Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 12 Tháng Năm, 2024, 11:18:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh và hòa bình  (Đọc 273660 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #270 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2011, 10:28:59 pm »

Phần VI
Chương - 9
     
Cũng như thường lệ, bấy giờ giới thượng lưu quý tộc thường họp mặt ở cung đình và ở các buổi vũ hội lớn, phân chia ra làm mấy nhóm, mỗi nhóm có một bản sắc riêng. Trong số đó thì rộng rãi, nhất là nhóm Pháp, nhóm của liên minh Napoléon - Tức của bá tước Rumiansev và Colanhcu. Một trong những người có địa vị tai mắt ở nhóm này là Elen, bấy giờ vừa mới về với chồng ở Petersburg. Ở nhà mình nàng thường tiếp các quan chức trong sứ quán Pháp và một số đông những người nổi tiếng thông minh lịch thiệp thuộc khuynh hướng này.
     
Elen đã từng ở Erfurt trong thời gian điễn ra cuộc hội kiến lừng lẫy giữa hai vị hoàng đế và ở đấy nàng đã kết thân với tất cả các nhân vật tiếng tăm của Napoléon ở châu Âu. Ở Erturt nàng rất được hâm mộ. Chính Napoléon có lần trông thấy nàng trong nhà hát liền hỏi xem nàng là ai và có khen ngợi sắc đẹp của nàng. Việc nàng được ca tụng là một người đàn bà đẹp và trang nhã không làm cho Piotr ngạc nhiên, bởi vì mỗi năm nàng lại đẹp thêm ra. Nhưng có một điều khiến chàng phải ngạc nhiên là trong vòng hai năm nay vợ chàng không biết làm thế nào mà lại được tiếng là "Một người đàn bà rất có duyên, vừa đẹp lại vừa thông minh. Công tước Đơlinnhơ - Nổi tiếng viết cho nàng những bức thư dài hàng tám trang. Bilibin thì để dành những câu dí dỏm của mình đến khi nào có mặt bá tước phu nhân Bezukhov mới đem ra nói lần đầu. Được tiếp nhận trong phòng khách của bá tước phu nhân Bezukhov tức là đã có một văn bằng về trí tụê; bọn thanh niên đều đọc sách trước khi đến dự những tối tiếp tân ở nhà Elen để khi ngồi trong phòng khách có chuyện mà nói, và các thư ký đại sứ quán, hay ngay cả các quan đại sứ nữa, cũng cho nàng biết những điều bí mật ngoại giao. Thành thử ra Elen cũng trở thành một thứ lực lượng nào đó. Piotr vốn biết rằng nàng rất ngốc nên đôi khi dự với cảm giác băn khoăn và kinh hãi lạ lùng trong những tối tiếp tân và những bữa tiệc của nàng, trong đó người ta nói về chính trị, thi ca và triết học. Những lúc ấy chàng có cảm giác giống như một người làm trò ảo thuật luôn luôn tự nhủ rằng lần này thế nào cái trò bịp bợm của mình cũng bị bại lộ.

- Nhưng phải chăng chính vì cái sự ngu ngốc lại cần thiết cho việc điều khiển một phòng khách như thế này, hoặc vì chính những người bị lừa cũng lấy làm thú vị rằng mình bị lừa như vậy, cho nên trò lừa bịp không bao giờ bị lộ, và cái thanh danh một người đàn bà có duyên và thông minh của Elen Vaxilievna Bezukhov đã quá ư vững chắc, đến nỗi nàng có thể nói ra những điều nhảm nhí và khờ khạo hết sức mà mọi người vẫn lấy làm khâm phục môi lời mỗi chữ của nàng, và thế nào họ cũng tìm thấy trong đó một ý nghĩ sâu xa mà chính nàng không hề ngờ đến.
   
Piotr chính là ông chồng cần thiết cho người đàn bà hào hoa phong nhã đó. Chàng đúng là anh chồng gàn dở và đãng trí, vị vương bá chẳng làm phiền ai và không những không làm hỏng cái ấn tượng trang nhã chung của phòng khách mà còn được làm cái nền tương phản để tôn vẻ lộng lẫy và thanh lịch của vợ mình lên. Hai năm nay Piotr chỉ chú tâm đến những công việc không dính dáng đến cuộc sống vật chất và hoàn toàn coi thường tất cả những chuyện khác, cho nên trong giới giao thiệp của vợ, chàng có được cái vẻ dửng dưng lơ đãng và hiền lành hoà nhã với mọi người một cách rất tự nhiên, không chút giả tạo, và vì vậy người ta bất giác thấy kính nể chàng. Chàng vào phòng khách của vợ như vào nhà hát, ai cũng quen, đối với ai chàng cũng vồn vã như nhau và đối với ai chàng cũng lãnh đạm như nhau. Đôi khi nếu câu chuyện làm cho chàng chú ý, chàng cũng tham gia góp chuyện vào, và những lúc ấy, chẳng cần biết các vị ở đại sứ quán có mặt ở đấy hay không, chàng lúng búng nói ra những ý kiến nhiều khi chẳng hợp một tí nào với không khí lúc bấy giờ.
   
Nhưng cái định kiến cho rằng chàng là ông chồng gàn của người đàn bà thanh lịch nhất Petersburg đã kiên cố đến nỗi chẳng ai lấy làm điều những lời đường đột của chàng.

Trong số những chàng thanh niên hàng, ngày đến nhà Elen có Boris Drubeskoy bây giờ đã tiến khá xá trên con đường công danh, sau khi Elen ở Erfurt về, và là người khách thân nhất của gia đình Bezukhov, Elen gọi chàng là thị đồng của tôi và nói năng cư xử với chàng như với một thằng bé. Nàng cũng cười nụ với Boris như cười nụ với mọi người: nhưng đôi khi trông thấy nụ cười này Piotr thấy khó chịu. Đối với Piotr, Boris có một thái độ kính nể đặc biệt, nghiêm trang mà lại buồn buồn. Cái sắc thái lễ dộ này cũng khiến Piotr lo lắng. Ba năm trước Piotr đã khổ tâm quá nhiều vì hành động sỉ nhục của vợ cho nên bấy giờ chàng cố tránh một sự sỉ nhục lương tự, trước hết là bằng cách tự xem mình không phải là chồng của Elen nữa, và thứ đến là không cho phép mình nghi ngờ vợ.
   
"Không, bây giờ đã là nữ sĩ rồi thì tất cô đã từ bỏ những thói ham mê trước kia, - Chàng tự nhủ, - Chưa bao giờ nghe nói một nữ sĩ lại có những chuyện yêu đương cả", - chẳng biết chàng rút ở đâu ra cái quy luật này, nhưng rõ ràng chàng tin nó lắm. Song, lạ thay, việc Boris có mặt trong phòng khách của vợ (và Boris hầu như lúc nào cũng có mặt) vẫn có tác động đến chàng ngay cả về cơ thể: nó trói chân trói tay chàng, chàng thấy cử động của mình chẳng tự nhiên và thoải mái chút nào nữa.
   
"Lạ thật, sao mình thấy có ác cảm với hắn quá - Piotr nghĩ thầm, - Trước kia mình còn có cảm tình với hắn nữa kia mà".
     
Dưới mắt giới thượng lưu Piotr là một vị vương công, là anh chồng hơi mù quáng và buồn cười của một thiếu phụ trứ danh, một anh gàn thông minh, chẳng làm gì cả, nhưng cũng chẳng làm hại ai, một anh chàng rất hiền lành và rất tốt. Còn trong tâm hồn Piotr thì suốt thời gian ấy diễn ra một quá trình phát triển nội tâm phức tạp và khó nhọc mở ra cho chàng thấy nhiều điều và đưa lại cho chàng nhiều tâm trạng, ngờ vực cũng có mà vui sướng về tinh thần cũng có.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #271 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2011, 10:29:46 pm »

Phần VI
Chương - 10

Chàng tiếp tục viết nhật ký, và đây là những điều chàng viết trong khoảng thời gian này:
         
"24 tháng mười một.

Ngủ dậy lúc tám giờ, đọc Kinh thánh, rồi đi làm (bây giờ theo lời khuyên của vị ân nhân, Piotr đã vào làm trong một tiểu ban) trở về nhà ăn bữa trưa một mình (bá tước phu nhân đang tiếp nhiều người khách mà tôi không ưa), ăn uống có điều độ, và sau bữa ăn ngồi chép mấy văn bản cho các anh em hội viên. Đến tối xuống nhà với bá tước phu nhân và kể một câu chuyện buồn cười về B, và mãi đến khi mọi người đã cười phá lên, mới sực nhớ ra rằng mình không nên kể câu chuyện này.

Đi ngủ tinh thần sảng khoái, yên tĩnh. Xin đấng Thượng đế cao cả hãy giúp con đi theo bước Người: 1. Thắng sự giận dữ bằng sự dịu dàng, kiên nhẫn, 2. Thắng sự tà dâm bằng sự kiêng kỵ và lòng kinh tởm, 3. Xa lánh hư danh, nhưng không rời bỏ: a) công việc phụng sự nhà nước, b) công việc gia đình, c) quan hệ bạn bè và d) công việc kinh tế.
           
"27 tháng mười một.

Dậy muộn và khi tỉnh dậy nằm lười trong giường rất lâu. Xin thượng đế hãy giúp đỡ cho con thêm nghị lực để con có thể đi theo con đường của Người. Đọc Kinh thánh nhưng không có được cái cảm xúc lẽ ra phải có. Hội viên Uruxov nói đến những dự án mới của hoàng đế. Tôi toan công kích, nhưng sực nhớ đến những quy tắc của mình và lời ân nhân dạy rằng một hội viên Tam điểm chân chính phải là một người hoạt động hăng hái cho nhà nước khi quốc gia cần đến, và phải là người biết bình tĩnh nhìn những công việc mà mình không có bổn phận làm. Cái lưỡi là kẻ thù của tôi. Hai đạo hữu G.V và O đến thăm tôi, hôm ấy có buổi nói chuyện chuẩn bị kết nạp một người anh em mới. Họ giao cho tôi làm thuyết sư. Tự cảm thấy mình yếu đuối và không xứng đáng. Sau đó nói chuyện về cách giải thích bảy cột trụ và bảy bậc cấp của đèn, 7 khoa học, 7 đức tính, 7 thói xấu, 7 bản năng của đức thánh linh. Hội viên O, hôm đó rất hùng biện. Đến tối, làm lễ kết nạp. Cách xếp đặt mới của hội quán đã góp phần làm cho cảnh tượng của buổi lễ thêm phần tráng lệ. Boris Drubeskoy là người mới được kết nạp. Tôi là người giới thiệu, đồng thời cũng là thuyết sư. Một cảm xúc kỳ dị tràn ngập lòng tôi khi tôi cùng đứng với Boris trong thần miếu tối om. Tôi bất chợt nhìn thấy mình có lòng căm ghét Boris, tôi cố nén đi mà không sao nén nổi. Và chính vì vậy tôi ước ao thật sự cứu Boris ra khỏi sự xấu xa và đưa anh ta lên con đường chân lý, nhưng những ý nghĩ xấu về Boris vẫn không rời tôi. Tôi có ý nghĩ rằng Boris vào hội chẳng qua là muốn tìm cách gần gũi một số người, lấy lòng những kẻ có thế lực trong chi hội chúng tôi. Anh ta mấy lần hỏi xem trong chi hội chúng tôi có N, và S, không (tôi không thể trả lời cho anh ta biết điều này được), và theo những điều tôi quan sát thì Boris không thể có lòng tôn kính cần thiết đối với hội thánh của chúng ta, và anh ta lại quá chú tâm và hài lòng với con người thể xác nên không thể mong muốn trau đồi về đạo đức được.

Nhưng ngoài những điều này ra thì tôi không có cơ sở gì để nghi ngờ anh ta nữa. Nhưng tôi vẫn thấy hình như anh ta không thành thật, và suốt thời gian Boris với tôi đứng sát mặt nhau trong căn phòng tối. Tôi có cảm giác là anh ta mỉm cười ngạo nghễ khi nghe những lời tôi nói, và tôi muốn đâm thẳng thanh gươm mà tôi đang cầm sát ngực Boris vào người anh ta. Hôm ấy tôi không thể hùng biện và cũng không thể thành thật nói cho các anh em và vị đại sứ biết những mối ngờ vực của tôi. Hỡi đấng Kiến trúc sư vĩ đại của thiên nhiên, hãy giúp tôi tìm ra những con đường chân chính đưa tôi qua các ngõ ngách khúc khuỷu của sự dối trá"

Kế theo đó trong nhật ký thấy có ba tờ để trắng, rồi đến đoạn sau đây:
     
"Đã nói chuyện riêng dài và bổ ích với hội viên B. Anh ấy đã khuyên tôi nên gần gũi hội viên A. Tôi được biết thêm nhiều điều, mặc dù tôi không xứng đáng, Ađonai là tên của đấng đã sáng tạo ra vũ trụ. Elohim là tên đấng trị vì muôn vật. Tên thứ ba, cái tên không thể nói ra được, có nghĩa là TẤT CẢ. Những câu chuyện của B đã đem thêm nghị lực, thêm chí kiên quyết và soi sáng cho tôi trên con đường đi tới đạo đức. Bên cạnh anh ấy không thể nào hoài nghi được. Tôi đã thấy rõ sự khác nhau giữa các khoa học thấp kém của thế gian với cái khoa học thiêng liêng của chúng ta, là học thuyết bao trùm tất cả, các khoa học của loài người gặp cái gì cũng chặt khúc ra để mà hiểu, gặp cái gì cũng giết chết đi để mà xem xét.
Trong nền khoa học thiêng liêng của hội thì cái gì cũng thống nhất, mọi vật đều được nhận thức một cách toàn vẹn và sinh động. Ba nguyên tố của vạn vật là diêm sinh, thuỷ ngân và muối. Diêm sinh có thuộc tính của đầu và lửa; hợp nhất với muối, nó nhờ linh chất lửa mà gây ra sức hút đối với thuỷ ngân, hút được thuỷ ngân, giữ nó lại và cả ba chất đó kết hợp lại mà sinh ra các vật thể riêng biệt.
Thuỷ ngân là cái bản chất lỏng và bay bổng của tinh thần - là Cơ đốc là thánh linh, là Người.
           
"Ngày 3 tháng 12.

Dậy muộn, đọc Thánh kinh, nhưng không có cảm xúc gì. Sau đó ra ngoài, và đi đi lại lại trong gian phòng lớn. Muốn suy nghĩ, nhưng trí tưởng tượng chỉ hình dung ra một sự kiện đã xảy ra bốn năm trước đây. Ông Dolokhov sau trận đấu súng có gặp tôi ở Moskva. Ông ta nói với tôi là ông ta hy vọng rằng bây giờ tinh thần tôi đã yên tĩnh hoàn toàn, mặc dầu vắng mặt vợ tôi. Lúc đó tôi im lặng không đáp. Sáng nay tôi nhớ lại mọi chi tiết của lần gặp gỡ này và thầm nói với Dolokhov những lời hết sức hằn học và những câu trả lời hết sức chua chát. Mãi đến khi nhận thấy mình điên cuồng trong cơn giận, tôi mới sực tỉnh và vứt bỏ ý nghĩ này; nhưng tôi hối hận chưa đúng mức. Sau đó Boris Drubeskoy đến và bắt đầu kể chuyện này chuyện khác, còn tôi thì nghe nói anh ta mới đến đã thấy bực mình, và nói với anh ta một câu rất khó chịu. Boris cãi lại.

Tôi đỏ bừng mặt và nói với anh ta nhiều điều khó chịu và thậm chí còn thô bỉ nữa. Boris lặng thinh, còn tôi thì chỉ ghìm mình lại được khi đã muộn rồi. Trời ơi, tôi hoàn toàn không biết đối xử với Boris cho phải. Nguyên nhân gây ra điều đó là tôi tự ái. Tôi tự đặt mình cao hơn anh ta, và vì thế tôi đã thành ra kém cỏi hơn anh ta, và vì anh ta khoan dung đối với những lời lẽ thô lỗ của tôi, còn tôi thì lại khinh bỉ anh ta. Xin Chúa hãy giúp cho tôi khi có mặt Boris thấy rõ được sự hèn hạ của mình và hành động có lợi cho cả anh ta nữa.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #272 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2011, 10:30:32 pm »

Sau bữa ăn chiều tôi ngủ thiếp đi, và trong khi ngủ bỗng nghe rõ mồn một tiếng ai nói vào tai bên trái:
"Mày đã đến ngày tận số".
     
Tôi chiêm bao thấy mình đi trong bóng tối, đột nhiên xung quanh chó xổ ra vây lấy tôi, nhưng tôi cứ đi không chút sợ hãi; bỗng một con chó nhỏ cắn vào bắp chân bên trái tôi và không buông ra nữa. Tôi lấy tay bóp cổ nó. Nhưng vừa đẩy được nó ra thì một con khác to hơn bắt đầu vào cắn người tôi. Tôi bắt đầu nhấc nó lên, và càng nâng lên cao thì nó lại càng to thêm và nặng thêm. Chợt thấy đạo huynh A đến khoác tay tôi, dẫn tôi vào một toà nhà.
     
Muốn vào đến nhà này phải đi qua một lấm ván hẹp. Tôi bước lện tấm ván. Tấm ván oằn xuống và sụt. Tôi khó nhọc lắm mới với tay lên một dãy hàng rào và bắt đầu leo lên. Chật vật mãi một lúc tôi mới trườn được lên trên hàng rào, mình vắt sang một bên, chân thì buông thõng ở bên kia. Tôi nhìn trở lại thì thấy đạo huynh A đang đứng trên hàng rào và đưa tay chỉ cho tôi xem một con đường rộng rãi dẫn vào vườn, chỉ khu vườn và toà nhà nguy nga ở phía trong.
       
Tôi tỉnh dậy. Lạy Chúa, đấng Kiến trúc sư vĩ đại của thiên nhiên.
     
Hãy giúp tôi thoát khỏi lũ chó, tức là những dục vọng của tôi và cái dục vọng cuối cùng gom góp sức mạnh của tất cả các dục vọng trước và hãy giúp tôi bước vào ngôi đền đạo đức mà tôi đã được trông thấy trong giấc chiêm bao".
           
"Ngày 7 tháng mười hai.

Tôi chiêm bao thấy Ioxif Alekxeyevich ngồi trong nhà tôi. Tôi mừng lắm muốn lấy thức ăn ra thết đãi ông ta. Tôi nói chuyện huyên thuyên với mấy người khác và chợt nhớ ra rằng điều đó có thể làm ông ta phật ý, tôi muốn lại gần và ôm ông ta. Nhưng ông nói nhỏ với tôi mấy lời về giáo lý của hội, nói khẽ đến nỗi tôi nghe không rõ. Sau đó tất cả chúng tôi đều ra khỏi phòng, và đến đây xảy ra một việc thật kỳ lạ. Chúng tôi người ngồi kẻ nằm trên nền nhà.
   
Ioxif Alekxeyevich nói với tôi một điều gì đấy. Nhưng tôi lại muốn tỏ ra cho ông thấy tôi đa cảm, và không lắng nghe lời ông nói, tôi bắt đầu tưởng tượng cái trạng thái của con người bên trong của mình và ơn Chúa đang chiều sáng tâm hồn tôi. Tôi ứa nước mắt và lấy làm hài lòng rằng ông đã để ý thấy thế. Nhưng ông nhìn tôi ra dáng bực tức và vụt đứng dậy, không nói chuyện nữa. Tôi đâm luống cuống và hỏi ông xem những điều vừa rồi có phải nói về tôi không; nhưng ông không đáp, chỉ nhìn tôi một cách dịu dàng, và sau đó bỗng thấy cả hai đều ở trong phòng ngủ của tôi ở đấy có một chiếc giường đôi, Ioxif Alekxeyevich nằm ở bên giường, tôi tha thiết muốn đến vuốt ve ông và nằm bên cạnh ông. Ioxif hỏi tôi: "Anh hãy nói cho thật, anh ham mê cái gì nhiều nhất? Anh có biết rõ không? Tôi chắc là anh đã rõ". Câu hỏi này làm cho tôi lúng túng. Tôi trả lời rằng lười biếng là dục vọng lớn nhất của tôi. Ông lắc đầu ra vẻ không tin. Tôi càng thêm lúng túng và trả lời rằng tuy ở chung với vợ theo lời khuyên của ông nhưng không phải ăn ở như hai vợ chồng. Nghe nói thế, Ioxif đáp lại rằng không được tước phần ái ân của mình đối với vợ, và cho tôi hiểu rằng đó là bổn phận của tôi. Nhưng tôi đáp lại rằng tôi lấy làm hổ thẹn về việc đó; rồi bỗng nhiên mọi việc điều biến mất.   Tôi tỉnh dậy và trong đầu óc hiện ra một câu thánh kinh: "Sự sống là ánh sáng của con người, và ánh sáng soi rọi trong bóng tối và bóng tối không tiếp nhận ánh sáng".
   
Khuôn mặt của Ioxif Alekxeyevich bây giờ trẻ trung và sáng sủa.
     
Hôm ấy, tôi nhận được một bức thư của ân nhân trong đó nói về bổn phận vợ chồng."

"Ngày 9 tháng mười hai.

Tôi vừa nằm chiêm bao thấy những điều mà khi sực tỉnh đã khiến tim tôi đập rất mạnh. Tôi thấy tôi đang ở Moskva, ở nhà tôi, đang ngồi trong phòng lớn. Từ trong phòng khách tôi chợt thấy Ioxif Alekxeyevich bước ra. Tự dưng thấy ngay ràng ông đã trải qua quá trình tái sinh, tôi liền chạy ra đón ông. Tôi ôm hôn ông, hôn cả bàn tay ông, và Ioxif nói: "Anh có nhận thấy rằng bây giờ mặt tôi khác không?". Tôi nhìn ông, vẫn ôm ông trong lòng và thấy rằng, mặt ông rát trẻ, nhưng trên đầu không có tóc, và nét mặt khác hẳn.
Tôi bảo Ioxif Alekxeyevich: "Nếu tình cờ gặp ông, tôi cũng vẫn nhận ra" và trong khi đó tôi nghĩ thầm: "Có thật như thế không?" bỗng tôi thấy Ioxif năm xoài ra như một xác chết: sau đó ông dần dần tỉnh lại và cùng tôi đi vào căn phòng lớn, tay cầm một quyển sách to, khổ giấy lớn gấp đôi. Tôi nói: "Chính tôi viết đấy". Ông nghiêng đầu đáp lại. Tôi giở sách ra, trong sách trang nào cũng có một hình rất đẹp. Và tôi biết rằng những bức tranh này mô tả những cuộc ái ân của linh hồn với người yêu của nó. Và trên các trang giấy tôi trông thấy hình ảnh một cô gái đồng trinh rất đẹp mặc áo trong suốt, thân hình cũng trong suốt, đang bay lên các tầng mây.

Tôi biết rằng nàng trinh nữ chẳng phải cái gì khác hơn là hình ảnh của thiên "Thánh ca trong các Thánh ca"(1). Nhìn vào những bức tranh này tôi thấy đang làm một việc xấu xa, nhưng tôi không thể nào rời mắt ra được. Lạy Chúa! Hãy cứu giúp con! Nếu tình trạng con bị ruồng bỏ là do ý chí của Người, thì con cúi xin vâng mệnh Người, nhưng chính con gây nên sự đó, thì xin Người hãy chỉ bảo cho con phải làm gì. Con sẽ chết ngập trong vòng tay truỵ lạc nếu Người rời bỏ con hoàn toàn".

========================================================

Chú thích:

(1) Một thiên hay trong Cựu ước gồm những lời dân ca trữ tình miêu tả và ca ngợi tình yêu nam nữ, nhưng lại được Giáo hội giải thích thành những hình ảnh tượng trưng cho khát vọng của lính hồn mãnh liệt vươn tới Thượng đế.

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #273 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2011, 08:58:10 pm »

Phần VI
Chương - 11

Tuy đã ở nông thôn tình hình tiền nong của nhà Roxtov trong vòng hai năm vẫn không khả quan hơn.
     
Mặc dầu Nikolai Roxtov giữ vững ý định của mình, vẫn tiếp tục phục vụ trong một binh đoàn đã chiến tối tăm, tiêu liền tương đối ít, lối sinh hoạt ở Otradnoye và nhất là cách quản lý công việc của Mitenka đã làm cho công nợ của nhà  Roxtov mỗi năm một tăng.
   
Lão bá tước cho rằng chỉ còn một cách cứu vãn duy nhất nữa là đi làm việc nhà nước, cho nên ông đã lên Petersburg xin một chức quan; đi xin một chức quan và đồng thời như ông nói, cũng để cho các tiểu thư tiêu khiển một lần cuối cùng nữa.
   
Ít lâu sau khi gia đình Roxtov lên Petersburg, Berg đến dạm hỏi Vera và được chấp thuận.
Hồi ở Moskva, họ Roxtov vốn thuộc giới xã giao cao nhất, tuy họ cũng không biết và không hề nghĩ xem mình thuộc vào giới nào. Nhưng khi đến ở Petersburg thì môi trường giao thiệp của họ trở nên phức tạp và không rõ ràng. Ở Petersburg họ được coi là người "các tỉnh" và ngay cả những người trước đây đến ăn uống trong nhà Roxtov ở Moskva, mà gia đình Roxtov không hề hỏi xem thuộc giới nào, bây giờ cũng không thèm hạ mình xuống giao du với họ.
   
Ở Petersburg gia đình Roxtov cũng giống như ở Moskva, nghĩa là họ rất sẵn lòng đãi khách, và khách khứa đến ăn tối ở nhà họ thuộc đủ các hạng người: những người láng giềng của họ Otradnoye, những lão trang chủ nghèo cùng đến với mấy cô con gái của họ và ngự tiền phu nhân Peronxkaya, Piotr Bezukhov và con trai ông trưởng trạm bưu vụ huyện bây giờ lên làm việc ở Petersburg. Trong các tân khách nam giới chẳng bao lâu có một số trở thành người nhà của họ Roxtov: Boris, Piotr (một hôm lão bá tước gặp anh ta ở giữa phố liền kéo về nhà) và Berg. Berg suốt ngày ngồi chơi ở nhà gia đình Roxtov và có những cử chỉ săn sóc ân cần đối với bá tước tiểu thư Vera đúng như một chàng thanh niên có ý định cầu hôn.
     
Berg đã không uổng công khi cho mọi người xem cánh tay phải bị thương trong trận Austerlix và cầm gươm bằng tay trái, tuy chẳng để làm gì cả. Giọng kiên trì và quan trọng chàng đã kể lại cho mọi người nghe câu chuyện chàng bị thương đến nỗi mọi người đều tin rằng hành động của chàng là hợp lý và đáng khen, - và cuối cùng Berg đã được thưởng hai huân chương về trận Austerlix.
   
Trong cuộc chiến Phần Lan Berg cũng đã tìm được cách tỏ ra xuất sắc. Chàng nhặt một mảnh tạc đạn đã giết chết một viên sĩ quan phụ tá đứng cạnh quan tổng tư lệnh và đem về cho thủ trưởng.
     
Cũng như sau trận Austerlix, chàng kể cho mọi người nghe một cách kiên trì và dai dẳng đến nỗi mọi người đều tin rằng làm như thế là rất phải; - và nhân chiến dịch Phần Lan, Berg lại được thưởng hai huân chương nữa. Năm 1808, chàng đã là đại uý cận vệ, có nhiều huân chương và được giữ những chức vụ rất thuận lợi ở Petersburg.
     
Mặc dầu một số người có tính hoài nghi thường cười mỉm khi nghe nói đến những đức tính cửa Berg, nhưng người ra không thể không thừa nhận rằng Berg là một sĩ quan cần mẫn, can đảm được cấp trên rất tín nhiệm và là một thanh niên có tư cách, có một tương lai tốt đẹp và ngay bây giờ cũng đã có một địa vị vững vàng trong xã hội.
     
Bốn năm về trước, gặp một anh bạn người Đức trong một kịch viện ở Moskva, Berg đã chỉ Vera Roxtov cho người ấy và nói bằng tiếng Đức: "Das son mein Weib werden"(1) và từ phút đó Berg đã quyết định là sẽ lấy nàng. Bây giờ, ở Petersburg sau khi đã suy xét gia cảnh của họ Roxtov và địa vị của mình chàng cho rằng đã đến lúc ngỏ lời bèn đến dạm hỏi Vera.

Lời dạm hỏi của Berg lúc đầu được tiếp nhận với một vẻ ngạc nhiên không lấy gì làm vinh dự cho anh ta. Lúc đầu người ta còn lấy làm lạ rằng con của một anh quý tộc vô danh ở Liiland(2) lại dám đi hỏi bá tước tiểu thư Roxtov; nhưng Berg vốn có một nét đặc biệt là vị kỷ một cách ngây thơ và thật thà đến nỗi cuối cùng ông bà Roxtov cũng nghĩ rằng nếu anh ta đã tin chắc rằng như thế là tốt, thậm chí rất tốt nữa là khác, thì chắc sẽ tốt thật. Hơn nữa gia cảnh họ Roxtov bây giờ đã sa sút lắm, và chú rể không phải không cần biết điều đó, nhất là vì Vera đã hai mươi bốn tuổi đầu, đi đã khắp nơi, thế mà mặc dầu chắc chắn là nàng đẹp, lại đứng đắn song cho đến nay vẫn chưa có ai đến hỏi nàng. Gia đình Roxtov bèn ưng thuận.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #274 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2011, 08:58:59 pm »

- Đấy anh thấy không. - Berg nói với một sĩ quan cùng đơn vị mà chàng gọi là bạn chẳng qua cũng chỉ vì chàng biết rằng người ta ai cũng có bạn. - Đấy anh thấy không, tôi đã cân nhắc đã suy tính cặn kẽ đâu đấy, và nếu tôi chưa nghĩ hết mọi lẽ hoặc thấy có chỗ chưa có lợi thì tôi chưa lấy vợ đâu. Nhưng bây giờ thì ổn cả rồi, cha mẹ tôi thế là từ nay yên chí rồi, tôi đã thu xếp cho ông cụ bà cụ một cái ấp ở vùng Oxtzai(3), còn tôi thì có thể sống ở Petersburg với số lương của tôi. Với của hồi môn của cô ta và với cái tính ngăn nắp của tôi, có thể sống khá giả. Tôi lấy vợ không phải vì tiền, tôi cho rằng như thế là cao thượng; nhưng vợ cũng đóng góp plần mình, chồng cũng đóng góp phần mình, như thế mới phải. Tôi có công việc nhà nước, cô ta thì có những người quen có thế lực và một ít của cải. Thời buổi này cái đó phần nào cũng đáng kể đấy chứ, phải không nào? Và cái chính là cô ta xinh đẹp, đứng đắn lại yêu tôi…
     
Berg đỏ mặt và mỉm cười:

- Tôi cũng yêu cô ấy thật vì tính cô ấy rất đứng đắn và rất tốt. Còn như em gái cô ta thì khác hẳn - Cũng cùng một nhà, sao lại khác tính đến thế… tính nết thật khó chịu, chẳng khôn ngoan tý nào, không thể sánh với chị được, lại thế này thế khác… anh biết đấy chứ… Thật khó chịu… Còn như vị hôn thế của tôi thì… Anh đến nhà tôi… - chàng định nói: đến nhà tôi ăn bữa trưa, nhưng liền nghĩ lại và nói tiếp:" Uống nước chè" rồi uốn lưỡi rất nhanh phun ra một đám khói thuốc lá hình vòng tròn thể hiện một cách trọn vẹn những ước mơ hạnh phúc của chàng.
     
Sau cảm giác ngạc nhiên lúc ban đầu do lời cầu hôn của Berg gây nên, trong gia đình bấy giờ lại có cái không khí vui vẻ tưng bừng thường thấy trong những trường hợp như thế, nhưng đó chỉ là không khí vui vẻ bề ngoài, không thật. Đối với cuộc hôn nhân này những người trong nhà không khỏi cảm thấy ngượng ngùng và hổ thẹn. Dường như bây giờ họ thấy xấu hổ vì họ không quý Vera lắm nên mới sẵn lòng tống khứ nàng đi như vậy. Người cảm thấy bối rối nhất là lão bá tước. Có lẽ nếu hỏi vì sao ông bối rối thì ông không biết trả lời sao, nhưng sự thật thì chính vì tình cảnh tiền nong của ông hiện nay. Lão bá tước tuyệt nhiên không thể biết mình còn được bao nhiêu, nợ bao nhlêu và có thể cho Vera những gì làm của hồi môn. Mỗi lần sinh con gái, bá tước đều cắt ra một thôn ba trăm nông nô làm của hồi môn; nhưng một thôn đã bán đi rồi còn một thôn nữa thì đã đem cầm cố, đến nay đã quá hạn chuộc nên cũng phải bán nốt, vì vậy không thể cho con gái một điền trang nào. Mà tiền thì không có.
   
Berg đã đính hôn được hơn một tháng, và chỉ còn một tuần nữa là đã đến ngày cưới, thế mà bá tước vẫn chưa giải quyết xong vấn đề của hồi môn và chưa có lần nào tự mình bàn việc này với vợ. Khi thì bá tước định cắt cho Vera điền trang Ryazan khi thì muốn bán rừng, khi lại muốn vay tiền bằng ngân phiếu.
   
Vài ngày trước lễ cưới, một buổi sáng sớm Berg vào phòng làm việc của bá tước và mỉm cười rất nhã nhặn kính cẩn xin ông nhạc tương lai cho biết bá tước tiểu thư sẽ được nhận những gì làm của hồi môn. Nghe câu hỏi này, một câu hỏi mà ông đã đoán trước từ lâu, bá tước luống cuống đến nỗi không kịp suy nghĩ gì nữa nói bâng quơ:

- Tôi rất thích, cậu biết lo như thế là tôi thích lắm, cậu sẽ được hài lòng.
     
Rồi bá tước vỗ vai Berg và đứng dậy, định chấm dứt câu chuyện. Nhưng Berg nở một nụ cười rất dễ ưa và phân trần rằng nếu chàng không được biết chắc chắn số hồi môn của Vera và không được nhận trước, ít nhất một phần, trong số của cải dành cho nàng chàng sẽ buộc lòng phải từ bỏ cuộc hôn nhân này.

- Vì rằng, xin bá tước xét cho, nếu bây giờ tôi dám cưới vợ mặc dầu không có những phương tiện chắc chắn để chu cấp cho vợ, thì như vậy là tôi đã xử sự một cách đê hèn.
Cuối cùng bá tước muốn tỏ ra mình hào phóng và để khỏi nghe những lời đòi hỏi khác, bèn nói rằng ông sẽ trao cho chàng một ngân phiếu tám vạn rúp. Berg dịu dàng mỉm cười, cúi xuống hôn vào vai bá tước và nói rằng anh ta rất biết ơn, nhưng hiện nay anh không thể nào xếp đặt cuộc sống gia đình cho ổn thoả nếu chưa nhận được ba vạn tiền mặt.

- Ít ra là hai vạn, thưa bá tước, Berg nói thêm, - và nếu được thế thì về sau chỉ cần một ngân phiếu sáu vạn nữa.

- Ừ được rồi bá tước nói thật nhanh, - Chỉ xin anh bỏ qua, anh bạn nhé, tôi sẽ đưa hai vạn tiền mặt, ngoài ra sẽ thêm một ngân phiếu tám vạn nữa. Thế đấy, thôi anh hôn ông nhạc đi nào!

==========================================

Chú thích:

(1) "Đấy sẽ là vợ tôi"

(2) Ladvia và Estoni ngày nay.

(3) Vùng duyên hải Baltic (theo cách gọi cũ của người Đức).

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #275 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2011, 08:59:50 pm »

Phần VI
Chương - 12
     
Natasa đã mười sáu tuổi; bấy giờ là vào năm 1809 đúng cái thời gian mà bốn năm về trước nàng bấm đốt ngón tay ước hẹn với Boris sau khi hôn chàng. Từ dạo ấy nàng không lần nào gặp lạị Boris. Trước mặt Sonya và mẹ, mỗi khi câu chuyện đả động đến Boris, Natasa nói một cách rất ung dung như nói về mọi việc đã xong xuôi, rằng tất cả những việc trước kia đều là những chuyện trẻ con đã quên từ lâu, không việc gì phải nói đến nữa. Nhưng trong thâm tâm, Natasa vẫn băn khoăn tự hỏi không biết lời ước hẹn của nàng với Boris chỉ là một trò đùa hay là một lời hứa quan trọng có thể ràng buộc đời nàng.
   
Từ năm 1805, kể từ ngày Boris rời khỏi Moskva lên đường đến đơn vị chàng không có lần nào gặp lại gia đình Roxtov nữa. Chàng có trở lại Moskva mấy lần, có đi qua vùng Otradnoye nhưng chưa có lần nào ghé lại nhà Roxtov.
   
Natasa đôi khi có ý nghĩ rằng chàng không muốn gặp nàng, và cái giọng buồn buồn của người lớn trong nhà mỗi khi nói đến Boris càng xác nhận thêm những điều phỏng đoán này.

- Thời bây giờ người ta không mấy khi nhớ tới bạn cũ, - bá tước phu nhân nói khi có người nhắc đến Boris.
   
Anna Mikhailovna gần đây ít đến nhà Roxtov bà cũng có một thái độ đặc biệt đạo mạo, và hễ nhắc đến Boris bà lại nói một cách hân hoan và cảm kích đến những đức tính của con trai và đến con đường công danh vẻ vang mà chàng đang theo đuổi. Khi gia đình Roxtov lên Petersburg, Boris đến thăm.
     
Chàng đến nhà Roxtov, lòng không khỏi bồi hồi xúc động.
   
Natasa là kỷ niệm nên thơ nhất của Boris. Nhưng đồng thời chàng cũng đến với một ý định quả quyết là sẽ cho nàng cũng như cho cha mẹ nàng hiểu rõ rằng những quan hệ thời trẻ giữa chàng và Natasa không có gì có thể ràng buộc gì nàng cũng như mình. Nay chàng đã có một nhiệm vụ xuất sắc trong xã hội, nhờ có liên hệ thân mật với phu nhân Bezukhov, một địa vị xuất sắc trên bước đường công danh, nhờ sự nâng đỡ của một nhân vật quan trọng hoàn toàn tin cậy chàng, cho nên chàng đã bắt đầu thoáng có ý định là sẽ kết hôn với một trong những đám giàu có nhất ở Petersburg, một ý định rất dễ thực hiện đối với chàng.
     
Khi Boris bước vào phòng khách nhà Roxtov, Natasa đang ở phòng mình. Nghe nói có Boris đến, nàng đỏ mặt lên và bước vội vã gần như chạy vào phòng khách, gương mặt sáng bừng lên một nụ cười trong đó có một cái gì còn hơn là lòng trìu mến.
     
Boris vẫn còn nhớ rõ cô bé Natasa mặc váy ngắn, có đôi mắt đen long lanh dưới mớ tóc quăn và tiếng cười giòn giã, ngây thơ và liều lĩnh mà bốn năm trước đây chàng đã từng quen thuộc, cho nên khi thấy một cô Natasa khác hẳn bước vào, chàng luống cuống, và gương mặt chàng lộ vẻ ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Vẻ mặt ấy của Boris làm cho Natasa vui mừng.

- Thế nào, anh có nhận ra cô bạn nhỏ tinh nghịch của anh ngày trước không? - bá tước phu nhân nói.
     
Boris hôn tay Natasa và nói rằng chàng rất ngạc nhiên thấy Natasa đã thay đổi nhiều như vậy.

- Cô xinh lên nhiều quá!

- Còn phải nói! - đôi mắt tươi cười của Natasa đáp. - Thế ba tôi có già đi nhiều không - nàng hỏi.
     
Natasa ngồi xuống và im lặng, không chen vào câu chuyện giữa Boris với bá tước phu nhân, chỉ ngồi nhìn chàng vị hôn phu thời trẻ thơ của mình đến từng chi tiết một. Chàng cảm thấy sức nặng của khoé nhìn chăm chú và âu yếm phủ lên người mình, và thỉnh thoảng chàng lại đưa mắt nhìn nàng.
     
Quân phục, cựa giầy, khăn quấn cổ và kiểu chải tóc của Boris - tất cả đều hợp thời trang và rất chĩữg chạc. Natasa nhận thấy điều đó ngay. Chàng ngồi hơi nghiêng người trên chiếc ghế bành cạnh bá tước phu nhân, dùng tay phải sửa lại ngay ngắn chiếc găng tay trắng muốt bó sát bàn tay trái, môi mím lại đặc biệt tế nhị trong khi nói chuyện về những cuộc vui chơi của giới thượng lưu Petersburg và giọng bỡn cợt nhẹ nhàng chàng nhắc lại thời cũ và những người quen cũ ở Moskva. Natasa cảm thấy rằng không phải tình cờ mà trong câu chuyện về giới quý tộc thượng lưu, chàng thuật lại buổi vũ hội của đại sứ quán mà chàng có dự và nhắc đến N.N và S.S đã có nhã ý mời chàng.
       
Suốt buổi Natasa ngồi im lặng đưa mắt nhìn trộm chàng. Cái nhìn đó mỗi lúc một làm cho Boris bối rối và lo lắng. Chàng quay sang nhìn Natasa nhiều hơn và đôi khi đang kể chuyện bỗng ngừng bặt. Ngồi chưa được mười phút chàng đã đứng dậy cáo từ ra về. Vẫn đôi mắt tò mò, có vẻ thách thức và hơi chế giễu ấy nhìn chàng.
     
Sau buổi đến thăm đầu tiên này Boris tự nhủ rằng Natasa vẫn có sức quyến rũ mình như xưa, nhưng chàng không được chiều theo cảm xúc này, vì nếu lấy Natasa - một cô gái hầu như chẳng có tí của cải gì - thì sự nghiệp của chàng ắt sẽ tiêu ma, còn nếu đi lại như cũ mà không có ý định cầu hôn thì đó là một hành vi không cao thượng. Boris quyết định tự mình sẽ tránh gặp Natasa, nhưng mặc dầu đã quyết định như thế, ít hôm sau chàng lại đến và từ đó bắt đầu đi lại luôn, có khi chơi cả ngày ở nhà Roxtov. Chàng thấy mình nhất thiết phải bày giải với Natasa, nói cho nàng biết rằng tất cả những chuyện cũ nay phải quên đi, rằng dù sao… nàng cũng không thể trở thành vợ chàng được rằng chàng chẳng có tài sản gì và không đời nào cha mẹ nàng lại gả nàng cho một người như chàng. Nhưng Boris vẫn thấy ngại ngùng không sao nói được. Càng ngày chàng lại cảm thấy khó xử. Mẹ Natasa và Sonya nhận thấy nàng vẫn có vẻ yêu Boris như xưa. Nàng hát cho chàng nghe những bài hát chàng ưa thích, cho chàng xem tập tranh của mình; bắt chàng viết vào đấy không cho chàng nhắc đến quá khứ, ngụ ý là hiện tại cũng đẹp lắm rồi; và mỗi khi ra về chàng cứ như trong mây mù, chưa nói ra được những điều chàng đã định nói, bản thân cũng chẳng biết mình đang làm gì, mình đến làm gì và sự tình sẽ kết thúc ra sao.
     
Boris thôi đến nhà Elen. Ngày nào chàng cũng nhận được những dòng chữ trách móc của Elen, nhưng ngày nào chàng cũng ngồi suốt buổi ở gia đình Roxtov.

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #276 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2011, 09:00:48 pm »

Phần VI
Chương - 13
   
Một buổi tối, khi lão bá tước phu nhân, mình mặc áo ngủ, đầu đã tháo hết các mớ tóc giả chỉ còn lại một chùm tóc lơ thơ thòi ra ngoài chiếc mũ chụp bằng vải trúc bâu trắng, đang thở dài và thì thụt trên tấm thảm lẩm rầm đọc bài kinh buổi tối, thì cánh cửa buồng xịch mở và Natasa, mình cũng mặc áo ngủ, tóc đầy những cặp chạy vào buồng.
   
Bá tước phu nhân quay lại và cau mày. Bà đang đọc nốt bài kinh cuối cùng: "Phải chăng chăn nệm đêm nay sẽ là ván liệm của con?".  Tâm trạng say sưa của phu nhân bị phá tan. Natasa mắt đỏ ửng lòng hồi hộp, vừa chạy vào thấy mẹ đang cầu kinh liền đứng phắt lại, hơi nhún người xuống và bất giác thè lưỡi ra như tự hăm doạ mình. Thấy mẹ vẫn tiếp tục cầu kinh, nàng rón rén chạy đến giường, nhanh nhẹn lấy hai bàn chân thon nhỏ xát vào nhau cho giày vải tụt ra rồi nhảy tót lên chiếc nệm mà bá tước phu nhân đang lo là sẽ trở thành cỗ ván liệm mình. Chiếc nệm rất cao và êm, trên đầu có đặt một chồng gối năm chiếc to nhỏ suýt soát nhau, chiếc nhỏ đặt lên chiếc to. Natasa nhảy tót trên giường, cho người lún sâu xuống nệm, lăn đến sát vách và bắt đầu trăn trở loay hoay ở dưới chăn để tìm cách nằm lại cho thoải mái, co hai gối lên tận cằm rồi vẫy chân lia lịa và cười rúc rích, khi thì chùm chăn kín đầu khi thì ló mặt ra nhìn mẹ. Bá tước phu nhân đọc kinh đã xong liền đi lại phía giường, vẻ mặt nghiêm nghị: nhưng thấy Natasa chùm chăn kín mít, phu nhân mỉm cười, cái cười hiền lành yếu ớt mà phu nhân thường có.

- Kìa, kìa, cái gì thế con, - phu nhân nói.

- Mẹ ơi, nói chuyện một chút được chứ mẹ? - Natasa nói.

- Nào cho hôn ở cổ một cái, một cái nữa thôi nhé.
   
Và nàng ôm choàng lấy cổ mẹ, hôn vào phía dưới cằm. Đối với mẹ, Natasa có những cử chỉ bên ngoài thô lỗ, nhưng nàng tế nhị và khéo léo đến nỗi dù có ôm, có quàng tay thế nào đi nữa nàng cũng biết làm thế nào cho mẹ không thấy đau, không thấy khó chịu hay vướng víu chút nào.

- Nào, hôm nay nói chuyện gì? - mẹ nàng nói sau khi kê đầu cho ngay ngắn và thoải mái trên mấy chiếc gối và đợi Natasa lăn hai vòng từ cạnh giường và nằm sát người bà dưới cùng một tấm chăn. Natasa đặt hai cánh tay lên trên chăn và làm ra cái vẻ nghiêm trang.
   
Những cuộc đến thăm ban đêm của Natasa như thế này trước khi ở câu lạc bộ về là một trong những cái thú ưa chuộng nhất của hai mẹ con.

- Hôm nay nói chuyện gì nào? Mẹ cũng đang cần nói với con.

Natasa đưa tay bịt miệng mẹ lại.

- Chuyện Boris…

- Con biết rồi, - Natasa nghiêm nghị, - con đến cũng vì chuyện ấy. Mẹ đừng nói con biết rồi. Không, mẹ nói đi cơ? - Nàng cất tay, - Mẹ ơi, mẹ nói đi, anh ấy dễ thương đây chứ?

- Natasa ạ, con đã mười sáu tuổi rồi, hồi trước bằng tuổi con mẹ đã đi lấy chồng rồi. Con bảo Boris dễ thương. Nó dễ thương lắm, mẹ quý nó như con mẹ, nhưng con muốn gì nào?

- Con nghĩ sao? Con làm cho nó ngẩn cả người ra rồi đấy, mẹ thấy rõ như thế…

Trong khi nói mấy câu này, bá tước phu nhân đưa mắt nhìn sang con gái. Natasa nằm im mắt nhìn trân trân vào một trong mấy con sư tử đầu người bằng gỗ đào hoa tâm chạm ở góc giường, phu nhân nhìn sang chỉ thấy chiều nghiêng mặt nàng.
   
Gương mặt của Natasa làm cho phu nhân kinh ngạc vì có vẻ nghiêm nghị và đăm chiêu khác thường.

- Vâng, rồi sao hở mẹ? - Natasa lắng nghe và suy nghĩ.

- Con làm cho nó ngẩn ngơ ra như vậy để làm gì? Con muốn gì ở Boris? Con cũng thừa biết con không thể lấy nó được kia mà.

- Tại sao? - Natasa hỏi, vẫn nằm im như cũ.

- Tại vì nó còn trẻ, tại vì nó nghèo, tại vì nó họ với con, tại vì chính con cũng chẳng yêu gì nó.

- Sao mẹ biết?

- Mẹ biết. Như thế không tốt đâu, cô bạn nhỏ của mẹ ạ.

- Nhưng nếu con muốn… - Natasa nói.

- Thôi con đừng nói những chuyện vớ vẩn nữa, - phu nhân nói.

- Nhưng nếu con muốn…

- Natasa, mẹ nói chuyện đứng đắn…
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #277 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2011, 09:01:42 pm »

Natasa không để cho mẹ nói hết, cầm lấy bàn tay to xương của phu nhân và hôn lên phía trên, rồi hôn vào lòng bàn tay, rồi lại lật bàn tay lại và hôn lên khớp xương lồi lên ở chỗ mu bàn tay giáp ngón, rồi hôn vào chỗ lõm giữa hai khớp xương, rồi lại hôn lên khớp xương, vừa hôn vừa thì thầm: "Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng tư, tháng năm".

- Mẹ nói đi mẹ, sao mẹ lại làm thinh? Mẹ nói đi! - Natasa nói, mắt ngước nhìn mẹ. Bấy giờ bá tước đang âu yếm nhìn con, và hình như mải nhìn như vậy nên quên cả những điều định nói.

- Như thế không được đâu con ạ. Không phải ai rồi cũng hiểu được tình bạn ấu thơ giữa con với Boris đâu; thấy Boris gần gũi con nhiều quá như thế những người thanh niên thường đến nhà ta sẽ có ý nghĩ không hay về con, nhưng cái chính là làm như vậy chỉ khổ nó vô ích. Có lẽ nó đã tìm được đám khác hợp ý hơn, giàu có hơn; bây giờ nó như điên như dại rồi đấy.

- Điên rồi hở mẹ? - Natasa lặp lại.

- Để mẹ kể chuyện của mẹ cho mà nghe. Mẹ có một người anh họ.

- Con biết rồi - bác Kirila Matveyich chứ gì, nhưng bác ấy già rồi còn gì?

Không phải bao giờ cũng già như thế đâu. Nhưng bây giờ thế này Natasa ạ, mẹ sẽ nói chuyện với Boris. Nó không nên đến đây nhiều như thế nữa…

- Tại sao lại không nên, nếu anh ấy thích?

- Tại vì mẹ biết rằng rồi chẳng đi đâu hết.

- Sao mẹ biết? Không, mẹ ạ, mẹ dừng nói với anh ấy. Thật vớ vẩn! - Natasa nói với cái giọng của một người đang sắp bị người ta tước đoạt tài sản. - Thôi, con sẽ không lấy anh ấy nữa! Nhưng cứ để cho anh ấy đến, nếu anh ấy thấy vui và con cũng vui! - Natasa mỉm cười nhìn mẹ. - Con sẽ không lấy anh ấy, nhưng cứ như thế - nàng nhắc lại.

- Sao lại thế, cô bạn nhỏ?

- Thì như thế mà lại. Thôi, không lấy anh ấy thì đã làm sao… nhưng cứ như thế.

- Như thế, như thế, - bá tước phu nhân nhắc lại và rung cả người lên cười, tiếng cười hồn hậu và bất ngờ của những người già cả.

- Thôi mẹ đừng cười nữa, cười mãi, - Natasa hét lên - Cười mãi thế! - nàng nắm lấy cả hai bàn tay của bá tước phu nhân, hôn vào khớp xương ngón tay út - tháng sáu - rồi tiếp tục tháng bảy, tháng tám ở bàn tay kia. - Mẹ ơi, thế anh ấy có yêu con lắm không? Mẹ thấy thế nào? Trước kia người ta có yêu mẹ đến thế không? Mà anh ấy lại dễ thương, dễ thương lắm cơ! Chỉ có điều là không hợp khẩu vị của con lắm - Anh ta hẹp như cái đồng hồ quả lắc ở ngoài phòng ăn ấy… Mẹ không hiểu à? Hẹp thế này, lại xám, nhạt…

- Mày nói lảm nhảm gì thế! - bá tước phu nhân nói.

Natasa nói tiếp:

- Mẹ không hiểu thật à? Giá có anh Nikolai thì anh ấy hiểu ngay… Còn Bezukhov thì xanh, xanh thẫm thêm cả màu đỏ, và anh ta hình chữ nhật.

- Mày làm dáng cả với anh chàng này nữa đấy, - bá tước phu nhân vừa cười vừa nói.

- Không, anh ta vào hội Tam điểm, người ta bảo con thế. Anh ta tốt lắm, xanh thẫm và đỏ, không biết làm thế nào cho mẹ hiểu bây giờ

- Bá tước tiểu thư - có tiếng nói của lão bá tước ở ngoài cửa phòng. - Con chưa ngủ à?

Natasa chân không nhảy xuống đất, cầm giày vải trên tay bỏ chạy về phòng mình.

Nàng nằm hồi lâu không ngủ được. Nàng cứ nghĩ mãi không biết làm sao mà không ai hiểu được những điều nàng hiểu và những điều đang ở trong óc nàng.

Sonya? - Nàng vừa nghĩ thầm vừa nhìn Sonya trông như con mèo cái đang ngủ say, mình cuộn tròn, bím tóc to dầy buông thõng một bên. - Không, chị ấy không hiểu được đâu! Chị ấy đức hạnh lắm. Chị ấy yêu Nikolai và ngoài ra không muốn biết gì nữa. Còn mẹ, cả mẹ nữa cũng chẳng hiểu mình. Lạ thật, mình thông minh thế, mà lại, cô ấy dễ thương…", - nàng nghĩ tiếp, nói về mình như về một người thứ ba và tưởng tượng rằng người đang nói về nàng là một người đàn ông nào đó rất thông minh, thông minh nhất, và tốt hơn hết thảy mọi người… "Cô ta có đủ mọi cái hay cái tốt. - người đàn ông nói tiếp, - cô ta thông minh đặc biệt, dễ thương, có duyên mà lại xinh, xinh lạ lùng, lại nhanh nhẹn - bơi khá, cưỡi ngựa rất cừ, lại còn giọng hát nữa! Có thể nói là một giọng hát phi thường!".

Natasa hát một câu nhạc ưa thích của nàng rút trong vở kịch của Kerubini(1), gieo mình trên giường, cười khanh khách với một ý nghĩ tươi vui là bây giờ nằm xuống nàng sẽ ngủ ngay lập tức cho mà xem. Nàng gọi Dunyasa chưa ra khỏi phòng thì nàng đã đi vào một thế giới khác, một thế giới hạnh phúc hơn, thế giới của những giấc mộng; ở đấy cái gì cũng nhẹ nhõm và tốt đẹp như trong thực tế, nhưng lại còn tốt đẹp hơn nữa, bởi vì cái gì cũng khác hẳn.

Ngày hôm sau bá tước phu nhân mời Boris đến gặp mình nói chuyện, và từ hôm ấy trở đi chàng không đến nhà Roxtov nữa.

=====================================================

Chú thích:

(1) Luigi Cherubini (1760 - 1842). Nhà soạn nhạc người Ý, tác giả nhiều ca kịch có tinh thần cách mạng.

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #278 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2011, 09:02:26 pm »

Phần VI
Chương - 14
     
Tối hôm ba mươi mốt tháng Chạp, tối Giao thừa (Le éeveillon) - Bước sang năm 1810, có vũ hội ở nhà một vị vương công ở thời Ekaterina. Trong buổi vũ hội sẽ có ngoại giao đoàn và cả hoàng đế đến dự.
     
Phía tả ngạn sông Nêva, toà nhà của vị vương công sáng rực lên vì hàng trăm hàng nghìn ngọn đèn thắp lên nhân tối vui trọng thể. Trước cái cổng đèn thắp sáng trưng và trải dạ đỏ, cảnh binh đã đến túc trực; và không phải chỉ có cảnh binh thường, mà còn có cả ông cảnh sát trưởng và mấy chục viên sĩ quan cảnh binh đứng quanh. Xe cộ tấp nập, chiếc đi, chiếc đến, với những người hành bộc mặc áo đỏ hoặc những người hầu đội mũ có cắm lông gà. Từ các xe song mã bước xuống những người đàn ông mặc phẩm phục, đeo dây thao và huân chương; các phu nhân và các tiểu thư mặc áo sa tanh và khoác áo lông chồn bạc thận trọng bước xuống các bậc xe buông xuống ầm ầm, rồi im lặng vội vã đi trên tấm dạ đỏ trải trên thềm.
Hầu như mỗi lần có một cỗ xe mới đến, trong đám đông lại có tiếng lao xao và mọi người đều cất mũ.

- Hoàng thượng à? Không, quan đại thần… hoàng thân… đại sứ Anh không thấy chùm lông à?

Có tiếng nói trong đám đông. Trong đám đông có một người ăn mặc sang hơn những người khác, hình như ai hắn ta cũng biết, những vị đại thần tai mắt nhất thời ấy hắn đều có thể gọi tên.

Trong một phần ba số tân khách đã đến dự vũ hội, thì ở nhà Roxtov - gia đình này cũng đi dự hội - người ta đang hối hả sửa soạn trang phục.

Trong gia đình Roxtov người ta đã bàn tán và chuẩn bị rất nhiều cho buổi vũ hội. Trước đây họ cứ lo sẽ không nhận được giấy mời, lo áo mới chưa xong hoặc có điều gì không ổn chăng?
     
Cùng đi dự vũ hội với gia đình Roxtov có Maria Ignatyena Peronxkaya bạn gái và là người có họ với bá tước phu nhân. Đó là một ngự tiền phu nhân của triều đại trước, người gầy gò và vàng vọt và là người hướng dẫn cho gia đình Roxtov, vốn những dân "các tỉnh", trong việc giao thiệp với giới thượng lưu ở Petersburg.
Đến mười giờ tối, họ sẽ ghé ở vườn Taorich đón ngự tiền phu nhân Peronxkaya; thế nhưng bây giờ đã mười giờ kém năm rồi mà các tiểu thư nhà Roxtov vẫn chưa mặc áo xong.
     
Lần này Natasa đi dự buổi vũ hội lớn đầu tiên trong đời mình.
     
Hôm ấy nàng dậy từ tám giờ sáng và cả ngày lo lắng bồn chồn, sửa soạn luôn tay. Từ sáng sớm nàng đã tập trung tất cả sức lực vào việc chuẩn bị thế nào cho mọi người trong nhà: nàng, mẹ nàng và Sonya, đều ăn mặc cho thật đẹp. Sonya và bá tước phu nhân sẽ mặc áo nhung màu huyết dụ, còn hai chị em nàng sẽ mặc hai chiếc áo voan trắng trong suốt trên nền lụa hồng, có giắt thêm hoa hồng trên ngực. Đầu tóc họ sẽ chải kiểu Hy Lạp.
     
Những việc trọng yếu nhất đều đã làm xong; chân, tay, tai, cổ đều được lau rửa; xức nước hoa và thoa phấn đặc biệt cẩn thận để ứng với buổi hội lớn. Họ đã đi vào chân những đôi bít tất lụa thêu rua và những đôi giày sa tanh trắng thắt nơ; các bộ tóc đã chải gần xong. Sonya đã phục sức xong xuôi, bá tước phu nhân cũng vậy; nhưng Natasa vì mải lo cho hai người nên bị tụt lại đằng sau. Nàng còn ngồi trước tấm gương, một chiếc áo choàng nhẹ phủ lên đôi vai mảnh dẻ. Sonya bây giờ đã phục sức đầy đủ, đứng ở chính giữa phòng và đang ghim một dải lụa cuối cùng. Dải lụa kêu kin kít dưới mũi kim găm mà nàng lấy ngón tay nhỏ nhắn ra sức ấn mạnh đến đau cả tay.

- Không phải thế, không phải thế đâu Sonya - Natasa nói. Nàng quay đầu lại và giơ hai tay chụp lấy mớ
tóc của nàng mà người hầu gái chưa kịp buông ra.

- Cái nơ hỏng rồi, chị lại đây, - Sonya ngồi thụp xuống. Natasa ghim lại chiếc dải lụa khác
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #279 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2011, 09:03:25 pm »

Người hầu gái đang cầm mái tóc của Natasa nói:

- Xin tiểu thư cho phép, như thế này không thể chải được.

- Ồ! Trời ơi, để rồi chải sau! Đây, thế này mới được Sonya ạ.

Có tiếng bá tước phu nhân giục:

- Các con sắp xong chưa? Sắp mười giờ rồi đấy.

- Xong ngay, xong ngay bây giờ đây mẹ ạ. Thế mẹ xong rồi à?

- Chỉ còn ghim cái mũ nữa thôi.

- Để con ghim cho, - Natasa hét lên, - mẹ không biết ghim đâu!

- Nhưng mà mười giờ rồi còn gì!

Họ đã định là đến mười rưỡi sẽ có mặt ở vũ hội, mà Natasa lại còn phải mặc áo cho xong và ghé vườn Taorich.
   
Chải đầu xong, Natasa bây giờ đang mặc váy ngắn để lộ đôi giày khiêu vũ và chiếc áo chùng mặc ngủ của mẹ, chạy lại gần Sonya, ngắm qua một lượt rồi lại chạy sang phòng mẹ. Nàng xoay đầu bá tước phu nhân sang một bên rồi ghim cái mũ và chỉ vừa kịp hôn mái tóc bạc của mẹ một cái đã vụt chạy về chỗ các cô hầu gái đang lo viền lại gấu váy cho nàng.
     
Còn có mỗi một việc nữa là chiếc váy của Natasa dài quá; hai người hầu gái đang lên gấu, hấp tấp cắn những mũi chỉ thừa. Một người thứ ba; môi và răng ngậm đầy những kim găm, chạy đi chạy lại từ bá tước phu nhân sang Sonya. Một người thứ tư giơ tay nâng cao chiếc voan đứng đợi.

- Mavruska ơi, nhanh lên tí nhé!

- Tiểu thư đưa hộ cái đê.

- Sắp xong chưa nào? - bá tước từ ngoài cửa bước vào hỏi. - Đây nước hoa đây này, bà Peronxkaya chắc đã đợi lâu lắm rồi đấy.

- Thưa tiểu thư xong ạ. - người hầu gái cầm áo nói. Cô ta dùng hai đầu ngón tay nâng chiếc voan lên, khẽ rũ rũ và ghé môi thổi thổi, một cử chỉ tỏ ra rằng cô ta hiểu rõ vật mình đang cầm nó nhẹ nhàng, mỏng manh và tinh khiết đến nhường nào.
     
Natasa bắt đầu mặc áo.

- Tí nữa, tí nữa thôi, ba đừng vào ba ạ - nàng nói to với bá tước bây giờ đang mở hé cánh cửa, trong khi tấm váy mỏng đang chùm kín đầu nàng, Sonya đóng sập cửa lại. Một phút sau họ mở cửa cho bá tước vào. Ông mặc lễ phục màu xanh, đi giày có bít tất cao ống, tóc xức sáp thơm, người sực nức mùi nước hoa.

- Ôi ba ơi, ba đẹp quá, thật là tuyệt! - Natasa nói. Bây giờ nàng đang đứng giữa phòng nắn lại nếp áo.
       
Một người hầu gái quỳ gối giữa sân, vừa kéo lại tà áo voan cho Natasa, vừa lấy lưỡi đẩy nhanh mấy chiếc kim găm từ mép bên này sang mép bên kia, nói:

- Xin tiểu thư cho phép, xin tiểu thư cho phép…
     
Sonya ngắm áo của Natasa rồi kêu lên, giọng tuyệt vọng:

- Tuỳ ý cô đấy, chứ nó vẫn dài quá mất rồi.

Natasa lùi ra một tí để nhìn vào tấm gương.   Chiếc áo dài thật.

- Thưa tiểu thư, quả tình không dài một chút nào đâu ạ. - Mavruska bây giờ đang bò lổm ngổm theo Natasa trên nền nhà vội nói.

- À, dài thì ta lại lên gấu, một phút là xong thôi mà, - cô hầu gái Dunyasa quả quyết vừa nói vừa rút một cây kim ra khỏi chiếc khăn trùm đeo trên ngực và lại bắt đầu lúi húì sửa sửa; khâu khâu trên sàn.
     
Vừa lúc ấy bá tước phu nhân mặc áo nhung và đội mũ cao rụt rè bước khe khẽ vào phòng.

- Ứ ừ! Người đẹp của tôi? - bá tước kêu lên. - Đẹp hơn hết thảy các cô! Ông toan ôm lấy phu nhân nhưng phu nhân đỏ mặt vội né đi sợ nhầu nát áo.

- Mẹ ơi, cho cái mũ lệch sang bên một tí nữa. - Natasa nói, - để con ghim lại cho. - rồi vụt chạy lại.
     
Cô hầu gái bấy giờ đang khâu gấu không kịp chồm theo nên chiếc áo dứt mất một miếng voan nhỏ.

- Trời ơi! Cái gì thế này? Quả tình không phải tại tôi…

- Không sao, để tôi khâu lại, không trông thấy đâu, - Dunyasa nói.

- Đẹp quá bé Natasa của tôi đẹp tuyệt trần! - U già từ ngoài cửa bước vào nói. - Lại còn Sonya nữa toàn là tuyệt thế giai nhân cả!…

Cuối cùng mãi đến mười giờ mười lăm họ mới lên xe ra đi.

- Nhưng còn phải ghé vườn Taorich.
     
Bà Peronxkaya đã sẵn sàng. Tuy đã già và xấu xí bà vẫn soạn sửa đúng như ở nhà Roxtov, chỉ có điều là không vội vã đến như thế (đối với bà thì đây là một việc thường ngày rồi), nhưng tấm thân già cỗi và xấu xí của bà cũng được tắm rửa, xức nước hoa, thoa phấn như thế, tai gáy cũng được rửa ráy cẩn thận như thế và thậm chí bà hầu gái già cũng trầm trồ khen ngợi sức phục của bà chủ hệt như ở nhà Roxtov vậy, khi bà mặc chiếc áo dài màu áo vàng có phù hiệu của hoàng gia bước ra phòng khách.
     
Bà Peronxkaya khen ngợi cách phục sức của gia đình Roxtov. Gia đình Roxtov khen ngợi cách phục sức của bà Peronxkaya, và đúng mười một giờ họ chia nhau bước lên các xe song mã một cách thận trọng để khỏi hỏng tóc và nhầu áo, và lên đường.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM