Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 11:05:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh và hòa bình  (Đọc 273672 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #320 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2011, 07:37:42 pm »

Petya lúc ấy cũng đang ở trên gác, đang ngồi làm pháo hoa với ông Diadke(1) định đến tối sẽ đem đốt.

- Petya ơi? Petya ơi - Nàng gọi em - Cõng chị xuống nhà tí nào.

Petya chạy lại giơ lưng ra. Nàng nhảy lên lưng em, hai tay quàng lấy cổ cậu bé. Petya nhảy tâng tâng cõng chị chạy.

- Thôi bỏ xuống… đảo Madagascar, - nàng nói đoạn nhảy xuống đất và bỏ xuống nhà.

Dường như sau khi đã đi quanh một lượt khắp vương quốc của mình và đã yên trí rằng mọi người đều răm rắp phục tùng mình, nhưng vẫn cứ thấy chán như thường, Natasa đi vào phòng lớn, lấy cây đàn ghi-ta đến ngồi ở góc tối sau chiếc tủ con và bắt đầu bấm các dây trầm, mò mẫm một câu nhạc nàng nhớ được trong một vở ca kịch mà nàng đã cùng đi nghe với công tước Andrey ở Petersburg.

Nếu có ai nghe tiếng đàn ấy, thì chẳng qua cũng chỉ là những âm thanh mơ hồ chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng trong trí tưởng tượng của nàng thì nó làm sống lại cả một chuỗi kỷ niệm. Nàng ngồi sau chiếc tủ, mắt nhìn trừng trừng vào cái vệt sáng từ khe cưa phòng hầu trà hắt ra. Lắng nghe tiếng đàn của mình và hồi nhớ lại những ngày qua.

Sonya cầm một cái cốc đi qua phòng lớn và vào phòng hầu trà. Natasa nhìn Sonya, nhìn cái khe hở trên cánh cửa vào phòng hầu trà, và nàng có cảm tưởng như đã có lần trông thấy cái vệt sáng từ cửa phòng hầu trà chiếu ra, và lần ấy Sonya cũng cầm chiếc cốc đi ngang phòng như thế này. "Thật đúng y như thế này". Natasa nghĩ.

Natasa gẩy mấy tiếng ở sợi dây to và cất tiếng gọi:

- Sonya, nghe xem cái gì đây?

- A, Natasa đấy à! - Sonya giật mình nói. Nàng lại gần và lắng nghe tiếng đàn. - Mình không biết. Bài "Cơn bão", có phải không nào? - nàng nói, giọng rụt rè, vì sợ mình nhầm.

"Đấy lần ấy Sonya cũng giật mình đúng như thế, cũng lại gần lắng nghe và mỉm cười rụt rè như thế -
Natasa thầm nghĩ, và cũng đúng như bây giờ, lần ấy mình nghĩ rằng ở Sonya còn thiếu một cái gì ấy".

- Không phải, đó là điệu hợp xướng trong vở "Người xách nước", chị nghe thấy không? - và Natasa hát hết điệu hợp xướng để cho Sonya hiểu. - Chị đang đi đâu thế - Natasa hỏi.

- Đi thay nước trong cốc. Mình sắp vẽ xong mẫu thêu.

- Chị bao giờ cũng có việc làm. Còn em thì chẳng biết tìm việc gì mà làm. - Natasa nói. - Thế anh Nikolai
đâu.

- Hình như đang ngủ.

- Sonya ạ, chị vào đánh thức anh ấy dậy đi - Natasa nói - Chị bảo là em gọi anh ấy ra đây hát nhé.

Nàng ngồi, nghĩ vơ nghĩ vẩn không hiểu tại sao, cả những điều đó đã xảy ra và tất cả những cái đó, nghĩa là thế nào. Nàng nghĩ mãi vẫn không ra, nhưng không hề mảy may phiền lòng về việc đó, và trí tưởng tượng lại đưa nàng trở lại hồi nào chàng còn ở bên nàng và nhìn nàng với đôi mắt đắm đuối.
"Ôi chỉ mong sao cho chàng sớm về. Mình sợ quá, nhỡ chàng không về thì sao! Và cái chính là mình sẽ già đi, thế mới chết chứ! Lúc ấy e mình sẽ không còn như bây giờ nữa. Nhưng có lẽ chàng sẽ về ngay hôm nay, ngay bây giờ. Cũng có thể chàng đã về từ tối hôm qua, nhưng ta quên mất". Nàng đứng dậy, đặt cây đàn xuống và đi ra phòng khách. Mọi người trong gia đình các nam nữ gia sư và khách khứa đều ngồi quanh chiếc bàn trà. Các gia nhân thì đứng quanh bàn, - nhưng không thấy công tước Andrey đâu cả, thế mà cuộc sống vẫn cứ như trước.

- A, nó đây rồi, - Ông Ilya Andreyevich nói khi thấy Natasa vào. - Nào ngồi đây với cha, - Nhưng Natasa đến đứng bên cạnh mẹ, mắt nhìn quanh như tìm kiếm một cái gì.

- Mẹ ơi! - nàng nói. Mẹ đưa anh ấy lại đây cho con đi, kìa nhanh lên, nhanh lên, - nàng chật vật lắm mới nén được tiếng nấc.

Nàng lại ngồi cạnh bàn trà và lắng tai nghe tiếng nói chuyện của những người lớn và Nikolai bấy giờ đã ra bàn trà. "Trời ơi, trời ơi vẫn những khuôn mặt ấy, vẫn những câu chuyện ấy, ba vẫn cầm chén trà như thế, vẫn thổi thổi đúng như thế!" - Natasa nghĩ thầm, và kinh hãi thấy trong lòng mình bỗng nổi dậy một cảm giác chán ghét đối với mọi người ở trong nhà vì họ vẫn như cũ.

Sau bữa trà, Nikolai, Sonya và Natasa vào phòng đi-văng ngồi ở cái góc yêu thích của họ, nơi họ vẫn bắt đầu những câu chuyện tâm tình sâu kín nhất.

===============================================

Chú thích:

(1) Diadke người đầy tớ chuyên coi số, và đôi khi dạy dỗ trẻ em.

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #321 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2011, 06:06:40 pm »

Phần VII
Chương - 10

- Anh có bao giờ thấy thế này không nhé, - Natasa nói với anh khi ba người đã ngồi vào chỗ quen thuộc trong phòng đi-văng - Anh có bao giờ cảm thấy rằng rồi đây sẽ chẳng còn gì nữa, chẳng có gì hết nữa, và tất cả nhưng gì tốt đẹp đều không còn nữa không. Những lúc ấy thì không thể nói là chán, mà quả là buồn anh nhỉ?

- Sao lại không? - Nikolai nói - Nhiều khi mọi người đang vui anh bỗng có ý nghĩ rằng tất cả đều tẻ ngắt và mọi người rồi cũng phải chết. Ở trung đoàn có một lần anh không đi chơi, mặc dầu ở đấy có âm nhạc… và bỗng dưng anh thấy chán quá…

- Ô cái ấy thì em biết. Em biết lắm, - Natasa phụ hoạ theo, - Hồi còn bé, em cũng đã có lần thấy như thế đấy. Anh nhớ không, lần em bị phạt vì chuyện mấy quả mận, trong lúc các anh các chị nhảy múa thì em phải ngồi trong phòng học khóc nức nở; chuyện ấy em không bao giờ quên được: em vừa buồn, vừa thấy thương hại hết mọi người, thương hại cả mình và tất cả mọi người. Và cái chính là em bị phạt oan, anh nhớ không nào?

- Nhớ chứ, - Nikolai nói - Anh nhớ là sau đó vào tìm em, anh muốn dỗ em, thế mà, em ạ, anh lại ngượng.
Dạo ấy chúng mình thật đến buồn cười. Hồi đó anh có một con lật đật, anh muốn đem cho em. Em có nhớ không?

- Thế anh có nhớ - Natasa nói, miệng nở một nụ cười mơ mộng, - Có một dạo, đã lâu lắm, lâu lắm rồi, chúng mình hãy còn bé tí, chú gọi chúng mình vào phòng làm việc - trong ngôi nhà cũ hồi xưa ấy mà - lúc bấy giờ trời tối, chúng mình vào và bỗng nhiên thấy trong ấy có…

- Một chú da đen, - Nikolai nói tiếp với một nụ cười vui sướng, - Sao lại không nhớ? Cho đến bây giờ anh vẫn không biết có phải là một chú da đen thật không, hay đó chính là vì chúng mình nằm mê thấy thế, hay là nghe ai kể chuyện lại. Chú ta xám xịt, anh có nhớ không, mà răng thì trắng nhởn ra, cứ đứng nhìn chúng mình…

- Cô có nhớ không, Sonya? - Nikolai hỏi…

- Có có em cũng có nhớ đôi chút, - Sonya bẽn lẽn đáp.

- Em có hỏi ba mẹ về chú da đen kia - Natasa nói. - Ba mẹ đều nói là chẳng có chú da đen nào cả. Thế nhưng anh cũng nhớ là có kia mà!

- Sao thế nhỉ, anh còn nhớ rõ mồn một hàm răng của chú ta. Lạ thật, cứ như trong giấc mơ ấy. Điều đó làm em rất thích.

- Thế em còn nhớ hồi chúng ta lăn mấy quả trứng trong gian phòng lớn, bỗng nhiên có hai bà già hiện ra và bắt đầu quay tít trên tấm thảm không? Cái đó có thật hay không? Em nhớ chứ, dạo ấy thích quá nhỉ!

- Ừ, thích thật. Thế anh có nhớ hôm ba mặc chiếc áo da lông màu xanh đứng trên thềm bắn súng không?
Họ mỉm cười sung sướng tranh nhau nhắc lại những chuyện xưa không phải với nỗi tiếc nhớ rầu rĩ của những người đã già, mà với cái thú ngọt ngào của một hồi ức trẻ trung và đầy thi vị; họ nhắc lại những ấn tượng của thời dĩ vãng xa xăm nhất, trong đó cõi mộng pha lẫn với thực tế, và họ vui thú cười rúc rích với nhau.

Như thường lệ, Sonya không tham dự vào câu chuyện mặc dù cả ba người đều có những kỷ niệm chung.
Trong số những kỷ niệm mà họ cùng nhắc nhở, có nhiều điều Sonya không nhớ được, và những điều mà nhớ cũng không gợi cho nàng những cảm giác nên thơ như họ. Nàng sung sướng chỉ vì thấy họ vui, và nàng cố gắng hoà mình vào niềm vui của họ.

Nàng chỉ góp chuyện khi họ nhắc lại cái dạo Sonya mới đến. Sonya kể lại rằng hồi ấy nàng rất sợ Nikolai vì áo anh ta có những sợi dây và bà vú em nói với nàng là người ta sẽ khâu nàng vào mấy sợi dây đó.

- Em còn nhớ: họ bảo là Sonya sinh ra dưới một cây bắp cải, - Natasa nói - Và em cũng nhớ rằng hồi ấy em không dám không tin, nhưng biết rằng không phải thế, thành thử cứ thấy ngượng nghịu thế nào ấy.
Họ đang nói chuyện thì từ sau cánh cửa phía sau của phòng đi-văng một cô đầy tớ gái ló đầu ra. Chị ta nói nhỏ:

- Thưa tiểu thư, con gà trống đã đem đến rồi đấy ạ.

- Thôi Polya ạ, bảo mang nó đi. - Natasa nói.

Đang giữa chừng câu chuyện thì Dimler vào phòng đi-văng đến cạnh cây thụ cầm đặt ở góc phòng. Ông ta lật vải bọc, và dây đàn bị chạm phát ra một âm thanh ngang tai.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #322 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2011, 06:07:25 pm »

Có tiếng của bá tước phu nhân từ bên phòng khách nói vọng sang:

- Eduard Karlyts, ông làm ơn chơi bài "Dạ khúc" của ông Phin cho tôi nghe với, tôi thích bài ấy lắm đấy.
Dimler dạo một hợp âm và ngoảnh về phía Natasa, Nikolai và Sonya nói:

- Thanh niên ngồi chơi hiền lành quá nhỉ!

- Thì chúng tôi đang triết lý mà lại, - Natasa ngoảnh lại nói, rồi câu chuyện lại tiếp tục.

Bây giờ họ nói chuyện về những giấc chiêm bao.

Dimler bắt đầu đánh đàn. Natasa rón rén bước đến chiếc bàn lấy cây nến đem ra ngoài phòng, chân bước không tiếng động, rồi lẳng lặng về chỗ ngồi. Gian phòng tối om, nhất là trên chiếc đi-văng mà họ ngồi, nhưng từ những khung cửa sổ lớn ánh trăng rằm hắt xuống nền nhà một vùng ánh sáng màu bạc.

Dimler đã đánh xong bản đàn và đang dạo khẽ mấy tiếng bâng quơ hình như lưỡng lự không biết có nên thôi hay bắt đầu chơi một bài khác. Natasa nhích lại gần Nikolai và Sonya, thì thầm:

- Này, em đang nghĩ rằng nếu cứ nhớ lại, cố nhớ lại, nhớ thật nhiều thì sẽ nhớ ra được những việc thời xưa từ khi mình chưa sinh ra.

- Thuyết luân hồi đấy, - Sonya nói; nàng vốn là một cô học trò giỏi, học gì cũng nhớ - Người Ai Cập cổ đại tin rằng trước kia hồn của ta ở trong loài vật và sau này trở về nhập vào xác loài vật.

- Không phải chị ạ, em không tin rằng chúng ta xưa kia là loài vật - Natasa vẫn nói thì thầm như trước, mặc dầu bây giờ tiếng đàn đã dứt, - Em biết chắc rằng chúng ta trước kia là những thiên thần sống ở một nơi nào trên đời và đã từng ở đây rồi, vì thế cho nên chúng ta mới nhớ được hết như vậy.

- Cho tôi góp chuyện với có được không? - Dimler rón rén lại gần nói đoạn ngồi xuống cạnh họ.
Nikolai nói:

- Nếu quả trước kia chúng ta là những vị thiên thần, thế tại sao chúng ta lại sa xuống thấp như thế này?
Không, không thể như thế được.

- Thấp đâu, ai bảo là thấp… Nếu thế thì tại sao em lại biết được trước kia em là gì, - Natasa cãi lại giọng quả quyết, - Linh hồn ta bất diệt… thế nghĩa là nếu ta phải sống mãi mãi, thì trước kia ta cũng đã sống rồi, sống từ đời nảo đời nào, qua tất cả cái thời vĩnh cửu.

- Đúng, nhưng chúng ta khó mà hình dung được cái vĩnh cửu. - Dimler nói.

Lúc nãy ông ta đến ngồi cạnh bọn trẻ với một nụ cười hiền hậu và có vẻ như hạ cố, nhưng bây giờ ông cũng nói khẽ, giọng trang nghiêm như họ.

- Sao lại khó, - Natasa nói, - Hôm nay này, rồi đến ngày mai, ngày kia, rồi cứ thế mãi; hôm qua này, rồi hôm kia, rồi cứ thế…

Có tiếng nói của bá tước phu nhân ở phòng bên:

- Natasa! Bây giờ đến lượt con, con hát một bài gì cho mẹ nghe đi. Sao cả bọn cứ ngồi n rầm như một hội kín thế?

- Mẹ ạ! Con chả muốn hát đâu, - Natasa nói, nhưng đồng thời vẫn đứng dậy.

Cả bọn, kể cả ông Dimler là người đã có tuổi, đều không muốn cắt đứt câu chuyện và rời cái phòng đi-văng ấy, nhưng Natasa đã đứng dậy, và Nikolai ngồi vào đàn dương cầm. Vẫn như thường lệ, Natasa ra đứng ở chính giữa phòng và chọn chỗ nào âm hưởng thuận lợi hơn cả, rồi bắt đầu hát bài hát mẹ nàng thích nhất.
Nàng bảo là không muốn hát, nhưng đã lâu nàng chưa bao giờ hát như tối hôm nay, và về sau cũng còn lâu nàng mới lại hát được như vậy. Bá tước Ilya Andrevich đang ngồi nói chuyện với Mityenka trong phòng làm việc chợt nghe tiếng nàng hát, và như cậu học trò sốt ruột muốn làm bài xong cho nhanh đề còn đi chơi, ông lúng túng nói lầm lẫn trong khi dặn dò viên quản lý, và cuối cùng lặng im; Mityenka cũng im lặng đứng trước mặt bá tước mỉm cười lắng nghe, Nikolai không rời mắt nhìn em gái và thở cùng một nhịp với nàng. Trong khi nghe, Sonya nghĩ đến sự khác nhau to lớn giữa nàng với bạn nàng: quả mình không thể nào có được một cái phần duyên dáng dầy sức quyến rũ của Natasa. Lão bá tước phu nhân ngồi nghe, mỉm cười buồn rầu và sung sướng, nước mắt rơm rớm trên mi, thỉnh thoảng lại khẽ lắc đầu. Phu nhân nghĩ đến Natasa, đến tuổi trẻ đã qua, đến cuộc hôn nhân sắp tới của Natasa với công tước Andrey và cảm thấy hình như có một cái gì không tự nhiên, một cái gì đáng sợ trong cuộc hôn nhân này.

Dimler đến ngồi cạnh bá tước phu nhân và nhắm mắt lại nghe tiếng hát. Được một lúc ông ta nói:

- Bá tước phu nhân ạ, quả là một tài nghệ của toàn châu Âu; tiểu thư chẳng còn gì phải học nữa, giọng hát thật là mềm mại, dịu dàng, có sức mạnh…

- Chao ôi! Tôi sợ cho nó quá, - bá tước phu nhân nói, quên bẵng mình đang nói với ai. Cái trực giác của một người mẹ mách bảo phu nhân rằng trong Natasa có một cái gì thái quá, và vì cái đó Natasa sẽ khổ.
Natasa hát chưa xong thì cậu bé Petya mười bốn tuổi mừng rỡ chạy vào phòng báo tin là các nhân vật cải trang đã đến.

Natasa ngừng bặt.

- Đồ ngốc! - nàng quát em, rồi chạy lại ngồi thụp xuống ghế và khóc nức nở, đến nỗi hồi lâu vẫn không sao nín được. - Không sao cả mẹ ạ, thật mà: em Petya chạy vào làm con sợ, thế thôi, - Natasa nói và cố mỉm cười, nhưng nước mắt nàng vẫn chảy và những tiếng nấc vẫn nghẹn ngào ở cổ.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #323 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2011, 06:08:13 pm »

Một đám gia nhân cải trang thành những con gấu, những người Thổ Nhĩ Kỳ, những lão chủ quán rượu, những cô tiểu thư, trông vừa dễ sợ vừa ngộ nghĩnh, mang theo một luồng gió lạnh và một không khí vui vẻ tưng bừng, lúc đầu còn rụt rè lấp ló ở phòng ngoài, rồi người này nấp sau người kia, họ đẩy nhau tiến vào phòng lớn, và bắt đầu ca hát, nhảy múa, chơi những trò chơi Noel, thoạt tiên còn e dè, nhưng về sau mỗi lúc một thêm vui vẻ hồn nhiên. Bá tước phu nhân nhìn những người cải trang, nhận ra các gia nhân và cười vì cách cải trang của họ, rồi bỏ ra phòng khách. Bá tước Ilya Andreyevich ngồi trong phòng lớn mỉm cười vui vẻ khích lệ những người biểu diễn. Bọn trẻ đã lẻn đi đâu mất.

Nửa giờ sau có thêm một tốp người cải trang xuất hiện: một bà phu nhân già mặc váy xoè có khung - đó là Nikolai, một cô gái Thổ Nhĩ Kỳ đó là Petya, Dmiler thì cải trang thành chú hề rơm, Natasa thì lại là một gã phiêu kỵ, và Sonya là một chàng trai Tserkex(1) có ria mép và lông mày vẽ bằng than nút chai.

- Thôi thì những người không cải trang tha hồ giả vờ ngạc nhiên, ngỡ ngàng, không nhận ra ai vào với ai, trầm trồ khen ngợi. Bọn trẻ cho rằng cải trang như thế này hay lắm cho nên thế nào cũng phải đi khoe mới được.

Nikolai rất muốn cho cả bọn lên xe tam mã vì thấy đường đi rất tốt, liền bàn lấy thêm mươi người gia đình cải trang và đánh xe đến nhà ông chú.

- Không được đâu, ai lại đến phá quấy một ông già! - bá tước phu nhân nói. - Mà ở nhà chú ấy thì có chỗ đâu mà cựa mình. Có đi thì đi đến nhà bà Melyukova ấy.

Bà Melyukova là một quả phụ sống với lũ con, nhớn có bé có, và mấy người nam nữ gia sư, cách nhà Roxtov bốn dặm.

Lão bá tước bấy giờ đã cao hứng lên, liền phụ hoạ theo:

- Phải đấy, ý ấy hay lắm bà nó ạ, nào, để tôi hoá trang ngay bây giờ và cùng đi với các cô các cậu. Tôi sẽ làm cho bà Paset trố mắt ra cho mà xem.

Nhưng bá tước phu nhân không chịu cho bá tước đi: suốt mấy ngày nay chân ông ta lại đau nhức. Họ quyết định là ông Ilya Andreyevich không nên đi, và nếu có bà Luyza Ivanovna (tức bà Schoss) cùng đi thì hai cô tiểu thư cũng có thể đến nhà bà Melyukova. Sonya vẫn rụt rè e lệ là thế mà bây giờ lại nằng nặc khẩn khoản bà Luyza Ivanovna đừng từ chối, nàng có vẻ hăng hái hơn ai hết.

Cách phục sức cải trang của Sonya trội hơn cả. Bộ ria mép và đôi lông mày đen hợp với nàng một cách lạ lùng. Mọi người đều bảo là trông nàng rất xinh, cho nên Sonya có một tâm trạng phấn chấn rất ít khi thấy ở nàng. Một giọng nói đâu ở bên trong nói với nàng rằng số phận nàng có định đoạt được hay không chính là trong ngày hôm nay, và trong bộ trang phục đàn ông nàng như có vẻ như đã thành một người khác hẳn. Bà Luyza Ivanovna ưng thuận, và nửa giờ sau bốn cỗ xe tam mã, trong tiếng chuông và tiếng nhạc ngựa, lướt kin kít trên lớp tuyết đóng băng, đến đỗ trước thềm.

Natasa là người đầu tiên tạo nên cái không khí vui tươi của ngày lễ Giáng sinh, và niềm vui của nàng lan từ người này sang người khác, mỗi lúc một tăng thêm và lên đến cực điểm khi mọi người đã ra ngoài không khí giá lạnh, cười nói rộn rã, gọi nhau ơi ới ngồi lên xe trượt tuyết.

Trong số xe tam mã có hai cỗ thường dùng để chạy những việc cần, cỗ thứ ba là cỗ của lão bá tước thắng một con ngựa tế giống Oriol ở giữa, cỗ thứ tư là xe riêng của Nikolai, ở giữa thắng một con ngựa ô lông xù dáng lùn thấp. Nikolai mặc bộ áo bà già, bên người khoác chiếc áo khoác dài của sĩ quan phiêu kỵ có thắt lưng, đứng cầm cương ở giữa xe tam mã.

Trời sáng đến nỗi chàng thấy lấp lánh dưới ánh trăng những miếng kim loại trên các dây thắng và mắt mấy con ngựa đang sợ hãi quay lại nhìn đám người huyên náo đứng dười mái hiên tối xẫm ở bậc thềm.
Natasa, bà Schoss và hai người đầy tớ gái ngồi lên cỗ xe của Nikolai. Hai vợ chồng ông Dimler và Petya thì ngồi lên cỗ xe của lão bá tước, hai cỗ còn lại thì các gia nhân cải trang ngồi.

- Đi lên trước đi Zakhar! - Nikolai quát to bảo bác xà ích của bá tước, để dọc đường sẽ có dịp vượt qua xe bác ta.

Cỗ xe tam mã của lão bá tước chở Dimler và mấy người cải trang khác, kêu rin rít trên giá trượt tuyết như đã bị dính chặt xuống mặt đường rồi lao về phía trước, tiếng nhạc ngựa kêu lanh tanh, hai con ngựa thắng hai bên ép mình vào càng xe giẫm lên lớp tuyết cứng và sáng lấp lánh như đường kính.

Nikolai giục ngựa phóng theo cỗ xe đi trước; ở phía sau, các cỗ xe còn lại cũng bắt đầu kêu kin kít phóng
đi trong tiếng nhạc ngựa.

Lúc đầu họ phóng nước kiệu trên con đường hẹp. Trong khi xe đi ngang khu vườn, thỉnh thoảng bóng những cây trụi lá vắt ngang qua đường và che lấp ánh trăng sáng tỏ, nhưng vừa ra khỏi trang viên, thì cánh đồng phủ tuyết im lìm tràn ngập ánh trăng, sáng óng ánh như kim cương và lấp lánh những tia phản chiếu xanh biếc, đã mở ra bát ngát mênh mông. Chiếc xe đi đầu nẩy lên y như thế, rồi táo bạo phá tan bầu không khí tĩnh mịch, bốn chiếc xe trượt tuyết nối đuôi kéo thành hàng dài trên đường cái.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #324 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2011, 06:09:21 pm »

- Có vết thỏ, nhiều vết lắm! - giọng Nikolai vang lên trong không khí giá lạnh.

- Trăng sáng quá Nikolan nhỉ - có tiếng Sonya nói, Nikolai ngoảnh lại cúi xuống nhìn tận mặt Sonya. Một khuôn mặt đáng yêu hoàn toàn mới mẻ, có bộ ria mép và đôi lông mày đen, nhô lên trên chiếc áo khoác lông chồn bạc, đang nhìn chàng dưới ánh trăng huyền ảo, trông chẳng rõ gần hay xa.

"Nàng Sonya trước kia ở đâu?" - Nikolai nghĩ thầm… Chàng nhìn nàng sát mặt và mỉm cười.

- Gì thế anh Nikolai.

- Không, - chàng nói, rồi lại quay về phía mấy con ngựa.

Trên đường cái chằng chịt những vết xe trượt tuyết và vết móng ngựa trông rõ mồn một dưới ánh trăng, mấy con ngựa tự ý kéo căng dây cương và chạy nhanh thêm. Con ngựa thắng bên trái cúi đầu sang một bên, nhảy lên từng đợt, giật giật mấy sợi dây thắng; con ngựa thắng ở chính giữa nhún mình chạy, vểnh tai lên như có ý hỏi: "Đã nên bắt đầu chưa, hay là hãy còn sớm?" ở phía trước có thể thấy nổi bật lên trên nền tuyết trắng bóng cỗ xe tam mã đen của Zakhar bây giờ đã cách khá xa, và nghe tiếng rung trầm trầm của chiếc chuông xe xa dần, tiếng hò reo và tiếng nói cười của những người cải trang.

- Nào, các chú! - Nikolai quát ngựa, một tay giật cương, tay kia cầm roi giơ cao lên. Thế là hai con ngựa thắng hai bên kéo căng dây cương và ngày càng đưa chân dồn dập hơn, luồng gió thổi ngược lại như mạnh hẳn lên, đủ biết xe đang lao nhanh đến nhường nào. Nikolai ngoảnh lại nhìn. Hai người đánh xe đi sau cùng đã hoa roi lên, hò hét giục ngựa phi nhanh theo. Con ngựa của Nikolai phi rất vững vàng dưới thanh gỗ vòng cung(2), không hề có ý giảm tốc độ và hứa hẹn khi cần sẽ còn phi nhanh hơn nữa.

Nikolai đã đuổi kịp chiếc xe tam mã đi đầu. Họ xuống một cái đốc và đi vào một con đường rộng chạy qua một cánh đồng cỏ ở ven sông.

"Chỗ này là chỗ nào nhỉ? - Nikolai nghĩ thầm, - Chắc là bãi cỏ Koxey. Nhưng không phải, trông lạ lắm, chỗ này ta chưa bao giờ đi qua. Chẳng phải là bãi cỏ Koxey mà cũng chẳng phải là đồi Diomkina, có trời biết là chỗ nào! Đây là một cảnh nào mới lạ và thần kỳ. Thôi cũng được cần gì" - Và chàng quát ngựa, bắt đầu cho xe vượt cỗ xe đi trước.

Zakhar kìm ngựa lại và ngoảnh khuôn mặt phủ đầy sương giá đến tận mày về phía Nikolai.

Nikolai cho ngựa phóng lên. Zakhar giang tay ra phía trước, tặc lưỡi một cái và cũng giục ngựa phóng lên.

- Nào, cậu giữ vững nhé! - lão nói.

Hai cỗ xe chạy sóng đôi càng phóng nhanh hơn nữa, chân ngựa phi càng thêm dồn dập.

Nikolai bắt đấu dấn lên trước. Zakhar, hai tay vẫn đưa thẳng ra phía trước, giơ cao tay cầm cương lên.

- Cậu đừng hòng, cậu ạ. - Zakhar quát to về phía Nikolai.

Nikolai cho cả ba con ngựa phóng nước đại và vượt qua xe Zakhar.

Vó ngựa làm những hạt tuyết khô và mịn bắn tung toá lên mặt mấy người đi xe. Bên cạnh họ, tiếng vó ngựa nện tuyết rầm rập, bóng chân ngựa phi nhanh và bóng cỗ xe họ đang vượt hoà lẫn vào nhau.

Tiếng kin kít của giá trượt tuyết và tiếng reo của mấy cô con gái vang lên tứ phía.

Nikolai lại dừng ngựa và đưa mắt nhìn quanh. Chung quanh vẫn là cánh đồng thần kỳ tràn ngập ánh trăng và óng ánh như giát đầy sao.

"Zakhar bảo ra rẽ sang trái, sao lại rẽ sang bên trái nhỉ? - Nikolai tự nhủ. - Thế ra ta đang đi về phía nhà bà Melyukova, và đây là địa phận bà Melyukova sao? Thật ra nào có ai biết ta đang đi đâu và cái gì đang diễn ra thế này - nhưng chắc cái đó thật ngộ nghĩnh và thú vị". - Chàng ngoảnh lại nhìn.

Trong xe mấy người lạ mặt trong rất kỳ dị mà xinh xắn, có những bộ ria mép và những đôi mày thanh tú.
Một người trong bọn họ nói:

- Xem kìa, râu và lông mi của anh ấy trắng cả ra.

Đó hình như là Natasa thì phải, - Nikolai nghĩ thầm, - còn kia là bà Schoss; mà cũng có thể là không phải cũng nên, còn anh chàng Tserkex có ria mép kia thì chẳng rõ là ai, nhưng mình yêu người đó lắm:

- Có rét không - Chàng hỏi. Họ không đáp chỉ cái tiếng cười khanh khách. Dimler ngồi ở xe sau quát to lên một câu gì đấy, chắc là buồn cười lắm, nhưng chẳng nghe rõ.

- Phải rồi, phải rồi, - có tiếng ai vừa đáp, nhưng đây, họ đã đến một khu rừng thần tiên nào với những bóng đen chập chờn, với những ánh kim cương lóng lánh, và một dãy bậc thềm cẩm thạch, những mái nhà thần tiên bằng bạc, những tiếng rú the thé của một loài thú nào không rõ. "Nếu quả thật đây là trang viên Melyukova, thì lại càng lạ hơn nữa: chúng ta đi chẳng hiểu đi đến đâu thế này, mà rốt cục lại đến Melyukova!" Nikolai thầm nghĩ.

Quả nhiên đây là trang viên Melyukova. Các nam nữ gia nhân ở trong nhà cầm nến chạy ra thềm, vẻ mặt mừng rỡ. Trên thềm có tiếng hỏi:

- Ai thế?

Có tiếng đáp:

- Người bên nhà bá tước cải trang sang chơi, trông ngựa cũng đủ biết.


===========================================================

Chú thích:

(1) Một dân tộc thiểu số vùng núi Kavkaz

(2) Trước càng xe tam mã có một thanh gỗ hình vòng cung vất ngang ở phía trên vai ngựa.

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #325 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2011, 06:14:34 pm »

Phần VII
Chương - 11

Bà Pelagheya Danilovna Melyukova, một người đàn bà vạm vỡ linh hoạt, mắt đeo kính, mình mặc áo choàng rộng, đang ngồi trong phòng khách giữa mấy cô gái, và đang cố gắng bày trò giải trí cho họ. Mấy mẹ con đang im lặng đốt sáp cho chảy ra rồi xem hình các vũng sáp thì bỗng ở phòng áo có tiếng chân bước rầm rập và tiếng người huyên náo.
   
Những chàng phiêu kỵ, những cô tiểu thư, những mụ phù thuỷ, những chú hề rơm, những con gấu, vừa ho húng hắng vừa lau lớp sương giá đọng trên mặt, từ phòng ngoài kéo vào phòng lớn. Người nhà thắp nến. Anh hề rơm Dimler và bà mệnh phụ Nikolai mở đầu cuộc khiêu vũ. Giữa đám trẻ con đang xúm quanh hò hét ầm ỹ, bọn người cải trang, cố che mặt và đôi giọng cho khác đi đến cúi chào nữ chủ nhân rồi tản ra khắp phòng.

- Chà, không sao nhận ra được! Xem Natasa kìa! xem cô ấy giống ai thế kia. Đúng, trông giống ai ấy. Còn Eduard Karlyts nữa kìa, trông hay quá! Tôi không nhận ra được đấy. Mà nhảy giỏi quá!

- Cha mẹ ơi, lại có một chú Tserkex nữa kia kìa; thật hợp với Xônyauska. Lại còn ai nữa thế kia! Thật các cậu làm cho tôi vui quá! Nikolai, Vanya dẹp bàn đi nào. Thế mà lúc nãy chúng tôi cứ ngồi ru rú một chỗ!

Bốn bề có tiếng nói lao xao:

- Ha - ha - ha… Trông chàng phiêu kỵ kìa! Đúng như một cậu con giai, lại đôi chân kia nữa!… Tôi không thấy được…
   
Natasa, bạn quý của chị em nhà Melyuko, cùng đi với họ biến vào phòng trong. Họ đòi nào nút chai, nào áo choàng, áo khoác, nào quần áo đàn ông để cải trang, và từ cánh cửa hé mở, những cánh tay con gái để trần thò ra đón lấy những thứ đó, do một người nô bộc mang lại. Mười phút sau cả bọn thanh niên nhà Melyuko đều nhập bọn với đám người cải trang.

Pelagheya Danilovna sai người đẹp chỗ cho khách vui chơi và sai dọn thức ăn để thết họ, bà đi đi lại lại giữa đám người cải trang, rồi với nụ cười kín đáo, nhìn sát mặt từng người qua đôi kính trắng, nhưng chẳng nhận ra ai cả. Không những bà không nhận ra anh em nhà Roxtov và ông Dimler mà ngay cả mấy cô con gái của bà và những chiếc áo dài, những bộ quân phục của chồng bà mà họ mang ra mặc, bà cũng không nhận ra nốt. Bà nhìn tận mắt cô gát của bà bấy giờ cải trang thành một người Tatar miền Kazan rồi quay sang hỏi bà gia sư:

- Thế cô này con cái nhà ai nhỉ? Hình như cô nào ở bên nhà bá tước Roxtov thì phải. Thế còn ngài thưa ngài phiêu kỵ, ngài tòng ngũ ở trung đoàn nào ạ? - bà hỏi Natasa. - Còn cái ông Thổ Nhĩ Kỳ kia nữa, cho ông ấy ăn mứt với - bà nói với người hầu trà đang bưng kẹo bánh đi mời khách - Món này luật của đạo Hồi không cấm ăn đâu.
   
Đôi khi ngắm những bước nhảy kỳ quặc và ngộ nghĩnh của đám người khiêu vũ bấy giờ yên trí rằng mình đã cải trang như thế này thì chẳng còn ai nhận ra được nữa nên không chút thẹn thùng, bà Pelagheya Danilovna lấy khăn tay che mặt và cái thân hình đẫy đà của bà rung lên từng đợt một trận cười hồn hậu không sao nhịn được mà những người già cả thường có.

- Xem con Xasinet nhà tôi kìa! - bà nói.

Sau các điệu múa và các điệu nhảy vòng tròn của dân tộc Nga, Pelagheya Danilovna tập hợp mọi người lại, không phân biệt chủ tớ, thành một vòng tròn lớn họ đem ra một chiếc nhẫn, một sợi dây và một đồng rúp. Những trò chơi chung kết bắt đầu.
   
Một giờ sau bao nhiêu trang phục đều đã nhàu nát và xơ xác cả ra. Những bộ ria mép và những đôi lông mày kẻ bằng than nút chai đều chảy nhoe nhoét trên những khuôn mặt nóng bừng và vui vẻ, ướt đẫm mồ hôi. Bà Pelagheya Danilovna bắt đầu nhận được mặt những người hoá trang, trầm trồ khen ngợi các bộ trang phục sao mà khéo sắm thế, nhất là rất hợp với các tiểu thư, và cảm ơn mọi người đã làm cho bà vui như thế này. Các tân khách được mời ra phòng khách ăn bữa khuya, còn các gia nhân thì được thết đãi trong phòng lớn.

Trong bữa ăn khuya, một cô gái già ở nhà bà Melyukova nói:

- Chà, vào bói trong phòng tắm thì sợ lắm!

- Sao lại sợ? - Cô con gái nhớn của bà Melyukova hỏi. - Thì các cô chả dám đi đâu mà, phải là người can đảm…

- Tôi đi cho mà xem, - Sonya nói.

- Cô thử kể đầu đuôi chuyện cô tiểu thư ấy ra sao nào? - cô con gái thứ hai của bà Melyukova nói.

- Thế này nhé, trước đây có một cô tiểu thư, đem một con gà trống và hai bộ đĩa ăn vào buồng tắm ngồi,
- cô gái già nói, - Cô ta ngồi được một lúc thì chợt nghe có tiếng xe trượt tuyết đến, có cả tiếng chuông
xe, tiếng nhạc ngựa, nó đến thật, hiện hình thành một người y như người thật, mặc quân phục sĩ quan đến ngồi với cô ta trước bộ đĩa ăn.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #326 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2011, 06:15:22 pm »

- Eo ôi! Eo ôi… - Natasa kêu lên, mắt hoáng sợ đảo tứ phía.

- Thế rồi sao, nó nói à?

- Ừ nói như người thật ấy, mọi việc đều đúng như thường lệ. Nó bắt đầu tán tỉnh cô gái ấy, và lẽ ra cô tiểu thư kia phải tiếp chuyện nó cho đến khi gà gáy, nhưng cô ta đâm hoảng, lấy tay che mặt. Thế là nó nắm lấy cô ta. May mà có mấy cô hầu gái chạy lại…

- Chà, kể làm gì cho chúng nó sợ! - bà Pelagheya Danilovna nói.

- Mẹ ơi, thế nhưng chính mẹ cũng có bói kia mà… - một cô con gái nói.

- Thế còn bói trong nhà kho thì sao nhỉ? - Sonya hỏi.

- Nào có gì đâu, bây giờ cũng bói được thôi; này nhé, cứ ra ngoài nhà kho rồi lắng nghe. Nếu có tiếng gõ như người đóng đinh là điềm xấu, còn nếu nghe tiếng thóc đổ xuống rào rào thì lại là điềm tốt; lại có nhiều khi…

- Mẹ ơi, mẹ vào nhà kho thì thế nào hở mẹ?

Bà Pelagheya Danilovna mỉm cười:

- À mẹ quên mất rồi… Các cô chắc không có ai đi chứ?

- Có chứ, cháu sẽ đi, bác Pelagheya Danilovna cho cháu đi nhé, - Sonya nói.

- Đấy không sợ thì cứ đi.

- Luyza Ivanovna, cho em đi nhé? - Sonya xin phép bà gia sư.
   
Từ nãy đến giờ, dù là khi chơi trò nhẫn, trò sợi dây hay đồng rúp, hay khi đang nói chuyện như thế này, Nikolai luôn luôn ở sát cạnh Sonya và nhìn nàng với đôi mắt khác hẳn trước. Chàng có cảm tưởng là bây giờ chàng mới thực sự biết nàng, nhờ bộ ria kẻ bằng than nút chai kia. Quả Nikolai chưa bao giờ thấy Sonya vui vẻ linh hoạt, và xinh đẹp như tối hôm nay.

"Đấy nàng như thế đấy, còn ta thì thật là một thằng ngốc!" - chàng nghĩ thầm trong khi nhìn đôi mắt sáng long lanh và nụ cười má lúm đồng tiền của nàng dưới bộ ria vẽ, nụ cười mà chàng chưa lần nào trông thấy.

- Tôi chả sợ gì hết. - Sonya nói. - Đi ngay bây giờ có được không? - Nói đoạn nàng đứng dậy.

Họ bảo cho Sonya biết nhà kho ở đâu, dặn nàng phải im lặng đứng nghe như thế nào, và đưa cho nàng một chiếc áo da lông.

Nàng trùm chiếc áo da lông lên đầu và đưa mắt nhìn Nikolai.
   
"Em tôi dễ thương quá! - Nikolai nghĩ thầm - Thế mà trước nay mình cứ nghĩ gì ở đâu đâu không biết!"
Sonya ra hành lang để đi ra nhà kho. Nikolai cũng hối hả đi ra cổng trước, kêu là trong phòng bức quá. Quả thật trong nhà nhiều người quá, rất ngột ngạt.
     
Bên ngoài vẫn bầu không khí giá băng và im lìm ấy, vẫn vầng trăng ấy, nhưng trời còn sáng hơn lúc nãy nhiều. ánh trăng chiếu sáng ngời, và trên mặt tuyết lấp lánh muôn nghìn ngôi sao, nhiều đến nỗi người ta chẳng buồn nhìn lên trời nữa, còn những ngôi sao thật thì chỉ thấy mờ mờ. Trên trời tối đen và tẻ nhạt, còn dưới đất thì lại rất tưng bừng.
   
"Ngốc thật! Mình ngốc thật! Trước nay mình chờ đợi cái gì thế không biết?" - Nikolai nghĩ thầm. Sau khi chạy xuống thềm, chàng đi vòng góc nhà theo con đường nhỏ dẫn ra cửa sau. Chàng biết là Sonya sẽ đi qua chỗ ấy. Ở giữa đường có một đống củi xếp cao phủ đầy tuyết hắt bóng xuống đất, bóng những cây bồ đề trụi lá mọc bên cạnh đan chéo vào nhau hắt qua đống củi in xuống mặt đường tuyết phủ. Con đường nhỏ dẫn tới nhà kho. Tường và mái nhà kho phủ tuyết lấp lánh dưới ánh trăng như đẽo bằng ngọc quý. Một cành cây trong vườn gãy đánh rắc một cái, lồi mọi vật trở lại im lặng như tờ Có cảm tưởng như lồng ngực không thở không khí nữa, mà thở một niềm vui và một sức mạnh ngàn đời trẻ mãi.
   
Từ thềm sau có tiếng giày bước xuống các bậc gỗ. Đến bậc cuối phủ tuyết có tiếng cót két rất to, loi tiếng cô gái già nói:

- Cứ thẳng con đường nhỏ này mà đi cô nhé. Nhưng không được quay lại nhìn phía sau đấy!

- Tôi chả sợ, - tiếng Sonya đáp lại, rồi đôi giày nhỏ nhắn của nàng bước lạo xạo trên mặt đường phủ đầy tuyết đi về phía Nikolai.
   
Sonya bước đi, mình trùm chiếc áo khoác. Chỉ còn cách Nikolai có hai bước nàng mới trông thấy chàng; nàng thấy không giống như mọi khi. Chàng bây giờ không phải là người như trước đây nàng vẫn sờ sợ. Bây giờ chàng mặc chiếc áo dài phụ nữ, tóc rối xù lên môi nở một nụ cười vui sướng mới lạ đối với Sonya. Sonya chạy nhanh về phía Nikolai.
   
"Nàng khác hẳn đi, nhưng vẫn là nàng" - Nikolai nghĩ, mắt đăm đăm nhìn khuôn mặt chan hoà ánh trăng của Sonya. Chàng luồn tay vào trong chiếc áo khoác trùm trên đầu nàng, ôm chặt nàng vào lòng và hôn lên môi nàng, đôi môi có vẽ sâu thoang thoảng mùi nút chai đốt cháy. Sonya hôn chàng ở chính giữa môi rồi đang hai cánh tay nhỏ nhắn áp vào má chàng.
Sonya!… Nikolai!… Họ chỉ nói có thế.

Họ chạy đến nhà kho rồi trở vào nhà lớn, mỗi người vào theo lối mình vừa đi ra lúc nãy.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #327 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2011, 06:16:14 pm »

Phần VII
Chương - 12
   
Khi mọi người rời ngôi nhà của Pelagheya Danilovna lên xe ra về, Natasa, xưa nay vốn rất tinh ý, xếp đặt cho bà Luyza và nàng cùng ngồi với Dimler, còn Sonya thì ngồi cùng xe với Nikolai và các nữ gia nhân.
   
Nikolai bây giờ không muốn ganh đua với các xe khác nữa.
   
Chàng cho xe chạy đều đều trên dường về, chốc chốc lại đưa mắt nhìn Sonya trong ánh trăng kỳ ảo đêm ấy. Chàng cố tìm trong làn ánh sáng luôn luôn biến đổi kia, dưới đôi lông mày và bộ ria ấy, nàng Sonya trước kia và nàng Sonya ngày nay của chàng, người mà chàng đã nhất quyết không bao giờ xa lìa nữa. Chàng nhìn nàng, và khi nhận ra con người vừa quen thuộc và vừa mới mẻ ấy và nhớ lại cái mùi nút chai đốt cháy pha lẫn với hương vị của chiếc hôn.

Chàng lại hít thở không khí giá lạnh cho căng lồng ngực, và nhìn mặt đất đang vùn vụt lùi lại phía sau và bầu trời chan hoà ánh sáng, chàng lại cảm thấy mình đang trong một xứ sở thần tiên nào.

- Sonya, em có thấy dễ chịu không? - thỉnh thoảng chàng lại hỏi.

- Có, - Sonya đáp. - Thế còn anh?

Giữa đường Nikolai giao cương cho người xà ích cầm, chạy sang xe Natasa và nhảy lên đứng trên giá trượt tuyết.

- Natasa, - chàng nói thầm với em bằng tiếng Pháp. - Em biết không anh đã quyết định về việc Sonya rồi đấy.

- Anh nói với chị ấy rồi à? - Natasa hỏi, gương mặt bừng sáng lên vì vui mừng.

- Chà, em có đôi lông mày và bộ ria trong lạ quá, Natasa ạ; em bằng lòng chứ?

- Em mừng lắm, mừng lắm anh ạ. Trước đây em đã giận anh đấy. Em không nói với anh nhưng em cho là anh đối xử với chị ấy tệ quá. Chị ấy tốt lắm Nikolai ạ, em mừng quá! Nhiều khi em cũng tệ nhưng nếu như em sung sướng một mình, không có Sonya thì em ngượng lắm, - Natasa nói tiếp - Bây giờ thì em mừng lắm rồi, thôi, anh sang với chị ấy đi.

- Khoan đã nào, chà, em trông ngộ nghĩnh quá! - Nikolai nói, mắt vẫn chăm chú nhìn Natasa và cũng tìm thấy ở nàng một cái gì mới mẻ, khác thường đầy tình trìu mến và đầy sức quyến rũ, mà trước đây chàng chưa bao giờ thấy ở em. - Natasa này, có cái gì thần tiên quá nhỉ?

- Ừ! - nàng đáp - anh làm như vậy là rất tốt.

"Giá trước đây ta cũng thấy nó như bây giờ, Nikolai thầm nghĩ, Thì ta đã hỏi nó từ lâu xem nên làm gì, và nó bảo gì ta cũng làm theo, như thế mọi việc chẳng phải tốt đẹp cả rồi không".

- Thế mà em cũng bằng lòng, và anh làm như vậy là tốt à?

- Ô tốt quá đi ấy chứ! Cách đây ít lâu em có cãi nhau với mẹ về việc này. Mẹ bảo là chị ấy ve vãn anh.
Sao lại có thể nói như thế được nhỉ! Suýt nữa em cự mẹ đấy. Và không đời nào em cho phép ai được nói hay nghĩ một điều gì xấu về chị ấy, vì chị ấy chỉ có những mặt tốt mà thôi.

- Vậy anh làm thế là tốt à? - Nikolai nhìn lại vẻ mặt em một lần nữa, xem có thật đúng như thế không, và nhảy xuống mặt tuyết, làm đôi ủng kêu cót két, rồi chạy về xe mình. Vẫn anh chàng Tsekex có râu tươi cười, vui sướng ấy ngồi trong xe, hai mắt long lanh nhìn chàng dưới cái mũ áo khoác lông chồn bạc, và anh chàng Tsekex ấy chính là Sonya và nàng Sonya ấy chắc chắn sẽ là người vợ tương lai dịu dàng sẽ yêu chàng đằm thắm và sẽ sống hạnh phúc bên chàng.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #328 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2011, 06:16:55 pm »

Về đến nhà, hai cô thiếu nữ kể lại cho bá tước phu nhân nghe tối vui ở nhà Melyukova rồi trở về phòng riêng. Sau khi đã cởi áo, nhưng vẫn chưa chùi bộ râu kẻ bằng than nút chai, họ ngồi lâu nói chuyện về hạnh phúc của mình. Họ bàn chuyện sau này họ sẽ sống với chồng ra sao, chồng họ sẽ ăn ở hoà thuận với nhau và họ sẽ sung sướng như thế nào. Trên bàn Natasa hãy còn đặt mấy tấm gương mà Dunyasa đã sắp sẵn ở đó từ chặp tối.

- Chỉ có điều là không biết bao giờ sẽ được như thế? Em sợ là chẳng bao giờ… Vì nếu được như thế thì sung sướng quá! - Natasa vừa nói vừa đứng dậy đi về mấy tấm gương.

- Ngồi xuống Natasa ạ, có lẽ cậu sẽ thấy anh ấy cho mà xem - Sonya nói, Natasa thắp mấy ngọn nến và ngồi xuống.

- Tôi thấy một người nào có râu mép ấy. - Natasa nói khi trông thấy mặt mình trong gương.

- Đừng đùa, tiểu thư ạ. - Dunyasa nói.

Natasa, với sự giúp đỡ của Sonya và chị hầu phòng, sắp lại mấy tấm gương cho đúng chỗ, mặt nàng trở lên nghiêm trang, nàng lặng im. Nàng ngồi hồi lâu nhìn vào dãy nến xa dần trong tấm gương và tưởng tượng là nàng sẽ thấy (như trong những câu chuyện mà nàng đâ nghe kể) khi thì một cỗ quan tài, khi thì lại là chàng, công tước Andrey trong cái ô vuông ở tận cùng, mờ mịt và chập chờn kia. Nhưng mặc dù cái vết nhỏ nào nàng cũng sẵn sàng nhìn thành một hình người hay một chiếc quan tài, nàng vẫn chẳng nhìn thấy gì cả. Nàng bắt đầu chớp mắt lia lịa và bỏ tấm gương ra nơi khác.

- Tại sao người khác thấy mà tôi thì lại chẳng thấy gì cả? nàng nói. - Nào, chị thử ngồi xem, Sonya; hôm nay thế nào chị cũng phải nhìn. Chị hãy thử nhìn hộ em… Hôm nay em thấy sợ quá!

Sonya ngồi xuống, sửa lại vị trí mấy tấm gương và bắt đầu nhìn.

- Đấy, Sonya Alekxandrovna thế nào cũng thấy cho mà xem - Dunyasa thì thầm, còn cô thì lúc nào cũng đùa. Sonya nghe rõ mấy lời này, và nghe Natasa nói thầm:

- Tôi cũng biết là chị ấy sẽ thấy; năm ngoái chị ấy đã có lần thấy rồi đấy.

Cả ba im lặng vài phút. "Thế nào cũng thấy! " - Natasa thì thầm và không nói hết câu… Chợt Sonya ẩy tấm gương đang cầm ra và lấy tay bưng mặt.

- Ô, Natasa!

Natasa đưa tay ra đỡ tấm gương hỏi dồn.

- Thấy rồi à? Thấy rồi à? Chị thấy cái gì thế?

Sonya chẳng thấy cái gì cả, nàng đang muốn chớp mắt và đứng dậy thì vừa nghe tiếng Natasa nói "Thế nào cũng thấy". Nàng không muốn lừa dối Dunyasa và Natasa, và ngồi như vậy nàng thấy khó chịu quá. Chính nàng cũng không biết tại sao và làm thế nào mà nàng lại thốt ra tiếng kêu khi lấy tay bưng mặt.
Natasa nắm lấy tay Sonya hỏi:

- Thấy anh ấy à?

- Ừ. Khoan đã nào… mình… thấy anh ấy, - Sonya buột mồm nói; lúc bấy giờ nàng cũng chưa biết Natasa nói anh ấy ý là muốn chỉ ai: Nikolai hay là Andrey Nhưng việc gì lại không nói là ta có thấy? Thì những người họ thấy cả đấy thôi! Mà ai có thể kiểm tra xem mình có thấy hay không thấy?" - ý nghĩ đó thoáng qua trí óc Sonya. Nàng nói:

- Ừ mình thấy anh ấy.

- Thế nào, thế nào? Đứng hay là nằm?

- Không, mình thấy… Thoạt tiên chẳng có gì cả, rồi bỗng nhiên thấy anh ấy nằm.

- Andrey nằm à? Anh ấy ốm à? - Natasa hoảng hốt hỏi dồn, mắt nhìn trừng trừng vào bạn.

- Không, không phải đâu, không phải thế đâu, mặt anh ấy rất vui vẻ anh ấy ngoảnh mặt về phía mình, - và trong khi nói thế, chính nàng cũng có cảm tưởng là mình có thấy như vậy thật.

- Thế rồi sao nữa hả chị Sonya?

- Đến đây mình nhìn chẳng rõ nữa, cái gì xanh xanh đỏ đỏ ấy.

- Sonya! Bao giờ anh ấy sẽ về? Bao giờ em mới thấy lại anh ấy! Trời ơi! Em sợ cho anh ấy và sợ cho em quá, cái gì em cũng làm em sợ… - Natasa nói, rồi không đáp lại những lời an ủi của Sonya nàng ngả mình xuống giường và sau khi nến tắt một hồi lâu, nàng vẫn còn mở mắt thao láo nằm im trên giường nhìn ánh trăng giá lạnh qua khung cửa sổ phủ đầy băng.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #329 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2011, 06:17:41 pm »

Phần VII
Chương - 13

Sau lễ Giáng sinh khá lâu, Nikolai thưa với mẹ là chàng yêu Sonya và đã nhất quyết lấy nàng. Bá tước phu nhân đã từ lâu nhận thấy tình hình giữa Sonya và Nikolai và chờ đợi lời thú nhận này. Phu nhân yên lặng nghe con nói, rồi bảo Nikolai rằng chàng muốn lấy ai thì cứ việc lấy, nhưng phu nhân cũng như bá tước không đời nào nào chấp nhận một cuộc hôn nhân như vậy. Lần đầu tiên, Nikolai cảm thấy mẹ chàng không bằng lòng chàng, và mặc dù rất thương con, bà sẽ không nhượng bộ. Bá tước phu nhân, vẻ lãnh đạm, chẳng buồn nhìn Nikolai, cho người đi mời chồng, khi bá tước đến, phu nhân muốn trình bày trước mặt Nikolai cho ông rõ sự việc một cách vắn tắt và thản nhiên, nhưng không cầm lòng nổi, bà bật lên tiếng khóc uất ức và ra khỏi phòng. Lão bá tước liền bắt đầu ấp úng khuyên răn Nikolai, yêu cầu chàng từ bỏ ý định ấy. Nikolai đáp rằng chàng không thể phản bội lời đã hứa; bá tước thở dài và có vẻ luống cuống, nói được mấy câu thì im bặt và bỏ vào phòng bá tước phu nhân. Cứ mỗi lần xung đột với con trai, ông lại không sao xua đuổi được ý nghĩ là mình có lỗi với con vì đã làm cho cảnh nhà sa sút vì vậy ông không thể giận con vì nó không chịu lấy một người vợ giàu mà lại đi chọn Sonya, cô gái nghèo không có chút của hồi môn. Lần này ông lại càng thấy rõ hơn nữa, rằng giá cảnh nhà không đến nỗi sa sút như thế này, thì không thể mong ước Nikolai có được một người vợ nào tốt hơn Sonya, mà sở dĩ gia cảnh suy sụp như thế này cũng chỉ tại mình ông với cái thằng Mityenka của ông và những thói quen mà ông không sao sửa đổi được.
   
Hai vợ chồng bá tước không nói tới việc này với Nikolai nữa, nhưng mấy hôm sau bá tước phu nhân cho gọi Sonya đến, và với một thái độ tàn nhẫn mà cả bà lẫn Sonya đều không ngờ, bà trách móc nàng đã quyến rũ con bà và đã vong ân bội nghĩa đối với bà.
   
Sonya nhìn xuống đất lẳng lặng nghe những lời lẽ cay nghiệt của bá tước phu nhân và không hiểu người ta đang đòi hỏi mình phải làm gì. Nàng vốn sẵn sàng hy sinh tất cả cho các ân nhân của nàng.
   
Ý nghĩ hy sinh là ý nghĩ nàng yêu thích nhất; nhưng trong trường hợp này nàng không thể hiểu nàng phải hy sinh vì ai và hy sinh vì cái gì. Nàng không thể không yêu bá tước phu nhân và gia đình Roxtov, nhưng nàng cũng không thể không yêu Nikolai và không thể không biết rằng hạnh phúc của chàng lệ thuộc vào tình yêu đó.

Nàng buồn rầu và trầm ngâm đứng yên không đáp. Nikolai thấy không thể nào chịu được tình trạng này nữa, liền đến gặp mẹ để giãi bày. Lúc thì chàng van xin mẹ tha thứ cho chàng và Sonya và ưng thuận cho hai người lấy nhau: lúc thì chàng hăm doạ là nếu người ta còn làm tình làm tội Sonya thì chàng sẽ lập tức bí mật làm lễ cưới với nàng.
   
Với một vẻ lãnh đạm mà Nikolai chưa bao giờ thấy ở mẹ, bá tước phu nhân đáp lại rằng chàng nay đã thành niên, rằng công tước Andrey cũng lấy vợ mà không cần thoả thuận của cha, và chàng cũng có thể làm như vậy, nhưng riêng phu nhân thì sẽ không bao giờ công nhận con người "thủ đoạn" kia làm con dâu mình.
   
Nghe chữ "thủ đoạn", Nikolai giận điên lên, chàng to tiếng nói với mẹ rằng chàng không ngờ mẹ chàng lại bắt chàng phải đem bán tình cảm của mình, và đã đến nước này thì chàng xin nói một lần cuối cùng rằng… Nhưng chàng chưa kịp nói ra câu quyết liệt mà cứ trông vẻ mặt của chàng phu nhân cũng đã đủ sợ hãi đợi chờ, cái câu mà nếu chàng nói ra có lẽ sẽ vĩnh viễn để lại một kỷ niệm đau xót giữa hai mẹ con, chàng chưa kịp nói thì vừa lúc ấy Natasa, nãy giờ đứng nghe ngoài cửa, đã bước vào phòng, gương mặt nhợt nhạt và nghiêm nghị.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM