Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 02:02:49 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh và hòa bình  (Đọc 273661 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #180 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2010, 06:21:04 pm »

Tàn quân của Langeron và Dolgorukov trộn lẫn với nhau chen chúc ở các con đê và các bờ hồ cạnh làng Aoghext.
   
Khoảng năm giờ chiều chỉ ở phía đê Aoghext là còn nghe tiếng đại bác nổ dồn dập, toàn là tiếng súng của quân Pháp, bấy giờ đã bố trí rất nhiều pháo đội trên các sườn núi Moravi, bắn vào các đoàn quân của ta đang rút lui.
   
Trong đạo hậu quân, Dolgorukov và mấy tướng sĩ khác tập hợp được mấy tiểu đoàn, nổ súng kháng cự lại kỵ binh Pháp đang truy kích quân ta. Trời bắt đầu sẩm tối. Trên con đê hẹp ở Aoghext, nơi đã bao nhiêu năm nay cụ già giữ cối xay bột đội mũ chụp vẫn yên tĩnh ngồi câu cá trong khi thằng cháu nội xắn tay áo thò tay vào chiếc bình tưới trêu mấy con cá long lanh như bạc đang nhẩy tanh tách, trên con đê đã bao nãm nay những người Moravi hiền lành đội mũ lông xù và mặc áo xanh ngồi trên những chiếc xe tải hai ngựa chở thóc đến xay rồi lại trở về cũng trên con đê này, mình mẩy và xe cộ phủ bột trắng xoá, - chính trên con đê ấy, giờ đây, chen chúc nhau nhưng chiếc xe lương và những khẩu đại bác, xô đẩy nhau dưới mình ngựa và giữa các bánh xe, có những con người mặt biến dạng đi vì sợ chết, giẫm đạp lên nhau, hấp hối, bước qua những người hấp hối, giết lẫn nhau chỉ để rồi sau mấy bước cũng lại bị giết y như thế.
   
Cứ mười giây lại có một quả đại bác xé không khí rơi xuống hay một quả tạc đạn nổ tung giữa đám người dày đặc này, làm cho mấy người ngã xuống, máu bắn tung toé lên những người đứng gần.
   
Dolokhov, bị thương ở tay, đi bộ với người lính trong đại đội chàng (bấy giờ chàng đã được phục chức sĩ quan) còn viên trung đoàn trưởng của chàng thì cưỡi ngựa: cả trung đoàn nay chỉ còn có thế.
   
Bị cuốn theo đám đông, họ chen chúc ở đầu đê, và bị xô đẩy từ bốn phía, họ phải dừng lại vì ở phía trước có một con ngựa bị ngã xuống dưới một khẩu đại bác, và đám đông đang cố lôi nó ra. Một quả đạn đại bác rơi trúng mấy người ở phía sau lưng, một quả rơi trước mặt làm máu toé lên người Dolokhov. Đám đông hoảng hốt ùa về phía trước, xô vào nhau, đi mấy bước rồi lại dừng.
   
"Qua được trăm bước này thì chắc thoát; đứng đây hai phút nữa thì thế nào cũng chết" - mỗi người đều nghĩ như vậy.
   
Dolokhov đứng ở giữa đám đông cố len tới bờ đê, xô ngã hai người lính và chạy xuống mặt hồ đóng băng trơn bóng. Chàng nhảy nhảy trên băng khiến lớp băng kêu răng rắc, trỏ khẩu đại bác quát:

- Rẽ xuống! Rẽ xuống đây, băng chắc đấy!

Băng không sụt dưới sức nặng của Dolokhov nhưng trĩu xuống và nứt rạn ra. Có thể thấy rằng chẳng cần phải có một khẩu đại bác hay cả đám đông đi trên nó mới sụt, mà ngay chỉ Dolokhov thôi nó cũng sắp sụt ngay bây giờ. Đám quân lính nhìn Dolokhov và lấn về phía mép bờ, nhưng vẫn chưa dám bước xuống băng. Viên trung đoàn trưởng cưỡi ngựa ở đầu đê giơ tay lên và há miệng toan nói gì với Dolokhov. Bỗng một quả đạn đại bác bay vèo vèo trên đám đông, thấp đến nỗi ai nấy đều khom người xuống. Có tiếng đánh phịch một cái như vật gì rơi vào một chỗ ướt, và viên tướng ngã cả người lẫn ngựa trong một vũng máu. Không đi nhìn đến viên tướng: không ai nghĩ đến việc đỡ ông ta dậy.

- Xuống đi! Xuống băng đi! Xuống! Xuống đi! Mày điếc hẳn! Xuống!
   
Sau khi quả đại bác rơi trúng viên tướng, chợt nghe vô số người kêu lên như vậy. Hẳn người này cũng không biết mình nói gì và kêu lên như vậy để làm gì.
   
Một trong những khẩu đại bác đi sau đã lăn lên đê, bấy giờ được quay lại và đẩy xuống băng. Từ trên mặt đê, từng đám quân lính bắt đầu chạy xuống mặt hồ đông cứng. Mặt băng nứt vỡ dưới chân một người lính chạy trước, và người lính bị tụt chân xuống nước. Hắn muốn kéo chân lên nhưng lại tụt sâu xuống đến thắt lưng. Những người lính đứng gần nhất lưỡng lự, người đánh ngựa kéo sáng kìm ngựa lại nhưng ở phía sau lưng vẫn có tiếng quát tháo: "Đi xuống băng đi, sao lại đứng đực ra thế? Đi đi! Đi đi!" Và những tiếng thét kinh hãi nổi lên trong đám đông.  Nhũng người lính đứng quanh khẩu đại bác giơ tay doạ ngựa và đánh vào ngựa để cho nó quay lại và bước đi. Mấy con ngựa bước xuống băng. Tảng băng, trên đang có dám bộ binh, sụt một máng lớn, và chừng bốn mươi người đang đứng trên băng, người thì lao về phía trước, người thì chồm ra phía sau, xô nhau xuống nước.
   
Những quả tạc đạn vẫn cứ đều đều rú lên và rơi xuốn mặt băng, xuống nước và nhiều hơn cả là rơi vào đám đông đang chen chúc trên mặt đê, trên mặt hồ và trên mép hồ.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #181 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2010, 06:22:12 pm »

Phần III
Chương - 18
     
Trên cao nguyên Pratxen, ngay ở chỗ chàng ngã xuống, tay cầm chiếc cán cờ, công tước  Andrey nằm yên, máu cứ chảy ra từ từ.
   
Chàng rên lên khe khẽ, một tiếng rên ai oán nghe như tiếng rên của trẻ con.
   
Đến chiều, chàng thôi rên và lặng hẳn đi. Chàng không biết mình lịm đi như thế bao lâu. Bỗng chàng lại cảm thấy mình còn sống và thấy trên đau nhói như có cái gì đau xé xương xé thịt ra.
   
"Bầu trời cao vòi vọi mà trước kia ta chưa từng biết và đến hôm nay mới trông thấy, bầu trời ấy bây giờ ở đâu? - Đó là ý nghĩ đầu tiên của chàng. - Cả cái cảm giác đau đớn này nữa trước kia ta cũng không biết. Phải rồi, từ trước đến nay ta không biết gì cả, không biết chút gì. Nhưng đây là ở đâu?"
   
Chàng bắt đầu lắng tai nghe ngóng. Có tiếng ngựa đang đi lại gần và tiếng cười nói bằng tiếng Pháp. Chàng mở mắt ra. Ở trên đầu, chàng thấy lại bầu trời cao, vẫn bầu trời ấy và những đám mây lơ lửng còn cao hơn sáng nay. Qua mấy đám mây ấy có thể thấy khoảng không vô tận màu xanh biếc. Chàng không quay đầu lại và không trông thấy người nhưng cứ nghe tiếng vó ngựa và tiếng nói có thể đoán biết là đang đi về phía chàng.
   
Những người ngựa ấy là Napoléon và hai sĩ quan phụ tá đi theo ông. Buônapáctê bấy giờ đang đi quanh chiến trường để tìm ra những mệnh lệnh cuối cùng, tăng cường các pháo đội bắn vào con đê Aoghext và xem xét những người tử trận hoặc bị thương còn sót lại trên chiến trường.

- Lính của họ khoẻ đẹp đấy - Napoléon nói trong khi ngắm nhìn một người pháo thủ Nga tử trận nằm sấp, mặt úp xuống đất, gáy đen sạm lại, một cánh tay đã cứng đang rộng một bên.
   
Vừa lúc ấy có một viên sĩ quan phụ tá từ các pháo đội đang bắn vào Aoghext cưỡi ngựa đến báo:

- Tâu hoàng thượng, đạn của các khẩu pháo của trận địa đã hết.

- Cho mang số đạn của đội dự bị lên.
   
Napoléon nói, rồi cho ngựa đi mấy bước nữa, đứng lại sát chỗ công tước Andrey đang nằm ngửa mặt lên, chiếc cán cờ vứt lên cạnh (lá cờ đã bị quân Pháp tháo cất làm chiến lợi phẩm).  Napoléon nhìn Bolkonxki nói:

- Một cái chết rất đẹp.
   
Công tước Andrey hiểu rằng những lời này nói về chàng và người nói chính là Napoléon. Chàng đã nghe họ gọi người nói câu vừa rồi là Hoàng thượng. Nhưng chàng nghe những lời đó dường như chỉ là tiếng vo ve của một con ruồi. Chàng không những không lưu tâm đến câu nói đó, mà thậm chí cũng không buồn để ý tới nữa, và nghe xong là đã quên ngay. Đầu chàng nhói buốt; chàng cảm thấy máu mình đang chảy cạn dần và không thấy bầu trời ở phía trên, xa xăm, cao lồng lộng và vĩnh viễn vô tận.
   
Chàng biết rằng đây chính là Napoléon - Vị anh hùng của chàng - Nhưng vào giờ phút này chàng thấy Napoléon sao mà nhỏ bé, vô nghĩa quá chừng so với cái gì lúc bấy giờ đang diễn ra giữa linh hồn chàng với bầu trời cao vô tận với những đám mây bay lờ lững.
   
Trong phút ấy, ai đứng bên chàng, nói gì về chàng, đối với chàng nào còn ý nghĩa gì; chàng chỉ mừng thầm rằng đã có người dừng lại ở bên chàng, và chỉ mong sao những người ấy giúp chàng trở lại cuộc sống, cuộc sống mà chàng thấy là vô cùng tươi đẹp, vì bây giờ chàng đã hiểu nó một cách khác. Chàng thu hết tàn lực để động dậy một chút và kêu lên một tiếng. Chàng khẽ nhích chân lên và rên lên một tiếng yếu ớt, đau đớn làm cho bản thân chàng cũng thấy thương hại.

- À anh ta còn sống, - Napoléon nói. - Đỡ anh bạn trẻ này dậy và đem về trạm cứu thương!

Nói đoạn, Napoléon thúc ngựa đi về phía nguyên soái Lan bấy giờ đang tiến lại gần ông, cất mũ, mỉm cười ngỏ lời mừng Napoléon về trận đại thắng vừa rồi.
   
Công tước Andrey không nhớ gì thêm nữa: chàng đau quá ngất đi mấy lần khi họ vực chàng lên cáng, khi họ đưa chàng đi và khi họ xem xét các vết thương của chàng ở trạm cứu thương.  Mãi đến hết ngày ấy, khi họ mang chàng vào y xá cùng với các sĩ quan Nga khác cũng bị thương và bị bắt làm tù binh, chàng mới tỉnh dậy. Lần đi chuyền này chàng cảm thấy khoẻ hơn một chút, chàng đã có thể quay đầu hai bên, và còn có sức nói được nữa là khác.
   
Câu nói đầu tiên mà chàng nghe được khi tỉnh dậy là lời viên sĩ quan Pháp áp giải tù binh nói hấp tấp:

- Phải dừng lại đây với được: hoàng đế sắp đi qua đây, nếu để Người trông thấy các sĩ quan tù binh này, chắc Người sẽ vui lòng lắm.

- Bây giờ tù binh nhiều quá, gần hết cả đội Nga rồi còn gì, thành thử chắc hoàng thượng cũng đến phát chán, - một sĩ quan khác nói.

- Ô! Nhưng mà… nghe nói, vị này là tư lệnh của toàn thể quân cận vệ của hoàng đế Alekxandr đấy - người thứ nhất nói tay chỉ vào một sĩ quan Nga bị thương mặc quân phục kỵ binh cận vệ màu trắng.
   
Bolkonxki nhận ra công tước Repnin mà chàng đã từng gặp trong những buổi tiếp tân ở Petersburg. Bên cạnh Repnin có một người thiếu niên mười chín tuổi, cũng là vĩ quan kỵ binh cận vệ.
   
Buônapáctê phi ngựa đến, dừng lại. Trông thấy toán tù binh, ông nói:

- Ai là người cao chức nhất?

Họ đáp là đại tá công tước Repnin.

- Ông là vị chỉ huy quân đoàn kỵ binh cận vệ của hoàng đế Alekxandr phải không? - Napoléon hỏi.

- Tôi chỉ huy một tiểu đoàn kỵ binh - Repnin đáp.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #182 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2010, 06:23:01 pm »

- Trung đoàn của ông đã làm tròn bổn phận một cách quang vinh - Napoléon nói.

- Lời khen ngợi của một danh tướng là phần thưởng đẹp đẽ nhất đối với một quân nhân, - Repnin nói.

- Ta rất vui lòng ban cho ông lời khen đó, - Napoléon nói. - Người trẻ tuổi nằm cạnh ông là ai?
     
Công tước Repnin đáp là trung uý Xukhtelen.

Napoléon nhìn người thiếu niên, mỉm cười nói:

- Còn trẻ thế mà đã đến đọ sức với chúng ta.

- Tuổi trẻ không hề làm người ta thiếu lòng dũng cảm, - Xukhteten đáp, giọng đứt quãng.

- Một câu trả lời hay. - Napoléon nói. - Anh bạn trẻ ạ, anh còn tiến xa đấy!
   
Công tước Andrey, bấy giờ cũng đã được đặt nằm ở phía trước ngay dưới hoàng đế để cho bộ chiến lợi phẩm tù binh được trọn vẹn, không thể không làm cho hoàng đế chú ý. Napoléon hình như nhớ ra rằng đã trông thấy chàng trên chiến trường, liền quay lại nói với chàng, dùng mấy chữ anh bạn trẻ - (jeune homme), là danh hiệu mà ông đã tặng chàng lần gặp gỡ đầu tiên và nay hãy còn nhớ lại.
   
Napoléon bảo công tước Andrey:

- Còn anh thì thế nào, anh bạn trẻ. Anh thấy trong người thế nào rồi, anh bạn dũng cảm)

Tuy trước đây năm phút, công tước Andrey có thể nói mấy câu với những người lính cáng chàng đi, nhưng bây giờ chàng chỉ đưa mắt nhìn thẳng vào Napoléon và lặng thinh… Giờ phút này chàng thấy tất cả những điều Napoléon quan tâm đều vô nghĩa quá, ngay bản thân con người mà chàng sùng bái trong khi huênh hoang mừng rỡ về trận thắng, cũng nhỏ bé quá so với bầu trời cao cả, công minh và hiền hậu mà chàng đã trông thấy và đã hiểu, đến nỗi chàng không thể trả lời Napoléon được.
   
Vả lại tất cả đều có vẻ vô ích và nhỏ nhặt so với những tư tưởng trang nghiêm và hùng vĩ trong khi chàng kiệt sức dần vì mất máu, trong khi chàng đau đớn chờ đợi cái chết đang đến gần. Nhìn thẳng vào mặt Napoléon, công tước Andrey nghĩ đến cái hư vô của danh vọng, cái hư vô của cuộc sống, mà chẳng có ai hiểu được ý nghĩa, cái hư vô càng lớn lao hơn nữa của cái chết, mà không có người sống nào hiểu và giải thích được.
   
Hoàng đế đợi mãi không thấy chàng trả lời, liền quay đi và dặn một viên sĩ quan chỉ huy:

- Phải săn sóc chu đáo những người này và đưa họ về doanh trại của ta; bác sĩ Laley ngự y của ta sẽ xem xét vết thương cho họ. Thôi xin chào công tước Repnin.
   
Nói đoạn Napoléon giật cương ngựa phóng nước đại. Gương mặt của ông ta tươi rói lên vì tự mãn và vui sướng.
Những người lính khiêng công tước Andrey trước đây đã cởi lấy chiếc tượng thánh bằng vàng do công tước tiểu thư Maria đeo lên cổ chàng, nay thấy hoàng đế nói năng ôn tồn với tù binh liền vội vã trả lại chiếc tượng cho chàng.
   
Công tước Andrey không trông thấy người nào đã đeo lại bức tượng và đeo vào lúc nào, chỉ thấy bỗng dưng trên ngực mình choàng ra ngoài áo quân phục có chiếc tượng nhỏ treo trên sợi dây chuyền vàng mỏng manh. Công tước Andrey ngắm bức tượng mà em gái chàng đã thiết tha và cung kính đeo vào cho chàng, lòng thầm nghĩ: "Giá mọi việc đều đơn giản và rõ ràng như công tước tiểu thư Maria nghĩ thì sẽ hay biết mấy. Giá có thể biết được trên đời này nên tìm sự cứu giúp ở đâu và biết được là sau cùng cuộc sống sẽ có cái gì khi mình đã xuống mộ thì hay quá! Giá bây giờ ta có thể nói: lạy Chúa, xin Người xót thương con, thì ta sẽ sung sướng và thanh thản bịết bao… Nhưng ta biết nói với ai như vậy bây giờ? Phải chăng cái sức mạnh huyền bí mơ hô, mà ta không thể nào cầu xin được đã đành, nhưng thậm chí cũng không thể nào biểu hiện ra rằng lời nói được chính là cái mênh mông bao gồm tất cả hay là cái hư vô. Phải chăng đó là cái đấng Thượng đế mà công tước tiểu thư Maria cất giấu trong lá bùa này? Không, không có gì thật cả ngoài sự hư vô của tất cả những gì mà ta hiểu được, và sự lớn lao của một cái gì không thể hiểu nổi, nhưng lại vô cùng quan trọng!".
   
Họ lại khiêng cáng đi. Cứ mỗi cái lắc chàng lại thấy đau không sao chịu nổi; trạng thái sốt tăng lên, và chàng bắt đầu mê sảng.
   
Hình ảnh của cha, vợ, em gái và đứa con sắp ra đời của chàng, cùng cái cảm giác trìu mến và chàng đã sống qua trong đêm trước khi ra trận, bóng dáng của Napoléon nhỏ bé vô nghĩa, và bao trùm lên tất cả những thứ đó, là một bầu trời cao xanh - Đó là những điều chàng mơ thấy nhiều nhất trong cơn sốt mê man.
   
Chàng mơ thấy cuộc sống hình lặng và cái không khí hạnh phúc gia đình êm thấm ở Lưxye Gorư. Chàng đã bắt đầu được hưởng thụ cái hạnh phúc này thì bỗng cái lão Napoléon nhỏ bé kia hiện ra với cái nhìn dửng dưng, thiển cận và thoả mãn trước những nỗi bất hạnh của người khác, rồi những hoài nghi, những đau khổ bắt đâu kéo đến, và chỉ có bầu trời kia là hứa hẹn sẽ cho chàng yên tĩnh. Đến sáng, tất cả những hình ảnh chập chờn trong giấc mơ pha trộn với nhau, hoà thành một khối hỗn mang mịt mùng, chàng mê man không còn biết gì nữa, và theo ý kiến của chính Larey ngự y của Napoléon, thì cứ tình trạng này bệnh nhân rốt cục sẽ chết chứ khó lòng mà qua khỏi được.

- Đây là một tạng người yếu thần kinh và sung mật; anh ta không qua khỏi được đâu - Larey nói.
     
Công tước Andrey, cùng với mấy người bị thương cũng không có hy vọng gì sống sót như chàng, được giao phó lại cho dân sở tại trông nom.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #183 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2010, 06:24:09 pm »

Phần IV - Chương -1
       
Đầu năm 1806, Nikolai Roxtov về nhà nghỉ phép. Denixov cũng được phép về nhà ở Voronez cho nên Roxtov cố nài anh ta cùng đi với chàng  đến Moskva và ghé lại nhà mình. Đến trạm nghỉ trước trạm cuối cùng, Denixov gặp một bạn đồng ngũ và đã cùng người ấy nốc cạn ba chai rượu nho, cho nên tuy trên đường nhan nhản những ổ gà, khi xe đã gần về đến Moskva anh ta cũng vẫn nằm ngủ li bì trong cỗ xe trượt tuyết bưu trạm.
     
Ngồi bên cạnh bạn, Roxtov nóng lòng chỉ mong sao chóng về đến nhà, và xe càng về gần nhà bao nhiêu thì chàng lại càng sốt ruột bấy nhiêu.
   
"Còn bao lâu nữa? Còn bao lâu nữa? Ồ, những phố xá, những cửa hàng, những chiếc biển treo trên các hiệu bánh mì, những cột đèn, những chiếc xe ngựa kia sao mà khó chịu quá!" - Roxtov nghĩ bụng, sau khi các hành khách đã dăng ký giấy phép ở trạm kiểm soát và xe đã tiến vào Moskva.

- Denixov ơi, đến nơi rồi! Cậu ấy vẫn ngủ! - chàng nói, cả người chồm ra phía trước, tưởng chừng làm như
vậy có thể tăng thêm tốc độ cho cỗ xe trượt tuyết, Denixov không đáp.

- Kìa cái ngã tư, nơi bác xà ích Zakhar thường đỗ xe, mà chính Zakhar kia kìa! Mà cũng vẫn con ngựa ấy!
Và kia, cả cái hiệu tạp hoá mà bọn mình thường mua bánh kẹp. Còn bao lâu nữa không biết? Chà!

- Đến nhà nào đây? - Người đánh xe hỏi.

- Ở đằng cuối, cái nhà lớn ấy. Thế mà không thấy à! Đấy là nhà ta - Roxtov nói - Nhà ta đấy.

- Denixov ơi! Denixov ơi! Đến nơi rồi.

Denixov ngẩng đầu lên, ho húng hắng và không đáp.

- Dmitri. - Roxtov nói với người đầy tớ ngồi cạnh người đánh xe - Đèn nhà ta đấy phải không?

- Vâng ạ, chỗ đèn sáng là phòng giấy của cụ nhà đấy.

- Trong nhà chưa đi ngủ hả? Mày bảo sao? Coi chừng, đừng quên giở cái áo đôn-man mới của ta ra đấy - Roxtov nói thêm, tay mân mê bộ ria mới nuôi được ít lâu nay.

- Nhanh nữa lên nào! - Chàng bảo người đánh xe. - Thôi tỉnh dậy thôi! - Chàng nói với Denixov bấy giờ đã lại gục đầu xuống ngực.

- Nào, mau lên nào! Ta cho ba rúp tiền uống rượu, mau lên nào! -
   
Roxtov quát to, mặc dầu chỉ còn cách ba nhà nữa là đến. Chàng có cảm giác là ngựa chẳng tiến lên được mấy tí. Nhưng rồi cỗ xe trượt tuyết cũng rẽ về bên phải, tiến vào cổng trước của toà nhà; trên đầu, Roxtov nhìn thấy cái mái hiên quen thuộc đã tróc vôi, chàng nhận ra bậc thềm, cái cột trụ trên vỉa hè. Xe chưa đỗ chàng đã nhảy xuống và chạy vào phòng ngoài. Ngôi nhà vẫn im lìm: chẳng có vẻ gì niềm nở, hình như chẳng đếm xỉa đến người mới về.
   
Không có ai trong phòng ngoài cả.
   
"Trời ơi, không biết có được bình an vô sự cả không?" - Roxtov nghĩ bụng và dừng lại một lát, tim như ngừng đập, rồi lao mình qua phòng ngoài chạỵ thẳng lại cái cầu thang với những bậc gỗ oằn oèo đã quá quen thuộc đối với chàng. Cái quả nắm xưa vẫn làm cho bá tước phu nhân bực mình vì thường cáu bẩn, nay vẫn xoay một cách dễ dàng. Một ngọn nến vẫn thắp sáng trong phòng đợi.
   
Lão Mikhailo đang ngủ trên chiếc rương. Prokofi, người hành bộc khoẻ đến mức có thể nắm phía sau một chiếc xe mà nhấc bổng lên đang ngồi tết những chiếc giày bằng vải vụn. Nghe cửa mở, anh ta ngước mắt lên nhìn, và sắc mặt đang thản nhiên, ngái ngủ bỗng chuyển hẳn thành phấn khởi và kinh ngạc.

- Trời ơi, cha mẹ ơi! Tiểu bá tước kìa! - Anh ta kêu lên khi nhận ra cậu cả. - Thật đấy à! Cậu ơi!

Rồi Prokofi run rẩy vì cảm động, đâm nhào về phía cánh cửa dẫn khách vào, chắc là để báo tin, nhưng nghĩ
thế nào lại quay gót trở lại và chạy đến hôn vai ông chủ trẻ.

- Cả nhà văn bình an đấy chứ? - Roxtov hỏi vừa rút cánh tay ra.

- Nhờ ơn Chúa! Bình an cả! Vừa dùng bữa tối xong! Bẩm cậu. Cậu cho con nhìn cậu một tí!

- Thật bình an cả chứ!

- Đội ơn Chúa! Đội ơn Chúa!
   
Roxtov lúc ấy đã quên hẳn Denixov và không muốn để cho ai đi trước mình, chàng trút bỏ áo lông rồi nhón chân chạy vào gian phòng lớn tối om. Mọi vật đều y nguyên như cũ, cũng văn những chiếc bàn đánh bài ấy, cũng vẫn cái chùm chân nến thuỷ tinh phủ trong tấm vải bọc như ngày trước, nhưng có người đã thấy bóng vị chủ nhân trẻ tuổi, và chàng đi chưa đến phòng khách thì từ một khung cửa nách đã có một cái gì phụt ra như một trận cuồng phong. nhảy lên cổ chàng và hôn chàng túi bụi. Một người nữa, lại một người thứ ba nữa, từ những khung cửa khác ùa ra; lại ôm, lại hôn, lại những tiếng reo, lại những giọt nước mắt vui mừng. Chàng không còn có thể phân biệt ai là cha, ai là Natasa, ai là Petya nữa.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #184 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2010, 06:24:57 pm »

Mọi người đều reo, đều nói, đều hôn chàng cùng một lúc. Nhưng chàng biết là trong đám người ấy không có mẹ chàng.

- Ai ngờ… Nikoluska, con ơi!

- Đã về đây rồi… anh Kolya của chúng em… Nom lạ hẳn đi!

- Nào, đem nến lại đây! Dọn trà lên đây!

- Hôn tôi với nào!

- Anh yêu quý ơi, cả em nữa nào!

Sonya, Natasa, Petya, bà Anna Mikhailovna, Vera, lão bá tước, ai nấy đều ôm chặt lấy chàng, cả các nam nữ gia nhân ai cũng đứng chật cả gian phòng, xuýt xoa trầm trồ nháo cả lên.

Petya thì ôm lấy chân chàng.

- Còn em nữa, - Cậu bé réo lên.

Natasa vít đầu chàng xuống và hôn lên khắp mặt chàng đoạn nhảy lùi ra rồi níu lấy tà áo đôn-man của chàng mà nhảy nhót tung tăng như một con dê non, miệng ta hét inh ỏi.

Bốn phía chỉ thấy những cặp mắt đầy tình thương yêu và long lanh như những giọt nước mắt vui mừng; bốn phía chỉ thấy những cặp môi đang mong mỏng một chiếc hôn lên chàng.

Sonya mặt đỏ như hoa vông, cũng níu lấy cánh tay chàng. Cả người nàng như rạng rỡ lên trong một cái hình hoa lạc hướng thẳng vào mặt chàng và đợi chàng nhìn lại. Sonya bây giờ đã mười sáu tuổi; nàng đẹp lắm, nhất là trong giây phút vui sướng, phấn khởi và say sưa này. Nàng nhìn chàng không chớp mắt, mỉm cười và nín thở. Chàng đưa mắt nhìn nàng tỏ vẻ cảm ơn; nhưng chàng vẫn chờ đợi tìm kiếm một người nào. Bá tước phu nhân vẫn chưa thấy ra.

Tiếng bước mau quá, e không phải tiếng bước của mẹ chàng.

Nhưng đó lại chính là bà cụ, mặc một chiếc áo dài mà chàng chưa hề thấy bao giờ vì mới may trong khi chàng đi vắng. Mọi người đều giãn ra, và chàng chạy đến với bà cụ. Bá tước phu nhân gục đầu xuống ngực chàng khóc nức nở. Bà cụ không ngẩng đầu lên được, chỉ áp má vào những dải nẹp ngang lạnh lẽo trên áo đôn-man của chàng. Denixov, vào đây lúc nào không ai biết, đang đứng một bên và dụi mắt nhìn mọi người.

- Tôi là Vaxili Denixov bạn thân của cậu nhà, - chàng tự giới thiệu với bá tước lúc ấy đang ngỡ ngàng nhìn chàng.

- Rất sung sướng được tiếp anh. Tôi có biết anh, tôi có được biết anh. - Bá tước ôm hôn Denixov - Nikolai viết thư về nhắc đến anh luôn… Natasa! Vera! Đây này, anh Denixov đây này!

Cũng những gương mặt sung sướng và hồ hởi ấy lại ngoảnh về phía cái bóng dáng xù xì của Denixov, và mọi người đều xúm xít vây quanh chàng.

- Anh Denixov thân yêu! - Natasa hét lên, mừng rỡ cuống quýt không còn biết gì nữa, nhảy xồ đến ôm chầm lấy chàng mà hôn.

Mọi người đều lấy làm ngượng vì cử chỉ của Natasa. Denixov cũng đỏ mặt, nhưng rồi chàng lại mỉm cười và cầm lấy tay nàng mà hôn.

Người nhà dẫn Denixov vào căn buồng đã dọn sẵn cho chàng, rồi cả nhà Roxtov tụ họp trong gian phòng khách nhỏ, chung quanh Nikolai.

Lão bá tước phu nhân ngồi sát cạnh chàng, cứ nắm lấy bàn tay chàng mà hôn hít mãi; những người khác thì xúm xít quanh chàng, rình từng cử chỉ, từng lời nói, từng khoé mắt của chàng, và chăm chăm nhìn chàng với cặp mắt mến yêu và sùng bái. Cậu em trai và hai cô em gái thì chen nhau giành cái chỗ gần chàng nhất và tranh phần rót nước, đưa khăn tay, đưa tẩu thuốc cho chàng.

Roxtov rất sung sướng được mọi người yêu quý chiều chuộng, nhưng phút sum họp đầu tiên đã đưa lại một mềm hoan lạc tuyệt vời đến nỗi chàng có cảm giác là cái hạnh phúc hiện thời vẫn còn chưa đủ và chàng còn chờ đợi nhiều phút hoan lạc nữa, sẽ kế tiếp nhau đến với chàng không bao giờ cạn.
Sáng hôm sau, hai người ngủ mãi đến mười giờ, cho bõ cuộc hành trình mệt nhọc.

Trong gian phòng kề sát buồng ngủ của họ vứt bừa bãi nào gươm, nào đẫy vải, nào túi da, nào va li mở nắp, nào ủng lấm bùn.

Hai đôi ủng có cựa, mới đánh xi xong, vừa được đem vào dựng bên tường. Mấy người đày tớ bưng chậu thau, nước nóng để cạo râu và mấy bộ quần áo đã chải. Trong phòng phảng phất mùi thuốc lá và mùi đàn ông.

- Ê, Griska, tẩu thuốc đâu? - Vaxka Denixov gọi với cái giọng khàn khàn của chàng. - Roxtov dậy đi thôi!
Roxtov dụi đôi mắt đang ríu lại, và ngẩng cái đầu bờm xờm lên khỏi chiếc gối lông êm ấm.

- Sao, trưa lắm rồi à?

- Phải, sắp mười giờ rồi đấy - tiếng Natasa đáp, và từ phòng bên vẳng sang tiếng sột soạt của những chiếc áo dài mới hồ, những tiếng nói thì thầm, tiếng cười khúc khích của mấy cô thiếu nữ, rồi một cái gì xanh xanh, loáng thoáng những dải lụa, những mái tóc đen và những bộ mặt vui vẻ hiện ra trong cánh cửa hé mở. Đó là Natasa và Petya đến xem chàng đã dậy chưa.

- Anh Nikolai, dậy đi thôi! - Lại nghe tiếng Natasa nói sau cánh cửa.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #185 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2010, 06:25:48 pm »

- Dậy ngay đây!

Trong lúc ấy Petya đã trông thấy hai thanh gươm và cầm lên xem, lòng chan chứa niềm hâm mộ mà các cậu bé thường cảm thấy khi đứng trước một người anh đi đánh giặc, và quên hẳn rằng các chị mà trông thấy những người đàn ông chưa mặc áo là một điều mất lịch sự, cậu mở tung cửa ra.

- Gươm của anh đấy phải không? - Petya hỏi to.

Hai thiếu nữ vội chạy lùi lại. Denixov hoảng hốt giấu hai cổ chân lông lá vào trong chăn và đưa mắt nhìn bạn để cầu cứu.

Cánh cửa hé mở để Petya lọt vào, rồi đóng ngay lại. Phía sau cánh cửa có tiếng cười rúc rích.

- Anh Nikolai, anh cứ mặc áo ngủ mà ra cũng được.

- Gươm của anh đấy à? - Petya lại hỏi - Hay là của anh? - với một vẻ kính cẩn đến mức khúm núm, cậu bé quay lại hỏi chàng Denixov đen đủi và rậm râu.

Roxtov vội vàng đi ngay, mặc áo ngủ và đi sang phòng bên.

Natasa đã kịp xỏ một chiếc ủng có cựa, và đang xỏ chân vào chiếc kia. Sonya đang xoay người như chong chóng cho áo xoà ra và đang sắp ngồi xuống thì vừa đúng lúc chàng bước vào. Hai cô đều mặc áo dài thanh thiên, mới tinh và rất giống nhau - Cả hai đều tươi tắn, hồng hào, vui vẻ, Sonya bỏ chạy, còn Natasa thì nắm lấy cánh tay anh dắt vào phòng đi-văng, và hai người bắt đầu nói chuyện.

Hai anh em không sao có đủ thì giờ hỏi và trả lời cho hết những câu hỏi về hàng ngàn chuyện vụn vặt mà chỉ có hai người mới thấy thích thú. Bất cứ một câu nào Nikolai nói ra hay chính nàng nói ra Natasa cũng cười, nhưng vì nàng vui quá và không sao nén nổi niềm vui chí chực bật ra thành tiếng cười. Nàng cứ luôn mồm nói:

- Ồ thích quá, tuyệt quá!

Dưới những tia ấm áp của tình thương yêu, lần đầu tiên từ một năm rưỡi nay, Roxtov cảm thấy trong tâm hồn và trên gương mặt chàng nở ra một nụ cười con trẻ mà chàng chưu hề có được một lần nào kể từ khi lìa nhà ra đi.

- Anh Nikolai này, - Natasa nói - Bây giờ anh là người lớn thực sự rồi đấy nhỉ. Có được một ông anh như anh, em thích quá đi mất.

Nàng đưa tay sờ lên bộ ria mép của Nikolai.

- Em cứ muốn biết làm người lớn như các anh thì nó như thế nào? Cũng giống như chúng em à? Hay là không phải?

- Tại sao Sonya lại chạy trốn thế? - Roxtov hỏi.

- À. Đó là cả một câu chuyện. Anh sẽ xưng hô với Sonya như thế nào? Anh sẽ gọi Sonya là cô hay là em?

- Cũng tuỳ đấy - Roxtov nói.

- Gọi là cô, anh nhé, sau này em sẽ nói cho anh biết tại sao.

- Nhưng sao lại phải thế?

- Đã thế thì em nói cho anh biết ngay. Anh phải biết, Sonya là bạn chí thân của em đấy nhé, thân đến nỗi em có thể đốt cháy cánh tay em vì chị ấy. Này anh xem. - Nàng xắn ống tay áo soa lên và cho chàng xem một cái vệt đỏ gần vai, cách khuỷu tay khá xa (một chỗ mà áo khiêu vũ cũng che kín), trên cánh tay mảnh khảnh và mềm mại của nàng.

- Em tự đốt cháy để tỏ cho Sonya biết em yêu chị ấy đến nhường nào. Em nung một cái thước sắt cho đỏ lên rồi đặt vào chỗ ấy đấy.

Ngồi trong gian phòng học cũ của mình, trên chiếc ghế đi-văng với những chỗ dựa có đặt mấy chiếc gối nhỏ, nhìn sâu vào đôi mắt linh hoạt và liều lĩnh của Natasa, Roxtov lại thâm nhập vào thế giới gia đình mà chàng đã sống suốt thời thơ ấu, một thế giới không có nghĩa lí gì với một người khác nhưng đem lại cho chàng một trong những niềm vui. Lòng tốt đẹp nhất trên đời và cái việc lấy thước nung đốt cánh tay mình dé tỏ rõ tình yêu, chàng thấy không phải là một việc gì vô ích: chàng hiểu ý nghĩ của nó và không lấy làm lạ.

- Thế còn gì nữa? Chỉ có thế thôi à? - chàng hỏi.

- Ồ, hai chúng em yêu nhau, yêu nhau ghê lắm cơ… Chuyện cái thước chỉ là một trò dại dột; nhưng chúng em yêu nhau ngàn đời. Sonya mà đã yêu ai, là yêu trọn đời; em thì em không hiểu cái đó em sẽ quên ngay.

- Thế rồi sao nữa?

- Thế là Sonya yêu cả anh và em đấy - Natasa bỗng đỏ mặt - Anh còn nhớ, trước khi anh ra đi… Chị ấy bảo rằng anh cần phải quên hết… Chị ấy bảo: mình sẽ yêu anh ấy mãi mãi, nhưng anh ấy thì để cho anh ấy tự do. Thế có tuyệt không? Cao thượng quá nhỉ? Phải không nào? Có phải là cao thượng không nào? Cao thượng quá đi chứ! Nhỉ!

Natasa hỏi dồn, giọng nghiêm trang và cảm động, và nghe giọng nàng, có thể thấy rõ rằng điều này nàng đã từng nói nhiều lần, ứa nước mắt ra mà nói. Roxtov ngẫm nghĩ một lát.

Lời tỏ bày trước kia của anh, anh không hề thay đồi chút gì. Vả lại Sonya đáng yêu như vậy, anh dại gì lại từ bỏ hạnh phúc của mình?

- Không, không - Natasa kêu lên - hai đứa chúng em đã nói chuyện với nhau rồi. Chúng em cũng đã biết anh cũng nói như thế. Nhưng không nên thế, vì anh cũng biết đấy, nếu anh nói thế, nếu anh tự xem là bị lời hứa ràng buộc, thì sẽ hoá ra là chị ấy đã cố ý nói như vậy. Mà đã thế thì anh có lấy chị ấy cũng chỉ là miễn cưỡng, và thế là không tốt.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #186 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2010, 06:26:33 pm »

Roxtov thấy rõ rằng hai người đã bàn kỹ chuyện này với nhau. Hôm qua chàng cũng đã ngây ngất trước sắc đẹp của Sonya. Hôm nay, chàng chỉ mới thoáng thấy nàng, nhưng nàng lại còn có chiều đẹp hơn nữa. Cô thiếu nữ yêu kiều mới mười sáu tuổi ấy rõ ràng là đang yêu chàng đắm đuối (chàng không phút nào hồ nghi về điều này). Thế làm sao chàng lại có thể không yêu lại cô ta và không lấy cô ta làm vợ? - Roxtov nghĩ - Nhưng, bây giờ còn có bao nhiêu niềm vui khác, bao nhiêu công việc khác đang chờ đợi chàng. Phải, hai cô ấy nghĩ rất hay - chàng tự nhủ - "mình phải giữ tự do".

- Thôi thế cũng rất tốt - chàng nói - rồi chúng ta sẽ nói lại chuyện này. Ô, được gặp lại em, anh mừng quá
- chàng nói thêm. - Xem nào, còn em thì thế nào, em không thay lòng đổi dạ đối với Boris đấy chứ?

- Chỉ vớ vẩn! - Natasa nói to, rồi cất tiếng cười khanh khách.

- Em chả nghĩ đến anh ấy mà cũng chả nghĩ đến ai, em không muốn nghĩ đến chuyện đó.

- Thế cơ đấy! Thế em muốn gì nào?

- Em ấy à? - Natasa hỏi, và một nụ cười sung sướng toả sáng trên mặt nàng. Anh đã thấy Duport chưa?

- Chưa.

- Anh chưa thấy Duport, nhà vũ đạo trứ danh ấy à? Thế thì anh không hiểu được đâu. Đây này, thế này này…

Nàng uốn cong hai cánh tay lại như hiểu các vũ nữ và nắm lấy cái xiêm chạy xa ra mấy bước rồì quay lại chớm phác một bước Entrachat, chân này đập đập vào chân kia, rồi nhón chân lên, đi mấy bước bằng đầu ngón chân.

- Em đi nhón được đấy chứ? Anh thấy chưa? - Nàng nói, nhưng nàng không nhón được lâu. - Đấy, em muốn làm thế đấy. Em không muốn làm vợ ai cả, em sẽ làm vũ nữ nhưng anh đừng nói với ai đấy nhé.
Roxtov cười phá lên, tiếng cưới ầm ỹ và vui vẻ đến nỗi Denixov ở trong phòng cũng phải thấy thèm thuồng, và Natasa không nhịn được cũng cười theo.

- Như thế được chứ? - Nàng hỏi lại lần nữa.

- Được! Thế em không muốn lấy Boris nữa à?

Natasa đỏ mặt:

- Em chả muốn lấy ai cả. Khi nào gặp anh ấy, em cũng sẽ nói thế.

- Thế kia đấy! - Roxtov nói.

- Thật đấy, toàn chuyện nhám nhí tất! - Natasa vẫn nói huyên thuyên.

- À này, anh Denixov ấy mà, anh ấy có tốt không? - Nàng hỏi.

- Tốt lắm.

- Thôi anh vào mặc áo đi. Anh ấy dữ làm, phải không, anh Denixov ấy mà?

- Sao lại dữ? - Nikolai hỏi. - Không, Vaxka dễ chịu lắm.

- Anh gọi là Vaxka à? Buồn cười nhỉ. Thế anh ấy tốt lắm à?

- Rất tốt.

- Thôi, nhanh nhanh đi. Còn vào uống trà chứ. Cùng uống cả.

Và Natasa nhón chân đi theo kiểu vũ nữ, nhưng với một nụ cười mà chỉ những thiếu nữ vui sướng trạc tuổi mười lăm mới có thể có được.

Đứng trước mặt Sonya trong phòng bà, Roxtov đỏ mặt. Chàng không biết nên đối xử với nàng như thế nào. Hôm qua, hai người đã ôm hôn nhau trong phút đầu sum họp, nhưng hôm nay thì hai người cùng biết rằng không thể làm như vậy được nữa; Chàng cảm thấy mọi người, từ mẹ chàng đến các em đều nhìn chàng như muốn hỏi điều gì và mọi người đều chờ xem chàng đối xử với nàng ra sao. Chàng hôn tay nàng và gọi nàng là "cô", là "Sonya". Nhưng mắt hai người mỗi lần gặp nhau lại gọi nhau là "anh", là "em", và gửi cho nhau những chiếc hôn nồng thắm. Nàng đưa mắt nhìn Roxtov để xin lỗi chàng vì đã dám qua môi giới của Natasa nhắc lại lời hứa của chàng, và để cảm tạ tình yêu của chàng. Chàng cũng lấy mắt để cảm tạ nàng đã có lòng muốn trả lại tự do cho chàng và để nói rằng dù có thế nào đi nữa thì tình yêu của chàng đối với nàng vẫn không thay đổi, vì không thể nào không yêu nàng được.

- Kể cũng lạ - Vera nói, nhân một lúc mọi người đều im lặng - làm sao Sonya và Nikolai lại gọi nhau là "cô", là "cậu", như người dưng nước lã thế nhỉ?

Lời nhận xét của Vera vẫn đúng, cũng như lời nhận xét của nàng; nhưng cũng như khi nàng nói ra những ý kiến khác, ai nấy đều thấy ngượng ngùng và không những Sonya, Nikolai và Natasa đỏ mặt, mà cả đến lão bá tước phu nhân là người đang rất lo về mối tinh của Nikolai đối với Sonya: một tình yêu có thể làm cho chàng không kiếm được một đám cao sang, cũng phải đỏ mặt như một cô con gái.

Vừa lúc ấy Denixov bước vào phòng trà, và Roxtov kinh ngạc khi thấu chàng mặc một bộ quân phục mới tinh, tóc chải sáp thơm, xức nước hoa, bảnh bao như khi ra trận, và tỏ ra lịch thiệp, nhã nhặn đối với mọi người trong nhà, nữ giới cũng như nam giới, một điều mà Roxtov chưa bao giờ chờ đợi thấy ở bạn.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #187 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2010, 09:34:27 pm »

Phần IV
Chương - 2

Từ khi tạm rời quân đội trở về Moskva, Nikolai Roxtov được cả nhà coi là một người con chí hiếu, một vị anh hùng, là "Nikolai yêu quý"; được thân thích họ hàng tiếp đãi như một người thanh niên đáng yêu, phong nhã và lễ độ; được những người quen biết coi là một viên trung uý phiêu kỵ đẹp trai, một người khiêu vũ giỏi và một trong những "đám" tốt nhất ở Moskva.

Gia đình Roxtov quen biết cả thành phố Moskva, năm ấy lão bá tước cũng khá sẵn tiền vì mới cầm cố lại được các điền trang, nhờ đó Nikolai nghiễm nhiên làm chủ một con ngựa tế, một chiếc quần cưỡi ngựa đặc biệt, kiểu mới nhất, mũi nhọn hoắt, đính cựa bằng bạc, tha hồ sống vui thú. Trở về nhà, chàng cảm thấy dễ chịu sau một thời gian thích nghi lại với những hoàn cảnh sinh hoạt cũ.
   
Chàng cảm thấy minh đã chín chắn và trưởng thành lên nhiều lắm.
   
Nỗi thất vọng sau khi thi giáo lý không đỗ, cái cảnh nhiều lần vay tiền Gavrilo để thuê xe ngựa, những chiếc hôn vụng trộm với Sonya, chàng nhớ lại những việc ấy như những trò trẻ con mà bây giờ chàng xa cách nó vô cùng. Bây giờ thì chàng là một trung uý phiêu kỵ mặc chiếc áo da viền bạc và đeo chiếc huân chương Thánh George của quân đội, tập dượt một con ngựa tế để ra trường đua, cùng với những tay thiện kỵ có tiếng đứng tuổi và đáng kính.
   
Chàng lại làm quen với một thiếu phụ ở ngoài phố, và cứ tối tối lại đến thăm cô nàng. Chàng điều khiển diệu nhảy Mazurka(1) trong buổi dạ hội khiêu vũ ở gia đình Arkharov. Chàng nói chuyện chiến tranh với nguyên soái Kamenxki, chàng lui tới câu lạc bộ Anh(2) và xưng hô cậu, tớ với viên đại tá tứ tuần mà Denixov đã giới thiệu với chàng.
     
Nhiệt tình của chàng đối với hoàng đế cũng phai nhạt đi ít nhiều trong khi chàng ở Moskva vì chàng không được thấy ngài nữa. Tuy vậy, chàng cũng hay nói đến Hoàng thượng, nói đến lòng trung quân của mình, nhưng một cách có ý tứ, ra vẻ mình không bộc lộ hết tình cảm vì trong đó có nhiều điều mà không phải ai ai cũng hiểu được; chàng toàn tâm chia sẻ lòng ái mộ của toàn thể Moskva đối với hoàng đế Alekxandr Pavlovich hồi ấy đang được gọi là "thiên thần sống".
   
Trong thời gian ngắn ngủi ở lại Moskva trước khi trở về quân đội, Roxtov không gần gũi Sonya thêm, mà lại có phần xa nàng hơn trước. Nàng thì rất xinh, rất ngoan và chắc chắn là yêu chàng say đắm; nhưng chàng đang ở vào cái tuổi mà người ta có cảm giác là cần phải hoạt động nhiều đến nỗi không có thì giờ đề tâm đến chuyện ấy; vả chăng chàng thanh niên ấy lại rất sợ bị ràng buộc, rất quý cuộc sống tự do của mình vì thấy cần dành nó cho nhiều việc khác. Lần này về Moskva, mỗi khi nghĩ đến Sonya chàng lại tự nhủ: "Chặc! Sau này còn có nhiều, nhiều người khác như nàng, và giờ đây cũng có những người ở đâu đâu mà mình chưa biết. Khi nào mình muốn, mình sẽ còn có chán thì giờ để lo đến tình yêu, nhưng giờ đây thì chẳng có thì giờ. Ngoài ra, chàng lại thấy mường tượng rằng luẩn quẩn với nữ giới là tổn thương đến tư cách trượng phu của mình.
     
Chàng cũng đi dự những dạ hội khiêu vũ, cũng giao thiệp với phụ nữ, nhưng chàng giả cách làm ra vẻ miễn cưỡng. Trường đua ngựa, câu lạc bộ Anh, những bữa chè chén với Denixov, những chuyện đến thăm "đằng ấy", thì lại là một chuyện khác: những việc đó hoàn toàn thích hợp với một quân nhân phiêu kỵ ngang tàng.
     
Vào khoảng đầu tháng ba, lão bá tước Ilya Andrevich Roxtov, rất bận rộn về việc tổ chức một bữa tiệc ở câu lạc bộ Anh để đón tiếp công tước Bagration.
     
Bá tước, mình khoác áo ngủ, đang đi đi lại lại trong gian phòng khiêu vũ để dặn dò người quản lý câu lạc bộ và Feoktixt, người đầu bếp nổi tiếng về các món măng tây, đưa chuột tươi, quả dâu, thịt bê, cá để chuẩn bị thết tiệc công tước Bagration. Bá tước là hội viên câu lạc bộ Anh, lại ở trong ban trị sự của câu lạc bộ từ khi nó mới thành lập. Sở dĩ bá tước được giao phó việc chuẩn bị bữa tiệc mời Bagration là vì rất ít người có thể dọn tiệc hào phóng và hiếu khách như ông, mà lại càng rất ít người có thể bỏ tiền túi mình ra khi cần thiết. Người đầu bếp và người quản lý khoái trá lắng nghe những chỉ thị của bá tước vì họ biết rằng với bá tước, hơn là với ai hết, họ có thể thu được một món tiền lãi đáng kể trong bữa tiệc trị giá mấy ngàn rúp này.

- Ấy cẩn thận nhé, phải có mào gà, phải nhớ cho nhiều mào gà vào món mai rùa, nghe chưa!

- Thế là phải có ba món khai vị nguội, có phải không ạ - người đầu bếp hỏi.

Bá tước ngẫm nghĩ một lát.

- Cũng không thể ít hơn được, phải đấy, ba món xốt Mayonez là một này - Ông cụ vừa nói vừa đếm đốt ngón tay.

- Thế còn cá chiên thì cứ mua đằng to chứ ạ? - người quản lý hỏi.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #188 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2010, 09:35:18 pm »

- Biết làm thế nào bây giờ; họ đã không chịu bán rẻ hơn, thì đành cứ thế mua thôi. Mà này, anh bạn, tôi suýt quên mất. Còn phải một món ăn cầu kỳ dọn trên một cái mai rùa hay một cái đĩa hình dáng như cái mai rùa thêm một món khai vị ntĩa. Ôi, ông bà ông vải ơi! - Bá tước giơ hai tay lên ôm đầu - Lại còn hoa nữa, ai sẽ đem hoa lại cho tôi. Mityenka? E, Mityenka, anh hãy chạy bay ra trại ngoại thành nhà tôi nhé, - Ông cụ nói với người quản gia, bấy giờ vừa nghe tiếng gọi chạy vào - hãy chạy bay đến đấy nói với bác làm vườn Macximka phải lập tức bắt phu để làm việc. Nhớ bảo là trong các lồng kính có bao nhiêu hoa thì phải lấy nỉ bọc cả lại, rồi đem đến đây tất. Đến thứ sáu phải có cho tôi hai trăm chậu hoa ở đây.
     
Sau khi ra nhiều chỉ thị khác, ông cụ đã muốn về phòng bá tước phu nhân nghỉ ngơi một lát thì lại sực nhớ đến một chi tiết mới, bèn quay lại gọi giật người đầu bếp và người quản lý, và ra thêm nhiều chỉ thị mới nữa. Ngoài cửa nghe có tiếng giày đàn ông bước nhẹ nhàng, tiếng cựa giày kêu lanh canh, và tiểu bá tước Nikolai bước vào hồng hào, tuấn tú với bộ ria đen tỉa rất nhỏ, rõ ràng là một con người đã được nghỉ ngơi khoẻ khoắn và đã được nâng niu chiều chuộng trong cuộc sống êm đềm ở Moskva.

- À anh bạn! Tôi đang cuống cà kê lên đây này! - Ông cụ vừa nói vừa mỉm cười với con như có ý ngượng.

- Được anh giúp một tay thì hay quá! Bởi vì ta còn phải có phường hát nữa. Tôi đã có giàn nhạc rồi, nhưng có lẽ cũng phải gọi cái đám Di-gan đến nữa chứ? Bọn quân nhân các anh thích cái món ấy lắm đấy.

- Cha ạ, quả thật khi công tước Bagration chuẩn bị trận Songraben chắc ngài cũng không đến nỗi vất vả như cha bây giờ, - cậu con trai nói.

Lão bá tước làm ra vẻ phật ý:

- Phải, nói như anh thì dễ lắm, nhưng anh cứ thử làm một tí mà xem.

Và ông cụ ngoảnh lại phía người đâu bếp vẻ mặt thông minh đang quan sát hai cha con một cách trìu mến và kính cẩn.

- Hừ, cái bọn thanh niên này! Feoktixt ạ - Ông cụ nói - Họ giễu cánh già chúng mình.

- Chính thế, bẩm cụ lớn; miễn các cậu ăn cho ngon là được, còn làm thế nào kiếm thức ăn và xào nấu cho ngon thì các cậu có biết đến đâu!

- Đúng đấy đúng đấy! - bá tước reo lên và vui vẻ nắm lấy hai tay cậu con trai. - Thế là tóm được anh rồi nhé. Anh lấy cái xe trượt tuỵết hai ngựa đến nhà Bezukhov, anh nói với cậu ấy là bá tước Ilya Andreyevich cho anh đến xin cậu ấy một ít quả dâu và mấy quả dứa thật tươi. Không còn biết kiếm ở nhà ai nữa: Nếu cậu ấy không có nhà, thì nói với ba công tước tiểu thư, xong rồi thì, xem nào, anh sẽ đi Razgulai - thằng đánh xe Ipatka nó biết chỗ đấy - tìm thằng Di-gan Ilyuska cái thằng hôm nọ mặc áo kazakin trắng khiêu vũ ở nhà bá tước Orlov ấy mà, rồi anh dẫn hắn lại đây.
     
Có cần đem cả cô Di-gan theo hắn nữa không ạ? - Roxtov vừa cười vừa hỏi.

- Ơ kìa!… Ơ kìa!
   
Vừa lúc đó, bà Anna Mikhailovna, vẻ mặt bận rộn lo lắng và đồng thời đượm cái nét từ bi Cơ đốc mà bà ta không bao giờ quên khoác lên dung mạo, lặng lẽ bước vào phòng. Tuy không ngày nào bà ta không gặp bá tước trong khi ông ta mặc áo ngủ, nhưng mỗi lần như thế bá tước vẫn ngượng nghịu và vẫn xin lỗi bà.

- Không hề gì bá tước ạ, ông bạn ạ - Bà ta nói, đôi mắt từ từ nhắm lại dịu dàng. - Còn như Bezukhov, thì để tôi đi cho. Cậu Bezukhov vừa mới về, bá tước ạ, bây giờ chúng ta cần đến cái gì trong nhà kính ủ cây của cậu ta cũng có cả. Vả lại tôi cũng đang cần gặp cậu ấy. Cậu ấy có chuyển cho tôi một bức thư của Boris. Đội ơn Chúa, Boris bây giờ đã được chuyền sang bộ tham mưu.
     
Bá tước lấy làm sung sướng được bà Mikhailovna nhận cho một phần sai phái, và truyền người nhà thắng cỗ xe nhỏ cho bà ta đi.

Phu nhân bảo cậu Bezukhov đến dự nhé. Tôi sẽ bảo ghi tên.

- Cô vợ có cùng về với cậu ấy không? - Ông cụ hỏi.
     
Bà Anna Mikhailovna ngước mắt lên trời và một nỗi âu sầu thấm thía hiện lên trên gương mặt.

- Ồ, ông ơi, anh ta thật đến khổ, - Bà nói. - Nếu quả đúng như lời người ta đồn: thì thật là kinh khúng quá. Xưa kia nào có ai ngờ chúng ta cứ mừng cho hạnh phúc của cậu ấy. Một tâm hồn thực cao quý! Thật là một tâm hồn thượng giới, cái cậu Bezukhov ấy. Phải, tôi thấy xót thương cho cậu ấy đến tận đáy lòng và tôi sẽ cố gắng hết sức để an ủi cậu.

- Nhưng có việc gì thế? - Cả hai cha con Roxtov cùng hỏi.
   
Bà Anna Mikhailovna thở dài não ruột, rồi nói thì thầm có vẻ bí mật.

- Nghe đâu Dolokhov, con trai bà Maria Ivanovna ấy mà, đã làm cô ta mang tiếng. Piotr giúp nó khỏi cảnh túng thiếu đã mời nó về Petersburg ở trong nhà mình, thế mà nó giả ơn như vậy đấy…  Cô ta vừa về đây là gã cuồng đãng kia về theo ngay - bà Anna Mikhailovna muốn tỏ ra mình thương hại Piotr không biết chừng nào mà kể, nhưng trong giọng nói vô tình, trong nụ cười nửa miệng của bà văn biểu lộ mối thiện cảm đối với "gã cuồng đãng" như bà ta gọi Dolokhov - Nghe đâu cậu Piotr buồn khổ tưởng chết đi được.

- Thôi dù sao phu nhân cũng cứ bảo anh ấy đến dự tiệc ở câu lạc bộ, cho nó khuây khoả. Bữa tiệc này linh đình lắm đấy.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #189 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2010, 09:36:12 pm »

Ngày hôm sau, mồng ba tháng ba, vào khoảng hơn một giờ trưa, hai trăm năm mươi hội viên của Câu lạc bộ Anh và năm mươi người được mời, đều tụ tập trong phòng tiệc chờ đợi vị thượng khách, vị anh hùng của chiến dịch nước Áo: công tước Bagration. Trước kia tin bại trận ở Austerlix thoạt tiên làm cho Moskva hết sức kinh hoàng. Vì người Nga hồi ấy đã quá quen với những trận thắng, cho nên khi nghe tin bại trận, có nhiều người nhất định không chịu tin, lại có nhiều người tìm những lý do kỳ quặc để giải thích cái biến cố lạ lùng ấy. Ở Câu lạc bộ Anh là nói hội họp của những nhân vật trọng yếu và am hiểu thời sự nhất, hồi tháng chạp khi tin bại trận mới đưa về, dường như ai nấy đều đã ngầm ước với nhau là không nói gì đến chiến tranh và trận đánh vừa rồi Những người vẫn thường cầm trịch cho các cuộc đàm thoại, như bá tước Raxtopsin, công tước Yuri Vladimirovich Dolgorukov,  Valuyev, bá tước Markov, công tước Vyazemxki thì không ra mặt ở Câu lạc bộ nữa mà chỉ hội họp với nhau ở nhà riêng: giữa đám bạn thân. Do đó những người Moskva nào chỉ biết lặp lại lời nói của kẻ khác (như ông Ilya Andreyevich Roxtov chẳng hạn) thì trong một thời gian ngắn bị thiếu mất người hướng dẫn và cũng không có chủ kiến gì rõ ràng về tình hình quân sự. Họ cảm thấy có một cái gì không ổn, mà bàn bạc về những tin chẳng lành ấy thì thật là khó khăn, cho nên cứ im lặng là hơn. Nhưng sau đó ít lâu, giống như những viên hội thẩm từ phòng nghị sự bước ra, những người tai to mặt lớn lãnh dạo dư luận ở Câu lạc bộ lại xuất hiện, mà mọi người lại trở lại ăn nói một cách rành mạch và phân minh. Người ta đã tìm ra những nguyên nhân của cái biến cố xưa nay chưa từng thấy, không thể tin được, không thể có được, là sự bại trận của nước Nga, và từ đó mọi việc đều trở thành minh bạch, và trong khắp các xó ngõ của Moskva, mọi người đều nói ý như nhau. Những nguyên nhân ấy là sự phản bội của người Áo, sự tiếp tế thiếu thốn cho quân đội, sự phản bội của một người Ba Lan tên là Psebysevxki, của một người Pháp tên là Langeron, sự bất lực của Kutuzov và (điều này người ta nói thêm rất khẽ) tình trạng tuổi trẻ, ít lịch duyệt của Hoàng đế đã khiến ngài tín nhiệm những con người tồi tàn và bất tài. Nhưng bản thân quân đội Nga thì mọi người đều nói là anh dũng phi thường và đã thực hiện những kỳ công về lòng dũng cảm. Binh sĩ, sĩ quan, tướng soái đều là những anh hùng. Nhưng người anh hùng bậc nhất trong những người anh hùng ấy là công tước Bagration, đã lừng danh trong trận   Songraben và cuộc thoái quân ở Austerlix trong đó chỉ có một mình công tước là đã được đưa đạo quân của mình rút lui hàng ngũ chỉnh tề và suốt một ngày cầm cự với một kẻ địch quân số gấp đôi. Ngoài ra Moskva còn đề cao Bagration là anh hùng vì ông ta không có thần thế gì ở đó, ông ta là người lạ. Họ ngưỡng mộ ông tức là ngưỡng mộ một quân nhân Nga giản dị, không thần thế đứng ngoài những mánh khoé bon chen, mà lại gắn liền với tên tuổi của Xuvorov do những kỷ niệm về Chiến dịch ở nước Ý. Ngoài ra, đề cao phẩm giá của ông ta lên như vậy là cách tốt nhất để bày tỏ ác cảm và chê trách Kutuzov.

Giá sử không có Bagration thì cũng phái bịa ra ông ta - Sinsin, con người hay khôi hài, phỏng theo câu cách ngôn của Volter mà nói như vậy.

Còn Kutuzov thì không ai nói đến, chỉ có những người thì thầm chê bai ông ta, bảo ông ta là cái chong chóng của cung đình, là một con nhân dương(3) già.
     
Khắp Moskva chỗ nào người ta cũng truyền tụng câu nói của công tước Dolgorukov "Thắng mãi rồi thì cũng phải có khi bại", mong an ủi cuộc bại trận của chúng ta bằng những kỷ niệm thắng lợi xưa kia, và người ta lặp đi lặp lại lời nói của Raxtopsin bảo rằng muốn thúc người Pháp ra trận thì phải nói những lời trịnh trọng huênh hoang; với người Đức thì phải dùng những phép suy luận lô-gích để chứng minh rằng bỏ chạy nguy hiểm hơn là tiến lên; Nhưng với người Nga thì chỉ cần ghìm họ lại và khuyên họ: Từ từ chứ! Khắp nơi, người ta nghe kể lại hết dẫn chứng này đến dẫn chứng khác về lòng dũng cảm của binh lính và sĩ quan ta ở Austerlix. Người này đã cứu được một lá cờ, người kia đã giết được năm tên lính Pháp, một người thứ ba một mình nạp đạn cho năm khẩu đại bác. Những người không quen Berg cũng nói lại rằng khi bị thương ở tay phải: chàng ta đã cầm gươm bằng tay trái xông lên. Còn về Bolkonxki thì người ta không nói gì, chỉ có những người bạn thân thương tiếc chàng chết quá sớm, để lại một người vợ đang bụng mang dạ chửa và một người cha gàn dở.

===================================================

Chú thích:

(1) Dân vũ Ba-ta động tác rất nhẹ nhàng

(2) Tên một câu lạc bộ lớn của giới quý tộc giàu có ở Moskva.

(3) Trong thần thoại Hy lạp, nhân dương là một á thần thuộc hạ của Baccus, mình người chân dê, có sừng dê, chỉ biết rượu chè dâm đãng.

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM