Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 07:11:52 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến đấu ở Tây Nguyên  (Đọc 44934 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 05:30:51 pm »


PHẦN 3

TRỞ VỀ TỔ QUỐC

        Cuối năm 1944, anh em Việt Minh được trở về nước theo chỉ thị của trong nước và sự đồng ý của Đệ tứ chiến khu.

        Sau khi về nước, đại bộ phận anh em học sinh Việt Minh ở nước ngoài theo chỉ thị của Đảng ta cùng với anh em du kích trong nước tham gia thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, còn một số anh em mà đã quen thuộc với việc hoạt động ở biên giới thì ở lại hoạt động du kích, chống thổ phỉ, bảo vệ khu căn cứ cách mạng và xây dựng cơ sở cách mạng. Lúc đó, tôi được trên phái xuống huyện Tràng Định - Lạng Sơn, gây dựng cơ sở hoạt động, phát triển phong trào Việt Minh và phong trào du kích, bảo vệ căn cứ cách mạng. Nhiệm vụ trọng tâm mà trên giao cho chúng tôi là: bằng mọi cách phải củng cố, mở rộng và phát triển khu căn cứ cách mạng, nhất là chống lại bọn thổ phỉ.

        Liên tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng có cử đồng chí Đàm Minh Viễn (anh đồng chí Đàm Quang Trung) cùng tôi xuống Tràng Định. Anh Viễn chịu trách nhiệm chỉ huy chung. Từ Cao Bằng chúng tôi hành quân qua Tây Đông Khê để về Tràng Định. Anh Viễn là một người sắc sảo, có tác phong hoạt động linh hoạt, dũng cảm, ngoài khả năng và trình độ quân sự khá, anh còn có biệt tài trong công tác vận động quần chúng. Lúc bấy giờ, việc dựa vào dân để sống và hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng, phát triển phong trào Việt Minh và du kích, thì những con người như anh là rất quý, rất có lợi cho cách mạng.

        Có một chuyện này, mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn cho là có ý nghĩa rất sâu sắc trong đời sống thường nhật của mỗi con người. Đi cùng với chúng tôi có cả chị em phụ nữ, có lần vào ban đêm khi hành quân chưa trèo lên được hang núi, chúng tôi phải tạm nghỉ qua đêm ở dưới chân núi, hoặc có lần chỉ tìm được có một chiếc lán nhỏ. Trong hoàn cảnh đó, thì chỉ còn một cách là nằm ngủ chung với nhau ở một chỗ. Nam, nữ ngủ cùng với nhau mà không hề có chuyện rắc rối, không xảy ra điều gì không hay. Điều đó chứng tỏ, lúc đó anh em ta có tinh thần đồng chí đồng đội rất tốt, thương yêu, quý trọng nhau mà lại rất nghiêm túc trong việc giữ vững các nguyên tắc trong sinh hoạt. Thật là lầm lẫn, nếu một ai trong số chúng ta lại cho rằng đó là việc làm đơn giản, chỉ có những ý nghĩ và động cơ trong sáng, không bao giờ gợn đục trong mỗi con người mới giữ được phong cách và giới hạn của mối quan hệ giữa con người với con người, giữa nam giới và nữ giới.

        Thế là, hơn một năm sau, tôi lại được trở về vùng giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Đó là vùng Tràng Định giáp với Hạ Đống - Long Châu, nơi mà tôi đã từng đến hoạt động từ những năm 1940 và 1943. Cuối năm 1944 đầu năm 1945, cơ sở Việt Minh của ta ở vùng này đã phát triển khá mạnh, phần lớn các làng xa cách thị trấn 2-3km đều có các cơ sở Việt Minh và phần lớn lĩnh dõng đóng ở đây ta đã thu phục được. Họ trở thành lực lượng vũ trang ta. Còn một số tên Chánh tổng, lý trưởng ác ôn, phản động đều bị ta xử phạt rất nghiêm để răn đe và bảo vệ phong trào, nên sau này, những tên khác lên thay cũng không còn hung hăng như trước nữa. Lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang của ta lúc này khá mạnh. Vì thế mà tình báo địch, gián điệp của địch không tài nào lọt vào được khu du kích của ta. Có lần chúng đi lẻ một vài tên là bị ta bắt gọn.

        Về đây tôi được gặp lại một số cán bộ cốt cán của địa phương như anh Hải, anh Ý, anh Hẻn. Anh Hải là người dân vùng biên giới giáp Trung Quốc nên rất thông thạo địa hình, chúng tôi đi đâu mà có anh dẫn đường, thì việc đi lại rất dễ dàng, thuận lợi. Anh Hải như con sóc trên rừng, hoạt động rất mưu trí, dũng cảm. Có lần chúng tôi đến một cơ sở, ăn ở công khai cả ngày lẫn đêm, không ngờ bọn mật thám đánh hơi thấy, chúng đi báo cho quan thầy biết. Khi chúng tôi di chuyển sang bản khác cũng là lúc ban đêm địch đem quân đi càn ở bản mà chúng tôi vừa ở. Với kinh nghiệm dày dạn, anh Hải cùng du kích trinh sát dũng cảm đi trước dọn đường. Khi gặp toán địch đi càn, anh chỉ huy anh em tạt vào bìa rừng và chủ động đối phó rất khôn khéo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 05:31:19 pm »


        Khi thấy ta chỉ có vài người lại không có vũ khí, nên chúng không nghi ngờ và bỏ đi. Lần ấy anh em chúng tôi đã kịp tạt rừng đi tắt sang bản khác, tránh được cuộc đụng độ không cần thiết. Tuy nhiên, sau sự việc đó, chúng tôi lại có được bài học vô cùng quý giá, bài học chủ quan về mất cảnh giác.

        Sau khi chúng tôi đi khỏi bản, bọn lính đi càn không đạt được mục đích chính, nhưng chúng đã bắn chết một vài cán bộ địa phương. Đó là sự trả giá cho bài học này. Thực ra lúc đó, địch chỉ dám tổ chức càn quét ở những bản nằm sâu trong nội địa (trong đó có bản Nà Cạo), còn những bản nằm giáp biên giới thì chúng không dám đưa quân ra. Vì thế chúng tôi không chú ý, cho rằng bản này cũng sẽ an toàn. Anh em chúng tôi tổ chức giết chó, gà, lợn, ăn uống công khai, ồn ào, vui vẻ. Có lẽ vì thế mà chúng cho rằng quân du kích đông nên chúng đã tổ chức cuộc càn để "cất vó" du kích. Thật hú vía, nếu không có anh Hải làm sao chúng tôi rút lui kịp.

        Do cơ sở cách mạng, cơ sở du kích của ta vững như vậy nên ban ngày, anh em Việt Minh, du kích cũng có thể vào được những bản chỉ cách đồn lính khố đỏ khoảng 2-3km. Do làm tốt công tác vận động binh lính địch mà một số anh em lính khố đỏ đã làm cơ sở Việt Minh, có đêm anh em Việt Minh vào tận trại con gái (khu gia binh) để liên lạc với anh em khố đỏ, lấy tin tức của địch do họ cung cấp cho.

        Lúc này, ta đã hầu như hoàn toàn làm chủ vùng nông thôn, ngoài ra đã tổ chức hệ thống giao thông liên lạc tốt Mỗi làng (hoặc bản) đều có tổ giao liên và người phụ trách giao liên để tổ chức đưa đường hoặc tư tín. Có những lần chúng tôi muốn đi qua đường cái lớn vào buổi chiều thì chỉ cần các em nhỏ 13-14 tuổi dẫn đường. Thư từ lúc đó, ngoài phong bì thường có con dấu ký hiệu bằng hai chữ VM, còn nếu thư nào ngoài phong bì có chữ VM kép (VM/VM) thì phải chạy ngay, đưa ngay (công văn hoả tốc). Hồi đó, đi đưa công văn thư từ hoả tốc thì ban đêm cũng phải đi, đốt đuốc và đi đường tắt nên rất nhanh.

        Có một điều rất thuận lợi và lý thú là khi trở về vùng này hoạt động, tôi lại được gặp lại những người bạn cũ (chiến hữu). Đó là ông Tài Thầu và ông Phan Toàn Chân. Lần này tôi và một đồng chí cán bộ nữa đi ra biên giới thì gặp một toán thổ phỉ đang cướp bóc ở một bản. Chúng tôi có can ngăn bọn chúng và gặp một tên tướng phỉ nói cho nó hiểu đây là cơ sở Việt Minh, nhưng bọn chúng không nghe, hơn nữa tên tướng phỉ này chúng tôi lại không quen. Chúng tôi lại nghĩ ra cách cũ, tự xưng tao là em Tài Thầu và Phan Toàn Chân đây, song chúng vẫn thu súng của chúng tôi. Thấy bị lộ, chúng vội vàng thu dọn những thứ cướp đã được và rút lui, chúng tôi lại tìm gặp hai ông Tài Thầu và Phan Toàn Chân; kể lại tình hình và nhờ hai ông giúp đòi lại súng. Thế là sau đó, chúng phải trả lại súng cho chúng tôi thật. Điều ấy lại càng chứng tỏ rằng hai ông là những lãnh tụ địa phương có uy tín trong vùng và trong nhân dân rất cao, bọn phỉ nào mà chẳng phải sợ! Đặc biệt, có lần, nếu cần Tài Thầu có thể huy động tới 100 tay súng.

        Cán bộ Việt Minh, lúc đó rất có uy tín đối với dân, chẳng thế mà những mâu thuẫn, những gì vướng mắc trong dân, trong mỗi gia đình, nếu cán bộ Việt Minh đến, giải thích là đồng bào đều nghe theo.

        Ngày 9 - 3 - 1945 Nhật đảo chính Pháp, lúc này phong trào Việt Minh lại càng phát triển mạnh. Bọn lính dõng, lính khố đỏ tan rã và chạy về nông thôn khá đông, ta đã thu được nhiều vũ khí trang bị cho các đội du kích mới thành lập. Thậm chí anh em lính khố đỏ, khi chạy về theo ta, họ mang theo cả súng máy (trung liên), chẳng thế mà khi ta đánh đồn Pò-Mã đã có súng máy để sử dụng. Ở Cao Bằng, tháng 4/1945 Tổng bộ Việt Minh liên tỉnh uỷ Cao -Bắc - Lạng đã phái một trung đội vũ trang xuống phối hợp với du kích Tràng Định để mở rộng địa bàn hoạt động. Việc ra đời của các đội du kích vũ trang mạnh là nhằm bảo vệ và mở rộng các căn cứ địa. Sau khi Tràng Định có một trung đội du kích tập trung, đón thời cơ vô cùng thuận lợi, chính quyền Pháp tan rã, chính quyền Nhật chưa được củng cố vững chắc, ta đã tổ chức đánh đồn lính khố xanh Pò Mã ở vùng biên giới (Quốc Khánh -Tràng Định - Lạng Sơn), đồn này nằm ở phố chợ biên giới có đường sang Trung Quốc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 05:31:39 pm »


        Lúc này, đồng chí Lê Thiết Hùng là đại diện Tổng bộ Việt Minh được cử đến trực tiếp lãnh đạo lực lượng vũ trang Tràng Định. Đồng chí Hùng và đồng chí Tuân Trung đội trưởng trung đội du kích tập trung chỉ huy trận đánh đồn. Lần ấy, ta dùng chiến thuật vừa đánh vừa gọi hàng. Quân ta giương cờ đỏ sao vàng lên, và một chị đội viên bắc loa tay gọi hàng. Quả nhiên ta mới đánh chiếm một góc đồn thì chúng hàng thật. Sau này, khi chúng tôi hỏi cung tù binh thì chúng nói rất thật rằng:

        - Chúng tôi trông thấy cờ đỏ sao vàng và nghe thấy tiếng nói phụ nữ, thì biết ngay là Việt Minh, không phải là thổ phỉ nên chúng tôi mới đầu hàng, chứ nếu biết là thổ phỉ thì không dễ gì chúng tôi đầu hàng sớm thế, chúng tôi còn chống cự nữa chứ!

        Khi thấy ta chiếm được đồn rồi, bọn thổ phỉ Trung Quốc cũng muốn sang đánh hội để cướp bóc phố chợ đó, nhưng không thành. Chuyện là thế này: được tin bọn thổ phỉ Trung Quốc sang ta đã bố trí một lực lượng ở trên đồn sẵn sàng đối phó với chúng. Đồng chí Hùng cử tôi và một vài anh em xuống phố chợ để giao thiệp với bọn thổ phỉ. Vì thế, chúng tôi không đem theo súng mà chỉ dắt trong bụng mỗi người một quả lựu đạn. Một tình huống bất ngờ xảy ra, khi chúng tôi đến nơi, không chỉ có bọn thổ phỉ mà còn cả cả một lực lượng của biệt động quân Trung Quốc phối hợp, chỉ huy bọn thổ phỉ. Rất may, người chỉ huy biệt động quân hôm ấy lại là lính của tôi trước kia khi còn tham gia tổ chức biệt động quân ở Nam Ninh. Hồi đó tôi là tiểu đội trưởng tiểu đội biệt động quân, tiểu đội của tôi phần lớn là lính người Trung Quốc. Khác với tiểu đội trưởng người Trung Quốc, họ có tác phong quân phiệt, thường hay đánh mắng, hách dịch, quát nạt chiến sĩ, còn chúng tôi tuy là chỉ huy nhưng đối xử với chiến sĩ tử tế, nên họ rất mến phục. Với những tình cảm vốn có đó mà cuộc "thương thuyết" của chúng tôi thành công, họ đã rút quân.

        Sau khi đánh xong đồn, bọn Nhật ở Đông Khê có vào trinh sát vũ trang, do có người báo tin nên bọn Nhật tổ chức một trung đội lùng sục một số vùng căn cứ của mình, ta tạm thời lui khỏi đồn Pò Mã. Anh em du kích phục ở các đỉnh đèo, cứ nhằm thằng nào vác súng máy, đeo súng ngắn hoặc đeo kiếm là bắn. Bắn xong, lợi dụng địa hình họ lại di chuyển ngay sang chỗ khác. Vì thế lực lượng ta an toàn, còn địch thì bị thiệt hại một số. Từ đó chúng không dám lùng sục vào khu du kích nữa.

        Sau khi đánh đồn Pò Mã bọn thổ phỉ nội địa thân Nhật nổi lên quấy phá, ta dùng lực lượng vũ trang để dẹp. Nói chung, với lực lượng nhân dân, du kích xã và du kích tập trung ta đã dẹp được địch, bảo vệ an toàn, ổn định và mở rộng được khu căn cứ.

        Uy tín của Việt Minh ngày càng lớn, cơ sở Việt Minh ngày càng phát triển. Vì thế đầu năm 1945, ngay sát thị trấn Thất Khê có những bản chỉ cách nhà tri phủ có lính khố xanh canh giữ chừng 1km, Việt Minh vào ban ngày cũng vẫn được. Và bọn phản động phải co lại nằm im, không dám hoạt động như trước nữa. Lúc này, phong trào Việt Minh đã phát triển đến mức ăn sâu vào mọi tầng lớp nhân dân, vào mọi giới trong xã hội. Thậm chí, các cô then cũng theo Việt Minh lên núi dự các lớp huấn luyện Việt Minh.

        Đời hoạt động du kích của anh em chúng tôi tuy có vất vả gian khổ thật đấy nhưng cũng có những giây phút thật vui. Có những lần, sau một chặng đường hành quân đã mệt, đoàn chúng tôi dừng chân cạnh đường, tại một bản nằm ngay ngã ba sông. Ban đêm, bầu trời đầy sao, lồng lộng gió, chúng tôi đang ở tràng thái thư giãn cơ bắp với cảnh sắc thơ mộng đó thì bỗng nhiên nghe thấy tiếng đàn bà và tiếng hát của các cô then. Ôi, tiếng đàn then và giọng hát cô then mới dịu dàng làm sao, lúc này dường như ai cũng cảm thấy đỡ mệt nhọc hẳn đi. Các cô then, cũng như nhiều cô gái dân tộc ở vùng này cũng có những đôi má hồng, nước da trắng ngần, xinh đẹp chẳng kém gì phụ nữ kinh thành Hà Nội.

        Lại có những lần hành quân vào mùa đông, trời rét căm căm, lội suối, vì ngại cởi giầy, cởi tất, chúng tôi cứ để nguyên vậy mà lội. Khi qua suối, đôi chân mới nặng làm sao! Tạt vào nhà dân, được ngồi bên bếp lửa hồng, được ăn sắn nướng và được hơ lửa sưởi ấm bàn chân lạnh cóng vì nước, dù chưa khô, có lệnh hành quân tiếp cũng phải sỏ giày ướt lạnh để tiếp tục lên đường, nhưng bất kỳ ai trong số chúng tôi cũng thầm cảm ơn những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi đó...

        Và hình như đó là nguồn sức mạnh để tiếp thêm nghị lực cho chúng tôi trong chặng đường hành quân tiếp đó

        Phụ nữ Cao bằng rất văn minh tiến bộ. Chúng tôi hành quân qua các bản, các chị em phụ nữ đều ra tiễn và bắt tay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 05:39:23 pm »


PHẦN 4

TRƯỚC NGÀY TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN Ở HẢI PHÒNG

        Sau khi Hồng quân Liên Xô và phe đồng minh thắng Phát xít Đức và Đế quốc Nhật, Đảng ta đã ra kêu gọi toàn quốc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, cả nước ta dấy lên khí thế cách mạng rất sôi sục, với nhiều hoạt động vũ trang và chính trị công khai đêm ngày. Trong khi nhiều đồng chí khác được tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở thủ đô Hà Nội, thì chúng tôi lại tham gia cướp chính quyền ở Tràng Định (Lạng Sơn). Mặc dù không được chứng kiến không khí cướp chính quyền ở Hà Nội, nơi đông dân, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, song tâm trạng anh em chúng tôi rất phấn khởi lòng tưng bừng rộn rã với niềm tin sâu sắc trước khí thế sôi sục của cả nước bước vào cuộc đời mới.

        Tình hình cách mạng lúc bấy giờ diễn ra hết sức mau lẹ, có thể tính bằng ngày, bằng giờ. Quả thật khi tôi về đến Lạng Sơn thì lúc này ở đây đã hoàn thành việc cướp chính quyền rồi. Ít ngày sau đó, tôi cùng anh Đàm Minh Viễn về Hà Nội. Về đây chúng tôi lại được gặp anh Hoàng Văn Thái, anh Đàm Quang Trung. Gặp nhau ai nấy tay bắt mặt mừng, vì đã lâu lắm rồi, sau nhiều năm tham gia cách mạng gian khổ, giờ đây chúng tôi mới thực sự được hoà với mềm vui chung của mọi người ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội. Lúc này Hà Nội vẫn còn đọng lại không khí tưng bừng của ngày hội khởi nghĩa. Ngồi trong nhà, chúng tôi vẫn còn được trông thấy các cháu thiếu niên tay cầm cờ đỏ sao vàng ríu rít trên đường phố, vừa đi vừa hát vang bài Tiến quân ca giục giã lòng người, trong lòng tôi lại rạo rực khí thế tưng bừng sục sôi của cách mạng.

        Đầu tháng 9 năm 1945 thì Bộ Quốc phòng cử tôi về làm Tư lệnh chiến khu 3 - vùng duyên hải Bắc Bộ. Lúc đó anh Lê Quang Hòa là phái viên chính trị, được trên cử về trước tôi để nhận bàn giao công việc với anh Nguyễn Bình để anh ấy đi nhận nhiệm vụ mới ở miền Nam. Vào một buổi chiều, có đồng chí đến báo cho tôi là đi Hải Phòng; Tôi ngạc nhiên hỏi lại là chiều rồi thì còn đi sao được? Đồng chí ấy trả lời là đi bằng ô tô. Lúc đó tôi mới sực nhớ ra là mình đã bị thói quen đi bộ trên rừng "thôi miên" mất rồi. Khi tôi về tới Hải Phòng tiếc là không gặp được anh Nguyễn Bình.

        Chúng tôi về đến Hải Phòng thì ở đây nhân dân đã cướp chính quyền xong. Ở Hải Phòng, lúc này chúng tôi có tiếp một đồng chí du kích ở phía Nam Trung Quốc sang. Anh tên là Trần Quang - người của đảng Cộng sản Trung Quốc cử sang liên lạc với ta, cùng với ta bàn kế hoạch hiệp đồng tác chiến trên biên giới phía nam Trung Quốc, giáp với Việt Nam. Đó là vùng biên giới Quảng Đông - Quảng Tây. Thời gian ở Hải Phòng, anh ăn nghỉ với chúng tôi ở bộ chỉ huy chiến khu 3 rất thoải mái và an toàn. Nói vậy là vì, khởi nghĩa vừa xong bọn Lam y (y phục màu lam - tình báo của Tưởng) vẫn còn hoạt động rất nguy hiểm. Chính bọn Lam y cũng định ám sát Uông Tinh Vệ ở Hà Nội. Sau đó ta có đưa anh ấy về Trung ương.

        Bấy giờ, tôi đã nhận một trách nhiệm mới rất nặng nề, khó khăn: phụ trách một địa bàn lớn, với bao công việc chồng chất, phức tạp. Ở cương vị này, chắc chắn không chỉ riêng tôi mà bất kỳ ai cũng phải lo lắng, trăn trở, suy nghĩ rất nhiều.. Lo sao cho mình hoàn thành được nhiệm vụ và trách nhiệm trên cương vị mới. Lo là vì, từ một người phụ trách cương vị nhỏ, vài chục người, với lối hoạt động du kích, đánh nhỏ lẻ trên một địa bàn hẹp, nay lại phụ trách đơn vị trên một địa bàn rộng. Đó là những công việc hoàn toàn mới mẻ và thật sự là một thử thách lớn đối với tôi. Lúc này, ta mới thành lập chiến khu 3, nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi là phải tập hợp đoàn kết được anh em càng nhiều càng có sức mạnh. Phần đông anh em về với chiến khu là các anh em ở chiến khu Đông Triều cũ và một số anh em khác từ các vùng lân cận trở về, đây là lần đầu tiên biết nhau. Anh em tham gia bộ đội là những người yêu nước, mong nước nhà độc lập, thoát khỏi ách nô lệ thực dân. Trong hàng ngũ bộ đội có những đồng chí là nông dân, công nhân, các sĩ quan hạ sĩ quan và binh lính yêu nước trong quân đội Pháp và có cả những anh em một thời là "anh hùng hảo hán" ở đất cảng, do có lòng yêu nước, quý mến Vệ quốc quân, ưa thích hành động dũng cảm. Ngoài ra còn có những thanh niên, sinh viên yêu nước. Trong số đó có cả một số anh em là con quan tổng đốc tuần phủ, như anh Lê Tôn Hy con một ông quan tuần phủ quê ở Hưng Yên; anh chiến đấu rất dũng cảm sau làm tiểu đoàn trưởng và bị hy sinh trong một trận ở Từ Ô (Tứ Hồ) Hưng Yên năm 1947. Phải thường xuyên đi sát anh em, gần gũi để tìm hiểu, để đoàn kết được anh em trong một khối thống nhất, đó là trách nhiệm của người chỉ huy mà tôi luôn ý thức được trong quá trình công tác của mình. Đó cũng là một yếu tố quan trọng để tiến hành công tác được thuận lợi và đạt kết quả tốt. Đây là một bức tranh sinh động và kỳ vỹ của một dân tộc đoàn kết đứng lên đấu tranh để giành và giữ quyền độc lập tự do của mình. Nó thể hiện đúng lời nói bất hủ của Hồ Chủ tịch là "Không có gì quí hơn độc lập tự do". Đảng ta đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và nêu lên chân lý sáng ngời, nên đã đoàn kết được toàn dân tộc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 05:39:53 pm »


        Nhiệm vụ của chúng tôi lúc này là vừa ổn định tổ chức vừa phải tìm cách đối phó với bọn tàn quân Pháp còn lảng vảng ở một số đảo đang chiếm giữ ngoài vịnh Hạ Long; phải chống lại bọn Quốc dân đảng, bọn thổ phỉ và cả quân Tưởng nữa. Đối với quân Tưởng, nhiệm vụ chủ yếu của ta là cùng nhân dân giữ gìn chính quyền non trẻ của mình, chống sự cướp bóc quấy nhiễu nhân dân của chúng. Mặt khác lại phải hạn chế đến mức tối đa khả năng xung đột vũ trang với chúng. Đó là mâu thuẫn cần được giải quyết hết sức khôn khéo, mềm mỏng và đó cũng là sách lược trong việc đấu tranh phân hoá hàng ngũ kẻ thù mà Đảng và Hồ Chủ tịch đã chỉ bảo.

        Lúc này, do phong trào cách mạng của ta đang ở thế mạnh nên bọn Quốc dân đảng cũng không còn hoạt động mạnh như trước nữa. Riêng ở vùng Quảng Yên tuy lực lượng Quốc Dân đảng đã cướp được chính quyền ở một vài nơi, nhưng ta đã cử lực lượng vũ trang đến và cùng với nhân dân địa phương đã giành lại được chính quyền ở những nơi đó. Với bọn tàn quân Pháp ở đảo Cô Tô, có bị ta tổ chức đánh nhưng chúng hơn ta về tàu chiến và các loại vũ khí khác, nên ta không đánh lui được chúng, chỉ có thể hạn chế tối đa khả năng chúng không mở rộng chiếm đóng được nữa. Trái lại, lúc này gay go nhất đối với ta vẫn là bọn thổ phỉ. Bọn chúng đã chiếm được hai vùng Móng Cái và Hà Cối. Hai vùng này nằm dưới sự kiểm soát của bọn thổ phỉ, đứng đầu chỉ huy là tên Vũ Kim Thành. Còn ta vẫn giữ được Tiên Yên, Đầm Hà. Chủ trương của Trung ương và Bộ Quốc phòng là phải chiếm lại được hai vùng Móng Cái và Hà Cối. Yêu cầu đó thật nặng nề, song chúng tôi đã xác định quyết tâm và tích cực tìm mọi cách thực hiện.

        Để đánh chiếm được Móng Cái, Hà Cối, cần phải có kế hoạch điều tra, nắm tình hình thực tế thật cụ thể, tỉ mỉ. Đối với chúng tôi, điều này cần thiết hơn bao giờ hết, vì vùng này đã lâu chúng tôi không hoạt động. Biết được băn khoăn lo lắng của chúng tôi, trên Trung ương đã giới thiệu tôi với người cháu của ông Trần Tề Đường, ông Đường lúc đó là Tổng đốc Lưỡng Quảng (vùng Quảng Đông và Quảng Tây). Tôi đã gặp người đó ở Hà Nội và sau đó anh ta cùng tôi và một đồng chí cán bộ nữa đi sang Đông Hưng. Hoạt động trinh sát của chúng tôi là ban đêm chúng tôi ăn nghỉ ở Đông Hưng, ban ngày trở lại Móng Cái để quan sát và nắm tình hình. Vì thị trấn Đông Hưng và thị trấn Móng Cái nằm hai bên bờ sông chỉ cách nhau có một chiếc cầu, nên việc đi lại của chúng tôi phần nào cũng có thuận lợi. Có lần anh ta đã dẫn chúng tôi vào cả khu doanh trại của bọn thổ phỉ. Vì thế chúng tôi nắm tình hình địch khá cụ thể tỉ mỉ.

        Sau khi nghiên cứu và nắm chắc tình hình địch, chúng tôi trở về Tiên Yên bàn kế hoạch với Trung đoàn Vệ quốc quân đóng ở Tiên Yên và Đầm Hà. Trung đoàn này do đồng chí Đinh Thịnh làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Đàm Quang Thìn là chính trị viên Trung đoàn. Do công tác chuẩn bị chu đáo nên trận đánh Hà Cối – Móng Cái thắng lợi nhanh gọn. Sau trận này, về phía chính quyền, Trung ương có cử anh Vũ Đình Đức giữ chức chủ tịch tỉnh Hải Ninh.

        Như vậy, lúc này ta đã giải phóng được cả vùng Duyên hải Khu 3 từ Thái Bình đến Móng Cái. So với trước tình hình có phần nào ổn định, mặc dù trên thực tế vẫn còn bọn tàn quân thổ phỉ lén lút hoạt động ở vùng rừng núi. Tôi lúc đó phải thường xuyên viết thư tướng thổ phỉ tên là Nghiêm Cảnh Đông ở Tiên Yên, nên dần dần cũng cảm hoá được. Họ cũng nằm im không hoạt động như trước nữa.

        Nước ta mới giành được độc lập, nhân dân ta tràn ngập niềm vui sướng hân hoan, nhưng từ sau ký Hiệp định sơ bộ với Pháp (6/3/1946) tinh thần của mọi người càng nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đối phó với tai hoạ xâm lược mới đang rình rập phía trước. Trong lịch sử dân tộc ta chưa bao giờ lại có nhiều thù trong, giặc ngoài mạnh như thế, đóng ngay trên đất nước ta, hàng ngày hàng giờ uy hiếp nền độc lập của dân tộc và chính quyền cách mạng của ta.

        Với dã tâm xâm lược đất nước ta một lần nữa, núp phía sau danh nghĩa Đồng minh, quân Pháp từng bước mở rộng chiến tranh, nhanh chóng tăng cường đạo quân Viễn chinh trên chiến trường Đông Dương.

        Sau khi gây hấn ở Nam Bộ, Trung Bộ, nuốt lời hứa trong Hiệp định sơ bộ, gạt bỏ mọi khả năng thương lượng quân Pháp âm mưu chuyển sang giai đoạn bình định và tiến quân ra Bắc.

        Hải Phòng là cửa ngõ chính của Bắc Bộ, là đầu cầu của quân xâm lược Pháp. Với vị trí chiến lược quan trọng như thế, nên sự đối đầu giữa ta và địch ở Hải Phòng là rất quyết liệt và phải là trước tiên. Ở Hải Phòng, lực lượng quân Pháp ngày càng được tăng cường, có lục quân, hải quân và một số máy bay. Tình hình Hải Phòng ngày càng trở nên căng thẳng. Quân Pháp ngày càng kiêu căng, ngạo mạn. Chúng ngang nhiên cướp bóc, bắn giết bừa bãi, uy hiếp chính quyền ta, lấn chiếm mở rộng vị trí chiếm đóng, vi phạm rồi phá hoại các hiệp định đã ký kết. Ta đã hết sức cố gắng hạn chế các cuộc xung đột để kéo dài hoà hoãn, chuẩn bị kháng chiến. Sau mỗi lần đàm phán, sự yên ắng ấy chỉ được mấy ngày, rồi những vụ khiêu khích, gây rối mới lại nổ ra, và lần sau lại bùng to hơn lần trước. Sự khiêu khích gây rối của quân Pháp ngày càng bộ lộ rõ âm mưu chiến tranh của chúng. Để chuẩn bị đối phó, Hải Phòng đã tổ chức lực lượng vũ trang nhân dân gồm các đơn vị công an xung phong và các đơn vị tự vệ ở khu phố và Xí nghiệp. Toàn dân Hải Phòng sôi sục lòng yêu nước, chuẩn bị kháng chiến, thanh niên nô nức tham gia Vệ quốc đoàn, công an xung phong, tự vệ chiến đấu. Công tác huấn luyện cho các lực lượng vũ trang cũng diễn ra rất khẩn trương. Các tầng lớp nhân dân đều sôi nổi tích cực ủng hộ và thiết thực tham gia đào hầm, đào ngách đục tường trong các dãy phố và chuẩn bị rào cản ở các ngả đường.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:47:31 pm »


        Một vấn đề nổi lên trong tình hình thời sự lúc đó là vũ khí. Trang bị vũ khí cho lực lượng vũ trang gặp rất nhiều khó khăn. Ta hoàn toàn phải tự giải quyết. Nếu trước đây, vũ khí trang bị của ta có được là do lấy được của quân Pháp và quân Nhật trong cuộc tổng khởi nghĩa Tháng tám, thì bây giờ ta phải mua vũ khí của quân Tưởng, quân Nhật và một số vũ khí quân Pháp còn sót lại để trang bị cho lực lượng vũ trang. Lúc này ở Hải Phòng là cái chợ Trời về mua bán vũ khí của quân Tưởng và quân Nhật. Người ta bán súng bán đạn như người ta bán ốc bán rau. Các loại vũ khí bộ binh nhẹ được bày bán la liệt. Không phải chỉ có dân Hải Phòng mua, mà dân ở nhiều tỉnh khác cũng đổ xô về đây để mua vũ khí. Nhờ đó các lực lượng vũ trang Hải Phòng có điều kiện về trang bị vũ khí khá hơn nhiều địa phương trong nước.

        Hải Phòng vốn là một thành phố công nghiệp, nên Đảng bộ và bộ chỉ huy chiến khu 3 có chủ trương, kịp thời di chuyển một số máy móc sơ tán về vùng nông thôn Kiến An, Thuỷ Nguyên để lập xưởng quân giới, rèn đúc vũ khí, nghiên cứu sản xuất bom mìn, lựu đạn, chai xăng Crếp.

        Điều bất ngờ là một số công nhân ta đã ra Cát Bà, Đồ Sơn thu lượm pháo 138 ly ở pháo đài cũ của Pháp về nghiên cứu và chế tạo thành công ra mìn đánh xe cơ giới. Lúc bấy giờ cũng xuất hiện một "hiện tượng đặc biệt" có một ông cố đạo với cái tên thật là mềm mại, triết lý, đó là ông Nguyễn Công Lý. Tuy là cha cố nhưng hình như cuộc đời ông rất gần gũi với cuộc sống thường nhật. Tính tình ông rất hiền lành, chất phác, có tinh thần yêu nước, được anh Nguyễn Bình giác ngộ cách mạng đã tham gia chiến khu Đông Triều và sau khi giải phóng cũng tham gia Ban quân giới Chiến khu 3. ông đã cùng anh em công nhân chế tạo sản xuất bom mìn, lựu đạn. Chính ông đã thường làm thử nghiệm, mặc dù bị cụt tay do một lần thử lựu đạn, với bàn tay giả ông vẫn dũng cảm tiếp tục hăng say trong công việc của mình, tích cực chuẩn bị vũ khí cho kháng chiến. Cùng làm việc với cha Lý có ông Lê Quang Thiệu, Trịnh Văn Yên, là công nhân kỹ thuật - Quân giới Chiến khu 3. Các ông đã cùng nhau nghiên cứu chế tạo ra nhiều loại vũ khí như lựu đạn, bom, mìn và đặc biệt chế tạo được cả Bazôka 75 ly để đánh xe tăng, ô tô địch trên đường 5. (Sau rút vào Thanh Hoá bộ phận này còn xây dựng cả lò cao để chế tạo vũ khí). Anh Lê Thanh Nghị bí thư khu uỷ Khu 3 rất chú ý sản xuất vũ khí.

        Đến tháng 11 năm 1946, thực dân Pháp tăng thêm quân số bộ lên Đồ Sơn, Cát Bà và Đà Nẵng. Đặc biệt nghiêm trọng là việc chúng thực hiện đánh chiếm Lạng Sơn và Hải Phòng.

        Ngày 20 tháng 11 năm 1946, Pháp đánh chiếm Hải Phòng, một cửa ngõ của Bắc Bộ - đầu cầu để xâm lược Bắc Bộ và là nơi quân Pháp có sức mạnh hơn ta và có thế tác chiến thuận lợi. Đằng sau chúng có hải quân và mặt biển làm chỗ dựa và ta thì không thể bao vây được chúng. Quân và dân Hải Phòng đã kiên quyết đánh trả. Cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt. Công an xung phong do đồng chí Trần Thành Ngọ chỉ huy chiến đấu rất dũng cảm làm cho mỗi bước tiến của địch đều bị đánh trả. Quân và dân ta chiến đấu giữ từng khu phố, từng căn nhà. Quân Pháp phải đối phó với nhiều lực lượng cùng một lúc. Đặc biệt đội vũ trang tuyên truyền Khu 3 chiến đấu ở Nhà hát thành phố với tinh thần cách mạng rất cao, đã tiêu diệt nhiều giặc Pháp kể cả sĩ quan. Đội vũ trang tuyên truyền do đồng chí Đạo phụ trách tuy trang bị vũ khí ít, song đã biết phối hợp với đội tự vệ nhà máy nước do đồng chí Nở chỉ huy chiến đấu quyết liệt với quân Pháp có trang bị xe tăng và nhiều vũ khí hiện đại. Trong khi đó anh em công nhân quân giới bằng tìm tòi sáng tạo, dùng các khẩu pháo cũ của Pháp ở Thuỷ Nguyên đã cùng với Vệ quốc quân đánh tàu chiến địch ở bến Bính, làm cho quân Pháp phải phân tán lực lượng không tập trung được phần lớn lực lượng dể đánh vào Trại Cau (Quận Lê Chân). Trong khi đó ta tích cực phát động chiến tranh nhân dân trên toàn địa bàn chiến khu và tích cực sản xuất bom mìn cung cấp cho bộ đội và dân quân. Do có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có một nguyên nhân không kém phần quan trọng là kiến thức chỉ huy tác chiến của ta còn kém, còn ấu trĩ và không bao vây được đường sông và đường biển nên không thể kéo dài được cuộc chiến đấu, mà chỉ duy trì được trong một tuần lễ ở nội thành. Sự thành công của ta lúc đó là đã chủ động, có kế hoạch xây dựng và bảo vệ hành lang Trại Cau - An Dương - Cầu Niệm - Kiến An, nên khi chiến sự nổ ra trong thành phố thì nhân dân và các cơ quan đã kịp thời rút sang Kiến An được an toàn. Sau khi rút lui ta vẫn tổ chức được những đợt tiến công vào sân bay Cát Bi, Quán Toan, trên đường 5 và phát động chiến tranh nhân dân rộng khắp. Cùng với bộ đội chủ lực từ Trung ương về tăng cường, quân và dân Hải Phòng kịp thời chặn được bước tiến của địch đánh lên Hải Dương trước ngày toàn quốc kháng chiến. Du kích phát triển trên đường số 5.

        Cuộc chiến đấu ở Hải Phòng là một trong những nét vẽ tuyệt vời rung động lòng người trong bức tranh hoành tráng về những ngày đầu kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Đó còn là một phác hoạ đặc sắc về cuộc chiến tranh nhân dân ta chống xâm lược trên địa bàn thành phố Cảng trước ngày toàn quốc kháng chiến. Như đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tác phẩm "Những chặng đường lịch sử" đã viết:

        "Trận chiến đấu anh dũng” tại Hải Phòng đã có tác dụng của một cuộc tổng diễn tập thực sự cho trận đánh kéo dài ngày ở Thủ Đô Hà Nội xảy ra sau đó hơn một tháng”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:55:04 pm »


PHẦN 5

NGHIÊN CỨU VÀ HUẤN LUYỆN

        Thời gian ở Khu 4, sức khoẻ của tôi có phần giảm sút phải đi điều trị một thời gian ngắn ở bệnh viện. Sức khoẻ bình phục, từ bệnh viện trở về đơn ví cũ, thủ trưởng Bộ Quốc phòng phân công tôi làm hiệu trưởng trường Quân chính trung cấp. Trường này vừa mới được thành lập xong trên cơ sở của trường bổ túc quân chính sơ cấp (theo quyết định của Tổng Quân uỷ tháng 4 năm 1954). Đúng vào lúc đất nước còn đang chiến tranh nên phải lấy địa điểm Bắc Sơn làm địa bàn xây dựng trường.

        Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi cùng anh Đỗ Hạp, cán bộ của phòng quân sự và một số chiến sĩ cần vụ, mỗi người một xe đạp, một bi đông nước chè xanh đi tìm địa điểm mới cho trường. Sau nhiều ngày lặn lội tìm kiếm, chúng tôi đã tìm được nơi đóng quân phù hợp. Đầu tháng 5 năm 1954, nhà trường dời đến địa điểm mới trong khu rừng xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn. Vốn là một trong những căn cứ cách mạng trong những ngày đầu khởi nghĩa, nơi đây là vị trí an toàn, có địa hình tốt để làm thao trường, bãi tập, nhất là lại có con đường 1B mà chúng ta mới làm xong, chạy từ Thái Nguyên qua Bắc Sơn đến Đồng Đăng, nên việc đi lại khá thuận lợi. Con đường này một thời đã được anh Tố Hữu tả bằng thơ rất đỗi tự hào, khoẻ khoắn:

                                    Đường ta rộng thênh thang tám thước
                                    Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên
                                    Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên
                                    Đường Cách mạng dài theo kháng chiến...

        Lúc đầu, mọi việc hầu như còn mới lạ hoàn toàn, "thầy trò" chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng rồi cũng nhanh chóng vượt qua được. Điều đó cũng dễ hiểu bởi nhân dân Bắc Sơn phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số lại là quê hương của phong trào cách mạng. Được đồng bào 5 xã Tân Hương, Tân Lập, Vu Lăng, Nhất Hoà, Nhất Thế hết sức giúp đỡ, và sau một thời gian lao động vất vả xây dựng trường sở, chúng tôi đã sớm có nơi ăn ở và học tập khá tốt. Lúc ấy, bộ đội đi đến đâu, ở đâu cũng có nhiều ấn tượng tốt với dân, bằng nhiều hình thức phong phú như giúp đỡ nhân dân học tập văn hoá, cùng với thanh niên và nhân dân địa phương tổ chức các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao. Các cuộc thi chạy, đá bóng với thanh niên địa phương, những đêm văn nghệ "lửa trại" với nhân dân lúc ấy vui vẻ, trẻ trung và đầm ấm lắm.

        Qua đây, chất keo đoàn kết đã và bền chặt nhân dân với bộ đội, nhà trường với chính quyền địa phương. Cả học viên và giáo viên chúng tôi lúc đó còn trẻ lắm, nên ai cũng hồn nhiên sôi nổi, thích thú và hưởng ứng các hoạt động mang tính chất bề nổi này. Trường của chúng tôi huấn luyện cán bộ trung cấp, lúc đầu còn ít cán bộ, giáo viên nhưng sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thì Bộ lại điều về đây nhiều cán bộ mới, có nhiều kinh nghiệm thực tế để làm giáo viên, nên lực lượng giáo viên đã được tăng cường khá mạnh. Lúc bấy giờ giáo viên dạy các bộ môn chính trị là anh Hoàng Phương (anh Hoàng Phương là Trưởng phòng chính trị, kiêm chính uỷ nhà trường), anh Lê Linh, anh Mạc Ninh... còn cán bộ giảng dạy quân sự có các anh Lê Ngọc Hiền, Minh Văn, Hồ Quang Hoá, Nguyễn Năng, Hùng Sinh (anh Hùng Sinh là trưởng phòng quân sự, anh Nguyễn Năng là phó phòng quân sự) và nhiều đồng chí khác nữa. Sau này, nhiều anh em trong số chúng tôi, kể cả học viên và giáo viên của trường đã là những cán bộ cao cấp, cán bộ chủ chốt của quân đội ta.

        Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ có tăng cường cho nhà trường các chuyên gia Trung Quốc cả quân sự và chính trị. Nói là trường trung cấp quân sự, nhưng trường huấn luyện cả hai hệ: chính trị và quân sự. Anh em học viên là cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn. Bấy giờ môn chính trị cũng được huấn luyện tương đối kỹ, ngoài việc huấn luyện những lý luận cơ bản ra, nhà trường còn rất chú trọng đến môn công tác Đảng - công tác chính trị.

        Trong số anh em học viên của trường lúc bấy giờ có đồng chí Huỳnh Văn Nghệ, ở miền Nam ra học, chế độ huấn luyện của nhà trường đã bắt đầu mang tính chính quy ăn ở nền nếp gọn gàng tuy là nhà tranh, nhà lá thôi. Vì chỉ quen với khí hậu miền Nam - ấm, mát quanh năm nên anh Nghệ không chịu được cái rét của miền núi, thực tế đó buộc nhà trường phải chấp nhận riêng đồng chí này thì mùa rét được phép để trong phòng ở một đống củi để đốt lửa sưởi suốt ngày đêm. Ai cũng phải thừa nhận đó là sự quan tâm chu đáo của nhà trường, không vì nguyên tắc chế độ chính quy mà tỏ ra cứng nhắc trong việc xử lý những trường hợp cụ thể, đặc biệt như thế.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:55:28 pm »


        Đây là một khoá học có quy mô và chất lượng nhất từ ngày thành lập trường bổ túc quân chính đến nay, từ việc tổ chức cơ quan, đội ngũ giáo viên gồm nhiều cán bộ đã chỉ huy lãnh đạo chiến đấu nhiều năm, giàu kinh nghiệm được điều động từ nhiều đơn vị chủ lực về.

        Cùng với việc kết thúc khoá học đầu tiên là quân và dân ta giành thắng lợi to lớn, quyết định trên chiến trường Điện Biên Phủ, hoà bình được lập lại ở miền Bắc thì trường lại được lệnh về vùng xuôi - Kim Đái - Sơn Tây.

        Nội dung huấn luyện trong thời gian này có thêm một lớp tập huấn cho cán bộ, có cả cán bộ cao cấp như anh Đồng Sĩ Nguyên, anh Hoàng Sâm. Ngoài huấn luyện chung còn huấn luyện cả đội ngũ theo hướng quân đội chính quy. Chưa được "nóng chỗ" trường lại phải chuyển đến địa điểm mới, đó là khu Quần Ngựa - Hà Nội. Ngoài lớp đào tạo ra, trường vẫn tiếp tục mở một lớp tập huấn gồm cả cán bộ cao cấp, lớp này có những cán bộ cao cấp như anh Giáp Văn Cương (nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân), anh Phạm Hồng Sơn (phó viện trưởng Viện Chiến lược quân sự), anh Nguyễn Hoà ...

        Với nội dung huấn luyện đó, tháng 5 năm 1955 Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh quyết định thành lập trường Bổ túc quân sự trung cao cấp. Anh Văn Tiến Dũng lúc đó là Tổng Tham mưu trưởng được trên phân công kiêm hiệu trưởng nhà trường, và tôi là phó hiệu trưởng. Chẳng được bao lâu trường lại chuyển về quận Ba Đình (trường An Be Sa Rô của Pháp nằm trên đường Hùng Vương và Hoàng Văn Thụ). Và rồi trường lại chuyển về Bạch Mai, lần này trường lại đổi tên thành Học viện Quân sự và Bộ phân công tôi làm Viện trưởng, anh Minh Vân làm phó viện trưởng. So với các địa điểm mà trường ở trước đây, thì Bạch Mai là nơi ở khá ổn định và lâu dài thuận lợi hơn cả.

        Vì vậy nhà trường có điều kiện để thực hiện việc tăng gia sản xuất, trồng rau xanh cải thiện đời sống. Việc thực hiện các chế độ nền nếp tác phong của nhà trường chính quy cũng được mọi người chấp hành nghiêm chỉnh. Không khí thi đua trong giảng dạy, học tập, công tác, phục vụ rất sôi nổi. Bộ phận cấp dưỡng có khẩu hiệu "ba nóng, năm ngon, bốn sạch" được duy trì rất nghiêm túc.

        Nội dung huấn luyện chủ yếu của Học viện là cấp Trung đoàn, Sư đoàn, huấn luyện cả chính trị và quân sự, nhưng quân sự là chính vì lúc đó ta đã thành lập Học viện chính trị riêng rồi. Về cơ cấu tổ chức của trường lúc này cũng khá hoàn chỉnh, gần như đã thành lập hầu hết các khoa như Học viện quân sự cấp cao sau này. Lúc ấy ngoài các khoa cơ bản như chiến thuật và các khoa binh chủng, tổ quân chủng, lần đầu tiên có tổ chức thêm 3 khoa mới: Đó là khoa đường lối quân sự, khoa quân sự địa phương và khoa lịch sử quân sự.

        Những khó khăn của công tác nhà trường trong bước đi ban đầu là tất yếu. Phương pháp huấn luyện, phương pháp sư phạm, cơ sở vật chất đảm bảo huấn luyện, đó là những khó khăn cơ bản, mục tiêu nhà trường phải tháo gỡ, mà phần nào anh em giáo viên ta sớm tránh khỏi bỡ ngỡ ban đầu.

        Song, thật khiếm khuyết, nếu quên đi những nỗ lực chủ quan của tập thể cán bộ giáo viên Học viện. Đội ngũ này còn khá trẻ, hầu hết họ đều chưa có gia đình, rất hăng hái nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao. Những khó khăn vừa nói ở trên cũng như khó khăn trong việc dịch các tài liệu do chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc cung cấp và biên soạn tài liệu giảng dạy đã dần dần được khắc phục.

        Có đồng chí trước khi lên lớp vài ngày đã một mình đóng cửa buồng làm việc của mình để tự giảng, tập giảng. Chúng ta thử tưởng tượng xem: một mình anh ấy đi đi lại lại tiếng nói lúc trầm lúc bổng, lúc đều đều, lúc nhấn mạnh... một cách trách nhiệm, tự giác để đạt đến nội dung lên lớp gần như học thuộc lòng. Đó chính là thái độ lao động nghiêm túc để đưa kiến thức vào bộ não của mình.

        Giờ đây, mỗi khi nhớ lại những ngày ấy, chúng tôi thật sung sướng tự hào, nếu không có những tháng năm như vậy đâu có được sự trưởng thành như hôm nay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:55:53 pm »


        Cũng cần phải nói thêm là học viên của Học viện phần lớn là cán bộ trung cấp, nên đó cũng là động lực thúc đẩy anh em giáo viên phải cố gắng rất nhiều. Với tinh thần trách nhiệm cao, tinh thần phấn khởi học tập, nghiên cứu nên họ đã hoàn thành được nhiệm vụ đặt ra. Nổi lên trong số giáo viên lúc đó, chúng tôi còn nhớ mãi anh Hoàng Đan, một con người vui tính, nhưng khá mạnh dạn sôi nổi trong giảng dạy. Cho đến khi, trên các cương vị cao trong quân đội anh vẫn giữ tác phong giản dị, tính tình vui vẻ đó.

        Trong nội dung huấn luyện giảng dạy của Học viện, lúc đó đã chú trọng trong việc học tập kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Pháp, tiếp thu thành tựu của nền khoa học nghệ thuật quân sự Xô viết, đồng thời học tập kinh nghiệm của cuộc chiến tranh ở miền Nam trong thời kỳ Mỹ - Nguy thực hiện cuộc chiến tranh đặc biệt. Vì vậy, các đồng chí như đồng chí Trần Văn Quang (thượng tướng, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng) và nhiều cán bộ đã chiến đấu ở miền Nam ra, được Học viện mời đến báo cáo kinh nghiệm chiến đấu cho cả học viên, giáo viên và cán bộ nhà trường nghe.

        Những kinh nghiệm thực tiễn đó làm sáng tỏ rất nhiều lý luận mà nhà trường đã giảng dạy, qua đó rút kinh nghiệm kịp thời, bổ sung cho giáo trình tài liệu giảng dạy của Học viện. Có một kinh nghiệm muôn thuở, đó là lý luận phải gắn liền với thực tiễn, học phải đi đôi với hành. Điều ấy, được phản ánh qua những đợt diễn tập thực binh khá tốt, do Học viện tổ chức.

        Trong một lần diễn tập thực binh, Học viện đã lấy Trung đoàn 209 của Sư đoàn 312 làm đơn vị thực hành. Đơn vị hành quân từ Phổ Yên (Bắc Thái) - Thái Nguyên qua Đèo Khế, vòng về Lập Thạch qua thị xã Vĩnh Yên đánh vào công sự vững chắc của địch ở chân núi Tam Đảo. "Trận chiến đấu” đó thu được kết quả khá tốt. Nó chứng tỏ phương pháp đưa học viên vào các vị trí chỉ huy, tổ chức hành quân đường dài, trong quá trình thực hành tác chiến có cán bộ của Trung đoàn thực binh giám sát chặt chẽ là phương pháp rất tốt để nâng trình độ của cán bộ, học viên.

        Có một lần trong diễn tập thực binh, chúng tôi phải làm gấp một con đường quân sự để cho cả pháo binh cơ giới, xe tăng đi. Con đường ấy chạy từ chân núi Tam Đảo đến Bá Vân qua đèo Nhe, đánh sang quân địch ở Bá Vân phía bắc chân núi Tam Đảo. Bộ đội làm con đường này, được nhân dân hai tỉnh Vĩnh Yên và Thái Nguyên rất hoan nghênh và ủng hộ. Nó vừa là con đường phục vụ cho diễn tập thực binh vừa là con đường rất thuận lợi cho nhân dân hai tỉnh đi lại không phải đi vòng khá xa. Trong chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đã từng biết bao con đường như thế ra đời, nó mang nhiều ý nghĩa không chỉ là quân sự mà cả chính trị, kinh tế rất lớn lao.

        Có một lần khác, trong đợt diễn tập làm đường quân sự làm gấp ở Hải Dương, Kiến An, chỉ huy đơn vị ra lệnh cho 2 xe ủi đi trước mở đường cho pháo binh cơ giới đi tiếp Không ngờ, trên trục đường đó đơn vị phải đi qua một cái cầu gỗ trông có vẻ không được chắc chắn lắm. Vì thế, anh Hoàng Đan phải cùng với mấy đồng chí cán bộ, giáo viên công binh và vài chiến sĩ lái xe đi "tiền trạm".

        Đến nơi, anh Hoàng Đan nghĩ ra một kế khá táo bạo: cho mấy chiến sĩ chạy nhảy trên cầu và giáo viên công binh xem xét khảo sát kỹ các dầm cầu chân cầu, thấy chiếc cầu không hề rung gì cả, thế là chỉ huy đơn vị quyết định cho xe ủi đi qua trước, quả nhiên là xe ủi đi qua được. Khi đơn vị hành quân qua an toàn, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm, bởi sự quyết đoán dựa trên tính toán rất thô sơ như thế.

        Bắt đầu từ năm 1954 Trường bổ túc quân sự trung cao cấp đã mời cố vấn Trung Quốc sang giúp đỡ. Và sau đó các thời kỳ đều có cố vấn Trung Quốc và Liên Xô giúp đỡ.

        Mùa hè năm 1957, anh Hoàng Văn Thái, anh Vương Thừa Vũ cùng với tôi đi tham quan diễn tập của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc ở Tô Châu. Ở đấy chúng tôi thấy có cả chuyên gia cố vấn Liên Xô. Diễn tập và tập trận là điều rất cần thiết cho một quân đội thường trực, để luôn luôn có khả năng hiệp đồng và sẵn sàng chiến đấu. Mong sao sau này khi có điều kiện quân đội ta cũng làm được như vậy.

        Tại cuộc chiêu đãi của Bộ Tổng tham mưu ở Khách sạn Thái Hồ, khi ngồi bên bờ Thái Hồ, đồng chí Trung Quốc có kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện rằng: Đây là nơi Tây Thi đã từng ở, trên núi có giếng gương soi của Tây Thi cạnh đồn Cô Tô. Việt Vương Câu Tiễn sau khi đánh bại Phù Sai, thì Phạm Lãi đã cùng Tây Thi dùng thuyền bỏ trốn ở trên hồ này. Thái Hồ là một cái hồ rất rộng, chung quanh cây cối rậm rạp um tùm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:56:15 pm »


        Sau đó, vào năm 1960 trong dịp Nguyên soái Diệp Kiếm Anh sang thăm Việt Nam, ông đã đi thăm quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nghệ An. Đoàn đưa ông đi bằng máy bay, còn chúng tôi cũng đi theo sau nhưng bằng ô tô. Cùng đi với tôi có đồng chí người bạn Trung Quốc là Tướng Dương Thành Võ. Trên đường đi chúng tôi có nghỉ một chút dưới gốc đa bên đền thờ An Dương Vương ở Diễn Châu và nói chuyện vui. Sau này tôi mới được biết chính Tướng Dương Thành Võ là người trực tiếp tham gia bắt lũ bốn tên là Giang Thanh, Vương Hồng Văn, . ...

        Đến năm 1961, Bộ tổ chức thành lập thêm Học viện quân chính. Anh Trần Văn Trà, Phó Tổng tham mưu trưởng, kiêm Viện trưởng và bổ nhiệm tôi làm Phó Viện trưởng, anh Lê Chưởng làm Chính uỷ. Thực tế lúc đó hai Học viện như là một. Giáo viên hai học viện sang dạy cả hai nơi. Khi chiến tranh phá hoại miền Bắc xảy ra, Học viện lại phải sơ tán về vùng nông thôn, trên có cử thêm đồng chí Vũ Yên và đồng chí Đỗ Trình làm Phó Viện trưởng Học viện.

        Trước yêu cầu của chiến trường miền Nam tháng 9 năm 1964, Học viện đã tổ chức cho một số cán bộ, học viên của hệ quân sự được điều động vào chiến trường Nam Bộ tham gia chiến đấu. Trước khi lên đường, đoàn được gặp Bác Hồ và Bộ Chính trị thăm hỏi dặn dò. Đảng uỷ và chỉ huy Học viện tổ chức mời cơm thân mật, chụp ảnh lưu niệm và Đoàn cũng đã gặp gỡ chia tay với anh em trong Học viện rất cảm động.

        Trong một đêm cuối năm 1963 con tàu "Phương Đông II", con tàu không số của Bộ Tư lệnh Hải quân rời cảng Hải Phòng đưa các đồng chí vào tận Cà Mau từ đó các đồng chí toả đi các chiến trường. Có một số anh em chiến đấu và ở lại chiến trường luôn cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, còn một số anh thì sau một thời gian chiến đấu lại trở về Học viện tiếp tục giảng dạy. Nhưng cũng có một số đồng chí đã chiến đấu dũng cảm và bị hy sinh ở chiến trường.

        Từ năm 1954 đến năm 1965, trong khoảng 10 năm, đó là một cơ hội lớn cho tôi có được một thời gian dài để làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, nhất là được đọc sách và nghiên cứu nhiều tài liệu lý luận quý giá. Điều mà tôi đã hằng mong mỏi từ nhiều năm trước đó. Tôi tranh thủ thời gian nghiên cứu các tài liệu của Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc và các tài liệu trên thế giới.

        Với tài liệu Việt Nam tôi lần giở lại những tài liệu cổ quý giá như: Binh thư yếu lược, Quân Trung từ mệnh tập, Đại cáo Bình ngô, Tôn Tử, Các Mác, Anggen, Lênin, Hồ Chí Minh, Claodơvit...và các chiến lệ như: trận Lớt của Êpamirônđa, trận Can của Haniban, trận Bối Thuỷ trận của Hàn Tín, trận Austerlite của Napôlêông, Xitalingơrát ...Bạch Đằng, Chi Lăng, Ngọc Hồi, Đống Đa, chiến dịch Biên giới 1950, Điện Biên Phủ... Qua đấy, vừa kế thừa được tinh hoa truyền thống của dân tộc ta, một nước nhỏ đã chiến thắng các nước lớn, một đội quân ít cả người và vũ khí thô sơ đã chiến thắng những đạo quân xâm lược lớn - đông quân, nhiều vũ khí hiện đại.

        Mặt khác, quan trọng hơn là hiểu biết về tư tưởng quan điểm, nguyên lý và các quy luật của đấu tranh vũ trang trong chiến tranh. Hiểu được điều đó quả thật không đơn giản, nhưng rất thích thú với những ai đam mê nghệ thuật quân sự, thích tìm tòi những căn nguyên của thắng lợi và thất bại. Vì thế tôi còn bước đầu hiểu được phần nào tư tưởng biện chứng quân sự của Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Nhờ có những hành trang đó mà khi tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, một số kiến thức cơ bản đó trở thành cơ sở để vận dụng sáng tạo trong chiến đấu và đã giành được một số thắng lợi.

        Không những thế, với hành trang đó mà tôi có thêm kiến thức để thai nghén hai cuốn sách nhỏ được xuất bản ngay tại chiến trường và cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ (cuốn Tổ tiên ta đánh giặc - năm 1971 và cuốn Thất bại của một sức mạnh phi nghĩa năm 1974).

        Tất cả những điều ấy, dù bước đầu hiểu được, nhưng thành thật mà nói, chưa ai dám mạnh dạn vận dụng nhiều vào chương trình huấn luyện, giảng dạy của học viện. Vì lúc đó chúng tôi còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng giáo điều máy móc, nặng về học tập hình mẫu của Liên Xô, thoát ly thực tiễn Việt Nam, có khuynh hướng thiên về tác chiến hiện đại hiệp đồng binh chủng và có phần nào đó là tác chiến dưới điều kiện vũ khí hạt nhân, còn coi nhẹ chiến tranh nhân dân. Sau đó, Bộ cũng thấy được tình hình này nên chúng tôi kịp thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại, khuynh hướng tư tưởng giáo điều, máy móc.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM