Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 07:13:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước  (Đọc 90759 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #220 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2016, 11:42:05 pm »


Nhưng Ngưyễn Trãi là người suốt đời tha thiết với dân với nước, ông không thể ngoảnh mặt đi trước tình hình đó. Ông cũng không thể ngồi yên mặc cho thế sự xoay vần, theo chiều hướng của những kẻ làm khổ dân hại nước. Ông nén đau buồn, quyết tâm đem hết sức mình ra giúp dân giúp nước trong những điều kiện còn có thể được, đấu tranh kiên trì cho công lý xã hội và quyền sống no ấm yên vui của quần chúng nhân dân, ông cố gắng giúp đỡ Lê Lợi làm những việc có lợi cho dân, nhắc nhở Lê Lợi ý thức vì dân của một vị minh quân, bằng hình thức này hình thức khác phê phán những sai sót của Lê Lợi, và cực lực đấu tranh ngăn chặn những tệ nạn tham nhũng, hà lạm, xa hoa, lãng phí, gian trá, nịnh trên đè dưới của bọn quan lại, đương ngày càng bành trướng mạnh mẽ. Ra khỏi nhà tù được ít ngày, Nguyễn Trãi lại say sưa lao vào công việc như xưa.

Lúc ấy, triều đình đương có dự kiến làm tiền mới để có tiền chi dùng vào các việc quân, việc nước. Có người bàn nên đúc tiền đồng như xưa, có người lại đưa ra ý kiến nên làm tiền giấy thay tiền đồng. Ý kiến còn phân vân. Nhân việc đó, để đề cao quyền làm chủ của nhân dân và nhắc nhở Lê Lợi ý thức dựa vào dân để làm việc nước, tháng 8 năm 1429, Nguyễn Trãi nhân danh Lê Lợi làm bài chiếu về phép tiền tệ, để trưng cầu ý kiến rộng rãi trong cả nước. Trong bài chiếu, Nguyễn Trãi nêu rõ một nguyên tắc: phải lấy lòng dân làm cơ sở cho việc định phép tiền tệ và nhấn mạnh muốn làm việc dân việc nước, không thể chuyên quyền độc đoán, không thể lấy ý kiến của một người để bắt ức muôn nghìn người phải theo. Trong bài chiếu có đoạn ông viết:

"Truyền cho các đại thần trăm quan và các sĩ phu trong ngoài, ai hiểu rõ thời vụ đều bàn bạc về thể lệ dùng tiền, thế nào cho thuận lòng dân, ngõ hầu có thể không đến nỗi lấy điều muốn của một người mà cưỡng ép nghìn muôn người không muốn phải theo, để làm phép hay của một đời"1 .

Nhưng điều lo lắng nhất của Nguyễn Trãi lúc này vẫn là bộ máy Nhà nước. Đối tượng chính mà Nguyễn Trãi phải quan tâm trên hết cả là một bọn đông quan lại ở trong triều ngoài trấn đương lũng đoạn Nhà nước, lũng đoạn nhân dân bằng mọi hành động xấu xa của chúng. Nguyễn Trãi đã tập trung nỗ lực để ngăn chặn, hạn chế những hành động đó.
_______________________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư và Nguyễn Trãi toàn tập.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #221 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2016, 11:44:13 pm »


Tháng 10 năm 1429, Nguyễn Trãi thay lời Lê Lợi làm chiếu răn bảo đại thần trăm quan phải giữ lòng liêm chính:

"Từ nay trở đi, phàm quan nào nói việc gì, nên lấy việc quân dân làm hơn, không nên lấy tình lý riêng làm trước. Trẫm thường nghiệm xét thấy, hoặc trong việc tiến cử, hoặc trong việc kiện tụng, hoặc trong các việc công tư, tình lý có phần dung ẩn cho nhau mà thay đổi, mới biết người làm quan thanh liêm ít mà tham ô nhiều, nay trẫm xét ra việc của bọn phạm nhân Mộng Vân, Lương Châm, mới biết tình trạng thực dối của các quan, cho nên ra mệnh lệnh này. Phàm người làm tôi con, phải nên hết lòng thành để thờ vua không nên lấy tư mà hại công, đến khi việc phát, hối sao kịp nữa. Cho nên ban chiếu răn bảo cho mọi người đều biết"1.

Một tháng sau, Nguyễn Trãi lại làm chiếu răn các đại thần, tổng quản, hành khiển và toàn thể các quan lại không được lười biếng, xao lãng việc quân việc dân:

"Xưa có câu nói "vua không chọn tướng thì khác gì đem nước cho giặc". Trẫm thường nghĩ đến việc ấy, đêm ngày không quên, cho nên việc quân việc nước quan trọng uỷ thác cho các ông, thế mà các ông cứ điềm nhiên ngồi trông, không để ý gì, trên phụ lòng tin dùng của triều đình, dưới không thương đến quân dân, sao lại trễ biếng chức sự quá thế! Nay xuống chiếu răn bảo, nếu không biết đổi lỗi làm người tốt, vẫn còn như thế nữa, thì nước có phép thường, chớ bảo là trẫm phụ bề tôi cũ có công vậy"2.

Để có thể tăng thêm số quan lại tốt, giảm bớt số quan lại xấu, Nguyễn Trãi đặt vấn đề cầu hiền. Cũng tháng 11 năm 1429, Nguyễn Trãi làm chiếu cầu hiền, lời lẽ rất thiết tha:

"Trẫm nghĩ: muốn thịnh trị tất phải được người hiền, được người hiền phải do ở tiến cử. Cho nên người làm vua phải lấy việc ấy làm đầu. Ngày xưa, buổi thịnh thời người hiền ở triều rất nhiều, người nọ nhường người kia, cho nên ở dưới không sót tài, ở trên không bỏ việc, làm nên thịnh trị hòa vui... Nay trẫm vâng chịu trách nhiệm nặng nề, sớm khuya lo sợ, như gần vực sâu, chính vì cầu người hiền giúp việc mà chưa được người. Vậy hạ lệnh cho các đại thần văn võ, công hầu đại phu, từ tam phẩm trở lên, mỗi người đều tiến cử một người, hoặc ở trong triều, hoặc ở thôn quê, hoặc đã làm quan, hoặc chưa làm quan. Nếu là người có tài văn võ, nhiều kiến thức, có thể trị dân coi quân thì trẫm sẽ tùy tài trao chức. Và tiến được người hiền sẽ được thưởng hậu, từ xưa vẫn thế...

Tuy người tài ở đời vốn không ít, mà cầu tài không phải chỉ có một đường. Hoặc người có tài kinh luân mà khuất ở hàng quan nhỏ, không ai tiến cử, kẻ nào kiệt ẩn nơi đồng nội, hay lẫn trong hàng quân, nếu không tự đề đạt thì trẫm làm sao biết được. Từ nay về sau, các bậc quân tử, ai muốn theo ta, đều được tự tiến...

Chiếu này ban ra ngày nào, phàm quan liêu phải hết lòng thành, chăm việc tiến cử. Còn như kẻ sĩ hàn vi ở chốn hương thôn đừng lấy điều "đem ngọc bán rao" làm xấu hổ, mà để trẫm phải than về thiếu người tài"
3.
__________________________________________
1, 2. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr. 71, 73.
3. Đại Việt sử ký toàn thư, Quân trung từ mệnh tập, Nguyễn Trãi toàn tập.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #222 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2016, 09:49:48 am »


Về đối ngoại, vẫn có những việc Nguyễn Trãi phải quan tâm. Bọn nhà Minh vẫn hạch sách đủ thứ. Tháng 11 năm 1429, nhà Minh cho một bọn sứ giả sang ta đòi người, đòi vũ khí và đòi ta phải tìm con cháu họ Trần lập lên làm vua. Lê Lợi cho người đem biểu văn sang nhà Minh cầu phong và trả lời về những việc đó. Trong biểu văn có đoạn Nguyễn Trãi khẳng định: "Người trong nước chúng tôi đã tìm khắp mọi nơi, nhưng con cháu họ Trần không còn ai cả. Lê Lợi, đại đầu mục của bản quốc, là người khiêm tốn, cung kính, cẩn thận, trung hậu, biết đường lối vỗ về yên ủi nhân dân, rất được lòng dân yêu mến, có thể cáng đáng coi quản công việc đất nước"1.

Bọn vua tôi nhà Minh vẫn cố ý hạch sách. Họ vẫn tiếp tục đòi hỏi như thế trong cả năm 1430. Tới đầu năm 1431, Lê Lợi lại cho sứ đem biểu văn sang nhà Minh cầu phong và bác bỏ những yêu sách của họ. Biểu văn vẫn kiên trì nhắc lại: "... Tìm khắp con cháu họ Trần, đích thực không còn ai. Trộm nghĩ địa phương nước chúng tôi không thể không có người tạm quản, vì chưa được mệnh lệnh của triều đình, nên phải tỏ bày mãi mãi"2.

Tới đây, nhà Minh đành phải thừa nhận Lê Lợi là vua Việt Nam, và thôi không đòi người, đòi khí giới nữa, nhưng vẫn đòi ta phải nộp công phẩm, mỗi năm một lần. Ta tiếp tục đấu tranh chống lại yêu sách cuối cùng này.

Nhưng tình hình trong nước và triều chính nhà Lê vẫn là những vấn đề Nguyễn Trãi quan tâm nhất.

Sau chiến tranh, được hưởng thái bình, bọn quan lại có nhiều người đua nhau ăn chơi, yến tiệc, biếng nhác việc công, chỉ chăm bóp nặn nhân dân để vinh thân phì gia, Nguyễn Trãi cương quyết và kiên trì phản đối những hành động đó. Bằng những chiếu thư mang danh nhà vua, ngoài những lệnh truyền ngăn cấm việc này việc khác ông luôn luôn nhắc nhở họ phải quý sức lao động của dân, phải tôn trọng dân, phải hết lòng vì dân vì nước.
______________________________________
1. Việt sử thông giám cương mục, bản dịch, t. IX, tr. 24.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr. 75.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #223 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2016, 09:52:45 am »


Đầu năm 1430, có sắc chỉ cho nhân dân không có ruộng được phép sử dụng ruộng hoang ở xã khác, ra lệnh cho "các quan phủ châu huyện xã rằng xã nào có ruộng đất nhiều, nhân dân ít mà bỏ hoang, thì cho phép các quan bảo quản cho người xã khác không có ruộng đất cày cấy, người chủ ruộng bản xã không được chiếm mà bỏ hoang, ai trái thì xử tội cưỡng chiếm”1

Tháng 7 năm 1430, Nguyễn Trãi làm chiếu truyền bách quan không được làm các lễ nghi khánh hạ. Trong chiếu ông viết:

"Đẹp cung thất, cao đài tạ, tất gây thói tục xa hoa; theo ý mình, ức lòng người, tất đến trăm năm oán giận. Trẫm rất thẹn thùng về điều đó. Thường nghĩ những quy mô lớn lao lộng lẫy đều là sức lao khổ của quân dân. Cứ để yên thế mà ở còn e không đáng. Thế mà văn võ thần liêu định làm đầy đủ những lễ nghi đăng điện yến hạ, thật rất không hợp ý trẫm. Vậy truyền bách quan không được làm những việc xưng tụng công đức viển vông cùng bày đặt linh đình những lễ nghi yến hạ"2.

Một tháng sau, ông lại làm chiếu cấm các đại thần, tổng quản, các quan ở các viện, sảnh, cục, không được tham nhũng lười biếng. Bài chiếu khá dài, lời khuyên bảo rất chân thành, thống thiết. Ông dành cả nửa phần đầu bài chiếu để phân tích tỉ mỉ những lẽ bại vong của thời cuối Trần, của nhà Hồ và của quân Minh xâm lược mà lẽ bại vong chủ yếu là đàn áp bóc lột nhân dân, làm khổ dân, mất lòng dân, không dựa được vào dân. Nửa cuối bài chiếu, ông viết:

"Ta đêm ngày lo nghĩ, không hề chốc lát lãng quên, chỉ sợ xe trước đã đổ, xe sau cũng lại đi theo lối ấy. Cho nên phàm răn bảo các người, ta đều thành khẩn đinh ninh, nói đi nói lại, không chỉ nghìn lời muôn lời, chín dụ mười dụ. Thế mà các người coi làm hư văn, không đổi lỗi trước, chẳng theo lời răn, thường làm trái phép, nhờn với người trên, trái cùng kẻ dưới. Phàm người trước có công lao, cậy công kiêu ngạo, nếu vì lầm lỗi mà phạm tội, còn tùy theo việc nặng nhẹ mà châm chước, hoặc có thể khoan thứ hoặc không thể khoan thứ. Còn những người tân tiến, thấy thế quân đã mạnh, việc nước đã thành, mà vin nhờ quyền quý, mưu lấy công danh, đó là hạng dựa người nên việc, nếu họ phạm tội, không phải là vì lầm lỗi, có thể bỏ pháp luật mà tha cho họ được chăng? Nay đã cấm răn như thế, ai còn không nghe không sửa, thế là tự chuốc lấy diệt vong, không phải lỗi ta đâu. Ngày nay từ các đại thần, tổng quản cho đến đội trưởng, cùng các quan ở viện, sảnh, cục, phàm người có chức vụ coi quân trị dân, đều phải theo phép công bằng, làm việc cần mẫn, thờ vua hết trung, đối dân hết hòa, bỏ thói tham ô, trừ tệ lười biếng. Bè đảng riêng tây phải bỏ, thái độ cố phạm phải chừa. Coi công việc của quốc gia làm công việc của mình, lấy điều lo của sinh dân làm điều lo thiết kỷ. Hết lòng hết sức giúp đỡ nhà vua, khiến cho xã tắc yên như Thái Sơn, cơ đồ vững như bàn thạch, để cùng ta hưởng lộc vị trong ngày nay, truyền thanh danh về hậu thế. Vua tôi nghĩa lớn, trọn vẹn trước sau, như thế chẳng hay lắm sao! Ôi! Cầm sắt không hòa, phải đổi điệu thay dây tìm tiếng đúng; xe trước đã đổ, nên đổi đường tránh vết theo lối ngay"3.
__________________________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr. 74.
2, 3. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tậpNguyễn Trãi toàn tập.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #224 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2016, 09:55:58 am »


Nguyễn Trãi không chỉ khuyên răn mọi người, mà bản thân ông đã là một tấm gương sáng về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư về tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân để mọi người đương thời noi theo.

Trọn đời làm quan của ông, Nguyễn Trãi đã sống rất thanh đạm. Là một triều quan mà ông sống như người hàn sĩ. Ở giữa kinh thành là nơi phồn hoa đô hội, xe ngựa dập dìu, dinh thự nguy nga, mà ông sống đơn sơ, mộc mạc như người nông dân nơi thôn dã:

      Cơm ăn chẳng quản dưa muối
      Áo mặc nài chi gấm thêu

                                  (Thuật hứng - bài 22)

      Bữa ăn dù có dưa muối
      Áo mặc nài chi gấm là.

                                  (Ngôn chí - bài 3)

      Áo mặc miễn là cho ấm cật
      Cơm ăn chẳng lọ kém mùi ngon.

                                  (Huấn nam tử)

Nhà ông ở chỉ là một căn nhà nhỏ hẹp như ông đã tả:

      Góc thành nam, lều một gian.

Đã có một lúc nào đó, ông làm được ngôi nhà mới, nhưng cũng không tráng lệ nguy nga gì hơn nơi ở cũ của ông. Người bạn đồng khoa là Nguyễn Mộng Tuân làm bài thơ mừng nhà mới của ông cũng phải nói rằng nhà ông chỉ là một "lậu ốc", một gian nhà chật hẹp quá và:

      Nhất điều thủy lãnh tri tam quán
      Tứ bích gia bần phú lục kinh

      (Nhà quan tri tam quán1 mà như dòng nước lạnh
      Bốn vách nghèo xác, chỉ giàu sách sáu kinh)

Gian nhà chật hẹp đó cũng làm trên một mảnh đất rất nhỏ hẹp như Nguyễn Trãi đã nói:

      Cung dư tích địa bán trăn kinh
      (Đất hẻo lánh hơn một cung, một nửa còn gai góc mọc đầy).

Một cung bằng một phần ba sào đất Bắc Bộ, tức khoảng 120 mét vuông. Đất hơn một cung, một nửa còn để gai bụi hoang rậm, chỉ có một nửa, tức khoảng 70 - 80 mét vuông để vừa làm vườn, làm sân, làm nhà, thì ngôi "nhà quan" này quả thật là chật hẹp, chỉ khoảng ba bốn chục mét vuông. Trong khi các triều thần văn võ đua nhau làm dinh thự nguy nga, đài tạ lộng lẫy, mà Nguyễn Trãi sống bình dị, thanh đạm như một người dân nghèo giữa cảnh giàu sang hoa lệ ấy thì thật là cao quý vô cùng. Lối sống của ông thể hiện tấm lòng ưu ái và lý tưởng sống của ông, suốt đời một lòng một dạ hướng về dân nghèo, đi với nhân dân, sống như nhân dân, chịu đựng gian khổ với nhân dân để đấu tranh cho lợi ích của nhân dân.
_____________________________________
1. Tri tam quán: tức là đứng đầu, trông nom công việc ở ba cơ quan: sử quán, chiêu văn quán và tập hiền viện.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #225 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2016, 09:59:15 am »


Trong thời đại phong kiến, đương là một quan chức nhất nhị phẩm triều đình như Nguyễn Trãi mà lại sống thanh cao, đơn sơ, mộc mạc, sống trên một mảnh đất nhỏ hẹp 70-80 mét vuông, bằng 1/5 sào đất Bắc Bộ, thì thật hiếm có. Thời Nguyễn Trãi, các công thần đều được Lê Lợi ban cấp hàng 400 - 500 mẫu ruộng và từ một đến hai mẫu đất tại kinh thành để làm nhà cửa, dinh thự. Một công thần không có thành tích gì lớn, không có tên tuổi trong sử sách như Nguyễn Thế Chuẩn, theo Lê Quý Đôn, năm 1429 cũng được Lê Lợi ban cấp cho 470 mẫu ruộng đất làm của riêng1. Nguyễn Trãi dù không được liệt vào hàng công thần nữa, thì với hàm Vinh lộc đại phu, ông cũng thuộc vào hàng quan chức nhất phẩm triều đình, ruộng đất ban cấp cũng phải hàng trăm mẫu. Cho nên trong những điều kiện giàu sang mà sống nghèo được như Nguyễn Trãi là rất cao quý.

Nguyễn Trãi ghét lười biếng, ghét lối sống ăn bám, ông thường nhắc nhở mọi người:

      Tay ai thì lại làm nuôi miệng
      Làm biếng, ngồi ăn, lở núi non...
2


      Xưa đã có câu truyền bảo
      Làm biếng, hay ăn, lở núi non...
3

Ông muốn mọi người đều có nghề nghiệp, có công ăn việc làm và ông khuyên nhủ:

      Nên thợ nên thầy vì có học
      No ăn no mặc bởi hay làm
4

Phân tích tìm hiểu phong cách và điều kiện sinh sống của Nguyễn Trãi càng thấy rõ tấm lòng vì nước vì dân của ông lúc nào cũng nghĩ đến nước, lúc nào cũng thương dân, không thiết gì giàu sang phú quý, không màng tới một sự sung sướng vật chất nào cho bản thân mình, dù là mình được quyền hưởng thụ. Tấm lòng Nguyễn Trãi cao đẹp quá. Phong cách sống của Nguyễn Trãi cũng cao đẹp quá!
_____________________________________
1. Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, bản dịch, tr. 176.
2-4. Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập. Các bài: "Huấn nam tử", "Bảo kính cảnh giới" số 22, 46.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #226 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2016, 10:01:24 am »


Ở Nguyễn Trãi, phong cách sống đã cao đẹp, đạo đức làm người lại càng cao đẹp.

Đạo đức cao đẹp nhất của Nguyễn Trãi là tấm lòng yêu nước yêu dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân của ông. Đó là cái căn bản của đạo đức mà những người có lương tri ở các thời đại đều có.

Nhưng ở Nguyễn Trãi, nó đã thể hiện ra hành động một cách mạnh mẽ. Đạo đức đó, kết hợp với tính năng động chủ quan của con người Nguyễn Trãi, đã là nguồn sáng tạo nên nhiều nghị lực, tài năng để đánh thắng giặc, cứu dân, cứu nước.

Không chỉ đối với dân tộc, với Tổ quốc, mà trong quan hệ giữa người với người, Nguyễn Trãi cũng nêu cao gương đạo đức, trong sáng vô ngần.

Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là tư tưởng chính trị, nhưng chứa đựng một nội dung luân lý, đậm nét nhân đạo, bình đẳng và bác ái, yêu thương căm ghét rõ ràng trong quan hệ người với người, về mặt đạo đức, nhân nghĩa của Nguyễn Trãi chan chứa tình người và bao hàm một ý thức sâu sắc về quyền sống của con người, nhất là quyền sống của quảng đại quần chúng nhân dân.

Trong quan hệ người với người, Nguyễn Trãi lên án tất cả những sự áp bức bóc lột, Nhân của Nguyễn Trãi là không đàn áp bóc lột, ghét đàn áp bóc lột, ghét giết người vô tội, là "trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược". Làm khác thế, làm ngược lại, là bất nhân, như Nguyễn Trãi đã nói:

      Bất nhân vô sô nhà hào phú
      Của ấy nào ai từng được chầy
1

Nguyễn Trãi đã chỉ ra rằng bóc lột người khác để lấy của, để làm giàu là bất nhân. Đàn áp, tàn sát, giết người vô tội là không nhân đức, là bất nhân.
_____________________________________
1. Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập. Bài "Bảo kính cảnh giới" số 44.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #227 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2016, 10:46:20 pm »


Trong quan hệ người với người, Nguyễn Trãi yêu thương nhân dân, căm ghét kẻ thù. Đối với nhân dân, ông có nhân, lại có nghĩa. Nghĩa là tình cảm khăng khít, là nghĩa vụ thủy chung của ông đối với thân thích, với bè bạn, với đồng bào. Ở Nguyễn Trãi hình như không có sự phân biệt ranh giới rõ rệt giữa thân thích họ hàng với bà con đồng bào cả nước, tất cả ông đều coi như anh em ruột thịt, ông đều giữ nghĩa đệ huynh1 trọn vẹn. Ông luôn luôn nói:

      Đồng bào cốt nhục nghĩa càng bền
      Cành bắc cành nam một cội nên...
2
      …
      Có tông, có tộc, mạ sơ thay
      Vạn diệp, thiên chi bởi một cây
      Yêu trọng người dưng là của cải
      Thương vì thân thích nghĩa chân tay...
3 

Nguyễn Trãi đã suốt đời một lòng một dạ với dân với nước, với bè bạn, thân thích, thương yêu tha thiết mọi người, hết lòng vì nước vì dân phục vụ, kiên quyết chống mọi thủ đoạn đàn áp, bóc lột, tàn hại nhân dân, phản đối mọi hành vi chà đạp công lý, chà đạp quyền sống bình đẳng yên vui của quần chúng nhân dân. Đối với kẻ thù, ông "thề không đội trời cùng kẻ địch, quyết không chung sống với quần thù". Đó là tất cả nhân nghĩa của Nguyễn Trãi và cũng là những cái tinh túy nhất trong đạo đức và tâm hồn Nguyễn Trãi.

Đạo đức, tâm hồn và phong cách sống cao đẹp của Nguyễn Trãi, người đương thời ông cũng thấy rõ và rất khâm phục. Bài thơ mừng nhà mới mà Nguyễn Mộng Tuân tặng ông là một bằng chứng về sự khâm phục đó. Nguyễn Mộng Tuân viết:

      Thiện trị ưng tri kế Tử Kinh
      Hà tu lậu ốc soạn tân minh
      Nhất điều thủy lãnh tri tam quán
      Tứ bích gia bần phú lục kinh
      Mai ảnh nguyệt miên lai giáng trướng
      Hà lương phong đệ tống sơ linh
      Huề hồ nghĩ dục đồng thanh thưởng
      Giai tuý tùy nhân vật độc tinh

                               (Nguyễn Mộng Tuân hạ thừa chỉ Ức Trai tân cư)

Dịch:
      Khéo chọn nơi ở, biết ông nối được cái khéo của Tử Kinh4
      Cần gì phải viết bài minh mới cho cái nhà chật hẹp5
      Nhà quan tri tam quán mà như một dòng nước lạnh.
      Bốn vách nghèo xác, chỉ giàu sách sáu kinh6
      Trăng chiếu bóng cây mai trên tấm màn đỏ
      Gió đưa mùi sen thơm qua cửa sổ thưa
      Muốn đem bầu rượu đến cùng ông thưởng thức
      Ông hãy nên say cùng mọi người, không nên tỉnh một mình.
                                   (Thơ Nguyễn Mộng Tuân mừng nhà mới của thừa chỉ Ức Trai)
_________________________________________
1-3. Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập. Bài "Bảo kính cảnh giới” số 24, 15, 18.
4. Khổng Tử trong sách Luận ngữ có câu khen: "Vệ công tử Kinh thiện cư thất" là: công tử Kinh nước Vệ khéo làm nhà ở. Nguyễn Mộng Tuân muốn khen Nguyễn Trãi khéo chọn nơi ở như Tử Kinh xưa.
5. Đời Đường, Lưu Vũ Tích làm bài Lậu ốc minh (bài minh về cái nhà chật hẹp).
6. Sáu kinh là lục kinh của Nho giáo, tức các sách: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch và Xuân thu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #228 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2016, 10:57:46 pm »


Nguyễn Mộng Tuân khâm phục cái thanh cao ở con người và cách sống của Nguyễn Trãi, nhưng Nguyễn Mộng Tuân lại muốn khuyên Nguyễn Trãi nên say như mọi người, say cùng mọi người, không nên một mình tỉnh, một mình thanh cao.

Nguyễn Trãi không tán thành lời khuyên của Nguyễn Mộng Tuân. Ông đáp lại:

      Cung dư tích địa bán trăn kinh
      Hỉ đắc tân thi đáng tọa minh
      Úng thuật lũ khuynh mưu phụ tửu
      Nang thư duy hữu thảo Huyền kinh
      Bồng môn đảo lý nghinh giai khách
      Hoa ổ di sàng cận khúc linh
      Tiếu ngã lão lại cuồng cánh thậm
      Bàng nhân hưu quái Thứ Công tinh.

                              (Thứ vận Hoàng môn thị lang
                              Nguyễn Cúc Pha hạ tân cư thành)

Dịch:
      Đất hẻo lánh hơn một cung, một nửa còn gai bụi mọc đầy
      Mừng được bài thơ mới để làm bài răn tại chỗ ngồi
      Rượu thường nhắp, phải nói với vợ dốc vò gạo nếp ra nấu mới có
      Sách trong túi chỉ có bản chép Huyền kinh1
      Ngoài cửa bồng, xỏ ngược giày ra đón khách quý2
      Chuyển giường tới bên hàng triện cong, gần khóm hoa
      Cười ta về già càng ngông cuồng quá lắm
      Hàng xóm không lạ: Thứ Công cuồng, mà vẫn tỉnh, không say3.
                              (Họa vần thơ của Hoàng môn thị lang
                              Nguyễn Cúc Pha
4 mừng nhà mới làm xong)

Nguyễn Trãi không chịu say như mọi người. Ông cương quyết giữ vững phẩm chất của ông, giữ vững đạo đức cần kiệm liêm chính, một lòng một dạ vì nhân dân phục vụ, kiên trì đấu tranh bảo vệ công lý xã hội, bảo vệ quyền sống và quyền làm chủ của nhân dân.

Dù thời buổi có nhiều khó khăn không cho phép ông thực hiện được những hoài bão vì dân vì nước của ông, ông vẫn khẳng định ý chí trước sau như một của ông trong, bài thơ:

     
      Niềm cũ sinh linh
5 đeo ắt nặng
      Cật chung hồ hải, đặt chưa an
      Những vì thánh chúa, âu
6 đời trị
      Há kể thân nhàn, tiếc tuổi tàn
      Thừa chỉ
7 ai rằng thời khó ngặt8
      Túi thơ chứa hết mọi giang san.
                                          (Tự thán - bài 2)


      Quân tử hãy lăm9 bền chí cũ
      Chẳng âu
10 ngặt11, chẳng âu già.
                                          (Ngôn chí - bài 17)12
__________________________________________
1. Huyền kinh tức Thái huyền kinh, sách học đạo của Dương Hùng đời Hán.
2. Ý nói ân cần vội vàng, xỏ ngược cả giày để chạy ra đón khách quý.
3. Thứ Công là tên tự của Cáp Khoan Nhiên thời Hán. Cáp Khoan Nhiên uống rượu rất giỏi mà tính tình phóng khoáng. Người đương thời có câu “Thứ Công tuy tỉnh mà vẫn cuồng...". Ở đây, ý muốn nói: nếu coi ta là cuồng, thì ta cũng như Thứ Công, cuồng và vẫn tỉnh, không say.
4. Cúc Pha là tên hiệu của Nguyễn Mộng Tuân.
5. Sinh linh tức nhân dân. Niềm cũ sinh linh là tấm lòng vì nhân dân đã có từ trước.
6, 10. Âu: lo.
7. Thừa chỉ tức chức Hàn lâm viện thừa chỉ của Nguyễn Trãi.
8, 11. Ngặt tức nghèo ngặt, khó khăn.
9. Lăm tức lăm lăm, có nghĩa là cố giữ.
12. Cả hai bài "Ngôn chí" và "Tự thán" đều ở trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #229 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2016, 11:01:11 pm »


Đạo đức, tâm hồn và phong cách sống cao đẹp của Nguyễn Trãi cùng với sự bền bỉ đấu tranh của ông chống những thói hư tật xấu của bọn quan lại đương thời, có lẽ đã có ít nhiều tác dụng tốt, hạn chế được trong một chừng mực nào đó sự phát triển của những tệ hại đó, cho nên từ đây cho tới hết thời Lê Lợi, không thấy Nguyễn Trãi viết những bài chiếu răn dạy quan lại về những vấn đề này. Nhưng không phải vì thế mà Nguyễn Trãi sẽ được thư thái trong lòng.

Tháng 12 năm 1430, Lê Lợi giết Thái bảo huyện thượng hầu Phạm Văn Xảo, cũng lại vì nghe lời gièm pha vu cáo của bọn gian thần Lê Quốc Khí.

Phạm Văn Xảo, cũng như Trần Nguyên Hãn đã bị giết, chỉ vì:

"Thấy Văn Xảo là người Kinh lộ, có danh vọng đối với mọi người, nhà vua sợ rằng, một ngày kia, có lẽ khó kiềm chế được, cho nên đem lòng nghi kỵ. Bọn Trình Hoành Bá và Lê Quốc Khí đón biết ý ấy, muốn tâng công, lên dâng mật sớ cáo tỏ rằng Văn Xảo âm mưu làm việc trái phép. Nhà vua tin lời, bắt Văn Xảo phải chết và tịch thu cả nhà"1.

Nguyễn Chích, người đã vạch ra kế hoạnh tiến quân vào Nam, chiếm giữ Nghệ An làm bàn đạp đánh ra các nơi khác và có nhiều công lao trong cuộc chiến tranh cứu nước, được phong "đình thượng hầu", trong dịp khen thưởng cùng với Phạm Văn Xảo, cũng bị Lê Lợi cách chức cho về làm dân thường, có lẽ cùng một lúc với những vụ giết hại này2. Năm 1431, Nguyễn Trãi được lệnh nhân danh Lê Lợi viết cuốn Lam Sơn thực lục để ghi lại sự nghiệp đánh giặc cứu nước của phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Tháng trọng đông, tức tháng 11 năm Tân Hợi (1431), sách làm xong, Lê Lợi đề tựa cho cuốn sách và ký tên "Lam Sơn động chủ". Sách mang tên nhà vua, viết theo yêu cầu "kể sự nghiệp gian nan của trẫm để lại cho con cháu đời sau"3 và làm lời chính nhà vua kể lại, cho nên trong sách Lam Sơn thực lục lời nói, việc làm nào cũng đều là của vua hết. Tuy cuốn sách mang tính chất lịch sử một cá nhân như vậy, nhưng Nguyễn Trãi đã cố gắng tóm tắt đầy đủ toàn bộ quá trình đấu tranh cứu nước của phong trào Lam Sơn, với những giai đoạn chính, những sự kiện chính và tất cả những thành tích vẻ vang, những chiến thắng oanh liệt của phong trào. Cho nên, mặc dầu viết sơ lược, còn thiếu nhiều sự kiện, nhiều chi tiết, sách Lam Sơn thực lục đã là một chuyên sử có giá trị về phong trào khởi nghĩa Lam Sơn, và cũng là cuốn sách sử xưa nhất còn lại cho tới ngày nay. Ở các đời sau, sách có bị sửa chữa, thêm bớt nhiều lần, nhưng nội dung cơ bản của cuốn sách vẫn còn giữ được. Cho nên sách vẫn có giá trị để tham khảo khi muốn tìm hiểu phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Nhưng về cuốn sách này có một điểm đáng chú ý là: sách Lam Sơn thực lục của Nguyễn Trãi đã đánh dấu sự bất công của triều chính lúc đó. Trong sách, Nguyễn Trãi đã giới thiệu được hết thảy những tướng lĩnh có công lao đánh giặc cứu nước trong phong trào Lam Sơn. Nhưng Nguyễn Trãi đã không thể nói tới công lao và tên tuổi ba người bạn chiến đấu xuất sắc bậc nhất là Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Chích vì họ bị coi là những kẻ có tội. Sách Lam Sơn thực lục đã phải lẳng lặng, coi như không có ba người này trong phong trào Lam Sơn khởi nghĩa. Mà chính những đóng góp to lớn của Nguyễn Trãi vào công cuộc đánh giặc cứu nước này, ông cũng không dám đề cập tới, mà chỉ tự ghi một công việc coi như rất tầm thường, không phải là một chiến công ngoài mặt trận, tức là soạn thảo những "văn thư qua lại trong quân"4 trong suốt thời kỳ chiến tranh và "làm bài Bình Ngô đại cáo"5 khi chiến tranh kết thúc.
________________________________________
1. Việt sử thông giám cương mục, bản dịch, t.IX, tr.26.
2. Sử nhà Lê có nói tới việc Lê Lợi cách chức Nguyễn Chích, nhưng nói không rõ ràng: "Nhập nội đô đốc tham dự triều chính đình hầu Lê Chích chết. Chích là công thần khai quốc cũ thời Thái Tổ đã tham dự triều chính, vì có lỗi mất chức. Đến triều Thái Tôn được khôi phục làm tổng quản châu Hóa, trấn thủ Thát ải" (Đại Việt sử ký toàn thư).
3. Lời tựa của Lê Lợi trong sách Lam Sơn thực lục.
4, 5. Nguyễn Trãi, Lam Sơn thực lục.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM