Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Năm, 2024, 06:12:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ biên giới tây nam đến đất chùa tháp Tập 1+2+3  (Đọc 86559 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #190 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2019, 10:13:45 pm »

   

Ngày cưới của Ngọc - Phú (26/12/1980 Âm lịch)



Cựu chiến binh sư đoàn 341 hội tụ

        Hai bên đường vào Phnôm Pênh rải rác có những trận địa pháo 130 ly,122 ly, 85 ly còn đó, những hòm đạn còn xếp, nhưng không có dáng tên Pôn Pốt nào. Thi thoảng một vài cái xác nằm vắt bên đường. Có khẩu pháo đã móc vào sau xe xích, xe còn nổ máy mà không có người lái. Cũng thấy những xe Hồng Hà chở đạn, hoặc xe Bắc Kinh loại xe chỉ huy. Đầu cắm chúi xuống ruộng, cần ăng ten dài vút, đung đưa thật ngộ nghĩnh. Các loại súng bộ binh, cùng các trang thiết bị chiến tranh vất bừa bãi, ngổn ngang. Cho thấy cuộc rút chạy rất lộn xộn mới đây của quân Khmer Đỏ.

        Trên đường lại bắt gặp từng đoàn người dân Campuchia. Già trẻ, trai gái, gầy gò, rách rưới, đi ngược hướng tiến của đại quân. Họ chắp tay vái lạy đoàn quân. Với nụ cười còn gượng gạo hé nở trên môi. Đường vào Phnôm Pênh không có: "Rực ánh cờ sao". Như lúc đại quân năm 1975 tiến vào Sài Gòn. Ngoài những lá cờ năm ngọn tháp của quân đội cách mạng Campuchia và Quốc kỳ cờ đỏ sao vàng của các đơn vị bộ đội Tình nguyện Việt Nam. Song có những bàn tay vẫy, nụ cười mới hé, cùng ánh mắt trìu mến của đoàn người mới được từ cõi chết trở về, bắt đầu được hồi sinh. Sachơn lại phát loa báo tin đất nước giải phóng, kêu gọi nhân dân nhanh chóng trở về xây dựng quê hương. Cùng những tờ truyền đơn của Chính phủ Cách mạng Cứu nước Campuchia được phân phát cho nhân dân. Mọi người xúm lấy xem, người biết chữ đọc cho người chưa biết chữ nghe, tiếng cười nói vui mừng cất lên. Niềm vui của người được giải phóng lan tỏa rất nhanh.

        Chia tay nhân dân vừa được giải phóng, đoàn quân tình nguyện nhanh chóng triển khai đánh hành tiến. Khoảng ll giờ, Trung đoàn 273 đã cận kề Phnôm Pênh. Thì bất ngờ gặp một chốt gác chặn ngang đường ngăn không cho Trung đoàn tiến tiếp. Đoàn quân dừng lại, các đồng chí tác chiến Trung đoàn lên hỏi tình hình thì được biết đây là chốt giữ của sư đoàn 7 mới lập nên, với lý do các lực lượng sư đoàn 7 đang gặp địch, đang chiến đấu bên trong thành phố. Để tránh bị lẫn quân ta và quân địch, đề nghị Trung đoàn 273 tạm dừng tại đấy. Sau khi sư đoàn 7 giải quyết xong một số ổ đề kháng, thì sư đoàn 341 sẽ lại tiếp tục tiến công. Nghe các đồng chí sư đoàn 7 nói tình hình như vậy cũng có lý. Vì theo lệnh của quân đoàn ban đầu là Trung đoàn 273 tiến sau đội hình sư đoàn 7. Cùng với thái độ cương quyết của các lực lượng chốt giữ. Đoàn quân của Trung đoàn 273 sư đoàn 341 phải dừng lại.

« Sửa lần cuối: 19 Tháng Hai, 2019, 10:42:55 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #191 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2019, 10:43:39 pm »


        Bộ đội xuống xe, tản ra 2 bên đường, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu đợi lệnh của chỉ huy. Phía trước tiếng súng thưa vẫn đang vọng lại.

        Nắng chan hòa, đường vào Phnôm Pênh vắng bóng nhân dân. Ba năm trước tập đoàn phản bội Pôn Pốt đuổi dân ra đồng, vào rừng, hàng ngàn, hàng triệu người bị giết hại. Thủ đô vắng bóng dân nên khung cảnh tan hoang, rùng rợn.

        Phía trước đã không còn tiếng súng. Nhưng lực lượng chốt chặn ở trạm gác sư đoàn 7 vẫn không cho đoàn quân qua. Trong khi điện sư đoàn vẫn thúc là: "Trung đoàn 273 phải tiến nhanh. Đánh chiếm ngay các mục tiêu như đã được giao". Trung đoàn trưởng Trần Măng và Chính ủy Diệp Xuân Ánh có lẽ là người nóng ruột nhất, ông điện về báo cáo tình hình với sư đoàn. Mới đầu Ban chỉ huy sư đoàn cũng chấp nhận, tạm dừng, xốc lại lực lượng, đợi đơn vị bạn giải quyết xong các mục tiêu chốt chặn của địch đã. Chờ đợi đã quá lâu, ba mươi phút rồi một giờ. sốt cả ruột vì dừng chân sẽ diễn ra nhiều bất trắc, Trung đoàn trưởng Trần Măng trực tiếp lên kiểm tra tình hình trạm gác, chốt cản đường và đã rất giận dữ vì phát hiện ra một trạm gác ngang nhiên cản đường hành tiến của Trung đoàn. Hỏi ra mới biết trạm này của sư đoàn 7. Tại sao lại có trạm cản đường? Chẳng lẽ đây là mưu mô vặt vãnh của cá nhân nào đó giành để họ lập thành tích sao? Làm chậm trễ sức tiến công, bỏ lỡ cơ hội tiêu diệt địch, giải phóng đất nước là có tội với nhân dân bạn. Nghĩ thế, Trung đoàn trưởng Măng điện báo xin ý kiến của sư đoàn để xử lý. Lập tức chỉ huy sư đoàn ra lệnh cần dẹp ngay trạm cản đường vô lý, không được chậm trễ, để tiến công mạnh mẽ vào mục tiêu phía trước.

        Lệnh lên xe tiến công! Những chiếc xe không khác gì những con tuấn mã, đang phi nước đại, lao lên phía trước. Bỗng bị ghìm cương dừng lại. Sức nén của sự chờ đợi đã quá căng thẳng. Đoàn xe chồm lên, bất tuân lệnh vô lý của trạm gác, thẳng tiến vào Phnôm Pênh.

        Lúc này đã gần 13 giờ, ngày 07 tháng 01 năm 1979, chiếc tăng T54 dẫn đầu mũi tiến công của Trung đoàn 273 vượt qua cầu Mô Ni Vông vào Phnôm Pênh. Thủ đô Phnôm Pênh đây ư ? Thủ phủ của bọn đầu não Pôn Pốt - Yêng Xa Ri đây ư? Không có một phát súng bắn trả. Không có bóng một tên lính Pôn Pốt nào. Những quân trang, quân dụng của bọn chúng vất ngổn ngang đầy đường. Những cung điện nguy nga tráng lệ. Những chùa Vàng, chùa Bạc đâu rồi. Những căn nhà, những dãy phố. Với những kiến trúc đặc trưng của đất nước Chùa Tháp, nói nên đã có một thời hưng thịnh, nhiều năm hưng thịnh sầm uất, đông vui bên bờ Tông Lê Sáp. Giờ đây vắng tanh vắng ngắt. Với những tòa nhà rêu phong, im lìm, như một thành phố chết. Thủ đô giờ đây không một bóng người dân. Những cư dân của thành phố đã bị bọn Pôn Pốt lùa hết lên rừng, đi xây dựng cái gọi công xã. Không chợ, không tiền, không trường học, không bệnh viện, không chùa chiền.

        Tôi cùng những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam, từ trong trái tim, như muốn kêu lên thật to:" Hỡi những cư dân thủ đô Phnôm Pênh, chúng tôi đã tới đây. Đã đánh đổ bè lũ khát máu độc ác Pôn Pốt -  Yêng Xa Ri cứu giúp dân tộc Khmer khỏi họa diệt chủng. Các bạn ở đâu cả rồi? Ai còn? Ai đã chết dưới đao búa của bọn Pôn Pốt khát máu, mất hết tính người này?" Không một tiếng vọng trả lời, chỉ có gió, gió lay động các cành cây, như những linh hồn oan khuất đang kêu gào. Dòng Tông Lê Sáp Lngầu đỏ, cuồn cuộn chảy như tiếng kêu than giận dữ, tố cáo tội ác bọn đao phủ, bọn dã thú đội lốt người của tập đoàn Pôn pốt - Yêng Xa Ri - Khiêu Xăm Phon khát máu, man rợ.

        Các đơn vị của sư đoàn 7 đã giải phóng khu vực Hoàng cung và một số nơi khác. Trung đoàn 273 tới khu vực sân vận động Olympic rồi phát triển theo đại lộ Mô Ni Vông, tiến đến khu vực đài Độc Lập, khu vực Bộ Tổng tham mưu của Pôn Pốt. Nơi đây là hợp điểm của các cánh quân ta và các đơn vị quân đội cách mạng Campuchia.

        Ngày 07 tháng 01 năm 1979, vào lúc 11 giờ 30 phút, thủ đô Phnôm Pênh đã hoàn toàn giải phóng. Lá cờ năm ngọn tháp của mặt trận dân tộc giải phóng cứu nước Campuchia tung bay phần phật trên đỉnh cột cờ của Hoàng cung. Báo hiệu chiến thắng to lớn, cách mạng chân chính Campuchia đã thành công. Lá cờ là biểu trưng của khát vọng tự do, là nguồn sống của nhân dân đất nước Chùa Tháp. Và là lời tuyên bố đanh thép rằng, chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Yêng Xa Ri, kẻ sát nhân tàn bạo nhất trong lịch sử đất nước Campuchia đã bị lật đổ. Từ đây nhân dân Campuchia được sống trong hòa bình để xây dựng đất nước. Lá cờ cũng là biểu tượng của chính nghĩa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #192 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2019, 10:44:04 pm »


        Trên đường tiến công địch, giải phóng các địa bàn khác, ở đâu Trung đoàn 273 cũng đều cắm cờ 5 ngọn tháp của Mặt trận Dân tộc Cứu nước Campuchia lên đỉnh cao nhất ở đó. Đó là cột cờ sân vận động Olympic, đài Độc Lập. Chúng ta biết rằng, trên đường tới những cột mốc cờ ấy có biết bao cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 273 đã anh dũng hy sinh. Máu các anh đã tô thắm ngọn cờ nước bạn và tình hữu nghị vô giá Việt Nam - Campuchia.

        Nhân dân bắt đầu lác đác trở về qua thành phố. Trên các đường phố chết bây giờ đã hồi sinh tuy còn ngổn ngang rác rưởi do bè lũ diệt chủng để lại, những thứ quân trang, quân dụng của lính địch vứt ngổn ngang. Phục hồi một thành phố bỏ hoang ba năm chắc phải lâu lắm. Tôi nghĩ vậy và lòng nhói đau. Trong các thứ tội với loài người thì tội diệt chủng là tội nặng nhất.

        Có lúc chúng tôi đến nhà máy sản xuất thuốc lá. Nơi đây lính Pôn Pốt đã lục phá, vì số lượng thuốc quá nhiều nên chúng vứt bừa ra đầy đường.

        Chiều muộn chúng tôi hành quân vòng về gần khu vực vòng xoay đầu cầu của Mô Ni Vông. Trung đoàn bộ dừng chân ở tại một dãy nhà ba tầng. Từ đầu giờ chiều đã có nhiều đơn vị tiến vào thành phố nhưng giờ đây khi gần tối mỗi đơn vị được giao dừng chân ở mỗi nơi, để làm nhiệm vụ bảo vệ thành phố. Địch đã tan rã, chạy dạt lên phía Tây. Thành phố trở nên yên tĩnh, thỉnh thoảng có vài tiếng nổ nhỏ từ xa vọng lại.

        Chiều tối, gió từ sông thổi đến mát lạnh, ai nấy đều vô cùng mệt mỏi. Thành phố vẫn im lặng, lúc này, mọi người như thấy thành phố lớn rộng hơn trong khi thấy mình như bé nhỏ lại. Cán bộ, chiến sĩ ban 5 của Trung đoàn đã kịp nấu ăn cho toàn Trung đoàn bộ. Lúc này đã cuối chiều, chúng tôi đang ăn cơm, bỗng nghe mấy loạt súng rộ lên bắn về phía Trung đoàn bộ. Tất cả vồ lấy súng, lắng nghe diễn biến tiếp để hành động. Nhưng cũng chỉ có mấy loạt AK đấy. Có lẽ anh em ta phát hiện gì đó nên nổ súng? Nhưng khoảng 10 phút sau, một chiến sĩ chạy lại chỗ Đại đội trinh sát, mặt "cắt không còn giọt máu" hổn hển nói: "Xe chở thủ trưởng Khánh bị phục rồi". Mọi người vây lại, được biết Trung tá Phan Khánh, trưởng phòng hậu cần sư đoàn, cùng đại úy Yến, trợ lý tuyên huấn sư đoàn cùng một chiến sĩ đi xe Jeep vượt lên tưởng Trung đoàn 273 đã ở đó. Xe đang chạy thì thấy bóng áo đen, chưa kịp xử lý đã bị chúng bắn mấy loạt vào xe. Anh Phan Khánh, anh Yến trúng đạn địch phục kích. Trước tình huống ấy, đồng chí lái xe quay xe lại, nhưng cua quá gấp nên xe bị lật, lái xe bật ra lộn mấy vòng rồi chạy về đây. Vị trí xe bị phục cách đây chừng một cây số.

        Tình huống xảy ra thật bất ngờ, Trung đoàn lệnh cho Đại đội trinh sát, cùng hai Đại đội của Tiểu đoàn 1, đánh lên ứng cứu. Trời đã nhập nhoạng tối, anh em vận động lên. Gặp xe đang nằm nghiêng giữa đường, ba người nằm gục, vắt vẻo các hướng. Máu loang thành vũng nơi xe đổ, một bộ phận ở lại vị trí xe. Còn tất cả phát triển lên tiếp. Nhưng thật kỳ lạ, không thấy bóng thằng địch nào? Không có bóng một người dân nào? Không có phát đạn nào, loạt đạn nào bắn nữa. Đau lòng nhất là cả ba đồng chí đã hy sinh.

        Chúng tôi đang vui mừng vì suốt dọc đường chiến dịch đơn vị đánh hành tiến, vượt qua nhiều trở ngại nhưng không người nào hy sinh, vậy mà bấy giờ, buổi tối ngày 07 tháng 01, lại có sự vụ đáng tiếc này. Mọi người cảm thấy điều gì hơi rờn rợn. Ai nấy kiểm tra lại súng đạn sẵn sàng chiến đấu trong đêm nay.

        Đêm đầu tiên nghỉ ở thủ đô Phnôm Pênh vừa giải phóng lòng chúng tôi chộn rộn vui mừng xen lẫn lo lắng. Khoảng 7 giờ tối Ban chính trị vào một ngôi nhà bỏ hoang từ lâu tính chốt lại. Tôi rủ anh Phạm Ngọc Dũng, trợ lý quân lực Trung đoàn ra đằng sau nhà, nơi có bãi đất trồng chuối để đi vệ sinh. Tối mò, đèn đóm không có, hai chúng tôi tính khoét hố mèo. Trời tối om, nhìn cái gì giờ đây cũng giống hình người, cũng thấy nguy hiểm. Bỗng tôi phát hiện những quả đạn đỏ lừ, từ xa đang bay hình vòng cung rất nhanh vê phía chúng tôi. Tôi hét to: "Anh Dũng, đạn pháo". Tôi vội tay xách súng chạy vội vào trong nhà. Vừa vào được nhà, những trái đạn 37 ly nổ oành oành dây chuyên tóe lửa, mảnh đạn bay rào rào ngay gần chỗ chúng tôi. Rồi thêm nhiều loạt đạn bay thẳng đến. Thật hú vía. Thế rồi anh em chúng tôi nhanh chóng phân công nhau canh gác. Rất mệt nhưng có ai là dám ngủ say. Mọi người chỉ mong cho trời nhanh sáng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #193 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2019, 11:28:59 pm »


        Về phía bọn phản động Pôn Pốt-Yêng Xa Ri chúng đã tháo chạy ngày 06 tháng 01. Ngay khi các đơn vị liên quân hành tiến đánh tan lớp phòng ngự vòng ngoài của chúng, Pôn Pốt đã cho nhiều đơn vị dự bị rút lên phía Tây. Pôn Pốt hung hăng nói: "Rút vào rừng, tiến hành cuộc chiến tranh du kích trường kỳ chống lại Việt Nam và sẽ chiến thắng Việt Nam sau khoảng 100 năm nữa". Chúng còn tính một cách ngây thơ, ngông cuồng rằng, cứ một lính Pôn Pốt giết 20 bộ đội Việt Nam thì khoảng 100 năm nữa nước Việt Nam sẽ bị Pôn Pốt thôn tính ".

        Sau này, theo hồi ký, Quốc vương Sihanouk cho biết, trưa ngày 06 tháng 01 năm 1979 Pôn Pốt cho lính dẫn Quốc vương Sihanouk, đang bị giam lỏng từ khu vực Hoàng Cung, đến làm việc nhưng chúng đưa Quốc vương ra sân bay để bay sang Trung Quốc với dự định mượn tiếng nói của Quốc vương Norodom Sihanouk diễn đàn Liên hợp quốc họp ngày 08 tháng 01 năm 1979. Nhưng theo hồi ký của mình, Quốc vương Sihanouk đã tố cáo tội ác tày trời của bè lũ Pôn Pốt, giết hại hàng triệu người, trong đó có năm người con của Quốc vương, trước hàng trăm nhà báo các nước phương Tây ở Bắc Kinh. Cuộc họp báo kéo dài tám giờ vì các nhà báo đã liên tục hỏi Quốc vương về tình hình Campuchia vì ba năm thế giới bị bưng bít thông tin. Nhờ các hãng thông tấn lớn mà mấy ngày sau, toàn thế giới hiểu rõ thêm tội diệt chủng của tập đoàn Pôn Pốt - Yêng Xa Ri- Khiêu Xăm Phon, cũng như sự giúp đỡ chí tình của Việt Nam. Đó là sự giúp đỡ cấp bách, vô tư, cần thiết để cứu nhân dân Campuchia khỏi diệt chủng.

        Cùng với những âm mưu, thủ đoạn về ngoại giao, trưa hôm ấy tại Phnôm Pênh, bộ tổng chỉ huy Pôn Pốt ra lệnh: "Tiêu hủy tài liệu". Chúng hòng phi tang toàn bộ chứng tích tội ác của chế độ diệt chủng. Chúng vội vàng rút chạy bằng đủ các phương tiện theo đường 5, đường 6 lên phía biên giới tiếp giáp Thái Lan. Trong cuộc rút chạy hôm đó có cả Yêng Xa Ri, Khiêu Xăm Phon và toàn bộ bọn cầm đầu của cái gọi là Campuchia dân chủ. Trước khi tháo chạy sang đất Thái Lan, bọn cầm đầu diệt chủng đã chạy sang đó. Chúng ta cũng biết tin, trước khi tháo chạy bọn cầm đầu đã lệnh cho đám lính áo đen nhanh chóng tản ra các vùng đất xa xôi, hiểm trở để bảo toàn lực lượng để chống phá cách mạng Campuchia chân chính, phục hồi chế độ diệt chủng của chúng.

        Song cái mốc lịch sử ngày 07 tháng 01 năm 1979 mà Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia được sự giúp đỡ của Quân Tình nguyện Việt Nam đã đánh đổ chế độ độc tài, khát máu, diệt chủng phản động Pôn Pốt - Yêng Xa Ri mang ý nghĩa vô cùng to lớn. Từ đây đất nước Chùa Tháp đã có chính quyền mới. Đó là chính quyền của nhân dân. Nhưng thắng lợi này chưa triệt để toàn diện, vì bọn cầm đầu và lực lượng quân đội Pôn Pốt, chưa bị tiêu diệt hết. Chúng đã chạy vào rừng, bọn đầu sỏ đã có âm mưu chạy sang cư trú ở đất Thái Lan từ trước.

        Trước tình hình trên, Bộ chỉ huy liên quân Campuchia -Việt Nam, quyết định chỉ đạo: Các lực lượng vũ trang của ta và bạn trên chiến trường Campuchia phải tiếp tục triển khai ngay, nhiệm vụ chiến đấu. Kiên quyết truy quét bọn tàn binh địch. Không cho chúng tập hợp tổ chức lại, củng cố xây dựng căn cứ để tiến hành chống phá cách mạng. Đồng thời tấn công vào rừng, truy diệt Pôn Pốt. Những khu vực đông dân, đang tập trung, bị chúng lùa vào đó. Nhiệm vụ cấp bách của Quân Tình nguyện là cứu giúp dân, giải phóng dân.

        Các đơn vị đang đứng chân phía sau phải nâng cao cảnh giác, ra sức tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu được chính sách nhất quán của Mặt trận Cứu nước Campuchia. Từ đó nhân dân phát hiện những phần tử Pôn Pốt khát máu, trà trộn trong dân báo cho chính quyền xử lý. Một nhiệm vụ rất quan trọng nữa là xây dựng chính quyền mới của nhân dân, các lực lượng vũ trang dân quân tự vệ và các tổ chức quần chúng khác.

        Thế rồi đêm đầu tiên tại thủ đô Phnôm Pênh đã đi qua. Một đêm vui mừng trong sự căng thẳng của sự cảnh giác. Trời đã sáng, mọi người đều cảm thấy khoan khoái, anh em ban 5 rất nhanh, phục vụ cho cơ quan Trung đoàn bữa sáng. Bình minh chiếu rọi. Gió nhè nhẹ thổi. Một ngày mới thực sự bắt đầu.

        Ban chính trị Trung đoàn tổ chức giao ban, thông báo về tình hình và nhiệm vụ mới của Trung đoàn. Theo đó Trung đoàn 273 vẫn dừng chân tại vị trí. Các Tiểu đoàn được điều chỉnh lại đội hình. Phải có nhiệm vụ lùng sục kiểm tra, tìm những tên Pôn Pốt còn lẩn trốn. Yêu cầu phải làm tốt công tác dân vận. Phải bảo vệ tài sản của dân, của bạn. Không được lấy hay thu những tài sản đang có tại thành phố khi chưa có lệnh. Một nhiệm vụ quan trọng nữa là bảo vệ cho đoàn cán bộ cấp cao của Bộ Tổng tham mưu, cùng cơ quan tác chiến sẽ đến bằng máy bay trực thăng để thị sát tình hình thủ đô Phnôm Pênh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #194 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2019, 11:29:25 pm »


        Khoảng 9 giờ sáng ngày 08 tháng 1 năm 1979, chiếc máy bay trực thăng chở đoàn cán bộ cao cấp bay lượn vòng thành phố. Tiểu đoàn 3 được lệnh bảo vệ khu vực cho máy bay đáp xuống an toàn. Trên trời có tiếng nổ bụp bụp, rồi có những chùm khói của đạn pháo phòng không. Bọn Pôn Pốt bắn máy bay, nhưng rất may là không trúng. Máy bay lượn thấp rồi đáp xuống ngay tại giữa cầu Mô Ni Vông. Tướng Đạo cùng đoàn cán bộ xuống máy bay vào làm việc với ban chỉ huy Trung đoàn 273. Một hồi sau được Tiểu đoàn 3 bảo vệ, ông cùng đoàn cán bộ với chỉ huy Trung đoàn đi kiểm tra tình hình một số đơn vị khác. Tình hình hết sức khẩn trương nên làm việc phải rất mau lẹ.

        Khoảng 10 giờ sau khi phân công đồng chí Riến cùng ba đồng chí bạn trong đội công tác, đi nắm tình hình dân bên kia cầu. Tôi rủ anh Dũng cán bộ quân lực, đi thăm thành phố. Hai anh em, mỗi người một khẩu súng ngắn K54 và đeo mỗi người một túi mìn Claymore đựng sổ sách hoặc các thứ linh tinh cho tiện. Không an tâm lắm với hai cái "đùi gà". Tôi mang theo khẩu AK với hai hộp đạn. Hai anh em bắt đầu đi vào trong trung tâm. Quái lạ, bộ đội thì nhiều mà sao phố vẫn vắng vậy. Đi qua các dãy phố, các cửa hàng lớn nhỏ, buôn bán đủ thứ. Chắc từ chế độ Lon Non. Nhiều gian hàng đã bị lục lọi. Các cửa hàng vải vóc rất nhiều và đẹp, giống như các dãy phố buôn bán ở Sài Gòn. Có căn nhà đang bị cháy, hai anh em đi nhanh ra khỏi nơi cháy. Khu vực này đã thấy có từng tốp bộ đội của các đơn vị cũng vào các nhà hàng, cửa hiệu lục lọi tìm kiếm linh tinh. Vải vóc, hàng hóa, giấy tờ, đồ văn phòng phẩm cùng các đồ dùng quý rất nhiều.

        Tới cửa hàng bán vải, rất nhiều loại vải quý xếp trên kệ. Hai anh em lấy một cuộn vải, dùng mũi dao găm cắt mép để trải ra xem. Vải bền quá, không thể xé được đành lấy dao cắt ngang mấy mét. Chúng tôi lấy mỗi người hai mét vải khổ đúp, màu đen trên toàn chữ nước Anh. Chắc vải xuất xứ từ nước Anh. Chúng tôi vào cửa hàng bán các loại máy văn phòng. Anh Dũng nói: " Có nhiều máy tính điện tử Phú ạ". Thời đó tôi cũng như nhiều người, có biết máy tính điện tử là gì đâu nên rất ngại tôi nói: " Đừng sờ mó vào hư máy đấy, anh ạ". Anh Dũng nguyên là giáo viên Trung văn dạy cấp 3 ở Quảng Yên, Quảng Ninh. Anh Dũng cũng nhập ngũ năm 1972 như tôi. Nhưng anh học đại học nên hiểu về máy móc kỹ hơn tôi. Anh cầm lên cái máy to bằng quyển vở, bấm bấm, bấm bấm. Nhưng khi nghe tôi bảo vậy, anh bỏ liền đặt xuống bàn. Chúng tôi qua xem cửa hàng kế bên. Đây là nơi bán tạp hóa, thấy có nhiều cái kéo cắt tóc có răng lược tôi mạnh dạn lấy một cái và cái lược nhựa màu đồi mồi, nhãn hiệu France để dùng hàng ngày. Nghĩ rằng cái lược là vật nhỏ, không đáng gì nên tôi mới lấy. Đến bây giờ, tôi vẫn giữ được cái lược ấy. Đã mấy chục năm rồi mà cái lược đó vẫn dùng tốt, chải đầu vẫn thích. Đây là kỷ niệm hiếm hoi những ngày tôi ở chiến trường. Hai anh em tiếp tục vừa đi vừa ngắm cảnh sắc thành phố, chuyện trò vui hẳn lên. Chúng tôi vào một cửa hàng bán xe máy. Những chiếc xe máy xếp thành dãy dài, toàn loại xe Mobilette màu xanh, màu vàng mới tinh. Chắc chủ nhà đã bị bè lũ Ăng Ka giết rồi, vì bè lũ ấy rất căm ghét người giàu có. Nghĩ vậy, lòng tôi nhói đau. Chúng tôi ngắm những chiếc xe, loại xe này sử dụng tiện lợi vì nhẹ, vận tốc vừa phải. Thấy xe vô chủ. tôi nổi hứng nói:" Lấy một xe để đi anh ạ! Anh em mình tìm đường đến Hoàng Cung". Tôi bèn dắt một chiếc xe ra ngoài đường. Xe không có xăng, tôi lấy can xăng gần đó đổ đầy bình, chống chân xe nhảy lên đạp mạnh. Xe mới của Pháp có khác, vừa đạp một vài cái đã nổ giòn. Tôi hất chân chống rồi nói:" Lên xe đi anh". Anh Dũng lên ngồi đằng sau, tôi tăng ga xe chạy ngon lành. Đi một lúc đã tới một con đường chỗ ngã ba có mấy đồng chí bộ đội đơn vị nào đang gác. Tôi hỏi thăm đường ra Hoàng Cung, anh em chỉ đường cách đấy gần cây số. Tôi phóng một mạch dọc bờ sông Tông Lê Sáp tới Hoàng Cung.

        Ôi, Hoàng Cung đã ở trước mắt tôi đây ư? Cung điện nhà vua mà trong các sách báo thường ca ngợi là đây. Tòa nhà rộng, kiến trúc Khmer hoành tráng mà vẫn ấm cúng, thân thiện với những mái vòm, tượng rắn thần vươn ra, biểu tượng tô tem thần linh của người Khmer. Trước mặt Hoàng Cung là con đường lớn, chạy dọc bờ sông rộng chảy êm đềm. Thảo nào trong sách báo cứ tả: Hoàng Cung Phnôm Pênh nguy nga, đồ sộ, soi bóng xuống dòng Tông Lê Sáp hùng vĩ. thủ đô Phnôm Pênh là thành phố bốn mặt sông.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #195 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2019, 11:00:50 pm »


        Tôi háo hức chống xe dựng cạnh đường. Hai anh em leo lên các bậc, vào khu vực như là hội trường lớn. Ở đây đã có chiến sĩ sư đoàn 7 làm nhiệm vụ canh gác. Mới đầu họ không cho chúng tôi vào, tôi nói: "Tôi vào thăm Hoàng Cung một lúc thôi"... Anh em nói: "Vậy các anh chỉ được vào nhà lớn này thôi. Không được vào sâu bên trong". Chúng tôi nghi còn có bọn Pôn Pốt lẩn trốn rất nguy hiểm. Tôi nói thế cũng được. Hai anh em vào phòng khách, bỗng thấy mát lạnh. Mắt tôi như hoa lên trước tranh ảnh, đồ đạc và đặc trưng là màu vàng, màu đỏ của chốn cung đình Á Đông.

        Bên ngoài tòa nhà thì có lối kiến trúc rất Campuchia. Nhưng trong nhà, thì toàn ghế sa-lông, tuyệt sang trọng theo cách bài trí châu Âu. Có biết bao nhiêu tủ, bày các vật trang trí đẹp vô giá. Nào là những đôi ngà voi dài tới hơn 2 mét, được chạm khắc hàng ngàn con voi lớn nhỏ. Rất nhiều ngà voi khác, cái nào cũng được chạm trổ tinh xảo. Hay những cái sừng to. Sau này mới biết đó là sừng tê giác. Trong các tủ bày toàn là vàng bạc, ngọc xanh, ngọc đỏ theo hình các đồ vật cũng chẳng biết là loại thật hay đồ giả để trang trí nữa. Chắc là những vật kỷ niệm trong những chuyến thăm viếng nước ngoài và quà của các đoàn khách đến thăm đất nước Chùa Tháp. Hay là các kỷ vật, báu vật dân chúng dâng tặng cho các đời vua? Rồi tranh ảnh các loại thật nhiều, cái gì cũng đẹp, cũng sang trọng. Đến mức chúng tôi chỉ ngắm nhìn, nuốt nước bọt mà trầm trồ thán phục, chứ không dám chạm tay vào.

        Trên bức tường chăng vải nhung đó, tôi thấy treo nhiều loại kiếm. Từ kiếm dài, gọi là trường kiếm, kiếm ngắn là đoàn kiếm, như dao găm, dài khoảng 30cm. Trường kiếm treo trên cùng dài khoảng một mét, tay nắm bằng ngà voi trắng khắc các chữ Nhật màu vàng có chùm tua rua đỏ, bao kiếm cũng được chạm trổ tinh xảo. Ngắm mãi không chán mắt vì nó biểu hiện uy quyền một chế độ đã lùi vào quá khứ. Sau này, qua hồi ký quốc vương Sihanouk tôi mới biết, ba năm bè lũ Pôn Pốt đã giam lỏng nhà vua ở đây. Ba năm, nhà vua không được tiếp xúc với ai, ăn uống kham khổ, chúng muốn cải tạo nhà vua.

        Hai anh em vô cùng vui vì buổi đi chơi. Ra chỗ chiếc xe, không biết ai đã lấy đi rồi. Chúng tôi đi bộ dọc phố rồi đi dọc sông. Gần đến vòng xuyến cầu Mô Ni Vông, nơi Trung đoàn bộ đóng quân. Bất ngờ, một chiếc xe Jeep chạy đến, đỗ khự trước mặt. Trên xe có mấy đồng chí bộ đội, đeo băng đỏ kiểm soát quân sự, súng đạn đầy mình. Cùng với hai người, không đeo quân hàm, trông có vẻ đứng tuổi. Gọi chúng tôi lại, hỏi đường đi đến Hoàng Cung. Chắc mấy anh đi kiểm tra canh gác bảo vệ Hoàng Cung.

        Tôi chỉ đường rồi nói: "Các anh cứ đi đi, anh em tôi vừa ở đó ra". Chiếc xe vụt đi. về đến chỗ đóng quân. Đúng lúc Ban chính trị tổ chức họp toàn thể để phổ biến nhiệm vụ. Nhìn nét mặt của mọi người thấy ai cũng vui vẻ, hồ hởi to nhỏ thì thầm. Chắc mọi người cũng vừa đi bát phố như chúng tôi.

        Trực tiếp đồng chí Chính ủy Trung đoàn Diệp Xuân Ánh và đồng chí Nguyễn Kim Tiến - Phó Chính ủy đến dự. Đồng chí Nguyễn Kim Tiến nói từng công việc một của cơ quan, của Tiểu ban phải làm. Tôi còn nhớ anh Tiến nói: "Chúng ta đã đánh đổ bọn phản động Pôn Pốt - Yêng Xa Ri, hòa bình đã lập lại, bây giờ là lúc chúng ta phải giúp bạn xây dựng chính quyền". Chiến tranh như vậy đã kết thúc, vì vậy Tiểu ban cán bộ phải phanh ngay các trường hợp phát triển sĩ quan. Tiến tới chúng ta phải có kế hoạch giải ngũ, nên dừng phát triển cán bộ lại.

        Tôi thấy rất bất ngờ và nghĩ, kiểu này lại giống như năm 1975 đây. Mình và rất nhiều người đã bị thiệt thòi khi chiến tranh kết thúc. Bị nhầm lẫn chức vụ, mình không được phong hàm sĩ quan. Rồi cứ đeo mãi cái hàm trung sĩ để đợi giải ngũ. Mà sĩ quan và hạ sĩ quan, chiến sĩ tiêu chuẩn khác hẳn nhau. Các chế độ hàng ngày như nhu yếu phẩm sĩ quan cũng được ưu tiên. Rồi tới cái mũ cối, đôi dép, cái thắt lưng hay bộ quần áo, sĩ quan có đợt được được phát, mà hạ sĩ quan chiến sĩ thì không. Đi chiến đấu, lính thì không có chế độ gì ở hậu phương. Nhưng nếu là sĩ quan, thì bố mẹ, vợ con ở quê được nhận lương của mình đầy đủ.

        Tự nhiên tôi thấy nỗi buồn ập đến. Tôi thấy có nhiều bất công, không hợp lý trong việc đối xử giữa cán bộ sĩ quan và hạ sĩ quan chiến sĩ. Đành rằng sĩ quan là một nghề, hạ sĩ quan, chiến sĩ là đi nghĩa vụ. Nhưng nghĩa vụ thì một năm, hai năm thôi chứ thực tế đã có nhiều, rất nhiều người chỉ là lính mà đã có tới 5 năm, 10 năm trong quân đội rồi. Họ thật là thiệt thòi.

        Rồi đồng chí Tiến nói sang việc xây dựng, bảo vệ chính quyền non trẻ của thành phố. Tôi thấy anh nói như ngày chúng tôi làm nhiệm vụ quân quản ngày miền Nam vừa giải phóng. Chỉ khác ở đây là đất nước bạn, chúng tôi làm nghĩa vụ quốc tế. Phải, làm nghĩa vụ quốc tế khó khăn hơn làm nhiệm vụ trên Tổ quốc thân yêu của mình. Tôi nghĩ vậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #196 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2019, 11:01:07 pm »


        Tiếp đến đồng chí Chính ủy Trung đoàn Diệp Xuân Ánh phát biểu. Chính ủy Ánh là người lúc nào cũng nghiêm nghị, mẫu mực trong tác phong, câu nói. Đúng là cấp trên khéo chọn ông, đúng với nhiệm vụ Chính ủy mà ông đang đàm trách.

        Phòng họp khói mù, thơm lừng mùi thuốc lá cao cấp, toàn thứ sang trọng, ông chỉ mọi người nhìn khói thuốc lá rồi nói: Tôi đố các đồng chí khói thuốc thơm này là loại thuốc lá gì? Mà sao có vẻ khang khác, sao khói thơm mà hình như ai cũng hút. Mọi người nhao nhao lên trả lời trong niềm phấn khích sẵn có: "Báo cáo có nhiều loại thuốc lá hút rất thơm". Chính ủy Ánh hỏi tiếp: "Vậy hả? Anh em lấy ở đâu mà nhiều thế?" Một đồng chí hồn nhiên trả lời rằng, có một nhà máy sản xuất thuốc lá, anh em ban 5 đã lấy được một số thuốc hút Chính ủy nghiêm mặt nói: "Chết rồi! Ai cho phép các đồng chí lấy! Ai cho phép các đồng chí hút thuốc của bạn? Ban chính trị mà hút thuốc lá, mà lấy chiến lợi phẩm của bạn thế này thì sai rồi, vi phạm kỷ luật to rồi. Các đồng chí đã được học tập các quy định, các hướng dẫn về công tác dân địch vận, kỷ luật chiến trường rồi sao hành động như thế? Các tài sản ở thành phố từ cái kim, từ sợi chỉ hay như điếu thuốc lá đều của bạn. Chúng ta đều không được phép sử dụng. Các đồng chí phải làm gương ngay cho anh em chiến sĩ dưới đơn vị cơ sở chứ? Tất cả tài sản, cơ sở vật chất chúng ta phải giao lại cho bạn hết". Phòng họp lúc đầu sôi nổi, hồ hởi, vui là thế, giờ đây tất cả im phăng phắc, tắt lịm như bếp lửa đang cháy bị dội vô thùng nước lạnh.

        Chính ủy Ánh nói tiếp một hồi:

        Hiện tại tôi biết các đơn vị. Anh em đang có hiện tượng vi phạm kỷ luật rất nhiều. Nhất là trong việc thu nhặt hàng hóa, nhu yếu phẩm. Ngay ban 5 của Trung đoàn tôi cũng được nghe nói đã tận thu rất nhiều vải vóc, thuốc men, đường, sữa, bột ngọt v.v... Ai? Ai cho phép các anh lấy các thứ đó. Phải trả lại ngay, các đồng chí lấy ở đâu, thì phải mang trả lại ngay cho bạn ở đó. Nếu không sẽ bị kỷ luật chiến trường.

        Ông càng nói càng hăng. Vốn tính người chặt chẽ trong phát ngôn, trong việc này, ông lại quá bức xúc. Hai hàm răng ông xít lại, nước da vốn có của dân miền biển Thái Bình, được tô màu lại bằng những trận sốt rét rừng. Giờ đây trông lại càng tái. Hai bên khóe miệng đã có trắng trắng của nước bọt, trông càng uy. Các trợ lý mặt cũng tái theo, ngồi im không ai nói gì được nữa. Sự xanh mặt, vội dập đi các điếu thuốc đang hút. Mọi người cũng đã thấy những cái sai của mình và của anh em, của các đơn vị trong việc thu và sử

        dụng chiến lợi phẩm. Không ai nhúc nhích phản ứng gì nữa, mọi người im lặng nghe ông nói.

        Sau lời giáo huấn khá dài dòng của Chính ủy, Chủ nhiệm chính trị Đặng Văn Lưa phát biểu, với giọng ôn tồn, xin nhận khuyết điểm trước Ban chỉ huy Trung đoàn. Rồi hứa sẽ phải làm gương, phải thường xuyên kiểm tra đôn đốc các đơn vị. Trong việc nâng cao cảnh giác và chấp hành nghiêm các quy định. Nhất là quy định về dân vận. Hướng giải quyết các nhu yếu phẩm anh em đã tận thu cứ cất tạm giữ vào một kho để lúc có điều kiện sẽ giao trả lại cho bạn.

        Ý kiến đó không được Chính ủy đồng ý. Vì cho rằng để ở kho, giao cho anh em cũng sẽ rất phức tạp. Anh em vẫn sử dụng làm của riêng, về thuốc, thì quân y xem có loại nào sử dụng được để chữa bệnh cho thương binh, bệnh binh, thì quân y giữ lại. Còn lại phải trả hết về chỗ cũ. Các đồng chí trợ lý dân vận phải duy trì, kiểm soát việc này cho tốt.

        Thật là phức tạp. Lúc đó tôi xin phát biểu và đưa ra một ý kiến để tháo gỡ việc này:

        Hiện tại trong thành phố chưa có dân về. Nhưng phía bên kia cầu Mô Ni Vông có nhiều dân tập trung khá đông. Họ là người vừa được đưa ra từ trại tập trung của Pôn Pốt. Ban 5 gom hết số hàng hóa đó, rồi cùng cán bộ dân bận, ban chính trị, cùng tổ công tác của bạn mang đến tận nơi phân phát cho dân. Việc làm này được hai điều tốt. Một là, dân đang nghèo không có cái ăn, không có cái dùng nên ta phát cho họ, để tạo nên cảm tình của Quân đội cách mạng Campuchia và Quân đội Việt Nam với nhân dân. Thứ hai là, chúng ta vừa không bị cấp trên phê bình kỷ luật là lấy hàng hóa. Vì ta sẽ có lý do là: "Thu chiến lợi phẩm để phát cho dân nghèo Campuchia".

        Mọi người đều reo lên hưởng ứng ý kiến của tôi. Chính ủy Ánh và Phó Chính ủy Tiến đều đồng tình với phương án đó. Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm. Từ giây phút ấy không ai còn hút thuốc nữa. Không còn khói thuốc gian phòng trông mát hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #197 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2019, 08:44:58 pm »


        Trở về nơi ở, tôi gặp lại anh Dũng cũng vừa họp với Ban tham mưu xong. Anh Dũng nói: "Việc chiến lợi phẩm thấy gay quá Phú à. Liệu mình cầm cái kia có sao không?" Tôi nói: "Mấy mét vải đó anh cứ buộc vào hai đầu võng. Ai có hỏi, thì mình nói là lấy làm chăn đắp khi cần thiết thì không sao đâu". Anh Dũng cười ha ha nói: "Sáng kiến hay đấy!". Rồi anh nói với tôi, vừa đi họp ban mới hay thành phố có rất nhiều ôtô mới địch bỏ lại, Trung đoàn sẽ lấy mấy cái để phục vụ. Anh đang tính điều em biết lái xe ở dưới đơn vị lên. Tôi nói luôn: "Cậu Hùng, bạn em ở Đại đội 25 lái xe khá thạo. Anh điều Hùng lên giúp em, chứ nó gầy gò mà ở vận tải khênh vác nặng lắm không chịu được". Anh Dũng nói: "Được rồi anh sẽ viết quyết định ngay". Tôi nói tiếp: "Vậy thì hay quá, để em xuống báo với Hùng cho nó vui".

        Tôi cùng một người bạn trong tổ công tác xuống Đại đội 25, đơn vị vận tải của Trung đoàn. Cán bộ, chiến sĩ ở đây thường phải làm những công việc mang vác, khiêng cáng rất nặng nhọc chứ không phải là vận tải cơ giới. Đa số anh em là lính 1972- 1974 thường là số tụt tạt, được điều động ở cứ lên để phục vụ chiến đấu. Gọi nôm na là quân thu dung. Họ ở phía sau, đào hầm, vác đạn, hay cáng thương binh, liệt sĩ. Gặp tôi xuống, Hùng và anh em rất vui, đem các thứ ra chiêu đãi. Đại đội toàn lính già, cho nên những cái khôn, cái tham vặt, cái tinh quái của lính khó tránh khỏi. Anh em khoe với tôi là lấy được, thu được rất nhiều thứ. Nhìn mặt ai cũng ngời ngời, ánh lên niềm vui. Tôi nghe họ kể thì toàn những thứ đồ lặt vặt, chẳng đáng giá gì. Nhưng với mọi người họ rất vui, niềm vui dễ có với người bình thường.

        Tôi báo với Hùng về việc điều động lên làm lái xe. Hùng mừng ra mặt nhưng lại tỏ ra rất lo lắng: "Tôi đã biết lái xe đâu”. Tôi hỏi: "Thế ở đây có anh em nào biết lái xe không?". Hùng cho biết còn có cậu Xướng, lính 1978 quê Hải Phòng, khi còn ở nhà đã đi phụ xe khách lái được xe. Tôi nói vậy để tôi về nói anh Dũng điều cả hai lên Trung đoàn bộ.

        Khi tôi về, anh em nhét vào ba lô một vài chai rượu và yếu phẩm. Tôi ngần ngừ nhưng tôi nghĩ ngay là kỷ luật cấm mình, chứ không cấm cán bộ chiến sĩ Campuchia đâu. Thế là Y Vơn khoác luôn cái ba lô hàng quý hiếm hớn hở đi về.

        Tôi trở về tìm gặp anh Dũng, nói anh điều cả Xướng ở dưới Đại đội 25 lên. Vì Hùng lái xe chưa tốt lắm. Xướng nó đã đi phụ xe khách ở Hải Phòng lái tốt hơn Hùng. Anh điều cả 2 lên, cho đứa lái chính đứa lái phụ càng tốt. Anh Dũng đồng ý với tôi. Nói để tối anh báo cáo với anh Lập (Anh Hoàng Quốc Lập năm trước bị thương đi viện cùng tôi cũng đã được điều lên là trợ lý quân lực Trung đoàn) viết lệnh cho Tham mưu ký. Sáng mai điều anh em lên.

        Trời đã về chiều. Trung đoàn bộ được lệnh di chuyển sang bên kia cầu Mô Ni Vông. Rẽ tay trái theo con đường đất cạnh sông. Nơi đấy lưa thưa có những ngôi nhà sàn. Trong những khu vườn thật rộng toàn hồng xiêm, quả xanh, quả chín rất nhiều. Ban chính trị cũng ở một căn nhà sàn trong những khu vườn ấy. Ban 5 đã nấu cơm cho anh em toàn cá tươi. Anh em kể cá dưới sông nhiều lắm anh ạ. Những con cá kìm to bằng nửa cổ tay bơi từng đàn trên mặt nước. Có cái đầu, hàm răng dài như mồm cá sấu. Trông chúng bơi tìm mồi y như là các chiến hạm bơi vậy. Rất nhiều loại cá khác. Nhiều đông đặc đến kỳ lạ. Anh em chỉ cần cầm dao, mang mảnh gỗ ra làm thớt. Lấy tay khua xuống nước, là cá đã bấu lại tìm mồi rồi. Chỉ cần lấy dao lia một cái dưới nước, là rất nhiều chú bị chém. Cứ thế cho tay xuống vớt lên, mổ bụng vất xuống nước. Cá lại bâu đông hơn, tranh nhau ăn ruột cá. Ta lại lia dao xuống, và cứ vậy chỉ cần một lúc là đã đầy nồi cá to. Đúng như là bắt cá trong chậu nhà mình vậy. Anh em cứ thắc mắc, sao cá ở sông nhiều thế? Chẳng lẽ dân ở đây không bắt cá, không ăn cá bao giờ. Sau này tôi mới biết, người dân Campuchia đánh bắt cá theo mùa, tuyệt đối không bắt cá mùa chúng đẻ trứng. Vậy cho nên lượng cá ở đây ổn định nhưng cái chính là bọn Pôn Pốt không cho dân chúng được tự do bắt cá.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #198 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2019, 08:45:17 pm »


        Cơm nước xong. Mọi người đang giăng võng nghỉ ngơi thì anh em Tiểu đoàn 1 giải đến một thằng tù binh, anh em bắt được trong lúc đi truy lùng địch. Tên tù binh bị trói tay ra đằng sau, mình cởi trần, mặc mỗi cái quần xà lỏn. Nhìn tên này tôi thấy không giống những tên lính Pôn Pốt tôi đã thường gặp. Da không trắng hẳn, nhưng không phải là nước da mai mái, xỉn đen như người Khmer. Nó độ ba mươi tuổi, to béo, có lẽ tên này người gốc Việt hay nước nào đó. Tôi thoáng nghĩ vậy, tên tù binh rất sợ hãi, không giống như những tù binh khác tôi đã hỏi, đã gặp. Là khi hỏi gì, dù nó có hiểu, hay không hiểu. Thì chúng thường hay cười "nhe răng" ra, mắt trắng, răng trắng, da đen, tóc xoăn, rất đặc trưng của người Khmer. Tôi hỏi một vài câu, anh em dịch cho hắn nghe. Hắn cứ khai linh tinh rồi cứ lấm lét nhìn. Một lúc sau, tôi trở về chỗ nằm, nói anh em cứ thẩm vấn tiếp. Khoảng 15 phút, bỗng thấy có tiếng hô đứng lại, đứng lại cả bằng tiếng Việt và tiếng Khmer. Rồi hai loạt AK vang lên. Tôi choàng dậy xách súng chạy ra xem. Đồng chí Riến cùng Sa Chơn đang cầm súng thở gấp kể: Anh em đang hỏi cung, thì hắn vùng lên chạy. Sa Chơn đã bắn, hắn bị trúng đạn chết rồi.

        Tôi nghĩ tình huống quá phức tạp. Mà làm sao thằng này bất ngờ vụt chạy như vậy chứ? Bộ đội Việt Nam và quân đội cách mạng Campuchia rất khoan hồng với tù binh, sao lại bỏ chạy? Tôi báo với đồng chí Đặng Văn Lưa, Chủ nhiệm chính trị về sự việc đáng tiếc ấy. Đồng chí Lưa đi báo cáo với chỉ huy Trung đoàn rồi về nói với chúng tôi: "Dù là địch loại gì thì chúng ta cũng tổ chức mai táng người kia cho tử tế. Nghĩa tử là nghĩa tận".

        Đa số đồng tình, chỉ vài người thấy việc phức tạp, phải chôn cất tên tù binh bèn lỉnh đi làm việc khác. Anh Hinh, cán bộ tuyên huấn được phân công sang cùng tôi làm việc này. Hai anh em hội ý với nhau, rồi anh em tôi ra quyết định mai táng dưới gốc cây hồng xiêm cũng là vị trí dễ nhận thấy để sau này người nào đó tìm bốc cốt. Đất ở đấy rất cứng, đào khó, gần một tiếng sau mới xong. Anh em định cứ thế hất luôn xuống. Tôi không nghe, nói với anh Hĩnh: "Trong điều kiện này, mình cũng nên làm phúc, cũng là biểu hiện tính nhân đạo của Quân đội ta, của chế độ ta. Các đồng chí Campuchia hiểu thêm về con người Việt Nam". Rồi tôi về lấy cái tăng, rồi anh em cũng gói ghém cẩn thận, lấy băng cứu thương buộc quấn theo tay chân, theo cách khâm liệm của người Việt.

        Gần 10 giờ tối công việc mới xong, tôi rửa tay chân, lên võng nằm. Nằm một hồi tôi cứ thao thức, cứ dằn vặt mãi không ngủ được. Cái khuôn mặt, cái hình dáng, và cái cảm giác lạnh đến ghê người của thằng lính Pôn Pốt cứ hiện ra. Cho tới hôm nay, khi tuổi đã đứng, tôi thấy Chủ nhiệm chính trị Đặng Văn Lưa cùng Ban chỉ huy Trung đoàn và cá nhân tôi hành xử như vậy thật đúng. Một chế độ phát triển bền vững cũng chính là nhờ những chính sách nhân đạo, một dân tộc được thế giới ngưỡng mộ cũng là ở chính nghĩa và nhân đạo với cả kẻ thù của mình khi chúng thua trận, đầu hàng dẫu rằng trước đó chúng đã gây tội ác.

        Buổi sáng ngày 09 tháng 01, sau khi ăn sáng xong, Ban chính trị tập trung để chia tay nhà thơ Bùi Minh Quốc, cùng nhà báo đã đi cùng Trung đoàn 273 từ ngày đầu chiến dịch.

        Nhà thơ Bùi Minh Quốc bùi ngùi nói lời cảm ơn chia tay mọi người để trở về Quân đoàn 4. Anh đọc cho mọi người nghe bài thơ anh mới viết, trên đường tiến công cùng Trung đoàn 273. Rồi anh đọc thêm hai bài thơ khác nữa. Tôi không còn nhớ hết những vần thơ, lời thơ ấy của anh. Chỉ ấn tượng, rất ấn tượng ở cái dáng vẻ "lão nông" của anh. Cùng những vần thơ như có tiếng súng tiến công, như có tiếng bom thù. Như có tiếng khóc thét hãi hùng của trẻ thơ, như có lửa cháy. Như có máu chảy, có cả tình yêu lứa đôi hòa quyện. Tôi hỏi nhà thơ: Sao anh đi chiến trường mãi rồi, mà bây giờ anh vẫn phải đi tiếp?

        Anh cười trả lời vui:

        - Ở tòa soạn, ở hội văn nghệ, họ nói bọn mình đã quen ở chiến trường rồi. Đã có nhiều kinh nghiệm trận mạc. Nên ra chiến trường viết thực tế hợp lý hơn! Anh nói đứa em gái mình Bích Ngọc, hiện đang là phát thanh viên ở đài Sài Gòn giải phóng. Thấy mình tiếp tục ra biên giới, cứ gàn mình mãi nói là: "Làm thơ thì cứ gì phải ra trận? Có nhiều nhà thơ ở tại nhà, không biết trận mạc là gì. Mà làm những bài thơ cũng trở thành bất hủ. Cũng được đưa vào trong sách giáo khoa của học đường cho học sinh học. Cớ sao anh vẫn phải đi?" Nhiều người vẫn nghĩ như vậy đó. Anh nhà báo Quân đội thì nói:

        - Anh Quốc thì có bài thơ đọc cho các bạn nghe. Còn tôi nhà báo, thì sẽ có bài trong báo Quân đội và Tạp chí Văn nghệ Quân đội để các bạn thưởng thức sau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #199 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2019, 07:30:47 am »


        Tôi còn nhớ, sau lúc đó. Nhà thơ Bùi Minh Quốc và nhà báo bỏ ba lô, xếp hết quân tư trang ra. cầm cái ba lô dốc ngược, anh nhà báo nói: "Các anh làm chứng nhé! Trong ba lô chúng tôi không có một cái gì, gọi là chiến lợi phẩm đâu nhé". Tôi nghĩ hai ông này cẩn thận kỹ càng quá. Có lẽ bởi sáng hôm 07 tháng 01 lúc ở bến phà Niếc Lương. Anh đã cầm xem một cái trống gỗ, trên mặt có bọc da trăn. Loại trống dân tộc mà người dân Campuchia trong cái điệu nhảy Lâm thôn là loại nhịp phách chính để dắt người nhảy. Người ta chỉ vỗ vỗ vào mặt trống, tạo ra tiếng bập bùng lúc nhịp nhàng, lúc dồn dập, sôi nổi. Nghe nói, dân Campuchia mà cứ nghe tiếng vỗ bập bùng của loại trống này là gác tất cả các công việc vất lại hết. Già trẻ, trai gái lại người đung đưa, nhún nhảy theo nhịp trống. Thả hồn theo điệu múa Lâm thôn rất dân gian này.

        Hôm đó, anh đang cầm xem cái trống đánh thử thì gặp ngay Trung đoàn trưởng Trần Măng. Lúc đó Trung đoàn trưởng đang điên đầu, sốt ruột, lo lắng cho Trung đoàn vượt sông nên đã to tiếng như quát nạt nhà thơ về việc lấy, hoặc xem cái trống đó. Nhà thơ không nói gì lặng im mang cái trống ra, nhẹ nhàng đặt vào cái đống hỗn độn những quân tư trang, hòm xiểng, xe bò kéo bên đường ấy. Đó cũng là hành xử của người văn hóa cao, không thèm chấp nhặt, tự ái trước cơn thịnh nộ của người khác.

        Tám giờ sáng, anh Dũng, cán bộ quân lực sang tìm tôi nói: "Anh đã điều hai đứa lên rồi đấy. Phú có sang nói chuyện với chúng nó không". Tôi đi cùng anh Dũng sang gặp Hùng và Xướng có cả Trung đoàn phó và tham mưu phó ở đó. Đang giao nhiệm vụ cho anh em đi nhận ô tô. Tôi nói trong thành phố nghe anh em nói: "Bên kia cầu có khu để rất nhiều ô tô mới. Hùng với Xướng nói luôn. Anh đi cùng giúp tôi với nhé". Tôi về gọi thêm Sa Chơn trong đội công tác rồi đi vào trong thành phố đến chỗ bãi để xe. Đúng là khu này có mấy dãy xe mới nguyên. Sau khi kiểm tra xe, Xướng nói: "Xe không đề được anh Phú ạ". Riêng cậu Hùng thì đúng là không biết gì về kỹ thuật xe ô tô nên cứ đứng lóng ngóng, ngượng ngùng. Xướng thanh minh tiếp: "Em chỉ biết cầm lái chứ có biết gì về sửa chữa đâu". Thật may là ngày xưa tôi đi học cơ khí, và đã có 6 tháng chuyên đi phụ sửa chữa ô tô, nên cũng có một số hiểu biết. Tôi bất đắc dĩ trở thành người sửa xe. Quan sát lần mò một hồi, tôi nói ngay với mọi người xe này còn mới, chưa có ắc quy điện. Rồi nói Xướng và Hùng sang tìm ở xe khác, hay trong kho có ắc quy thì lấy về lắp. Hai anh em vào trong nhà kho thì thấy ngay cả đống ắc quy xếp trong đó. Hùng và Xướng khênh ra. Tôi lại lọ mọ nghiên cứu cách lắp đặt ắc quy, rồi dấu nối điện cho xe. Thế rồi cũng đấu điện được đúng. Xướng bật chìa khóa, đề máy, một lúc thì máy nổ. Mọi người òa vui. Xướng chỉnh lại cái ghế ngồi cho hợp lý rồi tăng ga vào số vọt lên rất thành thạo nhưng hơi có phần mạnh bạo.

        Xướng chạy thử một vòng rồi nhiều vòng nữa. Như vậy là việc lấy và điều khiển chiếc xe mới đã hoàn tất. Tôi nói bấy giờ hai ông xem lấy thêm một bình ắc quy nữa đề phòng và lấy các thùng dụng cụ sửa chữa. Ông Xướng phải dạy ngay cho ông Hùng lái xe. Vì ở đây kho rộng tập lái được. Rồi tôi quay sang nói với Hùng. Bằng mọi giá sáng nay ông phải biết lái, biết điều khiển xe đấy nhé.

        Chúng tôi trở về nơi đóng quân. Sau khi ăn cơm xong thì cùng Ban 5 và mấy anh em trong đội công tác, ra khu vực đầu cầu, hình như nơi đây trước kia là chợ xép, tổ chức phấn phát số hàng hóa mà Ban 5 đã thu được trong thành phố cho nhân dân. Khỏi phải nói là mọi người vui sướng như thế nào khi nhận được đủ thứ nào là vải vóc, quần áo, mì chính, đường, sữa cùng các loại nhu yếu phẩm khác. Nhân dân cùng đồng thanh hô vang liên tục để chào mừng, cảm ơn bộ đội Tình nguyện Việt Nam và bộ đội Cách mạng Campuchia". Đến khoảng 3 giờ chiều khi số hàng hóa trên hai xe ô tô cũng đã được phân phát hết, thì cũng là lúc nhận được lệnh di chuyển vào sâu bên trong. Anh em Trung đoàn bộ tiếp tục hành quân dọc phía Đông Bắc sông Tông Lê Sáp. Rồi Trung đoàn bộ dừng chân, ngay đối diện với Hoàng Cung.

        Nơi đây có trận địa pháo phòng không 100 ly còn mới tinh nằm rải rác. Tổng số có 8 khẩu, chắc chúng mới đưa về xây trận địa hòng bảo vệ Phnôm Pênh. Ngắm súng dầu mỡ còn bám đầy nòng hình như chúng chưa bắn thử lần nào. Các nòng pháo đang được bịt đầu vươn lên trời đều quay về hướng Đông Bắc. Xe xích kéo pháo, những thùng đạn pháo vàng ươm còn nguyên đai nguyên kiện xếp đầy xung quanh các khẩu pháo. Các đơn vị bộ binh của ta và Quân đội Cách mạng Campuchia đang truy kích địch, nhanh chóng dọn dẹp chướng ngại vật, chất nổ tạo môi trường thật bình an để chính quyền bạn vào thành phố.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM