Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 04:56:04 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh và hòa bình  (Đọc 273662 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #220 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2010, 10:14:43 pm »

Chiếc sọ người, cỗ quan tài, quyển Phúc âm đối với chàng hầu như là những thứ chàng đã chờ đợi từ trước, và chàng còn chờ đợi những việc kỳ dị hơn nữa. Cố sức làm cho tình cảm sùng đạo nảy sinh trong lòng mình, chàng đưa mắt nhìn quanh, "Thượng đế, cái chết, tình yêu, tình hữu ái huynh đệ giữa người với người" - Chàng vừa tự nhủ vừa liên hệ những chữ này với những hình ảnh mơ hồ nhưng phấn khởi. Cánh cửa bỗng mở ra và một người bước vào.
   
Dưới ánh sáng leo lét mà Piotr đã quen nhìn, chàng trông thấy một người thâm thấp. Hình như người này vừa từ một nơi có ánh sáng bước vào chỗ tối nén phải dừng lại một lát; rồi người đó thận trọng bước tới cạnh bàn và đặt lên đó đôi bàn tay nhỏ đeo găng da.
   
Người thấp nhỏ này mặc một cái áo tạp dề bằng da trắng, che cả ngực và một phần chân, ở cổ đeo một thứ vòng, ở dưới chiếc vòng nổi bật lên một cái nềm viền cổ trắng, cao đóng khung khuôn mặt dài được chiếu sáng từ phía dưới lên. Nghe tiếng động khẽ của Piotr, người mới vào liền quay về phía chàng, hỏi:

- Anh đến đây làm gì? Tại sao một người không tin vào ánh sáng của chân lý và không nhìn thấy ánh sáng ấy như anh lại đến đây làm gì? Anh muốn gì ở chúng tôi? Có phải anh muốn sự thông tuệ đạo đức và ánh sáng không?
   
Ngay từ khi cánh cửa lớn mở ra và người lạ mặt kia bước vào, Piotr có một cảm giác sợ hãi và tôn kính giống như cảm giác hồi còn nhỏ mỗi lần đi xưng tội. Chàng cảm thấy mình đang mặt giáp mặt với một người hoàn toàn xa lạ trong đời sống hàng ngày, nhưng gần gũi vì tình hữu ái của nhân loại. Tim đập mạnh đến nỗi không thở được nữa, chàng đến gần thuyết sư (trong hội Tam điểm, người hội hữu chuẩn bị cho người đi tìm(2) gia nhập hội được gọi là thuyết sư).

Khi đến gần hơn, Piotr nhận ra người thuyết sư là một người chàng có quen, tên là Xmiliamkov, nhưng chàng cảm thấy khó chịu khi nghĩ rằng người vừa bước vào là một người quen: chàng chỉ muốn coi người ấy như một hội hữu và một thuyết sư có đạo đức. Piotr một hồi lâu không nói được một lời nào, khiến người thuyết sư phải nhắc lại câu hỏi hồi nãy. Chàng ấp úng:

- Vâng, tôi… tôi… tôi muốn tự đổi mới.

- Tốt lắm - Xmôlianikov nói.

- Tôi muốn quan niệm rằng hội "Tam điểm" là tình huynh đệ và bình đẳng giữa mọi người nhằm những mục đích đạo đức - Piotr nói và thấy xấu hổ vì cho rằng những lời nói của mình không ăn khớp với tính chất trang trọng của giờ phút này - tôi cho rằng…

- Tốt lắm - người thuyết sư vội vã nói, hẳn là ông ta hoàn toàn hài lòng về câu trả, lời, - trước đây anh có tìm ở trong tôn giáo những biện pháp để đạt đến mục đích của mình không?

- Không. Trước đây tôi cho rằng tôn giáo là một sai lầm, và tôi không theo, - Piotr nói khẽ đến nỗi người thuyết sư không nghe ra, phải hỏi lại xem chàng nói gì. Piotr đáp - Trước đây tôi là người vô thần…

- Anh tìm chân lý để sống theo những quy tắc của chân lý; cho nên anh tìm thông tuệ và đạo đức, có phải thế không? - Người thuyết sư nói sau một lát im lặng.

- Vâng, vâng. - Piotr xác nhận.
   
Người thuyết sư đằng hắng một tiếng, đặt hai bàn tay đeo găng lên ngực và bắt đầu nói:

- Bây giờ tôi phải tuyên bố cho anh biết mục đích chính của hội chúng tôi, và nếu mục đích ấy trùng với mục đích của anh thì anh vào hội chúng tôi là có lợi. Mục đích đầu tiên, chủ yếu nhất, đồng thời là cơ sở của hội chúng tôi, trên đó hội chúng tôi được xây dựng, và không một lực lượng nào của loài người có thể lật đổ được, đó là bảo vệ và lưu truyền cho hậu thế một điều bí mật quan trọng… được truyền tới ngày nay từ thời xa xăm nhất, mãi từ thời con người đầu tiên cho đến chúng ta, và có lẽ vận mệnh của nhân loại cũng lệ thuộc vào điều bí mật đó. Nhưng vì điều bí mật đó không ai có thể biết được và sử dụng được nếu như bản thân mình không được chuẩn bị từ trước bằng cách tu thân lâu dài và kiên nhẫn; cho nên không phải người nào cũng có thể hy vọng nắm được nó một cách nhanh chóng. Vì vậy, chúng tôi có một mục đích thứ hai là chuẩn bị các hội viên chúng tôi cho thật chu đáo để đổi mới tâm hồn họ, làm cho lòng họ trong sạch và soi sáng lý trí của họ bằng những biện pháp mà những con người đã nỗ lực tìm hiểu điều bí mật ấy đã truyền lại cho chúng tôi, và chính những biện pháp này sẽ khiến họ nám được điều bí mật mà tôi đã nói. Thứ ba, trong khi tu sửa và làm cho các hội viên chúng tôi được trong sạch, chúng tôi cố gắng cải tạo tất cả loài người bằng những tấm gương sùng tín và đạo đức trong các hội viên chúng tôi và cố hết sức dùng cách đó để chống lại cái ác đang thống trị thế giới. Anh hãy suy nghĩ kỹ về việc đó đi và tôi sẽ gặp lại anh - Ông ta nói đoạn bước ra khỏi phòng.

- Chống lại cái ác đang thống trì thế giới… - Piotr nhắc lại và hình dung hoạt động sau này của mình trong lĩnh vực này. Chàng hình dung những con người như chàng cách đây hai tuần lễ, và trong trí tưởng tượng chàng nói với họ những lời dạy dỗ khuyên răn. Chàng hình dung những con người hư hỏng và bất hạnh mà chàng sẽ giúp đỡ bằng lời nói và việc làm, chàng tưởng tượng mình đang cứu những người khốn khổ thoát khỏi bàn tay những kẻ áp bức họ. Trong ba mục đích mà người thuyết sư kể cho chàng nghe thì mục đích cuối cùng, mục đích cải tạo nhân loại là đặc biệt gần gũi với chàng. Điều bí mật quan trọng gì đấy mà người thuyết sư nhắc đến tuy có khêu gợi trí tò mò của chàng, nhưng đối với chàng không phải là điều chủ yếu; còn mục đích thứ hai là tu sửa mình và làm cho mình trong sạch thì chàng ít quan tâm đến, bởi vì trong giờ phút này chàng khoan khoái cảm thấy mình đã hoàn toàn từ bỏ được những tật xấu ngày trước và sẵn sàng chỉ làm điều thiện mà thôi.
   
Nửa giờ sau, người thuyết sư quay lại nói cho người tìm hiểu biết bảy đức tính tương ứng với bảy bậc thềm của thần miếu Salomon(3), mà mỗi người Tam điểm đều phải trau dồi cho mình.

Những đức tính ấy là:

1. Kín đáo, tôn trọng những bí mật của hội.

2. Phục tùng các hội viên thượng cấp của hội,

3. Sống đạo đức,

4. Yêu nhân loại,

5. Dũng cảm,

6. Đại lượng

7. Yêu cái chết.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #221 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2010, 10:15:48 pm »

Thứ bảy, - người thuyết sư nói - Anh phải cố gắng thường nghĩ đến cái chết để tiến tới chỗ không coi nó là một kẻ thù ghê sợ nữa, mà là một người bạn… giải thoát linh hồn đã mệt mỏi vì những việc hiện ra khỏi cuộc sống này và đưa nó lên nơi cực lạc, nghỉ ngơi.
   
"Phải rồi, phải như thế mới được - Piotr ngẫm nghĩ khi người thuyết sư lại lui ra sau những lời này và để chàng ngồi một mình trầm ngâm suy nghĩ. - Phải rồi, phải như vậy mới được, nhưng ta còn yếu đuối đến nỗi vẫn ham chuộng cuộc sống của ta mà mãi đến nay ý nghĩa mới dần dần hiện rõ trước mắt ta". Còn năm đức tính kia, - chàng tính đốt ngón tay nhớ lại, chàng cảm thấy mình đều có: (dũng cảm, đại lượng, sống đạo đức, tình yêu nhân loại, và đặc biệt là sự phục tùng), cái này đối với chàng thậm chí không phải là một đức tính mà là một nguồn hạnh phúc (chàng vui sướng làm sao khi được thoát khỏi cái tự do phán đoán của mình và ý chí mình phải phục tùng những người nắm được cái chân lý hiển nhiên). Còn về đức tính thứ bảy thì Piotr đã quên khuấy đi mất, không tài nào nhớ lại được.
   
Lần thứ ba người thuyết sư quay trở lại nhanh hơn những lần trước và hỏi Piotr xem chàng có giữ vững ý định không và có quyết tâm tuân theo tất cả những điều người ta đòi hỏi ở chàng không.

- Tôi sẵn sàng làm tất cả - Piotr nói.

- Tôi còn phải nói cho anh biết một điều - người thuyết sư nói - Hội chúng tôi truyền đạt giáo lý của mình không phải chỉ bằng lời nói mà còn bằng những biện pháp khác có tác dụng đến con người đi tìm sự thông tuệ và đạo đức có lẽ còn mạnh hơn những lời đã giải thích. Ngôi đền này, với cách trần thiết mà anh đã nhìn thấy, chắc đã nói được với lòng anh nhiều hơn là những lời nói, nếu lòng anh thành thực; và có lẽ trong nghi thức nhập hội sắp đến anh sẽ thấy một phương thức truyền đạt tương tự. Hội chúng tôi bắt chước những hội thời cổ đại, biểu hiện học thuyết của mình bằng những chữ tượng hình. Chữ tượng hình - người thuyết sư nói - là sự biểu hiện một cái gì không cảm giác được và cái này có những tính chất tương tự với vật được biểu hiện.
   
Piotr biết rất rõ chữ tượng hình là gì nhưng chàng không dám nói. Chàng im lặng lắng nghe người thuyết sư: Qua tất cả những điều đã thấy được, chàng cảm thấy cuộc thử thách sắp sửa bắt đầu.

- Nếu anh quyết tâm, thì tôi phải làm lễ nhập hội cho anh - người hướng dẫn nói trong khi đến gần Piotr hơn. - Để biểu lộ lòng đại lượng của anh, tôi xin anh đưa cho tôi tất cả những vật quý mà anh có.

- Nhưng tôi có mang gì trong người đâu - Piotr nói, vì chàng tưởng người ta bảo chàng trao lại tất cả của cải hiện có của chàng. Nghĩa là những thứ anh hiện có trên người: đồng hồ, tiền bạc, nhẫn…
   
Piotr vội vã đưa túi tiền, đồng hồ và một hồi lâu loay hoay mãi mới rút được chiếc nhẫn cưới ra khỏi ngón tay múp míp. Khi chàng đã làm xong, người thuyết sư nói:

- Để tỏ lòng phục tùng của anh, tôi yêu cầu anh cởi quần áo.
   
Piotr cởi áo gi-lê và tháo giày ở chân trái theo lời chỉ dẫn của người thuyết sư. Người Tam điểm cởi khuy áo sơ mi của chàng, phanh hở phía bên trái ngực và cúi xuống kéo ống quần bên trái của chàng lên quá đầu gối. Piotr vội vã toan tháo luôn cả chiếc giày bên chân phải và xắn ống quần bên phải lên để cho người lạ mặt đỡ mất công, nhưng người Tam điểm bảo chàng không cần phải làm như thế và đưa cho chàng một chiếc giày vải để xỏ vào chân trái. Với một nụ cười trẻ con thẹn thùng, ngờ vực và tư thế nhạo hiện rõ trên môi mặc dầu chàng không muốn, hai tay buông thõng, hai chân chạng ra, Piotr đứng trước mặt người hội hữu thuyết sư đợi những mệnh lệnh mới, và cuối cùng để biểu lộ lòng thành thực: tôi yêu cầu anh cho biết dục vọng chính của anh.

- Dục vọng của tôi ư! Trước kia tôi có nhiều lắm - Piotr nói.

- Dục vọng nào làm cho anh vấp ngã nhiều nhất trên con đường đạo đức? - người Tam điểm nói.
Piotr im lặng, bắn khoăn. "Rượu? Ăn phàm? Nhàn rỗi? Lười biếng? Nóng nảy? Thù hằn? Gái?" - Chàng nhẩm điểm lại trong tâm trí những tật xấu của mình cân nhắc mình không biết nên dành ưu tiên cho tật xấu nào.

- Gái - chàng nói rất khẽ, chỉ thoáng nghe được mà thôi. Sau câu trả lời ấy, người Tam điểm đứng yên không nói một hồi lâu.

Cuối cùng ông ta đến gần Piotr, lấy cái khăn tay ở trên bàn rồi lại bịt mắt chàng.

- Lần cuối cùng tôi nói với anh: Anh phải tập trung tất cả tâm trí vào bản thân mình, phải kiềm chế các cảm giác và tìm hạnh phúc không phải ở những dục vọng mà ở trong tim mình. Nguồn gốc của hạnh phúc không phải ở ngoài ta mà ở trong ta.
   
Piotr đã bắt đầu cảm thấy nguồn hạnh phúc mát mẻ kia tuôn chảy trong lòng chàng, làm cho tâm hồn chàng giờ đây tràn dầy một niềm vui và một nỗi xúc động êm dịu khác thường.

==============================================

Chú thích:

(1) Thomas Kempit (1379 - 1471): Tu sĩ Cơ đốc giáo, người Đức, nhà văn tôn giáo. Quyển sách nói đây là quyển bắt chước Giê - su Cơ đốc.

(2) Tức người muốn vào hội Tam điểm để đi tìm chân lý.

(3) Salomon, vua nước Israel và là người đã dựng lên ngôi đền Jerusalem. Salomon được các dân tộc Cận Đông cho là một bậc anh quân và là một nhà hiền triết.

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #222 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2010, 10:17:49 pm »

Phần V
Chương - 4

Một lát sau có người đến tìm Piotr trong gian phòng tối. Lần này không phải người thuyết sư hồi nãy, mà là Villarxki, người bảo lãnh của chàng mà chàng nhận ra nhờ giọng nói. Khi Villarxki hỏi lại xem chàng có quyết tâm không thì chàng đáp:

- Vâng, vâng, tôi bằng lòng. - Rồi chàng nở một nụ cười rạng rỡ của trẻ con và cứ để hở cái ngực trần béo đẫy, một chân đi giày một chân không, chàng bước đi dè dặt, vụng về trong khi Villarxki dí một thanh kiếm vào giữa vào khoảng ngực để trần của chàng. Người ta đưa chàng ra khỏi phòng, đi qua những dãy hành lang quanh co và cuối cùng đến cửa hội sở. Villarxki đằng hắng một tiếng. Tức thì có tiếng dùi vồ gõ mấy cái đáp lại theo lối Tam điểm. Một giọng trầm mà chàng không biết là của ai - vì mắt chàng vẫn bị bịt kín - hỏi chàng là ai, ở nơi nào, sinh năm nào, v.v… sau đó, người ta lại đưa chàng đến một chỗ khác trong khi chàng vẫn bị bịt mắt, và trong lúc đi người ta dùng những hình ảnh phúng dụ để nói với chàng về những nỗi gian khổ của cuộc hành trình chàng sẽ đi, về tình hữu ái thiêng liêng, về đấng vĩnh viễn đã sáng tạo ra thế giới, về tinh thần dũng cảm mà chàng phải có trong khi chịu đựng những gian khổ hiểm nguy. Trong lúc đi như vậy, Piotr nhận thấy người ta gọi chàng khi thì là kẻ đi tìm, khi thì là kẻ đau khổ khi thì lại gọi là kẻ yêu cầu và trong khi gọi như vậy họ lại lấy dùi vồ và kiếm gõ mỗi lần một khác. Trong lúc họ đưa chàng đến gần một vật gì không rõ, chàng nhận thấy giữa những người dẫn đường có sự phân vân và lúng túng. Chàng nghe những người xung quanh chàng bàn tán thì thào, và có một người yêu cầu phải đưa chàng đặt lên một vật gì, đoạn ra lệnh cho chàng lấy tay trái dí một cái com-pa vào vú bên trái và bắt chàng nhắc lại những lời thề trung thành với các luật lệ của hội, do một người khác đọc lên. Sau đó, họ tắt nến, đốt rượu cồn lên - Piotr đoán như vậy vì ngửi thấy mùi cồn - và họ nói rằng chàng sẽ được thấy ánh sáng nhỏ. Họ cởi khăn bịt mắt và Piotr thấy như trong giấc mơ, trong ánh lửa leo lét của rượu cồn có một vài người cũng mặc thứ tạp dề như người thuyết sư, đứng trước mặt chàng và giơ kiếm chĩa vào ngực chàng. Trong số này, có một người mặc một chiếc áo sơ mi vấy máu.

Trông thấy thế, Piotr ưỡn ngực về phía những thanh kiếm, hy vọng rằng những thanh kiếm kia sẽ đâm suốt ngực mình. Nhưng người ta lập tức thu kiếm lại và bịt mắt chàng lại như cũ.

- Bây giờ anh đã được thấy ánh sáng nhỏ - một người nào đó nói với chàng. Đoạn người ta lại thắp nến lên, và bảo chàng cần phải nhìn thấy ánh sáng lớn. Người ta lại cất khăn bịt mắt đi và hơn mười người đồng thanh nói: Sic transit gioria Mundil(1).
     
Piotr dần dân định thân và đưa mắt nhìn gian phòng trong đó chàng đứng, cùng những người có mặt ở đấy. Có người ngôi xung quanh một cái bàn dài phủ vải đến, tất cả đều ăn mặc như những người chàng thấy từ lúc nãy. Chàng nhận ra một vài người mà chàng đã gặp trong giới xã giao Petersburg. Một người trẻ tuổi lạ mặt ngồi ghế chủ toạ, trên cổ đeo một cây thập tự đặc biệt. Ở bên trái ông ta, là vị giáo sư ý mà Piotr đã gặp cách đây hai năm ở nhà Anna Pavlovna. Ở đây lại có một viên đại thần rất trọng yếu và một gia sư người Thuỵ Sĩ trước đây đã sống ở nhà gia đình Kuraghin.

Tất cả đều im lặng trang nghiêm lắng nghe vị chủ toạ cầm dùi vồ.
   
Trên tường gắn một ngôi sao sáng rực. Ở một bên bàn là một cái thảm nhỏ có vẽ nhiều hình tượng trưng khác nhau; và ở bên kia bàn là một thứ bàn thờ với một quyển Phúc âm và một cái sọ người.
Xung quanh bàn có bảy cái cây đèn nến lớn như loại cây đèn nến ở trong nhà thờ. Hai người hội hữu dẫn Piotr đến bàn thờ, bắt chàng quỳ xuống, hai chân làm thành một góc vuông, và ra lệnh cho chàng phải nằm xuống đất, nói rằng chàng đang phục trước cửa thần miếu. Một người thì thào:

- Trước tiên phải cho anh ta nhận cái bay đã.

Một người khác nói:

- Ô thôi, xin im đi cho.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #223 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2010, 10:18:30 pm »

Piotr không phục xuống như người ta đã yêu cầu chàng đưa cặp mắt cận thị ngơ ngác nhìn quanh, và đột nhiên chàng đâm hoài nghi: "Ta ở nơi nào đây?" Ta đang làm gì thế này? Có phải họ đang chế nhạo ta không? Về sau khi nhớ đến điều này, ta có xấu hổ không?" Nhưng ngờ vực này chỉ thoáng qua trong khoảnh khắc. Piotr đưa mắt nhìn gương mặt nghiêm trang của mấy người đứng xung quanh, sực nhớ lại tất cả những điều chàng đã trải qua, và hiểu ràng không thể nào dừng lại ở giữa chừng được. Chàng hoảng sợ vì mình đã hoài nghi, và cố gắng gây lại trong lòng mình niềm cảm kích hồi nãy, chàng phủ phục xuống trước cửa thần miếu. Và quả nhiên niềm cảm kích lại tràn vào tâm hồn chàng, lần này còn mãnh liệt hơn lần trước nữa. Chàng phù phục như vậy được một lúc thì họ ra lệnh cho chàng đứng dậy và mặc cho chàng một cái áo bay và ba đói găng, rồi vị đại sư quay về phía chàng. Ông ta nói với chàng rằng chàng phải cố gắng làm sao dừng làm bẩn màu trắng của cái tạp dề này vốn được tượng trưng cho sự trong sạch và vững chắc.
   
Đoạn ông ta nói đến cái bay mà chàng chưa hiểu ý nghĩa, giải thích rằng chàng phải cố gắng dùng cái bay này gạt bỏ những tật xấu, để làm cho con tim của mình được trong sạch và san phẳng một cách rộng lượng con tim của đồng loại. Còn về đoi găng thứ nhất, một đôi găng đàn ông, thì ông ta nói rằng chàng không thể hiểu được ý nghĩa của nó nhưng phải gìn giữ nó; về đôi găng thứ hai thì ông ta nói rằng chàng phải mang nó trong các buổi họp, và cuối cùng, về đôi găng tay thứ ba, một đôi găng phụ nữ, thì ông ta bảo: Hội hữu thân mến, đôi găng phụ nữ này được trang bị cho hội hữu. Hội hữu sẽ trao nó cho người đàn bà mà hội hữu kính trọng hơn hết. Cái quà tặng này sẽ chứng tỏ tấm lòng trong sạch của bạn và con người mà bạn chọn làm một nữ hội viên Tam điểm xứng đáng. Ông ta im lặng một lát rồi nói thêm: Nhưng hội hữu ạ, hội hữu phải cẩn thận chớ để cho đôi găng này tô điểm những bàn tay ô uế!
   
Trong lúc vị đại sư nói câu cuối cùng này Piotr có cảm tưởng rằng ông ta bối rối. Piotr còn bối rối hơn nữa, chàng đỏ bừng mặt đến nỗi nước mắt rưng rưng như khi trẻ con đỏ mặt, đưa mắt lo lắng nhìn quanh. Một phút im lặng ngượng ngùng trôi qua.
   
Phút im lặng này được một người hội hữu chấm dứt, người ấy đưa Piotr đến cái thảm và bắt đầu đọc ở trong một quyển vở những lời giải thích tất cả những ảnh hưởng trên thảm: Mặt trời, mặt trăng, cái dùi vồ, sợi dây dọì, cái bay, hòn đá hoang đã hình khối vuông, cái cột trụ ba cái cửa sổ, v.v… đoạn ông ta chỉ chỗ cho Piotr đứng, mách cho chàng biết những ám hiệu của hội, khẩu lệnh vào cửa và cuối cùng cho phép chàng ngồi xuống. Vị đại sư bắt đầu đọc điều lệ. Điều lệ rất dài, và Piotr vì quá sung sướng, xúc động và xấu hổ nên không sao hiểu được những điều ông ta đọc. Chàng chỉ nghe những lời cuối cùng và nhớ lấy những điều ấy.

- Trong hội chúng ta, chúng ta không biết đến những cấp bậc nào khác ngoài sự phân biệt giữa đạo đức và tội lỗi. Hãy tránh gây nên những sự phân biệt nào khác có thể vi phạm quyền bình đẳng.
Hãy lao mình đến cứu người hội hữu, bất cứ là ai, hãy soi sáng kẻ lạc đường, hãy đỡ người sa ngã trở dậy và đừng bao giờ đem lòng thù hằn hay chống đối hội hữu của mình. Hãy hiên hoà và niềm nở.
   
Hãy nhen lên trong lòng mọi người ngọn lửa của đạo đức, hãy chia sẻ hạnh phúc của mình với đồng loại và dừng bao giờ để lòng ghen ghét làm vẩn dục niềm lạc thú trong sạch này.
   
Hãy tha thứ cho kẻ thù, đừng trả thù họ trừ phi bằng cách làm điều thiện đối với họ. Thực hiện được các quy tắc tối cao như vậy người sẽ tìm thấy lại, những dấu vết của sự cao quý xưa kia của người nay đã mất…
     
Vị đại sư kết thúc và đứng dậy ôm hôn Piotr.
   
Piotr nhìn quanh, mắt rưng rưng những giọt lệ vui mừng, không biết nói gì đề đáp lại những người xung quanh đang đến chúc mừng chàng và muốn nối lại tình quen biết ngày xưa. Chàng không muốn nhận ra người quen nào hết, trong số tất cả những người này, chàng chỉ thấy những người hội hữu mà chàng nóng lòng mong muốn cùng nhau bắt tay vào cộng việc.
     
Vị đại sư gõ dùi vồ một cái, mọi người ngồi vào chỗ, và một hội hữu bắt đầu đọc lời giáo huấn về sự cần thiết của tính khiêm nhường.
   
Vị đại sư đề nghị làm nhiệm vụ cuối cùng, và viên đại thần đảm nhận việc quyên tiền bắt đầu đi vòng một lượt qua các hội hữu. Piotr muốn ghi vào tờ giấy quyên tiền tất cả số tiền chàng hiện có nhưng sợ làm như thế là tỏ ra kiêu ngạo, nên chỉ ghi một số tiền như những người khác.
     
Buổi họp đã xong, và khi trở về nhà, Piotr có cảm tưởng như mình vừa đi một cuộc du lịch xa xôi nào, kéo dài hàng chục năm, trong thời gian đó chàng đã hoàn toàn thay đổi đã đoạn tuyệt với lối sống cũng như những tập quán cũ của mình.

=================================

Chú thích:

(1) Vinh quang trần thế trôi qua như thế đấy! (tiếng La tinh)

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #224 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2011, 06:39:09 pm »

Phần V
Chương - 5

Ngày hôm sau, Piotr ngồi ở nhà đọc và cố gắng đi sâu vào ý nghĩa của cái hình vuông trong đó một cạnh tượng trưng cho Thượng đế, cạnh thứ hai cho đạo đức, cạnh thứ ba cho vật chất và cạnh thứ tư cho sự hỗn hợp của vật chất và đạo đức. Chốc chốc, chàng lại rời quyển sách và cái hình vuông, và tự đặt ra cho mình trong trí tưởng tượng một kế hoạch sống mới. Hôm qua ở hội sở người ta đã mách chàng rằng những tin đồn về cuộc đấu súng đã đến tai nhà vua và tốt nhất là chàng nên đi xa Petersburg, Piotr dự định sẽ về các điền trang miền Nam và săn sóc tới nông dân của chàng ở đấy. Chàng đang sung sưởng nghĩ đến cuộc sống mới mẻ thì bỗng công tước Vaxili lù lù bước vào phòng.

- Này anh bạn, anh đã làm gì ở Moskva mà ghê thế? Anh bạn, tại sao anh lại xích mích với Lelya(1). Anh lầm rồi. - Vaxili vừa bước vào phòng vừa nói - Tôi biết hết rồi, tôi có thể cam doan với anh rằng Elen không có lỗi gì với anh như chúa Cơ đốc không có lỗi gì với người Do thái vậy.
     
Piotr muốn đáp lại, nhưng ông ta đã ngắt lời chàng:

- Tại sao anh không nói thẳng với tôi một cách tự nhiên như nói với một người bạn, thế chẳng hơn sao?

Tôi biết hết, tôi hiểu hết rồi - Ông ta nói - Anh đã hành động như một người đứng đắn biết tôn trọng danh dự, có lẽ anh quá hấp tấp, nhưng ta sẽ không bàn đến. Chỉ xin anh nhớ cho một điều là anh đã đặt tôi và Elen vào một tình trạng khó xử như thế nào trước mặt mọi người, và thậm chí trước mặt triều đình nữa - Ông ta hạ thấp giọng nói thêm - nó ở Moskva còn anh thì lại ở đây. Này anh bạn, anh nhớ cho. - Ông ta nắm lấy tay chàng và kéo thấp xuống - Đây chỉ là sự hiểu lầm mà thôi; tôi thiết tưởng chính bản thân anh cũng cảm thấy thế. Bây giờ anh viết ngay cho tôi một bức thư gửi cho nó đi. Nó sẽ đến đây và mọi việc sẽ được làm rõ ràng minh bạch, nếu không, tôi nói cho anh biết, anh có thể rất dễ dàng gặp phải những chuyện không hay đấy, anh ạ.

Công tước Vaxili nhìn Piotr một cách nhiều ý nghĩa.

- Tôi có những nguồn tin chắc chắn cho biết rằng hoàng thái hậu rất để tâm đến việc này. Chắc anh cũng biết Người rất quý Elen.

Đã mấy lần Piotr định nói nhưng một mặt công tước Vaxili không để cho chàng nói, mặt khác bản thân chàng cũng chưa dám dùng ngay từ đầu cái giọng cự tuyệt và chống đối quyết liệt mà chàng đã định dùng để trả lời bố vợ. Hơn nữa, chàng lại nhớ đến điều lệ hội Tam điểm: "Phải hiền hoà và niềm nở". Chàng nhăn nhó, đỏ bừng mặt, đứng lên rồi lại ngồi xuống, giằng co với bản thân trong cái việc khó khăn nhất trên đời đối với chàng, là nói thẳng vào mặt một người, bất kể người ấy là ai, những điều khó chịu khác hẳn những điều mà họ dự đoán. Chàng đã quen phục tùng cái giọng tự thị, lơ đễnh của công tước Vaxili đến nỗi ngay tới bây giờ chàng cũng cảm thấy mình không đủ sức chống lại, nhưng chàng cũng cảm thấy điều chàng sắp nói ra sẽ quyết định tất cả tương lai của chàng: chàng sẽ đi theo con đường cũ hay là bước vào con đường mới mà hội Tam điểm đã chỉ cho chàng với một sức hấp dăn mãnh liệt như vậy, con đường mà chàng đã tin tưởng chắc chắn là sẽ đưa chàng đến sự tái sinh trong một cuộc sống mới?
   
Công tước Vaxili nói, giọng bông đùa:

- Thôi anh ơi, anh cứ "ừ" với tôi một tiếng rồi tôi sẽ tự tay viết thư cho nó và chúng ta sẽ ăn mừng.
     
Nhưng công tước Vaxili chưa kịp nói hết câu bông đùa thì trên gương mặt của Piotr đã hiện lên một vẻ giận dữ khủng khiếp nhắc nhở một trận lôi đình của cha chàng.
     
Chàng nói khẽ, không nhìn vào mặt người tiếp chuyện:

- Thưa công tước, tôi không hề mời ông đến đây, ông đi đi, ông làm ơn đi đi cho. - Chàng đứng phắt dậy ra mở cửa cho ông ta, - Ông đi đi - chàng nhắc lại lòng không dám tin rằng mình có thể nói như vậy, và mừng rỡ khi thấy cái vẻ lúng túng và sợ hãi hiên lên trên gương mặt công tước Vaxili.

- Anh làm sao thế Anh ốm à?

- Ông đi đi! - Chàng nhắc lại một lần nữa, giọng run run.
   
Thế là công tước Vaxili đành phải ra về không lấy được một lời bày giải.

Một tuần sau Piotr từ biệt các bạn mới trong hội Tam điểm và sau khi đã để lại một số tiền lớn dành cho những việc từ thiện, chàng lên đường về các điền trang của mình. Các hội hữu đưa cho chàng những bức thư gửi các hội viên Tam điểm ở Kiev và Odessa và hứa sẽ viết thư hướng dẫn chàng trong hoạt động mới.

===============================================

Chú thích:

(1) Tức Elen.

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #225 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2011, 06:49:46 pm »

Phần V
Chương - 6

Vụ Piotr đấu súng với Dolokhov đã được im đi và mặc dầu lúc bấy giờ nhà vua rất nghiêm khắc đối với các vụ đấu súng, cả hai đương sự cũng như những người làm chứng cho họ đều không bị trừng phạt. Nhưng việc Piotr đoạn tuyệt với vợ đã xác nhận là cuộc đấu súng có xảy ra, và tin này được truyền đi khắp giới xã giao. Piotr trước đây bị người ta nhìn trịch thượng và khoan dung khi còn là một đứa con rơi, rồi được vuốt ve chiều chuộng khi đã trở thành một "đám" xuất sắc nhất của đế quốc Nga, thì sau khi cưới vợ chàng đã xuống giá rất nhiều trong dư luận của giới xã giao vì bây giờ những cô con gái đến tuổi lấy chồng cũng như các bà mẹ không mong đợi gì ở chàng được nữa. Thêm vào đấy chàng lại không biết và không muốn tranh thủ thiện cảm của giới xã giao. Cho nên bây giờ người ta cho rằng chàng là người duy nhất chịu trách nhiệm về việc xảy ra. Người ta bảo chàng là một anh chồng ghen bóng ghen gió, cũng có những cơn giận diên cuồng khát máu như cha chàng.
     
Sau khi Piotr ra đi, Elen trở về Petersburg và được tất cả những người quen biết không những đón tiếp với một thái độ niềm nở mà còn ân cần xen lẫn với sự kính trọng nỗi bất hạnh của nàng. Khi người ta bàn tán đến chồng nàng, nàng lập tức phô ra một thái độ trang nghiêm đầy tự trọng mà tuy không hiểu ý nghĩa ra sao nàng cũng tập được nhờ cái trực giác nhạy bén sẵn có xưa nay. Thái độ nói lên rằng nàng đã quyết định chịu đựng nỗi bất hạnh của mình không một lời than thở, và đức ông chồng của nàng là cây thập tự mà Thượng đế đã bắt nàng phải vác trên vai. Công tước Vaxili bày tỏ ý mình một cách lộ liễu hơn. Mỗi khi nói đến Piotr ông ta lại nhún vai rồi chỉ lên trán mà nói:

- Thì tôi vẫn bảo là anh ấy hơi loạn óc mà.

- Tôi đã bảo từ trước kia. - Anna Pavlovna nói mỗi khi nhắc đến Piotr - Tôi đã nói ngay từ đầu, trước ai hết (phu nhân cố nhấn mạnh cái công đầu của mình), rằng anh ta là một chàng thanh niên điên rồ, đầu óc hư hỏng vì những tư tưởng vô luân của thời đại. Tôi đã bảo thế ngay từ khi tất cả mọi người còn tán dương anh ta, lúc anh ta mới ở ngoại quốc về, và chắc hẳn các vị còn nhớ đấy chứ, trong một buổi tiếp tân ở nhà tôi, anh ta đến, ăn như một Marat(1). Rốt cục là thế nào? Ngay từ đầu tôi đã không tán thành cuộc hôn nhân và tôi đã đoán trước được tất cả những điều sẽ xảy ra.
     
Cũng như trước, trong những ngày rảnh rang, Anna Pavlovna vẫn tổ chức những buổi tiếp tân ở nhà mình, những tối tiếp tân mà chỉ phu nhân mới có biệt tài tổ chức được, trong đó tập hợp trước hết, tất cả cái tinh hoa của xã hội thượng lưu chân chính, cái tinh hoa của giới trí thức trong xã hội Petersburg, như lời phu nhân vẫn thường nói. Ngoài việc chọn lọc tân khách tinh vi như vậy, những buổi tiếp tân của Anna Pavlovna lại còn có một điểm đặc sắc nữa là mỗi lần phu nhân đều đem một nhân vật mới thú vị ra để thết khách, và không có nơi nào có chỉ số của nhiệt kế chính trị trong những giới chính thống(2) của triều đình Petersburg lại được biểu lộ rõ rệt và chắc chắn bằng những lối tiếp tân này.
   
Cuối năm 1806, khi người ta đã biết rõ tất cả những chi tiết đau buồn về trận Napoléon tiêu diệt quân đội Phổ ở Jena và Auerstet và một phần lớn các pháo đài của Phổ đều đầu hàng, trong khi quân đội ta xâm nhập vào nước Phổ và cuộc chiến tranh chống Napoléon lần thứ hai của ta đã bắt đầu, thì Anna Pavlovna lại tổ chức một buổi tiếp tân ở nhà mình. Tinh hoa của xã hội thượng lưu chân chính gồm có nàng Elen mê hồn và bất hạnh, đã bị chồng ruồng bỏ, tử tước Mortemart, công tước Ippolit khả ái vừa mới ở Viên về, hai nhà ngoại giao, bà dì của phu nhân, một chàng thanh niên mà ở phòng khách này người ta gọi vắn tắt là "một con người rất có giá trị", một ngự tiền phu nhân vừa mới được bổ nhiệm cùng đến với mẹ, và một vài người khác ít nổi tiếng hơn.
     
Nhân vật tối hôm ấy Anna Pavlovna đem ra thết khách, xem như là một món ăn mới, là Boris Drubeskoy bấy giờ vừa mới ở quân đội Phổ về với tư cách tín sứ và hiện làm sĩ quan phụ tá cho một nhân vật rất quan trọng.

Nhiệt độ trên nhiệt kế chính trị buổi tiếp tân hôm ấy là như sau: dù tất cả các quốc vương và các tướng lĩnh ở châu Âu muốn nhân nhượng gì với Buônapáctê đề làm cho tôi, cho chúng ta nói chung, phải khó chịu và bực bội thì ý kiến của chúng ta về Buônapáctê vẫn không thay đổi. Chúng ta vẫn không ngừng nói thẳng cách suy nghĩ thật của chúng ta về con người này ra, và chúng ta chỉ có thể nói với vua Phổ và với những người khác: "Mặc kệ ông, ông George Dandin ạ đó là vì ông đã muốn thế đấy, chúng tôi chỉ có thể nói như vậy". Nhiệt độ chỉ trên nhiệt kế chính trị trong tối tiếp tân hôm ấy của Anna Pavlovna là như thế. Khi Boris, người được dùng để chiêu đãi tân khách bước vào phòng, thì hầu hết giới xã giao đã tề tựu đông đủ, và câu chuyện do Anna Pavlovna điều khiển đang bàn về những quan hệ ngoại giao của ta với nước Áo và về mối hy vọng liên minh với Áo.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #226 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2011, 06:50:34 pm »

Boris chững chạc, hồng hào, tươi tắn trong bộ quân phục sĩ quan phụ tá bảnh bao, ung dung bước vào phòng khách, và theo thường lệ, chàng được đưa đến chào bà dì rồi lại nhập vào nhóm chung. Anna Pavlovna giơ bàn tay khô héo ra cho chàng hôn, giới thiệu cho chàng với một vài nhân vật mà chàng chưa quen biết và chỉ thầm xác định cho chàng rõ đặc tính của từng người.
     
Đây là công tước Ippoliy Khraghin, một thanh niên khả ái, ông Kroug đại diện ở Copenhagen, một trí thệ sâu sắc - và nói gọn thon lỏn - Ông Sitot một con người rất có giá trị.
     
Nhờ công chạy chọt của bà Anna Mikhailovna, nhờ những sở hiếu của thuộc tính riêng trong cái tính cách thận trọng của mình, Boris đã đưa mình vào một địa vị có lợi nhất ở trong quân đội. Bây giờ chàng là sĩ quan phụ tá của một nhân vật quan trọng được phái sang Phổ với một nhiệm vụ rất trọng yếu và vừa ở đấy về với tư cách tín sứ. Chàng hoàn toàn thông thạo cái thứ tôn ti trật tự không ghi vào quy chế đã cám dỗ chàng hồi ở Olmuytx, cái thứ tôn ti trật tự đã khiến cho một anh thiếu uý có thể có ưu thế hơn hẳn một viên tướng, và theo nó thì muốn thành công trong quân đội, chẳng cần phải cố gắng, chẳng cần gì phải làm việc, phải dũng cảm, phải kiên nhẫn, và chỉ cần biết khéo lấy lòng những người nắm quyền thăng thưởng. Ngay bản thân chàng thường cũng phải ngạc nhiên về những thành công nhanh chóng của mình và băn khoăn tự hỏi tại sao những người khác lại có thể không hiểu điều đó. Sự phát hiện này đã hoàn toàn thay đổi cả cách sống của chàng, tất cả những quan hệ của chàng với những người quen cũ, tất cả những dự định của chàng về tương lai. Chàng không giàu, nhưng chàng dùng hết số tiền chắt chịu được để ăn mặc lịch sự hơn những người khác. Chàng sẵn lòng thà chịu hy sinh nhiều sở thích còn hơn phải đi một chiếc xe ngựa tồi tàn hay xuất hiện trên đường phố Petersburg trong một bộ quân phục cũ kỹ. Chàng chỉ tìm cách gần gũi và kết thân với những người ở địa vị cao hơn mình, và do đó, có thể có ích cho mình. Chàng yêu Petersburg và khinh Moskva. Những kỷ niệm về gia đình Roxtov và mối tình thơ ấu của chàng với Natasa khiến chàng khó chịu, và từ khi nhập ngũ chưa có lần nào chàng bước chân đến gia đình Roxtov. Được mời đến phòng tiếp khách của Anna Pavlovna, điều mà chàng cho là một sự thăng trật quan trọng trên bước đường công danh, chàng hiểu ngay vai trò của mình ở đây và trong khi để cho Anna Pavlovna tận dùng mình để gây hứng thú cho buổi tiếp tân, chàng vẫn chăm chú quan sát từng vị khách có mặt, những lợi lộc mà việc giao du với họ có thể đem lại cho mình và trù tính xem mình có thể làm quen với những người nào! Chàng ngồi ở chỗ người ta chỉ cho chàng, bên cạnh nàng Elen kiều diễm, và lắng nghe chuyện mọi người.
     
Viên đại biện Đan mạch nói:

- Thành Viên thấy những cơ sở của hiệp ước ấy viển vông đến nỗi người ta không thể nào đạt được dù có những thắng lợi liên tiếp rực rỡ nhất, và nó hoài nghi những phương liện có thể cho phép chúng ta có được những thắng lợi ấy. Đó chính là nguyên văn câu nói của nội các thành Viên.

- Hoài nghi cũng là đáng mừng - "con người trí tuệ sâu sắc" nói, miệng mỉm nụ cười tế nhị.

- Cần phải phân biệt nội các Viên và hoàng đế Áo - tử tước Mortơmar nói - Hoàng đế Áo không bao giờ có thể có một ý nghĩ như thế, chỉ có nội các là nói như vậy thôi!

- Ấy, tử tước thân mến ạ! - Anna Pavlovna nói xen vào - l Urope(3) (không hiểu tại sao phu nhân lại nói lUrope, tưởng chừng như đó là một cách phát âm đặc biệt tế nhị của tiếng Pháp mà phu nhân có thể dùng khi nói với một người Pháp) sẽ không bao giờ là bạn đồng mình thành thực của chúng ta đâu!
     
Đoạn phu nhân lái câu chuyện sang tinh thần dũng cảm và kiên quyết của nhà vua Phổ, nhằm đưa Boris vào cuộc.

Boris lắng nghe mọi người nói, đợi đến lượt mình, nhưng trong đó vẫn không quên đưa mắt nhìn người ngồi bên cạnh là nàng Elen diễm lệ. Mỗi lần gặp đôi mắt của chàng sĩ quan phụ tá trẻ tuổi và đẹp trai, Elen lại mỉm cười.

Nhân nói đến tình hình nước Phổ, Anna Pavlovna quay sang Boris một cách rất tự nhiên, yêu cầu chàng kể lại cuộc hành trình của chàng đến Glogau và tình hình quân đội Phổ khi chàng đến.
     
Boris nói thong thả, dùng một thứ tiếng Pháp thuần tuý và rất đúng mẹo, kể lại rất nhiều chi tiết thi vị về quân đội, về triều đình, nhưng trong lúc kể chuyện chàng vẫn thận trọng tránh không bày tỏ ý kiến riêng của mình về những sự kiện mà chàng trình bày. Trong một khoảng thời gian khá dài, Boris làm cử toạ rất chú ý và Anna Pavlovna cảm thấy cái món đầu mùa mình đem ra chiêu đãi tối nay đã làm cho tất cả các tân khách hài lòng. Người chú ý nhiều nhất đến câu chuyện của Boris là Elen. Nàng mấy lần hỏi chàng về một vài chi tiết trong cuộc hành trình của chàng, và tỏ ra hết sức quan tâm đến tình hình quân đội Phổ.

Chàng vừa nói dứt, nàng đã quay về phía chàng với nụ cười quen thuộc và nói:

- Thế nào ông cũng phải lại chơi đằng nhà tôi đấy! - Cứ nghe giọng nàng nói, có thế tưởng chừng việc này là hết sức cần thiết vì một vài lý do mà chàng không thể nào biết được. - Ngày thứ ba từ 8 giờ đến 9 giờ. Được như vậy tôi rất vii lòng.
     
Boris hứa chiều theo ý muốn của nàng và đã toan bắt đầu nói chuyện với nàng nhưng Anna Pavlovna gọi chàng lại, mượn cớ là "bà dì" của phu nhân cũng muốn nghe chàng nói chuyện.

- Ông có quen chồng của phu nhân phải không? - Anna Pavlovna nói, nhắm mắt lại và chỉ Elen với một cử chỉ buồn rầu. - Ồ sao lại có người đàn bà bất hạnh và đáng yêu đến thế! Trước mặt phu nhân xin chớ nói gì đến ông ta, đừng nói thế! Nó khổ tâm quá.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #227 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2011, 06:51:28 pm »

Khi Boris và Anna Pavlovna quay trở lại nhóm tân khách, công tước Ippolit đang làm mọi người chú ý.
Chàng ta ngồi trong ghế bành, chồm người ra phía trước nói:

- Vua Phổ ấy à?- nói đoạn chàng cười phá lên. Mọi người đều quay về phía chàng. - Vua Phổ ấy à?
Ippolit nhắc lại, giọng như muốn hỏi điều gì, đoạn cười phá lên một lần nữa, rồi lại điềm nhiên và nghiêm trang ngồi tụt sâu vào ghế bành.
     
Anna Pavlovna đợi một lát, nhưng hình như Ippolit nhất định không chịu nói thêm gì nữa, nên phu nhân bắt đầu kể chuyện tên Bonaparte vô đạo đã lấy trộm thanh kiếm của Fridrich ở Potxdam.

- Đó là thanh kiếm của Fridrich đại đế mà tôi… - phu nhân mở đầu, nhưng Ippolit đã ngắt lời:

- Vua Phổ ấy à?- và cũng như lần trước, mọi người vừa quay về phía chàng, thì chàng lại xin lỗi và im bặt.
Anna Pavlovna cau mày. Montmorency, bạn của Ippolit: nói với chàng giọng cương quyết:

- Xem nào, cái ông vua Phổ nhà anh có chuyện gì nào?

Ippolit lại cười phá lên, nhưng hình như vừa cười vừa thấy hổ thẹn vì tiếng cười của mình.

- Nào có gì đâu, tôi chỉ muốn nói là… - chàng có ý muốn lặp lại một câu nói đùa mà chàng đã nghe được ở Viên và trong suốt buổi tiếp tân chàng vẫn tìm cách đưa vào câu chuyện. - Tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta chiến đấu cho nhà vua nước Phổ là sai lầm.
     
Boris thận trọng mỉm cười như thế nào để người ta có thể xem đó là một nụ cười chế nhạo hay tán thành lời bông đùa cũng được, tuỳ ý cử toạ.

Mọi người cười rộ.

- Cái trò chơi chữ của công tước hỏng quá, nó rất dí dỏm đấy nhưng không công bình! - Anna Pavlovna vừa nói vừa giơ ngón tay nhăn nheo lên hăm doạ. - Chúng ta không chiến đấu cho vua Phổ mà chiến đấu cho chính nghĩa. Ô cái ông công tước Ippolit này ác thật!
     
Suốt buổi tối câu chuyện không lúc nào lắng xuống chủ yếu xoay quanh những tin tức chính trị. Vào cuối buổi tiếp tân, câu chuyện rôm rả hẳn lên khi nói đến những phần thưởng mà hoàng đế đã ban tứ.

- Ông N.N năm ngoái đã được thưởng một hộp thuốc lá có khảm chân dung của hoàng đế, - "Con người có trí tuệ sâu sắc" nói, - tại sao ông S.S lại không được phần thưởng ấy nhỉ?

Nhà ngoại giao đáp:

- Xin ngài thứ lỗi cho, một hộp thuốc lá có khảm chân dung của Hoàng đế là một phần thưởng chứ không phải là một huân chương, đúng hơn, đó là một món quà tặng.

- Nhưng trước đây đã thành lệ rồi đấy, kia như Svartxenberg chẳng hạn…

- Không thể như thế được! - một người khác đáp. - Tôi sẵn sàng đánh cuộc đấy. Huân chương danh dự ngoại hạng thì lại là việc khác…
     
Khi mọi người đứng dậy ra về. Elen, trong suốt buổi tiếp tân hôm ấy vẫn nói rất ít, một lần nữa lại mời Boris ra cho chàng một mệnh lệnh âu yếm mà ngụ nhiều ý nghĩa dặn đến ngày thứ ba phải có mặt ở nhà nàng.

- Tôi rất cần gặp ông!

Nàng nói và mỉm cười, đưa mắt nhìn Anna Pavlovna, và Anna Pavlovna cũng mỉm cười theo để xác nhận ý muốn của Elen, với cái nụ cười buồn buồn của phu nhân như mỗi khi nhắc đến vị ân nhân cao cả của mình(4). Có thể tưởng chừng tối hôm ấy Boris có nói những điều gì đó về quân đội Phổ khiến Elen đột nhiên cảm thấy thế nào cũng phải gặp chàng. Nàng có vẻ như hứa với chàng là đến ngày thứ ba khi chàng đến, nàng sẽ cho biết tại sao.
     
Sáng ngày thứ ba, khi Boris vào gian phòng khách tráng lệ của Elen, người ta chẳng giải thích gì rõ ràng cho chàng biết tại sao chàng cần phải đến như vậy. Ở đây có mấy người khách khác, bá tước phu nhân nói với chàng rất ít, và mãi đến khi chàng hôn tay nàng để cáo từ ra về, nàng mới nói một cách đột ngột, giọng thì thào, và có một điều kỳ dị là trên môi nàng không thấy bóng dáng nụ cười bất tuyệt thường ngày.

- Ngày mai anh đến ăn cơm nhé… vào buổi tối. Anh phải đếnv… Đến nhé…
     
Về Petersburg chuyến ấy, Boris đã trở thành một người thân trong nhà bá tước phu nhân Bezukhov.

========================================

Chú thích:

(1) Marat (1743-1773) một lãnh tụ của phái Jacchins (phái tả) trong cuộc cách mạng tư sản Pháp.

(2) Những người tán thành quyền lực vô hạn của nhà Vua.

(3) Urope: (đáng lý là Europe), châu Âu.

(4) Tức Hoàng thái hậu
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #228 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2011, 06:54:29 pm »

Phần V
Chương - 7
     
Chiến tranh đã đến kỳ ác liệt và chiến trường đã lan gần đến biên giới Nga. Đâu đâu cũng chỉ nghe những lời nguyền rủa Bonaparte, kẻ thù của nhân loại; trong các làng mạc người ta tuyền dân quân và tân binh, và từ chiến trường đưa về những tin tức trái ngược nhau bao giờ cũng sai lạc, thành thử được mỗi người thuyết minh lại một cách.
   
Từ năm 1805 đời sống của lão công tước Bolkonxki, của công tước Andrey và của công tước tiểu thư Maria đã thay đổi nhiều.

Năm 1806, lão công tước được bổ nhiệm làm một trong tám vị tổng tư lệnh dân quân trong toàn nước Nga lúc bấy giờ.
   
Tuy tuổi đã già và sức khoẻ đã suy yếu rất nhiều, nhất là trong thời gian ông tưởng con trai mình đã tử trận, lão công tước vẫn cho rằng mình không có quyền từ chối một nhiệm vụ mà chính hoàng đế đã giao phó. Hướng hoạt động mới mẻ này cổ vũ ông và làm cho ông khoẻ khoắn ra. Ông luôn luôn đi kinh lý trong ba tỉnh dưới quyền ông cai quản. Ông chấp hành những nhiệm vụ của mình một cách cẩn thận đến câu nệ, nghiêm khắc đến tàn nhẫn đối với các thuộc hạ, và thân hành kiểm tra, đôn đốc công việc cho đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Công tước tiểu thư Maria không học toán với ông cụ như trước nữa và chỉ vào phòng làm việc của cha vào buổi sáng cùng với người vú em và tiểu công tước Nikolai (như ông nội cậu vẫn gọi), những khi lão công tước ở nhà. Tiểu công tước Nikolai ở với người vú già, những khi lão công tước ở nhà. Tiểu công tước Nikolai ở với người vú của cậu và bảo mẫu Xavisna trong phần tư thất trước kia của công tước phu nhân, và ngày ngày tiểu thư Maria giành phần lớn thời giờ để ngồi trong gian phòng của đứa cháu nhỏ, cố hết sức thay thế người mẹ của đứa bé. Cô Burien cũng tỏ ra rất yêu quý đứa bé, và tiểu thư Maria nhiều khi phải hy sinh phần mình nhường cho người bạn gái hưởng cái thú được bế ẵm và chơi đùa với chú thiên thần tí hon (như nàng vẫn thường gọi đứa cháu nhỏ).
   
Trong ngôi nhà thờ Lưxye Gorư cạnh bàn thờ Chúa, người ta đã dựng lên một cái điện thờ ở trên ngôi mộ của công tước phu nhân nhỏ nhắn và đặt ở trong điện một pho tượng bằng cẩm thạch đem từ Ý về. Đó là tượng một vị thiên thần có cái môi trên hơi cong lên một chút tựa hồ như sắp mỉm cười, và có một hôm, khi công tước Andrey và công tước tiểu thư Maria ở điện thờ ra, hai người bảo nhau không hiểu tại sao dung mạo của vị thiên thần y có một cái gì gợi lại gương mặt của người đã khuất. Nhưng còn một điều kỳ lạ hơn mà công tước Andrey không nói với em gái, là trong vẻ mặt của vị thiên thần mà nhà nghệ sĩ đã vô tình thể hiện trên nét khắc, công tước Andrey nhìn thấy chính những lời trách móc dịu dàng mà trước đây chàng đã đọc trên gương mặt của vợ khi tắt nghỉ: "Tại sao anh nỡ để em đến nông nỗi này?"
   
Công tước Andrey về nhà được ít lâu thì lão công tước chia gia tài cho con trai và cắt cho chàng thôn Bogutsarovo, một điền trang lớn ở cách Lưxye Gorư bốn mươi dặm Nga. Một phần vì Lưxye Gorư gắn liền với những kỷ niệm đau buồn, một phần vì công tước Andrey đã nhân dịp ấy đến Bogutsarovo xây dựng nhà cửa và sống ở đây phần lớn thời gian.
   
Sau chiến dịch Austerlix, công tước Andrey đã quyết định dứt khoát từ nay sẽ không bao giờ trở về quân đội nữa; thế rồi khi chiến tranh bắt đầu và người nào cũng phải tòng quân, thì chàng lĩnh nhiệm vụ tập trung dân quân dưới quyền cha chàng để khỏi gia nhập quân thường trực. Vai trò của lão công tước và của con trai hâu như đã đảo ngược lại sau chiến dịch 1805. Được hoạt động của mình cổ vũ, lão công tước hy vọng rất nhiều ở chiến dịch sắp tới; trái lại, công tước Andrey không tham dự vào chiến tranh, và mặc dầu trong thâm tâm chàng rất tiếc điều đó, chàng vẫn chỉ thấy trước những kết quả không hay.

Ngày hai mươi sáu tháng hai năm 1807 lão công tước đi kinh lý trong vùng. Công tước Andrey ở lại Lưxye Gorư như thường lệ mỗi khi cha chàng vắng mặt. Cậu bé Nicôluska ốm đã ba ngày nay.

Những người đánh xe đưa lão công tước lên tỉnh đã trở về, mang giấy tờ và thư từ cho công tước Andrey. Người hầu phòng tay cầm những phong thư không tìm thấy công ở trong phòng làm việc của chàng liền vào phòng tiểu thư Maria, nhưng vẫn không thấy ở đấy. Người ta nói với y rằng công tước ở phòng chàng nuôi trẻ.

- Mời đại nhân ra cho, Petrusa đã mang công văn về - một người đầy tớ gái giúp việc u già nói với công tước Andrey trong khi chàng run run, đôi mày nhíu lại, đang nhỏ từng giọt thuốc vào trong cốc nước đầy đến một nửa.

- Có việc gì thế? - Chàng hỏi, giọng cáu kỉnh, và bàn tay vụng về vô ý rót quá một vài giọt thuốc vào trong cốc. Chàng hắt cốc nước xuống đất rồi gọi cốc khác. Người đầy tớ gái bưng nước đến cho chàng.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #229 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2011, 06:55:19 pm »

Trong phòng chỉ kê một cái giường nhỏ của trẻ con, hai cái hòm, hai cái ghế bành, một cái bàn lớn, một cái bàn con và một cái ghế nhỏ của trẻ con mà công tước Andrey đang ngồi. Cửa sổ đều có rèm, và trên bàn, một ngọn nến đang cháy dở, bên cạnh có dựng một quyển sách nhạc để tránh ánh sáng khỏi hắt vào giường con.

- Anh ạ - công tước tiểu thư Maria đứng bên giường đứa bé nói với anh - Anh nên đợi một lát thì hơn, chốc nữa…

- Ờ! Thôi xin cô, cô thì chỉ vớ vẩn, lúc nào cũng cứ đợi với chờ, đấy kết quá là thế đấy, - công tước
Andrey nói, giọng thì thầm như có ý hằn học, hẳn là muốn làm cho em gái bực mình.

- Anh ạ, đừng đánh thức nó dậy thì hơn, thật đấy, nó mới thiếp đi được một lát - công tước tiểu thư nói, giọng van lơn.

Công tước Andrey đứng dậy và cầm cái cốc rón rén đến cạnh giường con.

- Hay thôi đừng thức nó nữa? - Chàng nói, ngần ngại.

- Tuỳ anh đấy, kể ra… em nghĩ rằng… thôi thì tuỳ anh… - tiểu thư Maria nói, hình như nàng đâm ra sợ sệt và hổ thẹn khi thấy ý kiến của mình đã thắng. Nàng chỉ cho anh nàng thấy người đầy tớ đang thì thầm gọi chàng.
   
Đêm nay là đêm thứ hai cả hai người đều không ngủ, lo săn sóc đứa bé đang lên cơn sốt, người nóng như sôi. Đã suốt hai ngày nay, vì không tin ông thầy thuốc ở trong nhà, trong khi chờ đợi một bác sĩ mời ở ngoài tỉnh về, họ đã thử dùng hết thuốc này đến thuốc khác. Mệt lả đi vì mất ngủ và lo lắng, cả hai đều trút nỗi buồn bực lên nhau, trách móc, cãi vã lẫn nhau.

- Petrusa đã mang giấy tờ của cụ về, - người đầy tớ gái nói thầm.

Công tước Andrey bước ra.

- Có việc gì thế? - Chàng hỏi gắt, và sau khi đã nghe những lời nhắn miệng của lão công tước, nhận bức
thư của ông và những phong thư khác, chàng quay trở lại phòng trẻ.

- Thế nào rồi? - Công tước Andrey hỏi.

- Vẫn thế, anh chịu khó đợi một chút. Karl Ivanits vẫn nói là chỉ có giấc ngủ là quý hơn cả. - Tiểu thư Maria thở dài nói thì thầm.

Công tước Andrey đến bên đứa bé và sờ vào người nó. Nó nóng như hòn than.

- Cô đem cái ông Karl Ivanits nhà cô đi đâu thì đi cho rảnh!
   
Chàng cầm cái cốc nhỏ thuốc và lại tiến đến bên giường.

- Đừng anh Andrey, - Tiểu thư Maria nói.

Nhưng chàng cau mày nhìn nàng, vẻ giận dữ lại vừa đau khổ, là cầm cái cốc cúi xuống sát đứa bé.

- Nhưng tôi muốn thế - Nào, tôi nhờ cô, cô cho nó uống đi.
   
Công tước tiểu thư Maria nhún vai, nhưng vẫn ngoan ngoãn cầm lấy cái cốc và sau khi gọi người vú em lại, nàng bắt đầu cho đứa bé uống thuốc. Đứa bé khóc thét lên và thở khò khè. Công tước Andrey cau mày, giơ tay lên ôm đầu, bước ra khỏi phòng rồi ngồi xuống chiếc đi-văng đặt ở phòng bên…
     
Tay chàng vẫn cầm tập thư. Như một cái máy, chàng bóc các phong thư ra đọc. Lão công tước viết thư trên giấy xanh, chữ viết rất to và nét chữ kéo dài, thỉnh thoảng lại dùng cổ tự để viết tắt. Bức thư như sau:
     
"Ta vừa nhận được qua liên lạc viên một tin rất đáng mừng đối với lúc này, nếu đó không phải là một tin sai lạc. Đâu như Benrigxen đã đại thắng Buônapáctê ở gần Ailau. Ở Petersburg mọi người đều ăn mừng và vô số phần thưởng đã được gửi đến cho quân đội. Mặc dù ông ấy là người Đức, ta cũng có lời mừng ông ấy. Còn cái thằng cha thủ lãnh ở Kortsevo một thằng Khandrilov nào ấy, thì thực ta không hiểu nó làm trò trống gì: mãi đến giờ mà số quân bổ sung cũng như lương thực vẫn chưa được gửi đi. Con phải phi ngựa đến đó ngay và nói với hắn rằng nếu trong tám ngày công việc không xong thì ta lấy đầu. Còn về trận Proixich Ailau thì ta cũng đã nhận được một bức thư của Petyenka - nó có dự trận ấy - Tất cả các tin tức đều xác thực. Khi những kẻ không nên can thiệp không can thiệp vào, thì ngay đến một người Đức cũng có thể đánh bại Buônapáctê. Nghe nói hắn bỏ chạy khá hốt hoảng. Con phải nhớ lập tức phi ngựa đến Kortsevo và làm ngay điều ta đã dặn".
   
Công tước Andrey thở dài và bóc phong bì kia ra. Đó là bức thư của Bilibin gồm hai tờ giấy viết chữ nhỏ. Chàng gấp bức thư lại không đọc, rồi giở ra đọc một lần nữa bức thư của cha với câu cuối:
"Phi ngựa đến Kortsevo và làm ngay điều ta đã dặn!"

"Không, xin lỗi, bây giờ tôi không đi đâu cả, phải chờ thằng bé khỏi đã" - Chàng tự nhủ rồi đến sát tiểu thư Maria vẫn ngồi bên giường và khe khẽ ru đứa bé.

"Nào, thử xem ông cụ con viết cho mình những điều gì khó chịu nữa?" - Công tước Andrey nhớ lại nội dung bức thư của cha. Ừ quân đội ta đã đánh thắng Bonaparte chính trong lúc ta không tại ngũ. Phải, số phận như chế nhạo mình… Thôi cứ mặc!" Và chàng bắt đầu đọc bức thư của Bilibin viết bằng tiếng Pháp. Chàng đọc nhưng không hiểu được một nửa, chàng đọc chỉ là để quên đi một phút đừng nghĩ đến cái điều đã bắt chàng suy nghĩ quá lâu, choán hết tâm trí chàng và làm cho chàng khổ sở.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM