Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 11:34:15 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: HÀ GIANG -Ký ức của chúng tôi và đồng đội !  (Đọc 196884 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #210 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2013, 08:25:09 am »

   Em đưa một cái ảnh cũ, hình như của báo QDND, chụp về lính biên cương !

Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
thai60
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 833


« Trả lời #211 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2013, 08:50:03 am »

                          Chào các bác và anh em.
     
      Xin cám ơn bác huong 76 ngay từ lúc đêm khuya đã có bài thơ đầy tình cảm chia sẻ ,đòng cảm với thai60.
      Xin cảm ơn bác hagiangnho đã kịp thời động viên anh em đồng đội CCB tiếp tục chiến đấu cho HG của chúng ta.
      Xin cám ơn các bác và anh em...
Logged
phaphai
Thành viên
*
Bài viết: 330


« Trả lời #212 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2013, 09:11:42 am »

     Xin cám ơn bác huong 76 ngay từ lúc đêm khuya đã có bài thơ đầy tình cảm chia sẻ ,đòng cảm với thai60.

Cũng như bác Thasi60 em rất cảm ơn bài thơ của bác Hương 76!

Chào bác phaphai.Chào các bác và anh em.
  Anh em mình cùng có nhiều công việc giống nhau như thế mà ít giao lưu quá bác phaphai nhỉ.
  Đúng như bác nhận xét,các bao cát màu xanh ấy thực ra là những túi dứa nylon,có kích cỡ khi chưa đựng cát khoảng 40 x 80 cm,nếu đựng cát và phủ lên hầm hào màu đất đỏ thì nguy hiểm vô cùng,cho nên anh em phải dùng đá hộc chèn lên để ngụy trang đi,đồng thời để hạn chế mảnh đạn phá rách.
  Em còn nhớ,khoảng tháng 1/1987,em được phép ra TX Hà giang một hôm,về đến km 6,qua chỗ cứ cũ của đơn vị lấy bộ quần áo dài để mặc ,vì không thể diện cái quần đùi lính rộng thùng thình lại bẩn thỉu để ra phố.Và cũng mong kiếm xem còn cái gì bán được như bánh xà phòng hay cái áo may ô thì lấy mang đi bán.
  Nhưng khi giở hòm ra thì quần áo  đã bị mục hết,trong hòm cũng chẳng có cái gì,mấy ông ốm yếu trông cứ thì còn "yếu "hơn mình,đành phải chấp nhận đi tay không với bộ trang phuc "gợi cảm "như vậy ra TX.
  Nhưng không dám đi như thế qua chỗ mấy ông vệ binh ở km 4 và dốc Mã tim,đành rình một chiếc xe tải chạy từ trong ra,trèo lên thùng,nằm ẹp xuống.Trên thùng xe có một đống bao cát,vậy là em chôm ngay một cuộn,chưa biết để làm gì nhưng cũng cứ lấy.
  Ra đến TX,trời đã tối hẳn,em mò vào Bưu điện TX,xin gọi điện nhờ về nhà.Ở bưu điện Hà giang ngày ấy em có quen một chị tên là Mai làm tổng đài.Biết em đi lính từ Bưu điện Hà sơn bình nên các anh chị ấy cũng thông cảm cho gọi nhờ mấy phút,vì mình không có tiền để ra quầy giao dịch gọi cho đàng hoàng,hơn nữa cũng đã muộn rồi ,quầy giao dịch đã đóng cửa.
  Đêm hôm ấy ,sau khi nói chuyện với bố mẹ ở nhà ,thương các cụ nghèo quá,mình lại đã 27 tuổi rồi mà chưa bao giờ có cái gì biếu bố mẹ và cho em gái còn bé tí cả...thế là em đã gửi cuộn bao cát kia về biếu bố mẹ nhân dịp Têt sắp đến,xuân sắp sang,để mọi người ở nhà cảm nhận được chút hơi hướng và tình cảm của thằng con đang ở nơi chiến trận dành cho quê nhà.
  Và...các bác có biết thế nào không...chị nhân viên Bưu điện kia đã khóc nghẹn ngào khi thấy em lấy giấy báo cẩn thận ,nâng niu bọc lại
 để không bị phát hiện,bị thu mất,...và cũng như để vun vén,gói ghém tất cả những gì mình có...để gửi về.
  Và ...cho đến nửa năm sau,khi em đã xuất ngũ về nhà,có một hôm em đã tìm thấy bó bao cát ấy trong một cái hòm mà bố mẹ em dành để những thứ giấy tờ quan trọng và một số kỷ vật của các cụ....
  Và ...em đã lặng người đi khi thấy những lá thư của em và của em trai em (cũng là lính nhưng thuộc f 355 ở Lào cai ) gửi về đều bị nhòe nhoẹt đi,chắc là do nước mắt của mẹ...(chắc là của mẹ thôi ,vì bố cứng rắn lắm )...
  ....Hơn 11 năm sau...khi thai60 em đã trở về nhà sau bấy nhiêu năm tha hương cầu thực nơi đất khách quê người,bó bao cát kia vẫn còn nằm lặng lẽ trong cái hòm kỷ vật của cha mẹ từ ngày ấy...

Bác kể để lộ trích ngang thì bác với em còn thêm mấy điều chung đấy. Em cũng hy vọng được giao lưu với các bác. Nếu bác và các bác khác ở HN thì rất dễ vì em làm công việc của cty nhà, thời gian chủ động chỉ cần biết trước 2 hay 3 hôm để em không ở tỉnh thì bất kể ngày thường hay thứ 7, chủ nhật cũng đều không thành vấn đề!
Còn lúc ra quân em cũng hơn 27 tuổi vì đi học về mới đi nghĩa vụ.
Nhưng cũng có thời gian khi chỉ mỗi D em vào tăng cường trước thì em cũng hay được về lại Phương Thiện nộp báo cáo (với E lúc ấy vẫn đóng ở dưới đấy). Chỉ có tóc thì không cắt, còn trong ba lô luôn có 1 cái quần dài, gần đến cây số 4 mới xỏ vào lồng qua cái quần đùi quanh năm ấy. Hồi đó em rất sợ bị thương nên trong túi áo luôn có quả cầu bi, lúc đó chỉ nghĩ nếu cụt chân, tay hay đui mắt thì... cho thôi. Mà vệ binh cây số 4 lúc đó khám xét rất gắt đám lính trên kia về. Thu được quả cầu của em họ dọa phạt giam, em bảo: chỉ cần gửi giấy về đv là được. Nhưng chẳng bao giờ bị họ giữ cả!
Còn những chuyện kể để cười ra nước mắt thì nhiều lắm. Thực ra hồi đó chỉ là lính thường, nhưng em lại cảm thông với các anh sỹ quan. Họ còn hoàn cảnh hơn tụi lính trơn rất nhiều. Trước khi đơn vị từ BQ lên HG, em được cử về HN mua VPP, nhưng thực ra là để về nhà các anh sỹ quan của D (sỹ quan lúc ấy coi như bị cấm trại, về HN xong em đi các tỉnh, nên chỉ ở nhà có 1 hay 2 hôm)!
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Bảy, 2013, 07:38:35 pm gửi bởi phaphai » Logged
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #213 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2013, 09:28:11 am »

   Từ sáng đến giờ em nghiên cứu mãi bài của bác Thai 60 và những vần thơ đầy cảm xúc trong khoảng khắc của bác huong 76 họa. Nghĩ mà ngậm ngùi cho phận lính chiến của các bác !

   Em xin bài của cả hai bác  đưa về diễn đàn Tuyên quang - Hà giang cho các cháu nó đọc để biết một thời của các cha chú nhé !
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
nguyen dinh thang
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1532



« Trả lời #214 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2013, 10:19:52 am »

Đọc bài của bác Thái 60 em nghẹn ngào và nhớ lại hồi đầu năm 86 em cũng được về tranh thủ. Bạn bè em vừa được lĩnh đường nên đã dồn hết cho em mang về làm quà gần một ba lô là đường. Mà hồi đấy là đường gì mà nó cứ vàng vàng chứ không trắng như bây giờ. Ngẫm lại là em hơn bác rồi vì hồi đó đơn vị em đã về cầu Ngần đóng quân ở đó, bác cho em xin bài cảu bác nhé, cả bài thơ của bác Hương và bác Laosan để em cho các em các cháu thế hệ sau thấy được tình cảm của những người lính thời xưa đối với gia đình khi đất nước còn nhiều gian khó.
Logged

Tụi mình sinh ra vào thời trận mạc

Nên núi rừng bè bạn có sao đâu

Nên sương gió tụi mình dãi dầu

Mặc áo lính phải sống cho ra....... là lính.
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #215 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2013, 10:24:27 am »

Hồi ức của những thương binh về cuộc chiến tranh biên giới

SGTT.VN - Cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc từ năm 1979 tuy đi qua đã lâu, nhưng ở quê tôi – một vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội xưa – nay đã thành phố, phường (phường Việt Hưng, quận Long Biên), những dấu vết, nỗi đau của cuộc chiến ấy vẫn luôn được thấy, ở đâu đó, trên những bước đi khập khễnh, những đôi nạng gỗ… của những người thương binh trở về từ vùng biên giới Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng…




Bộ đội biên phòng tuần tra biên giới Việt – Trung. Ảnh: tienphong.vn

Từ cuộc chiến năm xưa…

Khi chiến tranh biên giới nổ ra, tôi mới năm tuổi, chưa hiểu được những gì diễn ra. Mãi cho đến những năm 1983 – 1984, tôi mới bắt đầu hiểu lờ mờ thế nào là chiến tranh khi tận mắt đã thấy, hàng ngày, hàng đoàn tàu, hàng đoàn xe nối nhau chở pháo, xe tăng… rầm rập theo đường sắt, đường bộ từ Hải Phòng, qua cầu Chui, ngược lên phía Bắc; các loại máy bay chiến đấu, máy bay phản lực luyện tập, đuổi nhau gầm rít đinh tai, nhức óc suốt ngày từ sân bay quân sự Gia Lâm – cách nhà chỉ khoảng 700m.

Lúc đó, thanh niên cả thủ đô và vùng ngoại thành Hà Nội được gọi lính để đi huấn luyện, chiến đấu trên các mặt trận: Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn rất nhiều. Xã tôi cũng thế, thanh niên được động viên, nô nức đi tòng quân. Cứ mỗi đợt như vậy, chúng tôi ai có người nhà đi lính, cũng được đi theo đưa tiễn. Rất bùi ngùi, bịn rịn. Nhưng, một hai năm sau, có khi chỉ 5 – 6 tháng, đã thấy có những ông anh trẻ trung, vui vẻ trong làng khi ra đi phấn khởi thế nào, bây giờ đã trở về đầy trên cáng thương hoặc đôi nạng gỗ…

Cho đến ngày hôm nay, nhiều người thương binh mà tôi còn biết, còn nhớ tên từ thời đó vẫn còn sống trong làng (nay gọi là tổ 3 – tổ 4 của phường Việt Hưng, Long Biên). Cuộc sống của họ cũng đã thay đổi rất nhiều theo quá trình đô thị hoá. Nhưng, ký ức chiến tranh, đối với những người không may mắn trong cuộc chiến ấy, dường như vẫn chưa mấy phai mờ.

Cách nhà cũ của tôi không xa, là nhà anh Lương Văn Liên, thương binh hạng 2/4, bị mất hơn nửa bàn chân trong trận đánh chiếm lại cao điểm 300 gần khu vực cửa khẩu Thanh Thuỷ – Hà Giang vào tháng 6.1984 – nơi cũng được mệnh danh là một “cối xay thịt” bởi quân của hai bên nướng vào đây, chết, bị thương rất nhiều. Điểm cao này bị một đơn vị quân đội Trung Quốc chiếm giữ nhiều ngày và bị đơn vị của anh Liên (thuộc trung đoàn 141 tăng cường cho sư đoàn 356 tại Hà Giang) đánh bật ra trong vòng chưa đến nửa ngày.

Hồi tưởng lại trận đánh này, anh Liên nói: “Trước trận này, đơn vị chúng tôi đóng quân ở Tràng Định – Lạng Sơn, sau tăng cường sang cho mặt trận ở khu vực Thanh Thủy – Hà Giang. Lúc chiếm lại cao điểm 300, hầu như không tổn thất mấy về người, nhưng sau đó, bên Trung Quốc dập pháo trở lại rất mạnh thì thương vong nhiều. Tôi bị trúng một mảnh đạn pháo, ngất đi. Tỉnh dậy vẫn còn trên núi, người máu me đầm đìa do còn chưa kịp được bông băng đầy đủ. Ngớt trận pháo, tôi được đưa về tuyến dưới để điều trị”.

Liên bị thương khá nặng, anh không chỉ mất nửa bàn chân, mà cả cơ thể, bị dính rất nhiều mảnh đạn, phải qua phẫu thuật, điều trị nhiều lần, có lúc tưởng chết. Mấy năm sau, anh mới lành bệnh và được xuất ngũ, bố trí làm công nhân ở xưởng may Thương binh 875 gần nhà. Hơn mười năm trước, xưởng may cũng bị thua lỗ, phá sản, anh về nhà, giúp vợ đi mua heo, mổ thịt, bán ở chợ trong làng.

Gần nhà anh Liên, có một người khác mà tôi cũng đã quen biết khi còn nhỏ – anh Âu Văn Lừng, thương binh hạng 3/4. Anh Lừng đi lính năm 1984, thuộc trung đoàn 567, sư đoàn 322, đóng quân tại Cao Bằng, sau cũng tăng cường sang mặt trận Hà Giang. Anh bị thương khá nặng trong trận đánh diễn ra ngày 31.5.1985, chiếm lại đỉnh 6B. Cũng giống như trường hợp anh Liên, anh Lừng nói: “Thực ra đánh thì rất nhanh, chúng tôi ém quân từ 5 giờ sáng, có lực lượng đặc nhiệm hỗ trợ, nên chỉ chưa đầy một tiếng lấy lại được. Nhưng kiểu như bên kia họ cay cú vì đợt đó, mình chiếm lại hầu hết các điểm cao, nên hàng tuần sau, đạn pháo bắn rất nhiều; bắn dày đặc từ Thanh Thuỷ đến Yên Minh. Chỗ tôi đóng quân cũng bị bắn phá ác liệt, nên cả mấy tháng, nép trong khe đá tránh đạn, người ngợm bẩn thỉu, tóc không cắt được, trông ai cũng như thổ phỉ. Nhiều tuần cơm chẳng có mà ăn, toàn ăn đồ hộp, hoặc vớ được cái gì ăn cái đó”.

Anh Lừng cũng bị mảnh đạn pháo làm hư hại cả hai mắt, đến nay, chỉ còn nhìn thấy lờ mờ và bị găm nhiều mảnh vào phần mềm. Sau khi được đưa xuống tuyến dưới điều trị một thời gian, năm 1986, anh được phục viên về làng.

… Đến ngày trở về hôm nay

Cho đến nay, cũng như anh Liên, anh Lừng có một cuộc sống khá bình dị: thầu một ao cá nhỏ, giúp việc cho vợ đi chợ làng. Hai người có một cô con gái còn nhỏ, sống trong một căn nhà cấp 4. Hàng tháng lĩnh trợ cấp thương binh khoảng 1,5 triệu đồng. Những ngày như 27.7 này, có thêm độ 1,2 triệu đồng và quà cáp khác do thành phố, lãnh đạo quận, phường… trao tặng.

Kém may mắn hơn anh Liên, anh Lừng, anh Âu Xuân Long, thương binh bậc 4 bị dính đạn ngay trong trận đánh đầu tiên do phía Trung Quốc đơn phương tấn công vào thị xã Lạng Sơn tháng 2.1979. Không may nữa là anh bị bắt làm tù binh, đưa sang bên kia biên giới và sau này được trao trả lại cho phía Việt Nam. Hôm qua (25.7), khi tôi đến thăm, anh không có ở nhà. Vợ anh cho biết hàng ngày, anh vẫn đi làm thêm về xây dựng cho nhà này, nhà kia, nhưng càng về già, nhất là những hôm trái nắng, trở trời, anh trở nên rất khó tính do những mảnh đạn còn trong đầu gây đau nhức và buốt.

Một người cậu của tôi – ông Âu Xuân Tuyến cũng bị thương khá nặng trong một trận đánh ở mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang năm 1985. Cậu tôi mất mấy ngón tay trái, nhưng tệ hại hơn là bị sức ép quá mạnh và nhiều mảnh đạn pháo găm vào người gây nhiều di chứng sau này. Hơn mười năm trước, nhờ ai đó mai mối, cậu tôi lấy vợ, nhưng chỉ đúng một ngày sau, cô vợ mới cưới đã bỏ cậu tôi đi mất vì chỉ qua đêm tân hôn, cô này nhận ra người chồng của mình rất không bình thường.

Vâng, quê cũ của tôi như vậy đó. Có rất nhiều thanh niên đã lên đường nhập ngũ, tham gia bảo vệ tổ quốc thời chiến tranh biên giới phía Bắc. Một số người đã nằm lại, có người không tìm thấy xác ở các mặt trận Hà Giang, Lạng Sơn.

Nhưng cũng có nhiều người trở về với những vết thương khó lành, những vết thương còn gây đau đớn, tiếp tục cuộc sống nghèo, bình dị từ đó đến nay. Họ vẫn được sống dựa một phần vào tiền trợ cấp của Nhà nước, tuỳ theo mức độ thương tật; vẫn được thăm hỏi, trao quà, động viên vào ngày lễ, tết, ngày 27.7 và họ rất ít phàn nàn. Nhưng một điều rõ ràng là những cựu binh ấy vẫn rất quan tâm đến thời cuộc. Họ vẫn quan tâm đọc báo, nghe đài, để nghe và phẫn nộ về những câu chuyện đang diễn ra trên Biển Đông, ở những vùng biển Trường Sa – Hoàng Sa…

http://sgtt.vn/Thoi-su/181803/Hoi-uc-cua-nhung-thuong-binh-ve-cuoc-chien-tranh-bien-gioi.html
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
tai_lienson
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1231


« Trả lời #216 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2013, 10:53:16 am »

 
  Các anh không về-Nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ,nhớ đồng đội ta còn đang nằm lại nơi chiến trường xa


   Liệt sỹ E 122-F313

   Liệt sỹ E 818-F314

   Liệt sỹ E 457-F313

   Liệt sỹ E 153-F356

   Liệt sỹ E 866-F31

   Liệt sỹ E14
    Tháng 7 tháng Tri ân , Ngày mai là 27/7 Nhớ về Vị xuyên -nơi  các liệt sỹ của các đơn vị khác nhau đã nằm lại .riêng  Trung đoàn  866 F31 có hơn 200 người đã ngã xuống nơi  đây
       Trong đó có Đặng Văn Ngữ bạn tôi
           Ngữ nhập ngũ năm 1976 vốn trước ở quân đoàn 1 rồi đi học sỹ quan lục quân 1 . Là trung úy  đại đội phó  ở quân đoàn 1 bổ sung về c7 D2  E866 quân đoàn 3 làm C phó . lúc này tôi đang là ctr C6 .Tiểu đoàn ở tập trung tại Tràng xá võ nhai ,C tôi và c của Ngữ cách  nhau độ 10 mét .Có ấm trà điếu thuốc chúng  tôi  đều gọi nhau  . Rồi Ngữ và tôi cúng đi tập huấn để diễu binh kỷ niệm 40 năm quốc khánh tại Hà nội . Đang tập dở tôi về đơn vị . còn Ngữ hoàn thành đợt diễu binh nhận thượng úy và đơn vị chuẩn bi đi chiến đấu .
     C7 chốt giữ H1, H2,H3 . Ngữ cùng  3 lính bộ binh ,1 thông tin , một số trinh sát ,vận tả, i khoảng 7-8 người giữ điểm H3  . Nguyên  Đơn vị của F 313 lại là D8 của F31 trước đây là  chỗ quen biết nên khi thay chốt  C tr Ninh cho sỹ quan của F 313  ra luôn không ở cùng đơn vị mới vài ngày như thường lệ. Chủ quan  ,lính hoàn toàn mới nên chỉ vài tiếng đồng hồ nhận chốt rạng sáng ngày 2/12/1985 chốt    bị thám báo Trung quốc  tập kích .Ngữ cùng 1 số anh nữa  hy sinh và ta bị  mất H3
      Ngữ hy sinh được vài ngày thì người yêu của Ngữ là một cô thợ dệt gửi thư  lên bàn chuyện ngày cưới . anh em đọc không cầm được nước mắt .
   Từ ngày đó chúng tôi nghĩ là không lấy được xác Ngữ ?? Nay có mộ chí của anh, thật diệu kỳ . Có thật không  Ngữ ơi!!!!! Ngữ đã được về nằm cùng các đồng đội? Ngữ đã không còn lạnh lẽo trong hang đá ?? Ngữ ơi! Mấy chục  năm qua anh em tôi cứ nghĩ Ngữ là người Từ Liêm hóa ra là người Láng thượng . Ngữ ơi sống khôn chết thiêng hãy  phù hộ cho đất nước vạn đại bình yên
    Cảm ơn Lão san@ . Tôi sẽ thông  báo tin này cho mọi người .
  Nhờ các bác có ai vào nghĩa trang Vị Xuyên hãy thắp hộ cho cac  cựu binh E 866 chúng tôi những nén nhang tưởng nhớ  các liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược . Cầu cho linh hồn các anh  siêu thoát ...Đồng đội ơi ...

 .
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Bảy, 2013, 11:11:03 am gửi bởi tai_lienson » Logged

Lính trung đoàn tình nguyện quân 866 - qua những miền tây - (một khẩu súng giữ đất trời ba nước, một dấu chân in khắp nẻo Đông Dương)
nguyenduonghgg
Thành viên
*
Bài viết: 82


« Trả lời #217 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2013, 11:14:09 am »

   Chào tất cả các bác, chú CCB, các thành viên.
 Qua nhiều nguồn thông tin cháu đăng mấy dòng này trong diễn đàn này với hy vọng đây là nơi các CCB thường hay trao đổi nên có thể giúp đỡ bạn cháu cũng như cháu. Phần nào đó nếu đạt được sẽ là món quà vô giá đối với gia đình bạn cháu.
Cháu có người bạn có Bố cũng chiến đấu và hy sinh tại chiến trường Vị Xuyên vào năm 1981, bạn cháu cũng đã lên Hà Giang, vào nghĩa trang Vị Xuyên, Cháu cũng đã liên hệ với 313 Hà Giang (hiện đóng tại Thanh Thủy nhưng 313 này không phải Sư 313 trước kia) nhưng không tìm được vì nhiều lý do khác nhau. Nếu các Bác, chú và các thành viên ai có thông tin gì về Liệt sỹ này thì liên hệ với cháu nhé: nguyenduonghgg@gmail.com.
   Tên của Liệt Sỹ là:
       Nguyễn Văn Chuyên, sinh năm 1954, quê quán Hoằng Hóa - Thanh Hóa, Mất ngày 07/05/1981 tại Xã Lao Chải, Vị Xuyên. Chức vụ: Thiếu úy - Trung đội trưởng, Trung đoàn 14, đại đội 12, tiểu đoàn 9, Sư đoàn 313. Chôn tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Lao Chải. Người ký Giấy báo tử (Số 74 M/CSKý hiệu Y42427) là Thiếu tá Nguyễn Văn Vinh (ký ngày 05/10/1982).
   Rất mong mọi người giúp đỡ
Logged
hong c9d3e866
Thành viên
*
Bài viết: 703


« Trả lời #218 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2013, 11:59:14 am »

  Mấy hôm nay báo điện tử NLĐ liên tiếp đăng bài về những người lính đã hy sinh tại mặt trận và những cựu binh tham gia bảo vệ Tổ quốc sau ngày 17/2/1979. Cám ơn các nhà báo lắm lắm, sẽ có nhiều người biết thêm về những người lính đã ngã xuống những năm ấy, để nhớ và biết ơn họ.
  Nhân ngày 27/7 xin chúc các gia đình thân nhân liệt sĩ, thương, bệnh binh và CCB mạnh khỏe, may mắn
Logged
daccong-tinhnhue
Thành viên
*
Bài viết: 800


« Trả lời #219 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2013, 05:02:47 pm »

Nhân ngày Thương binh -Liệt sĩ .Sưu tầm được bài này trên FC
Ca Dao Viet Nam

TRI ÂN
(Viết cho ngày 27/7/2013)

Quảng Trị thành cổ hôm nào
Bom lửa khốc liệt, máu trào đỏ sông
Thạch Hãn ngày đó nhớ không
Nơi yên nghỉ của bao đồng đội tôi...

Tri ân để nhớ một thời
Hôm nay gặp lại những người chiến binh
Gian khổ nhận lấy phần mình
Luôn đặt Tổ quốc quang vinh lên đầu...

Vết thương dù có nông sâu
Người còn một mắt, kẻ đau nửa mình
Và bao đồng đội hi sinh
Chẳng kịp để lại tấm hình chân dung...

Hôm nay ta lại được cùng
Hòa vang câu hát hào hùng chiến chinh
Tiến lên giành lấy hòa bình
Cho Tổ quốc, quê hương mình... Việt Nam...

(Trân trọng nhờ Kim Tiến chuyển tới
những người Anh hùng Thành cổ dự Đêm nhạc “Bản tình ca người lính”! Chúc các Anh và gia đình luôn vui khỏe
Một số gương mặt của chiến sĩ Anh hùng trong chiến dịch Quảng Trị 1972
Nguồn & foto ở đây.
https://www.facebook.com/ca.daovietnam?hc_location=timeline
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Bảy, 2013, 05:10:20 pm gửi bởi daccong-tinhnhue » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM