Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 08:43:28 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước  (Đọc 90753 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #210 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 10:57:07 pm »


Nhân dân ta vốn có ý thức dân chủ khá mạnh, có truyền thống dân chủ lâu đời. Ý thức dân chủ đó từng tác động tới tâm hồn, tư tưởng nhiều nhân vật tiến bộ thuộc các tầng lớp trên. Đã có nhiều anh hùng dân tộc, nhiều vua chúa, nhiều tướng lĩnh, nhiều quan lại, sĩ phu tỏ ra có ý thức dân chủ trong một chừng mực nhất định, yêu thương dân, quan tâm đến đời sống của dân, nhưng có một ý thức dân chủ cao, hết lòng vì quyền lợi của nhân dân như Nguyễn Trãi thì rất hiếm.

Thực tế lịch sử đó, đồng chí Lê Duẩn đã nhận định rất sâu sắc và nhấn mạnh:

"Yêu cầu độc lập dân tộc của nhân dân ta luôn luôn gắn liền với yêu cầu tự do dân chủ. Trong lịch sử nước ta, dân tộc ta luôn luôn phải đương đầu với giặc ngoại xâm. Lực lượng quyết định thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ độc lập dân tộc bao giờ cũng là khối đoàn kết chặt chẽ của cả dân tộc mà nông dân là lực lượng lớn nhất, mạnh nhất. Trong khi đấu tranh cho độc lập dân tộc, nông dân ta cũng biểu thị nguyện vọng dân chủ, ý thức làm chủ đất nước. Câu hỏi "hòa hay chiến" cùng tiếng trả lời "quyết chiến!" ở hội nghị Diên Hồng ngày xưa chính là một trong những biểu hiện sơ khai của sự kết hợp giữa tịnh thần cứu nước và ý thức dân chủ của nhân dân ta. Vua Quang Trung sau khi thắng lợi cũng đã thực hiện một số cải cách dân chủ. Đó là thực tế lịch sử của dân tộc ta và đó cũng là bí quyết thắng lợi của cha ông ta. Nhưng trong chế độ phong kiến, sau khi chống ngoại xâm thắng lợi, giai cấp phong kiến lại thâu tóm hết mọi quyền lợi của nhân dân lao động và nhân dân không được quyền làm chủ đất nước"1.

Nhận định của đồng chí Lê Duẩn hoàn toàn phù hợp với tình hình Việt Nam sau khi nghĩa quân Lam Sơn đã cùng nhân dân cả nước đánh thắng quân Minh xâm lược. Xã hội Việt Nam trước và sau chiến tranh chống quân Minh xâm lược vẫn là xã hội phong kiến. Một Nhà nước phong kiến độc lập do Lê Lợi cầm đầu đã hình thành ngay từ những năm cuối của cuộc chiến tranh. Khi chiến tranh kết thúc, Nhà nước phong kiến độc lập đó cần được củng cố, tất nhiên chế độ phong kiến được củng cố, quyền thống trị xã hội lại thuộc về giai cấp phong kiến. Để xây dựng và củng cố Nhà nước phong kiến mới, dù muốn dù không Lê Lợi cũng phải sử dụng rộng rãi những người của giai cấp phong kiến vào bộ máy chính quyền từ trung ương tới các địa phương. Với bản chất giai cấp sẵn có, bọn phong kiến ở tất cả các cấp sẽ dần dần lũng đoạn Nhà nước, bóp nghẹt quyền dân chủ của nhân dân, tăng cường đàn áp bóc lột nhân dân để củng cố quyền lợi và địa vị của chúng.

Các tướng lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn lúc này cũng trở thành những công thần mở nước, quyền cao chức trọng hơn hết một thời. Họ đương từ những người quân nhân cầm vũ khí đánh giặc bỗng trở thành những người làm chính trị, những người lãnh đạo chính quyền, điều khiển mọi việc dân việc nước, đương từ những người dân bình thường, những người "lấy giáp trụ làm chăn áo, lấy đồng cỏ làm cửa nhà"2, “cơm ăn sớm tối không được hai bữa, áo mặc đông hè chỉ có một manh"3, bỗng trở nên những nhà quyền quý tột bậc "đẹp cung thất, cao đài tạ"4, hợp thành một tầng lớp trên của giai cấp phong kiến đương thời. Hoàn cảnh mới, địa vị mới làm cho một số tướng lĩnh xa rời quần chúng, ngày càng mất dần phẩm chất cũ của họ và biến dần thành những chúa phong kiến lớn: loại chúa "công thần", có quyền có thế, vua nghe, dân sợ, quan lại đồng liêu e nể. Những hành động sai trái của bọn "công thần" đó với sự phụ họa của bọn gian thần sẽ làm cho triều chính nhà Lê phải nhiều lúc sóng gió.

Bản thân Lê Lợi từ khi dân tộc giành được độc lập cũng đã có những cố gắng nhất định để xây dựng chính quyền mới, kỷ cương mới cho nước nhà. Lê Lợi là một nhà yêu nước vĩ đại, một anh hùng của dân tộc, lịch sử và dân tộc ta đời đời ghi nhớ công lao sự nghiệp cứu nước to lớn của ông. Tinh thần dân tộc của Lê Lợi rất cao, nhưng nếu ý thức vì dân chưa thật cao thì ông cũng khó tránh khỏi bị bọn gian thần, tham quan thao túng, lung lạc trong một chừng mực nhất định. Không tỉnh táo đề phòng những âm mưu xấu xa của bọn gian thần thì những việc không hay, gây tổn thất cho Nhà nước, cho dân tộc, có thể xảy ra. Nguyễn Trãi và một số người yêu nước có công lao bậc nhất đương thời sẽ là nạn nhân của sự gièm pha, hãm hại của bọn gian thần đắc thế được Lê Lợi tin dùng.
________________________________________
1. Lê Duẩn, Thanh niên trong lực lượng vũ trang hãy vươn lên hơn nữa phấn đấu cho lý tưởng cách mạng, đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước (Bài nói chuyện tại Đại hội thanh niên quyết thắng toàn quân ngày 18-5-1966).
2-4. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 87, 53, 80.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #211 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 09:33:55 pm »


CHƯƠNG XI
NGUYỄN TRÃI NÊU CAO NHÂN NGHĨA,
KIÊN QUYẾT “TRỪ ĐỘC, TRỪ THAM, TRỪ BẠO NGƯỢC",
BẢO VỆ CÔNG LÝ VÀ ĐỜI SỐNG YÊN LÀNH
CỦA QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN

Từ ngày quân xâm lược bị đánh đuổi ra khỏi đất nước, Nguyễn Trãi rất muốn cùng các bạn chiến đấu của mình, bắt tay vào công cuộc xây dựng một xã hội Nghiêu Thuấn, đem lại cho nhân dân một cuộc sống ấm no hạnh phúc, thoát khỏi cảnh lầm than khổ cực từ bao đời trước. Nhưng tình hình triều chính nhà Lê như nói ở trên sẽ là những trở ngại lớn, chặn tay ông lại, không cho ông thực hiện được những điều sở nguyện bình sinh của ông. Với bọn phong kiến cầm quyền kém tài kém đức ngày càng đông thì ý thức dân chủ trong nhân dân cả nước cũng dần dần bị bóp nghẹt. Những hoài bão và việc làm có tính chất dân chủ của Nguyễn Trãi không được những người cầm quyền đồng tình, ủng hộ.

Trở ngại lớn đầu tiên Nguyễn Trãi gặp phải từ sau ngày đất nước giải phóng là ông và một số người yêu nước khác, không được trọng dụng như trước. Trong thời kỳ đánh giặc cứu nước, Nguyễn Trãi là một trong những người lãnh đạo xuất sắc của phong trào, công lao, sự nghiệp rất lớn. Nhưng, đánh giặc xong, đáng lẽ là lúc Nguyễn Trãi có thể đem hết sức mình ra xây dựng đất nước như ông hằng mong ước, thì lại là lúc ông bị đặt ra ngoài hàng ngũ những người lãnh đạo Nhà nước. Suốt thời Lê Lợi làm vua và cả sau khi Lê Lợi đã chết, Nguyễn Trãi phải sống trong một hoàn cảnh bất công, không thích ứng với sự phát huy và tận dụng tài đức của ông để làm lợi cho dân, cho nước.

Đằng đẵng mười mấy năm trời, từ khi đánh thắng quân xâm lược tới ngày ông chết, Nguyễn Trãi đã phải sống cảnh:

      Quan thanh bằng nước, nhà bằng khánh
      Cảnh ở tựa chiền, lòng tựa vang…
1
                                               (Tự thuật - bài 6)

Sống giữa triều đình mà như người đi ở ẩn:

      Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải
                                               (Vô đề)

Một người có tài "kinh bang tế thế" như sử cũ khen ngợi mà phải sống như vậy đó. Cương vị của ông và thái độ của Lê Lợi đã không cho phép ông làm được gì nữa như ông hằng mong muốn. Hoàn cảnh đó đã chôn vùi tài kinh bang tế thế của ông.

Mấy tháng đầu sau ngày đất nước giải phóng, có lẽ Nguyễn Trãi chưa cảm thấy một hoàn cảnh khắc nghiệt mới sẽ tới với ông, ông đương rất phấn khởi trước cái vui chung của cả nước được độc lập, và đem hết sức mình làm việc nước. Nhưng tình hình bất lợi đương dần dần đi tới với ông, ngay sau khi ông đã hoàn thành sự nghiệp đánh giặc cứu nước rất vẻ vang của ông.
______________________________________
1. Quan thanh bằng nước có nghĩa là chức quan không quan trọng, rất nhàn rỗi, thanh đạm như nước lã; nhà bằng khánh tức nhà trống trải như gian nhà để chuông khánh ở các đền chùa; cảnh ở tựa chiền là nơi ở vắng vẻ tịch mịch như nhà chùa; lòng tựa vang, lòng vẫn đỏ như nước gỗ vang. Trong bài thơ chữ Hán "Mạn hứng" (bài II) không rõ Nguyễn Trãi làm năm nào có câu "Thập niên thanh chức ngọc hồ băng” (mười năm chức thanh như mảnh băng trong bình ngọc).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #212 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 09:45:00 pm »


Tháng 1 năm 1428, quân Minh rời khỏi đất nước thì tháng 3 năm 1428, Lê Lợi bắt đầu định công khen thưởng các tướng lĩnh và những người có công đánh giặc cứu nước.

Đợt thưởng công phong chức đầu tiên này dành cho những người tham gia phong trào từ ngày ở Lũng Nhai, bao gồm hầu hết là những thân thích, họ hàng, gia thuộc và người đồng hương của Lê Lợi. Trong số 221 người, được khen thưởng đầu tiên không có tên những người có công lớn như: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo.

Một tháng sau, tiến hành đợt khen thưởng thứ hai, gia phong cho 3 người đều là người Kinh lộ, từ ngoài bắc vào tham gia phong trào và đều là người có công to, tức Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo.

Sử cũ ghi: "Lấy thừa chỉ Nguyễn Trãi làm quan phục hầu, tư đồ Trần Nguyên Hãn làm tả tướng quốc, khu mật đại sứ Phạm Vãn Xảo làm thái bảo, đều cho quốc tính"1.

Lê Lợi đặt ra tước hầu, chia làm 9 bậc, để gia phong cho các công thần, tùy theo công lao nhiều ít mà định thứ bậc cao thấp. Quan phục hầu là bậc thứ 8 trong 9 bậc tước hầu2. Nguyễn Trãi được phong tước Quan phục hầu tức là Nguyễn Trãi được đánh giá công lao và xếp hạng gần chót cùng trong hàng ngũ các công thần, đứng dưới ít nhất là 70 - 80 người khác ở 7 bậc trên.

Đối với Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, công lao đánh giặc cũng rất lớn, nhưng lần này chỉ phong chức mà chưa phong tước3. Những chức "tả tướng quốc", "thái bảo" hay "thái úy"4 phong cho Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo, đúng là những chức quan nhất phẩm triều đình. Nhưng về cương vị và đãi ngộ, thì những chức quan nhất phẩm thường khi còn kém tước công, tước hầu của các công thần5. Cách xét công định thưởng cho ba công thần Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo là một điều khó hiểu. Và điều khó hiểu đó, có lẽ ba người đã nhanh chóng thấy rõ. Người thấy trước tiên là Trần Nguyên Hãn. Trong thời kỳ đánh giặc Minh, Trần Nguyên Hãn là một tướng thân tín của Lê Lợi, công lao nhiều, uy tín lớn. Trong bài văn hội thề với các tướng lĩnh nhà Minh, tên tuổi ông đứng thứ nhì, sau Lê Lợi, và trên tất cả các tướng lĩnh khác. Nhưng chỉ mấy tháng sau khi nước nhà giải phóng, Trần Nguyên Hãn đã thấy muốn rời khỏi triều đình nhà Lê, muốn sống xa cách Lê Lợi, mặc dầu ông được phong quan chức đầu triều. Ông nói riêng với người thân: "Nhà vua có tướng như Việt vương Câu Tiễn6, không thể cùng hưởng yên vui sung sướng được”7. Ông xin về nghỉ hưu trí, tuy tuổi ông, theo truyền tụng, năm ấy chỉ mới 508, chưa phải là tuổi để nghỉ việc quan về trí sĩ9. Lê Lợi không giữ lại, bằng lòng để Trần Nguyên Hãn về hưu. Như vậy là khoảng cuối năm 1428, Trần Nguyên Hãn đã rời khỏi triều đình nhà Lê, về ở ẩn nơi quê nhà tại Sơn Đông10.
_____________________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr. 60.
2. 9 bậc tước hầu là: 1) Huyện thượng hầu, 2) Á thượng hầu, 3) Hương thượng hầu, 4) Đình thượng hầu, 5) Huyện hầu, 6) Á hầu, 7) Quan nội hầu, 8 ) Quan phục hầu, 9) Trước phục hầu (theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, Việt sử thông giám cương mục).
3. Phạm Văn Xảo, một năm sau (1429) mới được phong tước. Tuy được phong tước cao, nhưng một năm sau nữa (1430) thì bị giết.
4. Đại Việt sử ký toàn thư chép là thái bảo, Việt sử thông giám cương mục chép là thái úy. Cả hai chức thái bảo và thái úy đều là chức quan nhất phẩm.
5. Chế độ quan chức thời Lê Thánh Tôn, sử cũ ghi chép được kỹ hơn. Một thí dụ về chế độ thời Lê Thánh Tôn như sau: tước hầu của công thần được cấp đất thế nghiệp 18 mẫu, ruộng vua ban 100 mẫu, bãi trồng dâu 30 mẫu, ruộng tế tự 70 mẫu, tổng cộng 218 mẫu ruộng đất, cộng thêm 2 mẫu 5 sào thổ trạch ở kinh đô và 113 quan lương bổng hàng năm. Chức quan chánh nhất phẩm được hai trăm mẫu ruộng đất (không có 18 mẫu đất thế nghiệp như tước hầu), một mẫu thổ trạch ở kinh đô và 80 quan tiền lương bổng hàng năm. Chức tòng nhất phẩm lại ít hơn nữa. Quan chế thời đầu Lê và thời Lê Thánh Tôn không giống nhau hẳn. Nhưng cách thức sắp xếp thứ bậc và chế độ đãi ngộ chắc không sai khác nhau nhiều lắm về nguyên tắc.
6. Nước Việt bị nước Ngô thôn tính. Vua nước Việt là Câu Tiễn được hai người có tài là Văn Chủng, Phạm Lãi giúp sức, đánh thắng nước Ngô, khôi phục được giang sơn nước Việt. Khi sự nghiệp đã thành, Văn Chủng và Phạm Lãi là hai người công lao bậc nhất, nhưng Văn Chủng bảo Phạm Lãi: "Vua ta có tướng cổ dài, mép quạ, có thể cùng ở với nhau trong lúc hoạn nạn, nhưng không thể cùng ở với nhau trong lúc yên vui".
7. Việt sử thông giám cương mụcLịch triều hiến chương loại chí.
8. Theo truyền tụng, Trần Nguyên Hãn sinh năm Mậu Ngọ (1378), hơn Nguyễn Trãi 2 tuổi và hơn Lê Lợi 7 tuổi.
9. Trong thời phong kiến Việt Nam, tùy từng triều đại, khi thì 65 tuổi, khi thì 70 tuổi, các quan lại mới đươc phép xin về nghỉ hưu trí. Nhưng được về hay không, còn tùy nhà vua quyết định.
10. Sơn Đông nay là Đa Cái, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #213 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 09:49:05 pm »


Đối với những sự việc trên, Nguyễn Trãi không chú ý và không có phản ứng cụ thể như Trần Nguyên Hãn. Nhưng, cuối năm 1428, Nguyễn Trãi về thăm quê nhà Côn Sơn1, ông có làm bài "Băng Hồ di sự lục" (Chuyện cũ về cụ Băng Hồ) để tưởng nhớ ông ngoại Trần Nguyên Đán khi xưa đã ở Côn Sơn. Trong bài văn có đoạn ông viết về Trần Nguyên Đán:

"Công tuy thân gửi suối rừng, mà chí thì ở thôn xã, tấm lòng ưu ái chưa từng một ngày quên. Hoặc đi hoặc ở, khi động khi tĩnh, đều là có ý can gián. Rút cục Nghệ Tôn đều không xét đến. Do đó, họ Hồ uy thế càng thịnh, kẻ xu phụ ngày càng nhiều, thế nước ngày càng suy, không làm sao được nữa, cái chí lui về hưu của công mới quyết"2.

Hình như Nguyễn Trãi đã gửi tâm sự mình lúc ấy vào đoạn văn đó. Ông muốn làm như Trần Nguyên Đán, chưa muốn sớm tính việc về hưu như Trần Nguyên Hãn, là có ý muốn đem hết lòng mình làm cho thế nước khỏi suy vi. Và Nguyễn Trãi vẫn yên tâm làm phận sự mình, tranh thủ mọi điều kiện có thể được để làm những việc ích nước lợi dân.

Nhưng sang năm 1429, tình hình triều đình nhà Lê không còn yên tĩnh như trước. Nhiều việc nghiêm trọng bắt đầu xảy ra.

Đầu tiên là việc Lê Lợi quyết định những người nối ngôi làm vua sau này. Theo phép truyền ngôi thông thường của chế độ phong kiến thì cha truyền con nối, cha chết, con lên thay, nhưng Lê Lợi làm khác thế. Lê Lợi quyết định cho con lớn là Tư Tề sẽ lên làm vua thay mình, khi Tư Tề chết thì em Tư Tề là Nguyên Long sẽ lên thay, Tư Tề không được truyền ngôi cho con.

Trong triều thần, chắc có nhiều người trông gương đời Triệu Tống3, hẳn không tán thành việc này. Có lẽ Lê Lợi thấy tình hình đó. Để trấn an dư luận và cảnh cáo những ai dị nghị, chống đối việc này, Lê Lợi cho viết thẳng vào chiếu thư truyền ngôi một đoạn như sau:

"Sau này, có ai không nghe lời ta, còn sinh dị nghị, dẫn lời của Triệu Phổ cho thế là lầm, mà đổi phép nhất định của chiếu ta, thì đó là bọn xiểm nịnh, chực ngày sau làm như Mãng, Tháo4 chứ không phải là vì nước hết trung, phép nước không khoan dung được. Vậy xuống chiếu để cho văn võ thần liêu rõ cái nghĩa tự vương đã định, mà giải mối ngờ nói kiểu khác nhau. Hết thảy thần dân đều nên biết rõ".
_____________________________________
1. Côn Sơn là nơi Nguyễn Trãi đã ở thuở nhỏ và là quê gốc của dòng họ Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi thường coi Côn Sơn là quê hương của mình.
2. Nguyễn Trãi toàn tập, tr. 78.
3. Trong thể chế truyền ngôi của phong kiến, việc làm đời Triệu Tống cũng không phải là một mẫu mực tốt, nên các triều đại về sau đều không noi theo. Triệu Khuông Dận là vua đầu nhà Tống, tức Tống Thái Tổ, tuân theo lời mẹ là Đỗ Thái hậu dặn lại khi sắp chết, là anh em theo thứ tự trên dưới lần lượt truyền ngôi cho nhau, không truyền cho con. Tống Thái Tổ có mấy người em là Khuông Nghĩa, Đình Mỹ, Đức Chiêu, Đức Phương. Tống Thái Tổ chết, em là Khuông Nghĩa, theo chiếu thư truyền ngôi, lên làm vua, tức Tống Thái Tôn. Về việc truyền ngôi kế tiếp, Tống Thái Tôn có ý muốn làm khác Tống Thái Tổ, liền hỏi Triệu Phổ là người đã viết chiếu thư truyền ngôi của Tống Thái Tổ. Triệu Phổ nói “Thái Tổ đã nhầm, bệ hạ, sao lại nhầm thế nữa". Tống Thái Tôn quyết định truất quyền nối ngôi của Đình Mỹ và đày ra Phong Châu. Đình Mỹ lo buồn mà chết. Đức Chiêu, Đức Phương cũng vì lẽ này lẽ khác, chết cả. Thái Tôn truyền ngôi vua cho con, trở lại lề lối truyền ngôi cũ.
4. Mãng là Vương Mãng, Tháo là Tào Tháo. Hai người đều cướp ngôi vua, lập nên triều đại khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #214 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 09:51:20 pm »


Nguyễn Trãi là người viết chiếu thư, nhưng thái độ của Nguyễn Trãi đối với việc truyền ngôi như thế nào, sử sách không ghi rõ. Chỉ biết rằng liền sau việc này, Nguyễn Trãi vẫn đem hết cố gắng của mình, cùng Lê Lợi và các đại thần, nhanh chóng thực hiện một số chính sách nhằm đáp ứng những yêu cầu cơ bản của quân dân lúc ấy. Về phía Lê Lợi, tuy ông có những hành động theo yêu ghét riêng trong việc dùng người, truyền ngôi, trao chức, nhưng đối với việc dân, việc nước, ông vẫn có những chủ trương tích cực, những hoạt động vì lợi ích của nhân dân cả nước.

Nửa tháng sau khi ban, bố chiếu thư truyền ngôi, Lê Lợi ra chiếu cho đại thần văn võ cùng bàn một việc lớn của Nhà nước là việc chia cấp ruộng đất cho toàn dân, theo tinh thần như sau:

"... Người đi đánh giặc thì nghèo, người dong chơi thì giàu, người đi chiến đấu thì không có một thước, một tấc đất để ở, mà những kẻ du thủ du thực không có ích gì cho nước lại có ruộng đất quá nhiều, hoặc có kẻ làm nghề trộm cướp, thành ra không ai chịu hết lòng với nước, chỉ ham nghĩ phú quý mà thôi. Nay sắc chỉ cho các đại thần bàn định số ruộng cấp cho quan quân và dân, từ đại thần trở xuống cho đến các người già yếu, bồ côi, hoá chồng, đàn ông đàn bà trở lên, loại nào được cấp bao nhiêu thì tâu lên"1.

Một tháng sau việc này, Lê Lợi và triều đình lại thực hiện một việc mà Nguyễn Trãi đã làm dụ hứa với tướng sĩ từ khi còn chiến tranh. Trong thời kỳ chuẩn bị đại phá quân Minh kết thúc chiến tranh, Nguyễn Trãi có làm dụ nói với các tướng sĩ rằng:

"Số quân hiện tại của ta nay có 35 vạn, đợi khi nào khôi phục được Đông Đô, bấy giờ sẽ cho 25 vạn về làm ruộng, chỉ để 10 vạn quân ở lại làm việc phòng thủ và bảo vệ đất nước"2. Tới đây việc này được giải quyết. Nguyễn Trãi làm sắc chỉ cho các vệ quân ở 5 đạo, tức trong toàn quốc, 5 ngày sau khi sắc chỉ ban bố, đều diễn tập thủy chiến và lục chiến. Diễn tập xong thì quân ở các vệ đều chia làm 5 phiên: một phiên ở lại quân ngũ, còn 4 phiên cho về làm ruộng.
_______________________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr. 67-68.
2. Việt sử thông giám cương mục, bản dịch, t. IX, tr. 19.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #215 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 09:53:47 pm »


Cũng nhân dịp này lòng người đương phấn chấn, Nguyễn Trãi đã liên tiếp làm mấy chiếu chỉ để nhắc nhở tinh thần trách nhiệm của các đại thần đối với nhà vua, đồng thời cũng gián tiếp nhắc nhở và động viên ý thức dân chủ của Lê Lợi.

Chiếu chỉ thứ nhất nói với các đại thần và hành khiển rằng:

"Nếu ai thấy điều lệnh của trẫm, hoặc có điều gì không tiện cho việc quân việc nước, hoặc là việc vô cớ, hoặc thuế khoá nặng nề, hoặc có việc tà dâm bạo ngược, thì lập tức tâu xin sửa lại"1.

Chiếu chỉ thứ hai nhắc nhở các quan giữ việc can gián rằng:

“Ai thấy trẫm có chính lệnh hà khắc, thuế má nặng nề, hại cho lương dân, thưởng công phạt tội không đúng, không theo phép xưa, hoặc các đại thần, quan lại, tướng hiệu, các chức trong ngoài có người nào không giữ phép hối lộ nhiễu hại lương dân, làm việc thiên tư phi vi, thì hặc tâu lên ngay. Nếu cứ ngồi trông dung túng, chăm việc nhỏ nhặt, cùng là nói hão không đâu, thì chiếu luật trị tội"2.

Nhưng cũng chính trong dịp này, bọn gian thần thấy ý thức dân chủ của vua quan, triều thần có chiều hướng đi lên, đe dọa nghiêm trọng địa vị, quyền lợi, vận mệnh của chúng. Chúng đã tìm cách hãm hại rất tàn nhẫn những người công thần, hết lòng vì nước.

Chỉ mấy ngày sau khi những chiếu chỉ trên được ban hành, Nguyễn Trãi bị bắt bỏ ngục. Cùng lúc đó, Trần Nguyên Hãn đã về trí sĩ cũng bị bắt giết.
_____________________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr.68.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr.68, 60, 83
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #216 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 09:57:32 pm »


Từ giã triều đình trở về quê cũ, Trần Nguyên Hãn muốn tìm nơi yên thân, lánh trước những điều không hay có thể xảy ra. Nhưng một bọn phong kiến xấu xa tại triều đình không để ông yên. Mấy tên quan lại xiểm nịnh là lũ Lê Quốc Khí (cháu gọi Lê Lợi bằng chú bác)1, Nguyễn Tông Chí, Trình Hoành Bá, Đinh Bang Bản, Lê Đức Dư đã gièm pha với Lê Lợi, vu cáo Trần Nguyên Hãn đương chuẩn bị nổi loạn và khuyên Lê Lợi giết đi. Sử cũ ghi rằng: Trần Nguyên Hãn có công giúp nước, được người đương thời nhất là người Kinh lộ (tức người ngoài Bắc) rất trọng vọng, Lê Lợi vẫn lo sau này Trần Nguyên Hãn có chí khác, nên "ngoài mặt tuy lấy lễ ý tôn sùng, nhưng trong lòng vẫn ngờ"2. Nay có kẻ vu cáo, tháng 3 năm 1429, Lê Lợi cho lực sĩ xá nhân lên Sơn Đông bắt Trần Nguyên Hãn đem về kinh làm tội3. Bị bắt, Trần Nguyên Hãn giận uất người, kêu trời: "Tôi với vua cùng mưu cứu dân. Nay nghĩa lớn đã thành vua lại muốn giết tôi, hoàng thiên có biết xin soi xét cho''4. Xuống thuyền xuôi về kinh, nhưng thuyền chưa ra khỏi địa phận xã Sơn Đông, Trần Nguyên Hãn đã làm lật thuyền tự tử. Vợ con, ruộng đất, của cải của Trần Nguyên Hãn đều bị tịch thu5. Bọn Lê Quốc Khí còn vu cáo cho những người mà chúng không ưa thích là bè đảng của Trần Nguyên Hãn, khiến rất nhiều người bị xử tử hoặc phạt tội đồ (đầy làm khổ dịch).

Cùng lúc này, Nguyễn Trãi bị bắt giam vào ngục. Sử cũ nhà Lê6 như không biết có việc đó cũng như không ghi chép việc Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo bị giết. Nhưng trong văn thơ của Nguyễn Trãi, ông nói rõ là năm ông 50 tuổi, tính theo âm lịch, tức năm 1429, ông đã bị Lê Lợi bỏ tù.
__________________________________
1, 2. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr.68, 60, 83
3. Việt sử thông giám cương mục, bản dịch, t. IX, tr. 20.
4, 5. Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch, t. IX, tr. 257.
6. Như Đại Việt sử ký toàn thư.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #217 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2016, 11:33:52 pm »


Khi bị giam trong ngục, Nguyễn Trãi có làm bài thơ Oan thán (than nỗi oan):

      Phù tục thăng trầm ngũ thập niên
      Cố sơn tuyền thạch phụ tình duyên.
      Hư danh thực họa thù kham tiếu
      Chúng báng cô trung tuyệt khả liên
      Số hữu nan đào tri thị mệnh
      Văn như vị táng dã quan thiên
      Ngục trung độc bối không tao nhục
      Kim khuyết hà do đạt thốn tiên.


Dịch:
      Chìm nổi trong cõi tục đã năm mươi năm
      Với suối đá nơi núi cũ, trót phụ tình duyên
      Danh suông vạ thực, thật đáng cười
      Gièm pha nhiều kẻ, người trung đơn độc, quả đáng thương
      Số, có khi khó tránh, là tại mệnh
      Văn, nếu chưa mất hẳn, cũng bởi trời
      Trong ngục, quay trái tờ giấy mà đọc, thật nhục
      Làm sao gửi được mảnh giấy này lên cửa vàng.

Khoảng 10 năm sau khi ông bị tù, trong một bài biểu tạ gửi Lê Thái Tôn, ông cũng nhắc tới việc này:

      Mua ghen ghét, chuốc gièm pha, chợt nhặng xanh nhơ vết
      Mới biết quả hợp thì người khó thích
      Để cho trong trắng thì bẩn dễ dây
      Nếu không được Tiên đế xét rõ đáy lòng
      Thì hầu khiến tiểu thần ngậm cười dưới đất...
1

Tại sao Nguyễn Trãi bị tù, sử sách không ghi chép, bản thân ông cũng không cho biết rõ, mà ông chỉ nói bị kẻ gièm pha vu cáo. Trong tình hình lúc ấy, bọn gian thần không thiếu gì cách để gièm pha vu cáo ông. Có thể chúng vu cáo ông là đồng đảng với Trần Nguyên Hãn, vì theo truyền thuyết, ông với Trần Nguyên Hãn là hai người bạn chí thiết đã cùng nhau từ Bắc vào Thanh Hóa để tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Hoặc giả khi viết chiếu thư truyền ngôi ông có để lộ ý không đồng tình nên bị chúng gièm pha vu cáo. Hoặc chúng vu cáo ông sẽ làm như Triệu Phổ đời Tống, viết chiếu thư truyền ngôi nhưng sau này sẽ phản đối việc tuân theo chiếu thư đó.
_______________________________________
1. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 89.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #218 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2016, 11:36:35 pm »


Nhưng dù kẻ gian gièm pha vu cáo như thế nào chăng nữa, với đạo đức cao cả của ông, với tấm lòng vì dân vì nước sáng ngời của ông, Lê Lợi không thể buộc tội ông.

Lê Lợi là một anh hùng dân tộc, ông đã hy sinh tất cả để cứu nước, ông không thể không nghĩ đến dân, không thể không lo đến nước. Dân đỡ khổ, nhà nước mới vững mạnh. Nhà nước vững mạnh thì cơ nghiệp nhà Lê mới bền lâu. Muốn làm được những điều đó, Lê Lợi cần phải có những người tài cao đức trọng như Nguyễn Trãi giúp việc.

Mặt khác, Lê Lợi còn phải lo đối phó ngoại giao với nhà Minh. Bị thất bại trong chiến tranh xâm lược nước ta, nhà Minh vẫn luôn luôn yêu sách điều này điều khác, đòi người, đòi của, đe dọa sự tồn tại của triều đình Lê Lợi. Mối quan hệ giữa hai nước tuy không căng thẳng lắm, nhưng cuộc đấu tranh ngoại giao vẫn diễn ra liên tiếp trong cả năm 1428 và còn tiếp tục. Lê Lợi phải lo đối phó, làm thế nào giành được thắng lợi và giữ được hòa hảo lâu dài giữa hai nước. Mà đấu tranh ngoại giao như thế, phải có bàn tay, khối óc của Nguyễn Trãi thì mới thắng được địch.

Có thể, vì những lý do trên, Lê Lợi đã thả Nguyễn Trãi sau một vài tháng giam cầm trong ngục và khôi phục quan chức cũ của ông. Có lẽ Nguyễn Trãi chỉ được khôi phục quan chức, như: nhập nội hành khiển, hàn lâm thừa chỉ, v.v..., mà bị loại ra ngoài hàng công thần, bị thu mất tước Quan phục hầu và bị rút quốc tính họ Lê. Cuối năm 1428, tức 3 - 4 tháng trước khi bị tù, trong bài "Băng Hồ di sự lục" Nguyễn Trãi còn đề rõ tên tuổi, chức tước như:

"Tuyên phụng đại phu, nhập nội hành khiển, môn hạ hữu gián nghị đại phu, đồng trung thư lệnh sự, được ban kim tử ngư đại, thượng hộ quốc, tước Quan phục hầu, được ban quốc tính Lê Trãi".

Nhưng trong bia Vĩnh Lăng, soạn năm 1433 khi Lê Lợi chết, Nguyễn Trãi chỉ đề:

"Vinh lộc đại phu nhập nội hành khiển tri tam quán sự, thần Nguyễn Trãi".

Nếu Nguyễn Trãi còn tước Quan phục hầu là tước công thần thì không thể không đề. Nhất là được ban quốc tính mà không nói tới, cứ viết họ tên là Nguyễn Trãi, không viết thành Lê Trãi, là mang tội "khi quân". Trong thời phong kiến, không một quan lại nào dám làm cái việc khinh vua như thế. Việc Nguyễn Trãi viết tên mình, không mang quốc tính, đã thấy ngay từ khi Lê Lợi còn sống. Cuối năm 1431 đầu năm 1432, Nguyễn Trãi viết sách Lam Sơn thực lục đứng tên Lê Lợi. Trong sách này, tất cả các tướng lĩnh nghĩa quân Lam Sơn được nói tới, đều viết theo họ Lê, vì họ đã được ban quốc tính1. Trong sách Lam Sơn thực lục có hai lần Nguyễn Trãi nói đến tên mình, nhưng viết là Nguyễn Trãi, không mang quốc tính. Đây không phải là sơ suất vô ý hay tùy tiện. Có mà viết thành không, không mà viết thành có, đều mang tội. Chỉ tới năm Nguyễn Trãi khoảng 60 tuổi, Lê Thái Tôn mới khôi phục tất cả các quan chức cũ của ông, lại xếp ông vào hàng công thần, ban tước công thần và lại ban quốc tính cho ông. Cho nên trong bài biểu tạ Lê Thái Tôn, ông đề:

"Vinh lộc đại phu, nhập nội hành khiển, môn hạ sảnh tả ty hữu gián nghị đại phu kiêm Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ tri tam quán sự, đề cử Côn Sơn Tư phúc tự, tước Á đại trí tự, được ban quốc tính Lê Trãi".

Trong biểu tạ, ông cũng nói rõ:

      Chức giữ Đông đài, thực việc triều đình rất trọng
      Việc kiêm Tam quán, ấy điều nho giả cực vinh
      Huống ban quốc tính để rạng tông môn
      Lại với công thần xếp cùng hàng liệt.

_________________________________________
1. Trong Lam Sơn thực lục, có 3 lần viết tên 3 tướng Đinh Bồ, Trịnh Khả, Bùi Quốc Hưng là không ghi theo họ Lê. Tên 3 tướng này còn được nhắc tới nhiều lần trong sách, nhưng các lần khác đều ghi theo quốc tính. Như vậy 3 lần không viết theo quốc tính trong sách Lam Sơn thực lục chỉ có thể là sơ suất của những người chép sau này, không chú ý đầy đủ tới vấn đề quốc tính.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #219 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2016, 11:40:37 pm »


Nếu việc ban quốc tính và xếp hạng công thần đã sẵn có từ trước thì Nguyễn Trãi không phải làm biểu tạ ơn Lê Thái Tôn như thế. Căn cứ vào những ghi chép của chính Nguyễn Trãi như trên, chúng ta có thể đoán định được rằng sau khi ở nhà ngục được thả ra, Nguyễn Trãi đã bị rút quốc tính và không được xếp hạng công thần nữa.

Ra khỏi nhà ngục, Nguyễn Trãi lòng ngao ngán. Ông đã ghi lại tâm sự của ông lúc ấy trong bài thơ:

      Thiêu niên trường ốc tiếng hư bay
      Phải luỵ vì danh đã hổ thay
      Đám cúc thông quen vầy bầu bạn
      Cửa quyền quý ngại lượm chân tay
      Qua đòi cảnh, chắp câu đòi cảnh
      Nhàn một ngày, nên quyển một ngày
      Tuổi đã năm mươi đầu đã bạc
      Ý còn bìu rịn lấy chi vay.

                               (Tự thán - bài 5)1

Nhìn thấy nguy cơ triều chính nhà Lê, nghĩ tới tình dân khổ cực, Nguyễn Trãi đau buồn rơi nước mắt. Có người bạn nơi quê cũ gửi thơ tặng, ông đã làm bài thơ đáp lại, chứa chan nỗi đau buồn đó:

      Kiểu kiểu long nhương vạn hộc chu
      An hành mỗi cụ phúc trung lưu
      Sự kham thế lệ phi ngôn thuyết
      Vận lạc phong ba khởi trí mưu
      Thân ngoại phù danh Yên các quýnh
      Mộng trung hoa điểu cố sơn u
      Ân cần kham tạ hương trung hữu
      Liêu bả tân thi tả ngã sầu.

                                  (Thủ hữu nhân kiến ký)2

Dịch:
      Thuyền vạn hộc hiên ngang như rồng tiến bước
      Đang đi yên ổn mà vẫn sợ bị úp giữa dòng
      Việc đời đáng rơi nước mắt, không thể nói ra lời
      Vận hội gặp phong ba, trí mưu sao được nữa
      Thân ngoài chốn phù danh, xa rời nơi Yên các3 
      Trong mơ thấy hoa với chim và núi cũ thanh u
      Ân cần cảm tạ bạn quê nhà
      Tạm gửi hàng thơ mới, bày tỏ nỗi buồn của ta.
_________________________________________
1. Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập, bản phiêu âm, tr. 82 - 83.
2. Nguyễn Trãi, Ức Trai thi tập, trong Nguyễn Trãi toàn tập, tr. 323.
3. Thời nhà Hán, dựng một cái lầu gọi là Yên các, làm nơi vẽ tượng các công thần để kỷ niệm. Theo tinh thần câu thơ này thì Nguyễn Trãi đã bị loại ra khỏi hàng ngũ công thần.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM