Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 11:24:10 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh và hòa bình  (Đọc 273665 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #310 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2011, 07:28:41 pm »

Nikolai tự nhủ trong khi vẫn tiếp tục hú bằng cái giọng đã khản đặc.

- Karai… U - lyu - lyu… - Chàng vừa hú vừa đưa mắt tìm con chó già, niềm hy vọng duy nhất của chàng.
Thân hình vươn thẳng đến cực độ hai mắt không rời con sói, Karai dốc hết cái sức già nua của nó ra, nặng nề chạy chếch sang một bên để chặn con thú. Nhưng cứ trông vẻ nhanh nhẹn của con sói và vẻ chậm chạp của con chó cũng có thể thấy rằng con Karai đã tính sai. Nikolai đã nhìn thấy khu rừng ngay trước mặt: nếu con sói chạy được đến đấy thì chắc chắn nó sẽ thoát. Một lốp chó và một người đi săn cưỡi ngựa xuất hiện ở phía trước mặt chàng. May ra còn có hy vọng. Một con chó lạ màu nâu, mình dài tuổi còn non, thuộc về một bầy khác mà Nikolai không quen, đâm sầm vào con sói và suýt làm cho nó ngã ngửa ra.
   
Con sói trỗi dậy mau lẹ không ngờ, rồi lao mình vào con chó nâu và đớp nghe đánh cốp một cái - con chó, mình đẫm máu, hông rách toác ra, đâm đầu xuống đất kêu inh ỏi.

- Kìa Karaiuska! Bố già ơi! - Nikolai kêu lên gần như rền rĩ.
   
Con chó già có những chùm lông dài thòng lòng trên vế bấy giờ đang tìm cách chắn đường con sói, đã thừa cơ đuổi gần kịp nó, chỉ còn cách năm bước nữa. Dường như đã thấy rõ nguy cơ, con sói liếc nhìn về phía Karai quặt chặt đuôi vào chân và cổ phóng nhanh hơn nữa. Nhưng vừa lúc ấy - bao nhiêu tâm trí của Nikolai chỉ đổ dồn vào Karai - loáng một cái con chó già đã nhảy xổ lên con sói, rồi cả hai cùng lăn lông lốc xuống một cái khe ở phía trước.
   
Cái giây phút mà Nikolai thấy bầy chó săn chen nhau xung quanh con sói ở dưới khe nước, thấy bộ lông xam xám của con thú, cái chân sau của nó dướn thẳng ra, và cái đầu sợ hãi thở hổn hển, hai tai cụp xuống (con Karai đã ngoạm lấy cổ nó), giây phút ấy thật là giây phút sung sướng nhất trong cuộc đời chàng. Chàng đã nắm lấy đầu yên nhảy xuống đất định đến hoá kiếp cho con sói thì bỗng nhiên đầu con vật lại ngóc lên trên bầy chó rồi hai chân bước trước của nó bấu vào bờ khe. Con sói nghiến răng (bấy giờ Karai không còn ngoạm cổ nó nữa), dùng hai chân sau nhảy khỏi khe và lại cúp đuôi cắm cổ chạy về phía trước, bỏ xa bầy chó. Con Karai, lông lá lởm chởm, có lẽ bị bầm hay bị thương, mệt nhọc leo lên bờ khe nước.

Nikolai tuyệt vọng gào lên:

- Trời ơi! Tôi có tội tình gì?

Người quản cẩu của ông chú phi ngựa từ một phía khác chạy lại để cản đường con sói, và bầy chó của hắn lại bắt con sói phải dừng lại một lần nữa. Con sói lại bị vây hãm.
   
Nikolai, người mã phu của chàng. Ông chú của người quán cẩu của ông ta loay hoay xung quanh con thú, luôn mồm gào và hú, sẵn sàng xuống ngựa mỗi lần thấy con sói ngồi xuống, nhưng lại thúc ngựa lao về phía trước mỗi khi thấy nó rứt ra được và tiến về phía rừng cấm, hòng thoát nạn.
   
Ngay từ đầu cuộc săn đuổi, Danilo nghe tiếng hú đã phi ngựa ra ven rừng. Hắn đã trông thấy Karai chộp lấy con sói và đã dừng ngựa lại, tưởng công việc đã xong xuôi. Nhưng khi thấy bọn đi săn chưa nhẩy xuống đất và con sói lại bứt ra được và chạy trốn, hắn liền thúc con ngựa tía phi lên nhưng không phải về phía con vật, mà lại tiến thành một đường thẳng về phía rừng cấm để cản đường nó như con Karai đã làm. Nhờ cách di chuyển đó, hắn đuổi kịp con sói vừa đúng lúc bầy chó của ông chú bắt nó phải dừng lại lần thứ hai.
     
Danilo lặng lẽ phi ngựa, tay trái cầm một con dao găm tuốt trần và lấy roi nện vào hai hông lép kẹp của con ngựa tía, nom như nện bằng đòn đập lúa.
   
Nikolai không hề trông thấy mà cũng không hề nghe thấy Danilo đến nơi, mãi cho đến lúc con ngựa tía chạy qua trước chàng, hơi thở dồn dập, và chàng nghe tiếng một vật nặng rơi xuống; chàng thấy Danilo nằm sấp giữa đàn chó, người đè lên mông con sói cố nắm lấy hai tai nó. Đến đây thì bầy chó, những người đi săn cũng như con sói đều thấy rõ là mọi việc đã xong xuôi. Con vật kinh hãi cúp tai và kiếm cách trỗi dậy nhưng bọn chó đã bíu chặt lấy nó. Danilo nhổm lên, bước một bước, và với tất cả sức nặng như khi ngả lưng xuống giường, hắn gieo mình lên trên con sói và nắm lấy hai tai. Nikolai toan đến đâm chết con vật, nhưng Danilo nói khẽ: "Đừng, để trói nó lại", và chuyển mình một cái, hắn đặt chân lên cổ họng con sói. Họ cho một cái gậy vào trong mõm nó, lấy dây tròng chó buộc một vòng quanh mõm, trói chân nó lại và Danilo lật nó hai ba lần từ bên này sang bên kia.

Những người đi săn, mặt mày hả hê nhưng phờ phạc, đặt con sói lên lưng ngựa khiến con ngựa sợ hãi lồng lên thở phì phì - và người đi trước, chó theo sau, họ đưa con sói đến chỗ tập hợp. Lũ chó săn đuổi đã bắt được hai con sói non, chó Borzoy bắt được ba con. Những người đi săn đem những con đã săn được đến tập hợp, kể cho nhau nghe những việc đã xảy ra và mọi người đều đến gần để xem con sói lớn với cái trán to treo lủng lẳng đang gặm cái cây trong mõm và đang mở hai con mắt bạc trắng nhìn đám người đang bao quanh nó. Khi có người sờ vào nó, bốn chân bị trói nó rung lên: nó trừng mắt nhìn mọi người một cách vừa hung dữ vừa ngây thơ.

Bá tước Ilya Andreyevich cũng lại gần và sờ sờ vào con vật.

- Ồ con sói to thật. - Ông hỏi Danilo bấy giờ đang đứng bên cạnh.

- Thưa đại nhân sói lớn đấy ạ! - Hắn vừa đáp vừa vội vàng cất mũ.

Bá tước nhớ đến việc ông ta đánh sẩy con sói và cuộc chạm trán với Danilo. Ông nói:

- À này, chú mày ạ, chú mày bẳn tính thật đấy.

Danilo không nói gì, chỉ bẽn lẽn mỉm cười, một nụ cười hiền lành và dễ mến như trẻ con.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #311 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2011, 07:29:33 pm »

Phần VII
Chương - 6

Lão bá tước lên xe về nhà, Natasa và Petya cũng hứa sẽ về ngay. Cuộc đi săn vẫn tiếp tục vì trời hãy còn sớm. Vào khoảng giữa trưa, họ thả chó vào trong lòng một cái rãnh che lấp dưới lùm cây non rậm rạp. Đứng ở địa điểm của mình trong ruộng rạ, Nikolai nhìn thấy được tất cả bọn thợ săn của chàng.
   
Trước mặt chàng, có một vạt lúa mạch non, mà người quản cẩu của chàng đang đứng trông một mình, trong một cái hố, sau một cây dẻ. Ngay sau khi thả chó, Nikolai nghe thấy những tiếng sủa cắt quãng của một con chó săn mà chàng biết rõ tên là Voltoru; những con khác cũng cất tiếng theo, lúc thì im, lúc thì sủa dồn. Một lát sau, từ rừng cấm phát ra một tiếng hú báo hiệu có chồn, và cả bầy chó bỏ Nikolai đua nhau chạy về phía ruộng lúa mạch mới lên.

Chàng trông thấy những người quản cẩu đội mũ vải đỏ phi ngựa hai bên bờ rãnh, chàng trông thấy cả chó nữa và chắc mầm thế nào cũng sắp có một con chồn xuất hiện ở bờ bên kia trong đám lúa mạch.
   
Người thợ săn đứng trong cái hố đã đi và thả chó, và Nikolai trông thấy một con chồn kỳ dị lông đỏ, chân thấp, đang dựng đuôi lủi nhanh trong đám lúa non. Đàn chó dần dần theo kịp nó. Kìa chúng đã đến gần, con chó bắt đầu chạy giữa đám chó thành những vòng tròn mỗi lúc một thu hẹp lại, vừa chạy vừa ngoe nguẩy cái đuôi rậm lông, và một con chó trắng của ai không rõ, rồi lại một con đen, chạy xổ đến chỗ con chồn: quang cảnh hỗn loạn hẳn lên; bầy chó chụm đầu xúm xít vây quanh con chồn, hầu như không cở động, đuôi trở ra ngoài thành hình ngôi sao. Hai người đi săn phi ngựa đến, một người đội mũ vải đỏ, một người nữa thì lạ mặt, mặc áo kaftan màu lục.

- Cái gì thế - Nikolai tự hỏi - Người thợ săn này ở đâu ra?

- Không phải người của ông chứ.

Hai người thợ săn giật con chồn ra khỏi bầy chó và vẫn cứ đứng đấy hồi lâu, không trở lên con ngựa và cũng không buộc con vật. Cạnh họ, mấy con ngựa thắng những bộ yên đôi mỏ đứng đợi và mấy con chó nằm nghỉ dưới đất. Hai người thợ săn đang hoa tay múa chân hình như tranh nhau con chồn. Một tiếng tù vang lên: đó là tín hiệu ước định để báo tin một cuộc tranh cãi.

- Đó là người thợ săn của nhà Ilaghin đang cãi nhau với Ivan nhà ta - người mã phu của Nikolai nói.
Nikolai cho người đi gọi em gái và Petya lại và cho ngựa đi bước một về phía những quản cẩu đang tập hợp bầy chó. Mấy người thợ săn đã đến chỗ cãi nhau.

Nikolai xuống ngựa, cùng đi với Natasa và Petya bấy giờ vừa mới đến, và dừng lại ở chỗ gần bầy chó để chờ xem sự việc ngã ngũ ra sao. Một trong hai người thợ săn đã dự vào cuộc gây gổ xuất hiện ở ven rừng với con chồn buộc vào yên ngựa và đi thẳng đến hai vị chủ trẻ. Hắn cất mũ từ đằng xa và cố gắng thưa bẩm cho có lễ độ; nhưng mặt hắn tái mét, hắn thở hồn hển và có lẽ vô cùng căm giận. Một trong hai mắt của hắn sưng bầm, nhưng hình như hắn không biết.

- Hai người có việc gì thế? Nikolai hỏi.

- Có đời thuở nào nó muốn cướp mồi ăn của chó nhà mình có tức không chứ? Chính con chó cái màu chuột chù của tôi đã bắt được nó! Cậu thử nghĩ xem! Nó muốn cuỗm con chồn. Tôi mới vớ lấy con chồn giáng vào mặt nó. Kia kìa, treo ở yên tôi đấy. Còn cái này, mày có muốn không? - người quản chó vừa nói vừa chỉ con dao găm, chắn hắn tưởng tượng mình đang nói với đối thủ.
Nikolai không đáp, bảo em gái và Petya đứng chờ, rồi đi đến chỗ phường săn đối thủ, phường của Ilaghin.
   
Người thợ săn đắc thắng nhập bọn với những người thợ săn khác kể lại công trạng của mình giữa một đám thính giả ham nghe chuyện và đầy thiện cảm.
   
Số là Ilaghin, một người đang có việc xích mích mới và kiện tụng với nhà Roxtov, đi săn trên một địa hạt mà theo tục lệ vốn được xem như là thuộc về nhà Roxtov. Giờ đây, như thể cố ý, hắn ta chuyển gần đến rừng cấm, chỗ phường săn của nhà Roxtov đang hoạt động, và để cho người thợ săn của mình đuổi bắt con vật do bầy chó của họ phát hiện.
     
Nikolai trước kia chưa hề gặp Ilaghin, nhưng tính chàng vốn cực đoan trong cách phán đoán cũng như trong lòng yêu ghét, cho nên chỉ nghe những tiếng đồn về tính ngỗ ngược và võ đoán của hắn ta chàng cũng đã ghét cay ghét đắng và xem hắn như là kẻ thù, hung ác nhất của mình rồi. Giờ đây, chàng đi thẳng về phía hắn, lòng xốn xang và căm giận, tay nắm chặt cây roi da, sẵn sàng đối phó với kẻ thù bằng những hành vi quyết liệt và liều lính nhất.
   
Chàng mới đi đến chỗ góc rừng đã thấy một ông trang chủ già, to béo. đội mũ lưỡi trai bằng da rái cá, cưỡi một con ngựa ô rất đẹp. Có hai người mã phu theo sau, đang tiến về phía chàng.

Tưởng đâu sẽ gặp một kẻ thù, hoá ra Nikolai lại thấy Ilaghin là một người thượng lưu tư thế đĩnh đạc và phong nhã, rất nóng lòng làm quen với bá tước trẻ tuổi. Khi đến gần, ông ta giơ cao chiếc mũ lưỡi trai bằng da rái cá và nói rằng sẽ trừng phạt anh thợ săn đã dám tự tiện chạy theo dấu chân của một đội săn khác, và sẽ lấy làm sung sướng được làm quen với tiểu bá tước, rồi ông ta mời chàng từ nay cứ đi săn trên địa phận của mình.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #312 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2011, 07:30:23 pm »

Natasa sợ anh mình sẽ quá nóng mà làm một việc gì khủng khiếp chăng; nên đã đi theo sát anh, lòng rất hồi hộp. Nhưng thấy hai đối thủ trao nhau những cử chỉ lịch sự và hữu nghị, nàng liền đến tận nơi. Ilaghin lại càng lễ phép cất chiếc mũ lưỡi trai bằng da rái cá chào nàng và mỉm cười một nụ cười hoà nhã nói rằng bá tước tiểu thư thật là hình ảnh của Diana(1), cả về mặt nhiệt tình săn bắn lẫn về mặt nhan sắc tuyệt vời, mà ông ta đã được nghe tán dương rất nhiều.

Để chuộc lỗi cho người quản cẩu của mình, Ilaghin khẩn khoản yêu cầu Roxtov đi theo ông ta đến một khoảng đất cấm cách đó một dặm, dành riêng cho mình làm nơi săn bắn: ông ta bảo ở đấy có rất nhiều thỏ. Nikolai nhận lời, và đội săn lại khởi hành, bây giờ đã đông lên gấp đôi.
   
Muốn đến khoảng đất ấy phải tạt qua cánh đồng. Bọn đi săn phân tán ra nhiều ngả. Các gia chủ đi riêng với nhau. Ông chú Roxtov và Ilaghin liếc mắt nhìn trộm bầy chó của người cùng đi và lo lắng tìm xem trong bầy đó có con nào có thể kình địch với chó mình không.
   
Trong bầy của Ilaghin có một con rất đẹp khiến Roxtov đặc biệt chú ý; đó là một con chó cái, thuần giống, không to lắm, lông có dốm đỏ, mõm thon, mắt đen và lồi, mình hơi thon nhưng bắp thịt rắn như thép. Chàng đã nghe đồn rằng những con khác trong bầy của Ilaghin rất linh lợi, và thấy con vật đẹp đẽ ấy là một kình địch đáng sợ cho con Milka của mình.

Giữa chừng câu chuyện do Ilaghin mở đầu về mùa gặt năm nay. Nikolai chỉ con chó đốm đỏ, lấy một giọng hững hờ nói:

- Ông có con chó đẹp nhỉ? Có nhanh không?

- Con kia ấy à? Phải, con ấy cũng khá, săn được - Ilaghin đáp với một giọng thờ ơ, mặc dù trước một năm ông ta đã phải đổi cho một thằng bạn láng giềng ba gia đình nông nô để lấy con Erza đốm đỏ ấy - Thế là ở bên bá tước cũng không được hài lòng về hiệu suất thóc phải không ạ? - Ông ta nói tiếp, và không muốn thua kém tiểu bá tước về phép lịch sự, ông ta cũng đưa mắt nhìn qua bầy chó của chàng một lượt và chú ý đến ngay con Milka, vì cái mông rộng của nó có sức hấp dẫn mạnh đối với ông ta.

- Con chó cái đen đốm lông của ông cũng đẹp lắm; phải, có dáng lắm - Ông ta nói.

- Vâng, cũng khá, chạy được - Nikolai đáp.
   
"Nếu có một con thỏ to chạy tạt ngang cánh đồng này thì ngươi sẽ thấy nó là loại chó gì!" chàng thầm nghĩ và ngoảnh mặt về phía người mã phu, chàng hẹn thưởng một rúp cho người nào tìm đuổi được một con thỏ ra khỏi hang.

- Tôi không hiểu - Ilaghin nói tiếp - Làm sao người đi săn lại có thể ghen tỵ với thú mồi và chó săn của người khác. Còn như tôi, thì xin thú thực với bá tước, chỉ thích nhất là được đi dạo cảnh, và nếu lại được gặp những người quen như thế này… thì còn gì hơn (ông ta lại giơ cao chiếc mũ da rái cá trước mặt Natasa) còn như tính xem được mấy bộ da đem về với tôi chẳng có nghĩa lý gì.

- Cố nhiên.

- Hay là bực tức vì con chó bắt được mồi săn là chó của người khác chứ không phải chó của mình cũng thế, thật đấy, miễn là tôi được thưởng thức cảnh đi săn, phải không bá tước?

- Vả lại tôi cho rằng…

Vừa lúc ấy, người ta nghe một tiếng hú kéo dài của một trong những người quản cẩu vừa dừng lại:

- Atunu!
   
Đứng trên một cái cồn giữa cánh đồng, tay giơ cao chiếc roi da, hắn lại cất tiếng hú kéo dài: Atunu! (tiếng hú này và cái roi giơ lên tỏ ra rằng hắn vừa trông thấy ở trước mặt một con thỏ đang nấp).

- A, dò ra được một con thì phải - Ilaghin nói, vẻ thờ ơ. - Thế nào, chúng ta săn đuổi nó chứ, bá tước nhỉ?

- Vâng, cũng nên đi… thế chúng ta cùng đi chứ? - Nikolai vừa đáp vừa nhìn con Erza và con Rugai (con chó màu hung của ông chú), hai đối thủ mà chàng chưa hề có cơ hội thử sức với bầy chó của mình. "Ngộ nhỡ nó thắng được con Milka của mình thì sao?" - chàng tự hỏi trong khi cho ngựa đi về phía có thỏ, bên cạnh ông chú và Ilaghin.

- Có to không? - Ilaghin hỏi khi đến gần người đi săn đã dò ra con thỏ, và ông ta không khỏi hồi hộp khi
ngoảnh lại huýt con Erza.

- Ông Mikhail Nikanorovich, còn ông thì sao? - Ilaghin hỏi ông chú.
   
Ông chú cau mày.

- Tôi chen vào làm gì! Vì chó của ông khá thật! - Là thứ chó mua bằng cả một làng, chó ông là chó bạc nghìn kia mà. Để cho chó của hai người thử sức với nhau, tôi chỉ đứng xem…

- Rugai! Chạy ra, chạy ra, chạy ra! - Ông ta gọi - Rugaiuska con ơi! - Ông ta nói thêm và gửi vào trong mấy tiếng ấy tất cả niềm âu yếm và hy vọng của mình đối với con chó. Natasa đoán biết nỗi xúc động thầm kín của hai ông già và của anh mình, và chính nàng cũng thấy xúc động.

Người thợ săn vẫn đứng trên cồn, tay giơ cao chiếc roi da. Các ông chủ ngựa đi bước một lại gần; ở tận chân trời bầy chó đang đi xa chỗ có con thỏ; những người đi săn cũng lảng ra xa. Mọi người đều bước đi chậm rãi và đĩnh đạc.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #313 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2011, 07:31:05 pm »

- Đầu nó hướng về phía nào? - Nikolai vừa hỏi vừa lại gần chỗ người đã phát hiện ra con thỏ, chỉ cách một trăm bước. Nhưng hắn chưa kịp đáp thì con thỏ đã nhảy ra khỏi chỗ ẩn nấp, đánh hơi biết được tiết trời băng giá ngày mai. Bầy chó buộc dây vừa sủa vừa chạy xuống dốc đuổi theo nó; từ bốn phía, những con chó Borzoy không buộc dây rượt theo gót chúng để đuổi bắt con thỏ. Tất cả những người đi săn lúc bấy giờ đang tiến bước chậm rãi, những người quản cẩu đang quát "Đứng lại" để cho bầy chó bót hung hăng, những người gia đinh đang kêu "Atu!" để suỵt chó Borzoy đi tìm, bỗng tất cả đâm bổ chạy băng qua cánh đồng. Ilaghin, con người điềm tĩnh, cùng Nikolai, Natasa và ông chú đều phi ngựa tứ tung, chẳng theo phép tắc gì, chỉ trông thấy có bầy chó và con thỏ, và chỉ sợ không được mục kích một giai đoạn nào đó của cuộc săn.

Con thỏ rất lớn và nhanh nhẹn. Khi ra khỏi chỗ nấp, nó không chạy đi ngay, mà còn vẫy hai tai nghe tiếng người kêu, tiếng chân ngựa bước, cứ để cho lũ chó đến gần. Nhưng rồi cuối cùng, sau khi đã chọn hướng và biết rõ nguy cơ, nó cụp hai tai xuống và duỗi thẳng bốn chân lao như tên bắn. Nãy giờ nó nấp trong đám rạ, nhưng bây giờ trước mắt nó có những đám lúa mạch non mọc trên một vạt đất bùn lầy. Hai con chó của người quản cẩu đã phát hiện ra con thỏ đi gần nó nhất, chúng đánh hơi được nó trước tiên và chạy theo dấu chân nó, nhưng còn cách nó khá xa, thì đã thấy Erza, con chó cái đỏ của Ilaghin, từ đằng sau hai con kia hiện ra, chạy gần sát nó chỉ còn cách chiều dài của một con chó, nhanh như chớp, nó nhằm vào đuôi con thỏ chồm tới và đã tưởng vồ được thỏ, nó lộn nhào đi mấy vòng. Con thỏ cong lưng chạy nhanh thâm. Từ sau lưng con Erza, con Milka to mông nhảy lên và chỉ một lúc đã bám sát con thỏ.

- Milka, con ơi? - Nikolai reo lên, giọng đắc thắng. Có thể tưởng đâu Milka sắp theo kịp và tóm ngay được con thỏ, nhưng khi nó đuổi được đến nơi thì lại quá đà để con thỏ tránh mất. Lại một lần nữa, con Erza xinh đẹp theo sát gót con vật, như dính trết vào đuôi nó, và có vẻ như đang đo khoảng cách cho thật chính xác để chộp lấy chân sau của nó.

- Erzinka, em ơi! - Ilaghin thốt lên, giọng lạc hẳn đi, như muốn khóc. Nhưng con Erza chẳng đếm xỉa gì đến những lời van xin của ông ta. Đúng vào lúc người ta tưởng sắp tóm được con thỏ, thì con này né sang một bên, rồi lao đến chỗ đám lúa non và đám rạ giáp nhau. Lại một lần nữa, con Erza và con Milka, như hai con ngựa cùng được thắng vào một càng xe, chạy song song và đuổi riết con thỏ; trên chỗ đất giáp giới thỏ được ung dung hơn, vì lũ chỗ chưa dễ gì theo kịp được nó.

- Rugai, Rugai con ơi! Khá thật! - Lại một giọng nói khác chen vào.

Và Rugai, con chó màu hung gù lưng của ông chú, vươn mình, uốn lưng chạy theo kịp hai con chó trước, vượt qua rồi say sưa lao nhanh theo con thỏ, lùa nó từ chỗ giáp vào đám lúa rồi lại tăng tốc dữ dội hơn nữa trong những đám lúa lầy lội, lún đến tận khuỷu chân, và người ta chỉ thấy nó cùng lăn nhào vào một vòng với con thỏ, cái lưng lấm bết những bùn. Bầy chó tụ tập thành hình ngôi sao ở xung quanh nó. Một phút sau mọi người đã đến chỗ đàn chó đang quây quần. Chỉ có một mình ông chú sung sướng xuống ngựa cắt chân con thỏ. Trong khi xóc con vật cho máu chảy hết, ông ta lo lắng đưa mắt nhìn quanh, hết nhìn người này lại nhìn người khác, tay chân không biết giấu vào đâu cho đỡ ngượng, mồm thì nói mà không biết nói với ai và nói cái gì: "Thế mới rõ… Khá thật!… Thế mới gọi là chó săn… nó bỏ rơi tuốt tuột, những con nghìn rúp cũng như một rúp, thật là khá thật! " - Ông ta vừa nói vừa thở hổn hển và giận dữ đưa mắt nhìn quanh, vẻ như đang chửi mắng người nào tưởng chừng xung quanh mình bị sỉ nhục mà nay mới có dịp thanh minh. "Kìa đấy, những con chó một nghìn rúp của các ông đấy, rõ khá thật!".

- Rugai, lĩnh đầu đây! - Ông chú vừa nói vừa ném một cái chân thỏ lấm bùn vừa xẻ ra - nó được lĩnh phần là đúng lắm, rõ khá thật!

- Nó lả rồi, một mình nó mà đuổi đến ba chuyến - Nikolai nói chàng cũng không để ý nghe người ta nói gì và cũng không cần biết người ta có nghe chàng nói hay không nữa.

- Thế mà cũng nhắng lên, nó đã bắt ngang hông và ở đằng sau! - người mã phu của Ilaghin nói.
Bắt như thế, thì bất cứ một con chó nhà nào cũng bắt được! - Ilaghin nói cùng một lúc với người mã phu mặt đỏ gay, hơi thở hổn hển vì xúc động và vì cuộc ruổi ngựa vừa qua.

Trong lúc đó thì Natasa chưa kịp lấy lại hơi thở đã vui mừng và nô nức hét lên một tiếng inh ỏi nghe đến thủng màng tai.

Tiếng hét của nàng biểu lộ hết những điều mà những người kia đã để lộ ra trong khi cùng một lúc nói. Và tiếng hét ấy kỳ dị đến nỗi giá vào một lúc khác thì nàng đã phải lấy làm hổ thẹn và mọi người cũng phải lấy làm kinh ngạc. Ông chú tự tay buộc con thỏ vào yên, vắt mạnh nó qua mông con ngựa, tưởng như muốn dùng cái động tác gọn và nhanh ấy để trách móc mọi người, rồi như vẻ không thèm nói với ai cả, cưỡi lên lưng con ngựa tía nhạt và cứ thế bỏ đi. Những người khác, buồn bã và bẽ bàng, phân tán ra nhiều ngả và mãi hồi lâu mới lấy lại được một vẻ mặt bàng quan giả tạo. Họ còn đưa mắt nhìn mãi con Rugai màu hung với cái lưng gù lấm bùn, với cái dáng bình tĩnh của một kẻ chiến thắng đang chạy theo sau chân con ngựa của ông chú, chiếc vòng buộc cổ kêu leng keng.

Nikolai có cảm tưởng như dáng điệu của con chó muốn nói: "Ừ, phải đấy, hễ chưa nói đến chuyện đi săn, thì ta đây cũng như kẻ khác thôi. Nhưng đã đi săn thì phải biết!".
Sau đó một hồi lâu, khi ông chú đến gần Nikolai để nói chuyện, chàng lấy làm hân hạnh rằng sau những việc vừa xảy ra mà ông ta, còn hạ cố đến trò chuyện cùng chàng.

==================================================

Chú thích:

(1) Diana (hay Artmix) nữ thần săn bắn trong thần thoại Hy Lạp.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #314 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2011, 07:31:50 pm »

Phần VII
Chương - 7

Đến chiều, khi ông Ilaghin từ giã Nikolai, chàng thấy đường về nhà còn xa quá nên nhận lời ghé lại nhà ông chú ở làng Mikhailovka nghỉ lại.

- Nếu các cháu về nhà chú thì thật là khá thực! - Ông chú nói - Về nhà chú hơn chứ. Đấy các cháu thấy không, thời tiết thì ẩm ướt, các cháu có thể nghỉ ngơi một tí, rồi sẽ cho xe Droiki đưa bá tước tiểu thư về.
   
Họ nhận lời ông chú, cho một người thợ săn về Otradnoye lấy xe; còn Nikolai, Natasa, và Petya thì về nhà ông chú.
   
Năm sáu người đầy tớ trai gái vừa nhớn vừa bé chạy ra thềm đón chủ. Mấy chục người đầy tớ trai gái, già có, trẻ có, nhớn có, bé có, từ thềm sau ùa ra xem tốp người đi săn đang tiến vào nhà. Thấy Natasa, một người con gái, một cô tiểu thư mà lại cưỡi ngựa, bụng tò mò của các gia nhân nhà ông chú lên đến cực độ, đến nỗi nhiều người không ngần ngại gì đến gần Natasa, nhìn chăm chăm vào mặt nàng và tha hồ bình phẩm ngay trước mặt nàng, như bình phẩm một vật lạ được trưng bày, tưởng như đồ vật đỗ chẳng phải là người cho nên không thể nghe hiểu những điều người ta bàn tán về mình được.

- Arinka, xem kìa, cô ấy ngồi vắt hai chân sang một bên nhỉ!

- Xem cái váy vẫn buông thõng xuống kìa… Mày thấy không, có cả cái sừng(1) nữa kìa!

- Ông bà ông vải ơi! Lại có cả một con dao nữa!

- Trông thật như một mụ Tatar ấy nhỉ!

- Cô làm thế nào mà không lộn tùng phèo xuống hả? - Người dạn dĩ nhất hỏi thẳng Natasa.

Ông chú xuống ngựa bên thềm ngôi nhà nhỏ bằng gỗ có vườn bao bọc, rồi đưa mắt nhìn các gia nhân một lượt, ông lên giọng hách dịch quát những người không có việc gì lui ra và sai làm những việc cần thiết để tiếp đón các tân khách và phường săn.
   
Mọi người đều chạy đi sửa soạn. Ông chú đỡ Natasa xuống ngựa và cầm tay nàng dắt lên mấy bậc thềm bằng ván ọp ẹp. Trong nhà không trét thạch cao, tường làm bằng những súc gỗ lớn, trông không lấy gì làm sạch lắm, - có thể thấy rằng những người ở nhà này cũng chẳng cố ý chăm chút cho ngôi nhà khỏi có vết bẩn, nhưng cũng không thấy vẻ bừa bộn cẩu thả. Trong phòng mặc áo phảng phất mùi táo tươi, trên tường treo ta liệt những tấm da sói và da chồn.

Ông chủ dẫn khách qua phòng ngoài, sang một gian phòng nhỏ có đặt chiếc bàn xếp và mấy chiếc ghế gỗ đỏ, rồi vào gian phòng khách bày một cái bàn tròn bằng gỗ bạch dương và một cái đi-văng, rồi lại dẫn họ vào gian phòng làm việc có chiếc ghế sofa thủng mặt, một tấm thảm đã sờn và mấy bức chân dung của Xuvorov, của hai cụ cố thân sinh của chủ nhân và bản thân chủ nhân mặc quân phục. Phòng làm việc sặc mùi thuốc lá và mùi chó săn.
   
Trong phòng làm việc ông chủ mời khách ngồi và xin họ cứ tự nhiên như ở nhà, rồi ông bỏ ra ngoài. Con Rugai, lưng hãy còn lấm bùn, chạy vào phòng, leo lên đi-văng, thè lưỡi hếm mình và lấy răng chuốt lông cho sạch. Từ phòng làm việc đi ra là một dãy hành lang, trong đó thấy có một tấm bình phong mặt vải đã rách. Từ phía sau tấm bình phong đưa ra những giọng phụ nữ cười khúc khích và nói thì thầm. Natasa, Nikolai và Petya cởi áo ngoài và ngồi xuống đi văng. Petya gối đầu lên khuỷu tay và lập tức ngủ thiếp đi; Natasa và Nikolai ngồi yên lặng. Mặt họ nóng bừng, bụng họ rất đói và lòng họ rất vui. Hai anh em nhìn nhau (sau buổi săn, ngồi trong phòng, Nikolai thấy không cần phải tỏ rõ ưu thế của đấng nam nhi trước mặt em gái nữa). Natasa đưa mắt nháy anh, và cả hai đều không nhịn được, phá lên cười giòn giã, tuy chưa kịp nghĩ ra một cớ gì để cười như vậy cả.
   
Một lát sau ông chú bước vào, mình mặc áo kazakin quần xanh, chân đi ủng ngắn. Dạo trước: khi ông ta mặc bộ quần áo này đến Otradnoye. Natasa rất ngạc nhiên và buồn cười, nhưng bây giờ nàng lại thấy đó là một bộ y phục chỉnh tề chẳng kém gì các thứ áo lễ phục. Ông chú lúc bấy giờ đang vui; nghe tiếng cười của hai anh em, không những ông không giận (ông không hề có ý nghĩ rằng hai cháu lại có thể cười cảnh sinh hoạt của mình), mà lại còn cất tiếng cười theo tiếng cười vô cớ của họ nữa.

- Chà cô bé bá tước tiểu thư này, thật khá thật! Chú chưa hề thấy cô nào như cô đấy! - Ông vừa nói vừa đưa cho Roxtov một cái tẩu thuốc dài ngoẵng, còn mình thì cầm một cái tẩu ngắn có trạm trổ giữa ba ngón tay với một cử chỉ quen thuộc.

- Cưỡi ngựa suốt một ngày, đàn ông như vậy cũng là giỏi rồi, thế mà cứ như không ấy.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #315 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2011, 07:32:31 pm »

Ông chú vào được một lát thì người hầu gái - nghe tiếng bước chân ở bên ngoài có thể nhận ra là chị ta đi đất - mở cửa phòng và một người đàn bà trạc bốn mươi tuổi, béo đẹp, hồng hào, có hai lớp cằm và đôi môi mọng đỏ chót, hiện ra ở khung cửa, tay bưng một chiếc mâm lớn bầy đầy những thức ăn. Với một vẻ ân cần mến khách lộ rõ trong đôi mắt và trong từng cử chỉ, bà ta đưa mắt nhìn các tân khách và lễ phép cúi đầu chào, môi nở nụ cười trìu mến.
   
Tuy thân hình to béo quá cỡ, đến nỗi phải ưỡn ngực và bụng ra phía trước và hất đầu về phía sau, người đàn bà ấy (đó là bà quản gia của ông chủ) vẫn đi đứng hết sức nhẹ nhàng. Bà đến cạnh bàn, ghé chiếc mâm xuống và đôi bàn tay trắng trẻo, múp míp của bà nhanh nhẹn bày lên mặt bàn các chai đĩa và thức ăn thết khách. Bày xong, bà lui ra đứng ở cạnh cửa, vẻ mặt tươi cười. Cả dáng người của bà như muốn nói với Roxtov: "Đấy, tôi như thế đấy! Bây giờ cậu đã hiểu ông chú cậu chưa?". Làm sao lại không hiểu kia chứ! Không những Roxtov mà cả Natasa nữa cững đã hiểu ông chú - hiểu cả ý nghĩa của đôi mày chau lại và nụ cười sung sướng, tự mãn thoáng hiện trên môi ông ta khi bà Anixya   Fiodorovna bước vào. Trên mâm bày nào là rượu cỏ, rượu anh dào, nào là nấm, bánh đa bằng bột mì đem tẩm nước bơ, nào là mật ong tươi, mật ong ngào sủi bọt, táo hạnh nhân tươi, hạnh nhân rang và hạnh nhân ngào mật. Sau đó Amxya Fiodorovna lại bưng thêm mứt mật ong và mứt đường, một súc giăm-bông và một con gà mới quay xong.
   
Tất cả những món đó đều do bàn tay đảm đang của bà Anixya Fiodorovna làm ra. Tất cả những món đó đều đượm hương thơm và phong vị của Amxya Fiodorovna. Tất cả những món đó đều phảng phất cái tươi mát, sạch sẽ, cái nước da trắng trẻo và nụ cười niềm nở của bà.

- Cô ăn đi, bá tước tiểu thư ạ, - Anixya Fiodorovna vừa nói vừa tiếp cho Natasa hết món ăn này đến món ăn khác.
   
Natasa ăn tất và tưởng chừng như xưa nay nàng chưa bao giờ thấy ở đâu những chiếc bánh da tẩm nước bơ, những món mứt, những hạt hạnh nhân ngào mật và những miếng thịt gà quay thơm ngon như thế này. Amxya Fiodorovna lui ra. Roxtov và ông chú vừa ăn vừa uống rượu anh đào, chuyện trò về cuộc đi săn vừa qua và cuộc đi săn sắp tới, về con Rugai và đàn chó săn của Ilaghin. Natasa, đôi mắt sáng ngời, ngồi thẳng người trên đi-văng lắng tai nghe hai người nói chuyện. Đã mấy lần nàng cố lay chú Petya dậy ăn dăm ba miếng, nhưng chú bé chỉ làu nhàu mấy tiếng gì trong miệng rồi lại ngủ say. Natasa thấy lòng vui phơi phới, nàng thấy thích thú cái khung cảnh mới này đến nôi nàng chỉ sợ xe đến đón nàng về sớm quá.
   
Sau một lát im lặng ngẫu nhiên, như những phút im lặng thường thấy khi người ta tiếp chuyện người quen ở trong gia đình lần đầu, ông chú nói, như để đáp lại những ý nghĩ trong trí óc anh em Roxtov.

- Đấy tôi an hưởng tuổi già như thế đấy… Đến khi người ta chết đi thì - khá lắm! - chẳng có gì sất. Thế thì việc gì phải chịu thiếu thốn?

Gương mặt của ông chú có vẻ ngụ nhiều ý nghĩa, mà lại có vẻ đẹp lên nữa trong khi nói câu này. Roxtov bất giác nhớ lại tất cả những điều tốt đẹp mà cha chàng và những người láng giềng thường nói về ông. Trong khắp tỉnh này ông chú nổi tiếng là một người gàn dở nhưng hết sức trung thực và vô tư. Người ta thường mời ông phân xử hộ những chuyện gia đình, giao cho ông làm người thừa hành di chúc, thổ lộ với ông những chuyện bí mật, bầu ông làm quan toà và mời ông giữ nhiều chức vụ khác, nhưng ra làm việc nhà nước thì ông cứ một mực khăng khăng không chịu, mùa thu và mùa xuân ông cưỡi con ngựa thiến màu hung nhạt đi chơi trên cánh đồng, mùa đông thì ngồi nhà, mùa hạ thì nằm trong khu vườn rậm rạp.

- Sao chú không ra làm việc nhà nước hả chú?

- Có ra làm, nhưng rồi lại thôi. Tôi mà làm việc nhà nước thì có ra gì, khá thật! - Tôi chẳng hiểu gì sất. Đó là việc của anh, chứ tôi thì chẳng đủ tài. Còn như săn bắn thì lại là chuyện khác, - - Cái này thì khác luật! Ê, mở cửa ra chứ, - Ông quát - Sao lại đóng cửa thế hả?

Cái cửa ở cuối hành lang (ông chú gọi là "hành nang") dẫn vào phòng săn - tức là phòng gia nhân dành cho phường săn. Lại nghe tiếng chân đi đất bước nhanh, và một bàn tay vô hình mở cánh cửa vào phòng săn. Từ hành lang vẳng lên những âm thanh nghe rất rõ của một cây đàn balalaika. Người đánh đàn chắc phải là một tay lão luyện nghề này. Từ nãy Natasa cố lắng tai nghe tiếng đàn; bây giờ nàng ra hẳn hành lang để nghe cho rõ.

Ông chú nói:

- Ấy chú đánh xe Mitka nhà tôi đấy… Tôi mua cho chú một cây đàn thật tốt, tôi thích nghe lắm.

Ở ông chú có cái lệ là hễ khi nào ông đi săn về thì Mitka phải ngồi trong phòng săn đánh đàn Balalaika. Ông chú rất thích nghe thứ nhạc này.

- Hay thật! Quả là rất hay, - Nikolai nói, chàng bất giác nói một giọng ít nhiều có vẻ khinh thường, tưởng chừng như chàng lấy làm ngượng khi phải thừa nhận rằng tiếng đàn này khiến chàng thích thú.

- Rất hay là thế nào? - Natasa nói, giọng đầy trách móc vì nàng đã cảm thấy vẻ khinh thường của anh, - Không phải là hay, mà là tuyệt diệu ấy chứ! - Cũng như món nấm, món mật ongvà rượu anh đào của ông chú mà Natasa thấy là ngon nhất thế gian, điệu đàn này đối với nàng dường như cũng là tuyệt đỉnh của nghệ thuật âm nhạc.

- Nữa đi, làm ơn đánh nữa đi, - Natasa nói vọng về phía cửa khi tiếng Balalaika vừa dứt. Mitka lên lại đây đàn và lại chơi điệu "Phu nhân" một cách phóng túng, có nhiều biến tấu và nhiều nét láy lại ông chú ngồi nghe, đầu nghiêng một bên, miệng hơi mỉm cười.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #316 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2011, 07:33:15 pm »

Nhạc đề bài "Phu nhân" được chơi đi chơi lại hàng trăm lần. Đã mấy lần người đánh đàn phải lên dây lại, rồi cũng lại điệu đàn ấy nổi lên, nhưng những người nghe không hề thấy chán tai, cứ muốn nghe mãi. Anixya Fiodorovna bước vào và tựa cái thân hình to béo vào khung cửa. Bà mỉm cười một nụ cười giống hệt nụ cười của ông chú hồi nãy, nói với Natasa:

- Tiểu thư cũng thích nghe à? Chú Mitka nhà chúng tôi đàn hay lắm đấy.

Bỗng ông chú hoa mạnh tay một cái rồi nói:

- Thôi đoạn này hắn chơi hỏng rồi. Chỗ này phải láy chứ, khá thật! Phải lấy mới được!

- Thế chú cũng biết chơi sao? - Natasa hỏi.

Ông chú mỉm cười không đáp.

- Này Amxyuska, bà thử vào xem cây đàn có còn đủ dây không nào, cây đàn ghi-ta ấy mà! Đã lâu không mó tới đàn, khá thật! Bỏ lâu rồi.

Anixya Fiodorovna vui vẻ bước nhẹ nhàng tuân lệnh ông chú vào lấy cây đàn ghi-ta đem ra.
   
Ông chú chẳng nhìn ai, ghé miệng thổi bụi, đưa mấy ngón tay xương xấu gõ gõ lên mặt đàn, lên đây và ngồi lại cho ngay ngắn trên ghế bành. Ông cầm lấy đàn (với một tư thế hơi tuồng, khuỷu tay phải trải khuỳnh rộng ra) ở phía trên chiếc cần một chút đưa mắt nháy Amxya Fiodorovna một cái, rồi không chơi diệu "Phu nhân" mà lại đánh một hợp âm trong trẻo ngân vang, rồi vẻ điềm tĩnh nhưng quả quyết, với một nhịp điệu rất khoan thai, ông bắt đầu chơi diệu ca khúc nổi tiếng "Dọc dường phố lát đá". Và dần dần, theo nhịp đàn, với niềm vui thanh thoát điềm đạm như niềm vui toát ra từ toàn thân Anixya Fiodorovna, điệu hát vui tươi vang dội trong tâm hồn Nikolai và Natasa. Anixya Fiodorovna đỏ mặt, lấy khăn che miệng cười khúc khích và bỏ ra ngoài. Ông chú tiếp tục đánh đàn một cách mạnh dạn và thận trọng, tiếng đàn rất thanh khiết đôi mắt long lanh sáng lên vì cảm hứng nhìn vào chỗ Anixya Fiodorovna vừa đi ra. Bóng dáng một nụ cười phảng phất một bên khuôn mặt ông, dưới bộ râu mép hoa râm, nhất là những khi điệu nhạc dồn dập rồi đột ngột ngừng lại ở những chỗ chuyển điệu.

- Tuyệt quá, tuyệt quá chú ạ! Nữa đi, đánh nữa đi! - Natasa reo lên khi thấy tiếng đàn vừa dứt. Nàng nhảy lên chạy lại ôm choàng lấy ông chú mà hôn. Rồi nàng ngoái lại nhìn anh nói:

- Nikolenka, Nikolenka! - vẻ như muốn hỏi chàng: làm sao thế nhỉ?

Nikolai cũng rất thích tiếng đàn của ông chú. Ông chú chơi lại bài hát một lần nữa. Gương mặt tươi cười của Anixya Fiodorovna lại hiện ra trong khung cửa, và phía sau lại có thêm nhiều khuôn mặt khác… "Sau dòng suối mát lạnh, cô gái kêu lên: Hãy khoan, đợi em với!" tiếng đàn của ông chú lại vang lên; rồi sau một đoạn biến tấu rất khéo, ông ngừng đàn và rùng vai một cái.

- Kìa, chú ơi, chú yêu quý của cháu, - Natasa rên rỉ, giọng khẩn khoản van lơn, như thể cả cuộc đời của nàng đều lệ thuộc vào đấy ông chú đứng dậy, và tựa hồ như trong ông ta có hai con người - một người nghiên trang mỉm cười chế nhạo anh chàng vui tính kia, còn anh chàng vui tính đang làm một động tác ngây ngô cẩn thận để mở đầu cho điệu nhảy.

- Nào, cháu! - Ông chú gọi to, bàn tay vừa đánh hợp âm cuối cùng trên đàn đưa lên vẫy Natasa.

Natasa cởi chiếc khăn quàng trên vai, chạy đến trước mặt ông chú, chống tay cạnh sườn và nhích hai vai lên rồi lấy điệu đứng đợi.

Không biết cái cô bá tước tiểu thư kia, vốn được một người đàn bà Pháp lưu vong dạy dỗ, làm thế nào mà hấp thụ được cái phong vị Nga ấy, không biết nàng lấy đâu ra những dáng điệu ấy, những dáng điệu mà những bước khăn san đáng lẽ lấn át từ đâu? Dù sao phong cách của nàng đúng là phong cách mà ông chú mong đợi, cái phong cách không sao bắt chước được, không sao phân tích nổi, cái phong cách thuần tuý của dân tộc Nga. Khi nàng vừa đứng dậy, miệng mở một nụ cười trang trọng và kiêu cãng, vui tươi và ranh mãnh, thì mối lo sợ lúc đầu của Nikolai và của cả cử toạ, sợ rằng nàng sẽ có những động tác không đúng
kiểu, vút biết mất, và họ bắt đầu say mê ngắm nàng.

Động tác, cử chỉ của nàng đúng quá, đúng hoàn toàn đến nỗi Anixya Fiodorovna, lúc bấy giờ đã trao ngay cho nàng chiếc khăn vuông cần cho điệu nhảy, phải vừa cười vừa ứa nước mắt trong khi cô bá tước tiểu thư mảnh dẻ, yêu kiều, lớn lên trong nhung lụa và xa lạ đối với bà, nhưng lại hiểu được tất cả những gì trong tâm hồn Anixya, trong tâm hồn của ông bố Anixya của bà dì và của mẹ bà ta, trong tâm hồn của mọi người Nga.

- Chà bá tước tiểu thư, tuyệt thật! - Ông chú vui sướng cười ha hả khi điệu nhảy kết thúc. - Chà, cô cháu tôi cừ quá! Chỉ cần chọn cho cô một anh chồng ra trò nữa thôi, khá thật.

Nikolai cười tủm tỉm nói:

- Chọn rồi đấy.

- Thế à? Ông chú ngạc nhiên nói, đưa mắt nhìn Natasa có ý hỏi.

Natasa mỉm cười vui sướng và gật đầu:

- Mà chồng cháu thì tuyệt lắm… - nàng vừa nói đến đây thì lại nghĩ sang chuyện khác. Cái nụ cười của Nikolai khi anh ấy nói: "Chọn rồi đấy" có ý nghĩa gì? Anh ấy bằng lòng hay không bằng lòng? Hình như anh ta nghĩ rằng giá có Bolkonxki của ta ở đây thì chàng sẽ không tán đồng và không hiểu được nỗi vui sướng của chúng ta thì phải. Không phải đâu chàng vẽ hiểu hết. "Bây giờ chàng đang ở đâu?" - Natasa nghĩ thầm, và gương mặt nàng bỗng nghiêm trang hẳn lại. Nhưng có vẻ đó chỉ thoáng qua trong một giây. "Đừng nghĩ, không nên nghĩ đến điều đó" - nàng tự nhủ và mỉm cười để ngồi cạnh ông chú như cũ, yêu cầu chú chơi thêm một bài gì nữa.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #317 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2011, 07:34:15 pm »

Ông chú chơi một vài ca khúc và một diệu valse nữa; sau đó ông ta im lặng một lúc, đằng hẵng mấy cái rồi cất tiếng hát bài hát đi săn yêu thích của ông ta:

Đẹp thay, những bông tuyết đần mùa,

Trong bóng chiều nhẹ buông…


Ông chú hát đúng như nhân dân hát, với một lòng tin trọn vẹn và ngây thơ rằng bao nhiêu ý nghĩa của bài hát đều nằm cả trong lời ca, rằng điệu nhạc tự nó toát ra từ lời ca và không thể tồn tại riêng được: điệu nhạc chẳng qua là để hát cho có nhịp thôi. Chính vì vậy mà điệu hát không có ý thức như tiếng chim hót, nghe hay lạ lùng.

Natasa say sưa nghe ông chú hát. Nàng quyết định sẽ thôi học đàn thụ cầm. Mà chỉ chơi ghi-ta thôi. Nàng mượn cây đàn của ông chú và tìm ngay được những hợp âm đệm theo bài hát.

Khoảng gần mười giờ một chiếc xe ngựa, một chiếc droiki và ba người đầy tớ cưỡi ngựa đi tìm Natasa và Petya đã đến. Bá tước và phu nhân hiện không biết hai chị em ở đâu, và theo lời mấy người đầy tớ thì hai ông bà đang lo lắm.

Họ mang Petya đặt lên xe ngựa như đặt một cái xác chết; Natasa và Nikolai ngồi lên xe droiki. Ông chú khoác áo cẩn thận cho Natasa và từ biệt nàng một cách trìu mến hơn hẳn khi trước.

Ông đi bộ tiễn họ ta cái cầu mà họ đi vòng để lội qua ngòi, và sai bọn thợ săn cầm đèn đi trước. Giọng nói của ông chú vang lên trong bóng tối.

- Cháu thân yêu của chú, cháu về nhé! - đó không phải là giọng nói Natasa đã từng biết trước kia, mà là cái giọng lúc nãy vừa hát: "Chiều về, những bông tuyết đầu mùa". Cái làng họ đi qua có nhiều dốm lửa đỏ và phảng phất một mùi khói gợi lên những ý nghĩ vui vui.

Khi họ đã ra đường cái lớn Natasa nói:

- Chú ấy đáng yêu quá nhỉ?

- Ừ - Nikolai nói - Em có rét không?

- Không, em thấy dễ chịu lắm. Em thấy rất dễ chịu, - Natasa nói giọng hầu như ngạc nhiên. Hai người im lặng hồi lâu.

Đêm hôm ấy trời tối và ẩm. Nhìn ra phía trước không trông thấy ngựa, chỉ nghe tiếng chân ngựa giẫm lép bép trong bùn.

Những gì đang diễn ra trong cái tâm hồn ngây thơ và nhạy cảm ấy một tâm hồn khao khát đón tiếp và hấp thụ tất cả những ấn tượng muôn màu muôn vẻ của cuộc đời? Làm sao tâm hồn nàng có thể chứa đựng tất cả những thứ đó? Dù sao nàng cũng rất vui sướng.

Khi xe đã sắp về đến nhà, nàng bỗng cất tiếng hát nhạc đề của bài "Đẹp thay, những bông tuyết đầu mùa", mà suốt đoạn đường nàng cứ cố nhớ lại mà mãi bây giờ mới nhớ ra.

- Tìm ra được rồi đấy ạ? - Nikolai nói.

- Vừa rồi anh nghĩ gì thế hả anh Nikolai? - Natasa hỏi. Hai anh em thường vẫn thích hỏi nhau câu đó.

- Anh ấy à? - Nikolai vừa nghĩ vừa nói - Này nhé, lúc đầu anh nghĩ rằng Rugai, con chó hung ấy mà, trông nó giống như chú ấy, và giả thử nó là người thì nó sẽ nuôi mãi chú ấy trong nhà, nếu không phải để đi săn, thì cũng để cho vui vì chú ấy với nó hợp nhau lắm: Chà, chú ấy vui tính thật đấy! Đúng không nào? Thôi, thế còn em thì em nghĩ gì?

- Em ấy à? Yên nào, yên nào. À phải, lúc đầu em nghĩ rằng chúng ta cứ yên trí mình đang về nhà, nhưng thật ra chúng ta đi trong bóng tối thế này, có trời biết đi đâu, rồi bỗng nhiên chúng ta đến một nơi nào đấy không phải Otradnoye mà là một vương quốc thần kỳ. Sau đó, em còn nghĩ đến… Không, chả nghĩ gì nữa cả.

- Biết rồi, nghĩ đến anh ấy chứ gì. - Nikolai nói và nghe giọng nói của chàng trong bóng tối. Natasa cũng biết là chàng đang mỉm cười.

- Không. - Natasa đáp, mặc dầu quả thật nàng có nghĩ đến công tước Andrey và thử đoán xem chàng có thích ông chú của nàng không. - Thế rồi suốt đường em cứ nghĩ đi nghĩ lại: Anixyuska đi đứng đẹp thật đẹp thật… - Natasa nói.

Và Nikolai nghe thấy tiếng cười giòn giã hồn nhiên, vui tươi của nàng.

Rồi bỗng Natasa lại nói:

- Này, anh ạ, em biết rằng sau này chẳng bao giờ nữa em sung sướng, thanh thản được như bây giờ đâu.

- Chỉ nói dại vớ vẩn, - Nikolai nói rồi nghĩ thầm: "Cái con bé Natasa của mình đáng yêu quá! Mình không thể có một người bạn nào hơn thế, mà sau này cũng chẳng tìm đâu ra. Nó đi lấy chồng làm gì? Nếu không có phải cứ được đi chơi với nhau mãi không!"

"Cái anh Nikolai ấy đáng yêu quá! " - Natasa thầm nghĩ.

- À! Trong phòng khách hãy còn đèn - nàng nói, tay chỉ vào mấy ô cửa sổ của ngôi nhà, đang lấp lánh trong đêm tối ấm ướt và dịu như nhung.

============================================

Chú thích:

(1) Ý muốn chỉ cái tù và bằng sừng của người đi săn.

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #318 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2011, 07:35:03 pm »

Phần VII
Chương - 8
   
Bá tước Ilya Andreyevich đã từ chức đô thống quý tộc vì chức vụ này đòi hỏi những khoản chi tiêu quá lớn. Nhưng sau đó tình hình kinh tế của ông vẫn không khả quan hơn. Nhiều lần Natasa và Nikolai bắt gặp cha mẹ đang bàn tán có vẻ bí mật lo lắng, và nghe nói chuyện bán toà nhà sang trọng của họ Roxtov và bán trang viên ở ngoại thành Moskva. Vì không giữ chức đại biểu quý tộc nên bá tước không phải tổ chức những cuộc tiếp tân linh đình như trước và cuộc sống ở Otradnoye trôi qua yên tĩnh hơn những năm trước; nhưng toà nhà chính đồ sộ cũng như các dãy nhà dọc vẫn cứ đầy người, và đến bữa ăn vẫn có hơn hai mười người ngồi vào bàn. Đó đều là những người quen thân đã ở mãi trong nhà và đã gần thành những người trong gia đình, hoặc giả là những người có vẻ như thân thiết cần phải ở nhà bá tước. Trong số những người như thế có vợ chồng ông Dimler - nhạc sĩ, và gia đình ông Foghel - giáo sư khiêu vũ bà già độc thân Bêlova và còn nhiều người khác nữa: ông thầy giáo của Petya, bà cựu gia sư của các tiểu thư, hoặc chẳng qua là những người thấy rằng sống ở nhà bá tước thì thú hơn và có lợi hơn ở nhà mình, thế thôi. Khách khứa không còn tấp nập như trước, nhưng cách sinh hoạt vẫn thế, vì bá tước và phu nhân không thể hình dung một cách sinh hoạt nào khác. Cũng vẫn những phường săn như trước, nay có Nikolai lại càng tăng thêm người, trong tàu vẫn có năm mươi con ngựa và mười lăm người đánh xe, cũng vẫn những món quà tặng đắt tiền nhân ngày lễ thánh, và những bữa tiệc lính đình mời khắp cả huyện, vẫn những ván bài "whist" và "boston", trong đó bá tước cầm bài hết sức hớ hênh ai cũng nhìn thấy mặt bài, đến nỗi mỗi ngày cứ mất hàng trăm rúp cho các ông bạn láng giềng vốn xem việc đánh bài với bá tước Ilya
Andreyevich là nguồn thu nhập béo bở nhất của họ.

Bá tước bị vướng mắc trong công việc, tiền nong như trong một cái lưới khổng lồ, cố gắng không tin rằng mình đang sa lầy, nhưng cứ càng bước tới lại càng sa lầy thêm, và cảm thấy không đủ sức xé rách những mảng lưới đang vây bọc lấy mình mà cũng không thể thận trọng kiên nhẫn gỡ lần từng mối được. Bá tước phu nhân xót xa cảm thấy rằng con cái mình đang dần dần khánh kiệt, rằng chồng mình cũng chẳng có lỗi gì, ông không thể tránh khỏi lâm vào tình trạng như bây giờ, rằng chính ông cũng khổ tâm (mặc dầu ông cố giấu) vì biết rõ mình và con mình đang đi đến chỗ phá sản; và phu nhân cố nghĩ cách cứu giúp chồng. Theo quan điểm phụ nữ của bà thì còn một cách là thu xếp cho Nikolai lấy một bà vợ giàu. Bà cảm thấy rằng đó là hy vọng cuối cùng, và nếu Nikolai lại không thích cái đám mà bà tìm cho chàng, thì đành phải chịu bó tay không mong gì cứu vãn tình thế được nữa. Đám ấy là Juyly Karaghina, là người con nhà rất tử tế, cha mẹ phúc hậu, từ hồi nhỏ đã quen gia đình Roxtov, và hiện nay vì người anh cuối cùng vừa chết nên đã trở thành một cô gái thừa kế rất giàu có.
 
Bá tước phu nhân viết thư thẳng cho bà Karaghina ở Moskva, bàn chuyện xin con gái bà ta cho Nikolai và đã nhận được một bức thư phúc đáp có ý thuận tình. Bà Karaghina trả lời rằng về phía bà thì bà ưng thuận, nhưng mọi việc đều tuỳ ở chỗ con gái nó có ưng hay không. Bà Karaghina mời Nikolai lên Moskva chơi.

Đã mấy lần, mắt rớm lệ, bá tước phu nhân nói với Nikolai là hiện nay hai đứa con gái của bà đều đã có nơi có chốn, bà chỉ còn một ước nguyện duy nhất nữa là thấy chàng lập gia đình. Bà nói rằng được như vậy thì có nằm xuống mồ bà cũng yên tâm. Rồi bà lại nói thêm là bà đã nhằm một đám rất khá, và dò hỏi ý kiến chàng về việc hôn nhân.

Vào những dịp khác bà lại khen ngợi Juyly và khuyên Nikolai đi Moskva dự các buổi hội hè để giải trí. Nikolai đã đoán ra ý mẹ qua những câu chuyện ấy và nhân một lần nói chuyện chàng xin mẹ cứ nói thẳng ra. Phu nhân bèn bảo chàng là chỉ còn cách chàng lấy cô Juyly Karaghina thì mới hy vọng cứu vãn được tình cảnh gia đình.

- Thế nếu con yêu một người con gái không có tiền của, mẹ sẽ bắt con phải hy sinh tình cảm và danh dự của con vì tiền hay sao? - chàng hỏi mẹ; lúc bấy giờ chàng không hiểu hết cái tàn nhẫn trong câu hỏi của mình và chỉ muốn tỏ rõ lòng mình cao thượng mà thôi.

- Không phải thế, con chưa hiểu ý mẹ. - phu nhân nói, trong bụng không biết làm thế nào để thanh minh cho mình. - Con chưa hiểu ý mẹ, Nikolai ạ. Mẹ chỉ mong cho con được sung sướng, - phu nhân nói thêm,
nhưng lại cảm thấy mình đang dối con và đâm ra lúng túng. Bà khóc oà.

- Mẹ ơi, mẹ đừng khóc, chỉ xin mẹ nói cho con biết mẹ muốn thế nào, mẹ cũng biết rằng con sẵn sàng hiến dâng đời con, hiến dâng tất cả để mẹ được yên lòng - Nikolai nói - Con sẽ hy sỉnh tất cả vì mẹ, dù là tình cảm của con cũng vậy.

Nhưng bá tước phu nhân không có ý muốn đặt vấn đề như vậy; bà không muốn con phải hy sinh vì mình, chính bà muốn hy sinh cho con thì có. Bá tước phu nhân lau nước mắt, nói:

- Không phải thế, con chưa hiểu ý mẹ, thôi ta đừng nói chuyện ấy nữa con ạ.
"Phải, có thể là ta yêu một người con gái nghèo - Nikolai tự nhủ - Vậy ta phải hy sinh tình yêu và danh dự vì tiền tài chăng? Cũng lạ, không hiểu sao mẹ lại có thể nói với mình như vậy. Vì Sonya nghèo, phải chăng ta không thể yêu nàng được, không thể đển đáp được mối tình chung thuỷ tận tuỵ của nàng? Chắc hẳn là lấy nàng ta còn sung sướng hơn lấy bất kỳ một con búp bê nào kiểu như Juyly. Ta không thể ra lệnh cho tình cảm của ta được. Ta đã yêu Sonya, thì đối với ta tình yêu này mãnh liệt và cao quý hơn tất cả".
Nikolai không đi Moskva, bá tước phu nhân không nói chuyện hôn nhân với chàng nữa, và lòng buồn rầu, đôi khi căm giận nữa, phu nhân nhận thấy rằng con trai mình ngày càng thêm gắn bó với con Sonya, mắng mỏ nàng, và nhiều lần gọi nàng là "cô", là "cô bạn thân mến", mặc dầu sau đó bà vẫn thường tự trách mình. Bá tước phu nhân vốn tốt bụng, nhưng bà vẫn căm giận Sonya, mà căm giận hơn cả là vì cái cô cháu gái mắt đen nghèo hèn ấy dịu hiền trung hậu, đầy lòng tận tuỵ biết ơn đối với các ân nhân, lại yêu Nikolai một cách trung thành, chung thuỷ quên mình đến nỗi không còn chỗ nào có thể chê trách nàng được.
   
Nikolai đã hết hạn nghỉ phép ở nhà. Gia đình Roxtov nhận được bức thư thứ tư của công tước Andrey từ La mã gửi về, trong thư viết rằng đáng lẽ chàng đã về Nga từ lâu, nhưng ở nơi khí hậu ấm áp vết thương chàng lại tái phát, cho nên phải hoãn đến đầu năm sau mới về được, Natasa vẫn say mê người chồng chưa cưới như trước vẫn được tình yêu làm cho thanh thản và vẫn dễ cảm xúc trước tất cả những niềm vui sướng của cuộc đời; nhưng xa cách người yêu được gần bốn tháng thì nàng hắt đầu có những lúc sầu não mà nàng không sao nén nổi. Nàng thấy thương hại mình, tiếc rằng đã để trôi qua một cách phí hoài, không có lợi gì cho ai, tất cả quãng thời gian ấy, mặc dầu trong những ngày tháng ấy lẽ ra nàng có thể yêu và được yêu không biết đến nhường nào.
Cảnh gia đình Roxtov thật là buồn tẻ.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #319 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2011, 07:35:49 pm »

Phần VII
Chương - 9

Tiết Noël đã đến, và ngoài buổi xem lễ trọng thể, ngoài những lời chúc tụng long trọng và nhàm tai của những người láng giềng và của các gia nhân, ngoài những thứ đó ra không có gì đặc biệt đánh dấu ngày lễ Giáng sinh cả. Nhưng trong bầu không khí băng giá im phăng phắc, lạnh đến hai mươi độ dưới không, trong ánh nắng rực rỡ lúc ban ngày và trong ánh trăng lạnh lẽo lúc ban đêm, người ta lại cứ cảm thấy cần phải có một cái gì đánh dấu tiết Giáng sinh này.
   
Sang ngày lễ thứ ba, sau bữa ăn chiều, trong nhà ai nấy giải tán về phòng mình. Suốt ngày chỉ có lúc này là buồn tẻ nhất. Nikolai hồi sáng cưỡi ngựa đi thăm các nhà láng giềng, bây giờ đã nằm trong phòng đi-văng đánh một giấc. Lão bá tước thì nghỉ trong phòng làm việc. Trong phòng khách, Sonya ngồi trước bàn tròn, đồ lại một hình mẫu thêu. Bá tước phu nhân chơi bói bài. Naxraxya Ivanovna - lão hề, đang ngồi bên cửa sổ với hai bà già. Natasa bước vào phòng, lại gần Sonya nhìn xem nàng làm gì, rồi lặng lẽ đến đứng bên cạnh mẹ.

- Sao con cứ đi lại vật vờ như một oan hồn thế con? - bá tước phu nhân nói - Con cần gì nào?

- Con cần anh ấy… ngay bây giờ, ngay phút này này, - Natasa nói, mắt sáng long lanh và không mỉm cười.
     
Bá tước phu nhân ngẩng đầu lên, chăm chú nhìn con không chớp mắt.

- Đừng nhìn con, mẹ ạ, mẹ đừng nhìn con, không con khóc ngay bây giờ cho mà xem.

- Con ngồi xuống đây với mẹ một lát đi con - phu nhân nói.

- Mẹ ạ, con cần anh ấy! Tại sao con lại phải chờ đợi héo hon thế này hở mẹ? - Giọng nàng nghẹn ngào, nước mắt rưng rưng trên khoé mắt, và để mẹ khỏi thấy, nàng quay mặt đi và bước ra khỏi phòng, nàng ra phòng đi-văng, dừng lại, suy nghĩ một lát rồi đi sang phòng các chị đầy tớ gái. Ở đây, một bà hầu phòng già đang mắng nhiếc một cô hầu gái vừa mới ngoài rét chạy vào thở hổn hển.

- Đừng chơi nữa, - bà già nói - Cái gì cũng phải có lúc chứ.

- Thôi để mặc cô ấy, bà Kondratyena ạ - Natasa nói - Đi đi, Mavrusa, đi đi.
     
Sau khi cho Mavrusa đi ra, Natasa đi qua gian phòng lớn và bước vào gian phòng ngoài. Một ông già với hai người đầy tớ trẻ tuổi đang đánh bài. Họ ngừng chơi và đứng dậy khi thấy bá tước tiểu thư vào. "Sai họ làm gì bây giờ nhỉ?" - Natasa nghĩ thầm. "À phải, Nikita, anh chịu khó đi… - "Bảo anh ta đi đâu bây giờ nhỉ?"

- À, phải, anh đi ra ngoài sân mang vào cho tôi một con gà trống; phải, còn anh, Misa lấy cho tôi ít thóc.

- Lấy một ít thóc thôi cô nhé? - Misa vui vẻ đáp.

- Thôi đi đi, nhanh lên, - Ông già giục thêm.

- Còn bác Fiodor kiếm cho tôi mấy viên phấn nhé.

- Rồi đi ngang qua phòng hầu trà, nàng lại sai bưng ấm lò lên, tuy lúc bấy giờ chẳng phải là lúc dùng trà.
   
Bác hầu trà Foka là người cục tính nhất trong nhà. Natasa thường thích dùng bác ta để thử quyền lực của mình xem sao. Nghe Natasa bảo mang ấm lò lên, bác ta không tin, liền lên nhà hỏi lại xem có thật không.

- Chà cái cô này! - Foka nói, mặt vờ làm ra vẻ cáu với Natasa.
   
Trong nhà không có ai sai phái nhiều người và bảo làm nhiều việc như Natasa. Hễ nàng trong thấy một người đầy tớ là thế nào cũng muốn sai họ đi làm việc này việc nọ. Nàng có vẻ như muốn xem họ có phát cáu lên với nàng hay không, nhưng không có ai sai bảo gì mà họ lại vui lòng làm cho bằng Natasa. "Biết làm gì bây giờ nhỉ? Biết đi đâu bây giờ?" Natasa thầm nghĩ trong khi lững thững trong dãy hành lang.

- Naxraxya Ivanovna này, tôi sẽ đẻ ra được cái gì? - nàng hỏi lão hề mặc áo thụng bây giờ đang đi ngược lại phía nàng.

- Cô thì đẻ ra bọ chó, chuồn chuồn, dế - lão hề đáp.
   
Trời ơi, trời ơi, vẫn chỉ có thế! Ôi, biết đi đâu bây giờ? Biết làm gì bây giờ". Và nàng nện gót chạy nhanh lên cầu thang đến phòng hai vợ chồng Foghel ở trên gác. Ở phòng Foghel đang có hai bà gia sư ngồi chơi, trên bàn có đặt mấy đĩa nho khô, hạnh nhân và hạt dẻ. Hai bà gia sư đang nói chuyện gẫu, bàn xem ở nơi nào sinh hoạt rẻ hơn ở Moskva hay ở Odessa. Natasa đến ngồi bên cạnh lắng nghe họ nói chuyện, vẻ mặt nghiêm trang và đăm chiêu, rồi đứng dậy.

- Đảo Madagasca, - nàng nói, - Ma - da - ga - sca, - nàng nhắc lại tách rời từng tiếng một, rồi không đáp lại câu hỏi của bà Schoss hỏi nàng đang nói gì, Natasa ra khỏi phòng.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM