Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 12:16:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh và hòa bình  (Đọc 273666 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #340 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2011, 08:12:15 pm »

Phần VIII
Chương - 5

Trù tính lấy một người vợ giàu ở Petersburg nhưng không xong, Boris bèn đến Moskva cũng với dự định ấy. Ở Moskva, Boris phân vân giữa hai đám giàu có nhất: Juyly và nữ công tước Maria.
   
Chàng thấy nữ công tước Maria tuy có xấu thật nhưng vẫn còn hấp dẫn hơn Juyly Karaghina, và không hiểu tại sao chàng cứ thấy ngượng ngùng khi tìm cách tán tỉnh nữ công tước. Lần gặp nàng vừa rồi, nhân ngày lễ thánh của lão công tước, chàng đã hết sức tìm cách nói chuyện tình cảm với nàng, nhưng nàng trả lời chẳng đâu vào đâu và chắc hẳn là không nghe chàng nói.
   
Juyly thì ngược lại, tuy đón nhận những lời tán tỉnh của chàng theo một lối đặc biệt chỉ riêng nàng có, nhưng dù sao cũng rất vui lòng đón nhận.
   
Lúc này Juyly đã hai mươi bảy tuổi. Sau khi hai anh nàng chết đi nàng đã trở nên giàu có. Bây giờ nàng không còn một chút nhan sắc nào; nhưng nàng lại tưởng đâu rằng không những mình vẫn đẹp như xưa, mà lại có sức hấp dẫn hơn trước nhiều. Có những điều góp phần làm cho nàng lầm tưởng như vậy, trước hết là nàng đã trở thành một "đám" rất giàu có, và thứ hai là nàng càng đứng tuổi thì bớt nguy hiểm cho đàn ông đàn ông càng có thể nói năng với nàng tự nhiên hơn và tha hồ dự những bữa tiệc, những tối tiếp tân, cho nên giới giao tế tấp nập lui tới nhà nàng mà không sợ bị ràng buộc gì. Một người đàn ông mười năm trước đây không dám hàng ngày đến chơi một nhà có cô con gái mười bảy tuổi vì sợ làm nàng mang tiếng và sợ mình bị ràng buộc, thì bây giờ ngày nào cũng mạnh dạn đến nhà nàng và ăn nói với nàng không phải như với một cô gái chưa chồng, mà như với một người quen không phân biệt nam nữ.
   
Mùa đông năm ấy ở Moskva nhà Karaghina là nhà thú vị nhất và mến khách nhất. Ngoài những tối tiếp tân và những bữa tiệc sang trọng, ngày nào ở nhà Juyly cũng rất đông khách khứa, đặc biệt là khách nam giới, dùng bữa ăn khuya lúc mười hai giờ đêm và ngồi ráng lại đến hơn hai giờ sáng. Không có lấy một buổi vũ hội, một buổi dạo chơi, một buổi diễn kịch nào mà Juyly lại bỏ qua. Cách phục sức của nàng bao giờ cũng đúng thời trang mới nhất. Tuy vậy Juyly vẫn làm ra vẻ chán ngán mọi sự đời, với ai nàng cũng nói là mình không còn tin vào tình bạn hay tình yêu gì nữa, không tin là cuộc sống có thể đưa lại một niềm vui nào, và chỉ chờ được yên tĩnh ở thế giới bên kia mà thôi.
   
Nàng bắt chước giọng nói của một người đã từng vỡ mộng đau đớn của một thiếu nữ đã mất người yêu hoặc bị người yêu phụ bạc tàn nhẫn. Tuy xưa nay nàng chưa hề gặp chuyện gì tương tự, người ta vẫn coi nàng là một người như vậy và chính nàng cũng đâm ra tin rằng mình đau khổ nhiều trong cuộc đời. Nỗi buồn u uẩn này không hề cản trở nàng vui chơi, cũng không ngăn trở các chàng thanh niên đến nhà nàng tiêu hao ngày giờ một cách dễ chịu. Mỗi tân khách đển nhà nàng đều chiểu theo cái tâm trạng u hoài của nữ chủ nhân một chút cho trọn đạo rồi sau đó lại nói chuyện, lại khiêu vũ, lại chơi những trò đấu trí, những trò ghép thơ, là những trò chơi rất được ưa chuộng ở nhà Juyly. Chỉ có vài chàng thanh niên, trong số đó có Boris, là đi sâu vào tâm trạng u uẩn của nữ chủ nhân, và với mấy chàng thanh niên đó nàng có những cuộc nói chuyện rất lâu về sự phù phiếm của mọi việc trên thế gian này, và mở cho họ xem những tập an-bom của nàng, đầy những hình vẽ, những câu cách ngôn và những câu thơ buồn.
   
Juyly đặc biệt dịu dàng đối với Boris: nàng thương xót cho tuổi thanh xuân của chàng đã quá sớm vỡ mộng, khuyên chàng hãy lấy tình bạn của nàng mà tự an ủi, nàng rất có thể đem lại cho chàng những niềm an ủi đó, vì chính đời nàng cũng đã từng đau khổ nhiều, và nàng mở tập an-bom cho chàng xem. Boris vẽ vào an-bom cho nàng hai cái cây và viết: "Hỡi những cổ thụ mộc mạc, những cành lá âm u của các người gieo vào lòng ta bóng tối và u sầu".

Ở một chỗ khác chàng vẽ một nấm mồ và viết:
         
Chết là thoát khổ bình yên.
       
Muốn tránh đau khổ đừng tìm ở đâu.


Juyly nói rằng những ý đó thật là tuyệt diệu.

- Có một cái gì thật là lôi cuốn trong nụ cười của u hoài - nàng nói với Boris đúng y từng chữ một câu lấy trong sách ra. - Đó là một tia sáng trong bóng tối, là một sắc thái xoa dịu giữa đau khổ và tuyệt vọng, nó cho ta thấy rằng có thể có được một niềm an ủi. Sau đó Boris lại viết cho nàng mấy câu thơ:
         
Là thuốc độc của tâm hồn đa cảm
         
Không có ngươi hạnh phúc chẳng còn chi
         
U hoài ơi, hãy an ủi ta đi
         
Làm dịu bớt cảnh âm u ẩn dật
         
Đem đến chút khổ đau sâu kín
         
Khi lệ ta đang lặng lẽ trào tuôn.

Juyly lấy thụ cầm ra gảy cho Boris nghe những dạ khúc u sầu nhất. Boris đọc cho nàng nghe truyện "Nàng Lise bất hạnh"(1) và trong khi đọc chàng phải dừng lại mấy lần vì xúc động nghẹn ngào.
     
Những khi gặp nhau giữa đám tân khách đông đúc Juyly Karaghina và Boris nhìn nhau như hai tâm hồn duy nhất có thể hiểu nhau giữa cái thế gian lãnh đạm vô tình.
   
Bà Anna Mikhailovna vốn thường hay đến nhà Juyly Karaghina đánh bài với bà mẹ và nhân thể thu lượm những tài liệu đích xác về món của hồi môn của Juyly (gồm có hai điền trang ở Penza và mấy khu rừng ở Niznyi Novgorod). Đây là lòng phục tòng ý chúa, bà Anna Mikhailovna nhìn nỗi buồn cao thượng gắn bó con trai bà với nàng Juyly Karaghina giàu có với lòng thương cảm.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #341 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2011, 08:12:58 pm »

- Tiểu thư bao giờ cũng mơ mộng và thật đáng yêu, tiểu thư Juyly yêu quý ạ! - bà ta nói với cô con gái. - Boris nói rằng đến nhà tiểu thư tâm hồn cháu mới được thư thái. Cháu nó vốn đã chịu đựng nhiều nỗi thất vọng, và tâm hồn lại rất đa cảm, - bà ta nói với bà mẹ.

- Con ơi, gần đây mẹ thấy mến Juyly quá, - bà Anna Mikhailovna nói với con trai, - Mẹ không thể tả cảm xúc đó cho con nghe được? Vả lại ai mà có thể không yêu Juyly Karaghina?

- Thật là một con người thiên giới, Boris, Boris ơi! - Bà im lặng một lát. - Mẹ thấy thương bà mẹ của cô ấy quá. - Bà nói tiếp. - Hôm nay bà ta vừa cho mẹ xem những lô giấy tính tiền và những bức thư ở Penza gửi về (họ có những điền trang rộng mênh mông ở đấy) tội nghiệp một mình bà ta phải cáng đáng hết mọi việc!
     
Boris khẽ mỉm cười một nụ cười tế nhị trong khi nghe mẹ nói. Chàng nhẹ nhàng giễu cợt cái mưu mẹo ngây thơ của mẹ, nhưng cũng chú ý nghe và thỉnh thoảng có vẻ quan tâm hỏi han bà về các điền trang ở Penza và ở Niznyi Novgorod.

Juyly đã từ lâu chờ đợi lời cầu hôn của con người u sầu đang thờ phụng mình, và đã sẵn sàng tiếp nhận lời cầu hôn đó; nhưng Boris có một cảm giác ghê tởm thầm kín đối với nàng, đối với lòng thèm muốn lấy chồng cuồng nhiệt của nàng, đối với vẻ giả tạo của nàng; và một cảm giác sợ hãi nghĩ mình đã từ bỏ mối hy vọng sẽ tìm được một người yêu chân chính vẫn còn ngăn chặn Boris.  Thời hạn nghỉ phép của chàng đã sắp hết. Ngày nào cũng ngồi suốt ngày ở nhà gia đình Juyly, và ngày nào chàng cũng nghĩ đi nghĩ lại, rồi tự nhủ là ngày mai mình sẽ ngỏ lời cầu hôn. Nhưng khi đứng trước Juyly, trông thấy cái mặt đỏ và cái cằm hầu như bao giờ cũng trát bự phấn của nàng, đôi mắt ướt át và gương mặt lúc nào cũng như sẵn sàng từ vẻ u sầu chuyển ngay tức khắc sang vẻ hân hoan đường đột trước hạnh phúc lứa đôi, những khi ấy Boris không sao nói ra được những lời có tính chất quyết định, mặc dầu đã từ lâu trong trí tưởng tượng Boris đã hình dung mình làm chủ các điền trang Penza và Nizni Novgorod và đã trù tính cách sử dụng số hoa lợi của hai nơi này. Juyly Karaghina thấy rõ Boris lưỡng lự và thỉnh thoảng nàng thoáng có ý nghĩ rằng chàng ghét mình; nhưng lập tức lòng tự ái của phụ nữ lại an ủi nàng và nàng tự nhủ rằng chàng rụt rè như vậy chẳng qua là quá yêu nàng. Tuy nhiên nỗi u sầu của nàng bắt đầu chuyển thành một tâm trạng cáu bẳn, và trước hôm Boris ra đi ít lâu nàng bắt đầu thực hiện một kế hoạch quyết liệt, đúng vào lúc thời hạn nghỉ phép của Boris sắp chấm dứt, ở Moskva và dĩ nhiên là ở phòng khách của nhà Juyly Karaghina, bỗng thấy Anatol Kuraghin xuất hiện, và Juyly Karaghina đột nhiên bỏ vẻ u sầu vui hẳn lên và tỏ ra rất ân cần đối với Kuraghin.
     
Bà Anna Mikhailovna bảo con trai:

- Anh bạn ơi, tôi được biết qua một nguồn tin chắc chắn là công tước Bazil cho con trai đến Moskva để tìm cách lấy Juyly đấy, tôi quý Juyly lắm, nên thấy thương cô ta quá. Anh bạn ơi, anh nghĩ thế nào đây?
   
Nghĩ rằng mình có thể bị tâng hẩng và mất toi một tháng trời khó nhọc làm ra vẻ u sầu để phục vụ Juyly và bao nhiêu hoa lợi của các điền trang ở Penza mà trong tưởng tượng chàng đã phân phối và dự trù cách sử dụng sẽ rơi vào tay kẻ khác - Nhất là lại rơi vào tay thằng Anatol ngu xuẩn - ý nghĩ khiến cho Boris rất cay cú. Chàng liền đến nhà Juyly với ý định quả quyết là sẽ ngỏ lời cầu hôn. Juyly tiếp chàng một cách vui vẻ và vô tự lự, lơ đễnh kể lại rằng trong buổi vũ hội tối qua nàng rất vui, và hỏi xem bao giờ thì chàng đi.
     
Tuy Boris có ý định đến nói rõ tình yêu của mình cho nên đã dự tính trước là sẽ dịu dàng âu yếm, nhưng bây giờ chàng lại quay ra nói một cách bực bội rằng lòng dạ đàn bà thật dễ thay đổi: rằng họ có thể chuyển một cách dễ dàng từ buồn sang vui, rằng tâm trạng họ tuỳ chỗ người đến tán tỉnh họ là ai. Lòng tự ái bị xúc phạm, Juyly nói rằng quả đúng như vậy, phụ nữ vốn cần thay đổi, và nếu lúc nào cũng như lúc nào thì ai cũng phải phát chán.

- Về điều này tôi xin khuyên cô, - Boris mở đầu toan nói một câu cạnh khoé, nhưng ngay phút ấy chàng lại cay cú nghĩ rằng mình có thể rời Moskva tay không và bao nhiêu công phu khó nhọc bấy lâu sẽ mất toi cả (xưa nay chàng chưa hề gặp phải một trường hợp nào như thế). Đang nói dở câu, chàng ngừng lại, cụp mắt xuống để khỏi thấy cái mặt bực tức khó chịu và có vẻ phân vân của Juyly, rồi nói - Tôi đến đây tuyệt nhiên không phải để sinh sự với cô. Trái lại. Chàng đưa mắt nhìn nàng để liệu xem có thể nói tiếp được không. Tất cả cái vẻ bực tức của nàng bỗng biến đi đâu hết. và đôi mắt lo lãng, thỉnh cầu đang chăm chăm nhìn chàng, hau háu chờ đợi.

"Ta vẫn có thể thu xếp thế nào để ít gặp cô ta. - Boris thầm nghĩ. - Còn cơ sự này đã chót thì phải chét?" Chàng đỏ bừng hai má, ngước mắt lên nhìn nàng và nói:

- Cô cũng rõ tình cảm của tôi đối với cô rồi!

Không cần phải nói thêm gì nữa: gương mặt của Juyly rạng rỡ lên vì đắc thắng và thoả mãn, nhưng nàng bắt Boris phải nói với nàng cho kỳ hết tất cả những điều người ta thường nói trong những trường hợp như vậy; phải nói rằng chàng yêu nàng và chưa bao giờ chàng yêu một người phụ nữ nào hơn nàng. Nàng biết rằng hai điền trang Penza và mấy khu rừng ở Nixni Novgorod cho phép nàng đòi hỏi như vậy, và nàng nhận được những điều mà nàng đòi hỏi.
   
Đôi vợ chồng chưa cưới bây giờ không còn cân nhắc đến những cây cổ thụ gieo bóng tối u sầu vào tâm hồn họ nữa; họ trù tính dọn một ngôi nhà lộng lẫy ở Petersburg, họ đi thăm hỏi các nơi chuẩn bị chu đáo cho một đám cưới thật sang trọng.

=====================================================

Chú thích:

(1) Tiểu thuyết của Caramdin, thế kỷ 19, kể chuyện một người con gái nông thôn yêu một người quý tộc rồi bị người ấy bỏ nên nhẩy xuống sông trầm mình.

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #342 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2011, 08:13:44 pm »

Phần VIII
Chương - 6
     
Vào cuối tháng giêng, bá tước Ilya Andreyevich cùng với Natasa và Sonya đến Moskva. Bá tước phu nhân không được khoẻ nên không đi được, - Mà đợi cho phu nhân khoẻ thì không xong, vì công tước Andrey chỉ nay mai là về đến Moskva, ngoài ra còn phải mua sắm các thứ cho cô dâu, phải bán cái trang viên ở ngoại ô Moskva và nhân dịp lão công tước còn ở Moskva mà giới thiệu cho ông biết mặt cô dâu tương lai. Ngôi nhà của gia đình Roxtov ở Moskva không đốt lò sưởi; vả chăng họ chỉ ở lại một thời gian ngắn, lại không có bá tước phu nhân cùng đi, cho nên ông Ilya Andreyevich quyết định tạm ở nhà bà Maria Dmitrevna Akhroiximova là người đã từng mời bá tước đến chơi nhà từ lâu.
   
Trời đã khuya khi bốn chiếc xe ngựa của gia đình Roxtov đi vào sân nhà bà Maria Dmitrievna ở phố Xtaraya Konyusennaya.

Bà Maria Dmitrievna sống một mình. Cô con gái của bà đã đi lấy chồng. Mấy cậu con trai thì đều đang tại ngũ.
   
Bà Maria Dmitrievna vẫn như xưa, người vẫn đứng rất thẳng, vẫn to giọng và quả quyết nói thẳng ý mình ra với mọi người, và cả con người của bà vẫn như một sự phản kháng chống lại những sự yếu đuối những thói ham mê, những dục vọng của kẻ khác mà không bao giờ chịu thừa nhận. Dậy từ sáng sớm, mình mặc áo ngắn, bà trông nom việc nhà; sau đó, vào các ngày lễ, bà đi nhà thờ và sau khi xem lễ bà đến các nhà lao, nhà tù; ở đấy có những công việc mà bà không bao giờ nói cho ai biết; còn những ngày thường thì sau khi mặc áo, bà ở nhà tiếp những người đủ mọi tầng lớp hàng ngày vẫn đến kêu xin bà giúp đỡ, rồi đi ăn trưa. Bữa ăn trưa của bà bao giờ cũng đầy đủ các món ăn cao lương béo bổ, hôm nào cũng có ba bốn người khách đến dự: sau bữa ăn trưa bà đánh mấy ván Boston, đến tối bà sai người nhà đọc báo và sách mới cho bà nghe, trong khi bà ngồi đan. Hoạ hoằn lắm bà mới thay đổi cách dùng thời gian ấy để đi ra ngoài, và có chăng cũng chỉ là đi đến các nhân vật quan trọng nhất trong thành phố.

Hôm ấy bà Maria Dmitrievna chưa đi ngủ thì cánh cửa ở phòng ngoài đã quay ken két trên bản lề mở lối cho gia đình Roxtov và các gia nhân từ ngoài lạnh bước vào. Bà Maria Dmitrievna cặp mục kính tụt xuống giữa sống mũi, đầu hất ra phía sau, đứng ở cửa vào gian phòng khách, vẻ nghiêm khắc và giận dữ nhìn những người mới vào. Có thể tưởng chừng bà đang có điều gì căm tức họ lắm và sắp đuổi cổ họ đi ngay bây giờ, nếu cùng lúc ấy bà không sốt sắng sai bảo người nhà dọn buồng và xếp đồ đạc cho các vị khách.

- Đồ của bá tước à? Đem lại đây! - Bà chỉ chồng va ly nói, chẳng chào hỏi ai cả. - Này, các cô, phía này, sang bên trái ấy, kìa, sao đứng đực ra đấy hở? - Bà quát mấy cô đầy tớ gái - Đun ấm lò nhanh lên! Cô bé đây ra, xinh ra nhiều đấy bà vừa nói vừa kéo chiếc khăn trùm của Natasa, bấy giờ má đỏ ứng lên vì trời lạnh giá. - Úi chà! Người lạnh toát ra thế này! Thôi cởi áo nhanh lên, - Bà quát lão bá tước bấy giờ đang đến gần định hôn tay bà. - Chắc rét cóng rồi còn gì. Rót thêm rượu rhum vào trà nhé! Sonyuska, bonjour - bà nói với Sonya dùng lối chào bằng tiếng Pháp này để biểu hiện thái độ âu yếm bề trên đối với Sonya.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #343 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2011, 08:14:33 pm »

Sau khi đã thay áo và nghỉ một lát cho lại sức, khách ra dùng trà, bà Maria Dmitrievna lần lượt hôn tất cả mọi người.

- Bác với hai cháu đã lên đây ghé lại nhà tôi, tôi hết sức vui lòng - Bà nói. Đáng lẽ nên đến đây từ lâu kia mới phải, - bà đưa mắt nhìn Natasa một cách hóm hỉnh… - Ông cụ hiện đang ở đây và cậu con trai nay mai cũng sắp về. Phải làm quen với ông ta mới được, phải làm quen đi. Thôi, việc này ta sẽ bàn sau - Bà nói thêm, đưa mắt sang phía Sonya ý muốn tỏ ra rằng trước mặt nàng bà không muốn nói đến việc này. Rồi bà bảo lão bá tước - Bây giờ thì òng nghe đây, ngày mai ông định làm những gì nào? Ông muốn cho gọi ai đến? Sinsin nhé? - bà gập một ngón tay lại, - Mụ Anna Mikhailovna hay khóc kia nữa, là hai. Mụ ta với thằng con trai hiện đang ở đây. Cưới vợ cho con mà lại! Rồi đến Piotr Bezukhov chứ gì? Cả hai vợ chồng anh ta cùng đang ở đây. Anh ta trốn vợ, vợ liền rượt theo. Thứ tư vừa rồi anh ta ăn trưa ở nhà tôi đấy. Đây, còn hai cô này - Bà chỉ hai chị em Natasa - mai tôi sẽ đi nhà thờ Iverxkay xong đến hiệu Ober Salme. Chắc phải may đồ mới cả chứ gì? Đừng có bắt chước tôi, bây giờ họ mặc ống tay áo như thế này này! Vừa rồi công tước tiểu thư Irina Vaxilievna đến tôi; trông đến khiếp, cứ như đeo hai cái thùng rượu ở hai cánh tay. Bây giờ thế đấy, mỗi ngày lại có một mốt mới. Thế còn ông có những công việc gì nào? - Bà nói với bá tước, giọng nghiêm nghị.

- Cứ bỗng đâu dồn dập kéo đến một lúc, - Bá tước đáp. - Phải mua sắm các thứ áo xống cho hai cháu lại phải tìm người mua cái trang viên ngoại thành với toà nhà. Nếu bà vui lòng cho phép, tôi sẽ chọn lúc đi
Marinxkoye một ngày để hai cháu ở nhà bà trông giúp.

- Được được, ở nhà tôi chúng nó sẽ được an toàn. Ở nhà tôi thì cũng như ở hội đồng giám hộ ấy. Tôi sẽ đem chúng đi những nơi cần đi, tôi sẽ ta mắng chút ít và cũng sẽ âu yếm chúng nó - bà Maria Dmitrievna nói, bàn tay to tướng đưa lên vuốt má Natasa, cô con gái đỡ đầu yêu dấu của bà.
   
Sáng hôm sau Maria Dmitrievna dẫn hai tiểu thư đi đến nhà thờ Iverxkaya và đến cửa hiệu Ober Sanme, một bà chủ hiệu may áo phụ nữ xưa nay vốn sợ bà Maria Dmitrievna đến nỗi bao giờ cũng bán lỗ vốn cho bà ta để bà ta về đi cho nhanh. Bà Maria Dmitrievna đặt may gần hết các thứ cần dùng. Về đến nhà, bà đuổi mọi người ra ngoài phòng, trừ Natasa, và gọi nàng lại ngồi bên chiếc ghế bành của bà.

- Nào, bây gìờ ta nói chuyện. Ta có lời mừng con về anh chồng chưa cưới. Con kiếm được một anh chàng rất khá đấy! Ta rất mừng cho con; ta biết nó từ hồi hãy còn bằng ngần này này (bà giơ tay cách mặt đất một ác-sin) - Natasa đỏ mặt lên vì vui sướng - Ta rất mến nó và cả gia đình nhà nó. Bây giờ con nghe đây. Con cũng biết rằng lão công tước Nikolai chẳng muốn cho con trai lấy vợ một tí nào. Thật là một ông già khó tính! Cố nhiên công tước Andrey không phải là đứa trẻ, không cần đến lão già cũng cứ xong, nhưng về nhà người ta mà trái ý ông bố chồng cũng không tốt đâu. Phải cho êm thấm, cho hoà thuận. Con là một người thông minh, con sẽ biết cách cư xử cho phải. Con phải cho hiền hậu, cho khéo léo. Thế là mọi việc sẽ ổn thoả thôi.
   
Natasa im lặng; bà Maria Dmitrievna nghĩ rằng nàng bẽn lẽn nên không nói gì, nhưng thật ra nàng khó chịu vì có người xen vào việc của nàng với công tước Andrey, là một việc mà nàng cho là tách hẳn ra khỏi mọi công việc của người đời, đến nỗi theo nàng không ai có thể hiểu được. Nàng chỉ yêu và chỉ biết có một mình công tước Andrey, công tước Andrey yêu nàng, và nay mai sẽ trở về đem nàng đi. Ngoài ra nàng không cần gì hết.

- Con thấy không, ta biết nó từ lâu, và Masenka cô em chồng của con, ta cũng rất mến. Em chồng thì ghét chị dâu, thói đời vẫn thế, nhưng cô em chồng này thì một con ruồi bay qua cũng không nỡ làm hại. Nó có nhờ ta giúp nó làm quen với con đấy. Mai con sẽ đi với bố đến nhà nó con phải cho dịu dàng mới được, vì con ít tuổi hơn nó. Khi thằng Andrey của con về thì con đã làm quen được với em chồng và bố chồng, đã được cả nhà quý mến rồi. Có phải thế không nào? Thế tốt hơn chứ con?

- Vâng, tốt hơn. - Natasa miễn cưỡng đáp.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #344 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2011, 09:49:52 pm »

Phần VIII
Chương - 7
   
Ngày hôm sau, theo lời khuyên của bà Maria Dmitrevna, bá tước Ilya Andreyevich cùng với Natasa đến nhà công tước Nikolai Andreyevich. Bá tước không được vui khi sửa soạn cuộc thăm hỏi này: trong lòng ông cứ thấy lo sợ. Cuộc gặp gỡ độ nọ giữa hai người vào hồi tuyển lính còn để lại một ấn tượng quá rõ ràng trong trí nhớ của bá tước: dạo ấy, đáp lại lời mời đến dự tiệc của ông, công tước Nikolai Andreyevich đã quở mắng ông thậm tệ về việc cung cấp người không đủ. Ngược lại Natasa đã mặc chiếc áo dài đẹp nhất của nàng, và tâm trạng nàng lúc bấy giờ rất vui vẻ. "Không thể nào họ lại không mến mình được - Nàng nghĩ - Xưa nay ai cũng thích mình cả. Mà mình lại sẵn sàng làm tất cả những gì họ muốn, sẵn sàng yêu mến ông ấy - Vì ông ấy là cha của chàng, và yêu mến cô ấy vì cô ấy là em gái của chàng, thì việc gì họ lại không yêu mến mình kia chứ?".
     
Xe đến gần ngôi nhà cũ kỹ, ảm đạm ở phố Vozdviezka và hai cha con bước vào phòng ngoài.

- Nào, xin Chúa phù hộ, - Bá tước nói, nửa đùa nửa thật.
   
Nhưng Natasa nhận thấy cha nàng có vẻ luống cuống khi bước vào phòng ngoài, rụt rè hỏi nhỏ người nhà xem lão công tước và tiểu thư có nhà không.
     
Nghe nói có hai cha con bá tước Roxtov đến, trong đám gia nhân của công tước thấy nhốn nháo cả lên. Người nô bộc có nhiệm vụ báo cáo với công tước vừa chạy vào phòng khách đến phòng khách thì bị một người nội bộc khác chặn lại và hai người thì thầm gì với nhau một lúc.     Một cô đầy tớ gái chạy vào phòng khách và cũng hấp tấp nói nhỏ cái gì, trong đó có nhắc đến công tước tiểu thư. Cuối cùng một người nô bộc già, vẻ cau có, bước ra báo với hai cha con Roxtov rằng công tước hiện không tiếp khách được, nhưng công tước tiểu thư xin mời hai người vào phòng tiểu thư. Người đầu tiên ra đón khách là cô Burien. Cô tiếp đón hai cha con bá tước một cách đặc biệt lễ phép và dẫn họ vào phòng nữ công tước. Nữ công tước xúc động, hoảng hốt và mắt nổi đầy những đám đo đỏ, nặng nề chạy ra đón khách, cố làm ra vẻ vồn vã và tự nhiên mà không sao được. Thoạt nhìn thấy Natasa, công tước tiểu thư đã không có thiện cảm với nàng. Nữ công tước thấy nàng quá đỏm dáng, nhí nhảnh và tự mãn. Công tước tiểu thư không biết rằng trước khi trông thấy người chị dâu tương lai, mình đã có sẵn ác cảm đối với nàng vì bất giác ganh tị với sắc đẹp, tuổi trẻ và hạnh phúc của nàng, và ghen tuông với tình yêu của anh mình. Ngoài cái ác cảm không thể nén nổi đối với Natasa, lúc ấy công tước tiểu thư Maria lại còn đang xúc động vì việc vừa xảy ra, đó là khi người nhà vào bảo có bá tước Roxtov và tiểu thư đến, lão công tước đã quát ầm lên là ông ta không có việc gì phải tiếp họ cả, tiểu thư Maria có muốn tiếp thì cứ tiếp, chứ không được để cho họ gặp ông.
   
Công tước tiểu thư Maria quyết định tiếp hai cha con Roxtov nhưng cứ luôn luôn sợ nhỡ ra công tước có nổi giận rồi ra làm toáng lên chăng, vì công tước có vẻ rất bực tức về cuộc thăm hỏi này.

- Đây thưa công tước tiểu thư thân mến, tôi đem con bé hay hát của tôi đến ra mắt tiểu thư, - Bá tước vừa nói vừa giậm gót giày cúi chào và lo lắng đưa mắt nhìn quanh như sợ lão công tước bỗng ở đâu lù lù hiện ra chăng. - Tôi rất lấy làm mừng rằng con tôi được làm quen với tiểu thư… Rất tiếc, rất tiếc rằng công tước còn mệt…

Rồi nói xong mấy câu xã giao chung chung nữa. Ông đứng dậy:

- Thưa công tước tiểu thư, nếu tiểu thư cho phép, tôi xin để em nó ngồi lại với tiểu thư mười lăm phút, còn tôi thì có việc ra đằng quảng trường Xobatsi gần đây một chút, đến nhà bà Anna Xemionovna, sau đó tôi ghé lại đón em nó.
   
Ông Ilya Andreyevich nghĩ ra cái mánh khoé ngoại giao này là để cho chị dâu em chồng tương lai có dịp nói chuyện với nhau (về sau bá tước nói với con gái như vậy), và cũng là để tránh gặp lão công tước mà ông vẫn sợ. Điều này thì ông không nói với con gái, nhưng Natasa hiểu rằng cha mình đang lo sợ, và thấy đó là một điều nhục cho mình. Nàng đỏ mặt vì cha và lại càng thêm bực mình vì đã đỏ mặt, rồi đưa mắt nhìn thẳng vào công tước tiểu thư Maria cái nhìn mạnh dạn, thách thức như muốn nói rằng nàng không sợ ai cả. Nữ công tước nói với bá tước rằng nàng rất vui lòng và chỉ xin bá tước ngồi chơi đằng nhà bà Anna Xemionovna lâu hơn ít nữa. Ông Ilya Andreyevich đi ra.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #345 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2011, 09:51:35 pm »

Công tước tiểu thư Maria, muốn nói chuyện riêng với Natasa, nên đã nhiều lần đưa mắt nhìn sang cô Burien lộ vẻ băn khoăn, nhưng cô ta vẫn ngồi yên tại chỗ và nói chuyện không ngớt miệng về những trò vui chơi, những buổi diễn kịch ở Moskva. Cái cảnh lúng túng diễn ra ở phòng ngoài lúc nãy, cái vẻ lo sợ của cha nàng và cái giọng không tự nhiên của công tước tiểu thư Maria, mà nàng có cảm tưởng như đang lấy lòng bề trên hạ cố tiếp chuyện nàng, đã làm cho nàng chạnh lòng.
   
Cho nên nàng thấy cái gì cũng khó chịu. Nàng không ưa công tước tiểu thư Maria. Nàng thấy cô ta rất xấu, lại giả dối và lạnh lùng. Tinh thần Natasa bỗng như co rút lại trong vỏ, và nàng bất giác nói một giọng ung dung càng khiến cho tiểu thư Maria có ác cảm đối với nàng. Sau năm phút nói chuyện một cách gượng gạo, khó nhọc, chợt nghe có tiếng chân đi giày vải bước rất nhanh.

Gương mặt công tước tiểu thư Maria lộ vẻ hoảng sợ, cánh cửa phòng mở toang, và lão công tước mình mặc áo ngủ đầu đội mũ chụp bước vào.

- A, tiểu thư, - Công tước nói. - Tiểu thư, bá tước tiểu thư… thì phải, nếu tôi không nhầm… xin lỗi tiểu thư… tôi quả không biết, xin tiểu thư hiểu cho. Quả tình tôi không được biết rằng tiểu thư đến thăm chúng tôi nên ăn mặc thế này đến phòng con gái. Xin tiểu thư thứ lỗi… quả tình, tôi không biết.
     
Công tước nhắc lại, vẻ thiếu tự nhiên, nhấn mạnh vào hai chữ quả tình giọng công tước nghe khó chịu đến nỗi công tước tiểu thư Maria đứng yên, mặt cụp xuống, không dám nhìn cha mà cũng không dám nhìn Natasa.
     
Natasa đứng dậy nhún mình chào và cũng không biết mình nên làm gì. Chỉ một mình cô Burien mỉm cười vui vẻ.

- Xin tiểu thư thứ lỗi, xin tiểu thư thứ lỗi! Quả tình tôi không biết, - Ông già lẩm bẩm, sau khi nhìn Natasa một lượt từ đầu đến chân, ông bỏ ra ngoài.
     
Cô Burien là người đầu tiên trấn tĩnh lại được sau cuộc xuất hiện này và bắt đầu nói chuyện về bệnh tình của công tước. Natasa và tiểu thư Maria im lặng ngồi nhìn nhau, và họ càng im lặng ngồi nhìn nhau, không nói ra những điều cần phải nói, thì lại càng thêm ác cảm đối với nhau.
   
Khi bá tước trở lại, Natasa mừng rỡ một cách khiếm nhã và vội vàng ra về: lúc ấy nàng gần như thù ghét cái cô nữ công tước già nua kia, đã làm cho nàng lâm vào tình cảnh rất ngượng ngùng và đã có thể ngồi với nàng nửa tiếng đồng hồ mà không nói gì đến công tước Andrey cả "Chả nhẽ mình lại đi nói trước về Andrey trước mặt cái cô người Pháp kia?" - Natasa nghĩ. Cùng lúc ấy cũng chính điều đó làm cho tiểu thư Maria bứt rứt. Nàng biết mình cần phải nói những gì với Natasa, nhưng nàng không nói được vì có cô Burien ở đấy và cũng chính vì nàng không hiểu sao lại khó nói đến cuộc hôn nhân này đến thế. Khi bá tước đã ra khỏi phòng rồi, tiểu thư Maria bước nhanh đến gần Natasa, cầm lấy tay nàng và thở dài nói: "Xin tiểu thư nán lại một lát, tôi cần…". Natasa nhìn nữ công tước Maria một cách giễu cợt, tuy chính nàng cũng không biết giễu cợt là cái gì.

- Chị Natasa Natali, công tước tiểu thư Maria nói, - Xin chị biết cho rằng tôi rất mừng là anh tôi đã tìm được hạnh phúc… - Nàng ngừng lại, cảm thấy mình đang nói dối. Natasa để ý nàng ngừng lại và đoán hiểu được nguyên do.

- Thưa công tước tiểu thư, tôi thiết tưởng lúc này không tiện nói đến việc ấy, - Natasa nói, cố làm ra vẻ nghiêm trang và lãnh đạm, nhưng đã cảm thấy nước mắt trào lên, nghẹn ngào trong cổ.

"Mình đã nói gì vậy, mình đã làm gì vậy!" - Nàng thầm nghĩ khi vừa bước ra khỏi phòng.
   
Bữa ăn trưa hôm ấy gia đình Roxtov phải đợi Natasa rất lâu. Nàng ngồi trong phòng riêng và khóc thút thít như đứa trẻ. Sonya đứng trước mặt nàng và hôn lên tóc nàng:

- Natasa tại sao lại khóc? - Sonya nói. - Natasa cần gì nghĩ đến họ? Rồi mọi việc sẽ qua cả thôi, Natasa ạ.

- Không, giá chị biết em phải chịu tủi nhục như thế nào, cứ làm như là em…

- Đừng nói nữa Natasa ạ, Natasa có lỗi gì đâu, chấp làm gì? Hôn mình đi nào? - Sonya nói.
Natasa ngẩng đầu lên và hôn lên môi bạn, áp chiếc má giàn giụa nước mắt vào nàng.

- Em không nói được, em không biết. Không có ai có lỗi cả, - Natasa nói, - Em không có lỗi. Nhưng tất cả những việc ấy làm em khổ quá. Ôi! Sao anh ấy vẫn chưa về!

Nàng ra phòng ăn, hai mắt đỏ hoe. Bà Maria Dmitriev biết rõ công tước Nikolai Andreyevich đã đón tiếp hai cha con ông Roxtov như thế nào. Bà làm ra vẻ như không để ý thấy vẻ mặt thảng thốt của Natasa, và trong khi ngồi ăn cứ cất tiếng nói sang sảng và rắn rỏi đùa cợt với bá tước và các vị khách khác.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #346 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2011, 09:52:42 pm »

Phần VIII
Chương - 8

Tối hôm ấy, gia đình Roxtov đi xem hát, bà Maria Dmitrievna đã mua được vé cho họ.
   
Natasa không muốn đi, nhưng không sao khước từ được tấm lòng sốt sắng mà bà Maria Dmitrievna vẫn dành riêng cho nàng.
   
Khi đã trang sức xong xuôi, nàng ra phòng khách đợi cha; nhìn vào tấm gương lớn, nàng thấy mình xinh, rất xinh, và lại càng thấy buồn hơn nữa; nhưng nỗi buồn của nàng bây giờ dìu dịu, ngọt ngào và đầy trìu mến.

"Trời ơi, giá chàng ở đây, thì ta sẽ không như trước nữa, không có cái vẻ e lệ ngốc nghếch nữa, ta sẽ khác hẳn, ta sẽ ôm lấy chàng, nép vào người chàng, ta sẽ bắt chàng nhìn ta với đôi mắt tò mò, tìm kiếm, như chàng vẫn thường nhìn, rồi ta sẽ làm cho chàng phải cười như dạo nọ. Đôi mắt của chàng - Ta thấy đôi mắt của chàng rõ quá - Natasa nghĩ thầm - Ta việc gì phải nghĩ đến cha và em chàng: ta chỉ yêu một mình chàng, mỗi mình chàng thôi, với đôi mắt, với khuôn mặt ấy, với nụ cười rắn rỏi đồng thời lại trẻ con của chàng… Không, tốt hơn là đừng nghĩ đến chàng, đừng nghĩ nữa, quên đi, quên hẳn đi trong thời gian này. Ta không chịu nổi cảnh chờ đợi này, ta sẽ khóc ngay cho mà xem" - và nàng rời khỏi tấm gương, cố nén cho khỏi khóc oà lên - Làm sao Sonya lại có thể yêu Nikolai đằm thắm, thanh thản như vậy, và có thể chờ đợi mãi một cách nhẫn nại như thế! - nàng nghĩ thầm khi trông thấy Sonya bấy giờ cũng đã trang sức xong, bước vào phòng khách tay cầm chiếc quạt. - Không, chị ấy khác hẳn, còn ta không thể như thế được!"
   
Giờ phút này Natasa cảm thấy lòng mình dạt dào một tình cảm bồng bột đến nỗi yêu và biết được mình được yêu đối với nàng vẫn chưa đủ: bây giờ ngay bây giờ nàng cần được ôm lấy người yêu, được nói và nghe người yêu nói những lời chan chứa yêu đương tràn ngập lòng nàng. Trong khi nàng ngồi trên chiếc xe ngựa, bên cạnh cha, mắt đăm chiêu tư lự nhìn ánh đèn phố thấp thoáng sau tấm kính mờ hơi băng, nàng cảm thấy yêu say mê và càng thấy buồn, quên hẳn mình đang ngồi với ai và đi đâu. Len vào giữa dãy xe ngựa đang nối đuôi nhau chạy, chiếc xe của gia đình Roxtov lăn bánh chầm chậm kêu kin kít trên tuyết, đến đỗ trước nhà hát.
   
Natasa và Sonya vội vàng vén áo xuống xe, bá tước bước ra, hai bên có hai người hành bộc đỡ, và giữa đám người nam có, nữ có đang đi vào nhà hát, giữa những người bán chương trình, cả ba cùng vào dãy hành lang của hạng baignoir(1). Qua các cánh cửa hé mở đã nghe thấy tiếng nhạc.

- Natali, xem chừng tóc đấy? - Sonya nói thầm.

Người xếp chỗ kính cẩn và vội vàng len ra trước hai tiểu thư và mở cánh cửa dẫn vào lô. Tiếng nhạc nghe rõ hẳn lên, dưới ánh đèn các dãy lô sáng rực với những đôi vai và những cánh tay để trần của các mệnh phụ và tiểu thư, và ở tầng dưới ồn ào, những bộ quân phục lộng lẫy sáng lên lấp lánh. Một thiếu phụ bấy giờ đang bước vào chiếc lô bên cạnh liếc nhìn Natasa với đôi mắt ganh tị đặc biệt của phụ nữ.
   
Màn chưa mở và dàn nhạc đang cử khúc nhạc mở đầu. Natasa sửa lại tà áo cùng vào với Sonya và ngồi xuống, đưa mắt nhìn qua các dãy lô sáng trưng ở trước mặt. Cái cảm giác là hàng trăm con mắt đang nhìn vào cổ và đôi vai để trần của mình, một cảm giác mà đã lâu nàng không thể nghiệm, đột nhiên tràn vào lòng nàng, khiến nàng vừa thấy dễ chịu vừa khó chịu, và gợi lên cả một loạt những kỷ niệm, ước muốn và cảm xúc gắn liền với nó.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #347 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2011, 09:54:01 pm »

Hai cô thiếu nữ xinh đẹp là Natasa và Sonya, cùng với bá tước Ilya Andreyevich đã từ lâu không thấy ở Moskva khiến cho mọi người chú ý. Ngoài ra, mọi người đều biết mang máng cuộc đính hôn giữa Natasa với công tước Andrey, họ đều biết rằng từ dạo đó gia đình Roxtov ở thôn quê, nên tò mò nhìn cô vị hôn thê của một trong những chàng rể tôn quý nhất của nước Nga.
   
Ở thôn quê Natasa xinh đẹp ra nhiều lắm, ai cũng nói với nàng như vậy, và tối hôm nay, nàng đang xúc động nên lại càng xinh đẹp hơn. Nàng khiến cho mọi người phải chú ý vì sắc đẹp của nàng đầy sức sống, lại phối hợp với một vẻ thản nhiên đối với tất cả mọi người mọi vật xung quanh. Đôi mắt đen láy của nàng nhìn vào đám đông, không có ý tìm ai cá, và cánh tay mảnh dẻ để trần đến phía trên khuỷu tay tựa vào lan can bọc nhung và bàn tay nàng bất giác khẽ nhịp điệu nhạc tự khúc làm nhàu mờ chương trình.

- Xem kia, Alinian đấy. - Sonya nói, - hình như cùng đi với bà mẹ thì phải.

- Trời ơi! Cái ông Mikhail Kirilyts lại còn béo thêm lên nữa! - Lão bá tước nói.

- Xem kìa! Bà Anna Mikhailovna nhà ta đội chiếc mũ hay quá!

- Gia đình Karaghina kia kìa, Juyly và Boris cũng đi với bà ấy đấy. Có thể thấy ngay họ là cô dâu chú rể chả
sai tí nào.

- Drubeskhov vừa ngỏ lời cầu hôn xong! Hôm nay tôi vừa nghe nói đấy mà. - Sinsin vừa nói vừa bước vào
lô của gia đình Roxtov.
   
Natasa đưa mắt về phía cha nàng đang nhìn, và trông thấy Juyly, đeo chuỗi ngọc trai trên cái cổ béo và đỏ (Natasa biết rằng cái cổ ấy trát phấn rất dày) đang ngồi bên mẹ, vẻ rất thoả mãn. Ở phía sau họ, có thể trông thấy mái đầu đẹp đẽ chải mượt của Boris, bấy giờ đang mỉm cười ghé tai sát môi Juyly. Chàng liếc mắt nhìn trộm sang phía gia đình Roxtov và mỉm cười nói một câu gì với cô vợ chưa cưới.
   
"Họ đang nói gì về mình đây, về chuyện mình với cậu ta đấy? - Natasa nghĩ thầm. - Và chắc là cậu ta đang nói cho người vợ chưa cưới yên tâm, đừng ghen với mình nữa thật phí công! Giá họ biết được là đối với họ mình dửng dưng đến chừng nào!"
   
Ở phía sau, có thể trông thấy bà Anna Mikhailovna đầu đội mũ vải xanh, vẫn với vẻ mặt phục tùng ý Chúa nhưng vui sướng, tưng bừng như ngày hội. Trong lô của họ có cái không khí đặc biệt của một gia đình mới làm lễ đính hôn mà Natasa đã từng quen thuộc và yêu thích. Nàng quay mặt đi, và đột nhiên tất cả những nỗi tủi nhục trong cuộc đi thăm sáng nay lại hiện lên trong trí nhớ của nàng.
   
"Ông ấy không có quyền gì không chịu nhận ta vào gia đình? Ôi, thôi tốt hơn là đừng nghĩ đến việc ấy nữa đợi chàng về hẵng hay!" - nàng tự nhủ và bắt đầu đưa mắt nhìn qua các khuôn mặt quen và lạ ở tầng dưới. Ở giữa tầng dưới, ngay chính ở giữa, Dolokhov đang đứng tựa lưng vào dãy răm-pơ, mình mặc y phụ Ba-tư cái bờm tóc quăn rậm ráp chải ngược lên rất cao. Chàng đứng ở chỗ cả nhà hát có thể trông thấy và biết rằng mọi người đang chú ý đến mình, nhưng dáng điệu của chàng vẫn tự nhiên thoải mái như đang ở trong phòng riêng vậy. Quanh chàng quây quần đám thanh niên hào hoa bậc nhất ở Moskva, và Dolokhov có lẽ là đầu têu trong đám này.
     
Bá tước Ilya Andreyevich cười khà khà lấy khuỷu tay khẽ huých cô cháu Sonya và chỉ về phía người ngày xưa đã từng đeo đẳng cô, làm cho cô đỏ mặt tía tai lên.

- Nhận ra chưa? - Ông hỏi - Anh chàng ở đâu về thế? - Ông quay sang phía Sinsin hỏi, - Nghe nói bặt tăm đi đâu một dạo kia mà?

- Bặt tăm một dạo thật, - Sinsin đáp, - Đi lên Kavkaz, song bỏ trốn và nghe nói sang làm thượng thư cho một quốc vương nào bên Ba-tư ấy. Ở đấy hắn ta đã giết chết em trai của ông Shah(2). Bây giờ thôi thì các cô tiểu thư Moskva đều say mê hắn ta như điếu đổ!

- Chàng Dolokhol người Ba-tư, thế là xong cả. Bây giờ ở đây chẳng ai nói câu gì mà lại không nhắc đến Dolokhov, họ lấy tên anh ta ra thề thốt, họ mời nhau thưởng thức món cá quả, - Sinsin nói. - Dolokhov với Anatol Kuraghin, hai anh chàng đã làm các cô nhà ta phát điên phát cuồng lên cả rồi đấy.
   
Ở lô bên cạnh có một thiếu phụ cao lớn và xinh đẹp vừa bước vào tóc tết thành một chiếc bứn rất to, cổ và hai vai trắng nõn, đầy đặn, để hở rất rộng, trên cổ có một chuỗi ngọc trai lớn quấn hai vòng. Thiếu phụ sửa soạn ngồi xuống rất lâu làm chiếc áo dài bằng lụa dày kêu sột soạt.
 
Natasa bất giác nhìn cái cổ đôi vai, chuỗi ngọc, bộ lóc, và thán phục vẻ đẹp của đôi vai và các tư trang. Khi Natasa nhìn sang lần thứ hai, thiếu phụ quay lại, và bắt gặp mắt của bá tước Ilya Andreyevich liền mỉm cười gật đầu chào bá tước. Đó là bá tước phu nhân Bezukhov, vợ của Piotr. Ilya Andreyevich vốn quen hết thảy mọi người trong giới xã giao: ông nghiêng mình sang nói chuyện với bá tước phu nhân.

- Phu nhân đến đây đã lâu chưa ạ? Vâng, tôi sẽ đến, tôi sẽ xin đến hôn tay phu nhân. Tôi lên đây có việc và có đem hai cháu gái lên. Nghe nói có Xemionova đóng không ai sánh kịp… Bá tước Piotr Kirilovich có ghé chơi nhà chúng tôi. Bá tước có đây chứ?

- Có nhà tôi có định đến, - Elen nói và chăm chú nhìn Natasa.

Bá tước Ilya Andreyevich lại ngồi vào chỗ.

- Đẹp đấy chứ? - Ông nói thầm với Natasa.

- Tuyệt! - Natasa nói - Thật có thể mê ngay được!
   
Vừa lúc ấy vang lên những hợp âm cuối cùng của khúc nhạc mở đầu và nghe có tiếng đũa chỉ huy của nhạc trưởng gõ canh cách trên giá nhạc. Ở tầng dưới những người đàn ông đến muộn vội vã ngồi vào chỗ, và bức màn trên sân khấu vén lên.

=========================================================

Chú thích:

(1) Hạng lô ở chung quanh tầng dưới.

(2) vua Ba Tư

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #348 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2011, 09:54:43 pm »

Phần VIII
Chương - 9

Trên sân khấu, ở phía giữa là những tấm ván bằng phẳng, hai bên có những tấm bìa sơn màu, vẽ những cây cối, ở phía sau có một tấm vải căng lên trên các tấm ván. Ở giữa sân khấu có mấy cô thiếu nữ ngồi, mình mặc yếm đỏ và váy trắng. Một cô rất to béo mặc áo lụa trắng ngồi riêng ra một mình trên một chiếc ghế dài nhỏ và thấp ở phía sau có dán một miếng bìa xanh. Tất cả mấy người con gái đều hát một bài gì không rõ. Khi họ hát xong, người thiếu nữ mặc áo trắng lại gần cái ô của người nhắc vở, và người đàn ông mặc chiếc quần bằng lụa, hai ống bó sát vào đôi chân béo dẫy, đội mũ có cắm lông và đeo dao găm, lại gần người thiếu nữ, bắt đầu hát và hoa chân múa tay.
   
Lúc đầu người đàn ông mặc quần bó ống hát một mình, sau đến cô kia hát, rồi cả hai đều lặng thinh. Âm nhạc bắt đầu khổi lên, và người đàn ông bắt đầu lấy ngón tay mân mê cánh tay của người con gái mặc áo trắng, hẳn là đang đợi nhịp để bắt đầu hát song thanh với cô ta. Hai người cùng hát, tất cả các khán giả bắt đầu vỗ tay và hò hét, đoạn hai người diễn viên nam nữ đang đóng vai hai tình nhân trên sân khấu mỉm cười và đang tay ra hai bên để cúi chào.

Natasa vừa sống một thời gian ở thôn quê, lại đang có một tâm trạng nghiêm trang, cho nên tất cả những trò đó nàng thấy rất kỳ quặc và lố lăng. Nàng không thể theo dõi được tình tiết của vở ca kịch, mà cũng có thể nghe được điệu nhạc: nàng chỉ thấy những tấm bìa sơn màu lòe loẹt và những người đàn ông, đàn bà ăn mặc rất kỳ quặc đang đi lại, múa may, nói, hát dưới ánh đèn sáng chói; nàng biết những trò đó nhằm biểu hiện cái gì, nhưng tất cả đều có vẻ giả tạo, rối ren và gượng gạo đến nỗi có khi nàng thấy ngượng cho các diễn viên, có khi lại thấy buồn cười cho họ. Nàng đưa mắt nhìn quanh, nhìn vào gương mặt các khán giả, thử xem họ có thấy buồn cười và bỡ ngỡ như mình không; nhưng mọi người đều có vẻ đang chăm chú theo dõi những việc diễn ra trên sân khấu, và gương mặt họ đều lộ rõ một vẻ mặt hân hoan thán phục mà Natasa có cảm tưởng là giả tạo. "Chắc là phải như thế mới được đấy" - Natasa nghĩ thầm. Nàng lần lượt nhìn hết những dãy đầu xức sáp thơm ở tầng dưới, đến những người đàn bà hở vai hở ngực trên các dãy lô và nhất là nàng Elen ngồi bên cạnh. Elen mặc chiếc áo để hở cả khoảng lưng đang nhìn không chớp vào sân khấu, miệng hé nở một nụ cười bình thản, hưởng thụ ánh sáng rực rỡ và bầu không khí ấm áp hơi người tràn ngập trong gian phòng. Natasa dần dần chuyển sang một trạng thái say sưa mà đã lừ lâu nàng không hề thể nghiệm.
   
Nàng không nhớ mình là ai, mình đang ở đâu và cái gì đang diễn ra trước mắt mình. Nàng nhìn và suy nghĩ, và những suy nghĩ rất kỳ lạ chẳng mạch lạc gì cả đột ngột kế tiếp nhau diễn qua trong tâm trí nàng. Khi thì nàng nảy ra ý nhảy lên đường răm-pơ(1) và hát các bài mà người nữ diễn viên đang hát, khi thì nàng lại muốn ôm lấy quạt quèo cụ già ngồi cách chỗ nàng không xa, khi thì lại muốn chồm sang Elen và cù vào người cô ta.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #349 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2011, 09:55:21 pm »

Vào một trong những lúc mà trên sân khấu tất cả đều im lặng một lát để đợi một ca khúc đơn ca bắt đầu, cánh cửa vào tầng dưới ở phía lô của gia đình Roxtov bỗng kẹt mở và có tiếng một người đàn ông đến muộn bước vào. "Kuraghin đây rồi" - Sinsin thì thầm. Bá tước phu nhân Bezukhov mỉm cười quay mặt về phía người mới vào, Natasa nhìn theo hướng mắt của bá tước phu nhân Bezukhov và thấy một viên sĩ quan phụ tá đẹp trai lạ lùng đang tiến về phía lô của họ, vẻ tự tin và đồng thời nhã nhặn. Đó là Antol Kuraghin mà nàng đã từng gặp và chú ý trong buổi vũ hội ở Petersburg. Bấy giờ chàng mặc quân phục sĩ quan phụ tá có ngũ vai và dây tuyến thả vòng trước ngực. Chàng bước một cách hiên ngang nhưng dè dặt, dáng đi này sẽ đâm ra buồn cười, nếu chàng không đẹp trai như vậy và trên khuôn mặt tuấn tú của chàng không có cái vẻ vui tươi và thoả mãn một cách hồn hậu như thế. Mặc dầu vở kịch đang diễn, chàng vẫn thong thả bước trên tấm thảm trải dọc hành lang, thanh gươm và đôi cựa giày khẽ lách cách, mái đầu đẹp đẽ xức nước hoa cất cao lên. Sau khi đưa mắt nhìn Natasa một cái, chàng lại gần Elen, đặt bàn tay đeo găng vừa sát lên thành lô, gật đầu chào chị rồi cúi xuống hất hàm sang phía Natasa hỏi thì thầm mấy tiếng.
   
Rồi chàng nói một câu mà Natasa không nghe rõ nhưng cứ trông vào đôi môi mấp máy nàng đoán ra: "Kháu quá", hẳn là nói về nàng. Rồi Anatol Kuraghin đi về phía hàng ghế đầu và ngồi xuống cạnh Bezukhov, thân mật và lơ đễnh huých khuỷu tay vào con người mà mọi người đều trọng nể ấy. Piotr vui vẻ nháy mắt mỉm cười với anh ta và tựa chân vào đường răm-pơ.

- Hai chị em mới giống nhau làm sao! - Bá tước nói. - Và cả hai người đều đẹp quá nhỉ.

Sinsin bắt đầu to nhỏ thì thầm kể cho bá tước nghe một chuyện dan díu gì đó của Kuraghin ở Moskva, và Natasa cũng lắng tai nghe chính là vì chàng vừa khen nàng "kháu".

Màn thứ nhất đã kết thúc. Ở tầng dưới bắt đầu lộn xộn, mọi người đều đứng dậy đi lại và ra ngoài.
   
Boris đến lô của gia đình Roxtov, tiếp nhận những lời chúc mừng một cách rất tự nhiên giản dị và giương đôi lông mày lên, mỉm cười lơ đãng chuyển lời của người vợ chưa cưới mời Natasa và Sonya đến dự đám cưới, đoạn lui ra. Natasa vui vẻ và duyên dáng mỉm cười nói chuyện với chàng và chúc mừng đám cưới của chính anh chàng Boris mà trước kia nàng đã từng "phải lòng". Trong cái trạng thái say sưa ngất ngây của nàng lúc bấy giờ, mọi việc đều giản dị và tự nhiên.
   
Elen, vai và cổ để trần, ngồi ở lô bên cạnh mỉm một nụ cười đồng đều với mọi người; Natasa cũng mỉm cười với Boris y như vậy.

Bấy giờ trong lô và ngoài vành lô của Elen về phía tầng dưới đã đầy những người đàn ông tai mắt và thông minh vào bậc nhất rõ ràng là đang tranh nhau tỏ cho mọi người biết rằng mình đây có quen nàng.
   
Suốt thời gian đổi màn. Anatol Kuraghin đứng cạnh Dolokhov ở phía trước, bên đường răm-pơ mắt nhìn vào lô của gia đình Roxtov.

Natasa biết rằng chàng đang nói chuyện về mình, và điều đó làm nàng thích thú. Nàng lại còn quay đầu lại thế nào để cho chàng có thể trông thấy những nét mặt nàng trông nghiêng, mà nàng vẫn cho là những đường nét đẹp nhất của mình.

Trước khi màn thứ hai bắt đầu ở tầng dưới thấy xuất hiện bóng dáng Piotr là người chưa gặp gia đình Roxtov lẫn nào từ khi họ đến Moskva. Vẻ mặt chàng buồn rầu, và trông chàng còn béo hơn dạo Natasa gặp chàng lần trước.

Chàng bước về phía các dãy ghế đầu, chẳng để ý trông thấy ai. Anatol lại gần chàng và bắt đầu nói gì với chàng không rõ, vừa nói vừa nhìn và chỉ về phía lô của gia đình Roxtov. Piotr trông thấy Natasa thì linh hoạt hẳn lên và vội vàng men theo các dãy ghế đi về phía nàng. Chàng đến dựa khuỷu tay lên vành lô và tươi cười nói chuyện hồi lâu với Natasa. Trong khi nói chuyện với Piotr, Natasa nghe bên lô của bá tước phu nhân Bezukhov có tiếng đàn ông nói chuyện, và không hiểu tại sao nàng nhận ra rằng đó là tiếng của Anatol Kuraghin. Nàng quay đầu lại và bắt gặp mắt chàng đang nhìn nàng. Môi gần như mỉm cười, Anatol nhìn thẳng vào mặt nàng với một đôi mắt hân hoan, âu yếm đến nỗi nàng lấy làm lạ sao mình gần gũi với người ấy, nhìn người ấy và chắc chắn được người ấy ưa thích thế này mà lại không quen biết gì người ta cả.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM