượng địa phương của tỉnh và quần chúng nổi dậy làm chủ hoàn toàn thị xã Tuy Hoà, quận Tuy Hoà I, quận Tuy An và từ quận Hiếu Xương đến đèo Cả.

        Trong trận đánh thị xã Tuy Hoà, máy bay địch lồng lộn bắn phá, pháo binh địch cũng bắn không tiếc đạn để yểm hộ cho các lực lượng cơ động ra ngăn chặn từ xa. Nhưng mũi tiến công bằng hiệp đồng binh chủng của Sư đoàn vẫn tiến như vũ bão, chọc thẳng vào mục tiêu then chốt và cơ quan chỉ huy đầu não của địch, đồng thời kết hợp nhịp nhàng các hành động thọc sâu vu hồi đánh vào sườn và phía sau quân địch, làm cho chúng trở tay không kịp. Những tên sống sót phải tự phá vỡ đội hình xô nhau chạy tán loạn, có tên kịp leo được lên tàu xuồng, nhưng cũng có không ít tên chìm sâu dưới đáy biển. Những tên không chạy được đều bị quân và dân ta tóm gọn, trong đó có Trần Văn Cẩm, chuẩn tướng phó tư lệnh quân đoàn 2, viên chỉ huy cuộc hành quân rút chạy.

        Còn mũi thứ ba? Đây là mũi tiến công quan trọng nhằm phá tan mưu kế mới của địch. Mưu kế của địch để chọi lại mưu kế của ta là địch rút 1 lữ đoàn dù ở Đà Nẵng về để phòng ngự ở đèo Ma Đrắc bảo vệ Nha Trang. Cộng với số quân còn lại ở Tây Nguyên (Plâyku và Kon Tum ) rút về đồng bằng thành hai lực lượng để giữ Nha Trang. Nhưng mưu kế của ta còn cao hơn mưu kế địch. Do đó ta mới thắng được địch.

        Đèo Phượng Hoàng - Ma Đrắc là một đỉnh cao thuộc dãy Trường Sơn, ngăn cách quận lỵ Khánh Dương với Ninh Hoà. Địa hình ở đây rất hiểm trở, chỉ có duy nhất đường 21 chạy qua. Đèo dài 15 km, chạy quanh co, khúc khuỷu theo các triền núi, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm. Trên đường đèo có nhiều cầu cống và eo núi, nếu bị phá rất khó khắc phục.

        Sư đoàn dù là lực lượng tổng dự bị chiến lược, đơn vị sừng sỏ nhất của quân nguỵ sẵn sàng bảo vệ ở Quân khu 1, tình hình ngày càng nguy ngập, Thiệu buộc phải điều gấp về bảo vệ Sài Gòn. Nhưng trước nguy cơ Nha Trang - Cam Ranh bị mất, không còn cách nào khác, Thiệu phải ném lữ đoàn dù 3 lên đèo Phượng Hoàng - Ma Đrắc lập tuyến phòng thủ ngăn chặn từ xa. Lực lượng của lữ dù 3 có 3.800 quân, biên chế thành 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 chi đoàn thiết giáp. Ngoài ra, chúng còn được tăng cường 1 tiểu đoàn biệt động quân của quân đoàn 2 nguỵ. Sư đoàn 6 không quân được lệnh huy động tối đa máy bay ném bom, sẵn sàng chi viện cho lữ dù này giữ đèo Phượng Hoàng - Ma Đrắc.

        Trong khi mũi thứ nhất tiến công kết hợp với nổi dậy ở khu vực Bình Định, mũi thứ hai tiến công trong hành tiến như chẻ tre theo đường 7 tiến xuống thị xã Tuy Hoà, thì mũi thứ ba trên hướng đường 21, Sư đoàn 10 quân ta còn sung sức đã tiến xuống khu vực đèo Phượng Hoàng - Ma Đrắc nhằm tiêu diệt lữ đoàn dù 3 và Trung đoàn 40 nguỵ, giải phóng tỉnh Khánh Hoà, thị xã Nha Trang và quân cảng Cam Ranh.

        Khi lữ đoàn 3 nguỵ lên đường số 21 thì quân ta đã uy hiếp Khánh Dương và truy sát gót bọn tàn quân của Sư đoàn 23 chạy lên đèo Ma-Đrắc - Phượng Hoàng. Thế là vừa ra quân, chúng đã sa vào thế cô lập, không còn một lực lượng nào của quân đoàn 2 nguỵ hỗ trợ. Tâm lý thất bại làm cho lữ đoàn dù 3 vốn tinh thần đã nao núng nay lại càng sa sút nghiêm trọng. Song vốn là con cưng của quân đội nguỵ, lúc ra quân chúng thường được bọn chỉ huy động viên và chi viện cho hoả lực tối đa, mặt khác quân số còn đông nên chúng vẫn còn chỗ dựa để ngoan cố hơn bọn nguỵ khác.

        Lên đường số 21, chúng dùng ngay thủ đoạn cổ truyền là lập tức chiếm đèo Ma-Đrắc - Phượng Hoàng, dựa vào các chốt bảo an có sẵn, tích cực đào công sự xây dựng các trận địa hoả lực và co cụm để ngăn chặn quân ta, đồng thời dùng chiến thuật mạng nhện, di tản đến phân đội nhỏ, từng tiểu đội, trung đội có xe tăng nằm sâu sang hai bên đường đèo.

        Phát hiện hoặc nghi ngờ quân ta tiến công trên hướng nào đó là chúng lập tức dùng hoả lực mạnh của máy bay, pháo binh bắn sát thương rồi cơ động quân di tản đến ngăn chặn.

        Thế nhưng khốn thay, các thủ đoạn đó chẳng đưa lại cho chúng một kết quả nào. Bởi lẽ địa hình ở đây hiểm trở, đường đèo độc đạo, đối phương lại có kinh nghiệm của thế thắng, với lối đánh tập trung sức mạnh các binh chủng hiệp đồng, đặc biệt là nghệ thuật tập trung rất cao vào lúc có thời cơ xuất hiện.

        Tình hình trên buộc chúng phải tuân theo cách đánh của đối phương, phải rải quân rất rộng, bố trí đã phân tán lại kéo dài khoảng 30 ki-lô-mét trên hai bên trục đường số 21, lộ ra thế ngăn chặn với chính diện hẹp, sườn hở, tung thâm mỏng, lực lượng phản kích nhỏ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #107 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2017, 03:51:56 pm »


        Ngày 22 tháng 3 Sư đoàn 10 và Trung đoàn 25 được lệnh đánh chiếm Khánh Dương. Tại Khánh Dương, lực lượng địch có Trung đoàn 40 (thiếu), một trận địa pháo 6 khẩu 105 ly vừa được điều từ Bình Định lên, cùng 2 tiểu đoàn bảo an. Với lực lượng này địch hy vọng đủ sức lập tuyến phòng thủ mới ngăn chặn và hạn chế sức tiến công của quân ta để chúng kịp đưa lực lượng từ phía sau lên lập tuyến phòng thủ ở đèo Phượng Hoàng - Ma Đrắc chắn đỡ cho vùng đồng bằng ven biển.

        Nhưng ý định ấy chưa kịp thực hiện thì sáng ngày 22 tháng 3, bộ binh và xe tăng ta từ ba hướng đã dũng mãnh tiến công đánh thẳng vào Khánh Dương. Sau 2 giờ chiến đấu, Trung đoàn 66, Trung đoàn 28 và Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 25 cùng xe tăng và pháo binh, cao xạ hiệp đồng tác chiến tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng địch ở đây.

        Sau khi ta giải phóng Khánh Dương, Sư đoàn 10 được lệnh tiếp tục tiến công ngay vào tuyến lữ đoàn dù số 3 để mở đường phát triển xuống giải phóng Khánh Hoà, Nha Trang. Sư đoàn tổ chức tiến công với quyết tâm: tập trung lực lượng toàn Sư đoàn, được tăng cường Trung đoàn 25 cùng các binh chủng phối thuộc, kiên quyết tiêu diệt gọn quân địch (gồm lữ đoàn dù, chi đoàn 2 thiết giáp, 32 khẩu pháo 105 ly và 155 ly, trung bình được 70-80 lần chiếc máy bay chi viện).

        Lúc này, đài quan sát pháo binh phát hiện địch đã chiếm đèo Ma Đrắc, quân ta xin lệnh cho pháo bắn chi viện tiến công. Nhưng do công tác nắm địch chưa tốt, chưa lường hết khả năng cơ động của quân dù. Chúng đã chiếm đèo trước dự kiến của ta đến hơn một ngày. Hơn nữa, sự hiệp đồng giữa pháo binh và bộ binh chưa tốt nên đã gây tổn thất lớn cho bộ đội ta.

        Trước tình hình đó, nếu tiếp tục cho bộ đội tiến công theo đường 21 như những trận đánh vừa qua thì khó có thể giành được thắng lợi. Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định tạm ngừng phát triển tiến công để làm công tác chuẩn bị, bảo đảm đánh chắc thắng.

        Ngày 25 tháng 3 Sư đoàn 10 vào trận với phương châm: Tích cực chủ động tiêu diệt gọn lữ đoàn dù 3 bằng nhiều trận liên tiếp từng tiểu đoàn địch; thực hiện cài thế bằng lực lượng vây ở phía đông đèo; kết hợp chặt chẽ đột phá chính diện với bao vây chia cắt đánh bên sườn; chủ động khắc phục khó khăn, phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng, giành cho được thế chủ động bất ngờ; cố gắng đánh nhanh diệt gọn từng đơn vị địch.

        Như vậy, trong thời gian từ 3 đến 7 ngày, bằng cách bao vây chặt toàn bộ đội hình lữ đoàn địch, khoá chặt phía sau, biến địa hình hiểm trở thành thế lợi cho ta để tiêu diệt chúng. Trên cơ sở thế trận đã bao vây chặt, hướng chính diện tập trung sức mạnh của các binh chủng kỹ thuật như xe tăng, pháo binh, cao xạ cùng bộ binh đột phá tiêu diệt từng tiểu đoàn địch, đồng thời hai bên sườn và sau lưng dùng lực lượng trang bị tinh và nhẹ, xẻ đường xuyên rừng thọc sườn đánh hiểm, tiêu diệt và khống chế các trận địa pháo binh rồi tiến công ngay vào các bộ phận chỉ huy, cơ quan đầu não của chúng.

        Trong quá trình tiến công, thế trận của Sư đoàn được bổ sung hoàn chỉnh bằng các lực lượng dự bị theo sát đội hình. Do đó trận đánh được tiến hành với hiệu suất cao: chỉ trong ba ngày đêm (từ 29-3 đến 1-4), quân ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lữ đoàn dù 3 cùng các đơn vị tăng cường, thu và phá huỷ toàn bộ vũ khí trang bị của chúng.

        Sáng ngày 1 tháng 4, được tin lữ đoàn dù 3 thua trận, tuyến phòng thủ đèo Phượng Hoàng- Ma Đrắc bị phá vỡ, Phạm Văn Phú vội vã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp tìm cách "tử thủ Nha Trang”, ra lệnh thiết quân luật 24/24 giờ trong ngày; gấp rút củng cố lại các trận địa phòng thủ; thu gom tàn quân thành lập các đơn vị mới, bổ sung súng đạn cho lực lượng bảo an, dân vệ; đồng thời quyết định thành lập "Mặt trận Nha Trang” và cử chỉ huy trưởng trường hạ sĩ quan Đồng Đế làm tư lệnh. Họp xong, Phú cùng một số tướng tá dùng máy bay lên thẳng thị sát chiến trường.

        Những dòng nhật ký hành quân sưu tập được sau đây đã ghi lại được những ngày chỉ huy cuối cùng trong cuộc đời của tướng Phạm Văn Phú: (Lược ghi theo. Phạm Huấn “Điện Biên Phủ 1954 - Ban Mê Thuột 1975 " (sđd)

        "Ngày 1 tháng 4 năm 1975.

        07 giờ 00: Phụ tá hành quân quân đoàn 2, tướng Trần Văn Cẩm, gọi từ Phú Yên về báo, Cộng quân pháo vào thị xã rất dữ dội và bắt đầu tấn công cả ba mặt. Sau lần liên lạc này, tướng Cẩm, tư lệnh mặt trận Phú Yên coi như mất tích.

        08 giờ 15: tư lệnh quân đoàn 2 bay C-47 chỉ huy hai mặt trận Phú Yên và Bình Định.

        10 giờ 00: Tướng Phú, tư lệnh quân đoàn 2 bay trở lại Nha Trang- Trên đường về từ Quy Nhơn, ông không liên lạc được với trung tá Tỉnh trưởng, bộ tham mưu Mặt trận Phú Yên, bộ chỉ huy tiểu khu, các cánh quân. 

        12 giờ 15: Một sĩ quan của trung tâm hành quân quân đoàn 2, hớt hải chạy ra la lớn:

        - Phi cơ quan sát báo cáo về chiến xa Bắc Việt đã tới Dục Mỹ và Ninh Hoà ...

        Thế là một số quân nhân các Phòng khác chạy ùa ra ngoài. Tướng Phú từ lầu nhì đi xuống, ông "hét":

        - Thế là... thế nào ? Tại sao bỏ chạy ?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #108 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2017, 03:54:16 pm »


        12 giờ 30: Tướng Phạm Quốc Thuần, Chỉ huy trưởng Trường Hạ sĩ quan, tới bộ Tư lệnh quân đoàn 2. Tướng Phú bước ra đón ông, và giơ tay phân trần:

        - Sỹ quan và lính tráng tôi bỏ chạy hết

        Sau đó, tướng Phú thảo luận với tướng Thuần.

        12 giờ 45: Tướng Phú ra lệnh cho thiếu tá Hoá, sĩ quan tuỳ viên:

        - Bay lên Khánh Dương

        Nói xong, ông hối hả bước đi, không bắt tay, không chào tướng Thuần. Và, ông cũng không biết trực thăng hiện đậu ở chỗ nào? Sau đó Tướng Thuần vẫn cùng bay chỉ huy với tướng Phú.

        13 giờ 25: Bay trên Khánh Dương, tướng Phú không liên lạc được với lử đoàn 3 nhẩy dù. Không liên lạc được với các tiểu đoàn biệt động quân, và những đơn vị bộ binh còn lại của quân đoàn, (một phần của Trung đoàn 40, Sư đoàn 22, và trung đoàn 45, Sư đoàn 23). Bay ngang Dục Mỹ, ông không liên lạc được với Đại tá Đại, chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện biệt động quân, và những đơn vị phòng thủ "tuyến Dục Mỹ” gồm quân của các Trung tâm huấn luyện bộ binh, biệt động quân, pháo binh, v.v...Tướng Phú ra lệnh bay về Phan Rang.

        17 giờ 00: Tư lệnh quân đoàn 2 bay trực thăng trở lại Nha Trang. Và đây là lần thứ 4 ... bay từ Phan Rang đi Khánh Dương, Nha Trang kể từ lúc 13 giờ trưa nay, 1-4-1975

        17 giờ 50: Đúng 20 phút sau, chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Oánh, chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện không quân Nha Trang, và chuẩn tướng Nguyễn Văn Lượng, tư lệnh Sư đoàn 2 không quân bước vào.

        Tướng Phú ngồi ở ghế sát với bàn của Tư lệnh Sư đoàn 2 không quân. Nhưng hai tướng Lượng và Oánh, không chào hỏi, tới ngồi ở cái bàn khác đối diện.

        Thấy thái độ và cách xử sự khác thường của hai tướng Lượng và Oánh, tướng Phú hơi ngạc nhiên, nhưng rồi chợt hiểu, ông hất hàm hỏi tướng Lượng:

        - Có chuyện gì sảy ra?

        Tướng Lượng không trả lời, mặt lầm lì. Nhưng tướng Nguyễn Ngọc Oánh, với một giọng hết sức từ tốn, lễ độ nói với tướng Phú:

        - Tôi muốn thưa với thiếu tướng, tôi được chỉ định làm tư lệnh mặt trận Nha Trang, vì quân đoàn 2 không còn nữa?

        Tướng Phú mặt biến sắc, hỏi dồn:

        - Lệnh ai? Anh nhận lệnh. .. ai?

        Tướng Nguyễn Ngọc Oánh vẫn thật điềm đạm, chậm rãi:

        - Thưa thiếu tướng, lệnh của bộ tổng tham mưu quân lực Việt Nam cộng hòa, của trung tướng Đồng Văn Khuyên từ Sài Gòn

        18 giờ 40: Tướng Phạm Văn Phú dùng điện thoại của tướng Lượng gọi về Sài Gòn. Đây cũng là một sáng suốt cuối cùng để tướng Phú không bị đau đớn hơn, và bị nhục trước hai tướng Lượng và Oánh.

        Đầu giây bên kia là trung tướng Đồng Văn Khuyên, tham mưu trưởng liên quân quân lực Việt Nam cộng hòa.

        Ngay từ câu đầu tiên, tướng Phú đã hét lên trong ống liên hợp:

        - Tôi đi đâu? Tôi bay chỉ huy?

        - !!!!

        - Tôi ra lệnh cho tư lệnh Sư đoàn 2 không quân đóng cửa phi trường lúc 1 giờ trưa và bay đi... Mặt trận Khánh Dương. ..

        - !!!

        - Tôi là tư lệnh quân đoàn. Đi đâu, đó là quyền của tôi? tướng Thuần trên máy bay chỉ huy của tôi mấy tiếng đồng hồ, nhưng tôi không cần trung tướng phải tin! Và tôi cũng không cần phải trình trung tướng.

        19 giờ 45: Tướng Phú ra trực thăng bay trở về Phan Rang.

        Về phía quân ta, sáng ngày 2 tháng 4 Trung đoàn 24 và tiểu đoàn 3 Trung đoàn 28 cùng xe tăng, pháo binh tiến vào quận lỵ Ninh Hoà. Lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân Ninh Hoà được bộ đội hỗ trợ đã nổi dậy diệt những tên địch ngoan cố, giành quyền làm chủ. Cả thị trấn Ninh Hoà nhân dân đổ ra đứng chật hai bên đường vẫy cờ hoa, reo hò mừng đón bộ đội cách mạng.

        Thừa thắng, ngay trong ngày 2 tháng 4, quân ta lập tức tiến thẳng xuống giải phóng thị xã Nha Trang. Sau đó, đến 12 giờ 30 ngày 3 tháng 4, quân ta lại giải phóng quân cảng Cam Ranh. Vùng giải phóng trên địa bàn của mũi thứ ba được nối liền ngay với địa bàn hai mũi phía bắc, hình thành một khu vực đồng bằng ven biển hoàn chỉnh.

        Tại đây, Sư đoàn 10 cũng được sự giúp đỡ nhiệt tình của các lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân vùng giải phóng, nên ngày 10 tháng 4 đã kịp thời cơ động sang hướng Sài Gòn và bàn giao lại Trung đoàn 25 cho Sư đoàn 3 Quân khu 5 hiệp đồng cùng Quân đoàn 2 giải phóng thị xã Phan Rang chiếm lĩnh sân bay Thành Sơn và bảo đảm cho phi công của ta sử dụng máy bay vừa chiếm được của địch làm bàn đạp xuất phát để ném bom sân bay Tân Sơn Nhất
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #109 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2017, 12:36:03 am »


        Sau một tháng liên tục tiến công (từ 4-3 đến 3-4-1975). Từ chiến dịch Nam Tây Nguyên trở thành chiến dịch Tây Nguyên, rồi phát triển thành chiến dịch chiến lược giải phóng cả một vùng lãnh thổ rộng lớn từ Tây Nguyên đến các tỉnh ven biển miền Trung từ Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà đến Cam Ranh; Vùng 2 chiến thuật của địch bị xoá sổ hoàn toàn, thế bố trí chiến lược của địch ở miền Nam đã bị quân ta chia cắt, cùng với chiến dịch Huế - Đà Nẵng tạo nên sự bùng nổ về chiến lược dẫn đến bước ngoặt của cuộc chiến tranh.

        Chiến thắng Tây Nguyên, chiến thắng mở đầu Chiến cuộc mùa Xuân năm 1975, đã tạo ra một sự đột biến về chiến lược.

        Ta tiêu diệt một quân đoàn địch trong một chiến dịch, đó là một đòn rất nặng làm cho chúng bị suy yếu nhanh chóng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ lực lượng vũ trang của địch. Việc tiêu diệt địch nhanh (từ 4 tháng 3 đến 24 tháng 3 năm 1975) làm cho sự chuyển biến diễn ra càng nhanh và càng mạnh, gây ra những tác động đột biến về phía địch. Một lực lượng lớn bị tiêu diệt tất sẽ kéo theo mất một vùng đất đai rộng lớn, có số dân đông; địa bàn địch kiểm soát tất sẽ bị thu hẹp và trận địa còn lại của chúng cũng sẽ bị uy hiếp mạnh. Đương nhiên, ý nghĩa quan trọng của vấn đề không phải chỉ có như vậy mà còn biểu lộ ở sự suy sụp về tinh thần và ý chí chiến đấu của địch cũng như sự thay đổi về so sánh lực lượng và thế trận chiến lược hai bên.

        Bị một đòn điểm huyệt choáng váng ở Buôn Ma Thuột, khởi điểm dẫn đến sự tan rã về chiến lược của chúng. Địch từ chỗ chủ quan, tham lam và ngoan cố, bỗng đột ngột bị một đòn quá nặng, đã đi tới chỗ đột biến về tinh thần và chính trị, hoang mang mất phương hướng, bi quan chán nản, không còn tin tưởng ở mình nữa. Sự đột biến đó làm cho sức chiến đấu của chúng bị sa sút hẳn. Tâm lý thất bại bao trùm lên quân địch, quân địch buộc phải rút bỏ Tây Nguyên, nhưng rồi đến lượt toàn bộ quân tháo chạy cũng lại bị tiêu diệt gọn. Rõ ràng, chúng đã bị thất bại, đã phạm sai lầm và mất đà về chiến lược, một nguy cơ mà lịch sử chiến tranh từ trước tới nay đều chứng minh rằng đã sa vào đó thì khó lòng cứu vãn và gượng dậy nổi.

        Chiến thắng Tây Nguyên là khởi điểm dẫn đến sự tan rã và suy sụp về chiến lược của địch, đã tạo đà cho quân và dân ta những điều kiện thuận lợi để chuyển sang cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ngày càng phát triển mạnh mẽ.

        Tiến xuống đồng bằng, những chiến binh vừa làm nên một Tây Nguyên đại thắng ấy lại lao ngay vào cuộc chiến đấu mới, đập tan những âm mưu mới của kẻ địch hòng co cụm ở đồng bằng, giải phóng một vùng rộng lớn các tỉnh ven biển miền Trung để rồi sau đó lại hội quân với Đại quân tiến lên quyết giành thắng lợi cuối cùng.

        Ngày 7 tháng 4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho các đơn vị đang đổ vào chiến trường:

        "Mệnh lệnh:

        1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới Mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.

        2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ".

        Mệnh lệnh của Đại tướng đã nhanh chóng đập tan mưu đồ chiến lược "Nhẹ ở đầu, nặng ở đáy” của Nguyễn Văn Thiệu.

        Mệnh lệnh của ông như một hồi kèn xung trận, tốc độ hành quân nâng lên không ngừng với một thế đánh như chẻ tre, các cánh quân của ta nhanh chóng tiến về Sài Gòn.

        Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ 17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975. Năm cánh quân của ta gồm: quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 trong thế bao vây Sài Gòn được lệnh vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài, chọc sâu tiến thẳng vào Trung tâm Sài Gòn. Với sức mạnh của 15 Sư đoàn, 10 giờ 45 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975 xe tăng của ta tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Bộ thống soái địch. Lá cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống nguỵ Sài Gòn, báo hiệu "Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng” kết thúc 30 năm chiến tranh trường kỳ của dân tộc.

        Sau này, mùa Xuân 1978, người trợ lý của tôi Đại uý Vũ Cao Phan - đã thực hiện một cuộc phỏng vấn các nhân chứng ở phía bên kia của các sự kiện mà tôi đang đề cập đến trong cuốn sách này.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM