Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 08:46:39 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước  (Đọc 90753 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2016, 07:49:22 pm »


Trong những năm tránh giặc, để khỏi sa vào tay giặc, khỏi phải làm quan với giặc, đã là những hành động đáng hoan nghênh mặc dầu nó chỉ là những hành động chống đối tiêu cực đối với giặc. Nhưng Nguyễn Trãi không dừng lại ở sự chống đối tiêu cực đó. Ông đã kiên trì bôn tẩu khắp đó đây bao nhiêu năm, để vừa tránh giặc, vừa tìm đường cứu nước. Quốc bộ phương truân tâm khổn lự hành (Vận nước gian truân, khổ tâm lo nghĩ - Phú núi Chí Linh), tâm sự ông là tâm sự một người mất nước, đau khổ vì mất nước mà chưa tìm được đường cứu nước. Tâm sự đó thường được phản ánh trong thơ của ông:

      Thần châu nhất tự khởi can qua
      Vạn tính ngao ngao khả nại hà
      Tử Mỹ cô trung Đường nhật nguyệt
      Bá Nhân song lệ Tấn sơn hà...

                                    (Loạn hậu cảm tác)

      Đất thần châu từ khi nổi can qua
      Muôn dân tan tác biết làm sao đây
      Tử Mỹ giữ lòng cô trung với ngày tháng nhà Đường
      Bá Nhân ứa hai hàng lệ với non sông nhà Tấn...
                                   (Cảm tác sau loạn)

Nguyễn Trãi không mơ hồ trước kẻ địch. Ta - địch, bạn - thù, ông phân biệt rõ rệt. Ông khẳng định quân Minh là quân cướp nước, hại dân, chúng đã:

"... nhân dịp họ Hồ lỗi đạo, mượn tiếng điếu dân phạt tội, kỳ thực làm việc bạo tàn, lấn cướp đất nước ta, bóc lột nhân dân ta, thuế nặng, hình phiền, vơ vét của quý, dân mọn xóm làng không được sống yên".
                                   (Quân trung từ mệnh tập - Thư số 8 )
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2016, 07:52:44 pm »


Nguyễn Trãi yêu dân, thương dân, rất thông cảm với nỗi khổ của nhân dân, nhất là quần chúng nông dân ở các xóm làng. Từ lúc sơ sinh, mới vài tuổi, Nguyễn Trãi đã phải chịu đựng cảnh giặc xâm lược, chiến tranh tàn phá. Rồi mẹ chết sớm, Nguyễn Trãi và các em lại sống bằng nghề thầy đồ dạy trẻ của cha trong hàng chục năm trời. Cho nên ngay từ thuở nhỏ, Nguyễn Trãi đã sống trong cảnh nghèo túng, thiếu thốn, vất vả, gian lao như quảng đại quần chúng. Cuộc sống cơ cực kéo dài của nhân dân thời đó đã làm khổ tâm cha Nguyễn Trãi và ông ngoại Nguyễn Trãi. Tấm lòng yêu thương nhân dân của Phi Khanh và Trần Nguyên Đán càng tác động mạnh tới tâm hồn thơ trẻ của Nguyễn Trãi. Tư tưởng muốn làm cho dân đỡ khổ:

      An đắc thử thân như thác thược
      Hòa phong xuy biến cửu châu tâm

                                             (Xuân hàn)

      (Chỉ ước thân ta làm ống bễ
      Thổi làn gió ấm tới muôn phương)1.

của Phi Khanh và thực tế đời sống đau khổ của nhân dân mà Nguyễn Trãi đã sống và mục kích, không thể không in sâu vào tâm trí ông ngay từ thuở nhỏ. Khi lớn, đương tuổi thanh niên, Nguyễn Trãi đã:

      Chuyên đọc Điển Phần, chí những muốn việc cổ nhân đã muốn
      Để tâm dân chúng, mình trước lo điều thiên hạ phải lo

                                           (Biểu Tạ)2

Chuyên đọc Điển Phần là chuyên đọc những sách viết về thời Tam hoàng Ngũ đế, tức thời đại công xã nguyên thủy trong lịch sử phương Đông, thời đại xã hội không giai cấp, không áp bức bóc lột. Chí những muốn việc cổ nhân đã muốn, cổ nhân muốn được sống trong xã hội không giai cấp, không có áp bức bóc lột như thời Tam hoàng Ngũ đế và chí Nguyễn Trãi cũng muốn như thế. Để tâm dân chúng, trước lo điều thiên hạ phải lo: thiên hạ lo là lo phải đói khổ, lo bị áp bức bóc lột; để tâm dân chúng là để tâm vào những điều đó, lo trước thiên hạ là lo trước làm thế nào để dân chúng không bị đói khổ, không bị áp bức bóc lột. Đó là tư tưởng và hoài bão lớn nhất của Nguyễn Trãi. Suốt đời ông, lúc nào ông cũng:

      Bình sinh độc bão tiến ưu niệm
      Tọa ủng hàn khâm dạ bất miên

                               (Hải khẩu dạ bạc hữu cảm II)

      (Bình sinh chỉ ôm tấm lòng lo trước thiên hạ
      Ngồi quàng mảnh chăn lạnh, đêm không ngủ)

Cho tới già, ông vẫn:

      Thương sinh tại niệm độc tiên ưu
                                              (Mạn hứng III)
      (Nghĩ tới dân, vẫn một niềm lo trước thiên hạ)
__________________________________
1. Bản dịch của Đào Phương Bình trong bài Phi Khanh và thơ Phi Khanh, Tạp chí Văn học. số 4-1965, tr. 74.
2. Nguyễn Trãi, Biểu tạ của gián nghị đại phu kiêm trì tam quán sự. Bản dịch trong Nguyễn Trãi toàn tập, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1969, tr. 142.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2016, 07:56:23 pm »


Nguyễn Trãi suốt đời để tâm dân chúng, lo tới đời sống no ấm của nhân dân và suốt đời đấu tranh cho lý tưởng đó. Nguyễn Trãi đã chán ghét thời cuối Trần, chán ghét nhà Hồ, vì họ không bảo đảm được đời sống no ấm của nhân dân, đưa dân tộc tới tình trạng nước mất, nhà tan, nhân dân ngày càng khổ cực. Khi quân Minh mượn tiếng "điếu dân phạt tội" sang xâm chiếm nước ta, Nguyễn Trãi đã coi chúng là kẻ thù không thể đội trời chung, trước hết cũng chính vì chúng đã đàn áp, bóc lột nhân dân thậm tệ.

Thái độ của ông đối với giặc Minh là do tấm lòng yêu thương nhân dân của ông quyết định. Ông căm thù giặc vì giặc tàn hại dân. Giặc càng tàn hại dân bao nhiêu, ông càng thương dân và càng căm thù giặc bấy nhiêu. Lòng căm thù giặc của Nguyễn Trãi xuất phát từ lòng yêu thương nhân dân, nên rất sôi sục, sâu sắc, "thề không chung sống với quân thù” như ông đã nói trong Bình Ngô đại cáo. Với lòng căm thù giặc sâu sắc ấy ông không lúc nào ngừng kể tội giặc làm hại dân. Trong khi giặc chiếm đóng đất nước cũng như trong khi tiến hành chiến tranh với giặc, trong khi đương thương lượng hòa bình cũng như khi chiến tranh đã kết thúc, và cả năm mười năm sau khi kháng chiến thành công, Nguyễn Trãi không bỏ lỡ một dịp nào để kể tội giặc làm khổ dân, khi thì kể tội giặc để vạch rõ những hành động phi nghĩa của giặc, khi thì kể tội giặc để giáo dục mọi người tinh thần yêu nước, động viên mọi người cố gắng làm dân giàu nước mạnh.

Với lòng căm thù giặc sâu sắc, Nguyễn Trãi đã kể tội giặc Minh làm khổ nhân dân một cách rất thống thiết và thật đanh thép. Các đời sau, đọc lại những lời Nguyễn Trãi kể tội giặc, người Việt Nam vẫn thấy xót thương dân mình vô hạn, căm thù giặc cướp nước khôn cùng:

      Quân cuồng Minh thừa dịp hại dân
      Đảng ngụy gian manh tâm bán nước
      Nướng dân đen trên lò bạo ngược
      Vùi con đỏ dưới hố tai ương
      Dối trời lừa dân, quỷ kế thật muôn hình vạn trạng
      Đem binh gây hấn, tội ác chất đầy hai chục năm
      Nghĩa nát nhân tan, đất trời muốn dứt
      Sưu cao thuế nặng, đầm núi vét trơn
      Xông pha nơi lam chướng, lên rừng sâu, phá núi đãi vàng
      Lăn lộn với thuồng luồng, xuống biển cả, liều thân mò ngọc
      Sách nhiễu dân, bắt khắp nơi cạm bẫy hươu đen
      Tàn hại vật, buộc mọi chốn lưới giăng chim biếc
      Cây cỏ côn trùng không thể sống
      Khôn cùng quan quả chẳng yên thân
      Hút máu nhân dân, lũ hung đồ miệng răng nhờn béo
      Ức người xây dựng, chỗ công tư dinh thự nguy nga
      Nơi châu huyện sưu thuế mấy tròng
      Chốn hương thôn, cửi thoi vắng lặng
      Tát cạn nước Đông hải không rửa sạch tanh hôi
      Chặt hết trúc Nam sơn chưa ghi đủ tội ác
      Thần người đều căm giận, trời đất chẳng dung tha!

                                                             (Bình Ngô đại cáo)

Chính vì lòng người cả nước căm thù giặc như thế, cho nên cả nước đều liều chết đánh giặc. Nguyễn Trãi đã nhận thấy điều đó:

"... Chuyên chém giết để thị uy, coi mạng người như cỏ rác. Trói bắt vợ con của dân ta, cuốc đào lăng mộ của nước ta. Cấm cá muối để dân khốn thức ăn; đòi gấm lụa để dân thiếu đồ mặc. Ngọc vàng vơ vét hết; tê tượng cung cấp luôn. Chính thì hà khắc, hình thì thảm thương, dân chẳng nhờ đâu để sống. Kẻ vô tội kêu trời oán trách, người trung nghĩa nghiến răng căm hờn, đều muốn liều chết diệt giặc"1.
______________________________________
1. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 82.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2016, 08:03:49 pm »


Nguyễn Trãi là người yêu dân. Lòng yêu nước của ông gắn liền với lòng yêu dân và xuất phát từ lòng yêu dân. Tinh thần dân tộc của ông xuất phát từ tấm lòng yêu dân, yêu nước vô hạn và gắn liền với ý thức dân chủ của ông nên rất sâu sắc, kiên cường. Ý thức dân chủ của Nguyễn Trãi chớm nở từ thời thơ trẻ cũng ngày càng củng cố vững chắc trong tâm hồn trong sáng của ông. Với cuộc sống hơn 30 năm gắn bó với nhân dân và với tấm lòng lúc nào cũng "lo trước điều thiên hạ phải lo", làm thế nào để nhân dân không đói khổ, không bị áp bức bóc lột, Nguyễn Trãi tuổi đời càng nhiều, ý thức dân chủ càng mạnh. Ý thức dân chủ càng mạnh, tinh thần dân tộc càng cao. Kết hợp hai yếu tố đó trong tư tưởng và hành động của mọi người là điều kiện cơ bản để đưa công cuộc đánh giặc cứu nước tới thành công. Nguyễn Trãi đã nêu cao sự kết hợp tinh thần dân tộc với ý thức dân chủ như một đạo đức làm người, một phương châm hành động, một đường lối đánh giặc cứu nước, một biện pháp để hạn chế áp bức bóc lột, một quốc sách để nước mạnh, dân giàu. Đạo đức đó, phương châm đó, biện pháp đó, đường lối đó và quốc sách đó, Nguyễn Trãi gọi là "nhân nghĩa", ông đã mượn hai tiếng nhân nghĩa sẵn có để nói lên tư tưởng của ông khiến mọi người dễ cảm thông, dễ nhận thức. Và suốt đời ông, lúc nào ông cũng nói nhân nghĩa. Trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, trong công cuộc đánh giặc cứu nước cũng như xây dựng đất nước, trong những vấn đề quân sự, ngoại giao cũng như trong các vấn đề chính trị, kinh tế, luật pháp, lễ nhạc, v.v... ở đâu ông cũng nói nhân nghĩa. Trong các thơ văn, chiếu, biểu, các văn kiện địch vận, ngụy vận, các văn kiện thương lượng hòa bình, v.v... chỗ nào ông cũng nói nhân nghĩa. Ông nói nhân nghĩa cả những khi thay lời vua để truyền bảo các quan, răn dạy các hoàng tử, thái tử. Ông nói nhân nghĩa một cách không mệt mỏi. Ông sẵn sàng "nói đi nói lại, không chỉ nghìn lời muôn lời, chín dụ mười dụ"1, "nói đi nói lại không ngại rờm lời"2.

Nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là gốc của mọi tư tưởng chính trị và quân sự của ông. Chỉ có nhân nghĩa mới có đầy đủ đạo đức, tài năng để làm việc dân, việc nước, "đáp được thiên tâm thỏa được nhân vọng3, thể hiện được những điều mong mỏi của toàn dân. Nội dung nhân nghĩa của Nguyễn Trãi không bao gồm những yếu tố đạo đức, lễ giáo phong kiến. Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi không bị hạn chế, gò bó, ràng buộc trong khuôn khổ của đạo đức, lễ giáo phong kiến. Chính Nguyễn Trãi đã giải thích rõ tư tưởng nhân nghĩa của ông. Nguyễn Trãi xác định nội dung nhân nghĩa của ông là:

      Dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn
      Dĩ chí nhân nhi dịch cường bạo

                                   (Bình Ngô đại cáo)

      (Lấy đại nghĩa thắng hung tàn
      Lấy chí nhân thay cường bạo)

Nghĩa là lấy đại nghĩa thắng hung tàn. Nhân là lấy chí nhân thay cường bạo. Chí nhânđại nghĩa kết hợp thành nhân nghĩa. Lấy đại nghĩa thắng hung tàn là lấy tinh thần vì nghĩa lớn, tức lấy lòng yêu nước cao độ để đánh thắng giặc cướp nước. Lấy chí nhân thay cường bạo, là lấy lòng yêu thương người, yêu thương nhân dân rất mực để thay cho cường quyền tàn bạo, là "trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược". Nhân nghĩa của Nguyễn Trãi không loại trừ bạo lực: dấy quân đánh dẹp để trừ bạo lực hại dân hại nước (điếu phạt chi sư tất tiên khử bạo), dấy quân nghĩa cốt để yên dân (nghĩa sư chi cử vụ tại an dân). Bạo lực của nhân nghĩa là bạo lực chính nghĩa chống bạo lực phi nghĩa. Nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là như thế. Khổng Tử, Mạnh Tử, và các thánh hiền đạo Nho không ai nói nhân nghĩa như Nguyễn Trãi. Lấy lòng yêu nước thiết tha, cao độ để đánh thắng giặc, chính là lấy tinh thần độc lập dân tộc để đánh thắng giặc cướp nước. Lấy lòng yêu thương nhân dân vô hạn để thay cho cường quyền tàn bạo cũng tức là lấy tinh thần dân chủ để thay cho áp bức bóc lột. Trên cơ sở gắn bó yêu nước với yêu dân làm một, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đã khái quát hóa sự kết hợp tinh thần độc lập dân tộc với ý thức dân chủ trong mọi hoạt động xã hội và trong đạo đức con người. Nói nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là nói dân tộc và dân chủ kết hợp làm một, để đánh giặc cứu nước, để làm cho nước độc lập, giàu mạnh, làm cho dân no ấm, hạnh phúc, như Nguyễn Trãi đã luôn luôn nói rõ:

      Làm việc nhân nghĩa cốt để yên dân
      (Nhân nghĩa chi cử vụ tại an dân)
                                         Bình Ngô đại cáo
________________________________
1. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 83.
2. Nguyễn Trãi toàn tập, tr. 150.
3. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 87.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2016, 08:11:32 pm »


Làm việc nhân nghĩa cốt để yên dân tức là làm những việc yêu nước, yêu dân, hoặc nói một cách hiện đại, hoạt động dân tộc dân chủ cốt để dân được sống yên ổn, hạnh phúc. Nhân nghĩa với nội dung sáng ngời chân lý ấy là một tư tưởng đặc sắc của Nguyễn Trãi, một tư tưởng độc đáo trong điều kiện xã hội Việt Nam cách đây hơn 500 năm. Nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là sự kết tinh của truyền thống dân tộc dân chủ của nhân dân ta, sẵn có từ trước và được Nguyễn Trãi phát huy lên cao với những nhận thức sâu sắc và sáng tạo của bản thân kết hợp với những kinh nghiệm của thực tiễn đấu tranh vì dân, vì nước của dân tộc ta ở các thời đại trước.

Với ý chí sôi sục căm thù, với tấm lòng sáng ngời nhân nghĩa như thế, Nguyễn Trãi bôn tẩu khắp nơi không chỉ để tránh giặc mà còn lo cứu nước:

      Giận quân giặc vẫn chưa diệt được
      Lo vận nước còn phải gian truân


      (Phẫn hung đồ chi vị diễn
      Niệm quốc bộ chi do truân).
                               Bình Ngô đại cáo

Và trong khoảng mười năm trời bôn tẩu để tìm đường cứu nước, Nguyễn Trãi đã làm gì? Ông có tham gia các phong trào khởi nghĩa lúc đó không? Những điều này, chúng ta chưa được biết rõ, vì sử sách không ghi chép và văn thơ của ông cũng không nói rõ. Cũng có thể là trong cả thời gian đó, ông chưa có một hoạt động cứu nước cụ thể nào, chưa tham gia các phong trào khởi nghĩa, cho nên sử sách và bản thân ông đều không ghi chép lại. Có như thế thì cũng không lạ. Rất nhiều người yêu nước tham gia phong trào Lam Sơn sau này và cả Lê Lợi, người tổ chức phong trào Lam Sơn, cũng đều chưa tham gia cuộc khởi nghĩa nào trước đó. Họ không tham gia có thể vì nhiều lý do, hoặc vì họ ở nơi này, khởi nghĩa nổ ra ở nơi khác, khi được tin thì khởi nghĩa đã tan, hoặc vì mục đích, đường lối tiến hành khởi nghĩa chưa rõ hoặc chưa phù hợp với ý chí của họ, hoặc vì tư cách, đạo đức, tài năng của những người lãnh đạo chưa đủ để họ tin cậy, v.v... Ngay cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong thời gian này, có quy mô, có thanh thế, có triển vọng hơn cả, là cuộc khởi nghĩa do Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng đứng đầu, cũng mang nhiều khuyết điểm để đi tới thất bại. Chính Nguyễn Trãi đã nhìn thấy những khuyết điểm đó khi ông nói:
"... Về thời Hưng Khánh, Trùng Quang1 , chỉ uổng hư danh không thành công nghiệp, đó là vì nhiều người nắm quyền..."2.
______________________________
1. Hưng Khánh là niên hiệu của Trần Ngỗi, Trùng Quang là niên hiệu của Trần Quý Kháng.
2. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, tr. 58.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2016, 08:12:22 pm »


Có thể vì thế mà từ nhiều năm trước phong trào Lam Sơn, Nguyễn Trãi, cũng như nhiều người yêu nước khác, chưa tham gia một cuộc khởi nghĩa nào. Nhưng dù chưa trực tiếp đấu tranh với giặc, Nguyễn Trãi không phải là người yên phận, khoanh tay nhìn giặc. Tâm sự ông trong khoảng mười năm ấy cũng giống tâm sự của Lê Lợi, như ông viết trong Bình Ngô đại cáo:

      Đau lòng nhức óc, đã quá mười năm
      Nếm mật nằm gai, chỉ đâu một buổi
      Nổi giận quên ăn, cố học sâu thao lược binh thư
      Xét cổ nghiệm kim, gắng tìm hiểu hưng vong mọi lẽ
      Chí lo khôi phục, thức ngủ không quên


Trong khoảng mười năm ấy Nguyễn Trãi như ngọn cỏ bồng bềnh đi khắp đó đây, khắp đất nước, hiểu rất rõ nhân dân đất nước, biết rất cặn kẽ hình thế núi sông, phong thổ cảnh vật. Chính vì thế, ông càng yêu tha thiết non sông đất nước, yêu nhân dân, tự hào dân tộc và cũng chính vì thế mà sau này, theo yêu cầu của vua Lê Thái Tôn, chỉ trong mười ngày ông viết xong tập Dư địa chí, với đầy đủ vị trí núi sông, ruộng đất, thổ sản, phong tục, đời sống nhân dân trong khắp nước, một tác phẩm địa lý học cổ nhất của chúng ta còn lại tới ngày nay.

Sống nhiều năm với nhân dân trong cảnh loạn lạc, dưới ách áp bức bóc lột nặng nề của giặc cướp nước, cùng nhân dân chia sẻ mọi gian nan đau khổ, cho nên "tình dân đau khổ đều được tỏ tường, đường đời gian nan cũng đã từng trải"1, ông rất thương dân, rất thông cảm với tâm tư nguyện vọng của dân.

Cũng từ cuộc sống chan hòa với nhân dân lao khổ ở khắp nước, Nguyễn Trãi càng thấy rõ tinh thần quật cường bất khuất và sức mạnh lớn lao của nhân dân, càng tin tưởng ở khả năng đánh giặc cứu nước của nhân dân. Với thực tiễn của cuộc sống gian khổ nhưng mãnh liệt đó kết hợp với sự tìm hiểu sâu sắc những nguyên nhân thành bại trong chiến tranh chống xâm lược của các thời đại trước và của những phong trào khởi nghĩa đương thời, Nguyễn Trãi đã xác định được một đường lối đánh giặc cứu nước thích đáng. Những tư tưởng chính trị, quân sự ưu tú cùng nhiều quan điểm đạo đức, triết học của ông đã được củng cố và phát triển tốt đẹp trong thời kỳ này. Trên cơ sở của thực tiễn cuộc sống và những kinh nghiệm chiến đấu của các thời đại, đồng thời cũng rút ra từ tư tưởng nhân nghĩa của ông; Nguyễn Trãi đã xây dựng cho mình những quan điểm đúng đắn về khởi nghĩa và chiến tranh chống xâm lược. Sau hơn mười năm bôn tẩu đó đây tìm đường cứu nước, Nguyễn Trãi đã tới với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chính vì tinh thần chiến đấu bền bỉ, kiên cường, anh dũng hy sinh và đường lối tiến hành khởi nghĩa của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn phù hợp với tư tưởng và quan điểm khởi nghĩa của ông. Đứng trong hàng ngũ nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã đem hết tài năng, sở nguyện ra phục vụ công cuộc đánh giặc cứu nước của dân tộc, cùng nghĩa quân Lam Sơn và nhân dân cả nước hoàn thành thắng lợi sứ mạng lịch sử vẻ vang của thời đại.
_________________________________
1. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 85.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2016, 06:14:20 pm »


PHONG TRÀO LAM SƠN XUẤT HIỆN

Sau mười năm đi khắp đó đây, khi có dịp về thăm Côn Sơn, Nguyễn Trãi vẫn ngậm ngùi:

      Từ biệt quê nhà vừa đúng mười năm
      Nay về, tùng cúc đã tiêu sơ tới nửa
      Suối rừng trót hẹn, đành cam phụ
      Cát bụi vùi đầu, nghĩ tự thương...


Trong khi Nguyễn Trãi chưa tìm được những người bạn chiến đấu, cùng tấm lòng, cùng ý chí, cùng tư tưởng, cùng quan điểm, để cùng nhau xả thân cứu nước, thì tại Thanh Hóa, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn xuất hiện như một bước phát triển mới của phong trào vũ trang cứu nước của thời đại. Tiếng vang của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn dần dần lan rộng khắp nơi. Tiếng vang đó đã tới với Nguyễn Trãi và Nguyễn Trãi nhận thấy con đường cứu nước mà mình đương đi tìm chính là con đường cứu nước mà nghĩa quân Lam Sơn đang tiến bước. Theo tiếng vọng từ chiến trường đánh địch của nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã lên đường, lặn lội núi rừng, đi tìm gặp nghĩa quân và Lê Lợi, người lãnh tụ kiệt xuất của phong trào đó.

Khởi nghĩa Lam Sơn khi mới bùng nổ, chỉ là một phong trào nhỏ, chưa mạnh, nhưng đã có một tiếng vang rộng lớn, thôi thúc những người yêu nước có tài trí, những hào kiệt ở nhiều nơi tìm đến với nghĩa quân Lam Sơn.

Từ những ngày đầu mới phát động cho tới những ngày kết thúc chiến tranh thắng lợi, phong trào khởi nghĩa Lam Sơn đã nổi lên trong những trang lịch sử anh hùng của dân tộc như một bức tranh lớn, rất hùng vĩ, thể hiện rực rỡ tinh thần chịu đựng gian khổ vô cùng bền bỉ và tinh thần kiên cường diệt địch, xả thân cứu nước rất cao của toàn thể nghĩa quân Lam Sơn, từ những người chiến sĩ bình thường tới người lãnh tụ tối cao của phong trào. Đặc biệt là Lê Lợi, người tổ chức ra phong trào Lam Sơn, đồng thời cũng là người nêu gương sáng chói về những tinh thần cao cả đó. Trong mười năm đánh giặc, ông đã gặp rất nhiều gian nguy khổ cực, nhưng lúc nào ông cũng bền lòng vững chí, chịu đựng gian khổ, ăn đói nhịn khát, dũng cảm chiến đấu, quên thân mình vì nghĩa lớn, hy sinh hạnh phúc riêng, tình cảm riêng vì lợi ích chung của phong trào, của dân tộc. Chính những đức tính cao đẹp ấy của ông đã lôi cuốn mọi người trong cả nước hướng theo ông để cùng đánh giặc. Cũng chính những đạo đức cao đẹp ấy của ông đã đoàn kết được tướng sĩ, đoàn kết được quân dân, động viên mạnh mẽ mọi người quyết tâm đánh giặc, bền lòng chiến đấu lâu dài với giặc cho đến ngày toàn thắng.

Ông vốn là một hào trưởng yêu nước và có chí lớn. Khi giặc Minh vào cướp nước, Lê Lợi mới 22 tuổi. Nhưng ông đã là người có uy tín ở vùng Lam Sơn. Biết tiếng ông, giặc Minh, sau khi chiếm đóng nước ta, đã nhiều lần mua chuộc dụ dỗ ông. Ông kiên quyết từ chối, không chịu làm tay sai cho giặc, không vì danh lợi, không vì cầu an, sợ chết, không vì những phù hoa giả tạo trong một lúc, để đi vào con đường hại dân bán nước. Ông thường nói: "Trượng phu ở đời phải cứu nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn thuở. Đâu lại xun xoe đi làm đày tớ người1. Rồi từ đó, ông nuôi chí cứu nước, chuyên tâm học tập binh thư thao lược2 và mưu lo "rửa sạch nhục cũ, khôi phục cõi xưa" (Tư tuyết tiền sỉ, dĩ phục cố cương)3. Từ năm 1418, giặc Minh tăng cường bóc lột, thi hành nhiều thủ đoạn vơ vét, cướp đoạt rất tàn nhẫn. Vùng Thanh Hóa quê ông cũng bị bóc lột nghiêm trọng. Đủ các thứ thuế và đủ các cách đánh thuế, thuế bằng gạo, thuế bằng vàng, thuế bằng tơ, thuế bằng muối, v.v... Chỉ tính mấy thứ thuế chính, như thuế gạo, riêng phủ Thanh Hóa hàng năm phải nộp 4.088 thạch 6 đấu 1 thăng4, đứng hàng thứ 6 trong 21 phủ, châu5, thuế vàng hàng năm phải nộp 180 lạng, đứng hàng thứ 2 trong 21 phủ, châu. Cả nước căm hờn giặc. Tình hình đó và khí thế đấu tranh của nhân dân khắp nước, đặc biệt là miền quê hương Lê Lợi, từ Thanh Hóa trở vào, càng nâng cao quyết tâm của ông, thôi thúc ông mau chóng thực hành chí lớn của mình. Phù hợp với lòng dân, chí lớn của ông dần dần bao trùm khắp vùng Lam Sơn. Anh em, thân thích, họ hàng của ông cho tới nhân dân vùng Lam Sơn và nhiều vùng gần Lam Sơn, đều hướng theo ông, một lòng nổi lên cứu nước. Đầu năm 1416, giặc Minh tiến hành bắt lính trong cả nước, cứ 3 suất đinh thì 1 người phải ra làm lính cho chúng. Từ Thanh Hóa trở vào, giặc mượn cớ dân cư thưa thớt, chúng bắt cứ 2 suất đinh thì 1 người phải ra lính. Sự thật, Thanh Hóa lúc ấy là một phủ đông dân bậc nhất nhì trong nước, số đinh (nam) nhiều, đứng hàng thứ hai trong 21 phủ, châu, và bao gồm một phần bảy số đinh của cả nước6. Không thể để cho giặc tự do hoành hành, hết vét của lại vét người như thế mãi, phải cứu lấy dân, phải, chặn bàn tay bóc lột của giặc, đó là nhiệm vụ của các phong trào khởi nghĩa lúc ấy. Cho nên cũng năm 1416, Lê Lợi cùng 18 người thân tín lập hội thề ở Lũng Nhai, một địa điểm trong vùng Lam Sơn, cùng nhau gắn bó quyết tâm đánh giặc, sắp đặt kế hoạch và chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa. Lê Lợi đem hết tư gia, tài sản ra tổ chức khởi nghĩa, nuôi dưỡng nghĩa quân, nghĩa sĩ, sắm sửa voi ngựa, khí giới. Công việc vận động khởi nghĩa của Lê Lợi có thể có nhiều thuận lợi vì nhân dân cả nước ta lúc ấy đã kinh qua hơn 10 năm liên tục chiến đấu chống giặc, tinh thần yêu nước của nhân dân ngày càng cao, ý chí chiến đấu ngày càng mạnh. Nhân dân từ Thanh Hóa trở vào lại có truyền thống quật cường, có kinh nghiệm chiến đấu; từ Thanh Hóa trở vào đã là căn cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa trong nhiều năm, người dân từ Thanh Hóa trở vào đã sống trong một tình thế liên tục chiến đấu với giặc trong nhiều năm, nên lúc nào cũng nhiệt tình đấu tranh, lúc nào cũng ở tư thế đón chờ những ngọn cờ khởi nghĩa phất lên là sẵn sàng cầm khí giới lên đường giết giặc cứu nước. Đó là một thuận lợi cơ bản nhất đã đem lại cho cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi vận động một khí thế mạnh mẽ, sôi nổi ngay từ những ngày đầu.
_________________________________
1. Việt sử thông giám cương mục, bản dịch, t. VIII, tr. 3.
2. Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo.
3. Nguyễn Trãi, Chí Linh sơn phú.
4. Cao Hùng Trưng, An Nam chí nguyên.
5. Giặc Minh lúc ấy chia nước ta làm 21 phủ, châu (16 phủ và 5 châu).
6. Theo An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng, số đinh Thanh Hóa là 67.071 và số đinh cả nước là 500.264. Những con số thống kê này không thể chính xác, nhưng cũng có thể cho chúng ta một khái niệm về mật độ dân số của Thanh Hóa thời đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2016, 06:21:45 pm »


Nhưng khởi nghĩa tổ chức ở vùng Lam Sơn cũng có những điều không thuận lợi lắm, ảnh hưởng không nhỏ tới sự tổ chức và phát triển của phong trào, ngay từ khi phong trào mới bắt đầu xây dựng. Một điều không thuận lợi chủ yếu là vùng Lam Sơn ở gần thành Tây Đô, một căn cứ quân sự mạnh của địch. Tây Đô vốn là một thành trì kiên cố, nhà Hồ dựng lên tại Thanh Hóa năm 1397, làm căn cứ quân sự vững chắc hàng đầu, để chuẩn bị chiến đấu lâu dài với quân Minh xâm lược. Sau khi đánh bại nhà Hồ và tạm thời dẹp yên những phong trào khởi nghĩa từ Thanh Hóa trở vào, giặc Minh đã lấy thành Tây Đô kiên cố của nhà Hồ lập thành một căn cứ quân sự lớn của chúng để kiểm soát và khống chế cả một vùng rộng lớn, từ Thanh Hóa, Nghệ An vào tới Tân Bình, Thuận Hóa. Do đấy, Tây Đô trở thành căn cứ quân sự quan trọng của giặc ở nửa phía nam nước ta. Căn cứ quân sự Tây Đô chỉ cách Lam Sơn theo đường chim bay khoảng trên dưới ba mươi ki-lô-mét. Giặc ở Tây Đô lúc nào cũng có thể đem quân tới đàn áp phong trào ở Lam Sơn một cách dễ dàng và chúng có thể huy động những lực lượng lớn, có ngay tại Tây Đô để tiêu diệt phong trào Lam Sơn lại nằm lọt trong một mạng lưới ngụy quân, ngụy quyền đắc lực của giặc. Ngay từ khi khởi nghĩa chưa bùng nổ, hoạt động của những người yêu nước ở Lam Sơn đã bị bọn này khám phá. Cho nên trong lúc khí thế đấu tranh ở vùng Lam Sơn đương ngày càng dâng cao, một lực lượng vũ trang yêu nước đương hình thành, thì từ cuối năm 1417 trở đi, những cuộc đàn áp dã man của giặc cũng bắt đầu dồn xuống Lam Sơn.

Trước không khí đấu tranh sôi sục của nhân dân vùng Lam Sơn, bọn ngụy tay sai của giặc ở xung quanh Lam Sơn đã làm công việc đê hèn nhục nhã của chúng là báo cáo tình hình với giặc và đưa giặc về đàn áp. Hai tên ngụy quan cầm giữ chính quyền địch ở địa phương là tham chính Lương Nhữ Hốt1 và tri huyện Đỗ Phú2 tự chúng không dám ra mặt khủng bố, phải kêu xin giặc Minh đem quân tới. Đầu năm 1418, giặc Minh quyết định đưa một lực lượng quân sự lớn về Lam Sơn hòng bóp chết phong trào yêu nước ở đây ngay từ khi chưa bùng nổ. Biết rõ âm mưu của địch và trước tình hình khẩn trương như vậy, Lê Lợi thấy giờ hành động đã đến, không thể kéo dài thời gian chuẩn bị. Ngày Canh Thân, mồng 8 tháng Giêng năm Mậu Tuất, tức 13 tháng 2 năm 14183, Lê Lợi tuyên bố khởi nghĩa, công khai vũ trang chống đối quân thù. Nhưng lực lượng nghĩa quân lúc ấy còn non yếu. Tổng số nghĩa quân gồm có 200 thiết kỵ, 200 nghĩa sĩ, 200 dũng sĩ, 35 quan võ, một số quan văn, 14 con voi và khoảng 2.000 người là những người già yếu đi hộ vệ và những người làm việc vận chuyển lương thực4. Lực lượng đó chưa thể đánh tan một cuộc tiến công của địch vào Lam Sơn. Mà tại Lam Sơn, thành lũy, hầm hào chưa có gì kiên cố, vài ba ngọn đồi nhỏ như Đồi Đá, núi Dầu (núi Lam hay Lam Sơn), không đủ tạo thành một căn cứ vững chắc cho nghĩa quân. Với lực lượng vũ trang như vậy, với địa thế Lam Sơn như vậy, nên sau khi tuyên bố khởi nghĩa, ngay ngày hôm đó Lê Lợi quyết định tạm thời rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Lam Sơn. Nhưng nghĩa quân không bỏ hẳn Lam Sơn, vì, tuy có những nhược điểm trên, vùng Lam Sơn lại có những thuận lợi rất quan trọng cho bước đầu khởi nghĩa.

Một là Lam Sơn là cửa ngõ đi vào miền núi rừng trùng điệp chiếm cả phần phía tây đất Thanh Hóa. Từ Lam Sơn, nghĩa quân có thể tung hoành hoạt động khắp vùng rừng núi bao la ấy, quân địch dù đông mạnh cũng không thể đàn áp dễ dàng.

Hai là Lam Sơn ở gần biên giới Việt Nam - Ai Lao, có thể tiếp xúc với Ai Lao dễ dàng, có khả năng tranh thủ được sự đồng tình giúp đỡ của Ai Lao, vì Ai Lao cũng bị giặc khống chế và uy hiếp nghiêm trọng, hoặc khi cần thiết, nghĩa quân có thể tạm rút sang đất Ai Lao.

Ba là Lam Sơn là nơi giáp giới các khu vực cư trú của nhiều dân tộc ở Thanh Hóa. Người Việt, người Mường, người Tày, người Dao... đều ở quây quần xung quanh Lam Sơn. Họ còn ở xen lẫn với nhau ngay trong vùng Lam Sơn. Đó là điều thuận lợi hàng đầu để phong trào Lam Sơn, ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa, có thể động viên mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần dân tộc trong địa phương, cùng nhau đồng lòng cứu nước, hợp thành một khối đoàn kết vững chắc để đánh thắng quân thù. Những dân tộc ở đây lại sẵn có những mối liên lạc khăng khít với các dân tộc Ai Lao, hoặc vì quan hệ chủng tộc hoặc vì quan hệ láng giềng, nên họ có điều kiện dễ dàng tranh thủ sự hỗ trợ của các dân tộc Ai Lao trong công cuộc đánh giặc, cứu nước của mình.

Bốn là Lam Sơn nằm liền con đường thượng đạo (đường núi) là một con đường chiến lược thiên nhiên rất xung yếu, rất kín đáo. Với con đường thượng đạo ấy khi cần, nghĩa quân có thể rút vào thủ hiểm, khi mạnh, có thể tỏa vào Nam, có thể tiến ra Bắc, nhanh chóng dễ dàng.
_______________________________________
1, 2. Theo Lam Sơn thực lụcQuân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi.
3. Về ngày khởi nghĩa, các tài liệu thường nói khác nhau. Có tài liệu nói là ngày 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất. Có tài liệu là ngày 8 hay ngày 9. Ở đây, chúng tôi theo Đại Việt sử ký toàn thư lấy ngày Canh Thân làm ngày khởi nghĩa. Ngày Canh Thân là ngày 8 tháng Giêng năm Mậu Tuất tức 13 tháng 2 năm 1418 (cũng có tài liệu tính ngày Canh Thân là ngày 9 tháng Giêng năm Mậu Tuất tức 14 tháng 2 năm 1418. Ở đây, chúng tôi theo cách tính của các tác giả sách Lược truyện các tác gia Việt Nam. Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1962, tr. 70). Chúng tôi cho rằng lấy ngày 8 tháng Giêng làm ngày khởi nghĩa thì phù hợp với những diễn biến của phong trào hơn. Nếu lấy ngày 9 tháng Giêng là ngày địch tới đánh mới khởi nghĩa thì muộn quá, tỏ ra nghĩa quân bị động, không làm chủ được tình thế. Trái lại, nếu khởi nghĩa sớm hơn, từ ngày 2 tháng Giêng mà không tiến hành một hoạt động vũ trang nào thì việc tuyên bố khởi nghĩa không có ý nghĩa thiết thực. Tuyên bố khởi nghĩa rồi ở yên đấy, không làm gì cả, chờ cho địch tới đánh thì rút đi là một việc làm không lợi. Các lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn là những người am hiểu quân sự và nghệ thuật khởi nghĩa chắc không làm như thế.
4. Theo Lam Sơn thực lục. Bản dịch trong Nguyễn Trãi toàn tập của Viện Sử học không có đoạn này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2016, 06:26:30 pm »


Căn cứ vào những thuận lợi đó, Lê Lợi và nghĩa quân đã quyết định rút ra khỏi căn cứ Lam Sơn, bắt đầu tiến vào miền núi rừng phụ cận. Sau này, trong quá trình khởi nghĩa, nghĩa quân đã từng nhiều năm hoạt động ở miền tây Thanh Hóa, và khi phong trào phát triển, đã nhanh chóng tiến vào Nam, đã dồn dập đánh ra Bắc, chính vì Lê Lợi và nghĩa quân đã biết vận dụng những thuận lợi quan trọng của nơi căn cứ ban đầu, tức vùng Lam Sơn quê hương của khởi nghĩa.

Cũng trong ngày 8 tháng Giêng, đồng thời với việc tuyên bố khởi nghĩa và rút quân khỏi Lam Sơn, Lê Lợi quyết định cử mấy tướng là Trịnh Khả, Trịnh Đồ, Trương Lôi sang giao thiệp với Ai Lao, đề nghị giúp đỡ lương thực, khí giới, voi ngựa và cùng phối hợp đánh giặc Minh.

Đi với nghĩa quân rút khỏi Lam Sơn có thể có một số gia đình nghĩa quân và một số đồng bào ở Lam Sơn. Lê Lợi và nghĩa quân tiến lên đóng ở Lạc Thủy1, trên con đường sang Ai Lao, để tiện liên lạc với Ai Lao, và khi cần thiết, có thể rút lên phía gần biên giới Ai Lao để hoạt động.

Lê Lợi và các tướng lĩnh đã đoán trước quân Minh thế nào cũng đuổi theo lên địa điểm mới của nghĩa quân, nên tới Lạc Thủy, Lê Lợi cho bố trí ngay một trận địa mai phục để sẵn sàng đối phó với địch. Quả nhiên, nghĩa quân vừa rút lên Lạc Thủy ngày hôm trước thì ngày hôm sau, mồng 9 tháng Giêng Mậu Tuất, tức 4 tháng 2 năm 1418, giặc điều quân tới đàn áp. Quân địch gồm hơn 4 vạn 5 nghìn tên2, đông gấp mấy chục lần nghĩa quân, nên việc nghĩa quân rút khỏi Lam Sơn là rất đúng và kịp thời.

Không gặp nghĩa quân ở Lam Sơn, tướng địch Mã Kỳ đem đại quân đuổi theo lên Lạc Thủy. Ngày 18 tháng 2 năm 1418, địch tiến vào giữa trận địa mai phục của nghĩa quân. Các tướng Lê Thạch, Đinh Bồ, Lê Ngân, Lê Lý cùng phục binh xông ra đánh giết rất hăng. Địch tuy đông hàng vạn, nhưng bị đánh bất ngờ không kịp trở tay, bắt buộc phải tháo chạy trở lại. Hơn 3.000 quân giặc bỏ xác tại trận3. Nghĩa quân thắng lớn, thu được nhiều lương thực, khí giới. Trận Lạc Thủy là một thắng lợi đầu tiên của nghĩa quân Lam Sơn và cũng là lần ra quân đầu tiên, nhưng rất xuất sắc, một trận đánh mai phục tài tình của nghĩa quân. Chỉ có 500 - 600 người chưa quen chiến trận, nhưng với tinh thần chiến đấu rất cao, với chiến thuật mai phục tài giỏi, nghĩa quân Lam Sơn đã đẩy lùi được cuộc tiến công lớn của hơn 4 vạn quân địch và giết chết hơn 3.000 tên. Đánh mai phục là một chiến thuật lợi hại của quân ít đánh quân nhiều. Đó là kinh nghiệm chiến thuật đầu tiên và cũng là kinh nghiệm rất quý của nghĩa quân Lam Sơn. Sau này, trong suốt mười năm chiến đấu với giặc Minh, nghĩa quân Lam Sơn thường vận dụng chiến thuật mai phục để đánh thắng địch. Ngay cho tới khi quân số đã đông, quân thế đã mạnh, nghĩa quân Lam Sơn vẫn coi trọng chiến thuật mai phục, vẫn lấy nó làm một chiến thuật cơ bản để đánh thắng những trận quyết liệt cuối cùng với địch.
___________________________________
1. Sách sử cũ chú thích Lạc Thủy là Cẩm Thủy. Cho tới đầu thế kỷ XX, Cẩm Thủy bao gồm hai huyện Cẩm Thủy và Bá Thước ngày nay. Huyện lỵ Cẩm Thủy là Thủy Hà, ở hữu ngạn sông Mã, cách Hồi Xuân 56 ki-lô-mét.
2. Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử. Các sách sử khác không ghi rõ số quân địch.
3. Đại Việt sử ký toàn thưĐại Việt thông sử ghi là hơn 3.000. Lam Sơn thực lục ghi 2.000 - 3.000. Việt sử thông giám cương mục ghi hơn 1.000.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2016, 06:31:30 pm »


Sau trận thua ở Lạc Thủy, để trả thù và buộc Lê Lợi, lãnh tụ nghĩa quân, phải đầu hàng, tướng địch Mã Kỳ cho hai tay sai là tên Ái, phụ đạo sách Nguyệt Ân, cạnh Lam Sơn và tên tri huyện Đỗ Phú đem quân tới xứ Phật Hoàng đào phá mồ mả nhà Lê Lợi. Ngày 21 tháng 2 năm 1418, địch lại tiến đánh Lạc Thủy. Chúng đem hài cốt cha Lê Lợi, đào được ở Phật Hoàng, treo ở đầu thuyền, hòng làm cho Lê Lợi, vì tình phụ tử, vì xót thương cha, phải bỏ vũ khí nộp mình, cho được yên phần mộ của cha. Nhưng, hành động dã man của địch không khuất phục được người anh hùng, lãnh tụ của nghĩa quân Lam Sơn. Vứt bỏ những cảm xúc mềm yếu, vượt qua đạo hiếu tầm thường của lễ giáo phong kiến, Lê Lợi quyết tâm vì nghĩa lớn, vì nước, vì dân, đánh giặc đến cùng. Tình phụ tử là thiêng liêng, nhưng không thể vì hài cốt của người cha đã chết mà ông hàng giặc, và không bao giờ ông có thể đội trời cùng giặc, ông đã từng nói với mọi người: "Ta sở dĩ cất quân đánh giặc, không phải là có lòng tham phú quỷ, chỉ là muốn cho người ngàn năm về sau biết ta không chịu làm tôi giặc tàn ngược thôi"1.

Địch thấy những thủ đoạn man rợ của chúng không làm lay chuyển được ý chí kiên cường của Lê Lợi, chúng liền tiến công nghĩa quân vào chính diện, mặt khác cho một cánh quân do tên tay sai Ái chỉ huy, đi theo lối tắt, đánh úp doanh trại ở phía sau lưng nghĩa quân. Tại doanh trại nghĩa quân, nhiều thân thuộc, gia đình của nghĩa quân, của các tướng lĩnh và Lê Lợi, đã bị địch bắt. Trong số những người bị bắt có vợ Lê Lợi và một con gái nhỏ của Lê Lợi mới lên 9 tuổi. Bắt được vợ con Lê Lợi, địch nắm chắc lần này Lê Lợi nhất định phải đầu hàng. Nhưng trước cảnh tan tác đau lòng ấy, trước nguy cơ vợ con và thân thuộc sẽ bị địch hành hạ dã man và giết chết, trước tình hình địch bao vây bốn phía, đánh rát cả trước mặt lẫn sau lưng, Lê Lợi và nghĩa quân vẫn không nhụt chí chiến đấu. Lê Lợi và nghĩa quân quyết tâm hy sinh tình cảm riêng, hy sinh gia đình riêng, hạnh phúc riêng, để làm tròn nghĩa lớn đối với nước, với dân. Thù nhà, nợ nước sôi sục trong lòng, nghĩa quân Lam Sơn kiên quyết đánh giặc đến cùng. Căm thù giặc lên cao độ, các tướng Đinh Lễ, Phạm Vấn, Nguyễn Xí, Bùi Bị, v.v... dũng mãnh xung phong, cùng Lê Lợi và nghĩa quân đánh mở đường vượt ra ngoài vòng vây của địch. Trước khí thế lẫm liệt, quyết tử của nghĩa quân, quân Minh hoảng sợ, không chặn đánh nổi và cũng không dám đuổi theo. Lê Lợi và nghĩa quân bí mật rút về núi Chí Linh, gần căn cứ Lam Sơn.

Đề phòng địch lùng sục, càn quét, nghĩa quân Lam Sơn quyết định tạm lánh ở núi Chí Linh một thời gian. Đây là một khu núi rừng hiểm trở, đất đai khô cằn, nhân dân thưa thớt, việc tiếp tế lương thực hết sức khó khăn2. Gần hai tháng không có lương ăn, nghĩa quân phải đào củ rừng, hái rau dại, lấy măng dang, măng nứa và bắt chim muông trên rừng để ăn cho qua ngày. Tới nay, nhân dân vùng xung quanh Lam Sơn - Chí Linh còn truyền tụng câu "măng dang, gà thui" để nói những bữa ăn no đủ ngon lành nhất của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn trong những ngày sống kham khổ ở núi Chí Linh.

Sau hai tháng ở Chí Linh, biết chắc quân Minh đã rút hẳn về căn cứ của chúng, Lê Lợi và nghĩa quân trở lại Lam Sơn quê nhà. Kiểm điểm lực lượng, nghĩa quân chỉ còn khoảng hơn 100 người. Lần đầu tiên giao tranh với địch hai trận, tuy có bị tổn thất nghiêm trọng, nhưng nghĩa quân cũng đã làm cho địch phải thất bại nặng nề, giết chết hàng nghìn tên địch. Chiến thắng Lạc Thủy đã cho nghĩa quân thấy rõ: quân ít có thể đánh thắng quân nhiều và chiến thuật "nhử địch đến mà đánh" và đánh bằng "mai phục" là một chiến thuật lợi hại trong cuộc chiến đấu chống quân Minh xâm lược. Với kinh nghiệm chiến đấu đã có, với sự tin tưởng vững chắc ở khả năng đánh thắng giặc, tin tưởng ở khả năng chịu đựng gian khổ, ăn đói mặc rét, khả năng chịu đựng mọi thử thách ghê gớm về tình cảm, tâm tư, về gia đình, hạnh phúc, về người và của như đã trải qua, và với thù nhà, nợ nước nóng bỏng trong lòng, Lê Lợi và nghĩa quân vẫn sôi sục ý chí tiếp tục đánh giặc đến cùng. Ở lại Lam Sơn, nghĩa quân được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân về người và của, về quân lương, vũ khí, cho nên chỉ trong vòng 5 - 6 tháng, lực lượng nghĩa quân được củng cố mau chóng, khí thế nghĩa quân phấn chấn hẳn lên.
_________________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr. 6.
2. Núi Chí Linh là núi nào, ở đâu, từ trước vẫn chưa biết rõ. Duy có sách Đại Nam nhất thống chí viết là: "Núi Chí Linh ở tây nam huyện Thụy Nguyên, giáp châu Lang Chánh", nhưng cụ thể là ngọn núi nào thì cũng chưa xác định được. Sau này có những nhà nghiên cứu đoán rằng núi Chí Linh có thể là núi Pù Rinh vì tên na ná giống nhau và ở giữa châu Lang Chánh và huyện Thường Xuân. Nhưng Pù Rinh là một dãy núi lớn, Chí Linh mà nghĩa quân Lam Sơn đã mấy lần đóng quân tại đây là ngọn núi nào trong dãy núi ấy thì vẫn không chỉ ra được. Gần đây, Lê Ngọc Dong trong bài "Nên xác định lại vị trí núi Chí Linh...” đăng tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 106 tháng 1-1968, có căn cứ vào lời truyền tụng của nhân dân huyện Ngọc Lặc về những hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn tại núi Chí Linh và những di tích ở địa phương mà nhận định rằng núi Chí Linh tức là núi Linh, còn gọi là núi Linh Mụ ở trong địa phận huyện Ngọc Lặc mà Ngọc Lặc là đất Thụy Nguyên xưa. Núi Linh ở gần Lam Sơn, tại núi Linh còn có đền thờ Lê Lợi và vết tích đóng quân của nghĩa quân Lam Sơn. Lê Ngọc Dong cho rằng Pù Rinh thì xa Lam Sơn quá, có sông lớn và nhiều núi non ngăn cách, không tiện liên hệ với Lam Sơn. Chúng tôi theo ý kiến này.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM