Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 08:19:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh và hòa bình  (Đọc 273669 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #250 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2011, 08:18:44 pm »

Phần V
Chương - 18
   
Sau khi trở về trung đoàn báo cáo lại cho trung đoàn trưởng biết tình hình vụ Denixov hiện ra sao, Roxtov mang bức thư thỉnh cầu hoàng đế đến Tilzit.
   
Ngày mười ba tháng sáu, hoàng đế Pháp và hoàng đế Nga gặp nhau ở Tilzit. Boris Drubeskoy xin nhân vật trọng yếu mà chàng làm thuộc hạ cho chàng gia nhập đoàn hộ giá được cử đến họp ở đấy.

- Tôi muốn được gặp bậc sĩ nhân, - chàng dùng danh từ này để chỉ Napoléon, người mà từ trước đến nay, cũng như mọi người, bao giờ chàng cũng gọi là Buônapáctê.

- Anh muốn nói đến Buônapáctê phải không? - viên tướng mỉm cười nói với chàng.
     
Boris nhìn viên tướng của mình có ý dò hỏi, và hiểu ngay rằng đó chỉ là một lời bông đùa để thử mình mà thôi. Chàng đáp:

- Thưa công tước, tôi muốn nói đến hoàng đế Napoléon, viên tướng mỉm cười vỗ vai chàng:

- Anh sẽ tiến xa đấy, - và ông ta đem chàng đi theo.
   
Thế là Boris được thu nạp vào cái số ít người có mặt ở trên sông Neman trong ngày hai vị hoàng đế hội kiến. Chàng được trông thấy những chiếc bè mang phù hiệu của hai vị hoàng đế, thấy Napoléon ở bên kia sông đang duyệt quân cận vệ Pháp, thấy bộ mặt tư lự của hoàng đế Alekxandr khi ngồi im lặng trong một quán trọ bên bờ sông Neman đợi Napoléon đến. Chàng trông thấy hai vị hoàng đế bước xuống hai chiếc thuyền riêng, thấy thuyền của Napoléon đến chỗ bè đậu trước tiên. Napoléon nhanh nhẹn bước ra đón Alekxandr và giơ tay ra bắt, rồi hai người cùng nhau đi khuất vào trong trướng. Từ khi lọt được vào các giới cao cấp, Boris đã có thói quen quan sát cẩn thận và ghi nhớ tất cả những điều gì xảy ra quanh mình. Trong cuộc hội kiến ở Tilzit, chàng tìm cách biết tên những người đi theo Napoléon hỏi han về những y phục họ mặc, và chú ý lắng nghe xem các nhân vật quan trọng nói gì. Ngay khi hai vị hoàng đế bước vào trong trường, chàng lấy đồng hồ ra xem và không quên xem lại lần nữa khi Alekxandr từ trong trướng bước ra. Cuộc hội kiến kéo dài một giờ năm mươi ba phút. Ngay chiều hôm ấy, chàng đã ghi chép sự kiện vừa rồi cùng với những sự kiện khác mà chàng cho là có ý nghĩa lịch sử. Vì đoàn hộ giá rất ít người cho nên việc có mặt ở Tilzit có một tầm quan trọng rất lớn đối với một kẻ muốn thành công trên bước đường công danh. Một khi đã được dự vào đoàn hộ giá này, Boris cảm thấy từ nay địa vị của mình đã hoàn toàn vững chắc. Bây giờ không những người ta biết chàng, mà vì cứ trông thấy chàng luôn cho nên người ta còn đâm ra quen chàng nữa. Đã hai lần chàng được giao nhiệm vụ đến gặp hoàng đế, nên hoàng đế bây giờ đã biết mặt chàng, và các chiêu thần không những không tránh mặt chàng như trước kia khi họ còn cho chàng là một người mới đến, mà nếu không thấy chàng họ sẽ còn ngạc nhiên nữa là khác.
   
Boris ở chung nhà với một sĩ quan phụ tá khác: bá tước Zilinxki. Zilinxki là một người Ba Lan giàu có được ăn học ở Paris, rất mê người Pháp, và trong thời gian họp ở Tilzt hầu như ngày nào bọn sĩ quan Pháp ở trong đội cận vệ và trong bộ tổng tham mưu cũng đến ăn trưa hay ăn sáng ở nhà Zilinxki và Boris.
   
Chiều ngày hai mươi bốn tháng Sáu, bá tước Zilinxki, người cùng ở một nhà với Boris, tổ chức một bữa ăn tối để thiết đãi những người Pháp quen biết ông ta. Thượng khách bữa tiệc này là một viên quan phụ tá của Napoléon, ngoài ra có mấy viên sĩ quan cận vệ Pháp và một cậu thiếu niên thuộc cựu quý tộc Pháp làm thị đồng cho Napoléon. Chính chiều hôm ấy Roxtov lợi dụng bóng tối để không ai nhận ra mình, mặc thường phục đến Tilzit tìm chỗ của Zilinxki và Boris.

Sự biến chuyển trong thái độ đối với Napoléon và đối với người Pháp - những kẻ địch hôm qua nay đã thành bạn, sự biến chuyển đã diễn ra trong Tổng hành dinh và trong lòng Boris hãy còn xa lắm mới được thực hiện trong tư tưởng của Roxtov cũng như của toàn thể quân đội mà chàng vừa rời khỏi để đến đây. Trong quân đội người ta vẫn còn cái cảm giác lẫn lộn trước đây gồm cả sự căm giận, khinh bỉ đối với Buônapáctê và quân Pháp. Ngay vừa mới đây thôi, trong khi tranh luận với một sĩ quan cô-dắc trong quân đoàn Platov, Roxtov có nói rằng nếu Napoléon bị bắt làm tù binh thì sẽ bị đối xử như một lên tội phạm chứ không phải như một vị hoàng đế. Cũng vừa mới đây, khi gặp một đại tá Pháp bị thương, chàng đã hăng hái chứng minh với ông ta rằng không thể nói đến chuyện hoà ước giữa một vị hoàng đế hợp pháp với một tên tội phạm như Buônapáctê được. Cho nên Roxtov rất đỗi ngạc nhiên khi thấy ở nhà Boris có những sĩ quan Pháp trong những bộ quân phục mà chàng đã quen nhìn ở tiền tiêu trong những hoàn cảnh khác hẳn. Vừa mới thấy một viên sĩ quan Pháp ló mặt ra cửa là cái cảm giác chiến tranh, thù địch mà chàng bao giờ cũng cảm thấy khi đứng trước quân địch, bỗng tràn ngập tâm hồn chàng.  Chàng dừng lại ở ngưỡng của và hỏi bằng tiếng Nga xem đây có phải là nơi của Boris Drubeskoy không. Boris nghe ở phòng áo có giọng nói là lạ, liền ra gặp chàng. Khi nhận ra Roxtov, nét mặt của Boris thoạt tiên lộ vẻ khó chịu. Tuy vậy chẳng vẫn tiến về phía Roxtov, mỉm cười nói:

- À cậu đấy à! Rất mừng, rất mừng được gặp cậu.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #251 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2011, 08:19:32 pm »

Nhưng Roxtov đã nhận thấy cái thái độ ban đầu của Boris.

- Hình như tôi đến không đúng lúc thì phải.   Đáng lẽ tôi không đến đây nhưng vì tôi có việc cần. - Chàng nói, giọng lạnh lùng.

- Không, mình chỉ ngạc nhiên tại sao cậu lại rời trung đoàn đến đây?
     
Lúc bấy giờ trong nhà có tiếng ai gọi Boris. Chàng đáp bằng tiếng Pháp:

- Chỉ một lát nữa thôi tôi sẽ quay lại với các anh ngay!

- Tôi thấy rõ là tôi đến không phải lúc - Roxtov nhắc lại.
   
Vẻ chịu khó đã biến mất trên gương mặt Boris. Chắc là chàng đã kỉp nghĩ lại và đã quyết định phải làm gì; Boris nắm hai tay Roxtov một cách rất điềm nhiên và kéo chàng vào một gian phòng bên cạnh. Boris nhìn thẳng vào Roxtov một cách bình tĩnh và quả quyết, đôi mắt chàng như bị che lấp sau một tấm bình phong: tấm bình phong đó chính là cặp kính xanh của xã giao, - Roxtov cảm thấy như vậy.

- Thôi đi có gì đâu mà không phải lúc?
     
Boris nói đoạn đưa chàng vào phòng ăn giới thiệu chàng với tân khách, nói rõ tên họ của chàng và giảng giải rằng chàng không phải là một người dân sự mà là một sĩ quan phiêu kỵ, vốn là một bạn cũ của mình. Đoạn Boris giới thiệu các tên khách: bá tước Zilinxki, bá tước N.N., đại uý S.S… Roxtov cau mày nhìn các tân khách người Pháp, miễn cưỡng cúi chào và lặng thinh không nói.
   
Zilinxki hình như chẳng lấy gì làm vui vẻ khi phải đón tiếp cái anh chàng người Nga mới đến kia trong nhóm bạn bè của mình, không nên nói gì với Roxtov cả. Boris có vẻ như không để ý đến tình trạng lúng túng do người mới đến gây nên trong bữa tiệc và tìm cách làm cho câu chuyện rôm rả lên, với thái độ bình tĩnh nhã nhặn của mình, và cái nhìn che kín sau tấm bình phong như khi chàng gặp Roxtov. Một người Pháp, với thái độ lịch thiệp mà những người đồng bang của hắn vốn có, quay về phía Roxtov bấy giờ vẫn một mực làm thinh và nói rằng chắc chàng đến Tilzit là để xem một hoàng đế.

- Không tôi đến có việc - Roxtov đáp gọn.

Roxtov đã thấy bực mình ngay từ khi chàng nhận thấy vẻ khó chịu của Boris và cũng như thói thường khi người ta đang bực mình, chàng có cảm giác làm mọi người nhìn mình một cách khó chịu và mình đang làm mọi người lúng túng. Quả nhiên chàng làm cho mọi người khó chịu, và chỉ có một mình chàng tách ra ngoài câu chuyện chung mới bắt đầu. Các tân khách chốc chốc lại đưa mắt về phía chàng như muốn nói: "Hắn ngồi đây làm cái gì nhỉ?" - Chàng đứng dậy và đến bên cạnh Boris.

- Mình nhìn thấy rõ rằng mình làm phiền cậu - chàng khẽ nói với Boris. Ta đi chỗ khác bàn công việc một chút, rồi mình đi ngay.

- Nào có gì đâu… - Boris nói nhưng nếu cậu mệt thì vào phòng riêng của tôi nằm nghỉ một lát.

- Phải đấy…
     
Hai người bước vào gian phòng ngủ nhỏ của Boris. Roxtov không ngồi xuống. Chàng lập tức kể lại cho Boris nghe vụ Denixov một cách bực tức tưởng chừng như Boris có lỗi gì với chàng, và hỏi Boris có muốn hay có thể nhờ vị tướng của chàng can thiệp giúp với hoàng đế và nhờ ông ta đưa hộ bức thư không. Khi chỉ còn hai người với nhau, Roxtov lần đầu tiên mới nhận thấy rằng mình ngượng nghịu khi phải nhìn thẳng vào mặt Boris, Boris ngồi vắt chéo chân, lấy bàn tay trái vuốt ve mấy ngón tay thon thon của bàn tay phải và nghe chàng nói như một viên tướng nghe thuộc hạ của mình báo cáo, khi thì liếc nhìn sang một bên, khi thì lại nhìn thẳng vào mặt Roxtov, vẫn với cái nhìn bị che lấp sau một tấm bình phong như lúc nãy. Cứ mỗi lần như vậy Roxtov lại cảm thấy lúng túng và cụp mắt xuống.

- Tôi đã nghe nói đến những việc đại loại như vậy và tôi biết rằng hoàng đế rất nghiêm khắc trong những trường hợp đó. Tôi nghĩ rằng không nên đệ trình việc này lên hoàng thượng. Theo ý tôi, tốt hơn là xin thẳng tư lệnh quân đoàn…, nhưng nói chung tôi nghĩ rằng…

- Nếu cậu không muốn giúp thì cậu cứ nói thẳng - Roxtov nói to gần như quát lên, không nhìn vào mắt Boris.

Boris mỉm cười:

- Trái lại, tôi sẽ cố hết sức làm những việc tôi có thể làm, có điều tôi nghĩ rằng…

Vừa lúc đó có tiếng Zilinxki gọi Boris.

- Thôi cậu đi đi, ra đi… - Roxtov nói, và không dự bữa ăn tối.
   
Roxtov ở lại một mình trong căn phòng nhỏ đi đi lại lại hồi lâu trong phòng lắng nghe tiếng nói chuyện vui vẻ bằng tiếng Pháp từ gian phòng bên vọng lại.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #252 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2011, 08:20:35 pm »

Phần V
Chương - 19
   
Roxtov đến Tilzit đúng vào một ngày ít thuận tiện nhất để can thiệp giúp Denixov. Chàng không thể thân hành đến tìm viên tướng trực nhật bởi vì chàng mặc thường phục và đến Tilzit không có phép của thủ trưởng, còn Boris thì dù có muốn đi nữa cũng không thể làm việc ấy ngay hôm sau khi gặp Roxtov. Hôm ấy ngày hai mươi bẩy tháng sáu, những điều khoản đầu tiên của bản hoà ước đã được ký kết. Hai vị hoàng đế tặng huân chương cho nhau: Alekxandr nhận huân chương "Đoàn danh dự", Napoléon nhận huân chương "Andrey đệ nhất cấp", và cũng trong ngày hôm ấy sẽ có một bữa tiệc do một tiểu đoàn Pháp tổ chức để thiết đãi một tiểu đoàn của trung đoàn Preobrazenxki. Hai vị hoàng đế sẽ dự bữa tiệc này. Sau bữa ăn tối hôm ấy, Roxtov cảm thấy lúng túng trước mặt Boris, nên khi Boris ăn xong ghé vào phòng chàng thì chàng giả vờ ngủ, và hôm sau, từ sáng sớm, chàng đã ra đi, cố ý tránh mặt Boris. Nikolai mặc thường phục, đội chiếc mũ dạ tròn đi thơ thẩn ngoài phố nhìn bọn lính Pháp và quân phục của họ, nhìn những đường phố và những toà nhà dành cho hoàng đế Nga và hoàng đế Pháp ở trên quảng trường chàng thấy người ta kê bàn chuẩn bị dọn tiệc, ở ngoài phố chăng những lá cờ Nga và cờ Pháp có chữ A hoa và N hoa to tướng, ở cửa sổ cũng có treo cờ và dính những chữ hoa như vậy.
    
"Boris không muốn giúp ta, vả lại ta cũng không muốn nhờ hắn nữa. Đó là một vấn đề đã giải quyết xong xuôi. - Roxtov nghĩ thầm - Giữa hắn và ta thế là hết, nhưng ta sẽ không ra khỏi nơi này nếu chưa làm được tất cả những việc có thể làm để giúp Denixov và nhất là nếu ta chưa trao được bức thư cho hoàng đế. Trao cho hoàng đế? Người hiện ở đây?" - và bất giác chàng lại quay gót trở lại toà nhà dành cho vua Alekxandr ở.

- Con ngựa cưỡi đang đứng đợi, trước thềm của toà nhà có mấy sĩ quan hộ giá lục tục kéo đến, chắc là để chuẩn bị đón hoàng đế từ trong nhà ra.
  
"Chốc nữa mình có thể gặp người, - Roxtov tự nhủ. - ước gì mình trao được bức thư này tận tay Người và nói hết… Không khéo người ta bắt giam mình vì mình mặc thường phục. Không thể như thế được. Người sẽ biết rõ ai phải ai trái. Người hiểu hết, việc gì người cũng biết. Còn ai có thể công bằng hơn và đại lượng hơn Người nữa…? Vả chăng dù họ có bắt ta vì ta ở đây thì cũng có sao đâu" - Chàng nghĩ thầm khi thấy một sĩ quan bước vào nhà hoàng đế ở… - Đấy, người ta vẫn vào đấy! Chà! Toàn là những ý nghĩ vớ vẩn! Mình phải thân hành mang bức thư đến trình hoàng đế! Thây kệ cái anh chàng Drubeskoy đã buộc mình đi đến nước này". Và đột nhiên, với một sự quyết tâm mà chàng tưởng mình không thể nào có được, Roxtov thò tay nắn lại bức thư ở trong túi áo rồi tiến thẳng về phía toà nhà.
    
"Lần này mình sẽ không bỏ lỡ cơ hội như lần sau trận Austerlix!" - Chàng tự nhủ, lòng khấp khởi hy vọng sẽ gặp hoàng đế ngay bây giờ, và khi nghĩ như vậy chàng lại thấy máu dồn mạnh lên tim "Ta sẽ phục xuống chân Người và cầu khẩn Người. Người sẽ đỡ ta dậy, nghe ta nói và thậm chí còn cảm ơn ta nữa". "Ta rất sung sướng khi có dịp làm việc tốt, nhưng trừ bỏ một điều bất công mới thật là hạnh phúc lơn lao nhất". - Roxtov tưởng tượng hoàng đế sẽ nói với mình như vậy. Và chàng bước lên thềm, dưới những cặp mắt tò mò của những người đứng cạnh đấy.

Từ bậc thềm, một cầu thang gác rộng rãi đưa thẳng lên tầng trên; ở bên phải có một cái cửa đóng kín. Ở dưới cầu thang có một cánh cửa khác dẫn xuống tầng dưới.

- Ngài cần tìm ai? - Có người hỏi.

- Tôi cần đưa một bức thư, một bức thư thỉnh cầu hoàng thượng - Nikolai nói, giọng run run.

- Đơn thỉnh cầu à? Phải đưa cho sĩ quan trực nhật, ngài làm ơn đi về phía này (người ta chỉ cho chàng cái cửa dưới). Nhưng họ không tiếp ngài đâu.
    
Nghe giọng nói thờ ơ ấy, Roxtov thấy hoảng sợ về việc mình vừa làm: ý nghĩ sẽ được gặp hoàng đế dù hấp dẫn đến đâu cũng làm chàng hoảng sợ đến nỗi chàng suýt bỏ chạy, nhưng người hầu phòng vừa tiếp chàng đã mở cửa phòng viên sĩ quan trực nhật, và chàng bước vào.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #253 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2011, 08:21:20 pm »

Một người thấp và béo chạc ba mươi tuổi và đi ủng cao quá gối phía trên chỉ mặc một chiếc áo sơ mi bằng vải mịn, chắc là vừa mới mặc vào xong, đang đứng trong phòng; người hầu phòng ông ta đang cài những chiếc dải đeo quần mới tinh bằng lụa rất đẹp ở sau lưng, không hiểu sao cứ thu hút sự chú ý của Roxtov. Lúc bấy giờ ông ta đang nói chuyện với một người nào ở phòng bên.

- Người cân đối và đẹp mê hồn! - Ông ta nói, nhưng nhìn thấy Roxtov, ông ta im bặt và cau mày:

- Ông muốn gì? Đơn thỉnh cầu à?

- Cái gì thế - tiếng người ở phòng bên hỏi.

- Lại một anh đến thỉnh cầu. - người đeo dải quần đáp.

- Bảo anh ta là để sau hẵng lại. Ngài ngự sắp ra bây giờ, phải đi ngay. Sau hẵng đến, ngày mai hẵng đến. Bây giờ muộn quá rồi.

Roxtov quay gót toan đi ra nhưng người mang dải quần đã cản lại.

- Thư thỉnh cầu của ai? Anh là ai?

Thư của thiếu tá Denixov - Roxtov đáp.

- Còn anh là ai? Sĩ quan à?

- Trung uý bá tước Roxtov.

- Thật là to gan! Hãy nộp lên cấp trên của anh theo đúng quy chế. Còn anh thì đi đi đi đi - nói đoạn ông ta xỏ tay vào bộ quần áo quân phục mà người hầu phòng vừa đưa lại.

Roxtov quay ra phòng áo và thấy nhiều sĩ quan và nhiều vị tướng mặc đại quân phục ngày lễ đang đứng ở trên thềm, muốn ra ngoài chàng phải đi qua trước mặt họ.
   
Lòng thầm nguyền rủa sự to gan của mình, tim như ngừng đập khi nghĩ rằng ngay bây giờ mình có thể gặp hoàng đế không biết chừng, ngay trước mặt Người có thể bị mắng một cách nhục nhã, có thể bị bắt nữa là khác và thấy rõ tất cả sự thất thố trong hành động của mình và hối hận về hành động đó, Roxtov cúi mặt xuống lẻn ra khỏi toà nhà chật ních những người hộ giá sang trọng. Bỗng một giọng nói quen quen gọi chàng và một bàn tay giữ chàng lại.

- Anh làm gì ở đây mà mặc thường phục như thế? - Một giọng trầm trầm hỏi chàng.

Đó là viên tướng kỵ binh trước đây chỉ huy sư đoàn của chàng và nhờ những thành tích trong chiến dịch vừa qua đã được hoàng đế đặc biệt yêu quý.
   
Roxtov hoảng hốt toan thanh minh, nhưng thấy vẻ mặt vui vẻ hiền hậu của viên tướng, chàng kéo ông ta ra một nơi, và với một giọng xúc động chàng kể lại tất cả những việc đã xảy ra, yêu cầu ông ta can thiệp giúp Denixov mà ông ta có biết. Nghe xong viên tướng lắc đầu, vẻ nghiêm nghị.

- Thật ái ngại, thật ái ngại cho chàng trai gan dạ này! Anh đưa thư cho tôi.
     
Roxtov vừa kịp trao bức thư và kể lại đầu đuôi câu chuyện của Denixov thì những tiếng chân bước mau kèm theo tiếng cựa giày lách cách vang lên ở cầu thang. Viên tướng rời Roxtov đến đứng ở sát thềm. Những người trong đoàn tuỳ tùng của hoàng đế chạy xuống thềm và đến đứng cạnh máy con ngựa của họ. Viên sĩ quan giám mã Ene, chính viên sĩ quan trước đây đã có mặt ở Austerlix, dắt ngựa đến cho hoàng đế và trên cầu thang có tiếng giày nhè nhẹ mà Roxtov nhận ra ngay. Quên cả nỗi lo sợ bị người ta nhận mặt, Roxtov tiên đến sát thềm với mấy người hiếu kỳ khác và sau hai năm cách biệt chàng thấy lại cũng những nét mặt tôn quý ấy, cũng cái nhìn ấy, cũng cái dáng đi ấy, cũng cái phong dộ uy nghi mà hiền hậu ấy, và lòng sùng mộ say sưa đối với hoàng đế lại sống lại trong lòng chàng mãnh liệt như xưa. Hoàng đế mặc quân phục của trung đoàn Preobrazenxki, mặc quần dạ trắng đi đôi ủng cưỡi ngựa cao, ngực đeo một tấm huân chương mà Roxtov không biết là huân chương gì (đó là huân chương "Đoàn danh dự") xuất hiện trên thềm, tay cắp mũ và đang đi găng. Người dừng lại đưa mắt nhìn quanh một lượt khiến mọi vật sáng bừng lên. Ngài nói mấy lời với một vị tướng. Ngài nhận ngay ra viên cựu sư đoàn trưởng của Roxtov, mỉm cười với ông ta và gọi ông ta lại.
   
Tất cả đoàn tuỳ tùng rẽ ra và Roxtov thấy viên tướng này nói chuyện khá lâu với hoàng đế.

Hoàng đế đáp lại mấy tiếng rồi bước một bước về phía có ngựa đang đợi sẵn. Đoàn tuỳ tùng và đám người hiếu kỳ trong đó có Roxtov lại nhích tới gần. Hoàng đế dừng lại bên cạnh ngựa và tay đặt lên yên, hoàng đế quay về phía viên tướng kỵ binh và nói to với ông ta, hẳn là muốn cho mọi người đều nghe thấy.

- Ta không thể làm như vậy được, tướng quân ạ, và sở dĩ ta không thể làm được là vì luật pháp còn mạnh hơn ta.
   
Hoàng đế nói đoạn đặt chân lên bàn dạp. Viên tướng cung kính cúi đầu xuống. Hoàng đế lên yên và thúc ngựa phi nước đại trên đường phố. Roxtov phấn khởi hân hoan như cuồng dại cùng với đám đông chạy theo nhà vua.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #254 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2011, 08:22:55 pm »

Phần V
Chương - 20

Ở quảng trường, nơi hoàng đế cưỡi ngựa đến, một tiểu đoàn của trung đoàn Preobrazenxki đứng bên phải và bên trái là một tiểu đoàn cận vệ Pháp đội mũ lông đang đứng sắp hàng đối diện nhau.
     
Trong khi hoàng đế đi về phía bên sườn các tiểu đoàn đang bồng súng chào, thì một nhóm kỵ binh khác đi về phía sườn bên kia là Roxtov nhận ra người đi đầu. Đó là Napoléon không thể là người nào khác. Ông ta đội chiếc mũ nhỏ(1), dây thao huân chương Andrey thắt chéo qua ngực, mình mặc quân phục xanh để lộ chiếc áo gi-lê trắng, phi nước đại trên mình con ngựa Ả Rập thuần giống màu xám rất quý, lưng phủ tấm chăn ngựa màu huyết dụ thêu kim tuyến. Đến trước mặt Alekxandr ông ta cất mũ chào. Nhìn động tác này con mắt kỵ binh sành sỏi của Roxtov không thể không nhận thấy Napoléon cưỡi ngựa rất kém và ngồi trên yên không vững.

Các tiểu đoàn hô to: "Ua-ra" và "Hoàng đế vạn tuế".
   
Napoléon nói mấy tiếng với Alekxandr. Hai vị hoàng đế uống ngựa và bắt tay nhau. Một nụ cười vờ vĩnh khó chịu hiện lên gương mặt Napoléon, Alekxandr thân mật nói chuyện với ông ta.
   
Bất chấp vó ngựa của hiến binh Pháp đang đứng giữa đám đông, Roxtov vẫn theo dõi từng cử chỉ của Alekxandr và Buônapáctê. Roxtov ngạc nhiên, không ngờ vua Alekxandr lại đối xử ngang hàng với Buônapáctê, và Buônapáctê có vẻ ung dung thoải mái… Trong khi đối xử ngang hàng với hoàng đế Nga tựa hồ như sự thân mật này là lẽ tự nhiên và đã từ lâu trở thành một điều quen thuộc đối với ông ta. Napoléon và  Alekxandr cùng với đoàn tuỳ tùng rất dài của họ đi về phía sườn bên phải của tiểu đoàn Preobrazenxki, tiến thẳng đến gần đám đông đang đứng ở đấy gần đến nỗi Roxtov đứng ở hàng đầu chợt có ý sợ rằng họ sẽ nhận ra mình.

- Thưa ngài, tôi xin phép Ngài cho tôi tặng huân chương Đoàn danh dự cho người dũng cảm nhất trong số các quân nhân của ngài! - Ông ta nói giọng sắc sảo, rành rọt, phát âm rõ đến từng chữ.
   
Đó là lời của Buônapáctê thấp bé vừa nói vừa nhìn thẳng vào mặt Alekxandr từ dưới lên. Alekxandr chăm chú nghe những lời Napoléon nói với mình, gật đầu tán thành và mỉm cười thân mật.

- Tặng người đã chiến đấu anh dũng nhất trong cuộc chiến tranh vừa qua! - Napoléon nói thêm, nhấn mạnh từng tiếng một.

Với một thái độ tự tin và bình tĩnh khiến Roxtov tức lộn ruột, ông ta đưa mắt nhìn những hàng quân Nga đang bồng súng chào, mắt dán chặt vào vị hoàng đế của họ.

- Hoàng thượng cho phép tôi hỏi qua ý kiến của đại tá đã chứ?
   
Alekxandr nói đoạn bước nhanh đến gần công tước Kozlovxki, người chỉ huy tiểu đoàn. Trong lúc đó Buônapanê đang tháo găng ra khỏi bàn tay nhỏ nhắn và trắng trẻo. Tình cờ chiếc găng bị rách, ông ta liền vất nó đi. Một sĩ quan phụ tá vội vàng chạy đến nhặt chiếc găng lên.

- Chọn ai bây giờ? - Hoàng đế Alekxandr hỏi thầm Kozlovxki bằng tiếng Nga.

- Xin tuỳ ý bệ hạ.

Hoàng đế cau mày có vẻ không bằng lòng và đưa mắt nhìn quanh, rồi nói.

- Nhưng cũng phải trả lời ông ta chứ.

Kozlovxki đưa mắt nhìn hàng quân một cách quả quyết. Cái nhìn của ông ta bao gồm cả Roxtov.

"Biết đâu là mình cũng nên" - Roxtov nghĩ thầm.

- Lazarev! - Viên đại tá cau mày hô to, và người đứng đầu hàng quân hiên ngang bước ra.

- Anh đi đâu. Đứng yên đấy! - Những tiếng nói thì thào bảo Lazarev, lúc bấy giờ chẳng biết mình phải đi đâu. Lazarev dừng lại liếc nhìn viên đại tá có vẻ lo sợ, và mặt anh ta run run như các binh sĩ vẫn thường run khi được gọi ra trước hàng quân.

Napoléon khẽ ngoái đầu lại và giơ bàn tay nhỏ nhắn béo múp míp ra đằng sau như muốn với lấy một vật gì. Các nhân vật trong đoàn tuỳ tùng hiểu ý ngay. Họ nhốn nháo lên, nói thì thầm, với nhau và trao tay nhau một vật gì không rõ, rồi một người thị đồng (chính người thiếu niên mà Roxtov đã gặp ở nhà Boris tối hôm qua) chạy đến và kính cẩn cúi đầu trên bàn tay của Napoléon đang giơ ra, và không để cho nó đợi một giây, đặt ngay vào lòng bàn tay một chiếc huân chương dải đỏ.

Napoléon không nhìn xuống, lấy hai ngón tay cầm gọn lấy chiếc huân chương rồi lại gần Lazarev trong khi anh ta mở mắt to cứ bướng bỉnh một mực chỉ nhìn hoàng đế của mình và đưa mắt cho hoàng đế Alekxandr như muốn nói rằng việc ông ta làm hiện nay chẳng qua cũng vì ngài muốn mà thôi. Bàn tay trắng trẻo nhỏ nhắn cầm tấm huân chương chỉ khẽ chạm vào khuy áo của Lazarev. Hình như Napoléon đinh ninh rằng muốn làm cho người lính kia sung sướng suốt đời, muốn làm cho anh ta được đề cao hẳn hơn mọi người khác trên thế gian thì chỉ cần bàn tay của ông ta, của Napoléon, khẽ chạm vào ngực anh ta một cái. Napoléon chỉ ấn cái huân chương vào ngực Lazarev và bỏ tay ra, đoạn quay về phía hoàng đế Alekxandr, tựa hồ như tin rằng tấm huân chương phải dính vào ngực. Quả nhiên tấm huân chương dính vào ngực Lazare thật.
   
Những bàn tay sốt sắng, Nga có Pháp có, lập tức vồ lấy chiếc huân chương mà gắn nó vào quân phục Lazarev, Lazarev hầm hầm đưa mắt nhìn con người thấp bé và có bàn tay trắng trẻo đã chạm vào người anh ta, và vẫn bồng súng chào không cử động, mắt cứ nhìn thẳng vào mắt Alekxandr như muốn hỏi xem mình có nên đứng như vậy hay phải đi, hay có lẽ làm một việc gì khác nữa chăng. Nhưng người ta không ra lệnh gì cho anh ta cả, nên anh ta đành đứng im như vậy một hồi khá lâu.
   
Hai vị hoàng đế phi ngựa đi. Binh sĩ trung đoàn Preobrazenxki giải tán hàng ngũ, xen lẫn vào quân cận vệ Pháp và ngồi cạnh những bàn tiệc đã dọn sẵn cho họ.
   
Lazarev ngồi vào ghế danh dự. Các sĩ quan Nga và Pháp ôm hôn anh ta, ngỏ lời mừng và bắt tay anh ta. Binh sĩ và thường dân kéo đến từng đoàn để nhìn anh ta. Tiếng cười, tiếng nói bằng tiếng Nga và tiếng Pháp vang dậy trên quảng trường xung quanh các bàn ăn.
   
Hai sĩ quan, mặt đỏ bừng, vui vẻ và sung sướng đi qua trước mặt Roxtov.

- Tiệc thật ra tiệc! Bát đĩa toàn bằng bạc hết - Một người nói - Anh có thấy Lazarev không?

- Có

- Nghe nói ngày mai quân Preobrazenxki lại thết họ đấy.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #255 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2011, 08:23:58 pm »

- Chà, thằng cha Lazarev thật là tốt số. Một ngàn hai trăm francs trợ cấp hàng năm, lĩnh cho đến trọn đời!
Một người lính trong trung đoàn Preobrazenxki đội một chiếc mũ lông của lính Pháp lên đầu, reo to:

- Anh em ơi, xem cái mũ bảnh chưa này!

- Đẹp quá! Tuyệt thật đấy!

- Cậu có biết khẩu lệnh mấy hôm nay thế nào không? - Một viên sĩ quan cận vệ nói với một người bạn.
Ngày hôm kia là Napoléon, nước Pháp, dũng cảm; hôm qua là Alekxandr, nước Nga, vĩ đại, hoàng đế ta ra khẩu lệnh một hôm, hôm sau lại đến lượt Napoléon. Ngày mai nhà vua sẽ trao huân chương George cho người lính cận vệ anh dũng nhất của Pháp. Không thể khác được, phải đáp lễ chứ!
   
Boris và bạn là Zilinxki cũng đến xem bữa tiệc của binh sĩ trung đoàn Preobrazenxki. Lúc trở về Boris trông thấy Roxtov đứng ở góc một toà nhà.

- Roxtov! Chào cậu! Thế là tối hôm kia chúng mình chẳng gặp lại nhau lần nào - chàng nói với Roxtov, và không thể nén mình không hỏi xem Roxtov có việc gì, vì bộ mặt của Roxtov thật ủ dột và thiểu não lạ lùng.

- Không, có gì đâu - Roxtov đáp.

- Cậu đến nhà mình chứ?

- Được.
     
Roxtov đứng một hồi lâu trong góc, từ xa nhìn về phía đám người đang ăn tiệc. Trong tâm trí chàng diễn ra một cuộc giằng co đau đớn mà chàng không làm sao kết thúc được. Trong lòng chàng nổi lên những mối ngờ vực kỳ lạ. Khi thì chàng nhớ đến Denixov với vẻ mặt biến đổi hẳn đi, đến thái độ phục tùng và tất cả cái nhà thương với những bệnh nhân chân tay bị cưa cụt, đến cảnh bẩn thỉu và bệnh hoạn của nó, chàng có cảm giác là ngay bây giờ mình đang ngửi thấy cái mùi thịt thối trong bệnh viện. Cảm giác ấy mạnh đến nỗi chàng bất giác ngoái nhìn về phía sau để tìm xem nó có thể từ đâu đưa đến. Khi thì chàng sực nhớ đến cái anh chàng Bonaparte tự mãn với bàn tay trắng trẻo, con người hiện nay đã được xem là một vị hoàng đế và được hoàng đế Alekxandr yêu quý và kính trọng. Những cánh tay, những cái chân bị cưa cụt kia, những con người bị giết kia, tất cả những thứ đó phỏng có ích gì? Khi thì chàng sực nhớ đến Lazarev được thưởng, nhớ đến Denixov bị phạt và không được ân xá. Chàng chợt thấy mình có những ý nghĩ kỳ quặc đến nỗi nó làm chàng phát sợ.
     
Mùi thức ăn của binh sĩ trong trung đoàn Preobrazenxki và cơn đói kéo chàng ra khỏi tình trạng ấy: Phải ăn dăm ba miếng trước khi ra đi. Chàng đến một khách sạn mà chàng đã đi qua hồi sáng.
     
Trong khách sạn, chàng thấy có nhiều sĩ quan mặc thường phục như chàng. Khách ăn đông đến nỗi chàng phải khó khăn lắm mới gọi được thức ăn. Hai sĩ quan cũng thuộc sư đoàn chàng đến ngồi với chàng. Lẽ dĩ nhiên là câu chuyện xoay quanh việc ký hoà ước. Các sĩ quan bạn của Roxtov cũng như phần lớn quân sĩ đều bất bình về bản hoà ước được ký kết sau trận Fritland. Họ nói đáng lý phải cầm cự nữa mới phải. Napoléon sẽ gục, vì quân đội của y không còn lương khô và ngay cả đạn cũng đã hết. Nikolai lặng ngồi ăn và nhất là uống rượu rất nhiều. Chàng uống một mình hai chai rượu vang.

Cuộc giằng co đã nổi dậy trong lòng chàng vẫn không kết thúc được và vẫn cứ dằn vặt chàng. Chàng sợ buông mình theo những tư tưởng của mình nhưng vẫn không sao gạt những tư tưởng ấy đi được. Đột nhiên, nghe một viên sĩ quan nói rằng nhìn vào mặt bọn Pháp thật tức lộn ruột, Roxtov bỗng giận dữ quát tháo ầm ĩ. Chẳng ai hiểu tại sao chàng lại nổi xung lên như vậy, cho nên các sĩ quan rất ngạc nhiên.

- Anh làm sao dám xét đoán cái gì hơn, cái gì là kém? - Chàng quát to máu dồn lên mặt bừng bừng - làm sao chúng ta có thể phê phán về những hoạt động của nhà vua, chúng ta có quyền gì bàn bạc! Chúng ta
không thể nào hìểu được mục đích và hoạt động của nhà vua.

- Nhưng tôi có nói gì đến nhà vua đâu - viên sĩ quan phân trần.
     
Ông ta không còn biết cắt nghĩa cơn thịnh nộ của Roxtov bằng cách nào khác hơn là cho rằng Roxtov say.
     
Nhưng Roxtov không nghe viên sĩ quan, chàng cứ nói tiếp:

- Chúng ta không phải là những nhà ngoại giao, chúng ta chỉ là những quân nhân mà thôi. Họ ra lệnh cho chúng ta chết thì chúng ta chết. Họ phạt chúng ta, thế tức là chúng ta có vui lòng công nhận Bonaparte là hoàng đế và ký liên minh với ông ta thì tức là cần phải làm như thế mới được. Còn nếu việc gì chúng ta cũng phê phán và bàn luận vào thì sẽ không còn gì thiêng liêng nữa, cứ theo cái đà ấy chúng ta sẽ nói rằng không có Thượng đế, không có gì hết!

Nikolai đập bàn quát to lên, một tháỉ độ chẳng hợp cảnh tý nào theo quan niệm của những người đang nói chuyện với chàng, nhưng lại hết sức ăn khớp với dòng tư tưởng của chàng.

Việc của chúng ta là làm tròn bổn phận choảng cho mạnh và không suy nghĩ, có thế thôi! - Chàng kết luận.

- Và uống rượu nữa chứ - một sĩ quan chêm vào, chừng không muôn cãi cọ.

- Phải rồi uống rượu nữa! - Nikolai tán thành. - Ê này! một chai nữa đây! - chàng lớn tiếng gọi.

======================================================

Chú thích:

(1) Vào thời bấy giờ võ quan thường đội "mũ hai sừng" rất to, riêng Napoléon đội chiếc mũ đặc biệt, kích thước nhỏ hơn bình thường.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #256 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2011, 08:32:39 pm »

Phần VI - Chương - 1
     
Năm 1808 hoàng đế Alekxandr đến Erfurt để hội kiến với hoàng đế Napoléon một lần nữa, và trong giới thượng lưu tai mắt ở Petersburg người ta bàn tán rất nhiều về cuộc gặp gỡ long trọng và vĩ đại này.
     
Năm 1809 hai vị chúa tể của thế giới - như hồi ấy người ta thường gọi Napoléon và Alekxandr - đã thân thiết với nhau đến nỗi vào năm ấy, khi Napoléon tuyên chiến với Áo, thì một quân đoàn Nga liền được diễu qua biên giới để phối hợp tác chiến với kẻ thù cũ là Bonaparte nhằm chống lại kẻ đồng minh cũ là Áo hoàng; đến nỗi trong giới thượng lưu người ta bàn tán rằng có lẽ Napoléon sẽ kết hôn với một người em gái của Hoàng đế Alekxandr. Nhưng ngoài các vấn đề đối ngoại ra thì hồi ấy công chúa Nga đặc biệt tha thiết quan tâm đến những cuộc cải cách chính trị bấy giờ đang được tiến hành trong khắp các lĩnh vực của bộ máy cai trị trong nước.
       
Trong khi đó cuộc sống, cuộc sống thật của con người với những điều thiết thân về sức khoẻ, bệnh tật, công việc, nghỉ ngơi, với những vấn đề tư tưởng, khoa học, thi ca, âm nhạc, tình yêu, bạn bè, tình bạn, thù hằn, dục vọng, vẫn trôi qua như thường lệ, bất chấp và vượt qua mọi sự thân thiện hay hiềm khích về chính trị với Napoléon Bonaparte, vượt qua mọi cuộc cải cách ở trên đời, công tước Andrey đã hai năm nay không rời khỏi chốn thôn quê.
   
Tất cả những biện pháp mà Piotr đã nghĩ ra để cái cách điền trang nhưng không thu được lấy một kết quả gì, vì chàng cứ luôn luôn nhảy từ việc này sang việc khác, tất cả những biện pháp đó công tước Andrey đều đã thực hiện, tuy không cho ai biết và cũng không phải hao hơi tốn sức cho lắm.
     
Chàng là người có được đến một mức rất cao cái tính kiên trì thực tiễn mà Piotr vốn thiếu, cho nên tuy chẳng phải ra sức gì mấy chàng vẫn làm cho công việc tiến hành có kết quả.

Ba trăm nông nô thuộc một điền trang của chàng được chuyển thành nông dân tự do (đó là một trong những tấm gương đầu tiên ở Nga), còn ở các điền trang khác thì lực dịch được thay thế bàng địa tô ở Bogutsarovo công tước Andrey xuất tiền thuê một bà đỡ để trông nom các sản phụ và trả lương cho một ông linh mục để dạy cho con cái nông dân và gia nô biết đọc biết viết.
     
Công tước Andrey dành một nửa thời giờ để về Lưxyê Gorư sống bên cạnh cha già và đứa con trai nhỏ bây giờ đang giao cho các bà vú em coi sóc, còn một nửa thời giờ thì chàng ở "tu viện Bogutsarovo" - như cha chàng vẫn gọi điền trang của chàng. Tuy có nói với Piotr rằng rất hờ hững đối với các biến cố bên ngoài trên thế giới, chàng vẫn kiên tâm theo dõi các biến cố đó, chàng gửi mua về rất nhiều sách và khi có những người mới ở Petersburg về thăm chàng hay cha chàng, chính chàng cũng lấy làm lạ rằng những con người sống ngay giữa luồng nước xoáy của cuộc đời ấy về mặt hiểu biết những sự kiện ngoại giao và nội trị đang diễn ra lại kém xa một người nằm lỳ ở thôn quê như chàng.
   
Ngoài những công việc điền trang, ngoài việc đọc đủ các loại sách ra, công tước Andrey bây giờ còn chủ tâm phân tích và phê phán hai chiến dịch thất bại vừa rồi của quân ta và soạn ra một dự án cải cách quy chế và luật lệ của quân đội.

Mùa xuân năm 1809 công tước Andrey đi đến các điền trang của con trai ở Ryazan do chàng đảm dương việc trông coi.
     
Dưới ánh nắng xuân ấm áp, chàng ngồi trên xe ngựa, đưa mắt ngắm những ngọn cỏ mới mọc, những nhánh lộc bạch dương mới nhú và những làn mây trắng đầu tiên của mùa xuân lơ lửng trên nền trời xanh trong sáng. Chàng không nghĩ gì hết, chỉ vui vẻ và vô tư lự ngắm cảnh bên dường.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #257 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2011, 08:33:17 pm »

Cỗ xe kiệu đi qua chỗ bến phà, nơi mà cách đây một năm chàng đã nói chuyện với Piotr, rồi đi qua một cái làng lầy lội, những khoảng sân đập lúa, những cánh đồng lúa mì mùa đông đang lên. Xe lăn theo con đường thoai thoải đi xuống một chiếc cầu còn đọng lại ít tuyết, rồi lại leo lên một cái dốc đất sét trơn lầy đi qua những dải đất đầy những gốc rạ và những bụi cây lác đác đâm chồi xanh, rồi tiến vào một khu rừng bạch dương chạy dài hai bên đường. Trong rừng rất ấm, phần nào, nóng bức nữa là khác; không có lấy một hơi gió thoảng qua. Những cây bạch dương lốm đốm những khóm lá xanh mọng đứng im lìm không lay động, và những ngọn cỏ non, những bông hoa tím nhạt đã nhú lên trên lớp lá vàng rụng từ năm ngoái. Mấy cây thông nhỏ mọc lác đác trong khóm bạch dương, màu lá ngàn đời xanh thẳm của nó khiến người ta nhớ lại mùa đông mà bực mình. Chạy vào đến rừng, mấy con ngựa kéo xe thở phì phò, mình càng toát mồ hôi nhiều hơn trước.
   
Anh hành bộc Piotr nói với người xà ích một câu gì đó không rõ và người xà ích khen phải. Nhưng hình như Piotr chưa thoả mãn với sự đồng tình của người xà ích: anh ta xoay người trên ghế đánh xe, ngoảnh về phía chủ mỉm cười lễ phép nói:

- Thưa đại nhân, thật là khoan khoái.

- Cái gì?

- Bẩm thật là khoan khoái ạ.
   
"Anh ta nói gì thế nhỉ? - Công tước Andrey nghĩ thầm - Phải chắc là nói về mùa xuân, - chàng nghĩ, mắt nhìn sang hai bên đường. - Ừ cảnh vật mới đó mà đã xanh rờn, chóng quá! Bạch dương, điêu lê và cả xích dương nữa, đều đã bắt đầu, còn cây sồi thì vẫn chưa thấy gì. Phải đây, đúng là một cây sồi rồi".
     
Bên vệ đường sừng sững một cây sồi. Có lẽ nó già gấp mười lần những cây bạch dương mọc thành khóm rừng này, nó to gấp mười và cao gấp đôi mấy cây bạch dương ấy. Đó là một cây sồi rất lớn hai người ôm không xuể, có những cành có lẽ đã gãy từ lâu, vỏ cây nứt nẻ đấy những vết sứt sẹo. Với những cánh tay to sù sì không cân đối, với những ngón tay quều quào xòe rộng, nó như một quái vật già nua cau có và khinh khỉnh đứng giữa đám bạch dương tươi cười. Chỉ có một cây sồi là không chịu đón lấy mùa xuân và ánh nắng.
     
Mùa xuân, tình yêu, hạnh phúc! - Cây sồi già như muốn nói thế - Làm sao cái điều dối trá khờ khạo và điên rồ như thế mà mãi các người không chán! Quanh đi quẩn lại chỉ có thế, và vẫn chỉ là một sự dối trá mà thôi! Làm gì có mùa xuân, có ánh nắng, có hạnh phúc? Kìa, các người nhìn xem, những cây thông chết cằn chết rụi, bao giờ cũng vẫn thế, và ta nữa, đang đang những ngón tay rạn gãy, sây sát từ lưng ta, từ sườn ta mọc lên; xưa kia nó mọc như thế nào thì ta bây giờ cũng như thế, và ta không tin vào những mềm hi vọng và những sự dối trá của các người.
     
Công tước Andrey ngoái cổ lại cây sồi mấy, lần trong khi xe đi qua khóm rừng, dường như chờ đợi ở nó một cái gì. Dưới gốc cây sồi cũng có hoa, có cỏ, nhưng nó vẫn thế, cau có, lầm lỳ, què quặt và kiên gan đứng im lìm giữa đám hoa cỏ ấy.
     
"Phải, cây sồi nó nói phải, một ngàn lần phải, - công tước Andrey nghĩ, - Để cho người khác, những người còn trẻ, họ lao vào sự dối trá ấy, còn chúng mình thì đã biết đời rồi, - cuộc đời của chúng mình hết rồi"! Và một loạt những ý tưởng mới mẻ. Vô hi vọng nhưng buồn buồn dìu dịu do cây sồi gợn lên nảy sinh trong tâm hồn công tước Andrey. Trong chuyến hành trình này, chàng như đã suy nghĩ lại cả cuộc đời của mình và một lần nữa chàng lại đi đến cái kết luận trước kia, một cái kết luận đượm màu bi quan nhưng cũng làm cho lòng chàng dịu lại, là bây giờ chàng không nên mưu đồ một cái gì nữa hết, rằng chàng phải sống nốt cho hết cuộc đời mình, không làm điều xấu, không ưu tư, không ước muốn gì nữa.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #258 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2011, 08:36:30 pm »

Phần VI
Chương - 2

Vì những công việc trông coi điền trang Ryazan, công tước Andrey phải tiếp xúc với viên đô thống(1) quý tộc là bá tước Ilya Andreyevich Roxtov, và vào trung tuần tháng năm công tước Andrey đến nhà ông ta.
     
Mùa xuân bấy giờ đã chuyển sang tiết oi bức. Rừng đã khoác bộ áo xanh um tùm, không khí đầy bụi và khí trời nóng nực đến nỗi hễ đi ngang chỗ có nước là thấy thèm tắm.
     
Công tước Andrey lòng không vui và tư lự vì nghĩ đến việc phải đến thỉnh cầu viên đô thống quý tộc về công việc. Xe chàng tiến vào khu vườn lớn của gia đình Roxtov ở Otradnyi. Về bên phải, sau mấy khóm cây chàng bông nghe một giọng con gái vui vẻ reo lên, rồi thấy một tốp thiếu nữ chạy ùa về phía lối xe đi. Người chạy trước đến gần xe nhất là một cô thiếu nữ mắt đen, tóc đen, vóc người mảnh dẻ lạ lùng, mặc chiếc áo dài bằng vải hoa vàng, đầu chít một tấm khăn mùi soa trắng để tuột ra ngoài mấy món tóc rối. Cô thiếu nữ vừa chạy vừa cất tiếng reo to, nhưng chợt nhận ra người lạ cô nhìn lảng đi nơi khác rồi phì cười bỏ chạy trở lại.
     
Công tước Andrey chợt thấy lòng se lại chẳng hiểu vì sao. Ngày hôm nay trời đẹp quá, ánh nắng rực rỡ quá, chung quanh tươi vui quá; và cô gái mảnh dẻ, xinh xắn kia không hề biết và không muốn biết rằng có chàng tồn tại trên đời này, cô bằng lòng và vui sướng với cuộc sống riêng của mình - Chắc là một cuộc sống vô nghĩa, nhưng vui tươi và hạnh phúc.
   
"Cô ta có chuyện gì mà vui thế? Cô nghĩ đến cái gì? Hẳn không phải đến quy chế quân sự hay việc tổ chức nông dân ở điền trang Ryazan. Cô ta nghĩ gì thế" Cái gì làm cho cô ta sung sướng?" - công tước Andrey bất giác băn khoăn tự hỏi.

Bá tước Ilya Andrêyevich năm 1809 cũng sống ở Otradnyoe như mọi năm trước, nghĩa là tiếp đãi hầu hết cả tỉnh, suốt ngày săn bắn, tiệc tùng, diễn kịch, đàn sáo. Cũng như đối với bất cứ người khách nào mới đến, bá tước Roxtov mừng rỡ tiếp đãi công tước Andrey và khăng khăng một mực nài ép chàng nghỉ lại nhà.
   
Suốt một ngày dài dằng dặc công tước Andrey phải trò chuyện với hai ông bà Roxtov và các vị thượng khách đến chật cả nhà để dự mấy ngày lễ thánh sắp đến. Bolkonxki mấy lần nhìn Natasa vui đùa giữa đám thanh niên, trong lòng cứ băn khoăn tự hỏi: "Không biết cô ta nghĩ gì? Cái gì làm cô ta sung sướng thế"
   
Đến tối, nằm một mình trong phòng riêng, chàng lạ nhà không sao ngủ được. Chàng lấy sách đọc, rồi tắt nến đi, rồi lại thắp lên. Căn phòng đóng cửa sổ kín mít, rất nóng bức. Chàng thấy bực cái lão già ngốc nghếch kia (chàng gọi bá tước Roxtov như vậy) đã giữ chàng lại, bảo là các giấy tờ cần thiết đang ở trên tỉnh, còn phải cho người lên lấy. Chàng nghĩ bực mình sao mình lại ở lại đây làm gì.
   
Công tước Andrey đứng dậy, ra mở cửa sổ. Chàng vừa mở cánh cửa chớp ra thì ánh trăng lùa vào phòng, tựa hồ như nãy giờ đã trực sẵn ngoài cửa sổ từ lâu. Chàng mở rộng cửa. Đêm hôm ấy mát mẻ, trong sáng và yên tĩnh. Ngay trước cửa sổ có một hàng cây xén phẳng, một phía thì tối đen, phía kia thì lóng lánh như bạc. Ở phía dưới hàng cây cao có những khóm cây gì ướt mọng, cánh lá lăn tăn phản chiếu ánh trăng loang loáng. Xa hơn, ở phía sau hàng cây đen có một cái nhà sương đọng lấp lánh, về phía phải có một cây to um tùm, thân đều trắng muốt, và ở phía trên là vầng trăng gần tròn, trên nền trời xuân trong sáng chỉ lác đác mấy vì sao. Công tước Andrey chống khuỷu tay lên khung cửa sổ, mắt chàng đăm đăm nhìn lên bầu trời.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #259 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2011, 08:37:19 pm »

Phòng của công tước Andrey ở tầng giữa; ở các phòng tầng trên cũng có người, họ cũng chưa ngủ. Chàng nghe có tiếng nói của một người con gái ở phía trên vẳng xuống.

- Một lần nữa thôi mà, - công tước Andrey nhận ngay ra giọng người con gái vừa nói câu này.

- Thế thì bao giờ cô mới chịu đi ngủ? - Một giọng khác đáp lại.

- Em không ngủ, em không thể ngủ được đâu, biết làm thế nào được!

- Nào, lần cuối cùng thôi mà…
   
Hai giọng phụ nữ hoà nhau hát một câu, có lẽ là câu cuối của một bài nhạc nào đấy.

- Chà tuyệt quá! Thôi, bây giờ thì ngủ nhé.

- Chị đi ngủ đi, còn em thì chịu, - giọng người ban nãy đáp, nghe như đang đi ra phía cửa sổ. Có lẽ cô thiếu nữ nhô hẳn người ra ngoài cửa sổ vì có thể nghe rõ cả tiếng áo sột soạt và tiếng thở. Mọi vật đều im bặt và lắng lại như vấng trăng, như ánh trăng và những bóng tối trong vườn. Công tước Andrey cũng không dám cử động, sợ mấy cô gái ở tầng trên biết mình đang thức. Giọng nói ban đầu lại vẳng xuống:

- Sonya! Sonya! Ngủ làm sao được kia chứ! Xem này, tuyệt quá! Ôi! đẹp quá đi mất! Kia dậy đi chị Sonya,
- giọng nói nghe gần như muốn khóc - Thật chưa bao giờ có một đêm huyền diệu như thế này.
     
Sonya cằn nhằn đáp lại một câu gì không rõ.

- Không, chị phải ra đây xem cơ, trăng đẹp quá… Ôi! Tuyệt quá! Chị ra đây. Sonya ơi, Sonya yêu quý của em, chị ra đây! Đấy chị thấy không? Đây này, cứ ngồi xổm như thế này nhé, vòng tay xuống dưới hai đầu gối thế này - Ôm thật chặt, thật chặt vào, phải cố lấy sức, - thì thế nào cũng bay bổng lên cho mà xem.
Đây này!

- Thôi thôi, lại ngã bây giờ.

Có tiếng hai người giằng co nhau, rồi giọng trách móc của Sonya.

- Hơn một giờ sáng rồi còn gì.

- Ồ chị thì chỉ làm hỏng hết cái thú của em thôi.

- Chị đi đi đi đi…

Mọi vật lại im lặng, nhưng công tước Andrey biết rằng nàng vẫn ngồi đấy. Thỉnh thoảng chàng lại nghe tiếng cử động khe khẽ, thỉnh thoảng lại có tiếng thở dài.

- Ồ trời ơi! Trời ơi! Làm sao thế này! - Nàng bỗng kêu lên. - Thôi đi ngủ thì đi ngủ vậy! - Rồi nàng đóng cửa lại.
   
"Vẫn không hay biết gì đến ta!" - Công tước Andrey nghĩ trong khi lắng tai nghe tiếng nói của nàng và không hiểu tại sao, chàng cứ chờ đợi và sợ rằng nàng sẽ nói một điều gì về mình, "Lại cô ấy, cứ như là cố tình vậy" - chàng nghĩ. Trong tâm hồn chàng bỗng trào lên một mớ ý nghĩ rối ren bất ngờ cùng với bao nhiêu hy vọng trẻ trung không ăn nhập gì với cuộc đời chàng. Cảm thấy mình không đủ sức hiểu nổi tâm trạng mới mẻ của mình, công tước Andrey ngủ thiếp đi.

=======================================================

Chú thích:

(1) Một người do các gia đình quý tộc trong một tỉnh hay một huyện bầu ra để lo các công việc riêng của đẳng cấp và giữ một chức vụ tương ứng trong các cơ quan tự quản của địa phương
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM