Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 11:56:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước  (Đọc 90760 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #120 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 09:09:26 pm »


Khoảng những ngày đầu tháng giêng năm 1427, tướng địch Nguyễn Nhậm được Vương Thông trao trách nhiệm trọng yếu này, đã xin tiếp xúc với nghĩa quân và sang đại bản doanh của nghĩa quân để nghị hòa.

Các lãnh tụ Lam Sơn không ngạc nhiên trước việc nghị hòa của địch, vì chính nghĩa quân đã tạo cơ hội đó cho chúng. Nhưng thương lượng hòa bình để kết thúc một cuộc chiến tranh xâm lược không phải là vấn đề đơn giản, một lúc mà xong. Chỉ khi nào kẻ địch bị đè bẹp tận gốc ý chí xâm lược và bị thủ tiêu hẳn mọi khả năng giành lại ưu thế trên chiến trường, thì hòa bình thật sự mới có thể có. Khả năng ấy đã xuất hiện nhưng chưa tới hẳn. Vương Thông nghị hòa lần này chỉ mới là bước đầu đặt vấn đề, điều đó cho thấy khả năng tiếp tục chiến tranh của quân Minh trên đất nước Việt Nam là không còn. Mặc dầu biết rõ hòa bình chưa thể có ngay được, các lãnh tụ nghĩa quân vẫn tranh thủ thời cơ địch cầu hòa để dụ hàng địch, làm suy yếu thêm lực lượng địch, gây mâu thuẫn trong nội bộ tướng lĩnh địch, phá vỡ sự nhất trí về mọi mặt chủ trương, kế hoạch chiến tranh, do đó làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của chúng.

Thay mặt các lãnh tụ Lam Sơn, Nguyễn Trãi viết thư trả lời bọn Vương Thông, chỉ nhận nghị hòa với điều kiện Vương Thông phải hạ lệnh cho quân địch ở các nơi phải trao lại thành cho nghĩa quân, rút về Đông Quan chờ ngày về nước và Vương Thông phải cho người đưa sứ ta sang triều đình nhà Minh đưa biểu cầu phong. Có như thế, nghĩa quân Lam Sơn mới nới vòng vây, để cho địch ở Đông Quan có thể đi lại, ra khỏi thành và mới chấp nhận việc thương lượng hòa hảo, trao trả tù, hàng binh và ấn định ngày về nước của địch. Mọi việc sửa sang cầu đường, chuẩn bị ghe thuyền cho địch rút quân sẽ do nghĩa quân đảm nhiệm. Trong thư của Nguyễn Trãi có đoạn nói rõ:

"Nếu ngài thực lòng thương dân chúng, thì nên sai đầu mục đến các thành Diễn Châu, Nghệ An, Tân Bình, ra lệnh cho cả tướng đem quân về. Tôi sẽ lập tức sắm đủ phương vật tiến cống, ngài sẽ cho quan cùng đi với tử đệ thân tín của tôi để quy hàng phục tội. Còn như cầu cống đường sá, tôi xin nhận sửa đắp, không phải phiền đến quan quân. Nếu ngài y lời, thì không những sinh linh nước tôi khỏi phải lầm than, mà quân sĩ Trung Quốc cũng khỏi nỗi gươm đao vậy"1.

Không thể không chấp nhận những điều kiện của nghĩa quân đưa ra, Vương Thông bắt buộc phải cho người đưa giấy đi các thành Thanh Hóa, Nghệ An, Diễn Châu, Tân Bình, Thuận Hóa, hạ lệnh đình chiến và rút quân về Đông Đô. Về phía ta, Nguyễn Trãi cũng lợi dụng việc Vương Thông nghị hòa để gửi thư đi dụ hàng các thành địch.
__________________________________
1. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 23.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #121 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 09:21:39 pm »


Đúng như những tính toán từ trước, Nguyễn Trãi và nghĩa quân Lam Sơn đã thành công lớn trong việc dụ hàng địch lần này. Vốn đã mất tinh thần chiến đấu, lại thấy cái thế không thể cầm cự được nữa, nên nhận được lệnh của Vương Thông và thư dụ hàng của Nguyễn Trãi, quân địch ở các thành Nghệ An, Diễn Châu, Tân Bình, Thuận Hóa vội mở cửa ra hàng, trao lại thành trì cho nghĩa quân và chuẩn bị lên đường ra Đông Đô theo sự hướng dẫn của nghĩa quân. Với hàng binh ở các thành, nghĩa quân đối xử rất tử tế. Đối với các tướng địch ra hàng, các lãnh tụ nghĩa quân tiếp đãi trọng hậu. Khi nhận được tin Thái Phúc, đô đốc giặc, trấn giữ thành Nghệ An, ra hàng, Nguyễn Trãi viết cho Thái Phúc một bức thư, lời lẽ rất thân thiết, đối xử rất ân cần:

"Thư gửi hiền huynh Thái công. Đệ ngụ ở Đông Quan, nghe tin hiền huynh đã ra cửa thành bái yết Trần chúa1 chúng tôi, thật là đáng mừng lắm lắm. Từ đây giải binh, khiến nước Nam được thoát cái khổ can qua, thật may làm sao! Có thể bảo ngài là bậc quân tử hiểu thời cơ đó! Như thế ân tình rất hậu, trăm năm không thể quên được. Nay tôi sai người đem mười lăm chiếc thuyền đến đón, ngài cùng các quan và quý quyến có thể tùy tiện thu xếp hành trang lên đường. Còn quân nhân thì có thể đi đường bộ được. Hiện nay cầu đường các nơi tôi đã cho sửa sang, đi đường không có lo ngại chi cả. Vậy xin báo ngài biết"2.

Thái độ đối xử với hàng binh như thế đã thu phục được nhân tâm, không những làm tăng cường quyết tâm theo hàng của địch mà còn thúc đẩy chúng cố gắng hoạt động trên cả hai mặt chính trị và quân sự để góp phần làm cho chiến tranh mau kết thúc.

Sau khi đã thu được những thắng lợi nhất định trong việc dụ hàng địch ở các thành, các lãnh tụ Lam Sơn hạ lênh nới rộng vòng vây thành Đông Quan, cho phép quân Minh ở trong thành được ra ngoài đi lại mua bán như thường dân3. Về phần Nguyễn Trãi, một mặt ông viết biểu cầu phong, đứng tên Lê Lợi, để chuẩn bị cho người đi sang giao thiệp với triều đình nhà Minh, một mặt ông tiếp tục gửi thư khuyên dụ những thành giặc còn chưa hàng.

___________________________________
1. Tức Trần Cao mới được đưa lên ngôi vua.
2. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 24.
3. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, t. III, tr. 28.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #122 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 09:23:07 pm »


Về, phía địch, mọi việc cũng đều tiến hành khẩn trương để mau chóng đi tới chính thức thương lượng hòa bình. Sau khi cho Nguyễn Nhậm đi nghị hòa với nghĩa quân và hạ lệnh cho địch ở các thành rút quân về Đông Đô, ngày 7 tháng giêng năm 1427 (tức ngày 10 tháng chạp năm Bính Ngọ), Vương Thông cho người thân tín là Vũ Nhàn đem tờ tâu về triều xin rút quân. Tờ tâu được đặt kín trong ống sáp, nhưng Vũ Nhàn đi tới Khâu Ôn thì tờ tâu thất lạc. Ngày 13 tháng giêng năm 1427, Vương Thông lại cho người khác là Từ Thành lên đường tiếp tục dâng thư về triều1. .Sự thật thì tờ tâu thất lạc kia là do người của ta tìm cách lấy để dò xét tình ý giặc trong việc nghị hòa. Tờ tâu được đưa về đại bản doanh của nghĩa quân. Trong tờ tâu có đoạn viết:

"Chớ tham chỗ đất một góc làm nhọc quân đi muôn dặm; nếu có được số quân nhiều như số quân đem sang trước đây, lại phải được bảy tám tướng giỏi như tay Trương Phụ, thì mới có thể đánh được; nhưng dù có đánh được rồi cũng không giữ được"2.

Thấy rõ ý chí xâm lược của chủ tướng địch đã nao núng lắm và để tiếp tục đấu tranh ngoại giao với địch tại bên nước chúng, các lãnh tụ Lam Sơn quyết định cho người sang triều đình nhà Minh. Khoảng giữa tháng giêng năm 1427, Vương Thông cho phó thiên hộ Quế Thắng và nội quan Từ Huân đi cùng sứ giả Việt Nam về triều. Hành trình của sứ bộ là theo đường Xương Giang, Khâu Ôn, sang tới bên kia biên giới, sẽ dừng lại chờ người của các xứ Lưỡng Quảng, Phúc Kiến dẫn đường và tới ngày 29 tháng giêng năm 1427 (tức 2 tháng giêng Đinh Mùi)3, sứ bộ lại từ bên kia biên giới tiếp tục hành trình lên Yên Kinh. Các lãnh tụ nghĩa quân cũng cho một phái đoàn đi tiễn sứ lên tận biên giới. Đề cao cảnh giác trước những hành động bất trắc của quân thù, phái đoàn đi tiễn sứ còn có nhiệm vụ dò xét, tìm hiểu kiến nghị của Vương Thông về chiến tranh ở Việt Nam mà Vương Thông tâu về triều.

Theo hứa hẹn cầu hòa của Vương Thông thì sau khi sứ giả của ta lên đường đem biểu cầu phong sang nhà Minh, Vương Thông bắt đầu rút quân về nước. Theo kế hoạch rút quân, địch trong thành Đông Quan sẽ đi trước, quân địch ở các thành về phía trong như Thanh Hóa, Diễn Châu, Nghệ An... sẽ tiếp tục đi sau. Cũng với tinh thần cảnh giác như trên, nghĩa quân Lam Sơn không cho hàng binh ở các thành cũng như những tù binh đã bắt được từ trước về ngay thành Đông Quan để tránh sự tập trung một lực lượng lớn địch ở Đông Quan, khiến chúng không thể có mưu đồ phản trắc. Nghĩa quân đã giữ những tù, hàng binh ở lại tại chỗ, dưới sự kiểm soát của nghĩa quân.

Các lãnh tụ Lam Sơn có tinh thần cảnh giác cao và đã lường trước những sự tráo trở có thể xảy ra. Việc thương lượng hòa bình với bọn cướp nước để kết thúc chiến tranh không thể với mấy lời hứa hẹn đầu lưỡi của chúng mà thành, dù là vấn đề do tự chúng đưa ra, tự chúng yêu cầu được thương lượng. Chỉ khi nào ý chí xâm lược và mơ tưởng chiến thắng cuối cùng của chúng bị hoàn toàn tiêu diệt thì hòa bình thật sự mới có thể có được và khi ấy việc thương lượng mới có thể tiến hành có kết quả.
___________________________________
1. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 37.
2. Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử.
3. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 23.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #123 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2016, 04:15:41 pm »


PHẦN BA
NGUYỄN TRÃI VÀ KẾ SÁCH ĐẠI PHÁ QUÂN XÂM LƯỢC
GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN ĐẤT NƯỚC


CHƯƠNG VI
MỘT LỐI ĐÁNH ĐỊCH
KHI ĐỊCH “TRÍ CÙNG LỰC KIỆT"

XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC
ĐỘC LẬP VÀ QUÂN ĐỘI
DÂN TỘC HÙNG MẠNH
TẠO ĐIỀU KIỆN
GIÀNH THẮNG LỢI HOÀN TOÀN


Đem đại quân tiến ra Đông Đô, vây đánh Đông Quan, phong trào Lam Sơn đã bước sang một giai đoạn phát triển mới của chiến tranh, một giai đoạn quyết định chiến thắng hoàn toàn quân xâm lược. Những thắng lợi to lớn giành được trên chiến trường Đông Đô đã đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng cần được giải quyết khẩn trương và kịp thời. Hầu hết đất đai cả nước đã được giải phóng, trừ mấy thành còn do địch chiếm giữ, hầu hết nhân dân cả nước đã được giải phóng khỏi ách đô hộ của địch, trừ một số ngụy quân, ngụy quyền còn ở trong thành với địch và quân địch thì đã đến lúc "trí cùng lực kiệt" chỉ còn một trong hai cách: đầu hàng để được sống, hoặc trá hàng để trông chờ viện binh sang cứu.

Trước tình hình mới đó, các lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn, một mặt, tổ chức chính quyền các địa phương ở Đông Đô, củng cố chính quyền trung ương theo quy mô của một Nhà nước phong kiến độc lập, xây dựng một hệ thống hành chính mới trên khắp nước, một mặt, đẩy mạnh việc xây dựng quân đội, chuẩn bị lực lượng cho những trận đánh quyết định, nếu bọn Vương Thông ngoan cố chống lại hoặc bọn địch ở bên nước chúng ngoan cố cho viện binh sang hòng kéo dài chiến tranh.

Chỉ trong một thời gian ngắn, các lãnh tụ nghĩa quân đã giải quyết tốt cả hai việc lớn này.

Một đặc điểm của cuộc chiến tranh giải phóng do nghĩa quân Lam Sơn tiến hành, đánh thắng quân Minh xâm lược là: vừa đánh giặc, vừa dựng nước; vừa chiến đấu, vừa sản xuất. Chỉ chiến đấu mà không xây dựng, không sản xuất, thì với vài trăm nghĩa sĩ lúc ban đầu, khởi nghĩa Lam Sơn không có cơ sở để tồn tại lâu dài, không tạo nên những điều kiện vật chất và tinh thần cần thiết để chuyển không thành có, chuyển ít thành nhiều, chuyển yếu thành mạnh, đánh thắng được kẻ thù đông hơn mình gấp bội phần. Đặc điểm ấy càng nổi bật từ ngày nghĩa quân xây dựng căn cứ địa Chí Linh - Lam Sơn và chuyển hướng chiến lược vào Nam. Tại căn cứ địa Chí Linh - Lam Sơn, nghĩa quân đã chú trọng xây dựng lực lượng về cả hai mặt chính trị và quân sự và tiến hành song song hai nhiệm vụ: vừa chiến đấu vừa sản xuất. Cho tới khi chuyển hướng chiến lược vào Nam, đánh thành kiên cố đầu tiên của địch là thành Trà Long, nghĩa quân Lam Sơn cũng vừa chiến đấu vừa sản xuất. Những trại nông binh của nghĩa quân ở xung quanh thành Trà Long, tới các đời sau vẫn còn thấy vết tích. Khi tiến vào Nghệ An, nghĩa quân vừa đánh thành địch, vừa giải phóng các châu huyện, vừa xây dựng chính quyền đia phương, vừa tiến hành những công trình xây dựng quy mô trên núi Thiên Nhận, làm đại bản doanh của nghĩa quân, đồng thời là trung tâm của chính quyền độc lập. Khi từ Nghệ An đánh tỏa ra khắp dải đất chạy dài từ Thanh Hóa, Diễn Châu và Tân Bình, Thuận Hóa, nghĩa quân Lam Sơn cũng vừa đánh thành giặc, vừa giải phóng nông thôn, vừa xây dựng chính quyền độc lập ở địa phương, vừa tuyển thêm quân để tăng cường quân chủ lực, vừa xây dựng lực lượng vũ trang ở các địa phương để làm nòng cốt vây hãm lâu dài các thành giặc ở những vùng giải phóng.

Với phương châm chiến lược tài giỏi: vừa chiến đấu vừa xây dựng, lấy xây dựng làm cơ sở cho chiến đấu, nghĩa quân Lam Sơn đã càng đánh càng mạnh, càng mạnh càng thắng lớn. Cuộc chiến tranh càng tiến mau tới thắng lợi cuối cùng, càng đòi hỏi công cuộc xây dựng phải tiến hành khẩn trương với quy mô rộng lớn và toàn diện hơn. Cho tới khi chiến tranh kết thúc toàn thắng thì cũng là lúc mà công cuộc xây dựng nước nhà thành một nước độc lập thật sự về mọi mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đã căn bản hoàn thành.

Đó chính là nhiệm vụ của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh chống quân Minh xâm lược từ những ngày cuối năm 1426, đầu năm 1427 trở đi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #124 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2016, 04:17:21 pm »


Trong tình hình gần hết đất đai Đông Đô đã được giải phóng, nhân dân Đông Đô đã thoát khỏi ách đô hộ, hào kiệt và người yêu nước ở khắp nơi kéo tới đại bản doanh của nghĩa quân, xin tham gia công cuộc cứu nước ngày một đông, việc tổ chức chính quyền, xây dựng nền độc lập của nước nhà trên mọi lĩnh vực, với quy mô toàn quốc của nó tự nhiên được đặt ra cho nghĩa quân Lam Sơn thành một vấn đề khẩn thiết, quan trọng không kém việc đẩy mạnh đấu tranh vũ trang để mau kết thúc chiến tranh.

Công việc đầu tiên phải làm là tổ chức hành chính và trị an, để giữ gìn trật tự và ổn định đời sống của nhân dân.

Đông Đô vốn chia làm nhiều lộ và trấn, dưới lộ và trấn là các phủ, châu, huyện. Các lãnh tụ nghĩa quân vẫn giữ nguyên các đơn vị hành chính này và cử những quan chức mới, hoặc là người của nghĩa quân hoặc là người Đông Đô mới được tiến cử. Chính quyền ở miền núi vẫn trao cho tù trưởng các địa phương cầm giữ như trước. Để theo sát tình hình và trực tiếp kiểm soát công việc quân dân ở các địa phương, các lãnh tụ nghĩa quân đặt thêm một cấp hành chính ở trên các lộ và trấn, gọi là đạo. Cả Đông Đô chia làm bốn đạo:

Đông Đạo gồm các lộ Thượng Hồng, Hạ Hồng, Nam Sách Thượng, Nam Sách Hạ và trấn An Bang.

Tây Đạo gồm các trấn Tam Giang, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Gia Hưng.

Bắc Đạo gồm các lộ và trấn: Bắc Giang, Lạng Giang, Thái Nguyên.

Nam Đạo gồm các lộ Khoái Châu, Lý Nhân, Tân Hưng, Kiến Xương, Thiên Trường.

Đứng đầu các đạo là chức tổng tri, kiêm tri, do các tướng lĩnh cao cấp của nghĩa quân trực tiếp đảm nhiệm. Một số tướng lĩnh nghĩa quân được trao nhiệm vụ cầm đầu các đạo, nhưng vẫn cầm quân đánh giặc hoặc giữ một quan chức khác tại triều đình. Thí dụ: tướng Nguyễn Chích được cử làm tổng tri Hồng Châu và Tân Hưng nhưng vẫn cầm quân vây hãm thành Thị Cầu và tham gia nhiều trận đánh khác, Bùi Ư Đài vừa làm lễ bộ thượng thư vừa làm kiêm tri Đông Đạo, Trần Lựu vừa cầm quân vây đánh thành Khâu Ôn trấn giữ ải Pha Lũy, vừa làm tổng tri trông coi việc quân dân ở Lạng Sơn, An Bang, v.v...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #125 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2016, 04:20:02 pm »


Về việc liên lạc, giao thông với ngoài, Lê Lợi và các lãnh tụ nghĩa quân đặt thêm chức tuần kiểm ở các cửa biển để kiểm soát những người qua lại và bắt giữ những kẻ đem thư từ, tin tức sang nhà Minh.

Do chỗ chính quyền các địa phương được thành lập trên khắp nước, chính quyền trung ương cũng cần được tăng cường và củng cố. Những cơ quan chính quyền theo quy mô một triều đình phong kiến độc lập được bước đầu xây dựng, như các bộ, các sảnh, khu mật viện, hàn lâm viện, hình viện, v.v...

Triều đình trung ương, cơ quan đầu não của Nhà nước độc lập của ta lúc ấy, là do các lãnh tụ và các tướng lĩnh nghĩa quân Lam Sơn hợp thành. Lê Lợi, người lãnh tụ tối cao của nghĩa quân, tuy lúc ấy chỉ mới xưng là Bình Định Vương, nhưng thật sự đã là ông vua, đã "thay trời làm việc" đã là người đứng đầu Nhà nước độc lập của ta thời đó. Nhưng để đẩy mạnh đấu tranh chính trị với địch, Lê Lợi và các lãnh tụ nghĩa quân quyết định đưa một người họ Trần lên làm vua. Trước kia, khi đem quân xâm lược Việt Nam, nhà Minh lấy cớ đánh họ Hồ, lập lại ngôi vua cho họ Trần, để che đậy dã tâm cướp nước của họ. Khi diệt được nhà Hồ, quân Minh lại lấy cớ không tìm thấy con cháu họ Trần, để chúng chiếm đóng lâu dài nước ta. Do đấy Lê Lợi và các lãnh tụ nghĩa quân muốn đưa một người nhận là họ Trần mang danh nghĩa nhà vua để đẩy mạnh đấu tranh chính trị với địch, vạch rõ với nhân dân cả nước ta và với quân dân cả nước chúng, tính phi nghĩa hoàn toàn của những hành động xâm lược của chúng, nếu chúng ngoan cố kéo dài chiến tranh, ngoan cố chiếm đóng đất nước ta, đồng thời cũng tạo cho chúng một "cớ chính trị" để chúng có thể rút quân không bẽ mặt, sau những thất bại thảm hại của chúng về quân sự.

Khoảng cuối tháng 12 năm 1426, Trần Cao với danh nghĩa là con cháu họ Trần, được đưa lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Thiên Khánh. Nhưng Trần Cao không ở ngay đại bản doanh của nghĩa quân, không tham dự việc quân việc nước, mà được đưa lên ở núi Không Lộ, châu Từ Liêm (nay là huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây). Bùi Quốc Hưng, một tướng nghĩa quân, được trao trách nhiệm cùng đi với Trần Cao, để trông nom, giúp đỡ Trần Cao1. Mọi việc dân việc nước vẫn ở trong tay các lãnh tụ nghĩa quân. Người lãnh tụ tối cao của phong trào Lam Sơn và người đứng đầu cả nước vẫn là Lê Lợi, mặc dầu lúc ấy ông chỉ mang danh hiệu một triều thần, với tước vị "Tráng vũ Vệ quốc công"2.

Như vậy là tới tháng 12 năm 1426, công cuộc xây dựng ở Đông Đô đã căn bản hoàn thành, một nhà nước độc lập đã thật sự tồn tại trên đất nước Việt Nam.
________________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thưViệt sử thông giám cương mục.
2. Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch, tr. 32.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #126 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2016, 04:21:38 pm »


Song song với việc xây dựng chính quyền, việc tổ chức Quân đội cũng được đẩy mạnh: Quân chủ lực do các tướng lĩnh nghĩa quân trực tiếp chỉ huy, được phiên chế thành 5 quân và 4 vệ. Quân địa phương ở các đạo, lộ, trấn, châu, huyện, cũng phiên chế thành các vệ, đội, ngũ, do các chức võ quan như tổng quản, chánh phó đội trưởng, chánh phó ngũ trưởng quản lĩnh. Quân địa phương là quân chính quy do chính quyền địa phương tổ chức. Quân địa phương ở các đạo đều chịu sự chỉ huy của các tướng lĩnh nghĩa quân làm nhiệm vụ cầm đầu việc quân dân ở những đạo ấy.

Trong quá trình hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn, tổ chức dân binh hoặc hương binh cũng đã xuất hiện sớm. Dân binh không phải là quân đội chính quy, mà là những lực lượng vũ trang hoặc bán vũ trang, do nhân dân từng hương thôn tự tổ chức, tự quản lý, tự trang bị, để cùng tham gia chiến đấu với quân đội chính quy những khi có chiến tranh ở địa phương. Từ những trận đánh Trà Long, Nghệ An, v.v... người ta đã thấy có những đội dân binh chiến đấu bên cạnh nghĩa quân. Khi nghĩa quân tiến ra Đông Đô, trong trận Tốt Động - Chúc Động, những tổ chức dân binh địa phương cũng đã góp phần quan trọng vào chiến thắng. Nhận thấy vai trò quan trọng của dân binh, nên tới đây các lãnh tụ nghĩa quân càng khuyến khích việc thành lập các đội dân binh ở các nơi. Chính vì thế mà trong tất cả các trận đánh lớn sau này, như trận Chi Lăng, Xương Giang, v.v... đều có sự tham gia chiến đấu rất tích cực của các tổ chức dân binh địa phương.

Như vậy là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, từ chỗ không có quân đội, không có vũ khí lúc ban đầu, trải qua quá trình chiến đấu, lực lượng vũ trang cứu nước đã xuất hiện dưới nhiều hình thức và ngày càng lớn mạnh. Trong xây dựng cuối năm 1426 này, quân chủ lực càng được củng cố vững mạnh thêm. Quân địa phương được tăng cường nhanh chóng và được thành lập ở khắp nước, tổ chức dân binh cũng phát triển mạnh. Tính tới cuối năm 1426, quân chủ lực và quân địa phương đã có khoảng trên dưới 30 vạn người1, và cũng từ đây trở đi, trong mọi hoạt động quân sự của nghĩa quân Lam Sơn, từ vây hãm các thành địch tới mở những trận lớn để đánh địch, đều có sự phối hợp chặt chẽ của các thứ quân. Sức mạnh chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn về quân sự trong giai đoạn chót của cuộc chiến tranh này chính là ở chỗ quân chủ lực, quân địa phương và các tổ chức dân binh đều lớn mạnh, chiến đấu giỏi và hợp đồng tác chiến tốt.

Tất cả những công cuộc xây dựng trên đều được tiến hành khẩn trương. Chỉ khoảng cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 1426, mọi việc tể chức đều đã vào nền nếp. Với những chiến thắng liên tiếp của nghĩa quân Lam Sơn trong hơn hai năm qua và với công cuộc xây dựng lần này, tình hình nước Việt Nam ở cuối năm 1426 đã hoàn toàn đổi mới. Đất đai cả nước đã thu phục được, trừ thành Đông Quan và mấy thành nhỏ còn tạm thời bị chiếm đóng, nhân dân cả nước đã được giải phóng, chính quyền dân tộc đã được thành lập trên cả nước, quân đội dân tộc đã làm nhiệm vụ quốc phòng trên khắp mọi nơi của Tổ quốc. Như vậy, ở Việt Nam, cuối năm 1426, quy mô của một Nhà nước độc lập đã hình thành rõ rệt, cơ sở của một Nhà nước độc lập cũng đã tồn tại vững chắc trên mọi lĩnh vực và uy tín của một Nhà nước độc lập cũng đã vang dội khắp trong nước, ngoài nước.
_____________________________________
1. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, thì khoảng tháng 5 năm 1427, quân đội Lam Sơn có 35 vạn người.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #127 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2016, 08:59:32 am »


ĐÁNH BẰNG QUÂN SỰ VÀ
ĐÁNH MẠNH VÀO LÒNG ĐỊCH


ĐỊCH BỘI PHẢN NGHỊ HÒA

Như các lãnh tụ nghĩa quân đã lường trước, bọn Vương Thông quả thật có ý muốn bội phản những lời ước hẹn khi cầu hòa. Chúng muốn nhân việc đưa sứ giả của nghĩa quân sang nhà Minh để cho người về nước xin viện binh nhanh chóng sang cứu chúng và tăng cường lực lượng cho chúng tiếp tục chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Khi sứ bộ và phái đoàn tiễn sứ đi tới Xương Giang thì tên nội quan Từ Huân để tiết lộ âm mưu của Vương Thông1. Các lãnh tụ nghĩa quân được tin ấy, không lấy làm lạ, vẫn để sứ bộ và phái đoàn tiễn sứ tiếp tục hành trình lên Khâu Ôn, là thành địch đóng giữ, để từ đây địch dẫn đường sang nhà Minh, vì các lãnh tụ nghĩa quân tin chắc rằng: dù địch có tráo trở cũng không thể xoay chuyển được tình thế. Sự tráo trở ấy chỉ là biểu hiện một mâu thuẫn gay gắt trong nội bộ bọn tướng lĩnh địch. Bản thân Vương Thông, mới sang Việt Nam được mấy tháng, bị thất bại liên tiếp và thảm hại, tư tưởng hiếu chiến, bám chặt lấy chiến trường Việt Nam chưa ăn sâu vào đầu óc, lại thấy rõ sức mạnh quân sự to lớn của quân dân ta, nên ý chí xâm lược của hắn nao núng. Vì thế, lúc đầu Vương Thông đã có thực ý muốn cầu hòa. Nhưng chủ trương cầu hòa của Vương Thông bị bọn tướng lĩnh hiếu chiến phản đối. Đó là những tên tướng đã tiến hành những cuộc hành quân đốt phá, chém giết trong hàng chục năm trên đất nước Việt Nam như bọn Phương Chính, Mã Kỳ, bọn La Thông, Đả Trung ở thành Tây Đô, bọn Lưu Tử Phụ ở thành Lạng Sơn, bọn Lý Nhậm, Cố Phúc, Phùng Trí, Lưu Thuận ở thành Xương Giang và bọn ngụy làm tay sai cho địch. Đặc biệt bọn ngụy đầu sỏ như Lương Nhữ Hốt, Trần Phong, Trần An Vinh lại càng sợ bọn cướp nước rút quân đi thì số phận của chúng là những kẻ bán nước sẽ vô cùng nguy khốn, cho nên chúng tìm mọi lý lẽ để ngăn cản việc cầu hòa của tên chủ tướng Vương Thông.

Trong khi Vương Thông đương dao động trước những phản kháng cầu hòa của bọn tướng lĩnh hiếu chiến thì cũng trong tháng giêng năm 1427, bọn vua chúa hiếu chiến nhà Minh lại quyết định cử một đạo viện binh lớn sang Việt Nam do Liễu Thăng chỉ huy. Tin đó làm bùng lên trong đầu Vương Thông một tia hy vọng được cứu sống, có thể tiếp tục chiến tranh và chiến thắng trên chiến trường Việt Nam. Do đấy, Vương Thông đã ngả theo bọn tướng hiếu chiến, bản chất xâm lược của hắn lại nổi dậy, hắn không chủ trương cầu hòa nữa. Hắn dùng thái độ điên đảo, bề ngoài vẫn giả cầu hòa, nhưng bên trong thì âm mưu tiếp tục chiến tranh và cho bọn Quế Thắng đi cùng sứ bộ của ta về nước, ngầm xin viện binh gấp đường sang cứu chúng.
_____________________________________
1. Minh sử viết là khi Từ Huân để tiết lộ âm mưu của Vương Thông thì nghĩa quân bắt giữ hai quan chức nhà Minh cùng đi với sứ bộ là Hà Trung và Quế Thắng. Chúng tôi không tin sự việc này có thật, một là vì Hà Trung có tài liệu nói đã chết từ trước, không cùng đi với sứ bộ, hai là nghĩa quân làm như thế, rất không lợi. Thành Xương Giang và thành Khâu Ôn đều do quân địch đóng giữ, nếu ta bắt giữ người của địch thì sứ bộ và phái đoàn tiễn sứ của ta cũng sẽ bị địch bắt giữ, hoặc ở Xương Giang, hoặc ở Khâu Ôn. Nếu nghĩa quân làm như thế vừa không có lợi gì vừa tạo nên cái cớ để cho bọn Vương Thông vin vào đó, phá cuộc nghị hòa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #128 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2016, 09:14:08 am »


Biết rõ mưu gian của địch, nhưng trong khi chúng chưa ra mặt chống đối lại, Nguyễn Trãi vẫn tiếp tục khuyên dụ. Trong một bức thư gửi Vương Thông, ông khuyên hắn không nên nghe lời nhiều người, để hoang mang dao động thay lòng đổi dạ, và ông nói:

"... Trời thì ở cao, hoàng đế thì ở xa, ngài thì quyền hành không thống nhất, chính sự do nhiều người, lời nói trái với việc làm, mỗi người một bụng... Sự thế ngày trước với sự thế ngày nay, thực cùnq một mối, thế mà một người bảo phải, mười người bảo trái, một người làm việc, mười người phá việc. Người ta nói: "Làm nhà bên đường, ba năm không xong" là thế đấy...".

Trong một thư khác, ông nhắc Vương Thông cần giữ lời hứa, người quân tử phải lấy chữ tín làm đầu:

"Trước đây, phụng tiếp thư của ngài cùng lời sứ giả, đều nói là: "Chỉ theo lời ước trước, không có điều gì khác"; lại nói: "Sáng mà tiến biểu, tối sẽ rút quân ". Nét mực chưa khô, lời kia còn vẳng. Nay sứ của tôi đã đi rồi, mà người tiên sứ cũng đã về rồi, không rõ ngài có quả theo lời nói trước chăng? Hay lại có điều gì khác chăng? Nếu quả theo lời nói trước, thì phải báo cho rõ ràng, khiến tôi được sửa sang cầu đường, chuẩn bị lương thực để đợi. Nếu có điều khác, thì thực sợ điều tín không bỏ được đâu. Cổ nhân có nói: Khử thực khử binh, tín bất khả khử"1.

Nhưng địch ngoan cố, lảng tránh việc thương nghị hòa bình và ngầm chuẩn bị chống đối nghĩa quân. Chúng phá chuông Qui Điền và vạc Phổ Minh là hai công trình nghệ thuật lớn của dân tộc ta thời đó, để làm súng đạn. Chúng đắp cao thêm thành Đông Quan, đào hào, thả chông, dựng thêm hai lần lũy.

Bám sát mọi hành vi của địch, Nguyễn Trãi viết thư cho bọn Vương Thông, Sơn Thọ, nghiêm khắc lên án những hoạt động khiêu khích đó. Trong thư, ông bảo địch:

“Tôi nghe nói: "Tín giả quốc chi bảo. Nhân nhi vô tín, kỳ hà dĩ hành chi tai?"2. Mới đây tôi được ngài gửi thư và sai người đến ước hòa, tôi đã nhất nhất nghe theo. Nay thấy ở trong thành vẫn còn đào hào cắm chông, dựng rào đắp lũy, phá hoại đồ cổ để đắp súng ống, làm binh khí, thế là các ngài định đem quân về nước chăng? Hay giữ bền thành trì chăng? Tôi đều không thể rõ được... Các ngài nếu thực không bỏ lời ước cũ, thì phàm làm việc gì cũng phải lợi hại rõ ràng. Muốn rút quân thì cứ rút quân, muốn cố giữ thì cứ cố giữ, hà tất ngoài thì nói giảng hòa mà trong thì mưu tính thế khác? Đừng nên trước sau trái nhau, trong ngoài bất nhất như thế...".

Lời nghị hòa của địch, tới đây, coi như xóa bỏ và nghĩa quân Lam Sơn lại tăng cường uy hiếp địch về mặt quân sự.
____________________________________
1. Khử thực khử binh, tín bất khả khử: lương thực và quân có thể bỏ được, điều tín không thể bỏ được.
2. Tín giả quốc chi bào. Nhân nhi vô tín, kỳ hà dĩ hành chi tai: Điều tin là một vật báu của nước. Người mà không giữ điều tin, thì biết lấy cái gì mà làm việc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #129 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2016, 03:28:53 pm »


VỪA VÂY ĐÁNH, VỪA GỌI HÀNG

Để cho địch thấy rõ quyết tâm tiêu diệt viện binh, một hy vọng cuối cùng của địch, và làm thiệt hại nặng lực lượng địch hiện còn ở Việt Nam, các lãnh tụ Lam Sơn phái thêm quân vây đánh tất cả các thành địch trên con đường từ Đông Quan lên biên giới Quảng Tây và từ Đông Quan lên biên giới Vân Nam.

Bùi Quốc Hưng vây đánh hai thành Điêu Diêu (Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội ) và Thị Cầu (thuộc Hà Bắc ngày nay).

Lê Sát và Lê Thụ vây đánh thành Xương Giang (phía trên thành Thị Cầu, thuộc Hà Bắc, nay là Bắc Giang).

Trần Lựu và Lê Bôi vây đánh thành Khâu Ôn (thuộc Lạng Sơn).

Trịnh Khả và Lê Khuyển vây đánh thành Tam Giang (miền Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phú, nay là Phú Thọ).

Để tăng cường uy hiếp địch ở Đông Quan, các lãnh tụ Lam Sơn cho quân tiến lên vây chặt bốn cửa thành. Lê Vấn vây hãm cửa đông. Lê Cực, Bùi Bị, Lê Nguyễn, Lê Chưởng vây hãm cửa tây. Đinh Lễ, Lê Lý, Lê Lỗi, Nguyễn Chích vây hãm cửa nam. Lý Triện, Lê Văn An vây hãm cửa bắc. Người ngựa của địch lảng vảng ra ngoài thành đều bị nghĩa quân bắt giữ, tất cả tới trên 3.000 tên địch và 500 ngựa.

Các lãnh tụ Lam Sơn cùng đại quân cũng từ Đông Phù Liệt tiến lên đóng đại bản doanh ở Bồ Đề1, bên bờ bắc sông Hồng, đối diện với thành Đông Quan. Nghĩa quân đem tre từ các xứ Tam Giang, Tam Đái, Tuyên Quang, Qui Hóa về xây dựng thành lũy ở bến Bồ Đề cao như thành Đông Quan. Nghĩa quân lại dựng tại đây một lầu cao ngang với tháp Báo Thiên trong thành Đông Quan để làm chòi quan sát. Hàng ngày, Lê Lợi và Nguyễn Trãi lên lầu cao làm việc và theo dõi hoạt động của địch trong thành Đông Quan. Lê Lợi làm việc ở tầng lầu thứ nhất. Nguyễn Trãi làm việc ở tầng lầu thứ hai.
____________________________________
1. Bồ Đề: nay là thôn Phú Viên, xã Hồng Tiến, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM