Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 02:20:49 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mùa lúa trổ đòng  (Đọc 56246 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #100 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2009, 09:35:50 am »

Và hắn tiếp tục hành lạc một cách cuồng nhiệt hơn, mạnh mẽ hơn. Thắm cố chịu đựng, chờ đến lúc hắn mệt rũ, lăn xuống ngủ, cô nhẹ nhàng ngồi dậy. Cô cũng mệt rã rời, nhưng xem đồng hồ thì đã gần mươi hai giờ nên Thắm phải cố gượng gạo đi ra cổng. Người lính gác đang ngủ gà ngủ gật, thấy bà đồn trưởng đi ra, hắn sợ hãi đừng nghiêm. Thắm nói với hắn:

- Ngài đồn trưởng đang mệt, cần một ít nước nóng. Anh để cổng tôi trông cho, đi đun hộ tôi ấm nước.
Tên lính gác vâng lời, đi ngay. Thắm vội mở cổng, ngay lập tức, những bóng đen lố nhố tiến vào. Thắm thở phào nhẹ nhõm vì đã làm xong nhiệm vụ trên giao. Nhưng rồi cô lo lắng cho tính mạng của chồng. Họ mà bắt được thì hắn không còn đường sống. Cô chạy vội về phòng đánh thức chồng dậy. Tên đồn trưởng vừa hành lạc xong, đang trong cơn mê mệt, hắn nói:

- Để yên cho anh ngủ mà, mọi việc hãy đợi đến mai.

- Việt Minh vào chiếm đồn rồi, anh không chạy mau thì sẽ mất mạng đấy!

Hắn chồm dậy vơ vội đống quần áo nhàu nát trùm lên người, giọng hốt hoảng:   

- Cái gì? Việt Minh vào đồn à? lính gác đâu?

- Em không biết. Anh chạy nhanh kẻo không kịp.

Nghe những tiếng bước chân rậm rịch bên ngoài, tên dồn trưởng hiểu ngay ra sự nguy hiểm đang chờ hắn. Hắn vội vã lao ra con đường dẫn đến nhà thờ. Thắm chạy theo:

- Đợi em với chứ. Anh đi một mình sao được!

Nói như vậy vì Thắm biết rằng bộ đội sẽ chặn con đường ấy đầu tiên. Quả nhiên hai chiến sĩ đã chốt ở đó. Họ giơ mũi lê nhọn hoắt chặn ngang trước mặt, quát:

- Chạy đi đâu? Giơ tay hàng thì sống, chống cự là tao đâm chết!

Trên đồn trưởng ngơ ngác, không kịp hiểu tại sao lại có người dám chặn trước mặt hắn ở con đường riêng này, lại còn doạ giết hắn nữa. Thắm vội vượt lên trước, nói như kêu cứu:

- Các ông ơi, tôi là Thắm đây. Tên đồn trưởng nó chui xuống chiếc hầm bí mật ở đằng kia rồi. Cái hầm ấy lại có lối thông ra bên ngoài. Các ông theo tôi lại đó bắt hắn nhanh, kéo hắn chạy mất. Còn đây là tên lính gác cổng, hắn đã xin hàng từ đầu rồi, để hắn chặn giúp cái cổng này một lúc. Các ông đi theo tôi nào, nhanh lên!

Nói vậy rồi Thắm quay người lại, đẩy chồng lên phía trước, nói nhỏ vào tai anh:

- Chờ họ đi khuất rồi, anh hãy chạy nhanh đi nhé
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #101 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2009, 09:36:44 am »

Hai chiến sĩ bộ đội vội đi theo Thắm để bắt tên đồn trưởng gian gác. Tưởng cô biết căn hầm bí mật, nào ngờ cô cứ đi loanh quanh  trong mấy căn phòng của chỉ huy đồn. Rồi cô dừng lại ở căn phòng ngủ của mình và khóc nức nở. Khi các chiến sĩ Việt Minh hiểu được sự việc thì tên đồn trưởng đã thoát thân từ lâu. Họ nhìn Thắm vẻ oán trách, rồi họ đi tìm người chỉ huy đến. Chỉ huy trận này chẳng phải ai khác mà chính là Đỗ Ninh. Anh đề nghị tỉnh đội cho anh đánh đồn này, cũng là để trực tiếp cứu Thắm ra khỏi vòng tay của tên đồn trưởng gian ác, đồng thời anh cũng muốn tự tay mình trừng trị hắn, ít ra thì cũng phải cho hắn vài cái bạt tai cho bõ tức. Nhưng khi vào đồn, anh lại đổi ý. Anh chỉ huy cánh quân tạt sườn, giao cho đồng chí đại đội phó đánh chiếm hướng chính diện.
Khi Đỗ Ninh đến thì Thắm thôi không khóc nữa. Trước sau cô chỉ nói với anh mỗi một câu:

- Tôi đã tự ý thả cho tên đồn trưởng thoát, xin chịu trách nhiệm với cấp trên. Bây giờ chiếm được đồn rồi, anh cứ coi tôi như một tù binh ở đây, muốn xử trí thế nào thì cứ việc.

Đỗ Ninh những muốn mắng cho Thắm mấy câu, đồng thời lại muốn an ủi cô. Nhìn căn phòng ngủ của tên đồn trưởng, mọi đồ dùng đều sang trọng, nhất là đống chăn gối còn nguyên dấu người nằm, Đỗ Ninh cảm thấy bực dọc một cách khó tả. Anh không muốn dẫn quân vào hướng chính, cũng là vì không muốn nhìn thấy cảnh này, vậy mà... Mãi sau anh mới nói được mấy câu, chẳng ra mắng, cũng chẳng ra an ủi:

- Cô đã tự ý thả hắn ra. Hắn đã thoát rồi, chắc chắn sẽ gây ra nhiều tội ác ở nơi khác.  Điều ấy cô biết quá còn gì. Nhưng thôi. Dù sao cái đồn này bộ đội cũng đã làm chủ. Bây giờ cô muốn tự coi mình là gì, tuỳ ý. Mà thực ra cô vẫn là cấp trên, chúng tôi chỉ biết làm nhiệm vụ của mình.

Nói xong anh cho mọi người phân tán, thu dọn chiến trường, bỏ mặc Thắm ngồi lại một mình trong căn phòng ngủ sang trọng, trên cái giường tân hôn còn bộn bề chăn gối.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #102 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2009, 09:39:20 am »

Chương 28


   Sau ngày 20 tháng 7 năm 1954 hiệp định Giơnevơ được ký kết, khu vực Hải Dương giặc còn đóng lại một trăm ngày. Nhưng tiếng súng thì hoàn toàn im hẳn. Đơn vị S20 còn một quả mìn cuối cùng chưa nổ trên đường Năm, Thường cùng anh em đào lên, mang về tháo hết thuốc nổ, chỉ giữ lại vỏ làm kỷ niệm. Các chiến sĩ được phân tán về nhiều đơn vị để nhận tiếp quản thành phố. Hoàn thành nhiệm vụ, Thường bắt đầu thực hiện lời hứa của mình. Đầu tiên, anh giặt lại bộ quần áo cũ rồi tìm về làng Rồng. Anh muốn hoàn lại và cảm ơn mẹ con, bà cháu người đã cứu anh. Đến nơi anh thấy một cảnh tượng lạ mắt. Một người đàn ông bị què chân vừa từ Côn Đảo trở về. Ông bảo ông được về theo chế độ trao đổi tù binh giữa ta và Pháp, nhưng trên người ông chẳng có một thứ giấy tờ gì, nên dân làng cũng chỉ biết có thế. Ông bảo ông ba mươi tuổi, nhưng trông ông thì phải ngang tuổi năm nhăm, râu tóc dài như thổ phỉ. Ông bảo cái chân què của mình là do bọn giặc ở bốt Tiền đánh gẫy, suýt nữa ông đã bỏ mạng rồi, nhưng may nhà còn phúc. Cái cô đóng giả làm vợ với Thường thì đang ngồi đầu hè rấm rứt khóc. Bà mẹ già thì vẫn nằm rên hừ hừ trên giường, không dậy được. Chỉ có cậu bé da đen chừng ba tuổi thì chạy nhảy tung tăng và bi bô chuyện một mình. Nhận lại bộ quần áo cũ, cái ông cụ non ấy mắt sáng long lanh. Anh ta hỏi thăm những anh A, anh B ở đại đội bẩy bẩy, nhưng Thường chịu, không biết ai cả. Anh ta mời Thường ở lại uống rượu, nhưng Thường không thể. Trước khi về Thường mạnh dạn hỏi:

   - Sao chị ấy lại khóc vậy? Có phải anh đã có vợ khác ngoài Côn Đảo rồi không?

   Anh ta cười, giải thích:

   - Không phải đâu. Cô ấy là đồng đội của tôi chứ có phải vợ con gì đâu?

   - Đồng đội à? Tôi thấy cô ấy ở đây lâu lắm rồi mà.

   - Ở thì ở chứ đâu phải người nhà. Chả là khi bị giặc bắt, tôi có nhờ cô ấy đến đây chăm sóc mẹ tôi. Cô ấy đã đến. Nếu không có cô ấy chắc mẹ tôi không sống được đến bây giờ.  Quê cô ấy mãi dưới làng Vân, cạnh đường Năm cơ. Hôm qua tôi với cô ấy về quê, mới hay bà cụ sinh ra cô ấy đã mất được hai năm rồi. Cô ấy ở đây chăm sóc mẹ tôi thì ở nhà mẹ cô ấy mất. Thật là tội.

   À ra vậy. Thường cứ thấy ngờ ngợ về cái tên làng Vân. Làng Vân chính là cái nơi anh chiến đấu trận đầu tiên và là trận thất bại nặng nề. ở đó cũng có một cô gái đã cứu anh thoát chết. Rồi Thường trở lại làng Vân trước khi về nhà mình. Anh cũng chẳng hiểu làm sao. Có lẽ cái cảm giác lạ lùng trong anh gần đây lại bùng cháy. Anh muốn gặp lại cô gái kia trước khi gặp Bống. Anh hỏi thăm mãi mới vào đến căn nhà của bà Thu. Đúng rồi, bà Thu, còn người con gái tên là gì nào anh đâu biết. Thường hối hả đi vào và vẫn nhận ra cái bờ ao cũ, nơi có căn hầm đã che chở anh. Từ cổng vào sân cỏ dại đã gần như mọc kín. Chắc lâu lắm rồi chẳng có ai qua lại đây. Cánh cửa liếp mở rộng, Thường vừa đánh tiếng, vừa mạnh dạn bước vào thì đột ngột chạm trán Đỗ Ninh. Anh em họ ôm choàng lấy nhau, mừng mừng, tủi tủi. Rồi Thường hỏi trước:

   - Sao anh laị ở đây?

   - Nhà mình mà! thế còn cậu, sao cậu lại đến đây?

   Thường không dám trả lời ngay, anh ấp úng:

   -Em... ngày xưa... đơn vị em đóng quân ở đây!

   - Thế cậu ở nhà anh à?

   Thường gật đầu, hỏi khẽ:

    - Bà đâu hả anh?
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #103 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2009, 09:40:29 am »

Đỗ Ninh bùi ngùi:

   - Bà mất lâu rồi em ạ. Ngày còn quần nhau với giặc ở Thanh Miện, anh đã nhận được tin, nhưng không về được. Buồn hơn nữa là đứa em gái của anh đã bỏ nhà ra đi từ khi mẹ anh còn sống mà bây giờ chẳng biết ở đâu.

   - Em gái anh ư? Có phải cô ta... rất xinh?

   - Cậu biết nó ư?, gặp nó ở đâu? Từ lúc nó mười tuổi anh đã đi xa rồi, nào biết nó xinh hay không.

   Thường rụt rè:

   - Khoảng nửa tháng trước em có gặp một cô gái có hoàn cảnh giống như em anh. Không biết có phải cô ấy không. Nếu phải thì cô ấy đã cứu em thoát chết hai lần.

   - Cứu cậu à? Thế mà tớ chẳng biết gì cả. Tớ vẫn có ý tìm nó từ lâu.

   - Làm sao em biết đấy là em anh mà nói chuyện. Bây giờ anh chỉ cần đến làng Rồng, là gặp em anh ngay thôi.

   Thường đi rồi, Đỗ Ninh ra xã hỏi về tình hình gia đình anh lúc ở làng. Trần Ve lúc này đã là xã đội trưởng, không ngần ngaị nói thẳng với Đỗ Ninh:

   - Em gái anh trước đây có tham gia du kích và đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhưng khi bị đich bắt, không chịu được đòn tra tấn, nên đã ngả theo giặc, đã bán mình cho chúng và được chúng tha về. Cô ấy  xấu hổ, trốn đi, nếu ở nhà thì tổ chức cũng xem xét, kỷ luật. Cô ấy đi rồi thì tổ chức xoá tên, không nhắc đến chuyện ấy đã là nhân nhượng với gia đình lắm rồi. Hôm trước cô ấy có về đây, tôi bảo, bây giờ làng xã giải phóng rồi. Chính quyền do chúng tôi nắm giữ. Cô còn nợ tổ chức một bản kiểm điểm để làm rõ. Thế là cô ấy lại bỏ đi.

   Và Trần Ve lấy trong túi dết ra một chiếc khăn bông của Pháp, vẻ đắc thắng:

   - Đây là bằng chứng chúng tôi có được. Cô Bẹ không thoả hiệp với chúng, không khai báo với chúng, sao chúng cho cô ấy đường, sữa và chiếc khăn đắt tiền thế này. Chiếc khăn này phủ trên người cô ấy khi anh Thân cõng cô ấy về nhà. Cả dân làng đều biết chứ đâu phải mình tôi. Không tin anh cứ hỏi mọi người xem.

   Sự thực  chỉ có mỗi hộp sữa vợ Solny dúi vào tay Thân, rồi anh ta vất lại đó, rồi bà Thu đã vất xuống ao, Bẹ có hay biết gì, nhưng Trần Ve cứ nói vanh vách như thế để Đỗ Ninh tin rằng Bẹ đã đầu hàng giặc.

   Đỗ Ninh buồn nản ra về. Anh ngậm ngùi thương cô em bé nhỏ phải chịu nhiều tủi cực. Bây giờ không biết em sống thế nào. Anh  muốn đến ngay làng Rồng tìm em, nhưng còn phải về đơn vị gấp để lên khu nhận tiếp quản thành phố Hải Phòng. Thời hạn ba trăm ngày Pháp lưu lại đã sắp hết. Đỗ Ninh còn buồn hơn nữa vì anh không gặp lại được Thắm. Sau khi ta chiếm được bốt Kỳ Lâm, Thắm về khu ba và xin thôi công tác. Nghe nói cô chính là con một viên quan tuần phủ hồi trước cách mạng tháng Tám. Gia đình cô giầu có, nhưng một lòng yêu nước, gặp cách mạng là không làm quan cho Pháp nữa. Hồi kháng chiến bùng nổ, cô đang là sinh viên năm thứ nhất trường Bưởi, nói tiếng Pháp rất thạo. Cô nghe theo lời cha, đã bỏ học về quê tham gia kháng chiến. Cô đã xinh đẹp, trẻ trung, lại có học vấn, nên đã sử dụng làm nhiều việc quan trọng, có việc thuộc lĩnh vực ngoại giao, tình báo, giao thông liên lạc. Vì bất đắc dĩ phải làm vợ tên đồn trưởng Kỳ Lâm và  có thai với hắn, nên Thắm muốn về quê sống yên tĩnh để sinh con. Cái tên đồn trưởng kia lần ấy thoát chết, hắn trú ngụ mãi trong nhà thờ, không dám ra ngoài. Mãi đến khi ngừng bắn, hắn đã tìm được Thắm và định đưa Thắm vào Nam, nhưng nàng từ chối. Thắm ở lại một mình ở đâu đó mà Đỗ Ninh không biết được. Anh định bụng xong việc quân sẽ đi tìm cô. Chưa biết Thắm có chịu gặp anh không.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #104 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2009, 09:41:43 am »

Còn tên Đội Hai thì số phận bi thảm hơn. Hắn lang thang lên mạn ngược mấy tháng trời, cuộc sống chui lủi quá vất vả, hắn bỗng nghĩ đến quả táo mọng cùng đứa con trai của hắn ở làng Vân. Hắn cho rằng không còn nơi đâu trú ngụ tốt hơn ở đó. Thế là đang đêm hắn lẻn về cái nhà ngói năn gian bỏ không đó, rồi mò vào giường của thím thằng Thân. Lâu quá không được gặp hắn, không được hưởng cái sự sung sướng của đàn bà, thím thằng Thân mừng quýnh và chấp nhận giấu hắn luôn ở đấy. Người chồng tàn tật lúc này như cái xác không hồn, chẳng làm gì được đôi gian phu dâm phụ ấy. Hoà bình, hắn mò về quê, lì mặt bước vào ngôi nhà hắn đã bắn thằng em trai của hắn, rồi ở lại với người vợ đã lấy hắn từ hơn mười năm trước. Sống yên ổn được mấy năm thì bỗng nhiên hắn phát rồ. Suốt ngày đi lang thang ngoài đường, gặp con cóc, con ngoé hoặc bất cứ con gì bắt được là hắn bắt và cứ thế ăn sống ngon lành. Có lúc một mình hắn đứng giữa đường hô " tiến lên! tiến lên " rồi lăn kềnh xuống ruộng, trông rất tội nghiệp. Vợ con hắn có mời thày thuốc, nhưng thày thuốc bảo rằng bệnh của hắn ở sâu trong tâm can, không thuốc nào chữa được. Hắn sống lang thang, vất vưởng như vậy đến chục năm sau mới thoát được số kiếp.

   Sau ngày tiếp quản Hải Phòng, Đỗ Ninh nằm trong danh sách được gửi đi đào tạo ở nước ngoài, nhưng tổ chức về địa phương xem xét lý lịch gia đình thấy có vấn đề nghi ngại. Em gái anh có biểu hiện đầu hàng giặc, hiện lại đang nuôi một thằng da đen, dòng giống của Tây, người thì bảo là em, người thì bảo là con, không rõ ràng. Tuy không phải những việc Đỗ Ninh trực tiếp làm, nhưng cho anh ra nước ngoài thì cũng ngại. Vì vậy anh được trở về tỉnh đội Hải Dương, mấy năm sau thì xuất ngũ. Trở về làm một người dân bình thường, Đỗ Ninh đã bỏ ra hàng tháng trời đi thăm lại những nơi anh từng giao tranh với kẻ thù, vừa để thăm lại bà con đã che chở cho anh, vừa có ý tìm tung tích Thắm. Mấy năm ở tỉnh đội anh đã nhiều lần lên khu Tả ngạn, rồi xuống các cơ sở dò tìm nhưng chẳng một ai biết gì về Thắm, có lúc anh nghĩ, hay Thắm theo tên đồn trưởng ấy vào Nam rồi. Sau một thời gian ổn đinh, dọn lại căn nhà tàng và mảnh vườn hoang dại, Đỗ Ninh kết hôn với một nữ du kích xã. Cô này kém anh đến gần mười tuổi, thuộc lớp du kích trẻ, gần hoà bình mới tham gia hoạt động, cô không biết gì về những chuyện trước kia. Và những chuyện trước kia cũng dần được chìm vào im lặng, nhường chỗ cho cuộc sống mới thanh bình và nhộn nhịp mỗi ngày. Đỗ Ninh tự bằng lòng với cuộc sống hiện tại với người vợ thảo hiền, một đứa con trai kháu khỉnh, một mái nhà tranh không dột nát như xưa, mặc dù trong lòng vẫn còn cánh cánh những nỗi niềm: Thắm biệt tích và người em gái nhất định không chịu về sống ở quê.

   Một hôm vợ chồng anh đang lên luống trồng mía trong vườn, bỗng nghe có tiếng ồn ào ngoài ngõ, nghe rõ những tiếng nói:

   - Ông Thân về quê!

   - Bác Thân về quê!

   Rồi cả những tiếng láo pháo:

   - Thân là lính lệ ở trên đồn mà bây giờ lại đội mũ đeo sao, hoá ra bộ đội à?

Tò mò, Đỗ Ninh định chạy ra xem, nhưng anh vừa ra đến cổng thì người đội mũ đeo sao đó đã sừng sững đứng trước mặt anh. Đỗ Ninh nhìn rõ quân hàm trung uý trên ve áo người ấy. Sau vài phút ngỡ ngàng, hai người làm quen nhau nhanh chóng, bởi thuở nhỏ họ từng là hàng xóm. Đỗ Ninh gọi vợ đun ấm nước vối mang lên nhà để anh em họ hàn huyên. Thân nhìn trước, nhìn sau rồi ngập ngừng hỏi:

   - Cô Bẹ... còn ở nhà không, anh? Có lẽ đã lấy chồng rồi?!

   - Cậu biết nó à?

   - Sao anh lại hỏi thế, chúng em chơi với nhau từ thuở nhỏ mà!

   - Ừ phải. Nhưng là anh muốn hỏi giai đoạn sau này cơ.

   - Sau này em cũng biết. Chỉ từ năm năm mốt đễn nay, em đi khỏi làng nên không biết cô ấy giờ đây thế nào.

   - Cậu đi khỏi làng từ năm năm mốt ư? Vậy Bẹ cũng đi khỏi làng từ năm ấy đấy!
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #105 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2009, 09:42:56 am »

Rồi Đỗ Ninh chậm rãi kể cho Thân nghe về nỗi bất hạnh của em gái mình. Nghe xong, Thân buột kêu trời:

   - Trời ơi là trời, nhầm lẫn hết rồi. Cô ấy có khuất phục ai đâu, còn đá ngã bổ chẩng ra ấy. Sếp của em lúc ấy là thằng Đội Hai, hung hăng như con trâu điên, dùng nhiều cực hình để khảo tra, mà cuối cùng cũng đành chịu. Sao lại để cô ấy chịu oan uổng như thế hả anh?

   - Tôi biết làm gì, trong khi cán bộ địa phương họ có chứng cứ, còn mình nào có biết đầu đuôi ra sao. Có lần tôi cũng gạn hỏi cô ấy, mong hiểu được tường tận, nhưng cô ấy không nói rõ mà chỉ ngậm ngùi bảo:" Số em khổ, em đành chịu vậy ".

   Thân có vẻ sửng sốt:

   - Anh bảo địa phương họ có chứng cớ ư? Chứng cớ gì vậy?!

   Đỗ Ninh thuật lại việc Trần Ve còn giữ chiếc khăn bông của Pháp, yêu cầu Bẹ giải thích nhưng cô không giải thích nổi.

   Nghe đến đây thì Thân vặt đầu vặt tai mình. Anh tự thấy mình có lỗi trong việc bỏ đi từ bấy đến nay. Anh bỗng thấy thương Bẹ khôn cùng. Chừng ấy năm qua Thân âm thầm đau khổ, dù vẫn nhớ, vẫn  yêu thương, nhưng nỗi trách giận vẫn canh cánh một bên lòng. Sao Bẹ lại rơi vào tay bọn quỉ? Sao Bẹ không hỏi lấy một lời, mà đã co cẳng đạp anh ngã nhoài trên cái nền nhà nhơ nhớp ấy? Sao bát cháo anh  thổi nấu, rồi nâng niu suốt một đêm để rồi Bẹ đáp vào mặt anh?...Bây giờ biết Bẹ phaỉ chịu tiếng oan, Thân mới hiểu những giây oan luôn giăng mắc trong đời. Nếu  con người không chịu tìm đến ngọn nguồn thì nỗi oan uổng sẽ thắt chặt suốt đời.

   Thân kể vắn tắt với Đỗ Ninh rằng khi bỏ cái bốt ấy ra đi, anh cứ nhằm hướng bắc, cứ nơi nào có rừng rậm thì đến. Mục đích chỉ là để lánh xa cái vùng quê đầy đau khổ của anh. Rồi một đêm mệt quá, lại lạ đường, anh ngã xuống một bờ suối vắng, tưởng chết tại đó. May sao gặp một đơn vị bộ đội hành quân qua, họ cứu sống anh và cho anh đi theo. Rồi anh được cầm súng cùng đơn vị đánh nhau với giặc. Trước đây anh hãi súng đạn lắm. Bây giờ anh chả sợ gì, chỗ nào nguy hiểm anh xung phong vào trước, nhiều lần anh lập công xuất sắc, được đơn vị phong quân hàm và bổ nhiệm chức vụ đại đội phó. Hoà bình, anh cưới một cô vợ xinh đẹp ở Thái Nguyên, nên không về quê ngay được.

   Nghe Thân kể lại  chuyện  Bẹ bị bắt, bị hành hạ ở trong đồn và cái khăn  bông của đồn trưởng phu nhân, Đỗ Ninh chảy nước mắt ròng ròng, nhưng anh lại bật cười khùng khục. Tiếng cười nghe cay đắng và oán hận. Vài hôm sau Trần Ve đến tận nhà Đỗ Ninh xin nhận lỗi. Đỗ Ninh chỉ nói:

   - Mọi việc qua rồi, nhận lỗi mà làm gì!


Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #106 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2009, 09:44:04 am »

Thường  ở lại tiếp tục xây dựng quân đội. Lúc ấy là năm 1960, anh chưa cưới Bống mà cứ giục Đỗ Ninh đi đón Bẹ về, cũng chưa ai biết anh có ý định gì. Còn Bẹ, dù đã nhận được giấy xác nhận thành tích đánh tầu do huyện đội ký và giấy phục hồi đảng tịch của Đảng uỷ xã nhưng  cô vẫn không trở lại làng Vân. Cô viết thư cho Đỗ Ninh: " Anh ạ, em  không thể về làng sinh sống nữa đâu, vì ở đây bà Di đã mất, người đồng đội của em bị giặc đánh què nay cũng đang phát bệnh, cậu em lai Tây còn rất nhỏ, chưa tự lập được cuộc sống của mình." Nghĩ ngần mãi rồi Bẹ lại viết thêm: " Nếu còn gặp anh Thân, anh nói là cho em xin lỗi về những chuyện đã qua, anh nhé. Em đã hiểu nhầm anh ấy." Viết thêm được những dòng ấy lòng Bẹ nhẹ nhõm hẳn đi. Hôm người chị dâu trẻ tuổi được chồng uỷ thác đến làng Rồng tìm Bẹ, kể lại đầu đuôi câu chuyện và đưa những giấy từ minh oan cho cô, Bẹ đã nằm khóc như mưa như gió mấy tiếng đồng hồ. Khóc vì uất ức và khóc vì thương cảm. Hoá ra người cứu cô lại là một phụ nữ Pháp xa lạ.  Hoá ra người giúp mình thoát khỏi nanh vuốt của bọn quỉ dữ  chính là Thân. Thì ra người Pháp cũng có những người tốt như mẹ cô nói. Ngày ấy mẹ bảo giữ lấy chiếc khăn bông đẹp để khi nào có dịp còn trả lại người ta, nhưng không ngờ mẹ lại ra đi sớm.  Còn anh chàng Thân, anh ta luôn quí yêu Bẹ thì Bẹ biết rồi, nhưng hôm ấy Bẹ không biết là anh lại giúp cô, nên anh ta làm ơn mà lại mắc oán từ bấy đến nay.

   Tính ra Bẹ đã ở nhà bà Di được mười năm. Mười năm cô âm thầm chịu đau khổ, ấm ức một mình. Phương ở Côn Đảo về đã hơn năm năm nhưng anh cũng không hề biết câu chuyện buồn đau của Bẹ. Anh vẫn nghĩ rằng Bẹ được chúng tha về, cô đã làm theo lời nhờ cậy của anh, đến làng Rồng chăm sóc người mẹ đau yếu của anh. Về nhà thấy mẹ anh gặp cảnh bi thương, anh càng cảm ơn Bẹ vô vàn, nếu không có cô thì chẳng biết mẹ anh ra sao. Anh nghĩ rằng công lao và tình cảm của Bẹ không gì bù đắp được, nhưng anh  một mực cảm ơn Bẹ và giục cô nên về nhà để lấy chồng, bởi vì bản thân anh không còn khả năng để làm chồng nữa. Nhiều lần giục giã và nói dỗi dằn, mong Bẹ tự ái mà về quê tìm hạnh phúc riêng, nhưng cô không đổi ý. Có lần cô cũng nói dỗi: Nếu em ở đây làm vướng bận anh thì em sang hàng xóm trọ vậy. Em đến đây làm bạn anh chứ có định làm vợ đâu mà anh lo không thể làm chồng". Đến giờ được biết những chuyện oan khuất của Bẹ, Phương mới hiểu rằng mình vô tâm một cách phũ phàng. Từ đó anh không bao giờ muốn Bẹ về quê nữa.

    Những giấy tờ từ địa phương gửi đến, Bẹ cất kỹ dưới đáy chiếc hòm gỗ, chẳng mấy khi bỏ ra xem. Bẹ nghĩ rằng giấy tờ cũng chẳng làm gì, giờ đây mình chỉ mong ăn ở làm sao để anh Phương không buồn, cậu em Tây không tủi, còn mình thì luôn khoẻ mạnh, làm được nhiều công điểm cho hợp tác là mừng nhất.

   Một hôm ông Tư đến chơi nhà, vẻ thận trọng ông nói:

   - Nghe nói cô Bẹ trước kia đã từng là đảng viên, là du kích phải không?

   Bẹ muốn chối phắt, nhưng rồi cô lại nghĩ nếu không nói rõ ra thì người ta nghĩ  rằng mình quá yêu anh Phương mà lăn xả vào nhà anh, hoá ra mình đi theo giai. Hoà bình đã lâu rồi, thừa nhận mình là du kích cũng chẳng sao. Nghĩ vậy, cô nói với ông Tư:

   - Đã có lúc cháu đứng trong tổ chức, nhưng tổ chức đã ngờ oan cho cháu, nên cháu phải bỏ quê đến đây. Bây giờ cháu chỉ muốn làm nông dân thôi. Cháu sẽ ở lại đây cùng sống với em Nhụ và anh Phương. Cháu là em gái anh ấy.

   Ông Tư có vẻ sởi lởi:

   - Ôi dào, sao lại là em gái. Trai chưa vợ, gái chưa chồng, ở trong một nhà thì cưới hay không cưới vẫn cứ là phu thê. Chúng tôi hiểu như thế đấy. Nhưng mà thôi, đấy là chuyện riêng của cô. Tôi nói chuyện khác cơ. Chúng tôi biết cô là một người giỏi giang, tháo vát  lắm. Làng nào sinh ra cô mà lại để cô đi là đáng tiếc đấy. Với làng Rồng chúng tôi, cô đã góp nhiều công lao. Được biết cô đã đứng trong tổ chức, chúng tôi rất mừng. Có tham gia sinh hoạt với tổ chức nữa không là tuỳ cô, nhưng có điều này thì tôi phải góp ý. Nếu cô không lấy tư cách là đảng viên, là du kích chứng nhận cho cậu Phương đã từng là bộ đội, tham gia chiến đấu và bị giặc bắt tù đầy, thì không ai có thể chứng nhận cho cậu ta. Những người cùng đơn vị với cậu ấy giờ ở đâu cũng chẳng ai biết, hoặc hy sinh cả rồi, giấy tờ cậu ấy chẳng có thứ gì, vậy suốt đời cậu ấy chịu thiệt thòi, dù đã bị địch đánh cho tàn phế mà chẳng được thừa nhận công lao, thế có vô lý không?

   Bẹ như bừng tỉnh. Theo hướng dẫn của ông Tư, Bẹ làm đơn đề nghị lên, mong một ngày kia Phương được công nhận là người có công với nước.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #107 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2009, 09:45:34 am »

Từ ngày hoà bình lập lại, làng Rồng hàn gắn đau thương và nhộn nhịp xây dựng cuộc sống mới. Kiểm lại chín năm chống Pháp, làng có tám liệt sĩ, mười thương binh, còn dân làng vừa chết, vừa mất tích có đến ba mươi người. Mọi nhà dần ổn định, chỉ còn nhà anh Bẩy và nhà anh Phương xem ra nỗi đau vẫn thầm rỉ máu. Anh Bẩy một mình đơn côi, cha mẹ mất sớm, vợ con chạy tản cư rồi không thấy trở lại. Hoà bình đã lâu rồi, anh vẫn lầm lũi sống một mình có ý ngóng trông. Phương và  Bẹ, không phải anh em, cũng chưa phải vợ chồng, lại thêm cậu bé Nhụ da đen mà lại là anh em ruột thịt. Tuy không có bố và mẹ mất sớm nhưng được anh chị chăm sóc tận tình nên Nhụ lớn nhanh và khoẻ mạnh khác thường. Mới mười một tuổi mà cậu cao bằng đứa trẻ khác mười lăm, mười sáu. Khi cậu mười lăm tuổi thì mọi việc  nặng trong nhà hầu như cậu làm hết thay anh. Từ việc cày bừa, đến gánh phân, gánh lúa, cậu cứ làm băng băng. Thấy cậu em lao động chăm chỉ, Phương bớt buồn rầu. Có lúc anh nghĩ, cái hoạ đến nhà anh hoá lại thành may. May mà có Nhụ đỡ đần, nếu không việc đồng lại dồn hết lên vai Bẹ. ở trường luôn luôn Nhụ đứng đầu môn thể dục, chạy xa, nhẩy cao khó học sinh nào vượt cậu. Rồi cậu được tuyển vào đội bóng chuyền của xã, được đi thi đấu và giật giải nhiều lần. Xóm làng hãnh diện vì có một tuyển thủ xuất sắc. Những năm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, thanh niên cùng lứa tuổi Nhụ hầu như  ra chiến trường hết. Nhụ không được cái vinh dự ấy, mà chỉ biết chăm chỉ việc đồng. Dù khác màu da, nhưng cậu ngoan nết và chăm chỉ nên không ai thù ghét. Ngược lại, lứa tuổi thiếu niên hầu như bạn nào cũng yêu mến câu.


         
   *****


   Sau ngày giải phóng miền Nam chừng một năm, một hôm làng Rồng ồn ã lên vì có tin một bà  Việt kiều ở Pháp sắp về thăm quê. Người nọ hỏi người kia:

   - Bà nào thế nhỉ, con cháu  nhà ai?  Chi nhánh họ nào?

   Hỏi để mà hỏi thôi, nào có ai biết. Trưa hôm ấy có một chiếc ô tô màu kem chạy vào làng Rồng, rồi dừng lại trước cổng nhà ông Bẩy. Người nọ kháo người kia, chẳng mấy chốc mà cổng nhà ông Bẩy đã đông kín. Bà Việt kiều ở Pháp về còn trẻ lắm, cơ chừng chưa đến ba mươi tuổi, da rất trắng, nhưng tóc vẫn là tóc đen. Bà có vẻ ngơ ngác trước cảnh lạ, người lạ và sửng sốt khi người ta mời bà bước vào căn nhà tranh ọp ẹp của ông Bẩy. Ông Bẩy còn ngơ ngác và sửng sốt hơn. Gần ba mươi năm nay ông đợi chờ người vợ óng ả trong bộ áo tứ thân, chiếc khăn vuông mỏ quạ, cùng cô con gái nhỏ nằm trong chiếc địu màu nâu. Sao bây giờ người ta lại đưa đến đây người phụ nữ quí phái thế kia. Họ hàng của mình ư?Không có lẽ. Ông Bẩy đứng như trời trồng ở góc nhà, mặc cho mọi người ngoài cửa xôn xao. Người ta gọi bà Việt Kiều quí phái kia là Mari Đậu. Đang ngơ ngác nhìn đám đông, bỗng mắt Mari Đậu sáng lên khi nhìn thấy người thanh niên da đen. Cô ta có vẻ rất vui mừng xổ ra một tràng tiếng Pháp như bắn súng liên thanh. Anh chàng da đen chẳng hiểu gì, cũng nhe răng cười theo dân làng. Mari Đậu thất vọng, nói với người phiên dịch hỏi hộ rằng sao anh da đen này không biết nói tiếng Pháp. Nghe dịch xong, thanh niên Nhụ trả lời rất thản nhiên: " Vì tôi là người  Việt Nam ".

   Mari Đậu là ai? thì ra cô chính là cô bé được người lính da đen già cứu thoát chết và đưa về Pháp ngày nào. Về Pháp, cô nghiễm nhiên trở thành con nuôi của ông bà SanĐa. Cô được nuôi dưỡng và học hành đến nơi đến chốn, đã trở thành tiến sĩ  dân tộc học. Cô biết mình không phải là người Pháp, nên luôn có ý thức tìm lại nguồn gốc quê hương. Khi người cha nuôi sắp qua đời ông kể lại chuỵên đã nhặt được cô trong một trận càn ở vùng châu thổ sông Hồng. Ông có ghi lại ngày tháng và vẽ sơ đồ khu vực đi càn, cả câu chuyện cô chỉ thích ăn đậu nên ông gọi cô là Đậu, tên Pháp là Mari Đậu. Khi Việt Nam hết chiến tranh, cô đã đề nghị chính phủ hai nước tạo điều kiện để cô về quê hương tìm lại người thân. So sánh bản đồ và ngày tháng trận càn, cán bộ ngành thương binh xã hội xác định được quê hương của Mari Đậu chính là làng Rồng. Tìm danh sách làng Rồng chỉ có ông Bẩy là mất vợ, mất con nên người ta đưa cô về đây. Ông Bẩy vẫn không nói câu gì, nhưng khi cô Đậu đưa ra chiếc khăn vuông đen mà người bố da đen của cô trao lại thì ông Bẩy bỗng oà khóc. Mếu máo, ông nói " Đúng của cô Xoan vợ tôi rồi. Cô ấy đâu?". Biết rằng vợ mình đã chết nhưng ông Bẩy vẫn hỏi như thế. Cô Đậu không thể tin được người đàn ông gầy guộc đen đủi này lại là cha đẻ của mình, nhưng cô biết đó là sự thật. Ngần ngừ một lát, cô ôm choàng lấy ông.

   Từ đó ông Bảy như trẻ ra. Ông cảm ơn trời đất đã thương tình dun dủi để ông tìm được đứa con ruột thịt của mình, cùng với cả dân làng hôm đó hân hoan trong niềm vui tột độ.

HẾT
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM