Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 06:34:16 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.  (Đọc 101011 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #80 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2008, 12:39:15 pm »

  Lúc này mạng lưới điệp viên của Sosnovski đã giảm về số lượng. Có lẽ nhờ linh cảm phụ nữ mà Iren fon Iena là người đầu tiên cảm nhận được mối nguy hiểm. Iena nói với Iurek:

  - Công việc của anh đã thành công ngoài sự tưởng tượng. Anh đã làm được những gì có thể. Hãy về Ba Lan đi khi còn chưa muộn.
ở Varsava, những người hài lòng với công việc của anh cũng khuyên anh trở về. Họ còn nói rằng những chuyện trăng hoa với nhiều phụ nữ của anh ở Đức đã làm ảnh hưởng đến đất nước Ba Lan. Nhưng Iurek lại muốn tận hưởng niềm vui từ công việc của mình. Anh vẫn còn tiếc Berlin với một cuộc sống sang trọng và có nhiều đàn bà. Anh hiểu rất rõ Benhita, người phụ nữ duy nhất mà anh yêu, và anh cũng tin rằng Benhita không bao giờ phản bội anh. Song anh cũng biết cô là người Đức đến tận xương tuỷ và sẽ không bao giờ phản bội Berlin, mặc dù cô sẵn sàng hợp tác với anh để chống Quốc xã, nhưng không bao giờ cô phản bội nước Đức của mình.

  Benhita cũng nhìn thấy nguy hiểm nhưng vẫn quyết đi đến cùng với người mình yêu.

  Nghi ngờ lòng chung thuỷ của Iurek, Rita Pasi bắt đầu theo dõi anh và phát hiện ra rằng Iurek vẫn bí mật gặp gỡ với nhiều phụ nữ khác. Ai biết được đây là những cuộc gặp công việc hay lãng mạn. Là người hiểu những thói ham mê của Iurek, Rita đã láng máng nhận ra rằng anh ta đã lợi dụng tất cả những người phụ nữ mà anh ta gặp để phục vụ cho mục đích của mình.

  Sau vài ngày đau khổ dằn vặt Rita đến gặp người chủ gánh ca vũ. Bằng một giọng run run cô ta nói:

  - Tôi cần thú nhận với ông rằng có kẻ buộc tôi làm gián điệp chống lại nước Đức.

  Ngay chiều hôm đó người chủ gánh ca vũ đến gặp Richard Prottse và được chính Richard Prottse đón tiếp.

  - Cô ta đã trót lầm đường. Tôi thấy ái ngại cho cô ấy. Tôi biết cô ấy sẵn sàng cộng tác với ông. Chỉ xin ông hứa sẽ không trừng phạt cô ấy.

  Và Richard Prottse đã hứa. Sau khi chấp thuận làm việc cho Prottse, Rita không những biết được địa điểm các cuộc hẹn mà còn biết cả tên họ những người mà Iurek có quan hệ.

  Prottse thật bàng hoàng khi nghe tên những nhân viên của Bộ Quốc phòng từng làm thư ký và phụ trách bộ phận sao chép các tài liệu mật như Natsner và Iena. Ông ta quyết định sẽ phối hợp với Gestapo để điều tra vụ này.

  Trong số các nhân viên ở đó có một phụ nữ xinh đẹp, vợ một cán bộ Bộ Ngoại giao đã có tuổi. Họ đã quyết định sẽ dùng người đàn bà này để làm mồi nhử Sosnovski. Quả thật anh chàng đã cắn câu, nhầm tưởng mình đã có một điệp viên mới với cái tên Maria. Qua Maria mà Sosnovski lại nhận được tài liệu và lại bí mật chuyển chúng về Ba Lan, nhưng anh có ngờ đâu rằng đây toàn là những thông tin giả. Còn Natsner và Iena cũng như các điệp viên khác của Sosnovski đã bí mật bị đưa ra khỏi những công việc bảo mật.

  Riêng Natsner quá vô tư, cô hoàn toàn không hay biết là mình đang gặp nguy hiểm và vẫn tiếp tục cung cấp tài liệu cho Sosnovski. Mỗi khi về thăm cha mẹ cô lại đem khoe những chiếc áo lông, những đồ trang sức và những chiếc váy đắt tiền. Khi bị hỏi lấy đâu ra nhiều tiền như thế cô ta trả lời rằng đó là do tướng Holman và đại tá Huderian thưởng cho cô vì cô đã làm việc tốt. Cha cô, người đã từng 40 năm làm việc với tướng Holman, viết ngay một bức thư cám ơn vị tướng này vì sự quan tâm tới con gái ông. Bức thư đã làm tướng Holman hết sức ngạc nhiên. Sau khi tìm hiểu ông nhớ ra rằng Renata fon Natsner làm việc ở Cục 6 nhưng ông không nhớ rõ gương mặt của cô, song ông biết chắc chắn rằng gần đây ông không thưởng cho ai trong số các nhân viên cả. Ngay lập tức ông ra lệnh gửi ngay báo cáo về Renita cho ông. Và bản báo cáo đã làm ông hoảng sợ. Ông đến Bộ Quốc phòng tìm gặp tướng Blomberg. Sau khi nghe chuyện, tướng Blomberg nổi giận. Ông ta e rằng Himmler, Tham mưu trưởng Gestapo, và trợ lý thứ nhất của ông ta là Heidrikh, sẽ nhân dịp này thọc tay vào Bộ của ông.

  Blomberg quyết định đến nói chuyện với đô đốc Canaris. Nhưng Heidrikh biết được cuộc nói chuyện này và đã báo cáo với Himmler. Lúc này Heidrikh đã biết về bức thư tố giác của vũ nữ Rita Pasi.

  Himmler mời Blomberg đến và tuyên bố rằng việc điều tra này đã được giao cho Gestapo, tuy vậy hai bên vẫn đạt được thoả thuận sẽ cùng nhau tiến hành.

  Con người thông minh và sáng ý như Sosnovski cảm thấy mình đang bị theo dõi nên bắt đầu tìm cách bỏ chạy.

  Trong lúc này Prottse đã lên kế hoạch bắt Sosnovski và bạn bè của anh ta. Sosnovski tổ chức một buổi khiêu vũ cho giới thượng lưu ở Berlin tại một phòng hoà nhạc. Prottse đã phái vợ mình, bà Elena, tới đó để quan sát tình hình và để ý những người mà Sosnovski đặc biệt tiếp xúc gần gũi. Bà Elena đã làm được việc để Sosnovski thích mình. Sau khi biết bà Elena làm việc ở Bộ Quốc phòng, Sosnovski đã tìm cách hẹn gặp.

  Tối hôm đó Iurek tổ chức một buổi dạ hội ngay tại nhà mình. Khách mời là những bạn bè thân cận. Rita Pasi cũng có mặt. Trong lúc tiệc tùng, để ý thấy Iurek bỏ ra ngoài, Pasi liền ngay lập tức gọi điện cho Gestapo.

  - Các ông hãy nhanh lên, hắn đang thu xếp hành lý.

  Chiếc xe chở đầy quân Gestapo lao vun vút trên đường phố Berlin. Sosnovski đích thân ra mở cửa. Richard Prottse đi thẳng vào vấn đề.

  - Chúng tôi được báo anh là tình báo cho Ba Lan.

  Sosnovski im lặng mỉm cười.

  Iurek cùng tất cả 48 vị khách của anh ta đã bị bắt về trụ sở Gestapo.

  Trong khi lục soát nhà Sosnovski các nhân viên Gestapo đã tìm thấy một số bản sao các tài liệu của Bộ Quốc phòng mà anh ta đang chuẩn bị gửi về Ba Lan.

  Sau khi bị bắt, chưa kịp tra hỏi, Renata fon Natsner đã thú nhận toàn bộ sự việc. Còn Iren fon Iena cũng bị bắt ngay tại nhà mình.

  Cuộc điều tra kéo dài vài tháng. Báo chí đã thổi phồng và đưa tin chi tiết về một chiến dịch truy quét gián điệp nước ngoài cực kỳ nguy hiểm đối với nước Đức và nhân dân Đức.

  Huderian, người đang chuẩn bị kế hoạch tấn công Ba Lan, yêu cầu chính phủ Đức cắt đứt quan hệ với nước này. Trong khi tìm mọi cách để củng cố quan hệ hữu nghị với Ba Lan, nhà nước Đức e rằng làm như thế sẽ tổn hại đến quan hệ giữa hai nước.

  Trong phòng xét xử có mặt đầy đủ các quan chức cao cấp. Các sĩ quan trẻ của Cục Tình báo Đức cũng được mời đến dự để rút kinh nghiệm về hoạt động tình báo cho mình.

  Khi quan toà đọc xong bản luận tội Sosnovski, anh đứng lên dõng dạc nói:

  - Đúng, quan toà có lý. Tôi là sĩ quan tình báo Ba Lan.

  Iurek tỏ ra thờ ơ với số phận của mình. Mối quan tâm duy nhất của anh là cứu được Benhita và Renata. Anh năn nỉ rằng Benhita không hề hay biết công việc anh làm. Việc cô giúp anh làm quen với một số cô gái trong Bộ Quốc phòng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Sosnovski cũng tuyên bố trước toà rằng anh đã đe dọa phát giác Renata và cô ta không bao giờ hiểu những bản sao đơn giản đó lại có giá trị như vậy đối với Bộ Quốc phòng. Nhưng sự hy sinh ấy của anh chẳng giúp gì được ai.

  Benhita và Renata bị kết án tử hình, còn Iena và Iurek là người ngoại quốc nên chịu mức tù chung thân.

  Sau khi toà tuyên án, Benhita trình bày nguyện vọng được kết hôn với đại tá Sosnovski. Biết trước rằng đây sẽ là cơ hội để cứu Benhita vì trong trường hợp đó Benhita sẽ được nhận quốc tịch Ba Lan nên Sosnovski đã đồng ý. Nhưng Hitler đã phủ quyết. Benhita và Renata bị hành quyết vào tháng 2 năm 1935 tại nhà tù Pliotsenzi trước sự có mặt của Iurek Sosnovski và sự chứng kiến của nhiều quan chức khác.
Renata bị hành quyết trước, Benhita và Iurek phải đứng đó chứng kiến. Tới phút chót thần kinh Renata trở nên mềm yếu. Cô ta la thét, vùng vẫy khiến ba viên cai ngục phải thật khó khăn mới kéo nổi cô ta tới nơi để đao phủ hành hình. Nhưng chính tên đao phủ cũng bị chấn động mạnh nên hắn phải ra tay hai lần mới xong.

  Benhita chấp nhận số phận một cách bình thản. Bà tin rằng không phải Sosnovski mang lại cái chết cho mình và chẳng bao lâu nữa họ sẽ được gặp nhau trên thiên đàng.

  Những phút cuối đời của Benhita thật lãng mạn nhưng chân thành khiến những trái tim sắt đá của các sĩ quan có mặt ở đó phải xúc động. Bà quỳ xuống, đặt bức ảnh Iurek bên cạnh, rồi bình tĩnh đặt đầu vào giá chém, hất tóc sang một bên. Tên đao phủ còn chần chừ thì nghe được lệnh hành quyết. Hắn ra tay, lưỡi rìu sập xuống. Đầu Benhita rời ra, những tia máu phun làm ướt cả tấm ảnh.

  Một thời gian sau đô đốc Canaris đến gặp đại sứ Ba Lan ở Berlin ngỏ ý đổi Sosnovski lấy một tình báo Đức bị bắt ở Ba Lan. Chính phủ Ba Lan đồng ý và ít lâu sau Sosnovski về ngồi tù ở Ba Lan.

  Cũng như thường xảy ra trong công việc tình báo, chính phủ Ba Lan coi những tài liệu thật mà Sosnovski cung cấp là giả vì chúng không phù hợp với quan điểm của các nhà lãnh đạo lúc đó cho rằng kẻ thù chính của Ba Lan là Liên Xô, Đức không thể chuẩn bị tấn công Ba Lan. Còn những tài liệu giả mà Griph-Traicovxki cung cấp lại được coi là đáng tin cậy. Sau đó ít lâu Griph-Traicovxki cũng bị vạch tội là phản bội và phải chịu hình phạt thích đáng là treo cổ.

  Nhưng việc này cũng không làm giảm nhẹ tội cho Sosnovski. Các nhà cầm quyền làm việc theo nguyên tắc: "Một khi đã bị bắt là có tội". Sosnovski bị buộc tội tiêu xài quá mức: vũ hội, đua ngựa, những chiếc áo bằng lông thú đắt tiền mà anh đã tặng cho những người đàn bà của mình.

  Sosnovski bị giam giữ trong một pháo đài. Ngày 1 tháng 9 năm 1939 xe tăng của quân đội Đức đã tấn công Ba Lan. Chúng tiến vào Ba Lan theo đúng các tuyến đường và biểu đồ đã được vạch trên bản đồ Huderian làm mà Bộ tham mưu Ba Lan cho là thông tin giả.

  Cuối cùng thì Sosnovski cũng được trả tự do. Năm 1938 một tình báo người Anh, Kukridj, biết Sosnovski từ khi cùng ở Berlin đã đến thăm anh. Tóc Sosnovski giờ đây đã bạc, bộ dạng bơ phờ, anh luôn luôn giày vò mình là đã làm hại Benhita. Sau đó anh lại bị bắt và bị giam tại một trong các nhà tù chính trị tối tăm nhất ở Ba Lan. Tháng 9 năm 1939, khi Hồng quân Liên Xô tiến về miền Tây Belarus, họ đã tìm thấy Sosnovski trong đó.

  Sau khi giải thoát Sosnovski cơ quan phản gián Liên Xô đã chú ý đến anh và đưa anh về Moscva như một tình báo Ba Lan quan trọng. Không ai buộc tội gì viên tình báo này và anh được đưa về sống tại Lubianka trong những điều kiện đặc ân và được "biên chế" vào tình báo. Và một lần nữa số phận lại gắn anh với phụ nữ.

  Năm 1940 một nữ tình báo có tên là Doia Rưbkina được phân công làm việc với Sosnovski. Nhiệm vụ chính của cô khi làm việc với Sosnovski là nhận thông tin liên quan đến kế hoạch lừng danh của Hitler - "Kế hoạch Barbaros".

  Sosnovski thường không thích nói chuyện cởi mở. Anh có đủ can đảm để trả lời rằng "nghĩa vụ của một sĩ quan Ba Lan không cho phép anh hợp tác với tình báo Liên Xô".

  Rưbkina đã dùng một trò lừa độc chiêu. Lợi dụng thực tế là thời gian cuối hoạt động của Sosnovski bị Gestapo theo dõi mà người theo dõi lại không phải ai khác là điệp viên tình báo Liên Xô "Braitenbac", trợ lý cho Tham mưu trưởng Gestapo, Rưbkina đã thu xếp cuộc nói chuyện với Sosnovski như sau: cô hỏi, còn các câu trả lời của Sosnovski được một tình báo ngồi ngay tại đó là Vaxili Zarubin đối thoại nhằm vạch trần sự dối trá của anh. Vaxili Zarubin đã đưa ra những tình tiết và địa điểm các cuộc gặp giữa Sosnovski và bọn mật thám, cả biển số lẫn tên loại xe hơi, thậm chí cả những khoản tiền mà anh trả cho các nhà hàng, rồi tên những con ngựa mà anh dùng.

  Càng về sau Sosnovski càng lúng túng, trí nhớ đã "trở về" với anh. Cuối cùng anh đứng dậy và nói:

  - Tôi khâm phục nghệ thuật của tình báo Liên Xô. Các ông biết về tôi nhiều hơn bản thân tôi. Tôi sẵn sàng vận động trí nhớ để trả lời tất cả những gì các ông quan tâm.

  Iurek đã cung cấp thông tin về Cục Tình báo Ribbentrop, về mối quan hệ giữa Bộ Ngoại giao Đức với tình báo quân sự và cơ quan phản gián của nước Đức phát xít cũng như với Gestapo.

  Sau Rưbkina, tình báo nổi tiếng Sudoplatov cũng làm việc với Sosnovski. Đến lúc này Sosnovski đã sẵn lòng hợp tác với tình báo Liên Xô. Anh ta cung cấp thông tin về hai điệp viên của mình mà họ vẫn tiếp tục hoạt động trong khi Gestapo không hề hay biết. Tên của Sosnovski đã được dùng để nối lại liên lạc với hai điệp viên này và mối liên hệ đó được duy trì cho đến đầu chiến tranh.

  Những thông tin đích xác về số phận tiếp theo của Sosnovski ra sao không ai được biết. Rưbkina có kể rằng cô nghe tin năm 1943 Sosnovski được trả tự do. Sau đó anh gia nhập quân đội Ba Lan và hy sinh trong trận đánh giải phóng Varsava.

  Sau khi vợ bị tử hình nam tước fon Berg làm đơn lên Toà án tối cao đề nghị để cuộc hôn nhân giữa ông với bà Benhita -"kẻ phản bội đã bị dân tộc Đức cự tuyệt" - được công bố "không có giá trị ngay từ đầu". Toà đã chấp thuận lời đề nghị của ông.

  Đại tá Natsner, cha của Renata, kinh hoàng trước cái chết của cô con gái, đã mất sau ngày cô ta bị hành quyết vài tháng. Vợ ông cũng qua đời ngay sau đó.

  Iren fon Iena được chuyển từ nhà tù về một trại tập trung phụ nữ và chết tại đó.

  Còn người gây ra sự bại lộ của Iurek Sosnovski, vũ nữ Rita Pasi, có tin kể rằng năm 1950 người ta thấy cô trong một đoàn ca vũ Digan ở miền Tây nước Đức.
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #81 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2008, 06:32:32 pm »

62 - ALECXANDR COROTCOV (1909 - 1961)
Người tổ chức các điệp vụ ở Đức của tình báo Nga



  Alecxandr Corotcov sinh năm 1909 ở Moscva, trong gia đình một viên chức ngân hàng, tốt nghiệp trường phổ thông chín năm và làm nghề thợ điện. Năm 1929, anh được nhận vào làm nhân viên văn thư của ban quốc tế của cơ quan pháp luật nhà nước. Người phụ trách anh hồi đó là Mikhailo Trilixero và tiếp đó là Artua Artuzov. Do tính chất công việc của mình nên Corotcov được làm quen với nhiều tài liệu mật nhưng vẫn chưa được phê chuẩn là nhân viên tác chiến dù chỉ là nhân viên tác chiến tập sự. Mãi đến năm 1932, khi trở thành đảng viên dự bị, anh mới được coi là nhân viên tác chiến của cơ quan pháp luật nhà nước. Anh không hề lẩn tránh những hoạt động xã hội. Khi còn làm cán bộ phụ trách ở trại hè thiếu nhi, anh có dịp làm quen với một cô gái xinh xắn và thông minh cũng là phụ trách thiếu nhi tên là Maria Vincovưkaya, người vợ tương lai của anh.

  Một trong những nhiệm vụ đầu tiên được Corotcov giải quyết thành công là làm sáng tỏ thực chất của "Gefa" - cơ quan đại diện của Bộ Tổng tham mưu Đức ở Moscva. Anh xác định được rằng nếu trước đây, khi Hitler chưa lên nắm chính quyền, cơ quan này quả thật là chăm lo những vấn đề hợp tác giữa hai Bộ Tổng tham mưu Liên Xô và Đức thì từ ngày 30 tháng 1 năm 1933, nó đã trở thành một ổ gián điệp thực sự. Những kết luận của anh còn được củng cố bằng nhiều sự việc khác và đã được đệ trình lên cấp cao nhất, kết quả là "Gefa" bị đình chỉ hoạt động.

  Sau đó, Corotcov bắt đầu được huấn luyện để hoạt động ở nước ngoài. Anh học tiếng Đức và tiếng Pháp, nghiên cứu tập quán, địa lý và kinh tế của các nước khác, học những kỹ năng nghề nghiệp, kể cả việc theo dõi từ vòng ngoài. Trong quá trình huấn luyện đó, do vóc dáng cao nên anh được gán cho biệt hiệu "Cao kều" .

  Năm 1933, anh được đưa vào mạng lưới điệp viên nằm vùng của Alecxandr Orlov (tức "Người Thuỵ Điển". Về sau, Orlov trở thành nhân vật lãnh đạo "bộ ngũ Cambridge", rồi trở thành điệp viên nằm vùng ở nước cộng hoà Tây Ban Nha và tiếp đó trở thành người tị nạn. Ông không hề tố giác bất kỳ nguồn tin nào mà ông được biết và qua đời thầm lặng ở Mỹ vào năm 1973). Còn vào năm 1933, Orlov tổ chức ở Thuỵ Sĩ một nhóm điệp viên nằm vùng với nhiệm vụ duy nhất là tìm cách xâm nhập vào Bộ Tổng tham mưu Pháp.

  Corotcov cùng vợ là Maria (chị còn là trợ thủ và cũng là "huấn luyện viên" của anh về tiếng Đức và tiếng Pháp) từ Thuỵ Sĩ chuyển sang Pháp, nơi anh vào học khoa nhân chủng học của trường đại học Sorbonn với tư cách sinh viên bàng thính. Trong thời kỳ này, anh đã liên lạc được với hai điệp viên, ngoài ra, anh còn có nhiệm vụ tìm thêm một người nào đó nữa có thể giúp anh xâm nhập vào Bộ Tổng tham mưu Pháp. Anh đã tìm được một người nhưng hoá ra chẳng ích gì. Theo người cấp tin đang làm việc trong cơ quan phản gián Pháp thì người mà anh dự kiến lại là một kẻ mạo danh. Thất bại cũng có ích ít nhiều. Anh đành phải khẩn cấp trở về nước.

  Một chi tiết lý thú là trong bức điện báo tin về việc "Cao kều" và "Gianna" (bí danh của Maria) ra đi có ghi chú: "Hành lý cá nhân của họ (một va li sách) sẽ được gửi theo đường bưu điện". Lý thú là ở chỗ đó không phải là một va li quần áo thời trang, cũng không phải là một va li rượu cô-nhắc Pháp mà là một va li sách!

  Hai vợ chồng Corotcov chỉ được ở nhà một thời gian ngắn. Tháng 4 năm 1936, họ lên đường sang Đức và tại đây, Corotcov mang tên mới là Petrovich Corotki vào làm việc tại cơ quan đại diện Bộ Công nghiệp nặng Liên Xô tại Berlin. Trong đợt công tác này, Corotcov duy trì liên lạc với một vài điệp viên, trong số đó có Hans Cumerovich, tiến sĩ khoa học, một nhà khoa học và sáng chế tài năng.

  Tiến sĩ Hans đã chuyển cho Corotcov thành phần của loại mặt nạ phòng hơi độc mới, những số liệu về các chất độc và về những phương pháp đề phòng các chất độc ấy. Ông còn chuyển cho Corotcov những tin tức về rada, về ngư lôi âm học, về loại điện đài đặc biệt dùng cho xe tăng, về kỹ thuật sản xuất xăng tổng hợp và cao su tổng hợp. Cả Maria cũng làm việc với các điệp viên của mình.

  Cuối năm 1937 họ nhận được lệnh trở về Moscva. Anh được giao một nhiệm vụ mới rất quan trọng và tuyệt mật. Đó là việc thủ tiêu hai kẻ thù của chế độ Xô Viết ở nước ngoài: một là Agabecov, kẻ đã từng là nhân viên an ninh Xô Viết nhưng đã phản bội và hai là Rudolf Clemen, một kẻ lưu vong chính trị Đức chạy theo Troski.

  Vào tháng 12 năm 1938, sau khi trở về Moscva, Corotcov báo cáo về việc hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng một tin xấu đang chờ anh - anh bị sa thải khỏi các cơ quan an ninh. Nguyên nhân: anh vào làm việc tại cơ quan pháp luật nhà nước là theo lời giới thiệu của một người về sau bị coi là "kẻ thù của nhân dân". Anh gửi đơn khiếu nại lên tận Bộ trưởng An ninh. Hành động này là chuyện khác thường đối với thời kỳ đó. Thật bất ngờ đối với Corotcov là đến cuối năm 1942, anh lại được gọi đi làm, được cấp hộ chiếu ngoại giao và được cử đi công tác hai tháng tại Đan Mạch và Na Uy với tư cách là "giao liên ngoại giao" của bộ máy trung ương Bộ Nội vụ. Thực chất nhiệm vụ này là gì thì không thấy nói đến trong các tư liệu lưu trữ, nhưng có thể khẳng định là Corotcov đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ đó: sau khi trở về Moscva, anh được thăng chức, trở thành phó trưởng phòng và được chuyển từ đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức Đảng Cộng sản Liên Xô.

  Quãng thời gian này là những năm nặng nề đối với ngành tình báo Xô Viết: những điệp viên ưu tú bị đàn áp, mạng lưới điệp viên nước ngoài bị mất liên lạc. Mùa hè năm 1940 có quyết định khôi phục lại mạng lưới điệp viên ở Đức và nếu có thể thì mở rộng mạng lưới đó. Đúng lúc ấy, vào cuối năm 1940, một điệp viên có bí danh là "Braitenbac" nằm trong bản danh sách được bỏ vào hòm thư của sứ quán và lâu nay bị mất liên lạc, cũng đề nghị được nối lại liên lạc. Có lẽ cũng nên biết thêm là trước đó một thời gian, vợ của Corotcov cũng đã duy trì liên lạc với người điệp viên này thông qua một điểm hẹn bí mật. Nhưng cả chị lẫn Corotcov đều không biết mặt "Braitenbac" cũng như không biết bí danh và tên thật của người này.

  Đến tháng 7 năm 1940, Corotcov (dưới bí danh là "Stepanov") được trao nhiệm vụ đi Berlin chỉ trong một tháng để khôi phục lại liên lạc với khoảng một chục điệp viên nằm vùng. Nhiệm vụ này thật không dễ dàng nếu lưu ý đến thời hạn ngắn ngủi và tình hình căng thẳng ở Đức vào lúc đó.

 
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #82 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2008, 06:33:00 pm »

  Corotcov không khó khăn lắm gặp được "Braitenbac" (tức nhân viên Gestapo Leman). Hai bên lập tức tìm được tiếng nói chung và gặp nhau tất cả 4 lần. Trong lần gặp thứ hai, "Braitenbac" chuyển cho Corotcov bản sao bản báo cáo của Haydric cho ban lãnh đạo nước Đức phát xít có nhan đề "Về hoạt động phá hoại của Liên Xô chống Đức" và miêu tả chi tiết cho Corotcov biết về việc cải tổ các cơ quan an ninh Đức, điều này đã cho phép cơ quan tình báo Xô Viết điều chỉnh lại hoạt động của mình. Nhưng Corotcov không có kế hoạch làm việc lâu dài với "Braitenbac" và anh để "Braitenbac" liên lạc với một thành viên trẻ của mạng lưới điệp viên ở Đức là Giuravlev.

  Sau đó, Corotcov (đối với người Đức thì tên anh là Corotcov Erdberg) bắt đầu khôi phục lại các mối liên lạc khác. Trong số đó có những người đã tham gia vào "Dàn đồng ca đỏ" Berlin và đã đi vào lịch sử như Arvit Harnar (tức "Người Baltic" và cũng tức là "Người đảo Corse"), Harro Schulze-Boysen (tức "Anh cả"), Adam Kukhov (tức "Ông lão") và nhiều người khác.

  Arvit Harnar, một nhà kinh tế và là cộng tác viên quan trọng của Bộ Kinh tế Đức, lúc đầu không tin Corotcov. Anh đành phải vi phạm những quy tắc được thừa nhận trong hoạt động gián điệp bằng cách đặt Arvit Harnar xuống sàn xe chở đến sứ quán, và chỉ tại đây, trong căn phòng không sợ bị nghe trộm, hai người mới tìm được tiếng nói chung. Arvit Harnar báo cáo rằng ông có mười sáu người cấp tin, những người có địa vị, nghề nghiệp và thậm chí quan điểm chính trị khác nhau nhưng đều có một điểm chung là căm thù chủ nghĩa phát xít. Trong số mười sáu người đó có nhà triết học kiêm nhà viết kịch Adam Kukhov, nhà điêu khắc Kurt Schumacher, thượng uý Harro Schulze-Boysen, viên chức bộ hàng không, người bạn cùng tư tưởng của Arvit Harnar và cũng là người có nhiều nguồn cấp tin v.v... Nhưng mãi về sau Corotcov mới thiết lập mối liên lạc với những nhân vật này, còn tạm thời thì anh liên lạc với họ thông qua Arvit Harnar.

  Tiếp đấy, Corotcov khôi phục mối liên lạc với Hans Cummerov (tức "Bộ lọc") và Erhard Tomfer.

  Sau đó, anh được gọi về Moscva để báo cáo về những công việc đã làm được và anh nghỉ hai tháng ở Moscva. Rồi anh lại được cử đi công tác dài hạn ở Berlin, nhưng đợt công tác này chỉ kéo dài có nửa năm.

  Nhiệm vụ chủ yếu mà ban lãnh đạo cơ quan tình báo Xô Viết truyền đạt bằng miệng cho Corotcov là tìm hiểu những kế hoạch của ban lãnh đạo nước Đức phát xít về thời gian tấn công Liên Xô. Nhiệm vụ viết bằng văn bản không có điểm này bởi lẽ Stalin tin rằng trong hai - ba năm tới, Hitler không có ý định tấn công nhà nước Xô Viết.

  Ngày 18 tháng 4 năm 1941, tất cả các mạng lưới điệp viên nằm vùng ở châu Âu đều nhận được chỉ thị yêu cầu đẩy mạnh công tác với các điệp viên trong trường hợp chiến tranh có thể nổ ra. Tuy nhiên, bản chỉ thị này không có chữ ký của bộ trưởng Meckhulov mà chỉ có chữ ký của phó giám đốc cơ quan tình báo Sudoplatov. Vậy mà các nguồn tin như "Người đảo Corse", "Ông lão" và các nguồn tin khác đều thông báo về việc chuẩn bị và thậm chí về thời gian tấn công Liên Xô của phát xít Đức. Tuy nhiên, xét theo phản ứng của Moscva thì Trung Tâm đánh giá không đủ khách quan mối nguy hiểm của tình hình lúc đó.

  Điệp viên nằm vùng chính thức của cơ quan Tình báo Đối ngoại Xô Viết là Amaac, một nhân vật thân cận của Bộ trưởng Nội vụ Beria. Nhưng trong thực tế, mọi "đầu dây thần kinh" đều nằm trong tay Corotcov. Anh nắm mọi tin tức do các điệp viên khác thu thập được, anh cũng là người chuẩn bị thư từ và các bản mật mã gửi về Moscva. Nhưng Moscva không hề có bất kỳ phản ứng thích đáng nào!
Trong bối cảnh đó, Corotcov đã quyết định đi một nước cờ chưa từng có. Ngày 20 tháng 3 năm 1941, anh đích thân viết thư cho Beria. Bức thư này hiện còn được lưu giữ trong hồ sơ cá nhân của Corotcov. Chắc hẳn vì xúc động nên anh đã lầm lẫn ngày tháng bởi vì bức thư đề ngày 20 tháng 3 năm 1940. Trong thư, Corotcov trình bày rõ ràng những tin tức mà anh nhận được, chủ yếu là từ "Người đảo Corse", "Anh cả", "Braitenbac" và từ một số nguồn tin khác. Tất cả đều nói tới nguy cơ nước Đức phát xít tấn công Liên Xô vào tháng 5 năm 1941. Nhưng không thấy Trung Tâm trả lời, còn bức thư thì được đính kèm vào hồ sơ. Phản ứng duy nhất là đồng ý về món quà thực phẩm mà Corotcov đề nghị gửi cho "Người đảo Corse".
 
  Corotcov phải duy trì mối liên lạc thường xuyên với ba điệp viên chủ chốt là "Người đảo Corse", "Anh cả" và "Ông lão", một việc rất nguy hiểm đối với cả bốn người. Nhưng không có lối thoát nào khác: anh là điệp viên giàu kinh nghiệm nhất và lão luyện nhất.
 
  Mãi đến tháng 4, Trung Tâm mới báo động về việc xây dựng mối liên lạc chắc chắn với các điệp viên trong thời chiến, về việc thành lập những cơ sở điện đài độc lập, về việc tuyển mộ nhân viên điện đài v.v... Thời gian đã rất gấp rút. Các điện đài có bán kính hoạt động tới Brest - Belostoc (mà đây lại là khu vực sẽ bị quân Đức chiếm đóng ngay trong những ngày đầu chiến tranh) được gửi đi. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người, kể cả những người trong giới tình báo, lại tin rằng chiến tranh chỉ nay mai sẽ nổ ra. Một trong những bằng chứng cho thấy điều đó là tập hồ sơ "Trao đổi thư từ với mạng lưới điệp viên Berlin" hiện vẫn được lưu giữ trong bộ phận lưu trữ của cơ quan Tình báo Đối ngoại Xô Viết: tài liệu cuối cùng được đưa vào tập hồ sơ này nói về việc cho phép một điệp viên nằm vùng thuê nhũ mẫu cho đứa con nhỏ, có ghi rõ cả tiền công được phép trả.
 
  Sau khi chiến tranh bùng nổ, Corotcov cùng các nhân viên sứ quán Xô Viết trở về Moscva. Tại đây, anh nhận được một tin chẳng lành: mối liên lạc với nhóm Schulze-Boysen bị đứt đoạn bởi vì bọn Đức đã chiếm được tất cả những thành phố có những cơ sở tiếp nhận điện đài. Phải khôi phục lại liên lạc cũng như phải đào tạo các điệp viên mới để phái sang Đức. 

  Tuy nhiên, vì những lý do này hay khác, những cố gắng nhằm gửi liên lạc viên đến Berlin đều không đem lại kết quả. Vì vậy, phải nhờ đến sự giúp đỡ của giới quân đội. Một điệp viên nằm vùng của Tổng cục Tình báo Xô Viết là Gurevich (tức  "Kent") đã từ Bỉ đến được Berlin và khôi phục được mối liên lạc. Nhưng đã xảy ra một thảm họa: loại mật mã mà Gurevich sử dụng để thông báo địa chỉ và họ tên những điệp viên nằm vùng của Liên Xô cũng như các mật khẩu đều bị phản gián Đức thu được và giải mã. Và thế là bắt đầu sự tan vỡ của "Dàn đồng ca đỏ". Schulze-Boysen, Harnar, Sumakher và các thành viên khác của "Dàn đồng ca đỏ" - tất cả có đến vài chục người cả nam lẫn nữ - bị Gestapo bắt rồi bị treo cổ hoặc đưa lên máy chém. Nhưng trước khi chết, họ vẫn kịp truyền qua "Kent" nhiều tin tức quý giá về kế hoạch của bọn Đức ở vùng ngoại vi Moscva và về các kế hoạch tấn công của quân đội Đức vào mùa hè năm 1942.

  Corotcov và bạn bè của anh đã đào tạo được một số nhóm phá hoại - trinh sát gồm những binh sĩ Đức bị bắt làm tù binh hoặc chạy sang hàng ngũ Hồng quân và phái họ vào hậu phương phát xít. Một trong những nhóm đó dưới sự lãnh đạo của hạ sĩ quan Hains Muller đã thực hiện một số chiến dịch táo bạo ở Berlin và ngày 25 tháng 4 năm 1945 đã gặp gỡ các đơn vị quân đội Xô Viết.

  Trước khi chiến tranh kết thúc, Corotcov đã từng bay sang Afganistan, Nam Tư, Rumani để thực hiện các chiến dịch phá hoại. Và ngay khi chiến tranh vừa kết thúc, Corotcov đã được trao nhiệm vụ tháp tùng và bảo đảm an ninh cho đoàn đại biểu của nước Đức phát xít đến Berlin để ký văn bản đầu hàng vô điều kiện. Có thể nhìn thấy anh trên những bức ảnh ghi lại biến cố này: đứng đằng sau tên Kayten đang cúi người xuống văn bản đầu hàng là một sĩ quan Xô Viết trông trẻ trung, cân đối, - đó chính là Alecxandr Corotcov, người đã rời Berlin vào tháng 6 năm 1941 để rồi thắng lợi trở về vào tháng 5 năm 1945.

  Bắt đầu những ngày bình thường sau chiến tranh. Corotcov sắp xếp hoạt động tình báo ở Đức, xây dựng một mạng lưới điệp viên mới, thiết lập mối liên lạc với các đồng minh. Anh đã thực hiện nhiều chiến dịch, trong đó có chiến dịch trao đổi tên thuỷ sư đô đốc Đức Reder bị bắt làm tù binh lấy hai viên tướng của tên phản bội Vlasov là Malưskin và Gilecov (hai viên tướng này về sau bị kết án cùng Vlasov rồi bị treo cổ), chiến dịch tìm kiếm và đưa về Liên Xô những xí nghiệp và chuyên gia ngành chế tạo tên lửa, chiến dịch truy tìm những tên tội phạm quốc xã lẩn trốn... 

  Năm 1946, Corotcov trở về Moscva, anh được cử làm phó giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài và đồng thời lãnh đạo hệ thống điệp viên nằm vùng. Anh ở cương vị này cho đến năm 1957. Trong khoảng thời gian đó, anh đã đào tạo được hàng chục điệp viên nằm vùng. Anh là "cha đỡ đầu" của cặp vợ chồng Mikhail Fedorov và Galina, của De Las Eras Africa, của Mikhail Philonenco và Anna, của Canon Mơladoi, của Moris và Leontina Coien, của Willi Fisher - Rudolf-Abel cùng nhiều người khác. 

  Tháng 3 năm 1957, Corotcov được cử làm đại diện của Uỷ ban An ninh Quốc gia Liên Xô bên cạnh Bộ An ninh Quốc gia cộng hòa dân chủ Đức. Đây không phải là một sự giáng chức bởi vì vào lúc đó, sự đối đầu giữa cộng hòa liên bang Đức và cộng hòa dân chủ Đức đã trở thành một trong những nhân tố chủ yếu của cuộc "chiến tranh lạnh".

  Nhiệm vụ của Corotcov không chỉ là tổ chức mạng lưới điệp viên trên lãnh thổ cộng hòa liên bang Đức (những đối tượng chính là phủ Thủ tướng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, cơ quan an ninh và các chính đảng). Nhiệm vụ của Corotcov còn là thu xếp mối quan hệ qua lại với các cơ quan an ninh cộng hòa dân chủ Đức, một công việc hết sức tế nhị đòi hỏi tài năng của một nhà ngoại giao thực sự. Điều vinh dự cho Corotcov là anh không những đã trở thành người đồng chí của các cơ quan an ninh cộng hòa dân chủ Đức mà còn là bạn của họ. Anh tìm được cách tiếp cận với cả hai nhân vật không ưa gì nhau là Bộ trưởng Minca và Giám đốc cơ quan tình báo Wolf.
Corotcov còn đích thân làm việc với điệp viên Xô Viết Heinz Felfe và nhiều điệp viên nằm vùng khác hoạt động trên lãnh thổ cộng hòa liên bang Đức.

  Vào những năm cuối cùng đời hoạt động của mình, Corotcov có quan hệ rất căng thẳng với Giám đốc Uỷ ban An ninh Quốc gia Corotcov Selepin. Những cuộc bắt bẻ, trách mắng và "khiêu khích" thường xuyên từ phía Selepin đã khiến Corotcov mắc chứng trầm uất.
Ngày mồng 7 tháng 1 năm 1961, trong thời gian bị gọi về Moscva như thường lệ và sau khi báo cáo xong với ban lãnh đạo, Corotcov đi đến sân vận động "Dinamo" để chơi quần vợt như đã hẹn với người bạn của anh là Ivan Serov, Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo. Trong lúc đang chơi thì anh qua đời.

  Toàn bộ ban lãnh đạo Bộ Nội vụ Liên Xô đến dự đám tang anh. Nhưng không thấy Selepin đến chia buồn.
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #83 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2008, 07:18:10 pm »

63 - HARRO SCHULZE-BOYSEN (1909 - 1943)
Anh cả trong "Dàn đồng ca đỏ"


  Những kẻ thù của chủ nghĩa quốc xã và Hitler lựa chọn các phương thức đấu tranh khác nhau. Các tướng lĩnh thì tổ chức những âm mưu, giới trí thức thì dán truyền đơn chính trị. Harro Schulze-Boysen và các bạn của ông thì lựa chọn hoàn toàn có ý thức một con đường đấu tranh khác để giúp đỡ đất nước có thể tiêu diệt Hitler và chế độ của y. Họ hiểu mục đích của họ và chiến công của họ là hoàn toàn không vụ lợi - ngay cả toà án của Hitler cũng không thể buộc tội họ "bán mình" cho kẻ thù.

  Schulze-Boysen sinh ngày mồng 2 tháng 9 năm 1909 trong gia đình một sĩ quan hải quân chuyên nghiệp tên là Eric Edga Schulze. Phần thứ hai trong danh tính của ông - Boisen - là lấy ở danh tính người mẹ là bà Maria Louisa Boisen. Cha đỡ đầu và cũng là ông ngoại của ông là thuỷ sư đô đốc Tirpis, người đặt nền móng cho lý thuyết hải quân Đức và bạn thân của hoàng đế Đức Wilhelm II.

  Schulze-Boysen nghiên cứu pháp quyền và khoa học chính trị ở hai trường đại học Froisburg và Berlin. Ông có trình độ học vấn xuất sắc, thông thạo tiếng Anh, tiếng Thuỵ Điển, tiếng Na Uy, tiếng Đan Mạch, tiếng Hà Lan và đến cuối những năm 30 thì bắt đầu học tiếng Nga. Năm 1932, một năm trước khi Hitler lên nắm quyền ở Đức, Schulze-Boysen cùng bạn ông là Henri Erlander bắt đầu cho xuất bản tờ tạp chí chống quốc xã có tên gọi là "Der Herner" ("Đối thủ"). Vì việc này mà vào năm 1934 đôi bạn bị bắt. Trong trại tập trung, họ bị dẫn qua một hàng lính và bị đánh một trăm gậy. Schulze-Boysen sống sót nhưng bạn ông bị đánh tới chết.

  Schulze-Boysen phải làm ra vẻ mình đã "hối cải" và bắt đầu sống một cuộc sống thượng lưu. Trên một chiếc du thuyền thể thao, ông làm quen với Libertas, con gái một giáo sư nghiên cứu nghệ thuật và một nữ bá tước. Lâu đài của họ nằm gần lãnh địa của Herman Goring và nữ bá tước thường đến hát giúp vui cho y. Ngược với ý kiến nhiều người, Goring thật ra chỉ gửi điện mừng chứ không phải là người thay thế bố mẹ cô dâu trong đám cưới giữa Schulze-Boysen với Libertas tổ chức vào ngày 26 tháng 7 năm 1936.   

  Lợi dụng sự bảo trợ của Goring, Schulze-Boysen tốt nghiệp trường phi công trinh sát rồi vào làm tại Bộ Hàng không, một việc khó có thể thực hiện được trong những hoàn cảnh khác bởi vì việc kiểm tra lòng trung thành rất có thể sẽ phát hiện ra quá khứ "tả khuynh" của ông.
Sau khi nhận cấp bậc thượng uý dự bị, Schulze-Boysen được đưa vào nhóm "nghiên cứu báo chí định kỳ hàng không nước ngoài", thực chất là được nhận vào cơ quan tình báo của không quân Đức. Mặc dù được một nhân vật cao cấp của chính quyền Hitler bảo trợ, có chỗ làm tốt và có khả năng sống cuộc sống thượng lưu, nhưng Schulze-Boysen vẫn không từ bỏ những quan điểm chống phát xít của mình. Hành động đầu tiên của ông thù địch với chế độ phát xít là việc ông báo trước cho sứ quán Xô Viết về trận dội bom nặng nề xuống thành phố Barselona năm 1937. Theo yêu cầu của ông, một nữ thành viên nhóm chống phát xít do ông thành lập tên là Hizella fon Pollnis, con gái một nhà ngoại giao cao cấp, đã bỏ vào hòm thư của sứ quán Xô Viết bức thư báo trước này viết bằng tiếng Pháp.   

  Tham gia nhóm chống phát xít của Schulze-Boysen còn có hai vợ chồng nhà điêu khắc Kurt Schumacher, hai vợ chồng Cuckh, nữ diễn viên ba lê Oda Shottmiller và một số người khác thuộc giới trí thức. Họ cùng chung quan điểm là căm ghét chế độ phát xít.

  Người bạn và chiến hữu gần gũi nhất của Schulze-Boysen là tiến sĩ Arvit Harnar. Đó là một con người đặc biệt. Ông sinh năm 1901 ở Turingia. Bố ông là giáo sư trường cao đẳng kỹ thuật, bác ông là một nhà thần học nổi tiếng. Mới 30 tuổi, Arvit đã có hai học vị tiến sĩ: tiến sĩ triết học và tiến sĩ luật học. Nhờ nhận được học bổng của quỹ Rocfeller, ông theo học trường đại học bang Visconsin và tại đây, ông làm quen với cô gái Mildred Fish. Ít lâu sau, cô trở thành vợ và bạn chiến đấu của ông. Cả hai vợ chồng đều có quan điểm xã hội chủ nghĩa và là những người bạn chân thành của Liên Xô, là đảng viên bí mật của Đảng Cộng sản Đức. Năm 1932, Arvit đến đất nước Xô Viết và năm 1934, Artuzov ra lệnh kéo ông vào hoạt động gián điệp. Như vậy, từ năm 1935, Arvit không chỉ là điệp viên Xô Viết mà còn là người lãnh đạo một nhóm đông đảo những người cấp tiến, tất cả có đến hơn 60 người. Theo đề nghị của cơ quan tình báo Xô Viết, Arvit cắt đứt mọi liên hệ với Đảng Cộng sản Đức, gia nhập Đảng Quốc xã và hiệp hội các nhà luật học quốc xã. Hơn nữa, ông còn là người lãnh đạo chi hội của hiệp hội này trong Bộ Kinh tế.

  Các nhóm của Schulze-Boysen và Arvit Harnar đã xây dựng được một mạng lưới điệp viên rộng khắp mà trong lịch sử được gọi là "Dàn đồng ca đỏ" (ở đây chúng tôi gọi là "Dàn đồng ca đỏ Berlin" để phân biệt với "Dàn đồng ca đỏ Bỉ").

  Những tin tức của mạng lưới này rất có giá trị ngay từ những năm trước chiến tranh, nhưng vào lúc chiến tranh sắp xảy ra thì chúng có giá trị quan trọng đặc biệt. Trong các báo cáo của cơ quan tình báo Xô Viết, khó mà phân biệt được đâu là tin của Schulze-Boysen (bí danh "Anh cả") và đâu là tin tức của Arvit Harnar (bí danh "Người Bantic" rồi "Người đảo Corse").

  Dưới đây là vài đoạn trích trong các tin của họ.

  "9. 06. 41. "Anh cả". Vào tuần sau, không khí căng thẳng trong vấn đề Nga sẽ đạt tới đỉnh điểm và vấn đề chiến tranh sẽ được quyết định dứt khoát. Mọi biện pháp chuẩn bị sẽ phải hoàn tất vào giữa tháng 6...".

  "11. 06. 41. "Anh cả". Giới lãnh đạo Bộ Hàng không Đức khẳng định rằng vấn đề tấn công Liên Xô đã được quyết định dứt khoát... Ngày 15 tháng 6 Hering sẽ đến tổng hành dinh mới".

  "16. 06. 41. "Anh cả". Mọi biện pháp quân sự nhằm chuẩn bị tấn công Liên Xô đã hoàn tất. Đòn giáng có thể bắt đầu vào bất kỳ lúc nào...".

  "Người đảo Corse": "Khi phát biểu tại Bộ Kinh tế, Rosenberg (một trong những tên phát xít đầu sỏ) tuyên bố rằng cái tên Liên Xô phải bị xoá bỏ khỏi bản đồ thế giới".

  Nếu hợp nhất lại thì những tin tức của họ giống như hồi chuông cấp báo cảnh báo là chiến tranh nhất định sắp xảy ra. Thật đáng tiếc là hồi chuông cấp báo đó đã không được nghe thấy, hoặc có nghe thấy nhưng bị xem thường.

  Cựu giám đốc cơ quan Tình báo Đối ngoại Xô Viết là Phitin ghi trong tập ghi chép của mình là vào ngày 17 tháng 7 năm 1941, ông cùng bộ trưởng báo cáo với Stalin về những tin tức nhận được từ "Anh cả". "Stalin không ngẩng đầu lên, chỉ nói: "Tôi đã đọc báo cáo của các đồng chí rồi. Vậy là nước Đức định tấn công Liên Xô phải không?... Người thông báo những tin tức này là người như thế nào?". Chúng tôi đã sẵn sàng trả lời câu hỏi này, và tôi mô tả chi tiết nguồn tin: "Một người gần gũi với chúng ta về tư tưởng, làm việc tại Bộ Hàng không và rất thạo tin... Chúng ta không có cơ sở nghi ngờ tính chất đúng đắn của những tin tức mà người đó cung cấp". Stalin bước lại bàn làm việc rồi quay về phía chúng tôi nói: "Thông tin giả đấy! Các đồng chí có thể ra về".

  Người ta đã kể và viết khá nhiều về hoạt động của "Dàn đồng ca đỏ Berlin", về những tin tức họ cung cấp và về phản ứng của Stalin. Nhưng người ta hầu như không kể gì về những việc mà Schulze-Boysen, Harnar và các bạn bè của họ đã kịp làm được sau khi chiến tranh bùng nổ và trước khi họ qua đời. Thậm chí, bộ bách khoa từ điển đồ sộ của Đức "Brochause và Efron" cũng kết thúc mục "Dàn đồng ca đỏ" bằng câu: "Vai trò của nó trong tiến trình chiến tranh và kết quả chiến tranh không rõ ràng".

  Nhưng thực tế không phải như vậy. Schulze-Boysen đã thông báo cho Moscva về những kế hoạch mà bộ chỉ huy phát xít vạch ra cho mùa thu và mùa đông năm 1941, cụ thể là việc bộ chỉ huy Đức không có ý định tấn công Leningrad mà chỉ cố bóp nghẹt thành phố này trong vòng phong toả chặt chẽ. Nhờ Schulze-Boysen mà phía Liên Xô cũng được biết về những kế hoạch mà bộ chỉ huy Đức vạch ra cho năm 1942 nhằm tấn công vào những khu vực nhiều dầu mỏ ở Kavcaz. Schulze-Boysen còn thông báo địa điểm tổng hành dinh Hitler cũng như đã thông báo rằng ở Petsamo (Phần Lan), bọn Đức đã thu được mật mã ngoại giao của Liên Xô và rằng trong những tháng đầu chiến tranh, không quân phát xít đã chịu những tổn thất lớn.

  Tất cả những tin tức này đã được chuyển về Moscva không phải trực tiếp từ Berlin mà thông qua các nhân viên điện đài của "Dàn đồng ca đỏ" Bỉ.

  Vì đường liên lạc bằng điện đài với Berlin bị đứt nên người ta phải gửi đến đây hai nhân viên điện đài được tình báo Xô Viết tuyển mộ trong số các tù binh Đức. Nhưng cả hai đều rơi vào tay Gestapo: Albert Hesle không chịu làm việc với chúng, còn Robert Dart thì đồng ý.
Vòng vây bao quanh "Dàn đồng ca đỏ" ngày một xiết chặt, và Gestapo đã lần ra được dấu vết của Schulze-Boysen. Một người bạn trẻ của ông làm việc trong bộ phận định vị điện đài của cơ quan phản gián Đức đã thông báo cho ông biết tin đó. Schulze-Boysen định báo trước cho các đồng chí của mình nhưng không kịp. Ngày 31 tháng 8 năm 1942, ông bị bắt ngay trong phòng làm việc của ông. Ngồi thay vào chỗ ông là một tên Gestapo, y ghi lại tất cả những cú điện thoại gọi đến ông. Chỉ ít lâu sau, Gestapo đã nắm được danh sách những mối liên lạc của ông.

  Những vụ bắt bớ hàng loạt bắt đầu. Đến cuối tháng 9, chỉ riêng ở Berlin đã có gần bảy mươi người bị bắt và đến cuối tháng 11, con số này đã lên đến hơn một trăm.

  Sau khi nghe báo cáo của Himmler về "Dàn đồng ca đỏ", Hitler đã nổi giận: "Nếu như không có những tên gián điệp Nga này thì chúng ta đã đập tan quân đội của chúng từ lâu rồi... Chúng sẽ phải trả giá đắt vì đã đâm vào lưng đế chế Đức!".

  Cuộc hỏi cung những người bị bắt diễn ra theo một chế độ đặc biệt, được phép sử dụng cực hình và tra tấn.

  Schulze-Boysen cũng như các chiến sĩ chống phát xít khác đã tỏ ra rất dũng cảm, thậm chí sáng sáng họ vẫn tập thể dục. Ông làm bọn cai ngục tức giận, chúng hò hét: "Nghe đây, Schulze, dù sao thì mày cũng không sống được đến Thế vận hội đâu!". 

  Trong lời phát biểu cuối cùng, họ tuyên bố rằng họ hành động một cách có ý thức, hành động vì lợi ích của nước Đức. Đa số bị kết án tử hình: ba mươi mốt nam giới bị treo cổ, mười tám phụ nữ bị xử chém. Bảy người tự sát trong quá trình thẩm vấn, bảy người bị đưa vào trại tập trung, hai mươi nhăm người bị đưa đi lao động khổ sai, tám người bị đưa ra mặt trận, một vài người bị bắn chết.

  Schulze-Boysen và vợ là Libertas cũng như Arvit Harnar bị kết án tử hình ngay lập tức, còn vợ của Harnar là Mildred cùng nữ bá tước Erica fon Brocdorf bị kết án tù. Khi biết được tin đó, Hitler giận dữ đòi xem xét lại bản án, kết quả là Mildred và Erica cũng bị án tử hình.
Tại nhà tù Pliotsenzi, nơi thi hành những bản án tử hình này, vẫn còn giữ được bản sao tờ biên bản cho thấy rằng cứ đúng sau ba phút thì lưỡi dao đao phủ lại hạ xuống. Nhưng đáng sửng sốt nhất là bản thanh toán được xuất trình cho thân nhân những người bị tử hình: "Tiền thù lao cho việc dẫn đến nơi hành hình...", "Tiền thù lao cho đao phủ...", "Tiền thù lao cho việc dọn dẹp phòng giam...", "Tiền mua dây thừng...". Mọi khoản đều được trả tiền!

  Năm 1969, ba mươi hai thành viên của phong trào kháng chiến và đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít Đức đã được tặng thưởng huân chương và huy chương của Liên Xô. Hai mươi chín người trong số đó là được truy tặng. Trong số những người được truy tặng có Harro Schulze-Boysen, Arvit Harnar và mười lăm người nữa trong các nhóm của họ. Bố mẹ Schulze-Boysen là đại uý Eric Edgar Schulze và bà Maria Louisa Boisen còn sống một thời gian dài nữa sau khi con trai của họ hy sinh. Ông Eric Edgan Schulze mất năm 1974 và bà Maria Boisen mất năm 1972.
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #84 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2008, 06:58:06 pm »

64 - MATINDA CARRE VÀ HUGO BLAIKHE (1910 - 1970)
Trò chơi ái tình và điệp vụ



  Nữ nhân vật của câu chuyện này đi vào lịch sử không chỉ như một điệp viên nổi tiếng mà còn như một kẻ phản bội xảo quyệt nhất. Tại phương Tây, Matinda Carre được gọi là "nữ điệp viên xuất chúng nhất" hoặc "Mata Hari của Thế chiến thứ hai".
Vào tháng 6 năm 1940, sau khi nước Pháp bị phát xít Đức xâm chiếm, một nhóm nhỏ sĩ quan Ba Lan không kịp rời khỏi Dunkirt nên đã tổ chức nhiều tổ điệp viên tại nhiều thành phố ở Pháp.

  Trong số họ có một sĩ quan tình báo của không quân Ba Lan là đại uý Roman Secniavxki. Ông trở thành một trong những người sáng lập và lãnh đạo mạng lưới điệp viên có tên là "Interale" ("Quốc tế") đặt trụ sở tại Paris, và bí danh của ông là "Arman".

  Một hôm, ông gặp một phụ nữ Pháp ba mươi tuổi tên là Matinda Carre. Nàng xuất thân trong một gia đình quân đội. Bố nàng đã từng được tặng thưởng huân chương Bắc đẩu Bội tinh trong Thế chiến thứ nhất. Nàng làm việc trong Hội Chữ thập đỏ, tỏ thái độ căm thù phát xít Đức và xem ra thì xứng đáng được tin cậy. "Arman" lấy nàng vào tổ chức của ông, và nàng trở thành người tình và trợ thủ gần gũi nhất của ông. Ngày 16 tháng 11 năm 1940, họ liên lạc với cơ quan tình báo Anh và chẳng bao lâu sau, bắt đầu phát tin qua điện đài cho London.

  Dần dần, "Interale" mở rộng mạng lưới điệp viên của mình ra bốn mươi điểm, bao trùm hầu hết lãnh thổ nước Pháp, trong đó có những địa điểm quan trọng như Brest, Serbour, Cale, Bulon là những nơi họ có thể thường xuyên theo dõi những công trình của hải quân Đức và sự di chuyển của hạm đội Đức. Họ còn có căn cứ gần biên giới Tây Ban Nha, nơi họ thường giúp đỡ các liên lạc viên duy trì mối tiếp xúc thường xuyên với sứ quán Anh ở thủ đô Madrid. Mạng lưới tình báo đó trải dài dọc theo "biên giới xanh" giữa vùng tạm chiếm và vùng tự do của nước Pháp. Tại các thành phố công nghiệp như Lille, Lion, Nant, các điệp viên làm nhiệm vụ chỉ điểm cho không quân Anh oanh tạc những nhà máy sản xuất vũ khí cho quân đội Đức và những kho chứa vũ khí.

  "Arman" và Matinda Carre thiết lập quan hệ với một vài quan chức cao cấp Pháp, những người tuy hợp tác với bọn Đức nhưng vẫn bí mật ủng hộ phong trào Kháng chiến Pháp. Một trong những người đó là thị trưởng Bron, một luật sư Paris nổi tiếng và đóng vai trò quan trọng trong phong trào Kháng chiến. Matinda biết ông ngay từ trước chiến tranh, khi ông thực hiện vụ ly hôn của nàng. Trong số những bạn bè gần gũi của Matinda có cả những sĩ quan tình báo và phản gián Đức. Chỉ sau vài tháng, "Interale" đã có tới hơn một trăm hai mươi thành viên, điệp viên và liên lạc viên.   

  Gestapo và phòng phản gián của cơ quan tình báo Đức ở Paris chẳng mấy lâu sau đã biết về tổ chức tình báo đầy hiệu quả đang làm việc cho London, nhưng những mưu toan nhằm dò ra dấu vết của tổ chức này hoặc bắt giữ được dù chỉ một thành viên của tổ chức đó cũng đều không đem lại kết quả.

  Để săn lùng những đài phát hoạt động ở Paris, tình báo Đức cho một chiếc xe trang bị đặc biệt thường xuyên tuần tiễu trên khắp các đường phố ở thủ đô Pháp, và một lần, "Arman", Matinda và các trợ thủ của họ chỉ một chút nữa là bị phát hiện. Họ buộc phải giảm bớt số lượng các căn phòng bí mật có chứa điện đài, và đến tháng 10 năm 1941, hoạt động của họ tập trung trong một ngôi nhà nhỏ yên tĩnh số 8 phố Vinla Lean thuộc khu Monmar. Ngày nào tại đây cũng diễn ra những hoạt động vô hình: "Arman" phân tích những tài liệu mà các điệp viên của ông gửi tới, Matinda đánh máy những tài liệu ấy để chụp microfilm. Nàng thường tạt vào phòng ông êm nhẹ đến nỗi ông không nghe thấy bước chân nàng.

  - Em bước vào êm nhẹ cứ như mèo ấy, - một lần "Arman" bảo nàng - Anh sẽ gọi em là "con mèo bé nhỏ của anh" nhé, - ông cười vang mà không ngờ rằng chỉ ít lâu sau là biệt danh này sẽ trở nên nổi tiếng. - Một mật danh tốt đấy em ạ, chúng ta sẽ sử dụng mật danh này trong các buổi phát nhé.

  - "Mèo con thông báo rằng...". Nghe hay đấy chứ mà lại dễ chuyển sang hệ chữ cái Morse.

  Từ hôm ấy, London bắt đầu nhận được những bức điện mở đầu bằng câu "Mèo con thông báo rằng...". Cơ quan kỹ thuật vô tuyến của Đức dễ dàng bắt được những bức điện này: thời gian phát sóng bao giờ cũng vào hồi 21 giờ, và cái chính là một phần những bức điện ấy thậm chí không được mã hoá và truyền đi một cách táo tợn công khai. Tất cả đều chứa đựng những thông tin quan trọng chứng tỏ rằng "Mèo con" có trong tay những tin tức tuyệt mật, hơn nữa, một số tin lại xuất phát từ giới sĩ quan của cơ quan tình báo và phản gián Đức.
"Mèo con" chẳng bao lâu đã trở nên nổi tiếng khắp nước Pháp - rất nhiều người Pháp có máy thu thanh và do đó họ có thể nghe thấy câu "Mèo con thông báo rằng...". Điều này đã cổ vũ những người yêu nước đứng lên đấu tranh, và hai tiếng "Mèo con" đã trở thành tượng trưng cho phong trào Kháng chiến. Đối với cơ quan phản gián Đức thì việc lùng bắt được  "Mèo con" không chỉ là nghĩa vụ mà còn là vấn đề danh dự.

  Ban lãnh đạo mời "Arman" đến London, và sau khi ông trở về, một cuộc liên hoan vui vẻ đã được tổ chức. Không một ai biết rằng vào đúng những ngày ấy, một mối nguy hiểm chết người đã treo lơ lửng trên đầu mạng lưới điệp viên của "Arman".

  Phân bộ "Đ" của "Interale" đặt căn cứ ở Serbour và Lidơ và mở rộng hoạt động khắp 6 tỉnh Bắc Pháp, bao gồm vùng Bretan và các khu vực mạn tây vùng Norcmanđi. Mùa xuân năm 1941, "Arman" chỉ định một thanh niên làm sếp phân bộ này. Đó là một cựu phi công Pháp tên là Raul Kiffer hay Kiki, như bạn bè anh thường gọi.

  Vào đầu tháng 11, một viên cai Đức báo cáo với phòng tình báo Đức ở Serbour là có một phụ nữ Pháp tìm cách thu thập tin tức từ những nhân vật đang làm việc tại căn cứ nhiên liệu của hải quân Đức. Viên cai nói trên cho rằng người phụ nữ này là điệp viên của Anh. Bản báo cáo đó được chuyển về Paris và tại đây nó được hết sức lưu ý. Một nhân viên phản gián Đức là đại uý Erikh Borhers lập tức được phái đến Serbour.

  Đúng vào hôm đó, người trực nhật tại phòng Cảnh sát dã chiến bí mật là hạ sĩ Hugo Blaikher, một nhân vật lúc đó còn chưa ai biết đến. Đại uý Erikh Borhers thấy anh ta là một người có vẻ trí thức, hơn nữa, lại thông thạo tiếng Pháp, bởi vậy, Eric Borkhe lấy anh ta làm trợ lý cho mình. Hôm sau, Erikh và Hugo bắt giữ một người phụ nữ Pháp tên là Sharlott Bupphe, và Sharlott thú nhận mình làm việc cho một điệp viên Anh, nhưng cô chỉ biết người điệp viên này có bí danh là "Paul". Thế là bắt đầu cuộc săn lùng "Paul". Kết quả là Hugo bắt được anh ngày mồng 3 tháng 11 tại nhà ga Serbour khi anh từ Paris trở về. Trong người "Paul" có những tài liệu về các công trình quân sự của Đức và những chỉ thị bằng mật mã. Hoá ra "Paul" chính là Raul Kipper. Hugo đưa anh về Paris và chuyển anh đến trụ sở cơ quan tình báo Đức. 

  Khi Hugo đưa Raul ra đi thì ở nhà ga diễn ra một cảnh chia tay đau lòng giữa Hugo và người tình của y là Susanna Loran. Chúng tôi nhắc đến Susanna bởi vì chúng ta sẽ còn gặp lại cô ta trong câu chuyện này.

  Lúc đầu, Raul không chịu nói, nhưng khi Hugo dọa sẽ chuyển anh cho Gestapo thì anh chịu thua.

  Tại cơ quan tình báo, hạ sĩ Hugo Blaikher được coi là một nhân vật có ích và y được giữ lại làm việc ở Trung Tâm. Và từ đó bắt đầu con đường công danh của y với tư cách là con át chủ bài của cơ quan tình báo Đức. Hugo 42 tuổi, trước kia y đã từng làm việc tại cơ quan cảnh sát dã chiến bí mật nhưng vì mắt kém nên không thích hợp với công việc dã chiến, song giờ đây, y đã trở thành ngôi sao của cơ quan phản gián Đức. Dưới nhiều tên giả khác nhau: hoặc là ngài Gian Castel, hoặc là nhà doanh nghiệp Bỉ Gian, hoặc là đại tá không quân Đức Henri, Hugo đóng vai một chiến sĩ chống phát xít và lọt được vào hàng ngũ nhiều nhóm Kháng chiến của Pháp và Bỉ. Thậm chí, y còn thâm nhập được vào vài mạng lưới của tình báo Anh và bắt được nhiều thành viên của tình báo Anh và của phong trào Nước Pháp Tự do.
Dùng Raul làm mồi nhử, Hugo bắt được một thành viên của nhóm "Arman" ở Paris, người này biết địa chỉ của căn phòng bí mật. Ngày 17 tháng 11, Hugo bất ngờ xộc đến trụ sở nhóm "Arman" trên phố Vinla Lean. Vào lúc 3 giờ đêm, bốn chiếc xe chở đầy binh lính thuộc lực lượng cảnh sát dã chiến bí mật phong toả cả hai đầu khu phố nhỏ. Vài phút sau, "Arman" bị xích hai tay dẫn ra khỏi nhà. Hai nhân viên điện đài nằm trên gác xép kịp chạy trốn.

  Trong quá trình hỏi cung bà chủ ngôi nhà, Hugo được biết rằng ngày nào cũng có một phụ nữ mà "Arman" gọi là "Mèo con" đến thăm ông.

  "Arman" thừa nhận mình là đại uý Roman Secniavxki và làm việc cho Đồng minh. Đó là tất cả những gì mà ông khai trong lúc hỏi cung. Mọi lời đe dọa và tra tấn đều không buộc được ông lộ ra bất kỳ thông tin gì về "Interale" cũng như về mối liên hệ giữa ông và London. Ông bị tống vào xà lim biệt giam dưới hầm ngầm của nhà tù Freden.

  Trong lúc bắt "Arman" thì trên giường ông đang có một phụ nữ tóc vàng xinh đẹp - đó là Reune Borni, một phụ nữ trẻ goá chồng đến từ Luynevin. Bà là người đã cho "Arman" những giấy tờ của người chồng đã quá cố và rồi đến Paris theo lời mời của ông. Hugo hỏi cung bà hồi lâu, bà sẵn sàng nói tất cả những gì bà biết nhưng dường như vẫn giấu giếm một chuyện gì đó. Khi ấy, vốn là một nhà tâm lý lão luyện, Hugo liền dùng tiểu xảo.

  - Bà có biết do đâu mà chúng tôi có được địa chỉ của "Arman" không? Chúng tôi nhận được một bức thư nặc danh cho biết rằng chúng tôi có thể bắt được người lãnh đạo của "Interale" cùng người tình của ông ta ngay trên giường, và đồng thời còn cho chúng tôi biết địa chỉ nữa. Bức thư ấy không ký tên mà chỉ vẽ một con mèo có vẻ xảo quyệt và có đuôi giống dấu chấm than.

  - Mèo con! - Reune thốt lên. - Chính là con bé ấy, cái con bé đĩ thoã xấu xa và đáng ghê tởm ấy! Cái con rắn độc xảo quyệt ấy vì ghen tuông mà đã giao nộp chúng tôi cho người Đức! Trời chu đất diệt nó đi!

  Reune liền kể cho Hugo về tất cả những gì bà ta biết về "Mèo con". Bà ta miêu tả "Mèo con" như một kẻ chuyên quyến rũ đàn ông và là người lãnh đạo "Interale", còn "Arman" chỉ là một sĩ quan tham mưu chuyên thu thập tin tức mà thôi.

  Reune thề sẽ trả thù "Mèo con". Nhờ sự giúp đỡ của bà ta, Hugo ngay trong ngày hôm đó đã bắt được "Mèo con" trên ngưỡng cửa nhà nàng ở phố Angtoanet.

  Trên đây là giả thuyết lãng mạn của bá tước Mikhaen Donticov là người biết rõ câu chuyện Matinda Carre và đã viết một cuốn sách về nàng. Ông cũng quen biết riêng Hugo và một vài nhân vật của câu chuyện này.

 
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #85 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2008, 07:02:26 pm »

  Trên đây là giả thuyết lãng mạn của bá tước Mikhaen Donticov là người biết rõ câu chuyện Matinda Carre và đã viết một cuốn sách về nàng. Ông cũng quen biết riêng Hugo và một vài nhân vật của câu chuyện này.

  Nhưng giả thuyết của một điệp viên kiêm nhà sử học Anh là Kucridse, một người cũng quen biết riêng Hugo, thì lại biện minh cho nhân vật Reune Borni. Theo giả thuyết này thì bà ta không bao giờ phản bội, còn về phần "Mèo con" thì nàng bị sa vào chiếc bẫy mà Hugo chăng sẵn tại ngôi nhà số tám.

  Những chỗ khác biệt như vậy không phải là ít. Nhưng dù sao thì "Mèo con" cũng đã rơi vào tay cơ quan phản gián Đức. Trong thời kỳ đầu, Hugo tiếp tục làm việc với Reune. Nhưng bà ta chẳng có mấy ích lợi. Ngay cả những nhân vật chủ chốt của "Interale" cũng được bà ta miêu tả rất đại khái kiểu như "một người đàn ông dễ mến, trung niên, mắt xám" hoặc "một thanh niên ưa vui đùa".

  Khi ấy, Hugo liền tập trung mọi nỗ lực vào "Mèo con". Y chuyển nàng từ nhà tù đến khách sạn "Edward VII" trên đại lộ Opera, nơi đặt trụ sở của cơ quan tình báo Đức ở Paris. Nàng được dành cho một căn phòng sang trọng, và mặc dù ngoài cửa bao giờ cũng có lính gác nhưng nàng cảm thấy cực kỳ thoải mái.

  Hugo tạt vào "thăm" nàng và cả hai cùng ăn trưa rất ngon  miệng. Hugo dường như vô tình cho biết là y đã có mọi giấy tờ y cần. Chỉ cần y nói một tiếng thôi là nàng và các bạn bè của nàng sẽ bị đem ra xử bắn.

  - Chúng tôi đã biết hết và cô chẳng cần gì phải làm ra bộ dũng cảm một cách ngu ngốc. Dù có im lặng thì cô cũng chẳng thể cứu thoát được ai đâu. Nhưng nếu cô giúp tôi thì tôi có thể cứu cô và các bạn của cô khỏi tay Gestapo. Cô sẽ được trả tự do, còn các bạn của cô sẽ được đối xử như những tù binh chiến tranh và khi chiến tranh chấm dứt, họ sẽ được trở về nhà. Hoặc là cô sẽ bị trao cho Gestapo và khi ấy, cô chỉ còn cách trông chờ vào Chúa Trời thôi. Qua những giấy tờ chúng tôi tìm thấy ở phố Vinla Lean, - Hugo nói tiếp, - tôi biết rằng cô có hẹn gặp một nhân viên của cô tại tiệm cà phê "Pam-Pam". Ta hãy cùng đi tới đó. Nếu cô đồng ý làm việc cho chúng tôi, tôi hứa sẽ trả cho cô sáu mươi nghìn frant một tháng. Như vậy là nhiều hơn nhiều so với số tiền người Anh trả cho cô. Cô sẽ được trả tự do còn những người khác sẽ được cô cứu sống. Cô hiểu chứ?

  - Tôi hiểu, - "Mèo con" khẽ trả lời.
 
  Trong vài ngày tiếp theo, Hugo và "Mèo con" đi khắp Paris cùng một chiếc xe của cơ quan cảnh sát dã chiến bí mật. Matinda Carre - tức "Mèo con" - biết thuộc lòng tất cả địa chỉ của các thành viên "Interale". Họ lần lượt bị bắt. Trong vòng ba ngày, tổ chức "Arman" thực tế là đã bị xoá sổ.

  Giờ đây, câu chuyện thuần tuý tình báo chuyển thành một vở bi kịch trữ tình.

  Vốn tính phóng túng và bốc đồng, "Mèo con" tưởng gặp phải một viên sĩ quan Đức xấc xược, nét mặt thô kệch, giọng nói gay gắt, tiếng Pháp trọ trẹ, nhưng giờ đây, nàng thấy Hugo là một trí thức đẹp trai, dũng cảm, thông thạo tiếng Pháp và đầy sức hấp dẫn. Và đáng lẽ phải xa lánh và căm thù thì nàng lại bắt đầu cảm thấy một nỗi say đắm chân thành đối với y và trở thành một thứ đồ chơi ngoan ngoãn trong tay y.

  Matinda là một phụ nữ nhỏ bé, mảnh mai, chỉ cao có một mét năm tám. Nàng luôn luôn bị những người đàn ông cao lớn, vạm vỡ thu hút. Chồng cũ của nàng là một người như vậy và nàng ly hôn với ông chỉ bởi vì ông không thể có con, "Arman" cũng là một người như vậy, cả những người đàn ông khác trước và sau "Arman" cũng là những người cao lớn vạm vỡ như vậy. Nàng khao khát có được những đứa con cao lớn, đĩnh đạc.
 
  Cả Hugo cũng cao lớn như thế... Mối tình dan díu giữa hai bên đã thành một thực tế. "Mèo con" tận tình kể cho Hugo tất cả những gì nàng biết. Nàng kể về việc nàng đã thâm nhập như thế nào vào trụ sở tổ chức "Hoạt động phối hợp" ở Paris với tư cách "đại diện Hội Chữ thập đỏ Thuỵ Sĩ", dường như là để chăm sóc y tế và xã hội cho tù nhân các nhà tù Paris. Sau đó, thậm chí nàng đã trở thành "thành viên hoạt động phối hợp" và tình nhân của một sĩ quan cao cấp SS. Chính là thông qua người sĩ quan này và nhiều sĩ quan khác mà nàng thu thập được những tin tức hết sức giá trị.

  - Vậy người này hiện giờ ở đâu? - Hugo hỏi.

  - Ôi, chúng ta sẽ không nói đến chuyện đó. Anh ấy rất yêu em. Nhưng anh ấy bị phái sang Nga và ít lâu sau thì tử trận ở bên ấy. Nếu anh quan tâm đến công việc của em thì em có thể nói rằng em có "tay trong" cả trong trụ sở cơ quan tình báo của anh ở khách sạn Luytesia.

  Nàng kể cho Hugo nghe về chiến dịch mà nàng và các bạn cũ của nàng đã mạo danh cơ quan tình báo Đức để thực hiện, khi họ sử dụng chiếc máy điện thoại nằm trên bàn của một sĩ quan lãnh đạo cơ quan tình báo này. Hugo chỉ còn biết ngây mặt vì ngạc nhiên.

  Matinda cũng còn trao nộp cho Hugo "hòm thư" chuyên dùng để liên lạc với các thành viên tổ chức "Arman". Bà chủ "hòm thư" là nhân viên trông coi toalet của khách sạn. Hugo bắt giữ rồi chiêu mộ bà ta. Y cho hai viên cảnh sát mai phục sẵn trong toalet. Giờ đây, nếu người vào toalet là người bình thường thì bà ta chào "Chào ông" hoặc "Chào bà", còn nếu đấy là thành viên "Interale" thì bà ta thêm tên của người đó vào lời chào. Hai viên cảnh sát liền nhảy xổ ra từ chỗ nấp và tóm lấy người đó. Thành công thật phi thường: chỉ trong vòng vài ngày Hugo đã bắt được tất cả các thành viên còn lại của "Interale".

  Dĩ nhiên, Matinda làm tất cả những việc đó không phải dễ dàng: trong thâm tâm nàng diễn ra cuộc đấu tranh nội tâm đau đớn. Nếu như để giảm nhẹ tội lỗi của nàng chứ không phải để biện minh cho nàng thì có thể nói rằng ngoài tình yêu đối với Hugo, nàng còn theo đuổi một ý tưởng nữa mà Hugo đã khéo léo đưa vào đầu óc nàng: tất cả những người mà nàng trao nộp cho y sẽ không bị chuyển cho Gestapo mà sẽ được coi là tù binh chiến tranh. Nói cho công bằng thì y đã thực hiện đúng lời hứa ấy.

  Giờ đây, họ sống như hai vợ chồng tại một khu phố sang trọng ở khu vực rừng Boulogne. "Mèo con" đã chuyển cho Hugo toàn bộ số tiền mặt của "Interale" - hàng triệu frant Pháp, hàng nghìn frant Thuỵ Sĩ và hàng nghìn bảng Anh.     

  Cùng với những điệp viên, tài liệu và mật mã bắt được, bọn Đức còn thu được bốn điện đài. Hugo đến gặp trưởng phân bộ tình báo Đức tại Paris là đại tá Oscar Rayle và báo cáo kế hoạch của y.

  - Thưa ngài, - Hugo nói, - chúng ta hiện có bốn điện đài. Nếu chúng ta giữ kín được các vụ bắt giữ thì chúng ta sẽ có thể bắt đầu trò chơi điện đài và thuyết phục được London tin rằng "Interale" vẫn đang hoạt động như trước. Chúng ta sẽ có thể nhận được những tín hiệu và chỉ thị từ London, có thể biết mọi tin tức về các điệp viên được London phái sang cũng như có thể cung cấp cho họ những tin giả. Nói cách khác, chúng ta sẽ duy trì được mạng lưới "Interale" nhưng là dưới sự kiểm soát của chúng ta, ít nhất cũng được một thời gian nào đó. Ngoài ra, chúng ta còn sẽ buộc được người Anh phải cung cấp tiền cho chúng ta.

  Đại tá Rayle đồng ý. Vấn đề là ở chỗ ít nhất cũng phải buộc được vài thành viên của "Interale" hợp tác. Tất cả những người Ba Lan được Hugo đề nghị hợp tác đều đáp lại bằng nụ cười giễu cợt đầy khinh bỉ. Nhưng Hugo đã có "Mèo con". Y cũng chiêu mộ lại được một nhân viên điện đài tên là Hanri Tabet. Việc này không khó bởi Hanri đã bị "Arman" kết án tử hình vì một lỗi lầm nào đấy. (Sau chiến tranh, toà án Pháp cũng kết án tử hình y về tội hợp tác với phát xít Đức). Cả Reune Borni cũng đồng ý làm việc cho Hugo.

  Điện đài được chuyển đến nhà một nhà doanh nghiệp giàu có. Một sĩ quan tình báo Đức là Fon Hopphen được cử làm người lãnh đạo địa điểm này với thành phần gồm vài sĩ quan và hạ sĩ quan. Hugo đưa "Mèo con", Reune Borni và Hanri Tabet đến đây ở và gọi nơi này một cách hóm hỉnh là "ổ mèo".
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #86 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2008, 07:05:47 pm »

  Đường liên lạc vô tuyến giữa Paris và London chỉ đứt đoạn một thời gian ngắn nên London không nghi ngờ gì. "Mèo con" biết mọi ước định tinh tế của các cuộc truyền tin cũng như những tín hiệu cảnh báo nguy hiểm. Nhưng chỉ Reune là biết được mật mã. Cả hai giờ đây cộng tác với người Đức cũng tận tâm như trước đây cộng tác với Đồng minh.

  Ngay sau khi "ổ mèo" được thu xếp ổn định, các buổi truyền tin của "Mèo con" đến London lập tức được bắt đầu. Trò chơi điện đài kéo dài được hơn ba tháng. Trong biên bản ghi ngày 13 tháng 7 năm 1945, thẩm phán người Pháp viết rằng trong suốt thời gian ấy, "các điệp viên Đức đã đánh lừa được cơ quan mật vụ Anh vốn vẫn được tán tụng hết lời". 

  Thời kỳ đầu, bọn Đức còn tỏ ra rất thận trọng: giữa hai bên chỉ trao đổi những tin tức bình thường về việc di chuyển quân đội, tình hình trên các tuyến đường sắt và các công trình quân sự. Một số tin là đúng sự thật. Phải cho London biết rằng một vài thành viên "Interale" đã bị bắt, kể cả "Arman", nhưng những thành viên còn lại vẫn ở ngoài tự do và công việc vẫn có thể tiếp tục.

  London cũng được cho biết rằng "Mèo con" giờ đây đã đứng đầu tổ chức "Interale" và từ nay về sau sẽ phát tín hiệu dưới một bí danh mới là "Victory" - "Chiến thắng". London mắc câu và hỏi là liệu những sĩ quan bị mất liên lạc liệu có thể sử dụng những khả năng của "Interale" được không? Dĩ nhiên câu trả lời là "Được!".

  Bọn Đức quyết định không bắt thị trưởng Bron là người đã bị "Mèo con" tố giác. Chúng tính toán rất đúng là Bron sẽ dẫn chúng lần ra dấu vết của các điệp viên khác. "Mèo con" đã đến gặp thị trưởng Bron và cho ông biết về vụ bắt giữ "Arman" cùng một số thành viên khác của "Interale". Hugo ra lệnh cho "Mèo con" làm việc này bởi vì y biết Bron vẫn bí mật liên lạc với các cơ quan tình báo của Đồng minh và y muốn tránh bất kỳ sự nghi ngờ nào có thể nảy sinh ở London.

  Lẽ tự nhiên là bọn Đức theo dõi Bron hết sức chặt chẽ, cả theo tuyến bên ngoài cũng như theo tuyến bên trong tổ chức. Hugo nhờ đó biết rằng Bron có ý định giới thiệu với "Mèo con" một số điệp viên Anh. Trong số đó có một sĩ quan của Cục Tác chiến Đặc biệt và một nhà lãnh đạo của phong trào Kháng chiến tên là Pie de Vomecur, bí danh là "Lucat". Vomecur đề nghị Bron tổ chức cho ông gặp "Mèo con", người phụ nữ mà ông cho rằng có thể giúp ông bắt mối được liên lạc.

  Cuộc gặp gỡ diễn ra tại khách sạn "George V" trên quảng trường Elide. Vomecur nói cho "Mèo con" biết ông là sĩ quan Anh và hỏi là liệu nàng có thể chuyển cho London vài tin tức của ông được không. Vốn đã được Hugo ra lệnh từ trước nên "Mèo con" đồng ý. Giờ đây, điện đài của "Mèo con" bắt đầu truyền đi tin tức từ hai nguồn.

  Thực hiện chỉ thị của Hugo, "Mèo con" đưa y đến gặp Vomecur, giới thiệu y là Gian Castel, một trong những nhân vật lãnh đạo của phong trào Kháng chiến Bỉ. Tại cuộc gặp, Hugo nói với Vomecur là trong hàng ngũ của phong trào Kháng chiến có rất nhiều tên tội phạm hình sự. Chúng sử dụng vũ khí được giao vào mục đích riêng của chúng, điều này có thể gây nên những vụ đàn áp không cần thiết của bọn Đức. Để tránh nguy cơ này, theo lời Hugo, cần lập hồ sơ có dán ảnh của từng thành viên phong trào Kháng chiến rồi nộp cho cảnh sát. Cũng theo lời Hugo, những "người mình" trong cảnh sát sẽ cấp hộ chiếu mới mang tên giả cho những thành viên chân chính của phong trào Kháng chiến. Ý tưởng này của Hugo được "Mèo con" tích cực ủng hộ, và Vomecur cũng đồng ý!     

  Nghe thật quái gở! Chẳng lẽ những con người như Vomecur, những anh hùng của phong trào Kháng chiến, lại ngây thơ đến thế kia ư? Không rõ ý tưởng tội ác này có được thực hiện hay không bởi vì đúng lúc đó thì xảy ra những biến cố mới.

  Thật bất ngờ đối với "Mèo con" là Susanna Loran, người tình của Hugo, đột ngột từ Paris đến. Hugo bắt đầu sống cuộc đời hai mặt: vì tình yêu thì y đến với Susanna, vì tính toán thì y đến với Matinda, tức "Mèo con". Dĩ nhiên, hai người phụ nữ căm ghét nhau, ghen tuông nhau, đố kỵ nhau. Một trong những đối tượng ghen tỵ là chiếc xe hơi thể thao sang trọng mà "Mèo con" vẫn dùng để đi khắp Paris.
Vì ghen tuông nên "Mèo con" đã đi một bước tuyệt vọng. Nàng quyết định chạy sang vùng lãnh thổ không bị chiếm đóng của nước Pháp. Để làm việc này, nàng đến gặp một người hoạt động bí mật là Hanri Coien  xin anh ta cấp cho giấy tờ và thú thật hết với anh ta về sự phản bội cũng như về tình yêu đối với Hugo.

  Coien là một người trung thực và tử tế nhưng nhút nhát, anh ta khuyên "Mèo con":

  - Người Đức đối xử với cô rất tốt. Hãy khôn ngoan và quay lại với Hugo thì hơn.

  Hugo đã theo dõi Coien từ lâu, y đoán ra Coien có liên quan đến chuyện "Mèo con" biến mất. Y đến chỗ anh ta bắt lại "Mèo con" và bắt luôn anh ta. Sau khi buộc anh ta phải hứa sẽ không cho bất cứ ai biết về những điều "Mèo con" thú nhận, y trả tự do cho anh ta. Và anh ta đã giữ lời hứa! Trong buổi thẩm vấn anh ta về vụ "Mèo con" vào ngày 27 tháng 7 năm 1945, Coien khai như sau: "Tôi đã không báo cáo với cấp trên về việc bà Matinda Carre trở thành nhân viên tình báo Đức...". 

  Và "Mèo con" vẫn được tin tưởng như trước. Hugo liền lợi dụng ngay tình thế ấy. Thông qua Coien, y tung tin giả là những chiến hạm Đức như "Sanhorst", "Gneisenau" và "Hoàng tử Evgheni" chưa sẵn sàng ra khơi và sẽ cần hàng tháng nữa để sửa chữa.

  Cuộc hòa giải giữa "Mèo con" và Hugo diễn ra đầy sóng gió. Để tỏ lòng biết ơn Hugo, "Mèo con" còn giao nộp cho y một điệp viên bí mật nữa - đó là Reune Legran, một nhà doanh nghiệp lớn chuyên nhập khẩu hàng hóa và là người đã chuyển nhiều tin tức về các tàu chiến Đức. Hơn thế nữa, "Mèo con" không chỉ báo cho Hugo biết về ông mà còn chăng bẫy ông bằng cách giả vờ bị thương tay phải, đề nghị ông tự tay viết giúp những tin tức cần thiết, một việc mà trước đây ông chưa bao giờ làm. Kết quả là ông bị bắt quả tang đang "hoạt động gián điệp".

  Tuy nhiên, Hugo cũng bắt đầu gặp khó khăn. London đòi hỏi những tin tức ngày càng mới. Tin tức thì có, nhưng trách nhiệm của y là cung cấp cho kẻ địch những tin giả được chuẩn bị tại ban tham mưu bộ chỉ huy tối cao. Nếu không, y sẽ có thể bị buộc tội phản bội.
Nhưng tuy yêu cầu nhiều lần, y vẫn không nhận được trả lời của cấp trên.

  London thường xuyên yêu cầu những tin tức chính xác về tình hình các chiến hạm Đức "Sanhorst", "Gneisenau" và "Hoàng tử Epgheni" đang thả neo ở cảng Bresto. Hugo đã chủ động tung tin giả qua Coien, nhưng y không biết phải thông báo gì tiếp theo. Trò chơi điện đài có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào.

  Tiếp đấy, London thông báo rằng ban lãnh đạo cho triệu Vomecur về London. Ngày 16 tháng 1, chiếc máy bay liên lạc "Lisender" sẽ đến đón Vomecur tại làng Laas. Được đại tá Rayle cho phép, Hugo không gây trở ngại cho chuyến bay của "Lisender", y tính toán rằng nếu Vomecur báo cáo tốt đẹp về hoạt động của "Interale" thì London sẽ quyết định tăng cường vai trò của "Interale" và trò chơi điện đài có thể tiếp tục được.

  Vào ngày đã định, Vomecur, "Mèo con" và "ngài Gian Castel" (tức Hugo) đáp xe đến làng Laas để đón chiếc "Lisender". Lái xe là một hạ sĩ quan tình báo Đức đóng vai "thành viên phong trào Kháng chiến Bỉ". Cả bọn chen chúc nhau qua đêm trên xe, nhưng chờ đợi mãi vẫn hoài công: máy bay không đến. Run lên vì lạnh, tất cả quay trở về Paris. Vomecur đọc cho "Mèo con" gửi đi London một bức điện giận dữ, yêu cầu phải giải thích. London trả lời là chuyến bay không tiến hành được vì lý do thời tiết và hẹn sẽ cho máy bay đến đón Vomecur vào ngày 30 tháng giêng. Đến ngày hẹn, Vomecur, "Mèo con" và "ngài Gian Castel" lại đi đón máy bay, lại qua đêm trong chiếc ô tô phủ kín tuyết, nhưng lần này, máy bay cũng không đến.

  Vào quãng thời gian này, Vomecur bắt đầu cảm thấy nghi ngờ về sự chân thành của "Mèo con" và cảm thấy dường như có người luôn luôn theo dõi ông. Những nghi ngờ này được xác nhận sau một lần "Mèo con" bị mất lòng tin nặng nề dưới mắt ông. Ông hỏi là liệu "Mèo con" có thể kiếm được giấy tờ giả cho ông hay không. Ngay ngày hôm sau, "Mèo con" đến gặp ông với một mớ hộ chiếu và chứng minh thư giả do Hugo đưa cho nàng. Vomecur liền quyết định báo cho London biết về những mối ngờ vực của ông. Thông tin này được gửi đi qua con đường Thụy Sĩ nhưng mãi về sau mới biết là nó đã không tới được London. Vomecur chỉ còn cách chờ đợi và tăng cường cảnh giác.

  Mặt khác, bọn Đức cũng ngày càng lo ngại là London có thể đã đoán ra "Interale" hiện nay là giả mạo. Bằng chứng là hai lần máy bay không đến đón Vomecur - rất có thể đấy không phải là do thời tiết xấu mà là do London nghi ngờ. Chúng cũng không loại trừ cả khả năng "Mèo con" đã chơi trò hai mang. Trong lúc ấy, London vẫn liên tục đòi hỏi "Interale" phải cung cấp tin tức về tình hình các chiến hạm Đức. Sau khi được biết các chiến hạm này đã hoàn toàn sẵn sàng ra khơi, ngày mồng 2 tháng 2 Hugo liền cho gửi đi bức điện: "Mèo con thông báo: "Sanhorst", "Gneisenau" và "Hoàng tử Epgheni" bị tổn thương nghiêm trọng do bị máy bay ném bom. Vì khó khăn về phụ tùng thay thế nên có lẽ phải hơn bốn tháng nữa mới sửa chữa xong".

  Vậy mà chỉ vài ngày sau, vào đêm 11 rạng ngày 12 tháng 2 năm 1942, toàn bộ đoàn chiến hạm Đức đã rời cảng Brest và thực hiện một cuộc đột phá táo bạo chưa từng có qua eo biển La Manche, khu vực mà trước đó, không chỉ tàu chiến Đức mà cả tàu chiến Anh đều không dám vào. Đây là thắng lợi vang dội của hải quân Đức, họ không hề mất một chiếc tàu nào, và đồng thời là thất bại nặng nề của hải quân Anh, họ bị hoàn toàn bất ngờ nên đã để cho đoàn tàu Đức chạy qua, không những thế còn mất vài khu trục hạm và sáu mươi tám máy bay.

  Trong hồi ký của mình Thủ tướng Anh lúc đó là Churchill viết: "Vào đêm 11 rạng ngày 12 tháng 2 năm 1942, các tuần dương hạm "Sanhorst", "Gneisenau" và "Hoàng tử Epgheni" đã rời cảng Brest ra khơi... Còn chúng tôi vào lúc đó lại thấy cần phái hầu hết máy bay phóng ngư lôi đến Ai Cập... Trong những trận không chiến ác liệt với lực lượng yểm hộ mạnh mẽ của không quân Đức, chúng tôi bị tổn thất nặng nề... Sáng ngày 13 tháng 2, tất cả các tàu chiến Đức đã đến được các cảng của mình. Tin tức này khiến dư luận Anh sửng sốt và bất hòa, biến cố vừa xảy ra không thể giải thích nổi và được đánh giá như một bằng chứng cho thấy sự thống trị của Đức trên các eo biển, điều này đương nhiên khiến mọi người phẫn nộ...".

  Một trong những tác giả tạo nên chiến thắng vang dội đó của Đức là Hugo nhưng y thậm chí không hề được biểu dương công trạng.
Như thường thấy, các sự kiện thế giới đan xen với những sự kiện hoàn toàn cá nhân.

  Sau thất bại đau đớn nói trên, London khẩn cấp cử thiếu tá Richard đến để tìm hiểu nguyên nhân vì sao mà London lại nhận được thông tin giả. "Mèo con" vụng về chối quanh, đổ hết tội lên đầu "ngài Gian" là người mà theo lời "Mèo con", đã gửi điện đi khi nàng đang ốm. Nàng dẫn Richard đến gặp Hugo và Hugo ra lệnh bắt anh. "Mèo con" sửng sốt khi hiểu ra rằng Hugo đã lừa dối nàng. Hơn thế nữa, suốt đêm hôm đó, y ở chỗ Susanna. Nàng không còn chịu nổi nữa. "Mèo con" đến gặp Vomecur. Ông không niềm nở như mọi khi và "Mèo con" cảm thấy ông bị nghi ngờ dằn vặt. Ông dồn dập hỏi nàng:

  - Thiếu tá Richard đâu? Chuyện gì xảy ra với anh ấy? Mà này, cô lấy hộ chiếu và chứng minh thư giả ở đâu đấy? - Giọng ông mỗi lúc một gay gắt hơn, không cho nàng trả lời, và cuối cùng ông hỏi thẳng: - Cô làm việc cho bọn Đức phải không?

  "Mèo con" nức nở khóc rồi nghẹn ngào thốt lên:

  - Vâng!

  Vomecur sửng sốt im lặng. Không chờ ông hỏi tiếp, "Mèo con" bắt đầu kể. Nàng kể về sự tan vỡ của "Interale", về việc Hugo bắt nàng phải làm việc cho y, về những dằn vặt và đau khổ trong lòng nàng. Vomecur lắng nghe, tình cảm giận dữ dần dần thay thế bằng tình cảm thương hại đối với người phụ nữ này. Ông giúp nàng nằm lên giường để nàng tĩnh tâm lại và nghỉ ngơi...

  ... Bảy năm sau, khi khai trước tòa, Vomecur nói: "Khi cô ta thú thật hết với tôi, tôi gần gũi với cô ta để có khẳng định mọi chuyện cô ta kể đều đúng. Và tôi biết rằng từ khi ấy, cô ta chơi một cuộc chơi trung thực".
 
  "Mèo con" tâm sự với Vomecur:

  - Mẹ em rất hiểu em và có lần bà nói: "Chồng cũ của con là giáo viên và con cũng trở thành giáo viên. Roman Secniavxki là điệp viên và con cũng trở thành điệp viên. Hugo là nhân viên tình báo Đức và con cũng trở thành nhân viên tình báo Đức. Nếu con lấy chồng là bác sĩ, luật sư hoặc thợ thông ống khói thì con cũng sẽ trở thành bác sĩ, luật sư hoặc đi thông ống khói". Giờ đây em ở bên anh là một sĩ quan Anh và em cũng sẽ làm việc cho nước Anh.

  Nhưng "Mèo con" không thể che giấu được Hugo về mối dan díu với Vomecur.

  - Em đã phản bội anh khi đi với Coien và anh đã tha thứ cho em, - y bảo "Mèo con". - Giờ đây, em phản bội anh khi đi với Vomecur. Anh hiểu rằng em sẽ còn như thế sau này nữa. Nhưng anh không buộc tội em. Đơn giản là chúng ta phải chia tay nhau. Em phải rời khỏi nước Pháp càng nhanh càng tốt.

  Ngay hôm đó, Hugo đến gặp đại tá Rayle.

  - Tại sao ta lại không phái "Mèo con" sang London cùng Vomecur nhỉ? Nếu cô ta làm việc trung thực cho chúng ta thì cô ta sẽ tìm hiểu được tất cả những gì chúng ta cần biết về hoạt động của phân bộ Pháp, và khi đã củng cố được vị trí của mình, cô ta sẽ trở về.

  - Thế nếu cô ta không trở về?

  - Thì sẽ phải chấm dứt trò chơi. Đằng nào cũng thế thôi vì không thể tiếp tục trò chơi mãi được.

  - Được, - Rayle suy nghĩ một lát rồi nói. - Tôi đồng ý.

  Hugo ra sức thuyết phục "Mèo con" nhận lời đề nghị của y. Nàng suy nghĩ hồi lâu. Một mặt, London có thể đón nàng không được nhiệt tình như người Đức mong đợi. Mặt khác, nàng có thể chấm dứt toàn bộ trò chơi nặng nề này và chuyển sang phía khác. Trong vụ xét xử sau chiến tranh, "Mèo con" kiên trì nhắc đi nhắc lại rằng lúc đó, nàng đã dự định thú nhận tội phản bội của mình và tự trao mình cho chính quyền London xin tha thứ.
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #87 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2008, 07:08:21 pm »

  Vomecur đứng trước tình thế nan giải: hoặc cắt đứt mọi quan hệ với "Mèo  con" và mau chóng trốn đi, hoặc tiếp nhận tình thế hiện nay và hy vọng bọn Đức sẽ giúp họ sang Anh. Ông chọn phương án thứ hai tuy hiểu rằng đang dấn thân vào chỗ nguy hiểm chết người.

  Ngày 14 tháng 2 năm 1942, tình báo Đức đánh điện đến London khẩn cấp yêu cầu đưa Vomecur và "Mèo con" đi bởi vì Gestapo đã lần ra dấu vết họ và tính mạng của họ đang bị đe dọa. London trả lời là không thể đưa máy bay sang được nhưng sẽ phái canô đến đón. Điểm hẹn được một nhân viên Cục Tác chiến Đặc biệt Đức chuẩn bị. Tên y là Ben Coiburn, bí danh là "Benoa".
 
  Ngày 17 tháng 2, hai bên trao đổi điện cho nhau để xác định việc canô sẽ đến vào đêm 17 rạng ngày 18. Hugo nói với "Mèo con" rằng y không thể đưa tiễn nàng được, nhưng đại úy Ekkert và hạ sĩ Trich bên cơ quan tình báo sẽ đi cùng với họ. Y cam đoan rằng lực lượng phòng vệ bờ biển của Đức đã được báo trước và rằng Ekkert và Trich sẽ biến mất khi chiếc canô Anh xuất hiện. Tất cả rời Paris trên một chuyến tàu tốc hành. Vomecur, "Benoa" và "Mèo con" ngồi trong một ngăn toa, Ekkert và Trich ngồi ngăn toa bên cạnh. Lúc 8 giờ tối tất cả ăn tối tại một khách sạn ven bờ biển. Họ uống hết hai chai rựơu và "Benoa" thốt lên:

  - Tối vui hôm nay thật kỳ lạ! Một điệp viên Pháp, một điệp viên Anh và một điệp viên Đức! Chỉ còn thiếu một điệp viên Xô Viết nữa thôi!

  Đại úy Ekkert đến trụ sở địa phương của cơ quan cảnh sát dã chiến bí mật để tin chắc rằng tất cả các đơn vị quân đội Đức đã được điều đi khỏi địa điểm canô sắp cập bến. Rồi cùng với hạ sĩ Trich, y ẩn mình vào hầm trú ẩn, nơi từ đó có thể quan sát mọi diễn biến trên bờ biển. Quá nửa đêm ít lâu, Vomecur, "Benoa" và "Mèo con" xuất hiện trên bãi biển. Sau đó ít phút, từ ngoài biển vọng vào tiếng động cơ âm vang. Canô phát tín hiệu và "Mèo con" đáp lại bằng ánh đèn pin bật lên ba lần. Một chiếc thuyền cao su tách khỏi canô. Trên canô có một sĩ quan thủy quân Anh và hai người mặc quần áo dân sự. Khi mũi canô chạm vào bờ cát, "Mèo con" và Vomecur lập tức lao đến.
 
  Đúng lúc đó có ba người nhảy từ canô xuống - đó là đại úy Blake và hai nhân viên Cục Tác chiến Đặc biệt Anh. "Mèo con" lập cập leo lên chiếc xuồng đang lắc lư trên sóng. Khi nàng định lôi chiếc va li nặng trịch lên thì bị mất thăng bằng và rơi xuống chiếc thuyền, chiếc thuyền lập tức lật nhào. "Mèo con" biến mất trong làn nước tối tăm và bẩn thỉu. Đại uý Blake và Vomecur lao xuống cứu nàng. Khi được kéo lên thì trông nàng đúng là một con mèo ướt sũng và bẩn thỉu. Con thuyền bị cuốn trôi ra biển.

  Người ướt như chuột lột, họ bắt đầu bàn luận xem nên hành động tiếp theo như thế nào. "Mèo con" bị thương ở chân trong lúc vật lộn với sóng biển nên giờ đây nằm lả đi trên cát. Vomecur biết là đội tuần tra Đức chắc chắn ở đâu đó gần đây nên ông thuyết phục mọi người tin rằng người Đức nhất định sẽ giúp đỡ họ. Đại uý Blake lấy đèn pin ra và bắt đầu phát tín hiệu về phía canô.

  Ngồi quan sát từ trong hầm trú ẩn, đại uý Ekkert và hạ sĩ Trich cảm thấy tất cả những gì đang diễn ra trên bãi biển chẳng khác gì một tấn hài kịch. Một vài nhân viên thuộc cơ quan cảnh sát tác chiến bí mật được Ekkert bố trí gần đó để phòng xa, cũng tò mò theo dõi những gì đang xảy ra.

  Thiếu tá Ben Coiburn (tức "Benoa") về sau nhớ lại:

  - Vậy là mọi chuyên đã kết thúc. Chiếc canô buộc phải rời đi để trên bờ khỏi nhìn thấy. Tất cả chúng tôi hội họp với nhau. "Lucas" (tức Vomecur) quả quyết rằng hai nhân viên cơ quan Cục Tác chiến Đặc biệt và viên sĩ quan hải quân Anh nhất định đang ẩn nấp trong rừng và chắc chắn chúng tôi cũng đang ở đâu đó gần đấy. "Mèo con" sáng hôm sau thể nào cũng liên lạc được với người Đức và chúng tôi sẽ lại họp mặt tại chính nơi này với hy vọng là canô sẽ quay lại...
 
  Như vậy, nhóm chia làm ba: "Mèo con" mệt lả và khóc lóc, được "Lucat" dìu đi, lê bước đến khách sạn gần đấy. Hai nhân viên Cục Tác chiến Đặc biệt Anh thì đi về phía một trang trại để ẩn nấp, còn đại uý Blake trong bộ quân phục hải quân Anh thì tiến về phía rừng. Ekkert quyết định bắt giữ Blake, y đón đầu ông, lấy súng lục ra, tuyên bố y là sĩ quan Đức và buộc ông phải đầu hàng. Blake chỉ còn cách khuất phục. Còn đối với hai người mặc quần áo dân sự mà Ekkert có đủ cơ sở để tin là người Anh thì y cho người theo dõi. Đến sáng thì họ bị bắt tại trang trại gần đấy. Người chủ trang trại đã cho họ trú ẩn về sau bị xử bắn. Blake và hai nhân viên Cục Tác chiến Đặc biệt Anh bị đưa vào trại tập trung phát xít cho đến hết chiến tranh, nhưng cả ba đều sống sót. 
 
  Ekkert phái người đi lấy những chiếc va li còn nằm lại trên bãi biển. Chúng phát hiện thấy trong đó có hai điện đài, sáu mươi nghìn frant, một tập giấy tờ, hộ chiếu và chứng minh thư Đức và Pháp giả, một vài hộp đạn, chất nổ và vài khẩu súng lục.

  Sáng hôm sau, "Mèo con" đến gặp đại uý Ekkert và tìm cách gọi điện cho Hugo, nhưng vô ích. Khi quay về, nàng nói với Vomecur và "Benoa" rằng người Đức đã quan sát toàn bộ vụ việc và "hết sức sửng sốt". Ekkert hứa sẽ "dựng" Hugo dậy và thuyết phục Hugo đồng ý nối liên lạc vô tuyến với London để yêu cầu London tổ chức đón họ một lần nữa vào đêm hôm sau và cũng tại địa điểm đó.

  Cả ba người - "Mèo con", Vomecur và "Benoa" - khắc khoải chờ đợi suốt ngày và đến đêm lại ra chỗ cũ. Họ dùng đèn pin phát tín hiệu suốt mấy tiếng đồng hồ, nhưng không thấy ai xuất hiện. Chán nản, họ ra bến xe buýt rồi đáp tàu hoả trở về Paris. Trên tàu, khi "Mèo con" ngủ thiếp đi, Vomecur năn nỉ khuyên "Benoa" lẩn trốn. "Benoa" xuống tàu và sau nhiều ngày lưu lạc đã đến được Lisbon và từ đó về London.

  Ngày 20 tháng 2, "Mèo con" và Vomecur lại một lần nữa đến chỗ hẹn với canô. Nhưng họ bị lạc và suốt đêm hoài công phát tín hiệu ánh sáng. Hôm sau, họ trở lại Paris và người ra mở cửa cho họ là Susanna.

  Một vụ cãi lộn nổ ra. Hugo phải vất vả lắm mới trấn an được hai phụ nữ. Để chứng tỏ mình còn có ích cho Hugo, "Mèo con" thực hiện một vụ phản bội nữa, vụ phản bội cuối cùng. Người bị "Mèo con" tố giác lần này là đại uý Michiel Trotobas người Anh, bí danh là "Sinvestr", nhóm trưởng nhóm Kháng chiến ở thành phố Lille. Ông bị bắt nhưng vì không có chứng cớ nên lại được trả tự do. Hugo trách "Mèo con" đã cung cấp cho y tin thất thiệt. Tức giận, "Mèo con" lớn tiếng tuyên bố sẽ trao cho y bằng chứng xác nhận lời tố giác của nàng. Bằng chứng đó là luật sư Bron. "Mèo con" thoả thuận với Bron là sẽ gặp nhau ở tiệm ăn. Ngồi ở bàn bên cạnh là Hugo. "Mèo con" đặt trước mặt Bron bức ảnh chụp Maicơn Trôtôbát và hỏi xem ông có biết người này không.

  - Có chứ, đây là "Sinvestr" thuộc nhóm Lille, nhóm đã chọn đầu mèo làm biểu tượng để tôn vinh bà...

  Hugo nghe thấy hết.

  Nhận thấy người ngồi bàn bên cạnh có vẻ đáng ngờ, Bron đã kịp chạy trốn và thoát nạn. Michiel Trotobas dùng súng kháng cự và bị giết chết. Trong cuộc diễu hành chào mừng nước Pháp được giải phóng, nhóm của ông đã giương cao lá cờ có thêu tên nhóm và hình biểu tượng mèo đen...

  Vài ngày sau, "Mèo con" và Vomecur tìm cách chạy trốn lần cuối cùng và họ đã thành công.

  Trên đường từ Southampton đến London, Vomecur báo cáo với người sĩ quan tháp tùng họ về sự phản bội của "Mèo con". Sau khi đến London, hai người bị tách rời nhau mỗi người một ngả.

  "Mèo con" không bị bắt ngay: giờ đây đến lượt cơ quan tình báo Anh bắt đầu "trò chơi" với nàng. Nàng chỉ bị bắt vào ngày 29 tháng 6 năm 1943, đúng vào ngày sinh lần thứ 32 của nàng, căn cứ vào lời đại uý  Trotobas và đại tá (nghề nghiệp là luật sư) Bron buộc tội nàng phản bội cũng như căn cứ vào mối nghi vấn của một vài thành viên tổ chức "Interale".
 
  Năm 1945, Matinda Carre bị chuyển giao cho chính quyền Pháp. Cuộc thẩm vấn kéo dài gần bốn tháng. Matinda bị cáo buộc đã trao cho tình báo Đức ba mươi nhăm người yêu nước. Ngày mồng 4 tháng giêng năm 1949, "Mèo con" bị đưa ra toà. Tất cả các thẩm phán đều là cựu thành viên của phong trào Kháng chiến, và bản án đã được dự đoán trước: đó là án tử hình. Bản án được tuyên vào ngày mồng 8 tháng giêng.
 
  Tháng 5 năm 1949, vào dịp kỷ niệm bốn năm ngày chiến thắng phát xít, án tử hình được thay bằng án khổ sai chung thân. Lại thêm sáu năm nữa, vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày chiến thắng phát xít, Matinda Carre được ân xá và được trả tự do. Nàng về một tỉnh lẻ hẻo lánh sống dưới một tên giả. Đến năm 1959, nàng cho xuất bản cuốn hồi ký.

  "Mèo con" qua đời vào năm 1970.
 
  Năm 1942, Vomecur lại nhảy dù xuống đất Pháp và đứng đầu một nhóm Kháng chiến. Gestapo bắt được ông. Hugo đến thăm ông trong nhà tù, y để lại một bao thuốc lá và nói:

  - Tôi rất tiếc là giờ đây không thể làm được gì cho ông. Lẽ ra ông không nên trở lại thì hơn.

  Lần này, các điều tra viên phát xít không nương tay. Vomecur bị đánh đập, bị bẻ răng cửa, và rồi bị đưa vào trại tập trung cho đến hết chiến tranh. Năm 1949, ông ra toà làm nhân chứng trong vụ án Matinda Carre.

  Ông mất ở Paris năm 1965.

  Hugo không bị coi là tội phạm chiến tranh. Y bình yên trở về Đức và tại đây, y mở một cửa hiệu thuốc lá.

Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #88 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2008, 07:13:10 pm »

65 - FRANCIS WALSINGHAM  (1532-1589)
Ông tổ của ngành phản gián Anh quốc



  Thời của Nữ hoàng Elizabeth và đối địch của bà - Nữ hoàng Maria Stuart - để lại dấu ấn trong lịch sử nước Anh như một trong những thời bi thảm nhất. Hoạt động của Francis Walsingham được coi là người sáng lập ra ngành phản gián Anh cũng gắn liền với thời kỳ này.
   
  Thật ra việc khẳng định trên vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Nhìn rộng ra thì chính Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhất mà phần lớn qua Cecil William đã được phong tặng là huân tước Burghley mới là người sáng lập ra nền phản gián của Anh. Trong suốt 40 năm ròng huân tước thực sự là bộ trưởng thứ nhất của Nữ hoàng, bất kể ông giữ trọng trách gì. Và trong suốt thời gian ấy huân tước đã chỉ huy đội an ninh mật mà trước đó theo lệnh của vua Henry VIII là do Hội đồng cơ mật điều hành.
   
  Trợ lý đầu tiên của huân tước là Nicolas Tromocton, một con người ranh mãnh xảo quyệt, một thần dân trung thành với Nữ hoàng. Và theo đúng quy định thời đó Nicolas Tromocton vừa là đại sứ của Anh tại Pháp vừa là cơ sở của phản gián. Chính ông là người đã phát hiện ra chàng trai Francis Walsingham tài năng, hướng chàng thanh niên vào hoạt động phản gián và trở thành người kế cận sau này.
   
  Francis sinh năm 1532 trong một gia đình luật gia nổi tiếng có họ xa với Nữ hoàng, hầu như mọi đứa trẻ quý tộc độ tuổi ấy đều trong một chừng mực nhất định có họ hàng với nhau.
   
  Tuổi trẻ của Francis không có gì nổi trội: Chàng trai học ở Cambridge, trường luật, nghiên cứu và thực hành luật ở trung tâm văn hóa danh tiếng của Italia, giao du với các chàng trai thông minh tài giỏi ở Florence và Venezia. Francis say mê nghiên cứu cuốn "Bá tước" của Machiavelli và đó cũng là dịp và cớ để làm quen và tranh luận với đại sứ Anh tại Paris, ngài Nicolas Tromocton, một tín đồ và môn đệ của tác giả này.             
   
  Năm 28 tuổi Francis trở về Anh và sau vài năm sống ở làng quê, vào năm 1568 bắt đầu làm việc trong triều đình. Huân tước xứ Burghley đã để ý trao cho chàng trai những nhiệm vụ quan trọng thuộc phạm vi tình báo và phản gián. Khi ấy vấn đề "nóng hổi" là ngăn chặn những vụ mưu sát có thể xảy ra với Nữ hoàng, nên đó cũng chính là mối quan tâm hàng đầu của điệp viên mới vào nghề Francis Walsingham.
   
  Để phát hiện những kẻ có thể là chủ mưu nổi loạn, Francis đã thỏa thuận với thị trưởng thành phố Luân Đôn yêu cầu những người nước ngoài phải đăng ký hiện diện và hàng tuần lập danh sách những người thuê nhà ở thủ đô.
   
  Trong hai năm 1570-1572, Walsingham là đại sứ Anh đồng thời là cơ sở của phản gián Anh tại Paris. Về cơ bản Walsingham tiếp tục điều hành mạng lưới phản gián do huân tước Burghley và Nicolas Tromocton đã tạo dựng. Sau này ông đã tự gây dựng mạng lưới của chính mình, không chút phân biệt đối xử, tuyển chọn cả bọn tội phạm, giết người, phiêu lưu mạo hiểm, thanh toán với họ rất hào phóng. Ông thường nói: "Không có mức thù lao nào quá cao cho những tin tức cần thiết và giá trị".
   
  Walsingham không bao giờ sử dụng các điệp viên và thám tử của mình để khuếch trương quyền lực thanh thế. Ông toàn tâm toàn ý trung thành tuyệt đối với Nữ hoàng cho dù có đôi lúc tranh cãi với Người. Ngược lại Nữ hoàng đánh giá ông rất cao, thường thân mật gọi ông là "người Môrơ", có lẽ do màu tóc đen và nước da ngăm ngăm của ông.
   
  Năm 1572, huân tước Burghley nhậm chức thủ tướng và cho triệu Walsingham từ Paris về. Từ năm 1573 ông chính thức đứng đầu phản gián Anh cho dù huân tước vẫn nắm quyền lãnh đạo chung.
   
  Nhiệm vụ chính của phản gián là ngăn chặn mọi âm mưu tạo phản đối với Nữ hoàng và vạch trần mọi kế hoạch của nhà vua Tây Ban Nha Philip đệ nhị cùng đồng minh của ông ta, trong đó có vụ huấn luyện quân để đổ bộ vào Anh. Ngoài ra còn một nhiệm vụ khác gián tiếp nhưng lại rất quan trọng, đó là duy trì cuộc chiến với các hạm thuyền vận tải của Tây Ban Nha. Nhiệm vụ này do đội "Cướp biển hoàng gia" Anh đảm trách nhằm một mặt làm suy yếu Tây Ban Nha, mặt khác tăng ngân khố của Nữ hoàng.
   
  Vì vậy Walsingham đã bố trí mạng lưới phản gián hoạt động ở tất cả các cảng có tàu Tây Ban Nha ra vào. Về lộ trình, hàng hóa và thời gian ra khơi của các con tàu điệp viên kịp thời thông báo cho Walsingham để ông báo cho "Cướp biển hoàng gia".
   
  Điệp viên của Walsingham tất nhiên không chỉ có bọn cường đạo, những người phiêu lưu mạo hiểm mà còn có cả các nhà quý tộc, tu sĩ, luật sư, sinh viên, thương gia, mục sư. Ngoài ra ngay từ thời kỳ xa xưa đó phản gián Anh cũng đã tuyển chọn cả các nhà văn, nhà soạn kịch, nhà báo và nghệ sĩ, như vẫn thường gọi là "giới trí thức sáng tác".
   
  Các diễn viên và nhà viết kịch nổi tiếng với tư cách là điệp viên đã đóng góp phần không nhỏ, như Antoni Mendi, William Fauler...  Đặc biệt là Antoni Mendi đã mạo nhận là tín đồ Thiên chúa giáo lọt được vào trường dòng, nơi đào tạo các nhà truyền đạo của Anh ở Rome. Các nhà truyền giáo này sẽ được tung vào Anh. Khi trở về Anh quốc Antoni Mendi không chỉ báo cáo về tên tuổi những học viên trường đó mà còn tham gia truy tìm bắt giữ họ.
   
  Lần đầu tiên trong lịch sử tình báo Walsingham đã lập ra phòng kỹ thuật thuộc Cục Phản gián do Thomas Philipec, chuyên gia xuất sắc trong việc giải mã, bóc trộm thư, làm giả chữ ký và con dấu phụ trách. Ngay từ thời ấy phòng kỹ thuật này đã làm ra những thiết bị nghe trộm có một không hai, có các chuyên gia khéo ngụy trang những ô hổng ở tường để theo dõi bên trong. Có chuyện là một thầy tu nào đó đã bán cho Walsingham kính tiềm vọng do ông ta làm để theo dõi từ xa, nhưng không rõ có được sử dụng không. Thậm chí còn có hẳn một trường chuyên dạy cho các điệp viên cách theo dõi bí mật kín đáo và trong phút chốc có thể thay đổi hình dạng bên ngoài của mình. Để đánh lạc hướng đối phương người ta còn sử dụng cả các nhà chiêm tinh.
   
  Trong những năm Walsingham điều hành Cục Phản gián các cuộc chiến tranh, hòa giải rồi lại âm mưu kích động, hòa ước liên miên vì quyền lợi đan chen của cả Anh, cả Pháp, cả Tây Ban Nha và Hà Lan liên tục xảy ra. Những mối bất hòa và các cuộc hòa giải với đức vua Tây Ban Nha Philip Đệ nhị, với vua Pháp Henri III, với các lãnh tụ khởi nghĩa Hà Lan và quận công Anba đều qua đường ngoại giao với sự hỗ trợ của phản gián. Mà có lẽ là chưa bao giờ ngành phản gián lại hoạt động tích cực như bấy giờ.

  Nhưng rồi những mối quan tâm tới bên ngoài của phản gián đã tạm thời phải lùi xuống hàng thứ yếu nhường chỗ cho việc "phanh phui" mọi âm mưu tạo phản chống lại Nữ hoàng.

  Ngay từ năm 1580, La Mã đã tuyên bố bất kỳ ai giết được Nữ hoàng Elizabeth của Anh "với nguyện ước cao quý thực thi sứ mạng của Chúa trời sẽ không hề có tội mà ngược lại còn được tán dương". Rõ ràng là người vì "sứ mạng Chúa trời" được hứa hẹn cả hạnh phúc trần gian.

  Năm 1582, Cục phản gián đã bắt giữ một điệp viên của đại sứ mới Tây Ban Nha, ngài Mendot. Xem xét kỹ đằng sau tấm gương tịch thu của người này đã phát hiện ra những giấy tờ quan trọng cho biết những tu sĩ dòng Tên đã lên một âm mưu mới lấy tên là "Sự nghiệp nước Anh" nhằm giết bằng được Nữ hoàng Elizabeth, để đưa Maria Steward lên ngôi.

  Khi bắt đầu "tháo gỡ vụ việc" đã phát hiện ra chính Maria Steward là người liên hệ trao đổi thư từ với các cường quốc Thiên chúa giáo qua đại sứ Pháp và các nhân viên tùy tùng của ông ta. Điệp viên của Walsingham đã xin vào làm bên ngoài đại sứ và đã dò hỏi được mọi chi tiết của kế hoạch. Sau khi theo dõi ngặt nghèo cùng với việc tra tấn tàn bạo tên điệp viên bị bắt đã phát hiện ra "linh hồn" của "vụ việc" chính là ngài đại sứ Tây Ban Nha. Walsingham đã đề nghị ngài đại sứ phải rời khỏi Luân Đôn trong vòng 15 ngày.

  Mặc dù vậy ở Anh vẫn âm ỉ những âm mưu mới chống lại Nữ hoàng. Do mầm mống của những âm mưu tạo phản đều ở nước ngoài, Walsingham đã cử tới các nước đó nhiều điệp viên đã "cải đạo theo Thiên chúa giáo". Các điệp viên này đã lọt được vào sào huyệt của bọn tạo phản. Đôi khi họ báo cáo thực với lãnh đạo, đôi khi họ lại chơi trò hai mặt giống như ông bác sĩ Paris nào đó. Ông này đã nhập vai đến mức đích thân đề nghị những người tiếp chuyện mình tổ chức tạo phản. Và tất nhiên là những người này đã tố giác, kết cục là Paris đã bị chặt đầu vào năm 1585.

  Bất kỳ Cục Phản gián nào cũng có nhiệm vụ đảm bảo an ninh và yên bình cho chủ nhân, do đó cần có tiền và cũng cần cả những người tạo phản để biện minh cho số tiền đã tiêu. Thậm chí nếu những người mưu đồ lật đổ thực sự đã hết thì cần phải nghĩ ra những người mới để rồi lại "phát hiện", tố cáo ra những kẻ chống đối.

  Một trong những vụ tạo phản lớn nhất chống lại Nữ hoàng đã được dàn dựng theo cách đó. Walsingham còn quyết định lôi kéo cả Maria Steward vào cuộc.

  Cụ thể chi tiết về vụ việc thật phức tạp đòi hỏi cả một câu chuyện dài. Còn về số phận của bà hoàng bất hạnh xứ Scotland thì có rất nhiều thiên truyện tuyệt vời đậm chất bi kịch mà cũng rất nên thơ. Chúng tôi chỉ muốn một lần nữa nhấn mạnh rằng thực sự đứng đằng sau vụ việc chính là huân tước Burghley và ngài Walsingham, Babinton kẻ chấp bút viết những bức thư giả dẫn thẳng kẻ "chủ mưu" là Nữ hoàng Maria Steward tới đoạn đầu đài. Ngày 8 tháng 2 năm 1587 bà hoàng xứ Scotland đã bị chặt đầu. Về phía mình Walsingham đã viện cớ ốm nặng để không tham gia nghị án, lẩn tránh trách nhiệm.

  Mọi việc lại tiếp diễn bình thường. Tháng 7 năm 1586 Walsingham đã nhận được báo cáo của ngài Xtapford, đại sứ Anh quốc tại Paris về việc Tây Ban Nha thành lập hạm đội "Armada bất khả chiến bại" và sẽ chở hàng ngàn quân lính Tây Ban Nha tới Anh. Cần nói thêm rằng chính ngài Xtapford cũng đã được tình báo Tây Ban Nha tuyển mộ và trả công hậu hĩnh. Việc đó tất nhiên không thể lọt khỏi con mắt già đời của Walsingham và điệp viên Rotgiec đã được lệnh theo dõi ngài đại sứ và đã phanh phui chuyện phe phái Thiên chúa giáo đã mua được ngài đại sứ và được cho xem mọi giấy tờ công văn gửi từ trong nước sang. Tuy nhiên Walsingham đã không cách chức Xtapford mà đã tương kế tựu kế qua ngài đại sứ cung cấp cho đối phương những thông tin giả để đánh lạc hướng họ.

  Đồng thời ông thành lập ở Pháp một mạng lưới điệp viên mới độc lập với mạng lưới cũ mà rõ ràng là đã bị Xtapford bán rẻ. Lúc này phản gián Anh tập trung vào việc làm rõ mọi kế hoạch của đức vua Tây Ban Nha cùng đồng minh của ông ta.

  Đích thân Walsingham thảo ra kế hoạch "Âm mưu thu thập thông tin về Tây Ban Nha". Kế hoạch đề ra biện pháp chặn lấy thư từ công văn của đại sứ Pháp tại Tây Ban Nha, thu nhận thông tin ở các thành phố cảng, cử điệp viên đủ loại quốc tịch đến vùng dọc bờ biển Tây Ban Nha và rất nhiều biện pháp khác trong đó có việc thiết lập điểm theo dõi ở Cracov để biết được mọi báo cáo về Tây Ban Nha tới từ Vatican. Tất cả điệp viên của Walsingham dù ở đâu đều có nhiệm vụ thu thập mọi thông tin về các mưu đồ dự định của phía Tây Ban Nha.

  Thông tin của các điệp viên dưới quyền Walsingham chính xác đến mức vào tháng 3 năm 1587, Walsingham đã đệ trình lên Nữ hoàng một bản sao báo cáo của đô đốc hạm đội Xanta Crut gửi đức vua Tây Ban Nha. Bản báo cáo chi tiết về "Hạm đội bất khả chiến bại" với các chiến thuyền và các thông số cụ thể về vũ khí đạn dược, quân số và dự trữ. Vào tháng 6 cùng năm Walsingham gửi về một báo cáo khác cho biết hạm đội chưa thể lên đường vào năm 1587 tạo điều kiện cho quân Anh có thời gian chuẩn bị cẩn thận.

  Đồng thời với việc tìm hiểu các kế hoạch của đức vua Tây Ban Nha Philip Đệ nhị, Walsingham còn tiến hành cái mà bây giờ chúng ta gọi là "Các biện pháp tích cực". Chẳng hạn như các chủ nhà băng ở Gienoa trì hoãn không cho vua Tây Ban Nha vay tiền ngay do đó gây khó khăn đáng kể cho việc xây dựng hạm đội.

  Cuối cùng khi hạm đội Acmada cần lên đường tới Anh để ngăn cản việc tuyển mộ lính người Anh và người Ireland theo đạo Thiên chúa cho quân đội Tây Ban Nha thì Walsingham đã cho tung tin khắp nước Anh và Ireland về những "tiên tri" của nhà chiêm tinh Johnny về các cơn bão khủng khiếp sẽ đổ sập xuống hạm đội, tiêu diệt tất cả mọi người trên các con tàu.

  Ngày 24 tháng 5 năm 1588, Hạm đội đã rời cảng Tây Ban Nha lên đường tới Anh quốc, nhưng ngay trước hôm đó đô đốc Xanta Crut qua đời. Thay thế đô đốc là quận công Media Xidonia, người hoàn toàn mù tịt về biển. Điệp viên của Walsingham theo sát từng bước hạm thuyền suốt dọc bờ biển Atlantic, biết rõ cả thời gian hạm đội tới đích. Cuối cùng "Hạm đội bất khả chiến bại" đã bị quân Anh đánh tan tác vào cuối tháng 7.

  Không bao lâu Francis Walsingham ra đi vĩnh viễn sau khi đã hoàn tất sự nghiệp chủ chốt của đời mình.
Logged
maibennhau
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 801



« Trả lời #89 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2008, 06:45:20 pm »

66 - MORIS KOEN VÀ LEONTINA TEREZA PETCA(1910-1995)
Cặp vợ chồng điệp viên



  Giữa năm 1930, Uỷ ban ủng hộ nước Tây Ban Nha cộng hoà được tổ chức ở New York đã cử những người Mỹ tình nguyện vào đội quân quốc tế. Một trong những người đó là chàng trai 26 tuổi Moris Koen, đảng viên cộng sản Mỹ, giáo viên trung học và là cầu thủ đá bóng có tiếng. Bố mẹ anh là những người nhập cư. Mẹ người Vilno, bố người Tarashi gần Kiev.

  Cuối năm 1937, trong một trận đánh gần Fuentes de Ebro, chính uỷ Moris Koen, được đăng ký theo giấy tờ mang tên Izrael Pikket Oltmen, bị thương cả hai chân và phải đi viện. Sau khi khỏi anh được mời đến nói chuyện với điệp viên Alecsandr Orlov thuộc Bộ Dân uỷ Nội vụ. Ông này đã chiêu mộ được Moris Koen. Từ đó anh mang biệt danh "Louis".

  Sau khi trở về Mỹ, Louis vận động cả vợ mình tham gia là Leontina Tereza Petka, người Ba Lan, sinh năm 1913 tại thành phố Adams, bang Massachuset, đảng viên Đảng cộng sản Mỹ, công nhân nhà máy chế tạo máy bay. Chị mang biệt danh "Lesli".
Thời gian này Louis đã vận động thêm được mấy người bạn làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng tham gia. Năm 1941, thông qua một trong số đó anh định đánh cắp một mẫu súng liên thanh hàng không. Chiến dịch này phiêu lưu, nhưng không hợp lý, bởi vì chẳng bao lâu sau người Mỹ bắt đầu cung cấp loại máy bay có trang bị súng đó, và điều này có thể gây tổn thất lớn đến các quan hệ của Liên Xô với Đồng minh.

  Nhóm của Louis được gọi là nhóm "Tình nguyện", tên gọi này đã đi vào lịch sử ngành tình báo.

  Khi nước Mỹ tham chiến chống Đức thì Louis được gọi vào quân đội và được đưa sang châu Âu. Sau chiến tranh anh tiếp tục hợp tác với tình báo Xô Viết. Trước khi nhập ngũ anh đã kịp tuyển mộ được nhà bác học trẻ tuổi Artur Filding, biệt danh là "Persey", - một trong những đầu mối thông tin về các công trình nghiên cứu được tiến hành ở Los Adamos. Trong thời gian Louis ở trong quân đội, tháng 7 năm 1943, Lesli tới Los Adamos để gặp Persey. Cuộc gặp này và những sự kiện sau đó đã nhiều lần được mô tả, nhưng chúng tôi muốn trở lại đôi chút. Thứ nhất, chị cần phải vào thị trấn, nơi phải có cuộc hẹn, ba lần - Persey lại lẫn lộn ngày tháng. Thứ hai, khi anh ta đã chuyển giao cặp tài liệu cho chị, thì mỗi toa tàu hoả đều có cảnh sát kiểm tra giấy tờ và đồ đạc... "Không thể trốn thoát ghế điện được", - chị nghĩ. Tàu sắp khởi hành. Chị quay vào nhà ga lấy đồ trong tủ, vào toalet, vứt đi một nửa đồ đạc, xếp lại giấy tờ, đến phút chót mới chạy ra tàu. Chị giả vờ mất vé, nhờ cảnh sát tìm hộ - chị vốn trẻ trung, xinh đẹp, nên cũng dễ. Chị dúi cặp vào tay hắn để tiện tìm vé. Cuối cùng, khi tàu chuyển bánh chị mới tìm thấy, liền nhảy lên bậc, tên cảnh sát chạy theo đưa cặp có những tấm lót giữa và những bí mật của bom nguyên tử cho chị: "Này chị, này chị, cầm lấy!". Hắn biết đâu là hắn đã bỏ lỡ một phần thưởng lớn.

  Sau chiến tranh Lesli lại đến gặp Persey, anh ta đưa cho chị sơ đồ những tấm kính không kêu, bản mô tả và bản vẽ trái bom sắp đem thử nghiệm, thông báo ngày giờ và địa điểm thử nghiệm - ngày 10 tháng 7 tại hoang mạc Adamogordo, và thông báo rằng nước Mỹ dự định ném hai quả bom xuống Nhật Bản. Nhờ những tin tức này mà thông báo của Schuman cho Stalin tại hội nghị Potsdam về vụ nổ bom nguyên tử không làm cho Stalin ngạc nhiên chút nào, mà chỉ hối thúc thêm hoạt động "nguyên tử" ở nước Nga mà thôi.

  Tháng 9 năm 1945 đã xảy ra một sự kiện bi thảm, trở thành một ngày đen tối trong lịch sử tình báo Xô Viết, - tại Ottawa, mật mã viên quân sự Igor Guzenko chạy trốn, anh ta đã cung khai cho địch nhiều bí mật của Nga. Mối quan hệ với các điệp viên, kể cả với Lesli cũng bị ngưng lại.

  Sau đó, tại Paris, họ nhận được chỉ thị mới, khi trở về New York họ lại tích cực hoạt động. Lần này quan hệ giữa chỉ huy với họ được nối bởi một chàng trai vui tính Yury Sokolov ("Klod"). Lesli phải thuyết phục Persey từ bỏ hoạt động xã hội chống chiến tranh, mà gần đây anh vẫn tham gia. Nhưng việc đó không thành. Tuy nhiên Klod vẫn nhận được từ Frenk qua Lesli bản mô tả các hệ thống vô tuyến điều khiển đạn đạo.

  Lúc này ở Mỹ đã triển khai "cuộc săn đuổi phù thuỷ", Trung Tâm thông báo rằng không nên có những cuộc gặp gỡ giữa Klod, Louis và Lesli, vì như thế là rất nguy hiểm. Những cuộc gặp này được chuyển sang cho Mark (Wilhelm Fisher - Rudolf Abel).

  Trong lần gặp cuối cùng Louise báo cho Klod thông tin của điệp viên Gerbert nói rằng trong dinh thự của Schuman có cuộc họp các nhân vật cao cấp thảo luận vấn đề thành lập khối quân sự-chính trị chống Liên Xô, sau này mang tên là NATO. Đồng thời anh cũng thông báo dự thảo tuyệt mật chỉ thị của Hội đồng An ninh Quốc gia về đường lối của Mỹ đối với các nước Đông Âu. Đặc biệt trong chỉ thị này có nói: "Đường lối gây chia rẽ... cần tiến hành... có mức độ, khi có sự chia rẽ, chúng ta sẽ không trực tiếp tham gia vào việc thách thức uy tín của Liên Xô, mà cuộc cãi lộn sẽ diễn ra giữa Cremli và các chế độ cộng sản".

  Từ ngày 12 tháng 12 năm 1948, Louis và Lesli bắt đầu làm việc với Mark. Lesli sang Chicago, ở đây đã có Persey, anh đã cho biết những thông tin quý báu về plutonium dùng để sản xuất vũ khí mà anh nhận được từ các điệp viên Antye và Aden.

  Nhưng cuộc săn đuổi điệp viên ở Mỹ đã lên đến đỉnh điểm. Bạn bè của Lesli và Louise muốn tụ tập quanh họ, nhưng việc đó có thể dẫn tới thất bại hoàn toàn. Trung Tâm quyết định bắt họ rời khỏi nước Mỹ. Tháng 8 năm 1950 họ nhận được mật thư bắt rời khỏi nước này. Sau này Yu. Sokolov kể lại, bất chấp các luật lệ hiện hành trong công tác tình báo, anh đã phải thân chinh đến nhà họ để thuyết phục họ rời đi. Mấy hôm sau anh trao cho họ hộ chiếu và vé.

  Từ New York vợ chồng Koen đi tàu thuỷ sang Mexico, hai tháng sau họ lại cầm hộ chiếu mang tên Maria Tereza Sanches và Pedro Alvates Sanches đi tàu thuỷ Ba Lan "Batory" sang châu Âu. Họ vẫn còn những hộ chiếu dự phòng mang tên hai doanh nhân Mỹ Bendsamin và Emilia Brigas. Vượt qua bao nhiêu cuộc phiêu lưu họ sang đến Praha, từ đó đi thẳng về Moscva.

  Tình báo Xô Viết chuẩn bị một hoạt động bất hợp pháp lâu dài ở Anh cho điệp viên Konon Molodoy (anh còn tên là Ben hoặc Gordon  Lonsdale). Anh cần những người làm nhân viên điện đài và chủ thuê căn hộ bí mật. Khó có thể tìm được người nào tốt hơn là vợ chồng Koen. Họ được mang tên mới Peter John và Helen Joys Kroger, người xứ  New Zealand, và họ chuẩn bị lên đường. Peter Kroger trở thành "nhà buôn sách". Lãnh đạo họ là thủ trưởng điệp vụ Corotcov. Ông đề ra cho họ ba nhiệm vụ: mua một ngôi nhà ở ngoại ô London, bố trí tại đó một phòng điện đài; thuê một phòng, tốt nhất là ở trung tâm thành phố để tổ chức buôn bán sách, mở các tài khoản ở London và ở Thụy Sĩ. Họ sẽ mang biệt danh là "chủ biệt thự". Việc chuẩn bị và xử lý thông tin kéo dài gần ba năm. Năm 1954, bắt đầu cuộc phiêu lưu kỳ thú của các "chủ biệt thự". Đầu tiên họ sống một thời gian ở Thụy Sĩ, sát Tết họ bay về London. Sang xuân họ kiếm được một biệt thự nhỏ cách London 30 cây số, sau đó kiếm được một chỗ bán hàng ngay trong trung tâm thành phố gần quảng trường nổi tiếng Trafalgar. Không còn gì tốt hơn nữa!
 
  Tuy nhiên họ gặp không ít những khó khăn về mặt buôn bán: nạn đắt đỏ, việc cạnh tranh trong ngành buôn sách, vấn đề giá cả, việc quảng cáo... Peter và Helen thường xuyên đi dự những cuộc đấu giá sách. Nhận được tiền của Trung Tâm, họ mua những sách cũ quý hiếm và lập những catalogue quảng cáo riêng, xin gia nhập Câu lạc bộ  Liên đoàn quốc gia Anh. Một vài tờ báo đã quảng cáo cho cửa hàng này.
 
  Tháng 5 năm 1956, họ đã được gặp người lãnh đạo họ Gordon Lonsdale mà họ đã biết rõ. Anh xuất hiện với tư cách nhà doanh nghiệp chuyên bán các loại máy, bán bánh kẹp, bán thuốc và bán kẹo cao su tự động... Việc làm ăn của anh rất khá, anh đã trở thành nhà triệu phú công nghiệp lớn, đã được chính Hoàng hậu nước Anh phong tặng danh hiệu là "Ngài". Cả ba người hợp sức nhau đào một cái hầm trong nhà, đất đào ra đem trải trong vườn làm bồn hoa. Hầm được trang bị làm phòng điện đài, ăng ten hình sợi xoắn được đặt trên mái. Đến tháng 9 năm 1957, mọi thiết bị phòng điện đài được lắp đặt xong. Công việc làm ăn của cả ba người đều tốt. Hãng "Edin và Medeya" trở thành thành viên của Hiệp hội buôn sách cũ thế giới, còn Gordon Lonsdale là đại diện cho nước Anh tại triển lãm quốc tế ở Brussel và được huy chương đồng. Peter Kroger cũng đến Brussel, tại đây anh nhận được một chiếc máy thu thanh "Astra" cực nhạy, có cả bản hướng dẫn sử dụng và khoản tiền mua sắm ô tô. Nhưng liên lạc viên báo cho anh một tin buồn: ở New York Mark (Abel) đã bị bắt, người ta khám thấy một bức hình có dòng chữ "Moris và Leontina". Chiều tối anh phải chịu thêm một điều không hay: cảnh sát xộc vào phòng anh. Nhưng là họ đi tìm một tội nhân nào đó, họ xin lỗi rồi đi.
 
  Bức điện đầu tiên mà Helen nhận được là nhiệm vụ yêu cầu Gordon Lonsdale phải thâm nhập vào Trung tâm nghiên cứu các phương pháp sinh học tiến hành chiến tranh ở Porton. Về phần mình, hai người cũng phát đi thông tin của Lonsdale. Trong phần phụ chú gửi cho vợ chồng Kroger có nói: "1. Yêu cầu chuyển thông tin của Baron (một trong những điệp viên thu nạp được ở London về cuộc khủng hoảng ở kênh đào Xuyê. 2. Trong công te nơ đó có một văn bản rất quan trọng đánh giá các cuộc tập trận hải quân trong khuôn khổ NATO. Các tài liệu này nhận được từ Shakh (Garri Frederik Hauton;  anh này được tuyển mộ năm 1952 ở Ba Lan, làm nghề giải mật mã cho tuỳ viên hải quân Anh; năm 1955, anh làm việc tại căn cứ hải quân ở Portland), hiện anh này đang làm việc ở Portland, nơi có căn cứ hải quân và có Viện Nghiên cứu bí mật các thiết bị điện tử, âm thanh từ trường và nhiệt học để phát hiện tàu ngầm, mìn và các vũ khí chống tàu ngầm. Tài liệu này có khối lượng rất lớn, nên phải chuyển sang dạng các chấm nhỏ nhét kín trong sách và chuyển theo địa chỉ mà các bạn đã biết".
 
  Những tài liệu này được Helen đánh máy lại, sau đó giúp Peter tạo thành các bản chấm nhỏ. Muốn vậy họ đã có máy ảnh, kính hiển vi và các thấu kính. Peter làm thành một cuốn phim ngay tại nhà. Cuốn phim này được dán vào những cuốn sách cũ, trong các lớp bìa cứng mà người ngoài không thể biết được. Sách được gửi cho một người ở một nước châu Âu rồi chuyển về cho tình báo Xô Viết.
 
  Phần lớn những thông tin từ London đều có ý nghĩa hàng đầu đối với Bộ Quốc phòng, cũng như đối với Viện Nghiên cứu, phòng thiết kế đóng tàu và Bộ Cơ khí.
 
  Chẳng bao lâu sau Hauton lôi kéo được cả người yêu của mình là Etel Gee vào cuộc, làm việc tại Trung Tâm Nghiên cứu Khoa học ở Portland, chuyên ngành kiểm kê và nhân bản các tài liệu mật. Bây giờ dòng thông tin và khối lượng công việc đối với các "chủ biệt thự" đã tăng lên rõ rệt.
 
  Lonsdale vẫn xuất hiện với tư cách trợ lý của tuỳ viên quân sự Mỹ, vì thế Shakh và Asya (tên mọi người đặt cho Etel Gee) tin rằng họ đang làm việc cho người Mỹ.

  Công việc được tiến hành rất hiệu quả. Tuy nhiên vẫn phải tính toán cả những bước lùi khi gặp thất bại, cách ứng xử khi bị theo dõi và khi ra toà.

  Một vấn đề được đặt ra là tạo quốc tịch Xô Viết cho vợ chồng Kroger. Nhưng bí thư BCHTƯ M. Suslov đã viết trong đơn đề nghị của KGB: "Vấn đề về vợ chồng Kroger đặt ra còn sớm. Họ có thể phản bội chúng ta. Bao giờ họ trở về Liên Xô, ta hãy xem xét vấn đề thường trú của họ". Mãi sau 9 năm họ mới nhận được quốc tịch Liên Xô.

  Cuối năm 1960, cán bộ tình báo Ba Lan Mikhail Golenevski chạy ra nước ngoài. Tên phản bội đã cung khai tất cả, trong đó có Harri Hauton. Bọn phản gián Anh đã theo dõi anh và người yêu Etel Gee và đã phát hiện mối quan hệ bí mật của anh với Lonsdale, việc theo dõi tiếp Lonsdale lại dẫn đến vợ chồng Kroger. Họ đặt trạm quan sát nhà ở của Kroger. Hai vợ chồng phát hiện được, biết mình đã sa bẫy, liền thông báo cho Trung Tâm biết, nhưng chỉ nhận được một điện an ủi: tạm thời đình chỉ quan hệ với Trung Tâm và Lonsdale. Ngày 7 tháng 1 năm 1961, lúc 19 giờ 15 phút, cảnh sát vào nhà họ, trong nhà như trong một cuốn phim bạo lực của Holywood: các loại đèn pha, bao nhiêu phóng viên và nhà quay phim. Hai giờ trước đó chúng đã bắt Gordon Lonsdale, Harri Hauton và Etel Gee, tìm thấy nhiều tang vật. Theo thoả thuận từ trước với Lonsdale, họ phải nhận rằng những thiết bị đó là của anh ta. Bị hỏi cung liên miên, hai vợ chồng không nhận mình có tội, không công nhận rằng quan hệ với Lonsdale là hoạt động tình báo. Cuối cùng họ ra toà. Lonsdale tuyên bố rằng hai vợ chồng không có âm mưu bí mật gì với anh, thậm chí nếu như toà có buộc tội họ thì vẫn phải coi anh là người có tội trong mọi trường hợp, dù hậu quả đối với anh có thế nào đi nữa. Trong lúc thụ án tòa công bố những tư liệu của Mỹ nói rằng vợ chồng Kroger trên thực tế là vợ chồng Koen và đã thấy ảnh họ ở nhà Abel. Vì thế trong bản án tòa nêu tên thật và tiểu sử của họ. Người Anh chỉ không có một điều là bằng chứng về việc họ là điệp viên của Liên Xô mà thôi. Gordon Lonsdale bị kết án 25 năm tù, hai vợ chồng Kroger mỗi người 20 năm, Harri Hauton và Etel Gee mỗi người 15 năm. Sau khi công bố bản án các cơ quan mật vụ Anh vẫn tiếp tục xử lý hai vợ chồng Kroger trong tù. Chúng thuyết phục họ nhận tội hoàn toàn và hứa dành chỗ ở cho họ trong nước Anh.

  Tình báo Xô Viết đã tiến hành chiến dịch giải phóng các "chủ biệt thự" nhân danh nước Ba Lan, là nước mà họ là công dân. Lúc đó Ba Lan sẵn sàng giúp đỡ. Tại Ba Lan có "bà cô" của Helen, một bà tên là Maria (cán bộ Cục Tình báo Hải ngoại Xô Viết là Yury Permogorov đóng vai trò này), bà cô này liên hệ với luật sư, bắt đầu thư từ với Helen và đấu tranh để trao đổi cô.

  Từ 1965, phía Xô Viết đã đề nghị đổi điệp viên Anh Gerald Bruk lấy vợ chồng Kroger, nhưng người Anh tuyên bố rằng như thế không tương xứng (một lấy hai). Khi Bruk bị đe dọa tăng mức án vì định chạy trốn thì người Anh mới đồng ý đổi. Tất nhiên, phía Xô Viết cũng thả thêm hai người Anh đã mãn án vì tội buôn lậu ma tuý.

  Ngày 24-10-1969 cuộc trao đổi được thực hiện. Tờ "Thời báo" London viết: "Người ngoại quốc đến nước Anh vào hôm thứ sáu chắc sẽ nghĩ rằng vợ chồng Kroger là hai vị thượng khách quốc gia, chứ không phải là hai gián điệp...", còn tờ "Điện tín" thì nhận xét rằng vợ chồng Kroger lên đường "cứ như là đôi vợ chồng hoàng hậu".

  Ngày 17-11-1969, vợ chồng Koen được trao tặng Huân chương Cờ đỏ và được nhập quốc tịch Xô Viết.

  Họ chỉ sống thêm được một ít năm nữa trong niềm vinh quang và sự kính trọng. Cuối năm 1992, còn hai tuần nữa tròn 80 tuổi thì Leotina qua đời, ngày 23-7-1995 Moris Koen cũng ra đi mãi mãi.

  Cả hai đều được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga, và những con tem kỷ niệm hai người đã được phát hành.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM