Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 09:38:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước  (Đọc 90760 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #180 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 12:39:03 pm »


Mặc dù thư từ khuyên dụ như vậy, bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc vẫn ngoan cố đóng lỳ, không tiến, không lùi, cũng không cầu hòa. Chúng vẫn muốn trông chờ quân cứu viện từ Đông Quan, Bình Than, hay từ Vân Nam tới. Tình hình đó đòi hỏi nghĩa quân phải có hành động kiên quyết.

Sử cũ ghi là bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc có giả xin cầu hòa, nhưng các lãnh tụ nghĩa quân không chấp nhận cho địch cầu hòa. Người ta thường giải thích thêm là địch giả hòa để đưa quân vào thành Chí Linh cố thủ. Điều đó không rõ có thật không, vì nó không phù hợp lắm với nội dung những thư từ của Nguyễn Trãi. Nhưng việc giả hòa đó cũng có thể có được. Sau nhiều lần khuyên dụ, địch có thể đã nhận hàng, nhưng chúng xin hàng không phải là để được về nước, như những điều khoản Nguyễn Trãi đặt ra mà là xin cho được đem quân vào đóng trong thành Bình Than (tức thành Chí Linh). Chúng chưa biết là thành này đã bị ta hạ. Chúng muốn lấy đó làm nơi chỉnh đốn lại đội ngũ, liên hệ, tập hợp lực lượng còn lại của chúng ở các thành để có thể tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Mưu đồ ấy của địch không thể che giấu được nghĩa quân Lam Sơn. Việc giả hòa của địch không thể được chấp nhận và càng thúc đẩy nghĩa quân phải hành động kiên quyết. Quân địch lúc ấy đã ở trong tình thế, như Nguyễn Trãi miêu tả lại:

"Quân ta đến nơi bao vây bốn mặt, muốn tiến không hay, muốn lùi không được. Đến nay đã một tháng 14 ngày, lương thực hết cả, quân nhân chết đói xác chết thành núi"1

Ngày 3 tháng 11 năm 1427, tức ngày 15 tháng 10 năm Đinh Mùi, đúng như đã định trước là "hẹn giữa tháng Mười cùng diệt giặc", các đạo nghĩa quân ở mặt trận Xương Giang được lệnh tiến công tiêu diệt địch. Mấy vạn quân của ta xung phong quyết liệt. Voi chiến của ta ồ ạt xông vào trận địa. Hàng ngũ địch tan rã nhanh chóng, địch mất hết tinh thần chiến đấu và không còn sức chống đỡ. Bảy vạn quân địch bị tiêu diệt hoàn toàn. Hơn 5 vạn địch bị giết tại trận2.
_________________________________
1. Nguyễn Trãi toàn tập, tr. 154. Con số 1 tháng 14 ngày này, nhiều quá, có lẽ do người sau ghi chép, tam sao thất bản. Trong Bình Ngô đại cáo và nhiều thư của Nguyễn Trãi cũng như trong các sách sử đều nói ngày 20 tháng 9 Liễu Thăng chết ở Chi Lăng, ngày 25 tháng 9 Lương Minh chết ở Cần Trạm, ngày 28 tháng 9 Lý Khánh chết ở Phố Cát. Như vậy Thôi Tụ, Hoàng Phúc tới Xương Giang và bắt đầu bị bao vây chỉ là từ ngày cuối tháng 9 và tới 15 tháng 10, đạo quân Thôi Tụ, Hoàng Phúc đã bị tiêu diệt. Do đấy, bọn này bị bao vây chỉ khoảng 15-16 ngày, không thể là 1 tháng 14 ngày. Có thể thư này viết sau khi bọn Thôi Tụ đã bị bao vây 14 ngày, chứ không phải 1 tháng 14 ngày.
2. Lam Sơn thực lục, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục nói là hơn 5 vạn địch bị giết tại trận. Minh sử kỷ sự bản mạt lại nói là tất cả "7 vạn quân lính đều chết sạch"
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #181 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 12:43:24 pm »


Hơn 1 vạn tên bị bắt sống1. Chủ tướng Thôi Tụ, Hoàng Phúc cùng hơn 300 tướng địch đều bị bắt gọn2. Một số tướng lĩnh như Sử An, Trần Dụng, Lý Tông Phòng, Phan Nhân đều chết trận3. Nghĩa quân thu được rất nhiều ngựa, vũ khí, vàng bạc, lụa là, đoạn vóc "từng đống, từng hòm, chứa chất như núi, không kể xiết”4. Một số quân địch chạy trốn được ra khỏi trận địa, thì chỉ "trong khoảng không đến 5 ngày, những người chăn trâu, kiếm củi đều bắt được hết, không sót tên nào"5. Trong 7 vạn quân địch, chỉ có một tên quan nhỏ là chủ sự Phan Nguyên Đại trốn thoát về nước6.

Chiến thắng Xương Giang của quân dân ta thật là to lớn. Địch đã thất bại thảm hại. Cái mạnh của ta và cái thất bại của địch trong trận này, Nguyễn Trãi đã nói rõ trong Bình Ngô đại cáo:

      "Đường kiến đục, đê lún vỡ toang
      Cơn gió thổi, lá khô rụng trụi
      Đô đốc Thôi Tụ, quỳ gối chịu tội
      Thượng thư Hoàng Phúc, trói tay nộp mình"


Chiến thắng Xương Giang cùng với những chiến thắng Chi Lăng, Cần Trạm, Phố Cát, Bình Than, Lãnh Câu, Đan Xá đã là những chiến thắng vô cùng to lớn của nghĩa quân Lam Sơn, nói lên sự thành công rực rỡ của chủ trương "vây thành diệt viện", "những nơi quan ải hiểm yếu, đều có quân và voi đóng giữ, nếu viện binh đến, thể tất phải thua", mà Nguyễn Trãi đã đề ra từ khi viện binh địch chưa tới bờ cõi nước ta. Những chiến thắng oanh liệt này là một thể hiện rực rỡ nghệ thuật quân sự điêu luyện, vững chắc của nghĩa quân Lam Sơn và của dân tộc Việt Nam ta. Nghĩa quân đã đánh rất mạnh và đánh rất nhanh. Luôn luôn kết hợp phục binh với kỳ binh, mau chóng như thần, dũng mãnh như "sấm ran chớp giật", khi đánh trước mặt, khi đánh sau lưng, khi đánh vào cạnh sườn, khi truy kích, khi bao vây, khi mở đường cho địch tiến, khi chặn đứng địch lại để tiêu diệt, làm cho địch luôn luôn tan tác như "lá vàng rơi trong cơn gió mạnh", lúc nào cũng kinh hoàng, khốn đốn, như ngập mình trong nước trào, "đê vỡ". Những chiến thắng oanh liệt này đã đưa tới kết quả là chỉ trong vòng một tháng đã tiêu diệt hoàn toàn 15 vạn viện binh và 3 vạn ngựa của địch, lần lượt giết chết hết các chủ tướng của địch, bắt sống và cầm tù toàn bộ tướng lĩnh của địch gồm trên 300 tên. Những trận đánh trong cuộc đại phá viện binh lần này là những trận quyết chiến chiến lược rất lớn. Có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong cuộc chiến tranh mười năm cứu nước của nghĩa quân Lam Sơn, không những tiêu diệt gọn toàn bộ 15 vạn viện binh địch, mà còn tiêu diệt cả ý chí cố thủ của 10 vạn địch trong thành, đúng như nhận định của Nguyễn Trãi “viện binh địch bị diệt thì địch trong thành phải hàng".

Quả thật, hàng chục vạn địch trong các thành sẽ phải đầu hàng trong những ngày sắp tới. Ý chí xâm lược của địch bị đè bẹp thật sự, không những trên chiến trường Việt Nam mà cả từ bên nước chúng. Chúng bắt buộc phải chấm dứt cuộc chiến tranh ăn cướp của chúng đã diễn ra vô cùng tàn khốc trên đất nước Việt Nam từ hơn hai chục năm.
_______________________________________
1. Nguyễn Trãi trong Bia Vĩnh Lăng nói là hơn một vạn địch bị bắt sống. Lam Sơn thực lục, Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử thông giám cương mục đều nói bị bắt hơn 3 vạn địch.
2. Nguyễn Trãi, Văn bia Vĩnh Lăng.
3. Minh sử, q. 154.
4. Nguyễn Trãi, Lam Sơn thực lục.
5. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr. 44 - 45.
6. Minh sử kỷ sự bản mạt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #182 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 10:51:36 pm »


CHƯƠNG IX
BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG CỦA QUÂN CHIẾM ĐÓNG,
XIN HÀNG ĐỂ ĐƯỢC TOÀN QUÂN VỀ NƯỚC


Sau khi đánh tan hai đạo viện binh địch, các lãnh tụ nghĩa quân quay trở lại vấn đề cuối cùng phải giải quyết để kết thúc chiến tranh là việc bọn địch còn bị vây hãm ở ba thành Đông Quan, Tây Đô và Cổ Lộng. Các lãnh tụ nghĩa quân chủ trương một lần nữa dụ hàng địch, nếu chúng còn ngoan cố thì sẽ uy hiếp quân sự và bức hàng.

Để thực hiện chủ trương đó, trước hết, các lãnh tụ Lam Sơn cho tướng Nguyễn Lôi đem thư của Nguyễn Trãi tới dụ hàng hai thành Tây Đô và Cổ Lộng. Đối với địch ở Đông Quan, để làm chúng mất hẳn tin tưởng, trông chờ ở viện binh, Lê Lợi cho thông sự1 Đặng Hiếu Lộc giải bọn đô đốc Thôi Tụ, thượng thư Hoàng Phúc, cùng một số tù binh mang song hổ phù, tức binh phù nguyên soái của Liễu Thăng, hai ấn thượng thư bằng bạc của Lý Khánh, Hoàng Phúc với một ít vũ khí, chiêng trống, cờ tàn, sổ sách của viện binh địch, tới trước thành Đông Quan, gọi địch ra coi và trao cho chúng một bức thư của Nguyễn Trãi nói rõ sự thất bại thảm hại của viện binh và khuyên chúng nên hàng. Trong thư, Nguyễn Trãi viết:

"...Nay hãy đem những việc đã qua kể lại từng việc các đại nhân nghe, sau lấy việc ngày nay tỏ lòng tường tận để thấy nên chăng.

Khi trước, việc ước hòa không những làm cho tôi và các đại nhân được yên lòng mà cả quân sĩ hai nước cũng thế. Ai cũng vui mừng nhảy nhót, tự bảo: Nam Bắc từ nay vô sự. Nhưng không hiểu sao hai ông Phương, Mã, cố chấp ý riêng, không biết thông biến, đã ngăn cản việc ước hòa. Người xưa có câu "Lời nói làm hỏng việc", há chẳng phải sao? Từ đấy thân thiết hoá thành thù địch, yên chuyển thành nguy... Việc ấy lỗi tại ai? Song việc trước đã qua, không thể lấy lại được nữa.

Nay An viễn hầu Liễu Thăng vâng mệnh đem hơn mười vạn binh, tới Quảng Tây, hai lần sắc thư gọi về, Liễu Thăng đã trót cầm quân, cưỡng mệnh cứ đi. Quân tới Lê Giang, chết đuối hơn vạn người... Khi đến Nam Ninh lại có sắc chỉ đòi về, do các quan trong triều, tất có người hiểu thời thông biến, biết đem chính đạo can vua, muốn nhà vua làm lại cái đạo hưng diệt kế tuyệt của Thăng, Vũ, mà không theo cái tệ hiếu đại hý công của Hán, Đường thủa trước. Liễu Thăng đã không nghĩ được như thế, không biết thiên thời, không hiểu nhân sự, lấy việc chém giết làm vui, ý muốn giết hết không để sót người nào.

Trái lòng người, nghịch mệnh vua, tiến quân tới cửa ải Chi Lăng, cùng quân sĩ giữ ải của ta giao tranh một trận kịch liệt, cuối cùng bị quân ta giết tại trận. Bảo định bá thu thập tàn quân, ngày 25 tiến đến Cần Trạm, lại bị quân ta giết chết. Lý thượng thư cũng tử trận. Duy một mình Thôi đô đốc chạy thoát, nhưng vẫn tức tối không thôi, ngày 28, tiến quân đến Phố Cát, lại bị quân ta đánh bại. Quân sĩ mạnh ai nấy chạy, ẩn trốn tan tác, khí giới mất hết, chỉ còn lại hơn một vạn tàn quân. Quân ta đến nơi bao vây bốn mặt, muốn tiến không hay, muốn lui không được. Đến nay, đã 1 tháng 14 ngày, lương thực hết cả, quân nhân chết đói xác chất thành núi. Kế cùng sức hết, bèn xông vào vòng vây mạo hiểm ra đánh, từ giờ Mão đến giờ Thân
2, sức không thể chống được. Thôi công đối với quân bị thua, lại ngay khi đó đánh giết gần hết, chỉ còn lại người gầy yếu ốm đau, tự mở cửa trại ra hàng...

Ví bằng việc hòa giải đã xong, thì ngày nay tất không có cái họa Liễu Thăng...

Nay đem chân tình thực ý, phúc báo để cùng biết. Nếu như các đại nhân lại theo đúng ước xưa, tôi mong được Sơn đại nhân sang qua sông cùng họp, tôi sẽ xin lui quân về các vùng Thành Đàm, Ái Giang, để cho đại nhân được thung dung trở về nước...

Nếu không thế, xua nhân mệnh vào đám tên đạn, để quyết sống mái, thì tôi xin quyết ý mà làm, cần gì phải nói đi nói lại mãi làm gì?"
3.
______________________________________
1. Thông sự là một quan chức làm công việc thông ngôn, phiên dịch tiếng nước ngoài
2. Từ giờ Mão đến giờ Thân: khoảng từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều.
3. Hoàng Lê hoàng các di văn và Nguyễn Trãi toàn tập, tr. 153-155.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #183 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 10:53:16 pm »


Thấy rõ viện binh đã tan, kế đã cùng, bọn Vương Thông vừa lo sợ, vừa bối rối, không biết nên xử trí như thế nào. Đánh ra thì không được và không được đã từ lâu, mà hàng thì sợ bị giết. Chúng hoang mang, dao động đến cao độ nhưng vẫn ngoan cố, kéo dài cố thủ trong thành.

Thấy địch chưa chịu hàng, các lãnh tụ nghĩa quân ra lệnh tăng cường vây hãm để uy hiếp. Địch càng hoảng sợ. Đằng nào cũng chết, địch quyết định cứ liều đánh ra, may có cơ hội vượt được vây, về được nước. Vương Thông đốc hết quân, tự mình làm tướng, mở cửa thành ra đánh. Nghĩa quân nghênh chiến, giả thua, đưa địch vào chỗ phục kích của ta, đánh cho tan tác. Chủ tướng Vương Thông ngã ngựa, suýt bị bắt sống. Địch tháo chạy, nghĩa quân truy kích đến tận cửa nam thành Đông Quan. Các lãnh tụ nghĩa quân ra lệnh cho quân ta vây chặt các cửa thành và chuẩn bị trận địa đánh thành. Nghĩa quân đắp một lũy đất án ngữ phía ngoài cửa nam thành Đông Quan để chẹn lối ra của địch. Lê Lơi tự mình đứng ra trông nom việc đắp một luỹ đất chạy dài từ phường An Hoa tới cửa bắc, trong một đêm làm xong.

Địch tuyệt vọng. Chúng phản kích, chỉ như ngọn đèn tàn bỗng vút lên để rồi tắt hẳn. Chúng không thể đem tàn lực đương đầu với nghĩa quân. Nay thấy rõ thế không thể cưỡng lại được nữa, địch đành gửi thư cầu hòa, bày tỏ nỗi lo sợ bị đánh, nên vẫn ngần ngại. Nguyễn Trãi viết thư trả lời, đưa vấn đề hai bên trao đổi những người thân tín làm con tin, để địch yên lòng:

"Ngày nọ, ta đưa thư, không thấy trả lời. Cho thông sự đi, e khẩu thuyết vô bằng. Song việc ngày trước đã qua, nói không lại được...

Ta muốn phiền Sơn đại nhân là người cao tuổi qua sông cùng họp. Ta cũng cho một hai đầu mục hoặc người thân tín vào thành hầu tiếp. Có như thế, hai bên mới khỏi nghi ngờ nhau. Ta lập tức lui quân, mở lại đường về. Đại nhân còn muốn bảo gì ta đều nhất nhất nghe theo. Nếu không thể thì nói muôn nghìn lời cũng là vô ích..."
1.
____________________________________
1. Hoàng Lê hoàng các di văn trong Quân trung từ mệnh tập bổ biên
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #184 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 10:56:12 pm »


Bọn Vương Thông sợ chết, muốn hàng, nhưng vẫn ngoan cố dùng dằng không muốn bỏ thành. Chúng đã đưa ra nhiều lý lẽ để trì hoãn việc đầu hàng. Nguyễn Trãi kiên trì khuyên dụ, bác mọi lý lẽ của địch, lời rất đanh thép, lập luận rất vững vàng. Đọc những thư của Nguyễn Trãi viết trong dịp này, càng thấy tư tưởng vĩ đại của Nguyễn Trãi thể hiện trước sau như một, kiên quyết chiến đấu cho độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời cũng thấy rõ thiên tài ngoại giao của ông đúng như Lê Quý Đôn sau này đã ca ngợi: "Viết thư thảo hịch, tài giỏi hơn hết một thời".

Trước hết, địch viện lẽ: chúng đem quân ra cõi ngoài, không thể tự quyền bỏ đất mà về, sẽ phải tội, cho nên việc ở hay về là phải đợi lệnh triều đình của chúng. Như vậy là địch chỉ muốn đình chiến chứ chưa đầu hàng. Nguyễn Trãi bác bỏ mọi lý lẽ của địch, vạch cho chúng thấy nước Việt Nam không phải là của người Minh, đất đai Việt Nam chưa bao giờ nằm trong lãnh thổ của người Minh, để có thể nói giả đất, cho đất người khác. Và ông khuyên chúng: là tướng cầm quân ra cõi ngoài có thể tự quyết rút quân về nước, không cần chờ mệnh lệnh nhà vua. Ông viết:

"Về việc ta muốn đại nhân rút quân, trước sau không thay đổi... Nhưng bảo "lấy đất đem cho người khác, là bầy tôi không được quyền tự chuyên ", ta cho là không đúng.

Tự đời xưa, đế vương trị thiên hạ, chẳng qua chỉ có chín châu. Giao Chỉ là ở ngoài chín châu. Như thế, rõ ràng từ xưa, Giao Chỉ không phải là đất Trung Quốc. Khi buổi đầu mới dẹp yên, Thái Tôn hoàng đế hạ chiếu tìm con cháu họ Trần, để giữ việc thờ cúng. Như thế có nghĩa là triều đình cũng không coi Giao Chỉ là đất của Trung Quốc. Vả chăng... lời di huấn của Thái Tổ Cao hoàng đế vẫn còn rành rành, cứ thế mà làm, sao lại không dám. Huống chi, lấy đất ở cõi xa, không dùng làm gì, nếu giữ chỉ thêm tốn cho Trung Quốc, bỏ đi dân Trung Quốc có thể dễ sống hơn. Như thế, bỏ hay giữ, nên hay không nên, cho tới muôn đời sau, ta vẫn nói rõ được. Ai dám bảo đại nhân ngày nay ở cõi ngoài rút quân về nước, là không có danh nghĩa.

Còn như nói: không có việc nước nhỏ chống lại nước lớn, làm cho bốn rợ Di trông vào. Ta hiểu khác thế... Thái Vương nhà Chu thờ nước Huân Dục, Văn Đế nhà Hán hòa với Hung Nô1. Hai vua ấy há chẳng đáng làm khuôn phép cho muôn đời sau ư? Vả lại, nay ta... lại đem quan quân bắt được, hơn mấy vạn người, hơn mấy vạn ngựa, cùng Hoàng thượng thư, Thái đô đốc và các đô ty, chỉ huy, thiên hộ, bách hộ, hơn một vạn người, trả hết về kinh sư. Như thế sao lại là chống lại nước lớn.

Triều đình nghị bàn, nếu biết tuân theo di huấn của Thái Tổ Cao hoàng đế và chiếu chỉ của Thái Tôn Văn hoàng đế, thì ai dám bảo không phải là để cho bốn rợ muôn nước trông vào. Ta nghe: vương giả trị nước ngoài, không trị mà hoá ra trị. Chưa bao giờ thấy làm nhọc dân, đem quân ra đóng ở chỗ đất vô dụng mà lại là làm cho bốn rợ, muôn nước trông vào. Không rõ đại nhân thấy như thế nào.

Ngày nay, quân của nhà vua tiến hay lùi, chính là do đại nhân, đạt quyền thông biến, quyết định mà thôi..."
2.
________________________________
1. Huân Dục, Hung Nô là nước nhỏ. Thái Vương nhà Chu, Văn Đế nhà Hán là vua nước lớn.
2. Hoàng Lê hoàng các di văn trong Quân trung từ mệnh tập bổ biên
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #185 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 10:57:44 pm »


Những lời lẽ bác bỏ cái gọi là "giả đất", "cho đất" thật là đanh thép, chí lý. Vương Thông không biết làm cách nào khác, đành phải viết thư nói rõ chúng muốn hàng, nhưng sợ bị cầm tù, không được thả cho về nước. Chúng lấy lý do trước đây các thành như Diễn Châu, Nghệ An đã bị lừa dối mà ra hàng, cho nên hàng rồi mà vẫn bị giữ lại, không được về nước.

Nguyễn Trãi bác bỏ những luận điệu đó:

"... Trước đây, ta bắt quan quân các thành, việc đó không cần nói lại. Nay ta cũng mới bắt được quan quân: binh sĩ tới trên hai vạn người, các chức thượng thư, đô đốc, đô ty, chỉ huy, thiên hộ, bách hộ có tới hơn trăm người, ngựa ba nghìn con. Như thế, há phải là ta lừa dối mà bắt được? Hay chỉ là bất đắc dĩ mà phải bắt. Nay ta giữ mấy vạn người ấy ở lại phục dịch ta thì cũng chẳng ích gì cho ta, mà triều đình mất mấy vạn người ấy thì cũng chẳng tổn hại gì. Ta liệu tính số quân trong thành của các đại nhân bất quá chỉ vài vạn người. Ta có tìm cách lừa dối để bắt thì cũng chẳng ích gì cho công việc của ta. Nếu như dùng mưu kế nhất thời để bắt lấy, khiến nỗi lo của bốn biển còn mãi đến vô cùng thì sao bằng khéo tính việc lâu dài đem phúc lại cho bàn dân thiên hạ. Cho nên đổi cái này lấy cái kia, bỏ ngắn lấy dài, vẫn là hơn. Cứ thế mà bàn thì thấy ta thành thực hay giả dối.

Nay đại nhân mang tiết việt, chuyên đánh dẹp, việc quân ở cõi ngoài có thể tùy liệu xử trí. Vả lại, việc binh không thể ở xa mà định đoạt: việc có hoãn có cấp, nhất nhất đợi mệnh của triều đình sao được... Lời nói: "Đại tướng ở ngoài cõi, mệnh vua có thể không tuân theo" há phải là không đáng tin. Lại bảo rằng: "Chết mà ích cho nước, chết cũng đáng; chết mà không ích gì cho nước, chỉ là chết uổng". Vậy, thế nào là có ích, thế nào là không có ích. Ví như Trương Tuần giữ thành Thú Dương, để che chở cho đất Giang, Hoài. Giang, Hoài mất, nhà Đường sẽ nguy. Cho nên cái chết của Trương Tuần là đáng chết. Trái lại, bo bo tiểu tiết mà chết, làm hại tính mạng nhân dân cả một thành, lòng người nhân giả không thể làm thế. Nay bọn các ông giữ một thành trơ trọi, tự bảo là để chịu chết với thành, thì có ích gì cho nước. Hay là muốn đợi khi một viên đạn không còn, để khêu lại cái họa cùng binh độc vũ? Ví thử, giữ được thành, không để mất thành, thì cũng có ích gì cho nước. Nếu thành bị hạ, lại có người như An viễn hầu đem quân sang, khiến dân nước nhỏ phải mệt mỏi tai họa thì lỗi tại ai? Câu nói: "Tham hư danh mà phải thực hoạ”, thật đúng.

Nếu bảo: một năm không đánh được thì hai năm phải đánh được, cho tới năm, mười năm, hết năm này đến năm khác, tất phải đánh được. Ta e đức hiếu sinh của thượng đế không muốn thế. Mà như vậy là việc làm của đời suy sắp mất...

Nay hãy gác việc ấy mà bàn: nếu đại nhân quả cho ta nói là phải thì nên theo lời ước trước, cho Sơn thái giám sang sông cùng hội họp. Ta cũng cho người thân tín vào thành hầu tiếp, để cho lời giao ước được chắc chắn, sau đó sẽ lui quân về các vùng Thanh Đàm, Lũng Giang, để đại nhân thung dung đem quân về nước. Phàm đường sá, cầu cống, lương thực cho đại quân ăn đường, cùng sản vật địa phương để tiến cống và biểu tấu cung kính, các thứ, ta đều sẵn sàng. Các ông Hoàng thượng thư, Thái đô đốc cũng đã vì ta, dâng lời tâu về triều. Nếu đại nhân suy lòng mình như lòng người, thì sao ta phụ bạc được. Trái lại, cứ kéo dài năm tháng, lấy lời nói lừa dối nhau, muốn đợi quân khác cứu viện, như trước đã làm, ngoài mặt giả hòa, trong ngầm mưu khác. Rồi đại quân kéo sang, khiến ta lại phải cùng một lúc đương đầu với địch ở cả hai phía, trước mặt và sau lưng. Như thế thì kẻ ngu phu ngu phụ củng chẳng tin, huống chi ta, dù vô mưu, cũng không sao tin được..."
1.
__________________________________
1. Hoàng Lê hoàng các di văn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #186 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 10:59:26 pm »


Địch sợ hàng sẽ bị cầm tù, không được thả cho về nước. Nguyễn Trãi đã vạch rõ cho chúng biết: cầm tù chúng chẳng để làm gì, giữ lại mấy vạn địch để làm công việc phục dịch, hầu hạ, cũng chẳng có ích gì cho người Việt Nam, nhất là không có ích gì cho một việc lớn là đem lại hòa bình cho hai nước. Trong thư này cũng như trong nhiều thư trước Nguyễn Trãi đều nhấn mạnh cái ý "đại tướng cầm quân ở nước ngoài, có quyền tự chuyên, mệnh vua cũng có thể không tuân theo", để khuyên Vương Thông tự quyết định việc rút quân về nước, không cần chờ lệnh vua Minh. Nguyễn Trãi đã dựa vào chính những binh thư nổi tiếng thời xưa để nêu ra ý đó với Vương Thông.

Đối với quân đội ta, những người chống xâm lược, Nguyễn Trãi yêu cầu phải tuyệt đối phục tùng kỷ luật, phải tuân lệnh trên, phải chết cho người trưởng. Nhưng với những kẻ cầm quân đi xâm lược nước khác, như Vương Thông thì Nguyễn Trãi mượn lời Tôn Tử khuyên tự chuyên, quyết định rút quân về. Lời khuyên ấy của Nguyễn Trãi là đúng và cũng rất cần thiết đối với những kẻ cầm quân đi xâm lược nước người, ở tất cả các thời đại. Nguyễn Trãi tỏ ra là người nghiên cứu binh pháp cổ rất sâu, vận dụng binh pháp cổ rất giỏi, với tinh thần độc lập rất cao.

Những lời khuyên dụ kiên trì của Nguyễn Trãi đã tác động mạnh tới tinh thần tướng địch. Chúng xin làm theo lời Nguyễn Trãi "bất tuân mệnh"; không đợi lệnh vua, tự định việc rút quân về. Nhưng chúng vẫn sợ. Chúng sợ quân dân Việt Nam trừng trị. Chúng không thể nghĩ rằng nhân dân Việt Nam lại có lòng nhân đạo cao cả, sẵn sàng tha chết cho chúng, hàng chục vạn tên cướp nước giết người, đã tàn phá đất nước Việt Nam, gây bao nhiêu đau thương, tang tóc cho nhân dân Việt Nam lại được an toàn trở về nước. Cho nên chúng hết sợ bị cầm tù lại sợ bị giết chết tại dọc dường.

Chúng sợ, không phải là hoàn toàn vô lý. Quả thật, trong quân và dân Việt Nam, vì lòng căm thù giặc rất sâu sắc, vẫn có người muốn giết chết hết chúng. Nhiều người đã bao nhiêu năm phải đau khổ vì những hành động tàn ác của địch, mất cha, mất mẹ, mất vợ, mất con, mất họ hàng thân thích, mất nhà cửa, ruộng vườn. Họ không thể đội trời chung với địch.

Nhưng vì nghĩa lớn của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà, Nguyễn Trãi và các lãnh tụ nghĩa quân từ lâu vẫn chủ trương dụ hàng quân địch trong thành, tha chết cho chúng và thả cho chúng được toàn quân, toàn mạng về nước. Chủ trương này, các lãnh tụ nghĩa quân đã nhiều lần nói rõ, và Nguyễn Trãi cũng đã nhiều lần nhắc lại:

      Nghĩ kế nước nhà trường cửu, tha cho mười vạn hàng binh
      Gây lại hòa hảo cho hai nước, dập tắt chiến tranh cho muôn đời

                                                                                  (Chí Linh sơn phú)

Và:
      Nó đã sợ chết tham sống, phải thành khẩn cầu hòa
      Ta để cho giặc toàn quân, mà dân ta được nghỉ
      Chẳng những là mưu kế cực sâu xa
      Mà cũng thật cổ kim chưa đã thấy

                                            (Bình Ngô đại cáo)
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #187 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 07:24:54 pm »


Tha chết cho kẻ địch đầu hàng, không những vì lý do chính trị, vì nghĩa lớn của dân tộc, vì thiện chí hòa bình của nhân dân ta, mà còn vì lòng nhân đạo, vì đức lớn sẵn có của dân tộc ta. Nguyễn Trãi đã nhiều lần nói rõ điều đó, ông thường nhắc đi nhắc lại với quân dân ta và với cả kẻ địch rằng:

"Người quân tử không giữ oán cũ, ví như mưa to gió dữ, chốc lại tạnh quang"1.
"Lấy thù trả thù tai vạ không thôi"2.

Và:
"Chúng ta đã xét những việc được mất của cổ nhân, như Bạch Khởi nước Tần3, Hạng Vũ nước Sở4, giết kẻ đầu hàng, trái lời đã ước, chúng ta quyết không làm như thế”5.

Tới đây, Lê Lợi nhân danh lãnh tụ tối cao của nghĩa quân và của cả dân tộc, tuyên bố rõ chính sách nhân đạo của ta đối với kẻ địch đầu hàng:

"Trả thù báo oán là thường tình của con người. Nhưng không hiếu sát là bản tâm của người nhân giả. Vả chăng người đã hàng mà mình lại giết, thì chẳng còn gì ghê rợn hơn việc chẳng lành đó. Nếu chỉ cốt hả giận trong một chốc lát, để mang tiếng muôn đời là giết kẻ đầu hàng, thì sao bằng để cho hàng ức vạn con người được toàn mạng, dập tắt được chiến tranh cho hậu thế, sử xanh ghi chép, nghìn thuở còn thơm, như thế thì há chẳng lớn lắm sao!"6.
_____________________________________
1, 2. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 46, 20.
3, 4. Bạch Khởi là tướng nước Tần thời Chiến quôc đánh thắng uước Triệu, 40 vạn quân Triệu ra hàng, Bạch Khởi đem chôn sống hết; Hạng Vũ nước Sở đánh thắng nước Tầu, vua nước Tần là Tử Anh ra hàng bị Hạng Vũ giết.
5. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 42-43.
6. Lam Sơn thực lụcĐại Việt sử ký toàn thư.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #188 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 07:27:50 pm »


Để thực hiện thành công chủ trương dụ hàng và để cho địch bớt lo ngại, Nguyễn Trãi đã đích thân vào thành Đông Quan để khuyên nhủ địch. Vào tận trong thành địch để dụ hàng địch là một việc nguy hiểm. Nhưng, trong năm 1427, như sử cũ còn ghi lại, Nguyễn Trãi đã năm lần vào thành Đông Quan dụ địch. Chính ông, khi về già, cũng có nhắc lại việc đó:

“Miệng hổ lăn mình, quyết nghị hòa để hoi nước can qua được nghỉ"1.

Trước đây, các lãnh tụ nghĩa quân đã cho hai tướng Lê Quốc Trinh và Lê Như Trình vào thành Đông Quan làm con tin cho địch bớt ngờ sợ. Lần này, để yên lòng địch và khiến địch không lo sợ bị giết tại dọc đường, Nguyễn Trãi có ý định sẽ cùng với Lưu Nhân Chú vào ở hẳn trong thành Đông Quan và sẽ cùng lên đường với địch cho tới biên giới, cho nên ông viết thư bảo địch:

"Ta nghe thiên hạ yên hay nguy, sinh dân họa hay phúc là do ở việc binh, mà giữ quyền lấy hay bỏ, cho hay cướp là quan hệ ở người làm tướng. Cho nên có câu: "Tướng là người giữ vận mệnh của quân".

Nay đại nhân chuyên việc đánh dẹp ở cõi ngoài. Đất Giao Chỉ, nguồn sống của dân chúng, thiên hạ yên hay nguy, nay là do quân của nhà vua tiến hay lùi. Nếu đại nhân không nghĩ đến lợi riêng, chuyên vì thiên hạ mưu việc, thì cần có lòng thành thực, và nên lấy thành thực đãi người. Không có lòng thành thực thì trăm lo vạn nghĩ, phòng giữ cẩn thận đến đâu, cũng vẫn có những việc xảy ra ngoài ý nghĩ của mình... Ta có thể rút quân và voi ngựa về Thanh Đàm, dìm thuyền xuống sông Xương Giang. Nhưng nếu lòng ta không thành thì quân và voi ngựa đã rút đi có thể lại tiến ngay được, thuyền dìm xuống sông cũng lại nổi ngay lên được. Huống chi, trên dọc đường đi, chỗ nào mà chẳng đáng ngờ. Như vậy, có lo nghĩ lắm, cũng chỉ là nhọc lòng, mệt sức, không ích gì.

Vả chăng, Nhân Chú là con ta, Nguyễn Trãi là mưu sĩ của ta. Mọi việc phá thành, đánh trận, đều là công của hai người ấy. Các đại nhân há lại chẳng thấy Nhân Chú, Nguyễn Trãi mà làm con tin thì lòng ngờ vực có thể tiêu tan được ư…”
2

Nhưng Nguyễn Trãi không thể vắng mặt trong bộ tham mưu nghĩa quân lúc này, nên Lê Lợi đã cho con cả của mình là Tư Tề đi cùng Lưu Nhân Chú sang thành Đông Quan3.
_____________________________________
1. Nguyễn Trãi, Biểu tạ của Gián nghị đại phu, kiêm tri tam quán sự trong Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr.89.
2. Hoàng Lê hoàng các di văn.
3. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch. t. III, tr. 48.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #189 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 07:30:15 pm »


Đối với địch, điều kiện hội đàm, điều kiện hòa giải, điều kiện cho địch rút quân mà Nguyễn Trãi và các lãnh tụ nghĩa quân đã đề ra, thật là chu dáo, hậu tình, địch không còn mong muốn gì hơn được nữa. Lại thấy có được Lưu Nhân Chú và chính con cả của Lê Lợi sang thành, bọn Vương Thông càng yên tâm, hết mọi ngờ sợ. Chúng quyết tâm đầu hàng và cho người đưa thư xin hàng ta.

Chủ trương dụ hàng của Nguyễn Trãi tới đây đã thành công tốt đẹp. Nghĩa quân Lam Sơn mười năm chiến đấu gian khổ, tới nay được toại nguyện: ý chí xâm lược của địch đã bị đè bẹp, mười vạn quân địch trên chiến trường phải cởi giáp đầu hàng, mười lăm vạn viện binh địch từ bên nước chúng sang đã bị tiêu diệt, chiến tranh nhất định chấm dứt từ đây. Trong không khí vui mừng của quân dân ta, Nguyễn Trãi nhân danh Lê Lợi, viết thư nhận đầu hàng của địch. Thư không dài và cũng là bức thư cuối cùng của ông viết cho bọn địch bấy nay bị hãm ở trong thành:

"Ta đã nhận được thư, thấy lòng thành của đại nhân có thể động đến trời đất, cảm được quỷ thần. Được như lời, không những may cho nước An Nam, mà còn may cả cho toàn dân thiên hạ. Chí nguyện của ta từ nay đã thỏa, không cần nói gì hơn nữa. Ta trước sẽ cùng các đại nhân uống máu ăn thề, nguyện quỷ thần chứng giám, sau ta sẽ cho một đại đầu mục thân thích của ta, hoặc dăm ba đại tiểu đầu mục, thay ta, tới thành lĩnh ý. Đại nhân thì cho Sơn đại nhân sang bên này sông, để cho lời giao ước được thêm chắc chắn. Hãy xem việc làm của ta như thế là thật hay dối.

Ta sẽ lui quân về các vùng Ninh Kiều, Lũng Giang, để đại nhân được ung dung đem quân về nước. Đến Khâu Ôn, lập tức trả lại ngay các đầu mục của ta trở về, ta cũng sẽ cho đưa bọn Sơn đại nhân tới đấy. Như thế, đôi bên đều hết ngờ vực, mọi người đều, yên lòng. Đường sá, cầu cống, lương thực cung ứng, đều sẵn sàng cả, không thiếu thứ gì. Còn Hoàng Thượng thư, Thái đô đốc, các bố chính, án sát, chỉ huy, thiên hộ, bách hộ, các quan lại ở phủ, châu, huyện, quan quân ở các xứ Tân Bình, Thuận Hóa, Diễn Châu, Nghệ An, Tam Giang và quân nhân ngựa chiến bắt được của An viễn hầu, sẽ được đưa trả đủ số.

Chỉ xin báo rõ như thế, không nói gì thêm nữa..."
1.

Tiếp được thư này của ta. Vương Thông cho Sơn Thọ, Mã Kỳ sang dinh Bồ Đề làm "con tin"2.
___________________________________
1. Hoàng Lê hoàng các di văn.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr.48.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM