Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 03:35:02 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh và hòa bình  (Đọc 273662 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #300 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2011, 05:53:47 pm »

Phần VI
Chương - 26

Vào giữa mùa hạ công tước tiểu thư Maria nhận được một bức thư không ngờ của công tước Andrey từ Thuỵ Sĩ gửi về, trong đó công tước cho nàng biết một tin kỳ lạ và đột ngột. Công tước Andrey cho nàng biết rằng mình đã đính hôn với cô Roxtov. Từ đầu chí cuối bức thư đều toát lên một tình yêu bồng bột, tha thiết đối với người vợ chưa cưới và một lòng hữu ái tin cậy đối với em gái.
   
Chàng viết rằng chưa bao giờ chàng yêu như bây giờ, rằng chỉ đến bây giờ chàng mới hiểu và biết được cuộc sống; chàng xin em gái tha thứ cho chàng khi ghé về Lưxye Gorư đã không cho nàng biết việc này, tuy có nói với cha. Sở dĩ chàng không nói với em gái là vì nếu thế thì nữ công tước Maria sẽ xin cha ưng thuận, và tất sẽ không đạt được mục đích mà lại còn làm cho cha phát bẳn lên, và sẽ phải chịu đựng tất cả gánh nặng của sự cáu bẳn đó. Vả chăng dạo ấy công việc chưa quyết định hẳn hoi như bây giờ. "Hồi ấy cha định ra cho anh thời hạn là một năm, và đến nay đã được sáu tháng, tức một nửa thời hạn đã qua, và anh vẫn giữ vững ý định hơn bao giờ hết. Giá các bác sĩ đừng giữ anh lại đây để an dưỡng, thì anh đã trở về Nga rồi, nhưng bây giờ anh phải hoãn ngày về lại ba tháng nữa. Em biết rõ anh và biết anh đối với cha như thế nào. Anh không cần điều gì ở cha hết, xưa nay anh vẫn độc lập và bao giờ anh cũng sẽ độc lập nhưng làm một việc trái với ý cha, khiến cho cha phải tức giận trong khi có lẽ cha không còn ở với chúng ta được mấy lâu nữa, thì hạnh phúc của anh sẽ sụp đổ mất một nửa. Bây giờ anh cũng viết thư cho cha về việc này và xin em chọn một lúc thuận lợi để trao thư cho cha, rồi cho anh biết thái độ của cha đối với tất cả những điều này, và báo cho anh rõ có thể hy vọng cha giảm bớt thời hạn đi ba tháng không?"
   
Sau khi lưỡng lự, hoài nghi và cầu nguyện rất lâu công tước tiểu thư Maria trình bức thư cho cha. Ngày hôm sau lão công tước điềm tĩnh nói với nàng.

- Con hãy viết thư bảo anh con là hãy đợi khi nào ta chết rồi hẵng hay… không lâu nữa đâu, chỉ ít nữa là thoát thôi…
   
Công tước tiểu thư Maria muốn nói lại một câu gì đấy, nhưng cha nàng không cho nói và mỗi lúc một to tiếng:

- Cưới vợ đi, cưới vợ đi, anh bạn ạ… Dòng dõi quý phái nhỉ? Toàn là những người thông minh cả đấy nhỉ? Giàu có lắm đấy nhỉ? Phải. Thằng Nikolenka sẽ có được một mụ dì ghẻ thật ra hồn. Mày viết thư bảo nó là thôi, mai cưới đi cũng được. Con bé ấy sẽ làm dì ghẻ thằng Nikolenka, còn tao thì tao lấy con Burienka… Ha, ha, ha, để cho nó cũng có dì ghẻ với chứ! Chỉ có một điều là trong nhà tao không cần bọn đàn bà nữa; cứ lấy vợ đi, rồi ở riêng ra. Có lẽ hay là mày cũng đi với nó nốt? - Lão công tước nói với con gái. - Thế thì gửi Chúa, chúc các người lên thiên đường bình an… lên đường bình an!…
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #301 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2011, 05:54:47 pm »

Sau trận lôi đình này công tước không lần nào nhắc đến việc ấy nữa. Ông cố đè nén nỗi bực tức đối với cái nhược điểm của thằng con trai, nhưng nó lại càng lộ rõ ra trong cách ông đối xử với con gái. Thêm vào những đề tài chế giễu trước kia bây giờ lại có một đề tài mới - câu chuyện dì ghẻ và những cử chỉ ân cần đối với cô Burien.

- Việc gì tao lại không lấy cô ta? - Ông nói với con gái - Cô ta sẽ làm một bá tước phu nhân xuất sắc.
     
Và trong thời gian gần đây công tước tiểu thư Maria bắt đầu ngạc nhiên và chẳng hiểu ra làm sao nữa khi nhận thấy rằng cha quả nhiên bắt đầu ngày càng gần gũi cô thiếu nữ Pháp. Tiểu thư viết thư cho anh nói rõ cha đã tiếp bức thư của chàng như thế nào, nhưng nàng cố an ủi anh và cho chàng hy vọng rằng nàng sẽ làm cho cha thuận lòng.
   
Nikolenka và việc dạy dỗ nó, Andrey và tôn giáo là những niềm an ủi và vui sướng của công tước tiểu thư Maria; nhưng ngoài ra, vì mỗi người vốn đều cần có những hy vọng riêng, trong đáy sâu của tâm hồn mình, tiểu thư Maria có một ước mơ và hy vọng thầm kín vốn là mềm an ủi lớn nhất trong đời nàng. Ước mơ và hy vọng đó là do những "con người của Chúa" đem lại cho nàng. Đó là những người ngây dại và những người hành hương vẫn bí mật đến gập nàng, không cho lão công tước biết. Tiểu thư Maria càng sống, nàng càng thể nghiệm và quan sát cuộc đời thì lại càng lấy làm lạ về sự thiển cận của con người đi tìm khoái lạc và hạnh phúc trên thế gian này: họ làm lụng vất vả, họ đau khổ, họ vật lộn và làm hại lẫn nhau để đạt đến cái hạnh phúc không thể nào có được, hư ảo và xấu xa đó. "Công tước Andrey yêu vợ, vợ chết anh ấy vẫn chưa thấy đủ, anh ấy muốn gắn bó hạnh phúc của mình vào một người đàn bà khác. Cha không ưng thuận vì cha muốn Andrey tìm đám nào quý phái và giàu có hơn. Và họ đều vất vả, đau khổ, dằn vặt và làm hư hỏng lính hồn mình, linh hồn bất diệt của mình để đạt đến một lạc thú chốc lát, không những chính chúng ta biết điều đó mà thôi, Đấng Cơ đốc, con của Đức chúa trời đã xuống cõi trần để nói với chúng ta rằng cuộc sống này là một cuộc sống phù du, là một thử thách, thế mà ta cứ bám vào nó và mong tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống này. Tại sao không có ai hiểu nổi điều đó? - tiểu thư Maria nghĩ - Không có ai cả, ngoài những con người của Chúa bị người ta khinh rẻ đó, những người vác bị trên vai đến với ta bằng cổng sau, sợ bị công tước trông thấy, nhưng không phải sợ bị người hành hạ mãng nhiếc mà là sợ khiến cho Người phạm tội lỗi. Rời bỏ gia đình, quê hương: từ bỏ mọi sự lo toan về lạc thú ở đời này, không bận bịu điều gì, và để rồi mình mặc chiếc áo rách tươm, mang một cái tên giả đi từ nơi này sang nơi khác, không làm hại ai và cầu nguyện cho người, cầu nguyện cả cho cả những người xua đuổi mình cũng như những người che chở mình: không có chân lý nào cao hơn chân lý này, không có cuộc sống nào cao hơn cuộc sống này nữa!"
   
Có một người hành hương tên là Fodoxyuska một bà già năm mươi tuổi, bé nhỏ, trầm lặng, mặt rỗ, đã ba mươi năm nay đi chân không và mang xiềng. Nữ công tước Maria đặc biệt yêu quý người này. Có một lần trong gian phòng tối mờ mờ dưới ánh sáng leo lét của mỗi một ngọn đèn thờ, khi Fodoxyuska kể lại đời mình, công tước tiểu thư bỗng có một ý nghĩ rằng chỉ một mình Fodoxyuska tìm được con đường sống đúng đắn, và ý nghĩ này đến với nàng mãnh liệt đến nỗi nàng đã quyết định chính mình cũng sẽ lang thang đi hành hương. Khi Fodoxyuska đã đi ngủ, nữ công tước Maria suy nghĩ hồi lâu về việc này, và cuối cùng quyết định rằng tuy điều đó có vẻ kỳ lạ thật, nhưng nàng cần phải đi hành hương.

Nàng chỉ thổ lộ ý định này với thầy sám hối(1) của nàng là cha Akinfi và linh mục này tán thành ý định của nàng. Lấy cớ là để làm quà cho các bà hành hương, công tước tiểu thư Maria tữ sẵn cho mình cả một bộ đồ hành hương: một chiếc áo thụng, một đôi thảo hài, một cái áo kaftan và một chiếc khăn đen. Nhiều khi, lại gần chiếc tủ bí mật đựng các thứ đó, nữ công tước tiểu thư Maria phân vân không biết đã đến lúc thực hiện ý định của nàng chưa.
   
Nhiều khi đang nghe những câu chuyện của các bà hành hương, nàng thấy lòng mình như bốc cháy trước những lời lẽ giản dị, đối với họ thì rất tự nhiên, nhưng đối với nàng thì bao hàm một ý nghĩ sâu sắc, đến nỗi đã mấy lần nàng đã sẵn sàng từ bỏ tất cả và trốn đi. Trong trí tưởng tượng làng đã thấy mình đi với Fodoxyuska, mình mặc áo vải thô, tay câm gậy và vai mang bị bước trên con đường cát bụi, không ganh tị, không có tình yêu trần tục, không có dục vọng, viếng hết vị phúc lộc này đến vị phúc lộc khác, và cuối cùng đi đến tận nơi không còn buồn khổ, không còn tiếng thở dài, chỉ có một mềm hoan lạc vĩnh viễn.
   
"Ta sẽ đến một nơi nào đó, sẽ cầu nguyện, rồi chưa kịp quen người mến cảnh ta sẽ lại đi nơi khác. Và ta sẽ đi cho đến khi nào chân ta khuỵu xuống, ta sẽ nằm xuống và sẽ chết ở một nơi nào đó, rồi cuối cùng ta sẽ đến cái bến vĩnh viễn, sóng yên gió lặng, nơi không còn buồn khổ, không còn tiếng thở dài?"

- Nhưng sau đó, khi trông thấy cha và nhất là thằng Nikolenka bé bỏng, nàng lại mủi lòng, về phòng riêng khóc một mình và cảm thấy mình là kẻ có tội: nàng đã yêu cha và cháu nhỏ hơn cả Chúa!

======================================================

Chú thích:

(1) Người linh mục có trách nhiệm xưng tội.

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #302 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2011, 05:55:37 pm »

Phần VII - Chương -1

Truyền thuyết Thánh kinh nói rằng cảnh sống nhàn hạ, không lao động, là điều kiện hạnh phúc của con người đầu tiên trước khi sa ngã. Sau khi đã sa ngã rồi, con người vẫn thích nhàn hạ, nhưng sự nguyền rủa của Thượng đế vẫn đè nặng trên con người, cho nên không những nó phải đổ mồ hôi trán mới kiếm được miếng ăn, mà hơn nữa những bản tính về đạo đức của ta cũng không cho phép ta an tâm mà nhàn hạ được. Một tiếng nói thầm kín nhắc nhở ta rằng sống nhàn hạ là có tội. Nếu có thể tìm được một cảnh sống trong đồ con người vẫn nhàn hạ mà lại cảm thấy mình hữu ích và đang làm tròn nhiệm vụ, thì như vậy là con người đã tìm thấy một mặt của hạnh phúc nguyên thuỷ. Và cảnh nhàn hạ bắt buộc không ai chê trách được ấy chính là cái cảnh mà cả một tầng lớp người được hưởng: tầng lớp quân nhân. Điều thú vị nhất của nghề nghiệp nhà binh chính là cảnh sống nhàn hạ vì nghĩa vụ và không ai chê trách được đó.

Nikolai Roxtov từ năm 1807 đến nay vẫn được hưởng cái lạc thú ấy một cách trọn vẹn, trong khi tiếp tục phục vụ ở trung đoàn Pavlograd: bây giờ chàng chỉ huy đại đội kỵ binh của Denixov trước đây.
   
Roxtov đã trở thành một anh chàng lỗ mãng và đôn hậu mà có lẽ những người quen biết ở Moskva cho là kiểu người không tốt nhưng được các bạn đồng ngũ kẻ dưới người trên đều mến trọng, và chàng rất hài lòng với cách sống của mình. Gần đây, trong những bức thư mà chàng nhận được trong năm 1809, mẹ chàng thường phàn nàn về nỗi cảnh nhà càng ngày càng sa sút, và nói rằng đã đến lúc chàng phải về để cha mẹ chàng được vui vẻ và yên lòng.
   
Đọc những bức thư ấy, Nikolai lo sợ rằng người ta muốn hất chàng ra khỏi cái môi trường trong đó chàng đang sống yên tĩnh phẳng lặng, cách biệt tất cả những phiền nhiễu của cuộc đời. Chàng cảm thấy sớm hay muộn gì chàng cũng phải lao mình vào luồng nước xoáy của cuộc đời, phải cứu vãn những tình thế khó khăn của gia đình, phải kiểm tra những tính toán và sổ sách của viên quản lý, phải tham dự những cuộc tranh chấp, những mưu mô, những quan hệ xã giao, phải giải quyết vấn đề tình yêu với Sonya và lời chàng đã hứa với nàng. Tất cả những điều đó thật là khó khăn, phiền phức ghê gớm, và chàng trả lời mẹ bằng những bức thư rập khuôn lạnh lùng, bắt đầu bằng "mẹ thân yêu" và kết thúc bằng "con trai hiếu kính của mẹ", mà không hề nói rõ mình định đến bao giờ thì sẽ về. Năm 1810, một bức thư nhà báo cho chàng biết là Natasa đã đính hôn với Bolkonxki và lễ cưới phải hoãn lại trong thời hạn là một nằm, vì lão công tước không thuận. Bức thư khiến chàng vừa buồn vừa giận.
     
Trước hết, chàng buồn vì thấy Natasa, em gái cưng của chàng, sắp rời khỏi nhà.
     
Sau nữa, theo quan điểm sĩ quan phiêu kỵ của chàng, chàng tiếc rằng đã không có mặt ở nhà để tỏ rõ cho Bolkonxki thấy rằng làm thông gia với nhà hắn ta tuyệt nhiên không phải là một vinh dự gì lớn lắm, và nếu quả thật hắn ta yêu Natasa, thì hắn có thể bất chấp cả sự phản đối của ông bố gàn dở của hắn. Có một lúc, chàng đã phân vân tự hỏi nên xin nghỉ để về thăm Natasa sau khi nàng đã đính hôn hay không, nhưng chính lúc ấy những cuộc tập trận lại diễn ra, chàng lại nghĩ đến Sonya, đến những nỗi phiên toái mà chàng sẽ gặp, và chàng lại trì hoãn. Nhưng đến mùa xuân năm ấy mẹ chàng lại viết thư cho chàng mà không cho lão bá tước biết, bức thư đó đã khiến chàng quyết định về nhà. Bà bảo nếu chàng không về để nắm lấy mọi việc thì bao nhiêu tài sản sẽ bị phát mại hết và cả nhà sẽ phải đi hành khất. Bá tước quá nhu nhược, hiền lành, hoàn toàn tin cậy Mityenka, lại bị mọi người lừa phỉnh, cho nên công việc càng ngày càng hỏng thêm. "Mẹ van xin con hãy vì Chúa mà về ngay nếu con không muốn làm cho mẹ và cho cả nhà phải khốn đốn" - bá tước phu nhân viết như vậy.
     
Bức thư ấy đã có tác dụng với Nikolai. Chàng vốn có cái trí xét đoán lành mạnh của những người tầm thường, là cái vẫn vạch cho họ thấy rõ nhiệm vụ phải làm.
     
Bây giờ thì chàng nhất định phải về, nếu không phải là xin giải ngũ, thì cũng phải xin nghỉ phép. Tại sao chàng lại phải về, chàng cũng không biết nữa, nhưng sau một giấc ngủ trưa, chàng bảo thắng con ngựa Marx, một con ngựa đực màu xám, tính rất dữ, đã lâu không ai cưỡi; và khi trở về phòng, trên con ngựa ướt đẫm bọt mồ hôi, chàng báo tin cho Larutska (người cần vụ của Denixov nay chuyển sang hầu hạ Roxtov) và cho các bạn bè đến chơi buổi tối ở nhà chàng biết rằng xin nghỉ phép để về thăm nhà. Mặc dù chàng thấy khó tin và lấy làm kỳ lạ khi nghĩ rằng mình ra đi trong khi Bộ tham mưu chưa cho biết (chàng đặc biệt quan tâm đến việc ấy) qua cuộc tập trận vừa rồi chàng có được thăng chức đại uý hoặc ít nhất có được thưởng huân chương Anna hay không; Mặc dù chàng lấy làm lạ rằng mình bỏ ra đi trong khi chưa bán lại xong xuôi cho bá tước Golukhovxki ba con ngựa lang mà ông ta đang mặc cả với chàng (chàng đã đánh cuộc với anh em là sẽ bán được hai ngàn rúp) mặc dù chàng thấy rõ rằng nếu mình không đến dự cuộc khiêu vũ mà bọn phiêu kỵ tổ chức mừng tiểu thư Ba Lan Psadexka đề chọc tức bọn kỵ binh U-lan cũng đang tổ chức một cuộc khiêu vũ cho tiểu thư Bôjodovxka của họ thì đó sẽ là một điều cực kỳ vô lý, nhưng chàng vẫn biết rằng thế nào mình cũng phải rời khỏi thế giới êm đềm dễ chịu này để đến một nơi ở đấy tất cả đều hỗn độn be bét.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #303 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2011, 05:56:29 pm »

Một tuần sau chàng nhận được giấy phép. Bè bạn của chàng là những sĩ quan trong trung đoàn và cả trong lữ đoàn nữa, tổ chức một bữa tiệc tiễn chàng mỗi người góp mười lăm rúp, có hai dàn nhạc, hai đội hợp ca; Roxtov nhảy bài trepak với thiếu tá Baxov; mấy viên sĩ quan say rượu công kênh chàng, hôn chàng và thả cho chàng rơi phịch xuống đất; Binh sĩ của đại đội ba lại công kênh chàng một lần nữa và hô: ura! Rồi họ đặt chàng lên xe trượt tuyết và hộ tống chàng đến trạm đường thứ nhất.
     
Trong phần thứ nhất của hành trình, từ Krementsng đến Kiev bao nhiêu tâm trí của Roxtov, như xưa nay vẫn thế, đều gửi lại nơi mình vừa từ giã, gửi lại kỵ đội của chàng; nhưng khi đã đi được quá nửa đường, chàng bắt đầu quên ba con ngựa lang, quên cả viên tào trưởng của kỵ đội là Dozoiveyka, và bắt đấu băn khoăn tự hỏi khi về đến Otradnoye mình sẽ thấy tình hình ra sao. Chàng càng gần về đến nhà thì những ý nghĩ của chàng về gia đình càng mạnh hơn trước nhiều (dường như tình cảm, cũng như trọng lực, phục tùng cái quy luật hấp dẫn theo tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách); đến trạm cuối cùng trước trang viên Otradnoye, chàng cho người đánh xe trạm ba rúp tiền uống rượu và thở hổn hển nhảy lên thềm từng bốn bậc một, như một đứa trẻ.
   
Sau những phút mừng rỡ của buổi mới về, và sau cái cảm giác thất vọng lạ lùng khi so sánh hiện thực với những điều trước đây chàng vẫn chờ đợi - chả có gi thay đổi cả, thế mà cũng hối hả làm gì Nikolai lại quen dần với cuộc sống gia đình. Ông cụ bà cụ vẫn như trước, chỉ có già đi ít nhiều. Điều mới ở hai ông bà là một nỗi lo lắng và đôi khi là sự bất đồng ý kiến trước kia không hề có, mà nguyên nhân như Nikolai ít lâu sau nhận thấy, chính là tình hình tài chính rối ren của gia đình. Sonya thì sắp đến tuổi hai mươi.

Nàng không thể đẹp thêm nữa, nhan sắc của nàng không hứa hẹn gì hơn nữa, song dù cứ thế này thôi cũng là đủ lắm rồi. Từ khi Nikolai về, cả con người nàng phơi phới hạnh phúc và tình yêu, và lòng chung thuỷ keo sơn của người thiếu nữ ấy khiến chàng vô cùng vui sướng. Petya và Natasa làm cho chàng kinh ngạc hơn cả Petya thì bây giờ là một cậu thiếu niên mười ba tuổi, cao lớn và đẹp trai, hóm hỉnh, vui tươi, tinh nghịch, tiếng nói đã vỡ. Còn Natasa thì trong một thời gian khá lâu chàng cũng lấy làm lạ và hễ nhìn cô em chàng lại bật cười.

- Không giống trước tí nào cả.

- Thế em xấu đi à?

- Trái lại, nhưng trông trang trọng thế nào ấy. Đúng là một công tước phu nhân! - Chàng nói thì thào.

- Phải, phải đấy, phải đấy. - Natasa vui vẻ đáp.

Natasa kể lại cho chàng nghe câu chuyện diễm tình của nàng với công tước Andrey, việc công tước đến
thăm Otradnoye, rồi đưa cho chàng xem bức thư mới nhận được của công tước.

- Thế anh có thích không? - Nàng hỏi - Bây giờ em thấy thanh thản và sung sướng quá.

- Thích lắm - Nikolai nói - Anh chàng ấy rất khá. Em yêu anh ta lắm à?

- Biết nói thế nào cho anh hiểu bây giờ nhỉ. - Natasa đáp - Trước kia, em đã từng cảm Boris, cảm ông thầy học của em, cảm Denixov, nhưng lần này thì không giống thế một tí nào. Em tự thấy bình tĩnh, vững vàng lắm. Em biết không ai tốt hơn anh ấy được, em thấy trong lòng bây giờ thanh thản, sung sướng quá. Thật không giống trước kia một tí nào…

Nikolai ngỏ cho Natasa biết rằng chàng không hài lòng về việc hoãn lễ cưới lại một năm; nhưng Natasa kịch liệt cãi lại chàng và chứng minh rằng không thể làm cách nào khác, rằng về nhà chồng mà không được ông bố chồng thuận tình thì không tốt, rằng chính nàng đã muốn làm như vậy.

- Anh chả hiểu gì cả, chả hiểu tí gì, - nàng nói.

Nikolai im lặng và cho là nàng nói phải.

Chàng thường thấy làm lạ môi khi nhìn em. Nàng hoàn toàn không có vẻ là một người vợ chưa cưới chung tình đang phải xa cách người chồng chưa cưới. Nàng bình thản, vui vẻ chẳng khác gì trước. Nikolai lấy điều đó làm lạ, thậm chí còn nảy ra ý nghi ngờ chủ ý của Bolkonxki trong việc cầu hôn này. Chàng không tin rằng số phận Natasa đã được định đoạt; hơn nữa là vì chàng chưa hề thấy nàng và Andrey bên cạnh nhau bao giờ. Chàng vẫn thấy có cái gì không ổn trong cuộc hôn nhân tự định này.
   
"Tại sao lại hoãn? Tại sao không làm lễ đính hôn?" - chàng băn khoăn tự hỏi.

Một hôm, trong khi nói chuyện với mẹ về Natasa, chàng lấy làm lạ, nhưng cũng có phần thích thú nhận thấy rằng mẹ chàng trong thâm tâm cũng có lúc nhìn cuộc hôn nhân ấy với con mắt hoài nghi như chàng.

- Đây thư của anh ấy viết đây - bà cụ vừa nói vừa đưa cho con trai bức thư của công tước Andrey, với cái ác cảm thầm kín của tất cả các bà mẹ đối với hạnh phúc vợ chồng tương lai của con gái mình - anh ta nói là không về được trước tháng Chạp. Chả biết bận công việc gì? Có lẽ là ốm! Sức khoẻ anh ta rất kém. Con đừng nói với Natasa nhé. Không nên thấy nó vui vẻ thế mà tưởng nhầm; nó đang sống những ngày cuối cùng trong quãng đời con gái của nó, ấy thế mà mẹ biết rõ trong lòng nó như thế nào mỗi khi nó nhận được thư anh ta. Vả chăng, nếu Chúa ban ơn, thì mọi việc có lẽ rồi sẽ tốt đẹp - và cũng như mọi lần khác, bà lại kết luận - Anh ấy rất tốt.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #304 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2011, 05:57:42 pm »

Phần VII
Chương - 2

Những ngày mới về nhà, Nikolai có vẻ nghiêm nghị, thậm chí còn cau có nữa. Chàng rất khổ tâm vì sắp phải bắt tay vào những công việc quản lý ngu xuẩn mà mẹ chàng đã gọi chàng về để lo liệu, để trút cho mau cái gánh nặng ấy. Ngày thứ ba sau khi về nhà, sắc mặt hằm hằm, không nói cho ai biết là mình đi đâu, chàng bước thẳng đến phòng Mityenka ở dãy nhà dọc, và đòi xem tất cả mọi khoản kế toán. "Mọi khoản kế toán ấy là gì", Nikolai còn biết ít hơn cả Mityenka, bấy giờ đang hoảng hốt và ngỡ ngàng trước câu hỏi của chàng. Những lời giải thích và tính toán của Mityenka không kéo dài được bao lâu. Mấy người thôn trưởng đang chờ ở phòng ngoài vừa sợ hãi vừa thích thú khi nghe tiếng quát mắng ầm ầm hình như mỗi lúc một to thêm của tiểu bá tước, rồi tuôn ra tới tấp thành một trận chửi rủa thậm tệ.

- Đồ kẻ cướp! Đồ súc sinh bạc nghĩa! Tao sẽ băm thây mày ra như một con chó… Ta không phải như ông cụ đâu… đồ ăn cắp, v.v…
   
Rồi những người ấy lại không kém phần thích thú nhưng sợ hãi khi thấy tiểu bá tước mắt đỏ gay, hai mắt nổi tia máu, nắm cổ áo Mityenka mà lôi và khéo chọn lúc thuận tiện giữa hai tiếng chửi mà đạp cho y một cái và thúc đầu gối vào phía dưới lưng y, quát lên:

- Cút! Đừng hòng đặt chân vào nhà này nữa, đồ chó!
   
Mityenka ba chân bốn cẳng lao xuống sáu bậc thềm rồi cắm cổ chạy vào một cái lùm cây. (Lùm cây này là nơi ẩn nấp có tiếng của những dân ở Otradnoye khi có lỗi. Chính Mityenka cũng lẩn quất ở đó mỗi khi ra thành phố uống rượu say rồi về, và có nhiều người dân Otradnoye, cần phải trốn tránh, Mityenka cũng biết rõ cái công dụng che chở của nó).
   
Vợ Mityenka và mấy cô em gái của mụ, vẻ mặt hốt hoảng, ló cổ ra ngoài cửa buồng, nơi đặt một chiếc xamova bóng nhoáng và cái giường cao của viên quản lý phủ một tấm chăn lát chả khâu bằng nhiều mảnh ghép lại.
   
Không để ý đến họ, tiểu bá tước vừa thở hồng hộc vừa nện gót đi qua mặt họ, trở về toà nhà chính.
   
Bá tước phu nhân, được thị tỳ bẩm báo về việc mới xảy ra bên nhà dọc, một mặt thấy an tâm vì cho rằng như thế chắc từ nay công việc nhà sẽ khá hơn, nhưng một mặt khác lại thấy lo lăng không biết con mình liệu có chịu đựng nổi những chuyện phiền toái ấy không. Có nhiều lần bà bước rón rén đến cửa phòng chàng lắng tai nghe chàng hút hết tẩu thuốc này sang tẩu thuốc khác.
   
Ngày hôm sau lão bá tước gọi con trai ra một chỗ và mỉm cười lúng túng bảo chàng:

- Con ạ, con nóng nảy như vậy cũng không phải! Mityenka đã nói hết cho ba biết.
   
"Mình đã biết mà - Nikolai thầm nghĩ - Mình sẽ không hiểu được cái gì trong cái thế giới ngu xuẩn này".

- Con nổi giận vì nó không ghi bảy trăm rúp(1) ấy vào trong sổ.

- Thật ra số tiền ấy có viết ở chỗ sang trang nhưng con không xem trang sau.

- Thưa cha, nó là đồ chó má, đồ ăn cắp, con biết chắc như vậy Dù sao thì con cũng đã trót làm như thế rồi. Nhưng nếu cha không muốn, thì thôi, con sẽ không nói gì với nó nữa.

- Không, anh bạn ạ (Chính bá tước cũng thấy ngượng. Ông cũng thừa biết mình quản lý tài sản của vợ đến nỗi hư hỏng như thế này là có lỗi đối với con cái nhưng không biết nên làm thế nào để cứu vãn tình thế). Không, cha xin con cứ nắm lấy việc nhà, cha già rồi cha…

- Không, cha ạ, cha tha thứ cho con nếu đã làm cha phiển lòng; con ít hiểu biết về công việc hơn cha nhiều.

"Cho về nhà ma hết, nào nông dân, nào tiền bạc, nào những món chuyển sang trang sau! Đặt cửa gấp sáu lần, cái đó thì trước kia đã có lúc ta hiểu được, nhưng chuyển sang trang sau thì chịu không hiểu gì hết".
     
Chàng tự nhủ và từ đó không nhúng tay vào việc gì nữa. Nhưng có một lần, lão bá tước phu nhân cho gọi chàng và nói rằng bà còn giữ một cái phiếu nợ hai ngàn rúp của bà Anna Mikhailovna và hỏi xem bây giờ chàng định xử lý cái phiếu ấy như thế nào.

- Thế này nhé - Nikolai đáp - Mẹ nói rằng con có quyền quyết định. Con chẳng ưa gì bà Anna Mikhailovna, mà con cũng chẳng ưa gì Boris, nhưng họ là chỗ quen thân với nhà tạ, và họ lại nghèo. Thì đây nên xử lý như thế này đây - nói đoạn chàng xé ngay tờ phiếu ra từng mảnh: điều đó khiến bà cụ khóc nấc lên vì sung sướng. Sau đó, chàng thanh niên Roxtov không nhúng tay vào việc gì nữa mà chỉ chuyên tâm miệt mài vào những cuộc đi săn đuổi(2) một thú tiêu khiền hãy còn mới mẻ đối với chàng, và vẫn được bá tước tiến hành theo quy mô lớn.

===================================================

Chú thích:

(1) Theo pháp luật thời ấy, của vợ của chồng đều để riêng, chồng không có quyền thừa kế tài sán của vợ, đó là sở hữu của con sau khi vợ chết

(2) Cuộc đi săn nhiều người cưỡi ngựa dùng chó săn để đuổi thú

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #305 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2011, 05:59:00 pm »

Phần VII
Chương - 3

Trời đã chớm sang đông, những cơn gió ban mai làm cho mặt đất ướt sũng vì những trận mưa thu đông cứng lại. Lúa mì mùa đông đã trổ đòng, một màu xanh tươi nổi bật trên những lớp rạ màu nâu sẫm của vụ lúa mì mùa thu bị đàn gia súc giẫm nát và những đám lúa mì màu vàng tươi, xen kẽ với những dải lúa kiều mạch màu đỏ Những ngọn cây và những khóm rừng, về cuối tháng tám còn là những hòn đảo xanh rờn nổi giữa những cánh đồng lúa mì và những ruộng rạ đen thì nay đã trở thành những cù lao vàng óng và đỏ rực giữa những đám lúa mì mùa đông xanh ngắt. Giống thỏ xám thay lông đã gần xong; những lứa chồn mới dẻ trong mùa bắt đầu chạy ra ngoài, và sói con đã lớn vóc hơn chó nhà. Đó là thời tiết thuận lợi nhất để đi săn. Roxtov vốn là một thanh niên rất ham mê săn bắn.

Bầy chó của chàng không những dùng sức nhiều trong cái buổi đi săn mà còn mệt mỏi đến nỗi một buổi họp những người săn bắn đã quyết định cho chó nghỉ ba ngày và đến ngày 16 tháng chín thì sẽ lùa chó đi săn, bắt đầu từ cánh rừng sồi nơi mới phát giác một lứa sói non còn nguyên.
   
Tình hình ngày mười bốn tháng Chín là như vậy. Cả ngày hôm ấy, đội săn không ra khỏi nhà; khí trời giá rét buốt đến tận xương, nhưng về chiều thì sương mù bắt đầu buông xuống, và khí trời có chiều dịu lại.
     
Sáng ngày mười lăm tháng Chín.

Roxtov mặc áo ngủ nhìn ra cửa sổ thấy rằng không thể nào ước ao một buổi sáng đẹp trời hơn nữa để đi săn: vòm trời tựa hồ như tan rữa và sa xuống sát đất. Không có lấy một hơi gió thoảng. Trong không khí chỉ có một sự vận động duy nhất là một thứ sương mù nhỏ li ti như bụi đang từ từ buông xuống. Những giọt sương trong suốt treo trên các cành cây trơ trụi trong vườn rồi rơi xuống lớp lá vàng mới rụng. Mặt đất trong vườn rau ướt sũng và đen nhánh như hạt phù dung và cách đó không xa hoà lẫn vào màn sương sẫm đục và ẩm thấp. Nikolai bước ra bậc thềm ướt át, đầy những dấu chân bùn lầy; không khí nồng nặc mùi lá ải và mùi chó săn. Mika, một con chó cái đen có đốm, mông rộng, hai mắt đen to và lồi, thấy chủ ra thì nhổm dậy, vươn dài mình dạp xuống như một con thỏ rồi bỗng nhẩy chồm lên liếm mũi, liếm ria mép chàng. Một con chó Borzoy(1) khác đang đứng bên bồn hoa, thoạt trông thấy chủ liền cong lưng chạy nhào đến bậc thềm dựng lông đuôi lên rồi đến cọ mình vào chân Nikolai.

Vừa lúc ấy vang lên tiếng hú ra hiệu của người đi săn, một thứ tiếng không thể bắt chước được, trong đó có một giọng trầm sâu thấp nhất hoà lẫn với giọng kim sắc nhọn nhất.
   
- O hô - Ô - Ôi! O hô - Ô - Ôi?
   
Và Danilo, người quản cẩu thứ nhất, từ góc nhà bước ra, tóc cắt theo kiểu Ukrain, da mặt nhăn nheo tay cầm một cái roi da tết(2) dài cuốn lại; hắn có cái dáng điệu độc lập tự chủ và xem khinh mọi sự ở dời, mà chỉ những người đi săn mới có.
     
Thấy chủ, hắn giơ tay cất cái mũ bịt kiểu Tserkex và nhìn chàng một cách khinh miệt. Vẻ khinh miệt ấy không làm Nikolai mếch lòng: chàng biết rằng tuy Danilo coi khinh tất cả và tự đặt mình cho lên trên mọi người nhưng hắn vẫn là người nhà và là người phu săn của chàng.
trong một thời tiết lý tưởng để đi săn như vậy, trước bầy chó săn và người quản cẩu thứ nhất, chàng thấy mình bị lôi cuốn theo niềm say mê không sao cưỡng lại được. Khiến cho người đi săn quên hết mọi điều dự định từ trước, như một kẻ si tình trước mặt người yêu.

- Danilo! - Nikolai gọi.

- Cậu truyền lệnh như thế nào ạ? - Danilo hỏi, giọng trầm trầm như giọng của một ông thầy dòng giúp lễ, cái giọng khàn, rè rè vì phải luôn mồm gào thét lũ chó, và hai con mắt đen sáng quắc của hắn liếc nhìn ông chủ đang im lặng, như muốn nói: "Thế nào? Hay là không cầm lòng được nữa?"

- Hôm nay tốt trời đấy nhỉ? Đi săn cũng tốt, mà phi ngựa cũng tốt nhỉ? - Nikolai vừa nói vừa gãi gãi phía sau tai con Milka.

Danilo không đáp, chỉ nháy mắt mấy cái.

- Tôi đã cho thằng Uvarka đi nghe ngóng từ lúc tảng sáng - sau một lát im lặng, hắn mới nói, vẫn với cái giọng trầm trầm ấy - Uvarka bảo là nó đã dời ổ sang cấm địa Otradnyoe, hắn đã nghe tiếng tru ở đó. (Thế nghĩa là con chó sói cái mà họ dò được đã đưa bầy con sang khu rừng cấm của điền trang Otradnyoe, một khoảng đất săn nhỏ, cách nhà hai dặm Nga).

- Thế thì phải đi chứ? - Nikolai nói - Anh gọi cả thằng Uvarka đến ta bảo.

- Xin tuỳ cậu.

- Thế thì hẵng khoan cho chó ăn đã nhé.

- Vâng ạ.

Năm phút sau. Danilo đã đứng trong gian phòng làm việc rộng rãi của Nikolai. Danilo không to lớn mấy, nhưng ai thấy hắn đứng trong một gian phòng cũng có ấn tượng như khi nhìn thấy một con ngựa hay một con gấu đứng trên sàn gỗ đánh xi. Ở giữa những bộ bàn ghế, trong khung cảnh sinh hoạt của con người. Chính hắn cũng cảm thấy thế, và cũng như thường lệ, hắn đứng ở cửa, cố gắng nói thật nhỏ, không cựa quậy, sợ nhỡ làm đổ vỡ cái gì trong nhà ông chủ chăng, hối hả nói cho xong những điều cần nói đến chóng được ra ngoài trời.

Khi chàng đã tra hỏi xong xuôi và đã đòi cho kỳ được Danilo công nhận rằng bầy chó vẫn khoẻ (chính Danilo cũng thèm đi lắm). Nikolai ra lệnh đóng yên cương. Nhưng khi Danilo sắp lui ra thì Natasa tóc chưa vấn, áo chưa mặc xong, bước nhanh vào phòng, mình quấn cái khăn choàng lớn của u già, Petya cũng chạy theo sau.

- Anh đi đấy à? - nàng hỏi - Em biết mà! Sonya cứ bảo là các anh không đi. Nhưng em biết, trời như thế này thì không đi không được.

- Phải - Nikolai miễn cưỡng đáp; hôm nay chàng muốn đi săn một chuyến cho thật ra trò nên không muốn đem Natasa và Petya đi Phải bọn ta đi đây, chỉ săn chó sói, em mà đi thì sẽ phát chán.

- Nhưng anh cũng biết là em thích nhất món đó - Natasa nói - Thế là không tốt. Đi săn, sai đóng yên, mà chẳng nói gì với chúng em cả.

- Đối với người Nga, mọi trở ngại đều vô nghĩa, chúng ta đi thôi! - Petya reo lên.

- Nhưng em không đi với bọn anh được, mẹ đã bảo là em không được đi. - Nikolai bảo Natasa.

- Không, em cứ đi, thế nào em cũng đi. - Natasa nói, giọng cương quyết. - Danilo, bảo đóng yên cho chúng tôi và bảo Mikhailo dắt mấy con chó Bordo của tôi ra nhé - nàng nói với người quản cẩu.
     
Chỉ đứng trong một gian phòng thôi Danilo cũng đã cảm thấy bất tiện và khó chịu, đã thế lại còn giao thiệp với một cô tiểu thư, bất cứ về việc gì, hắn càng không cho là một việc không sao làm nổi. Hắn nhìn xuống đất và vội vàng lui ra, tuồng như những lời nói ấy không liên quan gì tới hắn, và bước cẩn thận, tưởng chừng chỉ sợ nhỡ ra làm tổn thương gì đến cô chủ chăng.

========================================================

Chú thích:

(1) Loại chó săn mình thon và dài, bụng nhỏ, chàn cao, mõm dài, lông dài, chạy rất nhanh.

(2) Loại roi dùng đánh cho kêu để lùa thú săn

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #306 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2011, 06:00:06 pm »

Phần VII
Chương - 4

Trước đây, bao giờ lão bá tước cũng nuôi trong nhà một phường săn lớn, nhưng bây giờ ông đã giao hẳn cho con quản lý, hôm ấy ngày mười lăm tháng Chín, thấy tinh thần sảng khoái, ông quyết định nhập bọn với đám người đi săn.

Một giờ sau, tất cả đội săn đều tập hợp trước thềm. Gương mặt Nikolai nghiêm nghị và trang trọng, tỏ ra rằng bây giờ không còn là lúc lo đến những việc không đâu nữa; Natasa và Petya đang muốn kể một chuyện gì với chàng, nhưng chàng cứ bỏ mặc không thèm nghe. Chàng thân hành đi kiểm tra mọi việc, phái một bầy chó và tốp người lùa(1) đi trước rồi nhảy lên yên con ngựa tía sông Đông, huýt bầy chó của mình và qua sân đập lúa đi ra cánh đồng dẫn đến rừng cấm Otradnoye. Người mã phu của lão bá tước dắt con ngựa thiến nhỏ sắc tía của ông, tên là Viflianka; bản thân bá tước thì ngồi xe đi thẳng đến địa điểm đã dành cho ông ta.
     
Có tất cả năm mươi tư con chó săn đuổi giống Borzoy do sáu người quản cẩu và gia đình nuôi chó trông nom. Số gia đình nuôi chó Borzoy là tám người với bốn mươi con chó; thế là, những bầy chó của các chủ nhân trên dưới một trăm ba mươi con và hai chục người đi săn cưỡi ngựa đã tham dự.
     
Mỗi con chó đều biết chủ của mình và tên mình. Mỗi người đi săn đều biết nhiệm vụ và địa điểm của mình. Ra khỏi cổng trang viên, cả đoàn không một tiếng ồn, không một lời nói, yên lặng kéo thành hàng dài, cách quãng đều đặn, trên con đường và trên cánh đồng dẫn đến rừng Otradnoye.
   
Ngựa bước trên cánh đồng như trên một tấm thảm êm ái, thỉnh thoảng lại lội lõm bõm trong những vũng lầy khi vượt qua đường cái Vòm trời phủ hơi sương dần dần hạ thấp xuống đất; không khí yên lặng, ấm áp, tĩnh mịch. Thỉnh thoảng lại nghe còi của một người đi săn, tiếng thở phì phì của một con ngựa, tiếng roi quất đen đét hay tiếng kêu ăng ẳng của một con chó bị đánh vì đi không đúng vị trí.
   
Đi được gần một dặm thì thấy từ trong sương mù hiện ra năm người cưỡi ngựa có chó theo sau, đi thẳng về phía đội săn của nhà Roxtov. Dẫn đầu là một ông già quắc thước, nhanh nhẹn, với bộ ria mép bạc rậm xum xuê.

- Chào chú! - Nikolai nói khi ông già đến gần.

- Khá đấy!… Chú đã biết mà - Ông già nói (ông ta là một người có họ xa với nhà Roxtov, không giàu lắm, nhà cũng ở gần đấy) Chú biết là thế nào anh cũng không nhịn được đâu, mà như thế là phải. Khá đấy! (Đó là một cầu đầu miệng mà ông chú rất thích nói). Anh hãy chiếm lĩnh ngay khu rừng cấm, thằng Ghirtrik nhà tôi vừa báo là bọn Ilaghin đã đem đội săn đến đóng ở Korniki; họ sẽ phỗng mất lứa sói của anh đấy. Khá đấy!

- Chính tôi muốn đi đến đây. Sao, bây giờ ta cho chó nhập bầy với nhau chứ? - Nikolai hỏi, - ta gộp lại…
   
Họ họp chó thành một bầy; Nikolai và ông chú sánh vai nhau cùng đi. Natasa, trùm kín trong mấy cái khăn choàng chỉ để lộ một khuôn mặt phấn khởi với hai con mắt sáng quắc, thúc ngựa chạy nước kiệu theo kịp hai người. Đi cạnh nàng có Petyat Mikhailo và một mã phu được u già phái theo hộ nàng; cả ba người hộ vệ này không rời khỏi nàng một bước. Petya vừa cười bâng quơ vừa thúc ngựa và giật dây cương. Natasa ngồi ung dung và chững chạc trên con ngựa ô Araptsik của nàng, ghìm ngựa lại với một bàn tay thành thạo, không cần ra sức chút nào.

Ông chú nhìn Petya và Natasa có ý không vừa lòng. Ông ta không thích kết hợp lẫn lộn việc chơi đùa với một việc trang nghiêm như việc đi săn.

- Chào chú ạ, chúng cháu cũng đi đấy - Petya reo to.

- Ô chào các cháu, chào cháu, nhưng đừng giẫm chết chó đấy ông chú nói, vẻ nghiêm khắc.

- Anh Nikolai ạ, Trunila thật là một con chó đáng yêu. Nó đã nhận được ra em đấy. Natasa nói, ý muốn chỉ có con chó săn đuổi được nàng yêu quý nhất.
   
"Trước hết, Trunila không phải là chó, nó là một con Vyzletx"(2) - Nikolai tự nhủ và đưa mắt nhìn em gái một cách nghiêm khắc để cho nàng hiểu rằng lúc này có một sự cách biệt giữa hai người, nàng hiểu ý.

- Chú ạ, chú đừng sợ chúng cháu làm vướng. Chúng cháu sẽ đứng yên ở địa điểm chỉ định không nhúc nhích.

- Càng tốt, càng tốt, bá tước tiểu thư ạ - Ông chú nói - nhưng đừng ngã ngựa đấy nhé - Ông ta nói thêm

- Khá đấy! Nếu không chẳng còn biết lấy gì mà cưỡi nữa đấy.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #307 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2011, 06:00:48 pm »

Khu rừng cấm Otradnoye đã hiện ra, trông như một hòn cù lao nhỏ chỉ còn cách hai trăm thước nữa, và chẳng bao lâu những người quản cẩu đã đến đó. Roxtov, sau khi bàn bạc với chú, đã chọn được nơi tốt nhất để thả chó. Chàng chỉ định cho Natasa một chỗ đứng không thể có con thú nào chạy được, rồi cho ngựa đi lên phía trên một cái rãnh.

- Này, cháu ạ, cháu sẽ gặp một con sói to đấy - Ông chú nói - Cẩn thận đừng để nó chuồn mất.

- Được xem nó chuồn đi đằng nào, - Nikolai đáp - Karai, lại đây! Chàng gọi to, như để trả lời câu nói của ông chú - Karai là một con chó nâu sẫm già và xấu, nhưng đã nổi tiếng vì nó dám một mình chọi nhau với một con sói lớn. Ai nấy đều đi về chỗ chỉ định.
   
Lão bá tước vốn biết con trai mình rất mê săn bắn nên cố gắng không đến chậm, vì vậy những người đi săn chưa bố trí xong đã thấy Ilya Andreyevich, vui vẻ, hồng hào, hai má rung rung, ngồi trên cỗ xe thắng mấy con ngựa ô chạy nước kiệu băng qua những ruộng lúa mạch mới lên, tiến đến vị trí đã dành cho mình. Sau khi đã xóc lại cái áo lông và đeo các đồ dùng đi săn vào người, ông nhảy lên lưng con Vifhanka, một con ngựa cái hiền lành, béo tốt, lông bóng mượt và cũng hoa râm như âu. Cỗ xe ngựa thì cho về. Tuy không phải là người ham mê săn bắn, bá tước cũng rất am hiểu những quy tắc của nghề săn; ông đến chỗ đứng của mình ở ven rừng, gộp yên ngựa vào một tay, ngồi lại cho thẳng người trên yên, và khi đã sẵn sàng rồi, ông mỉm cười đưa mắt nhìn quanh.
     
Đứng cạnh bá tước là người hầu phòng Xemion Tsekmar, một tay cưỡi ngựa lão luyện. Nhưng bây giờ đã thành ra chậm chạp nặng nề. Tsekmar nắm dây ba con chó cộc rất hăng, nhưng cũng đã phát phì như con ngựa và ông chủ. Hai con chó rất khôn không buộc, đang nằm giữa đất. Cách đấy chừng một trăm bước, ở ven rừng là chỗ đứng của Mitka, một người mã phu khác của bá tước, cưỡi ngựa rất táo gan và rất mê săn bắn. Theo một thói quen cũ của bá tước, trước khi ra đi bá tước đã có uống một ít rượu vodka ngâm hương liệu của người đi săn, rót trong một cái chén bằng bạc, và ăn điểm tâm với một nửa chai Bordo thứ rượu bá tước thích nhất.

Mặt Ilya Andreyevich hơi đỏ vì vừa uống rượu và ruổi xe, đôi mắt ươn ướt của ông sáng lên, và ngồi chễm chệ trên yên ngựa, người quấn kín trong chiếc áo bông, ông có vẻ như một đứa trẻ sắp được dắt đi chơi.
   
Khi đã chuẩn bị xong xuôi đâu đấy, lão Tsekmar gầy gò; má hóp, chốc chốc lại đưa mắt nhìn ông chủ mà lão đã hầu hạ suốt ba mươi năm ròng, thầy trò rất tương đắc, thấy ông chủ đang lúc vui tính, hắn chờ đợi thế nào cũng sẽ được một buổi nói chuyện thú vị với ông. Một nhân vật thứ ba từ phía rừng thận trọng lại gần (có thể thấy rõ rằng hắn rất am hiểu công việc) và ra đứng ở phía sau bá tước. Đó là một lão già râu bạc, mặc áo choàng rộng của đàn bà và đội mũ vai cao. Đó là lão hề(3), được người ta đặt cho một cái tên đàn bà là Naxtaxya Ivanova.

- Xem nào, Naxtaxya Ivanova - bá tước nháy mắt nói nhỏ với hắn - Chớ có làm thú rừng hoảng lên đấy, mày liệu hồn với thằng Danilo.

- Sợ gì, tôi cũng có râu chứ(4)… - Naxtaxya Ivanova nói.

- S...s... suỵt! bá tước ra hiệu bảo im, rồi ngoảnh mặt về phía Xemion hỏi:

- Mày có trông thấy cô Natasa Ilymsna không? Cô ấy ở đâu?

- Cô ấy đứng cùng với Piotr Ilyts gần đám bụi rậm - Zarov Xemion mỉm cười đáp - Tuy là phụ nữ nhưng tiểu
thư cũng ham lắm.

- Mày cho cô ấy cưỡi ngựa được như thế là lạ lắm, phải không Xemion? - Bá tước nói - Thật chẳng kém gì đàn ông!

- Không lấy làm lạ sao được? Bạo dạn và khéo lắm.

- Còn Nikolai thì ở đâu? Ở phía trên cái rãnh Lyadov thì phải? - bá tước hỏi khẽ.

- Bẩm đúng đấy ạ. Cậu ấy biết rõ phải đứng chỗ nào. Mà cậu ấy cưỡi ngựa giỏi đến nỗi thằng Danilo với tôi nhiều khi phải trợn mắt há mồm ra - Xemion nói, hắn vốn biết cách lấy lòng ông chủ.

- Nikolai cưỡi ngựa khá lắm, phải không nào? Còn khi nó ngồi trên yên thì đẹp thật!

- Đẹp đến nỗi phải vào tranh ấy chứ! Hôm nọ, cậu ấy đuổi một con chồn ra khỏi những bụi rậm ở
Zavarzino, cậu ấy cho ngựa lao mới ghê chứ! Ngựa đáng giá một ngàn rúp, nhưng người cưỡi ngựa thì vô giá. Vâng, một người như thế, chẳng mấy ai sánh kịp.

- Chẳng mấy ai… - bá tước nhắc lại, hẳn là còn lấy làm tiếc rằng Xemion không nói gì thêm nữa. - Chẳng mấy ai - ông lại nói, tay phanh hai vạt áo lông để móc túi lấy hộp thuốc lá.

- Hôm nọ, khi cậu ấy đi xem lễ ở nhà thờ ra, mặc bộ đại quân phục Mikhail Xidoryts đã… - Xemion chưa nói hết câu vì trong bầu không khí yên tĩnh đã nghe rõ mồn một tiếng chân chạy rầm rập của hai hay ba con chó, không hơn, vừa chạy vừa sủa. Nghiêng đầu về một bên, hắn chăm chú nghe, lặng lẽ ra hiệu cho chủ đừng làm ồn. - Họ đã tìm ra lứa sói rồi - hắn nói nhỏ - họ đang lùa nó chạy thẳng về phía khe Lyađov…
Bá tước, nụ cười vẫn ngưng đọng ở trên mặt, mắt đưa nhìn thẳng về phía xa, tay vẫn cầm hộp thuốc lá mà không đưa lên mũi hít. Sau những tiếng sủa, lại nghe tiếng tù và trầm trầm của Danilo báo hiệu có sói; bầy chó nhập bọn với ba con chó đầu, và đâ có thể nghe tiếng hú kéo dài như tiếng khóc của những con chó săn đuổi, với cái giọng ngân đặc biệt thường báo hiệu là đang rượt một con sói. Nhưng nhưng người quản cẩu không cần phải hò hét để kích thích lũ chó nữa mà chỉ hú: "U - lyu - lyu - lyu", và rõ hơn cả là tiếng Danilo dường như vang dội khắp rừng, vượt ra khỏi khu rừng và vọng đi rất xa trên cánh đồng.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #308 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2011, 06:01:38 pm »

Sau khi im lặng, lắng nghe một lát, bá tước và người mã phu của ông có thể thấy rằng chó đã chia làm hai tốp: một tốp đông hơn và sủa rất hăng, thì đang đi xa dần; một tốp thì chạy qua rất nhanh phía trước mặt bá tước, dọc theo rừng và chính trong tốp ấy vang lên những tiếng "U - lyu - lyu" của Danilo. Tiếng ồn ào của hai đội săn hoà lẫn vào nhau, đáp lại nhau, nhưng cả hai đều đi xa mãi.
   
Xemion thở dài và cúi xuống để gỡ một con chó choai đang bị mắc trong dây tròng; bá tước cũng thở dài và sực nhớ là mình đang cầm hộp thuốc lá bột trong tay, bèn mở ra lấy một dúm đưa lên mũi.

- Louis? - Xemion quát một con chó đang chạy lên ven rừng.
   
Bá tước giật mình đánh rơi hộp thuốc lá. Naxtaxya Ivanovna liền xuống ngựa nhặt lên.

Bá tước và Xemion nhìn hắn nhặt. Đột nhiên, như ta vẫn thường thấy, trong chốc lát tiếng săn đuổi rầm rập gần hẳn lại, tưởng chừng như mõm những con chó đang sủa và tiếng hú của Danilo đã ở ngay trước mặt.
     
Bá tước ngoảnh sang bên phải thì thấy Mitka đang trợn ngược hai mắt nhìn ông, và cất mũ chỉ cho ông xem một vật gì ở đằng trước, phía bên phải kia.

- Coi chừng! - hắn quát to, va ai nghe cũng hiểu rằng tiếng quát đó nãy giờ đã chực bật ra từ lâu. Rồi hắn lập tức thả chó và cho ngựa phi về phía bá tước.

Bá tước và Xemion thúc ngựa rời khỏi ven rừng, và chênh chếch về phía trái, họ thấy con chó sói đang mềm mại đung đưa thân hình nhảy từng đợt ngắn về phía ven rừng nơi họ mới rời khỏi được một lát Bầy chó sủa rất dữ, rồi giật dây chạy qua chân ngựa lao vun vút về phía con chó sói.
     
Con chó đang chạy bỗng dừng lại, vụng về, quay cái đầu rộng trán về phía đàn chó như một người bị bệnh viêm họng, rồi, vẫn với những bước nhảy chồm mềm mại, nó lao mình một cái, rồi một cái nữa và ngoắt đuôi vào rừng. Ngay lúc ấy, từ ven rừng bên kia, một rồi hai, rồi ba con chó săn vừa lao ra vừa tru lên như khóc và cả bầy phóng nhanh qua cánh đồng rượt theo con sói. Rồi lùm cây dẻ rẽ ra và con ngựa tía của Danilo vụt lao tới, lông đã ngả sang màu đen nhánh vì mồ hôi. Đầu để trần, mớ tóc hoa râm loà xoà trên khuôn mặt đỏ gay và ướt đâm, Danilo chồm ra phía trước, mình cuộn tròn như quả lăn trên cái lưng dài của con ngựa.

- U lyu lyu u lyu lyu! - Hắn rú lên. Trông thấy bá tước, mắt hắn ánh lên như một luồng chớp.

- Con khỉ... - hắn vừa thét vừa giơ roi doạ bá tước - Sẩy mất con chó sói rơi… thế mà cũng đòi đi săn!… -
Và, dường như không thèm nói gì thêm với bá tước lúc bấy giờ đang sượng sùng và sợ hãi, với tất cả lòng căm giận dành cho ông chủ, hắn thúc vào hai bên hông lõm sâu và ướt đẫm mồ hôi của con ngựa tía rồi rượt theo bầy chó. Bá tước như một người mới bị quở phạt, vừa nhìn quanh vừa mỉm cười mong làm cho Xemion động lòng thương hại. Nhưng Xemion không còn ở đấy nữa: hắn đã đi vòng ra phía sau lùm cây để chắn dường con sói; bầy chó Borzoy cũng đuổi đánh con vật từ hai phía. Nhưng con sói đã đâm sâu vào các bụi rậm và không một người đi săn nào chặn được nó.

=========================================================

Chú thích:

(1) Người có nhiệm vụ đi lùng và đuổi thú săn vào một chỗ nào đó.

(2) Chó săn đuổi.

(3) Ở các nhà quý tộc ngày trước có tục nuôi hề, đến cuộc giải phóng nông nô mới hết

(4) Thành ngữ, có nghĩa là "tôi cũng biết cách tự vệ chứ!"

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #309 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2011, 07:27:59 pm »

Phần VII
Chương - 5
     
Trong khi đó Nikolai Roxtov vẫn đứng ở vị trí của mình đợi con thú. Căn cứ theo tiếng săn đuổi khi gần khi xa, tiếng sủa của những con chó mà chàng quen thuộc, tiếng hú xa hay gần, mạnh hay yếu của những người đi lùa, chàng hình dung được những sự việc đang xảy ra trong rừng cấm. Chàng biết rằng trong khu rừng có sói con và sói lớn, chàng biết rằng chó đã chia làm hai tốp; rằng ở một nơi nào đó, người ta đã phát hiện ra con thú, và một việc không may đã xảy ra. Chàng cứ phỏng đoán đủ cách xem nó sẽ xuất hiện chỗ nào và chàng sẽ làm thế nào để chặn nó. Chàng cứ lần lượt hy vọng rồi lại thất vọng. Nhiều khi chàng cầu xin Thượng đế cho con chó sói chạy đến chỗ mình; chàng cầu nguyện nhiệt thành và có đôi chút thẹn thùng, như người ta vẫn thường cầu nguyện những khi xúc động mãnh liệt vì những nguyên nhân rất nhỏ mọn. Chàng cầu khẩn: "Ban cho tôi cái ơn ấy thì Chúa có mất gì! Tôi biết rằng Chúa cao xa vô cùng và xin Chúa cái ơn ấy là một tội lỗi, nhưng tôi van lạy Chúa, xin Chúa làm sao cho con sói đâm sầm vào chỗ tôi và con Karai nhảy lên cắn cổ nó, ngay trước mặt ông chú đang đứng nhìn ở đằng kia". Đã một ngàn lần trong khoảng nửa giờ đồng hồ ấy, Roxtov đưa đôi mắt đăm chiêu lo lắng nhìn mãi về phía ven rừng, với hai cây sồi xơ xác nhô cao lên khóm thuỳ dương, với cái rãnh đã mòn bờ và chiếc mũ chụp của ông chú thấp thoáng sau đám bụi rậm bên tay phải.
   
"Không, ta sẽ không được may mắn thế đâu! - chàng tự nhủ - Nhưng cho ta cái diễm phúc ấy thì có mất gì! Ta sẽ không được may đâu! Đến đâu cũng gặp vận đen cả, đánh bạc hay ra trận cũng đều thế". Austerlix và Dolokhov thay nhau hiện ra rất rõ nhưng rất nhanh trong trí tưởng tượng của chàng. "Trong đời tôi chỉ mong có một lần đánh được một con sói lớn, chứ không cầu mong gì hơn nữa!" - chàng vểnh tai, giương mắt hết nhìn bên trái lại sang bên phải và nghe ngóng những tiếng săn đuổi, cố phân tích từng âm sắc biến đổi nhỏ nhặt nhất. Chàng lại nhìn về bên phải một lần nữa và thấy trên cánh đồng trống trải có cái gì đang chạy về phía chàng.

"Không đâu, có lẽ nào! " - Chàng vừa nghĩ vừa thở dài như người được thấy điều mình chờ đợi từ lâu nay đang trở thành sự thật. Cái hạnh phúc lớn nhất của chàng đang được thực hiện, mà thực hiện sao mà đơn giản quá, không ầm ĩ, không chói lọi, không có dấu hiệu báo trước, Roxtov không dám tin ở mắt mình nữa, và tâm trạng ngờ vực ấy kéo dài hơn một giây. Con chó sói đang đâm đầu chạy thẳng trước mặt chàng, nó nặng nề nhảy qua một vũng lầy chắn ngang đường. Con vật đã già rồi, bụng đã to, lông ở trên lưng đã lốm đốm bạc. Nó chạy ung dung, hình như yên trí là chẳng có ai nhìn thấy mình. Roxtov nín thở đưa mắt nhìn bầy chó. Con thì nằm, con thì đứng, chúng chưa nhìn thấy con sói và chẳng hay biết gì cả. Con Karai già, đầu ngoảnh ra phía sau, đang nhè bộ răng đã vàng khè giận dữ tìm bắt một con bọ chét, cắn lốp cốp trên mông.

- U lyu lyu!
   
Roxtov chúm môi lại hú nho nhỏ. Bầy chó giật mạnh dây buộc và chồm lên, tai vểnh ngược.   Con Karai không tìm bọ chét nữa. Nó đứng dậy, vểnh tai lên rồi ngoắt nhè nhẹ cái đuôi có những chùm lông lòng thòng.
   
"Nên thả nó ra, hay chưa nên thả?" - Nikolai tự hỏi trong khi con sói tiến lên phía chàng, mỗi lúc một cách xa khóm rừng. Bỗng dáng điệu con sói thay đổi hẳn: nó đã trông thấy hai con mắt người, mà có lẽ chưa trông thấy bao giờ, đang nhìn thẳng vào nó; nó hơi quay đầu vè phía người đi săn và dừng lại như để tự hỏi nên tiến hay nên lùi. "Ô, mặc kệ, cứ tiến!…". Hình như nó tự nhủ như vậy, và xông thẳng lên, không ngoảnh lại nữa, lao mình nhảy từng đợt mềm mại, cách quãng, ung dung, nhưng quả quyết.

- U lyu lyu!
   
Roxtov hú một tiếng không còn ai nhận ra là tiếng chàng được nữa, và tự nó, con tuấn mã của chàng lao mình xuống dốc, nhảy ngang qua các vũng nước để chặn đường con sói, và còn nhanh qua hơn nữa đến lượt bầy chó cũng đâm bổ xuống và vượt qua con ngựa. Nikolai không nghe tiếng mình hú, không cảm thấy mình đang phi ngựa, cũng không trông thấy mặt đất mình đang băng qua; chàng chỉ thấy con sói cứ dấn bước chạy nhanh theo hướng cũ, dọc cái rãnh. Đầu tiên, Milka, con chó cái có đốm, to mông xuất hiện ở một chỗ không xa con thú mấy. Nó đến gần, đến gần hơn nữa… kìa, nó đã kịp theo sát con sói. Nhưng khi con sói lườm nó một cái thì Milka không dấn lên như nó vẫn thường làm, mà lại đột nhiên ngồi xuống, hai chân trước chống thẳng đuôi vểnh lên.

- U lyu lyu! - Nikolai hú vang.
   
Con chó già Lyubim từ đằng sau con Milka lao tới, nhảy chồm lên con sói và bám lấy mông nó, nhưng lại hoảng sợ nhảy ra một bên. Con sói co mình lại đớp, răng bập vào nhau đánh cốp một tiếng, rồi nhổm dậy, lao về phía trước; cả bầy chó đều theo sau nó cách một ác-sin không đuổi gần hơn nữa.
   
"Nó chạy thoát mất! Không, không thể như thế được!"
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM