Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 01:01:23 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh và hòa bình  (Đọc 273673 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #470 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2011, 07:42:28 pm »

Phần X
Chương - 16

Sau khi hoàng thượng rời Moskva ra đi, cuộc sống ở thủ đô vẫn tiếp diễn theo đà cũ, và lối sống đó bình thường đến nỗi khó lòng nhớ lại những ngày hưng phấn, sôi sục lòng ái quốc vừa qua, và khó lòng có thể tin rằng nước Nga quả thật đang lâm nguy và các hội viên câu lạc bộ Anh đồng thời cũng là những người con của tổ quốc sẵn sàng hy sinh tất cả để cứu nước. Duy chỉ có một điều nhắc lại tâm trạng hưng phấn, sôi sục lòng ái quốc khi hoàng thượng còn ở Moskva, là cái yêu cầu hy sinh người và của, nay đã có một hình thức và đã trở thành tất yếu.

Trong khi quân địch tiến đến gần, cách nhìn của người Moskva đối với tình cảnh của mình không những không trở nên nghiêm chỉnh hơn, mà trái lại còn tỏ ra khinh suất hơn, cũng như thói thường xưa nay vẫn thế khi người ta thấy một nguy cơ sắp đến gần trong lòng người ta bao giờ cũng có hai tiếng nói cùng mạnh như nhau cất lên: một tiếng nói rất có lý khuyên người ta nên ngẫm nghĩ đến nguy cơ này ra sao và tìm cách thoát ra khỏi nó; một tiếng nói khác còn có lý hơn nữa nói với người ta rằng nghĩ đến nguy cơ thì khó khăn và khổ sở quá, vì sức con người không thể nào thấy trước mọi khả năng và thoát ra khỏi tiến trình của biến cố, cho nên tốt hơn cả là đừng nghĩ đến cái gì dễ chịu thôi. Khi ngồi riêng một mình, người ta thường nghe theo tiếng nói thứ nhất, còn khi ở giữa đám bạn bè thì lại thường nghe theo tiếng nói thứ hai nhiều hơn. Cư dân Moskva lúc bấy giờ cũng vậy. Đã từ lâu không năm nào thấy dân Moskva vui chơi nhiều như năm nay.
     
Những tờ yết thị của Roxtopsin trong đó vẽ một quán rượu, một ông chủ quán và một người tiểu thị dân Moskva tên là Karpuska Tsighirin, anh này là cựu chiến binh và hôm ấy hơi quá chén, nghe tin Bonaparte định tiến đánh Moskva liền nổi giận lên nguyên rủa tục tằn chửi bới cả bọn Pháp, bước khỏi quán rượu và đứng dưới quân hiệu đại bàng của hoàng gia cất tiếng nói với quần chúng đến tụ tập xung quanh, những tờ yết thị ấy được đọc và đem bàn tán xôn xao chẳng kém gì đoạn vè mới nhất của Vaxili Lvovich Puskin.
     
Ở câu lạc bộ, trong căn phòng ở góc nhà, người ta họp nhau lại để đọc yết thị, và có nhiều người ưa thích lối chế giễu quân Pháp của Karpuska, anh nói rằng chúng sẽ sưng phồng lên, vì ăn bắp cải(1), sẽ vỡ bụng ra vì ăn cháo rau, sẽ nghẹt thở đi vì ăn súp bắp cải rằng chúng nó đều lùn tịt và chỉ một mụ đàn bà thôi cũng có thể cắm nạng chĩa mà xóc luôn ba đứa một lúc. Nhưng cũng có nhiều người không tán thưởng cái giọng này mà nói rằng như vậy là dung tục và ngu xuẩn. Người ta kháo nhau rằng Roxtopsin đã trục xuất hết những người Pháp và thậm chí tất cả những người ngoại quốc ra khỏi Moskva, rằng trong số đó có nhiều tên gián điệp hoặc phái viên của Napoléon, nhưng người ta kháo những chuyện đó chủ yếu là để thừa dịp truyền đạt những câu dí dỏm mà Roxtopsin đã nói khi đã đưa họ đi. Khi đưa họ xuống thuyền đi Nizni, Roxtopsin có nói với họ: "Các người hãy bình tâm xuống thuyền, và đừng làm cho thuyền này trở thành chiếc thuyền của Charon"(2). Người ta kể rằng tất cả các công sở đang được rời ra khỏi Moskva và kể luôn câu đùa của Sinsin nói rằng chỉ mỗi một việc ấy thôi cũng đủ làm cho Moskva chịu ơn Napoléon rồi. Họ kể rằng trung đoàn của Mamonov sẽ tốn của ông ta đến tám mươi vạn rúp, rằng Bezukhov còn tốn nhiều tiền hơn thế cho trung đoàn dân binh của chàng ta, nhưng điều hay nhất trong hành động của Bezukhov là bản thân chàng sẽ mặc quân phục cưỡi ngựa đi trước trung đoàn và cho mọi người xem không mất tiền.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #471 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2011, 07:43:21 pm »

- Ông thì thật chẳng tha ai. - Juyly Drubeskaya nói, mấy ngón tay thon nhỏ đeo đầy nhẫn thu vén và bóp bóp mớ vải sô làm băng.
   
Juyly định đến hôm sau sẽ rời khỏi Moskva, nên tối nay tổ chức một buổi tiếp tân từ biệt.

- Bezukhov ridecule (lố bịch) thật, nhưng anh ta tốt bụng, đáng yêu biết chừng nào, thú vị gì cái lối châm chọc caustique (chua chát) đối với anh ta như thế!

- Phạt! - Một người trẻ tuổi ăn mặc quân phục dân binh nói. Đây là người mà Juyly gọi là chàng hiệp sĩ của tôi mai sẽ cùng nàng đi Nizni.
   
Trong phòng khách của Juyly, cũng như nhiều phòng khách khác ở Moskva, người ta đã giao ước với nhau là chỉ nói tiếng Nga thôi, và hễ ai nhỡ mồm nói tiếng Pháp thì phải nộp tiền phạt để cúng cho Uỷ ban cứu tế.

- Lại thêm một thành ngữ kiểu Pháp nữa, phạt đi! - Một nhà văn Nga lúc bấy giờ có mặt trong phòng khách nói - Cậu thú vị gì cái lối nghe chẳng Nga tí nào.

- Ông thì thật chẳng tha ai, - Juyly nói tiếp với người sĩ quan dân binh, không để ý đến lời bình xét của nhà văn kia. - Chữ chua chát thì tôi xin chịu lỗi, nhưng còn về cái thú được nói sự thật với ông thì tôi xin sẵn sàng chịu trả phạt lần nữa: thành ngữ kiểu Pháp thì tôi chả chịu trách nhiệm đâu, - nàng quay sang nói với nhà văn, - tôi chẳng có tiền mà cũng chẳng có thì giờ để thuê một ông thầy về học tiếng Nga như công tước Golitxyn. A, anh ta đây rồi.

- Quand on… (Khi người ta) không, không đâu, - nàng nói với viên sĩ quan dân binh - Ông không bắt được tôi đâu. Khi người ta nói đến mặt trời thì người ta trông thấy tia sáng của nó(3) - nữ chủ nhân nói, miệng mỉm cười niềm nớ với Piotr. - Chúng tôi vừa nhắc đến ông. - Juyly nói với cái lối nói dối dễ dàng thường thấy ở những người phụ nữ lịch duyệt trong trường xã giao. - Chúng tôi vừa nói rằng trung đoàn của ông nhất định là khá hơn trung đoàn của Mamonov. Ô thôi xin đừng nói chuyện trung đoàn chứ? - Juyly vừa nói vừa trao đổi một cái nhìn tinh quái và chế giễu viên sĩ quan dân binh.
   
Trước mặt Piotr, viên sĩ quan dân binh không còn chua chát cho lắm nữa, gương mặt anh ta lộ vẻ băn khoăn không hiểu nụ cười của Juyly có nghĩa gì. Piotr lơ đãng và hiền lành thật, nhưng nhân cách của chàng khiến cho người ta từ bỏ ngay ý định giễu cợt khi có mặt chàng.

- Không, - Piotr cười lớn đáp, mắt nhìn xuống cái thân hình to lớn đẫy dà của mình. - Tôi thế này thì quân Pháp sẽ bắn trúng quá, vả lại tôi cũng sợ là không lên nổi ngựa.
   
Trong số những nhân vật được các tân khách của Juyly chọn làm đề tài nói chuyện có gia đình Roxtov.

- Nghe nói gia cảnh nhà họ sa sút lắm thì phải, - Juyly nói. - Vả lại ông ta cũng chẳng khôn ngoan tí nào, bá tước ấy mà. Gia đình Ruzumovxki muốn mua toà nhà của họ cùng với trang viên ngoại thành, thế mà công việc cứ kéo dài mãi. Ông ta nói thách quá.

- Không, hình như công việc mua bán sắp xong rồi, - có người nói, - Mặc dầu bây giờ mà còn mua gì ở Moskva thì thật là rồ dại.

- Tại sao? - Juyly nói. Chả nhẽ ông cho rằng Moskva đang bị uy hiếp chăng?

- Thế tại sao phu nhân lại ra đi?

- Tôi ấy à? Đấy kể cũng lạ. Tôi đi là vì… thì cũng chỉ vì mọi người đều đi cả, vả chăng tôi cũng chẳng phải là Jenne d Arc(4) mà cũng chẳng phải là một người đàn bà Amazon(5)

- Thôi được rồi, được rồi, đưa thêm cho tôi mấy miếng giẻ nữa.

- Nếu ông ta biết lo liêu cho khôn khéo. Ông có thể trả hết được nợ nần đấy, - viên sĩ quan nói tiếp về bá tước Roxtov.

- Một ông già hiền lành, nhưng cũng đụt lắm. Mà tại sao họ lại ở đây lâu thế? Họ định về quê từ lâu kia mà. Hình như bây giờ Natali khoẻ rồi thì phải. - Juyly hỏi Piotr, miệng nở một nụ cười ranh mãnh.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #472 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2011, 07:44:17 pm »

- Họ đang đợi cậu con út, - Piotr nói, - Cậu ta gia nhập đội quân cô-dắc của Obolenxki và đã đi Belaya Ixerkova rồi. Ở đấy đang tổ chức một trung đoàn của tôi, cậu ta sắp về rồi đấy. Bá tước định đi từ lâu, nhưng bá tước phu nhân một mực không chịu rời khỏi Moskva trước khi cậu con trai về.

- Hôm kia tôi gặp ở Arkharov. Natali lại xinh đẹp và vui vẻ như xưa. Cô ta có hát một bài tình ca đấy. Có những người họ chóng khuây thật?

- Khuây gì ạ? - Piotr hỏi, có vẻ phật ý.

Juyly mỉm cười.

- Bá tước có biết rằng những trang hiệp sĩ như bá tước chỉ có thể có được trong những quyển tiểu thuyết của bà Souza không?

- Hiệp sĩ nào? Tại sao? - Piotr đỏ mặt hỏi.

- Thôi đủ rồi bá tước thân mến ạ, cả thành Moskva người ta truyền tụng đấy. Quả tình tôi xin khâm phục bá tước.

- Phạt! Phạt! - Viên sĩ quan dân binh nói.

- Thôi đẹp đi. Không sao nói chuyện được. Chán quá!

- Cả thành Moskva truyền tụng cái gì? - Piotr đứng dậy hỏi, giọng giận dữ.

- Thôi đi, bá tước ạ. Bá tước cũng biết rồi.

- Tôi chẳng biết gì hết. - Piotr nói.

- Tôi biết rằng ông rất thân với Natali, cho nên… Không, tôi xưa nay vẫn thấy Vera hơn. Cái cô Vera sao đáng yêu quá!

- Thưa phu nhân không ạ! - Piotr nói, giọng vẫn có vẻ bất bình.

- Tôi tuyệt nhiên không hề lĩnh lấy vai trò làm hiệp sĩ cho tiểu thư Roxtov, và đã một lần…

- Ai tự thanh minh tức là thú tội rồi! - Juyly mỉm cười, vừa nói vừa phẩy mớ vải sô, rồi muốn cho phần kết thúc câu chuyện vừa qua thuộc về mình, nàng lập tức chuyển sang chuyện khác - Hôm nay tôi vừa mới vừa được biết: hôm qua cô Maria Bolkonxkaya đáng thương kia vừa mới về đến Moskva. Các ngài đã nghe nói chưa. Ôngt hân sinh cô ấy vừa mới mất đấy.

- Thế à! Bây giờ cô ấy ở đâu? Được gặp cô ấy thì hay qua, - Piotr nói.

- Suốt tối hôm qua tôi ngồi chơi với cô ấy. Hôm nay hoặc sáng mai cô ta sẽ về trang viên ngoại thành với đứa cháu.

- Thế cô ấy ra sao? - Piotr nói.

- Chẳng sao cả, cô ấy buồn. Nhưng ông có biết ai vừa cứu cô ta không? Nikolai Roxtov. Đấy là cả một thiên diễm tình. Người ta vây bắt cô ta, toan giết chết, họ đánh người nhà cô bị thương. Chàng đã lao tới và cứu thoát nàng…

- Lại thêm một thiên diễm tình nữa, - viên sĩ quan dân binh nói. - Quả thật cuộc bôn ba chung này đã làm cho các cô gái già kiếm được chồng tất. Katis là một, công tước tiểu thư Bolkonxkaya là hai.

- Ông ạ, quả tình tôi nghĩ rằng cô ấy hơi phải lòng chàng thanh niên kia rồi đấy.

- Phạt! Phạt! Phạt!

- Nhưng nếu nói tiếng Nga thì nói thế nào bây giờ…

==========================================================

Chú thích:

(1) Những món ăn dân tộc của người Nga.

(2) Charon là người trở đò ngang trên sông Sticxơ, con sông ngăn dương thế với âm ty (trong thần thoại Hy Lạp).

(3) Một câu tục ngữ Pháp dịch ra tiếng Nga. Ý nói: "Người ấy thiêng thật. Vừa nhắc đến tên đã thấy người rồi".

(4) Jenne d Arc, nữ anh hùng Pháp (1412-1431) đã cầm quân chiến đấu chống quân xâm lược Anh.

(5) Theo thần thoại Hy Lạp, Amazon là một xứ sớ ở miền Hắc Hải, dân toàn đàn bà. Đàn bà cưỡi ngựa và chiến đấu rất giỏi.

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #473 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2011, 07:45:05 pm »

Phần X
Chương - 17

Khi Piotr trở về nhà, gia nhân trao chàng cho hai bản tuyên cáo của Roxtopsin vừa đưa đến ngày hôm ấy.
     
Trong khi bản thứ nhất nói rằng tin đồn bá tước Roxtopsin cấm ra khỏi Moskva là một tin đồn không đúng, và trái lại bá tước Roxtopsin rất mừng khi thấy các phu nhân và các bà vợ nhà buôn rời Moskva ra đi. "Càng ít sợ thì càng ít tin tức, - trong bản tuyên cáo có nói, - Nhưng tôi xin lấy tính mạng ra cam đoan rằng tên gian tặc sẽ không vào Moskva".
   
Những lời này lần đầu tiên đã cho Piotr hiểu rõ rằng quân Pháp, nhưng vì nhiều cư dân muốn vũ trang, cho nên trong kho đã dành sẵn vũ khí để bán rẻ cho họ, gươm, súng tay, súng trường. Trong bản tuyên cáo không còn có cái giọng đùa bỡn như trong những câu chuyện của chàng Tsighirin trước kia nữa. Piotr vẫn ngăm nghĩ về hai bản tuyên cáo này. Hiển nhiên là đám mây đen đáng sợ, mà trong thâm tâm chàng thiết tha mong đợi, và đồng thời khiến cho chàng bất giác kinh hãi, - hiển nhiên là đám mây đen này đang tiến đến gần.
 
"Tòng quân và lên đường đến đơn vị hay là chờ đợi xem đã?" - Piotr tự hỏi lần thứ một trăm như vậy chàng vớ lấy một cỗ bài đặt lên bàn và bắt đầu xếp bài.
   
Sau khi trang bài, chàng cầm cỗ bài trong tay, ngước mắt nhìn lên phía trên tự nhủ: "Nếu xếp được, thì… Thì thế nào?"

Chàng chưa kịp quyết định, thì sau cánh cửa phòng làm việc đã nghe tiếng nói của cô nữ công tước lớn tuổi nhất đang hỏi xem có vào được không.

- Thì như thế có nghĩa là ta phải vào quân đội, - Piotr nói tiếp. - Mời vào, mời tiểu thư vào. - chàng nói thêm với nữ công tước.

(Chỉ còn một mình cô chị, cô nữ công tước có cái lưng quá dài và khuôn mặt như hoá đá là hãy còn ở trong nhà Piotr; hai cô em đã lấy chồng).

- Xin anh tha tôi cho, anh ạl, tôi đường đột vào đây, - cô ta nói với giọng xúc động và có ý trách móc - Thì cuối cùng cũng phải quyết định thế nào chứ! Chứ thế này thì còn ra làm sao nữa? Mọi người đều bỏ Moskva đi hết, dân chúng thì đang nổi loạn, sao chúng ta vẫn ở lại.

- Trái lại, hình như mọi việc đều ổn cả đấy chứ, cô ạ! - Piotr nói với cái giọng bông đùa quen thuộc mà chàng vẫn dùng khi nói với cô ta, mặc dù xưa nay chàng vẫn ngượng nghịu khi phải đóng vai trò ân nhân trước mặt nữ công tước.

- Phải, ổn cả đấy… ổn lắm đấy! Hôm nay bà Varvara Ivanovna vừa kề cho tôi nghe chuyện quân ta đã chiến đấu oanh liệt ra sao. Thật đáng cho ta tự hào. Còn dân thì nổi loạn hẳn hoi rồi, họ không còn chịu nghe ai nữa; ngay cả bọn đầy tớ gái của tôi cũng đâm ra ngang bướng rồi. Cứ thế này thì chẳng bao lâu nữa họ sẽ đánh đập chúng ta cho mà xem. Không đi ra được nữa. Và cái chính là chỉ nay mai quân Pháp sẽ vào đây, thế thì ta còn đợi cái gì nữa cơ chứ! Tôi chỉ xin một điều thôi anh ạ, - nữ công tước nói, - Xin anh cho xe đưa tôi về Petersburg. Dù sao tôi cũng không thể sống dưới quyền Bonaparte được đâu.

- Thôi cô ạ cô lấy những tin tức ấy ở đâu ra thế? Trái lại…

- Tôi sẽ không chịu khuất phục cái gã Napoléon của các anh đâu Những người khác muốn làm gì thì cứ làm… Nếu anh mà không chịu đưa tôi đi thì…
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #474 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2011, 07:45:52 pm »

- Tôi chịu mà, tôi sẽ bảo chuẩn bị ngay.
   
Bây giờ nữ công tước hình như lại đâm ra bực mình vì không còn biết trút cơn giận vào ai nữa. Cô ta càu nhàu cái gì trong miệng và ngồi xuống ghế.

- Nhưng những tin tức họ nói với cô không đúng đâu, - Piotr nói. - Trong thành phố yên tĩnh cả, không hề có gì nguy hicm hết. Đây tôi vừa mới đọc… - Piotr đưa cho nữ công tước xem hai tờ tuyên cáo Bá tước có viết là ngài lấy tính mạng ra cam đoan rằng quân địch sẽ không vào được Moskva.

- Ồ cái lão bá tước nhà anh, - nữ công tước nói, giọng hằn học, - là một kẻ man trá, một tên gian phi, chính lão ta khích cho dân nổi lên đấy.   Chính lão ta viết trong những bản tuyên cáo ngu xuẩn ấy rằng bất kể ai cũng cứ túm lấy bờm tóc mà lôi vào nhà tù (thật là ngu xuẩn)! Ai bắt được, lão ta ham lấy lòng quá cho nên hoá nhảm.
   
Vavara Ivanovna có kể lại rằng bà ta suýt bị dân chúng giết chết vì chót lỡ mồm nói tiếng Pháp…

- Thì thế đấy mà… Các bà thì cái gì cũng lấy làm điều - Piotr nói đoạn bắt đầu xếp bài.
   
Mặc dầu chàng xếp bài được suốt, Piotr cũng vẫn không vào quân đội mà cứ ở lại thành Moskva vắng người, tâm trạng bồn chồn, hoang mang, lo sợ và đồng thời vui mừng, chờ đợi một cái gì khủng khiếp.
   
Chiều hôm sau, nữ công tước lên đường, và viên tổng quản lý đến báo cho Piotr biết rằng món tiền chàng hỏi để sắm quân trang cho trung đoàn không sao kiếm được nếu không bán bớt đi cho một trang viên.
   
Nói chung, viên tổng quản lý cố trình bày cho Piotr thấy rằng cái trò thành lập trung đoàn ấy tất phải làm cho chàng khánh kiệt. Piotr chật vật giấu nụ cười trong khi nghe viên quản lý nói.

- Thì bán đi vậy, - chàng nói. - Biết làm thế nào, bây giờ tôi không thể từ chối được nữa rồi!
   
Tình hình công việc chung và nhất là tình hình kinh tế của chàng càng bi quan thì Piotr lại càng thấy dễ chịu, chàng lại thấy rõ rằng mối tai hoạ mà chàng đợi nay đang đến gần. Trong số những người quen của Piotr hầu như không còn ai ở trong thành phố nữa.
   
Juyly đã ra đi, công tước tiểu thư Maria cũng thế. Trong số những người quen thân chỉ còn gia đình Roxtov ở lại; nhưng Piotr không đến thăm họ.
   
Ngày hôm ấy để tiêu khiển. Piotr đến làng Vorontxovo xem quả khinh khí cầi lớn do Leppich làm ra để tiêu diệt quân địch, và quả cầu thí nghiệm định đem thả vào ngày mai. Quả cầu làm xong; nhưng theo như người ta nói với Piotr thì nó đã được thiết bị theo ý muốn của Hoàng đế. Hoàng đế có viết thư cho bá tước Roxtopsin về quả cầu này như sau:
     
"Hễ Leppich đã sẵn sàng, ông hãy tổ chức cho ông ta một nhóm người tin cẩn và thông minh để cùng đi trên quả cầu đó, và cho ngay một liên lạc viên đến báo với Kutuzov. Ta đã dặn dò Kutuzov về việc này.
Xin ông dặn dò Leppich phải chú ý thật kỹ nơi xuổng lần đầu, để khói nhầm và rơi vào tay quân địch. Ông ta cần phải phối hợp cách di chuyển của mình với cách chuyển quân của "tướng quân tổng tư lệnh".

Trên đường từ Vorontxovo trở về nhà, khi đi ngang quảng trường Bolotnaya, Piotr trông thấy một đám đông đứng quanh pháp trường. Chàng bảo dừng lại và xuống xe. Người ta đang "bêu"(1) một anh đầu bếp người Pháp bị kết tội do thám. Cuộc hành hình vừa mới kết thúc, và người hành hình đang cởi trói cho một người to béo đang bị trói vào một cái giá. Đó là một người to béo râu quai nón màu hoe mặc áo xanh, đi tất màu lá cây đang rên rỉ thảm thiết.

Một phạm nhân khác, gầy và xanh, cũng đang đứng đấy. Cứ nhìn mặt thì có thể đoán rằng cả hai đều là người Pháp. Với một vẻ mặt sợ hãi và đau đớn giống như vẻ mặt người Pháp gầy gò kia. Piotr chen vào đám đông.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #475 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2011, 07:46:45 pm »

- Cái gì thế? Ai? Tội gì? - chàng hỏi. Nhưng đám đông, gồm những công chức, những tiểu thị dân, những nhà buôn, những người nông dân, những người đàn bà mặc áo choàng và áo lông, đang háo hức và mê mải nhìn chăm chú những việc đang xảy ra trên pháp trường nên chẳng ai trả lời chàng. Người to béo ngồi dậy, cau mày, nhún vai, và hắn muốn tỏ ra là mình cứng rắn, anh ta bắt đầu mặc áo ngoài, không đưa mắt nhìn xung quanh; nhưng bỗng môi anh ta run run, và anh ta khóc oà lên, tự anh ta cũng giận cho mình, như những người lớn tuổi có chứng thịnh huyết vẫn thường khóc. Trong đám đông bắt đầu có những tiếng nói to; Piotr có cảm tưởng họ nói lên như vậy là để át tình cảm thương hại trong lòng họ.

- Anh ta làm đầu bếp cho một vị công tước nào đấy.

- Me xừ ơi, chắc là nước xốt Nga đối với người Pháp hơi chua quá đấy nhỉ… ghê cả răng.

Một viên thư lại nhăn nheo đứng cạnh Piotr nói khi người Pháp cất tiếng khóc. Viên thư lại đưa mắt nhìn quanh, hẳn là đang chờ đợi người ta tán thưởng câu nói đùa của mình. Có mấy người cười ha hả, còn những người khác vẫn lộ vẻ sợ hãi nhìn người hành hình bấy giờ đang cởi áo phạm nhân thứ hai.
   
Piotr thở phì phì, nhăn mặt và quay phắt đi, trở về xe, mồm không ngớt lẩm bẩm cho đến khi ngồi vào xe.
Dọc đường chàng giật mình mấy lần và buột mồm kêu to đến nỗi người đánh xe hỏi chàng:

- Ngài dạy sao ạ?

- Anh đánh xe đi đâu? - Piotr quát người xà ích bấy giờ đang cho xe đi về phía Lubianka.

- Ngài có dạy là đánh đến nhà quan tổng tư lệnh ạ, - người xà ích đáp.

- Đồ ngu, con bò! - Piotr quát mắng người đánh xe, một điều mà chàng rất ít khi làm. - Ta đã bảo là đánh về nhà; nhanh lên, đồ ngốc.

Rồi Piotr lẩm bẩm một mình: "Ngay hôm nay phải đi thôi".
   
Khi trông thấy người Pháp bị hành hình trong đám đông đứng trong pháp trường Piotr đã nhất quyết là không thể nào ở Moskva thêm ngày nào nữa và ngày hôm nay phải vào quân đội, cho nên chàng cứ ngỡ là mình đã nói điều đó với người xà ích rồi, hay người xà ích tự mình phải biết như vậy.
   
Về đến nhà, Piotr dặn Yevxtaifaevich, bác xà ích của chàng, một người cái gì cũng biết, việc gì cũng làm được, khắp Moskva không ai là không biết bác ta, rằng đêm nay chàng sẽ đi Mozaisk để nhập ngũ và bảo mấy con ngựa của chàng đến đấy. Tất cả những việc ấy không thể nào làm ngay trong ngày hôm nay, cho nên theo ý bác Yevtaifaevich, Piotr phải hoãn việc lên đường đến hôm sau để có đủ thì giờ cho ngựa đến chực sẵn ở các trạm dọc đường.
     
Ngày 24 trời trở lại quang đãng sau những ngày mưa gió, và ăn xong bữa trưa, Piotr lên xe rời khỏi Moskva. Đến đêm, trong khi thay ngựa ở Perkhuskovo, Piotr được biết rằng tối hôm ấy vừa có một trận đánh lớn diễn ra. Họ kể lại rằng ở đây, làng Perkhuskovo đất rung lên vì tiếng súng nổ. Khi Piotr hỏi bên nào thắng thì chẳng có ai trả lời được cả. (Đó là trận ngày hai mươi bốn ở Sevardino).
   
Đến tảng sáng Piotr đã gần đến Mozaisk.
   
Bao nhiêu nhà cửa ở Mozaisk đều có quân đội đóng, và ở ngôi quán người giám mã và người xà ích của Piotr ta đón chàng, bao nhiêu phòng đều bị các sĩ quan thuê hết rồi.
   
Ở Mozaisk và phía sau Mozaisk đâu đâu cũng có binh lính hạ trại hoặc đi lại. Quân cô-dắc, bộ binh, kỵ binh, xe tải, xe hòm đạn, súng đại bác nhan nhản khắp nơi. Piotr chỉ nóng lòng cố sao đi thật nhanh, và chàng càng đi xa Moskva, càng chìm sâu vào cái biển quân lính này thì lòng chàng lại càng tràn ngập một cảm giác bồi hồi lo lắng và một cảm giác vui mừng mới mẻ mà chàng chưa từng cảm thấy bao giờ. Đó là một cái cảm giác giống cái cảm giác nhất thiết phải làm một việc gì và hy sinh một cái gì mới được. Bây giờ chàng có một cảm giác dễ chịu khi nhận thức rằng tất cả gì làm nên hạnh phúc của con người, cảnh sinh hoạt tiện nghi, sự giàu sang, và ngay cả cuộc sống nữa, cũng đều là những điều nhảm nhí, giá có thể vứt bỏ đi để nhận thức được, mà cũng không cố gắng nhận thức xem mình thấy vui sướng đặc biệt trong khi hy sinh tất cả như vậy là vì ai và để làm gì. Chàng không để tâm đến vấn đề mình muốn hy sinh cho ai, nhưng bản thân sự hy sinh đối với chàng cũng đã làm nảy sinh một tình cảm vui sướng mới mẻ.

=========================================================

Chú thích:

(1) Đóng cọc tội nhân trên một cái giá xong để bêu nó trước quần chúng đứng xung quanh (Pilơri)

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #476 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2011, 07:47:30 pm »

Phần X
Chương - 18
     
Ngày hai mươi bốn có một trận chiến đấu ở cứ điểm Sevardino, ngày hai mươi lăm hai bên không bắn một phát súng nào, và đến ngày hai mươi sáu thì diễn ra trận Borodino.
     
Tại sao hai trận Sevardino và Borodino lại nổ ra? Bên này khởi chiến như thế nào, bên kia ứng chiến ra sao?
Đặc biệt tại sao lại xảy ra trận Borodino? Về phương diện quân Pháp cũng như về phương diện quân Nga nó chẳng có nghĩa lý gì hết. Hậu quả trực tiếp nhất của nó là làm quân Nga càng chóng mất Moskva (điều mà phía ta sợ nhất trên đời) và làm cho toàn bộ quân Pháp càng chóng bị tiêu diệt (lại cũng là điều họ sợ hơn cả). Ngay lúc bấy giờ, cái hậu quả này đã sờ sờ ra đấy. Ấy thế mà Napoléon vẫn khởi chiến và Kutuzov vẫn giao chiến.
   
Lẽ ra, nếu hai vị chủ tướng hành động theo sự chỉ đạo của lương tri, thì Napoléon phải thấy rõ rằng ông ta đã tiến sâu thêm hai nghìn dặm Nga, và bây giờ lại mở trận với cái hiềm tượng là sẽ, mất một phần tư quân số, thì đó là ông ta đang bước nhanh đến một bại vong chắc chắn, và Kutuzov phải thấy rõ là nếu giao chiến, ông ta cũng có thể mất một phần tư quân đội và thế nào cũng phải bỏ Moskva. Về phía Kutuzov thì nó hiển nhiên như toán học vậy: trong ván cờ, nếu tôi kém đối thủ một quân mà tôi cứ muốn chơi lối thí một ăn một thì rốt cục thế nào tôi cũng sẽ thua, vì vậy tôi cần phải tránh thí quân.

Nếu đối thủ có mười sáu quân cờ mà tôi chỉ có mười bốn quân thì lực lượng của tôi chỉ yếu hơn nó một phần tám thôi; Nhưng nếu tôi và nó đều mất mười ba quân cờ thì lực lượng của nó sẽ mạnh hơn tôi gấp ba lần.
     
Trước trận Borodino, tương quan lực lượng giữa quân ta và quân Pháp là một bên năm một bên sáu, nhưng hai trận này tương quan lực lượng là một bên một, một bên hai, nghĩa là trước trận này ta có mười vạn để chống lại mười hai vạn và sau này ta có năm vạn để chống lại mười vạn. Ấy thế mà Kutuzov con người thông minh và giàu kinh nghiệm ấy đã giao chiến, và Napoléon, vị tướng lĩnh thiên tài như người ta thường gọi, đã khởi chiến, và kết quả là đã mất một phần tư quân đội và làm cho chiến tuyến càng dàn mỏng thêm. Nếu bảo Napoléon hy vọng rằng sau khi chiếm Moskva ông ta sẽ kết thúc một chiến dịch cũng như trước đây ông ta đã thúc chiến dịch sau chiến dịch Viên, thì có rất nhiều chứng cớ bác lại điều đó. Ngay các sử gia của Napoléon cũng kể lại rằng từ khi đến Smolensk, Napoléon đã định dừng lại, vì ông thấy chiến tuyến của mình kéo dài như thế này là một nguy cơ lớn, ông thừa biết rằng chiếm Moskva không phải là chấm dứt chiến dịch, bởi vì từ khi chiếm Smolensk ông đã thấy rõ tình trạng của thành phố Nga khi lọt vào tay ông, và ông vẫn không nhận được lời phúc đáp nào sau bao nhiêu lần tuyên bố muốn tiến hành đàm phán.
     
Trong trận Borodino, trong khi khai chiến và giao chiến, Kutzov và Napoléon đều hành động một cách không tự giác và phi luận lý. Nhưng đến khi sự đã rồi, các sử gia mới rút ra những chứng cứ phức tạp và lắt léo để chứng minh tài tiên đoán cuả các vị tướng lĩnh thiên tài, chứ thực ra họ chỉ là những tay sai thấp hèn nhất và bị động nhất trong số tất cả những công cụ vô ý thức của những biến cố lịch sử thế giới.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #477 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2011, 07:48:17 pm »

Người cổ đại đã để lại cho chúng ta những áng sử thi gương mẫu trong đó bao nhiêu ý nghĩa của lịch sử chung quy đều nằm trong các nhân vật anh hùng: và cho đến ngày nay chúng ta vẫn chưa quen nghĩ rằng cái thứ quan niệm lịch sử kia chẳng có giá trị gì đối với những người ở thời đại ta cả.
     
Về vấn đề thứ hai, là trận Borodino cũng như trận Sevardino trước đây đã xảy ra như thế nào, thì từ trước đến nay vẫn lưu hành một quan niệm hết sức rõ ràng và rất phổ biến nhưng lại hoàn toàn sai lầm. Tất cả các sử gia đều trình bày sự việc như sau:
     
Theo họ thì quân Nga trong khi rút lui khỏi Smolensk vẫn tìm một trận địa tốt nhất để mở một trận toàn quân và đã tìm thấy trận địa ở Borodino.
     
Theo họ, quân Nga đã củng cố trận này từ trước. Nó nằm vào khoảng từ Borodino đến Utitxa bên trái con đường từ Moskva đến Smolensk và gần như thẳng góc với con đường này - tức là nó nằm ngay nơi trận chiến diễn ra.

Theo họ, ở trước trận địa này quân Nga đã đặt một vị trí tiền tiêu có công sự kiên cố trên đồi Sevardino để quan sát địch tình.
     
Ngày hai mươi bốn, Napoléon tấn công và chiếm vị trí tiền tiêu này; ngày hai mươi sáu ông ta tấn công vào toàn bộ quân Nga đang chiếm lĩnh trận địa trên cánh đồng Borodino.
   
Đấy là lời các sử gia, và tất cả những điều đó đều hoàn toàn sai sự thật, bất kỳ ai muốn đi sâu vào thực chất của vấn đề cũng sẽ thấy như vậy một cách đễ dàng.
     
Quân Nga khi rút lui chẳng hề tìm hiểu trận địa tốt nhất; trái lại họ đã bỏ nhiều trận địa tốt hơn Borodino. Họ không dừng lại ở một nơi nào trong những trận địa này vì nhiều lý do: vì Kutuzov không muốn chiếm lĩnh một trận địa không phải do mình chọn, vì mở một trận toàn quân vẫn chưa phải là một đòi hỏi phải thực hiện cấp bách, vì Miloradovich vẫn chưa đem dân quân đến và còn vì vô số lý do khác nữa. Sự thực thì những trận trước còn tốt hơn, còn như trận địa Borodino (nơi trận đánh diễn ra) thì không những không có thế mạnh mà thậm chí cũng chẳng có tính chất "trận địa" gì hơn bất cứ một nơi nào khác trên lãnh thổ cuả đế quốc Nga mà người ta có thể chỉ định bằng cách lấy kim găm căm hú hoạ lên bản đồ.
   
Quân Nga chẳng hề củng cố trận địa Borodino ở bên trái và thẳng góc với dường cái, tức là củng cố nơi mà trận đánh diễn ra. Không những thế, trước ngày 25-8-1812 họ không hề nghĩ rằng một trận đánh có thể xảy ra ở đấy. Có nhiểu bằng chứng cho thấy rõ như vậy: thứ nhất, không những trước ngày hai mươi lăm ở đấy không có công sự, mà những công sự bắt đầu xây ngày hai mươi lăm thì đến ngày hai mươi sáu vẫn chưa xong.
     
Thứ hai, ngay vị trí của cứ điểm Sevardino cũng chứng tỏ điều đó: lập một cứ điểm như thế ở phía trước nơi chiến sự diễn ra thì chẳng có nghĩa lý gì hết. Tại sao nó lại được củng cố hơn các cứ điểm khác? Tại sao ngày hai mươi bốn, mãi về khuya, người ta đã dốc toàn lực và mất sáu ngàn người để bảo vệ nó? Nếu để quan sát địch tình thì chỉ cần một đội trinh sát cô-dắc là đủ. Thứ ba, người ta không hề dự kiến trước nơi sẽ diễn ra trận đánh, cũng không hề dự kiến trước rằng cứ điểm Sevardino đã là tiền tiêu của trận địa: chứng cớ là mãi đến ngày mười lăm, Barclay de Tolly và Bagration, vẫn yên chí rằng cứ điểm Sevardino là cánh trái của trận địa, và ngay cả Kutuzov trong bản báo cáo viết ngay trong trận đánh, trong lúc tâm trí còn đầy những ấn tượng nóng hổi, cũng vẫn gọi nó là cánh trái của trận địa. Mãi về sau, trong những bản báo cáo viết lúc rỗi rãi về trận Borodino (chắc hẳn là để bào chữa cho những sai lầm của vị tổng tư lệnh, mà họ vẫn tưởng là một người không thể sai lầm), người ta mới đặt ra cái lối giải thích phi lý và kỳ quặc nói rằng cứ điểm Sevardino là tiền tiêu trong khi nó chỉ là một cứ điểm của cánh trái, và cho rằng quân ta đánh trận Borodino ở một trận địa đã được chọn và được củng cố từ trước, trong khi thật ra nó đã xảy ra ở một nơi hoàn toàn ngẫu nhiên và hầu như không được củng cố gì cả.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #478 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2011, 07:48:57 pm »

Tình hình thực tế hiển nhiên là như sau: trận địa đã được chọn trên sông Kolotsa, là con sông cắt ngang đường cái lớn không phải thành một góc vuông, mà thành một góc nhọn. Do đó cánh trái là ở Sevardino nơi hai con sông Kolotsa và Voyna gặp nhau. Một đạo quân có nhiệm vụ chặn quân địch đang tiến lên theo con đường từ Smolensk đến Moskva thế nào cũng phải chiếm vị trí này, vị trí được con sông Kolotsa án ngữ: bất kỳ ai quan sát chiến trường Borodino mà quên hẳn trận chiến đấu trước đây đã diễn ra như thế nào cũng đều thấy nó là hiển nhiên.

Ngày hai mươi bốn, trong khi tiến về phía Valuyevo, Napoléon không hề nhìn thấy trận địa của quân Nga từ Utitxa đến Borodino như các sử gia nói (ông ta không thể nhìn thấy bởi vì lúc ấy đã có trận địa gì đâu) cũng không giống tiền tiêu của quân Nga, và trái lại trong khi đuổi theo hậu quân của Nga, tức là vấp phải cứ điểm    Sevardino. Nhưng sau đó ông ta cho quân vượt qua sông Kolotsa trong khi quân Nga không ngờ đến điều đó khiến cho quân Nga không thể nào đánh một trận toàn quân, và phải rút lui cánh trái ra khỏi trận địa mà họ bị chiếm lĩnh, để đến một vị trí mới mà họ không dự định chiếm và không được củng cố. Trong khi đem quân sang tả sông Kolotsa, tức là sang phía bên trái đường cái lớn, Napoléon đã chuyển toàn bộ trận chiến đấu sắp tới từ cánh phải sang cánh trái quân Nga, rồi chuyển sang cánh đồng ở giữa Utitxa, Xemenovxkoye và Borodino (cánh đồng này dùng làm trận địa cũng không có gì lợi hơn bất kỳ cánh đồng nào khác ở Nga) và trên cánh đồng ấy đã diễn ra toàn bộ trận chiến đấu ngày hai mươi sáu.
       
Đại khái sơ đồ trận chiến đấu theo như dự định và sơ đồ trận chiến đấu trong thực tế đã diễn ra như sau:
Giả sử chiều ngày hai mươi bốn Napoléon không vượt qua sông Kolotsa và ngay chiều hôm đó ông ta không tấn công ngay vào cứ điểm mà hoãn cuộc tấn công đến sáng hôm sau, thì hiển nhiên là cứ điểm Sevardino sẽ là thành cánh trái của trận địa của quân ta và trận chiến đấu sẽ diễn ra như ta đã chờ đợi từ trước.
       
Trong trường hợp này, chắc chắn là quân ta sẽ bảo vệ cứ điểm Sevardino tức là cánh trái của ta, còn kiên quyết hơn nữa, quân ta sẽ tấn công Napoléon ở trung tâm hay ở cánh phải, và trận chiến đấu toàn quân sẽ diễn ra ngày hai mươi lăm, trận điạ đã chuẩn bị và đã được củng cố từ trước. Nhưng vì cuộc tấn công vào cánh trái của ta đã diễn ra ngay chiều hôm ấy, sau khi hậu quân của ta rút lui, tức là ngày sau trận Grinyevo, là bởi vì các tướng lĩnh Nga không muốn và không thể mở ngay cuộc chiến đấu toàn quân vào buổi chiều ngày hai mươi bốn, cho nên cuộc giao chiến đầu tiên cũng là cuộc giao chiến chính trong trận Borodino đã thất bại từ ngày hai mươi bốn, và điều đó tất nhiên đưa đến cuộc bại trận ngày hai mươi sáu.
       
Sau khi mất cứ điểm Sevardino, sáng hai mươi lăm, quân ta lâm vào tình cảnh mất chỗ dựa ở cánh trái, nên đành phải rút, lui cánh trái và vội vã củng cố nó bất kỳ ở đâu. Nhưng nếu ngày hai mươi sáu tháng tám, quân đội Nga chỉ được những công sự yếu ớt chưa xây xong bảo vệ, thì tình trạng bất lợi này còn tăng thêm ở chỗ các tướng Nga không nhận thức được tình hình một cách đầy đủ: họ không thấy rằng việc mất vị trí ở cánh trái bắt buộc họ phải chuyển toàn bộ trận địa trước mắt từ phải sang trái, cho nên họ cứ để chiến tuyến của họ kéo dài như trước từ Novoye đến Utitxa. Kết quả là ngay giữa lúc chiến đấu quân đội Nga đã bắt buộc phải di chuyển từ bên phải sang bên trái. Như vậy, trong lúc chiến đấu quân đội Nga chỉ có thể dùng cánh trái của mình để đương đầu với tất cả quân đội Pháp tức là với những lực lượng mạnh gấp đôi. Còn những cuộc tấn công của Ponytovxki vào Utitxa và những cuộc tấn công của Uvarov vào cánh phải của quân Pháp thì chỉ là những hành động lẻ tẻ không liên quan gì đến tình hình chiến sự.
     
Như vậy, trận Borodino đã diễn ra hoàn toàn không phải như người ta đã miêu tả nó (vì mục đích che giấu những lỗi lầm của các vị tướng soái của ta, và do đó, đã làm giảm bớt phần vinh quang của quân đội và của nhân dân Nga). Trận Borodino không diễn ra trên một trận địa đã chọn từ trước, đã được củng cố, và lực lượng của quân Nga không phải chỉ yếu hơn quân địch một chút. Trái lại, trong trận Borodino, do việc mất cứ điểm Sevardino, quân Nga đã phái giao chiến trên một trận địa trống trái hầu như không có công sự với những lực lượng yếu hơn quân Pháp hai lần, tức là ở trong những điều kiện mà dù chỉ chiến đấu ba giờ liên tiếp thôi cũng đã khó lòng tránh khỏi tình trạng hoàn toàn tan rã buộc họ phải bỏ chạy chứ đừng nói chiến đấu suốt mười tiếng đồng hồ trong một trận giằng co bất phân thắng phụ.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #479 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2011, 07:35:39 pm »

Phần X
Chương - 19

Sáng ngày hai mươi lăm, Piotr rời Mozaisk. Khi xe đi xuống con đường dốc đứng quanh co dẫn ra khỏi thành phố, ở bên phải có một ngôi nhà thờ trong đó người ta đang cầu nguyện và đánh chuông, Piotr xuống xe đi bộ. Phía sau chàng là một trung đoàn kỵ binh có một tốp ca sĩ đi đầu đang xuống đồi. Một đoàn xe chở những người bị thương trong trận chiến đấu hôm qua đang lên dốc đi về phía chàng. Mấy người nông dân đánh xe, miệng quát mấy con ngựa, tay quất roi đen đét cứ chạy từ bên này sang bên kia đường. Những chiếc xe tải chở dăm ba thương binh, người ngồi, người nằm, đang lăn lạch cạch trên đoạn đường dốc lổn nhổn những đá rải đường.
   
Mấy người thương binh mình quấn dầy giẻ, da mặt xanh xao, mím môi và cau mày bám lấy thành xe, người cứ chồm lên và va vào nhau ở trong xe. Hầu hết đều nhìn cái mũ trắng và bộ thường phục màu xanh lá cây của Piotr với vẻ tò mò ngây thơ của trẻ con.
   
Người đánh xe của Piotr giận dữ quát những người đánh xe trở thương binh bảo họ đẹp ra một bên. Một đoàn kỵ binh ở trên đồi xuống, vừa đi vừa hát, chẳng bao lâu đã đến gần xe của Piotr và làm cho con đường tắc nghẽn. Piotr dừng lại nép mình vào phía mé đường đào lõm vào trong sườn đồi. Vì sườn dốc đứng, ánh nắng không thể chiếu vào con đường lõm sâu xuống; nên ở đấy lạnh và ẩm ướt. Trên đầu Piotr là buổi sáng tháng tám rực rỡ và tiếng chuông nhà thờ ngân nga vui vẻ. Một chiếc xe chở thương binh dừng lại ở bên đường, sát chỗ Piotr đứng. Người đánh xe đi giày bằng thứ vỏ cây thớ hổn hển chạy đến chiếc xe của mình, chèn một hòn đá dưới chiếc bánh sau không có dai sắt và bắt đầu sửa lại đây thăng trên mình con ngựa nhỏ bé.

Một thương binh già, cánh tay treo băng, đi theo chiếc xe vận tái đưa bàn tay còn lành lặn bám vào xe, quay lại nhìn Piotr nói:

- Này ông hành xứ ơi, họ bỏ chúng tôi lại đây phải không? Hay là đưa đến tận Moskva đấy?

Piotr đang suy nghĩ đăm chiêu đến nỗi không nghe thấy câu hỏi này. Chàng hết nhìn trung đoàn kỵ binh lúc này đã bắt gặp đoàn xe chở thương binh, lại nhìn cỗ xe ở cạnh chàng trong đó có hai thương binh đang ngồi và một thương binh nữa đang nằm. Trong số những người ngồi trên xe, có một người chắc là bị thương ở má.  Đầu anh ta quấn giẻ kín mít, và một bên má anh ta vẹo hẳn sang một bên. Người lính này nhìn ngôi nhà thờ và làm dấu thánh giá. Người kia là một tân binh trẻ người nhỏ nhắn, tóc vàng, nước da trắng bệch, khuôn mặt thanh tú trông như không còn lấy một chút máu nào. Anh ta nhìn Piotr với một nụ cười hiền hậu ngưng lại trên môi; người thứ ba nằm úp sấp không trông thấy mặt. Ca sĩ của trung đoàn kỵ binh tiến qua chiếc xe.
       
Ôi, thế là mất toi, cái đầu lông nhím(1)…
       
Sống ở nơi đất khách quê người.

   
Họ đang hát theo điệu một vũ khúc của binh sĩ. Như để hoạ lại tiếng hát của họ, nhưng với một niềm vui khác hẳn, những tiếng kim lanh lảnh của hồi chuông nguyện quyện vào nhau ngân vọng trên không trung. Vả lại thêm một niềm vui khác vừa sảng bừng trong những tia nắng nóng ran rót xuống đỉnh đồi đối diện. Nhưng ở chỗ Piotr đứng dưới sườn đồi, cạnh cỗ xe chở thương binh, cạnh con ngựa đang thở phì phì, thì lại ẩm ướt, âm u và rầu rĩ.

Người lính có cái má sưng vù liếc nhìn những kỵ binh đang hát, lộ vẻ cáu kỉnh.

- Ô! Cái bọn công tử bột. - anh ta nói, giọng trách móc. - Bây giờ không những thấy lính tráng mà còn thấy cả nông dân nữa.
       
Nông dân họ cũng lùa đi, - người lính đứng sau xe nói với Piotr với một nụ cười buồn buồn. - Lúc này, họ không phân biệt gì nữa… Toàn dân ai ai cũng muốn đánh giặc, một lời thôi: Moskva. Mọi người chỉ muốn
một kết cục.

Tuy lời lẽ người lính không rõ nghĩa, Piotr cũng hiểu anh ta muốn nói gì, và chàng gật đầu tán thành.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM