Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 05:59:08 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đông Dương ngày ấy - 1898-1908  (Đọc 3809 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6609



WWW
« vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2021, 08:09:38 pm »

Tên sách: Đông Dương ngày ấy - 1898-1908
Tác giả: Claude Bourrin
Người dịch: Lưu Đình Tuân
Nhà xuất bản: Lao động
Năm xuất bản: 2008
Số hoá: ptlinh, quansuvn


LỜI GIỚI THIỆU

Đây là bản dịch của một trong bộ ba cuốn sách của Claude Bourrin:
   - Le vieux Tonkin,
   - Genres et choses en Indochine 1898-1908,
   - Genres et choses en Indochine 1908-1914.

Theo những gì tác giả cho biết qua các cuốn sách của mình thì tác giả là một công chức ngành thuế tại Đông Dương từ 1898 tới 1914, năm tác giả phải về Pháp thực hiện lệnh động viên.


Như những công chức xa nhà thường gắn bó với một hoạt động nào đó, Claude Bourrin say mê với kịch nghệ. Ông có nhiều gắn bó với Nhà Hát lớn Hà Nội và Nhà Hát lớn Hải Phòng, chứng kiến sự ra đời và các hoạt động của hai nhà hát này.


Hoạt động công chức ngành thuế cũng đưa Claude Bourrin tới nhiều địa phương như Lạng Sơn, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang... đặc biệt có một chuyến xuyên Việt.


Những ghi chép của Claude Bourrin cho chúng ta thấy một bức tranh đời thường của Đông Dương về kinh tế, văn hóa, chính trị... trong thời gian ông ở đó.


Sức viết của Claude Bourrin đã khiến cho một số người Pháp viết văn tại Đông Dương, trong những năm 40 của thế kỷ trước, đề xuất lập một giải Goncourt ở Đông Dương nhưng kết quả không đi tới đâu.

Cuốn sách chúng tôi dịch dưới đây chính là cuốn Genres et choses en Indochine 1898-1908.


Người dịch
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6609



WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2021, 02:56:49 pm »

1898-1899

VỞ CYRANO DE BERGERAC - LÊN TÀU CHỢ LỚN Ở MARSEILLE - CHUYẾN HẢI TRÌNH - SÀIGÒN 40 NĂM TRƯỚC - BỜ BlỂN TRUNG KỲ - HẢI PHÒNG VÀ ĐỒ SƠN - ĐƯỜNG SẮT Ở THƯỢNG DU BẮC KỲ - LẠNG SƠN - NHỮNG NGƯỜI BẠN ĐẦU TIÊN - VÀO NGÀNH QUAN THUẾ - MÙA SÂN KHẤU Ở HẢI PHÒNG: SỰ RA ĐỜI CỦA PHÊ BÌNH SÂN KHẤU BI KỊCH - CUỘC TÌNH CỦA HAI ANH EM SINH ĐÔI.


Tôi đã xem nhiều vở ca kịch nhưng ngay vở làm tôi ngây ngất nhất tôi cũng không sao nhớ chính xác diễn vào ngày nào trừ một vở: vở Cyrano de Bergerac diễn vào đêm 30-4-1898 ở Marseille. Lần đầu tiên tôi vỗ tay tán thưởng vở diễn của Edmond Rostand. Được dàn dựng ở rạp Porte Saint Martin vào tháng 12-1897, vở Cyrano lúc đó đang ở đỉnh cao của sự hoan nghênh. Do diễn viên nổi tiếng Coquelin vắng mặt nên Candé phải đóng vai chàng thi sĩ Gascon mũi dài lang thang trong thành phố xứ Phoceé (thuộc Hy Lạp - ND). Đó là một diễn viên có tài năng, vở diễn cũng quy tụ được nhiều nghệ sĩ của nhà hát tạp kỹ. Tuy nhiên tôi nhớ được ngày diễn chẳng phải do sự hứng thú của đoạn kịch mà cũng chẳng do diễn xuất của các diễn viên hài. Đơn giản chỉ vì ngày hôm sau, ngày 1-5, tôi sẽ lên tàu sang Bắc Kỳ lần đầu tiên. Do đó vở Cyrano có thể xem như một sự tắm nước thánh trước khi lên đường vì thời đó chẳng có thanh niên nào thích thú sự nghiệp ở thuộc địa đến nỗi khi tới Đông Dương, Paul Doumer đã phải nghe tổng giám đốc quan thuế thú nhận việc tuyển dụng chủ yếu nhằm vào các tay hát đồng ca mãn hợp đồng với nhà hát và các quân nhân xin giải ngũ tại chỗ.


Ngày nay thanh niên của chúng ta có nhiều tính cách đáng lên án trong khi ngày xưa đố anh nào dám ho he khi cha me nói. Cạu Nimes dẫn tôi tới Marseille. Cậu thay mặt gia đình tôi và tỏ ra quyết đoán.


Tôi cố gắng kéo cậu tới rạp hát. Nhưng vô ích, cậu thẳng thừng cắt ngang: "Tối nay phải đi ngủ sớm để sáng mai dậy sớm". Thế là cậu dẫn tôi tới khách san cậu đã đặt trước một phòng đôi. Chả có cách nào trốn! Tôi phải đi ngủ vào tám giờ tối của đêm trước ngày lên đường phiêu lưu. Tôi rất muốn ngủ nhưng không sao ngủ được, nhất là cậu tôi nằm bên ngáy cứ như trêu ngươi. Tôi bật dậy mò mẫm mặc quần áo, lên ra ngoài và chạy thật nhanh tới nhà hát. Hoan hô Cyrano! Hoan hô Rostand!


Xem xong, tôi trở lại khách san chui vào phòng. Tôi cởi giầy ở ngoài hành lang, yên tâm khi nghe thấy tiếng ngáy dữ dội qua khe cửa. Tôi đẩy cửa và leo lên nằm không có gì vướng mắc. Lạy Chúa, thế là thoát! Than ôi, không hiểu sao đôi giày tuột khỏi tay tôi rơi xuống sàn làm cậu tôi tỉnh ngủ hỏi: "Cái gì đấy?" Sợ cậu bật đèn, tôi nhét hết quần áo xuống dưới chân nói: "Cháu vừa trở mình" - "Sao, cháu vừa tỉnh lại à? Cháu ốm à?" - "Hơi hơi một tí thôi, nhưng khỏi rồi. Chúc cậu ngủ ngon".


Lần này cậu tôi không ngáy nữa và tôi phải cố mãi mới cởi được quần áo mà không động tới giấc ngủ của cậu tôi.

Tôi lên tàu vào ngày 1-5. Hồi đó, ngày 1-5 còn chưa được giới vô sản chọn làm ngày lễ lao động. Chiếc tàu tôi đi là chiếc Cholon (Chợ Lớn) của Công ty Hàng hải Quốc gia (Compagnie Nationale de Navigation). Theo lệ hồi đó, điểm ghé đầu tiên của tàu bao giờ cũng là Toulon để cho binh lính lên. Từ khi bước lên chiếc Chợ Lớn tôi thường nghĩ cần phải nhớ chiếc tàu này làm mẫu để thuyết phục những người khó tính rằng ngày nay đi trên các tàu chở thư của hãng Messageries Maritimes và của hãng Chargeurs Réunis thật là khỏe người.


Trừ trường hợp nhầm lẫn hoặc nói tắt, không hiểu sao tất cả các tàu của Công ty đều mang tên bắt đầu bằng cùng một chữ cái: Cholon, Cachar, Cachemire, Canton, Cao-Bang (Cao Bằng), Chandernagor, Colombo và Chaudoc (Châu Đốc). Trên chiếc Chợ Lớn, các phòng ngủ liền với phòng ăn và tôi cho rằng các tàu khác của công ty cũng vậy. Đúng như người ta nói: "thuận buồm xuôi gió chén chú chén anh" nhưng những ngày xấu trời, tất cả cửa tròn trông ra biển đóng lại hết, khách giỏi chịu sóng nhất khi xuống ăn cũng chỉ muốn quay về phòng ngay. Không phải vì hồi đó Địa Trung Hải hay Ân Độ Dương dữ dội hơn bây giờ, đơn giản chỉ vì các tàu hồi đó nhỏ hơn bây giờ nhiều. Kênh đào Suez hồi đó chưa sâu như bây giờ, hai tàu có thể tránh nhau với vận tốc lớn.


Địa Trung Hải vẫn duyên dáng như 40 năm trước. Ngược lại, không thể nhận ra được Port Said và Djibouti. Ba mươi năm sau khi hoàng hậu Eugénie khánh thành kênh đào, Port Said không còn là một thị trấn nhỏ nghèo nàn với vài cửa hàng lèo tèo và mấy đại lý hàng hải gần một làng Ả Rập bẩn thỉu cây cối chỉ độc một hàng xương rồng.


Kênh vẫn dài như thế nhưng hành trình như lâu hơn vì không như bây giờ du khách có thể thư giãn ngắm cây xanh và những vườn cây ăn quả mọc hai bên bờ sau khi người ta đào kênh dẫn nước ngọt qua Ismalia.


Dọc theo Biển Đỏ, thuyền trưởng chỉ cho chúng tôi lãnh thổ của Cheik Said. Lãnh thổ này nước Pháp vừa mới mua lại của một công ty thương mại Marseille. Công ty sở hữu lãnh thổ từ 30 năm nay. Tất nhiên vào năm 1898 nước Pháp không cần cho quân đồn trú trên lãnh thổ mới nhất này của đế quốc, nhưng những sự kiện mới đây cho thấy có vấn đề và không hiểu sao cho tới nay nước Pháp vẫn chưa đưa quân tới chiếm đóng vùng lãnh thổ có tầm chiến lược quan trọng này.


Về phần Djibouti, đó chỉ là một điểm trung chuyển ngập trong cát và hai cây cọ làm bằng kẽm tấm trước dinh thống đốc cũng vẫn không gây được ấn tượng mát mẻ.


Aden và Colombo không thay đổi. Đoạn thơ mộng nhất là Cap Gardafui ở cửa vịnh Aden. Các cường quốc đã không thỏa thuận được với nhau về việc xây dựng một ngọn hải đăng ở Cap Gardafui và có nhiều chuyện kể về số phận khốn khổ của các hành khách không may dạt tới vùng bờ biển này. Chiếc Châu Đốc, một chiếc tàu cùng kiểu nhưng đóng trước chiếc Chợ Lớn, đã chịu số phận bi thảm ở đây vào ngày 28-6-1905. Trong đêm tối, nó kẹt cứng giữa đá ngầm cách một vùng bờ không hiếu khách lắm khoảng vài trăm mét. Tờ mờ sáng hôm sau, nhiều thuyền của người Somali vũ trang tới tận răng bơi ra tàu. Các thổ dân tuyên bố sẽ cứu mọi người nếu bỏ lại tàu cho họ. Đành phải theo yêu cầu của họ cho qua nạn. Thế là mọi người để cho thổ dân cướp phá và chất đồ đạc cướp được xuống thuyền. Vậy mà mỗi thuyền chỉ nhận chở vài ba hành khách cùng với hành lý tối thiểu. Một số hành khách xuống thuyền với bộ quần áo sọc (hồi đó chưa gọi là pyjama), phụ nữ mặc quần áo ngủ, một số đi giầy dùng trong nhà. Trên bờ, tiểu vương Rouhone tới thăm sáu trăm người thoát nạn và ra lệnh trả lại một phần hành lý cho những người bị tước nhiều nhất.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6609



WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2021, 03:00:16 pm »

Người ta dựng trên cát một khu trại tạm bợ gồm nhiều lều bạt. So với chiếc Châu Đốc, khu trại thiếu rất nhiều tiện nghi, nhất là cho 150 phụ nữ và trẻ em rơi vào giữa các vị chủ nhân Somali ngoài ý muốn! Các vị chủ nhân này không bỏ sót một cơ hội cướp bóc nào: họ bán nước ngọt cho đám khách đắm tàu và lợi dụng đêm tối lần tới lấy những gì có thể lấy được trong số hành lý hành khách được phép mang theo.


Sau một ngày rưỡi, mới xuất hiện chiếc tàu nhận được điện cấp cứu của chiếc Chấu Đốc. Đó là chiếc Smolensk, một chiếc tàu chạy hơi nước của Nga. Đám hành khách được chuyển lên tàu với niềm sung sướng hiện ra mặt. Có nhiều tin đồn về chuyện nhiều hành khách nữ cho phép các thổ dân đẹp trai hành động quá trớn. Tuy nhiên, có điều chắc chắn là các thổ dân tỏ ra thờ ơ với phụ nữ da trắng. Phải nói rằng số phụ nữ này, theo mốt thời đó, không được xuất sắc lắm. Ở đây chúng ta phải công bằng thừa nhận tính bất cần của người Somali tới mức chẳng biết tán tỉnh nữa. Để biết các nữ hành khách, chính xác hơn là một trong số họ, có bị những tên "dã man" làm tổn thương không, độc giả cứ hỏi những phụ nữ Pháp đã sống khổ ải trên chiếc Châu Đốc và hiện nay đang sống ở Đông Dương.


Năm 1926, người ta xây dựng một ngọn hải đăng ở Gardafui và đặt một đơn vị Ý đồn trú ở đó để bảo vệ chống lại đám du mục Somali chuyên cướp phá. Tuy vậy thỉnh thoảng chiếc tàu nào không may bị sương mù lạc mắc cạn vào bờ vẫn phải chịu cảnh thê thảm ở đoạn này. Vụ xúc động và đau đớn nhất đối với người Đông Dương là vụ chiếc George Philippar bị cháy và chìm vào năm 1932 cướp đi nhiều sinh mạng. Lần này, không hiểu ngẫu nhiên thế nào lại là tàu Nga, đúng hơn là tàu Xô-viết, tới cứu những người sống sót.


Vượt qua mũi Gardafui, việc chạy tàu rất vất vả vào mùa gió chướng. Như tôi đã nói, Ấn Độ Dương hiện nay không kém dữ dội hơn ngày xưa, tuy nhiên so với những gì xảy ra đối với những con tàu khổng lồ hiện nay thì những cơn bão ngày xưa có vẻ vô hại hơn. Cá nhân tôi, tôi chưa bao giờ vượt biển vất vả như lần đi trên chiếc Chợ Lớn vào năm 1898: ngay trong Biển Đỏ và trong eo Malacca, bàn ăn cứ như dựng lên. Đương nhiên một con tàu 2522 tấn như chiếc Chợ Lớn (chiếc Claude Chappe 2301 tấn, chiếc Khải Định 3003 tấn) phải khác con quái vật Aramis 9990 tấn hay thậm chí chiếc Cap Saint Jacques 4891 tấn. Đây là lần duy nhất tôi cảm thấy khó chịu. Những người cùng phòng với tôi là Gouy, Collin và Barnéoud, cả ba là tham tá ngành Bưu điện - Điện báo. Gouy và Collin chưa bao giờ đi biển; riêng Barnéoud muốn xem bão nên nhờ thủy thủ trói chặt mình vào cột buồm để khỏi bị sóng cuốn xuống biển mà sóng thì không ngừng quét đi quét lại boong tàu từ Gardafui tới Colombo.


Một cảm xúc ngày nay không còn nữa khi hải hành xa trên những con tàu khách, đó là việc cho chìm xuống biển xác những người không may chết trên tàu khi tàu không tới kịp bến gần nhất. Xác người chết cho vào bao buộc chì được mang lên boong. Tại đây tề tựu những người chia tay lần cuối với kẻ xấu số. Do không có cha đạo, một hành khách hoặc thủy thủ đọc kinh cầu nguyện cho người chết, sau đó người ta đặt chiếc bao lên một tấm ván nghiêng và cho trượt xuống biển. Bọt sóng nước khép chiếc bao đựng xác người đang được ai đó hoài công chờ đợi ở một góc nào đó trên thế giới.


Singapo trở thành một điểm dừng chân vui tươi với những đảo đất đỏ viền cây xanh giống như một vòng trang sức bằng san hô điểm ngọc xanh. Sau 40 năm, ta có thể thấy sự thay đổi của Singapo qua những ngọn đồi nhỏ bị cuốc xẻng của những người phu Mã Lai san phẳng để xây dựng các kho và cửa hàng mới.


Sàigòn thay đổi nhiều trong 40 năm qua. Chỉ có các bãi kho của hãng Messageries Maritimes còn giữ được vẻ sơ khai với sỏi đá và bụi ơi là bụi, dường như sự có mặt của nước Pháp ở Nam Kỳ chỉ là tạm bợ. Các phòng làm việc của công ty bệ rạc trông thấy. Tuy nhiên các sàn ván tồi tàn ngày xưa đã nhường chỗ cho các cầu cảng ngay ngắn, sạch sẽ và rộng rãi mặc dù vẫn còn nhiều chỗ thiếu thứ che mưa nắng. Sau 80 năm, hình như ban lãnh đạo công ty vẫn không biết Saigon mưa nhiều mà nắng cũng lắm. Họ là kẻ thù công khai của các tập quán Sàigòn, một tập quán thường nghênh đón và phục vụ các du khách thân hữu. Trừ các quan chức ra, ban lãnh đạo này chẳng làm được gì cho khách lên xuống tàu được thoải mái.


Nếu tôi được làm lãnh đạo chỉ cần trong hai mươi bốn giờ, tôi sẽ yêu cầu ông tổng đại lý công ty chuyển tất cả các căn phòng trong ngôi biệt thự của ông ta ở cao nguyên tới đây và sẽ biến khu vực rộng lớn hiện nay, nghe đâu cùng thời với thời kỳ các soái phủ, thành các phòng đón tiếp khách đi tàu và người đưa tiễn.


Các phòng khách có bán cà phê và đồ ăn cho cả đám người thô lậu từ lâu bị coi một cách hài hước là những tên gây rối đáng ngờ chuyên leo lên tàu chỉ để làm mỗi việc là đặt bom cháy.


Được cải thiện đáng kể sau khi quy chế "khu vực" được thiết lập, Sàigòn đã ghi được một số điểm son khi xây dựng lại hai chiếc cầu bé tí teo bắc qua rạch.


Tôi không nhận ra Sàigòn khi con rạch ngày xưa nay đã thành đại lộ Charner (nay là đường Nguyễn Huệ - ND) nhưng tôi nhớ rõ sự nhộn nhịp của đại lộ này khi Chợ chính (Grand Marché) còn nằm ở chỗ ngày nay là Kho Bạc.


Theo gương Hà Nội, Sàigòn cũng muốn có chợ hoa riêng nhưng nhà cầm quyền không tổ chức được vì quá yếu kém. Người ta thiết kế một địa điểm bán hoa, người ta đánh thuế nhưng chẳng có luật lệ nào áp lên hàng hóa. Hoa được bày bán dưới những mái tôn tráng kẽm cũ kỹ và các túp lều. Có lẽ khu bán hoa chỉ để làm đẹp thành phố. Gì đi nữa thì ít ra không phải vì những bông hoa này mà du khách phải đi xa đến như vậy để tìm mua. Nói chính xác hơn, chẳng qua là vẽ sự vì ở đây nếu muốn chỉ cần ra lệnh, chẳng việc gì phải nhúng tay vào.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6609



WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2021, 03:01:38 pm »

Thành phố mở rộng ra nhiều, chủ yếu theo hướng ra phía sau nhà thờ thành phố và sang phía Chợ Lớn.

Được xây dựng gần như mới trong những năm cuối của thời kỳ đó, phố Catinat giờ đây có nhiều cửa hàng nhỏ theo kiểu châu Âu. Các cửa hàng của người Tàu chỉ còn lại một vài hiệu do sự cạnh tranh của người Bắc Kỳ. Chỉ có nghề bán tạp hóa là không đánh bật được dân bản địa ít vốn và thiếu năng lực thương mại.


Năm 1898, nhà hát thành phố còn đang xây dựng và tôi thấy bộ dàn giáo làm bằng rất nhiều tre. Ngày nay có rất nhiều rạp chiếu bóng trong đó có những rạp chạy máy điều hòa nhiệt độ như rạp Majestic trong khi ngày xưa chỉ có chiếc rạp lưu động khốn khổ bằng lụa của Léopold đi khắp Đông Dương chiếu những cuốn phim đầu tiên của anh em nhà Lumière. Đó là các phim Kẻ tưới vườn bị tưới và Chuyến tàu tới ga Ciotat. Trong một số buổi chiếu, sự lôi cuốn nhất của đoàn là... chiếc máy hát chạy dây cót.


Hội Hiếu nhạc (Philharmonique) tồn tại rất chật vật mặc dù những người dẫn dắt hội cố gắng vượt bậc. Nội dung chương trình kém xa ngày nay và số tiết mục gần như đếm được trên đầu ngón tay.

Nhà hát, ngày xưa là một trung tâm lôi cuốn không gì sánh được, nay chỉ còn là một đống gạch. Lòng yêu nghệ thuật đã ra đi và chắc chẳng ai phản ứng gì nếu một viên chức nào đó của thành phố có đầu óc thực tiễn để nghị biến Nhà Hát lớn thành nhà xe hoặc hàng ăn.


Câu lạc bộ Thể thao Saigon (Cercle Sportif Saigonais) là một cực sôi động của thành phố. Tuy nhiên, trong thế giới tán gẫu bao la, các môn thể thao của câu lạc bộ chỉ là những thứ phụ. Ngoài vô số những ngày lễ trong năm, cuộc sống sôi sùng sục hàng ngày chỉ diễn ra trong vài giờ trước bữa ăn.


Lúc tan lễ sáng chủ nhật là lúc vui nhất. Đó là lúc bức tranh Sàigòn có nhiều màu sắc nhất với sự tươi mát của mút-sơ-lin mềm mại của phụ nữ châu Âu và sự rực rỡ của khăn áo các phụ nữ Pondichery (thành phố nhượng địa của Pháp tại Ấn Độ - ND) cắt rất khéo. Năm 1898, tượng Đức Bá Đa Lộc còn chưa dựng trước nhà thờ; ngược lại, tượng Gambetta đứng tô điểm cho đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn - ND) trước khi chuyển tới vườn bách thảo. Tượng Francis Garnier vẫn chưa được dựng trước Nhà Hát lớn như hiện nay.


Mỗi thời mỗi phong tục. Trước đây bốn mươi năm, các hiệu cà phê bóp lè lưỡi người uống. Vào giờ đông khách, các bàn choán hết vỉa hè và mùi hồi tỏa khắp khu vực Nhà Hát lớn như mùi thuốc phiện ngày nay vẫn tỏa ra ở khu vực này mỗi khi xưởng chế biến của đại lý chính thức chuẩn bị nấu thứ nhựa đầy ma lực và tinh tế này.


Quanh quảng trường Nhà Hát lớn, khách sạn Hoàn Cầu (Continental) vẫn thế trừ sự nhộn nhịp xưa kia. Bên kia đường Catinat, cửa hàng Cà phê Nhạc (Café de la Musique) tọa lạc tại chỗ nay là hiệu thuốc Solirène, áp vào vị trí cũ của Khách sạn Vạn quốc (Hôtel des Nations). Khách sạn này chạy dài tới đại lộ Charner.


Ở đầu kia quảng trường, cửa hàng Grand Café de la Terrasse chạy từ góc đường Bonard tới vị trí nay là các cửa hàng của công ty Boy - Landry. Cuối cùng là cửa hàng Cà phê Hoa (Café des Fleurs) nay là các gian hàng của Mỹ phẩm Catinat (Nouveautés Catinat). Cửa hàng cà phê này tôi không lưu giữ nhiều kỷ niệm lắm.


Thời đó, phụ nữ Âu châu ít lai vãng tới các hiệu cà phê. Có thể các đám hút xì gà Manila không lôi cuốn họ, cũng có thể phụ nữ ngồi ở hiệu cà phê là một hình ảnh khó coi vào thời đó. Ngoài ra, có thể còn do phụ nữ châu Âu lúc đó không nhiều như bây giờ. Trong khi các đấng chủ gia đình "làm phận sự" ở hiệu cà phê thì nhiệm vụ của các bà là dùng xe Victoria cùng với các con đi thanh sát. Chiếc xe ngựa leng keng, phía trước chễm chệ người xà ích đầu cuốn khăn, chân dận bốt. Trước khi quay về nhà, các bà cho xe qua các quán cà phê đón papa về. Như thế đỡ phải cho xe đón. Thế là chiều nào dọc đường Catinat cũng có một dãy xe tứ mã leng keng trong có những người đàn bà đẹp. Mỗi lần thay xì gà, các tay bợm rượu lại ranh mãnh trao đổi với nhau vài điều đôi khi rất thô lỗ.


Trong thành phố còn có loại xe Malaba (Malabare, tên một địa phương ở Ấn Độ, nơi chế tạo ra xe - ND), một loại xe vuông bốn bánh do một ngựa kéo. Loại xe này ngày nay chỉ còn vài chiếc được các cộng đồng tôn giáo dùng để trưng bày.


Loại xe Victoria sau này biến đổi thành xe hơi còn xe Malaba được xe "bao diêm" (có lẽ muốn nói xe điện - ND) thay thế.

Ở Nam Kỳ, xe kéo tay không thoải mái như ở Bắc Kỳ, nhưng việc biến đổi chúng thành xích lô dường như báo trước sớm hay muộn chúng sẽ biến mất.

Không hiểu do trọng tải nhỏ của các tàu ngày xưa hay do cảng không to như ngày nay, tôi thấy cảng hồi đó nhộn nhịp hơn. Hôm đầu tiên tới Sàigòn, tôi thấy trong cảng có hai mươi hai chiếc tàu buôn chạy hơi nước. Chín chiếc của Pháp: Jean Baptiste, Kam Ky, Les Alpes, Cachemire, Ville de Metz, Tibre, Yarra, Haiphong và Eridan. Sáu chiếc của Đức: China, Donar, Picciola, Tristes, Siegfried và Rio. Nước Anh có năm chiếc: Volute, Aldershot, Propontis, Sishan và Lord Kimaird. Ý có một chiếc Garibaldi. Hà Lan một: Hok Tjioc. Tàu Nhật lúc đó khá hiếm ở Sàigòn.


Ngày nay chỉ có chiếc Khải Định chở khách từ Sàigòn ra Bắc Kỳ thay cho chiếc Claude Chappe; ngày xưa làm nhiệm vụ trên tuyến này là bốn chiếc: Tamise, Haiphong, Eridan và Manche. Đổi lại, có nhiều thay đổi đáng mừng. Đứng trên boong tàu nhìn xuống, ta thấy đám dân Sàigòn không còn bộ mặt đáng sợ ngày xưa: vàng của bệnh gan, xanh rốt vì ỉa chảy mà có người gọi một cách hoa mỹ là bệnh Nam Kỳ, bềnh bệch của những người hút thuốc phiện. Những người lần đầu tiên tới Sàigòn thường phát chán khi thấy những bộ mặt như vậy và hạnh phúc thay cho những ai được ra Bắc Kỳ. Ở ngoài đó, họ gặp những khuôn mặt bụ bẫm, những cặp mắt linh lợi, những cặp má hồng hào, sản phẩm tươi tốt của mùa đông Bắc Kỳ.


Một bức hý họa trên một tờ báo Sàigòn cho thấy rất rõ sự ọp ẹp thường xuyên của những chiếc bụng ở phương Nam. Tờ báo vẽ hai người đi dạo trên đường Catinat chặn một người châu Âu, chắc là khiếm lễ với họ, và hách dịch kêu lên: "Ơ! cái tên Bắc Kỳ này!".
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6609



WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2021, 02:05:25 pm »

Tàu chúng tôi vượt Ô Cấp (Cap Saint Jacques, nay là Vũng Tàu - ND) lúc trời vừa sáng. Chiếc Chợ Lớn giờ đây chạy dọc theo bờ biển Trung Kỳ ở khoảng cách trông rất rõ các dãy núi.

Người đầy tớ gái của ông Bourayne, ông này 30 năm sau rời thuộc địa với chức danh tổng biện lý, leo lên boong hít thở không khí trong lành buổi sáng. Đó là một cô gái Nam Kỳ chưa bao giờ biết tới những cảnh khác với những cánh ruộng bằng phẳng ở quê mình. Cô ngẩn người thấy những chỗ đứt gãy của núi trên nền trời, không thể ngờ rằng có những nơi mặt đất lại không bằng phẳng như ở quê. Cô lại gần tôi nói: "Nó vỡ hết rồi!" tựa như muốn tôi chia sẻ sự kỳ lạ của phong cảnh.


Chưa hiểu dân da vàng lắm, tôi hỏi, cố hiểu xem cô nói gì: "Cái gì vỡ?". Cô lặng lẽ chỉ dãy núi xa xa nói: "Nó vỡ hết rồi". Tôi nhìn về phía bờ biển xem có chiếc tàu nào bị bão đánh vỡ nhưng chẳng thấy gì. Vừa khéo ông Bourayne ở hầm tàu đi lên. Cô chạy về phía ông và lần thứ ba nhắc lại câu nói biểu thị sự kinh ngạc và băn khoăn: "Nó vỡ hết rồi". Người chủ hiểu ngay, ông ta nói với tôi: "Cô ta nói về núi".


Thế là chúng tôi bàn luận với nhau chuyện một số người nhà quê không thể hình dung nổi có một số thứ tồn tại trên đời mà họ chỉ được nghe kể. Chắc chắn người phụ nữ này đã biết từ "núi" nhưng tin ràng đó chỉ là một từ của thơ ca và nếu cô nhìn thấy tranh vẽ núi nhất định cô phải tin đó là vẽ bịa. Những người vô thức như thế, khi chủ dọn nhà, đôi khi treo ngược tranh nhà, cây... Dĩ nhiên tôi nói như vậy là nói về thời kỳ tiền lập thể.


Đối với du khách, việc đến được Hải Phòng không phải là điều gì lớn lao hay ghê gớm lắm: từ Nam Kỳ giàu có và sống động, người ta chuyển sang một vùng trông nghèo nàn và không có hoạt động thương mại ra hồn. Nếu coi Hải Phòng là một thành phố tân lập thì những nỗ lực của người Pháp ở đây thật to lớn, huy hoàng và không vô ích lắm. Nhìn bề ngoài, Hải Phòng như một đứa bé sắp chết yểu vì thành phố khốn khổ này không sao chứng minh được sự cần thiết phải tốn kém đến như vậy để xây dựng cảng ở đây, ngược với những lời khuyên đúng là nên xây dựng cảng của Bắc Kỳ trong Vịnh Hạ Long. Sự nhộn nhịp của Hải Phòng trong chiến tranh Trung - Nhật chỉ mang tính tạm thời và không đánh bại được lý lẽ của những suy nghĩ lành mạnh.


Năm 1898, ngoài Đồ Sơn cách Hải Phòng 22km không còn chỗ nghỉ nào khác cho người Pháp ở Bắc Kỳ. Ở Nam Kỳ, những người Pháp có phương tiện đều đi nghỉ mát ở Ô Cấp. Những người ốm muốn mau bình phục không có điều kiện về Pháp thì đi Nhật, nơi chính quyền Đông Dương tài trợ cho một dưỡng đường của bác sĩ Mècre ở Yokohama.


Năm 1898, khi bảo vệ trước Quốc hội đạo luật cho phép vay 200 triệu francs, Paul Doumer giải thích rằng đường sắt mở lên cao nguyên Lang Bian sẽ cho phép xây dựng Đà Lạt thành một điểm nghỉ mát trên cao. Một nghị sĩ nắm vững các thông tin kêu lên: "Nhưng các ông đã có Đồ Sơn!". Doumer thản nhiên trả lời: "Vâng, nhưng những người chúng tôi gửi ra đó sẽ chết ở đó". Tất nhiên đạo luật được thông qua nhưng dân Bắc Kỳ ngớ người ra khi đọc câu trả lời trên của toàn quyền đăng trong biên bản tranh luận vì chính họ, họ biết rằng Doumer đã gửi vợ con ra đóng đô ở bãi biển Đồ Sơn trong thời gian ông ta ở Paris.


Theo lý, đối với một nhân vật cần để mọi người tôn trọng, một sự nhẫn, tâm như vậy là vô trách nhiệm. Tuy nhiên cần hiểu rằng Paul Doumer muốn có được khoản tín dụng bằng mọi cách. Nếu ông ta giải thích Đồ Sơn do vị trí địa lý không có ích cho người Pháp phương Nam thích leo núi, ông ta sẽ thất bại trong cuộc tranh luận. Trước các nghị sĩ không được thông tin đầy đủ, thái độ ấp úng của ông chắc chắn sẽ cho một viễn cảnh ảm đạm.


Ban đầu người ta ra Đồ Sơn bằng ghe. Khi tôi tới thuộc địa, đường ra Đồ Sơn đã làm xong và người ta cảm thấy nó rất dài khi đi xe Victoria ra. Nếu đi xe kéo, khổ thay đây lại là phương tiện chính, thì con đường dương như không có điểm đến. Mỗi xe có hai người phu, một kéo một đẩy. Giữa hành trình, họ dừng lại chỉ để uống mấy hớp nước chè tại chỗ xung quanh toàn đầm lầy buồn thiu. Các phu xe Bắc Kỳ là những người có sức chịu đựng ghê gớm ngay cả khi tôi chẳng trả cho họ xu nào.


Bãi biển Đồ Sơn không có vẻ vui tươi. Tất nhiên về mùa đông chẳng ai lần ra bãi biển nhưng về mùa hè nếu có ra thì cái nóng trên bãi cát không sao chịu nổi mà gió thì không phải lúc nào cũng nhiều.


Bốn mươi năm trước đây các khách sạn ở Đồ Sơn chưa được như bây giờ nhưng khai thác rất có hiệu quả và ăn uống khá tốt.

Thú tiêu khiển thích nhất ở Đồ Sơn là đi dạo bằng cáng. Trong trò này, những người châu Âu thường sai những phụ nữ bản địa to khỏe cáng mình trên những chiếc cáng. Đó là những phụ nữ nói luôn miệng và khi tin chắc khách trên cáng không hiểu tiếng An Nam liền nói vung lên, so sánh người trên cáng với những con vật mang ra chợ bán. Các vị du khách phục phịch hãnh diện về sự An Nam hóa của mình nhiều khi tưởng được gọi là quan - lon (quan lớn) nhưng thực ra chỉ là con-lon (con lợn). Tiếng cười của những người đàn bà vui vẻ, sung sướng vì được chế giễu những vị khách Pháp, chắc chắn sẽ buộc người ngồi trên cáng phải cẩn trọng đối với sự chuyển ngữ.


Sự sai sót trong chuyển ngữ thế mà hóa hay, nó làm ai cũng thấy thỏa mãn.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6609



WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2021, 02:06:09 pm »

Ít lâu sau khi tới Bắc Kỳ, sau khi nghỉ vài ngày ở Đồ Sơn với cha tôi, lúc đó là thanh tra ngành đường sắt ở Lạng Sơn, ngày 10-6-1898, tôi cùng với cha tôi lên cái thị trấn lịch sử nhỏ bé này.

Lúc đó, để đi Lạng Sơn phải đi tàu thủy của sở Thủy lộ từ Hải Phòng tới Phủ Lạng Thương. Tàu rời bến lúc 5 giờ chiều, chạy suốt đêm và theo lý thuyết sẽ tới Phủ Lạng Thương vào sáng hôm sau. Nhưng lần đó tàu lệch ra khỏi lòng sông Thương và mắc cạn vào giữa một thửa ruộng... Mọi người chỉ nhận ra sai lầm của hoa tiêu lúc trời bắt đầu sáng. Đúng lúc đó viên cò-mi trên tàu, một anh chàng người Nĩmes tên là Ferrières, bước ra khỏi phòng la ầm lên: "Tại sao dừng lại! Cho tàu chạy đi!".


Cần phải đào một con lạch để đưa tàu ra sông. Công việc này phải kéo dài hàng tuần. Rất may, ngay trong hôm đó, chiếc tàu chở trú sứ Pháp tại Bắc Giang, ông Quennec, đi tới và cho canô tới đón chúng tôi. Đối với tôi, điều này đặc biệt may mắn vì trên tàu chẳng có gì ăn. Nói chung, trong những trường hợp như thế này, hành khách trẻ là những người thấy đói trước tiên.


Từ Phủ Lạng Thương tới Lạng Sơn, chúng tôi đi xe hỏa kiểu Decauville, đường ray chỉ rộng có 0,6m. Phải mất tới 12 tiếng đồng hồ để vượt qua 100km giữa hai điểm này.


Đối với du khách đi lần đầu như tôi, cảnh rừng rú rậm rạp của vùng Kép và Bắc Lệ (Thuộc Bắc Giang - ND) có cái gì đó vừa rạo rực vừa gây lo ngại. Đây là vùng vẫn còn nóng hổi những kỷ niệm về cạm bẫy, về vẻ dữ dội của dãy núi đá vôi Cai Kinh với các trạm gác của dân binh bên đường xe lửa và các lô cốt mi ni phất phơ lá cờ ba sắc.


Lúc xe lửa leo dốc, hành khách đi bộ theo sau một cách thoải mái. May mà không bị mời đẩy tàu lên dốc.

Ngẫm lại, tôi thấy mình thật liều lĩnh khi lướt bộ qua những bụi tre gai góc rậm rạp, chắc chắn trong đó cụ hổ khát máu sẵn sàng chồm lên đầu chúng tôi.

Ngày 14-7-1898, tại Lạng Sơn có một bữa tiệc nhỏ ở nhà ông Kuenemann và Roujou, hai nhà thầu khoán đang chuyển đường tàu khổ 0,6m thành khổ 1m. Bữa tiệc có 12 suất trong đó có cha tôi và tôi.

Nơi tụ hội để uống khai vị là Khách sạn Bưu điện (Hôtel de la Poste), khách sạn duy nhất của thị xã nhỏ bé này. Tôi được cha tôi giới thiệu với các thực khách trong đó có một ông to béo dễ mến. Đó là ông Henri Guigal, một nhà thầu khoán ngành giao thông ở thượng du.


Khi rượu ngải được rót ra các cốc có đá và câu chuyên bắt đầu đậm đà thì không ai để ý tới Guigal ra ngoài. Chỉ tôi lúc kết thúc tiệc rượu để đi ăn, ông Roujou mới hỏi: "Henri đâu?". Kuenemann biết tính hay ăn của Guigal, trả lời: "Chắc ông ta đi một vòng qua nhà bếp". Thế là chúng tôi kéo nhau tới nhà bếp kê ngay gần bên. Ở cửa bếp, Guigal nhoẻn miệng vui vẻ nói mọi người làm ông ta sắp chết đói. Mọi người ngồi vào bàn có cắm hoa và toàn nam giới. Thực đơn chép tay cho biết món đầu tiên là món cừu nấu theo kiểu Brơton. Rượu vang rất ngon, chuyện như pháo nổ trong khi chờ món thịt cừu. Tự nhiên chúng tôi thấy người hầu ngừng phục vụ. Roujou thấy lạ liền hách dịch ra hiệu gọi người hầu đang làm ra vẻ như không biết gì. Bực mình, Roujou la ầm lên: "Bồi, mày có mang món thịt cừu lên hay không?". Người hầu hoảng sợ lúng búng không ra tiếng. Tới lúc đó, Guigal mới thân mật nói với người phục vụ: "Sáu, mày cứ nói thật với các ông ấy!". Lúc này người hầu mới hết sợ, anh ta nói: "Thịt cừu ông Guigal ăn hết rồi".


Ăn hết lượng cừu nướng cho mười hai người ăn, thật chuyện như đùa! Roujou chạy xuống bếp hỏi người "bêp". Người đầu bếp chỉ đống xương nói: "ông Guigal ăn hết thịt cừu rồi". Roujou giận dữ mang chỗ xương còn lại lên và giơ lên đầu Guigal cho mọi người xem. Con người to béo ra vẻ sợ sệt nhưng cái bụng phệ lắc đi lắc lại như thích chí, cuối cùng mới biện bác: "Tôi xuống xem thằng bếp làm gì, thấy món thịt cừu vừa chín thế là ăn luôn. Lỗi là do các anh vì các anh sẽ để cháy nó".

Chúng tôi đành cười và ăn món đậu nấu trong đó có phần của Guigal nhường lại.

Guigal cân nặng 132kg và quen với những kiểu háu ăn kỳ quái. Mấy năm sau, trong một bữa ăn ở nhà ông Clop, một người sản xuất thùng xe ở Hải Phòng, tôi thấy anh ta vươn tay với chai Saint Honoré ở giữa bàn và tu một hơi hết chai rượu dành cho tám người, sau đó nhẹ nhàng cho biến mất khối bánh kem đồ sộ, vờ như không biết tới tiếng cười của những người cùng ăn. Vậy mà sau khi lau miệng, Guigal lại vờ tỏ ra ngạc nhiên trước bộ mặt ngẩn ra của chúng tôi, anh xin lỗi bà Clop: "Tôi cứ tưởng mỗi người có một chiếc và chiếc đó dành cho tôi".


Chính Guigal là người biết khai thác thế mạnh của người An Nam trong bất kỳ công việc nào. Anh ta nói: "Nếu bạn cần đầu bếp, bạn đừng có thuê đầu bếp, chỉ cần tìm một người An Nam là được. Tìm rất dễ, cứ đứng bên cửa sổ, khi thấy người An Nam đầu tiên nào đi qua thì đó chính là đầu bếp mới của bạn đấy. Tất nhiên người đó phải chấp nhận các điều kiện. Những phần việc còn lại chỉ cần làm mẫu cho người đó hai hay ba lần là đủ". Đó chính là cách Guigal đã thực hiện ở Lạng Sơn, một nơi rất hiếm đầu bếp có kinh nghiệm. Đại diện của Guigal ở Cao Bằng, một anh chàng tên là Carnino, khá khô khan trong cuộc sống riêng liền viết thư cho Guigal đại khái: "Nếu ở Lạng Sơn có người phụ nữ An Nam nào đẹp muốn sống chung với tôi, tôi sẽ sắm cho cái vòng cổ bằng bạc".


Sau nhiều tháng viện cớ cần phải chọn kỹ, Guigal chon được một bà già và gửi lên theo đoàn quân xa không quên kèm theo bức điện tín: "Thị Nam là cô gái rất đẹp được gia đình gửi gắm cho thiếu ta. Stop. Sáng nay hãy đi mua vòng cổ đi".


Mấy hôm sau Guigal nhận được bức điện tín với nội dung trách móc chua chát nhưng anh vẫn trả lời với vẻ trêu chọc: "Xin lỗi, tôi chỉ đọc được điện tín dưới ánh điện". Khỏi cần phải nói lúc đó Lạng Sơn chưa có thứ ánh sáng trắng ma qủy, thứ ánh sáng ban đầu dân bản xứ ngớ ra vì chỉ cần bật tách một cái là sang.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6609



WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2021, 07:01:06 pm »

Do đá giải khát tới Lạng Sơn rất thất thường nên Guigal nảy ra ý lắp đặt ở đây một cơ sở sản xuất nhỏ cung ứng cho cả vùng. Trước khi thử may rủi, Guigal báo trước cho các khách hàng: "Tôi hứa sẽ cung cấp đá cho các ông hàng ngày nhưng tôi phải bán với giá cao hơn giá Hà Nội cho tới khi đạt được sản lượng đủ lớn".


Dĩ nhiên anh em Larue ở Hà Nội, được đại lý ở Lạng Sơn báo động, phải chuẩn bị bảo vệ độc quyền cung ứng đá cây ở Đông Dương. Họ chỉ thị cho người đại diện ở Lạng Sơn tên là Frêche hạ giá đá khi xưởng đá mới bắt đầu sản xuất.


Giá đá bình thường trước khi diễn ra cuộc cạnh tranh là 0,2 đồng một kilô. Thế rồi một hôm trên các bức tường của thị xã nhỏ bé xuất hiện các tờ quảng cáo in:

Đá Frêche ... 0,15 đồng

Guigal dũng cảm phản pháo bằng một quảng cáo khác:

Đá nóng (chaude) ... 0,30 đồng.

(Ở đây chữ chaude (nóng) đối với chữ frêche phát âm gần giống chữ fraiche (lạnh, mát) - ND).


Than ôi, mặc dù hứa sẽ giữ chữ tín, các nhà tiêu thụ đá ở Lạng Sơn vẫn đặt lợi ích riêng lên trên hết: khi tàu lên đúng giờ, họ mua đá Frêche; khi tàu hỏng hóc trên đường, họ mua đá nóng (nguyên văn vẫn là chaude nhưng nghĩa đã khác - ND) với giá đắng chát. Tuy nhiên Guigal không muốn bị động, anh cải biến xưởng thành xưởng sản xuất nước có ga.


Tôi có nhiều kỷ niệm buồn về số bạn bè đông đảo trong những ngày đầu khi tới Đông Dương, những người tôi phải đưa tới nơi ở cuối cùng. Có lần ở Hải Phòng tôi phải dự tới ba đám tang liên tiếp mà đâu có phải thời kỳ dịch bệnh gì cho cam.


Tuy nhiên, tất cả những bạn đầu tiên của tôi khi tôi tới Đông Dương vẫn còn ở lại thuộc địa này và vẫn vui tươi. Một trong những người bạn đó là Gustave Demolle, hiện nay là phó chủ tịch Phòng Thương mại Hà Nội. Anh là người tinh tế và tận tâm với bạn bè. Năm 1898, anh làm thuê cho cửa hàng của anh em nhà Duverger Lạng Sơn. Tôi nhớ hồi đó anh bán các khung ảnh. Khung ảnh hồi đó gọi là photophore, một cái tên trữ tình làm tôi thán phục mãi.


Lạng Sơn là một trung tâm gần như quân sự và Demolle lúc đó là thanh niên châu Âu duy nhất ở đây. Đã thế, do anh phải làm việc suốt ngày nên tôi chỉ có thể gặp anh vào buổi tối. Để bù lại, tôi làm quen với con trai ông Vi Văn Lý, tổng đốc tỉnh. Cùng với anh thanh niên vô công rồi nghề này tôi cưỡi ngựa rong ruổi qua các ngọn đồi. Tôi như còn thấy người bạn An Nam phi nước kiệu phía trước tôi vượt qua những đồi cỏ gianh, khi gặp vật cản con ngựa bật lên vượt qua, mái tóc người kỵ sĩ An Nam bung ra phủ hết vai. Nhà thể thao dũng cảm và đáng mến này hiện nay là nhân vật quan trọng trong hàng ngũ quan lại. Tên ông là Vi Văn Định, tổng đốc Hà Đông thay cho ngài Võ Hiển Hoàng Trọng Phu.


Tôi không biết tin tức gì về Vi Văn Định mãi cho tới năm 1922, trong Triển lãm Thuộc địa (Exposition Coloniale) ở Marseille, ông ta gặp và bắt tôi đưa danh thiếp cho Văn phòng Kinh tế của Toàn quyền Đông Dương ở Paris, nơi tôi làm việc lúc đó. Sau này khi tôi là Giám đốc các nhà hát thành phố ở Bắc Kỳ từ 1927 tới 1930, tôi rất mừng thấy ông là một trong những khán giả trung thành của mình. Ông thật đáng trân trọng vì đã đi từ Thái Bình, cách Hà Nội 110km, về xem các buổi diễn. Ngoài ra, ông còn là một người thưởng thức tinh tế, trước đây vẫn thường lui tới các nhà hát nổi tiếng ở Paris. Những đánh giá của ông về các vở kịch của tôi luôn luôn thấm đẫm tinh thần phê phán xây dựng.


Ở Lạng Sơn, cưỡi ngựa không phải là môn thể thao tốn kém vì con ngựa đủ cả yên cương tôi mua lại của một hạ sĩ quan giá có 8 đồng, tức là 19,2 francs theo tỉ giá 2,4 francs một đồng. Anh chàng hạ sĩ quan cưỡi ngựa rất lúng túng và muốn đi xe hỏa hơn.


Nói gì đi nữa, tôi tới Đông - Dương (Indo - Chine, hồi đó có dấu gạch nối) không phải để cưỡi ngựa. Ngay từ khi tôi tới thuộc địa, cha tôi đã đọc cho tôi viết đơn xin vào làm ở Quan thuế và hai cha con tôi yên trí ngồi chờ vì, như tôi đã nói, thời đó không có nhiều ứng viên cho một chức vụ.


Chẳng bao lâu tôi nhận được giấy báo trình diện vào ngày 16-9 tại Chi cục Quan thuế Bắc Kỳ ở Hải Phòng. Tại đây tôi được bổ làm nhân viên tạm thời với mức lương khởi điểm tuyệt vời là 60 đồng, tức 144 francs, một tháng.


Tiền ăn một tháng mất 35 đồng, tiền nhà 12,5 đồng thuê luôn của chính quyền, lương trả cho người hầu mất 5 đồng. Phần còn lại phải chi cho quần áo, giầy dép, tiền giặt quần áo, thuốc lá, xe kéo, dự phòng và bao các cô đào hát. Ngày nay thật sai lầm khi trả 150 đồng lương khởi điểm cho những người vào cùng ngành như tôi nhưng phải nói thực ngày xưa người ta chỉ để những người tập sự vừa đủ sống. Sau vài tháng lương được nâng lên 75 hay 90 đồng. Ngày nay, chính quyền lợi dụng nạn thất nghiệp một cách khá ranh ma để giữ các nhân viên trong tình trạng khốn khổ trong nhiều năm.


Trở lại hôm triệu tập, tôi có mặt đúng giờ ở phòng ông chủ sự chi cục Rincheval. Ông này có vẻ nghiêm khắc. Để mào câu chuyện, ông hỏi tôi: "Cậu người tỉnh nào?” - "Dạ, tỉnh Loira Hạ" - "Cậu học ở đâu?" - "Ở Nantes" - "Ở trường nào?” - "Dạ, ở trường học nghề" - "Tôi, tôi có thằng con học trường trung học" - "Vâng, anh ấy số 42" - "Sao! cậu biết nó à?” - "Dạ không" - "Thế sao cậu biết số của nó” - "Tại vì cháu làm thuê cho người thợ may chuyên cung cấp đồng phục học sinh" - "Và cậu nhớ số của con tôi?" - "Cháu nhớ tất cả các số vì trong ba năm cháu phải đánh số tất cả các thứ đồ mặc của học sinh nội trú như mũ lưỡi trai, mũ nồi, quần lửng, thắt lưng...".


Sau cuộc nói chuyện, ông Rincheval tỏ ra tốt với tôi. Nhưng năm 1899 ông mãn nhiệm và về châu Âu không sang nữa. Người thay ông là ông Boundal.

Các công chức cao cấp ngành quan thuế hồi đó hầu như đều là giám đốc, thanh tra hoặc kiểm tra viên của ngành quan thuế hoặc thuế gián thu bên chính quốc sang. Người ta cho rằng các cán bộ trẻ tại Đông Dương không thể cung cấp cho đội ngũ lãnh đạo cần kinh nghiệm. Điều đó là đúng vào giai đoạn xây dựng ngành quan thuế ở Bắc Kỳ nhưng đã để lại cái nếp không chịu tạo thuận lợi cho người tại chỗ. Cho tới nay, nếu phải cử giám đốc người ta vẫn ngại đề bạt các thanh tra viên có kinh nghiệm ở Đông Dương và về Pháp tìm các chủ sự gà mờ ở bộ hoặc các trưởng phòng không một chút kinh nghiệm về công việc cũng như con người ở Viễn Đông. Ho tiến hành ở đây trong nhiều năm một chính sách kỳ cục, bí hiểm và hoàn toàn cá nhân.


Sự thăng tiến mới đây của một người tên là Brats chẳng mấy hay ho gì và người ta không ngừng kêu ca sự lì lợm của một ông Kischer trong 4 nhiệm kỳ liền không biết đã gây ra bao nhiêu hậu quả đáng buồn cho sự phát triển kinh tế của nước Pháp ở châu Á... Nhưng thôi, những chuyện đó để nói sau.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6609



WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2021, 07:02:02 pm »

Nếu ông Rincheval thuộc ngạch quan thuế thì ông Boundal lại xuất thân từ ngành thuế gián thu. Đó là một người rất tinh tế và thông minh ghê gớm nhưng lười thì không ai bằng.

Để không ướt chân, ông ta bố trí một xe goòng có chỗ ngồi và mái che bằng tôn. Những người phu đàn bà của kho cảng phải đẩy toa goòng trên đường ray từ nhà viên chi cục trưởng bụng phệ tới tòa nhà có phòng làm việc của ông ta. Sáng cũng như chiều, ông Boundal chỉ ở phòng làm việc một lát để ký những giấy tờ thật cần thiết sao cho bộ máy hành chính không bị ngưng trệ và kiên quyết từ chối giải quyết bất kỳ trường hợp nào. Các nhà buôn không bao giờ gặp được ông ta và giấy tờ chất đống trong phòng làm việc. Cuối cùng, các vấn đề về quan thuế được giải quyết tại Câu lạc bộ Thương mại, nơi ông Boundal dành phần lớn thời gian lui tới. Khi phải bàn giao công việc cho người kế nhiệm, con người kỳ quái này trong có mấy giờ đã thanh lý hết đống hồ sơ tích tụ từ nhiều tháng. Ông biết giữ sĩ diện bằng cách bàn giao sổ sách sạch cho người kế nhiệm, người tưởng sẽ phải đón nhận những rối tung rối mù. Boundal nói: "Không việc gì phải năn nỉ. Mọi khó khăn được giải quyết ở đây theo cách cuốn chiếu. Tôi tin rằng đó là một phương pháp tốt các anh nên theo".


Ngoài Boundal, còn có vài bộ mặt vui nhộn ở cơ quan thuế. Tại phòng B, nơi tôi tập sự, có một kiểm soát viên tên là Jardonnet. Anh này người nhỏ bé, bụng phệ, nói lắp, lông chân lông tay đỏ, lúc nào cũng gắt gỏng. Mỗi lần hồ sơ tàu mới đến trình lên, anh liền lao vào xem xét và hàng giờ liền người ta nghe thấy anh nhắc đi nhắc lại một mình: "tất... tất cả... các giấy... giấy ưu tiên... đều, đều giả!" Anh cứ như thế ít ra là mỗi tuần hai lần.


Đối với Jardonnet, mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn từ khi ông Coquin không còn là chi cục trưởng nữa. Ông Coquin trước đây là người thành lập ra ngành quan thuế Bắc Kỳ. Trước khi hợp nhất quan thuế miền Bắc và miền Nam do việc Paul Doumer thành lập ngân sách chung cho Đông Dương, ông Coquin theo những phương pháp riêng phục vụ hữu hiệu cho chính quyền bảo hộ ra đời vào năm 1886, nhưng người ta cho rằng ông làm cai-ao (cái áo) chảy mồ hôi quá mức và sau này, tới Bắc Kỳ giám sát, người ta khẳng định ông đã có những cuộc tranh luận với những người lên án ông. Tại Khách sạn Thương mại (Hòtel du Commerce) ở Hải Phòng thậm chí đã có những cuộc tranh luận sôi nổi và đấm đá. Đối thủ của ông vừa đánh nhau với ông vừa la: "Coquin, mày là thằng đểu!". Hiển nhiên Jardonnet có những nhận xét tuyệt vời về thủ trưởng cũ của mình và không tin vào những sự nhục nhã ngươi ta quy cho sếp mình.


Khi Jardonnet rời hẳn Đông Dương, tôi mới kinh ngạc biết rằng anh thanh tra viên ở thuộc địa mười một năm này chỉ biết có Sàigòn và Hải Phòng. Chưa một lần nào trí tò mò đẩy anh tới Mỹ Tho, Biên Hòa hay Thủ Dầu Một. Ở Bắc Kỳ, anh không biết Hà Nội ở đâu và dĩ nhiên chủ nhật chẳng bao giờ ra Đồ Sơn. Rất ít khi Jardonnet đi xe kéo. Không bao giờ người ta thấy anh ở hiệu cà phê. Anh trở về Pháp với số tiền tích góp trong sạch từng xu một. Nhưng cuộc phiêu lưu ở Đông Dương của anh chưa kết thúc khi anh đóng đô ở Bordeaux. Những người An Nam qua lại các cảng lớn ở Tây Nam nước Pháp nhận ra anh, họ chào anh bằng biệt ngữ dành cho cung cách lố lăng của anh ở Hải Phòng trước đây: "Râu đỏ". Jardonnet nổi cáu. Thế là một đám đông tụ tập lại và đi theo. Bị dẫn lên đồn cảnh sát, Jardonnet lúng túng khẳng định rằng mình biết tiếng An Nam và đám người An Nam đã chửi anh. Nhưng anh không thuyết phục được viên cảnh sát và phải qua đêm trong trại giam. Chuyện này được kể qua thư cho sếp của tôi, "bố Adam".


Dưới quyền ông Adam có một kiểm soát viên hay gây sự. Đó là Henri Chanjou. Anh là người tinh tế nhất trong số bạn của tôi nhưng cũng rất nhạy cảm, vì thế luôn luôn nhận ra mình trong các bài báo ranh mãnh phê bình người này người kia. Chỉ nghĩ tới việc làm cho rõ chuyện, anh đi tới chỗ gây gổ với các phóng viên. Một lần anh cùng hai kiểm soát viên quan thuế khác, Courty và Durivault, kéo nhau lên Hà Nội để yêu cầu tổng biên tập báo Tương lai Bắc Kỳ (L'Avenir du Tonkin) làm rõ một bài báo liên quan tới anh.


Hồi đó, một chuyến đi Hà Nội buộc phải vắng mặt hai hoặc ba ngày ở Hải Phòng vì chưa có đường bộ và xà lúp thường mắc cạn ở sông Luộc (Canal des Bambous - ND).

Chanjou cùng với bạn bị nghi là lên Hà Nội với ý định giết người nên khi họ vào phòng biên tập liền bị các phóng viên phục đánh cho một trận. Sự việc, thay vì giải quyết tại chỗ, được đưa ra trước pháp luật.

Tuy nhiên anh chàng Chanjou tuyệt vời vẫn giữ được làn da cực kỳ quyến rũ. Khi làm kiểm hoá viên ở Lạng Sơn, suýt nữa Chanjou quyết đấu với viên chỉ huy trưởng quân trấn này. Nguyên do chỉ là ông này đã nhìn với vẻ không mấy cảm tình nhưng vô hại một đề mục nhỏ xíu trên chiếc biển chỉ dẫn trong cơ quan quan thuế.


Phải nói rằng ở Bắc Kỳ hồi đó việc quyết đấu khá phổ biến. Phần lớn các phóng viên sử dụng kiếm do yêu cầu nghề nghiệp.

Kể lại chuyến đi Hà Nội của Chanjou và hai người bạn, trong óc tôi hiện ra hình ảnh ba gã thanh niên to con chắc nịch. Thật lạ, phần lớn kiểm hóa viên và cò-mi thời đó mặc dù không tập thể thao nhưng khá nhanh nhẹn. Các bạn của tôi như Cotton, Lafond, Guillot, Duhoux, Cloêss, Bonnemaille, Wickel, Decoursier, Coffignal, Decusse, Cessat, Scheuring, Lafferayrie, Joinié, Millard, Latrasse, Debeaurieux, Blondell, Adam, Repton, v.v... có vóc dáng cao lớn. Hơn nữa người nào cũng ra dáng đàn ông và ông lớn chứ không còi cọc như thanh niên ngày nay.


Vài tuần sau khi tôi bắt đầu cuộc đời viên chức, nhà hát Hải Phòng mở màn khai trương mùa ca kịch (opéra) hàng năm. Mùa ca kịch kéo dài sáu tháng và được chia sẻ giữa Hải Phòng và Hà Nội.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6609



WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2021, 07:03:02 pm »

Tôi là khách ăn tháng của một chủ hàng ăn tên là Guichat. Ngồi cùng bàn với tôi là một nhân viên bưu điện tên là Gouy. Gouy sang cùng chuyến với tôi. Anh là một thanh niên đáng yêu nhưng sự không nghiêm túc của anh ít nhiều gây khó chịu cho một thanh niên mười tám tuổi như tôi. Tôi nói với anh rằng khả năng tài chính không cho phép tôi thường xuyên tới nhà hát và tôi mới tới thuộc địa nên chưa dám xin thẻ phóng viẽn thường trú tại nhà hát để được vào miễn phí. Gouy coi thường và chế nhạo tôi: "Bề dày ở thuộc địa không nghĩa lý gì cả, vấn đề là phải có chuyên môn. Ở tuổi anh, người ta đã đủ kinh nghiệm về các tiết mục và có đủ nhận thức để phán xét các nghệ sĩ".


Ý kiến của Gouy thôi thúc tôi. Tối hôm khai mạc mùa ca kịch, tôi tới nhà hát và khoảng hai giờ sáng tôi gửi cho tờ Thư tín Hải Phòng (Courier d' Haiphong) một bài tưòng thuật trong đó đề nghị không nói với ai nếu bài của tôi không được đăng. Mấy hôm sau, khi tới nhà hàng Guichat ăn trưa, tôi mua một tờ báo và nhìn thấy mẩu tin thời sự của mình ở vị trí quan trọng trên tờ báo. Bài báo ký tên Chaléons để nhớ tới ngôi làng quê hương của tôi ở tỉnh Loire Hạ.


Tôi đặt tờ báo trước mặt Gouy. Thoạt đầu anh vẫn không chịu tin tôi là tác giả bài báo. Buổi chiều tôi nhận được thư của ông Autrand, chủ báo, mời tôi tiếp tục cộng tác. Thế là tôi được vào xem hát miễn phí. Tới lúc này, khi tôi đưa ra tấm thẻ vào rạp, Gouy mới chịu tin.


Quả thực việc mọt thanh niên mười tám tuổi đủ sức cung cấp đều đều những bài viết về hoạt động ca kịch thật đáng ngạc nhiên. Phải nói rằng những kiến thức về sân khấu của tôi là kết quả của những tích lũy hoàn toàn đặc biệt. Điều chắc chắn là thành phố Hải Phòng, thành phố chán phè cho tôi khi tôi nhận được tấm thẻ xem hát miễn phí, giờ đây lại trở thành thành phố vui tươi đối với tôi.


Các buổi diễn được tiến hành trong một nhà kho được cải tạo tạm kề bên Nhà Hát lớn hiện nay, lúc đó đang được xây dựng. Kiến trúc sư là ông Bourdeaud. Ông này cùng với vợ và con gái cũng có thẻ vào xem miễn phí và ngồi cố định ngay trước mặt tôi. Ôi, cái cô Bourdeaud mười sáu mùa xuân tỏa sáng! Tất cả đám thanh niên phát rồ lên vì cô nhưng chẳng ai có đặc quyền như tôi mỗi tuần bốn lần được chạm vào tóc cô. ”Ôi bộ tóc lông cừu, ôi những lọn tóc, ôi hương thơm được sức một cách sơ sài...".


Nhiều năm sau, tôi làm cô bé, lúc này đã là bà Jean Marie Môre đẹp hơn bao giờ hết và chồng là một nhân viên hành chính, phải phì cười khi tôi gửi cho họ bức thư đầy những lời lẽ tán tụng viển vông mà giới trẻ Hải Phòng hay dùng lúc đó.

"Thưa bà, năm mới đã tới, chúng tôi vinh dự chúc bà sức khỏe dồi dào, cuộc sống hạnh phúc.

Bà đẹp và tốt biết bao! Cầu cho bà có sức khỏe tốt, đôi mắt sáng, cặp má mịn màng, đôi môi đỏ, hàm răng trắng.

Bà đẹp và luôn luôn gặp vận hội tốt, cầu cho chồng bà khỏe mạnh, đẹp trai và có lòng tốt.

Thưa bà, xin bà nhận ở tôi lời chào trân trọng.

Người đầy tớ luôn luôn trung thành của bà”.

Thư của những người An Nam có phong cách hơi khác, một số người ở Đông Dương lâu năm tập hợp các bức thư đó thành một bộ sưu tập hay hay, tôi xin trích ra đây một số những viên ngọc đó.

Thư của một y tá An Nam chúc bác sĩ: "Tôi chúc ngài bác sĩ mọi sự giàu có".

Báo cáo của một thầy giáo An Nam: "Nền giáo dục Pháp đang tiếp tục. Các môn khác sẽ có...".

Bảng chào giá của một nhà cung cấp thực phẩm: "Tôi gửi cho ông một mẫu. Nếu ông thấy được, xin ông vui lòng nhận làm khách hàng của chúng tôi".


Một chào hàng khác cũng của nhà trên: "Tôi khuyên ông không nên mua bánh ở cửa hàng Tàu A Pou Sium. Xin nói để ông biết họ đánh bóng bánh của họ như đánh sàn nhà. Bánh như thế có hại cho bụng,..".


Năm 1899 ở Bắc Kỳ có một nhà thầu khoán tên là Ladureau. Anh là dân Hải Phòng kỳ cựu, do đó có nhiều bạn ở đây. Nhưng thật đáng ngại khi thấy anh có nhiều dấu hiệu tâm thần. Anh không bao giờ ở yên một chỗ cho tới một hôm người ta thấy anh đi xe kéo tới Du Commerce, thuê một phòng và ở đó, chẳng làm gì, chỉ đọc báo suốt ngày, chẳng nói với ai một câu về những chuyện cũ liên quan tới mình. Một người chỉ anh ta cho tôi và tôi thấy anh ta cũng hiền lành. Người đó nói: "Anh ấy rất lành nhưng bị mất trí nhớ, những người bạn thân nhất cũng không nhớ và luôn luôn nhận mình là em của mình".


Những người Hải Phòng biết Ladureau trước đây khi gặp anh ở khách sạn liền vồn vã: "Này, Ladureau, khỏe không?" - "Cám ơn, cũng bình thường" - "Anh định ở Hải Phòng bao lâu?" - "Tôi chưa biết vì đang chờ anh tôi” - "Có phải anh ấy từ Pháp sắp sang không?" - "Không, chính tôi vừa mới ở Pháp sang và đang chờ anh tôi ở Hà Nội xuống'' - "Sao? Anh ở Pháp mới sang? Thế sao trước đây hai tháng tôi vẫn thấy anh ở đây?" - "Người ông thấy lúc đó không phải tôi, mà là anh tôi, anh ấy là thầu khoán" - "Chính anh mới làm thầu khoán!" - "Tôi xin nói với ông rằng tôi không biết ông là ai, ông nhầm tôi với anh tôi” - "Tôi không nhầm, anh hãy nhận là định đùa chúng tôi đi. Thôi đến nhà tôi ăn cơm đi” - "Không, hoàn toàn không thể được" - "Vậy anh có phải là Ladureau làm thầu khoán không? Phải hay không phải?” - "Vâng đúng, tôi là Ladureau nhưng là em của Ladureau mà ông biết" - "Đấy lại thế rồi. Thôi được, anh hay em, anh cứ đến nhà tôi ăn cơm đã”.


Con người mất thăng bằng khốn khổ cuối cùng phải nhận lời mời nhưng anh ta tỏ ra dễ thương, hay chuyện và có học thức bao nhiêu thì lại khăng khăng không chịu chia sẻ một chút kỷ niệm nào với chủ nhân bữa cơm bấy nhiêu. Cứ mỗi khi hỏi tới lai lịch, anh ta lại bảo mình là Ladureau khác.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6609



WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2021, 07:03:44 pm »

Cho tới một hôm, Ladureau cùng với hành lý lại xuống xe kéo trước Du Commerce, anh đi ngang qua một thực khách trước đó mấy ngày cùng ngồi ăn với anh: "Này, Ladureau, anh đi đâu đấy?" - "Chào Goubier, mình mới tới, mình đến tìm thằng em" - "Lại đùa dai với câu chuyện anh, em" - "Mình không hiểu cậu nói gì?" - "Cuối cùng hôm nay cậu cũng nhận ra mình là ai thế mà mấy ngày trước đây cậu làm ai cũng lo cho cậu. Cậu hãy thú nhận là cậu muốn trêu mọi người đi” - "Làm thế nào mình trêu được các cậu trong khi mình vừa mới ở Hà Nội xuống sau khi làm xong các công trình ở Thượng du?".


Goubier vội vàng vào gian bán cà phê hỏi Guichat: "Ladureau đâu?" - "Anh ta ở trong phòng" - "Gọi ngay anh ta ra đây”. Một phút sau, mọi người ngỡ ngàng thấy Ladureau cùng lúc bước vào gian bán cà phê từ hai chiếc cửa khác nhau. Mọi người thấy có hai Ladureau giống hệt nhau từ khổ người, khuôn mặt tới giọng nói. Hai người ôm hôn nhau trước sự ngạc nhiên của mọi người. Thế là mọi người lại uống để nghe giải thích.


Anh em Ladureau là anh em sinh đôi. Ladureau đến từ Pháp giải thích đi giải thích lại với dân Hải Phòng để đánh tan sự nghi ngờ nhưng đám người này cho đó là trò đùa, thậm chí bắt đầu có triệu chứng điên nên nhất định không tin. Anh này nhận được ở Hải Phòng thư của người anh thầu khoán yêu cầu ở khách sạn chờ khi nào mình xong công việc ở Thượng du Bắc Kỳ sẽ tới.


Vì không giữ được cái gọi là thư nên người nhận thư không chứng minh được với đám người Hải Phòng mình nói thực. Câu chuyện được kháo khắp thành phố và vào bữa uống tối có một đám đông kéo tới xem, sự giống nhau ghê gớm của đôi anh em sinh đôi này.


Từ đó mỗi lần có việc với một trong hai anh em Ladureau người ta phải lựa lời để biết mình đang nói chuyện với Ladureau nào. Sau đó còn có những sự nhầm lẫn tức cười khác. Đặc biệt người ta kể rằng hai anh em Ladureau trong một thời gian dài có cùng một người yêu ở Hà Nội. Cô gái người châu Âu này cho rằng mình chỉ nhận ra một người khi người này nổi cáu với người kia. Cho tới một hôm cô gái gặp cả hai hoàn toàn giống nhau và hoàn toàn thông minh. Cuộc gặp gỡ làm cô gái sáng ra nhiều điểm từ những quan sát thân mật về thể xác tới những câu chuyện và kỷ niệm đầu Ngô mình Sở của người yêu.


Theo truyện kể, thế là kết thúc cuộc tình khá kinh tế, một kịch bản tay ba khá mới mẻ trong đó chỉ phía nữ không hay biết gì.

Đối với độc giả nào khăng khăng cho rằng câu chuyện trên được sắp xếp cho yêu cầu mắm muối của cuốn sách này, tôi xin trả lời bằng cách dẫn ra đây bài báo đăng tải trong các báo ở Paris vào tháng 8-1937:


Bi kịch tình yêu kỳ lạ ở Mỹ: Hai anh em cùng yêu một cô gái

New York, 13-8 - Một bi kịch tình yêu đáng tiếc vừa đi vào hồi kết thúc trong mấy ngày qua ở thành phố Denver bang Colorado trong phòng giam người điên của một trong những luật sư uy tín nhất thành phố. Tuy nhiên, người ta không thể xác định chính xác được căn cước của nạn nhân vì cho tới giờ người ta không biết đó là Henri Sharkey hay Tom, người anh em sinh đôi của anh ta. Hai người giống nhau đến mức luôn gây nhầm lẫn.


Trong suốt ba mươi năm, hai anh em sống với nhau rất hòa hợp và cùng làm một nghề trong cùng một văn phòng cho tới gần đây khi họ quen với một nữ kỵ sĩ xinh đẹp, chủ một gánh xiếc, tên là Bessie Bolt. Hai anh em yêu chết mê chết mệt cô gái trong khi cô không hề hay biết mối tình kép này.


Sự lủng củng kỳ lạ mang tính bi kịch như vậy kéo dài nhiều năm trong đó ba người gây đau khổ cho nhau mà không sao tìm ra lối thoát. Kết quả là mấy hôm trước đây người ta tìm thấy xác của nữ kỵ sĩ cùng với xác của một trong hai anh em Sharkey bị giết một cách bí hiểm.


Người anh em sinh đôi còn lại bị mất trí và bị nhốt vào bệnh viện điên. Vì người này bị câm nên người ta không thể biết bi kịch đã xảy ra như thế nào và không hiểu anh ta là Tom hay Henri.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM