Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thảo luận Lịch sử bảo vệ Tổ quốc => Quyết tử cho Tổ quốc... => Tác giả chủ đề:: Red_army_vn trong 07 Tháng Mười, 2007, 04:59:29 pm



Tiêu đề: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: Red_army_vn trong 07 Tháng Mười, 2007, 04:59:29 pm
Trước đâu chủ đề này đã được em Post ở bên TTVNOL rồi, hy vọng tái xuất sẽ gặt hái được nhiều thông tin hơn.

Theo em biết , trong kháng chiến chống Pháp , giai đoạn 1946-1954 của dân tộc ta , có khá nhiều chiến sĩ Quốc tế sát cánh cùng chúng ta trong cuộc chiến chính nghĩa này , họ đã đứng trong đội hình Quân đội nhân dân Việt Nam . Họ là những người lính lê dương thuộc quân đội Pháp với nhiều quốc tịch : Pháp , Đức , Maroc ,...hay lính Nhật bỏ ngũ , ...
Em rất muốn biết về những con người này , chế độ đãi ngộ " hậu chiến " của chúng ta , cuộc sống của họ khi về nước , quân hàm của họ trong Quân đội nhân dân , ....dù chỉ qua câu chuyện về một (vài) cá nhân thôi cũng được .
Mong các bác !
Em hiện biết khá chung chung qua một vài nhân vật họ có thể là : người Pháp là tù binh sau đó được giác ngộ hay là lính phản chiến ; một số người Đức là lính trong quân đội Hitle sau khi thua trận phải lựa chọn gia nhập quân viễn chinh để tránh đi cải tạo ( hình như thế ) ; có anh lính người Bỉ là tham gia quân đội chống phát xít của Pháp , sau 1945 cũng bị đưa sang Việt Nam ; hình như lính Nhật cũng khá đông , khi quân Đồng minh vào giải giáp thì họ bỏ theo Việt Minh chống Pháp ;...
Trong quân đội ta , họ có thể đảm nhận nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu , huấn luyện hay công tác địch vận . Dù những đóng góp ấy không phải quá lớn hay quyết định những cũng rất đáng trân trọng .


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: Red_army_vn trong 07 Tháng Mười, 2007, 05:01:42 pm
Những người Đức tham gia kháng chiến ở Việt Nam


Theo sáng kiến của Viện Goethe tại Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam vừa tổ chức một cuộc tọa đàm với sự có mặt của nhiều nhân chứng Việt Nam từng tham gia công tác địch vận trong kháng chiến , một số nhà sử học Việt Nam và Đức, thân nhân một số người Đức đã có mặt trong kháng chiến ở Việt Nam, dưới chủ đề "Những người châu Âu tham gia hàng ngũ kháng chiến Việt Nam".

Trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (1945- 1954), chúng ta đã tiếp nhận vào hàng ngũ của mình một số chiến sĩ tình nguyện người Nhật Bản, người châu Âu và châu Phi. Họ đến bằng nhiều con đường và vì nhiều lý do khác nhau, nhưng tất cả đều chán ghét cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và không muốn cầm súng chống lại nhân dân Việt Nam. Vấn đề này đến nay vẫn chưa được các nhà sử học Việt Nam quan tâm, trong khi đó các tài liệu chủ yếu lại đến từ các học giả nước ngoài.

Hội thảo "Những người châu Âu tham gia hàng ngũ kháng chiến Việt Nam" đã giúp cho giới sử học tiếp cận tài liệu của một thời đã qua.

Mở đầu cuộc tọa đàm, Tiến sĩ Heintz Schutte trình bày nghiên cứu về quá trình đưa đến sự gia nhập hàng ngũ Việt Minh của ba trí thức nói tiếng Đức, được coi là tiêu biểu và được các sách báo Pháp và Đức nói đến nhiều nhất. Đó là Rudy Schroder, Erwin Borchers (Đức), và Ernst Frey (người Áo gốc Do Thái). Cả ba đều sinh khoảng năm 1910, đã rời khỏi nước Đức và Áo năm 1933 khi phát- xít lên cầm quyền. Họ đã tốt nghiệp đại học và gia nhập Đảng Cộng sản hay hoạt động trong đoàn thanh niên Cộng sản. Họ phải vất vả lắm mới kiếm được việc làm ở Pháp. Khi chiến tranh Pháp - Đức bùng nổ năm 1939, tất cả đều bị đưa vào trại tập trung của Pháp và sẽ bị cầm tù cho đến hết chiến tranh. Vì vậy một số lớn đã chọn con đường gia nhập đội quân lê dương Pháp để "chiến đấu chống phát-xít". Từ 1939 đến 1940 con số đăng lính lên đến trên 3.500 người. Đến tháng 6-1940, Pháp thất trận. Đầu 1940, Đức yêu cầu Pháp trao lại tất cả những người lê dương Đức cho mình. Tuy nhiên, viên tướng chỉ huy quân Pháp ở Bắc Phi lại muốn cứu những người không muốn trở về với chính phủ quốc xã vì có nguy cơ bị trừng trị. Vì vậy, có khoảng 100 người Đức được điều sang Đông Dương trước khi lệnh trục xuất có hiệu lực.

Số phận đưa Schroder, Borchers và Frey đến Việt Nam vào giữa năm 1941. Cùng năm đó Schroder và Borchers và một số người khác đã lập chi bộ Cộng sản trong đơn vị lê dương đóng ở Việt Trì. Họ đã nhìn thấy vai trò của Pháp ở Đông Dương và bất bình trước thái độ hống hách của quân đội Pháp đối với người bản xứ tìm cách tiếp xúc với những người cách mạng Việt Nam. Tháng 11-1943, thông qua đảng viên xã hội Pháp Louis Caput, Frey đã tiếp xúc với một cán bộ cao cấp Việt Minh ở gần Nhà đấu xảo Hà Nội. Ít lâu sau Borchers được gặp Tổng Bí thư Trường Chinh giữa một cánh đồng thuộc tỉnh Bắc Ninh (khi đó đồng chí Trường Chinh đã cải trang và không xưng danh tính). Theo một số nhân chứng thì đầu mùa hè 1944, tiểu tổ cộng sản của lê dương Đức được những người cách mạng Việt Nam chấp nhận.

Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, binh sĩ Pháp bị Nhật bắt sau đảo chính tháng 3- 1945 được trả tự do. Nhưng ba người lính lê dương Đức không muốn ở lại với quân Pháp mà tìm cách chạy sang hàng ngũ Việt Minh. Frey còn rủ thêm hai người bạn là Walter Ullrich và Georges Wachter. Họ tìm đến tòa soạn báo Cờ Giải phóng, được đồng chí Trường Chinh bảo lãnh và trực tiếp phân công việc cho từng người. Walter Ullrich ở trong quân đội lấy tên Hồ Chí Long, Georges Wachter vốn là kỹ sư được đưa vào quân giới trở thành Hồ Chí Thọ. Schroder lấy tên Lê Đức Nhân làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Frey trở thành Nguyễn Dân phụ trách huấn luyện quân sự và Borchers tức Chiến Sĩ làm báo địch vận và từ 1951 phụ trách giáo dục tù binh Đức.

Giữa năm 1946, Lê Đức Nhân, Nguyễn Dân và Chiến Sĩ đã cùng tham gia xuất bản tờ báo tiếng Pháp Le Peuple (Nhân dân) để tuyên truyền trong hàng ngũ quân Pháp mới sang chiếm đóng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi những người nước ngoài gia nhập hàng ngũ cách mạng là "Việt Nam mới". Trong nhật ký, Frey cũng viết rằng "Cả ba người chúng tôi đều coi Việt Nam là tương lai của mình, thực sự Việt Nam đã trở thành đất nước của chúng tôi".

Báo cáo của ông Schutte đã được các nhân chứng tham gia tọa đàm thảo luận và bổ sung. Chúng ta được biết thêm những người tình nguyện khác đã đến với Việt Nam bằng những con đường khác mà tên gọi "hàng binh" không diễn tả được đúng như tên gọi tiếng Pháp là "rallié". Vì họ đâu có phải chỉ là những hàng binh, còn về phía quân đội Pháp thì họ là những người "đào ngũ". Đó là trường hợp của Georges Boudarel, một trí thức Pháp, đảng viên Cộng sản, đã sang dạy học ở Sài Gòn năm 1946 rồi trốn ra bưng biền trước khi trở thành cán bộ giáo dục chính trị trong trại tù binh ở Việt Bắc.

Ông Lưu Văn Lợi, nguyên Trưởng phòng địch vận trong quân đội thời kháng chiến đã bổ sung thêm về vai trò của Borchers (Chiến Sĩ) trong việc làm trung gian qua sự tiếp xúc với một đảng viên xã hội Pháp (SFIO) là Louis Caput để tổ chức cuộc gặp gỡ giữa Tổng Bí thư Trường Chinh với những người Pháp phái De Gaulle là Thiếu tá hậu cần Auriol, Thiếu tá quân y Seyberlich thay mặt tướng Mordant vào cuối tháng 12- 1944, để bàn về việc hợp tác giữa những người Pháp chống phát-xít với Việt Minh. Nhưng cuộc tiếp xúc đó không đi đến kết quả. Ông Lê Vân, nguyên Phó giám đốc chiêu đãi sở hàng binh Âu - Phi còn kể lại việc thành lập đội commando mang tên William Tell để làm công tác tuyên truyền vũ trang. Đội gồm chừng 40 người đa số là người Đức và một trung đội người Việt, đã lập được nhiều chiến công ở Lạng Sơn và Cao Bằng.

Ông Hữu Ngọc kể lại những kỷ niệm trong thời gian làm báo địch vận với những người Đức như Chiến Sĩ, Lê Đức Nhân... phải nói rằng trong những năm đầu kháng chiến, đóng góp của những người tình nguyện nước ngoài là đáng kể. Chúng ta đã thật sự tin tưởng họ mạnh dạn giao những công việc quan trọng. Frey được phong hàm Đại tá, phụ trách an ninh an toàn khu, là nơi có các cơ quan tham mưu của quân đội Việt Nam tại vùng giáp ranh giữa Thái Nguyên và Tuyên Quang.

Sự có mặt của bà Maria Schroder đã cung cấp thêm những tài liệu về thân phận những hàng binh Đức sau khi trở về nước (CHDC Đức). Phải thừa nhận rằng sau khi những hàng binh châu Âu rời khỏi Việt Nam từ năm 1951 trở đi, vì nhiều lý do, chúng ta ít có liên hệ với họ. Khi trở về nước không phải ai cũng suôn sẻ, vì với quá khứ tham gia đội quân lê dương, họ không dễ dàng tìm được việc làm thích hợp và không ít trường hợp bị phân biệt đối xử. Việc thiếu sự động viên từ phía Việt Nam cũng làm cho họ mang mặc cảm bị bỏ rơi . Những câu chuyện xúc động do bà Maria dẫn lại trong nhật ký của Lê Đức Nhân đã gợi lại cho những người tham dự nhiều suy nghĩ.

Cuộc tọa đàm đã tạo cơ hội cho giới sử học Việt Nam tiếp cận lại những vấn đề có một thời đã bị lãng quên. Mong rằng các nhà sử học Đức và Việt Nam sẽ có dịp hợp tác chặt chẽ hơn để tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến lịch sử của hai nước.
( Đào Hùng )


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: Red_army_vn trong 07 Tháng Mười, 2007, 05:06:31 pm
Ở bài báo trên Hà Nội Mới mà em đã đưa lên phía trên , chúng ta đã biết tới tên những người Đức tiêu biểu nhất đứng trong hàng ngũ Việt Minh là :
Ernst Frey Nguyễn Dân
Rudy Schroder Lê Đức Nhân
Erwin Borchers Chiến Sĩ
Walter Ullrich Hồ Chí Long
Georges Wachter Hồ Chí Thọ
Dưới đây là bài tham luận của Heinz Schütte về những con người ấy . Trong bài viết này em thấy nó có rất nhiều thông tin rất giá trị . Tuy vậy , đó cũng là cái nhìn riêng của tác giả đứng ở góc độ của mình .

Những tiến sĩ Đức trong Việt Minh[1]


Heinz Schütte


Để tưởng nhớ Georges Boudarel,[2]
từ trần ngày 26-12-2003


I – Những trang sử chung

Nói tới những trí thức thuộc những nước sử dụng tiếng Đức đã đi theo Việt Minh, là đụng tới lịch sử Việt Nam giai đoạn 1941-1966, và đụng tới cả lịch sử Pháp, Áo và Đức từ năm 1933 đến nay. Đó là những trang sử chung của chúng ta, nên đó cũng là đề tài chúng ta gặp nhau. Cuộc hội thảo này có mục đích soi rọi một chương đoạn còn ít được biết. Về phần tôi, chỉ có thể làm công việc truy tìm những tư liệu và từ đó, dựng lại những sự kiện. Nhưng chứng từ của những người đã quen biết họ, làm việc với họ cũng rất quý báu và đáng hoan nghênh.

Tôi đã may mắn tìm ra những tư liệu, đôi khi cả những phông tư liệu trong thư khố của Cộng hoà Dân chủ Đức cũ (CHDCĐ), của Pháp, dưới hầm một ngôi nhà nông thôn không xa thành phố Frankfurt trên sông Main, hay trong một căn phòng chứa vật dụng phế thải ở Paris, hoặc nhờ một bà cụ già ở Vienna. Phải nói là trong các cuộc kiếm tìm năm 2003, đôi khi tôi có cảm giác mình đang làm sống lại những con người đã bị người ta bỏ quên, bỏ quên vì chuyện của họ “có vấn đề”. Trên mỗi trang tư liệu, trong mỗi cuộc hỏi chuyện, tôi khám phá ra một nét mới trong cuộc đời của họ. Chúng ta hãy cùng nhau bù đắp sự quên lãng ấy, dù rằng đối với những ai đã quen biết và thương mến họ, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng suôn sẻ.


II – Một vấn đề có lợi cho CHDCĐ


Trước khi đi theo trình tự thời gian và phác hoạ lại một vài hành trình tiêu biểu, tôi muốn nói qua về việc hồi hương của các hàng binh dưới góc độ chính trị CHDCĐ :

 Ngày 20.2.1950, Erich Honecker, lúc đó là chủ tịch Phong trào Thanh niên Đức (FDJ), đã ra tuyên bố kêu gọi “những người lính Đức đang ở Việt Nam trong hàng ngũ đội quân Lê Dương”.  Vì sự tham gia Lê Dương của họ “đi ngược lại tiền đồ và danh dự của dân tộc ta”, ông kêu gọi hãy đứng sang “phe cách mạng Việt Nam hiện nay đã có nhiều người lính Lê Dương cũ người Đức tham gia”.  Honecker hứa là người nào trở về CHDCĐ sẽ được ân xá và tạo công ăn việc làm [3].  Bốn tháng sau, chủ tịch CHDCĐ Wilhelm Pieck nhận được thư của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cho biết “có nhiều binh lính Đức hiện đang là tù binh của Giải phóng quân Việt Nam”.  Vấn đề này được coi là rất quan trọng, Pieck đã báo cáo trước Bộ chính trị vì “nếu chúng ta đưa được một số (những người này) về nước, thì là một điều... quá hay cho công tác tuyên truyền sang Tây Đức” [4].  Và khi chuyến đầu tiên chở lính Lê Dương cũ sắp về tới Đức, tổng bí thư Đảng xã hội thống nhất (SED) Walter Ulbricht đã chỉ thị “phát động một chiến dịch tuyên truyền chống chính sách tái võ trang Tây Đức, thông qua những cuộc phỏng vấn, những chương trình phát thanh và phổ biến hình ảnh” [5].  Qua việc này, ta thấy rằng, ngay từ đầu, các hàng binh người Đức đã được sử dụng trong cuộc đấu tranh chính trị và tư tưởng của CHDCĐ...

 Cho nên sau đó Bộ an ninh CHDCĐ (Stasi) được chỉ thị “kiểm soát thường xuyên” những người trở về: đọc thư, theo dõi... Bộ an ninh đòi hàng tháng phải báo cáo về công tác, sinh hoạt xã hội, đạo đức và thái độ chính trị của mỗi người, và nhất là về các mối liên hệ của họ với “phương Tây” [6].  Bởi vì, cho dù họ tham gia phong trào chống thực dân của Việt Minh đi nữa, “đạo quân Lê Dương, những tội ác mà lính Lê Dương reo rắc... ở các nước thuộc địa tạo ra những điều kiện thuận lợi để các lực lượng phản động Pháp có thể lợi dụng khai thác những phần tử yếu đuối, dễ dao động nhằm phục vụ mục đích của đế quốc” [7]. Chủ trương này được áp dụng đối với những thanh niên gia nhập Lê Dương sau Đại chiến Thế giới lần thứ hai, và cả những người đấu tranh chống phát xít từ thập niên 1930.  Và CHDCĐ đã gài một số người hồi hương vào các cơ quan đại diện của Pháp ở Berlin.

Những năm 1949-1950 , trong những vùng Việt Minh kiểm soát, xì xào tin đồn là đã xảy ra (và rất có thể đã có xảy ra) một cuộc nổi loạn của lính Âu châu đào ngũ. Đó là những người đã nghe theo tiếng gọi của Erwin Borscher, tức Chiến Sỹ, tổng biên tập những tờ báo tuyên truyền địch vận.

Ngày 6.8.1950, cũng ở Việt Bắc, một người Đức khác, Rudy Schröder (mà người Việt Nam quen biết dưới cái tên Lê Đức Nhân), được ông bạn Trần Văn Giàu cho biết “một tỉ số đáng kể” hàng binh Âu-Phi “sắp được đưa về nước”.

Họ là ai ? Thực ra, phải phân biệt hai loại. Thứ nhất là những người sinh ra khoảng năm 1910, sau tháng giêng 1933, đã phải bỏ nước Đức hay nước Áo sang Pháp tị nạn phát xít, đến tháng 9 năm 1939, khi chiến tranh thế giới bùng nổ, Pháp đưa họ vào những trại tập trung, sau đó họ đăng kí vào các đơn vị Lê Dương. Họ được đưa sang Đông Dương và cuối cùng, họ đã gia nhập kháng chiến chống thực dân. Số người này không đông, khoảng một chục, nhưng họ là những người có lí tưởng chính trị, có văn hóa và có học. Những người lính Lê Dương “ngoài khuôn mẫu”.

Loại thứ nhì, cũng là đa số, năm 1945 ở lứa tuổi 17-25, là những thanh niên mất phương hướng sau khi chế độ Đức quốc xã sụp đổ. Vô học, vô gia cư nghề nghiệp, tứ cố vô thân, họ tìm thấy ở đội quân Lê Dương cơ hội giải thoát khỏi cảnh ngộ khốn cùng, một nơi chốn nương tựa. Họ đào ngũ, chạy sang theo Việt Minh vì nhiều lí do khác nhau, trong đó chính trị là lí do ít quan trọng hơn cả. Từ 1946 đến 1954, tổng cộng có 1325 lính Lê Dương đã bỏ ngũ theo Việt Minh, trong đó 673 người bỏ ngũ trong thời gian 1946-48. [9]

Như đã nói trên, chính phủ Việt Nam đã cho binh lính Đức trở về CHDCĐ. Trong số này, có cả tù binh lẫn “hàng binh”.[10] Từ tháng ba 1951 đến cuối năm 1955, tổng cộng có 761 người, đi làm 7 đợt, từ Việt Bắc, qua Bắc Kinh và Moskva, về đến Berlin. Mặt khác, Erich Frey, bí danh Nguyễn Dân, và Georges Walter, bí danh Hồ Chí Thọ, về tới Áo vào tháng năm 1951; cũng năm đó, Rudy Schröder và Walter Ullrich tức Hồ Chí Long về tới Berlin vào tháng 11. Riêng Erwin Borchers còn ở lại Hà Nội đến năm 1965. Dưới đây chủ yếu tôi sẽ nói về Schröder, Frey, và Borchers là ba người đã sống với Việt Minh từ 1945 đến đầu thập niên 1950, để tìm hiểu những động cơ nào đã dẫn họ tới quyết định tham gia kháng chiến Việt Nam, cảnh ngộ của họ lúc ở Việt Nam cũng như khi trở về châu Âu giữa thời kì chiến tranh lạnh.


III – Bối cảnh lịch sử

Peter Scholl-Latour, nhà báo Đức từng tham gia binh chủng nhảy dù của quân đội thực dân Pháp, đã kể lại chuyến đi của ông sang Đông Dương cuối năm 1945, trên một con tầu chở quân mà Pháp mượn được của Anh. Tàu đến Hồng Hải thì “gặp từng đoàn tàu đi ngược chiều, trở về châu Âu, cờ chiến thắng phất phới bay trên cột buồm. Đứng chen chúc trên boong là những cựu chiến binh người Anh từ mặt trận Miến Điện trở về quê hương trong cảnh thanh bình...”. Những binh sĩ Anh hạnh phúc ấy chế nhạo toán chiến binh thuộc địa chậm chân, hét to : “Các cậu đi nhầm chiều rồi”[11]... Đất nước (Pháp, và cả Hà Lan nữa) vừa được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Đức, mà họ lại dấn thân vào con đường ngược chiều lịch sử. Sau khi bị sỉ nhục trong cuộc thế chiến, họ muốn giành lại vinh quang quá vãng ở các nước thuộc địa. Phái hữu cũng như phái tả, kể cả Đảng Cộng Sản lúc đó là đảng lớn nhất ở Pháp, đều nhất trí như vậy. Ý đồ ấy, xét trên bình diện lịch sử, là một hoài vọng, xét trên bình diện đạo lí, là phi nghĩa, nhưng đối với tướng De Gaulle, cần phải làm vậy để tạo dựng nên một huyền thoại quốc gia mới nhằm khắc phục sự chia rẽ trong quá khứ còn gần kề, để xây dựng một khối đoàn kết quốc gia mới, khả dĩ gột rửa quá khứ trong kí ức tập thể dân tộc.

Tháng sáu 1940, nước Pháp đầu hàng Đức. Chính quyền Pháp ở Đông Dương lâm vào thế cô lập, không thể nào chống lại sự bành trướng của Nhật Bản, và từ giữa năm 1941, họ đã hợp tác với Nhật Bản. Hồ Chí Minh và những người lãnh đạo Đảng cộng sản Đông Dương, lúc đó ở Hoa Nam, theo dõi tình hình trong nước và chờ đợi thời cơ Nhật Bản thất bại để Việt Nam có thể được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của ngoại xâm. Tháng năm 1941, họ thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh, tức là Việt Minh, một mặt trận dân tộc cứu quốc, tập hợp mọi thành phần giai cấp, dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản.

Năm 1940, “hàng ngàn người, chiến sĩ cộng hoà Tây Ban Nha vừa thất bại sau cuộc nội chiến, Do Thái Đức tị nạn chế độ Hitler, Ba Lan thất trận sau cuộc Blitzkrieg” đã gia nhập đội quân Lê Dương.[12] Đối với họ, Lê Dương vừa là nơi ẩn náu, vừa là cơ hội tiếp tục cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít Đức-Nhật.

Cũng như quân đội Pháp trong thời kì ấy, các đơn vị Lê Dương chia ra hai phe: một bộ phận nhỏ đứng về phía Kháng chiến, còn đa số quy thuận chế độ Vichy.
Trên mặt tiền ngôi nhà chung cư của tôi ở Quận 10 Paris, có gắn hai tấm cẩm thạch mang tên hai thanh niên kháng chiến đã ngã xuống đây hồi tháng 8 năm 1944. Sau ngày giải phóng Paris, nhiều du kích thuộc FFI (Lực lượng kháng chiến quốc nội) đã hợp thành những trung đoàn để chiến đấu bên cạnh FFL (Lực lượng nước Pháp tự do, dưới quyền lãnh đạo của tướng De Gaulle). Một phần các lực lượng khởi nghĩa này ngả về phe tả, nếu không nói là cộng sản, hăng hái và quyết tâm cải tạo thế giới, không chấp nhận lập lại Nhà nước tư sản. Sau ngày Đức đầu hàng (8 tháng năm 1945), nhiều thanh niên đã đăng kí vào Đạo quân viễn chinh Pháp tại Viễn Đông (CEFEO), tưởng rằng để giải phóng châu Á khỏi ách phát xít Nhật.

Nhật Bản đầu hàng ngày 15 tháng tám 1945. Ngày 2 tháng chín 1945, Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập và thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc (dưới sự lãnh đạo của Việt Minh). Binh sĩ trẻ trong CEFEO, nhất là những thanh niên đã tham gia kháng chiến, bèn được giải thích rằng các phần tử bản xứ cuồng tín chống Pháp, tức là bọn Việt Minh, được quân Nhật bại trận tiếp sức, muốn chiếm đoạt Đông Dương, cho nên phải quét sạch những băng đảng này ở thuộc địa, cũng như trước đây đã phải giải phóng nước Pháp khỏi ách thống trị của bạo quân quốc xã : “Ở đây, lại xảy ra cái cảnh tượng mà các bạn đã trải nghiệm. Trước mặt các bạn là một bọn chó má, phải tận diệt chúng như các bạn đã tận diệt bọn Đức”[13].



Chú thích :

[1] Bài này đã được trình bày tại cuộc hội thảo về những hàng binh người Đức đi theo Việt Minh (thập niên 1940-50) tổ chức tại Viện Goethe (Hà Nội) trong hai ngày 8 và 9 tháng giêng 2004.

[2] Kính tặng hương hồn Georges Boudarel (GB). Cuộc đời của GB in sâu dấu ấn của Việt Nam kể từ năm 1949 khi ông 24 tuổi. Trong những năm qua, ông đã khuyến khích tôi tiếp tục nghiên cứu lịch sử Việt Nam trong tinh thần mà ông vẫn theo đuổi : đoàn kết phê phán. Militant và học giả, GB là một trong những người Pháp đầu tiên đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Mấy bài báo của tờ QĐND đã đăng phía trên chính là viết về ông .

[3] Điện của E. Honecker gửi Nguyễn Văn Hương (?), đại diện Việt Nam ở Praha, 20 tháng hai 1950. Thư khố quốc gia Bundesarchiv (BA) : DY 24/3691

[4] Leo Zuckermann gửi Wilhelm Pieck, Berlin 9 tháng sáu 1950. BA : NY 4182/1269

[5] W. Ulbricht gửi Hermann Axen, 29 tháng ba 1951. BA : NY 4182/1269

[6] Bộ trưởng Mielke gửi Tổng thanh tra Gutsche. Berlin, 5 tháng tư 1951. Bundesbeauftragter für die Unterlagen des Staatssicherheitsdienstes der ehemaligen Deutschen Demokratischen Republik (Thư khố của Bộ công an cũ Stasi) (B St U) : MfS-BdL/Dok. Nr. 003670

[7] Verwaltung Gross-Berlin, Abtlg. II, gez. Herbst, tháng hai 1957, Arbeitsrichtlinie. B St U : MfS AS 1310/67, trang 000015

[8] Nhật kí của R. Schröder 6 juillet, 6 tháng tám và 23 tháng chạp 1950. Fonds Maria Schröder (FMS)

[9] Eckart Michels, Deutsche in der Fremdenlegion. Mythen und Realitäten. Paderborn 1999, tr. 160

[10] BA: NY 4090/488

[11] Peter Scholl-Latour, Der Tod im Reisfeld. Dreißig Jahre Krieg in Indochina. München 1988, tr. 29.


[12] Wilhelm Reschl, Europas letzte Söldner, in : DAMALS, 2/96, tr. 69.

[13] Jean-Luc Einaudi, Viêt-Nam! La guerre d’Indochine (1945-1954), Paris 2001, tr. 133.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: Red_army_vn trong 07 Tháng Mười, 2007, 05:10:05 pm
IV – Những người chống phát-xít tị nạn ở Paris – Con đường dẫn họ vào Lê Dương

Người Đức trong đội quân Lê Dương luôn luôn chiếm một tỉ lệ cao. Họ được coi là những người lính Lê Dương gương mẫu , kỉ luật, dũng cảm, hung hãn và luôn luôn “sẵn sàng nhận lệnh”.[14] Nhưng điều này không đúng tí nào đối với những thanh niên Đức sang Pháp tị nạn từ sau năm 1933, trong đó chỉ có một số ít gia nhập Lê Dương trong thời gian 1933-39, bởi vì “những người bị chế độ nazi bức hại..., do thành phần xuất thân, trình độ học vấn... và nghề nghiệp của họ, cũng như do chính kiến và thể chất, không mấy tương ứng với mẫu lính lê dương tiêu biểu, thường xuất thân từ những giai cấp bên dưới... ít học..., tứ cố vô thân, đi làm thuê trong nông nghiệp hay công nghiệp, nay đây mai đó”[15].

Trên cơ sở các đạo luật của nền Đệ tam Cộng hoà Pháp ban hành năm 1938 và 1939, khi chiến tranh bùng nổ, tất cả những người Áo và Đức từ 17 đến 65 tuổi đều bị đưa vào các trại tập trung, bất luận họ theo phát xít hay chống phát xít, du khách, viên chức hay doanh nhân. Đàn ông phải vào trại ngay từ tháng chín 1939, còn đàn bà bị đưa vào Vélodrome d’Hiver (Trường đua xe đạp mùa đông ở Paris) vào tháng năm 1940, khi chấm dứt thời kì “chiến tranh kì quặc”, rồi sau đó, họ bị đưa vào các trại Milles và Gurs ở miền nam nước Pháp. Trong năm 1939, có 1171 người Đức bị tập trung đã đầu quân vào Lê Dương, và chỉ trong mấy tháng đầu năm 1940, số đầu quân đã lên gấp đôi. Người ta ước tính có khoảng 3000-3500 người Đức trong trại tập trung đã đầu quân trong thời kì 1939-40, và khoảng 5000 tù binh Đức đã gia nhập Lê Dương trong thời gian từ tháng tám 1944 đến cuối năm 1946.[16]

Trong tự truyện của mình, nhà chính trị học và triết gia Raymond Aron (từ năm 1930 đến 1933 làm trợ lí giảng dạy Pháp văn ở Trường đại học Köln) đã viết như sau : “Tại Cologne (tên tiếng Pháp của Köln, chú thích của N.D.) tôi được gặp một sinh viên trẻ làm tôi rất cảm mến, đó là Rudy Schröder. Cha anh buôn bán áo mưa và ô dù. Trong thời gian ở Đức, tôi đã chơi rất thân với Rudy. Anh ta tởm lợm chủ nghĩa quốc xã. Hai năm sau, anh chạy sang Paris và sống vất vưởng cho đến ngày khai chiến. Lúc đó, anh đầu quân vào Lê Dương, rồi khi chiến tranh chấm dứt, tôi được tin... ở Đông Dương anh đã chạy sang hàng ngũ của Hồ Chí Minh. Một hôm, trên tờ Le Figaro, tôi đọc thấy một bài báo... nhan đề Tên đại tá SS Rudy Schröder… Tôi có tìm cách viết thư liên lạc nhưng có lẽ anh không hề nhận được. Năm 1946, ông bà thân sinh hỏi tôi có tin tức gì không; khoảng 1960, nghe người Đức nói anh làm giáo sư Trường đại học Leipzig. Nếu anh vẫn còn sống ở Đông Đức, tôi cũng muốn gặp lại anh. (-lược bỏ-) . Song việc anh đã đào ngũ khỏi Lê Dương và từ bỏ chế độ của Pháp ở Sài Gòn hay Hà Nội không làm tôi ngạc nhiên; vả lại tôi nhân danh cái gì mà trách anh?”.[17] Tuy có một vài tiểu tiết sai lệch, mấy dòng vừa trích của một người cựu kháng chiến đã tóm tắt những chương chính trong cuộc đời của Rudy Schröder, chỉ thiếu chương hồi cuối là năm 1959, ông trốn sang Tây Đức. Tiếc thay, hai người bạn thâm giao ấy đã không bao giờ gặp lại nhau.

Ý nghĩa cuộc đời của Schröder vượt quá phạm vi cá nhân – và điều này cũng đúng đối với những người khác mà tôi sẽ đề cập ở đây. Như tôi đã nói ở trên, nó minh hoạ lịch sử đau khổ của nước Đức, nước Pháp và của nước Việt Nam thế kỉ XX. Schröder là người “đổi tuyến”. Nếu không vì hoàn cảnh chính trị đẩy đưa thì rất có thể ông đã trở thành giáo sư một trường đại học Đức, có quan hệ chặt chẽ với những đồng nghiệp người Pháp, viết dăm ba cuốn sách về xã hội học, chính trị và văn học, hay lịch sử văn hoá và viết những bài tiểu luận tuyệt vời trên các báo hay tạp chí.

Schröder sinh năm 1911 tại Köln (Cologne), mang nặng dấu ấn của quá khứ văn minh La Mã của thành phố này – tính tình ông bay bướm, hưởng lạc, khiếu thẩm mĩ tinh tế, đồng thời say mê tìm hiểu, truy hỏi, khám phá những mâu thuẫn của cuộc sống. Hai mặt đối ngẫu ấy có thể dẫn tới bệnh trầm cảm và bất mãn sâu sắc nếu đương sự không được trọng thị trong xã hội. Trong bản Lý lịch Đảng viên (có lẽ viết vào tháng ba 1950), Schröder khai thành phần xuất thân của mình là Tư sản.[18] Thời gian này, ông dùng bí danh Lê Đức Nhân, cũng có người chỉ biết ông dưới cái tên Đức là Kerkhof(f). Thời sinh viên, ông học xã hội học, tiếng Pháp và văn học Đức, tham gia Phái cộng sản sinh viên (KOSTUFRA).[19] Lúc đó, thầy học của ông là người Do Thái, bị bọn quốc xã cho “về hưu”,[20] Schröder đã ngang nhiên mang bó hoa tới tặng thầy. Tờ báo nazi Der Stürmer đã lớn tiếng thoá mạ, coi ông là kẻ thù của chế độ, là cộng sản và thân Do Thái. Mặc dầu hoàn cảnh lúc đó, đối với chàng thanh niên Schröder, di cư sang Paris không phải là một đại hoạ, mà là cơ hội thực hiện một ước muốn sâu xa nhất. Tại trường Sorbonne, ông đỗ ngay ba, bốn chứng chỉ cử nhân, làm việc bán phần cho Viện xã hội học Frankfurt lưu vong tại Paris với cương vị trợ lí cho nhà tư tưởng lớn Walter Benjamin.[21]

Trong một lá thư tháng mười một 1939 viết từ New York, Max Horkheimer nói tới “Herr Schröder (như là) một nhà bác học trẻ hết sức thông tuệ. Chúng tôi hi vọng sẽ tranh thủ để ông trở thành một đồng nghiệp khoa học xuất sắc”.[22] Về mặt vật chất, cuộc sống rất chật vật. Để có thể sống qua ngày đoạn tháng, Schröder phải đi làm thêm trong một xưởng dệt, có lúc phải vác những tấm thảm đi gõ cửa rao bán từng nhà.

Một người bạn hồi đó, Fritz Meyer, bị giam cùng trại tập trung với Schröder. Năm 2003 ở Paris, ông Meyer kể lại cho tôi: khi tới sân vận động Colombes (ngoại ô tây bắc Paris, chú thích của ND), họ được người ta nói rõ là họ sẽ ở mãi sau hàng rào kẽm gai cho đến ngày chiến tranh kết thúc, trừ phi là họ đăng kí đầu quân vào đội Lê Dương; ai “tình nguyện” đầu quân thì gia đình sẽ không bị đưa đi tập trung. Sau này, Schröder viết: “Chỉ nghĩ tới việc vợ tôi và cháu bé chưa đầy một tuổi thôi nôi phải vào trại an trí là tôi thấy không tài nào chịu nổi rồi”.



Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: Red_army_vn trong 07 Tháng Mười, 2007, 05:13:40 pm
V – Từ Paris đến Hà Nội qua Sidi Bel Abbès

Thật ít có khả năng Schröder và Borchers quen nhau từ Paris... Erwin Borchers sinh năm 1906 tại Strasbourg, người vùng Alsace gốc Đức. Cha ông làm thợ tiện trước khi trở thành quân nhân, là người nước Phổ. Mẹ ông quê vùng Alsace, thuộc một gia đình sống bằng nghề trồng nho. Gia đình Borchers như vậy là một gia đình sống ở vùng giáp ranh giữa hai nước, bị xâu xé giữa hai quốc gia và giữa hai chủ nghĩa quốc gia. Con người ở đây dễ bị lâm vào thảm kịch “cái gì của con người cũng bị chính trị hoá”, có nguy cơ ngày mai là anh hùng... (và) ngày kia biến thành tên phản quốc”[23] chỉ vì muốn bám trụ ở một vùng đất bị hai chính quyền đối nghịch tranh giành...

Trong bản lí lịch viết năm 1966 tại Berlin, Borchers cho biết cha ông hết mực ủng hộ hoàng đế Đức khi lên đường ra trận tham gia Đại chiến thế giới lần thứ nhất, đến khi trở về đã thành người ủng hộ chế độ cộng hoà và chủ nghĩa hoà bình, điều này đã tác động sâu sắc khiến ông trở thành khuynh tả. Năm 1918, khi tỉnh Alsace-Lorrraine trở lại thành lãnh thổ Pháp, gia đình ông di cư sang Đức. Chàng Borchers “ngay từ thời con trai, đã bị chính trị ám ảnh” (Lilo Ludwig) “lãng mạn” dài dài (Susanne Borchers) theo học các môn Pháp văn, Đức văn và sử học, nuôi mộng trở thành nhà giáo, và tham gia nhóm xã hội chủ nghĩa. Khi Hitler lên cầm quyền, Borchers là thành viên một nhóm tuyên truyền bí mật, in và rải truyền đơn chống nazi. Bị tố cáo và bị cảnh sát thẩm vấn, Borchers lánh sang Pháp, tiếp tục theo học đại học ở Aix-en-Provence và Paris, năm 1936 tốt nghiệp cử nhân văn học và ngữ văn Đức. Ông già Borchers, một người cha độc đoán, thấy con trai bỏ nước ra đi thì không vừa lòng chút nào, vì đối với ông, đó là một hành động phản bội tổ quốc. Là công dân Đức, Erwin Borchers không được tuyển dụng vào giáo giới Pháp, phải đi làm công ở hiệu sách Biblion, phố Bréa. Xin gia nhập quân đội Pháp để chiến đấu chống Nazi thì bị từ chối, vì mẹ lấy chồng Đức , “mẹ anh đã phản bội Tổ quốc Pháp”.[24] Erwin Borchers bị đưa vào trại tập trung Colombes ngày 3 tháng chín 1939, tại đây, anh kí giấy đầu quân vào Lê Dương. “Đối với tôi, trong thời kì chiến tranh, phục vụ trong hàng ngũ Lê Dương là một điều có thể chấp nhận được về mặt chính trị, vì Lê Dương nằm trong quân đội Pháp, khách quan mà nói, là một lực lượng của khối đại đồng minh chống Hitler mà Liên Xô là thành viên... Lê Dương đang đối đầu với Hitler ở Narvik, ở Monte Cassino và trên nhiều mặt tận khác...”.[25] Đúng là ở thời điểm 1939, đạo quân Lê Dương mang hào quang chống phát-xít.

Schröder và Borchers được gửi tới Sidi-Bel-Abbès để gia nhập Trung đoàn 5 Bộ binh Ngoại quốc (R.E.I.). Schröder nghe tin vợ con phải di tản từ Paris xuống miền nam nước Pháp, cảm thấy bất lực, không làm gì giúp được gia đình, ông viết : “cái mà trước đây được coi là không bao giờ có thể, khi nó đổ lên đầu, từ từ từng chút, rồi ào xuống như thác lũ, thì cuối cùng cái kinh hoàng nhất bỗng trở nên tất yếu, tự nhiên”.[26] Ông còn nói tới “sự hoàn toàn vô tích sự”, “sự ngu xuẩn, tàn bạo và thô tục trong cuộc đời” của “tên lính Lê Dương Schröder, nguyên là phu đào huyệt, nay làm lính dắt la kiêm ‘ông già khố đế’” để nói rằng chỉ còn sống nhờ những bức thư của vợ con.[27] Đầu năm 1941, uỷ ban đình chiến Đức tới trại Lê Dương, yêu cầu phải dẫn độ toàn bộ lính Lê Dương người Đức. Tuy nhiên, Bộ chỉ huy Lê Dương chỉ chịu nhận dẫn độ những ai tự nguyện xin về Đức sống dưới chế độ Reich thứ III. Tướng Maxime Weygand, tổng đại diện của Pétain ở Bắc Phi, tìm cách bảo vệ những binh lính Lê Dương người Đức; theo đề nghị của ông, Biệt đội Ma, gồm “khoảng một trăm phần tử đối lập với chủ nghĩa quốc-xã là những người đặc biệt dễ bị truy bức... cộng thêm mấy đào binh của quân đội Wehrmacht”,[28] được đưa sang Đông Dương trước khi họ bị Uỷ ban đình chiến Đức bắt được. Điều này chứng tỏ, ngay trong nội bộ của những hệ thống tư tưởng, “phán đoán từng cá nhân cũng phải uyển chuyển và căn cứ vào hành xử của mỗi người”.[29]

Ngày mồng 1 tháng tám 1941, trên tàu Cap Pandaran ghé bến Madagascar, Schröder viết cho vợ một lá thư dài, kể rằng ngày 4 tháng bảy, ông cùng khoảng một trăm người đã lên tàu ở cảng Dakar. Ông khoe đã đánh cuộc với “B” – chắc là Borchers – về một động từ bất quy tắc hiếm có trong tiếng Latinh, và “anh đã được cuộc”. Đọc Bergson và Hobbes. “Bọn anh ở chen chúc dưới hầm tàu,... nhưng người An Nam còn ở khổ hơn thế”. Họ cập bến Sài Gòn ngày mồng 3 tháng mười một, rồi mấy ngày sau, đi xe lửa ra bắc, đến Việt Trì, cách Hà Nội 80 km về phía tây-bắc.[30]

Chẳng mấy lúc, Borchers và Schröder mất hết ảo tưởng về phong cách chính trị - quân sự của đội quân Lê Dương. Toàn quyền Decoux ngày càng áp đặt nhãn quan “cách mạng quốc gia” và “suy tôn chiến sĩ” theo đúng đường lối của Pétain. Đó không phải là bầu không khí dân chủ và chống phát-xít họ chờ mong, mà giống như bầu không khí mà họ đã trốn tránh. Vấn đề chống Nhật không đặt ra vì Decoux đã kí kết thoả ước chấp nhận sự chiếm đóng của quân đội Nhật Bản, như Pétain đã kí kết với Đức ở bên Pháp. Lí do Decoux nêu ra là để duy trì Đông Dương cho nước Pháp. Borchers và Schröder đã nhận thức ra thực tại của chế độ thực dân và được biết người An Nam đang hoạt động kháng chiến ở vùng Đông Bắc. Tổ chức kháng chiến còn phôi thai của Pháp tại Đông Dương thì chủ trương Đông Dương phải trở về trong lòng đế quốc Pháp, do đó họ từ chối mọi sự hợp tác với Việt Minh và dân chúng trong công cuộc kháng Nhật. Ngày 9 tháng ba 1945, Nhật đảo chính, Pháp thua... Việt Minh kêu gọi cùng nhau kháng chiến chống Nhật, rồi kêu gọi bình đẳng và độc lập, phía Pháp không hiểu ra. Ngay cả đến năm 1946, khi Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng nội vụ, đón chào Leclerc, tổng tư lệnh Pháp, bằng câu : “Là người kháng chiến Việt Nam, tôi xin chào một người Pháp kháng chiến vĩ đại...”,[31] thì cũng vẫn thế.

Chú thích :
[14] Jean-Pierre Hallo, Monsieur Légionnaire. L’homme et ses traditions. Paris 1994, tr. 29, trích dẫn theo Michels, sđd., tr. 190.
[15] Michels, sđd., tr. 104
[16] Michels, sđd., tr. 119 và 164
[17] Raymond Aron, Mémoires, Paris, Julliard 1983, tr. 72/73
[18] FMS
[19] Lebenslauf des Schröder, Reiner, Josef, Rudy. Berlin 9 tháng mười một 1951, in: B St U: Ddn. AIM 808/59, tr.000058-000063
[20] Leo Spitzer gửi Raymond Aron. Cologne 24 tháng chín 1933, trong : Thư khố riêng của Raymond Aron, hộp 209, với sự cho phép của Dominique Schnapper và Elisabeth Dutartre.
[21] Klaus Brill gửi Max Horkheimer, New York. Paris 31 tháng ba 1936, trong: Max Horkheimer, Gesammelte Schriften, vol. 15: Briefwechsel 1913-1936. Frankfurt am Main 1995, tr. 504
[22] Max Horkheimer gửi Raymond Aron, Paris. New York 20 tháng mười một 1936, trong: Horkheimer, sđd., tr. 729
[23] Reinhold Schneider, Verhüllter Tag, Köln 1962, tr. 164
[24] Bà mẹ của Erwin Borchers cũng bị ông cụ thân sinh truất quyền thừa kế vì đã lấy một “tên Phổ bẩn thỉu” (Saupreuße). Thông báo miệng của Lilo Ludwig, em gái Borchers, Berlin 28 tháng sáu 2003.
[25] Lebenslauf. Berlin 14 mai 1966, trong : B St U : MfS AP 14061/73, trang 000008
[26] S. P. 554, 6 tháng bảy 1940; trong: Fonds Philippe Delaunay (FPD)
[27] R. Schröder gửi Hilde Schröder, 23 tháng chín 1940, Bel-Abbès 16 tháng hai 1941 và Bel-Abbès 27 tháng hai 1941
[28] Michels, sđd, tr. 136
[29] Raymond Aron, Lời tựa, trong: André Thérive, Essai sur les Trahisons, Calman-Lévy, Paris 1951, tr. XIV
[30] Thư Schröder gửi vợ, 1 tháng tám 1941, trong : FPD
[31] Jean Lacouture, Hô Chi Minh. Seuil, Paris 1967, tr. 115



Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: Red_army_vn trong 07 Tháng Mười, 2007, 05:15:18 pm
VI – Vượt khỏi sự dấn thân dân tộc...

Đến đây, tôi muốn dành đôi dòng để nêu câu hỏi này: Vì sao Schröder và Borchers đã sẵn sàng hợp tác với cuộc kháng chiến của Việt Minh và đã tham gia Việt Minh với “lương tâm yên ổn và hăng hái tin tưởng” [32] ? Đối với những người yêu nước và dân tộc chủ nghĩa (câu hỏi này đặt ra cho người Đức và người Áo trong hai cuộc thế chiến, và cho người Pháp trong các cuộc chiến tranh thuộc địa), câu hỏi đặt ra là: làm sao tưởng tượng nổi là người ta rời bỏ cái nôi quốc gia tự nhiên và đứng sang hàng ngũ địch? Cần phải nhấn mạnh là Schröder cũng như Borchers đều không phải là những người cộng sản chính thống, họ không coi cách mạng là mục tiêu tối thượng.

Vậy thì cái gì đã thúc đẩy họ rời bỏ hàng ngũ? Ban đầu, như ta thấy, quyết định đầu quân Lê Dương là do hoàn cảnh đưa đẩy. Đối với Schröder, thế giới “thiếu sự nhất quán”, “chẳng có cách nào thoát khỏi phi lí”.[33] Nhưng bước sau, gia nhập Việt Minh, là một quyết định gay go hơn nhiều, bởi vì đi với Việt Minh là qua sông đốt cầu với Tây Âu. Cảm tưởng của tôi là đối với người trí thức – nhưng không riêng gì trí thức – có một sự “giác ngộ”, một ước vọng về một thế giới ‘tự nhiên’, thì ý muốn tham gia vào một chính nghĩa vừa có tính chất chính trị vừa có tính chất đạo lí... Sự giác ngộ ấy được thể hiện trong tập chuyện tranh nhan đề Les Oubliés d’Annam (Những người bị quên lãng ở An Nam): sau ngày Paris giải phóng, một thanh niên kháng chiến Pháp đầu quân vào Lê Dương để tiếp tục chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít, và phải đối mặt với một biến cố làm anh phải nhìn thế giới với một con mắt khác. Một tên lính Lê Dương cũng người Pháp cãi nhau với người phu xich lô về giá cả chuyến xe, rồi rút dao đâm chết anh xích lô. Anh thanh niên Pháp khởi tố tên lính Lê Dương, tên này chỉ bị 15 ngày tù. Anh viết thư cho mẹ: “Con không những tham gia vào một cuộc chiến tranh bẩn thỉu, mà còn ở trong một quân đội gồm những tên sát nhân. Ô nhục quá...”. Và “càng ô nhục hơn nữa, vài ngày sau, người đầu bếp trại lính vốn khoái thịt chó đã bị kết án một tháng tù vì tội làm thịt con chó của đại uý”[34]. Claudia Borscher, con gái của Erwin, xác nhận với tôi là cha cô thường hay kể lại câu chuyện đã khắc sâu vào tâm khảm của ông. Câu chuyện ấy biểu hiện cấu trúc xã hội của chủ nghĩa thực dân, nó làm lộ rõ những mâu thuẫn của thế giới chúng ta đang sống. Và giúp chúng ta nhìn nó với một khoảng cách.

Điều đó rất đúng đối với Ernst Frey, sinh năm 1915 trong một gia đình Do Thái Hung-ga-ri không còn sùng đạo. Cha là một đảng viên dân chủ xã hội khát khao trau giồi văn hoá. Thế giới của gia đình này gói gọn trong biên giới quốc gia, ngôn ngữ và tôn giáo của đế chế Áo-Hung. Truyền thống Do Thái trở thành chủ đạo từ khi bọn Nazi giam hãm họ trong truyền thống ấy. Sau một thời tuổi trẻ say mê sùng đạo Công giáo, chàng trai Ernst đã tìm thấy con đường cộng sản chủ nghĩa thông qua giai đoạn dân chủ xã hội và hoạt động trong VSM (Hội học sinh xã hội chủ nghĩa). Phải nói thêm là hành trình của Ernst mang nặng dấu ấn kinh nghiệm cá nhân về chủ nghĩa bài Do Thái và chủ nghĩa quốc xã. Ernst Frey đã tìm thấy ở chủ nghĩa Marx một phản mô hình cung cấp cho anh những công cụ cần thiết để đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít.

Năm 1934, “gia nhập Liên đoàn cộng sản thanh niên”, Frey viết, “tôi đã trao hiến toàn bộ con người tôi cho đảng”. Câu tiếp theo rất có ý nghĩa vì nó giúp ta hiểu nhiều khúc quay ngoắt trong cuộc đời phong ba của Ernest Frey: “Sự quy phục toàn diện của tôi là tự nguyện, không một chút do dự, tôi đặt Đảng lên trên mọi giá trị”. Con người ông bị ám bởi một thứ chủ nghĩa Mêsia nửa chính trị nửa tôn giáo, bởi mặc cảm cứu rỗi được biện minh bởi sự bức hại của chế độ Nazi. Do “hoạt động trong một hội kín (VSM) và bị lên án phản quốc”, Frey đã bị bỏ tù và “vĩnh viễn khai trừ” khỏi các trường đại học trên toàn nước Áo.[35] Ngày 15 tháng ba 1938, “cả thành phố Vienna bị thất điên bát đảo – Führer tiến vào thành phố”. Mẹ của cậu Ernst “giữa ban ngày ban mặt bị đánh đập, phết sơn lên khắp người, nhục mạ, phỉ nhổ và nhạo báng hàng giờ liền”. Cuối cùng, trước tối hậu thư, “phải chọn lựa giữa tù đày hay lưu vong”, Frey quyết định xung phong vào Lữ đoàn quốc tế ở Tây Ban Nha. Trên đường đào vong, ông bị bọn SS bắt được, giam cầm trong tù ba tháng rồi bị đại đế chế Đức truất tịch. Sang Paris, ông đi gõ cửa từng nhà để chào bán bút chì. Khi chi bộ đảng quyết định không cho phép sang Tây Ban Nha, Frey đăng kí đầu quân 5 năm vào Lê Dương để chống Hitler; đói meo, không một xu dính túi. Ngày 17 tháng ba, ông lên tàu Dupleix ở hải cảng Casablanca; ngày 1 tháng bảy 1941 cặp bến Sài Gòn. Cuối năm ấy, cùng với Schröder, Borchers và mấy người khác, Frey thành lập một chi bộ cộng sản trong đội quân Lê Dương đồn trú ở Việt Trì.[36]

Công phẫn trước sự hợp tác Pháp-Nhật và sự móc ngoặc với các nước phe trục, họ tìm cách bắt liên lạc với những đảng viên xã hội Pháp ở Hà Nội. Họ cũng tìm cách bắt chuyện với những người An nam mít ở Việt Trì, nhưng quả là xôi hỏng bỏng không vì dường như người bản xứ không thể nào tưởng tượng được là có những người Âu quan tâm tới họ, muốn thảo luận với họ. Trong các buổi họp bí mật của chi bộ, lúc đầu họ còn bàn tới chiến tranh và mổ xẻ chủ nghĩa phát xít, nhưng chẳng mấy lúc, đề tài chủ nghĩa thực dân đã trở thành chủ đạo.[37] Họ muốn thống nhất chi bộ của họ và bộ phận địa phương của kháng chiến Pháp thành một mặt trận thống nhất để bắt liên lạc với Đảng cộng sản Đông Dương hay Việt Minh. Tháng mười một 1943, ở trung tâm Hà Nội, gần hồ Hoàn Kiếm, Frey gặp một đại diện cấp cao của ĐCSĐD. Cuộc gặp do Georges Walter dàn xếp qua sự trung gian của Louis Caput, bí thư Đảng bộ Bắc Kì của Đảng xã hội Pháp.[38] Đầu năm 1944, Borchers gặp tổng bí thư đảng, Trường Chinh, “trên một cánh đồng ruộng gần Hà Nội”,[39] tuy lúc đó Trường Chinh không nói mình là ai. Tôi có cảm tưởng chi bộ Lê Dương đã được sáp nhập vào ĐCSĐD vào đầu mùa hè 1944, [40] và đó là mối liên hệ duy nhất thực sự giữa Việt Minh và nước Pháp tự do trước ngày Nhật đảo chính 9 tháng ba 1945. Trường Chinh đã đề nghị các phần tử người Âu chống phát xít hãy cộng tác với Việt Minh song không nhóm nào, phe De Gaulle hay Đảng xã hội, muốn chấp nhận ý tưởng một nước Việt Nam độc lập. Viễn cảnh liên minh quân sự Âu-Việt chống Nhật với mục tiêu Việt Nam độc lập đã tan biến.


VII - …tiến tới đoàn kết cộng hoà & chống thực dân

Sau ngày 9 tháng ba, một vài người Pháp quy phục Việt Minh vì muốn trốn tránh sự đàn áp của quân Nhật. Borchers, Frey và Schröder cùng mấy ngàn binh sĩ bị Nhật bắt làm tù binh, lúc đầu bị giam trong thành Hà Nội, sau đó bị đưa lên trại “tận diệt” gần Hoà Bình.[41] Họ bị lao đao vì bệnh kiết lị và thương hàn. Nhật Bản đầu hàng ngày 15 tháng tám, Việt Minh tiến hành Cách mạng tháng Tám như một dòng thác lũ dân tộc chủ nghĩa. Schröder ghi : “Người an-nam-mít đã trở thành người Việt Nam”.[42] Ngày 2 tháng 9, Hồ chủ tịch tuyên bố độc lập với mục đích xây dựng một quốc gia đoàn kết thành một khối thống nhất và thuần nhất.
Các tù binh được trả tự do ngày 16 tháng 9. Frey-Schröder đã có nhiều cuộc họp với các đảng viên xã hội tập hợp chung quanh Louis Caput, có lẽ với sự thoả thuận ngầm của Jean Sainteny, với mục đích dùng các đảng viên chi bộ làm trung gian nhằm đưa chính phủ Hồ Chí Minh nhận thương lượng với các đại diện của Pháp có mặt tại chỗ, nhưng đại diện Pháp không chấp nhận độc lập là điều kiện tiên quyết – tối cùng, họ chỉ chấp nhận thảo luận về những phương thức đưa tới một nền độc lập trong tương lai. “Họ vẫn dùng chữ An-na-mít”, Frey nhận xét, “còn chúng tôi nói: Người Việt Nam”.[43]

Frey thu xếp với Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp để ông và hai bạn Walter Ullrich và Georges Wächter chuyển sang hàng ngũ Việt Nam, vì như lời Borchers, “nơi đây, triết học sắp trở thành thực tiễn, và tôi có cảm tưởng họ sẽ cần tới chúng ta”.[44] Cuộc đào ngũ của họ được nguỵ trang thành một công tác gián điệp cho chính quyền Pháp (như Schröder viết) hay một công tác do Caput-Sainteny giao cho nhằm thuyết phục những người lãnh đạo Việt Minh chịu thương lượng với Uỷ viên Cộng hoà Pháp ở Bắc Kì. Nhóm đồng chí đi ra khỏi Thành cổ Hà Nội trong một chiêc xe Buick cũ. Tôi mường tượng công cuộc mới này quyến rũ và kích động họ tới mức nào. Họ vừa sống sót sau một cuộc đại chiến, họ còn trẻ tuổi, và chắc mẩm đã tìm ra chính nghĩa...

Đầu mùa thu 1945, Nhật đầu hàng và Việt Nam tuyên bố độc lập, người Pháp không còn có thể nói họ ở Đông Dương để đánh các lực lượng phát xít phương Đông như trước đó họ chiến đấu chống Đức quốc xã và chính quyền Quốc gia Pháp cô-la-bô. Nói như vậy chẳng ai tin. Từ nay, rõ ràng người Pháp là kẻ xâm lăng, chống lại những người yêu nước, những người quốc gia đang bảo vệ nền độc lập của đất nước; một cách nào đó, họ đã trở thành bọn Nazi của người Việt Nam và Việt Minh. Quân lính Pháp ngày càng thắc mắc, nghi hoặc : “Trước mặt họ, người ta nói thế, là Cộng sản; nhưng Cộng sản là như thế nào? Ở Pháp, chính đảng số 1 không phải là Cộng sản sao?... Có thể nào tin vào lời nói cửa miệng của bọn lãnh đạo tồi tệ như vậy không?... Có một điều họ chắc chắn : trước mặt họ, là những người Việt Nam chiến đấu cho độc lập của đất nước họ”.[45]

Vì thế mà có một số, với những động cơ khác nhau, đã quyết định bước sang hàng ngũ “bên kia”, trong đó có những quân nhân Nhật và những người trong lực lượng võ trang Pháp (trong đó phải kể những người Maroc, người Algérie) và một số dân sự. Họ mang tới cho Việt Minh những tri thức quân sự và kĩ thuật. Frey có viết về những người lính Nhật đào ngũ mà Ban chấp hành Trung ương ĐCS Việt Nam sử dụng rất thận trọng vì nghi họ có thể làm gián điệp... Stefan Kubiak, một người Ba Lan táo bạo, tỏ ra là một người thợ máy cừ khôi, có biệt tài là “cái thú sửa chữa các vũ khí bị hư hỏng hay mới chiếm được của địch như đại bác, súng cối...”[46]. Tài sửa chữa thần thông của Kubiak rất có ích cho Việt Nam trong những năm đầu.     


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: Red_army_vn trong 07 Tháng Mười, 2007, 05:15:58 pm
...
Trong những người đổi hàng ngũ nói trên, có những người đã làm vì tinh thần đoàn kết xuyên quốc gia, họ “đã chọn một tổ quốc mới, tin tưởng vào nhân sinh quan và đường lối chính trị của tổ quốc mới – họ nói tới tổ quốc cũ như là nói tới một đất nước thù địch”.[47] Sau khi những người “phản quốc vì lí tưởng” ấy đã bước sang “bên kia”, họ được tổng bí thư Trường Chinh phân công vào cơ quan tuyên truyền (riêng Walter Ullrich công tác trong quân đội, sau được phong hàm trung tá, dưới bí danh Hồ Chí Long; còn Georges Wächter tức Hồ Chí Thọ trước khi làm báo đã theo học trường kĩ sư ở Vienna, nên được sắp xếp làm công tác kĩ thuật và tổ chức). Schröder làm bình luận viên Đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam, còn Frey làm việc dưới quyền tướng Giáp, nghiên cứu quân sự và tổ chức những lớp học quân sự đầu tiên cho Quân đội Nhân dân. Borchers mang quân hàm trung tá, làm chính uỷ phụ trách tuyên truyền địch vận; ông có nhiệm vụ biên tập các tài liệu tuyên truyền tiếng Pháp và tiếng Đức, và từ năm 1951 trở đi, phụ trách tuyên huấn cho khối tù binh Lê Dương người Đức. Bộ ba Borchers, Frey và Schröder chuẩn bị xuất bản tuần báo La République (Cộng hoà), rồi Le Peuple (Nhân Dân) “nhằm làm cho người Pháp thấy chính phủ Việt Nam và Việt Minh không phải là phiến loạn mà là những tổ chức hợp pháp, dân chủ. Mọi mưu toan dùng võ lực tái chiếm sẽ được coi là vi phạm nhân quyền”.[48] Có lẽ những tờ báo này cũng nhắm cả giới độc giả thượng lưu Việt Nam biết tiếng Pháp.
Báo Le Peuple ra từ ngày 7 tháng tư đến 26 tháng chín 1946; nó kêu gọi tất cả những người thiện chí hảy ủng hộ nền độc lập, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, nghĩa là phản đối việc tách Nam Kì ra khỏi chủ quyền Việt Nam như Truman, Stalin và Churchill đã quyết định hồi tháng bảy-tám 1945 ở Potsdam. Các tiến sĩ người Đức (Jacques Doyon[49] đã gọi họ như vậy) viết báo dưới những bút hiệu: Frey thì kí tên là Nguyễn Dân, Borchers trở thành Chiến Sỹ, Schröder kí Lê Đức Nhân hay Walter R. Stephen; còn một người Đức nữa, Siegfried Wenzel, thì lấy bút hiệu Đức Việt. Họ trở thành những người Việt mới: “nơi ấy từ nay là tương lai, là tiền đồ của tôi, tôi tin chắc ở điều đó”, sau này Frey đã viết như vậy, còn Schröder thì khẳng định: “cả ba chúng tôi đều coi Việt Nam là tưong lai của chúng tôi, và thật sự đã là đất nước của chúng tôi rồi”.[50]

Chú thích :
[32] Bản thảo đánh máy của Schröder 260 trang không tựa đề (MS), FMS, tr. 58

[33] MS, p. 174

[34] Lax-Giroud, Les Oubliés d’Annam, édition intégrale, Aire Libre, Dupuis (1990 et 1991) 2000, tr. 54-55

[35] Ernst Frey, Vietnam mon amour. Ein Wiener Jude im Dienst von Hô Chi Minh, nhà xuất bản Doris Sottopietra, Vienne 22002, tr. 64 et 94. Frey muốn theo học hoá học kĩ thuật

[36] như trên., tr. 118/119, 121, 170

[37] Ferry Stern, Und ist es auch Wahnsinn, tr. 655. – Đây nguyên thuỷ là bản thảo 1216 tranh đánh máy của Frey, được FS biên tập và xuất bản..

[38] Stern, sđd., tr. 692-726

[39] Borchers, Lebenslauf, tr. 000010/11

[40] Stern, sđd., tr. 704

[41] Schröder, MS, tr. 113


[42] như trên, tr. 117

[43] Stern, sđd, tr. 793

[44] Schröder, MS, tr. 58

[45] Gérard Tongas, J’ai vécu dans l’enfer communiste au Nord Viêt-Nam. Les nouvelles éditions Debresse, Paris 1960, tr. 173

[46] Arkady Fiedler, Im Lande der wilden Bananen, VEB F.A. Brockhaus Verlag, Leipzig 1959, tr. 170

[47] Margret Boveri, Verrat im 2o. Jahrhundert, I – Für und gegen die Nation, Rowohlt, Hamburg 1956, tr.111

[48] Frey, sđd., tr. 206

[49] Jacques Doyon, Les Soldats Blancs de Hô Chi Minh, Fayard, Paris 1973

[50] Frey, sđd., tr. 206; Schröder, MS, tr. 60


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: Red_army_vn trong 07 Tháng Mười, 2007, 05:19:42 pm
VIII – Vỡ mộng, tìm đường trở về

Các nhà lãnh đạo của nước Việt Nam mới chủ yếu là những trí thức hay những nhà cách mạng chuyên nghiệp, phần đông đã học trường trung học Pháp-Việt và thạo tiếng Pháp, nhưng họ chưa bao giờ ( ở đây chỉ nói là chưa từng làm chứ không phải là không làm được các bác nhá ) là những nhà chiến lược quân sự, kĩ thuật viên, kinh tế gia hay những người tổ chức bộ máy hành chính. Vì vậy những người ngoại quốc từ bỏ hàng ngũ để đi theo kháng chiến, quân nhân cũng như dân sự, học cao và có khả năng kĩ thuật, trung thành với sự nghiệp kháng chiến và sẵn sàng hi sinh, đã được hoan nghênh tích cực, một số đã giữ những vị trí cao.

Borchers, như đã nói trên, được cử làm chính uỷ, với quân hàm trung tá trong quân đội, phụ trách địch vận. Hữu Ngọc, nhà báo và nhà văn nổi tiếng, phụ trách khối “hàng binh” người Âu trong thời kì chiến tranh (dưới quyền chỉ huy của tướng Nguyễn Chí Thanh). Từ năm 1947, cùng với bạn là Borchers, đã ấn hành các tờ báo Waffenbrüder – Kampforgan der Deutschen im Dienste Viet-Nams và Frères d’armes – Organe de Combat des Amis du Viet-Nam (Chiến hữu -- Cơ quan ngôn luận của những người Bạn của Việt Nam). Đến năm 1950, hai tờ này đổi tên thành Heimkehr và Retour (Trở về). Chiến Sỹ còn dạy tiếng Đức cho Hữu Ngọc, và “nhất là văn hoá Đức!” (theo yêu cầu của Hữu Ngọc). Giữa thập niên 1950, Hữu Ngọc đã dịch các chuyện kể của anh em họ Grimm ra tiếng Việt – âu cũng là hệ quả thứ yếu của một cuộc chiến tranh ghê gớm từ đó đã nảy sinh những gì anh hùng, cao đẹp nhất cũng như những gì thú tính và tàn bạo nhất của con người.
Sau trận Điện Biên Phủ, Borchers về Hà Nội công tác ở Bộ thông tin. Cuối thập niên 1950, làm thông tín viên cho ADN (Thông tấn xã Đông Đức), đồng thời cung cấp “tin tức nội bộ” cho đại sứ quán CHDCĐ. Cho đến ngày nay, tên tuổi Chiến Sỹ vẫn còn là một huyền thoại, song, cũng như mọi huyền thoại, đương nhiên nó đã được gạn lọc, mọi “thực tế phũ phàng” đều bị gạt ra để phục vụ lợi ích cách mạng... Georges Boudarel, bạn thâm giao của Borchers, đã kể lại cho tôi rằng Chiến Sỹ cũng đồng tình với ông trong thái độ phê phán ngày càng mạnh . Đúng là Borchers đã tiêm nhiễm tư tưởng xét lại từ năm 1956 lan truyền trong Đảng – Borchers và Boudarel đều bị quy kết là thành phần xét lại. Mặt khác, đối với các đại diện Đông Đức ở Hà Nội thì Borchers bị coi là quá Việt Nam, còn đối với người Việt Nam, tôi ngờ rằng Borchers vẫn bị coi như người nước ngoài. Tất cả những yếu tố ấy gộp lại đã góp phần đưa tới ý định trở về Âu châu, song những cuộc ném bom Mĩ bắt đầu ở miền Bắc mới là nguyên nhân quyết định: Borchers ngán sợ chiến tranh, ông nói thẳng với vợ con là ông không kham nổi thêm một cuộc chiến tranh nào nữa. Ứơc muốn của Borchers là về sống ở sinh quán là thành phố Strasbourg, nhưng Strasbourg thuộc lãnh thổ Pháp, mà đối với chính quyền Pháp ông là đào ngũ và phản quốc. Vì vậy, năm 1966, cùng với bà vợ và sáu trong số bảy người con, Borchers về sống ở Cộng hoà Dân chủ Đức. Tại đây, ông được xếp vào làm việc ở Ban Phi châu của Đài phát thanh quốc tế Berlin. Về mặt chính thức, Borchers được coi là một chiến sĩ chống phát xít và quốc tế chủ nghĩa, nhưng năm 1968, ông bị Đảng kỉ luật vì đã biểu lộ cảm tình với phong trào Mùa Xuân Praha. Một báo cáo của cơ quan Stasi hồi tháng tám 1968 ghi rằng Borchers thường tỏ ra “không quán triệt đường lối của Đảng ta”, liên tục “thắc mắc hoài nghi những mục tiêu” mà Đảng ( Đảng Cộng sản Đức ) đề ra.[51] Năm 1985, Borchers sang Tây Berlin ở đó cho đến ngày ông chết (bốn năm sau). Còn người vợ cũ của ông, thì cách đây (9-2004) vài tuần, đã từ trần tại Berlin.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nguyên là giáo sư sử học. Nghệ thuật quân sự, ông phải học từ A tới Z; tôi ngờ rằng trong quá trình tập sự ấy của tướng Giáp, có phần đóng góp của người bạn ông là Nguyễn Dân. Ernst Frey tham gia Việt Minh, được cử làm cố vấn quân sự cho tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (các bạn của Frey, trong các thư từ trao đổi, thường gọi ông là Gottöberst, tức là người ở bên cạnh Thượng đế) và cho một nhân vật huyền thoại là tướng Nguyễn Sơn . Khi được trao nhiệm vụ phụ trách Khu IX là khu vực bảo vệ ATK (An toàn khu, cơ sở của các cơ quan trung ương Đảng và Chính phủ), Frey trở thành uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng. Là một người ham thích quyền lực, đến năm 1949-50, khi các cố vấn Trung Quốc xuất hiện, Frey không thể không nhận ra rằng mình không còn cần thiết đối với Việt Minh như hồi 1945. Trong bản thảo để lại, Frey kể lại nỗi tuyệt vọng của mình trước bầu không khí khủng bố và chính sách thanh lọc bộ máy đảng, trước tình huống cuộc cách mạng bắt đầu ăn thịt những đứa con của chính mình.. Cũng cần nói thêm: chính Frey đã ra lệnh (cho Walter Ullrich tức Hồ Chí Long) xử tử hai cựu binh lê dương bị tình nghi. Nhưng, như tôi đã nhấn mạnh ở phần trên, Frey mang nặng mặc cảm “cứu thế” – ông toàn tâm toàn ý hiến thân cho giấc mộng ý thức hệ là cải tạo thế giới, một thế giới mà ông cho là “tính bản ác”. Căn bệnh cuồng loạn hưng phấn (hystérie enthousiaste) ấy ở Frey là do di truyền từ bà mẹ. Frey là một thứ tu sĩ thừa sai, tin tưởng ở ngày Tận thế gần kề, thậm chí, như ông đã kể lại cuộc đấu tranh với quỷ dữ cho Pierre Sergent : “Tôi nhìn thấy mình đang vật lộn với bọn ác quỷ ngự trị để giải thoát nhân loại, như chúa Jesus vậy... Tôi biết, tôi ngộ”.[52] Ông tự nhiên thấy những ảo ảnh hiển linh, bị mặc cảm tội lỗi dằn vặt, trong lòng như bị quỷ ám, và quyết tâm đi tìm sự cứu rỗi – cứu mình thoát khỏi chính mình, hay thoát khỏi một tình cảnh không lối thoát ? – trong sự tân tòng Công giáo. Tại Việt Nam, tôi được nghe kể là Frey trở thành vĩ cuồng, rồi phát điên. Tháng năm 1951, ông lên đường về Áo. Vài năm sau, trở thành con chiên sùng đạo. Vốn là người nhiệt tâm, tất nhiên ông phục vụ say sưa cho Giáo hội công giáo, “ngoài Giáo hội, không thể có cứu rỗi”.

Như vậy là khi nhận thấy trong hàng ngũ Việt Minh, mình đã mất dần ảnh hưởng và trở thành vô dụng, Frey đã “phát điên”. Để tìm ra đáp án cho một thực tế quá đớn đau, ông đã chọn giải pháp tín ngưỡng. Đó cũng là cách giải quyết cùng một lúc hai vấn đề: rời Việt Nam và trở về nước. Thật vậy, tôi tự hỏi, muốn trở về và được chấp nhận, trong tình cảnh của E. Frey, phải chăng chỉ có một cách là trở về như một người “khác” – “khác” con người trước kia phải ra đi vì bị ruồng bỏ – cụ thể là trở về như một tín đồ Công giáo sùng đạo. ‘Giải pháp’ này có ưu điểm là nó thoả mãn truyền thống văn hoá thống trị của nước Áo. Bằng sự ‘tái sinh’ trong niềm tin Công giáo, Frey có thể tìm ra chỗ đứng trong xã hội Vienna. Ở một cấp độ khác, theo đạo còn là cách tiếp tục cuộc thánh chiến thường trực mà ông đeo đuổi là giải thoát thế gian khỏi sự ngự trị của cái Ác.

Về tới Vienna năm 1951, Frey đến trụ sở Đảng cộng sản để báo cáo về các hoạt động và chiến tích của mình từ năm 1938. Rồi ông lấy vợ, sinh được hai đứa con gái, sống bằng nghề đi chào hàng may dệt. Tại Vienna, quây quần chung quanh Frey là cả một lứa thanh niên say mê nghe ông kể chuyện quá khứ, coi ông là cha đẻ tinh thần, là mẫu mực chính trị. Chưa hết. Công việc chào hàng nay đây mai đó, đưa ông đi khắp các miền nước Áo và nước Đức, cũng là cơ may để ông thoát ra khỏi kiếp sống tiểu tư sản và thân phận một người kể chuyện. Thật ra, Frey có máu cờ bạc, đi chào hàng cũng là dịp đi khắp các sòng bạc. Trên thảm xanh của sòng bạc, chẳng hạn như sòng bạc Baden-Baden, nửa say nửa tỉnh, ông muốn tìm lại những cảm giác mạnh của những cuộc phiêu lưu mạo hiểm đã lùi vào quá vãng, mà nay ông muốn tái tạo trên chiếu bạc dưới con mắt dò xét của hồ lì. Vào những năm cuối đời, Frey bỏ đạo để hoạt động bảo vệ môi trường, rồi lại đùng đùng bỏ đảng xanh, về làm đầu bếp tại xứ đạo của một người bạn là linh mục Faust, làm việc quần quật để trang trải những món nợ sòng bạc. Ông từ trần năm 1994 tại Vienna, với lời trối trăng để lại cho hai người con gái: “Các con phải xuất bản cho được cuốn sách của bố”.

Còn đối với Rudy Schröder, xác tín duy nhất của ông là sự phi lí của cuộc sống: không phải tình cờ mà ông đã nghiền ngẫm tác phẩm L’Être et le Néant (*). Trong thư viết ngày 29 tháng năm 1946 cho vợ, ông đề cập tới khả năng hai vợ chồng sẽ sinh sống ở Việt Nam. Tháng chạp 1946, khi chiến tranh bùng nổ, Schröder được phong trung tá, và tình nguyện xin ra tiền tuyến. Ngày 9 tháng tư 1948, tướng Giáp (bí danh Văn) viết thư mừng chiến công của Schröder : “J’apprends avec joie ton retour. Et avec beaucoup de plaisir le joli coup de main que tu as dirigé contre les Tho Phi… Cordialement ton Van.”[53] (dịch từ nguyên bản tiếng Pháp : “Tôi vui mừng được tin anh trở về [từ tiền tuyến]. Và rất thú vị thấy anh đã giáng cho bọn thổ phỉ một cú ngoạn mục... Thân mến, Văn”). Sau đó, ông được phân công làm địch vận. Tham gia mặt trận Lạng Sơn, ông được trao nhiệm vụ chỉ huy Biệt đội Tell, một thứ quân Lê Dương của Việt Nam, gồm những tù binh đã tình nguyện thành hàng binh. Khuôn khổ bài này không cho phép tôi đề cập tới các vấn đề liên quan tới đơn vị này – vả lại nó không được vũ trang đầy đủ, ăn mặc thiếu thốn, nhiệm vụ vạch ra không rõ ràng, nên chẳng mấy lúc đã thất vọng... một chứng nhân của thời kì này, hoạ sĩ kiêm nhà văn Trần Duy, cho tôi biết những người lính lê dương cũ này đã trở thành mối hoạ cho dân chúng địa phương, cưỡng hiếp đàn bà con gái, giết cả trâu cày của nông dân.[54] Schröder tin chắc là đã xảy ra một cuộc bạo loạn và âm mưu quay về phía Pháp, nên đã thành lập toà án quân sự và cho xử tử hình sáu người mặc dầu trong bản khai lí lịch tháng mười một 1951, ông thừa nhận rằng “quyết định này vượt quá quyền hạn sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam của tôi”.[55] Ông bị Đảng phê bình. Và đó cũng là nguyên nhân tại sao – hay cũng chỉ là cái cớ – ông không còn được tướng Giáp sủng đãi nữa.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: Red_army_vn trong 07 Tháng Mười, 2007, 09:20:20 pm
Các cuốn nhật kí viết ở Việt Bắc của Schröder là nguồn tư liệu quý giá giúp ta hiểu nhiều điều, đặc biệt là mối quan hệ giữa hàng binh người Âu và các đồng chí Việt Nam của họ. Tháng tám 1951 ông rời Việt Nam, tháng mười một về tới Cộng hoà Dân chủ Đức, dạy Đức văn và lịch sử trong một trường trung học ở thành phố Dresden.

Năm 1953, ông kí hợp đồng làm việt cho cơ quan mật vụ Stasi.[56] Nhiệm vụ của ông là báo cáo về “những phần tử tiêu biểu trong giới trí thức”, nghĩa là về những đồng nghiệp và học trò của mình, cũng như về bạn bè cũ trong đội quân Lê Dương. Tôi đã được đọc những bản báo cáo này và có thể kết luận Schröder không hề tố cáo ai cả. Ngược lại, trên những trang viết ấy, ông từng bước phê phán chế độ và biểu lộ sự nôn nóng, tuyệt vọng của mình về hoàn cảnh cuộc sống. Vào cuối thập niên 1950, ông bị “khó khăn chính trị” và mất việc. Sau đó ông làm thợ tiện trong nhà máy; cuối năm 1959 cùng với người vợ trẻ, sang Tây Đức. Hi vọng làm báo không thành, cuối cùng Schröder phải nhận một chỗ dạy Pháp văn tại một trường tư ở Frankfurt trên sông Main với đồng lương bạc bẽo. Tháng giêng 1977, ông chết trong cô đơn, tuyệt vọng, nhưng đến giờ phút cuối cùng, Schröder vẫn tiếp tục viết.

Tình cảnh của Frey, Borchers và Schröder của con người sống giữa hai trận tuyến, Zwischenfrontmensch. Năm 1945, Việt Minh nồng nhiệt nhận đón Frey và các bạn ông. Với sở trường về tuyên truyền, tổ chức, hiểu biết kĩ thuật và quân sự về mặt lí thuyết cũng như trong thực hành, họ đã giúp ích cho Việt Minh. Song, sau thắng lợi của chiến dịch biên giới đông bắc năm 1950, tình hình thay đổi hoàn toàn với sự có mặt đông đảo của các cố vấn Trung Quốc, từ đó bắt đầu một quá trình “cải tạo cộng sản chủ nghĩa” trong một phong trào cho đến lúc ấy vẫn mang sắc thái của một mặt trận nhân dân. Từ nay, cố vấn Trung Quốc mới là đồng chí cách mạng quốc tế chủ nghĩa, còn hàng binh Âu châu là người ngoại quốc, người ngoài, là những kẻ đào tẩu từ hàng ngũ quân địch. Cuối cùng, cái gọi là mối mâu thuần “hiện sinh” giữa những người dân thuộc địa và những người da trắng khiến cho người ta không thể tín nhiệm người Âu[57] bởi vì họ sống “không hài hoà” với quê hương hay với bản sắc của họ; trong con mắt Việt Nam, họ sẽ không bao giờ vượt qua được mâu thuẫn cơ bản đó, đơn giản vì họ không phải là người Việt ! Không những thế, họ là những người có đầu óc phê phán, không bao giờ chịu ngoan ngoãn thi hành chỉ thị của Đảng mà không thảo luận, phản biện. Trong cuộc gặp ở Ban chấp hành Trung ương ngày 15 tháng tám 1950, anh Thận (tức là Trường Chinh) đánh giá họ là “thiếu bồi dưỡng về mặt tư tưởng, và có biểu hiện... chủ nghĩa sô-vanh”. Schröder coi câu nói đó là một lời Hinauswurf, cho “về chơi xơi nước”.[58] Phải nói là ở thời điểm ấy, nhiệt tình cách mạng của mùa thu 1945 nhờ đó họ (những người nước ngoài ) gắn bó khắng khít với nhau trong mấy năm trời nay đã nguội lạnh. Cuối năm 1950, Frey, Schröder, Borchers, Wächter và Ullrich ăn mừng Lễ giáng sinh với nhau và chính những ngày sống chung này đã “rọi sáng những mối quan hệ giả tạo, thậm chí dối trá” giữa họ với nhau, và cho thấy rõ “sự nối kết tạm bợ giữa họ với nhau không xuất phát từ mục đích chung và hoạt động chung, mà chỉ vì họ cùng chống đối”.[59] Chính vì thế mà từ năm 1954 trở về sau, chỉ vài ba người Âu còn ở lại Việt Nam...

Nói theo hình tượng của Adorno, Frey Schröder và Borchers xuất thân từ “cuộc đời thương tổn”. Họ là những con người bị bầm giập, mang đầy thương tích, bị bứt khỏi những ước vọng gia đình, sự nghiệp, dân tộc, bị ném vào một thế giới thù nghịch và phi lí. Trong cơ ngũ Lê Dương, cái không khí “đại đồng”, những “tận tâm, tình đồng đội, cảm giác mạnh mẽ”[59] chỉ có trong những tờ rơi tuyên truyền tuyển mộ, và hoàn toàn vắng bóng trong thực tế hàng ngày làm bằng sự tuân phục, bạo hành và đơn điệu – vả lại, họ là những người lính ở ngoài mọi khuôn mẫu. Cách mạng Việt Minh hiện ra trong mắt những con người đang thèm khát hành động vì chính nghĩa ấy như một dự phóng về tiến bộ thuận chiều lịch sử, đồng thời hứa hẹn mang lại cho họ một quê hương, tổ quốc. Họ sẵn sàng thuần phục cá tính vì giấc mơ kiến tạo một xã hội nhân bản hơn .(…)

Song họ vẫn ở “giữa hai trận tuyến”. Schröder, Frey và Borchers là những người tranh đấu và những trí thức. Tranh đấu và chiến đấu ngoài mặt trận không phải do tạng người hay tâm tính, mà là do hoàn cảnh lịch sử đưa đẩy. Dẫu sao, hành trình của họ cũng phù hợp với truyền thống nho sĩ / tráng sĩ Việt Nam mà tiêu biểu là Nguyễn Trãi (1380-1442), ‘ bên trung bên hiếu, đã chọn chữ trung ‘. Qua trải nghiệm thực tiễn, họ phân tích nghĩa quốc gia (xã hội) và từ đó dấn thân vào cuộc đấu tranh chống thực dân.


Heinz Schütte
Paris, 24 décembre 2003


Chú thích :
(*) Hiện hữu và Hư vô, tác phẩm triết học của Jean-Paul Sartre (công bố năm 1943). Theo Heinz Schütte, một thành viên của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau (mùa hè 1946), bạn của Rudy Schröder, đã mang về Hà Nội cho ông một bản (chú thích của N.D.)
[51] B St U : MfS FV 2/71, tr. 000011

[52] Pierre Sergent, Un Étrange Monsieur Frey, Fayard, Paris 1982, tr. 305, 309


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 08 Tháng Mười, 2007, 11:09:54 am
Ảnh của bài viết trên (lấy từ website tapchithoidai.org)

(http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai3/Schutte_1.gif)

Từ trái qua phải:
Ngồi: Phạm Văn Đồng, Erwin Borchers / Chiến Sỹ, Ernst Frey / Nguyễn Dân, Võ Nguyên Giáp, Đặng Bích Hà (vợ tướng Giáp) ; Đứng : Lưu Văn Lợi, X, X, Rudy Schröder / Lê Đức Nhân (Bộ ảnh sưu tầm của H. Schütte)



(http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai3/Schutte_2.jpg)

Từ trái sang phải:
Dương Bạch Mai, Ernst Frey / Nguyễn Dân, Trường Chinh, X,
Georges Wächter / Hồ Chí Thọ, Rudy Schröder / Lê Đức Nhân
(Bộ ảnh sưu tầm của H. Schütte)




Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 08 Tháng Mười, 2007, 11:17:13 am
Loạt bài trên website báo Tuổi Trẻ

Những "chiến binh quốc tế" trong lực lượng Việt Minh

Một trái tim, hai quê hương…


TT - Họ đến với cuộc kháng chiến của dân tộc VN có thể từ trái tim của người cộng sản và cũng có khi mới hôm qua đang nằm bên kia chiến tuyến.

(http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ImageID=106283)

Ông Quang (mặc đồ veste) tại buổi họp mặt truyền thống tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long II ở TP.HCM năm 1997

Ý chí cho một mục tiêu giải phóng dân tộc của người VN đã làm họ thay đổi một cái nhìn về chiến tranh và hơn thế nữa, họ đã sát cánh với cả một dân tộc trên chiến lũy để giành lại một nền độc lập.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, lực lượng Việt Minh đã tiếp nhận nhiều chiến binh quốc tế tình nguyện mang nhiều quốc tịch khác nhau...


Chuyến ra đi của người du kích quân Malaysia

Cuộc chiến tranh đã đi qua từ rất lâu nhưng nhiều cựu chiến binh ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang vẫn nhớ trong lòng thành phố mới được nâng cấp từ thị xã ở miền cuối đất này có một “chiến binh quốc tế” từ thời kháng chiến chống Pháp. Ông đang sống lặng lẽ trong một ngôi nhà nhỏ. Những dịp kỷ niệm, ngày thành lập Quân đội nhân dân VN, Ngày thương binh liệt sĩ hay họp mặt tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long II ông đều đến dự.

Không quá khó để chúng tôi tìm đến nhà ông trên đường Nguyễn Trung Trực, ngôi nhà có vẻ như quá chật chội với những kỷ vật chiến tranh mà chủ nhân của nó vẫn còn lưu giữ, cho dù những dĩ vãng hào hùng đã đi qua hơn nửa thế kỷ: những bằng khen và những danh hiệu cao quí do Nhà nước trao tặng (Huân chương Độc lập hạng 3, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, huy hiệu nghĩa vụ quốc tế...).

Ông Chan Mun Boy với giọng chậm rãi, chân chất như người miền Tây thực thụ kể câu chuyện đời ông: “Tôi sinh ra tại bang Singapore thuộc liên bang Malaysia vào năm 1925. Năm 1945 tức năm 20 tuổi, tôi được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Malaysia.

Khi ấy phong trào cộng sản đang lan rộng khắp Đông Nam Á và cũng bị thực dân đế quốc đàn áp dữ dội. Với tinh thần cộng sản quốc tế, năm 1947 tôi được Đảng Cộng sản Malaysia giao một nhiệm vụ quan trọng: tham gia cùng các cán bộ cách mạng VN ở hải ngoại đưa năm chiếc thuyền chở 150 tấn vũ khí, quân trang, quân dụng vượt eo biển Malacca cập bến tại căn cứ Mai Ruột (Thái Lan) viện trợ cho nhân dân VN tiến hành kháng chiến chống Pháp.

Tôi còn nhớ ông Dương Quang Đông là vị chỉ huy đầu tiên của tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long II trực tiếp nhận số vũ khí do Đảng Cộng sản Malaysia tước của bọn phát xít Nhật và trao tặng lại cho cách mạng VN...”.

Chuyến vượt biển với nhiệm vụ cộng sản quốc tế như một linh tính báo trước về một chuyến đi dài nên Chan Mun Boy không dám trở về ngôi nhà cha mẹ ruột để từ biệt gia đình. Đắn đo mãi ông mới chạy đến cửa hiệu buôn bán của người anh cả và chỉ nói được một câu: “Anh Hai, em sắp đi làm ăn xa”.

Người anh cả ngạc nhiên ngước nhìn tấm thân gầy còm của đứa em trai mình: “Chú mày đi đâu và làm gì?”. Boy không dám ngẩng mặt nhìn anh cả, đáp: “Em đi buôn bán, chưa biết chừng nào sẽ trở về”. Chan Mun Boy nói và chính anh cũng không hề biết đó là lần cuối cùng anh được nhìn mặt người thân.

 
(http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ImageID=106287)

Ông Trần Văn Quang (Chan Mun Boy) năm 1954

“Tôi, lúc đó có mật danh là Puồi, cùng ba du kích cộng sản Malaysia khác là Cấm, Xứng, Chung tất cả đều có kinh nghiệm về đi biển và máy tàu biển do anh Dương Quang Đông làm trưởng đoàn, anh Bông Văn Dĩa, Trương Văn Kính làm phó đoàn.

Con tàu xuất bến vào tháng 3-1947, chuyến hải trình kéo dài hơn 15 ngày để vượt qua eo biển Malacca đầy sóng gió, đá ngầm, nhưng căng thẳng nhất vẫn là phải luồn lách để tránh tàu tuần tra của địch, nhiều lúc chúng tôi phải cho tàu cập vào đảo của thổ dân để xin nước uống và thức ăn cầm hơi...”.

Tàu cập bến căn cứ Mai Ruột trên đất Thái Lan, tuy là chiến khu ở hải ngoại, đa số là Việt kiều Thái Lan, Lào, Campuchia nhưng Chan Mun Boy đã có thể thấy được khí thế của cuộc kháng chiến của cả một dân tộc, thấy được tình cảm như anh em ruột thịt của những chiến sĩ tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long II nên cả bốn du kích quân Malaysia đều tình nguyện xin gia nhập đơn vị và khát khao được qua VN chiến đấu.

Chan Mun Boy nhớ lại: “Ban đầu rất khó khăn, bởi một đơn vị chiến đấu mà nói rất nhiều thứ tiếng, tiếng Thái, Lào, Campuchia rồi cả tiếng Mã Lai, Nhật, Hoa... Tôi được đưa vào tiểu đội nhỏ mà có tới ba quốc tịch - VN, Campuchia, Malaysia, trong đó có anh Sơn Ngọc Minh sau này là lãnh tụ kháng chiến của nhân dân Campuchia. Nhưng tất cả đều có cùng một mục tiêu, một lý tưởng giải phóng dân tộc...”.


Chiến đấu ở VN

Tháng 11-1947 cả tiểu đoàn được lệnh hành quân về VN chiến đấu và Chan Mun Boy nằm ở trung đội mở đường. Gần một tháng xuyên rừng đụng độ hàng chục trận với lính Pháp, lính Marốc, lính ngụy Campuchia, nhiều người đã hi sinh hoặc bị thương. Chan Mun Boy và Sơn Ngọc Minh bị thương rất nặng trong trận đánh ở chân núi Tà Ni...

Ông Chan Mun Boy kể: “Khi mới đặt chân lên bờ kênh Vĩnh Tế, Hà Tiên, có ai đó reo lên: “Về tới VN rồi!”, nhưng niềm vui chẳng được bao lâu. Ngay khi đặt chân lên biên giới, chúng tôi lại phải tiếp tục chiến đấu ngay vì bị tàu sắt và máy bay Pháp tập kích liên tục, nhờ có bộ đội chủ lực Hà Tiên hay tin kéo ra ứng cứu nên cả tiểu đoàn được đưa về tập kết an toàn.

Hôm Quân khu 9 tổ chức lễ đón tiếp tiểu đoàn thì tôi và anh Sơn Ngọc Minh đang cấp cứu trong quân y viện khu 9 đến hai tháng sau mới trình diện quân khu ủy. Tôi được giữ lại học tập, được dạy về chiến thuật chiến đấu ở chiến trường Nam bộ, được học tiếng Việt và sống như người Việt...”.

Năm 1948, Chan Mun Boy lại được điều động ngược lại Thái Lan để tiếp tục tham gia vận chuyển vũ khí từ căn cứ Mai Ruột, Thái Lan về VN vì ông rất giỏi về máy móc tàu thủy. Sau đó ông lại được quân khu điều động qua Ban ngoại vụ Nam bộ, rồi lại được điều về công binh xưởng phụ trách sửa chữa máy tàu của Pháp - chiến lợi phẩm của bộ đội VN.

Là một “chiến binh quốc tế”, Chan Mun Boy không từ nan bất cứ một nhiệm vụ gì, bởi ông và hàng triệu con người VN đang chiến đấu dưới một ngọn cờ chính nghĩa của một dân tộc. Năm 1949, Chan Mun Boy được lệnh theo đồng chí Sơn Ngọc Minh sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế đến đầu năm 1952 mới trở lại chiến trường Quân khu 9 hoạt động trên địa bàn tỉnh Cần Thơ.

Ông Chan Mun Boy bảo tinh thần cộng sản quốc tế trong ông ngày ấy thật hào hùng, ông chấp hành tất cả mệnh lệnh trong tư thế người cộng sản, vì ông tin cuộc kháng chiến của dân tộc VN nhất định sẽ thắng lợi. Thời gian này tin tức chiến thắng từ núi rừng Tây Bắc vang dội về làm nức lòng những chiến sĩ đang chiến đấu ở miền Tây Nam bộ.

Cả một đời chiến đấu cho quê hương thứ hai, nhưng ngày về với cội nguồn lại là ngày làm đau nhói con tim của người “chiến binh quốc tế”...

DUY BÌNH - MIÊN HẠ





Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 08 Tháng Mười, 2007, 11:32:53 am
Nước mắt ngày về cố hương

 

TT - Cái tên Chan Mun Boy với ông giờ đây chỉ còn là một kỷ niệm đẹp, một cái gì đó gợi nhớ quê cha đất tổ. Còn cái tên Trần Văn Quang do chính những đồng đội VN đặt cho ông, ông vẫn dùng tới giờ này.


(http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ImageID=106503)

Ông Quang và vợ, bà Quan Thị Mai, tại ngôi nhà nhỏ ở Rạch Giá (Kiên Giang) -Ảnh: D.B.

Ông nói: “Đời tôi có nhiều may mắn, tôi trở thành người cộng sản từ khi còn rất trẻ và đã đi trọn với lý tưởng ấy cho đến ngày hôm nay. Cả bốn anh em từ Malaysia sang giúp cách mạng VN ngày nào đều đã hi sinh trên chiến trường, chỉ mình tôi là sống sót, tôi có được một gia đình VN với vợ hiền, con ngoan như bao ước mơ dung dị của người VN”.

Chan Mun Boy: “Quê tôi ở Rạch Giá”

Ông Quang quyết định lấy vợ vào một ngày đẹp trời năm 1952, đó là cô chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phượng Bình, huyện Phụng Hiệp (Cần Thơ) tên Quan Thị Mai. Đám cưới người du kích quân Malaysia giữa chiến trường Nam bộ chỉ có một mớ bánh ngọt, ít trái cây và diễn ra trong cảnh bom đạn nổ rền trời.

Vài ngày sau đám cưới, người cộng sản quốc tế lại nhận lệnh biệt phái đi làm công tác Hoa vận ở một tỉnh khác, rồi qua lại Campuchia, Thái Lan, rồi trở lại VN nhưng hoạt động ở địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ông tâm sự: “Đã đi làm nghĩa vụ quốc tế thì có sá gì bom đạn, nhưng sau khi có vợ và rồi hay tin có con, tôi lại càng nặng lòng hơn với mảnh đất này. Ngày vợ sinh, tôi đang công tác ở Cà Mau. Nhận được thư của vợ từ tay người giao liên, tôi liền tức tốc chèo đò suốt bốn ngày bốn đêm để kịp về nhìn mặt đứa con đầu lòng.

Do địch ruồng bố liên tục, vợ tôi không dám sinh con trong nhà mà phải cất một cái chòi nằm trơ trọi giữa đồng để sinh nở. Vừa kịp ôm đứa con da thịt còn đỏ hỏn vào lòng thì địch pháo kích, căn chòi giữa đồng cháy rụi vì trúng đạn pháo. Rất may là cả nhà tôi đã kịp nhảy xuống hầm, suýt chết trong gang tấc…”.

...Một buổi chiều cuối năm 1994, bà con ở huyện Thới Bình khá ngạc nhiên khi thấy vài chục ông già dìu dắt nhau từ tàu đò kênh Huyện Sử lên bờ và đi thẳng về phía nghĩa trang liệt sĩ, họ tìm đến một góc khuất nhất của nghĩa trang, nơi có những dãy mộ rêu phong, cũ kỹ.

Đó là nơi an nghỉ của những chiến binh thuộc tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long II đã tình nguyện chiến đấu cho cuộc chiến chính nghĩa của người VN. Đại diện của tiểu đoàn, đại tá Nguyễn Văn Hên, thắp nén hương trước vong linh những người lính đã khuất mà không cầm được nước mắt. Cái ngày đầy khí thế chiến đấu, cả tiểu đoàn với nhiều quốc tịch khác nhau cùng rời căn cứ Mai Ruột trên đất Thái về VN chiến đấu có đến 300 người, giờ này còn những ai?...

Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, do nhiều lần bị thương nên đã có lúc ông Trần Văn Quang bị rối loạn thần kinh rất nặng, trong khi điều kiện chiến tranh du kích miền Nam không thể có thuốc men lo cho ông nên năm 1970, tổ chức đã quyết định cho ông ra công khai điều trị bệnh tại tỉnh Cần Thơ.

Nhiều đồng đội kể lại rằng, trong thời gian điều trị bệnh, những lúc tỉnh táo là ông nhớ về đồng đội, về chiến khu và lại tiếp tục móc nối với giao liên từ vùng chiến khu ra để gửi thuốc men vào cho du kích chiến đấu.

Mãi đến năm 1973 khi đồng chí nữ giao liên hi sinh trên đường công tác, ông mới mất liên lạc với đồng đội. Sau năm 1975, ông lại được giao nhiệm vụ phụ trách Hoa vận huyện Vị Thanh (Hậu Giang) và sau đó về nhà an dưỡng, điều trị cùng vợ con...

Ngày ngày ông vẫn ngồi bên ô cửa nhìn cảnh vật, con người lướt qua, ông cứ khẳng định Rạch Giá, Kiên Giang là quê ông, bởi những ngày đầu tiên đặt chân lên đất nước này, ông đã chiến đấu trên chiến trường này suốt nhiều năm liền. Nhưng khi chúng tôi hỏi có bao giờ ông nghĩ về quê cha đất tổ vùng eo biển Malacca, ông Quang trầm ngâm thật lâu: “Ở một nơi xa lắm tôi vẫn có một quê nhà, một gia đình, nhưng đã không còn nữa rồi”.

(http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ImageID=106504)

Ông Quang năm 2001, tại Vĩnh Hưng (Bạc Liêu)


Tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long II  được thành lập ngày 16-5-1947 tại chiến khu I Prak Poong, thuộc tỉnh Prachin Bouri, Thái Lan (sau đó chuyển về chiến khu Mai Ruột, thuộc tỉnh Trat, biên giới Thái Lan, Campuchia, cách đó 100km); là đơn vị hải ngoại sau cùng theo tiếng gọi của tổ quốc về VN chiến đấu trên chiến trường miền Tây Nam bộ. Quân số tiểu đoàn có gần 300 cán bộ, chiến sĩ, đa số là con em Việt kiều và những chiến sĩ, du kích quân đến từ các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Nhật. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, có hơn 200 cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh và hiện nay chỉ còn khoảng 30 người nhưng đã rất cao tuổi.

(Tư liệu truyền thống của tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long II)


 
Ông lão 80 tuổi giữa những tòa nhà chọc trời

Ra đi làm cách mạng quốc tế khi mới hơn 20 tuổi, gần 60 năm cống hiến một đời người cho cách mạng VN, nhưng mãi đến năm 2004 nhờ kinh phí đài thọ của Tỉnh ủy Kiên Giang, ông Quang mới có cơ hội lần đầu tiên được trở lại quê nhà - nơi mình sinh ra và  lớn lên. Ông đã chuẩn bị rất kỹ cho chuyến đi này. Quê nhà ông 60 năm trước bây giờ đã thuộc lãnh thổ của Cộng hòa Singapore. 

Đất nước Singapore với những dãy nhà chọc trời và tấp nập dòng xe hơi qua lại, quê ông bây giờ phát triển quá đỗi, phát triển vượt bậc so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, những người Singapore bây giờ hiện đại và luôn được thiện cảm mỗi khi bước ra ngoài, vậy mà sao đứng giữa cảnh tráng lệ nước mắt ông cứ tuôn trào, ông không còn nhận ra bất cứ một cảnh vật nào mà ông còn lưu giữ trong tiềm thức về quê nhà.

Khu nhà ọp ẹp bằng gỗ nơi ông từng sống những ngày ấu thơ với cha mẹ và ba anh em trai nay đã trở thành đại lộ, cửa hiệu  nhỏ xíu bán đồ linh tinh cho xóm lao động của người anh cả mà ông đã ghé qua lần cuối cùng trước khi tình nguyện trở thành “chiến binh quốc tế” nay đã nhường chỗ cho những tòa cao ốc.

Suốt nhiều ngày liền ông lão 80 tuổi ngược xuôi tất tả khắp mọi ngõ ngách trên đảo quốc Singapore để tìm dấu vết về một mái nhà xưa, một gia đình xưa. Những con người Singapore trẻ trung, hiện đại làm sao có thể biết được, hiểu được những gì đã diễn ra 60 năm trước, khi mà quốc gia này chỉ là một bang trong đất nước Malaysia? Ông lão ở cái tuổi gần đất xa trời cứ đứng giữa những tòa nhà chọc trời mà nước mắt rơi lã chã. “Trái tim tôi đau nhói. Đứng giữa quê nhà mà tôi như kẻ xa lạ.

Tôi muốn gào thét, muốn nổ tung. Có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của người bị mất tất cả người thân, lạc lõng ngay  trên chính quê cha đất tổ?...” - ông rưng rưng kể lại chuyến hồi cố hương đầy nước mắt của mình. “Ngay sau khi nhận ra điều cay đắng là không thể tìm được một người thân, họ hàng nào ở Singapore, tôi quyết định trở về VN ngay”.

Ông vẫn luôn nói nhiều về Rạch Giá quê ông, kể nhiều về những đồng đội từ thời ở căn cứ Mai Ruột, những ngày chiến đấu khắp chiến trường miền Tây Nam bộ, bởi đó chính là quê hương thứ hai của ông.

Điều bù đắp lớn nhất cho những mất mát trong cuộc đời ông chính là gia đình ông đang ở Rạch Giá tràn ngập tình yêu thương. Người con đầu lòng của ông ngày nào, đứa con mà ông phải dốc sức chèo thuyền bốn ngày bốn đêm để đi tìm gặp, nay đã là một  bác sĩ công tác tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ.

Bốn người con sau cũng đều đã trưởng thành, trong đó cô con gái thứ tư - người sống chung cùng ông hiện nay - đã là thường vụ Thành ủy Rạch Giá. Và tất cả đều đi theo con đường ông đã chọn khi vượt sóng biển Malacca...

Hôm qua họ còn cầm súng phía bên kia chiến tuyến nhưng hôm nay họ đã trở thành những chuyên gia quân sự cho kháng chiến, thậm chí còn được phong quân hàm cao của Quân đội nhân dân VN. Những câu chuyện kỳ lạ chỉ có trong cuộc chiến tranh mang tên “nhân dân”…

DUY BÌNH - MIÊN HẠ

----------------------------------

Ngoài lề : khi KCCP nổ ra, Việt kiều yêu nước ở Thái - Lào đã thành lập được 4 đơn vị vũ trang đưa về VN tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc : bộ đội Độc Lập 1, bộ đội Quang Trung, chi đội Trần Phú và tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long 2. Những chiến sĩ Quốc tế của các đơn vị này là trường hợp ngoại lệ khi họ tự nguyện gia nhập bộ đội VN chứ không phải là quân nhân từ phía đối phương chạy sang.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 08 Tháng Mười, 2007, 11:37:55 am
Những người Đức “của” Việt Minh


TT - Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Việt Minh đã tiếp nhận một số hàng binh từ phía đối phương, trong đó có nhiều người Đức.

Cuộc tìm kiếm thông tin về những sĩ quan Đức trong lực lượng Việt Minh của chúng tôi bắt đầu từ một bức thư điện tử với giáo sư sử học Heinz Schutte...


(http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ImageID=106701)

Các bạn Đức cùng các đồng chí lãnh đạo QĐNDVN. Từ trái sang:  Ulbrich (Hồ Chí Long), Wachter (Hồ Chí Thọ), Tạ Quang Bửu, Võ Nguyên Giáp - Ảnh tư liệu


Lính lê dương trở thành sĩ quan Quân đội nhân dân VN

Trong một email gửi cho chúng tôi, giáo sư Heinz Schutte tâm sự: “Đó là một câu chuyện dài để có thể viết thành một quyển tiểu thuyết.

Xuất phát từ những tư liệu về chiến tranh VN, tôi đã nhiều lần nghe nhắc đến sự hiện diện của tầng lớp trí thức nói tiếng Đức trong lực lượng Việt Minh nên tôi đã để tâm nghiên cứu đề tài “Những trí thức Đức trong hàng ngũ Việt Minh” với sự tài trợ của Trường đại học Bremen (Đức) và trong tháng 1-2004 tôi đã sang VN để dự một tọa đàm với chủ đề “Những người châu Âu tham gia hàng ngũ kháng chiến VN” do Viện Goethe và Hội Khoa học lịch sử VN tổ chức...”.

Công việc của giáo sư Heinz Schutte là một kỳ công vì ông nghiên cứu không chỉ người Đức, mà là cả cộng đồng nói tiếng Đức trong hàng ngũ Việt Minh liên quan đến Pháp, Đức, Áo... hiện diện trong chiến tranh VN từ năm 1933.

Theo ông Lưu Văn Lợi, nguyên trưởng phòng địch vận Quân đội nhân dân (QĐND) VN, người lính Đức đầu tiên tìm cách liên lạc với Việt Minh là Erwin Borchers, binh nhì thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn lê dương số 5.

Borchers thuộc nhóm chống phát xít phải tị nạn chính trị, bị đưa vào lính lê dương và sang VN. Điều rất đặc biệt là ngay trong lúc còn phục vụ lực lượng lê dương đang đồn trú ở Việt Trì, Borchers đã tổ chức một chi bộ cộng sản gồm bốn người: Golvald (Tiệp Khắc), Schroder (Đức), Frey (Áo) và Borchers, bởi vì họ đều là những người cộng sản khi còn ở chính quốc.

Cuối năm 1944, Việt Minh quyết định gặp Borchers ở ngoại thành Hà Nội giữa một ruộng lúa mà không ai ngờ tới và người tiếp xúc không ai khác hơn là đồng chí Trường Chinh, tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương...

Tháng 9-1945, Borchers, Schroder và Frey tìm đến trụ sở báo Cờ Giải Phóng xin chính thức gia nhập Việt Minh. Chính ông Lưu Văn Lợi là người lo cho họ chỗ ăn ở và tìm hiểu để bố trí công tác.

Từ đó, họ trở thành cán bộ của Việt Minh. Theo ông Lợi, ban đầu anh em trong cơ quan hay gọi những người này là “hàng binh” nhưng nhiều người nhắm chừng tên gọi này không chính xác, nhiều khi gây ngộ nhận, mặc cảm vì có người đã được phân công làm cán bộ, sĩ quan cao cấp trong QĐND VN. Chính Bác Hồ chủ trương không gọi họ là “hàng binh” và Bác đã đặt cho họ một cái tên chính xác “những người VN mới”.

Đồng chí Trường Chinh là người trực tiếp phân công cho “những người VN mới” đầu tiên trong lực lượng Việt Minh. Frey (có tên Việt là Nguyễn Dân) có khả năng quân sự cao được đưa sang làm bộ đội, sau này được phong quân hàm đại tá phụ trách an ninh khu vực an toàn khu - nơi có các cơ quan tham mưu của QĐND VN đóng quân.

Còn Borchers lại được chuyển sang làm tờ báo của cơ quan địch vận xuất bản bằng tiếp Pháp (Le Peuple - Nhân Dân) chuyên viết bình luận chính trị bằng tiếng Pháp với bút danh Chiến Sĩ, sau đó chuyển sang làm biên tập viên của Thông tấn xã VN một thời gian rồi trở lại cơ quan địch vận với quân hàm trung tá, cho đến kháng chiến thành công.

Trong khi Schroder (tên Việt là Lê Đức Nhân) ban đầu cũng được phân công viết báo, nhưng đến năm 1949 do nhu cầu công tác, Schroder được điều động ra mặt trận với quân hàm trung tá, chỉ huy một lực lượng đặc biệt tuyên truyền vũ trang mang tên William Tell gồm một nửa là người Đức và một nửa là người Việt với nhiệm vụ bao vây các đồn có lính Đức kêu gọi họ chạy sang hàng ngũ Việt Minh.

Trong quyển nhật ký chiến trường mà Schroder để lại, Schroder đã từng viết rằng: “Cả ba người chúng tôi (Schroder, Borchers, Frey) đều coi VN là tương lai, là tiền đồ của mình, chúng tôi tin chắc điều đó và thật sự đất nước VN đã trở thành đất nước của chúng tôi...”.

Còn trong những tư liệu của giáo sư Heinz Schutte công bố có một lá thư đại tướng Võ Nguyên Giáp viết gửi Schroder, lá thư ghi ngày 9-4-1948: “Tôi vui mừng được tin anh trở về từ tiền tuyến. Và rất thú vị khi thấy anh giáng cho bọn thổ phỉ một cú ngoạn mục... Thân mến, Văn”.

Những “bộ đội” đặc biệt

Chế độ sinh hoạt của “những người VN mới” những ngày đầu được ưu đãi đặc biệt, hơn cả cán bộ VN quản lý họ. Cán bộ cấp phó giám đốc chiêu đãi sở như ông Lê Vân ngày ấy chỉ được cấp 7 lạng gạo với 3 đồng tiền ăn/ngày, trong khi “những người VN mới” lại được đến 20 đồng/ngày và hằng tháng lại còn được thêm 5 đồng để tiêu vặt.

Đặc biệt đồng chí Văn Tiến Dũng còn “biệt phái” hẳn một đầu bếp tên Đô, vốn là một đầu bếp nổi tiếng, sang cho chiêu đãi sở. Đầu bếp Đô luôn nấu món Tây rất ngon cho những người lính châu Âu như xúp chân gà, gà nấu ragu, ngày chủ nhật còn có thêm tiệc rượu cocktail xôm tụ ra trò. Được đối xử tốt nên nhiều người đã công tác rất tốt.

Không chỉ riêng Schroder lập nhiều chiến công với “biệt đội Tell” với gần 40 người là “chiến binh quốc tế”, thường xuyên đóng giả lính Pháp để đột kích đánh úp đồn địch; còn có Saloten, một người Đức có tên Việt Bắc chiến đấu rất dũng cảm, được thăng cấp lên đến thiếu úy; hay Schimidberger, một trí thức Đức có sáng kiến làm một guồng nước để tận dụng các máy móc thiết bị thu nhặt được từ ôtô, xe tăng của địch bỏ lại quanh vùng để chạy quạt máy, máy cưa gỗ.

Còn có Landsraf, tên Việt là Phụng, nói tiếng Việt rất giỏi, sau khi hòa bình lập lại đã tình nguyện ở lại VN làm việc tại Đại sứ quán CHDC Đức đến tận những năm 1960 mới về Đức; hay như Stag, có tên là Hồng Chi, đã xuất bản một quyển sách về VN rất hay bằng tiếng Đức nhưng quyết ký tên Việt là Hồng Chi.

W.Kock và K.Walter đã trở thành những chiến sĩ dũng cảm, được tưởng thưởng huân chương ngay trên chiến hào và không ít người như Foké, Peter Hans... đã anh dũng ngã xuống chiến trường với quân phục của chiến sĩ QĐND VN...

Nhà sử học, phó tổng biên tập tạp chí Xưa & Nay Đào Hùng cho chúng tôi xem những tấm ảnh tư liệu quí về những người Đức trong lực lượng Việt Minh được chụp tại chiến khu Việt Bắc với các đồng chí lãnh đạo cao cấp.

Nhiều bức ảnh cho thấy nhiều người Đức đã được tin dùng và đưa vào bộ phận tham mưu của kháng chiến như Walter Ulbrich (Hồ Chí Long), Georges Wachter (Hồ Chí Thọ)... thường xuyên trao đổi công việc với các đồng chí lãnh đạo như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Tạ Quang Bửu...

Hay như Schulze, một “người VN mới” chạy sang hàng ngũ Việt Minh tại mặt trận Nam Trung bộ từ năm 1946, cũng được đưa ra chiến khu Việt Bắc, làm việc ở Nha Nghiên cứu kỹ thuật và là người bay thử một trong hai chiếc máy bay đầu tiên của không quân VN vào năm 1949.

Ông cũng là người chế tạo thành công lựu đạn chống tăng AT theo công nghệ dập được các chuyên gia quân sự VN đánh giá rất cao. Cái tên Việt của Schulze là Nguyễn Đức Việt do đích thân Bác Hồ đặt cho và Schulze được vinh dự kết nạp vào Đảng Lao động VN.

Một nỗi niềm riêng…

Cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng, hòa cùng niềm vui của dân tộc VN, “những người VN mới” còn có niềm vui riêng, đó là ngày trở về cố quốc đã gần kề.

Theo tài liệu của giáo sư Heinz Schutte, từ năm 1951 đến cuối năm 1955, được phép của Chính phủ VN có đến bảy chuyến vận chuyển 761 binh sĩ Đức từ chiến khu Việt Bắc theo đường Bắc Kinh, Matxcơva về Berlin ở CHDC Đức.

Đầu năm 2004, bà Claudia Borchers - con gái của “chiến sĩ” Erwin Borchers, người lính Đức đầu tiên trở thành “người VN mới”, trở lại quê cha. Bà Claudia có tên VN là Việt Đức và được sinh ra giữa chiến khu ATK ở Thái Nguyên.

Bà Claudia kể: “Ban đầu mẹ tôi đã đặt cho tôi một cái tên VN: Mai. Nhưng trước ngày cha tôi đi chiến dịch Điện Biên Phủ, ông bảo phải đặt cho tôi một cái tên gợi nhớ hai dân tộc nếu một mai ông không trở về, và thế là tôi có một cái tên mới: Việt Đức.

Mẹ tôi kể lại rằng sau chiến thắng Điện Biên, đơn vị cha tôi được lệnh về tiếp quản thủ đô Hà Nội vì tôi còn quá bé, mới 4 tuổi và sợ có chuyện gì xảy ra nên ông bế tôi trên tay suốt chặng đường bộ dài 20km mới đến trạm dừng chân”.

Trở lại quê hương năm 1966, Borchers luôn nhớ về VN. Trước khi mất, ông đã gọi Claudia vào bảo muốn được rắc nắm tro tàn của mình vào nơi nào đó trên đất nước VN. “Những năm cuối đời, cha tôi như một người thiếu quê hương” - Claudia nói về người cha của mình như thế.

Schulze - Nguyễn Đức Việt cũng có một gia đình ở VN, đám cưới của Nguyễn Đức Việt với cô gái Tày Hoàng Thị Thanh được tổ chức tại sân bay Tông (Sơn Tây) vào năm 1947 cho dù Schulze đã có gia đình bên Đức trước chiến tranh, sau đó họ sinh được một bé gái cũng tại chiến khu Việt Bắc đặt tên là Nguyễn Thị Hoa và hai năm sau một bé trai lại ra đời là Nguyễn Đức Hồng.

Năm 1954, Schulze theo đoàn quân tiếp quản về đóng quân tại sân bay Gia Lâm và cuối năm 1955 về Đức mà không được phép mang theo vợ con. Sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, nhưng đó là quãng đời đẹp nhất của chị em Hoa - Hồng vì lúc nào cũng được gần cha.

Sau khi Schulze về Đức, bà Thanh ở lại tần tảo nuôi con với đồng lương khiêm tốn của một công nhân quốc phòng. Năm 1968, bà Thanh và hai con Hoa - Hồng được tin Bộ Ngoại giao VN thông báo: “Ông Schulze chuẩn bị sang VN!”.

Chưa kịp mừng thì ngày 1-7-1968 Schulze đột ngột qua đời khi đang đi công tác tại Bỉ. Những người thân của Schulze cho biết trước khi nhắm mắt ông đã gọi mãi hai từ “Hoa - Hồng”, hai tiếng yêu thương từ một quê hương, một núm ruột mà ông không bao giờ được gặp lại...

DUY BÌNH - MIÊN HẠ


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 08 Tháng Mười, 2007, 11:41:05 am
Những người VN mới... gốc Nhật


(http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ImageID=106901)

Cục quân huấn Bộ tổng tham mưu - trong ảnh có bốn "người VN mới", trong đó có ông Kamo Tokuji -Ảnh tư liệu
 
TT - Sau khi quân Nhật thua trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều lính Nhật đã ở lại Việt Nam và cùng tham gia kháng chiến chống Pháp với người Việt.

Trong tổng số lính Nhật ở lại khoảng 800 người, những người tham gia kháng chiến chống Pháp được gọi là “người Việt Nam mới”. Tại Đông Nam Á, hiện tượng nhiều lính Nhật ở lại như thế chỉ xảy ra ở Indonesia và Việt Nam mà thôi.

Là một phóng viên ban tiếng Việt của Đài NHK, tôi đã nhiều năm thực hiện các chương trình radio phát cho thính giả VN. Trong thời gian này, lần đầu tiên tôi để ý đến đề tài “người VN mới” là qua các thư từ thính giả VN gửi đến Đài NHK nhờ tìm chồng hay cha đã từng là lính Nhật.

Tuy nhiên lúc đó chưa nhận thức đầy đủ chuyện này, tôi chỉ liên hệ với một số người hữu quan tại Nhật, nhưng họ góp ý là chuyện tế nhị, phải cẩn thận. Tôi vẫn nhớ trong những bức thư từ các thính giả, có một cựu học viên VN ở Quảng Ngãi đã viết về ơn nghĩa sâu nặng đối với người thầy là lính Nhật từng dạy kỹ thuật quân sự cho ông ta. Đọc thư này tôi quan tâm đến bối cảnh sự kiện đó, nhưng vì công việc hằng ngày tôi cũng dần dần quên đi mất.

Rồi tôi có cơ hội tiếp xúc với một người VN mới khi thực hiện chương trình radio. Đó là chủ tịch Hội Mậu dịch Việt - Nhật, một nhà doanh nghiệp có cửa hàng bán thuốc tại địa phương, một bác sĩ làm việc tại một công ty khoáng sản ở miền núi...

Qua những lần tiếp xúc như thế, tôi bắt đầu nghĩ khi nào có điều kiện sẽ tìm hiểu chi tiết toàn bộ câu chuyện về người VN mới. Cơ hội này đã đến vào năm 2003, nhân kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật. Lúc đó tôi thực hiện một chương trình radio về đề tài người VN mới và tranh thủ gặp gỡ các nhân chứng sống tại cả Nhật lẫn VN.


(http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ImageID=106903)

Cô giáo Lê Thị Hiếu và chồng của cô là một người VN mới - Ảnh: Kato Nord


Cô giáo dạy đàm thoại tiếng Việt cho chúng tôi lúc tôi còn sinh viên năm 1 khoa tiếng Việt Trường ĐH Ngoại ngữ Tokyo chính là một phụ nữ VN đã sang Nhật cùng với chồng là một người VN mới. Trong ký ức của tôi, cô vui tính và thẳng thắn, SV nào phát âm dở, cô ấy nói thẳng ngay, chẳng hạn như: “Ồ, sao em nói kém quá nhỉ”. Nhưng không hiểu sao đối với tôi, cô “nuông chiều” và động viên một cách đặc biệt. Sự khích lệ đó là một trong những lý do chính khiến tôi mê học tiếng Việt trong giai đoạn khởi đầu.

Thời đó, công việc dạy tiếng Việt tại Nhật có sự đóng góp rất lớn của người VN mới. Ngoài việc dạy ở các trường ngoại ngữ, họ còn biên soạn từ điển, tài liệu học hay dịch các quyển sách tiếng Việt sang tiếng Nhật...

 
Câu chuyện của một nhà sử học

“Năm 1945, khi tôi mới học cấp I, bé lắm, tôi được tiếp xúc với hai người Nhật. Một ông tên Trung Bắc, là đại tá quân y; một ông tên Trung Nam thì cấp đâu đại úy thôi, nhưng mà hai người đó đã trở sang hàng ngũ Việt Minh và trở thành người VN mới, ăn mặc như bộ đội quốc phòng của chúng tôi.

Ngoài các giờ tập võ, tập đẩy đao, tập các thứ thì ông Trung Bắc mang thuốc đi chữa bệnh và tìm cho người VN những cây thuốc bắc, thuốc nam ở trong vườn để cứu chữa rất nhiều người. Ấn tượng đó đối với tôi là y như người VN vậy...”.

Ông Trương Thâu, một nhà sử học, thường kể lại những điều về lính Nhật mà ông đã trông thấy tận mắt ngày ông còn bé. Khi trở thành một nhà nghiên cứu lịch sử, ông Trương Thâu đã chọn đề tài nghiên cứu về quan hệ giao lưu Việt - Nhật như về Phan Bội Châu. Ông cho biết trong kỷ niệm ngày nhỏ, ông nhớ mãi từ ngữ “người VN mới” được dùng để gọi những cựu quân nhân Nhật đã ở lại VN và kỷ niệm ấy luôn luôn còn như rất mới mẻ trong lòng ông.

Như ông Trương Thâu đã chứng kiến ngày bé, sau Thế chiến thứ hai, có những quân nhân Nhật Bản đã không trở về nước mà họ ở lại VN. Đa số họ đã cùng với phong trào Việt Minh vừa giành độc lập, tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp của người VN. Tại các nước khác ở châu Á cũng vậy, có nhiều trường hợp cựu quân nhân Nhật đã ở lại các nước này, cùng chung sống và sinh hoạt với người bản xứ, nhưng chưa ở đâu có đông lính Nhật như ở VN.


Và những người lính Nhật ở lại...

Ở lại VN, ông Miazaki Isao tham gia chiến đấu trong khoảng một năm, bị thương nặng vì một viên đạn xuyên qua bụng, sau đó ông làm công việc của một dược sĩ. Ông kể: “Hễ nhớ lại những gian khổ đã trải qua ở VN thì khó khăn đến đâu rồi cũng vượt qua được. Khác với lúc trong quân đội Nhật khi tôi còn ở Việt Minh thì lực lượng hai bên giữa quân Pháp và Việt Minh chênh lệch nhau rất xa.

Chúng tôi không ở đâu yên được, hễ bị quân Pháp tấn công là phải đeo balô leo lên xe để chạy cho nhanh. Tôi lại là người nước ngoài nên không có anh em, không quen biết, khi hoạn nạn chẳng biết nhờ cậy ai, tiếng tăm thì không biết, tiền bạc cũng không.

Sống ở một nơi mà mình chẳng có một thứ gì như vậy không phải là dễ. Sống trong tình cảnh như thế rất cần sức mạnh, không chỉ là sức mạnh thể lực mà còn cần cả sức mạnh của tinh thần, mà điều đó có thể nói là chẳng phải chỉ riêng tôi, những người VN quanh tôi bấy giờ cũng đều như vậy”.

Còn ông Kamo Tokuji hồi tưởng thời đó và cho biết lý do ông đã ở lại VN: “Nói đúng ra thì hồi đó tôi không muốn nhìn thấy một nước Nhật bị quân đội Mỹ chiếm đóng, đó mới là thực tâm của tôi. Trong thời chiến tôi đã nhìn thấy lính Nhật làm nhiều điều nhũng nhiễu dân chúng các nơi, và bản thân tôi thú thật cũng đã từng làm như vậy, cho nên bây giờ tôi không thể chịu nổi khi nghĩ rằng sẽ phải trông thấy lính Mỹ chiếm đóng và hoành hành trên quê hương mình.

Thế còn tại sao tôi lại ở lại VN, nói thật ra cũng chẳng phải vì tôi muốn tham gia cách mạng, tôi nhập ngũ rồi được đưa sang VN, chứ tôi không biết gì về VN cả. Thế nhưng, khi chứng kiến cảnh người VN vui mừng giành lại được độc lập và ngày nào họ cũng đi biểu tình đến nửa đêm, trong lòng tôi cũng cảm thấy có những tình cảm tương tự như họ. Có lẽ vì nghĩ như vậy nên dần dần tôi có ý nghĩ rằng nếu không trở về Nhật nữa thì ta ở lại VN cho đến khi gửi nắm xương tàn ở đây cũng được”.

Trong số những cựu quân nhân ở lại VN có những người như ông Kamo (tên tiếng Việt là Phan Huệ), không muốn trở về đất nước Nhật đã bị quân đội Mỹ chiếm đóng. Cũng có người sợ khi trở về sẽ bị xử vì tội chiến tranh, cũng có người được rủ vào Việt Minh, hay có người yêu là người VN.

Tóm lại có nhiều nguyên do khác nhau khiến họ ở lại, nhưng dù cho vì nguyên do gì, một sự thật hiển nhiên là họ đều đã đóng góp dưới nhiều hình thức khác nhau cho một VN vừa mới giành được độc lập, mà trong đó vai trò lớn nhất của họ là đã giúp quân đội Việt Minh trong buổi đầu thành lập.

KATO NORIO (trưởng ban tiếng Việt Đài NHK)

Hoang mang và mất hết lẽ sống sau bại trận, 800 người lính Nhật ở lại VN. Nhiều người trong số họ đã tìm thấy lẽ sống mới khi cùng với người Việt đứng chung một chiến hào...


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 08 Tháng Mười, 2007, 12:11:55 pm
Cựu quân nhân Nhật Bản trên đất Việt


(http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ImageID=107084)

Những người VN mới cùng gia đình hồi hương về Nhật năm 1960 - Ảnh tư liệu


TT - Giành được độc lập nhưng Nhà nước VN non trẻ không tránh khỏi tình thế phải đối đầu với quân Pháp đang âm mưu quay trở lại. Yêu cầu cấp bách của VN là phải đào tạo ngay một đội ngũ sĩ quan lãnh đạo quân đội trong tương lai. Và các cựu quân nhân Nhật Bản là một trong những chọn lựa...


Sáng kiến của tướng Nguyễn Sơn

Một trong những đóng góp tiêu biểu nhất của người VN mới là hoạt động của họ tại Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi. Trường này là một trong ba trường đào tạo sĩ quan quân đội chính qui đầu tiên của VN. Trường đã khai trương vào ngày 1-6-1946 với khoảng 400 học viên.

Theo ký ức của các cựu học viên, trường có 11 người Nhật làm giáo viên huấn luyện quân sự, trong đó có ông Kamo Tokuji (Phan Huệ). Nhiều cựu lính Nhật tập trung ở trường này là từ sáng kiến của tướng Nguyễn Sơn, chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam kiêm hiệu trưởng Trường Lục quân Quảng Ngãi.

Ông Nguyễn Văn Khoan, tiến sĩ sử học, nói: "Có thể là Bộ Quốc phòng đã ra chỉ thị tranh thủ mọi công dân nước ngoài có xu hướng ủng hộ VN, giao quyền cho các tư lệnh địa phương được phép tuyển người nước ngoài vào công tác trong quân đội".

Khi Nhật đã bại trận, ở VN có khoảng 8 vạn lính Nhật. Họ chờ bị giải giới và hồi hương về Nhật. Tuy nhiên lực lượng đồng minh phụ trách giải giới (quân Tưởng Giới Thạch ở phía Bắc, quân Anh ở phía Nam, ranh giới chia hai vùng này ở vĩ tuyến 16) đến VN chậm trễ nên Việt Minh đã tranh thủ thời cơ để củng cố lực lượng. Theo ông Nguyễn Văn Khoan, những lính Nhật lúc đó là đối tượng nên tranh thủ sự ủng hộ về mặt kỹ thuật quân sự và vũ khí, chứ không phải là kẻ thù nữa.

Là người VN duy nhất đã tham gia Vạn lý trường chinh của cách mạng Trung Quốc, tướng Nguyễn Sơn nhận thức đầy đủ trình độ quân sự nước ngoài nên ông chủ động tận dụng sự ủng hộ của lính Nhật để chống lại ý đồ tái chiếm đóng của Pháp.

Trường Lục quân Quảng Ngãi chia thành bốn đại đội, mỗi đại đội có một thầy giáo và một trợ giảng người Nhật phụ trách. Nội dung học có các động tác cơ bản như bắn súng, ném lựu đạn xung phong, đâm lê, bò toài... Học các bài học về canh gác, tuần tra, phòng ngự, tấn công... Nhớ lại thời đó, các học viên đều nói các giáo viên Nhật dạy thật tận tụy, nghiêm túc và luôn luôn tự làm động tác mẫu chính xác khiến họ kính phục. Nhiều học viên chịu ảnh hưởng tác phong của các giáo viên Nhật, cạo trọc đầu hay gỡ nút áo kaki.

Ông Huỳnh Thúc Tuệ đã nhắc lại những kỷ niệm về giảng viên người Nhật thời bấy giờ: "Tôi nói một thí dụ về khổ luyện. Đi tập thì từ thao trường phải chạy về trường khoảng 5km. Thầy bao giờ cũng bắt chạy rất đều, tức là bước đều rầm rập rầm rập, vừa chạy vừa hát, hát thật to. Hôm nào chúng tôi chạy đều, hát to thì thầy cho về doanh trại luôn, rồi nghỉ ngơi, ăn cơm. Thế nhưng hôm nào cứ lọc cọc, hơi xọc xạch thì thầy hô "mục tiêu sân bay".

Tức là từ chỗ ấy đi lên sân bay của Quảng Ngãi hơn 3km nữa. Thầy bắt chạy từ trên ấy đi lên rồi lại chạy về, chạy đều được rồi thì về, thầy mới thả ra. Sau này, năm 1990 gặp lại thầy, tôi mới hỏi thầy về những kỷ niệm cũ thì thầy vỗ vai tôi nói lúc ấy không chỉ học trò mệt mà thầy cũng rất mệt, thế nhưng nếu thầy không gương mẫu để học trò rèn luyện thì không thành công".   

Ông Vũ Hắc Bồng, cũng một cựu học viên, nói: "Trường lục quân giúp tôi nên người. Bắt đầu làm con người có thể hiểu được xã hội, hiểu được công việc, hiểu được tương lai, hiểu được quốc tế. Dù chưa giỏi nhưng đó là bước đầu rất quan trọng cho tiến thân sau này. Điểm thứ hai, trường tạo cho tôi một môi trường tập thể, biết thế nào là tập thể. Mà tập thể đầu tiên của tôi là tập thể quân đội, rất quí báu. Cái đó vào ngoại giao rất quan trọng, nên tôi không quên mấy ông giáo viên Nhật Bản”.

Vì cuộc xung đột với Pháp là không thể tránh khỏi, thời gian đào tạo rút ngắn, vào ngày 22-11 các học viên tốt nghiệp và nhận nhiệm vụ mới, hầu hết ra tiền tuyến. Sau này các học viên đã thành đạt trong nhiều lĩnh vực như quân sự, ngoại giao, văn hóa nghệ thuật.

Trong lĩnh vực quân sự có trên 10 vị cấp tướng như thiếu tướng Lê Xuân Kiện - chỉ huy đội xe tăng chiến dịch Hồ Chí Minh, thiếu tướng Hồ Đệ - chỉ huy đơn vị tấn công sân bay Tân Sơn Nhất năm 1975... Một số học viên sau giải ngũ chuyển sang lĩnh vực khác như ông Nguyễn Khắc Huỳnh - chuyên viên ngoại giao tham dự đàm phán hòa bình Paris, ông Vũ Hắc Bồng - từng là đại sứ VN tại Angola và giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, ông Thái Vũ - nhà văn viết truyện lịch sử...                                       

Vì điều kiện không cho phép, họ phải để gia đình lại VN. Họ nghĩ hai, ba năm sau có thể đoàn tụ gia đình, nhưng đối với đa số họ đó là lần chia tay vĩnh viễn, trong suốt phần đời còn lại họ không gặp lại vợ con VN nữa.

Một bi kịch nữa là trường hợp năm người Đài Loan phục vụ cho quân đội Nhật hoàng (Đài Loan lúc trước là thuộc địa Nhật Bản). Họ là kỹ sư nông nghiệp, từng hướng dẫn trồng đay ở VN, cũng tham gia khóa học nói trên nhưng bị Chính phủ Nhật từ chối cho phép về Nhật vì lý do là người nước ngoài.

Người VN mới đã hồi hương về Nhật trong bốn đợt từ năm 1954-1960, tổng cộng khoảng 100 người. Nhưng đa số người VN mới đã hi sinh tại VN khi chiến đấu hoặc chết vì bệnh tật.

Hiện nay vẫn còn chưa xác nhận được tung tích của nhiều người vì trên mộ của họ chỉ có tên tiếng Việt.

 

Những nhiệm vụ cuối cùng

Hầu hết người VN mới đã phụ trách huấn luyện quân sự ở nhiều trường quân chính hay lớp học cho dân quân. Một số khác ở các đơn vị chiến đấu hay chỉ huy.

Ông Đặng Văn Việt là cựu trung đoàn trưởng nổi tiếng anh hùng với chiến dịch đường số 4. Trong trung đoàn của ông có một người Nhật gọi là "Sáu Nhật" đã giữ chức đại đội trưởng đội trinh sát. Ông Việt kể: "Trong thời gian chiến dịch đường số 4, anh Sáu Nhật luôn ở cạnh tôi. Anh đi nghiên cứu địa hình, điều tra địch, vẽ sơ đồ để đề xuất phương án tác chiến. Sáu Nhật rất đắc lực. Sáu Nhật có trình độ quân sự vì là sĩ quan Nhật cũ, thêm nữa lại dũng cảm cho nên trong thành công của tôi, anh Sáu Nhật có công rất lớn".

Sáu Nhật có tên Nhật Iwai Koshiro, sau khi hồi hương về Nhật ông là một trong những người VN mới đã thành lập Hội Thương mại Việt - Nhật.

Người VN mới cũng phụ trách việc sửa chữa - sản xuất vũ khí. Ngoài quân sự, họ còn tham gia các công tác như y tế, dược sĩ, lái xe, kỹ sư khai thác khoáng sản... Trong Nhật ký của một bộ trưởng, ông Lê Văn Hiến viết: "(ngày 20-9-1949) Hội nghị tiểu ban quốc gia ngân hàng. Hội nghị bàn được nhiều vấn đề về nguyên tác đại cương.

Hoàng Đình Tùng trước đây đã làm ở Yokohama Bank nên có kinh nghiệm thực hành, giúp nhiều ý kiến về tổ chức". Hoàng Đình Tùng là Fujita Isamu, sau khi về Nhật ông là tổng thư ký đầu tiên của Hội Thương mại Việt - Nhật.

Vào khoảng năm 1950, cục diện của kháng chiến chống Pháp đã sang giai đoạn mới, số phận của những người VN mới cũng dần dần thay đổi. Hầu hết họ giải ngũ và chuyển vào khu vực dân sự như nông nghiệp, công nghiệp, buôn bán hay làm nghề khác, còn một số ít tiếp tục cộng tác trong Bộ tổng tham mưu quân đội với tư cách tham nghị, quân huấn. Một lý do khác khiến nhiệm vụ của họ đã thay đổi như thế là vì cách mạng Trung Quốc thành công vào năm 1949, quan hệ hợp tác giữa hai nước càng ngày càng chặt chẽ hơn.

Vào tháng 2-1954, những người VN mới gốc Nhật đã tập trung ở Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang để tham gia một khóa học tập nhằm chuẩn bị cho việc hồi hương. Có 93 người tham dự và khóa học kéo dài đến tháng chín. Có mặt trong buổi học tập này là những người lúc đó sống ở miền Bắc, còn ở miền Nam không được mời tham gia.

Và theo thỏa thuận của các hội chữ thập đỏ ở hai nước, người VN mới đã về Nhật vào tháng mười một năm đó.

KATO NORIO (trưởng ban tiếng Việt Đài NHK)


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 08 Tháng Mười, 2007, 12:16:00 pm
Những gia đình Việt - Nhật



(http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ImageID=107253)
 
Bà Lương Thị Lộc và nhà báo Nhật Kato Norio

TT - Vào ngày 30-11-1954, 76 người Nhật từ VN đã hồi hương về cảng Maizuru trên tàu Koanmaru của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản. Một thời kỳ khó khăn mới đang chờ đợi họ trên chính quê nhà...


Nỗi buồn cố hương

Ông Takeshi Sugihara (tên VN là Hồng Cận Lập) là một trong những người Việt Nam mới (VNM) về Nhật trên tàu Koanmaru. Nhớ lại ngày đó, ông kể: “Tôi đã về nước cùng chuyến tàu với những người Nhật hồi hương từ Trung Quốc. Họ đem theo về Nhật nhiều của cải và tiền bạc. Còn những người từ VN trở về nước như chúng tôi thì ai cũng gầy gò ốm yếu vì bệnh sốt rét, nước da đen đủi vì rám nắng. Tài sản đem theo chỉ một cái tay nải”.

Người VNM đã hồi hương về Nhật trong bốn đợt từ năm 1954-1960, trong đó chỉ có 20 gia đình VN cùng sang Nhật được vào đợt ba và bốn. Bắt đầu cuộc sống mới, những người sống ở các TP lớn như Osaka hay Tokyo thì tương đối còn tìm được việc làm, còn những người trở về thôn quê thì cuộc sống vô cùng chật vật.

Dân địa phương lại có thành kiến đối với người VNM vì họ đã từng ở trong quân đội của một nước theo chủ nghĩa xã hội. Theo nhiều người VNM, trong một thời gian dài cảnh sát Nhật Bản còn theo dõi hành động hằng ngày của họ. Ngoài sự phiền phức này còn có một vấn đề khổ sở hơn là sinh kế.

Ông Isao Miyazaki (tên VN là Cao Kỳ Phúc) nói: “Gia đình tôi làm nghề nông và tôi là con trưởng. Thế nhưng khi về quê thì em trai tôi đã lên thay cha tôi trông coi ruộng vườn. Bất đắc dĩ tôi phải tìm việc làm khác.

Nhưng thời bấy giờ người học xong bậc đại học còn khó tìm việc. Tôi lại là kẻ mới từ một nước xã hội chủ nghĩa hồi hương mà đi tìm việc thì rất khó khăn. Tôi đã làm đủ thứ việc để nuôi vợ con như bán thức ăn, làm thợ ở nhà máy, đi bán hàng rong...”.

Để tìm việc làm, ông Miyazaki phải chuyển nhà tới mười lần. Nhưng theo ông, hễ nhớ lại những gian khổ đã trải qua ở VN thì khó khăn đến đâu rồi cũng vượt qua được.

Ngày 19-3-1955, Hội Hữu nghị Việt - Nhật ra đời. Hội đã chủ trương xây dựng hòa bình tại châu Á thông qua việc thực thi Hiệp định Genève cũng như giải quyết vấn đề hồi hương của những người Nhật đang còn ở lại VN. Nhiều người VNM gia nhập hội như ông Tokuji Kamo, ông Takeshi Sugihara.

Ngày 12-5-1956, hiệp định thương mại sơ bộ Việt - Nhật được ký kết tại Hà Nội. Đó là bước mở đầu cho quan hệ thương mại giữa hai nước. Người có công lớn để đạt được thành quả này là ông Isamu  Fujita (một người VNM có tên Hoàng Thanh Tùng), tổng thư ký đầu tiên Hội Thương mại Việt - Nhật.

Trước khi sang Hà Nội, ông Fujita đã liên lạc với thống đốc ngân hàng quốc gia, đồng nghiệp cũ lúc còn ở VN và đã nhận được visa. Tuy nhiên lúc đó hai nước không có quan hệ ngoại giao, chuyến đi VN của ông Fujita quá vất vả, mất bốn tháng vì qua ngả Hong Kong, Thâm Quyến, Quảng Đông, Nam Ninh, Lạng Sơn.

Hội Hữu nghị Việt - Nhật và Hội Thương mại Việt - Nhật đã thúc đẩy giao lưu và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước trong thời kỳ chưa có quan hệ ngoại giao (chính thức được thiết lập vào ngày 21-9-1973).

Hiện nay quan hệ giữa hai nước Nhật Bản - VN có lẽ tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Con số người Việt học tiếng Nhật hay du học sang Nhật cứ tăng dần và con số du khách Nhật sang VN cũng đứng hàng nhất nhì trong danh sách du khách nước ngoài. Tại Nhật nhà hàng VN đang xuất hiện nhiều nơi ở các thành phố, ở đây luôn đông khách, chủ yếu là phụ nữ trẻ.

Nhìn thấy quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, tôi cảm thấy hành động của người VNM hết sức đáng quí. Bởi vì đó là hành động hoàn toàn vô tư và vô danh trong lúc quan hệ giữa hai nước hoàn toàn xa cách...

 

Câu chuyện của những người phụ nữ

Bà Lê Thị Hiếu là một trong những phụ nữ VN theo chồng là cựu quân nhân Nhật đã đến Nhật vào tháng 8-1959. Bà Lê Thị Hiếu nhớ lại những ngày ấy: “Lúc mới về Nhật, con mới có bảy tháng, vợ thì tiếng không biết, ông ấy đi làm một tháng tiền lương có một vạn rưỡi. Rất khó khăn. Nhật Bản cũng mới hết chiến tranh, về đây không có cái gì cả. Có hai vợ chồng với đứa con đi ra mua ba cái bát, ba đôi đũa về... Khổ...!”.

Một chuỗi ngày đầy những gian nan. Tuy nhiên, so với các bà vợ có chồng Nhật phải ở lại VN và xa chồng thì có lẽ bà Hiếu còn hạnh phúc hơn trăm lần. Hầu hết các bà vợ VN phải xa chồng đều không bao giờ còn được đoàn tụ trở lại với chồng họ. Bà Lương Thị Lộc hiện sống tại Hà Nội là một người ở trong cảnh ngộ đó, bà đã phải một mình nuôi bốn người con.

Bà kể: “Cuộc đời như thế nên buồn lắm anh ạ. Chồng đi rồi, một mình ở VN mà nuôi bốn con thì khổ lắm. Đấy là tôi còn được đi làm nhà nước. Chứ còn những bà mẹ khác không đi làm nhà nước, phải buôn bán, làm đủ thứ còn khổ nhiều hơn. Thế mà các ông chồng đó không nghĩ gì đến vợ VN cả.

Chồng tôi thì có một lần gửi đồ chơi làm quà cho các con, hai con gái là hai con búp bê, hai con trai thì một chiếc ôtô và một chiếc tàu hỏa chạy bằng pin. Rồi hết pin không có tiền để mua nữa, thôi thì tôi bán đi lấy tiền...”.

Bà Lộc chẳng bao giờ còn gặp lại chồng mình. Bà cũng không biết những chuyện gì đã xảy ra, không biết chồng mình khi về Nhật đã lập gia đình khác, cho đến năm 2001... Bà Mika Takazawa ở TP Mastudo đã lần đầu tiên đi thăm VN và đến gặp bà Lộc cùng những người con của bà Lộc.

Bà Takazawa kể: “Cha tôi đã qua đời cách đây chín năm, mãi về sau tôi mới biết là khi mất cha tôi vẫn còn ôm trên ngực hai tấm ảnh chụp với tôi và với gia đình còn ở lại VN. Tôi hết sức đau lòng và thương cha tôi. Ngày nay giữa VN và Nhật Bản đã có thể đi lại dễ dàng, thế nhưng cha tôi đã vì ngại gia đình, vợ con ở Nhật mà không thể về gặp lại vợ con ông ở VN. Từ đó tôi rất muốn đi VN, gặp gia đình ở VN thay cho cha tôi.

Tôi đã đến thư viện quốc gia tra cứu để tìm gia đình ở VN, cho đến khi tôi may mắn tìm được tung tích của họ. Khi tôi gặp bà Lộc, bà có nói rằng bà đón tôi cũng như là đón cha tôi, điều đó khiến tôi thật sự cảm thấy một sự gần gũi, và tôi coi VN như quê hương thứ hai của mình”.

Tháng 2-1959, tất cả người VNM hồi hương năm 1954 đã nhận được tờ thăm dò ý kiến. Khi hồi hương, họ phải để lại gia đình VN vì điều kiện thời đó không cho phép. Tờ thăm dò này đặt câu hỏi: có muốn gia đình VN sang Nhật để đoàn tụ không?

Nếu có, lý do gì, thời điểm nào? Ông Tamiya Takazawa (tên VN là Cao Thanh Phương) đã viết “muốn gia đình sang Nhật vào tháng tám năm nay”. Tuy nhiên mong muốn của ông không thực hiện được trước khi ông qua đời vào năm 1994.


Những người tìm cha

Ngày 19-11-2004, tại TP Kobe, Nhật Bản có hai cha con gặp lại nhau sau 50 năm xa cách. Người đàn ông VN đã gặp cha mình (ông Nobuyoshi Tachibana - Trần Đức Trung) sau bao tháng năm ngóng đợi là ông Trần Đức Dũng.

Ông Dũng kể: “Cảm tưởng của tôi lúc đó không thể tả được bằng lời, dù đó là điều tôi mong đợi ngay từ lúc còn trẻ thơ 3-4 tuổi. Tôi bị thiệt thòi so với tất cả anh em bạn bè là không bao giờ được gọi một tiếng bố. Hôm đó lần đầu tiên gặp bố trong cuộc đời, tôi không bao giờ quên được thời điểm ấy”.

Vì tuổi cao, hầu hết người VNM đã lần lượt qua đời. Khi mới hồi hương về Nhật, có khoảng 100 người VNM nhưng hiện chỉ có 30 người còn sống. Lúc mới về, họ đã thành lập Hội Bạn hữu VN và thỉnh thoảng gặp nhau để giúp đỡ, động viên nhau. Tuy nhiên hoạt động của họ đã đình chỉ 10 năm trước đây.

Trong khi đó tại VN, cách đây khoảng năm năm, các gia đình người VNM còn lại đã bắt đầu liên lạc với nhau. Số là một người trong những gia đình này qua đời, và nhân dịp tang lễ đó họ đã gặp gỡ và liên lạc với nhau ngày càng đông hơn (hiện có khoảng 10 gia đình thường xuyên gặp gỡ vào những dịp đám cưới, tết để tâm sự, chia sẻ...).

Trong lần gặp này có gần 20 người gồm vợ và con của các cựu quân nhân Nhật Bản đến họp mặt, tâm sự và thăm hỏi về chồng hay cha của họ. Chúng tôi đã đến hỏi chuyện được vài người. Một người đàn ông nói đã gặp được cha trước khi cha ông qua đời: "Năm 1977, tôi có liên lạc được với bố tôi nhờ một địa chỉ nho nhỏ gửi nhân viên sứ quán Nhật Bản. Sau đó bố tôi bắt đầu viết thư sang bên này. Rồi sang VN một lần năm 1981, bố tôi qua đời năm 1990".

Một phụ nữ cho biết là rất muốn tìm tung tích của người cha: "Lúc bố tôi đi cũng để lại một số giấy tờ và ảnh. Thế nhưng thời gian và chiến tranh đã làm mai một đi. Trước lúc mẹ tôi mất cũng nói với anh tôi rằng tên bố con là như thế này, chỉ nói thế thôi và không kịp tâm sự gì với con cái thì mẹ tôi mất, cách đây đã 28 năm rồi.

Nguyện vọng của ba chị em, bây giờ chúng tôi cũng lớn rồi, nên chỉ mong mỏi làm sao có một chút tin tức, nếu bố tôi còn sống thì tốt, mà không thì cũng biết bố mất ngày nào để chị em chúng tôi còn hương khói.

KATO NORIO (trưởng ban tiếng Việt Đài NHK)

Một câu chuyện cảm động về một hàng binh người Bỉ. Con người ấy gắn bó kỳ lạ với VN, mà ngay đến cái tên VN của ông cũng là tên của một đồng đội đã hi sinh.



Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 08 Tháng Mười, 2007, 12:20:10 pm
Câu chuyện về Frans de Boel - Phan Lăng


(http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ImageID=107436)
 
Frans de Boel - Phan Lăng (trái) trong ngày hội ngộ những người bạn VN trên đất Bỉ
 
TT - Trước khi chạy sang hàng ngũ Việt Minh, Frans de Boel đồn trú ở Quảng Nam và tìm cách liên lạc với quân du kích, ban đầu là tuồn súng ống trong đồn ra ngoài cho du kích, sau thì ra hẳn, dẫn đường cho bộ đội tấn công hạ đồn và hàng chục trận công đồn khác cũng do Frans de Boel phụ trách.


Có một chiến sĩ Việt Minh người Bỉ

Cụ Nguyễn Chính Giao, 93 tuổi đời và 73 tuổi Đảng. Tham gia cách mạng từ năm 1930, năm 1948 ông là ủy viên khu ủy Khu V kiêm nhiệm công tác quân tình nguyện ở vùng Hạ Lào với chức danh là chính ủy.

Ông Giao kể trong đơn vị của ông ngày trước có một trung đội trưởng là hàng binh người Bỉ tên Frans de Boel. Thời gian đó trong hàng ngũ vệ quốc đoàn không hiếm những cán bộ chiến sĩ là hàng binh, tù binh người Pháp, Ý, Đức, Nga, Algeria, Nhật, Bỉ... nhưng ông Giao dường như có cảm tình với người VN mới này vì khả năng chiến đấu ngoan cường của anh ta.

Vì thành tích chiến đấu trong lực lượng Việt Minh, đến giữa năm 1948 Frans de Boel đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau đó Frans de Boel được chuyển sang chiến đấu trong lực lượng bộ đội tình nguyện VN trên đất Lào. Trong thời gian "biệt phái" này, do rất khâm phục một đồng chí cùng đơn vị tên Phan Lăng đã anh dũng hi sinh, Frans de Boel xin lấy tên của đồng chí này làm tên Việt cho mình.

Trong một trận càn ác liệt của quân Pháp trong chiến dịch Đông Xuân 1953 vào cao nguyên Attapeu, đơn vị bị đánh tơi tả, nhưng Phan Lăng vẫn anh dũng bám trụ nơi chiến hào và bị thương rất nặng. Phát hiện trong lực lượng đối phương có một trung đội trưởng người châu Âu nói tiếng Pháp nên địch tra tấn rất dã man người VN mới này.

Quân Pháp trói tay Phan Lăng lại, cho xe jeep kéo lê trên đường dẫn về đồn và tiếp tục tra khảo suốt một thời gian dài. Sau lần sa vào tay địch, người ta không còn nghe thấy tung tích Phan Lăng đâu cả, có người bảo ông đã bị địch giết, có người bảo đã mất tích...

"Nhưng Phan Lăng không chết, ông vẫn còn sống và mãi đến năm 1998 tôi mới biết!" - ông Nguyễn Chính Giao kể. Đó là một câu chuyện kỳ lạ: "Một ngày mùa hè năm 1998, tôi đang nằm nghỉ thì bà con trong khu tập thể báo có khách. Cái dáng lòng khòng và khuôn mặt xương xương, mái tóc bạc trắng của người đang đứng trước mình làm tôi tức khắc nhận ra đó là Frans de Boel - Phan Lăng!

Tôi cũng không biết được bằng cách nào mà Phan Lăng tìm ra địa chỉ của tôi. Chúng tôi ôm nhau khóc. Đoạn đời sóng gió của Phan Lăng thật bi đát, sau khi bị bắt và đưa về Sài Gòn, Phan Lăng phải ra tòa án quân sự vì tội phản quốc. Ông bị kết án 10 năm tù, giam ở Sài Gòn một thời gian rồi bị đưa về Pháp giam tiếp cho hết hạn tù đúng 10 năm. Năm 1963, Phan Lăng mới được tha, bị đuổi về quê quán là đất Bỉ...”.


Gặp Phan Lăng trên đất Bỉ...

Một đêm thu nơi xứ Bỉ, tôi rất vui sướng được gặp cụ Phan Lăng trong buổi khánh thành Đại sứ quán VN tại Bỉ. Cụ là khách mời của đại sứ Phan Thúy Thanh. Biết tôi là nhà báo từ VN sang, cụ ôm chầm lấy tôi. Trong vòng tay của cụ già tuổi 81, tôi cảm nhận hình như với người VN nào cụ Phan Lăng cũng đều có cái ôm xiết thân thiết và mạnh mẽ đến như thế!

Với âm sắc tiếng Việt lơ lớ, cụ Phan Lăng vẫn còn nhớ những giai điệu của bài dân ca Hoa đẹp chămpa, đã bao tháng ngày... của ngày nào. Cụ Phan Lăng kể: “Trở lại VN đầu tiên năm 1998 và lần thứ hai, năm 1999, mỗi lần sang VN tôi đều đi cùng một người con trai để chúng hiểu thêm về một đất nước mà tôi đã chiến đấu để bảo vệ cho nền độc lập. Tôi lấy vợ khi ở tù ra, vợ tôi người Bỉ gốc Pháp.

Mười năm ở tù khổ lắm nhưng tôi không nhục và không công nhận bản án này, vì tôi đã làm một điều tốt đẹp cho VN! Nhiều bạn tù biết tôi tham gia kháng chiến chống Pháp ở VN đã tỏ thái độ rất tốt với tôi và giúp đỡ tôi nhiều thứ”.

Khi ra tù, Phan Lăng lại tìm đường xin sang VN tiếp tục chiến đấu nhưng không biết đâu mà tìm đầu mối. Hồi đó Bỉ chưa có quan hệ ngoại giao với VN nên ước mơ này vẫn không thực hiện được.

Cụ nhón một điếu thuốc và nói tiếp: "Chuyến đi VN hai lần ấy có biết bao nhiêu việc vui. Anh em trong đơn vị cũ của tôi nhiều người đã mất nhưng những người còn ở Hà Nội hầu hết đời sống đều khá. Họ góp tiền cho tôi ở khách sạn, cho đi thăm vịnh Hạ Long. Anh em còn liên hệ với Đại sứ quán Lào cho tôi sang thăm chiến trường xưa một lần cơ đấy...

Mà những ngày tôi ở VN, ở Lào đâu có nhiều, gần mười năm cộng với mười năm trong tù thấm gì so với hơn 80 năm cuộc đời, nhưng sao nó hằn sâu đến thế! Tôi rất muốn sang lại VN lần nữa để được ở bên những đồng đội của tôi ngày nào".

Mặc dù không phải là công dân VN và đảng viên Đảng Cộng sản VN (cụ Phan Lăng là đảng viên Đảng Cộng sản Bỉ) nhưng với Sứ quán VN và Hội Hữu nghị Bỉ - Việt cụ vẫn xem đó như là nhà của mình, có công lớn việc nhỏ gì cụ cũng đều biết và thường xuyên lui tới và xem đó như một mảnh đất Việt trên nước Bỉ.

Không làm được gì thì đến chơi cho vui cho khuây khỏa. Như buổi khánh thành sứ quán hôm nay, cụ Phan Lăng nói đùa: "Giả thử không có ai mời, tôi vẫn cứ đến!".

Cụ không bắt tay mà ôm lấy tôi lần nữa, cái ôm chặt và nhanh, cho kịp chuyến xe điện cuối ngày. Nhà cụ cách đây hơn một giờ xe điện. Tôi ngậm ngùi nhìn dáng cụ tập tễnh thấp thoáng qua những chiếc lá vàng đang bứt ra từ hàng cây trước sứ quán cứ xoay tít trong làn gió thu lạnh.

XUÂN BA


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 08 Tháng Mười, 2007, 12:28:51 pm
Chọn phía những người bảo vệ tự do


(http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ImageID=107635)

Ông bà Milut - Hồ Chí Mạnh và Malican - Lan Anh hiện nay

Người đàn bà đứng tuổi ấy khiến tôi tò mò, không phải vì đôi ba nét Việt trên khuôn mặt tây tây, mà trên lòng và mu bàn tay chị vẽ những hoa văn tia tía nâu nâu khá lạ lùng... Chị cười xòe tay ra và nói đây là cả một câu chuyện dài.


Câu chuyện về người vợ Malican - Lan Anh

Tết của Morocco, của đạo Hồi theo lịch Mặt trăng thì có nhiều ngày tết lắm. Nhiều ngày tết nhưng có hai tết to là Tết Nhịn và Tết Cắt cổ cừu gọi là ngày Tết Cừu. Vào mỗi dịp tết như thế, những người đàn bà Hồi giáo lại lên núi kiếm mấy thứ lá rừng giã nhỏ với nhau rồi lấy nước bôi lên lòng và mu bàn tay.

Lúc chia tay, tôi với vợ chồng chị Lan Anh cứ dùng dằng tại sảnh khách sạn một hồi lâu bởi phải nối thêm một chuyện buồn. Chị Lan Anh - Malican muốn nhờ tôi một việc là về VN thì xuống Hải Phòng để tìm hỏi một người...

Nói đúng hơn là tìm một người Pháp tên Marcel Collier. Cũng như Milut và hàng trăm người lính lê dương khác do chán ghét chiến tranh thuộc địa vì nhiều lý do hoàn cảnh được giác ngộ đã tự nguyện chạy sang hàng ngũ Việt Minh, Marcel Collier từng tham gia cuộc kháng chiến cứu nước của chúng ta, được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến...

Hòa bình lập lại, Collier được chuyển công tác, như chị Lan Anh cho hay là về Ty Thủy lợi Hải Phòng ở bộ phận đê điều (?) trong nhiều năm. Collier lấy vợ người Việt chính là bà Minh và sau đó Lan Anh ra đời. Collier hồi hương về Marseille năm 1958, bà Minh không muốn đi. Giằng co lủng củng mãi rồi hai người chia tay nhau. Collier biệt tăm từ đó...

Nhiều năm nay, chị Lan Anh muốn tìm lại người cha của mình nhưng không có điều kiện. Không có thư từ hồi âm. Không một lời nhắn. Bố chị có còn sống? Cuộc sống của ông khi về Pháp ra sao?... May ra có thể ở Ty Thủy lợi của Hải Phòng người ta biết địa chỉ của Collier bên Pháp chăng?

Chao ôi, tìm đâu cho ra một tin nhạn mong manh giữa muôn trùng dâu bể này! Nhưng tôi cứ chép chi tiết này ra đây, may ra có người đọc biết được một manh mối nào đó?

 
Không phải ai bôi vẽ gì thì tùy mà trong mỗi thôn ấp phải có những người thạo vẽ hướng dẫn. Hình vẽ là những bùa chú gì đó mà mỗi khi hành lễ, qua những động thái sấp ngửa của bàn tay thì Đức Allah mới chứng cho lòng thành của họ!

Chị Malican cho hay khoảng mươi mười lăm hôm giặt giũ rửa bát sẽ hết. Vệt vẽ cũ chưa nhòe lại tiếp theo một cái tết nữa. Và thế là lại bôi lại vẽ tiếp! Chao ôi bận bịu bao thứ việc hồn rồi lại còn bao việc xác nữa...

Không biết người phụ nữ này lấy đâu ra lắm sức lực như thế? Nhà chị nuôi hơn 30 con cừu, 56 con dê, 7 con bò sữa. Lại có một lò gốm chuyên sản xuất chậu bát, lọ hoa. Có một đứa con bị tật nguyền đã 16 năm nay cứ nằm một chỗ ngu ngơ vô tri cười khóc...

Một đứa tật nguyền trong 12 đứa lành lặn. Nuôi cho được 12 đứa con đứa lành đứa dở như thế đến được cái đoạn lên bà ngoại bà nội bây giờ kinh tế dư dả còn tướp huống hồ hoàn cảnh không mấy suôn sẻ như ông bà Malican đây!

Quê mẹ chị ở Hà Đông. Bố là một người Pháp. Chị chỉ biết mặt bố loáng thoáng. Khi đã biên biết thì chị phải làm quen với người bố dượng là một người lính lê dương Morocco có tên Mohamet chạy sang hàng ngũ Việt Minh.

Năm 1972 chị theo mẹ và bố dượng sang đất nước xa lạ này đúng tuổi mười bảy. Và cũng năm đó chị lấy chồng.

Bữa nay chị đến đây cùng chồng bởi nghe nói có Thủ tướng và đoàn đại biểu VN ở khách sạn này... Chị thở dài cho hay điều kiện để 64 chị em đi cùng đợt năm 1972 ấy tụ họp được với nhau rất khó vì đa số kinh tế khó khăn, con thì đông.

Hai mươi bà đã mất, ôm theo nỗi đau đáu một lần về thăm quê mà chả được. Hiện nay nhà chị đang cưu mang một người là bà Tần. Bà Tần cũng sang Morocco cùng chồng năm 1972. Nhà nghèo. Không con. Chồng chết mấy năm nay.

Bà Tần nhiều lần tìm mọi cách để về quê VN. Có ít tiền dành dụm được không biết bà nghe xui khôn xui dại thế nào mà trao cả hộ chiếu lẫn tiền cho một kẻ bịp. Kẻ đó nói là có mối quan hệ quen biết ở Sứ quán VN tại Pháp nên đổi hộ chiếu dễ dàng! Rồi kẻ lừa đảo ấy lặn mất tăm!

Tôi ngó dáng người đã đầm đậm hơi ục ịch và bàn tay với những ngón thô ráp, lòng tay cộm dày nham nhở cả lên vì làm lụng công việc đồng áng, lòng bất giác dậy lên một chút thương cảm rằng người phụ nữ xứ mình cho dù đi đến góc biển chân trời nào đó cũng tất tả.

Cho dù góc trời nào đấy, cho dù ai đó có kiếm được kha khá nhưng những nét vất vả vẫn in hằn trên khuôn mặt, đặc biệt là trên đôi tay của họ.


(http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ImageID=107636)
 
Ông Milut (trái) và BS Việt ở Quân y viện 108 năm 1960


Câu chuyện về người chồng Milut - Hồ Chí Mạnh

Milut sang Đông Dương năm 1952 đúng 17 tuổi. Nhà nghèo. Milut đang học dở thì bị bắt lính. Morocco khi ấy là thuộc Pháp nên chuyện vào lính là việc đương nhiên và gia đình Milut có vẻ thở phào khi suất tiền lính đã giúp những người thân qua được những ngày khó khăn đói kém!

Nhưng Milut ngay từ trong trường học đã được nghe những tin tức về cuộc chiến tranh phi nghĩa của đội quân lê dương ở các xứ thuộc địa, trong đó có Đông Dương.

Sau này chạy sang hàng ngũ Việt Minh ông mới biết khi Pháp bắt lính thuộc địa xứ Bắc Phi ồ ạt sang Đông Dương, Hồ Chủ tịch đã từng gửi thư cho Abdelkrrim Khahabi - một thủ lĩnh Hồi giáo, người mà Morocco coi như một anh hùng dân tộc có tư tưởng bài Pháp thực dân ở thuộc địa - mong muốn vị thủ lĩnh Hồi giáo này sử dụng ảnh hưởng tinh thần của mình để yêu cầu lính Bắc Phi từ chối sang VN.

Với những người Morocco đã đăng lính sang Đông Dương, vị thủ lĩnh này nói như sau: Hãy chọn thái độ thích hợp nhất với niềm kiêu hãnh và danh dự của mình! Hãy chọn phía những người bảo vệ tự do!

Milut làm y tá trong đoàn quân lê dương. Sang An Nam, đơn vị của Milut đồn trú tại Ninh Bình. Ngoài những phen bị du kích quấy rối mất ăn mất ngủ, có bận đơn vị Milut bị bộ đội chủ lực Việt Minh đánh cho tơi tả trong chiến dịch Hà Nam Ninh.

Vốn sẵn đã lung lay tinh thần và cố tránh một cái chết lãng nhách lúc nào cũng rình rập, một đêm cuối năm 1952, Milut đem theo nửa bao tải đạn và ba khẩu súng chạy sang hàng ngũ Việt Minh. Rồi Milut có tên VN là Hồ Chí Mạnh, được phân công vào một đơn vị địch vận chuyên viết truyền đơn bằng tiếng Ả Rập để nhằm vào đối tượng lính lê dương là người Ả Rập hoặc Hồi giáo.

Milut đưa tôi một tờ truyền đơn mà ông còn giữ được. Tờ truyền đơn đã nhàu nhĩ ố vàng in dòng chữ Ả Rập mà ông dịch: Những người VN chiến đấu như các bạn Morocco chiến đấu chống thực dân để giành độc lập cho dân tộc mình! Milut cho hay những tờ truyền đơn này được in bằng tiếng Pháp và tiếng Ả Rập do đơn vị địch vận của ông dùng đá in theo kiểu litho!

Milut học tiếng Việt khá nhanh. Ông cười bảo tiếng Việt khó nhưng cứ chủ động nói chuyện thật nhiều với dân, với cán bộ chiến sĩ trong đơn vị địch vận thì khắc vững ngay thôi! Liên miên những ngày những đợt đi phiên dịch khai thác tù binh, hàng binh...

Hòa bình, trước khi về Nông trường Việt Phi, Milut dạy tiếng Ả Rập cho con cái một số cán bộ cao cấp và cán bộ ngành ngoại thương có nhu cầu về ngoại thương buôn bán... Ông được mời về dạy ở Hải Dương, Yên Bái và năm 1959, từ Cục Địch vận, Milut chuyển công tác về Nông trường Việt Phi ở Ba Vì.

Nông trường mang tên Việt Phi vì là nơi tập hợp số anh em có hoàn cảnh như Milut và nhiều hàng binh làm công việc khẩn hoang, trồng lúa, hoa màu, nuôi bò, lợn, thỏ... Nông trường có 100 người Morocco.

Nhiều nhất vẫn là Algeria trên 100 người và Tunisia gần 50 người. Khoảng một nửa người Morocco và Algeria có vợ VN. Nhưng Milut thì vẫn độc thân! Với lại khi đó số anh em người Morocco, Tunisia và Algeria ở Nông trường Việt Phi đang sôi lên cái tin là sẽ sang Ai Cập chiến đấu chống bọn thực dân.

Rất nhiều người đã xung phong. Có nhiều người đã bán bò và tài sản... Nhưng sau việc đó không thành! Năm 1972, Milut về Morocco cùng đợt với Lan Anh. Họ biết nhau rồi nên vợ nên chồng...

Theo nghề y tá, thời gian sau hòa bình lại học thêm nghề châm cứu nên về Morocco Milut có nhiều việc làm... Tiếng lành đồn xa, người ta tìm đến ông nhiều lắm. Dù sao châm cứu bấm huyệt cũng là món lạ độc đáo ở xứ này!

Milut được sung vào đội y tế của hoàng gia chuyên chữa bệnh cho hoàng thân quốc thích và nhiều bận được châm cứu bấm huyệt cho cả đức vua Hassan II. Bây giờ đã nghỉ hưu nhưng cứ thứ sáu hằng tuần ông lại được mời vào hoàng gia để thăm và chẩn bệnh...

Ông Milut hi vọng cuộc thăm này của Thủ tướng VN sẽ mở ra nhiều khả năng làm ăn giữa doanh nhân hai nước và nhất là Sứ quán VN được mở ở Morocco, khi đó sẽ có thêm điều kiện về thăm mảnh đất thân yêu mà suốt 20 năm ông đã có biết bao kỷ niệm.

Cái âm sắc Việt rủ rỉ mà tôi thấy như có chút chi rưng rưng khi ông nói: “Tôi cứ thấy cơ hội về thăm VN để gặp những người bạn mỗi năm mỗi xa ra ông ạ...”.

Rưng rưng giọng nói ấy và rung rung bàn tay ấy khi ông đưa cho tôi coi tấm ảnh đã xuộm vàng chụp cùng người bạn ông tên là Việt, bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 108 mà một lần ông đã điều trị vào cái hồi xa lắc ấy!

XUÂN BA


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 08 Tháng Mười, 2007, 01:24:36 pm
Năm 2005, nhân dịp kỉ niệm 60 năm Quốc khánh, VN đã tổ chức cuộc gặp mặt bạn bè quốc tế từng hoạt động giúp đỡ VN. Trong số khách mời có 2 ông Nguyễn Văn Bông (Fitsitzoglou Kostantinos) và Nguyễn Văn Lập (Sarantidis Kostantinos), cựu chiến binh người Hy Lạp từng tham gia QĐNDVN.

Bài PV ông Nguyễn Văn Lập trên VietNamNet.

Gặp anh lính lê dương "đào ngũ" về với Việt Minh


(VietNamNet) - Ông là một trong rất ít người nước ngoài có mặt trong lực lượng Việt Minh từ năm 1946. Ông nói quyết định đi theo Việt Minh là "lần đầu tiên tôi tự quyết định số phận của mình"

(http://www.vietnamnet.vn/dataimages/original/images736588_gaplaiban6.jpg) 
Người lính già từng đối mặt rồi vượt qua những thử thách tử sinh Nguyễn Văn Lập. Ảnh: GiangVT.
 
Sinh năm 1927, ông ngồi trước chúng tôi khi đã bước qua tuổi 78 nhưng gương mặt ánh lên vẻ hồng hào, tiếng nói sang sảng của một người lính già từng đối mặt rồi vượt qua những thử thách tử sinh.

Trong bản đăng ký danh sách hơn 100 đại biểu quốc tế có mặt tại VN dự Lễ kỷ niệm Quốc khánh 60 năm, tên Hy Lạp của ông là Sarantidis Kostantinos. Nhưng ông muốn được người ta gọi mình với cái tên VN: Nguyễn Văn Lập.

"Sao lại nói tiếng Anh với tôi!"

Ông Lập khiến mọi người chú ý trong đoàn đại biểu khi ông ngỡ ngàng kêu lên với người bạn cũ: "Sao lại nói với tôi bằng tiếng Anh!", tại sảnh Trung tâm Hội nghị Quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Hà Nội) lúc ông nghe lời chào tiếng Anh từ bạn mình.

Ông trò chuyện với chúng tôi bằng vốn tiếng Việt "sõi" không chê vào đâu được. Cũng là điều dễ hiểu, khi ông từng ở VN suốt 19 năm trời, tham gia Việt Minh, khu vực Liên khu V.

Lần thứ 9 quay lại VN cùng gia đình, nhân dịp Lễ Quốc khánh 60 năm, câu chuyện của ông bắt đầu trở lại từ những ngày đầu năm 1946...

Tôi tự quyết định số phận cuộc đời mình

 (http://www.vietnamnet.vn/dataimages/original/images736608_gaplaiban45.jpg)
Tại Việt Nam, một bước ngoặt quan trọng của cuộc đời tôi đã bắt đầu. Ảnh: GiangVT.
 
Ngày 16/2/1946, anh lính lê dương 18 tuổi Sarantidis Kostantinos của quân đội Liên hiệp Pháp lần đầu tiên đặt chân đến VN.

Nơi đặt chân đầu tiên của Kostantinos là Sài Gòn. Phan Thiết là nơi đồn trú hơn 1 năm. Cũng tại đây, một bước ngoặt quan trọng của cuộc đời ông bắt đầu.

Ông kể "Một lần tên quan hai ra dắt theo một người vợ, một cô con gái đẹp. Tôi cũng thích, muốn tán nó. Còn trẻ mà, (ông cười tươi).

Cuối cùng hoá ra không phải cô làm tiền mà cô ấy là tình báo. Chính việc tìm hiểu nhau, gặp nhau, cô đã giải thích khiến tôi có ý định đi theo Việt Minh. Cô tên là Ly Ly, tên thật hay bí danh thì tôi không biết. Cô cắt nghĩa cho tôi đại khái Việt Minh là như thế nào".

Câu chuyện diễn ra khi Kostantinos mới 18 tuổi. Cho rằng đó là gái làm tiền, chàng lính trẻ dùng tới... 300 quan tiền để... cho. "Lúc bấy giờ số tiền đó là rất nhiều. Nếu cô ta đi làm tiền thì phải mê tiền. Nhưng cô ấy không nhận, đem trả lại".

Cho tới một hôm quan hai đi vắng. "Lợi dụng lúc đó, 2h đêm tôi mò vào buồng. Tôi muốn tìm hiểu về Việt Minh. Vậy là cô ta nói chuyện với tôi về Việt Minh. Tôi bắt đầu biết được đôi chút cái gọi là Việt Minh mà tôi muốn tìm hiểu", ông tần ngần nhớ lại.

Chính lúc đó, anh lính trẻ đã nung nấu trong lòng ý định tìm về Việt Minh.

Tuy nhiên, phải mãi cho đến ngày chuyển ra Mũi Né (Phan Thiết), trong một cuộc càn quét, lính lê dương bắt được một người Việt mang theo tới 3000 tiền Đông Dương.

"Thằng xét nói rằng người này là Việt Minh vì chỉ có là Việt Minh mới mang nhiều tiền như thế". Qua điều tra, anh ta là người phụ trách hậu trạm, đi mua lương thực cung cấp cho bộ đội.

"Chừng 10-15 ngày bị tra tấn nhiều quá, ông ta không khai, thì tôi đánh giá người ấy là tốt, không phải là kẻ phản bội. Lúc đó tôi xin phép thằng quan hai đem anh ta xuống biển tắm giặt.

Tôi nói với ông ta tôi là người Hy Lạp. Tôi không muốn đánh nhau với Việt Minh. Tôi nói tôi biết sơ qua về Việt Minh. Lúc đó ông ta chưa tin tưởng, sợ... nhưng qua hai, ba ngày sau, cách tôi đối xử như vậy khiến ông ta tin.

Đến 1-2h ngày 4/6/46, cùng với một người Tây Ban Nha cũng xin đi theo, tôi và ông Biển nữa là ba người, xách súng chạy lên rừng".

Câu chuyện "trở súng" theo Việt Minh của ông chỉ giản đơn có vậy. Ra đi một cách tự nguyện. Cho dù, như ông lý giải, "tôi cũng chưa biết Việt Minh là như thế nào, chủ nghĩa ra sao. Nhưng còn bọn Pháp thì giết người nhiều quá".

 (http://www.vietnamnet.vn/dataimages/original/images736620_gaplaiban3.jpg)
Lần đầu tiên tôi tự quyết định số phận của mình khi 18 tuổi. Ảnh: GiangVT.
 
Đã hiểu rằng, nếu rơi vào tay quân đội Pháp, "bất quá là nó giết" nhưng ông bảo, "trong bụng đã kiên quyết sẽ không bao giờ đầu hàng chúng nó. Thà tự sát còn hơn".

"Đây là tôi, tôi của tuổi 18, lần đầu tiên tự quyết định số phận của mình, quyết định đi theo con đường mình chọn. Nên bất cứ những gì xảy ra đều phải chịu đựng và vượt qua, chứ quyết không làm nhục bố mẹ tôi, quyết không làm nhục dân tộc Hy Lạp", ông nói.

Cái tên Nguyễn Văn Lập cũng ra đời từ đó. Ông Lập nói: Tên ông là sự kết họp của họ Nguyễn, theo Nguyễn Ái Quốc, Văn là văn hoá, Lập là lập nên, xây dựng, lập lại. "Lúc đó thì biết thế thôi" .

Tôi tự hỏi sao họ tin tưởng tôi đến thế?

Ông kể, ngày gặp Việt Minh đầu tiên, số vũ khí của cả trung đội lúc bấy giờ không có gì cả. Ông và người bạn Tây Ban Nha bỏ lại phía sau một quân đội trang bị "tận răng", để gia nhập vào "đội quân chân đất, hai tay không, ốm gầy, bụng đói đi ...đánh đuổi Pháp".

Tuy nhiên, những suy nghĩ đó thoáng qua rất nhanh.

"Từ phút đầu, tôi đã nhập vào lý tưởng của người Việt Nam, nên không có gì phải suy nghĩ cả. Thiếu ăn, không phải chỉ mình tôi thiếu ăn. Mọi người như nhau, có gì thì cùng chịu đựng, chia sẻ với nhau".

Suốt 9 năm, ông sống, chiến đấu, tham gia từ công tác địch vận, chính trị tới dân vận ở Liên khu 5 cho đến ngày ra Bắc tập kết.

Ông bảo mình không hề cảm thấy lạc lõng khi mình là người nước ngoài hiếm hoi trong một đội quân xa lạ. Ông nhận được sự đối xử tử tế. "Thậm chí, đôi khi tôi phải tự hỏi sao họ tin tưởng tôi đến thế nhỉ. Không có một chút nghi ngờ nào cả".

Có những đêm ông gác canh cho trung đội ngủ cách đồn lính chỉ 100m, chờ đến giờ tấn công. "Tôi là trung đội trưởng phải thức cho đến giờ phút cuối cùng xung phong. Tất cả trung đội của tôi ngủ hết. Nhưng tôi không bao giờ phản bội, cho dù hy sinh cũng đành".

Ông giải thích, ông nhận được niềm tin tuyệt đối từ cán bộ cấp trên cũng như dưới. Rồi cả những cán bộ cấp cao như Cục trưởng, Chính uỷ liên khu 5 cũng giao cho ông những công tác quan trọng. Cho nên, ông thề phải đáp lại sự tin cậy đó.

 
 (http://www.vietnamnet.vn/dataimages/original/images736632_gaplaiban4.jpg)
Hồi năm 1954, tôi đã làm trung đội trưởng 1 đơn vụ "thu dung" ở Thanh Hoá. Ảnh: Hà Trường.
 
Năm 1954, ông tập kết ra Thanh Hoá, làm trung đội trưởng một đơn vị "thu dung" (thu lại để sử dụng - NV) ở Bảy Thường. Lúc đó rừng bị phá, dân đói nên công tác chủ yếu chống đói cho dân.

"Ba tháng khổ vô cùng vì suất cơm của tôi phải ăn cả gia đình. Một suất gạo (bằng một lon gạo) ăn mấy người làm sao đủ. Phải đi cắt rau đem về nấu súp. Cái súp đó cho lợn ăn nhưng chúng tôi vẫn phải ăn để sống. Nhất thiết không được bắt gà vịt của dân".

Đến năm 55, ông ra Hà Nội, phụ trách cung tiêu vận tải tại sân bay Gia Lâm. Năm 1956, chuyển ngành về Bộ Văn hoá, làm phiên dịch ở nhà in Tiến Bộ đồng thời làm cho xưởng phim.

Sau đó ông lại về công tác ở Bộ Công nghiệp, lên mỏ thiếc Cao Bằng làm phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô. Năm 1962, chuyển sang làm phiên dịch cho một mỏ than ở Lạng Sơn.

Sau 19 năm tham gia kháng chiến, xây dựng đất nước, năm 1965, ông rời Việt Nam.

"Trước sau gì tôi vẫn là người VN"

Huân chương đeo đỏ ngực, sau nhiều thăng trầm, nay ông mãn nguyện ngồi ôn lại những gì mình đã trải qua. Cống hiến 19 năm trong quãng đời đẹp nhất vì Việt Nam, Nguyễn Văn Lập còn nhớ rất rõ nhiều kỷ niệm vui, buồn.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông đã "2 lần xin vào Nam nhưng không cho. Các đồng chí bảo đồng chí Lập chiến đấu như thế là đủ rồi.

Tôi không trực tiếp chiến đấu. Nhưng kháng chiến không có nghĩa là chỉ cầm súng. Người cầm súng phải ăn. Người nuôi ăn là kháng chiến. Người sản xuất cũng là kháng chiến. Vì thế, ngoài 8h làm việc, chúng tôi còn làm thêm 4h mỗi ngày không công cho miền Nam".

Ông cũng kể, thời kỳ sửa sai, ông từng được cấp trên gọi lên cho phép "lấy 2 vợ", khi vợ cũ trở về. "Nhưng mọi chuyện đã qua rồi", ông lại cười bao dung.

"Trên một chặng đường đi, có nhiều khúc quanh, khúc cua, nhưng quan trọng nhất là đi thẳng tới mục đích mà mình chọn lựa", ông triết lý như vậy về cuộc sống của mỗi cá nhân, cũng như vận mệnh của một đất nước.

(http://www.vietnamnet.vn/dataimages/original/images736648_gaplaiban2.jpg) 
Tôi vẫn tự thấy mình là "người Việt 80%". Ảnh: GiangVT.
 
Từ ngày về nước đến nay, ông nói, chưa khi nào cắt đứt liên lạc với VN. Bạn bè vẫn thư từ thường xuyên, liên tục thông báo tin tức. Trước khi có VTV4 thì phải bắt đài TQ phát bằng tiếng Pháp để theo dõi tin tức về VN.

Ba người con ông đặt tên là Trung, Nam, Bắc. "Chúng nó rất ngoan, hiền, đi đâu cũng được quý. 2 đứa là giáo viên, trong đó 1 đứa dạy môn lịch sử Hy Lạp. Tôi tự hào vì chúng là người Việt Nam dạy lịch sử Hy Lạp", ông cười mãn nguyện.

Sau 40 năm sống tại quê nhà Hy Lạp, ông già Kostantinos vẫn tự thấy mình là "người Việt 80%".

"Trước sau gì tôi vẫn là người VN. Tên tôi vẫn là Nguyễn Văn Lập không có gì thay đổi cả. Cách sống vẫn là người VN, cách nghĩ bằng Tiếng Việt trước, tiếng Hy Lạp sau. Trông mặt mũi người ta cũng bảo tôi là người VN, không biết biến chuyển như thế nào", ông cất tiếng cười khà khà.

Cũng từ năm 1965 đến nay, cứ 2-3 năm một lần, gia đình ông lại về thăm VN.

Câu chuyện của chúng tôi chốc chốc lại bị ngắt quãng bởi những người bạn cũ VN đến bắt tay, chụp ảnh với ông.

"Ước mơ lớn nhất của tôi bây giờ là sống khoẻ, sống vui để sống lâu, hằng năm đi về Việt Nam để ngắm nhìn đất nước đang phát triển vượt bậc, hằng ngày", ông tâm sự với chúng tôi khi chào tạm biệt bằng cú dứt tay của người lính già, từ những ngày còn gian khó.

Hà Trường - Việt Lâm


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 16 Tháng Mười, 2007, 10:16:22 pm
Bài sưu tầm trên mạng. Vì một số lí do, xin phép không ghi nguồn.


Cha tôi, giữa những quê hương

Claudia Việt-Đức Borchers
Phạm Kỳ Đăng dịch
 
Trong dòng xoáy của lịch sử Việt Nam thế kỉ vừa rồi có những số phận là tụ điểm của mọi xung đột và vận động của thời đại, song thời đại dường như không muốn nhớ đến. Erwin Borchers, một người Đức, mang tên Việt do Hồ Chủ Tịch đặt là Chiến Sĩ, thuộc về số ấy.

Sinh năm 1906 tại Straßburg (Elsaß) khi ấy còn thuộc Đức, theo học văn chương Đức và Pháp, ông sớm gia nhập Đảng Dân Chủ Xã Hội Đức và tham gia các hoạt động chống phát-xít, để cuối cùng phải sang Pháp, trốn sự truy bức của chính quyền Quốc Xã. Tại Pháp, lại bị quản chế vì bị tình nghi là gián điệp Đức, năm 1939 ông chọn con đường gia nhập quân đoàn lê dương của Pháp để thoát tù đầy và hi vọng đứng dưới ngọn cờ Pháp chống lại Đức phát-xít. Nhưng sau 2 năm ở Algérie rồi sang Đông Dương, thất vọng về mục tiêu tái chiếm Việt Nam làm thuộc địa của Pháp, ông cùng Rudolf Schröder, một trí thức cánh tả Đức, và Ernst Frey, một người Áo, đảng viên cộng sản, thành lập một chi bộ cộng sản trong quân đoàn lê dương của Pháp và bắt liên lạc với Việt Minh. Khi Nhật hất cẳng Pháp tại Đông Dương, ông bị Nhật giam giữ một số tháng. Năm 1945, cùng 2 người đồng chí kể trên, ông được một chiếc xe hơi Mĩ của Việt Minh đón về đại bản doanh của lực lượng kháng chiến, và được Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và Trường Chinh đích thân đón nhận vào hàng ngũ kháng chiến. Trong suốt 9 năm kháng chiến, Erwin Borchers giữ nhiều trọng trách trong hoạt động tuyên huấn và địch vận, ra tờ báo đầu tiên của Việt Minh bằng tiếng Pháp, kêu gọi lính Pháp và lính lê dương trong quân đội Pháp bỏ hàng ngũ, về với chính nghĩa của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, giáo dục hàng binh và tù binh Pháp, ... và có mặt trong trận Điện Biên Phủ lịch sử.

Khác với Ernst Frey và Rudolf Schröder - cả hai đều trở về châu Âu khi ảnh hưởng của Trung Hoa Đỏ từ đầu những năm 50 ngày càng lớn và những cuộc chỉnh huấn trong Việt Minh theo mô hình Mao ngày càng gia tăng- Erwin Borchers ở lại Việt Nam với gia đình, người vợ Việt Nam và ba đứa con, làm việc cho thông tấn xã Cộng hoà dân chủ Đức ADN tại Hà Nội. Trong thời kì Nhân văn-Giai phẩm, ông bị canh gác và theo dõi. Năm 1965, ông cùng gia đình rời khỏi Việt Nam, về sống tại Đông Berlin thuộc CHDC Đức, làm phóng viên đài phát thanh. Năm 1968, vì nhiệt liệt đón chào Mùa Xuân Praha, ông gặp rắc rối với "cấp trên", và một lần nữa đi tìm một quê hương mới: Erwin Borchers trốn sang Tây Berlin. Ông rất muốn trở về Strasbourg nay đã thuộc Pháp, nhưng không thể, vì tại đó ông sẽ bị bắt giam và truy tố vì tội đào ngũ và phản quốc. Năm 1984, 5 năm trước ngày bức tường Berlin sụp đổ, Erwin Borchers mất ở Tây Berlin, sau nhiều năm cô đơn và trầm cảm. [1]

Đầu năm 2004, Viện Goethe tại Hà Nội đã tổ chức một hội nghị về những người Đức phục vụ trong quân đội Pháp, bỏ hàng ngũ sang phía Việt Minh trong chiến tranh Đông Dương. Bài phát biểu sau đây của Claudia Việt-Đức Borchers, con gái Erwin Borchers, được đọc trong hội nghị này. Claudia Việt-Đức Borchers, hoạ sĩ, hiện sống ở Berlin.



Kính thưa các cô các bác, các vị khách quý cùng người chị gái, anh rể, cả con trai tôi cùng đi từ Berlin tới đây khiến lòng tôi vui mừng khôn xiết!

Ngày hôm nay và chính tại đây trên thành phố Hà Nội thân yêu, nơi tôi lớn lên, tôi coi việc được nói chút ít về người cha của mình là một điều vinh hạnh.

Hẳn không là ngẫu nhiên, sau 36 năm tôi lại lại có duyên với ông già Goethe, như người Đức thường gọi. Lần đầu tiên biết đọc và hiểu bài thơ Chào và Giã biệt của Goethe, tôi đã thật tự hào. Có lẽ khi đó tôi thuộc về số ít người nhiệt thành tìm hiểu tác phẩm của thi hào được giới thiệu như vậy ở nhà trường chăng?

Khi ông Heinz Schütte mời tôi nói về cha tôi, tôi đã nghĩ rất nhiều. Trước hết là câu hỏi: người đàn ông ấy có ý nghĩa gì trong tôi, đứa con gái của ông, vì với chúng tôi, các con ông, ông mang vẻ gì xa lạ. Ông là người Âu, có chiếc mũi dài, một người "mũi lõ", trắng trẻo và sáng sủa. Ðôi khi tôi sợ hãi vẻ xa lạ của ông. Ðó là một cảm giác pha trộn giữa yêu và sợ. Ông là một người cha dịu dàng: khi tôi khóc, ông bế tôi vào lòng và dỗ dành. Có lần mẹ kể rằng ngày giải phóng, khi chúng tôi từ rừng núi trở về Hà Nội, cha bế tôi trên tay vì sợ có sự gì xảy ra với tôi, suốt dọc đường hành quân dài 20 km mới tới trạm nối tiếp. Khi đó tôi mới 4 tuổi. Tôi được đặt tên là Việt-Ðức, hàm nghĩa Việt Nam và Ðức, nhờ trận đánh Ðiện Biên Phủ. Tôi sinh ra dưới một lán lều tre - nên mới đầu mẹ gọi tôi là con bé Mai. Dạo ấy cha tôi đi suốt ngày, một bữa về nhà nói với chúng tôi rằng ông phải đi Ðiện Biên Phủ, vậy nên đứa bé phải mang một cái tên gì gợi nhớ tới ông, nếu chẳng may ông không trở về từ mặt trận này. Và thế là tôi nhận cái tên Việt Ðức, một cái tên đã khiến tôi khá khổ sở. Tôi không ưa cái tên này vì nó đặc chất đàn ông. Trong trường học, chúng bạn coi tôi là cậu bé và điều đó khiến tôi giận dỗi. Còn ở Ðức, các bạn Ðức phát âm cái tên này cứng như "vịt đúc bằng sắt" vậy. Ngoài ra tôi biết quá ít về cha tôi. Những gì lọt vào tai tôi là những điều ta thán của mẹ như "bố con chẳng thấy mặt mũi đâu", "bố con chỉ ưa đám đàn ông tụ họp, chẳng chăm lo gì cho gia đình". Nhưng ông đi đâu? Chẳng lẽ ông luôn đi vắng? Tôi chỉ lờ mờ dự cảm rằng ông ở sâu trong rừng rậm. Trong lời kể của mẹ, cha tôi luôn vắng nhà. Suốt thời quân Nhật chiếm đóng Hà Nội, mẹ tôi nuôi giấu cha tôi một nơi, chăm bẵm ông, lo cháo cơm và thuốc lá. Hẳn bà phải rất yêu ông, vì dạo đó ai nuôi giấu một người Tây sẽ chịu tội tử hình.

Cha tôi có là một trí thức cao ngạo không? Gì thì gì, trong số người Đức rời bỏ hàng ngũ, ông bị nhiều kẻ luôn ganh tị. Tuy vậy cha thường nói với tôi rằng những năm tháng chiến tranh Ðông Dương là quãng thời gian bổ ích nhất của đời ông, cả khi trong rừng sâu đầy thiếu thốn. Nhiều khi không có gì mà ăn. Nhưng sự đồng cam cộng khổ của con người dạo đó, tình yêu của người Việt Nam dành cho ông đã xóa nhòa gốc gác Âu châu của ông. Cũng vì vậy, với chúng tôi, cha tôi có chút gì đặc biệt. Nếu cha và mẹ nói tiếng Pháp với nhau thì các con ngồi chầu rìa vì chúng tôi không hiểu tiếng Pháp. Căn nhà của chúng tôi là điểm gặp gỡ của người Ðức. Cha tôi là người thích quây quần.

Cách đây vài năm, ở một làng vùng Mecklenburg, do một sự tình cờ tôi gặp được một người Ðức xưa đi lính lê dương. Dạo ấy người đàn ông này bị bắt làm tù binh. Ông ta kể tôi nghe về cha tôi rằng, thay vì việc phải tẩy não người ta về mặt chính trị bố tôi lại thích trò chuyện về những chủ đề phi chính trị và còn uống bia với họ.

Trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, nhà chúng tôi ở bị theo dõi. Cha tôi có nhiều mối giao du với các trí thức ở Hà Nội. Ông có học và hiểu biết rộng. Chẳng ai ngạc nhiên là ông được nhiều phụ nữ bám quanh. Sau ngày giải phóng, ông gặp rắc rối với Đảng ở đây. Có thể nói là người ta đã bỏ rơi ông, coi ông là "quá tư sản", không đủ lòng "trung thành với đường lối" thời ấy. Ông cấm con cái là chúng tôi không đựợc hát những bài hát thiếu nhi mang màu sắc chính trị học ở trường về, bởi nội dung các bài hát đó quá giáo điều. Cha tôi luôn chống đối mọi giáo điều, nhưng trong thẳm sâu con tim ông vốn nguyên là một người cộng sản. Thất vọng vì tất cả, ông không muốn tham gia cuộc chiến tranh giải phóng tiếp theo ở Việt Nam. Thế nên trong hoàn cảnh đó, ông quyết định trở về quê hương, nước Đức. Chuyện đó xảy ra năm 1966.

Về đến Cộng hoà dân chủ Ðức, lúc đầu cha tôi hào hứng bởi ý tưởng một nước Ðức mới. Sự bẽ bàng đã tới cùng với mùa xuân Praha 1968. Ông đã thẳng thừng nói tuột ý nghĩ trong một cuộc họp chi bộ Đảng để rồi sống lặng lẽ, rút sâu mãi vào nội tâm. Nhưng càng vậy ông càng chăm lo hơn tới những đứa con đang học đại học của mình. Mười năm trước khi bức tường Berlin sụp đổ, ông nói với tôi: "Bố cứ cho nhà nước này giỏi lắm là 10 năm nữa. Nếu cứ tiếp như vậy thì sụp đổ hết mà thôi."

Cha tôi là một con người tốt bụng. Tôi cho rằng, dòng máu miền đất sông Rhein đã bảo tồn con người ông trải qua nhiều tháng năm rối ren và tàn tệ trong đời. Có lần ông nói với tôi rằng ông muốn được rắc nắm tro của mình vào một nơi nào đó trên đất Việt Nam. Việc đó chẳng bao giờ thực hiện được. Lúc tuổi đã cao, ông lại đổi chiến tuyến, bởi chua chát và thất vọng: ông sang Tây Berlin. Tuy vậy sau này tôi được biết, trước khi mất, hàng năm ròng ông rơi vào trạng thái u uất trầm cảm. Trong tôi còn lại một người cha, thế nào đó, như thể một người không có quê hương.

Ðôi khi tôi ước rằng cha tôi còn sống, để được nghe ý kiến của người về thời thế hôm nay. Người ta hay hỏi tôi: tôi suy nghĩ trong tiếng Ðức hay trong tiếng Việt. Ðiều ấy thật không mấy quan trọng nữa. Với người Ðức, tôi nghĩ bằng tiếng Ðức và bên bè bạn Việt Nam, tôi nghĩ bằng tiếng Việt. Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của tôi. Tôi tự hào làm người con của mẹ cha khác biệt hai dòng máu. Hoàn cảnh đó đã làm cuộc đời tôi phong phú hơn.

Xin chân thành cảm ơn mọi người đã dành chút thời gian lắng nghe.


[1]Một số sự kiện nêu trên được tổng hợp từ bài "Stalingrad của Pháp" (Frankreichs Stalingrad) của Sebastian Fellmeth, đăng trên Die Zeit, 04.3.2004, http://www.zeit.de/2004/11/A-Indochina


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: Tunguska trong 16 Tháng Mười, 2007, 10:26:30 pm
Chuyện về những người lính Thiên hoàng trở thành bộ đội ta
http://www1.thanhnien.com.vn/Thegioi/Tulieu/2005/9/4/121206.tno
 

(http://www2.thanhnien.com.vn/Uploaded/dinhhuan/219/5a.jpg)

Các sĩ quan Nhật tham gia bộ đội Cụ Hồ về thăm lại Trường Lục quân Quảng Ngãi (từ trái qua phải: Kamo Takiji (Phan Huệ), Tanimoto Kikuo (Đông Hưng), Mitsunobu Nakahasa (Minh Ngọc) và anh Igari Masao - con trai của Igari Kazumasa

Ngày 23/8/1945, khởi nghĩa ở Huế - Thừa Thiên thành công, ngày 23/9 đúng một tháng sau đó, quân Pháp dựa vào lực lượng quân Anh trong phe Đồng minh vào giải giáp quân Nhật, gây hấn Nam Bộ, cả xứ Huế nhộn nhịp trong không khí thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, càng sôi sục căm thù giặc. Các đội tự vệ chiến đấu được thành lập và thanh niên, học sinh nô nức nhập quân...

Đó là những tháng Huế chuyển mình sôi động trong nhịp thở toàn quốc, lính Nhật đầu hàng, quân Anh, Ấn tước khí giới quân Nhật tập trung ở Sài Gòn, phía Nam; quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch thì có mặt ở Hà Nội vào tới tận Huế - Đà Nẵng - Quy Nhơn. Cả Huế rộn rã tiếng hát xuất quân. Những đoàn tàu hỏa chở những đoàn quân Nam tiến từ Bắc vào Nam. Tàu và xe đều ghé Huế. Bà con Huế, các đoàn thể tự nguyện tiếp tế cơm nước, đón và đưa.

Đây là thời kỳ hết sức phức tạp, chẳng những ở trung ương, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ mới được thành lập phải đối phó với quân Tưởng Giới Thạch ở phía Bắc, với quân Anh - Pháp ở phía Nam, mà các tỉnh nơi quân Nhật tập trung giao vũ khí cho quân Đồng minh (tức quân của Tưởng Giới Thạch), cũng gặp khá nhiều chuyện rắc rối và tế nhị. Trong mọi mặt, vấn đề vũ trang quân sự, đào tạo và bồi dưỡng lực lượng yêu nước, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là một trong những vấn đề hàng đầu của chính quyền cách mạng.

Lúc ấy, Huế và Đà Nẵng là hai địa phương tập trung nhiều quân đội Nhật nhất, không những họ tập trung cất giấu các kho vũ khí, quân trang, quân dụng ở Quảng Trị, Quy Nhơn mà còn cả từ phía Lào Savanakhet chuyển qua. Ta cần vũ khí. Đối tượng chuyển nhượng không phải từ đám quân Tưởng mà chính từ binh lính sĩ quan Nhật. Sau ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, tướng Yokohama là cố vấn tối cao bên cạnh Bảo Đại, dưới quyền Nguyên soái Gensui Terautsi - Tư lệnh tối cao Đông Nam Á. Yokohama đồng thời là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Nhật ở Đông Dương, giỏi tiếng Pháp, có bà vợ người Pháp. Dưới quyền trực tiếp của tướng Yokohama là đại tá Ikawa (tên đọc theo Hán - Việt là Nhất Cửu), nắm quyền chỉ huy quân Nhật từ Huế vào Đà Nẵng đến Quy Nhơn, cả Đông Hà, Quảng Trị và Savanakhet bên Lào. Bên cạnh Ikawa là đại úy tham mưu trưởng Mitsunobu Nakahara thỉnh thoảng theo công việc vào Đà Nẵng và Quy Nhơn, còn đại tá Ikawa thì luôn luôn ở Huế. Ikawa có một thư ký riêng, kiêm phiên dịch là Đebutsi, con một đại sứ Nhật ở phương Tây, giỏi tiếng Pháp và đang học tiếng Việt, cấp thiếu úy. Đêbutsi làm quen với một nữ sinh Đồng Khánh và thật tin yêu cô này. Cô là con nguyên thượng thư trong triều đình Huế, tên Thái Thị Thu Ngoạn. Cùng thời gian đó, đại tá Ikawa cũng yêu một cô gái khác, tên là Hải Đường.

Đây là thời gian lực lượng an ninh, tình báo của ta hoạt động tích cực để mua vũ khí từ tay người Nhật khi họ bàn giao nộp cho Tàu Tưởng. Đồng chí Đặng Thanh lúc ấy đang công tác mật tại cơ quan phản gián của ta đã nối quan hệ với Ikawa và Đêbutsi. Qua quan hệ đó, ta giúp Ikawa được ở nhờ một biệt thự gần ga Huế (phía cầu Lòn), vốn là nhà cũ của Thượng thư Hồ Đắc Trung (thời Thành Thái và Duy Tân). Ta lại đặt riêng một con đò bên bến sông Hương để Ikawa qua lại đôi bờ làm việc với ta. Chính những buổi đi chơi đò, ta đã đặt vấn đề lấy vũ khí Nhật, cả việc mua lại một số vũ khí tốt mà quân Tưởng được quân Nhật giao nộp, giao ngầm cho ta. Những chuyến tàu Nam tiến của ta vào Nam, kể cả những chuyến chở vũ khí, qua được mắt khám xét của quân Tưởng, đều nhờ Ikawa và Đêbutsi.

Khi quân Nhật rút khỏi Đông Dương, Đêbutsi muốn ở lại Việt Nam với người yêu, nhưng gia đình bên Nhật cương quyết gọi về. Còn đại tá Ikawa và đại úy tham mưu trưởng Mitsunobu Nakahara hoạt động riêng cho ngành công an tại Huế. Nakahara đổi tên Việt là Minh Ngọc, sống với mối tình Việt - Nhật bên kia bờ sông Hương mãi đến đầu năm 1946, khi cuộc chiến đấu của quân đội ta ở Nam Bộ và các tỉnh cực Nam Trung Bộ trở nên quyết liệt. Lúc này Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc quân. Quân Tàu Tưởng đã rút về nước, quân đội Pháp thay thế, cùng quân đội ta tổ chức thành các đơn vị gọi là Tiếp phòng quân giữ gìn an ninh khi quân Pháp được sự chấp thuận của chính phủ ta với phe Đồng minh, tước khí giới quân Nhật. Trước tình hình đó, nhiều sĩ quan và binh lính Nhật không đầu hàng quân Tàu Tưởng ở lại Việt Nam, xin được gia nhập bộ đội Vệ quốc quân, tham gia đánh Pháp.

Trong tình hình quân đội ta từ quân du kích chuyển ra quân chính quy rất cần được huấn luyện chu đáo, cơ quan an ninh ta hoan nghênh và chấp nhận. Những tháng đầu thành lập, ta cần đào tạo sĩ quan được huấn luyện có phương pháp quân sự. Hơn nữa quân Nam tiến ta cần có chỉ huy quân sự được phân công đi toàn quốc, nhất là các mặt trận phía Nam. Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam đã được Chính phủ ta cho thành lập hồi tháng 12/1945, do thiếu tướng Nguyễn Sơn làm chủ tịch.

Đầu năm 1946, đại tá Ikawa và đại úy Misunobu Nakahara (tức Minh Ngọc) được Sở Công an Trung Bộ điều vào Quân khu 5 giúp tướng Nguyễn Sơn tổ chức các lớp huấn luyện quân sự cấp tốc ở Quảng Ngãi. Đầu tiên là lớp quân chính mở ở khu vực đường từ thị xã Quảng Ngãi lên ga Quảng Ngãi, gần phía dưới trường lục quân. Những người lính Nhật trở thành "anh bộ đội Cụ Hồ" có thể nói bắt đầu từ đó, trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ikawa đành phải tạm biệt cô Hải Đường vào Nam. Gần đây, bà Hải Đường hiện sống tại TP Hồ Chí Minh đã viết thư cho ông Đặng Thanh: "... Hồi tưởng như ngày hôm qua - còn ở đất thần kinh, tôi hồi tưởng cậu và Ikawa đang đàm đạo trên chiếc đò giữa dòng sông Hương êm đẹp lúc trăng lên sáng tỏ cả bầu trời... Khi ông ra đi trao cho tôi một lá cờ đỏ  sao vàng, 1 kimono và 1 chiếc nhẫn, 1 cái ảnh của ông".

Nhưng Ikawa đã ra đi mãi mãi. Năm 1946 trên mặt trận Tây Nguyên ở Pleiku, Ikawa cùng Ban Chỉ huy quân sự đi kiểm tra trên một chiếc xe Jeep chiến lợi phẩm của quân Pháp, đã hy sinh trong một đợt ném bom của máy bay Pháp cùng với ông Đàm Minh Viên - đặc phái viên của trung ương vào thanh tra tình hình Tây Nguyên.

Còn Nakahara Minh Ngọc được tướng Nguyễn Sơn điều về Trường Lục quân T.H ở Quảng Ngãi làm giáo viên quân sự của trường từ tháng 5/1946. Trường Lục quân Quảng Ngãi là trường do Bác Hồ và Quân ủy T.Ư cho thành lập để đào tạo cán bộ quân sự của Đảng trong toàn quốc. Sau này cùng Trường Võ bị Sơn Tây, Bác Hồ đặt lại tên là Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Các giáo viên quân sự vốn là sĩ quan Nhật của trường lúc ấy gồm có: Nguyễn Minh Tâm (tức Sato - thiếu tá), Minh Ngọc (Nakahara - đại úy), Đông Hưng (Tanimoto Kikuo), Phan Lai (Igari Kazumasa - trung úy), Nguyễn Văn Thống (Ishii Taku - thiếu tá). Mỗi người phụ trách huấn luyện quân sự cho một đại đội, Phan Huệ (Kamo) lúc đầu phụ trách (có Thái Vũ ở B2, số 338), sau chuyển lên Ban quân sự trường, Nguyễn Văn Tâm (Sato) về thay. Còn bác sĩ của trường là ông Inoue (tên Việt là Lê Trung). Ông theo ta ngay từ Cách mạng Tháng Tám, ở Quảng Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, Inoue ra công tác ở Quảng Bình, mất trong kháng chiến, chôn ở Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa (cũ), tỉnh Quảng Bình,  được phong liệt sĩ. Vợ là Hoàng Thị Kim Huê (sau ở Nha Trang).

Những người lính Thiên hoàng trở thành anh bộ đội Cụ Hồ đầu tiên trong cuộc kháng chiến 9 năm đó, giờ đây nhiều người đã hy sinh. Riêng Đông Hưng, sau năm 1954 đã về Nhật, còn Phan Lai (Igari) mang cả người vợ Việt Nam về, nay có con trai lớn Igari Masao, là nghệ sĩ nhiếp ảnh thường qua Việt Nam công tác. Đặc biệt Minh Ngọc (Mitsunobu Nakahara) có quan hệ nhiều với Việt Nam những năm gần đây, từng là Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt. Ông cũng vừa mới qua đời.

Thái Vũ
(nhà văn)
 


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 10 Tháng Mười Một, 2007, 11:20:37 pm
Cựu sĩ quan Nhật (đeo kính) chiến đấu ở khu vực Việt Nam học xá (ĐHBKHN hiện nay), HN đầu năm 1947.

(http://i33.photobucket.com/albums/d85/chiangshan/20061216mgac2631.jpg)

Xung quanh cuộc chiến đấu 60 ngày đêm ở HN có vài người Nhật tiêu biểu :
- Ái Việt, trực tiếp tham gia soạn thảo kế hoạch bảo vệ HN. Ông này đưa ra phương án 3 phòng tuyến bao vây thành phố, nhưng BCH ta không chấp nhận.
- Hồ Chí Tâm (Yasuda), người sử dụng khẩu bazooka duy nhất của mặt trận HN tại khu vực Ô Cầu Dền. Ông này sau đó mất tích (hay hy sinh ?).
- Matsui, xạ thủ trung liên kiêm trung đội phó vệ quốc đoàn bảo vệ trụ sở Bộ Tổng tham mưu (phố Nguyễn Du). Ông này và trung đội trưởng Trần Thành (nhân vật chính trong bức ảnh cảm tử quân ôm bom ba càng) đều hy sinh ngày 23/12/46.
....



Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 10 Tháng Mười Một, 2007, 11:26:45 pm
http://www.bentre.gov.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=241&Itemid=47

Nguyễn Văn Thành 
   


    Ngày 17-8-1947, một người lính lê-dương trong quân đội Pháp chiếm đóng tại BếnTre, qua đường dây của cơ sở địch vận của ta, đã mang vũ khí sang hàng ngũ kháng chiến. Người hàng binh ấy nguyên là một hồng quân Liên Xô bị bọn phát xít Đức bắt làm tù binh, và cuộc chiến tranh đã đưa đẩy anh vào quân đội viễn chinh Pháp hoạt động ở chiến trường Việt Nam.

   Anh tên là Skrinski Platon Alekxandrovich, sinh năm 1922 tại Ucraina. Sau khi tốt nghiệp trung học hệ 10 năm, anh gia nhập hồng quân Liên Xô năm 1941. Mùa xuân 1942, trong một cuộc bao vây của quân Đức tại mặt trận Khaccốp, anh cùng đơn vị bị bắt làm tù binh tại Đan Mạch, thì bị động viên vào đội quân lê-dương của Pháp.

   Tháng 4-1946, anh bị đưa sang chiến trường Đông Dương và đã từng đóng quân ở nhiều nơi: Sài Gòn, Thủ Đức, Sa Đéc, Vĩnh Long, Bến Tre. Sống trong đội quân xâm lược, từng chứng kiến hằng ngày những hành động cướp bóc, đốt phá, hãm hiếp dã man của đám lính Âu Phi, anh đã dần dần hiểu ra tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh do bọn Pháp tiến hành, mà anh chỉ là một con "tốt" đánh thuê không hơn, không kém. Bản thân anh cũng đã từng nếm trải những nỗi nhục nhằn, cay đắng trong các trại tù binh của phát xít Đức, cho nên khi có điều kiện, anh thường tìm mọi cách để giúp đỡ những người Việt Nam bị địch bắt, bị tra tấn, giam cầm.

   Cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta nhằm giải phóng đất nước đã có tác động khơi dậy ý thức của người lính Xô-viết năm xưa trong con người Platon Alekxandrovich và giúp anh thấy rõ con đường phải chọn là nhanh chóng thoát khỏi kiếp lính đánh thuê, đứng về phía hàng ngũ của những ngừoi kháng chiến trên một chiến trường nhiệt đới còn xa lạ đối với anh lúc bấy giờ.

   Khi ở Vĩnh Long, anh đã bắt liên lạc với cơ sở hoạt động bí mật ở thị xã, nhưng rủi thay, chưa kịp hành động thì cơ sở này bị vỡ, nhiều người bị địch bắt, bị tra tấn rất dã man. Thế là anh đứt mất liên lạc. Sau đó, anh được điều sang chiến trường Bến Tre. Tại đây, anh đã tìm cách liên lạc được với cơ sở cách mạng và ngày 17-8-1947, anh mang vũ khí ra vùng tự do. Tại đây, anh được phân công về công tác ở đội công tác 1, đơn vị hoạt động ở thị xã Bến Tre và vùng ven, cũng tại đây, anh mang cái tên Việt Nam là Nguyễn Văn Thành, hay như đồng đội và đồng bào quen gọi anh là "Thành Nga" hay Hai Thành. Anh đã tham gia chiến đấu hàng chục trận lớn, nhỏ.

   Vốn điềm đạm, cần cù, tận tụy trong công tác, nên "Thành Nga" không những được đồng đội tin cậy mà còn được dân thương yêu, quý mến. Một người con gái ở Mỹ Thạnh An – nay thuộc thị xã Bến Tre – tên là Colette Mai đã đem lòng yêu anh, và hai người được sự giúp đỡ của toàn thể đơn vị và đoàn thể địa phương, trở thành vợ chồng. Lễ cưới được tổ chức tại xã Nhơn Thạnh. Trong ngôi nhà cột cây, vách lá do đồng bào góp công, góp sức xây dựng nên trong hoàn cảnh chiến tranh, họ sống với nhau khá hạnh phúc. Và cũng tại nơi đây, tháng 8-1949, cô con gái đầu lòng Janie ra đời. Bến Tre lúc này bị địch tăng cường càn quét, ruồng bố liên miên, đồn bót mọc lên chi chít khắp nơi. Hoạt động và đi lại của bộ đội và cán bộ ta ngày một khó khăn. Để đảm bảo sự an toàn cho hai mẹ con, buộc lòng tổ chức phải tìm cách đưa vợ con anh về sống hợp pháp ở thị xã, còn Hai Thành cũng chuyển công tác về một đơn vị trợ chiến thuộc trung đoàn Cửu Long, hoạt động ở vùng Trà Vinh.

   Đến đầu năm 1953, anh tình nguyện xin về tiểu đoàn 307, được phân công làm khẩu đội trưởng súng cối 60 mm và tham gia chiến đấu ở đơn vị này cho đến ngày đình chiến (7-1954).

   Trong thời gian chuyển quân tập kết, anh được phân công làm công tác phiên dịch trên tàu Xtarôpôn của Liên Xô ra Bắc vào Nam nhiều chuyến, sau đó trở về công tác tại đơn vị cũ lúc bấy giờ đóng tại Thanh Hóa. Cháu Janie cũng được đưa ra thủ đô Hà Nội, được chăm sóc chu đáo. Bản thân anh Hai Thành, sau đó cũng đã sống cùng với con gái một thời gian trong một ngôi nhà bên bờ Hồ Tây (Hà Nội).

   Ngày 10-5-1955, theo sự thỏa thuận của hai chính phủ Việt Nam và Liên Xô, Nguyễn Văn Thành được về lại quê hương của mình cùng với cô con gái mang hai dòng máu Việt – Xô: Janie. Sau khi về nước, anh nhận công tác ở Ban tiếng Việt của Đài phát thanh Matxcơva cho đến khi về hưu. Anh cũng là người dịch và giới thiệu quyển Vượt Côn Đảo của Phùng Quán với độc giả Liên Xô.

   Cô con gái của anh, sau khi tốt nghiệp ở Trường Đại học Tổng hợp Matxcơva, cũng đã nối tiếp theo con đường của bố, xin về làm ở Ban tiếng Việt, Đài phát thanh Matxcơva. Trong dịp Tết Quý Mão (1988), Janie (lúc này đã 38 tuổi) đã có dịp sang Việt Nam, về thăm lại quê ngoại Bến Tre, viếng mộ mẹ và bà ngoại, gặp lại những người thân đã từng chăm sóc, nuôi nấng bé Janie từ những năm gian khổ chiến tranh. Chuyến đi này đã để lại ở Janie nhiều xúc động sâu sắc về những tình cảm thương yêu quý mến của những người ruột thịt, những người đồng hương và cả những người đồng chí Việt Nam đã từng chiến đấu với cha mình trong đơn vị tiểu đoàn 307 nổi tiếng một thời của những năm chống Pháp ở chiến trường Nam Bộ.

   Cuộc đời của Platon Alekxandrovich đầy những gian truân, nhưng cũng trải qua không ít may mắn kỳ lạ, giống như một huyền thoại. Một phần cuộc đời của anh gắn bó chặt chẽ với cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân Việt Nam với cái tên Hai Thành hay "Thành Nga", và nó đã trở thành một sự kiện đáng ghi nhớ, một bông hoa đẹp làm thắm tươi thêm tình cảm hữu nghị của hai dân tộc Việt – Xô.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 12 Tháng Mười Hai, 2007, 09:01:47 pm
Một số bài viết trích từ cuốn Những người "Việt Nam mới", NXB QĐND, 2005 (số hoá bởi ptlinh & chiangshan)


ĐƠN VỊ TUYÊN TRUYỀN VŨ TRANG GUILLAUME TELL

Phan Đắc

Những người lính trong đội quân lê dương viễn chinh của Pháp chạy sang hàng ngũ Việt Minh từ sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), nhất là trong cuộc kháng chiến chống Pháp, thuộc nhiều dân tộc, nhưng nhiều nhất là người Đức. Đầu tháng 9 năm 1945, E. Boóc-sơ (Chiến Sĩ), R. Sro-đơ (Lê Đức Nhân) là người Đức cùng Phrây (Nguyễn Dân) là người áo gốc Do Thái đã "lôi cuốn" theo hai người nữa trốn khỏi đơn vỉ chạy sang hàng ngũ cách mạng. Đó là những người lính lê dương trong số đầu tiên tình nguyện gia nhập hàng ngũ Việt Minh. Tên gọi "hàng binh" chưa được chính xác, vì chúng ta không có tên gọi "rallié" như trong tiếng Pháp, do vậy mà Bác Hồ ngay từ đầu đã gọi họ là những người "Việt Nam mới"...

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đã có 1.373 lính lê dương đào ngũ chạy sang hàng ngũ Việt Minh con số công bố theo thống kê chưa đầy đủ) và tình nguyện, tích cực tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhiều người từ đấy trở thành cán bộ của Việt Nam, như Nguyễn Dân  phụ trách quân sự, trở thành người cộng sừ gần gũi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư cách cố vấn quân sự đến năm 1950. . . Gioóc-gơ Oát-tơ (Hồ Chí Thọ) vốn là một kỹ sư, được đưa vào quân giới; Un-brích (Hồ Chí Long), Si phít Oen-zen (Đức Việt), . . . đều tham gia chiến đấu, làm công tác binh, địch vận...

Từ năm 1948, ta mở một câu lạc bộ chiêu đãi sở tiếp đón hàng binh âu - Phi (sau gọi là trại) do đồng chí Phiến làm giám đốc, đóng ở Đại Từ - Thái Nguyên, để giúp đỡ, giáo dục hàng binh... Nhiều người ở trại một thời gian rồi xin đi theo các đơn vị chiến đấu. Đầu năm 1949, ta chủ trương giao cho một số người, chủ yếu người Đức, ra mặt trận chiến đấu và đến các đồn có lính người Đức kêu gọi họ chạy sang hàng ngũ Việt Minh. Anh Sro-đơ Lê Đức Nhân, được Quân khu Việt Bắc giúp đỡ, đã tổ chức một chi đội commando chừng bốn chục người làm công tác vũ trang tuyên truyền, lấy tên là Guillaume Tell, là tên của một người anh hùng dân gian Thụy Sĩ, sau thường gọi là đội Tell. Đơn vị có một nửa số quân là người nước ngoài, một nửa người Việt, do Sro-đơ chỉ huy; anh Phạm Bình làm chính trị viên. Anh em kể lại, các anh Sro-đơ Lê Đức Nhân, anh Bình . . . là những người chỉ huy và chiến đấu rất dũng cảm. Trong đội Tell có các anh Sa-lo-ten (Việt Bắc), An-de-ri-a người Pháp (Phạm Nhân),... chiến đấu dũng cảm lập nhiều công trạng được ta phong hàm thiếu uý. Đội hoạt động rất kết quả, từng đánh thắng nhiều trận ở Lạng Sơn, Cao Bằng,... và làm công tác binh, địch vận cũng hiệu quả kêu gọi được nhiều lính lê dương chạy sang hàng ngũ ta. Đội thường đóng giả lính Pháp bất ngờ đột kích vào đánh úp đồn địch, bắt nhiều tên, đặc biệt là thu nhiều vũ  khí... Cũng vui là chính cái tên Tell làm cho bà con ta đồn rộng khắp nơi rằng: đội Âu Phi này thiện chiến lắm, dùng toàn tiểu liên stel kiểu Mỹ,... nên đến đâu cũng được dân _ tiếp đón giúp đỡ rất nhiệt tình. Nhân dân ta được tận mắt thấy những người lính Âu Phi trong đội Tell có nhiều người "Tây" chiến đấu dũng cảm, diệt nhiều lính lê dương và thu nhiều súng đạn của Pháp, khiến nhân dân càng phấn khởi, càng tin tưởng hơn ở thắng lợi của cuộc kháng chiến chính nghĩa.

Những chiến sĩ Việt Nam mới này còn tích cực tham gia mọi công tác khác. Trong số người Đức có óc-sơ, Séc tha-nơ, . . . là những tri thức, có trình độ, đã cùng một nữ du kích đêm đến gọi loa ở đồn địch tại Bắc Ninh, kiên trì giải thích việc sai lầm cầm súng cho người Pháp . . . làm cho đơn vị lê dương này bị chuyển đi nơi khác. Sa-kơ-ky là nhạc công vi-ô-lông, đã đến ở với anh Liên đoàn trưởng nhạc binh một thời gian vừa kéo đàn huấn luyện và sáng - tác một số bản nhạc. . . Nhiều anh em khác thì hợp tác với lò rèn, thu nhặt sắt thép từ các xe Pháp bị đánh hỏng đem về rèn dao, cuốc, lưỡi cày, . . . phục vụ địa phương. Một người Đức khác lấy tên Việt Nam là Đức Việt vốn là phi công đã giúp ta sửa chữa chiếc máy bay của Bảo Đại để dùng trong huấn luyện và giúp nhiều ý kiến cho việc chuẩn bị lập không quân năm 1950. Hai anh Pho-cơ và Pi-tơ Han đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh ở vùng biên giới; còn các anh Oan-tơ Cốc và Cmen đã lập nhiều thành tích, được thưởng Huân chương Chiến công. Anh Cmen chính là người đã đóng giả một thương nhân người Hà Lan vào tận sào huyệt tên thủ hiến trung phần Trần Văn Lý tại Huế, mà về sau báo chí ngụy quyền đăng ầm ĩ.  Anh Lan-xráp có tên Việt Nam là Phụng, nói thạo tiếng Việt, tham gia Việt Minh cho đến sau ngày hoà bình lập lại thì làm phiên dịch tại Đại sứ quán Cộng hòa dân chủ Đức cho đến năm 1960. Vi-tíc và Pho-kê, Chen, Oan-tơ,... đã từng cùng cán bộ ta cuốc bộ hàng tuần trong rừng sâu, qua nhiều đồn địch mà không hề ngại ngần, hay một lời phàn nàn, ngại khó ngại khổ...

Không chỉ cầm súng cùng Việt Minh chống Pháp, những người lính âu Phi trong đội Tell nói riêng đã cùng những người "Việt Nam mới" nói chung tham gia mọi việc kháng chiến cùng Việt Minh, đã gây nên tình trạng hoang mang trong quân đội viễn chinh Pháp. Vì vậy mà hồi tháng 4 năm 1947, E. Bô-la-ét, cao ủy Pháp ở Đông Dương khi cử giáo sư Pôn Muýt đến gặp Hồ Chủ tịch (ở Thái Nguyên), đã đưa ra yêu cầu phía Việt Nam trao trả những "hàng binh" cho Pháp. Tất nhiên Bác Hồ đã kiên quyết bác bỏ yêu sách láo xược ấy. Còn lính lê dương thì nhiều người tiếp tục chạy sang hàng ngũ kháng chiến của Việt Minh... Từ 1951-1955, theo chính sách ngoại giao, Chính phủ ta đã tổ chức 7 chuyến cho 761 người, chủ yếu người Đức trở về tổ quốc qua Bắc Kinh - Mát-xcơ-va - Béc-lin. . .

Sro-đơ Lê Đức Nhân, đội trưởng đội Tell, người từng nhận được thư động viên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vì những chiến công mà ông đã lập được trong tiễu phỉ. ông rời Việt Nam về Cộng hòa dân chủ Đức cuồl năm 195 1 , dạy tiếng Đức và lịch sử ở một trường trung học. Ông đã qua đời năm 1977 ở Phran-phuốc... nhưng trong nhật ký của mình còn để lại những dòng ông viết: "... Chúng tôi đều coi Việt Nam là tương lai của mình, thực sự Việt Nam đã trở thành đất nước của chúng tôi...".
 
Việt Nam rất biết ơn những người "Việt Nam mới", đặc biệt đông nhất là người Đức đã đứng sang hàng ngũ Việt Minh, đóng góp công sức và cả xương máu cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp đến ngày thắng lợi, cho nền độc lập thống nhất của dân tộc Việt Nam ta.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 12 Tháng Mười Hai, 2007, 09:05:20 pm
ĐINA – ĐỘI QUÂN CỦA NHỮNG CHIẾN SĨ QUỐC TẾ BẮC PHI

TƯỜNG LINH

Ghi theo lời kể của đồng chí Lê Vân, chính trị viên đội ĐINA.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, đã từng cố nhột đội quân gồm toàn những người dân tộc Bắc Phi sát cánh chiến đấu cùng những người lính Việt Nam. Họ còn rất trẻ, đầy nhiệt huyết, sẵn sàng hy sinh trong trận chiên chông kẻ thù chung là thực dân Pháp, vì nền độc lập của Việt Nam và vì tương lai giải phóng của chính dân tộc họ.

Đội quân đó thường gọi là ĐINA, viết tắt 4 chữ cái đầu tiên của tên đội bằng tiếng Pháp "Đội quân Bắc Phi độc lập Thành viên của đội là những người dân từ các nước thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi, bị Pháp bắt vào lính rồi đưa sang Đông Dương đánh nhau. Cuối năm 1947, giặc Pháp thua đau trên đường số 4, nghe theo lời kêu gọi của cán bộ binh vận Việt Minh, họ chạy sang hàng ngũ của ta. Được giác ngộ, họ dần dần hiểu được sự chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Pháp do nhân dân ta tiến hành. Nhiều người trong số họ đã tình nguyện được đi chiến đấu, hy vọng có ngày đem kinh nghiệm của Việt Nam về giúp dân tộc mình đánh đuổi giặc Pháp. Đội ĐLNA ra đời trong hoàn cảnh đó, tập hợp hơn 20 người lính Bắc Phi thuộc 3 dân tộc An-giê-ri, Tuy-ni-di và Ma-rốc. Hai cán bộ Việt Nam là Cao Phong và Lê Vân được trên cấp tốc điều về làm đoàn trưởng và chính trị viên đội ĐINA. Ngoài ra, hai tiểu đội của ta cũng được biên chế về đội ĐINA để sẵn sàng phối hợp hoạt động.

Đầu năm 1949, trên một quả đồi nhỏ thuộc xã Phúc Trìu, Đồng Hỷ, Thái Nguyên, lễ ra mắt đội ĐINA được tổ chức trọng thể. Giữa núi rừng Việt Bắc, một cái rạp nhỏ được dựng lên làm diễn đàn cho đại diện Tỉnh ủy và các đoàn thể Thái Nguyên. Dân chúng các làng xung quanh kéo đến rất đông. Hơn 20 người lính Bắc Phi, chỉnh tề trong những bộ quân phục Việt Nam mới may bằng vải ka-ki nâu, đầu đội mũ làm bằng bìa cát tông rồi sơn xanh, đứng trang nghiêm trước lá cờ Việt Nam nghe đồng chí Lưu Văn Lợi, trưởng phòng địch vận thuộc Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (lúc đó chưa thành lập Tổng cục Chính trị) đọc thư của Bác gửi đội ĐINA. Trong thư, Bác dặn những người lính Bắc Phi phải đoàn kết, giúp đỡ nhau trong chiến đấu, học tập để sau này về giúp dân tộc mình thoát khỏi ách đô hộ. Tiếng nhạc của đội kèn quân đội do quản Liên phụ trách vang lên, chị em phụ nữ các đoàn thể ào xuống tặng hoa trong tiếng vỗ tay của dân chúng. Không ai còn cảm thấy sợ hãi những người lính Tây đen trước đây.

Gọi là đội quân, nhưng ĐINA coi trọng chính trị hơn quân sự. Tác chiến chỉ là trường hợp đặc biệt khi bất ngờ gặp địch, còn nhiệm vụ chính của đội là tuyên truyền, ván  động những người A-rập, đạo Hồi trong quân đội Pháp đòi hòa bình và hồi hương, khi ra trận chỉ bắn chỉ thiên, không bắn vào người Việt Nam, khi có điều kiện thì chạy sang hàng ngũ của ta. Sau một tháng huấn luyện, đội lên đường tiến xuống các vùng giáp ranh với địch thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên, đi đến đâu là viết truyền đơn, vẽ khẩu hiệu bằng tiếng A-rập tung vào hàng ngũ của địch. Đêm đêm áp sát đồn địch, bắc loa kêu gọi những người A-rập ra hàng. Chỉ sau một thời gian ngắn, tiếng vang của ĐINA đã lan rộng khắp núi rừng Việt Bắc. Các mặt trận liên tiếp cử người về đội xin lẻ một số người Bắc Phi đi giúp làm công tác địch vận. Từ đó bắt đầu xuất hiện những vụ bỏ trốn của những người lính A-rập trong quân đội địch. Giặc Pháp hoang mang, cử nhân viên phòng nhì theo dõi chặt chẽ hoạt động của đội ĐINA, nhưng không làm gì được.

Hành quân gian khổ nhưng cuộc sống vật chất rất thiếu thốn. Bữa ăn chỉ có cơm không. Tình hình khó khăn hơn bởi những người Bắc Phi lại theo đạo Hồi, không ăn thịt lợn, chỉ ăn thịt dê, bò. Nhiều người lại kiêng cả thịt động vật bốn chân. Đội phải bố trí cho họ nấu riêng theo phong tục đạo Hồi. Tuy nhiên, đời sống tinh thần rất phong phú. Những người lính Bắc Phi này đều còn trẻ, đi đến đâu cũng tổ chức múa hát, diễn kịch cho dân làng xem, sống hòa với dân chúng theo từng tốp năm người. Hàng năm, cứ đến tháng 3, họ đều tổ chức lễ hội Ra-ma-đan của đạo Hồi, ăn cơm vào buổi tối rồi cả đội ngồi quay mặt về phía tây cầu kinh. Ai cũng nhớ về tổ quốc, mong có ngày được về nước, đánh đuổi giặc Pháp.

Cuối năm 1950, sau chiến dịch Biên Giới khai thông tuyến đường sang Trung Quốc, những người lính Bắc Phi  này được đưa về các đội sản xuất để chờ điều kiện hồi hương. Đội ĐINA cũng chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, núi rừng Việt Bắc vẫn in dấu chân của những người lính Bắc Phi; - những chiến sĩ quốc tế đã tình nguyện chiến đấu cho nền độc lập của Việt Nam và cho chính tổ quốc họ.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 13 Tháng Mười Hai, 2007, 03:19:36 pm
NHỮNG NGƯỜI "CHIẾN SĨ VIỆT NAM MỚI" VỚI CHIẾN THẮNG NINH MÃ CỦA TIỂU ĐOÀN 365

PHÙNG ĐÌNH CUNG

Chiến thắng Ninh Mã như một dấu son đỏ trong trang sử vẻ vang của Tiểu đoàn 365 thuộc Liên trung đoàn 80-83), đơn vị con cưng của nhân dân và chiến trường Phú - Khánh. Mỗi lần nhớ lại, trong mỗi người chiến sĩ của tiểu đoàn năm xưa gợi lại lòng mình biết bao kỷ niệm.

Tiểu đoàn được thành lập ngày 15 tháng 5 năm 1949 tại xã Hòa Đa, Tuy An, Phú Yên, do đồng chí Hà Vi Tùng làm tiểu đoàn trưởng, Trần Quyết Thắng làm chính trị viên và Nam Hồ tiểu đoàn phó. Tiểu đoàn mang phiên hiệu 365 vì tiền thân của nó là hai tiểu đoàn 360 và 115 sáp nhập lại. 365 là một tiểu đoàn cơ động mạnh của Liên trung đoàn 80-83, Liên khu 5 lúc bấy giờ cả về quân số và trang bị . . .

Sau hai tháng huấn luyện, Tiểu đoàn 365 nhận được lệnh đi chiến đấu, hành quân từ Phú Yên vào Khánh Hòa triển khai trận địa phục kích đánh giao thông chiến ở Ninh Mã, Vạn Ninh, bắc Khánh Hòa, chặn đánh đoàn công  voa của Pháp chở đại đội âu - Phi ra tiếp tế và thay quân cho mặt trận Núi Hiềm (bắc đèo Cả). Suốt hai ngày đêm chờ đợi, đúng 14 giờ ngày 27 tháng 7 năm 1949, đoàn công voa của địch lọt vào trận địa phục kích của quân ta. Chỉ sau một giờ chiến đấu ác liệt, quân ta đã diệt gọn đại đội Âu Phi địch, phá hủy 17 xe (có 1 xe bọc thép), thu toàn bộ vũ khí, có 6 trung liên, một trọng liên 12,7 ly, nhiều tiểu liên, súng trường. . .

Đây là trận thắng lớn vang dội đầu tiên của đơn vị Tiểu đoàn 365 ở bắc Khánh Hòa. Nhiều tấm gương dũng cảm hy sinh rất đáng tự hào mãi mãi được ghi vào truyền thống của đơn vị như trung đội trưởng Bùi Quái, chiến sĩ Nguyên Đàn, chỉ với vũ khí chống tăng "AT" đơn giản của bộ đội ta buổi ban đầu đã anh dũng lao ra đường, bắn cháy xe bọc thép đi đầu, chặn đứng đoàn xe cho quân ta tiêu diệt. Hay gương đại đội trưởng Đại đội 160 Lê Tấn Quệt, người con trai Bình Định, đã dẫn đầu đơn vị dũng mãnh xung phong, tên tuổi của các anh đã gắn hến với chiến thắng Ninh Mã oai hùng. . . Là một người tham gia trận Ninh Mã ngày ấy, lòng tôi vô cùng khâm phục các anh và các chiến sĩ đã ngã xuống mặt trận, nhưng cũng không sao quên được hình ảnh của hai chiến sĩ quốc tế mà lúc đó ta gọi là "chiến sĩ Việt Nam mới':. Đó là hai anh Hồ Chí Hùng và Nguyễn Văn Lập.


Hai người cùng mang tên Việt Nam, nhưng nguồn gốc vốn là hai người lính mang quốc tịch khác nhau. Hồ Chí Hùng là người Đức, còn Nguyễn Văn Lập là người Hy Lạp, đều cầm súng trong đoàn quân lê dương của thực dân Pháp đến Việt Nam sau ngày 23 tháng 9 năm 1945, giặc  Pháp gây hấn ở Nam Bộ tiến hành âm mưu xâm lược đất  nước ta lần thứ hai. Hai anh vào lính lê dương cầm súng đánh thuê vì cuộc sống và ngỡ rằng mình đi bảo vệ nền văn minh của Pháp trên một đất nước xa xôi nào đó. Nhưng khi đổ bộ 'lên cảng Sài Gòn, các anh được bọn chỉ huy đưa đi càn quét lấn chiếm vùng Việt Minh ở Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang... Trong những trận càn quét đó, các anh tận mắt thấy những hành động đầy tội ác của quân đội lê dương Pháp, như đốt nhà cướp của, hãm hiếp phụ nữ, bắn giết người dân thường không tấc sắt trong tay, mà đa số là trẻ em và người già. Các anh tự nghĩ tại sao mình từ một đất nước xa xôi lại đến đây tàn sát những con người chỉ muốn được sống yên lành trong đất nước họ. Các anh không muốn tiếp tục nhúng sâu bàn tay vào tội ác. Khi đến Phan Thiết và Nha Trang, bằng nhiều cách và nhiều con đường, các anh đã tìm bắt được liên lạc với những người bên phía "Việt Minh kháng chiến" . Theo lời các anh kể lại, sau này mới biết những người tiếp xúc với các anh ngày ấy là những cán bộ tình báo và địch vận. Qua họ, các anh biết việc mình đang làm là phi nghĩa và được biết Việt Minh kháng chiến để giành và giữ nền độc lập cho Tổ quốc mình là chính nghĩa, với quyết tâm sắt đá như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi "Thà chết chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ?". Các anh căm ghét giặc Pháp đã lừa mình đến gây tội ác trên đất nước này và quyết định rời bỏ hàng ngũ quân đội lê dương Pháp, vác súng chạy sang hàng ngũ những người kháng chiến. Mỗi người đi bằng con đường khác nhau, nhưng cái chung là đi về với chính nghĩa.

Sau khi được học tập giác ngộ cách mạng, các anh tình nguyện được chiến đấu trong hàng ngũ bộ đội Cụ Hồ và  các anh rất sung sướng được quân đội ta tiếp nhận, vinh dự được làm người "chiến sĩ Việt Nam mới", được coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Có ai hỏi người chiến sĩ quốc tịch Đức vì sao anh đặt tên mình là Hồ Chí Hùng? Trả lời bằng tiếng Việt chưa sõi lắm, anh bảo: - Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thiên tài, đường lối của Hồ Chủ tịch rất nhân đạo, nhờ đó tôi được làm người chiến sĩ Việt Nam. Tôi lấy họ Hồ Chí của Hồ Chủ tịch làm họ của mình để ghi nhớ công ơn của Bác Hồ!

Còn Nguyễn Văn Lập tên thật là Kostas Sarantidis, quốc tịch Hy Lạp, dáng người cao to, là xạ thủ trọng liên 12, 7 ly thì bảo anh lấy họ Nguyễn Văn của người cán bộ đã dắt đường dẫn lối cho anh sang với hàng ngũ cách mạng làm họ của mình, để ghi nhớ một kỷ niệm suốt đời không quên. . .

Trong trận Ninh Mã, Nguyễn Văn Lập ở đơn vị trợ chiến. Còn Hồ Chí Hùng ở đại đội bộ binh, giữ khẩu trung liên FM đầu bạc. Suốt cuộc hành quân từ Phú Yên vào Khánh Hòa, hai anh vẫn cơm vắt, ống muối đeo bên hông như bao chiến sĩ Việt Nam khác. Vào trận đánh, Hồ Chi Hùng đã cùng đồng đội Việt Nam dũng cảm xung phong. Anh ôm khẩu trung liên FM đầu bạc đứng hiên ngang giữa đường. Trong lúc trận địa mù mịt khói súng, bọn lính địch hoảng hốt, nhìn thấy Hùng là người Âu với cái mũi cao, nhọn, chúng tưởng là đồng bọn, nên không đề phòng và kéo nhau chạy về hướng anh. Lập tức, Hồ Chí Hùng nổ súng. Khẩu trung liên trong tay anh bắn quét lia lịa, hết loạt đạn này đến loạt đạn khác. Bọn lính Âu - Phi chết như rạ trước họng súng của anh, đứa sống sót chạy tán loạn.  Thừa thắng, Hùng cùng đồng đội truy kích, bắn ngã từng tốp địch cho đến lúc kết thúc trận đánh.

Chiến thắng to lớn ở Ninh Mã là thành tích chung của cán bộ, chiến sĩ toàn Tiểu đoàn 365, nhưng trong đó có thành tích xuất sắc của người chiến sĩ quốc tế "Việt Nam mới" Hồ Chí Hùng, anh được Ban chỉ huy Liên trung đoàn khen thưởng. Thành tích của Hồ Chí Hùng ôm trung liên, xung phong đứng giữa đường quét địch, trở thành một sự kiện truyền tụng khắp Liên trung đoàn 80-83. Trong cuốn sử của Tiểu đoàn 365 và của Trung đoàn 803 cũng in đậm sự kiện ấy.

Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Hồ Chí Hùng trở về Cộng hòa dân chủ Đức; Nguyễn Văn Lập cũng trở về quê hương Hy Lạp cùng với người vợ Việt Nam và 2 con. Gần đây, Nguyễn Văn Lập, người chiến sĩ Việt Nam mới năm xưa (nay anh là đảng viên Đảng Cộng sản Hy Lạp) về thăm quê vợ và cũng là quê hương thứ hai của mình. Anh được gặp lại các đồng đội Tiểu đoàn 365 năm xưa, hiện nghỉ hưu tại Nha Trang và Thành phố Hồ Chí Minh, tủi tủi mừng mừng, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời chiến đấu. Anh bảo: "Năm nay tôi đã 74 tuổi. Dù ở đất nước Hy Lạp xa xôi, tôi vẫn không bao giờ quên Việt Nam, không quên chiến thắng Ninh Mã, không quên Tiểu đoàn 365...".


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 13 Tháng Mười Hai, 2007, 03:22:16 pm
TƯỚNG THIÊN HOÀNG TÌNH NGUYỆN LÀM CHIẾN SĨ VIỆT MINH

MINH TUẤN

I-ka-oa (Ikawa), vị tướng của đạo quân Thiên hoàng Nhật Bản sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 trở thành chiến sĩ của Việt Minh, nhiều nbơười đã biết. Nhưng vì sao một vị tướng của đạo quân phát xít lại tình nguyện theo cách mạng Việt Nam và ông hy sinh ở đâu?. . . đến nay vẫn còn ít ngllời được rõ. Một số tư liệu qua các nhà sừ học Ka-zu-hi-ra, Tsu-boi; các ông U-tu-mi, Mit-su-no-bu, . . . là những "Chiến sĩ Việt Nam mới" người Nhật kể lại và tư hếu của Hội Hữu nghị, Hội Mậu dịch Nhật - Việt, cho ta biết rõ thêm.

Con nhà dòng dõi gia tộc có tư tưởng xã hội - dân chủ

Theo ông Ka-zu-hi-ra và ông Tsu-boi cho biết, I-ka-oa xuất thân trong một gia đình dòng dõi cửa dòng họ I-ka-oa, là một trong những dòng họ đã nhiều thế hệ nối tiếp nhau nổi tiếng, có nhiều người làm tướng, nhưng nổi trội là có tri thức, chủ yếu vào đào tạo ở học viện quân sự cấp cao tại Tô-ki-ô. Nhùng do chịu ảnh hưởng nhiều của truyền thống  gia đình và dòng tộc, có mối quan hệ xã hội rộng với nhiều chính khách có tù tưởng xã hội - dân chủ, nên dòng họ này đã tổ chức bí mật hoạt động chống lại giới quân phiệt. Do bị lộ nhóm 6 người của I-ka-oa có 2 người chạy ra nước ngoài, I-ka-oa cùng 2 người nữa nhờ có uy thế lớn của dòng dõi gia tộc, phần khác giới cầm quyền với chính sách 'vùa đấm vừa xoa" muốn lôi kéo, tranh thủ các thế lực, nên được thoát tội"... Riêng I-ka-oa, kết thúc khoá học thì năm 1943 được giao chỉ huy binh đoàn I-ku 34 lữ đoàn hỗn hợp độc lập) sang Việt Nam, cũng là để "thử thách" qua chiến trường.

Giữa "ngã ba đường", tình nguyện theo Việt Minh

Ông Mit-su-no-bu, sĩ quan phiên dịch - giúp việc trực tiếp bên cạnh I-ka-oa khi sang Việt Nam, rồi cùng đi theo Việt Minh suốt 8 năm kháng chiến, kể lại những ngày ở  ngã ba đường" này cho biết: Tháng 8 năm 1945, binh đoàn I-ku 34 đón ngày kết thúc chiến tranh chiến tranh thế giới lần thứ hai) ở khu vực miền Trung. Khoảng cuối năm, khi còn ở Huế, giữa con đường ngang phía bắc phố Lê Lợi đến cầu Nam Giao, tướng Nguyễn Sơn đã tự tìm đến xin gặp I-ka-oa trao~đổi tình hình và đề nghị, nói đúng hơn là rủ I-ka-oa đi với cách mạng. Đó là "chiếc cầu' mà ông Nguyễn Sơn đã bắc sẵn như "chiếc gạch nối", về sau đã nối I-ka-oa cùng binh lính dưới quyền liền với Việt Minh. Vào thời gian cuối năm 1945 đầu năm 1946, sau hai lần cắt giảm, Bộ tư lệnh binh đoàn I-ku 34 và cơ quan tham mưu chỉ còn chừng ba chực người, rời Huế vào tập trung tại phía Tây Touran (Đà Nẵng) chờ ngày về Nhật, nhưng rồi  thất vọng vì chờ mãi không thấy tàu đến, các sĩ quan, binh sĩ ngày càng bi quan, tuyệt vọng. Sau lần gặp tướng Nguyễn Sơn ở Huế, I-ka-oa đã suy nghĩ nhiều, nay ông tập hợp lực lượng còn lại giải thích, đại ý: Con đường duy nhất để bảo toàn danh dự và khí tiết của chúng ta trước tình hình này là phải ủng hộ Việt Minh chống Pháp - Tưởng. Và nếu họ chấp nhận thì chúng ta đi với họ, chứ nhất quyết không để bị làm nhục bởi bọn thực dân Pháp và bọn Tưởng nhát gan.

Được anh em hưởng ứng, I-ka-oa cùng anh em đi tiếp vào Bình Định, rẽ lên Lây Cu, đến thị trấn Phú Phong, là nơi có trụ sở của Uỷ ban Hành chính kháng chiến Nam Trung Bộ khu 5) tìm gặp Nguyễn Sơn, Tư lệnh chiến khu. Trước đó, để tạo tin cậy với Việt Minh, I-ka-oa đã ra lệnh trả lại tự do cho các cán bộ Việt Minh đang bị quân Nhật giam giữ. Nay gặp phái đoàn Uỷ ban Hành chính Trung Bộ, thì cho bàn giao tất cả số các kho vũ khí, quân trang của Nhật còn lại từ Quảng Trị vào Quy Nhơn cho các đơn vị vũ trang cách mạng đang rất thiếu thốn. . . Quan lính Nhật đi theo I-ka-oa, lúc này đều tình nguyện đi với Việt Minh, có khoảng ba chục người. Theo sự phân công của Việt Minh, họ được điều động toả đi các nơi tham gia chiến đấu làm công tác bố phòng, giúp huấn luyện quân sự. . . Nhiều người trong số đó đã hy sinh ở Việt Nam, trong đó có tướng I-ka-oa.

I-ka oa hy sinh anh dũng ở Tây Nguyên

Có thông tin nói, I-ka-oa hy sinh ở Quảng Ngãi. Nhưng theo lời kể của Mit-su-no-bu là người đi sát I-ka-oa, lúc đó đang  làm giáo viên ở Truồng Lục quân Quảng Ngãi dưới quyền tướng Nguyễn Sơn thì l-ka-oa hy sinh cùng ngày với Đàm Minh Viễn và một số cán bộ Việt Minh ở đèo Mang Giang. Mit-su-no-bu kể: Tình hình lúc này rất căng thẳng, nóng bỏng. Quân Pháp sau khi chiếm Sài Gòn đang tiến lên phía bắc theo 2 gọng kìm theo quốc lộ 1 ven biển đã đến Nha Trang và theo đường số 9 miền núi. . . Theo đề nghị của tướng Nguyễn Sơn, I-ka-oa cùng quan lính Nhật hợp tác với Việt Minh, thực hiện kế hoạch xây dựng tuyến phòng thủ khu vực Tuy Hoà để chặn quân Pháp. I-ka-oa được điều vào Quảng Ngãi từ tháng 3 năm 1946, sau đó được đặc trách phái viên tác chiến đi đôn đốc kiểm tra các khu vực bố phòng. Mùa thu, khi Trung ương cử đoàn cán bộ cao cấp do Đàm Minh Viễn - anh ruột Đàm Quang Trung - dẫn đầu vào đi thị sát mặt trận Tây Nguyên, thì I- ka-oa được tướng Nguyễn Sơn cử đi theo đoàn. Đoàn đi bằng 1 xe Jeep và 1 xe Camion, xuất phát từ Quy Nhơn theo đường 9 lên An Khê. Lúc này, các chi đội Nam tiến cũng đang hoạt động chặn địch, ngăn quân Pháp từ Tây Nguyên có thể thọc xuống Quy Nhơn. Khi xe của đoàn tiến lên định vượt đèo Mang Giang thì xe bị trúng mìn và địch phục kích bất ngờ nổ súng, nên cả đoàn hy sinh oanh liệt. . .

Theo những lời kể trên thì I-ka-oa hy sinh ở đèo Mang Giang - Tây Nguyên. I-ka-oa, một vị tướng Thiên hoàng đã tình nguyện đi với Việt Minh tuy mới có hai trăm ngày đêm, dù chưa có những "thành tích, chiến công nổi bật" và đã hy sinh ở Tây Nguyên, thì cũng là một "Chiến sĩ Việt Nam mới", một chiến sĩ tình nguyện đã hy sinh oanh liệt vì nền độc lập của Việt Nam. Dân tộc Việt Nam mãi mãi tưởng nhớ đến liệt sĩ I-ka-oa.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 13 Tháng Mười Hai, 2007, 03:25:51 pm


NGƯỜI "VIệT NAM MỚI" ĐÁNH NHÀ HÀNG MO-RANH Ở HUẾ

VÕ VIỆT AN

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, một số anh em người Nhật không về nước, mà xin ở lại Việt Nam, tự nguyện tham gia lực lượng vũ trang Việt Minh, trở thành những người "Việt Nam mới". Nhân dân và bộ đội ta cũng gọi họ như thế. Họ có những tên riêng thật Việt Nam như: Lê Thiên Hương, Lê Trung Lý, Nguyễn Sơn, Nguyễn Khắc, Nguyễn Minh, Nguyễn Thế Kê, Bùi Thiết...

Cứ mỗi lần bộ đội ta đi tập ở vùng Cổ Bi, chùa Thiên Mụ về, anh Hội trung đoàn phó Trung đoàn Trần Cao Vân, lại bắt bộ đội ta phải đi qua cầu Bạch Hổ, thẳng bờ sông diễu qua trước nhà hàng Mo-ranh, lại qua cầu Tràng Tiền về đồn Mang Cá, chắc là để "phô trương -lực lượng". Một chiếc kèn đồng đi trước, vài hàng súng trường, trung liên đi theo nhịp một-hai-một. Binh lính Pháp bữa nào cũng đứng trước cửa nhà hàng để xem và chụp ảnh. Còn những huấn luyện viên người "Việt Nam mới" để giừ bí mật nên đi thẳng về cửa Thượng Tứ, vào thành về đồn Mang Cá.

Sau ngày ta và Pháp ký Hiệp định sơ bộ mùng 6 tháng 3 năm 1946 chừng một tháng, anh Lê Dung, Uỷ viên Uỷ ban Hành chính kháng chiến Trung Bộ cho gọi tôi đến và bảo: “Để họ ở đây không tiện, em đưa họ ra Trung đoàn Thiện Thuật (Quảng Trị), mọi việc cụ thể Uỷ ban đã có thư ra ngoài đó".

Ngay ngày hôm sau chúng tôi đã có mặt ở Trung đoàn Thiện Thuật. Ở đó, hàng ngày họ cùng anh Hùng Việt, trung đoàn trưởng nghiên cứu mìn, địa lôi tự tạo. Giữa tháng 12 năm 1946, chúng tôi đang huấn luyện bộ đội ở Cửa Tùng, thì trưa ngày 20 tháng 12 anh nhận được lệnh hoả tốc của anh Trần Hữu Dực, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kháng chiến Trung Bộ và anh Hoàng Điền, Tham mưu trưởng phân khu Bình - Trị - Thiên là phải đưa những người "Việt Nam mới" về Huế ngay. Được trở lại Huế ai cũng vui mừng. Ngay tối hôm ấy chúng tôi lên thuyền, độ 5 giờ sáng đến đầu cầu Hiền Lương. ở đây mới biệt tin kháng chiến toàn quốc chống Pháp đã bùng nổ. Chiếc Ô tô tải đã chờ sẵn chở chúng tôi về An Hoà. Từ An Hòa, chúng tôi đi bộ về nội thành. ở khu Tam Toà, anh Trần Hữu Dực, anh Hoàng Điền và một số cán bộ khác đã chờ sẵn ở đó. Sau khi hỏi han, động viên, khích lệ, phổ biến tình hình, anh Hoàng Điền giao nhiệm vụ: Tổ chức đội quân cảm tử gồm những người "Việt Nam mới" do Lê Thiên Hương chỉ huy, có nhiệm vụ xung phong chiếm nhà hàng, sau đó đánh chiếm khu kho lò rèn (trường kỹ nghệ), nhà Penlerin và toàn bộ khu vừa đóng quân của Pháp. Kế hoạch trận đánh: 11 giờ 30 đêm 21 tháng 12 năm 1946, khẩu sơn pháo 75mm do Nguyễn Sơn người Nhật) bắn, đặt ở bờ sông Gia Hội, cuối phố Khách, bắn thẳng vào nhà hàng Mo-ranh 15 phát. Trong khi đó, đội cảm tử từ nhà Trung Bộ phủ (Toà khâm sứ cũ) xuống bờ sông Hương, vượt qua gầm cầu Tràng Tiền, bố trí xong trước nhà hàng từ 30-50m. Tiếp theo đó, khẩu thần công ở cửa Thượng Tứ do Lê Trung Lý phụ trách bắn tiếp 10 quả bom bay tự tạo vào bên trong nhà Mo-ranh, khu kho rèn và đội cảm tử xung phong, chiếm nhà hàng. . .

Mỗi người được ưu tiên phát một bộ đồ dạ khố đỏ, giày da, một đại liên Chiêu Hòa, súng trường Nhật và lựu đạn.

3 giờ chiều ngày 21 tháng 12 làm lễ xuất phát. Các anh Trần Hữu Dực, Hoàng Điền động viên khích lệ xong, đội cảm tử người "Việt Nam mới” thề quyết chiến và cúi chào vĩnh biệt. Đội chúng tôi đi vòng qua cửa Đông Ba, qua cầu Gia Hội, xuống thuyền ngang qua Cồn Hến và lên bờ chỗ khách sạn Hương Giang ngày nay. Khoảng 5 giờ chiều, chúng tôi đã có mặt ở tầng dưới nhà Trung Bộ phủ, cạnh nhà Mo-ranh. Các o, các chị ở phía Đập Đá, Vĩ Dạ tấp nập hối hả gánh cơm, xôi, có cả bún heo đến tiếp tế, động viên bộ đội. Bây giờ nghĩ lại còn thương còn nhớ. Diễn biến trận đánh: Sau 15 phát đại bác yểm hộ, đội cảm tử và các đơn vị khác đã chiếm lĩnh xong trận địa, chỉ chờ 10 quả bom nổ là xung phong. Tình hình lúc này thật yên tĩnh. Phía quân Pháp vẫn im lặng chưa động tĩnh gì. Bỗng phía trên những ngọn cây cao, tôi nghe có tiếng phần phật, phần phật, tôi thầm nghĩ: ở đây có nhiều chim to quá, nên thấy động chim bay. Tiếp đó là đoàng, một tiếng nổ đanh tai, quả bom bay rơi cách chúng tôi chừng 100m. Rồi tiếp những quả khác rơi lung tung, không trúng mục tiêu. Thì ra mồi đẩy quả đạn yếu, nên đạn bay không thẳng hướng. Nguy hiểm quá, nhưng cũng may, không quả nào rơi trúng lưng  quân ta cả. Hồi đó ta không có phương tiện thông tin liên lạc để báo điểm đạn rơi. Quả bom bay thứ 10 vừa nổ xong, tức thì quân ta từ các hướng xung phong. Đội cảm tử chúng tôi xung phong vào cửa chính. Lúc này phía quân Pháp mới bắt đầu nổ súng. Súng cối, súng máy bên trong bắn ra. Một khẩu đại liên của Pháp đặt ở nhà thông tin gần bờ sông bắn xối xả vào sườn chúng tôi. Tôi cố nằm sát đất, nhưng đạn vẫn lướt trên đầu, trên lưng. Vài tên lính Pháp ở tầng hai thả lựu đạn xuống. Khẩu đại liên Chiêu Hòa của chúng tôi quay lại bắn chế áp khẩu đại liên của địch. Một người "Việt Nam mới" leo lại gần và ném vào ổ đại liên địch 2 quả lựu đạn, đại liên địch im hẳn. Chúng tôi lại xung phong. Ba lần xung phong vẫn không vào được trong nhà, vì quân Pháp đã chất đầy bao cát dày độ 1m, cao sát trần nhà, bên trong lại chèn đầy cọc sắt và gỗ. Lợi dụng vài chỗ do đạn đại bác khoét thủng, chúng tôi trên lên, chỉ đút lọt bàn tay, thả lựu đạn vào trong nhà. Trong ánh chớp lửa đạn, tôi nhìn thấy một anh bộ đội Việt Nam đứng lên ngã xuống 2 lần và giơ tay hô khẩu hiệu: "Việt Nam độc lập muôn năm? Hồ Chủ tịch muôn năm!!”.

Trận đánh không thành. Khoảng 3 giờ sáng có lệnh rút quân. Về đến Trung Bộ phủ thì gặp anh Trần Hữu Dực và anh Hoàng Điền đứng ở hàng râm bụt để theo dõi trận đánh. Trong trận này ta hy sinh 3 và bị thương 7 chiến sĩ. Ngày hôm sau 22 tháng 12 năm 1946, đội quân người "Việt Nam mới" nhận nhiệm vụ ở lại Trung Bộ phủ để tổ chức bắn mồi rơm tẩm xăng và bắn tỉa qua khu vực bọn Pháp, nơi chúng vẫn cố thủ để chờ tiếp viện...


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 13 Tháng Mười Hai, 2007, 03:29:41 pm
NGƯỜI SĨ QUAN PHÁP TRỞ THÀNH CÁN BỘ ĐỊCH VẬN Ở ĐIỆN BIÊN PHỦ

CHU HOÀNG

Trong số những chiến sĩ quốc tế đã rời bỏ đội quân viễn chinh Pháp, đứng sang hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam và tham gia kháng chiến cùng với nhân dân ta, có lẽ duy nhất có một sĩ quan người Pháp: đó là đại uý Tarrago Jeon, nguyên chỉ huy đại đội 3 thuộc tiểu đoàn 4, trung đoàn 2 bộ binh Ma-rốc, đóng ở vùng Phát Diêm, Liên khu 3. Anh cũng nguyên là chỉ huy phân khu bắc Ninh Bình của Pháp.

Là một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, anh đã tham gia kháng chiến chống phát xít Đức, với cương vị là thiếu tá chỉ huy một tiểu đoàn quân du kích Pháp, đã từng chiến đấu ở quận 17, ngoại thành Pa-ri hồi tháng 8 năm 1944. Sau khi nước Pháp được giải phóng, lực lượng du kích Pháp sáp nhập vào quân đội cộng hoà Pháp của Đờ Gôn (De Gaulle) từ nước ngoài về. Tarrago được chính thức công nhận là đại uý quân đội Pháp. Cuối năm 1951 anh bị đưa sang Đông Dương. Lúc này, số sĩ quan "đỏ" đang là đối tượng bị nghi ngờ và theo dõi chặt chẽ trong quân đội  Pháp. Nhưng vì lực lượng sĩ quan được đào tạo qua trường võ bị Saint Cyr bị hao hụt quá nhiều trong chiến đấu, không bổ sung kịp, nên Pháp buộc vẫn phải sử dụng một số như Tarrago.

Sang Việt Nam, người cựu chiến sĩ chống phát xít này bí mật tìm cách liên hệ với Việt Minh, qua những chiến sĩ của ta bị bắt làm tù binh. Khi được biết hành động của mình đang bị theo dõi, anh có ý định đưa cả đơn vị ra nơi quân ta phục kích, nhưng không thực hiện được. Ngày 1 tháng 2 năm 1952, Tarrago một mình từ bỏ đội quân viễn chinh Pháp, đứng sang hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau khi thẩm tra, anh được Cục Địch vận xác nhận là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, nguyên chỉ huy một đơn vị du kích Pháp (F.T.P) trong kháng chiến chống Đức như anh khai, Tarrago trở thành một cán bộ của Cục Địch vận, được giao những nhiệm vụ thích hợp với trình độ và khả năng của anh.

Năm 1953, anh được giao nhiệm vụ Phó trại trưởng Trại hàng binh Âu - Phi thuộc Cục Địch vận ở Việt Bắc. Song điều mãi mãi là niềm tự hào đối với anh là đã được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ suốt từ đầu đến cuối. Từ tháng 12 năm 1953, Tarrago được điều lên Điện Biên Phủ, tham gia khai thác tù binh, nghiên cứu tài liệu bắt được của địch, qua đó cung cấp cho cơ quan tham mưu ta nhiều thông tin có giá in về hệ thống bố phòng cũng như quy luật sinh hoạt của quân địch . . . Anh cũng tham gia công tác tuyên truyền vào hàng ngũ địch, viết truyền đơn in ngay tại mặt trận và gọi loa vào các vị trí địch. Tổ loa của Cục Địch vận do một cán bộ cấp tiểu đoàn chỉ huy,  ngoài một cán bộ thông tin phụ trách kỹ thuật, có 3 hàng binh: một Pháp là Tarrago, một Đức là Đức Việt tên Việt Nam) và một Bắc Phi là Lahcen Ben Mohamed. Tùy theo thành phần binh sĩ địch từng nơi mà gọi bằng thứ tiếng thích hợp: Pháp, Đức, A-rập hay Việt.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Tarrago tham gia công tác quản lý, giáo dục tù binh cho đến khi trao trả họ cho phía Pháp. Là một cán bộ có trình độ và khả năng công tác tốt anh được ưu đãi, được hưởng chế độ bậc 5 đối với hàng binh, tương đương cán bộ cấp trung đoàn của ta. Sau kháng chiến chống Pháp ít lâu, anh được chuyển ngành sang Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1964, vì chưa thể trở về Pháp được, theo nguyện vọng của anh và thoả thuận giữa hai chính phủ Việt Nam và Cộng hoà dân chủ Đức, Tarrago cùng với vợ là người việt Nam và con sang Cộng hòa dân chủ Đức sinh sống. Anh làm việc tại Đài Phát thanh Béc-lin.

Đầu năm 1974, tôi gặp anh khi anh trở lại Việt Nam, vừa đi thăm vùng giải phóng Quảng Trị về Hà Nội. Vẫn tình cảm thân thiết như xưa, vẫn lối nói hóm hỉnh và sắc sảo anh nhận xét:

- Ở miền Nam Việt Nam, đường giới tuyến đi qua từng gia đình?

- Các bạn là những bậc thầy làm cái không thể được! (Vous êtes les maitres de I impossible!).

Khi tôi ngỏ ý muốn anh nói trên Đài Tiếng nói Việt Nam với đối tượng sĩ quan và binh sĩ quân đội Sài Gòn, nhân danh một sĩ quan Pháp đã đứng sang hàng ngũ kháng chiến Việt Nam và chiến đấu ở Điện Biên Phủ, anh nói ngay không cần nghĩ ngợi: 

- Mà đúng thế, phải khai thác mình chứ?

Đến nay tôi vẫn còn nhớ anh đã từng nói: Những năm tháng phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam và nhất là ở Điện Biên Phủ sẽ là một trong những trang đẹp nhất tôi để lại cho các con tôi


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 13 Tháng Mười Hai, 2007, 07:43:08 pm
CÁC ANH KHÔNG QUÊN TỔ QUỐC THỨ HAI CỦA MÌNH

Đại tá HUỲNH THÚC TUỆ

Trước hết tôi xin chép lài đây bức điện văn của hai chiến sĩ quốc tế từ đất nước Phù Tang gửi qua: "Kính gửi Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và toàn thể anh chị em Quân đội giải phóng nhân dân và Hội Cựu chiên binh Việt Nam. Nhân ngày kháng chiên toàn quốc chông thực dân Pháp xâm lược Việt Nam ngày 19 tháng 12 năm 1946, chúng tôi xin gửi tới lời chào trân trọng và xin kính chúc ngày kỷ niệm kháng chiên toàn quốc và ngày càng phát triển công cuộc đổi mới để nâng cao và cải thiện sinh ho(zt. Xin kính chúc sức ~hỏe và tình hữu nghị giũa nhân dân hai nước Nhật-việt ngày càng phát triển. Tô-ky-ô ngày 20 tháng 12 năm 1996 Ki-shi-ro Iwai- Na-ka-ha-ra Mitsunobu (Nguyễn Văn Sáu - Minh Ngọc).

Mặc dù các anh nay đã trên 70 cả rồi và chúng tôi, những bạn cũ của các anh cũng không kém hơn là mấy,  chúng tôi vẫn xin mạn phép xưng hô "anh" và có khi "đồng chí" để nói lên đúng mồi tình cảm vừa mật thiết, vừa sâu nặng của chiều dày lịch sử 50 năm. Tuy các anh với chúng ta ở hai bờ Thái Bình Dương xa thẳm, nhưng tình đồng đội, đồng chí vẫn như những ngày kháng chiến trước đây.

Anh Na-ka ha-ra Mitsunobu (Minh Ngọc) sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là một trong những sĩ quan và binh lính Nhật sớm đi theo cách mạng Việt Nam. Khi còn ở Huế, mặc dù bị bọn Tàu Tưởng kiểm tra gắt gao, nhưng anh đã giúp chúng ta đoạt được nhiều kho khí giới, quân trang của cả Pháp và Nhật để lại. Đầu năm 1946, anh được điều vào Nam Trung Bộ, giúp mặt trận bố phòng chống quân Pháp từ Nha Trang ra và từ Tây Nguyên xuống Khu 5. Khi thành lập Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi, anh cùng một số sĩ quan Nhật khác và 2 sĩ quan người âu được tướng Nguyễn Sơn điều về làm giáo viên. Cuối tháng 11 năm 1946 anh ra Bắc. Toàn quốc kháng chiến mở ra, anh được điều ngay xuống Nam Định làm phái viên đốc chiến. Rồi sau đó anh về làm giáo viên quân sự Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn các khóa 2, 3; rồi về làm tham nghị quân sự thuộc Bộ Tổng tham mưu. Tháng 11 năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên 6 tháng, anh hồi hương, được cử giữ chức Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt cho đến năm 1992 mới chuyển qua làm Hội trưởng HồI Phát triển mậu dịch Nhật - Việt. Anh qua Việt Nam nhiều lần. Gần đây nhất, anh đã cùng 2 giáo viên cũ của Trường Lục quân Quảng Ngãi năm xưa là Phan Huệ (Ko-mo) và Đông Hưng (Ki-ku-o) không quản tuổi già sức yếu không quản đường xa mệt nhọc, đã tới thị xã Quảng Ngãi, đi bộ thăm lại trường cũ, thăm lại bạn bè, đồng chí, được Tỉnh ủy và ủy ban nhân dân tỉnh đón tiếp thân mật và trọng thị. Anh nói với chúng tôi: "50 năm rồi, được trở lại Quảng Ngãi thăm lại chốn cũ người xưa, tôi có cảm giác như năm 1954 khi được hồi hương sau 12 năm phiêu bạt, tôi vô cùng xúc động không nói được nên lời" . Suốt từ khi Mỹ nhảy vào xâm lược Việt Nam (1960) anh Minh Ngọc luôn đứng ở tuyến đầu ủng hộ và đoàn kết với Việt Nam chống Mỹ.

Còn anh Ki-shi-ro Iwai (Nguyễn Văn Sáu) cũng là một người bạn vô cùng gần gũi với Việt Nam. Bỏ hàng ngũ quân đội Nhật, anh gia nhập vào lực lượng vũ trang Cao-lạng, sau sáp nhập với Đại đoàn 316. Chiến công đầu của anh là trận Bông Lau năm 1947, anh đã cùng đơn vị xung phong tiêu diệt nhiều xe cơ giới và bộ binh quân Pháp trên đường số 4 oai hùng. Anh về Nhật, tham gia Hội Hữu nghị Nhật - Việt đến năm 1992 anh làm Hội trưởng Hội Phát triển mậu dịch Nhật - Việt, có nhiều thời gian ở Việt Nam...

Kỷ niệm 50 năm toàn quốc kháng chiến, hai anh đã thay mặt cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bạn Nhật, trong đó nhiều người đã ngã xuống trên khắp chiến trường Bắc - Trung - Nam, nhiều người về nước mang theo thương tích trong người. Các anh, ai cũng xem Việt Nam là tổ quốc thứ hai của mình, theo dõi và vui mừng trước những biến đổi đi lên của đất nước Việt Nam. Cám ơn các anh. Chúc các anh luôn luôn khỏe mạnh làm nhịp cầu bền vững củng cố và phát triển không ngừng tình hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 13 Tháng Mười Hai, 2007, 07:46:00 pm
CHUYỆN VỀ NGƯỜI LÍNH I-TA-LI-A PHẢN CHIẾN

NHƯ CHUNG

Đi du lịch nước I-ta-li-a xinh đẹp trở về, tôi cùng bà xã đến tìm gặp ngay bà Cao Thị Hiền ở khu tập thể nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà. Mừng mừng, tủi tủi, bà cầm gói quà và thư của đứa con trai Hoàng Tích - người Việt gốc I-ta-li-a, cùng cô con dâu Đoàn Thị Chi đang sinh sống ở Rô- ma mà rưng rưng nước mắt. . .

Thân tình, chúng tôi hỏi chuyện duyên số của ông bà. Tuổi nay đã "cổ lai hy", bà bảo nhớ đến đâu, kể đến đó. Ngày 7 tháng 10 năm 1947, giặc Pháp bất thình lình nhảy dù xuống Bắc Cạn hòng đánh các cơ quan đầu não, bắt các vị lãnh đạo của ta. Khi đó, bà còn là một thanh nữ cùng mẹ làm công nhân xay xát gạo cho Ty Lương thực Bắc Cạn. Tuy bỉ bất ngờ, bà cùng dân quân du kích nổ súng chống địch. Chúng chết một số. Nhưng bị bao vây, chúng bắt được bà và một số dân quân. Những nam dân quân như anh họ bà là Lê Quốc Diệt bị chúng bắn chết ngay. Còn số tù binh nữ, chúng không giết mà bắt thu dọn chiến trường, đào hố chôn xác lính lê dương bọc trong túi ni lông, rồi đưa về Cao Bằng làm cấp dưỡng hoặc vệ sinh nơi đồn  địch. Nhiều lần chúng tìm cách xé lẻ để hãm hiếp, nhưng chị em luôn cảnh giác, chống đối đến cùng.

Bị đau mắt nặng, bà và mẹ đến chữa ở nhà thương trong đồn. Có ông đốc tờ người I-ta-li-a tên là Cam-pi-zi Ca-e-ta-nô trong quân đội lê dương Pháp hàng ngày chữa bệnh. ông còn trẻ, hiền lành và đẹp trai, lại luôn săn đón nlẹ bà và bà. ông nói tiếng Việt được, nói riêng với mẹ bà gả bà cho ông ấy. Mẹ bà bảo, ông ở trong hàng ngũ quân giặc đi giết dân, sao gả được. ông nói, ông không giết dân, ông chữa bệnh cứu dân, ông chán chiến tranh, ông thấy quân Pháp bắn giết dân mà căm phẫn. Bà cũng thương ông ấy. Thế là, bà còn nhớ cuối tháng 11 năm 1947, trời sang mùa đông, ông bà lấy nhau được phép của mẹ bà và tên đồn trưởng địch.

Gần năm sau, ông bà sinh được đứa con trai kháu khỉnh đặt tên là Hoàng Tích. Bà kể, khi đó bận nuôi con, bà thấy ông làm việc có vẻ như có gì bí mật. Bà hỏi, ông bảo không được tò mò, cứ nuôi con cho khôn lớn. Có nhiều lần, ông bảo bà chuyển các gói quà gửi bà bán bỏng ở vườn hoa cho con bà ấy. Có lần muốn biết quà gì, bà mở xem thấy toàn là thuốc viên, thuốc tiêm, ông kim tiêm loại quý. Các ông cai Mẫn, tài Hảo ở nhà máy đèn thỉnh thoảng đau ốm đến gặp ông chữa bệnh. ông khẽ nói với các ông ấy toàn những chuyện về súng ống, đồn bốt, hành quân, xe tăng thiết giáp. Rồi ông được lệnh đi Đông Khê, Thất Khê cứu chữa thương binh. Khi đó, quân ta mở chiến dịch Biên Giới, giải phóng Cao - Bắc - Lạng. . .

Anh Hoàng Tích lớn lên học Đại học Bách khoa rồi làm việc cơ khí nhà máy Hồng Hà, cùng vợ nay ở Kô-ma mời chúng tôi về nhà ăn cơm vì vợ tôi là quản đốc phân xưởng  tổng hợp nhà máy Hồng Hà. Anh có kể thêm: Bố anh và 3 sĩ quan khác đã phản chiến, giúp Việt Minh. Bị lộ sau chiến dịch Biên Giới, tất cả đã chạy sang hàng ngũ quân đội Cụ Hồ, công tác ở Tổng cục Hậu cần. 4 người được vinh dự gặp Bác Hồ ở Việt Bắc và được Bác khen thưởng. Để dễ gọi, Bác đặt tên cho ông ỉa Hồ Chí Long và các bạn là Hồ Chí Cường, Hồ Chí Dũng, Hồ Chí Dân. Năm 1959, ông xin phép rời Việt Nam về thăm Tổ quốc I-ta-li-a. ông bị kết án tù 2 năm ở áo vì tội "phản chiến". Sau đó, ông sang nước Cộng hòa dân chủ Đức lập trung tâm nghiên cứu i;in não và mất năm 1987.

Mời chúng tôi uống chè Thái Nguyên, anh đưa chúng tôi xem những giấy tờ hoạt động vì nền độc lập Việt Nam của ông. Tấm bằng Huân chương Kháng chiến hạng Ba có ghi: "Đã có công lao trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc Việt Nam". Giấy khen số 77 của Tổng cục Hậu cần ghi: "Trong dịp kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Mười Nga, đã có nhiều thành tích tích cực công tác cách mạng, xây dựng đơn vị".

Anh cho biết, các vị lãnh đạo Việt Nam sang thăm I-ta-li-a như Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều nhắc đến công lao của cha anh. Kỷ niệm Quốc khánh mồng 2 tháng 9 năm 1995, anh được mời về dự lễ ở Hà Nội, là đại diện cho cha anh có công với cách mạng Việt Nam. Khi cha anh lâm bệnh nặng ở Cộng hòa dân chủ Đức, anh kịp bay sang gặp mặt người cha yêu dấu lần cuối cùng. Cha anh nắm tay anh, trăng trối: "Bố và con, chúng ta có hai tổ quốc: I-ta-li-a và Việt Nam. Con và vợ con luôn phải sống sao cho xứng đáng với cái tên Hồ Chí Long mà Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người  cộng sản quốc tế chân chính, người cha già của dân tộc Việt Nam anh hùng - đã đặt tên cho bố. Các con phải luôn hướng về Việt Nam nơi bố đã từng chiến đấu, nơi chôn rau cắt rốn của các con, nơi còn người vợ yêu dấu của bố, người mẹ thương yêu của các con đang sống trong sự đùm bọc của tập thể công nhân nhà máy Hồng Hà. Các con phải luôn nghĩ làm gì để đóng góp phần mình vào công cuộc đổi mới của Tổ quốc Việt Nam".


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 13 Tháng Mười Hai, 2007, 07:49:19 pm
CHIẾN SĨ "CẢM TỬ” I SAO – NGUYỄN VĂN LỢI

TUẤN HẢI

* Theo tư liệu Ban liên lạc Hội Hữu nghị Việt - Nhật.

Từ Nhật Bản, ông Katsuo Uykawa và ông Toshiuyki Yamada trong ban liên lạc Hội những người Việt Nam - hội của những người Nhật đã từng sống ở Việt Nam và tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp đã hồi hương, qua Sứ quán Việt Nam ở Nhật gửi cho chúng tôi bản danh sách 15 người, có 5 người bị thương trong thời gian tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu, trong đó có ông Katsuo Uykawa chính là "chiến sĩ Việt Nam mới" Ngô Tử Câu thuộc Trung đoàn 66 Liên khu 3; Toshiuyki Yamada là Lê Hồng, . . . còn Isao có tên gọi đầy đủ là Isao Tachibana, tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lợi.

Isao Tachibana bị động viên vào đội quân phát xít của Nhật hoàng, rồi bị điều sang phục vụ ở Đông Dương trong Binh đoàn 34 của đại tá (có tài liệu viết là tướng) Ikawa hoạt động trên chiến trường từ Quảng Trị vào đến Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả Lào, Cam-pu-chia. Sau ngày Nhật bại trận trong chiến tranh thế giới lần thứ hai), phải đầu hàng Đồng minh, quân Nhật bị quân Tưởng vào miền Bác, quân Anh vào miền Nam Việt Nam giải giáp, tước vũ khí, họ phải chờ ngày tàu lần lượt đến đón về nước. Nhận thức được tình hình, có lòng yêu mến nhân dân Việt Nam, vốn ghét bọn Tàu Tưởng "bạc nhược" lẫn bọn Tây "mũi lõ", Isao và một số sĩ quan, bỉnh sĩ người Nhật theo gương" chỉ huy binh đoàn Ikawa đã sớm bắt mồi liên hệ và đi theo cách mạng Việt Nam, giúp các đơn vị Việt Minh lúc đó từ miền Bắc đang ngày đêm "Nam tiến" vào Nam Bộ cùng chống Pháp trở lại xâm lược. Trong khi một số sĩ quan người Nhật như Ka mo (Phan Huệ), Kikuo (Đông Hưng), Igari (Phan Lai) . . . tham gia huấn luyện cho các đội du kích - an ninh vũ trang chiến đấu ở Nam Trung Bộ, rồi sau được điều ra làm giáo viên ở Trường Lục quân Quảng Ngãi, Isao và một số bạn chiến đấu khác tham gia các đơn vị vũ trang hoạt động xung quanh Thừa Thiên - Huế. Isao - Nguyễn Văn Lợi, cùng Nguyễn Chí Hùng. . . sau đó được đón về Trung đoàn 101 - Trần Cao Vân mới thành lập, làm giáo viên giúp huấn luyện kỹ thuật, sử dụng vũ khí, cách đánh cho bộ đội ta. Sau ngày Bác Hồ ký Hiệp định sơ bộ mùng 6 tháng 3, đồng chí Lê Duy lúc đó là ủy viên ủy ban Hành chính kháng chiến Trung Bộ cho đón anh em chiến sĩ quốc tế gồm nhiều quốc tịch, ra Trung đoàn 95 - Thiện Thuật đang hoạt động ở Quảng Trị, do đồng chí Hà Việt làm trung đoàn trưởng. Isao lúc đó vừa là một giáo viên trong tổ chức huấn luyện bộ đội, vừa cùng một số anh em các chiến sĩ quốc tế được giao nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất các loại vũ khí như mìn, địa lôi... để trang bị cho bộ đội.

Cuối năm 1946, đơn vị đang hoạt động ở vùng Cửa Tùng thì trưa ngày 20 tháng 12, theo lệnh của đồng chí  Trần Hữu Dực - Chủ tịch ủy ban Hành chính kháng chiến Trung Bộ Trung đoàn 95 đưa ngay các chiến sĩ quốc tế vào mặt trận Huế. Lúc này các đơn vị được tăng cường cho mặt trận Huế kháng chiến. Isao cùng anh em lên thuyền ngay, lúc đến cầu Hiền Lương mới được biết kháng chiến toàn quốc đã nổ. Qua cầu, anh em được Ô tô đón về An Hòa rồi đi bộ về nội thành, vào khu Tam tòa, được tổ chức thành đội cảm tử" do đồng chí Lê Thiên Hương chỉ huy. Đội Commando "cảm tử" gồm nhiều chiến si quốc tế - nhiều quốc tịch của Isao, có nhiệm vụ "độn thổ" đánh thẳng vào chiếm mục tiêu nhà hàng Mo-ranh, trong lúc các đơn vị bộ đội đồng loạt tấn công vào khu lò rèn, trường kỹ nghệ và các khu quân sự của Pháp vừa mới chiếm đóng . . . Isao cùng các chiến sĩ '!cảm tử" quốc tế đã chiến đấu rất dũng cảm ngay trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến ấy, một số người đã hy sinh hoặc bị thương. . . Rồi Isao  Nguyễn Văn Lợi cùng một người Nhật khác là Nguyễn Chí Hùng, Kê- men người Đức . . . từ đó gắn bó với đơn vị 319 do Bùi Ngọc Hoàng (tức Vương Tuấn Kiệt, sau này là Thiếu tướng Tư lệnh Khu 5) chỉ huy và Lê Văn Lý làm chính trị viên. Đơn vị cơ động chiến đấu trên chiến trường từ nam Khu 4 trở vào Khu 5 cho đến ngày ký Hiệp định Giơ-ne'vơ thì tập kết ra miền Bắc và Isao sau đó được hồi hương trở về Nhật Bản theo chính sách . . .

Ông Katsuo - Ngô Tử Câu và ông Toshiuyki Yamada - Lê Hồng cũng là những "chiến sĩ Việt Nam mới” đã hồi hương, về sau cho biết: Isao - Nguyễn Văn Lợi trong thời gian tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam thuộc Trung đoàn 95, cùng với các ông Toyokishi Ono - Vương Quang Tín ở Sư đoàn 404, Nobuyoshi Tachibara - Trần Đức Trung  ở Trung đoàn 66, Takeishi Amakawa - Lê Tùng ở Tỉnh đội Hà ĩ nh, cũng như bản thân ông - Ngô Tử Câu, đều đã bị thương trong quá trình chiến đấu chống Pháp. ông Đức Trung đã từng được cấp sổ thương tật loại 2 . Tất cả anh em đã được Chính phủ Việt Nam tặng thưởng huân chương, huy chương, nhưng do tình hình lúc đó chưa cho phép và qua ý kiến của ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, nên tất cả huân chương, huy chương ngày đó được gửi lại trước ngày hồi hương. Số 1 5 anh em "chiến sĩ Việt Nam mới" nói trên có nguyện vọng xin lại để làm kỷ niệm, vì đối với anh em đó là những vật báu của đời mình, có thể để lại vinh dự cho con cháu họ. . .

Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ công ơn của những người đã từng có sự đóng góp cho cách mạng Việt Nam cả về tinh thần cũng như vật chất, tính mạng và luôn tôn trọng những tình cảm cao quý đó. Qua Hội Hữu nghị Việt - Nhật, nguyện vọng của những người bạn Nhật nói trên đã được "giải quyết" thỏa đáng, trân trọng theo nguyện vọng của các "chiến sĩ Việt Nam mới" nói chung, của I Sao - Nguyễn Văn Lợi nói riêng. Ban liên lạc Hội Hữu nghị Việt - Nhật xin cảm ơn các "chiến sĩ Việt Nam mới” người Nhật và mong tiếp tục đóng góp sức mình cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nhật ngày càng tươi đẹp hơn.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 13 Tháng Mười Hai, 2007, 07:51:41 pm
CHIẾN SI NGƯỜI NHẬT YMAZAKI ZENSAKU – TRẦN HÀ

Chúng tôi tìm gặp được anh Trần Ngọc Sơn, nhà ở khu tập thể cửa hàng lương thực tại phố Tân An, phường Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, là con trai trưởng của ông Trần Hà - một "chiến sĩ Việt Nam mới" người Nhật tên là Yamazaki Zensaku và bà Nguyễn Thị Mai. Nhưng ông Yamazaki đã hồi hương về Nhật từ năm 1959, khi các con của ông bà còn bể. Các ông Thiếu tướng Lê Thùy, Trần Đức Song song sứt) , Thiều Trí, . . . là đồng đội cùng chiến hào năm xưa với Yamazaki Zensaku-Trần Hà, kể lại:

Khi Tổng khởi nghĩa tháng Tám của việt Nam vừa giành thắng lợi thì quân Tưởng với danh nghĩa Đồng minh kéo vào nước ta để giải giáp quân Nhật bại trận. Trong đội quân Nhật đóng ở thành Tuyên Quang khi rút về Hà Nội . chờ hồi hương, có một người đã tìm cách xin ở lại đi theo Việt Minh, đó là Yamazaki Zensaku. Đến ngày 1 tháng 1 năm 1946 thì Yamazaki Zensaku tình nguyện và được gia nhập , Bộ đội Cụ Hồ" thuộc Trung đoàn 112 (Hà Tuyên),  được mang tên Việt Nam là Trần Hà, lúc đó do "tướng quân" Lê Thùy chỉ huy (thiếu tướng Lê Thùy đã qua đời). Thời gian đó, Trần Hà được giao nhiệm vụ làm cán bộ tác huấn của trung đoàn, huấn luyện về quân sự cho các phân đội trong đơn vị. Năm 1947, khi đơn vị tham gia chiến dịch Sông Lô, Trần Hà được giao chỉ huy trung đội pháo binh, chặn đánh cánh quân Pháp đang tiến đánh lên Tuyên Quang. Trong đợt chiến đấu ác liệt này, Trần Hà bị thương hai lần ngày 3 tháng 10 ở Tràng Đà và sau đó vào ngày 2~ tháng 10 năm 1947. Tuy bị thương nhưng Trần Hà vẫn xin chỉ huy đơn vị cho anh được tiếp tục chiến đấu cho đến ngày chiến dịch toàn thắng. . . Thương binh Trần Hà về sau được xếp loại thương tật hạng 5 vĩnh viễn (Phiếu kiểm soát số 42.133 - Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 1959).

Qua thời gian thử thách rèn luyện trong thực tiễn chiến đấu, Trần Hà được cấp trên điều về làm huấn luyện viên quân sự tại Trường Quân chính Hoàng Hữu Nam của Liên khu 10, góp sức đào tạo nhiều cán bộ chỉ huy cho Liên khu phục vụ kháng chiến. Đến đầu 1950, Trung đoàn 165 được thành lập do đồng chí Lê Thuỳ làm trung đoàn trưởng, nằm trong đội hình Đại đoàn 312 thì Trần Hà lại được cử làm cán bộ tác huấn của trung đoàn, cùng đơn vị này liên tục tham gia các chiến dịch cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc, do bị thương tật, sức khoẻ giảm sút, Trần Hà xin chuyển ngành và được về làm công nhân xí nghiệp QK- 120 ở Gia Lâm - Hà NộI. Đến tháng ~ năm 1959, theo nguyện vọng, ông được hồi hương về quê hương Nhật Bản . . .

Thời gian làm một "Chiến sĩ Việt Nam mới" trong kháng chiến chống Pháp, đơn vị đã đứng ra tổ chức cho  Trần Hà xây dựng gia đình với chị Nguyễn Thị Mai ở xã Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ. Hai vợ chồng sinh được ba người con: 2 trai, 1 gái. Nhưng ngày cưới ở đơn vị không có giấy kết hôn, vì vậy trước khi ông hồi hương, chưa có điều kiện đưa vợ con về "quê chồng" ở Nhật, ông đã xin chính quyền địa phương làm giấy chứng nhận "hợp pháp" cho vợ con và để lại đầy đủ. . . Từ đó về sau, phần do thương tật, sức khoẻ kém, phần do ông gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống khi trở về Nhật nên ông không có liên lạc với vợ con ở Việt Nam . . . Con trai đầu của ông là Trần Ngọc Sơn mỗi lần về Hà Nội lại đến thăm "tướng quân" Lê Thùy - như anh gọi - là người trung đoàn trưởng của người cha năm xưa. "Tướng quân" vẫn yêu thương và luôn hỏi thăm tin tức về ông, luôn mong nhớ mà chưa được gặp lại trước khi tướng quân" qua đời. Còn vợ ông, bà Nguyễn Thị Mai cùng các con thuỷ chung chờ đợi, rồi bà cũng đã qua đời năm 1999. MảI đến đầu xuân 2003, ông Nguyễn Quang Thục, tức Toshio Komaya, cũng là một !'Chiến sĩ Việt Nam mới" năm xưa, người nhiều năm tích cực tham gia "nhịp cầu' Hội Hữu nghị Nhật - Việt, sang Việt Nam dự cuộc họp mặt bạn chiến đấu Ban II Quân khu Việt Bắc't, đã tìm đến thăm gia đình anh Trần Ngọc Sơn và tặng tấm ảnh ông cùng chụp với ông Trần Hà ở Nhật, cho biết những dòng địa chỉ mới của ông Trần Hà - Yamazaki Zensaku (tức Ookaoa) còn sống ở 415-63 Nuasu ~ Cityhara Shizu - Kaken - Japan. . .

Chiến sĩ Việt Nam mới người Nhật Yamazaki Zensaku đã đóng góp một phần xương máu và tuổi trẻ cho cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam chống Pháp cho đến  ngày toàn th ắng, cho đến nay vẫn không hề nghĩ đến một “phần thưởng" tinh thần và vật chất nào, luôn sống mãi trong lòng vợ con ông và các bạn chiến đấu năm xưa của ông ở Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 13 Tháng Mười Hai, 2007, 07:55:13 pm
TRUNG ÚY QUÂN BÁO NGƯỜI PHÁP GIĂNG MÔ-RÔ

LÊ TRỌNG ĐIỂM * Nguyên đại tá tình báo, đã nghỉ hưu.

Ông giáo "Tây lai" nay về hưu ở phường Phước Tiến, thành phố Nha Trang, trẻ em khi gặp thường chào là "bác sĩ Huy-be", . . . đó chính là trung uý Giăng Mô-rô mà những năm hoạt động ở Nha Trang trong kháng chiến chúng tôi đã biết. ông là con của vợ chồng viên chức thương chính (hải quan) Mác-ti-an Mô-rô người Pháp và bà Tô-lít-dơ Giô-va-m người gốc I-ta-li-a. ông sinh ra tại tỉnh lỵ Sông Cầu của Phú Yên ngày còn Pháp thuộc - ngày 27 tháng 12 năm 1925. Và vì thế ông được học cả tiếng Việt, Pháp và chữ Hán với gia sư người Việt là cụ Võ Khắc Kiệm.

Ở tuổi 17, đang học tú tài ở Huế thì bố mất, ông bỏ học về giúp mẹ chăm sóc khu trang trại ở Hoà Lợi, Xuân Cảnh, huyện Đồng Xuân-phú Yên. Mùa xuân 1945, Nhật hất cẳng pháp, ông là người Pháp nên phải chạy trốn bọn Nhật, đã được bà con che chở và lênh đênh trên những con  thuyền ngoài biển kiếm sống. . . Cũng chính từ đó, khi tổng khởi nghĩa nổ ra, ông có mặt cùng bà con ở Xuân Cảnh tham gia khởi nghĩa. Chính thầy giáo Kiệm của ông và ông Phan Lưu Thanh là một trong những đảng viên cộng sản hồi đó đã giác ngộ, rồi đưa ông vào công tác ở ủy ban Việt Minh của huyện. Cách mạng đã "đổi đời!' cho gia đình người Pháp này. Mẹ con ông "nhập quốc tịch" Việt Nam bà đổi tên là Dương Thị Lệt, ông lấy tên là Dương Bá Lộc bốn người em gái của ông đều đổi sang tên Việt. Cũng từ đó cuộc đời ông gắn bó với cách mạng và cuộc kháng chiến chống xâm lược trên "quê hương thứ hai” Việt Nam cua ông.

Kháng chiến bùng nổ, Khu 6 đã "tuyển" Giăng Mô-rô và người em rể của ông là Phạm Duy Trinh vào cơ quan an ninh - tình báo mới thành lập. ông chính thức nhập ngũ, để cùng em rể lọt vào hoạt động trong thành phố bị Pháp chiếm đóng, chấp nhận cuộc chiến đấu l'thầm lặng'! đầy khó khăn nguy hiểm trong lòng địch. Từ vùng tự do, anh em ông đóng vai "đầu hàng ' vào thành phố "trình diện", trở thành nhân viên làm việc cho Pháp. ông được xếp làm việc ở sở kinh tế, em rể làm việc ở sở bồi thường chiến tranh. Có đủ giấy tờ hợp lệ, hoạt động "hợp pháp" của anh em ông thuận lợi, đã cung cấp kịp thời cho cách mạng nhiều tin tức, nắm được tình hình địch ở thành phố. . . Sau hơn một năm hoạt động bí mật, có dấu hiệu bị lộ, địch nghi ngờ nên hai anh em ông bị bắt. Không khai thác được gì, không có đủ chứng cứ, khi xét xử vì Giăng Mô-rô là "công dân Pháp", còn em rể ông là "con rể Pháp”, chúng muốn mua chuộc nên xử nhẹ và thuyết phục "mong hối cải” khuyên ông nên trở về Pháp . . .

Ra khỏi nhà giam, Giăng Mô-rô cùng em rể bắt được liên lạc với tổ chức, và được đón ra chiến khu tiếp tục hoạt động, tham gia cuộc kháng chiến. Năm 1950, Giăng Mô-rô đã được kết nạp vào Đảng và lấy bí danh mới là Trường Thọ khi được phân công về làm phó ban quân báo ở Trung đoàn chủ lực 84 của Liên khu 5; theo dõi nắm tình hình địch ở chiến trường nam Tây Nguyên. Là người gốc Pháp nên anh có thuận lợi trong công tác tuyên truyền, giác ngộ binh lính lê dương bị bắt làm tù binh, nắm tình hình địch . . . Hoạt động trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, gian khổ nhưng Giăng Mô-rô luôn cố gắng hết sức mình, vì thế anh bị ốm nặng, nên được đưa về địa phương giao phụ trách công tác tuyên huấn. Là một tỉnh thuộc vùng tự do, nhưng đến đầu 1954, Tuy Hòa và nhiều vùng khác của Phú Yên bị Pháp chiếm đóng, Giăng Mô-rô được điều lên công tác ở tỉnh đội và sau ngày có Hiệp định Giơ-ne-vơ, anh là một cán bộ cấp đại đội được tập kết ra miền Bắc. Lúc đó anh vừa mới cưới vợ.

Được về công tác ở Tổng cục Chính trị do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm chủ nhiệm, đến năm 1958 thì anh được phong cấp hàm trung úy Quân đội nhân dân Việt Nam, sau đó anh được bố trí điều về công tác ở Đoàn an dưỡng 320 để được gần vợ (lúc này vợ anh cũng đang công tác ở Thanh Hoá). Anh được tổ chức cho đi học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; tốt nghiệp anh lại về công tác ở Quân khu 3, vừa làm giáo viên dạy văn hoá cho bộ đội, vừa làm công tác tuyên huấn - tuyên truyền, . . . và là phóng viên của tờ tin của quân khu, làm "phóng viên mặt trận" xông xáo ở tuyến lửa Hàm Rồng viết nhiều bài nóng hổi về chiến công đánh Mỹ. Vốn xông xáo nơi chiến sự, một lần  bà con tưởng anh là giặc lái Mỹ nên anh bị bắt giải về cơ quan quân s~ huyện cùng với một tên giặc lái mới bỉ bắt. Lúc đó anh mới được "giải oan", khi trở về đã viết được ngay bài "Giặc lái Mỹ bái lạy, giặc lái Mỹ khóc" . . . rất kịp thời. . .

Sau ngày đất nước thống nhất, Giăng Mô-rô được rời quân ngũ chuyển sang ngành giáo dục, trở về quê hương Phú Khánh tham gia xây dựng Trường Cao đẳng Sư phạm và được phân công làm trưởng phòng chính trị của trường, vừa là một giáo viên tham gia giảng dạy chính trị ở trường Đảng của tỉnh , cho đến năm 1 982 mới nghỉ hưu. . . Mãi tới năm 1992 anh mới một lần về thăm quê cha ở Pháp nhưng không ở lại Pháp mà trở lại gắn bó với "Tổ quốc-quê hương thứ hai Việt Nam" - như anh nói. Nghỉ hưu, nhưng trung uý quân báo Giăng Mô-rô năm xưa không nghỉ việc, nhiệt tình tham gia đóng góp sức mình trong nhiều công tác như đảng uỷ viên phường, trưởng ban Việt kiều và Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Phó chủ tịch Hội Pháp ngữ thành phố Nha Trang. . . “ông Tây da trắng" đóng các vai đại uý Pháp ; đại uý, đại tá và tướng Mỹ, hay bác sĩ Huy-be, . . . trong các phim "Hai người mẹ", "Rừng Xà Nu”, "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, . . . hay " Chỉ một người còn sống" chính là ông giáo- trung uý chiến sĩ tình nguyện người Pháp Giăng Mô-rô, nay mang quốc tịch Việt Nam


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 13 Tháng Mười Hai, 2007, 07:58:14 pm
ĐẠI TÁ NGƯỜI NHẬT ISHII – NGUYỄN VĂN THÔNG *

E.G. CRL-XTÔ-PHƠ

* Mạnh Tuấn lược dịch.

Tư liệu lưu trữ SHAT của Pháp có đoạn viết: " . . . Tháng 1 1 năm 1946, Huỳnh Kim Trương, một chỉ huy của Việt Minh ở miền Nam đã tán thành việc tuyển dụng những người Nhật đào ngũ. Về việc "tuyển dụng đại tá" Ishii, tài liệu này cho biết:

Sau khi Nhật Bản đã đầu hàng Đồng minh năm 1945, Ishii lúc đó 27 tuổi là trung tá trẻ tuổi nhất của quân đội Nhật tại Đông Dương. Đại tá Sai to (một sĩ quan của Bộ tham mưu Sư đoàn 55 hoạt động ở Miến Điện (nay là Mi-an-ma) từ tháng 7 năm 1945 đến tháng 4 năm 1946, là thủ trưởng cũ của Ishii, muốn truy tìm lại con người này bằng bất cứ giá nào.

Trung tá Ishii, từng được đào tạo ở trường sĩ quan nổi tiếng Nakano và nắm rất vững phương thức chiến tranh hiện đại của Nhật Bản, cũng như những phương thức chiến tranh bí mật. Mặt khác, ông ta cũng đã là sĩ quan chỉ huy trong bộ   tham mưu sư đoàn 55 ở Mi-an-ma và đã từng tham gia trận chiến gay go nhất đánh chiếm thủ đô Ran-gun. Khi Ishii đào ngũ để đi theo Việt Minh, Saito nói: Con người râu rậm và lạnh lùng đó là "cực kỳ nguy hiểm"...

Ishii đào ngĩl khỏi đơn vị ngày 17 tháng 12 năm 1945 ở Banam (Cam-pu-chia) trong một chuyến đi công cán đem theo các chiến hữu ở trường Nakano. Sau khi đi theo Việt Minh đầu năm 1946, ông nói tiếng Việt ngày càng thông thạo... Tháng 5 năm 1946, ông rời Bà Rịa bằng tàu thủy cùng với ông Phạm Văn Bạch, Chủ tịch ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ, để đi ra Quảng Ngãi. Dưới sự chỉ đạo của ông Phạm Văn Đồng và ông Nguyễn Sơn, Nam Trung Bộ lúc đó là căn cứ để vận chuyển vũ khí và người từ miền Bắc vào miền Nam. Ngay cả về sau, khi chiến tranh đã bùng nổ khắp cả nước, nhiều vùng rộng lớn của Nam Trung Bộ vẫn còn trong tay Việt Minh. Điều đó giải thích sự có mặt của nhiều quân nhân Nhật đi theo Việt Minh đã ở vùng này.

Các tài liệu của Pháp cũng cho biết, tháng 6 năm 1946 Ishii đã tập hợp tất cả các chỉ huy cấp trung đoàn (của Việt Minh) từ Huế đến Phan Thiết để huấn luyện một tháng. Đến tháng 7 năm 1946, Ishii được cử làm chỉ huy Trường Quân sự ở Quảng Ngãi. Chính ông đã đưa những sĩ quan khác mà ông đã quen từ trước vào làm huấn luyện viên ở trường này, như Saitoh đừng nhầm với đại tá Saito), một người về sau cũng được Việt Minh phong hàm đại tá như ông. Saitoh trở thành "chiến sĩ Việt Nam mới" với tên Việt là Nguyễn Thanh Tâm. Đến cuồl năm 1946, Saitoh được thay ông chỉ huy Trường Quân sự Quảng Ngãi, khi ông trở thành "cố vấn tối cao" của quân đội Việt Minh ở miền Nam và là thanh tra Trường Quân chính Nam Bộ.

Tuy chưa có đủ tài liệu kể chi tiết về hoạt động của ông - tác giả viết tiếp nhưng "vị trì cao của Ishii trong quân đội Việt Minh ở miền Nam chứng tỏ rằng hiểu biết về quân sự và kỹ thuật của Ishii được người Việt Nam đánh giá cao", nhất là tấm lòng và những đóng góp của ông cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Cho nên "từ tháng 8 năm 1946, Nguyễn Sơn đã tin tưởng cử ông vào Tuy Hòa để tổ chức một trường quân sự khác. Năm 1947, Ishii đã tiến hành huấn luyện cho đội quân thiện chiến 130 người, và cuối 1948 lại đào tạo cán bộ cho các đơn vị dân quân các khu 7, 8, 9. Năm 1947, cùng với tướng Nguyễn Sơn, Ishii đã tổ chức một trận phục kích lớn khiến 70-80 quân Pháp bị tử trận. Việc chuyển giao kỹ thuật cho Việt Nam được dễ dàng vì nhiều người Nhật đào ngũ nói được tiếng Việt khá thạo và hiểu biết về văn hóa Việt . . . Trong 7 sĩ quan ở Trường Quảng Ngãi năm 1946 có 4 người đến từ đơn vị hiến binh ở Huế và Phan Thiết . . . Trong 46 người đào ngũ ở Nam Trung Bộ trong năm 1948 có 13 người thạo tiếng Việt và 9 người nói rất tốt . . . Đã có 9 người lấy vợ là người Việt Nam . . .
 Những sĩ quan Nhật trong các trường quân chính của Việt Minh hồi đó, có nhiều đóng góp trong công tác huấn luyện kỹ thuật và quân sự của nước Việt Nam hồi đầu kháng chiến chống Pháp. Có thể so sánh những đóng góp kỹ thuật - quân sự của những người Nhật với những đóng góp của người châu âu như Boóc-sơ (Chiến Sĩ), S Ku-bi-ắc (Hồ Chí Toán), Sroi-đơ (Lê Đức Nhân)... đã đi theo Việt Minh thời kỳ đó, những "Chiến sĩ Việt Nam mới" của "Bộ đội Cụ Hồ". Vì nền độc lập của Việt  Nam, chiến sĩ tình nguyện quốc tế Ishii đã hy sinh ở Việt Nam năm 1950 khi còn rất trẻ. Takuo Ishii xứng danh là một "Chiến sĩ Việt Nam mới" của Bác Hồ, có tên Việt Nam là Nguyễn Văn Thông.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 14 Tháng Mười Hai, 2007, 09:03:28 am
NHỮNG KÝ ỨC KHÔNG PHAI MỜ

TƯỜNG NGUYỄN

* Ghi theo tư liệu của ông Hồ Vũ, cán bộ Cục Lưu trữ Nhà nước.


Anh Si-zu-o U-tu-mi, người Nhật, sinh năm 1919 tại Ki-ta-mua-ra, huyện Mô-nô-gun, tỉnh Mi-ga-gi-ken. Anh xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, người cha quanh năm đi cày thuê cuốc mướn, mẹ hay lam hay làm, thương chồng thương con hết mực vẫn không đủ ăn. Bảy tuổi, anh đã phải vừa làm các công việc đồng áng giúp cha, vừa cố theo học đến phổ thông trung học. Năm 1937, vừa tròn 18 tuổi, tốt nghiệp phổ thông trung học, anh được gọi nhập ngũ. Năm 1943, anh được điều sang Việt Nam.

Sau ngày Nhật đầu hàng Đồng minh, Cách mạng tháng Tám của Việt Nam bùng nổ, tháng 10 năm 1945 Si zu-o U tu mi đã chạy sang hàng ngĩl cách mạng của ta tại Biên Hòa (Nam Bộ), gia nhập Vệ quốc đoàn. Anh được đặt tên Việt Nam là Nguyễn Đức Hồng. Thời gian đầu, anh được phân công phụ trách công tác huấn luyện tân binh và kế hoạch tác chiến. Trên cương vị này, anh đã ngày đêm lăn lộn huấn luyện cho tân binh những kiến thức cơ bản về quân sự như: sử dụng các loại lựu đạn, mìn, sử dụng các loại súng cối, ba-zô-ka, các loại đại liên, trung liên, tiểu liên và súng trường. Các tân binh đều mến phục, coi anh như người thầy, người bạn chí cốt và không quên những kỷ niệm về anh. Từ Biên Hòa đến Bình Thuận, nhiều chiến sĩ của ta đều biết tên và dáng người trắng trẻo của anh Hồng với những cử chỉ ân cần chỉ bảo cho anh em từng động tác nhỏ trong quân sự . . .

Tại Bình Thuận, anh Hồng đã đem lòng yêu thương một cô gái Việt Nam tên là Trần Thị Mạnh, quê ở xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận. Anh là bộ đội chủ lực đóng quân ở làng, còn chị-cô gái 17 tuổi xinh đẹp là nữ du kích của thôn. Du kích giúp đỡ bộ đội về vật chất, lương thực, còn các anh bộ đội thì dạy các cô du kích tập bắn súng và tập hát những bài ca cách mạng. Anh Hồng là một cán bộ chỉ huy nhưng lại hết sức giản dị và gần gũi bà con dân làng, được các cô du kích mến phục. Tin cô Mạnh và anh Hồng yêu nhau làm cả dân làng và đơn vị đóng quân vui mừng. Đám cưới được cả dân làng và đơn vị đứng ra tổ chức rất vui. . .

Năm 1952, anh Hồng được cử về quê vợ làm xã đội trưởng. Với cương vị xã đội trưởng chỉ huy cả tiểu đoàn du kích ở xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận, anh đã làm cho quân thù khiếp kinh mỗi khi chúng kéo quân tới càn quét Anh đã xứng đáng là con rể của xã Hồng Liêm, góp phần giữ vững truyền thống kiên cường bất khuất của quê vợ anh trong cuộc kháng chiến chống lại quân thù. Những cụ già ngoài 70 cùng tuổi với anh vẫn còn giữ nguyên những ký ức không phai mờ về người xã đội trưởng dũng cảm này.

Năm 1955, anh Hồng được tập kết ra Bắc. Vợ anh - chị Trần Thị Mạnh và con trai mới 2 tuổi ở lại quê hương. Ra Bắc, anh được điều về công tác ở Việt Nam thông tấn xã Trên cương vị này, anh luôn luôn tận tụy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chăm chỉ học tập chính trị và ra sức trau dồi tiếng Việt. Vì luôn luôn phấn đấu, vượt mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ, anh đã được cấc cơ quan Nhà nước Việt Nam nhiều lần khen thưởng: Huân chương Chiến thắng hạng Hai, Chiến sĩ thi đua của Việt Nam thông tấn xã (1956), Bằng khen của Thủ tướng (1958) . . .

Đầu năm 1957, anh đã nhận được thư của người thân từ nước Nhật gửi sang. Bố mẹ anh đã qua đời, còn lại 3 người anh và 2 em gái. Có chinh sách hồi hương, anh đã làm đơn xin cho vợ và con anh được cùng anh hồi hương về Nhật, đoàn tụ gia đình . . . Chiến sĩ Việt Nam mới Sì-zu-o U-tu-mi Nguyễn Đức Hồng đã cống hiến sức mình, góp một phần sức lực và tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự cống hiến đóng góp này của anh và ghi nhận nó như những ký ức không phai mờ.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 14 Tháng Mười Hai, 2007, 09:06:16 am
BÀI THƠ "MÔ HA MÉT”

LÊ CHƯỞNG

Mô-ha-mét

Anh từ xứ mô lại
Làm bạn với Việt Nam
Tha thiết tình nhân loại
Ôi bể cả mênh mang

Người anh cao cao ngất
Chân anh bước sình sịch
Da anh, nước da chì
Mắt anh sâu tịch mịch

Sức anh mạnh như voi
Hành quân suốt đêm dài
Hỏi anh anh có mệt
Anh chỉ lắc đầu cườii
Cái cười duyên bỡ ngỡ
Như con thỏ lạ bầy
Anh không nói bằng lời
Hiểu nhau bằng tâm sự

Anh theo người Việt
Anh ghét giặc Tây
Anh chán đôi giày
Anh xin đôi dép
Anh yêu con nít
Anh bồng, anh bế
Anh hôn, anh hít
Anh du lên trời
Anh rít vào thịt
Anh cùng em hát .
Bác Hồ muôn năm!"

Hầm hà hầm hịch
Xông vào đồn giặc
Anh thét, anh gào
Anh bắn, anh lao
Anh chém, anh giết
Đôi mắt không chớp
Đôi tai chín hồng
Xung phong, xung phong
Hàm răng nghiên chặt.

(Chiến khu Ba Lòng, 5-1949)

Anh Lê Chưởng là cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ, có mối quan hệ chỉ đạo với Tỉnh ủy Quảng Trị, đồng thời anh còn là Chính ủy Trung đoàn 95 (Quảng Trị), có nhiệm vụ đẩy mũi giáp công '!binh vận" lên ngang tầm với 2 mũi giáp công "chính trì" và "quân sự" của tỉnh. Về nhiệm vụ này, anh cùng đơn vị tổ chức và thành lập một đội quân quốc tế (gồm tù, hàng binh âu - Phi), đứng về phía dân tộc Việt Nam, chống thực dân Pháp. Đây là điểm sáng của tỉnh Quảng Trị, vận dụng có hiệu quả "3 mũi giáp công” trên chiến trường, tử đó lan dần ra Thừa Thiên và Quảng Bình.

Trong đội quân quốc tế, có anh Mô-ha-mét, một hàng binh người Bắc Phi, cùng bộ đội Vệ quốc đoàn và dân quân địa phương chiến đấu ở nhiều nơi: từ Đập Huyện, Chợ Cầu, đường 74, lên Trấn, về Ba Lòng, ra Xuân Bồ vào Dương Hòa... Bài thơ Mô-ha-mét của anh Lê Chưởng ghi lại tinh thần và phong độ chiến đấu của anh Mô-ha-mét trong trận tập kích quân sự của ta vào căn cứ Đông Hà của địch vào năm 1949. Bài thơ Mô-ha-mét, bài thơ lấy tên Mô-ha-mét, bài thơ dành riêng cho Mô-ha-mét, '!Anh từ xử mô lại - Làm bạn với Việt Nam', mà anh "Xông vào đồn địch - xung phong, xung phong. . . " .

Năm 1954 anh cưới vợ (người Việt Nam) và anh được trở về Bắc Phi, quê quán của anh. Anh làm Bộ trưởng trong c anh phủ. Hai ông bà có 5 ngươi con. Tự hào lấy họ cho con là họ Hồ. Hôm chia tay anh chị ở Hà Nội, vợ chồng anh và ông Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) bịn rịn hồi lâu. Cuồl cùng, ông Cục trưởng nói một câu phương ngôn Pháp: Mọi cuộc chia ly, dù mong đợi nhất, đều có buồn riêng của nó (Tonđe Separalim, mêmelaphussocihaitéc ra sa mélancolie). Anh Mô-ha-mét đứng lặng, nước mắt rơi xuống cổ áo, anh không lau . . .


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 14 Tháng Mười Hai, 2007, 09:10:14 am
RITON – CHIẾN SĨ HOÀ BÌNH NGƯỜI PHÁP

Hồ Tuấn Hải

Vào khoảng thời gian cuối năm 1946 đầu năm 1947, Tiểu đoàn 306 thuộc chiến khu 7 hoạt động vùng bưng biền Biên  Hòa - Thủ Đức đã đón một số binh lính và sĩ quan gồm nhiều quốc tịch khác nhau trong quân đội lê dương của Pháp, không phải là hàng binh mà họ tìm bắt liên lạc với du kích Việt Minh, tình nguyện đứng vào hàng ngũ kháng chiến, trong đó có một người Pháp tên là Riton.

Sau này mới biết rõ: Riton quê ở Ô-vơ-gne (Auvergne), con của một gia đình công nhân nghèo. Thời gian chiến tranh thế giới lần thứ hai, Riton là một chiến sĩ du kích trong đội quân do Đảng Cộng sản Pháp tổ chức, dưới sự chỉ huy của vị tư lệnh đại tá cộng sản Pha-biêng, chiến đấu chống phát xít Đức, về sau sáp nhập vào thuộc đạo quân thứ nhất của Pháp kháng chiến chống Đức chiếm đóng.

Sau ngày nước Pháp được giải phóng, đội quân này bị Đờ Gôn giải tán, Riton trở về quê. Vì không kiếm được việc làm, nên khi Đờ Gôn lập lại đạo quân lê dương thì anh đã xin đăng ký trở lại quân đội với thời hạn 18 tháng. Thực chất Đờ Gôn tổ chức lại quân đội và tổ chức đạo quân lê dương là để theo đuổi cuộc viễn chinh nhằm bảo vệ quyền  lợi của Pháp ở các thuộc dịa cũ, trở lại xâm lược Đông Dương. Năm 1946 Riton bị đưa sang Việt Nam, đổ bộ vào Sài Gòn và phải thực hiện các cuộc càn quét chống nhân dân Việt Nam. anh mới biết mình đã bị lừa dối. Là một cựu du kích kháng chiến chống phát xít, một đảng viên cộng sản Pháp, nhưng lúc này không nhận được chỉ thị, hướng dẫn của Đảng Cộng sản Pháp, nên trong hoàn cảnh mới Riton tự "thích nghi" với hoàn cảnh, đã tìm cách trốn sang hàng ngũ cách mạng, đứng về phía nhân dân Việt Nam để góp sức của một người cộng sản cùng chống Pháp xâm lược. Khi đơn vị của Riton hoạt động ở vùng Phú Mỹ, Riton đã tìm cách bắt được liên lạc với du kích Việt Minh. Anh được đón về căn cứ và sau đó được đưa ngay về Tiểu đoàn 306 đóng ở vùng Thủ Đức. Riton rất mừng, kể lại: "Ở đây tôi gặp nhiều chiến sĩ quốc tế khác trong tiểu đoàn: Hơ~xtơ, Găn-tơ, Han-đơ, Ha-ry đều là cựu du kích người Đức; Gioóc-giơ Đu-sếch người Thụy Sĩ; Phéc-nan-đét người Tây Ban Nha; Hăng-ri Phiu-tơ người Pháp... Trong đơn vị có cả một số người Nhật là các anh San, Ba, Tokyo, . . .

Riton và những chiến sĩ người âu, người Nhật này đã tình nguyện chạy sang hàng ngũ Việt Minh để chiến đấu chống thực dân Pháp, được tổ chức thành một đội Commando và hoạt động rất có hiệu quả. Anh kể: Thường thường, anh em tổ chức cho một vài người mặc quần áo sĩ quan Pháp đóng vai '!quan" chỉ huy cấp trung úy hoặc đại úy dẫn một số chiến sĩ kháng chiến của Việt Nam đóng giả lính ngụy, rồi tiến vào đồn địch. Lúc đó người âu đóng vai sĩ quan Pháp chỉ huy yêu cầu viên đồn trưởng tập họp quân để kiểm tra, nói chuyện, . . . Khi quân lính đã tập họp 'chỉnh tề" thì quân ta bất ngờ chĩa súng buộc đầu hàng,  thu vũ khí. Bọn địch bị lừa, bất ngờ quá nên thường không chống cự gì. Nhưng cách làm đó về sau không có kết quả, vì chỉ huy quân Pháp ra lệnh các đồn chỉ "tiếp” các toán tuần tra đã được thông báo trước, và chỉ cho vào đồn khi trả lời đúng mật khẩu riêng. . .

Riton kể: "Nhóm Commando chúng tôi được tham gia nhiều trận đánh các đoàn xe, rồi phục kích hoặc tấn công các đồn binh của bọn lính ngụy... Trong hai năm 194~7- 1948, đơn vị cơ động chiến đấu khắp các khu rừng vùng Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Thủ Đức, ngoại Ô Sài Gòn-gia Định-chợ Lớn. Được sống với các chiến sĩ Việt Nam và chiến đấu chống Pháp, Riton và các "chiến sĩ Việt Nam mới' rất vui và tự hào, vì " . . . ở đâu chúng tôi cũng được nhân dân hết lòng ủng hộ. Trong đơn vị, quan hệ của tôi với cán bộ chỉ huy tiểu đoàn, đại đội thân mật trên cơ sở quý mến lẫn nhau. Tôi đã được gặp cả tướng Nguyễn Bình, Tư lệnh Nam Bộ, một người chỉ huy gần gũi và chia sẻ cuộc sống với binh lính. . . " .

Chính trong mối tình "quân - dân, cá - nước", tình đồng đội, cán bộ, chiến sĩ thân tình đó đã nâng bước cho người cộng sản Pháp Riton gắn bó với các chiến sĩ quân đội và nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp xâm lược, đi suốt cuộc trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ hy sinh. Từ năm 1949, theo Riton kể, Tiểu đoàn 316 sáp nhập với Tiểu đoàn 3 1 2 để hình thành trung đoàn mới thì các chiến sĩ quốc tế được điều về tổ chức thành các đội vũ trang tuyên truyền và các chiến sĩ người nước ngoài được gọi là "Chiến sĩ hòa bình". Riton cùng các đồng đội Găn-tơ, Hơ' xlơ, Han-đơ, . . . được vào đội làm công tác binh ' địch vận. Những người Đức thì làm công tác tuyên truyền bằng tiếng Đức, một  chiến sĩ người An-giê-ri thì tuyên truyền bằng tiếng A-rập cho lính người các nước Bắc Phi, còn Riton thì bằng tiếng Pháp, làm công tác địch vận trong các đơn vị lê dương của Pháp bấy giờ gồm lính mang nhiều quốc tịch khác nhau, hoạt động ở vùng Tây Ninh, Giả Định, . . . thuộc Nam Bộ. Anh kể: "Công việc của đội là viết truyền đơn, thư tuyên truyền và có lúc dùng cả loa gọi thẳng vào các đồn bốt của quân viễn chinh. Lúc đầu dùng "loa tay", rồi sau có loa phóng thanh. Ban đêm chúng tôi hát một bài hát tình cảm nhẹ nhàng, gợi nhớ nước Pháp và cuộc sống cực khổ ở Đông Dương. Cuối cùng là kêu gọi họ trở về nước...".

Riton từ "quyết định đóng góp theo cách của tôi vào cuộc kháng chiến của Việt Nam, phần đóng góp của người vô sản Pháp và một chiến sĩ cộng sản bị đưa sang Đông Dương bất đắc dĩ", suốt 8 năm đã đem hết sức mình làm tròn nhiệm vụ của một 'chiến sĩ Việt Nam mới:' - "Chiến sĩ hoà bình" cho đến ngày cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống Pháp hoàn toàn thắng lợi mới tập kết ra miền Bắc và sau đó hồi hương về Auvơrgne thân yêu với gia đình, nơi có người cha là một công nhân mỏ, với niềm tự hào mà anh kể lại là suốt thời gian ở Đông Dương anh đã tỉnh nguyện, được làm một "người lính da trắng của Hồ Chí Minh".


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 14 Tháng Mười Hai, 2007, 09:57:57 am
CHIẾN SĨ VIỆT NAM MỚITOSHIO KOMAYA – NGUYỄN QUANG THỤC

Đỗ Văn Tuấn

* Theo tư liệu của Hội Hữu nghì Việt Nam - Nhật Bản.


Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, vì trải qua điều kiện mấy chục năm kháng chiến, và phần vì anh cũng khiêm tốn không kể, nên mãi bây giờ chúng tôi mới biết anh là một "Chiến sĩ Việt Nam mới" người Nhật, có nhiều thành tích trong chiến đấu chống thực dân Pháp, vì nền độc lập của Việt Nam. Tên anh là Toshio Komaya, có tên Việt là Nguyễn Quang Thục.

Thiếu tướng Lê Quang Vũ nguyên Cục phó Cục 2 - nay là Tổng cục 2, đã nghỉ hưu) từ 1947-1950 là Trưởng ban tình báo Khu 1, Liên khu 1, rồi Trưởng ban quân báo Liên khu Việt Bắc và đại tá Nguyễn Đình Thiêm (đã nghỉ hưu) là cán bộ Ban tác chiến Liên khu 1 Liên khu Việt Bắc, kể lại:"Khoảng đầu 1950, Ban tác chiến Liên khu 1 tiếp nhận một người Nhật có tên Việt Nam là Nguyễn Quang Thục vừa đi tham gia chiến đấu trong đoàn Quân đội Việt Nam do anh Lê Quảng Ba là Liên khu trưởng  Liên khu 1 chỉ huy sang giúp bạn Trung Quốc ở Thập Vạn Đại Sơn từ cuối năm 1949 vừa trở về. Anh Lê Quảng Ba còn chỉ thị cho Ban tác chiến giúp đỡ anh Thục về mọi mặt, vì anh Ba rất quý anh Thục qua quá trình chiến đấu vừa qua. Thế là từ đầu 1950, anh Thục là cán bộ của Ban tác chiến Liên khu . . . " .

Ông Nguyễn Quang Thục kể rằng, ông sinh ngày 25 tháng 12 năm 1923 ở Fu-kui. Năm 1944, ông mới 21 tuổi, bị điều động sang Việt Nam, ở vùng Bắc Ninh-bắc Giang. Khi cuộc Tổng khởi nghĩa của Việt Nam nổ ra và đã giành thắng lợi, nhận thức được tình hình và có cảm tình với Việt Minh, với nhân dân Việt Nam từ trước, nên từ tháng 10 năm 1945 ông đã tìm cách liên hệ và ở lại với du kích địa phương. ông tham gia làm ruộng ở vùng Bố Hạ bắc Giang) để sinh sống, đến tháng 10 năm 1946 thì tham gia lực lượng dân quân, du kích huấn luyện tập trung ở vùng Bắc Ninh, chuẩn bị cho kháng chiến chống Pháp. Từ đó ông được điều về công tác ở Tỉnh đội bộ dân quân Bắc Giang, cấp trên của ông là đồng chí Kháng bị thương cụt tay), đến khoảng tháng 4 năm 1947 thì được điều sang công tác tại Ban tác chiến Trung đoàn 59 Bắc Giang do đồng chí Nam Long làm trung đoàn trưởng. Gần hai năm ở trung đoàn, ông được tham gia và trực tiếp chiến đấu nhiều trận. Cuộc chiến đấu chống Pháp ngày càng ác liệt nhưng lực lượng vũ trang cách mạng ngày càng phát triển, lớn mạnh. Cuối năm 1949, các trung đoàn chủ lực mạnh của Bộ như 174, 209 được thành lập. ông được điều về công tác ở Ban tác chiến (B1) Phòng tham mưu Liên khu Việt Bắc ở Thái Nguyên. Thời gian này, ông chiến đấu trong các đơn vị tham gia chiến dịch Biên Giới, đánh Pháp  rên đường số 4, rồi vào đội quân của Lê Quảng Ba vượt Thập Vạn Đại Sơn sang giúp bạn tiễu phỉ và bọn Tưởng, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau 7 tháng hoàn thành nhiệm vụ trở về, ông được điều sang công tác ở Ban tác chiến của Liên khu 1, trực tiếp làm việc với anh Nguyễn Đình Thiêm . . .

Đại tá Nguyễn Đình Thiêm kể tiếp, cho biết rõ: ". . . Từ đầu năm 1950, anh Thục là một cán bộ của Ban tác chiến Liên khu Việt Bắc. Thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 năm 1950, tôi được Phòng Tham mưu và Ban tác chiến Liên khu giao nhiệm vụ mở 2 lớp đồ bản sa bàn đào tạo cán bộ đồ bản cho Liên khu. Anh Thục là một giáo viên rất mẫu mực và chủ chốt của các lớp đào tạo đó. Chính anh Thục đã góp phần tích cực rèn luyện nhiều đồng chí sau này trở thành những nhân viên đồ bản có trình độ tay nghề cao của Quân khu và toàn Liên khu. Anh còn là người theo dõi chiến sự trong Ban tác chiến một thời gian. Từ cuối năm 1950, anh được chuyển sang công tác ở Ban quân báo (B2) nắm tình hình đếch cho đến kết thúc kháng chiến chống Pháp. Có lần anh đi công tác trên đường từ Nghĩa Nam đến Bố Hạ, bị máy bay Pháp bắn thủng ruột, được nhân dân đưa vào quân y viện Bố Hạ cấp cứu kịp thời; được chính bác sĩ Tôn Thất Tùng trực tiếp mổ khâu các vết thương cho anh . . . Quá trình công tác ở Việt Bắc, qua chỉnh huấn chỉnh quân từ 1951-1953, chúng tôi được biết thêm qua tự khai là bố mẹ anh đều làm nghề bốc thuốc đông y. Mấy anh em của anh ấy đều là kỹ sư, bác sĩ; đó là một gia đình tiểu tư sản trung bình thấp và rất hiếu học. Còn anh Thục trong thời gian công tác với chúng tôi, tính tình cũng như nếp sống được toàn thể anh em trong Liên khu bộ Việt Bắc quý mến...".

Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp đã giành được thắng lợi. Cuối năm 1954, qua con đường Hội chữ thập đỏ quốc tế tổ chức, anh Nguyễn Quang Thục hồi hương trở về Nhật Bản. Anh là một trong những người Nhật đã đến với cách mạng Việt Nam từ những ngày đầu cách mạng mới thành công cùng lúc phải đối phó với thù trong giặc ngoài, đang gặp muôn vàn khó khăn. Thật đáng quý hơn là anh đã góp phần giúp chúng ta trong đào tạo cán bộ, phổ biến kinh nghiệm tác chiến, trong nắm địch để xây dựng các phương án chiến đấu ngày công có hiệu quả, cho đến ngày kháng chiến thắng lợi. Là một trong những người đã đặt những viên đá đầu tiên vững chắc cho nền tảng của tình hữu nghị giữa hai dân tộc Nhật - Việt, từ sau ngày về nước, "Chiến sĩ Việt Nam mới" Toshio Komaya - Nguyễn Quang Thục lại tích cực tham gia trong các hoạt động của phong trào nhân dân Nhật Bản ung hộ và giúp đỡ Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng lại đất nước. Cho đến hôm nay, ông đã 76 tuổi, đang là một thành viên của Hội Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam. Qua bài viết sơ lược này, xin gửi lời chào kính trọng tới ông và tất cả những người bạn Nhật Bản của ông đã từng tham gia chiến đấu cho nền độc lập của Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 54 năm Quốc khánh Việt Nam (2-9-1945 - 2-9-1999).


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 14 Tháng Mười Hai, 2007, 10:00:33 am
ANH "BỘ ĐỘI VIỆT NAM MỚI" G.BU-ĐA-REN

NGUYỄN VĂN TƯỜNG

Sách báo ta đã có nhiều bài viết vế những anh "bộ đội Việt Nam mới" - những người nước ngoài thuộc các quốc tịch khác nhau, như Hồ Chí Toán (tức Stefan Kubiak) người Ba Lan; Phan Lăng (tức Frans de Boel) người Bỉ; Hoàng Linh (tức Ito Matsumo) người Nhật; Ngô Mai An (tức Albert Clavier) người Pháp; Tarago người Tây Ban Nha... Họ có những nét chung: lấy tên Việt Nam, lấy vợ Việt Nam, biết hút thuốc lào, biết ăn tương, cà... thậm chí cả mắm tôm thịt chó nữa. Có người đã là đảng viên cộng sản trước khi sang với ta, cũng có người sau đó mới vào Đảng ta. Đó là những chiến sĩ quốc tế vô sản đã từng sát cánh cùng nhân dân Việt Nam anh dũng chiến đấu chống bọn thực dân, đế quốc xâm lược và đã có những thành tích nhất định đóng góp vào cuộc kháng chiến, như làm công tác đích vận, giáo dục tù binh... Từ năm 1954, họ lần lượt hồi hương.

Một trong những anh "bộ đội Việt Nam mới" mà chúng ta ít nhiều được biết đến, đó là đại tá G. Bu-đa-ren (Georges Boudarel). ông là người Pháp, sinh ngày 21 tháng 12 năm 1926 tại tỉnh Loire (miền Trung nước Pháp)  rong một gia đình công nhân luyện kim. Năm 1946 gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1947, sau khí tốt nghiệp khoa triết học, ông sang Việt Nam dạy ở trường trung học Marie (Sài Gòn). Nhận thấy tính phi nghĩa của chiến tranh Pháp xâm lược Việt Nam, năm 1947 ông đã tự nguyện đi theo cuộc kháng chiến của ta, gia nhập bộ đội; năm 1950 vào Đảng cộng sản Đông Dương. Được chuyển ra Việt Bắc, ông làm việc tại ban địch vận, làm công tác giáo dục tù binh âu - Phi cùng với Hữu Ngọc. Năm 1954, hòa bình lập lại, ông về công tác tại Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam và Nhà xuất bản Ngoại văn và bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu lịch sử và văn học Việt Nam. Chuyên làm công tác biên dịch và phiên dịch tiếng Pháp, ông đã dịch các tác phẩm của Ngô Tất Tố và Nguyễn Công Hoan. Từ những năm 60, ông sang làm việc tại trụ sở Liên hiệp công đoàn thế giới đóng tại Pra-ha tiệp Khắc), rồi trở về Pháp. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sừ học với đề tài Phan Bội Châu và xã hội Việt Nam ở thời đại ông" (Hội khoa học lịch sử Việt Nam đã dịch và in năm ~ 1998), G. Bu-đa-ren giảng dạy tại Đại học Pa-ri VII và trở thành một chuyên gia có uy tín về Việt Nam học. Trong chiến dịch tranh giành chính quyền giữa phái tả và phái hữu ở Pháp, ông đã bị bọn phản động cực hữu vu cáo và kiện về "tội" tra tấn tù binh Pháp khi ông còn ở trong hàng ngũ quân đội ta, nhưng cuối cùng ông được trắng án. . .

Hiện nay ông đã nghỉ hưu. Khi ở Việt Nam, ông có vợ người Việt tên là Nga, sinh được một con gái. Bà đã bỏ ông sang Mỹ lấy chồng khác; con gái đã lập gia đình riêng, nên ông sống độc thân, thanh bạch. ông không có Ô tô (người  phương Tây đi Ô tô như ta đi xe đạp), cũng không có ti vi, tủ lạnh gì cả. Tài sản của ông còn xoàng xĩnh hơn nhiều gia dình Việt Nam hiện nay, tuy vậy ông vẫn thường dành dụm tiền gửi về Việt Nam giúp các đồng chí, đồng đội cũ còn nghèo khó.

G. Bu-đa-ren là một người bạn thân của nhà sư Thích Đức Thiện. Vì sao lại có tên Boudarel? Đại đức Thích Đức Thiện giải thích: "Buda-tên gọi tắt của ông, đồng âm với "Bouddha" nghĩa là Phật, vì ông hiền từ như Phật... Năm 1993, nhân chuyến sang Pháp, sư ông Thích Đức Thiện có gặp lại G. Bu-đa-ren và được ông giúp đỡ tận tình.
 Là một nhà nghiên cứu lịch sử, G. Bu-đa-ren đã có những công trình nghiên cứu có giá trị, chẳng hạn như cuốn "Những vị đứng đầu nhà nước châu âu và đường lối của họ" - một công trình tập thể dưới sự chủ biên của G.Pi-rơ, trong đó ông đã dành một số trang iết về Hồ Chí Minh. Với những nhận xét và bình luận sâu sắc, độc đáo, học vấn uyên thâm của ông, một lần nữa làm cho chúng ta thêm kính phục.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: ivanhoe1234 trong 15 Tháng Mười Hai, 2007, 11:34:28 am
Xin góp với các bác mấy bài trên báo QDND

http://www.qdnd.vn/qdnd/sukiennhanchung.nhungchiensiquocte.3073.qdnd

Nhớ mãi chiến sĩ Teizt người Đức đã hy sinh ở biên ải tỉnh Lạng Sơn

Các cựu chiến binh tiểu đoàn Lũng Vài năm xưa nhớ mãi những kỷ niệm đẹp về một chiến sĩ người Đức có tên là Teizt trong đơn vị đã cách nay hơn nửa thế kỷ. Không ai biết quê quán của “chiến sĩ Việt Nam mới” Teizt, nhưng ai cũng nhớ hình ảnh của anh trong chiến đấu trên chiến trường Việt Bắc những năm tháng đầu ác liệt của cuộc chiến chống Pháp.

…Khoảng nửa đầu năm 1947, một nhóm lính lê dương vốn là người Hy Lạp, Áo, Đức… trong quân đội Pháp đóng ở Nam Định và các vùng lân cận, chán ghét cuộc chiến tranh phi nghĩa tàn bạo của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam, đã bí mật tìm bắt liên lạc rồi “đào ngũ” mang theo vũ khí sang hàng ngũ kháng chiến của Việt Minh. Số anh em này trong đó có Teizt được Bộ tư lệnh Chiến khu 3 gửi lên chiến khu Việt Bắc. Teizt trở thành “chiến sĩ da trắng”-”Chiến sĩ Việt Nam mới” của bộ đội Cụ Hồ, được lấy họ “Hồ Chí” của Bác Hồ và có tên Việt Nam là Hồ Chí Cường. Hồ Chí Cường được điều về tiểu đoàn 48 là đơn vị độc lập đang hoạt động chiến đấu đánh địch và xây dựng lực lượng du kích ở các làng xã ven đường 4A thuộc Lạng Sơn. Lúc này hậu cứ của tiểu đoàn 48 còn ở Bình Gia-Lạng Sơn. Teizt người Âu da trắng, lại cao lớn nên đi đâu cũng dễ nhận ra, bà con ta thường gọi đơn vị của Teizt là “bộ đội người Tây”. Anh được điều về bổ sung cho phân đội hỏa lực, lúc này gọi là “trợ chiến”, tức phân đội bom mìn, ba-dô-ca, lúc đó do anh Phạm Thiệu chỉ huy…

Trận đầu tiên Teizt được trực tiếp tham gia chiến đấu cùng các đồng chí Việt Nam là trận ngày 16-3-1948 khi tiểu đoàn phối hợp với đại đội độc lập và du kích Bắc Sơn phục kích địch ở Bản Nằm, thuộc xã Kháng Chiến, Tràng Định, cách thị trấn Thất Khê chừng 8km. (Đây là trận Bản Nằm lần 1. Trận Bản Nằm lần 2 là vào ngày 15-9-1949). Trận địa phục kích bố trí trải dài chừng 300m từ bắc điểm cao 304 đến đông điểm cao 220. Hỏa lực của toàn tiểu đoàn lúc này mới có 1 khẩu ba-dô-ca, 1 cối 60 ly và 2 đại liên, còn chủ yếu là súng trường khai hậu, mã tấu. Đây cũng là trận tập kích đầu tiên của phân đội trợ chiến này trên chiến trường Việt Bắc.
 
Qua mấy ngày phục kích chờ đợi, hôm ấy khi đoàn 7 xe của địch lọt vào trận địa, Teizt là chiến sĩ rất bình tĩnh, luôn mang theo khẩu thom-sơn bên mình, đã nổ súng yểm trợ kịp thời cho tổ ba-dô-ca ngay viên đạn đầuđã bắn trúng xe chỉ huy, diệt toàn bộ địch trên xe, trong đó có một quan ba, một quan hai Pháp, tạo điều kiện cho đơn vị chặn đầu, khóa đuôi xông lên… Đơn vị tiếp tục đánh trả các đoàn tiếp viện của địch, giành thắng lợi lớn: diệt 88 tên địch (có 6 sĩ quan), làm bị thương 54 tên, 7 xe cơ giới, 1 súng 20 ly, 1 trọng liên 12,7 ly, 1 súng cối, 1 máy VTĐ,... Thắng lợi của trận đánh đã thực hiện tốt nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược là cắt đứt đường vận chuyển để cô lập các cứ điểm của địch trên tuyến phòng thủ Việt Bắc. Vì vậy sau trận này địch ở khu vực Lạng Sơn rất hoang mang, hiện tượng đầu hàng, đào ngũ xuất hiện, trong đó có 3 lính người Đức cùng một số ngụy binh ở thị xã mang súng ra hàng…

Sau chiến dịch Thu-Đông 1947, Bộ tổng tư lệnh chủ trương lập một trung đoàn chủ lực mạnh trực thuộc Bộ, nên trung đoàn 140 được tăng cường và trung đoàn 147 ra đời, các tiểu đoàn cũng mang phiên hiệu mới: 39, 42, 45 và một số đơn vị trực thuộc. Tiểu đoàn 39 thời gian này do đồng chí Thái Dũng (tức Nguyễn Hữu Thái) người Tày ở thị xã Cao Bằng chỉ huy. Tiểu đoàn 223 và 239 hợp nhất thành tiểu đoàn mới này (có lúc gọi là 29) là đơn vị độc lập của Bộ. Còn tiểu đoàn 48 sau khi một số bộ phận sáp nhập với tiểu đoàn 39, các bộ phận phiên chế tổ chức lại. Tiểu đoàn 29 mới có tên gọi Lũng Vài là vì tiểu đoàn 223 từng giành thắng lớn trong trận phục kích ở Lũng Vài, được Bác Hồ và Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi thư khen, tặng danh hiệu này. Phân đội trợ chiến của Teizt thường được gọi là đơn vị bộc phá-bom mìn-ba-dô-ca. Tiểu đoàn 29 là đơn vị độc lập của Bộ tổng hoạt động ở khu vực Thái Nguyên, nay tăng cường cho mặt trận đường 4 trong chiến dịch Cao-Bắc-Lạng; phối hợp với trung đoàn 28 Lạng Sơn và 74 Bắc Cạn.

Sau khi về vùng Đồng Me, Phủ Liễn, Tam Dương huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật và phân đội nhỏ tập đánh công kiên, đơn vị của Teizt lên đường tham gia chiến dịch Đông Bắc. Ngày 8-10-1948 là ngày mở màn chiến dịch Đông Bắc, quân ta mở đợt tấn công vào một loạt đồn địch. Teizt có mặt trong mũi đột kích do Nguyễn Quốc Trị chỉ huy. Trong trận tấn công căn cứ An Châu, Teizt đã cùng anh em dùng thang, bên dưới buộc lót tấm phên đan bằng nứa vượt qua hàng rào dây thép gai vào chiến đấu rất dũng cảm ngay trong khu đồn địch. Địch dùng đạn lửa bắn cháy các thang phên nứa, dùng hỏa lực mạnh bắn chặn, trận chiến đấu diễn ra rất ác liệt và kéo dài…

Sau hơn nửa tháng chiến đấu, các đồn Đồng Dương, Đồng Khuy đều bị diệt, riêng đồn An Châu ta chỉ diệt được 2/3 cứ điểm rồi phải rút lui. Nhưng chiến dịch này ta diệt hơn 150 địch, trong đó có tên quan tư Pháp Vi-try, hơn 200 ngụy ra hàng; ta phá hủy 2 xe bọc sắt, 3 súng 12,7 ly, thu gần 60 súng, trong đó có 6 trung liên… Teizt là một chiến sĩ chiến đấu rất dũng cảm, được anh em rất quý mến, khi buộc phải rút khỏi đồn An Châu chỉ lo anh bị lạc đường… Khi đơn vị tham gia đánh đồn Đồng Khuy, Teizt là người đi cùng tiểu đội Nguyễn Quốc Trị. (Năm 1952, Nguyễn Quốc Trị là 1 trong 4 người được tuyên dương anh hùng đầu tiên của quân đội ta) trong mũi nhọn tấn công, đã diệt gọn lô cốt chính của cứ điểm, góp phần giành thắng lợi nhanh chóng diệt hoàn toàn quân địch ở đồn này…

Cuối năm ấy, vào đêm 28-11, đơn vị của Teizt nhận lệnh hành quân gấp về bao vây tấn công tiêu diệt căn cứ phỉ ở làng Phạ Khả, gần đồn Chi Ma, khu Chi Lăng. Chiến sĩ người Đức Teizt chiến đấu rất mưu trí, dũng cảm, nhưng trong đêm tối đã bị trúng đạn ngã xuống bên cạnh tiểu đội phó Đặng Tịnh quê ở miền Trung. Đơn vị đã an táng thi hài hai anh ngay trên cánh đồng phía tây nam của làng Phạ Khả gần biên ải thuộc huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn…

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, không ai biết quê quán, địa chỉ gia đình của Teizt ở Đức để báo tin. Các cựu chiến binh tiểu đoàn Lũng Vài-một đơn vị tiền thân của đại đoàn Quân Tiên Phong, luôn nhớ tới “Chiến sĩ Việt Nam mới” Teizt-Hồ Chí Cường là một đồng đội thân yêu đã hy sinh vì sự nghiệp kháng chiến của Việt Nam, đang yên nghỉ trong lòng đất mẹ Việt Nam-quê hương thứ hai-như anh thường nói-ở vùng biên ải Lạng Sơn, mãi mãi xứng danh là một “Anh bộ đội Cụ Hồ”!

ĐẮC PHAN
 


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: ivanhoe1234 trong 15 Tháng Mười Hai, 2007, 11:35:48 am
http://www.qdnd.vn/qdnd/sukiennhanchung.nhungchiensiquocte.3085.qdnd

"Tù binh" người Bỉ Phrăng Đờ Bô-en

Đầu năm 1949, cán bộ chiến sĩ đại đội 9 độc lập hoạt động ở vùng Đại Lộc, Quảng Nam tiếp nhận một lính lê dương có tên là Phrăng Đờ Bô-en đã trốn khỏi hàng ngũ quân viễn chinh Pháp và mang súng tình nguyện về với hàng ngũ Việt Minh để chống Pháp. Năm đó, Bô-en mới 25 tuổi, người cao to, và học tiếng Việt rất nhanh.

Cuối 1950, đơn vị nhận nhiệm vụ làm nghĩa vụ quốc tế sang giúp bạn Lào và Cam-pu-chia xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng vũ trang cùng đánh Pháp xâm lược. Chính thời gian đó, qua thử thách chiến đấu dũng cảm, Bô-en đã được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng CS Việt Nam). Pháp coi Bô-en là “một phần tử rất nguy hiểm” nên tìm mọi cách theo dõi để bắt bằng được. Phrăng Đờ Bô-en là một người Âu nhưng từng học tiếng Việt Nam rất nhanh, chiến đấu dũng cảm, nay cùng đơn vị Việt Nam sang giúp bạn Lào lại tích cực học tiếng Lào, lăn lộn với cơ sở, phụ trách một tổ công tác xây dựng lực lượng, được bà con các bộ tộc Lào rất quý mến, che chở. Nhưng không may, một lần trên đường xuống cơ sở công tác, Bô-en lọt vào ổ phục kích của địch. Anh chiến đấu cho đến khi súng hết đạn thì bị thương nặng, bất tỉnh nên lọt vào tay địch. Bọn địch rất mừng vì đã bắt sống được “tên hàng binh lê dương nay đã thành cộng sản rất nguy hiểm”. Chúng phao tin Bô-en đã chết, rồi bí mật đưa về chữa chạy các vết thương để khai thác tin tức về tình hình quân Việt Minh ở Lào và lực lượng vũ trang cách mạng Lào. Tra tấn, không khai thác được gì, chúng đưa Bô-en về giam giữ ở khám Chí Hòa-Sài Gòn. Đồng đội mất tin tức về Bô-en, tưởng anh đã hy sinh trên đường công tác trên đất bạn Lào. Còn bọn thực dân sau đó đưa anh ra Huế, mở tòa án binh xử Bô-en, kết án chung thân, và lấy lý do Bô-en xuất xứ là một người lính trong đội quân lê dương Pháp nên chúng bí mật đưa về “mẫu quốc” giam giữ...

Mãi sau này mới được biết, chiến sĩ quốc tế Bô-en vẫn còn sống. Đờ Bô-en không phải người Pháp mà là người Bỉ. Anh kể: “... Tôi sinh ra ở vùng Phờ-la-măng, Vương quốc Bỉ. Năm 1924, khi 15 tuổi, tôi đang học phổ thông thì chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra (năm 1939). Tôi vượt biên giới sang Đức để kiếm việc làm trong một nông trại...”.

Cho đến năm cuối cùng của chiến tranh thế giới thứ hai (1945) thì Đờ Bô-en bị Đức bắt vào lính. Nhưng rồi phát xít Đức thua trận và Bô-en lại trở thành tù binh của Pháp. Nước Pháp thực dân lập lại đội quân lê dương viễn chinh trở lại xâm lược các thuộc địa và Bô-en lại bị động viên vào đội quân viễn chinh của Pháp, sang phục vụ ở An-giê-ri. Từng bị Pháp bắt làm tù binh, bị lính Pháp đánh đập và đối xử tồi tệ, rồi chứng kiến những hành động dã man của lính lê dương Pháp đối với nhân dân nên Đờ Bô-en rất ghét lính Pháp và nung nấu tinh thần phản kháng.

Sau một thời gian ở An-giê-ni, đơn vị của Đờ Bô-en lại bị điều sang Việt Nam cuối năm 1947, khi Pháp mở rộng cuộc chiến tranh ngày càng ác liệt và đang gặp khó khăn. Khi tiếp xúc với nhân dân Việt Nam, Đờ Bô-en nhận ra người dân thuộc địa hay Việt Nam, ở đâu cũng rất cực khổ nhưng lại rất tốt bụng, có tinh thần đấu tranh bất khuất chống bọn thực dân xâm lược. Đờ Bô-en đã tìm mọi cách bí mật tiếp xúc với lực lượng kháng chiến, bắt được liên lạc với du kích của Việt Minh và đã mang theo súng trốn khỏi đơn vị lê dương để đi theo Việt Minh, đứng về phía nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp. Bô-en nói, hôm đó là ngày 6-2-1949 ông không bao giờ có thể quên, và ông rất tự hào coi ngày đó là ngày được “nhập ngũ” vào Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng...

Ông kể lại: năm 1952 ông bị bọn Pháp kết tội “phản quốc” với án tù chung thân rồi chúng đưa về bên Pháp giam giữ nên không liên lạc được với đồng đội, nhưng ông luôn nhớ và theo dõi tình hình cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Khi nghe tin chiến thắng ở Điện Biên Phủ, rồi Hiệp nghị Giơ-ne-vơ về công nhận nền độc lập của các nước Đông Dương được ký kết, ông rất mừng. Ông đã đấu tranh đòi Pháp trả ông về Việt Nam như một số tù chính trị khác bị giam giữ trên đất Pháp nhưng chính quyền thực dân không chấp nhận. Cho mãi đến 1962 ông mới được ra khỏi trại giam của thực dân Pháp, nhưng bị trục xuất về Bỉ.
 
Trở về quê hương, Đờ Bô-en luôn nhớ về ‘Tổ quốc thứ hai” của mình, nên những năm Việt Nam chống Mỹ ông nhiều lần xin trở lại cùng nhân dân Việt Nam cầm súng đánh Mỹ, nhưng vì nhiều “lý do tế nhị” nguyện vọng của ông không được chính quyền Bỉ chấp nhận, lao vào các hoạt động trong phong trào tình nguyện giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam. Ông được gia nhập Đảng Cộng sản Bỉ. Ông tích cực vận động và là một trong những người sáng lập ra Phân hội Hữu nghị Bỉ-Việt Nam nhằm đẩy mạnh các hoạt động góp công sức, tiền của và tinh thần ủng hộ Việt Nam có hiệu quả với tất cả tấm lòng hướng về Tổ quốc Việt Nam của Bác Hồ để đánh Mỹ và cả trong xây dựng tương lai đất nước sau chiến tranh...

Đúng sau nửa thế kỷ kể từ ngày đầu tiên đặt chân đến Việt Nam trong đội quân lê dương Pháp, và sau hơn ba chục năm ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp, đã ở tuổi ngoài 70 mới có dịp đi cùng người con trai lớn G.Đờ Bô-en làm Giám đốc đài truyền hình của thành phố Ang-ve, trở lại thăm “Tổ quốc thứ hai” Việt Nam của ông-như ông nói. Hai cha con đã đi từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, gặp lại một số đồng đội cũ, thăm những nơi ông bị Pháp giam cầm. Khi vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh cha con ông đã khóc nức nở.

Đối với ông, Bác Hồ là Nguyễn Ái Quốc mà ông đã biết và cảm phục chính Bác Hồ đã dẫn dắt ông tình nguyện đi theo Việt Minh để cầm súng chiến đấu vì Việt Nam Bác Hồ đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đánh bại chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương và châu Phi, là vị lãnh tụ mà ông suốt đời kính phục nhất.

PHAN ĐẮC
 


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: ivanhoe1234 trong 15 Tháng Mười Hai, 2007, 11:36:58 am
http://www.qdnd.vn/qdnd/sukiennhanchung.nhungchiensiquocte.2354.qdnd

Suốt đời tôi không quên công ơn của nhân dân Việt Nam

Thực hiện chính sách tự túc kháng chiến, năm 1952, bà con xã Mỹ Lộc (Phú Mỹ, Bình Định) hết sức phấn khởi đón một người lính Vệ quốc đoàn có tên là Hòa, về địa phương. Anh Vệ quốc đoàn ấy được giới thiệu về nhà ông Dương Văn Tăng ở. Nhà ông có 6 người: hai ông bà, hai con gái và 2 con trai còn nhỏ. Ông Tăng là một nông dân chất phác, coi anh như con trai cả trong gia đình. Và hàng ngày, anh cũng dắt trâu ra đồng cày bừa như một nông dân thực thụ, vì khi còn ở quê hương, anh cũng từng cày bừa làm ruộng. Anh lại chịu khó làm việc như người con ngoan, người anh cả trong nhà nên ông Tăng thường khoe với bà con: “Chà! Có thêm thằng con là Vệ quốc đoàn ở nhà thêm người làm, lại vui vẻ...”.

Thời gian trôi đi, còn anh Vệ quốc đoàn chẳng mấy chốc chiếm được lòng thương yêu của gia đình, bà con. Tình yêu giữa anh và cô Tặng con gái lớn của gia đình cũng nảy nở... Vốn đẹp người, đẹp nết lại cũng hay lam hay làm nên trong làng có mấy đám muốn cưới cô làm vợ, nhưng đều bị từ chối với lý do các em còn nhỏ, cô còn phải trông nom gia đình và làm lụng nuôi em... Cuối năm ấy, giặc Pháp bất ngờ mở trận càn quét vào Mỹ Lộc, Phú Mỹ. Anh Vệ quốc đoàn được chính quyền xã tin tưởng giao chỉ huy đại đội du kích chống càn. Cô Tặng con gái lớn của ông Tăng cũng là một đội viên du kích lăn lộn bên anh chiến đấu chống địch suốt hơn hai chục ngày. Ba lần du kích đã đánh bật quân Pháp ra khỏi xã, nhưng trong lần thứ ba thì anh Vệ quốc đoàn bị thương vào tay. Cô Tặng là người ngày đêm chăm sóc, lo cơm nước và rửa vết thương cho anh. Sau trận chống càn thắng lợi, hình ảnh anh Vệ quốc đoàn càng in sâu trong trái tim người dân xã Mỹ Lộc. Bà con nói với nhau: “Không có anh Vệ quốc đoàn về xã chỉ huy chống càn thì giặc Pháp đã đốt trụi cả xã rồi. Không biết anh ấy quê ở đâu mà giỏi và gan dạ đến thế!...”.
Anh tên là Nakamura Jtitarao, tên Việt là Trần Hòa. Anh sinh ra ở xứ sở hoa anh đào Nhật Bản, ở Noactu, huyện Nigât. Gia đình anh thuộc thành phần cố nông, không một tấc đất cắm dùi. Cha mẹ anh phải đi làm thuê cuốc mướn cho nhà giàu, quanh năm cực nhọc vẫn không đủ ăn. Anh chỉ được học hết trung học cơ sở rồi đi làm thuê. Cuộc sống lam lũ đã rèn luyện cho anh một thân thể khỏe mạnh, sống kham khổ và bền bỉ. Anh là con cả trong gia đình ba anh em; 2 trai, 1 gái. Tuy nghèo khổ nhưng lúc nào cũng thương yêu đùm bọc nhau. Chiến tranh thế giới bùng nổ đã phá nát hạnh phúc gia đình anh.
 
Tình yêu cháy bỏng đã làm cho cả anh và cô Tặng luôn vượt qua mọi cực nhọc trong sản xuất và trong chiến đấu. Họ luôn bên nhau như hình với bóng, và được bà con động viên, khích lệ họ hoàn thành nhiệm vụ. Và rồi một ngày kia, anh cũng đã kể lại sự thật về anh với gia đình, bà con: Anh tên là Nakamura Jtitarao, tên Việt là Trần Hòa. Anh sinh ra ở xứ sở hoa anh đào Nhật Bản, ở Noactu, huyện Nigât. Gia đình anh thuộc thành phần cố nông, không một tấc đất cắm dùi. Cha mẹ anh phải đi làm thuê cuốc mướn cho nhà giàu, quanh năm cực nhọc vẫn không đủ ăn. Anh chỉ được học hết trung học cơ sở rồi đi làm thuê. Cuộc sống lam lũ đã rèn luyện cho anh một thân thể khỏe mạnh, sống kham khổ và bền bỉ. Anh là con cả trong gia đình ba anh em; 2 trai, 1 gái. Tuy nghèo khổ nhưng lúc nào cũng thương yêu đùm bọc nhau. Chiến tranh thế giới bùng nổ đã phá nát hạnh phúc gia đình anh.

Chỉ sau 3 tháng, mẹ anh tiễn cha anh nhập ngũ thì lại phải tiễn anh lên đường vào đội quân phát-xít. Sau 3 tháng huấn luyện, anh bị điều sang Việt Nam... Ngày 13-8-1945, Nhật đầu hàng Đồng minh, anh bỏ hàng ngũ quân đội phát-xít, gia nhập Vệ quốc đoàn Việt Nam. Lúc đầu được giao nhiệm vụ huấn luyện tân binh, anh đã mang hết nhiệt tình và kinh nghiệm của mình để truyền lại cho anh em. Đến cuối 1948, quân Pháp mở rộng chiến trường ra Bình Định, anh đã chuyển sang đơn vị chiến đấu. Với cương vị đại đội trưởng, anh đã chỉ huy đại đội đánh nhiều trận thắng lợi, tiêu diệt hàng trăm tên địch, khiến quân thù khiếp đảm. Trong một trận chiến đấu quyết liệt vào cuối 1947, anh đã xung phong cùng đồng đội lên tiêu diệt lô cốt địch, không may bị đạn địch xuyên thủng đùi, bị thương nặng. Sau 4 tháng điều trị, anh được tăng cường về xã Mỹ Lộc để thực hiện “tự túc kháng chiến” và làm nòng cốt chỉ huy du kích chống càn quét...

Ít lâu sau, đám cưới của anh Trần Hòa với cô Tặng được địa phương tổ chức theo nghi thức đời sống mới tại trụ sở UBND xã. Sau hơn một năm, ngày 10-3-1954, anh chị sinh cháu đầu lòng, đặt tên là Trần Thuận. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, 10-1954 anh cùng vợ con được tập kết ra miền Bắc. Tổ chức lại sắp xếp cho gia đình anh về sản xuất tại thôn Hội, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây. Tại đây, anh được chia ruộng đất, trồng dâu nuôi tằm, trồng mía. Bà con trong làng giúp đỡ dựng cho gia đình anh ngôi nhà khang trang, sống trong sự đùm bọc của dân làng. Ngày 17-7-1958 anh chị sinh cháu thứ hai Trần Thị Hương... đến mùa xuân 1960, anh Trần Hòa cùng vợ là chị Dương Thị Tặng và hai con đã được hồi hương về Tổ quốc Nhật Bản, theo nguyện vọng của anh. Hôm gia đình anh rời thôn Hội, Tân Lập, Đan Phượng ra Hà Nội tập trung, cả làng tới thăm hỏi chia tay. Anh rưng rưng nước mắt nói với bà con: “Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của tôi. Nhân dân Việt Nam đã cưu mang, đùm bọc và xây dựng tổ ấm cho tôi. Tình sâu nghĩa nặng của bà con, suốt đời tôi không bao giờ quên...”.

NGUYỄN TƯỜNG
 


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 20 Tháng Mười Hai, 2007, 04:39:28 pm
CÓ MỘT CHIẾN SĨ NGƯỜI ĐỨC ĐÃ CHIẾN ĐẤU Ở VĨNH LONG

SĨ TÂM

Đã lâu lắm rồi trong những lần đi tìm thăm mộ đồng đội và đứa em hy sinh ở chiến trường Nam Bộ, tôi có dịp về Tam Bình, Vĩnh Long, nay văn nhớ mãi ở đây có một ngôi mộ của chiến sĩ người Đức được đặt ở ngay hàng đầu của nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Bia mộ ghi chỉ cho biết, liệt sĩ có tên là Tuôn (Tuol), hy sinh năm 1948. Tròn nửa thế kỷ đã trôi qua, những người cùng chiến đấu với liệt sĩ hầu như chẳng còn ai biết mà kể, lại trải qua chống Pháp, rồi chống Mỹ suốt mấy chục năm, không có điều kiện tìm bắt liên lạc. Qua những dòng lịch sử của Đảng bộ tỉnh, qua sưu tầm tư liệu . . . nay mới cho ta biết:

Tam Bình, Vĩnh Long là vùng đất có phong trào đấu tranh vũ trang cách mạng phát triển rất sớm và mạnh từ trước khởi nghĩa. Cuối năm 1940, khi đồng chí Thái Văn Đẩu làm Bí thư, còn bà Ngô Thị Huệ là ủy viên liên tỉnh Hậu Giang làm Phó bí thư tỉnh ủy V nh Long, đã tích cực xây dựng lực lượng và tiến hành khởi nghĩa trong Nam Kỳ tổng khởi nghĩa. Ngày ấy, vì đồng chí Phan Đăng Lưu từ Hội  nghị Trung ương 7 về không kịp để phổ biến chỉ thị phải hoãn khởi nghĩa, nên Xứ ủy quyết định khởi nghĩa theo kế hoạch. Bà Ngô Thị Huệ chính là vợ cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh- ngày ấy trực tiếp lãnh đạo cướp chính quyền ở Vinh Long và huyện Châu Thành. Tại huyện Tam Bình, nghĩa quân Tường Lộc có tới hơn trăm người đã chiếm được trại linh và dinh quận. Các xã Mỹ Thạnh Trung, Loan Tân, Phú Hưng, Phú Hậu. . . đều cướp được chính quyền, làm chủ trong nhiều giờ. Toàn tỉnh ngày ấy thu được hơn hai chục khấu sung của địch. tiếp tục củng cố xây dựng lực lượng vũ trang cho đến ngày giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tấm và bảo vệ chính quyền sau ngày độc lập. . . Đến ' năm 1946 trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược ở Nam Bộ, khi địch đánh chiếm huyện Tam Bình, có một đơn vị lê dương do tên quan hai Sai-gơ chỉ huy. Trong đơn vị lính Pháp này có chừng 6-8 người là người Đức, Áo... bị Pháp bắt những năm 1942-1943, sau đó đưa vào đội quân bát sang Đông Dương đánh thuê cho Pháp. Trong số này có hai người Đức thân nhau là Tuôn và Em-dơ-mai. Trước cảnh lính Pháp ngày càng gây nhiều tội ác, đau thương cho nhân dân Việt Nam, hai người lính bị bắt buộc phải làm bia đỡ đạn cho Pháp, dần trở nên chán nản, bất mãn. Từ đó, những ngày nghỉ, lúc rỗi họ hay rủ nhau la cà ra chợ giải sầu và dò la tìm cách hỏi thăm lối để muốn đi theo Việt Minh. Khi được tin này, Huyện ủy Tam Bình đã đẩy mạnh công tác binh vận, mở kế hoạch điều tra, tìm cách vận động anh em binh lính trong hàng ngũ địch mang theo vũ khí ra vùng chiến khu.

Hai anh Tuôn và Em-dơ-mai là những người tích cực tham gia bí mật công tác vận động trong đơn vị lính Pháp  này. Sau một thời gian theo dõi, biết' chắc họ muốn trốn ra theo cách mạng, nhưng đề phòng phản bội, huyện ủy cho cơ sở thàm dò, thực hiện kế hoạch thử thách nhiều lần bằng cách hẹn họ đến điểm hẹn để gặp, nhưng ta không cho người tới. Nhiều lần hai người đều đến, nhưng lại phải quay về đồn. Biết họ thực lòng theo cách mạng, tổ chức mới phân công người bố trí đón họ và nhận vũ khí mà hai ngươi mang ra được gồm 2 trung liên, 1 súng trường, 1 mi-rú-vét với hơn nghìn viên đạn. Hai người này được đón về căn cứ ở rừng Trà ôn. Còn súng đạn được đem trang bị cho chi đội vũ trang của tỉnh mới thành lập đang thiếu thốn súng đạn, lúc đó đóng ở xã Hòa Bình... Khi đón được một số “ hàng binh" từ các nơi tập hợp về, Tỉnh ủy chủ trương cho lập một "tiểu đội lê dương", do anh Tuôn và Em-dơ-mai chỉ huy. Nhiều lần, tiểu đội này giả đóng quan trên dẫn lính xuống kiểm tra các đồn Cai Giỏi ở Bình Minh, Tam Bình; đồn Rạch Vọp ở Kế Sách, đồn Thầy Phó ở Vũng Liêm... khi quan trên xuống ra lệnh cho lính đồn xếp hàng, bất ngờ quân ta xông lên tước vũ khí, cướp đồn mau lẹ, làm địch không kịp trở tay. Năm 1948, khi quân ta phục kích bọn địch đi càn đầu kênh Chà Và ở xã Song Phú thuộc huyện Tam Bình, thì xảy ra trận chiến ác liệt. Quân ta giành thắng lợi, thu được cả mấy khẩu súng lớn, nhưng anh Tuôn đã anh dung hy sinh. Đồng đội và nhân dân địa phương ngày đó đã đưa thi hài anh chôn cất chu đáo tại xã Mỹ Thạnh Trung. Còn anh Em-dơ-mai tiếp tục cùng các chiến sĩ Việt Minh đi tiếp cuộc chiến đấu cho đến sau khi có Hiệp định Giơ-ne-vơ, theo chính sách chung, đã rời Việt Nam trở về quê hương anh . . .

Vì cuộc chiến đấu để giải phóng đất nước Việt Nam, hết đánh Pháp rồi lại mười mấy năm liên tục đánh Mỹ,  kéo dài liên tục ba chục năm ròng. những người cùng chiến đấu với anh Tuôn ngày ấy, cũng như những giấy tờ liên quan bầu như không còn; không ai biết và nhớ địa chỉ quê hương, gia đình anh ở nước Đức xa xôi để liên lạc. Đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng năm 1975, Đảng bộ và nhân dân Tam Bình, Vĩnh Long mới có điều kiện cải táng hài cốt đón anh Tuôn về an nghỉ cùng các liệt sĩ đồng đội tại nghĩa trang của huyện nhà. Anh Tuôn, một chiến sĩ quốc tế người Đức đã chiến đấu ở Vĩnh Long, hy sinh vì nền độc lập của Việt Nam từ năm 1948, không để lại một dòng địa chỉ, bố mẹ và gia đình không biết để đến đón anh về. Tổ quốc Việt Nam. Tổ quốc thứ hai của anh, mãi mãi biết ơn, ôm ấp anh vào lòng đất-vào lòng Mẹ Việt Nam. Mong anh yên lòng, đời đời yên nghỉ cùng các đồng đội Việt Nam đã hy sinh anh dũng vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu, giữa mùa xuân đất nước thống nhất, thanh bình.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 20 Tháng Mười Hai, 2007, 04:40:58 pm

ĐƠN VỊ XUẤT QUỶ NHẬP THẦN

TUẤN NGHĨA

Hồi đầu kháng chiến chống Pháp, tại cố đô Huế có một đơn vị quân đội khá đặc biệt. Đó là một đại đội của Tiểu đoàn 319 Trung đoàn 101. Đại đội này được mệnh danh là đại đội quốc tế vì có chiến sĩ là người của nhiều quốc tịch: Việt Nam, Nhật, Pháp, Đan Mạch, Đức. Đại đội đã chiến đấu nhiều trận, gây cho địch nhiều tổn thất và chúng gọi đại đội là ,đơn vị Việt Minh xuất quỷ nhập thần".

Đặc biệt, có trận đại đội đánh địch giữa ban ngày. Đó là trận đánh ở ngoại vi cố đô Huế vào 13 giờ 30 ngày 9 tháng 7 năm 1948. Dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Bùi Hường (nay là Thiếu tướng Vương Tuấn Kiệt, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 5) và chính trị viên Lê Đình Lý, đơn vị đã đánh nhanh, diệt gọn một toán quân Pháp. Trong đại đội có 1 tiểu đội gồm các chiến sĩ Việt Nam mới là những binh lính âu - Phi trong quân đội Pháp chạy sang hàng ngũ Quân đội nhân dân ta. Những chiến sĩ Việt Nam mới tiêu biểu có Kê-men (Đức), Nguyễn Chí Hùng (người Nhật) . . . Anh em không biết tên thật ở Nhật Bản của Hùng, chỉ biết anh là một sĩ quan thông tin quân đội Nhật hoàng dòng ở Huế. Anh được đồng chí Nguyễn Chí Thanh giác  ngộ nên chạy sang hàng ngũ ta. Anh coi đồng chí Thanh là ân nhân nên đổi họ tên là Nguyễn Chí Hùng. Nguyễn Chí Hùng chiến đấu dũng cảm, được đề bạt làm tiểu đoàn phó 319. Hùng còn được đồng đội quý mến. giúp xây dựng gia đình với chị Quệt là người địa phương. Sau ngày có Hiệp nghị Giơ'ne-vơ, anh chị Hùng-quýt đã về Nhật sinh sống.

Các chiến sĩ Việt Nam mới ở Tiểu đoàn 319 đã lập nhiều chiến công, bám trụ chiến đấu ở mặt trận Thừa Thiên-huế. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Tiều đoàn 319 đã đánh nhiều trận xuất sắc. Một trong những trận đánh có ý nghĩa là trận đánh đồn Hà Thanh, án ngữ phá Tam Giang và quốc lộ 1. Tiểu đoàn 319 đã cử một trung đội đóng giả đơn vị quân Pháp. Kê-men được cử đóng vai quan hai Pháp. Đồng chí Hoàng làm phiên dịch cho Kê-men. Nguyễn Chí Hùng đóng vai cai đội. Trung đội dùng 3 chiếc thuyền bơi thẳng vào đồn. Lính đồn không nghi ngờ gì, mở cửa đồn cho trung đội vào. Chớp thời cơ, Kê-men và toàn trung đội nhất tề hành động, nổ súng khống chế các tên hung hăng. Chỉ sau 15 phút đã chiếm được đồn, ta bắt sống 44 lính, thu toàn bộ vũ khí, quân trang và rút lui an toàn. Sau này, các đơn vị quân Pháp còn bàng hoàng mỗi khi nhắc tới trận Tiểu đoàn 319 đánh đồn Hà Thanh.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 20 Tháng Mười Hai, 2007, 04:44:33 pm
GẶP NA-KA-HA-RA MITSUBONI - MINH NGỌC, MỘT ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ NGƯỜI NHẬT BẢN

NGUYỄN VIỆT HỒNG

Na-ka-ha-ra Mitsuboni vẫn nhận mình là anh bộ đội Cụ Hồ", dù năm nay đã 74 tuổi. Anh sang Việt Nam lần này ngoài việc kiểm tra đại diện Hội Mậu dịch Nhật - Việt, trụ sở đặt tại 54 Trần Nhân Tông, Hà Nội - Hội mà anh là một thành viên trong Ban quản trị, còn đến Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng anh Phan Huệ đến nhận hai huân chương: Một Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, một Huân chương Chiến công hạng Hai. Tôi ngồi nói chuyện với anh trên lầu khách sạn ở đường một chiều phố Huế. "ở phố Huế để nhớ lại những kỷ mềm về Huế năm 1945"- Anh nói:

Năm 1945, trước Cách mạng tháng Tám, Na-ka-ha-ra là sĩ quan tham mưu quân đội Thiên hoàng tại Bộ tham mưu tướng I-ka-oa, tư lệnh quân đội Nhật ở miền Trung Việt Nam và Lào. Bấy giờ, anh mới 22 tuổi. Cuối tháng 8 lăm ấ~ , sau những cuộc biểu tình, tuần hành của nhân dân Huế, khi lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trước cửa Ngọ Môn, khi Thiên hoàng đã ra lệnh đầu hàng, cùng     với một số sĩ quan Nhật khác như tướng I-ka-oa, Đề-bút-chi, Đông Hưng, Phan Huệ, Phan Lai... những thanh niên võ sĩ đạo Phù Tang này đã tận mắt thấy sức mạnh của một dân tộc và hiểu ra việc họ đã làm. Họ quyết định không trở về Nhật mà xin phép với ủy ban Hành chính Trung Bộ do ông Trần Hữu Dực làm Chủ tịch, được phép ở lại Việt Nam, đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam, tình nguyện làm một chiến sĩ "quốc tế - dân tộc"...

Đơn giản là tôi chỉ muốn làm lính Cụ Hồ - Na-ka-ha-ra nói với tôi bằng tiếng Việt khá sõi.

Na-ka-ha-ra đã giúp Việt Minh lấy súng đạn, quân trang, lương thực của Nhật chuyển tới bộ đội Việt Nam, huấn luyện quân sự cho thanh niên... Cuối năm 1945, đầu năm 1946... anh gặp Nguyễn Sơn. Nguyễn Sơn "rủ” các anh vào miền Nam, làm đại đội trưởng Trường Lục quân Quảng Ngãi. Rồi ra Việt Bắc tham gia công tác quân sự. Phan Lai về dạy Trường Lục quân, Minh Ngọc về làm phái viên Bộ Tổng tham mưu với chức danh "Tham nghị quân sư".

Tôi hỏi chuyện, Na-ka-ha-ra kể tiếp:

- Tôi về nước năm 1954. Năm 1955, cùng với các bạn Nhật, chúng tôi tổ chức Hội Nhật-việt hữu nghị và Hội Mậu dịch Nhật - Việt, tôi là Chủ tịch Hội Mậu dịch Nhật - Việt Chúng tôi hô hào nhân dân Nhật giúp Việt Nam, quyên góp mọi thứ được tất cả 12 tàu, mỗi năm 2 chuyến chở hàng đến Việt Nam trong thời gian nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cứu nước...

- Dư luận Nhật Bản cho rằng ở trên đất Nhật không có lãnh tụ, chính khách nào được đại đa số nhân dân yêu kính nhiều như Bác Hồ. Là người Nhật, anh thấy thế nào?

- Đúng, rất đúng.

Tôi mở quyển "Điệp viên nhảy dù thành Giám đốc công an Trung Bộ", các trang 172, 173 tìm hiểu thêm cái chết của tướng I-ka-oa, sau khi đã sang hàng ngũ Việt Nam. Anh Na-ka-ha-ra suy nghĩ một lát rồi nói:

- Tôi nhớ là tháng 4 năm 1946, I-ka-oa có lệnh đi kiểm tra đường số 9. Cùng đi trên xe Jeep với I-ka-oa có một số cán bộ Việt Nam. Có 1 xe tải chở 1 trung đội bảo vệ. Xe Jeep đi trước, gặp chướng ngại vật dừng lạl, liền bị phục kích, I ka-oa chết. Hiện nay bà vợ I~ka-oa còn sống ở Nhật. Họ có với nhau một con trai.

Có hai bạn nước ngoài đến, Na-ka-ha-ra giới thiệu với tôi :

- Đây là Đông Hưng, đại đội trưởng Trường Lục quân Quảng Ngãi. Đây là Ka-du-hi-sa I-ka-oa - cháu nội trưởng I ka-oa, dòng dõi Thiên hoàng, nhà văn, nhà nghiên cứu...

Tai-mo-to Ki-ku-o-Đông Hưng bắt tay tôi. Tôi đã biết chuyện Đông Hưng đi Quảng Ngãi dự kỷ niệm 50 năm Trường Lục quân Quảng Ngãi. Không thông thạo tiếng Việt như Na-ka-ha-ra, Đông Hưng nói chậm từng chữ:

- Tôi, vui... vẻ... gặp... các học trò Lục quân Quảng Ngãi. 50 năm rồi họ vẫn còn nhớ tôi.

Các anh cho biết, còn ở Hà Nội sẽ đi viếng Nguyễn Sơn, xin gặp Tướng Giáp...

Chiều hôm sau, tôi gọi điện đến khách sạn, Na-ka-ha-ra đã đi rồi. Tôi cứ tiếc là chưa kíp hỏi anh cái tên Minh Ngọc, tên Việt ấy, ai đặt cho anh, hay là anh tự đặt cho mình. Minh Ngọc - hòn ngọc sáng?


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 20 Tháng Mười Hai, 2007, 04:48:58 pm
KA-ZU-MA-SA VỚI TẤM HUÂN CHƯƠNG CHƯA KỊP NHẬN

Đỗ Văn Tuấn

Trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tại cơ quan đối ngoại Bộ Quốc phòng đã tổ chức đón tiếp một số vị "khách quý đặc biệt"-những "Chiến sĩ Việt Nam mới" như: Na-ka-ha-ra (có tên Việt Nam là Minh Ngọc), Ki-ku-o (Đông Hưng), Ka-mo (Phan Huệ)... Đó là những cựu chiến binh "Chiến sĩ Việt Nam mới" đã đi cùng Việt Minh chiến đấu trong cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống Pháp xâm lược.

Nửa thế kỷ đã trối qua, nhiều người đã hy sinh hoặc qua đời do tuổi già, bệnh tật, nên lần này không trở lại thăm Việt Nam được nữa. Trong số các vị khách, có một người còn trẻ, tên là I-ga-ri Ma-sao, có tên Việt Nam là Phan Thế Vọng. Phan Thế Vọng rất xúc động khì lên nhận phần thưởng cao quý là tấm Huân chương Chiến thắng và Huân chương Chim.ri công thay người cha. Mọi người rát xúc động. bởi thêm một đồng đội của mình đã qua đời. Càng xúc động khi được nghe l-ga-ri Ma-sao tự hào kể về dòng máu của gia đình: Cha của anh - ông I-ga-ri  Ka-zu-ma-sa - một "Chiến sĩ Việt Nam mới", quê ở thành phố Sen-dai xinh đẹp của vùng đông bắc Nhật Bản, không những đã gắn bó với Việt Nam bởi mẹ của anh là một người phụ nữ Việt Nam, bà Phan Thị Nguyên; mà cuộc đời và cả tuổi trẻ của ông gắn chặt với Việt Minh, với các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến đấu chống Pháp và sau này trong chống Mỹ. I-ga-ri Ma-sao nói: "... Từ khi rời Việt Nam về tổ quốc Nhật Bản năm 1959- 1960, cha tôi luôn nhớ và kể nhiều về Tổ quốc thứ hai của gia đình là Việt Nam; luôn khuyên dạy các con gắng học tập, tìm cách hướng về giúp đỡ tổ quốc của mẹ. Còn mẹ tôi thì khuyên chúng tôi phải noi gương của cha để phấn đấu và đừng quên tổ quốc của mẹ là Việt Nam đánh Mỹ rất gian khổ, khi đã có hòa bình thống nhất nhưng còn rất nghèo và nhiều khó khăn...".

Ngược lại thời gian, các đồng đội Việt và Nhật cùng chiến đấu, công tác với ông Ka-zu-ma-sa, hôm nay còn sống, tự hào kể về ông: ông có tên gọi Việt Nam là Phan Lai. Thực ra, ông lấy họ Phan là từ họ của vợ người Việt - Phan Thị Nguyên; sinh con trai đặt tên Nhật có họ của bố là I ga-ri và tên Việt Nam mang họ của mẹ - Phan Thế Vọng, cũng còn hàm ý luôn nhắc nhở các con không bao giờ quên Tổ quốc Việt Nam mà ông đã gắn bó như máu thịt. Ka-zu-ma-sa vốn là một bác sĩ, bị điều động sang Việt Nam phục vụ cho cuộc xâm lược của phát xít Nhật trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, mang quân hàm trung úy. Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Nam thành công, quân đội Nhật bị Đồng minh vào giải giáp, về nước. Nhưng ngay từ tháng 9 năm 1945, quân Pháp núp sau lưng quân Anh đồng minh, đã quay lại gây hấn ở Nam Bộ  từ ngày 23 tháng 9. Cuộc kháng chiến của Việt Nam, giữa Việt Minh và Pháp đã nổ ở Nam Bộ rồi ngày càng lan rộng. Những đoàn quân Nam tiến từ miền Bắc vào sát cánh cùng đồng bào Nam Bộ quyết tâm chống xâm lược, cuộc chiến đấu ngày càng ác liệt. Vào thời điểm ấy, Ka-zu-ma-sa cùng một số sĩ quan, binh sĩ người Nhật đã tìm cách bắt hên lạc với Việt Minh, đứng về nhân dân Việt Nam cùng chiến đấu chống Pháp. Khoảng tháng 10 năm 1945, Ka-zu-ma-sa từ Phan Thiết ra Khánh Hòa. Tại đây, Bộ chỉ huy mặt trận Nha Trang -Khánh Hòa được thành lập, tăng cường cán bộ gấp rút chuẩn bị để chặn quân Pháp từ trong đánh ra và tử phía Tây Nguyên đánh xuống. Tại trường tiểu học ở huyện Diên Khánh nằm về phía tây Nha Trang, một lớp huấn luyện "Cảm tử quân" cấp tốc được mở. Ka-zu-ma-sa cùng một số binh sĩ người Nhật đi theo Việt Minh được điều về đây làm giáo viên. Mỗi lớp học chỉ hơn chục người, học viên chủ yếu là thanh niên xung phong, tổ chức huấn luyện cấp tốc cho chiến đấu. Nội dung huấn luyện do giáo viên người Nhật dạy, chủ yếu là cách sử dụng các loại vũ khí nhẹ với các chiến thuật và lối đánh kiểu luồn sâu, áp sát, mật tập, bất ngờ... của đặc công sau này. Khi kiếm tra diễn tập kết thúc khóa học, Phó chỉ huy mặt trận Nguyễn Thế Lâm đã dẫn một số cán bộ các chi đội Nam tiến của Việt Minh đến rút kinh nghiệm để về mở rộng huấn luyện và vận dụng. Lối đánh nhỏ lẻ, bất ngờ, táo bạo mà Ka-zu-ma-sa và các giáo viên người Nhật huấn luyện đã góp phần đem lại hiệu quả cao cho bộ đội trong cuộc chiến đấu suốt 101 ngày đêm bảo vệ Nha Trang. Để đáp ứng cuộc kháng chiến ngày càng ác hệt và lan rộng, đầu năm 1946 Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi được thành lập, có khoảng 500 học viên, chia làm 4  đại đội Nhóm cán bộ, giáo viên có hơn chục người, do anh Phan Hàm phụ trách. Ka-zu-ma'sa cùng với Ki-ku-o, Na-ka-ha-ra, Ka- mo,... được tướng Nguyễn Sơn điều về đây làm giáo viên. Huấn luyện được chừng 6 tháng, cuối năm ấy các lớp bế giảng vì tình hình nghiêm trọng, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Đầu năm 1947, Ka-zu-ma-sa lại được điều ra Sơn Tây về làm giáo viên của Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn mấy khóa liền cho đến năm 1949. Sau đó ông cùng với Na-ka-ha-ra được điều về làm việc ở Bộ Tổng tham mưu. Na-ka-ha-ra công tác liên tục ở Cục quân huấn, còn Ka-zu-ma-sa vốn là một bác sĩ được chuyển sang làm công tác cứu chữa thương bệnh binh, vừa là giáo viên của Trường Trung cấp Quân y mới mở ở chiến khu Việt Bắc năm 1947 (nay là Học viện Quân y) ông phục vụ cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống Pháp cho đến ngày thắng lợi, sau đó tiếp tục phục vụ trong quân đội ta cho đến năm 1959 mới cùng vợ hồi hương về Nhật Bản. Gần 15 năm gắn bó với Quân đội nhân dân Việt Nam, là một bác sĩ, nhưng với cương vị là một thầy giáo huấn luyện quân sự hay chuyên môn, một bác sĩ cứu chữa thương bệnh binh, một "chuyên gia"... Ka-zu-ma-sa đều tận tâm làm việc, vượt mọi khó khăn thiếu thốn, góp sức mình phục vụ cuộc kháng chiến của Việt Nam cho đến ngày thắng lợi. Từ năm 1960, khi Ka-zu-ma-sa về nước được Đảng Cộng sản Nhật giao nhiệm vụ ỉập Hội Hữu nghị Nhật - Việt và làm hội trưởng, thì Ka-zu-ma-sa cùng các bạn là “chiến sĩ Việt Nam mới" trở về là những thành viên tích cực trong các hoạt động ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cho đến ngày toàn thắng và trong công cuộc xây dựng lại đất nước. Điều đáng quý là  I-ga-ri Ma-sao - Phan Thế Vọng, người con mang hài dòng máu Việt - Nhật của ông đã noi gương cha, hướng về Tổ quốc của người mẹ, có nhiều hoạt động như tổ chức nhiều cuộc triển lãm ở Việt Nam và xuất bản sách ảnh "Du lịch Việt Nam". giới thiệu “Đất nước con người Việt Nam” với nhân dân Nhật nhằm góp phần tăng cường quan hệ hlìu nghị giũa hai dân tộc, tích cực giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh.

Ka-zu-ma-sa - Phan Lai "Chiến sĩ Việt Nam mới", xứng đáng với phần thưởng cao quý là tấm Huân chương Chiến thắng và Huân chi.rằng Chiến công của Việt Nam. Tiếc rằng ông đã qua đời khi chưa kịp nhận, nhưng tên ông sáng mãi như tấm huân chương, một đồng đội - người bạn của nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 21 Tháng Mười Hai, 2007, 04:03:16 pm

NHỚ SCHULZE – NGUYỄN ĐỨC VIệT

Đỗ Đắc

Có một người Đức mang tên Việt Nam: Nguyễn Đức Việt người đã có công lao lớn trong việc chế tạo lựu đạn AT bằng công nghệ dập, người đã lái chiếc máy bay thể thao độc nhất Tiger Mooth của Không quân Việt Nam lúc bấy giờ... Sau này, khi nhớ lại, mỗi người ở Nha Nghiên cứu kỹ thuật về Ban Nghiên cứu không quân đều rất khâm phục tài năng và tinh thần làm việc của anh:

Sun-de (Schulze)-nguyễn Đức Việt là một hàng binh người Đức trong đội quân lê dương của Pháp xâm lược nước ta. Do chán ghét chiến tranh xâm lược và coi khinh quân đội Pháp "không có tinh thần chiến đấu”, anh trốn sang hàng ngũ quân đội Việt Nam từ mặt trận Nam Trung Bộ năm 1946. Anh nói chuyện bằng tiếng Pháp "bồi", biết lái máy bay thể thao và có tay nghề cơ khí khá. Sau quá trình tìm hiểu và thể theo nguyện vọng, anh được đưa ra Bắc và bố trí công tác ở xưởng quân giới B2. ở đây anh đã quen anh Hoàng Kim Khái - người đã hợp tác cùng anh em Việt Nam chế tạo thử súng bắn xe tăng kiểu Panzerfanct.

Sau một thời gian ở xưởng quân giới B2, xét khả năng của anh Việt có thể phát huy tốt tại Nha Nghiên cứu kỹ thuật vừa mới thành lập, cũng như rất tin tưởng thái độ phục vụ của anh Việt cho cách mạng, "tổ chức" cưới cho anh một cô vợ trẻ, đẹp, người Tày ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) là chị Hoàng Thị Thành. Anh Việt rất cảm kích về sự quan tâm chăm sóc của Quân khu trưởng Hoàng Sâm và thường khoe: Tướng quân của tôi đã cưới vợ cho tôi.

Chúng ta đều biết, Nguyễn Đức Việt trong việc chế tạo lựu đạn AT bằng công nghệ dập, tức là các bộ phận của đạn AT hầu hết được gia công dập từ một "lan". Nha Nghiên cứu kỹ thuật cũng như Cục Quân giới đánh giá cao công lao của anh Việt trong thành tựu này. Bởi lẽ vấn đề này lúc đó cũng không phải dễ dàng đối với thợ lành nghề của ta.

Cuối năm 1948, Bộ chuẩn bị thành lập các ban nghiên cứu Không quân, Hải quân... Trong năm 1949, anh Việt được chuyển sang Ban Nghiên cứu kỹ thuật, được phép lái thử chiếc máy bay thể thao độc anh ất còn dùng được của Không quân Việt Nam lúc bấy giờ, đó là chiếc Tiger Mooth. Điều chú ý là đã 4 năm chiếc Tiger Mooth không được dùng đến, do vậy các đồng hồ báo tốc độ, độ cao, độ thăng bằng, . . . không còn mức chính xác đủ tin cậy . Vậy mà Nguyễn Đức Việt vẫn tình nguyện bay thử đầu tiên. Anh đã cho máy bay cất cánh bay lượn trên vùng trời Chiêm Hóa, sông Lô, sông Gậm, rồi làm động tác bổ nhào. Không thành công, anh cho máy bay đâm thẳng xuống sông. Cuộc bay thử không thành công nhưng anh đã thể hiện tinh thần phục vụ vô điều kiện của người chiến sĩ đồng thời tỏ rõ tinh thần dũng cảm của một phi công lái máy bay thử  nghiệm. Quá trình công tác ở Việt Nam, anh được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu khen ngợi và khuyến khích.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, hòa bình lập lại, anh trở về Cộng hòa dân chủ Đức, được trọng dụng, phụ trách một sân bay. Đến giữa năm 1969, anh dự định quay lại Việt Nam cùng với phái đoàn của Cộng hòa dân chủ Đức, đồng thời thăm vợ con ở Việt Nam. Nhưng rất tiếc, anh đã hy sinh trong một tai nạn máy bay. Sun-de - Nguyễn Đức Việt - người Đức mang tên Việt, hay con người có hai Tổ quốc, nước Đức và nước Việt. Cái tên đó được ghi trong lịch sử quân giới Việt Nam cùng chung lý tưởng chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Chúng ta nhớ mãi Schulze - Nguyễn Đức Việt.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 21 Tháng Mười Hai, 2007, 04:05:31 pm
NGƯỜI CON "XỨ SỞ MẶT TRỜI MỌC" LÀM "LÍNH CỤ HỒ"

NHÂN CƠ

Đã hơn một vạn năm ngàn ngày rồi đó, biết bao biến đổi lớn lao. "Người Việt Nam mới - Anh lính Cụ Hồ" ấy cũng đã về với mẹ già, em gái mình nơi xứ sở hoa anh đào nơi "Đất nước mặt trời mọc". Mà sao cái đêm Nghĩa Hưng rét lạnh thấu da, giữa vòng vây của 4 GM quân viễn chinh Pháp, vẫn như trước mặt tôi sống động và nguyên tươi kỷ niệm. Chúng tôi biết, cũng như cả tiểu đoàn sơn pháo và trợ chiến hỗn hợp của Đại đoàn 304, Đại đội 99 chúng tôi nằm trong mục tiêu "cất vó" của địch. Vấn đề đặt ra là làm sao vượt được vòng vây đích, để bộ đội sẽ đánh tới từ ngoài vào, du kích bám trụ đánh từ trong ra. Chủ trương chung là phân tán đơn vị thành từng tiểu đội, từng tổ, mang theo vũ khí cá nhân, hòa trong các mũi đồng bào sơ tán luồn ra ngoài. Các đồng chí huyện ủy cảm thấy lo lắng, cho bắt hên lạc, đề nghị cán bộ đại đội và cấp ủy nên rút vào hầm bí mật. Anh Nguyễn Văn Cần đại đội trưởng nói với chúng tôi, ý lưu loát nhưng âm điệu đôi chỗ vẫn lớ ngớ: "Cán bộ không bao giờ được rời chiến sĩ.  Phải phân tán theo bộ đội, trực tiếp tổ chức, chí huy bộ đội chiến đấu'. Anh im lặng một lát giọng xúc động "ồ, còn tôi, dù có cải trang thì Tây bắt được, họ cũng chẳng tha, hãy để tôi mặc nguyên bộ quân phục này, đi với đồng bào mà chiến đấu là yên tâm nhất".

Dưới ánh đèn dù của quân địch, tôi nhìn anh, cười theo anh, khi anh xoa xoa bộ râu quai nón, lâu ngày chưa cạo, cười nói mà rưng rưng nước mắt - Anh nói có lý: Với vóc dáng cao to, không khác người Âu mấy, với giọng nói lơ lớ ấy nhưng đó chỉ là lý do. Còn từ đáy lòng anh, chúng tôi thấu hiểu lắm, là trung úy lái máy bay trong quân đội Nhật, sau khi quân Nhật đầu hàng Đồng minh, anh được cách mạng Việt Nam giác ngộ, chạy sang hàng ngũ ta. . . Những ngày làm "lính Cụ Hồ”, anh có dịp soi rõ, đối sánh với điều hay, lẽ phải, đói chiếu những gì anh đã làm với cuộc sống làm sĩ quan trong quân đội Thiên hoàng, với cuộc sống chiến đấu của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Vì vậy mà anh thích thú luyện tập “cầm càng" cho đại đội cất cao những bài hát 'thì nhân dân quên mình", "Chiến sĩ quân đội nhân dân", "Đoàn vệ quốc chúng ta ở nhân dân mà ra, được dân mến, được dân tin muôn phần. . . ". Chúng tôi như cảm nhận đúng nhịp đập con tim anh, như đón bắt được sự truyền cảm từ đôi mắt của anh, mỗi khi anh hát đến đoạn đó. Anh nghĩ đến mẹ già và em gái, sau ngày đất nước anh bị quân đội Mỹ chiếm đóng và thường tâm sự với chúng tôi: "Qua học tập mình càng thấy rõ ràng mỗi người chiến sĩ cách mạng, phải có tinh thần yêu nước và phải có tinh thần quốc tế cao". Trong lúc một số quân nhân âu - Phi giác ngộ về với ta, xin được dùng họ Hồ làm họ, thì anh đăng ký tên mình là Cần - Nguyễn Văn  Cần, "cần - kiệm - liêm - chính" - Bác Hồ thường căn dặn mọi người vậy. Với cái tên ấy, anh đã đi suốt nhiều chiến dịch cùng Đại đội 99 và hai giờ sáng hôm đó, sau lễ kỷ niệm 22 tháng 12 năm 1952, giữa gió rét căm căm, anh buộc chỉ cổ tay cho chúng tôi, chúng tôi buộc chỉ vào cổ tay anh. Rồi anh dõng dạc cất cao lời thề cùng chúng tôi: Không bỏ rơi đồng đội? Không phản bội, xưng khai. Không đầu hàng, đầu thú !

Anh Cần quàng chiếc khăn len lên đầu, chiếc khăn du kích địa phương vừa tặng anh, giọng run run: "Ta nhất định thắng. Vì ai nấy một lòng "theo Bác Hồ, theo Đảng". RồI anh cùng đơn vị tổ chức vượt khỏi vòng vây quân thù. Để đến 5 giờ sáng hôm sau, tiếng súng chống càn từ trong ra ngoài, từ ngoài vào, nở rộ. Và mấy ngày sau, trên bến Ninh Cơ, chúng tôi sung sướng gặp lại nhau, vừa giết được giặc vừa bảo toàn được lực lượng cho những trận mới. Anh Cần ơi? Giờ đây trên xứ sở hoa anh đào, mặt trời mọc, anh có biết không, mỗi lần họp mặt truyền thống Tiểu đoàn 533, Đại đội 99, những cán bộ và đồng đội cũ của anh: Nguyễn Đức Cầu, Thái Xuân Nhân, Nguyễn Văn Pháp, Phan Huyền Cơ. . . vẫn nhắc mãi tên anh trong tình thương nỗi nhớ. "Anh em ơi! Vì nhân dân quên mình... Đoàn vệ quốc quân quên mình vì nhân dân..." .


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 21 Tháng Mười Hai, 2007, 04:09:51 pm
GẶP NHỮNG CHIẾN SĨ "VIỆT NAM MỚI"

Đại tá HUỲNH THÚC TUỆ

* Nguyễn Văn Tường ghi.


Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi còn ở tỉnh Quảng Bình, tôi đã gặp một người Âu nhưng lại đội mũ ca lô 2 sừng của Giải phóng quân (thời đó) đang nói chuyện giữa một đám đông trước cửa khách sạn Băng-ga-lô. Tò mò, tôi dừng lại và nghe ông ta đang dùng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt nói về Mặt trận Việt Minh. ông ta nói: Mặt trận Việt Minh có sứ mạng lịch sử là đoàn kết dân tộc Việt Nam đứng dậy đánh đổ đế quốc, phong kiến để giành độc lập và xây dựng một chế độ dân chủ cho toàn dân. . . Thấy là lạ tôi hỏi người bên cạnh và được trả lời: "Đó là một đồng chí Việt Nam mới...”.

Đầu năm 1946, trên đường Nam tiến, khi dừng ở Huế, do vốn là học trò cũ của Trường Thuận Hoá, được tin thầy Tôn Quang Phiệt đang giữ chức Chủ tịch ủy ban Hành chính thành phố Huế, chúng tôi tới thăm và tại nơi làm việc của thầy, chúng tôi gặp ba người ngoại quốc. Thầy Tôn Quang Phiệt giới thiệu cho chúng tôi hay ba người đó là sĩ quan Nhật đang giúp đỡ ta. Một người tên là Đê-bu-xi, thiếu úy, làm phiên dịch cho ông Y-cô-ya-ma Đại sứ và là cố vấn của Bảo Đại (khi còn chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim); một người là Na-ka-ha-ra và người thứ ba là tên là I-ga-ri. Chúng tôi bắt tay nhau, một trong ba ông nói: "Sắp tới chúng tôi cũng sẽ vào Nam chiến đấu để tiêu diệt bọn Tây mũi lõ" - vừa nói ông vừa vuốt mũi...

Tháng 5 năm 1946, tôi được về học lớp đào tạo cán bộ quân sự tại Quảng Ngãi. Khi về trường được gặp lại hai ông người Nhật khi ở Huế và một số đông khác được tướng Nguyễn Sơn chọn về làm giáo viên quân sự cho nhà trường. Mỗi ông được cử phụ trách giảng dạy quân sự cho một đại đội học viên. Họ được nhà trường, bộ đội và nhân dân gọi là chiến sĩ "Việt Nam mới"...

Qua 6 tháng học tập, tôi được biết thêm về mỗi giáo viên với những nét riêng: ông Sa-tô lấy tên Việt là Minh Tâm, là một thiếu tá Nhật. ông không nhũng có trình độ lý luận quân sự giỏi mà còn là một tay kiếm rất điệu nghệ. ông Ta-mi-mô-tô có tên Việt là Đông Hưng, là sĩ quan có động tác đội ngũ rất chuẩn xác và hùng dũng. ông I-ga-ri có tên Việt là Phan Lai, ngoài trình độ kỹ thuật, chiến : thuật quân sự, còn là một bác sĩ nha khoa có tài... Nhưng có lẽ, người được học viên, cán bộ nhà trường và đặc biệt là tướng Nguyễn Sơn tin cậy nhất là ông Na-ka-ha-ra với tên Việt Nam là Minh Ngọc.

Sau khi lớp học bế mạc, ông Minh Ngọc cùng một số giáo viên người Nhật khác được điều ra Bắc. Riêng ông Minh Ngọc đã được Bộ Tổng chỉ huy cử làm phái viên đốc chiến, và sau đó làm "tham nghị quân sự" trong Bộ Tổng tham mưu của quân đội ta. Sau này, khi về Nhật, ông lại  là người lãnh đạo Hội Hữu nghị Nhật - Việt nhằm củng cố, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc.

Tháng 10 năm 1946, tôi được phái về Trung đoàn Tây Sơn đóng quân ở tỉnh Bình Định. Vào thời gian đó, quân Pháp tiến ra Nha Trang và chiếm một vùng ở Tây Nguyên. Ta dự đoán: Thế nào chúng cũng tấn công chiếm Quy Nhơn - Bình Định. Tôi được cử tham gia xây dựng phòng tuyến Đèo Nhông. Tôi gặp hai chiến sĩ "Việt Nam mới" người Âu, một ông tên là Hồ Chí Dân, một ông tên là Hồ Chí Long. Qua một thời gian làm việc, tôi học được ở hai ông lòng tận tụy, tính sáng tạo và tinh thần khắc phục khó khăn, và những tri thức quân sự nhất định qua sự cấu trúc bố trí binh hỏa lực tác chiến theo những phương án khác nhau. Bộ đội và nhân dân thường trìu mến gọi các ông là các đồng chí "Việt Nam mới"...

Cuối năm 1946, tôi được cử chỉ huy một trung đội phòng thủ ở Bến Thủy, thành phố Vinh, gồm một số đường phố và xã Núi Quyết. Trung đoàn điều cho tôi 2 khẩu trọng liên phòng không 12 ly 7 cùng với 3 người "Việt Nam mới" . Người tổ trưởng tên Việt Nam là Châu, vóc dáng thấp đậm, hiền lành chẳng khác gì một anh lực điền Việt Nam. Anh biết nhiều tiếng Việt, qua trò chuyện tôi được biết anh là nông dân chính cống. Tôi giao cho anh huấn luyện cho chiến sĩ ta sử dụng thành thạo trọng liên, không những bắn được máy bay mà còn đánh được bộ binh đích và anh không phụ lòng tin cậy của tôi.

Từ năm 1950, khi đơn vị của tôi được đứng trong đội hình Đại đoàn 304, hàng năm có các cuộc chỉnh quân, chỉnh huấn và cán bộ đại đội, tiểu đoàn chúng tôi thường học với nhau. Tôi quen hai anh chiến sĩ "Việt nam mới", một người tên Việt là Thi, tiểu đoàn phó ở Trung đoàn 66; một anh tên là Hùng, cán bộ đồ bản của tham mưu đại đoàn. Cả hai anh lúc đó đã là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. Tôi nhớ nhất anh Thi là người lúc nào cũng lạc quan yêu đời và rất hay hát. Bài anh thích hát nhất có lời: Mùa đông gió lạnh lùng, gió lạnh lùng. Chim thôi bay nhìn mùa gió hãi hùng...". Do tiếng Việt chưa chuẩn nên anh hát sai lệch vài âm làm cho mọi người phải cười bò. Tuy vậy anh vẫn say sưa hát hết hai lần mới thôi. Anh nói với tôi rằng, bài hát này có âm điệu như một bài hát của Nhật tựa đề "Con tiễn cha lên đường" và mỗi khi hát bài trên anh lại nhớ đến quê hương Phù Tang của anh.

Chín năm cầm súng và chiến đấu trên khắp mọi miền của Tổ quốc, biết bao chiến sĩ "Việt Nam mới" đã cùng bộ đội và nhân dân ta đồng cam cộng khổ, nhiều người đã ngã xuống khi tuổi đời còn xanh, nhiều người mang trong mình những thương tật. Nhưng mọi chiến sĩ "Việt Nam mới" đều chung một mục đích, một tinh thần cao cả là quyết chiến đấu vì nền độc lập của Việt Nam. Họ tham gia nhiều đơn vị ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương, trong các nhà trường quân sự, các công binh xưởng, thậm chí ở cả các ngành tài chính - ngân hàng. . . và ở đâu họ cũng luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Từ sau năm 1954, những chiến sĩ "Việt Nam mới" này đã hồi hương, nhưng họ không bao giờ quên Tổ quốc thứ hai của mình và họ luôn tự hào và vinh dự đã một thời là "anh bộ đội Cụ Hồ" và người Việt Nam chúng ta thì mãi mãi không quên công ơn họ.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 21 Tháng Mười Hai, 2007, 04:13:54 pm
RÔ-BỚT PA-LAI-SƠN “GIÁN ĐIỆP CỦA VIỆT MINH”

Phan Đắc (Theo lời kể của các chị Phạm Thị Nhung, Trương Thị Thiện, nguyên đội viên chi tình báo Nha Trang)

… Cuối năm 1949 đầu năm 1950, thực dân Pháp mở phiên toà ở Nha Trang để xử vụ án mà bị cáo là một sĩ quan Pháp, trung uý Rô-bớt Pa-lai-sơn, về tội “làm gián điệp cho Việt Minh”. Ra trước toà, ông R.Pa-lai-sơn vẫn mặc quân phục sĩ quan Pháp chỉnh tề, ngực đeo nhiều huân chương…

R.Pa-lai-sơn vốn là một chiến sĩ du kích FFT của nước Pháp thuộc lực lượng kháng chiến chống phát xít Đức trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Pa-lai-sơn được Chính phủ Pháp tặng nhiều huân chương. Khi bị điều vào lực lượng viễn chinh, sang Việt Nam, Pa-lai-sơn chỉ huy chiến đấu ở mặt trận Nha Trang-Khánh hoà. Sang Việt Nam được một thời gian, Pa-lai-sơn chứng kiến cảnh giết chóc, tàn phá dã man của thực dân Pháp chống nhân dân Đông Dương là cuộc chiến tranh phi nghĩa, tội ác, nên ông đã tìm cách xin giải ngũ, rồi cưới vợ người Việt Nam là chị Thiện và sống ở Nha Trang, làm nghề kinh doanh. Chị Thiện vốn là bạn thân với chị Võ Thị Tri Túc, con gái nhà triệu phú nổi tiếng ở Nha Trang hồi ấy Võ Đình Dung. Chị Túc từng được học trường Y-ec-sanh Đà Lạt là trường dành riêng cho con em quan lại và công chức người Pháp, nhưng sớm giác ngộ và hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, từng giương cao cờ đỏ sao vàng đi đầu đoàn biểu tình ngày 30-6-1946 ở Nha Trang, đấu tranh đồi thực dân Pháp thi hành Tam ước Fontaineble (tạm ước 14-9), do Thị uỷ Nha Trang tổ chức. Rồi chị trở thành thành viên thứ tám của Chi tình báo Nha Trang hoạt động trong lòng địch ở thị xã từ sau cuộc chiến đấu 101 ngày đêm bảo vệ Nha Trang.

Hằng ngày, thấy máy bay Pháp mang bom đạn đi gây tội ác, chị Túc suy nghĩ và nêu lên kế hoạch cho chi đội dùng đường cát mịn bí mật bỏ vào thùng xăng của máy bay Pháp gây tắc xăng, làm hỏng động cơ, máy bay bốc cháy khi cất cánh. Được cấp trên chấp nhận, chị Túc thôgn qua chị Thiện tìm cách vận động, thuyết phục ông Pa-lai-sơn tham gia hành động. R.Pa-lai-sơn vốn chán ghét, phản đối cuộc chiến tranh tội ác của Pháp, cảm tình với cuộc chiến đấu anh hùng của quân và dân ta, nên khi được chị Túc và chị Thiện vợ ông vận động, ông đã tình nguyện tham gia.

R.Pa-lai-sơn tuy không con ở tỏng quân đội Pháp, nhưng ông được nhiều bạn bè vị nể, binh lính Pháp ở đây nhiều người quen biết ông, nên việc ông ra-vào khu sân bay của Pháp ở đây không mấy khó khăn. Để thực hiện kế hoạch bí mật, ông tìm cách thuyết phục một nhân viên kỹ thuật người Pháp làm việc ở sân bay, trực tiếp hành động. Sáng 17-8-1949, khi 2 máy bay khu trục Spifire của Pháp mang bom vừa cất cánh từ sân bay Nha Trang đi ném bom gây tội ác thì bất ngờ nổ tung trên bầu trời Nha Trang… Sau này, khi chị Túc là giáo viên của Trường đại học tổng hợp Hà Nội, hôm Bác Hồ cùng nhà du hành vũ trụ Liên Xô Titov đến thăm trường, Bác vẫn nhớ, giới thiệu chị với khách: “Đây là người con gái Việt Nam đã tham gia trận đánh phá tan 2 máy bay chiến đấu của Pháp ở sân bay Nha Trang khi cô ấy mới 20 tuổi”. Chiến công đó của Chi tình báo Nha Trang có phần đóng góp trực tiếp của R.Pa-lai-sơn. Sau vụ tấn công đó, bọn Pháp qua điều tra không phát hiện được chứng cứ cụ thể, cuối cùng chỉ kết luận là do sự cố… nhưng chúng vẫn nghi ngờ và tăng cường bảo vệ cùng mật thám rình mò.

Hai ngày sau khi làm nổ máy bay Pháp, Pa-lai-sơn lại tham gia kế hoạch của chi đội phá kho bom đạn của địch trong sân bay. Thực hiện kế hoạch này nguy hiểm và khó khăn hơn vì phải bí mật mang mìn cài vào trong kho. Cuối cùng, Pa-lai-sơn đã mang được mìn nổ chậm lọt vào mục tiêu. Nhưng khi chuẩn bị cài mìn thì ông bị địch phát hiện… Về sau mới biết, nhân viên người Pháp mà ông thuyết phục tham gia vụ làm nổ máy bay hôm trước, đã phản bội…

Bọn mật thám Pháp tìm mọi cách mua chuộc, thuyết phục Pa-lai-sơn hòng khai thác tìm người chủ mưu và tổ chức bí mật của tình bó Việt Minh, nhưng đều thất bại. Ngay đêm đó, chị Túc cũng bị bắt tại nhà. Nhưng trước đó, chị đã trao đổi với Pa-lai-sơn, đề phòng nếu bị bắt thì thống khai rằng: hôm chị ra bưu điện gửi quà cho người em ở bên Paris, bất ngờ gặp một người lạ nói là có mang thư người bác của chị từ Quảng Ngãi vào và báo tin bà nội bị ốm nặng, dặn mua thuốc gửu về. Nhưng ông ta bắt chị phải dẫn tới ngôi nhà có ông chủa là Mai-sơn Bliu, mới trao thư. Chị biết người đó chính là ông Pa-lai-sơn có cửa hàng bán đồ điện. Khi dẫn ông ra tới, ông ta yêu cầu ông Pa-lai-sơn phải làm theo yêu cầu của ông ta để phá kho bom trong sân bay và hứa nếu trót lọt sẽ thưởng 5 cây vàng, còn không nhận lời thì… Ông ta bắt tôi dịch sang tiếng Pháp cho ông Pa-lai-sơn như vậy. Cả tôi và ông Pa-lai-sơn đều hiểu ẩn ý câu cuối bỏ lửng của ông ta vì lúc đó bàn tay ông ta đặt vào khẩu súng ngắn giắt bên người, và nói tiếp với chị Túc: nếu để lộ thì không chỉ mình tôi mà cả gia đình bà tôi ở ngoài Quảng Ngãi cũng bị liên luỵ…

Nằm trong nhà giam, chị Túc và tổ chức rất lo Pa-lai-sơn để lộ, nhưng sau đó được biết ông ta đãthống nhất khai câu chuyện như vậy. Khi ra trước toà, Pa-lai-sơn còn nói, ông buộc phải làm theo yêu cầu của người lạ đội mũ phớt đêm ấy, vì có như vậy mới giữ yên ổn cho gia đình vợ chồng ông,lại còn có thể được thưởng số vàng rất lớn mà người lạ mặt nọ đã hứa. Biết là nguy hiểm nhưng ông không còn con đường khác để lựa chọn….

Chị Võ Thị Tri Túc ra toàn án thực dân. Nhờ dấu tranh mạnh mẽ của dư luận và bào chữa của các luật sư nổi tiếng trong đó có luật sư đoàn Nguyễn Hữu Thọ, nên chúng buộc phải hạ án tử hình xuống án treo và trục xuất chị khỏi quê hương. Gia đình chị đã tìm cách vận động cho chị sang Pháp học, tốt nghiệp tiến sĩ khoa học và sau này trở về phục vụ Tổ quốc. Còn ông R.Pa-lai-sơn, địch không khai thác được gì. Phiên toà của bọn thực dân để giữ “thể diện” đã kết thúc bằng bản án trục xuất R.Pa-lai-sơn sang một nước thuộc địa khác của Pháp… Từ đó, chị Túc và đồng đội không có tin tức về ông, nhưng vẫn nhớ mãi về ông-một người chiến sĩ quốc tế tình nguyện “danh dự” của Chi tình báo Nha Trang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.



Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 21 Tháng Mười Hai, 2007, 04:17:21 pm
HI-RÔ, CHIẾN SĨ NGƯỜI NHẬT ĐÁNH PHÁP NHẢY DÙ XUỐNG BẮC KẠN 1947

Đỗ Đắc

Thu-đông 1947, sáng 7-10, lính dù Pháp thuộc binh đoàn Xô-va-nhắc bất ngờ nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn và trung tâm huyện lỵ huyện Chợ Mới, mở màn cuộc hành quân lớn lên chiến khu Việt Bắc của ta. Trong các trận chiến đấu đầu tiên đánh trả quân địch tại Bắc Kạn, có một người Nhật tên là Hi-rô, cán bộ chỉ huy trung đội, đã chỉ huy đơn vị chiến đấu dũng cảm, lập công ngay từ những ngày đầu của chiến dịch...

Hi-rô năm đó mới gần 30 tuổi. Anh là người sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, năm 1937 vừa 18 tuổi thì bị động viên vào lính, ở một đơn vị công binh. Đến 1942, Hi-rô bị đưa sang Việt Nam. Năm 1945, khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, quân Nhật đầu hàng Đồng minh, thì ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Nhưng khi đó, phía bắc do quân Tưởng trong Đồng minh vào giải giáp quân Nhật, phía nam do quân Anh vào giải giáp, và những người lính Nhật phải bàn giao vũ khí, chờ ngày hồi hương. Hi-rô, một lính Nhật từng đóng ở Hà Nội, không chịu “đầu hàng” trước quân Tưởng-Anh, đã tìm bắt liên lạc và chạy sang hàng ngũ Việt Minh. Năm 1946, từ sau khi có Hiệp định sơ bộ 6-3, Hi-rô đã tham gia các trận chiến đấu chống quân Pháp, rồi được điều về tiểu đoàn 56, trung đoàn 36 bộ đội chủ lực của Bộ... Giữa năm 1946, đơn vị đã tổ chức cho Hi-rô cưới vợ người Việt Nam, là chị Vũ Thị Tâm lúc đó làm nuôi quân của tiểu đoàn. Từ đó, anh em trong đơn vị thường gọi Hi-rô là “Anh Tâm” theo tên người vợ của anh...

Ngày 7-10-1947, khi quân Pháp bất ngờ nhảy dù xuống chiếm thị xã Bắc Kạn, tại sân vận động, một đơn vị chiến sĩ mới của Bắc Kạn đang tập trung tại sân vận động thị xã, chuẩn bị cho công tác huấn luyện. Lúc này, Tổng bí thư Trường Chinh đang có mặt trong thị xã, cạnh trụ sở của Liên tỉnh bộ Việt Minh, đã lánh xuống căn hầm cạnh tòa nhà nguyên là của chánh án Đinh Ngọc Phụng, trong khi lính dù Pháp nhảy xuống đúng nóc hầm. Còn Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái hôm đó có mặt làm việc với Tỉnh đội, đến gặp mặt nói chuyện, huấn thị cho đơn vị chiến sĩ mới đang tập trung ở sân vận động... Tuy bị bất ngờ, nhưng các đơn vị của ta đã nhanh chóng tổ chức lại đội hình để đánh địch nhảy dù. Hi-rô lúc đó đang chỉ huy một trung đội các chiến sĩ mới có mặt trong thị xã. Sau này ông kể lại những ngày đầu chiến đấu năm 1947 ấy: “... Bọn lính Pháp sau những trận mưa bom và bắn phá dữ dội, đã nhảy xuống một cánh đồng khá bằng phẳng trước mặt đơn vị chúng tôi. Ngày đó Quân đội Việt Nam toàn lính trẻ, nếu không quyết tâm, xung phong nửa vời rồi rút lui thì sẽ bị quân thù tiêu diệt. Tôi nảy ra sáng kiến trong đầu: khi có 4-5 tên địch vừa đặt chân xuống đất, tôi liền hô to: “Hồ Chí Minh muôn năm! Xung phong!” Thế là cả trung đội tôi ào lên vượt nhanh khỏi cánh rừng và xông lên tiêu diệt những tên địch chưa kịp trở tay. Sau chừng 30 phút, cả đại đội quân dù Pháp nhảy xuống gần như bị quân ta tiêu diệt gọn... Ngày hôm đó, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Thiết Sơn và Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh đang đi họp ở khu chưa về. Tuy bước đầu có lúng túng bị động, song việc tổ chức chiến đấu đánh trả địch vẫn được các đồng chí ở Tỉnh bộ Việt Minh và dân quân triển khai tích cực. Khi quân Pháp nhảy dù đúng vào sân vận động thị xã, trong lúc tại đây Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đang nói chuyện với tiểu đoàn chiến sĩ mới và một số học viên Trường võ bị Trần Quốc Tuấn. Lực lượng ta bất ngờ gặp quân dù Pháp lúc đầu có phần hoang mang, song đã kịp thời và cố gắng tổ chức chiến đấu đánh trả nhiều nơi, bảo vệ cán bộ và các cơ quan. Các đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh và Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái,... đêm đó có du kích dẫn đường đã kịp thoát được ra ngoài. Mãi tới nửa đêm 9-10, đồng chí Trường Chinh mới về tới hậu cứ... Trường hợp đáng tiếc xảy ra trong cái ngày đáng nhớ ấy, là cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban thường trực Quốc hội, hôm đó có mặt tại trụ sở Liên tỉnh bộ Việt Minh, đã không chạy kịp nên bị địch bắt và sau đó bắn chết.

Lính dù Phích-ken sống sót, khi viết thư cho bạn kể lại: “... Những tốp nhảy dù xuống Bắc Kạn bị thiệt hại khá nhiều...”. Lính dù Sơ-mi-ken thì kể: “... Chúng tôi có nhiều đứa chết, bị thương và ốm... Từ khi nhảy dù xuống đất đến bây giờ luôn luôn bị Việt Minh bao vây. Chỉ có máy bay tiếp tế...”. Sau trận đánh thắng đó, anh em đồng đội càng gần gũi và tin yêu tôi hơn. Chính vì thế, sau chiến thắng, anh em bàn với nhau: “Anh Tâm hô “Hồ Chí Minh muôn năm!” rồi mới hô: “Xung phong!”, làm cho khí phách con cháu Lạc Hồng trong chúng ta trỗi dậy, không nghĩ đến cái chết kề bên... Bây giờ ta nên đặt cho anh họ Hồ là của Bác Hồ...”. Thế là từ đấy anh có họ tên Việt Nam đầy đủ là Hồ Tâm, trong khi vợ anh là Vũ Thị Tâm, và sau đó, đầu 1950 vợ chồng anh sinh con gái đầu lòng, anh đặt tên con mang họ Việt Nam của anh là Hồ-Hồ Thị Hà. Tên Hà mang ý nghĩa kỷ niệm những ngày ông đóng quân trong thành Hà Nội...

Cũng từ khi được đồng đội gọi là Hồ Tâm, Hi-rô rất phấn khởi. Trên con đường chiến đấu anh luôn tự hào được mang họ của Bác Hồ, mang tên vợ nên chiến đấu dũng cảm, không ngừng rèn luyện đạo đức của Bộ đội Cụ Hồ, lập nhiều thành tích xuất sắc...

Gia đình vợ chồng anh có thời gian sống ở Bắc Giang, vì thế con gái Hồ Thị Hà của anh chị có giấy khai sinh tại xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế... Vào cuối 1958 đầu 1959 vợ chồng anh Hồ Tâm cùng các con về Nhật Bản, nhưng tấm lòng và tình cảm vẫn luôn hướng về Việt Nam, tham gia đấu tranh đòi chính phủ Nhật bồi thường chiến tranh cho Việt Nam-như trong thư chị Hà viết từ Nhật gửi về đề ngày 29-10-1959, tham gia các phong trào do Đảng Cộng sản Nhật Bản lãnh đạo ủng hộ giúp đỡ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng lại đất nước sau ngày thống nhất...

Đến hôm nay, sau 56 năm chiến thắng lớn ở Việt Bắc, không biết vợ chồng người “Chiến sĩ Việt Nam mới” Hồ Tâm còn sống và ở đâu trên tổ quốc Nhật Bản của ông... nhưng những cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 56 trung đoàn 36 bộ đội chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn luôn nhớ về ông, một đồng đội có mặt trong Quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1946 trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp xâm lược...


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 21 Tháng Mười Hai, 2007, 04:18:53 pm
BÁC SĨ QUÂN Y NGƯỜI NHẬT LIỆT SĨ LÊ TRUNG

Đắc Phan

..Vào một ngày tháng 5-1945, cơ sở Việt Minh xã Trường Sa (sau là Bảo Ninh-Quảng Bình) do anh Phạm Khuông Tương làm Chủ tịch, báo cho anh Phạm Dũng Hanh là Thị đội phó Vệ quốc đoàn của Đồng Hới (là hai anh em) tin: Việt Minh xã đang giữ 7 người lính Nhật trên một chiếc ca nô mới dạt vào địa bàn. Tổ chức và chỉ huy tự vệ chiến đấu chuẩn bị khởi nghĩa ở Đồng Hới lập tức cử người về tìm hiểu, được biết những sĩ quan người Nhật này vì không muốn đầu hàng đồng minh là quân Anh, Tưởng,... nên bỏ trốn đơn vị, muốn tìm nơi cư trú trong các vùng nông thôn của Việt Nam, chờ thời cơ sẽ về nước. Nhóm sĩ quan Nhật này liền được tổ chức Việt Minh “che giấu” giúp đỡ, bí mật đưa về bố trí ở trong nhà bà Phạm Thị Hương một thời gian (năm 2003, bà Hương đã 94 tuổi, sống ở 54D Tuệ Tĩnh, TP Huế). Vì anh Phạm Khuông Tương chủ tịch Việt Minh xã và anh Phạm Dũng Hanh (được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ chống Pháp), Thị đội phó Vệ quốc đoàn của Đồng Hới chính là hai người em của bà Hương, nên việc che giấu, nuôi dưỡng những người Nhật ấy được tổ chức bảo vệ chu đáo, an toàn. Sau một thời gian, khi bọn lính Tưởng ở Đồng Hới đánh hơi sang dò tìm, thì các anh Hanh và Tương lại bố trí đưa họ lên tận Rầm Thượng. Bà Hương vẫn tiếp tục lo đi chợ, cơm nước cho 7 sĩ quan người Nhật này. Trong số những người Nhật ấy có hai người nói được bập bẹ tiếng Việt, được các cụ ở địa phương đặt cho tên Việt Nam là Ngọ và Mùi...

Thời gian đó, lực lượng Việt Minh cùng tự vệ chiến đấu đang ráo riết hoạt động, chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền. Anh Phạm Khuông Tương đã sử dụng một người Nhật vốn là sĩ quan quân y, giúp chữa bệnh cho anh em và bà con trong xã; còn một sĩ quan khác thì giúp việc huấn luyện võ thuật cho tự vệ chiến đấu, vì hồi đó anh em ta chưa có súng mà chỉ có giáo, mác, đại đao,... Khi có kẻ phát giác, đề phòng bọn Tưởng ở Đồng Hới sang bắt những người Nhật này, tổ chức Việt Minh Đồng Hới đã bí mật đưa họ lên tận vùng Rào Trù đầu nguồn sông Nhật Lệ, cách thị xã chừng 50km. Bà Hương vẫn là người được giao việc tiếp tục nuôi dưỡng 7 sĩ quan Nhật phản chiến này. Ngày 23-8-1945 khi nổ ra khởi nghĩa giành chính quyền ở Đồng Hới, các sĩ quan người Nhật đều có mặt tham gia rất tích cực trong hàng ngũ Việt Minh của địa phương. Sau ngày cách mạng giành chính quyền không lâu thì có phong trào Nam tiến sôi nổi và 5 trong 7 sĩ quan đã tình nguyện gia nhập Vệ quốc đoàn và theo các đơn vị Việt Minh “Nam tiến” đánh Pháp. Người sĩ quan có tên là Ngọ vào Quảng Ngãi làm giáo viên quân sự, huấn luyện cho tự vệ, bộ đội Việt Minh. Còn người có tên là Mùi thì ở lại với Việt Minh Quảng Bình làm bác sĩ. Ông Mùi là y sĩ cao cấp của quân đội Nhật, khi được Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh tiếp nhận, và chính ông Hoàng Văn Diệm lúc đó là Chủ tịch tỉnh đặt cho tên Việt Nam là Lê Trung, bổ nhiệm về công tác tại bệnh viện Quảng Trạch thuộc chiến khu Trung Thuần; và được công nhận là “Bác sĩ quân y trưởng của tỉnh”, bà con và anh em thường gọi là “Ông Trung”-”Bác sĩ Trung”... Năm 1947, bác sĩ Lê Trung được điều đi phục vụ đơn vị quân tình nguyện Việt Nam sang sát cánh cùng bạn Lào chiến đấu ở mặt trận Ba-na-phào khi Việt-Lào mở mặt trận này.

Lê Trung hiền lành, trong điều kiện chiến đấu đầy hy sinh gian khổ như vậy nhưng không bao giờ kêu ca, được anh em quý mến. Ông là người giỏi chuyên môn, lại rất tận tình đem hết khả năng cứu chữa thương-bệnh binh. Ông là người to cao, có lần đi bộ suốt 4 ngày cõng một thương binh từ Pu-tu-na về bệnh viện ở Ba-na-phào để cứu chữa, anh em rất cảm động... Chính tại mặt trận này, Lê Trung gặp cô y tá Hoàng Thị Kim Huê, người con gái phố biển Nha Trang, vốn là nữ giao thông của Tỉnh ủy Khánh Hòa. Vì chiến tranh đã cắt đứt đường về, cô đã tìm đến sung vào đoàn quân tình nguyện này. Đầu 1948 đơn vị tổ chức lễ cưới cho hai người, do chính ông Chủ tịch Ủy ban, hành chính kháng chiến Quảng Bình Hoàng Văn Diệm làm chủ hôn. Không may, cuối năm ấy bác sĩ Lê Trung bị bệnh nhiễm trùng, giữa mặt trận không đủ phương tiện cứu chữa kịp thời nên ông đã qua đời, lúc chưa đầy 30 xuân. Ông không được nhìn thấy mặt con gái ra đời 6 tháng sau đó. Vợ ông đặt tên con Lê Thị Hoàng Tuyên, là mang họ Việt Nam của người bố, người mẹ, còn tên là kỷ niệm nơi sinh ở bệnh viện Đồng Lào, Tuyên Hóa.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, bà Huê đã qua đời năm 1999. Con gái của bác sĩ Lê Trung trưởng thành là cán bộ thuộc Viện quy hoạch-Bộ Xây dựng, cũng đã qua đời do bệnh. Sau 49 năm, ngày 22-8-1997, bác sĩ người Nhật Lê Trung đã chính thức được công nhận là liệt sĩ với tấm bằng “Tổ quốc ghi công” theo quyết định 669/TTg. Hài cốt ông được đưa về mai táng ở Quảng Bình bên cạnh các đồng đội Việt Nam. Người sĩ quan Nhật trở thành “Chiến sĩ Việt Nam mới”, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở Lào, nay yên nghỉ tại mộ số 1, lô số 4, nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc, Đồng Hới, Quảng Bình. Không ai biết tên Nhật của ông là gì, nhưng trên tấm bia mộ có khắc rõ dòng chữ: “Liệt sĩ Lê Trung, bác sĩ quân y, quốc tịch Nhật Bản; hy sinh 1-10-1948” !.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: banzua trong 24 Tháng Sáu, 2009, 05:43:04 pm
Ngày ấy, vượt qua rừng già...

Sau một thời gian dài bặt tin, đột nhiên tôi nhận được bức thư của một người bạn Pháp gửi kèm cuốn hồi ký của anh.

Thư có đoạn viết: "Bốn mươi ba năm đã trôi qua từ khi tôi rời khỏi Việt Nam. Nhưng Việt Nam vẫn ở trong trái tim tôi. Như một Tổ quốc thứ hai, nơi tôi đã từng sống tuổi thanh niên, nơi tôi đã học được bao điều... Anh hãy thay tôi ôm hôn chị nhà và con gái anh mà tôi đã ôm trong tay đi xuyên rừng già".
Hồi đó là năm 1953, khi kháng chiến chống Pháp bước sang giai đoạn quyết liệt để dẫn đến Điện Biên Phủ. Hai vợ chồng tôi cùng trong quân đội, ở chiến khu Việt Bắc. Vợ tôi làm y tá, vừa sinh cháu gái đầu lòng, đặt tên là Đích Vân để kỷ niệm tên cơ quan mình công tác: Cục Địch vận trực thuộc Tổng cục chính trị, tôi làm trưởng ban giáo dục tù hàng binh Âu Phi. Cháu sinh được mấy tháng thì vợ tôi chuyển công tác từ Thái Nguyên sang Tuyên Quang. Đường núi, đi bộ lại qua rừng già (có gấu, sói...) mất mấy ngày. Cục bố trí cho anh Albert Clavier  26 tuổi, cán bộ người Pháp phụ trách một trại hàng binh Âu Phi đi cùng để trên đường giúp đỡ hai vợ chồng tôi và đứa con nhỏ.  Trèo đèo lội suối, vô cùng vất vả, nhất là ngoài việc đeo ba lô, còn phải thay nhau ẵm bé Đích Vân.

Bức thư của Albert (tên Việt là Ngô An, năm nay đã ở tuổi 80), nhắc lại cuộc vượt rừng già ngày ấy khiến tôi rất cảm động. Cảm động hơn nữa là khi đọc cuốn hồi ký của anh gửi tặng, trông thấy trên bìa sách 2 bức ảnh tương phản: Albert thời trẻ mặc quân phục tiểu đoàn trưởng Việt Nam và Albert ngày nay, một cụ già râu quai nón bạc phơ. Lần giở những trang đời của anh cho đến khi anh rời khỏi Việt Nam, lại thấp thoáng thấy hình bóng của chính bản thân mình những năm tháng ấy, vừa hùng vừa bi. Tên sách là Từ Đông Dương thuộc địa đến nước Việt Nam tự do với phụ đề “Tôi chẳng có gì phải ân hận” - đó là lời  trong một bài hát của nữ ca sĩ Pháp trứ danh Edith Piaf. Kết thúc cuốn sách, anh khẳng định: "Nếu sống lại cuộc đời, tôi sẽ sống nguyên như vậy", "Tôi chẳng có gì phải ân hận về một cuộc đời dù nó có những mâu thuẫu đau đớn", "Ở Việt Nam, lính địch trở thành bạn và đồng chí trong cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân. Hòa bình lập lại, tôi lại trở thành kẻ thù chính trị trong khung cảnh xung đột ý thức hệ Xô-Trung. Tôi rời khỏi Việt Nam mà buồn khôn xiết. Ở Hunggari, tôi được đón tiếp là người tị nạn chính trị. Cuối cùng khi thay đổi chế độ, tôi lại bị tống khứ sang nước khác”.

"Đối với nước Pháp, tôi bị kết án tử hình chỉ vì hiểu trước mọi người về chính nghĩa của cuộc đấu tranh vì độc lập của dân tộc Việt Nam. Sau khi được ân xá, được làm đại diện cho những xí nghiệp công nghiệp xuất khẩu lớn nhất Pháp,  lại được trở lại làm thương mại với Việt Nam”.

Cách Albert kể chuyện rất hấp dẫn, văn phong giản dị, khiến người ta cảm thấy anh rất thật thà. Anh bảo: mình là người ít được học hành, chỉ có bằng sơ học yếu lược, tự học và do thực tế đào tạo, qua sự dìu dắt giác ngộ của Đảng Cộng sản Pháp.

Mảnh đời thứ nhất: Sinh ở miền núi Vercors, gia đình cố nông. Bố chết từ năm lên 5 tuổi, năm 10 tuổi đã phải đi chăn bò thuê, tuổi thiếu niên vào lúc Đức chiếm đóng Pháp. Người anh, đảng viên cộng sản, tham gia bí mật chống Đức bị tù ở trại giam Buchenwald, do đó, Albert cũng vào Đảng và đã hiểu thế nào là dân tộc bị áp bức. Nước Pháp được giải phóng, Albert chẳng có nghề nghiệp gì, anh đăng lính vào đội quân thuộc địa và bị đưa sang Việt Nam. Trước đó, người anh thoát trại giam ở Đức về giải thích cho Albert tính chất chiến tranh xâm lược của Pháp. Albert cố tình lẩn trốn không xuống tàu đi Việt Nam, nhưng trốn không thoát.

Mảnh đời thứ hai: ở Việt Nam (1947-1964). Albert ngày càng chứng kiến tính chất dã man của quân đội xâm lược. Ngay từ lúc đầu đến Lạng Sơn cho đến cuối năm 1949, khi anh quyết định vào vùng tự do theo hẳn Việt Minh, anh có cái may làm lính văn phòng nên chưa hề bắn phát đạn nào. Anh trở thành phát thanh viên của Kháng chiến kêu gọi binh sĩ Pháp đòi chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa, anh trở thành phó trưởng trại hàng binh. Đến năm 1954, về Hà Nội giải phóng, anh làm phóng viên thể thao cho tạp chí Le Vietnam en marche mà tôi làm tổng biên tập. Anh lấy vợ Việt Nam và có hai con. Năm 1964, vào tuổi 36, anh phải rời Việt Nam do cuộc xung đột ý thức hệ Xô - Trung.

Mảnh đời thứ ba: 1964-1992. Tỵ nạn chính trị ở Hunggari, Albert hoạt động tích cực trong Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới (FMJD), đi nhiều nước vận động cho hòa bình thế giới và lên án chiến tranh Mỹ ở Việt Nam.

Năm 1966, Pháp ân xá các tội đào ngũ chiến tranh ở Việt Nam, Albert làm việc trong tổ chức doanh nghiệp của triệu phú đỏ Doumeng thuộc Đảng Cộng sản Pháp, trở thành một nhà doanh nghiệp xuất sắc hoạt động trong khối Đông Âu.

Mảnh đời thứ tư: di dưỡng tuổi già ở cố hương Pháp với con cháu (có thêm hai con từ trước đó với người vợ Việt thứ hai, sau cũng ly dị). Ông trở lại Việt Nam, gặp lại con gái là France mở hàng ăn ở Việt Nam. Albert viết lên trang cuối cuộc đời ông một câu thật cảm động: "Tôi đã yêu, tôi yêu Việt Nam như Tổ quốc thứ hai của tôi, có khi còn hơn thế nữa!".

Hữu Ngọc
Nguồn:http://suckhoedoisong.vn/20090619044959338p15c77/ngay-ay-vuot-qua-rung-gia.htm


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: banzua trong 24 Tháng Sáu, 2009, 05:50:02 pm
Cũng về nhân vật Albert Clavier trên:
nguồn: xem property của hình

(http://phamxuannguyen.vnweblogs.com/gallery/1958/previews-med/dtuongclavier.jpg)

Dương Tường và Albert Clavier - Paris 2008

Tháng 11/2008, tôi có dịp trở lại Pháp lần thứ tư. Chuyến đi này, ngoài việc dự sinh nhật đầy hai năm bé Võ Tiểu Lang, con gái nhà thơ Võ Văn Thận và Mme Lý Hồng Ngọc, với tư cách là cha đỡ đầu, tôi còn có một mục đích khác: thăm người bạn cố tri Albert Clavier. Câu chuyện hai người bạn già chúng tôi tìm lại được nhau sau hơn bốn mươi năm biệt vô âm tín hàm chứa nhiều điều mang dấu ấn của một thời đầy biến động.

Tôi quen Albert Clavier như bạn đồng nghiệp vào cuối năm 1955, một năm sau khi Hiệp nghị Genève lập lại hòa bình ở Đông Dương. Tôi từ Trung đoàn 66, Đại đoàn 304 chuyển ngành về làm phóng viên - biên tập ở Thông tấn xã Việt Nam, còn anh từ Cục Địch vận chuyển về báo Vietnam en marche với chiếc lon thiếu tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Việc Albert trở thành một trong những người "lính da trắng của Hồ Chí Minh[1]" dường như là một điều tự nhiên. Xuất thân từ một gia đình nghèo, rất sớm, từ tuổi 12, được sự giác ngộ của người anh trai Henri, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, Albert đã tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân Pháp chống phát-xít trong thời kì Đức chiếm đóng. Năm 1947, anh bị lùa vào quân dịch, điều sang Việt Nam cùng Đạo quân viễn chinh Pháp. Với xác tín chính trị được củng cố qua đấu tranh, anh cảm thấy cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống xâm lược Pháp cũng giống như cuộc kháng chiến chống Đức quốc-xã của nhân dân Pháp năm xưa. Bắt liên lạc được với một cán bộ hoạt động địch hậu, anh được đưa ra vùng tự do, nhận nhiệm vụ kêu gọi binh sĩ Pháp trong các trận công đồn và cuối cùng, phụ trách trại hồi chính cho đến khi trại giải tán vào tháng 7/1954. Các tù, hàng binh được hồi hương theo điều khoản trao trả tù binh của Hiệp nghị Genève 1954. Albert không thuộc số đó: anh bị tòa án quân sự Pháp tại Hà Nội kết án tử hình vắng mặt ngày 27 tháng 12 năm 1950 vì tội "đào ngũ sang hàng ngũ địch".

(http://phamxuannguyen.vnweblogs.com/gallery/1958/017Albert_Clavier-2b9df.jpg)
(Đám cưới Albert Clavier - 1956)



Vậy là Albert ở lại Việt Nam và trở thành nhà báo. Cùng chuyển từ trại hồi chính về làm báo, còn có Boudarel và Tarago, một cựu đại uý trong quân đội Pháp, đã từng tham gia cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Tôi thân với Albert hơn vì hai chúng tôi cùng phụ trách đưa tin về những hoạt động văn hoá-xã hội, thường gặp nhau gần như hằng ngày. Thời kì khó khăn của chúng tôi bắt đầu từ năm 1962, khi xảy ra xung đột quan điểm giữa Liên-Xô và Trung Quốc, cụ thể hơn, khi BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết 9 xác định lập trường đứng về phía Trung Quốc lên án "chủ nghĩa xét lại Khroutchtchev". Cả Albert và tôi đều bị liệt vào danh sách "xét lại". Tôi "dính" vào vụ đám tang Dương Bạch Mai, một trưởng lão cách mạng kiên quyết chống đường lối thân Trung Quốc. Cái chết của ông sau một cơn đột quị giữa một phiên họp Quốc hội ngay trước khi ông sắp đọc một tham luận mà người ta đoán là sẽ "nẩy lửa", đến nay vẫn còn là một nghi án. Tôi đại diện cho một số bạn bè văn nghệ sĩ và nhà báo, mang tới một vòng hoa lớn toàn hồng thắm với chiếc băng ghi dòng chữ "Tinh thần người cộng sản chân chính Dương Bạch Mai bất diệt" vào phút cuối của nghi lễ viếng. Tấm băng đã bị xé bỏ ngay khi được chuyển ra ngoài. Hôm đó, khi chiếc xích-lô chở tôi tới trụ sở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cuối đường Tràng Thi, nơi tổ chức tang lễ, chính Albert là người giúp tôi một tay khiêng vòng hoa xuống xe và thúc tôi: "Dépêche-toi, la cérémonie commence déjà!" Tôi bị liệt vào "sổ đen" từ đấy. Đợt học tập "quán triệt" Nghị quyết 9, Albert được dự lớp của cán bộ trung, cao cấp. Trong một buổi lên lớp tại hội trường, do Tổng bí thư Lê Duẩn đích thân giảng, khi nghe ông kịch liệt công kích Đảng Cộng sản Liên-Xô và Đảng Cộng sản Pháp, phê phán Maurice Thorez "phản bội giai cấp công nhân", anh đã đứng dạy bỏ ra về, một cử chỉ mà chúng tôi, dù có bất bình đến đâu, cũng không ai dám làm. Ngay hôm sau, người ta chuyển Albert từ biên tập tiếng Pháp sang biên tập  tiếng Tây Ban Nha, thứ ngôn ngữ mà anh hoàn toàn mù tịt! Sau cái đận ấy, chúng tôi hầu như không gặp nhau nữa, vì vào thời điểm này (và còn kéo lâu nữa), mọi tiếp xúc với người nước ngoài, kể cả những người đã công tác lâu năm trong cơ quan Nhà nước, đều bị xem là khả nghi. Giữa năm 1964, tôi được biết nhờ Đảng Cộng sản Pháp làm trung gian, Albert cùng Boudarel và Tarago được đưa sang làm việc ở Đông Âu. Từ đó, tôi bặt tin anh...

Thế rồi, hơn bốn mươi năm sau, do một tình cờ may mắn, cả Albert và tôi cùng có mặt trong số 7 (tháng 5/2005) của tạp chí Carnets du Việt Nam, anh trong một bài phỏng vấn và tôi với bài giới thiệu tổng quan về mĩ thuật đương đại Việt Nam. Eureka! Thì ra Albert đã về Pháp từ 1967 sau lệnh ân xá năm 1966! Tôi nhờ bạn bè bên đó tìm giup địa chỉ và viết thư cho anh. Như vậy chúng tôi nối lại được liên lạc với nhau, chỉ còn làm sao gặp được nhau, tay bắt mặt mừng! Tình trạng sức khỏe không cho phép Albert làm một chuyến đi dài cả chục ngàn cây số. Vậy tôi phải là người chủ động tìm đến anh. Tháng 6/2006, được một học bổng của Trung tâm quốc gia Sách (Centre national du Livre) dành cho dịch giả văn học, tôi có dịp thực hiện ý định ấy thì anh lại đang nằm viện. Vợ chồng một người bạn ở Lyon, anh Nguyễn Dư và chị Cúc, đã nhiệt tình lái xe hơn trăm cây số đưa tôi đến bệnh viện chuyên khoa phổi vùng Grenoble, nơi Albert nằm điều trị.

(http://phamxuannguyen.vnweblogs.com/gallery/1958/biaclavier.jpg)

Đưa tôi từ Lyon đến Grenoble lần này là Dominique Foulon, biên tập viên tạp chí Carnets du Việt Nam, người mấy năm trước đã thực hiện cuộc phỏng vấn Albert, và Chánh Mouniama, người Pháp gốc Huế, phụ trách giao dịch và quan hệ công cộng của tạp chí. Lần này thì không phải đến bệnh viện, chúng tôi tới thẳng ngôi nhà hai tầng số 211 Đại lộ Victor Hugo - 38380 Saint Laurent du Pont. Albert ở tầng lầu, tầng dưới anh để cho France mở một tiệm ăn nhỏ lấy tên cháu ngoại anh là Việt Trang. France (tên Việt là Thiên Nga) sinh năm 1962 tại Hà Nội, là con gái đầu của anh với người vợ đầu Việt Nam mà anh buộc phải li hôn sau khi sinh thêm cho anh một con trai. Ít hôm trước khi đến, tôi phone cho Albert, anh mừng rỡ báo tin tập hồi kí của anh (trong đó có vài trang nhắc đến tôi) vừa ra mắt độc giả. Anh đã bỏ phong bì một bản, định gửi đường bưu điện cho tôi, nhưng giờ giữ lại để trao tận tay. Khi tôi bước vào phòng anh, nó đã nằm sẵn trên bàn, vẫn nguyên trong phong bì ghi địa chỉ của tôi ở Hà Nội. Cuốn sách dày ngót 270 trang mang tên De l'Indochine Coloniale au Vietnam - Je ne regrette rien (Từ Đông Dương thuộc địa đến nước Việt Nam tự do - Tôi không hối tiếc gì hết). Lời đề tặng tôi đầy kín cả trang bìa giả, chữ vẫn đều tăm tắp, đẹp theo kiểu cổ, lại có cả một tái bút: "Quel bonheur ce coup de fil du 12/11! Je vais enfin te revoir. J'attends ce jour avec impatience. (Hạnh phúc biết mấy, cú điện thoại của mày hôm 12/11! Cuối cùng, tao lại sắp được gặp mày. Tao nóng lòng chờ ngày ấy)". Hình như vẫn chưa đủ, đêm 22/11, tức là trước hôm tôi hẹn đến, anh còn thức viết cho tôi một bức thư dài...

Albert bây giờ đã là một ông lão ngoài tám mươi, râu tóc bạc phơ. Một tháng trước đó, anh lại phải nhập viện vì một tai biến não, có lúc đã bị liệt nửa người. Hiện anh về nhà điều trị ngoại trú, hằng ngày tập đi quanh phòng.

Chúng tôi ngồi ôn lại chuyện cũ, những ngày tháng hoạn nạn, những kỉ niệm vui, buồn. Anh chỉ cho tôi tấm Huân chương Hữu nghị do Nhà nước Việt Nam trao tặng hồi tháng 10/2004. "Nhưng, anh trầm giọng nói với tôi, nó không thể thay thế những Huân chương Kháng chiến và Chiến thắng mà tao đã đánh mất trong những năm phiêu bạt sau này, những tặng thưởng cho thành tích kháng chiến của tao trong lòng nhân dân và đất nước Việt Nam, tổ quốc thứ hai của tao. Đó chính là cuộc đời tao." Gần như suốt buổi, anh cứ nắm chặt tay tôi...

Chiều xuống, chúng tôi chia tay. Khi xe chúng tôi đi được khoảng 300 - 400m, tôi ngoái lại vẫn thấy Albert đứng ở cửa sổ phòng mình nhìn theo. Trong trí tôi, hiện lên những dòng thư anh viết cho tôi đêm trước: "Không một lời nào có thể diễn tả niềm vui của tao được gặp lại mày. Năm tháng qua đi nhưng kỉ niệm vẫn còn lại, những kỉ niệm tốt và những kỉ niệm xấu. Nhưng người ta thường chỉ giữ những kỉ niệm tốt, người ta nói thế! Đối với tao, những kỉ niệm tốt đó là mười sáu năm sát cánh với nhân dân của mày, đất nước của mày mà tao tôn thờ, mà tao coi như tổ quốc thứ hai của tao, những năm sống trong chiến khu chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân, vì độc lập dân tộc... Phải, tao không hối tiếc gì hết. Nếu cần làm lại, tao vẫn sẽ làm lại như cũ..."

Ừ, Albert, tao cũng vậy. Nếu cần làm lại, tao sẽ làm lại nguyên như cũ. Chúng mình, mày và tao, chẳng có gì phải hối tiếc. Và tao cũng nói như mày: tôi không hối tiếc gì hết.

Je ne regrette rien.

Như Edith Piaf hát.




[1] Theo cách gọi của Jacques Doyon, tác giả cuốn Les Soldats blancs d'Ho Chi Minh. Les transfuges anti-fascistes et les communistes français dans le camp du Việt-Minh, nxb Fayard 1973.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: ngao5 trong 12 Tháng Bảy, 2009, 09:31:42 am
Ở bài báo trên Hà Nội Mới mà em đã đưa lên phía trên , chúng ta đã biết tới tên những người Đức tiêu biểu nhất đứng trong hàng ngũ Việt Minh là :
Ernst Frey Nguyễn Dân
Rudy Schroder Lê Đức Nhân
Erwin Borchers Chiến Sĩ
Walter Ullrich Hồ Chí Long
Georges Wachter Hồ Chí Thọ
Dưới đây là bài tham luận của Heinz Schütte về những con người ấy . Trong bài viết này em thấy nó có rất nhiều thông tin rất giá trị . Tuy vậy , đó cũng là cái nhìn riêng của tác giả đứng ở góc độ của mình .


Chú thích :

[3] Điện của E. Honecker gửi Nguyễn Văn Hương (?), đại diện Việt Nam ở Praha, 20 tháng hai 1950. Thư khố quốc gia Bundesarchiv (BA) : DY 24/3691


________________

Ông này tên là Nguyễn Văn Hướng (không phải Hương) sống ở 26 Lý Thường Kiệt (Hà nội) cùng khối nhà với ông Vũ Khiêu và Hoàng Minh Chính. Nay sống chết hay còn ở đó không thì tôi không biết, chứ trước 1991 thì như vậy.
Thời kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Văn Hướng ở Praha, nghe nói là đại diện sinh viên Việt nam tại đó, trong hồi ký của mình, ông Hoàng Văn Hoan cũng nhắc đến nhân vật này
Ngày 20-5-1975, khi thành lập Viện khoa học Việt nam (do ông Trần Đại Nghĩa đứng đầu) ông Hướng giữ chức Vụ trưởng Vụ Liên lạc quốc tế cho đến khi về hưu


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chiangshan trong 13 Tháng Tám, 2009, 11:37:08 pm
http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/Hoithao/VNHOC/TB2/hong2.pdf

CỐNG HIẾN CỦA NHỮNG NGƯỜI NHẬT “VIỆT NAM MỚI” VỚI CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM (1945 - 1954)
PGS.TS. Hoàng Hồng
Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội

Trong thời gian diễn ra cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam, có một số binh sĩ và thường dân nước ngoài do nhiều lý do khác nhau, còn ở lại Việt Nam và đã tham gia cùng nhân dân Việt Nam chống Pháp. Họ trở thành những người “Việt Nam mới” như cách gọi của những người cách mạng Việt Nam.

Khi Nhật Bản tuyên bố đầu hàng không điều kiện các nước Đồng minh, toàn bộ binh sĩ Nhật ở Đông Dương lúc đó khoảng 9 vạn người. Theo thỏa thuận của các nước Đồng minh, binh sĩ Nhật được tập trung ở một số địa điểm dưới sự quản thúc của quân Tưởng (phía Bắc vĩ tuyến 16) hoặc của quân Anh (phía Nam vĩ tuyến 16), rồi sau đó, tháng 4-1946, rời Việt Nam về nước từ cảng Hải Phòng và Vũng Tàu. Trong khoảng thời gian này do sự lơi lỏng trong quản lý của quân Tưởng và quân Anh, một số binh sĩ Nhật Bản đã đào ngũ. Theo C.E. Goscha, một nhà nghiên cứu lịch sử người Mỹ, số binh sĩ Nhật Bản đào ngũ ở phía Bắc vĩ tuyến 16 khoảng 2.000 người, còn ở phía Nam vĩ tuyến 16 khoảng 600 người. Nhưng con số này luôn luôn biến động vì sau đó nhiều quân nhân Nhật tự nguyện hoặc bị bắt trở lại đơn vị.

Vì sao họ đào ngũ và không muốn trở về Nhật Bản? Các nhà nghiên cứu đã có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng tựu chung lại thường qui vào các lý do: 1/ Bi quan về tương lai của nước Nhật dưới sự chiếm đóng của quân Mỹ; 2/ Lo sợ bị ngược đãi với thân phận là tù binh hoặc bị xét xử với tư cách là tội phạm chiến tranh; 3/ Quyết tâm chiến đấu cùng với ý chí của một người lính vì sứ mạng lịch sử Đại Đông Á; Có một mối quan hệ tình cảm nào đó ở Việt Nam.

Không phải tất cả các binh sĩ Nhật Bản đào ngũ đều tham gia Việt Minh và cũng không phải họ đã sẵn sàng tham gia Việt Minh ngay sau khi đào ngũ. Hành động đào ngũ của họ không theo một chủ trương nào và cũng không nằm trong một tổ chức nào.

Oka Kazuaki (cựu Hội trưởng Hội hữu nghị Nhật - Việt) cho rằng có khoảng 800 người Nhật ở lại Việt Nam trong đó có 186 người từng tham gia Việt Minh. C.E. Goscha ước tính có “tối đa là 200 người từ năm 1945 đến năm 1950 đã theo Việt Minh”. Ikawa Kazuhisa, tác giả “Bản báo cáo điều tra nghiên cứu về dấu tích của những người Nhật tham gia kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam” dựa vào tài liệu “Bản danh sách những người chưa về nước từ Đông Dương thuộc Pháp” của Bộ Lao động và Y tế Nhật Bản ban hành tháng 7-1955 đã đoán định số quân nhân Nhật Bản đào ngũ và còn ở lại Việt Nam tính đến cuối năm 1946 là 800 người, trong đó số người tham gia Việt Minh khoảng 600 người và ước tính “khoảng một nửa trong số đó đã ngã xuống trên mảnh đất Việt Nam”.

Theo nguồn tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ III, số người Nhật hồi hương từ miền Bắc Việt Nam đã diễn ra qua 3 đợt (từ 1954 đến 1960) với tổng cộng là 105 người. ở miền Nam, từ sau năm 1954, Nhật kiều hồi hương rải rác nhưng nhiều nhất là năm 1978. Nhà nghiên cứu Ikawa Kazuhisa tiến hành điều tra tại Nhật Bản và có danh sách 128 Nhật kiều (trong đó 102 người hồi hương từ miền Bắc Việt Nam, 26 người hồi hương từ miền Nam Việt Nam).

Dựa vào nguồn tài liệu lưu trữ của Cục Lưu trữ Nhà nước, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Cục Lưu trữ Bộ Quốc phòng, một số tài liệu lưu trữ tại Hội Hữu nghị Việt - Nhật, các hồi ký của một số sĩ quan quân đội và tài liệu điều tra dấu tích những người Nhật Bản hồi hương từ Việt Nam của Ikawa Kazuhisa, chúng tôi đã tập hợp được một danh sách gồm 160 người Nhật Bản đã tham gia chống Pháp cùng nhân dân Việt Nam(*). Những người Nhật Bản này đã có những đóng góp nhất định đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam.

Hoạt động nổi bật nhất của những người Nhật “Việt Nam mới” là lĩnh vực huấn luyện quân sự. Điều này xuất phát từ nhu cầu trực tiếp của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân Nam Bộ bắt đầu. Nhiệm vụ cấp bách của Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó là phải tăng cường lực lượng vũ trang cả về số lượng và chất lượng. Các chiến sĩ Vệ quốc đoàn cần phải có kiến thức về kỹ thuật và chiến thuật, cán bộ chỉ huy cần phải có trình độ nhất định về chính trị và quân sự. Những người Nhật “Việt Nam mới” đã được chỉ huy nhiều đơn vị quân đội trưng dụng làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự. Những cơ quan và đơn vị sau đây đã có những người Nhật “Việt Nam mới” đến giảng dạy hoặc huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật quân sự:
- Cục Quân huấn, Bộ tổng tham mưu.
- Trường Quân chính Quảng Ngãi.
- Trường Quân chính Bắc Sơn.
- Trường Quân chính Cao Miên.
- Trường lục quân Trần Quốc Tuấn.
- Bộ tư lệnh Liên khu I.
- Bộ chỉ huy Chiến khu V.
- Bộ chỉ huy mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa.
- Trung đoàn Trần Cao Vân.
- Trung đoàn 95 Nguyễn Thiện Thuật.
- Tỉnh đội Quảng Ngãi.
- Tỉnh đội Ninh Thuận.
- Tỉnh đội Bình Thuận.
- Tỉnh đội Hà Tĩnh.
- Tỉnh đội Hà Giang.
- Tỉnh đội Phú Thọ.
- Tỉnh đội Bắc Giang.
- Tỉnh đội Bắc Ninh.
...

Tiêu biểu nhất là Trường lục quân Trung học Quảng Ngãi khai giảng ngày 01-6-1946 (tướng Nguyễn Sơn làm Hiệu trưởng) có đội ngũ giáo viên quân sự toàn người Nhật. 4 giáo viên chính của 4 đại đội là: Tanimoto - Đông Hưng, Nakahara Mitsunobu - Minh Ngọc, Ikari Kazumasa - Phan Lai, Kamo Tokuji - Phan Huệ. 4 giáo viên trợ giảng là: Aoyama Hiroshi, Onishi Suegami, Namada Suegami, Minegishi Sadai. Ban huấn luyện có 2 người Nhật là: Ishu Taku - Nguyễn Văn Thống, Sato - Minh Tâm. Bộ phận quân y có bác sĩ Kisei Fujio - Lê Trung. Bài giảng của giáo viên Nhật Bản được biên soạn theo cuốn “Bộ binh thao điển” của quân đội Nhật. Các giáo viên Nhật Bản luôn thể hiện sự nhiệt tình, gương mẫu, cùng chịu đựng mọi gian khổ thiếu thốn như các học viên. Trên 400 cán bộ chỉ huy sơ cấp được đào tạo trong một khóa học của Trường lục quân Trung học Quảng Ngãi có phần đóng góp không nhỏ của những người Nhật “Việt Nam mới”.

Việc sử dụng các binh sĩ Nhật Bản làm nhiệm vụ giảng dạy, huấn luyện quân sự cho cán bộ và chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đã tỏ rõ là một chủ trương đúng và hiệu quả. Những người Nhật “Việt Nam mới” trong lĩnh vực này cũng đã phát huy cao độ khả năng của mình. Có thể đánh giá đây là cống hiến lớn nhất của những người Nhật tham gia chống Pháp cùng nhân dân Việt Nam.

Nhiều người Nhật “Việt Nam mới” trực tiếp tham gia chiến đấu. Là những binh sĩ được đào tạo bài bản nên trong các đơn vị chiến đấu, họ thường phát huy được khả năng về kỹ thuật, chiến thuật góp phần tích cực cho thắng lợi của nhiều trận đánh. Chúng tôi đã thống kê được 41 người Nhật tham dự những chiến dịch lớn hoặc chiến đấu ở các mặt trận địa phương: Chiến dịch Việt Bắc, Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch đường số 14; các mặt trận: Pleiku, Buôn Mê Thuột, Cam-pu-chia, Lào, Cà Mau, Biên Hòa, Bình Thuận, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Huế, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang...

Một số người Nhật “Việt Nam mới” thể hiện được là những chiến binh quả cảm, được các chiến sĩ Việt Nam cùng đơn vị cảm phục. Có người hi sinh (Ikawa - Lê Chí Ngọ), nhiều người bị thương (Yutumn Suchio - Nguyễn Đức Hồng, Nakano Isao - Nguyễn Văn Lợi, Mavaki Yoshira - Hồ Tâm, Nobumino Taoto - Nguyễn Văn Hiển, Iwai Koshio - Nguyễn Văn Sáu, Nakamura Ichitaro - Trần Hòa, Yamazaki Zensaku - Trần Hà, Nobuyoshi Tachibana - Trần Đức Trung, Katsuo Uykawa - Ngô Tử Cân, Takeshi Amakawwa - Lê Tùng...). Do những thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, những người Nhật “Việt Nam mới” đã nhận được trên 30 huân huy chương các loại của Chính phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau đây là những cá nhân tiêu biểu:
1. Iwai Koshio - Nguyễn Văn Sáu:
- Huân chương Chiến công hạng Nhất.
- Huân chương Chiến thắng hạng Nhất,
2. Ikari Kazumasa - Phan Lai:
- Huân chương Chiến công hạng Ba.
- Huân chương Chiến thắng hạng Nhất.
3. Nakahara Mitsuboni - Nguyễn Minh Ngọc:
- Huân chương Chiến công hạng Ba.
- Huân chương Chiến thắng hạng Nhất.
4. Yoshida Tamio - Phan Tiến Bộ:
- Huân chương Chiến thắng hạng Ba.
- Huân chương Chiến sĩ hạng Ba.
- Huân chương Lao động hạng Ba.
- Kỷ niệm chương Kháng chiến.
5. Tsuchiyo Tuchitani Isamu - Nguyễn Văn Đông:
- Huân chương Chiến thắng hạng Ba.
- Huân chương Lao động hạng Nhì.
- Kỷ niệm chương Kháng chiến.
6. Yutumi Suchio - Nguyễn Đức Hồng:
- Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.
- Huân chương Chiến thắng hạng Hai.
- Kỷ niệm chương Kháng chiến.
7. Takeda Yoshiro - Nguyễn Văn Phước:
- Huân chương Chiến thắng hạng Ba.
- Huân chương Chiến sĩ hạng Ba.
- Kỷ niệm chương Kháng chiến.
8. Nakano Isao - Nguyễn Văn Lợi:
- Huy chương Chiến thắng hạng Nhất.
- Kỷ niệm chương Kháng chiến.
9. Mavaki Yoshira - Hồ Tâm:
- Huy chương Chiến thắng hạng Nhất.
10. Yoshi Omori - Nguyễn Nghị:
- Huân chương Chiến sĩ hạng Nhì.
- Kỷ niệm chương Kháng chiến.
11. Nobuyoshi Tachibana - Trần Đức Trung:
- Huy chương Kháng chiến hạng Nhất.
- Huy chương Kháng chiến hạng Ba.
12. Yazawa Tsuruji - Lê Văn Thanh:
- Huân chương Chiến sĩ hạng Ba.
13. Masato Nakagawa - Nguyễn Văn Cân:
- Huy chương Kháng chiến hạng Ba.
- Huân chương Chiến thắng hạng Ba.
- Kỷ niệm chương Kháng chiến.
14. Shimoda Shichiro - Nguyễn Văn Tân:
- Huân chương Kháng chiến hạng Ba.
- Huân chương Chiến thắng hạng Ba.
- Kỷ niệm chương Kháng chiến.
15. Katsutaro Yoshida - Nguyễn Quyết Thắng:
- Huy chương Kháng chiến hạng Hai.
- Huy chương Chiến sĩ hạng Hai.
16. Takeshi Amakawa - Lê Tùng:
- Huy chương Kháng chiến hạng Nhất.
- Huy chương Kháng chiến hạng Ba.
- Huân chương Chiến sĩ hạng Ba.
17. Hayaka Seuchiro - Tống Văn Huân:
- Kỷ niệm chương Kháng chiến.
18. Siro Shiina - Nguyễn Nhật Linh:
- Có 7 giấy chứng nhận huy, huy chương các loại.
19. Ota Takuchi - Mạnh Chung:
- Huy chương Chiến sĩ hạng Nhì.
- Huy chương Chiến sĩ hạng Ba.
20. Kenji Mizue - Nguyễn Trị:
- Huy chương Kháng chiến hạng Hai.
- Huy chương Chiến sĩ hạng Hai.
...
Có 4 người Nhật được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam:
1. Iwai Koshiro - Nguyễn Văn Sáu: Kết nạp năm 1952.
2. Yutumi Suchio - Nguyễn Đức Hồng: Kết nạp năm 1949.
3. Tsuchiyo Tuchitami - Nguyễn Văn Đông: Kết nạp năm 1949.
4. Yoshida Tamio - Phan Tiến Bộ: Kết nạp năm 1950.

Sự có mặt của những người Nhật, những đóng góp công sức và xương máu của họ cho cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam là một sự thật lịch sử, nhưng sự thật lịch sử này còn chưa được khôi phục đầy đủ. Những thông tin lịch sử trên đây còn rất sơ sài so với thực tế. Công việc nghiên cứu chắc chắn còn phải tiếp tục nhằm góp phần nhận thức đầy đủ hơn về lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) của dân tộc Việt Nam, về chính sách đại đoàn kết của Đảng Cộng sản Việt Nam và về một dấu ấn lịch sử trong quan hệ Việt - Nhật.


(*)  Trong số này, có những người chỉ biết tên Nhật mà không biết tên Việt hoặc ngược lại, vì thế có thể xảy ra sự trùng lặp ở một số trường hợp.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: shmel trong 19 Tháng Giêng, 2010, 09:58:08 pm
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=358713&ChannelID=89

Những bí ẩn trong đời một "Việt Minh"

TT  Phóng viên Tuổi Trẻ đã gặp Janine, con gái của “Việt Minh” Nguyễn Văn Thành tại Nga. Chị đã kể lại câu chuyện kỳ lạ của cha mình, người từng là Hồng quân Liên Xô, từng là tù binh của phát xít Đức, bị sung vào đoàn lính lê dương của Pháp đến Việt Nam và trở thành một “Việt Minh”.

(http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=390552)
Janine với tờ báo Đồng Khởi chị coi như là báu vật từ Việt Nam

Platon Alexandrovich, người lính Nga tham gia tiểu đoàn 307 dưới cái tên Việt Nam là Nguyễn Văn Thành. Qua ký ức con gái ông ở Matxcơva, đó là câu chuyện kỳ lạ của một con người từng là Hồng quân Liên Xô, từng là tù binh của phát xít Đức, rồi lại bị sung vào đoàn lính lê dương của Pháp để đến VN và trở thành một “Việt Minh”. Đó là chuyện của khát vọng hòa bình và lòng yêu thương.

Kỳ 1: Ký ức nơi miền tuyết trắng

Matxcơva dưới cái rét -20OC. Janine đón tôi ở bến ga điện ngầm. Trên tay cô là bó hoa hơi úa vì gió tuyết. Cô ôm chầm lấy tôi rồi nói bằng tiếng Việt lơ lớ: “Chào anh, người đồng hương Việt Nam của tôi!”. Janine đưa tôi về nhà, một căn hộ nhỏ nằm ở ven ô, nơi ấy chỉ có mình cô và những kỷ vật của cha...

(http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=390507)
Chiếc cặp lồng mà các chiến sĩ Việt Minh tặng Platon làm kỷ niệm

“Tôi là con của Việt Minh”

Janine pha ấm chè đen loại ngon mời khách theo đúng phong tục Nga nhưng miệng thì líu lo tiếng Việt: “Tôi nhớ Việt Nam lắm, nhớ mùi sầu riêng ở Bến Tre”. Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, chị mỉm cười: “Anh quên tôi là dân Nam bộ hả? Tôi là con của Việt Minh mà...”.

“Tôi sinh năm 1949 tại Bến Tre, mẹ tôi tên là Nguyễn Thị Mai, một phụ nữ Việt lai Pháp. Tôi còn nhớ Bến Tre quê tôi với những hàng dừa dài và đẹp, mẹ tôi thường lấy gáo dừa múc nước gội đầu. Tóc mẹ đen và dài lắm... Tôi còn nhớ những tiếng súng đùng đoàng giữa đêm giao chiến. Hay những khi trong làng có đám ma, tôi và bọn trẻ cùng lứa kéo nhau ra xem... Còn ba tôi là chiến sĩ Việt Minh, là bộ đội trong tiểu đoàn 307” - Janine nhớ lại tuổi thơ của mình ở Bến Tre.

Tuổi thơ của Janine cũng chịu nhiều đau thương và chia cắt như tất cả những đứa trẻ người Việt sinh ra trong chiến tranh lúc đó. Khi Janine được khoảng hai tuổi thì bố bị địch phát hiện, buộc ông phải chuyển về Trà Vinh hoạt động bí mật. Thời cuộc loạn lạc, bố lại là một ông Tây theo Việt Minh rày đây mai đó nên mẹ cô nối duyên với một thương lái người Hoa. Janine nhớ lại những ngày chia ly đó: “Dù bố dượng rất tốt với tôi nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng nhớ đến bố. Mỗi đêm nghe tiếng súng nổ bên kia sông là tôi lại lo cho bố!”.

Mãi đến khi hiệp ước đình chiến năm 1954 được ký kết Janine mới được gặp lại cha. Cô nhớ lại: “Tôi còn nhớ đó là một buổi sáng cuối năm trời mát dịu. Ngoại và mẹ chở tôi trên chiếc xuồng ba lá ra vùng giải phóng để gặp bố. Mẹ và bố chẳng nói chuyện với nhau nhiều, chỉ thấy bố tôi rất buồn... Trước lúc hai người chia tay, ngoại bế tôi trao cho bố rồi nói: Con ẵm theo nó cho đỡ buồn! Từ đấy tôi sống với bố và các chú, các bác trong tiểu đoàn 307”.

Trong những dòng nhật ký của đời mình, Janine viết: “Tôi có hai tên: Nguyễn Hồng Minh do má Mai và bà ngoại đặt để ghi vào giấy tờ hồi tôi mới sinh ở Bến Tre. Và ở quê cha, trong giấy tờ chính thức tên tôi là Strjinskaya Anhie Platon. Nhưng từ bé đến bây giờ, người thân và bạn bè vẫn thường gọi tôi là Janine. Janine cũng là cái tên của các bác, các chú ở tiểu đoàn 307 quen gọi. Bây giờ, mỗi khi có dịp gặp lại các chú vẫn gọi tôi là Janine. Với tôi, cái tên Janine gợi nhớ nhiều kỷ niệm về quê mẹ ở Việt Nam, nó làm tôi ý thức rằng tôi là một đứa con của Việt Minh”.

Ở với bố và các đồng đội của bố tại vùng giải phóng một thời gian, đến tháng 4-1955 Janine cùng bố ra Hà Nội, sống một thời gian ở một cơ sở của Trung ương Đảng bên bờ hồ Tây. Trong dịp này cô được gặp Bác Hồ. Cô nhớ lại: “Tôi và bố được ăn tối cùng Bác. Bác rất ngạc nhiên về cuộc đời bố tôi, về một đứa con lai nói đặc sệt giọng Nam bộ như tôi”.

Những kỷ vật vô giá

Không lâu sau đó, khi Janine vừa tròn 5 tuổi thì cô cùng bố trở về Liên Xô. Dù ở nước Nga xa xôi nhưng trong lòng cô luôn mơ được một lần trở lại Việt Nam, được về xứ dừa quê mẹ. Nhưng giấc mơ đó đối với cô mãi đến 33 năm sau mới thực hiện được. Đó là năm 1988, Janine một mình quyết định trở lại Việt Nam tìm mẹ, tìm ngoại. Nhưng lần trở về đó cô đã không gặp cả hai, mẹ và ngoại đã ra đi...

Trong khoảnh khắc đau đớn đó cô đã viết: “Không hiểu sao đối với tôi mọi cuộc hành trình đều không có tính cách ra đi mà chỉ là trở về. Cách đây gần 33 năm (tính đến năm 1988, lúc Janine trở lại VN), khi tôi 5 tuổi - tôi rời khỏi Việt Nam, không phải ra đi mà cùng ba tôi trở về nước Nga. Và bây giờ, sau gần 33 năm từ Matxcơva không phải để đến mà trở về quê ngoại Bến Tre. Nhưng tiếc thay ngoại và mẹ không còn... Lòng tôi đau vô bờ bến!”.

Im lặng một hồi lâu, Janine lôi tấm ảnh của bố ra rồi nói: “Bố tôi mất ngày 26-3-2003, trước sinh nhật ông hai ngày. Trước lúc lâm bệnh nặng, ông đem hết những dòng hồi ký, những lá thư của đồng đội cũ, những bức ảnh hồi còn chiến đấu, những kỷ vật của tiểu đoàn 307 trao hết cho tôi. Trước lúc nhắm mắt ông còn dặn tôi: “Đừng bao giờ quên con là đứa con của Việt Minh. Hãy giữ lấy những kỷ vật này như là máu thịt của bố”.

Lúc này tôi mới giật mình nhận ra trong căn phòng nhỏ của Janine toàn là những kỷ vật gắn liền với Việt Nam. Ở một góc tường là hình bố cô, ông Platon Alexandrovich trong bộ đồ bộ đội bên một khẩu súng cối 60mm. Kế bên là bức tranh sơn mài tả cảnh sinh hoạt của người dân Nam bộ từ thế kỷ trước.

Treo trang trọng ngay giữa phòng là chiếc cặp lồng màu xanh của lính có khắc những dòng chữ nguệch ngoạc: “Chúng tôi: Hùng, Hoàng, Xinh, Hiếu... tặng bạn làm kỷ niệm khi về nước”. Janine nói lúc còn sống, ông gói ghém chiếc cặp lồng này một cách cẩn thận rồi khóa kín trong tủ. Chỉ những khi nhớ đồng đội hay kỷ niệm ngày thành lập tiểu đoàn 307 ông mới lôi nó ra lau chùi, ngắm nghía... Bây giờ, vì nhớ bố, nhớ Việt Nam nên cô treo nó ở nơi dễ thấy nhất cho vơi nỗi buồn!

Lôi những xấp album đã ngả màu thời gian, Janine lật từng trang rồi giới thiệu với tôi: “Đây là nhà của mẹ Mai và bố Thành lúc ở Bến Tre, đây là hình tôi bên lu nước lúc mới 2 tuổi. Còn đây là hình bố tôi cùng đồng đội trong tiểu đoàn 307...”. Cứ thế Janine say sưa lôi hết tập album này đến những kỷ vật khác ra khoe... Cuộc đời phiêu bạt qua những cuộc chiến của Platon Alexandrovich dần hiện về qua lời kể của người con.

THẾ ANH

_________________________

“Tôi đã trải qua đủ các cung bậc của đời lính, có khi phải đối diện với cái chết nơi chiến trận, có khi nhục nhã kiếp tù binh, có khi phải cầm súng để bắn vào lý tưởng thời trai trẻ... Để cuối cùng tôi nhận ra chiến tranh, áp bức - đó là điều tồi tệ nhất của nhân loại!”. Đó là nhật ký của Platon.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: shmel trong 19 Tháng Giêng, 2010, 09:59:08 pm
Kỳ 2: Bi kịch của chiến tranh

TT - Năm 1940 Platon Alexandrovich vào Hồng quân Liên Xô. Số phận đưa ông từ cuộc chiến này đến cuộc chiến khác.

Trong hồi ký của mình, ông viết: “Tôi đã trải qua đủ các cung bậc của đời lính, có khi phải đối diện với cái chết nơi chiến trận, có khi nhục nhã kiếp tù binh, có khi phải cầm súng để bắn vào lý tưởng thời trai trẻ mà không hề hay biết. Để rồi cuối cùng tôi nhận ra chiến tranh, áp bức - đó là điều tồi tệ nhất của nhân loại!”.

(http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=390801)
Platon (bìa phải) trên tàu Kilinski của Ba Lan - Ảnh do Janine cung cấp

Bị bắt làm tù binh của Đức quốc xã

Platon Alexandrovich sinh năm 1922 tại thành phố Kharkov. Đó là thành phố lớn thứ hai của Ukraine sau thủ đô Kiev, là trung tâm công nghiệp hàng đầu của Liên Xô cũ, nơi có nhiều trường đại học lớn, lâu đời và danh tiếng.

Dường như ngay từ lúc sinh ra, trong ông đã tiềm ẩn một sự luân lạc của dòng máu mẹ cha. Cha ông là một người Nga nhưng được sinh ra và lớn lên ở Pháp. Mẹ ông là một phụ nữ Ba Lan hiền dịu, họ kết duyên rồi về định cư ở Ukraine. Sau khi tốt nghiệp trung học, năm 1940 Platon Alexandrovich nhập ngũ để bảo vệ thành phố Kharkov thân yêu.

Khi cuộc chiến giữa Hồng quân Liên Xô và phát xít Đức nổ ra, ông cũng như bao thanh niên Liên Xô lúc bấy giờ đành gác lại những khát vọng của tuổi trẻ để lao vào chiến trận lúc tổ quốc lâm nguy.

Ông ghi lại những ngày đó trong dòng hồi ký của mình: “Tất cả chúng tôi đều rất trẻ, sau những trận đánh chúng tôi lại ngồi bên nhau nói về những dự định tương lai. Chúng tôi luôn tin hòa bình sẽ đến sớm, nhưng cũng hiểu cái giá của hòa bình sẽ phải trả bằng máu và mất mát. Đồng đội tôi nhiều người đã ngã xuống giữa mùa đông giá rét khi miếng bánh mì đen chưa kịp ăn xong, có người phải lùi về hậu phương với những vết thương thê thảm hơn cả cái chết. Sự tàn bạo của phát xít càng thôi thúc chúng tôi tiến lên, bởi chúng tôi biết rằng mình chiến đấu không chỉ cho người Nga, người Ukraine mà là chiến đấu cho cả nhân loại, chiến đấu để chống lại sự tàn bạo của Hitler”.

Sau nhiều trận đánh sinh tử chống lại quân Đức trên mảnh đất Kharkov, Platon Alexandrovich vài lần bị thương nhưng ông từ chối trở về hậu phương an dưỡng mà ở lại chiến trường cùng đồng đội. Cuối năm 1941 chiến trận trở nên ác liệt hơn, lực lượng Đức quốc xã tiến đánh Kharkov gồm 20 sư đoàn và hai lữ đoàn. Cuối cùng Kharkov rơi vào tay quân Đức. Tháng 5-1942 Platon Alexandrovich bị quân Đức bắt làm tù binh, số phận ông bắt đầu lênh đênh...

Trong những trại tù binh của Đức, Platon Alexandrovich từng trải qua những cảnh khủng khiếp, bị tra tấn dã man, bị bỏ rơi gần như chết đói. Nhiều khi ông phải nhặt miếng bánh mì còn dính máu của đồng đội vừa mới tắt thở để có sức chống chọi với giá rét, đòn roi.

Janine, con gái ông, kể: “Đến những ngày cuối đời mà nỗi ám ảnh trong trại tập trung Đức quốc xã vẫn còn hiện về trong những giấc mơ của bố tôi. Nhiều đêm nằm trong chăn mà ông cứ co mình run lên bần bật, ấy là lúc ký ức những ngày đói rét của một tù binh hiện về hành hạ ông. Ông thường nói với tôi việc không phải chết trong trại tù binh của Đức quốc xã đã là một điều thần kỳ. Ông hay kể về chiến tranh để dạy tôi biết quý trọng hòa bình, ông thường nhắc đến những ngày bị cầm tù để tôi biết quý trọng sự tự do...”.

Trở thành lính lê dương

Chiến tranh kết thúc, chưa kịp vui mừng vì tự do, hòa bình thì số phận lại đẩy Platon Alexandrovich xa hơn với tổ quốc, trở thành một người xa lạ với chính mình. Những ngày còn sống, nếu ai hỏi về câu chuyện trở thành lính lê dương của mình thì ông chỉ nói một cách ngắn gọn: “Từ tù binh Đức quốc xã, tôi bị sung vào lính lê dương”. Nhưng thực tế hoàn toàn khác, điều mà ông chẳng nói với ai ngoài người con gái Janine yêu quý.

Ngồi vuốt ve tấm hình thời còn trẻ của Platon Alexandrovich, Janine kể lại bí mật của bố mình trở thành lính lê dương: “Sau khi Đức quốc xã bị đánh bại, bố tôi cũng như những tù binh khác đến từ nhiều nước khắp châu Âu được trả tự do. Ông đang tìm cách trở về nước Nga thì sự cố xảy ra. Vốn là thời gian bị giam cầm ở trại tập trung của Đức quốc xã, do biết chút tiếng Pháp học từ ông nội nên bố tôi thường chuyện trò với tay cai ngục người Đức nói tiếng Pháp. Từ chỗ chuyện trò, tay cai ngục có vẻ thiện cảm với bố tôi nên đồng đội ông nghi ngờ ông là gián điệp.

Trên đường từ Đức trở về Liên Xô, ông được một người bạn thân khuyên nên trốn khỏi đoàn tù binh, nếu không có thể bị cầm tù sau khi trở về. Chờ khi trời tối bố tôi trốn khỏi đoàn, lẫn trong những cánh rừng gần biên giới Đức. Ông đi mà chẳng biết rồi sẽ đi về đâu.

Ông cứ chạy mãi vào rừng, lâu lâu ngoái đầu nhìn lại xem đồng đội có đuổi theo không. Phía trước lại lo sợ tàn quân của phát xít Đức sát hại. Ông lả đi vì kiệt sức, vì những vết thương tra tấn chưa lành hẳn, vì đói và khát... rồi ông lịm đi bên ngôi làng nhỏ, tỉnh lại mới biết mình đã lạc qua nước Pháp. Rồi ông bị người dân địa phương bắt giao cho chính quyền, bị sung vào đội quân lê dương”.

Sau khi bị sung vào đội quân lê dương, Platon Alexandrovich được đưa lên tàu chở đến những nước thuộc địa của Pháp, cầm súng bắn lại những người mà người Pháp lúc đó gọi là “phiến quân”. Lênh đênh trên biển hàng tháng trời, đi từ châu Phi đến châu Á, Platon Alexandrovich vẫn không thể hình dung con đường tương lai của đời mình.

Ông sống nhưng dường như không phải là chính mình, sự day dứt đó sau này được ông ghi lại: “Thật sự tôi đã rất sợ tiếng súng, sợ chiến tranh, vậy mà số phận đen đủi lại bắt tôi phải tiếp tục ôm súng. Lúc này đây tôi chỉ có một giấc mơ là được trở về Liên Xô, được ăn một bữa cơm gia đình cùng mẹ cha, được cùng bạn gái dạo chơi dưới rừng cây nhuốm sắc vàng thu, nhưng điều đó thật xa vời... Tiếng sóng dưới mạn tàu hoàn toàn xa lạ đối với tôi, những mảnh đất tôi đến chỉ có thù hận và chết chóc.

Nếu như trước đây tôi hiểu lý do khi cầm súng chống lại Đức quốc xã thì lúc này đây tôi chẳng biết mình đang chiến đấu vì điều gì. Nhiều lúc tôi tự hỏi có phải mình đang tìm sự sống trên xác chết của người khác? Đó là nỗi ám ảnh lớn nhất của đời tôi! Điều đó càng làm tôi đau đớn hơn khi sau này biết rằng quãng thời gian làm lính lê dương là lúc cầm súng bắn vào những lý tưởng thời trai trẻ của chính mình...”.

Trong khi số phận Platon Alexandrovich đang bị đẩy đưa theo đoàn quân viễn chinh của Pháp thì tại quê nhà, bố mẹ ông cắn răng tin rằng con trai của họ đã bỏ xác ngoài chiến trận. Còn Platon Alexandrovich sau những ngày tháng lênh đênh ông được đưa đến Việt Nam.

THẾ ANH

______________________

Platon Alexandrovich đến VN năm 1946, cầm súng bắn lại những “phiến quân” người Việt. Nhưng sau những trận càn, ông nhận ra người nằm xuống là những nông dân hiền lành, yêu Tổ quốc và khát khao công lý...


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: shmel trong 19 Tháng Giêng, 2010, 10:00:32 pm
Kỳ 3:  Con đường chính nghĩa

TT - Sau những ngày tháng lênh đênh, sống trong khủng hoảng tại các nước thuộc địa Pháp, tháng 4-1946 Platon Alexandrovich được đưa đến VN. Đến Sài Gòn, Platon được điều động lái xe trong một trung đội thông tin, nơi có cả lính Pháp và lính thuộc địa. Sau đó ông được điều về Thủ Đức, Sa Đéc, Vĩnh Long, Bến Tre để trấn áp quân “phiến loạn”. Platon chưa bao giờ biết đến VN.

(http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=391099)
Platon (đứng, bìa trái) cùng các chiến sĩ Việt minh ở miền Tây -Ảnh do Janine cung cấp

Trong những đêm lạc lõng bồng súng canh trong đồn, linh cảm của một chiến sĩ Hồng quân mách bảo cho ông rằng những tiếng súng phát ra sau những rặng dừa kia không phải là quân phiến loạn ở thuộc địa Pháp.

Quyết định lương tâm

Một ngày kia, trong mớ chiến lợi phẩm quân lê dương Pháp thu về có một tập tài liệu và mấy tấm ảnh. Sau này ông kể lại trên một tờ báo Nga: “Thoáng thấy mấy tấm hình bọn chúng giơ cao, tôi suýt nữa bật đứng nghiêm chào như thói quen ở Liên Xô. Đó là ảnh Lênin. Ngay lập tức tôi hiểu VN đứng về phía nào. Những tấm ảnh đã cứu linh hồn tôi”.

Tại Vĩnh Long, ông đã bắt liên lạc với một số người hoạt động bí mật trong thành phố, nhưng chưa nhận được tín hiệu trả lời thì họ đã bị mật thám bắt. Ông viết: “Dù biết con đường trở lại với chính nghĩa rất gian nan nhưng tôi vẫn không hề nản. Đau đớn nhất của tôi lúc đó là đã nhìn thấy ánh dương từ bên kia sông, sau những rặng dừa nhưng trong lúc chờ thời cơ tôi vẫn phải cầm súng bắn về phía đó theo lệnh của người Pháp”.

Giữa năm 1947, cơ hội thật sự đã đến với Platon khi ông được điều về lái xe bồn chở nước. Hằng ngày ông chở những tù binh người Việt đến lấy nước ở trạm bơm cách trường hạ sĩ quan khoảng 1km. Ông thường giấu khẩu phần ăn của mình mang theo phân phát cho tù binh, phụ họ xách nước, trò chuyện như những người bạn. Thấy ông tốt bụng, một tù binh hỏi: “Tại sao ông tốt với chúng tôi như vậy?”.

Ông trả lời: “Vì tôi cũng đã từng là tù binh như các anh. Các anh là tù binh của Pháp, còn tôi từng là tù binh của Đức. Tất cả chúng ta đều là con người nên cần phải đối xử với nhau như những con người thực thụ. Chúng ta chỉ là nạn nhân của chiến tranh, lòng tham và áp bức... Tôi ghét điều đó!”.

Platon Alexandrovich không ngờ rằng câu chuyện giữa ông và những tù binh Việt đã gây chú ý cho một chiến sĩ Việt minh tên Sô hoạt động bí mật ở trạm bơm. Những ngày tiếp theo, người chiến sĩ tên Sô bắn đi những tín hiệu và dường như Platon cũng bắt được. Một lần thấy Sô đứng gần, nhân lúc mọi người đang xách nước thì ông lột chiếc mũ cátkét trắng của quân lê dương đang đội trên đầu ném mạnh xuống đất.

Sô hỏi ông: “Nóng quá hả?”. Platon đáp như vô tình: “Không, tại nó làm đầu tôi đau. Tôi sẵn sàng thoát khỏi nó”. Rồi ông lôi từ trong túi ra chiếc mũ calô, chỉ cho Sô xem ngôi sao đỏ đính kèm trên mũ, nói tiếp: “Tôi thích cái này hơn. Tôi là cựu tù binh, người Liên Xô”.

Bước thăm dò đã xong, trường hợp của Platon được Sô thông báo về chỉ huy. Vài ngày sau họ gặp nhau. Ông ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ đó: “Đêm đó trời tối như bưng, tôi trốn khỏi trại lính và mang theo một bao tải súng đạn đến nơi đã hẹn. Khi đến gần những bụi cây lúp xúp gần bìa rừng thì có người nhào ra nắm lấy tay tôi kéo vào sâu trong rừng. Đó là đêm 17-8-1947. Tôi đã tìm thấy rạng đông giữa đêm đen. Có thể nói đó là quyết định lương tâm mà tôi không thể nào cưỡng lại được!”. Trong đêm đó, giữa rừng sâu, Platon được kết nạp vào hàng ngũ Việt minh.

Xứ dừa máu thịt

Những ngày đầu trở thành Việt minh đầy gian khó. Trước đó, trong hàng ngũ lính lê dương Pháp chưa bao giờ ông phải vừa cầm súng, vừa lặn lội tìm cái ăn. Bánh mì, bơ sữa biến mất, thay vào là mắm muối, rau dưa. Ông tập tành chèo xuồng ba lá, kết lá dừa lợp nhà. Thấy các má mò cua bắt ốc, ông cũng nhào xuống phụ. Thấy các anh trong xóm gánh lúa, ông cũng nhào vô gánh...

Dần dà, ông được thương như con cái trong nhà, các má đặt cho ông tên mới là Hai Thành. Ai có nải chuối ngon, nhà ai nấu bánh cũng chừa phần cho ông. Janine, con gái ông kể lại: “Bố Thành cứ nhắc mãi ngày đầu ăn mắm do các má nấu, cái mũi bố như điếc đi nhưng không dám bịt lại vì sợ các má buồn.

Vậy mà sau vài lần bố lại nghiện luôn món mắm ăn với bông điên điển. Rồi ba khía, sầu riêng... đều là món khoái khẩu của bố. Sau khi về nước, bố vẫn thường nhắc đến những món đó. Có người bạn biết được, mỗi lần qua Nga đều mang cho bố ít ba khía nhưng bố nói vẫn không ngon bằng ba khía của các má làm...”.

Ở Bến Tre, Hai Thành mặc quân phục sĩ quan Pháp, đeo lon quan hai cùng đồng đội cải trang, đi xe jeep tiến hành những cuộc đánh úp chiếm đồn bót, cướp vũ khí. Gần một năm kiểu cải trang đó bị quân Pháp phát hiện, ông được đưa về trung đoàn 99 Bến Tre rồi được chuyển sang tiểu đoàn 307.

Hai Thành đã cùng đồng đội chèo xuồng, lội ruộng, băng đồng xuôi ngược từ Tháp Mười tới mũi Cà Mau. Hình ảnh của ông được một đồng đội nhớ lại: “Sau giờ đánh Pháp, anh lại lùi về cắm câu soi cá, bắt chuột, cũng mắm muối tương chao, cũng áo cổ vuông, quần đùi túi hàm ếch, cũng rút xuống lỗ trâu đằm rít hơi thuốc trong đêm hành quân...”.

Thương ông côi cút phải xa gia đình, xa quê hương, bản xứ, các má vun đắp cho Hai Thành kết duyên với cô gái xinh đẹp xứ dừa. Một đám cưới giản dị giữa một ông Tây và cô gái miệt vườn diễn ra trong vùng giải phóng năm 1948. Một năm sau Janine ra đời. Bến Tre bị chiếm đóng khắp nơi, Hai Thành buộc phải chuyển về Trà Vinh hoạt động. Đó cũng là lý do dẫn đến sự tan vỡ gia đình riêng của ông.

Ông ghi lại: “Được tin vợ đi lấy chồng khác tôi đã chết lặng. Tôi sầu muộn mấy tháng, nhưng nhờ có bạn bè tốt, cuộc đời có mục đích rõ ràng nên đã vượt qua. Tôi không hề trách cứ vợ tôi, ngược lại cảm ơn cô ấy đã cho tôi một đứa con. Nhờ có Janine mà tôi đỡ nhớ các má và xứ dừa khi về nước Nga xa xôi... Mỗi khi nhớ những hàng dừa rũ bóng bình yên bên sông là tôi lại ngồi im nhìn ngắm Janine. Có thể con tôi không biết, nhưng nó là hình ảnh quê hương thứ hai của tôi, nơi tôi đã từng có một gia đình...”.

THẾ ANH

___________________

Trước khi rời VN, ông chọn một vườn cau đứng chụp một tấm hình đầy lưu luyến. Tấm hình ấy như một vóc dáng quê hương thứ hai mà trọn cuộc đời Platon đã thề sẽ giữ thủy chung son sắt.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: shmel trong 19 Tháng Giêng, 2010, 10:01:48 pm
Kỳ cuối: Cha - con và câu chuyện “nhịp cầu”

TT - Tháng 4-1955, Platon Alexandrovich và cô con gái Janine ra Hà Nội rồi trở về nước Nga sau 15 năm trời luân lạc. Từ đấy ông chuyển sang làm báo, dùng ngòi bút, sự trải nghiệm của đời mình để nối nhịp cầu Nga - Việt, truyền đi những thông điệp hòa bình...

(http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=391450)
Tấm ảnh kỷ niệm chụp trước khi Platon rời VN

Hãy nói tiếng Việt và hướng về nơi ấy...

Giải thích về sự lựa chọn xin vào làm việc ở ban tiếng Việt của Đài phát thanh Matxcơva, Platon viết như sau:

“Tôi chọn nghề báo để có cơ hội chia sẻ với mọi người những trải nghiệm đáng sợ của một người lính đã đi qua nhiều cuộc chiến. Có hai lý do chính để tôi chọn nghề này. Thứ nhất, với 15 năm binh nghiệp, lúc đứng về chính nghĩa, lúc bị đẩy về bên kia, tôi đủ hiểu súng ống, chiến tranh là điều không nên có ở bất cứ nơi nào. Tôi muốn dùng ngòi bút để truyền đi thông điệp đó. Thứ hai, tôi chọn về làm ở ban tiếng Việt là vì quê hương thứ hai của tôi, vì đứa con gái mang nửa dòng máu Việt, đó là Janine”.

Ở ban tiếng Việt Đài phát thanh Matxcơva, Platon Alexandrovich là một trong số ít phát thanh viên nói giọng Nam bộ khá chuẩn. Cứ mỗi lần có cán bộ miền Nam nào sang Nga là ông lại tìm đến để nói tiếng Việt. Nhiều cựu sinh viên VN khi trở lại Nga, gặp ông đều tranh thủ ôn lại vốn tiếng Nga nhưng ông không chịu: “Hãy nói với tôi bằng tiếng Việt. Hãy kể cho tôi về VN, về các má và xứ dừa quê ngoại Janine”.

Để đứa con gái hiểu hơn về quê ngoại, ông dạy cho Janine tiếng Việt. Rồi khi Janine lớn lên, ông lại hướng con gái mình vào làm cùng ban tiếng Việt Đài phát thanh Matxcơva.

Janine nhớ lời cha dạy khi mới vào nghề: “Cha không muốn con quên nơi chôn nhau cắt rốn của mình, đó là lý do cha muốn con vào làm ở đây. Có thể cha sai, nhưng lương tâm của một người cha không cho phép để con mình quên mất nguồn cội. Con hãy học tiếng Việt, hãy nói tiếng Việt và hãy hướng về nơi ấy như là quê hương của mình”.

Đưa những xấp bản thảo bằng tiếng Việt lúc mới chập chững bước vào nghề, Janine kể: “Lúc ở nhà, bố thường nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt. Bố sửa cho tôi từng con chữ, từng cái dấu... Ông vừa là một người cha mẫu mực, vừa là một người thầy nghiêm khắc, một đồng nghiệp tin cậy. Có lần, khi đọc xong bản thảo của tôi, ông đỏ mặt rồi vò ném ngay vào giỏ rác. Đó là lần tôi viết sai địa danh “Bến Tre” thành “Bến Che”.

Với ông, mảnh đất này như là máu thịt, là thánh địa của linh hồn. Vì thế, không được hiểu sai, không được viết sai dù chỉ là một cái dấu”. Để con giỏi tiếng Việt hơn, dù khó khăn nhưng Platon vẫn cố gắng thu xếp cho con về Hà Nội học thêm tiếng Việt ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đó là lý do Janine nói tiếng Việt chuẩn theo giọng Bắc.

Nói về điều này cô cũng có cách lý giải khá thú vị: “Gia đình tôi có nét giống như số phận của nhiều gia đình người miền Nam tập kết ra Bắc: bố nói giọng Nam bộ còn con nói giọng Bắc. Nhiều người thường nói đùa gia đình của bố Thành là dân tập kết...”.

Dịp kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống tiểu đoàn 307 (1988), tỉnh Bến Tre đã mời ông trở lại VN. Cuộc hội ngộ giữa những cựu binh có nhiều nước mắt, nhiều tiếng cười. Sau khi cùng nhau hát vang “Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang...”, các đồng đội hỏi ông có nguyện vọng gì ở Bến Tre? Vẫn mộc mạc, chân tình như thời ở chiến khu, ông nói: “Cho tôi được ăn một bữa cơm với ba khía và rau lang luộc chấm chao cùng các má ở chiến khu!”.

(http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=391451)
Janine (thứ hai từ phải sang) bên mộ mẹ, trong lần trở về thăm quê ngoại năm 1988 - Ảnh do gia đình cung cấp

“Trước chiến tranh là hòa bình!”

Janine nhớ lại những ngày cuối đời của bố:

“Bố thường thức dậy lúc nửa đêm, châm trà ngồi trầm tư một mình. Những lúc như thế ông thường kể cho tôi nghe chuyện những người Do Thái bị người Đức sát hại dã man mà ông chứng kiến. Ông kể cho tôi nghe về những đứa trẻ khóc thét bên xác cha ở xứ dừa, về những bà má nhìn con chết mà không dám khóc... Bố luôn nhắc tôi rằng trước chiến tranh là hòa bình! Đừng bao giờ tìm hòa bình sau chiến tranh, hãy nhớ trước đó hòa bình đã hiện hữu. Chiến tranh là kết cục của lòng thù hận, lòng tham...”.

Platon Alexandrovich dạy con gái lúc mới tập tành cầm bút: “Con hãy đứng về những người yếu thế, những người bị áp bức nhưng cũng đừng thù hận những người trót lỡ lầm...”. Người vợ ở Bến Tre đã rời bỏ ông khi ông rút về hoạt động bí mật, nhưng ông vẫn giữ những tấm hình thời son trẻ của bà đến tận ngày ông qua đời. Ông luôn nói với Janine những điều tốt đẹp về mẹ, xem quá khứ như là một nỗi buồn của chiến tranh, loạn lạc.

Năm 1988, có dịp trở lại VN, ông kính cẩn đặt lên mộ mẹ vợ và vợ những bó hoa tươi do chính mình mua rồi nói với Janine: “Nếu con biết tha thứ, cuộc đời sẽ bớt đi những gánh nặng muộn phiền”.

Ông ghi lại những suy nghĩ của mình: “Thật lòng mà nói tôi không hề căm ghét người Đức, tôi cũng không thù hận người Pháp. Điều duy nhất tôi căm thù là chiến tranh, là áp bức! Nếu có dịp, tôi sẽ bắt tay với những người đã hành hạ tôi lúc còn là tù binh, tôi sẽ ôm những cựu lính lê dương để nói với họ: tiếc rằng tôi và anh không biết nhau trước khi chiến tranh xảy ra, lúc ấy là hòa bình!”.

Trước khi chia tay, Janine đưa tấm hình của bố chụp trước khi về Nga cho tôi xem, đó là bức hình Platon đứng bên hàng cau với vẻ đầy lưu luyến. Chị nói: “Tôi sẽ đưa con và các cháu trở lại xứ dừa để nói với chúng rằng nơi ấy là một phần máu thịt của chúng. Kể cho chúng nghe về chiến tranh, kể về ông ngoại để chúng hiểu cái giá của hòa bình...”. Đó cũng là ước mơ cuối đời của “Việt Minh” Platon Alexandrovich!

THẾ ANH


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: NHATDUONGCHI trong 26 Tháng Giêng, 2010, 12:53:42 pm
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=328500&ChannelID=89
Mộ của hai chiến sĩ quốc tế người Đức có tên Việt Nam là Chiến Đấu và Chiến Thắng tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: altus trong 14 Tháng Tư, 2011, 05:36:54 am
Đố các đồng chí biết ai đây.   :-X





Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: vo quoc tuan trong 15 Tháng Tư, 2011, 08:51:25 pm
Ông này có phải người Đức không Chủ nhiệm?


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: altus trong 16 Tháng Tư, 2011, 03:18:52 am
Báo cáo, không.

Tiếp này.



Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: panphilov trong 16 Tháng Tư, 2011, 03:40:03 am
Báo cáo, không.

Tiếp này.

Một sĩ quan cấp úy nhưng mà khi mất được hưởng tiêu chuẩn còn hơn nhiều vị tướng vì được nằm trong Mai Dịch, cạnh nhiều người nổi tiếng khác của Việt Nam  ;D. Đại úy Hồ Chí Toán tức Stefan Kubiak, người Ba Lan & là con nuôi ông Cụ  ::)


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: altus trong 16 Tháng Tư, 2011, 05:00:34 am
Biết ngay là không qua được mắt chủ nhiệm Cục Cán Bộ.  ;)





Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: panphilov trong 18 Tháng Tư, 2011, 08:08:33 am
(http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/assets/Uploads/khun-chhy3.jpg)

Khun Chhy nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Campuchia, nguyên chiến sĩ quốc tế thuộc Tiểu đoàn 307 và từng là học viên Trường Sĩ quan Lục quân. Xin đọc bài viết chi tiết tại địa chỉ: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-04-15-gap-cuu-bo-truong-vua-la-viet-cong-vua-la-polpot- (http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-04-15-gap-cuu-bo-truong-vua-la-viet-cong-vua-la-polpot-)


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: panphilov trong 12 Tháng Tám, 2011, 08:42:11 pm
Ảnh của bài viết trên (lấy từ website tapchithoidai.org)

(http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai3/Schutte_1.gif)

Từ trái qua phải:
Ngồi: Phạm Văn Đồng, Erwin Borchers / Chiến Sỹ, Ernst Frey / Nguyễn Dân, Võ Nguyên Giáp, Đặng Bích Hà (vợ tướng Giáp) ; Đứng : Lưu Văn Lợi, X, X, Rudy Schröder / Lê Đức Nhân (Bộ ảnh sưu tầm của H. Schütte)



Hàng ngồi: người mà mọi người thường cho là cụ Phạm Văn Đồng thực chất là cụ Trần Tử Bình.
Hàng đứng: thứ 3 từ trái sang, tính từ cụ Lưu Văn Lợi, là cụ Hoàng Văn Thái.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: vanhaubg trong 08 Tháng Mười Hai, 2012, 05:35:09 pm
Hay nhỉ?Các chiến sĩ quốc tế giờ em mới nghe thấy đó chắc tại kiến thức nông cạn quá!Mà xem hình em thấy có 1 người nước ngoài đeo quân hàm Đại Úy của ta.Việc làm nghĩa vụ quốc tế em có xem nhưng việc mà được mặc quân phục,quân hàm của nước bản địa thì giờ em mới thấy.Các chiến sĩ quốc tế tới Việt Nam làm gì?Họ giúp gì cho cuộc chiến tranh của ta vậy ạ?


Tiêu đề: Deutsche Legionäre im Indochinakrieg
Gửi bởi: fddinh trong 02 Tháng Hai, 2013, 04:10:02 pm
Ảnh của bài viết trên (lấy từ website tapchithoidai.org)

(http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai3/Schutte_1.gif)

Từ trái qua phải:
Ngồi: Phạm Văn Đồng, Erwin Borchers / Chiến Sỹ, Ernst Frey / Nguyễn Dân, Võ Nguyên Giáp, Đặng Bích Hà (vợ tướng Giáp) ; Đứng : Lưu Văn Lợi, X, X, Rudy Schröder / Lê Đức Nhân (Bộ ảnh sưu tầm của H. Schütte)



(http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai3/Schutte_2.jpg)

Từ trái sang phải:
Dương Bạch Mai, Ernst Frey / Nguyễn Dân, Trường Chinh, X,
Georges Wächter / Hồ Chí Thọ, Rudy Schröder / Lê Đức Nhân
(Bộ ảnh sưu tầm của H. Schütte)




Bộ phim về những người Đức làm lính đánh thuê cho Pháp tại Việt nam. Một con số kinh khủng hiếm ai biết được: 70% là dân Đức (kể cả Áo), trong đó riêng người Đức có 35.000 người!

Phim tài liệu của Đức sản xuất năm 2005. Phim này mà dịch được thì sẽ hiểu rõ về quân đội Pháp ở Việt Nam hồi ấy. Vì cuộc sống nghèo đói của nước Đức thập niên 40-50 mà người Đức phải sang Pháp làm lính đánh thuê ở Việt nam.

http://docufilms.com/de/node/5123

http://www.youtube.com/watch?v=RcFhQysmD2s


Trong phim có cụ Chiến Sĩ.


Tiêu đề: Re: Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: altus trong 02 Tháng Hai, 2013, 08:43:49 pm
Người Pháp trước nay vẫn khẳng định con số 70% này là mấy ông Đức nói phét.


Tiêu đề: Lính đánh thuê gốc Đức tại Đông Dương
Gửi bởi: fddinh trong 03 Tháng Hai, 2013, 10:07:16 am
Phim do bác Karel Phùng. người Việt sống tai Đức dịch và lồng súp, chỉ từ hôm qua tới hôm nay, tập 4, có đoạn một cựu lính Lê dương kể:

Trích dẫn
Lớp lớp từng đoàn người xông lên đánh vào quân Pháp
23 ngàn quân Việt Minh đã bị chết trong cuộc chiến này
Bạn phải tượng tưởng rằng ở trên một quả đồi
Có các thùng dựng sẵn ở đó có chưa Napal
Khi họ xông lên, sẽ đốt các thùng đó
Và khi sự việc ấy xảy ra thì có thể nhìn thấy như nham thạch từ núi lửa chảy xuống
Chôn vùi tất cả
Mùi cháy, mùi thịt người, mùi hôi thối
Cái thung lũng nhỏ chỗ tôi kín là khói và sặc mùi thịt cháy
Và chỉ một lần đó đã khiến cho không thể nào thở nổi


Mời xem phim:

Tập 1: http://www.youtube.com/watch?v=cu4EknDvpGM
Tập 2: http://www.youtube.com/watch?v=CrDftdARWK8
Tập 3: http://www.youtube.com/watch?v=pU67GOytzbU
Tập 4: http://www.youtube.com/watch?v=nAAKK3LiKDE




Tiêu đề: Deutsche Legionäre im Indochinakrieg
Gửi bởi: fddinh trong 03 Tháng Hai, 2013, 10:16:29 am
   Phim Deutsche Legionäre im Indochinakrieg bên trên cũng do bác Karel Phùng dịch và lồng sub