Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu nước ngoài => Tác giả chủ đề:: maibennhau trong 03 Tháng Sáu, 2008, 08:52:51 pm



Tiêu đề: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 03 Tháng Sáu, 2008, 08:52:51 pm
Nhóm biên soạn: Đoàn Tử Huyến (chủ biên), Nguyễn Ngọc Hùng, Nguyễn Kiều Diệp.
Nhóm dịch giả: Lê Đức Mẫn, Vũ Việt, Nguyễn Xuân Hòa, Trần Bích Thư, Kiều Vân.
Nxb: Quân đội nhân dân.
Năm xuất bản: 2004.
Số hóa: maibennhau.

1 - PIOT'R TOLSTOI (1645-1728)
ĐIỆP VIÊN QUÝ TỘC CỦA PIOT’R ĐẠI ĐẾ

  Piot'r Andreevitr Tolstoi được coi là người khởi thủy cho ngành tình báo Nga, dòng dõi quý tộc, bá tước, con trai quan Nhị phẩm Vaxilievitr Tolstoi, cuộc đời trải bao thăng trầm, lên cung xuống bậc, cũng là cái gương để người đời sau biết.

  Dường như ở cái tuổi năm mươi hai, người ta khó có thể bắt đầu cuộc sống mới và lập nghiệp. Thế nhưng chính điều đó lại xảy ra với Piot’r Andreevitr Tolstoi. Từ năm 1682 ông đã giữ chức quan thuộc hàng ngũ phẩm trong triều. Là hậu duệ của một dòng họ quý tộc lâu đời, gần gũi với gia đình Miloslavski, một thế lực chính trị lúc bấy giờ chống đối lại  Nga hoàng Piot'r,  trong thời gian xảy ra vụ bạo loạn của các xạ thủ ông đã đề nghị trừng trị thẳng tay đám nhà Nariskin là những họ hàng bên mẹ của Nga hoàng Piot'r. Do vậy Tolstoi bị đuổi đến Đại Ustiuk, nơi ông đã phục vụ trong thủy quân mười hai năm. Nhưng về sau Tolstoi lại vớ được một dịp may hiếm có vì đột nhiên chính Nga hoàng lại thân chinh đến cái thành phố khỉ ho cò gáy đó. Tolstoi bắn pháo hoa chào mừng, mở tiệc thịnh soạn tiếp đãi và chuyện trò thật thông minh làm đẹp lòng Nga hoàng. "Hãy nói ta nghe ông muốn điều gì!" - Nga hoàng Piot'r hiền từ nói. Tolstoi không cầu xin điều gì nhiều nhặn, mà chỉ mong Nga hoàng cho phép ông tuy tuổi già vẫn được đi học khoa học hải quân. Vậy là ở tuổi năm mươi hai ông trở thành sinh viên ở Italia, miệt mài học tập và tốt nghiệp loại khá.

  Nhưng ông không trở thành thủy thủ. Nga hoàng Piot'r quyết định dùng Tolstoi thông minh sắc sảo và có học thức, ăn mặc bảnh bao cho hoạt động ngoại giao và cử sang đế quốc Ottoman, Thổ Nhĩ Kì làm sứ thần. Ông đã sống ở đó mười bốn năm. Thời đó chức vụ sứ thần và đại diện của cơ quan tình báo thực ra chẳng có mấy phân biệt.

  Đó là thời kì hết sức khó khăn của nước Nga: chiến tranh với Thụy Điển chưa kết thúc thì Thổ Nhĩ Kì đã lăm le dọa tấn công từ miền Nam. Cần phải làm tất cả để ngăn chặn điều này.

  Khi cử P. Tolstoi sang Thổ Nhĩ Kì, Nga hoàng Piot'r đã trao cho ông một nhiệm vụ rõ ràng mang tính chất của hoạt động tình báo: "Cần thăm dò và miêu tả cư dân bản địa; tình trạng; cách cai trị ở đó; những nhân vật trong triều đình; những hành động nào từ phía họ trong quan hệ với các quốc gia khác sẽ được thực hiện trong quân sự và chính trị; việc tìm kiếm và gia tăng các lợi nhuận hoặc sự âm thầm chuẩn bị cho chiến tranh, chống lại ai, bằng đường bộ hay đường biển; họ coi trọng quốc gia nào hơn cả; họ ưu ái dân tộc nào hơn cả." Tóm lại là tất cả mọi tin tức, còn đây là nhiệm vụ cụ thể về quân sự: "Số lượng quân bao nhiêu, đóng sẵn ở đâu, ngân sách nhà nước chi cho quân đội là bao nhiêu; tình hình hạm đội tàu biển, có sự chuẩn bị gì đặc biệt trên biển Đen không; kị binh và bộ binh sau cuộc chiến tranh với Nga hoàng có được huấn luyện theo lối châu Âu hay không; lính pháo thủ vẫn ở trong tình trạng cũ hay đã được huấn luyện lại, ai huấn luyện họ".

  Nhưng Tolstoi làm sao có thể hoạt động ở một đất nước xa lạ, không dựa được vào ai nếu không có lấy một người thân cận? Và người ta đã tìm ra được một người. Đó chính là giáo chủ Dosifei ở Jeruzalem. Ông này có nhiều gián điệp của mình trong số tín đồ Chính thống giáo giữ các chức vụ khác nhau trong các lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kì. Những người này có khả năng mua chuộc bằng hối lộ các quan chức Thổ Nhĩ Kì. Bản thân Dosifei là một đại diện ngầm của Nga hoàng Piot'r và vẫn thường xuyên duy trì liên lạc qua các tăng lữ tùy phái. Tolstoi tìm được tiếng nói chung với Dosifei và trở nên thân thiết với ông. Dosifei đã thực hiện nhiều yêu cầu và ủy thác của Tolstoi bất chấp nguy hiểm chết người - bởi ông không phải là nhà ngoại giao và Sultan (quốc vương) Thổ Nhĩ Kì có thể bắt và xử tội chết ông.

  Một trong những thành tích đầu tiên trong hoạt động phối hợp của Tolstoi và Dosifei là việc lấy được bản sao bức thư mà Sultan gửi cho viên sứ thần của mình ở Moscva. Bản sao đó do Dosifei sai một tùy phái viên mang đến Moscva, và Nga hoàng Piot'r đã biết trước cả sứ thần Thổ Nhĩ Kì về những dự định của Sultan. Nhưng nhiệm vụ chính của Tolstoi là ngăn chặn cuộc tiến công của người Thổ với sự trợ lực của dân Tatar vùng Crưm và những đối thủ khác của nước Nga là Pháp và Thụy Điển. Sultan không muốn chiến tranh, nhưng đại tể tướng Daltaban lại ủng hộ dân Tatar và thông đồng với nhau dàn xếp vụ bạo loạn chống lại Sultan, quan đại tể tướng sẽ mang quân đi chinh phạt quân phản loạn. Nhưng khi đến Crưm ông ta sẽ không đánh nhau với người Tatar mà phối hợp cùng với chúng tiến thẳng đến Kiev hoặc Azov.

  Khi đó P. Tolstoi có mấy gián điệp gài trong nhóm người thân cận của đại tể tướng. Biết được những kế hoạch này của ông ta, Tolstoi tìm cách tiếp cận thái hậu, mật báo cho bà và viên mufti (giáo sĩ cao cấp trong đạo Hồi) về âm mưu này. Biết được âm mưu phản loạn đó, Sultan nổi giận, và theo lệnh của quốc vương, quan tể tướng lập tức bị bắt mang ra treo cổ.

  Để "kết thân" với thái hậu, Tolstoi tặng bà vô số áo lông chồn bạc và hắc điêu thử, kim cương gắn mũ và dây lưng nạm nhiều ngọc quý. Cả mufti cũng nhận được nhiều quà giá trị. Ông này đã trở thành gián điệp của Tolstoi. Nói tóm lại Piot'r Andreevitr Tolstoi không hề dè sẻn quà tặng và những khoản đút lót hối lộ. Và ông quả thực là người hối lộ giỏi nhất. Một quan chức Thổ Nhĩ Kì có nhiệm vụ theo dõi sứ thần Nga đã cáo giác rằng Tolstoi "Vì mục đích kéo dài thời gian hòa bình đã vung vãi ở nhiều nơi và cho nhiều người tới triệu rưỡi đồng taler".
Nhưng có nhiều người - đó là các tín đồ Cơ Đốc giáo - đã làm việc cho nước Nga không vì tiền bạc. Tolstoi nói: "Đó quả là những con người thực sự nhiệt thành và nhân hậu".

  Nhưng kẻ thù của Tolstoi vẫn luôn cảnh giác, và xung quanh ông bắt đầu tích tụ những đám mây giông. Sứ quán thường xuyên bị vây bọc bởi những kẻ thù địch, mỗi bước chân của Tolstoi đều bị theo dõi sát sao, một số nhân viên trong sứ quán bị mua chuộc. Với một số kẻ đã bị Tolstoi trừng trị thẳng tay: theo lệnh của ông người ta mang đến một chén thuốc độc và bắt kẻ mắc tội phải uống.

  Tolstoi thường xuyên chuyển về Moscva thông tin cụ thể về cơ cấu quân đội Thổ Nhĩ Kì, việc bố trí và di chuyển quân, về hạm đội hải quân, về các kiểu tàu thuyền và vũ trang của chúng. Ông biết được rằng người Thổ Nhĩ Kì cũng đưa khá nhiều gián điệp sang Nga, trong đó có những người theo Cơ Đốc giáo và người Hy Lạp. Ông thông báo cho Nga hoàng biết điều này để nhà vua có những biện pháp đối phó thích hợp. Sử dụng các biện pháp mua chuộc, hối lộ và "kết bạn" với thái hậu và mufti, Tolstoi đã hoàn thành nhiệm vụ chính là kiềm chế không để Thổ Nhĩ Kì gây chiến với Nga. Nhưng để làm được điều này, Tolstoi đã phải vung vãi rất nhiều tiền của. Chỉ riêng năm 1706, mufti nhận từ tay Tolstoi tám mươi bộ áo hắc điêu, tể tướng nhận bốn mươi áo hắc điêu và vui vẻ treo cổ hai quan pasa (tổng trấn) thông tuệ nhất là địch thủ của Tolstoi. Tolstoi phấn khích vì điều này đến độ kêu lên: "Ơn Chúa, giá như lũ còn lại cũng bị treo cổ nốt như vậy!"
Nhưng rốt cục vào cuối năm 1710 Thổ Nhĩ Kì vẫn tuyên chiến với Nga, và nạn nhân đầu tiên của nó lại chính là Piot'r Andreevitr. Ông bị bắt giam vào hầm sâu trong pháo đài Semibasnia, nơi hết sức tăm tối và ảm đạm. Nhà cửa và tài sản của ông bị cướp sạch. Theo tục lệ của Thổ Nhĩ Kì thời kì đó thì đây là một điều bình thường - khi chiến tranh xảy ra họ bắt tất cả các nhà ngoại giao của quốc gia đối lập và giam vào nhà tù trong các điều kiện sống hết sức tồi tệ.

  Tolstoi bị đe dọa hành hạ và tra tấn hàng ngày hòng buộc phải khai ra đã hối lộ những vị thượng thư nào và hối lộ bao nhiêu. Nhưng Tolstoi không chỉ không khai ra ai cả mà thậm chí bắt đầu đấu tranh tích cực đòi được quyền gặp gỡ với sứ thần của vua Moldavia là Kantemir và thông qua ông này thiết lập tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

  Gần một năm rưỡi Tolstoi ở trong nhà tù Thổ Nhĩ Kì, sau đó, trước khi hòa ước được kí kết, nhờ hối lộ (tiền và lông chồn bạc của mình lúc này ông không có nhưng được các gián điệp khác giúp đỡ) ông được trả tự do. Nhưng người Thổ Nhĩ Kì không muốn thả cho ông về Nga, họ bao vây ông bằng một vòng dày đặc mật thám. Nhưng cả trong những điều kiện đó, Tolstoi vẫn móc nối được với cơ sở của mình và chuyển thông tin về tình hình trong cung Sultan, về chính phủ và về ngoại giao đoàn Thổ Nhĩ Kì.

  Trong lúc đó chiến tranh giữa Nga và Thổ Nhĩ Kì vẫn tiếp diễn. Năm 1711 khi quân Nga lâm vào tình thế nguy kịch, Nga hoàng Piot'r giao cho pháp quan Piot'r Safirov nhiệm vụ mua chuộc các quan đại thần của kẻ thù. Nhưng kế hoạch lần này phá sản, bản thân Safirov và con trai đại nguyên soái Seremetev bị người Thổ Nhĩ Kì bắt giữ làm con tin.

  Safirov đến Stambul và nhanh chóng nắm được tình hình, khôi phục một phần bộ máy tình báo của Tolstoi, tìm kiếm những cuộc làm quen mới và tuyển mộ thêm điệp viên. Ông ta cũng bắt đầu phân phát của hối lộ. Để mufti phản đối tiếp tục chiến tranh, ông ta đã chi một khoản tiền rất lớn. Sau đó Safirov tiếp tục mua chuộc những người khác với cùng mục đích như vậy, trong đó có hai sứ thần Hà Lan và Anh. Chi phí cho mua chuộc, hối lộ và quà tặng lên đến tám mươi tư nghìn đồng vàng Thụy Sĩ và hai mươi hai nghìn rúp Nga.
Hòa bình thực sự được thiết lập với việc kí kết hòa ước tháng 4 năm 1712, và một trong các điều khoản của nó là trao trả các nhà ngoại giao bị bắt giữ trở về tổ quốc.

  P.Tolstoi lại hoàn thành thêm một nhiệm vụ vẻ vang nữa do Nga hoàng giao phó là đưa kẻ bỏ trốn là hoàng tử Alecsei trở về Nga.
Nhưng cuộc đời của nhà tình báo già kết thúc một cách đáng buồn. Năm 1727, ông già tám mươi hai tuổi do nói năng bất cẩn về Nga hoàng Piot'r II là con trai của Alecsei đã bị đày đến tu viện Soloveski cùng con trai mình. Không lâu sau họ qua đời tại đó.



Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 04 Tháng Sáu, 2008, 07:09:18 pm
2 - DANIEL DEFOE (1660 - 1731)
NHÀ BUÔN - NGƯỜI VIẾT SÁCH- TÊN DO THÁM


  "Phản gián" là một khái niệm rộng. Đó không chỉ là hoạt động tình báo săn tìm thông tin về đối phương như người ta vẫn quan niệm. Đó còn là những "biện pháp tích cực" đưa ra những quan điểm của mình để điều khiển đối phương và dư luận, đó là việc tung tin giả và tiết lộ có chủ định... Một trong những bậc thầy của loại hình phản gián trên là Daniel Defoe - tác giả cuốn "Robinson Crusoe" nổi tiếng. Tổ tiên của Daniel Defoe là người Flaman mang họ Defoe nhập cư vào Anh từ cuối thế kỷ 15. Cha ông - James - làm nghề bán thịt và sản xuất nến, vì vậy từ "De" trong họ Defoe đối với gia đình ông là thừa và đã được rút gọn là "foe". Mãi đến năm 35 tuổi Daniel mới lấy lại đầy đủ họ Defoe.

  Daniel Defoe sinh năm 1660 tại London trong một gia đình Cơ đốc giáo. Ông đã nhiều lần bị lên án ăn ở hai lòng, hay thay đổi quan điểm tín ngưỡng, nhưng ông luôn khẳng định chưa bao giờ phản lại lập trường chính thống của mình. Tuy về hình thức ông là tín đồ Cơ đốc, song về thực tế ông đã có bất đồng và từ bỏ hàng ngũ. Bản tính con người ông phức tạp là vậy. Khi mẹ ông vốn là người Anh chính gốc mất, ông mới mười sáu tuổi và được đưa vào trường nội trú, sau đó theo học trường dòng. Cùng học với ông có một người tên là Timoti Crudsoe sau này trở thành nhà truyền đạo Cơ đốc nổi tiếng. Daniel Defoe đã lấy họ ông ta đặt cho cuốn sách nổi tiếng được viết vào lúc ông đã 50 tuổi.

  Tốt nghiệp trường dòng Defoe biết ba thứ tiếng - Pháp, Tây Ban Nha và Italia (sau này cả tiếng Slav) - và được trang bị đầy đủ kiến thức triết học, lịch sử, địa lý, thậm chí cả tốc ký, nhưng lại theo nghề buôn bán của ông bố. Ông đã đặt chân lên nhiều đất nước châu Âu như Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha..., đã từng rơi vào tay bọn cướp biển. Song ông làm ăn thua lỗ và đã bị phá sản. Sau đó ông phải làm rất nhiều việc, kể cả chăn nuôi cầy hương lấy nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất nước hoa, nhưng rồi lại bị khánh kiệt. Ông đã tự bạch "Mười ba lần tôi ăn nên làm ra giàu có, rồi lại bị khánh tận". Cả cuộc đời ông là cuộc sống bí ẩn của một con người không được xã hội trọng vọng. Ông đã tự gọi mình là "nhà buôn, người viết sách đả kích, tên do thám". Trải qua bao thăng trầm, cuối cùng ông đã phải làm gia nhân tùy tùng cho các nhà giàu thuộc giới thượng lưu.

  Có một thời Defoe kết thân với hoàng tử Wilhem Oranski - sau này trở thành vua William Đệ Tam của Anh quốc. Defoe còn được Huân tước Thượng thư Robert Garley che chở lấy lại được vị trí của mình. Nhưng không bao lâu sau nhà vua mất do ngã ngựa. Nữ hoàng Anna lên ngôi trị vì. Thời gian này Defoe đã viết hai bài đả kích, trong đó đưa ra những ý kiến trái ngược nhau khiến người đọc không hiểu được tác giả chống ai và ủng hộ ai - chống lại những người Cơ đốc hay ủng hộ họ? Cả hai phía đều phản ứng, khiến ông phải lẩn trốn suốt nửa năm ròng. Tuy nhiên cuối cùng ông vẫn bị bắt và bị kết án bêu cọc. Hình phạt tuy chỉ là tượng trưng nhưng lại rất nguy hiểm: đầu và tay tội phạm bị kẹp chặt vào cột. Phạm nhân bị ném rác rưởi và gạch đá - nhiều khi bị ném đến chết. Defoe đã bị bêu như vậy ở ba quảng trường tới vài tiếng đồng hồ trong ba ngày 29, 30 và 31 tháng 7. Còn những người đọc kỹ các bài đả kích của Defoe lại rất hoan nghênh ông và đã đến tung hoa ủng hộ ông. Huân tước Garley đã can thiệp đưa ông về nhà làm trợ lý. Ông không những được ân xá của triều đình mà còn được trợ cấp lương. Ông được giao việc in ấn các quan điểm và kiến giải của chính phủ, bất kể thành phần nội các cũng như đường lối chính sách của họ như thế nào.

  Năm 1704 Defoe cho xuất bản tờ "Quan sát" của mình. Tờ báo tồn tại 9 năm và được chính phủ - mà vai trò quan trọng là huân tước Garley - bảo trợ. Thế nhưng rõ ràng huân tước và Defoe thuộc hai phái đối lập - huân tước là "người của nữ hoàng Anna", của Đảng Bảo thủ, còn Defoe thuộc phái tự do, đại diện quyền lợi cho tầng lớp tư sản. Defoe vẫn giữ cho tờ báo của mình phạm vi tự do nhất định. Ông giới thiệu với độc giả ý nguyện của huân tước mà chính ông cũng cho là cần thiết. Đôi khi có cảm giác mọi ý kiến của Defoe đi ngược với quyền lợi của chính phủ, nhưng thực ra đó chỉ là ấn tượng ban đầu.

  Mùa thu năm 1706 Defoe được huân tước trao nhiệm vụ quan trọng đầu tiên. Ông tới Edinburg - thủ đô của xứ Scotland, hồi đó là một quốc gia độc lập. Bên đó ông có nhiệm vụ tìm hiểu tình hình rồi thực hiện "Những biện pháp tích cực" trên tờ báo của mình.
Trong suốt thời gian dài từ năm 1706 đến năm 1714 Defoe đã có 17 chuyến đi do thám vất vả vì đường sá xa xôi. Chính ông đã lên kế hoạch thực thi nhiệm vụ (trong thư gửi huân tước Garley):

  1. Nắm vững toàn bộ tình hình của các phái chống đối lại đường lối hợp nhất của chúng ta, cố gắng ngăn chặn mọi ý đồ của họ.

  2. Trao đổi với dân địa phương, bằng mọi phương tiện có thể để hướng họ theo chiều có lợi cho việc hợp nhất.

  3. Bác bỏ trên báo chí mọi phát biểu làm tổn hại tới tư tưởng liên minh, tới người Anh, tới triều đình Anh quốc về mọi mặt có liên quan tới tư tưởng liên minh đó.

  4. Xóa tan mọi nghi ngờ băn khoăn của mọi người liên quan tới những âm mưu bí mật chống lại nhà thờ Scotland.

  Trong một lá thư khác gửi huân tước Garley, Defoe đã báo cáo việc thực thi nhiệm vụ của mình. Ông viết:

  "Tuy còn chưa chắc chắn về kết quả, nhưng tôi hi vọng ngài sẽ không phải hối tiếc vì đã tin tưởng phái tôi tới đây. Những bước đi đầu tiên của tôi đã rất tốt đẹp, hoàn toàn thành công ở chỗ không ai nghi ngờ tôi có bất kỳ mối quan hệ gì với Anh quốc. Tôi đã rất thận trọng trong các mối quan hệ với tín đồ các giáo phái khác nhau và bọn vô đạo. Tôi nghĩ rằng ngài sẽ không phê phán cách cư xử của tôi. Tôi có những người bạn đáng tin ở mọi nơi, mọi giới, với ai tôi cũng tìm được tiếng nói chung. Với giới doanh nhân tôi hỏi ý kiến xem có nên buôn bán ở đây không, đóng tàu bè như thế nào... Với luật sư tôi tham khảo chuyện mua bán bất động sản. Như ngài thấy đấy, tôi có ý định đưa gia đình sang đây sinh sống (tiền ở đâu, có trời biết được!). Hôm nay tôi trao đổi với một nghị sĩ về ngành sản xuất thủy tinh, ngày mai tôi nói chuyện với người khác về việc khai thác muối. Với dân nổi loạn ở Glazgo tôi là người buôn cá, với dân vùng biển Abedin tôi lại là người buôn len, còn với cư dân vùng Pec hoặc các khu miền Tây thì mối quan tâm của tôi lại hướng tới vải vóc, tuy nhiên mọi câu chuyện cuối cùng vẫn dẫn tới tư tưởng hợp nhất và dù cho tôi là thế nào đi chăng nữa thì tôi cũng sẽ đạt được một điều gì đó".

  Ở xứ Scotland không phải lúc nào cũng được an toàn: có lần Defoe suýt bị đám đông trên đường phố đánh chết chỉ vì họ nghe thấy ông nói tiếng Anh. Về sau một người còn nói:  "Nếu như biết ông ta đến đây do thám thì chúng tôi đã xé xác ông ta ra rồi".

  Defoe đã tạm chuyển tờ "Quan sát" của mình đến Edinburg, cho ấn hành đều đặn hai - ba kỳ mỗi tuần. Là tác giả duy nhất, Defoe viết đủ thể loại - báo, thơ, bút ký, với các bút danh khác nhau: Alexander Goldsmith, Andrew Moreton, Clot Geo... Mùa xuân năm 1707 Defoe đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được giao phó: Nghị viện của hai nước hợp nhất làm một. Bộ trưởng Gordonphin đề cử Defoe phụ trách thuế quan ở Scotland. Huân tước Garley ngoài mặt đồng ý, nhưng lại ngầm bảo Defoe từ chối để tiếp tục làm điệp  viên cho mình.

  Defoe từ Scotland trở lại London chưa được bao lâu thì tình hình biến đổi. Huân tước Garley bị bãi nhiệm, thay thế ông là Gordonphin.

  Defoe thở phào nhẹ nhõm: ông sẽ được giải phóng khỏi nhiệm vụ "phục vụ ngai vàng" vẫn đè nặng vai ông bấy lâu. Nhưng mọi việc lại không như ông mong muốn. Huân tước ra lệnh cho ông không được từ bỏ vị trí. Thế là ông đành phải tiếp tục công việc nô dịch nặng nợ trong chính phủ. Gordonphin tiến cử ông với Nữ hoàng. Sau khi tuyên thệ trung thành, Defoe lại đến Scotland với nhiệm vụ theo dõi hoạt động của phái ủng hộ nhà vua Jacob Stuward. Ở London, huân tước đã quay trở lại chính trường. Một lần nữa ông ta lại giải cứu Defoe ra khỏi tù - đây là lần thứ ba trong năm 1713 do Defoe không trả được nợ. Nhưng chỉ ngay hôm sau Defoe lại bị bắt giam theo yêu cầu của sứ quán Nga do đã nhạo báng Piot'r Đại Đế là "gấu xứ Siberi". Defoe phải xin lỗi nhà vua.

  Sự việc được ém nhẹm, song Defoe lại bị bắt giam. Lần này thì thật nghiêm trọng. Ông bị cáo buộc tội phản quốc. Hai bài báo châm biếm "Điều gì sẽ xảy ra một khi Nữ hoàng băng hà?" và "Bỗng xuất hiện người kế vị" bị coi là âm mưu xúi giục phản loạn và rủa Nữ hoàng lúc này đang bệnh. Một lần nữa huân tước lại đứng ra bênh vực Defoe mặc dù thực chất chính ông ta cũng đang mong đợi cái chết của Nữ hoàng. Cũng như nhiều người kề cận ngôi báu, ông ta cân nhắc xem ai trong số những người kế vị sẽ được nối ngôi.

  Nữ hoàng Anna qua đời, Đức vua George Đệ Nhất - đại diện của vương triều Hannove người Đức - đăng quang. Huân tước Garley bị tống giam ở pháo đài Taue. Để trả nghĩa ông ta, Daniel Defoe đã viết cuốn "Sự nghiệp của huân tước Garley" gồm ba tập, đưa ra những tư liệu quan trọng nhất khai thác từ những nguồn tin mật nói về các mưu đồ toan tính của các bộ trưởng và nêu bật vai trò đáng kể của huân tước.

  Năm 1717 từ nhiều nguồn tin khác nhau (trong đó có thể cả từ Defoe) chính phủ Anh biết được rằng phái Jacobanh âm mưu dấy lên một cuộc nổi dậy mới mà mọi đầu mối là ở sứ quán Thụy Điển. Ngay lập tức nhà vua Charles thứ mười hai trở thành đối tượng công kích của người Anh. Defoe đã đề đạt kế hoạch. Nhân chuyện chín năm trước vào năm 1708 nhà vua Thụy Điển đã hành hình ông Patcun - nhà quý tộc xứ Livon trên bánh xe với tội danh làm do thám cho Pie Đại Đế, Defoe đã nhanh chóng viết bài đả kích nhà vua dưới hình thức bản dịch nguyên gốc câu chuyện của một mục sư chứng kiến những giây phút cuối của Patcun. Ngài đại sứ Thụy Điển - bá tước - đã đòi nghiêm trị tác giả dám phê phán quốc vương của họ. Nhưng nhà đương trách Anh "không thể nào" tìm ra "thủ phạm". Năm 1713 tờ "Quan sát" đã bị đóng cửa, từ đó Defoe dường như chỉ làm biên tập cho tờ "Thương nhân". Song thực tế ông vẫn tiếp tục bút chiến trên hai mươi sáu tờ báo, tạp chí có khuynh hướng hoàn toàn khác hẳn nhau. Ở tờ báo này Defoe nêu ý kiến, nhưng ở tờ khác ông lại đập lại chính quan điểm của mình, sang tờ thứ ba ông viết bài đả kích bài đã đăng ở tờ thứ hai, rồi ở tờ báo thứ tư... Trong lá thư gửi ông Santerlen, thứ trưởng mới của Bộ Ngoại giao, viết ngày 26 tháng 4 năm 1718, ông đã giải thích vụ việc như sau: "Được chính phủ phê chuẩn tôi đã vào làm biên dịch cho tờ báo ra hàng ngày của ngài Mits nhằm bí mật kiểm soát, khống chế không cho tờ báo gây tổn hại. Không một ai, kể cả ông Mits, biết được nhiệm vụ thực của tôi. Nhờ vậy mà các tờ nhật báo "Chuyện hàng ngày", "Bưu điện Dormerop", "Sao Thủy trên bầu trời chính trị " - được coi là cơ quan ngôn luận của phái Tori - thực tế đã hoàn toàn bị vô hiệu hóa trong việc làm tổn hại đến quốc gia".

  Có lần xưởng in của tòa báo bị khám đột xuất: người ta muốn tìm bản gốc lá thư chống đối chính phủ được đăng trên báo với bút danh "Tử tước Andrew Politic". Ngài Mits đã khai tên tác giả là Daniel Defoe, song vụ việc đã được ém nhẹm bởi huân tước Santerlen biết rõ lá thư trên từ chính Defoe. Defoe đã bảo lãnh cho ngài Mits ra khỏi tù rồi sau đó ông còn hai lần can thiệp cho Mits khỏi bị bắt giam. Mặc dù biết rõ thực chất vai trò của Defoe, ngài Mits vẫn gây gổ tấn công ông. Defoe buộc phải tự vệ và làm ông ta bị thương. Vì việc này năm 1719 ông đã bị tước quyền làm báo và hoạt động chính trị. Một điều may mắn lớn cho độc giả vì mùa đông năm ấy chỉ trong hai tháng Defoe đã viết xong cuốn "Robinson Crusoe". Thành công vang dội, ông bắt tay viết luôn cuốn nữa. Hàng loạt tiểu thuyết ra đời, trong đó có các cuốn nổi tiếng như: "Mon Frandes", "Roscana" và "Chuyện Piot'r Alecxeevitr chí công vô tư".

  Trong suốt thời gian vài năm liền Defoe sống bình lặng ở ngôi nhà sang trọng của mình, đôi khi ông cãi cọ với hàng xóm và chỉ có viết, và viết...

  Những năm cuối đời Defoe nếu không sống trong cảnh nghèo túng thì cũng trong cô đơn. Để tránh bị tịch thu tài sản vì nợ nần, ông đã bỏ nhà ra đi, để lại tất cả của cải cho con cái. Ông qua đời ngày 24 tháng 4 năm 1731 ở tuổi 72. Vào thế kỷ 20, trong đống thư tín của ông để lại người ta tìm thấy bản viết tay không ghi rõ ngày tháng và chưa được công bố liên quan đến đề tài phản gián mà chúng tôi đã đề cập. Chắc chắn đó là bản thảo những bức thư gửi huân tước Garley. Ở đó ông đã trình bày sơ đồ thành lập tổ chức bí mật của nước Anh. Nhờ tổ chức đó các bộ trưởng sẽ nhận được những thông tin đáng kể và tin cậy từ khắp nơi về thái độ của các thành phố và tỉnh thành đối với chính phủ. Ngoại trưởng cần có trong tay danh sách các gia đình quý tộc ở mỗi tỉnh và nắm được mọi thông tin về đời sống tư tưởng và tinh thần của các giáo sĩ và pháp quan tại mỗi xứ đạo. Ông cần nắm được danh sách những người có uy tín nhất ở mỗi thành phố và các vùng phụ cận để biết họ sẽ ủng hộ phái nào khi bầu cử, cần biết được ảnh hưởng của các đảng phái ở những vùng khác nhau, cuối cùng là cần đặt bộ phận tình báo thường trực ở Scotland. Để có được những thông tin cần thiết, theo Defoe, phải giăng một mạng lưới những người tin cẩn rộng khắp vương quốc Anh.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 05 Tháng Sáu, 2008, 09:33:10 pm
3 - ANDRE TIMOTE D'EON DE BOMON (1728-1810)
HIỆP SĨ D’EON BÍ ẨN - ĐÀN ÔNG HAY ĐÀN BÀ?

 
  Nói về những con người hoạt động trong ngành tình báo, chúng ta không thể nào không nhớ đến một nhân vật bí ẩn, nửa huyền thoại là hiệp sĩ D’Eon. Hiệp sĩ này là ai - đàn ông hay đàn bà? Đó là điều người ta vẫn đang còn tranh cãi. Chúng ta sẽ không tham dự vào đó làm gì, mà chỉ tìm hiểu xem hiệp sĩ D’Eon nổi tiếng ở khía cạnh nào - một nhà phiêu lưu, chiến binh, tên gián điệp, luật sư, kiếm thủ, nhà ngoại giao, kẻ đe dọa và người đóng các vai đàn bà (hay đàn ông) tài năng.

  Hiệp sĩ sinh ra trong một gia đình quí tộc và từ nhỏ đã có những kì vọng lớn. Người ta kể rằng khi hiệp sĩ lên bốn, bà mẹ không hiểu sao ưa diện cho con thành con gái nên cho đến khi bảy tuổi đứa bé vẫn thường xuyên mặc váy. Và điều này đã có ảnh hưởng đến lối sống và tư tưởng của cậu bé sau này. Nhưng thời niên thiếu D'Eon được giáo dục để trở thành một nhà quý tộc thực thụ. Đứa trẻ được học luật pháp và kiếm pháp, với vẻ ngoài mảnh khảnh yếu ớt nhưng tài đấu kiếm vào hàng cao thủ và được mọi người nhất trí chọn làm trưởng câu lạc bộ kiếm thủ. Dù còn rất trẻ, D'Eon đạt học vị tiến sĩ luật dân sự, luật nhà thờ và được tiếp nhận vào đoàn luật sư. Khi cảm thấy thành phố quê hương Tonner trở nên quá chật hẹp đối với mình, D’Eon đã đi Paris. Ông hoàn toàn không để thời gian trôi qua một cách phí hoài. Trong tay không có tiền, ông đã bắt tay viết luận văn về tình hình tài chính nước Pháp dưới triều vua Louis XIV, khiến nhà vua phải chú ý. Vì quốc khố luôn eo hẹp, nhà vua hi vọng cải thiện tình hình nhờ vào những bộ óc thông minh mới mẻ. Hiệp sĩ D’Eon được tiến cử và gây ấn tượng tốt với nhà vua. Chàng thanh niên đã khởi nghiệp hoạt động tài chính một cách thành công. Nhưng khi đó trên lục địa Âu châu đang diễn ra những sự kiện ảnh hưởng sâu sắc đến số phận của hiệp sĩ D’Eon.

  Tình hình châu Âu hết sức phức tạp. Kẻ khuấy động sự yên bình là vua Fridrich Đại Đế II, lên ngôi năm 1740. Ông ta tấn công nước Áo và chiếm miền trù phú nhất của lãnh địa này là Silezia. Đứng về phe nước Phổ trong cuộc chiến tranh này là Pháp và Bavaria. Áo được Anh và Hà Lan ủng hộ.  Mỗi một phe đối lập đương nhiên đều mong có đồng minh hùng mạnh như nước Nga. Nhưng chính phủ Nga thì lại dao động. Một mặt, Nga đã kí kết hiệp ước liên minh Nga-Anh trong những năm 1741-1742. Mặt khác, giữa Nga và Phổ cũng đã có những cuộc đàm phán kết thúc với cam kết vào năm 1743 lập liên minh phòng thủ. Nga lại còn đang vướng vào cuộc chiến tranh bắt đầu năm 1741 với Thụy Điển, lôi kéo cả các nước Pháp, Phổ, thậm chí cả Iran và Thổ Nhĩ Kì tham gia vào đó.

  Triều đình của nữ hoàng Elizabeth chia đôi - một phái ủng hộ Anh và một phái ủng hộ Pháp, hay theo cách nói hiện nay là hai nhóm hành lang nghị viện. Thủ tướng Bestuzev-Rumin đại diện cho nhóm thứ nhất, phó thủ tướng Voronxov đại diện cho nhóm thứ hai. Số còn lại dao động giữa hai phe.

  Đại sứ Anh Dickens đề nghị Bestuzev-Rumin năm trăm nghìn Funt Sterling nếu ông này đưa sáu trăm nghìn lính Nga ra tham chiến. Nhưng âm mưu bại lộ, Dickens phải từ chức. Đại sứ mới là ông William thành công hơn. Ông ta đã kí được hiệp định mà theo đó nước Nga có trách nhiệm điều ra mặt trận ba mươi nghìn lính để chi viện cho vua George và các đồng minh của Hannover đổi lấy một số vàng do người Anh cung cấp, con số này không được nêu rõ trong nội dung bản hiệp định. Hiệp định còn một điều khoản quan trọng là không lập tức có hiệu lực ngay mà phải đợi việc phê chuẩn phải xảy ra sau hai tháng nữa. Vua Louis XV biết điều đó nên quyết định bằng mọi cách cản trở việc phê chuẩn. Cần phải vội vã. Nhưng hành động ngoại giao của nhà vua kết thúc một cách thảm hại vì phái viên của nhà vua là hiệp sĩ De Valkruasan trong khi tìm cách tiếp cận nữ hoàng Elizabeth để đích thân bày tỏ lòng tôn kính và thay mặt vua Louis thảo luận với bà đã bị bắt, bị kết tội do thám và nhốt vào ngục. Các bức thư của nhà vua bị thám tử của Bestuzev - Rumin thu mất. Nói tóm lại là Louis không có khả năng chính thức nào để liên lạc với "bà chị" đội vương miện. Chính vào lúc đó Louis XV nảy ra ý định phái hiệp sĩ D’Eon đến Saint Peterburg.

  Khi đó Louis XV đã được nghe kể về một vài mánh khóe của chàng hiệp sĩ trẻ khi giả làm phụ nữ để lừa những người xung quanh. Nhà vua chợt có ý nghĩ - một người đàn ông không thể tiếp cận nữ hoàng Elizabeth nhưng một phụ nữ thì lại rất có thể làm được điều này. Ông bèn cho vời D’Eon vào tiếp kiến, đề nghị chàng biểu diễn tài nghệ và hết sức hài lòng.

  - Ta rất ngạc nhiên! - nhà vua thốt lên, ngừng một lát và tiếp: - Hiệp sĩ, ta muốn giao cho nhà ngươi một nhiệm vụ mà việc hoàn thành nó có thể khiến thay đổi số phận nước Pháp.

  - Thần sẵn sàng vì hoàng thượng và nước Pháp làm bất kì việc gì ở bất cứ đâu mà hoàng thượng sai khiến, - nàng thiếu nữ đáp bằng giọng êm ái.

  Nhà vua ngạc nhiên nhìn nàng, nhưng rồi trấn tĩnh lại và nói:

  - Vậy hãy nghe đây. Ta biết ngươi rất giỏi kiếm thuật, nhưng những thanh kiếm mà nhà ngươi buộc phải so với thủ tướng Nga Bestuzev - Rumin lại khác...

  Năm 1755 với tư cách tùy viên mật của Louis XV, nàng thiếu nữ kiều diễm Lia D’Eon cùng với "ông chú" Duglas nào đó đã có mặt ở Peterburg. Hai người nghỉ tại nhà một điệp viên - chủ ngân hàng người Pháp. Cần phải gấp rút vì đã sắp tới ngày phê chuẩn hiệp định. Duglas bứt rứt căng thẳng: tất cả mọi hoạt động của ông đều bị người của Bestuzev-Rumin có nhiệm vụ kiểm soát từng người Pháp đến kinh đô nước Nga ngăn cản. Và mặc dù Duglas thường xuyên mang theo bên mình chiếc hộp đựng thuốc lá bằng đồi mồi có giấu trong ngăn đáy giải mật mã dành cho các bản mật báo của mình nhưng lại không thể sử dụng vì chẳng có gì để báo cáo ngoài những lời than phiền về đám do thám vây quanh. Nhưng thiếu nữ khả ái Lia thì lại chẳng bị ai chú ý, và không lâu sau nàng đã dễ dàng tìm cách gặp được người ủng hộ có ảnh hưởng lớn của nước Pháp là phó thủ tướng Voronxov.

  Nhận thấy người phụ nữ Pháp khả ái này sẽ tạo được những ảnh hưởng có lợi cho mình đối với nữ hoàng, Voronxov vội vã đưa nàng vào triều.

  Nữ hoàng già thích những người trẻ tuổi vây quanh mình, thích thư giãn bằng cách nằm dài khoan khoái nghe những câu chuyện hồi hộp về cuộc sống vui vẻ bồng bột trong triều đình nước Pháp. Bà cũng được biết ở đó có "vườn Hươu" nổi tiếng - thường xuyên bổ sung những cung nữ tuyệt vời cho hậu cung của nhà vua.

  Và khi trước mặt bà xuất hiện cô thiếu nữ yêu kiều, vui vẻ, khả ái, nữ hoàng Elizabeth quyết định đã đến lúc có thể thỏa mãn mọi điều tò mò thú vị của mình. Và lập tức Lia D’Eon đã trở thành thị nữ, còn sau đó là người đọc sách cho nữ hoàng. Lúc này khó có thể nói suốt những đêm mùa đông dài nữ hoàng chí tôn của một cường quốc đã chuyện trò những gì với cô thị nữ đọc sách khiêm nhường của bà. Và trong số những cuốn sách đưa lên cho nữ hoàng đọc có cả cuốn "Tinh thần pháp luật" của Monteskie với lá thư của nhà vua mà Lia bí mật mang theo mình. Không lâu sau, ngài William đã buộc phải gửi về London cho huân tước Holderney thông báo: "Rất tiếc buộc lòng thông báo rằng thủ tướng (Bestuzev-Rumin) không thể thuyết phục nữ hoàng kí vào bản hiệp định mà chúng ta nóng lòng chờ đợi".

  Bình yên trở về từ nước Nga xa xôi bí ẩn, hiệp sĩ D’Eon đã hoàn thành xuất sắc thêm một số nhiệm vụ ngoại giao quan trọng do vua Louis XV giao phó và được nhà vua cấp cho khoản thu nhập hàng năm là ba nghìn quan.

  Nhưng nhiệm vụ vẫn nối nhau, và để thực hiện chúng, D’Eon lúc này cần đóng vai đàn ông, lúc kia lại phải đóng vai phụ nữ. Khi nước Pháp tham chiến, hiệp sĩ D’Eon gia nhập quân đội và trở thành sĩ quan tùy tùng của công tước De Broli, chỉ huy cơ quan mật vụ hoàng gia, đã nhiều lần thực hiện những nhiệm vụ tình báo do công tước giao phó. Đặc biệt chàng đã nổi bật xuất sắc trong một trận chiến đấu khi đưa được đoàn xe chở đạn dược đến tiếp ứng kịp vào đúng những phút kịch tính nhất dưới hỏa lực mạnh của kẻ thù. Đôi khi "Lia De Bomon" cũng phải trang điểm, uốn tóc quăn và diện váy.

  Chiến tranh kết thúc, D’Eon được phái đến London và tỏ ra xuất sắc trong môi trường tình báo ngoại giao. Chàng đã lấy được bản sao chính xác các văn bản hướng dẫn của nhà ngoại giao Anh Bedford, người được ủy quyền tiến hành các cuộc đàm phán với bộ trưởng Pháp Suazel về hiệp định hòa bình. Để làm việc này chàng mời Bedford đến sứ quán, chuốc rượu cho say mèm rồi xách chiếc cặp của ông ta sang phòng bên và sao tài liệu. Bedford chán nản vì các cuộc đàm phán thất bại do tất cả các bước đi của ông ta đã bị đối phương nắm trước bèn xin từ chức, về sau ông ta cũng từ chối cương vị chủ tịch hội đồng bộ trưởng. D’Eon cũng tham gia vào các chiến dịch tình báo quân sự của kĩ sư, nhà chiến thuật, hầu tước De La Rozer. Ông này nghiên cứu miền bờ biển La Manche để xác định vị trí đổ bộ tốt nhất cho quân Pháp.

  Với hoạt động của mình tại Anh, D’Eon đạt nhiều thành tích và được phong chức quyền bộ trưởng. Nhưng chàng hiệp sĩ hóa ra lại bị cuốn hút vào những chuyện phiêu lưu đặc biệt thú vị cho một tiểu thuyết gia.

  Thói hoang phí và si mê những thứ xa hoa lộng lẫy khiến hiệp sĩ nợ nần, mặc dù đã được nhà vua ban cho những khoản tiền rất lớn. Và tiếp tục những âm mưu... D’Eon bắt đầu dọa dẫm cáo giác bằng các bức thư của Louis XV. Đó là những bức thư bóc trần âm mưu chống Anh, là những kế hoạch quỷ quyệt đổ bộ quân, là bằng chứng về hoạt động gián điệp của Rozer và D’Eon. Mặc dù khi đó nước Pháp đã do vua Louis XVI trị vì nhưng những bức thư này nếu rơi vào tay phe chống đối có khả năng sẽ kích động dân chúng Anh và làm bùng phát chiến tranh giữa Anh và Pháp. Vụ bê bối mang tính chất nghiêm trọng, thậm chí đã có âm mưu ám sát D’Eon khiến chàng phải thuê vệ sĩ bảo vệ.

  Các nhà ngoại giao Pháp tìm mọi cách làm mất uy tín và hủy hoại hiệp sĩ. Những nhà báo được thuê viết bôi nhọ chàng. Đáp lại, hiệp sĩ cho đăng mấy bức thư chứa đựng những lời lẽ cụ thể không khiêm tốn chút nào của vua Louis XV. Chàng hành động khá thận trọng, bắt đầu từ những lá thư vô hại nhất và lưu ý còn có nhiều thư quan trọng hơn nhiều. Hiệp sĩ cũng hé mở cả bí mật về "khu vườn Hươu", nơi vua Louis XV thường xuất hiện dưới lốt một bá tước Ba Lan tên là Lesinski. Mà đó mới chỉ là một phần bí mật mà chàng nắm trong tay. Để đổi lấy tất cả các lá thư, D’Eon đòi mười hai nghìn quan thu nhập hàng năm và được hoạt động mật vụ ở nước ngoài.

  Sau đó lại tiếp tục những câu chuyện gián điệp phiêu lưu và bịp bợm của "Lia D’Eon" trong xã hội London, và cuộc cạnh tranh ban đầu không thể dung hợp với thám tử hoàng gia mà về sau lại trở thành tình bạn với nhà soạn kịch vĩ đại nước Pháp này.

  Những người đã được nhìn thấy Lia D’Eon đều miêu tả nàng là "một phụ nữ tầm vóc nhỏ bé thon thả, sắc mặt trắng hồng với những đường nét nhỏ nhắn và khả ái", giọng nói du dương càng bổ sung thêm vẻ yêu kiều. Người ta đoán rằng D’Eon cố ý thủ vai cô gái kiêu kì, đỏng đảnh và đầy bí ẩn nhưng vẫn khiêm nhường, ý tứ và hay nhút nhát. Nếu Lia De Bomon quá hấp dẫn đàn ông thì mọi chuyện lại có thể hỏng bét, nên người ta thấy rằng nàng chỉ lợi dụng thiện cảm của họ mà thôi. Các họa sĩ cung đình nhiều lần đã vẽ chân dung Lia, nhờ vậy mà hình ảnh của nàng vẫn còn được lưu giữ và hoàn toàn gây ấn tượng như lời những người đã từng gặp mặt miêu tả.

  Thực ra D’Eon là ai? Một người ăn mặc đổi giới tính, đàn ông đóng vai đàn bà, hay nàng thiếu nữ giả trai làm chàng hiệp sĩ can đảm? Nhiều người không hiểu sao lại nghiêng về giả thiết thứ hai, có lẽ bởi giả thiết ấy chừng như lãng mạn và hấp dẫn hơn.

  Và mặc dù các bác sĩ Anh hình như đã đi đến kết luận rằng hiệp sĩ D’Eon là đàn ông, có vẻ họ cũng chẳng muốn hoàn toàn tin chắc vào điều này.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 06 Tháng Sáu, 2008, 07:12:40 pm
4 - BEAUMARCHAIS (1732 - 1791)
NHÀ VĂN ĐIỆP VIÊN VÀ NHỮNG CUỘC PHIÊU LƯU


  Là một nhà viết kịch vĩ đại, tác giả của "Đám cưới Figaro" và "Người thợ cạo thành Xevin" nổi tiếng, nhưng phần lớn cuộc đời Beaumarchais lại trôi qua ở những cuộc đầu cơ buôn bán, xích mích gây lộn, những vụ tai tiếng ầm ĩ, thách đấu hay bị bắt giam hoặc bị lưu đày, hay ở những cuộc phiêu lưu tình ái. Người ta đồn rằng Beaumarchais đã đầu độc cả ba bà vợ, thậm chí cả cậu con trai, mặc dù thực tế ông chẳng đầu độc ai và rất yêu cậu con trai đã bị chết từ lúc còn nhỏ.

  Augustine Caron nối nghiệp nghề chữa đồng hồ của cha, nhưng nhờ tài năng của mình ông đã trở thành thợ chữa đồng hồ cho đức vua. Ông đã không bỏ phí thời gian, sớm lấy một bà góa hơn tuổi nhưng giàu có. Với tiền của vợ, ông mua được chức giữ kho trong cung và tước hiệu quý tộc với tên mới là Pie Augustine de Beaumarchais. Ông còn là thày dạy nhạc cho các công chúa - một người thày đáng yêu của bốn cô gái lỡ thì.

  Beaumarchais tham gia đủ loại mưu mô toan tính. Ông viết "Hồi ký" tố cáo các nhân vật tôn quý có chức quyền và ông được các quý bà Paris ngưỡng mộ. Giới cận thần ganh ghét, gây cho ông bao điều phiền toái. Vở kịch "Người thợ cạo thành Xevin" bị cấm công diễn, các công chúa xa lánh ông, ông bị truy tố và bị tước quyền công dân. Tuy nhiên án lệnh lại mang cho ông niềm vinh quang: ông hoàng Conti đặt tiệc mời ông, hàng trăm quý bà Paris bày tỏ niềm cảm thông. Ngay cả cảnh sát trưởng Xanti cũng đích thân tới chúc mừng.

  Tiếng tăm của Beaumarchais, trí tuệ kiệt xuất và tình trạng nợ nần nghèo khó của ông đã khiến Xanti nảy sinh ý định tuyển mộ ông làm điệp viên. Thực ra, trước đó Beaumarchais đã hoàn thành một nhiệm vụ bí mật của triều đình. Lần ấy ông sang Tây Ban Nha để giải quyết vấn đề danh dự gia đình, buộc nhà quý tộc Clavikho phải giữ lời hứa hôn với chị ông. Ông nhanh chóng giải quyết vụ việc, nhưng còn lưu lại Madrid hai tháng. Khi ấy ông chỉ là một nhà quý tộc nguồn gốc đáng ngờ, một người thợ chữa đồng hồ bình thường, nhưng ông lại được chính đức vua Tây Ban Nha và quan thượng thư tiếp. Mãi sau này người ta được biết Beaumarchais đã trao đổi với họ nhiều vấn đề chứ không chỉ riêng chuyện rắc rối của chị ông. Thực ra, nhà vua đã buộc quý ngài Clavikho cầu hôn người mà ông ta đã lừa đảo, nhưng theo yêu cầu khẩn khoản của Beaumarchais thì chính chị ông đã từ chối "vị hôn phu". Thực chất vấn đề là chuyện khác. Vua Pháp Louis XV đã yêu cầu Beaumarchais trao đổi với vua Tây Ban Nha một vấn đề mà chính ngài đại sứ cũng không được tin tưởng giao phó. Nhiệm vụ đã được Beaumarchais hoàn tất tốt đẹp. Ở Madrid, Beaumarchais không chỉ làm quen mà còn kết thân với ngài đại sứ Anh quốc - bá tước Rosf. Tình bạn này sẽ còn có vai trò của nó.

  Nhưng đã xảy ra vụ việc làm Beaumarchais mất tất cả. Và rõ ràng viên cảnh sát trưởng Xanti đến thăm ông không phải không có mưu đồ: cần phải "củng cố" điệp viên tương lai. Xanti đã khuyên Beaumarchais nhanh chóng rời khỏi Pháp và còn hứa sẽ giúp đỡ tìm mọi cách xin được xem xét lại vụ việc. Chuyện diễn biến đúng như vậy. Ngay đêm hôm đó, ngày 26 tháng 2 năm 1774, Beaumarchais bí mật rời Pháp đến Ghent, từ đó ông gửi thư cho đức vua xin hủy bỏ bản án. Cuối thư ông viết: "Loại bỏ một thần dân trung thành mà tài năng có thể có ích cho đức vua và đất nước là phi lý". Từ Ghent, Beaumarchais đi London và tới đó vào ngày 5 tháng 3. Đúng hôm ấy (nghĩa là chỉ một tuần sau ngày tuyên án!) sứ quán thông báo cho ông lệnh của đức vua "Không được chậm trễ tới ngay Versaiillees. Đức vua đợi ông ở đó".

  Nhiệm vụ mang "tầm cỡ quốc gia" đầu tiên là việc cứu vãn "danh dự" của sủng phi, bà Du Bari. Ông Moran nào đó ở Anh đã cho ấn hành cuốn "Ghi chép của một gái bán hoa" đầy tai tiếng nói về quá khứ của Du Bari và ông ta chuẩn bị đưa sách sang Pháp. Tình hình căng thẳng đến mức điều đó không chỉ đe dọa chính nhân vật được nói tới mà sẽ còn gây om sòm ở Pháp. Thời ấy London là nơi trú chân của nhiều phần tử chống đối đức vua. Sách châm biếm đả kích nhà vua được ấn hành đủ loại như "Cuộc đời một sủng phi bên ngai vàng nước Pháp", "Làm sao một phụ nữ lẳng lơ trở thành người tình của đức vua?". Trong số đó Moran nổi bật lên cả về tài châm biếm cũng như ngòi bút sắc bén độc địa, vì vậy đức vua rất kiềng ông ta. Beaumarchais đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đúng là với số tiền lớn Beaumarchais đã thuyết phục được Moran không chỉ từ bỏ ý định mà còn trao cho ông tất cả sách đã in thậm chí cả bản thảo. Ba ngàn cuốn đã được đốt sạch trong lò nung vôi với sự chứng kiến của Beaumarchais và Ghuyđen, bạn ông. Hơn thế nữa, là một điệp viên đích thực, Beaumarchais đã tuyển mộ luôn Moran. Về việc này ông đã viết trong thư báo cáo đức vua: "Thần đã biến một trong những tác giả châm biếm đả kích ở London thành điệp viên của mình. Ông ta sẽ báo trước cho thần về mọi mưu đồ tương tự. Thần đã thành công trong việc biến người săn trộm láu cá thành một thợ săn lành nghề. Dưới chiêu bài nhận nhiệm vụ khảo sát văn học ta có thể trả cho ông ta một mức lương phải chăng cho những tin mật về các mưu đồ ấn hành các tác phẩm châm biếm đả kích đã nói ở trên. Điệp viên này còn có nhiệm vụ theo dõi những người Pháp tới London, báo cáo với thần về những tên tuổi và công việc thu hút họ... Các thông tin mật của điệp viên này còn mở rộng ra nhiều vấn đề chính trị khác và với những trích dẫn được thần báo về Hoàng thượng sẽ luôn luôn nắm được tình hình". Beaumarchais ký tên "Ronac".

  Ở London ngoài Moran bình thường còn có những nhân vật quan trọng hơn. Chính lúc này mối bang giao cũ với bá tước Rocpho - lúc này đã là thủ tướng - mới đắc dụng. Beaumarchais đã nối lại tình bằng hữu thân thiết: "Hơn thế thần đã thỏa thuận với bá tước Rosf -  Beaumarchais viết - để ông bí mật cung cấp cho ta mọi phương tiện dập tắt các mưu đồ viết lách ngay từ khi mới manh nha. Ông ta chỉ ra một điều kiện duy nhất: Mọi thông tin và việc làm của ông không được coi là của một thủ tướng và phải bảo mật tuyệt đối, chỉ có thần và Đức Kim thượng biết thôi". Sau này bá tước còn giúp nước Pháp nhiều việc khác nữa.

  Tuy nhiên cũng cần lưu ý thêm là mọi quyền lợi và công việc của Beaumarchais không chỉ có chuyện kiểm soát các tác giả châm biếm đả kích. Thư của ông viết cho nhà vua có đề cập tới chuyện này: "... còn có nhiều vấn đề khác liên quan tới Hoàng thượng, nhưng không thể viết ra giấy được. Thần sẽ báo cáo trực tiếp Đức Kim thượng". Song những vấn đề đó mãi mãi là bí mật được giữ kín bởi Beaumarchais đã không gặp được đức vua. Ở Paris người ta chờ Beaumarchais về để trao tặng ông phần thưởng cao quý - khôi phục quyền công dân cho ông. Nhưng đúng ngày ông từ London về tới Paris, ngày mồng 9 tháng 5 năm 1774, đức vua đột ngột qua đời. Mong muốn của Beaumarchais tan thành mây khói.

  Đức vua mới, Louis XVI, lại cử Beaumarchais sang London. Đối tượng của "quý ông Rônắc" lần này là ngài Atkison - một người cũng tự xưng là Angielutri. Atkison là tác giả cuốn "Cảnh báo", trong đó chứng minh quyền của "nhánh Tây Ban Nha với vương miện Pháp". Beaumarchais đã thuyết phục được Atkison cho hủy tám ngàn cuốn đã được ấn hành ở London và Amstecdam, nhưng hắn đã giữ lại bản thảo và bỏ trốn sang Nĩrnberg. Thế là bắt đầu cuộc truy lùng với đủ mọi chuyện để viết thành truyện trinh thám: nào là bị cướp tấn công, nào là tòa án, cả chuyện vượt sông Danuyp, rồi chuyện được tiếp kiến Nữ hoàng Áo, lại thêm cả một tháng trời bị giam giữ ở Vienna. Thế mà vẫn không bắt được Atkison, tuy nhiên không bao lâu sau chính hắn đã từ bỏ ý định xuất bản cuốn sách.

  Tháng 4 năm 1775, Beaumarchais lại đi London để bịt miệng hai tên "bồi bút": quý bà Campanhon và thày tu Vinon - tác giả của những bài châm biếm đả kích đức vua. Bá tước Rosf đã giúp Beaumarchais. Dẹp xong hai tên "bồi bút", Beaumarchais, theo lời ông,  bắt tay vào "những việc cao quý hơn". Lần này ông ký tên thực của mình trong lá thư gửi đức vua "... Thần đã bắt đầu nghiên cứu một số vấn đề. Đức Kim thượng sẽ hài lòng mãn ý bởi vì tên tuổi của thần - và cũng chỉ có điều đó - đã cho phép thần tới mọi nơi, tiếp xúc với các đảng phái khác nhau và có thể biết được đầu tiên và ngay lập tức mọi thông tin liên quan tới đất nước và hiện tình của Anh quốc". Tiếp sau đó ông trình bày và phân tích các thông tin thu nhận được.

  Lúc này ở London xuất hiện một kẻ phiêu lưu (nam hay nữ) mang danh D'Eon. Tên này có trong tay những bức thư của đức vua Louis XV, bằng chứng của những ý đồ thù địch đối với Anh quốc, nói về các kế hoạch đổ bộ quân lên vùng biển vương quốc này. Cho dù đức vua đã qua đời nhưng một khi những lá thư trên được loan truyền thì dễ nổ ra chiến tranh Anh-Pháp, điều mà Beaumarchais có nhiệm vụ không được để xảy ra. Đó cũng lại là điều mà D'Eon đưa ra đe dọa chính phủ Pháp. Cả hai kẻ phiêu lưu có hạng và lưu manh có cỡ D'eon và Beaumarchais đã nhanh chóng tìm được tiếng nói chung. Bằng mọi cách mua chuộc, phỉnh nịnh, hứa hẹn Beaumarchais đã thuyết phục được D'Eon từ bỏ ý định công bố những lá thư tai hại trên. "Cả hai bên" thậm chí đã ký thỏa ước: "Chúng tôi, ký tên dưới đây, Pie Augustine Caron de Beaumarchais - đặc phái viên của đức vua Pháp và tiểu thư D'eon de  Bomon - trưởng nữ..."

  Cũng tại London, thông qua D'Eon, Beaumarchais đã gia nhập nhóm của Artur Lee - đại diện của bọn thống trị thuộc địa Mỹ. Việc kết thân này còn đem lại hiệu quả lâu dài sau này. Khi đó là thời kỳ nhân dân Mỹ đấu tranh cho nền độc lập của mình. Giới cầm quyền Pháp công khai ủng hộ những người nổi dậy chống lại sự thống trị của Anh. Tình bằng hữu giữa Beaumarchais và Artur Lee đáp ứng kế hoạch của chính phủ Pháp. Beaumarchais đã giả thành lập công ty "Roderica Octaleda và K", qua đó tích cực cung cấp vũ khí đạn dược cho nghĩa quân Mỹ. Và mặc dù người Anh biết rất rõ việc này, song họ vẫn không thể chính thức đòi hỏi gì ở phía Pháp, bởi công ty là của tư nhân và một mình Augustine Caron de Beaumarchais chịu trách nhiệm. Mọi việc trên đều giữ bí mật, song Beaumarchais sẽ không phải là Beaumarchais nếu như ông không nảy ra ý tổ chức diễn kịch. Khi những con tàu chở vũ khí đầu tiên rời cảng Bordeaux trong "bảo mật tuyệt đối" thì ông đã đưa đoàn ca kịch tới biểu diễn rầm rộ. Tiết mục chủ chốt của đêm diễn là vở "Đám cưới Figaro" nổi tiếng.
 
  Beaumarchais còn trải qua nhiều vụ việc, nhiều cuộc phiêu lưu thật thú vị, nhưng chẳng liên quan gì tới hoạt động điệp viên ngầm nên không đề cập tới ở đây. Chỉ có một sự kiện tuy ít người biết đến, nhưng lại đáng ghi nhận là về những tháng cuối đời ông chuyển sang tìm hiểu khoa học hàng không, vũ trụ. Ông viết: "Một trong những ý tưởng cao đẹp của khoa học tất nhiên đó là việc đưa những vật thể nặng lên cao trên tầng không khí nhẹ bỗng... "

  Ngày 18 tháng 5 năm 1799 Beaumarchais qua đời để lại cho con cháu gần hai trăm ngàn frăng - một món tiền khá lớn thời đó, chưa kể bất động sản và cả các giấy nợ.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 07 Tháng Sáu, 2008, 02:47:46 pm
5 - NATHAN HALE (1755 - 1776)
CHA ĐẺ NGÀNH TÌNH BÁO QUÂN SỰ MỸ



  Có một số không nhiều nhà tình báo xứng đáng được dựng tượng đài vì cống hiến của họ cho đồng bào mình. Nathan Hale (người Mỹ) là người như vậy, dũng cảm, chân thành, -tuy là nhà tình báo không mấy dày dạn kinh nghiệm - một nhà yêu nước, bị người Anh treo cổ tháng 9 năm 1776. Anh là hình mẫu cho nhân vật trong tiểu thuyết Tên gián điệp của nhà văn Mỹ nổi tiếng Fenimor Cooper. Tượng đài Nathan Hale đặt tại Washington. Mặc dù Hale gặp thất bại trong công tác của mình nhưng anh lại được tôn là "cha đẻ" của ngành tình báo quân sự Mỹ. Quả thực anh chẳng lập nên được kì tích đặc biệt nào nhưng sự hi sinh của anh dưới tay dân Anh thù địch đã làm bùng lên ngọn lửa tinh thần chiến đấu chống kẻ thù của lớp trẻ yêu nước Mỹ, và rất nhiều người trong số họ đã nối gót Nathan Hale.

  Thời kì đầu của cuộc chiến tranh giành độc lập (1775-1783) tại Hợp Chủng quốc không có cơ quan tình báo chuyên nghiệp. Thông tin cần thiết thường đến từ những người tự nguyện, những người ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng. Tướng Washington, tổng tư lệnh quân đội thuộc địa Bắc Mỹ, mặc dù không đặt ra hẳn một cơ quan tình báo cụ thể như vậy nhưng được nhiều lợi thế hơn so với những nhà cầm quyền khác thời đó: ông được ủng hộ rất nhiều bởi những người coi cuộc đấu tranh vì tự do và độc lập của đất nước là ý nghĩa cuộc đời mình. Trong số đó có những thanh niên tuổi trẻ nồng nhiệt, sẵn sàng mạo hiểm và không quản ngại hi sinh. Từ những con người như vậy đã bắt đầu hình thành nên cơ quan mật vụ của George Washington. Nathan Hale là một trong số họ.

  Trong thời kì chiến tranh của lớp trẻ Hợp Chủng quốc vì nền độc lập, Nathan đã thực hiện nhiệm vụ do tướng George Washington giao phó tại hậu phương của quân Anh. Anh đã khai thác được một số tin tức về tình hình bố trí và vũ trang của quân Anh, nhưng gần như ngay lập tức đã bị người Anh tóm được. Viên chỉ huy quân cảnh Anh là Kanniham đã tra tấn Hale rất tàn bạo. Hale không chịu đựng nổi các cuộc hỏi cung, trở nên hết sức lung lay, và các cuộc hỏi cung càng thêm tàn bạo. Theo phỏng đoán của các nhà nghiên cứu, Hale đã khai tất cả những bí mật nắm được, và điều này đáng giá bằng cả cuộc sống của anh ta - anh ta bị xử tử. Hale trở thành nhà tình báo Mỹ đầu tiên bị xử tử. Người đầu tiên báo tin này cho quân Mỹ là một sĩ quan Anh, đại úy John Montressor thuộc quân đoàn công binh hoàng gia, sĩ quan tùy tùng của tướng William Haw. Mang cờ trắng, anh ta vượt qua giới tuyến mặt trận sang phía Charm Plaince, bang New York và được một nhóm sĩ quan Mỹ ra nghênh đón.

  Có một thời gian tin về cái chết của Nathan Hale được giấu kín. Nhưng năm tháng sau, báo chí bắt đầu loan tin về cái chết bi thảm của Nathan Hale trong khi làm nhiệm vụ vì tổ quốc. Và sau đó mới thực sự bắt đầu thành hình cơ quan tình báo quân sự thường trực của Mỹ.
Một thời gian dài người ta cho rằng tướng Washington khi biết về cái chết của nhà tình báo trẻ tuổi đã từ chối coi hoạt động mật vụ là vũ khí chiến đấu. Chỉ hơn một trăm năm sau người ta mới phát hiện ra những tài liệu phủ nhận ý kiến trên và khẳng định rằng ông đã đi đến những kết luận thực tiễn từ bi kịch này và quyết định thành lập cơ quan tình báo chuyên nghiệp, thu hút không chỉ những người yêu nước nhiệt huyết mà cả những thanh niên có các phẩm chất cần thiết cụ thể khác. Ban đầu Washington dự kiến chỉ định John-Morin Scott làm chỉ huy cơ quan mật vụ, nhưng không hiểu vì lí do gì mà anh ta bị thuyên chuyển khỏi công tác này, chưa kịp bắt tay vào việc. Cương vị này được chỉ định cho Benjamin Tolmedj. Tolmedj được anh trai Inok và Robert Tauzend - bạn đồng học của Hale tại trường đại học tổng hợp giúp đỡ. Tại hậu phương của quân Anh, họ đã tổ chức một mạng lưới gián điệp hay có thể gọi là "chuỗi" theo cách nói của George Washington. Các mắt xích của chuỗi này được ngụy trang dưới mật danh "Samuel Calper" và được bảo mật rất tốt, mặc dù tình báo quân sự Mỹ thời đó chưa hề có chút kinh nghiệm nào. Điệp viên Woodhol được gọi là "Samuel Calper cả", còn Tauzend là "Samuel Calper út". Chỉ huy của chuỗi là đại tá Tolmedj có tên "mister John Bolton".

  Hoạt động chính của "Calper" diễn ra ở New York, Manhattan và các vùng phụ cận, nơi trong thời kì đó có tổng hành dinh của quân Anh, và phần lớn hạm đội Anh đóng trong cảng New York. Tauzend có một cửa hàng bách hóa lớn là nơi gặp gỡ của các điệp viên, còn các sĩ quan Anh đến mua hàng cũng hay ba hoa làm lộ những bí mật mà ông chủ cửa hàng rất cần mẫn góp nhặt. Các "Calper" còn tiến hành đồng thời các chiến dịch phản gián bên cạnh hoạt động tình báo, đã bắt được và xử tử điệp viên Anh là thiếu úy Andre. Đây có thể coi như sự báo thù cho Hale.

  Chuyện xảy ra như sau: Làng Ostrea Bay (Vịnh Con Sò) nằm cách trung tâm New York hai mươi dặm bị người Anh chiếm. Do hoàn cảnh tình cờ đưa đẩy, các sĩ quan cấp cao Anh đến đóng trong ngôi nhà thuộc sở hữu của Robert Tauzend. Anh có cô em gái tên là Sara. Cô thiếu nữ cũng gia nhập nhóm tình báo nhưng trong một thời gian dài không có dịp thể hiện mình trong cuộc chiến đấu chống quân Anh. Một hôm, vào cuối tháng 8 năm 1780, viên đại tá người Anh Simkow đã mời ông bạn tên Andre của mình tới dự cơm tối. Khi dọn bàn ăn cho khách Sara nhận thấy viên tùy phái bước vào đã đặt lên tủ một lá thư gửi "John Anderson". Ông khách Andre cầm mở ra đọc rồi đút vào túi. Sau đó cô nghe được câu chuyện của Andre với đại tá Simkow và hiểu đích xác họ nói đến việc chiếm đánh căn cứ lớn nhất West-Point của phía quân Mỹ với sự nội ứng của những tên phản bội. Những kho tàng của căn cứ này là nơi cất giữ gần như toàn bộ dự trữ của quân đội Mỹ, kể cả vũ khí nhận được từ Beaumarchais.

  Cần phải thông báo gấp với Robert lúc này đang ở New York. Sara đã nghĩ ra cách. Sáng ngày hôm sau cô cố gắng hết sức thuyết phục viên đại úy người Anh đang phải lòng cô là Daniel Jung phái người đến New York mua lương thực cho đại tá Simkow. Như vậy người này nhất định sẽ phải đến cửa hàng anh trai Robert của cô. Trong tập phiếu đặt hàng cô gài vào một mẩu thư báo cho Robert chuyện về Andre, "John Anderson" và dự định chiếm căn cứ West-Point của người Anh. Lá thư vừa đến tay Tauzend, "chuỗi" lập tức khởi động. Austin Row nhảy lên ngựa thẳng đường Long-Iland đến thị trấn Setoket, nơi có người bạn của anh đang sống. Vừa nhận tin người này lập tức ra bờ biển, nơi áo quần đang được chăng trên dây phơi. Chỉ một chút thay đổi trên sợi dây - từ bờ bên kia anh chàng Colleb Bruster vội vã lên chiếc thuyền con chèo sang nhận tin rồi lập tức trở lại, không quên thông báo việc cập bến an toàn của mình bằng chiếc váy đỏ trên dây phơi.

  Mọi việc còn lại, như người ta vẫn thường nói, chỉ là vấn đề kĩ thuật. Bruster lọt vào lãnh địa thuộc quyền kiểm soát của quân Mỹ và trao tài liệu cho chỉ huy cơ quan tình báo Benjamin Tolmedj. Và thật trùng hợp: ngay trước khi nhận tin này Tolmedj vừa nhận thư của chỉ huy trưởng West-Point, tướng Benedict Arnold, thông báo rằng có khả năng bạn của tướng John Anderson sẽ đến vùng Tolmedj đang ở và yêu cầu cắt người bảo vệ ông ta.

  Trên cơ sở các tin tức đó quân Mỹ đã làm phá sản chiến dịch chiếm West-Point của người Anh. Tuy tên phản bội là tướng Benedict Arnold đã chạy thoát, nhưng đồng bọn của hắn là John Anderson, tức Andre đã bị bắt đưa ra xét xử và bị treo cổ.

  Tổng thống đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kì là George Washington một lần đã nói rằng: Nathan Hale và thiếu úy Andre đều là những sĩ quan trung thực, dũng cảm và đã chết một cách xứng đáng.

  Khi trở thành tổng thống, George Washington đã đưa các điệp viên của mình đến Long-Island và cám ơn họ vì những thông tin quý giá mà họ đã khai thác được trong thời kì chiến tranh. Và còn có một chi tiết thú vị khác nữa. Cuốn sổ kế toán do chính Washington ghi chép đã cho thấy giữa các năm 1775 và 1781 ông đã chi cho tổ chức tình báo của mình tất cả là mười bảy nghìn sáu trăm mười bảy dollar. Có những khoản chi phí liệt kê trong sổ là dành cho các "nhân vật vô danh" vì không thể tiết lộ tên của họ.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 08 Tháng Sáu, 2008, 11:49:15 am
6 - JOSEPH FOUCHE CÔNG TƯỚC OTRANTE (1759 - 1820)
TRÙM MẬT VỤ TÀI NĂNG VÀ PHẢN PHÚC

(http://i249.photobucket.com/albums/gg228/maibennhau_07/fouche.jpg)

  Napoleon không bao giờ bắt đầu bất kỳ một chiến dịch nào mà không có trong tay những thông tin đầy đủ nhất về đối phương: về quân đội, về tiềm năng kinh tế và nhân lực, về các tướng lĩnh cũng như các thủ lĩnh của bên địch. Thế nhưng nhà vua lại không có một cơ quan phản gián hoạt động thường xuyên. Bởi theo đúng quy tắc thì cơ quan phản gián lại thuộc thẩm quyền người đứng đầu cảnh sát.
Người đầu tiên (và sau này cũng là người cuối cùng) điều hành bộ máy cảnh sát của Napoleon là Joseph Fouche, công tước Otrante. Đây là một nhân vật phức tạp, một loại người hai mặt, vừa là tên vô lại vừa là tên phản bội. Fouche luôn luôn thay đổi, vừa phản lại những người Jacobins nhảy sang ôm chân Napoleon đã lại sắp xếp những vụ tạo phản nhà vua để rồi lại tố cáo những âm mưu đó. Sau Fouche chuyển sang làm cho phe Bourbon, rồi lại mưu phản họ. Trong thời gian "100 ngày" ông ta ủng hộ nhà vua, lại phản, rồi lại ôm chân bọn Bourbon... Thật ngạc nhiên là nhà vua lại có thể chịu đựng được một kẻ như vậy bên mình. Thật ra mà nói, Fouche như một nhà tình báo và cũng là nhà phản gián đã phục vụ đắc lực cho nhà vua chống lại những vụ tạo phản của phái Jacobins trong nước và bọn Bảo hoàng lưu vong. Trong bản thông tri viết ngày 27 tháng 11 năm 1799 Fouche đã kịch liệt lên án bọn lưu vong, bọn người đã bị đất nước quê hương "tống cổ mãi mãi ra khỏi lòng mình".

  Tuy nhiên các cuộc tạo phản cũng như mưu sát thực hay hư đều không phải là do Fouche bịa đặt ra.

  Ngày 24 tháng 12 năm 1800 trên đường đi xem hát,  Napoleon bị tên Bảo hoàng Sen-Rezan mưu sát bằng cách cho nổ thùng thuốc súng đặt trên xe khiến bốn người bị thiệt mạng, khoảng sáu mươi người khác bị thương. Một loạt các sự kiện chứng minh rằng đó là "bàn tay" của bọn Bảo hoàng lưu vong, nhưng Bonaparte đã trút hết lên đầu những người Cộng hòa và cho trấn áp rất tàn bạo. Một số bà vợ, kể cả bà góa của những người Cộng hòa, trong đó có hai bà góa Marata và Babepha đã bị tống giam không qua xét xử. Fouche đã nắm bắt được "ý đồ" của nhà vua muốn trấn áp những người Cộng hòa và phái Jacobins. Vậy là năm người đã bị truy tố ở tòa án binh về tội tham gia vào một vụ tạo phản do cảnh sát bố trí sắp đặt và bị xử bắn, bốn người nữa bị chặt đầu sau đó và vài trăm người của phái Cộng hòa bị đầy ra đảo Guyam để sau này chỉ còn vài người sống sót trở về. Cảnh sát, tình báo và phản gián của Fouche hoạt động khắp nơi, thâm nhập cả vào quân đội, nơi cũng có không khí chống đối Napoleon...
 
  Mạng lưới điệp viên của Fouche luôn theo sát tướng Moro nổi tiếng của phái Cộng hòa đã khẳng định ông không liên can gì đến các vụ tạo phản. Mặc dù vậy, việc ông chủ động xin về hưu cũng đã thể hiện thái độ phản đối nhà độc tài rồi.

  Tổng chỉ huy cánh quân phía Tây, tướng Bernadotte không giấu giếm sự phẫn nộ của mình. Mật thám của Fouche không xác định được ông có tham gia tạo phản hay không nhưng để phòng xa, trưởng ban tham mưu Ximen và trợ lý Marbo của Bernadotte đều bị bắt giam.
Fouche còn phát hiện được một vài vụ mưu phản nhằm giết hại hoặc lôi kéo, ép Napoleon vào vụ đấu súng để trừ khử nhà vua. Vụ mưu phản quan trọng nhất trong số đó có sự tham gia của các tướng Domadie và Denma, đại tá Furie và nhiều sĩ quan khác. Denma trốn thoát, những người còn lại đều bị bắt giam.

  Bonaparte tìm mọi cách bưng bít không cho dân chúng biết về tất cả các vụ mưu phản trên. Nhà vua làm như vậy để Pháp và cả châu Âu tin rằng dân chúng hoàn toàn ủng hộ vô điều kiện chính sách của con người thiên tài đã tự mình khai thông đường lên ngai vàng.

  Trong hai năm 1800 - 1801, các phiên tòa đặc biệt được thiết lập khắp nơi để xét xử hai phái đối lập, Bảo hoàng và Cộng hòa.

  Thế nhưng hoạt động của bọn Bảo hoàng lưu vong vẫn không giảm sút vì chúng vẫn được người Anh nung nấu khát vọng trừ khử Napoleon nuôi dưỡng.

  Mùa xuân năm 1800, cảnh sát đã phát hiện bọn Bourbon có vũ trang âm mưu tấn công đoàn hộ tống Napoleon đi từ Paris đến Manmedon để bắt cóc ông. Fouche đã cử hai điệp viên tới đầu độc lãnh tụ phái Bourbon là Cadudan, song Cadudan rất sắc sảo và dễ dàng vạch trần bộ mặt của Fouche. Cả hai điệp viên đã bị treo cổ để cảnh báo răn dạy, còn bản thân Cadudan cảm nhận được mối hiểm họa đã bỏ chạy sang Anh tiếp tục tổ chức các vụ mưu phản khác.

  Cũng khoảng thời gian này hoàng đế Pavel đệ nhất, người hướng tới quan hệ giao hảo với Pháp, đã bị sát hại tại Peterburg. Tin đưa về tới Pháp. Cho rằng lực lượng mưu phản chủ yếu của vụ mưu sát nằm ở London, Napoleon tuyên bố ở Anh: "Bọn Anh đã mưu sát hụt ta ở Paris, nhưng lại trúng đích ở Peterburg!". Napoleon đã lệnh cho Fouche đẩy mạnh hoạt động chống lại Anh và bọn Bảo hoàng lưu vong và Fouche đã sốt sắng thực thi ý muốn của hoàng đế.

  Mạng lưới điệp viên của Fouche rộng khắp nước Pháp, thâm nhập vào cả xã hội Pháp. Điệp viên của Fouche có mặt ở mọi triều đình châu Âu, ở khắp các trung tâm những người lưu vong.

  Đấu tranh với phản gián Anh là chuyện không đơn giản và dễ dàng, trước hết là vì họ được tổ chức hết sức chặt chẽ và lại có nhiều tiền để hoạt động. Các quan chức cấp cao của Napoleon dễ dàng bán mọi thông tin quan trọng sống còn. Niềm tin vào quyền lực toàn năng vô hạn của đồng tiền cũng có lần làm hại người Anh. Viên toàn quyền người Anh tại triều đình Bavarơ ở Munchen đã mua được giám đốc bưu điện để được phép tiếp cận mọi thư tín của Pháp gửi tới. Thế nhưng viên toàn quyền Dray này đã làm tổn hại thanh danh của mình khi sử dụng một điệp viên của Fouche. Dray đã trả công hậu hĩnh cho mỗi thông tin mà thực tế chỉ là giả trong khi điệp viên được nhắc tới kia lại moi được những tư liệu mật, những lời tâm sự riêng tư mà Nappleon vội cho công bố ngay.

  Người Anh có hẳn một đội quân các điệp viên đánh thuê và thông tin từ khắp mọi miền châu Âu đổ cả về London. Các điệp viên tìm mọi phương kế chuyển tin. Cảnh sát của Fouche đã bắt và giải mã các bức thư toàn bằng nốt nhạc trông bề ngoài chỉ là một bản nhạc chép tay bình thường.

  Phản gián Anh sử dụng đủ kiểu mật mã. Trong kho lưu trữ còn giữ bản báo cáo mật của Fouche gửi Napoleon thông báo rằng theo tin tức cảnh sát có được thì phản gián Anh không còn dùng nốt nhạc và các thuật ngữ thực vật học nữa, mà đã thay thế bằng các thuật ngữ thuộc lĩnh vực sửa chữa đồng hồ, dịch vụ nội trợ và ẩm thực.

  Fouche đã có công bóc trần những âm mưu chống lại Napoleon.

  Dân lưu vong hung hăng nhất đã tập hợp ở Anh quanh bá tước Arthur, quận công Berrixki và ông hoàng Conde. Bá tước Charles Phillip Arthur là anh em của vua Louis 16 và Louis 18. Sau cách mạng ông ta đã cùng với những lãnh tụ sống sót của các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh chống lại nhân dân Pháp sang Anh ẩn náu và tích cực hoạt động chống lại Napoleon. Sau này ông trở thành vua Charles 10. Quận công Charles Ferdinan Berrixki là con trai thứ hai của ông. Ông hoàng Louis Joseph Conde thuộc dòng họ Bourbon đã bị lật đổ và đã cầm đầu đội quân những người lưu vong cùng phe đồng minh tấn công nước Pháp. Ủng hộ họ là tướng Pisegriu, một người Cộng hòa cũ, nổi tiếng bởi những chiến công hiển hách tại Hà Lan từ năm 1795, sau đó chuyển sang phái Bảo hoàng. Ông đã bị lưu đày sang một nước thuộc địa của Pháp và từ đó trốn được sang Anh.

  Bọn mưu phản có ý định lôi kéo Moro, tướng đã về hưu, một người chỉ thua có Napoleon về chiến tích quân sự, nhằm hòa giải Moro và Pisegriu vốn thù địch kèn cựa nhau lâu nay. Moro đồng ý hòa giải nhưng từ chối tham gia tạo phản.

  Mặc dù vậy đầu năm 1803, Cadudan cùng đồng bọn đã đệ trình lên bá tước Arthur một kế hoạch khác để mưu sát Napoleon với điều kiện nếu thành công thì trong thành phần chính phủ sẽ phải có cả hai tướng Moro và Pisegriu. Sau đó về phía lãnh đạo bên Bảo hoàng phải có bá tước Arthur hoặc quận công Berrixki.
 
  Mọi kế hoạch trên được vạch ra theo lời xúc xiểm của Mere de Latouche, một điệp viên của Fouche cài vào hàng ngũ đối phương, nhằm tiêu diệt tướng Moro, chụp lên đầu ông ta tội cầm đầu bọn tạo phản đồng thời giăng bẫy bắt các ông hoàng dòng Bourbon.

  Ngày 30 tháng 8 năm 1803, Cadudan cùng một vài lãnh tụ quân Bourbon có vũ trang đã bí mật tới Paris nhằm dấy lên vụ nổi loạn quân sự ở đây với sự trợ giúp của tướng Moro. Thấy rằng kế hoạch trên không thể thực thi được, họ quyết định tấn công Napoleon ngay ngoài phố với số quân ngang bằng đoàn hộ tống đức vua nhằm giết hoặc bắt cóc bằng được nhà vua. Một khi thành công bá tước Arthur và quận công Berrixki sẽ phải đổ bộ vào Pháp ngay lập tức.
 
  Song mọi tình tiết của cuộc mưu sát đều bị cảnh sát kiểm soát, Fouche nắm rõ từng bước tiến triển của kế hoạch, song cảnh sát đã không can thiệp từ trước nhằm bắt "quả tang tại trận" Moro và các ông hoàng.

  Cadudan vốn thận trọng cảnh giác hơn cả, hắn không bao giờ qua đêm hai lần ở cùng một ngôi nhà, vì vậy việc săn đuổi tên này phải kéo dài tới vài tháng. Được nhà vua chuẩn y, Fouche đã thành lập những đội quân cơ động sục sạo rà soát tất cả những nơi Cadudan có thể chui lủi lẩn trốn.

  Lúc này cảnh sát cũng đã có trong tay toàn bộ hồ sơ mật mang tên "Vùng đất bảo hoàng" chứa đựng hàng ngàn hồ sơ về những tên bảo hoàng đặc biệt nguy hiểm. Cho dù cảnh sát giữ bí mật tuyệt đối về chuyện đã biết trước vụ mưu phản song Fouche vẫn cứ ra lệnh bắt giam tra hỏi một vài tên Bảo hoàng có vũ trang đã tham gia vụ tạo phản. Buve de Lode, một tên trong số đó đã khai rằng ngày 28 tháng 1 năm 1804, Pisegriu đã tới Pháp gặp gỡ với Moro và Cadudan. Tướng Moro tuy rất cảm thông với những kẻ mưu phản, song vẫn từ chối giúp họ và thế là cuộc gặp gỡ đã không đưa lại kết quả gì, đường ai nấy đi.

  Một tên Bảo hoàng bị bắt khác đã chỉ ra những nơi ở bí mật của bọn cầm đầu. Tại một nơi trong số đó cảnh sát đã bắt được tên hầu của Cadudan và bị tra tấn hắn đã phải khai ra nơi có thể bắt được Cadudan. Cuối cùng tên này đã bị bắt, sau đó là Pisegriu.

  Mặc dù những người bị bắt đã minh oan cho Moro, song Bonaparte vẫn cho bắt giam ông như tòng phạm. Báo chí được dịp bôi nhọ ông.
Biết tin thất bại, cả bá tước Arthur lẫn quận công Berrixki đều không về Pháp.

  Những kẻ tạo phản đã bị truy tố. Cadudan chịu án tử hình bằng máy chém. Pisegriu thắt cổ tự vẫn trong xà lim (hoặc có thể bị treo cổ) trước phiên tòa. Quận công Enghenxki cũng bị xử bắn. Chỉ có tướng Moro được sống sót vì Bonaparte muốn tránh tiếng trả thù kình địch cũ và chỉ bị kết án hai năm tù giam mà sau đó Napoleon đã cho thay bằng án trục xuất. Moro đã sang Mỹ, mãi năm 1813 mới trở lại châu Âu và sau này đã gia nhập quân đội Nga. Tại trận đánh ở Dresden, một viên đại bác rơi trúng giữa tổng hành dinh của hoàng đế Alecxandre làm Moro bị giập nát cả hai đầu gối. Lúc hấp hối ông đã tự nguyền rủa mình: "Thế đấy! Ta, Moro, lại phải chết giữa lòng đối phương của Pháp vì đại bác của chính người Pháp, của đồng bào ta!"

  Việc phát hiện và trấn áp được vụ tạo phản mưu sát hoàng đế đã nâng cao uy tín của Fouche trong con mắt Napoleon. Đôi khi nhà vua có việc đi vắng, Fouche đã thực sự điều hành đất nước thay ông.

  Fouche tiếp tục lãnh đạo cả cảnh sát lẫn phản gián và đã thực thi cái gọi là "các biện pháp tích cực". Chẳng hạn như trong chiến dịch năm 1807, để đẩy cho Hungari đụng độ với Áo, Fouche đã cho tung vào Hungari những tờ báo chứng minh Áo và Anh đã lừa dân Hungari.
Ngay từ cuộc họp Nga-Pháp ở Erfort năm 1808 Fouche đã cùng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Talleyrand bí mật bày mưu tính kế chống lại hoàng đế. Trò này được họ thực thi mỗi khi họ cảm thấy số phận của nhà vua bị đe dọa. Mỗi lần như vậy họ tìm mọi cách để có thể tự mình thay thế nhà vua, cũng có lúc thay hoàng đế bằng một nhân vật khác hoặc nếu cần thì phế bỏ thậm chí nhanh chóng kết liễu số phận của hoàng đế để kịp tự cứu khi vương triều sụp đổ. Một trong những vụ dàn dựng tương tự là vào năm 1808, lúc Napoleon lên đường đến Tây Ban Nha. Khi ấy họ đã bí mật chuẩn bị một chính phủ mới mà về hình thức là do phò mã Murat đứng đầu, song thực quyền trong tay họ.

  Ngoại trưởng Áo đã thông báo vụ việc cho chính phủ mình, còn Napoleon thì nhận được những bức thư bắt được. Hoàng đế đã nổi cơn thịnh nộ về ngay Paris, nhưng cuối cùng những người mưu phản lại được... tha bổng. Chỉ có điều sức chịu đựng của hoàng đế có giới hạn, năm 1810 Napoleon cách chức Fouche, một con người nhanh trí, khôn khéo, am hiểu, biết nhiều và bổ nhiệm tướng Rene Xavary, quận công Rovigo, một người chậm chạp, ngây độn nhưng cần mẫn, lên thay thế.

  Việc thay đổi người đứng đầu cảnh sát tất nhiên không thể không ầm ĩ bê bối khiến Napoleon phải ra lệnh: "Ngài quận công Otrate, ông không còn cần cho tôi nữa. Trong vòng 24 tiếng ông phải thu xếp rời đến chỗ làm việc mới." Tướng Rene Xavary, bộ trưởng cảnh sát mới, được lệnh theo dõi sao cho Fouche nhanh chóng rời khỏi Pháp.

  Tuy vậy sự nghiệp của Fouche vẫn chưa kết thúc. Khi Napoleon bị lật đổ Fouche ngay lập tức trở lại chính trường. Chính phủ Bourbon đe dọa vị trí của ông. Để tự bảo vệ và khẳng định mình, Fouche, cũng giống như các chính trị gia khác, bắt đầu tấn công chính phủ. Sau khi không lọt được vào Thượng viện cũng như không được vua Louis 18 vời tới, Fouche đã tổ chức vụ đảo chính âm mưu đưa quận công Orleans lên ngôi. Vụ việc xảy ra cùng một lúc với vụ "100 ngày" của Napoleon. Hoàng đế đã chiến thắng và thế là Fouche vội tuyên bố thần phục trung thành với Ngài. Ông còn làm ra vẻ vụ việc đảo chính là vì hoàng đế. Đức vua lại bổ nhiệm ông đứng đầu cảnh sát như trước. Ngài muốn giữ Fouche bên mình để dễ bề theo dõi ông ta mà không biết đã "nuôi ong tay áo".

  Khi thoái vị Napoleon tuyên bố con trai mình là Napoleon Đệ nhị sẽ nối ngôi và trao lại chính quyền cho chính phủ lâm thời do Fouche đứng đầu, song Fouche lại nỗ lực tìm mọi cách vận động để dòng họ Bourbon được trở lại vương triều.

  Sau khi vương triều Bourbon được phục hồi Fouche ra sức chứng tỏ lòng trung thành của mình với đức vua Louis 18 bằng cách cần mẫn truy lùng những người theo Napoleon trước đây và đã có "sáng kiến" công bố danh sách năm mươi bảy nhân vật bị thất sủng để truy lùng.

  Ngày 6 tháng 7 năm 1815 vua Louis 18 thành lập nội các mới, bổ nhiệm Fouche làm bộ trưởng cảnh sát và đã hình thành cái gọi là "Bộ Talleyrand-Fouche".

  Ngày 8 tháng 7, Louis 18 "cầm đầu đoàn quân Anh-Phổ" tiến vào Paris với "một bên là tội phạm, một bên là tệ nạn". Đó là nhận định về Fouche và Talleyrand của nhà sử học, nhà văn và chính trị gia Chateaubriand.

  Phái Bảo hoàng rất phẫn nộ trước việc "tên giết vua" Fouche lại được ngồi họp ở Hội đồng bộ trưởng. Rất nhiều người chống đối và chỉ sau hai tháng nhà vua buộc phải cách chức Fouche. Ngày 19 tháng 9, ông ta được cử làm đặc phái viên tại triều đình Dresden - "một cuộc đi đày trong danh dự".

  Ông ngồi viết hồi ký, nhưng đã không viết xong. Ngày 26 tháng 12 năm 1820, Fouche qua đời tại Trieste ở tuổi sáu m¬ươi hai.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 09 Tháng Sáu, 2008, 06:06:55 pm
7 - CARL SULMASTER (1770 - 1853)
ĐIỆP VIÊN - GIÁN ĐIỆP VĨ ĐẠI CỦA NAPOLEON



  Đây là một trong những nhân vật nổi bật nhất trong lịch sử ngành tình báo thế giới. Các nhà nghiên cứu đánh giá ông là "điệp viên - gián điệp vĩ đại của hoàng đế Napoleon, người có thể được mệnh danh là "Napoleon của ngành tình báo". Trong cuốn sách Kí sự mật vụ xuất bản ở London năm 1938 của mình, sử gia tình báo R. Rouan viết: "Hơn một trăm hai mươi lăm năm đã trôi qua kể từ khi hoạt động của Sulmaster chấm dứt, nhưng trong suốt cả thời kì huy hoàng đó của lịch sử châu Âu không hề xuất hiện thêm một điệp viên quả cảm và can đảm hơn Sulmaster. Hết sức bạo gan, như chính bản thân Bonaparte, con người ông là sự kết hợp của tính trí xảo, thói vô sỉ, đểu giả - tức là những đặc tính cố hữu của tất cả gián điệp mật vụ tầm cỡ, với những phẩm chất đặc thù như sức bền bỉ của thể chất, sự năng động, dũng cảm, thông minh kèm tính cách hóm hỉnh, khôi hài".

  Ông sinh năm 1770 tại vùng Elzasa giáp biên giới Đức trong gia đình một mục sư giáo phái Luther. Do vậy tiếng Pháp và tiếng Đức với ông đều là tiếng mẹ đẻ, thậm chí cả tiếng Hungari. Điều này có được do ảnh hưởng của bà mẹ ông là người luôn coi mình là hậu duệ của một dòng họ danh tiếng và cổ xưa của Hungari. Sinh thời, Sulmaster cũng luôn khẳng định nguồn gốc quý tộc của mình nhưng toàn bằng giấy tờ giả.
 
  Carl thừa hưởng từ mẹ tính nhã nhặn, thanh lịch, phù hợp với "nguồn gốc quý tộc" của ông. Ông thích nổi bật ngoài xã hội, ẩu đả rất hăng và lúc nào cũng phải là người đứng đầu. Cũng vì lẽ đó mà ông đã tìm những thầy dạy khiêu vũ giỏi nhất châu Âu để theo học. Tài khiêu vũ về sau này khiến ông thành công trong xã hội thượng lưu.

  Nhưng cuộc sống nơi tỉnh lẻ tuần tự trôi qua. Đến tuổi trưởng thành, cha mẹ tìm cho ông một cô vợ người trong vùng và bắt đầu kinh doanh thực phẩm, sắt thép. Thu nhập chủ yếu của Carl có được từ buôn lậu. Điều đó lí giải thái độ miệt thị của ông đối với pháp luật. Những đồng tiền đầu tiên ông kiếm được năm mười bảy tuổi là từ buôn lậu và ông không coi thường công việc này ngay cả khi đã trở nên giàu có, thành một quý ông sang trọng. Ông chẳng bao giờ hổ thẹn khi thú nhận điều này mà thậm chí còn nói thêm rằng công việc buôn lậu đòi hỏi lòng dũng cảm đặc biệt và tinh thần hết sức rắn rỏi. Nó không chỉ mang lại cho ông sự thỏa mãn về vật chất mà cả những giá trị đạo đức tinh thần.

  Cuộc cách mạng 1789 đã thu hút không chỉ các chiến sĩ đấu tranh cho tự do đến Paris, mà cả rất nhiều những kẻ phiêu lưu, những tên đầu cơ, vô số những hạng đểu giả vô lại khác. Trong số họ có Sulmaster.
 
  Ban đầu, với một nghề phi pháp nào đó ông làm chỉ điểm của cảnh sát. Nhưng các "chiến công" thời kì này của ông không được lịch sử nhắc đến.

  Chỉ biết rằng vào năm 1799 bằng cách nào đó ông làm quen được với đại tá Xavary, công tước Rovigo tương lai, viên tướng, nhà ngoại giao, người lãnh đạo cơ quan tình báo và bộ trưởng cảnh sát. Tình bạn kì lạ này đã đơm hoa kết trái.

  Năm 1804, Xavary, lúc này đã lên tướng và là người thân cận với Napoleon, nhớ đến những biệt tài của "ông bạn" mình đã quyết định giao cho ông tiến hành chiến dịch được coi là một trong những "chiến công" khả nghi và đáng ghê tởm nhất của cơ quan mật vụ của Napoleon.

  Công tước Enghienski là một trong những đại diện cuối cùng của dòng tộc Kapenting (Bourbon là một nhánh đằng ngoại của dòng tộc này). Sau cách mạng Pháp ông này di cư sang một trong các lãnh địa nhỏ thuộc nước Đức là Badena. Và mặc dù thời đó người Anh và phái Bảo hoàng bày đặt nhiều âm mưu chống Napoleon, nhưng công tước Enghienski sống rất khiêm tốn với khoản tiền trợ cấp của người Anh và không tham gia vào các hoạt động chống Napoleon. Nhưng Napoleon đã quyết định cho phái Bảo hoàng một bài học bằng cách hãm hại và xử tử một người trong số đó để làm cho tất cả phải khiếp hãi. Công tước Enghienski lúc này đang ở thành phố nhỏ Ettinheima, sống những ngày vô công rồi nghề và theo đuổi các cuộc phiêu lưu tình ái. Sulmaster đã lợi dụng điểm yếu này của vị công tước. Ông bắt cóc người đàn bà trẻ mà công tước say mê mang đến thành phố Belfor ở giáp biên giới. Công tước biết điều đó, ít lâu sau lại nhận được lá thư của người tình do Sulmaster làm giả cầu khẩn công tước hãy đến cứu nàng. Công tước vội lao bổ đến nơi người tình kêu gọi, hi vọng mua chuộc được lính canh và giải thoát cho nàng. Sulmaster chỉ chờ có vậy. Công tước Enghienski vừa vượt qua biên giới liền bị người của Sulmaster bắt giữ luôn và đưa thẳng về Paris, bị xét xử và xử bắn ngay trong đêm tại rừng Vensenski. Khi hành quyết người ta còn bắt ông này cầm một cây đèn trong tay để tiện cho việc ngắm đúng mục tiêu.

  Nhờ thành công trong chiến dịch này, Sulmaster được thưởng ba mươi nghìn dollar - số tiền rất lớn thời bấy giờ. Mọi việc diễn ra nhanh đến mức cho phép Napoleon sau này khẳng định rằng hoàng đế không biết gì về vụ hành quyết. Sự kiện đáng buồn này sẽ đóng vai trò rất lớn về sau trong lịch sử.

  Một năm sau vụ bắn công tước Enghienski, Xavary tiến cử điệp viên đáng tin cậy của mình với Napoleon bằng những lời như sau: "Đây, tâu bệ hạ, là con người được làm ra hoàn toàn từ óc, không có trái tim". Napoleon mỉm cười khoan khoái nhưng không tặng thưởng thêm huân chương cho Sulmaster, mà ông thì rất ao ước có một chiếc huân chương Bắc đẩu Bội tinh.
 
  Napoleon có thái độ riêng đối với các nhà tình báo và gián điệp. Ông nói: "Gián điệp là kẻ phản bội hiển nhiên" và không đưa công lao phục vụ của họ cùng hàng với công lao của các sĩ quan và tướng lĩnh.

  Cũng trong năm đó, năm 1805, chiến dịch của Napoleon chống Áo và Nga mở màn. Đó là chiến dịch không thành công bao nhiêu đối với quân đội cả hai nước thì lại hiển hách bấy nhiêu đối với quân đội của Napoleon. Và có thể nói không quá rằng Napoleon có được thành công như vậy phần lớn nhờ vào điệp viên khiêm tốn Sulmaster của ông. Các sử gia ngạc nhiên với bản kế hoạch của chiến dịch 1805 mà Napoleon vạch ra tại Boulogne sau vụ phá sản của cuộc đổ bộ vào Anh và sau thất bại của hạm đội hải quân trong trận chiến Trafalgarski.

  Sử gia nổi tiếng Segur viết: "Vị hoàng đế thiên tài đã vượt qua được tất cả: thời gian, không gian và những chướng ngại có thể, đã dự kiến tất cả những điều có thể xảy ra trong tương lai. Với khả năng dự đoán tương lai một cách chính xác như vậy, với trí nhớ tuyệt vời như vậy, từ Boulogne ông đã nhìn thấy trước được các sự kiện chủ yếu của cuộc chiến tranh trước mắt, ngày tháng và những hậu quả kết cục của nó, chẳng khác nào ông viết lại từ hồi ức chỉ một tháng sau khi xảy ra các sự kiện đó vậy".

  Napoleon biết rằng tất cả mọi hi vọng của quân Áo vào thành công của cuộc chiến tranh sắp tới dựa trên kinh nghiệm và uy tín của tướng Mak - tổng chỉ huy quân đội Áo. Đó là một con người đặc biệt. Là một viên thống soái kém tài, năm 1800 đã chịu thất bại trong trận chiến chống quân Pháp, ông ta có tư tưởng phục thù điên cuồng vì những thất bại của mình. Là người suy nghĩ hẹp hòi và một chiều, theo chủ nghĩa quân chủ cực đoan, ông ta không thể hiểu nổi tại sao người Pháp lại nhìn thấy một anh hùng và thiên tài trong cái gã không tổ quốc - "cái kẻ tiếm ngôi người xứ Corse" đó (Napoleon là người đảo Corse).

  Khá lâu trước khi bắt đầu chiến dịch năm 1805, trong nhóm người thân cận của tướng Mak xuất hiện một chàng trai trẻ thuộc dòng dõi quý tộc Hungari, bị Napoleon trục xuất khỏi nước Pháp vì nghi là làm gián điệp cho Anh. Có thể đoán ngay được "nhà quý tộc Hungari" chính là Sulmaster. "Thư kí", người tin cẩn của ông ta là một nhân vật Ripmann nào đó. Nếu Sulmaster là linh hồn và bộ não của chiến dịch tình báo này, thì Ripmann là hệ thần kinh của nó - ông ta là người tổ chức đường liên lạc bảo mật liên tục với bộ tổng hành dinh của Napoleon. Cho đến nay người ta vẫn còn chưa giải đáp được bằng cách nào mà ông ta có thể chuyển những bí mật do Sulmaster khai thác được không phải trong vòng vài ngày mà phải nói là chỉ trong vài giờ về được nước Pháp cho tổng hành dinh.

  Trong một buổi dạ hội quý tộc, "nhà quý tộc Hungari" "tình cờ" gặp tướng Mak. Viên tướng lập tức bị quyến rũ. Hóa ra họ có những quan điểm hoàn toàn trùng hợp. Cả nhà quý tộc lẫn vị tướng đều căm ghét Napoleon thậm tệ, coi ông là kẻ tiếm quyền đoạt vị, một tên lính tẩy bất tài vô dụng chẳng qua chỉ may mắn gặp thời mà thôi.

  Sulmaster chia sẻ với Mak tất cả mọi chuyện mà ông biết về nước Pháp. Mak hết sức kinh ngạc về những tin tức mang tính chất quân sự và chính trị do Sulmaster cung cấp. Ngoài ra ông ta còn bị lừa vì những thông tin đó lại trùng với suy nghĩ của chính bản thân ông ta. Mak giới thiệu người bạn mới của mình vào câu lạc bộ sĩ quan đặc quyền của thành Vienna, phong hàm sĩ quan cho ông ta và đưa vào biên chế bộ tổng tham mưu của mình. Sulmaster còn khả ái đến mức được Mak chỉ định làm... giám đốc cơ quan tình báo quân sự của Áo!
Như vậy từ trước khi chiến tranh nổ ra, Sulmaster, mà thông qua ông là cả Napoleon, đã biết hết các kế hoạch của những đối thủ tương lai của mình. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng tầm nhìn xa trông rộng của Napoleon không chỉ dựa trên những báo cáo của Sulmaster, nhưng những báo cáo đó quả thật đã đóng một vai trò không nhỏ chút nào.

  Khi chiến tranh xảy ra, Mak, cùng với ông ta là Sulmaster và viên "thư kí" Ripmann đều có mặt trong quân đội tác chiến, nhà tình báo Pháp đã khéo léo thông báo cho Napoleon nhất cử nhất động và mọi ý đồ của quân Áo.

  Sulmaster nhận từ bộ tổng tham mưu Pháp không ít tiền bạc và hào phóng chia sẻ với các gián điệp làm việc cho mình. Ông không chỉ thu thập và chuyển cho người Pháp những bí mật của quân đội Áo. Trên cương vị giám đốc cơ quan tình báo của Áo, ông đã "khai thác" và cung cấp cho Mak và ban tham mưu của ông này những thông tin bóp méo sai lạc về các hoạt động và ý đồ của Napoleon. Để làm cho các bản báo cáo có thêm sức nặng và có vẻ đáng tin cậy, ông đã mua chuộc hai sĩ quan tham mưu là Vendt và Rulski cẩn thận kiện toàn thêm cho thông tin sai lạc đó bằng những bản báo cáo làm ra vẻ là khai thác được từ các điệp viên của họ.

  Mak thích mọi chuyện ở nước Pháp và trong quân đội Pháp phải tồi tệ. Ông ta hài lòng và tin tưởng tiếp nhận bất cứ thông tin nào về các mối hiềm khích bất hòa trong dân Pháp, về sự gia tăng tinh thần bất mãn trong binh lính Pháp, về những lộn xộn trong đời sống dân sự và nói chung là về tất thảy những chuyện không hay bất kì diễn ra ở hậu phương của Napoleon. Ông ta nóng lòng chờ đợi thời điểm khi Napoleon, nhà nước và quân đội của ông tự thân sụp đổ.

  Sulmaster đã khiến ông này mãn nguyện khi cung cấp những bức thư "bắt được" từ những kẻ "bất mãn" trong quân đội Pháp.

  Hơn nữa - còn có một trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử, đặc biệt dành riêng cho Mak theo ý đồ của Napoleon,  trong một ấn phẩm báo xuất bản ở Pháp, mỗi số đều có những bài báo khẳng định nguồn tin của Sulmaster về tình trạng nghèo đói của nước Pháp và trong quân đội Pháp. Sulmaster làm như khó khăn lắm mới kiếm được những tờ báo này và trao cho Mak cả tin. Ông này thì lại quá tự tin vào những điều bản thân muốn tin!

  Sulmaster khẳng định rằng nước Pháp đang có nguy cơ dấy loạn và Napoleon buộc phải căng quân của mình đến tận biên giới sông Rein. Tin chắc vào điều này, Mak chỉ huy đội quân ba mươi nghìn người rời bỏ thành phố chiến lược quan trọng Ulm để đuổi theo đạo quân của nguyên soái Nei. Thông qua Sulmaster, nắm chắc ý định của Mak, Napoleon thực hiện một số thủ đoạn nghi binh phức tạp khiến rốt cục Mak rơi vào bẫy. Đạo quân của Mak quay trở về Ulm, chịu cảnh thiếu thốn lương thực trầm trọng. Mak chỉ còn trông cậy vào viện quân Nga. Nhưng khi biết rằng quân Nga còn ở quá xa, ông ta suy sụp, không còn dũng khí, quyết định mang ba mươi ba nghìn quân ra hàng cùng với sáu mươi khẩu đại bác và bốn mươi lá cờ. Sự kiện xảy ra ngày 20 tháng 10 năm 1805. Đội quân Áo một trăm nghìn người tan rã trong vòng ba tuần lễ.

  Sulmaster bị bắt làm tù binh cùng với tướng Mak. Nhưng ông đã thực hiện thành công "vụ trốn thoát kì lạ", "bí mật" vượt phòng tuyến mặt trận và trở về. Trong khi "Mak đáng thương" bị hành hạ trong cảnh tù đày thì Sulmaster đã kịp khôi phục lòng tin vào bản thân và lại ở trung tâm các sự kiện. Ông đã tổ chức một vài cuộc họp quân sự bí mật có sự tham gia chủ tọa lần lượt của sa hoàng Nga và hoàng đế Áo. Ông thậm chí còn phát biểu trong các cuộc họp này và thuyết phục được các thành viên nghiêm túc lắng nghe và xem xét các kiến giải cũng như những kế hoạch dường như nhất định sẽ làm chuyển biến tình hình theo hướng có lợi cho quân đồng minh. Sử dụng tài liệu giả, ông làm họ rối trí.

  Nhưng tại Vienna từ đầu tháng 11 năm 1805 có những tin đồn tố cáo Sulmaster, thậm chí đã có lệnh bắt giữ ông. Cùng bị bắt với ông có cả viên trợ lí trung thành là Ripmann. Giả sử quân Áo giữ được Vienna, Sulmaster có lẽ đã bị truy tố, xét xử và kết án tử hình. Nhưng quân Pháp đã tấn công kịp thời. Hoàng đế Frans II rời bỏ kinh thành. Sulmaster và Ripmann được giải thoát khỏi nhà tù.

  Sulmaster được Napoleon tặng thưởng một khoản tài sản không lớn. Ông khoe khoang rằng cũng đã nhận được chừng đó từ tay người Áo cho công lao của mình.




Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 09 Tháng Sáu, 2008, 06:07:25 pm
  Nhưng phải thành thật công nhận rằng Napoleon đã đánh giá không đúng mức những công trạng của nhà tình báo của mình. Ông đã ban thưởng cả chức tước, bổng lộc, trang ấp và những đặc quyền này nọ cho các tướng lĩnh, những tay phiêu lưu các loại có công trạng kém hơn Sulmaster nhiều lần. Một người bạn thân thiết của Sulmaster là tướng Lassal đã thử tìm cách thuyết phục Napoleon ban thưởng cho Sulmaster huân chương Bắc đẩu Bội tinh. Trở về sau cuộc tiếp kiến hoàng đế, ông này kể với Sulmaster rằng hoàng đế nhất quyết từ chối và nói rằng đối với một gián điệp, vàng là phần thưởng duy nhất thích hợp.

  Nhận thấy ác cảm của hoàng đế đối với các "gián điệp", Sulmaster đã hết sức nỗ lực thể hiện bản thân mình trong lĩnh vực hoạt động quân sự.

  Ông thực sự là một chiến binh dũng cảm, năng động. Chỉ với mười ba kị binh nhẹ, ông đã tiến công và chiếm thành phố Vismar của Đức. Trong trận đánh ở ngoại ô Landsgut, Sulmaster đã chỉ huy một đội quân tấn công cầu qua sông Izar và ngăn cản quân địch đốt cầu.

  Thực hiện nhiệm vụ do Xavary, lúc này đã trở thành bộ trưởng cảnh sát, giao phó, Sulmaster đến Strasburg, nơi dân chúng đang sôi sục bất bình. Không lâu sau những làn sóng công phẫn đã biến thành cuộc bạo loạn thực sự. Trước sự chứng kiến của đám đông đang nổi cơn khùng điên, giận dữ và không phải là không có vũ trang, Sulmaster chỉ bằng một phát đạn duy nhất đã hạ gục người cầm đầu và dẹp yên được những kẻ nổi loạn.

  Sulmaster đã bị thương mấy lần trong các trận đánh. Đặc biệt là tại trận diễn ra ở ngoại ô Fridland, ông đã bị bắn trọng thương.

  Ngày 27 tháng 9 năm 1808, hội nghị Erfurt, nơi gặp gỡ của Napoleon và sa hoàng Alecxandr với sự hiện diện của một số vị quân vương các lãnh địa Đức, khai mạc. Napoleon đặt ra nhiệm vụ phải thu hút sự quan tâm, làm sửng sốt và lóa mắt sa hoàng Nga. Ông mang theo mình tất cả những gì tuyệt vời nhất, gồm có cả toàn bộ nữ diễn viên đoàn hài kịch Pháp, đội cận vệ và các cận thần.

  Sulmaster với sự tiến cử của Xavary được chỉ định làm giám đốc Cơ quan mật vụ Pháp. Ông còn là người đã có công chặn đứng được một vụ mưu sát Napoleon do một sinh viên người Đức thực hiện. Các nhân viên mật thám của Sulmaster không muốn làm ầm ĩ chuyện này nên đã sắp xếp để anh chàng sinh viên tự động từ bỏ ý định.

  Nhưng nhiệm vụ chủ yếu của Sulmaster lại khác. Như chính ông viết cho Xavary, mỗi buổi sáng hoàng đế giao cho ông công việc đầu tiên là tìm hiểu hai vấn đề: đêm qua Goethe đã gặp gỡ với ai (Napoleon có thái độ rất ghen tuông đối với nhà thơ vĩ đại này và đang tìm cách chiếm được tình cảm bạn bè và sự tin cậy của ông) và sa hoàng qua đêm với ai. Hóa ra những phụ nữ khả ái vệ tinh của Alecxandr (trong số đó chủ yếu là các diễn viên đoàn hài kịch Pháp) đều là do thám của giám đốc cơ quan mật vụ Pháp Sulmaster. Họ thông báo cho ông biết tâm trạng và những lời nói của sa hoàng Alecxandr Đệ nhất. Nhìn chung, Sulmaster đã lọt mắt hoàng đế của mình.

  Năm 1809 bắt đầu chiến dịch tấn công nước Áo mới của Napoleon. Tháng 5 năm đó, trong khi truy kích quân Áo tháo chạy, Napoleon đã gần như không phải đánh đấm gì cả đã chiếm được thủ đô của Áo. Lần này Sulmaster xuất hiện trong vai trò mới, không phải khoác chiếc mặt nạ là một nhà quý tộc Hungari nữa. Ông được chỉ định làm thanh tra cảnh sát, đồng thời là người kiểm duyệt báo chí, hoạt động sân khấu, xuất bản và các cơ quan tôn giáo. Trên cương vị công tác mới này, ông được kính trọng thực sự. Ông đã thể hiện bản thân là một nhà khai sáng thực thụ, luôn cố gắng truyền bá trong các dân tộc Áo và Hung tác phẩm của Volter, Monteskier, Goldbach, Didero, Helvesia - những tác giả trước thời kì này bị cấm xuất bản ở đây.

  Kade De Gasicur, thày thuốc của Napoleon đã để lại hồi kí của mình có đoạn kể về Sulmaster thời kì ở Vienna như sau:  "Sáng nay tôi vừa gặp thanh tra cảnh sát tư pháp ở Vienna. Đó là một người gan dạ, có tinh thần kiên định và sáng suốt đến kinh ngạc. Tôi tò mò nhìn ông, con người gắn với hàng nghìn câu chuyện kể kì lạ. Một mình ông tác động đến dân chúng thành Vienna mạnh mẽ ngang với cả một quân đoàn. Bề ngoài của ông cũng tương xứng với thanh danh ông. Ông có đôi mắt sáng lấp lánh, cái nhìn thấu suốt, nét mặt khắc nghiệt và cương nghị, động tác mạnh mẽ, dứt khoát, giọng nói mạnh và vang; tầm vóc trung bình, rắn chắc, đậm người; khí chất sôi nổi, dễ nổi nóng. Ông hoàn toàn nắm chắc các công việc của người Áo và biết rõ tất cả những nhà hoạt động nổi bật nhất của nước Áo. Trên trán ông có những vết sẹo sâu chứng tỏ ông không quen bỏ chạy trong phút nguy cấp. Mặt khác ông lại cũng là người nhân hậu: nhận hai trẻ mồ côi làm con nuôi. Tôi trò chuyện một lát với ông về "Các nữ tu" và cám ơn vì ông đã cho chúng tôi cơ hội được thưởng thức vở kịch đó".

  Sau thời kì ở Vienna, một dạo Sulmaster còn là tổng thanh tra quân nhu của quân đội hoàng gia khi hành quân. Nhưng chẳng bao lâu sau ông từ bỏ vị trí béo bở đó và trở về với hoạt động tình báo.

  Công lao của Sulmaster so sánh với các sủng thần của Napoleon tuy được đền đáp có thể hơi khiêm tốn nhưng không phải là tồi. Ông trở nên giàu có, mua lâu đài tráng lệ Meino ở Elzas, năm 1807 lại mua lâu đài thứ hai ở gần Paris. Cả hai tòa lâu đài tính theo giá hiện nay phải trên nửa triệu dollar. Và ông lại tiếp tục buôn lậu.

  Nhưng sự đi lên trong cuộc đời và sự nghiệp của ông đột ngột gãy đứt nửa chừng vào năm 1810, khi ông vừa được bốn mươi tuổi. Năm đó Napoleon kết hôn với Maria Louisa, công chúa Áo. Hoàng hậu mới đến Paris mang theo ảnh hưởng mạnh mẽ của nước Áo. Người ta nhớ đến hoạt động chống nước Áo của Sulmaster những năm chiến tranh, và ông buộc phải từ chức.

  Ông trở về lâu đài Meino của mình, sống thoải mái, nhàn tản nhưng vẫn không chia tay với nghề buôn lậu, là một ông chủ vui tính, hiếu khách, làm từ thiện, chiếm được tình cảm và lòng kính trọng của các đồng bào mình.

  Người Áo tức giận tên gián điệp đã làm ô danh thống soái Mak của họ nên khi quân đội tiến vào Elzas, cả một trung đoàn pháo binh đã được cử riêng đến trút đạn và tàn phá trang ấp của Sulmaster.

  Trong thời gian cuộc chiến tranh Một trăm ngày (20 tháng 3 - 18 tháng 6 năm 1815) Sulmaster quên giận dỗi, lại quay trở về với Napoleon. Sau khi hoàng đế bị phế truất, ông cũng bị bắt và thoát ra nhờ trả khoản tiền chuộc rất lớn. Vì vậy Sulmaster trở nên khánh kiệt và buộc phải xoay sang đầu cơ chứng khoán, nghề không phải sở trường nên lần này ông hết sạch tiền.

  Ông sống đến năm 1853, là chủ của một cửa hàng thuốc lá khiêm nhường. Đôi khi ông kể cho các khách quen nghe về những cuộc phiêu lưu của mình nhưng nghe chuyện của ông già họ chỉ cười không tin. Sự nghi ngờ đó đã bị xóa tan khi vào năm 1850 thái tử Louis Napoleon, về sau là hoàng đế Napoleon III, và sau nữa là tổng thống Pháp trong chuyến đi khắp đất nước đã tìm thấy nhà tình báo huyền thoại và đã bắt tay ông trước sự chứng kiến của những người hàng xóm.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 10 Tháng Sáu, 2008, 07:03:22 pm
8 - ALECXANDR CHERNƯSEV (1785 - 1857)
CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN VINH QUANG



  Nhân lễ đăng quang của Sa hoàng hai mươi bốn tuổi Alecxandr Đệ nhất vào năm 1801, giới quý tộc Moscva đã tổ chức lễ hội tưng bừng. Trong vũ hội người ta nhảy điệu ekoses, là điệu nhảy trong đó đàn ông xếp hàng một bên, phụ nữ xếp hàng một bên. Đứng bên cạnh hoàng đế là chàng quản cơ mười sáu tuổi, con trai một viên tướng pháo binh, nghị sĩ nguyên lão viện. Họ trao đổi mấy câu, rồi sau đó chuyện trò cả tiếng đồng hồ.  Sa hoàng trẻ tuổi rất thích cậu thanh niên. Ngài lưu ý ghi nhớ đến cậu ta và phong cấp thiếu tá phục vụ trong  trung đoàn Kavalergard.

  Hai năm sau Chernưsev được thăng cấp đại tá và lần đầu tiên ra mặt trận. Trong trận Austerlis chàng được tặng thưởng huân chương chữ thập Thánh Vladimir cấp 4 có dải băng, còn trong trận Fridlanski là huân chương chữ thập Thánh Georgi cấp 4 và một thanh kiếm vàng.

  Tháng 2 năm 1808, Alecxandr phái Alecxandr Chernưsev mang thư riêng đến cho Napoleon. Khi nhận thư, hoàng đế Pháp hỏi sứ giả của sa hoàng mấy câu. Chernưsev trả lời bạo dạn và thông minh với sự chứng kiến của cả đại sứ Nga là hoàng thân Curakin khiến ông này cũng lấy làm thán phục. Cuộc tiếp kiến diễn ra hơn một giờ đồng hồ liền.

  Chernưsev thuật lại cuộc chuyện trò với Napoleon cho sa hoàng nghe. Hoàng đế cười lớn, rất chú ý đến những nhận xét sắc sảo, chính xác và thú vị của Chernưsev. Tháng 3 năm 1809, nhà vua lại ủy nhiệm Chernưsev làm đại điện riêng của mình tại đại bản doanh của Napoleon trong thời gian xảy ra cuộc giao tranh của quân Pháp chống Áo và Phổ. Năm 1810, Chernưsev thường xuyên có mặt trong triều đình của hoàng đế Napoleon.

  Cuộc sống của Chernưsev thoạt nhìn có vẻ vô tư, nông nổi trong giới quý tộc, nhưng thực ra chàng đang làm nhiệm vụ vì sa hoàng. Chàng là một trong bảy "điệp viên quân sự" đầu tiên được bộ trưởng quốc phòng Barklaem-De-Tolli phái sang thủ đô các quốc gia châu Âu với tư cách nhân viên của "Phòng lãnh sự đặc biệt" - là cơ quan chuyên môn của tình báo quân sự Nga. Chernưsev và những người khác có những nhiệm vụ sau: trong lĩnh vực tình báo chiến lược, phải khai thác được các thông tin chiến lược quan trọng; trong lĩnh vực tình báo chiến thuật nghiệp vụ - khai thác thông tin về tình hình các đạo quân của đối phương trên biên giới Nga; trong lĩnh vực phản gián - phát giác và vô hiệu hóa hoạt động cơ quan gián điệp của Napoleon. Đồng thời cũng cần thu thập tin về tinh thần trong quân đội và trong dân chúng, về các khả năng, phẩm chất và khiếm khuyết của các vị tướng xuất sắc nhất, "về các nguồn lực bên trong của các cường quốc, về các phương tiện để tiếp tục chiến tranh và các cuộc điều quân nhằm mục đích phòng thủ hay tấn công".

  Các báo cáo đầu tiên của Chernưsev đến vào đầu tháng 8 năm 1810, và không có gì lạ là Napoleon trở thành nguồn cung cấp thông tin đầu tiên. Đó là kết quả thu được từ chính những cuộc chuyện trò kéo dài với Chernưsev trong hoàn cảnh không chính thức, khi hoàng đế không hề ngờ vực  nói cả về những chuyện bí mật nhất. Quan hệ thân tình của viên đại tá Nga với Napoleon không phải là điều bí mật với mọi người xung quanh. Điều đó khiến vai trò, sức nặng của chàng trong xã hội quý tộc tăng lên và cho phép mở rộng phạm vi các cuộc làm quen có lợi. Nhưng Chernưsev giành được vinh quang và tình cảm của cả Paris chỉ sau vụ cháy nổi tiếng năm 1810 tại nhà sứ thần nước Áo.

  Ngọn lửa từ một cây nến bắt vào tấm rèm đúng lúc tất cả các vị khách say sưa khiêu vũ. Lập tức các đồ gỗ bốc cháy, ngọn lửa liếm vào các bức tường, vào váy áo mỏng nhẹ của các quý bà. Bắt đầu một cơn hoảng loạn, trong ngọn lửa điên cuồng có hàng chục người chết là những tinh hoa của các hội thượng lưu. Khi ấy có một sĩ quan nhảy lên bệ cửa sổ, giọng chàng sang sảng đầy uy quyền buộc mọi người trấn tĩnh, không chen lấn giẫm đạp nhau. Ngay tại chỗ, chàng tổ chức một nhóm người cứu hộ can đảm xông vào lửa lôi những con người đang kêu gào tuyệt vọng ra. Bản thân vị anh hùng đó đã đưa được hai phụ nữ thoát khỏi ngọn lửa. Đó là Carolina Murat và Polina Borgeze - chị em với hoàng đế Napoleon. Vị anh hùng đó chính là Alecxandr Chernưsev. Sáng ngày hôm sau, lời ngợi ca chàng đã bay khắp Paris. Người ta thậm chí còn gọi chàng là "vị tiểu hoàng đế của Paris". Trong xã hội không ai là người không ao ước được làm quen với vị anh hùng thông minh, điển trai, can đảm, "người yêu quý của cả hai vị hoàng đế".

  Trong một khoảng thời gian ngắn, Chernưsev đã thiết lập được một mạng lưới hoàn chỉnh các thông tin viên trong giới quan chức chính phủ và quân nhân của nước Pháp. Đó không chỉ là những "bè bạn theo kiểu Platon" (nghĩa là kết thân hoàn toàn vô tư, không vụ lợi), khá nhiều người trong số này được mua chuộc bằng tiền bạc, và có cả những nông dân mà chàng lôi kéo được về sau này.

  Trong số các gián điệp hoạt động cho Chernưsev có nhân viên Bộ Quốc phòng Pháp tên là Michel. Ông này thuộc nhóm các sĩ quan hai lần trong tháng tổng hợp cái gọi là "Bản tin vắn" - báo cáo về tình hình quân số và bố trí quân của các lực lượng vũ trang Pháp. Báo cáo này chỉ được lập một bản duy nhất để trình lên đích thân hoàng đế Napoleon. Nhưng Michel đã kiếm tiền thêm bằng cách sao cho Chernưsev một bản. Một tuần sau bản sao đó được một tùy phái viên đặc biệt mang về trình Alecxandr Đệ nhất. "Tại sao ta lại không có thêm nhiều vị bộ trưởng như chàng trai trẻ này nhỉ!" - có lần sa hoàng đã viết như vậy bên lề một bản báo cáo do Chernưsev gửi về.
Một người tình khác trong giới thượng lưu của Chernưsev là cô Polina Fures. Trong thời kì chiến dịch Ai Cập, Polila là nhân tình của hoàng đế Napoleon. Khi quay trở về Pháp, phòng khách thượng lưu của cô là nơi có mặt của rất nhiều nhân vật thông minh và thú vị. Nhiều người trong số họ lọt vào tầm ngắm của Chernưsev và tỏ ra hữu dụng đối với chàng. Ví dụ "ông chủ địa đồ học" - thư kí văn phòng trắc đạc của Napoleon. Ông này đã cung cấp cho Chernưsev bản sao bản đồ hàng loạt thành phố nước châu Âu và các vùng ngoại ô của chúng, những nơi có tuyến bố phòng, đường sá và kho vũ khí...

  Chernưsev cũng mở rộng quan hệ với các nhà hoạt động quân sự cấp cao của nước Pháp, với các tướng soái. Những đặc điểm chàng nhận xét về các tướng lĩnh và nguyên soái này như Udino, Lefevr, Davu, Grusi và những người khác có thể trở thành những kiểu mẫu của nghệ thuật phân tích và thư tín.

  Tuy nhiên hoạt động tích cực của nhà tình báo này không thoát khỏi sự chú ý của cơ quan phản gián Pháp. Người ta bắt đầu theo dõi chàng sát sao. Chàng cảm thấy xung quanh mình bắt đầu quần tụ những đám mây đen. Polina Fures đã cảnh báo cho chàng về mối nguy hiểm và khuyên chàng nhanh chóng rời nước Pháp. Chernưsev đốt hết các tài liệu liên quan trong lò sưởi rồi trở về Peterburg.

  Sau khi Chernưsev ra đi, người ta tiến hành khám xét ngôi nhà của chàng và tình cờ bắt được một lá thư của Michel rơi dưới tấm thảm trải sàn. Bị hỏi cung, ông này thú nhận tất cả và rơi đầu dưới lưỡi dao máy chém.

  Các báo Paris đăng những tài liệu do bộ trưởng cảnh sát Xavary cung cấp về hoạt động gián điệp của đại tá Chernưsev.
 
  Kết luận chủ yếu Chernưsev rút ra trên cơ sở các cuộc đối thoại với hoàng đế Napoleon và những người thân cận của hoàng đế được chàng ghi ở một trong các bản báo cáo như sau: "Chiến tranh là không thể tránh khỏi và sớm muộn cũng sẽ xảy ra". Chàng đã thông báo đúng thời điểm xảy ra và hướng tấn công của quân Pháp.

  Sa hoàng tặng thưởng cho Chernưsev và phái chàng sang Thụy Điển với nhiệm vụ thăm dò lập trường của chính phủ Thụy Điển trong trường hợp có chiến tranh giữa Pháp và Nga. Chàng đã tham gia vào việc chuẩn bị soạn thảo hiệp ước bí mật giữa Nga và Thụy Điển kí ngày 5 tháng 4 năm 1812 và bảo đảm cho nước Nga "thái độ trung lập thiện chí của Thụy Điển".

  Chernưsev trở thành một trong những nhà tổ chức và tham gia tích cực phong trào du kích ở hậu phương của quân đội Napoleon. Trong giai đoạn kết thúc chiến tranh, với một đạo quân nhỏ chàng đã chiếm Elba, sau đó chiếm thành phố Kassel do Jero Bonaparte và tướng Aliks trấn giữ. Chàng trở về Paris như một người chiến thắng và dành chuyến viếng thăm đầu tiên cho bà Polina Fures.

  Con đường công danh của Chernưsev cả trong môi trường quân sự lẫn dân sự đều thực sự hiển hách. Năm 1812 ông được phong hàm tướng tùy tùng, còn vào năm 1826 - tướng kị binh. Năm 1832 được chỉ định làm bộ trưởng quốc phòng và làm việc ở cương vị này hai mươi năm. Vì công lao đối với Tổ quốc, năm 1826 ông được phong hiệu bá tước và vào năm 1843 - công tước điện hạ. Là triều thần tận tụy của Sa hoàng, ông đã thể hiện rõ điều này trong vai trò thành viên của ban điều tra sơ thẩm vụ các chiến sĩ Tháng chạp.

  Suốt cả cuộc đời, Chernưsev luôn hứng thú với nghề tình báo. Khi là bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông thu hút không chỉ các quân nhân, mà cả nhân viên của Bộ Ngoại giao và các cơ quan bộ khác hoạt động ở nước ngoài vào hoạt động tình báo.

  Tháng 11 năm 1831, theo sáng kiến của Chernưsev, Sa hoàng Nicolai I lệnh cho sứ quán Nga ở London không chỉ "thu thập các thông tin chính xác và đáng tin cậy nhất" về những vũ khí mới sáng chế của Anh mà nếu có thể phải lấy cả mẫu chuyển về. Đồng thời tất cả các sứ quán Nga ở các nước châu Âu có trách nhiệm chuyển sang đặc biệt chú ý đến các phát minh, sáng chế và những hoàn thiện thiết bị kĩ thuật quân sự và thiết bị sản xuất trong các công xưởng và các ngành công nghiệp.
 
  Từ năm 1832, hiệu quả hoạt động của các cơ quan đại diện ở nước ngoài tăng lên rõ rệt. Có thể điểm một vài thành tích của ngành tình báo như sau: lấy được bản mô tả mẫu càng dã pháo của quân Pháp; bản vẽ kĩ thuật và mô tả các loại hỏa tiễn, súng và pháo mới; giáo trình nội bộ dùng cho trường kĩ sư pháo binh quân sự ở Mese; tài liệu hướng dẫn sản xuất đại pháo của các nhà máy Tuluse; mẫu nòng súng rãnh xoắn; bản mô tả mẫu băng đạn mới; mô hình mẫu súng mới và mẫu máy điện báo mới. Tại London các gián điệp Nga đã lấy được mẫu nắp nụ xòe cho súng và mẫu máy sản xuất cả nắp lẫn súng sử dụng các nắp mới này.

  Thông tin khai thác được không chỉ liên quan đến các thành tựu kĩ thuật quân sự mà cả về quân số, tình hình phân bố, mức độ sẵn sàng tác chiến và tinh thần chiến đấu của binh lính.

  Đến tận cuối thời kì công tác của mình trong Bộ Quốc phòng, Chernưsev không bao giờ lơ là các vấn đề của hoạt động tình báo. Bức thư gửi Bộ Ngoại giao ngày 8 tháng 5 năm 1852 là một trong những tài liệu cuối cùng thuộc lĩnh vực hoạt động này của ông. Trong đó Chernưsev cụ thể hóa nhiệm vụ dành cho sứ quán Nga ở các nước khác nhau trong việc khai thác thông tin quân sự. Thời kì này Chernưsev không có nhiều đóng góp trong lĩnh vực quân sự.

  Năm 1848, ông giữ cương vị tối cao ở nước Nga là Chủ tịch Hội đồng Quốc gia, trong khi vẫn kiêm nhiệm chức bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đó là một chức vụ mang tính danh nghĩa, danh dự hơn là quyền lực.

  Alecxandr Chernưsev mất ngày 20 tháng 6 năm 1857 tại Kastellamare-de-Stabia (Italia) trong thời kì chữa bệnh.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 11 Tháng Sáu, 2008, 08:07:04 pm
9 - LAFAYETTE  BAKER (1826-1868)
ĐIỆP VIÊN ĐẦU TIÊN THỜI NỘI CHIẾN NƯỚC MỸ


 
  Cho tới đầu cuộc Nội chiến (1861-1865), ở Mỹ vẫn chưa có hoạt động tình báo. Allan Pinkerton và các đồng nghiệp  trong văn phòng thám tử của ông vào những năm chiến tranh chỉ là những nhân viên phản gián chứ chưa hẳn là những điệp viên. Thế nhưng tổng tư lệnh quân miền Bắc, người đã ra ứng cử tổng thống Winfil Scott lại cần có thông tin chi tiết về đối phương, những thông tin mà bản thân quân báo và những hàng binh không thể nào cung cấp cho ông được.

 Viên sĩ quan trẻ Lafayette Baker xung phong vượt trận tuyến sang hậu phương của quân Liên bang, thậm chí có thể đến tận thủ đô của họ là Richmond. Anh được giới thiệu với tổng tư lệnh Scott.

  Baker nhận chỉ thị cụ thể của trưởng ban tham mưu và mấy ngày sau lên đường dưới danh nghĩa một nhà nhiếp ảnh lang thang. Đó là một sự cải trang kỳ lạ vì chiếc máy ảnh trong tay một kẻ đi lang thang ở hậu phương quân địch thì điều đó rõ ràng chứng tỏ anh ta là gián điệp. Nhưng sự kiện này xảy ra vào năm 1861, khi chiếc máy ảnh đặt trên chiếc chân chống to tướng còn là một vật kì lạ. Lính tráng khắp vùng kéo đến xem, đấy là chưa nói đến việc chụp ảnh, thậm chí họ hy vọng nhận được ảnh cũng đã là hạnh phúc lắm rồi. Một chi tiết thú vị khác là máy ảnh của Baker bị hỏng và không thể chụp được cái gì, song không ai, kể cả cơ quan phản gián quân miền Nam, hay biết. Việc vượt trận tuyến từ phía quân Liên bang là khó nhất đối với Baker. Người ta quát tháo, đuổi theo và thậm chí bắn nữa. Hai lần anh bị bắt và bị kết tội làm gián điệp cho quân miền Nam. Chỉ có sự can thiệp của tướng Scott mới cứu nổi mạng sống cho Baker và để cho anh tiếp tục lên đường.

  Ý đồ hoạt động không có kế hoạch của điệp viên chấm dứt, khi anh rơi vào tay đội quân kỵ mã của miền Nam. Các kỵ sĩ vui nhộn chất cả người lẫn chiếc máy ảnh cồng kềnh lên con ngựa dự phòng và dẫn về đại bản doanh. Không ai nghĩ đến chuyện khám xét anh ta, nếu không thì 200 đồng đô la mà nhà nhiếp ảnh giấu trong người có thể sẽ giết hại anh ta.

  Tổng tư lệnh quân miền Nam hồi đó thẩm vấn và nói chuyện với anh. Baker hoàn toàn cởi mở thông báo cho những người miền Nam những tin tức thu thập được khi sống ở Washington. Các nhà lãnh đạo quân miền Nam rất hài lòng về thông tin của Baker cung cấp về tình hình miền Bắc và trong lúc hứng khởi đôi khi buột miệng nói ra những gì mà trong câu chuyện với nhân vật quan trọng hơn không bao giờ dám tiết lộ. Đối với họ dù nghề nghiệp của Baker rất đặc biệt, anh cũng chỉ là một nhân vật hèn kém như nghệ sĩ, nhạc công, hề và ảo thuật, những người mà không có gì phải giữ ý. Song thời gian đầu dù sao anh cũng bị nghi ngờ và thực tế đã bị giam giữ. Anh thường ngủ đêm tại các nhà tù, ở các phòng giam, còn ở Richmond chính ngài cảnh sát trưởng trực tiếp nhốt anh. Dần dần người ta tỏ ra tin tưởng hơn đối với Baker và anh bắt đầu hoạt động tình báo của mình. Anh tới tất cả các trung đoàn quân miền Nam đóng ở Virginia, chụp toàn cảnh từng trung đoàn, lúc họ ăn cơm, khi tập tành và các sân chơi thể thao. Sau khi chụp ban tham mưu lữ đoàn, anh hứa tặng cho các sĩ quan trẻ và tướng tá những bức ảnh tuyệt vời. Nhưng ảnh không bao giờ được in ra và tặng cho những người được chụp. Lúc đầu mọi người cho anh ta là kẻ lừa đảo và theo phong tục thời đó chỉ thì cần đánh cho một trận nên thân rồi đuổi cổ đi chỗ khác. Nhưng những cán bộ phản gián ở đây tỏ ra là những người nhìn xa trông rộng hơn. Họ qui cho anh ta tội do thám và tống giam vào tù. Song Baker không chờ đến ngày tòa án binh xét xử mà hậu quả của nó đã quá rõ ràng. Anh đã dùng số tiền còn lại của mình mua dụng cụ để phá cánh cửa phòng giam và trốn mất. Anh để lại cho quân miền Nam chiếc máy ảnh với bộ chân cồng kềnh và ý nghĩ rằng anh ta đã đùa rỡn ác ý với họ.

  Qua nhiều đêm lần mò, Baker đã tới trận tuyến và "đầu hàng" quân Liên bang. Anh được dẫn ngay đến gặp tướng Scott. Vị tướng cùng các sĩ quan chăm chú nghe báo cáo cặn kẽ của điệp viên. Tướng Scott hết sức ngạc nhiên về tài quan sát, trí nhớ và khả năng phân tích của Baker và bổ nhiệm anh làm chỉ huy trưởng quân cảnh. Sau đó anh được thăng chức cấp tướng phụ trách cả tình báo lẫn phản gián quân đội miền Bắc. Một trong những điệp viên của Baker lọt được vào ban tham mưu của quân miền Nam ở Richmond. Chỉ sau vài tuần điệp viên này trở về gặp Baker với bức thư của thống đốc gửi cho phái viên của phái Liên bang ở Canada. Phong bì không bị bóc vì điệp viên đã thông báo rằng trong đó chỉ có bức thư giới thiệu do chính tay ngài Jefferson Davis viết và niêm phong. Sau cuộc trao đổi thư từ trót lọt điệp viên trở thành liên lạc viên thường xuyên trong đường dây Richmond - Canada. Nhưng giờ đây những thư từ mà anh ta chuyển đã bị cơ quan phản gián của Baker kiểm duyệt. Để làm việc này các chuyên gia đã dùng giấy và dấu niêm phong y như của các bì thư thật.

  Trong một bức thư có đề cập tới kế hoạch phá hoại nguy hiểm: dự định tổ chức phóng hỏa và gây nổ ở New York và Chicago, đặt mìn đồng thời một lúc ở các cửa hàng lớn, nơi vui chơi giải trí đông người. Cảnh sát và quân đội liền có những biện pháp cần thiết. Cháy chỉ xảy ra ở một nơi, còn mìn không hề làm tổn hại gì.

  Dưới sự chỉ đạo của Baker còn thực hiện được một phi vụ nữa. Qua điệp viên của mình biết được rằng trong suốt một năm chiến tranh cứ sau mỗi buổi họp của nội các là có báo cáo chi tiết gửi cho quân miền Nam. Cơ quan phản gián của Baker phát hiện là cơ sở gián điệp chuyển những báo cáo đó chủ yếu gồm các trưởng trạm bưu điện của bang Mariland. Trừ ba người ra còn lại toàn bộ là điệp viên của miền Nam. Việc loại bỏ tổ chức gián điệp này là một trong những chiến công của vị tướng Lafayette Baker.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 12 Tháng Sáu, 2008, 08:44:30 pm
10 - LINH MỤC LEKLERK (Thế kỉ XIX)
ĐIỆP VIÊN ĐẰNG SAU BỤC XƯNG TỘI




  Quan hệ giữa nước Pháp thời hoàng đế Napoleon và nước Anh đến năm 1806 đã trở nên căng thẳng cực độ. Ngày 21 tháng 12 năm 1806, Napoleon tuyên bố, còn sau mười một tháng thì kí sắc lệnh tiến hành phong tỏa nước Anh. Ông ra lệnh bắt giữ tất cả dân Anh đang ở nước Pháp và cấm mua bán hàng hóa của người Anh. Tất cả những hàng hóa Anh bị mang ra thiêu hủy sạch, mọi hình thức liên lạc bị cắt đứt, việc trao đổi thư từ giữa châu Âu và quần đảo Anh bị cấm. Như lệ thường, khi có lệnh cấm thì các hoạt động ngầm sẽ phát triển mạnh, nhất là hoạt động buôn lậu, mặc dù luật pháp nước Pháp trừng trị tội này rất nặng, thậm chí có thể lên đến mức án tử hình. Hoạt động buôn lậu giữa Anh và Pháp đã được duy trì liên tục và thậm chí còn phát triển hơn. Tiền mặt thường xuyên đi về giữa London và Paris. Các ông chủ ngân hàng London viết séc gửi Paris tự do thoải mái cứ như thể chẳng hề có Napoleon cũng như cuộc phong tỏa từ lục địa vậy.

  Để tiện thông tin qua lại bí mật với nước Pháp, người Anh sử dụng các liên lạc viên tốc hành. Họ khéo léo bơi vượt eo biển La Manche bằng đường thẳng, chuyển tài liệu trong những đôi ủng hai đế, trong cổ áo lễ phục hay chỉ đơn giản là nhét vào túi áo quần. Đó đều là những con người đáng tin cậy, thông minh, gan dạ, không có thành kiến. Họ làm việc vì những khoản tiền lớn mà các ông chủ ngân hàng, các nhà quý tộc, quan chức nhà nước chi một cách rất hào phóng cho sự nhanh chóng và độ tin cậy.

  Có một khoảng thời gian người ta đã mua chuộc các công chức tòa thị chính vùng Boulogne và lấy được hộ chiếu giả. Đó quả là sự hỗ trợ hết sức quan trọng với những kẻ buôn lậu và cả cho cơ quan mật vụ, nhưng thời gian này kéo dài không lâu. Do vậy các tay liên lạc buộc phải xoay xở bằng mọi cách. Không ít các gián điệp và liên lạc viên khi có nguy cơ bị bắt giữ đã nuốt luôn tài liệu vào bụng. Những thư từ bí mật thường được viết trên thứ giấy rất mỏng nên có một bà Salame nào đó (trong số liên lạc viên có cả phụ nữ) khi rơi vào tay cảnh sát đã nuốt trọn cả một cuộn thư.

  Hiển nhiên là những dịch vụ dành cho dân buôn lậu cũng được cơ quan tình báo Anh, những kẻ mưu phản Bảo hoàng, các ngoại kiều sử dụng để duy trì liên hệ bí mật với những người đồng quan điểm ở nước Pháp. Công việc thực sự rất nguy hiểm. Hàng chục và hàng trăm liên lạc viên đã rơi vào tay cảnh binh Pháp, bị giết khi tỏ ra có hành vi chống đối và bị kết án tử hình.

  Những năm đó có rất nhiều người theo phe Bảo hoàng và những kẻ thù của Napoleon chạy sang Anh. Nước Anh đã tiếp nhận những nhà hoạt động sống sót sau phong trào Vandei và cuộc chiến tranh Suan, những người chống đối cách mạng 1789 và những kẻ mưu phản bị bại lộ. Âm mưu của họ được dàn dựng bằng tiền của người Anh chở trên các tàu của Anh đến Pháp. Nước Anh ủng hộ lực lượng phản cách mạng bằng mọi giá và đặt nhiệm vụ khôi phục vương triều Bourbon là điều kiện của hòa bình. Các ngoại kiều từ Pháp đến Anh tập trung quanh bá tước Arthur, hoàng tử Conde và công tước Berrixki cùng vạch âm mưu chống Napoleon. Một nhóm mưu phản khác hoạt động tại Anh dưới sự cầm đầu của George de Cadudan. Các nhóm này đều cần liên lạc với nguồn tin tức của họ tại Pháp và cần thông tin cụ thể về tình hình ở đó.

  Nhóm Bảo hoàng chống Napoleon liên kết được nhiều người có tấm lòng tận tụy hi sinh vì sự nghiệp. Linh mục Leklerk là một người họ Buavalon. Nhân vật Bảo hoàng trung thành với sự nghiệp này được miêu tả là "con người thẳng thắn, hoạt bát, nhanh nhẹn, tháo vát, nhiều sáng kiến, một điệp viên khiêm tốn, và có phẩm chất sáng giá, nhất là hào hiệp, vô tư". Thời kì khủng bố căng thẳng nhất, linh mục Leklerk sống ở Paris trong vai một luật sư. Ông biết rõ tình hình ở nước Pháp đến nỗi người Anh thậm chí phải nghi ngờ không hiểu Leklerk có phải là người của cơ quan mật vụ Pháp hay không. Nhưng không, linh mục Leklerk là con người hoàn toàn trung thực. Ông tập hợp thông tin từ tất cả các đầu mối của mình, thậm chí còn tập hợp báo cáo của nhiều gián điệp phái Bảo hoàng ở Pháp. Tất nhiên linh mục không vi phạm bí mật xưng tội. Nhưng ông khéo léo dỗ dành người đối thoại với mình trở nên cởi mở. Trong số những người cung cấp tin cho ông không chỉ có các nhà buôn, tiểu công chức, cảnh sát mà còn có cả các chính khách, sĩ quan và thậm chí là tướng lĩnh trong quân đội Napoleon. Đặc biệt ông khai thác được rất nhiều tin tức có giá trị từ vợ của các quan chức và quân nhân cấp cao. Leklerk bốn mươi tuổi, có ngoại hình không hấp dẫn, vậy mà có ảnh hưởng khó giải thích đối với phụ nữ, nhưng vị linh mục mộ đạo này chỉ sử dụng ảnh hưởng đó trong những công việc liên quan đến hoạt động tình báo. Khi Napoleon thành lập "Trại Boulogne" là nơi tập trung và huấn luyện quân để đổ bộ vào Anh, Leklerk nhận nhiệm vụ tìm hiểu về trại này. Ông chuyển đến ven bờ biển và thường xuyên đi về trên một cỗ xe ngựa nhỏ. Người đánh xe cho ông là viên thư kí trung thành Pier - Mari Pua. Leklerk thường nương náu trong nhà các bạn bè phái Bảo hoàng của mình nhưng không ở hẳn đâu quá một đêm. Ông thiết lập được mạng lưới do thám không đông về số lượng nhưng hoạt động hiệu quả. Trong số các điệp viên của Leklerk có một người là quan chức cấp cao, đại diện của Bộ Quốc phòng Pháp ở Brest, một người làm việc trong hội đồng quản trị hạm đội hoàng gia. Một số điệp viên cung cấp cho Leklerk bản sao các báo cáo chính trị. Để liên lạc với nước Anh, Leklerk cùng viên thư kí của ông đến các thành phố miền duyên hải. Trong một quán rượu nhỏ nào đó họ ngồi vào bàn với những dân chài nghèo khổ. Bản thân Leklerk thường ít nói, còn Pier - Mari Pua thì mời mọi người xung quanh rượu cô nhắc và món nhắm ngon lành. Khi câu chuyện trở nên thân mật hơn, anh ta sẽ giải thích rằng Leklerk là thương gia đang cần thông báo cho một người đã sang sinh sống ở London về việc thừa kế tài sản. Pier - Mari Pua cũng đặc biệt nhấn mạnh chuyện không dính dáng gì đến chính trị, thậm chí còn đọc to bức thư cho mọi người cùng nghe. Tất nhiên, anh ta sẽ không tiết lộ rằng giữa các dòng thư còn có những dòng chữ khác được viết bằng thứ mực không nhìn được bằng mắt thường. Một ai đó trong số các dân chài hẳn sẽ chấp thuận giúp đỡ chuyển lá thư cho một con tàu Anh sẽ đón anh ta ngoài khơi trong thời gian đánh cá để đổi lấy món tiền thưởng hậu hĩnh. Người đó là anh chàng đánh cá và buôn thực phẩm Phillip.

  Ở Trepora, Phillip có một quán hàng thực phẩm. Anh ta tụ tập dăm ba người bạn thân thiết, trong đó có thầy giáo Duponsel dạy học trong vùng và vợ. Vẻ đẫy đà hiền hậu giúp ngụy trang rất tốt và không hề làm giảm sự sốt sắng và linh hoạt của bà Duponsel. Bà ta thường hoàn thành các vụ đột nhập lấy các gói tài liệu quan trọng giấu vào những chiếc túi khâu bí mật trong áo váy rộng thùng thình. Mỗi vụ bà nhận được hai mươi frank tiền công. Leklerk dặn trước nếu lỡ bị bắt hay bị căn vặn thì bà phải trả lời chắc như đinh đóng cột là "vừa mới nhặt được lá thư ngoài bờ biển và đang định mang nộp cho cảnh sát ở E. hay ở Boulogne".

  Vì Leklerk là giáo sĩ phụng sự Chúa nên không có gì lạ khi những phụ nữ mộ đạo tin tưởng sâu sắc vào sự nghiệp của phe Bảo hoàng nên luôn che chở và cho ông nương náu. Cũng bởi ông là một con người hết sức đạo đức, lòng căm ghét đến cuồng tín của ông đối với Bonaparte và cách mạng đã cuốn hút nhiều người cả nam lẫn nữ trong giới quý tộc theo ủng hộ ông. Một trong những trợ thủ tin cậy của linh mục Leklerk là De Russel De Previl. Là một cô gái nhỏ nhắn, yêu kiều, năm 1804 cô mới gần tròn mười tám tuổi. Vì sắc đẹp và vẻ duyên dáng mà người ta gọi cô là Nimfa. Cô quen sống trong một xã hội vui tươi, náo nhiệt, được người xung quanh ngưỡng mộ đắm đuối, là con người hiếu động và vô tâm đến độ ngốc nghếch. Tất cả mọi mối quan tâm của cô xoay quanh những món đồ trang sức, vũ hội và các buổi tiếp đãi. Và mặc dù tục ngữ có câu: "Khi đại bác nổ thì nàng thơ im tiếng", dường như chưa bao giờ từng có những cuộc vũ hội vui vẻ, thứ âm nhạc tuyệt diệu và những điệu nhảy hấp dẫn đến như vậy vào những năm tháng này của cuộc đời cô.

  Tưởng chừng như tính cách đó của cô sẽ không thể nào phù hợp với hình dung chung của mọi người về một nhà tình báo, kiểu người thông minh, chuyên tâm vào công việc, tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc bảo mật. Nhưng... Trong nghề tình báo mọi chuyện đều có thể. Khi biết được công việc Leklerk đang làm, cô thiếu nữ đâm ra quan tâm, rồi yêu cầu được giúp đỡ ông. Và không lâu sau cô trở thành cộng sự không thể thiếu của Leklerk.

  Nimfa De Russel De Previl (tên này được ghi trong hồ sơ lưu trữ của cảnh sát Pháp về cô) cải trang thành một chàng thanh niên, lấy họ là Dubuisson và bắt đầu công việc phiêu lưu, nguy hiểm của một điệp viên và liên lạc viên phe Bảo hoàng. Mặc dù tính nết cô khá bồng bột, xốc nổi nhưng điều đó không ảnh hưởng đến sự an toàn của các đồng chí của cô. Nhiệm vụ của cô là tiếp nhận và chuyển tin mật cho Leklerk; để tập hợp tin tức cô đã nhiều lần đến Diep hoặc Amien.

  Không lâu sau cảnh sát Pháp lần ra dấu vết của linh mục Leklerk và Nimfa. Hai người trốn ở Abbervill, trong nhà bà Deni trên phố Ptiriu - Nort Dam. Anh chàng gián điệp của Leklerk là Phillip khi bị bắt đã khai ra nơi ẩn náu đó, và cảnh binh đã lao bổ đến Abbervill. Nhưng ngôi nhà của bà Deni được xây dựng từ hồi Trung thế kỉ lại có những lối đi bí mật và Leklerk cùng "cậu bé Dubuisson" đã kịp thời theo đó trốn đi. Bà Deni hoảng sợ khai với cảnh sát hòm tài liệu mật liên quan đến hoạt động của Leklerk.

  Nhờ sự giúp đỡ của thầy giáo Duponsel và anh dân chài Diepua, linh mục Leklerk và thư kí Pier - Mari Pua đã trốn được sang Anh trên một chiếc thuyền nhỏ. Còn Nimfa sau cuộc đi trốn bình thản trở về nhà mình ở Boulogne. Cô nói với mẹ: Con đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, nhưng con chẳng có tội tình gì và sẵn sàng nộp mình vào tay cảnh sát. Bà De Presvil kinh hãi: quả thực bà không thể tưởng tượng được cô con gái mình đã làm những chuyện động trời gì. Nhưng bà không mất tinh thần mà hành động rất điềm tĩnh, cương quyết.

  - Lập tức quay trở lại Abbervill và trốn trong nhà họ hàng của chúng ta. Mẹ van con, con phải trốn kĩ vào và đừng có để ai trông thấy đấy.

  Cô gái tất nhiên là hứa hẹn, nhưng chưa chắc đã có ý định giữ lời. Bởi chỉ vài ngày sau cô đã ra cạnh cửa sổ và sau đó liên tục ngồi ở đó, để "ngắm mọi người qua lại và cho người ta ngắm mình". Thậm chí có một lần cô còn dám xuất hiện ở vũ hội. Một điều như vậy ở trong cái thành phố đầy rẫy mật thám đang lần theo dấu vết các đồng bọn của Leklerk! Tuy nhiên cô vẫn còn có đủ thông minh hoặc là có linh cảm tự vệ bản năng để đi trốn kịp thời. Đơn độc, gần như chẳng có tiền nong gì, cô đã đi qua gần hết châu Âu và tìm cách đến nước Nga. Nhưng cô không thực hiện được điều đó, và tại một cảng thuộc nước Đức cô lên một chiếc tàu đi sang London. ở đó các cuộc lãng du của cô đã kết thúc.

  Trong khi đó, linh mục Leklerk, thư kí Pier - Mari Pua và Nimfa De Russel De Previl bị kết án tử hình vắng mặt bởi một ủy ban ở Ruan. Các dân chài Phillip, Diepua và thầy giáo Duponsel đều bị bắt, bị kết án tử hình và đã chết cả.

  Nimfa chưa đến tuổi trưởng thành bị kết án tử hình nên được chính phủ Anh cho một khoản tiền cấp dưỡng hàng năm là sáu trăm frank.
Leklerk sống tại Anh một thời gian, sau đó ông sang Đức, ở tại thành phố Munster và từ đó nối liên lạc với các điệp viên của mình. Cảnh sát hoàng gia đã làm tê liệt hoạt động của ông ở khu vực Boulogne, ông lại chuyển sang hoạt động ở miền bờ biển Normandi, Jersey và lại tổ chức liên lạc hoạt động tình báo với nước Anh.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 13 Tháng Sáu, 2008, 06:47:55 pm
11 - ELIZABETH VAN LEW (1818 - 1900)
Nữ điệp viên "tình nguyện"
trong chiến tranh Nam - Bắc Mỹ


  Cuộc Nội chiến ở Hợp chủng quốc Hoa Kì bắt đầu năm 1861 giữa quân Liên bang miền Bắc ủng hộ xóa bỏ chế độ nô lệ và phe các bang theo chế độ nô lệ miền Nam. Cả hai bên đều có các cơ quan tình báo và phản gián với không ít nhân viên là phụ nữ.

  Nữ gián điệp sáng giá nhất của liên quân miền Bắc là miss Elizabeth Van Lew. Có thể đặt bà ngang hàng với những nhân vật xuất sắc nhất của các cục mật vụ trong suốt toàn bộ lịch sử hoạt động của chúng.

  Elizabeth sinh năm 1818 tại Richmond, thủ phủ bang Virginia. Học xong ở Philadelphia, bà trở thành một người theo chủ nghĩa bãi nô cuồng nhiệt - ủng hộ việc giải phóng người da đen. Bà không che giấu quan điểm của mình, công khai giải phóng chín nô lệ của riêng mình và mua thêm mấy người để tái hợp họ với người thân đang thuộc quyền sở hữu của gia đình mình.

  Bà mẹ và cô con gái Van Lew là những người mến khách, khả ái và hào phóng. Những quan điểm tiến bộ không khiến họ bị cô lập mà có rất nhiều bạn bè và người quen trong xã hội thượng lưu trong vùng. Các mối quan hệ đó sẽ đóng vai trò rất lớn trong hoạt động tình báo về sau này của bà. Trong số bạn thân thiết gần gũi của bà có viên chánh pháp quan các bang miền Nam John Marshall là người có uy tín tuyệt đối; ca sĩ nổi tiếng Jenny Lind thường xuyên biểu diễn trong các dạ hội tại nhà Van Lew, là nơi lui tới thường xuyên của các sĩ quan và quan chức nổi tiếng của miền Nam - bởi vì Richmond chính là thủ phủ của phe miền Nam và toàn bộ những luồng tin mới nhất đều chảy qua phòng khách nhà Van Lew. Sau các cuộc trò chuyện, khách khứa để lại đây những thông tin vô giá.

  Elizabeth Van Lew là một phụ nữ thể chất yếu đuối, nhỏ nhắn nhưng đường bệ, đàng hoàng, linh hoạt và quả quyết, với vẻ bề ngoài nghiêm khắc, khắt khe. Sự lựa chọn con đường tranh đấu của bà được thúc đẩy bởi vụ xử tử John Braun - một chiến sĩ nổi tiếng đấu tranh vì công cuộc giải phóng người da đen. "Từ thời khắc đó, nhân dân chúng tôi đã ở trong tình trạng chiến tranh" - bà đã viết như vậy trong nhật kí.

  Và bà bước vào cuộc đời hoạt động tình báo. Theo sáng kiến riêng của bản thân, bà bắt đầu liên tục gửi thư cho chính quyền Liên bang thông báo tình hình ở miền Nam. Đồng thời bà bạo gan phát biểu ngay trên đường phố Richmond như một người bãi nô chủ nghĩa nhiệt tâm: từ chối giấu mình dưới chiếc mặt nạ "người yêu nước trung thành miền Nam". Bà công khai từ chối may áo cho binh lính bang Virginia. Hành động "xấu xa" của miss Van Lew và mẹ bà bị nghiêm khắc chỉ trích trên các báo, gây nên sự cuồng nộ của đám đông. Nhưng phần lớn những người miền Nam bình thường đơn giản chỉ coi bà là kẻ gàn dở, nguyên nhân dẫn đến những hành động đó chẳng qua chỉ là cơn điên rồ vô hại và gọi bà là "Bet loạn óc". Van Lew không gặp nguy hiểm cũng bởi dân Virginia không thể tưởng tượng rằng một cô nương quý tộc có thể chống sự nghiệp của toàn thể dân miền Nam.

  Quay lại với những bức thư mà "Bet loạn óc" đã gửi đến Bộ Tổng tham mưu phe miền Bắc. Ban đầu chẳng ai để ý coi trọng chúng. Nhưng một hôm có viên công chức nào đó cầm những lá thư của bà xuất hiện ở Bộ Chiến tranh. Chúa ơi! Chúng ta tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của và sức lực để có được những thông tin chính xác và kịp thời về tình hình các trại miền Nam. Vậy mà đây, các vị hãy xem những tin giá trị nhất lại do một người phụ nữ ở chính giữa thủ phủ miền Nam tự ý gửi cho chúng ta!

  Vậy là công việc của Elizabeth lần đầu tiên được đánh giá đúng thực chất, và bà trở thành nhân viên một cơ quan tình báo thường xuyên và duy nhất hoạt động suốt thời kì chiến tranh tại hậu cứ của kẻ thù.

  Vì lợi ích công việc mà bà phụng sự, Elizabeth Van Lew không hề từ nan, không chỉ tự thân thường xuyên đối mặt với nguy hiểm mà còn mạo hiểm cả cuộc sống của mẹ và người em trai, tiêu tán tất cả tài sản của gia đình, nhiều lần suýt trở thành nạn nhân của tòa án. Nhưng mặc dù bà bị buộc tội theo chủ nghĩa bãi nô và có thái độ thân thiện với miền Bắc nhưng không một nhân viên phản gián nào ngờ được đó là một chỉ huy mạng lưới gián điệp dũng cảm và nhiều sáng kiến.

  Trước hết Elizabeth sắp xếp việc thu thập tin. Bên cạnh những vị khách thường xuyên viếng thăm phòng khách của mình, bà còn thiết lập quan hệ với hàng chục người nắm các nguồn tin khác nhau mà bà có thể sẽ cần đến. Tai mắt của bà ở khắp mọi nơi. Chẳng hạn Elizabeth có một nữ nô lệ da đen tên là Mary Bauser rất thông minh mà bà đã trả tự do vài năm trước khi chiến tranh xảy ra và cấp tiền cho cô lên miền Bắc cho ăn học. Khi nguy cơ chiến tranh đã thấp thoáng, Elizabeth gọi cô trở về Richmond và không lâu sau sắp xếp cho cô làm người phục vụ trong "Nhà Trắng" của miền Nam, bên cạnh chính tổng thống Jefferson Davis.

  Một trong những đầu mối thông tin cho phe miền Bắc thật kì lạ lại chính là nhà tù quân sự "Libby", nơi giam giữ các tù binh miền Bắc. Họ nắm được rất nhiều điều về chiến thuật của quân miền Nam, về kế hoạch bố trí quân, các vị trí trọng yếu... Elizabeth và mẹ bà chiếm được lòng tin của viên chỉ huy nhà tù là trung úy Todt nên được phép vào nhà tù dưới hình thức cứu giúp nhân đạo các thương binh, và không lâu sau, với sự sửng sốt, ngạc nhiên của Bộ Chiến tranh, một luồng thông tin rộng đã được khai thông từ nơi đó.

  Elizabeth duy trì việc liên lạc với những trợ thủ tự nguyện của mình bằng rất nhiều biện pháp khác nhau. Thư từ trao đổi được giấu trong giỏ thực phẩm hoặc cuộn trong những lọ nhỏ đựng thuốc. Tù binh được gửi sách, sau vài ngày những cuốn sách đã quay về với các dòng chữ được đánh dấu kín đáo khó nhận thấy. Đôi khi họ còn được phép trò chuyện riêng với các tù binh.

  Bất chấp hành động "phản miền Nam" công khai của Elizabeth và những lời buộc tội trên mặt các báo đối với bà, sự trừng phạt duy nhất mà "Bet loạn óc" phải chịu là bị cấm đến thăm nhà tù quân sự. Chuyện xảy ra như vậy đã vài lần. Khi đó Bet liền diện bộ váy áo đẹp nhất của mình và không mảy may băn khoăn, đến gặp thẳng tướng Wilder - giám đốc cơ quan phản gián hoặc Jood Benjamin - bộ trưởng Chiến tranh miền Nam. Bà buộc phải nghe mấy lời mắng mỏ trong vài phút vì hành động ngu ngốc, rồi tỏ ra ăn năn hối lỗi và thề thốt và... mọi chuyện lại kết thúc bằng việc Benjamin hay Wilder kí lệnh cho phép viếng thăm nhà tù quân sự! Cũng có khi Elizabeth đến cuộc gặp bí mật vào ban đêm, ăn mặc giả làm một cô nông dân.

  Những thông tin thu thập được còn phải chuyển về Bộ tổng tham mưu phe miền Bắc cho tướng Sarpo. Vì mục đích này bà xây dựng năm điểm liên lạc. Điểm đầu tiên là nhà riêng của bà, nơi thực hiện công việc mã hóa và che giấu điệp viên - liên lạc viên đến từ miền Bắc. Đôi khi những điệp viên này không tới, sau đó có tin đồn về các vụ bắt bớ và xử bắn gián điệp. Khi đó bà liền phái những gia nhân đã trở thành trợ thủ tin cậy của mình vượt phòng tuyến.

  Những báo cáo bí mật được Bet mã hóa theo khóa mã riêng thường do một gia nhân nào đó của bà viết tay. Bà xoay xở cho họ các giấy thông hành quân sự cho phép đi về dễ dàng giữa ngôi nhà trong thành phố của bà và trang trại, nơi có một điểm trung chuyển. Gia nhân thường mang những giỏ thực phẩm; chẳng hạn như một giỏ trứng có lẫn những chiếc vỏ rỗng nhét báo cáo mật ở bên trong; hoặc cô thợ may trẻ đi từ nhà Van Lew sẽ mang qua mặt trận những bản báo cáo được khâu trong vải mẫu hay trong váy. Hệ thống liên lạc được xây dựng sao cho phát huy tối đa hiệu quả. Một lần sau bữa chiều, Elizabeth ra vườn nhà hái một bó hoa lớn, và sáng ngày hôm sau bó hoa đã được mang tới trong bữa sáng cho tướng Grant chỉ huy quân miền Bắc.

  Elizabeth nghĩ ra cách chuyển báo cáo bên trong ngôi nhà mình như sau: trong thư viện của bà có một tượng sư tử nằm. Nó có thể nhấc lên được như một chiếc nắp hộp. Elizabeth thả các bản báo cáo của bà vào đó như thả vào thùng thư, một gia nhân làm nhiệm vụ dọn dẹp sẽ lấy báo cáo ra và mang đến trang trại Van Lew. Sở dĩ phải đóng kịch vòng vèo như vậy để nếu xảy ra chuyện, gia nhân có thể đặt tay trên Kinh Thánh thề rằng không hề có bất cứ sự ủy thác nào từ phía miss Van Lew và gia nhân đó cũng không nhận một tài liệu nào từ tay bà.
 
  Elizabeth cho rằng không cần tránh né nguy hiểm mà phải đối mặt với nó. Có một dạo tư lệnh quân quản phụ trách khối tù binh là đại úy Gibs. Elizabeth đã đưa cả gia đình ông này về ở cùng trong ngôi nhà của bà như những vị khách trọ và suốt một thời gian dài lợi dụng ông ta làm lá chắn bảo hộ. Đôi khi hành vi của "Bet loạn óc" thực sự cũng đi quá giới hạn tỉnh táo. Khi Bộ Chiến tranh miền Nam trưng dụng ngựa của các chủ ngựa tư nhằm củng cố quân khinh kị, Elizabeth đã giấu con ngựa cuối cùng của mình trong văn phòng, quấn rơm vào móng nó để không nghe được tiếng gõ móng.

  Như nhà nghiên cứu tiểu sử về Bet tên là William Gilmor nhận xét: "Trong ngôi nhà Van Lew các gián điệp miền Nam và miền Bắc gặp gỡ nhau, đồng thời chỉ huy trưởng nhà tù quân sự và những tù binh đào thoát được từ nhà tù đó, những kẻ đào ngũ và một con ngựa lậu thuần chủng đã sống tại đây, dưới chuồng ngựa là văn phòng của nữ chủ nhân dùng làm cả ban tham mưu của cơ quan bí mật lẫn trung tâm cứu trợ lương thực cho tù binh chiến tranh, và nơi tổ chức các cuộc trốn chạy của tù binh".

  Một lần Van Lew suýt bị lộ tẩy. Một điệp viên của bà hóa ra là kẻ khiêu khích và đã khai hết với quân miền Nam về những người có liên hệ với hắn. Nhưng những người bị hắn phản bội đã không khai ra bà.
 
  Trước khi Richmond thất thủ, theo yêu cầu của Elizabeth người ta chuyển cho bà một lá cờ Liên bang. Khi đội quân tiên phong vào thủ phủ miền Nam, lá cờ đó tung bay phấp phới trên nóc ngôi nhà Van Lew.
 
  Cuộc đời về sau của Elizabeth ảm đạm và buồn, mặc dù tướng Grant khi này đã trở thành tổng thống đánh giá cao công trạng của bà và thay mặt chính phủ và quân đội miền Bắc trân trọng nói với bà: "Bà đã cung cấp cho chúng tôi những tin tức hết sức giá trị chỉ có thể nhận được từ Richmond trong thời kì chiến tranh" - và chỉ định bà làm giám đốc sở bưu điện Richmond. Trong công tác người ta buộc phải chịu đựng bà nhưng cái xã hội mà bà "phản bội" lại không tha thứ. Vì những công trạng đối với liên quân miền Bắc bà chẳng nhận được một xu nhỏ nào. Hơn nữa người ta còn không hoàn lại những khoản mà bà đã chi. Sau khi tổng thống Grant rời vị trí nguyên thủ quốc gia, bà bị trù dập trong công tác và trở thành một tiểu công chức của Bộ Bưu chính, sau đó thì chỗ làm việc khiêm tốn ấy cũng bị tước mất. Những năm cuối đời bà sống trong nghèo túng, tồn tại chỉ nhờ khoản trợ cấp do bạn bè và họ hàng của đại tá Poli Revir là người bà đã giúp vượt ngục năm xưa phát cho. Bà được những người da đen trung thành nay cũng già lão nghèo khổ như bà chăm sóc.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 14 Tháng Sáu, 2008, 01:46:13 pm
12 - VILHELM STIEBER (1819 - 1892)
điệp viên cao thủ bị khinh rẻ



  Vilhelm Stieber là điệp viên cao thủ danh tiếng - chiến hữu của "Thủ tướng Sắt" Bismarck (sở dĩ có biệt danh này là vì ông ta thường phát biểu yêu cầu thi hành chính sách "bằng sắt và máu"). Thủ tướng có lần đã gọi Stieber là "ông vua tình báo", còn các sử gia đánh giá đây là một "tên đểu cáng tầm cỡ quốc tế".

  Stieber sinh ngày 3 tháng 5 năm 1819 tại thành phố nhỏ Merseburg xứ Saxon trong một gia đình tiểu công chức, tên rửa tội là Johann Carl Edward. Từ Merseburg gia đình đã chuyển đến Berlin, nơi Stieber được đào tạo để trở thành một mục sư Tin Lành. Nhưng hắn chọn cho mình con đường khác. Học xong, Stieber làm luật sư. "Chiến tích" đầu tiên được lịch sử ghi nhận của hắn là chiếm được lòng tin của ông chú vợ chủ xưởng dệt thành phố Silez là Sleffel, người rất yêu mến Stieber. Stieber đã kích động một vụ âm mưu giả nổi tiếng dưới tên gọi "âm mưu thung lũng Girsberg", hình như có dính líu đến cuộc nổi dậy của thợ dệt thành phố Silez. Thực ra lỗi duy nhất của Sleffel là ông ta theo quan điểm tự do và tuyên truyền điều đó trong giới công nhân. Stieber đã giao nộp ông chú yêu quý cho cảnh sát như một kẻ chủ mưu phản loạn.

  May cho Sleffel là những bằng chứng do Stieber đưa ra không đủ để kết án. Trong khi đó Stieber đã khéo giả vờ đến mức vẫn tiếp tục được ông chú tin cậy và coi như là người bạn tốt nhất của mình. Stieber giả danh một người cấp tiến kiên định, bạn của giới công nhân và ủng hộ các nhà xã hội chủ nghĩa. Cảnh sát không cản trở hắn vì biết đó là một gián điệp giá trị.

  Giả làm người tự do chủ nghĩa, Stieber lọt sâu vào nhóm các nhà tự do chủ nghĩa, kích động các "bạn của mình" phát biểu chống chế độ và sau đó chỉ điểm bắt họ. Một lần hắn dẫn đầu đoàn biểu tình hô vang những khẩu hiệu phản đối hoàng đế Phổ Fridrich Vilhelm, một tên vua hèn nhát và ngu dốt (về sau bị tước quyền lực và nhốt vào bệnh viện tâm thần). Khi đoàn biểu tình tiến đến gần, vị hoàng đế hết sức hoảng hốt, nhưng Stieber bằng cách nào đó đã đến bên cạnh và thì thầm: "Tâu hoàng thượng, xin đừng sợ, có thần đây, mọi chuyện sẽ ổn cả thôi!" Hoàng đế rất đẹp lòng và chẳng bao lâu sau lập tức phong Stieber làm giám đốc cảnh sát mật vụ.

  Từ khi là trạng sư, Stieber đã bằng mọi cách chiếm được lòng tin của những người tự do chủ nghĩa, bảo vệ họ tại tòa, phát biểu những lời lẽ tiến bộ to tát. Ngoài ra hắn ta còn bào chữa thành công cho hàng ngàn tội phạm hình sự.

  Hoạt động bào chữa sở dĩ có kết quả là bởi vì với cương vị chủ bút một tờ tạp chí của cảnh sát, Stieber được vào Bộ Cảnh sát tìm hiểu tài liệu cảnh sát thu thập được để trình tòa chống lại khách hàng của mình. Quan tòa và công chúng không biết điều đó nên hết sức thán phục trí thông minh sắc sảo của hắn. Quan hệ quen biết và tình bạn với những tội phạm hình sự không ít lần được Stieber lợi dụng về sau này.

  Sau khi hoàng đế Fridrich Vilhelm bị quan nhiếp chính hạ bệ, Vilhelm I lên ngôi đã truất chức giám đốc cảnh sát của Stieber. Hắn bị thất sủng. Không thất vọng, hắn chạy sang Peterburg và tham gia tổ chức quân vụ, một cơ quan còn tồn tại hoạt động tận đến trước năm 1917 với chức năng như ban mật vụ nước ngoài của Nga. ở Peterburg, Stieber đồng thời hoạt động gián điệp cho Đức.

  Hoạt động tình báo thực thụ của Stieber bắt đầu sau cuộc tiếp xúc làm quen với thủ tướng Bismarck.

  Điệp vụ thành công đầu tiên của Stieber là vụ đánh cắp những tài liệu quan trọng của đại diện nước Áo trong Chính phủ Liên hiệp liên minh Đức của nam tước Prokes-Osten, do tên gián điệp Borman của hắn thực hiện (theo chỉ thị của Bismarck). Nhờ đó Bismarck có cơ hội làm tổn hại thanh danh đối thủ của mình và ép được triệu hồi người đó về nước.

  Sau đó Bismarck sửa soạn gây chiến với Áo, giao cho Stieber tìm hiểu tiềm năng quân sự của nước này.

  Lên đường sang Áo dưới lốt một nhà buôn lang thang, hắn ta kiếm con ngựa và chiếc xe thồ chở một vài thứ hàng nhẹ nhàng như tranh tượng thánh và tranh khiêu dâm. Cảnh sát không một lần nào nghi ngờ. Stieber giả bộ làm một kẻ "ruột để ngoài da", hàng tháng trời lê la trong đám dân Áo cả quân nhân và dân sự, nghe ngóng nhặt nhạnh những thông tin mà mức độ phong phú và chính xác khiến cả người đứng đầu Bộ tổng tham mưu quân đội Phổ là Fon Monke phải sửng sốt. Nhờ các thông tin này, năm 1865 Phổ đánh bại quân Áo và đặt dấu chấm hết cho ảnh hưởng của nước Áo đến Liên minh các quốc gia Đức.

  Sau chiến thắng này, Stieber trở thành đội trưởng đội cảnh sát mật do Bismarck thành lập để phục vụ cho Bộ tổng tham mưu.

  Những quý tộc thuộc Bộ tổng tham mưu coi rẻ đám gián điệp, không cho Stieber vào nhà ăn sĩ quan. Bismarck liền mời Stieber cùng ngồi dùng bữa với mình. Ngoài ra Bismarck còn đề nghị Monke trao huân chương cho Stieber vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Monke cấp huân chương cho Stieber nhưng sau đó xin lỗi đồng nghiệp của mình vì đã tặng thưởng cho một tên bị họ khinh rẻ. Đáp lại Bismarck chỉ định Stieber làm thống đốc Briunn (Brno), thủ đô Moravia bị Phổ chiếm đóng.

  Theo yêu cầu và với sự ủng hộ của Bismarck, Stieber đặt cơ sở xây dựng ngành tình báo Đức. Hắn thực hiện kiểm tra toàn bộ thư từ, điện tín từ mặt trận. Để nâng cao tinh thần quân đội và dân chúng, hắn thành lập Nha thông tin trung ương. Trong các bản tin hàng ngày, Nha này loan tin về những tổn thất nặng, sự hoang mang hoảng loạn, bệnh tật, tình trạng thiếu vũ khí đạn dược, và các mối bất hòa trong hàng ngũ quân địch. Stieber làm chìm ngập không riêng Đức mà toàn bộ các nước châu Âu khác bởi những thông tin theo chiều hướng đó. Hắn ta trục xuất hãng thông tấn lớn nhất Reuter khỏi Đức, nhưng chẳng bao lâu sau phát hiện ra rằng một chi nhánh của hãng đã triển khai hoạt động ngay ở Berlin. Hắn đồng thời đàn áp chi nhánh này và thành lập tại Berlin một hãng bán chính thức của bác sĩ Wolf. Hãng này khác Reuter ở chỗ có nguồn tin nóng và do chính phủ cung cấp.

  Những công trạng của Stieber đã được đặc biệt quan tâm. Hoàng đế Phổ Vilhelm I, cách đó không lâu còn bất tín nhiệm Stieber, bắt đầu gọi hắn là "thần dân không được hiểu và đánh giá đúng" và điệp viên mật của mình, xứng đáng ban thưởng không chỉ vàng bạc và huân chương của quân đội, mà còn đáng được xã hội kính nể trọng vọng. Stieber được phong cấp cố vấn mật.

  Sau chiến tranh với Áo, Bismarck lại chuẩn bị phát động một cuộc chiến mới - lần này là với Pháp.

  Cuộc triển lãm quốc tế năm 1867 đã thu hút đến Paris nhiều quân vương, trong đó có Nga hoàng Alecxandr Đệ nhất I. Stieber được lệnh đến Pháp một đêm trước cuộc viếng thăm của sa hoàng Nga với mục đích phá hoại việc kí kết hiệp ước liên minh Nga-Pháp. Và ở đây Stieber đã gặp may. Qua đám thuộc hạ, hắn biết có âm mưu ám sát Nga hoàng đang được chuẩn bị. Như là một vị khách và đồng minh có thể của Napoleon III, sa hoàng nhất thiết phải có mặt ở cuộc diễu binh nhân danh mình. Tại đó có một người Ba Lan tên là Berezovski đã chuẩn bị thực hiện vụ ám sát. Biết được điều này, Stieber không thông báo cho cảnh binh Pháp. Hắn tin chắc trong trường hợp vụ ám sát thành công, liên minh Nga-Pháp sẽ bị đổ vỡ.

  Thực tế đã xảy ra vụ ám sát nhằm vào Nga hoàng Alecxandr Đệ nhất I, nhưng viên đạn của tên khủng bố chỉ trúng tai con ngựa của viên quan giám mã đi cạnh nhà vua. Berezovski bị bắt. Tên này chỉ bị kết án nhẹ khiến sa hoàng hết sức tức giận, và việc kí kết đã không được thực hiện. Lúc này con đường cho quân Đức đã được mở.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 14 Tháng Sáu, 2008, 01:50:24 pm
  Một trong những ưu thế quan trọng nhất của chiến lược quân sự là chất lượng vũ khí. Thời đó nước Phổ có một loại súng được đánh giá là tốt nhất châu Âu. Đổi lại, người Pháp nghĩ ra súng Mitrailleuse và giữ bí mật về điều đó. Năm 1868, Stieber cùng với hai thuộc hạ thân tín nhất đến Pháp. Trong thời gian đó nhóm gián điệp ba tên này đã chuyển về Berlin nhiều báo cáo mã hóa, thu xếp cho nhiều gián điệp sinh sống tại Pháp, còn khi lên đường về nước trước cuộc chiến tranh đã mang theo ba va li tài liệu. Về sau Stieber khoe khoang hắn đã có ở Pháp bốn mươi nghìn điệp viên. Con số tất nhiên là phóng đại nhưng khoảng gần mười đến mười lăm nghìn điệp viên trong tay hắn có  khả năng là thật.

  Stieber đã chuẩn bị cho cuộc tấn công nước Pháp với sự chính xác của người Đức. Hắn chú ý nhất đến đường sá, sông, cầu, kho vũ khí, kho tàng dự trữ và các tuyến thông tin liên lạc. Nhưng hắn cũng đồng thời tăng cường quan tâm đến tình hình dân chúng, thương mại, kinh tế, chính trị, tình trạng đạo đức của người Pháp.

  Tin tức tỏ ra đáng tin cậy đến mức sau khi cuộc tấn công bắt đầu, quân nhu Đức biết chính xác số lượng và địa chỉ và ở nhà nông dân hay địa chủ nào có thể trưng thu những thứ phục vụ nhu cầu quân đội Đức. Còn nếu có kẻ cãi rằng anh ta có ít thịt, bánh mì và gà hơn những gì bị đòi hỏi thì sẽ được phát cho hai tờ giấy. Một tờ ghi rõ số liệu chính xác tài sản của anh ta, còn kia là tờ lệnh treo cổ. Anh ta được đề nghị chọn lựa. Và tất nhiên mọi người đều phải chọn tờ thứ nhất.

  Stieber trong khi đánh giá cao công trạng và vị trí của mình ở nước Pháp bị chiếm đóng đã hoàn toàn trở nên quá trớn; hắn nhạo báng không chỉ người Pháp mà cả các sĩ quan Đức, vì vậy bị căm ghét và khinh bỉ hết sức.

  Nhưng trong thời kì tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình hắn lại rút vào bóng tối. Lúc này hắn đã đóng vai người hầu của đại biểu Pháp Jules Favre và chiếm được lòng tin của ông này. Tất cả các tài liệu mật mà Favre mang theo, từng bức điện tín và thư từ đều đã qua tay hắn. Stieber biết tất cả và hài lòng xoa tay.

  Năm năm sau thất bại, nước Pháp lại cất đầu và nghĩ cách phục thù. Cần phải dò la về các kế hoạch của người Pháp.

  Stieber tìm kiếm ả Fon Kaulla từng có quan hệ gần gũi với tướng Pháp De Cisse khi ông này bị bắt làm tù binh ở Đức. Theo nhiệm vụ của Stieber giao phó, Fon Kaulla sang Pháp và gặp gỡ với De Cisse khi đó đã trở thành bộ trưởng quốc phòng. Cô ả kịp moi được nhiều tin mật từ ông này trước khi lộ mặt và bị trục xuất khỏi Pháp, còn De Cisse thì bị bãi chức bộ trưởng.

  Đến năm 1880 Stieber đã xây dựng được ở nước Pháp một đội quân gián điệp đáng tin cậy từ dân xứ Alsace và Lorraine với con số lên đến hàng nghìn người. Những người này nắm chức vụ trong quân đội, trong các bộ, ngân hàng, nhà máy, khách sạn, quán hàng, trong ngành đường sắt, thu lượm tin tức cần thiết và sẵn sàng vào một ngày bất kì thực hiện các vụ phá hoại. Một gián điệp của Stieber là Vindel đã trở thành người đánh xe cho tướng Mercie - bộ trưởng quốc phòng và cùng với ông này "thanh tra" khắp tất cả các vùng và đồn binh trại lính.

  Tại Paris, Stieber tổ chức chi nhánh hiệp hội bảo hiểm Berlin "Victoria" với toàn bộ nhân viên và đại diện là các sĩ quan Phổ trong phiên chế dự bị. Chi nhánh này tồn tại cho đến trước năm 1914. Khoảng nửa năm biên chế ở đây lại thay đổi nhưng không có người nào trong số nhân viên đó quay về Berlin mà không sử dụng kì phép nhận được để đi khắp các tỉnh miền Đông nước Pháp.

  Chính Stieber đã thu nhận vào thành phần gián điệp "một sĩ quan quý tộc về hưu", biến hoạt động trước đây bị khinh rẻ và lảng tránh này thành một nghề có uy tín và thể diện. Công tước Otto Gohberg vốn thuộc một dòng dõi quý tộc cổ xưa và danh tiếng đã trở thành gián điệp đắc lực và có ích nhất của Stieber. Ông này đã áp dụng vào hoạt động tình báo những ngón nghề, thủ đoạn bẩn thỉu để tóm gọn các ông bạn sĩ quan của mình. Stieber bắt đầu thu dụng đặc biệt thường xuyên những tay chân dạng này từ sau năm 1871.

  Trong những "chiến tích tình báo" của Stieber có thể kể thêm vụ khiêu khích "khám phá" cái gọi là "âm mưu Đức-Pháp tại Paris" với mục đích bôi nhọ thanh danh "Quốc tế Cộng sản" do Marx và Engels thành lập. Tòa sơ thẩm không tìm được bất kì bằng chứng nào chống lại Quốc tế Cộng sản, Stieber theo chỉ thị của chính phủ Phổ đã sử dụng những bằng chứng ngụy tạo thô bỉ để xúi giục gây ra vụ xét xử. Câu chuyện này đã đi vào lịch sử với tên gọi "Vụ án Keln của những người cộng sản". Nhờ hoạt động vạch trần tích cực của Marx và Engels trò hề xét xử thất bại nhục nhã.

  Cuộc đời Stieber có không ít thành công, thất bại, các vụ khiêu khích và phản bội. Hắn qua đời năm 1892 và được chính phủ Phổ tổ chức mai táng long trọng.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 15 Tháng Sáu, 2008, 01:03:17 pm
13 - BELL BOYD (sinh năm 1844)
khi người đẹp mê hồn làm điệp viên



  Thời kì Nội chiến ở Mỹ, không chỉ quân miền Bắc mà cả quân miền Nam đều có thể tự hào về các nhân viên tình báo của mình.
Hoàn toàn có thể gọi miss Bell Boyd là một ngôi sao tình báo của phe miền Nam. Tiểu thuyết gia Mỹ Joseph Gerhaschamer đã viết về bà như sau: "Miss Bell Boyd quả thực là một cô thiếu nữ đẹp mê hồn mặc váy phồng". Đó là con người phiêu lưu bẩm sinh, coi những cuộc phiêu lưu trong chiến tranh là nhu cầu không thể thiếu như cơm ăn áo mặc, sinh ra trong gia đình một công chức bang miền Nam Virginia.
Tháng 7 năm 1861, khi đang có Nội chiến, cô chỉ vừa tròn mười bảy tuổi. Thành phố Martinsberg quê hương cô bị quân miền Bắc chiếm. Một lần đám lính muốn treo lên nóc ngôi nhà của gia đình cô lá cờ liên quân, mẹ của Bell phản đối và định đóng sập cửa trước mũi họ. Khi đó một viên hạ sĩ quan liên quân liền đập ầm ầm vào cánh cửa và nói những lời thô bạo với bà mẹ. Bell không chịu nổi điều đó đã "...nổi khùng lên vì phẫn uất, vớ ngay khẩu súng lục và bắn cho hắn một phát. Hắn ta bị thương nặng và chết sau đó không lâu". Các sĩ quan liên quân tiến hành truy cứu vụ ngộ sát một cách khoan dung và chú ý đến tuổi đời non trẻ của Bell và thừa nhận rằng cô hành động nông nổi, vô ý thức.
 
  Việc thoát khỏi bị trừng trị khiến miss Bell phấn chấn và cho cô cảm giác bản thân mạnh hơn "bọn Yanki". Ít lâu sau cô bắt đầu hoạt động tình báo cho quân miền Nam.

  Bell dễ dàng đọc được những tin tức quân sự mới nhất ở tay phóng viên tờ New York Herald và các sĩ quan liên quân đóng ngay trong ngôi nhà của gia đình mình. Cô đã chuyển cho Bộ tổng tham mưu phe miền Nam nhiều bản tin và báo cáo. Đến ngày 23 tháng 5 năm 1862 cô đã thu thập được những tin tức đặc biệt quan trọng về các cuộc tấn công sắp tới của các đạo quân miền Bắc: các lực lượng liên minh của tướng Banks, Mait và Fremont có nhiệm vụ đánh tan quân của tướng Jackson. Những tin tức này cần được chuyển về Bộ tổng tham mưu phe miền Nam. Nhưng không có ai dám vượt qua ranh giới mặt trận. Bell Boyd liền tự mình mang tin đi. Với bản tính ưa phiêu lưu và thích làm những việc mạo hiểm giữa thanh thiên bạch nhật chứ không phải trong đêm tối, cô diện một bộ váy xanh sẫm, đội chiếc mũ trùm trắng nhỏ, và đeo tạp dề hồ bột trắng tinh đi ngang qua đội hình chiến đấu của liên quân miền Bắc và lọt vào vành đai trung lập dưới làn đạn. Súng vãi đạn, lựu đạn nổ xung quanh - một quả lựu đạn nổ cách cô chỉ bảy mét, rắc đầy mảnh, nhưng cô đã bình yên vượt qua tất cả và vui vẻ vẫy chiếc mũ nhỏ xinh chào các chàng lính trung đoàn Mariland I và lữ đoàn Lusiana cũng đang hân hoan chào đáp lại.
Tướng Jackson, người được trao ngay tức khắc bản báo cáo quan trọng đó, biết đánh giá cao những nỗ lực của ngành tình báo và thông tin do nó cung cấp. Ông lập tức có biện pháp - tập trung tất cả các đạo quân của mình vào những hướng chính yếu và đã đập tan các đơn vị tấn công của phe miền Bắc.

  Sau đó ít lâu, cô gái trẻ nhận được thông điệp:

  "Miss Bell Boyd! Tôi nhân danh bản thân và quân đội cảm ơn Cô vì những đóng góp to lớn mà Cô đã mang lại hôm nay cho Tổ quốc mình. Mãi là bạn của Cô. T. D. Johnson, Tổng tư lệnh quân miền Nam".

  Sau thành tích đặc biệt đó, Bell Boyd tiếp tục giúp quân đội miền Nam. Nhưng ít lâu sau cô phạm sai lầm nghiêm trọng vì đã tin cậy trao báo cáo của mình cho một gián điệp của phe miền Bắc. Bản báo cáo được trao tận tay bộ trưởng chiến tranh liên bang Stanton. Ông này lập tức phái thám tử của cơ quan tình báo liên bang Crids đến bắt và đưa Bell Boyd đến Washington. Crids là con người thô bạo, tàn nhẫn, không bị quyến rũ bởi nhan sắc của cô gái trẻ và tuyệt đối thực hiện đúng mệnh lệnh.

  Nhưng Bell gặp may. Một thời gian ngắn sau cô được mang trao đổi với một gián điệp của phe miền Bắc bị bắt ở miền Nam. Bell được đưa về thủ phủ của phe miền Nam là thành phố Richmond. Nơi đây cô được đội vệ binh bồng súng đón chào, buổi chiều tối, dưới cửa sổ căn phòng cô, ban nhạc thành phố chơi bản serenad. Cuộc đời về sau của người nữ điệp viên xinh đẹp, yêu kiều này có thể gọi là một happy end điển hình. Cô xuống tàu biển đi du lịch. Đến nước Anh, cô gặp gỡ một sĩ quan hải quân liên bang là Wildo Harding. Tình cảm của ông đối với cô quá mãnh liệt, đến nỗi ông không đắn đo xin từ chức luôn và Miss (cô) Boyd đã trở thành Mrs (bà) Harding. Cô không bao giờ mảy may hổ thẹn với danh tiếng "gián điệp của quân phản loạn" mà còn tổ chức nhiều cuộc nói chuyện về các chiến công của mình, thậm chí trở thành tác giả của những hồi kí về hoạt động tình báo của bản thân.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 15 Tháng Sáu, 2008, 01:05:44 pm
14 - ALFRED REDL (1864 -1913)
bí mật sau vụ tự sát



  Trước cuộc Thế chiến thứ nhất, vụ án xét xử một đại tá thuộc Bộ tổng tham mưu Áo là vụ gây xôn xao nhất trong tất cả các vụ án gián điệp. Theo nguồn tin chính thức từ nhân viên Bộ tổng tham mưu Áo - Hung là các ông Urbanski, Ronge và giám đốc cơ quan tình báo Đức Nicolai, thực chất của vụ này như sau:

  Alfred Redl sinh trong gia đình một kiểm toán viên tòa án trú phòng bình thường (có tài liệu nói là nhân viên hỏa xa) tại thành phố Lemberg (Lvov) sát biên giới Nga, nơi sinh sống những người thuộc rất nhiều các dân tộc. Vì vậy từ nhỏ Alfred đã nói thành thạo mấy thứ tiếng. Năm mười lăm tuổi ông vào học trường võ bị, sau đó tốt nghiệp xuất sắc học viện sĩ quan. Không theo truyền thống đẳng cấp quân chủ, thay vì phục vụ trong một đồn binh ngoài biên chế, ông được nhận thẳng vào Bộ tổng tham mưu. Năm 1900, đã là đại úy, Alfred Redl được cử sang Nga để hoàn thiện vốn tiếng Nga và nghiên cứu tình hình đất nước không thân thiện này. Ông nghiên cứu người Nga và người Nga cũng nghiên cứu ông. Kết quả có nhận xét sau: "...tầm vóc trung bình, tóc vàng ánh bạc, ria ngắn hơi ánh bạc, lưỡng quyền hơi cao, đôi mắt tươi cười ngọt xớt. Đây là con người tinh quái, xảo quyệt, kín đáo, chăm chú, có năng lực. Lối suy nghĩ nhỏ nhen, vặt vãnh. Toàn bộ vẻ ngoài ngọt ngào thơn thớt. Cử động có suy tính, cân nhắc, chậm rãi... Ưa giải trí vui vẻ..."

  Khi trở về Vienna, Redl được chỉ định làm trợ lí giám đốc Cục tình báo thuộc Bộ tổng tham mưu cho tướng - nam tước Gizel fon Gizlingen. Ông này giao cho Redl chỉ huy ban điệp viên của Cục, chịu trách nhiệm về các chiến dịch phản gián. Khi biết về cương vị mới được bổ nhiệm của Redl và so sánh điều đó với tính cách của ông ta và một vài những dữ kiện khác (chẳng hạn như khuynh hướng đồng tính luyến ái, thói xa xỉ, lãng phí), người đứng đầu cơ quan tình báo Nga ở quân khu Varsava là đại tá Batiusin đã giao cho một trong những nhân viên ưu tú nhất của mình (có khả năng đó là đại tá Vladimir Christoforovich Roop, trước năm 1903 là nhân viên quân báo Nga ở Vienna) nhiệm vụ thu dụng Redl kèm theo cung cấp cho ông ta các bản hướng dẫn và một khoản tiền lớn. Vụ mua chuộc đã thành công.

  Trên cương vị chỉ huy ban phản gián, Redl thể hiện mình rất xuất sắc. Ông ta đã cải tạo và biến ban này thành một trong những cơ quan mật vụ mạnh nhất thời bấy giờ. Ông ta áp dụng những phương pháp làm việc mới như bí mật lấy dấu vân tay, đặt máy quay đĩa nghe trộm và chụp ảnh trộm. Nhưng thành tích chính của ông ta là đã lấy được những tài liệu tuyệt mật của quân đội Nga và phát hiện một số gián điệp Nga. Tất cả những việc đó tất nhiên là thực hiện với sự giúp đỡ của những bạn mới người Nga của ông ta. Cơ quan tình báo Nga không hề cắn rứt lương tâm "bán đứng" những điệp viên đã trở nên vô dụng, vòi tiền, hoặc có thể là những điệp viên hai mang. Còn tài liệu giả như thật thì do ban đặc biệt của Bộ tổng tham mưu Nga làm. Về phần Redl, những tài liệu do ông ta cung cấp thật sự có giá trị. Nhà nghiên cứu nổi tiếng Edvin Woodholl xác nhận: "Đại tá Redl đã cung cấp cho người Nga một khối lượng lớn các bản sao tài liệu, mật mã, ảnh, các bản kế hoạch, các mật lệnh trong quân đội, các biện pháp huy động quân, báo cáo về tình trạng đường sắt và đường bộ, miêu tả mẫu các thiết bị quân sự..." Ngoài ra, Redl cũng cung cấp cả kế hoạch tổng lực của Áo - Hung chống nước Nga và những kế hoạch khác của hai nước này - "nêu rõ ràng cụ thể đến từng người và từng khẩu đại bác... bằng bảng biểu, sơ đồ, bản vẽ và bản đồ... Kế hoạch này là tuyệt tác của Bộ tổng tham mưu quân đội Áo - Hung..."

  Bên cạnh đó, Redl theo ý riêng mình giấu nhẹm Bộ tổng tham mưu của mình những thông tin bí mật do các điệp viên Áo - Hung gửi về từ nước Nga. Ông ta còn chỉ điểm những nhân vật đó cho Bộ tổng tham mưu Nga.

  Công lao của Redl được trả giá không tồi. Ông ta sống trong một căn hộ tuyệt đẹp, có chín mươi lăm chiếc sơ mi, mười áo khoác nhà binh bằng lông, bốn trăm đôi găng tay bằng da bóng, mười đôi giầy da, còn hầm rượu có một trăm sáu mươi tám chai champagne hảo hạng. Ngoài ra, năm 1910 ông ta đã mua một điền trang lớn đắt tiền, trong vòng năm năm cuối đã mua bốn chiếc ô tô và ba con ngựa loại hay đầu bảng.

  Năm 1907 được đặc cách thăng cấp đại tá, Alfred Redl trở thành người đứng thứ hai trong Cục phản gián và tình báo quân sự Áo - Hung. Chức vụ người đứng đầu cơ quan tình báo và thậm chí là lãnh đạo Bộ tổng tham mưu có khả năng sẽ về tay ông ta. Nhưng ông ta đã sa vào chiếc bẫy của chính mình. Từ khi bắt đầu hoạt động ông ta đã sắp xếp một "căn phòng đen" để xem xét thư từ. Một bức thư khả nghi đã quay trở lại bưu cục, mà khi người nhận đến lấy thư, nhân viên bưu chính đã bí mật gọi cho cảnh sát mật. Chuyện đã xảy ra như vậy với bức thư đề tên một ông Nisetas nào đó. Trong thư người ta phát hiện ra bảy nghìn curon. Cảnh sát mật lần theo cái tên "Nisetas" đã xác định được rằng đó không phải ai khác mà chính là đại tá Redl. Hơn nữa, ông ta còn khẳng định rằng chiếc hộp đựng dao để lại trên chiếc taxi mà "Nisetas" đã đi là của mình. Trước mặt các cảnh sát mật vụ ông ta đã xé vụn và ném xuống đường những tờ hóa đơn bưu chính.

  Đêm đến, mấy sĩ quan do Ronge cầm đầu vào phòng khách sạn nơi Redl ở. Ông ta trả lời các sĩ quan là không có đồng bọn, còn tất cả những chứng cớ cần thiết đều ở trong nhà của ông ta ở Praha. Các sĩ quan để lại cho Redl một khẩu súng lục và bỏ đi. Khi họ quay trở lại, ông ta đã chết. Ngày 26 tháng 5 năm 1913 tất cả các báo trên đế quốc Áo - Hung đều đăng tin về vụ tự sát bất ngờ của đại tá Redl... "con người có đường công danh thật rạng rỡ". Tiếp đó có thông tin về lễ tang trọng thể... Đến ngày sau, tờ "Praha Tageblatt" thông báo: "Một nhân vật cấp cao yêu cầu chúng tôi phủ nhận những tin đồn... liên quan đến đại tá Redl... người dường như bị buộc tội đã chuyển cho... Nga những bí mật quân sự. Trên thực tế ủy ban sĩ quan cấp cao đã đến khám xét ngôi nhà của ông với mục đích khác". Và khi ấy chẳng có ai ngoài nhóm sĩ quan, kể cả hoàng đế Frans Joseph, biết được sự thật.

  Về chuyện thông tin rò rỉ, nguồn tin chính thức giải thích như sau: để mở cửa căn hộ người ta mời anh thợ khóa Vagner là cầu thủ xuất sắc nhất của đội bóng do tổng biên tập báo Praha Tageblatt làm đội trưởng. Do vắng mặt Vagner, đội bóng đã bị thua, và anh ta thanh minh, giải thích lí do vắng mặt của bản thân với đội trưởng. Anh kia nghĩ rằng đã khám phá được một bí mật chấn động, và trong điều kiện kiểm duyệt gắt gao đã đưa tin theo lối bóng gió. Do đó dẫn đến những hiểu nhầm và tin đồn lan ra.
Nhưng lại nảy sinh nhiều cái "nhưng".

  Trong căn hộ của Redl người ta chẳng tìm thấy các tài liệu gián điệp nào cả. Không có bản photocopy lá thư của Nisetas. Vậy ông ta giữ lại những hóa đơn làm gì và tại sao lại tìm cách vứt chúng đi một cách vụng về như vậy, và làm sao mà các cảnh sát mật có thể nhanh chóng nhặt được những mẩu giấy vụn vung vãi đó? Sự nhanh chóng và hời hợt của cuộc hỏi cung Redl ở trong khách sạn dẫn đến việc lập tức đề nghị ông ta tự sát là rất đáng ngờ. Câu chuyện với anh thợ khóa - cầu thủ Vagner cũng đáng ngạc nhiên. Không lẽ người ta không thể lệnh cho anh ta "quên hết mọi chuyện và ngậm miệng lại"? Còn cả những việc của cảnh sát Áo - Hung với người hầu của Redl là Sladek. Giám đốc cảnh sát đã nói chuyện với anh ta cặn kẽ đến mức các phóng viên không moi được của anh ta lấy nửa lời. Nói tóm lại, trong vụ đại tá Redl các chứng cớ nghiêm trọng không hề có. Từ đó khiến người ta đặt ra hai câu hỏi: Vậy thực ra ai là gián điệp và tại sao vật hiến sinh lại chính là Redl?

  Viên đại tá mà chúng ta đã nhắc đến ở trên là Roop đã tuyển mộ ở Vienna điệp viên mang bí số N0 25, nhưng đó có phải là Redl không thì chính Roop, lúc này đã lên tướng, lại không khẳng định. Hơn nữa, thông tin từ điệp viên đó có tính chất đúng như những điều gán cho Redl, vẫn tiếp tục được cung cấp cả sau khi Redl đã chết. Ngay trước chiến tranh 1914, một nhân viên của Bộ tổng tham mưu là Samoilo đã đến Bern gặp gỡ điệp viên mang bí số No 25 và nhận từ ông ta những thông tin mà cơ quan tình báo Nga quan tâm, nhưng cũng không biết tên ông ta là gì.

  Có thể giả thiết là những sự kiện đã phát triển như sau: Đầu năm 1913 cơ quan phản gián Áo nhận được tin rằng trong Bộ tổng tham mưu có gián điệp của tình báo Nga. Nhưng các cuộc tìm kiếm không đem lại kết quả, và điều đó khiến lãnh đạo các cơ quan đặc vụ khó chịu. Vậy là cơ quan phản gián đã kiếm được "vật hiến sinh" là Redl, bắt quả tang ông ta quan hệ đồng tính luyến ái, làm tổn hại danh dự sĩ quan, hoặc có thể là phạm những tội lỗi khác nào đó. Điều đó trở thành nguyên nhân của vụ tự sát, mà cũng có thể là một vụ giết người - vì không thể đem "vụ án" ra xét xử ở tòa. Còn nhờ sự giúp đỡ của gã cầu thủ - thợ khóa và biên tập viên báo là để loan truyền câu chuyện cho dân chúng.

  Dù chuyện là thế này hay thế khác, người ta đã giết Redl hay Redl tự sát thì cơ quan phản gián Áo cũng khiến ông ta "nổi danh như một trong những gián điệp hoạt động hiệu quả nhất".


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 16 Tháng Sáu, 2008, 07:04:19 pm
15 - MATA HARI (1876 - 1917)
 nữ điệp viên với vô số huyền thoại

(http://img.dailymail.co.uk/i/pix/2007/08_01/matahariREX_468x311.jpg)

  Margaret Gertruda Tselle sinh ngày 7-8-1876 tại thành phố Lauvarden của Hà Lan trong gia đình của một người thợ làm mũ. Chẳng bao lâu sau ông bố bị phá sản và bỏ đi đâu mất, rồi bà mẹ qua đời. Cô được ông chú đem về nuôi. Cô gái lớn lên, cuộc sống tỉnh lẻ nghèo nàn làm cô ghê sợ. Cô mơ ước phiêu lưu, muốn đến nhiều nước xa xôi. Một lần đọc một tờ báo kết bạn trăm năm cô thấy có một đại uý quân thuộc địa là Rudolf Makleod muốn cầu hôn. Ít lâu sau cô đã trở thành vợ anh và được biết những vùng đất lạ của Sumatra và Java. Anh chồng là người hẹp bụng và tàn bạo. Một anh lao công bực tức đến tuyệt vọng đã đầu độc các con anh ta. Thằng con trai Norman bị chết, đứa con gái được cứu thoát. Bản thân Margaret cũng không thoát được tay chồng. Năm 1903 cô chạy sang châu Âu, để con gái cho chồng nuôi.

  Tại Paris, Margaret làm nghề diễn viên nữ kỵ sĩ cho một rạp xiếc, sau đó chuyển sang tạp kỹ. Cô có vẻ đẹp phương Đông huyền bí, rất mềm mại, lại biết múa những điệu lễ thức của những dân tộc hoang dã ở Java và Sumatra. Ông chủ rạp xiếc đã giúp cô trình diễn trong những salon sang trọng. Cô đã lấy một cái tên ngoại lai, "Mata Hari", không ai biết dịch nghĩa là gì, nhưng một số tác giả bảo có nghĩa là "ban mai”, "tỉnh mộng", hoặc là "ánh mắt hừng đông", đại loại như vậy...

  Những cảnh múa phương Đông lạ lẫm, kết hợp cả thoát y vũ đã làm rung động cả châu Âu thời trước chiến tranh. Paris, Vienna, Berlin, Amsterdam, Roma, Monte-Karlo đều quì rạp dưới chân cô. Tiền của cứ tự nhiên vào túi Mata Hari, cô đã mua mấy cái biệt thự, nhiều cổ phiếu, sau đó rồi tiền của lại đi đâu mất, cô lại nợ nần đến nỗi phải trốn các chủ nợ. Cô đã định theo đoàn lưu diễn  khắp châu Âu, nhưng không thành.

  Tất nhiên, sự hoà trộn nhiều đặc tính - huyền bí, xinh tươi, quan hệ rộng với các giới quan chức, cần tiền - được các tổ chức điệp vụ chú ý đến.

  Nhưng cô có trở thành điệp viên hay không, mà nếu có thì là của ai, khi nào, cô có cung cấp được cho các ông chủ  những nguồn tin quí báu hay không, hay là cô chỉ ghi danh vào "cơ quan điệp vụ" và nhận tiền của họ mà thôi?

  Thực sự cô Mata Hari là ai - là điệp viên, là kẻ phiêu lưu, là nạn nhân của toà án bất công? Cô phục vụ cho ai? Nếu có người hỏi: "Cô làm việc cho ai? thì cô có thể thành thật trả lời rằng "Cho chính mình", và như thế cũng không xa sự thật là mấy.

  Một cách lý giải cho rằng Mata Hari là điệp viên của Đức một thời gian dài trước chiến tranh năm 1914, ngay sau khi ly dị, khi cô đang rất cần tiền, dù chỉ là những khoản tiền nhỏ. Phụ họa cho cách lý giải này là sự kiện cô đã mang biệt danh H-21, mà chữ cái "H" là của các điệp viên thời trước chiến tranh. Những người hoạt động ngay sau khi bắt đầu chiến tranh thì có mã số AP. Không hề có các bằng chứng nào khác. Cũng không hề có thông tin gì nói rằng có những bí mật của Pháp trước chiến tranh đã bị rò rỉ sang Đức.

  Một cách lý giải khác: tháng 7 năm 1914, mấy tuần trước khi bắt đầu đánh nhau, Mata Hari đã rời Paris sang Đức, sang đó thì chiến tranh nổ ra. Vào ngày tuyên bố chiến tranh người ta thấy cô ngồi ăn sáng với trùm cảnh sát Berlin. Sau này người ta vin cớ đó để khẳng định rằng anh chàng này đã tuyển mộ được cô. Bản thân Mata Hari giải thích rất đơn giản. Trước toà cô nói: "Tại Đức cảnh sát có quyền kiểm duyệt quần áo của nhà hát. Người ta bảo tôi ăn mặc hở hang quá. Ông cảnh sát trưởng đã đến xem xét và thế là chúng tôi quen nhau".

  Cũng có một cách lý giải khác cho rằng Mata Hari được tuyển mộ trong thời chiến tranh bởi tuỳ viên quân sự Đức ở Madrid là Hans fon Kalle, mà cô là người tình trong một thời gian. Cách lý giải này gần giống với sự thật, bởi vì về sau chính từ Madrid xuất hiện một bản tin mật tai họa cho Mata Hari. Hơn nữa, người ta còn kể rằng tham gia vào việc tuyển người này còn có đô đốc tương lai Canaris, lúc này ông mới là một thuyền trưởng khiêm tốn của một chiếc tàu ngầm, nhưng nhiều năm sau ông là người lãnh đạo ngành tình báo quân sự của nước Đức Hitler. Khi các bạn bè hỏi về sự kiện này ông chỉ cười trừ không đáp. Một số người khẳng định rằng cô được tuyển chọn ở Madrid bởi nam tước Fon Mirbakh. Tuyển chọn xong cô đã nhận một khoản tiền lớn.

  Mata Hari lúc nào cũng cần tiền: cô luôn luôn bội chi. Nhưng lấy tiền ở đâu? Cô đã chấp nhận một quyết định ngược đời và tai họa: "Nếu tình báo Đức đã dễ dàng cho ta một khoản tiền lớn, thì tại sao lại không đòi hỏi cả tình báo Pháp nữa?"

  Mata Hari đến gặp người chỉ huy phản gián, đại uý Liadu, với lý do cô cần giấy thông hành đi đến thành phố sát mặt trận Vittel, là nơi ông thị trưởng đã mời cô từ lâu, hơn nữa, cô cũng cần tới đó điều trị một đợt.

  Cô đã thương lượng được với đại uý Liadu và bắt đầu phục vụ cho tình báo Pháp, mà không hề nói rằng cô làm cho tình báo Đức.

  Cô nhận được nhiệm vụ đầu tiên đi Tây Ban Nha, sau đó đi Bỉ.

  Khi chia tay, đại uý Liadu đã cố ý nhắc nhở cô rằng đừng bao giờ làm việc cho cả hai mặt trận, cần chọn lấy một, nếu không thì kết cục sẽ rất xấu. Mata Hari trả lời bằng một câu bóng bẩy theo kiểu phương Đông đại ý nói rằng cô sẽ phục vụ tình báo Pháp bằng tấm lòng trung thành và bằng sự thực.

  Để cho Mata Hari đi Tây Ban Nha, Liadu đã hành động gần như chắc chắn: tình báo Pháp đã biết được mật mã mà tuỳ viên quân sự Đức đã dùng để liên lạc với Bộ tổng tham mưu ở Berlin.

  Quả thật, ít hôm sau Liadu nhận được mật điện:

  "Điệp viên H-21 đã tới Madrid. Đã bắt đầu làm được việc cho Pháp. Xin chỉ thị và xin tiền. Đang cung cấp thông tin về các nơi đóng quân... Cũng cho biết rằng nhà hoạt động quốc gia Pháp N. đang có quan hệ mật thiết với một công nương nước ngoài... "

  Trong điện trả lời, bộ chỉ huy Đức ra lệnh:

  "Đề nghị H-21 về ngay nước Pháp và tiếp tục công việc. Nhận ngân phiếu của Kremer năm ngàn frank đề tên Kotuar d' Eskont".

  Sau này người ta biết rằng không phải mọi thông tin về các trung đoàn của Pháp là chính xác, thông tin về những cuộc phiêu lưu tình ái của nhà hoạt động quốc gia cũng không có gì đáng chú ý lắm.

  Đối với cuộc đời của Mata Hari những bức điện ít ý nghĩa ấy lại là quyết định - cơ quan phản gián của Pháp đã nhận được lời khẳng định rằng chính cô ta là điệp viên của Đức mang tên H-21.

  Nhưng đồng thời Mata Hari lại góp công lớn cho phản gián Pháp. Thông qua người tình của mình, điệp viên Đức Hans fon Kalle, cô biết rằng quân Đức đã biết về việc người Anh đổ quân bằng tầu ngầm lên cảng Marroco và bộ chỉ huy Đức đang chuẩn bị đập tan số quân đó. Cô lập tức đến gặp điệp viên Pháp ở Madrid, đại tá Danvil, và thông báo cho ông biết. Đại tá mật báo về Paris. Bọn Đức đã bắt được điện ấy. Khi hiểu ra "gió thổi từ đâu", bộ chỉ huy tình báo đã nghiêm khắc cảnh cáo Hans fon Kalle, anh này lại mắng nhiếc thậm tệ người tình. Mata Hari hiểu ra sự tình và đã quyết định đúng đắn: cô chạy đến Danvil, cho ông biết chuyện buồn - người Đức đã biết mật mã của Pháp và đã đọc được các bức điện. Chỉ cần một thông tin đó, chưa kể đến thông tin trước đã cứu sống hàng trăm binh lính và thuỷ thủ, Mata Hari cũng đã xứng đáng được nhận khoản một triệu đồng mà Liadu đã hứa. Nhưng "lòng biết ơn" mà cô nhận được lại là dạng khác.

  Chẳng bao lâu sau Noel 1916 ở Tây Ban Nha, mặc dầu đang là thời kỳ chiến tranh, Mata Hari vẫn rất đỏm dáng và trang trọng đi về Paris. Mọi người đều muốn có chuyến đi này của cô: người Đức muốn có vì cô hứa hẹn sẽ có thông tin quan trọng, phản gián Pháp cũng muốn vì "cánh chim" này đã tự bay vào bẫy của họ, còn chính Mata Hari cũng muốn vì cô hy vọng sẽ nhận được khoản tiền một triệu.

  Đúng một tháng sau người ta đến tìm cô. Ngày 13 tháng 2 cảnh sát Pháp đã bắt cô, buộc tội cô làm gián điệp cho Đức.

  Mấy tháng sau toà xét. Vụ án được đưa ra ngày 24 tháng 7 năm 1917. Họ buộc tội Mata Hari là vì cô mà mười bẩy tàu chiến của liên quân bị chìm, gần một sư đoàn quân bị thiệt mạng. Tình cảnh của người đàn bà bất hạnh này lại sầu não thêm vì tất cả những lời buộc tội đó lại dựa trên nền tảng vững chắc của dư luận xã hội đã náo động lên vì sự thất bại của chiến dịch được gọi là "Nivel" - tức là cuộc tiến công mùa xuân của quân Pháp - mà lý do là vì bọn tình báo Đức, trước hết là Mata Hari. Trong chiến dịch này quân đồng minh đã mất hơn hai trăm hai mươi ngàn binh lính và sĩ quan.

  Các chuyên gia thì đánh giá nguyên nhân thất bại do: việc chuẩn bị chiến dịch kéo dài mà lơ là việc nguỵ trang tác chiến và chiến thuật, áp dụng phương thức tấn công lỗi thời là dùng đến sinh lực, không đánh giá hết năm mươi hai sư đoàn dự bị chiến lược của Đức. Sau thất bại này có hàng loạt tướng tá bị cách chức và đuổi khỏi quân đội.

  Thật ngọt ngào khi giải thích thất bại bằng sự phản bội của người đàn bà bất hạnh đã bị bắt hai tháng trước khi nổ ra cuộc tiến công kia, một tháng trước đó đã có những vấn đề riêng của mình, hơn nữa lại mất liên lạc với bộ chỉ huy Đức! Thật quan trọng khi tìm được "vật hy sinh"! Nhân dân đang cần máu để trả nợ máu đã đổ trên bãi chiến trường.

  Dù sao đi nữa thì tiết lộ bí mật về cuộc tấn công đó vẫn là tội chính. Còn một tội nữa là nhận tiền của Đức. Mata Hari nói rằng một phần tiền ấy cô nhận được không phải vì hoạt động gián điệp, còn một phần khác thì do bọn điệp viên Đức gán ghép cho cô để chúng thanh toán các khoản chi tiêu của chúng, nhưng toà án không chấp nhận. Toà nhất trí tuyên án tử hình.

  Margaret Tselle chờ đợi cái chết của mình trong phòng đơn của nhà tù Sen-Lazar. Nhưng cho đến phút chót cô vẫn đóng vai Mata Hari của chính mình - cô vẫn múa những điệu múa lễ thức trước những người tu hành đến an ủi cô và khuyên cô nhập đạo, cô đã hứa nói ra ba điều bí mật cho một ông bác sĩ: điều thứ nhất - cho ông tình yêu, điều thứ hai - cho ông tiền bạc và điều thứ ba - cho ông cuộc sống vĩnh hằng; một ông luật sư già yêu cầu cô tuyên bố rằng cô đã có mang với ông, nghe xong cô đã cười lớn.

  Sáng sớm ngày 15 tháng 10 người ta đánh thức cô dậy. Cô vẫn đỏng đảnh: “Sao vậy? Sớm thế kia ư! Ngay buổi sáng à! Kiểu gì mà lạ vậy?" Cô từ chối không hút thuốc lá, nhưng uống một ly rượu grog. Có đề nghị đưa đức cha đến làm lễ, nhưng cô tuyên bố: "Tôi không muốn tha tội cho người Pháp. Nhưng thế nào cũng được. Tất cả đều như nhau. Sống không là gì, mà chết cũng không là gì. Chết, ngủ, mơ, những cái đó có nghĩa gì không? Cũng như nhau, đúng không - chết hôm nay hay chết ngày mai, chết trên giường mình hay lúc dạo chơi? Tất cả đều là lừa dối".

  Cô được phép viết ba bức thư ngắn: cho một quan chức nào đó, cho người tình Vadim và cô con gái.

  Ngoài cổng nhà tù đã có 5 chiếc ô tô. Buổi sáng ảm đạm hôm ấy người ta đã bắn cô trong khu rừng cạnh bãi tập Vensen. Cô yêu cầu không phải bịt mắt và mỉm cười nhìn lên bầu trời xám xịt, ẩm thấp.

  Cuộc đời, những chuyện phiêu lưu và đặc biệt là cái chết của  Mata Hari là nguồn gốc biết bao huyền thoại về cô. Điệp viên người Anh Bernard Nyumen viết: "...Tôi hoàn toàn không muốn nói rằng dường như không bao giờ có điệp viên phụ nữ, mặc dầu hoạt động của họ không phải thật là xuất sắc. Trong số họ chỉ có Mata Hari, mà cô ấy cũng chưa hoàn thành được một phần trăm những gì người ta gán ghép cho cô trong những tác phẩm đầy lãng mạn, hoặc một phần ngàn những gì được nói đến trong những cuốn sách có vẻ như là nghiêm túc".

  Nhưng bên cạnh những cuốn sách về Mata Hari người ta còn dựng nhiều phim nữa. Năm 1921 Lyudvig Wolf dựng cuốn "Nữ tình báo Mata Hari" do Asta Nilsen đóng vai chính. Năm 1927 đạo diễn Fridrikh Feger phản ánh hình tượng giai nhân khoả thân trong phim "Mata Hari, vũ nữ xinh tươi". Sau đó có hai minh tinh màn bạc giành nhau vinh quang thể hiện tài tình hình ảnh Mata Hari là Marlen Ditrikh trong phim của Fon Shtenberg "Người con gái bị lăng nhục" năm 1931, và Greta Garbo một năm sau đó trong phim "Mata Hari" của đạo diễn Fitsmoris. Như vậy là Mata Hari dù đã kết thúc cuộc đời trần thế nhưng vẫn còn được tiếp tục sống trên màn hình.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 17 Tháng Sáu, 2008, 09:47:55 pm
16 - WILLIAM SOMERSET MOEM (1874-1965)
nhà văn Anh và kế hoạch cứu chính phủ Kerenxki (NGA)

(http://www-lat.rusf.ru/fc/img/big/maughams.jpg)

  William Somerset Moem sinh ngày 25 tháng 1 năm 1874 ở Paris và là con trai thứ tư của bà Edit. Cha ông - Robert Ormond Moem là luật sư, làm việc ở sứ quán Anh. Khi cậu bé 8 tuổi thì mẹ mất vì bệnh lao. Hai năm sau, tháng 7 năm 1884, cha cậu lại qua đời vì ung thư, để lại cho năm cậu con trai năm ngàn bảng. Cậu bé được ông chú Henri, cha xứ của nhà thờ Các vị Thánh ở Vaixten tỉnh Ken đem về Anh nuôi dạy. Cậu bé đi học nhưng bị viêm màng phổi, nên năm 15 tuổi cậu phải bỏ học đi chữa trị ở miền Nam nước Pháp.

  Năm 1890 Somerset là sinh viên trường Đại học Tổng hợp Geydenbec ở Đức. Hai năm sau cậu quay trở lại Anh và cho rằng học y ở Quân y viện Saint Thomas London thích hợp hơn. Năm 1897 cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Somerset ra đời, tiếp theo đó hàng năm ông đều có sách được in ấn. Một thời gian sau trên sân khấu nhà hát ở London xuất hiện các vở kịch của ông. Trong thời điểm này cuộc đời chu du khắp chốn của ông ngập tràn những chuyện phiêu lưu tình ái, những mối quan hệ ràng buộc cả với phụ nữ cũng như với đàn ông. Hơn nữa, đây cũng là lúc ông sáng tác rất hiệu quả.

  Khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ Moem ghi tên vào Đội y tế của Pháp với tư cách tình nguyện viên Chữ thập đỏ, nhưng ngay từ năm 1915 ông đã được chuyển sang cơ quan tình báo của Anh. Hoạt động của ông ở đây không lâu và cũng chẳng có gì nổi bật: Ông có một thời ở Thụy Sỹ nơi mà ông cảm thấy "cuộc sống của một điệp viên không được như ý, hoàn toàn không giống như người ta thường nghĩ". Tuy vậy, chính ở Thụy Sỹ Moem đã phát hiện ra nhân vật Asenden của mình - thực chất là chính ông - nhân vật chính của cuốn truyện cùng tên và của các tác phẩm "phản gián" khác của ông. Những tác phẩm của Moem gần với cuộc sống đến mức khi thủ tướng Churchill xem qua các bản thảo đã phát biểu rằng ông vi phạm "Luật bảo mật quốc gia"- Moem buộc phải hủy bỏ mười bốn cuốn trong số đó.

  Nhiệm vụ đầu tiên của Moem ở Thụy Sỹ là theo dõi hoạt động của một người Anh có vợ là người Đức ở Lushern. Sau đó ông được cử sang Geneva và người lãnh đạo đã cảnh báo: "ở đó nếu ông làm tốt mọi việc, ông sẽ không được cám ơn, mà nếu ông gặp rắc rối chúng tôi cũng sẽ không giúp", Đến Thụy Sỹ Moem lưu lại tại khách sạn "Borivat", nơi như ông đã viết "có cả các điệp viên khác" ở. Moem giữ vai trò liên lạc, nhận tin của các điệp viên rồi chuyển về Pháp. Ông làm một công việc, như ông đã thừa nhận, "đơn điệu và vô bổ".

  Hàng tuần Moem vượt hồ Geneva chuyển tin và nhận chỉ thị mới. Ông biết mình đã vi phạm tính trung lập của Thụy Sỹ và lo sợ bị bắt. Vì vậy ông hối hả viết, sợ rằng nếu bị bắt sẽ không có giấy, mực.

  Ông hoạt động ở Thụy Sỹ gần một năm. ở đây ông làm quen với các nhà văn khác cũng được tuyển mộ làm điệp viên cho tình báo Anh như MacKendzi, Knobloc, Japan Kelly.

  Có một lần cảnh sát Thụy Sỹ tới khách sạn hỏi ông làm nghề gì. Moem trả lời đang viết kịch. "Tại sao lại sang Thụy Sỹ?" - "Vì ở Anh ồn ào quá." Thế là họ để ông yên.

  Mùa hè năm 1916, Moem xin được thôi việc, rồi quay về London. Cấp trên đồng ý với điều kiện khi cần sẽ lại cho gọi ông. Năm 1916 ông lại đi chu du các nước. Ông đã đặt chân lên quần đảo Hawai, đảo Tahiti, Samoa và Mỹ, nơi ông tích cực sáng tác truyện và kịch. Ngày 26 tháng 5 năm 1917 ông cưới Xiri, người tình đã có với ông một con gái tại Jecksi City. Ngay sau đó ông nhận được đề nghị sang Nga của tình báo Mỹ qua William Jusman. Lúc này làn sóng cách mạng ở Nga đang mạnh như vũ bão và Moem được lệnh sang đó để "ngăn chặn cách mạng”, như ông vẫn hóm hỉnh ghi lại. Ông phải "ủng hộ những người mensevich chống lại những người bolsevich đấu tranh cho hòa bình và giữ cho Nga luôn ở trong tình trạng chiến tranh với Đức".

  Moem do dự. Hiện ông đang bị bệnh phổi, lại không biết tiếng Nga, liệu có thể hoàn thành nhiệm vụ quan trọng đó không. Mặt khác, ông bị cuốn hút tới đất nước của các nhà văn vĩ đại Tolstol, Turghenev, Doistoievxki mà ông hằng ngưỡng mộ.

  Cuối cùng ông nhận lời. Ông lấy mật danh là Somersetvin, tên một nhân vật trong cuốn "Asenden". Các nhà hoạt động cách mạng Nga cũng có các biệt danh của mình như Kerenxki là Layin, Lenin là David, Troski là Coun, còn chính phủ Anh là "Ayre và K".

  Vấn đề lo ngại đối với Moem lúc này là tiền. Ông viết cho Wedeman: "... ở Thụy Sỹ tôi là người duy nhất làm việc không cần biết đến tiền... sau này tôi hiểu ra rằng người ta nhìn nhận cách xử thế đó của tôi không phải là thể hiện lòng yêu nước mà là sự ngu ngốc....".

  Ngày 18 tháng 6 năm 1917, Moem đã nhận 21 ngàn dollar tiền lương và kinh phí tài trợ cho phái mensevich, ngày 28 ông lên tàu thủy ở San Fransisco đi Vladimirvostoc. Từ đó ông đi xuyên suốt nước Nga trên tàu tốc hành xuyên Xiberi. Cùng đi với ông có bốn người Tiệp cũng được phái sang Nga với cùng một mục đích: giữ nước này ở tình trạng có chiến tranh.

  ở Petrograd, Moem lưu lại khách sạn "Châu Âu". Sứ quán Anh đã nhận được mật điện "Mr V": “Somerset Moem được phái tới Nga để làm sáng tỏ cho công chúng Mỹ các giai đoạn tiến triển cụ thể của cách mạng Nga. Yêu cầu tạo điều kiện cho điệp viên này được sử dụng đường dây liên lạc của sứ quán với New York". Đại sứ Anh - ngài George Blukenen đã cho Somerset mật mã của mình cho dù rất bực vì từ nay sẽ phải chuyển những bức điện mà mình không được biết nội dung. Ngài đại sứ coi Moem là vị khách không mời mà đến và chõ mũi vào việc không phải của mình nên đã tỏ thái độ bất hợp tác. Nhưng Somerset lại nhận được sự hỗ trợ từ một phía khác hoàn toàn bất ngờ. Ông gặp lại Shara Cropotkina - con gái bá tước Cropotkin, một người vô chính phủ nổi tiếng. Ông đã quen cô từ khi còn ở London, đôi khi trao đổi thư từ và thậm chí còn miêu tả cô trong truyện "Asenden" của mình. Shara quen với các thành viên nội các của Kerenxki và tự nguyện làm trợ lý và phiên dịch cho Moem.

  Shara giúp Moem gặp và làm quen với Kerenxki, sau đó ông đã vài lần gặp gỡ ông ta, lúc ở khách sạn, khi ở nhà Shara, hoặc ngay tại nơi làm việc của Kerenxki. ấn tượng về ông ta thật tẻ ngắt: một người kiệt quệ không chút sinh lực vì chức quyền đè nặng hai vai, không khả năng hành động, sợ đủ mọi thứ.

  Moem có cảm tình hơn nhiều với bộ trưởng Bộ Quốc phòng chính phủ lâm thời, đảng viên Đảng xã hội cách mạng Boris Savincov. Ông này đã tuyên bố với Moem: "Hoặc là Lenin dồn tôi tới chân tường, hoặc là tôi dồn ông ta!"

  Moem tới dự Hội đàm dân chủ tại nhà hát Alecxandr. Tại đây Kerenxki đã phát biểu rất lạc quan. Moem không tán đồng. Từ các nguồn tin của mình ông biết rằng Đức đã tấn công, quân đội Nga rối loạn, hạm đội không hành động, binh lính giết hại sĩ quan.

  Ngày 24 tháng 9 năm 1917, Wedemen gửi mật điện cho Bộ Ngoại giao Anh: "Tôi đã nhận được điện rất thú vị của điệp viên Moem gửi từ Petrograd:

(A) Moem đã cử người tới Stockholm và Hà Lan để thu thập thông tin. Điệp viên này có nhiệm vụ báo cáo về mật ước giữa Hà Lan và Thụy Điển trong việc liên kết với Đức chiếm  Petrograd.
(B) Chính phủ thay đổi xoành xoạch ý kiến về việc họ định chuyển về Moscva để tránh những người theo chủ nghĩa tối đa. Moem hi vọng sẽ phái được điệp viên tới dự mít tinh của họ.
(C) Kerenxki mất uy tín và khó có thể trụ được.
(D) Sĩ quan vẫn tiếp tục bị giết hại. Người Côdắc âm mưu nổi loạn.
(E) Sẽ không có một thế giới bị chia cắt, nhưng sẽ có tình trạng hỗn loạn và kháng lệnh tiêu cực ở mặt trận Nga.
(F) Moem thỉnh thị hiện có thể làm việc với sĩ quan điệp viên Anh ở Petrograd để giúp nhau tránh nhầm lẫn được không. Tôi không thấy có gì trở ngại...
(G) Tôi cho rằng để an toàn, Moem phải cẩn trọng với mật mã và giấy tờ ở chỗ sứ quán. Tất nhiên ông ta rất thận trọng và sẽ không để tổn hại đến chúng. Ông ta sẽ rất có lợi và tôi tin rằng ông ta sắp có được một tổ chức tốt.


  Ngày 16 tháng 10 Moem báo rằng Kerenxki đã để mất lòng tin và chưa chắc đã trụ được. Ông bảo vệ ý kiến hoàn toàn ủng hộ phái mensevich và đưa ra chương trình tuyên truyền ủng hộ cho mensevich, chuyện này theo ông chỉ tốn 50 ngàn dollar mỗi năm.

  Ngày 18 tháng 10 Kerenxki cho mời Moem tới, đưa ông xem bức thông điệp mật đến mức không ghi thành văn bản gửi thủ tướng Anh Lloyd George. Kerenxki đề nghị ông đi Anh ngay để chuyển thông điệp đến tận tay người nhận. Trong thông điệp Kerenxki thông báo rằng ông ta sẽ không trụ được nếu không được đồng minh cung cấp vũ khí đạn dược và đề nghị cho thay đại sứ. Ngay ngày hôm đó Moem đi Na Uy, rồi từ đó lên tàu khu trục đi Scotland. Tới London hôm trước, ngay sáng hôm sau ông đã được mời tới chỗ thủ tướng. Thủ tướng lịch thiệp tiếp ông và bày tỏ sự thán phục với các vở kịch ông viết. Song Moem rất vội. Ông ngắt lời thủ tướng và đưa trình bản thông điệp mật mà ông đã chuyển thành bản báo cáo trên giấy ngay lúc tới Anh. Đọc xong Thủ tướng nói: "Tôi không thể làm được việc này!". “Thế tôi phải trả lời Kerenxki thế nào?” - Moem hỏi. "Đơn giản là tôi không thể làm được việc ấy". Nói rồi thủ tướng xin lỗi cắt ngang câu chuyện vì phải đi họp nội các.

  Về tới khách sạn Moem nghĩ cách quay về Nga, song tình hình không cho phép. Ngày 7 tháng 11 năm 1917, chính phủ Kerenxki bị lật đổ, bolsevich lên nắm chính quyền. Ngày 18 tháng 11, ngài Eric Drumon, thư ký riêng của ngoại trưởng (gửi cho thủ tướng Lloyd George) đã ghi thêm vào bản báo cáo của Moem: "Tôi e rằng điều đó chỉ có ý nghĩa lịch sử." Song Moem lại cho rằng, nếu như ông hành động sớm trước nửa năm thì đã có thể thành công. Ông cảm thấy mình phần nào có lỗi trong việc để bolsevich thắng mà không hiểu rằng làm sao có thể chống lại bước tiến của lịch sử.

  Cho dù không hoàn thành nhiệm vụ, Moem vẫn hài lòng vì đã thu thập được nhiều tư liệu cho những chuyện kể về Asenden. Hai tháng rưỡi ở Nga đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của Somerset. Ông có những triệu chứng của bệnh lao. Việc trở lại Nga vậy là không được, nhất là sau khi Kerenxki đã bị lật đổ.

  Có lần Moem được mời đến dinh thủ tướng ở phố Downing trò chuyện với cấp trên của ông là William Wedemen và một nhân vật cỡ lớn nữa. Moem đã nộp cho họ bản tường trình thời gian ở Nga. Trong khi họ đọc, Somerset hỏi họ có ý định lại cử ông sang Nga nữa không và được trả lời: "Không. Việc chính của chúng tôi bây giờ là giữ cho được Rumani." Bản thân ông không muốn tới đó. "Tôi bị lao phổi."- ông lầm bầm. "Thôi được. Ông hãy đi an dưỡng và chóng bình phục" - một trong những cấp trên trả lời ông.

  Như vậy là hoạt động tình báo của ông coi như dừng ở đó. Moem còn sống được 48 năm nữa, nhưng không quay lại hoạt động tình báo.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 18 Tháng Sáu, 2008, 07:50:48 pm
17 - SIDNEY REILLY (1874 - 1925)
"Khôn ngoan vẫn sa bẫy"

(http://www.martinfrost.ws/htmlfiles/sidney_reilly.jpg)

  Có lẽ nói không hề ngoa khi nói rằng bản chất con người Sidney Reilly là say mê nghề tình báo và những công việc phiêu lưu mạo hiểm. Người ta nói mỗi một thời đại đều sinh ra những người anh hùng. Sidney Reilly sinh ra trong một thời đại khác, có lẽ vì thế mà ông không có dịp thi thố tài năng của mình.

  Ông sinh ra ở một vùng gần Odessa thuộc miền Nam nước Nga. Tên thật của ông là Digmund Georghievich Rodenblum. Không còn lưu giữ được những ghi chép về tuổi thơ của ông, nhưng người ta biết được rằng sự ham thích phiêu lưu mạo hiểm đã đưa ông phiêu bạt sang tận châu Mỹ Latinh. Người cha nuôi của ông mang tên họ Kallagan Sidney Reilly. Chàng thanh niên Nga lược bớt họ (Kallagan) và lấy tên của cha nuôi làm tên họ của mình: Sidney Reilly. Đây là một trong những giả thuyết nói lên rằng không ai biết được toàn bộ sự thật về cuộc đời ông.

  Ở châu Mỹ, Sidney Reilly làm quen với thiếu tá cơ quan mật vụ Anh quốc Fotserghil và từ đó ông bắt đầu hoạt động tình báo cho Anh quốc. Không biết bằng cách nào mà Sidney Reilly được nhập quốc tịch Anh. Một vài phi vụ tình báo Reilly có tham gia và được trả tiền.
Trong thời gian chiến tranh Nga-Nhật, Sidney Reilly được phái đến Viễn Đông hợp tác với cơ quan tình báo của Nhật. Sau đó ông đến Peterburg. Ông vẫn tiếp tục hoạt động cho người Anh nhưng đề nghị được góp phần công sức cho tình báo Nga. Trong khi hoạt động tình báo ông kết hợp làm môi giới cho một vài phi vụ buôn bán và kiếm được những khoản tiền kếch sù. Năm 1906 ông tậu được một căn hộ khá sang trọng ở Peterburg, ngoài ra ông còn dành thì giờ sưu tập tranh và có được bộ sưu tập khá phong phú.

  Mây đen thế chiến bao trùm bầu trời châu Âu. Nước Đức là kẻ thù chính của Nga và Anh. Theo nhiệm vụ được giao của cơ quan tình báo Anh, Sidney Reilly được bố trí làm thợ hàn ở một nhà máy quân sự Kruppa. Tại đây Sidney Reilly đã giết chết hai nhân viên bảo vệ và đánh cắp được những tài liệu mật. Sau vụ này Sidney Reilly nằm vùng ở Đức và được nhận vào làm việc ở một xưởng đóng tàu của Đức. Sidney Reilly được giao nhiệm vụ lấy cắp các bản vẽ mật và cùng lúc đem bán cho cả người Anh lẫn người Nga. Nhưng ông chủ điều khiển Sidney Reilly vẫn là Cơ quan tình báo Anh. Sidney Reilly được lệnh rời nước Đức, và năm 1918 lại sang Nga chuẩn bị cho cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ Chính phủ của những người bolsevich. Sidney Reilly vừa cộng tác với Savincov vừa làm việc với "ba Ngài đại sứ" (xem bài viết về điệp viên B.Lockhard), đôi khi cũng đưa ra được những ý riêng.

  Một số nhân viên cơ quan an ninh Nga (Treca) như Smidkhen (tên thật là Buikis) và Berdin đều là người Latvia có ý định chạy sang hàng ngũ tình báo Anh đã đến diện kiến Lockhard.

  Lockhard nhớ lại: "Tôi viết thư tay đề tên tướng Puli của Anh quốc, tư lệnh đơn vị quân can thiệp đóng ở Arkhangelsk, giao cho Smidkhen và Berdin đem thư đến đồng thời để giới thiệu hai người này với Sidney Reilly. Hai hôm sau Reilly hồi âm cho biết là cuộc hội đàm của họ diễn ra suôn sẻ, hai nhân viên Treca người Latvia không hề có ý định dính dáng đến sự thất bại của những người bolsevich. Sidney Reilly đưa ra đề nghị khởi sự cuộc bạo động chống cách mạng ở Moscva với sự trợ giúp của người Latvia. Tướng Lavern, Grenar và bản thân tôi thẳng thừng bác bỏ kế hoạch bạo động, và một cảnh báo đặc biệt đưa ra đối với Sidney Reilly là bất luận như thế nào cũng không được tham gia vào công việc nguy hiểm này".

  Tuy nhiên, như đã biết, Sidney Reilly bỏ ngoài tai lời cảnh báo ấy. Reilly vẫn tiếp tục làm con bài của âm mưu lật đổ mà kết cục của nó là thất bại thảm hại. Khi âm mưu lật đổ bị phanh phui thì tất cả bọn cầm đầu đều bị ra tòa. Reilly bị kết án vắng mặt vì đã kịp tẩu thoát.
Reilly bị kết án "ngoài vòng pháp luật" mà lúc bấy giờ "ngoài vòng pháp luật" có nghĩa là, nếu bị phát hiện và bắt giữ trên lãnh thổ nước Nga thì Reilly sẽ bị xử bắn mà không cần điều tra xét xử trước tòa.

  Trong cuốn hồi ký "Nội tình của câu chuyện" Bruce Lockhard viết rằng, tính danh của Reilly được nhắc tới trong âm mưu lật đổ Chính phủ Xô Viết, nhưng Reilly đã biến mất tăm... Có lẽ ngài tổng lãnh sự Mỹ Puli (không phải tướng Puli người Anh) thiên về ý kiến cho rằng Reilly là nội gián, làm việc cho những người bolsevich nhưng giả vờ đóng vai tham gia âm mưu lật đổ. Có lần người ta cũng nhắc tới kế hoạch không giết Lenin và Troski mà chỉ dẫn hai người mặc quần áo lót trên đường phố Moscva. Đề xuất mang màu sắc tưởng tượng này chỉ có thể là của Reilly nghĩ ra mà thôi. Sau đó một thời gian Lockhard biết rõ Reilly hơn nhưng nhận xét của Lockhard về tính cách của Reilly vẫn như cũ. Lúc bấy giờ Reilly đã 46 tuổi, đó là một con người giàu nghị lực, có sức quyến rũ đối với phái đẹp, nhưng lại là một kẻ hiếu danh.
 
  Lockhard đánh giá không cao về trí tuệ của Reilly. Có thể nói từ lĩnh vực chính trị đến nghệ thuật Reilly đều có kiến thức khá rộng nhưng không sâu. Nhưng bù lại ở Reilly lại có sự táo bạo, coi thường hiểm nguy.

  Lockhard nhận xét rằng mặc dù ông không bao giờ nghi ngờ lòng trung thành của Reilly đối với các nước Đồng minh, nhưng ông cũng không bao giờ tin Reilly đã đi quá xa vào những cuộc thương lượng với những người Latvia. Lockhard đánh giá Reilly là một người có tư chất như Napoleon. Trong cuộc sống Reilly coi Napoleon là vị anh hùng... Reilly thấy mình như bị ném sang nước Nga và ở đây viễn cảnh những hoạt động tự do của Reilly khiến ông ta nảy sinh ý đồ giống như Napoleon. Lockhard viết tiếp rằng, theo lý luận của Reilly lúc đầu Berdin và những người Latvia khác thực lòng không muốn chiến đấu chống lại các nước Đồng minh. Đến khi họ hiểu ra rằng sự can thiệp của các nước Đồng minh không nguy hiểm thì họ mới giật mình tránh né Reilly và tố giác để bảo toàn mạng sống của mình.

  Về đến Anh quốc Reilly vội vã đến gặp và thỏa thuận với Churchill và các nước Đồng minh can thiệp, sau đó lại sang Nga đến vùng phía Nam với tư cách là điệp viên Anh quốc thuộc quân đoàn Denikin. Khi phi vụ phiêu lưu này sụp đổ Reilly lại liên kết với Savincov là người lúc đó liên tục có những đề nghị các chính khách Anh quốc và nước Pháp ủng hộ ông ta. Reilly chi tiêu phung phí tiền bạc làm cạn kiệt tiền dự trữ của Savincov.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 18 Tháng Sáu, 2008, 07:53:23 pm
  Tài chính eo hẹp nên Reilly đành phải cứu vãn tình hình bằng cách sang Nga với dự định hoạt động chống lại cách mạng. Đó là những lời Lockhard viết về Reilly. Dưới đây là những điều bổ sung và làm rõ thêm.

  Vào những năm 20 của thế kỷ trước cùng với những chiến dịch truy bắt Savincov, tình báo và phản tình báo Xô Viết cũng tiến hành những chiến dịch khác chống các tổ chức Bạch vệ. ở Berlin có Hội đồng quân chủ tối cao, ở Paris có Liên minh quân sự toàn Nga là những tổ chức hoạt động nhằm mục đích lật đổ chính quyền Xô Viết và khôi phục chế độ quân chủ ở Nga.

  Cuối năm 1921 đầu năm 1922, cơ quan an ninh toàn Nga (Treca) đã nhận được nhiều tin tức về sự có mặt ở nước Nga của một vài nhóm quân chủ muốn thiết lập quan hệ tiếp xúc trực tiếp với các Trung Tâm của các kiều dân Bạch vệ để được bọn này giúp đỡ chuẩn bị bạo động bằng vũ trang. Các nhóm quân chủ này thực chất không nguy hiểm gì, nhưng khi chúng được tập hợp dưới sự chỉ đạo của Hội đồng quân chủ tối cao thì lại là nguy cơ trầm trọng.

  Lãnh đạo Treca quyết định chớp lấy thời cơ giành thế chủ động: thành lập Tổ chức quân chủ nước Nga Trung ương huyền thoại, và phấn đấu biến tổ chức này trở thành "Cơ sở” của Treca, mà qua đó Treca có thể nhận được thông tin, kế hoạch và dự định của kẻ thù. Tổ chức này của Treca được đặt tên là Tơrớt (Liên hiệp công ty) - tên gọi này chẳng có gì sai trái, đặc biệt là trong giai đoạn quyết liệt nhất của chính sách kinh tế mới (NEP). Nhiệm vụ của Tơrớt là phục tùng ý kiến chỉ đạo ở nước ngoài, và phải làm sao cho mọi người đều tin Tơrớt là tổ chức chống cách mạng ở trong nước, còn kiều dân ở nước ngoài chỉ là tổ chức trụ cột. Vì vậy Tơrớt có nhiệm vụ giúp kiều dân ở nước ngoài tài liệu, phát hiện gián điệp và những kẻ khủng bố tung vào nước Nga cũng như chớp lấy những kênh liên lạc với các điệp viên tình báo nước ngoài.

  Artuzov - bạn chiến đấu của người đứng đầu Treca, Zerinxki, lãnh đạo trò chơi có tính chất tuỳ cơ ứng biến này của Tơrớt. Tơrớt phát triển cả hoạt động quân chủ lẫn hoạt động "gián điệp". Các điệp viên tình báo Estonia, sau đó là Ba Lan, rồi Phần Lan bắt đầu nhận được "những thông tin có giá trị" nhưng thực chất chỉ là những thông tin đánh lạc hướng do Bộ tổng tham mưu Hồng quân tạo ra mà thôi. Các điệp viên Estonia, Ba Lan và Phần Lan lại trao đổi những thông tin này với các điệp viên Anh và Pháp. Chính vì thế mà không phải bao giờ họ cũng chú ý đến nguồn gốc thông tin, cho nên đối với họ thông tin nhận được là có tính thuyết phục, bởi lẽ do ba điệp viên của ba nước độc lập với nhau cung cấp. Điều này khẳng định độ tin cậy của nguồn thông tin.

  Nguồn thông tin đánh lạc hướng đóng vai trò rất lớn: các cường quốc phương Tây cho rằng lực lượng Hồng quân rất mạnh, bởi vậy họ từ chối không tham gia vào các kế hoạch can thiệp mới, và kết quả là các cường quốc phương Tây đã quyết định thiết lập quan hệ hoà bình với nước Nga Xô Viết.

  Tơrớt còn hoàn thành được thêm một nhiệm vụ nữa: đã làm cho Hội đồng quân chủ tối cao ở Berlin và Liên minh quân sự toàn Nga ở Paris bất hoà, hiềm khích lẫn nhau. Đối với Liên minh quân sự toàn Nga, Tơrớt đã lật đổ tướng Vranghel bật khỏi vị trí lãnh đạo, thay thế vào đó là tướng Cutepov - tướng Vranghel trước đó đã từng là ngọn cờ của phong trào Bạch vệ, nay uy tín ông ta đã giảm sút. Điều này rất quan trọng vì có thể nói Vranghel là lãnh tụ của Bạch vệ, còn tướng Cutepov chỉ là thủ lĩnh của nhóm kiều dân có xu hướng quân chủ trước hết của giới sĩ quan mà thôi.

  Để kiểm tra hoạt động của Tơrớt, tướng Cutepov phái người cháu gái Maria Dakhartsenko sang Moscva, Suls và chồng bà là Radkovis làm đại diện cho Liên minh. Điều này làm cho hoạt động của các tình báo viên Treca trở nên phức tạp, vì  "những người cháu" của Cutepov, đặc biệt là Maria, là những kiểm tra viên rất kỹ tính. Tuy nhiên Treca đã kiểm soát được hoạt động của hai người này.
Mọi nhiệm vụ của Tơrớt được thực hiện thành công. Giờ đây Arturzov biết được tất cả những điệp báo viên từ nước ngoài phái đến. ở biên giới Liên Xô - Phần Lan mở thêm một "cơ sở" nữa, thông qua cơ sở này các điệp báo viên và thư từ được gửi tới. Chủ nhân "cơ sở" này là đồn trưởng biên phòng Toivo Viakhia.

  Từ nhiều nguồn thông tin khác nhau phía Nga được thông báo là điệp báo viên Anh - Sidney Reilly - hiện đang ở Mỹ, rất quan tâm đến tình hình nước Nga. Những tin tức thu thập được về Sidney Reilly khẳng định rằng chính ông ta là người đang thực thi những biện pháp nhằm lật đổ chính quyền Xô Viết xuất phát từ động cơ cá nhân cũng như từ nhiệm vụ được giao của cơ quan tình báo Anh. Cuối năm 1921, Sidney Reilly tổ chức cuộc gặp giữa Savincov với Churchill và được Churchill mời đến gặp thủ tướng Anh quốc Leoyd George. Nhưng thủ tướng Anh quốc đã làm Savincov thất vọng vì ông ta chỉ nói nhiều về thương mại mà ít đả động đến chuyện khủng bố.
Tuy nhiên Sidney Reilly vẫn nuôi hi vọng vào Savincov, và trước khi Savincov sang Liên Xô năm 1924, Sidney Reilly đã hướng dẫn và dặn dò Savincov rất kỹ. Nhưng Savincov vẫn bị bắt và bị kết án.

  Tổng cục Chính trị Quốc gia trực thuộc Hội đồng Dân uỷ  Liên Xô nắm được thông tin là chính bản thân Sidney Reilly có ý định đến Liên Xô.

  Nói đúng ra thì Sidney Reilly không phải là kẻ thù đặc biệt nguy hiểm mặc dù ngay từ năm 1922 Sidney Reilly đã tham gia vào việc chuẩn bị ám sát Uỷ viên nhân dân phụ trách ngoại giao Tsitserin. Tuy nhiên sau thất bại của Savincov mới vỡ lẽ ra rằng Sidney Reilly đã từng cộng tác với bọn Bạch vệ rắp tâm gây ra những vụ khủng bố ở Liên Xô. Sidney Reilly có liên hệ với một số nhà hoạt động của Tổ chức quân chủ nước Nga Trung ương và đề nghị cùng tiến hành một loạt vụ khủng bố. Zerinxki và Arturzov thông qua quyết định phải kéo được Sidney Reilly từ Mỹ đến lãnh thổ Liên Xô để bắt giữ ông ta.

  Để nhử Sidney Reilly đến Liên Xô, hai ông quyết định chơi trò "may rủi", sử dụng con bài Maria Dakhartsenco-Suls, nữ điệp báo viên đại diện cho tướng Cutepov tại Tổ chức quân chủ nước Nga trung ương. Ý tưởng này cũng được Boys, viên công sứ của tình báo Anh quốc tại các nước vùng Baltic, ủng hộ. Viên công sứ viết một bức thư mật mã gửi sang Mỹ cho Sidney Reilly, trong thư Boys thông báo cho Sidney Reilly biết Tổ chức quân chủ nước Nga trung ương là một tổ chức mạnh có khuynh hướng quân chủ mà tình báo Anh và Pháp rất quan tâm.

  Sidney Reilly đồng ý và lên đường đi Phần Lan. Trên đường đi, qua Paris, Sidney Reilly đã có cuộc diện kiến với tướng Cutepov, là người ủng hộ ý kiến để Sidney Reilly thực hiện chuyến đi sang Liên Xô lần này.

  Trong những ngày hạ tuần tháng 9 năm 1925, Sidney Reilly đến thủ đô Hensinki. Ngày 24 tháng 9, Iacusev, một trong những "thủ lĩnh" của Tổ chức quân chủ nước Nga trung ương (thực ra Iacusev là tình báo viên của Tổng cục Chính trị quốc gia cử sang) đã gặp Sidney Reilly. Sidney Reilly trình bày quan điểm riêng về tình hình chính trị ở châu Âu, châu Mỹ và nước Nga. Sidney Reilly đề xuất hai hướng tài chính hoá Tổ chức quân chủ nước Nga trung ương, đó là mua và đánh cắp các tác phẩm nghệ thuật và cộng tác với tình báo Anh cung cấp cho họ những thông tin về hoạt động cùng những kế hoạch của quốc tế cộng sản. Iacusev giải thích rằng một mình ông không thể tự ý thông qua quyết định này được nên có lời mời Sidney Reilly đến Moscva họp "Hội đồng chính trị" của Tổ chức quân chủ nước Nga trung ương.

  Sidney Reilly có vẻ do dự. Ngay lập tức Dakhartsenko - Suls nói vỗ làm cho Sidney Reilly phải bẽ mặt: "Phận tôi đây đàn bà liễu yếu đào tơ còn chẳng sợ vượt biên, huống hồ anh là trang nam nhi quân tử lại co vòi thì rõ thật là...!". Thế là Sidney Reilly quyết định vượt biên.
Ngày 25 tháng 9 năm 1925, Sidney Reilly vượt biên giới Phần Lan thông qua "cơ sở" của đồn trưởng biên phòng Toivo Viakhia. Sidney Reilly được Toivo Viakhia đưa đến ga Pargolovo trên xe hai bánh và được bố trí đi chuyến xe lửa đến Leningrad. Iacusev và tình báo viên Treca đổi tên là Sukin đã ở sẵn trên toa xe lửa.

  Ngày 26 tháng 9, buổi trưa Sidney Reilly ở Leningrad tại căn hộ của Sukin, còn buổi chiều ngồi trên toa liên vận mang hộ chiếu Steinberg đi Moscva, có Iacusev tháp tùng.

  Ngày 27 tháng 9, tại biệt thự nghỉ mát ở Malakhov trong phiên họp "Hội đồng chính trị" của Tổ chức quân chủ nước Nga trung ương (tất cả uỷ viên đều là tình báo viên Treca) Sidney Reilly trình bày những đề nghị mà ông ta đã nói với Iacusev khi ở Leningrad.
 
  Sau phiên họp của "Hội đồng chính trị" Sidney Reilly được đưa đến một "cơ sở bí mật" ở Moscva. Trên đường đi, Sidey Reilly bỏ hai bưu thiếp, một gửi đi Mỹ quốc, một gửi đi thành phố Blankenburg, nước Đức.

  Sau đó, Sidney Reilly được đưa thẳng về trụ sở Tổng cục Chính trị quốc gia trực thuộc Hội đồng Dân uỷ Liên Xô ở Lubiank. Tại đây Sidney Reilly bất ngờ  nghe tuyên bố bị xử bắn theo bản án đã tuyên đối với ông ta năm 1918. Nhưng chưa vội gì xử bắn mà còn thì giờ để hỏi cung ông ta. Sidney Reilly khai ra tất cả những gì ông ta biết về hoạt động của tình báo Anh. Điều kiện giam giữ ông ta có phần ưu đãi: ông ta được đưa đi dạo ở công viên Sokolniki với sự tháp tùng của tình báo viên Treca, Sưroezkin, thậm chí ông ta còn được đưa vào ăn uống ở tiệm ăn.

  Sidney Reilly viết nhật ký, qua đó thấy rằng ông ta có thái độ không tin bản án xử  bắn đã tuyên bố sẽ được thi hành. Ông  ta hy vọng bản án sẽ được thay đổi. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Ngày 3 tháng 11 năm 1925, Sidney Reilly đã bị xử bắn. Ông ta đã bị bắn vào sau gáy trong khi đi dạo ở công viên Sokolniki. Thi thể ông ta được chôn ngay trong sân trụ sở Tổng cục Chính trị quốc gia trực thuộc Hội đồng Dân ủy Liên Xô.

  Trước đó, ngày 28 tháng 9 năm 1925, tại biên giới Phần Lan-Liên Xô, phía Liên Xô đã dựng lên một màn kịch có tiếng ồn ào, la hét và có tiếng súng bắn nhau. Kết quả là 3 người "chết" và đồn trưởng biên phòng Toivo Viakhia bị bắt. Tất cả mọi việc được tạo ra y như thật để tình báo Phần Lan cho rằng Sidney Reilly và những ngưòi tháp tùng ông ta khi vượt biên đã đụng phải lính biên phòng, hai bên bắn nhau nên tất cả đã bị chết vì bắn nhau. Tờ báo "Kraisnaia" ở Leningrad đã đưa tin như thế.

  Sau đó lan truyền tin đồn là đồn trưởng biên phòng Toivo Viakhia là kẻ phản bội tổ quốc đã bị xử bắn. Nhưng sự thật là đồn trưởng biên phòng được tặng thưởng huân chương Sao đỏ và được điều về làm đồn trưởng thuộc quân khu khác sau khi đã thay đổi họ tên.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 19 Tháng Sáu, 2008, 06:25:35 pm
18 - TREBITSCH-LINCOLN (1877 - 1943)
kẻ đại bịp chính trị

(http://www.kriegsreisende.de/relikte/relikt-img/trebit-4.jpg)

  Nhân vật phiêu lưu và điệp viên quốc tế này hoàn toàn xứng đáng là kẻ đại bịp chính trị của thời đại vì đã nhúng tay vào nhiều vụ tai tiếng và lộn xộn trong xã hội. Tài năng biến hoá của ông đáng khâm phục. Ông thể hiện tài nghệ của mình không chỉ ở châu Âu, mà còn cả châu Mỹ và châu Á trong vai nhà báo, điệp viên, linh mục, nghị sĩ, kẻ làm giả giấy tờ, gián điệp hai mang, nhà sư, quan lại Trung Quốc. Điều gì giúp ông hoá trang tài tình như vậy? Ông chỉ là kẻ tính toán tàn nhẫn mong muốn làm giàu bằng bất cứ giá nào, hay ông có khát vọng quyền lực bệnh hoạn và đủ tài trí để đạt được điều đó bằng mọi cách khôn lường? Hay ông có máu phiêu lưu mạo hiểm tới mức coi thường mọi nguy hiểm? Thật khó mà nói được. Điều duy nhất ta biết được là ông lóe lên như sao băng và cuộc đời ông toàn những chuyện giật gân như bộ phim của Holywood.

  Lincoln tên thật là Trebitsch, sinh khoảng năm 1877 tại thành phố Paks, Hungari, bên bờ sông Danube. Thành phố nhỏ này phất lên nhờ buôn bán. Cha ông có xưởng đóng tàu. Là con út, gia đình mong muốn ông trở thành giáo sĩ, vì thế ông được học hành tử tế nhất nhà. Niềm say mê chính của ông là học ngoại ngữ. Hai mươi tuổi, Lincoln đi du lịch nước Anh. Tại đây ông đột ngột cải đạo theo Anh giáo. Khi ông trở về nhà, người cha vô cùng tức giận, vì thế Lincoln lại lên đường đi du lịch tiếp. Năm 1899, Lincoln tới Hamburg và lại cải đạo theo giáo phái Lute. Ông được "anh em" giáo phái gửi tới Canada để truyền giáo cho tín đồ Do Thái giáo. Nhưng rồi ông lại thay đổi và quay trở về với Anh giáo. Trong vài năm trời, ông là nhà truyền giáo Anh được đánh giá là mẫn cán, có năng lực. Sau đó ông tới Đức, rồi từ Đức lại xin về Anh. Ông trở thành cha xứ ở Kent. Song dân địa phương lại không muốn có cha xứ là người gốc Do Thái, sinh ra ở Hungari, vì vậy sau ba năm sống trong mối bất hoà với họ, ông trở về London. Tại đây ông tỏ ra là nhà báo có tài, làm việc cho vài tờ báo trong vòng một hoặc hai năm.

  Năm 1906 là năm quyết định đối với ông. Ông lao vào con đường chính trị, làm quen với ngài Deeb Rountri, một tín đồ giáo phái Quây cơ nổi tiếng và đồng thời là nhân vật có thế lực của đảng Dân chủ. Trebitsch gây được ấn tượng tốt đẹp với Rountri nên được ông ta nhận làm thư ký riêng. Phải nói là Trebitsch đã trả ơn ông ta theo cách rất riêng của mình là ký giả tên ông trên tấm séc trị giá bẩy trăm bảng Anh. Hành động này nhiều năm sau mới bị phát hiện.

  Mưu đồ làm chính trị của Trebitsch thành công năm 1910, khi ông trở thành nghị sĩ thành phố Darlinton. Nhưng ông không được trọng vọng lắm ở nghị viện thành phố vì ông là người ngoại bang, cách phát âm không chuẩn nhiều khi bị giễu cợt. Do vài lần được cử vào uỷ ban điều tra các vấn đề liên quan tới kinh tế châu Âu, ông làm quen với nhiều nhà chính trị, ngoại giao. Nhưng những chuyến đi này không mang lại của cải cho ông và ngay trước khi chiến tranh xảy ra ông mất chức nghị viện, tình thế buộc ông phải xoay xở.

  Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Những người bạn có thế lực giúp ông vào làm việc ở ban kiểm duyệt thư tín giữa Hungari và Rumani. Ông ở đó không lâu vì bị các đồng nghiệp coi thường và cho ông là "kẻ địch", nghi ngờ ông sống hai mặt, cho dù lúc đó ông không hề có lỗi và không làm gì để bị đối xử như vậy. Ông buộc phải từ bỏ vị trí đó và lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Có lẽ, chính vào thời điểm này ông bắt đầu nung nấu ý nghĩ trả thù người Anh. Ông quyết định phản bội lại họ và làm gián điệp Đức. Với sự giúp đỡ của bạn bè, những người có thế lực và không hề nghĩ rằng cựu nghị sĩ lại có thể trở thành kẻ thù, Trebitsch lân la đến cơ quan tình báo Anh, được gặp một nhân vật có thế lực và bày tỏ nguyện vọng muốn làm điệp viên. Trebitsch không đến tay không, ông mang theo một kế hoạch mà theo ông có ý nghĩa quan trọng đối với hải quân Anh. Tóm tắt kế hoạch đó như sau: Quân Anh điều vài chiếc tàu nhỏ tới biển Bắc và Trebitsch sẽ thông báo cho hải quân Đức. Hải quân Đức sẽ đưa tới đó lực lượng lớn hơn để tiêu diệt tàu chiến Anh. Điều đó giúp ông gây được lòng tin với quân Đức. Thủ đoạn đó lặp lại vài lần rồi sau đó sẽ là trận lớn. Tàu chiến lớn của Anh đến nơi kịp thời và tiêu diệt quân Đức. Đó là kế hoạch của Trebitsch, vừa mánh khóe, vừa mưu mô, nhưng lại cũng ngớ ngẩn.

  Sau mười ngày chờ đợi vô vọng, Trebitsch được thông báo là lời đề nghị của ông không được chấp thuận vì chính quyền không thể thông báo cho ông tin tức về vị trí của tàu chiến Anh. Nhưng Trebitsch không nản lòng. Ông nảy ý đồ mới. Ông đề xuất ý kiến đi Rosterdam, giả là muốn làm gián điệp cho Đức, và đó là cách tốt nhất để phụng sự nước Anh vì ông sẽ trực tiếp nhận được tin tức và chuyển cho quân Đức tin giả. Người Anh đồng ý kế hoạch này. Ông được cấp hộ chiếu và tháng 12 năm 1914 lên đường đi Rosterdam. Tại đây ông đã gặp viên tổng lãnh sự Đức. Ông không ngờ rằng, mỗi bước chân của mình đều bị cơ quan phản gián Anh theo dõi vì họ chưa bao giờ tin ông có ý định phục vụ nước Anh. Những tin tức ông gửi từ Hà Lan về đều do chính Reginald Hall, phụ trách tình báo hải quân, xem xét kỹ lưỡng rồi kết luận là chúng chẳng có giá trị gì. Trebitsch bị gọi về Anh. Reginald tuyên bố rằng, Trebitsch là điệp viên hai mang và nên rời nước Anh càng sớm càng tốt. Trebitsch hiểu là nên không đợi ngài đô đốc đe dọa lần nữa, ngay ngày hôm sau ông đi New York trên con tàu "Philadelphia". Trebitsch đến New York ngày 9 tháng 2 năm 1915. Điều đầu tiên ông làm là đến cơ quan mật vụ Đức, nhưng họ từ chối hợp tác và không tin ông. Trebitsch buộc phải quay lại nghề báo, viết bài cho những tờ báo thân Đức.

  Đúng lúc đó ở Anh người ta phát hiện ông làm séc giả. Chính quyền Anh yêu cầu dẫn độ ông về Anh. Sau nhiều lần đàm phán, ngày 4 tháng 8 năm 1915, Trebitsch bị bắt và đưa về Anh. Mùa hè năm 1919, ông được thả và bị trục xuất về Hungari. Ông thấy không khí cách mạng trong nước không phù hợp nên lập tức bỏ đi Đức, nơi có nhiều cơ hội để "đục nước béo cò".

  Ông cố gắng để gặp được cựu hoàng đế Đức Wilhelm, sống lưu vong ở Hà Lan nhưng không thành. Trở về Berlin, ông liên kết với những người theo chủ nghĩa quân chủ và phản động, đứng đầu là Kap. Ông lại được dịp trổ tài làm báo, mở chiến dịch tâng bốc Kap, kẻ đang âm mưu phiến loạn.

  Cuộc đảo chính phản động ở Đức do những người theo chế độ quân chủ, giới tư bản ngân hàng và công nghiệp phản động, đứng đầu là đại địa chủ Kap, đã bị dẹp tan. Kap chạy sang Thuỵ Điển.

  Sau cuộc đảo chính không thành, cảnh sát có lệnh bắt giam Trebitsch, nhưng ông cùng đồng bọn trốn đi Munkhen, lập trụ sở mới ở đó. Tại đây Trebitsch làm được điều không ai làm được là thuyết phục cảnh sát trưởng Pocnhe và Car, thủ tướng Bavaria tham gia vào âm mưu mới nhằm chia rẽ Bavaria và Xacxonhia, Maclenburg và Berlin. Nhưng để làm được điều đó cần có nhiều tiền. Trebitsch được cảnh sát trưởng Munkhen cấp hộ chiếu giả và hai lần tới Berlin để gặp Ludendorf và những nhân vật có tiền bạc khác. Các thám tử ở Berlin theo dõi ông và gần như đã "tóm được gáy", nhưng nhờ cảnh sát Bavaria kịp thời thông báo nên ông trốn thoát. Lần thứ hai tới Berlin, Trebitsch gặp đại uý Papst, một người giàu có và biết chỗ ẩn náu của Ludendorf. Họ tới gặp ông ta và Ludendorf đồng ý giúp đỡ. Trụ sở được quyết định rời đến Budapest để đồng thời phối hợp hoạt động với người Nga và Hungari theo chế độ quân chủ ở Berlin, Vienna và Budapest. Ngày 8 tháng 5 năm 1920 đại hội những người theo chế độ quân chủ được tổ chức ở Berlin. Trebitsch tới dự nhưng vì lý do nào đó không được hội nghị đón tiếp mặn mà. Họ cảnh báo rằng ông phải trốn vì đang bị cảnh sát săn lùng. Ông nghe theo và ẩn náu tại thành phố Trebin. Hôm sau ông tìm cách trở lại Berlin nhưng bị bắt tại sân ga. Trebitsch xin phép quay về nhà lấy đồ đạc. Cảnh sát đi kèm không mấy cảnh giác nên ông nhẩy qua cửa sổ và trốn thoát. Tang chứng có giá trị mà cảnh sát tìm được là thư từ bí mật nằm trong đế giày.

  Trebitsch ẩn náu chỗ bạn bè ở Posterdam một thời gian, sau đó quay về Munkhen. Cảnh sát trưởng Pocnhe trao cho ông một bức thư gửi viên tổng lãnh sự Hungari tại Munkhen. Ông này đưa ông đi Vienna cùng đoàn ngoại giao. Nhưng ở Vienna ông lại bị theo dõi. Nhờ sự giúp đỡ của lãnh sự Hungari ông đã tới được Budapest, hi vọng kiếm một công việc phù hợp. Với mục đích đó, ông nghĩ ra một kế hoạch gần giống kế hoạch đã đề xuất với tình báo Anh. Lần này ông đến gặp bộ trưởng tuyên truyền của Hungari là đại tá Fon Pronei. Kế hoạch như sau: nhiều cựu binh sĩ Đức ở Hungari từng buôn lậu và phạm pháp hiện đang thất nghiệp. Nên cung cấp cho họ vũ khí Đức sót lại sau chiến tranh để đánh nhau với Áo và Tiệp Khắc. Nhưng kế hoạch không thành.

  Trebitsch hiểu rằng, ông không gặt hái gì được ở Đức và Áo nên đã tới Italia, nơi những phần tử phát xít đang âm mưu giành chính quyền. Ông hi vọng tài cán của mình sẽ được chúng sử dụng, và quả là như vậy. ở đó, ông nhúng tay vào nhiều âm mưu nhằm đưa Mussolini lên cầm quyền, thực hiện các nhiệm vụ mật, tham gia sát hại đối thủ của Mussolini là Matheoti. Nhưng rồi vì bất hoà với người Italia nên ông bỏ đi. Một thời gian dài không có tin tức gì về ông, nhiều người cho rằng ông đã chết. Nhưng không phải vậy. Ông quyết định chia tay với châu Âu. Trên báo "New York world" xuất hiện bài của phóng viên từ Trung Quốc viết rằng đã gặp một người tên là Chilan, cố vấn chính trị của tướng Ngô Bội Phu, đồng thời là người tổ chức tuyên truyền chống Anh tại Trung Quốc. Qua những bài báo này, mọi người hiểu ra rằng, Chilan chẳng phải là ai xa lạ mà chính là Trebitsch Lincoln. Ông ta trâng tráo kể cho nhà báo Mỹ về sóng gió trong cuộc đời phiêu lưu của mình mà không cần che giấu âm mưu làm gián điệp hai mang trong suốt thời kỳ chiến tranh thế giới.

  Những ai đã từng biết ông không hề ngạc nhiên khi được tin ông cải theo đạo Phật, trở thành quan lại của tướng Ngô Bội Phu. Vào cuối những năm 20, viên tướng này hăng hái tham gia cuộc nội chiến ở Trung Quốc, là công cụ cho chính sách của Anh và Mỹ. Trong một bài phát biểu của mình, Stalin đã viết: "Ngô Bội Phu và Trương Tắc Lâm không thể chống lại được cách mạng Trung Quốc nếu như không có sự ủng hộ của các thế lực đế quốc". Một trong mắt xích liên lạc của sự tiếp tay này là Trebitsch-Lincoln.

  Tin tức cuối cùng về kẻ phiêu lưu này liên quan tới kế hoạch trở về Anh của ông. Con trai ông lãnh án tử hình vì tội giết người, ông muốn gặp mặt con trước khi bị hành quyết. Chính quyền Anh không phản đối. Nhưng người cha đã chậm chân. Trong đời mình Trebitsch đã ném qua cửa sổ biết bao tiền bạc: có lần trung tướng Kraus mở cho ông tài khoản là 230.000 dollar. Nhưng lần này, khi về tới Pháp, khả năng tài chính của ông đã cạn kiệt, không đủ tiền mua vé để sang London. Ông không gặp được con.

  Sau đó ông trở về Trung Quốc và mất ngày 7 tháng 10 năm 1943 ở Thượng Hải.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 20 Tháng Sáu, 2008, 08:23:57 pm
19 - FRAN  FON  PAPEN (1879-1969)
 điệp viên "may mắn"

(http://www.info-regenten.de/regent/regent-d/pictures/germany-papen.jpg)

  Thật kỳ lạ là một con người thiển cận và bất tài như vậy lại có thể làm nên danh phận, luôn thoát khỏi các tình huống nguy hiểm chết người khó tin và cả cuộc đời luôn luôn ở "bề nổi". Thế đó, nếu có thể gọi ra một người "may mắn" như vậy thì đó chính là ông Frans fon Papen.

  Frans fon Papen sinh ngày 29 tháng 10 năm 1879 ở thành phố Verl vùng Westfalen trong một gia đình chủ đất giàu có. Tốt nghiệp trường sĩ quan võ bị, Papen bắt đầu phục vụ ở trung đoàn kỵ binh tỉnh. Chàng sĩ quan kỵ binh gan dạ đã lọt mắt xanh tiểu thư Bosch, con gái một chủ xưởng gốm giàu có. Ông bố vợ đã cho cặp vợ chồng trẻ một món hồi môn đáng kể, nhờ đó Papen đã thu xếp để được chuyển về trung đoàn kỵ binh nổi tiếng ở Potsdam. Tại đây ông đã khiến Đức quốc trưởng để ý và ngài đã quyết định một sĩ quan đàng hoàng oai phong như vậy có thể là hình ảnh tiêu biểu cho quân đội Đức ở nước ngoài. Vậy là Papen đã được thực tập ở Bộ tổng tham mưu và trước Thế chiến thứ nhất ít lâu ông đã được bổ nhiệm chức tham tán quân sự tại sứ quán Đức ở Mỹ.

  Hai vợ chồng Franz rất vui mừng có dịp ra nước ngoài, song vị tham tán mới được bổ nhiệm đã sớm thất vọng vì được phân thêm những việc không thuộc nghiệp vụ ngoại giao. Cùng với việc phải có mặt tại các cuộc tiếp đón, các buổi thao diễn, tham dự các tối vui thân mật cũng như các cuộc tiếp tân trang trọng ở Bộ Quốc phòng, Franz còn phải gánh thêm trách nhiệm điệp viên của quân báo và phụ trách toàn bộ mạng lưới tình báo Đức ở Mỹ. Ông tìm mọi cách thoát ra khỏi trọng trách trên nhưng đều không được. Cuối cùng ông đành chịu.
Tuy nhiên trong lĩnh vực này ông vẫn hoàn toàn là nghiệp dư. Điều duy nhất ông nhận ra sau khi thực tập tại Bộ Ngoại giao Đức là văn phòng của ông cũng như chính hai vợ chồng ông được hưởng đặc quyền bất khả xâm phạm của ngạch ngoại giao, rằng mọi quan hệ quen biết của ông phải có lợi cho Đức quốc xã, nhưng lại không được vượt ra ngoài khuôn khổ.

  Vậy là đối với ông giờ đây buộc phải thiết lập những mối quan hệ bí ẩn, trao đổi công văn thư từ bằng mật mã, phải lấy được các tư liệu mật bằng con đường bất hợp pháp...

  Nhưng trong công việc cũng như trong điều hành Papen quá vụng về khiến những người dưới quyền không ai thích làm việc cho ông. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều đó là vụ xảy ra với Verner Khorn, một chàng trai hiền lành và yêu nước thực sự. Chàng trai được ngài Papen trao tặng huy hiệu màu cờ Đức và tuyên bố: "Bây giờ anh đã là người lính!". Xúc động vì được tin yêu Khorn đã quyết định cho nổ cây cầu giữa hai nước Canada và Mỹ. Bom không nổ, Khorn bị bắt và tống giam trong xà lim, sau đó bị chuyển cho phía Canada và chịu tù đầy khắc nghiệt hơn. Mãi tới năm 1924, Khorn mới được trở về Đức nhưng trong tình trạng tâm thần mất trí và ốm đau kiệt lực.

  Vụ việc đã khiến những người dưới quyền Papen phẫn nộ, không còn tôn trọng gì ông ta. Khi Thế chiến thứ nhất nổ ra Papen nhận được lệnh từ Berlin cho triển khai hoạt động phá hoại ở Mỹ.

  Hoạt động này kéo dài tới năm 1915. Lúc này, bất chấp quyền bất khả xâm phạm của cơ quan ngoại giao, nhân viên phản gián của Mỹ đã ập vào văn phòng Papen, và lấy đi một số tài liệu. Đại sứ Đức, ngài Bernstoff, đã lên tiếng phản đối. Ngoại trưởng Mỹ, ngài Robert Lassing cho biết sẽ hoàn trả tài liệu với điều kiện Papen phải thừa nhận đó là của ông ta. Tất nhiên là Papen không xuất hiện, ông buộc phải rời bỏ New York. Có điều cần nói thêm là chính đô đốc Canaris đã có thời làm việc cho Papen ở đây.

  Thế chiến thứ nhất kết thúc, Papen ra sức tham gia vào nhiều âm mưu hòng chiếm được vị trí cao nhất ở Đức quốc xã. Từ năm 1921 đến năm 1932 ông được bầu làm đại biểu của Đảng Thiên chúa giáo cánh hữu ở Phổ.

  Cuối cùng, năm 1932, Papen đã đạt được ước mơ danh vọng: Ngài tổng thống tuổi đã cao Fon Hindenburg cho ông làm thủ tướng. Để ngoi lên địa vị trên Papen phải trả giá bằng việc phản bội lại bạn bè và chiến hữu.

  Tháng 6 năm 1932, Papen tham gia hiệp ước Paris, thành lập liên minh quân sự Pháp-Đức-Ba Lan chống lại Liên Xô.

  Papen giữ vị trí nhân vật thứ hai ở Đức chỉ một thời gian ngắn đã chứng tỏ việc nước Đức chuyển từ chế độ dân chủ giả hiệu sang chế độ độc tài Hitler. Lối sống và hành xử của Papen khiến cả những người bảo thủ, chưa kể cánh tả, cũng tránh xa, chỉ có bọn quốc xã ủng hộ ông ta. Nhận thức được rằng ông ta không thể tồn tại dưới áp lực ngày càng tăng như vậy nên Papen đã thuyết phục Hindenburg chọn Hitler làm người kế nhiệm. Vậy là bằng một cuộc đảo chính không đổ máu Papen đã mở đường cho Hitler dễ dàng lên nắm chính quyền.
 
  Papen chỉ làm phó thủ tướng một thời gian ngắn nhưng đã kịp tác động để thủ tiêu quốc hội Đức với hiến pháp Weimar, "sản phẩm của lũ quỷ và Do Thái". Ông ta định "đá hậu", đọc một bài phát biểu chống lại chế độ phát xít vào ngày 17 tháng 6 năm 1934. Nhưng ngay sau đó đã phải thôi.

  Vậy là Papen đã cản đường phái Hitler, cần phải loại bỏ ông ta. Vào thời kỳ "thanh lọc đẫm máu" ("Đêm của những con dao dài" 30 tháng 6 năm 1934) Himmler đã ra lệnh thủ tiêu Papen, song đến phút cuối Hitler đã đổi lệnh do thấy ông ta còn có ích cho mình. Chỉ trừ khử những cộng sự thân cận của Papen, thư ký Verber fon Bose và lãnh đạo tổ chức "Hành động của Đảng Thiên chúa giáo". Eric Clauzener bị giết chết ngay tại phòng làm việc, còn cố vấn riêng Eduard Iung thì bị tống ngục.

  Các thủ lĩnh quốc xã quyết định loại bỏ Papen bằng cách khác, đẩy ông ra khỏi nước Đức. Papen được cử làm đại sứ ở Áo. ở Vienna Papen lại một lần nữa chứng minh lòng trung thành của mình với Đức quốc trưởng: ông được lệnh chuẩn bị kế hoạch thôn tính Áo.

  Tháng 6 năm 1934, Papen tham gia vào vụ tạo phản chống lại thủ tướng Dolfuss. Ông này bị giết song cuộc bạo động cũng bị dập tắt, Papen biến luôn khỏi Vienna. Ông ẩn náu ở tòa nhà gần sát biên giới Pháp phòng khi bị Himmler lại cho người trừ khử thì có thể chạy thoát.
Đô đốc Canaris, cộng sự cũ của Papen hồi ở New York, đã hiến kế để Hitler bổ nhiệm Papen phụ trách một cơ sở tình báo lớn, như vậy ông ta vẫn phục vụ đắc lực đất nước mà lại tách xa khỏi vũ đài chính trị.

  Mùa xuân năm 1939, Hitler triệu Papen tới và bổ nhiệm ông ta làm đại sứ ở Ancara.

  - Xin chân thành cám ơn ngài về vinh dự to lớn này. - Papen cố giấu niềm vui: ông vẫn sợ bị đe dọa ở trong nước.

  Papen đã tới Ancara vào tháng 4 năm 1939 cùng nhóm điệp viên mật đội lốt nhà ngoại giao Đức. Ông còn mang theo hòm vàng vì biết rõ những người Thổ và ả Rập không thích loại tiền giấy của Đức. Sau này ông sẽ thanh toán bằng tiền giả của Anh, nhưng khi ấy, vào năm 1939,  các nhà băng Đức đã chi cho ông một triệu bảng Anh bằng tiền vàng.

  Các điệp viên của Đức được cung cấp tiền vàng và tỏa đi khắp vùng Trung Đông. Ngay từ trước chiến tranh họ đã an cư lạc nghiệp ở Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Ả Rập. Điệp viên chủ chốt ở Ba Tư là giáo sư tiến sĩ  Mac fon Oppenheim, tuy gốc Do Thái nhưng lại là một tên quốc xã cuồng tín.

  Cầm đầu mạng lưới tình báo Đức trực thuộc Papen ở thủ đô Cabun của Apganitstan là tiến sĩ Fritz Groba, người tổ chức phong trào chống Anh suốt từ biên giới Tây Bắc của Ấn Độ đến vịnh Ba Tư. Các nước ả Rập tràn ngập tình báo Đức.

  Ranh giới khu vực hoạt động của hai cơ sở chủ chốt tại vùng Địa Trung Hải thuộc Ancara và Madrid. Hai cơ sở này hỗ trợ lẫn nhau.
Hitler có ý định phục hồi tinh thần chống Anh của các nước Ả Rập, lôi kéo họ đứng về phía Đức. Đức quốc trưởng đã thay đổi khẩu hiệu thành "Từ Berlin đến Batda" và chuẩn bị tuyên bố thủ tướng Đức là "người bảo vệ Hồi giáo".

  Lợi dụng tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước Ả Rập và sự phản bội của nhiều lãnh tụ của họ, bọn Hitler đã xúi giục hàng loạt bộ tộc đứng dậy khởi nghĩa. Mưu đồ của bọn Đức đã rất rõ: Chúng muốn phá con đường vận chuyển hàng hóa cho Liên Xô qua Iran. Chúng cũng âm mưu phá hội nghị Teheran, bắt hết những người tham gia hội nghị. Mùa hè năm 1943, Papen qua mật báo đã biết được Gestapo đã cử bọn giết người kinh nghiệm nhất tới Iran quăng "mẻ lưới lớn", song phản gián Liên Xô cùng phản gián Anh đã đập tan mọi kế hoạch của chúng.

  Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liên kết với phản gián Anh quấy phá mọi hoạt động của Papen. Song bè lũ chính khách và nhà báo Thổ có ảnh hưởng lớn ở đất nước này lại ủng hộ Papen. Ông ta đã nắm được ít nhất hai tờ báo lớn, sử dụng ảnh hưởng của hai tờ báo này để tuyên truyền chống lại đồng minh.

  Tại Ancara, Papen ra sức hoạt động chống Liên Xô. Ngay từ trước khi Papen tới nhậm chức ở đây đã có nhiều tổ chức chống Xô Viết. Khi tới Ancara, Papen đã củng cố những tổ chức này bằng những kẻ bỏ trốn khỏi Grudia và Azecbaizan đầu những năm 20, thành lập hàng loạt các "đội quân thứ năm" như "Liên minh sói xám" và "Hiệp hội những người yêu nước vùng Uran Antai". Bọn này thực thi hoạt động tình báo chính trị và quân sự, đặc biệt vào năm 1942 khi quân Đức đã tiến sát vùng Kavkaz.

  Papen đã trở nên quá nguy hiểm, phản gián Liên Xô quyết định trừ khử hắn, song kế hoạch mưu sát không thành: Điệp viên người Bungari thực thi nhiệm vụ, đã sơ ý để bom nổ ngay trong tay mình. Papen chỉ bị thương nhẹ.

  Papen còn hoạt động chống phá Nam Tư, Rumani, Bungari và Hy Lạp ở vùng Balcan, đã tuyển chọn "cán bộ" cho thâm nhập vào hàng ngũ những người yêu nước, chống phá từ bên trong. Nhưng ở đây Papen đã đóng "vai phụ" bởi bộ tham mưu ở Berlin đã coi vùng Balcan là địa bàn hoạt động của mình.

  Năm 1944 Thổ Nhĩ Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức rồi tuyên chiến.

  Sau khi phát xít Đức bị đập tan, Franz fon Papen nằm trong số những tội phạm chiến tranh chuyển giao cho Tòa án quốc tế. Tại tòa án quốc tế Nurberg ông ta đã trắng trợn công phẫn phủ nhận sự tham gia của mình trong hàng ngũ quốc xã và tuyên bố ông ta chỉ là một nhà ngoại giao trung thực. Đồng phạm ngồi bên Papen trên hàng ghế bị cáo không giấu nổi nụ cười, khi ông ta hăng hái lớn tiếng rằng không biết chút gì về mọi kế hoạch tội ác của Hitler và Himmler. Thật kinh ngạc là con cáo già ấy đã biết cách minh oan bất chấp hàng trăm chứng cớ rõ ràng trong các tập hồ sơ dày cộp của tình báo phản gián Liên Xô, Anh, Mỹ và nằm ở các cơ quan an ninh phản gián của các quốc gia thuộc Liên hiệp quốc.

  Công tố viên Rudenco của Liên Xô đã đề nghị án tử hình đối với Papen và các tội phạm chiến tranh đầu sỏ.

  Nhưng cả lần này Papen cũng gặp may. Do sự bất đồng giữa các thành viên tòa án quốc tế Papen đã được tha bổng.

  Ông ta sống lặng lẽ cho tới năm 90 tuổi và đã lặng lẽ ra đi vào ngày 2 tháng 5 năm 1969 tại trang ấp riêng Oberzaxbac,  vùng Baden.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 21 Tháng Sáu, 2008, 06:05:37 pm
20 - VASMUS (sinh năm1883)
điệp viên ngoại giao ở xứ Ba Tư



  Vasmus sinh năm 1883. Không ai biết gì về xuất xứ cũng như những năm tháng thanh niên của ông. Chỉ biết rằng năm 1914 ông giữ một chức vụ không cao lắm, nhưng cũng có uy tín là lãnh sự ở Bushir. Ông là nhà Đông phương học, ông biết tiếng Farsi cổ điển giỏi như tiếng mẹ đẻ, lại biết cả thổ ngữ của các bộ lạc nằm rải rác trên một vùng rộng lớn của Ba Tư. Về bản chất ông là nhà thực dân thời đại Victoria. Ông cho rằng thế giới này phải thuộc về những người da trắng, tốt nhất là thuộc về người Đức. Ông say mê phương Đông theo một cách riêng. Vilhem II, khi tuyên bố mình là người "bảo vệ Koran", đã biết đến những thành tích của ông lãnh sự đầy nghị lực trong việc thiết lập những quan hệ tốt đẹp với "người bản xứ". Theo chỉ thị riêng của ông, Vasmus được thăng cấp và được tăng tiền để tuyên truyền và lập đại diện.

  Trước Đại chiến I Ba Tư là một nước lạc hậu, phần lớn dân cư mù chữ, họ còn tin rằng vũ trụ này bao gồm rất nhiều những khối đồng tâm mà trung tâm là Trái Đất. ảnh hưởng của các siêu cường Nga, Anh, Đức là đáng kể, những nước này thường coi mình là chủ nhân của nhiều vùng đất. Lúc đó đã có "cuộc chiến tranh dầu mỏ" không tuyên chiến giữa người Đức và người Anh. Theo một Hiệp định quốc tế thì để duy trì trật tự ở vùng có dầu, người ta đã thành lập một đội sen đầm trung lập, nòng cốt là các đạo quân Thuỵ Điển, nhưng Vasmus đã kịp nắm được những đạo quân này. Khi chiến tranh nổ ra, người Anh tuyên bố rằng sự việc này vi phạm thô bạo quyền trung lập của Ba Tư và dùng quân đội để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình.

  Những nơi người Anh đến thì các nhà ngoại giao Đức phải rời bỏ ngay. Vasmus kiên quyết chống lại việc đó và bị người Anh bắt giam, bị coi như một "người ngoại quốc không có thiện cảm và thù địch" và bị quản thúc tại nhà, tài sản bị tịch thu và phải đưa cùng với ông về sở chỉ huy Anh. Đêm trước khi xảy ra sự kiện đó ông rất lo cho sức khoẻ con ngựa đua của ông. Cùng với hai người lính canh, ông xuống chuồng ngựa và phát hiện thấy con ngựa có chứng bệnh lạ của vùng bản xứ, đòi phải có sự quan tâm thường xuyên và uống thuốc luôn. Suốt đêm, cứ 10-20 phút ông lại được hai người lính hộ tống xuống thăm ngựa. Cuối cùng, một trong hai người lính bảo: "Nếu ông yêu nó đến thế thì ông đi một mình!". Ông chỉ cần có thế. Lần cuối cùng xuống chuồng ngựa ông lấy trong đống cỏ khô một cái túi đã giấu sẵn từ trước trong đó có 140 ngàn đồng mark vàng, nhảy lên lưng con ngựa hoàn toàn khoẻ mạnh của mình trốn biệt.

  Trong số các công tước địa phương ở vùng núi mà ông chạy đến hồi đó có những người bạn hùng mạnh, hiếu chiến và có một điều không kém phần quan trọng là họ được trả công rất hậu hĩ. Họ là những người có ảnh hưởng vượt ra ngoài lãnh địa của mình. Nhờ họ giúp đỡ Vasmus tiến hành một cuộc đấu tranh không cân sức chống lại đế chế Anh. Ông hoạt động như một nhân vật chủ yếu của cơ quan mật vụ Đức, người lãnh đạo hoạt động tình báo quân sự và chính trị trong khu vực vịnh Ba Tư. Nhưng ông coi đây không chỉ là việc thu thập thông tin cho tổng tư lệnh quân đội Đức vùng Viễn Đông, tướng Liman fon Sanders. Kế hoạch của ông rộng lớn hơn thế: ông muốn thu gom toàn bộ vùng Nam Ba Tư vào phạm vi ảnh hưởng của Đức, ngăn không cho người Anh lạm dụng dầu mỏ khu vực Ba Tư, thúc đẩy các bộ lạc vùng núi tích cực đấu tranh chống lại quân Anh.

  Để củng cố thêm vị trí của mình, Vasmus đi một bước chưa từng có: ông lấy con gái của một thủ lĩnh Ba Tư có thanh thế. Ông coi sự kiện này không những chỉ là sự kết hợp hai trái tim yêu, mà còn là sự kết hợp "hai nòi giống vĩ đại", biểu tượng của sự thống nhất Đức-Ba Tư. Theo tục lệ địa phương, chi phí cho đám cưới thuộc về bố cô dâu, nhưng Vasmus khăng khăng nhận lấy phần ấy (tức là thuộc về cơ quan mật vụ). Bố cô dâu và nhiều vị khách cả thượng lưu cũng như bình dân đều được tặng quà tương xứng với vị thế và "giá trị" của họ. Phụ tá trung thành của Vasmus, một người Đức tên là Brugman, trong khi đi phân phát quà, đã tuyển mộ luôn những người được tặng. Sau này tình báo Anh khẳng định rằng một nửa số khách ấy đã được tuyển dụng vào mạng lưới mật thám của Vasmus trải rộng giữa ấn Độ, Xuyê, các bờ sông Tigr, Efrat và vịnh Ba Tư.

  Nhìn từ góc độ tình báo thì khoảng không gian mà Vasmus quản lý có địa hình rất thuận lợi. Cứ mỗi tháng hai lần tình báo Anh lại in ra một bản đồ có đánh dấu vị trí quân địch trên chiến trường phương Đông. Không phải ngẫu nhiên, trong vòng 4 năm một khu vực lớn của Ba Tư, rộng bằng cả Pháp và Anh cộng lại, được đánh dấu mầu đỏ với một chữ trong vòng tròn "Vasmus".

  Vasmus đã thuê nhiều tầu nhỏ kiểm tra mọi con đường giữa ấn Độ và châu Âu qua các biển Cận Đông. Bằng cách đó ông luôn luôn nắm được mọi việc vận chuyển quân đội và hàng hoá. Mạng lưới điệp viên của ông lan đến cả những đường thông tin của các đoàn quân viễn chinh của các nước đồng minh. Họ thu được thông tin ở Palestin, Dardanella, Mesopotami, thậm chí ở cả Đông Phi và Armeni thuộc Thổ.
Thành công to lớn, thậm chí có thể coi là chiến lược của ông, là giúp được cho tướng Kolmar Vilgelm Leopold fon der Golts chỉ huy đạo quân Thổ số 6 và các quân đoàn hợp nhất Đức-Thổ ở Mesopotami. Nhân viên của ông biết tất cả mọi mánh khoé của tướng Anh Charles Taunsgend, người mà trong cuộc tấn công Bagdad đã lãnh đạo một cánh quân đi dọc triền sông Tigr. Ông đã đánh tan các đạo quân Thổ ở Kut-el-Amara. Để phát huy thành tích, Taunsgend đột nhập vào Ktezifon. Nơi đây hai cánh quân của Thổ thuộc liên quân "Iraq" đang chờ đợi ông, đứng đầu là tướng Golts, nhờ Vasmus đã báo trước hướng tấn công của quân Anh. Trận chiến đấu ở Ktezifon ngày 23 tháng 11 năm 1915 bất phân thắng bại, nhưng Taunsgend phải rút về Kut-el-Amara, nơi quân Thổ đã bao vây sẵn. Mọi mưu đồ từ phía quân Nga lẫn phía quân Anh muốn giúp đỡ đoàn quân mắc hãm này đều vô hiệu. Tướng Anh Persi Lake được chỉ định làm tổng tư lệnh quân đội ở Mesopotami cũng hoạt động một cách thụ động. Các điệp viên của Vasmus báo cáo rằng lực lượng của ông ta còn ít; lương thực, đạn dược, thuốc men đều thiếu thốn, hơn thế nữa, các đường giao thông đều bị các bộ lạc đã phục vụ cho Vasmus tấn công. Thông tin này cho phép Golts tập trung mọi lực lượng bao vây pháo đài, không sợ Lake nữa. Một điệp viên của Vasmus còn cung cấp những thông tin quan trọng: lo sợ việc gia tăng ảnh hưởng của người Nga ở Mesopotami, Lake đã gạt bỏ yêu cầu muốn kết hợp với quân Anh ở Ba Tư và tiến hành các hoạt động quân sự phối hợp chống lại quân Thổ của bộ chỉ huy Nga.

  Đã bốn lần Lake cố đem sức tàn để giải thoát cho Taunsgend, nhưng không có kết quả. Sau 143 ngày bị bao vây, các nguồn lương thực và đạn pháo đã cạn kiệt, ngày 29 tháng 4 năm 1916, cùng với 3 ngàn quân Anh và 6 ngàn quân Ấn Độ, Taunsgend đành phải giao nộp vũ khí ra hàng. Mesopotami là chiến trường duy nhất mà quân Thổ không bị thiệt hại.

  Muốn loại trừ được đối thủ lợi hại như Vasmus, người Anh đã treo thưởng đến 3000 bảng Anh cho ai bắt sống hoặc giết chết được ông. Tiền thưởng ngày càng tăng lên, đến năm 1917 đã tăng tới 5 lần. Thật kỳ lạ, khoản tiền thưởng to lớn ấy chỉ làm cho người ta hoảng sợ: ở phương Đông mạng sống con người được đánh giá không cao, và không ai tin rằng một cái đầu lại trị giá đến như vậy.

  Năm 1916, Vasmus muốn gây bạo loạn trong các bộ tộc ở Afganistan để đánh lừa quân Anh. Ông bỏ ra rất nhiều vàng, nhưng không thành công. Nhưng tình báo đường biển của ông lại hoạt động tốt, họ cung cấp thông tin về các chuyến vận chuyển quân sự đi từ ấn Độ, Australia và Tân Tây Lan. Năm 1916, ông trang bị cho những bộ tộc thượng võ để họ kìm chân hàng ngàn lính Anh. Người Anh đành phải đưa về vịnh Ba Tư 4 chiếc tầu quân sự chở quân tuần tiễu và tiến hành phong toả đường biển. Đoàn tầu này được gọi là "Hạm đội Vasmus", chúng có nhiệm vụ chặn bắt những chiếc thuyền buồm mang tin tức tình báo và quân trang quân bị về cho Vasmus.

  Tuy nhiên, nước Đức ngày càng suy yếu và vị thế của Vasmus cũng suy yếu theo. Ông phải thường xuyên lên gân đội quân của mình bằng những thông tin giả tạo về chiến thắng của quân Đức. Một lần ông tung tin rằng quân Đức đã chiếm được nước Anh, vua George đã bị treo cổ. Những người ở Ba Tư rất tin.

  Vasmus lại có một kế hoạch mới. Ông nhờ một người vừa là bạn, vừa là trợ lý Brugman đến ấn Độ để lôi kéo giới lãnh đạo. Người Anh đã bẻ gẫy hoạt động này, họ bắt được Brugman và giam ông ta "đến khi chiến tranh kết thúc". Trước đó họ cũng đã bắt được một đồng sự đáng tin cậy khác của ông là bác sĩ Thuỵ Điển Lindberg. Thế là Vasmus chỉ còn lại một mình giữa những bộ tộc đã bắt đầu có thái độ thù địch đối với ông. Từ châu Âu luôn luôn dội tới những tin tức  về sự suy yếu của nước Đức, còn các thủ lĩnh ở Ba Tư thì đã nghiêng về phía những người chiến thắng.

  Đến cuối năm 1918, nước Đức đã đứng bên bờ vực thất bại. Không còn ai tin Vasmus nữa. Các chủ nợ bắt đầu quấy nhiễu ông. Tháng 11 năm 1918, khi được tin ngừng bắn, bố vợ ông là Akhram đã khuyên ông chạy trốn. Vasmus biệt tăm, từ đó không ai biết tin tức gì về ông.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 22 Tháng Sáu, 2008, 12:29:43 pm
21 - WILHELM LEMAN (1884 - 1942)
nguyên mẫu của “17 khoảnh khắc mùa xuân”

(http://www.nguoibanduong.net/mods/News/trumb_pic/1209958154.jpg)

  Các khán giả bộ phim truyền hình nhiều tập "Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân" thường hỏi: "Trong thực tế có nhân vật Stirlit hay không? Hoặc có một điệp viên Xô Viết nằm vùng nào khác được lấy làm nguyên mẫu cho nhân vật này không?" Nếu đã hỏi như vậy thì có thể trả lời thẳng: "Không. Thật đáng tiếc là không có một điệp viên nằm vùng nào, không có một sĩ quan tình báo Xô Viết chuyên nghiệp nào trong giới thân cận của Miller hoặc Sellenberg cũng như trong bộ máy đầu não của cơ quan an ninh Hitler nói chung".

  Tuy nhiên, trong đời thực có một người đã từng làm việc trong bộ máy đầu não đó và biết được những bí mật của nó. Ông không phải là một tình báo viên Xô Viết chuyên nghiệp nhưng là một điệp viên đáng tin cậy của cơ quan tình báo Xô Viết. Tên ông là Wilhelm Leman, còn bí danh là "Braitenbac". Dưới đây là câu chuyện về ông.

  Wilhelm Leman sinh năm 1884 trong gia đình một giáo viên sinh sống tại một thị trấn nhỏ ở ngoại vi thành phố Leipsig. Tuy lấy tên theo tên của vua Wilhelm nhưng suốt đời ông mang tên  Willi và chính họ tên này - Willi Leman - hiện diện trong các tài liệu của cơ quan tình báo Xô Viết. Năm 18 tuổi, ông tình nguyện gia nhập hải quân và phục vụ trong binh chủng này gần mười năm. Ông đã tham gia nhiều chuyến viễn dương, đã chứng kiến trận đánh Xuxim, rồi bị bãi chức thượng sĩ pháo binh và vào làm trong ngành cảnh sát Berlin. Tại đây, cấp trên nhận thấy ông là người tận tuỵ và có năng lực, do đó ông được đưa vào phòng phản gián của sở cảnh sát Berlin. Trong những năm Thế chiến thứ nhất và những năm tiếp theo, Willi Leman tỏ ra là một nhân viên phản gián thông minh và khôn ngoan, ông được thăng cấp, được thực hiện những vụ điều tra quan trọng và thực tế là biết rõ mọi công việc của phòng phản gián.

  Ông được coi là người không mắc chứng háo danh, có thái độ tỉnh táo đối với tiền bạc và không hề có bất kỳ một đam mê tệ hại hoặc "mối dan díu tội lỗi" nào. Năm 1928, khi một người bạn của ông lâm vào tình thế khó khăn, ông đã khuyên người này nên làm việc cho cơ quan đại diện toàn quyền của Liên Xô ở Berlin. Người đó làm theo lời khuyên của ông và trở thành điệp viên của cơ quan tình báo Xô Viết A-70 (về sau, người này bị tách khỏi những công việc quan trọng do sử dụng quá "tự do" những khoản tiền nhận được và vì vậy có thể gây nghi ngờ).
   
  Năm 1929, khi chính Willi túng bấn tiền nong thì ông cũng hành động hệt như vậy. Sau khi được tuyển mộ, ông mang bí danh A-201 hoặc "Braitenbac". Cần lưu ý rằng mặc dù tiền bạc là yếu tố hết sức quan trọng thúc đẩy ông hợp tác với tình báo Xô Viết nhưng cũng như nhiều điệp viên khác, ông quyết định như vậy còn là do ông căm ghét chủ nghĩa quốc xã. Ông coi cuộc chiến tranh chống Liên Xô là tội ác.

  Do vị trí làm việc của Willi hết sức quan trọng nên Trung Tâm và cơ quan tình báo Xô Viết ở Berlin lập tức chăm lo đến việc "giấu kín" ông. Trung Tâm quyết định ông chỉ cung cấp những tin nào mà ông có thể khai thác được nhờ chức trách của ông, không cần ông phải săn tìm những bí mật của người khác. Mặc dù tin tức dưới dạng tài liệu bao giờ cũng được dành ưu tiên trong hoạt động gián điệp nhưng đối với "Braitenbac" thì cơ quan an ninh Xô Viết không đòi hỏi ông chuyển giao tài liệu mà thoả mãn với những tin ông truyền đạt bằng miệng. Và bởi vì những điệp viên "hợp pháp", tức là những nhân viên chính thức của các cơ quan Xô Viết, có thể bị mật vụ Đức theo dõi nên việc liên lạc với ông được thực hiện chủ yếu là thông qua các điệp viên nằm vùng. Ông được chuẩn bị sẵn hộ chiếu để có thể khẩn cấp ra nước ngoài, đồng thời chuẩn bị cả những tín hiệu báo động khi nguy hiểm.

  Năm 1930, những khả năng gián điệp của "Braitenbac" được mở rộng thêm - ông được giao nhiệm vụ "chăm sóc" sứ quán Xô Viết ở Berlin, do đó, ông nắm chắc mọi hành động được hoạch định và tiến hành nhằm chống lại sứ quán Xô Viết và các nhân viên sứ quán. Ông cũng biết được tất cả các điệp viên được sử dụng trong những hành động ấy. Vào cuối năm 1932, ông còn được trao nhiệm vụ theo dõi giới gián điệp Ba Lan và không phải ngẫu nhiên mà điệp viên Ba Lan Iurek Susnovski đã sửng sốt khi thấy cơ quan tình báo Xô Viết biết quá rõ về y khi bị thẩm vấn tại Moscva trong những năm 1939 - 1940.

  Sau khi Hitler lên nắm chính quyền ở Đức vào năm 1933, phòng phản gián của "Braitenbac" thành lập một ban riêng để đấu tranh với "gián điệp cộng sản". Ngày 26 tháng 4 năm 1933, phòng phản gián của Willi Leman sáp nhập vào cơ quan cảnh sát quốc gia (Gestapo) mới thành lập. Vậy là ông trở thành nhân viên Gestapo, và đến ngày 20 tháng 4 năm 1934, nhân dịp sinh nhật Hitler, ông được lấy vào đơn vị SS và được thăng chức.

  Năm 1934, điệp viên "Braitenbac" được phép bắt liên lạc với điệp viên nằm vùng Vaxili Zarubin. Trung Tâm đòi hỏi ngày càng nhiều tin tức vượt ra ngoài khả năng chức vụ của ông. Nhưng ông vẫn thu thập được những tin tức ấy, chẳng hạn, ông đã kiếm được cho bộ phận giải mã Xô Viết bản gốc các bức điện của Gestapo, ông cũng đã thông báo nhiều chi tiết công nghệ về những loại tên lửa mà nhà thiết kế Danberg đã từng nghiên cứu trước khi bị bắt, ông còn làm rõ được việc hai điệp viên nằm vùng bị Gestapo bắt có bị tình báo Đức tuyển mộ lại hay không.
 
  Tháng 12 năm 1935, Willi Leman cùng nhiều quan chức cao cấp của cơ quan phản gián Đức đi thăm những nhà máy và thao trường tuyệt mật chuyên sản xuất và thử nghiệm các loại vũ khí mới nhất, bởi lẽ, vốn là nhân viên phản gián, họ phải biết những gì mà họ cần bảo vệ. "Braitenbac" đã miêu tả lại tỷ mỉ cho cơ quan tình báo Xô Viết những gì ông đã nhìn thấy cũng như hàng loạt những thông số tác chiến - kỹ thuật mà ông thu lượm được từ các nhà chuyên gia.

  Chiến công có ý nghĩa quan trọng hơn nữa là mật báo của "Braitenbac" về việc người kỹ sư trẻ Verne fon Braun sáng chế ra một loại vũ khí chưa từng có cho tới thời điểm ấy, đó là loại tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng tầm xa có thể lên đến hàng trăm cây số. Một bản báo cáo đặc biệt về vấn đề này đã được đệ trình lên Stalin, Vorosilov, Tukhasevxki. Ban lãnh đạo Tổng cục Tình báo Xô Viết đánh giá cao tài liệu này và soạn riêng một bản câu hỏi để làm rõ các thông số kỹ thuật.
 
  Năm 1936, "Braitenbac" thông báo vị trí của năm thao trường mật chuyên thử nghiệm vũ khí mới, chuyển tin tức về hệ thống các công sự mạnh nằm dọc theo biên giới Đức-Ba Lan, về việc chế tạo loại xe bọc thép và máy bay tiêm kích mới của hãng Haiken, về loại thép bọc máy bay, về loại xe tăng phun lửa, về loại chất lỏng có thể bốc cháy, về việc chế tạo đội tầu ngầm tại mười tám xưởng đóng tầu.
Cũng vào cuối năm 1941, ban lãnh đạo nước Đức phát xít áp dụng những biện pháp đặc biệt để bảo vệ bí mật quốc gia trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất các loại vũ khí mới, tuy nhiên "Braitenbac" vẫn tiếp tục chuyển cho cơ quan tình báo Xô Viết nhiều tin tức về những thành tựu của Đức trong lĩnh vực quân sự. Chẳng hạn, lần đầu tiên người ta biết về những cuộc thí nghiệm được tiến hành dưới sự kiểm soát của đích thân Hering nhằm điều chế xăng từ than đá và về việc xây dựng một nhà máy bí mật sản xuất chất độc.

  "Braitenbac" cũng thu thập được và chuyển cho tình báo Xô Viết bản báo cáo đặc biệt quan trọng năm 1937 "Về việc tổ chức hệ thống quốc phòng của nước Đức".

  "Braitenbac" được cơ quan Gestapo đánh giá rất cao, bằng chứng là vào dịp lễ Giáng sinh năm 1936, ông được tặng tấm chân dung Hitler có chữ ký của y và bằng khen, ngoài ông ra, chỉ có ba nhân viên Gestapo nữa được hưởng vinh dự này.

  Trong đời ông đã xẩy ra một trường hợp chỉ chút nữa là dẫn đến thất bại. Một người bạn thông báo cho ông là ông bị theo dõi vì bị nghi ngờ có quan hệ với cơ quan đại diện thương mại Xô Viết. Thật may mắn là kẻ theo dõi đã không phát hiện được mối quan hệ của ông với tình báo Xô Viết. Nhưng ít lâu sau mới biết rằng việc theo dõi ông là do lầm lẫn - người cần theo dõi không phải là ông mà là một Leman khác cùng họ tên với ông, người này bị người tình cũ theo dõi vì ghen tuông.

  Tháng 3 năm 1943, Zarubin rời nước Đức, mối liên lạc với "Braitenbac" được vợ người điệp viên nằm vùng Corotcov là Maria Vincovưxkaia duy trì thông qua bà chủ căn phòng bí mật Clemans. Nhưng đến cuối năm 1938 thì cả mối liên lạc này cũng bị đứt đoạn bởi vì người điệp viên duy nhất lãnh đạo Maria là A. I. Agaian qua đời trong lúc làm phẫu thuật.

  Năm 1939, Trung Tâm soạn thảo một báo cáo về hoạt động của "Braitenbac" trong đó nói rằng ông đã "chuyển cho chúng ta một số lượng lớn những tài liệu đích thực và những tin tức cá nhân làm sáng tỏ cơ cấu, đội ngũ cán bộ và hoạt động của tổ chức Gestapo, cũng như của tình báo quân sự Đức. "Braitenbac"đã báo trước cho chúng ta về những cuộc bắt bớ và khiêu khích đang chuẩn bị nhằm vào các điệp viên nằm vùng và điệp viên "hợp pháp" của chúng ta ở Berlin. Ông đã cung cấp cho chúng ta tin tức về những nhân vật đang bị Gestapo theo dõi cũng như về những vụ điều tra mà chúng ta quan tâm. Cơ quan tình báo chưa bao giờ có bất kỳ nghi ngờ gì về lòng trung thực của người điệp viên này".

  Vậy là "Braitenbac" bị mất liên lạc.

  Vào cuối tháng 6 năm 1940, một người lạ mặt bỏ vào hòm thư của sứ quán Xô Viết ở Berlin một bức thư gửi tùy viên quân sự Xô Viết. Tác giả bức thư đề nghị khôi phục lại mối liên lạc với mình đã bị gián đoạn vào năm 1939, đồng thời nêu rõ mật khẩu liên lạc qua điện thoại, thời gian và địa điểm gặp gỡ. Người đó viết: "Nếu không khôi phục lại được liên lạc thì công việc của tôi ở Gestapo sẽ mất hết ý nghĩa".
 
  Dĩ nhiên bức thư này không thể không gây nghi ngờ: phải chăng "Braitenbac" lại đã xuất hiện và liệu ông có đóng vai trò một kẻ mạo danh không? Nhưng niềm tin vào lòng trung thành của ông đã chiến thắng. Trung Tâm đã cử một nhân viên của mình là Corotcov đến Berlin và Corotcov đã khôi phục lại mối liên lạc với "Braitenbac", đồng thời giới thiệu ông với người điệp viên trẻ Boris Giuravlev để tiếp tục làm việc.

  "Braitenbac" đã vài lần cảnh báo về mối nguy cơ ngày càng tăng của việc nước Đức phát xít tấn công Liên Xô. Vào tháng 3 năm 1941, ông thông báo về việc cơ quan tình báo Đức đang khẩn trương củng cố một đơn vị chống phá nước Nga, đang thực hiện những biện pháp động viên trong bộ máy nhà nước, tiếp đó, vào cuối tháng 5 ông thông báo về việc cơ quan tình báo Đức đã lập lịch trực suốt ngày đêm của các nhân viên. Trong cuộc gặp gỡ cuối cùng với Giuravlev vào ngày 19 tháng 3 năm 1941, ông báo tin Gestapo đã nhận được mệnh lệnh gửi cho các đơn vị quân đội phát xít, trong đó có nói rõ là những hành động chiến sự chống Liên Xô sẽ bắt đầu sau 3 giờ sáng ngày 22 tháng 6 năm 1941.
 
  Ngay tối hôm đó, tin này đã được chuyển về Moscva.

  Đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng với "Braitenbac". Sau khi chiến tranh kết thúc, vợ ông là Margarita kể lại rằng vào tháng 12 năm 1942, chồng bà được khẩn cấp gọi đến nơi làm việc rồi không trở về nữa. Về sau, một đồng nghiệp của ông báo tin cho bà biết là ông đã bị Gestapo xử bắn.
 
  Trong tập hồ sơ "Braitenbac" hiện đang được lưu trữ tại kho lưu trữ Cục Tình báo Đối ngoại có một bản báo cáo cho biết ông bị một điệp viên có bí danh là "Bec" tố giác. "Bec" được tung vào hậu phương phát xít rồi sa vào tay Gestapo. Bản báo cáo viết rằng "Theo lệnh của Gestapo, "Bec" đã duy trì liên lạc qua điện đài với Moscva từ ngày 14 tháng 10 năm 1942 đến ngày 12 tháng 4 năm 1944, chuyển đi những tin tức do nhân viên Gestapo viết sẵn, kết quả là vào tháng 12 năm 1942, điệp viên "Braitenbac" của các cơ quan an ninh Liên Xô đã bị bắt và bị xử bắn".
 
  Trong các hồ sơ của Gestapo cũng như trong các tài liệu lưu trữ của Đức mà Liên Xô thu được không hề có bất kỳ chỉ dẫn gì về việc Willi Leman bị điều tra và đem ra xét xử. Vụ việc của ông không được công bố và thậm chí, chắc chắn là không được báo cáo lên Hitler. Đó là tháng 12 năm 1942, trong cơn giận dữ vì thất bại ở Stalingrad, Hitler có thể trút nỗi giận dữ lên đầu bọn trùm Gestapo, bởi lẽ, một kẻ thù như Leman đã xâm nhập được vào tận trái tim của đế chế thứ ba. Chắc hẳn vì hiểu như vậy nên những tên trùm Gestapo đã đem bắn "Braitenbac" mà không cần xét xử hoặc đã đầy ải ông trong chốn lao tù. Mà biết đâu, tên trùm Gestapo Miller đã bắn chết ông ngay trong phòng làm việc của y.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 22 Tháng Sáu, 2008, 06:23:35 pm
22 - WILLIAM VARVIC CORCORAN (sinh năm 1884)
người cứu London khỏi tên lửa Đức Quốc xã



  Ông được mệnh danh là "bậc thày số một của nghệ thuật tình báo Mỹ" và được coi là người đã có công cứu London thoát khỏi những quả tên lửa FAU của phát xít Đức bởi vì ông đã phát hiện ra nơi đóng căn cứ quân sự của Đức trên đảo Penemuyde thuộc biển Baltic. Ngay sau chiến tranh, ông cũng đã phát hiện ra nơi lẩn trốn của một trong những tội phạm chiến tranh là Joahim fon Rippbentrop, bộ trưởng ngoại giao của nước Đức phát xít.

  William Corcoran sinh năm 1884 ở Washington. ng tốt nghiệp trường đại học Georgetao - cái nôi của nhiều nhà ngoại giao Mỹ. Sau đó, ông tốt nghiệp trường đại học ở Lille (Pháp) và thông thạo tiếng Pháp như một người Pháp thực thụ - một phẩm chất hiếm có đối với các nhà ngoại giao Mỹ.

  Bố mẹ ông chết sớm, ông được thừa hưởng một tài sản giàu có và ông biết tận hưởng thú vui chơi ngựa, chơi ô tô, thuyền buồm và cuộc sống phóng đãng.

  Cuộc sống của ông thay đổi hẳn khi số phận đưa đẩy ông gặp được một nữ tu sĩ Thiên Chúa giáo, người về sau trở thành mẹ nuôi của ông tuy ông không theo đạo. ng vứt bỏ mọi thú vui quen thuộc, vả lại, vào quãng thời gian đó, ông cũng đã phung phí gần hết tài sản thừa kế giàu có của bố mẹ ông để lại.

  Đúng lúc đó, chủ bút tờ "Washington Post" mời ông làm phóng viên. Ông lang thang khắp thành phố tìm kiếm những vụ việc đáng chú ý, miêu tả cuộc sống của bọn trộm cắp và những chính khách bán mình. Vốn căm thù sâu sắc chủ nghĩa quân phiệt Phổ nên khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, ông vứt bỏ công việc phóng viên và ghi tên vào đội quân viễn chinh Pháp ở hải ngoại. Sau khi Mỹ tham chiến, ông chuyển sang đội quân viễn chinh Mỹ. Tại đây, ông trở thành thượng uý và đồng thời làm biên tập viên một tờ báo dành cho binh sĩ Mỹ. Đến cuối chiến tranh, ông được tặng thưởng huân chương Thập Tự chiến đấu, huy chương của Pháp và được cấp giấy chứng nhận không có khả năng lao động do thương tật.

  Năm tháng trôi qua. Năm 1936, William Corcoran đến Thuỵ Điển và đảm nhận một chức vụ khiêm nhường là tổng lãnh sự ở thành phố Gorteborg. Nhiệm vụ của ông là cấp visa, đăng ký kết hôn và thừa kế, nhưng thực ra ông là điệp viên của cơ quan tình báo Mỹ. Ông bắt đầu làm việc cho tình báo Mỹ trước khi đến Thuỵ Điển khá lâu. ng đã từng đến Cancutta, Bombay, Madras, Varsava, Angie, Gibranta, Giamaica và Tây Ban Nha. Ԑng là "con sói cô độc", hoạt động một mình, không có cấp trên và cấp dưới, có thể nói ông là "điệp viên tự thân".

  Nhờ tính xởi lởi, quảng giao, ông có nhiều bạn bè người Thuỵ Điển. Với sự giúp đỡ của họ, ông đã làm quen được với thuyền trưởng của tất cả những con tàu đi lại giữa Thuỵ Điển và Đức. Bởi vậy ông có đầy đủ thông tin về tình hình các cảng thuộc biển Baltic. Một lần cơ quan phản gián Đức nghe nói đến những mối liên hệ bí mật của lãnh sự Mỹ và gửi công hàm phản kháng đến nhà cầm quyền Thuỵ Điển. William Corcoran bị khiển trách nhẹ, nhưng chính Thuỵ Điển cũng thực sự quan tâm đến những gì đang xẩy ra trên bờ biển Baltic, bởi vậy, việc khiển trách kia chỉ mang tính chất thuần tuý hình thức, và người Thuỵ Điển hoàn toàn không can thiệp vào hoạt động của William.
Nhưng ông thay đổi chiến thuật. Nhờ quen biết các chủ tàu và các thuyền trưởng, ông thiết lập được mối tiếp xúc với các thuỷ thủ, các thợ máy, các đầu bếp, các chiêu đãi viên, và ông bắt đầu được họ cung cấp tin tức.
 
  Vài tháng sau, ông vén được một bức màn bí mật mà lúc đầu ông không thể xâm nhập nổi. Những người ông quen biết kể cho ông nghe về hàng chục canô và thuyền máy sắp sửa lên đường tới một địa điểm nào đó nằm cách Stettin chừng sáu mươi hải lý về mạn Đông Bắc. Ít lâu sau, ông biết rằng nơi đó là một hòn đảo nhỏ có tên là Penemuyde, và ông đề nghị các bạn mình xác định chính xác tọa độ của hòn đảo đó trên bản đồ. ng còn biết được một chi tiết nữa: không một ai làm việc trên đảo được phép rời khỏi đảo và không một ai được phép đến thăm đảo.

  Có hôm, một quả bom nổ ngay trên ngưỡng cửa nhà ông nhưng ông được vô sự. Báo chí Thuỵ Điển viết rằng cơ quan mật vụ Đức đã lập kế hoạch bắt cóc và thủ tiêu William Corcoran vì tội "chọc mũi vào việc của người khác". Ông bị coi là "tên mật thám Mỹ" nguy hiểm nhất. Một số người  còn đồn đại là vào những ngày đó, báo "Sự thật" của Liên Xô dường như có đăng bài của đại sứ Liên Xô tại Thuỵ Điển, trong đó, bà đại sứ Alecxandra Colotai gọi ông là "bậc thầy tình báo số một của chú Sam". Nhưng lời đồn đại đó chắc chắn chỉ là hành động khiêu khích của tình báo Đức.

  Tuy nhiên, William cũng không tin chắc hòn đảo Penemuyde lại là nơi Hitler dùng làm địa điểm chế tạo loại vũ khí mà y dự định sẽ sử dụng để kết thúc chiến tranh trong vòng hai mươi tư tiếng đồng hồ.

  Ông tiếp tục công việc bàn giấy chán ngắt nhưng nhờ đó, ông đã kiếm được bản sao những khoản thanh toán của công ty SKF, công ty chuyên cung cấp ổ bi từ nước Thuỵ Điển trung lập sang nước Đức đang có chiến tranh. Biết được tin này, các nước Đồng minh đã yêu cầu Thuỵ Điển phải ngừng ngay lập tức việc cung cấp đó. Không ai chứng minh được việc rò rỉ tin này là do bàn tay của William Corcoran (thật ra ông cũng không đánh cắp những tài liệu ấy), "tội" đánh cắp tài liệu và để tài liệu ấy rò rỉ sang phương Tây đã khiến một người Na  y và hai người Thuỵ Điển bị kết án ba năm tù.

  Theo chỉ dẫn của William Corcoran, máy bay đồng minh giờ đây bay lượn suốt ngày đêm trên bầu trời đảo Penemuyde để chụp ảnh từ trên không, đồng thời nguỵ trang các chuyến bay của mình bằng những trận không kích Berlin và Stettin.

  Trong khi ấy, ban lãnh đạo nước Đức phát xít vẫn tin chắc rằng không một ai hay biết gì về đảo Penemuyde và những gì che giấu trên đảo. Chúng đủ thông minh để không sử dụng pháo phòng không chống lại các máy bay đồng minh vì cho rằng những khu rừng rậm rạp đủ sức che kín những gì đang diễn ra trên đảo.
 
  Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện nhiều bức ảnh cũng như ngày càng nhiều những tin tức của các thuỷ thủ về những vụ nổ bí ẩn trên hòn đảo nhỏ đó. Cuối tháng 7 năm 1941, William Corcoran thông báo cho London biết về tất cả những gì ông tìm hiểu được về đảo Penemuyde. (Cũng nên biết thêm rằng tin tức của William Corcoran không phải là duy nhất).

  Đêm 16 rạng ngày 17 tháng 8 năm 1941, sáu trăm máy bay ném bom hạng nặng của Anh xuất hiện trên bầu trời đảo Penemuyde. Bọn Đức cho rằng những máy bay đó đang bay đến Berlin hoặc Stettin như thường lệ, nhưng lần này chúng đã lầm. Toàn bộ sáu trăm máy bay Anh đã giáng một đòn khủng khiếp lên đảo - cuộc không kích dữ dội kéo dài suốt 40 phút. Bốn mươi phân xưởng lắp ráp biến thành đống đổ nát, các phòng thí nghiệm bị phá huỷ, năm mươi toà nhà bị hư hại. Trong số bảy nghìn nhà khoa học và kỹ sư thì năm nghìn bị chết. Trong số những người bị chết có cả thiếu tướng Volfrank fon Same-Glidenxki, giám đốc các công việc nghiên cứu và kỹ thuật, tướng Esoneke, tham mưu trưởng không quân Đức, tướng Erner  Udet, viên phi công nổi tiếng được coi là con át chủ bài của nước Đức phát xít.

  Người Anh mất bốn mươi mốt máy bay trên đường trở về.

  Theo ý kiến của thủ tướng Anh Churchill thì đây là một trong những bước ngoặt của chiến tranh. Trung tâm tên lửa của Đức bị loại khỏi vòng chiến, điều đó không những đã cứu nước Anh và rất có thể, còn ngăn chặn được việc loại tên lửa có cánh của Đức không kích miền duyên hải phía Đông nước Mỹ. Nhờ công lao đó, William Corcoran được khen thưởng một cách xứng đáng tuy quả thật là sau chiến thắng đó ông vẫn không nhận thức được hết ý nghĩa của biến cố vừa xẩy ra.

  Sau khi kết thúc chiến tranh, William Corcoran vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của một lãnh sự. Tuy nhiên, nếu không có sự can thiệp của ông thì tên tội phạm chiến tranh Ribbentrop sẽ có thể sống cho đến cuối đời một cách bình yên tại một nơi đâu đó ở Argentina. Câu chuyện xẩy ra như sau.

  Chiếc tàu thuỷ chở khách "Greeneshall" treo cờ Hội Chữ Thập đỏ cập bến cảng Geteborg. Trong số hành khách có một phụ nữ tên là
Ienke. Bà ta khai là vợ của một nhà ngoại giao kiêm cố vấn thương mại tại sứ quán Đức ở Ancara, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng sau khi tìm hiểu bản danh sách hành khách, William Corcoran dự đoán rằng chồng bà ta chắc chắn phải biết một điều gì đó về nơi ở của đại sứ Đức fon Panen. Ông phát hiện ra rằng Ienke là em gái của Ribbentrop. Bà ta được bố trí đến ở tại một khách sạn của Geteborg dưới sự giám sát của cảnh sát. Vốn thông thạo tiếng Pháp, William Corcoran đến thăm bà ta, đóng vai một phần tử ủng hộ Petin và Lavan nên phải chạy trốn khỏi nước Pháp. Ông nói rằng ông muốn đào thoát sang Argentina, rằng ông có nhiều người bạn đáng tin cậy ở Đức sẵn sàng giúp đỡ ông trong việc này. Ông dò hỏi là bà Ienke có muốn anh trai mình cũng sang Nam Mỹ hay không.

  - Liệu ông có thể giúp tôi đến Đức được không? - Ienke hỏi.

  William Corcoran hứa là sẽ làm hết khả năng của ông.

  Khi ấy, bà ta tâm sự với ông rằng khi Rippbentrop còn là một người chào hàng bình thường chuyên buôn bán Sâm Panh thì y có một người bạn chuyên buôn bán rượu ở Hamburg. Bà ta muốn đến thăm người này vì bà ta tin rằng ông ta sẽ giúp bà ta tìm ra được anh trai.
Nên biết rằng vào thời kỳ đó Ribbentrop là đối tượng truy tìm của tất cả các cơ quan tình báo trên khắp thế giới.
 
  Những "người bạn Thuỵ Điển" tổ chức cho Ienke một chuyến đi tới Đức. Bà ta được phép rời Thuỵ Điển và đến khu vực nước Đức bị người Anh chiếm đóng. Bà ta dễ dàng tìm thấy nhà kinh doanh rượu quen biết ở Hamburg. Người này tiếp đón bà ta, cho bà ta ăn uống rồi báo tin về nơi ẩn trốn của anh trai bà ta - y đang ở trong căn hộ gần đấy. Bà ta lập tức đến địa chỉ đó mà không ngờ rằng đã dẫn theo mấy viên cảnh sát của quân đội Đồng minh. Họ liền bắt giữ tên cựu bộ trưởng ngoại giao của nước Đức phát xít. Về sau, y bị toà án Niu Ramber kết án tử hình và bị treo cổ.

  William Corcoran còn có công đánh đắm vài chiếc tàu Đức tại các cảng Cattegat và Scaterac. Lãnh sự Đức ở Na Uy trở thành điệp viên của ông, và nhờ sự giúp đỡ của ông ta mà William Corcoran đã xác định được vị trí của cơ sở xăng dầu và nhà máy nước nặng cũng như biết được lộ trình của các tàu biển. Thông qua các thuỷ thủ quen biết, William Corcoran cũng phát hiện được những cơ sở xăng dầu ở cửa sông Ode, cách Penemuyde ba mươi dặm. Những cơ sở này cũng bị ném bom.

  Nhưng William coi công lao lớn nhất của mình là cứu thoát được tính mạng của năm nghìn người chạy khỏi nước Đức. Hầu hết họ được ông đưa sang Mỹ, ông không từ chối giúp đỡ một người nào.

  Năm 1946, William Corcoran về hưu và sống bình yên giữa đàn con cháu cho đến cuối đời tại một thị trấn nhỏ ở Mỹ cách thủ đô Washington không xa.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 23 Tháng Sáu, 2008, 06:58:08 pm
23 - ROBERT BRUCE LOCKHARD (1887 - 1970)
điệp vụ “âm mưu của ba đại sứ”



  Nhà tình báo Anh Lockhard nổi tiếng một thời sau vụ "Âm mưu lật đổ của các ngài đại sứ" năm 1918. Nhưng hoạt động tình báo của ông khởi đầu sớm hơn nhiều.

  Robert Bruce Lockhard sinh ngày 2 tháng 9 năm 1887 ở Austruter thuộc lãnh địa bá tước Faif. Cha ông là giáo viên tiểu học, tổ tiên nhà ông đều là người Scotland. "Trong tôi không hề có dòng máu người Anh" - Lockhard nhớ lại. Ông du học ở Berlin rồi sang Paris. Sau khi có được học vấn thuộc nhiều lĩnh vực ông trở về Anh quốc để chuẩn bị sang ấn Độ làm công chức nhà nước. Nhưng mọi việc diễn ra khác hẳn: Chú ông đã vẽ ra một viễn cảnh hấp dẫn khiến người cháu nhanh chóng quyết định đi làm ăn ở quần đảo Malaixia xa xôi để kiếm được những khoản lợi nhuận kếch sù. Đến làm việc ở những đồn điền cao su, ông phải học từ đầu những điều sơ đẳng nhất của công việc kế toán và văn phòng. ở đây ông đã tích lũy được những kinh nghiệm đầu tiên của nghề báo chí. Thể thao và văn học cuốn hút ông và làm ông tránh xa được "ba cái hàng ngày quấy nhiễu ta" của Á Đông là thuốc phiện, rượu và đàn bà. Ông là người thích đi đây đó, ban đêm ông thường đi vào những khu rừng rậm để quen dần với sự hiểm nguy. Nhưng Lockhard đã phải sớm rời bỏ Malaixia ra đi chỉ vì đã dan díu với quận chúa cháu vua Hồi.

  Khi về nước, Lockhard mới 23 tuổi. Năm 1911, nhờ cha tiến cử và bản thân tỏ rõ năng lực qua cuộc sát hạch, ông được nhận vào làm việc ở Vụ lãnh sự Bộ Ngoại giao. Kinh qua một năm công tác Lockhard được đề bạt là phó lãnh sự ở Moscva. Trước ngày lên đường sang nước Nga Lockhard gặp một cô gái người Australia. Hai người đính hôn và năm sau thì làm lễ cưới.

  Ba năm sau, năm 1915, Lockhard được bổ nhiệm làm tổng lãnh sự Anh quốc ở Moscva. Ông là chứng nhân tận mắt sự sụp đổ của chế độ Nga hoàng ở nước Nga. Năm 1917 Lockhard làm quen với Kerenxki và Savincov.

  Tháng 9 năm 1917 Lockhard bị triệu hồi về nước vì một lý do rất vớ vẩn: ông có quan hệ đi lại với "một cô gái Do Thái" và câu chuyện bị vỡ lở ra ngoài. Cái cớ triệu hồi về nước lại nói ông bị bệnh, nên khi vừa đặt chân về tới London ông liền đi đến vùng núi chữa bệnh. Thời gian này ở nước Nga nổ ra cuộc Cách mạng Tháng mười. Lockhard lại rất cần thiết cho công việc với tư cách là một chuyên gia về nước Nga. Ông đã phát biểu rằng Lenin và Troski không phải là những điệp viên của Đức và rằng "thật là điên rồ nếu không đặt quan hệ với những người đang nắm trong tay vận mệnh của nước Nga".

  Tháng 1 năm 1918 Lockhard trở lại nước Nga. "Tôi nhận được những chỉ thị rất lờ mờ. Tôi không được trao bất kỳ một quyền nào cả. Nhiệm vụ của tôi là móc nối quan hệ..." - Lockhard nhớ lại.

  Lockhard có những ưu đãi ngoại giao nhất định, như có thể sử dụng mật mã và giao thông viên ngoại giao. Nhà ngoại giao Xô Viết đầu tiên ở London Litvinov có thư giới thiệu Lockhard với Troski, phụ trách Bộ Dân uỷ Ngoại giao. Do chuyện tình cờ mà Lockhard đặt chân đến Petrograd. Ông được đón tiếp chu đáo như một người có cảm tình với những đảng viên bolsevich.

  Bấy giờ vừa đúng lúc các Đại sứ quán của phe Đồng minh rút khỏi nước Nga Xô Viết. Các nước Đồng minh cho rằng những người bolsevich chỉ trụ vững được vài tuần là cùng. Lockhard ở lại Petrograd. Ông cho rằng những người bolsevich về nội lực mạnh hơn rất nhiều so với nhận định về họ ở London và rằng ở nước Nga không có lực lượng nào có thể thay thế họ. ở lại Petrograd cùng với Lockhard có tùy viên hải quân, đại úy Cromi, người không muốn Hạm đội Baltic rơi vào tay quân Đức cùng một số sĩ quan và quan chức của cơ quan phản gián.

  Ít lâu sau V.I.Lenin đã tiếp Lockhard ở Cung điện Smonưi. Cùng dự buổi tiếp có Troski, nhân vật mà theo ý kiến của Lockhard là "người không đủ sức đưa ra những ý kiến đối lập với Lenin, cũng giống như con bọ chét thì không thể đối chọi được với con voi". Lenin nói chuyện với Lockhard rất cởi mở, Người trả lời tất cả các câu hỏi của Lockhard và hứa đảm bảo an toàn cá nhân cho ông cũng như điều kiện để ông rời khỏi nước Nga bất kỳ lúc nào.

  Lúc bấy giờ Lockhard cũng có cuộc gặp gỡ với cô Mura Benkendorf - Budberg sau này là điệp viên và cũng là tình nhân của ông. Một thời gian sau đó Mura cũng là tình nhân của Gorki và Wells.

  Ngày 15 tháng 3 năm 1918, Lockhard chuyển về Moscva. Tại đây ông gặp lại nhiều người bạn, trong đó có tướng Lavernhi, công sứ Pháp, thiếu tá Mỹ Riggs. Họ thỏa thuận với nhau về chính sách sẽ thực hiện là chỉ "can thiệp khi có sự đồng ý của những người bolsevich", trong khi đó thì có một số vị đại sứ của các nước Đồng minh như Mỹ và Pháp không bắt nhịp với các sự kiện lại có quan điểm ngược lại là "can thiệp bất chấp sự đồng ý của những người bolsevich".

  Tháng 5 năm đó điệp viên Anh lừng danh Sidney Reilly đến Moscva. Reilly hoạt động độc lập mặc dù Lockhard không hài lòng. Một trong những việc làm của Lockhard trong thời gian này là đã cấp thị thực của Anh quốc cho Kerenxki mặc giả quân phục lính Secbi mang hộ chiếu người Secbi. Nhờ thế Kerenxki đã trốn thoát ra nước ngoài qua Murmansk.

  Cuối tháng 5 năm 1918, Lockhard được gọi về Vologda. ở đây các vị đại sứ các nước Đồng minh khẳng định lại quan điểm "can thiệp bất chấp sự đồng ý của những người bolsevich". Sự việc diễn ra trùng hợp với cuộc bạo loạn của người Tiệp Khắc ở Sibia. Theo sự chỉ đạo của Chính phủ Anh, Lockhard kịch liệt phản đối âm mưu giải giáp đối với người Tiệp Khắc và cản trở họ trở về nước. Chính Lockhard thừa nhận rằng kể từ thời điểm đó ông "đã gắn mình với phong trào chống lại Chính phủ thực tế của nước Nga". Giờ đây ông đã trở thành người ủng hộ chính sách can thiệp và lật đổ chính phủ của những người bolsevich. Lockhard hoạt động tích cực, có những cuộc tiếp xúc với các lực lượng chống bolsevich, bí mật trao đổi thư từ với các thủ lĩnh của phong trào Bạch vệ, thiết lập quan hệ với "Trung tâm" và "Liên minh Phục hưng nước Nga" chống Xô Viết do Savincov thành lập. Trong số những người tham gia vào âm mưu lật đổ có đại úy Pháp Vertimon và công sứ Mỹ Kalamatiano Fried.

  Ngày 6 tháng 7 năm 1918, một âm mưu đảo chính được thi hành. Savincov được người Pháp xúi giục đã chiếm Iiaroslav, ở Moscva trở nên hỗn loạn, những người Tiệp Khắc tấn công ở phía Tây chiếm được Simbirsk.

  Ngày 4 tháng 8 quân đội các nước Đồng minh đổ bộ vào Arkhanghelsk bắt đầu cuộc can thiệp. Lockhard đã làm mọi việc để giúp đỡ cuộc can thiệp từ bên trong, cung cấp tài chính cho các lực lượng chống chính phủ ở địa phương. Không có tiền mặt, Lockhard viết văn bản cam kết sẽ trả tiền ở London. Đồng thời Lockhard cũng chuẩn bị rời khỏi Moscva.

  Ngày 15 tháng 8 có người đến gặp Lockhard, xưng danh là Smidkhen nhưng thực ra là nhân viên Treca - Ia. Buikis, cùng đi có E. Berdin (không phải Ia.K.Berdin, sau này là Cục trưởng trinh sát của Hồng quân). Smidkhen trao cho Lockhard bức thư của đại úy Cromi gửi, trong thư viên đại uý hải quân viết là hy vọng sẽ "đóng sập cửa lại trước khi rời khỏi nước Nga". Smidkhen giải thích rằng những người lính bộ binh Latvia đã chán cảnh cầm súng chiến đấu vì những người bolsevich. Họ rất muốn trở về Tổ quốc và đề nghị Lockhard ủng hộ nguyện vọng của họ, làm công văn yêu cầu lên tướng Puli là tư lệnh quân ở Arkhanghelsk mà họ muốn chạy sang nếu như phải ra mặt trận.
Lockhard thảo luận tình hình với tướng Lavernhi và tổng lãnh sự Pháp Grenar. Họ đồng ý với đề nghị của lính bộ binh người Latvia. Lockhard viết thư gửi tướng Puli và chuyển cho Smidkhen. Số phận tiếp theo của những người Latvia được trao cho điệp viên Anh Sidney Reilly. Reilly có ý định nếu được sự giúp đỡ của đồng nghiệp thì sẽ làm bạo động sau khi Lockhard và một số quan chức ngoại giao khác rời Moscva. Nhưng Lockhard không ủng hộ ý định đó của Reilly và từ đó hai người không gặp nhau nữa.

  Ngày 30 tháng 8 năm 1918 một tên khủng bố đã giết chết người đứng đầu cơ quan Treca Petrograd Uritski. Ngày hôm sau nữ đảng viên xã hội cách mạng Fani Kaplan đã ám sát Lenin. Ngay trong đêm đó Lockhard cùng người phụ tá bị bắt và giải đến cơ quan Treca. Cô Mura, tình nhân của Lockhard, ngủ đêm tại nhà ông cũng bị giải đến cơ quan Treca.

  Sau một hồi chờ đợi rất lâu Lockhard bị đưa sang phòng hỏi cung. Phó chủ tịch cơ quan Treca toàn Nga Peters chỉ hỏi có ba câu: "Ông có biết Kaplan, người đàn bà này không?", "Reilly ở đâu?" và "Đây là bức thư của ông viết?" đồng thời đưa ra bức thư của Lockhard viết cho tướng Puli. Lockhard không trả lời. Ông biết rõ là người ta định gán cho ông việc mưu sát Lenin. Ông được trả về phòng giam. Nhờ được phép đi vệ sinh Lockhard đã tiêu huỷ được những trang giấy ghi mật mã kẹp trong sổ tay.

  Sáng hôm sau Lockhard và người phụ tá được thả. Lockhard đến Đại sứ quán Hà Lan, tại đây ông mới biết tin đại úy hải quân Cromi đã bị bắn chết trong lúc bắn nhau khi máy bay oanh tạc Lãnh sự quán ở Petrograd.

  Trên các báo đều đăng tin với hàng tít nổi bật "Âm mưu lật đổ của Lockhard". Các nước Đồng minh bị buộc tội có âm mưu lật đổ Chính phủ bằng cách mua chuộc đơn vị lính đồn trú Latvia. Mặc dù vậy Lockhard vẫn được tự do và thậm chí còn nhiều lần đến Bộ Dân uỷ Ngoại giao đề nghị thả cô tình nhân Mura. ở Bộ Dân uỷ Ngoại giao người ta không giúp được gì, Lockhard phải đích thân đến gặp phó chủ tịch Treca toàn Nga Peters. Lockhard được hứa sẽ xem xét việc thả cô Mura, nhưng Peters buộc phải bắt giam Lockhard. Lockhard bị giam giữ đúng một tháng. Sáu ngày đầu ông bị giam ở Lubianka, sau đó ông bị giải đến điện Cremli, nơi điều kiện giam giữ tiện nghi hơn. Hàng ngày Lockhard được phát báo chí để đọc, nhờ đó Lockhard biết tin rằng ở London để trả đũa người ta đã tống giam nhà ngoại giao Xô Viết Litvinov. Cô Mura, tình nhân của Lockhard, được Peters thả ra thậm chí còn cho phép mang quà cho Lockhard đang bị giam giữ.
Cuối tháng 9 Lockhard được thả. Phó chủ tịch cơ quan Treca toàn Nga Peters đề nghị Lockhard ở lại nước Nga Xô Viết. Lockhard suy nghĩ rất nhiều về lời đề nghị của Peters. Ông không muốn dứt bỏ cô tình nhân Mura nhưng ông cũng không muốn mình là nguyên nhân làm cho tình hình quốc tế phức tạp thêm. Ông không thể trở thành người bolsevich được.

  Hai ngày sau, tháng 10  năm 1918, Lockhard rời khỏi Moscva cùng với những quan chức Anh và Pháp cũng vừa được thả ra sau một thời gian bị giam giữ.

  Đó là tất cả về cái giả thuyết "âm mưu lật đổ của Lockhard" được chính ông trình bày trong cuốn "Nội tình của câu chuyện".

  Sau khi về Anh quốc, Lockhard làm khá nhiều nghề. Ông viết báo, sáng tác văn học, thậm chí còn viết cả kịch bản phim cho Hollywood. Ông sống 7 năm ở Tiệp Khắc, học tiếng Tiệp, quen biết nhiều nhà lãnh đạo của nước này.

  Tháng 9 năm 1939, "Đại úy R.Bruce Lockhard" chính thức được mời làm việc cho Vụ Tình báo chính trị Bộ Ngoại giao. Lockhard vì thế đã đi công cán đến nhiều nước như Tiệp Khắc, Hungari, Nam Tư, Bungari, Rumani, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiệm vụ của Lockhard là hàng tuần tổng hợp tình hình chính trị của các nước này báo cáo về cho bộ trưởng. Sau đó ít lâu Lockhard được cử làm phái viên của Chính phủ Anh bên cạnh Chính phủ Tiệp Khắc lưu vong với chức danh "điệp báo viên Anh quốc". Lockhard phản đối chức danh này vì nó gợi lại những kỷ niệm buồn trong thời gian ông làm việc ở Moscva. Nhưng sau đó vài ba năm Lockhard được đề bạt: năm 1941 - 1945 ông làm giám đốc Vụ tuyên truyền và tình báo Bộ Ngoại giao.

  Khi Đức quốc xã tấn công Liên Xô, việc đầu tiên mà Lockhard đã làm được là trong các lễ nghi chính thức bài Quốc tế ca "L’internationale" được cử hành, tuy trước đó bị cấm ở Anh quốc.

  Mặc dù ở Nga Lockhard bị tuyên bố "ngoài vòng pháp luật" nhưng ông lại có quan hệ rất tốt đẹp với vị đại sứ Liên Xô Maiski. Lockhard là người tích cực ủng hộ việc mở mặt trận thứ hai và tăng cường giúp đỡ Liên Xô.

  Trong giác thư gửi Chính phủ Anh quốc Lockhard yêu cầu công nhận nước Nga là đối tác bình đẳng trong việc thảo luận chiến lược chiến tranh, ổn định tình hình hậu chiến tranh và nước Nga phải được coi là một cường quốc. Bản dự thảo của Lockhard đưa ra được Iden và Roosevelt ủng hộ và được dùng làm cơ sở cho Hiệp ước liên minh giữa Liên Xô, Mỹ và Anh quốc.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 25 Tháng Sáu, 2008, 07:26:21 pm
24 - VILHELM CANARIS (1888 - 1945)
trùm quân báo quốc xã bị Hitler treo cổ

(http://wilhelmcanaris.files.wordpress.com/2008/01/1935-9canaris-by-tita-binz2.jpg)

  Tầm vóc nhỏ bé, hay chuyện, mềm mỏng trong quan hệ giao thiệp, có mái tóc đen nhưng sớm bạc, nét mặt đặc trưng dân vùng Nearian - đó là miêu tả của những người đương thời về con người này.

  Xuất thân của đô đốc thủy sư Valter Vilhelm Canaris không rõ ràng, quá khứ lẫn lộn. Theo một số lời kể thì tổ tiên của hắn là người Italia, những nguồn tin khác lại khẳng định là người Hy Lạp. Nguồn thông tin này lại rẽ làm hai hướng. Theo hướng thứ nhất, ông tổ của Canaris là Constantin Canaris, nhà hoạt động nổi tiếng của phong trào giải phóng dân tộc Hy Lạp những năm 1820, một thủy thủ, người đã làm nổ tung hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn thông tin này phát ra chính từ miệng hoàng đế Vilhelm II khi ông này đọc một tài liệu có nhắc tên gã thủy thủ trẻ Vilhelm Canaris: "Chẳng phải anh bạn Canaris đây là hậu duệ của người anh hùng dân tộc trong chiến tranh giành độc lập Hy Lạp sao?"

  Bản thân Canaris không bao giờ phủ nhận quan hệ họ hàng với vị anh hùng dân tộc mà chỉ mỉm cười khi người ta hỏi về điều này. Nhưng nguồn tin đúng hơn có lẽ là từ những người khẳng định tổ tiên của hắn là dân tiểu thương từ Hy Lạp đã đến Đức hồi thế kỉ XIX và trở nên giàu có ở đây. Điều đó mang lại cho hắn khả năng được gia nhập phục vụ trong đơn vị hải quân uy tín thuộc Hạm đội Hoàng gia.

  Hồi đầu Thế chiến I, Vilhelm là hạ sĩ quan trên tuần dương hạm "Dresden" chuyên thực hiện những vụ đột kích trên Đại Tây Dương, đánh đắm tàu buôn của đối phương. Canaris không được chú ý bởi các chiến tích nhưng hắn được đánh giá là người có khả năng tìm kiếm ở những cảng trung lập ngôn ngữ chung với những người cung cấp và chính quyền sở tại để họ không những không gây trở ngại mà còn phối hợp cung cấp cho "Dresden" mọi thứ cần thiết. Ngoài ra hắn còn biết tung tin giả về hành trình tiếp tục của tuần dương hạm "Dresden", và khi nó đến gần người Anh rồi thì người Anh lại tìm kiếm "Dresden" ở một nơi nào đó khác. Nhưng bất chấp những mánh khóe của Canaris, "Dresden" vẫn bị phát hiện tại một trong vô số các vịnh của bờ biển Chile.

  Sau khi "Dresden" bị đánh đắm, Canaris đã chạy thoát. Người ta không rõ lắm về hành tung thời kì này của Canaris. Một số người cho rằng hắn đã sang Mỹ, từ đó liên lạc với fon Papen đang là tùy viên quân sự và công sứ tại Washington. Trước năm 1916, Canaris trốn ở Mỹ, thực hiện nhiệm vụ do Papen giao phó và tham gia tổ chức một số vụ nổ và phóng hỏa. Năm 1916, thoát không bị vạch mặt, hắn chạy sang Madrid. Còn theo những nguồn tin khác, sau khi tuần dương hạm "Dresden" bị đánh đắm, Canaris đã lên một chiếc tàu Anh với hộ chiếu giả của Chile mang tên Rid Rosos trở về châu Âu. Hắn đóng giả làm một công dân Chile và hoạt động chống quân liên minh suốt năm 1915. Hắn trợ giúp cho các bộ tộc Ả Rập ở Marocco và Tây Phi, kích động họ nổi dậy chống lại Anh và Pháp. Hắn chuẩn bị các vụ phá hoại ngầm và hình như đã làm nổ tung chín chiếc tàu của Anh. Ngoài ra, hắn còn tuyển mộ nhiều điệp viên, trong đó có nàng Mata Hari lừng danh. Người ta cũng kể chuyện rằng khi bị giam trong nhà tù của Italia, Canaris đã bóp cổ chết vị linh mục đến thuyết giáo và đổi áo quần, hóa trang trốn thoát. Canaris thích nghe những chuyện thêu dệt về hành tung của mình, không bao giờ phủ nhận hay khẳng định điều gì mà chỉ mỉm cười hết sức bí ẩn.

  Hồi cuối Thế chiến I có thời gian hắn đã làm việc trên tàu ngầm, sau đó trở thành chỉ huy trên thiết giáp hạm "Slezvig". Mặc dù là sĩ quan hải quân nhưng Canaris luôn dính líu đến hoạt động tình báo. Hắn sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ bí mật, biết mọi chuyện và thông báo tin mới cho bạn bè của mình. Đồng sự gọi hắn là "Kiker" (Gã nghe lén). Nếu nói về quan điểm chính trị thì Canaris là kẻ căm ghét những người bolsevich, ngả theo chủ nghĩa quốc xã. Như mọi nhà hoạt động của nước Đức quốc xã khác có quá khứ đáng ngờ (ví dụ Haydrich có cha là người lai Do Thái, Canaris biết rõ điều này và đã dùng bí mật đó để đe dọa Haydrich; còn chính bản thân Sykelgruber cũng có chuyện không ổn với các cụ tổ của mình...), Canaris là một tên Đức quốc xã đặc biệt hăng hái. Năm 1919, hắn trở thành nhân viên tình báo Đức, hay nói đúng hơn là của ngành phản gián. Trong vai trò này hắn đã tham gia vào các vụ sát hại những lãnh tụ của đảng "Spartac" (Đảng Cộng sản) Đức như Carl Libknecht "khi ông ta đang tìm cách chạy trốn" và Roza Lucxamburg trên đường đến nhà tù. Hắn cung cấp hộ chiếu cho bọn giết người và giúp chúng lẩn trốn.

  Sau đó hắn tiến hành các cuộc đàm phán về việc đóng tại Tây Ban Nha, Hà Lan và Nhật Bản tàu ngầm cho nước Đức. Theo hiệp ước Versaille, Đức bị cấm sở hữu hạm đội tàu ngầm.
 
  Năm 1920, Canaris tham gia vào vụ "đảo chính Kappov" chống nền quân chủ và nhằm thiết lập chế độ độc tài của giới chóp bu quân sự nhưng không thành công. Sau đó có thời gian hắn buộc phải từ nhiệm và chỉ trở lại giữ chức chỉ huy căn cứ hải quân ở Swinemunde khi Hitler nắm quyền. Nhưng hắn không ngồi lâu ở vị trí đó. Cuối năm 1934, đại úy cấp I Patsyg bị miễn chức chỉ huy ban quân báo. Còn ngày 5 tháng 1 năm 1935 phó đô đốc thủy sư Vilhelm Canaris được chỉ định vào vị trí đó. Cơ quan tình báo quân sự Đức – gọi là Abver - chia làm ba bộ phận. Abver-I chuyên thu thập thông tin từ cơ quan tình báo Đức và nước ngoài, Abver-II chuyên hoạt động phá hoại ngầm, còn Abver-III là bộ phận phản gián trên lãnh thổ Đức.

  Hitler cảm thấy mình vẫn chưa vững chân lắm và buộc phải nhượng bộ các tướng, nên trong giai đoạn đầu dành cho các Abver quyền độc lập hoàn toàn. Hitler triệu Canaris lên, thảo luận rất lâu với hắn và trao trách nhiệm xây dựng Abver thành một tổ chức hùng mạnh không thua kém bất kì cơ quan tình báo của các quốc gia phương Tây nào.

 Một trong các hoạt động lớn nhất của Canaris ở giai đoạn đầu là vụ ủng hộ tướng Franco phát động cuộc nổi loạn của phe phát xít chống chính phủ nước cộng hòa.

  Quan hệ hợp tác bí mật của Canaris với gã thiếu tá trẻ Franco khởi đầu từ năm 1916, khi Canaris đang tổ chức các cuộc bạo loạn của những bộ tộc Ả Rập. Sau hai mươi năm đôi bạn cũ gặp lại nhau. Biết tin về cuộc nổi loạn, Canaris gác những việc khác sang một bên và dồn toàn lực để vận động giới quyền lực Đức giúp đỡ Franco tối đa. Hitler và Hering nhanh chóng hiểu ra những mối lợi mà chúng có thể kiếm được từ thắng lợi của Franco là: tiêu diệt nước Cộng hòa Tây Ban Nha, thiết lập chế độ độc tài có liên hệ tinh thần gần gũi với Đức, sở hữu những bàn đạp quân sự quan trọng nhất từ Tây Nam châu Âu.

  Cuối tháng 7 năm 1936 trong cuộc họp có Hitler tham gia, Hering, bộ trưởng quốc phòng, nguyên soái Bloomberg và thủy sư đô đốc Canaris đã cùng thông qua quyết định mang tính nguyên tắc về việc ủng hộ Franco. Sau đó Canaris bay sang Italia. Tại đó, với sự hỗ trợ của viên tướng đồng nghiệp Roatt, Canaris đã thuyết phục được cả Mussolini giúp đỡ tướng Franco. Trở lại Đức, Canaris bắt đầu tổ chức hoạt động cung cấp vũ khí và đạn dược cho quân Franco. "Con cáo quỷ quyệt" Canaris cũng thu xếp việc cung cấp vũ khí cho cả quân cộng hòa mà thực ra là những tên vô dụng, đào ngũ hay đặc biệt đã tha hóa trong thời kì Thế chiến I. Để thực hiện việc đó Canaris xây dựng các công ty cung cấp tại Tiệp Khắc, Phần Lan, Ba Lan và Hà Lan.

  Canaris nhiều lần bay sang Tây Ban Nha gặp gỡ với Franco, phối hợp việc tham gia hoạt động chiến đấu của quân đoàn không quân "Condor" (Đức) và giải quyết những vấn đề khác trong tương trợ chiến đấu, cùng với Franco đi thanh sát các mặt trận. Hắn đồng thời chỉ đạo việc đưa chuyên viên quân sự vào Tây Ban Nha, một công tác được thực hiện hết sức bí mật (người ta biết được có những sĩ quan Đức đã bị kết án tử hình do thông báo cho gia đình về việc họ được điều đi đâu). Toàn bộ ba mươi hai tháng chiến tranh Tây Ban Nha, Canaris luôn ở "tiền tiêu". Chính hắn đã biết thuyết phục Franco tán thành công ước chống Quốc tế Cộng sản. Sự hỗ trợ của nước Đức dành cho chế độ Franco ước tính khoảng năm tỉ mark.

  Chiến tranh vẫn đang tiếp diễn ở Tây Ban Nha khi Hitler nghĩ tới việc thôn tính nước Áo. Trong chiến dịch này, Abver và đích thân Canaris đóng vai trò không kém phần quan trọng. Vấn đề ở chỗ là trong thời gian này nước Đức gần như không sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh, mà thực hiện vụ "sáp nhập" lại là điều Hitler hết sức mong muốn. Do vậy Canaris được ủy thác việc tiến hành các biện pháp bóp méo, xuyên tạc thông tin nhằm làm giới lãnh đạo Áo hoảng sợ và buộc phải chấp nhận các điều kiện của Đức. Không hề có các cuộc di chuyển và tập trung quân Đức trên biên giới nước Áo khi đó, nhưng Canaris đã biết cách tung tin vịt về các cuộc tập dượt quân sự và khả năng chiến đấu cao của quân đội Đức. Tin đồn đã gây ảnh hưởng quyết định đến động thái của chính phủ Áo và dư luận quốc tế. Tất cả đều tin rằng tiềm lực quân sự của Đức thực sự lớn. Nước Áo buông xuôi, còn tiếp đó đã là Hiệp ước Munchen.

  Nhưng đây lại là thời điểm Canaris bắt đầu cảm thấy nghi ngờ tính chất đúng đắn trong đường lối chiến tranh của Hitler. Hắn ta, cũng như những bạn bè của hắn trong giới tướng lĩnh, hoàn toàn không theo chủ nghĩa hòa bình. Đơn giản là chúng nhận thấy nước Đức chưa sẵn sàng cho chiến tranh xâm lược, và trong tương lai xa các kế hoạch của Hitler nhất định phá sản. Thực sự chưa xảy ra một vụ phản loạn nhưng những kẻ mưu loạn thì đã tồn tại và chuẩn bị để thực hiện nó. Từ thời gian này bắt đầu con đường sáu năm Canaris tham gia vào những vụ âm mưu chống Hitler khiến rốt cục đã bị bắt và chết. Trong các hoạt động theo hướng đó có việc phái Evald Kleist sang London vào năm 1938 nhằm tiến hành các cuộc mật đàm. Người này bay sang Anh một cách công khai trên chiếc máy bay U-52, và điều này không thể che mắt Gestapo. Tuy nhiên khi đó các cuộc mật đàm là không cần thiết bởi vì người Anh đã tự đến với Hitler và thực chất là bật đèn xanh cho Thế chiến II.

  Ngay trước Thế chiến II Canaris ở vào một tình cảnh bất thường: một mặt hắn là lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự của quốc gia gây chiến và đã chỉ đạo hoạt động của cơ quan này đạt nhiều thành tích, mặt khác lại đồng lõa và giúp đỡ kẻ thù. Nghịch lí ở chỗ Canaris tuy chống Hitler nhưng lại tận tụy làm việc, ra sức hoàn thiện cơ cấu của Abver, gửi ra nước ngoài và tuyển mộ ở đó nhiều cơ sở tình báo gián điệp. Tổ chức của Canaris mặc dù vậy không đông đảo bằng Gestapo, toàn bộ số lượng thành viên cho đến năm 1943 chỉ có ba mươi nghìn người, trong đó có tám nghìn sĩ quan.

  Canaris đã đặt từ trước chiến tranh những trung tâm tình báo chính của mình ở thủ đô các nước trung lập như: Madrid, Liabon, Bern, Ancara, Stockholm và cả ở Budapest. Xuất phát bởi lí do là các thành phố này chưa chắc đã bị chiếm đóng trong tiến trình chiến tranh bởi phía này hay phía kia nên các thương nhân, nhà ngoại giao, công chức và phóng viên là những gián điệp trá hình có thể tự do đến đó. Những trung tâm tình báo tạm thời được hắn tổ chức ở Brussel, Varsava, Sofia, Bucarest, Gaaga và Paris, là những thành phố trong trường hợp chiến tranh có thể trở thành các thủ đô thù địch, còn sau đó sẽ bị chiếm đóng. Do vậy hắn xây dựng tại đó những nhóm tình báo tác chiến trong trường hợp quân Đức tấn công xâm nhập. Những nhóm tương tự được hắn xây dựng tại các thủ đô vùng Baltich. Và còn một Trung tâm quan trọng nữa mà gã đô đốc năng nổ đã tổ chức ở Vatican, thành phố-quốc gia có đại diện tại nhiều quốc gia trên thế giới.

  Nước Đức đã kí các hiệp ước về phối hợp hoạt động quân báo với các quốc gia vùng Baltich. Những công dân Baltich theo lệnh của bọn Đức đã cài gián điệp của Canaris vào các cơ quan tình báo ở Caunas, Riga và Tallin. Tại các thành phố này và ở Gaaga cơ quan của Canaris hàng ngày nhận được báo cáo về hoạt động của tình báo Anh.

  Là người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự, Canaris khi đó cũng là phó chỉ huy thứ nhất của tướng Katel - chỉ huy Bộ tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Đức, do đó việc soạn vạch tất cả các kế hoạch xâm lược của Hitler đều diễn ra với sự trực tiếp tham gia của hắn.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 25 Tháng Sáu, 2008, 07:33:50 pm
  Trong giai đoạn "cuộc chiến tranh kì quặc" (tháng 9-1939 - tháng 5-1940) các gián điệp của Abver đã thu thập được thông tin chi tiết về tình hình ở hậu phương của quân đội Đồng minh, tình trạng cầu cống, đường sá, hệ thống phòng vệ. Diễn ra cuộc chiến tranh gián điệp và phản gián, cơ quan chuyên trách của Abver đã khám phá và vô hiệu hóa nhiều điệp viên của phe Đồng minh. Abver còn có nhiệm vụ đánh cắp quân phục đặc chủng từ các kho quân sự của Bỉ và Hà Lan. Những thứ này cần để làm phục trang cho lính chiến tiền tiêu Đức khi cần bất ngờ chiếm lĩnh cầu qua sông Maas và Mozel. Và khi "cuộc chiến tranh kì quặc" kết thúc, quân Đức tiến vào Bỉ và Hà Lan thì những cây cầu này đã bị những "kẻ mặc quân phục quân Đồng minh" chiếm giữ và chờ quân đội Đức tiến vào. Nhiều cuộc phá hoại đã phá hủy toàn bộ hệ thống phòng ngự của quân Đồng minh, hệ thống tiếp tế và đường thông tin liên lạc.

  Chiến dịch chiếm Na Uy của quân Đức vào tháng 4 năm 1940 là một trong những hoạt động quan trọng nhất giai đoạn đầu chiến tranh. Thừa lệnh quốc trưởng, thông qua cơ quan tình báo của mình, Canaris thu thập tất cả những số liệu cần thiết để tiến hành thành công chiến dịch này. Nhưng mặt khác, qua người của mình hắn cũng cảnh báo cả người Anh lẫn người Na Uy. Hiển nhiên là hắn không hề mong quân Đức thất bại nhưng cho rằng sự xuất hiện của hạm đội Anh ở bờ biển Na Uy sẽ buộc Hitler phải từ bỏ ý định của mình. Tuy nhiên khi cần hành động, Canaris đã thực hiện nghiêm chỉnh nhiệm vụ trực tiếp của mình. Chính Abver đã điều tàu Đức đến Oslo và chỉ đạo hoạt động của các tùy viên quân sự Đức trong phối hợp với các sĩ quan nội ứng Na Uy chuẩn bị bảo vệ sứ quán Đức. Chúng chuẩn bị điều kiện cho không quân nhảy dù chiếm Oslo nếu hạm đội Đức không hoàn thành nhiệm vụ. Không phải ngẫu nhiên mà sau các sự kiện ở Na Uy, Canaris từ phó đô đốc được thăng lên đô đốc.

  Khi Hitler chỉ định chính xác ngày tháng tấn công sang phía Tây là mùng 10 tháng 5 năm 1940, Canaris lại một lần nữa quyết định báo trước cho quân Đồng minh. Hắn phái viên sĩ quan Joseph Muller của mình đến Rome và báo chính xác ngày tháng đó cho một trong số các nhà cựu ngoại giao của Vatican. Đại sứ Bỉ đã kịp thời thông báo vào ngày 1 tháng 5 cho chính phủ nước mình. Nhưng như chuyện vẫn thường xảy ra, thông tin bị bỏ qua, và cuộc tấn công của quân Đức diễn ra vào đúng ngày ấn định.

  Nhưng với lịch sử điều này vẫn là bài toán chưa rõ lời giải. Vấn đề là ở chỗ Canaris thông báo cả cho Thụy Sĩ về ngày tháng dự định tấn công của quân Đức. Không hiểu đây có phải là mánh khóe để quân Đồng minh chờ đợi đòn đánh từ cả hai sườn và phải phân tán lực lượng của mình?
 
  Sau khi Pháp đầu hàng, Hitler ra lệnh chuẩn bị kế hoạch đổ bộ vào Anh mang tên "Sư tử biển". Nhưng sau hai tháng hắn ta đã thực sự không quan tâm đến ý tưởng đó nữa. Những báo cáo của Canaris phóng đại nhiều lần khả năng phòng thủ của Anh đã đặc biệt tạo điều kiện để quốc trưởng đi đến quyết định như vậy.

  Tình báo Anh cảnh báo Đồng minh của mình: "Đừng làm hại Canaris. Sự bại lộ của ông ta sẽ hết sức nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chúng ta".

  Nhưng nếu đánh giá tình hình một cách sâu xa cặn kẽ hơn thì điều đó căn bản cũng không do Canaris. Hitler đã xây dựng những kế hoạch khác - vì phải để mắt sang phía Đông, nơi đối thủ chính của nước Đức phát xít là Liên Xô đang bí mật xây dựng phòng tuyến. Các cuộc đàm phán về cuộc đổ bộ trước mắt xuống nước Anh vẫn tiếp diễn nhưng thực ra chỉ là mánh khóe để che giấu ý định thật của Hitler.

  Canaris và Abver do hắn lãnh đạo nhận được lệnh tăng cường tối đa hoạt động tình báo và phá hoại chống Liên Xô. Những mệnh lệnh cũng được ban xuống các cơ quan ngoại biên và đơn vị quân đội.

  Những chứng cứ đáng quan tâm về vấn đề này được phó ban phá hoại của Abver là Stolse khai trước tòa án Nuremberg như sau: "Mệnh lệnh chỉ rõ ràng nhằm mục đích giáng một đòn chớp nhoáng chống Liên Xô, Abver-II trong khi tiến hành hoạt động phá hoại phải lệnh cho các gián điệp của mình kích động thù hận dân tộc giữa các dân tộc Liên Xô. Đặc biệt riêng tôi đã truyền chỉ thị cho các điệp viên Đức và thủ lĩnh Quốc xã Ucraina Melnik (có biệt danh là "Lãnh sự I") và Bander về việc tổ chức ngay lập tức sau khi Đức tiến công vào Liên Xô những hoạt động khiêu khích tại Ucraina với mục đích phá hoại hậu cứ gần nhất của quân đội Xô Viết, đồng thời thuyết phục dư luận quốc tế về sự tan rã đang diễn ra ở hậu phương Xô Viết".

  Tình báo quân sự Đức do Canaris lãnh đạo đã thu thập được khối lượng thông tin hết sức lớn về Liên Xô và các lực lượng vũ trang của quốc gia này. Kết quả là đầu năm 1941 cơ quan của Canaris đã chuẩn bị và ban hành những thông báo mật của Bộ tổng tham mưu Đức về "Tình hình các lực lượng vũ trang Liên Xô đến ngày 1 tháng 1 năm 1941" với đánh giá về dự trữ của cải vật chất và người của đất nước Xô Viết cũng như tinh thần chiến đấu và tình trạng đạo đức của Hồng quân.

  Từ trước chiến tranh, các nhân viên chuyên trách việc tuyển mộ của bọn phát xít đã lùng sục tìm kiếm đám Bạch vệ lưu vong trung thành khắp châu Âu. Giữa tháng 6 năm 1941 diễn ra hoạt động rải gián điệp ồ ạt. Chỉ trong bốn ngày, từ 18 đến 21 tháng 6, và chỉ theo hướng Minsk đã có hàng chục nhóm bị bắt và vô hiệu hóa hoạt động. Đêm rạng sáng ngày 22 tháng 6 Abver lại tung qua biên giới bằng đường bộ và hàng không một số lượng đáng kể những nhóm phá hoại nhỏ ăn mặc dân sự và giả trang Hồng quân. Quân phát xít đã đạt được một số thành tích như: phá hoại thông tin liên lạc ở một vài khu vực riêng rẽ, xây dựng được những điểm đổ bộ quân, lật tàu. Tại một số địa phương lan truyền các tin đồn thất thiệt. Tại Moscva và các vùng ngoại ô Moscva có một vài nhóm gián điệp được ném vào với nhiệm vụ tổ chức phá hoại hàng loạt, làm nổ tung tuyến đường cao tốc Uglitr - Moscva. Phần lớn bọn phá hoại đã bị bắt, và ổ gián điệp cần được bổ sung.

  Ervin Stolse đề nghị Canaris chú ý đến những tù binh chiến tranh và tuyển mộ gián điệp ở các trại tập trung. Tuy nhiên ý đồ này thất bại. Hitler hết sức tức giận đã viết trong huấn lệnh ngày 18 tháng 12 năm 1941: "Bọn tù binh, đặc biệt là thế hệ trẻ, trung thành tuyệt đối với bolsevich. Chúng có khả năng làm bất cứ chuyện gì." Khi đó Abver liền từ bỏ các biện pháp tuyển mộ "nhân đạo". Tù binh bị đặt trước hai sự lựa chọn: hoặc chết dưới làn đạn, đói khát và bệnh tật, hoặc đồng ý làm việc cho tình báo phát xít. Bọn phát xít đặc biệt chú trọng đến việc kích động chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt đối với người Ucraina, người Hồi giáo và Gruzia. Những kẻ đồng ý hợp tác sẽ được kiểm tra kĩ lưỡng và gửi vào các trường huấn luyện hoạt động tình báo. Nhưng thực tế đã chứng tỏ rằng khi đặt hi vọng tìm kiếm tay chân trong các tù binh, Canaris đã tính nhầm. Hơn nửa số gián điệp phá hoại được tung vào hậu phương Xô Viết đã ra đầu thú. Cả âm mưu lôi kéo bọn tội phạm vào hoạt động tình báo (để tung sang bên kia đường biên mặt trận) cũng phá sản vì bọn này chỉ thuận làm việc cho người Đức ở hậu phương của chúng trong vai trò lính tiễu phạt và cảnh binh, còn hoạt động ở hậu phương Xô Viết thì không.
Gặp khó khăn trong việc tuyển mộ những tên phá hoại, cơ quan tình báo quyết định thực hiện một kế hoạch kì quặc: dùng trẻ em cho hoạt động này, chủ yếu là những trẻ em trong các trại trẻ mồ côi vô thừa nhận đưa về Đức. Trường huấn luyện trẻ em phá hoại nằm ở Hamfurt, gần Kasseli. Những cậu bé thích hợp được đào tạo như những "đứa con của nước Đại Đức" sẽ được nuôi dưỡng và phát triển những bản năng khác bình thường. Đêm 28 rạng ngày 29 tháng 8 và 1 tháng 9 năm 1943 có những nhóm trẻ em tầm tuổi mười ba đến mười lăm được thả dù xuống hậu phương của Hồng quân từ Kaliningrad cho đến Kharcov. Chúng được trang bị mìn ngụy trang thành những cục than đá để có thể ném vào toa than xe lửa chạy hơi nước hay vào các kho chứa than. Nhưng cả chiến dịch này cũng thất bại. Tất cả lũ trẻ mang chất nổ nhảy dù xuống đều đến đầu thú tại các đơn vị quân đội, công an, các cơ quan an ninh quốc gia.
 
  Khi chiến tranh nổ ra, Canaris ở mặt trận phía Đông và cùng với quân đội tấn công đến tận sát Moscva. Chỉ tại đó hắn ta mới thấy những hiểu biết của giới lãnh đạo nước Đức và của chính bản thân mình về sức mạnh và dự trữ của Hồng quân là sai lầm đến mức độ nào. Hắn đã cảnh báo cấp lãnh đạo tối cao rằng quân Đức sẽ không bao giờ có thể chiếm được Moscva. Hắn cũng có lời báo trước tương tự vào năm sau trong mùa khởi đầu cuộc tấn công Kavkaz. Hitler bỏ qua ý kiến đó nhưng bắt đầu "để mắt đến Canaris".

  Abver cũng tìm cách triển khai mạng lưới rộng khắp mặt trận phía Đông. Một trong các hoạt động đó là chiến dịch mà cơ quan tình báo Liên Xô gọi theo mã danh là "Tu viện". Chiến dịch này do người đứng đầu Cục 4 là tướng Sudoplatov chỉ huy.

  Bản chất của chiến dịch này nói gọn là: điệp viên Liên Xô "Geine", tức Alekxandr Demianov, về sau này là thành viên của chiến dịch "Berezino" đã "chạy" sang phía quân Đức vào tháng 2 năm 1942, được "tuyển mộ" và ném trở về hậu phương của Hồng quân. Có huyền thoại kể rằng anh đã lọt vào dưới trướng của tướng Saposnikov, và "moi" được những thông tin mới, "giá trị" nhất. Không chỉ Abver, mà cả Bộ chỉ huy quân sự phát xít Đức đều tin chắc rằng chính chúng đã "cài" "Geine" vào vị trí này. Về sau người ta còn biết rằng cấp chỉ huy tối cao trong quân đội Đức không thông qua quyết định khi chưa nhận được báo cáo của "Geine". Anh được đánh giá gần như là nguồn cung cấp thông tin trực tiếp duy nhất từ Moscva. Cơ quan tình báo Anh cũng biết Abver của Đức có một gián điệp hết sức giá trị ở Moscva. Năm 1943 thủ tướng Anh Churchill thậm chí còn thông báo cho Stalin rằng: "Trong Bộ tổng tham mưu Hồng quân có một gián điệp của Đức". Chiến dịch "Tu viện" đóng vai trò có thể nói là hết sức to lớn, đặc biệt trong hoạt động chuẩn bị cho cuộc phản công của quân Xô Viết ở ngoại ô Stalingrad, cũng như trong trận Cursk. Ở trận phản công ngoại ô Stalingrad quân Đức bị thuyết phục rằng Hồng quân đang chuẩn bị đánh ngoại ô Rjev (Thậm chí tướng K. Jukov đã di chuyển đến đó), còn trong trận Cursk - ý đồ phòng ngự tích cực và tiếp đó là kế hoạch phản công quyết liệt đã được giữ kín.

  Không có gì lạ là sự thất bại của Abver đã khiến Hitler không hài lòng. Có thể do cố tình hoặc do sự lười biếng của đám gián điệp mà Canaris thất bại ở khắp các mặt trận: thường thường thông tin của hắn không khớp với thực tế. Bên cạnh đó, Gestapo bắt đầu nghi ngờ Canaris. Một vài cộng sự của hắn bị bãi miễn chức vụ, bị bắt và kết tội quan hệ bí mật với người Anh. Tháng 1 năm 1944 Gestapo tiến hành thanh trừng những người Đức bất mãn với chế độ Hitler. Trong số họ có bạn bè và những kẻ cùng tư tưởng với Canaris. Tình hình khiến vị trí của hắn thực sự lung lay. Nhưng bão tố thực sự nổ ra sau bản báo cáo của Canaris gửi Hitler về tình hình mặt trận Nga tháng 2 năm 1944. Khi nghe bản báo cáo, quốc trưởng ban đầu nhìn chòng chọc Canaris, sau đó đột ngột đập bàn, nhảy xổ vào viên đô đốc và túm lấy cổ áo hắn:

  - Ông làm sao vậy, thử chứng minh rằng tôi đã bại trận à?! - như nổi cơn điên, Hitler gầm lên.

  Canaris lập tức bị truất chức. Mọi chuyện cũng chấm hết đối với Abver. Cơ quan tình báo quân sự bị chuyển vào tay Himmler. Tên này từ đó trở đi lãnh đạo cơ quan tình báo duy nhất của nước Đức phát xít. Canaris bị chỉ định một chức vụ thứ yếu nào đó trong quân đội ở ban quân nhu. Bạn bè thân thiết khuyên hắn cùng với gia đình chạy sang Tây Ban Nha nương náu tướng Franco, nhưng hắn không nghe.
Tháng 6 năm 1944 xảy ra vụ mưu sát Hitler và âm mưu đảo chính nhà nước. Canaris không tham gia nhưng có biết chuyện. Khi biết việc không thành, Canaris lập tức đến nhiệm sở và kịp thời kí tên dưới bức điện gửi quốc trưởng chúc mừng vụ thoát chết may mắn. Không hề tìm cách ẩn trốn, hắn tiếp tục làm việc ở cơ quan quản lí kinh tế. Hai ngày sau vụ mưu sát, Canaris bị đích thân người kế nhiệm của mình là Sellenberg bắt.

  Gestapo tiến hành cuộc điều tra hết sức kĩ lưỡng - bởi vì không đơn giản khi xử tử hình một người nổi tiếng, bạn của tướng Franco, hơn nữa sự tham gia của hắn vào vụ mưu loạn không có ai xác nhận. Sau đó chúng tìm được một số chứng cớ riêng rẽ về các cuộc tiếp xúc với người Anh. Canaris bị chuyển đến pháo đài Flossenburg, bị cùm chân suốt ngày đêm.

  Ngày 9 tháng 4 năm 1945, đúng một tháng trước khi kết thúc chiến tranh, Canaris bị xử tử cùng với năm tù nhân khác. Một đao phủ SS khai trước tòa rằng Canaris bị treo cổ bằng một vòng thép và chết trong đau đớn chỉ sau nửa giờ. Thi thể của các tù nhân bị thiêu trên đống lửa trong sân nhà tù. Cũng có tin đồn rằng Canaris vẫn còn sống nhưng điều này bị phủ nhận.

  Nhà nghiên cứu người Anh Cookridg viết về Canaris như sau: "Hắn ta đã sát hại một cách tàn bạo hàng trăm con người, là một kẻ đầy âm mưu và thủ đoạn"; còn Corte Riss, tác giả cuốn sách “Tình báo tổng hợp” gọi Canaris là "kẻ giảo hoạt, quỷ quyệt, khéo xoay xở và là tên phiêu lưu vô liêm sỉ". Và người ta còn nói rằng nếu hắn không bị Hitler treo cổ thì tòa án Nuremberg cũng sẽ phải làm việc này.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 26 Tháng Sáu, 2008, 07:16:15 pm
25 - LOUISA BETTINI (ALISA DUYBUA)
(mất năm 1918)
thành công sau những trò đùa với cái chết



  Nhiều chuyên gia và sử học ngành tình báo coi Louisa Bettini là điệp viên xuất sắc nhất trong Thế chiến thứ nhất.

  Louisa de Bettini là một cô gái Pháp trẻ trung, xinh đẹp, người tầm thước, dáng vẻ dịu dàng, tóc mầu hạt dẻ, mắt mầu tro lấp lánh, mặt trái xoan, da mịn, đôi môi gợi cảm và một nụ cười mê hồn. Cô sinh ở vùng Bắc Pháp, nhà cô ở Lille, bây giờ đã rơi vào tay quân Đức, cô đang cố chạy về thành phố Sent-Omer ở Pháp, nơi mẹ cô đang ở. Cô tự hào về nguồn gốc thượng lưu và trình độ văn hoá của mình, nói được cả tiếng Anh lẫn tiếng Đức, nhưng lại nghèo khó. Trước chiến tranh cô làm gia sư cho các gia đình giầu sang và có tước vị của Pháp và Đức, đã có lần cô còn từ chối gia đình thừa kế ngai vàng Áo-Hung. Vì cô là dòng dõi quý tộc nên mọi người coi cô là ngang hàng, tạo điều kiện cho cô đi những chuyến đắt tiền khắp cả châu Âu, mời cô chơi bài với cả những khách quý tộc. Nhưng bây giờ thì cô thất nghiệp.

  Năm 1914, trong dòng người chạy loạn về phía biển La Manche cố chiếm chỗ trên các con tầu Anh để trốn quân Đức lúc này đã chiếm được Bỉ và tràn vào Pháp, tại một trạm kiểm soát, Louisa đã khiến bọn quân cảnh kinh ngạc về chất lượng và số lượng thông tin cô cung cấp về quân Đức mà một điệp viên chuyên nghiệp chưa chắc đã thu được. Cô được đề nghị làm điệp viên, trở về Lille, tổ chức mạng lưới tình báo, gửi thông tin về cho tướng French ở Sent-Omer và Trung tâm tình báo ở Folkston. Khi cô hiểu thực chất công việc được đề nghị, cô hoảng sợ thật sự. Cô biết bọn Đức trừng trị điệp viên thế nào, trình độ phản gián của chúng, và biết mình sẽ ra sao nếu chúng bắt được, nhưng dòng máu dũng cảm truyền thống nhắc cô phải làm một việc gì xứng đáng với cha ông.

  Louisa sang Anh, qua Hà Lan lúc đó không bị chiếm đóng. Cô đến một làng nhỏ có cái tên rất kêu "Phillipin" ở biên giới giữa Hà Lan và nước Bỉ bị chiếm đóng. Trên suốt dọc biên giới bọn Đức chăng hàng rào dầy đặc, có dây thép gai bắt điện cao thế, lúc tối có đèn pha. Bên phía Bỉ cũng có dây thép dẫn điện, bẫy sập và các bãi mìn. Tất cả đều được chuẩn bị chu đáo theo kiểu người Đức. Đến tối Louisa mặc bộ đồ đen, đứng bên phía Hà Lan chờ người dẫn đường.

  - Anh ta tên là Alfons Verstapen, người Bỉ, một tay buôn lậu chuyên nghiệp. Chiến tranh biến anh thành người yêu nước. Anh rất thuộc đường biên giới. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tin vào lòng yêu nước của anh, nhưng không biết anh ấy giữ mình thế nào trước một người con gái xinh đẹp. Nếu cô cảm thấy có chút nghi ngờ thì chúng tôi sẽ tìm người khác,- viên sĩ quan Anh nói.

  Louisa vượt qua biên giới với người đó. Như một cái bóng, anh lướt đến gần cô, nói mật khẩu, cô trả lời và thấy thoảng mùi thuốc lá. Anh ta nhìn cô một chút rồi cầm lấy tay dẫn đi trên con đường rừng chật hẹp không nói một lời. Đến sáng, mọi thứ đã ở phía sau, nhưng mỗi góc phố đều có bọn tuần binh Đức. Chúng kiểm tra căn cước, "giấy thông hành" và hỏi mục đích đi đâu. Hai người đều có giấy tờ chắc chắn. Đến tối họ đến nhà Louisa. Sáng hôm sau Louisa mặc một bộ quần áo màu sẫm nghiêm trang. Trong túi xách có giấy tờ mang tên cô thợ thêu đăng ten và bán đăng ten Alisa Duybua.

  Khắp nơi là bóng dáng quân xâm lược: tuần binh và bốt gác, bốt gác và tuần binh. Nguy hiểm hơn cả là hệ thống phản gián, mà như cô được biết, bọn Đức tung ra trên toàn bộ các vùng chiếm đóng. Phải dè chừng không những là bọn Đức chuyên nghiệp và bọn tay sai, mà cả những người hàng xóm yếu bóng vía. Cảm giác nguy hiểm làm trái tim cô đập mạnh.

  Alisa đi khắp thành phố và ngoại ô để bán đăng ten, nhưng thực ra là để nắm tình hình và tìm người hỗ trợ. Trong một quán nhỏ cô gặp người bán hàng trẻ tuổi cương nghị Maria Leonia Vanhut. Hai người thấy mến nhau ngay. Alisa mời Maria giúp mình, chị đồng ý và nhận biệt danh "Sharlotta", làm nghề bán rong phó mát. Alisa cũng đã mời được những người trong thành phố Muskron - hai vợ chồng nhà hoá học De Geyters, nhà của họ trở thành một trong những căn cứ bí mật. Trong phòng thí nghiệm của ông bắt đầu có những đồ vật dị thường: máy chụp ảnh các cỡ, máy phóng, các hoá chất để làm mực tàng hình, các bảng khắc bằng thép, máy nén bằng tay có thể tháo lắp nhanh chóng, các vật liệu sửa chữa radio. Chỉ cần bọn Đức phát hiện ra một thứ là chủ nhân gặp lắm chuyện rầy rà. Tại thành phố Santes người vẽ bản đồ Pol Bernar đã giúp cô bằng nét chữ và ngòi bút thư pháp của mình. Nhờ kính lúp, hệ thống chữ tốc ký và mực không mầu ông đã giúp cô viết các báo cáo dài đến 3000 chữ trên một tờ giấy bóng kính khổ nhỏ dán trên kính mắt.

  Tổ chức của cô đã thu hút được những người thuộc các nghề nghiệp và vị thế xã hội khác nhau ở nhiều thành phố tham gia. Số điệp viên gồm 38 người do cô trực tiếp điều khiển. Nhiều trường hợp cô phải tự làm nhiệm vụ liên lạc. Alisa không chỉ quan tâm đến việc thu thập thông tin, mà còn cả việc đảm bảo an toàn cho mọi người, làm sao để nếu có người bị lộ thì những người khác vẫn hoạt động được. Cô thường nhắc đi nhắc lại:

  - Nếu ngày mai tôi hoặc một người nào đó bị quân Đức bắt được và phải đối chất với người của ta thì trí nhớ của bạn phải ngừng làm việc. Một người thất bại - không quan trọng. Người đó là ai - bạn không quen và người đó phải chịu số phận của mình. Những lúc đó tình thương và tình bạn chỉ có nghĩa là bản án tử hình đối với bạn và những người liên lụy. Hãy nhớ như vậy.

  Mọi người đều nhớ, chỉ riêng Alisa trong phút giây khủng khiếp của đời mình thì lại quên.

  Tổ chức bắt đầu hoạt động. Nhiệm vụ đầu tiên cũng đơn giản. Sau những trận đánh dữ dội điều quan trọng đối với quân Đồng minh là phải biết những tổn thất của quân Đức. Những đoàn xe chở thương binh đi qua Lille. Cửa sổ những ngôi nhà hướng ra đường sắt bị bắt buộc phải che màn kín suốt ngày đêm. Bất kỳ lúc nào thấy cửa hé mở hoặc có ánh đèn là lính Đức có thể ập đến hoặc một viên đạn bay tới. Nhưng người ta đã chọc thủng những tấm màn, qua lỗ nhỏ nhìn thấy đường sắt, mỗi đoàn xe đi qua người quan sát đánh một ký hiệu riêng. Con số tính được người đó báo cho Alisa và Alisa báo cho Bernar để ông viết vào báo cáo.

  Khó khăn nhất đối với Alisa là quãng đường vượt qua nước Bỉ bị chiếm đóng. Thường là tuần nào cô cũng phải đi cùng với một người trợ giúp. Khó khăn thật sự xuất hiện khi bọn Đức hỏi cung kèm theo lục soát. Nếu chúng thấy báo cáo tức là chết. Nhưng nhờ tài năng của Bernar mà báo cáo ba ngàn chữ vẫn được chuyển qua kính mắt. Ông còn có thể bóc ảnh trên thẻ căn cước, dán báo cáo xuống dưới rồi lại dán ảnh lên. Một lần cô đang đi trên đường, tay cầm một cây đèn pin với một cây nến. Lúc sắp bước vào một ngôi nhà cần thiết thì bọn tuần binh giữ lại. Cô biết rằng người sắp khám cô là một mụ trước đây làm cai tù của Đức, biệt hiệu "Con cóc". Alisa bình tĩnh tắt nến cho đỡ phí rồi mới cho khám. "Con cóc" lột hết toàn bộ quần áo của cô, nhưng không phát hiện được gì. Chỉ có điều mụ ta không biết nhìn vào lõi của cây nến!

  Một lần khác, cũng vào ban đêm, khi bọn tuần binh giữ Alisa, cô đã kín đáo ném được một cuộn len đen vào bụi cây. Khám xong ít phút, cô quay lại để lấy báo cáo.

  Một lần vào buổi sáng trong một khách sạn cô rất sợ hãi. Tối hôm trước cô để giầy ngoài cửa để đánh rửa. Sáng hôm sau thấy mất. Cô sợ không phải vì mất giầy, mà vì trong đế có báo cáo! Quả thật là giầy đó bị cảnh sát lấy đi. Chúng muốn kiểm tra mọi khách trọ, nhưng chúng giữ giầy chỉ để khẳng định khách không đi đâu. Đến lượt Alisa bị hỏi, chúng trả lại cô đôi giầy đã sạch sẽ tinh tươm, hỏi mấy câu rồi thả ra.

  Các báo cáo được giấu trong nịt vú, mép váy, ve áo, lót giầy, tay dù, ví đầm, các hộp bánh kẹo...

  Đôi khi các cô gái còn phải vượt qua một kênh nước sâu. Alisa có một bộ quần áo riêng mầu tối và nhẹ. Cô là một tay bơi giỏi, cô cõng "Sharlotta" trên lưng rồi bơi sang.
 
  Các "trò chơi" với quân cảnh Đức buộc họ mỗi lần phải nghĩ ra một mẹo, không bao giờ được lặp lại. Một lần chuyến tầu hoả mà các cô đi bị giữ lại giữa đường. Chúng khám xét toàn bộ từ toa đầu. Các cô ở toa cuối. Các cô liền chui xuống gầm tầu, bất chấp tầu có thể lăn bánh bất kỳ lúc nào, để lần lên toa đầu, là toa đã khám rồi. Trèo lên rồi mà mãi mới hết sợ. Tại một khách sạn, nơi Alisa thường ở, bọn chúng hay kiểm tra ban đêm. Alisa chọn khách sạn này vì chúng kiểm tra sơ sài và kiểm tra đúng giờ. Khi có tín hiệu báo cảnh sát đến, cô mặc quần áo đen, trèo qua cửa sổ lên mái rồi xuống sân đi trốn. Nhưng giường nệm lại không dọn được nên dễ bị nghi. Cô bèn nhờ bà chủ sống với các con ở phòng kế bên, khi nào có cảnh sát thì bà cho một thằng sang nằm vào giường cô. Cảnh sát ngó vào thấy thằng bé liền bỏ đi. Kiểm tra xong, bà chủ cho tín hiệu cho cô trở về.

  Alisa ngày càng tự tin hơn. Cô coi mọi việc phiêu lưu như trò chơi và dần dần không thấy sợ nữa. Một lần cô dám vào khu vực cẩn mật có đại bản doanh của hoàng thân Ruprekht Bavarski là tư lệnh vùng của quân Đức. Lấy được thông tin, cô quay ra, bản báo cáo để trong túi xách. Đến vọng gác, tên lính bất ngờ nói:

  - Cái giấy phép này không được. Cô phải có một giấy phép đặc biệt.

  Cô định làm ra vẻ giận dữ, nhưng tên Đức không mắc mưu. Đúng lúc đó thì cánh cửa biệt thự mở ra. Một viên tướng bệ vệ bước ra cùng với đoàn sĩ quan tuỳ tùng: cô đã biết rồi - đó là hoàng thân. Cô chợt nhớ đến buổi tối ở Baden-Baden. Một gia đình Đức, nơi cô làm gia sư, đã mời hoàng thân đến chơi bài, hôm đó ông ta thua một khoản lớn. Không do dự, cô băng sang đường chặn hoàng thân lại:

  - Thưa ngài, ngài có nhớ tôi không ạ?- cô mỉm cười hỏi - Tôi đã thắng ngài một ván tại nhà nữ bá trước Orlando ở Baden-Baden mấy năm trước đây.

  Ông ta không nhớ cô, nhưng có nhớ Baden-Baden, nhớ nữ bá trước Orlando và ván bài thua. Ông ta vui mừng chào cô.

  - Đó không phải ván bài thua duy nhất của tôi hồi ấy, nhưng cô thì tôi nhớ.

  - Thưa ngài, tôi cứ sợ rằng ngài nói cho vui, chứ thật ra không phải như vậy. Tôi đâu dám phê phán chuyện đó.

  Ông ta cười phá lên vui vẻ rồi bước đi. Cuộc nói chuyện đã gây ấn tượng cho đám lính, và Alisa đã mang được về cho thượng cấp bản báo cáo chi tiết về số lượng và cách bố phòng các đơn vị pháo trong vùng quân sự quan trọng này. Lúc này những thông tin của cô là rất quan trọng đối với quân Đồng minh, họ đã tăng cường các biện pháp để cô hoạt động liên tục. Một lần cô mang cả một túi bóng bay chưa thổi. Tên lính gác hỏi để làm gì, cô đáp:

  - Đồ chơi cho trẻ con. Nếu ông sợ rằng tôi dùng bóng bay để bay mất thì ông cứ việc tịch thu.

  Sự tháo vát của cô đã chiến thắng, tên lính gác là một người đa cảm đã có con cái nên cho cô đi. Nhưng chỉ ngày hôm sau quả bóng bay đã bay qua chiến tuyến, một người lính Anh đã bắn rơi và bản báo cáo đã về đúng địa chỉ.

 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 26 Tháng Sáu, 2008, 07:16:34 pm
  Một lần khác lúc nửa đêm một chiếc máy bay đã đỗ xuống quảng trường gần Mouskron, dỡ xuống mấy thùng hàng kín rồi biến đi trước khi bị lính Đức phát hiện. Đêm hôm đó những người liên lạc đã có được một đội chim đưa thư. Cuối cùng Alisa đã tự tin đến mức yêu cầu phải có liên lạc radio. Ban lãnh đạo lo rằng nguy hiểm. Nhưng Alisa đòi hỏi bằng được. Ngày nhận linh kiện cuối cùng của máy liên lạc vô tuyến điện cô mừng như được chiếc áo mới của thợ may thời trang Paris.

  Nhưng lúc này bọn phản gián Đức cũng không ngủ. Ít ai biết rằng 226 người Bỉ đã bị bắt, bị tù và bị xử tử vì tội gián điệp. Một thời gian dài sở đặc nhiệm của thiếu tá Rotseler đứng ngồi không yên vì rò rỉ thông tin từ khu vực hoạt động của Alisa. Nhưng mọi mưu toan tìm ra thủ phạm đều vô vọng. Đã có nhiều chỉ thị phải tăng cường kiểm soát, tuần tra. Alisa biết tất cả, nhưng điều đó chỉ càng làm tăng lòng can đảm của cô trong các trò đùa với cái chết. Nhiều người đã lo lắng cho sự liều mạng của cô. Cuối cùng một người nói:

  - Cô liều mạng công khai quá, và như thế là liều cả mạng chúng tôi. Tôi không biết rằng công việc của chúng ta mang lại lợi ích gì, chỉ biết rằng cô vẫn gửi thông tin đi. Không biết những người nhận tin có quan tâm đến những thông tin ấy hay không?

  Alisa là người lãnh đạo có khá nhiều kinh nghiệm để hiểu được tinh thần suy sụp của quân mình. Cô biết rằng ý kiến của người đó được mọi người khác đánh giá cao. Vậy người đó không được hoài nghi rằng họ làm đúng. Để thuyết phục và trấn an các đồng sự, cô đã thoả thuận với lãnh đạo liên minh rằng vào một đêm, đúng lúc một giờ, một máy bay phải đến ném bom một kho quân bị mà cô đã thông báo. Đêm ấy cô mời những người hoài nghi đến phòng mình, và khi tiếng máy bay rền vang và những tiếng nổ vang lên thì mọi người ôm chầm lấy cô mà hôn. "Cuộc nổi dậy" đã được "dập tắt".

  Thành công đã thúc đẩy Alisa. Cô đã lập xong bản đồ hoạt động trong vùng, đã đánh dấu các kho quân trang quân bị ở ngoại ô thành phố Lille, những điểm này về sau đã bị nổ tung. Để thưởng công, chỉ huy đã ra lệnh mở rộng hoạt động tổ chức của cô sang khu bên cạnh.

  Dường như mọi việc tốt đẹp. Nhưng tai họa đã rình rập. "Sharlotta" bị bắt. Alisa nghe thấy đồng nghiệp nói thế và lập tức cải tổ mạng lưới điệp viên để nếu cô bị bắt thì công việc không hề hấn gì. Cô gửi gấp báo cáo cho sếp. Bernar viết mấy cột số lên một tờ giấy vẽ, Alisa cuộn lại thành một cái vòng nhẫn mỏng rồi lồng xuống dưới chiếc nhẫn mặt đá mang dấu ấn của gia đình De Bettini. Trước đó cô đã gửi giấy cho một bạn gái là Margarita hẹn chỗ đón. Ngay khi gặp nhau thì cả hai cùng bị bắt. Họ bị đưa đi đâu không rõ vì cửa sổ bị che kín. Qua kính trước Alisa nhìn thấy ông bà De Geyter. Lúc đó mất bình tĩnh cô kêu lên:

  - Nếu các ông không tin tôi, xin hỏi ông bà De Geyter xem tôi là ai.

  Xe đỗ lại gần hai ông bà. Bọn Đức đưa Alisa xuống. Trước khi bọn Đức kịp nói thì Alisa đã kêu lên:

  - Thưa bà De Geyter, bà có biết là tôi vẫn may quần áo cho bà không?

  Cô không thể nói bằng mắt được, bởi vì có một thằng quan sát cô và một thằng khác quan sát ông bà.

  - Thưa, có phải tôi là người tản cư từ New-Angli và sáu tháng vừa rồi tôi vẫn may vá cho bà không?

  Đó là giây phút khủng khiếp đối với cả ông bà và cả Alisa. Họ phải trả lời: "Có, chúng tôi có biết cô gái này", hay là họ phải hành động như cô vẫn thường nói: "Nếu nhìn thấy ai trong tay bọn Đức thì đừng có nhận là quen biết, hãy bỏ mặc người đó cho số phận". Bà De Geyter nhìn Alisa và nhún vai:

  - Không, thưa cô, tôi không quen cô.

  - Dù sao thì cả hai vị cũng phải cùng đi với chúng tôi,- một tên lính nói.

  Cả 4 người bị đưa vào một nhà tù, nơi có "Sharlotta". Nhà De Geyter bị lục soát. Nhưng tổ chức của Alisa rất nhạy bén. Họ biết ngay là cô bị bắt và khi cảnh sát xuất hiện thì mọi chứng cứ đã bị thủ tiêu. Hai ông bà được tạm thả. Alisa bị đưa đi hỏi cung. Một trong những tên bắt cô nói:

  - Tôi để cô ngồi một mình mấy phút. Đừng nghĩ đến chuyện chạy trốn nhé.

  Hắn đi ra và quay ổ khoá. Cô còn lại một mình và biết rằng bất kỳ lúc nào hắn cũng có thể quay lại, không phải quay lại một mình, mà còn có cả kẻ thù cũ của cô, đó là "Con cóc", kẻ đã lục soát cô từ đầu đến chân. Alisa không thể làm được gì khác, ngoài việc lấy mảnh giấy con dưới cái nhẫn ra và nuốt trôi. Cô bị tống giam, bên ngoài buồng giam có ghi bằng tiếng Đức "Tù nhân nguy hiểm". Một giờ sau chúng dẫn "Sharlotta" vào. Chúng hỏi:

  - Cô có biết người này không?

  - Không.

  Cái từ "không" ấy vang lên như một điệp khúc cho đến ngày ra toà. Toà án quân sự buộc tội họ làm gián điệp và kết án tử hình. Khi nghe tuyên án Alisa nói trước toà:

  - Thưa các ngài! - cô nói bằng tiếng Đức, cho nên "Sharlotta" không hiểu. - Tôi xin các ngài đừng xử bắn bạn gái tôi. Cô ấy còn trẻ. Tôi khẩn cầu xin các ngài rủ lòng thương. Còn về phần tôi, tôi sẵn sàng chết.

  Leonia cũng có yêu cầu như thế đối với Alisa. Các cô được đưa về xà lim. Bọn cai ngục Đức cũng thấy cảm động và thương xót.

  - Thật đáng thương, nhưng các cô bị kết án tử hình rồi. Hãy yêu cầu những gì các cô mong muốn. Ai nỡ từ chối các cô.

  Trước ngày bị hành quyết các cô xin tướng Bissing gia ân cho được sống với nhau một đêm. Lính gác quay lại, mặt mày hớn hở:

  - Ông ta từ chối! Lạy Chúa! Như thế nghĩa là ngày mai các cô không bị bắn. Nếu không thì ông ta đã đồng ý.

  Buổi sáng hôm ấy mặt trời lên muộn, trời đầy mây và có mưa. Hai cô không phải là duy nhất bị bắn hôm đó. Họ nghe thấy Gabriel Peti, một cô gái xinh đẹp, từ xà lim chạy ra thét lên:

  - Xin chào! Ôi, Tổ quốc thân yêu của ta!

  Tiếng thét đó làm rung động trái tim hai cô. Liệu họ có đủ sức mạnh để chào vĩnh biệt Tổ quốc khi bị đưa ra pháp trường hay không? Nhưng tên lính gác đã biết là hắn nói gì. Tướng Bissing thông báo cho họ: "Người Đức cũng biết đền bù xứng đáng cho chí anh hùng. Bản án của Leonia được đổi thành 15 năm khổ sai, còn của Louisa thành tù chung thân. Cả hai được đưa về Đức.

  Mặc dù Louisa bị bắt, nhưng nhờ những biện pháp cô tiến hành mà tổ chức của cô không hề hấn gì, mọi người vẫn sống. Nhưng trong nhà tù Đức cô bị thương hàn. Các bác sĩ nhà tù phải bó tay. Khi quân đội Anh vào Cologne họ thấy trong nghĩa trang địa phương có một cây thánh giá bằng gỗ sơ sài với dòng chữ: Louisa de Bettini (?- 27.9.1918). Tại Pháp đám tang Louisa được tổ chức với nghi thức quân đội. Người ta gắn trên nền nhung 4 tấm huân chương của cô - hai tấm của Anh và hai tấm của Pháp. Trong bản sắc phong Bắc đẩu Bội tinh cho cô có viết: "...cô đã tự nguyện hiến mình cho Tổ quốc, với lòng dũng cảm vô song cô không hề run sợ khi gặp khó khăn, nguy hiểm, nhờ khả năng xuất chúng cô đã vượt qua bao gian khổ, bao rủi ro thường trực..., đã thể hiện được chủ nghĩa anh hùng siêu việt".
Còn "Sharlotta", cô cũng được thưởng công xứng đáng, đã trở về quán hàng của mình ở tại Rube.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 27 Tháng Sáu, 2008, 07:13:21 pm
26 - CHARLES LUSETO (mất năm 1932)
sự nghiệp lên trang sách



  Có những điệp viên mà cả cuộc đời là hàng loạt chiến công, mà những cuộc phiêu lưu tình báo của họ có thể viết nên hàng pho truyện. Lại có những người chỉ thực thi có một vụ việc, nhưng tầm quan trọng và ý nghĩa lại đáng được đưa vào biên niên sử của ngành. Một trong những người đó là  Charles Luseto - một người Pháp yêu nước, một sĩ quan trong Thế chiến thứ nhất và là tác giả của nhiều truyện tình báo.

  Là người vùng Andes nhưng trông Charles lại giống người Đức hơn và ông rất thông thạo tiếng Đức. Khi chiến tranh bùng nổ ông đang là kỹ sư và bị động viên vào đội phản gián. Nhưng không bao lâu sau thủ trưởng đã nhận ra tư chất tình báo ở Charles và thế là cuộc đời ông đột ngột ngoặt hướng khác. Thay vì đi bắt bọn điệp viên của đối phương ông lại nhận nhiệm vụ hoạt động trong lòng địch. Ông đóng vai một người Đức được cử tới vùng công nghiệp Rein nghiên cứu về sản xuất đạn dược ở đây. Luseto đã thu thập được những thông tin cụ thể về nhà máy Crupa - một nhà máy lớn ở Essen. Thực chất Essen là một thành phố được bảo vệ cẩn mật vì ở đó sản xuất các vũ khí hạng nặng, đạn trái phá và rất nhiều mặt hàng khác phục vụ chiến tranh. Mọi thông tin dữ liệu, kế hoạch và sơ đồ, Luseto đã chuyển được về Pháp. Và mặc dù nhiệm vụ của ông không liên quan tới nhà máy Anilin ở Baden và nhà máy xút ở Mangey nhưng ông đã kiến tạo được các mối quan hệ hữu hiệu ở đấy để phòng khi cần.

  Ngày 22 tháng 4 năm 1915, đã xảy ra thảm họa bên bờ sông Íp ở Bỉ. Đức thử nghiệm lần đầu vũ khí mới - hơi ngạt. Khí ngạt Clo được xả ra từ các bình chứa bằng kim loại mà đã được bí mật chuyển ra mặt trận. Tuy nhiên, cần lưu ý là việc Đức sử dụng khí độc hẳn sẽ không gây bất ngờ cho quân Đồng minh, vì qua hoạt động tình báo và các nguồn tin khác, họ đã biết về điều này. Thế nhưng, duy nhất tướng Ferry, chỉ huy sư đoàn 11 của Pháp, nhìn nhận nghiêm túc sự việc và cảnh báo về nguy cơ trên cho quân Anh đóng gần nơi thử nghiệm. Trước đó, ngày 13 tháng 4, người ta đã phát hiện loại mặt nạ chống hơi độc đơn giản ở tên lính Đức ra hàng gần Langhemac. Theo lời tên này thì mỗi người lính ra trận đều được trang bị loại mặt nạ đó. Cấp trên đã quở trách tướng Ferry tự ý trực tiếp cảnh báo quân Anh mà không chịu thông qua đại bản doanh tướng Joffre như quy định. Tuy nhiên sau lần tấn công đầu tiên bằng hơi độc thành công tốt đẹp, mà chính Bộ chỉ huy Đức vẫn sợ bị thất bại, tướng Ferry vẫn bị cách chức cho dù ông đúng.

  Trận công kích bằng khí độc đã khiến hai sư đoàn Pháp run sợ rút lui làm quân Canada bị hở sườn. Song quân Canada và Anh vẫn giữ được trận tuyến. Tuy muộn màng nhưng các cánh quân đã được trang bị mặt nạ chống hơi độc đầu tiên. Vì vậy mọi mưu đồ dùng hơi độc tiếp theo lại gây tai hại cho chính quân Đức. Chúng đã không tính đến chuyện gió ở Frandli có hai hướng Tây và Tây-Nam. Gió đột ngột đổi hướng đã đẩy màn mây độc về phía quân Đức làm hàng trăm binh lính tử trận.

  Vậy là Đức sẽ tìm các cách sử dụng hơi độc khác. Luseto lại được ném trở lại vùng hậu địch để tìm hiểu. Ông đến Mangey. Thông qua các mối quan hệ cũ ông đã biết khí độc được sản xuất tại đây, nhưng đóng bình ở nơi khác. Quan sát tuyến đường sắt, Luseto đã xác định được rất nhiều toa xitéc được vận chuyển bằng xe lửa từ các nhà máy hóa chất lớn. Những xitéc đó được chuyển đi đâu, để làm gì? Ông đã tìm hiểu, biết được điểm đến là các nhà máy Crupa ở Essen. Thế là Luseto buộc phải đến Essen, cho dù ông biết rất rõ cơ quan phản gián Đức ở vùng này rất mạnh. Ông lại đóng vai một lính Đức bị thương về nghỉ phép. Ông la cà ở quán cà phê, nơi thợ và cán bộ kỹ thuật ở các nhà máy Louis tới những lúc rảnh rỗi. Ông thường mời bia họ và qua câu chuyện của họ thu lượm được một số tin tức. Ông còn kết bạn với một cảnh sát đứng tuổi làm nhiệm vụ bảo vệ nhà máy. Tay này hàng giờ liền kể chuyện gia đình mình, kể những chuyện phiêu lưu tuổi trẻ cũng như chuyện ngoài mặt trận thật buồn tẻ và chán ngắt. Song Luseto đã chứng tỏ mình là một người tiếp chuyện tuyệt vời, bởi ông chăm chú lắng nghe không ngắt lời. Và Luseto đã gặp may. Một lần tay cảnh sát kể cho ông nghe rằng người ta đang chuẩn bị một thử nghiệm đáng kinh ngạc với những trái phá hơi độc. "Khí độc trong các trái phá? - Luseto sửng sốt. Mà dành cho dã pháo bình thường ư? Không thể có chuyện đó được!" Tay cảnh sát một mực khăng khăng khẳng định là quả đạn trái phá có thể chứa được khí độc. Hắn nói rằng chẳng bao lâu nữa dã pháo sẽ sử dụng các đạn trái phá hơi độc và hắn có thể chứng minh điều đó. Luseto đánh cuộc hai ngàn mark và tay bảo vệ đã cho ông đi theo đến cuộc thử nghiệm. Cả hai tìm cho mình một chỗ khuất nẻo nhưng rất tiện cho việc theo dõi thử nghiệm. Từ chỗ nấp Luseto đã nhìn rõ chiếc xe chở chính đức vua Wilhelm, bộ tham mưu của ông và các nhân vật quan trọng khác tới các vị trí chiến đấu.

  Để thử nghiệm người ta đã chuẩn bị khẩu dã pháo 77mm và khẩu đại bác cỡ nặng dùng trên biển. Đích bắn là đàn cừu đang gặm cỏ cách đó 1200 mét. Khẩu dã pháo bắn đầu tiên. Đạn nổ lốp đốp chứ không vang như bình thường. Sau đó là khẩu đại bác. Không một trái phá nào rơi thẳng vào đàn cừu, nhưng sau mỗi phát lại bốc lên một luồng khói màu xanh vàng được gió thổi thẳng đến đàn cừu. Khi khói tan ở chỗ đó không còn lấy một sinh vật sống. Cả tay cảnh sát lẫn "người lính bị thương" đều thán phục trước sự việc được nhìn thấy. Cả hai đều hi vọng và tin tưởng đế chế Đức sẽ chiến thắng. Đặc biệt tay cảnh sát còn rất vui với món tiền hai ngàn mark được cuộc một cách lương thiện. Tuy vậy Luseto vẫn chưa hài lòng. Ông còn muốn có một mảnh đạn làm vật kỷ niệm. Tay cảnh sát sốt sắng chạy ra bãi thử để lấy cho ông.

  Luseto đã tìm mọi cách một mình vượt qua mặt trận và chỉ ba ngày sau đã đưa được mảnh trái phá về Paris. Ngay lập tức mảnh đạn được gửi tới phòng thí nghiệm của nhà hóa học nổi tiếng Edmon Bali. Ông đã xác định trái phá được bơm đầy các chất hơi ngạt. Vậy là cần phải chế tạo gấp các mặt nạ chống độc hoàn hảo. Đồng thời Anh và Pháp cũng bắt tay vào sản xuất bom và trái phá khí độc.
Luseto còn hoàn thành trót lọt một vài điệp vụ nữa ở hậu phương quân Đức mà không hề bị phát giác. Chiến tranh kết thúc, Luseto bắt đầu viết văn. Ông là tác giả hàng loạt truyện tình báo. Chỉ trong vòng 4 năm từ 1928 đến 1932 ông đã cho xuất bản nhiều cuốn như "Người đẹp điện Cremli", "Nhiệm vụ đặc biệt", "Trung thành với kẻ địch", "Quỷ đen" (truyện phản gián thời chiến ở Bỉ), "Điệp viên của vua Phổ", "Nữ tình báo trong những bàn tay đẫm máu", "Đàn sói".

  Luseto đã hư cấu nhân vật mang tên "Jan giấu mặt" mà nguyên mẫu chính là ông. Tuy có phần hư cấu nghệ thuật song các tác phẩm của Luseto chứa đựng những thông tin cực kỳ chính xác không chỉ về diễn biến của thế chiến mà còn về những điệp vụ của cả Đức và Liên Xô vào những năm 30. Các bức ảnh, bản đồ và sơ đồ tổ chức chính xác đến mức có thể nghĩ đó là tư liệu từ một nguồn rất thông thạo thông tin, đó là cơ quan phản gián. Không phải ngẫu nhiên mà các tác phẩm của ông đều được nhà xuất bản Becgie Luvre ấn hành. Nhà xuất bản này thường chỉ ấn hành hồi ký của các cộng tác viên Phòng nhì (cơ quan tình báo Pháp). Cũng cần nói thêm rằng trong các tác phẩm của mình Luseto có bày tỏ mối quan hệ thân thiết của mình với sếp của tình báo Pháp. Đó chính là Lone, người đứng đầu Phòng nhì những năm từ 1928 đến 1932, chuyên viên tình báo về các vấn đề có liên quan tới Liên Xô.

  Năm 1932, Luseto công bố cuốn "Hồ sơ lưu trữ của Treca" sắp được xuất bản, nhưng không bao lâu sau đó ông đã đột ngột qua đời.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 28 Tháng Sáu, 2008, 03:50:06 pm
27 - LAURENCE XỨ AVARIA (1888 - 1935)
Gương mặt "điệp viên thơ mộng"



  Một trong những gương mặt rực rỡ nhất và thơ mộng nhất trong lịch sử tình báo là ngài Thomas Edvard Laurence. Ông là người thờ ơ với phụ nữ và tiền bạc. Ông chỉ yêu bản thân mình và đế chế Anh. Về bản thân mình ông đã nói: "Nói chung tôi giống như một người qua đường khéo léo trốn tránh những chiếc ô tô chạy trên chính lộ". Người ta đã viết nhiều tiểu thuyết và dựng nhiều phim về ông, nhưng vẫn còn một số sự thật pha trộn với những sai lệch. Tuy nhiên chỉ những sự thật đã có trong đó cũng đủ làm cho nhân cách của ông trở thành anh hùng.

  Ông sinh ngày 15 tháng 8 năm 1888 trong một gia đình Anh-Ireland trung lưu. Ông học trường Oxford. Theo lời ông thì ông "ghét cay ghét đắng nhà trường phổ thông", bởi vì nó làm ông sao nhãng công việc chủ yếu là đọc những cuốn sách về các cuộc thập tự chinh và về khảo cổ. Hai chủ đề này ông biết thật sâu sắc, cũng như tất cả những gì liên quan đến vùng Viễn Đông là điểm đến của lính Thập tự quân và là nơi có nhiều công trình khảo cổ.

  Năm 1910, Laurence về ở miền Đông Ả Rập. Ông đã nghiên cứu cẩn thận đời sống, phong tục và tín ngưỡng của người Ả Rập, ông biết thành thạo tiếng Ả Rập và tiếng nói của nhiều bộ tộc du mục. Có lẽ, trên bán đảo Ả Rập không còn chỗ nào là ông chưa tới. Ông có mối quan hệ quen biết với tất cả thủ lĩnh các bộ tộc. Ông biết rõ các mặt mạnh và yếu của các thủ lĩnh, biết rằng có thể lôi kéo ai và lôi kéo bằng cách nào.  Khi Đại chiến thế giới lần thứ nhất nổ ra Laurence trở thành điệp viên nước Anh, nói chính xác hơn là của MI-4, hoặc là của Văn phòng Ả Rập, là văn phòng có nhiệm vụ theo dõi sự phát triển của phong trào dân tộc chủ nghĩa của những người Ả Rập trên dọc biên giới của đế chế Osman. Lúc bấy giờ tất cả những vùng đất ả Rập và những dân tộc sinh sống trên đó đều nằm dưới quyền của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi chiến tranh nổ ra thì đế chế Anh cũng vươn bàn tay của mình tới đó. Nhưng quân đội thường trực của Anh đóng tại các căn cứ của mình không tiện giao chiến với những người Thổ. Cần có những nhóm nhỏ linh hoạt quen với cuộc sống trên hoang mạc khô cằn vắng vẻ, quen đi lại trên đó, có thể dễ dàng thọc sâu vào hậu phương quân địch và tiến hành phá hoại. Ngoài ra, đó còn là khả năng chiến đấu với quân Thổ bằng bàn tay kẻ khác, mà vẫn bảo toàn được lực lượng chủ yếu của mình trên các chiến trường khác. Trong thời gian này các nhà dân tộc chủ nghĩa Ả Rập đã tự bắt đầu cuộc chiến chống người Thổ. Tại miền Nam bán đảo ả Rập lá cờ xanh khởi nghĩa của người ả Rập đã được phất lên bởi Abd el Azid ibn Saud, người đứng đầu giáo phái Vahhabit và là kẻ thù của những người Hasimit. Người đứng đầu tổ chức tôn giáo-chính trị Hasimit là vị giáo chủ ở Mekka Husseyin ibn Ali, năm 1916 ông này đã được xưng tụng là vua Hidzhaza.

  Nên ủng hộ ai đây, Saud hay là Husseyin? Nên ủng hộ những người Vahhabit hay là Hasimit? Cao uỷ Anh ở Cairo, ngài Henri Makmagon và ông sếp tình báo quân sự ở Viễn Đông thiếu tá Aston đã tin vào những người Hasimit và thậm chí đã tuyên bố với ông Husseyin rằng sau khi đế chế Osman sụp đổ người ta sẽ đưa ông và các con trai lên làm thủ lĩnh Liên đoàn Ả Rập tương lai. Cũng lúc này Văn phòng Ấn Độ của tình báo Anh lại ủng hộ những người Vahhabit. Đại diện của Văn phòng ông Saint John Filby, cha của Kim Filby mà sau này rất nổi tiếng, vào năm 1917 đã lên đường tới Er-Riad với một nhiệm vụ hết sức bí mật: thông báo cho Saud biết rằng vua George V có ý định đưa chính ông ta lên làm thủ lĩnh Liên đoàn Ả Rập, liên đoàn này sẽ được hình thành sau khi đế chế Osman sụp đổ. Đến lần này chính sách "Chia để trị" vẫn là phục vụ cho quyền lợi của đế chế Anh.

  Nhưng bây giờ chúng ta hãy trở lại với nhân vật của mình. Laurence đã chiếm được lòng tin của người con cương quyết nhất của Husseyin là Feysal, người đang theo đuổi mục đích tổ chức cả một đạo quân chống lại người Thổ. Tuy nhiên, việc tổ chức một đạo quân thống nhất to lớn vào thời bấy giờ là điều hoàn toàn không hiện thực. Người ta cần có những đơn vị nhỏ cơ động, những đơn vị này giống như một đàn chó sói, chúng lao vào con gấu từ nhiều phía khác nhau, nghĩa là họ có thể tấn công và cấu xé quân đội Thổ hùng mạnh, nhưng không năng động. Thomas Laurence là người thực hiện việc xây dựng lực lượng khởi nghĩa kiểu "người dơi" này. Là một người da trắng, mắt xanh, ông không giống người Ả Rập  chút nào cả. Nhưng khi mặc quần áo chúng, bịt nửa mặt, da phơi nắng ngăm ngăm, nói thành thạo tiếng Ả Rập, thì ông có thể dễ dàng trông giống như một người Ả Rập du mục. Còn ý chí kiên cường, ưa phiêu lưu mạo hiểm, tính kiên trì vươn tới mục đích đã cho phép ông trở thành thủ lĩnh trong bất kỳ cộng đồng nào. Hơn thế nữa, ông lại có nhiều tiền do tình báo Anh cung cấp. Thomas Laurence đã ăn uống, sinh sống như những người Ả Rập. Ông đã khuyên các nhà tình báo khác: "Các ông phải cảm thấy mình là diễn viên, sắm vai suốt ngày suốt đêm trong nhiều tháng liền, không được nghỉ ngơi và phải chịu nhiều rủi ro".

  Đôi khi ông ngồi chơi cả chiều với một thầy tu, sau đó lên lạc đà đi suốt đêm và đến sáng lại gặp gỡ một người khác. Nói chuyện với những người đó không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trong những chỉ thị của mình, mà ông gọi là "27 điều", ông viết: "Hãy chiếm lấy lòng tin của người lãnh đạo và hãy giữ gìn lòng tin đó. Nếu có thể thì phải dùng tiền của mình mà củng cố uy tín cho người đó trước mắt những người khác. Không bao giờ được từ chối và đừng làm hỏng những kế hoạch mà người đó có thể đưa ra. Bao giờ cũng phải ủng hộ những kế hoạch đó, rồi sau khi có lời khen ngợi, lại thay đổi chút ít, buộc chính người thủ lĩnh đó phải đưa ra đề nghị cho đến khi những đề nghị này trùng hợp với ý kiến riêng của ông... Mặc dù rất khó có thể bắt một người Ả Rập du mục làm một việc gì, nhưng lại dễ dàng có thể lãnh đạo anh ta, chỉ cần ông biết kiên nhẫn. Sự can thiệp của ông càng ít lộ ra bao nhiêu, thì ảnh hưởng của ông càng to lớn bấy nhiêu. Những người du mục sẽ rất vui lòng tuân theo lời khuyên của ông, thậm chí họ không lường được rằng chính ông hay những người khác biết điều đó. Không nên trá hình... Nhưng khi sống với những người Ả Rập mà ông ăn mặc quần áo như họ, thì ông chiếm được lòng tin và tình bạn tới mức mà nếu mặc quân phục thì không bao giờ ông có thể có được. Tuy nhiên đó là điều khó khăn và nguy hiểm. Chính vì ông đã ăn mặc như những người Ả Rập nên họ sẽ không bao giờ làm điều gì đặc biệt đối với ông cả...

  Đôi khi ông phải tham gia vào những cuộc tranh luận về tôn giáo. Ông hãy thoải mái nói về tín ngưỡng của mình, nhưng tránh đừng phê phán những quan điểm của họ...

  Đừng noi gương những người Ả Rập và hãy tránh những cuộc phiếm đàm về phụ nữ. Vấn đề đó cũng khó như là tôn giáo. Về mặt này những quan điểm của những người Ả Rập khác xa những quan điểm của chúng ta, đến nỗi những nhận xét vu vơ họ cũng coi là không biết kiềm chế, cũng giống như một số những nhận xét của họ, nếu được dịch nguyên văn thì ông cũng coi là thiếu cẩn trọng.

  Toàn bộ bí quyết tiếp xúc với người Ả Rập là phải không ngừng nghiên cứu họ. Luôn luôn phải cảnh giác, không bao giờ được nói thừa, luôn luôn phải theo dõi bản thân mình và các đồng đội. Phải nghe ngóng những gì đang diễn ra, tìm cho thấy những nguyên nhân thật sự. Hãy nghiên cứu tính cách của những người Ả Rập, sở thích và say mê của họ và phải lưu giữ những gì mình phát hiện được... Thành công của ông sẽ tương xứng với số năng lượng trí tuệ mà ông bỏ ra".

  Trong những hồi ký của mình Thomas Laurence tuyên bố mình là người ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của những người Ả Rập. Thực ra, ông chỉ lo lắng đến quyền lợi của nước Anh, là nước đang mưu đồ xâm chiếm thuộc địa mới. Làm sao ta có thể phê phán một người Anh được giáo dục trên những truyền thống của đế chế Anh, người luôn luôn tin rằng "My country is my country, good or bad, but it is my country!" (Đất nước tôi là đất nước tôi, dù tốt hay xấu thì đó cũng là đất nước tôi!)

  Nhờ có hành động khéo léo và cương quyết mà Thomas Laurence đã có thể trở thành sủng thần của Husseyin và người con trai Feysal, đứng đầu nhiều bộ lạc, của ông ta. Ông đã gợi ý cho họ khẩu hiệu: "Đoàn kết người Ả Rập để đấu tranh với Thổ". Nhờ khẩu hiệu này mà có phong trào nghĩa quân và tổ chức được những đơn vị tinh nhuệ, được trang bị bằng súng ống nước Anh. Cuộc khởi nghĩa thực chất là do Thomas Laurence lãnh đạo. Ông được phong chức đại tá và được gọi là "Laurence xứ Avaria". Cái đầu của ông được người Thổ treo giá hai mươi ngàn bảng Anh. Các đơn vị của Feysal - Laurence đã gây ra bao nhiêu tai họa cho quân đội Thổ, khi các đơn vị này hoạt động theo lối du kích trên mọi tuyến đường. Đồng thời họ cũng thu được những thắng lợi đặc trưng cho cuộc chiến tranh "thường trực". Sau cuộc chuyển quân mệt mỏi vượt qua sa mạc tháng 7 năm 1917 các đạo quân dưới sự chỉ huy của Feysal và Laurence bằng một cuộc tấn công thần tốc đã chiếm được cảng Akaba. Tháng 9 năm 1918, Laurence cùng với một đạo quân nhỏ đi lạc đà, lợi dụng lúc quân Thổ rút Louis, đã tiến vào Damask.

  Nhờ kết quả của Đại chiến thế giới I và nhờ hoạt động của Laurence, nước Anh đã có được những thuộc địa mới: Iraq, Palestin, căn cứ dầu mỏ và hải quân ở Hayf, củng cố được quyền thống trị của mình trên bán đảo Ả Rập. Sau Đại chiến II nước Anh mất hết những vùng đất này, nhưng lúc đó thì đấy là chiến công của đế chế Anh và công lao của chính đại tá Laurence. Tuy nhiên, ngay lúc đó chiến công cũng không phải là hoàn hảo. Ngay sau chiến tranh, dưới áp lực của Pháp, người Anh đã phải rút quân ra khỏi Siri, người Pháp chiếm Damask, đuổi người Ả Rập ra khỏi Palestin. "Người bạn" thân quý nhất của Laurence là Feysal đã không hết lời nguyền rủa ông, còn Saud, "người bạn" của Saint John Filby năm 1924 đã đuổi "bạn" của Laurence là Husseyin ra khỏi Mekka, trở thành người sáng lập ra nước Ả Rập Seut.

  Sau chiến tranh Laurence lại làm công việc khác. Năm 1921 theo đề nghị của Winston Churchill, bộ trưởng Bộ Thuộc địa, Laurence trở thành cố vấn chính trị trong ban lãnh đạo mới về Trung Đông. Ông có dịp chuộc lại lỗi lầm xưa đối với Feysal, người bị trục xuất ra khỏi Siri. Chính vì Iraq rơi vào vòng bảo hộ của Anh, cho nên mọi vấn đề quyền lực ở đây được giải quyết trong Bộ Thuộc địa. Tháng 3 năm 1921 tại một hội nghị ở Cairo, Laurence đã thuyết phục được Churchill đưa Feysal lên làm vua Irak. Sau vụ đó Laurence bất ngờ rời bỏ cương vị đầy uy tín của mình và đến tháng 8 năm 1922 ông tham gia với tư cách... binh nhì trong ngành không quân nước Anh mang họ là Ross. Ông làm gì thì không ai biết nhưng sau nửa năm có một sĩ quan xấu chơi với ông từ lâu đã phát hiện ra ông và công khai nêu tên ông trên báo.

  Khi đó ngành tình báo Anh lại giao cho ông một nhiệm vụ mới mà ông phải thực hiện tại Ấn Độ trên biên giới với Afganistan. Tại đó ông xuất hiện với hai khuôn mặt: anh thợ máy Sou khi quan hệ với người Anh, và là thầy tu Pir-Karam khi gặp "người bản xứ". Lúc bấy giờ thủ lĩnh Hồi giáo ở Afganistan là Amanulla có ý định làm cải cách trong nước. Nhưng điều đó không có lợi cho nước Anh, nên người Anh tìm mọi cách để triệt thoái ông, đưa một thủ lĩnh khác lên thay, một người ngoan ngoãn với thực dân Anh. Năm 1927-1928 việc đó do đại tá Laurence đảm nhận.

  Ông đã thu xếp được quan hệ với tên giết người cướp của Bachay Sakao. Tên này nổi tiếng vì đã giết cha đẻ, giết vợ, giết con la, mà không đếm xỉa gì đến hàng mấy chục người xung quanh. Laurence đặt hy vọng vào tên đó. Ông hứa hẹn ngai vàng ở Afganistan cho hắn, nếu hắn giúp loại trừ được Amanulla. Laurence hoạch định và thực hiện một kế hoạch quỉ quái nhằm làm cho toàn dân căm ghét Amanulla, trước hết là những người Hồi giáo cánh hữu. Các nhân viên của Laurence và Sakao bắt đầu tuyên truyền chống Amanulla và những cuộc cải cách của ông: ông ta đang vi phạm các điều luật của Thánh Tiên tri - bỏ khăn xếp, bỏ quần áo Hồi giáo, bắt phụ nữ bỏ che mạng, bắt họ đi học, cho phép nam giới cạo râu ria, muốn mọi người đi bác sĩ chữa bệnh, v.v... Đám dân chúng tăm tối và thất học đã đứng lên chống lại Amanulla. Lửa đổ thêm dầu là việc Laurence thông qua nhân viên của mình mà truyền bá những tấm hình chụp các cô gái ngồi hớ hênh trên đùi nam giới. Những dòng chữ đề dưới những tấm hình ấy cũng là buộc tội Amanulla đã "vi phạm những mệnh lệnh thiêng liêng của Đức Tiên tri và luật Hồi giáo". Sau đó Laurence truyền bá trên khắp đất nước Afganistan một bản tuyên bố nhân danh tất cả những người Hồi giáo cánh hữu, kêu gọi lật đổ Amanulla và công nhận người lãnh đạo mới là Bachay Sakao.

  Bachay Sakao chiếm được Kabul, tự xưng là thủ lĩnh và triển khai hoạt động tích cực chống Xô Viết. Lập căn cứ trên lãnh thổ Afganistan, hai mươi ngàn quân phản động bắt đầu cướp phá các nước cộng hoà Xô Viết Trung Á: Tadzhikistan, Turmeniya, Uzbekistan.
Cho rằng nhiệm vụ đã hoàn thành và biết rằng tên ăn cướp Sakao không thể nào trụ lâu được, vào đầu năm 1929 đại tá Laurence trở về London, tại đây ông trở thành nhân vật của một vụ bê bối ầm ĩ: các đại biểu Công đảng chất vấn trong nghị viện về những hành tung của Laurence ở Afganistan. Thời gian đó những người tham gia cuộc tuần hành do những người cộng sản tổ chức đã đốt hình nộm của Pir-Karam và Laurence. Laurence bốn mươi hai tuổi bị buộc thôi việc và bắt đầu viết hồi ký. Ông đã viết hai cuốn sách: "Khởi nghĩa trên sa mạc" và "Bẩy cây trụ cột thông thái".
 
  Tháng 10 năm 1929, "ông bạn" của Laurence là Bachay Sakao bị lật đổ và bị hành quyết.

  Nhưng bản tính phiêu lưu của "người bị huyền chức" vẫn không thay đổi. Ông có ý đồ gặp Hitler và thiết lập quan hệ với lãnh tụ phát xít Anh là Osvald Mosli. Tuy nhiên, những ý đồ đó may mà không được thực hiện. Ngày 19 tháng 5 năm 1935, ông qua đời trong một tai nạn xe máy. Đại tá Thomas Edvard Laurence được chôn cất tại Nhà thờ Thánh Paul ở London bên cạnh những người anh hùng chiến tranh của nước Anh và các nhà quí tộc danh tiếng.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 28 Tháng Sáu, 2008, 07:26:54 pm
28 - BERT HALL (sinh năm 1888)
Cha đẻ của ngành tình báo hàng không

(http://www.earlyaviators.com/hallbertport.jpg)

  Phi công người Mỹ Bert Hall có thể được coi là cha đẻ ngành tình báo hàng không.

  Ông sinh ở bang Kentukki năm 1888. Từ thời thanh niên ông đã say mê núi non. Lúc nhỏ xíu ông đã trèo lên đỉnh núi cao nhất gần nhà, nhìn xuống thung lũng trải dài dưới chân, mơ ước được bay trên đó như cánh đại bàng. Ông cũng yêu thích kỹ thuật và rất say mê tốc độ cao. Thế là ông bắt đầu lái xe đua, coi đó là hạnh phúc tuyệt vời. Ông đã từng chiến thắng, chiến bại, đã từng lộn nhào, đã cận kề cái chết, nhưng không bao giờ bỏ nghề cho tới một ngày nghe thấy trên đầu mình có tiếng động cơ lạ và nhìn thấy một điều kỳ diệu - một người đội mũ sắt, đeo kính, mặc áo da, bay ngang bầu trời như cánh đại bàng. Từ ngày đó cho đến khi nhắm mắt trái tim ông đã thuộc về ngành hàng không. Ông học lái máy bay, sau đó quyết định mang truyền thống xe đua lên trời và trở thành người tiên phong của thể thao máy bay. Nghề này khiến ông kiếm được nhiều tiền, nhưng tiền không bao giờ đủ. "Nếu đã có lính bộ đánh thuê, thì sao lại không có lính phi công đánh thuê?" -  ông nghĩ thế và bắt đầu đi tìm nơi thể hiện tri thức và kinh nghiệm của mình. Và số phận đã mỉm cười với ông.
Năm 1912 bắt đầu chiến tranh Balcan. Những người Xerbi và Bungari chống lại quân Thổ, cùng hợp sức với họ là người Hy Lạp. Bert Hall vội vã sang châu Âu. Bằng số tiền dành dụm được ông mua một chiếc máy bay cánh đơn của Pháp và đến xin làm việc cho người Thổ. Người Thổ mừng quá, cấp cho ông một khoản lương lớn - một trăm đô la vàng mỗi ngày, nhưng phải hoàn thành được công việc. Hàng ngày, cùng với thợ máy, một người Pháp tên là Andrey Pyers, ông phải đi khảo sát. Đôi khi ông bay là là thấp sát mặt đất và phải bật cười khi thấy bọn lính ở những làng mạc xa xôi hẻo lánh lần đầu tiên nhìn thấy máy bay phải quì xuống mà làm dấu thánh.

  Song, mặc dù Bert Hall đã rất cố gắng, quân Thổ vẫn thua, vẫn bị đánh tan ngày 24 tháng 10 tại Kirk-Kilis, năm ngày sau, 29 tháng 10, lại bị đại bại ở Burgas. Quân đội Xerbi-Bungari đã bao vây được thành phố chính và pháo đài của Thổ ở Frakia là Adrianopol, bịt được con đường dẫn tới Stambul (Konstantinopol).

  Người Thổ yêu cầu ông ngoài việc tiến hành do thám phải bỏ bom vào hàng ngũ địch. Nhưng Bert Hall không chịu vì ông không có ý định giết ai cả, nhất là những người theo đạo Thiên chúa như ông. Thế là ông không được trả lương nữa.

  Hall đã tìm được một lối thoát đơn giản. Cùng với anh thợ máy ông lại bay về phía người Bungari. Ông lại được trả khoản lương như của người Thổ, nhưng ông mang lại được nhiều lợi ích hơn, bởi vì ông đã biết rõ hệ thống các công trình phòng ngự của Thổ. Tuy vậy, đối với người Bungari như thế vẫn là ít. Ngoài việc khảo sát họ còn yêu cầu ông làm mật thám nữa. Được thêm tiền, lần đầu tiên ông bay vượt qua phòng tuyến, hạ cánh và thả vào hậu phương quân Thổ một điệp viên Bungari.

  Hall làm việc hết mình, thế nhưng một tháng sau người Bungari chậm trả tiền ông. Ông quyết định rời bỏ họ, nhưng ngay tại máy bay ông đã bị họ bắt, đưa về cảnh sát, tại đây ông bị buộc tội làm gián điệp cho Thổ. Hall không phủ định, nhưng khó chứng minh được rằng ông đã thôi. Ông muốn liên hệ với lãnh sự Mỹ nhưng không được phép. Ông bị đưa ra toà án quân sự. Không ai nghe những lời thanh minh của ông, không chú ý đến những lời giải thích rằng ông bỏ đi vì họ không trả thêm tiền và ông bị kết án xử tử.

  Người cứu ông là anh thợ máy được thả tự do. Anh đem một phần "kho vàng" của mình, tìm đến những cửa cần thiết, và chỉ mấy giờ trước khi hành hình Hall được thả ra. Ông cùng với người thợ máy trở về Pháp. Ít lâu sau nổ ra Đại chiến I. Đến ngày thứ hai của cuộc chiến ông ghi tên vào đoàn quân lê dương, sau 3 tháng ông được chuyển vào đội bay nổi tiếng của Lafayette, các phi công ở đây được gọi là "những con quỉ bay".

  Bây giờ những kinh nghiệm của Hall rất có giá trị. Ông được giao trách nhiệm thả điệp viên vào hậu phương quân Đức. Muốn vậy, cần phải biết bay và thả quân vào ban đêm, nói đúng hơn là vào những giờ rạng sáng, cũng như phải biết hạ cánh xuống những nơi lạ lùng, chưa được chuẩn bị. Cứ mấy hôm ông lại phải bay một lần, lần nào cũng nguy hiểm chết người. Nhưng tài năng và sự chai lỳ của ông bao giờ cũng chiến thắng.

  Một lần ông bị giăng bẫy. Lần ấy ông phải hạ cánh xuống phía bên kia chiến tuyến để đón một điệp viên trở về. Nhưng tên này đã hợp tác với Đức và chúng đã chuẩn bị phục kích. Nhưng trong số lính Đức có kẻ không đủ kiên nhẫn nên đã nổ súng ngay khi máy bay sắp hạ cánh. Ông bị thương nhẹ, nhưng đã kịp vọt lên trời trở về. Nếu ông bị Đức bắt, chắc ông bị tử hình vì tội gián điệp. Lúc bấy giờ còn có những luật lệ hiệp sĩ. Nếu phi công mặc quân phục thì được coi là quân nhân, chứ không phải là gián điệp. Ngày 30 tháng 10 năm 1915 đã có một tiền lệ: toà án Đức đã tha tội gián điệp cho 2 phi công Pháp, vì khi bị bắt họ mặc quân phục. Họ chỉ bị tù có 3 năm thôi.

  Đến cuối chiến tranh trong đội "những con quỉ bay" có hai người sống sót, trong đó có Bert Hall.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 28 Tháng Sáu, 2008, 07:35:52 pm
29 - IAN BERDIN (1889-1938)
Anh hùng quân báo Xô Viết



  Peterits Kudits (tên thật là Ian Carlovic Berdin) sinh trong một gia đình cố nông vùng Klighen Riga. Chàng trai khó khăn lắm mới thi đỗ vào trường sư phạm, nơi học sinh rất ngang bướng và cậu học sinh mới đã cùng một số học sinh nổi loạn khiến trường bị đóng cửa vào tháng 10 năm 1905. Chàng trai phải quay về nhà. Chịu ảnh hưởng của người anh cả, Berdin tham gia tấn công bọn Côdắc, tấn công lâu đài tên nam tước để rồi phải trốn tránh vào rừng trong đội quân "những người anh em của sơn lâm". Bọn Côdắc bắt được Berdin, đánh cho tơi tả bằng que thông nòng súng. Sau vụ đó Peterits thề sẽ đấu tranh đến cùng với nền quân chủ chuyên chế.

  Hồi phục sau trận đòn roi, Berdin quay trở lại với "những người anh em sơn lâm". Họ đã đập tan tòa thị chính địa phương ở Iaunpins, bắn chết tên phản động làm văn thư, tịch thu giấy tờ, thiêu hủy quán trọ và tửu quán, trưng dụng vốn liếng của bọn chủ. Trong lúc hai bên bắn nhau Peterits bị trúng ba viên đạn, một viên nằm trong hộp sọ, may không ảnh hưởng tới não, nhưng anh đã bị bắt đưa ra tòa. Với tội trạng như trên lẽ ra bị tử hình, song Peterits chưa đến tuổi thành niên nên chỉ bị phạt giam. Bốn năm sau, năm 1909, Peterits mới được thả. Khi chia tay giám ngục đã nói:

  - Hy vọng nhà tù đã cho cậu một bài học đích đáng.

  Song ông ta đã lầm. Peterits Kudits đã tiếp tục theo con đường mình đã chọn để trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp. Và rồi lại tòa án, tù giam, thậm chí cả lưu đày. Chính tại những nơi đó chàng thanh niên Peterits đã nhận thức được khoa học đấu tranh cách mạng. Cũng chính tại nơi lưu đày ở Xiberi nhà cách mạng Ian Carlovic Berdin đã ra đời, họ tên này được ghi trên các tư liệu chính trị cách mạng mà các tù nhân bolsevich đưa cho.

  Từ tháng 2 năm 1917, cuộc đời Ian Berdin gắn liền với số phận không chỉ của riêng Latvia, mà còn của cả đất nước Xô Viết. Sau Cách mạng tháng Mười Ian Berdin được cử vào bộ máy chính quyền mới, là trưởng văn phòng Bộ dân ủy chính quyền tự quản địa phương, là thư ký kiêm phó ban kinh tế của Bộ dân ủy Nội vụ. Mùa hè năm 1918, Berdin đã cùng đơn vị Hồng quân đến Iaroslav để trấn áp cuộc nổi loạn của bọn xã hội cách mạng ở đó. Tháng 5 năm 1919 trong khi bảo vệ Riga chống lại quân Bạch vệ, Berdin lại bị trọng thương. Chữa trị vết thương xong Berdin về làm chính ủy sư đoàn bộ binh rồi được điều về Ban đặc trách đấu tranh chống hoạt động phản cách mạng và khủng bố của quân đoàn 15. Ngày 2 tháng 12 năm 1920 chuyển sang ban quân báo. Ngày 27 tháng 12 năm 1921 Pavel Ivanovic Berdin được bổ nhiệm làm phó ban quân báo. Tên Pavel là do ông chọn để tưởng nhớ ông nội của mình, một người lính tham gia bảo vệ Sevatstopon, khi ấy ở làng người ta thường gọi ông cụ là "anh bạn Pavel người Nga". Berdin sớm bạc tóc nên bạn bè đồng chí gọi ông là "cụ già", sau này trở thành biệt danh hoạt động của ông.

  Cảm thấy trình độ còn non kém, Berdin đã thi vào học lớp buổi tối ở trường Đại học Tổng hợp vô sản. Thấy mình chẳng hiểu biết gì về các nước khác, Berdin với tên họ mới là Dvoreski lên đường đi thăm Berlin, Praha và Varsava.

  Ngày 23 tháng 3 năm 1942, Berdin lên làm trưởng ban quân báo. Lần đầu tiên ông ở cương vị này cho đến năm 1935, sau đó được bổ nhiệm chức phó tư lệnh quân đoàn Cờ đỏ đặc nhiệm Viễn Đông, dưới sự chỉ huy của vị anh hùng thời Nội chiến, nguyên soái Vaxili Constatinovich Blukhe. Trước khi đi nhận nhiệm vụ Vorosilov đã nhận xét về ông như sau: "Berdin thực sự là một chiến sĩ bolsevich trung thành, đặc biệt khiêm tốn. Tất cả những ai đã tiếp xúc với đồng chí qua công việc đều yêu mến và tôn trọng đồng chí. Đồng chí Berdin đã hiến dâng toàn bộ sức lực, kinh nghiệm và thời gian của mình cho sự nghiệp khó khăn nhưng quang vinh nhất...".

  Tại sao Berdin lại được đánh giá cao đến vậy? Để giải đáp câu hỏi trên, cần xem lại thời gian và hoàn cảnh làm việc của Berdin khi đó, cũng như tìm hiểu cho dù là lướt qua công việc của Ban phản gián.

  Thời gian từ năm 1921 đến 1937 được coi là "thời đại của những điệp viên ngầm vĩ đại". Tiểu sử của những điệp viên được Ian Berdin đào tạo và tung vào hậu phương địch về thực chất cũng chính là tiểu sử của ông.

  Sau Cách mạng tháng Mười chính quyền Xô Viết không động chạm đến mảng quân báo. Quân báo vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng trải qua nhiều tình huống bi đát - phản bội, chạy trốn, chiến sĩ không chịu thực thi nhiệm vụ. Dần dần cho tới đầu năm 1921 bộ máy mới của cơ quan phản gián đã hình thành. Quá nửa cán bộ lãnh đạo ở các vị trí chủ chốt là người Latvia, trong đó có Ian Berdin phụ trách tác chiến. Cùng với sự phát triển của hoạt động phản gián, cơ cấu của nó cũng có sự thay đổi, trách nhiệm của Berdin cũng không cố định. Ông được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo.

  Đầu những năm 20 đối với hoạt động phản gián thật khó khăn do nhiều lý do: không có kinh nghiệm, thiếu cán bộ, nhưng cơ bản là thiếu tiền. Để có tiền hoạt động buộc phải buôn bán (như lông thú chẳng hạn). Khó khăn còn ở mối quan hệ giữa Ban nước ngoài của Cục Phản gián với Quốc tế cộng sản. Đã nhiều lần được chỉ thị cấm sử dụng đảng viên Đảng Cộng sản các nước vào hoạt động phản gián vì quyền lợi Liên Xô. Song việc có được những điệp viên "trời cho" không phải mất tiền ấy quả là hấp dẫn đến mức các nhà tình báo bỏ qua mọi chỉ thị và lệnh từ trên xuống.

  Dù thế nào thì công việc vẫn được triển khai. Do việc hoạt động "hợp pháp" ("dưới vỏ bọc" sứ quán, đại diện thương mại, hãng buôn...) bị đối phương giám sát nghiêm ngặt, nên phải chuyển sang dựa chủ yếu vào các điệp viên ngầm.
 
  Đức vừa là đồng minh vừa là đối tượng theo dõi của cơ quan quân báo. Từ đầu những năm 1920, Đức quốc xã và quân báo Liên Xô thường xuyên trao đổi thông tin chủ yếu về Ba Lan (Ba Lan là đối thủ chính của cả Đức và Liên Xô) và cả về vùng bán đảo Balcan cũng như các nước châu Á. Từ năm 1925 Berdin trực tiếp điều hành việc trao đổi thông tin. Đầu những năm 1930 điệp viên Xô Viết ở Vienna đã bị bắt giam rồi được thả tự do nhờ tác động của đại tá Ferdinan fon Bredov phụ trách phản gián Đức lúc đó. Sau khi Hitler lên nắm chính quyền mọi tiếp xúc giữa hai Cục Phản gián đã phải ngừng.

  Mọi quan hệ đặc biệt với Đức được sử dụng cho việc điều hành hoạt động phản gián ở các nước châu Âu khác, thậm chí cả ở Mỹ.
Điệp viên ngầm của Liên Xô hoạt động có hiệu quả ở Đức. Một trong số đó là Vladimir Fedorovich Petrov. Sau cuộc nội chiến, Petrov phải sống lưu vong và đã ổn định việc làm ở ban quân sự của sứ quán Nhật tại Berlin. Từ năm 1923 Petrov đã bắt liên lạc được với phản gián Xô Viết và cung cấp cho phía Liên Xô mọi thông tin giá trị, trong đó có việc trao đổi thư từ giữa chính phủ các nước khối Antanta, những báo cáo về kinh tế chính trị ở Đức... Giữa những năm 1920, nhân danh phản gián Nhật, Petrov đã tuyển dụng ba điệp viên: lãnh đạo quân báo Đức, điệp viên Anh Enlis và một giám đốc của "Doiche Verke".

  Đầu những năm 1930, Petrov mở rộng mạng lưới điệp viên của mình, tiếp xúc với tình báo và phản gián Đức, với Bộ Ngoại giao Đức và với giới tài chính công nghiệp ở Berlin. Nhưng ông đã tỏ ra sốt sắng quá. Vì vậy Trung ương đã nghi ngờ mối quan hệ của ông với phản gián một vài nước như Nhật, Anh, Pháp, Đức nên đã ngừng tiếp xúc với ông vào năm 1935. Năm 1937 người ta muốn phục hồi lại nhưng những cuộc trấn áp cản trở chuyện đó.

  Biên chế của cơ sở tình báo ở Berlin cho tới trước năm 1928 lên tới 250 người, trong đó có Constantin Basov (Ian Abontn), chính là người góp ý tuyển dụng Richard George.

  Trong hoạt động phản gián tất nhiên có thắng có bại, có được có mất. Năm 1927, cảnh sát Pháp đã phá tan cơ sở phản gián ở Pháp. Điều đáng buồn nhất là chính Gian Creme, người lãnh đạo mạng lưới điệp viên, không chỉ là đảng viên cộng sản, mà còn là Trung ương ủy viên, thậm chí ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Pháp, đã bị tổn hại thanh danh. Ông đã cùng vợ chạy được sang Liên Xô. Tuy nhiên Đảng Cộng sản Pháp cũng như phản gián Liên Xô không tránh được những tổn thất nặng nề mới. Chẳng bao lâu sau phản gián Pháp đã vạch trần hoạt động của "mạng lưới thông tin viên công nhân". Những người này đã viết bài về tình hình ở xí nghiệp mình và gửi đăng báo "Nhân đạo", những bài này đã được phản gián Xô Viết xử lý. Một số tình báo Xô Viết và Pháp đã bị bắt.

  Công việc vẫn tiếp tục đều đều. Một điệp viên ngầm tên là Vinarov được cử sang Pháp tạo dựng mạng lưới tình báo phản gián nhằm vào Tây Ban Nha và đã tổ chức được bốn điểm thu phát tin ở Paris và Toulouse, một hình thức phù hợp với những năm chiến tranh.

  ở Italia cũng có một mạng lưới điệp viên rộng lớn. Một trong số họ là Roberto Bartini. Điệp viên này đã tốt nghiệp trường đào tạo phi công, sau đó vừa theo học trường Bách khoa vừa đi làm ở xưởng sửa chữa máy bay. Do môi trường học tập và làm việc Roberto đã có quan hệ sâu rộng trong giới hàng không. Bản báo cáo tổng kết hoạt động của phản gián những năm 1923 - 1924 đặc biệt nhấn mạnh thành tích ở Italia: "... chúng tôi tiếp cận được với mọi tài liệu bảo mật nhất liên quan tới các đơn đặt hàng và mọi thực nghiệm trong lĩnh vực hàng không. Chúng tôi luôn có được những thông tin đầy đủ về tình hình máy bay, phi công với các thông số khác nhau... "

  Quân báo viên ngầm tên là Lev Manevich hoạt động ở Italia với mật danh "Etienne". Manevich tuyển dụng được nhiều điệp viên giỏi, thành lập cơ sở và gửi về Trung Tâm chủ yếu là những thông tin về kỹ thuật quân sự - các bản vẽ và biên bản thử nghiệm các loại máy bay ném bom, máy bay tiêm kích, tàu ngầm mới, loại đại bác 37mm, thiết bị điều khiển hỏa lực pháo đặt trên tàu chiến, về các khí cụ cho phép thực hiện các chuyến bay đêm, về việc điều khiển máy bay và về các chuyến bay của binh đoàn không quân theo đội hình và trong sương mù. Manevich cũng đã ở Tây Ban Nha và mang về từ đó báo cáo cụ thể về không quân của tướng Franco cũng như mẫu mới nhất của máy bay tiêm kích "Messersmit". Ngày 5 tháng 12 năm 1936, Manevich bị bắt giam do bị phản bội. Ông mất ở trại tập trung của Đức ngày 9 tháng 5 năm 1945.

  Trước năm 1925 quân báo Xô Viết có được những thông tin về Mỹ chỉ qua báo chí và một số tư liệu do các cơ sở phản gián ở châu Âu ngẫu nhiên có được và gửi về. Năm 1925 điệp viên ngầm đầu tiên của quân báo đã được tung sang Mỹ. Đó là điệp viên Vladimir Bogdanovich Carlot, tên thật là Verner Racov nhưng vào Mỹ với tên Kark Felic Wolf. Vốn là ng¬ười vùng Kurlandia, xuất thân gia đình gốc Đức Wolf đã được ăn học ở Đức. Năm 1914, Wolf cùng gia đình về Nga, nhưng đầu Thế chiến thứ nhất đã bị quản thúc. Sau cuộc cách mạng tháng hai ông tích cực tham gia công việc cách mạng, thành lập tổ chức tù binh quân sự lớn nhất ở Xiberi, bản thân ông đã bị thương trong chiến đấu với bọn nổi loạn người Tiệp. Sau cuộc cách mạng ở Đức, ông được tung vào nước này tham gia vào đại hội trù bị của Đảng Cộng sản Đức, tham gia vào việc thành lập nước cộng hòa Xô Viết Bremen cho dù nước cộng hòa này tồn tại không được lâu. Sau đó ông là cơ sở cho quân báo Xô Viết ở vùng Bắc nước Đức và ở Vienna. ở đây ông đã phụ trách đào tạo mạng lưới điệp viên cho vùng Balcan. Năm 1923 Wolf phụ trách bộ máy phản gián của Đảng Cộng sản Đức. Chỉ trong một thời gian ngắn ông đã củng cố thành một tổ chức vững mạnh. Sau này trong suốt nhiều năm đó là nguồn điệp viên cho quân báo Xô Viết. Sau khi cuộc cách mạng ở Đức bị đè bẹp, Wolf được triệu về Moscva để rồi không bao lâu sau được phái sang Mỹ. Là thực tập sinh về triết học và xã hội ở trường Đại học Tổng hợp Côlômbia nên Wolf có điều kiện giao thiệp rộng rãi với cánh tả. Từ đó ông đã tìm được những người thích hợp để sau đó tuyển dụng cho phản gián Xô Viết. Và thật kinh ngạc chỉ trong hơn một năm ông đã tạo dựng được cơ sở tình báo tuy không lớn nhưng tài năng hoàn toàn có thể nắm vững được những thành tựu mới nhất thuộc các lĩnh vực hàng không, lực lượng hải quân và hóa học trong quân sự.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 28 Tháng Sáu, 2008, 07:40:59 pm
  Năm 1924, đích thân Vorosilov và Berdin huấn thị điệp viên Lev Triemen trước lúc điệp viên này ra nước ngoài. Lev Triemen vừa là một nhà khoa học vừa là nhạc công. Năm 1921, ông đã làm ra một nhạc cụ điện tử "Triemenvocs" mang tên ông. Từ năm 1928 Triemen mang nhạc cụ "Triemenvocs" đi biểu diễn ở châu Âu, ở Mỹ và được hoan nghênh nhiệt liệt. Mỹ đã cho phép Triemen thành lập hãng điện tử sản xuất nhạc cụ hàng loạt. Nhưng tất cả những cái đó chỉ là "mặt trên của tảng băng". Khó có thể đánh giá hết giá trị của những thông tin do Triemen cung cấp, chỉ tiếc là đã không được sử dụng đúng tầm của nó. Cũng cần nói thêm rằng trong số những người Triemen tiếp cận và có quan hệ đã có những nhân vật tầm cỡ như tướng Eisenhower (sau này là tổng thống thứ 34 của Mỹ), nhà bác học Einstein, Grofs (sau này là quân hàm tướng, phụ trách dự án nguyên tử "Manhattan") Triemen đã tham gia cùng họ lập ra hệ thống bảo vệ công nghiệp quân sự có một không hai, điều chỉnh liên lạc bằng điện thoại giữa Mỹ với châu Âu và các vùng khác. Ông còn nắm vững tiềm năng quân sự của Mỹ và các dự thảo chiến lược trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Thế nhưng cuối năm 1938 khi về đến Liên Xô Triemen lại bị bắt và tuyên án 8 năm tù giam.

  Quân báo hoạt động cả ở Thổ Nhĩ Kỳ, lúc đầu dựa vào các đảng viên cộng sản Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí cả vào các sĩ quan Bạch vệ để giành lấy chính quyền ở Constantinopon và thành lập ở Thổ Nhĩ Kỳ một nước cộng hòa Xô Viết. Ban quân báo còn mở rộng mạng lưới điệp viên ra nhiều phân nhánh (chỉ ở Trapadund đã có tới 200 điệp viên). Song sau thất bại của vụ đảo chính quân sự, Ban quân báo chỉ còn hoạt động bình thường. Đặc biệt các khuôn mặt sáng giá ở cơ sở Ancara đã không còn nữa trừ S.Aralov, cựu lãnh đạo cơ sở. Tuy nhiên Ban quân báo vẫn giữ được quân số tương đối bảo đảm cho việc cải thiện mối quan hệ Liên Xô-Thổ Nhĩ Kỳ. Theo lời mời của phía Thổ Nhĩ Kỳ, bộ trưởng quốc phòng Liên Xô Vorosilov cũng đã sang thăm chính thức đất nước này, một sự kiện chính trị đáng chú ý thời kỳ đó.
Đối tượng được quân báo Xô Viết đặc biệt lưu ý những năm 1920-1930 là Trung Quốc. Tình hình ở đó những năm ấy rất phức tạp và không ổn định: thù trong - cuộc nội chiến giữa các tướng lĩnh quân phiệt, giữa các đảng phái; giặc ngoài - Nhật, Anh, Mỹ can thiệp. Ban ngoại gián thuộc Bộ dân ủy tập trung sinh lực chống Nhật và bọn Bạch vệ ở Cáp Nhĩ Tân, còn Ban quân báo do Berdin lãnh đạo hoạt động chủ yếu ở Thượng Hải, trợ giúp cho quân đội Trung Quốc tham gia vào việc thành lập "các vùng Xô Viết" ở nước này.

  Chính tại Thượng Hải này hai điệp viên ngầm Richard George và Ursula Cutrinxki (Rut Verner), những điệp viên được Berdin "đỡ đầu", đã bắt đầu cuộc đời hoạt động phản gián của mình. Bên cạnh họ còn có rất nhiều điệp viên ngầm ở các cơ sở khác nữa.

  Cuối năm 1932, Ian Berdin nhận được tin về mưu đồ Nhật muốn tách tỉnh Tân Cương ra khỏi Trung Quốc. Tân Cương có vai trò quan trọng đối với Liên Xô: tỉnh giáp giới với Kazastan, dân cư theo đạo Hồi. Trong khi "phía trên cấp cao" thỏa thuận về biện pháp thì ở Tân Cương đã nổi dậy dưới sự lãnh đạo của tướng Mã Dung, người địa phương. Ian Berdin đã đề nghị trấn áp và được Stalin chấp thuận. Trung đoàn 13 của Bộ dân ủy nội vụ được bố trí đóng quân ở Anma Ata đã ăn mặc quần áo dân sự và cất hết giấy tờ rồi đột nhập Tân Cương với tư cách "quân tình nguyện Antai". Quân nổi loạn của tướng Mã đã bị đập tan một cách dễ dàng. Sau đó một nhóm quân báo đã được phái tới Tân Cương để củng cố chiến thắng. Họ đã giúp chính quyền hợp pháp của địa phương thành lập quân đội chính quy và ổn định lại trật tự.

  Tuy nhiên đội quân báo của Berdin không chỉ gặt hái thắng lợi mà còn bị những tổn thất nặng nề.

  Vào cuối những năm 1920 và đầu những năm 1930, sau hàng loạt thất bại và tổn thất, mạng lưới điệp viên ngầm của quân báo thực sự bị xóa sổ ở các nước Rumani, Latvia, Pháp, Phần Lan, Estoni, Italia và chỉ còn tồn tại ở Đức, Ba Lan, Trung Quốc và Mãn Châu thuộc Trung Quốc. Tổn thất quá nhiều và những chuyện ầm ĩ quanh vấn đề này trên báo chí nước ngoài đã khiến Stalin cũng để ý. Ngày 29 tháng 3 năm 1934 ông đã phát biểu "Bàn về chiến cục ở nước ngoài về gián điệp Xô Viết" tại phiên họp của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản bolsevich. Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ tìm hiểu nguyên nhân tổn thất cho phòng đặc trách của Bộ dân ủy. Kết luận điều tra thật buồn và bi thảm đối với Berdin: "Quá trình tìm hiểu xem xét nguyên nhân các thất bại dẫn tới tổn thất nặng nề, xóa sổ các cơ sở lớn nhất cho thấy đó là hậu quả của việc để lọt bọn phản bội trà trộn vào, việc tuyển chọn điệp viên nước ngoài có quá khứ và các mối quan hệ đáng ngờ, việc không tuân thủ nguyên tắc bảo mật, lãnh đạo không chặt chẽ của chính Ban 4 thuộc Bộ tham mưu tạo điều kiện cho việc để lọt vào một số lớn các thông tin không xác thực làm chúng ta mất hướng". Tất cả mọi nguyên nhân nêu ra đều được xác định bằng những sự kiện thực tế.

  Sau khi đọc báo cáo Stalin quyết định xem xét lại vấn đề một lần nữa ở Bộ Chính trị vào ngày 26 tháng 5 năm 1934. Và ngày này có thể coi là bắt đầu ngày tàn của Berdin.

  Artuzov, điệp viên lão luyện của ngoại gián, đã được chuyển từ Bộ dân ủy sang làm phó ban quân báo. Ông "đem theo" gần ba mươi điệp viên  để phụ trách các tiểu ban.

  Không bao lâu sau vào tháng 2 năm 1935 lại xảy ra một tổn thất trầm trọng nhất ở Đan Mạch. Bốn điệp viên có trọng trách của phản gián Trung ương đã bị bắt tại cơ sở mật mà họ tới đây lại không phải vì công việc: ba trong số họ rẽ qua cơ sở chỉ để thăm bạn bè. Trong báo cáo về vụ việc trên Artuzov đã nhận định: "Rõ ràng là thói quen đi lại thăm hỏi bạn bè như ở quê nhà ở đây khó có thể bài trừ".
Tổn thất này ở Copenhago được gọi là "hội thảo các điệp viên", đã chấm dứt con đường công danh của Berdin ở bên quân báo. Ông đã xin từ chức và được Stalin chấp thuận. Thay thế ông là quân đoàn trưởng Uriski, còn Berdin được cử tới Viễn Đông "lưu đày trong danh dự".

  Tới Khabarovsc ông lập tức bắt tay vào nhiệm vụ ở vị trí trợ lý cho Blukhe, người mà ông học tập được rất nhiều chỉ trong vài tháng ở Viễn Đông. Blukhe truyền cho Berdin không chỉ tri thức quân sự mà cả kinh nghiệm thời ông làm cố vấn ở Trung Quốc với bí danh Galin. Những kinh nghiệm đó rất bổ ích cho Berdin sau này.

  Ngày 18 tháng 7 năm 1936 ở Tây Ban Nha xa xôi trong bản tin thời tiết đã nhắc đi nhắc lại ba lần câu "Trên toàn đất nước trời không mây". Đó chính là tín hiệu cho vụ nổi loạn của bọn phát xít. Quân đội dưới sự lãnh đạo của tướng Franco đã nổi dậy chống lại chế độ cộng hòa, chống lại chính phủ hợp pháp của Mặt trận dân tộc. Để chống lại, khắp thế giới dấy lên một phong trào bảo vệ nước cộng hòa Tây Ban Nha. Trong hai tháng 10 và 11 năm 1936 đã hình thành những đội quân quốc tế thu hút hơn ba mươi lăm ngàn chiến sĩ từ 54 nước, đủ quốc tịch Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Do Thái, Hungari, Ba Lan... Liên Xô không đứng ngoài cuộc và cũng đã cử tới Tây Ban Nha những người tình nguyện của mình - những phi công, chiến sĩ xe tăng, bộ binh và các điệp viên.

  Tháng 8 năm 1936, Berdin nhận được lệnh triệu hồi gấp về Moscva và ở đây ông đã nhận được điều mình mơ ước ngay từ lúc mới xảy ra vụ nổi loạn: sang Tây Ban Nha làm trưởng cố vấn quân sự. Ông đã thầm cảm ơn Blukhe về mọi câu chuyện kể trước đây.

  Chỉ sau đó vài ngày tướng Grisin (tên mới của Ian Berdin) đã lên đường đi châu Âu trên con tàu Moscva-Paris.

  Vừa tới nơi Berdin đã bắt tay ngay vào việc, tạo mối quan hệ rất tốt trong công việc với thủ tướng Largo Cabalero, bộ trưởng quốc phòng và các nhà lãnh đạo khác trong chính phủ và quân đội. Nhóm cố vấn quân sự Xô Viết do ông lãnh đạo đều có tên tuổi là các nguyên soái và tướng lĩnh tương lai, các Anh hùng của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại sau này như Malinovski, Meretscov, Voronov, Cuznexov, Rodinsev, Batov, Conpacri... Công lao cơ bản của tướng Grisin - Berdin, cố vấn quân sự Liên Xô tại Tây Ban Nha đối với đất nước này là ở chỗ nhờ ý chí, sự kiên trì khéo léo của ông mà vào tháng 11 năm 1936 quân đội Cộng hòa Tây Ban Nha với sự trợ giúp của các đội quân quốc tế đã đánh bại sự tấn công của quân Franco giữ vững Madrid mà số phận lúc đó đã treo trên sợi tóc, thậm chí Franco còn đã ấn định sẽ duyệt binh tại một trong những quảng trường trung tâm thành phố vào ngày 7 tháng 11.
 
  Mùa xuân năm 1937, Berdin bị triệu hồi đột ngột. Vào thời kỳ lộn xộn dữ dội đó, những lệnh triệu hồi bất ngờ ấy chỉ có nghĩa hoặc là bắt giam hoặc là cái chết. Nhưng với Berdin mọi việc lại thật bất ngờ đúng với nghĩa của nó: Ông được tặng thưởng Huân chương Lenin, thăng hàm tướng và thăng chức trưởng ban. Đó là do trước hôm ông nhận thưởng Stalin đã có bài phát biểu tại phiên họp mở rộng của Hội đồng quân sự Bộ Quốc phòng, trong đó Stalin nhấn mạnh "Chúng ta đã đánh tan bọn tư sản ở mọi lĩnh vực, duy trong lĩnh vực tình báo chúng ta lại bị đánh tơi tả như bọn trẻ vậy. Đó chính là điểm yếu của chúng ta. Chúng ta đã không có được mảng phản gián, mảng tình báo thực sự... Nhiệm vụ của chúng ta là phải vực nó dậy. Đó là cặp mắt, là đôi tai của chúng ta."

  Ngày 3 tháng 6 năm 1937, Berdin tiếp nhận bàn giao của cựu trưởng ban Uriski và lại ngồi vào phòng làm việc của mình. Song lần "lên ngôi" thứ hai này của ông kéo dài không lâu. Ông chưa kịp làm gì mà lại phải "chủ tọa" ngồi nhìn những điệp viên xuất sắc của mình lần lượt bị diệt trừ. Ông buộc phải phát biểu tại các cuộc họp Đảng và phiên họp của chi ủy gọi những người đồng chí cùng sát cánh hoạt động bao nhiêu năm, nhưng bây giờ đã bị các cơ quan của Bộ dân ủy nội vụ bắt giam coi là "kẻ thù của nhân dân", là bọn gián điệp và những tên khủng bố. Ông đã nghĩ gì vào những giây phút nặng nề đó? Liệu ông có tin họ thực sự là kẻ thù đã khôn khéo biết che đậy bấy lâu không? Có thể đúng là mọi tổn thất trước nay là do sự phản bội của họ không? Hay ông đã không tin và có băn khoăn thắc mắc tại sao bỗng chốc người ta lại bắt tay vào việc tiêu diệt những Con người trung thực, trung thành với đất nước và sự nghiệp vậy? Ngay tới bây giờ cũng không ai biết được những suy nghĩ của ông.

  Ngày 19 tháng 8 năm 1937, tại cuộc họp những cán bộ cốt cán của Đảng mọi người đã được thông báo rằng "Trưởng ban phản gián Berdin đã bị cách chức cách đây 15 hôm vì liên quan tới những kẻ thù nhân dân đã bị bắt giam là Niconov, Volin, Stenmac".

  "Kẻ thù nhân dân" tiếp tục bị đưa ra ánh sáng và đội ngũ Ban phản gián theo đó cũng ngày càng giảm đi. Về những vụ bắt giam họ đã được tuyên bố tại các cuộc họp ngày 7 tháng 9, ngày 15 tháng 10 và ngày 15 tháng 11. Cuối cùng chi ủy đã tuyên đọc thêm một danh sách hai mươi hai người bị bắt giam nữa. Danh sách không chỉ theo vần, mà còn theo chức vụ và đứng đầu danh sách là Ian Carlovic Berdin.

  Không thể xác định chính xác con số những cán bộ bị bắt giam của Ban phản gián vì rất nhiều người bị bắt với tư cách dân thường, bởi họ đã bị thải hồi từ trước đó vài tháng. Chỉ biết là cả bộ máy lãnh đạo của Ban quân báo và tất cả các trưởng ban đều bị tiêu diệt. Việc trấn áp thanh lọc vẫn tiếp tục cả năm 1938, chỉ trong hai năm cả bộ máy lãnh đạo giỏi giang dày kinh nghiệm của Ban quân báo đã bị xoá sổ hoàn toàn.

  Ngày 29 tháng 7 năm 1938, Ian Berdin đã bị xử bắn. Mãi nhiều năm sau ông mới được minh oan.

  Về Ian Berdin đã có một huyền thoại được viết lại trong cuốn "Lịch sử phản gián thế giới" của hai nhà nghiên cứu người Pháp R. Faligo và R. Coffere: "Ông đã bị bắt giam bị tuyên án "phản cách mạng" và bị xử bắn ngày 29 tháng 7 năm 1938. Nhưng năm 1984, chúng tôi lại có được chứng cớ là ông vẫn còn sống. Dưới cái tên Vaxia, Berdin vẫn tiếp tục hoạt động bí mật cho tới những năm 1960. Cho tới hôm nay thì những thông tin bổ sung khẳng định luận thuyết trên không có. "Và cho dù đó là huyền thoại nhưng ta vẫn muốn tin."


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 29 Tháng Sáu, 2008, 10:08:54 am
30 - ARTUR ARTUZOV (1891-1937)
Những thành công và cay đắng



  Artur Artuzov tên thật là Frautri, cha là người Thụy Sỹ lưu vong sang Nga từ năm 1861 làm nghề sản xuất pho mát theo kiểu thủ công, mẹ là người Latvia. Ông sinh năm 1891 tại làng Utstino Casixki, một làng quê hẻo lánh vùng Tverxki và tự coi mình là người Nga lâu đời. Hai bác rể của ông, một là Kedrov, một người bolsevich, một nhà tình báo đã hi sinh vì những vụ trấn áp vô căn cứ, người kia là Podvoixki cũng là đảng viên cộng sản.

  Artur say mê âm nhạc từ nhỏ (ông có giọng nam cao thật ngọt ngào). Vì vậy sau khi tốt nghiệp xuất sắc trường trung học, sau đó là trường đại học Bách khoa Petrograd vào năm 1917, Artur đã mơ ước được học ở nhạc viện. Giáo sư Grum Grưgimailo có lời mời chàng trai mới tốt nghiệp làm việc cho "Văn phòng luyện kim" của mình. Nhưng Artur đã không làm diễn viên cũng chẳng là kỹ sư.

  Tháng 12 năm 1918, giữa lúc cuộc Nội chiến diễn ra ác liệt nhất, Trung ương Đảng Cộng sản bolsevich đã quyết định bổ nhiệm Kedrov phụ trách bộ phận đặc nhiệm của ủy ban khẩn cấp toàn Nga chống bọn phản cách mạng và khủng bố. Artur trở thành thư ký cho ông bác và là một nhân vật có đặc quyền ở bộ phận này.

  Nhiệm vụ đầu tiên Artur hoàn thành độc lập là vụ thâm nhập vào cái gọi là "Trung tâm dân tộc" chống phá bolsevich. Trung tâm bị phát hiện thật tình cờ. Trong một lần vây ráp chợ người ta đã bắt giữ một cô bé mười lăm tuổi đang cố vứt bỏ khẩu súng lục trong người. Cô bé tình cờ đã làm lộ ông bố tên là Biurs và ở chỗ ông ta đã phát hiện được hầm bí mật với các báo cáo tình báo và các địa chỉ liên lạc. Tên Biurs quá khiếp sợ đã khai nhận có tham gia vào việc chuẩn bị nổi loạn ở Petrograd và giữ chân liên lạc cho bộ máy lãnh đạo của "Trung tâm". Cô bé còn khai thêm một "quý cô" nào đó. Cô này đã bị bắt giam và Artur trực tiếp hỏi cung một cách nhẹ nhàng khôn khéo. Cô này khai ra tên cầm đầu, rồi qua tên này phát hiện ra tên điệp viên ngầm của Anh là Ducs. Từ đó khẳng định mối nghi ngờ rằng các tổ chức bí mật ít nhiều có liên quan tới cơ quan phản gián của các nước thuộc khối Antanta. Thành công đã giúp cho Artuzov trưởng thành trong nghiệp vụ và không bao lâu sau ông đã được giao độc lập phụ trách một mảng hoạt động riêng.

  Nội chiến kết thúc, những thế lực chủ yếu chống phá chính quyền Xô Viết là các tổ chức của bọn Bạch vệ lưu vong hoạt động với sự trợ giúp của các tổ chức phản gián các nước khối Antanta. Xuất phát từ tình hình đó Ban nước ngoài (INO) của Cục Đặc nhiệm toàn liên bang đã ra đời. Một trong những người điều hành là Artuzov. INO có nhiệm vụ nghiên cứu theo dõi hoạt động của các tổ chức phản cách mạng lưu vong, tìm hiểu rõ mọi kế hoạch của bọn chúng, việc bố trí các chi nhánh và điệp viên trên khắp lãnh thổ Liên Xô, làm phân hóa từ bên trong các tổ chức của chúng, đập tan mọi phương kế phá hoại, khủng bố của địch. Một trong những thành tích đầu tiên của INO trong năm 1921 là tìm ra mật mã của các tổ chức chống Liên Xô ở London và Paris.

  Đầu năm 1921, Savincov, một kẻ khủng bố, đảng viên xã hội cách mạng nổi tiếng đã đứng ra thành lập ở nước ngoài một tổ chức chiến đấu lấy tên "Liên minh dân tộc bảo vệ đất nước và tự do". Tại Nga người ta đã bắt giam gần 50 hội viên tích cực của "Liên minh", vạch trần mối liên hệ giữa tổ chức của Savincov với các cơ quan phản gián Ba Lan và Pháp, bóc trần mưu đồ chuẩn bị nổi loạn và thâm nhập vào nước Nga. Thấy rõ mức độ nguy hiểm của phong trào Savincov và của chính hắn, INO bắt đầu "trò chơi" dưới tên gọi "Nghiệp đoàn". Họ tung tin rằng một "phân hội" có tên "Các nhà dân chủ tự do" đã ra đời ở nước Nga. Và dường như phân hội này đã sẵn sàng cho những hoạt động quyết liệt chống lại bolsevich và rất cần có một người lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm tầm cỡ như Savincov. Bắt đầu tích cực trao đổi thư từ, Savincov đã gửi điệp viên tới Moscva trợ giúp cho phân hội "Các nhà dân chủ tự do". Các điệp viên này hoặc bị bắt giam hoặc được chiêu mộ lại, đôi khi "không bị phát hiện" để những tên này quay trở lại Paris báo cáo một cách khách quan về hoạt động của phân hội. "Trò chơi" kéo dài ba năm và đã được miêu tả cụ thể trong văn học hoặc đã được dựng thành phim. Cùng với trò chơi "Nghiệp đoàn", Artuzov còn cùng một số cán bộ lãnh đạo khác triển khai chiến dịch "Tơrớt" cũng thành công không kém.
 
  Thành công của Artuzov còn trong việc tổ chức hoạt động phản gián bí mật ở nước ngoài. Một trong những điệp viên ngầm tin cậy của ông là Roman Birk, sĩ quan quân đội người Estonia, được tuyển chọn từ lúc triển khai chiến dịch "Tơrớt" và từ đó đã hoàn thành không ít nhiệm vụ. Điệp viên này đã sinh cơ lập nghiệp ở Đức và tạo dựng được nhiều mối quan hệ trong hàng ngũ sĩ quan quân báo và quốc xã Cục Đặc nhiệm Đức cũng như trong giới chức trách thân cận với chính phủ. Thông tin của Birk đều đặn chuyển về cho mãi tới năm 1934 khi ông buộc phải rời khỏi Đức. Một điệp viên khác là Nicolai Crotsco. Hoạt động của ông đóng góp nhiều cho việc phanh phui nhiều mưu đồ xảo trá của địch cũng như việc công nhận Liên Xô về mặt ngoại giao.

  Tháng 1 năm 1930, tại phiên họp của Bộ Chính trị Artuzov đã đọc báo cáo về tình hình hoạt động phản gián, về những thất bại và nguyên nhân của chúng. Sau đó hè năm 1931, thủ trưởng của INO chuyển công tác khác, Artuzov lên thay. Theo chỉ thị của Stalin ông bắt tay vào cải tổ hoạt động ngoại gián mà phạm vi nhiệm vụ đã mở rộng đáng kể.

  Nếu như trước đây mục tiêu là bọn Bạch vệ lưu vong, thì bây giờ hoạt động ngoại gián chú ý cả đến Anh, Pháp, Đức, Nhật và các nước sát biên giới, nhằm thu thập các thông tin về khoa học kỹ thuật cũng như kế hoạch của chính phủ các quốc gia đó.

  Dưới sự điều hành của Artuzov mọi hoạt động cả bí mật cũng như công khai đều được đẩy mạnh. Thời gian này đúng lúc Liên Xô được các nước công nhận nên càng tạo điều kiện cho hoạt động phản gián mở rộng phát triển.

  Vấn đề quan trọng trước mắt đối với lãnh đạo là thái độ của Ba Lan đối với Đức và Liên Xô. Hè năm 1933, hội nghị đại diện Bộ dân ủy ngoại giao, Ban thông tin quốc tế Trung ương Đảng, Cục Phản gián và INO đã được triệu tập tại Cremli. Tất cả mọi người đều báo cáo Stalin là Ba Lan đã ngả về Liên Xô, và chuyện liên minh chỉ là ngày một ngày hai. Riêng mình Artuzov tuyên bố không bao giờ Ba Lan bắt tay với Liên Xô và căn cứ vào những thông tin có được thì khả năng Ba Lan sáp gần với Liên Xô chỉ là bước đi có tính chiến lược nhằm làm ta mất cảnh giác. Khi ấy không một quyết định nào được thông qua, song Stalin đã ghi nhớ lời phát biểu của Artuzov. Và không bao lâu sau những nhận định của Artuzov đã được thực tế chứng minh: Ba Lan đã ký hiệp ước liên minh với Đức.
 
  Công việc cứ tiếp diễn. Đúng lúc Artuzov nắm quyền điều hành INO, một điệp viên ngầm là Arnold Deitch đã đặt cơ sở cho việc thành lập "Bộ ngũ" nổi tiếng của Cambridge: Đó là Kim Filby, Donald Maklean, Guy Burgess, Anthony Blunt, John Caincross và nhiều người vô danh khác nữa. Chính vào thời kỳ Artuzov lãnh đạo là lúc bắt đầu cuộc đời hoạt động phản gián của các nhà tình báo nổi tiếng Zarubin, Corotcov, Bưstroliotov, Rosin.... với vụ bắt cóc tướng Cutepov đã giáng cho bọn Bạch vệ một đòn đích đáng hay như hoạt động của điệp viên xuất sắc nhất, điệp viên "Franchesco" mà cho tới giờ tên thật vẫn còn là bí mật. Điệp viên này đã cung cấp số tư liệu mật về lĩnh vực ngoại giao nhiều đến mức có thể in ra tới vài chục tập.
   
  Tất nhiên có thể coi Artuzov là cha đỡ đầu của "Dàn đồng ca đỏ" ở Berlin. Chính có Artuzov nắm quyền điều hành nên "chuẩn úy" Harro Schulze-Boysen, "anh chàng đảo Corse" Arvit Harnar, "cụ già" Adam Cuckhov và nhiều người khác đã gia nhập hàng ngũ điệp viên Xô Viết.
Thời gian này bên quân báo liên tiếp chịu hàng loạt tổn thất. Stalin phải ra quyết định áp dụng những biện pháp khẩn cấp. Ngày 25 tháng 5 năm 1934, Artuzov được lệnh về Cremli. Lúc 13 giờ 20 phút ông bước vào phòng làm việc của Stalin và đã thấy Vorosilov và nguyên soái Iagoda ngồi chờ. Cuộc trao đổi cụ thể kéo dài sáu tiếng. Artuzov được đề nghị chuyển xuống Cục Phản gián.

  Chuyển sang bộ phận khác, cho dù cùng một loại công việc nhưng chức vụ bị giảm lại không có một bảo đảm tương lai nào thì tất nhiên chẳng ai muốn. Artuzov thừa hiểu rằng vốn là một cán bộ dân sự thì không bao giờ trở thành cán bộ lãnh đạo cơ quan quân báo được. Nhưng trong cuộc trao đổi Stalin đã nói: "Ngay từ thời Lenin Đảng ta đã rất có kỷ luật và một đảng viên cộng sản có nghĩa vụ nhận bất kỳ nhiệm vụ nào được giao phó". Câu ấy không cho phép từ chối công việc với bất kỳ hình thức nào. Là đảng viên, Artuzov làm sao có thể tranh cãi với Tổng Bí thư. Ông chỉ còn nước xin được mang theo nhóm cộng sự mà ông đào tạo được trong quá trình làm ở INO và Stalin đã chấp thuận.

  Thế là cùng chuyển sang công tác mới với Artuzov có hai, ba chục cán bộ đảm nhận những chức vụ cao. Sau này tháng 11 năm 1935, Artuzov, cựu cục trưởng quân báo Radovedup Berdin, cục trưởng đương chức Uriski và các cán bộ khác như Carin, Steinbruc đều được phong là chính ủy quân đoàn (tương đương hàm trung tướng).

  Tháng 6 năm 1934, Artuzov trình lên Stalin và Vorosilov bản báo cáo chi tiết về hoạt động của Cục có phân tích cụ thể những thất bại và khiếm khuyết. Báo cáo có nhận xét là các cơ sở tình báo ngầm về thực chất đã không còn tồn tại ở Rumani, Latvia, Pháp, Phần Lan, Estonia, Italia và chỉ còn ở mỗi Đức, Ba Lan, Trung Quốc và Mãn Châu. Theo Artuzov, sai lầm nghiêm trọng là đã tuyển chọn điệp viên trong số đảng viên cộng sản nước ngoài và những nhân vật có quan hệ với các Đảng Cộng sản. Ông đề nghị tán thành nguyên tắc "Không tuyển chọn điệp viên hoạt động ở một nước nào đó ngay trong số đảng viên cộng sản của chính nước đó." Tiếc là ý kiến của ông đã không được chú ý tới và chỉ còn là trên giấy tờ.

  Artuzov đề xuất hàng loạt đề nghị cải tổ cơ cấu, cụ thể là đề nghị tổ chức theo INO, loại bỏ bộ phận phân tích thông tin. Đó là một sai lầm của Artuzov và đã ảnh hưởng tới việc chuẩn bị cho chiến tranh của bộ phận quân báo.

  Công việc tiến hành đều đều. Tháng 10 năm 1935, điệp viên Sandor Rado, đảng viên Đảng Cộng sản Hungari, đến Moscva và được Artuzov giới thiệu với cục trưởng phản gián. Trong khi trò chuyện trao đổi hai bên đã nảy sinh kế hoạch thành lập cơ sở phản gián mới lấy tên là "Dora". Cơ sở sau này trở nên nổi tiếng. Nhưng không bao lâu sau đã xảy ra vụ bại lộ gọi là "cuộc hội kiến các điệp viên", một thất bại nhục nhã lớn nhất trong lịch sử phản gián Xô Viết. Thủ phạm chính là Ulanovxki phụ trách cơ sở liên lạc ở Đan Mạch, do điệp viên này bất chấp lệnh cấm vẫn tiếp tục tuyển chọn những người cộng sản. Hậu quả dẫn tới sự phản bội, trong hai ngày 19 và 20 tháng 2 năm 1935, cảnh sát Đan Mạch đã bố trí mai phục địa điểm liên lạc và bắt đi bốn cán bộ Trung Tâm và mười điệp viên nước ngoài thuộc Ban quân báo. Những người bị bắt đều không có việc gì cần đến Trung Tâm mà chỉ tiện đường qua Đan Mạch rồi rẽ qua địa điểm liên lạc để "gặp gỡ bạn bè".

  Trong báo cáo gửi Bộ Quốc phòng, Artuzov đã vạch ra: "Rõ ràng là việc bỏ phong tục thăm hỏi bạn bè của quê hương mình là điều thật khó khăn". Vorosilov sau khi đọc xong báo cáo đã kết luận: "Qua bản báo cáo rất mơ hồ và ngây thơ thấy rõ một điều là cơ quan phản gián nước ngoài của ta vẫn còn hoàn toàn què quặt. Và đồng chí Artuzov đóng góp cho chúng ta quá ít trong việc hoàn thiện công việc quan trọng này... "

  Sau vụ việc trên cục trưởng phản gián Berdin đã đệ đơn từ chức và được chuẩn y. Uriski một cán bộ năng động và quyết đoán lên thay. Nhưng cả Berdin, cả Uriski cũng như Artuzov đều không củng cố được ý thức kỷ luật: Họ hoặc không chịu tuân thủ triệt để những yêu cầu sơ đẳng nhất, hoặc không thực thi cặn kẽ thận trọng chỉ thị của cấp trên. Đã thế lại còn có sự chia rẽ nội bộ, có sự phân biệt và ganh ghét nhau giữa người của Berdin, của Artuzov và của Uriski khiến mối quan hệ giữa Artuzov và Uriski có phần rạn nứt. Thủ trưởng mới chuyên quyền và thô bạo đã ra những chỉ thị mang tính nhạo báng, thậm chí không bao lâu sau còn qua mặt không thèm bàn bạc gì với cục phó là Artuzov.

  Rồi năm 1936, vào lúc ở Liên Xô có hàng loạt những vụ bắt giam những người cộng sản nước ngoài, Uriski đã nhân đà nêu lên "những mối ngờ vực về mặt chính trị" không rõ ràng về trợ lý gần gũi của Artuzov là Steinbruc, vốn là người Đức.

  Ngày 11 tháng 1 năm 1937, nguyên soái Vorosilov đã yêu cầu Bộ Chính trị ra quyết định chuyển hai ông về Bộ dân ủy Nội vụ. Artuzov không được phụ trách bộ phận ngoại gián mà chỉ đảm trách một chức vụ nhỏ là điều hành phòng đặc biệt của Bộ nội vụ, nghe thì rất kêu nhưng thực chất chỉ là phòng lưu trữ hồ sơ.

  Artuzov tìm mọi cách gặp và viết thư cho Ezov nhưng không làm được. Vậy là thời gian đối với Artuzov đã được định đoạt chỉ ngày một ngày hai.

  Nhân viên Cục Phản gián bị bắt giam hàng loạt. Các cán bộ lãnh đạo - tất cả cán bộ phụ trách các phòng và rất nhiều nhân viên cấp dưới đều bị loại trừ. Cơ cấu đội ngũ điệp viên có thay đổi về độ tuổi và quốc tịch. Thay thế cho những người Latvia, Ba Lan và Do Thái là người Nga. Thay thế cho các cấp tướng bây giờ là các thiếu tá, những người mới tốt nghiệp học viện quân sự và ở cột khai thành phần xuất thân đều thấy ghi "công nhân", "nông dân". Cần phải thừa nhận là họ đã làm được một điều kỳ diệu. Đội quân phản gián bị đánh tan tác, sống dở chết dở, không có triển vọng chỉ hơn hai năm sau đã hồi sinh và trở thành một trong những lực lượng mạnh nhất thế giới ở Thế chiến thứ hai.

  Còn với riêng Artuzov thì chuyện gì đã xảy ra với ông?

  Ngày 13 tháng 5 năm 1937, tại cuộc họp những đảng viên tích cực của Bộ dân ủy Nội vụ Frinovxki, một cán bộ lãnh đạo của Cục đã tố cáo ông là gián điệp. Lập tức đêm hôm đó Artuzov đã bị bắt ngay tại phòng làm việc của mình. Những tên đao phủ, chiến hữu cùng một tổ chức trước kia đã "làm việc" với ông suốt hai tuần liền. Và đã không uổng công. Không chịu được những cuộc hỏi cung liên miên, con người mạnh mẽ đó đã đầu hàng, sẵn sàng không chỉ nhận mọi lỗi lầm về mình mà còn khai bừa ra những người khác, đặc biệt là Steinbruc. Vụ việc của Artuzov được ghi thành hai biên bản hỏi cung: ngày 27 tháng 5 và ngày 15 tháng 6 năm 1937.

  Ngày 21 tháng 8 năm 1937, Artuzov đã bị tuyên án tử hình và bản án được thi hành ngay hôm đó.

  Mãi năm 1956 ông mới được phục hồi danh dự.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 29 Tháng Sáu, 2008, 05:34:10 pm
31 - KENDZI DOIKHARA (1891-1948)
Âm mưu thuốc phiện hóa Trung Quốc



  Từ xa xưa Nhật Bản đã coi hoạt động tình báo là một công việc vẻ vang tôn quý. Một người Nhật từ nước ngoài về mà không đem theo cho dù một bí mật rất nhỏ của nước sở tại trong một chừng mực nào đó sẽ bị xem như người kỳ quặc. Người Nhật luôn có xu hướng tuyển mộ số lượng khổng lồ điệp viên từ đủ mọi nghề như thợ cắt tóc, nha sĩ, chủ trang trại, doanh nhân, thợ nấu ăn và hàng trăm ngành nghề khác. Ngay cả sĩ quan cấp cao cũng không thấy xấu hổ khi đóng vai đầy tớ hoặc phu xe, miễn là chuyện đó có ích cho Nhật hoàng. Nhiều khi kết quả hoạt động như vậy chẳng được là bao so với nỗ lực đã bỏ ra, nhưng dù sao tích cóp mãi rồi gió cũng thành bão. Tình báo Anh trong hồ sơ về chiến tranh Nga-Nhật đã ghi nhận: "Hệ thống tình báo xuất sắc của Nhật với sách lược riêng của mình góp phần đáng kể cho thắng lợi trên mặt trận của quân đội Nhật".

  Chàng thanh niên Kendzi Doikhara sớm bộc lộ năng khiếu hoạt động tình báo của mình. Nhà nghèo anh vẫn thi đỗ vào Học viện quân sự thuộc Bộ tổng tham mưu và tốt nghiệp hạng ưu. Bạn bè cùng học thán phục tài cải trang, thay hình đổi dạng xuất sắc của anh. Kendzi có thể thay đổi cả dáng đi, gày đi 20 cân trong vòng mấy ngày. Anh rất thích hóa trang thay đổi khuôn mặt như một diễn viên hát kịch "Nô". Doikhara nắm vững hoàn hảo ba phương ngữ Trung Quốc và thông thạo không dưới mười thứ tiếng châu Âu. Một vài người khẳng định chị Kendzi là phi tần của hoàng đế Ioshikhito mới lên ngôi nên chàng sĩ quan trẻ có điều kiện thăng tiến trong binh nghiệp.

  Đầu những năm 20, Kendzi Doikhara làm thư ký cho tham tán quân sự, tướng Hondze Shigeru tại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh và đã tháp tùng sếp của mình đi khắp đất nước Trung Quốc, đã nghiên cứu tìm hiểu các thành phố lớn Thượng Hải, Thiên Tân, Nam Kinh. Năm 1925, Doikhara nhận nhiệm vụ tới Mãn Châu Lý. Vùng này chiếm một vị trí đặc biệt trong kế hoạch xâm chiếm của Nhật. Chiếm được hoặc nắm được quyền kiểm soát Mãn Châu Lý sẽ được coi là bàn đạp thôn tính năm tỉnh miền Bắc Trung Quốc. Vì vậy mục tiêu hàng đầu của điệp viên mới vào nghề Doikhara là chuẩn bị cho việc thôn tính vùng này.

  Doikhara từ từ bắt tay vào công việc. Đầu tiên là thiết lập mối quan hệ với tổ chức "Rồng đen", trụ cột của phản gián Nhật. Mục tiêu của "Rồng đen" là khôi phục lại vương triều nhà Thanh của Mãn Châu Lý dưới sự giám hộ và bảo trợ của Nhật. Nhân vật dành cho ngôi vị này đã được Doikhara nhắm ngay từ năm 1924. Đó là Phổ Nghi, khi đó vẫn còn là một cậu bé. Phổ Nghi sinh năm 1906, mới ba tuổi đã lên ngôi kế vị và là hoàng đế cuối cùng bị Cách mạng lật đổ ở Trung Quốc. Doikhara giữ Phổ Nghi trong tầm tay, nuôi dưỡng để chờ thời cơ. Doikhara còn nuôi cả một đội quân Hán gian lớn để thu thập thông tin, thực thi những hoạt động phá hoại, khủng bố và tổ chức những cuộc xung đột huynh đệ tương tàn. Trong khi đó Doikhara không bỏ lỡ Nga Xô. Ông ta đã thành lập các đội tình báo riêng gồm nhiều quân Bạch vệ. Nhóm lớn nhất, nhóm chiến đấu phá hoại ngầm gồm năm ngàn tên tội phạm người Nga bỏ trốn khỏi đất nước cùng với quân Bạch vệ.

  Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại Doikhara điều hành mạng lưới phản gián của mình bằng sức hấp dẫn quyến rũ đến đam mê của thuốc phiện. Ông ta đã biến tất cả những cái gọi là câu lạc bộ ở Trung Quốc thành các phòng tiếp tân ăn chơi sang trọng, thành các sòng bạc, ổ mại dâm trụy lạc và chủ yếu là nơi hút thuốc phiện. Theo đề nghị của ông ta các nhà máy thuốc lá ở Nhật cho sản xuất loại thuốc mới nhãn hiệu "Con dơi vàng". Thuốc chỉ để xuất khẩu, cấm tuyệt đối bán ở nội địa. Mỗi điếu thuốc có tẩm một lượng nhỏ thuốc phiện hoặc hêrôin. Người tiêu thụ không hề nghi ngờ tự nhiên trở thành con nghiện. Cục Phản gián của Doikhara trả lương cho điệp viên lúc đầu một nửa bằng tiền một nửa bằng thuốc phiện, sau đó hoàn toàn bằng thuốc phiện. Và thế là các điệp viên nghiện ngập đã thành vũ khí lợi hại ngoan ngoãn trong tay Doikhara.

  Năm 1926, nhận nhiệm vụ "điệu" Giang Gio Lin, thủ lĩnh quân phiệt Mãn Châu Lý ra khỏi căn cứ của mình, Doikhara đã thuyết phục hắn trả thù Bắc Kinh về những thất bại trước đó. Hắn đã đem quân đi Bắc Kinh và vắng mặt ở Mãn Châu Lý gần hai năm. Song tướng U Sutren tạm thay thế y đã đề nghị hắn về. Con tàu chở hắn đã nổ tung, hắn chết tan xác. Thủ phạm thực của vụ tai nạn đó không rõ là phản gián Nhật hay Liên Xô, bởi cả hai phía đều có lý do quan tâm tới việc loại trừ  Giang.

  Bây giờ cần phải tìm cớ để quân Nhật tiến vào Mãn Châu Lý. Ngày 18 tháng 9 năm 1931, trung úy Cavamoto, người của Doikhara, đã dựng chuyện tai nạn ở đường sắt tạo cớ cho quân Nhật tràn vào Mãn Châu Lý.

  Ngày 10 tháng 11, thêm một vụ khiêu khích nữa ở Thiên Tân: bốn mươi người Trung Quốc được người của Doikhara thuê và cho hút thuốc phiện đã tấn công trụ sở cảnh sát. Doikhara đã lợi dụng sự hỗn loạn đưa Phổ Nghi ra khỏi "Vườn thiên thai", nơi y vẫn bị quản chế lâu nay, rồi đưa thẳng lên tàu chiến Nhật chở về Mãn Châu Lý.

  Ngày 1 tháng 3 năm 1934, Phổ Nghi được đưa lên ngôi hoàng đế của vương triều Mãn Châu bù nhìn.

  Lúc này ảnh hưởng của Doikhara lan rộng đến nhiều thành phố và làng mạc Trung Quốc. Ông ta đã thành lập các tổ chức phản gián ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, khắp vùng Mãn Châu. Cơ sở và Trung Tâm của chúng là những cộng đồng người Nhật đông đúc.
Ngoài phạm vi những cộng đồng ấy các điệp viên của Nhật đã tuyển chọn các nhóm điệp viên từ gái bán hoa Nhật và Triều Tiên. Các cô gái này có nhiệm vụ thu nhặt thông tin chuyển cho người của Doikhara.

  Điệp viên của Doikhara ở vùng Mãn Châu có nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở cho chiến tranh xâm lược Liên Xô. Trong khi đó chính Doikhara, "Anh chàng châu Âu" cũng lại nằm trong tầm theo dõi của phản gián Liên Xô.

  Doikhara tích cực góp phần củng cố thắt chặt liên minh hợp tác với quốc xã Đức và các cơ sở phản gián Đức. Năm 1934, Doikhara đã tiếp xúc được với đại úy Eigen Otto, tham tán quân sự Đức với hi vọng đại úy giúp tạo điều kiện củng cố mối giao hảo Nhật - Đức (ông ta không hề biết rằng Otto đã "đi đêm" cung cấp thông tin cho "người bạn tốt nhất của mình" là điệp viên Xô Viết  Richard George).

  Đại tá Hiroshi, tham tán quân sự tại sứ quán Nhật ở Berlin, phụ trách hoạt động tình báo ở châu Âu là bạn của Doikhara. Tháng 8 năm 1935 ông đã ký tắt với Canaris thỏa ước hợp tác phản gián đặt nền móng cho "Hiệp ước chống Quốc tế cộng sản" bi thảm và được ký tháng 11 năm 1936.

  Cũng thời gian này Doikhara mở rộng phạm vi hoạt động của mình. Ông ta trở thành chánh thanh tra hàng không, từ năm 1941 là chỉ huy trưởng quân đoàn số 4 ở Singapore cho tới hàm tướng.

  Tại Singapore, Doikhara đã thành lập đội quân người ấn Độ đưa Sandre Bos thuộc phái dân tộc chủ nghĩa lên làm chỉ huy. Đội quân hoạt động ngầm này đã tham gia hoạt động phá hoại, khủng bố, tuyên truyền trên đài nhằm xâm hại đế quốc Anh.

  Sau năm 1945 phe Đồng minh đã không tha cho Doikhara vì tất cả những hoạt động đó. Ông ta là một trong những nhân vật cấp cao của quân đội Hoàng gia Nhật bị Tòa án quốc tế Tokyo kết án tử hình bằng treo cổ. Án do tướng Mỹ Macartur tuyên và được thực thi vào đêm 22 rạng ngày 23 tháng 12 năm 1948 tại sân nhà tù Sugamo.

  Những lời cuối cùng của Kendzi Doikhara là nói với cha rửa tội: "Tôi cảm thấy cái chết đợi tôi vào lúc nửa đêm đang động đến một người nào khác... vì giữa cái sống và cái chết không có gì là khác nhau cả..."


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 30 Tháng Sáu, 2008, 07:55:00 pm
32 - MARTA  RISHE (sinh năm 1891)
Con "sơn ca" lặng lẽ



  Marta Betenfeld sinh ra ở Lotaringa trong một gia đình người Đức. Đầu tiên gia đình làm nghề thợ may ở Paris. Năm 1913, lúc 22 tuổi, cô là một trong những phụ nữ đầu tiên của Pháp có bằng lái máy bay. Marta lái máy bay rất giỏi và là một thách thức đáng kể đối với các bậc mày râu. Cô là người đi đầu trong nghề thể thao hàng không của nữ giới. Năm 1914 cô kết hôn với phi công quân sự Andrey Rishe, ba năm sau anh qua đời ngoài mặt trận. Là một người rất yêu nước, sau khi chồng chết, Marta muốn trả thù bọn Đức bằng mọi giá, nên muốn trở thành phi công quân sự, nhưng không được chấp nhận. Khi đó cô đệ đơn phục vụ cho Phòng Năm - tức cơ quan phản gián Pháp do đại uý Liadu lãnh đạo. Cô được mang biệt danh "Sơn ca".

  Cô đã kinh ngạc khi đại úy Liadu cử cô đi Tây Ban Nha, nhưng cô không thể từ chối được, chẳng bao lâu sau cô đã có mặt trên bãi biển San-Sebastian với một mục đích duy nhất - trở thành "điệp viên Đức". Chỉ mấy ngày nhàn rỗi trên bờ biển bọn Đức đã "cắn mồi". Lợi dụng lúc cô thiếu thốn tiền bạc, chúng đã "chiêu mộ" được cô một cách dễ dàng. Chúng đặt biệt danh cho cô là C-32, trao cho cô nhiệm vụ đầu tiên, cung cấp tiền bạc, chỉ thị và các phương tiện ghi mật tự. Trở về Paris, cô báo cáo lại hết với đại uý Liadu, ông lấy làm vui lắm:

  - Thật là tuyệt. Cô đã tiếp xúc được đúng người chúng ta cần đến ở Tây Ban Nha. Tay này là nam tước fon Cron, tuỳ viên quân sự Đức ở Madrid, là cháu của tướng Ludendorf.

  Đại uý Liadu nói rằng cô phải thể hiện mình không những là một điệp viên, mà còn phải là một người đàn bà.

  - Bằng cách đó cô sẽ cứu được bao nhiêu sinh mạng. Công việc đòi phải như vậy.

  Ba ngày sau Liadu cung cấp cho cô những điều cần biết của Cron. Mọi thông tin đều chính xác, nhưng đã cũ, và là thông tin do các điệp viên hai mang khác cung cấp. Mấy hôm sau Marta quay về Tây Ban Nha, cô thực sự bắt đầu trò chơi hai mặt. Fon Cron tiếp cô ở San- Sebastian, cho cô ở một biệt thự sang trọng, chẳng mấy chốc người thiếu phụ hai mươi sáu tuổi xinh đẹp ấy phải trở thành tình nhân của con người mà cô căm ghét và ghê tởm. "Sau này công việc của tôi thành công thì chủ yếu là nhờ lòng căm thù ghê tởm đó, nó đã cho tôi lòng can đảm, sự tàn bạo và tráo trở".

  Chiếm được lòng tin của fon Cron, Marta đã hành động trong vai "liên lạc" của hắn với bọn chủ mưu, đang chuẩn bị nhờ người Đức tổ chức một cuộc nổi dậy ở Marocco, và cô đã xác định được tọa độ nơi gặp gỡ các tàu ngầm Đức và việc áp tải các tàu chở vũ khí cho phiến quân Marocco. Cuộc nổi dậy ấy đã bị ngăn chặn.

  Theo sáng kiến của Marta, fon Cron giúp cô tổ chức một salon mỹ viện "Gương soi của bầy sơn ca", mà hắn muốn dùng để phục vụ cho những quyền lợi của mình - để nguỵ trang và tô điểm cho những điệp viên được gửi sang Pháp. Khi làm đầu cho họ, Marta đã kịp làm những dấu hiệu để dễ dàng tóm được chúng, khi chúng tới Pháp. Một thời gian sau cô lại phát hiện được một đường đi xuyên qua dãy núi Pirene của tình báo Đức. Muốn thế cô phải dùng đến mưu mẹo thuần tuý đàn bà: thứ nhất, tạo ra một cuộc "theo dõi" từ phía người Pháp, khiến cô không có khả năng công khai về Pháp; thứ hai, tìm cách để có bầu với fon Cron, mà muốn phá thai thì phải sang Pháp. Dù muốn hay không fon Cron cũng phải cho cô đi qua con đường bí mật. Về sau, trên con đường này, một số tên gián điệp nguy hiểm của Đức đã bị bắt.

  Một lần fon Cron và Marta bị tai nạn ô tô. Cô gãy chân và phải nằm hai tháng. Trên báo Pháp xuất hiện một bài đả kích, trong đó nêu ra một câu hỏi: Marta Rishe làm gì ban đêm trên đường cùng với tuỳ viên quân sự Đức? Bài báo mang tựa đề "Điệp viên trong ô tô: fon Cron và bà Rishe". Thế là bên cạnh nỗi đau thể chất lại còn thêm cả nỗi đau tinh thần: cô nhận được một bức thư của mẹ nói rằng cả nhà cô ở Pháp đang bị theo dõi và bị nhục nhã. Nằm dài trong nhà fon Cron, cô nghe được nhiều chuyện của hắn với các điệp viên. Một hôm cô thấy nói đến việc chuẩn bị làm nổ nhà máy thuốc súng Buno gần Bayonna và cô đã kịp thời chuyển thông tin mật đó về Phòng Năm. Nhưng có điều gì đó trục trặc. Nhà máy nổ tung, chết đến chín mươi người.

  Lúc này cô có một kế hoạch mới. Cô gửi kế hoạch cho đại uý Liadu. Vì biết được mật số để mở tủ kín của fon Cron và hy vọng lấy được chìa khoá của hắn, cô dự định tìm cách cho hắn ngủ, lấy giấy tờ trong đó ném ra ngoài cửa sổ để đồng nghiệp của cô nhặt lấy. Theo cô biết thì trong két sắt có hình chụp của các điệp viên, có số liệu về các điểm cung cấp trang bị cho các tàu ngầm ở Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, số liệu về những nơi có hàng rào mìn, các mật mã, điện tín, danh sách những người Tây Ban Nha sùng Đức đang hoạt động chống Pháp.

  Khi lành vết thương ở chân cô đến nghỉ ở một nhà an dưỡng bên bờ biển của Tây Ban Nha. Tại đó xảy ra một trường hợp huyền thoại: trong khi bơi thuyền đã có người định dìm chết cô, nhưng nhờ thể trạng tuyệt vời, nhờ công phu luyện tập thể thao mà cô thoát chết. Cô liên hệ với fon Cron và được biết rằng vụ mưu sát ấy là của nhóm điệp viên của fon Kalle, tuỳ viên quân sự Đức, đối thủ của fon Cron.
Nhưng Marta không hề nhận được tin tức gì về chuyện két sắt. Cô sốt ruột quá, nên một hôm bảo với fon Cron rằng cô muốn về Pháp.

  - Tôi là người Pháp, anh hiểu không? Anh phải biết rằng từ ngày tôi ở Tây Ban Nha tôi vẫn làm việc cho Tổ quốc tôi, tôi vẫn theo dõi anh, anh có hiểu không?

  Fon Cron đỏ mặt lên, rồi sau tái đi, hắn nở một nụ cười méo mó:

  - Không thể thế được... Không đúng đâu,- hắn nói nhỏ.- Tôi không tin...

  Đột nhiên hắn điên cuồng tát Marta một cái khiến cô rụng một chiếc răng.

- Anh đã ký vào án tử hình của chính anh rồi đấy,- Marta nói. - Ngài công sứ Đức sẽ biết mọi chuyện. Tôi sẽ chuyển cho ông ấy những bức thư tình của anh.

  - Cô không làm được đâu!- hắn kêu lên.

  Ngày hôm đó một viên cảnh sát đến khách sạn định bắt cô. Nhưng Marta không bối rối. Cô nhấc ống nói và yêu cầu gặp công sứ Đức. Ngài công tước Ratibor đích thân gặp cô.

  - Tôi là tình nhân của fon Cron. Và tôi có đủ bằng chứng nói với Ngài rằng anh ấy đã nuôi tôi bằng số tiền dùng để trả cho các điệp viên của anh ấy.

  Marta chuyển cho ông những bức thư tình, dãy mật số để mở két sắt. Cô không thể lấy hết được những thứ trong tủ, nhưng đã làm huỷ hoại hết giá trị của chúng. Toàn bộ tổ chức của fon Cron phải làm lại từ đầu. Marta về Pháp không có visa. Một thiếu uý cảnh binh nhận ra cô trên biên giới:

  - Xin chào "Sơn ca"!

  Thủ trưởng mới của Phòng Năm, đại tá Guber, người thay thế Liadu, tuyên bố với cô:

  - Thưa bà, sau khi bà đã thất bại chúng tôi không cần đến sự giúp đỡ của bà nữa.

  Bản anh hùng ca "Sơn ca" đã chấm dứt như thế đó. Mười lăm năm sau công lao của Marta Rishe mới được thừa nhận. Ngày 23 tháng 1 năm 1933, chính phủ đã trao tặng cô Bắc đẩu bội tinh.

  Sau khi lấy chồng lần thứ hai cô chuyển sang Anh. Trong thời kỳ chiến tranh cô trở về Pháp tham gia kháng chiến, sau chiến thắng cô được bầu làm tham tán đốc lý toà thị chính Paris. Theo sáng kiến của cô người ta đã thông qua luật cấm các nhà chứa, mà nhân dân gọi là "luật Marta Rishe". Luật này thủ tiêu danh sách gái điếm. Có những kẻ độc miệng nói rằng hồi trẻ chính Marta đã hành nghề mại dâm, vì thế cô đòi thủ tiêu danh sách đó. Nhưng hãy để cho lương tâm họ tự xét những lời nói ấy.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 01 Tháng Bảy, 2008, 07:11:03 pm
33 - MARIA DAKHARTSENCO-SULS (1893 - 1927)
Nữ điệp viên thù hận và khủng bố



  Không phải ngẫu nhiên mà nữ điệp báo Maria Dakhartsenco được mệnh danh là người đàn bà có "lòng hận thù làm mờ cả mắt". Lòng hận thù của người đàn bà này đối với chính quyền Xô Viết ngấm vào xương tủy đến mức bà ta không nhìn thấy những gì mà bất kỳ một người bình thường nào khác cũng có thể nhận ra.

  Maria Vladislavovna Lưsova sinh ngày 3 tháng 12 năm 1893 trong một gia đình quý tộc ở tỉnh Pendenskaia. Bà mẹ qua đời ngay sau khi sinh Maria, còn ông bố bận việc ở công sở đành trao con gái mới sinh vào tay các bà vú nuôi và nữ gia sư. Đứa trẻ lớn lên và học hành giỏi giang, nhưng vốn tính hiếu động cứ giờ học vừa xong là bé Maria lại vùng chạy ra chơi ở chuồng ngựa. Đàn ngựa là niềm đam mê của bé nên sau này không phải ngẫu nhiên Maria đã trở thành lính kỵ binh. Năm 1911, Maria tốt nghiệp Trường Đại học Smolnưi loại ưu với huy chương vàng. Sống một năm ở Lozann sau đó trở về quê. ở quê Maria sắp xếp công việc ở điền trang và lập một trại nuôi ngựa giống. Năm 1913, Maria xuất giá, chồng là đại úy Mikhno đã từng tham gia cuộc chiến tranh Nhật Bản.

  Thế chiến lần thứ nhất bùng nổ đã làm thay đổi hẳn cuộc đời Maria. Chồng Maria bị thương nặng chết ngay trên tay vợ. Ba ngày sau đó Maria sinh con gái. Để lại đứa con còn đang ẵm ngửa cho vú nuôi và cô gia sư, Maria lên đường đi Petrograd. ở Petrograd Maria quyết định lên đường ra mặt trận. Trong môi trường binh lính và giới hạ sĩ quan Maria nhanh chóng tìm thấy một góc riêng cho mình. Trong cư xử với đồng đội Maria tỏ ra kênh kiệu, cô có cái nhìn xấc xược, lạnh như băng, ăn nói cứng rắn nên hầu như không ai muốn gần. Bù lại, bản tính gan dạ đến táo tợn và sức chịu đựng dẻo dai của cô khiến đồng đội phải kính nể. Ngoài ra thái độ thẳng tay đối với kẻ thù và sự tàn bạo lên đến đỉnh điểm của Maria cũng làm cho những đồng đội đã từng trải phải kinh ngạc.

  Maria rất kiên trì để được phiên vào đội trinh sát. Một hôm đi trinh sát cùng với hai binh nhì, Maria rơi vào ổ phục kích của Đức. Đạn bắn ra như mưa trong khoảng cách gần 20- 30 bước. Một binh nhì bị chết ngay tại trận, binh nhì khác bị thương nặng ở bụng, còn Maria chỉ bị thương ở tay nên về được với đồng đội dưới làn đạn xối xả của bọn Đức. Với chiến công này Maria được thưởng Huân chương Georgi. Lần thứ hai Maria được thưởng Huân chương Chữ thập Georgi do công lao trinh sát địa hình gần làng Loknitxa. Tháng 11 năm 1916, Maria tự nguyện đang đêm dẫn đường cho đội trinh sát của trung đoàn vào hậu phương của Đức, đích thân tham gia vào trận đánh giáp lá cà.
Mùa thu năm 1917, mặt trận vỡ. Maria trở về điền trang của mình, lúc này ở địa phương nhiệt tâm cách mạng của quần chúng dâng cao, nông dân và binh lính từ mặt trận trở về trong làng liên kết với nhau phá tan trang ấp, cướp hết súc vật ở trang trại đem chia nhau. Đáp lại, cô đứng ra thành lập đội quân chống lại gồm những sĩ quan trẻ đều là người trong tỉnh Pendenskaia, có cả binh lính từ mặt trận trở về, sinh viên và học sinh trung học. Đem đội quân khá mạnh đi trừng phạt những kẻ đánh chiếm trang ấp, Maria thẳng tay trừng trị dã man dân làng, xử bắn những người cầm đầu cuộc tấn công đánh chiếm trang ấp.

  Trong những ngày rối ren của cuộc cách mạng tháng mười năm 1917, hành động táo bạo của Maria trôi đi không ai để ý điều tra nữa, nhưng Maria cũng phải giải tán đội quân và chuyển ra thành phố Penda.

  Một hôm đêm khuya, Maria nghe tiếng gõ cửa. Maria nhận ra ngay những vị khách: đó là tướng Rolanov, người mới trao huân chương Chữ thập Georgi cho Maria cách đây không lâu và đại tá Dakhartsenko, bạn cũ của chồng Maria vừa mất mấy năm trước đây. Rolanov phải đi ngay với đoàn xe đầu tiên và sau đó trở thành Tham mưu trưởng binh đoàn Koltsac. Còn Dakhartsenko thì vết thương chưa lành nên phải ở lại. Maria chăm sóc người bệnh chu đáo và giữa họ tình yêu đã nảy nở. Sau đó ít lâu họ tổ chức đám cưới. Maria giờ đây mang tên họ là Maria Dakhartsenko - với tên tuổi này cô đã đi vào lịch sử của ngành tình báo.

  Dakhartsenko, chồng Maria, có một thời gian phục vụ tại quân đoàn Ba Tư và ông ta có quan hệ khá tin cậy tại đây. Không rõ bằng cách nào mà Dakhartsenko có được giấy tờ chứng nhận là công dân Ba Tư. Và thế là Maria cũng có quốc tịch Ba Tư.

  Cơ quan an ninh Xô Viết đã tìm ra dấu vết của Maria, vì vậy, họ tìm cách đi khỏi thành phố Penda. Hai vợ chồng Dakhartsenko với vỏ bọc là "Công dân Ba Tư" đi tàu thủy đến Astrankhan. Tại đây bạn bè của đại tá Dakhartsenko đã giúp đỡ họ thu xếp cuộc sống yên ổn. Nhưng Maria thì vẫn nuôi chí hận thù những người đã cướp trang ấp và trại nuôi ngựa giống của cô. Khi còn ở Ba Tư vợ chồng Dakhartsenko đã nghe tin đồn ở miền Nam nước Nga Binh đoàn tình nguyện quân đã được thành lập. Hai vợ chồng liền tìm đường đi đến đó. ở đây đại tá Dakhartsenko nhận chức chỉ huy trung đoàn Kavkaz và Maria trở thành cần vụ của chồng.

  Maria vẫn nấu nung mối hận thù với Hồng quân và sự hằn thù ngày một tăng sau mỗi trận đánh. Toàn bộ thiên bi hùng ca của Binh đoàn tình nguyện quân đã được ghi lại trong cuộc đời Maria: cuộc hành quân đến Moscva, những thắng lợi và những thất bại, thảm họa Novorossick, rồi Crưm, Bắc Tavria và những trận đánh nối đuôi nhau. Nếm mùi gian khổ của trận mạc Maria ngày càng trở nên hung ác hơn. Với mối hận thù điên dại, Maria đích thân xử bắn những chiến sĩ Hồng quân bị bắt làm tù binh, cũng chính Maria đã dùng tiểu liên bắn họ, từ đó cô ta có biệt hiệu là "Con rồ Maria".

  Nhưng tất cả mọi thứ đều có sự kết thúc của nó. Trong một trận tấn công bằng kỵ binh đại tá Dakhartsenko đã bị thương nặng và chết ngay trên tay Maria. Và hầu như từ ngôi mộ của chồng Maria lại đi vào trận đánh như để quên đi cái chết vừa mới xảy ra. Tháng 11 năm 1920, trong một trận đánh cuối cùng Maria bị thương và bị lạc đồng đội của trung đoàn, khó khăn lắm mới đến được Kerch và may mắn lên được chuyến tàu thủy đi Konstantinopol. Sau đó là chuỗi ngày dài thê lương của những kiều dân và sĩ quan Bạch vệ lưu vong mà Maria phải nếm trải. Mùa thu năm 1921, cùng với thê đội kỵ binh Maria đặt chân đến Serbi và đến miền Bắc nước Đức. Tuy còn trẻ nhưng Maria đã góa bụa hai lần. Do quen biết từ  trước, Maria đi lại với thượng uý Georgi Radkovis - cùng là tình báo viên, và hai người thành vợ chồng. Thượng uý Radkovis, cũng như vợ, rất căm ghét chế độ mới ở nước Nga và hoàn toàn chịu ảnh hưởng của Maria. Thời gian này ở Berlin Hội đồng quân chủ tối cao đang hoạt động mạnh. Một hôm Maria mời Nikolai Evghenievich Marcov, người lãnh đạo Hội đồng này đến chơi. Marcov cho biết Hội đồng quân chủ tối cao có một phân hội ở Moscva - đó chính là Tổ chức quân chủ nước Nga Trung ương - Marcov nhấn mạnh với Maria là nhiệm vụ của họ là phải tin tưởng vào những điều kiện hoạt động của Hội đồng và giữ liên lạc thường xuyên với Hội đồng.

  Bây giờ thì ai ai cũng biết Tổ chức quân chủ nước Nga trung ương là một tổ chức huyền thoại do các tình báo viên Treca sáng lập nên và là một bộ phận cấu thành của Tơrớt đặt dưới sự chỉ đạo của Menzinxki và Arturzov, bạn chiến đấu của Dzerzinxki, người đứng đầu Treca. Dzerzinxki còn táo bạo thu hút sang hàng ngũ mình một trong những thành viên tích cực của Hội đồng quân chủ tối cao - đó là Iacusev và giao nhiệm vụ cho ông ta làm thủ lĩnh Tổ chức quân chủ nước Nga Trung ương, có trách nhiệm về tất cả các cuộc tiếp xúc với nước ngoài và nắm cho được tất cả các kênh liên lạc của các thành viên trong nước với nước ngoài.

  Có tin vợ chồng Suls được toàn quyền thay mặt tướng Cutepov đang trên đường đến Moscva. Vợ chồng Suls có nhiệm vụ phải yết kiến Staunis - phó thủ lĩnh phụ trách tài chính và là tình báo viên Treca. Qua sự việc này Arturzov và Staunis thừa hiểu rằng họ đến Moscva với tư cách là những kiểm tra viên nên phải rất cảnh giác với họ. Tuy nhiên đây lại là cơ hội thông qua đôi vợ chồng này thiết lập được liên lạc trực tiếp với tướng Cutepov, hơn nữa còn có thể thâm nhập vào Liên minh quân sự toàn Nga (ở Paris) do Cutepov đứng đầu.
Vợ chồng Suls đến hơi muộn. Trong hồ sơ của Tơrớt vợ chồng Suls có biệt hiệu là Hai người cháu. Họ được đón tiếp niềm nở trong vòng tay ôm hôn của các tình báo viên Treca. Nếu như trước đây khi gặp gỡ tiếp xúc, Maria nói chuyện có phần chủ động thì nay cô chỉ là trò chơi trong tay những người khác. Maria lao vào hoạt động cho những vụ phá hoại, khủng bố. Để ngăn chặn hoạt động của Maria và khống chế Hai người cháu, các tình báo viên Treca đã tìm cho họ một công việc cốt để giữ chân họ ở một nơi cố định: thuê cho họ một quầy hàng nhỏ ở chợ Trung Tâm, ở đây họ buôn đường sacarin đồng thời thực hiện vai trò "hộp thư" tiếp nhận các túi giấy tờ của nhân viên các sứ quán Ba Lan và Estonia gửi tới cho Tơrớt và chuyển giao các túi giấy tờ của Tơrớt gửi đi cho các sứ quán. Ngoài ra, Staunis còn giao cho Maria mật mã hóa thư từ gửi ra nước ngoài. Công việc này ngốn khá nhiều thời gian của Maria, nhưng mục đích của phía các tình báo viên Treca không chỉ vô hiệu hóa hoạt động của Hai người cháu, mà còn bắt đôi vợ chồng này hoạt động đem lại lợi ích cho Tơrớt.

  Đương nhiên mọi việc đã thực thi khiến Hai người cháu đánh giá Tơrớt dưới con mắt họ là một tổ chức hoạt động bí mật khá mạnh, và rõ ràng Tơrớt đã gây được ấn tượng đối với họ. Hai người cháu đã báo cáo về Paris cho tướng Cutepov với nhận xét hài lòng về Tơrớt. Nhưng cũng trong thời gian này đã nảy sinh dấu hiệu đáng lo ngại: Staunis nghe được cuộc chuyện trò của hai vợ chồng Suls bàn bạc rằng họ đang chuẩn bị làm một vụ phá hoại bí mật không cho Tơrớt biết. Còn nhân vật Maria thì mặc dù có gửi báo cáo về Paris cho tướng Cutepov với nhận xét tốt về Tơrớt, nhưng thực bụng lại có ý kiến hơi khác. Maria đã nói với Staunis rằng Tơrớt chỉ tồn tại đến trước khi đảo chính và rằng khi nào đảo chính xảy ra tướng Cutepov sẽ trở về nước Nga lập lại trật tự. Cũng trong thời gian đó ở Paris xảy ra những thay đổi quan trọng. Toàn bộ Liên minh quân sự toàn Nga tập hợp đến 25 nghìn sĩ quan Bạch vệ đều nằm dưới sự điều khiển của Cutepov. Cho nên vai trò của Maria với tư cách là người đại diện chính của Cutepov ở Moscva có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc Iacusev và Maria được mời đến Paris để đón Cutepov là một minh chứng. Tháng 7 năm 1925 thông qua "cơ sở" hai người vượt biên giới Ba Lan và đến Paris mà không gặp trở ngại gì. Iacusev đã được đại công tước Nikolai Nikolaievich tiếp kiến. ở Paris trở về Maria được Ban lãnh đạo Tơrớt giao cho nhiệm vụ mới mà không biết mình đang thực thi nhiệm vụ của Arturzov nằm trong tổ chức Treca.

  Số là Ban lãnh đạo Treca toàn Nga và Tổng cục chính trị quốc gia trực thuộc Hội đồng các Uỷ viên nhân dân Liên Xô có thông qua quyết định nhử vào bẫy điệp viên Sidney Reilly vốn là kẻ thù từ lâu của chính quyền Xô Viết, người đã bị kết án xử bắn vì tham gia vào vụ âm mưu lật đổ chính quyền Xô Viết của Robert Lockhard. Yêu cầu đặt ra là phải vô hiệu hóa điệp viên này vì Sidney Reilly đã quyết định sẽ tiến hành những bước đi cụ thể tiến tới hành động khủng bố.

  Maria cùng chồng là Radkovis dưới vỏ bọc là vợ chồng Crasnostanov đi ra nước ngoài một cách hợp pháp. Đến Paris họ gặp Sidney Reilly và giới thiệu với ông ta hoạt động của Tơrớt như chỗ dựa chủ yếu của lực lượng phản cách mạng ở Nga. Reilly rất quan tâm đến điều kiện sử dụng Tơrớt vào mục đích riêng của mình. Tuy nhiên Maria thì lại nói là Tơrớt không hoạt động khủng bố, nhưng Reilly vẫn quyết định cần phải có cơ sở và những người tin cậy để có thể thu hút họ vào việc thực hiện những mục đích do mình đặt ra.

  Từ Paris hai vợ chồng Crasnostanov đi sang Phần Lan. Nhân danh Tơrớt, Maria và chồng liên hệ với cơ quan tình báo Phần Lan và tiến hành hội đàm với phía Phần Lan về việc tổ chức một "cơ sở" ở biên giới Phần Lan - Liên Xô. Cùng thời gian ấy người ta thuyết phục Sidney Reilly đi sang Moscva. Iacusev là người đóng vai trò chính, còn Maria thì đóng vai phụ: cô lấy kinh nghiệm bản thân ra thuyết phục Sidney Reilly rằng vượt qua biên giới Liên Xô là chuyện có thể làm được mà không hề gặp nguy hiểm gì.

  Sự việc Reilly biến mất khiến mọi người kinh hoàng.

  Ngày 29 tháng 9 năm 1925, Maria điện báo cho Staunis: "Bưu kiện bị thất lạc. Chúng tôi chờ sự giải thích". Còn trong thư gửi Iacusev thì cô ta phàn nàn nào là bị nỗi buồn hành hạ, bị hụt hẫng và bị ám ảnh về chuyện chính cô ta đã phản bội và giết Reilly... rồi cuối cùng đề nghị chuyển cô ta sang hoạt động nội bộ.

  Cuối năm 1925, Vaxili Vitalievich Sulghin, một kẻ theo chủ nghĩa quân chủ, nguyên là nghị sĩ Đuma quốc gia Nga và là một trong những người thông qua nghị quyết phế truất Nga hoàng Nicolai Đệ nhị đã quyết định bí mật đến Liên Xô. Mục đích chuyến đi của Sulghin hoàn toàn mang tính chất hòa bình: tìm đứa con trai bị mất tích trong cuộc Nội chiến. Menjinski và Arturzov nhận định rằng chuyến đi của Sulghin dưới sự bảo trợ của Tơrớt sẽ không có phương hại gì, trái lại lợi ích thì rất lớn. Một là, sự tồn tại và thực lực của Tổ chức quân chủ nước Nga trung ương - tức là Tơrớt được khẳng định; hai là, ấn tượng và những suy nghĩ của Sulghin về những gì ông ta tận mắt chứng kiến ở nước Nga trong những năm 1925 - 1926 - giai đoạn hưng thịnh nhất của chính sách kinh tế mới - có thể sẽ làm cho nhiều kiều dân Nga sáng mắt ra trước những đổi thay tích cực diễn ra ở nước Nga.

  Ngày 4 tháng 1 năm 1926, Sulghin đến Moscva và được bố trí ở nhà nghỉ đông của Hai người cháu ở ngoại ô. Trong cuốn sách nói về chuyến đi này được Sulghin viết ngay sau khi từ Nga trở về, Sulghin có thay đổi bối cảnh, họ tên nhân vật và viết: "Tôi được phó thác cho Maria Dakhartsenko - Suls và chồng của cô như là sự bảo trợ đặc biệt. Tôi biết Maria khi cô đã bước sang tuổi 33, nhưng ở cô vẫn còn giữ lại nhiều nét thời xuân sắc... Đó là một phụ nữ có sức chịu đựng dẻo dai, một phụ nữ có nghị lực tuyệt vời. Maria là trợ lý của Iacusev. Ngoài ra cô còn làm những việc dính dáng đến "hóa học", tức là làm hiển thị, in lại những tài liệu giấy tờ mật được viết bằng mực hóa học... Có nhiều lần tôi phải bàn bạc, nói chuyện cởi mở với Maria. Một lần Maria nói với tôi: "Tôi già rồi... Tôi cảm thấy đây là những sức lực cuối cùng của tôi. Tôi đã dốc toàn bộ sức lực của tôi cho Tơrớt, nếu như Tơrớt giữa đường đứt gánh thì tôi làm sao mà sống nổi". Maria than vãn với Sulghin về sự lề mề của Iacusev chứng tỏ Iacusev không muốn tiến hành những hành động khủng bố hoặc những hành động gây "ồn ào" khác. Dần dần trong con mắt của hai vợ chồng Maria có một nhân vật nổi lên thay thế - đó là Staunis.

  Quan hệ của Maria với Iacusev và Potapov ("thủ lĩnh" của phái quân sự thuộc Tổ chức quân sự nước Nga Trung ương - tức là Tơrớt) đã được xác định rõ ràng. Maria coi Iacusev và Potapov là những người không thể làm lãnh đạo Tơrớt được. Bây giờ chỉ có Cutepov ở Paris và Staunis ở Moscva mới là mối quan tâm của Maria, hơn nữa mối quan hệ công việc của cô với Staunis gần đây đã chuyển sang quan hệ tâm tình. Radkovis chồng cô trở nên nhân vật thừa thứ ba trong quan hệ tay ba này.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 01 Tháng Bảy, 2008, 07:12:49 pm
  Tháng 9 năm 1926, Maria lại đến Paris, lần này cô đi cùng với nhà hóa học Vlasov. Vlasov sở dĩ được phái sang Paris vì Cutepov và kẻ theo chủ nghĩa quân chủ và điên cuồng theo chủ nghĩa khủng bố Gusov đã đề nghị phải kiểm tra chất khí gửi đến Paris trước khi sử dụng để khủng bố. Đến Paris, Maria tích cực ủng hộ ý tưởng tiến hành khủng bố và đề xuất kế hoạch: tiến hành đầu độc hàng loạt các đại biểu dự Đại hội các Xô Viết trong thời gian phiên họp diễn ra ở Nhà hát lớn, đồng thời chuẩn bị ở nước ngoài một đội quân gồm 200 cựu sĩ quan để điều ngay đến Moscva chiếm điện Cremli sau khi vụ khủng bố nổ ra. Nhưng... hóa ra chính Cutepov đã bị đánh lừa: không hề có chất khí nào cả. Bù lại Cutepov có dịp bàn với Maria về kế hoạch khủng bố và phái một nhóm những kẻ khủng bố đến nước Nga. Giờ đây Cutepov đặt quan hệ trực tiếp với Staunis thông qua Maria và trông cậy vào Staunis. Sau đó không lâu có ba kẻ khủng bố đến Moscva, nhưng rất may là bọn chúng đều nằm trong tầm kiểm soát của Tơrớt.

  Maria bắt đầu ngờ rằng Iacusev là điệp viên hai mang. Iacusev sợ rằng những hành động khủng bố sẽ để lại dấu vết mà ông ta thì lại muốn ngồi chờ giai đoạn khó khăn này qua đi không có vụ khủng bố nào xảy ra, rồi sau đó sẽ lên nắm chính quyền. Maria thuyết phục bằng được Staunis phải nghĩ đến chuyện chính ông ta phải trở thành thủ lĩnh của Tơrớt. Cũng như Georgi Radkovis chồng Maria, Staunis hoàn toàn bị người đàn bà ghê gớm này chi phối. Maria thú nhận với chồng rằng cô ta đã sống chung với Staunis, nhưng phân bua đó chẳng qua là Staunis cần thiết đối với cô ta trong công việc mà thôi. Anh chồng nghe lời vợ nói mà như nuốt hận nghẹn đắng.
Những sự kiện xảy ra bắt đầu bị đảo lộn. ở Krasnoda, sau thất bại Staunis mới ngã ngửa người ra là "ông bạn" Dubov của mình đã được Iacusev báo trước về thất bại này. Té ra Dubov là tình báo viên Treca? Staunis lên xe tức tốc phóng đến nhà nghỉ của Maria ở ngoại ô Moscva.

  - Maria! - Staunis nói - Cả tôi cả cô, chúng ta chỉ là công cụ của lão Iacusev. Nó là tình báo Treca! Cả Potapov, cả Dubov nữa! - Lướt nhìn Maria, Staunis hốt hoảng thực sự: hai mắt long sòng sọc của người đàn bà điên rồ đang nhìn mình. "Đúng là con mụ phù thủy!" - Staunis nghĩ bụng.

  - Chúng ta phải chuồn ngay lập tức. Bây giờ ta ra thẳng ga xe lửa đi Leningrad, sau đó đi qua "cơ sở" ở biên giới Liên Xô - Phần Lan.
Trước khi tháo chạy, Staunis còn kịp để lại trên bàn mẩu thư chia tay viết rằng Iacusev, Potapov và Dubov đều là những tình báo viên của Treca, còn họ (Staunis và Maria Dakhartsenko) là nằm ngoài thành phần Tổng cục chính trị quốc gia trực thuộc Hội đồng các Uỷ viên nhân dân Liên Xô. Thông qua "cơ sở" ở biên giới Liên Xô - Phần Lan lúc bấy giờ vẫn còn hoạt động đêm 12 rạng ngày 13 tháng 4 năm 1927 Staunis và Maria đã sang được đất Phần Lan. Radkovis chồng Maria đã sang đây từ trước. Tơrớt chấm dứt hoạt động

  Để báo thù, Cutepov ra lệnh phát động hoạt động khủng bố và giết càng nhiều càng tốt tất cả cán bộ Xô Viết. Bắt đầu đợt điều phái những kẻ khủng bố đến Liên Xô. Trong số này có Georgi Radkovis, chồng Maria. Đêm mồng 3 rạng ngày 4 tháng 6 năm 1927, Radkovis cùng với một bạn thợ vượt qua biên giới Phần Lan - Liên Xô. Nhiệm vụ của hai người này là tìm cho được các tình báo viên Treca lãnh đạo chiến dịch Tơrớt để trả thù. Đương nhiên nhiệm vụ này đối với họ là khó có thể giải quyết được. Hai người này cũng không mong là sẽ thực hiện được nhiệm vụ mà chỉ làm được việc gì dễ nhất có thể làm được: đó là vào buổi tối ngày 6 tháng 6 Radkovis đã ném một quả bom vào Văn phòng cấp thẻ ra vào cơ quan Tổng cục chính trị quốc gia. Trong lúc hỗn loạn hai kẻ khủng bố chạy thoát thân, nhưng đến quận Podolsk thì chúng bị rượt đuổi và bị bao vây. Trong thế cùng không lối thoát Radkovis đã tự bắn chết.

  Sau đó Maria, Staunis và một người nữa tên là Voznesenski cũng vượt biên giới vào Liên Xô. Trước chuyến đi đích thân tướng Cutepov và điệp báo viên Anh quốc Boys đến tiễn ba người lên đường và giao nhiệm vụ. Khi chia tay, tướng Cutepov làm dấu thánh giá cho Maria và hôn cô ta ba lần theo phong tục. Như thế là Maria được giao nhiệm vụ làm nhóm trưởng. Và một lần nữa ba tên khủng bố do Maria cầm đầu lại có mặt ở Moscva. Trước đây bọn chúng thường tránh không đi qua khu phố Lubiansk, còn bây giờ Maria lúc nào cũng kè kè súng lục trong túi quần qua lại quận này thường xuyên, thậm chí còn đến căn hộ của Iacusev nhưng không gặp được ông ở Moscva. Sau đó Maria cải trang choàng khăn chéo vuông, ăn mặc tuềnh toàng quyết định đến khu phố Lubiansk quan sát trụ sở Tổng cục chính trị quốc gia trực thuộc Hội đồng các Uỷ viên nhân dân Liên Xô. Không gặp trở ngại nào, Maria lọt vào trong sân của tòa nhà một cách dễ dàng, trong sân không có người bảo vệ và cô ta vui sướng phát hiện thấy gian nhà ngang nối liền với trụ sở của Tổng cục cũng không có người bảo vệ. Maria vội vàng quay trở lại gặp hai người dưới quyền mình đang chờ cô ta ở nhà ga Leningrad. Họ thuê người đánh xe ngựa chất những chiếc va ly nặng lên xe đi đến gần trụ sở Tổng cục thì dừng lại. Maria ngó nhìn vào cổng và tin chắc trong sân toà nhà vẫn như cũ không có ai canh gác bảo vệ. Nhóm ba người Maria lập tức lao nhanh vào trong sân trụ sở Tổng cục. Bây giờ chỉ còn cài đạn trái phá trong gian nhà ngang, dọc theo các góc tường trong nhà thì cài bom cháy, công việc này phải làm nhanh trong vài phút. Sau đó thì đổ xuống nền nhà một can dầu hỏa. Bây giờ chỉ còn đốt dây cháy chậm là xong, nhưng không hiểu vì sao họ còn chần chừ. Đúng lúc đó thì một tiếng quát vang lên:

  - Này, ai đang ở ngoài kia? Đứng lại! Đứng lại! Anh em ơi, mùi dầu hỏa sực lên, tất cả tập hợp nhanh lên!

  Quẹt diêm, diêm không cháy. Một que, hai que... đều gãy. Tiếng quát nghe ngày càng gần hơn...

  Trong khi ngoài sân mọi người loại trừ được khả năng cháy nổ thì bọn khủng bố đã kịp tháo chạy. ở Moscva nhóm Maria không có chỗ trú chân, cho nên bất luận trường hợp nào cũng phải chạy xa. Nhóm khủng bố vội vã ra ga Belarus trong khi Tổng cục chính trị quốc gia chưa kịp giăng lưới vây bắt ngay trong chuyến tàu hỏa đầu tiên đi ra ngoại thành.

  Trên đường tháo chạy Maria và Voznesenski vẫy xe con dừng lại, dùng súng lục đe dọa lái xe lái theo hướng mà họ muốn. Lái xe từ chối liền bị bắn chết ngay. Người phụ xe bị bọn khủng bố bắn bị thương cố lấy hết sức còn lại phá hỏng xe. Lúc bấy giờ hai tên khủng bố đành bỏ xe con và lẩn trốn trong rừng. Người ta phát hiện thấy dấu vết của hai kẻ chạy trốn ở vùng ga xép Dretun. Với sự hỗ trợ tích cực của những người nông dân sở tại một vòng bủa vây đã xiết chặt. Hai tên chạy trốn đi đường rừng vừa xuất hiện ở lò bánh mì một trung đoàn Hồng quân, thì bà Rovnova vợ một sĩ quan phát hiện thấy. Bà Rovnova kêu lên cho các chiến sĩ Hồng quân đồn biên phòng biết liền bị Maria bắn bị thương vào chân. Nhưng đường dây của bọn điệp báo Anh quốc đã bị phá tan. Trong lúc bắn nhau với đội kỵ binh tuần tiễu của Hồng quân, Voznesenski bị bắn chết ngay tại trận. Còn Maria Dakhartsenco - Suls bị thương và chết sau đó vài tiếng đồng hồ.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 02 Tháng Bảy, 2008, 07:10:31 pm
34 - NICOLAI SCOBLIN (1893 - 1937)
con người và những điệp vụ bí ẩn



  Nicolai Vladimirovich Scoblin là một người bí ẩn. Cuộc đời hoạt động tình báo của ông cho đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Ông đã tốt nghiệp trường võ bị và trường cao đẳng sĩ quan, tham gia Thế chiến thứ nhất. Năm 1917, là một đại uý, ông đã gia nhập tiểu đoàn thanh niên xung phong. Cùng đội quân tình nguyện ông tham gia chiến dịch vượt vùng Bắc cực nổi tiếng. Ông đã từng là chỉ huy trưởng trung đoàn Cornilov, một trong bốn trung đoàn chỉ tiếp nhận sĩ quan và được coi là trung đoàn ưu tú của quân tình nguyện, sau này được phát triển thành sư đoàn. Tháng 11 năm 1920, khi lực lượng Bạch vệ ở Crưm đang dần dần tan rã, ông trực tiếp theo dõi các chiến sĩ trung đoàn lên tàu "Saratov" và là người cuối cùng từ giã quê hương tham gia phong trào Bạch vệ. Lúc này ông đã mang quân hàm cấp tướng.

  Số phận một chiến sĩ đã đưa đẩy ông đến với nữ ca sĩ nổi tiếng người Nga Nadezda Pleviskaia. Sinh ra tại một làng quê thuộc tỉnh Cursk, cô gái nông thôn giản dị đã trở thành một nữ ca sĩ nổi tiếng với các bài hát dân ca của Nga.  Đã nhiều lần cô đi biểu diễn cho tầng lớp quý tộc nghe. Hoàng đế Nicolai II rất ngưỡng mộ tài năng của cô. Sau khi nội chiến kết thúc, Nadezda Pleviskaia đến với Hồng quân và cô vẫn tiếp tục làm nghề ca hát. Khi còn chiến tranh, trong một lần đi lưu diễn, Nadezda rơi vào tay Bạch vệ. Đại tá Scoblin làm chỉ huy đã đem lòng yêu mến cô ca sĩ và cũng được cô đáp lại. Nadezda hơn Scoblin 12 tuổi, nhưng điều này không hề ảnh hưởng tới cuộc hôn nhân đến đầu bạc răng long của họ.

  Các tác giả nước ngoài khẳng định rằng khi bị bắt Nadezda đã làm việc cho Uỷ ban quân sự đặc biệt rồi và cô được giao nhiệm vụ vào hậu phương của quân Bạch vệ để lôi kéo Scoblin. Nhưng khẳng định này hoàn toàn mâu thuẫn với tư liệu và lôgic của các sự kiện.
Cùng với đám tàn quân Bạch vệ, Scoblin và Pleviskaia lúc đầu ở Gallipoli, sau đó sang Paris. Scoblin buộc phải trút bỏ quân phục. Giờ đây trông ông nhỏ bé và có vẻ không sánh đôi với người vợ xinh đẹp. Tuy nhiên, đã từng là chỉ huy nên ông dễ dàng tập hợp các sĩ quan của trung đoàn Corlilov hiện đang ở Paris. Tất cả họ đều tham gia tổ chức của giới sĩ quan Nga lưu vong có tên là "Liên minh quân sự toàn Nga". Về mặt hình thức tổ chức này mang tính từ thiện. Nhiệm vụ của nó là giúp đỡ các gia đình sĩ quan gặp khó khăn. Song thực tế đây là một tổ chức Bạch vệ phản động, sẵn sàng can thiệp chống đối nước Nga Xô Viết. Tổ chức này có quan hệ rộng rãi khắp châu Âu, có cơ quan tình báo riêng, tự mở trường thiếu sinh quân, triệu tập hội họp. Scoblin được lãnh đạo, tướng Cutepov và tướng Miller, cùng các sĩ quan khác trong tổ chức yêu quý và kính nể.

  Ban lãnh đạo Uỷ ban quân sự đặc biệt rất lo ngại tổ chức Bạch vệ này. Đây không chỉ là kẻ thù tư tưởng mà chúng còn có thể hoạt động tình báo, đào tạo sĩ quan và tiến hành khủng bố. Bởi vậy vào những năm 1920-1930, chiến đấu chống lực lượng Bạch vệ lưu vong ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà nước Xô Viết. Mùa thu năm 1930, một tình báo Bộ Ngoại giao Piot'r Georgeievich Covalski được giao nhiệm vụ sang Pháp chiêu nạp Scoblin và Pleviskaia. Anh là bạn và là đồng đội với Scoblin khi hai người cùng tham gia tiểu đoàn thanh niên xung phong năm 1917. Covalski có mang theo một bức thư "kêu gọi" của anh trai Scoblin. Piot'r đã gặp gỡ, nói chuyện với hai vợ chồng Scoblin, lúc với cả hai, lúc riêng từng người. Cuối cùng họ đã nhất trí sẽ làm việc cho tình báo Liên Xô và đã ký cam kết hai lần: ngày 10 tháng 9 năm 1930 và ngày 21 tháng 1 năm 1931. Theo những cam kết này thì bí danh của họ là "Phermer" và "Phermersa" và mỗi tháng họ được nhận 200 đô la. Những báo cáo đầu tiên của Scoblin không hấp dẫn. Ban lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã e ngại rằng liệu anh ta có phải là cái giá đỡ không vì việc chiêu mộ hai vợ chồng này diễn ra quá dễ dàng, quá thuận buồm xuôi gió. Nhưng mối nghi ngờ lập tức tiêu biến khi có ý kiến lập luận rằng Scoblin và Pleviskaia đã chấp thuận lời đề nghị một cách chân thành bởi cuộc trao đổi được tiến hành đúng lúc sau khi hai vợ chồng họ bị thất bại nặng nề về tài chính. Vả lại, việc trở về Nga hứa hẹn sự hồi sinh danh tiếng cho Pleviskaia.

  Sau vài lần trao đổi, Scoblin và Pleviskaia bắt đầu cung cấp những tài liệu có giá trị, chẳng hạn bản sao chép kế hoạch của "Liên minh toàn quân Nga" trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Liên bang Xô Viết và nhiều tài liệu nội bộ khác của tổ chức này, trong đó có ba báo cáo về kế hoạch tổng động viên các lực lượng Bạch vệ toàn châu Âu. Công tác kiểm tra cho thấy  Scoblin và Pleviskaia phục vụ trung thành cho tình báo Liên Xô. Dựa vào những tài liệu Scoblin và Pleviskaia cung cấp, trong vòng 4 năm Uỷ ban quân sự đặc biệt đã tóm gọn 17 gián điệp được tung vào Liên Xô, phát hiện 11 căn nhà hội họp bí mật ở Moscva, Leningrad và ngoại Cavkaz.

  Scoblin và Pleviskaia đã trở thành nguồn cung cấp thông tin chính. Ngoài ra, Scoblin còn xoá bỏ được nhiều đội quân chiến đấu do Satinov và tướng Fok gây dựng, tiêu diệt ý đồ tổ chức một đơn vị khủng bố, tố giác một gián điệp do Pháp gài đã làm việc trong tình báo Liên Xô 11 tháng, đồng thời ông cũng kịp thông báo cho tình báo Liên Xô về một tổ chức có ý định sát hại Litvinov trong chuyến đi thăm Thuỵ Sĩ của ông này.

  Nhiều cơ sở bị bại lộ đã buộc bộ phận phản gián của "Liên minh toàn quân Nga" tiến hành điều tra. Chúng đã lập một danh sách những kẻ tình nghi. Scoblin đã bị chúng nghi ngờ. Bằng thái độ khôn khéo và nhờ sự trợ giúp của tình báo Liên Xô, Scoblin đã giải toả được sự hoài nghi, thậm chí  ban lãnh đạo "Liên minh toàn quân Nga" còn bênh vực anh. Thời gian này người đứng đầu "Liên minh toàn quân Nga" là tướng Miller càng ngày càng thể hiện rõ ý định hợp tác với Đảng quốc xã. Ban lãnh đạo mới của Uỷ ban quân sự đặc biệt quyết định phế bỏ Miller, đưa Scoblin vào vị trí đó.

  Biết được ý định muốn bắt tay với phát xít của Miller, ngày 22 tháng 9 năm 1937, Scoblin đề xuất để Miller đi gặp đại diện phía Đức. Miller đồng ý, nhưng hắn thấy có gì đó chưa yên tâm nên trước khi đi đã để lại một bức thư. Nội dung bức thư như sau: "12:30 trưa nay tôi có một cuộc hẹn với Scoblin ở góc phố Jasmen và Raphe. Scoblin sẽ đưa tôi đi gặp tuỳ viên quân sự và một quan chức đại sứ Đức. Cả hai người này đều nói tiếng Nga tốt. Cuộc hẹn này được thu xếp theo sáng kiến của Scoblin. Có thể đây là một cái bẫy. Bởi vậy tôi để lại bức thư này đề phòng chuyện xấu xảy ra. 22 tháng 9 năm 1937. Trung tướng Miller". Miller đã không trở về sau lần gặp Scoblin đó. Ông ta bị nhân viên cơ quan phản gián mật nước ngoài bắt cóc. Họ đánh thuốc mê, sau đó cho ông ta vào một cái thùng gỗ to, đem lên tàu chở về Leningrad. Miller bị giam trong tù dưới một cái tên khác. Tháng 5 năm 1939, ông ta bị đưa ra xét xử và bị tử hình. Sau khi giao tận tay Miller cho những người thực hiện chiến dịch, Scoblin trở về "Liên minh quân sự toàn Nga". Tại đó chúng đưa cho ông bức thư để lại của Miller và hỏi Miller hiện giờ ở đâu. Biết mình đã bại lộ, Scoblin lao như tên ra khỏi phòng nơi ông vừa nói chuyện, và... biến mất. Sau đó không bao giờ người ta gặp ông ở đâu nữa. Có tin rằng ông đã chạy sang Tây Ban Nha và hy sinh trong khi Barcelona bị ném bom.

  Sau các vụ tướng Cutepov bị tình báo Liên Xô bắt cóc, bộ trưởng ngoại giao và vua Nam Tư bị sát hại, thủ tướng Pháp bị một kiều dân Nga tên là Gorlunov hạ sát, các nhà cầm quyền quyết định cho tìm bắt Nadezda Pleviskaia. Bà bị kết tội tòng phạm và tạo ra những bằng chứng ngoại phạm giả cho chồng. Tháng 12 năm 1937 bà bị kết án 20 năm tù và năm 1940 đã chết trong nhà tù.

  Về sự nghiệp của Scoblin còn nhiều những câu chuyện khác. Đó là chuyện người ta cho rằng Scoblin đã gây ra cái chết cho Tukhatrevski. Những tờ báo của kiều dân đưa tin Scoblin đã thừa cơ Tukhatrevski sang Paris để hạ toàn bộ uy tín của vị tướng này theo ý của Stalin. Scoblin hiểu rằng cùng với Tukhatrevski màu sắc của Hồng quân sẽ phai đi. Hình như đây là điều mà Scoblin mong muốn. Là điệp viên Đức, Scoblin sang Berlin để chia sẻ những suy nghĩ này của mình với Haydrikh. Hai người đã nhanh chóng hiểu nhau và cùng làm ra những tài liệu giả mạo. Scoblin đã nhận được 50 nghìn mark Đức. Hình như cơ quan phản gián Liên Xô ở Berlin biết được kế hoạch này và đã ủng hộ Scoblin. Người ta đã chuyển những tài liệu giả này tới tay Stalin. Tukhatrevski bị đưa ra toà và bị xử bắn, theo sau ông là gần 35 nghìn các sĩ quan chỉ huy Hồng quân cũng bị đưa ra pháp trường. Có vẻ như ý tưởng của Scoblin, một con người căm thù chế độ Xô Viết và quyết tâm làm hại chính quyền này, đã được thực hiện. Một số nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng tướng Miller cũng bị lôi kéo vào vụ này.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 03 Tháng Bảy, 2008, 07:37:26 pm
35 - ALLEN  DULLES (1893-1969)
Trùm mật vụ Mỹ và những chiến dịch ngầm chống cộng điên cuồng

(http://www.spartacus.schoolnet.co.uk/USAdullesA.GIF)

  Đây là người giữ vai trò giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ lâu nhất. Allen Dulles là con trai thứ hai của một mục sư giáo hội trưởng lão ở Watertown, bang New York. Anh trai của ông là John Foster, người về sau trở thành ngoại trưởng Mỹ.

  Allen sinh tháng 4 năm 1893, đi học ở New York, ở trường Elzass tại Paris, trường Đại học tổng hợp Princeton danh tiếng. Sau tốt nghiệp đại học ông sang châu Á. Đó là thời kì Thế chiến thứ nhất, cuộc chiến tranh mà nước Mỹ không tham gia. Do vậy năm 1916 Dulles trở thành nhân viên sứ quán Mỹ tại Vienna, thủ đô của đế quốc tham chiến Áo-Hung. Sau đó vào các năm 1917-1918, ông làm việc ở Bern, nơi lần đầu cảm thấy hứng thú với nghề tình báo. Năm 1920, Dulles cùng với anh trai John Foster trong đoàn đại biểu Mỹ đến Paris, nơi hòa ước Versailles được kí kết. Sự nghiệp ngoại giao của ông kéo dài thêm sáu năm. Ông đã từng làm việc ở Berlin, Stambul, trong bộ máy Bộ Ngoại giao ở Washington trước năm 1926, sau đó nghiên cứu chuyên sâu về luật. Ông cũng cùng với John Foster làm việc trong văn phòng luật quốc tế "Sallivan and Cromwel", tham gia xem xét các vụ liên quan đến châu Âu và nước Đức. Năm 1942, ông chuyển sang công tác ở Cục mật vụ Mỹ do tướng William Donovan đứng đầu. Không lâu sau đó, ông được chỉ định làm trưởng phái đoàn của Cục mật vụ dưới lốt đại sứ quán Mỹ tại Bern. Chính trong thời kì này ông tiếp xúc với Canaris.

  Dulles can thiệp cả vào hoạt động của phong trào Kháng chiến Pháp. Với hi vọng lôi kéo tổ chức "Combat" thuộc phong trào Kháng chiến Pháp hoạt động cho tình báo Mỹ, ông đã đề nghị được tài trợ cho tổ chức này để đổi lấy việc cung cấp tin tình báo chính trị và quân sự. Việc này đã gây mâu thuẫn trầm trọng giữa lãnh đạo tổ chức "Combat" và tổ chức bí mật thuộc phong trào "Nước Pháp tự do" do đích thân đại diện của tướng De Gaulle là Jean Moulin chỉ huy. Về sau, chuyện này vẫn luôn là mối ác cảm riêng của tướng De Gaulle đối với Allen Dulles.

  Các cuộc mật đàm với người Đức được Dulles triển khai từ năm 1943. Tuy nhiên ban đầu tình báo Đức không biết đó là Dulles nào, nên nhiệm vụ liên quan đến các cuộc đàm phán này mang mật danh là "Foster". Hoạt động này do một nhân viên tận tụy của Tổng cục An ninh Đế chế Đức là Heinz Felfe chịu trách nhiệm điều hành, còn về sau là một điệp viên Xô Viết không kém phần nổi tiếng. Về ý đồ của người Mỹ, Felfe đã có thông tin từ các cơ sở ở dưới. Người Đức đã thành công trong việc gài điệp viên Gabriel của mình vào tổ chức của Allen Dulles. Dulles mời Gabriel và một số người mà ông cho rằng có thể đóng một vai trò nào đó ở nước Đức mới và bày tỏ mong muốn được đàm phán với họ.

  Năm 1943-1944, Dulles dưới lốt "mister Ball" đã gặp hoàng thân Golenloe, đại diện sáng giá của giới thượng lưu Đức, với tướng Brauchitrem, cũng như với những nhân vật thân cận của nhóm tướng lĩnh chóp bu dưới sự cầm đầu của đại tướng Seitsler, đại diện cho cả quyền lợi của các nhà công nghiệp. Các nhân vật nhóm họp này đã thảo luận cặn kẽ kế hoạch xây dựng "khu vực chống cộng sản và chủ nghĩa Đại Slavơ", và bàn đến những nhượng bộ ở phương Tây với mục đích đảm bảo tự do cho hoạt động chống Liên Xô. Mùa xuân năm 1945, tại Bern đã diễn ra các cuộc thương lượng giữa Dulles với thủ lĩnh SS và cảnh sát ở Italia là tướng Carl Wolf. Các cuộc họp diễn ra hoàn toàn bí mật, nhưng như Dulles nhớ lại trong cuốn sách của mình "Chiến dịch Rạng Đông" thì thông tin đã bị rò rỉ nên giám đốc Cảnh sát An ninh Kaltenbrunner trong một cuộc họp đã khiển trách Wolf. Dulles viết: "... Trong số những người biết về chiến dịch "Rạng Đông" rõ ràng có một kẻ phản bội, nếu không thì Kaltenbrunner đã không thể biết nhiều như vậy... "

  Nhưng không có kẻ phản bội trong số các thành viên của những cuộc đàm phán. Lỗi hoàn toàn ở thói ba hoa của Dulles, vì ông ta đã hãnh diện kể cho điệp viên Gabriel của Đức cả những chuyện hết sức chi tiết trong các cuộc họp đó để chứng tỏ hoạt động của mình và của Cục Mật vụ Mỹ. Hơn nữa các chuyên gia cơ quan kĩ thuật Đức đã giải được mật mã điện đài của các đại diện ngoại giao, trong đó có cả cơ quan tình báo tại Anh và Thụy Sĩ. Do vậy Cục An ninh đế chế Đức đã hình dung khá đầy đủ về các bước tiếp theo trong những cuộc đàm phán về ngừng bắn tại Italia mà các cường quốc phương Tây mong muốn.

  Cả Moscva cũng biết về các cuộc mật đàm ở Bern. Bộ Ngoại giao Liên Xô tỏ ý muốn tham gia nhưng phía Anh-Mỹ không chấp thuận đề nghị này. Khi Liên Xô đòi chấm dứt các cuộc đàm phán riêng rẽ, phe Đồng minh quay ra phủ nhận sự hiện diện của các cuộc thương lượng tiếp tục với người Đức và còn tuyên bố rằng "các thông tin viên Liên Xô đã khiến chính phủ của mình lẫn lộn". Theo yêu cầu của Stalin, các cuộc thương lượng riêng với người Đức đã chấm dứt. Người ta nói rằng chính lúc này Dulles bắt đầu có thái độ chống cộng và chống Liên Xô đặc biệt điên cuồng. Ông ta không chấp nhận sự thất bại trong sứ mệnh này. Bực mình vì ông ta đã không được đánh giá đúng mức sau "Vụ Italia" - vụ các cuộc đàm phán ở Bern và bị giữ ở vai trò thứ yếu (ông ta vẫn là đại diện của Cục Mật vụ tại vùng Mỹ chiếm đóng trên đất Đức), năm 1946, Dulles xin từ chức. Hai năm liền ông ta làm việc trong Đoàn Luật sư và bằng tiền của mình giúp đỡ tiến hành các chiến dịch tình báo chống khối Xô Viết.

  Harry Schuman khi đang ở cương vị quyền tổng thống đã chỉ định Dulles làm trưởng ban gồm ba thành viên có nhiệm vụ đánh giá hoạt động của các cơ quan tình báo. Trong báo cáo của mình Dulles phát triển các luận điểm nhấn mạnh yêu cầu cần thiết đặt ra một chức vụ quản lí tập trung có khả năng phối hợp hoạt động của các cơ quan quân sự và dân sự đặc biệt.

  Năm 1947, tổng thống Schuman thành lập Cục Tình báo Trung ương Mỹ. Dulles trở thành phó giám đốc điều hành các chiến dịch đặc biệt trong phạm vi Cục Tình báo Trung ương. Năm 1951, ông ta được chỉ định vào chức vụ trợ lí cho giám đốc Cục Tình báo Trung ương là tướng Walter Bedell Smith. Tháng 1 năm 1953, tướng Dwight D. Eisenhower, người đánh giá rất cao anh em nhà Dulles, trở thành tổng thống Mỹ. Tổng thống đã chỉ định John Foster Dulles làm ngoại trưởng Mỹ. Ngày 9 tháng 2, Bedell Smith rời quân đội và sang giữ chức trợ lí ngoại trưởng, còn sau ba tuần Allen Dulles được chỉ định làm giám đốc Cục Tình báo Trung ương. Ông ta giữ chức vụ này tám năm.

  Như vậy đã sinh ra liên minh nguy hiểm của hai anh em nhà Dulles. Trong các hoạt động ngoại giao, tình báo và hoạt động ngầm vì cuộc chiến chống mối họa cộng sản họ sẵn sàng làm mọi chuyện. Hoạt động ngầm trở thành công việc yêu thích của Allen Dulles. Những chiến dịch bí mật thường xuyên được tiến hành trong thời kì Dulles giữ chức vụ giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ.

  Năm 1953, Iran trở thành "điểm nóng". Tại nước này thủ tướng Mohammed Mosadduk bắt đầu tiến hành các cải cách, quốc hữu hóa ngành sản xuất dầu mỏ của đất nước mình, mà trước tiên là động chạm đến tập đoàn dầu mỏ Anh - Iran. Các kế hoạch nằm trong chương trình cải cách có nguy cơ dẫn đến những thay đổi triệt để hơn nữa. Cục Tình báo Trung ương Mỹ phối hợp với Cục Đặc vụ Anh quyết định lật đổ Mosadduk, và đặt hi vọng vào vua Iran là Mohammed Rezu Pechlevi và các sĩ quan bảo hoàng. Nhưng nhà vua còn do dự. Tháng 8 năm 1953, Allen Dulles và đại sứ Mỹ Loy Henderson đã gặp công chúa Asraf, chị em cùng cha khác mẹ với nhà vua. Asraf là một phụ nữ mạnh mẽ và kiên quyết. Bà này đã đến Iran để thuyết phục nhà vua đồng ý tham gia vào cuộc bạo động. Đại sứ quán Mỹ ở Teheran đã biến thành Trung Tâm của vụ âm mưu tiến hành chiến dịch "AIAKS" của Mỹ. Chiến dịch đã lật đổ được chính phủ của Mosadduk nhờ có sự can thiệp quân sự và hoạt động của các nhóm nổi loạn được tổ chức tốt.

  Cục Tình báo Trung ương Mỹ còn tiến hành một chiến dịch bí mật nữa ở Philippins, nơi vào thời gian đó ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản phát triển và hoạt động của giải phóng quân phong trào "HUKS" được tôi luyện trong cuộc chiến chống Nhật đang có nhiều thắng lợi. Đặc phái viên của Dulles là Edward Giri Lansdale đã đến Philippins và dùng những khoản tài chính lớn để tiến hành vận động chiến tranh tâm lí chống quân "đỏ", đồng thời ông ta cũng đã tìm được một ứng cử viên tin cậy cho vị trí nguyên thủ quốc gia là ông Ramon Magsaisai. Với sự ủng hộ về mặt tài chính và vật chất kĩ thuật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ, ông này đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 1953 và trở thành một trong những sáng lập viên của khối SEATO thành lập năm 1954, là một tổ chức tương đương NATO của châu Á.

 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 03 Tháng Bảy, 2008, 07:37:41 pm
  Một đối tượng khác của các chiến dịch ngầm là Watemala. Năm 1951 sĩ quan phe cực tả Arbens được bầu làm tổng thống nước này. Năm 1952, ông ta bắt đầu thực hiện những cải cách nông nghiệp triệt để và đã tịch thu mất của hãng "United Fruit" một trăm mười nghìn hecta đất màu. Tình hình ở Watermala được đích thân tổng thống Eisenhower quan tâm vì Arbens ngày càng cực tả và thân cận hơn với phe cộng sản. Tổng thống ủy thác cho Dulles việc dàn xếp tình hình Watemala. Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã lên chương trình chiến dịch "Thành công". Người Mỹ tiến hành các hoạt động mua chuộc, đe dọa, hứa hẹn... Nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ phối hợp với các nhà ngoại giao và doanh nhân của "United Fruit" cung cấp vũ khí và tiền nong cho đối thủ của Arbens. Một ứng cử viên mới được lựa chọn cho cương vị tổng thống là Mighel Indigoras Fuentos đang sống lưu vong ở Salvadora. Theo yêu cầu của Dulles, tổng thống Eisenhower đã cho phép phi công Mỹ oanh tạc lãnh thổ Watermala để thúc đẩy nhanh quá trình giải giáp chế độ. Ngày 27 tháng 6 năm 1954, Arbens đầu hàng. Khẩu hiệu cũ "Những gì có lợi cho "United Fruit" đều có lợi cho nước Mỹ" lại được giương lên.

  Mục đích chính mà Eisenhower và anh em nhà Dulles theo đuổi suốt đời là kiềm chế ảnh hưởng của phe cộng sản chủ nghĩa và sau đó là tìm mọi cách để xóa bỏ nó. Để thực hiện điều này, Eisenhower đã thiết lập nên cái gọi là "chính phủ vô hình" mà bên cạnh sự đại diện của ông ta còn góp mặt các nhân vật Allen Dulles, John Foster và bộ trưởng quốc phòng. "Nội các giải quyết những vấn đề khủng hoảng" này do Allen Dulles đứng đầu.

  Trong số các giải pháp thành công của Cục Tình báo Trung ương Mỹ những năm Dulles đứng đầu có thể kể đến sự ủng hộ về mặt tài chính cho tổ chức tình báo và phản gián của "viên tướng xám" Gehlen tại Tây Đức. Tổ chức này đã từ hoạt động bán công khai trở thành một cơ quan chính phủ lớn của Cộng hòa Liên bang Đức. Tại Ai Cập với sự hỗ trợ của Allen Dulles và Cục Tình báo Trung ương Mỹ, Naser và những người ủng hộ ông ta trong tổ chức "Sĩ quan tự do" đã lật đổ vua Faruk và giành chính quyền. Ban đầu Naser gây chiến với người Anh nhưng đồng thời vẫn làm bạn với người Mỹ. Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã chi những khoản tiền lớn, cố gắng biến ông ta thành một đồng minh đáng tin cậy. Nhưng chẳng bao lâu sau ông này quay sang thân Liên Xô, và Cục Tình báo Trung ương Mỹ bắt đầu nghiên cứu khả năng lật đổ ông ta với sự giúp sức của những "anh em Hồi giáo". Hơn nữa người ta còn lên kế hoạch ám sát Naser. Tại Đài Loan, Cục Tình báo Trung ương Mỹ ủng hộ những người theo chủ nghĩa quốc gia Trung Hoa. Người Mỹ thành công trong việc duy trì được chế độ xã hội được thiết lập tại đây và bảo vệ Đài Loan trước nguy cơ tấn công của Trung Quốc đại lục. Tại Hungari họ đã kích động dân chúng nổi dậy trong cuộc bạo loạn năm 1956. Sự thật là sau khi cuộc nổi loạn bị đàn áp, Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã phó mặc người Hungari cho số phận may rủi.

  Đó có lẽ là tất cả những mặt "tích cực" trong hoạt động của Allen Dulles trên cương vị giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ.
Nhưng mặt tiêu cực của hoạt động này cũng rất phong phú.

  Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã tung vào Liên Xô và các nước khối này một số lượng lớn điệp viên là những người di tản từ các nước thuộc Liên Xô. Nhưng hầu như không ai trong số họ còn sống sót hoặc ít ra là được tự do.

  Người Mỹ đã hất chân được người Pháp khỏi Đông Dương nhưng rồi chính họ đã lập tức bị sa lầy trong cuộc chiến tranh phi nghĩa và đẫm máu ở Việt Nam và kết cục chịu thất bại hoàn toàn.

  Cục Tình báo Trung ương Mỹ mưu toan lật đổ Sukarno ở Indonesia. Vụ ám sát nguyên thủ quốc gia Indonesia xảy ra ngày 30 tháng 11 năm 1957 đã thất bại. Khi đó người ta liền quyết định quay sang sử dụng những phương thức khác. Cục Tình báo Trung ương Mỹ cài gián điệp của mình dưới vỏ bọc viện trợ kinh tế. Các đối thủ của tổng thống Sukarno được sự ủng hộ của người Mỹ đã tiến hành các hoạt động giao tranh và sự ủng hộ này biến thành vụ bê bối quốc tế. Tổng thống Sukarno cuối cùng cũng bị lật đổ, nhưng đó là chuyện về sau này, khi Dulles không còn tại nhiệm nữa.

  Năm 1959, Cục Tình báo Trung ương Mỹ để Fidel Castro yên ổn ở La Habana. Khi hiểu ra thì mọi chuyện đã quá muộn: Castro hóa ra hoàn toàn không phải là một "nhà dân chủ" mà người Mỹ cần. Cục Tình báo Trung ương Mỹ tìm mọi cách để loại trừ Castro: hoặc lật đổ hoặc giết chết. Ủy ban Thượng viện Mỹ kết luận con số các vụ âm mưu nhằm mục đích này mà Cục Tình báo Trung ương Mỹ có nhúng tay vào là tám lần. Ban đầu người Mỹ tìm cách làm mất uy tín của Chủ tịch Castro trước dân chúng, xâm hại sức khỏe và tinh thần của ông bằng nhiều biện pháp khác nhau (như phun khí độc, tẩm độc xì gà và thậm chí là cắt bộ râu nổi tiếng...). Sau đó người ta bắt đầu lập những kế hoạch nghiêm trọng hơn. Năm 1975, trong cuộc đàm luận với nghị sĩ Macgovern, Castro tuyên bố có đến hai mươi ba vụ mưu sát nhằm vào ông đã được thực hiện.

  Ngày 1 tháng 5 năm 1960 một chiếc máy bay do thám rơi tại Sverdlov (Nga), phi công Powers thay vì cắn ống thuốc độc tự vẫn đã đầu hàng người Nga và khai rằng anh ta hành động theo chỉ thị của Cục Tình báo Trung ương Mỹ. Vụ bê bối này đã trở thành cớ để Khrusov từ chối gặp Eisenhower trong một cuộc gặp gỡ cấp cao. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô giận dữ tuyên bố không thể đàm phán với một kẻ đã cho máy bay do thám bay vào vùng trời nước mình, nhất là lại vào một ngày lễ trọng đại như vậy.

  Và cuối cùng là vụ bê bối trên vịnh Con Lợn của Cu Ba. Vụ đổ bộ kiều dân lưu vong Cu Ba tại đây dưới sự yểm trợ của lính đánh bộ và không quân Mỹ đã thất bại hoàn toàn. Quân nhảy dù rơi xuống biển. Hàng trăm tên phá hoại rơi vào nhà tù của Fidel Castro. Những sự kiện ở Cu Ba khiến tổng thống John Kennedy hết kiên nhẫn. Ông ta yêu cầu Dulles suy nghĩ về "sự hữu dụng nghề nghiệp" của bản thân.
Ngày 20 tháng 11 năm 1961, Allen Wels Dulles từ chức và quay sang viết sách. Đề tài chủ yếu trong sáng tác của ông ta là hoạt động của cơ quan mật vụ.

  Dulles mất ngày 9 tháng 1 năm 1969 trong thời kì quyết liệt nhất của chiến tranh ở Việt Nam.

  Sau đây là lời xác nhận hết sức quan trọng liên quan đến hoạt động của Allen Dulles và đặc biệt là đến niềm say mê ghê gớm của ông ta đối với "các chiến dịch ngầm": Khi tôi thành lập Cục Tình báo Trung ương Mỹ, nó hoàn toàn không phải trở nên theo tinh thần như nó đã trở thành - và đó là vào những năm hòa bình - trong các chiến dịch sa lầy và giết chóc. Tôi cho rằng một vài phức tạp, một vài khó khăn mà chúng ta đều biết phần nào khẳng định hoạt động tình báo chính là một vũ khí bí mật trong tay tổng thống - nhưng nó đã đi quá xa mục tiêu được đặt ra đó, và hiện nay được coi là biểu tượng của những âm mưu hiểm độc và bí mật ở nước ngoài và là đề tài cho sự tuyên truyền thù địch trong thời kì "chiến tranh lạnh".

  Tác giả lời xác nhận này không phải của ai khác mà chính của cựu tổng thống Mỹ Harry Schuman, người sáng lập ra Cục Tình báo Trung ương Mỹ, và lời trích dẫn trên được ông nói vào năm 1963.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 04 Tháng Bảy, 2008, 07:52:14 pm
36 - RICHARD GEORGE (1893 - 1944)
Siêu điệp viên của tình báo Xô Viết



  Vào năm 1964, N. X. Khrusov ngẫu nhiên được xem bộ phim "Tiến sĩ George, ông là ai?" của đạo diễn I. Champe, một đạo diễn người Pháp nổi tiếng thế giới. Sáng hôm sau, Khrusov gọi điện cho giám đốc cơ quan tình báo và hỏi xem ông ta có biết George không. Sau khi giám đốc cơ quan tình báo trả lời là có biết, Khrusov thốt lên: "Đấy quả là một anh hùng!"

  Tên tuổi của Richard George lần đầu tiên vang lên ở Liên Xô là như vậy và anh lập tức trở nên nổi tiếng lẫy lừng. Anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, còn các bạn chiến đấu của anh, dù còn sống hay đã chết, đều được tặng huân chương chiến đấu. Tổ quốc Xô Viết đã công nhận người điệp viên nằm vùng "Ramsay(*)" của mình.

  Còn đây là những điều mà tướng Ramsay, trưởng phòng tình báo của ban tham mưu tướng Marcater, đã viết về anh từ trước trong cuốn sách "George - siêu điệp viên của tình báo Xô Viết": "Nhóm tình báo dưới sự lãnh đạo của người điệp viên chói sáng Richard George đã thực hiện được những chiến công thật sự kỳ diệu. Trong suốt tám năm trời, nhóm tình báo đó đã hành động một cách can trường, quả quyết và thành công vì Tổ quốc tinh thần của mình là Liên Xô".

  Mặc dù khởi đầu từ số không, tại một đất nước mà anh hiểu biết hết sức mơ hồ, nhưng George đã xây dựng được một tổ chức tuyệt vời nhất... Trong tám năm hoạt động, anh đã chuyển về Moscva vô số những tin tức quan trọng, tin nào cũng được anh phân tích tỉ mỉ và kiểm tra kỹ lưỡng. Ban lãnh đạo tình báo Xô Viết và Hồng quân luôn luôn biết rõ mọi kế hoạch của các lực lượng vũ trang Nhật và Đức. 
... Điểm đặc biệt nhất là tất cả các thành viên trong nhóm của George đều hoạt động vì lý tưởng, vì sự nghiệp chung, chứ không phải vì tiền bạc. Những khoản tiền họ nhận được từ Trung Tâm (đó là những khoản tiền hết sức khiêm tốn) đều được chi vào việc trả tiền thuê địa điểm bí mật và tiền đi lại...

  Giám đốc CIA Allen Dulles trong cuốn sách "Nghệ thuật tình báo" đã viết: "Thành tựu chủ yếu của nhóm George là vào giữa năm 1945 đã trao cho Stalin những bằng chứng rõ ràng cho thấy người Nhật không có ý định tấn công Liên Xô mà tập trung nỗ lực vào vùng Đông Nam Á và khu vực Thái Bình Dương, tức là thực hiện chiến thuật Trân Châu Cảng. Thông tin này có giá trị bằng nhiều sư đoàn..." Vậy con người có giá trị bằng nhiều sư đoàn ấy là ai ?

  Richard George sinh trưởng ở Baku, trong gia đình một kỹ sư ngành dầu mỏ. Sau đó ít lâu, gia đình anh chuyển về Đức. Anh tốt nghiệp phổ thông, và khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ thì anh tình nguyện ra mặt trận. Tại mặt trận phía Đông, George lần đầu tiên được biết về phong trào cách mạng, lần đầu tiên được nghe nói về Lenin. Ngay khi ấy, anh đã lựa chọn con đường đi của anh, anh trở thành đảng viên xã hội dân chủ rồi đảng viên cộng sản, làm việc cùng nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Đức Ernst Tenloman. Năm 1925, theo lời khuyên của Tenloman, anh sang Liên Xô.

  Cùng với những nhà cách mạng trẻ tuổi khác, George theo học tại Viện Mác - Lenin, chuẩn bị giương cao ngọn cờ của cách mạng thế giới. Trước đó, vào năm 1919, anh đã nhận được học vị tiến sĩ xã hội học tại trường đại học Hamburg. Đồng thời, anh làm công tác nghiên cứu khoa học: chỉ từ năm 1925 đến năm 1927, anh đã cho in hai cuốn sách và 17 bài báo khoa học nghiêm túc, anh đã trở thành nhà khoa học. Nhưng đến năm 1929, Ian Berdin đã lôi cuốn anh vào làm việc cho cơ quan tình báo quân sự Xô Viết. Làm việc này không khó khăn lắm. Đất nước đã trở thành tổ quốc của anh lúc đó đang bị kẻ thù bao vây khắp xung quanh. Chúng chuẩn bị can thiệp, tổ chức các vụ khiêu khích, đe dọa các vùng biên giới. Đất nước đó cần phải được bảo vệ.

  Chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của George là đến Trung Quốc với tư cách phóng viên đặc biệt của tờ báo Đức "Dat Sociologic Magazine" và cũng là đại diện của một vài tờ báo Mỹ. Trung Tâm cần tin tức về âm mưu của Nhật ở Trung Quốc. George đi khắp Trung Quốc để thu thập những số liệu cần thiết. Cùng làm việc với anh là Mark Clauden, một người anh mới quen biết ở Thượng Hải, thợ cơ khí ô tô và một nhà chơi vô tuyến nghiệp dư. Mark Clauden lắp một chiếc điện đài và dễ dàng thiết lập liên lạc với đài phát thanh Xô Viết ở Vladimirvostoc. Trong thời gian lưu lại ở Trung Quốc, George không chỉ thu thập tin tức mà còn hoạt động công khai, sắp đặt những mối quan hệ cần thiết, nghiên cứu tình hình ở Trung Quốc cũng như ở nước Nhật Bản láng giềng. Giờ đây, con đường của anh là đến Nhật Bản, nhưng không phải đi thẳng mà là qua ngả Berlin. Vào lúc ấy, bọn phát xít đã lên nắm chính quyền ở Đức, anh phải lấy lại tên thật, tên của một người mà ai cũng biết đã từng là đảng viên cộng sản, đã từng quen biết Tenleman và tác giả của nhiều cuốn sách. Giờ đây, khó lòng tưởng tượng nổi là tại sao cơ quan phản gián Đức lại có thể phạm một sơ suất như vậy, nhưng đó là sự thật. Cơ quan phản gián Đức lúc đó còn quá non trẻ và thiếu kinh nghiệm, chúng chẳng có thời gian đâu kiểm tra lý lịch của từng người, nhất là người đó lại đã "từ bỏ" những tư tưởng trước đây.

  Vậy là George đã trở thành phóng viên riêng ở Tokyo của tờ báo tư sản tự do Đức "Franfurter Saitung". Ngày mồng 6 tháng 9 năm 1943, anh đặt chân lên cảng Iocotama.

  Những bài báo của George rất giá trị đối với tờ báo và được độc giả rất quan tâm. Những bài báo của anh nổi bật lên nhờ cách phân tích sâu sắc, nhờ những kết luận rõ ràng và tầm bao quát rộng rãi đề tài. Sau khi giành được uy tín với tư cách nhà báo, anh bắt tay vào việc thực hiện nhiệm vụ tiếp theo là "nhập vào các giới người Đức" ở Tokyo, trước hết là vào giới chính trị. Người quen có triển vọng nhất của George là đại tá Ayden Ott, lúc đầu là nhà quan sát quân sự rồi sau là tuỳ viên quân sự của Đức ở Tokyo. Ông ta đánh giá rất cao George với tư cách là một chuyên gia, một người am hiểu Nhật Bản và một nhà phân tích xuất sắc.

--------------------------------------------
(*) Ý nói nhà bác học người Anh William Ramsay.
 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 04 Tháng Bảy, 2008, 07:55:52 pm
  Trích báo cáo của nhóm "Ramsay" gửi về Moscva:
 
  "Mỗi khi Ott nhận được một tài liệu quý giá hoặc định viết một vấn đề gì đấy thì ông ta lại mời George đến, cho anh làm quen với tài liệu. Đối với những tài liệu không quan trọng lắm thì nếu George yêu cầu, ông ta chuyển đến nhà anh để anh làm quen. Còn nếu đấy là những tài liệu quan trọng hơn thì George thường đọc ngay trong phòng làm việc của ông ta".

  Ngày 29 tháng 4 năm 1938, đại sứ mới của Đức ở Tokyo, thiếu tướng Ayden Ott, "bạn" của George, trình uỷ nhiệm thư lên Nhật hoàng. Giờ đây, George đã có thể tiếp xúc không hạn chế với những tài liệu từ nguồn trực tiếp nhất. Đôi khi, theo yêu cầu của Ott, anh viết báo cáo cho cấp trên của ông ta ở Berlin. Công việc nhiều đến nỗi anh nhiều đêm phải thức trắng. Trong khi ấy, anh còn phải sống cuộc đời của một nhà báo cũng như phải tham gia cuộc sống của giới thượng lưu nữa. Các bản báo cáo của cơ quan phản gián Nhật cho thấy anh là một con người bình thường, có những nhược điểm và khuyết điểm riêng của mình. Anh thích uống rượu và không bắt mình phải từ bỏ thú vui này. Mật thám Nhật thản nhiên ghi nhận rằng anh không phải là tín đồ thanh giáo cả về mặt quan hệ với phụ nữ - trong tám năm sống ở Nhật, anh đã có quan hệ với ba mươi đại diện của phái đẹp. Rất có thể anh thư giãn bằng cách đó, mà cũng có thể anh đeo mặt nạ của một gã Don Juan để che giấu con người thật điệp viên của mình.

  Vào khoảng giữa thập kỷ 30, nhóm "Ramsay" hình thành ở Tokyo và bắt đầu hoạt động. Tham gia nhóm này có Hotdumi Ottdaki, nhà báo và nhà hoạt động xã hội người Nhật, Branco Vukevich, phóng viên của tờ tuần báo Pháp "Vi" và của tờ báo "Chính trị" ở Bengrad, nhà kinh doanh Đức Mark Clauden và họa sĩ Miaghi. Tất cả đều là những con người chín chắn, lịch lãm, những nhà quốc tế chủ nghĩa, nhưng George vẫn phải bỏ nhiều công sức để huấn luyện họ thành điệp viên. Đặc biệt khó khăn là với Ottdaki: ông cho rằng những quan điểm quốc tế chủ nghĩa của mình, đặc biệt là việc cộng tác với George, trái ngược với lòng trung thành của ông đối với nước Nhật.

  Trong suốt tám năm trời, những con người này đã sát cánh làm việc bên nhau, không hề trục trặc, hoàn toàn tin tưởng ở nhau. Nhiệm vụ chính của nhóm "Ramsay" là góp phần ngăn chặn cuộc chiến giữa Nhật Bản và Liên Xô và tìm hiểu mối quan hệ giữa Nhật Bản và nước Đức Hitler. Người giúp George thực hiện nửa đầu của nhiệm vụ là Ottdaki. Là một người có óc phân tích tinh tế, có văn hoá và trình độ học thức cao, từ tháng 7 năm 1938, ông trở thành cố vấn chính thức bên cạnh thủ tướng Nhật hồi đó là Conoe. Địa vị này cho phép ông không chỉ thông hiểu tình hình chính trị mà ở một mức độ nào đấy, dù là hết sức nhỏ, có thể ảnh hưởng đến việc ra các quyết định.
Tin tức đầu tiên mang tính chất thuần tuý quân sự của nhóm "Ramsay" là bức điện có chứa đựng kết luận cho rằng bộ tổng tham mưu Nhật đang chuẩn bị đòn đánh bất ngờ vào Cộng hòa nhân dân Mông Cổ. Thông tin này đã cho phép Hồng quân chuẩn bị giáng trả và đánh tan quân Nhật trên sông Khan-khin-Gol.

  Năm 1939, vị trí của George trong sứ quán Đức được củng cố thêm bởi vì đại sứ Ayden Ott đề nghị anh làm tuỳ viên báo chí. Theo quy định thời đó thì điều này sẽ khiến anh mất quyền cộng tác với báo chí. Nhưng tình thế được hoá giải một cách bất ngờ. Trước đó ít lâu, một nhân viên Gestapo là Maydinghe đến sứ quán với nhiệm vụ kiểm tra đội ngũ nhân viên của sứ quán, hơn nữa, y được yêu cầu phải chú ý đặc biệt đến George vì anh đã từng là đảng viên cộng sản. Nhưng George đã biết cách tranh thủ cảm tình của Maydinghe đến nỗi anh được phép cộng tác với báo chí trong khi vẫn thực hiện nhiệm vụ của một tuỳ viên báo chí. Cần phải nói rằng George đã làm được không ít việc cả trên cương vị một tuỳ viên báo chí. Bởi lẽ nấp dưới bộ mặt một tên quốc xã chính thống và ở Đức, anh được coi là điệp viên của Tổng cục An ninh Đế chế nằm vùng ở Tokyo, một điệp viên đã cung cấp được những tin tức hạng nhất về Nhật Bản cho cơ quan tình báo Đức. Anh được Sellenberg đánh giá rất cao mà bằng chứng là những dòng y viết về anh trong hồi ký của y. Bọn Đức không thể tin được rằng anh lại không làm việc cho chúng. Những tin tức về việc George làm việc cho cơ quan tình báo Đức cũng đã bay đến Moscva, và đây là một trong những nguyên nhân khiến Stalin không tin anh.

  Trong khi ấy, thời gian của những thử thách vĩ đại cả đối với anh cũng như đối với nhân loại cứ ngày một đến gần. George gửi đi những bức điện đầy lo ngại. Dưới đây là nội dung tóm tắt một vài bức điện trong số đó.

  Tháng 2 - tháng 6 năm 1939: tin tức về việc Đức chuẩn bị xâm chiếm Ba Lan; cuộc tấn công sẽ bắt đầu vào cuối tháng 8 đầu tháng 9. 

  Tháng 2 - tháng 4 năm 1940: cảnh báo về việc Đức sẽ tấn công trên quy mô lớn vào Pháp và Anh; sau khi thống trị châu Âu, Đức dự định sẽ tấn công Liên Xô.

  Ngày 18 tháng 11 năm 1940: tin tức và số liệu về những biện pháp mà Đức đang thực hiện nhằm chuẩn bị cho cuộc xâm lược Liên Xô. "Trên vùng biên giới Đức - Xô đã tập trung 80 sư đoàn Đức. Hitler có ý định xâm chiếm vùng lãnh thổ theo tuyến Kharcov - Moscva - Leningrad".

  Ngày mồng 5 tháng 3 năm 1941. "Những đại diện của Hitler đến đây đều khẳng định chiến tranh sẽ bắt đầu vào cuối tháng 5. Để tấn công Liên Xô, Đức đã tập trung 9 tập đoàn quân gồm một trăm năm mươi sư đoàn".   

  Ngày 20 tháng 5 năm 1941. "Cuộc tấn công Liên Xô sẽ diễn ra vào ngày 20 tháng 6; hướng tấn công chủ yếu là vào Moscva".   

  Ngày 31 tháng 5 năm 1941. "Ngày 22 tháng 6, Đức sẽ tấn công Nga mà không tuyên chiến".

  Ngày 15 tháng 6 năm 1941. "Cuộc tấn công sẽ diễn ra trên một chiến tuyến rộng lớn vào lúc rạng đông ngày 22 tháng 6".

  Không thể chính xác hơn được nữa! Nhưng Stalin không tin George, không tin cả Schulze-Boysen và những điệp viên khác đã nêu đích danh ngày tháng này. Điều đó có những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Những nguyên nhân khách quan sẽ không được đề cập đến ở đây bởi vì những nguyên nhân đó đã được biết khá rõ rồi. Còn nguyên nhân chủ quan cơ bản là George đã nhiều lần viện những lý do khác nhau để từ chối đến Liên Xô nghỉ phép hoặc công tác. Anh suýt bị gán cho "danh hiệu" khủng khiếp là "kẻ không muốn trở về". Vậy có thể tin tưởng một người như vậy không? Nhưng về phần mình thì George cũng không có lòng tin như vậy - chắc chắn là anh không tin rằng anh sẽ có thể sống sót trở về sau khi đến Liên Xô bởi vì đã có quá nhiều bạn chiến đấu của anh ra đi rồi không trở lại. Chẳng hạn như Berdin...

  Còn có một nguyên nhân nữa. Những tin tức về ngày tháng Đức tấn công Liên Xô đến từ nhiều nguồn khác nhau, thậm chí còn được công bố trên báo chí các nước trung lập. Và tất cả những tin đó đều không được chứng thực. Cả một số lời cảnh báo của George (cuối tháng 5, ngày 20 tháng 6...) cũng không được chứng thực.

  Do đó Stalin không tin, và chiến tranh đã bùng nổ. Bây giờ cần phải làm rõ lập trường của Nhật Bản.

  Ngày mồng 2 tháng 7 năm 1941, phiên họp của hội đồng hoàng gia Nhật diễn ra dưới sự chủ tọa của Nhật hoàng Hirohito. Phiên họp quyết định: tấn công Đông Dương, duy trì hiệp ước không tấn công lẫn nhau với Liên Xô, động viên một lực lượng quân đội đủ lớn để nếu thuận tiện thì vẫn thực hiện việc tấn công Liên Xô.

  Ngày mồng 3 tháng 7, Moscva nhận được bức điện: "Mặc dù nước Đức Hitler gây sức ép nhưng tạm thời Nhật sẽ không tham gia cuộc chiến chống Liên Xô".

  Tháng 9 - tháng 12 năm 1941, xe tăng Đức tiến về phía Moscva. Bộ chỉ huy Xô Viết đứng trước một vấn đề mang tính quyết định: liệu có thể chuyển các đơn vị ở Xibiri sang phía Tây để bảo vệ Moscva được không ?
 
  Ngày mồng 6 tháng 9 năm 1941, Moscva nhận được một báo cáo đã kiểm tra kỹ lưỡng: "... Trong năm nay, Nhật Bản sẽ không tiến vào vùng Viễn Đông".
 
  Đầu tháng 10 năm 1941: "Nếu trước ngày 15 tháng 10 mà chính phủ Nhật Bản không đạt được thoả thuận với Mỹ thì Nhật Bản sẽ phát động cuộc chiến ở miền Nam chống Singapore. Chiến sự giữa Nhật và Mỹ chắc chắn sẽ bắt đầu vào cuối năm".

  George còn chuẩn bị xong một bức điện nữa: "Sứ mệnh của chúng tôi ở Nhật Bản đã hoàn thành. Đã tránh được cuộc chiến tranh giữa Liên Xô và Nhật Bản. Hãy đưa chúng tôi về Moscva hoặc phái chúng tôi sang Đức". Những bức điện này đã không kịp gửi đi.

  Ngày 18 tháng 10 năm 1941, George bị bắt. Việc bắt giữ nhóm của anh được cơ quan phản gián Nhật đánh giá là thành công lớn nhất. Ba mươi hai nhân viên phản gián Nhật được tặng thưởng những huân chương cao nhất của nước Nhật.

  Cuộc điều tra kéo dài vài năm. Lập trường của phía bị cáo do George đề xuất là rất vững chắc: "Trung Tâm chỉ thị cho chúng tôi là phải cố gắng ngăn chặn khả năng xẩy ra chiến tranh giữa Liên Xô và Nhật Bản... Và suốt từ đầu đến cuối tôi luôn luôn kiên trì đường lối này". Tuy nhiên, toà vẫn tuyên án tử hình đối với Richard George và Hotdumi Ottdaki. Các thành viên khác của nhóm bị tuyên những thời hạn tù khác nhau, nhưng chỉ một mình Clauden là kịp hưởng tự do: sau khi nước Nhật bại trận, Clauden được chính quyền chiếm đóng Mỹ phóng thích.

  Việc bắt giữ và kết án George chẳng khác gì một quả bom nổ tung trong sứ quán Đức ở Tokyo. Cả Ott lẫn Maydinghe đều ra sức hạ thấp vai trò của mình trong mối quan hệ với George. Để giải thích vụ thất bại này, người ta đã tạo ra một huyền thoại về George, dường như anh là một "siêu nhân có thể đi xuyên qua tường".

  Ngày 11 tháng 7 năm 1944, sau hơn ba năm ngồi tù, George bị treo cổ. Sau khi anh chết vẫn còn lại những "hồi ký" của anh - đó là những ghi chép của anh ở trong tù. Trong những ghi chép đó, anh quả quyết tuyên bố với cả bạn bè lẫn kẻ thù rằng anh chết như một người cộng sản trong niềm tin vào thắng lợi của Liên Xô.

  Nhiều người thường đặt câu hỏi là liệu có thể cứu được George không bằng cách trao đổi anh lấy những điệp viên Nhật bị bắt giữ ở Liên Xô? Chưa chắc. Vào thời chiến, việc trao đổi như vậy chưa từng được một bên tham chiến nào thực hiện.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 05 Tháng Bảy, 2008, 04:38:43 pm
37 - "ROBIN"  (1893 - sau 1963)
Một cái tên vẫn còn là ẩn số



  Chúng ta không biết và rất có thể sẽ không bao giờ biết được tên thật của con người này. Ông đã đề nghị cơ quan mật vụ mà ông cộng tác không bao giờ công bố bất kỳ thông tin nào về ông. Tuy nhiên, hoạt động của ông xứng đáng được đời sau kể lại.

  "Robin" là điệp viên của cơ quan tình báo quân sự Anh, đồng thời, ông còn hợp tác với Cục tác chiến đặc biệt trong những năm chiến tranh và tham gia vào phong trào Kháng chiến Pháp, một điều không làm các sếp của ông hài lòng lắm. Ông sinh ra ở Bern, thủ đô Thuỵ Sĩ. Mẹ ông là người gốc Endat, còn bố ông là người Thuỵ Sĩ gốc Do Thái. Hồi trẻ, ông cùng cha mẹ ông chuyển sang Paris sinh sống. Ông được học hành tử tế rồi làm công việc kinh doanh và đến cuối chiến tranh thế giới thứ hai thì đã trở thành một nhân vật nổi tiếng của giới doanh nghiệp quốc tế và là một người rất giàu có. Ông kế thừa của mẹ ông đôi mắt màu xanh và mái tóc màu sáng, kế thừa của bố ông vóc người cao lớn và thân hình lực sĩ, nói chung, ông có vẻ ngoài của một người Aryan thực thụ. Bạn bè và về sau cả người Đức nữa đều gọi ông là "dân Aryan chính cống".

  Vào tháng 6 năm 1940, nước Pháp đầu hàng và bị quân đội Đức chiếm đóng. Tàn quân Anh từ Dunkert trở về Anh. "Robin" suy nghĩ về tương lai của mình: trở về Thuỵ Sĩ và tiếp tục công việc kinh doanh nhờ sự giúp đỡ của vô số bạn bè, hay sang Anh và có thể sang Mỹ là nơi cũng sẽ làm công việc kinh doanh, hoặc ở lại Pháp tham gia cuộc đấu tranh chống bọn Đức xâm lược. Ông chọn con đường thứ ba. Ngay từ trước khi sứ quán Anh rời khỏi Paris (ngày mồng 10 tháng 6 năm 1940), "Robin" đã tiếp xúc với cơ quan tình báo Anh nhưng ông cảnh báo: "Tôi sẽ làm việc cùng các ông nhưng không phải cho các ông". Khi ra đi, người Anh để lại cho "Robin" một điện đài và một người liên lạc là chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở ngoại ô Paris. Ngoài ra, người Anh còn cung cấp cho ông những giấy tờ cần thiết mang tên Jack Valter, một người Đức gốc Andat.

  Sau khi chiếm đóng Paris, bọn Đức dĩ nhiên thiết lập ở đây trật tự của chúng, nhưng trật tự mà chúng thiết lập ở Pháp khác hẳn trật tự mà chúng thiết lập tại các vùng đất Xô Viết bị chúng chiếm đóng. Các thành phố Pháp vẫn tiếp tục buôn bán, tiền tệ vẫn tiếp tục lưu thông bình thường, nhà hát, bảo tàng, xe điện ngầm, các quán bar và tiệm ăn vẫn tiếp tục hoạt động, các cuộc trình diễn thời trang vẫn tiếp tục được tổ chức, các trạm xăng vẫn tiếp tục mở cửa tuy số lượng bán bị hạn chế, các đoàn tàu, kể cả tàu nhanh và tàu suốt, vẫn tiếp tục chạy theo thời biểu, thậm chí cả ngành du lịch cũng vẫn hoạt động - người ta vẫn có thể đi nghỉ ở biển. Lợi dụng tình hình đó, "Robin" đã vài lần ra biển. Thường thường, một chiếc thuyền đánh cá đón ông tại một nơi nào đó hẻo lánh rồi chở ông đến một con tàu thuộc hạm đội hoàng gia Anh. Tại đây, ông gặp các sĩ quan tình báo Anh và chuyển tin tức cho họ. Những tin tức đó bao giờ cũng rất giá trị bởi vì vào quãng thời gian đó, "Robin" đã làm quen được với nhiều người Đức, chủ yếu là trong giới các sĩ quan hậu cần, và ông được chúng coi là "người mình". Vào đầu mùa hè năm 1942, trong một cuộc gặp như vậy, "Robin" báo tin là đã làm quen được với đại uý Đức Daneke, đại diện cho Adolf Eikhman ở Paris, kẻ đứng đầu văn phòng phát xít phụ trách việc "giải quyết tận gốc vấn đề Do Thái", tức là phụ trách việc tiêu diệt người Do Thái không những ở Đức mà còn ở khắp châu Âu. Cũng trong cuộc gặp đó, "Robin" nói với các sếp của mình rằng mặc dù ông sẽ tiếp tục làm việc cùng với tình báo Anh nhưng giờ đây, ông coi nhiệm vụ chính của ông là cứu thoát cộng đồng Sefard ở Pháp khỏi bị tiêu diệt.

  Sefard là dòng dõi họ hàng xa của những người Do Thái Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Họ chuyển sang Pháp sinh sống ngay từ thời kỳ pháp đình tôn giáo hoành hành ở Tây Ban Nha. Họ đã chia tay từ lâu với đức tin của ông cha và không còn giữ những tập quán của ông cha nữa, ngay cả vẻ ngoài của họ cũng khác người Do Thái khá nhiều. Thường thường, đấy là những người có học thức cao và rất giàu có. Họ có cộng đồng riêng, và khi biết "Robin" có những mối quan hệ với người Đức thì ban lãnh đạo của họ khẩn thiết nhờ ông làm một việc gì đó để cứu họ. "Robin" bắt đầu hành động. Thông qua đại uý Daneke, Jack làm quen với những người khác trong giới thân cận của Eikhman. Ông thường gặp gỡ họ trong hoàn cảnh không chính thức và ông có đủ tiền để làm việc này. Một lần, chọn đúng thời điểm thích hợp, ông nói bóng gió rằng "bọn Do Thái đáng nguyền rủa này rất giàu có" và có thể "móc hầu bao" mỗi tên một số tiền lớn chỉ với một điều kiện là thừa nhận họ là người Pháp. "Còn nếu giết họ, - ông nói thêm, - thì các ông sẽ chẳng nhận được gì cả bởi vì tiền của họ được giấu ở một nơi rất xa". Bọn Đức có vẻ lưu tâm nhưng không đồng ý với ông, chúng không chỉ viện dẫn sếp của chúng mà còn viện dẫn uy tín của Cant, Nitse và Goethe nữa. Nhưng số tiền đề nghị càng tăng lên thì niềm tin của chúng vào sứ mệnh đúng đắn của chúng càng yếu đi, và cuối cùng, hai bên đạt được thoả thuận là với giá một triệu đôla gửi vào tài khoản bí mật ở ngân hàng Thuỵ Sĩ, tất cả những người Sefard ở Pháp sẽ được coi là người Pháp và sẽ nhận được những giấy tờ không nhắc nhở gì đến nguồn gốc Do Thái của họ. Nhưng bản giao kèo đó chỉ thực hiện được một phần: câu chuyện bị tiết lộ và các cuộc thương lượng chấm dứt. Tuy nhiên, thất bại này không ảnh hưởng gì đến cá nhân Jack Valter: ông chỉ là người trung gian và ông vẫn là "dân Aryan" trung thành và được kính trọng trong giới người Đức. Hơn thế nữa, sự hào phóng và quảng giao của ông đã thu hút được giới sĩ quan Đức, những kẻ đang khao khát cuộc sống dư dật, thoải mái.

  Trong số những người quen biết của "Robin" có nhiều đại diện của giới Bạch vệ Nga lưu vong sang Pháp. Chúng sẵn lòng cộng tác với người Đức và hy vọng sẽ đến ngày "mở đường tiến về Moscva đỏ". "Robin" thường đến thăm chúng. Tại một tối vui, ông làm quen với một người Đức rắn chắc, ăn mặc sang trọng. Ông được giới thiệu đó là một giáo sư, một "đại diện cao cấp của Speer, bộ trưởng kinh tế, công nghiệp và vũ trang Đức". Họ chuyện trò rôm rả bên cốc rượu. Vẻ ngoài và phong thái của "Robin" đã gây được thiện cảm và sự tin cậy. Vị giáo sư người Đức tâm sự rằng ông ta mới đến Paris nên chưa kịp nhấm nháp các lạc thú của thành phố này, đặc biệt là những lạc thú ban đêm. Ông ta thú thật là ông ta ưa thích dùng thời giờ một cách dễ chịu, và nếu có rượu ngon gái đẹp nữa thì càng tốt. Ngay tối hôm đấy "Robin" đưa ông ta đến các quán đêm ở quảng trường Elide. Khi chia tay, họ thoả thuận là hai ngày nữa sẽ lại gặp nhau. "Robin" hiểu rằng "ngài giáo sư" có thể là nhân vật đáng chú ý đối với cơ quan tình báo, và ông suy nghĩ xem nên hành động một mình hay thu xếp cho ông ta một cô bạn gái người Pháp là thành viên của phong trào Kháng chiến. Nhưng ông từ bỏ phương án thứ hai vì hai lý do: thứ nhất, ông không thích nhận tin qua trung gian, và thứ hai, ông rất nghi ngờ những phụ nữ làm điệp viên.

  Khi "Robin" gặp vị giáo sư người Đức kia lần thứ hai thì thấy ông ta đang mặc quân phục SS, nhưng ông ta lập tức thay quần áo và nói rằng ông ta căm ghét bộ quân phục này tuy buộc phải mặc nó. Sau vài lần đi đến các quán ba và cà phê, hai bên đã thân thiết với nhau đến nỗi "Robin" thường đưa ông bạn giáo sư về nhà và đặt ông ta lên giường trong lúc ông ta say khướt. Một hôm, khi ông ta bắt đầu ngáy, "Robin" quyết định mở chiếc cặp tài liệu của ông ta. Mặc dù vài tài liệu có đóng dấu "Mật" nhưng chúng không có gì đáng chú ý lắm. Chỉ có một tài liệu "Robin" thấy đáng chú ý nhất - đó là tập hợp đồng ký với các nhà máy Pháp. Chẳng bao lâu sau, những nhà máy này đã trở thành mục tiêu của không quân Anh. 

  Từ đó, những cuộc chè chén của "Robin" và vị giáo sư SS trở nên thường xuyên, tuần nào cũng hai - ba lần. Kết quả là hoạt động phá hoại ngầm tại các nhà máy thực hiện đơn đặt hàng của Đức ngày càng tăng lên và những trận không kích xuống những nhà máy đó cũng ráo riết hơn. Một hôm, giữa đám bạn bè vui vẻ, vị giáo sư SS bỗng trò chuyện với "Robin" về chiến tranh. Ông ta nói một điều gì đó về binh đoàn Rommen ở châu Phi và về những chiến dịch sắp tới ở Địa Trung Hải. Ngay đêm đó, sau khi thu xếp cho ông ta đi nằm, "Robin" tìm thấy trong cặp tài liệu của ông ta một bức thư từ Berlin gửi cho ông ta. Bức thư viết là sau vài ngày nữa, những phụ tùng dự trữ cho xe tăng do các nhà máy của Pháp sản xuất sẽ được gửi đến từ Nam Italia và có đội hộ tống của Italia đi kèm. Trong thư nhấn mạnh: " Những phụ tùng dự trữ này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mặt trận Bắc Phi". Sáng hôm sau, London nhận được bức mật mã: "Đặc biệt quan trọng... Đội hộ tống khởi hành ngày 20 tháng 10 từ Brindidi".

  Vào thời điểm đó, tại Li Bi thuộc vùng ven biển Bắc Phi đang diễn ra trận giao chiến lớn giữa quân Đức của tướng Rommen và quân đồng minh của tướng Mongomeri. Kết cục trận đánh chưa rõ ràng, nhưng rất có thể sẽ do binh đoàn xe tăng của Rommen quyết định. Nhưng những chiếc xe tăng này lại đang cần sửa chữa, đang cần phụ tùng thay thế và nhiên liệu. Trong quãng thời gian từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 10 năm 1942, không quân Anh đặt căn cứ trên đảo Manta đã không kích dữ dội đội hộ tống phát xít mà tình báo Anh đặt cho tên gọi là "đội hộ tống Robin". Những chiếc tàu chở phụ tùng dự trữ và ba chiếc tàu chở dầu bị đánh đắm. Rommen buộc phải bắt đầu cuộc rút lui mà về sau sẽ biến thành cuộc đầu hàng.

  Một hôm, khi đề cập đến thất bại của Đức ở châu Phi, vị giáo sư SS nói với "Robin" :

  - Cứ bình tĩnh, chưa phải mọi việc đã hỏng hết đâu. Đợi một thời gian nữa rồi ông sẽ thấy. Chúng tôi vẫn còn quân bài dự trữ đây này, - và ông ta vỗ vỗ vào túi.

  Sau một cuộc chè chén như thường lệ, "Robin" lấy được trong túi áo khoác của vị giáo sư SS một tài liệu có đóng dấu "Tuyệt mật. Bí mật quốc gia của đế chế Đức" do chính tay Speer ký. Y báo tin là sau những cuộc thực nghiệm thành công được tiến hành ở Penemuyde theo hai dự án mật, quốc trưởng đã ra lệnh bắt đầu xây dựng một công trình mới ở vùng duyên hải Bắc Pháp. "Công trình này, - bức thư viết tiếp, - sẽ giống như hầm trú ẩn dành cho tàu ngầm với lớp mái rất nặng bằng bê tông. Toàn bộ công tác chuẩn bị cho việc xây dựng công trình mới sẽ phải hoàn tất ngay lập tức".

  Bức thư không nói rõ đó là những "dự án mật" gì và cần những công trình bê tông để làm gì. "Robin" không hay biết gì về Penemuyde nhưng ông hiểu rằng đây là một vấn đề rất hệ trọng. Giờ đây, chúng ta biết rằng ở Penemuyde lúc đó đang tiến hành việc chế tạo và thử nghiệm loại tên lửa "FAU 2", là loại tên lửa sẽ bắn xuống London.

  Tình báo Anh tuy cũng biết ở Penemuyde đang thực hiện những công việc bí mật nào đó nhưng không hề hay biết gì về ý đồ của Đức. Tin của "Robin" đã là chiếc chìa khoá giúp cho người Anh khám phá ra những kế hoạch ném bom London của phát xít Đức và đã thúc đẩy người Anh nghiên cứu và đối chiếu tin này với những tin tức tình báo khác về Penemuyde và về hoạt động của Đức tại miền duyên hải Bắc Pháp.

  Ít lâu sau, vị giáo sư SS lên đường đi Bắc Pháp và từ đấy, "Robin" không bao giờ gặp lại ông ta.

  Trong khi cộng tác với cơ quan tình báo Anh, "Robin" còn tham gia một chiến dịch mật nữa là mở két sắt bảo mật của phòng vận tải quân sự Đức ở thành phố Salon - Siur - Marne. Trong két sắt bảo mật này có cất giấu thời biểu di chuyển các đoàn tàu quân sự Đức trên các tuyến đường sắt ở Bỉ và Bắc Pháp. Bảng thời biểu đó đã được chụp lại và trở thành "thời biểu" của những vụ phá hoại và ném bom trên các tuyến chuyên chở đường sắt của phát xít Đức.

  Mùa hè năm 1943, cảnh sát Thuỵ Sĩ bắt giữ "Robin" về tội vi phạm nền trung lập của nước này, nhưng chẳng bao lâu sau ông được trả tự do nhờ có sự bảo lãnh. Việc xét xử được trì hoãn cho đến hết chiến tranh. Khi ấy, ông bị tuyên bố là có tội, nhưng tội của ông chỉ là những "vi phạm có tính chất kỹ thuật" đối với nền trung lập của Thuỵ Sĩ, không gây tác hại cho lợi ích của Thuỵ Sĩ và do đó không bị trừng phạt.

  Sau chiến tranh, "Robin" khôi phục lại hoạt động kinh doanh của ông và trở thành người đứng đầu một công ty thương mại lớn. Khi nữ hoàng Anh đến thăm Paris vào năm 1957, ông nằm trong một số ít các nhà lãnh đạo của phong trào Kháng chiến được giới thiệu với nữ hoàng.

  Đại úy Peter Churchill, cựu điệp viên Cục Tác chiến bí mật, anh hùng của phong trào Kháng chiến và sau chiến tranh trở thành nhà báo đã viết về "Robin" như sau:
 
  "Rất ít người có thể đua tranh được với "Robin" trong những công việc mà ông đã thực hiện..."


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 05 Tháng Bảy, 2008, 07:22:55 pm
38 - VAXILI ZARUBIN (1894 - 1972)
 "đằng sau thành công của người đàn ông
có bóng dáng của người phụ nữ"



  Ông là người gốc Moscva, con trai một nhân viên hoả xa, cao lớn, mắt xanh, mái tóc vàng chải hất ra sau. Điều đó sau này đã đem lại ưu thế  cho ông. Vaxili tham gia Thế chiến thứ nhất và Nội chiến. Từ năm 1920, ông làm việc ở VTRK (Uỷ ban đặc biệt toàn Nga về đấu tranh chống lực lượng phản Cách mạng), đấu tranh chống bọn phỉ, buôn lậu vũ khí và ma tuý ở vùng Viễn Đông. Từ năm 1925 ông làm việc ở Trung Quốc, Phần Lan theo con đường tình báo quân đội. Tổng cộng Zarubin công tác ở nước ngoài hai mươi lăm năm, trong đó mười ba năm làm nhiệm vụ bí mật.

  Zarubin đi chuyến công tác bí mật đầu tiên cùng với người vợ thứ hai là Lida Gorskaia. Bà không chỉ là người vợ, giúp đỡ ông, mà còn là nhân viên.

  Elidaveta Iulevna Zarubina sinh năm 1900 ở Bắc Bukovina trong gia đình người quản lý rừng ở một điền trang lớn. Bà sớm tham gia hoạt động cách mạng, từng là sinh viên của ba trường đại học ở Chernavitsi, Paris và Vienna, nói giỏi ngoại ngữ. Đặc biệt, tiếng Đức rất giúp ích cho bà vì Vaxili không biết ngoại ngữ này. ở Vienna, bà làm phiên dịch, sau đó là nhân viên của INO PGU (Cục I, Ban nước ngoài). Năm 1925, bà nhập quốc tịch Liên Xô và năm 1927, tới Thổ Nhĩ Kỳ làm việc. Bà từng là vợ của đảng viên Đảng Xã hội Cách mạng nổi tiếng Blumkin, người sát hại Mirbach, đại sứ Đức ở Moscva năm 1918 (Blumkin tới Thổ Nhĩ Kỳ để theo dõi Troski theo yêu cầu của INO PGU). Năm 1928, bà trở về Moscva, làm ở ban thư ký của OGPU và tại đây bà làm quen với Zarubin. Năm 1925, vợ chồng Zarubin tới Đan Mạch, sau đó là Pháp. Vaxili tới trước và làm quen với Maiya, con gái một người nhập cư trốn sang Pháp vì tham gia vào cuộc cách mạng năm 1905. Maiya giới thiệu vợ chồng Zarubin với cha. Sau này ông có biệt hiệu là "Uverlir", và đã giúp họ được nhiều việc.

  Mục tiêu của họ là cư trú một thời gian dài ở Pháp, móc nối liên lạc với các điệp viên ở đây, thu xếp để họ liên lạc với Trung Tâm và gây dựng các cơ sở mới. Nhiệm vụ chính là tổ chức hoạt động tình báo chống lại Đức. Ban đầu họ sống ở thành phố nhỏ Xenklu gần Paris. Vaxili là người khéo tay nên chung vốn mở một xưởng nhỏ sửa chữa ô tô, máy khâu, bếp dầu... Nhưng vợ chồng Zarubin cần phải tới Paris. Vaxili nhớ tới một điệp viên cùng làm ở Viễn Đông là "Basmachnic" hiện có em trai làm chủ xưởng quảng cáo nhỏ ở Paris. Họ tìm tới "Basmachnic" và làm quen với em trai ông ta. Zarubin tham gia làm việc ở xưởng quảng cáo, đóng góp tiền bạc, nhờ đó hoạt động của xưởng được mở rộng. Vợ chồng ông được phép sống tại Paris.

  Vaxili và Lida thường gặp gỡ "Uliver" cùng các thành viên trong gia đình ông, hiểu rõ quan điểm của họ. Bản thân ông, vợ và các con có thái độ thân thiện với Liên Xô, sẵn sàng giúp đỡ. Zarubin đề nghị "Uliver" cho sử dụng căn phòng của ông ở Paris và ngôi nhà ở ngoại ô mỗi tuần một hoặc hai lần để gặp gỡ "các đồng chí". Sau một hồi do dự và bàn bạc với vợ (biệt hiệu "Nhina"), "Uliver" đã đồng ý, nói rằng sẽ không nhận một đồng nào tiền nhà. Zarubin cảm ơn, đề nghị ông tránh trò chuyện với bạn bè về chính trị và không để lộ quan điểm cánh tả của mình. Maiya và em trai cũng bị lôi cuốn vào công việc tình báo. Maiya làm nhiệm vụ liên lạc, có lần cô đã tới Moscva và sau này tới Đức để liên lạc với vợ chồng Zarubin. Theo lời khuyên của Vaxili, con trai "Uliver" theo học trường quân sự, có được chức vụ khá trong quân đội Pháp. Trong nhà của "Uliver" và "Nhina" có phòng làm ảnh để xử lí những tài liệu nhận được. Việc hợp tác với gia đình này kéo dài 20 năm.

  Lida Zarubin (biệt hiệu "Vardo") gặp lại bạn cũ người Ameni (biệt hiệu "Druk"), quen từ hồi ở Vienna, đang sống với vợ ở gần Paris. Biết rõ nhiệm vụ của vợ chồng Zarubin, "Druk" kể cho họ rằng một nhà báo Đức cùng người yêu (gọi là "Khanum"), nhân viên tốc ký ở đại sứ quán Đức hay lui tới nhà mình. Một lần nhà báo nọ kể với "Druk" rằng tình cờ đọc được một thông báo quan trọng của sứ quán Đức gửi Bộ Ngoại giao về tình hình kinh tế Pháp. "Khanum" mang về nhà vì không kịp làm ở cơ quan. Cô sống không được khá giả vì phải nuôi mẹ già ở Đức. Theo lời đề nghị của Vaxili, "Druk", với danh nghĩa là nhà báo đang cần thông tin, mời "Khanum" hợp tác. Mọi tin tức đều được trả tiền. Nhưng Zarubin thấy cần phải phát triển hơn nữa quan hệ làm ăn với "Khanum".
 
  "Vardo" làm quen với "Khanum" tại nhà riêng của "Druk", từ đó được cô cung cấp tin tức. Bà dần hé lộ với "Khanum" là cô đang làm việc cho Moscva. Ít lâu sau bà nói rằng mình cần các tài liệu và sẽ trả nhiều tiền hơn. Để làm "Khanum" yên tâm, "Vardo" giải thích rằng những tài liệu này sẽ không lọt vào tay ai và được gửi tới Moscva không có tên cô. Vậy là "Khanum" đã tốc ký và in ra hầu hết mọi tài liệu gửi từ Đại sứ quán tới Berlin. Tình báo Xô Viết nắm được mọi báo cáo quan trọng. "Khanum" cung cấp tin tức cho tới khi cô trở về vị trí làm việc trước kia ở Berlin.
 
  "Druk" giới thiệu vợ chồng Zarubin với một nhà báo người Hungari là "Rosa", thư ký của nghị sĩ Pháp. Việc làm quen diễn ra như sau: "Druk" mời "Rosa" tới nhà mình và "tình cờ" gặp "Vardo" ở đó. Tại một nhà ga, trên đường quay về Paris, "Vardo" lại "tình cờ" thấy "người họ hàng" của mình là Vaxili (biệt hiệu là "Betti"). "Betti" "nhân thể" đi Paris nên mời họ lên xe. Sau vài lần gặp gỡ, "Rosa" đồng ý cung cấp tin tức (tất nhiên không miễn phí) về công việc trong nghị viện và tình hình ở Đức, Hungari. Đồng thời "Betti" và "Vardo" làm việc với các điệp viên khác, trong đó có viên cựu tướng lĩnh của quân đội Sa hoàng là Pavel Pavlovich Diaconov. Ông có quan hệ rộng rãi với các sĩ quan Nga lưu vong trong "Hiệp hội sĩ quan Nga". Những tin tức của Diaconov được Moscva đánh giá cao. Ông được nhận huân chương Lê dương Vẻ vang. Giao lưu với giới quân sự cao cấp Pháp, chính ông đã cung cấp cho Phòng nhì, Tổng tham mưu quân đội Pháp tài liệu của tình báo Xô Viết về các tướng lĩnh và sĩ quan Pháp có tư tưởng ủng hộ phát xít. Điều đó cần thiết để ngăn Đức và Pháp có quan hệ thân thiện hơn trên quan điểm chung chống bolsevich. Việc làm này có hiệu quả, góp phần làm mối quan hệ giữa các nước này trở nên lạnh nhạt.

 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 05 Tháng Bảy, 2008, 07:23:08 pm
  Sau bốn năm sống ở Paris, vợ chồng Zarubin trở về Moscva, nhưng ít lâu sau họ nhận nhiệm vụ mới sang Đức hoạt động. Việc ông không biết tiếng Đức sẽ thành vấn đề vô cùng nan giải  nếu như không có Lida giúp. Thời gian đầu họ được giao nhiệm vụ hết sức khó khăn là trong vòng một tuần phải khôi phục lại mạng lưới hoạt động bí mật đã bị gián đoạn vì phần đông các điệp viên đã trở về nước. Hầu hết họ là người Aryan, Do Thái nên ở lại Đức không những không được việc, mà còn nguy hiểm. Một trong số những điệp viên quan trọng nối lại được liên lạc đầu tiên là Willi Leman - "Braitenbac", nhân viên Gestapo. "Vardo" giữ liên lạc với ông cho tới khi rời Berlin (1937). điệp viên quan trọng khác là "Winterpheld", lúc đầu chỉ là tuỳ phái viên của Bộ Ngoại giao  Đức. Những cuộc gặp gỡ với ông do "Vardo" đảm nhiệm. Dần dà "Winterpheld" được thăng chức, nắm được cách giải mật mã Đức. "Vardo" dạy ông cách chụp ảnh tài liệu.

  Năm 1937, vợ chồng Zarubin rời nước Đức, mọi liên lạc với "Winterpheld" bị gián đoạn. Tháng 10 năm đó, điệp viên A.I.Agaians tới Berlin, nối lại liên lạc với ông và có được những tin tức có giá trị. Nhưng vào tháng 11 năm 1938, điệp viên này thấy rằng "Winterpheld" mang tư tưởng phát xít nên đã cắt đứt quan hệ. Năm 1940, "Vardo" tới Berlin, một trong những nhiệm vụ của bà là nối liên lạc với "Winterpheld". Ngày 11 tháng 6 năm 1941, bà tình cờ gặp ông tại ga tàu điện ngầm Kiopenhich, ông tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ như trước kia. Cuộc gặp mặt tiếp theo được ấn định ngày 21 tháng 6 năm 1941, nhưng không thành vì mọi cửa ra vào của Sứ quán đều bị Gestapo canh phòng. Ngày 22 tháng 6 năm 1941 "Vardo" và các nhân viên khác của Sứ quán bị cầm giữ, sau đó được đưa về nước qua Thổ Nhĩ Kỳ. Số phận của "Winterpheld"  không rõ ra sao. Cũng chính vào thời gian đó, trong chuyến công tác cuối cùng của "Vardo" tới Berlin trước chiến tranh, Trung Tâm giao cho bà nhiệm vụ nối liên lạc với Augusta, vợ nhà ngoại giao người Đức. Bà có mối tình lãng mạn với một chiến sĩ tình báo. Năm 1931, điệp viên Fedor Parparov làm quen với bà, sau đó bà đồng ý hợp tác. Nhưng bà lại đem lòng yêu ông say đắm. Bà cung cấp cho ông những tài liệu lấy của ông chồng làm ngoại giao. Năm 1938, Fedor bị gọi về Moscva, bị bắt do bị vu khống (năm 1939 ông được thả và tiếp tục công việc tình báo). Ngày 10 tháng 12 năm 1940, "Vardo" gặp Augusta, trao cho bà ta bức thư của Fedor. Sau đó "Augusta" cung cấp cho bà những tin tức có giá trị, việc hợp tác này kéo dài tới lúc "Vardo" phải rời nước Đức.

  Hãy quay trở lại những năm tháng khi vợ chồng Zarubin ở Đức. Năm 1934 việc liên lạc với "Khanum" được nối lại. Cô cung cấp những tin tức quí giá hơn vì làm việc ở bộ máy trung ương, Bộ Ngoại giao. Song sự hợp tác có hiệu quả này không tiếp tục được vì "Khanum" bị ốm nặng và qua đời. Vì không thể trực tiếp gặp gỡ các điệp viên người Đức, Vaxili Zarubin lãnh đạo toàn bộ mạng lưới điệp viên ngầm, bao gồm cả các liên lạc viên. Một trong số họ là Kitty Harris.

  Ngoài nhiệm vụ thu thập tin tức, Zarubin còn có nhiệm vụ bảo vệ các điệp viên. Một thành tích của ông trong lĩnh vực này là ngăn ngừa được thiệt hại do hợp tác với một người Đức tên là Karl Flic-Steger ("Nhạc công"). Kiểm tra hoạt động của người này, Zarubin kết luận rằng, ông ta hoặc là kẻ phiêu lưu, khiêu khích, hoặc là điệp viên của Mĩ. Trong mọi trường hợp, bản thân ông lẫn mọi liên lạc của ông đều bị hai cơ quan an ninh của Đức là Abver và Gestapo theo dõi. Rất may là ông đã kịp thời áp dụng biện pháp. Điệp viên thường xuyên liên lạc với "Nhạc công" được chuyển đi nước khác, quan hệ với ông ta chấm dứt. Zarubin còn kịp thời cứu tính mạng cho điệp viên có nhiều kinh nghiệm là Tacke, từ Moscva tới. Ông móc nối liên lạc với một người Đức là Meisnher, không ngờ đó là nhân viên của Gestapo (do "Braitenbac" thông báo). Erich Tacke kịp thời rời nước Đức. "Braitenbac" giúp Zarubin cứu một cơ sở hoạt động là nhà khoa học Hans Henrich Kummerov, làm việc tại hãng sản xuất theo đơn đặt hàng của quân đội. Ông có mối quan hệ rộng rãi trong giới khoa học và chính trị. "Braitenbac" thông báo việc Gestapo có hồ sơ của Kummerov và ông có nguy cơ bị bắt. Ông phải ngừng hoạt động hai năm. Trong thời gian đó mối nghi ngờ của Gestapo lắng xuống và ông quay trở lại hoạt động. Năm 1942, ông giao cho liên lạc viên của Liên Xô từ Stockholm tới những tài liệu có giá trị. Nhưng sau đó có kẻ phản bội nên Kummerov bị bắt cuối năm 1942 và bị hành quyết.

  Đầu năm 1937, vợ chồng Zarubin tới Mĩ, thực hiện nhiệm vụ bí mật là tuyển điệp viên Mỹ làm việc tại Đức nếu chiến tranh xảy ra. Họ mong muốn có đặc phái viên liên lạc và tuyển được ba người. Cuối năm 1937, Moscva gọi vợ chồng Zarubin về vì một nhân viên tình báo ở nước ngoài phản bội. Nhân viên này biết Zarubin nên có thể bán đứng ông. Họ làm việc tại Trung Tâm.

  Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 1941, Vaxili Zarubin làm việc tại Trung Quốc. Tại đây ông gặp Valter Stennes, cố vấn và đội trưởng công ti bảo vệ tư nhân Thượng Hải. Thời trẻ, Stennes là bạn thân của Hitler nên biết mọi điều bí mật của y. Do đó Hitler muốn thanh toán ông. Nhờ có sự can thiệp của Hering, ông đã thoát và sang Trung Quốc. Song ông còn nhiều mối quan hệ ở Đức, gồm cả các sĩ quan có tư tưởng đối lập Hitler. Trước đó, một điệp viên ở Thượng Hải đã liên hệ với ông nhưng sau đó mất liên lạc. Zarubin được cử đến nối liên lạc. Trong câu chuyện, Stennes tỏ ý sẵn sàng làm bất cứ điều gì để tiêu diệt Hitler. Chính Stennes đã thông báo về việc quân đội Hitler tấn công Liên Xô. (Tin này còn được nhà báo Đức, là tình báo viên Xô Viết Richard George cung cấp).

  Trước lời đề nghị của Zarubin, Stennes đồng ý cung cấp cho Liên Xô những tin tức quan trọng và yêu cầu một liên lạc viên. Stennes sau này thông báo tỉ mỉ về việc George bị bắt. Ông giữ liên lạc cả khi đã trở về Đức sau chiến tranh, đến năm 1952 mới cắt đứt.
Đêm 12 tháng 10 năm 1941, khi quân Đức tiến gần Moscva, Zarubin được gọi vào Cremli. Ông được đích thân Stalin giao nhiệm vụ mới: sang Mỹ tìm hiểu ý đồ người Mĩ và tác động đến đường lối của họ trong chính sách đối với nước Nga. Vài ngày sau, vợ chồng Zarubin đi Mỹ. Họ ra đi vào một ngày tháng 10, khi Moscva đang nhốn nháo. Mặc dù hiểu rằng mình đi làm nhiệm vụ quan trọng, nhưng họ vẫn có cảm giác như kẻ đào ngũ. Lần này Vaxili được giao làm bí thư Đại sứ quán. Ông đổi tên là Dubilin.

  Vừa đặt chân tới Mỹ, họ lao vào làm việc không biết mệt. Khó mà hình dung nổi khi một mình "Vardo" trực tiếp liên lạc với hai mươi điệp viên, gặp gỡ với họ, trao đổi công việc, củng cố cho họ lòng tin vào công việc chính nghĩa mình đang làm, và điều chính là có được tin tức từ họ, sàng lọc và gửi đi. Công việc đòi hỏi phải đi lại từ Washington đến New York, Caliphornia, làm quen và gây dựng mối quan hệ. Tất cả các việc đó phải kết hợp với công việc ở Đại sứ quán như tham dự các buổi tiếp tân, mỉm cười với quan khách, trong khi mắt nặng trĩu vì thiếu ngủ hoặc nóng lòng chờ đợi tài liệu gửi về Trung Tâm. Trong số những người cùng làm việc với họ ở Mỹ có "Dvuk" - Iacov Golos, một người tài giỏi, bị FBI nghi ngờ và theo dõi, thậm chí bị xử vì vi phạm luật "Về đăng ký nhân sự người nước ngoài", thế nhưng nhờ tài trí đã đóng góp to lớn cho công tác tình báo. Chỉ trong vòng vài tháng, ông có được mười hồ sơ khống để làm hộ chiếu có đầy đủ con dấu và chữ ký, hơn bẩy mươi chứng nhận quốc tịch và hai mươi bẩy giấy khai sinh. Ông giác ngộ được gần hai mươi người hoạt động tình báo, trong đó có "Braien", nhân viên một bộ chủ chốt, "Olfsen", người cung cấp tin tức về vấn đề vũ trang, "Rond", giữ chức vụ trọng trách trong cơ quan chính phủ và giúp ích rất nhiều trong thời gian chiến tranh. Ngày 25 tháng 10 năm 1943, Golos đột tử vì nhồi máu cơ tim. Zarubin còn khá nhiều cộng sự và bạn bè ở Mỹ, nhưng Golos mất đi là một tổn thất lớn vì mối liên lạc với các cộng tác viên mình ông biết cũng mất luôn. Cũng chính qua "Dvuk", mạng lưới điệp viên, và các mối quan hệ có được trong cộng đồng người Do Thái mà gây được ảnh hưởng có lợi cho Liên Xô tới nhiều nhân vật có uy tín trong chính phủ Mỹ và những người thân cận của tổng thống. Việc Mỹ tham chiến giúp các nước Đồng minh và nước Nga Xô Viết là một bằng chứng rõ ràng về điều này.

  Nhiệm vụ của Zarubin vô cùng khó khăn, nhưng ông đã hoàn thành. Vào những năm 1942-1943 yêu cầu công tác thay đổi, vấn đề quan tâm hàng đầu là hạt nhân. Zarubin và "Vardo" tìm cách gây dựng mối quan hệ trong giới khoa học. Phải có cách tiếp cận mới, người quen mới liên quan tới vấn đề này. Vợ chồng Zarubin chưa phát huy được trong lĩnh vực mới này. Năm 1944, họ đột ngột bị gọi về Moscva để kiểm tra. Tình báo viên Mironov trong thư gửi Stalin đã buộc tội Zarubin hợp tác với cơ quan an ninh Mỹ. Mironov (bị bệnh thần kinh phân lập) kiên trì theo dõi những cuộc gặp gỡ của Zarubin với các điệp viên cung cấp tin tức, buộc tội họ là gián điệp của FBI. Vợ chồng Zarubin bị kiểm tra nửa năm và cuối cùng những lời buộc tội bị bác bỏ.  Mironov phải ra hầu toà, may không bị kết án vì chuyên gia tâm lý kết luận anh ta bị tâm thần. Còn một lý do nữa khiến Zarubin bị gọi về. Một thời đại nguyên tử đã bắt đầu. Đối  với tình báo, đó là thời kỳ săn lùng bí mật vũ khí nguyên tử. Cần một người biết kỹ thuật để vào cuộc.

  Sau đợt kiểm tra Zarubin được giao chức vụ quan trọng là cục phó Cục Tình báo. Lida làm việc thêm nhiều năm nữa ở trong và ngoài nước. Sau khi nghỉ hưu, bà làm công tác huấn luyện tình báo.

  Vaxili Zarubin qua đời năm 1972. Elizaveta Iulevna mất sau ông mười lăm năm.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 06 Tháng Bảy, 2008, 05:16:01 pm
39 - FRANTISEC MORAVES (1895-1966)
Điệp viên xuất sắc của Tiệp Khắc



  Đế chế Áo - Hung sụp đổ, trên bản đồ châu Âu xuất hiện một đất nước mới - Tiệp Khắc. Cơ quan tình báo của đế chế cũng tan rã, Cục Đặc nhiệm Tiệp Khắc ra đời.

  Đại úy trẻ Frantisec Moraves lãnh đạo Ban quân báo đặt tại Praha. Xu hướng lúc này là hoạt động phản gián do cuối những năm 20 đầu những năm 30 mối đe dọa chính là gián điệp Đức quốc xã hoạt động ở vùng dân cư Đức Sudety gần biên giới. Trong hai năm 1931-1932, Ban phản gián ở Sudety hoạt động bí mật dưới vỏ bọc câu lạc bộ thể thao "Fonspo" tập hợp được những cư dân Đức vùng này. Ngày 25 tháng 3 năm 1934, Moraves được đề bạt phụ trách Ban điều tra Bộ tổng tham mưu, tổ chức hợp nhất của Cục Tình báo và Cục Phản gián. Theo đề nghị của ông, bốn trung tâm phản gián đã ra đời ở Praha, Brno, Bratisava và Cosise.

  Năm 1933, Hitler lên nắm chính quyền ở Đức và không che giấu những dã tâm của mình. Moraves hiểu rõ nguồn gốc đe dọa nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ đất nước Tiệp Khắc của mình nên bắt đầu tìm đồng minh ở nước ngoài. Đầu tiên ông đi Paris, bắt liên lạc với phản gián Pháp và tiếp xúc với Louis Rive lãnh đạo tình báo Pháp. Rive từng bị Đức bắt làm tù binh thời Thế chiến thứ nhất và mãi khi chiến tranh kết thúc mới được thả về. Ông gia nhập tổ chức tình báo và không bao lâu sau đi Ba Lan trong nhóm của tướng Weigand. ở đây ông là trợ lý cố vấn của nguyên soái Pilsudxki. Lúc này nhiệm vụ của phản gián Pháp là "giữ cho phương Tây khỏi rơi vào tay bolsevich" (cần nói thêm là đúng lúc này tướng Charles de Gaulle của Pháp cũng có mặt ở Ba Lan trong đoàn tùy tùng của Weigand). Sau đó Rive đã thăng tiến trong lĩnh vực hoạt động phản gián và đặc trách những vấn đề về Đức. Ông đã thu thập được một khối lượng đồ sộ các tài liệu phong phú về việc chuẩn bị quân sự và các kế hoạch xâm lược của Đức, nhưng đáng tiếc là những thông tin này đã không ai nhận được.

  Trên đường từ Pháp về, Moraves đã rẽ qua Thụy Sỹ và tìm thấy ở đây sự đồng cảm hiểu biết lẫn nhau ở Rose Mason, người đứng đầu quân báo Thụy Sỹ. Họ đã bí mật ký thỏa ước, theo đó phía Thụy Sỹ cho phép tình báo Tiệp hoạt động ở Duyrich. Cũng cần nói thêm là phản gián Thụy Sỹ thời kỳ ấy (1930-1935) chỉ vẻn vẹn có hai sĩ quan mà Mason là một. Năm 1936, Moraves đến Moscva gặp gỡ với Uriski phụ trách Cục Tình báo Liên Xô: Liên Xô và Tiệp Khắc đã ký kết hiệp ước hỗ trợ lẫn nhau, có dự kiến cả việc phối hợp hoạt động tình báo giữa hai nước. Semen Petrovich Uriski lên thay nhà tình báo dày kinh nghiệm Ia. K. Berdin. Uriski nói chuyện tâm đầu ý hợp, là người tiếp chuyện tương xứng với Moraves khiến ông rời khỏi Liên Xô như một người bạn. Tình bạn giữa hai nhà tình báo và ngành tình báo hai nước đã mang lại những thành quả bất ngờ. Tháng 4 năm 1937, chủ tịch Benes của Tiệp Khắc đã chuyển cho đại sứ Liên Xô tại Praha thông tin nhận được của tiến sĩ Mann, đại sứ Tiệp Khắc tại Berlin. Thông tin này lại do điệp viên Tiệp Caren Sedlachec từ Thụy Sỹ chuyển về có liên quan đến "âm mưu quân sự" của nguyên soái quân đội Liên Xô Tukhatrepxki.

  Rời Moscva về tới Praha, Moraves bắt tay ngay vào việc cải tổ Cục Tình báo của mình. Ông bổ nhiệm người lãnh đạo Cơ quan phản gián là thiếu tá Bartich mà tên tuổi ông gắn liền với việc tuyển chọn ly kỳ điệp viên A-54. Ngày 10 tháng 2 năm 1936, Bartich nhận được một lá thư đề nghị được làm việc cho Tiệp. Ngoài chuyện quốc tịch Đức tác giả không cho biết gì hơn. Moraves chỉ thị đồng ý tiếp nhận đề nghị của tác giả ẩn danh đó. Họ cấp ngay địa chỉ hòm thư và ngay lập tức nhân vật này đã cung cấp những thông tin thú vị.

  Sau đó có lần người này đề nghị được gặp Bartich. Cuộc gặp ấn định vào ngày 6 tháng 4 năm 1936 ngay tại trung tâm vùng biên, vùng đã bị Đức kiểm soát hầu hết. Có nguy cơ một vụ khiêu khích, song như ta vẫn thường nói "Chúa đã phù hộ", nên không có chuyện gì xảy ra. Sau đó người này đã được tuyển trở thành điệp viên A-54 và đã cung cấp những thông tin giá trị về mọi kế hoạch bí mật của Hitler. Tình báo Tiệp khi ấy cũng vẫn không biết được tên thật của điệp viên này. Nhưng bây giờ thì đã rõ. Đó là Paul Trumel, bạn của Himmler ở Bộ tham mưu quốc xã và là đảng viên quốc xã. Không một ai cũng như chẳng bao giờ biết được lý do vì sao Paul quyết định hợp tác làm cho phản gián Tiệp: lý do cá nhân, chính kiến hay do bất đồng, không một ai biết, chỉ biết là ông không hề quan tâm đến tiền bạc và quyền lợi vật chất. A-54 là nguồn thông tin hiếm có về các kế hoạch và mọi hoạt động xâm lược Tiệp Khắc của bọn phát xít. Moraves còn giữ vững quan hệ hữu hảo với điệp viên Anh Gibson tại Praha, chia sẻ với ông thông tin nhận được của A-54. Đáp lại Gibson hứa với Moraves, một khi Tiệp Khắc bị chiếm đóng, Moraves sẽ được tiếp nhận ở London và Gibson đã giữ đúng lời hứa.  Về phần A-54 - Trumel, sau khi Tiệp Khắc bị Đức chiếm đóng thì liên lạc được giữ vững qua thiếu tá Aloys Frans phụ trách phản gián Tiệp ở Gaia, sau đó khi Hà Lan bị xâm chiếm thì qua nhóm điệp viên của đại tá Khurav có mối quan hệ mật thiết với London. Chính Trumel (với mật danh mới là "Fanta") đã cung cấp cho Tiệp và thông qua Tiệp cho Anh quốc những thông tin chính xác về kế hoạch Đức tấn công Anh (kế hoạch "Sư tử biển"), tấn công Liên Xô (kế hoạch "Barbarossa") và Hi Lạp (kế hoạch "Marita").

  Moraves làm việc rất hiệu quả: ông đã vạch mặt thiếu tá Emerich Calman là điệp viên Đức cài vào Bộ tham mưu Tiệp, tuyển chọn đại tá Udadi của quân đội Hungari, sau này phụ trách Cục Tình báo Hungari.

  Song mọi thành tích trên chỉ còn là số không bởi tham vọng bá chủ hoàn cầu của Hitler và sự phản bội của các nước phương Tây.

  Ngày 19 tháng 5 năm 1938, Moraves được tin về Đức tập trung quân ở biên giới. Chính phủ Tiệp Khắc ra lệnh động viên và ngay lập tức báo cho Anh, Pháp về các hoạt động tại vùng biên giới Đức. Đại sứ Anh tại Berlin đã gửi công hàm yêu cầu Ribbetrop giải thích, nhưng rồi cả Anh cả Pháp đều rút lui và tuyên bố không đem quân bảo vệ Tiệp Khắc. Ngày 29-30 tháng 9 năm 1938, Anh, Pháp, Đức, Italia đã ký hiệp ước Munich, rút khỏi Tiệp Khắc, trao cho Đức vùng Sudety, cũng như thỏa hiệp với Hungari và Ba Lan về các vùng giáp ranh với Tiệp Khắc. Hiệp ước đã báo trước việc Đức xâm chiếm trọn vẹn Tiệp Khắc vào năm 1939 tạo điều kiện cho Thế chiến thứ hai bùng nổ.
Ngay sau khi hiệp ước Munich được ký kết, cục trưởng phản gián Tiệp Khắc, đại tá Gaec đã xin về hưu. Frantisec Moraves được điều đến thay thế ông phụ trách quân báo. Cục trưởng phản gián Đức quốc xã Canaris đề nghị Moraves gặp gỡ tại Thụy Sỹ, song ông đã khéo léo viện cớ từ chối.

  Quân báo và an ninh Đức ra sức xúc tiến làm cho tình hình căng thẳng, chuẩn bị cho hoạt động chia rẽ ở Slovac. Trạm phát thanh cũng như các cơ sở quân báo và an ninh phát xít được bố trí khắp các vùng phụ cận Bratislav. Ngày 14 tháng 3 năm 1939, Slovac vừa tuyên bố độc lập thì ngay hôm sau quân Đức đã tràn vào Praha. Bọn tình báo quốc xã định chiếm kho lưu trữ hồ sơ của phản gián Tiệp, song một nhân viên bình thường ở đây tỏ ý ái ngại: mọi hồ sơ đã bị thiêu hủy. Thực ra Moraves cùng mười sĩ quan tình báo Bộ tham mưu đã kịp chuyển các hòm hồ sơ mật, trong đó có hồ sơ của điệp viên A-54, sang London bằng máy bay của hãng hàng không Hà Lan.

  Moraves cùng Bộ tham mưu đặt cơ sở ở khách sạn "Van Dake", bắt đầu hoạt động trong mối liên kết chặt chẽ với phản gián Anh. Nhiệm vụ chính của họ là giữ vững hoạt động của các ban phản gián Tiệp Khắc ở Duyrich, Bengrad, Haag và Stambul, cũng như giữ vững mối liên hệ với phong trào Kháng chiến ở Tiệp Khắc (được gọi là vùng bảo hộ Bohemia Moravia). Cai quản vùng này là những tên đao phủ của nhân dân Tiệp Khắc: tên Richard Heidrikh phụ trách an ninh Đức và tên Alfred Funk, sĩ quan SS Đức và là thẩm phán. Những tên này đã bị phong trào Kháng chiến tuyên án tử hình. Ba nhà yêu nước người Tiệp là Josef Gabtrikh, Ian Cubi và Josef Valtrikh, được Moraves và Cục An ninh của ông đào tạo chuẩn bị cho việc thi hành án. Sau vụ ám sát Heidrikh, chiều tối ngày 27 tháng 5, cảnh sát Đức triển khai hàng loạt hành động trả đũa tàn ác chưa từng thấy. Cả Praha bị phong tỏa. Những cuộc lục soát khám xét ở khắp nơi, dân bị bắt giam hàng loạt. Cả đất nước chìm trong đàn áp khủng bố. Chỉ trong sáu ngày đầu đã có 440 người bị hành quyết, trong vòng 5 tuần con số lên tới 1357, chưa kể dân hai làng Lidixe và Legiaki đã bị xóa sạch. Tuy nhiên một trong những kẻ đã thực thi những đòn trừng phạt trả đũa trên, tên Funk thẩm phán Quốc xã cũng đã phải trả giá. Một năm sau đó hắn bị điệp viên Xô Viết Nicolai Kuznesov diệt trừ tại Rovno.

  Đại tá Moraves vẫn tiếp tục công việc của mình. Ông giữ được mối quan hệ khá chặt với Ivan Andreevich Tritraev, đại diện chính thức của phản gián Xô Viết tại Anh.

  Một trong những vấn đề luôn làm các nhà lãnh đạo Xô Viết băn khoăn lo lắng là khả năng phân rã trong khối Đồng minh và có ký kết liên minh với kẻ thù chung là Đức. Mọi thông tin liên quan tới vấn đề trên đều khiến mọi người quan tâm. Thấy rõ là chuyến bay đặc biệt bí mật của tên Gess, thư ký riêng của Hitler, đi Anh hôm trước ngày Đức tấn công Liên Xô là mối quan tâm lớn của cả nhà nước cũng như phản gián Xô Viết, nhất là khi phía Anh ra sức bưng bít tin tức về chuyến bay đó. Và đến giờ bí mật của chuyến bay đó vẫn chưa hé lộ. Vì vậy thông tin của Moraves từ London báo về ngay lập tức được báo cáo lên Stalin. Nguyên văn bản báo cáo: "Tuyệt mật. Hội đồng Quốc phòng Liên Xô. Gửi đồng chí Stalin. Gửi đồng chí Molotov. Lãnh đạo quân báo Tiệp, đại tá Moraves thông báo cho điệp viên của Bộ dân ủy nội vụ ở London tin tức sau đây:

  Ý kiến lan truyền cho rằng Gess bất ngờ bay đi London là không chính xác. Trước chuyến đi khá lâu Gess đã có thư từ đi lại với huân tước Hamilton, trao đổi về mọi vấn đề tổ chức cho chuyến đi. Thế nhưng thực tế thì Hamilton không tham dự vào cuộc trao đổi thư tín trên. Mọi bức thư Gess gửi đi đều không đến tay người nhận, mà rơi vào tay tình báo Anh và họ đã giả danh huân tước trả lời Gess. Vậy là Anh đã dụ được Gess tới Anh".

  Trong báo cáo, Moraves còn cam đoan chính mắt ông nhìn thấy những thư từ trao đổi trên và trong những lá thư của mình Gess đã viết khá rõ về các kế hoạch tấn công Liên Xô của Đức. Cũng trong những thư ấy đã đưa ra những luận chứng cần thiết chấm dứt chiến tranh giữa Anh và Đức. Cuối cùng Moraves cho là tình báo Anh đã sắp xếp để có những chứng từ về tội của Gess và các tên quốc xã đầu sỏ trong việc chuẩn bị tấn công Liên Xô.

  Trong cuốn "Lịch sử hoạt động ngoại gián của Nga" đã chỉ rõ rằng Moraves tự nguyện giúp đỡ một cách trung thực Cục Phản gián Xô Viết cho dù ông cũng như chính phủ Tiệp Khắc phải sống lưu vong ở London dưới sự bảo trợ của Anh. Thông tin của đại tá tình báo Tiệp Moraves thật xác thực và đã được khẳng định qua những tin tức phản gián Xô Viết nhận được từ trước đó liên quan tới cuộc tiếp xúc của Gess với phía Anh trước khi hắn bay đi Scotland.

  Thật thú vị khi có được tư liệu bảo mật của Đức. Đó là "Bản danh sách những người cần phải bắt giam ngay ở Anh sau khi nước này bị chiếm đóng". Bản danh sách này được ghi lại vào khoảng thời gian những năm 1938-1940, thời kỳ ngoại gián Đức do Valter SGehlenberg phụ trách. Trong danh sách bên cạnh tên thủ tướng Anh Winston Churchill, bác sĩ tâm lý Digmun Fayd, thủ tướng Pháp De Gaulle có cả Moraves Frantisec sinh ngày 23 tháng 7 năm 1895 với số thứ tự là 173.

  Năm 1945, Moraves trở về Tổ quốc nhưng đã có điều gì đó giữa ông với bộ máy lãnh đạo mới của Tiệp Khắc. Vì vậy cuối năm 1947 ông đã đi Mỹ, định cư tại đó cho tới khi qua đời năm 1966. Chín năm sau đó cuốn hồi ký "Ông chủ của các điệp viên" mới được ấn hành.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 06 Tháng Bảy, 2008, 05:18:31 pm
40 - Diêm Bảo Hàng  (sinh năm 1895)
 Nhà tình báo lỗi lạc của Trung Quốc 



  Trong lịch sử ngành tình báo Trung Quốc, tên tuổi nhà tình báo Diêm Bảo Hàng được nhiều người biết đến và khâm phục. Ông sinh năm 1895 ở huyện Hải Thanh, tỉnh Liêu Ninh, từ nhỏ đã ham học, tuy nghèo nhưng ông thường xuyên đứng ngoài các lớp tư thục trong làng để nghe nhờ thầy giảng. Năm 1913, ông thi đỗ vào Trường Sư phạm cao cấp Đông Bắc. Có thể nói, con người ông văn võ song toàn, ông không chỉ đạt thành tích xuất sắc trong các môn học mà còn có năng khiếu về thể thao, cho nên ông thường xuyên làm đội trưởng đội bóng đá và bóng rổ của trường. Năm 1917, sau khi tốt nghiệp, ông đến làm cán sự Hội Thanh niên Cơ Đốc giáo ở tỉnh Thẩm Dương, sau đó bí mật tổ chức thành lập "Hội Phục hưng" và trở thành tướng lĩnh quân Đông Bắc. Ông còn là người thường xuyên kết nối các nhân sĩ Đông Bắc quy tụ lại với nhau để làm cách mạng.

  Năm 1929, Diêm Bảo Hàng bắt đầu quan hệ với người Đảng Cộng sản. Năm 1937, ông bí mật gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong buổi lễ kết nạp Diêm Bảo Hàng vào Đảng, một số người đưa ra ý kiến phàn nàn về lai lịch khá phức tạp của Diêm Bảo Hàng, nhưng Chu Ân Lai nói rằng: "Anh ta phức tạp, nhưng liệu các anh có làm được những việc như anh ta làm không?". Tuy đã là đảng viên Đảng Cộng sản nhưng Diêm Bảo Hàng vẫn giả vờ lấy thân phận là nhân sĩ dân chủ ngoài Đảng để hoạt động. Thực tế, Diêm Bảo Hàng có mối quan hệ rất thân thiết với Chu Ân Lai. Lần đầu tiên hai người gặp nhau chính tại nhà riêng Diêm Bảo Hàng ở Nam Kinh, hai người đã nói chuyện đến tận đêm khuya về tình hình kháng chiến, tình hình hoạt động cách mạng... Càng nói, hai người càng tìm thấy ở nhau những điểm tương đồng của những người có chí khí lớn. Qua lần gặp ấy, Diêm Bảo Hàng đã bày tỏ lòng kính trọng đối với Chu Ân Lai và càng tin tưởng vào cuộc kháng chiến sẽ giành thắng lợi. Về sau, ông có nhiều cơ hội gặp mặt và tiếp xúc, làm việc với Chu Ân Lai. Chu Ân Lai nhiều lần lợi dụng sự hợp pháp của Diêm Bảo Hàng và tầng hai quán nhà họ Diêm để tổ chức các hội nghị, bố trí các công tác. Nhiều yếu nhân của Đảng Cộng sản Trung Quốc như Đổng Tất Vũ, Diệp Kiếm Anh cũng thường xuyên đến quán nhà họ Diêm để tổ chức hội nghị, ngoài ra còn có các nhân sĩ dân chủ yêu nước tham gia cách mạng cũng đến đây họp mặt. Do có nhiều người ra vào quán tấp nập khiến quán nhà họ Diêm nhiều lần gặp rắc rối với bọn Quốc dân đảng. Một lần, có ba người mặc quân phục cảnh sát bất ngờ đi vào quán, nói là đi bắt trộm. Bằng con mắt nhạy cảm của nhà tình báo, Diêm Bảo Hàng biết ngay ba người này là người của Quốc dân đảng, ông liền lập tức chìa ra tấm danh thiếp của Đới Lạp, ba người kia vừa nhìn thấy tấm danh thiếp thì biết ngay là không ổn nên đã bỏ đi.

  Được sự chỉ đạo trực tiếp của Chu Ân Lai, Diêm Bảo Hàng đã dùng các chức danh như cố vấn ủy ban cứu tế T.Ư, Tổng giám đốc Công ty công thương nghiệp Đại Minh... để từng bước kết giao với các yếu nhân trong Quốc dân đảng hay các nhân vật cốt cán thuộc "phái CC", trường Hoàng Phố, khoa Chính trị học. Như vậy, trong suốt thời gian chiến tranh kháng Nhật, Diêm Bảo Hàng đã thu thập được rất nhiều cơ mật quan trọng từ Đới Lạp, thống soái quân đội của Quốc dân đảng. Tháng 1 năm 1941, Chu Ân Lai và Lý Khắc Nông tiếp tục giao nhiệm vụ thu thập tình báo cho Diêm Bảo Hàng và ông được một tùy viên quân sự Đại sứ quán Liên Xô tại Trung Quốc trực tiếp hướng dẫn chỉ đạo hoạt động. Cũng chính vào thời gian đó đang rộ lên cao trào chống Cộng, chống Liên Xô của Quốc dân đảng. Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp, Đại sứ Liên Xô đã tính đến chuyện phải rút các nhân viên sứ quán Liên Xô. Diêm Bảo Hàng lập tức mua một căn nhà nhỏ ở Trùng Khánh, tìm gặp Trương Chí Mẫn là nhân viên kỹ thuật và ba nhân viên giao thông khác là Kỷ Hoa, Cao Duy Lục và Thẩm Huệ để hợp tác làm việc. Còn riêng con gái ông là Diêm Minh Thi đã tự học cách nắm mật mã đồng thời kiêm luôn cả việc biên dịch các bức điện có mật mã bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, cái khó nhất của vấn đề đó là bố trí và sử dụng điện đài ở chỗ nào cho thích hợp. Suy đi tính lại, Diêm Bảo Hàng quyết định cử Trương Chí Mẫn và Kỷ Hoa sống ở căn nhà mới mua và bí mật bố trí điện đài ở dưới hầm ngầm. Trương Chí Mẫn đóng giả là nhân viên kỹ thuật điện, ban ngày đi làm, tối về truyền đi các tin tình báo quan trọng. Ngoài ra, theo chỉ thị của Chu Ân Lai, Diêm Bảo Hàng còn phải xây dựng một điện đài dự bị khác để ứng phó với các tình huống bất trắc xảy ra. Do hoàn cảnh chiến tranh nguy hiểm và phức tạp, để tránh bị lộ, Diêm Bảo Hàng và các nhân viên tổ điện đài đã phải bí mật bố trí và di chuyển điện đài đến nhiều địa điểm khác nhau ở Trùng Khánh trong thời gian hơn bốn năm. Mãi đến năm 1945, khi phát xít Nhật đầu hàng thì tổ điện đài mới ngừng hoạt động. Riêng Diêm Bảo Hàng đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đặc biệt ông đã nắm được hai tin tình báo có giá trị và quan trọng.

  Tin thứ nhất là kịp thời thông báo cho Liên Xô trước một ngày kế hoạch tấn công Liên Xô của phát xít Đức. Năm 1940, phát xít Đức đã chiếm được Áo, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hà Lan và Pháp. Sau khi đánh tan liên quân Anh - Pháp, Hitler quyết định tập trung toàn bộ lực lượng tấn công Liên Xô. Để đạt được mục đích bất ngờ, phát xít Đức đã dùng nhiều biện pháp tung hỏa mù, nhưng một mặt vẫn chuẩn bị lực lượng. Để tăng thêm sức mạnh tấn công ba nước Liên Xô, Anh và Mỹ, phát xít Đức đã cấu kết với phát xít Ý và phát xít Nhật hình thành phe trục có lực lượng quân sự hùng mạnh. Ngoài ra, phát xít Đức còn tích cực phối hợp với phát xít Nhật triển khai các hoạt động dụ hàng Quốc dân đảng, nhằm giúp Nhật nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh Trung - Nhật, tập trung binh lực để cùng Đức ứng phó với Liên Xô, Anh và Mỹ.

  Trước việc Đức cấu kết với Nhật và Italia, một số yếu nhân của Quốc dân đảng cho rằng không thể dựa vào Mỹ và Anh được nữa mà nên dựa vào Nhật và Đức, từ đây đã dấy lên cao trào chống Liên Xô và chống Cộng dẫn đến xảy ra sự biến "Hoa Nam". Cũng tình cờ vào thời điểm đó, Quế Vĩnh Thanh, tùy viên quân sự của Quốc dân đảng ở Đức đã tiết lộ: quân Đức sau ngày 20 tháng 6 một tuần sẽ tiến công Liên Xô. Nội bộ Quốc dân đảng khi biết được tin này đều rất vui mừng, Tưởng Giới Thạch cho rằng, Đức tấn công Liên Xô, quân Nhật nhất định sẽ cùng phối hợp hành động tiến về phía Bắc, như vậy sẽ giảm bớt áp lực đối với chiến trường ở Trung Hoa Dân Quốc. Khi đó Liên Xô buộc phải yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất binh tiến về phía Bắc, như vậy, Quốc dân đảng có thể nhân cơ hội này để đánh úp Đảng Cộng sản Trung Quốc, hòng chiếm những miền đất đã bị mất. Đây chính là chính sách "Tam Bắc" của Quốc dân đảng.
Tại một buổi yến tiệc cao cấp của Quốc dân đảng, một quan chức của Quốc dân đảng đột nhiên lỡ miệng nói ra một câu: "Tới đây sẽ có sự kiện đặc biệt quan trọng xảy ra". Diêm Bảo Hàng khi đó đứng cạnh nghe được và dự cảm một sự kiện quan trọng nào đó sắp xảy ra. Ông tỏ vẻ bình tĩnh và vui vẻ đi nâng cốc chúc các vị khách nhằm tiếp cận các vị quan chức hàng đầu của Quốc dân đảng và một vài vị khách đang ngồi ở phía trên hàng ghế đại biểu. Do thân phận đặc biệt của Diêm Bảo Hàng nên những người có mặt trong buổi tiệc không ai nghi ngờ gì ông. Khi ông đi đến nâng cốc với các nguyên lão của Quốc dân đảng và viên tùy viên quân sự của Đức ở Trùng Khánh thì những vị quan chức trên đã nhầm ông là người của Đới Lạp cho nên đã tiết lộ hết tin quân Đức sẽ tiến công Liên Xô vào ngày 21 tháng 6.
Sau buổi yến tiệc, Diêm Bảo Hàng vội đến gặp riêng Chu Ân Lai và bàn kế hoạch thông báo cho Stalin thông qua điện đài mật bố trí ở Diện An. Tuy lúc đó, Stalin đã cho rằng: phát xít Đức không thể cùng một lúc mạo hiểm tác chiến ở trên hai mặt trận và đi ngược lại "Điều ước bất xâm phạm Xô - Đức", chúng chủ yếu vẫn tập trung phòng ngự ở hướng Đông nhưng Stalin vẫn coi trọng tin tình báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi sang cùng với các tin do mạng tình báo của Richard George gửi về và cho triển khai công tác chuẩn bị ứng phó. Ngày 22 tháng 6 năm 1941, quân Đức bắt đầu triển khai cuộc tấn công ào ạt vào lãnh thổ Liên Xô và điều này đã chứng minh tính chuẩn xác của tin tình báo trên.

  Tin tức thứ hai là thông báo cho Liên Xô toàn bộ tình hình bố trí binh lực của quân Quan Đông Nhật ở hướng Đông Bắc giáp biên giới Xô - Trung. Sau sự biến 18 tháng 9, quân Nhật chiếm được khu vực Đông Bắc và biến khu vực này làm căn cứ địa để triển khai xâm lược toàn bộ Trung Quốc, từ đó chúng thực hiện dã tâm xưng bá châu Á, xây dựng "Đại Đông Á cùng phồn vinh". Lúc này, quan hệ Xô - Nhật căng thẳng, Nhật đã bố trí hàng vạn quân Quan Đông ở giáp biên giới Xô - Trung. Đây là lực lượng quân đội tinh nhuệ nhất đồng thời cũng là lực lượng tổng dự bị chiến lược của Nhật. Năm 1944, quân Đồng minh Mỹ, Anh đã giành được quyền chủ động chiến lược ở chiến trường Thái Bình Dương, bắt đầu chuẩn bị phản công toàn diện đối với quân Nhật. Nhưng quân Nhật với tinh thần "Võ sĩ đạo" đã ngoan cường chống đỡ và làm tổn thất không nhỏ cho quân Đồng minh. Chính vì vậy, Mỹ và Anh rất kỳ vọng Hồng quân Liên Xô tấn công Nhật trên hướng Đông.
Tại một sàn nhảy của Câu lạc bộ quân Mỹ, Diêm Bảo Hàng mặc một bộ complê sang trọng và nhảy cùng một cô gái xinh đẹp. Sau giờ nghỉ giải lao, qua lời nói của một sĩ quan Quốc dân đảng, Diêm Bảo Hàng biết được một nhân viên tình báo Quốc dân đảng đã nắm toàn bộ tài liệu để nghiên cứu. Bằng sự khéo ăn khéo nói, ông đã thuyết phục viên tình báo cho mượn tài liệu trong 3 ngày và cầm đến gặp Chu Ân Lai. Chu Ân Lai lập tức ra lệnh cho Cục Nam Phương ở Trùng Khánh thông báo cho phía Liên Xô.

  Khi nắm được tình hình bố trí binh lực, hỏa lực và quân số quân Quan Đông, ngày 8 tháng 8 năm 1945, Liên Xô bắt đầu tấn công Nhật, tập trung chủ yếu vào quân Quan Đông ở hướng Đông Bắc Trung Quốc. Các mục tiêu quan trọng của quân Quan Đông đều bị nhanh chóng tiêu diệt, chỉ mất có mấy ngày mà Liên Xô đã phá tan được hệ thống phòng thủ kiên cố của quân Quan Đông xây dựng trong hơn 10 năm.
Khi tổng kết hoạt động tình báo trong Chiến tranh thế giới thứ II, người ta đã đánh giá 3 tin tình báo có giá trị nhất đó là: Phát xít Đức bất ngờ tấn công Liên Xô; Hải quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng; Hội nghị ngự tiền Thiên hoàng Nhật Bản bàn về kế hoạch tiến xuống phía Nam Thái Bình Dương. Ngoài ra, tin về toàn bộ tình hình bố trí binh lực của quân Quan Đông Nhật ở hướng Đông Bắc giáp biên giới Xô - Trung cũng quan trọng không kém. Như vậy, nhà tình báo Diêm Bảo Hàng đã đóng góp được hai tin tình báo quan trọng trong đó. Ngoài những thành tích nói trên, Diêm Bảo Hàng còn có tài làm cho các đối thủ, đồng nghiệp, thậm chí cả Đới Lạp, thống soái quân đội của Quốc dân đảng đến chết vẫn không biết rõ thân phận của ông.

  Trong dịp kỷ niệm 54 năm ngày thắng lợi trong Chiến tranh Vệ quốc 9 tháng 5 năm1999, cựu tổng thống Nga Elsin đã gửi tặng Diêm Bảo Hàng và con gái Diêm Minh Thi huy chương danh dự vì đã có những cống hiến to lớn trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc. Như vậy, sau hơn 50 năm được giữ kín, cuối cùng, tên tuổi, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của nhà tình báo Diêm Bảo Hàng mới được tiết lộ trên báo chí.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 06 Tháng Bảy, 2008, 05:22:11 pm
41 - HENRI ROBINSON (1897 - 1943)
 Tài năng và lòng quả cảm



  Đây là một trong những người đại diện phi thường nhất của "cộng đồng tình báo" - ta tạm gọi như vậy. Ông không yêu mến Moscva, căm ghét "những trật tự" được thiết lập trong thời kỳ thanh trừng những năm 1930 của Stalin, nhưng đồng thời ông là người phục vụ cho công cuộc thanh trừng đó một cách vô tư, trung thực đến tận cuối đời mình.

  Tên thật của ông là Arnold Snee, sinh ở Sen-Jille, nước Bỉ trong một gia đình người Do Thái. Ông đã sang Pháp từ trẻ và có quốc tịch Pháp. Ông tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Duyrich, khoa Luật, thạo các ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức và Italia. Năm 1920 ở Pháp ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, sau đó là đảng viên Đảng Cộng sản Đức. Ông có vợ là Clara Sabbel và một con trai với bà Clara tên là Leo.

  Cần nói đôi lời về nhân cách của người đàn bà lỗi lạc này. Clara Sabbel sinh năm 1894 ở Berlin trong một gia đình công nhân, bố mẹ đều là đảng viên Đảng Xã hội dân chủ, vì thế từ nhỏ bà đã hấp thụ được lý tưởng Xã hội Dân chủ Đức. Đầu Thế chiến thứ nhất bà gia nhập liên minh "Spartak" cánh tả do K. Libcnest và R. Lucsemburg lãnh đạo. Năm 1918, Clara là bí thư của Hội đồng các đại biểu công nhân Phổ, từ năm 1919, là đảng viên Đảng Cộng sản Đức, sau đó công tác ở Quốc tế cộng sản. Từ thời gian này Clara là điệp viên của Cục Tình báo. Mùa thu 1923, khi chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở Đức, Clara Sabbel cùng với  chồng là Henri Robinson (lúc này có bí danh là "Đồng chí Harri") tiến hành việc nổ mìn ở tỉnh Rua. Năm 1924, Clara sống và làm việc ở Moscva, công tác ở Ban trung ương Cục Tình báo Hồng quân Công nông. Sau đó Clara cùng con trai trở về Đức. Căn hộ của Clara được sử dụng làm cơ sở bí mật và được coi là "một hộp thư" của cơ sở. Trước khi chiến tranh giữ nước vĩ đại bùng nổ  Clara cùng với I. Stiobe và E. Hiubner là những nguồn cung cấp những thông tin có giá trị ở Berlin. Vì Clara giữ mối quan hệ tiếp xúc với những người cộng sản trong nhóm Harnar-Schulze-Boysen nên không tránh khỏi bị bắt bớ. Ngày 18 tháng 10 năm 1942, Clara bị bắt và ngày 30 tháng 1 năm 1943, bị Toà án quân sự Đế chế kết án tử hình, đến ngày 5 tháng 8 năm 1943, tòa thi hành bản án đối với Clara đúng vào ngày ở Moscva bắn phát súng đầu tiên chào mừng các thành phố Orlo và Belgorod được giải phóng trong chiến dịch Kursk.

  Năm 1921, Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Đức cử "đồng chí Harri" đến Moscva công tác dưới sự chỉ đạo của Quốc tế cộng sản thanh niên.
Sau khi trở về Đức "đồng chí Harri" nhận nhiệm vụ tiến hành công tác bí mật phản chống quân đội Pháp chiếm đóng tỉnh Rua, tập hợp xung quanh mình một nhóm những người cộng sản trẻ. "Phong trào trẻ em" là tên gọi của cơ sở những người cộng sản trẻ, tức là nguồn cung cấp những lực lượng ủng hộ ngày càng mới hơn. Vì hoạt động ở tỉnh Rua, toà án Pháp đã kết án vắng mặt Henri Robinson 10 năm tù giam.
Những cuộc tiếp xúc của Henri Robinson với tình báo quân sự Liên Xô diễn ra trong những năm 1923 - 1924. Trong giai đoạn này công nghiệp và khoa học Đức được nâng cao một cách phi thường, những thành tựu trong ngành hàng không, hoá học và quang học khiến cho tình báo Liên Xô đặc biệt chú ý. Henri Robinson là thành viên tích cực của tổ chức bí mật "Máy - M" của Đảng Cộng sản Đức hoạt động trong môi trường quân sự nên có điều kiện nhận được những thông tin cần thiết. Lúc đầu gián tiếp thông qua Đảng, nhưng từ năm 1933 theo chỉ thị trực tiếp của cục trưởng Cục Tình báo Ian Berdin, Henri Robinson được khai thác lấy thông tin này. Được nhà tình báo từng trải Stigga lựa chọn, Henri Robinson chính thức có tên trong thành phần mạng lưới điệp viên của Cục Tình báo. Lúc đầu Henri là phó công sứ, sau đó là công sứ tại Pháp. Một trong những phương pháp lấy thông tin cần thiết về công nghiệp ở Pháp cũng như ở Đức là thành lập mạng lưới "phóng viên công nhân". Được đưa vào áp dụng ở nhà máy, những phóng viên công nhân này cung cấp cho tình báo Liên Xô những thông tin chi tiết về những thiết kế và quy trình công nghệ. Làm việc với các phóng viên công nhân rất thú vị. Không một ai trong số này công khai bảo mình là làm gián điệp. Họ cho rằng họ đang lao động vì lợi ích của giai cấp công nhân và các công đoàn. Những số liệu nhận được từ các phóng viên này được tập hợp lại và giao cho một nhóm ít người là chuyên viên để phân tích. Trường hợp cần thiết thì gửi yêu cầu đến các kỹ sư, các công đoàn có thiện cảm. Quy mô của công việc này rất lớn.

  Henri Robinson chỉ đạo các chiến dịch tình báo một cách thông thạo. Dĩ nhiên khi Hitler lên cầm quyền thì hoạt động của các phóng viên công nhân rút vào bí mật. Giai đoạn từ 1937 đến 1939, "đồng chí Harri" đã thành lập được một mạng lưới tình báo lớn và đảm bảo bí mật có thể khai thác được những thông tin có giá trị, Henri được chuyên môn hoá về kinh tế nên có thể chọn lọc và phân tích những thông báo của điệp viên mình. Robinson gửi đi Moscva một khối lượng lớn các tài liệu về các vấn đề kỹ thuật quân sự, trong đó có việc sản xuất đạn pháo nổ, vũ khí mới, về các máy dưỡng khí cho phi công và các mặt nạ phòng khí độc mới của Đức. Robinson rất giỏi xoay xở thậm chí kiếm được các mẫu vỏ thép các xe mới của Pháp và gửi được về Trung Tâm. Những thông tin chính trị cũng rất hấp dẫn: báo cáo về động viên bộ phận ở Anh tháng 9 năm 1938, những tài liệu về việc chuẩn bị lực lượng vũ trang của Anh và việc đưa số quân này sang Pháp...
Henri Robinson trong công việc có thái độ rất thận trọng đến từng chi tiết đối với những vấn đề bảo mật và thường giấu tên các điệp viên của mình ngay cả với cấp lãnh đạo cơ quan tình báo. Một lần "đồng chí Harri" nhận được từ Moscva một yêu cầu: "đồng chí chưa lần nào viết cho chúng tôi biết đồng chí nhận được tài liệu của ai giao. Điều không rõ ràng xung quanh vấn đề này khiến chúng tôi có đôi chút băn khoăn". Henri trả lời rằng bạn của anh làm tất cả mà không lấy tiền công, và rằng Henri biết bạn của mình trong suốt thời gian 20 năm nay, còn "tên người bạn thì anh sẽ chỉ thông báo bằng miệng mà thôi".

  Nhưng rồi Thế chiến thứ hai bùng nổ. Cơ quan tình báo của Robinson định hướng công tác chống nước Đức. Sự phá sản của nước Pháp vào tháng 6 năm 1940 cho thấy không còn nghi ngờ gì nữa, Liên Xô sẽ là mục tiêu trước mắt của Hitler. Robinson đã khéo léo tách những tuyên bố mang tính chất tuyên truyền của Hitler về cuộc xâm lược sắp tới vào nước Anh với những gì đã xảy ra trong thực tế và gửi những thông tin có giá trị nhất về Trung Tâm. Tuy nhiên, mặc dù Henri Robinson đã dùng hai nắm tay đập cửa mà sau cánh cửa người ta chỉ nghe thấy rất ít:
 
  "Ngày 11 tháng 11 năm 1940. Bốn phần năm lực lượng cơ giới hoá của Đức đã được ném sang Ba Lan. Tuần trước 12 chuyến tàu hoả công binh đi từ ga Rômilli sang Đức... "
 
  "Ngày 5 tháng 4 năm 1941. Tuyến đường sắt nước Pháp có một số lượng lớn đoàn xe quân y đi về phía đông".
 
  "Ngày 17 tháng 4 năm 1941. Những chiếc xe tăng 70 tấn của các nhà máy ở Rơmô được ném sang Katovitxe (Ba Lan). Từ 21 đến 23 tháng 4, 80 xe tăng hạng nhẹ đã được chuyển đi phía đông".
 
  "Ngày 7 tháng 5 năm 1941. 350 xe tăng 12 tấn của Pháp từ các nhà máy ở Gotskis đã chuyển đến Ba Lan".
 
  "Ngày 10 tháng 6 năm 1941. Một viên đại tá quen biết đã có cuộc trao đổi với một viên sĩ quan cao cấp Đức và viên sĩ quan này tuyên bố rằng ít nhất hai tháng nữa một phần lãnh thổ Liên Xô sẽ bị người Đức xâm chiếm".

  Khi chiến tranh giữ nước vĩ đại nổ ra, cơ quan tình báo của Henri Robinson đang ở Pháp. Cơ quan của Robinson đã hoàn toàn sẵn sàng làm việc trong điều kiện chiến tranh. Các điệp viên được giữ bí mật rất tốt và đều có cơ sở che giấu tin cậy. Họ thường xuyên nhận được những thông tin khá đầy đủ. Cơ quan tình báo của Robinson có hai máy phát sóng vô tuyến thường xuyên duy trì quan hệ với Trung Tâm. Sự độc lập đối với các đơn vị tình báo khác và điều kiện đến thẳng Moscva là sự đảm bảo chủ yếu cho sự tồn tại an toàn của cơ quan an ninh. Bên cạnh đó Robinson có thể đích thân liên hệ với cơ quan tình báo "Dora" ở Thuỵ Sĩ đứng đầu là Sandor Rado (người Đức gọi cơ quan tình báo này là "Cỗ xe tam mã đỏ").

  Ngoài cơ quan tình báo của Robinson còn có cơ quan tình báo Ozons ở trên lãnh thổ Pháp, sau khi Đức chiếm đóng Bỉ có thêm cơ quan tình báo của Trepper. Các cơ quan tình báo này có quan hệ với Moscva thông qua tướng Susloparov, tuỳ viên quân sự ở Pháp. Nhưng khi chiến tranh vừa nổ ra tướng Susloparov về nước nên cơ quan tình báo này không có liên hệ gì với Moscva.

  Và ở đây Trung Tâm đã phạm hai sai lầm nghiêm trọng. Tháng 6 năm 1941, thủ lĩnh cơ quan tình báo ở Bỉ là K. Efemov được giao nhiệm vụ giúp Trepper và Gurevich thiết lập quan hệ với Moscva. Đây là một trong những nguyên nhân thất bại nặng nề trong tương lai, nhưng lúc bấy giờ điều này cho phép thiết lập được quan hệ với Trung Tâm. Mặc dù khôi phục lại quan hệ, nhưng tháng 9 năm 1941, Trepper nhận được chỉ thị thiết lập việc tiếp xúc với Robinson, vì cho rằng việc tiếp xúc này chỉ bó hẹp ở việc sử dụng máy phát sóng vô tuyến của Robinson như máy phát sóng dự trữ. Nhưng Trepper đã vi phạm chỉ thị này. Vì háo danh nên Trepper quyết định Robinson hoạt động hoàn toàn dưới sự điều khiển của mình. Trepper cho Robinson liên lạc với hai điệp viên cơ quan tình báo của mình, ngoài ra còn thông báo về Robinson cho Raikhman chính là tên phản bội.

  Như vậy, tất cả các cơ quan tình báo vừa liệt kê được liên kết thành một mạng lưới hầu như rất khó điều khiển và nhất là không an toàn về phương diện bí mật. Trepper là thủ lĩnh của mạng lưới này.

  Lâm vào tình trạng phức tạp như vậy nên Robinson vẫn tiếp tục hoạt động. Tháng 7 năm 1942, đích thân tướng de Gaulle cử cựu quận trưởng Chartre Jan Mulen (bí danh "Reks") từ London bí mật đến Paris. Không biết bằng cách nào (chi tiết không được rõ) mà giữa Robinson và Mulen thiết lập được quan hệ với nhau. Người ta chỉ biết rằng trong bức điện báo gửi đến London Mulen đã thông báo về cuộc gặp này, trong đó còn nhấn mạnh "đã tiếp xúc được" với "cơ quan mật của người Nga", sự việc Mulen và thông qua Mulen, cơ quan mật của nước Pháp tự do đi vào hoạt động bí mật của những người cộng sản - động lực chủ yếu của cuộc Kháng chiến ở Pháp - là một kết quả quan trọng của cuộc gặp giữa Robinson và Mulen. Sau khi Mulen nói lên mong muốn có quan hệ với những người cộng sản, Robinson báo cáo việc này cho Trepper. Trepper thông báo cho liên lạc viên của mình với Đảng Cộng sản Pháp và đồng chí Jack Duclo là Louis Gronovki biết. Như vậy là mối quan hệ của nước Pháp tự do với những người cộng sản đã được thiết lập.

  Thời gian này Gestapo vẫn cảnh giác đối phó. Ngày 13 tháng 12 năm1941, ở Brussel đã có những cuộc bắt bớ, sau đó thì bắt bớ diễn ra liên tiếp, hết vụ này đến vụ khác. Không phải tất cả những người bị bắt đều chịu đựng được tra tấn. Bọn Đức đã lấy và giải mã được rất nhiều điện báo vô tuyến và nhiều tài liệu khác. Kết quả là ngày 21 tháng 12 năm 1942, Henri Robinson bị Gestapo bắt. Đến tháng 1 năm 1943, các cơ quan tình báo của Macarov, Trepper, Robinson và Gurevich chấm dứt hoạt động. Tổng cộng bọn Đức đã bắt được hơn 100 người ở Pháp, Bỉ, Hà Lan, trong đó có đến 70 người hoạt động cho tình báo Liên Xô. Bọn Đức có âm mưu sử dụng những máy phát sóng vô tuyến chiếm được của Liên Xô vào trò chơi liên lạc bằng vô tuyến với tình báo Liên Xô, nhưng không phải bao giờ cũng thành công. Như khi chưa bị bắt, ngay từ 25 tháng 9, Robinson đã kịp thông báo về việc bắt các nhân viên điện đài, sau đó thông báo này đã được Trepper gửi đi. Nhờ đó từ tháng 6 năm 1942, Trung Tâm đã bắt đầu sử dụng trò chơi vô tuyến phục vụ cho lợi ích của mình.

  Sau khi bắt được Robinson, bọn Gestapo tra tấn anh rất khủng khiếp. Nhưng Robinson không hề cung khai, chỉ im lặng. Bọn Gestapo bắt vợ anh là Clara Sabbel và con trai Leo ở Berlin. Bọn chúng đưa con trai anh đến trường xử bắn trước mắt anh. Nhưng "đồng chí Harri" chỉ im lặng. Anh không khai bất cứ một người nào, nên sau khi anh bị bắt không một ai bị bắt cả.

  Về số phận sau đó của Robinson có một vài giả thuyết.

  Theo giả thuyết thứ nhất thì Robinson bị kết án tử hình và bị hành quyết. Theo giả thuyết thứ hai thì Robinson chính thức không bị xử bắn nhưng bị giết vì chuẩn bị vượt ngục. Còn theo giả thuyết thứ ba thì Robinson bị giết theo chỉ thị của Moscva (?). Cuối cùng, theo giả thuyết thứ tư Robinson vẫn còn sống và tiếp tục hoạt động cho tình báo Liên Xô.

  Một bằng chứng văn bản duy nhất nói về số phận của Robinson được tác giả N.Poroscov dẫn ra trong bài báo đăng trên báo Sao đỏ ra ngày 17 tháng 6 năm 1998, cho biết vào cuối tháng 9 năm 1944 một người lạ chuyển đến cơ quan đại diện Liên Xô ở Sophia bức thư ngắn sau đây:
 
  "Đồng chí người Pháp Henri Robinson, "Harri", bị Gestapo bắt vào tháng 12 năm 1942 tại nhà riêng. Anh bị một kẻ nhận được địa chỉ của anh ở Moscva tố giác. Vợ và con anh cũng bị tra tấn và bị tù, sau đó bị hành quyết. Bản thân "Harri" bị tù ở phòng biệt giam và sau đó chuyển đi Berlin... Tại đây anh bị giam giữ hoàn toàn bí mật tại phòng giam số 15 chờ án tử hình. Người viết những dòng dưới đây trông thấy anh lần cuối cùng vào ngày 20 tháng 9 năm 1943 khi đi ra từ phòng giam số 16 bên cạnh và hứa sẽ chuyển thông báo này..." (Tiếp theo là sự mô tả chi tiết việc bắt bớ và hành vi của một số người cụ thể khác).
 
  "...Tất cả mối quan hệ với Bộ và Bộ tổng tham mưu của Pháp đều an toàn, vì chỉ riêng Ha... biết mà thôi. Người ta chém đầu hay bắn thì chiến thắng vẫn sẽ là của chúng ta. Harri của các bạn"


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 07 Tháng Bảy, 2008, 06:37:29 pm
42 - ERNST FRIDRIC VOLLVEBER (1898-1967)
Nhà tổ chức những mạng lưới điệp viên chống phát xít



  Ernst Fridric Vollveber sinh trưởng trong một gia đình thợ mỏ, nhưng cậu con trai lại không theo nghiệp bố cho dù đã từng là thợ đốt lò trên con tàu hoàng gia "Helholand". Chàng trai đã trở thành thủy thủ và đúng vào ngày sinh nhật lần thứ hai mươi của mình, ngày 28 tháng 10 năm 1918, Vollveber đã kéo cờ đỏ trên con tàu và thành người đứng đầu cuộc nổi dậy của thủy thủ, cuộc nổi dậy kỷ niệm bước đầu thắng lợi của Cách mạng Đức, sự sụp đổ của vương triều Wilhelm. Ernst cầm đầu đội quân khởi nghĩa tấn công chiếm giữ tòa thị chính ở Bremen. Anh vào Đảng Cộng sản và mơ ước được đến Moscva. Chàng trai đã cùng một nhóm đồng chí trong Đảng dự tuyển làm thủy thủ trên tàu đánh cá, nhưng rồi khi tàu ra khơi họ đã bắt giam thuyền trưởng và chuyển hướng tàu đi Murmansk, từ đó Ernst sang thẳng Moscva, được đích thân Dinôviép, lãnh đạo Quốc tế cộng sản ở đây tiếp đón và được giới thiệu cả với Lenin.

  Năm 1922, Vollveber được Đảng Cộng sản Đức cử đi dự Đại hội lần thứ IV Quốc tế cộng sản. Trở về nước giữ trọng trách chủ tịch tổ chức quốc tế các bến cảng, một cơ cấu quan trọng của Quốc tế cộng sản vì tổ chức này nắm được hệ thống quan hệ quốc tế đặc biệt. Tháng 9 năm 1923, Ernst tham gia chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Đức. Cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Hamburg nhưng không được hưởng ứng nên đã bị trấn áp. Bởi vậy Vollveber đã có thời gian phải ngồi tù, song năm 1928 đã được bầu là thành viên của hội quản lý đất đai ở Phổ và đã đứng ra thành lập Hội thủy thủ quốc tế. Đó là một tổ chức hùng mạnh có cơ sở ở hai mươi bốn nước trên thế giới và ở mười lăm nước thuộc địa của Anh và Pháp. Hoạt động của Hội giúp cho Quốc tế cộng sản rất nhiều vì Hội thực thi những nhiệm vụ đặc biệt: ngăn cản việc vận chuyển quân lương khi Liên Xô bị ngoại bang tấn công, ở mỗi cảng lớn đều có mạng lưới điệp viên và liên lạc mà phản gián Xô Viết sử dụng rộng rãi, ngoài ra hội viên được đào tạo huấn luyện đặc biệt để có thể thực hiện các vụ phá hoại tàu và cảng.
Vào những năm ba mươi, để ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, người của Vollveber đã thực hiện những vụ phá hoại to lớn trên các con tàu chở binh lính và vũ khí đến các nước thuộc địa, đến vùng Mãn Châu, Trung Quốc, nơi mà bọn Nhật đã bắt đầu nhòm ngó tấn công. Cũng cần ghi nhận một điều: rất nhiều con tàu khác bị đắm vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng cũng được "ghi vào" thành tích của Vollveber. Trong tất cả những trường hợp trên mọi nỗ lực phát hiện thủ phạm của phản gián phương Tây đều không thành, cho dù như báo chí đưa tin thì "dấu vết đều dẫn tới Vollveber và tổ chức của ông" - hay như người ta vẫn thường gọi là "Liên đoàn của Vollveber".

  Năm 1937 Vollveber là đại biểu Quốc hội, nhưng cũng không được lâu. Hitler lên nắm chính quyền và Ernst phải rút vào hoạt động bí mật. Ông là một trong những người bị bọn phát xít đưa vào hàng đầu danh sách những người bị truy lùng. Ông phải bỏ trốn sang Đan Mạch. ở đó ông đã tổ chức ra Trung tâm phản gián chống phát xít và từ đó lãnh đạo người của mình làm việc ở các cảng trên khắp thế giới. Những tin đồn huyền thoại về con số tàu bị thiêu hủy và đánh đắm làm xôn xao dư luận thời đó, nhưng vẫn còn xa so với thực tế. Một nguồn tin cho biết con số lên tới bốn trăm chiếc, theo nguồn tin khác lại chỉ có trên vài chục.

  Các câu lạc bộ thuộc "Liên đoàn của Vollveber" thực chất là các cơ sở phản gián, nơi hoạch định các chiến dịch, chế tạo bom mìn, làm giả hộ chiếu, huấn luyện điệp viên và còn là các hòm thư liên lạc của phản gián Xô Viết. Bộ tham mưu của Vollveber gồm hai mươi người do chính ông tuyển chọn và gồm đủ quốc tịch: Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Anh.

  Năm 1936, khi cuộc nội chiến bùng nổ ở Tây Ban Nha "Liên đoàn của Vollveber" đã đẩy mạnh đáng kể mọi hoạt động. Số tàu chuyên chở vũ khí cho quân đội Franco bị thiêu cháy và phá hủy khá lớn.

  Vollveber, một con người gan dạ, đã nhiều lần đến Đức mặc dù ở đó tính mạng ông bị đe dọa ngặt nghèo. Một lần ông bị sa bẫy nhưng đã thoát được thật kỳ diệu trong khi mười hai đồng chí của ông đều bị bắt giam và treo cổ.

  Bất chấp tổn thất đó, Vollveber vẫn biết cách ổn định nền nếp hoạt động. Cơ sở ở Đức này đã tiếp tục tồn tại cho tới đầu Thế chiến thứ hai và cả sau này. Một minh chứng hùng hồn là vụ làm nổ tung con tàu quân sự "Marion" của phát xít Đức chở hai ngàn (theo nguồn tin khác những bốn ngàn) binh lính, chỉ một số nhỏ thoát chết.

  Mạng lưới tình báo của Vollveber hoạt động độc lập với nhau trong điều kiện bí mật nghiêm ngặt nhất. Chỉ một người chuẩn bị chiến dịch biết được chi tiết của chiến dịch sẽ thực thi. Huyền thoại về mạng lưới điệp viên này còn đồn thổi cả đến từng chi tiết, mỗi điệp viên chỉ được biết không quá hai người khác trong tổ chức. Các báo cáo không bằng văn bản. Liên lạc viên không hề biết tí gì về Vollveber cũng như những người thân cận của ông. Để bảo mật ông còn cắt liên lạc cả với mọi nhóm phản gián Xô Viết.

  Mùa xuân năm 1940, phát xít Đức chiếm đóng Đan Mạch. Nhiều điệp viên ở cơ sở Copenhagen bị bắt giam.

  Trước khi Na Uy bị Đức xâm chiếm, Vollveber có cơ sở tin cậy ở đó. Phó ban phản gián Xô Viết ở Hensinxki, bà Doia Ivanovna Vascreskaya Rưbkina cũng đã tới đó gặp Anton (bí danh của Vollveber).

  Các nhóm điệp viên của Vollveber hoạt động ở các thành phố Hamburg, Bremen, Danzig, Rotterdam, Amsterdam, Copenhagen, Oslo, Riga và Talin.

  Có những chứng cớ xác đáng rằng vào tháng 6 năm 1941, sau khi Đức tấn công Liên Xô, một vài nhóm của Vollveber đã phối hợp với những người cộng sản của phong trào Kháng chiến ở Pháp và các nước khác góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh chống phát xít. Bọn Gestapo Đức đã biết được Vollveber đang ở Thụy Điển và đòi Thụy Điển phải giao nộp ông cho chúng. Lúc này Vollveber do vào nước này bất hợp pháp nên đã bị tù giam một thời gian. Trưởng ban phản gián Xô Viết, nhà tình báo Kin (chính là Rưbkin, chồng của Ivanovna Vascreskaya Rưbkina) đã xin được gặp Vollveber. Kin đã khuyên ông "thừa nhận" làm gián điệp chống lại Thụy Điển. "Những chuyện sau đó chúng tôi sẽ tự lo liệu" - Kin dặn thêm. "Anton" đã theo đúng chỉ dẫn của Kin, thừa nhận làm gián điệp cho Liên Xô chống lại Thụy Điển.
  Cũng lúc này ở Moscva hoàn tất thủ tục hồ sơ cho Vollveber nhập quốc tịch Nga.

  Mọi cuộc đàm phán với Thụy Điển không thành. Thụy Điển không giao nộp Vollveber cho Đức với lí do: Vollveber phải được xét xử theo luật pháp Thụy Điển. Chiến tranh đã tới hồi kết thúc, Thụy Điển đã không còn sợ Đức nữa...

  Ngay từ trước chiến tranh kết thúc, không cần đợi tới xét xử Vollveber đã được thả tự do và đi luôn sang Liên Xô. Ông đã cùng Hồng quân tiến vào Berlin. Sau chiến tranh Vollveber được bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ Giao thông của Đức, sau đó tháng 6 năm 1953 chuyển sang bộ trưởng Bộ Nội vụ.

  Báo chí phương Tây lại lên án Vollveber về mọi tổn thất hư hại của các con tàu của họ, nhất là trong cuộc chiến tranh Triều Tiên những năm 1950 - 1953. Tuy nhiên họ đã không tìm ra được một chứng cớ nào.

  Trong hai năm 1956 - 1957, Vollveber nhiều lần lên tiếng phản đối đường lối của Walter Wilbrikh, cụ thể là vấn đề Hungari dẫn tới hậu quả ông bị cách chức bộ trưởng Bộ Nội vụ vào tháng 11 năm 1957. Đến tháng 2 năm 1958, ông phải ra khỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng, về hưu vì "tình trạng sức khỏe". Vollveber qua đời ngày 5 tháng 5 năm 1967 ở Đông Berlin.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 08 Tháng Bảy, 2008, 07:20:56 pm
43 - KHANG  SINH (1898-1975)
"Kẻ thứ năm trong bè lũ bốn tên"



  Chưa chắc đã có ai có thể nói được con số các điệp viên thực hay ảo mà con người này tung ra và bắt được. Con số đó nếu không lên tới hàng chục ngàn thì cũng tới hàng ngàn, nó vĩ đại như đất nước rộng lớn mà ông đã từng lãnh đạo hoạt động tình báo cũng như phản gián ở đấy.

  Đó là một người tầm vóc trung bình, với vầng trán hói, cặp môi mỏng luôn mím chặt với hàng ria con kiến, cặp lông mày dướn cao và thói quen luôn rộng miệng mỉm cười. Con người đó thật có trình độ với phong thái trang nhã, nhưng lại hay hút thuốc giống như một nhà trí thức Trung Quốc, không hề giống chút nào con người mà người ta thường đồn đại "Khang Sinh không phải là người, mà là một con quái vật".

  Khang Sinh sinh năm 1898 ở Thanh Đảo trong một gia đình tiểu địa chủ. Năm 1920 cậu tốt nghiệp phổ thông, thoạt đầu học đại học ở quê hương, sau đó chuyển lên Đại học tổng hợp Thượng Hải. Vừa học vừa đi dạy thêm ở trường làng. Sau khi được kết nạp Đảng Cộng sản, Khang Sinh theo học dự thính lớp bồi dưỡng cán bộ cốt cán của Đảng. Con đường hoạn lộ về chính trị rộng mở trước Khang Sinh: năm 1926, ông là Bí thư Ban chấp hành Trung ương, sau đó là Bí thư khu ủy phía Bắc Thượng Hải. Năm 1927, ngay trước hôm quân đội Cách mạng nhân dân tiến công thành phố, Khang Sinh lãnh đạo công nhân Thượng Hải xuống đường đấu tranh vũ trang, sau đó ông lại càng tiến cao hơn: ủy viên ủy ban thanh tra của Đảng, trưởng ban Tổ chức Ban chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1931 ông đã là Trung ương ủy viên, ủy viên Bộ Chính trị và bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

  Năm 1933, Khang Sinh tham gia Hội nghị Ban chấp hành Quốc tế cộng sản ở Moscva, hai năm sau, năm 1935 đã là đại biểu Đại hội Quốc tế cộng sản lần VII. Từ năm 1935 đến năm 1937 là ủy viên thường trực Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Quốc tế cộng sản. Trở lại Diên An, Khang Sinh là giám đốc Cục Thông tin vùng giải phóng của Trung Quốc. Cục Thông tin không chỉ đảm nhận chức năng thông tin mà phụ trách cả hoạt động tình báo, phản gián và các mặt tư pháp, luật pháp, kiểm sát. Tháng 11 năm 1938, sau Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 6, Ban Bảo vệ Chính trị được gọi là Ban Chất vấn các vấn đề xã hội do Khang Sinh làm trưởng phòng. Tháng 9 năm 1940, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị về hoạt động phá hoại ở vùng hậu địch: "Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập trong lòng địch ban điều hành các hoạt động phá hoại ở những thành phố lớn bị địch chiếm đóng do đồng chí Chu Ân Lai phụ trách cùng với phó của ông là Khang Sinh".

  Khi ấy Trùng Khánh là tâm điểm hoạt động ở các thành phố bị chiếm phía Nam Trung Quốc, còn phía Bắc là Diên An. Bộ Chính trị, các phòng ban trực thuộc và các tổ chức Đảng ở địa phương có nghĩa vụ thành lập các cơ cấu tổ chức tương ứng để tiến hành các hoạt động tương tự. Các phòng ban phải chú trọng đến biên chế đặc biệt cho việc thực thi các chiến dịch phá hoại và lưu ý tuyển lựa điệp viên trước khi tung vào vùng địch. Mỗi chiến dịch trước hết phải tuân thủ các mục đích sau:

  a. Thu thập xem xét các thông tin tình báo để tìm hiểu thật tốt tình thế và nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm rút ra.

  b. Tận dụng mọi quan hệ quần chúng có thể để ngụy trang địa điểm tiến hành chiến dịch việc thực thi và khắc phục mọi hậu quả.

  c. Tuyển chọn và hình thành đội ngũ điệp viên có thể hoạt động ở vùng địch tùy thuộc vào thành phần xuất thân của họ, vào kinh nghiệm hoạt động bí mật của họ ở thành phố, vào khả năng tổ chức được cơ sở che giấu bảo vệ tin cậy, bảo đảm đường dây liên lạc bí mật và đào tạo được những người có thể thâm nhập vào biên chế kỹ thuật ở các cơ sở công nghiệp tại các thành phố lớn. Đảng phải có nhiệm vụ lựa chọn những người thích hợp với công việc được giao".

  Năm 1941, Khang Sinh đã phát triển Ban điều hành thành một cơ quan lớn mạnh. Cơ quan này kiêm nhiệm cả chức năng tham mưu chính. Đồng thời, ông phụ trách cả Ban thanh tra cán bộ trong và ngoài Đảng. Và thực tế Ban thanh tra này không bao lâu sau đã có những biện pháp quái gở dẫn tới việc thanh trừng hàng ngàn người hoàn toàn vô tội.

  Khang Sinh đã ở Moscva gần bốn năm, đúng lúc ở đó đang thực hiện chính sách thanh lọc của Ezov. Từ Liên Xô trở về, Khang Sinh trở thành nhân vật bài Xô Viết cuồng nhiệt, nhưng lại cũng là người sùng bái các biện pháp thanh lọc của Ezov. Việc nghi ngờ những người chung quanh kể cả chiến hữu và các đồng chí của mình đã khiến Khang Sinh biến thành một tên khủng bố kiểu "Malius Scuratov" trong chính phủ Mao Trạch Đông. Lại cũng chính nhờ ông ta mà Mao Trạch Đông có được Giang Thanh.

  Năm 1931, một cô gái trẻ 19 tuổi có cái tên Vân Hạc nghe rất kêu (tên thật của cô là Lý Thục Mông, còn nghệ danh là Lam Bình) đã trở thành người tình của Khang Sinh. Lúc này cô gái đã thay đổi nhiều người bảo trợ, trong đó có cả các giáo sư trường kịch. Khang Sinh yêu cô gái không chỉ vì sắc đẹp mà còn vì trí tuệ, tính tình trang nhã nhưng lại cứng cỏi. Năm 1938, ông đưa cô diễn viên điện ảnh xinh đẹp 26 tuổi đến Diên An, rồi "chuyển giao" cho Mao. Mao đã cưới Vân Hạc làm vợ thứ tư, tạo thành một mối tình tay ba tâm đầu ý hợp không chỉ trong tình cảm mà cả trong công việc. Sau này hòa nhập với bộ ba này còn có Bành Chân, bạn cũ của Vân Hạc, Chu Ân Lai, bạn của Bành Chân. Chính những người này là đầu mối gây ra sự phân liệt Trung - Xô.

  Trong thời gian Thế chiến thứ hai, Đặc khu của Trung Quốc cũng như chính phủ chính thức đứng đầu là Tưởng Giới Thạch cùng với Quốc dân Đảng của ông ta đều ủng hộ Liên Xô và đối nghịch với đế quốc Nhật. Trước chiến tranh vài ngày, Khang Sinh đã cảnh báo Liên Xô về cuộc tấn công của Đức. Tin này Khang Sinh có được vào ngày 18 tháng 6 năm 1941, từ Chu Ân Lai, khi ấy là đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Trùng Khánh, thủ phủ của chính phủ Quốc dân Đảng. Chu Ân Lai báo về rằng đại sứ Quốc dân Đảng tại Berlin và tham tán quân sự đã báo cho Tưởng Giới Thạch rằng đêm 21 rạng ngày 22 tháng 6 Đức sẽ tấn công Liên Xô. Song đó là sự kiện duy nhất thể hiện quan hệ hữu hảo của Khang Sinh đối với Liên Xô mà đó cũng không phải là vô tư vì khi biết được kế hoạch tấn công của Đức, chính phủ Quốc dân Đảng đã có mưu đồ cấp tốc đưa quân tấn công Đặc khu, vậy là Đảng Cộng sản Trung Quốc cần sự trợ giúp ủng hộ của Liên Xô. Sau này qua những việc làm của Khang Sinh đối với đại diện của Liên Xô ở Diên An thấy rõ ông rất hằn học đối với Liên Xô, nếu chưa muốn nói là thù địch.

  Học tập những việc làm của những người theo chính sách Ezov, Khang Sinh bắt đầu làm trong sạch bộ máy Đảng và "Xô Viết". Con số những người bị tố cáo là Quốc dân đảng và "tình báo, điệp viên" của Nhật ở nhiều tổ chức lên tới 100%, và ở những nơi còn lại thì không dưới 90%. Nhiều đến mức không đủ nơi giam giữ và những người bị tố giác là "tình báo Nhật" được phép tiếp tục tạm thời làm việc ở chức vụ của mình.

  Khang Sinh đàn áp trừng trị cả thành viên "nhóm Moscva" nghĩa là tất cả những người đã từng học hoặc công tác một thời gian dài ở Moscva. Trong khi đó chính ông ta lại không cho mình vào nhóm đó, cho dù đã ở Moscva, đã rất nhiệt thành hô "muôn năm" trong mọi cuộc họp bên đó. Những người cộng sản Trung Quốc rất căm phẫn trước những việc làm trên của Khang Sinh. Uy tín của ông ta trong Đảng bắt đầu giảm sút (sau lưng người ta gọi ông ta là "Bộ trưởng mùa thu" nghĩa là "sứ giả Thần chết").

  Năm 1945, Khang Sinh đọc báo cáo tại Đại hội lần thứ VII Đảng Cộng sản Trung Quốc, qua đó ông nêu lên những vấn đề ông theo dõi và giải quyết trong thời gian Đặc khu tồn tại. Đó là: 1/ Hoạt động của quân báo Nhật chống phá các cơ sở của Đảng Cộng sản Trung Quốc. 2/ Hoạt động phản gián của Quốc dân Đảng. 3/ Hợp tác của Quốc dân Đảng với Nhật trong đào tạo điệp báo viên. 4/ Hợp tác của tình báo Mỹ với Quốc dân Đảng. Thế nhưng ông ta lại không nhắc nhở gì đến vụ "chỉnh phong". Ông ta cũng không đả động gì đến mối quan hệ với xã hội đen và các tổ chức mafia ngầm sinh sôi nảy nở khắp đất nước Trung Quốc. Một số gọi là đại diện cho quyền lợi của nông dân nhưng chính số này lại thoái hóa thành các băng nhóm gangster, buôn bán thuốc phiện, buôn lậu, cướp bóc, nuôi dưỡng các tổ quỷ đĩ điếm. Khang Sinh được các băng nhóm đó cung cấp đầy đủ, chính xác mọi thông tin về các sự kiện và những người mà ông quan tâm. Cũng tại Đại hội này, trong bài phát biểu của mình khi đề cập tới công tác kiểm tra cán bộ và hoạt động chống gián điệp, Mao Trạch Đông đã khẳng định "Chúng ta đã thành công nhưng cũng phạm nhiều lỗi lớn..." và kêu gọi từ nay về sau phải thẳng tay trừng trị những kẻ chống đối, đồng thời để trấn an các đại biểu lại hứa rằng ở các nhà tù của Khang Sinh "sẽ khách quan và công bằng hơn". Mặc dù vậy những việc làm của Khang Sinh đã gây căm phẫn chung trong hàng ngũ cán bộ Đảng và về thực chất sự phẫn nộ đó đe dọa đường lối đối nội trong Đảng của Mao. Vì vậy năm 1949, Mao đã cách chức lãnh đạo Cục An ninh của Khang Sinh. Khang Sinh chỉ còn nắm được Ban các vấn đề xã hội (Ngoại gián và Ban đặc nhiệm của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc). Khang Sinh còn buộc phải xin từ chức lãnh đạo Ban quân báo, song qua tay chân của mình Khang vẫn nắm được mọi hoạt động của ban này trong cuộc chiến ở Triều Tiên, ở Đông Dương và nhúng tay vào cả những cuộc đụng độ khu vực như cuộc chiến tranh du kích ở Malaisia và Philippins. Sau đó ít lâu Khang Sinh còn thúc đẩy tạo điều kiện cho Pônpốt và "Khơme đỏ" lên nắm chính quyền ở Campuchia. Chính ông là người đề xuất ý tưởng sử dụng rộng rãi Hoa kiều làm gián điệp. Đồng thời ông lãnh đạo nhóm thanh tra trong Hội đồng năng lượng hạt nhân được thành lập nhằm chế tạo bom nguyên tử ở Trung Quốc.

  Cuối năm 1954, Khang Sinh lại bước lên vũ đài chính trị. Ông lại vào Bộ Chính trị phụ trách Ban đặc nhiệm và quan hệ quốc tế. Chính thời điểm này Khang Sinh cùng Bành Chân và Chu Ân Lai khởi xướng việc tuyệt giao với Liên Xô.

  Từ năm 1966, Khang Sinh ủng hộ Giang Thanh và "bè lũ bốn tên" làm cuộc "Cách mạng văn hóa" ở Trung Quốc và qua đó có biệt danh "kẻ thứ năm trong bè lũ bốn tên".

  Khang Sinh qua đời ngày 16 tháng 12 năm 1975. Một trong các nhà lãnh đạo nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ông Hồ Diệu Bang đã nhận định "Khang Sinh là một trong những kẻ tội phạm đã kéo lùi bước tiến của cách mạng Trung Quốc tới 15 năm" và "chỉ căn cứ vào một vài hành động Khang Sinh đã làm thôi thì ông ta còn vượt trội hơn hẳn bất kỳ tên nào trong "bè lũ bốn tên".



Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 09 Tháng Bảy, 2008, 07:04:18 pm
44 - NIKOLAI CROSCO (1898 - 1967)
 Điệp vụ "két sắt bí mật"



  Vào những năm 1925 đến 1930 trên báo chí nước ngoài xuất hiện "những văn kiện tài liệu" về "những kế hoạch báo hiệu điềm dữ" của Tổng cục chính trị trực thuộc Hội đồng Dân ủy Liên Xô và của Quốc tế cộng sản gây nên cơn sốc mạnh đối với nền tảng kinh tế và chính trị của thế giới phương Tây. Nhìn bề ngoài thì không ai nghi ngờ gì cả, từ văn phong đến từ ngữ, chữ ký của các nhân vật có chức vụ - tất cả đều nói lên đây là những văn kiện tài liệu thật. Việc công bố những văn kiện này đã kích động một làn sóng phẫn nộ của dư luận phương Tây và trong nhiều trường hợp đã dẫn đến những hậu quả bi thảm nặng nề: những người cộng sản Bungari bị kết án tử hình tựa hồ như chính họ được Quốc tế cộng sản giao nhiệm vụ đã gây nên vụ nổ nhà thờ ở Sophia; Thương vụ Liên Xô ở Berlin bị cảnh sát Đức tấn công; Cơ quan đại diện Hiệp hội hợp tác Nga bị cảnh sát Anh tấn công, từ đó dẫn đến việc cắt đứt sau đó các quan hệ ngoại giao giữa Anh và Liên Xô. Uy tín của Liên Xô, một đất nước vừa mới thoát khỏi sự cô lập quốc tế, bị một tổn thất nặng nề. ở Mỹ người ta truyền đi một tin giật gân là tình báo Liên Xô quyết định mua chuộc hai thượng nghị sĩ Bor và Norris để họ thuyết phục Mỹ công nhận Liên Xô. Điều này cũng được "khẳng định theo văn kiện" và đã gây nên tai tiếng xấu và sự hằn học đối với Liên Xô. Các "văn kiện tài liệu" có nguồn gốc tựa hồ như từ Moscva nhưng lãnh đạo Liên Xô biết chắc rằng đây là những văn kiện giả mạo. Vấn đề đặt ra là ai đã tạo ra văn kiện giả và địa điểm làm văn kiện giả ở đâu. Tình báo Liên Xô có trách nhiệm phải trả lời những câu hỏi này.

  Sau khi điều tra kỹ lưỡng, tình báo Liên Xô đã xác định được nguồn xuất phát là một tổ chức có tên là "Hội chân lý nước Nga". Tình báo Liên Xô đã tiến hành thu thập tỉ mỉ những cứ liệu về tổ chức Hội và thủ lĩnh của Hội này. Viên tham tán Vladimia Grigorievic Orlov định cư ở Berlin, một địch thủ nguy hiểm và từng trải chính là thủ lĩnh của "Hội chân lý nước Nga". Dưới thời Nga hoàng, Orlov từng là dự thẩm viên xem xét những hồ sơ đặc biệt quan trọng, sau đó là Trưởng cơ quan tình báo và phản tình báo của Vranghel. Chỉ có một số người rất hạn chế biết được hoạt động thực của Orlov. Để lọt được vào giới những người thân cận với Orlov phải là người rất khéo léo, hơn nữa phải có sơ yếu lý lịch phù hợp. Lãnh đạo tình báo Liên Xô đã chọn Nikolai Crosco. Anh sinh trưởng trong một gia đình nghèo tại tỉnh Tambov. Cha mẹ anh sẵn sàng hy sinh làm bất cứ việc gì để con trai mình được học hành. Nikolai tốt nghiệp trường trung học với huy chương bạc. Năm 1918 từ thành phố Kiev bị Đức chiếm đóng Nikolai đi đến vùng sông Đông gia nhập quân đội Denikin, sau đó bỏ chạy sang Ba Lan làm việc cho Savincov, rồi mở rộng quan hệ với kiều dân Nga, chủ yếu là giới sĩ quan. Năm 1920 một điệp viên của Liên Xô hoạt động ở vùng Baltic biết tin trung uý Nikolai Crosco chán cảnh sống của ngoại kiều và đang mong muốn trở về Tổ quốc. Người ta đề nghị Crosco cộng tác với tình báo Liên Xô và anh đã vui lòng nhận lời.

  Những nhiệm vụ đầu tiên giao cho Nikolai Crosco không có gì phức tạp. Phải lọt vào được một vài nhóm kiều dân Nga và xác định xem họ là ai. Những nhiệm vụ giao cho Crosco để thẩm tra anh đều được Crosco hoàn thành có hiệu quả đến mức anh được ghi tên vào biên chế tình báo đối ngoại của Liên Xô. Điều này rất hiếm khi xảy ra. Nikolai Crosco đã chính thức trở thành cộng tác viên mang bí danh "Kate".
Bắt đầu một công việc hấp dẫn nhưng đầy nguy hiểm. Mặc dù "Kate" luôn phải đi sang nhiều nước hoạt động nhưng chủ yếu anh công tác trong thành phần cơ quan tình báo ở Berlin. Giai đoạn này ở Berlin "Hội Chữ thập trắng" hoạt động đứng đầu là cựu trung úy không quân Pavlov. Tập hợp xung quanh Pavlov là những sĩ quan trẻ đã quá thất vọng về các thủ lĩnh cũ như Denikin, Vranghel và các tổ chức quân chủ phái hữu. Pavlov đã tìm được sự ủng hộ vật chất và tinh thần ở các nhà hoạt động trong giới phản động cực đoan Đức mà sau này trở thành những tên phát xít điên cuồng. "Kate" được giao nhiệm vụ lọt vào hàng ngũ "Hội Chữ thập trắng" và làm sao chiếm được lòng tin của Pavlov, đồng thời phải xác định được hiện nay bọn chúng đang làm gì và "Hội Chữ thập trắng" nguy hiểm đến mức nào. "Kate" đã hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao: không những lọt vào được tổ chức của Hội mà còn trở thành người trợ lý thân cận của Pavlov. "Kate" hiểu rõ công việc của Hội, có thể dàn xếp những mâu thuẫn trong Hội. Vì vậy những điệp viên dự định phái sang Liên Xô sẽ được tuyển chọn lại và được sử dụng như một kênh tung tin đồn nhảm. Toàn bộ số lượng các tập sách mỏng và tờ rơi có nội dung chống Liên Xô được giao cho "Kate" chuyển sang Liên Xô nhưng trên thực tế đã bị hủy đi. Chẳng bao lâu sau, những thất bại trong hoạt động của "Hội Chữ thập trắng" đã làm cho người Đức chán ngán và hậu quả là người Đức từ chối giúp đỡ về vật chất cho Hội. Về thực chất "Hội Chữ thập trắng" tạm ngừng hoạt động, còn Pavlov thì chuyển nghề làm lái xe mặc dù ông ta vẫn là thủ lĩnh của Hội.
 
  "Kate" đã sử dụng thời gian làm việc ở "Hội Chữ thập trắng" với hiệu quả lớn. "Kate" đã tạo được mối quan hệ rộng rãi với người Đức, năm 1923 "Kate" tham dự Đại hội xã hội quốc gia và tổ chức "Mũ thép", cùng ăn nhậu với các đại biểu nên càng thắt chặt mối quan hệ với họ. "Kate" cũng quen biết các thủ lĩnh Liên minh quân sự toàn Nga (ở Paris), các thủ lĩnh tổ chức quân chủ, nghĩa là làm quen được với tất cả bậu sậu kiều dân Nga ở nhiều nước.

  Vào đầu những năm 1920, do Liên Xô chưa có tổ chức điệp viên ở tất cả các nước nên "Kate" thường phải đi đến nhiều thủ đô của các nước châu Âu để nắm tình hình hoạt động tại chỗ của các tổ chức kiều dân Nga. Một trong những trường hợp như thế đã xảy ra với các thủ lĩnh tổ chức quân chủ Nga. Lúc bấy giờ đại bản doanh của họ đóng ở Munich, nước Đức. Sau khi đến được đại bản doanh này "Kate" đã phải tốn biết bao nhiêu sức lực để làm quen và tiếp cận với nam tước Medem và công tước Kadembec là hai thư ký riêng của đại công tước Kiril Vladimirovich. Dĩ nhiên, ngoài sự hấp dẫn cá nhân còn phải sử dụng cả tiền bạc của tổ chức nữa, bởi lẽ các ngài quý tộc sa sút sẽ không từ chối ăn nhậu do người khác bao. "Kate" đã được tham dự hội nghị của các đảng viên Kiril Vladimirovich với thống chế Lindendorf và với Đảng Quốc xã đang phôi phai thành lập, không những thế sau khi đại công tước Kiril Vladimirovich chuyển sang Paris hoạt động, "Kate" nhờ các viên thư ký trợ giúp đã lọt vào văn phòng của đại công tước chụp được khoảng 100 tài liệu văn kiện cất giữ trong két sắt.
 
  Ở Paris "Kate" đã thu thập được những thông tin về các mối quan hệ của các tổ chức kiều dân Nga với giới chính khách và tình báo Pháp, qua đó phát hiện được một số điệp viên của các tổ chức này ở Liên Xô. Sau khi trở lại Berlin, một hôm vào chiều tối "Kate" đã lấy được ở phái đoàn quân sự Denikin - Vranghel hai va li tài liệu chở về trụ sở của tình báo Liên Xô chụp ảnh lại toàn bộ tài liệu và sáng sớm hôm sau đem trả về chỗ cũ.

  Nhưng mục tiêu chủ yếu của "Kate" vẫn là Orlov và "Hội chân lý Nga". "Kate" làm quen với đại tá Colberg là bạn đồng thời là người đồng chí hướng của Orlov. Colberg đích thân giới thiệu "Kate" với Orlov. Orlov vốn là người cau có và đa nghi nên không vồn vã đón tiếp "Kate", mặc dù anh chàng trung úy này gây được ấn tượng dễ chịu. Orlov thăm dò Pavlov để Pavlov đánh giá một cách tốt nhất người trợ lý của mình. Nhưng như thế còn quá ít. Cần phải chứng tỏ những điều kiện nào đó khiến Orlov quan tâm đến việc cộng tác và làm tan tảng băng không tin cậy. Một hôm "Kate" báo cáo với Pavlov rằng, theo lời khuyên của Pavlov và Orlov về những thông tin nhận được từ "người của mình ở Liên Xô" thì "người của mình" tựa hồ như đã đẩy mạnh công việc và họ đang rất cần có sự liên hệ trực tiếp. Pavlov vớ ngay lấy ý kiến của "Kate" nêu lên, ông ta muốn đề cao uy tín của mình nên thuyết phục Orlov cử "Kate" làm phái viên, vì "Kate" có thể sử dụng những mối quan hệ của mình ở Phần Lan.

  Vào một đêm tháng 10 năm 1925, nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát Phần Lan "Kate" đã vượt biên giới Phần Lan - Liên Xô thông qua "cơ sở" mà các đồn biên phòng của Liên Xô đã chuẩn bị trước. "Kate" đến Moscva thuận buồm xuôi gió. "Kate" báo cáo là anh đã biết về các mối quan hệ của các nhóm kiều dân Nga ở Helsinki và Vưborg với cảnh sát Phần Lan và anh cũng biết ai và bằng cách nào đã chuẩn bị và thực hiện việc đưa anh vượt biên giới. Sau đó "Kate" đã gặp mẹ và em gái ở Kiev, rồi đến Sevastopol chuyển thư của Pavlov cho bà cô ông ta và nhận thư phúc đáp. "Kate" được nhận hộ chiếu Liên Xô, tuy nhiên hộ chiếu vẫn nằm trong hồ sơ. Trước khi lên đường quay trở lại người ta cung cấp cho "Kate" những tài liệu thông tin mà giới kiều dân Nga Bạch vệ và bạn bè phương Tây của họ quan tâm. Sau khi trở lại Phần Lan một phần tài liệu thông tin này "Kate" đã chuyển cho chánh cảnh sát Phần Lan để "trả công" về sự giúp đỡ của họ đối với "Kate".
 
 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 09 Tháng Bảy, 2008, 07:04:33 pm
  Những tài liệu này gây được ấn tượng tốt đến mức cảnh sát Phần Lan muốn "Kate" gặp gỡ bí mật với "những người của họ" ở Leningrad và Moscva. Khi "Kate" trở về đến Berlin, Pavlov xuất phát từ quyền lợi riêng bắt đầu phô trương những thành tích của "Kate", và sau đó không lâu, sau khi tìm hiểu kỹ những thông tin mà "Kate" đem về, Orlov đang trong tâm trạng phấn khích về những nhận xét tốt về "Kate" đã đề nghị "Kate" chuyển hẳn sang "Hội chân lý Nga" làm việc. "Kate" không nhận lời ngay nên Orlov cũng phải thuyết phục "Kate".

  Chẳng bao lâu sau "Kate" đã trở thành nhân vật được đặc biệt tin cậy của Orlov. "Kate" cũng xác định được ngoài tình báo Phần Lan, Orlov còn cộng tác với các cơ quan tình báo Anh, Pháp, Đức và với cảnh sát chính trị Berlin. "Kate" phát hiện được những đại diện của Orlov ở Latvia và Litva là những người có quan hệ mật thiết với tình báo và biên phòng sở tại. "Kate" cũng xác định, theo nhiệm vụ của cảnh sát Đức, Orlov là người huấn luyện các cộng tác viên của cơ quan đại diện Liên Xô ở Berlin, qua đó "Kate" nắm được danh sách các điệp viên này trong bảng kê những người nhận trả tiền công. Tất cả những điều kể trên rất quan trọng, nhưng để thực hiện nhiệm vụ chính là phát hiện xưởng làm văn kiện tài liệu giả mạo thì vẫn chưa với tới được. Hơn một năm trôi qua. Tài liệu giả mạo vẫn xuất hiện mà "Kate" vẫn chưa biết gì về nguồn gốc xuất xứ của nó. "Hay đây không phải do bàn tay của Orlov? " - có lần "Kate" đã nghĩ như vậy.

  Mùa hè 1927, theo đề nghị của cơ quan tình báo Phần Lan đích thân Orlov phái "Kate" thực hiện một cuộc đột nhập mới vào Liên Xô. Lúc đầu "Kate" từ chối, viện cớ cách đây không lâu công việc của mình bất thành, nhưng Orlov ép làm nên "Kate" đã đồng ý. Cuộc đột nhập đã "rất thành công" đối với cả Orlov lẫn cơ quan tình báo Phần Lan vì họ đã nhận được từ "Kate" "những thông tin" về "việc gặp gỡ bí mật" ở Leningrad, nhưng trước hết đây là sự thành công đối với "Kate", đó là sự hài lòng của chánh cảnh sát Phần Lan đã nói lên nhiều điều về hoạt động của kiều dân Nga ở Phần Lan và về mối quan hệ giữa họ với tình báo phương Tây, trong đó có tình báo Anh. Nhưng thành công chủ yếu nhất là Orlov cuối cùng đã hoàn toàn tin cậy "Kate". Một hôm Orlov mời "Kate" đến nói chuyện một cách nghiêm túc:

  - Tất cả những gì chúng ta làm như vượt biên giới, gặp gỡ bí mật, những thông tin - điều đó là tốt nhưng không phải là chủ yếu. Nếu chúng ta muốn làm phương hại thực sự cho chính quyền Xô Viết thì phải gieo sự hiềm khích giữa họ với toàn thế giới. Để làm được việc này tôi có tiền và tôi đang làm được một vài việc.

  Rồi Orlov kể hết với "Kate" về những tài liệu văn kiện giả mạo mà ở trên đã nhắc tới, và về những "dự án" khác nhằm chống lại các cơ quan đại diện của Liên Xô ở nước ngoài và bôi nhọ uy tín cá nhân. Sau đó Orlov cho "Kate" xem "xưởng" làm văn kiện tài liệu giả mạo. "Kate" vô cùng ngạc nhiên trước tủ phiếu rất lớn, những con dấu các loại, bản sao các tài liệu giả mạo ác ý nhất, mẫu các chữ ký, phòng chụp ảnh và thí nghiệm hóa học, các máy chữ với các kiểu chữ khác nhau và các máy dụng cụ chuyên dùng khác.

  - Tôi mời anh, một người thông minh và quyết đoán, tham gia vào công việc của chúng tôi. Công việc này không chỉ cần thiết mà còn béo bở. Nói riêng để anh biết, điền trang của tôi ở Me Klenburg tôi có được là nhờ thu nhập từ công việc này đấy. Các nhà tình báo trả hậu hĩ mà kiểm tra tính chân thực của văn kiện không gắt gao lắm. Đối với họ cái chính là tính thời sự của nội dung văn kiện và chất lượng tạo ra văn kiện.
 
  "Kate" rào trước đón sau đôi chút rồi đồng ý nhận lời tham gia. Sau đó ít lâu Orlov giới thiệu "Kate" với người trợ lý chính của ông ta. Đó là Iasin - Sumarocov nguyên trước đây là cộng tác viên của cơ quan Treca toàn Nga và của Tổng cục chính trị trực thuộc Hội đồng Dân uỷ Liên Xô sống ở Berlin mang tên là Pavlunovski theo chứng minh thư do người Đức cấp. Iasin - Sumarocov tỏ ra tin cậy đối với "Kate", kể hết cho "Kate" nghe về những bước thăng trầm của số phận: phải lòng một cô gái người Đức có tên là Diumler, cô ả hóa ra lại là tình báo nên đã dụ dỗ Iasin - Sumarocov phản bội. Đã có sẵn ý định chạy trốn, Iasin - Sumarocov cuỗm theo nhiều tài liệu văn kiện của cơ quan tình báo Liên Xô, một phần trao cho người Đức coi như trả công cho họ vì đã cưu mang cho cư trú, phần còn lại thì trao cho Orlov và Orlov đã sao lại các mẫu giấy tờ văn kiện, các con dấu, chữ ký, vì vậy như ta thấy những gì được xuất ra từ "xưởng" làm văn kiện giả mạo của Orlov trông y như thật. Iasin - Sumarocov cũng là người cố vấn cho Orlov về những vấn đề thuật ngữ của ngành tình báo Liên Xô và của Đảng bolsevich, về những đặc thù của đời sống Xô Viết, về mối quan hệ qua lại giữa các cộng tác viên của cơ quan đại diện và cơ quan tình báo Liên Xô ở nước ngoài v.v... Tóm lại Iasin - Sumarocov đã tiết lộ toàn bộ những bí mật của "xưởng" làm văn kiện giả mạo của Orlov.

  Như vậy trong tay tình báo của Liên Xô đã có đầy đủ những thông tin cần thiết về hoạt động của Orlov. Đã đến lúc phải tiến hành những biện pháp chống lại. Một số người "đầu nóng" đề nghị phá huỷ và đốt xưởng. Nhưng như thế thì chỉ có thể làm gián đoạn một thời gian công việc của "xưởng", hơn nữa những văn kiện tài liệu giả mạo trước đây sẽ không được phanh phui, mặt khác cơ quan tình báo Liên Xô ở nước ngoài sẽ bị buộc tội là tấn công vào kiều dân Nga. "Kate" đã đề nghị cách giải quyết khác. "Kate" làm những khuôn rập các chìa khoá phòng ở, phòng thí nghiệm, két sắt và tủ đựng tài liệu. Theo các khuôn rập này sẽ làm ra những chìa khoá giống hệt chìa khoá gốc. "Kate" phải chờ cơ hội thuận tiện mất mấy tuần lễ. Cuối cùng, khi Orlov đi Menkleburg "Kate" lập tức đột nhập vào phòng ở của Orlov và lấy đi các bản sao, bản nháp và tiêu đề các văn kiện tài liệu giả mạo, các mẫu con dấu. Trong số các tài liệu giả thu được có hai tiêu đề văn kiện giả mạo - đó là văn kiện bịa đặt về việc chính phủ Liên Xô mua chuộc hai thượng nghị sĩ Mỹ Bor và Norris. Theo kênh riêng của mình, tình báo Xô Viết đã thông báo cho Chính phủ Mỹ biết về văn kiện tài liệu giả mạo này. Việc công bố văn kiện giả mạo đã trở thành một tin giật gân ở Mỹ. Âm mưu muốn truyền bá những hành động khủng bố đến nước Mỹ đã gây ấn tượng to lớn không chỉ đối với dư luận mà cả với Chính phủ Mỹ. Nhận được những số liệu thuyết phục về tài liệu giả mạo do ai nguỵ tạo ra và nguỵ tạo như thế nào, Washington yêu cầu mở phiên toà xét xử các tác giả làm giả tài liệu văn kiện. Phía Liên Xô tán đồng với lời yêu cầu đó. Có thể đây là sáng kiến hợp tác Xô - Mỹ đầu tiên trong lịch sử.

  Ngày 27 tháng 2 năm 1929, Orlov và những cộng sự của y Iasin - Sumarocov (tức Pavlunovxki), nữ tình báo Diumler, tình nhân của Iasin - Sumarocov và đại tá Kolberg - đã bị bắt và trao cho tòa án. Bọn chúng bị buộc tội là có âm mưu bán cho phóng viên tờ báo Mỹ New - York Evening Post Arthur Nicker-Boker bức thư giả mạo có nội dung hai thượng nghị sĩ Bor và Norris nhận tiền của Chính phủ Liên Xô để họ đứng lên ủng hộ việc nước Mỹ công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Liên Xô. Trước tòa những văn kiện tài liệu giả mạo khác cũng được vạch trần. Orlov bị kết án 14 tháng tù giam và sau khi mãn hạn tù sẽ bị trục xuất khỏi nước Đức.
 
  "Kate" cũng phải cấp tốc rời khỏi nước Đức, bởi lẽ khi nguyên tắc hoạt động bí mật bị vi phạm nghiêm trọng thì đối với điệp viên tình báo nguy cơ thất bại luôn đe dọa họ. "Kate" đáp tàu thủy "Ghertcen" trở về Liên Xô. Khi báo chí đăng các bức điện báo về "viên trung úy đã mất hút một cách bí ẩn" và các văn kiện tài liệu trong két sắt biến mất thì "Kate" đã ở ngoài biển khơi.

  Vì nhiều lý do khác nhau, vai trò của "Kate" trong việc vạch trần âm mưu làm giả văn kiện tài liệu của Orlov chỉ được phương Tây biết đến vào cuối những năm 20 của thế kỷ trước, vai trò của "Kate" được dùng làm cơ sở cho những tin giật gân có tiêu đề hấp dẫn như Ông hoàng của những điệp viên điện Cremli; Ông chủ các két sắt bí mật của ông hoàng Kirill; Người sưu tập những kẻ vô công rồi nghề; Người đi xuyên qua tường... "Kate" lừng danh khắp thế giới trừ Liên Xô - Tổ quốc của mình, nơi nhiều năm người ta đã giữ kín được về những việc làm của "Kate".

  Nikolai Crosco thọ 69 tuổi, nhiều năm ông đã đào tạo, giáo dục được nhiều tình báo viên trẻ và đến năm 1967, khi ông lâm bệnh nặng, ông đã viết xong hồi ký về hoạt động tình báo của mình.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 10 Tháng Bảy, 2008, 07:07:45 pm
45 - HEMINGWAY (1898-1961)
Bậc thầy gián điệp nghiệp dư

(http://www.orcutt.net/images/hemingway_with_shotgun.jpg)

  Hemingway Ernest Miller là nhà văn Mỹ nổi tiếng thế giới, giải thưởng Nobel văn chương với nhiều tiểu thuyết rất được ưa thích (phần nhiều đã được dịch ra tiếng Việt) như Chuông nguyện hồn ai, Giã từ vũ khí, Ông già và biển cả... Bạn đọc cũng đã biết nhiều về cuộc đời sôi động của ông, như hoạt động du kích, báo chí của ông trên mặt trận thế chiến I và II, những thú đam mê của ông như đấu bò tót, đi săn, câu cá biển... Nhưng có lẽ nhiều người chưa biết nhà văn còn là một... điệp viên. Dưới đây xin giới thiệu quãng đời đó của ông.

  Mùa hè năm 1942, cuộc Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra khắp nơi. Nhưng E.Hemingway bị kẹt trong ngôi biệt thự hiu quạnh tại La Habana, Cuba. Sau sự kiện Trân Châu Cảng, mặc dù Cuba đã tuyên chiến với phe trục Đức - Italia - Nhật, nhưng đảo quốc này xem ra chẳng mấy mặn mà với việc chống lại bọn Đức Quốc xã. Trong khi vị trí địa lý của Cuba có thể được coi là "trời phú", ngồi tàu thủy chở khách không quá nửa giờ sẽ tới được mỏm Key West, bang Florida nước Mỹ. Một số lượng khá đông gián điệp Đức, nhất là bọn gián điệp hải quân mang theo hộ chiếu Tây Ban Nha, ùn ùn tiềm nhập Cuba nhen nhóm hoạt động. La Habana gần như biến thành thủ đô gián điệp vùng Nam Mỹ.

  Hemingway đầu tiên tìm gặp một người bạn cũ là Robert P.Joyce, bí thư thứ nhất Đại sứ quán Mỹ tại La Habana. Hemingway thao thao khoe với bạn rằng, trong thời nội chiến ở Tây Ban Nha mình từng tích cực tổ chức hoạt động bí mật tại Madrid như thế nào. Mà đặc điểm nổi bật nhất của ông là dám mạo hiểm, không sợ hy sinh thân mình. Joyce đã bị những lời du thuyết "bùi tai" của Hemingway chinh phục hoàn toàn và cũng từ đó, Joyce "đầu quân" cho Cục Tình báo chiến lược, tiền thân của Cục Tình báo trung ương Mỹ. Được sự tiến cử nhiệt tình của Joyce, viên đại sứ Mỹ tại Cuba Spruyl Braden tỏ ra rất hứng thú với tài năng hoạt động chiến tranh bí mật của Hemingway. Theo thỏa thuận giữa đôi bên, Đại sứ quán Mỹ tại Cuba sẽ tài trợ cho Hemingway gây dựng một tổ chức điệp báo bí mật ngay tại địa phương, để phá các hoạt động tình báo của các phần tử Đức Quốc xã tại Cuba.

  Và thế là từ đó Hemingway bắt đầu chính thức hoạt động tình báo cho Chính phủ Mỹ. Ông đặt tên cho mạng lưới điệp báo của mình là "Nhà máy tội phạm", thực ra tên gọi này đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, bởi các "tình báo viên" mà Hemingway chiêu mộ, trừ số ít là ngư dân lương thiện, còn phần đông là đám bợm nhậu, con bạc khát nước, dặt dẹo, tay chơi, thậm chí cả kẻ phản động.

  Hoạt động tình báo của Hemingway trước tiên đã gây sự chú ý đặc biệt của FBI. Cục trưởng FBI Hoover vì đã quá quen thuộc với tiểu thuyết gia lừng danh này nên bắt đầu ngờ vực Hemingway là đảng viên cộng sản bí mật. Vì vậy, FBI đã lập hẳn một hồ sơ riêng chuyên điều tra đối với Hemingway. Hoạt động của Hemingway và mạng lưới "Nhà máy tội phạm" của ông chẳng khác nào hành vi "múa rìu qua mắt thợ" đối với Hoover nên ông ta ra lệnh cho 16 đặc công FBI "nằm vùng" tại La Habana phải giám sát thật chặt mọi hành tung của Hemingway và các thành viên "Nhà máy tội phạm".

  Ngay sau đó, "Tham tán pháp luật" Raymond Leydi của Đại sứ quán (tay này có nhân thân đích thực là người phụ trách cao nhất của toán đặc công FBI "nằm vùng" tại La Habana), truyền tin tức về Mỹ nói rằng, Đại sứ quán mỗi tháng cung cấp cho Hemingway 1.000 USD làm kinh phí hoạt động. Hơn thế nữa, người vợ thứ ba mới cưới của Hemingway là Marsa hình như có mối quan hệ thân tình trên mức bình thường với phu nhân của Tổng thống Franklin D.Roosevelt. Còn người đứng đầu mạng lưới điệp báo nghiệp dư được chính phủ tài trợ này mỗi tuần đều bí mật lẻn vào Đại sứ quán trực tiếp trao những tin tức tình báo mới thu thập được.

  Trong hồi ký của mình, Joyce có nhắc tới những công việc của Hemingway rằng, "đương nhiên, rất nhiều tin tình báo của họ là tác phẩm của óc tưởng tượng, nhưng cũng không ít tin có giá trị. Và với những tin thực sự quan trọng, chúng tôi trả thù lao khá hậu". Những tin tình báo do mạng lưới điệp báo của Hemingway cung cấp đã gây được sự chú ý đặc biệt của tổ chức tình báo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, thậm chí còn ngầm bảo vệ "Nhà máy tội phạm" tránh khỏi sự quấy phá của Hoover. Thành tích xuất sắc nhất của "Nhà máy tội phạm" là chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn đã buộc phần lớn những điện đài bí mật của các phần tử Đức Quốc xã trên đảo đều phải câm họng. Phương pháp của Hemingway rất đơn giản, ông cho đám "điệp viên lang thang" của mình tới mọi ngõ ngách phao tin lên rằng, nếu kẻ nào còn liều mạng đánh điện báo cho tàu ngầm "U", thì bọn chúng hãy liệu mà giữ mạng. Một lần, "Nhà máy tội phạm" chú ý tới một cô gái gọi "vang bóng", đẹp như hoa hậu chuyên ve vãn mồi chài các sĩ quan hải quân Đồng minh, trong khi ả có một gã bồ "già nhân ngãi non vợ chồng" là một chủ quán càphê người Đức (thực tế hắn là người phụ trách điệp viên Hải quân Đức "nằm vùng" tại La Habana). Hemingway lập tức hạ lệnh cho tay chân hành động, chỉ mấy ngày sau, bỗng gã này "bay hơi" mất tăm.

  Ngày 8 tháng 10 năm 1942, bọn đặc công FBI gửi về Mỹ một bức điện mật khiến Hoover dựng tóc gáy. ấy là tin tiểu thuyết gia này đã cải tiến con thuyền đánh cá "Para" của mình thành con tàu có vũ trang, Washington dường như đã trao quyền cho Hemingway bí mật tiến hành săn lùng truy sát tàu ngầm "U" của Đức Quốc xã.

  Nửa cuối năm 1942, đang là thời kỳ nóng bỏng nhất của cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, tàu ngầm "U" của Đức lùng sục khắp nơi để tìm kiếm các đội thương thuyền của Đồng minh. Các đội thương thuyền của Mỹ liên tục bị tập kích bất ngờ.

  Bản thân Hemingway vốn rất thích những chuyến đi biển. Ông thường đánh thuyền ra vùng biển sâu vịnh Caribe câu cá thu. Nhà mạo hiểm giàu tưởng tượng này nhận định rằng, bằng kinh nghiệm đi biển xa phong phú của mình, ông khẳng định sẽ hạ được tàu ngầm biệt kích của Đức. Kế hoạch của Hemingway rất đơn giản, bởi tàu ngầm "U" phải qua một hành trình rất dài mới tới được vùng biển này, nhất thiết phải bổ sung nhiên liệu và lương thực, nước uống. Vì vậy, bọn chúng buộc phải mạo hiểm nổi lên mặt nước, gạ mua, đổi nước uống, lương thực của các thuyền đánh cá. Kế hoạch của Hemingway là lắp súng máy hạng nặng lên chiếc thuyền "Para", sau đó tuần tiễu ngang dọc vùng biển Caribe. Hemingway tin rằng, thế nào bọn Đức cũng mắc câu, một khi tàu ngầm Đức trồi lên, tưởng chiếc "Para" là thuyền đánh cá thông thường, sà tới, ông sẽ chọn thời cơ lệnh cho thuyền viên quét súng máy và ném thủ pháo đánh chìm tàu đối phương.
Trước hết, Hemingway chia sẻ ý tưởng này với thượng tá John.W.Thomas, viên sĩ quan chỉ huy Hải quân Mỹ tại vùng Trung Mỹ. Viên sĩ quan này rất tâm đắc và tạo điều kiện đưa chiếc ngư thuyền "Para" của Hemingway tới căn cứ Hải quân Guantanamo trên đất Cuba để lắp và trang bị vũ khí. Kế hoạch tuyệt mật của Hemingway, ngoài Đại sứ Mỹ và thượng tá John.W.Thomas ra, chỉ một người Mỹ thứ 3 nữa biết tới, đó là tướng Bchi Willer, tư lệnh căn cứ Guantanamo. Hải quân Mỹ đã "tân trang" lại chiếc ngư thuyền "Para": thay động cơ có công suất lớn, một khẩu đại liên 2 nòng Browning và nhiều thủ pháo, bộc phá... Nhằm thực hiện tốt kế hoạch tác chiến táo bạo "mặt đối mặt" trên biển, Hemingway đã tuyển lựa những thuyền viên trẻ khỏe, thạo sông nước và dũng cảm. "Phó tướng" của ông là Winston Gaster, một vận động viên xuất thân từ gia đình triệu phú. Phó thuyền trưởng là Grigori Fornaster, vốn từng là thuyền trưởng một con tàu hơi nước; người phụ trách quân khí trên tàu là thượng sĩ lục quân Downe Saxton, do Đại sứ quán Mỹ "cho mượn".

  Mấy chục năm sau, con trai của Hemingway đã nhớ và kể lại những ngày tháng đặc biệt từng cùng sống với bố trên con thuyền "Para" lênh đênh trên biển khơi truy lùng tàu ngầm biệt kích Đức: "2 thuyền viên phục ở mũi thuyền, tay lăm lăm súng tiểu liên, 2 người nữa trực bên khẩu đại liên Browning gắn ở đuôi thuyền, còn bố tôi đứng trên đài quan sát dùng ống nhòm sục sạo mọi động tĩnh trên mặt biển xung quanh, bên cạnh người là một khối bộc phá lớn".

  Ngày 9 tháng 12 năm 1942, Hemingway báo cáo với Đại sứ Mỹ về việc "Para" phát hiện một chiếc tàu ngầm "U" Đức áp sát chiếc tàu chở khách "Maques Dconmiras" của Tây Ban Nha. Có thể do muốn khuếch trương khả năng trinh sát của mình và cũng có thể do thói quen nghề nghiệp của nhà văn tài ba, Hemingway đã thêu dệt rằng, chiếc thuyền nhỏ nhoi của ông chỉ "chút xíu" nữa là tóm được người Đức vậy.

  Lần này thì Hemingway đã cung cấp cho Hoover một cơ hội tốt. Gã cục trưởng FBI chưa bao giờ tin rằng nhà mạo hiểm nghiệp dư này có thể làm được tình báo. Hắn tức tốc hạ lệnh cho thuộc hạ tới ngay bến cảng điều tra về con tàu "Dconmiras". Tin tức tình báo về chứng thực, những báo cáo "chiến tích" của Hemingway phần lớn là bịa đặt. Kết quả điều tra trên khiến viên đại sứ Mỹ rất khó xử, bởi ông ta đang chịu một áp lực khá lớn từ trong nước do Hoover khuấy động. Viên đại sứ đành thông báo cho Hemingway ngừng ngay mọi hoạt động của "Nhà máy tội phạm".

  Mặc dù mạng lưới điệp báo của Hemingway chính thức bị đình chỉ từ ngày 1 tháng 4 năm 1943, nhưng việc săn tàu ngầm Đức của nó vẫn kéo dài thêm 4 tháng nữa. Sau đó, đại sứ Braden dần dần thay đổi thái độ, bằng chứng là trong một bị vong lục gửi về Nhà Trắng, ông ta viết: "Không ít tin tức tình báo do Hemingway cung cấp là rất có giá trị, nó đã giúp cho chúng ta xác định được khá chuẩn xác vị trí của tàu ngầm biệt kích Đức. Nhằm biểu dương những chiến tích xuất sắc của Hemingway, tôi thiết tha đề nghị xét thưởng huân chương cho ông ta". Mặc dù vậy, Chính phủ Mỹ đã thẳng thừng từ chối. Có ý kiến cho rằng, để bù đắp lại, về sau Chính phủ Mỹ mượn lý do Hemingway đã tỏ ra anh dũng xông xáo trong thời kỳ làm phóng viên mặt trận tại chiến trường Pháp, đã tặng ông Huân chương Ngôi sao đồng.
Nhiều người cho rằng, chính trong thời kỳ này Hemingway bắt đầu thai nghén cho tác phẩm nổi tiếng "Ông già và biển cả" sau này.

Bùi Hữu Cường


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 11 Tháng Bảy, 2008, 07:40:33 pm
46 - CHU ÂN LAI (1898 - 1976)
Nhà tổ chức đặc vụ đầu tiên của Trung Quốc

(http://www.marxists.org/glossary/people/z/pics/zhou-enlai.jpg)

  Kể từ tháng 11 năm 1927 đến tháng 12 năm 1931, trong sự tàn khốc của các cuộc khủng bố trắng, do bè lũ phản động gây nên tại Thượng Hải, Chu Ân Lai với tài trí hơn người đã sáng lập và lãnh đạo Cơ quan Đặc vụ Trung ương Trung Quốc, phục vụ cho yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và viết nên những trang sử hào hùng mang đầy màu sắc truyền kỳ, bí hiểm.

  Nhằm bồi dưỡng các cán bộ cho công tác bảo vệ chính trị, tháng 9 năm 1926, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử Cố Thuận Chương và Trần Canh sang Liên Xô học tập. Sau khi Tưởng Giới Thạch phát động cuộc chính biến phản cách mạng "12-4", do nhu cầu cấp bách của tình thế, tháng 5 năm 1927, tại Vũ Hán, Chu Ân Lai đã quyết định thành lập Phòng Công tác đặc vụ (tiền thân của Cơ quan Đặc vụ Trung ương) với các công tác như tình báo, đặc vụ và bảo vệ những yếu nhân, trong đó công tác tình báo là chủ yếu. Đây là cơ quan bảo vệ chính trị đầu tiên của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (khi đó Chu Ân Lai đang đảm trách chức vụ bí thư Quân ủy). Phòng Công tác đặc vụ này đã phát huy tác dụng to lớn trong thời kỳ đấu tranh Quốc - Cộng. Ví như trước khi xảy ra biến cố Mã Nhật, do Hứa Khắc Tường phát động, hay Tưởng Giới Thạch gặp Phùng Ngọc Tường, đều không qua nổi tai mắt của Phòng Công tác đặc vụ.

  Sau tháng 9 năm 1927, Cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chuyển từ Vũ Hán về Thượng Hải. Trong phiên họp ngày 9 và 10 tháng 10, Cục Chính trị lâm thời đã quyết định Chu Ân Lai tiếp tục đảm trách chức vụ bí thư Quân ủy Trung ương và phụ trách việc chuẩn bị thành lập Cơ quan Đặc vụ Trung ương. Sau đó Chu Ân Lai đã chủ trì việc xây dựng mô hình tổ chức, điển hình cơ cấu chính trị, phát triển Phòng Công tác đặc vụ thành Cơ quan Đặc vụ Trung ương.

  Đến năm 1929, cơ quan này đã tương đối hoàn chỉnh. Nó bao gồm 4 phòng: tổng hợp, tình báo, hành động và giao thông. Với nhiệm vụ cơ bản là: "Đảm bảo an toàn cho bộ máy lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc; thu thập tin tức tình báo; ngăn chặn bọn phản động; giải cứu các đồng chí bị bắt và xây dựng đài phát thanh bí mật".

  Trong 4 phòng của Cơ quan Đặc vụ Trung ương thì Phòng Tổng hợp được thành lập sớm nhất và trưởng phòng là Hồng Dương Sinh. Còn trưởng phòng tình báo là Trần Canh, Phòng Hành động được thành lập tháng 4 năm 1928, do Cố Thuận Chương làm trưởng phòng. Cuối cùng là Phòng Giao thông hay còn gọi là Phòng Thông tin vô tuyến điện, được thiết lập thêm vào năm 1929.

  Tóm lại, cơ cấu tổ chức của Cơ quan Đặc vụ Trung ương chặt chẽ, có tính cơ động cao và sức chiến đấu mạnh. Chu Ân Lai vừa là người đề ra quyết sách chính, vừa là người phụ trách tổ chức thực hiện.

  Những cống hiến của Chu Ân Lai

  Thứ nhất: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Cơ quan Trung ương Đảng.

  Năm 1927, sau khi Cơ quan Trung ương Đảng di chuyển căn cứ từ Vũ Hán về Thượng Hải, nhằm ngụy trang cho công tác bí mật, cần phải thuê địa điểm để mở gấp căn cứ và các phòng, ban trực thuộc. Nhưng khó khăn là muốn thuê nhà cần có người đứng ra bảo lãnh. Trước tình hình đó, Chu Ân Lai chỉ thị cho Hồng Dương Sinh và các đồng chí khác bằng mọi cách phải thiết lập các mối quan hệ xã hội để giải quyết khó khăn trên. Nhờ sự nỗ lực từ nhiều phía, bước đầu đã xây dựng được 3 cơ sở cho cơ quan đặc vụ. Thứ nhất, phòng chụp ảnh Tam Dân ở đường Bắc Tứ Xuyên, chủ hiệu là Phạm Ngư Nhân, người có tư tưởng tiến bộ, sau này thường tham gia mua vũ khí và chuyển giấy tờ mật cho cơ quan đặc vụ. Thứ hai, tiệm vải của Lý Thụy Sinh nằm trên đường Uy Hải Vệ, sau này cũng trở thành địa điểm liên lạc của Trung ương Đảng. Và thứ ba, cửa hàng đồ điện của Trương Nghĩa An trên đường Lao Hợp (nay là đường Lục Hợp). Nhờ sự bảo lãnh của 3 cửa hàng trên mà cơ quan đặc vụ có thể thuê địa điểm trên khắp Thượng Hải, lập nên mạng lưới bí mật của mình.

  Thứ hai: Cơ quan Đặc vụ Trung ương thường áp dụng ba phương pháp: Nếu đồng chí bị bắt chưa lộ thì công khai mời luật sư bào chữa để giải cứu một cách hợp pháp. Nếu bị lộ, phải tìm nội ứng để giải thoát, hoặc dùng tiền để lo lót. Gặp trường hợp phức tạp mà cả hai phương pháp trên không thể áp dụng được thì phải dùng vũ lực. Đây là phương pháp cuối cùng, "vạn bất đắc dĩ" mới dùng.

  Thứ ba: Xây dựng một mạng lưới tình báo rộng lớn.

  Chu Ân Lai đặt ra phương châm cho Phòng Tình báo là "đưa người vào" và "kéo người ra". "Đưa người vào" tức lợi dụng mọi mối quan hệ để đưa người vào các bộ phận chủ chốt của kẻ thù để làm công tác tình báo, còn "kéo người ra" là mua chuộc những nhân viên thuộc cơ quan mật vụ của Quốc dân đảng và cơ quan tô giới của đế quốc làm việc cho mình. Sau khi Cơ quan Đặc vụ Trung ương thành lập không lâu, Trung ương Đảng ra chỉ thị cho các cấp: "Phải cử một hoặc hai người đáng tin cậy để thâm nhập vào đảng bộ Quốc dân đảng cùng một số cơ cấu phản động khác nhằm do thám và tiến hành công tác phá hoại". Theo chỉ thị này, Chu Ân Lai đã cử Tiền Tráng Phi, Lý Khắc Nông và Hồ Để, ba người này đã thâm nhập vào sào huyệt, đấu mưu, đấu trí cùng kẻ thù, và về sau đã viết nên những trang hiển hách trong lịch sử đấu tranh bí mật của Đảng. Tiền Tráng Phi do được sự tín nhiệm của Từ Ân Tăng - Trưởng phòng Điều tra - Bộ Tổ chức của Quốc dân đảng, vì vậy được giữ chức bí thư Cục Quản lý vô tuyến điện Thượng Hải. Hồ Để được giao nhiệm vụ phụ trách Thông tấn xã Dân Chí tại Nam Kinh, sau này được điều về Thiên Tân để thành lập Thông tấn xã Trường Thành và Thông tấn xã Trường Giang. Như vậy, dưới sự phụ trách của Tiền Tráng Phi, những cơ quan đặc vụ của Quốc dân đảng đã hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

  Ví dụ điển hình nhất về phương châm "kéo người ra" là thiết lập mối quan hệ với Dương Đăng Doanh - một nhân sĩ tiến bộ cánh tả của Quốc dân đảng. Đầu năm 1928, qua mối quan hệ với những thủ lĩnh đặc vụ của Quốc dân đảng như Trương Đạo Phan, Dương Kiến Hồng, Dương Đăng Doanh đã thâm nhập vào Phòng Điều tra đảng vụ thuộc Bộ Tổ chức Trung ương, cơ quan đặc vụ tối cao Quốc dân đảng, rồi trở thành nhân viên tình báo cao cấp. Không lâu sau đó, Dương Đăng Doanh tiếp xúc với Trần Dưỡng Sơn - công tác tại Tỉnh ủy Quốc dân đảng tỉnh Giang Tô - người nguyện cung cấp những tin tức tình báo có lợi cho Đảng Cộng sản mà ông ta được biết. Sau khi suy nghĩ thận trọng, Chu Ân Lai và các đồng chí phụ trách khác đã đồng ý cùng Dương Đăng Doanh thiết lập quan hệ đặc tình. Sau này Dương Đăng Doanh được ủy nhiệm làm đặc phái viên của Quốc dân đảng phụ trách xử lý tin tức, hồ sơ của cơ quan Quốc dân đảng tại Thượng Hải. Sự thiết lập quan hệ đặc tình này đã phát huy tác dụng vô cùng to lớn trong việc giải cứu người của Đảng Cộng sản bị bắt và trừng trị bọn phản loạn.

  Thứ tư: Chỉ huy trừng phạt những tên tay sai đầu sỏ.

  Đây là sứ mệnh hàng đầu của Phòng Hành động với nhiệm vụ cụ thể do đội hồng binh đảm nhận (còn gọi là đội khủng bố đỏ) tên tục là đội "đả cẩu" (trừng phạt bè lũ tay sai).

  Sau cuộc chính biến phản cách mạng "12-4", Tỉnh ủy tỉnh Giang Tô đã chọn ra một số công nhân có tư tưởng chính trị vững vàng, võ thuật cao cường, biết bắn súng và thông thuộc tình hình Thượng Hải, trên cơ sở đội duy trì trật tự lập thành một tiểu đội để phụ trách trấn áp bọn đặc vụ, bè lũ phản động và nội gián.

  Đội hồng binh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chu Ân Lai, đã trừng trị được những tên tay sai sừng sỏ như Hà Gia Hưng, Đới Băng Thạch và bọn thủ lĩnh đặc vụ của Quốc dân đảng như Vương Vũ, Mã Thiện Vũ...

  Thứ năm: Chỉ huy chế tạo và lập đài phát bí mật.

  Sau Đại hội Trung ương lần thứ 6, các căn cứ địa cách mạng phát triển mạnh mẽ, tổ chức Đảng tại bạch khu (khu do bè lũ phản động khống chế) dần dần được khôi phục. Để tăng cường sự liên hệ và chỉ đạo giữa tổ chức Đảng của các địa phương với Hồng quân thì việc cần thiết phải xây dựng đài phát thanh bí mật là vô cùng bức bách. Và nhiệm vụ này đã được đặt lên vai Cơ quan Đặc vụ Trung ương.
Ngay từ thập niên 20, Trung ương Đảng đã đặt ra yêu cầu với một số lưu học sinh ở Đại học Lao động chủ nghĩa cộng sản Moscva, theo học ngành Vô tuyến điện. Thời kỳ ở Moscva, Chu Ân Lai đã từng động viên Mao Tề Hoa và một số đồng chí khác cần tranh thủ học hỏi vì "nước ta đang rất cần kỹ thuật thông tin vô tuyến điện." Về đến Thượng Hải, ông còn gặp Lý Cường, Trương Thẩm Xuyên yêu cầu họ phải khắc phục mọi khó khăn để học kỹ thuật thông tin vô tuyến điện nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của cách mạng.

  Đến tháng 10 năm 1927, sau nhiều nỗ lực, họ đã chế tạo thành công một số máy thu phát. Cho dù máy rất cồng kềnh, nghe chưa được rõ và công suất cũng chỉ là 50W nhưng nó lại là thiết bị thông tin vô tuyến điện đầu tiên do Đảng Cộng sản Trung Quốc tự chế tạo ra. Sau đó, nó được lắp đặt tại số 11 đường Mạc Nhĩ Minh với đội ngũ công tác là Mao Tề Hoa, Tăng Tam... Tháng 1 năm 1930, bản tin đầu tiên đã được phát đi thành công.

  Sự ra đời của đài thu phát vô tuyến điện bí mật đã góp phần tăng cường sự chỉ huy, chỉ đạo được nhanh chóng, tăng cường mối quan hệ giữa Trung ương Đảng với tổ chức Đảng các địa phương và Quốc tế Cộng sản, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Cách mạng Trung Quốc.

Trọng Hiền


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 11 Tháng Bảy, 2008, 07:44:29 pm
47 - SANDOR RADO (1899  - 1980)
Từ "Dora" đến "Bộ ba Đỏ"


Ai cũng biết là có hai "Dàn đồng ca đỏ" - một là "Dàn đồng ca đỏ" ở Berlin do Harnac và Schulze-Boysen lãnh đạo, hai là "Dàn đồng ca đỏ" ở Pháp và Bỉ do Trepper lãnh đạo. Nhưng còn có một "Bộ ba đỏ" - gọi như vậy bởi vì nhóm này có ba điện đài và làm việc cho Hồng quân ("quân đỏ"), tức là làm việc cho Liên Xô.

  Trước ngày chiến tranh bùng nổ, ở Thuỵ Sĩ có ba nhóm điệp viên của tình báo quân sự Xô Viết hoạt động. Những người lãnh đạo ba nhóm đó là Anulov ("Kolia"), Rasen ("Xixi") và Kusinxki ("Solia"). Tất cả ba người này đều sẽ đóng vai trò trong việc thành lập và hoạt động của "Bộ ba đỏ" cũng như trong số phận của người lãnh đạo tổ chức bí mật này là Sandor Rado, bởi vậy, ta cần nói riêng về từng người trong số họ. Trước hết là Anulov. Tuy ít nổi tiếng hơn những nhân vật khác nhưng ông lại được coi là người sáng lập ra "Bộ ba đỏ".

  Leonit Anulov (tên thật là Moscovis) sinh năm 1897 ở ngoại ô thành phố Kisinov. Là một lính thường trong quân đội Nga hoàng, ông tham gia hoạt động bí mật của Đảng bolsevich và từ năm 1917 thì trở thành một điệp viên chuyên nghiệp. Ông đã tham gia công tác chuẩn bị cuộc cách mạng ở Đức theo mô hình Cách mạng tháng Mười ở Nga, đã từng chiến đấu ở mặt trận Đông Trung Quốc và ở Tây Ban Nha, đã từng làm điệp viên nằm vùng ở Trung Quốc, Pháp, Tây Ban Nha và Thuỵ Sĩ. Từ năm 1947, với tư cách là điệp viên ngầm, ông đã cư trú ở Pháp và từ Pháp lãnh đạo mạng lưới điệp viên ở Thuỵ Sĩ. Trong số những điệp viên mà ông chiêu mộ được có nhà báo Thuỵ Sĩ Otto Pupne với biệt danh độc đáo là Pacbo, có nghĩa là "Văn phòng đảng của Borman" (Borman là thủ lãnh đảng Quốc xã của nước Đức phát xít). Như vậy, Otto Pupne muốn dùng biệt danh Pacbo để nhấn mạnh rằng tin tức của ông bắt nguồn từ giới chóp bu phát xít cao nhất. Pacbo có những mối quan hệ rộng rãi trong các giới chính phủ, báo chí và ngoại giao Thuỵ Sĩ là những giới thường tiếp xúc với nước Đức. Thông qua những mối quan hệ đó, ông nhận được tin tức về nước Đức, trong đó có những tin tức về những hoạt động chính trị - quân sự của chính phủ Đức.

  Còn về Kusinxki thì có thể nói một cách ngắn gọn rằng đấy là một nữ điệp viên có một không hai, là một trong số ít người được tặng thưởng hai huân chương Cờ Đỏ và đã từng làm việc với ba điệp viên thượng thặng là George, Rado và Fuchs.

  Về Rasen Duybendorf (tức "Xixi") thì có lẽ nên kể dài hơn một chút. Bà sinh năm 1900 ở Varsava, hồi nhỏ có sống một thời gian ở Dansig. Thời thanh niên bà trở thành đảng viên cộng sản và từ năm 1920 bắt đầu hoạt động bí mật. Cũng vào quãng thời gian ấy, bà kết hôn với một người tên là Casparn, nhưng chỉ ít lâu sau thì ly hôn và đi sang Đức. Tại Đức, bà vào làm thư ký đánh máy và ghi tốc ký trong bộ máy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đức. Cũng vào quãng thời gian ấy, bà trở thành điệp viên của cơ quan tình báo quân sự Xô Viết. Sau khi Hitler lên cầm quyền và phát động cuộc khủng bố chống người Do Thái, bà di cư sang Thuỵ Sĩ. Mục đích của bà là được nhập quốc tịch Thuỵ Sĩ và làm ăn sinh sống ở nước này. Bà gặp Henric Duybendorf, một người thợ cơ khí và là đảng viên cộng sản. Họ cưới nhau nhưng đó là một cuộc kết hôn giả và chẳng bao lâu sau, Henric biến mất khỏi cuộc đời bà. Bù lại, bà giờ đây đã trở thành một công dân Thuỵ Sĩ thực thụ. Nhờ thông thạo tiếng Đức và tiếng Pháp, bà vào làm việc tại Văn phòng Lao động Quốc tế trực thuộc Hội Quốc Liên. Với tư cách là điệp viên thì bà không thích thú lắm với công việc ở Văn phòng Lao động Quốc tế, nhưng tổ chức này lại tạo cho bà và các nhân viên của nhóm bà cơ hội giao tiếp với các nhà ngoại giao và các nhà hoạt động công đoàn nước ngoài. Nhiệm vụ chủ yếu của Rasen giờ đây là thu thập những tin tức về nước Đức và việc chuẩn bị chiến tranh của nước Đức. Vào năm 1934, người tình của Rasen mà cũng là người chồng trong thực tế và người bạn chiến đấu gần gũi nhất của bà là Paul Betkher. Ông cũng di cư từ Đức, là đảng viên xã hội dân chủ và đã từng làm bộ trưởng tài chính bang Sacsoni ở Đức. Ông buộc phải chạy sang Thuỵ Sĩ vì ông căm thù chủ nghĩa phát xít và nguyện hiến dâng cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít. Tình hình của ông ở Thuỵ Sĩ không dễ dàng bởi vì quy chế dân di cư không cho ông bất kỳ quyền gì, hơn nữa ông lại luôn luôn đứng trước nguy cơ bị trục xuất. Ông không có chỗ làm ổn định, kiếm sống bằng cách cộng tác với nhiều tờ báo khác nhau. Biệt danh của ông không có gì độc đáo, chỉ đơn giản là "Paul".

  Một cộng tác viên nữa của Rasen là "Marius", tên thật là Alecxandr Abramson, sinh trưởng ở vùng Baltic. Từ năm 1920, "Marius" làm việc tại Trung tâm báo chí của Văn phòng Lao động Quốc tế và nhờ đó có điều kiện hợp pháp tìm hiểu về tất cả các biến cố của đời sống quốc tế. Két sắt trong phòng làm việc của ông được ông biến thành chiếc tủ bí mật để giữ những tài liệu quan trọng và thậm chí cả những chi tiết của chiếc máy phát vô tuyến. Đó là một nơi cất giữ chắc chắn bởi vì Văn phòng Lao động Quốc tế được hưởng quyền bất khả xâm phạm về ngoại giao. "Marius" cấp tiền cho Rasen từ quỹ riêng của mình để bà chi tiêu cho công việc và cho cá nhân nếu tiền của Trung Tâm đến chậm. Ông không quên yêu cầu bà ký nhận, cất giấy tờ ký nhận vào két sắt và do đó bà luôn luôn nợ một khoản tiền lớn.

  Một điệp viên quý giá của Rasen là Jan Pie Vigie ("Brand"). Là con trai một nhà ngoại giao và bản thân cũng là một nhà ngoại giao, Vigie làm việc tại sứ quán Pháp ở Thuỵ Sĩ. Con gái của Rasen là Tamara làm quen với Vigie, tuyển mộ ông và về sau trở thành vợ ông. Vigie là nguồn cung cấp những tin chính trị quý giá, đồng thời là người liên lạc giữa Rasen và những người Pháp chống phát xít. Sau khi chiến tranh thế giới bùng nổ, Vigie gia nhập quân đội Pháp, giao lại nhiệm vụ liên lạc cho một sinh viên Pháp tên là Lasanen.

  Rasen (thông qua Betkher) còn sử dụng một phụ nữ Áo tên là Lede Berger. Lede là cộng tác viên của Pharen, một nhân viên cơ quan tình báo Anh. Bà ta thậm chí còn khá kiêu hãnh vì có mối liên hệ với SIS và không phải không có lý khi cho rằng điều đó làm tăng thêm giá trị của mình trước mắt mọi người. Betkher thông báo cho "Xixi" biết tất cả những gì mà Lede chia sẻ với ông, chủ yếu là những tin tức về tình hình các nước vùng Balcan. Theo nhiệm vụ của SIS giao cho, Rasen cũng tìm hiểu qua cả Betkher nữa. Betkher sẵn lòng kể cho bà nghe tất cả những gì mà ông biết qua báo chí và qua những cuộc trò chuyện đời thường.

  Không thể không nhắc đến hai người nữa có quan hệ với người sáng lập ra "Bộ ba đỏ". Đó là Manfred Sterner và Maria Poliacova.
Sterner sinh trưởng ở vùng Bucovina. Trong thời gian Thế chiến thứ nhất, ông phục vụ trong quân đội Áo, bị bắt làm tù binh và bị đầy đi Xibiri. Tại đây, ông trở thành đảng viên bolsevich rồi tham gia cuộc Nội chiến ở Nga. Sau chiến tranh, toàn bộ cuộc đời ông gắn liền với cơ quan tình báo quân sự. Tại Đức, ông tham gia cuộc "chính biến tháng ba" rồi trở thành điệp viên nằm vùng ở Trung Quốc, Mãn Châu, Mỹ, là cố vấn quân sự chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ năm 1936, ông chiến đấu ở Tây Ban Nha và dưới biệt danh "tướng Cleber", chỉ huy lữ đoàn quốc tế số mười một. Sau đó, ông làm việc trong bộ máy của Quốc tế Cộng sản và lo việc giúp đỡ nước Cộng hoà Tây Ban Nha. Chính vào quãng thời gian này, ông đã thành lập được tại nhiều nước, kể cả tại Thuỵ Sĩ, những nhóm hỗ trợ các lữ đoàn quốc tế.
Nữ trợ lý của ông trong việc này là Maria Poliacova ("Vera"), một phụ nữ và một tình báo viên đầy tài năng. Ngay khi làm công việc hợp pháp tại văn phòng đại diện của Liên Xô tại Thuỵ Sĩ, bà đã chăm lo đến việc thành lập các nhóm điệp viên của "Bộ ba đỏ" và tự mình tham gia tích cực hoạt động tình báo. Chính bà là người đã đưa ra khỏi Thuỵ Sĩ khẩu pháo phòng không tự động "Elincon" và bảy quả đạn kèm theo. Khi trở về Tổ quốc, bà chuyển giao cho Anulov mọi đầu mối của mình trong việc liên lạc với Sandor Rado nhưng vẫn tiếp tục chăm lo đến "Bộ ba đỏ". Trong thời gian chiến tranh, bà tuyển mộ nhân viên trong số các tù binh phát xít và gửi họ về hậu phương kẻ thù. Năm 1941, khi quân phát xít Đức tiến tới cửa ngõ Moscva, bà đã được dự kiến sẽ ở lại làm điệp viên nằm vùng của cơ quan an ninh Xô Viết trong trường hợp Moscva thất thủ. Bà làm việc tại cơ quan an ninh Xô Viết cho đến khi về hưu. Bà qua đời năm 1995.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 11 Tháng Bảy, 2008, 07:46:53 pm
  Giờ đây, ta hãy trở lại với nhân vật chính là Sandor Rado. Ông sinh ngày mồng 5 tháng 11 năm 1899 ở Budapest, thủ đô Hungari, trong gia đình một thương nhân. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông gia nhập quân đội Áo - Hung và được cử đi học trường pháo binh. Nhưng ông không ra mặt trận mà ở lại làm việc tại Phòng mệnh lệnh bí mật của trung đoàn pháo binh. Chính những mệnh lệnh này đã mở mắt cho ông thấy tình hình trong nước và trong quân đội - những cuộc nổi dậy của binh lính, những làn sóng cách mạng trong quân đội, những tâm trạng chống chế độ quân chủ. Cùng với việc phục vụ trong quân ngũ, ông còn theo học khoa luật trường đại học và tại đây, ông cũng hấp thụ tinh thần cách mạng ngày một lan rộng. Năm 1918, ông gia nhập phong trào xã hội chủ nghĩa. Ngày 21 tháng 3 năm 1919, nền cộng hoà Xô Viết thắng lợi ở Hungari và chàng thanh niên hai mươi tuổi Sandor gia nhập Hồng quân Hungari. Ông khao khát chiến đấu, nhưng vì mắt kém nên không được ra mặt trận, và do có trình độ chuyên môn nên ông được cử làm nhân viên vẽ bản đồ tại ban tham mưu sư đoàn. Sandor Rado ngày càng thấm nhuần những tư tưởng của cách mạng Nga. Sau khi nền cộng hoà Xô Viết ở Hungari bị thất bại vào tháng 9 năm 1919, ông di cư sang Áo. Tại đây, ông thành lập hãng thông tấn Nga Rost-Vin, tiếp tục theo học trường đại học tổng hợp Vienna và tích cực làm việc tại Quốc tế Cộng sản. Năm 1921, Sandor được mời sang Moscva dự đại hội lần thứ ba Quốc tế Cộng sản. Ông nhớ lại là ông đã xúc động biết bao trước khẩu phần ăn nghèo nàn: một con cá, mười điếu thuốc lá và một lát bánh mì đen. Nhưng bù lại, ông được nhìn thấy Lenin và được nghe Lenin nói! Năm 1922, Sandor sang Đức và tại đây, ông gặp Lena Ianxen, người vợ tương lai và đồng thời là người bạn chiến đấu của ông. Ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đang được chuẩn bị, nhưng cuộc khởi nghĩa đó đã không diễn ra, cuộc nổi dậy của những người cộng sản Đức ở Hamburg bị đàn áp khốc liệt. Sandor đi Moscva nhưng không lâu. Ngay vào mùa hè năm 1924, ông cùng vợ và cậu con trai lớn là Imre đã trở về Đức. Tại Đức, nhớ lại kinh nghiệm làm bản đồ của mình, Sandor thành lập hãng thông tấn "Báo chí - bản đồ", đồng thời, đọc bài giảng tại một trường mácxít. Năm 1933, sau khi Hitler lên nắm chính quyền, Sandor cùng gia đình chuyển sang Paris và mở hãng thông tấn "Inpress" tại đây. Tháng 10 năm 1935, Sandor đến Moscva. Ông đến Moscva theo lời mời của ban biên tập "Đại Atlas Xô Viết thế giới", nhưng cơ quan tình báo Xô Viết cũng đã để mắt đến ông. Ông được phó giám đốc cơ quan tình báo Xô Viết là Artuzov mời đến chơi nhà. Cuộc trao đổi cặn kẽ và kéo dài giữa hai con người thông minh đã kết thúc bằng việc Sandor đồng ý làm việc trong ngành tình báo quân sự với tư cách là điệp viên nằm vùng.
 
  Trước khi Sandor trở về nước, đích thân giám đốc cơ quan tình báo quân sự Xô Viết là Urixki ra chỉ thị cho ông. Urixki giao cho ông nhiệm vụ dùng chiêu bài hãng thông tấn để thành lập ở Bỉ một mạng lưới điệp viên nằm vùng có mục đích thu thập tin tức về nước Đức và nước Italia.
 
  Sandor đóng cửa hãng thông tấn của ông ở Paris, dự định chuyển sang Bỉ nhưng nhà cầm quyền Bỉ không cho phép. Đành phải sử dụng phương án dự trữ: Sandor gửi lời đề nghị tương tự tới nhà cầm quyền Thuỵ Sĩ. Vào tháng 5 năm 1936, Sandor nhận được giấy phép mở công ty cổ phần "Geopress" tại Geneva và giấy phép cư trú.

  Từ đó bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời Sandor Rado. Công ty "Geopress" của ông được thừa nhận khá nhanh và thậm chí còn được cử đại diện bên cạnh Phòng Báo chí của Hội Quốc Liên. Điều này cho phép công ty nhận được những đơn đặt hàng lập bản đồ từ các tổ chức chính thức của nhiều nước. Dĩ nhiên là đôi khi, "nhà lập bản đồ" cũng trực tiếp biết được những kế hoạch và ý đồ của các chính phủ và giới quân sự châu Âu.
 
  Những tài liệu Sandor gửi qua Poliacova về Moscva được đánh giá cao. Vào tháng 6 năm 1937, Poliacova được triệu về Moscva, còn Sandor được cử đi làm liên lạc cho Anulov. Theo nhiệm vụ do Anulov giao, Sandor thực hiện chuyến đi sang Italia với nhiệm vụ thu thập tin tức về việc di chuyển quân đội Italia sang Tây Ban Nha. Sandor tới thăm các cảng Spesia, Napoli, Parlemo và nhiều cảng khác, thậm chí còn có thể lên cả chiếc tuần dương hạm "Jovani della Banda Nere" và tìm hiểu nhiệm vụ chiến đấu của nó.

  Vào tháng 4 năm 1938, Anulov bất ngờ bị gọi về Moscva. Trước khi ra đi, Anulov chuyển giao cho Sandor Rado điệp viên "Pacbo" và những điệp viên khác. Từ lúc ấy, Sandor trở thành người đứng đầu nhóm điệp viên ngầm có tên gọi một cách giản dị là "Dora". Nhóm còn nhỏ, và tạm thời, nguồn cấp tin chủ yếu của nhóm mới chỉ là "Pacbo". Vào quãng thời gian ấy, "Pacbo" đã có nhiều mối liên hệ quý giá, chẳng hạn như Paul de Nayrac ("Negr"), một người Pháp trước đây đã là một nhà ngoại giao nên rất am hiểu tình hình nước Đức, George Bluyn ("Long"), một nhà báo Pháp có quan hệ với cơ quan tình báo Thuỵ Sĩ, Bảo Thành Duy ("Polo"), tuỳ viên báo chí Trung Quốc tại Bern, và cuối cùng là Berngard Maire fon Baldeg ("Louisa"), một luật sư là sĩ quan của cơ quan tình báo Thuỵ Sĩ và là một trong những nguồn tin giá trị nhất của nhóm "Dora".

  Ngày mồng 1 tháng 9 năm 1939, sau khi chiến tranh bùng nổ, Thuỵ Sĩ đóng cửa biên giới của mình và mối liên lạc giữa "Dora" với Trung Tâm bị gián đoạn. Chiếc điện đài của nhóm không thể sử dụng được nữa vì thiếu nhân viên điện đài. Nhưng như người ta thường nói: "Trong cái rủi có cái may". Vào tháng 12 năm 1939, Kusinxki ("Solia") nhận được chỉ thị của Moscva yêu cầu thực hiện việc tiếp xúc với Albert (tức  Rado) và giúp "Albert" thiết lập lại mối liên lạc thường xuyên với Moscva. Ba tháng sau, vào tháng 3 năm 1940, Gurevich ("Kent"), điệp viên nằm vùng thuộc nhóm Brussel, đến Geneva. Ông đem theo mọi thứ cần thiết, trừ tiền, bởi vì khi đi qua biên giới, ông có thể bị bắt về tội buôn lậu ngoại tệ. Thật đáng tiếc là chuyến viếng thăm này về sau sẽ đem lại hậu quả nặng nề.

  Giờ đây, Rado đã có thể liên lạc với Moscva nếu như ông có nhân viên điện đài. Ông giải quyết thành công vấn đề này vào tháng 6 năm 1940, khi ông thu hút được hai vợ chồng Hamelay - Etmon ("Edua") và Olga ("Maut") làm nhân viên điện đài. Hai vợ chồng này có những quan điểm chính trị tả khuynh và có thiện cảm với Liên Xô. Edua là nhân viên kỹ thuật rađiô chuyên nghiệp và là chủ một cửa hàng bán thiết bị rađiô. Cả hai trải qua một khoá huấn luyện ở chỗ "Solia" và nhân viên điện đài của bà là Alecxandr Fut. Từ tháng 8 năm 1940, sau khi sửa chữa xong chiếc điện đài ở nhà mình, họ bắt đầu tự hoạt động. Như vậy là giờ đây, Rado và Kusinxki đã có thể hoạt động độc lập với nhau, có thể tự chuyển tin tức về Trung Tâm bằng cách sử dụng mật mã riêng của mình cũng như lịch liên lạc riêng của mình.

  Vì chiến tranh nên số lượng đơn đặt hàng của "Geopress" bị giảm bớt và thu nhập của Rado cũng giảm bớt theo. Ông phải vất vả lắm mới có thể nuôi được bản thân, vợ và hai con. Vào tháng 12 năm 1940, Trung Tâm đề nghị Rado đến Bengrad để nhận tiền do liên lạc viên chuyển cho. Nhờ sự giúp đỡ của một "người bạn" là Xuvich, thư ký Bộ Ngoại giao Italia, Rado được cấp giấy phép đi Hungari qua ngả Bengrad. Tại đây, ông gặp người liên lạc từ Moscva đến và người này trao cho ông một khoản tiền lớn. Tiền được đưa về Thuỵ Sĩ bằng cách giấu trong mái tóc dày của vợ Rado là Lena cùng đi với chồng. 

  Ngày 18 tháng 12 năm 1940, Kusinxki cùng các con rời khỏi Thuỵ Sĩ và đến mùa hè năm 1941 thì đặt chân tới London. Chiếc điện đài của Fut được chuyển đến Lozann và Rado duy trì mối liên lạc với Fut thông qua Berton, điệp viên (và đồng thời cũng là chồng) của Kusinxki lúc đó còn ở lại Thuỵ Sĩ. Vào tháng 3 năm 1941, Fut thiết lập được đường dây liên lạc ổn định với Moscva. Cho đến mùa hè năm 1942, Fut nhận những văn bản tin tức thông qua Berton và tiếp đó là thông qua Rado hoặc Lena sau khi Berton đi Anh.
 
  Vào tháng 2 năm 1941, thông qua điệp viên "Louisa" của mình, "Pacbo" ngày càng nhận được nhiều tin tức đáng lo ngại về việc quân đội Đức di chuyển sang phía Đông. Dưới đây chỉ là vài bức điện mà Rado gửi cho Trung Tâm:
 
  "21. 2. 41. Gửi giám đốc. Theo những tin tức nhận được từ một sĩ quan tình báo Thuỵ Sĩ, Đức hiện có 150 sư đoàn ở phía Đông. Theo ý kiến của viên sĩ quan đó, bài phát biểu của Hering sẽ bắt đầu vào đầu tháng 5. Dora".
 
  "6. 4. 41. Gửi giám đốc. Tất cả các sư đoàn cơ giới của Đức đều ở phía Đông. Các đơn vị đóng trên biên giới Thuỵ Sĩ đều đã được chuyển về mạn Đông - Bắc. Dora".

  Vấn đề đáng chú ý ở đây là bằng cách nào mà viên sĩ quan tình báo Thuỵ Sĩ lại có thể lấy được những tin tức như vậy ?

  Trước năm 1935, trong cơ quan này chỉ có hai nhân viên, một người là trung tá giám đốc Rogie Marson. Nhưng ít lâu sau, ông ta có thêm một nhân viên nữa, một nhà ái quốc Thuỵ Sĩ tên là Hans Hawdaman. Hans là đại uý dự bị, ông nhìn thấy tận mắt tình trạng thảm hại của cơ quan tình báo và làm một việc chưa từng có là xây dựng một phòng tình báo riêng của mình được gọi là "Văn phòng Ha". Từ tháng 9 năm 1939, "văn phòng Ha" trở thành một đơn vị tình báo có biên chế tăng gấp vài lần. Nơi làm việc của "Louisa" (bí danh của Berngard Maire fon Baldeg) chính là đơn vị tình báo này.

  Cùng hoạt động đồng thời với nhóm "Dora" còn có các cơ quan tình báo của Ba Lan, của Pháp, của Đức, cũng như cơ quan phản gián của Thụy Sĩ. Những tổ chức này thường sử dụng cùng một số điệp viên như nhau, kể cả những điệp viên mà "Dora" sử dụng. Cần nói thêm rằng nhân viên điện đài Alecxandr Fut của nhóm "Dora" cũng duy trì mối liên hệ bí mật cả với điệp viên Anh Pharen. Như vậy, ở Thụy Sĩ hình thành một mớ bòng bong các cơ quan tình báo mà vào những năm 1945 - 1946, các nhà điều tra của cơ quan tình báo Xô Viết sẽ không dễ dàng gỡ ra được cho dù là về vai trò của từng điệp viên. Và không phải ngẫu nhiên mà trong các thông tin của Rado nhiều khi có những chi tiết thất thiệt mà chính ông cũng thừa nhận trong cuốn hồi ký của mình có nhan đề "Dưới bí danh "Dora". Chẳng hạn như:
 
  "6. 6. 40. Gửi giám đốc. Theo lời của tùy viên Nhật thì Hitler đã tuyên bố rằng sau chiến thắng nhanh chóng ở phía Tây sẽ bắt đầu cuộc tấn công của Đức và Italia vào nước Nga".
 
  Vào tháng 5 năm 1940, vì nguy cơ Đức tấn công Liên Xô đã rõ ràng nên Trung Tâm ra lệnh cho Rado tiếp xúc với nhóm điệp viên của Rasen (tức "Xixi") là nhóm mà từ tháng 9 năm 1939 không đường dây liên lạc với Moscva.

  Nhiệm vụ này được thực hiện, nhưng mặc dù đã sáp nhập, "Xixi" vẫn hoạt động tương đối độc lập. Tình báo Xô Viết đôi khi làm việc trực tiếp với "Xixi", sử dụng loại mật mã mà "Xixi" biết chứ Rado không biết. Điều này khiến ông có phần tự ái, nhưng là một điệp viên có kỷ luật và được che giấu kỹ lưỡng, ông bình tĩnh tiếp nhận mệnh lệnh này như một việc tất yếu. Những bức điện đầy lo ngại tiếp tục được "Dora" gửi đi.

  "2. 6. 41. Gửi giám đốc. Tất cả các đơn vị cơ giới Đức trên biên giới Xô Viết đều trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu mặc dù sự căng thẳng có phần giảm bớt so với hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5. Khác với hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5, việc chuẩn bị chiến tranh trên biên giới Nga diễn ra không phô trương nhưng khẩn trương hơn. Dora".
 
  "17. 6. 41. Gửi giám đốc. Trên biên giới Đức - Xô có gần một trăm sư đoàn bộ binh, trong đó một phần ba là các sư đoàn cơ giới hoá. Ngoài ra còn có mười sư đoàn xe tăng và xe bọc thép. Tại Rumani đặc biệt nhiều các sư đoàn Đức ở Galaxi. Hiện nay đang chuẩn bị thành lập những sư đoàn đặc nhiệm chọn lọc, cộng thêm với sư đoàn số Năm và số Mười đang đồn trú tại thủ đô bang. Dora".

  Ngày 18 tháng 6 năm 1941, Trung Tâm nhận được bức điện mật mã sau đây.
 "18. 06. 41. Gửi giám đốc. Đức dự định tấn công Liên Xô trong những ngày sắp tới. Dora".

 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 11 Tháng Bảy, 2008, 07:53:57 pm
  Chiến tranh vậy là đã bùng nổ. Và ngay sau đó là một bức điện nữa đầy lo lắng và xúc động.
 
  "23. 06. 41. Gửi giám đốc. Trong giờ phút lịch sử này, chúng tôi sẽ tuyệt đối trung thành trên vị trí của mình với một nghị lực gấp đôi. Dora".

  Sau khi chiến tranh bắt đầu, Trung Tâm chuyển cho Dora bản chỉ thị sau đây.
 
  "01. 07. 41. Gửi Dora. Hãy tập trung toàn bộ chú ý vào việc thu thập tin tức về quân đội Đức. Hãy chăm chú theo dõi và thường xuyên thông báo về việc quân Đức di chuyển từ Pháp và các vùng khác ở phương Tây".

  Ngay hôm sau, Dora báo tin:
 
  "02. 07. 41. Gửi giám đốc. Hiện nay kế hoạch tác chiến chủ yếu là kế hoạch số N1, mục tiêu là Moscva. Chiến dịch trên các bên sườn chỉ mang tính chất đánh lạc hướng. Trọng tâm là ở mặt trận Trung Tâm. Dora".

  Chỉ ít lâu sau lại thêm một bức điện quan trọng nữa.
 
  "7. 8. 42. Gửi giám đốc. Đại sứ Nhật ở Thuỵ Sĩ tuyên bố rằng không thể có chuyện Nhật tấn công Liên Xô cho tới khi nước Đức giành được những thắng lợi quyết định trên các mặt trận. Dora".

  Hai bức điện này có nội dung quan trọng đến nỗi chúng đóng vai trò lớn lao trong trận chiến đấu bảo vệ Moscva.

  Mạng lưới điệp viên "Dora" ngày càng phát triển. Chẳng bao lâu sau, mạng lưới này có thêm hai cựu sĩ quan Pháp với các bí danh là "Danxe" và "Long". "Danxe" có thiện cảm với tướng De Gaulle và đã từng làm việc trong sứ quán Pháp và hoạt động ở Thuỵ Sĩ. "Long" là cựu nhân viên tình báo Pháp, đã từng làm việc cho uỷ ban "Nước Pháp tự do" đóng ở London và ông có rất nhiều nguồn tin đáng tin cậy. Trong số những nguồn tin này có Manfred fon Grimma ("Grao"), một nhà quý tộc người Áo quen biết rất rộng, và Ernst Lemmer ("Agressa"), phóng viên tờ báo Thuỵ Sĩ "Noie Duyrikher Saitung" xuất bản ở Berlin và đồng thời là biên tập viên bản tin về chính sách đối ngoại của Đức. Nhưng nhân vật quý giá nhất mà "Dora" may mắn chiêu mộ được hiển nhiên là Rudolf Ressler - một trong những điệp viên xuất sắc nhất của thế chiến thứ hai. Người "bắt mối" được với Rudolf là Rasen (tức "Xixi"). Vào tháng 2 năm 1942, "Xixi" thiết lập được mối tiếp xúc với một nhân viên của Văn phòng Lao động quốc tế tên là Christian Snayle ("Taylor") và trong số những người quen của "Taylor" thì có Rudolf Ressler. Nhân vật này chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử tình báo. Nhà nghiên cứu người Mỹ Buranenli gọi ông là "nguồn tin quan trọng nhất về đế chế Đức". Giám đốc cơ quan tình báo Mỹ Allen Dulles đã có lần tuyên bố: "Nếu tôi có được những điệp viên như vậy thì tôi có thể chẳng phải lo lắng gì hết". Chính Allen Dulles trong cuốn sách "Nghệ thuật tình báo" đã viết: "Người Xô Viết đã sử dụng một nguồn phi thường nằm ở Thuỵ Sĩ tên là Rudolf Ressler và có bí danh là "Luci". Nhờ những nguồn tin mà cho tới nay vẫn chưa khám phá ra được, Ressler đã thu thập được ở Thuỵ Sĩ những tin tức của bộ chỉ huy tối cao Đức hết sức đều đặn, chỉ không quá 24 giờ sau khi Berlin thông qua những quyết định hằng ngày về các vấn đề trên mặt trận phía Đông". Còn cựu điệp viên Anh Farago thì khẳng định rằng Ressler là điệp viên Xô Viết xuất sắc nhất châu Âu.

  Ressler, cũng như nhiều người khác, chạy trốn khỏi nước Đức phát xít. Tại Thuỵ Sĩ, ông mở một nhà xuất bản nhỏ và một cửa hàng sách. Như về sau người ta được biết, ông lâm vào tình thế khó khăn và do đó, đồng ý hợp tác với cơ quan phản gián Thuỵ Sĩ, cung cấp cho cơ quan này một số tin về kiều dân Đức và về tình báo Đức trong giới kiều dân này. Đồng thời, ông cộng tác với cả cơ quan tình báo Anh. Trong trường hợp này, lý do ông cộng tác là vì ông muốn giúp đỡ các nước Đồng minh trong cuộc đấu tranh chống Hitler. Chính vì vậy ông cũng đề nghị làm việc cho tình báo Xô Viết.

  Rado báo cáo với Moscva về lời đề nghị của Ressler mà ông đặt cho bí danh là "Luci". Trung Tâm cho ý kiến là không nên từ chối sự giúp đỡ của Ressler nhưng cần thận trọng. Để kiểm tra "Luci" cũng như khả năng và lòng trung thực của ông ta, Trung Tâm trao nhiệm vụ: "Tìm hiểu xem bọn Đức biết những gì về các đơn vị Hồng quân đang chiến đấu trên mặt trận Xô - Đức". Chỉ ít lâu sau đã có câu trả lời của "Luci". Qua câu trả lời đó có thể thấy rõ hai điều: một là, "Luci" có những nguồn tin thực sự giá trị, và hai là, tình báo Đức hoạt động rất có kết quả cả trước cũng như trong thời gian chiến tranh và chúng biết nhiều điều về địch thủ của chúng. Nhiệm vụ thứ hai được trao cho Ressler là khai thác tin về các đơn vị phát xít Đức đóng ở mặt trận phía Đông. Những tin tức nhận được từ Ressler cho thấy rõ là ông quả thật có những khả năng cực kỳ quý giá và những nguồn tin của ông nằm ở giới chóp bu của cơ cấu quân sự phát xít.

  Thật đáng tiếc là cho tới nay vẫn không biết được những nguồn tin đó là ai. Không loại trừ khả năng là họ đã tham gia âm mưu ám sát Hitler ngày 20 tháng 6 năm 1944, khi nhóm điệp viên "Dora" đã không còn tồn tại nữa. Ressler không nhắc đến tên các bạn bè của ông với bất kỳ ai và đem theo những tên tuổi đó xuống mồ. Chỉ có một lần ông buột miệng cho biết năm người trong số đó là cấp tướng, một đại tá, một thiếu tá và số còn lại là đại uý. Cũng khi ấy, ông chỉ nêu những chữ cái đầu tiên trong tên của những người bạn ấy của ông. Các nhà nghiên cứu của CIA cho rằng Ressler có ở Đức bốn điệp viên quan trọng nhất là "Verter", "Teddi", "Anna" và "Olga", và đưa ra giả thuyết rằng đó là thiếu tướng Hans Oste, giám đốc cơ quan tình báo Đức và là một nhân vật chống phát xít, là Hans Bernd Gurevich, cũng là một nhân viên tình báo Đức, là Carl Herdeler, người đứng đầu phe đối lập bảo thủ chống Hitler, là đại tá Fris Betsel, trưởng phòng phân tích tình báo của các tập đoàn quân Đông Nam đóng ở Athens. Còn chính Rado thì cho rằng một trong những nguồn cấp tin cho Ressler là giám đốc văn phòng liên lạc thuộc Bộ tổng tham mưu tối cao quân đội Đức, người đã trực tiếp chuyển cho Ressler mọi tin tức mật. Dù sao chăng nữa thì những tin do "nguồn tin quan trọng nhất" Ressler cung cấp cho "Xixi" cũng vẫn tiếp tục đến tay Trung Tâm cho đến khi mạng lưới điệp viên "Rado" tan vỡ và những thành viên của "Rado" bị bắt trong quãng thời gian hai năm 1943 - 1944.

  Khối lượng tin chuyển cho Trung Tâm không ngừng tăng lên. Hai nhân viên điện đài (Fut và Hamen) là không đủ. Rado tuyển thêm cô gái 23 tuổi tên là Margarita Bonli, một nhân viên điện đài có tinh thần chống phát xít lấy bí danh là "Rola". Tại căn hộ của cô ở Geneva có bố trí chiếc điện đài thứ ba được lắp ráp nhờ sự giúp đỡ của Hamen. Margarita được Fut huấn luyện, và từ tháng 8 năm 1942, cô bắt đầu làm việc. Như vậy, "Bộ ba đỏ" đã hình thành hẳn.

  Dĩ nhiên, các cơ quan truy lùng điện đài của Đức không thể không lưu ý đến hoạt động của ba cơ sở điện đài lạ ở Geneva và Lozann. Bản báo cáo của phòng tình báo điện đài Đức có chỉ rõ là ngay từ đầu tháng 6 năm 1941, các thiết bị nghe đặt trên biên giới Đức, Italia và Pháp đã dò thấy những cơ sở điện đài bất hợp pháp này. Một năm sau, hệ tọa độ những cơ sở điện đài bí mật đó đã được xác định chính xác hơn, nhưng mặc dù rất cố gắng, tình báo Đức vẫn không thể khám phá được mật mã của "Bộ ba" cũng như ông chủ của "Bộ ba" đó.
Chỉ sau khi những người lãnh đạo "Dàn đồng ca đỏ" là Gurevich (tức "Kent") và Trepper (tức "Otto") bị bắt ở Pháp vào tháng 11 năm 1942 thì Gestapo, nhờ những mật mã thu được, mới đọc được một phần những bức điện của "Dora". Đó là một đòn khủng khiếp giáng vào cơ quan tình báo và phản gián của Hitler: hoá ra những tin tức tối mật của bộ chỉ huy quân sự tối cao Đức đã chuyển ra nước ngoài qua ngả Thuỵ Sĩ! Và nơi chuyển đến lại là nước Nga! Từ đấy, "Bộ ba" được gán cho tên gọi là  "Bộ ba đỏ".

  Cơ quan tình báo và phản gián Đức quyết định phải khám phá ra và tiêu diệt bằng được "Bộ ba đỏ" này. Nhưng "Bộ ba đỏ" lại hoạt động trên lãnh thổ Thuỵ Sĩ, một quốc gia khác và hơn nữa, một quốc gia trung lập. Và thế là bắt đầu cuộc săn lùng các thành viên của "Bộ ba đỏ": một mặt là cuộc săn lùng chính thức bằng các cuộc tiếp xúc giữa trùm tình báo Đức là Sellenberg với ban lãnh đạo cơ quan tình báo và phản gián Thuỵ Sĩ, một mặt là cuộc săn lùng theo kiểu tác chiến. Cuộc săn lùng kiểu tác chiến này được trao cho nhóm điệp viên phòng 6 Cục Phản gián Đức dưới sự chỉ đạo của tổng lãnh sự Đức ở Thuỵ Sĩ Hans Meisner. Sau khi có được những tin tức về Rado và "Pacbo", bọn Đức tổ chức theo dõi hai nhân vật này và trong quá trình đó, lần ra được dấu vết "Rola". Meisner trao cho một điệp viên của mình ở Geneva là Hans Peter nhiệm vụ làm quen với "Rola" và quyến rũ cô. Đóng vai một nhân vật chống phát xít và tham gia phong trào Kháng chiến, gã thanh niên điển trai Hans Peter dễ dàng thực hiện nhiệm vụ này. Điều đáng sợ nhất là "Rola" đã không báo cáo về chuyện này cho Rado biết. Gestapo có thể lấy làm mừng vì đã thâm nhập được vào mạng lưới điệp viên nằm vùng "Bộ ba đỏ".

  Đến mùa hè năm 1943, Gestapo đã có trong tay những tin tình báo chi tiết về tất cả các thành viên của nhóm "Dora". Quả thật là chúng còn chưa biết những ai mang bí danh "Xixi" và "Taylor". Và điều chủ yếu nhất là chúng chưa thực hiện được nhiệm vụ chính: chưa phát hiện được những nhân vật cung cấp tin và bởi vậy, không chặn đứng được việc rò rỉ tin. Chỉ có một lối thoát là cắt đứt mối liên lạc giữa "Bộ ba đỏ" và Moscva. Nhưng làm việc này như thế nào? Tốt nhất là bắt cóc Rado hoặc các nhân viện điện đài của ông, đưa về Đức tra tấn để buộc họ phải cung khai. Nhưng làm như vậy có thể gây ra một vụ xcăngđan quốc tế là điều Sellenberg không muốn.

  Ngày mồng 8 tháng 9 năm 1942, Sellenberg đến Thuỵ Sĩ và gặp giám đốc cơ quan an ninh Thụy Sĩ là Rogie Marson. Rogie tỏ ra thông cảm với đề nghị của Sellenberg về việc tiêu diệt mạng lưới điệp viên Xô Viết và hứa sẽ làm tất cả những gì có thể. Nhưng ông không động một ngón tay để thực hiện lời hứa này. Vào tháng 3 năm 1943, Sellenberg lại đến Bern, thủ đô Thuỵ Sĩ. Dưới hình thức mềm mỏng nhưng kiên quyết, y nói bóng gió cho Rogie Marson hiểu rằng thái độ chậm chạp của ông có nguy cơ đe dọa mối quan hệ Đức - Thuỵ Sĩ. Y cũng nói như vậy với giám đốc cảnh sát Thuỵ Sĩ Maudere trong thời gian Maudere ở thăm Berlin. Trong khi ấy, "Dora" tiếp tục đánh đi các bức điện tới Moscva, trong đó có những tin bổ sung về các kế hoạch của Đức tại vùng Cursk, những tin về loại xe tăng "Con hổ", về âm mưu của một nhóm tướng lĩnh Đức quyết tâm tiêu diệt Hitler và "những giới ủng hộ y".


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 11 Tháng Bảy, 2008, 07:56:14 pm
  Điện và điện thoại liên tục từ Berlin gửi đến Thuỵ Sĩ thúc giục Rogie Marson và Maudere hành động. Chẳng trốn đâu cho thoát được: Moscva và London thì xa còn Berlin ngay bên cạnh, hơn nữa, quân đội Đức đóng ngay trên biên giới. Tháng 9 năm 1943, Marson và Maudere tổ chức một nhóm săn lùng điện đài lưu động. Các thiết bị săn lùng điện đài đặt trong các thùng xe liên tục bắt được tín hiệu đánh đi của các nhân viên điện đài bí mật. Đêm 13 rạng ngày 14 tháng 10 năm 1943, Etmon và Olga Hameli bị bắt ngay trong lúc đang phát tin. Cảnh sát lặng lẽ bước vào và bắt quả tang họ đang hoạt động. Mật mã, các chương trình liên lạc, các bức điện bị tịch thu. Cùng ngày hôm đó, Margarita Bonli (tức "Rola") bị bắt tại căn hộ của người tình Peter. Khi bị hỏi cung, tất cả những người bị bắt đều kiên quyết phủ nhận mối liên hệ với tình báo Xô Viết, và khi thấy bức ảnh chụp Rado thì tất cả đều tuyên bố rằng không hề hay biết người này.

  Sau khi biết tin các nhân viên điện đài bị bắt, Rado đã kịp báo cho ban lãnh đạo nhóm "Pacbo" rồi cùng vợ lẩn tránh tại nhà một người bạn đáng tin cậy là tiến sĩ Bianki. Giờ đây, chỉ còn một nhân viên điện đài duy nhất là Fut và Fut cũng chính là người liên lạc giữa "Pacbo" và Rado. Fut thường xuyên phải phát sóng và sóng của ông cũng bị thiết bị săn lùng điện đài bắt được. Đêm 19 rạng ngày 20 tháng 11 năm 1943, ông bị bắt trong lúc đang nhận điện của Trung Tâm. Trong lúc cảnh sát phá cửa, ông dã kịp dùng búa phá tan điện đài và đốt các bức điện trên lửa nến. Khi bị hỏi cung, Fut không phủ nhận việc ông là nhân viên điện đài bí mật, nhưng ông khẳng định là ông làm việc cho tình báo Anh, ông chỉ chuyển tin về tình hình nước Đức, ông không có tòng phạm ở Thuỵ Sĩ, và ông không biết Rado, Margarita và hai vợ chồng Hamen.

  Sau khi bắt được Fut, tình báo Thuỵ Sĩ mưu toan chơi "trò chơi điện đài" với Trung Tâm, nhưng họ chơi khá vụng về nên bị Trung Tâm phát hiện ngay. Trung Tâm gửi đi những "mệnh lệnh" và "chỉ thị" đánh lừa tình báo Thuỵ Sĩ. Mãi đến bốn tháng sau, tình báo Thuỵ Sĩ mới đoán ra được là mình bị lừa và quyết định tiếp tục các vụ bắt giữ. Ngày 19 tháng 4 năm 1944, một số thành viên của "Bộ ba đỏ" bị bắt, trong số đó có Duybendorf. Để đánh lạc hướng cơ quan điều tra, Duybendorf "thú nhận" mình làm việc cho cơ quan tình báo Anh. Cả Ressler cũng bị bắt. Sở dĩ người ta để Ressler bị bắt là vì khi ấy ông sẽ "được" ngồi tù, tức là ông sẽ thoát khỏi bọn Gestapo, những kẻ có thể bắt cóc ông và buộc ông phải thừa nhận làm việc cho cơ quan tình báo Thuỵ Sĩ và do đó có thể phát hiện ra những nguồn tin của ông. "Pacbo" và một số điệp viên khác vẫn tự do ở ngoài, nhưng một khi không có phương tiện liên lạc thì sự tồn tại của mạng lưới điệp viên là vô nghĩa. Bởi vậy, ngày 16 tháng 9 năm 1944, Rado và Lena nhờ sự giúp đỡ của các du kích quân người Pháp, đã bí mật vượt biên giới Pháp - Thuỵ Sĩ và ẩn tránh tại thành phố Anixi là nơi chính quyền thuộc về những người cộng sản. Tiếp đó, họ đến thủ đô Paris đã được giải phóng và tại đây, ngày 26 tháng 10 năm 1944, Rado tiếp xúc với các nhân viên tình báo Xô Viết và thông báo tỉ mỉ về việc nhóm điệp viên của ông bị tiêu diệt. Ngay khi ấy, vào tháng 9 năm 1944, nhà cầm quyền Thuỵ Sĩ không còn e sợ sức mạnh của nước Đức phát xít nữa nên đã trả tự do cho tất cả các thành viên của "Bộ ba đỏ". Fut, rồi tiếp đó là Duybendorf và Betkher lần lượt đến Paris.

  Ngay sau chiến tranh, vào tháng 10 năm 1945, ở Thuỵ Sĩ đã diễn ra phiên toà xét xử Rado, vợ của Rado là Lena, Duybendorf, Betkher, Fut, Ressler, Snayde, Bonli, hai vợ chồng Hamen. Họ bị buộc tội là đã hoạt động gián điệp trên lãnh thổ Liên bang Thuỵ Sĩ. Tất cả đều phải chịu những án tù khác nhau, riêng Ressler được trắng án. Nhưng không một ai phải ngồi tù. Năm người đầu tiên bị kết án vắng mặt, hai vợ chồng Hamen và Bonli được hưởng án treo, còn Snayde được phóng thích vì ông đã ở trong tù quá thời hạn.

  Nhưng số phận bi kịch của Rado không kết thúc ở đây. Ngày mồng 5 tháng 1 năm 1945, Rado, Fut, Trepper và một số điệp viên khác đáp máy bay của Liên Xô sang Moscva. Trepper nói với Rado: "Trung Tâm sẽ trừng phạt nghiêm khắc về những vụ thất bại, và khi đến Moscva, chắc gì ông sẽ có thể trở về Paris". Rado đang trong tình trạng trầm uất. Ông vừa nhận được tin tất cả những người thân của ông đã chết trong trại tập trung phát xít. Ông cảm thấy có lỗi trong việc mạng lưới điệp viên của ông tan vỡ. Cả một thời gian dài - gần một năm - trong tình trạng tự nguyện giam cầm, khi ông hoạt động bất hợp pháp, cũng ảnh hưởng đến tâm trạng của ông. Có lẽ vì thế mà khi dừng chân ở Cairo, Rado chạy trốn khỏi khách sạn và đến sứ quán Anh yêu cầu được tị nạn chính trị. Người Anh cho rằng cựu tù binh Xô Viết Kulise (Rado hoạt động dưới tên giả này) không phải là nhân vật họ quan tâm và do đó bác bỏ đề nghị của ông. Ông định tự sát nhưng được cứu thoát và đưa vào trại nội trú.

  Phía Liên Xô hết sức lo lắng thấy điệp viên của mình biến mất và thi hành những biện pháp khẩn cấp. Đại sứ Liên Xô trao công hàm cho chính quyền sở tại, nói rằng Kulise đang bị truy nã về tội giết người và yêu cầu trao trả cho phía Liên Xô. Tháng 8 năm 1945, Rado được trao trả cho nhà cầm quyền Xô Viết, được đưa về Moscva và chuyển cho cơ quan phản gián quân sự. Tháng 12 năm 1946, Hội đồng đặc biệt kết án Rado 10 năm tù về tội làm gián điệp. Ông bị buộc cho những tội danh sau: làm tan vỡ mạng lưới điệp viên ở Thuỵ Sĩ do thái độ tắc trách trong việc bảo quản mật mã cũng như các tài liệu tác chiến và do không thực hiện những biện pháp bảo mật cần thiết; để lọt vào hàng ngũ của mình những điệp viên hai mang là những điệp viên đồng thời làm việc cho một vài cơ quan tình báo; bản thân ông cũng là điệp viên hai mang mà bằng chứng là vụ ông chạy trốn ở Cairo. Vào năm 1954, tất cả những lời buộc tội này đều bị coi là hoàn toàn bịa đặt. Tháng 5 năm 1954, ông và Trepper được phục hồi danh dự và được trả tự do. Tháng 6 năm 1955, Rado trở về Hungari, nơi vợ ông là Lena suốt mười năm trời bặt tin ông đang chờ đợi ông.
 
  Đoạn đời tiếp theo của ông diễn ra thuận buồm xuôi gió. Ông làm công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực địa lý và bản đồ, trở thành tiến sĩ khoa học và viện sĩ viện hàn lâm. Chính phủ Xô Viết tặng thưởng ông huân chương "Vì tình hữu nghị giữa các dân tộc" và huân chương "Chiến tranh Vệ quốc hạng nhất". Ông viết cuốn hồi ký "Dưới bí danh Dora" và cuốn này được xuất bản năm 1973.
 
  Ông mất năm 1980 ở tuổi tám mốt.
 
  Và dưới đây là đôi điều về những bạn chiến đấu của ông.
 
  Duybendorf bị kết án về tội làm gián điệp (bằng chứng là ở Thuỵ Sĩ bà đã thừa nhận là điệp viên Anh!). Vào tháng 2 năm 1956 bà được trả tự do và trở về Cộng hòa dân chủ Đức. Mười ba năm sau, vào năm 1969 bà được tặng thưởng huân chương "Sao Đỏ".

  Alecxandr Fut, người cuối cùng trong số các nhân viên điện đài bị bắt và là điệp viên Anh thực sự, không bị đàn áp mà ngược lại, lại được lấy vào làm công tác tình báo. Nhưng khi ra nước ngoài, ông lại liên lạc với cơ quan phản gián Anh, cung cấp cho cơ quan này những tài liệu chi tiết về tất cả những gì ông được biết. Về sau, ông viết cuốn sách "Nhật ký của người điệp viên".

  Người điệp viên kỳ lạ nhất và bí ẩn nhất trong nhóm "Dora" là Rudolf Ressler thì sống cho đến năm 94 tuổi và đem theo xuống mồ nhiều bí ẩn chưa được khám phá, trong số đó có tên tuổi của những nhân vật đã cấp tin cho ông.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 12 Tháng Bảy, 2008, 05:39:34 pm
48 - NAUM EITINGON (1899 - 1981)
Những tấm huân chương

(http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/8/85/NI_Eitingon.jpg/180px-NI_Eitingon.jpg)

  Naum Isaacovich (những người xung quanh thường gọi ông là Leonid Alecxandrovic) Eitingon thuộc lớp những điệp viên tình báo mà tựa hồ như chúng ta biết rất nhiều về họ nhưng đó là phần nổi của tảng băng chìm. Toàn bộ sự thật của tất cả những gì được giữ kín trong thẳm sâu của lịch sử thế kỷ XX vừa qua chúng ta sẽ không bao giờ biết được.

  Naum Eitingon sinh ngày 6 tháng 12 năm 1899, ở thành phố tỉnh lẻ Sklov gần Moghilev trong một gia đình viên thư ký của nhà máy giấy. Học trường trung cấp thương mại, sau Cách mạng tháng hai năm 1917 gia nhập Đảng Xã hội cách mạng. Đảng này huấn luyện cho các đảng viên "nghiệp vụ" khủng bố và phá hoại. Nhưng vì bất đồng với chính sách của đảng nên chẳng bao lâu sau Naum Eitingon ra khỏi đảng. Ngay sau đó Naum Eitingon bắt đầu làm công nhân nhà máy bê tông, làm văn thư rồi cán bộ của Phòng lương thực của nhà máy. ở Moscva, Naum Eitingon học lớp Hợp tác xã công nhân, sau đó làm công việc trưng thu mua lương thực thừa. Tháng 9 năm 1919, Naum Eitingon công tác ở Công đoàn tỉnh Gomel, trong thời gian này anh gia nhập Đảng Cộng sản Nga (bolsevich). Tháng 5 năm 1920, chuyển sang công tác ở ngành an ninh Treca. Anh được tham gia vào chiến dịch truy quét các nhóm khủng bố của Savincov trong tỉnh Gomel xâm nhập từ lãnh thổ Ba Lan. Trong trận chiến đấu với bọn biệt kích xâm nhập, Naum Eitingon bị thương ở chân. Mặc dù thể trạng của anh không khoẻ lắm nhưng trong chiến đấu anh rất gan dạ và kinh qua công tác anh đã trưởng thành nhanh chóng. Năm 21 tuổi anh là nhân vật thứ hai trong Cơ quan Treca tỉnh Gomel, sau đó là chủ tịch Treca của tỉnh Smolensk rồi chủ tịch Tổng cục chính trị quốc gia của tỉnh Baskiria trực thuộc Hội đồng Dân ủy Liên Xô. Năm 1925, Eitingon bắt đầu làm công tác tình báo. Anh chuyển sang công tác ở Ban đối ngoại của Tổng cục chính trị quốc gia trực thuộc Hội đồng Dân uỷ Liên Xô. Trong thời gian này anh học ở khoa Đông phương Học viện quân sự, nhưng anh chỉ học hàm thụ vì anh sắp được cử sang công tác ở Trung Quốc. Năm 1925 - 1927, Naum Eitingon là phó lãnh sự Liên Xô ở Bắc Kinh, và từ cuối năm 1927, anh chuyển sang hoạt động bí mật. Rất tiếc là thời gian hoạt động từ cuối năm 1927 đến khi nào, nguyên nhân chuyển công tác và những chi tiết công tác trong thời gian hoạt động bí mật cho đến nay không ai được rõ. Hơn nữa sự việc này còn liên quan đến các vụ tấn công các Lãnh sự quán Liên Xô, đến việc đóng cửa các Lãnh sự quán này và việc cần thiết phải tiếp tục công tác tình báo.

  Sau đó Naum Eitingon một thời gian làm công sứ ở Kharbin. Sau vụ cảnh sát Trung Hoa tấn công Lãnh sự quán Liên Xô, vào mùa xuân 1929, Naum Eitingon được gọi về Moscva và ngay sau đó được cử đi Ancara nhận chức vụ tùy viên báo chí của Đại sứ quán Liên Xô ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây lần đầu tiên đã có sự đụng độ giữa hai con đường Eitingon với đối thủ tương lai và nạn nhân của Eitingon là Troski. Thay thế vị trí của Iacov Bliumkin, người đã giết Đại sứ Đức Mirbakh năm 1918, Naum Eitingon được giao nhiệm vụ tổ chức việc theo dõi Troski, Bliumkin bị triệu hồi về Moscva, bị bắt giữ và xử bắn vì đã tuỳ tiện tiếp xúc với Troski. Eitingon đảm đương công việc một cách có hiệu quả. Troski được tình báo theo dõi kỹ lưỡng, nhưng một thời gian không lâu sau đó Troski rời Thổ Nhĩ Kỳ đi Na Uy, còn Eitingon thì trở về Moscva.

  Giữ chức vụ tổ phó tổ đặc biệt "Chú Iasa" của Iacov Serebrianski, nhưng Eitingon phần lớn thời gian lại đi công tác ở nước ngoài. ở nước ngoài, Eitingon hoạt động bí mật và được giao thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt ở Pháp và ở Bỉ.  Eitingon cũng được giao nhiệm vụ thành lập mạng lưới tình báo để áp dụng vào những công trình có ý nghĩa quân sự chiến lược trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Một thời gian Eitingon đứng đầu Ban đối ngoại có nhiệm vụ phối hợp công việc đang làm của các điệp viên nước ngoài. Eitingon cũng thành lập một tổ chức làm hộ chiếu giả cho những chiến dịch bí mật. Trong tổ có một người Áo tên là Miller rất khéo tay đã làm nên những điều tuyệt vời: đó là những tấm hộ chiếu "không xuyên thủng được".

  Năm 1936, ở Tây Ban Nha xảy ra nội chiến. Eitingon được phái sang Tây Ban Nha dưới họ tên là Leonid Kotov chính thức nhận chức vụ phó cố vấn bên cạnh Chính phủ cộng hòa, trên thực tế là phó công sứ Bộ Dân uỷ Nội vụ của Alecxandr Orlov. Sau khi Orlov bỏ chạy, Eitingon đứng đầu cơ quan này ở Tây Ban Nha. Dưới sự lãnh đạo của Eitingon, nhiều người đã chiến đấu anh dũng và sau này trở thành Anh hùng Liên Xô như Prokopink, Vaupshasov, Orlovski, thành viên tham gia chiến dịch "Sindicat" và "Tơrớt" Sưroezkin, cũng như các thành viên sau này tham gia chiến dịch "Con vịt" David Sikeiros, Ramon Merkader và những người khác. Eitingon chịu trách nhiệm về công việc tình báo, việc tiến hành những chiến dịch du kích trong hậu phương quân đội của Franco và công việc phản tình báo. Eitingon cũng là người chỉ đạo việc gửi về Moscva một số lượng vàng Tây Ban Nha có trị giá hơn nửa tỉ đô la.

  Năm 1939, khi nội chiến kết thúc với thắng lợi của tướng Franco, Eitingon chuyển cơ sở sang Pháp. Tại Pháp, Eitingon khôi phục lại mạng lưới điệp viên. Một thời gian Eitingon giữ mối liên hệ với Kim Philby và Guy Burgess.

  Tháng 3 năm 1939, Stalin ra lệnh tiêu diệt Troski. Để thực hiện lệnh của Stalin ngày 9 tháng 7 năm 1939, đã soạn thảo ra "Kế hoạch hành động tình báo theo hồ sơ chiến dịch "Con vịt", dưới ký tên P.M.Phitin, trưởng ban tình báo đối ngoại; P.A.Sudoplatov, phó ban tình báo đối ngoại và N.I.Eitingon (tức "Tom") không ghi chức vụ và quân hàm. Trong bản kế hoạch viết rằng "Tom" là "người tổ chức và lãnh đạo tại chỗ". Có khá nhiều thành viên được thu hút tham gia chiến dịch, trong đó có Ramon Merkader ("Raimond") và mẹ của Merkader là Karidad ("Bà mẹ") và những người khác.

  Đầu tháng 8 năm 1939 "Tom" đến Mexico dưới vỏ bọc là nhà doanh nghiệp Canada. Lúc này ở Mexico đã có mặt "Bà mẹ", "Raimond" và những người khác. Nhưng công việc chuẩn bị tiến hành chậm hơn so với dự tính. Mãi sau chín tháng mới xảy ra cuộc ám sát đầu tiên đối với Troski. Những người tấn công đột nhập vào trong nhà và nổ súng vào phòng ngủ Troski. Nhưng Troski và vợ đã kịp trốn dưới giường nên không bị thương. Những người tấn công rời khỏi nhà Troski mà không biết là Troski không hề hấn gì.
Tuy nhiên Eitingon không phải nhận kỷ luật vì cuộc ám sát thất bại, hơn thế nữa trong công văn nhận được từ Moscva có đoạn ghi thêm bày tỏ sự đồng tình: "Đồng chí Beria gửi lời chào".

  Bắt tay vào truy tìm, cảnh sát Mexico sau đó không lâu đã phát hiện ra người lãnh đạo cuộc ám sát bất thành. Cảnh sát Mexico cảm thấy hình như đó là họa sĩ tài danh Mexico David Alpharo Sikeiros. Cảnh sát Mexico cũng xác định được những người khác tham gia chiến dịch ám sát này. Trong mạng lưới điệp viên Liên Xô không có ai có tên trong danh sách này. Phần lớn điệp viên Liên Xô đã trốn thoát.
Một cuộc chuẩn bị cho giai đoạn mới của chiến dịch "Con vịt" bắt đầu. Việc chuẩn bị lần này không vấp phải khó khăn đặc biệt nào là nhờ có "Raimond" thường hay lui tới nhà Troski (20 lần) như người tâm phúc. Ngày 20 tháng 8 năm 1940, tức là chưa đầy 3 tháng sau vụ ám sát lần thứ nhất, vụ ám sát lần thứ hai được tiến hành. "Raimond" đem theo mình một cái cuốc đào băng, con dao và súng lục đến nhà Troski đề nghị viết nhận xét cho bài báo của mình. Khi Troski đọc bài báo, "Raimond" dùng chiếc cuốc bổ vào sau gáy ông ta. Troski ngã gục và kêu toáng lên. Nhân viên bảo vệ kịp thời xuất hiện đánh đập "Raimond" rất dã man, sau đó giao "Raimond" cho cảnh sát. Ngày hôm sau Troski chết trong bệnh viện. Còn "Raimond" mạo nhận là người Bỉ tên là Gian Mornar nguyên là người ủng hộ Troski bị tù 19 năm 8 tháng 14 ngày. Năm 1960 "Raimond" đến Moscva, tại đây ông được nhận Huy chương vàng Anh hùng Liên Xô. Đây là một trong những điệp viên hoạt động bí mật được nhận danh hiệu cao quý này.

  Vào ngày Troski bị giết Eitingon và "Bà mẹ" rời khỏi Mexico. Eitingon với hộ chiếu người Iraq bay sang Cu Ba. Đến Cu Ba Eitingon nhận hộ chiếu người Bungari và bay về châu Âu. Về đến Moscva đích thân Eitingon báo cáo miệng toàn bộ sự việc cho Merkulov và Beria, chứ không viết một báo cáo nào bằng văn bản.
 
  Eitingon vừa mới kịp nghỉ ngơi lấy lại sức và bắt tay với công việc mới (tổ trưởng tổ Đặc biệt trực thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ) thì chiến tranh đã nổ ra. Eitingon nhận nhiệm vụ lữ đoàn phó (lữ đoàn trưởng là Sudoplatov) lữ đoàn bộ binh cơ động đặc nhiệm là lữ đoàn huyền thoại trong thời kỳ Chiến tranh giữ nước vĩ đại đã lập được nhiều chiến công vang dội khi mở các chiến dịch trong lòng địch. Lữ đoàn đặc nhiệm chỉ thu nhận những người tình nguyện đã qua một lớp tập huấn đặc biệt dành cho công việc phá hoại đặc công và thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Lữ đoàn đặc nhiệm này được phiên vào thành phần Cục 4 thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ - Bộ Dân uỷ An ninh do Sudoplatov và Eitingon đứng đầu trong suốt thời gian từ khi nổ ra đến khi kết thúc cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Đây là Trung Tâm đầu mối tổ chức công tác tình báo phá hoại ở vùng bị chiếm đóng. Ngoài những chiến dịch do Cục 4 tự tiến hành, Cục còn ủng hộ những điệp vụ biệt kích, thực hiện gần 80 điệp vụ, trong đó có những điệp vụ nổi tiếng như "Tu viện", "Beredino".

  Đặc biệt trong số các nhà hoạt động tình báo Liên Xô chỉ có hai người được phong tặng Huân chương Suvorov: đó là hai vị tướng an ninh Sudoplatov và Eitingon.

  Trong thời gian chiến tranh, vào năm 1942 Eitingon đã đến Thổ Nhĩ Kỳ dưới vỏ bọc Leonid Naumov nhận sứ mệnh chuẩn bị cuộc ám sát đại sứ Đức Fon Papen. Sở dĩ phải khử Fon Papen vì trong trường hợp các tướng lĩnh Đức Quốc xã loại trừ Hitler khỏi chính quyền thì Fon Papen sẽ phải lãnh đạo Chính phủ Đức, điều này sẽ đưa Chính phủ Đức vào thế giới phân lập với Mỹ và Anh. Tuy nhiên vụ ám sát bất thành: mìn nổ ngay trên tay Aphanasev người Bungari là kẻ mưu sát. Chính Aphanasev bị chết, còn Papen thì chỉ bị thương nhẹ.

  Eitingon còn để lại dấu ấn nữa trong cuộc đời hoạt động tình báo của mình - đó là "hoạt động tình báo nguyên tử". Ngay từ những năm 1939 - 1941, khi ở Mỹ Eitingon đã được "toàn quyền lựa chọn và tuyển dụng người cộng tác mà không cần có sự chuẩn y của Trung Tâm đồng thời được sử dụng cả mối quan hệ thân thích họ hàng", như tướng Sudoplatov viết trong hồi ký của mình. Ngay thời gian trước đó vào đầu những năm 30, Eitingon đã công khai hóa hoạt động ở vùng duyên hải phía Tây nước Mỹ hai điệp viên tình báo, trong đó có bác sĩ nha khoa "Shakhmatis", cơ sở mà nữ tình báo Kitti Harris nối lại được quan hệ. Dưới sự bảo trợ của tình báo một tổ chuyên môn nghiên cứu các vấn đề "hoạt động tình báo nguyên tử" được thành lập thì Sudoplatov và Eitingon được cử làm tổ trưởng và tổ phó lãnh đạo tổ. Một trong những công lao của Eitingon là tổ chức được việc phối hợp hành động giữa các ban chuyên môn của Trung Tâm với các nhà nguyên tử học.

  Còn một chiến dịch nữa có sự tham gia của Eitingon, đó là việc kiểm tra các mỏ uranium ở Bungari. Số là ngay từ tháng 2 năm 1945 đã có thông tin về lượng dự trữ uranium chất lượng cao ở vùng núi Roodovski. Quặng khai thác từ các mỏ này đã được sử dụng để khởi động lò phản ứng nguyên tử đầu tiên của Liên Xô. Công việc được tiến hành bí mật, tuy nhiên chẳng bao lâu sau người Mỹ đã biết và họ bắt đầu thi hành những biện pháp chống lại. Họ phái đến những điệp viên tình báo trong số đó có cả những điệp viên biệt kích. Trong tình hình đó Eitingon dự tính tuyển dụng lại những điệp viên người Mỹ và vợ của họ nhưng bất thành.

  Trong thời gian đó thì ở Liên Xô người ta phát hiện ra những mỏ lớn hơn và chất lượng cao. Để che giấu thực tế này và khiến ở người Mỹ tin là Liên Xô rất cần uranium của Bungari, Eitingon tiến hành những hoạt động rộng rãi tung ra những thông tin sai lạc nên một thời gian khá dài đã đánh lạc hướng được người Mỹ.

  Đồng thời Eitingon vẫn tiếp tục nghiên cứu công việc có tính chất tình báo thuần túy. Chẳng hạn vào năm 1946 - 1947, Eitingon lãnh đạo công việc chuẩn bị trục xuất V.G.Fisher (tức Rudolf Abel). Ngoài ra cho đến tận ngày bị bắt lần đầu tiên 28 tháng 10 năm 1951, Eitingon là cấp phó của tướng Sudoplatov, và là cục trưởng Cục Tình báo Đặc công ở nước ngoài. Tuy nhiên hoạt động tình báo trên thực tế không có gì bộc lộ ra bên ngoài, có điều may mắn là "chiến tranh lạnh" không chuyển thành nóng, nên hoạt động tình báo của Eitingon có vai trò riêng của nó trong việc nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của Liên Xô trong trường hợp phải đối phó với các nước trong khối NATO.
Khi Eitingon bị bắt người ta đã buộc tội ông có chân trong các tổ chức theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái (Sionit). Ngày 20 tháng 3 năm 1953, sau khi Stalin mất, Eitingon được trả lại tự do và khôi phục quân hàm cho ông, nhưng đến ngày 21 tháng 8 năm 1953, ông lại bị bắt, lần này ông bị buộc tội là kẻ tòng phạm với Beria. Eitingon bị kết án 12 năm tù và mãi đến năm 1964 mới được trả lại tự do. Sau đó Eitingon làm biên tập nhà xuất bản "Sách ngoại văn" nhiều năm.

  Eitingon mất ngày 3 tháng 5 năm 1981 - nhưng mãi đến 10 năm sau, năm 1991, ông mới được khôi phục danh dự. Trước ngày lễ Chiến thắng phát xít, ngày 9 tháng 5 năm 2000, các con ông mới nhận lại những huân chương của nhà tình báo Eitingon: 2 huân chương Lenin, 2 huân chương Cờ Đỏ, huân chương Suvorov, huân chương Chiến tranh Giữ nước hạng nhất và huân chương Sao Đỏ.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 12 Tháng Bảy, 2008, 05:48:32 pm
49 - REINHARD  GEHLEN (1902-1979)
Kế hoạch gia đình trị hoạt động tình báo

(http://www.hrono.ru/img/vov/gelen1971.jpg)

  Có thời gian ông ta gần như được coi là một nhân vật huyền thoại gắn với tên gọi của OG (tổ chức Gehlen). Không ai nhìn thấy, không xuất đầu lộ diện ở đâu và không bao giờ trả lời phỏng vấn nhưng con người này có thực và sự ra đời của OG gắn liền với ông ta.

  Reinhard Gehlen sinh tại Erfurt ngày 2 tháng 4 năm 1902. Ông ta chọn cho mình con đường binh nghiệp và từ đầu Thế chiến thứ nhất đã có chức vụ trong Bộ tổng tham mưu. Đứng đầu nhóm phương Đông của Ban nghiệp vụ Bộ tổng tham mưu, ông ta nổi bật trong vai trò người hình thành các kế hoạch quân sự chống Liên Xô. Từ tháng 10 năm 1940, Gehlen chịu trách nhiệm về "các vấn đề chung trong chỉ đạo cuộc chiến ở phía Đông". Từ ngày 1 tháng 4 năm 1942, ông ta là đại tá chỉ huy Cục 12 thuộc Bộ tổng tham mưu, ngoài khu vực Liên Xô còn chịu trách nhiệm về hoạt động các vùng Scandinavia và Balcan. Cục 12 trước đây hoạt động yếu được Gehlen biến thành bộ máy vận hành trơn tru và có tên gọi mới là "FHO" - Cục "Quân đội nước ngoài ở phía Đông", chuyên xử lí các tư liệu nhận từ Abver (Cơ quan Tình báo Quân sự Đức), lập báo cáo và đưa ra dự báo. Công việc không dễ dàng, hơn nữa kết quả làm việc được trình lên Hitler thường xuyên khiến gã này tức giận và không hài lòng, vì tình hình không khớp với hình dung của gã về tiến trình các sự kiện. Vì thông tin có chất lượng từ Abver bị ngừng trệ nên Gehlen thiết lập quan hệ tiếp xúc với các cơ quan tình báo khác như: Cục Tình báo mặt trận "Ost-I-II-III", cơ quan thông tin liên lạc bí mật, đài phát thanh, tình báo không quân và mặt trận. Ông ta cũng sử dụng nguồn tin khai thác từ tù binh chiến tranh. Chính Gehlen đã đồng ý hợp tác với tướng Vlasov.

  Gehlen cũng hợp tác chặt chẽ với Cục IV của Cơ quan An ninh Đế chế. Ông ta tham gia vào hoạt động chuẩn bị chiến dịch "Seppelin" tung gián điệp qua bên kia chiến tuyến, vạch kế hoạch chỉ đạo chiến thuật trong sử dụng các nhóm và tổ chức phá hoại ở hậu cứ của đối phương. Là một kẻ nắm được thông tin đáng tin cậy về cục diện chiến tranh và sự thất bại chắc chắn của nước Đức phát xít, nhưng có tư tưởng chống cộng hiếu chiến, Gehlen đã thực hiện sự chọn lựa: dành bản thân và những hiểu biết cũng như cơ quan dưới quyền chỉ huy của mình phục vụ cho đối tác nào trong số phe Đồng minh sẵn sàng thu dụng và trả thù lao cao cho sự phục vụ đó.

  Gehlen giữ khoảng cách khá xa với những kẻ mưu loạn ngày 20 tháng 4 năm 1944, còn nếu có duy trì quan hệ quen biết với ai đó thì phải là người như ông ta, có khuynh hướng dựa vào phương Tây. Trước khi Đệ Tam Đế chế sụp đổ, Gehlen không tán thành ý định thành lập các nhóm "Vervolf" và tiến hành cuộc chiến tranh bí mật của bộ sậu cầm quyền Hitler.

  Ngày 5 tháng 4 năm 1945, Gehlen bí mật thỏa thuận với trợ lí của mình là Gerherd Vessel và chỉ huy cũ của Ban nước Nga trong Abver là German Baun đồng tình chạy sang với người Mỹ cùng món "lễ vật" là những tài liệu lưu trữ và danh sách những nhân viên xuất sắc có tư tưởng chống cộng, chống Liên Xô và theo Mỹ. Trong tình hình náo loạn những ngày cuối cuộc chiến tranh, Gehlen đã rời nhiệm sở cùng Vessel và những người tin cẩn khác của mình lẩn trốn trên miền đồng cỏ Anpes gần Elendzalm, nơi theo lệnh ông ta kho lưu trữ của FHO đã được chôn giấu dưới lòng đất. Khi vùng đất châu Âu này rơi vào tay quân đội Mỹ, Gehlen không muốn giao nộp cho ai đó bất kì, mà yêu cầu gặp được đích thân chỉ huy cơ quan tình báo hoặc phản gián. Nhưng người mà ông ta gặp gỡ đầu tiên lại là một viên đại úy trẻ tuổi thuộc Cục Phản gián Mỹ. Anh ta đã chuyển Gehlen vào một trại tù binh chiến tranh. Tại đó may mắn cho Gehlen là ông ta đã gặp được tướng chỉ huy G-2 (Cơ quan Tình báo Quân sự) tại vùng chiếm đóng của Mỹ trên đất Đức là Edvin Luther Sibert. Gehlen chia sẻ với ông này những ý tưởng phối hợp chống Liên Xô. Điều đó cũng trùng hợp với tư tưởng của tướng Sibert. Ông ta giới thiệu Gehlen với người đứng đầu ban tham mưu của Eisenhower là tướng Walter Bedell Smith là người nổi tiếng có tinh thần chống Liên Xô mạnh mẽ. Hai người gặp gỡ đối thoại lâu và hết sức tâm đầu ý hợp. Kết quả là tháng 9 năm 1945, Gehlen cùng với sáu trợ thủ đã bay sang Mỹ. Tại đây họ gặp thiếu tướng giám đốc Cơ quan Tình báo Quân sự Mỹ là George V. Strongo. Trước tháng 7 năm 1946, tại Washington đã diễn ra các cuộc đàm phán và một hoạt động chuẩn bị khác. Trong khi đó, "đồng minh" cũ của Gehlen là German Baun dưới sự kiểm soát của tướng Sibert đã giấu Gehlen bí mật lập một nhóm nhỏ hoạt động tình báo - phản gián. Tổng hành dinh của nó được đặt ở vùng núi Taunus. Nhóm hoạt động tích cực bắt đầu từ tháng 3 năm 1946.

  Tháng 7 năm 1946, Gehlen trở về Đức. Lúc này người Mỹ đã được phê chuẩn và đồng ý tài trợ cho tổ chức tình báo dưới sự chỉ huy của Gehlen. Baun và Vessel được chỉ định là trợ lí của Gehlen. OG đã ra đời như vậy. Người Anh cũng tìm cách xây dựng một tổ chức như vậy. Nhưng họ không thành công. Người đứng đầu tổ chức này là Adolf Vikht cùng những người dưới quyền đã chuyển sang gia nhập OG đầu năm 1947.

  OG được thành lập với nhiều điều kiện, ví dụ như:

  1. Cục Tình báo Đức thực hiện hoạt động tình báo ở phương Đông... trên cơ sở mối quan tâm chung đối với vấn đề ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản...

  ... 4. Tổ chức được phía Mỹ cung cấp tài chính... Đổi lại tổ chức này sẽ cung cấp tất cả các kết quả hoạt động tình báo cho người Mỹ...
Ban đầu OG hoạt động ở Taunus, tháng 12 năm 1947, tổng hành dinh của nó chuyển về trang ấp của Rudolf Hess tại Pullache, cách Munchen không xa. Gehlen loại bỏ đối thủ của mình là German Baun vào tháng 12 năm 1951 với lí do vi phạm tài chính. Dần dần trang ấp của Hess không chứa nổi cơ quan đã khuếch trương lớn của Gehlen. Tổ chức tình báo cũ của Martin Borman ("gián điệp của người Nga" theo định nghĩa của Gehlen) được sáp nhập vào OG. Sau đó người ta đã xây hàng loạt công trình làm công sở và nơi ở cho nhân viên OG. Khu làng có tên gọi là "trại Thánh Nicolaus" vì bắt đầu có người dọn đến ở vào ngày 6 tháng 12 năm 1947, ngày Thánh Nicolaus. Nhận được lương thực thực phẩm là thứ khan hiếm thời đó, cũng như dollar bị cấm lưu hành giữa người Đức, nhiều nhân viên OG và vợ của họ bắt đầu hoạt động đầu cơ. Họ thông đồng với cảnh binh, khi có người mua hàng của một kẻ đầu cơ và trả bằng dollar. Cảnh binh sẽ bắt giữ kẻ đầu cơ và thu dollar rồi lại trả về cho người này (sau khi đã lấy phần của mình). Đám này đầu cơ cà phê ở chợ đen và buôn lậu. Năm 1953 xảy ra vụ án lớn nhưng tướng Gehlen cũng như tổ chức của ông ta không hề bị triệu ra tòa. Điều đó đã được trả giá bằng một khoản tiền lớn, nhưng OG bảo vệ được danh tiếng của mình. Đương nhiên nhân viên OG không chỉ hoạt động đầu cơ. Nhiệm vụ chính của tổ chức này là chống Liên Xô, chủ yếu phát triển hoạt động gián điệp quân sự chống quân đội chiếm đóng Liên Xô trên đất Đức, và hoạt động phản gián. Tổ chức cũng tiến hành hoạt động tình báo chính trị và sử dụng các gián điệp hai mang. Từ thời điểm thành lập của mình, OG luôn duy trì quan hệ chặt chẽ với Cục Tình báo Trung ương Mỹ, cung cấp chi tiết thông tin về Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa mà việc thu thập là khó khăn đối với người Mỹ. Từ năm 1950, Gehlen bắt đầu tuyển mộ vào tổ chức của mình những tên quốc xã vốn thuộc Cơ quan An ninh Đế chế trước đây. Trong những năm "chiến tranh lạnh" đó là những sự trợ giúp quan trọng. Ông ta còn thiết lập những mối tiếp xúc chặt chẽ với các tổ chức lưu vong chống Liên Xô như: "Liên minh Lao động Dân tộc", "Nghĩa quân Ucraina" và các tổ chức khác.

  Sau sự ra đời vào năm 1949 của nước Cộng hòa Dân chủ Đức (DDR), tổ chức của Gehlen lại càng trở nên quan trọng đối với người Mỹ. Theo nhiệm vụ của người Mỹ giao phó, Gehlen tuyển lựa gián điệp trong nhóm thân cận của thủ tướng DDR Otto Grotewohl, bộ trưởng giao thông DDR, bộ trưởng tương lai Bộ Nội vụ Ernest Vollveber và ở những điểm trọng yếu khác. OG lôi kéo chạy sang phương Tây một số nhân vật tầm cỡ: ví dụ như vào tháng 4 năm 1953 là Johann Krauss - một viên chức cấp cao trong của cơ quan Tình báo Đối ngoại DDR, còn vào tháng 9 năm 1955 là thứ trưởng Herman Castner. Ngày 11 tháng 7 năm 1955, OG đổi thành Cục Tình báo Liên bang (BND), Reinhard Gehlen trở thành giám đốc. Bây giờ nguồn tài chính cho Cục không còn do người Mỹ cấp mà từ ngân sách liên bang của Cộng hòa Liên bang Đức (LBĐ) và Cục trở thành cơ quan hoạt động gần như độc lập. Gehlen đặc biệt chú trọng củng cố ảnh hưởng của mình trong quân đội LBĐ. Không phải ngẫu nhiên mà những kẻ như con trai người đứng đầu Bộ tổng tham mưu cũ là trung tá Hains Gunter Guderian, cháu một tướng bảo hoàng là đại tá Ludendorf, cựu tướng quân đội Đức phát xít Adolf Hoyzinger, người về sau trở thành tổng thanh tra thứ nhất trong quân đội và nhiều kẻ khác đã tìm được nơi nương náu trong tổ chức của Gehlen. Bên cạnh đó Gehlen cũng chỉ đạo hoạt động phản gián trong nội bộ nước Đức, và càng làm tăng ảnh hưởng của bản thân, đặc biệt trong thời kì "săn phù thủy", và được quyền tự do tiếp cận thủ tướng thứ nhất chính phủ LBĐ Conrad Adenauer.

  OG, dù là với tên gọi nào, cũng có số lượng điệp viên khổng lồ. Chỉ riêng cơ quan tổng đại diện của nó ở Karlsrua đã có bốn mươi hai nguồn cung cấp tin tình báo hoạt động trực tiếp ở Đông Berlin và vùng cai quản của Liên Xô. Nó cũng có những nguồn tin, cơ sở chỉ điểm, các tùy viên và nhiều đơn vị tình báo ở các nước trung lập Áo và Thụy Sỹ, tại Pháp và Nam Tư. Ngoài ra điệp viên cũng được tuyển mộ trong các khu vực chính trị và kinh tế trong nội địa BRD, ở Tây Berlin, trong các bộ chức năng và cơ quan chính quyền, cơ quan cảnh sát và lính biên phòng, trong các đảng phái chính trị, các công đoàn, các tổ chức đại diện ngoại giao của chính phủ Bonn ở nước ngoài.

  Ảnh hưởng và ý nghĩa hoạt động tăng lên, Gehlen càng thể hiện thói cục bộ gia đình của mình. Tất cả những chức vụ lãnh đạo chủ chốt ông ta chỉ tin cậy giao cho các chiến hữu của mình, chủ yếu là cựu sĩ quan của Bộ tổng tham mưu và Cơ quan Tình báo Quân sự cũ của nước Đức phát xít. Những kẻ này lãnh đạo các đơn vị trong Cục, đôi khi có sự thay đổi vị trí lẫn nhau. Tính cục bộ càng biểu hiện rõ hơn sau sự thành lập Cục Tình báo Liên bang. Trong Cục, Gehlen tạo thành một bè cánh gia đình thực sự ảnh hưởng đến đường lối hoạt động của Cục. Các nhà văn Đức G. Gene và G. Solling nhận xét trong cuốn Nội bộ Pullach: "Vô số quan hệ chằng chịt gắn kết các thành viên của tổ chức với nhau. Gehlen với tư tưởng gia đình trị cố hữu của mình đã đưa vào bộ máy ở Pullach những quan hệ chéo. Ông ta đã tạo điều kiện cho cuộc hôn nhân của cô thư kí của mình với một trong các nhân viên cao cấp về sau trở thành người đứng đầu cơ quan mật vụ". Gehlen gả con gái Catharina của mình cho đại tá Durrvanger, chính là nhân vật có biệt danh "Ustus" và đặt con rể vào vị trí trưởng ban liên lạc của Cục Tình báo Liên bang tại Bonn, có nghĩa là chỉ định vào một vị trí có khả năng tìm kiếm được những mối quan hệ tiếp xúc ở mọi lĩnh vực hoạt động của bộ máy chính phủ. Trong biệt thự của Gehlen, bè cánh gia đình này thường xuyên tụ họp, gồm ba cô con gái, các chàng rể, bạn bè và cô thư kí của "Ustus" Durrvanger là Veronica, con gái người bạn thân Wolf của Gehlen. Người trở thành chồng Veronica là Lenkait cũng làm việc cho Cục Tình báo Liên bang. Ngoài Catharina, Gehlen còn có hai cô con gái nữa cũng lấy chồng là nhân viên Cục Tình báo Liên bang. Em trai Gehlen, có biệt hiệu "Don Juan" là điệp viên của Cục tại Rome. Ông này nổi bật với những kế hoạch kì quặc xâm nhập Vatican và những hành vi phù hợp với biệt hiệu bị gán cho đó. Anh vợ Gehlen là Fon Seidlips-Kursbach, đứng đầu ban Nhân sự của Cục và giữ riệt trong tay vị trí quan trọng nhất đối với "gia đình" đó. Một trong các anh em họ của Gehlen là Slemel, biệt danh là "Tiến sĩ" là bác sĩ chính thức của Cục. Hoạt động quan trọng nhất trong "cảnh điền viên gia đình" đó là trong thời gian họp mặt ở biệt thự của Gehlen họ cùng nhau vạch lí thuyết hoạt động tình báo, lập và phân chia nhiệm vụ.

  Ngoài thành viên gia đình mình, Gehlen cũng ưu ái cho gia đình các ông bạn cùng cánh và đồng nghiệp cũ. Con trai đám bạn bè đó được sắp xếp vào những vị trí ngồi mát ăn bát vàng. Họ đi học bằng tiền của Cục và đi làm việc nặc danh nên có thể che giấu được việc là thân thích của những nhân viên cao cấp trong Cục. Điệp viên Liên Xô Felfe, người làm việc cùng Gehlen, nhớ lại rằng có một người trong đám con cháu đó được điều đi làm nhiệm vụ rất quan trọng và bí mật. Nhưng trong chương trình truyền hình về Thế vận hội Olimpic tại Rome người ta lại thấy mặt anh ta được quay rõ ràng trên khán đài sân vận động, là nơi anh ta không thể nào được phép lộ diện.

  Từ năm 1960, bắt đầu giai đoạn xế chiều của thời đại Gehlen. Hoàn toàn bất ngờ với Gehlen và Cục của ông ta là việc xây dựng bức tường Berlin. Điều này không chỉ là đòn giáng mang tính chất tinh thần vào thanh danh của Cục mà còn làm mất đi điểm hoạt động liên lạc nối với các gián điệp đang hoạt động trên đất Cộng hòa Dân chủ Đức. Đòn giáng thứ hai là vụ bắt giữ và xét xử điệp viên Liên Xô Felfe, người nắm giữ chức vụ cao trong Cục. Ông này xuất thân từ Cục An ninh Đế chế và tổ chức SS, nhờ đó mà trở thành nhân viên của OG, và sau đó là Cục Tình báo Liên bang. Sự kiện bắt giữ ông đã gây làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trong xã hội Tây Đức về việc sử dụng trong các cơ quan đặc vụ những sĩ quan quốc xã cũ. Mà đặc biệt là chính tổ chức của Gehlen đã phạm sai lầm này.

  Cũng trong năm 1963 này thủ tướng Erhard lên thay ông Adenauer. Thủ tướng mới là người ít trọng thị Gehlen. Việc thủ tướng Kurt George Kisinger lên nắm quyền và sự kiện thành lập "Đại Liên minh" (Liên minh các đảng phái Tây Đức và Đảng Xã hội Dân chủ Đức), ở Tây Đức đã diễn ra những thay đổi - đường lối của chính phủ lúc này theo xu thế phát triển xã hội dân sự và hạn chế hoạt động phi pháp của Cục Tình báo Liên bang ở bên trong đất nước.

  Đến tuổi hưu (66 tuổi), tháng 5 năm 1968, Gehlen được miễn nhiệm. Năm 1972 viên tướng này cho xuất bản tập hồi kí nhan đề Công vụ, hồi ức 1942-1971.

  Năm 1979, tướng Gehlen mất ở tuổi 77.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 13 Tháng Bảy, 2008, 04:09:06 pm
50 - MORIS  BUKMASTER (sinh năm 1902)
Chiến dịch "Pháp hóa" các điệp viên "Ban nước Pháp" của tình báo Anh

(http://digilander.libero.it/p_truth/the_truth/maurice_buckmaster_faux_brian_epstein.jpg)

  Tháng 7 năm 1940, Cục Đặc vụ Anh ra đời. Trong bị vong lục trình lên Nội các quốc phòng, thủ tướng Churchill nói rằng Cục được thành lập "nhằm phối hợp các hoạt động phá hoại trên lãnh thổ đối phương", hoặc như về sau ông ta tuyên bố là để "thiêu hủy châu Âu". Đơn vị chủ lực của Cục là Ban phụ trách khu vực nước Pháp - cũng như các ban khác của Cục - nằm trên Bake Street là đường phố nổi tiếng có thời thám tử Sherlock Holmes lừng danh và bạn của ông là bác sĩ Watson "cư ngụ".

  Đại úy (ít lâu sau được thăng cấp trung tá) Moris Bukmaster lần đầu đặt chân lên Bake Street vào một ngày tháng 3 năm 1941, khi công tác của Ban nước Pháp đang rối tung. Ông đến thay chân đại tá Marriot vừa từ nhiệm.

  Moris Bukmaster lãnh đạo Ban nước Pháp - ban lớn nhất và quan trọng nhất trong Cục Đặc vụ - trong vòng bốn năm. Dưới sự chỉ huy của ông, đã có bốn trăm tám mươi người, cả đàn ông lẫn đàn bà được tung vào nước Pháp bằng đường nhảy dù, từ các máy bay nhỏ hiệu "Laizender", bằng tàu ngầm và tàu đánh cá nhỏ. Nhiều năm trôi qua, sau chiến tranh, có vài người buộc tội đại tá Bukmaster cố ý giao nộp một số điệp viên cho Gestapo để đánh lạc hướng chú ý của chúng khỏi những điệp vụ và điệp viên quan trọng khác. Thực ra không thể phủ nhận rằng Ban nước Pháp cũng như Cục Đặc vụ đã có một số sai lầm và tội lỗi. Nhưng cũng không nên quên rằng Bukmaster và các đồng sự của ông đã hết sức nỗ lực tiến hành một hoạt động cực kì khó khăn vượt quá sức người. Bản thân ông biết rõ từng điệp viên được tung vào nước Pháp, hết lòng lo lắng cho họ. Có thể với tính cách mềm yếu của mình ông không nên nắm giữ chức vụ buộc phải đưa người đến chỗ gần như chắc chắn phải chết. Mỗi điệp viên lên đường ông đều đích thân đưa tiễn, trước phút chia tay còn hỏi lại một lần xem người đó đã sẵn sàng bay vào hậu cứ của quân thù chưa, và nói trước việc từ chối sẽ không gây hậu quả xấu hoặc thậm chí chỉ là phản ứng khó chịu. Toàn bộ ba trăm bảy mươi lăm điệp viên còn sống sót (trong đó có hai mươi lăm người đã trải qua nhà tù và các trại tập trung của phát xít Đức) đều có tình cảm hết sức nồng ấm đối với ông.

  Bukmaster sinh năm 1902. Sau tốt nghiệp đại học tổng hợp Oxford, ông đã học tập và sinh sống tại Pháp, trở thành phóng viên báo Maten tại Paris, sau đó là nhân viên quản lí của hãng "Ford" tại Pháp và Anh. Năm 1938, ông được ghi danh vào lực lượng quân dự bị, còn khi chiến tranh xảy ra vào năm 1939 thì chính thức nhập ngũ. Kết thúc mấy khóa đào tạo tình báo, ông được phong hàm đại úy và mùa xuân năm 1940 được điều sang Pháp, tham gia chiến đấu bảo vệ hành lang Dunkirk, nơi từ đó quân Anh rút lui. Bản thân ông rời Dunkirk ngày 2 tháng 6 năm 1940 với một nhóm thương binh.

  Ngày 17 tháng 3 năm 1941, đại úy Moris Bukmaster xuất hiện trên Bake Street. Khi Bukmaster bắt đầu công việc ở Ban nước Pháp, biên chế dưới quyền ông có tám người. Trong vòng một năm con số đó tăng lên thành hai mươi tư. Các trợ thủ của ông không phải là "lũ chuột ở ban tham mưu", có người đã ở mặt trận, ở hậu cứ của quân Đức trên đất Pháp, và không chỉ một lần; có những người đã bị thương hoặc trốn thoát từ các nhà tù phát xít. Trong số các cộng sự của ông có nhân viên chính phụ trách việc tuyển mộ là đại úy Lewis Jelgood, trước và sau thời gian công tác tại Cục Đặc vụ đã làm việc trong tổ chức "Hồng thập tự", còn về sau này, trước năm 1955, là lãnh đạo nhân sự của UNESCO. Ông này đã tuyển mộ phần lớn những điệp viên xuất sắc cho Cục. Những nhân viên tuyển mộ tài năng khác có thể kể đến là đại úy Calvin Jackson, tác giả của nhiều cuốn sách bestseller trinh thám. Nicolas Bodington, cựu phóng viên của tờ Daily Express (Paris), là người nhiều lần xâm nhập nước Pháp khi cần giải quyết những vụ vỡ lở và khắc phục hậu quả. Thiếu tá Born-Paterson nhớ nằm lòng không chỉ bất kì một làng quê trên bản đồ nước Pháp, mà toàn bộ những địa điểm đã tung điệp viên và hàng hóa, tất cả những hầm trú ẩn và các căn nhà bí mật, là "cây tự điển" sống của Ban nước Pháp.

  Thiếu tá Jerer Morel là nhân vật huyền thoại trong ban tham mưu của Bukmaster. Mùa xuân năm 1940 ông là sĩ quan thông tin trong quân đội Pháp. Ông bị ốm nặng và rơi vào tay quân Đức ở Dunkirk. Được cứu thoát khỏi trại tù binh trong tình trạng mạng sống vô phương hi vọng. May mắn sống sót, ông sang Tây Ban Nha, từ đó xuyên Brazil đến Bồ Đào Nha, bắt liên lạc với tình báo Anh và gia nhập Cục Đặc vụ. Ngày 4 tháng 9 năm 1941, ông là người đầu tiên trong hàng ngũ sĩ quan tình báo được tung vào nước Pháp không qua đường nhảy dù (do tình trạng sức khỏe) mà từ chiếc phi cơ nhỏ "Laizender" (đó là cuộc đổ bộ đầu tiên của máy bay Anh xuống nước Pháp sau cuộc chiến ở Dunkirk). Morel đã nối lại liên lạc của nhóm tình báo với Ban tham mưu, nhưng do một vụ phản bội ông bị bắt sau đó sáu tuần. Vì tuyệt thực nên ông ốm nặng. Tại bệnh xá của nhà tù người ta mổ cho ông: với khoang bụng chưa liền sẹo ông trốn thoát và đến được Tây Ban Nha. Rơi vào tay quân biên phòng Tây Ban Nha, ông bị đưa vào trại tù binh. Ông lại trốn thoát và về được London với tình trạng sức khỏe lúc đó hết sức tồi tệ, chỉ ăn được bánh mì khô và uống sữa. Morel đã triển khai hàng trăm điệp vụ. Tháng 2 năm 1944, ông trở về Pháp với nhiệm vụ không mấy dễ chịu là bắt một điệp viên đang bị nghi ngờ. Morel đã hoàn thành công việc được giao và dẫn điệp viên nọ về London.

  "Thiên thần tốt bụng" là biệt danh dành cho nhà nữ tình báo của Ban nước Pháp Vera Atkins.

  Vì số lượng người Pháp để tung vào hậu cứ của quân Đức không đủ nên người ta buộc phải tạo ra "người Pháp" từ những người Anh và người Canada. Tạo ra một Jacques Dupon từ một John Smith là chuyện không dễ dàng, và toàn bộ hoạt động này do Vera Atkins trẻ tuổi, trí thức và tài năng chỉ đạo. Những người quen biết đều gọi bà là người phụ nữ "lạnh lùng, đặc biệt thông minh am hiểu, với óc phân tích sắc sảo", là "bộ não và trái tim" của Ban nước Pháp. Gần năm năm của cuộc đời mình bà cống hiến cho Ban nước Pháp. Vera Atkins thu lượm từng mẩu thông tin về cuộc sống trong nước Pháp chiếm đóng, nắm lượng kiến thức bách khoa về tất cả các vấn đề có thể liên quan đến cuộc sống của điệp viên được tung vào hậu cứ của kẻ thù như công việc, cách thức di chuyển, giờ giới nghiêm, tiêu chuẩn lương thực, thủ tục đăng kí ở cảnh sát... Giấy tờ giả được làm trong một phòng thí nghiệm đặc biệt của Cục Đặc Vụ, nhưng Vera biết bổ sung thêm những chi tiết hết sức quan trọng như những bức ảnh "gia đình", những tấm danh thiếp cũ, thư của bạn gái hay người yêu cũ... nói chung là bất kì những thứ lặt vặt có thể khẳng định nhân thân của một người. Bà khai thác tất cả những thứ đó từ các nguồn bí mật riêng, và ngoài ra còn có nhãn mác các nhà may của Pháp, vé tàu điện ngầm, diêm Pháp và những đồ phụ tùng lặt vặt khác... Bên cạnh đó, bà trực tiếp tham gia huấn luyện điệp viên ngay trước khi họ được tung vào hậu cứ của quân thù. Mỗi điệp viên đều có một sĩ quan chịu trách nhiệm về việc đào tạo và chỉ dẫn trong những ngày cuối cùng trước chuyến bay, nhưng các đợt huấn luyện đó đều nhất thiết phải có sự tham gia cố vấn của Vera. Điệp viên phải cư xử ra sao trong bữa ăn? Theo phong cách của người Anh hay người Pháp? Cách đặt dao và dĩa? Cách uống bia? Thường thường "giờ học" được tiến hành tại nhà hàng Pháp "Kokil" ở Soho, nơi bất kể đang là thời chiến vẫn duy trì được nhà bếp và các truyền thống Pháp. Buổi tối tiễn đưa diễn ra trong phòng làm việc bài trí theo lối Pháp của người đứng đầu Ban nước Pháp Moris Bukmaster. Tất thảy đều phải tập trung cho mục đích tạo bầu không khí thân thiện, tin cậy và hi vọng, tin tưởng vào thành công.

  Vera Atkins hiểu vai trò của nhân tố con người nên luôn khéo léo tìm cách để báo tin qua mạng liên lạc điện tín rộng lớn cho những điệp viên cụ thể về tình hình cuộc sống, sức khỏe của các thành viên trong gia đình họ, về cha mẹ già, về chuyện con cái được sinh ra, về chuyện một người anh của điệp viên đang trong quân ngũ vẫn sống mạnh khỏe và công tác tốt. Còn người thân của họ thì không hay biết gì về nơi ở của con trai hay chồng mình mà chỉ hiểu họ "đang đi làm nhiệm vụ".

  Bukmaster còn phải đương đầu gay gắt với ủy ban Dân tộc Giải phóng Pháp (gọi cách khác là "Nước Pháp Tự do"), do tướng De Gaulle đứng đầu. Ban nước Pháp và "Nước Pháp Tự do" là những đối thủ cạnh tranh không khoan nhượng không chỉ trong cuộc đấu tranh về "số lượng tuyển mộ", mà cả trong hàng loạt các vấn đề nguyên tắc khác. Về mặt lí thuyết, Bukmaster không phải sử dụng công dân Pháp. Tướng De Gaulle khăng khăng (và có được lời cam đoan của thủ tướng Churchill) rằng tất cả người Pháp đến nước Anh sẽ được thu hút hoạt động chỉ với tổ chức của ông. Trên thực tế lại có rất nhiều công dân Pháp, đặc biệt những người đến từ các thuộc địa trở thành điệp viên trong biên chế của Cục Đặc vụ.

  Vì sao De Gaulle lại phản đối điều này? Thứ nhất, ông ta sợ sau chiến tranh tất cả những điệp viên của Anh này sẽ ở lại nước Pháp và hoạt động cho người Anh. Thứ hai, ông ta không mong muốn để các điệp viên của Cục Đặc vụ tiến hành hoạt động phá hoại ngầm bởi vì điều đó có thể kích động những biện pháp trả đũa của quân Đức và khiến dân Pháp tức giận chống lại cả những người đang lãnh đạo cuộc chiến chống quân Đức, kể cả chống lại tổ chức "Nước Pháp Tự do". Ông ta cho rằng Ban nước Pháp chỉ được phép hoạt động tình báo. Trong cuộc đối thoại với thủ tướng Churchill, ông De Gaulle tuyên bố rằng những hoạt động của các điệp viên Anh trên nước Pháp "vi phạm chủ quyền của nó".

  Giữa Ban nước Pháp và tổ chức "Nước Pháp Tự do" luôn xảy ra mâu thuẫn về việc sử dụng hàng không, các vụ cung cấp vũ khí do điệp viên người Pháp khai thác được. Người Anh đối xử với người Pháp như với những người họ hàng nghèo khổ.

  Đã có thời kì Anh và Mỹ nói chung không muốn công nhận De Gaulle là người lãnh đạo phong trào giải phóng nước Pháp. Cục Đặc vụ không can dự vào những cuộc tranh cãi chính trị, nhưng với các ban đặc biệt của De Gaulle họ cũng không hợp tác. Về phần mình, De Gaulle cũng không công nhận Cục Đặc vụ, nhưng các đơn vị trong tổ chức của ông ta thì rất sẵn lòng hợp tác với tình báo Anh.

  Bất chấp các nỗ lực của Bukmaster, năm 1942 được đánh giá là không thành công đối với Ban nước Pháp. Mặc dù có một số lượng lớn điệp viên được tung ra nhưng đa phần trong số họ đã bị bắt. Liên lạc với những người còn lại thường xuyên bị đứt mạch trong hàng tuần lễ dài, các chuyến cung cấp vũ khí cho những nhóm Kháng chiến bị ngưng trệ. Tình trạng thiếu hụt chỉ đạo viên và vũ trang đã gây thất vọng cho những thành viên của phong trào Kháng chiến hoạt động dưới sự hỗ trợ của Cục Đặc vụ. Vì thiếu phương tiện giao thông, nên năm 1942 nước Pháp chỉ được cung cấp hai tấn thuốc nổ, hai trăm sáu mươi chín súng máy, ba trăm tám mươi tám súng lục, tám trăm năm mươi sáu trái bom cháy. Hoạt động trong những năm 1943-1945 diễn ra theo chiều hướng hoàn toàn khác. Số lượng nhóm và điệp viên riêng lẻ được tung đi tăng lên đáng kể mặc dù tổn thất vẫn rất lớn. Trong nửa đầu năm 1944, người Anh thả xuống nước Pháp bốn mươi lăm nghìn súng máy, mười bảy nghìn súng lục... Các điệp viên của Cục Đặc vụ hoạt động cả theo hình thức riêng lẻ lẫn kết hợp với các thành viên người Pháp của phong trào Kháng chiến. Sau khi mặt trận thứ hai được mở họ liên kết với quân Đồng minh.

  Theo tổng kết của Ban nước Pháp, trong thời kì chiến tranh đã có bốn trăm tám mươi điệp viên được tung vào Pháp. Trong số đó có một trăm ba mươi người rơi vào tay quân Đức, hai mươi sáu người sống sót và được giải thoát. Một số người hi sinh trong chiến đấu. Tại Pháp đã có từ bảy mươi đến tám mươi cơ sở tình báo của Cục Đặc Vụ, ba mươi nhóm và cơ sở sở tại hoạt động.

  Sau chiến tranh, tại Pháp và Đức có bốn mươi câu lạc bộ "Chiến hữu Bukmaster" được thành lập. Đó là nơi các cựu chiến binh Ban nước Pháp của Cục Đặc vụ gặp gỡ với nhau.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 13 Tháng Bảy, 2008, 04:12:58 pm
51 - ANNA VOLCOVA (1902 - 1970)
Lòng thù hận chủng tộc và cộng sản



  Đối với một quốc gia, hơn nữa lại là một quốc gia đang lâm vào thời điểm nguy kịch, thì còn có bí mật nào cần được giữ kín hơn là những lá thư tuyệt mật trao đổi giữa người lãnh đạo quốc gia đó với người lãnh đạo một quốc gia khác, vừa hùng mạnh lại vừa thân hữu?

  Anna Volcova, người phụ nữ quý tộc Nga đã xâm nhập được vào bí mật này, là một tấm gương hiếm hoi về sự tận tuỵ với ý tưởng - không phải ý tưởng nhà nước, ý tưởng chính trị hay ái quốc, mà là ý tưởng cá nhân, dựa trên lòng căm thù mang tính chất chủng tộc và dân tộc. Bà đã trở thành một điệp viên khác thường.

  Anna Volcova sinh năm 1902 ở Saint Petersburg, nơi mà gia đình bà chiếm một địa vị cao trong triều đình Nga hoàng. Một người bác của bà được đích thân Nga hoàng Alecxandr dạy dỗ, một người bác khác là tướng chỉ huy trung đoàn cận vệ của Nga hoàng. Ông Voncov bố bà là một thuỷ binh, phục vụ cho đến cấp phó thuỷ sư đô đốc và đã từng là tuỳ viên hải quân tại một loạt quốc gia châu Âu. Hai người con của ông - cô con gái Anna và người con trai Alecxandr - lớn lên trong môi trường ngoại giao nên cảm thấy hết sức thoải mái khi tiếp xúc với những nhân vật thuộc các quốc tịch khác nhau ở Paris, Berlin, Roma, Copenhaghen. Trong thời gian Thế chiến thứ nhất, khi làm tuỳ viên hải quân ở London, phó thuỷ sư đô đốc Voncov đã được vua George tặng cho danh hiệu quý tộc Anh. Năm 1917, khi cách mạng tháng mười lật đổ Nga hoàng, gia đình Voncov chạy ra nước ngoài. Ngôi nhà của họ ở Petersburg và lãnh địa của họ ở miền Nam nước Nga bị cướp phá, tất cả tài sản của họ bị tịch thu.

  Đô đốc cùng gia đình sang Anh cư trú và chẳng bao lâu, họ lâm vào tình trạng hết sức khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của những kiều dân Nga gặp may hơn, họ mở một tiệm cà phê nhỏ ở Kentsington. Khi bố mẹ Anna mất toàn bộ tài sản và chỉ còn sở hữu một tiệm cà phê nhỏ thì Anna mới mười bốn tuổi. Anna tỏ ra có năng khiếu ngôn ngữ, cô nói tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức cũng thông thạo như tiếng Nga. Cô còn học nhạc, tỏ ra là một họa sĩ có tài và những bức tranh thuốc nước của cô đã nhiều lần được trưng bầy tại các cuộc triển lãm nghiệp dư. Do đọc nhiều và am hiểu nghệ thuật, cô là vị khách mong đợi trong các gia đình thuộc tầng lớp cầm quyền ở Anh. Vào những lúc các kiều dân Nga lưu vong tụ họp lại tại "tiệm trà Nga" trên phố Harrington, nơi yêu thích của mọi Nga kiều sống ở London, các câu chuyện đương nhiên là xoay quanh tình hình ở Nga. Những kẻ tứ cố vô thân này mà giờ đây phải làm những nghề thấp kém như bán hàng, hầu bàn, gác đêm, công nhân, không thể cam chịu với ý nghĩ là tại Nga đã xẩy ra một cuộc cách mạng có ảnh hưởng lớn lao đến lịch sử nhân loại. Nhiều người trong số họ buộc tội Troski và những người Do Thái khác là đã gây ra cuộc cách mạng khiến họ phải lâm vào cuộc sống thiếu thốn.  Anna Volcova lớn lên trong bầu không khí đó.

  Từ hồi trẻ, bà đã nung nấu lòng căm thù bệnh hoạn đối với người Do Thái và chủ nghĩa cộng sản. Nhiều họ hàng và bạn bè của bà cũng chia sẻ những quan điểm của bà nhưng họ giữ kín trong lòng. Còn Anna thì dành cả cuộc đời cho một mục tiêu là đấu tranh với những người Do Thái và dân tộc Do Thái. Điều đáng chú ý là về tất cả các mặt khác thì bà là một phụ nữ bình thường, thậm chí còn khả ái nữa. Vậy mà bà đã mưu toan thực hiện những ý tưởng điên rồ của mình vào những ngày nguy kịch nhất đối với nước Anh trong cuộc chiến tranh với nước Đức phát xít.

  Bà là một điệp viên tinh tế, nhưng không phải là điệp viên của bất kỳ ai, không phục vụ cho bất kỳ ai, không nhận tiền của bất kỳ ai. Nhưng đồng thời, bà đã trở thành kẻ phản bội nước Anh là nước đã cho bà trú ngụ và đưa bà vào tầng lớp cầm quyền. Bà cũng đã trở thành công cụ chuyển giao cho bọn quốc xã Đức những tin tức chính xác về các lực lượng vũ trang Anh, về những kế hoạch chống trả cuộc xâm lược của Đức và về sự giúp đỡ của người Mỹ cho nước Anh trong những giờ phút ảm đạm trước và sau khi nước Pháp thua trận.

  Vào một buổi đêm tháng 6 năm 1940, thủ tướng Anh Winston Churchill buộc phải tạm ngừng phiên họp của nội các chiến tranh Anh quốc - tên gọi của chính phủ Anh trong những năm Thế chiến thứ hai. Ông vừa nhận được một tin khẩn cần phản ứng ngay lập tức. Ông bước ra khỏi phòng làm việc và đi sang phòng bên cạnh. Tại đây, cục trưởng Cục Tình báo đang chờ ông và lập tức bắt đầu báo cáo.

  - Cục phản gián MI-5 đã phát hiện ra một điệp viên quốc xã trong sứ quán Mỹ, y thông thạo loại mật mã mà đại sứ Josef Kentedy vẫn sử dụng trong thư từ trao đổi với tổng thống Mỹ Roosevelt và Bộ Ngoại giao Mỹ, - cục trưởng Cục Tình báo ngừng một chút rồi nói tiếp:

  - Ngoài ra, y còn biết hết về những bức thông điệp của ngài gửi cho tổng thống Roosevelt. Cùng với một phụ nữ đồng phạm, y có khả năng chuyển cho người Đức tất cả những bức điện mà ngài, cũng như bộ trưởng ngoại giao Halifax và cựu thủ tướng Chamberlin, đã và đang gửi đi thông qua sứ quán Mỹ. Có những tài liệu cho thấy những bức điện đó đã an toàn đến Berlin.

  Churchill yên lặng lắng nghe. Ông nhớ lại những bức thông điệp khẩn cầu gần đây nhất mà ông gửi cho tổng thống Roosevelt và giờ đây, chắc hẳn những kẻ nào đó ở Berlin đang vừa đọc vừa mỉm cười giễu cợt. 

  "Churchill gửi Roosevelt. Tôi yêu cầu ngài giúp đỡ. Tôi tha thiết yêu cầu ngài giúp tất cả những gì ngài có thể giúp được. Trước hết, chúng tôi cần từ bốn mươi đến năm mươi tàu phóng ngư lôi cũ. Thứ hai, chúng tôi cần vài trăm chiếc máy bay. Thứ ba, chúng tôi cần có đủ pháo phòng không và đạn dược cho sang năm... nếu chúng tôi còn sống sót để được thấy những thứ ấy..."

  Trong một bức thư khác, Churchill viết: "Tình hình ngày càng xấu đi... Sau thảm họa ở Pháp, chúng tôi chờ đợi bị tấn công từ trên không và cuộc đổ bộ đường không trong tương lai sắp tới, và chúng tôi đã sẵn sàng đương đầu... Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến tranh một mình và chúng tôi không sợ..."

  Vài phút sau cuộc trò chuyện nói trên giữa cục trưởng Cục Tình báo với thủ tướng Churchill, bộ trưởng ngoại giao Halifax gọi điện đánh thức đại sứ Mỹ Kentedy dậy và kể tóm tắt cho ông ta biết thực chất sự việc. Đại sứ Kentedy đồng ý thu lại quyền miễn trừ ngoại giao của một nhân viên sứ quán Mỹ. Sau đó vài phút, các sĩ quan phòng đặc nhiệm của cơ quan tình báo Anh đến một căn hộ trên phố Gloyster và bắt giữ một nhà ngoại giao Mỹ trẻ tuổi. Đó là Tailor Kent, xuất thân trong một gia đình quý tộc Mỹ ở bang New England, cùng bang với đại sứ Josef Kentedy, bố của tổng thống Mỹ tương lai John Kentedy. Hai ngày sau, việc bắt giữ Tailor được đích thân tổng thống Roosevelt phê chuẩn. Tailor chính là người tình của Anna Volcova. Quá trình thẩm vấn cho thấy anh ta là công cụ trong tay Volcova. Ít nhất là hơn một ngàn rưởi tài liệu tuyệt mật của sứ quán Mỹ đã được Tailor sao chép lại rồi chuyển cho Volcova. Ngoài ra còn một loạt những tài liệu khác gửi cho ngoại trưởng Mỹ Cordell Hell và đại sứ của tất cả các nước châu Âu. Nhiều tài liệu chứa đựng những đoạn trích quan trọng từ những mệnh lệnh và báo cáo tuyệt mật. Những tài liệu đó được gửi qua London bởi vì Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng chỉ sứ quán Mỹ ở London là có loại mật mã "bất khả xâm phạm". Rất có thể loại mật mã ấy là "bất khả xâm phạm" đối với các cơ quan giải mã của kẻ thù, nhưng không một loại mật mã nào giữ kín được đối với kẻ biết rõ và làm việc với mật mã đó. Tailor Kent chính là kẻ như vậy bởi vì anh ta là trưởng phòng mật mã của sứ quán Mỹ tại Anh. Điều này đã cho phép người Đức không những biết rõ mối quan hệ Mỹ - Anh mà còn tiết kiệm được tiền bạc chi vào việc tổ chức do thám người Mỹ tại các nước khác ở châu Âu. Vậy lý do gì đã đẩy Tailor Kent đi đến chỗ phản bội?

  Anh ta làm việc này không phải vì tiền bạc. Anh ta không nhận được của bất kỳ ai một xu nào và tại toà án anh ta khẳng định rằng thậm chí anh ta không biết là những tài liệu đó lại đến tay Hitler. Vào lúc bị bắt giữ, Tailor vừa tròn hai mươi tám tuổi. Bố anh ta đã từng phục vụ trong ngành ngoại giao Mỹ. Năm 1911, khi Tailor ra đời, bố anh ta là tổng lãnh sự Mỹ ở Trung Quốc. Tailor là đứa con duy nhất trong gia đình và bố mẹ anh ta làm tất cả mọi việc để anh ta có được bước khởi đầu tốt đẹp trong cuộc đời. Anh ta theo học những trường phổ thông và đại học danh giá nhất châu Âu và Mỹ, anh ta thông thạo vài thứ tiếng châu Âu, trong đó có tiếng Pháp và tiếng Đức, anh ta được đào tạo cẩn thận để hoạt động trong ngành ngoại giao và triển vọng của anh ta xem ra hết sức sáng sủa. Một chàng thanh niên dễ mến, một cầu thủ bóng bầu dục xuất sắc, một chàng trai dễ kết bạn và nổi tiếng là nhanh trí và thông minh. Tuy quả thật là anh ta rất hay bối rối ngượng ngùng khi gặp những phụ nữ đẹp. Tại London, Tailor gặp Anna Volcova. Những người biết Volcova đều khẳng định rằng không một nữ điệp viên hiện đại nào, kể cả Mata Hari lừng danh, lại thích hợp với định nghĩa "người phụ nữ định mệnh" như Volcova, chí ít thì cũng là đối với Tailor Kent. Khi họ lần đầu tiên gặp nhau ở London thì Tailor hai mươi bảy tuổi, còn Volcova ba mươi tám tuổi. Nhưng thật bất công nếu trút mọi tội lỗi về việc Tailor "sa ngã" lên đầu Volcova hoặc thậm chí coi ảnh hưởng của Volcova có ý nghĩa quyết định. Những nguyên nhân chính trị đã tác động một cách cơ bản đến cách xử sự của Tailor ngay từ trước khi anh ta được cử đến London.

  Chỉ ít lâu sau khi Tailor tròn hai mươi ba tuổi và tốt nghiệp xuất sắc đại học, anh ta được nhận vào làm trong ngành ngoại giao Mỹ và được cử đến công tác tại sứ quán Mỹ ở Moscva. Anh ta đặt chân đến Moscva vào tháng 2 năm 1934. Thời gian Tailor làm nhiệm vụ ở Moscva trùng với thời gian diễn ra những cuộc thanh trừng dữ dội của Stalin. Vốn xuất thân trong một gia đình quý tộc Mỹ và được giáo dục theo tinh thần chống cộng, Tailor không chỉ căm thù chủ nghĩa cộng sản mà khi rời khỏi Moscva, anh ta còn trở thành một phần tử bài Do Thái quyết liệt. Trước kia, cho đến năm mười tám tuổi, anh ta chưa hề gặp một người Do Thái nào. Trong xã hội mà anh ta là một thành viên, những người Do Thái cho dù có giàu chăng nữa, cũng chỉ là những kẻ xa lạ. Anh ta chưa bao giờ nhìn thấy họ trong các trường tư danh giá. Cả trong giới sinh viên trường đại học Prinston cũng có rất ít người Do Thái. Nhưng đa số họ là những người có tài và đầy tham vọng. Rất có thể việc anh ta ít khi tiếp xúc với họ đã khiến một thanh niên chưa trưởng thành như anh ta cảm thấy xa cách họ. Khi đến Moscva, Tailor có dịp gặp nhiều nhân vật chính thức của Bộ Ngoại giao Liên Xô. Và mặc dù vào quãng thời gian đó, nhiều người Do Thái đã bị gạt khỏi những cương vị cao cấp nhưng phần lớn những nhân viên bình thường mà Tailor tiếp xúc đều là người Do Thái. Nói chung, họ tỏ ra thờ ơ với những cuộc thanh trừng của Stalin, những cuộc thanh trừng mà Tailor cho là "tàn bạo" và cũng theo ý kiến anh ta, lẽ ra khiến họ phải công phẫn mới đúng, bởi vậy anh ta rút cuộc đi đến kết luận rằng tất cả người Do Thái đều tàn ác, phản trắc và vô đạo đức. Đó không chỉ là sai lầm bi thảm của anh ta mà còn là nguyên nhân dẫn đến sự sa ngã của anh ta.

  Khi Tailor đi sang Đức nghỉ phép ở Berlin và dãy Anpes vùng Bavari thì Hitler đã cầm quyền ở Đức được hai năm. Anh ta gặp gỡ nhiều đảng viên quốc xã, nhiều nhân viên Bộ Ngoại giao Đức và cảm thấy ngạc nhiên một cách dễ chịu trước phong thái có văn hoá và khả ái của người Đức. Người Đức mau chóng nhận thấy mối thiện cảm đó của Tailor đối với họ. Không phải ngẫu nhiên mà Tailor được đón nhận vào nhóm của giáo sư Hawsholfe, nhà tiên tri độc đáo của thuyết "địa chính trị chủng tộc Aryan". Thông qua ông ta, Tailor làm quen với một "triết gia" quốc xã là Afred Rodenberg và được giới thiệu với bộ trưởng tuyên truyền Herbben và được mời đến dự một buổi chiêu đãi xa hoa của Hering, một nhân vật đầy thế lực của nước Đức phát xít. Sau khi được đi thăm những "tủ kính" của nhà nước quốc xã, Tailor trở về với niềm tin chắc chắn rằng "triết thuyết Aryan" sẽ thống trị thế giới trong thiên kỷ mới. Dưới ảnh hưởng của bọn quốc xã, Tailor trở thành một phần tử bài Do Thái quyết liệt. Trong tâm trạng như vậy, anh ta được cử đến làm việc tại sứ quán Mỹ ở London ngay trước Thế chiến thứ hai. Lúc đó, anh ta đã mang hàm bí thư thứ ba và chờ đợi được đề bạt cao hơn nữa.

  Hồi ở Moscva, Tailor đã đảm nhiệm chức vụ trưởng phòng mật mã của sứ quán Mỹ và tỏ ra có năng lực đến nỗi Bộ Ngoại giao Mỹ khuyên đại sứ Kentedy bổ nhiệm anh ta vào chức vụ tương tự ở London. Trong những sứ quán quan trọng như sứ quán Mỹ ở London, chức vụ này thường trao cho một nhà ngoại giao có hàm cao hơn. Nhưng trình độ chuyên môn vững vàng của Tailor cũng như ấn tượng tốt đẹp mà anh ta gây ra được đối với đại sứ Kentedy cùng quá khứ không một vết nhơ của anh ta đã ảnh hưởng đến quyết định của đại sứ. Anh ta được trao phòng mật mã của sứ quán Mỹ ở London. Và như vậy, anh ta có điều kiện tiếp xúc với phần lớn những bí mật có tầm quan trọng sống còn của sứ quán Mỹ: những cuốn sổ chứa đựng loại mật mã "bất khả xâm phạm" mà chỉ riêng đại sứ mới có quyền sử dụng để trao đổi công văn thư từ với tổng thống và bộ trưởng ngoại giao Mỹ.

  Thủ tướng Anh Churchill có thói quen làm việc vào ban đêm. Đôi khi, các liên lạc viên có các sĩ quan vũ trang thuộc phân đội đặc nhiệm đi kèm, đem thư từ của Churchill đến sứ quán Mỹ vào lúc trời còn chưa sáng, và Tailor xung phong tự tay gửi tất cả những bức thư ấy cho tổng thống Mỹ và chờ trả lời, cho dù có phải thức trắng đêm chăng nữa. Anh ta làm việc đến kiệt sức. Đại sứ Kentedy lưu ý đến anh ta và tỏ ra quan ngại đến sức khoẻ của anh ta, khuyên anh ta nên giữ gìn sức khoẻ. Nhưng anh ta đáp:
- Tôi có nghĩa vụ làm tất cả những gì tôi có thể làm.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 13 Tháng Bảy, 2008, 04:14:43 pm
  Không ai có thể xác định được Tailor và Volcova đã gặp nhau ở đâu và khi nào. Rất có thể Tailor đã để mắt đến Volcova trong ngày hội của câu lạc bộ Đức - Anh có tên là "Ling". Một trong những người sáng lập ra câu lạc bộ này là huân trước Lodesday, bố vợ của Osvan Mosli, viên thủ lĩnh khá nổi tiếng của phong trào thân phát xít ở Anh. Cũng rất có thể là Anna Volcova, một phụ nữ cao, cân đối và hấp dẫn, đã đích thân tổ chức cuộc gặp gỡ này...

  Hồi đó, vào tháng 4 năm 1939, sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật và đang dần dần lành bệnh, Volcova đi nghỉ ở vùng Sudeten là vùng bị Hitler chiếm đóng sau hoà ước Munich năm 1938. Tại đây và ở Đức, bà gặp gỡ nhiều viên thủ lãnh quốc xã. Sau khi trở về Anh, bà đưa cho thành viên của "Câu lạc bộ hữu phái" một bản ghi nhớ để biện minh cho những hành động của chế độ phát xít.

  Đương nhiên là hoạt động của Volcova, đặc biệt là từ khi chiến tranh bùng nổ, không thể không bị để ý. Cơ quan phản gián Anh quyết định theo dõi bà và những bạn bè của bà và khi cơ quan này biết được những cuộc gặp gỡ của bà với nhân viên các sứ quán Đức và Italia thì việc theo dõi được tăng cường, và Volcova trở thành đối tượng của một cuộc điều tra nghiêm túc. Cơ quan phản gián Anh quyết định thu lượm tin tức từ những nguồn trực tiếp, tức là  từ "Câu lạc bộ hữu phái", nơi mà hiện giờ Volcova dùng phần lớn thời gian ở đây. Hai cô gái trẻ - "miss A" và "miss B" - được huy động vào công việc này. Là người lãnh đạo "Câu lạc bộ hữu phái", Volcova rất cần có cộng tác viên mới và bà dang cả hai tay đón nhận "miss A" khi cô đến xin việc thông qua sự giới thiệu của vài ba người mà Volcova biết rằng họ ủng hộ phong trào bài Do Thái; "miss A" được nhận vào làm thư ký đánh máy. Vài ngày sau thì cả "miss B" cũng xuất hiện. Volcova rất sung sướng vì hai cô chia sẻ những quan điểm chính trị của mình. Chỉ sau mấy tuần lễ, cả hai cô đã chiếm được lòng tin trọn vẹn của Volcova. "Miss B" được biết rằng Volcova hy vọng là trong ban lãnh đạo tương lai của nước Anh, bà sẽ nhận được chức vụ giám đốc bộ phận phụ trách việc tiêu diệt những người Do Thái ở Anh. Bà hứa với "miss B" là sẽ chọn cô làm trợ lý. Đó chính là thời gian Volcova thường xuyên gặp gỡ nhà ngoại giao Mỹ trẻ tuổi Tailor Kent. Anh ta thấy ở bà một người mẹ, một người tình và một người cha tinh thần. Tailor báo cho Volcova biết rằng anh ta biết rõ những thư từ trao đổi giữa Churchill và Roosevelt. Volcova giao cho Tailor những chỉ thị hết sức tỷ mỉ. Anh ta phải ở lại chỗ làm của mình sau khi tất cả các nhân viên khác ra về để sao chép mọi tài liệu đi và đến đã được mã hoá rồi chuyển chúng cho bà. Anh ta dần dần táo bạo lên và chẳng bao lâu sau đã bắt đầu đem đến cho Volcova từng tập tài liệu dầy, họ cùng nhau sao chép suốt đêm, đôi khi tạm ngừng để dành cho những trò chơi yêu đương. Công việc tiến triển hết sức thuận lợi mà tài liệu thì ngày càng nhiều nên chỉ ít lâu sau, Volcova phải thuê một thợ ảnh chuyên nghiệp để chụp micrô phim.

  Các thám tử của cơ quan tình báo Anh và các nhân viên phản gián Anh bám sát hoạt động của Volcova. Họ tiến hành bắt giữ và hỏi cung người thợ ảnh làm việc cho bà, người này vẫn cho rằng mình làm một công việc hoàn toàn hợp pháp khi chụp những tài liệu nào đó cho một quý bà thuộc sứ quán Mỹ. Các sĩ quan phản gián kinh hoàng nhìn tấm ảnh mà người thợ ảnh cho chiếu lên màn hình. Bên trên là dấu "Tuyệt mật". Bên dưới là dòng chữ "Cựu thuỷ binh Winston Churchill" - tên gọi mà thủ tướng Anh thường dùng để ký những thư từ riêng của ông gửi tổng thống Mỹ Roosevelt. Người thợ ảnh cùng những cuộn phim của anh ta được gửi đến cơ quan tình báo Anh. Vài phút sau, chánh thanh tra Canninh trao đổi qua điện thoại với trưởng phòng phản gián đại tá Hinli Cook...

  Không phải mọi thông tin mà "miss A" và "miss B" cung cấp về sau đều được đem ra trình toà. Nhưng nhiều thứ tìm thấy trong văn phòng của Volcova đã được đưa ra trước toà làm vật chứng. Người ta xác định được rằng Volcova đã sử dụng những chiếc cặp ngoại giao của sứ quán Italia và những cuộc tiếp xúc với các nhà ngoại giao Rumani để gửi những tài liệu sao chụp được đến Berlin. Volcova cũng duy trì mối quan hệ với William Joys tức "huân trước Haw-Haw" nổi tiếng là kẻ đã thực hiện những cuộc tuyên truyền hướng tới đất Anh qua đài phát thanh Đức. Bà còn gửi đến Joys và các ông chủ thuộc bộ tuyên truyền của Herbben những đề xuất nhằm cải tiến những buổi phát thanh tuyên truyền này. Đồng thời bà thông báo cho chúng biết tần số và mã số cần sử dụng để liên lạc. Chỉ như thế thôi cũng đã đủ để kết án bà tù dài hạn. Nhưng vai trò của bà với tư cách một kẻ chỉ đạo việc đánh cắp những tài liệu tuyệt mật của sứ quán Mỹ đã khiến bà có nguy cơ phải chịu hình phạt nặng nề hơn nhiều, kể cả án tử hình.

  Sau khi chiến tranh kết thúc, đại sứ Kentedy đã bình luận toàn bộ vụ việc này như sau: "Tailor Kent phụ trách công việc sử dụng loại mã "bất khả xâm phạm". Do sự phản bội của anh ta mà toàn bộ thông tin ngoại giao về chính sách đối ngoại của Mỹ đã bị huỷ hoại vào thời điểm nguy kịch nhất trong lịch sử - vào thời điểm diễn ra trận Dunkirt và nước Pháp sụp đổ. Sự cố ngoại giao liên quan đến sứ quán Mỹ và các phái đoàn ngoại giao của Mỹ trên khắp thế giới kéo dài từ hai đến sáu tuần, cho tới khi liên lạc viên từ Washington đem đến bộ mã mới. Đó là một trọng tội ghê gớm. Tailor Kent luôn luôn có bên mình bộ mã "bất khả xâm phạm". Và điều này đã gây ra mối tai hại khôn lường. Trong những tháng chiến tranh đầu tiên, ngài Churchill có tôi làm trung gian đã trao đổi toàn bộ sự thật với tổng thống Roosevelt, bỏ qua mọi ước lệ ngoại giao. Ngài Churchill và những thành viên khác trong nội các Anh đã giới thiệu cho tôi biết một bức tranh đầy đủ: những số liệu chính xác về số lượng các lực lượng trên bộ, trên không và trên biển, cách bố trí các đơn vị quân đội Anh và những kế hoạch cơ bản phòng thủ nước Anh... Những tin tức đó hết tuần này sang tuần khác đến tay tổng thống Roosevelt. Và chúng ta có thể tin rằng những tin tức đó cũng hết tuần này sang tuần khác đã đến Berlin thông qua Tailor Kent và Volcova..."

  Anna Volcova tự bào chữa trước toà hết sức khôn khéo nhưng vẫn bị buộc tội về tất cả các điểm của cáo trạng. Về tội danh tiếp tay cho kẻ thù, bà chịu mức án mười năm tù. Về những tội danh khác, kể cả tội trao đổi thư từ với William Joys ("huân tước Haw - Haw"), bà chịu mức án năm năm tù. Mức án cao nhất là mười năm tù. Vào tháng 6 năm 1946, bà được phóng thích và qua đời vào năm 1970.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 14 Tháng Bảy, 2008, 07:47:52 pm
52 - WILLIAM  FISHER-RUDOLF  ABEL (1903-1971)
Những hoạt động sống sau tên một người chết

(http://www.timmonet.co.uk/assets/images/Rudolf_Abel_Arrest.jpg)

  Là một nhà cách mạng chuyên nghiệp, không hiểu duyên số thế nào mà Henrik Fisher vốn là người Đức mà lại trở thành cư dân thành phố Saratov. Anh lấy cô gái Nga Lyuba. Vì hoạt động cách mạng anh bị trục xuất. Sang Đức thì không thể được, bên đó anh đã có án, gia đình nhỏ này đành sinh sống ở Anh, ở những nơi Shakespear đã sống. Ngày 11 tháng 7 năm 1903, Lyuba sinh hạ một cậu con trai, để kỷ niệm kịch tác gia vĩ đại họ đặt tên là William.

  Henrik Fisher tiếp tục hoạt động cách mạng, đứng về phía những người bolsevich, đã gặp gỡ Lenin và Krzizanovxki. Năm 16 tuổi William vào đại học, nhưng không được học lâu: năm 1920 gia đình Henrik Fisher trở về Nga và nhập quốc tịch Xô Viết. Năm 17 tuổi William bắt đầu yêu mến nước Nga và trở thành một nhà ái quốc nồng nàn. Anh không được tham gia Nội chiến, nhưng tự giác gia nhập Hồng quân. Anh học nghề điện báo viên và sau này rất phù hợp với anh.

  Một người thanh niên thông thạo tiếng Nga và tiếng Anh, đồng thời biết tiếng Đức và tiếng Pháp, hơn nữa lại có nghề vô tuyến và có lý lịch trong sạch thì không thể không bị cơ quan mật vụ để mắt đến. Năm 1927 anh được đưa vào cơ quan an ninh quốc gia do Artuzov lãnh đạo. Có một thời gian William Fisher làm việc ở cơ quan trung ương. Nhưng theo một số tư liệu, thời gian này anh hay đi công tác bí mật sang Ba Lan. Tuy nhiên cảnh sát không cho kéo dài thời hạn cư trú, nên anh chỉ ở bên đó ít ngày. Năm 1931, anh đi công tác dài ngày hơn, cũng có thể gọi là "bán hợp pháp", bởi vì anh đã mang họ tên của mình. Tháng 2 năm 1931 anh đến Tổng lãnh sự Anh ở Moscva yêu cầu xin cấp hộ chiếu Anh. Nguyên nhân anh là người gốc Anh, anh sang Nga là theo ý của bố mẹ, bây giờ anh đã cãi lộn với họ và có nguyện vọng đưa vợ và con gái về nước. Họ đã cấp hộ chiếu và cặp vợ chồng William Fisher ra nước ngoài, có giả thuyết cho rằng là sang Trung Quốc, tại đó William mở một xưởng radio. Chuyến công tác kết thúc vào tháng 2 năm 1935. Nhưng đến tháng 6 năm đó gia đình này lại có mặt ở nước ngoài. Lần này William sử dụng chuyên môn thứ hai - nghề họa sĩ tự do. Có thể là anh cũng có vẽ một cái gì đó mà không được lòng cơ quan mật vụ địa phương, cũng có thể vì một lý do khác mà đợt công tác kéo dài 11 tháng.

  Tháng 5 năm 1936, William Fisher trở về Moscva và tham gia đào tạo những cán bộ bất hợp pháp. Một trong những cô học trò của anh là Kitti Harris, làm liên lạc cho nhiều điệp viên Liên Xô xuất sắc, trong đó có Vaxili Zarubin và Donald Maclean.

  Còn "Abel R.I. là ai?"

  Đây là những dòng trong lý lịch tự thuật:

  "Tôi sinh ngày 23.09.1900 ở Riga. Bố tôi là thợ ống khói (ở Latvia nghề này được coi trọng, gặp một người thợ ống khói ngoài phố là điềm may mắn), mẹ tôi là nội trợ. Tôi sống với bố mẹ đến năm 14 tuổi, học hết lớp 4 trường tiểu học... tôi làm nghề bán báo. Đến năm 1915 tôi chuyển về Petrograd".

  Chẳng bao lâu sau cách mạng nổ ra, cũng như hàng trăm trẻ em khác, chàng thanh niên Latvia đứng về phía chính quyền Xô Viết. Là thợ đốt lò, Rudolf Ivanovich Abel chiến đấu ở vùng Volga và ở Kam, tham gia chiến dịch trong vùng địch hậu của quân Bạch vệ trên tàu ngư lôi "Retivy". Sau đó là những cuộc chiến đấu ở Sarisưn, là lớp đào tạo điện tín viên ở Kronshtadt và hoạt động điện tín viên ở quần đảo xa xôi Komandor và đảo Bering. Từ tháng 7 năm 1926 làm quản lý lãnh sự quán Thượng Hải, sau đó làm điện tín viên của đại sứ quán Xô Viết ở Bắc Kinh. Từ 1927 là cán bộ Phòng ngoại vụ Cục Chính trị quốc gia. Hai năm sau, "năm 1929, được điều sang công tác bí mật ngoài biên phòng. Làm việc này đến hết mùa thu năm 1936". Trong lý lịch của Abel không có những chi tiết về đợt công tác này. Nhưng đáng chú ý là thời gian trở về - 1936, tức là gần như đồng thời với W. Fisher. Có phải đó là sự trùng hợp đầu tiên trong hoạt động của hai người, hay là hai người đã quen nhau và chơi với nhau từ trước? Có lẽ điều thứ hai đúng hơn. Trong bất kỳ trường hợp nào thì từ thời gian đó, theo tài liệu dẫn ra ở trên, họ đã làm việc với nhau. Việc họ không rời xa nhau đã được viết rõ trong các hồi ký của các cộng sự. Khi hai người vào nhà ăn, những người cộng sự này thường nói: "Kìa, anh em nhà Abel đã đến". Họ còn chơi với nhau bằng cả gia đình nữa. Con gái của V.G. Fisher là Evelin viết rằng chú Rudolf thường đến nhà luôn, lúc nào cũng bình thản, yêu đời, hay chơi với trẻ... Abel không có con. Vợ anh, Alecxandra Antonovna, là con nhà quý tộc, điều đó rõ ràng đã làm cản bước đường công danh của anh. Tệ hơn nữa, anh ruột anh là Voldemar Abel, trưởng ban chính trị ngành tàu biển, năm 1937 lại là "thành viên âm mưu phản cách mạng dân tộc chủ nghĩa Latvia và vì tội gián điệp phá hoại tay sai cho Đức ở Latvia mà bị xử tội nặng". Khi anh trai bị bắt thì tháng 3 năm 1938, R.I. Abel cũng bị thải hồi khỏi các cơ quan nội vụ. Abel đi làm xạ thủ cảnh vệ, tháng 12 năm 1941 được quay về Bộ Nội vụ. Trong lý lịch của anh có ghi rằng từ tháng 8 năm 1942 đến hết tháng 1 năm 1943 anh ở trong đội tác chiến bảo vệ vùng núi Kavkaz xung yếu. Trong lý lịch còn ghi: "Trong thời kỳ chiến tranh Vệ quốc nhiều lần đi thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt... về đào tạo và đưa điệp viên của chúng ta vào hậu phương địch". Khi chiến tranh kết thúc được nhận huân chương Cờ Đỏ và hai huân chương Sao Đỏ. Năm 46 tuổi rời khỏi các cơ quan an ninh quốc gia với quân hàm thượng tá.

  Tình bạn của nhóm "Abel" vẫn được tiếp tục. Rudolf biết về chuyến công tác của William sang Mỹ. Họ gặp nhau khi William đi nghỉ. Nhưng về việc thất bại của Fisher và về việc anh giả danh Abel thì Rudolf không hề biết gì cả. Rudolf Ivanovich Abel chết đột tử năm 1955 mà không hề biết rằng tên tuổi của anh đã đi vào lịch sử tình báo.

  Số phận trước chiến tranh cũng không mỉm cười với William Hendrikhovich Fisher. Ngày 31 tháng 12 năm 1938, anh bị sa thải khỏi Bộ Nội vụ. Nguyên nhân không rõ. May là chưa bị tù và bị xử bắn. Hai năm rưỡi trời anh sống cuộc đời "dân sự", đến tháng 9 năm 1941 mới được quay về đội ngũ. Trong những năm 41-46, Fisher làm ở cơ quan tình báo trung ương. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là suốt ngày anh ngồi bàn giấy. Anh còn làm nhiệm vụ đào tạo và tung điệp viên vào hậu phương địch. Ngày 7 tháng 11 năm 1941, với tư cách là thủ trưởng đơn vị liên lạc, Fisher cùng với anh em điệp viên làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cuộc duyệt binh trên Hồng trường. Người ta biết chắc rằng năm 44-45 anh đã tham gia vào trò chơi điện đài "Berezino" và đã lãnh đạo nhóm nhân viên điện đài Xô Viết và Đức. Năm 1946, Fisher được đưa vào đội dự bị đặc biệt và được chuẩn bị đi công tác dài ngày ở nước ngoài

  Fisher được đào tạo toàn diện cho hoạt động bí mật, anh rất sành về thiết bị điện tử, có chuyên môn là kỹ sư điện, am hiểu hoá học và vật lý hạt nhân. Về hội họa anh đạt trình độ chuyên nghiệp, mặc dù không học ở đâu cả.

 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 14 Tháng Bảy, 2008, 07:48:08 pm
  Đầu năm 1948, ở Bruclin thuộc New York xuất hiện một họa sĩ và nhiếp ảnh gia tự do là Emil R. Goldfus, đó chính là William Fisher, cũng chính là Mark. Xưởng của anh ở số 252 phố Fulton. Đây là thời kỳ khó khăn đối với ngành tình báo Xô Viết. Tại Mỹ chủ nghĩa Makkarti, chủ nghĩa bài Xô Viết, nạn "săn đuổi phù thuỷ" và nghề điệp viên đang hoành hành. Các nhà tình báo hoạt động "hợp pháp" trong các cơ quan Xô Viết đều bị thường xuyên theo dõi, bất kỳ lúc nào cũng có thể bị khiêu khích. Quan hệ với tình báo cũng rất khó khăn. Thế nhưng họ vẫn cung cấp được những tin tức quan trọng về việc chế tạo vũ khí nguyên tử. Việc tiếp xúc với các điệp viên trực tiếp làm việc trong các công trình nguyên tử bí mật là Persey và những người khác được duy trì thông qua Louise (Koen) và thông qua nhóm "Tình nguyện viên" do anh lãnh đạo. Họ nằm trong dây liên lạc của Klod (Yu.S. Sokolov), nhưng tình hình lúc này là anh không thể nào liên hệ với họ được nữa. Chỉ thị từ Moscva nói rằng Mark phải nắm quyền lãnh đạo nhóm "Tình nguyện viên".

  Ngày 12 tháng 12 năm 1948 lần đầu tiên Mark gặp Lesli và thường xuyên làm việc với cô, qua cô nhận những thông tin quan trọng về chất plutonium để làm vũ khí và các dự án nguyên tử khác. Đồng thời, Mark cũng có quan hệ với cộng tác viên tình báo Mỹ "Gerbert". Từ chỗ anh qua Lesli mà có được dự án luật của Schuman về việc thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia và tổ chức trực thuộc của nó là CIA. Gerbert đã trao cho họ bản Điều khoản chung về CIA trong đó thống kê các nhiệm vụ được trao cho tổ chức này. Kèm theo đó có cả dự  thảo Chỉ thị của tổng thống về việc giao cho Văn phòng điều tra liên bang thuộc Cơ quan Tình báo Quân sự trách nhiệm bảo vệ việc sản xuất các vũ khí bí mật - bom nguyên tử, máy bay phản lực, tàu ngầm, v.v... Qua những văn bản ấy người ta thấy rõ rằng mục đích cải tạo lại các cơ quan mật vụ của Mỹ là nhằm tăng cường hoạt động phá hoại chống Liên Xô và tích cực khai thác các công dân Xô Viết. Các "tình nguyện viên" rất lo lắng và sốt ruột trước tình hình gia tăng nạn "săn đuổi phù thuỷ" nên cố gắng thường xuyên liên hệ với người lãnh đạo mình là Louis, gây nguy hiểm cho cả mình, cả anh và cả Mark. Trong trường hợp đó cần quyết định cắt đứt quan hệ của Louis và Lesli với anh ta và đưa họ ra nước ngoài. Tháng 9 năm 1950 vợ chồng Koen rời Mỹ. Biện pháp này giúp cho William Fisher trụ lại ở Mỹ 7 năm liền.

  Sự nghiệp tình báo của Fisher kết thúc khi nhân viên liên lạc và điện đài Reyno Heyhannen tố cáo anh. Khi biết rằng Reyno nghiện ngập và trác táng, ban lãnh đạo tình báo quyết định triệu hồi anh ta về nước, nhưng đã không kịp. Anh ta nợ nần nhiều quá và trở thành kẻ phản bội.

  Đêm 24 rạng ngày 25 tháng 6 năm 1957, Fisher dưới cái tên Martin Kollins nghỉ đêm trong khách sạn New York "Latam", tại đó anh có buổi liên lạc điện đài. Gần sáng có 3 người mặc thường phục vào phòng. Một tên nói: "Thưa đại tá! Chúng tôi biết ngài là đại tá và những gì ngài đang làm trên đất nước chúng tôi. Chúng tôi là nhân viên Văn phòng điều tra liên bang. Trong tay chúng tôi có thông tin chính xác rằng ngài là ai và đang làm gì. Tốt nhất là ngài hợp tác với chúng tôi. Nếu không ngài sẽ bị bắt". Fisher thẳng thừng cự tuyệt hợp tác. Lúc đó các nhân viên Cục Nhập cư vào phòng và bắt anh vì visa nhập cảnh giả mạo vào đất Mỹ. Fisher đã kịp vào toalet huỷ bộ mật mã và bức điện mới nhận đêm qua. Nhưng bọn chúng đã tìm được những văn bản khác và các vật dụng làm bằng cho công tác tình báo. Anh cùng các tang vật được đưa ngay về bang Tezcat, vào trại nhập cư.

  Fisher đoán ngay ra rằng kẻ phản anh là Heyhannen, nhưng hắn lại không biết tên thật của anh. Anh quyết định xưng tên người bạn quá cố Abel và cho rằng nếu ở nhà biết tin Abel bị bắt thì biết ngay là ai. Anh sợ rằng bọn Mỹ sẽ chơi trò chơi điện đài. Khi nhận cái tên mà Trung Tâm đã biết anh muốn thông báo rằng anh đang bị tù... Anh tuyên bố với bọn Mỹ: "Tôi sẽ khai hết với điều kiện là tôi được viết thư về cho Đại sứ quán Xô Viết". Họ đồng ý, và quả thật bức thư đã đến được Phòng lãnh sự. Nhưng ông lãnh sự lại không hiểu chuyện gì. Ông ghim bức thư lại để "điều tra", và trả lời cho người Mỹ rằng không có công dân nào như vậy. Nhưng ông cũng không có ý định thông báo cho Trung Tâm biết. Vì thế chúng ta chỉ biết về việc Mark bị bắt qua báo chí mà thôi.

  Chính vì người Mỹ cho phép viết thư, nên Abel buộc phải cung khai. Anh tuyên bố: "Tôi, Rudolf Ivanovich Abel, công dân Liên Xô, tình cờ sau chiến tranh nhặt được trong một nhà kho cũ một số lớn dollar Mỹ, tôi liền đi sang Đan Mạch. Tại đó tôi mua hộ chiếu giả, năm 1948 tôi qua Canada rồi qua Mỹ". Cách nói ấy không thuyết phục được bọn Mỹ. Ngày 7 tháng 8 năm 1957, Abel bị buộc vào 3 tội: 1) âm mưu chuyển về Liên Xô những thông tin về nguyên tử và về quân sự (dự kiến tử hình); 2) mưu đồ thu thập những thông tin trên (10 năm tù); 3) sống không đăng ký trên đất Mỹ với tư cách điệp viên cho nước ngoài (5 năm tù). Ngày 14 tháng 10 tại toà án liên bang quân khu phía Đông New York bắt đầu bản án số 54094 "Nước Mỹ chống lại Rudolf Ivanovich Abel".

  Về hành vi của Abel trên toà, nhà báo Mỹ I. Esten trong cuốn "Cơ quan mật vụ Mỹ làm việc thế nào" đã viết: "Trong vòng ba tuần người ta định chiêu mộ lại Abel, khi hứa hẹn với anh đủ mọi nguồn lợi cuộc sống... Khi việc đó không thành, người ta bắt đầu đe dọa bằng ghế điện... Nhưng điều đó cũng không làm con người Nga đó xiêu lòng. Toà án hỏi anh có thấy mình lầm lỗi không, anh không do dự trả lời: "Không!" Abel từ chối mọi lời cung khai". Cần nói thêm rằng người ta hứa hẹn và dọa nạt không những trong thời gian phiên toà mà là trước đó và sau đó. Nhưng kết quả vẫn như vậy. Luật sư của Abel, ông James Britt Donovan, một người hiểu biết và có lương tâm, đã làm nhiều việc để bảo vệ anh, cũng như là để trao đổi. Ngày 24 tháng 10 năm 1957 ông đã đọc lời bào chữa hùng hồn, có ảnh hưởng nhiều mặt đến quyết định của "các ông lớn, bà lớn hội thẩm".

  Nhưng các hội thẩm viên vẫn phán quyết Abel có tội. Theo luật Mỹ bản án được dành cho quan toà. Giữa phán quyết của các hội thẩm viên với việc kết tội đôi khi có một thời gian dài.

  Ngày 15 tháng 11 năm 1957, Donovan gặp quan toà yêu cầu không kết án tử hình, bởi vì ngoài các nguyên nhân khác, "hoàn toàn có thể là trong một tương lai gần nước Nga Xô Viết hoặc một nước liên bang cũng có thể chộp được một người Mỹ cùng đẳng cấp, trong trường hợp đó việc trao đổi tù binh theo các kênh ngoại giao có thể được công nhận là phù hợp với quyền lợi quốc gia của nước Mỹ". Cả Donovan, cả quan toà - người kết án Abel 30 năm tù - đều là những người có tầm nhìn xa. Khó khăn lớn nhất đối với anh trong nhà tù là không được trao đổi thư từ với gia đình. Việc này mãi mới được chấp thuận (với điều kiện kiểm duyệt ngặt nghèo) sau khi Abel được gặp giám đốc Cục Tình báo trung ương Allen Dulles. Ông này, khi chia tay với Abel và nói chuyện với luật sư Donovan, đã nói một câu mơ mộng:"Tôi mong sao chúng ta có được ba, bốn người ở Moscva như Abel".

  Bắt đầu cuộc đấu tranh giải phóng Abel. Tại Drezden các cộng sự tình báo tìm được một người phụ nữ hình như là bà con với Abel. Mark đã viết thư gửi từ nhà tù ra theo địa chỉ của bà, nhưng bỗng nhiên, không nói lý do, người Mỹ không cho anh trao đổi thư từ nữa. Lúc này "ông anh họ của R.I. Abel", một chàng Yu. Drivs nào đó, một viên chức nhỏ sống ở Cộng hoà dân chủ Đức phải nhập cuộc. Đóng vai trò của anh ta là một nhân viên tình báo nước ngoài Yu. I. Drozdov, người lãnh đạo tương lai của tình báo bất hợp pháp. Công việc kéo dài mấy năm vất vả. Drivs đã trao đổi thư từ với ông Donovan thông qua một luật sư ở Đông Berlin, mọi người trong gia đình Abel cũng viết thư từ. Người Mỹ rất thận trọng, họ kiểm tra địa chỉ của "ông anh họ" và của luật sư.

  Mọi việc được thúc đẩy nhanh hơn sau ngày 1 tháng 5 năm 1960, khi ở vùng Sverlovsk bắn hạ được chiếc máy bay do thám U-2 và bắt được tên phi công Frensis Harri Pauers. Liên Xô cáo buộc Mỹ là có hành động gián điệp, tổng thống Eisenhower đã trả lời bằng cách nhắc nhở người Nga nhớ đến vụ Abel. Tờ "Thời báo New York" là tờ báo đầu tiên trong bài xã luận của mình đã đề nghị đánh đổi hai người. Như vậy là tên tuổi Abel lại một lần nữa là tâm điểm chú ý. Tổng thống Mỹ chịu sức ép của cả gia đình Pauers và của cả dư luận xã hội. Các luật sư hoạt động sôi nổi. Kết quả là hai bên đi đến thoả thuận.

  Ngày 10 tháng 2 năm 1962, có mấy chiếc xe đi từ hai phía Đông và Tây Berlin tiến tới chân cầu Alt Glinica. Abel xuống xe của Mỹ, còn Pauers xuống xe Liên Xô. Họ đi về phía nhau, trong một giây họ dừng lại nhìn nhau rồi rảo bước đi về phía xe nước mình. Những người chứng kiến nhớ lại rằng khi Pauers được trao cho người Mỹ anh được mặc chiếc áo bành tô đẹp, đội mũ lông tuần lộc, thân hình cường tráng, khoẻ mạnh, còn Abel thì mặc bộ quần áo mũ tù màu xanh xám, và theo lời Donovan, "trông gầy còm, mệt mỏi và già xọm đi". Một giờ sau tại Berlin Abel gặp vợ con, sáng hôm sau cả gia đình hạnh phúc bay về Moscva.

  Những năm cuối đời William Hendrikhovich Fisher, cũng là Rudolf Ivanovich Abel, và là Mark, làm việc trong ngành tình báo nước ngoài. Anh đã sang cộng hòa dân chủ Đức, Rumani, Hungari, thường nói chuyện với các cán bộ trẻ, tham gia đào tạo kèm cặp. Năm 1971, anh qua đời ở tuổi 68.

  Về việc mai táng, con gái anh là Evelina kể lại cho nhà báo N. Dolgopolov: "Đây là việc phức tạp khi phải quyết định là mai táng ở đâu. Nếu ở nghĩa trang Novodevichye thì phải mang tên Abel. Mẹ tôi phản đối: "Không!". Tôi cũng lên tiếng như vậy. Và chúng tôi đòi phải chôn cất bố tôi với chính tên của ông ở nghĩa trang Donskoe... Tôi nghĩ rằng tôi mãi mãi có thể tự hào với cái tên William Hendrikhovich Fisher".


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 15 Tháng Bảy, 2008, 07:47:27 pm
53 - LEOPOLD TREPPER (1904  -  1982)
"Sếp lớn"  của  "Dàn đồng ca đỏ"

(http://img525.imageshack.us/img525/7753/99335937ei7.jpg)

  Ông thường được gọi là "sếp lớn" của "Dàn đồng ca đỏ". Nhưng bản thân "Dàn đồng ca đỏ" là gì? Không hề có một mạng lưới điệp viên Xô Viết nào có tên gọi như vậy mà chỉ có những nhóm điệp viên hoạt động độc lập của Cục An ninh Quốc gia và Bộ Nội vụ Liên Xô bị cơ quan phản gián Đức khám phá ra. Còn "Dàn đồng ca đỏ" lúc đầu là tên gọi của một nhóm do thám Đức thuộc lực lượng xung kích phát xít SS, nhóm này chuyên lùng bắt điện đài của các lực lượng chống phát xít tại các lãnh thổ ở Tây Âu bị phát xít chiếm đóng. Mãi đến sau chiến tranh, những sách báo nói về cuộc đấu tranh chống phát xít mới bắt đầu dùng tên "Dàn đồng ca đỏ" đặt cho những nhóm chống phát xít có quan hệ với cơ quan tình báo Xô Viết.

  Leopold Trepper sinh ngày 23 tháng 2 năm 1904 ở thành phố Niva Tac tại vùng Galixia, trong gia đình một người Do Thái làm nghề chào hàng. Năm 14 tuổi, Leopold gia nhập tổ chức thanh niên Do Thái "Hasome Hasai" là tổ chức hợp tác với Đảng Cộng sản Ba Lan. Vào tháng 4 năm 1924, Leopold di cư sang Palestine và tại đây, ông tích cực tham gia cuộc đấu tranh chống quân xâm lược Anh. Ông bị bắt rồi bí mật chạy sang Pháp và tham gia hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp. Vì có nguy cơ bị bắt ở Pháp nên ông được cử sang Moscva theo học trường Đại học cộng sản của các dân tộc thiểu số Tây Âu. Năm 1936, theo chỉ thị của cục trưởng Cục Tình báo Liên Xô Berdin, ông sang Pháp để điều tra một vụ thất bại. Sau khi xác định được thủ phạm gây ra vụ thất bại đó là Robert Gordon, ông quay trở lại Moscva. Năm 1937, ông trở thành nhân viên của Cơ quan Tình báo Quân sự Xô Viết và được trao nhiệm vụ tổ chức ở Bỉ một hệ thống liên lạc bí mật để hoạt động trong thời chiến. Người phó của ông là Grosfoghen do chính ông tuyển mộ, người phụ trách bộ phận thông hành là Raiman cũng do chính ông lấy vào làm. Năm 1938, Leopold Trepper mở một công ty ở Brussel mà giám đốc là Julem Jaspar, em trai của cựu thủ tướng Bỉ, đồng thời ông thành lập một mạng lưới chi nhánh của công ty này có bố trí những căn phòng bí mật tại các nước vùng Scandinavi. Vào tháng 4 năm 1939, hai điệp viên có hạng của Trung Tâm là Gurevich ("Kent") và Macarov ("Hemnit") được cử đến hỗ trợ cho Leopold.

  Nhiệm vụ chủ yếu của nhóm điệp viên Leopold là khai thác tài liệu và tổ chức liên lạc, bởi vậy, nhóm này không hoạt động tình báo trực tiếp.

  Năm 1938, Raiman bị bắt lần thứ nhất và đến năm 1939 bị bắt lần thứ hai vì là kẻ cư trú bất hợp pháp ở Bỉ. Thật sơ suất là sau khi Raiman được trả lại tự do, Leopold lại dùng Raiman để liên lạc với các thành viên khác của nhóm. Vì vậy, Raiman quen biết Gurevich, Macarov, Idơbuski, Grosfoghen. Sai lầm này về sau sẽ phải trả giá đắt.

  Tháng 5 năm 1940, Bỉ bị phát xít Đức chiếm đóng. Cảm thấy nguy cơ bị bắt, Leopold bỏ vợ con đến trú ẩn tại nhà người tình của mình là Jora de Vinte. Vợ con ông được Gurevich gửi sang Liên Xô.

  Ngày 16 tháng 8 năm 1940, sau khi chuyển được sang Paris ba trăm ngàn phrăng thuộc công ty, Leopold nhờ xe của sứ quán Xô Viết và sử dụng giấy tờ mang tên Ginbe chạy sang Paris. Sau đó ít lâu, Grosfoghen cũng sang Paris.

  Như Gurevich về sau chỉ rõ, sai lầm của Leopold là ở chỗ đã dựa vào phân bộ Do Thái của Đảng Cộng sản Bỉ để tuyển mộ nhân viên. Điều đó đã dẫn đến thất bại, nhất là trong hoàn cảnh phát xít Đức chiếm đóng.

  Gurevich ở lại Brussel và gánh trách nhiệm lãnh đạo nhóm. Ngoài ra, ông còn tổ chức được một công ty mới là công ty "Simesco" có chi nhánh ở Paris, Marseille và nhiều thành phố châu Âu khác. Về thực chất, Gurevich đã thành lập được một mạng lưới điệp viên mới, tổ chức được những căn phòng bí mật và nhờ địa vị của mình, khai thác được những tin tức hết sức quan trọng. Những "người cấp tin vô tình" của ông là những sĩ quan hậu cần Đức chuyên đặt mua hàng qua công ty "Simesco". Gurevich cũng thường đi sang Thuỵ Sĩ để liên lạc với nhóm điệp viên "Dora".
 
  Cũng trong thời gian đó, còn một nhóm điệp viên nữa hoạt động ở Bỉ, đó là nhóm "Pascan" do đại uý Cục Tình báo Liên Xô là Efremov đứng đầu.

  Sau khi chiến tranh bùng nổ, ngoài việc liên lạc với rất nhiều nhóm điệp viên, Gurevich còn được trao nhiệm vụ đến Berlin tiếp xúc với một số nhóm hoạt động tại đây như nhóm "Anta". Gurevich tận tâm thực hiện những nhiệm vụ này và chuyển về Moscva không chỉ những tin tức của mình mà còn tin tức của các nhóm khác như nhóm "Anta", nhóm "Starsina", nhóm "Corsicanes". Điện đài của Gurevich hoạt động không ngừng vào các ngày 21, 23, 25, 26, 27 và 28 tháng 11 năm 1941 là những ngày phát xít Đức tiến đến cửa ngõ Moscva. Tình hình tương tự cũng diễn ra cả vào tháng 12 năm 1941. Tin tức được Trung Tâm đánh giá cao. Nhưng cơ quan phản gián và phòng săn lùng điện đài của Đức không lơi là cảnh giác. Một đội săn lùng điện đài mật được thành lập dưới sự chỉ huy của hai viên tướng phát xít là Pansiger và Hering. Trong khi ấy, Trung Tâm yêu cầu các điện đài phải hoạt động liên tục, điều này đã làm dễ dàng cho phát xít Đức trong việc săn lùng và tiêu diệt các điện đài.

  Và điều không tránh khỏi đã xẩy ra. Vào tháng 12 năm 1941, đội săn lùng điện đài tổ chức một cuộc vây ráp các địa chỉ mà chúng xác định được. Một vài nhân viên điện đài, nhân viên giải mã và người chủ căn hộ có chứa một trong những đài phát, bị bắt giữ. Về sau, cả Macarov cũng bị bắt. Trepper rơi vào ổ mai phục nhưng thoát thân được nhờ xuất trình giấy chứng minh của "Tổ chức Tốt" là một tổ chức của Đức. Ông lập tức cảnh báo về việc nhóm Gurevich có thể bị thất bại. Toàn bộ mạng lưới rút vào bí mật. Trepper, Gurevich cùng vợ là Barsa lẩn trốn ở Paris và Marseille.

  Trong tay Gestapo có những bức điện mật mã chuyển qua máy phát đặt ở Brussel. Việc giải mã những bức điện này đã gây tổn thất nặng nề cho các nhóm hoạt động ở Berlin như nhóm "Starsina", nhóm "Anta", nhóm "Corsicanes". Thực tế là từ thời gian ấy, không còn một nhóm điệp viên Xô Viết nào ở Berlin nữa. Còn về phần các điệp viên hoạt động ở Bỉ thì số phận của họ cũng không tốt đẹp hơn. Raiman bị bắt cùng nhiều người khác, và ngay trong buổi thẩm vấn đầu tiên, y đã đồng ý hợp tác với người Đức. Kết quả việc phản bội của y là những điệp viên chịu trách nhiệm liên lạc với Hà Lan cũng bị bắt, tất cả là mười bảy người. Một nhân viên điện đài đầu hàng và ngay từ ngày 22 tháng 9 năm 1942, điện đài của y đã bắt đầu gửi tin về Moscva dưới sự giám sát của Gestapo. Tuy nhiên, những điệp viên không bị bắt đã kịp báo tin cho Trung Tâm và Trung Tâm bắt đầu "trò chơi điện đài" với người Đức. Một vài nhân viên điện đài và điệp viên khác bị Gestapo buộc phải hợp tác với chúng. Họ đã lồng vào các bức điện những dấu hiệu quy ước ngụ ý họ đang làm việc dưới sự giám sát của Gestapo, nhưng không phải dấu hiệu quy ước nào cũng được hiểu đúng.

  Sau khi bị tra tấn dã man, đa số các điệp viên của "Dàn đồng ca đỏ" ở Bỉ bị hành quyết. Nhưng điều đáng sợ nhất là nhiều người bị gán cho vết nhơ phản bội, chẳng hạn như Efremov và Macarov. Trong chuyện này có phần trách nhiệm lớn của Trepper. Trong các hồi ký của mình sau chiến tranh và trong cuốn sách "Trò chơi lớn", Trepper đã vu oan cho Gurevich, Efremov, Macarov và một số người khác.

  Ngay từ tháng 8 năm 1940, Trepper đã sinh sống ở Paris. Ông ta bắt tay vào việc tổ chức hoạt động của một nhóm điệp viên mới, có một vỏ bọc chắc chắn là công ty thương mại "Simesco". Công ty này về sau trở thành một trong những công ty chuyên cung cấp hàng cho "Tổ chức Tốt" ở Pháp là tổ chức thực hiện mọi công việc xây dựng và gia cố theo đơn đặt hàng của nước Đức phát xít. Nhờ vậy, Trepper có khả năng xin được giấy phép vào Bỉ, Hà Lan và những vùng bị chiếm đóng ở Pháp, và dĩ nhiên, ông có điều kiện thu thập những tin tức về các vấn đề kinh tế quân sự. Là một nhà tuyển mộ tài năng, Trepper đã xây dựng được một mạng lưới điệp viên gồm nhiều nguồn tin quý giá. Ông còn được phép liên lạc với những điệp viên được tuyển mộ bởi một điệp viên nằm vùng hợp pháp của Cục Tình báo Xô Viết là tướng Susloparov, tuỳ viên quân sự của Liên Xô bên cạnh chính phủ Visi. Vì vậy, Trepper bắt đầu chuyển qua tướng Susloparov cho Trung Tâm nhiều tài liệu về số lượng và cách phân bố các đơn vị quân đội phát xít ở Pháp. Vào giữa tháng 5 năm 1941, Trepper chuyển cho Trung Tâm một tin tức đặc biệt quan trọng về việc quân Đức đã chuyển qua Thuỵ Điển và Na Uy tới Phần Lan gần năm trăm ngàn lính, còn toàn bộ ban lãnh đạo cao nhất của "Tổ chức Tốt" đã chuyển đến Ba Lan. Ông cũng thông báo về việc quân Đức di chuyển từ Pháp về phía biên giới Liên Xô và nêu dự kiến ngày quân Đức có thể tấn công Liên Xô sẽ trong khoảng từ 20 đến 25 tháng 5 năm 1941. Còn thông báo về ngày tháng chính xác chiến tranh bùng nổ được Trepper chuyển qua tướng Susloparov vào ngày 21 tháng 6 năm 1941. Sau khi Susloparov về nước, Trepper và mạng lưới điệp viên của ông không còn liên lạc được với Moscva nữa.

  Tháng 6 năm 1941, Cục Tình báo Xô Viết đi một nước cờ miễn cưỡng là giao cho một nhân viên điện đài của Efremov là Venxen nhiệm vụ thiết lập mối tiếp xúc với Gurevich và giúp đỡ cả Gurevich lẫn Trepper. Tất cả những sự việc ấy rút cuộc đã dẫn đến thảm họa. Do Trepper quá tự tin và đánh giá quá cao khả năng của mình, cả ba điệp viên ấy đã liên kết với nhau và tổ chức ra một mạng lưới lỏng lẻo, một hệ thống sơ hở, lộ liễu mà trong đó, Trepper mưu toan đóng vai "sếp lớn" .

  Mặc dù cơ quan phản gián Đức thu được thành công ở Bỉ và Hà Lan nhưng nhiệm vụ chủ yếu của chúng vẫn là lùng bắt Trepper và Gurevich. Vào khoảng tháng 11 năm 1942, phản gián Đức đã có đủ điều kiện tiêu diệt mạng lưới điệp viên nằm vùng của Trepper ở Pháp. Chúng đã giải mã được phần lớn những thư từ trao đổi giữa Trung Tâm và Gurevich. Trong quá trình hỏi cung những điệp viên bị bắt giữ, chúng đã thu được những tin tức cần thiết về mạng lưới điệp viên ở Pháp. Đến tháng 11 năm 1942, tại Paris và Marseille, chúng bắt được Gurevich, Barsa và toàn bộ nhân viên của công ty  "Simesco".

  Để tránh bị Gestapo săn lùng, Trepper tìm cách dàn dựng "vở kịch" về việc Jan Jinbert (tên giả của ông) qua đời. Nhưng "vở kịch" đó không thành. Ngày 24 tháng 11 năm 1942, Trepper bị bắt giữ tại một phòng chữa răng ở Paris. Cho đến tháng 1 năm 1943, tất cả các trợ tá và nhân viên mạng lưới bí mật của ông đều bị bắt. Số người bị bắt ở Pháp, Bỉ và Hà Lan lên tới con số hơn một trăm, trong đó bảy mươi người làm việc cho cơ quan tình báo Xô Viết.

  Bộ chỉ huy Đức quyết định thông qua hệ thống đài phát của Venxen, Gurevich và Trepper để chơi "trò chơi điện đài" với các cơ quan an ninh Xô Viết. Sáu trong số tám đài phát bị chúng tịch thu nay được sử dụng vào "trò chơi" này. Nhằm cứu vãn không những chính bản thân mình mà còn có thể có ích cho công việc, Trepper và Gurevich buộc phải giả vờ hợp tác với bọn Đức. Vào tháng 6 năm 1943, qua một liên lạc viên của mình trong Đảng Cộng sản Pháp, Trepper đã thông báo được cho Trung Tâm về việc các đài phát của các nhóm điệp viên ở Pháp, Bỉ và Hà Lan đang hoạt động dưới sự giám sát của Gestapo. Điện đài bí mật của Quốc tế Cộng sản đã chuyển tin này về Moscva ngày mồng 7 tháng 7 năm 1943. Nhưng thật ra, những tin tức về các vụ bắt bớ cũng như việc các đài phát hoạt động dưới sự giám sát của tình báo Đức đã được chuyển từ đi trước đó rồi. Chẳng hạn, ngày 15 tháng 7 năm 1942, Efremov đã báo tin về vụ bắt giữ nhân viên điện đài của ông là Venxen, tiếp đó, ngày 25 tháng 9 năm 1942, Robinson báo tin về việc Efremov và Venxen bị bắt giữ. Bản thân Trepper thì ngay từ ngày 1 tháng 11 năm 1942 đã báo tin về việc nhóm điệp viên của Efremov bị bắt giữ, rồi đến ngày 20 tháng 11 năm 1942 thì xác nhận vụ bắt giữ Venxen ngày 29 tháng 6 và vụ bắt giữ Efremov ngày mồng 7 tháng 8. Từ tháng 6 năm 1943, Trung Tâm bắt đầu tiến hành "trò chơi điện đài" trên quy mô lớn với tình báo Đức.

  Ngày 13 tháng 9 năm 1943, Trepper lợi dụng cơ hội thuận lợi chạy trốn khỏi đội bảo vệ phát xít. Bọn Đức tiến hành săn lùng ông. Nhưng ông lẩn trốn tại nhà bạn bè của mình ở Paris cho đến khi Paris được giải phóng vào tháng 8 năm 1944. Ngày 18 tháng 11 năm 1943, Venxen cũng trốn thoát sau khi dùng ghế đập vào đầu tên lính gác. Ông lẩn trốn ở Brussel cho đến ngày nước Bỉ được giải phóng.
Gurevich bị giam giữ cho đến khi kết thúc chiến tranh. Nhưng ông đã lập được một chiến công chưa từng có trong lịch sử tình báo là tuyển mộ được một nhân viên phản gián Đức tên là Pannvis. Ngay trước khi quân đội Đồng minh tiến sát đến Paris, Gurevich, Pannvis, nhân viên điện đài và người nữ thư ký của ông đã chạy trốn được vào dãy Anpes, mang theo nhiều tài liệu lưu trữ của đội săn lùng "Dàn đồng ca đỏ".

  Sau khi chiến tranh chấm dứt, Trepper cùng các điệp viên Xô Viết khác trở về Moscva. Không thể nói rằng tại Moscva, ông được đón tiếp như người anh hùng. Ông buộc phải chịu trách nhiệm không chỉ về những sai lầm thực sự của bản thân ông mà còn về những thất bại xảy ra do lỗi của Trung Tâm. Ông bị đàn áp và 9 năm sau, tức là năm 1954 mới được phóng thích. Từ năm 1957, ông sống ở Ba Lan rồi đến năm 1973, ông từ Ba Lan di cư sang Israel. Ông qua đời tại Israel vào năm 1982.

  Cuộc sống sau chiến tranh của Gurevich cũng rất khó khăn. Mặc dù đưa được về Moscva những "chiến lợi phẩm" quý giá như nhân viên tình báo Đức Pannvis và tập tài liệu lưu trữ của "Dàn đồng ca đỏ", nhưng ông vẫn bị quy trách nhiệm về vụ thất bại của "Dàn đồng ca đỏ" ở Berlin và nhiều lỗi lầm khác. Ông phải ngồi tù một thời gian dài trước khi được trả tự do, nhưng mãi gần đây ông mới được phục hồi danh dự.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 16 Tháng Bảy, 2008, 05:51:14 pm
54 - ARNOLD DEITCH - STEPHAN LANG (1904 - 1942)
Người tạo dựng  "bộ ngũ Cambridge"


  Tên tuổi ông được giữ kín một thời gian dài, hồ sơ lưu trữ của ông bị bao phủ bởi một lớp bụi cho đến năm 1991. Công lao to lớn của Stephan Lang (tên mà bạn bè thường gọi cũng như tên ông thường ký dưới các bức thư) là chính ông đã tạo dựng ra nhóm "bộ ngũ điệp viên nổi tiếng" hoạt động nhiều năm trong các vị trí quan trọng ở nước Anh. Họ đã bước vào nghề tình báo dưới sự dẫn dắt của ông.
Deitch sinh ra trong một gia đình tiểu thương, cha làm thầy giáo làng ở Slovakia. Ông tham gia cách mạng từ năm 1920. Năm 1932, ông tới Moscva theo con đường Quốc tế Cộng sản. Vài năm sau ông bắt đầu hoạt động cho cơ quan tình báo Liên Xô dưới cái tên Stephan Lang. Ông có kinh nghiệm hoạt động bí mật, biết vài ngoại ngữ vì vậy không mất nhiều thời gian để trở thành điệp viên. Tháng 10 năm 1933, ông nhận nhiệm vụ tới London hoạt động. Cùng hoạt động với ông có ba người từ Áo tới. Đó là "John" người Anh, thực hiện nhiệm vụ Deitch giao, cụ thể là giúp điệp viên thứ hai "Strela" gây dựng ở London. Cô tốt nghiệp khoá học chụp ảnh, là nhà nhiếp ảnh giỏi, căn hộ của cô được sử dụng để chụp và rửa các tài liệu tình báo. Người thứ ba là "Edit" (Edit Tudor Hart), lấy chồng là bác sĩ người Anh, sau đó nhập quốc tịch Anh, có mối quan hệ với giới thượng lưu Anh. Nhiệm vụ của cô là tìm hiểu những thanh niên có triển vọng và những người làm việc tại các cơ quan tình báo Liên Xô quan tâm. Chính cô là người đã giới thiệu Philby với Deitch.

  Năm 1934, Stephan nhập học tại trường Đại học London, ông nghiên cứu tâm lý học. Đó là cơ hội để ông làm quen với giới học sinh, sinh viên. Ông chú ý tới các sinh viên có khả năng và triển vọng giúp ông trong công tác tình báo. Ông thường tìm kiếm những người xuất thân từ tầng lớp thượng lưu, nhưng thực tế ở trường Đại học London không có những người như vậy. Stephan tìm hiểu kỹ lưỡng hệ thống tuyển chọn các chuyên gia và quan chức vào các cơ quan quan trọng của nhà nước. Ông hiểu rằng ứng cử viên vào các chức vụ đó là sinh viên của các trường Đại học Cambridge và Oxford. Và ông chú ý nhiều tới hướng đó. Trong lúc đó tư tưởng XHCN ở Liên Xô được nhiều người khá giả trong xã hội Anh, đặc biệt là tầng lớp thanh niên ủng hộ. Nước Nga Xô Viết là nước duy nhất phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa phát xít Đức. Vì vậy ở các trường như Cambridge và Oxford có những người sẵn sàng đấu tranh vì tư tưởng chủ nghĩa xã hội (CNXH). Nhưng cần phải phát hiện ra họ, đánh giá được khả năng hoạt động của họ, hướng dẫn các quy tắc hoạt động bí mật cũng như chiến thuật ứng xử.

  Để mang lại kết quả cần có sự thận trọng và lý lẽ sắc bén. Stephan không phải là điệp viên "đao búa" hoặc thích dùng tiền, ông không có kế hoạch đe dọa hay mua chuộc để lôi kéo mọi người. Chỉ có tư tưởng, đó là điều có thể làm được mọi thứ.
Trong thời gian hoạt động tại London, Deitch Stephan đã gây dựng được hơn hai mươi cơ sở cung cấp thông tin. Những điệp viên do Deitch đào tạo mà hiện nay chúng ta biết, đều là sinh viên của trường Đại học Cambridge. Nhưng trong số những người do ông tuyển mộ cũng có những người là sinh viên của Oxford và họ tỏ ra không kém tài năng và trung thành. Khác với các sinh viên của Cambridge, không ai trong số họ bị phát hiện. Nhà nghiên cứu người Anh Kostelo đã viết: "Những chú chuột Oxford" của Stalin hẳn đã đào được đường hầm tới chính phủ Anh như các đồng nghiệp ở Cambridge, nhưng phần đông họ đã mang theo các hoạt động bí mật của mình cho Moscva xuống mộ. Có thể thấy họ đã giành được địa vị cao và nắm giữ nhiều bí mật quốc gia như thế nào."

  Nhưng chính "bộ ngũ Cambridge" là Kim Philby, Donald Maclean, Guy Burgess, Anthony Blunt và John Caincross đã đem lại vinh quang cho Arnold Deitch.

  Nhân vật thứ hai trong "bộ ngũ" là Donald Maclean. Ông sinh ngày 25 tháng 5 năm 1913 tại London, là con trai của nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, đồng thời là một nghị sĩ. Khi trở thành sinh viên trường Đại học Cambridge, Donald lập tức bị lôi cuốn vào các cuộc tranh luận chính trị, gia nhập hiệp hội XHCN của sinh viên. Ông mơ ước tới nước Nga để làm nghề kéo lái máy kéo bình dị hoặc làm nghề giáo viên. Cũng như Philby và các thành viên khác của "bộ ngũ", ông đã từ bỏ những quan điểm cánh tả sau khi được Philby giác ngộ vào tháng 8 năm 1934 theo yêu cầu của Deitch. Sau khi tốt nghiệp đại học, Donald Maclean làm việc tại Bộ Ngoại giao Anh. Từ đó tới lúc ông thôi không làm tại đại sứ quán Anh và rời nước Pháp vào năm 1940 ông đã cung cấp cho cơ quan phản gián Liên Xô một số lượng tài liệu lên đến bốn nhăm tập, mỗi tập hơn ba trăm trang. Công việc của ông vào những năm sau đó cũng không kém phần sôi động cho tới ngày có nguy cơ bị lộ và phải chuyển tới Moscva năm 1951 (lúc đó ông là trưởng phòng phụ trách quan hệ với Mỹ của Bộ Ngoại giao Anh). Chính ông là người đã thông báo vào tháng 9 năm 1941 rằng chính phủ Anh đã ra chỉ thị triển khai dự án "luyện ống" - dự án chế tạo bom nguyên tử. Những ngày cuối đời Maclean sống tại Moscva. Có thể nói bên cạnh công việc tình báo ông còn là một nhà khoa học có tiếng tăm, một tiến sĩ khoa học.

  Nhân vật thứ ba trong "bộ ngũ" là Guy Francis de Moncy Burgess, sinh năm 1911 trong một gia đình sĩ quan hàng hải. Sau khi tốt nghiệp Đại học Cambridge ông làm việc cho BBC và tuân theo nhiệm vụ do Deitch giao và đã lọt được vào cơ quan an ninh. Năm 1938, ông là nhân viên vụ chiến lược tình báo Anh. Ông là điệp viên xuất sắc đã gây dựng được nhiều cơ sở cho cơ quan phản gián Liên Xô. Năm 1944, ông là trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, năm 1950 được cử sang Mỹ làm cán bộ ngoại giao. Những tài liệu của ông về chiến thuật quân sự của Anh và về hoạt động gián điệp của Anh và Mỹ có giá trị đặc biệt quan trọng. Năm 1951 ông sang Liên Xô cư trú vì có nguy cơ bị lộ. Ông mất tại Moscva năm 1963.

  Nếu như tên tuổi của Philby, Maclean, Burgess được biết đến đã hơn ba mươi năm thì tên tuổi của hai thành viên còn lại mới được biết đến trong những năm gần đây.

  John Caincross sinh năm 1913 tại Scotland trong một gia đình buôn bán nhỏ. Nhờ giỏi giang và thông minh ông đã đỗ vào Đại học Cambridge. Sau khi tốt nghiệp đại học ông được nhận vào Bộ Ngoại giao và từ năm 1940 là thư ký riêng của nghị sĩ Henki, người có quan hệ trực tiếp với cơ quan tình báo Anh. Caincross đã cung cấp nhiều thông tin liên quan tới việc quân Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô. Tháng 9 năm 1941 ông gửi cho Nga báo cáo của Churchill về việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Từ năm 1942, Caincross làm việc ở đơn vị thu sóng và giải mã. Ông đã chụp cho Liên Xô những tài liệu tối mật mà chỉ có ba bản dành cho Churchill, bộ trưởng Bộ Quốc phòng và cục trưởng SIS, và cả những tài liệu có liên quan tới nước Đức và mặt trận Xô-Đức. Caincross đã chuyển những thông tin quan trọng về việc Đức chuẩn bị tấn công vành đai Kursk mà London đã lờ đi không thông báo cho đồng minh của mình. Như vậy Caincross đã cứu mạng sống cho hàng chục nghìn lính Xô Viết. Sau đó ông làm việc tại SIS về vấn đề tình báo ở Liên Xô và các nước Balcan. Nhờ ông mà Liên Xô đã có một danh sách các điệp viên của Đức và Anh. Vì sức khoẻ yếu nên ông đã phải thôi công việc tình báo và ngừng mọi liên lạc. Ông mất năm 1995 ở tuổi 82.

  Và cuối cùng, thành viên thứ năm của "bộ ngũ" là Anthony Blunt, nhà nghiên cứu nghệ thuật nổi tiếng. Ông sinh tháng 9 năm 1907 trong một gia đình linh mục. Bà mẹ xuất thân từ gia đình quý tộc quyền quý và điều này có ảnh hưởng quyết định tới tương lai của ông, trong đó đặc biệt là việc theo học tại Cambridge. Trong thời gian chiến tranh ông làm việc tại cơ quan tình báo Anh. Ông đã cung cấp thông tin về các hoạt động chống lại tình báo Liên Xô và các cuộc đàm phán bí mật riêng rẽ giữa Anh-Mỹ và đại diện của Đức trong những năm 1944-1945. Sau chiến tranh Blunt giữ chức vụ bảo quản các bức tranh của Hoàng gia và điều này giúp ông tiếp cận với các nhân vật chính trị cao cấp của Anh. Ông đã cung cấp những thông tin quan trọng cho Liên Xô, nhưng theo thỏa thuận trước đó với tình báo Nga là không liên quan tới Hoàng gia. Từ năm 1952 ông làm cố vấn cho Nữ hoàng về nghệ thuật. Ngày 26 tháng 5 năm 1983 Anthony Blunt qua đời.

  Đó là tiểu sử tóm tắt của các thành viên trong "bộ ngũ". Chỉ trong thời gian chiến tranh họ đã cung cấp cho Moscva hơn hai mươi nghìn tài liệu bí mật. Ngoài những tin tức chính trị, quân sự còn có các báo cáo về ngày giờ và địa điểm tung gián điệp vào Liên Xô có giá trị quan trọng để kịp thời vô hiệu hoá chúng.

  Tháng 9 năm 1937, Arnold Deitch bị gọi về Moscva. Ông may mắn không chịu số phận bi thảm như những điệp viên khác là bị thanh trừng và xử tử. Ông thậm chí còn được phép quay về London để phát triển mạng lưới điệp viên. Deitch đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao kỹ thuật nghiệp vụ. Vừa tìm kiếm các quan hệ mới, gặp gỡ các cộng sự, lên kế hoạch thực hiện các công việc phức tạp, ông còn làm được nhiều việc khác. Riêng ở Anh ông đã có sáu sáng kiến. Là một người tìm tòi, ông cải tiến phương pháp chụp các tài liệu tình báo và gửi về Trung Tâm, chú ý áp dụng các phát minh khoa học, kỹ thuật, cụ thể là sử dụng tia cực tím để chụp ảnh trong bóng tối, đề ra một số cách ghi chép mới bằng mật mã. Nhưng khi trở về London ông không hoạt động được. Ý định đưa ông sang Mỹ cũng không thành. Thực tế ông trở nên thất nghiệp. Cuối năm 1938, Deitch hợp tác với Viện Kinh tế Thế giới và Chính trị Thế giới của Viện Hàn lâm Liên Xô. Sau ngày 22 tháng 6 năm 1941, ban lãnh đạo tình báo quyết định đưa Deitch đi Argentina, một đất nước duy trì quan hệ chính trị và kinh tế với nước Đức phát xít.

  Nhóm điệp viên của ông dự định vòng qua Iran, ấn Độ và các nước Đông Nam Á, nhưng sau ngày mùng 7 tháng 12 năm 1941 (trận Trân Châu Cảng), thì con đường này trở nên nguy hiểm. Cuối tháng 6 năm 1942, nhóm của ông đã tới Teheran. Từ đây ông đã gửi cho lãnh đạo tình báo bức thư riêng bày tỏ tấm lòng trăn trở của một người ăn không ngồi rồi khi vận mệnh của đất nước đang lâm nguy. Bức thư đó như sau:

  "Đồng chí Phichin thân mến! Tôi viết thư cho anh như cho một người lãnh đạo và cũng là như cho một người bạn. Tôi cùng các đồng chí khác đã lên đường được tám tháng, nhưng vẫn như lúc bắt đầu, chúng tôi vẫn còn cách xa mục tiêu. Chúng tôi đã không gặp may. Tám tháng đã trôi qua, tám tháng qua người dân Xô Viết cống hiến sức lực ngoài mặt trận và trong lao động. Nếu không tính ba tháng trên tàu thuỷ ở ấn Độ, nơi tôi  làm được vài điều cho sự nghiệp chung, thì tôi chưa làm được điều gì có ích cho cuộc chiến. Hơn khi nào hết, thời gian hiện nay là quý giá. Tôi thấy xấu hổ về "kỷ lục lao động" của mình trong thời gian chiến tranh Vệ quốc. Việc tôi không có lỗi gì cũng không thể nào an ủi được tôi.

  Chúng tôi không biết sẽ phải đợi đến bao giờ. Điều đó làm lương tâm tôi bứt rứt. Tình hình ở các nước nằm trong nhiệm vụ của chúng ta đã thay đổi nhiều kể từ khi chúng tôi rời Moscva. Những nhiệm vụ chúng ta đặt ra khi đó, theo tôi nghĩ, khó mà thành hiện thực. Sớm nhất cũng phải ba, bốn tháng nữa chúng tôi mới tới nơi. Đến lúc đó chiến tranh sẽ kết thúc hoặc gần đến hồi kết.
Mục đích của bức thư này là bày tỏ những suy nghĩ của tôi và đề nghị anh như một người lãnh đạo và một người bạn giúp tôi chuyển sang công việc hữu ích khác và lấy lại quãng thời gian đã mất.

  Xin lỗi vì đã làm phiền anh, nhưng tôi không có cơ hội trực tiếp trò chuyện cùng anh và hoàn cảnh của chúng tôi hiện nay không cho phép.

  Hãy cho tôi trở về Liên Xô và trực tiếp ra mặt trận chiến đấu. Anh nhớ là tôi được cử đi từ Cục Chính trị của Bộ tổng tham mưu (RKKA). Tôi có thể làm việc cho các anh, nhưng rất mong là không phải ở hậu phương. Vả lại, khi quân đội Xô Viết vượt qua biên giới Đức tiến vào Đức hoặc Áo thì sẽ có nhiều việc cho tôi làm.

  Nếu cần, hãy giao cho tôi nhiệm vụ hoạt động bí mật ở đâu cũng được để tôi có cảm giác rằng mình đang trực tiếp chiến đấu, góp phần giành thắng lợi.

  Chiến tranh đang diễn ra, là một đảng viên cộng sản, tôi hiểu rằng phải chấp hành mọi mệnh lệnh của anh. Thế nhưng tám tháng đã trôi đi, và việc sẽ còn phải tiếp tục ăn không ngồi rồi buộc tôi viết thư cho anh và đề nghị anh sớm giải quyết.

  Gửi anh lời chào thân ái. Stephan".

  Vài ngày sau, một bức điện được gửi tới Teheran gọi Stephan và nhóm của ông về Moscva. Một kế hoạch mới lên Phương Bắc được vạch ra. Tháng 10 năm 1942, Stephan lên đường tới bờ biển Đông của nước Mỹ trên con tàu "Donbass". Ngày 7 tháng 10, tàu bị máy bay Đức và sau đó là tàu "Đô đốc Seer" tấn công. Con tàu bị cắt đôi và chìm xuống biển. Toàn bộ hành khách được coi là đã hi sinh. Nhưng thực ra, một số thuỷ thủ của "Donbass" được cứu sống và bị Đức bắt làm tù binh. Thuyền trưởng Silke sau này trở về tiếp tục làm việc trong hạm đội Hắc Hải. Ông quả quyết rằng, đã thấy Stephan bị thương nặng, cụt hai chân và chìm xuống biển cùng con tàu.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 16 Tháng Bảy, 2008, 05:58:36 pm
55 - GRAHAM GREENE (1904-1991)
Tác giả của những cuốn "sách giáo khoa cho các điệp viên"

(http://media.npr.org/programs/wesat/features/2004/oct/greene/cms200.jpg)

  Cho dù Graham Greene viết những tác phẩm văn học xuất sắc về phản gián và tình báo như "Người của ta ở La Habana", "Người Mỹ trầm lặng", nhưng kinh nghiệm của ông trong lĩnh vực này lại không nhiều. Tuy nhiên điều đó không cản trở ông nắm bắt một cách tinh tế đến kinh ngạc thực chất cũng như đặc điểm của hoạt động phản gián để viết nên những cuốn sách hoàn toàn xứng đáng là sách giáo khoa cho điệp viên mới vào nghề (còn việc sử dụng các tài liệu đó như thế nào và nhằm mục đích gì lại là chuyện khác). Những cuốn sách của Greene sát với thực tế những gì tác giả đã trải qua khiến ta không thể không đồng ý với ý kiến của nhà văn lão thành Gabriel Garcia Marquez: "Ngoài Graham Greene ra tôi chưa từng biết một nhà văn nào mà ấn tượng về tác giả lại chỉ cần dựa trên cơ sở những tác phẩm của ông ta, mà sách lại có thể đúng với tính cách con người thực của người viết đến thế". Vì vậy để hiểu Greene và hình dung được công việc mà ông thực thi như một điệp viên thì cần đọc và phân tích các sách của ông viết và có lưu ý đáng kể đến trí tưởng tượng của chính tác giả.

  Graham Greene sinh ngày 2 tháng 10 năm 1904 tại thành phố nhỏ Berhamsted, tỉnh Hartfordsir, cách London không xa. Cha ông là hiệu trưởng một trường ưu đãi tư thục nam thành lập vào thế kỷ 16, mẹ là chị họ của nhà văn lãng mạn nổi tiếng Robert Louis Steven, tác giả cuốn "Đảo báu vật". Năm 1922, Greene thi đỗ vào trường Bayliol, một trong những trường thành viên tốt nhất của Đại học tổng hợp Oxford. Thế chiến vừa kết thúc cùng với cuộc cách mạng ở Nga đã đặt ra cho sinh viên lúc bấy giờ không ít câu hỏi về con đường đúng đắn mà nhân loại sẽ đi theo. Greene cũng tìm kiếm con đường đó. Năm 19 tuổi ông đã là đảng viên dự bị của Đảng cộng sản. Việc ấy sau này đã gây khó khăn cho ông, có lần ông đã không được phép vào Mỹ: Ông đã rơi vào "sổ đen", bị cơ quan an ninh lập hồ sơ theo dõi và mỗi lần vào Mỹ ông lại phải có giấy phép đặc biệt, còn trên visa có đánh dấu "phần tử khả nghi". Và cứ thế tiếp diễn cho tới thời tổng thống Kentedy. Tuy nhiên Greene đã ở trong Đảng cộng sản không lâu. Ông xin ra khỏi Đảng vì có niềm say mê mới, đó là Cơ đốc giáo mà ông trung thành trong nhiều năm, cho dù không phải là người cuồng tín và có thái độ khá gay gắt với các nghi thức và giới tăng lữ.
Tốt nghiệp đại học xong, Greene đã thử sức ở nhiều công ty nhưng đều không thành công. Cuối cùng vào năm 1926 ông đã tìm được thiên hướng của mình: ông làm báo và là phó tổng biên tập cho tờ "Thời báo". Cũng thời kỳ này ông đã có những thành công bước đầu trong lĩnh vực văn chương. Thôi việc ở tòa báo và từ năm 1930, Greene trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Ông cũng bắt đầu viết cả kịch bản điện ảnh và trong những năm 1935-1939 ông thường xuyên viết bài phê bình điện ảnh cho tờ "Khán giả".

  Ngay từ lúc còn trẻ Greene đã rất thích đi du lịch và cuộc đời luôn dẫn ông tới những "điểm nóng", tạo điều kiện cho ông mặc sức thu thập tư liệu cho các cuốn sách của mình sau này. Ông đã qua một chuyến đi dài ngày tới châu Phi, vượt bộ hàng trăm dặm vùng Xiera Leon và Liberia. Sau này năm 1938 ông sang Mexico thu thập tư liệu cho cuốn phóng sự về những cuộc truy lùng tôn giáo và qua cả Panama.

  Năm 1939, Thế chiến thứ hai bùng nổ, Greene vào quân ngũ và trở thành điệp viên Cục phản gián Anh. Bất kể tính chất phiêu lưu lãng mạn của nghề "phản gián", song công việc của một điệp viên thật đơn điệu, buồn tẻ. Triền miên là những giấy tờ, những bản phúc trình, các báo cáo vô tận, khô khan, nhàm chán. Về tâm trạng này chính Greene đã viết: "Sau chiến tranh tôi muốn viết một cuốn sách về phản gián, nhưng không mang tính bạo lực đặc trưng cho loại hình này, nhưng loại trừ James Bond ra, lại không tiêu biểu cho tình báo Anh. Tôi còn muốn cho độc giả thấy mặt đời thường không chút lãng mạn của hoạt động phản gián, như người ta vẫn đi làm hàng ngày tích tiền hưu trí, về thực tế không khác gì các cán bộ viên chức khác. Mọi chuyện bình thường, an toàn và người nào cũng có cuộc sống riêng tư quan trọng hơn nhiều. Trong suốt những năm tháng làm điệp viên tôi ít vấp phải những chuyện giật gân phiền toái".

  Cuối năm 1941, cuộc sống tẻ ngắt của một điệp viên tại bộ máy trung ương Cục Phản gián Anh đã kết thúc. Greene nhận nhiệm vụ mới, lần này là ở trên "tuyến đầu" tại vùng Fretaun đã quá quen thuộc đối với ông. Rõ ràng là ông được phái tới đây là do kinh nghiệm tích lũy được ở châu Phi và cũng có thể là thể theo nguyện vọng của ông. Về chuyến công tác này ông đã không giấu vẻ hài hước viết: "Một chuyến công vụ, công việc nhà nước mà tính chất của nó rất khó tả."

  Ngày 9 tháng 12 năm 1941, Greene rời Liverpool trên con tàu chở hàng. Tàu có tất cả mười hai hành khách ở riêng trong những cabin đầy đủ tiện nghi. Trong số đó có những người khá kỳ dị. Sau khi tàu ra khơi, hành khách đều "tự nguyện" trực gác để theo dõi tàu ngầm, máy bay và trực chiến bên các khẩu pháo. Những người theo dõi tàu ngầm phải trực trên cầu chỉ huy của thuyền trưởng, nhưng họ thường say sưa quá chén nên chỉ huy con tàu không cho phép họ lên nữa.... Nói chung chuyến vượt biển thuận buồm xuôi gió và đầu tháng 1 năm 1942 sĩ quan tình báo Anh Graham Greene đã đặt chân lên Fretaun.

  Để nắm được chính xác những việc Greene đã làm ở Fretaun cần phải lục lại hòm thư của Cục Phản gián Anh trong năm 1942 để tìm ra những lá thư và bức điện hiếm hoi trong đó Greene trao đổi với đại bản doanh của mình. Nhưng chúng ta không được phép tới đó, vả lại cũng chưa chắc có phát hiện ra điều gì thú vị. Vì vậy ta hãy cố lắp ghép lại tất cả những gì Graham Greene đã tự nói ra rải rác ở những tác phẩm của ông. Và xin được nhường lời cho ông.

  "Năm 1942 tôi sống ở ngoại vi thủ đô Fretaun của Xiera Leon trong một ngôi nhà giữa đám bùn lầy. Ngôi nhà này là nhà vệ sinh của dân bản xứ, nơi ruồi muỗi sinh sôi nảy nở nhiều không đếm xuể (một lần chỉ trong có hai phút tôi đã đánh chết được tới 150 con). Tôi đã gửi đơn lên tổng trưởng đề nghị xây nhà vệ sinh cho dân bản xứ và được ông ta trả lời rằng loại đơn yêu sách trên không gửi thẳng mà phải thông qua các cấp bậc từ dưới lên, nhưng vì trong trường hợp này chẳng có một cấp bậc nào phụ trách, nên tôi đã buộc phải nhắc nhở ông ta nhận xét của thủ tướng Churchill về vấn đề trên. Cuối cùng tôi đã có được nhà vệ sinh của mình và tôi đã ghi lại trong công văn tư liệu rằng nhà vệ sinh có ghi rõ cả tên tôi ở trên cửa...

  ... Đã xẩy ra những va chạm tiềm ẩn trong bóng của một vụ đụng độ khổng lồ: Chẳng hạn như khi tôi hoạt động đơn độc ở Xiera Leon thì sếp lại ở tận Lagot cách xa Fretaun tới ngàn dặm, đã có lúc "quên" trả lương cho tôi, hoặc ngậm ngùi theo dõi một tên nhãi ranh trắng trợn ở MI-5 làm cho ngài cảnh sát trưởng ở Fretaun, một người có thâm niên hai mươi năm vất vả và bệnh tật, phải phát điên lên...  Thiếu gì những vụ việc rối rắm, ví như đã xảy ra mưu toan táo bạo thuyết phục các thủy thủ bắt giữ con tàu Bồ Đào Nha xâm phạm vùng biển trong khi còn chưa muộn hoặc bắt giam một người Thụy Sỹ bị nghi là gián điệp, nhưng trong tất cả sự việc hiển hách đó tôi chỉ giữ vai trò loong toong chạy giấy".

  Về chuyện tương tự Greene cũng tả lại trong một cuốn sách khác: "Sau ba tháng học chuyên môn ở Lagot tôi về Fretaun, suốt bốn tháng ròng ở văn phòng vừa là tướng vừa là quân (mãi sau này mới có thư ký). ở Lagot suốt ngày tôi chỉ làm một việc viết mật mã rồi lại giải mã, chiều chiều đến đồn cảnh sát chơi với bạn, giết thời gian bằng trò giết gián lấy điểm...ở Fretaun cứ 6 giờ là tôi dậy, ăn sáng...  Đúng 7 giờ tôi ngồi vào chiếc xe con rồi "lên đường" tới đồn cảnh sát "vỏ bọc" của mình để lấy điện báo được mã hóa nên cảnh sát không hiểu biết gì hết. Về tới nhà tôi giải mã các bức điện rồi cần mẫn ngồi trả lời từng bức một, viết báo cáo và chép lại những bản báo cáo khó đọc của những người khác. Mãi gần bữa trưa tôi mới kịp làm xong mọi việc".

  Quan hệ của tôi với sếp rất căng thẳng, cho dù ông ta ở tận Lagot cách Fretaun tới hai ngàn dặm. Chúng tôi không ưa nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ông ta là gián điệp chuyên nghiệp, còn tôi chỉ là nghiệp dư. Tính châm biếm hài hước của tôi thể hiện cả trong báo cáo và điện tín. Tôi thấy thương cho ông ta, cho tới tận cuối đời hoạt động vẫn phải dính với một nhà văn như tôi. Mãi sau này tôi mới được nghe kể lại rằng túi công văn thư từ của tôi gửi có lần vẫn nằm nguyên, không bóc trên bàn sếp tới vài ngày vì ông ta sợ. Đã có lần ông ta định răn đe tôi bằng cách giữ lương tháng của tôi ở chỗ ông ta, nhưng tháng ấy tôi đã được cảnh sát trưởng cho vay. Thế là kế hoạch của sếp sụp đổ hoàn toàn. Rồi cuối cùng chúng tôi công khai tuyên chiến: Lần ấy tôi có cuộc hẹn ở biên giới Liberia, song sếp lại gửi điện cấm tôi đến nơi hẹn vì sẽ có một chiếc tàu Bồ Đào Nha cập cảng Fretaun mà theo qui định mọi con tàu Bồ Đào Nha đến từ Angôla đều phải khám xét. Chuyện đó của sở cảnh sát chẳng liên can gì đến tôi. Thế nhưng sau khi suy nghĩ đấu tranh bản thân tôi đã phục tùng và... nộp đơn xin thôi việc. Đơn không được chấp thuận. Tôi còn phải làm thêm nửa năm nữa, nhưng không còn dưới quyền sếp ở Lagot nữa...

  Sau lần hoạt động ở Fretaun tôi được cử đến ban phản gián của Kim Philby ở bán đảo Pirene. Tôi đặc trách về Bồ Đào Nha. ở đó các sĩ quan phản gián Đức chưa được ta tuyển lại có nhiệm vụ soạn thảo và gửi cho Đức những tin tức hoàn toàn giả dựa trên thông tin của các điệp viên không có thực.

  Chịu trách nhiệm về Bồ Đào Nha tôi thường ngẫm nghĩ mình có thể dễ dàng chơi trò ấy ở Tây Phi, nếu như đã không hài lòng với mức lương còm cõi của mình. Tôi thừa biết cấp trên ở London rất thích bổ sung những phiếu mới trong hộp phiếu dữ liệu tình báo. Chẳng hạn có lần tôi nhận được báo cáo về một sân bay của phái Visi ở Ghine thuộc Pháp, điệp viên ở đó mù chữ, mới chỉ biết đếm đến mười (trên ngón tay). Tòa nhà mà điệp viên này khẳng định là sân bay có xe tăng đỗ, nhưng qua các nguồn tin khác thì lại là kho giày cũ. Khi chuyển thông tin trên, tôi đã nhấn mạnh tính "xác đáng" của nguồn tin, nhưng tôi đã vô cùng sửng sốt khi được khen là tin "có giá trị đặc biệt"! Thì ra có ai đó ở London đã vớ được dịp bổ sung tin tức vào tờ phiếu mới, tôi không thể giải thích khác được."

  Như vậy là cuốn truyện "Người của ta ở La Habana" đã nẩy sinh và được thai nghén ở cái lều chật chội bẩn thỉu tại Fretaun và 12 năm sau, vào năm 1958 được viết thành truyện ở một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi gần công viên Saint James.

  Trước khi ra khỏi ngành tình báo Greene đã viết một cẩm nang tra cứu "Ai là ai" in vẻn vẹn có 12 cuốn. Trong cuốn cẩm nang đó ghi rõ về các điệp viên Đức ở vùng Adorơ với hai bài mở đầu (dựa trên những dữ liệu đáng ngờ!) và có phần bổ sung của Kim Philby về mạng lưới đài phát. Cẩm nang nói đúng ra là tất cả kinh nghiệm hoạt động phản gián của Graham Greene và được dành cho lính dù Anh. Đó là tất cả kinh nghiệm hoạt động tình báo của Greene.

  Cũng cần nói thêm rằng mọi chuyện xảy ra với Philby không ảnh hưởng gì tới mối thân tình giữa 2 con người phi thường đó. Tình bạn của họ bền vững cho tới cuối đời. Mỗi khi qua Moscva, Greene vẫn tới thăm cố nhân.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 17 Tháng Bảy, 2008, 06:49:51 pm
56 - JOSEPHINE BAKER (1906 - 1975)
Nữ điệp viên nghệ sĩ

(http://themusicsover.files.wordpress.com/2008/04/josephine-baker.jpg)

  Josephine Baker là người da đen sinh trưởng ở thành phố Sanluy bang Matsuri nước Mỹ và chưa học hết phổ thông, cô đã trở thành vũ nữ kiêm ca sĩ, và đến năm 1924, khi mới mười tám tuổi, cô là "ngôi sao đen" của khu Broadway, trung tâm hoạt động biểu diễn ở New York.

  Năm 1925, cô đồng ý với đề nghị của ông bầu của cô là sang Paris biểu diễn tại rạp "Tạp hí da đen", cô được công chúng hết sức ái mộ và đến năm 1937 thì được nhập quốc tịch Pháp. Tại đây, thông qua ông bầu, cô ngỏ ý với cơ quan tình báo Pháp được phục vụ vì lợi ích của nước Pháp và Đồng minh để chống lại chủ nghĩa phát xít. Người giới thiệu cô với cơ quan tình báo Pháp là đại úy Jack Aptay, bạn của Moroani, - ông bầu của Josephine.

  Sau khi thiết lập mối tiếp xúc với cơ quan tình báo Pháp, lúc đầu, Josephine làm việc ở Paris, giao tiếp với những người lánh nạn từ Bỉ và từ miền Bắc nước Pháp, trong số đó có khá nhiều gián điệp Đức. Vào tháng 5 năm 1940, "cuộc chiến tranh kỳ lạ" kết thúc, bắt đầu cuộc chiến tranh thật sự. Chỉ trong bốn mươi ngày, quân Đức đập tan sự kháng cự của Pháp và chiếm Paris.

  Josephine được đưa vào mạng lưới điệp viên ngay lập tức, thậm chí ngay cả trước khi cô hay biết chuyện này, và đại uý Jack được chỉ định làm người hướng dẫn cô. Và thế là bắt đầu cuộc phiêu lưu quân sự kỳ thú đã dẫn họ từ Pháp đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Marocco, Angieri, Tuynidi, Libi, Ai Cập, Iraq, Xiri, Liban rồi lại đưa họ trở về thủ đô Paris đã giải phóng khỏi ách phát xít. Trong thời kỳ này, Josephine có một thời gian làm việc cho tình báo Anh.

  Josephine có tất cả những phẩm chất cần thiết cho một điệp viên: cô là một nữ nghệ sĩ xinh đẹp có sức cuốn hút đối với tất cả những ai tiếp xúc với cô, cho dù đấy là những tên quốc xã cuồng tín, cô còn có trí tuệ sâu sắc và cảm giác hài hước tuyệt vời, thích nghịch ngợm và được huấn luyện kỹ càng cho hoạt động gián điệp, điều mà cô luôn luôn biết ơn đại uý Jack Aptay.
 
  Cô có một lâu đài được xây dựng từ thế kỷ XV rồi được hiện đại hoá theo lối mới. Phục vụ trong nhà cô có chín gia nhân, và tất cả về sau đều trở thành những thành viên dũng cảm của phong trào Kháng chiến. Cũng sống tại đây còn có vài người nữa: một thương nhân, một bà nội trợ, một cô hầu phòng, một gia đình lánh nạn từ Bỉ sang. Ngoài ra là những vật nuôi được cô hết sức yêu quý - một con chó, vài con khỉ, dăm ba con chuột trắng mà cô thường đem theo trong mọi chuyến đi. Cô còn có một thư ký riêng và một phi công riêng. Nhưng chính cô cũng thích lái máy bay, cô là người phụ nữ thứ hai ở Pháp được cấp giấy chứng nhận phi công (người phụ nữ đầu tiên ở Pháp được cấp giấy chứng nhận này vào năm 1913 là Marta Rishe).
 
  Đại uý Jack Aptay được lệnh đến London xin chỉ thị và ông lên đường với tấm hộ chiếu giả mang tên Jack Hebert. Còn Josephine được  chính quyền quân sự Đức cho phép sang Madrid (thủ đô Tây Ban Nha) biểu diễn trong các tiệm ăn. Mặc dù chính quyền quân sự Đức xử sự với cô rất ưu ái nhưng điều đó không ngăn cản Gestapo cướp bóc lâu đài của cô.
 
  Vào tháng 11 năm 1940, Josephine và Jack gặp nhau ở Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha. Mọi thứ đều được chuẩn bị để chuyến đi của cô giống như một chuyến đi biểu diễn. Cô hát trong các chương trình tạp hí và trên đài phát thanh quốc gia Bồ Đào Nha. Nhưng mục đích thật sự của cô là phát hiện bằng được hai tên mật thám Đức đang gây nguy hiểm cho con đường rút lui duy nhất từ Pháp qua dãy Pirene sang Lisbon rồi từ Lisbon sang London. Đó cũng là nhiệm vụ của vài sĩ quan Pháp và của các điệp viên Anh Duglas Hay, Hec Waller, John Benert và Ian Donanson. Họ phải giúp một loạt tướng lĩnh, bộ trưởng và chính khách Pháp vượt qua biên giới để đến chỗ tướng De Gaulle.
Ngay cả nhiều năm sau, Josephine vẫn không muốn kể về việc cô đã làm thế nào phát hiện ra được tên điệp viên Đức Hains Raynert, kẻ lãnh đạo cuộc săn lùng những người chạy trốn khỏi nước Pháp. Y thường xuyên đi lại giữa biên giới Pháp, Madrid và Lisbon dưới lớp vỏ một nhà doanh nghiệp Đức tên là George Runke. Trong suốt mấy tháng trời, các điệp viên của Đồng minh không tài nào phát hiện ra được y. Josephine đã làm được việc này. Cô cũng vạch mặt được một tên điệp viên Đức nguy hiểm khác là Carlo Clum, kẻ được cảnh sát của Franco tiếp tay nên đã lùng bắt được một số người lánh nạn và giao nộp họ cho bọn Gestapo đang chờ sẵn ở biên giới Pháp. Tất cả những người này về sau đều bị chết trong các trại tập trung phát xít. Nhưng nhiều người nhờ có Josephine nên đã được cứu thoát và được tự do. Còn bọn Đức thì không bao giờ biết được ai là người đã vạch mặt Hains Raynert và George Runke.
 
  Tại Lisbon, Jack Aptay gặp lại sếp cũ của mình là Paluan. Paluan đã từ Paris đến Visi và làm ra vẻ ủng hộ chính phủ bù nhìn Pháp do Peten đứng đầu và đặt trụ sở ở Visi. Còn trong thực tế thì ông đang tổ chức mạng lưới điệp viên cho tướng De Gaulle tại vùng lãnh thổ chưa bị chiếm đóng của nước Pháp. Josephine được cử đến giúp ông.
 
  Cô khá miễn cưỡng gửi đơn xin chính phủ Visi cho phép đi Marseille để biểu diễn tại nhà hát thành phố. Lần đầu tiên cô không muốn biểu diễn ở Pháp, cô đã từng tuyên bố: "Tôi sẽ không biểu diễn ở đây cho đến khi tên quốc xã cuối cùng bị tống cổ khỏi Pháp". Nhưng cô buộc phải đồng ý với Jack là cô sẽ đem lại ích lợi hơn nhiều nếu cô làm ra vẻ thân thiết với chính phủ bù nhìn Visi. Bởi vậy, vào tháng 12 năm 1942, tại nhà hát Marseille đông nghịt người, cô đã hát trong vở operet "Cô gái lai" của tác giả Offebakh. Tại Marseille, cô cũng đã hỗ trợ cho tổ chức hoạt động bí mật ở đây.
 
  Theo lệnh của London, Jack Aptay và Josephine mặc dù từ chối phần thưởng một nghìn bảng Anh của tình báo Anh nhưng vẫn lên đường đi Bắc Phi. Vào quãng thời gian này, quân Đồng minh đã chuẩn bị xong kế hoạch đổ bộ xuống Angieri. Việc tấn công vào Oran và thủ đô Angie bị hoãn lại cho đến tháng 11 năm 1941, nhưng ban lãnh đạo các cơ quan tình báo Đồng minh vẫn cần những thông tin chi tiết về tình hình khu vực này. Đầu năm 1941, Josephine đến thủ đô Angieri và biểu diễn nhiều tháng trời tại Bắc Phi. Tối nào và đêm nào cô cũng hát trong các tiệm ăn và các nhà hát, còn vào lúc "rảnh rỗi" thì cô thu thập những tin tức quý giá cần thiết cho tình báo quân sự Đồng minh, chẳng hạn như về hệ thống công sự bờ biển, về việc bố trí quân đội và về tình hình chính trị chung. Tại Marocco, cô bí mật gặp gỡ Bi Bahin, em trai của nhà vua và là người ủng hộ Đồng minh. Tại Marakesa, cô tranh thủ được sự ủng hộ của En Glap Pasa, một thủ lĩnh già của bộ lạc Barba và về sau trở thành bạn thân của thủ tướng Anh Churchill.

  Josephine thực hiện nhiều sứ mệnh tế nhị, kể cả việc đưa hối lộ cho các vua chúa Beduin và Barba. Một phần số tiền này là của riêng cô. Cô còn quyến rũ được Mula Larbi En Aluis, một lãnh chúa xảo quyệt của Marocco, khiến ông ta say đắm cô đến nỗi ông ta bắt đầu cung cấp cho cô nhiều thông tin giá trị. Cô kiếm được nhiều bạn bè trong giới sĩ quan cao cấp thân cận với tướng Nog, viên toàn quyền của chính phủ Visi và là kẻ thân Đức. Họ cung cấp tin tức cho cô và những tin tức này lập tức được chuyển về London. Chuyện này thật mạo hiểm bởi lẽ vào quãng thời gian đó binh đoàn của tướng Rommen đã đẩy bật quân Anh gần như cho tới tận Alecxandri.

  Josephine có mặt ở khắp nơi: ở Agandi, ở Feda, ở Tuynidi. Cô vượt qua Libi và đồng ý hát cho quân đội Đức để thiết lập mối tiếp xúc với những người lãnh đạo phong trào Sennutsi là phong trào đang gây thiệt hại nặng nề cho quân đội Đức và Italia ở sa mạc.

  Vào bất kỳ lúc nào trong những "chuyến đi biểu diễn" này, cô đều có thể bị bọn Đức phát hiện là điệp viên của Đồng minh và đều có thể bị xử bắn.

  Mùa đông năm 1941 - 1942, khi đang ở Casablanca thì cô bị ốm. Căn bệnh được xác định chính thức là cận thương hàn, nhưng gần như chắc chắn là cô bị đầu độc. Tình báo Đức nghi ngờ là ít nhất cô cũng có cảm tình với De Gaulle nếu như cô không phải là điệp viên của Đồng minh. Nhưng cô quá nổi tiếng nên cả người Đức lẫn Italia đều không dám bắt cô, bởi vì việc này chắc chắn sẽ gây ra làn sóng phẫn nộ tại vùng Bắc Phi thuộc Pháp là nơi bọn phát xít đang cố giành được sự ủng hộ của những quan chức của chính phủ Visi cũng như của những kẻ hợp tác với chúng. Suốt mấy tháng trời, tính mạng của Josephine như treo trên sợi tóc. Tính mạng cô nguy hiểm không những chỉ do bệnh tật mà còn bởi vì trong khi cô nằm viện, máy bay Đồng minh gần như ngày nào cũng ném bom Casablanca và bom rơi ngay sát bệnh viện cô nằm.

  Cuối cùng quân Đồng minh cũng đã bắt đầu cuộc tấn công. Trong suốt ba ngày đêm, một trăm năm mươi nghìn quân Mỹ và một trăm bốn mươi nghìn quân Anh và quân của Nước Pháp Tự do đã từ tàu chiến đổ bộ lên các bãi biển Bắc Phi.

  Khi tư lệnh quân Đồng minh là tướng Paton đến Casablanca và được tin Josephine bị ốm, ông gửi cho cô một bó hoa với dòng chữ: "Tặng Josephine Baker, người đã rất dũng cảm giúp đỡ chúng tôi".

  Tuy còn rất yếu nhưng cô vẫn đòi bằng được tổ chức một cuộc hội nhạc lớn tại câu lạc bộ Tự Do. Trong số khán giả có nhiều tướng lĩnh cao cấp của quân đội Đồng minh: thống chế Alecxander, tướng Clark, tướng Paton, tướng Anderson, đô đốc Kentinghem. Josephine biểu diễn cho binh sĩ Mỹ và Anh trong mấy tuần liền, sau đó, cô lại nhận một nhiệm vụ bí mật mới. 

  Paluan, thủ trưởng cũ của Jack Aptay, đến Bắc Phi cùng các đại tá Rivet và Ducrest. Nhiệm vụ của họ là phân tích tình hình phức tạp tại các vùng lãnh thổ được uỷ trị cho nước Pháp - đó là Xiri và Liban, những nơi mà Pháp đang phải đứng trước một vấn đề nghiêm trọng là chủ nghĩa dân tộc ả Rập.

  Các nước Đồng minh giờ đây đã có những vị trí mạnh tại Trung Đông nhưng điều đó không ảnh hưởng đến người dân ả Rập, những người đang mơ ước đến độc lập dân tộc. Các điệp viên của Hitler và Mussolini tìm mọi cách lợi dụng tâm trạng này vào mục đích có lợi cho chúng - chúng cố gắng thành lập "Mặt trận thứ hai" chống quân Anh ở Ai Cập.

  Vào tháng 1 năm 1943, Roosevelt và Churchill gặp nhau ở Casablanca để thảo luận vấn đề mở mặt trận thứ hai ở Châu Âu. Josephine cảm động trào nước mắt khi nhận được lời mời đến lãnh sự quán Mỹ là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ này. Nhưng cô buộc phải từ chối vì đã nhận được chỉ thị phải lên đường đến thủ đô Beirut của Liban để gặp phái viên Pháp ở đấy.

  Lần này, nhiệm vụ của Josephine khác với những nhiệm vụ mà cô đã thực hiện trước đây. Giờ đây, cô phải làm việc không phải để chống lại các điệp viên Đức và Italia mà là chống lại những phần tử dân tộc chủ nghĩa và cách mạng ả Rập. Giáo trưởng Jerusalem là Amin đã chạy sang Đức, nhưng những kẻ ủng hộ ông ta vẫn phá hoại nghiêm trọng sự thống trị của Pháp và Anh. Tại Iraq và Xiri, xẩy ra cuộc nổi dậy của Rasid Ali mà theo ý kiến các điệp viên phương Tây, là do Đức đạo diễn và tài trợ. Cuộc nổi dậy này đã bị đàn áp vào năm 1941, nhưng những kẻ kế tục lại ngóc đầu dậy. Đó là những thành viên Liên đoàn ả Rập của Ibrahim Vadani mà trong đó có cả những điệp viên làm việc cho quốc xã Đức.

  Vào cuối năm 1943, sau khi Rommen hoàn toàn thất bại ở Bắc Phi, ngọn lửa thù địch của người dân ả Rập đối với Pháp và Anh lại bắt đầu bùng lên. Tình báo Anh có những tài liệu cho biết rằng đóng vai trò to lớn trong việc này là những phái viên được Đức gửi tới qua đường Thổ Nhĩ Kỳ. Cấp trên giao cho Josephine nhiệm vụ làm rõ những chi tiết của sự việc đó.

  Cô đi qua Libi và Ai Cập để đến Bagdad và Beirut. Tại đây, tư lệnh Brusse thuộc cơ quan tình báo Pháp giúp cô liên lạc với cơ quan tình báo Anh ở Cận Đông. Giờ đây, cô đóng vai một phụ nữ ả Rập, và nhờ có hoàng tử Marocco là Menhebi tháp tùng, cô đã giúp phát hiện ra một loạt điệp viên của Đức ở khu vực này, trong đó có hai nữ điệp viên của Gestapo là Aglai Noibaher và Paola Coc.

  Các tác giả phương Tây khi miêu tả sứ mệnh này của Josephine rõ ràng là đã vờ vĩnh khi cho rằng phong trào giải phóng dân tộc của người dân ả Rập dâng cao là do tác động của các điệp viên Đức. Thực ra, đó là một quá trình hợp quy luật. Ngay cả việc Josephine giúp sức vạch mặt một số điệp viên Đức cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc chống lại các chế độ thực dân của Pháp và Anh. Tuy nhiên, vẫn phải đánh giá một cách xứng đáng nghệ thuật hoạt động tình báo của cô.

  Sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ, Josephine quay trở về Angie, dọc đường, cô tổ chức một số buổi biểu diễn cho những binh sĩ đang nghỉ ngơi sau những thắng lợi đầy khó khăn đối với quân Đức của Rommen. Cô được nồng nhiệt chào đón ở Cairo, Alechxandri, Misurat, Tobruke, Bengadi, Toripoli. Tại Angie, cô được đích thân tướng De Gaulle tiếp.

  Italia đầu hàng, phương Tây cho rằng chiến tranh sắp kết thúc bởi vì hầu hết quân đội Đức đang tập trung ở mặt trận phía Đông.
Ngày 25 tháng 8 năm 1944, sư đoàn xe tăng và xe bọc thép số hai của Pháp tiến vào thủ đô Paris đã giải phóng. Josephine trở lại nước Pháp yêu quý của cô nhưng không phải trở lại lâu đài của mình ở Dordoni. Cô cùng đi với quân đội, dùng lời ca điệu múa của mình để phục vụ quân đội. Cô biểu diễn ở Storansbourg, ở Metxe, ở Conma sau khi những thành phố này giải phóng được vài tiếng đồng hồ.

  Sau khi nước Đức đầu hàng, Josephine về hưu với tư cách là một "điệp viên đặc biệt", nhưng với tư cách một ca sĩ được ái mộ thì cô vẫn tiếp tục biểu diễn cho quân đội Pháp, Anh và Mỹ tại những khu vực nước Đức do Đồng minh kiểm soát. Tại Paris, tướng De Gaulle trao tặng cô huân chương Thập Tự Lotaringhi và huy chương Kháng chiến. Ông cũng gửi cho cô một bức thư bày tỏ lòng biết ơn cô vì cô đã "làm việc và phục vụ xuất sắc trong những thời kỳ khó khăn nhất của nước Pháp".

  Toà lâu đài ở Dordoni được sửa chữa, nhưng những người sống ở đó đã không còn. Một số người đã chết trong những nhà tù Gestapo, một số khác bị chết vì đói.

  Khi đã có tuổi, Josephine dành hết tâm sức cho việc dạy dỗ chín đứa con nuôi. Trong số đó có một em người Pháp, một em người ả Rập, một em người da đen và một em người Tây Ban Nha. Chúng đi theo bà trong mọi chuyến đi.

  Quan điểm của Josephine đã thay đổi cùng năm tháng. Nếu vào những năm 40, bà là người chống lại phong trào đấu tranh để giải phóng dân tộc của người ả Rập, thấy ở đó có "bàn tay Berlin", thì vào những năm 60 và 70 bà đã trở thành người ủng hộ cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của người da đen. Sau khi trở về Mỹ, bà đã tham gia những cuộc biểu tình bảo vệ quyền của người da đen mặc dù vào lúc đó, nhiều người cho rằng những cuộc biểu tình này có "bàn tay Moscva" kích động.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 19 Tháng Bảy, 2008, 09:07:51 am
57 - RUT KUTSINXKI (1907 - 2000)
Những điệp vụ và những cuộc tình



  Khó có thể nghi ngờ rằng một trong những nữ tình báo xuất chúng của thế kỷ XX là Rut Verner hay là Rut và Ursula Kutsinxki, Rut Berton, Rut Briuer, Maria Suls.

  Cuộc đời của nữ tình báo Rut Kutsinxki đáng được ghi lại bằng cả một truyện vừa, đúng hơn là bằng một tiểu thuyết bởi trong đó có tình yêu, hạnh phúc và bất hạnh, có cả phản bội lẫn đam mê. Đó là chưa nói đến số phận đã đưa Rut Kutsinxki sánh ngang với các nhà tình báo danh tiếng nhất của thời đại - Richard George, Sandor Rado, Clause Fuchs mà hoạt động tình báo của họ có hoặc có thể đã có ảnh hưởng quyết định đối với vận mệnh của thế kỷ XX.

  Rut sinh năm 1907 trong một gia đình nhà kinh tế học Đức Reune Robert Kutsinxki. Trong gia đình, Rut là con gái thứ hai, trên Rut có anh, sau Rut là các em trai và gái. Gia đình nhà kinh tế học thuộc loại trung lưu, sống trong một ngôi biệt thự lớn được hưởng thừa kế.
Rut sớm tham gia vào phong trào cách mạng, trở thành đoàn viên TNCS Đức, sau đó gia nhập Đảng cộng sản, tích cực tham gia vào các hoạt động của Đảng. Rut sống sôi nổi hết mình, tham gia biểu diễn hòa nhạc nghiệp dư, ham mê nhảy múa. Những ngày lễ của các chiến sĩ Hồng quân, Rut nhảy múa từ tám giờ đêm đến tận ba giờ sáng.

  Rolf, một kiến trúc sư, là đồng chí trong Đảng và là người yêu của Rut. Năm 1929 Rut công tác ở New York mấy tháng, sau khi Rut trở về họ đã cưới nhau. Vì ở Đức không tìm được việc làm, hai vợ chồng trẻ đi sang Thượng Hải, Trung Quốc. Rut hy vọng sẽ là người đại diện của Đảng ở đây. Người của Đảng hứa sẽ bắt liên lạc với cô.

  Hai vợ chồng đi tàu hoả xuyên qua toàn bộ lãnh thổ Liên Xô, một phần Trung Quốc và sau đó đi tàu thủy đến Thượng Hải. Rut đến sống ở một xã hội thượng lưu nước ngoài hoàn toàn xa lạ với mình. Cô thấy chán cảnh bắt buộc phải thất nghiệp. Niềm an ủi duy nhất đối với Rut là cô làm quen được với nữ văn sĩ Mỹ Agness Smedli, phóng viên của tờ báo Đức Franfurter Saitung. Smedli đã có một vai trò nhất định trong cuộc đời của một nữ tình báo tương lai khác - đó là Kitti Harris cũng ở Thượng Hải này. Bây giờ đến lượt Rut.

  Rut tâm sự với nữ văn sĩ rằng cô mệt mỏi vì không có việc làm và cô đang chờ Đảng sẽ nhớ đến cô. Agness hứa giúp đỡ. Và chỉ ít lâu sau Agness đã cho biết có một đồng chí mà nữ văn sĩ hoàn toàn tin cậy có thể sẽ đến thăm Rut. Đồng chí đó hoá ra là Richard George. Rut thấy George rất dễ mến, đẹp trai, đúng như là sau này những người khác mô tả về anh. Thời gian đầu George đề nghị Rut làm việc với tinh thần đoàn kết quốc tế, sau đó George thảo luận với Rut về điều kiện tổ chức những cuộc gặp với các đồng chí Trung Quốc ở căn hộ của Rut. Rut cần giao lại phòng nhưng không tham gia vào các cuộc bàn bạc trao đổi. Trong thời gian hai năm George đã tổ chức được cả thảy hơn 80 cuộc gặp.

  Lúc đầu Rut cho rằng mình đang làm việc cho Quốc tế cộng sản, nhưng sau đó George tuyên bố Rut là thành viên tổ tình báo của George thuộc Bộ tổng tham mưu Hồng quân. “Đối với tôi điều này không thay đổi gì cả. Tôi còn thấy vui hơn.” – Rut nhớ lại. Đúng lúc này Rut sinh con đầu lòng. Rut rất sợ mình sẽ quấy rầy nên không bao giờ hỏi Richard là anh trao đổi bàn bạc gì với khách đến nhà. Sau khi khách ra về Richard thường nán lại nửa giờ. Dần dần thì các buổi chuyện trò của hai người đã trở nên thân mật. George kiên trì dạy cho Rut cách chọn lọc trong những buổi chuyện trò những gì có thể là mối quan tâm của công tác trinh sát, sắp xếp chúng thành dự định cần thiết và dạy cách phân tích những thông tin tiếp nhận được. George điều hành công việc sao cho Rut hiểu được rằng khi tiếp xúc với mọi người thì phải từ chối những quan điểm quốc tế dân tộc chủ nghĩa. Như vậy là trong một thời gian dài Rut trở thành "một mệnh phụ có lối tư duy dân chủ theo quan điểm tiến bộ và đòi hỏi phải có chất trí tuệ".

  Rolf lúc đầu không hay biết gì về công việc bí mật của Rut và việc sử dụng căn hộ mình đang ở làm nơi hội họp kín. Rolf cương quyết phủ nhận điều kiện làm cơ sở bí mật ở nhà mình, yêu cầu Rut phải hoàn toàn dồn thời gian chăm sóc đứa trẻ. Nhìn chung hôn nhân của họ bắt đầu rạn vỡ, tuy nhiên Rolf vẫn xử sự trầm tĩnh và lịch sự, và sau đó anh phải đành lòng chia tay và hứng chịu những phức tạp do công việc của Rut gây nên.
 
  Trong số những người thân thiết với George ở Thượng Hải có nhân viên điện đài Maks Chritian Klauden, người sau này đã thành danh trong việc cộng tác với George ở Nhật Bản; Grisa ("John"), chủ hiệu ảnh làm các phim cỡ nhỏ để báo cáo; tình báo viên Nhật Bản Hozumi Odzaki. Rut làm việc với những người này như với những người bạn chiến đấu. Một hôm George đưa đến để Rut cất giữ một va li đựng vũ khí. Lần khác George giao cho Rut một túi rất to để đưa cho người bạn của George là Phred. Với Phred, Rut cảm thấy ngay đã nảy sinh những mối quan hệ tin cậy đặc biệt. Rut tâm sự với Phred mọi chuyện về mình, thậm chí cả chuyện có nên ly dị với Rolf không. Nhiều năm sau Rut mới biết đó chính là Phred Stern, vị tướng danh tiếng Kleber, người anh hùng của mặt trận Madrid.

  Theo nhiệm vụ George giao cho, Rut với tư cách "người làm từ thiện" đã đến thăm binh lính Trung Quốc bị thương nằm ở các quân y viện. Một trợ lý của George cùng đi với Rut để phiên dịch. Rut đã thu thập được những thông tin mà George cần biết liên quan đến tình hình Tập đoàn quân 19 của Trung Quốc. Rut đã lôi kéo được một người Đức tên là Vaher cộng tác. Anh ta tỏ ra là một điệp viên rất có ích đối với George.

  Nhiệm vụ cuối cùng mà Rut hoàn thành cho George là gặp bà Tống Khánh Linh, vợ goá của Tôn Dật Tiên. Dĩ nhiên một thiếu phụ trẻ như Rut không thể gây được ảnh hưởng quan trọng đối với bà Tống Khánh Linh. Tuy nhiên, những gì mà Rut (sau khi George huấn thị) nói với bà đã góp phần không nhỏ vào quan điểm "khuynh tả" và sự hiểu biết ý nghĩa của việc cộng tác với Liên Xô.

  Sau đó ít lâu Richard George gọi điện thoại đến chia tay vĩnh viễn với Rut. Một giai đoạn mới trong cuộc đời của Rut bắt đầu.
Rut nhận được lời mời sang Moscva học khoảng nửa năm. Rut được đưa đến Vụ Tổng tham mưu ở phố Arbat. Có hai sĩ quan tiếp chuyện Rut và lập tức gọi cô là Sonia. Cô rất thích bí danh này vì George là người chọn cho cô. Sau an dưỡng cô bắt đầu học ngay tại trường: các buổi học về kỹ thuật vô tuyến, tháo lắp các máy thiết bị, bảng chữ cái morse, lý thuyết vô tuyến điện, tiếng Nga và một bộ môn yêu thích là chính trị.

  Sau khi kết thúc lớp học, Rut đi công tác đến Mukden trong vai người vợ cùng đi với một đồng chí người Đức. Người đó là Ernst, một cái tên rất phù hợp với anh - nghĩa là "nghiêm nghị". Anh là thủy quân, xuất thân là giai cấp công nhân. Rut và Ernst ngay lập tức tìm thấy tiếng nói chung. Ernst là người giỏi về kỹ thuật và nói chung là một người đàng hoàng, có tư thế, mặc dù hơi cục mịch. Điều đặc biệt làm Rut vui mừng là Ernst không phản đối việc Rut sẽ đem theo con trai.

  Họ lên đường trên một chiếc tàu thủy Italia xuất phát từ cảng Triest. Rut thừa nhận: "Trên tàu thủy tôi đi dạo trong bộ áo váy trắng để trần hai cánh tay và cùng với Ernst bơi trong bể bơi. Cuộc đi dài ngày ban ngày thì ấm áp và ban đêm trời quang đãng đã tạo nên bầu không khí khó lòng chống đỡ. Tôi mới 24 tuổi, còn Ernst thì 27... Tôi hoàn toàn không tin rằng tôi mong ước giữa hai chúng tôi chỉ có "quan hệ đồng chí...".

  Dĩ nhiên điều gì phải xảy ra đã xảy ra....

  Rolf điềm tĩnh và rất đàng hoàng đón nhận sự xuất hiện của Rut với người bạn đồng hành mới của cô. Rolf chỉ có một mong muốn duy nhất là bảo vệ đứa con trai dẫu cho gia dình chỉ là vẻ yên ấm bề ngoài. Rolf tiếp đón Ernst như người bạn chiến đấu và giúp đỡ gửi hành lý nghiệp vụ đến Mukden, trong đó có một máy biến thế rất nặng dùng cho máy phát sóng. Rut làm thủ tục giấy tờ đi công tác biệt phái đến Mukden với tư cách là người đại diện của Công ty kinh doanh sách Thượng Hải.

  Nhiệm vụ của các tình báo viên như Rut là thiết lập mối quan hệ giữa những đội viên du kích Trung Quốc hoạt động ở Mãn Châu lúc này đang bị Nhật Bản thù địch với Liên Xô chiếm đóng.

  Công việc bắt đầu bất thành. Địa điểm gặp gỡ với đồng chí Lý, chỉ huy đội du kích được ấn định ở lối đi vào nghĩa trang Kharbin vắng vẻ. Địa điểm hẹn gặp này ban ngày không hấp dẫn lắm, nhưng ban đêm đối với phụ nữ trẻ thì quả là đáng sợ. Nỗi khiếp sợ xâm chiếm Rut không phải vì sợ ma mà là sợ người: xung quanh có những người rất khả nghi đi lại lăng xăng, hai lần những người này đã định bám đuôi. Rut chờ đến hai mươi phút. Tối hôm sau cũng lại chờ hai mươi phút. Đồng chí Lý không đến.

  Trong "Thông báo số 1" Rut đành phải thông báo bằng vô tuyến về Trung Tâm là công việc bất thành. Trung Tâm không hài lòng về việc nhiệm vụ đầu tiên không hoàn thành.

  Nhưng rồi cuộc gặp thứ hai, thứ ba với Lý cũng bị phá vỡ. Về sau này mới biết là mặc dù Trung Tâm đã giới thiệu đồng chí Lý như một cộng tác viên đặc biệt quan trọng, nhưng Lý lại sợ hãi trước nhiệm vụ được giao nên cả tổ do Lý chỉ huy bị tan rã. Một thời gian sau quan hệ được khôi phục với các tổ khác và công việc tiến hành có hiệu quả hơn. Rut phụ trách máy phát sóng một nửa được lắp ráp từ những nguyên liệu sẵn có nên dễ nguỵ trang.

  Phải bắt tay ngay vào việc học tiếng Trung Quốc một cách nghiêm túc, những chỉ thị của Trung Tâm truyền đạt bằng những mẩu giấy ghi chép vì phát âm những chữ tượng hình như nhau lại khác nhau, nắm được cái tinh tế này không phải dễ.

  Sống và làm việc ở Mukden đối với người nước ngoài lúc nào cũng lo nơm nớp vì bị theo dõi. Căn hộ ở thường xuyên bị khám xét. Những người Nhật không từ một khủng bố nào. Đôi khi bọn mật vụ bám đuôi xán vào không hề ngượng ngùng xấu hổ gì cả.

  Tháng 4 năm 1935, Rut đi gặp một liên lạc viên tên là Phong, nhưng Phong không tới, hai hôm sau cũng không đến. Rut phát hiện ở địa điểm gặp có một người Nhật. Rut xác định là mình đã bị lọt vào vòng vây, nhưng anh ta không bám đuôi theo. Cần phải báo về Trung Tâm về việc Phong mất tích. Về sau mới biết Phong bị bắt, bọn chúng khám thấy chất nổ đem theo. Như thế là Phong bị tra tấn và đã chết. Song anh không khai một ai. Nếu như Phong khai ra thì nhiều người, trong đó có Rut, sẽ phải từ giã cõi đời rồi.

  Từ Trung Tâm một chỉ thị đưa ra là phải chấm dứt liên hệ với những người du kích, đi sang Bắc Kinh và đặt máy phát sóng ở đó. Đến đây Rut mới biết mình đã mang bầu. Cô quyết định giữ cái thai. Cả Rolf lẫn Ernst đều cố thuyết phục Rut nạo thai nhưng cô cương quyết không nạo. Lúc bấy giờ Rolf tuyên bố: "Tình hình như vậy thì anh không thể để em ở lại một mình. Chúng ta sẽ gặp nhau ở châu Âu và em không được hé răng việc anh không phải cha của đứa bé". Còn Ernst thì nói: "Nếu tôi không thể sống cùng em thì không ai tốt hơn Rolf, đối với tôi đây là một niềm an ủi".

  Thế là hai người đồng chí đảng viên lâu năm đã giải quyết một vấn đề phức tạp một cách rất đơn giản.

  Quãng đời của Rut công tác ở Bắc Kinh kết thúc.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 19 Tháng Bảy, 2008, 09:12:58 am
  Về Moscva Rut được đề nghị nhận công việc mới: cùng với chồng là Rolf đi Ba Lan. Nhưng trước tiên Rut ghé London thăm gia đình đã sang đây. Ngoài bố mẹ và anh chị em đón mừng Rut còn có bà nhũ mẫu Olga Mut vốn rất gắn bó với gia đình và các con của Rut.

  Tình hình ở Ba Lan không nguy hiểm đối với các tình báo viên so với ở Trung Quốc. Nguyên soái Pilsudski vừa mới qua đời, song căn bệnh chống Liên Xô và chống cộng dễ lây truyền từ nguyên soái vẫn hoành hành giới hoạt động tình báo. Nếu như Rut và Rolf bị bại lộ, lập tức người ta sẽ giao nộp họ cho nước Đức có khác gì gán cho họ án tử hình, vì từ lâu Gestapo đã tìm kiếm Rut.

  Những nhiệm vụ mà các tình báo viên được giao không đến nỗi phức tạp: hợp pháp hóa nhân thân, xin giấy cho phép tạm trú ở Ba Lan, lắp ráp máy phát sóng và nối liên lạc với Trung Tâm. Công việc khó khăn nhất là xin được thẻ cư trú: thẻ cư trú cấp chỉ có giá trị trong 10 ngày. Rolf phải vất vả chạy xuôi ngược đến các cấp ít nhất là 40 lần cuối cùng mới xin được thị thực nhập cảnh thời hạn 1 năm.
Lần đầu tiên Rut tự mình lắp máy thu thanh. Công việc hoạt động tình báo của Rut ở Ba Lan bắt đầu. Rut điều hành công việc còn Rolf giúp việc cho cô, chủ yếu lo việc bảo vệ. Rut cần phải "đưa" hai điệp viên hoạt động công khai từ Krakov và Katovitxe đến, nối liên lạc giữa họ với Trung Tâm.

  Ngày 27 tháng 4 năm 1936, Rut sinh con gái đặt tên là Ernsta Ianina hay là Nina. Đến ngày phát sóng thường kỳ Rut đã có thể ra viện để thêm một câu vào bức điện báo vô tuyến ban đêm: "Sonia đã sinh con gái".

  Mùa đông năm đó Rut nhận nhiệm vụ đi công tác ở Dansig vài tháng, thu thập những tin tức trinh sát được về công việc của cảng, việc đóng tàu ngầm và việc chuyên chở những kiện hàng vũ khí sang nước Tây Ban Nha đang chiến đấu. Mọi việc lúc đầu ở Dansig đều tốt. Một hôm vào ban đêm Rut tiếp nhận một bức điện báo vô tuyến mà cô cảm thấy bức điện báo này gửi đến cho một người nào khác: "Sonia chúng tôi chúc mừng tặng thưởng huân chương Cờ Đỏ giám đốc". Rut không tin vào mắt của mình nữa. Nhưng sáng hôm sau thì có chuyện không hay. Vợ người hàng xóm là đảng viên quốc xã cùng sống trong ngôi nhà với Rut tâm sự với cô: Chồng tôi ngờ ngợ có máy phát sóng hoạt động ở đâu đây gây nhiễu sóng vô tuyến, đến thứ sáu này sẽ vây ráp đấy.

  Đêm hôm ấy Rut chuyển ngay thông tin đó về Trung Tâm, sáng hôm sau Rut tháo máy phát sóng và đem đến gửi một người bạn, và đến tối thứ năm bằng máy thu bình thường cô nhận được lệnh trở về Ba Lan.

  Trong những năm 1937 - 1938, Rut hai lần đi học ở Moscva. Bà nhũ mẫu Olga cùng hai con của Rut về ở với ông bà nội. Mỗi lần phải xa con Rut lại nghĩ đến bố mẹ chồng và con gái Nina, thực ra không phải là cháu nội của ông bà. Rut bị dằn vặt, coi đó như là một sự dối trá đến mức cảm thấy không thể im lặng được nữa. Song, Rolf, chồng cô thì yêu cầu Rut không làm điều gì để mẹ chồng phải đau buồn.
Đến Moscva Rut được mời vào điện Cremli. Tại đây đồng chí M.I.Kalinin đã trao huân chương cho Rut. Rut đeo huân chương đúng có một ngày. Khi rời Moscva, Rut để huân chương lại ở Bộ tổng tham mưu.

  Người chỉ huy mới của Rut là Omar Durovics Mamsurov ("Khadzi") chuẩn bị chuyến đi mới cho Rut. Rut được tập huấn trong trường đào tạo biệt kích. Một hôm đồng chí "Khadzi" nói với Rut: "Có một đồng chí mới đến Moscva và muốn gặp cô đấy". Người đó chính là Ernst. Không nói một lời Rut ôm chầm lấy cổ anh. Hai người lại có quan hệ thân mật như xưa. Một hôm Ernst hỏi Rut có muốn ở lại sống với anh không, nhưng tính khí hay cáu kỉnh, ngặt nghèo ở anh ngày càng lộ rõ nên Rut đã không đồng ý.

  Hai người cùng tập huấn một khóa học. Ernst vì xích mích với huấn luyện viên, học không đạt yêu cầu phải về. Rut sau khi học xong lớp tập huấn đã trở về Ba Lan.

  Đến tháng 6 năm 1938, Trung Tâm lại giao nhiệm vụ mới cho Rut, lần này Rut đi Thụy Sĩ. Người cùng được giao nhiệm vụ đi Thụy Sĩ với Rut là "Herman". Rolf không có tên trong danh sách. Mãi đến khi Rut ổn định công việc ở Thụy Sĩ Rolf mới sang Thuỵ Sĩ với Rut và "Herman" và sau đó cùng đi sang Trung Quốc. Sau này Rolf bị bắt ở Trung Quốc. Biết bao nhiêu chịu đựng và hy sinh đã đổ xuống người anh!

  Từ Moscva Rut đi London bằng đường vòng xuyên qua châu Âu để đón các con. Lúc này Rut đã là một sĩ quan tình báo dày dạn kinh nghiệm, mang quân hàm thiếu tá (cuối thời gian công tác là thượng tá).

  Ở London một người bạn cũ khuyên Rut nên nhận một người cựu chiến binh tiểu đoàn Anh quốc thuộc Lữ đoàn Quốc tế tên là Aleksandr Fut (có bí danh là "Jimmi") làm trợ lý cho mình. Trung Tâm đồng ý. Trợ lý thứ hai cũng là một chiến binh của Lữ quan Quốc tế tên là Leon Brinev (gọi tắt là "Len").

  Đầu tháng 10 năm 1938, Rut và Rolf thuê một ngôi nhà nhỏ trong vùng núi của Thụy Sĩ giáp nước Pháp ở độ cao 1200m. Rolf giúp vợ lắp đặt và ngụy trang máy phát sóng, còn Rut thì nhanh chóng nối liên lạc với Moscva. Rut đã tìm được những người bạn tốt, trong đó có bà nhân viên thư viện Liga Natxi Mari, người sau này đã giúp các tình báo viên lấy được những tấm hộ chiếu Gondurass và Bolivi. Rut cũng làm quen được với nhiều người khác nữa mà qua chuyện trò với họ Rut đã thu nhận được những thông tin dẫu không bí mật song rất đáng quan tâm đối với Trung Tâm. Về cơ bản Rut đã đề cập đến tình hình nước Đức phát xít, mà nhìn chung nước Đức là nước đứng đầu trong danh mục các nhiệm vụ đặt ra đối với Rut. Cô phái hai trợ lý của mình là "Jimmi" và "Len" sang Đức, giao nhiệm vụ cho họ phải lọt vào được nhà máy sản xuất máy bay "Messersmidt" và hãng công nghiệp IG - Pharben. Trong nhóm của Rut "Herman" là người đến sau cùng, tận tháng 4 năm 1939. Sau khi ổn định chỗ ở tại thành phố Phriburg ở miền Tây Thụy Sĩ, những tháng đầu tiên "Herman" phải nằm im, lắp ráp máy phát sóng và chờ lệnh thâm nhập vào nhà máy "Dornie".

  Ngôi nhà nhỏ nên thơ mà Rut thuê chỉ có ba mẹ con và bà nhũ mẫu già tạo vẻ kính nể và làm cho nhà chức trách Thụy Sĩ cho phép Rut được lưu trú đến ngày 30 tháng 9 năm 1939. Nhưng những tấm hộ chiếu quá hạn dù là hộ chiếu Đức hay Gondurass cũng không thể đảm bảo cho Rut được lưu lại Thụy Sĩ. Bởi vậy Trung Tâm có ý kiến Rut và Rolf phải ly dị nhau, và Rut sẽ kết hôn với một trong hai người trợ lý của mình.

  Lúc đầu Rut chọn "Jimmi". Nhưng "Jimmi" là một anh chàng có ẩn ý, thú nhận rằng anh ta đi hoạt động cho Lữ đoàn Quốc tế không phải xuất phát từ lòng căm thù phát xít mà là muốn trốn một cô gái đã mang bầu mà anh ta hứa sẽ lấy làm vợ. Vậy là "Jimmi" từ chối cuộc hôn nhân giả.

  Phải chuyển sang "Len", một con người khiêm tốn, thậm chí còn rụt rè, nhưng anh ta là con người không hề biết sợ hãi như các đồng chí của anh ở Lữ đoàn Quốc tế được chứng kiến. "Len" đồng ý kết hôn giả.

  Trước khi đi Trung Quốc, Rolf để đơn ly dị có công chứng xác nhận. Như vậy là có thể bắt đầu tiến hành vụ ly hôn.

  Từ Liên Xô Ernst có ghé qua thăm Rut. Anh ngắm nghía đứa con gái của mình nhưng không bao giờ anh quan tâm đến con mình nữa. Ernst cùng với Rolf phải đi Trung Quốc công tác với nhau và chắc hẳn ở Trung Quốc họ vẫn thường nhắc đến Rut.

  Tuy nhiên tình hình ở Thụy Sĩ trở nên rất căng thẳng. ở châu Âu chiến tranh như sắp nổ ra, và không có gì đảm bảo chắc chắn sau Áo và Tiệp Khắc thì Hitler không xâm chiếm Thụy Sĩ. Đã ban hành lệnh tất cả ngoại kiều hoạt động chính trị đều phải bị trục xuất sang Đức. Phải khẩn trương làm xong việc ly dị, việc kết hôn giả và lấy được hộ chiếu Anh quốc. "Len" và "Jimmi" phải rời nước Đức: là công dân Anh quốc khi có chiến tranh xảy ra họ là người quốc tế. Công việc tình báo của Rut không còn ý nghĩa nữa. Những buổi truyền tin chỉ còn mang tính kiểm tra. Lệnh ban ra: "Chờ đợi".

  Mồng 1 tháng 9 năm 1939 chiến tranh nổ ra. Việc phát sóng của những người chơi vô tuyến điện bị cấm.

  Ngôi nhà Rut ở có nhiều mật vụ viên đến thăm và họ bắt gặp "Herman" ở đây. Dường như không có hậu quả gì xảy ra, nhưng cần phải cảnh giác. Rut cùng với "Herman" phải giấu máy phát sóng dưới một hố đào trong bụi cây. Ngày hôm sau lại có những người lạ mặt đi quanh nhà. Điều này có phần đáng lo hơn.

  Mấy hôm sau Rut được mời đến gặp một cán bộ an ninh người Thụy Sĩ. Anh ta cho biết nhà chức trách ở  đây biết Rut đang sử dụng máy phát sóng, một cô bán hàng thực phẩm khô khi mang đồ đặt mua đến nhà cô đã nghe thấy âm thanh của mật mã morse. Lúc đầu nghe anh cán bộ an ninh nói, Rut cứ co rúm người lại, sau đó cô cười phá lên khiến anh ta phải ngạc nhiên nhìn cô. Cô bảo anh ta cứ đến một cửa hàng bán đồ trẻ em, mua một cái máy phát sóng giá bẩy mark và mở cho cô ta nghe. Nếu ở đó không có thì hãy đến nhà cô, và họ sẽ thấy đồ chơi đó trong đống đồ chơi của đứa con trai chín tuổi của cô, nếu nó còn nguyên vẹn. Anh cán bộ an ninh tỏ vẻ hài lòng, nhưng lại đặt ra mấy câu hỏi: Rut sống nhờ vào tiền thu nhập nào, bố mẹ Rut là ai, chồng cô ở đâu. Anh cán bộ an ninh gật đầu đồng tình với những câu trả lời của Rut. Hai người chia tay nhau và rất hài lòng về nhau.

  Cuối năm 1939 Trung Tâm yêu cầu Rut cho biết có điều kiện có thể chuyển tiền tới bà Rola Telman, vợ của Ernst Telman, Bí thư Đảng Cộng sản Đức đang bị giam giữ được không. Rut nhận nhiệm vụ và giao việc này cho bà nhũ mẫu Olga là người không gây sự chú ý đối với bọn Gestapo. Bà nhũ mẫu giấu tiền vào bàn chải tóc và đến nhà bà Rola trót lọt. Bà Rola vô cùng xúc động, nhưng bà nói rất khó dùng số tiền này vì bọn Đức Quốc xã theo dõi mọi khoản chi tiêu của bà.

 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 19 Tháng Bảy, 2008, 09:13:17 am
  Mùa đông 1939, Rut nhận được nhiệm vụ mới là nối liên lạc với đồng chí Alfred ở Geneva, sau này chính là nhà tình báo danh tiếng Sandor Rado, người chỉ huy cao nhất của cơ quan tình báo Liên Xô lớn nhất hoạt động ở biên giới.

  Rut và Sandor Rado cộng tác tích cực với nhau khoảng một năm. Bây giờ máy phát sóng của Rut đầy đủ, nhưng trong ba tháng đầu tiên Sandor phải chuyển cho Rut những bức điện báo vô tuyến bằng văn bản công khai, Rut phải mã hóa văn bản, đêm đêm lại phát sóng chuyển đi, sau đó giải mã những thông tin nhận được từ Trung Tâm. Rut trả lời Sandor và nhận những thông tin mới mà Sandor chuyển đến. Nhưng ngày 11 tháng 12 năm 1939 một đòn đã giáng xuống cơ quan tình báo của Rut: "Herman" bị bắt. Qua điều tra mới biết "Herman" là người Đức, trong khi anh lại cầm hộ chiếu Phần Lan và không biết một từ Phần Lan nào. Gestapo yêu cầu giao nộp "Herman" vì anh bị Toà án Đức kết án tử hình vắng mặt. Nhưng những người Thụy Sĩ không giao nộp "Herman" cho Gestapo nên mọi việc kết thúc êm thấm. "Herman" chỉ bị kết án vì vi phạm thủ tục làm hộ chiếu, bị giam giữ đến hết chiến tranh, do đó "Herman" bị "loại khỏi đấu trường" làng tình báo.

  Cuối năm 1939 Rut chính thức ly hôn và có thể kết hôn với người khác. Rut chọn ngày lễ 23 tháng 2 năm 1940 làm ngày thành hôn, lấy cớ công khai làm lễ kỷ niệm.

  Rut phải làm việc ngày càng nhiều với Sandor Rado. Để thuận tiện họ chuyển đến Geneva, nơi Rut còn có một nghĩa vụ đào tạo nhân viên điện đài Etmund Khamel. Sau này Etmund Khamel làm việc với Rado cho đến khi bị bắt ngày 19 tháng 11 năm 1943 trong lúc đang chuyển tin bằng vô tuyến.

  Cuối tháng 12 năm 1940 Rut cùng với hai con đi đường vòng sang Anh quốc, để "Len" ở lại - bây giờ "Len" đã là chồng thật chứ không phải chồng kết hôn giả nữa. "Len" không lấy được thị thực đi qua Tây Ban Nha vì anh vốn là cựu chiến binh của Lữ đoàn Quốc tế, anh và "Jimmi" ở lại Thụy Sĩ giúp việc cho Sandor Rado.

  Sau chiến tranh "Jimmi" (tức Alecsandr Fut) đến Liên Xô, lại được phái qua biên giới, sau đó phản bội và viết cuốn sách "Cẩm nang cho các điệp viên". "Jimmi" khai ra những người bạn của mình và kể hết những gì anh ta biết. Nhưng cũng còn cái gì đó lương thiện sót lại trong con người anh ta. Như trong hồi ký của mình Rut có viết, anh ta đến gặp một đồng chí người Áo, bạn của Rut, bộ dạng run cầm cập như kẻ hành khất và như bệnh nhân anh ta từ chối không vào nhà, miệng cứ lầu bầu những từ gì đó không ăn nhập vào nhau: "Len", "Sonia". Nguy hiểm lắm. Không làm việc. Tất cả tiêu diệt. Rồi sau đó anh ta bỏ chạy. Sự việc này xảy ra khi anh ta đã viết xong cuốn "Cẩm nang" nhưng sách chưa ấn hành.

  Tuy nhiên cần nhận định rằng, có một giả thuyết khá thuyết phục cho biết, theo giả thuyết này thì "Jimmi", khi còn ở Thụy Sĩ vào thời điểm khá lâu, trước khi ra mặt phản bội, đã là điệp viên của cơ quan tình báo Anh ("Secret Intelligence Service".)

  Phải rất vất vả đi qua Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Rut cùng với hai con mãi tháng 2 năm 1941 mới đến nước Anh. Tuy nhiên thu xếp nơi ở không phải chuyện đơn giản, đến một nơi ưng ý thì người ta không muốn cho thuê vì Rut là người ngoại kiều, đến một nơi khác ở mới được hai ngày thì người ta lại đuổi đi. Rut chạy đôn chạy đáo tìm chỗ ở cho đến khi tìm được một ngôi nhà nhỏ có vườn trồng rau cũng đỡ đần cho Rut ít nhiều trong sinh hoạt.

  Đôi lần Rut có đến nơi được thoả thuận khi còn ở Thụy Sĩ nhưng không thấy có đồng chí Liên Xô nào xuất hiện. Cuối cùng vào tháng 5 năm 1941 một đồng chí có tên là "Sergei" - Rut gọi tất cả những người kế nhiệm công việc như thế - đến gặp Rut, trao tiền và chỉ thị cho cô. Rut được giao thiết lập liên lạc trong giới chính khách và quân sự, tạo mạng lưới để thu thập thông tin về sự sẵn sàng có thể xảy ra của Anh quốc có thể câu kết với bọn Quốc xã.

  Ông thân sinh của Rut trước đây có quan hệ trong giới chính khách và khoa học đã giúp được khá nhiều cho cô con gái trong việc này. Khi nước Đức tấn công Liên Xô chính ông bố của Rut đã truyền đạt lại một câu sau này trở nên nổi tiếng - đó chính là câu mà nhà hoạt động nổi tiếng của Công đảng Stafford Kripps (là Đại sứ Anh quốc ở Liên Xô từ 1940 đến 1942) đã nói trong cuộc trò chuyện với ông bố của Rut:

  - Liên Xô sẽ thất bại muộn nhất là 3 tháng nữa. Quân đội nước Đức sẽ đi xuyên qua nước Nga như con dao hơ nóng cắt miếng bơ ra.
Câu nói này đã được báo cáo lên cho Stalin, và như mọi người biết, đã có ảnh hưởng đến quá trình suy xét của Stalin về quan hệ với các nước Đồng minh.

  Em trai Rut là Iurghen cũng cung cấp cho cô một thông tin thú vị. Chỉ riêng những cuộc trò chuyện với bố và em trai đã đem lại cho Rut đủ tài liệu cho 4 đến 6 báo cáo hàng tháng. Nhưng Rut còn có những nguồn cung cấp khác như Hans Kale, nguyên là sư đoàn trưởng Lữ đoàn Quốc tế ở Tây Ban Nha đã cho Rut biết những thông tin về quân sự; hoặc Rut lấy được nguồn tin qua James là sĩ quan của lực lượng Không quân Anh quốc có quan hệ với việc chế tạo máy bay. James đã cung cấp cho Rut nhiều thông tin quan trọng như những dữ liệu về trọng lượng, kích thước, trọng tải và những đặc trưng khác của máy bay, thậm chí còn cung cấp cả những bản vẽ can lại những máy bay chưa cho vận hành trên không. James còn mang đến bản gốc của một kết cấu nhỏ về máy bay. Bản gốc này biến mất là nỗi kinh hoàng, nhưng James không bị nghi ngờ.

  Rut lựa chọn và đào tạo một điệp viên tên là Tom làm nhân viên điện đài. Ngoài ra Rut còn nhận được từ Tom một công cụ quan trọng đã được sử dụng trong các thiết bị vô tuyến định vị ở tàu ngầm.

  Sau nhiều gian khổ trong một thời gian dài, cuối tháng 8 năm 1942, "Len" đến nước Anh. Anh thiết lập được quan hệ với một nhà hoá học, người có thể cung cấp nhiều thông tin có giá trị.

  Mùa thu 1943, "Len" phải đăng lính. Đó là thời điểm sau khi Rut sinh con thứ ba - con chung của Rut và "Len" - đặt tên là Peter.
Iurghen, em trai Rut, làm việc ở Phòng nghiên cứu chiến lược Mỹ trong việc ném bom. Những tài liệu mật của phòng được in ấn với số lượng bản rất hạn chế chỉ được thông báo cho Roosevelt, Eisenhower, Churchill và các tổng tham mưu trưởng. Nhưng một bản phụ thêm thường xuyên nằm trên bàn của Stalin. Các nước Đồng minh không muốn chia sẻ những bí quyết có thể trợ giúp cho Hồng quân, vì thế nên Iurghen phải tự mình kiếm thêm một bản.

  Không ai trong số điệp viên lấy một đồng xu tiền bồi dưỡng của Rut. Họ có ý thức giúp đỡ một đất nước gánh trên vai nhiệm vụ chủ yếu của cuộc đấu tranh chống phát xít.

  "Sergei" truyền đạt cho Rut từng từ lời của "Giám đốc": "Chúng ta có được 5 Sonia ở Anh thì chiến tranh sẽ kết thúc sớm hơn".

  Ở cơ quan tình báo tiền thân của Cục Tình báo trung ương Mỹ, Iurghen làm quen với một viên sĩ quan Mỹ tên là Maks làm nhiệm vụ tuyển các kiều dân Đức để đưa về Đức. Maks đề nghị Iurghen giúp đỡ. Rut xin ý kiến Trung Tâm. Nhờ công việc tổ chức khôn khéo nên chỉ có những ứng viên mà Trung Tâm tán thành mới được lựa chọn để tập huấn và đưa họ về hậu phương của địch. Một số người này nay đã hy sinh ở Đức, nhưng số còn sống sau chiến tranh đều giữ chức vụ quan trọng của nước Cộng hoà Dân chủ Đức.

  Trong cuốn sách "Sonia báo cáo" ấn hành vào những năm 70 của thế kỷ XX, Rut Verner kể về hai người chồng "Len" và Rolf, về người tình Ernst, về các con, về bố mẹ và chị em và những chuyện lặt vặt khác trong cuộc đời hoạt động tình báo. Nhưng Rut không hề nhắc tới một lời nào về "giờ phút huy hoàng" không chỉ của riêng cô mà cả của cơ quan tình báo Xô Viết.

  Tháng 5 năm 1941, sau khi khả năng về lý thuyết được chứng minh là có thể sản xuất được vũ khí nguyên tử, nhà cầm quyền Anh quốc đã thành lập một tổ chức đầu tiên trong lịch sử nhân loại chuyên về thiết kế và sản xuất bom nguyên tử. Chương trình này có tên gọi mật mã là Tube alloy (Hợp kim ống). Điệp viên Liên Xô Donald Maclean đã thông báo chi tiết về việc này cho Trung Tâm.

  Chương trình gồm có 4 nhóm nghiên cứu độc lập với nhau, trong đó có nhóm Birmingham. Một trong những nhà vật lý lý thuyết lớn nhất tham gia nhóm này là Clause Fuchs, Đảng viên Cộng sản Đức chạy thoát khỏi chế độ Hitler sang Anh quốc từ trước chiến tranh. Sau khi nước Đức phát xít tấn công Liên Xô, Clause Fuchs nhận quyết định giúp đỡ Liên Xô và theo sáng kiến riêng, Clause Fuchs bắt liên lạc với tình báo Xô Viết. Clause Fuchs đã truyền đạt qua "Sonia" những thông tin vô cùng quan trọng về việc nghiên cứu chế tạo vũ khí nguyên tử. Công lao của Clause Fuchs đóng góp vào chương trình trong khuôn khổ dự án Tube alloy lớn đến mức năm 1943 Clause Fuchs và một vài nhà khoa học Anh đã được trưởng dự án nguyên tử của Mỹ Oppenhaimer mời sang Mỹ tham gia vào các dự án trong chương trình nghiên cứu nguyên tử.

  Sau khi nhận lời sang Mỹ Clause Fuchs lập tức thông báo cho "Sonia" biết, và trong một cuộc gặp định kỳ “Sonia” đã cho Clause Fuchs biết mật khẩu và cách thức để Clause Fuchs gặp tình báo viên của Liên Xô ở New York.

  Sau khi đến Mỹ, Clause Fuchs tích cực tham gia làm việc cho Dự án Manhattan tương tự như Tube alloy của Anh quốc, nhưng về quy mô thì lớn hơn. Rất ít người biết được những điều bí ẩn của dự án này, chỉ có thể nói rằng ngay cả phó tổng thống Schuman cũng chỉ biết về dự án trong ngày ông tuyên thệ nhậm chức tổng thống sau khi Roosevelt mất.

  Năm 1950 Rut cùng với các con, sau đó là "Len" chuyển về Cộng hòa Dân chủ Đức. Vào thời gian này Rut không còn cộng tác với tình báo Xô Viết nữa, bà công tác trong các cơ quan nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức với những chức vụ khác nhau. Nhưng từ năm 1956 bà thôi công tác và trở thành nhà văn chuyên nghiệp.

  Năm 1969 bà được tặng thưởng huân chương Cờ Đỏ lần thứ hai. Bà qua đời vào cuối năm 2000.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 19 Tháng Bảy, 2008, 12:51:04 pm
58 - Doia Voscrexexkaia Rưbkina (1907-1992)
Từ điệp viên đến nghề văn


  Doia Voscrexexkaia Rưbkina sinh trưởng trong một gia đình cán bộ đường sắt ở Nga. Năm 1921, mới 14 tuổi Doia đã bắt đầu đi làm. Cô là nhân viên thư viện và người "sao chép" ở Bộ tham mưu của bộ phận đặc nhiệm ủy ban chuyên trách trấn áp bọn phá hoại và phản cách mạng. Sau đó cô làm chính trị viên ở trại tội phạm vị thành niên 3 năm. Cuối năm 1928 cô được cử tới Moscva làm nhân viên đánh máy ở Sở Vận tải thuộc Bộ Dân ủy. Một năm sau cô được kết nạp Đảng Thanh niên Cộng sản và đồng thời được đề cử đi Trung Quốc công tác. Tại Hạ Bình cô hoạt động dưới "vỏ bọc nữ nhân viên đánh máy" ở văn phòng đại diện Hiệp hội dầu khí và đã hoàn thành các nhiệm vụ đầu tiên. Sau lần công tác ở Trung Quốc cô tiếp tục được cử đi Đức và Áo. Rõ ràng cô được chuẩn bị cho hoạt động điệp viên vì mục đích chuyến công tác sau là học tiếng Đức và tiếng địa phương để "nhập vai" dân bản địa.

  Một lần Doia được cấp trên gọi lên giao nhiệm vụ làm quen rồi trở thành người tình của tướng "X" đã từng cộng tác với bọn Đức để moi tin mật. Cô kể lại là cô đã đáp lại như thế nào:

  - Tất nhiên nếu không còn cách nào khác tôi sẽ trở thành người tình của ông ta, sẽ hoàn thành nhiệm vụ, rồi sẽ tự sát.

  Thế là nhiệm vụ được hủy bỏ.

  Hoạt động phản gián thực sự bắt đầu từ năm 1935 khi Doia được cử sang Phần Lan và ở lại đó 4 năm. Tại đây năm 1936 cô kết hôn với điệp viên nằm vùng Boris Ackadevich Rưbkin bí danh Iasev, còn Doia có "vỏ bọc" là đại diện cho Hãng du lịch "Intourist". Mới chập chững vào ngành Doia đã may mắn được làm việc với những người giàu kinh nghiệm. Một trong những điệp viên hoạt động bí mật là Pavel Sudoplatov, bí danh Andrei, tuy mới nhưng đã qua thử thách và là một điệp viên tin cẩn. Andrei đóng vai một kiều dân lưu vong và có nhiệm vụ thâm nhập vào tổ chức của những người theo chủ nghĩa dân tộc của Ucraina. Kiều dân Andrei đã vượt biên giới Liên Xô - Phần Lan đi tìm đại diện Ban lãnh đạo này. Doia làm liên lạc cho Andrei trong thời gian anh ở Phần Lan. Andrei đã len lỏi được tới Paris. Tại đây anh có nhiệm vụ gây mâu thuẫn trong nội bộ lãnh đạo của tổ chức của những kẻ dân tộc chủ nghĩa Ucraina.

  Doia từng làm việc với điệp viên Petrichenco huyền thoại. Đó là cựu lãnh đạo vụ nổi dậy ở Cronstad, sống lưu vong, nay muốn trở về Tổ quốc nên đã làm việc cho phản gián Liên Xô để lập công chuộc tội, mở đường về quê hương. Một lần vào mùa đông năm 1937 ông hầm hầm tới gặp Doia, dọa "giết rồi vùi xác cô vào tuyết". Doia đã mềm mỏng khéo léo tìm hiểu nguyên nhân. Thì ra ông ta tức giận về vụ xét xử "bọn gián điệp phản bội đất nước" ở Moscva. Theo ông trong số đó có những người bolsevich chân chính và họ không thể phản lại Tổ quốc mình. Doia suốt hai tiếng ròng trò chuyện giải thích mới thuyết phục được ông ta tiếp tục cộng tác. Petrichenco đã làm việc tận tụy cho tới sát chiến tranh. Chính ông vào năm 1941 đã cung cấp tin về sự có mặt của sư đoàn Đức và việc quân đội Phần Lan chuẩn bị tác chiến.

  Rưbkin (cũng chính là điệp viên nằm vùng "Kin", lại cũng là Iasev) nhận nhiệm vụ mật do chính Stalin trao và được Doia hỗ trợ với tư cách trợ lý thứ nhất. Nhiệm vụ rất quan trọng. Đó là những cuộc đàm phán bí mật trong những năm 1938-1939 với đại diện chính phủ Phần Lan nhằm giải quyết hòa bình mâu thuẫn Liên Xô - Phần Lan. Đáng tiếc là mọi cuộc đàm phán đã không đạt kết quả mong muốn và tháng 12 năm 1939 chiến tranh "Mùa Đông" giữa hai nước  đã bùng nổ.

  Khi trở về Moscva, Doia đã là một điệp viên chín chắn dày kinh nghiệm. Bà làm việc cho Cục Ngoại gián Trung ương. Đầu năm 1941, Doia được bổ nhiệm phó ban ngoại gián Đức. Chính bà chuyển về Trung ương những tin tức bi đát từ Berlin.

  Cũng chính bà đã soạn thảo văn bản báo cáo với nội dung rất rõ ràng: "Hãy nghe đây, ngày mai chiến tranh sẽ bùng nổ!". Giám đốc Cục Tình báo đích thân báo cáo với Stalin ngày 17 tháng 6 năm 1941, nhưng không thuyết phục nổi ông về tính chính xác trong các thông tin của điệp viên.

  Khi chiến tranh bùng nổ, Doia làm việc ở đội đặc nhiệm được thành lập vào mùa thu năm 1941. Bà phụ trách tuyển chọn, tổ chức, đào tạo và tung vào hậu phương địch các nhóm biệt kích phá hoại và điệp viên phản gián. Mỗi thành viên đội đặc nhiệm sẽ làm cơ sở cho việc thành lập đội mô tô biệt kích luôn sẵn sàng thâm nhập vào vùng địch hậu bất cứ lúc nào. Doia thì "nhập vai" nhân viên trực chỗ chắn tàu. Đêm đêm đội biệt kích thâm nhập vào các công viên, nông trang ở ngoại ô Moscva để chôn giấu những hòm thuốc nổ, vũ khí đạn dược, các chai xăng mà sau này rất cần cho các đội đặc nhiệm.

  Mỗi đội được tung vào lòng địch đều chuẩn bị chương trình hoạt động của nhóm mình. Trong số các nhóm đó có một nhóm hoàn toàn khác thường, gồm cha cố Ratmirov và hai điệp viên Ivan Mikheev và Vaxili Ivanov. Họ được ném xuống thành phố Calinin và sẽ hoạt động ở đó trong suốt thời gian thành phố bị phát xít Đức chiếm đóng.

  Cuối thu năm 1941, hai vợ chồng Rưbkin bay qua Anh đến Thụy Điển, đường bay không ít nguy hiểm.

  Nhóm điệp viên này không đông lắm: trưởng nhóm "Kin", Doia tức "Irina", trợ lý cho "Kin", hai nhân viên nghiệp vụ, lái xe và người giúp việc. Nhóm có nhiệm vụ theo dõi việc chuyển quân của Đức qua đường Thụy Điển, xác định chính xác loại hàng được chuyên chở qua đường biển Thụy Điển - Đức. Bên cạnh đó, mục đích tuyên truyền cũng được đặt ra, bởi vì mạng lưới tuyên truyền của bọn phát xít tại nước này rất mạnh.

  Ngoài ra nhóm còn hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác. Thông qua nhóm điệp viên người Na Uy, Doia biết được một tin cực kỳ quan trọng: Đức đang chuẩn bị loại vũ khí tối mật có khả năng hủy diệt mọi sinh thể. Đó là vũ khí nguyên tử mà vật liệu cần thiết là "nước nặng". Loại nước này được sản xuất tại các nhà máy của Na Uy rồi được chở về Đức. Các thông tin trên được chuyển ngay cho các nước Đồng minh để các nước này tìm cách hủy diệt các xí nghiệp sản xuất "nước nặng".

  Doia vẫn giữ liên lạc với "Anton Vollveber". Lần đầu Doia tiếp xúc với điệp viên này là vào năm 1938. Khi ấy Doia từ Phần Lan qua Na Uy mang cho nhóm "Anton" hộ chiếu mới, mật mã, tiền và chỉ thị. Đó là thời kỳ chiến tranh ở Tây Ban Nha. Nhóm "Anton" đã đánh chìm đoàn tàu chở vũ khí cho bọn phát xít Franco. Cảnh sát Oslo bất ngờ ập tới nơi ở của Doia tại khách sạn. Bà lập tức chạy ra hành lang làm ầm ĩ lên khiến khách trọ ùa ra vây quanh và bọn cảnh sát phải bỏ đi. Cuộc gặp với Vollveber thông đồng bén giọt. Còn vào những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại hai vợ chồng Rưbkin đã can thiệp đưa Vollveber ra khỏi tù.

  Năm 1942, Doia được Trung ương giao nhiệm vụ tuyển người giữ liên lạc chuyển mật mã và thạch anh cho nhóm "Capella Đỏ" hoạt động ở Berlin. Người này đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng không bao lâu sau có tin từ Trung Tâm báo về rằng “Giám đốc” (tên lóng của một điệp viên) là một phần tử khiêu khích, còn cả nhóm "Capella Đỏ" đã bị bắt và xử bắn. Có ý kiến đề nghị cử người này trở lại Đức để đi gặp kẻ hai mặt mọi người đều rõ. "Nếu như anh ta quay về thuận lợi thì đúng anh ta chơi trò hai mặt. Còn nếu anh ta một đi không trở về thì chúng ta sẽ xử chết một người vô tội."- Cả hai vợ chồng Rưbkin đều nghĩ vậy, nhưng điện của họ gửi về Trung Tâm đã không giúp gì được, và ngay sau khi họ liên lạc trực tiếp được với Bộ trưởng Dân ủy thì lệnh biệt phái "Giám đốc" đi lần nữa mới được hủy bỏ. Tuy nhiên Rưbkin đã phải trả giá cho sự can thiệp của mình, ông bị gọi trở lại Moscva.

  Từ đó Doia phải hoạt động một mình thay vào vị trí của chồng. Bà phải giữ liên lạc với nhóm điệp viên ở Phần Lan, nghiên cứu tình hình đất nước này và sau đó phải ra sức lôi kéo Phần Lan rút khỏi cuộc chiến.

  Trong số điệp viên có Hella Vuolioki, nữ văn sĩ và nhà viết kịch nổi tiếng của Phần Lan, thường được nhóm gọi là bà Terva Raia (nghĩa là "Cái đầu thông minh sáng láng"). Nhà văn là người bạn lớn của Liên Xô. Bà và những người cùng chí hướng có ảnh hưởng đáng kể đến việc giải quyết hòa bình mâu thuẫn Liên Xô - Phần Lan, đến việc kết thúc cuộc "chiến tranh Mùa Đông" năm 1939-1940. Bà đã tích cực lên tiếng phản đối liên minh Phần Lan - Đức năm 1941 và đứng đầu nhóm "6 người Phần Lan" ủng hộ hòa bình ở Liên Xô. Tuy nhiên nữ văn sĩ đã không thể tiếp tục đến cùng sứ mạng hòa bình của mình. Bà đã bị bắt giam vì tội chứa chấp nữ điệp viên phản gián Liên Xô. Bà bị kết án tử hình, nhưng cả thế giới đã phát động chiến dịch bảo vệ Vuolioki, buộc chính phủ phải xóa bỏ án tử hình. Sau này, khi hòa bình được ký kết giữa hai nước, tháng 9 năm 1944 Henlla Vuolioki đã được bổ nhiệm là chủ tịch ban phát thanh của Phần Lan và qua đời năm 1954.

  Tại Phần Lan còn có nhiều người khác mà Doia gặp gỡ và làm việc. Doia đã giúp nữ đại sứ Liên Xô tại Thụy Điển - bà Alecxandr Collontai trong việc tổ chức và tiến hành các cuộc mật đàm hòa bình với Paaskivi và những người ủng hộ hòa bình với Liên Xô. Mọi cuộc gặp gỡ diễn ra vào tháng 2 và tháng 3 năm 1944. Các cuộc đàm phán thật vất vả nặng nề. Tuy vậy đó là chuẩn bị cơ sở cho việc Phần Lan sau khi Hồng quân giáng cho những đòn vũ bão đã buộc phải cắt bỏ liên minh với phát xít Đức, ký kết hòa bình với Liên Xô vào ngày 20 tháng 9 năm 1944. Có thể nói đó là một trong những chiến công lớn của Doia.

  Sau đó Doia trở về Moscva, tiếp tục công việc ở bộ phận phản gián Đức.

  Năm 1947, chồng bà, đại tá Rưbkin, đã mất trong một tai nạn xe hơi nhưng hiện trường không được xác định rõ ràng.

  Đầu năm 1953 theo lệnh riêng của trùm mật vụ Nga Beria, Doia bay sang Berlin thực thi nhiệm vụ đặc biệt. Lúc này Beria có kế hoạch thống nhất hai miền Đông và Tây Đức. Ông tìm mọi cách tiếp cận đàm phán với thủ tướng Cộng hòa liên bang Đức Conrad Adenauer và có ý định lôi kéo nữ diễn viên điện ảnh gốc Nga nổi tiếng của Đức là Olga Chekhov vào chuyện này. Ngày 26 tháng 6 năm 1953, Doia có nhiệm vụ gặp Olga Chekhov, nhưng đúng hôm ấy Beria bị bắt giam. Theo lệnh của tướng Sudoplatov, Doia phải lập tức quay về Moscva.
Lúc này bà đã là đại tá phụ trách ban ngoại gián Đức.

  Không bao lâu sau hàng loạt cán bộ Cục An ninh Quốc gia bị bắt giam vì tội là "người của Beria", trong số đó có cả tướng Sudoplatov.
Trong một cuộc họp Doia đã lỡ miệng kể lại chuyện mấy năm làm việc ở nước ngoài bà có quan hệ với Sudoplatov khi ông hoạt động bí mật. Mối quan hệ công việc sau này đã phát triển thành tình thân hữu giữa hai gia đình. Thế là hôm sau bà bị cấp trên gọi lên, tuyên bố bà phải thôi việc do chủ trương "cắt giảm biên chế". Mặc dù vậy bà được "kéo dài" thời gian làm việc cho đủ hai mươi lăm năm thâm niên với điều kiện chuyển nơi công tác. Tại nơi mới bà phụ trách ban đặc nhiệm của một trại giam và theo hồi ký của bà thì bà là "Đại tá duy nhất, lại là nữ" ở Vorkut. ở đây sau hai năm làm việc, năm 1956 Doia về hưu.

  Từ đó bắt đầu cuộc sống mới của nhà văn Doia Ivanovna Voscrexexkaia. Bà viết sách cho trẻ em. Năm 1962 ấn hành cuốn sách đầu tay và chỉ trong 18 năm từ năm 1962 đến 1980, cuốn này của bà đã được phát hành với tổng số bản phi thường: hai mốt triệu sáu trăm bốn mươi hai ngàn! Bà cũng cho xuất bản tập hồi ký "Bây giờ tôi đã có thể nói ra sự thật". Bà được nhiều giải thưởng trong đó có giải thưởng Quốc gia.

  Bà qua đời ngày 8 tháng 1 năm 1992.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 19 Tháng Bảy, 2008, 12:59:16 pm
59 - OTTO SCORSENI (1908 - 1975)
Điệp viên SS khát máu

(http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/f/fb/Skorzeny.png)

  Về con người này, người ta viết như sau: "Khó mà tìm được trong cuộc đời thực cũng như trong văn học những cuộc phiêu lưu kỳ lạ hơn những cuộc phiêu lưu mà viên sĩ quan SS này đã trải qua". Và tiếp đấy: "Ít có bộ phim hành động nào chứa đựng nhiều những cuộc phiêu lưu như những cuộc phiêu lưu mà Scorseni đã trải qua khi thực hiện những nhiệm vụ bí mật tại nhiều nước châu Âu".

  Dĩ nhiên, Otto Scorseni đã có nhiều cuộc phiêu lưu đầy hấp dẫn. Nhưng phải nhớ rằng y là một tên phát xít thâm căn cố đế, khát máu. Chỉ cần dẫn ra ở đây những lời y phát ngôn vào năm 1960 "Nếu như Hitler còn sống thì tôi đã ở bên ông ta" là đủ hiểu y là loại người nào.
Trong những cuốn hồi ký của mình được viết sau chiến tranh, Scorseni không đề cập gì đến quãng đời của y từ năm 1908, năm y ra đời, cho đến năm 1943, khi y xuất hiện tại Tổng cục An ninh của nước Đức phát xít.

  Thực ra y có nhiều điều để nói. Là người gốc Áo, nhưng ngay từ năm 1934, y đã gia nhập phong trào phát xít đòi sáp nhập Áo vào nước Đức Hitler. Trước đó vài năm, khi còn là sinh viên, y đã làm quen và kết bạn với Caltenbrune, một trong những tên đầu sỏ tương lai của nước Đức phát xít và của cơ quan tình báo phát xít. Caltenbrune về sau bị toà án Nuremberg kết án treo cổ vì những tội ác chống nhân loại. Mối quen biết đó đã đóng vai trò quyết định trong cuộc đời Scorseni. Cả hai đều là những thành viên tích cực của "Đoàn lê dương hàn lâm" trong giới sinh viên, một tổ chức chỉ kết nạp những kẻ chọn lọc chuyên truyền bá chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và những tham vọng Đại Đức.   

  Caltenbrune giới thiệu Scorseni với thủ lĩnh phát xít Áo là Artur Zeis-Inkvart. Năm 24 tuổi, Scorseni trở thành đảng viên Đảng Quốc xã và đến năm 1934 y gia nhập lực lượng SS. Vào giữa năm đó, ở Áo xẩy ra âm mưu đảo chính nhằm sáp nhập nước Áo vào nước Đức. Một đội sát nhân SS có cả Scorseni xông vào dinh thủ tướng Áo và bắn ông trọng thương. Nhưng âm mưu đảo chính không thành. Lực lượng SS phải rút vào bí mật. Nhưng không lâu. Năm 1938, Hitler chuẩn bị chiếm nước Áo. Trong nước Áo lại ngấm ngầm một âm mưu đảo chính mới. Những người đứng đầu âm mưu này là Caltenbrune và Artur Zeis.

  Hai mươi tên SS dưới sự chỉ huy của Scorseni dễ dàng tiêu diệt đội bảo vệ và xông vào phòng làm việc của tổng thống Miclas. Ông bị bắt và bị giải đi mất tích không để lại một dấu vết nào. Tiếp đấy, thủ tướng Susnig cũng bị bắt (ông bị đưa vào trại tập trung cho đến hết chiến tranh). Hôm sau, quân đội Đức tiến vào thủ đô Vienna. Nền độc lập của Áo chấm dứt.

  Ngày mồng 9 tháng 11 năm 1938, Scorseni tham gia chiến dịch bài Do Thái "Gà trống đỏ". "Một trăm chín mươi mốt nhà thờ Do Thái bị đốt cháy, bảy mươi sáu nhà thờ Do Thái bị phá huỷ hoàn toàn, mười một ngôi nhà chung và nghĩa trang bị đốt cháy. Hai mươi nghìn người bị bắt giữ", - đó là kết quả trong ngày hôm đó được báo cáo lên Hering. Scorseni được ban thưởng hậu hĩnh. Y được sở hữu một toà biệt thự sang trọng mà người chủ Do Thái đã biến mất.

  Khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, Scorseni trở thành một hạ sĩ quan khiêm nhường thuộc sư đoàn SS "Das Raykhe". Y tiến qua Bỉ, Hà Lan, Pháp, Nam Tư. Rồi cuộc chiến tranh với Liên Xô bùng nổ. Đâu đâu, con đường y đi cũng kèm theo những vụ bắn giết và hành hình.
Năm 1943, Hitler tuyên bố tiến hành cuộc chiến tranh huỷ diệt tổng lực, cuộc chiến tranh không hạn chế. Vào quãng thời gian đó, Caltenbrune, lúc này đã trở thành tổng cục trưởng Tổng cục An ninh của nước Đức phát xít, chợt nhớ đến Otto Scorseni. Y được triệu đến Berlin. Tại đây, Caltenbrune đề nghị y làm chỉ huy trưởng một đơn vị SS có biệt danh là "Khoá đặc nhiệm Orannienburg". Đây là trường đào tạo biệt kích, tức là đào tạo những nhóm điệp viên và nhân viên phá hoại thượng thặng. Tại đây chuyên huấn luyện những thủ pháp giết người thầm lặng, những kiểu nhẩy dù, phương pháp sử dụng thuỷ lôi và những thủ đoạn khác cần thiết cho công việc phá hoại. Tàu ngầm và máy bay tầm xa chở các học viên tốt nghiệp đến những nơi khác nhau trên thế giới. Ngoài những viên đạn tẩm thuốc độc dành cho kẻ thù, mỗi học viên tốt nghiệp trường còn nhận được một liều thuốc độc cho chính mình. Họ không có quyền đầu hàng. Một chi tiết nữa tuy nhỏ nhưng rất quan trọng: những chất độc đó được đem thử trên những tù nhân tại trại tập trung Dacsenhaoden, và Scorseni biết rõ điều đó.

  Cũng vào khoảng thời gian ấy, Scorseni còn làm thêm một việc nữa. Các nhân viên của y dĩ nhiên là cần tiền - nếu không thì làm sao tuyển mộ được điệp viên? Nhưng đồng mark Đức không mua bán được ở nước ngoài, còn đồng dollar và đồng bảng Anh thì ngày càng hiếm ở trong nước. Bởi vậy, một kế hoạch làm tiền giả được hoạch định. Giám đốc trung tâm SS phụ trách việc làm tiền giả là một người bạn của Otto Scorseni - đó là Berhar, một sĩ quan SS có quá khứ tội phạm.

  Đây là một kế hoạch làm tiền giả lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Mật danh của kế hoạch này là "chiến dịch Andreat". Lúc đầu mọi nỗ lực được tập trung vào việc làm giả đồng bảng Anh. Tuy bắt đầu ngay từ năm 1940 nhưng phải hai năm rưỡi sau việc này mới thật sự sôi động, khi những tờ giấy bạc có mệnh giá năm đến năm mươi bảng Anh và thậm chí một nghìn bảng Anh đã trở nên "giống như thật". Bỏ công sức vào việc này đương nhiên không phải là lực lượng SS mà là những họa sĩ, những thợ in, những kỹ sư và chuyên gia đầy tài năng - tất cả là 130 tù nhân của trại tập trung Dacsenhaoden. Và tất cả về sau đều bị thủ tiêu.

  Scorseni rất cần tiền cho đám điệp viên của mình. Theo đề nghị của y, một bộ phận sản xuất và những chuyên gia giá trị nhất được chuyển vào lãnh địa Fridentan của y là nơi không bị ném bom. Tại đây cũng chuẩn bị làm dollar giả.

  Các biến cố tiếp tục phát triển. Sau khi quân Đức thất bại ở vòng cung Curxk và quân đội Anh - Mỹ đổ bộ xuống đảo Sixin, giới cầm quyền chóp bu của Italia hiểu rằng cuộc chiến đã thất bại. Chỉ có thể cứu được Italia bằng cách lật đổ Mussolini. Ngày 25 tháng 7 năm 1943, Mussolini bị bắt khi đến gặp nhà vua để báo cáo.

  Thủ tướng mới của Italia là tướng Badolio bắt đầu cuộc thương lượng chính thức với Mỹ và Anh về việc ký hoà ước. Bộ chỉ huy Mỹ - Anh yêu cầu giao nộp Mussolini, nhưng Badolio lần lữa mãi. Ông liên tục chuyển Mussolini từ nhà tù này đến nhà tù khác. Lúc đầu, Mussolini bị quản thúc trên hải phòng hạm "Pecsephone" sau khi chiếc chiến hạm này được biến thành một nhà tù nổi. Tiếp đó, y bị đưa đến quần đảo Paulnan rồi đến Santa Mardalen. Cuối cùng y bị giam giữ tại một khách sạn du lịch hẻo lánh "Campo Imperatore" nằm trong một rặng núi hiểm trở, chỉ có thể đến được theo một con đường dốc cheo leo.

  Ngày 26 tháng 7 năm 1943, hôm sau ngày Mussolini bị bắt, Hitler cho gọi Scorseni đến và ra lệnh:

  - Bằng bất cứ giá nào cũng phải cứu được Mussolini!

  Sau vài tuần tìm kiếm, địa điểm giam giữ Mussolini đã được xác định. Phải đánh giá cho đúng sự tháo vát và nghị lực của Scorseni trong quá trình tìm kiếm này. Quả thật là những tên phát xít Italia làm việc tại cơ quan mật vụ của Mussolini trước kia đã giúp khá nhiều cho các đồng nghiệp Đức. Scorseni tuyển lựa được một trăm linh sáu kẻ tình nguyện lập thành một đội đặc nhiệm do y đứng đầu. Ngày 12 tháng 9 năm 1943, hai mươi chiếc tàu lượn chuyên dùng để đổ bộ đưa chúng vào vùng núi. Trên mỗi chiếc tàu lượn có chín tên. Hai chiếc bị lật nhào khi cất cánh và hai chiếc bị vỡ tan khi hạ cánh. Scorseni tiếp đất an toàn tại một nơi chỉ cách khách sạn chừng vài mét và cùng đội của y xông vào khách sạn. Bị đột kích bất thình lình, đội bảo vệ không kịp nổ một phát súng nào. Giám đốc khách sạn, một viên tướng Italia, kính cẩn đưa một cốc rượu cho Scorseni để tỏ ý khuất phục. Toàn bộ chiến dịch được một nhà quay phim do Scorseni đem theo ghi lại trên phim.

  - Tôi đã giải phóng ngài theo lệnh của quốc trưởng - y báo cáo với Mussolini.

  Chẳng bao lâu sau có một chiếc máy bay hai chỗ đến đón Mussolini. Nhưng Scorseni vẫn là người thứ ba ngồi lên máy bay. Và mặc dù máy bay bị quá tải (y cao một mét chín lăm và trọng lượng cũng tương ứng), y muốn tự mình áp tải "chiến lợi phẩm".

  Ngay tối hôm đó, đài phát thanh Đức thông báo về thành công rực rỡ của chiến dịch giải cứu Mussolini. Tên tuổi của Scorseni không được nhắc tới, nhưng chỉ hai ngày sau là bắt đầu một chiến dịch tuyên truyền ầm ỹ. Hitler và Hebbels cần có một anh hùng thực sự để nâng cao tinh thần đang sa sút của người Đức. Scorseni đích thân chở Mussolini đến tổng hành dinh của Hitler, và từ giờ phút đó một trận mưa những phần thưởng, những tặng phẩm quý và những cuộc thăng cấp rơi xuống đầu y. Đài phát thanh lớn tiếng nói về y, báo chí viết bài về y, bộ phim tài liệu ghi lại cuộc giải cứu được liên tục trình chiếu. "Liên đoàn các cô gái Đức" tâng bốc y là thần tượng của chủng tộc Đức. Y được thăng cấp thiếu tá SS, và Hitler tự tay quàng chiếc huân chương "Thập tự hiệp sĩ" vào cổ y.

  Sau chiến dịch giải cứu Mussolini, Scorseni được trao một nhiệm vụ quan trọng mới là tiến hành hoạt động phá hoại ở nước ngoài. Trong tay y có hơn ba nghìn kẻ cung cấp tin, mật thám và nhân viên phá hoại. Ngoài ra, y còn nhận được một danh sách tất cả các đảng viên phát xít ở hơn 40 nước trên khắp thế giới, những kẻ sẵn sàng hỗ trợ cho mạng lưới điệp viên của y. Nhiệm vụ chủ yếu của y là tung nhân viên phá hoại vào nước Nga. Nhưng trong số mười chín nhóm phá hoại được tung vào thì mười lăm nhóm bị bắt ngay lập tức, bốn nhóm còn lại bị bắt chậm hơn một chút.

 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 19 Tháng Bảy, 2008, 01:01:05 pm
  Về sau, trong cuốn hồi ký của Scorseni, y đã nuối tiếc nhớ lại một trong những chiến dịch mà theo y là một chiến dịch lớn được thực hiện tại hậu phương Hồng quân. Theo lời y, vào mùa hè năm 1944, một "điệp viên nằm vùng" của y đã thông báo rằng nhiều nhóm binh sĩ Đức, tất cả tới hơn hai nghìn tên, do trung tá Serkhorn chỉ huy đang đổ về một vùng rừng rậm ở mạn bắc Minsk. Không ai rõ địa điểm chính xác, mà cũng không liên lạc được với nhóm quân này. Scorseni được bộ tổng chỉ huy Đức trao nhiệm vụ phải cùng đội đặc nhiệm của y thiết lập được liên lạc với đội quân của Serkhorn và tìm mọi cách giúp đỡ. Chiến dịch do Scorseni soạn thảo mang mật danh là "Bracone" và kéo dài từ giữa tháng 9 năm 1944 cho đến hết tháng 5 năm 1945. Để thực hiện chiến dịch này, y chuẩn bị bốn nhóm, mỗi nhóm có hai người Đức và hai người Nga. Tất cả được trang bị súng lục Nga, điện đài Nga, quân phục Nga, đồ hộp Nga, thậm chí cạo trọc đầu theo kiểu Nga và tập hút thuốc lá Nga... Trong hồi ký của mình, Scorseni kể lại là hai nhóm bị mất tích, nhưng hai nhóm còn lại đã tìm được đội quân của Serkhorn và thiết lập được liên lạc với y. "Đêm hôm sau, trung tá Serkhorn đích thân nói vài lời, những lời tuy giản dị nhưng chứa đựng biết bao tình cảm biết ơn sâu sắc kìm nén trong lòng! Đó là phần thưởng lớn nhất cho những nỗ lực và lo lắng của chúng tôi!"

  Sau đó, trong suốt mùa thu, mùa đông và mùa xuân cuối năm 1944 - đầu năm 1945, đội quân của Serkhorn thường xuyên được giúp đỡ bằng mọi cách. Đội quân này liên tục di chuyển về phía Tây và đến đâu cũng được máy bay Đức thả xuống vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men, thậm chí cả trinh sát viên và thầy thuốc. "Không tránh khỏi những cuộc giao chiến đẫm máu với quân Nga, số người chết và bị thương tăng lên hằng ngày và tốc độ hành quân đương nhiên bị chậm lại... Nhưng đó chưa phải là nỗi lo lắng chính của chúng tôi... Mặc dù Serkhorn khẩn thiết yêu cầu nhưng số nhiên liệu bị giảm đi hằng tuần nên phải cắt bớt số lượng các chuyến bay cung cấp... Tiếp đó, nội dung các bức điện phát đi quả là một sự tra tấn ghê gớm đối với tôi... Đôi khi, chúng tôi nghe thấy những lời van nài tuyệt vọng. Tiếp đấy, sau ngày mồng 8 tháng 5, tất cả đều im lặng. Serkhorn không trả lời nữa. Chiến dịch "Bracone" kết thúc thất bại".

  Có lẽ cũng cần nói thêm rằng, ngày 28 tháng 3 năm 1945, Serkhorn nhận được một bức điện có chữ ký của tổng tham mưu trưởng quân đội Đức chúc mừng y nhân dịp y được phong hàm đại tá và được tặng thưởng huân chương "Thập tự hiệp sĩ hạng nhất". Thật cảm động! 
Nhưng cũng cần bổ sung thêm những chi tiết sau đây. Người "điệp viên nằm vùng" đã thông báo về sự tồn tại của đội quân Serkhorn là một điệp viên Xô Viết tên là Alecxandr Demianov, bí danh là "Hayne". Serkhorn quả thật là trung tá Đức nhưng ông làm việc cho tình báo Xô Viết dưới bí danh "Subin", và toàn bộ "đơn vị" của ông chỉ gồm vài chiến sĩ chống phát xít và nhân viên điện đài người Đức được tình báo Xô Viết tuyển mộ. Hơn nữa, người lãnh đạo vụ này là một điệp viên Xô Viết tên là Willi Fisher mà về sau trở nên nổi tiếng khắp thế giới dưới tên gọi Rudolf Abel. Còn toàn bộ chiến dịch được đặt dưới sự chỉ đạo của cục trưởng Cục 4 Bộ Nội vụ Liên Xô Sudoplatov và hai nhân viên giàu kinh nghiệm của cục này là Marclareki và Morvinov. Chiến dịch được đặt cho mật danh "Beredino" và nhằm đánh lạc hướng cơ quan tình báo Đức và tiêu hao lực lượng tình báo Đức. Trong thời gian tiến hành chiến dịch đã bắt được 22 điệp viên Đức, thu được 13 điện đài, 223 kiện hàng. Có thể nói "Bracone" bị nhấn chìm trong "Beredino".

  Cũng vào khoảng thời gian ấy, Scorseni còn bận tâm với những loại vũ khí mới như máy bay liều chết và canô liều chết. Nhiệm vụ của y không phải là giải quyết những vấn đề kỹ thuật mà là tuyển mộ những kẻ tình nguyện liều chết. Quả thật, khác với những đội thần phong của Nhật Bản, những kẻ này vẫn có cơ may sống sót là đầu hàng, nhưng cơ may này không phải bao giờ cũng xuất hiện. Trong trường huấn luyện của mình, Scorseni còn đào tạo cả những "người nhái". Chúng bơi đến gần tàu địch và gắn mìn từ tính vào đáy tàu. Chỉ riêng trong một chiến dịch, chúng đã đánh đắm được những chiếc tàu có trọng tải ba mươi nghìn tấn.

  Nhưng đó chỉ là những thành công nhất thời. Quân Đồng minh đã học được cách chiến đấu với chúng mặc dù nghề "người nhái" vẫn được duy trì đến ngày nay. Cả những kế hoạch tiêu diệt những thành phố lớn và những trung tâm công nghiệp lớn của Liên Xô bằng những chiếc máy bay liều chết điều khiển được cũng thất bại. Tuy Scorseni có tuyển mộ được một số kẻ tình nguyện, nhưng các phương tiện kỹ thuật không cho phép thực hiện các kế hoạch này.

  Ngày 20 tháng 7 năm 1944 xảy ra vụ mưu sát Hitler khi những đối thủ của Hitler định cướp chính quyền. Scorseni đã trấn áp âm mưu này bằng bản tính tàn bạo vốn có của y. Theo lệnh của Himmler, y đã cùng tiểu đoàn dưới quyền y chiếm trụ sở của bộ chỉ huy tối cao rồi ở lại đó, kết án và tàn sát trong suốt ba ngày. Một số bị trao cho những tên đao phủ Gestapo, một số khác, trong đó có Oighen Herstenmaier, chủ tịch tương lai của quốc hội Cộng hoà Liên bang Đức, thì bị quản thúc. Scorseni lại một lần nữa được Quốc trưởng khen thưởng.

  Vào tháng 10 năm 1944, Scorseni đến thủ đô Budapest của Hungari. Y được trao nhiệm vụ tổ chức đảo chính ở nước này bởi vì "Quốc trưởng" Hungari là Horti có ý định ký hoà ước riêng rẽ với Đồng minh.

  Ngày mồng 10 tháng 10, Scorseni tổ chức bắt cóc tư lệnh Budapest là tướng Bacan, hôm sau y tổ chức bắt cóc tư lệnh hạm đội Danupe của Hungari là Hardi, rồi đến lượt con trai của "Quốc trưởng" Horti. Scorseni cần con trai của Horti làm con tin để Horti vứt bỏ ý định chạy sang với Đồng minh. Horti con bị chăng bẫy rồi bị quấn vào một tấm thảm đưa ra khỏi nhà, tiếp đó bị chất lên xe và chở đến trại tập trung.

  Hôm sau, Scorseni tổ chức tấn công dinh chính phủ. Y dẫn đầu tiểu đoàn SS xông vào trụ sở chính phủ. Y dùng súng buộc tướng Lada phải ra lệnh cho đội bảo vệ đầu hàng. Ông khuất phục nhưng lập tức cho mình một viên đạn vào đầu. Chính phủ mất lực lượng bảo vệ và bị lật đổ. Chính phủ mới tiếp tục cuộc chiến. Scorseni được thăng hàm trung tá và được Hitler thưởng huân chương "Thập tự hiệp sĩ vàng".

  Vào tháng 12 năm 1944, khi quân Đức bắt đầu cuộc phản công ở vùng Acden, Scorseni bắt tay vào việc thực hiện một chiến dịch bí mật nữa. Y thành lập một đội đặc nhiệm gồm những binh sĩ tình nguyện biết tiếng Anh. Chúng được mặc quân phục Mỹ và trang bị súng Mỹ, chia thành nhiều nhóm rồi xâm nhập vào các vùng hậu phương của quân đội Đồng minh để gieo rắc kinh hoàng và hoạt động phá hoại. Tuy nhiên, chúng bị tổn thất nặng nề. Một trăm ba mốt tên bị người Mỹ bắt được đem xử bắn, hơn một nghìn tên bị chết trong các cuộc giao chiến. Trong thời gian diễn ra chiến dịch này, những tên trong đội đặc nhiệm của Scorseni đã phạm một tội ác chiến tranh khủng khiếp. Chúng bắn chết bảy mươi mốt tù binh Mỹ không có vũ khí trong tay bởi vì mặc dù đã cải trang nhưng chúng vẫn sợ bị họ tố giác.

  Quân đội Xô Viết tiếp tục tấn công. Scorseni lúc này đã là sư đoàn trưởng, y nhận được mệnh lệnh cuối cùng của Hitler là giữ vững thành phố Svet trên sông Ode. Scorseni áp dụng phương pháp duy nhất mà y biết - đó là khủng bố. Y ra lệnh treo cổ tất cả những ai nghĩ đến chuyện rút lui hoặc chạy trốn. Rất nhiều sĩ quan và binh lính Đức bị xử tử theo lệnh y. Otto Scorseni được binh lính tặng cho biệt danh "Otto chuyên treo cổ", còn Hitler thì thưởng cho y "Cành lá sồi gắn huân chương Thập tự hiệp sĩ".

  Việc làm cuối cùng của Scorseni trong chiến tranh là kế hoạch xây dựng "Pháo đài Anpes" trong vùng núi Tiron ở Áo. Tại đây, bè lũ Hitler dự tính sẽ cố thủ để tiếp tục cuộc chiến cho đến "người cuối cùng". Ngoài người và vũ khí, Scorseni còn nhận được vài trăm nghìn bảng Anh giả để  "chi tiêu". Nhưng mọi mưu toan tổ chức kháng cự đều vô ích. Ngày 15 tháng 5 năm 1945, Scorseni bị bắt. Nhưng cuộc đời y chưa chấm dứt tại đây. Y được sự che chở của người lãnh đạo cơ quan tình báo Mỹ là thiếu tướng William Joseph. Bất chấp vô số những bằng chứng về tội ác của Scorseni, toà án Mỹ vẫn tha bổng y. Công pháp quốc tế bị chà đạp. Tờ tạp chí Tây Đức "Quik" viết: "Cá nhỏ bị treo cổ, cá lớn được thả tự do".

  Tuy nhiên, Scorseni không chạy đâu cho thoát được cơ quan an ninh Mỹ. Y bị đưa vào trại cải huấn Damstad. Nhưng vào tháng 7 năm 1948, có ba người mặc quân phục Mỹ đến đón y và đưa y đi. Y đến Mỹ và dưới bí danh "Able" bắt đầu phục vụ cho tình báo Mỹ. Ngay từ năm 1945, giám đốc cơ quan tình báo Mỹ là Donovan đã nói về y: "Một chàng trai giỏi đấy!".

  Trong một trại đặc biệt ở bang Georgia, Scorseni huấn luyện cho các đồng nghiệp Mỹ những phương pháp tung vào và sơ tán những điệp viên nhảy dù.

  Năm 1950, y đến Pháp và Đức, tại đây, một vài nhà xuất bản chuẩn bị in cuốn hồi ký của y. Sau đó, y đến Italia. Tại Italia, sau khi gặp các chiến hữu của y, y thành lập một tổ chức của những tên tội phạm SS có tên là "Tổ chức những nhân vật đã từng tham gia SS" (ODESSA).

  Từ Italia, y đến Tây Ban Nha, nơi mà vào lúc ấy, tên độc tài Franco đang che chở cho mười sáu nghìn tên quốc xã, trong đó có năm nghìn quan chức cao cấp của Hitler. Tại đây, Scorseni chẳng cần trốn tránh ai. Thậm chí y đến thăm một phòng trưng bày tranh ở Madrid với tấm huân chương "Thập tự hiệp sĩ" treo trên cổ. Trong một thời gian dài, Tây Ban Nha trở thành nơi nương thân của y. Y thành lập tại đây hai cơ sở cho bọn quốc xã - một ở gần Xevil, một ở trong một ngôi biệt thự hẻo lánh gần Constantin.

  Những mối quan hệ chặt chẽ giữa Scorseni với Ianmar Sakht, một tên tài phiệt được toà án Nuremberg tha bổng, và tướng Gehlens, giám đốc cơ quan mật vụ Tây Đức, đã đem lại kết quả. Vào tháng 1 năm 1951, y được đưa ra khỏi danh sách những nhân vật bị cảnh sát Tây Đức theo dõi. Từ đấy, y được tự do đi lại giữa Tây Ban Nha và Đức, lúc thì mang tên thật, lúc thì mang tên giả, để che giấu càng nhiều càng tốt những phần tử quốc xã ở Tây Ban Nha.

  Một trong những "chiến công" mới của y là vụ đe dọa Thủ tướng Anh Winston Churchill. Sau vụ giải cứu Mussolini, trong tay Scorseni có những tài liệu mật của Churchill, kể cả nhiều thư từ của ông ta. Năm 1951, thông qua một nhân viên của mình, y trả lại những lá thư đó cho Churchill. Nhưng Churchill phải cam kết rằng nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử và lên làm Thủ tướng thì ông ta sẽ trả tự do cho những tên tội phạm chiến tranh. Và điều đó đã xảy ra. Sau khi Đảng Bảo thủ của Churchill giành được thắng lợi, ông ta thành lập chính phủ mới và ra lệnh trả tự do cho một loạt những tên tội phạm quốc xã khét tiếng. Chẳng bao lâu sau, chúng được phép rời khỏi nhà tù.
Scorseni dành toàn bộ quãng đời về sau của y (y chết năm 1975) để chăm lo cho những tên tội phạm chiến tranh quốc xã, để tham gia những hoạt động khác nhau của cuộc "chiến tranh lạnh" và chuẩn bị cho cuộc "chiến tranh nóng". Một lần, tại Nuremberg, y tuyên bố: "Hãy cho tôi một nghìn người và quyền tự do hành động, tôi sẽ đánh bại bất kỳ kẻ thù nào trong cuộc chiến tranh mới".

  Có giả thuyết cho rằng, vào năm 1960, cơ quan tình báo Mossad của Israel đã chiêu mộ được Scorseni và lôi kéo y tham gia chiến dịch chống Ai Cập. Theo giả thuyết này, tổng thống Ai Cập hồi đó là Naser có ý định chế tạo tên lửa riêng của nước này với sự giúp đỡ của một nhóm kỹ sư Đức, trong đó có một số nhân viên cũ của Scorseni. Dường như y đã làm tất cả những gì có thể làm được để phá vỡ kế hoạch đó của Ai Cập, tiếp đó, sau cuộc chiến tranh năm 1967, y tiếp tục giúp đỡ Israel trong cuộc đối đầu với Ai Cập.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 19 Tháng Bảy, 2008, 01:12:18 pm
60 - IAN FLEMING (1908- 1964)
Cha đẻ của điệp viên 007 James Bond

(http://www.cbc.ca/gfx/images/arts/photos/2008/04/29/arts_bond-exhibit_220.jpg)

  Ian Lancaster Fleming là người đã sáng tạo ra James Bond, điệp viên 007 nổi tiếng trên thế giới. Ông sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng không thuộc dòng dõi quý tộc. Ông nội là con một chủ trại nghèo, nhưng năm 25 tuổi đã bỏ sang Mỹ lập nghiệp, buôn bán và đã nhanh chóng phất lên. Hai cậu con trai là Valentin và Phillip, đã được cha cho học ở hai trường đại học có uy tín nhất là Iton và Oxford. Năm 1906, Valentin cưới Evelin San Croa Roys, một trong những đám giàu nhất ở Anh với hai trăm năm mươi ngàn  stirling quà cưới của bố vợ và một món hồi môn đáng kể. Ngày 28 tháng 5 năm 1908 cậu con thứ của họ ra đời và được đặt tên là Ian Lancaster. Sau này nhà văn đã rút gọn tên thành Ian, nghe thật kêu.

  Cha của Ian là một người cương nghị, tính tình vui vẻ, luôn là linh hồn của mọi cuộc tụ hội. Ông đi nhiều, mê say thể thao, săn bắn. Ông cũng hoạt động chính trị, là nghị sĩ và là một người bảo thủ nổi tiếng. Rõ ràng là những ấn tượng thời thơ ấu của Ian đã được thể hiện rất rõ qua tính cách và hình ảnh điệp viên 007. Ngay từ đầu cuộc Thế chiến thứ nhất Valentin Fleming đã ra trận phụ trách một đơn vị kỵ binh. Ông hy sinh năm 1917 và được đích thân Thủ tướng Anh Winston Churchill đọc điếu văn.

  Ian Fleming học trường Iton, sau đó theo học trường quân sự Sankeski, nhưng Ian đã bỏ học, tự học tiếng Pháp và tiếng Đức vì quyết định theo ngạch ngoại giao. Mặc dù vậy Ian đã không qua được kỳ thi tuyển vào Bộ Ngoại giao vì trượt môn luận. Song chàng trai không nản lòng và đã thu xếp được chân phóng viên cho hãng thông tấn Reuters. Vốn biết rõ các cơ quan tình báo của Anh có xu hướng sử dụng các nhà báo vào mục đích của mình, nên có thể coi đây là bước đầu chưa chính thức của Ian được tiếp xúc với hoạt động tình báo của Anh. Nếu không làm sao người ta bỗng nhiên có thể cử một phóng viên trẻ đi chuyến công du quan trọng đến Moscva?

  Năm 1933 ở Moscva đã diễn ra vụ kiện sáu kỹ sư người Anh, cộng tác viên của hãng "Metro Vicckers" về tội phá hoại và làm tình báo kinh tế. Công tố viên là Vưsinxki. Bằng chứng về hoạt động tình báo quá rõ. Nhiều bị cáo phải thừa nhận đã làm việc cho tình báo Anh. Một trong số họ, Macdonald, còn khai rõ các hoạt động cụ thể của mạng lưới gián điệp. Một người khác nữa là Monkhause nhận đã chuyển tin tức cho Richard, một giám đốc của Vicckers, nhưng tên này đã kịp tẩu thoát. Cả hai tên - Monkhause và Richard đều là sĩ quan tình báo trong đội quân viễn chinh của Anh ngay từ năm 1918. Về việc các điệp viên Anh làm việc ở tập đoàn Vicckers sau đó phía Anh cũng phải công nhận. Tuy nhiên việc bắt giam và truy tố bọn này vẫn gây ra làn sóng công phẫn ở Anh. Thậm chí họ còn đe dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại giữa hai nước, song đã không có gì xảy ra. Lúc này kinh tế thế giới tiếp tục bị khủng hoảng, còn ở Đức thì Hitler lên nắm chính quyền, và không ai muốn mất đi một đối tác tin cậy và còn có thể là một đồng minh như Liên Xô.

  Fleming đã làm sáng tỏ quá trình tố tụng xử án. Ông miêu tả cụ thể không chỉ mọi diễn biến ở phiên tòa mà cả cuộc sống của thủ đô. Phiên tòa kết thúc, bốn bị cáo bị trục xuất, hai bị cáo bị kết án từ 2 đến 3 năm tù giam rồi không bao lâu sau cũng được thả về nước. Fleming còn ở lại Moscva thêm một tuần, thậm chí còn tìm cách phỏng vấn Stalin, song nhà lãnh đạo đã lịch sự từ chối, viện cớ không có thời gian.

  Về tới Anh, Fleming kể lại mọi chuyện tai nghe mắt thấy ở Moscva không chỉ với nhà xuất bản, với bạn bè, mà còn cả với Bộ Ngoại giao. Người ta đã triệu ông tới và chăm chú lắng nghe.

  Giờ đây người ta dự kiến cử Fleming sang Berlin phỏng vấn Hitler và nắm bắt tình hình, sau đó sẽ với tư cách đặc phái viên đến Thượng Hải lúc này đã là trung tâm tình báo quốc tế ở vùng Viễn Đông. Thế nhưng Fleming đã bỏ việc, chuyển sang hoạt động chứng khoán mặc dù chẳng được bao lâu.

  Mùa xuân năm 1939 ông lại đến Moscva cùng phái đoàn thương mại do Bộ trưởng Bộ Ngoại thương dẫn đầu. Lần này ông là phóng viên cho tờ "Thời báo". Ngoài việc viết bài Fleming còn có thêm nhiệm vụ của Cục Tình báo Anh. Vì ông được ủy nhiệm của đoàn thương mại nên được gặp gỡ tiếp xúc không chỉ với mọi người mà còn cả với những nhà lãnh đạo trong bộ máy nhà nước Xô Viết như Litvinov và Micoian. Cả hai ông đều hay chuyện, cởi mở và quảng giao, nhưng cũng rất "tinh ranh" bởi đều vượt qua thời kỳ các cuộc trấn áp và thanh trừng khủng khiếp. Fleming được giao nhiệm vụ đánh giá xem Nga có thể là đồng minh được không.

  Trở về Anh, Fleming đã nộp báo cáo về tiềm năng quân sự của Nga, tinh thần chiến đấu và tâm trạng của họ. Nhận xét sắc sảo và đầu óc phân tích của tác giả đã khiến người ta chú ý. Đây là trích dẫn từ bản báo cáo của ông: "Khó có thể nhận định về người Nga theo tiêu chí của người Anh chúng ta. Cuồng tín, tư duy cứng nhắc, tình trạng bị bưng bít của họ hoàn toàn khó hiểu khiến người ta bực mình. Nếu xét họ về mặt nào đó như một đồng minh, thì tôi có thể khẳng định là tinh thần chiến đấu của họ rất cao, lòng dũng cảm của họ quá rõ ràng. Những người Anh và Pháp có dịp sang công tác ở Nga họ nhất định sẽ gặp phải những khó khăn nhất định: họ sẽ thấy tình trạng quản lý lộn xộn chưa từng thấy, họ sẽ rơi vào rừng cờ và khẩu hiệu đỏ rực. Nhưng khi thời điểm quyết định tới thì họ nhận thấy ngay là những con người khắc nghiệt đó khác hẳn với những tấm bia đỡ đạn được vũ trang tồi tàn năm 1914".

  Rõ ràng sau chuyến đi Nga lần này Fleming đã thôi không còn ý định giấu cái "tôi" thực sự của mình nữa. Ông công khai làm điệp viên cho Cục Tình báo Anh, đầu tiên chỉ là trung úy, sau là thượng úy và được phong là chỉ huy trưởng trong Hải quân Hoàng gia. 

  Chiến dịch đầu tiên Fleming phụ trách là việc giải cứu tù binh của Anh bị giam giữ tại nhà tù nổi vùng bờ biển Na Uy. Ngày 15 tháng 2 năm 1940 tàu "Kossakh" thuộc hạm đội Hoàng gia Anh tại vùng biển Na Uy đã chặn bắt tàu "Almark" của Đức, giải phóng cho ba trăm thủy thủ bị tàu chiến của Đức bắt tại vùng biển Nam Đại Tây Dương.

  Vào mùa hè biến động của năm 1940, Fleming đến Lisbon. Lúc này ở đây có cả quận công Wildsor cùng phu nhân. Ông là cựu vương Edward Đệ tứ, người đã vì một phụ nữ Mỹ đã hai lần ly hôn tên là Wollis Simpson mà từ bỏ ngai vàng. Có mặt ở Lisbon còn có Valter Sellenberg, giám đốc Cục Phản gián Đức với nhiệm vụ thuyết phục quận công sang định cư ở Thụy Sĩ vì Hitler đã biết được tư tưởng sùng Đức của quận công và phu nhân, điều cần thiết để đảm bảo thành công cho chiến dịch "Sư tử biển" nhằm đưa lên ngai vàng Anh quốc người "của mình".

  Ở Lisbon đã nổ ra cuộc tranh giành ác liệt giữa tình báo Anh và tình báo Đức. Cuối cùng Thủ tướng Anh Churchill đích thân can thiệp và phía Anh đã thắng thế. Quận công Wildsor cùng phu nhân không đến Thụy Sĩ, mà tới quần đảo Labama giữ quyền thống đốc và tổng tư lệnh.

  Khó có thể xác định vai trò của Fleming trong cuộc đụng độ trên. Chỉ biết rằng sau vụ đó ngay đầu năm 1941 ông đã trở thành trợ lý cho đô đốc John Golfrie, phụ trách mạng lưới tình báo trong hải quân và là nguyên mẫu của nhân vật M, cấp trên của điệp viên James Bond.

  Để hợp tác hành động với các đồng minh, Fleming đã vài lần đi Mỹ và Giamaica. Rõ ràng là để làm được điều trên cần không chỉ thông tỏ các chiến dịch cùng tiến hành, mà còn phải biết phân tích tình hình, kịp thời đưa ra những lời khuyên và tiến cử xác đáng, tức là phải là một chuyên viên sắc sảo tầm cỡ.

  Một trong những chiến dịch mà các điệp viên Anh thực thi tại Mỹ khi ấy sau này là chủ đề cho cuốn truyện được dựng thành phim "Role - Finger". Đó là chuyện họ đã phối hợp cùng Jac Vogian, điệp viên Phòng nhì Pháp - cuỗm vàng trên đảo Mactinic của bọn Visi.
Năm 1942, Cục Phản gián Xô Viết có kế hoạch ám sát đại sứ của Đức ở Ancara, một tên quốc xã già và là một tình báo viên dày kinh nghiệm, nhưng thất bại. Việc mưu sát không thành vì điệp viên người Bungari, người chịu trách nhiệm thực thi, vấp phải mìn. Hai nhà ngoại giao Liên Xô là Cornilov và Pavlov - bị bắt và bị truy tố. Tất nhiên là phía Liên Xô một mực phủ nhận sự dính líu của mình. Tình báo Anh có sự tham gia của Fleming tự đứng ra điều tra vụ này.

  Fleming còn lập công trong việc xác định nơi đặt tên lửa "Fau" của Đức. Kể về chuyện này thật là khó. Riêng về chuyện làm thế nào phát hiện được cơ sở chính của tên lửa trên đảo Penemude cũng đã có rất nhiều kiến giải và nhiều người muốn giành quyền là người đầu tiên phát hiện khiến khó có thể xác định thực tình. Tuy nhiên có một điều chắc chắn là Fleming có tham gia vào vụ việc Penemude hoặc có thể vào một vụ việc nào khác, bởi cơ sở tên lửa "Fau" có rất nhiều và không chỉ ở trên một đảo đó.   

  Cuối cùng vào năm 1943, Fleming đảm nhận một việc quan trọng, đó là thu thập và phân tích các thông tin tình báo trước và vào thời điểm liên quân Anh-Mỹ đổ bộ vào Italia. Chắc là chiến dịch "Minxmit" ("Nhân bánh") đã xảy ra trước nhiều. Trước khi liên quân Anh-Mỹ đổ bộ vào Sixin tình báo Anh đã lén vứt cho Đức xác của "thiếu tá Martin". "Thiếu tá" mang theo mình chiếc cặp đầy tài liệu nói rõ kế hoạch đổ quân vào Xardin và Hy Lạp, chứ không phải Sixin. Phản gián Anh đã chuẩn bị "kế hoạch đánh lừa" quân Đức cẩn thận và cụ thể đến từng chi tiết nhỏ, khiến địch quân cắn câu ngay. Chủ yếu là ngay chính Hitler cũng tin vào "thiếu tá Martin" đến mức khi quân Đồng minh đã bắt đầu đổ bộ xuống Sixin, Đức Quốc trưởng vẫn cho là trò đánh lạc hướng, còn đổ bộ thực sự là ở Xardin và Peloponest.

  Kết thúc chiến tranh được ít lâu, năm 1946 Fleming về hưu. Hoạt động tình báo của ông kéo dài 7 năm. Chuyện giật gân ly kỳ nhất trong cả cuộc đời hoạt động của ông là sát cánh bên ông không phải là nhân vật James Bond được ông hư cấu mà chính là điệp viên Liên Xô Kim Philby, "thế mà ông lại không để ý tới".

  Fleming định cư ở Giamaica, sống một cuộc đời êm đềm vui vẻ của một sĩ quan về hưu phong lưu giàu có. Năm 1952 ông cưới bà Rotermin (đây là lần kết hôn thứ ba) và cũng năm này, ngày 13 tháng 8, họ đã đón cậu con trai Caspa ra đời. Vậy là ông còn sống thêm được đúng 12 năm nữa.

  Cũng chính lúc này "ở độ tuổi già" ông quyết định thử sức trong lĩnh vực văn chương. Năm 1953 cuốn sách đầu tay của ông "Điệp viên 007 phục vụ Nữ hoàng" đã ra mắt độc giả, trong đó nói về những cuộc phiêu lưu của James Bond. Tên nhân vật này là do tình cờ một lần ông nhìn thấy trên trang bìa cuốn "Chim chóc trên các đảo vùng Tây ấn" tên tác giả một nhà điểu học người Mỹ là James Bond.  Sau này khi điệp viên 007 trở nên nổi tiếng thì nhà điểu học Mỹ lại gặp biết bao phiền toái. Suốt ngày bọn gái bán hoa gọi điện tới tấp, còn các độc giả kỹ tính thì lại muốn khẳng định chính xác mọi chi tiết trong câu chuyện. Vợ nhà bác học điên đầu gọi điện tới thì Fleming chuyển sang chuyện đùa và đề nghị hai vợ chồng nhà điểu học sử dụng tên ông thỏa thích cho hả giận. Thế là mọi chuyện được dàn xếp ổn thỏa.

  Những tác phẩm đầu tay của Fleming được viết vào thời kỳ "những cuộc săn lùng các thầy phù thủy" và lúc "chiến tranh lạnh" quyết liệt nhất. Đối thủ chính của James Bond là "bọn Đỏ", thường được biết tới qua tổ chức tình báo SMERSA (đó là tên của Cục Phản gián của Liên Xô thời kỳ chiến tranh Vệ quốc vĩ đại có nghĩa là "Bọn gián điệp phải chết!"). Cùng với thời gian tác giả đã khôn ngoan sáng suốt hơn. Trong các truyện của mình Fleming đã để cho James Bond đối phó không chỉ với người Nga, mà cả với các liên minh tội phạm quốc tế khác. Tên Cục Phản gián "SMERSA" khét tiếng đã được thay thế bằng tên tổ chức hư cấu là SPECTR (tổ chức đặc nhiệm thực thi các chiến dịch phản gián, chống khủng bố, những hành động đáp trả và cưỡng chế).

  Fleming đã có lần tuyên bố: "Tôi luôn yêu quý nhân dân Nga và tôi vui lòng được làm việc ở Moscva... Vì vậy tôi không bao giờ có ý định bôi nhọ họ, hơn thế đường lối chung sống hòa bình đã mang lại nhiều thành quả".

  Flemming viết cả thảy 14 cuốn về điệp viên 007 James Bond.

  Có thể nói đôi chút về các nguyên mẫu cho James Bond. Trước hết, rõ ràng James Bond là một nhân vật hư cấu, tập hợp tính cách của nhiều người. Nhân vật này gợi nhớ đôi chút gì đó của tác giả và đồng sự của ông, điệp viên Merlin Marsall, có những nét của điệp viên hai mang người Nam Tư Dusco Popov, lại chịu ảnh hưởng của cả điệp viên quốc tế nổi tiếng Sidney Reilly, một người mà Fleming thường được Bruce Lockhart, một điệp viên cũng không kém phần nổi danh và là đồng sự của ông kể cho nghe. Tuy nhiên Fleming nhận xét: "Tiếc là Bond không phải lúc nào cũng tốt như Reilly!".

  Về hình ảnh James Bond tác giả có tranh luận nhiều lần với chính giám đốc Cục Phản gián Mỹ Allen Dulles, người rất thán phục sáng tác của Fleming và thường khoe khoang rằng dưới trướng ông ta có "không chỉ một tá James Bond". Đúng là trong cuốn "Nghệ thuật tình báo" của mình Dulles đã so sánh điệp viên Liên Xô Rudolf Abel với James Bond và phải thừa nhận: "Abel có thể làm mọi chuyện thật êm thấm bí mật, trong khi James Bond lại thực thi một cách ồn ào và bắn nhau chí chóe".

  Nguyên mẫu các sếp của James Bond (ngài M) chính là các cấp lãnh đạo của Fleming, như sếp của Cục Tình báo MI-5 Macswell Nite, John Golfrie và ngài Colin Gabbins, giám đốc Cục Quản lý các chiến dịch đặc biệt thời chiến.

  Đối thủ của James Bond cũng mang tính khái quát tượng trưng. Bắt đầu vào nghề viết giữa lúc quyết liệt của "chiến tranh lạnh" vào năm 1953, Fleming đã miêu tả các điệp viên Xô Viết hoàn toàn tàn bạo.

  Nhân vật tướng Glubodaboisic dữ tợn phụ trách tổ chức SMERSA trong cuốn "Mang theo tình yêu từ nước Nga về", theo các tác giả phương Tây, gợi nhớ hình ảnh tướng Abacumov, một người tàn nhẫn, chuyên đích thân tra hỏi các tù binh ở nhà tù Lubianco. Trong cuốn sách đó tác giả đã dành cả một chương mô tả cụ thể về các cơ quan an ninh Xô Viết. Và không phải ngẫu nhiên mà vào thời kỳ khủng hoảng tên lửa ở Cu Ba vào năm 1961 cuốn "Mang theo tình yêu từ nước Nga về" (như chúng ta đã biết về cuối đời Fleming đã có thay đổi trong nhìn nhận về nước Nga và người Nga) đã là cuốn sách gối đầu giường của Tổng thống Mỹ John Kennedy và giám đốc CIA Allen Dulles.

  Còn về các hình ảnh phụ nữ trong các tác phẩm của Fleming thì đều là những nhân vật được hư cấu, không có nguyên mẫu, ngoại trừ nhân vật Monipeni, thư ký của ngài M, lấy nguyên mẫu từ Ketlin Pettingiew, thư ký của cả 3 đời giám đốc Cục MI-6.

  Cần nói thêm rằng các bộ phim về điệp viên 007 James Bond đã tôn vinh tác giả hơn cả các cuốn sách của ông.

  Ngày 10 tháng 8 năm 1964 đang chơi gôn thì Fleming thấy khó ở. Ông được chở ngay tới bệnh viện. Đêm 12 rạng ngày 13 ông qua đời và được an táng tại nghĩa trang Hampton Glotersir.

  Được tin ông mất, đô đốc Golfrie, thủ trưởng cũ của Fleming, đã thốt lên: "Tôi luôn cho rằng đáng lẽ ông ta phải là Giám đốc cơ quan Tình báo Hải quân, còn tôi chỉ là trợ lý mà thôi". Có thể ông ta chỉ nói đùa như vậy!


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 20 Tháng Bảy, 2008, 12:38:56 pm
61 - IUREK FON SOSNOVSKI (1908 - 1945?)
Số phận các nữ người tình



  - Thật là tồi tệ! - Đại tá quân đội Đức Huderian phẫn nộ - Những tài liệu tối mật mà không Cục nào trong Bộ Tổng tham mưu của ta biết giờ đây đã không cánh bay sang Ba Lan tới Bộ tham mưu của đối phương. Cơ quan phản gián của ta đâu?

  - Ông đại tá, - Tham mưu trưởng, tướng Holman ngắt lời, - ông hãy tin tôi, chính cơ quan phản gián của ta đã phát hiện ra vụ này và đã cắt đứt được tình trạng rò rỉ thông tin mật ra ngoài.

  - Nhưng những gì vừa mất sẽ làm lộ các kế hoạch cũng như chiến lược của ta. Toàn bộ công việc của tôi thế là hỏng bét cả rồi!

  - Ông hãy tin tôi, đối phương không dễ dàng tin ngay và đánh giá đúng những tài liệu mà tình báo tìm được đâu, huống hồ là những tài liệu đặc biệt của ông. Chúng sẽ không tin. Bởi vậy ông cứ yên tâm mà làm việc. Bây giờ ông có thể đi được rồi.

  Huderian giơ tay lên chào rồi bước ra cửa. Sau khi về phòng làm việc ông ra lệnh cho cô thư ký không cho phép bất cứ ai vào và chỉ nối điện thoại trong trường hợp Tham mưu trưởng gọi. Ông ngồi vào bàn làm việc. Cần cân nhắc cẩn thận những gì đã xảy ra và cả những gì sẽ phải làm để uốn nắn tình hình.

  Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc chưa phải đã lâu. Đa số các sĩ quan và tướng quân đội đã từng tham gia cuộc chiến này đều hiểu rằng cuộc chiến thế giới tiếp theo cũng sẽ là cuộc chiến mang tính trận địa: những đội quân khổng lồ vùi mình đến cổ trong đất, những công sự bằng bê tông và thép, những cuộc tấn công các pháo đài đổi bằng mạng sống của biết bao người, rồi những cuộc tiến quân đẫm máu, mỗi tháng chỉ nhích được một-hai km...

  Trong số các sĩ quan trẻ đã thấy xuất hiện các nhà lý luận về một cuộc chiến tranh mới dùng xe tăng. Cơ sở cho lý luận của họ là các trận đánh ở nước Nga thời chiến tranh nội chiến khi các đội kỵ binh phóng như bay tới các đột phá khẩu, thực hiện các cuộc đột kích thần tốc vào hậu phương của kẻ thù, quyết định kết cục các trận đánh. Các nhà lý luận về chiến tranh dùng xe tăng tưởng tượng ra các trận đánh tương tự chỉ khác là không tác chiến bằng ngựa mà bằng xe tăng. Nghiên cứu kiểu đánh bằng xe tăng này ở Nga có Tukhiarevski, còn ở Đức có Huderian, người mà sau này đã viết cuốn sách nổi tiếng "Coi chừng - xe tăng!".

  Trong khi quân đội Pháp ráo riết xây dựng một tuyến phòng thủ dọc biên giới với Đức thì phía Đức cũng chuẩn bị một tuyến tương tự trên đường biên giới với Pháp. Và tại cơ sở mật của đại tá Huderian thời cơ để tiến hành một cuộc chiến tranh dùng xe tăng đã chín muồi.
Sau khi nghe phong thanh về các kế hoạch quân sự này của quân Đức, mặc dù còn chưa biết gì về nội dung, phía tình báo Ba Lan đã quyết định bằng mọi giá tìm cho bằng được các tài liệu đó.

  Một trong các tình báo Ba Lan năm 1934 đã sang Đức là trung uý Griph-Traicovxki. Có thể vì  ngu xuẩn, cũng có thể vì hám lợi, anh ta đã đi vào con đường phản bội, tự dẫn thân đến cơ quan phản gián Đức, thừa nhận mình là tình báo Ba Lan và xin giúp đỡ. Tất nhiên anh ta được dùng để tung tin đánh lạc hướng đối phương.

  Ít lâu sau Cục trưởng Cục Phản gián quân đội Đức Richard Prottse giao cho Griph-Traicovxki những cuốn băng cùng tài liệu nói là lấy từ Cục 6 Bộ Tổng tham mưu do đại tá Huderian phụ trách. Tiếp đó các tài liệu khác cũng được chuyển đến. Griph-Traicovxki đã trung thành chuyển những gì nhận được cho viên công sứ Ba Lan và tên này chuyển chúng về Varsava.

  Cũng vào thời gian này ở Berlin xuất hiện một viên đại uý có tên là Iurek fon Sosnovski. Không ai biết từ "fon" này là do anh ta tự nghĩ ra để gây ấn tượng hay trong con người anh ta thực sự có dòng máu Đức đang chảy, chỉ biết anh chàng cao to đẹp trai, thường tỏ ra khá lịch lãm này đã nhanh chóng hoà nhập vào giới thượng lưu ở Berlin. Câu chuyện tình lãng mạn liên quan đến việc phải nghỉ hưu và rời bỏ đất nước Ba Lan của anh đã giúp anh thành công hơn trong quan hệ với phụ nữ.

  - Ôi, Iadviga! Vì sự xinh đẹp của nàng mà ta sẵn sàng làm những điều điên rồ nhất. Nàng là vợ của một viên trung đoàn trưởng, còn ta chỉ là một sĩ quan xoàng. Một lần viên trung đoàn trưởng dẫn cả trung đoàn đi vắng, ta ở lại làm công việc quản lý. Thế là mọi chuyện đã xảy ra. Hạnh phúc điên rồ của hai chúng ta kéo dài được hai tháng thì bỗng một đêm chồng nàng đột nhiên trở về. Đó là một đêm khủng khiếp. Iadviga tội nghiệp như một con cừu non đứng trước hai con hổ. Rút cục là một cuộc đấu súng được ấn định. Sư đoàn trưởng biết được việc này đã ra lệnh cho ta ngay lập tức phải đệ đơn xin nghỉ hưu, đồng thời phải rời khỏi đất nước Ba Lan. Mọi chuyện xảy ra được tuyệt đối giữ bí mật đến nỗi không ai trong số các sĩ quan của trung đoàn biết tại sao ta lại đột nhiên biến khỏi Ba Lan. Ôi, Iadviga, Iadviga!

  Nói xong Iurek chỉ thở dài, còn lũ đàn bà ngồi đó cùng lắc đầu, tỏ vẻ lấy làm tiếc rằng chẳng gã đàn ông nào có ý định liều mạng nổ súng bắn nhau vì họ cả.

  Lại có người kể rằng Iurek là con trai một luật sư nổi tiếng từ Varsava đến. Anh ta đã chọn cho mình con đường binh nghiệp và trở thành một sĩ quan binh chủng kỵ binh xuất sắc, có thân hình rắn rỏi, cân đối, là vận động viên số một, đã từng đoạt giải quốc tế về tennis. Anh còn là một vận động viên môn đua ngựa cừ khôi. Vì thế anh được nghỉ công tác để chuẩn bị tham dự môn này tại cuộc thi Olimpic được tổ chức tại Berlin năm 1936.

  Các buổi tối tụ họp tại nhà Iurek đã trở thành một thứ mốt. Giới thượng lưu, các sĩ quan, các luật sư có tên tuổi, các kỹ nghệ gia đều lấy làm vinh dự mỗi khi tới nhà Sosnovski. Những gương mặt sủng ái cũng dần dần xuất hiện, trong số những người đầu tiên phải nhắc đến là bà Benhita fon Phankegein. Họ cùng nhau lui tới các hộp đêm, đi xem hát, tham gia các cuộc đua ngựa.

  Nam tước phu nhân Benhita fon Berg xuất thân từ một dòng họ lâu đời. Những người của dòng họ này đã từng là chiến binh và các quan cận thần cho các triều đại vua Tevtonxki. Người đàn bà đẹp 34 tuổi có mái tóc đen này là tiêu biểu cho kiểu người bất hạnh. Được hưởng sự giáo dục tại nhà, bà đã tốt nghiệp phổ thông tại Thuỵ Sĩ. Bà thường sang Anh với tư cách là khách mời của các dòng họ danh giá. Bà có tài phi ngựa, từng đoạt giải vô địch tennis nghiệp dư và còn là họa sĩ vẽ tranh thuốc nước được nhiều người biết đến. Năm 19 tuổi bà lấy một viên thiếu tá, bá tước Kurt fon Phankegein, con trai một vị thống soái đã từng đem quân sang chiếm Secbi, Rumani và gây cho quân Nga nhiều thất bại nặng nề năm 1914. Sống ở nước Đức phát xít, bá tước Kurt Phankegein hứa hẹn một tương lai đầy xán lạn. Ông cảm nhận tư tưởng của nước Đức quốc xã. Cản trở duy nhất trên con đường công danh của ông là bà vợ ông, người không hề ưa thích Quốc trưởng cùng bậu xậu ngu dốt, vô học của hắn. Bà không chấp nhận những kẻ lãnh đạo xuất thân từ tầng lớp dưới và thường công khai chống lại chế độ mặc dù chưa lần nào gặp rắc rối với Gestapo.

  Không thể tìm được tiếng nói chung với vợ, Kurt đã ly hôn. Nhưng điều này càng làm tăng thêm sự nổi tiếng cho bà. Ít lâu sau bà lấy một nhà ngoại giao trẻ giàu có - nam tước fon Berg, tuỳ viên của Đại sứ Đức tại London. Nhưng cũng như cuộc hôn nhân đầu, vợ chồng bà lại bất hoà với nhau, mặc dù họ không ly hôn.

  Năm 1933, nam tước Fon Berg được cử làm đại diện cho Bộ Ngoại giao Đức làm việc trong Uỷ ban Olimpic. Lẽ đương nhiên Benhita trở thành nữ chủ nhân của tất cả các cuộc chiêu đãi các vị khách nước ngoài đến Berlin để trao đổi các vấn đề liên quan đến Olimpic. Trong số các vị khách đó có Iurek Sosnovski.

  Iurek đã thành công trong việc làm Benhita chú ý đến mình. Và chỉ vài tuần sau khi gặp nhau Benhita đã trở thành người tình của anh ta. Họ đã công khai quan hệ của mình trước công chúng, thậm chí cả khi nam tước fon Bert có mặt. Nhưng để yên ổn đường công danh, nam tước đành nhắm mắt làm ngơ trước sự việc này.

  Một lần Iurek cùng Benhita đến dự tiệc tại nhà nguyên soái Goring, Tư lệnh không quân của nước Đức phát xít. Bản thân đã từng trực tiếp lái máy bay quân sự, là một phi công giỏi trong Thế chiến thứ nhất, nguyên soái rất thích chuyện trò với các phi công trẻ về các ưu nhược điểm của các loại máy bay mới. Tuy không hiểu biết gì về hàng không nhưng Iurek đã bí mật ghi chép những gì nghe được, sau đó tối về, bằng trí nhớ độc đáo, anh đã chuyển mã về Ba Lan cho viên thống đốc.

  Sáng sớm ngủ dậy, phát hiện thấy một bộ các chữ số lạ, Benhita đã tra hỏi Sosnovski và vỡ lẽ ra rằng Iurek là điệp viên Ba Lan.
Sự ác cảm đối với Hitler và các cộng sự của hắn, tình cảm chân thành đối với Iurek và mong muốn giúp đỡ anh đã làm cho Benhita không chỉ là người tình mà còn là trợ thủ đắc lực cho Iurek trong hoạt động tình báo. Bà đã làm thư ký, liên lạc viên và cùng tham gia vào mọi việc với anh. Benhita viết một bức thư cho chồng. Trong thư bà thừa nhận đã yêu người đàn ông khác. Song nam tước fon Berg vờ như không nhận được lá thư đó, và về mặt hình thức quan hệ vợ chồng giữa họ vẫn được duy trì.

  Một lần Benhita nói với Iurek:

  - Bản thân em không có khả năng lấy được thông tin mật cho anh, nhưng em có một người chị họ làm việc ở Bộ Quốc phòng.

  Đó là Renata fon Natsner, một cô gái dễ thương. Benhita kể rằng Renata là một người hiền lành, không được thông minh lắm và xuất thân từ một gia đình không quyền quý bằng bà. Cha đẻ của Renata là một đại tá thuộc binh chủng bộ binh. Sau khi nghỉ hưu ông sống một cuộc sống  thanh bình với vợ tại một điền trang ở ngoại ô Garmis. Đồng lương hưu ít ỏi không đủ cho hai vợ chồng già sinh sống nên họ đã phải cho khách trọ thuê phòng. Nhờ quen biết với các sĩ quan thường hay lui tới ông đại tá đã khéo léo thu xếp cho cô con gái của mình một chỗ làm khá tốt trong Bộ Quốc phòng. Hai ngày sau Benhita rủ người chị họ ra bờ hồ Vande chơi. Trong khi nói chuyện Benhita biết được rằng Renata làm việc ở Cục 6 của đại tá Huderian. Vài ngày sau họ lại gặp nhau. Hai chị em đã nói chuyện với nhau rất lâu. Cuối cùng thì Renata đã đồng ý sẽ giúp Benhita và bạn bè của bà. Cô ta cho biết thông tin ở Cục 6 người ta làm gì, lấy sơ đồ chi tiết các phòng làm việc ở đó và bắt đầu cung cấp những tài liệu nguyên bản để Iurek chụp ảnh. Trong khi đó Benhita tìm cách đưa người chị họ của mình tới mua sắm tại những cửa hàng đắt tiền, cố tình đưa Renata vào cảnh nợ nần để từ đó ép cô hoàn toàn phụ thuộc vào mình. Đồng thời từ khi làm quen với Iurek cô đã thấy mình chết mê chết mệt anh chàng này rồi. Nhưng Renata có trở thành người tình của Iurek hay không thì chỉ có Benhita mới có quyền quyết định. Giờ đây Renata đã quen với cuộc sống sang trọng. Những món quà của Iurek và kèm theo đó là những lời đe dọa phát giác nhẹ nhàng làm cho cô không còn cách lựa chọn nào khác là tận tâm làm việc cho anh ta. Mặc dù không thật sự hiểu về chiến lược của Huderian, nhưng mỗi khi đánh máy tài liệu gửi cho Hitler, Renata đủ thông minh để làm thừa ra một bản bằng cách nghe Iurek đặt dưới máy chữ hai tờ giấy than. Chiều nào cũng vậy, cô giao một bản cho tay trưởng phòng, còn bản kia cất kỹ mang về cho Iurek. Nhiều tài liệu đến tay Iurek còn sớm hơn cả Hitler. Nói chung Renata đã cung cấp cho Sosnovski hàng trăm các tài liệu quân sự quan trọng.

  Benhita còn giới thiệu một người chị họ khác cho Iurek. Đó là Iren fon Iena. Cô này cũng làm việc ở Bộ Quốc phòng và có nhiều cơ hội tiếp xúc với những tài liệu quan trọng. Mặc dù là đảng viên Quốc xã, Iena vẫn quyết định giúp đỡ anh chàng người Ba Lan này. Điều gì thôi thúc cô làm như vậy? Đã có lương lại được bố chu cấp, cô đâu cần tiền. Bảo rằng có thiện cảm với đất nước Ba Lan thì cũng không phải. Nguyên nhân chính là cô yêu Iurek. Ngoài ra, trong cô còn có một chút say mê mạo hiểm. Cộng tác với Sosnovski đã trở thành một công việc yêu thích đối với cô.

  Và cứ như thế, Benhita tiếp tục nhử các con mồi vào tròng của Iurek.

  Bản thân Iurek cũng không để phí thời gian. ở Budapest anh làm quen với một vũ nữ Hungari, cô Rita Pasi. Với sự hấp dẫn của mình, Sosnovski chỉ cần tỏ ra quan tâm một chút là cô vũ nữ trẻ này đã theo anh sang Berlin để "khiêu vũ riêng cho một mình anh". Nhưng Iurek đã làm Rita thất vọng khi yêu cầu cô ngoài việc khiêu vũ còn phải quyến rũ các quan chức cao cấp, đặc biệt là các quan chức trong quân đội, lôi kéo họ vào các hoạt động gián điệp. Nhờ Rita mà Iurek đã làm quen được với một nhân viên của Bộ Quốc phòng, trung uý Rotlof. Anh ta cũng móc nối được với một số điệp viên mà tên tuổi của họ đến bây giờ vẫn còn là bí mật đối với tình báo Đức.
Một trong những người mà Sosnovski có quan hệ thân tình là bà fon Bidenphur. Bà này là vợ của một đại tá. Iurek thường hay tặng quà và tiền cho bà nhưng bà đã nhanh chóng đốt chúng vào các cuộc đua ngựa và mắc vào cảnh nợ nần. Một lần Iurek cho bà hay rằng anh ta không thể trợ cấp thêm cho bà được nữa. Thấy không còn cách nào khác tốt hơn, bà đã thú thật với chồng về các khoản nợ và hành vi ngoại tình của mình. Viên đại tá bình thản tiếp nhận thông tin thứ hai vì bản thân ông cũng thiếu chung thuỷ với vợ, nhưng còn các món nợ của bà thì đã làm ông nổi giận.

  Kết quả là giữa viên đại tá và Iurek đã có một cuộc nói chuyện dài nhưng không phải là về tình yêu hay đạo đức, mà là về thông tin và các kế hoạch quân sự. Sau khi trả các khoản nợ cho bà Bidenphur, Iurek bắt đầu nhận thông tin từ viên đại tá.

  Trong vòng một năm làm việc với viên đại tá này, Iurek đã thu thập được hơn 150 các tài liệu mật, bản phác thảo kế hoạch tấn công Ba Lan của người Đức và chìa khoá tủ sắt của đại tá Huderian. Anh ta khoan khoái nghĩ đến việc sẽ khám phá văn phòng của đại tá Huderian. Nhưng ý đồ của Iurek đã không thành. Cú đánh đầu tiên dành cho anh là của Griph-Traikovxki. Một hôm vào phòng làm ảnh ở sứ quán Ba Lan, Griph phát hiện thấy ở đó có những cuốn phim và những bức ảnh chụp tài liệu nguyên bản của Cục 6. Griph vội báo cáo tình hình cho "ông chủ" Richard Prottse của mình. Ngay lập tức Richard Prottse ra lệnh tăng cường theo dõi toàn bộ những ai ra vào sứ quán Ba Lan, đồng thời theo dõi các nhân viên Cục 6. Mặc dù công tác bảo mật giữa Sosnovski và các điệp viên rất tốt và chưa ai bị phát hiện, nhưng Iurek đã bắt đầu thấy lo lắng.

 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 20 Tháng Bảy, 2008, 12:39:15 pm
  Lúc này mạng lưới điệp viên của Sosnovski đã giảm về số lượng. Có lẽ nhờ linh cảm phụ nữ mà Iren fon Iena là người đầu tiên cảm nhận được mối nguy hiểm. Iena nói với Iurek:

  - Công việc của anh đã thành công ngoài sự tưởng tượng. Anh đã làm được những gì có thể. Hãy về Ba Lan đi khi còn chưa muộn.
ở Varsava, những người hài lòng với công việc của anh cũng khuyên anh trở về. Họ còn nói rằng những chuyện trăng hoa với nhiều phụ nữ của anh ở Đức đã làm ảnh hưởng đến đất nước Ba Lan. Nhưng Iurek lại muốn tận hưởng niềm vui từ công việc của mình. Anh vẫn còn tiếc Berlin với một cuộc sống sang trọng và có nhiều đàn bà. Anh hiểu rất rõ Benhita, người phụ nữ duy nhất mà anh yêu, và anh cũng tin rằng Benhita không bao giờ phản bội anh. Song anh cũng biết cô là người Đức đến tận xương tuỷ và sẽ không bao giờ phản bội Berlin, mặc dù cô sẵn sàng hợp tác với anh để chống Quốc xã, nhưng không bao giờ cô phản bội nước Đức của mình.

  Benhita cũng nhìn thấy nguy hiểm nhưng vẫn quyết đi đến cùng với người mình yêu.

  Nghi ngờ lòng chung thuỷ của Iurek, Rita Pasi bắt đầu theo dõi anh và phát hiện ra rằng Iurek vẫn bí mật gặp gỡ với nhiều phụ nữ khác. Ai biết được đây là những cuộc gặp công việc hay lãng mạn. Là người hiểu những thói ham mê của Iurek, Rita đã láng máng nhận ra rằng anh ta đã lợi dụng tất cả những người phụ nữ mà anh ta gặp để phục vụ cho mục đích của mình.

  Sau vài ngày đau khổ dằn vặt Rita đến gặp người chủ gánh ca vũ. Bằng một giọng run run cô ta nói:

  - Tôi cần thú nhận với ông rằng có kẻ buộc tôi làm gián điệp chống lại nước Đức.

  Ngay chiều hôm đó người chủ gánh ca vũ đến gặp Richard Prottse và được chính Richard Prottse đón tiếp.

  - Cô ta đã trót lầm đường. Tôi thấy ái ngại cho cô ấy. Tôi biết cô ấy sẵn sàng cộng tác với ông. Chỉ xin ông hứa sẽ không trừng phạt cô ấy.

  Và Richard Prottse đã hứa. Sau khi chấp thuận làm việc cho Prottse, Rita không những biết được địa điểm các cuộc hẹn mà còn biết cả tên họ những người mà Iurek có quan hệ.

  Prottse thật bàng hoàng khi nghe tên những nhân viên của Bộ Quốc phòng từng làm thư ký và phụ trách bộ phận sao chép các tài liệu mật như Natsner và Iena. Ông ta quyết định sẽ phối hợp với Gestapo để điều tra vụ này.

  Trong số các nhân viên ở đó có một phụ nữ xinh đẹp, vợ một cán bộ Bộ Ngoại giao đã có tuổi. Họ đã quyết định sẽ dùng người đàn bà này để làm mồi nhử Sosnovski. Quả thật anh chàng đã cắn câu, nhầm tưởng mình đã có một điệp viên mới với cái tên Maria. Qua Maria mà Sosnovski lại nhận được tài liệu và lại bí mật chuyển chúng về Ba Lan, nhưng anh có ngờ đâu rằng đây toàn là những thông tin giả. Còn Natsner và Iena cũng như các điệp viên khác của Sosnovski đã bí mật bị đưa ra khỏi những công việc bảo mật.

  Riêng Natsner quá vô tư, cô hoàn toàn không hay biết là mình đang gặp nguy hiểm và vẫn tiếp tục cung cấp tài liệu cho Sosnovski. Mỗi khi về thăm cha mẹ cô lại đem khoe những chiếc áo lông, những đồ trang sức và những chiếc váy đắt tiền. Khi bị hỏi lấy đâu ra nhiều tiền như thế cô ta trả lời rằng đó là do tướng Holman và đại tá Huderian thưởng cho cô vì cô đã làm việc tốt. Cha cô, người đã từng 40 năm làm việc với tướng Holman, viết ngay một bức thư cám ơn vị tướng này vì sự quan tâm tới con gái ông. Bức thư đã làm tướng Holman hết sức ngạc nhiên. Sau khi tìm hiểu ông nhớ ra rằng Renata fon Natsner làm việc ở Cục 6 nhưng ông không nhớ rõ gương mặt của cô, song ông biết chắc chắn rằng gần đây ông không thưởng cho ai trong số các nhân viên cả. Ngay lập tức ông ra lệnh gửi ngay báo cáo về Renita cho ông. Và bản báo cáo đã làm ông hoảng sợ. Ông đến Bộ Quốc phòng tìm gặp tướng Blomberg. Sau khi nghe chuyện, tướng Blomberg nổi giận. Ông ta e rằng Himmler, Tham mưu trưởng Gestapo, và trợ lý thứ nhất của ông ta là Heidrikh, sẽ nhân dịp này thọc tay vào Bộ của ông.

  Blomberg quyết định đến nói chuyện với đô đốc Canaris. Nhưng Heidrikh biết được cuộc nói chuyện này và đã báo cáo với Himmler. Lúc này Heidrikh đã biết về bức thư tố giác của vũ nữ Rita Pasi.

  Himmler mời Blomberg đến và tuyên bố rằng việc điều tra này đã được giao cho Gestapo, tuy vậy hai bên vẫn đạt được thoả thuận sẽ cùng nhau tiến hành.

  Con người thông minh và sáng ý như Sosnovski cảm thấy mình đang bị theo dõi nên bắt đầu tìm cách bỏ chạy.

  Trong lúc này Prottse đã lên kế hoạch bắt Sosnovski và bạn bè của anh ta. Sosnovski tổ chức một buổi khiêu vũ cho giới thượng lưu ở Berlin tại một phòng hoà nhạc. Prottse đã phái vợ mình, bà Elena, tới đó để quan sát tình hình và để ý những người mà Sosnovski đặc biệt tiếp xúc gần gũi. Bà Elena đã làm được việc để Sosnovski thích mình. Sau khi biết bà Elena làm việc ở Bộ Quốc phòng, Sosnovski đã tìm cách hẹn gặp.

  Tối hôm đó Iurek tổ chức một buổi dạ hội ngay tại nhà mình. Khách mời là những bạn bè thân cận. Rita Pasi cũng có mặt. Trong lúc tiệc tùng, để ý thấy Iurek bỏ ra ngoài, Pasi liền ngay lập tức gọi điện cho Gestapo.

  - Các ông hãy nhanh lên, hắn đang thu xếp hành lý.

  Chiếc xe chở đầy quân Gestapo lao vun vút trên đường phố Berlin. Sosnovski đích thân ra mở cửa. Richard Prottse đi thẳng vào vấn đề.

  - Chúng tôi được báo anh là tình báo cho Ba Lan.

  Sosnovski im lặng mỉm cười.

  Iurek cùng tất cả 48 vị khách của anh ta đã bị bắt về trụ sở Gestapo.

  Trong khi lục soát nhà Sosnovski các nhân viên Gestapo đã tìm thấy một số bản sao các tài liệu của Bộ Quốc phòng mà anh ta đang chuẩn bị gửi về Ba Lan.

  Sau khi bị bắt, chưa kịp tra hỏi, Renata fon Natsner đã thú nhận toàn bộ sự việc. Còn Iren fon Iena cũng bị bắt ngay tại nhà mình.

  Cuộc điều tra kéo dài vài tháng. Báo chí đã thổi phồng và đưa tin chi tiết về một chiến dịch truy quét gián điệp nước ngoài cực kỳ nguy hiểm đối với nước Đức và nhân dân Đức.

  Huderian, người đang chuẩn bị kế hoạch tấn công Ba Lan, yêu cầu chính phủ Đức cắt đứt quan hệ với nước này. Trong khi tìm mọi cách để củng cố quan hệ hữu nghị với Ba Lan, nhà nước Đức e rằng làm như thế sẽ tổn hại đến quan hệ giữa hai nước.

  Trong phòng xét xử có mặt đầy đủ các quan chức cao cấp. Các sĩ quan trẻ của Cục Tình báo Đức cũng được mời đến dự để rút kinh nghiệm về hoạt động tình báo cho mình.

  Khi quan toà đọc xong bản luận tội Sosnovski, anh đứng lên dõng dạc nói:

  - Đúng, quan toà có lý. Tôi là sĩ quan tình báo Ba Lan.

  Iurek tỏ ra thờ ơ với số phận của mình. Mối quan tâm duy nhất của anh là cứu được Benhita và Renata. Anh năn nỉ rằng Benhita không hề hay biết công việc anh làm. Việc cô giúp anh làm quen với một số cô gái trong Bộ Quốc phòng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Sosnovski cũng tuyên bố trước toà rằng anh đã đe dọa phát giác Renata và cô ta không bao giờ hiểu những bản sao đơn giản đó lại có giá trị như vậy đối với Bộ Quốc phòng. Nhưng sự hy sinh ấy của anh chẳng giúp gì được ai.

  Benhita và Renata bị kết án tử hình, còn Iena và Iurek là người ngoại quốc nên chịu mức tù chung thân.

  Sau khi toà tuyên án, Benhita trình bày nguyện vọng được kết hôn với đại tá Sosnovski. Biết trước rằng đây sẽ là cơ hội để cứu Benhita vì trong trường hợp đó Benhita sẽ được nhận quốc tịch Ba Lan nên Sosnovski đã đồng ý. Nhưng Hitler đã phủ quyết. Benhita và Renata bị hành quyết vào tháng 2 năm 1935 tại nhà tù Pliotsenzi trước sự có mặt của Iurek Sosnovski và sự chứng kiến của nhiều quan chức khác.
Renata bị hành quyết trước, Benhita và Iurek phải đứng đó chứng kiến. Tới phút chót thần kinh Renata trở nên mềm yếu. Cô ta la thét, vùng vẫy khiến ba viên cai ngục phải thật khó khăn mới kéo nổi cô ta tới nơi để đao phủ hành hình. Nhưng chính tên đao phủ cũng bị chấn động mạnh nên hắn phải ra tay hai lần mới xong.

  Benhita chấp nhận số phận một cách bình thản. Bà tin rằng không phải Sosnovski mang lại cái chết cho mình và chẳng bao lâu nữa họ sẽ được gặp nhau trên thiên đàng.

  Những phút cuối đời của Benhita thật lãng mạn nhưng chân thành khiến những trái tim sắt đá của các sĩ quan có mặt ở đó phải xúc động. Bà quỳ xuống, đặt bức ảnh Iurek bên cạnh, rồi bình tĩnh đặt đầu vào giá chém, hất tóc sang một bên. Tên đao phủ còn chần chừ thì nghe được lệnh hành quyết. Hắn ra tay, lưỡi rìu sập xuống. Đầu Benhita rời ra, những tia máu phun làm ướt cả tấm ảnh.

  Một thời gian sau đô đốc Canaris đến gặp đại sứ Ba Lan ở Berlin ngỏ ý đổi Sosnovski lấy một tình báo Đức bị bắt ở Ba Lan. Chính phủ Ba Lan đồng ý và ít lâu sau Sosnovski về ngồi tù ở Ba Lan.

  Cũng như thường xảy ra trong công việc tình báo, chính phủ Ba Lan coi những tài liệu thật mà Sosnovski cung cấp là giả vì chúng không phù hợp với quan điểm của các nhà lãnh đạo lúc đó cho rằng kẻ thù chính của Ba Lan là Liên Xô, Đức không thể chuẩn bị tấn công Ba Lan. Còn những tài liệu giả mà Griph-Traicovxki cung cấp lại được coi là đáng tin cậy. Sau đó ít lâu Griph-Traicovxki cũng bị vạch tội là phản bội và phải chịu hình phạt thích đáng là treo cổ.

  Nhưng việc này cũng không làm giảm nhẹ tội cho Sosnovski. Các nhà cầm quyền làm việc theo nguyên tắc: "Một khi đã bị bắt là có tội". Sosnovski bị buộc tội tiêu xài quá mức: vũ hội, đua ngựa, những chiếc áo bằng lông thú đắt tiền mà anh đã tặng cho những người đàn bà của mình.

  Sosnovski bị giam giữ trong một pháo đài. Ngày 1 tháng 9 năm 1939 xe tăng của quân đội Đức đã tấn công Ba Lan. Chúng tiến vào Ba Lan theo đúng các tuyến đường và biểu đồ đã được vạch trên bản đồ Huderian làm mà Bộ tham mưu Ba Lan cho là thông tin giả.

  Cuối cùng thì Sosnovski cũng được trả tự do. Năm 1938 một tình báo người Anh, Kukridj, biết Sosnovski từ khi cùng ở Berlin đã đến thăm anh. Tóc Sosnovski giờ đây đã bạc, bộ dạng bơ phờ, anh luôn luôn giày vò mình là đã làm hại Benhita. Sau đó anh lại bị bắt và bị giam tại một trong các nhà tù chính trị tối tăm nhất ở Ba Lan. Tháng 9 năm 1939, khi Hồng quân Liên Xô tiến về miền Tây Belarus, họ đã tìm thấy Sosnovski trong đó.

  Sau khi giải thoát Sosnovski cơ quan phản gián Liên Xô đã chú ý đến anh và đưa anh về Moscva như một tình báo Ba Lan quan trọng. Không ai buộc tội gì viên tình báo này và anh được đưa về sống tại Lubianka trong những điều kiện đặc ân và được "biên chế" vào tình báo. Và một lần nữa số phận lại gắn anh với phụ nữ.

  Năm 1940 một nữ tình báo có tên là Doia Rưbkina được phân công làm việc với Sosnovski. Nhiệm vụ chính của cô khi làm việc với Sosnovski là nhận thông tin liên quan đến kế hoạch lừng danh của Hitler - "Kế hoạch Barbaros".

  Sosnovski thường không thích nói chuyện cởi mở. Anh có đủ can đảm để trả lời rằng "nghĩa vụ của một sĩ quan Ba Lan không cho phép anh hợp tác với tình báo Liên Xô".

  Rưbkina đã dùng một trò lừa độc chiêu. Lợi dụng thực tế là thời gian cuối hoạt động của Sosnovski bị Gestapo theo dõi mà người theo dõi lại không phải ai khác là điệp viên tình báo Liên Xô "Braitenbac", trợ lý cho Tham mưu trưởng Gestapo, Rưbkina đã thu xếp cuộc nói chuyện với Sosnovski như sau: cô hỏi, còn các câu trả lời của Sosnovski được một tình báo ngồi ngay tại đó là Vaxili Zarubin đối thoại nhằm vạch trần sự dối trá của anh. Vaxili Zarubin đã đưa ra những tình tiết và địa điểm các cuộc gặp giữa Sosnovski và bọn mật thám, cả biển số lẫn tên loại xe hơi, thậm chí cả những khoản tiền mà anh trả cho các nhà hàng, rồi tên những con ngựa mà anh dùng.

  Càng về sau Sosnovski càng lúng túng, trí nhớ đã "trở về" với anh. Cuối cùng anh đứng dậy và nói:

  - Tôi khâm phục nghệ thuật của tình báo Liên Xô. Các ông biết về tôi nhiều hơn bản thân tôi. Tôi sẵn sàng vận động trí nhớ để trả lời tất cả những gì các ông quan tâm.

  Iurek đã cung cấp thông tin về Cục Tình báo Ribbentrop, về mối quan hệ giữa Bộ Ngoại giao Đức với tình báo quân sự và cơ quan phản gián của nước Đức phát xít cũng như với Gestapo.

  Sau Rưbkina, tình báo nổi tiếng Sudoplatov cũng làm việc với Sosnovski. Đến lúc này Sosnovski đã sẵn lòng hợp tác với tình báo Liên Xô. Anh ta cung cấp thông tin về hai điệp viên của mình mà họ vẫn tiếp tục hoạt động trong khi Gestapo không hề hay biết. Tên của Sosnovski đã được dùng để nối lại liên lạc với hai điệp viên này và mối liên hệ đó được duy trì cho đến đầu chiến tranh.

  Những thông tin đích xác về số phận tiếp theo của Sosnovski ra sao không ai được biết. Rưbkina có kể rằng cô nghe tin năm 1943 Sosnovski được trả tự do. Sau đó anh gia nhập quân đội Ba Lan và hy sinh trong trận đánh giải phóng Varsava.

  Sau khi vợ bị tử hình nam tước fon Berg làm đơn lên Toà án tối cao đề nghị để cuộc hôn nhân giữa ông với bà Benhita -"kẻ phản bội đã bị dân tộc Đức cự tuyệt" - được công bố "không có giá trị ngay từ đầu". Toà đã chấp thuận lời đề nghị của ông.

  Đại tá Natsner, cha của Renata, kinh hoàng trước cái chết của cô con gái, đã mất sau ngày cô ta bị hành quyết vài tháng. Vợ ông cũng qua đời ngay sau đó.

  Iren fon Iena được chuyển từ nhà tù về một trại tập trung phụ nữ và chết tại đó.

  Còn người gây ra sự bại lộ của Iurek Sosnovski, vũ nữ Rita Pasi, có tin kể rằng năm 1950 người ta thấy cô trong một đoàn ca vũ Digan ở miền Tây nước Đức.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 21 Tháng Bảy, 2008, 06:32:32 pm
62 - ALECXANDR COROTCOV (1909 - 1961)
Người tổ chức các điệp vụ ở Đức của tình báo Nga



  Alecxandr Corotcov sinh năm 1909 ở Moscva, trong gia đình một viên chức ngân hàng, tốt nghiệp trường phổ thông chín năm và làm nghề thợ điện. Năm 1929, anh được nhận vào làm nhân viên văn thư của ban quốc tế của cơ quan pháp luật nhà nước. Người phụ trách anh hồi đó là Mikhailo Trilixero và tiếp đó là Artua Artuzov. Do tính chất công việc của mình nên Corotcov được làm quen với nhiều tài liệu mật nhưng vẫn chưa được phê chuẩn là nhân viên tác chiến dù chỉ là nhân viên tác chiến tập sự. Mãi đến năm 1932, khi trở thành đảng viên dự bị, anh mới được coi là nhân viên tác chiến của cơ quan pháp luật nhà nước. Anh không hề lẩn tránh những hoạt động xã hội. Khi còn làm cán bộ phụ trách ở trại hè thiếu nhi, anh có dịp làm quen với một cô gái xinh xắn và thông minh cũng là phụ trách thiếu nhi tên là Maria Vincovưkaya, người vợ tương lai của anh.

  Một trong những nhiệm vụ đầu tiên được Corotcov giải quyết thành công là làm sáng tỏ thực chất của "Gefa" - cơ quan đại diện của Bộ Tổng tham mưu Đức ở Moscva. Anh xác định được rằng nếu trước đây, khi Hitler chưa lên nắm chính quyền, cơ quan này quả thật là chăm lo những vấn đề hợp tác giữa hai Bộ Tổng tham mưu Liên Xô và Đức thì từ ngày 30 tháng 1 năm 1933, nó đã trở thành một ổ gián điệp thực sự. Những kết luận của anh còn được củng cố bằng nhiều sự việc khác và đã được đệ trình lên cấp cao nhất, kết quả là "Gefa" bị đình chỉ hoạt động.

  Sau đó, Corotcov bắt đầu được huấn luyện để hoạt động ở nước ngoài. Anh học tiếng Đức và tiếng Pháp, nghiên cứu tập quán, địa lý và kinh tế của các nước khác, học những kỹ năng nghề nghiệp, kể cả việc theo dõi từ vòng ngoài. Trong quá trình huấn luyện đó, do vóc dáng cao nên anh được gán cho biệt hiệu "Cao kều" .

  Năm 1933, anh được đưa vào mạng lưới điệp viên nằm vùng của Alecxandr Orlov (tức "Người Thuỵ Điển". Về sau, Orlov trở thành nhân vật lãnh đạo "bộ ngũ Cambridge", rồi trở thành điệp viên nằm vùng ở nước cộng hoà Tây Ban Nha và tiếp đó trở thành người tị nạn. Ông không hề tố giác bất kỳ nguồn tin nào mà ông được biết và qua đời thầm lặng ở Mỹ vào năm 1973). Còn vào năm 1933, Orlov tổ chức ở Thuỵ Sĩ một nhóm điệp viên nằm vùng với nhiệm vụ duy nhất là tìm cách xâm nhập vào Bộ Tổng tham mưu Pháp.

  Corotcov cùng vợ là Maria (chị còn là trợ thủ và cũng là "huấn luyện viên" của anh về tiếng Đức và tiếng Pháp) từ Thuỵ Sĩ chuyển sang Pháp, nơi anh vào học khoa nhân chủng học của trường đại học Sorbonn với tư cách sinh viên bàng thính. Trong thời kỳ này, anh đã liên lạc được với hai điệp viên, ngoài ra, anh còn có nhiệm vụ tìm thêm một người nào đó nữa có thể giúp anh xâm nhập vào Bộ Tổng tham mưu Pháp. Anh đã tìm được một người nhưng hoá ra chẳng ích gì. Theo người cấp tin đang làm việc trong cơ quan phản gián Pháp thì người mà anh dự kiến lại là một kẻ mạo danh. Thất bại cũng có ích ít nhiều. Anh đành phải khẩn cấp trở về nước.

  Một chi tiết lý thú là trong bức điện báo tin về việc "Cao kều" và "Gianna" (bí danh của Maria) ra đi có ghi chú: "Hành lý cá nhân của họ (một va li sách) sẽ được gửi theo đường bưu điện". Lý thú là ở chỗ đó không phải là một va li quần áo thời trang, cũng không phải là một va li rượu cô-nhắc Pháp mà là một va li sách!

  Hai vợ chồng Corotcov chỉ được ở nhà một thời gian ngắn. Tháng 4 năm 1936, họ lên đường sang Đức và tại đây, Corotcov mang tên mới là Petrovich Corotki vào làm việc tại cơ quan đại diện Bộ Công nghiệp nặng Liên Xô tại Berlin. Trong đợt công tác này, Corotcov duy trì liên lạc với một vài điệp viên, trong số đó có Hans Cumerovich, tiến sĩ khoa học, một nhà khoa học và sáng chế tài năng.

  Tiến sĩ Hans đã chuyển cho Corotcov thành phần của loại mặt nạ phòng hơi độc mới, những số liệu về các chất độc và về những phương pháp đề phòng các chất độc ấy. Ông còn chuyển cho Corotcov những tin tức về rada, về ngư lôi âm học, về loại điện đài đặc biệt dùng cho xe tăng, về kỹ thuật sản xuất xăng tổng hợp và cao su tổng hợp. Cả Maria cũng làm việc với các điệp viên của mình.

  Cuối năm 1937 họ nhận được lệnh trở về Moscva. Anh được giao một nhiệm vụ mới rất quan trọng và tuyệt mật. Đó là việc thủ tiêu hai kẻ thù của chế độ Xô Viết ở nước ngoài: một là Agabecov, kẻ đã từng là nhân viên an ninh Xô Viết nhưng đã phản bội và hai là Rudolf Clemen, một kẻ lưu vong chính trị Đức chạy theo Troski.

  Vào tháng 12 năm 1938, sau khi trở về Moscva, Corotcov báo cáo về việc hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng một tin xấu đang chờ anh - anh bị sa thải khỏi các cơ quan an ninh. Nguyên nhân: anh vào làm việc tại cơ quan pháp luật nhà nước là theo lời giới thiệu của một người về sau bị coi là "kẻ thù của nhân dân". Anh gửi đơn khiếu nại lên tận Bộ trưởng An ninh. Hành động này là chuyện khác thường đối với thời kỳ đó. Thật bất ngờ đối với Corotcov là đến cuối năm 1942, anh lại được gọi đi làm, được cấp hộ chiếu ngoại giao và được cử đi công tác hai tháng tại Đan Mạch và Na Uy với tư cách là "giao liên ngoại giao" của bộ máy trung ương Bộ Nội vụ. Thực chất nhiệm vụ này là gì thì không thấy nói đến trong các tư liệu lưu trữ, nhưng có thể khẳng định là Corotcov đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ đó: sau khi trở về Moscva, anh được thăng chức, trở thành phó trưởng phòng và được chuyển từ đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức Đảng Cộng sản Liên Xô.

  Quãng thời gian này là những năm nặng nề đối với ngành tình báo Xô Viết: những điệp viên ưu tú bị đàn áp, mạng lưới điệp viên nước ngoài bị mất liên lạc. Mùa hè năm 1940 có quyết định khôi phục lại mạng lưới điệp viên ở Đức và nếu có thể thì mở rộng mạng lưới đó. Đúng lúc ấy, vào cuối năm 1940, một điệp viên có bí danh là "Braitenbac" nằm trong bản danh sách được bỏ vào hòm thư của sứ quán và lâu nay bị mất liên lạc, cũng đề nghị được nối lại liên lạc. Có lẽ cũng nên biết thêm là trước đó một thời gian, vợ của Corotcov cũng đã duy trì liên lạc với người điệp viên này thông qua một điểm hẹn bí mật. Nhưng cả chị lẫn Corotcov đều không biết mặt "Braitenbac" cũng như không biết bí danh và tên thật của người này.

  Đến tháng 7 năm 1940, Corotcov (dưới bí danh là "Stepanov") được trao nhiệm vụ đi Berlin chỉ trong một tháng để khôi phục lại liên lạc với khoảng một chục điệp viên nằm vùng. Nhiệm vụ này thật không dễ dàng nếu lưu ý đến thời hạn ngắn ngủi và tình hình căng thẳng ở Đức vào lúc đó.

 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 21 Tháng Bảy, 2008, 06:33:00 pm
  Corotcov không khó khăn lắm gặp được "Braitenbac" (tức nhân viên Gestapo Leman). Hai bên lập tức tìm được tiếng nói chung và gặp nhau tất cả 4 lần. Trong lần gặp thứ hai, "Braitenbac" chuyển cho Corotcov bản sao bản báo cáo của Haydric cho ban lãnh đạo nước Đức phát xít có nhan đề "Về hoạt động phá hoại của Liên Xô chống Đức" và miêu tả chi tiết cho Corotcov biết về việc cải tổ các cơ quan an ninh Đức, điều này đã cho phép cơ quan tình báo Xô Viết điều chỉnh lại hoạt động của mình. Nhưng Corotcov không có kế hoạch làm việc lâu dài với "Braitenbac" và anh để "Braitenbac" liên lạc với một thành viên trẻ của mạng lưới điệp viên ở Đức là Giuravlev.

  Sau đó, Corotcov (đối với người Đức thì tên anh là Corotcov Erdberg) bắt đầu khôi phục lại các mối liên lạc khác. Trong số đó có những người đã tham gia vào "Dàn đồng ca đỏ" Berlin và đã đi vào lịch sử như Arvit Harnar (tức "Người Baltic" và cũng tức là "Người đảo Corse"), Harro Schulze-Boysen (tức "Anh cả"), Adam Kukhov (tức "Ông lão") và nhiều người khác.

  Arvit Harnar, một nhà kinh tế và là cộng tác viên quan trọng của Bộ Kinh tế Đức, lúc đầu không tin Corotcov. Anh đành phải vi phạm những quy tắc được thừa nhận trong hoạt động gián điệp bằng cách đặt Arvit Harnar xuống sàn xe chở đến sứ quán, và chỉ tại đây, trong căn phòng không sợ bị nghe trộm, hai người mới tìm được tiếng nói chung. Arvit Harnar báo cáo rằng ông có mười sáu người cấp tin, những người có địa vị, nghề nghiệp và thậm chí quan điểm chính trị khác nhau nhưng đều có một điểm chung là căm thù chủ nghĩa phát xít. Trong số mười sáu người đó có nhà triết học kiêm nhà viết kịch Adam Kukhov, nhà điêu khắc Kurt Schumacher, thượng uý Harro Schulze-Boysen, viên chức bộ hàng không, người bạn cùng tư tưởng của Arvit Harnar và cũng là người có nhiều nguồn cấp tin v.v... Nhưng mãi về sau Corotcov mới thiết lập mối liên lạc với những nhân vật này, còn tạm thời thì anh liên lạc với họ thông qua Arvit Harnar.

  Tiếp đấy, Corotcov khôi phục mối liên lạc với Hans Cummerov (tức "Bộ lọc") và Erhard Tomfer.

  Sau đó, anh được gọi về Moscva để báo cáo về những công việc đã làm được và anh nghỉ hai tháng ở Moscva. Rồi anh lại được cử đi công tác dài hạn ở Berlin, nhưng đợt công tác này chỉ kéo dài có nửa năm.

  Nhiệm vụ chủ yếu mà ban lãnh đạo cơ quan tình báo Xô Viết truyền đạt bằng miệng cho Corotcov là tìm hiểu những kế hoạch của ban lãnh đạo nước Đức phát xít về thời gian tấn công Liên Xô. Nhiệm vụ viết bằng văn bản không có điểm này bởi lẽ Stalin tin rằng trong hai - ba năm tới, Hitler không có ý định tấn công nhà nước Xô Viết.

  Ngày 18 tháng 4 năm 1941, tất cả các mạng lưới điệp viên nằm vùng ở châu Âu đều nhận được chỉ thị yêu cầu đẩy mạnh công tác với các điệp viên trong trường hợp chiến tranh có thể nổ ra. Tuy nhiên, bản chỉ thị này không có chữ ký của bộ trưởng Meckhulov mà chỉ có chữ ký của phó giám đốc cơ quan tình báo Sudoplatov. Vậy mà các nguồn tin như "Người đảo Corse", "Ông lão" và các nguồn tin khác đều thông báo về việc chuẩn bị và thậm chí về thời gian tấn công Liên Xô của phát xít Đức. Tuy nhiên, xét theo phản ứng của Moscva thì Trung Tâm đánh giá không đủ khách quan mối nguy hiểm của tình hình lúc đó.

  Điệp viên nằm vùng chính thức của cơ quan Tình báo Đối ngoại Xô Viết là Amaac, một nhân vật thân cận của Bộ trưởng Nội vụ Beria. Nhưng trong thực tế, mọi "đầu dây thần kinh" đều nằm trong tay Corotcov. Anh nắm mọi tin tức do các điệp viên khác thu thập được, anh cũng là người chuẩn bị thư từ và các bản mật mã gửi về Moscva. Nhưng Moscva không hề có bất kỳ phản ứng thích đáng nào!
Trong bối cảnh đó, Corotcov đã quyết định đi một nước cờ chưa từng có. Ngày 20 tháng 3 năm 1941, anh đích thân viết thư cho Beria. Bức thư này hiện còn được lưu giữ trong hồ sơ cá nhân của Corotcov. Chắc hẳn vì xúc động nên anh đã lầm lẫn ngày tháng bởi vì bức thư đề ngày 20 tháng 3 năm 1940. Trong thư, Corotcov trình bày rõ ràng những tin tức mà anh nhận được, chủ yếu là từ "Người đảo Corse", "Anh cả", "Braitenbac" và từ một số nguồn tin khác. Tất cả đều nói tới nguy cơ nước Đức phát xít tấn công Liên Xô vào tháng 5 năm 1941. Nhưng không thấy Trung Tâm trả lời, còn bức thư thì được đính kèm vào hồ sơ. Phản ứng duy nhất là đồng ý về món quà thực phẩm mà Corotcov đề nghị gửi cho "Người đảo Corse".
 
  Corotcov phải duy trì mối liên lạc thường xuyên với ba điệp viên chủ chốt là "Người đảo Corse", "Anh cả" và "Ông lão", một việc rất nguy hiểm đối với cả bốn người. Nhưng không có lối thoát nào khác: anh là điệp viên giàu kinh nghiệm nhất và lão luyện nhất.
 
  Mãi đến tháng 4, Trung Tâm mới báo động về việc xây dựng mối liên lạc chắc chắn với các điệp viên trong thời chiến, về việc thành lập những cơ sở điện đài độc lập, về việc tuyển mộ nhân viên điện đài v.v... Thời gian đã rất gấp rút. Các điện đài có bán kính hoạt động tới Brest - Belostoc (mà đây lại là khu vực sẽ bị quân Đức chiếm đóng ngay trong những ngày đầu chiến tranh) được gửi đi. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người, kể cả những người trong giới tình báo, lại tin rằng chiến tranh chỉ nay mai sẽ nổ ra. Một trong những bằng chứng cho thấy điều đó là tập hồ sơ "Trao đổi thư từ với mạng lưới điệp viên Berlin" hiện vẫn được lưu giữ trong bộ phận lưu trữ của cơ quan Tình báo Đối ngoại Xô Viết: tài liệu cuối cùng được đưa vào tập hồ sơ này nói về việc cho phép một điệp viên nằm vùng thuê nhũ mẫu cho đứa con nhỏ, có ghi rõ cả tiền công được phép trả.
 
  Sau khi chiến tranh bùng nổ, Corotcov cùng các nhân viên sứ quán Xô Viết trở về Moscva. Tại đây, anh nhận được một tin chẳng lành: mối liên lạc với nhóm Schulze-Boysen bị đứt đoạn bởi vì bọn Đức đã chiếm được tất cả những thành phố có những cơ sở tiếp nhận điện đài. Phải khôi phục lại liên lạc cũng như phải đào tạo các điệp viên mới để phái sang Đức. 

  Tuy nhiên, vì những lý do này hay khác, những cố gắng nhằm gửi liên lạc viên đến Berlin đều không đem lại kết quả. Vì vậy, phải nhờ đến sự giúp đỡ của giới quân đội. Một điệp viên nằm vùng của Tổng cục Tình báo Xô Viết là Gurevich (tức  "Kent") đã từ Bỉ đến được Berlin và khôi phục được mối liên lạc. Nhưng đã xảy ra một thảm họa: loại mật mã mà Gurevich sử dụng để thông báo địa chỉ và họ tên những điệp viên nằm vùng của Liên Xô cũng như các mật khẩu đều bị phản gián Đức thu được và giải mã. Và thế là bắt đầu sự tan vỡ của "Dàn đồng ca đỏ". Schulze-Boysen, Harnar, Sumakher và các thành viên khác của "Dàn đồng ca đỏ" - tất cả có đến vài chục người cả nam lẫn nữ - bị Gestapo bắt rồi bị treo cổ hoặc đưa lên máy chém. Nhưng trước khi chết, họ vẫn kịp truyền qua "Kent" nhiều tin tức quý giá về kế hoạch của bọn Đức ở vùng ngoại vi Moscva và về các kế hoạch tấn công của quân đội Đức vào mùa hè năm 1942.

  Corotcov và bạn bè của anh đã đào tạo được một số nhóm phá hoại - trinh sát gồm những binh sĩ Đức bị bắt làm tù binh hoặc chạy sang hàng ngũ Hồng quân và phái họ vào hậu phương phát xít. Một trong những nhóm đó dưới sự lãnh đạo của hạ sĩ quan Hains Muller đã thực hiện một số chiến dịch táo bạo ở Berlin và ngày 25 tháng 4 năm 1945 đã gặp gỡ các đơn vị quân đội Xô Viết.

  Trước khi chiến tranh kết thúc, Corotcov đã từng bay sang Afganistan, Nam Tư, Rumani để thực hiện các chiến dịch phá hoại. Và ngay khi chiến tranh vừa kết thúc, Corotcov đã được trao nhiệm vụ tháp tùng và bảo đảm an ninh cho đoàn đại biểu của nước Đức phát xít đến Berlin để ký văn bản đầu hàng vô điều kiện. Có thể nhìn thấy anh trên những bức ảnh ghi lại biến cố này: đứng đằng sau tên Kayten đang cúi người xuống văn bản đầu hàng là một sĩ quan Xô Viết trông trẻ trung, cân đối, - đó chính là Alecxandr Corotcov, người đã rời Berlin vào tháng 6 năm 1941 để rồi thắng lợi trở về vào tháng 5 năm 1945.

  Bắt đầu những ngày bình thường sau chiến tranh. Corotcov sắp xếp hoạt động tình báo ở Đức, xây dựng một mạng lưới điệp viên mới, thiết lập mối liên lạc với các đồng minh. Anh đã thực hiện nhiều chiến dịch, trong đó có chiến dịch trao đổi tên thuỷ sư đô đốc Đức Reder bị bắt làm tù binh lấy hai viên tướng của tên phản bội Vlasov là Malưskin và Gilecov (hai viên tướng này về sau bị kết án cùng Vlasov rồi bị treo cổ), chiến dịch tìm kiếm và đưa về Liên Xô những xí nghiệp và chuyên gia ngành chế tạo tên lửa, chiến dịch truy tìm những tên tội phạm quốc xã lẩn trốn... 

  Năm 1946, Corotcov trở về Moscva, anh được cử làm phó giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài và đồng thời lãnh đạo hệ thống điệp viên nằm vùng. Anh ở cương vị này cho đến năm 1957. Trong khoảng thời gian đó, anh đã đào tạo được hàng chục điệp viên nằm vùng. Anh là "cha đỡ đầu" của cặp vợ chồng Mikhail Fedorov và Galina, của De Las Eras Africa, của Mikhail Philonenco và Anna, của Canon Mơladoi, của Moris và Leontina Coien, của Willi Fisher - Rudolf-Abel cùng nhiều người khác. 

  Tháng 3 năm 1957, Corotcov được cử làm đại diện của Uỷ ban An ninh Quốc gia Liên Xô bên cạnh Bộ An ninh Quốc gia cộng hòa dân chủ Đức. Đây không phải là một sự giáng chức bởi vì vào lúc đó, sự đối đầu giữa cộng hòa liên bang Đức và cộng hòa dân chủ Đức đã trở thành một trong những nhân tố chủ yếu của cuộc "chiến tranh lạnh".

  Nhiệm vụ của Corotcov không chỉ là tổ chức mạng lưới điệp viên trên lãnh thổ cộng hòa liên bang Đức (những đối tượng chính là phủ Thủ tướng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, cơ quan an ninh và các chính đảng). Nhiệm vụ của Corotcov còn là thu xếp mối quan hệ qua lại với các cơ quan an ninh cộng hòa dân chủ Đức, một công việc hết sức tế nhị đòi hỏi tài năng của một nhà ngoại giao thực sự. Điều vinh dự cho Corotcov là anh không những đã trở thành người đồng chí của các cơ quan an ninh cộng hòa dân chủ Đức mà còn là bạn của họ. Anh tìm được cách tiếp cận với cả hai nhân vật không ưa gì nhau là Bộ trưởng Minca và Giám đốc cơ quan tình báo Wolf.
Corotcov còn đích thân làm việc với điệp viên Xô Viết Heinz Felfe và nhiều điệp viên nằm vùng khác hoạt động trên lãnh thổ cộng hòa liên bang Đức.

  Vào những năm cuối cùng đời hoạt động của mình, Corotcov có quan hệ rất căng thẳng với Giám đốc Uỷ ban An ninh Quốc gia Corotcov Selepin. Những cuộc bắt bẻ, trách mắng và "khiêu khích" thường xuyên từ phía Selepin đã khiến Corotcov mắc chứng trầm uất.
Ngày mồng 7 tháng 1 năm 1961, trong thời gian bị gọi về Moscva như thường lệ và sau khi báo cáo xong với ban lãnh đạo, Corotcov đi đến sân vận động "Dinamo" để chơi quần vợt như đã hẹn với người bạn của anh là Ivan Serov, Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo. Trong lúc đang chơi thì anh qua đời.

  Toàn bộ ban lãnh đạo Bộ Nội vụ Liên Xô đến dự đám tang anh. Nhưng không thấy Selepin đến chia buồn.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 22 Tháng Bảy, 2008, 07:18:10 pm
63 - HARRO SCHULZE-BOYSEN (1909 - 1943)
Anh cả trong "Dàn đồng ca đỏ"

(http://www.dhm.de/lemo/objekte/pict/f71_256/200.jpg)

  Những kẻ thù của chủ nghĩa quốc xã và Hitler lựa chọn các phương thức đấu tranh khác nhau. Các tướng lĩnh thì tổ chức những âm mưu, giới trí thức thì dán truyền đơn chính trị. Harro Schulze-Boysen và các bạn của ông thì lựa chọn hoàn toàn có ý thức một con đường đấu tranh khác để giúp đỡ đất nước có thể tiêu diệt Hitler và chế độ của y. Họ hiểu mục đích của họ và chiến công của họ là hoàn toàn không vụ lợi - ngay cả toà án của Hitler cũng không thể buộc tội họ "bán mình" cho kẻ thù.

  Schulze-Boysen sinh ngày mồng 2 tháng 9 năm 1909 trong gia đình một sĩ quan hải quân chuyên nghiệp tên là Eric Edga Schulze. Phần thứ hai trong danh tính của ông - Boisen - là lấy ở danh tính người mẹ là bà Maria Louisa Boisen. Cha đỡ đầu và cũng là ông ngoại của ông là thuỷ sư đô đốc Tirpis, người đặt nền móng cho lý thuyết hải quân Đức và bạn thân của hoàng đế Đức Wilhelm II.

  Schulze-Boysen nghiên cứu pháp quyền và khoa học chính trị ở hai trường đại học Froisburg và Berlin. Ông có trình độ học vấn xuất sắc, thông thạo tiếng Anh, tiếng Thuỵ Điển, tiếng Na Uy, tiếng Đan Mạch, tiếng Hà Lan và đến cuối những năm 30 thì bắt đầu học tiếng Nga. Năm 1932, một năm trước khi Hitler lên nắm quyền ở Đức, Schulze-Boysen cùng bạn ông là Henri Erlander bắt đầu cho xuất bản tờ tạp chí chống quốc xã có tên gọi là "Der Herner" ("Đối thủ"). Vì việc này mà vào năm 1934 đôi bạn bị bắt. Trong trại tập trung, họ bị dẫn qua một hàng lính và bị đánh một trăm gậy. Schulze-Boysen sống sót nhưng bạn ông bị đánh tới chết.

  Schulze-Boysen phải làm ra vẻ mình đã "hối cải" và bắt đầu sống một cuộc sống thượng lưu. Trên một chiếc du thuyền thể thao, ông làm quen với Libertas, con gái một giáo sư nghiên cứu nghệ thuật và một nữ bá tước. Lâu đài của họ nằm gần lãnh địa của Herman Goring và nữ bá tước thường đến hát giúp vui cho y. Ngược với ý kiến nhiều người, Goring thật ra chỉ gửi điện mừng chứ không phải là người thay thế bố mẹ cô dâu trong đám cưới giữa Schulze-Boysen với Libertas tổ chức vào ngày 26 tháng 7 năm 1936.   

  Lợi dụng sự bảo trợ của Goring, Schulze-Boysen tốt nghiệp trường phi công trinh sát rồi vào làm tại Bộ Hàng không, một việc khó có thể thực hiện được trong những hoàn cảnh khác bởi vì việc kiểm tra lòng trung thành rất có thể sẽ phát hiện ra quá khứ "tả khuynh" của ông.
Sau khi nhận cấp bậc thượng uý dự bị, Schulze-Boysen được đưa vào nhóm "nghiên cứu báo chí định kỳ hàng không nước ngoài", thực chất là được nhận vào cơ quan tình báo của không quân Đức. Mặc dù được một nhân vật cao cấp của chính quyền Hitler bảo trợ, có chỗ làm tốt và có khả năng sống cuộc sống thượng lưu, nhưng Schulze-Boysen vẫn không từ bỏ những quan điểm chống phát xít của mình. Hành động đầu tiên của ông thù địch với chế độ phát xít là việc ông báo trước cho sứ quán Xô Viết về trận dội bom nặng nề xuống thành phố Barselona năm 1937. Theo yêu cầu của ông, một nữ thành viên nhóm chống phát xít do ông thành lập tên là Hizella fon Pollnis, con gái một nhà ngoại giao cao cấp, đã bỏ vào hòm thư của sứ quán Xô Viết bức thư báo trước này viết bằng tiếng Pháp.   

  Tham gia nhóm chống phát xít của Schulze-Boysen còn có hai vợ chồng nhà điêu khắc Kurt Schumacher, hai vợ chồng Cuckh, nữ diễn viên ba lê Oda Shottmiller và một số người khác thuộc giới trí thức. Họ cùng chung quan điểm là căm ghét chế độ phát xít.

  Người bạn và chiến hữu gần gũi nhất của Schulze-Boysen là tiến sĩ Arvit Harnar. Đó là một con người đặc biệt. Ông sinh năm 1901 ở Turingia. Bố ông là giáo sư trường cao đẳng kỹ thuật, bác ông là một nhà thần học nổi tiếng. Mới 30 tuổi, Arvit đã có hai học vị tiến sĩ: tiến sĩ triết học và tiến sĩ luật học. Nhờ nhận được học bổng của quỹ Rocfeller, ông theo học trường đại học bang Visconsin và tại đây, ông làm quen với cô gái Mildred Fish. Ít lâu sau, cô trở thành vợ và bạn chiến đấu của ông. Cả hai vợ chồng đều có quan điểm xã hội chủ nghĩa và là những người bạn chân thành của Liên Xô, là đảng viên bí mật của Đảng Cộng sản Đức. Năm 1932, Arvit đến đất nước Xô Viết và năm 1934, Artuzov ra lệnh kéo ông vào hoạt động gián điệp. Như vậy, từ năm 1935, Arvit không chỉ là điệp viên Xô Viết mà còn là người lãnh đạo một nhóm đông đảo những người cấp tiến, tất cả có đến hơn 60 người. Theo đề nghị của cơ quan tình báo Xô Viết, Arvit cắt đứt mọi liên hệ với Đảng Cộng sản Đức, gia nhập Đảng Quốc xã và hiệp hội các nhà luật học quốc xã. Hơn nữa, ông còn là người lãnh đạo chi hội của hiệp hội này trong Bộ Kinh tế.

  Các nhóm của Schulze-Boysen và Arvit Harnar đã xây dựng được một mạng lưới điệp viên rộng khắp mà trong lịch sử được gọi là "Dàn đồng ca đỏ" (ở đây chúng tôi gọi là "Dàn đồng ca đỏ Berlin" để phân biệt với "Dàn đồng ca đỏ Bỉ").

  Những tin tức của mạng lưới này rất có giá trị ngay từ những năm trước chiến tranh, nhưng vào lúc chiến tranh sắp xảy ra thì chúng có giá trị quan trọng đặc biệt. Trong các báo cáo của cơ quan tình báo Xô Viết, khó mà phân biệt được đâu là tin của Schulze-Boysen (bí danh "Anh cả") và đâu là tin tức của Arvit Harnar (bí danh "Người Bantic" rồi "Người đảo Corse").

  Dưới đây là vài đoạn trích trong các tin của họ.

  "9. 06. 41. "Anh cả". Vào tuần sau, không khí căng thẳng trong vấn đề Nga sẽ đạt tới đỉnh điểm và vấn đề chiến tranh sẽ được quyết định dứt khoát. Mọi biện pháp chuẩn bị sẽ phải hoàn tất vào giữa tháng 6...".

  "11. 06. 41. "Anh cả". Giới lãnh đạo Bộ Hàng không Đức khẳng định rằng vấn đề tấn công Liên Xô đã được quyết định dứt khoát... Ngày 15 tháng 6 Hering sẽ đến tổng hành dinh mới".

  "16. 06. 41. "Anh cả". Mọi biện pháp quân sự nhằm chuẩn bị tấn công Liên Xô đã hoàn tất. Đòn giáng có thể bắt đầu vào bất kỳ lúc nào...".

  "Người đảo Corse": "Khi phát biểu tại Bộ Kinh tế, Rosenberg (một trong những tên phát xít đầu sỏ) tuyên bố rằng cái tên Liên Xô phải bị xoá bỏ khỏi bản đồ thế giới".

  Nếu hợp nhất lại thì những tin tức của họ giống như hồi chuông cấp báo cảnh báo là chiến tranh nhất định sắp xảy ra. Thật đáng tiếc là hồi chuông cấp báo đó đã không được nghe thấy, hoặc có nghe thấy nhưng bị xem thường.

  Cựu giám đốc cơ quan Tình báo Đối ngoại Xô Viết là Phitin ghi trong tập ghi chép của mình là vào ngày 17 tháng 7 năm 1941, ông cùng bộ trưởng báo cáo với Stalin về những tin tức nhận được từ "Anh cả". "Stalin không ngẩng đầu lên, chỉ nói: "Tôi đã đọc báo cáo của các đồng chí rồi. Vậy là nước Đức định tấn công Liên Xô phải không?... Người thông báo những tin tức này là người như thế nào?". Chúng tôi đã sẵn sàng trả lời câu hỏi này, và tôi mô tả chi tiết nguồn tin: "Một người gần gũi với chúng ta về tư tưởng, làm việc tại Bộ Hàng không và rất thạo tin... Chúng ta không có cơ sở nghi ngờ tính chất đúng đắn của những tin tức mà người đó cung cấp". Stalin bước lại bàn làm việc rồi quay về phía chúng tôi nói: "Thông tin giả đấy! Các đồng chí có thể ra về".

  Người ta đã kể và viết khá nhiều về hoạt động của "Dàn đồng ca đỏ Berlin", về những tin tức họ cung cấp và về phản ứng của Stalin. Nhưng người ta hầu như không kể gì về những việc mà Schulze-Boysen, Harnar và các bạn bè của họ đã kịp làm được sau khi chiến tranh bùng nổ và trước khi họ qua đời. Thậm chí, bộ bách khoa từ điển đồ sộ của Đức "Brochause và Efron" cũng kết thúc mục "Dàn đồng ca đỏ" bằng câu: "Vai trò của nó trong tiến trình chiến tranh và kết quả chiến tranh không rõ ràng".

  Nhưng thực tế không phải như vậy. Schulze-Boysen đã thông báo cho Moscva về những kế hoạch mà bộ chỉ huy phát xít vạch ra cho mùa thu và mùa đông năm 1941, cụ thể là việc bộ chỉ huy Đức không có ý định tấn công Leningrad mà chỉ cố bóp nghẹt thành phố này trong vòng phong toả chặt chẽ. Nhờ Schulze-Boysen mà phía Liên Xô cũng được biết về những kế hoạch mà bộ chỉ huy Đức vạch ra cho năm 1942 nhằm tấn công vào những khu vực nhiều dầu mỏ ở Kavcaz. Schulze-Boysen còn thông báo địa điểm tổng hành dinh Hitler cũng như đã thông báo rằng ở Petsamo (Phần Lan), bọn Đức đã thu được mật mã ngoại giao của Liên Xô và rằng trong những tháng đầu chiến tranh, không quân phát xít đã chịu những tổn thất lớn.

  Tất cả những tin tức này đã được chuyển về Moscva không phải trực tiếp từ Berlin mà thông qua các nhân viên điện đài của "Dàn đồng ca đỏ" Bỉ.

  Vì đường liên lạc bằng điện đài với Berlin bị đứt nên người ta phải gửi đến đây hai nhân viên điện đài được tình báo Xô Viết tuyển mộ trong số các tù binh Đức. Nhưng cả hai đều rơi vào tay Gestapo: Albert Hesle không chịu làm việc với chúng, còn Robert Dart thì đồng ý.
Vòng vây bao quanh "Dàn đồng ca đỏ" ngày một xiết chặt, và Gestapo đã lần ra được dấu vết của Schulze-Boysen. Một người bạn trẻ của ông làm việc trong bộ phận định vị điện đài của cơ quan phản gián Đức đã thông báo cho ông biết tin đó. Schulze-Boysen định báo trước cho các đồng chí của mình nhưng không kịp. Ngày 31 tháng 8 năm 1942, ông bị bắt ngay trong phòng làm việc của ông. Ngồi thay vào chỗ ông là một tên Gestapo, y ghi lại tất cả những cú điện thoại gọi đến ông. Chỉ ít lâu sau, Gestapo đã nắm được danh sách những mối liên lạc của ông.

  Những vụ bắt bớ hàng loạt bắt đầu. Đến cuối tháng 9, chỉ riêng ở Berlin đã có gần bảy mươi người bị bắt và đến cuối tháng 11, con số này đã lên đến hơn một trăm.

  Sau khi nghe báo cáo của Himmler về "Dàn đồng ca đỏ", Hitler đã nổi giận: "Nếu như không có những tên gián điệp Nga này thì chúng ta đã đập tan quân đội của chúng từ lâu rồi... Chúng sẽ phải trả giá đắt vì đã đâm vào lưng đế chế Đức!".

  Cuộc hỏi cung những người bị bắt diễn ra theo một chế độ đặc biệt, được phép sử dụng cực hình và tra tấn.

  Schulze-Boysen cũng như các chiến sĩ chống phát xít khác đã tỏ ra rất dũng cảm, thậm chí sáng sáng họ vẫn tập thể dục. Ông làm bọn cai ngục tức giận, chúng hò hét: "Nghe đây, Schulze, dù sao thì mày cũng không sống được đến Thế vận hội đâu!". 

  Trong lời phát biểu cuối cùng, họ tuyên bố rằng họ hành động một cách có ý thức, hành động vì lợi ích của nước Đức. Đa số bị kết án tử hình: ba mươi mốt nam giới bị treo cổ, mười tám phụ nữ bị xử chém. Bảy người tự sát trong quá trình thẩm vấn, bảy người bị đưa vào trại tập trung, hai mươi nhăm người bị đưa đi lao động khổ sai, tám người bị đưa ra mặt trận, một vài người bị bắn chết.

  Schulze-Boysen và vợ là Libertas cũng như Arvit Harnar bị kết án tử hình ngay lập tức, còn vợ của Harnar là Mildred cùng nữ bá tước Erica fon Brocdorf bị kết án tù. Khi biết được tin đó, Hitler giận dữ đòi xem xét lại bản án, kết quả là Mildred và Erica cũng bị án tử hình.
Tại nhà tù Pliotsenzi, nơi thi hành những bản án tử hình này, vẫn còn giữ được bản sao tờ biên bản cho thấy rằng cứ đúng sau ba phút thì lưỡi dao đao phủ lại hạ xuống. Nhưng đáng sửng sốt nhất là bản thanh toán được xuất trình cho thân nhân những người bị tử hình: "Tiền thù lao cho việc dẫn đến nơi hành hình...", "Tiền thù lao cho đao phủ...", "Tiền thù lao cho việc dọn dẹp phòng giam...", "Tiền mua dây thừng...". Mọi khoản đều được trả tiền!

  Năm 1969, ba mươi hai thành viên của phong trào kháng chiến và đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít Đức đã được tặng thưởng huân chương và huy chương của Liên Xô. Hai mươi chín người trong số đó là được truy tặng. Trong số những người được truy tặng có Harro Schulze-Boysen, Arvit Harnar và mười lăm người nữa trong các nhóm của họ. Bố mẹ Schulze-Boysen là đại uý Eric Edgar Schulze và bà Maria Louisa Boisen còn sống một thời gian dài nữa sau khi con trai của họ hy sinh. Ông Eric Edgan Schulze mất năm 1974 và bà Maria Boisen mất năm 1972.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 23 Tháng Bảy, 2008, 06:58:06 pm
64 - MATINDA CARRE VÀ HUGO BLAIKHE (1910 - 1970)
Trò chơi ái tình và điệp vụ



  Nữ nhân vật của câu chuyện này đi vào lịch sử không chỉ như một điệp viên nổi tiếng mà còn như một kẻ phản bội xảo quyệt nhất. Tại phương Tây, Matinda Carre được gọi là "nữ điệp viên xuất chúng nhất" hoặc "Mata Hari của Thế chiến thứ hai".
Vào tháng 6 năm 1940, sau khi nước Pháp bị phát xít Đức xâm chiếm, một nhóm nhỏ sĩ quan Ba Lan không kịp rời khỏi Dunkirt nên đã tổ chức nhiều tổ điệp viên tại nhiều thành phố ở Pháp.

  Trong số họ có một sĩ quan tình báo của không quân Ba Lan là đại uý Roman Secniavxki. Ông trở thành một trong những người sáng lập và lãnh đạo mạng lưới điệp viên có tên là "Interale" ("Quốc tế") đặt trụ sở tại Paris, và bí danh của ông là "Arman".

  Một hôm, ông gặp một phụ nữ Pháp ba mươi tuổi tên là Matinda Carre. Nàng xuất thân trong một gia đình quân đội. Bố nàng đã từng được tặng thưởng huân chương Bắc đẩu Bội tinh trong Thế chiến thứ nhất. Nàng làm việc trong Hội Chữ thập đỏ, tỏ thái độ căm thù phát xít Đức và xem ra thì xứng đáng được tin cậy. "Arman" lấy nàng vào tổ chức của ông, và nàng trở thành người tình và trợ thủ gần gũi nhất của ông. Ngày 16 tháng 11 năm 1940, họ liên lạc với cơ quan tình báo Anh và chẳng bao lâu sau, bắt đầu phát tin qua điện đài cho London.

  Dần dần, "Interale" mở rộng mạng lưới điệp viên của mình ra bốn mươi điểm, bao trùm hầu hết lãnh thổ nước Pháp, trong đó có những địa điểm quan trọng như Brest, Serbour, Cale, Bulon là những nơi họ có thể thường xuyên theo dõi những công trình của hải quân Đức và sự di chuyển của hạm đội Đức. Họ còn có căn cứ gần biên giới Tây Ban Nha, nơi họ thường giúp đỡ các liên lạc viên duy trì mối tiếp xúc thường xuyên với sứ quán Anh ở thủ đô Madrid. Mạng lưới tình báo đó trải dài dọc theo "biên giới xanh" giữa vùng tạm chiếm và vùng tự do của nước Pháp. Tại các thành phố công nghiệp như Lille, Lion, Nant, các điệp viên làm nhiệm vụ chỉ điểm cho không quân Anh oanh tạc những nhà máy sản xuất vũ khí cho quân đội Đức và những kho chứa vũ khí.

  "Arman" và Matinda Carre thiết lập quan hệ với một vài quan chức cao cấp Pháp, những người tuy hợp tác với bọn Đức nhưng vẫn bí mật ủng hộ phong trào Kháng chiến Pháp. Một trong những người đó là thị trưởng Bron, một luật sư Paris nổi tiếng và đóng vai trò quan trọng trong phong trào Kháng chiến. Matinda biết ông ngay từ trước chiến tranh, khi ông thực hiện vụ ly hôn của nàng. Trong số những bạn bè gần gũi của Matinda có cả những sĩ quan tình báo và phản gián Đức. Chỉ sau vài tháng, "Interale" đã có tới hơn một trăm hai mươi thành viên, điệp viên và liên lạc viên.   

  Gestapo và phòng phản gián của cơ quan tình báo Đức ở Paris chẳng mấy lâu sau đã biết về tổ chức tình báo đầy hiệu quả đang làm việc cho London, nhưng những mưu toan nhằm dò ra dấu vết của tổ chức này hoặc bắt giữ được dù chỉ một thành viên của tổ chức đó cũng đều không đem lại kết quả.

  Để săn lùng những đài phát hoạt động ở Paris, tình báo Đức cho một chiếc xe trang bị đặc biệt thường xuyên tuần tiễu trên khắp các đường phố ở thủ đô Pháp, và một lần, "Arman", Matinda và các trợ thủ của họ chỉ một chút nữa là bị phát hiện. Họ buộc phải giảm bớt số lượng các căn phòng bí mật có chứa điện đài, và đến tháng 10 năm 1941, hoạt động của họ tập trung trong một ngôi nhà nhỏ yên tĩnh số 8 phố Vinla Lean thuộc khu Monmar. Ngày nào tại đây cũng diễn ra những hoạt động vô hình: "Arman" phân tích những tài liệu mà các điệp viên của ông gửi tới, Matinda đánh máy những tài liệu ấy để chụp microfilm. Nàng thường tạt vào phòng ông êm nhẹ đến nỗi ông không nghe thấy bước chân nàng.

  - Em bước vào êm nhẹ cứ như mèo ấy, - một lần "Arman" bảo nàng - Anh sẽ gọi em là "con mèo bé nhỏ của anh" nhé, - ông cười vang mà không ngờ rằng chỉ ít lâu sau là biệt danh này sẽ trở nên nổi tiếng. - Một mật danh tốt đấy em ạ, chúng ta sẽ sử dụng mật danh này trong các buổi phát nhé.

  - "Mèo con thông báo rằng...". Nghe hay đấy chứ mà lại dễ chuyển sang hệ chữ cái Morse.

  Từ hôm ấy, London bắt đầu nhận được những bức điện mở đầu bằng câu "Mèo con thông báo rằng...". Cơ quan kỹ thuật vô tuyến của Đức dễ dàng bắt được những bức điện này: thời gian phát sóng bao giờ cũng vào hồi 21 giờ, và cái chính là một phần những bức điện ấy thậm chí không được mã hoá và truyền đi một cách táo tợn công khai. Tất cả đều chứa đựng những thông tin quan trọng chứng tỏ rằng "Mèo con" có trong tay những tin tức tuyệt mật, hơn nữa, một số tin lại xuất phát từ giới sĩ quan của cơ quan tình báo và phản gián Đức.
"Mèo con" chẳng bao lâu đã trở nên nổi tiếng khắp nước Pháp - rất nhiều người Pháp có máy thu thanh và do đó họ có thể nghe thấy câu "Mèo con thông báo rằng...". Điều này đã cổ vũ những người yêu nước đứng lên đấu tranh, và hai tiếng "Mèo con" đã trở thành tượng trưng cho phong trào Kháng chiến. Đối với cơ quan phản gián Đức thì việc lùng bắt được  "Mèo con" không chỉ là nghĩa vụ mà còn là vấn đề danh dự.

  Ban lãnh đạo mời "Arman" đến London, và sau khi ông trở về, một cuộc liên hoan vui vẻ đã được tổ chức. Không một ai biết rằng vào đúng những ngày ấy, một mối nguy hiểm chết người đã treo lơ lửng trên đầu mạng lưới điệp viên của "Arman".

  Phân bộ "Đ" của "Interale" đặt căn cứ ở Serbour và Lidơ và mở rộng hoạt động khắp 6 tỉnh Bắc Pháp, bao gồm vùng Bretan và các khu vực mạn tây vùng Norcmanđi. Mùa xuân năm 1941, "Arman" chỉ định một thanh niên làm sếp phân bộ này. Đó là một cựu phi công Pháp tên là Raul Kiffer hay Kiki, như bạn bè anh thường gọi.

  Vào đầu tháng 11, một viên cai Đức báo cáo với phòng tình báo Đức ở Serbour là có một phụ nữ Pháp tìm cách thu thập tin tức từ những nhân vật đang làm việc tại căn cứ nhiên liệu của hải quân Đức. Viên cai nói trên cho rằng người phụ nữ này là điệp viên của Anh. Bản báo cáo đó được chuyển về Paris và tại đây nó được hết sức lưu ý. Một nhân viên phản gián Đức là đại uý Erikh Borhers lập tức được phái đến Serbour.

  Đúng vào hôm đó, người trực nhật tại phòng Cảnh sát dã chiến bí mật là hạ sĩ Hugo Blaikher, một nhân vật lúc đó còn chưa ai biết đến. Đại uý Erikh Borhers thấy anh ta là một người có vẻ trí thức, hơn nữa, lại thông thạo tiếng Pháp, bởi vậy, Eric Borkhe lấy anh ta làm trợ lý cho mình. Hôm sau, Erikh và Hugo bắt giữ một người phụ nữ Pháp tên là Sharlott Bupphe, và Sharlott thú nhận mình làm việc cho một điệp viên Anh, nhưng cô chỉ biết người điệp viên này có bí danh là "Paul". Thế là bắt đầu cuộc săn lùng "Paul". Kết quả là Hugo bắt được anh ngày mồng 3 tháng 11 tại nhà ga Serbour khi anh từ Paris trở về. Trong người "Paul" có những tài liệu về các công trình quân sự của Đức và những chỉ thị bằng mật mã. Hoá ra "Paul" chính là Raul Kipper. Hugo đưa anh về Paris và chuyển anh đến trụ sở cơ quan tình báo Đức. 

  Khi Hugo đưa Raul ra đi thì ở nhà ga diễn ra một cảnh chia tay đau lòng giữa Hugo và người tình của y là Susanna Loran. Chúng tôi nhắc đến Susanna bởi vì chúng ta sẽ còn gặp lại cô ta trong câu chuyện này.

  Lúc đầu, Raul không chịu nói, nhưng khi Hugo dọa sẽ chuyển anh cho Gestapo thì anh chịu thua.

  Tại cơ quan tình báo, hạ sĩ Hugo Blaikher được coi là một nhân vật có ích và y được giữ lại làm việc ở Trung Tâm. Và từ đó bắt đầu con đường công danh của y với tư cách là con át chủ bài của cơ quan tình báo Đức. Hugo 42 tuổi, trước kia y đã từng làm việc tại cơ quan cảnh sát dã chiến bí mật nhưng vì mắt kém nên không thích hợp với công việc dã chiến, song giờ đây, y đã trở thành ngôi sao của cơ quan phản gián Đức. Dưới nhiều tên giả khác nhau: hoặc là ngài Gian Castel, hoặc là nhà doanh nghiệp Bỉ Gian, hoặc là đại tá không quân Đức Henri, Hugo đóng vai một chiến sĩ chống phát xít và lọt được vào hàng ngũ nhiều nhóm Kháng chiến của Pháp và Bỉ. Thậm chí, y còn thâm nhập được vào vài mạng lưới của tình báo Anh và bắt được nhiều thành viên của tình báo Anh và của phong trào Nước Pháp Tự do.
Dùng Raul làm mồi nhử, Hugo bắt được một thành viên của nhóm "Arman" ở Paris, người này biết địa chỉ của căn phòng bí mật. Ngày 17 tháng 11, Hugo bất ngờ xộc đến trụ sở nhóm "Arman" trên phố Vinla Lean. Vào lúc 3 giờ đêm, bốn chiếc xe chở đầy binh lính thuộc lực lượng cảnh sát dã chiến bí mật phong toả cả hai đầu khu phố nhỏ. Vài phút sau, "Arman" bị xích hai tay dẫn ra khỏi nhà. Hai nhân viên điện đài nằm trên gác xép kịp chạy trốn.

  Trong quá trình hỏi cung bà chủ ngôi nhà, Hugo được biết rằng ngày nào cũng có một phụ nữ mà "Arman" gọi là "Mèo con" đến thăm ông.

  "Arman" thừa nhận mình là đại uý Roman Secniavxki và làm việc cho Đồng minh. Đó là tất cả những gì mà ông khai trong lúc hỏi cung. Mọi lời đe dọa và tra tấn đều không buộc được ông lộ ra bất kỳ thông tin gì về "Interale" cũng như về mối liên hệ giữa ông và London. Ông bị tống vào xà lim biệt giam dưới hầm ngầm của nhà tù Freden.

  Trong lúc bắt "Arman" thì trên giường ông đang có một phụ nữ tóc vàng xinh đẹp - đó là Reune Borni, một phụ nữ trẻ goá chồng đến từ Luynevin. Bà là người đã cho "Arman" những giấy tờ của người chồng đã quá cố và rồi đến Paris theo lời mời của ông. Hugo hỏi cung bà hồi lâu, bà sẵn sàng nói tất cả những gì bà biết nhưng dường như vẫn giấu giếm một chuyện gì đó. Khi ấy, vốn là một nhà tâm lý lão luyện, Hugo liền dùng tiểu xảo.

  - Bà có biết do đâu mà chúng tôi có được địa chỉ của "Arman" không? Chúng tôi nhận được một bức thư nặc danh cho biết rằng chúng tôi có thể bắt được người lãnh đạo của "Interale" cùng người tình của ông ta ngay trên giường, và đồng thời còn cho chúng tôi biết địa chỉ nữa. Bức thư ấy không ký tên mà chỉ vẽ một con mèo có vẻ xảo quyệt và có đuôi giống dấu chấm than.

  - Mèo con! - Reune thốt lên. - Chính là con bé ấy, cái con bé đĩ thoã xấu xa và đáng ghê tởm ấy! Cái con rắn độc xảo quyệt ấy vì ghen tuông mà đã giao nộp chúng tôi cho người Đức! Trời chu đất diệt nó đi!

  Reune liền kể cho Hugo về tất cả những gì bà ta biết về "Mèo con". Bà ta miêu tả "Mèo con" như một kẻ chuyên quyến rũ đàn ông và là người lãnh đạo "Interale", còn "Arman" chỉ là một sĩ quan tham mưu chuyên thu thập tin tức mà thôi.

  Reune thề sẽ trả thù "Mèo con". Nhờ sự giúp đỡ của bà ta, Hugo ngay trong ngày hôm đó đã bắt được "Mèo con" trên ngưỡng cửa nhà nàng ở phố Angtoanet.

  Trên đây là giả thuyết lãng mạn của bá tước Mikhaen Donticov là người biết rõ câu chuyện Matinda Carre và đã viết một cuốn sách về nàng. Ông cũng quen biết riêng Hugo và một vài nhân vật của câu chuyện này.

 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 23 Tháng Bảy, 2008, 07:02:26 pm
  Trên đây là giả thuyết lãng mạn của bá tước Mikhaen Donticov là người biết rõ câu chuyện Matinda Carre và đã viết một cuốn sách về nàng. Ông cũng quen biết riêng Hugo và một vài nhân vật của câu chuyện này.

  Nhưng giả thuyết của một điệp viên kiêm nhà sử học Anh là Kucridse, một người cũng quen biết riêng Hugo, thì lại biện minh cho nhân vật Reune Borni. Theo giả thuyết này thì bà ta không bao giờ phản bội, còn về phần "Mèo con" thì nàng bị sa vào chiếc bẫy mà Hugo chăng sẵn tại ngôi nhà số tám.

  Những chỗ khác biệt như vậy không phải là ít. Nhưng dù sao thì "Mèo con" cũng đã rơi vào tay cơ quan phản gián Đức. Trong thời kỳ đầu, Hugo tiếp tục làm việc với Reune. Nhưng bà ta chẳng có mấy ích lợi. Ngay cả những nhân vật chủ chốt của "Interale" cũng được bà ta miêu tả rất đại khái kiểu như "một người đàn ông dễ mến, trung niên, mắt xám" hoặc "một thanh niên ưa vui đùa".

  Khi ấy, Hugo liền tập trung mọi nỗ lực vào "Mèo con". Y chuyển nàng từ nhà tù đến khách sạn "Edward VII" trên đại lộ Opera, nơi đặt trụ sở của cơ quan tình báo Đức ở Paris. Nàng được dành cho một căn phòng sang trọng, và mặc dù ngoài cửa bao giờ cũng có lính gác nhưng nàng cảm thấy cực kỳ thoải mái.

  Hugo tạt vào "thăm" nàng và cả hai cùng ăn trưa rất ngon  miệng. Hugo dường như vô tình cho biết là y đã có mọi giấy tờ y cần. Chỉ cần y nói một tiếng thôi là nàng và các bạn bè của nàng sẽ bị đem ra xử bắn.

  - Chúng tôi đã biết hết và cô chẳng cần gì phải làm ra bộ dũng cảm một cách ngu ngốc. Dù có im lặng thì cô cũng chẳng thể cứu thoát được ai đâu. Nhưng nếu cô giúp tôi thì tôi có thể cứu cô và các bạn của cô khỏi tay Gestapo. Cô sẽ được trả tự do, còn các bạn của cô sẽ được đối xử như những tù binh chiến tranh và khi chiến tranh chấm dứt, họ sẽ được trở về nhà. Hoặc là cô sẽ bị trao cho Gestapo và khi ấy, cô chỉ còn cách trông chờ vào Chúa Trời thôi. Qua những giấy tờ chúng tôi tìm thấy ở phố Vinla Lean, - Hugo nói tiếp, - tôi biết rằng cô có hẹn gặp một nhân viên của cô tại tiệm cà phê "Pam-Pam". Ta hãy cùng đi tới đó. Nếu cô đồng ý làm việc cho chúng tôi, tôi hứa sẽ trả cho cô sáu mươi nghìn frant một tháng. Như vậy là nhiều hơn nhiều so với số tiền người Anh trả cho cô. Cô sẽ được trả tự do còn những người khác sẽ được cô cứu sống. Cô hiểu chứ?

  - Tôi hiểu, - "Mèo con" khẽ trả lời.
 
  Trong vài ngày tiếp theo, Hugo và "Mèo con" đi khắp Paris cùng một chiếc xe của cơ quan cảnh sát dã chiến bí mật. Matinda Carre - tức "Mèo con" - biết thuộc lòng tất cả địa chỉ của các thành viên "Interale". Họ lần lượt bị bắt. Trong vòng ba ngày, tổ chức "Arman" thực tế là đã bị xoá sổ.

  Giờ đây, câu chuyện thuần tuý tình báo chuyển thành một vở bi kịch trữ tình.

  Vốn tính phóng túng và bốc đồng, "Mèo con" tưởng gặp phải một viên sĩ quan Đức xấc xược, nét mặt thô kệch, giọng nói gay gắt, tiếng Pháp trọ trẹ, nhưng giờ đây, nàng thấy Hugo là một trí thức đẹp trai, dũng cảm, thông thạo tiếng Pháp và đầy sức hấp dẫn. Và đáng lẽ phải xa lánh và căm thù thì nàng lại bắt đầu cảm thấy một nỗi say đắm chân thành đối với y và trở thành một thứ đồ chơi ngoan ngoãn trong tay y.

  Matinda là một phụ nữ nhỏ bé, mảnh mai, chỉ cao có một mét năm tám. Nàng luôn luôn bị những người đàn ông cao lớn, vạm vỡ thu hút. Chồng cũ của nàng là một người như vậy và nàng ly hôn với ông chỉ bởi vì ông không thể có con, "Arman" cũng là một người như vậy, cả những người đàn ông khác trước và sau "Arman" cũng là những người cao lớn vạm vỡ như vậy. Nàng khao khát có được những đứa con cao lớn, đĩnh đạc.
 
  Cả Hugo cũng cao lớn như thế... Mối tình dan díu giữa hai bên đã thành một thực tế. "Mèo con" tận tình kể cho Hugo tất cả những gì nàng biết. Nàng kể về việc nàng đã thâm nhập như thế nào vào trụ sở tổ chức "Hoạt động phối hợp" ở Paris với tư cách "đại diện Hội Chữ thập đỏ Thuỵ Sĩ", dường như là để chăm sóc y tế và xã hội cho tù nhân các nhà tù Paris. Sau đó, thậm chí nàng đã trở thành "thành viên hoạt động phối hợp" và tình nhân của một sĩ quan cao cấp SS. Chính là thông qua người sĩ quan này và nhiều sĩ quan khác mà nàng thu thập được những tin tức hết sức giá trị.

  - Vậy người này hiện giờ ở đâu? - Hugo hỏi.

  - Ôi, chúng ta sẽ không nói đến chuyện đó. Anh ấy rất yêu em. Nhưng anh ấy bị phái sang Nga và ít lâu sau thì tử trận ở bên ấy. Nếu anh quan tâm đến công việc của em thì em có thể nói rằng em có "tay trong" cả trong trụ sở cơ quan tình báo của anh ở khách sạn Luytesia.

  Nàng kể cho Hugo nghe về chiến dịch mà nàng và các bạn cũ của nàng đã mạo danh cơ quan tình báo Đức để thực hiện, khi họ sử dụng chiếc máy điện thoại nằm trên bàn của một sĩ quan lãnh đạo cơ quan tình báo này. Hugo chỉ còn biết ngây mặt vì ngạc nhiên.

  Matinda cũng còn trao nộp cho Hugo "hòm thư" chuyên dùng để liên lạc với các thành viên tổ chức "Arman". Bà chủ "hòm thư" là nhân viên trông coi toalet của khách sạn. Hugo bắt giữ rồi chiêu mộ bà ta. Y cho hai viên cảnh sát mai phục sẵn trong toalet. Giờ đây, nếu người vào toalet là người bình thường thì bà ta chào "Chào ông" hoặc "Chào bà", còn nếu đấy là thành viên "Interale" thì bà ta thêm tên của người đó vào lời chào. Hai viên cảnh sát liền nhảy xổ ra từ chỗ nấp và tóm lấy người đó. Thành công thật phi thường: chỉ trong vòng vài ngày Hugo đã bắt được tất cả các thành viên còn lại của "Interale".

  Dĩ nhiên, Matinda làm tất cả những việc đó không phải dễ dàng: trong thâm tâm nàng diễn ra cuộc đấu tranh nội tâm đau đớn. Nếu như để giảm nhẹ tội lỗi của nàng chứ không phải để biện minh cho nàng thì có thể nói rằng ngoài tình yêu đối với Hugo, nàng còn theo đuổi một ý tưởng nữa mà Hugo đã khéo léo đưa vào đầu óc nàng: tất cả những người mà nàng trao nộp cho y sẽ không bị chuyển cho Gestapo mà sẽ được coi là tù binh chiến tranh. Nói cho công bằng thì y đã thực hiện đúng lời hứa ấy.

  Giờ đây, họ sống như hai vợ chồng tại một khu phố sang trọng ở khu vực rừng Boulogne. "Mèo con" đã chuyển cho Hugo toàn bộ số tiền mặt của "Interale" - hàng triệu frant Pháp, hàng nghìn frant Thuỵ Sĩ và hàng nghìn bảng Anh.     

  Cùng với những điệp viên, tài liệu và mật mã bắt được, bọn Đức còn thu được bốn điện đài. Hugo đến gặp trưởng phân bộ tình báo Đức tại Paris là đại tá Oscar Rayle và báo cáo kế hoạch của y.

  - Thưa ngài, - Hugo nói, - chúng ta hiện có bốn điện đài. Nếu chúng ta giữ kín được các vụ bắt giữ thì chúng ta sẽ có thể bắt đầu trò chơi điện đài và thuyết phục được London tin rằng "Interale" vẫn đang hoạt động như trước. Chúng ta sẽ có thể nhận được những tín hiệu và chỉ thị từ London, có thể biết mọi tin tức về các điệp viên được London phái sang cũng như có thể cung cấp cho họ những tin giả. Nói cách khác, chúng ta sẽ duy trì được mạng lưới "Interale" nhưng là dưới sự kiểm soát của chúng ta, ít nhất cũng được một thời gian nào đó. Ngoài ra, chúng ta còn sẽ buộc được người Anh phải cung cấp tiền cho chúng ta.

  Đại tá Rayle đồng ý. Vấn đề là ở chỗ ít nhất cũng phải buộc được vài thành viên của "Interale" hợp tác. Tất cả những người Ba Lan được Hugo đề nghị hợp tác đều đáp lại bằng nụ cười giễu cợt đầy khinh bỉ. Nhưng Hugo đã có "Mèo con". Y cũng chiêu mộ lại được một nhân viên điện đài tên là Hanri Tabet. Việc này không khó bởi Hanri đã bị "Arman" kết án tử hình vì một lỗi lầm nào đấy. (Sau chiến tranh, toà án Pháp cũng kết án tử hình y về tội hợp tác với phát xít Đức). Cả Reune Borni cũng đồng ý làm việc cho Hugo.

  Điện đài được chuyển đến nhà một nhà doanh nghiệp giàu có. Một sĩ quan tình báo Đức là Fon Hopphen được cử làm người lãnh đạo địa điểm này với thành phần gồm vài sĩ quan và hạ sĩ quan. Hugo đưa "Mèo con", Reune Borni và Hanri Tabet đến đây ở và gọi nơi này một cách hóm hỉnh là "ổ mèo".


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 23 Tháng Bảy, 2008, 07:05:47 pm
  Đường liên lạc vô tuyến giữa Paris và London chỉ đứt đoạn một thời gian ngắn nên London không nghi ngờ gì. "Mèo con" biết mọi ước định tinh tế của các cuộc truyền tin cũng như những tín hiệu cảnh báo nguy hiểm. Nhưng chỉ Reune là biết được mật mã. Cả hai giờ đây cộng tác với người Đức cũng tận tâm như trước đây cộng tác với Đồng minh.

  Ngay sau khi "ổ mèo" được thu xếp ổn định, các buổi truyền tin của "Mèo con" đến London lập tức được bắt đầu. Trò chơi điện đài kéo dài được hơn ba tháng. Trong biên bản ghi ngày 13 tháng 7 năm 1945, thẩm phán người Pháp viết rằng trong suốt thời gian ấy, "các điệp viên Đức đã đánh lừa được cơ quan mật vụ Anh vốn vẫn được tán tụng hết lời". 

  Thời kỳ đầu, bọn Đức còn tỏ ra rất thận trọng: giữa hai bên chỉ trao đổi những tin tức bình thường về việc di chuyển quân đội, tình hình trên các tuyến đường sắt và các công trình quân sự. Một số tin là đúng sự thật. Phải cho London biết rằng một vài thành viên "Interale" đã bị bắt, kể cả "Arman", nhưng những thành viên còn lại vẫn ở ngoài tự do và công việc vẫn có thể tiếp tục.

  London cũng được cho biết rằng "Mèo con" giờ đây đã đứng đầu tổ chức "Interale" và từ nay về sau sẽ phát tín hiệu dưới một bí danh mới là "Victory" - "Chiến thắng". London mắc câu và hỏi là liệu những sĩ quan bị mất liên lạc liệu có thể sử dụng những khả năng của "Interale" được không? Dĩ nhiên câu trả lời là "Được!".

  Bọn Đức quyết định không bắt thị trưởng Bron là người đã bị "Mèo con" tố giác. Chúng tính toán rất đúng là Bron sẽ dẫn chúng lần ra dấu vết của các điệp viên khác. "Mèo con" đã đến gặp thị trưởng Bron và cho ông biết về vụ bắt giữ "Arman" cùng một số thành viên khác của "Interale". Hugo ra lệnh cho "Mèo con" làm việc này bởi vì y biết Bron vẫn bí mật liên lạc với các cơ quan tình báo của Đồng minh và y muốn tránh bất kỳ sự nghi ngờ nào có thể nảy sinh ở London.

  Lẽ tự nhiên là bọn Đức theo dõi Bron hết sức chặt chẽ, cả theo tuyến bên ngoài cũng như theo tuyến bên trong tổ chức. Hugo nhờ đó biết rằng Bron có ý định giới thiệu với "Mèo con" một số điệp viên Anh. Trong số đó có một sĩ quan của Cục Tác chiến Đặc biệt và một nhà lãnh đạo của phong trào Kháng chiến tên là Pie de Vomecur, bí danh là "Lucat". Vomecur đề nghị Bron tổ chức cho ông gặp "Mèo con", người phụ nữ mà ông cho rằng có thể giúp ông bắt mối được liên lạc.

  Cuộc gặp gỡ diễn ra tại khách sạn "George V" trên quảng trường Elide. Vomecur nói cho "Mèo con" biết ông là sĩ quan Anh và hỏi là liệu nàng có thể chuyển cho London vài tin tức của ông được không. Vốn đã được Hugo ra lệnh từ trước nên "Mèo con" đồng ý. Giờ đây, điện đài của "Mèo con" bắt đầu truyền đi tin tức từ hai nguồn.

  Thực hiện chỉ thị của Hugo, "Mèo con" đưa y đến gặp Vomecur, giới thiệu y là Gian Castel, một trong những nhân vật lãnh đạo của phong trào Kháng chiến Bỉ. Tại cuộc gặp, Hugo nói với Vomecur là trong hàng ngũ của phong trào Kháng chiến có rất nhiều tên tội phạm hình sự. Chúng sử dụng vũ khí được giao vào mục đích riêng của chúng, điều này có thể gây nên những vụ đàn áp không cần thiết của bọn Đức. Để tránh nguy cơ này, theo lời Hugo, cần lập hồ sơ có dán ảnh của từng thành viên phong trào Kháng chiến rồi nộp cho cảnh sát. Cũng theo lời Hugo, những "người mình" trong cảnh sát sẽ cấp hộ chiếu mới mang tên giả cho những thành viên chân chính của phong trào Kháng chiến. Ý tưởng này của Hugo được "Mèo con" tích cực ủng hộ, và Vomecur cũng đồng ý!     

  Nghe thật quái gở! Chẳng lẽ những con người như Vomecur, những anh hùng của phong trào Kháng chiến, lại ngây thơ đến thế kia ư? Không rõ ý tưởng tội ác này có được thực hiện hay không bởi vì đúng lúc đó thì xảy ra những biến cố mới.

  Thật bất ngờ đối với "Mèo con" là Susanna Loran, người tình của Hugo, đột ngột từ Paris đến. Hugo bắt đầu sống cuộc đời hai mặt: vì tình yêu thì y đến với Susanna, vì tính toán thì y đến với Matinda, tức "Mèo con". Dĩ nhiên, hai người phụ nữ căm ghét nhau, ghen tuông nhau, đố kỵ nhau. Một trong những đối tượng ghen tỵ là chiếc xe hơi thể thao sang trọng mà "Mèo con" vẫn dùng để đi khắp Paris.
Vì ghen tuông nên "Mèo con" đã đi một bước tuyệt vọng. Nàng quyết định chạy sang vùng lãnh thổ không bị chiếm đóng của nước Pháp. Để làm việc này, nàng đến gặp một người hoạt động bí mật là Hanri Coien  xin anh ta cấp cho giấy tờ và thú thật hết với anh ta về sự phản bội cũng như về tình yêu đối với Hugo.

  Coien là một người trung thực và tử tế nhưng nhút nhát, anh ta khuyên "Mèo con":

  - Người Đức đối xử với cô rất tốt. Hãy khôn ngoan và quay lại với Hugo thì hơn.

  Hugo đã theo dõi Coien từ lâu, y đoán ra Coien có liên quan đến chuyện "Mèo con" biến mất. Y đến chỗ anh ta bắt lại "Mèo con" và bắt luôn anh ta. Sau khi buộc anh ta phải hứa sẽ không cho bất cứ ai biết về những điều "Mèo con" thú nhận, y trả tự do cho anh ta. Và anh ta đã giữ lời hứa! Trong buổi thẩm vấn anh ta về vụ "Mèo con" vào ngày 27 tháng 7 năm 1945, Coien khai như sau: "Tôi đã không báo cáo với cấp trên về việc bà Matinda Carre trở thành nhân viên tình báo Đức...". 

  Và "Mèo con" vẫn được tin tưởng như trước. Hugo liền lợi dụng ngay tình thế ấy. Thông qua Coien, y tung tin giả là những chiến hạm Đức như "Sanhorst", "Gneisenau" và "Hoàng tử Evgheni" chưa sẵn sàng ra khơi và sẽ cần hàng tháng nữa để sửa chữa.

  Cuộc hòa giải giữa "Mèo con" và Hugo diễn ra đầy sóng gió. Để tỏ lòng biết ơn Hugo, "Mèo con" còn giao nộp cho y một điệp viên bí mật nữa - đó là Reune Legran, một nhà doanh nghiệp lớn chuyên nhập khẩu hàng hóa và là người đã chuyển nhiều tin tức về các tàu chiến Đức. Hơn thế nữa, "Mèo con" không chỉ báo cho Hugo biết về ông mà còn chăng bẫy ông bằng cách giả vờ bị thương tay phải, đề nghị ông tự tay viết giúp những tin tức cần thiết, một việc mà trước đây ông chưa bao giờ làm. Kết quả là ông bị bắt quả tang đang "hoạt động gián điệp".

  Tuy nhiên, Hugo cũng bắt đầu gặp khó khăn. London đòi hỏi những tin tức ngày càng mới. Tin tức thì có, nhưng trách nhiệm của y là cung cấp cho kẻ địch những tin giả được chuẩn bị tại ban tham mưu bộ chỉ huy tối cao. Nếu không, y sẽ có thể bị buộc tội phản bội.
Nhưng tuy yêu cầu nhiều lần, y vẫn không nhận được trả lời của cấp trên.

  London thường xuyên yêu cầu những tin tức chính xác về tình hình các chiến hạm Đức "Sanhorst", "Gneisenau" và "Hoàng tử Epgheni" đang thả neo ở cảng Bresto. Hugo đã chủ động tung tin giả qua Coien, nhưng y không biết phải thông báo gì tiếp theo. Trò chơi điện đài có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào.

  Tiếp đấy, London thông báo rằng ban lãnh đạo cho triệu Vomecur về London. Ngày 16 tháng 1, chiếc máy bay liên lạc "Lisender" sẽ đến đón Vomecur tại làng Laas. Được đại tá Rayle cho phép, Hugo không gây trở ngại cho chuyến bay của "Lisender", y tính toán rằng nếu Vomecur báo cáo tốt đẹp về hoạt động của "Interale" thì London sẽ quyết định tăng cường vai trò của "Interale" và trò chơi điện đài có thể tiếp tục được.

  Vào ngày đã định, Vomecur, "Mèo con" và "ngài Gian Castel" (tức Hugo) đáp xe đến làng Laas để đón chiếc "Lisender". Lái xe là một hạ sĩ quan tình báo Đức đóng vai "thành viên phong trào Kháng chiến Bỉ". Cả bọn chen chúc nhau qua đêm trên xe, nhưng chờ đợi mãi vẫn hoài công: máy bay không đến. Run lên vì lạnh, tất cả quay trở về Paris. Vomecur đọc cho "Mèo con" gửi đi London một bức điện giận dữ, yêu cầu phải giải thích. London trả lời là chuyến bay không tiến hành được vì lý do thời tiết và hẹn sẽ cho máy bay đến đón Vomecur vào ngày 30 tháng giêng. Đến ngày hẹn, Vomecur, "Mèo con" và "ngài Gian Castel" lại đi đón máy bay, lại qua đêm trong chiếc ô tô phủ kín tuyết, nhưng lần này, máy bay cũng không đến.

  Vào quãng thời gian này, Vomecur bắt đầu cảm thấy nghi ngờ về sự chân thành của "Mèo con" và cảm thấy dường như có người luôn luôn theo dõi ông. Những nghi ngờ này được xác nhận sau một lần "Mèo con" bị mất lòng tin nặng nề dưới mắt ông. Ông hỏi là liệu "Mèo con" có thể kiếm được giấy tờ giả cho ông hay không. Ngay ngày hôm sau, "Mèo con" đến gặp ông với một mớ hộ chiếu và chứng minh thư giả do Hugo đưa cho nàng. Vomecur liền quyết định báo cho London biết về những mối ngờ vực của ông. Thông tin này được gửi đi qua con đường Thụy Sĩ nhưng mãi về sau mới biết là nó đã không tới được London. Vomecur chỉ còn cách chờ đợi và tăng cường cảnh giác.

  Mặt khác, bọn Đức cũng ngày càng lo ngại là London có thể đã đoán ra "Interale" hiện nay là giả mạo. Bằng chứng là hai lần máy bay không đến đón Vomecur - rất có thể đấy không phải là do thời tiết xấu mà là do London nghi ngờ. Chúng cũng không loại trừ cả khả năng "Mèo con" đã chơi trò hai mang. Trong lúc ấy, London vẫn liên tục đòi hỏi "Interale" phải cung cấp tin tức về tình hình các chiến hạm Đức. Sau khi được biết các chiến hạm này đã hoàn toàn sẵn sàng ra khơi, ngày mồng 2 tháng 2 Hugo liền cho gửi đi bức điện: "Mèo con thông báo: "Sanhorst", "Gneisenau" và "Hoàng tử Epgheni" bị tổn thương nghiêm trọng do bị máy bay ném bom. Vì khó khăn về phụ tùng thay thế nên có lẽ phải hơn bốn tháng nữa mới sửa chữa xong".

  Vậy mà chỉ vài ngày sau, vào đêm 11 rạng ngày 12 tháng 2 năm 1942, toàn bộ đoàn chiến hạm Đức đã rời cảng Brest và thực hiện một cuộc đột phá táo bạo chưa từng có qua eo biển La Manche, khu vực mà trước đó, không chỉ tàu chiến Đức mà cả tàu chiến Anh đều không dám vào. Đây là thắng lợi vang dội của hải quân Đức, họ không hề mất một chiếc tàu nào, và đồng thời là thất bại nặng nề của hải quân Anh, họ bị hoàn toàn bất ngờ nên đã để cho đoàn tàu Đức chạy qua, không những thế còn mất vài khu trục hạm và sáu mươi tám máy bay.

  Trong hồi ký của mình Thủ tướng Anh lúc đó là Churchill viết: "Vào đêm 11 rạng ngày 12 tháng 2 năm 1942, các tuần dương hạm "Sanhorst", "Gneisenau" và "Hoàng tử Epgheni" đã rời cảng Brest ra khơi... Còn chúng tôi vào lúc đó lại thấy cần phái hầu hết máy bay phóng ngư lôi đến Ai Cập... Trong những trận không chiến ác liệt với lực lượng yểm hộ mạnh mẽ của không quân Đức, chúng tôi bị tổn thất nặng nề... Sáng ngày 13 tháng 2, tất cả các tàu chiến Đức đã đến được các cảng của mình. Tin tức này khiến dư luận Anh sửng sốt và bất hòa, biến cố vừa xảy ra không thể giải thích nổi và được đánh giá như một bằng chứng cho thấy sự thống trị của Đức trên các eo biển, điều này đương nhiên khiến mọi người phẫn nộ...".

  Một trong những tác giả tạo nên chiến thắng vang dội đó của Đức là Hugo nhưng y thậm chí không hề được biểu dương công trạng.
Như thường thấy, các sự kiện thế giới đan xen với những sự kiện hoàn toàn cá nhân.

  Sau thất bại đau đớn nói trên, London khẩn cấp cử thiếu tá Richard đến để tìm hiểu nguyên nhân vì sao mà London lại nhận được thông tin giả. "Mèo con" vụng về chối quanh, đổ hết tội lên đầu "ngài Gian" là người mà theo lời "Mèo con", đã gửi điện đi khi nàng đang ốm. Nàng dẫn Richard đến gặp Hugo và Hugo ra lệnh bắt anh. "Mèo con" sửng sốt khi hiểu ra rằng Hugo đã lừa dối nàng. Hơn thế nữa, suốt đêm hôm đó, y ở chỗ Susanna. Nàng không còn chịu nổi nữa. "Mèo con" đến gặp Vomecur. Ông không niềm nở như mọi khi và "Mèo con" cảm thấy ông bị nghi ngờ dằn vặt. Ông dồn dập hỏi nàng:

  - Thiếu tá Richard đâu? Chuyện gì xảy ra với anh ấy? Mà này, cô lấy hộ chiếu và chứng minh thư giả ở đâu đấy? - Giọng ông mỗi lúc một gay gắt hơn, không cho nàng trả lời, và cuối cùng ông hỏi thẳng: - Cô làm việc cho bọn Đức phải không?

  "Mèo con" nức nở khóc rồi nghẹn ngào thốt lên:

  - Vâng!

  Vomecur sửng sốt im lặng. Không chờ ông hỏi tiếp, "Mèo con" bắt đầu kể. Nàng kể về sự tan vỡ của "Interale", về việc Hugo bắt nàng phải làm việc cho y, về những dằn vặt và đau khổ trong lòng nàng. Vomecur lắng nghe, tình cảm giận dữ dần dần thay thế bằng tình cảm thương hại đối với người phụ nữ này. Ông giúp nàng nằm lên giường để nàng tĩnh tâm lại và nghỉ ngơi...

  ... Bảy năm sau, khi khai trước tòa, Vomecur nói: "Khi cô ta thú thật hết với tôi, tôi gần gũi với cô ta để có khẳng định mọi chuyện cô ta kể đều đúng. Và tôi biết rằng từ khi ấy, cô ta chơi một cuộc chơi trung thực".
 
  "Mèo con" tâm sự với Vomecur:

  - Mẹ em rất hiểu em và có lần bà nói: "Chồng cũ của con là giáo viên và con cũng trở thành giáo viên. Roman Secniavxki là điệp viên và con cũng trở thành điệp viên. Hugo là nhân viên tình báo Đức và con cũng trở thành nhân viên tình báo Đức. Nếu con lấy chồng là bác sĩ, luật sư hoặc thợ thông ống khói thì con cũng sẽ trở thành bác sĩ, luật sư hoặc đi thông ống khói". Giờ đây em ở bên anh là một sĩ quan Anh và em cũng sẽ làm việc cho nước Anh.

  Nhưng "Mèo con" không thể che giấu được Hugo về mối dan díu với Vomecur.

  - Em đã phản bội anh khi đi với Coien và anh đã tha thứ cho em, - y bảo "Mèo con". - Giờ đây, em phản bội anh khi đi với Vomecur. Anh hiểu rằng em sẽ còn như thế sau này nữa. Nhưng anh không buộc tội em. Đơn giản là chúng ta phải chia tay nhau. Em phải rời khỏi nước Pháp càng nhanh càng tốt.

  Ngay hôm đó, Hugo đến gặp đại tá Rayle.

  - Tại sao ta lại không phái "Mèo con" sang London cùng Vomecur nhỉ? Nếu cô ta làm việc trung thực cho chúng ta thì cô ta sẽ tìm hiểu được tất cả những gì chúng ta cần biết về hoạt động của phân bộ Pháp, và khi đã củng cố được vị trí của mình, cô ta sẽ trở về.

  - Thế nếu cô ta không trở về?

  - Thì sẽ phải chấm dứt trò chơi. Đằng nào cũng thế thôi vì không thể tiếp tục trò chơi mãi được.

  - Được, - Rayle suy nghĩ một lát rồi nói. - Tôi đồng ý.

  Hugo ra sức thuyết phục "Mèo con" nhận lời đề nghị của y. Nàng suy nghĩ hồi lâu. Một mặt, London có thể đón nàng không được nhiệt tình như người Đức mong đợi. Mặt khác, nàng có thể chấm dứt toàn bộ trò chơi nặng nề này và chuyển sang phía khác. Trong vụ xét xử sau chiến tranh, "Mèo con" kiên trì nhắc đi nhắc lại rằng lúc đó, nàng đã dự định thú nhận tội phản bội của mình và tự trao mình cho chính quyền London xin tha thứ.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 23 Tháng Bảy, 2008, 07:08:21 pm
  Vomecur đứng trước tình thế nan giải: hoặc cắt đứt mọi quan hệ với "Mèo  con" và mau chóng trốn đi, hoặc tiếp nhận tình thế hiện nay và hy vọng bọn Đức sẽ giúp họ sang Anh. Ông chọn phương án thứ hai tuy hiểu rằng đang dấn thân vào chỗ nguy hiểm chết người.

  Ngày 14 tháng 2 năm 1942, tình báo Đức đánh điện đến London khẩn cấp yêu cầu đưa Vomecur và "Mèo con" đi bởi vì Gestapo đã lần ra dấu vết họ và tính mạng của họ đang bị đe dọa. London trả lời là không thể đưa máy bay sang được nhưng sẽ phái canô đến đón. Điểm hẹn được một nhân viên Cục Tác chiến Đặc biệt Đức chuẩn bị. Tên y là Ben Coiburn, bí danh là "Benoa".
 
  Ngày 17 tháng 2, hai bên trao đổi điện cho nhau để xác định việc canô sẽ đến vào đêm 17 rạng ngày 18. Hugo nói với "Mèo con" rằng y không thể đưa tiễn nàng được, nhưng đại úy Ekkert và hạ sĩ Trich bên cơ quan tình báo sẽ đi cùng với họ. Y cam đoan rằng lực lượng phòng vệ bờ biển của Đức đã được báo trước và rằng Ekkert và Trich sẽ biến mất khi chiếc canô Anh xuất hiện. Tất cả rời Paris trên một chuyến tàu tốc hành. Vomecur, "Benoa" và "Mèo con" ngồi trong một ngăn toa, Ekkert và Trich ngồi ngăn toa bên cạnh. Lúc 8 giờ tối tất cả ăn tối tại một khách sạn ven bờ biển. Họ uống hết hai chai rựơu và "Benoa" thốt lên:

  - Tối vui hôm nay thật kỳ lạ! Một điệp viên Pháp, một điệp viên Anh và một điệp viên Đức! Chỉ còn thiếu một điệp viên Xô Viết nữa thôi!

  Đại úy Ekkert đến trụ sở địa phương của cơ quan cảnh sát dã chiến bí mật để tin chắc rằng tất cả các đơn vị quân đội Đức đã được điều đi khỏi địa điểm canô sắp cập bến. Rồi cùng với hạ sĩ Trich, y ẩn mình vào hầm trú ẩn, nơi từ đó có thể quan sát mọi diễn biến trên bờ biển. Quá nửa đêm ít lâu, Vomecur, "Benoa" và "Mèo con" xuất hiện trên bãi biển. Sau đó ít phút, từ ngoài biển vọng vào tiếng động cơ âm vang. Canô phát tín hiệu và "Mèo con" đáp lại bằng ánh đèn pin bật lên ba lần. Một chiếc thuyền cao su tách khỏi canô. Trên canô có một sĩ quan thủy quân Anh và hai người mặc quần áo dân sự. Khi mũi canô chạm vào bờ cát, "Mèo con" và Vomecur lập tức lao đến.
 
  Đúng lúc đó có ba người nhảy từ canô xuống - đó là đại úy Blake và hai nhân viên Cục Tác chiến Đặc biệt Anh. "Mèo con" lập cập leo lên chiếc xuồng đang lắc lư trên sóng. Khi nàng định lôi chiếc va li nặng trịch lên thì bị mất thăng bằng và rơi xuống chiếc thuyền, chiếc thuyền lập tức lật nhào. "Mèo con" biến mất trong làn nước tối tăm và bẩn thỉu. Đại uý Blake và Vomecur lao xuống cứu nàng. Khi được kéo lên thì trông nàng đúng là một con mèo ướt sũng và bẩn thỉu. Con thuyền bị cuốn trôi ra biển.

  Người ướt như chuột lột, họ bắt đầu bàn luận xem nên hành động tiếp theo như thế nào. "Mèo con" bị thương ở chân trong lúc vật lộn với sóng biển nên giờ đây nằm lả đi trên cát. Vomecur biết là đội tuần tra Đức chắc chắn ở đâu đó gần đây nên ông thuyết phục mọi người tin rằng người Đức nhất định sẽ giúp đỡ họ. Đại uý Blake lấy đèn pin ra và bắt đầu phát tín hiệu về phía canô.

  Ngồi quan sát từ trong hầm trú ẩn, đại uý Ekkert và hạ sĩ Trich cảm thấy tất cả những gì đang diễn ra trên bãi biển chẳng khác gì một tấn hài kịch. Một vài nhân viên thuộc cơ quan cảnh sát tác chiến bí mật được Ekkert bố trí gần đó để phòng xa, cũng tò mò theo dõi những gì đang xảy ra.

  Thiếu tá Ben Coiburn (tức "Benoa") về sau nhớ lại:

  - Vậy là mọi chuyên đã kết thúc. Chiếc canô buộc phải rời đi để trên bờ khỏi nhìn thấy. Tất cả chúng tôi hội họp với nhau. "Lucas" (tức Vomecur) quả quyết rằng hai nhân viên cơ quan Cục Tác chiến Đặc biệt và viên sĩ quan hải quân Anh nhất định đang ẩn nấp trong rừng và chắc chắn chúng tôi cũng đang ở đâu đó gần đấy. "Mèo con" sáng hôm sau thể nào cũng liên lạc được với người Đức và chúng tôi sẽ lại họp mặt tại chính nơi này với hy vọng là canô sẽ quay lại...
 
  Như vậy, nhóm chia làm ba: "Mèo con" mệt lả và khóc lóc, được "Lucat" dìu đi, lê bước đến khách sạn gần đấy. Hai nhân viên Cục Tác chiến Đặc biệt Anh thì đi về phía một trang trại để ẩn nấp, còn đại uý Blake trong bộ quân phục hải quân Anh thì tiến về phía rừng. Ekkert quyết định bắt giữ Blake, y đón đầu ông, lấy súng lục ra, tuyên bố y là sĩ quan Đức và buộc ông phải đầu hàng. Blake chỉ còn cách khuất phục. Còn đối với hai người mặc quần áo dân sự mà Ekkert có đủ cơ sở để tin là người Anh thì y cho người theo dõi. Đến sáng thì họ bị bắt tại trang trại gần đấy. Người chủ trang trại đã cho họ trú ẩn về sau bị xử bắn. Blake và hai nhân viên Cục Tác chiến Đặc biệt Anh bị đưa vào trại tập trung phát xít cho đến hết chiến tranh, nhưng cả ba đều sống sót. 
 
  Ekkert phái người đi lấy những chiếc va li còn nằm lại trên bãi biển. Chúng phát hiện thấy trong đó có hai điện đài, sáu mươi nghìn frant, một tập giấy tờ, hộ chiếu và chứng minh thư Đức và Pháp giả, một vài hộp đạn, chất nổ và vài khẩu súng lục.

  Sáng hôm sau, "Mèo con" đến gặp đại uý Ekkert và tìm cách gọi điện cho Hugo, nhưng vô ích. Khi quay về, nàng nói với Vomecur và "Benoa" rằng người Đức đã quan sát toàn bộ vụ việc và "hết sức sửng sốt". Ekkert hứa sẽ "dựng" Hugo dậy và thuyết phục Hugo đồng ý nối liên lạc vô tuyến với London để yêu cầu London tổ chức đón họ một lần nữa vào đêm hôm sau và cũng tại địa điểm đó.

  Cả ba người - "Mèo con", Vomecur và "Benoa" - khắc khoải chờ đợi suốt ngày và đến đêm lại ra chỗ cũ. Họ dùng đèn pin phát tín hiệu suốt mấy tiếng đồng hồ, nhưng không thấy ai xuất hiện. Chán nản, họ ra bến xe buýt rồi đáp tàu hoả trở về Paris. Trên tàu, khi "Mèo con" ngủ thiếp đi, Vomecur năn nỉ khuyên "Benoa" lẩn trốn. "Benoa" xuống tàu và sau nhiều ngày lưu lạc đã đến được Lisbon và từ đó về London.

  Ngày 20 tháng 2, "Mèo con" và Vomecur lại một lần nữa đến chỗ hẹn với canô. Nhưng họ bị lạc và suốt đêm hoài công phát tín hiệu ánh sáng. Hôm sau, họ trở lại Paris và người ra mở cửa cho họ là Susanna.

  Một vụ cãi lộn nổ ra. Hugo phải vất vả lắm mới trấn an được hai phụ nữ. Để chứng tỏ mình còn có ích cho Hugo, "Mèo con" thực hiện một vụ phản bội nữa, vụ phản bội cuối cùng. Người bị "Mèo con" tố giác lần này là đại uý Michiel Trotobas người Anh, bí danh là "Sinvestr", nhóm trưởng nhóm Kháng chiến ở thành phố Lille. Ông bị bắt nhưng vì không có chứng cớ nên lại được trả tự do. Hugo trách "Mèo con" đã cung cấp cho y tin thất thiệt. Tức giận, "Mèo con" lớn tiếng tuyên bố sẽ trao cho y bằng chứng xác nhận lời tố giác của nàng. Bằng chứng đó là luật sư Bron. "Mèo con" thoả thuận với Bron là sẽ gặp nhau ở tiệm ăn. Ngồi ở bàn bên cạnh là Hugo. "Mèo con" đặt trước mặt Bron bức ảnh chụp Maicơn Trôtôbát và hỏi xem ông có biết người này không.

  - Có chứ, đây là "Sinvestr" thuộc nhóm Lille, nhóm đã chọn đầu mèo làm biểu tượng để tôn vinh bà...

  Hugo nghe thấy hết.

  Nhận thấy người ngồi bàn bên cạnh có vẻ đáng ngờ, Bron đã kịp chạy trốn và thoát nạn. Michiel Trotobas dùng súng kháng cự và bị giết chết. Trong cuộc diễu hành chào mừng nước Pháp được giải phóng, nhóm của ông đã giương cao lá cờ có thêu tên nhóm và hình biểu tượng mèo đen...

  Vài ngày sau, "Mèo con" và Vomecur tìm cách chạy trốn lần cuối cùng và họ đã thành công.

  Trên đường từ Southampton đến London, Vomecur báo cáo với người sĩ quan tháp tùng họ về sự phản bội của "Mèo con". Sau khi đến London, hai người bị tách rời nhau mỗi người một ngả.

  "Mèo con" không bị bắt ngay: giờ đây đến lượt cơ quan tình báo Anh bắt đầu "trò chơi" với nàng. Nàng chỉ bị bắt vào ngày 29 tháng 6 năm 1943, đúng vào ngày sinh lần thứ 32 của nàng, căn cứ vào lời đại uý  Trotobas và đại tá (nghề nghiệp là luật sư) Bron buộc tội nàng phản bội cũng như căn cứ vào mối nghi vấn của một vài thành viên tổ chức "Interale".
 
  Năm 1945, Matinda Carre bị chuyển giao cho chính quyền Pháp. Cuộc thẩm vấn kéo dài gần bốn tháng. Matinda bị cáo buộc đã trao cho tình báo Đức ba mươi nhăm người yêu nước. Ngày mồng 4 tháng giêng năm 1949, "Mèo con" bị đưa ra toà. Tất cả các thẩm phán đều là cựu thành viên của phong trào Kháng chiến, và bản án đã được dự đoán trước: đó là án tử hình. Bản án được tuyên vào ngày mồng 8 tháng giêng.
 
  Tháng 5 năm 1949, vào dịp kỷ niệm bốn năm ngày chiến thắng phát xít, án tử hình được thay bằng án khổ sai chung thân. Lại thêm sáu năm nữa, vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày chiến thắng phát xít, Matinda Carre được ân xá và được trả tự do. Nàng về một tỉnh lẻ hẻo lánh sống dưới một tên giả. Đến năm 1959, nàng cho xuất bản cuốn hồi ký.

  "Mèo con" qua đời vào năm 1970.
 
  Năm 1942, Vomecur lại nhảy dù xuống đất Pháp và đứng đầu một nhóm Kháng chiến. Gestapo bắt được ông. Hugo đến thăm ông trong nhà tù, y để lại một bao thuốc lá và nói:

  - Tôi rất tiếc là giờ đây không thể làm được gì cho ông. Lẽ ra ông không nên trở lại thì hơn.

  Lần này, các điều tra viên phát xít không nương tay. Vomecur bị đánh đập, bị bẻ răng cửa, và rồi bị đưa vào trại tập trung cho đến hết chiến tranh. Năm 1949, ông ra toà làm nhân chứng trong vụ án Matinda Carre.

  Ông mất ở Paris năm 1965.

  Hugo không bị coi là tội phạm chiến tranh. Y bình yên trở về Đức và tại đây, y mở một cửa hiệu thuốc lá.



Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 24 Tháng Bảy, 2008, 07:13:10 pm
65 - FRANCIS WALSINGHAM  (1532-1589)
Ông tổ của ngành phản gián Anh quốc



  Thời của Nữ hoàng Elizabeth và đối địch của bà - Nữ hoàng Maria Stuart - để lại dấu ấn trong lịch sử nước Anh như một trong những thời bi thảm nhất. Hoạt động của Francis Walsingham được coi là người sáng lập ra ngành phản gián Anh cũng gắn liền với thời kỳ này.
   
  Thật ra việc khẳng định trên vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Nhìn rộng ra thì chính Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhất mà phần lớn qua Cecil William đã được phong tặng là huân tước Burghley mới là người sáng lập ra nền phản gián của Anh. Trong suốt 40 năm ròng huân tước thực sự là bộ trưởng thứ nhất của Nữ hoàng, bất kể ông giữ trọng trách gì. Và trong suốt thời gian ấy huân tước đã chỉ huy đội an ninh mật mà trước đó theo lệnh của vua Henry VIII là do Hội đồng cơ mật điều hành.
   
  Trợ lý đầu tiên của huân tước là Nicolas Tromocton, một con người ranh mãnh xảo quyệt, một thần dân trung thành với Nữ hoàng. Và theo đúng quy định thời đó Nicolas Tromocton vừa là đại sứ của Anh tại Pháp vừa là cơ sở của phản gián. Chính ông là người đã phát hiện ra chàng trai Francis Walsingham tài năng, hướng chàng thanh niên vào hoạt động phản gián và trở thành người kế cận sau này.
   
  Francis sinh năm 1532 trong một gia đình luật gia nổi tiếng có họ xa với Nữ hoàng, hầu như mọi đứa trẻ quý tộc độ tuổi ấy đều trong một chừng mực nhất định có họ hàng với nhau.
   
  Tuổi trẻ của Francis không có gì nổi trội: Chàng trai học ở Cambridge, trường luật, nghiên cứu và thực hành luật ở trung tâm văn hóa danh tiếng của Italia, giao du với các chàng trai thông minh tài giỏi ở Florence và Venezia. Francis say mê nghiên cứu cuốn "Bá tước" của Machiavelli và đó cũng là dịp và cớ để làm quen và tranh luận với đại sứ Anh tại Paris, ngài Nicolas Tromocton, một tín đồ và môn đệ của tác giả này.             
   
  Năm 28 tuổi Francis trở về Anh và sau vài năm sống ở làng quê, vào năm 1568 bắt đầu làm việc trong triều đình. Huân tước xứ Burghley đã để ý trao cho chàng trai những nhiệm vụ quan trọng thuộc phạm vi tình báo và phản gián. Khi ấy vấn đề "nóng hổi" là ngăn chặn những vụ mưu sát có thể xảy ra với Nữ hoàng, nên đó cũng chính là mối quan tâm hàng đầu của điệp viên mới vào nghề Francis Walsingham.
   
  Để phát hiện những kẻ có thể là chủ mưu nổi loạn, Francis đã thỏa thuận với thị trưởng thành phố Luân Đôn yêu cầu những người nước ngoài phải đăng ký hiện diện và hàng tuần lập danh sách những người thuê nhà ở thủ đô.
   
  Trong hai năm 1570-1572, Walsingham là đại sứ Anh đồng thời là cơ sở của phản gián Anh tại Paris. Về cơ bản Walsingham tiếp tục điều hành mạng lưới phản gián do huân tước Burghley và Nicolas Tromocton đã tạo dựng. Sau này ông đã tự gây dựng mạng lưới của chính mình, không chút phân biệt đối xử, tuyển chọn cả bọn tội phạm, giết người, phiêu lưu mạo hiểm, thanh toán với họ rất hào phóng. Ông thường nói: "Không có mức thù lao nào quá cao cho những tin tức cần thiết và giá trị".
   
  Walsingham không bao giờ sử dụng các điệp viên và thám tử của mình để khuếch trương quyền lực thanh thế. Ông toàn tâm toàn ý trung thành tuyệt đối với Nữ hoàng cho dù có đôi lúc tranh cãi với Người. Ngược lại Nữ hoàng đánh giá ông rất cao, thường thân mật gọi ông là "người Môrơ", có lẽ do màu tóc đen và nước da ngăm ngăm của ông.
   
  Năm 1572, huân tước Burghley nhậm chức thủ tướng và cho triệu Walsingham từ Paris về. Từ năm 1573 ông chính thức đứng đầu phản gián Anh cho dù huân tước vẫn nắm quyền lãnh đạo chung.
   
  Nhiệm vụ chính của phản gián là ngăn chặn mọi âm mưu tạo phản đối với Nữ hoàng và vạch trần mọi kế hoạch của nhà vua Tây Ban Nha Philip đệ nhị cùng đồng minh của ông ta, trong đó có vụ huấn luyện quân để đổ bộ vào Anh. Ngoài ra còn một nhiệm vụ khác gián tiếp nhưng lại rất quan trọng, đó là duy trì cuộc chiến với các hạm thuyền vận tải của Tây Ban Nha. Nhiệm vụ này do đội "Cướp biển hoàng gia" Anh đảm trách nhằm một mặt làm suy yếu Tây Ban Nha, mặt khác tăng ngân khố của Nữ hoàng.
   
  Vì vậy Walsingham đã bố trí mạng lưới phản gián hoạt động ở tất cả các cảng có tàu Tây Ban Nha ra vào. Về lộ trình, hàng hóa và thời gian ra khơi của các con tàu điệp viên kịp thời thông báo cho Walsingham để ông báo cho "Cướp biển hoàng gia".
   
  Điệp viên của Walsingham tất nhiên không chỉ có bọn cường đạo, những người phiêu lưu mạo hiểm mà còn có cả các nhà quý tộc, tu sĩ, luật sư, sinh viên, thương gia, mục sư. Ngoài ra ngay từ thời kỳ xa xưa đó phản gián Anh cũng đã tuyển chọn cả các nhà văn, nhà soạn kịch, nhà báo và nghệ sĩ, như vẫn thường gọi là "giới trí thức sáng tác".
   
  Các diễn viên và nhà viết kịch nổi tiếng với tư cách là điệp viên đã đóng góp phần không nhỏ, như Antoni Mendi, William Fauler...  Đặc biệt là Antoni Mendi đã mạo nhận là tín đồ Thiên chúa giáo lọt được vào trường dòng, nơi đào tạo các nhà truyền đạo của Anh ở Rome. Các nhà truyền giáo này sẽ được tung vào Anh. Khi trở về Anh quốc Antoni Mendi không chỉ báo cáo về tên tuổi những học viên trường đó mà còn tham gia truy tìm bắt giữ họ.
   
  Lần đầu tiên trong lịch sử tình báo Walsingham đã lập ra phòng kỹ thuật thuộc Cục Phản gián do Thomas Philipec, chuyên gia xuất sắc trong việc giải mã, bóc trộm thư, làm giả chữ ký và con dấu phụ trách. Ngay từ thời ấy phòng kỹ thuật này đã làm ra những thiết bị nghe trộm có một không hai, có các chuyên gia khéo ngụy trang những ô hổng ở tường để theo dõi bên trong. Có chuyện là một thầy tu nào đó đã bán cho Walsingham kính tiềm vọng do ông ta làm để theo dõi từ xa, nhưng không rõ có được sử dụng không. Thậm chí còn có hẳn một trường chuyên dạy cho các điệp viên cách theo dõi bí mật kín đáo và trong phút chốc có thể thay đổi hình dạng bên ngoài của mình. Để đánh lạc hướng đối phương người ta còn sử dụng cả các nhà chiêm tinh.
   
  Trong những năm Walsingham điều hành Cục Phản gián các cuộc chiến tranh, hòa giải rồi lại âm mưu kích động, hòa ước liên miên vì quyền lợi đan chen của cả Anh, cả Pháp, cả Tây Ban Nha và Hà Lan liên tục xảy ra. Những mối bất hòa và các cuộc hòa giải với đức vua Tây Ban Nha Philip Đệ nhị, với vua Pháp Henri III, với các lãnh tụ khởi nghĩa Hà Lan và quận công Anba đều qua đường ngoại giao với sự hỗ trợ của phản gián. Mà có lẽ là chưa bao giờ ngành phản gián lại hoạt động tích cực như bấy giờ.

  Nhưng rồi những mối quan tâm tới bên ngoài của phản gián đã tạm thời phải lùi xuống hàng thứ yếu nhường chỗ cho việc "phanh phui" mọi âm mưu tạo phản chống lại Nữ hoàng.

  Ngay từ năm 1580, La Mã đã tuyên bố bất kỳ ai giết được Nữ hoàng Elizabeth của Anh "với nguyện ước cao quý thực thi sứ mạng của Chúa trời sẽ không hề có tội mà ngược lại còn được tán dương". Rõ ràng là người vì "sứ mạng Chúa trời" được hứa hẹn cả hạnh phúc trần gian.

  Năm 1582, Cục phản gián đã bắt giữ một điệp viên của đại sứ mới Tây Ban Nha, ngài Mendot. Xem xét kỹ đằng sau tấm gương tịch thu của người này đã phát hiện ra những giấy tờ quan trọng cho biết những tu sĩ dòng Tên đã lên một âm mưu mới lấy tên là "Sự nghiệp nước Anh" nhằm giết bằng được Nữ hoàng Elizabeth, để đưa Maria Steward lên ngôi.

  Khi bắt đầu "tháo gỡ vụ việc" đã phát hiện ra chính Maria Steward là người liên hệ trao đổi thư từ với các cường quốc Thiên chúa giáo qua đại sứ Pháp và các nhân viên tùy tùng của ông ta. Điệp viên của Walsingham đã xin vào làm bên ngoài đại sứ và đã dò hỏi được mọi chi tiết của kế hoạch. Sau khi theo dõi ngặt nghèo cùng với việc tra tấn tàn bạo tên điệp viên bị bắt đã phát hiện ra "linh hồn" của "vụ việc" chính là ngài đại sứ Tây Ban Nha. Walsingham đã đề nghị ngài đại sứ phải rời khỏi Luân Đôn trong vòng 15 ngày.

  Mặc dù vậy ở Anh vẫn âm ỉ những âm mưu mới chống lại Nữ hoàng. Do mầm mống của những âm mưu tạo phản đều ở nước ngoài, Walsingham đã cử tới các nước đó nhiều điệp viên đã "cải đạo theo Thiên chúa giáo". Các điệp viên này đã lọt được vào sào huyệt của bọn tạo phản. Đôi khi họ báo cáo thực với lãnh đạo, đôi khi họ lại chơi trò hai mặt giống như ông bác sĩ Paris nào đó. Ông này đã nhập vai đến mức đích thân đề nghị những người tiếp chuyện mình tổ chức tạo phản. Và tất nhiên là những người này đã tố giác, kết cục là Paris đã bị chặt đầu vào năm 1585.

  Bất kỳ Cục Phản gián nào cũng có nhiệm vụ đảm bảo an ninh và yên bình cho chủ nhân, do đó cần có tiền và cũng cần cả những người tạo phản để biện minh cho số tiền đã tiêu. Thậm chí nếu những người mưu đồ lật đổ thực sự đã hết thì cần phải nghĩ ra những người mới để rồi lại "phát hiện", tố cáo ra những kẻ chống đối.

  Một trong những vụ tạo phản lớn nhất chống lại Nữ hoàng đã được dàn dựng theo cách đó. Walsingham còn quyết định lôi kéo cả Maria Steward vào cuộc.

  Cụ thể chi tiết về vụ việc thật phức tạp đòi hỏi cả một câu chuyện dài. Còn về số phận của bà hoàng bất hạnh xứ Scotland thì có rất nhiều thiên truyện tuyệt vời đậm chất bi kịch mà cũng rất nên thơ. Chúng tôi chỉ muốn một lần nữa nhấn mạnh rằng thực sự đứng đằng sau vụ việc chính là huân tước Burghley và ngài Walsingham, Babinton kẻ chấp bút viết những bức thư giả dẫn thẳng kẻ "chủ mưu" là Nữ hoàng Maria Steward tới đoạn đầu đài. Ngày 8 tháng 2 năm 1587 bà hoàng xứ Scotland đã bị chặt đầu. Về phía mình Walsingham đã viện cớ ốm nặng để không tham gia nghị án, lẩn tránh trách nhiệm.

  Mọi việc lại tiếp diễn bình thường. Tháng 7 năm 1586 Walsingham đã nhận được báo cáo của ngài Xtapford, đại sứ Anh quốc tại Paris về việc Tây Ban Nha thành lập hạm đội "Armada bất khả chiến bại" và sẽ chở hàng ngàn quân lính Tây Ban Nha tới Anh. Cần nói thêm rằng chính ngài Xtapford cũng đã được tình báo Tây Ban Nha tuyển mộ và trả công hậu hĩnh. Việc đó tất nhiên không thể lọt khỏi con mắt già đời của Walsingham và điệp viên Rotgiec đã được lệnh theo dõi ngài đại sứ và đã phanh phui chuyện phe phái Thiên chúa giáo đã mua được ngài đại sứ và được cho xem mọi giấy tờ công văn gửi từ trong nước sang. Tuy nhiên Walsingham đã không cách chức Xtapford mà đã tương kế tựu kế qua ngài đại sứ cung cấp cho đối phương những thông tin giả để đánh lạc hướng họ.

  Đồng thời ông thành lập ở Pháp một mạng lưới điệp viên mới độc lập với mạng lưới cũ mà rõ ràng là đã bị Xtapford bán rẻ. Lúc này phản gián Anh tập trung vào việc làm rõ mọi kế hoạch của đức vua Tây Ban Nha cùng đồng minh của ông ta.

  Đích thân Walsingham thảo ra kế hoạch "Âm mưu thu thập thông tin về Tây Ban Nha". Kế hoạch đề ra biện pháp chặn lấy thư từ công văn của đại sứ Pháp tại Tây Ban Nha, thu nhận thông tin ở các thành phố cảng, cử điệp viên đủ loại quốc tịch đến vùng dọc bờ biển Tây Ban Nha và rất nhiều biện pháp khác trong đó có việc thiết lập điểm theo dõi ở Cracov để biết được mọi báo cáo về Tây Ban Nha tới từ Vatican. Tất cả điệp viên của Walsingham dù ở đâu đều có nhiệm vụ thu thập mọi thông tin về các mưu đồ dự định của phía Tây Ban Nha.

  Thông tin của các điệp viên dưới quyền Walsingham chính xác đến mức vào tháng 3 năm 1587, Walsingham đã đệ trình lên Nữ hoàng một bản sao báo cáo của đô đốc hạm đội Xanta Crut gửi đức vua Tây Ban Nha. Bản báo cáo chi tiết về "Hạm đội bất khả chiến bại" với các chiến thuyền và các thông số cụ thể về vũ khí đạn dược, quân số và dự trữ. Vào tháng 6 cùng năm Walsingham gửi về một báo cáo khác cho biết hạm đội chưa thể lên đường vào năm 1587 tạo điều kiện cho quân Anh có thời gian chuẩn bị cẩn thận.

  Đồng thời với việc tìm hiểu các kế hoạch của đức vua Tây Ban Nha Philip Đệ nhị, Walsingham còn tiến hành cái mà bây giờ chúng ta gọi là "Các biện pháp tích cực". Chẳng hạn như các chủ nhà băng ở Gienoa trì hoãn không cho vua Tây Ban Nha vay tiền ngay do đó gây khó khăn đáng kể cho việc xây dựng hạm đội.

  Cuối cùng khi hạm đội Acmada cần lên đường tới Anh để ngăn cản việc tuyển mộ lính người Anh và người Ireland theo đạo Thiên chúa cho quân đội Tây Ban Nha thì Walsingham đã cho tung tin khắp nước Anh và Ireland về những "tiên tri" của nhà chiêm tinh Johnny về các cơn bão khủng khiếp sẽ đổ sập xuống hạm đội, tiêu diệt tất cả mọi người trên các con tàu.

  Ngày 24 tháng 5 năm 1588, Hạm đội đã rời cảng Tây Ban Nha lên đường tới Anh quốc, nhưng ngay trước hôm đó đô đốc Xanta Crut qua đời. Thay thế đô đốc là quận công Media Xidonia, người hoàn toàn mù tịt về biển. Điệp viên của Walsingham theo sát từng bước hạm thuyền suốt dọc bờ biển Atlantic, biết rõ cả thời gian hạm đội tới đích. Cuối cùng "Hạm đội bất khả chiến bại" đã bị quân Anh đánh tan tác vào cuối tháng 7.

  Không bao lâu Francis Walsingham ra đi vĩnh viễn sau khi đã hoàn tất sự nghiệp chủ chốt của đời mình.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 25 Tháng Bảy, 2008, 06:45:20 pm
66 - MORIS KOEN VÀ LEONTINA TEREZA PETCA(1910-1995)
Cặp vợ chồng điệp viên



  Giữa năm 1930, Uỷ ban ủng hộ nước Tây Ban Nha cộng hoà được tổ chức ở New York đã cử những người Mỹ tình nguyện vào đội quân quốc tế. Một trong những người đó là chàng trai 26 tuổi Moris Koen, đảng viên cộng sản Mỹ, giáo viên trung học và là cầu thủ đá bóng có tiếng. Bố mẹ anh là những người nhập cư. Mẹ người Vilno, bố người Tarashi gần Kiev.

  Cuối năm 1937, trong một trận đánh gần Fuentes de Ebro, chính uỷ Moris Koen, được đăng ký theo giấy tờ mang tên Izrael Pikket Oltmen, bị thương cả hai chân và phải đi viện. Sau khi khỏi anh được mời đến nói chuyện với điệp viên Alecsandr Orlov thuộc Bộ Dân uỷ Nội vụ. Ông này đã chiêu mộ được Moris Koen. Từ đó anh mang biệt danh "Louis".

  Sau khi trở về Mỹ, Louis vận động cả vợ mình tham gia là Leontina Tereza Petka, người Ba Lan, sinh năm 1913 tại thành phố Adams, bang Massachuset, đảng viên Đảng cộng sản Mỹ, công nhân nhà máy chế tạo máy bay. Chị mang biệt danh "Lesli".
Thời gian này Louis đã vận động thêm được mấy người bạn làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng tham gia. Năm 1941, thông qua một trong số đó anh định đánh cắp một mẫu súng liên thanh hàng không. Chiến dịch này phiêu lưu, nhưng không hợp lý, bởi vì chẳng bao lâu sau người Mỹ bắt đầu cung cấp loại máy bay có trang bị súng đó, và điều này có thể gây tổn thất lớn đến các quan hệ của Liên Xô với Đồng minh.

  Nhóm của Louis được gọi là nhóm "Tình nguyện", tên gọi này đã đi vào lịch sử ngành tình báo.

  Khi nước Mỹ tham chiến chống Đức thì Louis được gọi vào quân đội và được đưa sang châu Âu. Sau chiến tranh anh tiếp tục hợp tác với tình báo Xô Viết. Trước khi nhập ngũ anh đã kịp tuyển mộ được nhà bác học trẻ tuổi Artur Filding, biệt danh là "Persey", - một trong những đầu mối thông tin về các công trình nghiên cứu được tiến hành ở Los Adamos. Trong thời gian Louis ở trong quân đội, tháng 7 năm 1943, Lesli tới Los Adamos để gặp Persey. Cuộc gặp này và những sự kiện sau đó đã nhiều lần được mô tả, nhưng chúng tôi muốn trở lại đôi chút. Thứ nhất, chị cần phải vào thị trấn, nơi phải có cuộc hẹn, ba lần - Persey lại lẫn lộn ngày tháng. Thứ hai, khi anh ta đã chuyển giao cặp tài liệu cho chị, thì mỗi toa tàu hoả đều có cảnh sát kiểm tra giấy tờ và đồ đạc... "Không thể trốn thoát ghế điện được", - chị nghĩ. Tàu sắp khởi hành. Chị quay vào nhà ga lấy đồ trong tủ, vào toalet, vứt đi một nửa đồ đạc, xếp lại giấy tờ, đến phút chót mới chạy ra tàu. Chị giả vờ mất vé, nhờ cảnh sát tìm hộ - chị vốn trẻ trung, xinh đẹp, nên cũng dễ. Chị dúi cặp vào tay hắn để tiện tìm vé. Cuối cùng, khi tàu chuyển bánh chị mới tìm thấy, liền nhảy lên bậc, tên cảnh sát chạy theo đưa cặp có những tấm lót giữa và những bí mật của bom nguyên tử cho chị: "Này chị, này chị, cầm lấy!". Hắn biết đâu là hắn đã bỏ lỡ một phần thưởng lớn.

  Sau chiến tranh Lesli lại đến gặp Persey, anh ta đưa cho chị sơ đồ những tấm kính không kêu, bản mô tả và bản vẽ trái bom sắp đem thử nghiệm, thông báo ngày giờ và địa điểm thử nghiệm - ngày 10 tháng 7 tại hoang mạc Adamogordo, và thông báo rằng nước Mỹ dự định ném hai quả bom xuống Nhật Bản. Nhờ những tin tức này mà thông báo của Schuman cho Stalin tại hội nghị Potsdam về vụ nổ bom nguyên tử không làm cho Stalin ngạc nhiên chút nào, mà chỉ hối thúc thêm hoạt động "nguyên tử" ở nước Nga mà thôi.

  Tháng 9 năm 1945 đã xảy ra một sự kiện bi thảm, trở thành một ngày đen tối trong lịch sử tình báo Xô Viết, - tại Ottawa, mật mã viên quân sự Igor Guzenko chạy trốn, anh ta đã cung khai cho địch nhiều bí mật của Nga. Mối quan hệ với các điệp viên, kể cả với Lesli cũng bị ngưng lại.

  Sau đó, tại Paris, họ nhận được chỉ thị mới, khi trở về New York họ lại tích cực hoạt động. Lần này quan hệ giữa chỉ huy với họ được nối bởi một chàng trai vui tính Yury Sokolov ("Klod"). Lesli phải thuyết phục Persey từ bỏ hoạt động xã hội chống chiến tranh, mà gần đây anh vẫn tham gia. Nhưng việc đó không thành. Tuy nhiên Klod vẫn nhận được từ Frenk qua Lesli bản mô tả các hệ thống vô tuyến điều khiển đạn đạo.

  Lúc này ở Mỹ đã triển khai "cuộc săn đuổi phù thuỷ", Trung Tâm thông báo rằng không nên có những cuộc gặp gỡ giữa Klod, Louis và Lesli, vì như thế là rất nguy hiểm. Những cuộc gặp này được chuyển sang cho Mark (Wilhelm Fisher - Rudolf Abel).

  Trong lần gặp cuối cùng Louise báo cho Klod thông tin của điệp viên Gerbert nói rằng trong dinh thự của Schuman có cuộc họp các nhân vật cao cấp thảo luận vấn đề thành lập khối quân sự-chính trị chống Liên Xô, sau này mang tên là NATO. Đồng thời anh cũng thông báo dự thảo tuyệt mật chỉ thị của Hội đồng An ninh Quốc gia về đường lối của Mỹ đối với các nước Đông Âu. Đặc biệt trong chỉ thị này có nói: "Đường lối gây chia rẽ... cần tiến hành... có mức độ, khi có sự chia rẽ, chúng ta sẽ không trực tiếp tham gia vào việc thách thức uy tín của Liên Xô, mà cuộc cãi lộn sẽ diễn ra giữa Cremli và các chế độ cộng sản".

  Từ ngày 12 tháng 12 năm 1948, Louis và Lesli bắt đầu làm việc với Mark. Lesli sang Chicago, ở đây đã có Persey, anh đã cho biết những thông tin quý báu về plutonium dùng để sản xuất vũ khí mà anh nhận được từ các điệp viên Antye và Aden.

  Nhưng cuộc săn đuổi điệp viên ở Mỹ đã lên đến đỉnh điểm. Bạn bè của Lesli và Louise muốn tụ tập quanh họ, nhưng việc đó có thể dẫn tới thất bại hoàn toàn. Trung Tâm quyết định bắt họ rời khỏi nước Mỹ. Tháng 8 năm 1950 họ nhận được mật thư bắt rời khỏi nước này. Sau này Yu. Sokolov kể lại, bất chấp các luật lệ hiện hành trong công tác tình báo, anh đã phải thân chinh đến nhà họ để thuyết phục họ rời đi. Mấy hôm sau anh trao cho họ hộ chiếu và vé.

  Từ New York vợ chồng Koen đi tàu thuỷ sang Mexico, hai tháng sau họ lại cầm hộ chiếu mang tên Maria Tereza Sanches và Pedro Alvates Sanches đi tàu thuỷ Ba Lan "Batory" sang châu Âu. Họ vẫn còn những hộ chiếu dự phòng mang tên hai doanh nhân Mỹ Bendsamin và Emilia Brigas. Vượt qua bao nhiêu cuộc phiêu lưu họ sang đến Praha, từ đó đi thẳng về Moscva.

  Tình báo Xô Viết chuẩn bị một hoạt động bất hợp pháp lâu dài ở Anh cho điệp viên Konon Molodoy (anh còn tên là Ben hoặc Gordon  Lonsdale). Anh cần những người làm nhân viên điện đài và chủ thuê căn hộ bí mật. Khó có thể tìm được người nào tốt hơn là vợ chồng Koen. Họ được mang tên mới Peter John và Helen Joys Kroger, người xứ  New Zealand, và họ chuẩn bị lên đường. Peter Kroger trở thành "nhà buôn sách". Lãnh đạo họ là thủ trưởng điệp vụ Corotcov. Ông đề ra cho họ ba nhiệm vụ: mua một ngôi nhà ở ngoại ô London, bố trí tại đó một phòng điện đài; thuê một phòng, tốt nhất là ở trung tâm thành phố để tổ chức buôn bán sách, mở các tài khoản ở London và ở Thụy Sĩ. Họ sẽ mang biệt danh là "chủ biệt thự". Việc chuẩn bị và xử lý thông tin kéo dài gần ba năm. Năm 1954, bắt đầu cuộc phiêu lưu kỳ thú của các "chủ biệt thự". Đầu tiên họ sống một thời gian ở Thụy Sĩ, sát Tết họ bay về London. Sang xuân họ kiếm được một biệt thự nhỏ cách London 30 cây số, sau đó kiếm được một chỗ bán hàng ngay trong trung tâm thành phố gần quảng trường nổi tiếng Trafalgar. Không còn gì tốt hơn nữa!
 
  Tuy nhiên họ gặp không ít những khó khăn về mặt buôn bán: nạn đắt đỏ, việc cạnh tranh trong ngành buôn sách, vấn đề giá cả, việc quảng cáo... Peter và Helen thường xuyên đi dự những cuộc đấu giá sách. Nhận được tiền của Trung Tâm, họ mua những sách cũ quý hiếm và lập những catalogue quảng cáo riêng, xin gia nhập Câu lạc bộ  Liên đoàn quốc gia Anh. Một vài tờ báo đã quảng cáo cho cửa hàng này.
 
  Tháng 5 năm 1956, họ đã được gặp người lãnh đạo họ Gordon Lonsdale mà họ đã biết rõ. Anh xuất hiện với tư cách nhà doanh nghiệp chuyên bán các loại máy, bán bánh kẹp, bán thuốc và bán kẹo cao su tự động... Việc làm ăn của anh rất khá, anh đã trở thành nhà triệu phú công nghiệp lớn, đã được chính Hoàng hậu nước Anh phong tặng danh hiệu là "Ngài". Cả ba người hợp sức nhau đào một cái hầm trong nhà, đất đào ra đem trải trong vườn làm bồn hoa. Hầm được trang bị làm phòng điện đài, ăng ten hình sợi xoắn được đặt trên mái. Đến tháng 9 năm 1957, mọi thiết bị phòng điện đài được lắp đặt xong. Công việc làm ăn của cả ba người đều tốt. Hãng "Edin và Medeya" trở thành thành viên của Hiệp hội buôn sách cũ thế giới, còn Gordon Lonsdale là đại diện cho nước Anh tại triển lãm quốc tế ở Brussel và được huy chương đồng. Peter Kroger cũng đến Brussel, tại đây anh nhận được một chiếc máy thu thanh "Astra" cực nhạy, có cả bản hướng dẫn sử dụng và khoản tiền mua sắm ô tô. Nhưng liên lạc viên báo cho anh một tin buồn: ở New York Mark (Abel) đã bị bắt, người ta khám thấy một bức hình có dòng chữ "Moris và Leontina". Chiều tối anh phải chịu thêm một điều không hay: cảnh sát xộc vào phòng anh. Nhưng là họ đi tìm một tội nhân nào đó, họ xin lỗi rồi đi.
 
  Bức điện đầu tiên mà Helen nhận được là nhiệm vụ yêu cầu Gordon Lonsdale phải thâm nhập vào Trung tâm nghiên cứu các phương pháp sinh học tiến hành chiến tranh ở Porton. Về phần mình, hai người cũng phát đi thông tin của Lonsdale. Trong phần phụ chú gửi cho vợ chồng Kroger có nói: "1. Yêu cầu chuyển thông tin của Baron (một trong những điệp viên thu nạp được ở London về cuộc khủng hoảng ở kênh đào Xuyê. 2. Trong công te nơ đó có một văn bản rất quan trọng đánh giá các cuộc tập trận hải quân trong khuôn khổ NATO. Các tài liệu này nhận được từ Shakh (Garri Frederik Hauton;  anh này được tuyển mộ năm 1952 ở Ba Lan, làm nghề giải mật mã cho tuỳ viên hải quân Anh; năm 1955, anh làm việc tại căn cứ hải quân ở Portland), hiện anh này đang làm việc ở Portland, nơi có căn cứ hải quân và có Viện Nghiên cứu bí mật các thiết bị điện tử, âm thanh từ trường và nhiệt học để phát hiện tàu ngầm, mìn và các vũ khí chống tàu ngầm. Tài liệu này có khối lượng rất lớn, nên phải chuyển sang dạng các chấm nhỏ nhét kín trong sách và chuyển theo địa chỉ mà các bạn đã biết".
 
  Những tài liệu này được Helen đánh máy lại, sau đó giúp Peter tạo thành các bản chấm nhỏ. Muốn vậy họ đã có máy ảnh, kính hiển vi và các thấu kính. Peter làm thành một cuốn phim ngay tại nhà. Cuốn phim này được dán vào những cuốn sách cũ, trong các lớp bìa cứng mà người ngoài không thể biết được. Sách được gửi cho một người ở một nước châu Âu rồi chuyển về cho tình báo Xô Viết.
 
  Phần lớn những thông tin từ London đều có ý nghĩa hàng đầu đối với Bộ Quốc phòng, cũng như đối với Viện Nghiên cứu, phòng thiết kế đóng tàu và Bộ Cơ khí.
 
  Chẳng bao lâu sau Hauton lôi kéo được cả người yêu của mình là Etel Gee vào cuộc, làm việc tại Trung Tâm Nghiên cứu Khoa học ở Portland, chuyên ngành kiểm kê và nhân bản các tài liệu mật. Bây giờ dòng thông tin và khối lượng công việc đối với các "chủ biệt thự" đã tăng lên rõ rệt.
 
  Lonsdale vẫn xuất hiện với tư cách trợ lý của tuỳ viên quân sự Mỹ, vì thế Shakh và Asya (tên mọi người đặt cho Etel Gee) tin rằng họ đang làm việc cho người Mỹ.

  Công việc được tiến hành rất hiệu quả. Tuy nhiên vẫn phải tính toán cả những bước lùi khi gặp thất bại, cách ứng xử khi bị theo dõi và khi ra toà.

  Một vấn đề được đặt ra là tạo quốc tịch Xô Viết cho vợ chồng Kroger. Nhưng bí thư BCHTƯ M. Suslov đã viết trong đơn đề nghị của KGB: "Vấn đề về vợ chồng Kroger đặt ra còn sớm. Họ có thể phản bội chúng ta. Bao giờ họ trở về Liên Xô, ta hãy xem xét vấn đề thường trú của họ". Mãi sau 9 năm họ mới nhận được quốc tịch Liên Xô.

  Cuối năm 1960, cán bộ tình báo Ba Lan Mikhail Golenevski chạy ra nước ngoài. Tên phản bội đã cung khai tất cả, trong đó có Harri Hauton. Bọn phản gián Anh đã theo dõi anh và người yêu Etel Gee và đã phát hiện mối quan hệ bí mật của anh với Lonsdale, việc theo dõi tiếp Lonsdale lại dẫn đến vợ chồng Kroger. Họ đặt trạm quan sát nhà ở của Kroger. Hai vợ chồng phát hiện được, biết mình đã sa bẫy, liền thông báo cho Trung Tâm biết, nhưng chỉ nhận được một điện an ủi: tạm thời đình chỉ quan hệ với Trung Tâm và Lonsdale. Ngày 7 tháng 1 năm 1961, lúc 19 giờ 15 phút, cảnh sát vào nhà họ, trong nhà như trong một cuốn phim bạo lực của Holywood: các loại đèn pha, bao nhiêu phóng viên và nhà quay phim. Hai giờ trước đó chúng đã bắt Gordon Lonsdale, Harri Hauton và Etel Gee, tìm thấy nhiều tang vật. Theo thoả thuận từ trước với Lonsdale, họ phải nhận rằng những thiết bị đó là của anh ta. Bị hỏi cung liên miên, hai vợ chồng không nhận mình có tội, không công nhận rằng quan hệ với Lonsdale là hoạt động tình báo. Cuối cùng họ ra toà. Lonsdale tuyên bố rằng hai vợ chồng không có âm mưu bí mật gì với anh, thậm chí nếu như toà có buộc tội họ thì vẫn phải coi anh là người có tội trong mọi trường hợp, dù hậu quả đối với anh có thế nào đi nữa. Trong lúc thụ án tòa công bố những tư liệu của Mỹ nói rằng vợ chồng Kroger trên thực tế là vợ chồng Koen và đã thấy ảnh họ ở nhà Abel. Vì thế trong bản án tòa nêu tên thật và tiểu sử của họ. Người Anh chỉ không có một điều là bằng chứng về việc họ là điệp viên của Liên Xô mà thôi. Gordon Lonsdale bị kết án 25 năm tù, hai vợ chồng Kroger mỗi người 20 năm, Harri Hauton và Etel Gee mỗi người 15 năm. Sau khi công bố bản án các cơ quan mật vụ Anh vẫn tiếp tục xử lý hai vợ chồng Kroger trong tù. Chúng thuyết phục họ nhận tội hoàn toàn và hứa dành chỗ ở cho họ trong nước Anh.

  Tình báo Xô Viết đã tiến hành chiến dịch giải phóng các "chủ biệt thự" nhân danh nước Ba Lan, là nước mà họ là công dân. Lúc đó Ba Lan sẵn sàng giúp đỡ. Tại Ba Lan có "bà cô" của Helen, một bà tên là Maria (cán bộ Cục Tình báo Hải ngoại Xô Viết là Yury Permogorov đóng vai trò này), bà cô này liên hệ với luật sư, bắt đầu thư từ với Helen và đấu tranh để trao đổi cô.

  Từ 1965, phía Xô Viết đã đề nghị đổi điệp viên Anh Gerald Bruk lấy vợ chồng Kroger, nhưng người Anh tuyên bố rằng như thế không tương xứng (một lấy hai). Khi Bruk bị đe dọa tăng mức án vì định chạy trốn thì người Anh mới đồng ý đổi. Tất nhiên, phía Xô Viết cũng thả thêm hai người Anh đã mãn án vì tội buôn lậu ma tuý.

  Ngày 24-10-1969 cuộc trao đổi được thực hiện. Tờ "Thời báo" London viết: "Người ngoại quốc đến nước Anh vào hôm thứ sáu chắc sẽ nghĩ rằng vợ chồng Kroger là hai vị thượng khách quốc gia, chứ không phải là hai gián điệp...", còn tờ "Điện tín" thì nhận xét rằng vợ chồng Kroger lên đường "cứ như là đôi vợ chồng hoàng hậu".

  Ngày 17-11-1969, vợ chồng Koen được trao tặng Huân chương Cờ đỏ và được nhập quốc tịch Xô Viết.

  Họ chỉ sống thêm được một ít năm nữa trong niềm vinh quang và sự kính trọng. Cuối năm 1992, còn hai tuần nữa tròn 80 tuổi thì Leotina qua đời, ngày 23-7-1995 Moris Koen cũng ra đi mãi mãi.

  Cả hai đều được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga, và những con tem kỷ niệm hai người đã được phát hành.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 26 Tháng Bảy, 2008, 08:55:54 pm
67 - VALTER  SELENLBERG (1910-1952)
Trùm AMT6 của Đức Quốc xã



  Đây là một trong những nhà hoạt động trẻ nhất của đế chế Đức. Khi Hitler tổ chức cuộc "bạo động quán bia" và viết cuốn "Cuộc chiến đấu của tôi", thì Valter đang là học sinh lớp năm trường trung học thực hành ở Lucxemburg. Cha hắn là chủ một xưởng sản xuất đàn dương cầm đến từ Saarbrukent, nơi công việc làm ăn của ông ta bị sa sút.

  Năm 1929, Valter vào học trường Đại học Tổng hợp Bonn. Ban đầu hắn học ngành y, về sau là ngành luật, và không quan tâm đến chính trị. Valter gia nhập Đảng Quốc xã và SS năm 1933 chỉ vì con đường thăng tiến, và bởi vì hắn thích bộ trang phục SS màu đen. Sự thật là hắn cũng thích Hitler vì ý tưởng đấu tranh khôi phục sự hùng cường của nước Đức. Tên luật sư trẻ này thăng tiến rất nhanh. Những kẻ đỡ đầu của hắn chính là Heidrich và Himmler, người đứng đầu Tổng Cục An ninh đế chế. Năm 1939, hắn đã chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động tình báo ở nước ngoài và đồng thời là trưởng Ban IV E của Tổng Cục An ninh đế chế, chịu trách nhiệm về hoạt động phản gián trong nước Đức. Hắn thường xuyên được tiếp xúc không chỉ với các chỉ huy trực tiếp của mình và các đồng nghiệp như Heidrich, Himmler, Kaltenbrunner, Canaris, Muller, mà cả với Ribbentrop, Hess và chính Quốc trưởng.

  Văn phòng làm việc của Sellenberg gợi cho người ta nhớ đến những đồ trang hoàng phim trường Hollywood. Sellenberg tự miêu tả văn phòng làm việc của mình như sau: "Bên cạnh chiếc bàn viết khổng lồ là một bàn xoay nhỏ đặt đầy điện thoại và micro. Trong lớp ốp tường và dưới chiếc bàn viết, cũng như trong chiếc đèn giấu những thiết bị nghe lén tự động ghi lại bất kỳ cuộc trò chuyện nào, dù chỉ là tiếng thì thầm. Đập vào mắt người bước vào là những ô vuông nhỏ bằng dây điện chăng khắp cửa sổ: đó là hệ thống kiểm tra điện tử mà vào buổi chiều khi rời văn phòng tôi sẽ bật lên, khởi động hệ thống tín hiệu bảo vệ tất cả các cửa sổ, két sắt và những cánh cửa khác trong tòa nhà làm việc. Chỉ cần tiến đến gần vị trí đó tín hiệu báo động sẽ đổ dồn và sau vài giây là lực lượng bảo vệ sẽ có mặt.

  Thậm chí chiếc bàn viết của tôi cũng giống một pháo đài nhỏ với hai nòng súng máy sẵn sàng nhả đạn. Chỉ cần cửa ra vào văn phòng làm việc của tôi bật mở là đạn từ đó tự động nhắm thẳng kẻ đột nhập mà vãi. Trong trường hợp nguy cấp chỉ cần bấm một chiếc nút là có thể khai hỏa. Chiếc nút thứ hai cho phép tôi bật tín hiệu báo động, khi đó lập tức tất cả các cửa ra vào của tòa nhà bị lính bảo vệ phong tỏa".

  Sellenberg không nằm trong nhóm những lãnh tụ quốc xã, ảnh của hắn ít khi xuất hiện trên báo chí, tên hắn cũng không quen thuộc với công chúng. Nhưng trong khi đó vị trí làm việc cho phép hắn luôn ở trong guồng máy đường lối do Hitler lãnh đạo liên quan đến quan hệ với đối phương, với các đồng minh của Đức và các nước bị chiếm đóng.

  Bên cạnh việc chỉ đạo chung các chiến dịch tình báo, Sellenberg còn đích thân tham gia vào một số chiến dịch cụ thể nổi tiếng trong lịch sử tình báo của cả Thế chiến II.

  Không lâu sau thời gian mở màn cuộc chiến tranh, vào tháng 10 năm 1939, tình báo Đức bắt đầu triển khai một "trò chơi" khá thành công với Cục Tình báo Anh. Thông qua một điệp viên của mình ở Hà Lan được cài vào một tổ chức của Anh, người Đức bắt đầu tung tin sai lạc rằng trong đế chế Đức hình như có một nhóm tướng lĩnh chống đối Hitler đang tìm cách tiếp xúc với phương Tây. Mục đích của "trò chơi" là thăm dò và tìm cách kiểm soát một số mắt xích của mạng lưới gián điệp Anh ở Đức.

  Sellenberg đích thân sang Hà Lan dưới lốt một đại diện cho nhóm chống đối.

  Sellenberg còn trẻ tuổi không giống một viên tướng nên hắn đã lôi kéo giáo s¬ bác sĩ Krinis là người có diện mạo sang trọng trông rất "tướng" vào chiến dịch. Sellenberg và Krinis có một số cuộc gặp với các đại diện của tình báo Anh là đại úy Patle Best và thiếu úy Richard Stevens. Quan hệ của họ tiến triển rất thuận lợi cho Sellenberg và tình báo Đức, bởi đột nhiên lại xảy ra chuyện bất ngờ: Hitler bị mưu sát tại Munchen. Quốc trưởng quyết định buộc tội người Anh trong âm mưu này và ra lệnh bắt Best và Stevens như là những kẻ cầm đầu vụ mưu sát. Sellenberg chống lại việc đó nhưng buộc phải phục tùng. Trong thời gian diễn ra cuộc gặp kế tiếp với người Anh tại thành phố nhỏ Venlo, một đội biệt kích SS đã vượt biên sang lãnh thổ Hà Lan bắt hai người Anh dẫn về Đức. Viên sĩ quan đi cùng người Hà Lan bị bắn trọng thương trong cuộc đọ súng.

  Việc "buộc" Best và Stevens vào vụ mưu sát Hitler không thành công, nhưng rơi vào tay Gestapo họ đã khai hết những thông tin biết được về hoạt động của tình báo Anh. Ngoài ra Stevens còn cung cấp cho bọn Đức các mã số bí mật và điện đài của Anh.

  Màn kịch này được gọi tên là "Chiến dịch Venlo" và trở thành nguyên nhân để Hitler buộc tội chính phủ Hà Lan vi phạm nguyên tắc trung lập. Dựa vào đó ngày 10 tháng 5 quân Đức tấn công Hà Lan. Bốn ngày sau nước này đầu hàng.

  Best và Stevens bị giam trong trại tập trung cho đến ngày kết thúc chiến tranh.

  Năm 1940, không lâu sau khi nước Pháp đầu hàng, Sellenberg theo lệnh của Ribbentrop bay sang Lisbon. Vào thời gian đó công tước Windsor, cựu hoàng Anh, người từ bỏ ngôi báu vì kết hôn với một phụ nữ Mỹ hai lần ly dị chồng là bà Simpson đang ở đây. Sellenberg phải dụ vị công tước sang Thụy Sĩ hoặc một nước trung lập khác. Với tính toán cựu hoàng và vợ là những người có tư tưởng thân Đức, Hitler dự định sau kết thúc chiến dịch "Sư tử biển" và chiếm được nước Anh sẽ đưa lên ngai vàng nước Anh vị vua trong tay mình.

  Nhưng sự tham gia của Sellenberg trong chiến dịch này đã không mang lại thành công. Lòng yêu nước của cựu hoàng hóa ra lại càng thêm mạnh mẽ, ông đã đến quần đảo Bahama và nhận chức thống đốc ở đó.

  Mấy tháng trước cuộc tấn công Liên Xô của quân Đức, Sellenberg tập trung đào tạo, huấn luyện và tung gián điệp vào Liên Xô. Đồng thời hắn cũng đẩy mạnh hoạt động phản gián chống người Nga, chú ý đến không chỉ các nhà ngoại giao Xô Viết, mà cả những Nga kiều lưu vong. Cứ ba Nga kiều thì có một trở thành gián điệp của hắn. Sellenberg dự tính sau này sẽ sử dụng chúng cho hoạt động trên lãnh thổ bị chiếm đóng. Trong hồi ký, Sellenberg viết: "Chúng tôi đã khám phá được nhiều cơ sở tình báo, nhiều tuyến liên lạc và địa điểm đặt điện đài bí mật... Chúng tôi cũng biết nhiều về các biện pháp hoạt động của họ và về các quan hệ giữa những nhóm gián điệp làm việc cho họ". Nhưng thực ra Sellenberg đã phóng đại vì trước khi chiến tranh nổ ra tình báo Xô Viết chịu không nhiều tổn thất ở Đức.

  Ngày 22 tháng 6 năm 1941, Sellenberg chính thức được chỉ định làm người đứng đầu Cục 6 (AMT-6) - là cơ quan tình báo ở nước ngoài. Chẳng bao lâu sau hắn ta có thể khẳng định rằng báo cáo của tình báo Đức phản ánh không đúng tiềm năng quân sự, kinh tế, tình hình chính trị và khả năng chống trả của Liên Xô. Cuộc chiến tranh du kích được tổ chức khéo léo đã trở thành điều hoàn toàn bất ngờ.
Quyết tâm cải tổ cơ quan tình báo, Sellenberg đặc biệt chú trọng đến chiến dịch "Seppelin" - chiến dịch thả dù ồ ạt các nhóm gián điệp tuyển chọn từ số tù binh chiến tranh người Nga vào vùng hậu phương sâu của Liên Xô. Những gián điệp này được huấn luyện kỹ lưỡng, kiểm tra mọi mặt và chịu sự tác động lớn về mặt tư tưởng. "Cuối cùng, - Sellenberg thú nhận, - phần lớn họ đã bị Dân ủy Nội vụ phát hiện".

  Sellenberg lôi kéo vào hoạt động chống Hồng quân cả Vlaxov và những kẻ chạy sang phía quân Đức khác. Trong hồi ký của mình hắn kể chuyện một đơn vị chiến đấu gồm các tù binh chiến tranh mang tên "Druzina" dưới sự chỉ huy của đại tá Rodionov (biệt danh "Gil") đã đánh gục nhóm SS hộ tống đoàn tù binh và chạy sang với du kích. Nhìn chung du kích đã gây cho quân Đức không ít tổn thất.
Hitler muốn có thông tin về các đội quân du kích Nga, cơ cấu tổ chức, cấp trực thuộc và nhiệm vụ của họ. Hắn bị bất ngờ vì nhân dân Liên Xô đón quân Đức không bằng "bánh mì và muối"(*), mà với một cuộc chiến tranh du kích trên diện rộng. Sellenberg giải thích việc này như sau: "Người Nga đã sử dụng sự tàn bạo mà quân Đức gây ra trong khi tiến hành cuộc chiến tranh làm cơ sở mang tính hệ tư tưởng cho hoạt động du kích. Cái gọi là "Lệnh về các chính ủy" yêu cầu bắn sạch các chính ủy, việc tuyên truyền về "tính thiểu năng" của dân tộc Nga, các cuộc tàn sát... chính là những điều gây nên tinh thần phản kháng chống trả không ngừng. Bản báo cáo của Sellenberg bị Quốc trưởng và giới chức cao cấp thân cận của Quốc trưởng bác bỏ.

  Cả báo cáo về yêu cầu cần xem lại chiến lược chính trị và quân sự ở nước Nga vì nó được xây dựng trên một đánh giá không đúng về tiềm năng của Liên Xô cũng bị bác bỏ. Hơn nữa, Hitler ra lệnh bắt giữ toàn bộ các chuyên viên tham gia lập bản báo cáo và buộc tội họ vì tinh thần bại chiến luận đó. Sellenberg đã bênh vực được các cộng sự của mình nhưng không thuyết phục được cả Hitler lẫn Himmler.
Một trong các hướng hoạt động của AMT-6 là khai thác thông tin từ các gián điệp đang giữ địa vị cao trong các ban tham mưu Xô Viết. Nhưng chúng ta sẽ không dừng tại đây bởi vì vấn đề này đã được soi sáng trong các phần viết về những nhân vật khác trong làng tình báo, từ đó chúng ta thấy rõ rằng cơ quan đặc vụ của Hitler trong trường hợp này đã trở thành nạn nhân "trò chơi" mà tình báo Xô Viết dẫn dắt trong chiến dịch "Tu viện" và "Berezino", cũng như trong các trò chơi điện đài.

  Năm 1942, đặc vụ Đức đã phát hiện và xóa sổ được một mạng lưới tình báo Xô Viết quy mô lớn có tên gọi là  "Dàn đồng ca đỏ". Về thực chất, có hai mạng lưới như vậy: một ở Berlin do Schulze-Boysen và Harnac chỉ huy, và mạng thứ hai ở Brussel đặt dưới quyền chỉ huy của Trepper. Trong việc khám phá được các nhóm này, Sellenberg đóng vai trò đáng kể. Thu được sáu mươi tư chiếc điện đài, quân Đức cũng bắt đầu "trò chơi điện đài". Thực ra, như Sellenberg thú nhận: "Cũng phải mất ba tháng phát đi thông tin đúng và có giá trị để người Nga tin chúng tôi". Còn sau đó người Nga hiểu rằng có kẻ đang bày trò chơi điện đài và cũng hành động tương tự đáp lại. Vậy là việc xóa sổ được "Dàn đồng ca đỏ" là một thành tích thì sự phát triển tiếp theo của sự kiện lại không mang đến thành công.

  Sau đó Sellenberg xuất đầu lộ diện tại Thụy Sĩ trong vai trò "nhân vật chính thức của Vương quốc Anh" đang tỏ ra sẵn sàng khởi đầu "các cuộc thảo luận trước với đại diện của Đức", thậm chí sau đó còn có sự ủy quyền của chính Churchill để đi đến các cuộc "thảo luận" này.

  Khi Sellenberg đề xuất với Himmler về việc này, qua phản ứng của Himmler, Sellenberg hiểu rằng tên này sợ. Himmler đề nghị sẽ bàn luận vấn đề này với Ribbentrop là người cách đó không lâu ông ta đã có lời phát biểu chống đối.

  Kế hoạch được trình lên Ribbentrop, ông ta trao đổi với Hitler. Kết quả là một bức thư nhân danh Ribbentrop gửi đến Sellenberg: chỉ có thể bàn luận với người Anh về việc đầu hàng của họ.

  Himmler vẫn cho phép Sellenberg tiếp tục các mối tiếp xúc với người Anh thông qua các kênh trung gian, nhưng nói thêm là ông ta không muốn biết bất kỳ chi tiết nào.

  Thay thế cho Heidrich ở chức vụ người đứng đầu Tổng cục An ninh Đế chế được chỉ định chiến hữu cũ của Hitler là Ernst Kaltenbrunner. Tên này và Sellenberg rất ghét nhau, nhưng buộc phải chịu đựng nhau. Sellenberg viết: "Những năm cuối cùng kinh khủng của cuộc chiến tranh đối với tôi toàn chuyện khổ sở".

  Một trong những thành công của cơ quan mật vụ là vụ án "Sixeron" về gã hầu phòng của đại sứ Anh tại Ancara là Sir Netchbull Hughessen. Tháng 10 năm 1943, tên hầu phòng này gạ bán những tài liệu của sứ quán Anh lấy những món tiền lớn. Hắn ta đã cung cấp những tài liệu hết sức có giá trị vẫn được báo cáo đều đặn lên cho Hitler. Khoảng vào tháng 2 hay tháng 3 năm 1944, "Sixeron" ngừng hoạt động của mình, còn vào tháng t4 Thổ Nhĩ Kỳ cắt đứt quan hệ với Đức rồi chuyển sang phe các đồng minh phía Tây.

 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 26 Tháng Bảy, 2008, 08:56:14 pm
  Giữa năm 1944, sau khi đô đốc Canaris bị bãi chức, Sellenberg trở thành người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quân sự (Abver). Lúc này chức năng của Sellenberg được mở rộng đáng kể.

  Chiến tranh đi vào giai đoạn cuối. Những đòn giáng vào quân đội Đức những năm 1943-1944 (bắt đầu từ các trận Stalingrad, Kursk và kết thúc bằng sự đầu hàng của Italia cùng việc mở mặt trận thứ hai) đã khẳng định những dự báo của Sellenberg. Lúc này hắn sẵn sàng thương lượng kể cả với người Nga. Những cuộc gặp gỡ đầu tiên của Sellenberg lại diễn ra tại Stockholm với nhà ngoại giao Mỹ Hoopt, người đã hứa sắp xếp những cuộc điều đình chính thức. Trở về Berlin, Sellenberg đề xuất về cuộc đối thoại này với Himmler. Tên này nổi điên và cấm tiệt bất kỳ cuộc tiếp xúc nào với đối phương.

  Thay vào đó Himmler đề xuất việc ám sát Stalin. Chúng tuyển mộ hai cựu quân nhân Xô Viết cho mục đích này. Những kẻ ám sát được trang bị mìn điều khiển bằng sóng vô tuyến và thả dù vào hậu phương Xô Viết. Nhưng sau đó liên lạc hoàn toàn bị cắt đứt. Rõ ràng, khi nhắc lại vụ này, Sellenberg có ý nói tới "vợ chồng" Silov. Hai tên này bị bắt giữ đúng vào hôm đầu tiên xâm nhập, và sau đó trò chơi điện đài với tình báo Đức được tiến hành nhân danh chúng. Về chuyện này Sellenberg cũng đã có nói đến.

  Chính vào thời kỳ này, Sellenberg là người chứng kiến Hitler tuyên bố những câu đại loại như: "Nếu nước Đức thua trong cuộc chiến tranh này thì dân tộc Đức chứng tỏ sự không thượng đẳng sinh học của mình và đánh mất quyền được tồn tại... Đúng vậy, và khi đó nó đáng bị tiêu diệt... Kết cục của nước Đức sẽ khủng khiếp, và dân tộc Đức đáng phải chịu điều này... Nhưng rõ ràng là người chiến thắng sẽ không phải là phương Tây mà là phương Đông".

  Sellenberg tiếp tục những toan tính "kiến tạo hòa bình" của mình. Cuối năm 1944, hắn sắp xếp được cuộc gặp gỡ của Himmler với cựu tổng thống Thụy Sĩ Muzi. Nhưng cuộc đối thoại bị giới hạn trong việc tranh luận về vấn đề giải phóng khỏi các trại tập trung và đưa sang Thụy Sĩ vài nghìn người Do Thái để đổi lấy việc cung cấp máy kéo, thuốc men, ô tô và những hàng hóa khác mà nước Đức cần.

  Như vậy là đã có một nghìn hai trăm người Do Thái được cứu thoát. Sau đó Sellenberg còn thành công trong việc đề nghị Himmler ban lệnh cấm di chuyển các trại tập trung có thể bị rơi vào tay quân Đồng minh.

  Sellenberg thậm chí còn nối được tổ chức Chữ thập Đỏ Quốc tế vào các cuộc đàm phán với Kaltenbrunner, nhờ đó mà giải thoát được tất cả các phụ nữ Pháp bị giam giữ trong trại tập trung Ravensbruck.

  Tháng 2 năm 1945, bá tước Thụy Điển Bernadot đến Đức. Đầu tiên Sellenberg và Kaltenbrunner gặp gỡ với ông ta, sau đó ông ta đến gặp Ribbentrop. Sau đó Sellenberg đã sắp xếp cuộc gặp của ông ta với Himmler (bất chấp lệnh cấm của Hitler). Họ thương lượng về việc tất cả những người Đan Mạch và Thụy Điển đang bị giam giữ trong các trại tập trung sẽ được di chuyển về một trại tập trung nằm ở miền Bắc nước Đức. Sellenberg đã chọn người của hắn để tổ chức cuộc di chuyển.

  Sellenberg và Bernadot lúc này cùng nhau điều khiển những hoạt động liên quan đến việc đầu hàng của nước Đức. Sellenberg đã sẵn sàng cùng Bernadot bay đến gặp Eisenhower. Ngoài ra hắn còn sắp xếp cuộc gặp gỡ bí mật của Himmler với đại biểu Đại hội Do Thái toàn thế giới là Mazur, hoàn toàn giấu kín không thông qua Hitler, kẻ lúc này thực sự không còn điều hành đất nước.

  Vào những ngày tồn tại cuối cùng của Đệ Tam Quốc xã, Sellenberg chạy đi chạy lại giữa Himmler, Bernadot và đại diện của chính phủ Thụy Điển, giữa Đan Mạch, Thụy Điển và Đức, tìm cách cứu vãn một cái gì đó. Mà có lẽ trước hết là cứu chính bản thân mình.

  Ngày 30 tháng 4 năm 1945, Kaltenbrunner đã tước bỏ tất cả mọi chức vụ của Sellenberg.

  Ngày 5 tháng 5 năm 1945, người đứng đầu chính phủ Đức thay Hitler là đô đốc Denis đã chỉ định Sellenberg làm phái viên đến Stockholm. Sellenberg đã tới nơi vào ngày 6 tháng 5 năm 1945. Đến đây cuộc đời chức nghiệp của hắn kết thúc.

  Sau sự sụp đổ của nước Đức, Sellenberg tìm được nơi nương náu bên cạnh bá tước Bernadot. Tại đây Sellenberg lập tức lập báo cáo về các cuộc đàm phán mà hắn có tham gia trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh. Không lâu sau đó quân Đồng minh yêu cầu giao nộp Sellenberg. Tháng 6 năm 1945, hắn trở về nước Đức để ra trình diện trước tòa án Nuremberg.

  Nhưng tại tòa án xét xử các tội phạm chiến tranh chủ yếu là Hering, Ribbentrop và những tên khác (Himmler đã kịp tự sát) - Sellenberg chỉ phát biểu với tư cách là nhân chứng. Phiên tòa dành riêng cho hắn bắt đầu năm 1947. Sellenberg được gỡ bỏ tất cả mọi cáo buộc, ngoại trừ hai tội: hắn là thành viên SS và SD là hai tổ chức bị Tòa án Chiến tranh Thế giới ở Nuremberg tuyên bố là những tổ chức tội phạm, còn Cục AMT-6 do hắn đứng đầu thì bị buộc phải chịu trách nhiệm về việc giết hại không qua xét xử và điều tra nhiều tù binh người Nga được chọn lựa để thực hiện chiến dịch "Seppelin". Tòa kết luận rằng tội của Sellenberg được giảm nhẹ bởi những cố gắng trong việc giúp đỡ tù binh trong các trại tập trung do hắn quản lý vào giai đoạn cuối chiến tranh. Hắn bị kết án sáu năm tù giam. Đầu tháng 6 năm 1951, sau một cuộc phẫu thuật nặng, Sellenberg được giải phóng. Hắn đến định cư tại Thụy Sĩ và bắt đầu viết hồi ký. Nhưng chẳng bao lâu sau cảnh sát Thụy Sĩ yêu cầu Sellenberg rời đất nước mình.

  Sellenberg dừng chân tại Italia, sống ở thành phố nhỏ Pallanso. Ngày 31 tháng 3 năm 1952, hắn chết trong bệnh viện Fornaka tại Turina.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 27 Tháng Bảy, 2008, 01:52:50 pm
68 - ILZA STIOBE (1911 - 1942)
 Nữ điệp viên kiên cường đến phút chót cuộc đời



  Người lãnh đạo một trong những nhóm điệp viên quân sự Xô Viết hoạt động bí mật ở nước Đức phát xít là một phụ nữ trẻ xinh đẹp tên là Inda Stiobe mang bí danh là "Anta" (chính xác hơn là "Ante", tiếng Đức có nghĩa là "Bà lão", điều này đã gây lúng túng cho bọn mật thám của Gestapo).

  Ilza Stiobe sinh ngày 17 tháng 5 năm 1911 ở Berlin, trong một gia đình công nhân. Chị tốt nghiệp phổ thông rồi theo học nghề thư ký đánh máy. Chị làm việc một thời gian tại tổ hợp in ấn, tiếp đó chuyển sang làm việc cho tờ báo "Berline Tagenblat". Tuy còn rất trẻ nhưng nhờ có năng lực, chị được cử sang Tiệp Khắc làm phóng viên rồi từ Tiệp Khắc chuyển sang Ba Lan. Tại đây, chị quen biết Rudolf Herrnstdadt, đảng viên Đảng Cộng sản Đức và đồng thời là điệp viên thuộc Cục Tình báo của Hồng quân. 

  Số phận của Rudolf Herrnstdadt rất đáng chú ý. Anh là con trai của một luật sư thành đạt và bản thân anh cũng là luật sư. Năm 1924, anh gia nhập Đảng Cộng sản Đức và đến năm 1930 thì được tình báo quân sự Xô Viết tuyển mộ và mang bí danh "Arvid". Năm 1932 anh làm phóng viên ở Varsava, thủ đô Ba Lan, còn từ năm 1933 là ở Moscva, tại đây, anh nhận quốc tịch Xô Viết. Cũng theo nhiệm vụ do Cục Tình báo Xô Viết giao cho, anh "đứng trên lập trường chống cộng điên cuồng". Vì vậy, anh cùng bốn nhà báo Đức khác bị trục xuất khỏi Liên Xô để phản ứng lại việc các nhà báo Xô Viết không được phép vào phòng xử án trong vụ án xét xử "những kẻ đốt cháy toà nghị viện Đức". Sau khi trở về Đức, anh được cử làm phóng viên tại Varsava. Tại đây, anh rất được tôn trọng không chỉ như một người anh hùng và nạn nhân của chủ nghĩa bonsevich, mà còn như một chuyên gia xuất sắc, am hiểu Ba Lan và những truyền thống của nước này. Đại sứ Đức ở Ba Lan là fon Monke và những nhân viên quan trọng của sứ quán thường đến anh hỏi ý kiến. Nhưng Herrnstadt không chỉ nổi bật về tài thiết lập mối quan hệ với các quan chức phát xít, anh còn là một chuyên gia tuyển mộ bẩm sinh. Ít nhất cũng đã có ba người trong số những điệp viên do anh tuyển mộ đã đi vào lịch sử ngành tình báo.

  Gerhard Kegel sinh năm 1907 trong gia đình một nhân viên đường sắt ở hạt Thượng Xiledi. Năm 1930, khi còn là sinh viên, anh gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản Đức và năm 1933, anh trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đức. Sau khi tốt nghiệp đại học thuộc chuyên ngành kinh tế, anh được bổ nhiệm làm trưởng ban kinh tế của tờ báo "Tin tức mới nhất". Khi Hitler lên nắm chính quyền và bắt đầu truy nã các đảng viên cộng sản, anh vẫn được an toàn nhờ nắm chắc phương pháp giữ bí mật. Tiếp đó, anh được cử làm phóng viên ở Varsava. Tại Varsava, anh gặp Herrnstadt và được Herrnstadt thu hút vào hoạt động điệp viên cho Liên Xô. Anh mang bí danh là "HVC". Để vị trí của mình thêm vững chắc, vào tháng 5 năm 1934 anh gia nhập đảng quốc xã, điều này đã cho phép anh xin vào làm ở sứ quán Đức với sự giúp đỡ của Herrnstadt.

  Một điệp viên nữa được Herrnstadt tuyển mộ là Rudolf fon Selia. Rudolf thuộc một môi trường hoàn toàn khác nên cách tiếp cận với ông cũng khác. Ông xuất thân từ một dòng họ quý tộc: bố ông là một đại địa chủ quý tộc vùng Xiledi, mẹ ông là con gái bộ trưởng tài chính fon Micken trong nội các của Thủ tướng Birmach. Rudolf sinh năm 1890, có hai bằng tiến sĩ luật học, trong thời gian Thế chiến thứ nhất ông gia nhập kỵ binh rồi trở thành nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Ông làm việc ở Praha (thủ đô Tiệp Khắc), ở Constatinov (Thổ Nhĩ Kỳ), là phó lãnh sự ở Catovise. Năm 1932, ông được phái đến làm việc tại sứ quán Đức ở Varsava. Con đường công danh của ông không mấy rực rỡ: đến năm 42 tuổi ông mới chỉ là thư ký sứ quán. Hơn thế nữa, việc này cần có nhiều tiền mà thu nhập của ông cùng với thu nhập của vợ ông, con gái một nhà công nghiệp lớn, vẫn không bù đắp nổi các khoản chi của ông. Ông tự cho phép mình có ít nhiều cách nghĩ tự do kiểu quý tộc, chẳng hạn ông hết sức coi thường Bộ trưởng Ngoại giao nước Đức phát xít là Rippbentrop, gọi y là "kẻ chào hàng các loại rượu sâm banh", và nói chung ông không ưa "những viên chủ hiệu nhỏ" đang nắm chính quyền ở Đức vào lúc đó.

  - Tôi căm ghét cuộc sống của tôi ở Ba Lan, - fon Selia nhiều lần than vãn như vậy với Herrnstadt.
 
  "Ngay từ ngày đầu chúng tôi quen biết nhau, - "Arvid báo cáo với Trung Tâm, - Selia đã thông báo cho tôi tất cả những gì mà ông ta cho là quan trọng thuộc đủ mọi loại: cả những tin tức chính trị, cả những mưu đồ cá nhân, cả chuyện tiền nong, cả những xung đột riêng tư với vợ và người hầu... Đối với những tài liệu mà tôi quan tâm thì ông ta hoặc là đọc cho tôi nghe, hoặc là cho phép tôi tự đọc lấy. Vì hiểu rằng làm như vậy là vi phạm trách nhiệm công vụ của mình nên ông ta thường nói: "Hãy cầm lấy tờ báo để phòng xa. Nếu có ai vào thì dùng báo mà che các bức điện đi".

  "Arvid" lưu ý rằng tuy bề ngoài có vẻ rất nhẹ dạ và nông nổi nhưng Selia là một nhà ngoại giao khá thông minh và am hiểu, một nhà phân tích giỏi, biết cách làm người khác cởi mở với mình.

  Theo đề nghị của Trung Tâm, Herrnstadt đã tuyển mộ Selia trên cơ sở "tiền trao cháo múc". Tuy không tỏ ra nhiệt tình lắm nhưng Selia vẫn đồng ý hợp tác. Có thể nói trước rằng những tin tức của Selia (mang bí danh là "Người Aryan") quý giá đến mức vào tháng 2 năm 1938, Cục Tình báo của Hồng quân đã chuyển vào tài khoản của ông tại ngân hàng Thuỵ Sĩ sáu nghìn rưởi dollar, một trong những khoản tiền lớn nhất mà một điệp viên được trả trước Thế chiến thứ hai.

  Những trách nhiệm mới buộc Selia phải xem xét lại cách cư xử của mình. Ông nói năng thận trọng hơn, thái độ làm việc tận tình hơn. Năm 1933, trong thời gian về Berlin nghỉ phép, ông trở thành đảng viên Đảng Quốc xã. Điều này đã giúp ông được thăng cấp và trở thành cố vẫn chính thức của Bộ Ngoại giao nước Đức phát xít. 

  Và cuối cùng là Ilza Stiobe - một thành công xuất sắc của nhà tuyển mộ Herrnstadt. Việc tuyển mộ chị không gặp phải bất kỳ khó khăn gì: chị là đồng chí cùng đảng với Herrnstadt và là người đồng tư tưởng với anh. 

  Như vậy là vào năm 1934, tại sứ quán Đức ở Varsava đã hình thành một nhóm điệp viên hoàn chỉnh. Ban đầu, người lãnh đạo nhóm là Herrnstadt, về sau, sau khi anh đi Moscva thì người đứng đầu nhóm là Ilza Stiobe. Không kể Kegel và Selia, chị còn có liên lạc với sáu điệp viên nữa. Nhưng đó là sau khi phát xít Đức tấn công Ba Lan.

  Trước khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, vào tháng 8 năm 1939, những thành tích nổi bật của Selia rốt cuộc đã được cấp trên của ông ghi nhận. Ông được chuyển về ban tin tức Bộ Ngoại giao Đức. "Arvid" báo trước cho "Người Aryan" biết rằng mối liên lạc với ông sẽ do "Anta" đảm nhận.

  "Anta" không thể thu xếp được ngay công việc ở Berlin. Chị phải sống một thời gian ở Breslau. Tháng 9 năm 1939, một nhân viên của Cục Tình báo Xô Viết là Zaisev được trao nhiệm vụ tìm kiếm chị và thiết lập liên lạc với chị. Zaisev rời Berlin đi Breslau. Lúc đầu, anh tìm được bà mẹ của chị và được bà cho biết địa chỉ của chị. Khó khăn là ở chỗ chưa xác định được mật khẩu gặp gỡ, do đó phải nêu một vài mật khẩu để Ilza tin được rằng người đến gặp chị đúng là điệp viên Xô Viết.
 
  Nhưng Zaisev vừa nêu loại mật khẩu để gặp gỡ "người mình" ở Ba Lan thì Ilza lập tức tin anh ngay. Hai người tản bộ trên những con đường vắng vẻ ở vùng ngoại ô thành phố Breslau. Ilza kể cho Zaisev biết là chị sắp nhận được giấy phép cư trú ở Berlin và chỉ ít lâu nữa là chị sẽ chuyển về đấy. Hai người thoả thuận về phương pháp liên lạc và về những cuộc gặp mới rồi chia tay nhau.
 
  Đầu tháng 3 năm 1933, Ilza Stiobe được fon Selia giúp đỡ nên nhận được chỗ làm ở Cục Báo chí Bộ Ngoại giao và chị dọn về Berlin. Giờ đây, họ có thể gặp gỡ nhau mà không gặp trở ngại gì. Tuy nhiên, chính Selia lại suýt bị thất sủng. Tính hay ba hoa đã làm hại ông. Một kẻ tố giác với cấp trên về mối đồng cảm "không xứng đáng với một nhà ngoại giao Đức" mà ông thường thể hiện đối với người Ba Lan. Ông bị buộc phải giải thích về "vấn đề Ba Lan". Để "chuộc lỗi", ông cùng với cựu đại sứ fon Monke bắt tay vào việc biên soạn cuốn "sách trắng" về nguyên nhân của cuộc chiến tranh Đức - Ba Lan. Đương nhiên là cuốn sách này được biên soạn theo tinh thần những "tư tưởng" và phát ngôn của những tên đầu sỏ quốc xã. Khi Rippbentrop làm quen với cuốn sách đó thì y không những tha thứ cho fon Selia mà thậm chí còn nói bóng gió đến khả năng đề bạt ông lên một chức vụ cao ở Budapest, thủ đô Hungari.

  Nhưng đối với Ilza thì việc fon Selia ra đi có nghĩa là chị sẽ bị mất một nguồn tin rất quan trọng, và chị khuyên ông không nên ra đi. Hơn thế nữa, chỉ ít lâu sau, ông đã được chỉ định giữ một chức vụ mới trong bộ máy Bộ Ngoại giao Đức.

  Trợ thủ đáng tin cậy của Ilza Stiobe là Gerhard Kegel. Nhờ vị trí của mình, anh có thể thu được những tin tức quý giá. Ngay từ tháng 3 năm 1939, một nhân viên của Rippbentrop là Cleist đã tuyên bố rằng "trong tiến trình thực hiện những kế hoạch lâu dài của nước Đức, cuộc chiến tranh chống Liên Xô vẫn là nhiệm vụ cuối cùng và mang tính chất quyết định trong chính sách của Đức". Về sau, tuỳ viên quân sự Đức ở Ba Lan là Hisher đã kể cho Kegel nghe về buổi tiếp của Hitler và những chỉ thị của Hitler đề cập đến việc chuẩn bị bí mật cho cuộc tấn công bất ngờ của Đức vào Ba Lan. Kegel còn nhiều lần trò chuyện cả với Đại sứ fon Monke.

  Nhưng sau khi chuyển đến Berlin được ít lâu, Ilza rốt cuộc cũng vẫn phải chia tay với Kegel. Đang làm việc tại ban phụ trách chính sách thương mại của Bộ Ngoại giao Đức, Kegel được đề bạt vào một chức vụ mới, quan trọng. Lúc đầu, anh được đưa vào thành phần đoàn đại biểu thương mại Đức đi Liên Xô vào cuối năm 1939, và sau khi đến Moscva thì anh được giữ lại làm việc ở sứ quán Đức tại đây.

  Thông qua Kegel, các cơ quan an ninh Xô Viết nhận được những thông tin quan trọng về những gì diễn ra trong sứ quán Đức. Anh cung cấp  tin tức về tâm trạng và những câu chuyện của đại sứ fon Sullenburg, của tuỳ viên quân sự tướng Kestring và của cố vấn Hinger. Tất cả mấy nhân vật này đều phản đối cuộc chiến tranh chống Liên Xô vì cho rằng cuộc chiến đó nguy hại cho nước Đức.
 
  Kegel thông báo là vào ngày 30 tháng 4 năm 1941, sau chuyến đi Berlin và trò chuyện với Hitler, đại sứ fon Sullenburg đã tuyên bố với những người bạn gần gũi của mình: "Mọi việc đã quyết định rồi - chiến tranh là không thể tránh khỏi!".
 
  Sullenburg, Kestring và Hinger chuẩn bị một bản ghi nhớ gửi cho Hitler trong đó nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống Liên Xô không thể thắng lợi được và hơn nữa, còn có thể đưa nước Đức đến thảm họa. Sullenburg đích thân đem bản ghi nhớ này về Berlin, nhưng Hitler thậm chí không "hạ cố" tiếp ông ta.

  Chẳng bao lâu sau, tại Moscva xuất hiện hai vị khách. Một người là Valter Sellenberg, giám đốc cơ quan tình báo đối ngoại của nước Đức phát xít. Dưới danh nghĩa đại diện của ngành công nghiệp hoá chất Đức, y đến Moscva để nghiên cứu tiềm lực chính trị và kinh tế của Liên Xô cũng như mức độ sẵn sàng đối phó với chiến tranh của Liên Xô.

  Vị khách thứ hai là đại tá Crebs, người thay thế tướng Kestring từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 5 năm 1941. Đấy chính là kẻ mà vào hôm trước ngày Berlin thất thủ (lúc đó y đã lên cấp tướng và là Tổng Tham mưu trưởng cuối cùng của nước Đức phát xít) đã đến gặp tướng Trucov của quân đội Xô Viết để đề nghị đàm phán hoà bình. Sau khi tướng Trucov tuyên bố là chỉ có thể nói tới việc đầu hàng vô điều kiện, y đã quay trở về hầm ngầm của mình và tự sát.

  Nhưng vào năm 1941 đó, y đã có mặt trong cuộc duyệt binh của Hồng quân nhân ngày mồng 1 tháng 5, y có thể tận mắt chứng kiến sức mạnh của Hồng quân nhưng không tin vào sức mạnh đó. Y đã trao đổi điều này với Kegel, và Kegel lại thông báo điều này với một cán bộ Cục Tình báo Xô Viết là K. B. Leonchiev, người mà Kegel được biết dưới tên gọi Pavel Petrov.

  Ngay trước khi chiến tranh nổ ra, Kegel đã được chứng kiến cảnh ra đi khẩn cấp của những gia đình nhân viên sứ quán Xô Viết cũng như gia đình của những người Đức hiện đang sống ở Liên Xô. Còn vào ngày 21 tháng 6, anh cũng đã tận mắt nhìn thấy những tài liệu lưu trữ và những tài liệu quan trọng khác bị đem thiêu huỷ trong sân sứ quán Xô Viết. Đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy chiến tranh sắp bắt đầu, và anh lập tức thông báo cho Leonchiev biết và Leonchiev lại ngay lập tức thông báo cho cấp trên. Nhưng thông báo đó bị thất lạc ở đâu? 
 
  Sau khi chiến tranh nổ ra, Kegel cùng những nhân viên sứ quán khác đi Berlin. Dọc đường, khi đến Serpukhov (hay Kirsk), Leonchiev đã kịp lên tàu, dúi vào tận tay Kegel mảnh giấy có ghi quy ước liên lạc với Stiobe.
 
 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 27 Tháng Bảy, 2008, 01:57:26 pm
  Giờ đây, chúng ta hãy quay trở lại với "Anta" và "người Aryan". Những tin tức mà họ cung cấp là cực kỳ quan trọng. Đó là những tin đề cập đến việc di chuyển của quân đội Đức, đến những thư từ trao đổi ngoại giao cũng như những tin tức về thành công của các nhân viên giải mã Đức. Những tin đó của fon Selia được đánh giá rất cao mà bằng chứng là vào tháng 2 năm 1941, Ilza chuyển cho ông một khoản tiền lớn là ba mươi nghìn mark.
 
  Thông qua một điệp viên nằm vùng của Cục Tình báo Xô Viết là đại tá N. D. Scorniacov (tức "Sao băng"), Stiobe đã chuyển về Moscva những tin tức nhận được từ fon Selia và các điệp viên khác. Dưới đây là vài tin trong số đó.
 
  Gửi Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu Hồng quân, ngày 29 tháng 9 năm 1940.
 
  "Người Aryan" đã trò chuyện với Snurre (lãnh đạo đoàn đại biểu kinh tế Đức ở Liên Xô). Snurre cho biết:
 
  1. Quan hệ giữa Liên Xô và Đức đã xấu đi một cách cơ bản.
 
  2. Theo ý kiến của rất nhiều người, trừ Bộ Ngoại giao Đức, thì nguyên nhân của tình trạng đó là do phía Đức.
 
  3. Người Đức tin rằng Liên Xô sẽ không tấn công Đức.
 
  4. Hitler dự định đến mùa xuân sẽ giải quyết những vấn đề ở phương Đông bằng hành động quân sự. Sao băng".
 
  Gửi Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu Hồng quân, ngày 29 tháng 12 năm 1940.   
 
  "Anta thông báo người Aryan được biết từ giới thạo tin rằng Hitler đã ra lệnh chuẩn bị cuộc chiến chống Liên Xô. Việc tuyên chiến sẽ được thực hiện vào tháng 3 năm 1941.

  Tôi đã giao nhiệm vụ kiểm tra và chính xác hoá tin này. Sao băng".
 
  Gửi Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu Hồng quân, ngày mồng 4 tháng 1 năm 1941.

  "Anta yêu cầu người Aryan xác nhận tính đúng đắn của tin tức nói về việc chuẩn bị cuộc tấn công vào mùa xuân năm 1941. Người Aryan khẳng định rằng anh ta đã nhận được tin ấy từ một người quen trong quân đội Đức, hơn nữa, đó không phải là dựa trên lời đồn đại mà dựa trên bản mệnh lệnh đặc biệt của Hitler, một bản mệnh lệnh được giữ tuyệt mật và chỉ rất ít người biết. 
 
  Để xác nhận điều này, người Aryan dẫn ra thêm một vài lý lẽ chủ yếu:
     
  1. Những cuộc trò chuyện của anh ta với Slipper trưởng phòng Đông phương Bộ Ngoại giao Đức. Slippe nói rằng cuộc gặp gỡ với Molotov... đã không đạt được nhất trí về bất kỳ vấn đề quan trọng nào.

  2. Công việc chuẩn bị tấn công Liên Xô đã được bắt đầu sớm hơn nhiều nhưng rồi bị tạm dừng một thời gian vì người Đức đã không tính đến sự kháng cự của người Anh. Đức dự tính đến mùa xuân thì sẽ buộc được người Anh phải khuất phục và do đó sẽ được rảnh tay trong cuộc chiến với Liên Xô.

  3. Thái độ thù địch của Hitler vẫn không thay đổi.

  4. Hitler cho rằng:

   a) Tinh thần của Hồng quân chính vào thời điểm này là rất thấp, thấp đến nỗi đến mùa xuân thì y chắc chắn sẽ giành được thắng lợi.

   b) Quân đội Đức đang tiếp tục lớn mạnh.

  Báo cáo tỉ mỉ của Anta về vấn đề này sẽ để lần sau. Sao băng".

  Tình trạng thần kinh quá căng thẳng của Ilza đã để lại hậu quả. Bệnh thận và gan của chị nặng thêm. Chị hai lần phải đi Carlsbad nhưng vẫn không chữa khỏi. Trong bức thư gửi về Moscva cho Herrnstadt, chị than phiền rằng cứ đêm đêm, khi còn lại một mình và những cơn đau khủng khiếp kéo đến, chị lại cảm thấy hoảng sợ cho bản thân cũng như sợ rằng vì bệnh tật mà mình sẽ không thể tiếp tục công việc được nữa. Chị buộc phải rời bỏ Bộ Ngoại giao Đức. Vào đầu năm 1941. Chị chuyển sang làm trưởng phòng quảng cáo nước ngoài tại tổ hợp hoá chất "Lingerverk" ở Dresden. Nhưng hoá ra chị lại có thêm một cơ hội nữa rất lý thú để thu lượm tin tức, ngoài những tin tức chị nhận được từ "người Aryan". Điển hình là tin tức cực kỳ quan trọng sau đây.
 
  "28 tháng 2 năm 1941.
 
  Giới quân sự thạo tin vẫn giữ quan điểm cho rằng cuộc chiến chống Liên Xô nhất định sẽ bắt đầu vào năm nay. Những biện pháp chuẩn bị cho cuộc chiến này cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Những công trình phòng không quy mô ở phía Đông cho thấy rõ tiến trình của những biến cố tương lai. (Về chuyện này thì "Người Aryan" không biết điều gì thật cụ thể. Nhưng anh thông báo rằng những hầm tránh bom bố trí khắp nước Đức thì ở phía Đông có thể nhằm mục đích bảo vệ khỏi máy bay Nga chứ không phải máy bay Anh). Đã thành lập được ba tập đoàn quân dưới sự chỉ huy của các nguyên soái Bok, Runsdtedt và Ritter fon Leer. Tập đoàn quân "Kenigsberg" có nhiệm vụ tấn công theo hướng Petersburg, tập đoàn quân "Varsava" có nhiệm vụ tấn công theo hướng Moscva, còn tập đoàn quân "Poden" có nhiệm vụ tấn công theo hướng Kiev. Thời điểm dự định bắt đầu chiến sự có thể là ngày 20 tháng 5. Mọi dấu hiệu đều cho thấy là theo dự định thì một trăm hai mươi sư đoàn Đức sẽ tấn công vào khu vực Pinsk. Bằng chứng về những biện pháp chuẩn bị đó là việc tất cả các sĩ quan và hạ sĩ quan biết nói tiếng Nga đều được phân bổ về các ban tham mưu.   
 
  Hitler dự định sẽ đưa từ Nga về Đức gần ba triệu nô lệ để thực hiện mọi công việc sản xuất... Y cũng dự định sẽ chia nhỏ nước Nga khổng lồ thành hai mươi hoặc ba mươi quốc gia khác nhau mà không quan tâm gì đến tất cả những mối liên hệ kinh tế bên trong nước.
 
  Tin tức về nước Nga là của một người trong giới thân cận của Goring. Nói chung, tin tức đó thuần tuý có tính chất quân sự và được những người trò chuyện với "Người Aryan" xác nhận. Anta".
 
  Cần lưu ý rằng đây là tin tức chính xác đầu tiên của điệp viên về những hướng tấn công sắp tới của quân đội Đức.
 
  Ngày 22 tháng 6, nhân viên sứ quán Xô Viết không được phép đi lại trong thành phố nữa và do đó, các điệp viên nằm vùng trong sứ quán bị mất liên lạc với mạng lưới điệp viên của mình. Như ta đã biết, chỉ riêng A. Corotcov, nhân viên Cục Tình báo Nước ngoài Bộ Nội vụ Xô Viết, là vào được thành phố và gặp gỡ với các điệp viên thuộc "Dàn đồng ca đỏ". Còn mạng lưới điệp viên của tình báo quân sự thì không có người liên lạc.

  Mạng lưới điệp viên của "Anta" có trong tay điện đài và nhân viên điện đài K. Sulse. Trong những tháng đầu tiên sau khi chiến tranh bùng nổ, khi điện đài còn hoạt động, Sulse vẫn truyền tin tức về Trung Tâm. Vào mùa thu năm 1941, ông thiết lập được liên lạc với G. Coppi, nhân viên điện đài của mạng lưới điệp viên Bộ Nội vụ do A. Harnac (tức "Người đảo Corse"), Schulze-Boysen (tức "Anh cả") và A. Cuckhov (tức "Ông lão") lãnh đạo. Tuy nhiên, cả Coppi cũng mất liên lạc với Moscva, bởi vì điện đài của anh bị hỏng. Các nhân viên điện đài cùng hợp sức tìm cách sửa chữa điện đài nhưng không thành công.

  Lo lắng trước sự im lặng của các điện đài, ban lãnh đạo Cục Tình báo nước ngoài thuộc Bộ Nội vụ Xô Viết và Tổng cục Tình báo thoả thuận sẽ hợp tác với nhau. Những mệnh lệnh về vấn đề này được ký vào ngày 11 tháng 9 năm 1941 và đến ngày 11 tháng 10 thì một bức điện được gửi đi cho người lãnh đạo hệ thống điệp viên bí mật ở Brussel là A. Gurevich (tức "Kent") đề nghị ông đến Berlin để thu xếp đường dây liên lạc.

  Gurevich gặp Schulze-Boysen, lấy những tin tức mới được thu thập và chuyển cho Schulze-Boysen hệ thống mật mã mới. Sau khi trở về Brussel, Gurevich chuyển về Trung Tâm những tin tức mà ông nhận được. Nhưng vì các nhân viên điện đài của ông làm việc nhiều giờ liên tục trong suốt những ngày 21, 23, 25, 26, 27 và 28 tháng 11 năm 1941 nên mật mã của họ bị giải và họ bị bắt. Bản thân Gurevich khi ấy cũng may mắn lắm mới chạy thoát. Tuy nhiên, Gestapo đã bắt được những bức điện mã hoá đang được đánh đi vì các nhân viên điện đài không kịp tiêu huỷ. Quả thật là mãi đến tháng 8 năm 1942, bọn Đức mới giải mã được bức điện ngày 11 tháng 10 năm 1941 có ghi địa chỉ những nhân vật mà Gurevich phải gặp khi đến Berlin. 

  Việc sử dụng mạng lưới điệp viên của "Kent" không phải là biện pháp duy nhất trong nỗ lực thiết lập liên lạc với mạng lưới điệp viên của "Anta".

  Vào tháng 4 năm 1942, một nhân viên của mạng lưới điệp viên ở Stockholm là "Adam" thiết lập được liên lạc với Sulse. Sulse báo cáo là điện đài không hoạt động được do bị hỏng và do thiếu pin dự trữ.

  Moscva liền quyết định dùng máy bay tung vào Đức hai điệp viên đem theo điện đài. Họ phải bắt liên lạc với các nhóm "Anh cả" và "Anta" cũng như phải thu xếp lại đường dây liên lạc. Ngày mồng 5 tháng 8 năm 1942, hai điệp viên này nhảy dù xuống hậu phương phát xít tại khu vực Briansk.
 
  Một trong hai người - Albert Hessler  - có nhiệm vụ thiết lập liên lạc với nhân viên điện đài Sulse hoặc với các thành viên của nhóm Schulze-Boysen. Anh đã làm được việc này rồi cùng với Sulse tìm cách sửa chữa điện đài.
 
  Người thứ hai - Bart - được giao nhiệm vụ thiết lập liên lạc với điệp viên nằm vùng Leman (tức "Braitenbac") lúc đó đang làm việc trong cơ quan Gestapo. Nhưng vào thời điểm đó, Gestapo cũng đã lần ra được dấu vết họ.

  Đến tháng 8 năm 1942, các nhân viên giải mã của Gestapo đã có thể đọc được những bức điện mà chúng tịch thu được khi bắt giữ các nhân viên điện đài của "Kent". Kết quả là trong vòng hai tháng - tháng 8 và tháng 9 - tất cả các thành viên của "Dàn đồng ca đỏ" ở Berlin đều bị bắt. Ngày 12 tháng 9, cả Ilza Stiobe cũng bị bắt.

  Bart cũng bị bắt. Anh ta không chịu nổi những đòn tra tấn của Gestapo nên đã cung khai tất cả những gì anh ta biết. Anh ta còn đồng ý tham gia "trò chơi điện đài" với Moscva.

  Ngày mồng 8 tháng 10 năm 1942, một nhân viên Gestapo đọc cho anh ta gửi một bức điện về Moscva, trong đó anh ta nhân danh "Anta" đề nghị gửi tiền và những chỉ thị mới cho một điệp viên của "Anta" tại Bộ Ngoại giao Đức để khuyến khích người này hoạt động năng nổ trở lại.

  Tại Moscva, bức điện này không gây một chút ngờ vực nào. Giữa tháng 10, Trung Tâm cho hai điệp viên của Tổng cục Tình báo là Ern Ayfler và Henrich Coenen (Wilhelm Felendorg) nhảy dù xuống vùng Đông Phổ. Dưới danh nghĩa một người lính ngoài mặt trận đi nghỉ phép, Coenen đến Berlin với nhiệm vụ thiết lập mối liên lạc với "Anta" và "người Aryan". Để không bị nghi ngờ, Coenen đem theo tờ hoá đơn của fon Selia chứng nhận fon Selia vào năm 1938 đã nhận 6 nghìn rưởi dollar.

  Chiến dịch do Gestapo thực hiện đã cho phép chúng bắt được Ern rồi sau đó tổ chức mai phục tại căn hộ của Ilza Stiobe, kết quả là Henrich Coenen bị bắt. Tờ hoá đơn đã đóng vai trò tai hại và chỉ ít lâu sau thì fon Selia cũng bị bắt.

  Vài tháng trước khi bị bắt, Ilza Stiobe đã chuyển đến Berlin và làm trưởng văn phòng Berlin của tổ hợp báo chí Đức. Ngày nào chị cũng trò chuyện qua điện thoại với Stockholm, thủ đô của nước Thuỵ Điển trung lập. Nhưng chị không biết làm thế nào lợi dụng hoàn cảnh đó để liên lạc với Moscva.

  Chị biểu lộ "tinh thần ái quốc Đức" bằng cách xung phong ra mặt trận phía Đông làm phóng viên chiến tranh với hy vọng vượt qua được chiến tuyến. Chị được tuyên dương vì "tinh thần ái quốc" nhưng đề nghị của chị bị lịch sự từ chối. Và chị bị bắt vào nhà tù của Gestapo. Chị tỏ ra kiên cường và không cung khai bất kỳ thành viên nào trong nhóm chị.

  Ngày nào chị cũng bị đánh đập cho đến lúc ngất đi. Bọn đao phủ tưới nước lên người chị rồi lại tra tấn tiếp. Một phụ nữ cùng phòng giam với Ilza nhưng được sống sót kể lại rằng bà sửng sốt trước sự điềm tĩnh và sức chịu đựng của chị. Mỗi khi trở về phòng giam sau
cuộc hỏi cung, chị lại cố gắng mỉm cười! Một hôm, chị nói với bà:

  - Hôm nay, chúng lại không khai thác được gì ở tôi.

  Bọn Gestapo căm thù Ilza không chỉ bởi vì chị là kẻ thù của chúng. Chúng căm thù chị còn bởi vì không có chứng cớ trực tiếp nào để kết tội chị. Và đột nhiên, những chứng cớ đó đã xuất hiện...

  Vốn là một quý tộc, một sĩ quan kỵ binh và một kẻ tôn thờ phụ nữ, fon Selia không chịu nổi tra tấn và đã gục ngã. Ông ta cung khai tất cả những gì mà ông ta biết. Thật may mắn là ngoài Ilza, ông ta không biết một ai khác và bởi vậy, sự yếu đuối của ông ta chỉ gây hại cho riêng Ilza.

  Hai ngày trước khi xử án, chị được phép gặp mẹ và em trai. Họ không thể không rùng mình khi nhìn thấy khuôn mặt đau đớn và méo mó vì bị đánh đập của chị. Nhưng chị đã biết tin về những thắng lợi của Hồng quân ở Stalingrad và điều này đã tăng thêm sức mạnh cho chị.
Ngày 14 tháng 12 năm 1942, toà án quân sự đế chế tuyên án tử hình đối với Ilza Stiobe. Trong lời phát biểu cuối cùng, chị nói:

  - Tôi không làm điều gì phi nghĩa. Các ông kết án tử hình tôi là phi pháp.   

  Tối ngày 14 tháng 12, khi trở về từ phiên xử án cuối cùng, chị tâm sự với người nữ tù cùng phòng:

  - Giờ đây, mọi chuyện đều đã ở phía sau: tôi đã bị kết án tử hình. Giờ đây, đã có thể nói là tôi đã đứng vững, - mọi chuyện đều đã qua rồi. Tôi đã im lặng và nhờ đó ít nhất thì tôi đã cứu thoát được sinh mệnh của ba người đàn ông và một phụ nữ. 

  Trước hôm thi hành án tử hình vào ngày 21 tháng 12 năm 1942, chị viết cho mẹ: "Mẹ yêu quý, con cảm ơn mẹ vì mẹ đã thực hiện những ước nguyện cuối cùng của con. Mẹ đừng buồn mẹ nhé. Trong những trường hợp như thế này không có chỗ cho nỗi buồn. Và mẹ chớ mặc áo màu đen, con xin mẹ đấy".

  Đúng vào ngày hôm đó, Hitler ký sắc lệnh:
 
  "Quốc trưởng. Tổng hành dinh quốc trưởng. 21. 12. 1942.

  1. Tôi chuẩn y bản án của toà án quân sự đế chế ngày 14 tháng 12 năm 1942 dành cho cựu cố vấn chính thức Rudolf fon Selia và nhà báo Ilza Stiobe cũng như bản án của toà án quân sự đế chế ngày 19 tháng 12 năm 1942 dành cho thượng uý Harro Schulze-Boysen và những người khác...

  2. Đơn xin ân xá bị bác bỏ.

  3. Các bản án đối với Rudolf fon Selia, Harro Schulze-Boysen, Arvid Harnac, Kirt Schumacher và Johannes Graudenes sẽ được thi hành bằng cách treo cổ. Những bản án tử hình khác được thi hành bằng máy chém.
   ...

  Đã ký: Adolf Hitler.

  Tổng tham mưu trưởng bộ chỉ huy tối cao các lực lượng vũ trang: Keitel".

  Theo đúng bản án của toà án quân sự đế chế và sắc lệnh của Hitler, vào hồi 20 giờ 27 phút ngày 22 tháng 12 năm 1942, Ilza Stiobe bước lên máy chém trong nhà tù Pliotsenzi.

  Về phần những bạn chiến đấu của chị: "cha đỡ đầu" của chị là Rudolf Herrnstadt thì cho đến năm 1943, ông làm việc ở Moscva trong bộ máy của Cục Tình báo Xô Viết và Quốc tế Cộng sản. Năm 1943, ông tham gia vào việc thành lập Uỷ ban "Nước Đức tự do" và sau khi Hồng quân chiến thắng thì ông trở về Berlin. Tại Berlin, lúc đầu ông làm tổng biên tập tờ báo "Berline Saitung" rồi từ năm 1949 làm tổng biên tập tờ "Noies Doichland". Tiếp đó, ông được bầu làm ủy viên BCHTƯ rồi ủy viên Bộ Chính trị BCHTƯ Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức. Nhưng đến ngày 26 tháng 6 năm 1953, ông bị khai trừ ra khỏi Bộ Chính trị và BCHTƯ và đến năm 1954 thì bị khai trừ khỏi Đảng. Sau đó, ông làm việc trong cơ quan lưu trữ trung uơng của cộng hòa dân chủ Đức.

  Gerhard Kegel chỉ bị theo dõi chứ không bị bắt. Ông tiếp tục hoạt động bí mật chống phát xít. Sau năm 1945, ông làm tổng biên tập tờ "Berline Saitung" và lãnh đạo nhà xuất bản, tiếp đó, trong bộ máy BCHTƯ Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức, ông phụ trách những vấn đề về chính sách đối ngoại, rồi sau đó làm đại diện của cộng hòa dân chủ Đức tại LHQ với hàm đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Trong các hồi ký của mình, ông viết:
 
  "Một trong ba người đàn ông được Ilza Stiobe cứu mạng chính là tôi, còn người phụ nữ được chị cứu mạng là Sharlotta, vợ tôi và cũng là bạn chiến đấu của tôi".


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 29 Tháng Bảy, 2008, 08:29:17 pm
69 - NICOLAI CUZNESOV (1911 - 1944)
Điệp viên hành động



  Hai tiếng "huyền thoại" ít khi được áp dụng cho một ai đó. Nhưng cụm từ "người điệp viên huyền thoại" thường được nghe thấy khi người ta nói đến Nicolai Cuznesov.

  Nicolai Cuznesov sinh ngày 27 tháng 7 năm 1911 tại làng Dưrianca thuộc tỉnh Sveclov. Anh học phổ thông, học trường trung cấp kỹ thuật rồi làm kiểm lâm. Nói chung, thời kỳ đầu cuộc đời anh không có gì đặc biệt, ngoại trừ việc anh có năng khiếu tiếng Đức đến kỳ lạ. Anh không chỉ đọc hết  sách tiếng Đức tại các thư viện địa phương, anh còn chuyện trò với con cái những kiều dân Đức và với thầy giáo dạy lao động vốn cũng là người Đức. Về sau, anh còn nói được tất cả các thổ ngữ Đức như một người Đức thuần chủng, như một người sinh trưởng và lớn lên tại một tỉnh nào đó ở Đức. Ngoài tiếng Đức, anh còn biết quốc tế ngữ, tiếng Ba Lan và một vài thứ tiếng khác.
Trong thời gian Cuznesov làm việc tại một đơn vị trồng rừng, các sếp của anh phạm tội biển thủ nên phải chịu những mức án tù giam khác nhau. Bản thân anh vì tội "trễ nải công việc" cũng phải chịu kỷ luật cải tạo lao động tại nơi làm việc và trừ lương. Hình thức kỷ luật này mãi đến sau chiến tranh mới được bãi bỏ vì thiếu "cấu thành tội phạm".

  Năm ngoài hai mươi tuổi, sau khi lên Moscva, Cuznesov bắt đầu thực hiện những nhiệm vụ của công tác phản gián, anh chịu trách nhiệm phát hiện những điệp viên "nằm vùng" trong sứ quán Đức ở Moscva. Khi tiếp xúc với những điệp viên này, anh nhanh chóng hấp thụ tất cả những gì hữu ích cho anh về sau: phong thái của họ, thói quen, lối nghĩ, kiểu đùa và những mẩu chuyện tiếu lâm của họ. Nhưng anh cũng đem lại lợi ích không nhỏ cho cơ quan phản gián. Nhờ sự giúp đỡ của anh, cơ quan phản gián Xô Viết đã chiêu mộ được một người Đức tên là Crio và người này đã cung cấp nhiều thông tin quý giá, kể cả mật mã của sứ quán Đức. Một nhân vật nữa cũng được cơ quan phản gián Xô Viết chiêu mộ là Flegel, thư ký riêng của đại sứ Đức. Với những người Đức cần tạo dựng quan hệ, Cuznesov vào vai một người Đức mang tên Rudof Smith. Kẻ mê nhà hát và balê Rudolf Smith quen biết nhiều nữ diễn viên balê, những cô gái sẵn sàng sử dụng thời gian một cách dễ chịu với anh và với "bạn bè" của anh. Hiển nhiên là những cuộc gặp gỡ này hoàn toàn do cơ quan phản gián Xô Viết đạo diễn và giám sát.
 
  Nhưng chiến tranh đã bùng nổ vào ngày 22 tháng 6 năm 1941. Cuznesov không làm công tác phản gián nữa mà chuyển sang làm điệp viên thuộc Cục Phá hoại-trinh sát thuộc Bộ Nội vụ Liên Xô. Anh theo một khoá huấn luyện đặc biệt trong vòng hơn một năm trời. Và vì cấp trên quyết định tung anh vào hậu phương kẻ thù dưới lớp vỏ một sĩ quan Đức tên là Paul Giberg nên anh phải học tất cả những gì mà viên thượng uý Paul Giberg giả ấy phải biết: cách xử sự, cách ăn mặc (quân đội Đức có tới mười bốn kiểu quân phục được quy định nghiêm ngặt cho mọi trường hợp của cuộc sống), cách xưng hô và tiếp xúc với thượng cấp, đồng cấp và hạ cấp, cùng hàng nghìn thứ khác. Anh nghe đài Đức, đọc báo chí Đức, xem phim Đức, học các bài hát Đức. Để thông thạo tất cả những thứ đó và thâm nhập được vào nếp sinh hoạt của người Đức, anh được gửi vào một trại tù binh Đức, nơi anh trải qua một cuộc khảo sát hết sức nghiêm khắc trong môi trường của những tù binh này. Tại đây, anh nắm vững tiếng lóng của binh lính và sĩ quan Đức, anh biết rằng "Máy khâu" là loại máy bay Xô Viết U-2, còn tấm huy chương trên dải băng đỏ "Vì cuộc hành quân mùa đông sang phương Đông" được gọi là "thịt đông". Cuối cùng, anh đã chuẩn bị xong xuôi cho việc thực hiện sứ mệnh của mình. Dưới đây là lời kể lại của một bác sĩ Xô Viết hoạt động trong một đội du kích khi ông vô tình nhận ra anh trong bộ quân phục Đức: "... Tôi không tin vào mắt mình nữa. Anh kiêu hãnh hất mạnh đầu,  hàm dưới nhô ra, nét mặt lộ vẻ khinh miệt đầy ngạo nghễ. Thoạt đầu, tôi thậm chí cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy anh như vậy. Để phá tan ấn tượng đó, tôi hỏi đùa anh:

  - Anh cảm thấy thế nào trong bộ da này?

  Anh nhìn tôi từ đầu đến chân bằng ánh mắt như muốn giết chết tôi, khinh bỉ hạ khoé miệng xuống rồi nói bằng một giọng mũi như tiếng sủa:

  - Альзо, нихт зо ляут, герр артц - Thưa ngài bác sĩ, đừng nói to như vậy.

  Hơi lạnh toả ra từ viên sĩ quan kiêu ngạo này. Tôi cảm thấy bằng cả cơ thể cái khoảng cách mà anh đẩy tôi ra xa anh. Một năng khiếu thay hình đổi dạng đáng kinh ngạc".

  Sau khi chiến tranh bùng nổ được ít lâu, cơ quan tình báo Xô Viết bắt đầu tung vào hậu phương Đức những nhóm nhỏ được huấn luyện đặc biệt do các điệp viên chuyên nghiệp lãnh đạo. Một số nhóm làm công tác phá hoại, một số nhóm khác chuyên thu thập những tin tức quân sự. Nhiều nhóm trở thành hạt nhân của các đội du kích.

  Người lãnh đạo một trong những nhóm đó là Dmitri Metvedev. Ngày 25 tháng 8 năm 1942, Nicolai Cuznesov được máy bay thả dù xuống để gia nhập nhóm của Metvedev.

  Anh có một nhiệm vụ đặc biệt mà ngoài chỉ huy ra, không một ai được biết. Trong chiếc ba lô của Grachev (đó là tên trong đội du kích của người trinh sát mới đến) có một số vật dụng khác thường: một bộ quân phục Đức bọc trong chiếc áo mưa bằng vải nhựa, một chiếc ví đựng các loại giấy tờ khác nhau đều đề tên là thượng uý Paul Giberg nhưng lại dán ảnh Grachev, một tập dày tem Đức, một khẩu súng lục parabenlom có băng đạn dự trữ, các vật dụng vệ sinh cá nhân và rất nhiều những đồ vặt vãnh có thể cần thiết cho một sĩ quan Đức khiêm nhường.
 
  Nhiệm vụ của Cuznesov, cũng tức là Grachev và Paul Giberg, là thực hiện việc trinh sát trong thành phố Ucraina Rovno bị quân Đức phát xít chiếm đóng. Thành phố này không phải ngẫu nhiên mà được lựa chọn: trong thành phố có tới hai trăm bốn mươi ba cơ quan hậu phương của Đức hoạt động, những dòng tin tức hết sức đa dạng và quan trọng từ khắp mọi miền của sườn phía Nam mặt trận Xô - Đức đổ dồn về những cơ quan đó. Về thực chất, thành phố có bốn mươi nghìn dân này đã bị quân Đức biến thành "thủ đô" của nước Ucraina bị chiếm đóng.
 
  Và đây là chuyến đi đầu tiên vào thành phố bị chiếm đóng. Phải đặt mình vào vị trí của anh thì mới có thể hiểu được phần nào những cảm xúc của anh khi mặc quân phục Đức đi trên những đường phố đầy binh lính và sĩ quan phát xít. Khi cấp dưới chào thì phải đáp lại, còn khi gặp cấp trên thì phải chủ động giơ tay chào. Nhỡ có tên nào chặn anh lại và hỏi một câu gì đó ma mãnh thì sao? Nhỡ có tên nào hỏi giấy tờ anh thì sao? Nhỡ có tên nào nhận thấy một cái gì đó khác thường trên toàn bộ diện mạo anh thì sao?

  Đột nhiên anh gặp đội tuần tra. Chúng chặn anh lại. Viên sĩ quan chăm chú đọc giấy tờ của anh rồi ngước mắt nhìn anh.

  - Tại sao anh vi phạm quy định mặc quân phục?

  "Mình có gì không đúng quy định nhỉ? - Cuznesov thoáng nghĩ - Mọi thứ đều đúng như trên ảnh Giberg thật đấy chứ...".

  - Anh đội mũ ca-lô. Mà chỉ ngoài mặt trận mới được đội mũ ca-lô. Anh phải đội lưỡi trai mới đúng.

  - Nhưng tôi vừa trở về từ quân y viện ngoài mặt trận, tôi đang đi tìm mua mũ lưỡi trai đây.

  - Thế thì được. Anh có thể đi. Chớ vi phạm quy định nữa đấy.

  Mỗi chi tiết, mỗi tiểu tiết, mỗi nét trong tiểu sử của viên sĩ quan Dinbec thật đã chết ngoài mặt trận mà anh mượn tên tuổi, giấy tờ cùng quá khứ của y, tất cả đều cực kỳ quan trọng. Không được phép phạm bất kỳ sai sót nào.

  Dần dần Paul Giberg đã nhập được vào cuộc sống ở Rovno, anh có những căn phòng bí mật, có những người giúp đỡ. Anh có nhóm điệp viên riêng của mình gồm người đánh xe, người lái xe, các liên lạc viên. Xe ô tô thì anh "mượn tạm" của một đơn vị Đức rồi cho sơn màu khác và thay biển số. Anh có cả "người yêu" là Valia Dovghe. Thông qua cô bạn gái của mình, Valia làm quen với một nhân viên Gestapo tên là Leo Metco rồi giới thiệu y làm quen với Paul Giberg. Leo Metco dẫn anh đi gặp những sĩ quan Đức khác và ít lâu sau phạm vi quen biết của anh đã mở rộng. Nhờ đó, anh thu thập được những tin tức quý giá.

  Một hôm, Cuznesov báo tin cho Metvedev biết rằng vào ngày 20 tháng 4 năm 1943, ở Rovno sẽ diễn ra cuộc duyệt binh nhân dịp ngày sinh Hitler, và trong cuộc duyệt binh này sẽ có mặt Eric Coc, toàn quyền Ucraina và là tên đao phủ đối với nhân dân Ucraina. Cuznesov sẵn sàng thực hiện hành động báo thù bằng mọi giá. Metvedev đồng ý. Cuznesov cùng Valia len lỏi đến sát khán đài. Nhưng Coc đã không đến dự cuộc duyệt binh.

  Sau đó ít lâu, Valia nhận được tin cô sắp bị đưa sang Đức. Lấy cớ trao đơn xin cho người yêu được ở lại Rovno, Cuznesov cùng Valia đến gặp Coc tại buổi tiếp dân. Đây lại là một cơ hội nữa thanh toán y. Nhưng không thể bắn y được bởi vì trong phòng khách có hai tên SS đứng hai bên y, còn dưới chân y là một con chó săn to theo dõi từng bước đi của Cuznesov. Việc mưu sát Coc không thành. Y sống sót cho đến những ngày cuối chiến tranh. Năm 1959, y bị một toà án Ba Lan kết án. Y sống phần đời còn lại trong tù và chết năm 1986.

  Cuộc trò chuyện với Coc không phải là vô ích. Coc thấy mến viên thượng uý "đã từng chiến đấu tại vùng Curxc" và y cho biết là bộ chỉ huy quân đội Đức đang chuẩn bị phục thù trận thất bại ở Stalingrad, nơi mà Dinbec cũng đã từng chiến đấu. Tin này được thông báo về Moscva đã củng cố thêm những tin tức khác về việc quân đội Đức di chuyển đến vùng vòng cung Curxc.

  Trong số những người quen của Paul Giberg có một nhân viên cơ quan phản gián Đức tên là Unrich fon Orten. Chính y đã nói hở cho anh biết về kế hoạch mưu sát những nhân vật tham gia hội nghị "Tam cường" ở Teheran là nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin, Tổng thống Mỹ Roosevelt và Thủ tướng Anh Churchill. Bản thân Unrich fon Orten biến mất khỏi Rovno sau khi tung tin đồn là y đã tự sát.

   


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 29 Tháng Bảy, 2008, 08:29:33 pm
  Những công việc quan trọng nhất đang chờ Paul Giberg ở phía trước.

  Đối với anh, chỉ thu thập và truyền tin tức đi là chưa đủ. Anh khao khát chiến đấu, anh cho rằng sự nghiệp của anh là tiêu diệt bọn đầu sỏ phát xít. Tên phó thứ nhất của Eric Coc là Paul Dacghen. Metvedev cho phép Cuznesov tiêu diệt tên này. Valia làm việc trong uỷ ban quân quản tỉnh nên đã nghiên cứu được tỉ mỉ thời gian biểu của y: ngày nào cũng vậy, đúng 14 giờ 30 phút là Dacghen đi ăn trưa, cùng đi với y là viên sĩ quan tuỳ tùng với chiếc cặp các tông đựng tài liệu màu đỏ cặp dưới nách.
 
  Ngày 20 tháng 9, một chiếc xe đỗ lại cạnh toà nhà của uỷ ban quân quản Đức. Đúng 14 giờ 30 phút, một nhân vật quan trọng bước ra khỏi nhà, có một viên sĩ quan cắp chiếc cặp da màu đỏ tháp tùng. Hiển nhiên đó chính là Dacghen. Cuznesov bước xuống xe, nổ liền hai phát súng trực diện. Hôm sau anh mới biết hai kẻ bị bắn chết là viên cố vấn cao cấp Hans Ghen và viên sĩ quan tuỳ tùng của y.

  Thất bại đó khiến Cuznesov rất đau khổ. Bởi lẽ mọi thứ đều trùng hợp: cũng đúng thời gian ấy, cũng có viên sĩ quan tháp tùng, tuy quả thật là chiếc cặp tài liệu kia không phải bằng các tông mà bằng da.

  Ngày 30 tháng 9, tức là mười ngày sau, cũng tại địa điểm ấy, Cuznesov ném lựu đạn vào Dacghen. Và lại thất bại. Dacghen chỉ bị thương và rồi được máy bay đưa về Berlin. Một mảnh lựu đạn làm chính Cuznesov cũng bị thương. Anh và người lái xe của anh là Xtrutinxki kịp chạy trốn. Đội bảo vệ Đức đuổi theo họ nhưng chúng bắt nhầm một chiếc xe khác chở một viên thiếu uý Đức. Trước khi sự nhầm lẫn được sáng tỏ, viên thiếu uý Đức bị đánh một trận thừa sống thiếu chết.

  Ngày mồng 10 tháng 11 năm 1943, Cuznesov và Xtrutinxki dùng súng máy bắn chết một viên phó khác của Coc là tướng Herman Cơnut. Nhưng Coc còn một "bạn chiến đấu" thân cận nữa là viên tướng SS Anfred Funco, chánh án toà án tối cao Ucraina. Tại đây, cũng như trước đó ở Tiệp Khắc, Anfred Funco đàn áp dã man tất cả những ai bị y coi là "kẻ thù của đế chế".

  Ngày 17 tháng 11 năm 1943, Cuznesov tạt vào phòng tiếp khách  của Funco giữa lúc y đang cạo râu tại hiệu cắt tóc gần đó. Cuznesov vừa trò chuyện thân ái với cô nữ thư ký vừa nhìn qua cửa sổ, đợi tín hiệu của người trợ lý đang đứng ngoài phố quan sát cửa hiệu cắt tóc kia. Cuối cùng, tín hiệu phát ra. Funco đã cạo râu xong. Cuznesov đề nghị cô thư ký lấy cho anh nước uống. Cô ta bước ra, còn Cuznesov tranh thủ lúc đó lẻn vào phòng làm việc của Funco. Khi cô thư ký quay lại thì trong phòng khách không còn ai. Đúng lúc đó Funco xuất hiện và đi vào phòng làm việc. Y vừa bước vào thì hai phát súng vang lên.
 
  Cuznesov bình tĩnh thu thập đống giấy tờ trên bàn rồi bước qua phòng khách, không để ý gì đến cô thư ký đang cực kỳ sửng sốt. Khi ra khỏi  nhà, Cuznesov nhìn thấy hai chiếc xe chở đầy lính Đức. Chúng ngạc nhiên nhìn lên ô cửa sổ ở tầng hai là nơi vọng ra hai tiếng súng. Cuznesov thản nhiên nhìn lên cửa sổ cùng với chúng. Anh rẽ vào một góc phố và ngồi lên chiếc xe đã đợi sẵn.

  Một trong những vụ khôn khéo và táo bạo của Cuznesov là bắt cóc viên tướng Đức Fon Inghen, tư lệnh các đơn vị đặc biệt.

  Y sống trong một ngôi nhà riêng biệt. ở cổng bao giờ cũng có lính gác và trong nhà bao giờ cũng có trực nhật. Ngoài ra, trong nhà còn có bốn tên lính bảo vệ. Nhưng Cuznesov đã chọn đúng thời điểm viên tướng phái những tên lính này về Berlin "công tác", chính xác hơn là để chở của cải mà y ăn cướp được ở Ucraina về Đức.

  Vào ngày đã định, Cuznesov, Xtrutinxki và một trợ tá nữa của anh là Caminxki lái xe đến ngôi nhà của Inghen.

  Nhìn thấy Cuznesov mặc quân phục sĩ quan, tên lính gác ưỡn thẳng người đứng chào. Cuznesov và hai người cùng đi bước vào nhà.
Viên trực nhật vội vã chạy ra đón.

  - Tướng quân sắp về rồi đấy ạ, - y báo cáo.

  Thấy nòng khẩu súng lục chĩa vào mình, viên trực nhật bất lực đổ xuống sàn nhà. Cuznesov khám xét y, nhưng trong người y không thấy có vũ khí. Họ gọi tên lính gác vào nhà và trước vũ khí của y. Xtrutinxki thay y đứng gác ngoài cổng.

  Cuznesov bắt đầu lục soát toàn bộ ngôi nhà. Anh thu thập mọi giấy tờ, kể cả thư từ cá nhân để về sau nghiên cứu. Họ còn tìm thấy một khẩu súng máy và hai khẩu súng lục. Cuznesov lấy cả khẩu súng săn của Inghen để làm quà tặng cho Metvedev.
 
  Đột nhiên, viên trực nhật tên là Lucovxki đang ngồi bệt trên sàn nhà bỗng lên tiếng:

  - Ngài thượng uý, đồng chí chỉ huy... Hãy cho phép tôi quay trở lại vọng gác, nếu không sắp đến giờ thay gác rồi, có thể gây náo loạn mất.

  Cuznesov thoáng thầm tính toán trong óc rồi đồng ý. Kể cũng liều lĩnh thật, nhưng anh cảm thấy Lucovxki không đánh lừa anh. Hơn nữa, khẩu súng của y đã lấy đạn ra rồi, còn Xtrutinxki thì đang lăm lăm khẩu súng máy trong tay, chăm chú theo dõi từng hành động của y.

  Đúng vài phút sau, vang lên tiếng động cơ, một chiếc xe chạy đến ngôi nhà.

  Viên tướng Inghen bốn mươi hai tuổi, nặng nề, phục phịch, bước vào nhà. Vào đến phòng khách, y sửng sốt khi nhìn thấy ba người lạ mặt. Nhưng y lập tức hiểu ra và lao vào Cuznesov. Một mình Cuznesov không giải quyết nổi Inghen, Caminxki và Xtrutinxki phải đến trợ giúp, ngay cả viên trực nhật Lucovxki cũng ôm chặt lấy hai chân Inghen. Caminxki trói hai tay y lại, nhưng trói không được chặt, anh nhét một nắm giẻ vào mồm y, nhưng cũng khá vụng về.

  Khi Inghen bị dẫn ra ngoài nhà, y rút được hai tay ra, đấm vào mặt Caminxki, rồi lôi được nắm giẻ ra, kêu váng lên bằng tiếng Đức:

  - Cứu tôi với! Cứu tôi với!

  Đúng lúc đó có bốn viên sĩ quan Đức hiện ra gần ngôi nhà. Xử trí với chúng thế nào đây? Bắn nhau ư? Nhưng sẽ náo động mất. Cuznesov chợt nhớ đến chiếc huy hiệu Gestapo mà anh mang theo từ Moscva nhưng chưa lần nào sử dụng đến.

  Anh liền lấy chiếc huy hiệu ra, giơ cho mấy viên sĩ quan nhìn thấy và nói rằng đã bắt giữ được một tên cướp mặc quân phục Đức, rồi anh đề nghị chúng xuất trình giấy tờ. Sau khi kiểm tra giấy tờ xong, anh đề nghị ba tên có thể tiếp tục đi, còn tên thứ tư - tên này là lái xe riêng của Eric Coc - thì anh đề nghị ở lại làm nhân chứng.

  Như vậy, họ đã có được hai thành công cùng một lúc: ngoài viên tướng Inghen, họ còn bắt được một kẻ có thể khai thác được nhiều thông tin.

  Cuznesov còn gián tiếp tham gia vụ tiêu diệt một tên đao phủ khác là viên tướng Prixman, chỉ huy trưởng một chiến dịch càn quét. Chính Cuznesov đã thông báo mọi chi tiết liên quan đến chiến dịch này và do đó tạo điều kiện cho các chiến sĩ du kích tổ chức mai phục Prixman.

  Trước sức tấn công mạnh mẽ của quân đội Xô Viết, tất cả các cơ quan của Đức đều sơ tán từ Rovno đến Lvov. Cả Cuznesov cũng chuyển địa bàn hoạt động đến Lvov, nhưng giờ đây anh không còn là thượng uý nữa mà đã là đại uý. Việc thay cấp như vậy là cần thiết để đánh lạc hướng chú ý bởi lẽ cảnh sát Đức từ lâu đã lùng tìm một sĩ quan đáng ngờ cấp thượng uý.

  Tại Lvov, Cuznesov thực hiện được một hành động báo thù nữa, lần này là viên phó thống đốc vùng Galaxi tên là Otto Bauer. Anh và các đồng chí của anh đã bắn tan chiếc xe chở y và tiêu diệt tất cả những kẻ ngồi trên xe. Trong bản cáo phó đăng trên báo chí phát xít có viết: "Tướng Otto Bauer đã hy sinh vì Quốc trưởng và đế chế".

  Cuznesov không thể ở lại trong lòng kẻ thù lâu hơn nữa. Cùng với Belov và Caminxki, anh lên đường ra trận tuyến để gặp quân đội Xô Viết. Nhưng khi đến làng Bôriatin thuộc tỉnh Lvov, họ bất ngờ chạm trán với một đơn vị quân Đức. Một trận giao chiến không cân sức đã xảy ra. Sau khi chiến đấu đến kiệt sức, họ dùng lựu đạn tự sát để khỏi rơi vào tay kẻ thù.

  Sau khi Cuznesov hy sinh, người ta đã đọc được bức thư để trong chiếc phong bì gắn kín có đề dòng chữ: "Mở ra sau khi tôi chết". Bức thư viết:

  "Hồi 24 giờ 05 phút ngày 25 tháng 8 năm 1942, tôi đã nhảy dù từ trên bầu trời xuống để thẳng tay trả thù cho máu và nước mắt của những người mẹ và những người anh em đang rên xiết dưới ách chiếm đóng của quân phát xít Đức.

  Tôi đã nghiên cứu kẻ thù trong vòng mười một tháng bằng cách sử dụng quân phục sĩ quan Đức, tôi cũng đã tìm cách xâm nhập vào hang ổ của Eric Coc, tên bạo chúa Đức ở Ucraina.   
 
  Giờ đây, tôi chuyển sang hành động.

  Tôi yêu quý cuộc đời, tôi còn rất trẻ, nhưng nếu cần hy sinh cho Tổ quốc mà tôi yêu quý như mẹ đẻ của tôi, tôi sẽ sẵn sàng hy sinh. Hãy để cho bọn Đức biết một người Nga yêu nước và một người bolsevich có thể làm được những gì. Hãy để cho chúng biết rằng chúng không thể khuất phục nổi nhân dân Xô Viết, hệt như không một ai có thể thể dập tắt được mặt trời.

  Dù tôi có chết nhưng những người yêu nước bao giờ cũng bất tử trong trí nhớ của nhân dân tôi. "Dù ngươi có chết nhưng trong bài hát ca ngợi những con người dũng cảm và mạnh mẽ, ngươi sẽ mãi mãi là tấm gương sống động kêu gọi mọi người vươn tới tự do và ánh sáng!... "Đấy là tác phẩm của Gorki mà tôi hết sức yêu thích. Mong sao thanh niên chúng ta đọc tác phẩm này nhiều hơn nữa... Cuznesov của các bạn".

  Ngày mồng 5 tháng 11 năm 1944, Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô ra sắc lệnh trao tặng cho Nicolai Cuznesov danh hiệu Anh hùng Liên Xô.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 30 Tháng Bảy, 2008, 05:19:16 pm
70 - KLAUSE  FUCHS (1911 - 1988)
Khi bác học nguyên tử làm điệp viên

(http://www-tc.pbs.org/wgbh/nova/venona/images/inte_fuchs.jpg)

  Klause Fuchs sinh ngày 29 tháng 12 năm 1911 tại thị trấn Rutsenhaymer gần Damstat trong gia đình giáo sư thần học Emin Fuchs, một tín đồ Tin lành nhiệt thành theo chủ nghĩa hoà bình.

  Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông theo học trường đại học Leipsig và tại đây, ông trở thành thành viên Đảng Xã hội Đức. Năm 1931, cũng như các anh chị em của ông, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đức. Khi Hitler lên nắm chính quyền, Đảng Cộng sản Đức bị cấm hoạt động và rút lui vào bí mật. Gestapo truy lùng những đảng viên tích cực, trong đó có Klause Fuchs. Vào tháng 7 năm 1933, ông buộc phải di cư sang Pháp rồi sang Anh. Hai vợ chồng người chị gái Elizaveta và hai vợ chồng người anh trai Gerhar của ông chạy sang Tiệp Khắc, còn cô em gái Cristen thì sang Mỹ.
 
  Tại thành phố Briston nước Anh, Klause sống ở nhà Ronan Han, một người bạn của Liên Xô và cũng là một nhà công nghiệp nổi tiếng. Nhờ sự giúp đỡ của Ronan, ông được nhận vào làm thực tập sinh tại phòng thí nghiệm của nhà vật lý Nevin Mote.

  Tháng 12 năm 1936, Klause bảo vệ luận án tiến sĩ. Sau đó, ông làm việc tại phòng thí nghiệm của giáo sư Marse Borner, tại đây ông viết được một loạt công trình khoa học. 

  Vào tháng 5 năm 1940, khi nước Anh đứng trước nguy cơ bị Đức phát xít xâm lược, Klause bị quản thúc vì ông là người Đức. Ông bị đưa sang Canada là nơi ông phải sống rất khốn khổ trong trại tập trung ở Quebec. Nhờ các bạn bè trong giới khoa học chạy chọt, ông được trả tự do vào cuối tháng 12 năm 1940 và trở về Anh.

  Vào thời gian đó, ở Anh đang nghiên cứu đề án chế tạo bom nguyên tử mang mật danh "Tube Alloy" có sự tham gia của nhiều nhà khoa học lớn. Giáo sư Paiec, một trong những người lãnh đạo đề án này, đã có dịp làm quen với những công trình nghiên cứu của Klause. Giáo sư công nhận Klause là một nhà khoa học tài năng nên đã mời ông tham gia đề án, bất chấp quan điểm chính trị của ông.
Năm 1942, Klause được nhận quốc tịch Anh và bắt đầu tham gia những công việc tuyệt mật. Ông được phép tiếp cận những tài liệu của tình báo Anh, trong đó có những tài liệu về việc tiến hành những công trình nghiên cứu tương tự ở Đức, nơi tình báo Anh có một điệp viên giá trị là nhà khoa học Paul Rosbawer.

  Sau khi Đức tấn công Liên Xô, dư luận Mỹ và Anh đòi hỏi chính phủ hai nước này giúp đỡ Hồng quân và mở mặt trận thứ hai. Nhưng giới lãnh đạo Mỹ và Anh lần lữa mãi.

  Vốn là người bạn chân thành của Liên Xô và kẻ thù của chủ nghĩa Quốc xã, Klause Fuchs không cam chịu tình hình này. Vào cuối năm 1941, ông đến sứ quán Liên Xô ở Anh thông báo về những công trình nghiên cứu tuyệt mật đang tiến hành và tỏ ý sẵn sàng chuyển những tin tức này cho Liên Xô. Khi biết về chuyến thăm viếng này, đại sứ Maixki không chuyển Klause cho điệp viên nằm vùng của Bộ Nội vụ Liên Xô là Gorxki mà chuyển ông cho điệp viên nằm vùng của Cục Tình báo Xô Viết.
 
  Vậy là Klause bắt đầu hợp tác với tình báo Xô Viết. Lúc đầu, mối liên lạc bí mật với ông được thực hiện thông qua nữ tình báo viên Xô Viết Rut Kusinxki. Trong khoảng thời gian những năm 1942 - 1943, cứ ba - bốn tháng họ gặp nhau một lần, và Klause bao giờ cũng có những tin tức giá trị để thông báo. Hơn nữa, đấy là những tin tức về công việc mà ông trực tiếp có liên quan. Ông không bao giờ tiết lộ những bí mật của người khác.   

  Tin tức của Klause vào thời gian đó thường lặp lại những gì mà các nhà khoa học Xô Viết đã biết, nhưng nó xác nhận rằng Mỹ và Anh đã bắt tay vào việc xây dựng những công trình công nghiệp để chế tạo vũ khí nguyên tử.

  Cuối năm 1943, người lãnh đạo các công trình nghiên cứu của Mỹ trong lĩnh vực này là Robert Oppenheime do được biết những công trình khoa học của Klause từ trước và đánh giá rất cao những công trình đó nên đã đề nghị đưa ông vào thành phần phái đoàn Anh tham gia chương trình "đề án Manhattan" nhằm chế tạo bom nguyên tử.

  Sau khi đến Mỹ, Klause được tình báo Xô Viết giới thiệu với điệp viên nằm vùng của Bộ Nội vụ Liên Xô tại Mỹ là Hari Hondo (tức "Raimon"), hai bên thường xuyên gặp nhau trong vòng năm tháng trời. "Raimon" chuyển những tin tức nhận được cho điệp viên Xô Viết Anatoli Iancov.

  Nhưng rồi, Klause đột nhiên biến mất. Em gái của Klause cho "Raimon" biết rằng anh trai cô đã khẩn cấp đi đến miền "Đông Bắc Mỹ" nhưng không để lại địa chỉ. "Raimon" nhờ cô chuyển cho Klause một bức thư đề nghị ông lập tức nối lại liên lạc ngay sau khi trở về.
Địa điểm "Đông Bắc Mỹ" mà Klause khẩn cấp đến chính là thị trấn bí mật Lot Alamot. Tại đây, trong điều kiện tuyệt mật, bốn mươi nhăm nghìn nhà khoa học (trong đó có mười hai nhà khoa học được giải thưởng Nobel), kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân, và do những đơn vị quân đội đặc nhiệm bảo vệ đang làm việc. Người phụ trách "đề án Manhattan", tướng Grawser hãnh diện tuyên bố rằng "ngay cả chuột cũng không lọt vào nổi". Vậy mà tình báo Xô Viết đã lọt vào được. Cùng với Klause Fuchs, còn một vài người nữa cộng tác với tình báo Xô Viết làm việc tại đây, nhưng cho tới nay danh tính những người đó vẫn không được tiết lộ.

  Đến tháng giêng năm 1945, mối liên lạc với Klause lại được khôi phục. Ông chuyển cho tình báo Xô Viết những tính toán, kích thước và bản vẽ của "bé" - đấy là tên âu yếm mà những người chế tạo bom nguyên tử dùng để gọi loại vũ khí khủng khiếp này. Klause kiên quyết từ chối bất kỳ sự hỗ trợ vật chất nào và đề nghị không bao giờ nêu lại vấn đề này.
 
  Vào tháng 6 và tháng 9 năm 1945 còn diễn ra hai cuộc gặp gỡ quan trọng nữa với Klause: ông chuyển nhiều tin tức về các cuộc thử nghiệm và hoàn thiện bom uran và bom plutoni.

  Klause được đánh giá rất cao ở Lot Alamot. Người phụ trách ban lý thuyết trong "đề án Manhattan" là Hans Bet nói về ông như sau: "Klause Fuchs là một trong những người quý giá nhất của ban chúng tôi. Ông là một nhà khoa học xuất chúng, khiêm tốn, giàu năng lực, cần cù, đã góp phần to lớn vào chương trình Manhattan". 

  Tại Lot Alamot, ngay cả sau khi kết thúc chiến tranh vẫn tiếp tục công việc hoàn thiện bom nguyên tử và chế tạo bom khinh khí. Klause Fuchs tham gia vào hầu hết những đề án này.

  Vào tháng 6 năm 1946, chính phủ Anh quyết định chế tạo bom nguyên tử của riêng mình bởi vì người Mỹ không vội vã chia sẻ những bí mật của họ, đồng thời chính phủ Anh còn đề nghị những chuyên gia giỏi nhất trở về nước. Trong số đó có cả Klause Fuchs.

  Tại Anh, Klause được bổ nhiệm làm người đứng đầu ban lý thuyết của Trung tâm nghiên cứu khoa học nguyên tử ở Haruen. Ông trở thành thành viên của nhiều uỷ ban có liên quan đến vấn đề này, trong đó có uỷ ban phòng thủ chống vũ khí nguyên tử của Anh. Ông cũng tham gia việc giải quyết nhiều vấn đề có liên quan với việc xây dựng ngành công nghiệp nguyên tử.

  Tại Anh, Klause được cơ quan tình báo Xô Viết giới thiệu liên lạc với điệp viên của cơ quan tình báo nước ngoài Xô Viết là Alecxxandr Feclixov. Do tính chất của công việc, Feclixov phải tiếp thu những kiến thức trong lĩnh vực vật lý lý thuyết. Klause hiểu rõ những khó khăn của người điệp viên trẻ tuổi nên ông cố gắng thông báo tin tức dưới dạng dễ hiểu đối với anh. Chương trình của mỗi cuộc gặp gỡ với Klause đều được thảo luận và được phê chuẩn ở Moscva.

  Klause nói rằng căn cứ theo những câu hỏi mà ông được yêu cầu trả lời thì các nhà khoa học Xô Viết đang sắp sửa chế tạo được bom nguyên tử của riêng mình. Điều đó khiến ông rất vui mừng bởi vì nó sẽ góp phần củng cố hoà bình.     

  Tính tổng cộng thì từ mùa thu năm 1947 cho đến tháng 5 năm 1949, Feclixov đã có năm cuộc gặp gỡ rất hiệu quả với Klause, sau đó ông ngừng liên lạc. Sự việc này xảy ra sau khi Liên Xô cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên của mình.

  Các cơ quan an ninh Anh và Mỹ sửng sốt khi thấy Liên Xô chế tạo được bom nguyên tử nhanh như vậy và họ bắt đầu ráo riết tìm kiếm những nguồn rò rỉ các tin tức tuyệt mật. Trong quá trình truy lùng này, họ đã sử dụng lời khai của Gudenco, một kẻ phản bội là nhân viên mật mã của tuỳ viên quân sự Xô Viết ở Otawa (thủ đô Canada) cùng nhiều lời khai khác. Những lời khai đó cho thấy em gái của Klause là Cristen đã vài lần gặp gỡ một nhân vật lạ mặt. Trên cơ sở đó, vào tháng 9 năm 1949, Klause bắt đầu bị bí mật theo dõi. Vì cảm thấy bị theo dõi nên ông không tới những cuộc gặp gỡ nữa.

  Theo chỉ thị của Thủ tướng Anh Etli, cơ quan phản gián Anh bắt đầu tăng cường việc thẩm vấn Klause. Đồng thời, họ vẫn không tách ông khỏi công việc và bằng cách đó, khiến áp lực của các đồng nghiệp đối với ông tăng lên. Bởi lẽ, các đồng nghiệp của ông được họ cho biết là đang thẩm vấn ông và nghi ngờ ông hoạt động gián điệp.
 
  Vào những ngày đó, Klause đã phạm một sai lầm không thể tha thứ được: khi Xkinne, một người bạn ông hỏi ông là liệu có cơ sở nghi ngờ ông hoạt động gián điệp hay không thì ông đã không dứt khoát bác bỏ mà lại trả lời một cách mập mờ. Ông cũng cho rằng "Raimon" (tức Gondo) đã phản bội ông. Thấy che giấu mãi cũng vô ích, trong cuộc gặp gỡ với một nhân viên hàng đầu của cơ quan phản gián Anh là Scardon ngày 13 tháng 1 năm 1950, ông thừa nhận là mình đã trao cho Liên Xô những tin tức về bom nguyên tử.

  Ngày mồng 2 tháng 2 năm 1950, Klause Fuchs bị bắt và bị chính thức buộc tội. Báo chí Anh Mỹ gọi ông là "người điệp viên vĩ đại nhất trong lịch sử", là "con người đã phá tan sự hùng mạnh của nước Mỹ". Phiên toà diễn ra ngày mồng 1 tháng 3 năm 1950 không có bồi thẩm đoàn và chỉ có một nhân chứng duy nhất là nhân vật Scardon đã nhắc đến ở trên. Toàn bộ cuộc xét xử chỉ kéo dài có một tiếng rưỡi đồng hồ.

  Klause Fuchs bị kết án mười bốn năm tù mặc dù ông tưởng phải chịu án tử hình. Toà có lưu ý đến tình tiết là ông chuyển những bí mật nguyên tử không phải cho kẻ thù mà là cho một đồng minh chiến tranh.

  Như thường thấy trong thực tiễn các "vụ án gián điệp", hãng thông tấn Liên Xô "TASS" tuyên bố rằng "chính phủ Liên Xô không hề hay biết Klause Fuchs và không một "điệp viên" Xô Viết nào có bất kỳ quan hệ gì với ông ta".

  Ngày 24 tháng 6 năm 1959, sau chín năm rưỡi ngồi tù, Klause Fuchs được trả tự do vì hạnh kiểm mẫu mực. Ông lập tức đến Đông Berlin mặc dù ông nhận được nhiều đề nghị của các chính phủ Anh, Canada và Cộng hoà Liên bang Đức.

  Ngày 26 tháng 6 năm 1959, Klause Fuchs được nhận quốc tịch Cộng hoà Dân chủ Đức. Ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc viện vật lý hạt nhân, lập gia đình và tích cực tham gia đời sống chính trị xã hội. Ông được bầu làm viện sĩ viện hàn lâm Cộng hòa dân chủ Đức, uỷ viên Trung ương Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức, được trao tặng giải thưởng nhà nước và huân chương Các Mác.

  Ngày 28 tháng 2 năm 1988, ông qua đời và được chôn cất với mọi nghi thức trang trọng. Thật đáng tiếc là trong số những phần thưởng của ông mà những người đưa tang mang theo trên những tấm đệm đỏ, không có một phần thưởng nào của Liên Xô.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 31 Tháng Bảy, 2008, 07:04:34 pm
71 - ISSER  GAREL (sinh năm 1912)
Trùm đặc vụ Mossad- ISRAEL



  Con người nhiều năm dài nắm giữ cương vị lãnh đạo cơ quan đặc vụ của Israel sinh tại nước Nga xa xôi, tỉnh Vitebsk, trong gia đình một giáo sĩ Do Thái. Tiếng Nga là thứ tiếng đầu tiên của ông nên cho đến cuối đời ông vẫn không thể nào bỏ được âm sắc tiếng Nga trong giọng nói của mình. Tên thật của ông là Galperin, và chỉ ở tuổi năm mươi ông mới mang bí danh Garel.

  Năm 1929, Isser di cư sang Palestin, từ khi đó đã thể hiện phẩm chất của một nhà hoạt động bí mật: ông đã đem lọt qua cửa hải quan gắt gao của người Anh một khẩu súng lục.

  Có mấy năm Isser công tác bình thường tại Kibus, nơi ông đã học tiếng Do Thái. Cũng ở đó ông gia nhập quân đội bí mật Do Thái là Hananach, còn từ đầu Thế chiến II thì vào làm việc tại đơn vị cảnh giới của quân đội Anh. Ông được Israrel Amir, sếp SAI là cơ quan tình báo của Hananach để ý đến. Isser lập tức thăng tiến nhanh trong công tác và không lâu sau đã lãnh đạo cái gọi là ban "Do Thái" của SAI. Công việc không dễ dàng, buộc phải đương đầu với cả những kẻ cực đoan cánh hữu lẫn cánh tả trong nội bộ phong trào Do Thái. Đôi khi cuộc đấu tranh mang màu sắc huynh đệ tương tàn.

  Đối thủ cạnh tranh của Isser Garel là một Isser khác, họ là Beer, khác với Isser Garel ở thân hình rất cao. Người ta gọi họ là "Isser Nhỏ" và "Isser Lớn". Garel chẳng bao lâu đã rơi vào vòng thừa hành của Beer là người phụ trách tất cả các cơ quan đặc biệt của Israel, và nhận nhiệm vụ xây dựng Sin Bet - tức là Tổng Nha An ninh.

  Những sai lầm của "Isser Lớn" và sự biết cách tận dụng chúng của Isser Gael đã dẫn đến việc Beer vào đầu năm 1949 bị mất chức. Ông ta bị buộc tội làm giấy tờ giả mạo và "vội vàng", mà kết quả của việc này đã khiến có mấy cựu chiến binh phong trào Phục quốc Do Thái bị tử hình.

  Isser Garel đã lợi dụng sự sụp đổ của Beer, mở rộng phạm vi hoạt động của Sin Bet và vào năm 1952 đã phụ trách cơ quan đặc vụ mới Mossad (đó là tên gọi tắt của Viện Tình báo và các nhiệm vụ khoa học). Theo yêu cầu khẩn khoản của đích thân người đứng đầu quốc gia Ben-Guriona, người ta đưa vào phạm vi quyền hạn của Mossad cả những "nhiệm vụ đặc biệt" không có trong thẩm quyền của những cơ quan đặc vụ khác.

  Garel biết tranh thủ tình cảm bạn bè và sự ủng hộ của Thủ tướng thứ nhất và Bộ trưởng Quốc phòng Israel D. Ben Guriona. Cả hai người họ đều bắt đầu con đường công danh vào năm 1948 và kết thúc năm 1963.

  Isser Garel là Giám đốc Mossad từ tháng 9 năm 1952 đến tháng 3 năm 1963 và thực sự là người điều khiển toàn bộ hoạt động tình báo Israel. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu nhất của ông là thiết lập sự hợp tác chặt chẽ với Cục Tình báo Trung ương Mỹ, và ông đã làm được điều này bằng cách chủ yếu là thông qua Mossad cung cấp cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ những thông tin giá trị nhất về Liên Xô.

  Từ năm 1955, Isser Garel đã thiết lập các mối tiếp xúc với các cơ quan đặc vụ Pháp, khi tình báo Israel bắt đầu cung cấp cho người Pháp thông tin về các kế hoạch của Mặt trận Giải phóng Dân tộc (FNO) của Algieri và các nước Đồng minh của họ (gồm cả Ai Cập). Tiếp xúc này do Yakov Kazora duy trì ở Paris. Đó là người đại diện của Mossad và là nhân vật tin cẩn của Isser Garel.

  Sự thực là ở chính Algieri, nơi Garel đã dự tính xây dựng một mạng lưới tình báo rộng lớn nhưng những nỗ lực của ông không thành công. Sau chiến thắng của FNO, phần lớn cộng đồng Do Thái, trong đó có cả những cơ sở gián điệp tiềm năng đã buộc phải rời khỏi Algieri. Đồng minh duy nhất của Israel trong cộng đồng các nước ả Rập khi này chỉ còn lại Marocco. Bắt đầu từ năm 1954-1955, trước khi Marocco giành được độc lập, Garel đã kịp xây dựng tại đó hai mạng lưới tình báo khác nhau - một là mạng lưới tình báo "bình thường" của Mossad và hai là mạng lưới tình báo đặc biệt chuyên tổ chức việc tự vệ và di tản người Do Thái sang Israel. Tháng 10 năm 1959, Garel bí mật sang Marocco, còn vào đầu năm 1963 bộ trưởng Ngoại vụ Marocco Ufkir đã sang thăm đáp lễ. Đó chính là Ufkir, người  đã chủ mưu cuộc mưu sát và giết hại thủ lĩnh phe đối lập người Marocco Ben Barki tại Paris hai năm sau.

  Một số chiến dịch do Mossad tiến hành vào những năm Isser Garel lãnh đạo cơ quan này đã trở nên nổi tiếng trong lịch sử ngành tình báo.

  Một trong số đó là vụ giết Adolf Eichman, người chịu trách nhiệm về cái chết của hàng triệu người Do Thái, cựu thủ lĩnh ban 11-112 SD của nước Đức phát xít.

  Tên này trốn ở Algieri dưới tên một người khác, nhưng cả tên mới lẫn nơi ẩn trốn của hắn tình báo Israel đều không biết. Năm 1957, có tin của một người tên là L. German nào đó là một người Do Thái mù đã thông báo rằng con gái ông ta đã gặp một người xưng danh là Nicolas Eichman. Người ta biết Adolf Eichman có một con trai tên là Nocolai. Và điều đó đã trở thành một đầu mối. Người ta xác định địa chỉ của Nicolas và đặt thiết bị theo dõi ngôi nhà. Nhưng hình như Eichman cảm thấy được có chuyện nên cả nhà hắn đã trốn mất. Chỉ gần hai năm sau người ta mới lại lần ra được địa chỉ của gia đình này và xác định rằng Adolf Eichman đã lẩn trốn dưới cái tên Ricardo Klemena. Ngôi nhà bị đặt thiết bị theo dõi liên tục suốt ngày đêm.

  Cũng có thể bắt ngay "Ricardo Klementa", lôi vào rừng, tuyên đọc bản án rồi bắn như người ta đã từng làm như vậy đối với những tên khác. Nhưng điều thứ nhất là phải xác định chính xác "Ricardo Klementa" có phải là Adolf Eichman, người mà cơ quan tình báo đang truy lùng hay không, thứ hai là chính phủ đã có lệnh nghiêm ngặt bắt buộc phải dẫn được Eichman về Israel để xét xử theo đầy đủ thủ tục.
Không lâu sau cơ hội để xác định chính xác "Ricardo Klementa" chính là Adolf Eichman đã đến. Ngày 21 tháng 3 năm 1960, các nhân viên theo dõi nhận thấy "Ricardo" trở về nhà với bó hoa lớn tặng vợ. Đứa con trai nhỏ mọi khi ăn mặc cẩu thả của hắn hôm nay diện áo quần ngày lễ. Sau đó từ trong nhà phát ra những tiếng ồn ào chứng tỏ gia đình này đang kỷ niệm một sự kiện vui lớn của mình.

  Người ta lật lại hồ sơ của Eichman và phát hiện ra rằng đó chính là ngày kỷ niệm đám cưới bạc của vợ chồng Eichman. Mọi ngờ vực tan biến. Một nhóm nhân viên tình báo Israel gồm hơn ba mươi người lập tức có mặt ở Buenos Aires. Mười hai người có nhiệm vụ bắt giữ, số còn lại thuộc nhóm ngụy trang.

  Ngày 11 tháng 5 năm 1960, nhóm bắt giữ bố trí lực lượng quanh ngôi nhà của Eichman. Đã hai chuyến xe bus mà Eichman vẫn thường dùng để trở về nhà đi qua nhưng không thấy bóng dáng hắn. Sau đó thì hắn xuất hiện. Vừa bước xuống xe, hắn lập tức bị tóm và bị tống vào một chiếc ô tô chờ sẵn. Trước khi những người qua đường nhận ra có chuyện xảy ra, chiếc xe đã phóng vụt đi.

  Eichman được đưa tới một căn hộ bí mật. Hắn lập tức "đầu hàng". Hắn không chối cãi bất cứ chuyện gì. Hắn thậm chí còn cầu kinh Do Thái bằng tiếng Do Thái, có thể vì nghĩ rằng như vậy sẽ làm động lòng những người giam giữ mình.

  Ngày 20 tháng 5, người ta tiêm cho Eichman một mũi thuốc khiến hắn trở nên kém tỉnh táo và khó khăn trong nhận thức mọi chuyện diễn ra xung quanh. Sau đó họ mặc giả cho hắn trang phục của một nhân viên hãng hàng không Israel và dìu tay lên máy bay như dìu một thành viên quá chén của đội bay. Sau vài giờ Eichman đã có mặt tại Israel.

  Ngày 11 tháng 4 năm 1961, phiên tòa xét xử Eichman diễn ra. Hắn thừa nhận phạm tội chống lại nhân loại và bị xử tử hình. Ngày 31 tháng 5 năm 1961, Eichman bị treo cổ.

  Dưới sự lãnh đạo của Garel cũng diễn ra chiến dịch cài điệp viên Elie Cochen vào bộ máy chính quyền của Xiri. Dưới lốt một người Ả Rập nhập cư vào Argentina, điệp viên này đã làm quen và kết bạn thân thiết với tùy viên quân sự Amin El Hafiz, người về sau trở thành tổng thống Xiri. Tháng 1 năm 1962, Cochen "trở về" Xiri và nhanh chóng phát huy quan hệ quen biết với Amin. Anh ta đã biết cách khai thác và chuyển về Israel những thông tin giá trị. Nhưng vào năm 1964, sau khi Garel bị bãi nhiệm, Cochen bị rađa định hướng phát hiện, bị xét xử và treo cổ.

  Tháng 3 năm 1963 tại Thụy Sĩ xảy ra một vụ bê bối lớn gây nên bởi vụ bắt giữ một nhà khoa học nổi tiếng hoạt động cho Mossad. Vụ phá sản này ngang giá chức vụ của Garel. Ben-Gurion đã cách chức ngay ông. Thực ra từ tháng 9 năm 1965 đến tháng 6 năm 1966 ông vẫn giữ cương vị cố vấn của Thủ tướng Levi Escol, sau đó mới hoàn toàn rời khỏi chính trường. Lần cuối cùng ông xuất hiện trở lại ở đó là vào năm 1992, khi phát biểu hết sức gay gắt về hiểm họa tái sinh của chủ nghĩa quốc xã ở Đức.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 01 Tháng Tám, 2008, 06:49:19 pm
72 - KIM PHILBY (1912 - 1988)
 Điệp viên thâm nhập sâu

(http://www.nndb.com/people/973/000031880/kim-philby-stamp.JPG)

  Tên thật của ông là Andrian Pasel Philby. Ông sinh ngày 1 tháng 1 năm 1912 tại thành phố Ambala, Ấn Độ và sống ở đó cho đến khi lên bốn tuổi. Tên Kim là do cha Saint-John Philby, một người nổi tiếng, đặt cho. Ông là quan chức của chính quyền thực dân Anh, say mê nghiên cứu Đông Phương, là nhà ả Rập học nổi tiếng, theo đạo Hồi, cưới vợ hai là một nô tì người ả Rập Xêut. Ông sống nhiều năm với các bộ tộc Beduin, từng làm cố vấn cho nhà vua Ibi Saud và trong chiến thế giới lần thứ nhất là đối thủ của Louens trong việc gây ảnh hưởng tới người Ả Rập.

  Từ nhỏ Kim đã biết nói tiếng Hindu và Ả Rập, sau đó học tiếng Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Ông được giáo dục theo truyền thống Anh cổ điển và được học ở nhiều trường tên tuổi ở Anh. Năm 1929, ông đỗ vào trường Trinhiti, một trong những trường lớn nhất dành cho con em quý tộc ở Cambridge. Thời đó nước Anh cũng như một số nước tư bản khác đang lâm vào khủng hoảng kinh tế. Khắp nơi tràn ngập nạn thất nghiệp. Mối đe dọa của chủ nghĩa phát xít bắt đầu lan ra từ nước Italia và Đức. Đám sinh viên không ngừng bàn luận.

  Những chuyến đi tới các nước châu Âu, trước hết là Đức và Áo, nơi giai cấp công nhân đang bị đàn áp dã man, đóng một vai trò quyết định trong cuộc đời Kim Philby. Sau này ông kể: "ở nước Anh của tôi cũng có những người tìm kiếm và đấu tranh vì sự thật. Tôi tìm mọi cách để trở thành người có ích cho phong trào vĩ đại của thời đại là chủ nghĩa cộng sản. Hoá thân cho tư tưởng đó là Liên Xô, là nhân dân Xô Viết dũng cảm, người đã đặt nền móng cho thế giới mới. Tôi đã tìm được con đường đấu tranh trong hoạt động tình báo Xô Viết. Tôi luôn cho rằng, bằng công việc này tôi phục vụ cho chính dân tộc Anh của chúng tôi".

  Trước khi bắt được liên lạc với tình báo Xô Viết, Philby về Vienna, tham gia Tổ chức quốc tế trợ giúp công nhân. ở đó, ông làm quen với Litsi Phridman, một nhân vật tích cực của Đảng Cộng sản Áo. Ít lâu sau họ kết hôn (cuộc hôn nhân sau này tan vỡ).
Công việc chính của Kim là liên lạc với các đảng viên Đảng Cộng sản đang sống bí mật ở Áo, Hungari và Tiệp Khắc. Ông có hộ chiếu Anh nên dễ dàng đi lại các nước.

  Vào năm 1934, tình hình ở Áo trở nên xấu đi. Chủ nghĩa phát xít bắt đầu hoành hành. Litsi chỉ vì mang trong mình dòng máu Do Thái và là đảng viên Đảng Cộng sản nên đã bị giam giữ. Không thể ở lại nước Áo được. Hộ chiếu Anh của Kim cũng không giúp gì nên họ quay về Anh.

  Lúc này, cơ quan tình báo Xô Viết đã để mắt tới Philby. Một hôm, người quen của ông ở Áo là Edit Tudor Khart nói sẽ giới thiệu ông với một người "rất quan trọng" đang quan tâm tới ông. Kim lập tức nhận lời. Người đó là Arnold Dache - Stephan Lang. Sau cuộc nói chuyện ngắn ngủi, Dache đề nghị ông làm "điệp viên thâm nhập sâu". Philby đồng ý. Từ đó, tức từ tháng 6 năm 1934, ông mang bí danh "Donkhen"  - "Con trai" (tiếng Đức).

  Điều đầu tiên Dache yêu cầu ông làm là cắt đứt mọi quan hệ với Đảng Cộng sản và những người ủng hộ họ. Bà vợ cũng bị yêu cầu như vậy. Điều thứ hai là chú ý tới các bạn học ở Cambridge để xem họ có phù hợp cho công tác tình báo không. Thứ ba là xác định sự nghiệp tương lai của mình dưới góc độ có lợi cho công tác tình báo. 

  Lúc đó, nhóm hoạt động tình báo ở London có nhiệm vụ là lọt được vào Cục Tình báo Anh. Liệu Philby có làm được điều này không? Đương nhiên, con đường thẳng để lọt được vào cơ quan tình báo là không thực hiện được, chỉ có thể qua  đường Bộ Ngoại giao. Nhưng ở đây cũng bế tắc. Trường đại học không giới thiệu ông vì trước kia ông theo quan điểm cánh tả. Philby quyết định trở thành nhà báo vì ông hiểu rằng tình báo Anh luôn chú ý tới họ.

  Người cùng hoạt động với Philby thời gian này là điệp viên A.M.Orlov. Hồi làm cho tạp chí "Review of review" Kim đã cung cấp cho ông những thông tin có giá trị, trong đó gồm cả các vấn đề liên quan tới vùng Cận Đông. Qua người bạn học là Wayli, ông có được bản tóm tắt hoạt động của Bộ Quốc phòng và Cục Tình báo quân đội kèm theo nhận xét về một số nhân viên.

  Cũng vào khoảng thời gian đó, Wayli giới thiệu Philby với người bạn của mình là Telbot, biên tập "Báo thương mại Anh-Nga". Tờ báo này là tiếng nói của các thương gia trước kia từng làm ăn với nước Nga Sa hoàng. Nhưng độc giả của nó teo dần nên Telbot đổi nó thành "Báo thương mại Anh-Đức". Tờ báo cần một biên tập viên mới và Philby vào vị trí đó. Với tư cách này ông gia nhập Hội Anh-Đức. Ông có thêm những người quen ở Đại sứ quán Đức, nhờ đó có được tin tức cần thiết. Hàng tháng ông tới Berlin, được gặp Ribbentrop và có mối quan hệ với Bộ Thông tin của Hebel.

  Nhưng nếu "cố gắng" biến Philby thành người theo chủ nghĩa dân tộc thì không được vì trong trường hợp quan hệ Anh-Đức xấu đi hoặc xảy ra chiến tranh thì ông sẽ gặp rắc rối.   

  Năm 1936, tờ báo đóng cửa. Philby và Dache có cấp trên mới là Teodor Mali (còn gọi là "Nhỏ"), một điệp viên có tài và trung thành nhưng sau này bị thanh trừng. Dache và Mali quyết định cử Philby tới Tây Ban Nha, nơi xảy ra nội chiến. Chuyến đi không chỉ là để thu thập thông tin về tình hình nước này, mà còn để phát triển cơ hội hoạt động tình báo của Philby và mở ra những triển vọng mới. Ông có nhiệm vụ phải tỏ ra là nhà báo dũng cảm, nổi trội nhằm thu hút sự chú ý của tình báo Anh. Tây Ban Nha khi đó là nơi tốt nhất để thể hiện những phẩm chất như vậy.

  Philby tới đó với tư cách là phóng viên tự do, tự túc tiền bạc (thực tế là được cấp). Ông được giao mật mã và địa chỉ ở Paris để chuyển các báo cáo. Để chứng minh nguồn tài chính, ông bán một phần thư viện của mình.

  Khi tới Lisbon, ông được văn phòng đại diện của tướng Franco cấp visa, sau đó lên đường đi Xevilu và bắt tay vào hoạt động. Những tin tức do ông cung cấp rất có giá trị, chúng có được nhờ mối quan hệ của ông với nhiều người Tây Ban Nha.

  Khi trở về London, Philby mang theo bài báo dài viết về Tây Ban Nha. Nhưng đăng ở báo nào? Người cha khuyên ông "bắt đầu từ chỗ quan trọng nhất" tức là mang tới tờ "The Times". Ông gặp may. Lúc đó tờ "The Times" không có phóng viên ở Tây Ban Nha nên sau khi xem bài báo đã đề nghị ông làm phóng viên thường trú tại đó. Có thể nói, đó là bước đột phá. Trở thành phóng viên của tờ báo này, thật đúng là giấc mơ!

  Tháng 5 năm 1937, do yêu cầu công tác của toà báo và được Dache tán thành, Philby tới Tây Ban Nha. Ông mang theo bức thư giới thiệu của Đại sứ quán Đức tại Anh, nơi đây ông được coi là người ủng hộ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Hơn nữa, lại là phóng viên của tờ báo uy tín "The Times", ông được quân của Franco đón tiếp tử tế. Ông khoe là quen với Ribbentrop và thế là trong con mắt của họ ông là bạn của nhân vật được họ quý trọng (thực tế ông chỉ gặp Ribbentrop có năm phút).

  Philby làm việc không biết mệt. Ông cặm cụi viết tin tức hàng ngày cho "The Times", thu thập các thông tin cho tình báo Xô Viết nên tìm mọi cách để có được chúng. Ông bắt thân với các sĩ quan và viên chức của chế độ Franco, đi ra mặt trận. ở đó ông đau lòng nhìn thấy thi thể các chiến sĩ cộng hoà, phải chứng kiến những cảnh xử trảm. Nhưng ông đã kìm nén được lòng mình. Philby rất khôn khéo nên được đích thân tướng Franco trao huân chương. Có lần ông suýt hy sinh vì đạn pháo khi đi ô tô ngoài mặt trận.

  Ông chuyển tài liệu cho điệp viên Xô Viết ở Tây Ban Nha là A.M.Orlov. Họ thường gặp nhau ở thành phố nhỏ của Pháp nằm sát biên giới.
Khi chiến tranh ở Tây Ban Nha kết thúc, Philby trở về London. Ít lâu sau chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, ông được cử làm phóng viên quân đội thuộc ban tham mưu quân đội Anh. Khi Pháp bị chiếm, ông trở về Anh. Tòa soạn gọi ông đến và thông báo: "Đại uý Seldon ở Bộ Quốc phòng yêu cầu anh tới gặp". Như vậy, chính tình báo Anh đã tìm đến Philby. Đúng ra là Guy Burgess, lúc đó là nhân viên tình báo tiến cử ông.

 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 01 Tháng Tám, 2008, 06:49:35 pm
  Ông được biên chế làm giảng viên trường đào tạo gián điệp biệt kích của ban "D". Ông hiểu rằng ở đây cũng như ở toà báo "The Times" khó mà có được tài liệu bí mật của SIS.

  Mùa thu năm 1940 vì hoạt động không hiệu quả nên Ban "D" và nhà trường bị chuyển sang Bộ Kinh tế chiến tranh. Hầu hết các nhân viên bị sa thải. Philby và một số được giữ lại để tổ chức trường mới có tên gọi "Trạm 17".

  Ngày 24 tháng 12 năm 1940 một điệp viên Xô Viết ở London là A.V.Gorxki đã nối liên lạc với Philby. Ông nhất trí rằng công việc ở trường không giúp gì cho Kim được. Philby tìm mọi cách để chuyển sang công việc khác. Bạn ông là Valentin Vivian, phó giám đốc SIS phụ trách công tác tình báo nước ngoài đã giúp ông. Biết là Philby đã từng ở Tây Ban Nha nên Vivian thu xếp cho ông chức trưởng ban Tây Ban Nha của SIS. Ban này phụ trách công tác phản gián ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và một phần các nước thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi nhằm ngăn cản tình báo nước ngoài xâm nhập Anh từ các nước nói trên. Được Trung Tâm đồng ý, Philby nhận chức vụ mới này.

  Mặc dù đối với cơ quan phản gián Anh, Philby là cựu thành viên tổ chức cộng sản của đại học Cambridge, đọc "Báo công nhân", vợ là người có tư tưởng chống phát xít, còn cha thì mang tư tưởng "cực đoan” . Nhưng những điều này chẳng có ý nghĩa gì vì ông đã được thử thách. Hơn nữa, tư tưởng chống phát xít vào năm 1940 không bị khép tội.

  Philby tích cực đối phó với tình báo Đức ở bán đảo Pirene. Ông lấy được những tin tức cần thiết cho tình báo Xô Viết, trong đó phải kể đến những bức điện đã giải mã của Đức. Ông có được thông tin đầu tiên về nỗ lực xây dựng quan hệ giữa tình báo Anh và Canaris. Sau đó, vào năm 1941 ông biết được  những cuộc đàm phán riêng giữa Anh-Mỹ và Đức.

  Nhờ lòng tận tụy, cần cù và đầu óc phân tích nên Philby đã tiến xa. Vả lại, ông được mọi người quý mến. Trong số các cộng sự và bạn bè, Philby duy trì tình bằng hữu với Ian Fleming và Graham Greene tới cuối đời.

  Ở cương vị mới, Philby có cơ hội lấy được những thông tin giá trị cho tình báo Xô Viết. Để có được chúng ông không chỉ lợi dụng chức vụ của mình, mà còn giao lưu rộng rãi với các đồng nghiệp ở SIS, sử dụng mối quan hệ với nhân viên của MI-5, Bộ Ngoại giao và tình báo Mỹ. Đôi khi đó là những tin tức thật bất ngờ, chẳng hạn là bức điện đã giải mã của đại sứ quán Đức ở Tokyo gửi Ribbentrop về việc mười ngày nữa Nhật sẽ tấn công Singapore. Các thông tin thường nhận được là về vấn đề hoạt động của tình báo Anh, cơ cấu, thành phần, về các điệp viên, nhất là điệp viên phòng phản gián 5.

  Tháng 8 năm 1943, Philby được thăng cấp. Ông được bổ nhiệm phụ trách vài phòng bao gồm phòng phụ trách bán đảo Pirene, phòng đối phó với tình báo Đức trên lãnh thổ Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc và duy trì liên lạc với phòng phản gián của chính phủ Ba Lan lưu vong tại London. Ngoài ra ông còn chịu trách nhiệm bảo đảm hoạt động phản gián cho tất cả chiến dịch quân sự của các nước đồng minh do Eisenhower tiến hành và duy trì liên lạc giữa phòng phản gián của SIS và Bộ Ngoại giao Anh.

  Tháng 11 năm 1944, Philby lên chức trưởng phòng 9 "đối phó với cộng sản". Vào thời điểm đó, mười lăm nhân viên mật mã hoạt động nhằm ghi trộm các bức điện ngoại giao của Liên Xô gửi các tổ chức cộng sản. Sau khi Philby lên làm trưởng phòng, phòng này được tách thành bộ phận độc lập, nhưng vẫn có liên hệ chặt chẽ với phòng phản gián.

  Thế nhưng từ năm 1942, Trung Tâm đã bắt đầu nghi ngờ Philby và cả "bộ ngũ". Toàn bộ tin tức họ gửi về bị coi là giả. Cơ sở nào? Thứ nhất, trong số những người làm việc với họ từ đầu có "gián điệp nước ngoài" là Mali và Orlov. Thứ hai, trong năm 1942, Philby không cung cấp tài liệu nào về hoạt động của SIS tại Liên Xô, điều đó có nghĩa là "một cách đáng ngờ làm giảm nhẹ hoạt động của tình báo Anh chống lại chúng ta".

  Thái độ đối với "bộ ngũ" vẫn không thay đổi tới năm 1943 (bất chấp việc chính họ cung cấp thông tin Đức sắp tấn công tại vòng cung Cursk!). Trong thư Trung Tâm gửi nhóm hoạt động bí mật ngày 25 tháng 10 năm 1943 có đoạn viết: "Chúng tôi kết luận rằng họ, "bộ ngũ", đã bị SIS và cơ quan phản gián phát hiện, nay phải làm theo chỉ thị của họ. Không thể có việc SIS và cơ quan phản gián tin cậy trao cho những người trước kia tham gia các hoạt động của đảng cánh tả một trọng trách trên những cương vị quan trọng như vậy, nếu như hoạt động này không nằm trong tầm kiểm soát của họ”".

  Thế nhưng, việc nghiên cứu kỹ các tài liệu do Philby và các thành viên khác của "bộ ngũ" gửi về đã hoàn toàn loại trừ giả thiết đó là thông tin giả. Những tin tức do Philby gửi về khớp với các tài liệu có được từ những nguồn khác. Trong đó phải kể đến hồ sơ theo dõi của SIS về quan hệ và hợp tác giữa tình báo Anh và Nga. Tháng 7 năm 1944, Philby nhận được thư cảm ơn của Uỷ ban An ninh Quốc gia về thành tích công tác và về hồ sơ này. Thái độ đối với Philby và cả nhóm đã thay đổi. Năm 1945 họ có quyết định được nhận lương hưu trọn đời.

  Đáng tiếc là năm 1948 một lần nữa họ lại bị nghi ngờ, nhưng điều này chỉ thoảng qua.

  Kim đã đạt được mục tiêu mà tình báo Xô Viết đặt ra cho ông ngay từ lúc mới hoạt động. Ông không chỉ trở thành nhân viên tình báo Anh, mà còn là một trong số những nhà lãnh đạo.

  Tháng 8 năm 1945, Philby tình cờ nhận được đơn của Konstantin Volkov, phó lãnh sự Liên Xô ở Xtambul gửi lãnh sự Anh xin được cùng vợ cư trú chính trị. Ông ta viết rằng mình chính là sĩ quan Bộ Nội vụ và hứa sẽ cung cấp một số thông tin về Bộ Nội vụ, nơi ông ta phục vụ trước đó. Ngoài ra, ông ta còn thông báo biết tên ba điệp viên Xô Viết làm việc ở Bộ Ngoại giao Anh và một quan chức của cơ quan phản gián tại London.

  Hành động của Volkov là mối đe dọa lớn đối với Philby và những người khác. Philby thông báo với Moscva. Vì tính chất nguy hiểm của sự việc nên Philby quyết định lên đường đi Xtambul. Cũng may là khi tới nơi ông chưa kịp thoả thuận vấn đề này với Bộ Ngoại giao, Đại sứ Anh ở Thổ Nhĩ Kỳ và tình báo tại đó thì Volkov đã bị đưa về Moscva.

  Cuối năm 1946, lãnh đạo tình báo Anh yêu cầu Philby hoạt động ở nước ngoài, và năm 1947, ông nhận nhiệm vụ tới Xtambul. Hoạt động ở nước ngoài là điều cần thiết đối với ông để thăng tiến. Khi đó Xtambul là cơ sở chính ở phía Nam để tiến hành công việc tình báo chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Bancal và Đông Âu.

  Philby nhận được chỉ thị phải tập trung chú ý tới Liên Xô. Ông đề ra vài phương án tung điệp viên tới Odessa, Nicolaev, Novoraxixk trên các tàu buôn. Nhưng ông chú ý chính tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Xô, điều này phù hợp với mục tiêu của tình báo Xô Viết cũng như Anh, đều quan tâm tới khu vực phía Đông của Thổ Nhĩ Kỳ. Nơi đây đang chuẩn bị thành lập các cơ sở kháng chiến tại những địa điểm Hồng quân sẽ chiếm đóng nếu chiến tranh xảy ra.

  Công việc ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra suôn sẻ. Năm 1945, Philby được thăng chức, ông được cử làm đại diện tình báo Anh thuộc CIA và FBI tại Washington (chức vụ này tương đương với chỉ huy phó của SIS) vì việc hợp tác giữa CIA và SIS ngày càng chặt chẽ, người Anh cần phải nắm được công việc ở cơ quan an ninh Mỹ.

  Vì Hoover lo ngại rằng Philby sẽ "thọc mũi" vào công việc của ông ta nên lãnh đạo SIS gửi cho ông bức điện trong đó nêu rõ nhiệm vụ của Philby chỉ là liên lạc với cơ quan Mỹ. Nhưng thực tế Philby theo yêu cầu của tình báo Anh đã "thọc mũi" vào công việc của tình báo Mỹ.

  Đó là thời kỳ "săn bắt phù thuỷ". Josef Makarti, chủ tịch Uỷ ban Nghị viên Mỹ về vấn đề hoạt động của các cơ quan chính phủ triển khai chiến dịch khủng bố những nhà hoạt động và tổ chức tiến bộ. Philby nắm được mọi hoạt động chống lại tình báo Xô Viết. Ngoài ra, trong thời gian này ông có liên lạc với Cục An ninh Canada.

  Nhưng nhiệm vụ chính của ông là hợp tác với CIA. Điều này cả tình báo Anh lẫn Xô Viết đều quan tâm. Philby đã cung cấp cho Moscva hàng loạt các hoạt động tình báo chung giữa Anh và Mỹ nhằm chống lại Liên Xô.

  Vào năm 1951 người Anh bắt đầu nghi ngờ Donald Maclean và đồng nghiệp là Guy Burgess làm việc cho tình báo  Xô Viết. Philby lập tức thông báo cho Moscva. Hai người này được bí mật đưa sang Liên Xô. Nhưng mọi nghi ngờ giờ đây đổ lên Philby vì mọi người đều biết ông thân với cả hai từ hồi ở đại học Cambridge. Burgess đã từng sống tại nhà ông ở Washington.

  Không có bằng chứng buộc tội ông, vì thế ông chỉ bị thẩm vấn. Sau vài lần tra hỏi ông bị buộc thôi việc. Ông chỉ được cấp hai nghìn bảng, rồi chuyển về sống ở một làng quê.

  Sau đó ông được thông báo vụ trốn thoát của Burgess và Maclean bắt đầu bị đưa ra xét xử và ông lại bị thẩm vấn. Ông bị hai thẩm phán có kinh nghiệm là Milmo và Xkardon tra hỏi. Sau lần hỏi cung này không ai động đến ông trong vòng hai năm. Cần phải có tiền để sống nên ông quay ra làm báo.

  Năm 1955 sau khi "Cuốn sách trắng" về vụ Burgess và Maclean được xuất bản thì trong nghị viện lại xôn xao về "người thứ ba" là Kim Philby. Nhưng Philby vẫn đứng vững trong thử thách này, ông tỏ ra bị oan ức và vô cùng phẫn nộ trước những lời vu khống.

  Năm 1956, theo đề nghị của tờ tuần báo "Observer", Philby tới Beirut nhưng vẫn giữ quan hệ với SIS. Ông viết về những năm tháng sống ở Beirut như sau: "Sau khi thoát khỏi nguy cơ bị lộ ở Anh, tôi có thể sống yên ổn và làm việc trong vòng bảy năm (1956 - 1965), có thể tiếp tục sự nghiệp mà tôi nguyện gửi trọn đời... Tình báo Xô Viết muốn biết tổng quát tình hình Cận Đông, muốn biết về hoạt động của CIC và SIS". Ông có địa vị thuận lợi để hoàn thành nhiệm vụ được giao, làm việc hết sức mình và cung cấp cho tình báo Xô Viết những thông tin quan trọng.

  Nhưng cuối năm 1961, qua một người Mỹ (kẻ phản bội), SIS có cơ sở để kết luận Kim Philby liên quan đến mạng lưới tình báo Nga. Cựu điệp viên ở Liban là Eliot đã tới Beirut gặp ông để buộc ông phải nhận tất cả. Philby im lặng. Những ngày giáp tết và đầu năm 1963 thật là căng thẳng. Ngày 6 tháng 1, Kim bị gọi tới Đại sứ quán để gặp điệp viên Piter Lan. Nhưng Kim không đi. Chính quyền Anh chưa định bắt ông.

  Ngày 23 tháng 1, ông biến mất khỏi Beirut và sau đó xuất hiện ở Moscva. Giai đoạn sau trong cuộc đời ông trôi qua ở đây. Ông ly dị với bà vợ Elenora vì bà không muốn tới sống ở Liên Xô. Kim lấy vợ lần thứ ba, một phụ nữ Nga tên là Ruphina Pukhova, sinh con, rồi có cháu. Philby làm công tác nghiên cứu khoa học, giảng bài, viết sách, hướng dẫn  các điệp viên. Ông viết hồi ký, xuất bản ở London năm 1988 với lời mở đầu của Graham Greene.

  Ông mất năm 1988 và được chôn cất tại Moscva.

  Năm 1978 khi những tài liệu về Philby được công bố, một quan chức của CIA đã nói: "Đó là điều dẫn đến việc mọi nỗ lực của tình báo phương Tây trong giai đoạn từ 1944 đến 1954 đều uổng công. Chắc là tốt hơn nếu chúng ta không làm gì cả".

  Báo "Chicago daily news” năm 1968 viết rằng, Kim và những người đồng hương của ông là Burgess và Maclean "đã dành cho người Nga lợi thế trong lĩnh vực tình báo vào thời kỳ chiến tranh lạnh với hiệu quả vô cùng to lớn".


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 02 Tháng Tám, 2008, 02:08:50 pm
73 - RUT  KUEN (gần 1916  -  sau 1960)
"Nữ điệp viên Trân Châu cảng"



  Quần đảo Hawai không chỉ là một trong những thắng cảnh đẹp nhất thế giới. Đây còn là nơi thả neo của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Chính tại đây, Hạm đội này đã bị không quân Nhật tiêu diệt gần như hoàn toàn vào ngày mồng 7 tháng 12 năm 1941.

  Người ta đã viết nhiều về những gì xảy ra vào ngày hôm đó và quy lỗi về thảm họa kinh hoàng đó cho nhiều người, thậm chí quy lỗi cho cả tổng thống Mỹ Roosevelt. Dường như tổng thống Roosevelt có biết về cuộc tấn công sắp xảy ra nhưng đã không thi hành bất kỳ biện pháp ngăn chặn nào: ông cần một cú sốc như vậy cho nước Mỹ để nước Mỹ có lý do chính đáng bước vào cuộc chiến với chủ nghĩa quân phiệt Nhật và chủ nghĩa phát xít Đức. Nhưng đó là chuyện khác. Còn điều mà chúng ta quan tâm là những lực lượng ngầm đã góp phần làm hành động của Nhật thành công. Trong số đó có một phụ nữ mà ta có thể mạnh dạn xếp vào hàng ngũ những nữ điệp viên sáng giá nhất của lịch sử thế giới.

  Hồi mười tám tuổi, Rut Kuen, em gái viên sĩ quan tuỳ tùng của tiến sĩ Gerben, Bộ trưởng Tuyên truyền trong chính phủ Hitler, đã trở thành người tình của viên Bộ trưởng đầy uy quyền đó. Mối dan díu này bị vợ của Gerben là Marda phát hiện. Thường thường, Marda vẫn tỏ ra rộng lượng với những cuộc phiêu lưu tình ái của gã chồng ưa trăng hoa nhưng lần này Marda kiên quyết đòi chồng phải tống khứ người tình của y đi một nơi càng xa càng tốt, "cho dù là đến quần đảo Hawai". Gerben đành ngoan ngoãn nghe theo vợ và ra những chỉ thị cần thiết.

  Theo giới thiệu của Gerben, tiến sĩ Carlo Hawshofe, một nhân vật làm việc trong bộ phận tình báo của Bộ Ngoại giao Đức và có mối liên hệ chặt chẽ với Nhật Bản, đã đứng ra chăm lo cho số phận của Rut Kuen.

  Vào những năm trước chiến tranh, Nhật Bản rất cần những điệp viên da trắng để tung vào những nước mà những người có dáng vẻ phương Đông rất hay bị nghi ngờ. Vì vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, Carlo Hawshofe đã báo cáo cho Gerben biết là ông ta đã thu xếp được nơi ăn chốn ở cho Rut Kuen và gia đình cô ta tại đúng nơi mà Gerben yêu cầu. Trước khi lên đường, cả gia đình Rut Kuen đều trải qua một khoá huấn luyện công tác tình báo.

  Rut Kuen có một người bố dượng tên là Julious Otto Kuen, gốc người Berlin. Trong thế chiến thứ nhất, Otto Kuen phục vụ trên tuần dương hạm. Năm 1915, trong một trận hải chiến, chiếc tuần dương hạm này bị đánh đắm, ông ta bị bắt làm tù binh và được đưa về Anh. Tại đây, ông ta mau chóng thông thạo tiếng Anh. Sau chiến tranh ông ta trở về Đức nhưng không tìm nổi công ăn việc làm nên lại phải xin vào phục vụ trong hải quân. Tuy nhiên, vì hạm đội bị giải thể nên ông ta lại thất nghiệp. Ông ta theo học ngành y và đồng thời trở thành một phần tử quốc xã cuồng tín nhưng không thành đạt trong bất kỳ công việc gì. Bù lại, ngay từ nhỏ, ông ta đã dạy dỗ con gái theo tinh thần quốc xã. Vốn là bạn thân của Himmler, ông ta hy vọng sẽ nhận được chức vụ giám đốc cảnh sát tại một thành phố nào đó ở Đức, nhưng rồi, vì sắc đẹp và tính tình nông nổi của con gái, ông ta buộc phải lưu đày đến Hawai.

  Ngày 15 tháng 8 năm 1935, cả gia đình Otto Kuen gồm bản thân ông ta, bà vợ Friden của ông ta, cô con gái riêng Rut của bà ta và đứa con trai nhỏ của ông ta là Joahim đặt chân đến Hawai. Chỉ có Leopon, đứa con trai lớn của bà Friden, là ở lại Berlin bên Gerben.

  Lý do chính thức của việc gia đình Kuen đến Hawai là người chủ gia đình - ông Otto Kuen - muốn nghiên cứu tiếng Nhật, còn cô con gái Rut Koen thì mơ ước được nghiên cứu lịch sử quần đảo Hawai. Hai bố con đi khắp các hòn đảo lớn như Oauhu, Hawai, Malocan, Maui, Cauan và rất nhiều các hòn đảo nhỏ, ghi chép kỹ lưỡng và tỷ mỷ theo thói quen của người Đức và đánh dấu lên bản đồ tất cả những gì mà họ quan tâm. Chỉ sau một thời gian ngắn, họ có lẽ đã trở thành những người thông thạo nhất địa hình quần đảo Hawai thời đó.
Gia đình Kuen cùng một lúc phục vụ cho hai nước đồng minh là Đức và Nhật. Tất cả các báo cáo của họ gửi về Tokyo đều được sao lại gửi đến Berlin. Ngoài nghĩa vụ đối với Tổ quốc, họ còn theo đuổi những mưu toan trục lợi. Họ nhận tiền từ cả hai nguồn, và điều này không phải là thừa bởi vì cả hai bố con đều ham thích cuộc sống giàu sang. Khi những người quen biết hỏi về quan điểm chính trị của họ thì họ bao giờ cũng trả lời là họ không ưa thích bọn quốc xã, còn Rut Kuen thì đáp:

  - Tôi còn quá trẻ khi rời nước Đức.

  Otto Kuen thường viết bài cho các tờ báo địa phương về những người cư dân cổ trên đảo. Cuộc sống trôi qua êm ả. Gia đình có một ngôi nhà đẹp, một bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật, một bộ đồ ăn bằng bạc - tất cả cho thấy một cuộc sống giàu sang và có văn hoá. Láng giềng và người quen coi họ là những người sung túc: họ thường xuyên nhận được tiền từ tài sản của họ ở Hà Lan và Đức. Trong ba năm đầu tiên sống ở Hawai, họ nhận được bảy mươi ngàn dollar do ngân hàng Rotsterdam chuyển qua ngân hàng Honolulu.
Sau này, CIA và tình báo quân sự Mỹ xác định được rằng gia đình Kuen về sau còn nhận được hơn một trăm ngàn dollar nữa. Đó là chuyện không thể giấu giếm được, tuy nhiên, không một ai lưu tâm đến những khoản thu nhập như vậy.

  Người chịu trách nhiệm liên lạc là bà mẹ đáng kính của gia đình - bà Friden. Bà ta đã mấy lần mang báo cáo đến Tokyo. Trong một lần đi như vậy, bà ta đã đem về được mười sáu ngàn dollar tiền mặt.

  Vào đầu năm 1939, Otto Kuen tuyên bố rằng ông ta cần một nơi yên tĩnh hơn để nghiên cứu ngôn ngữ. Gia đình bán nhà và chuyển tới Trân Châu Cảng, gần nơi neo đậu chính của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.

  Tại đây, Rut Kuen mở một mỹ viện. Mỹ viện này rất được các bà vợ của giới sĩ quan phục vụ trên hạm độ Mỹ ưa chuộng. Họ gặp nhau tại đây như tại câu lạc bộ, họ vội vã trao đổi tin tức với nhau - nào là về những cuộc bổ nhiệm mới hoặc về những chức vụ còn bỏ trống, nào là về chồng họ bao giờ lên đường ra khơi và lên đường đi đâu, nào là về những cuộc đón tiếp các con tàu mới đến và đôi khi họ thậm chí còn kể về những đặc tính chiến đấu của những con tàu đó. Đồng thời họ cũng không quên ngồi lê đôi mách về các thủ trưởng của họ - từ tư lệnh hạm đội cho đến chỉ huy những con tàu riêng biệt...

  Hàng ngày, Rut và Friden (bà ta cũng làm việc tại mỹ viện) báo cáo cho Otto Kuen biết về những câu chuyện họ nghe thấy. Thông qua hệ thống liên lạc, ông ta báo cáo lại những thông tin ấy cho lãnh sự quán Đức và Nhật.

  Một lần, lãnh sự Nhật ở Honolulu là Otohiro Okuda cho người triệu Rut và Otto đến và hội họp bí mật với nhau. Otohiro đề ra cho họ một nhiệm vụ mới là thu thập những tin tức về tình hình trên hạm đội - ngày tháng chính xác con tàu nào ra khơi và trở về, địa điểm chính xác các con tàu bỏ neo, số lượng và các loại tàu. Otohiro cảm ơn họ về công việc họ đã làm và khi đề cập đến công việc mới thì  hứa hẹn sẽ trả cho họ nhiều tiền hơn nhiều.

  Rut yêu cầu trả trước bốn mươi ngàn dollar, nhưng bố cô ta đồng ý chỉ nhận trước mười bốn ngàn dollar, số tiền còn lại sẽ thanh toán sau khi hoàn thành tốt đẹp công việc. Otto Kuen tỏ ra rất lo lắng: họ lấy đâu ra được những tin tức như vậy? Nhưng Rut chỉ cười vang: cô ta đã hứa hôn với một sĩ quan hải quân cao cấp Mỹ và có thể làm được tất cả! Giờ đây, cô ta đứng ra chỉ đạo, còn bố cô ta chỉ thi hành các nhiệm vụ cô ta giao cho. Một điều rất có lợi là bố cô ta đã từng phục vụ trong thuỷ quân và có đầu óc phân tích. Cả hai bố con tạo thành một cặp bài trùng rất đẹp.

  Hơn thế nữa, họ còn được cậu bé Hans Joahim lên mười tuổi giúp đỡ. Vốn tính tình vui vẻ và nghịch ngợm, lại lúc nào cũng mặc bộ quần áo kiểu thuỷ thủ, nên bé Hans được đám thuỷ thủ rất yêu mến. Họ thường đưa cậu lên tàu và cho cậu xem những thứ "đồ chơi" có trên tàu. Otto Kuen không được phép lên tàu, và ông ta cũng không yêu cầu được lên. Còn Rut thì tìm hiểu qua người sĩ quan bạn trai của mình về tất cả những gì mà đứa em trai Hans nhìn thấy và chú ý. Vả lại, bé Hans do còn nhỏ và ít hiểu biết nên kể lại cũng không được kỹ lắm.

  Bản thân Rut cũng đã có lần đặt chân lên tàu theo lời mời của người chồng chưa cưới. Nhưng rồi cô không bao giờ lên nữa bởi vì cô nghe thấy có ai đó nói rành rọt sau lưng cô: "Phụ nữ lên tàu thì thể nào cũng xảy ra tai họa".

  Đồng thời, Rut Kuen sáng chế ra một hệ thống phát tín hiệu từ ngôi nhà nhỏ mà họ mua được cũng tại khu vực Trân Châu Cảng. Nơi nhận những tín hiệu đó là lãnh sự quán Nhật. Về sau, theo yêu cầu của lãnh sự Nhật, hệ thống này được cải tiến để các tàu chiến thuộc hạm đội Nhật cũng có thể nhận được những tín hiệu đó.

  Một hôm, Rut mua ở Honolulu hai chiếc ống nhòm thuỷ thủ cực mạnh - một thứ đồ khá lạ lùng đối với một cô gái trẻ nhưng cũng chẳng bị ai để ý hay ngờ vực. Tiếp đó, vào ngày mồng 2 tháng 12 năm 1941, hai bố con Otto và Rut Kuen lần đầu tiên thử nghiệm hệ thống phát tin mới. Hệ thống hoạt động rất tốt. Vào ngày hôm đó, lãnh sự Nhật Okuđa được họ thông báo những thông tin chính xác về số lượng và các loại tàu chiến cũng như nơi neo đậu tại Trân Châu Cảng. Sáng hôm sau, tổng lãnh sự Nhật Nagoa Kita (ông ta cũng là nhân viên tình báo Nhật) đã dùng máy phát sóng ngắn chuyển những thông tin đó tới trụ sở cơ quan tình báo hải quân Nhật.

  Hai bố con Otto và Rut Kuen biết ngày tháng chính xác và thậm chí cả giờ tấn công Trân Châu Cảng. Giờ đây, số phận của hạm đội Mỹ đã nằm trong tay họ.

  Trong ngày trước hôm cuộc tấn công nổ ra, hai bố con Rut liên tục truyền đi những tin tức mới nhất, nóng hổi nhất. Chiếc tàu ngầm của Nhật tiếp nhận tin rồi chuyển qua điện đài về trung tâm. Các tín hiệu rađiô đó quả thật có bị cơ quan tình báo Mỹ bắt được. Trước cuộc tấn công 36 tiếng đồng hồ, việc liên lạc trực tiếp qua điện đài vẫn thực hiện liên tục từ lãnh sự quán Nhật về Tokyo để chuyển những tin tức cần thiết, kể cả những tin tức nhận được từ Rut.

  Tuy nhiên, cả FBI lẫn cơ quan tình báo và phản gián hải quân Mỹ đều không coi trọng đúng mức những sự việc đó, họ tỏ ra thờ ơ một cách đáng ngạc nhiên.

  Đúng 8 giờ sáng ngày mồng 7 tháng 12 năm 1941, không quân Nhật gồm một trăm máy bay thuộc lực lượng không lực Hoàng gia đã đồng loạt tấn công nơi neo đậu các tàu chiến thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cũng như các căn cứ không quân của Mỹ trên quần đảo Hawai.

  Vào thời điểm đó, bảy trong số tám thiết giáp hạm của hạm đội Thái Bình Dương cùng gần tám mươi tuần dương hạm, ngư lôi hạm, tàu thả thuỷ lôi, tàu vớt mìn và nhiều loại tàu chiến khác đang neo đậu tại Trân Châu Cảng.

  Không quân Nhật biết chính xác các mục tiêu của mình: các mục tiêu đó được tính toán cho từng chiếc máy bay căn cứ theo hệ tọa độ mà Rut cung cấp. Cuộc không kích kéo dài tổng cộng một giờ 45 phút, có ngừng 15 phút giữa chừng, kết quả là tất cả các chủ lực hạm và phần lớn những loại tàu khác bị loại khỏi vòng chiến đấu. Hơn ba ngàn rưởi thuỷ thủ bị chết hoặc mất tích, gần một ngàn rưởi người bị thương.

  Sau trận đánh đó, hải quân và quân đội hoàng gia Nhật bắt đầu cuộc diễu hành chiến thắng trên các đảo ở Thái Bình Dương, trên đất Đông Dương, Malaixia và Mianma.

  Toàn bộ trận không kích được Rut hiệu chỉnh. Nhờ sự giúp đỡ của Otto Kuen, Rut thông báo về kết quả cuộc dội bom bằng cách phát đi những tín hiệu ánh sáng tới lãnh sự quán Nhật Bản rồi từ đó chuyển qua điện đài thẳng đến bộ chỉ huy hạm đội Nhật.

  Mãi mười lăm phút trước khi kết thúc trận đánh, ba sĩ quan Mỹ mới ngẫu nhiên nhận thấy các tín hiệu ánh sáng và xông vào ngôi nhà của Rut. Nhưng đã quá muộn và không thể ảnh hưởng gì nữa đến số phận của hạm đội Mỹ.

  Gia đình Kuen bị bắt với đầy đủ tang chứng. Tại toà án, Otto Kuen nhận mọi tội lỗi về mình. Cả vợ và con gái ông ta cũng gánh nhận mọi tội lỗi về mình như vậy. Nhưng toà án lại phán xét theo kiểu riêng: vợ ông ta có vẻ quá đần độn còn cô con gái lại quá trẻ đẹp. Bởi vậy chỉ Otto Kuen là bị kết án tử hình. Ông ta đấu tranh một cách tuyệt vọng để bảo toàn mạng sống, ông ta hứa sẽ cung khai với người Mỹ toàn bộ mạng lưới tình báo của Nhật và Đức ở Thái Bình Dương và trong tương lai sẽ hết lòng hết sức phục vụ người Mỹ. Ông ta quả thật đã cung khai mạng lưới tình báo như đã hứa nhưng không vì vậy mà được giảm án. Mãi đến ngày 26 tháng 10 năm 1942, án tử hình của ông ta mới được thay thế bằng bản án năm mươi năm tù tại nhà tù nổi tiếng Antracas ở San Fransisco là nơi không một tù nhân nào vượt ngục nổi. Nhưng đến năm 1948, ông ta được phóng thích và đi đến Argentina.

  Bà vợ Friden và cô con gái Rut được toà tha bổng vì không đủ bằng chứng, họ chỉ bị quản thúc cho đến hết chiến tranh. Sau chiến tranh họ trở về Tây Đức và sống khá bình yên - Ít ra thì người ta cũng được biết như vậy cho đến năm 1960. Rut đổi tên và làm giáo viên tại một trường phổ thông.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 02 Tháng Tám, 2008, 02:13:47 pm
74 - HEINZ  FELFE (sinh năm 1918)
 Những bước ngoặt gian truân

(http://www.axisglobe.com/Image/2005/12/16/German%20Intelligence/2-1.jpg)

  Là con trai giám đốc cảnh sát Dresden, năm 13 tuổi, tức năm 1931 anh tham gia liên đoàn quốc gia xã hội chủ nghĩa của học sinh, năm 1936 trở thành thành viên đội quân đặc biệt SS được coi là "tổ chức hào hiệp và đàng hoàng" (từ đây về sau những đoạn có ngoặc kép là trích trong hồi ký của Heinz  Felfe). Anh chân thành cho rằng "Tất nhiên, Hitler đã mang đến cho nhân dân Đức cái mà nhân dân cần đến trong thời kỳ mờ mịt của nước cộng hoà Veymar: một mục đích rõ ràng, một trật tự và kỷ luật nghiêm ngặt".

  Năm 1939, sau mười ngày tham gia chiến tranh với Ba Lan, Felfe bị viêm phổi, giải ngũ, sau đó lại được động viên và được đưa tới Berlin học tập với tư cách là một cán bộ kế cận lãnh đạo đội cảnh sát bảo vệ nằm trong SS. Anh cảm thấy mình là người đại diện cho "lớp tinh hoa của quốc gia có trách nhiệm thực hiện những đường hướng lớn lao trong vai trò lãnh đạo quốc gia Đức...". Đồng thời anh cũng "nhận thấy những mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm của giới lãnh đạo đất nước, nhưng coi đó là căn bệnh tất yếu trên đường phát triển...".
Việc nước Đức tấn công Liên Xô đã làm anh lo âu, bối rối. Thứ nhất, với tư cách là luật gia tương lai, anh không thể hiểu nổi vì sao giới lãnh đạo đất nước lại có thể chà đạp lên hiệp định không tấn công lẫn nhau ký ngày 23-8-1939. Thứ hai, khi nhìn lên bản đồ, anh không khỏi ngạc nhiên, làm sao họ dám đánh nhau với một đất nước rộng lớn đến như thế.

  Heinz đã dự thi vượt thời hạn và đã thành công, đến tháng 3 năm 1943 anh đã trở thành cố vấn của cảnh sát hình sự. Cuối tháng 8 năm 1943 anh được chuyển vào Cục VI của Tình báo Đối ngoại. Vì thiếu cán bộ nên Heinz được đề bạt ngay vào cương vị lãnh đạo, mặc dù anh không có một chút ấn tượng nào về công tác tình báo. Là người năng nổ và hiếu học, anh nghiên cứu đủ mọi thứ, thậm chí cả những thứ chẳng liên quan gì đến phần việc của anh, như thế anh lập tức phá vỡ mệnh lệnh nổi tiếng số 1 của Hitler: Không ai được biết nhiều hơn những điều được yêu cầu cho công tác trực tiếp của người đó.

  Người lãnh đạo Cục VI là Valter Shellenberg, chưa đầy ba mươi tuổi. Sau thất bại của trùm tình báo Đức là đô đốc Canaris, Cục VI đã được bổ sung nhiều tình báo quân sự. Felfe là trưởng phòng tin VI B-3 phụ trách Thụy Sĩ và Lihtenshteyn. Công việc được tiến hành theo ba hướng: thu thập thông tin, đánh giá và sử dụng thông tin, lập phiếu và lưu trữ. Các nguồn thông tin tình báo nước ngoài nhận được cái gọi là "số V" (chữ cái đầu tiên của từ Đức (vertrauensperson) - "tín nhân". Các điệp viên đều có số riêng bắt đầu từ số mã của điệp viên nằm vùng (thí dụ, đối với Thuỵ Sĩ là 79). Việc bảo mật được đặt ra chu đáo, tên thật của điệp viên chỉ có người cùng hợp tác mới biết, thậm chí thủ trưởng cũng không biết. Nhưng cũng có những nguồn thông tin không có chữ "V". Họ thuộc nhóm những điệp viên cần được nguỵ trang đặc biệt cẩn thận, mặc dù họ không phải là tín nhân, cũng không phải là điệp viên. Họ có quan hệ với ban lãnh đạo tình báo Đức, đặc biệt với chính Shellenberg, có thể họ đã được cấp trên cho phép. Thí dụ, một trong số những người này là giám đốc tình báo quân sự Thụy Sĩ, tướng Rozhe Masson, có mã số là Zommer-1. Những cuộc tiếp xúc như vậy giữa các cơ quan mật vụ được tiến hành khá thường xuyên, cả Shellenberg và cả Felfe đều biết rằng Masson đang duy trì mối quan hệ tương tự với người Mỹ và người Anh.
Mỗi thông tin đều được đánh giá theo hệ thống 6 điểm (điểm 6 là thấp nhất). Sau này trong thời Gehlen các chữ cái từ A đến F được dùng để đánh giá tình hình và độ tin cậy của nguồn thông tin. Nếu nói đến các cuộc hội đàm chính phủ, thì A là người tham gia, B là phiên dịch, C là thư ký, D là nhân viên thường, E và F biểu thị loại thông tin tiêu cực, trong đó nguồn tin đặt dưới chữ F là không đáng tin cậy. Đặc biệt quan trọng là những thông tin của các nhóm ngoại giao, những tin này được truyền ngay về chính phủ.

  Khi Heinz Felfe bắt đầu công việc, ở Thụy Sĩ chỉ có 3 tình báo Đức - điệp viên nằm vùng Karl Daufelt và 2 cô thư ký (một cô là nhân viên điện đài), trong khi Cục Tình báo tính ra phải có 18. Shellenberg ra chỉ thị nghiêm ngặt tiến hành công việc chống Thụy Sĩ, chỉ sử dụng những khả năng của nó để hoạt động do thám chống các nước thù địch.

  Kẻ thù cơ bản của Felfe là điệp viên Anh Kable, nhưng chẳng bao lâu sau anh khẳng định rằng không thể bám vào hắn được. Tình báo Anh có nhiều tiền hơn hẳn tình báo Đức. Người Đức không cho tình báo hưởng tiền mà cung cấp cho họ thuốc insulin, họ sẽ bán đi mà sống. Để hải quan không cho là buôn lậu, họ được cấp chứng chỉ y tế chứng nhận mắc bệnh tháo đường. Để kiếm được ngoại tệ, anh chơi với một bác sĩ tên là Vernet, ông ta sản xuất thuốc nội tiết. Những thuốc này dự tính bán ở Thụy Sĩ, nhưng ý tưởng này không thành hiện thực. Về sau Felfe hoảng sợ thấy rằng người ta đã đem thuốc của bác sĩ Vernet để thí nghiệm vào tù nhân ở các trại tập trung.
Việc tài chính chỉ là một phần công việc tình báo. Thông qua các điệp viên của mình ở Thụy Sĩ người Đức vẫn nhận được những thông tin chính trị. Nhưng tình hình nước Đức cứ xấu dần đi, làm ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng và tính chất các thông tin tình báo. Tuy nhiên, đường dây của Felfe đã nhận được tin tức nói rằng Thụy Điển có ý định tiếp tục giữ nguyên tình trạng trung lập. Họ cũng tìm được cách giải mật mã các bức điện đàm của Đại sứ quán Mỹ ở Thụy Sĩ với Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, mọi thông tin đều có ít tác dụng. Hitler, Ribbentrop, Himmler đều không muốn tin họ, vì những thông tin đó không phù hơp với bức tranh riêng dứt khoát đã hình thành của họ. Tính khách quan không ai cần đến.

  Việc mở ra mặt trận thứ hai, vụ mưu sát Hitler ngày 20-7-1944 đã buộc Felfe phải suy nghĩ. Anh có mặt trong phiên toà xử nhóm mưu sát, nhưng nhóm này làm anh có cảm tình.

  Felfe muốn thiết lập ở Thụy Sĩ mối quan hệ với người Mỹ, và anh cũng biết được ý đồ của người Mỹ ngay từ đầu. Felfe cài được điệp viên của mình vào chỗ Dulles. Điệp viên này có biệt danh "Gabriel", một người Đức trẻ tuổi, giả làm người chống chế độ quốc xã. Dulles cởi mở nói với anh ta rằng cuộc đại chiến thế giới tiếp theo sẽ là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô. Dulles là người rất hay chuyện và đã để lộ cho Gabriel nhiều chi tiết các cuộc hội đàm ở Thụy Sĩ giữa ông ta với tướng Volf vào mùa xuân 1945. Trong hồi ký của mình Dulles viết rằng việc chảy máu thông tin diễn ra thông qua một điệp viên ở khu vực Kaltenbrunner, mặc dù trên thực tế chính ông ta là người có tội.
Ngoài Gabriel, Felfe còn có những điệp viên khác. Mọi thông tin về các cuộc tiếp xúc ở Thụy Sĩ anh đều báo trực tiếp cho Shellenberg. Chính trong giai đoạn này Felfe biết rằng Mỹ có ý đồ chia nước Đức ra nhiều quốc gia nhỏ, trong khi Liên Xô giữ quan điểm một nước Đức thống nhất yêu chuộng hoà bình. Anh có cảm tình ngay với Liên Xô.

  Felfe đã nhìn thấy trước là nhà nước phát xít sụp đổ. Một hôm anh được làm quen với một số tài liệu về những tội ác dã man của bọn Hitler ở các vùng lãnh thổ bị chúng chiếm đóng, về việc tàn sát những người Do Thái. Anh hoàn toàn khẳng định được tính chất tội lỗi của tình báo Đức và quyết định rời bỏ công việc. Cơ hội đã đến. Trước Noel 1944, trong một cuộc phản công của quân Đức ở Ardennakh, anh được yêu cầu tham gia vào việc đưa những người tình nguyện Đức vào hậu phương quân Đồng minh. Tuy nhiên, nhiệm vụ đó bị bãi bỏ, và Felfe phải ở lại Hà Lan, tại đây anh lại rơi vào Cục VI tình báo Đức, nhưng hoạt động ở vòng ngoài. Anh ở đó cho đến hết chiến tranh. Những cuộc ném bom tàn khốc vô nghĩa lý của quân Anh-Mỹ trên quê hương Dresden của anh những ngày 13-15 tháng 2 năm 1945 khiến anh rùng mình, khi có hàng chục ngàn người bị giết chết, và trong nhận thức của anh có sự chuyển dịch lớn lao về phía Liên Xô là đất nước không bao giờ áp dụng những hành động tương tự chống lại dân thường.

  Ngày 8-5-1945 với tư cách chỉ huy trung đội quân Đức rút lui, Felfe đã bị quân Canada bắt làm tù binh. Là một cựu nhân viên tình báo V bị tra hỏi nhiều lần. Người thẩm vấn có cảm tình với anh. Không hiểu vì lý do này hay còn vì những lý do nào khác mà người ta thừa nhận rằng anh vẫn có ích cho cơ quan trong ngành công an của nước Đức mới. Felfe nhớ lại rằng những người như anh có nhiều lắm. Những người Anh, Mỹ không giấu giếm rằng họ còn có ích trong cuộc chiến tranh chống Liên Xô. Người ta thậm chí còn giữ lại cả những đơn vị quân Đức, tổng số có tới ba triệu người dưới sự chỉ huy của các tướng lãnh Đức. Mãi đến năm 1946 các đơn vị này mới bị giải tán sau khi Liên Xô kiên quyết phản đối.

  Felfe được đưa từ Hà Lan về Đức. Ngày 31-9-1945 anh được trả tự do ở thành phố Myunster và được giấu đi quá khứ SS. Từ sau khi bị tù, Heinz Felfe trở thành người chống phát xít, chống quân phiệt kiên định. Anh cho rằng tương lai của nước Đức là ở phương Đông, trong tình hữu nghị với Liên Xô, và anh muốn đóng góp phần mình. Felfe trở thành nhà báo, vừa là nghề kiếm sống, vừa cho phép anh đi khắp các vùng bị chiếm đóng, làm quen với cả Konrad Adenauer ở cạnh nhà anh và với nhiều chính khách khác nữa. Đồng thời anh còn học tập ở khoa nhà nước và pháp quyền của đại học tổng hợp Bonn. Felfe đã tích luỹ được nhiều thông tin về việc khôi phục tiềm năng quân sự ở Tây Đức, những thông tin mà người ta không viết trên báo và không nói ra trong nghị viện. Ngay từ năm 1949, Felfe đã có quan hệ với các sĩ quan Xô Viết, họ gây cho anh ấn tượng tốt về mặt thuần tuý con người. Nhưng phải hai năm sau anh mới  "nói chuyện cởi mở với các sĩ quan tình báo Xô Viết".

 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 02 Tháng Tám, 2008, 02:14:03 pm
  Sau khi học xong trường đại học tổng hợp Bonn anh làm việc ở cơ quan bộ về những vấn đề toàn nước Đức, chuyên thẩm vấn dân tị nạn - những cựu nhân viên cảnh sát Cộng hòa dân chủ Đức. Kết quả những cuộc thẩm vấn này anh viết lại trong một cuốn sách chi tiết "Về cơ cấu công an nhân dân trong khu vực Liên Xô chiếm đóng theo thực trạng tính đến đầu năm 1950". Cuốn sách lọt vào mắt các nhân viên tổ chức tình báo của Gehlen. Đọc xong, họ mời anh đến làm việc. Có hai yếu tố thúc đẩy việc này: bản thân anh không yêu cầu được làm (điều này có thể gây nghi ngờ) và thời gian trước anh đã làm cho tình báo Đức.

  Tổ chức của Gehlen nhìn chung gồm các cựu sĩ quan phản gián và tiến hành công tác tình báo chống lại Phía Đông. Tất nhiên, anh bị kiểm tra kỹ lưỡng. Họ không tìm được điều gì đáng phàn nàn, ngày 15-11-1951 sau khi trao đổi với đại tá Krikhbaum anh lên đường đi Karlsrue để bắt tay vào công việc trong "tổng đại diện của GPL".

  GPL làm nhiệm vụ thu thập thông tin về những đạo quân Pháp bị chiếm đóng và tiến hành đấu tranh chống Cộng hòa dân chủ Đức. Tuy vậy, công việc ở đây không làm anh vừa lòng. Năm 1953 anh đặt ra cho mình nhiệm vụ phải thâm nhập vào trung tâm. Anh đã làm được việc đó. Tháng 10 năm 1953 anh được chuyển về trung tâm theo chỉ thị của đích thân Gehlen. Felfe được giao nhiệm vụ soạn thảo các hoạt động tác nghiệp trong lĩnh vực phản gián chống Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa khác. Dần dần tổ chức này lớn lên cả về mặt nhân sự lẫn về mặt vật chất. Giữa những năm 1950 Felfe được thăng cấp cố vấn chính phủ và được chỉ định làm giám đốc “Cơ quan phản gián chống Liên Xô và các cơ quan đại diện Xô Viết ở Cộng hòa liên bang Đức". "Phần lớn công việc của tôi trên cương vị tình báo Xô Viết tôi đã thực hiện tại văn phòng của tôi trong thời gian ngày làm việc chính thức, vì người ta không khuyến khích làm ngoài giờ. Để khỏi bị quấy nhiễu, tôi thường khoá cửa".

  Thông tin của Felfe liên quan đến nhiều vấn đề. Chẳng hạn, anh đã mô tả chi tiết cuộc chạy trốn của giám đốc cơ quan phản gián Tây Đức Yon sang Đông Đức năm 1954 - một sự kiện không thể hiểu nổi đối với đa số người đương thời. Felfe đã khai thác được các thông tin về tình hình nội vụ của Cộng hòa liên bang Đức, về các động lực chính trị của Adenauer. Thông báo của anh về những ý đồ của Adenauer chống lại quyền lợi nước Pháp đã có ý nghĩa to lớn khi thông báo cho chính phủ Pháp biết. Khi đó Pháp mới ngăn chặn việc Tây Đức tham gia vào khối phòng thủ chung châu Âu, làm chậm tiến trình tái quân sự hoá Tây Đức. Felfe cũng đã truyền những tư liệu về những kế hoạch quân phiệt của giới lãnh đạo Tây Đức, mà họ giấu kín thậm chí cả các đồng minh của mình. Việc công bố những tư liệu này đã phá vỡ những quan hệ giữa họ. Thậm chí Churchill còn gửi cho Thủ tướng Adenauer một bức thông điệp trong đó có kết luận là không thể nào tin tưởng vào Tây Đức được.

  Trong tổ chức phản gián Felfe đã giữ nhiều trọng trách. Anh là trưởng nhóm 53/III "chống các cơ quan tình báo Liên Xô", trong đó chống cả các cơ quan đại diện Xô Viết ở Cộng hòa liên bang Đức. "Đó là những ngày hoạt động tình báo rất căng thẳng. Chỉ có kẻ nào trải qua những thác ghềnh đó mới biết được phải có lòng kiên định đến như thế nào". Nhờ hoạt động trong lĩnh vực phản gián Felfe đã cung cấp cho tình báo Xô Viết những thông tin về ý đồ của tổ chức này "Chúng tôi đã kịp thời nhận thức được những hành động nguy hiểm của tình báo Đức, và từ vị trí của mình tôi đã giúp đảm bảo chống lại một cách tích cực".

  Có nhiều hoạt động của tình báo Đức được tiến hành với sự tham gia hoặc chỉ đạo trực tiếp của anh. Một trong những hoạt động có ý nghĩa là đặt các thiết bị nghe trộm trong đại diện thương vụ của Liên Xô ở Coulogne. Phức tạp là ở chỗ làm thế nào để phản ứng lại thông tin về sự việc này? Phát hiện và tháo gỡ những "con bọ"  ấy ư? Hay là đình chỉ những cuộc nói chuyện bí mật trong các căn phòng có bọ? Các phương án đều không ổn. Cần tìm những phương án khác để làm sao "cừu cũng sống mà sói cũng no". Và rồi cũng đã tìm ra.
 Trong số những hoạt động quan trọng cần phải nói đến những ý đồ tuyển chọn điệp viên trong những người Xô Viết, cũng như trong số những người Đông Đức và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã chạy sang Tây Đức. Nhưng có ý nghĩa đặc biệt là thông báo của Felfe về những biện pháp phản thông tin của tình báo Đức. Anh biết tất cả những trường hợp có trò chơi hai mặt của chúng. Sau khi nhận được thông báo tương ứng, phía Xô Viết quyết định tham gia luôn vào trò chơi ấy, nhưng không được gây nguy hiểm cho cộng sự. "Điều quan trọng hơn nữa là phải biết khai thác "hai mặt" các tư liệu và "duy trì sự sống" cho tình báo. Việc phản thông tin từ phía điệp viên hai mang được nhận dạng có giá trị riêng, bởi vì qua đó có thể xác định được vì sao kẻ địch muốn đánh lạc hướng, hoặc chúng muốn cái gì bằng con đường này.
 
  Felfe đã cảnh báo cho những người Xô Viết về việc sắp bị bắt về tội do thám. Chẳng hạn, anh đã cứu được công dân Nga Kirpichev, anh ta đã trốn được ngay trước mũi bọn bắt người. Một văn phòng mang tên INDEX được tổ chức riêng để chống lại Đại sứ quán Liên Xô. Văn phòng này do Felfe lãnh đạo. Tình báo Đức cùng với CIA nghĩ ra cách khiêu khích một nhà ngoại giao Xô Viết đến Bonn (chính là "nhà báo" mà Felfe đã nói chuyện với ở Veymar từ năm 1940). Felfe đã kịp thời thông báo cho tình báo Liên Xô biết.

  Một trong những chiến dịch mà Felfe lãnh đạo ("Diagramma") được tiến hành để chống lại cái gọi là khu cấm địa Karlskhorst, nơi tập trung các cơ quan tình báo Xô Viết. Anh triển khai hoạt động "rầm rộ". Anh có đến 5 tập tài liệu vẽ sơ đồ các căn phòng, số điện thoại, sơ đồ các khu đất, đánh dấu từng con đường mòn. Sau này cuốn tài liệu đó được sử dụng trong tình báo Đức, Viện công tố quốc gia Tây Đức và các cơ quan khác. Phía Xô Viết không hề có phản thông tin nào về chuyện này. Cuốn tài liệu được bổ sung một cách có hệ thống và được chính xác hoá trước năm 1959. Nhờ chiến dịch "Diagramma" mà CIA thôi không đòi hỏi tình báo Đức phải cung cấp thêm thông tin về tình báo Xô Viết. Công việc được tiến hành có vẻ như tích cực, nhưng thực sự là dẫm chân tại chỗ và chẳng mang chút lợi nào cho cả tình báo Đức lẫn  CIA.

  Để khuấy động trò chơi và đánh lạc hướng thêm quân địch, tình báo Xô Viết đã được chuẩn bị sẵn sàng gợi ý tên tuổi những người mà tình báo Đức có thể tuyển mộ. Nhưng Felfe từ chối phương án đó vì nó làm tình hình của anh thêm phức tạp.

  Hoạt động tích cực của Felfe, những cuộc gặp gỡ với các điệp viên Xô Viết, dù đã được giấu rất kỹ, nhưng cũng vẫn gây chú ý cho phản gián Đức, và anh bắt đầu bị theo dõi. Ngày 6-11-1961 anh bị bắt. Trên đường đến nhà giam anh đã kịp thủ tiêu một số bản ghi chép những địa chỉ và số điện thoại ước lệ. Tuy nhiên, anh không thể lấy ra khỏi ví bản photo nhiệm vụ mới nhận được trong cuộc gặp gỡ cuối cùng ở Vienna. Một số bằng chứng khác cũng bị phát hiện. Các cuộc hỏi cung kéo dài 6 tháng. Felfe ngay lập tức thừa nhận rằng anh là điệp viên Xô Viết: "Tôi còn có thể nói được gì nữa?". Điều duy nhất mà anh phủ định là anh bị coi là phản động: anh tự nguyện giúp Liên Xô và Tổ quốc Cộng hoà dân chủ Đức của mình; còn anh tham gia vào công tác tình báo Đức là khi anh đã trở thành tình báo Liên Xô rồi, và anh chỉ thực hiện những nhiệm vụ của ngành tình báo mà anh phục vụ. Bằng chứng là những văn bản đã qua bàn anh làm việc và anh đã xem xét thì đã chiếm đến ba căn phòng lớn. Tham gia thẩm vấn anh còn có cả những người Mỹ. Sau đó Felfe được dẫn tới toà án Liên bang ở Karlsrue. Tại đây người ta còn thẩm vấn anh thêm một năm nữa. Từ nhà lao anh đã bí mật liên hệ được với các bạn bè Xô Viết.
 
  Trong thời gian xét xử, văn phòng Thủ tướng yêu cầu Felfe bồi hoàn tất cả số tiền mà cơ quan tình báo Đức đã trả cho anh, anh phản đối: "Bên cạnh hoạt động có lợi cho Liên Xô tôi cũng đã hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ mà cơ quan tình báo Liên bang giao phó, trong đó có những việc như nghe trộm điện thoại, lắp đặt các "con bọ" trong các phòng của các nhà ngoại giao Xô Viết". Thế là những yêu cầu đòi tiền được rút lại.
 
  Vụ án bắt đầu ngày 8-7-1963 và kéo dài 2 tuần. Đêm nào anh cũng bị đánh thức dậy 9 lần để kiểm tra xem "anh có tự tử" hay không, vì thế đến cuối đợt anh hoàn toàn kiệt sức. Hai tuần sau bản án được công bố: mười lăm năm tù - đó không phải là hình phạt nặng. Felfe được đưa đến nhà tù ở Hạ Bavaria, ở đây anh bị ngược đãi và sỉ nhục, không được viết thư về nhà. Ngày thứ năm 13-2-1969 giám đốc nhà tù Shterk gọi anh tới, bắt tay nói: "Xin chân thành chúc mừng anh, mời anh ngồi". Hắn thông báo rằng anh phải cấp tốc thay quần áo, ngày mai anh phải tới biên giới. Ngày hôm sau, 14-2-1969 hai tên sĩ quan đưa anh ra khỏi nhà tù và dẫn anh tới biên giới với Cộng hòa dân chủ Đức. Sau lời chào mừng ngắn gọn của hai luật sư Fogel và Shtang là đại diện của Felfe và của chính phủ liên bang, nhà tình báo tự do bước qua biên giới. Trước mắt anh là một cuộc sống mới, xa lạ. Anh vẫn chưa về hưu, anh vẫn còn có thể làm lại mọi việc từ đầu.
Ba năm sau Felfe bảo vệ luận văn tiến sĩ khoa học. Anh viết một cuốn hồi ký, kết thúc bằng mấy dòng: "Những năm tháng gian truân với tư cách là điệp viên của Liên bang Xô Viết là những năm tốt đẹp nhất trong cuộc đời tôi".


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 02 Tháng Tám, 2008, 08:30:24 pm
75 - FRANS FON RINTELEN (Thế kỷ XX)
Điệp viên biệt kích vĩ đại nhất của thế chiến thứ nhất



  Nhiều tác giả coi ông là điệp viên và biệt kích vĩ đại nhất của Thế chiến thứ nhất. Ông còn sống và viết sách tự thuật, viết về hoạt động tình báo Đức tại Mỹ, về những vụ nổ tàu, gây những đám cháy bất ngờ, sử dụng mật mã và lợi dụng các công đoàn Mỹ vào mục đích do thám.


  Rintelen bị thất bại vì ông chủ bất tài Frans fon Papen, khi ông này đem sử dụng bộ mật mã cũ rích, mà khối Đồng minh đã biết rồi. Rintelen cho rằng đó là việc làm cố ý. Đó là chuyện ông kể trong tập hồi ký in năm 1933.

  Ngày 22-3-1915, Rintelen rời Berlin đến Shtettin, từ đó đi Thuỵ Điển rồi đi New York. Ông mang hộ chiếu của một người Thuỵ Sĩ tên là Emil Gashe có visa thật của Anh và Mỹ. Khi đến New York, việc đầu tiên của Rintelen là đến thăm câu lạc bộ Đức, tại đó ông gặp gỡ tuỳ viên quân sự và hải quân là các đại uý Boy-Edeli và Papen. Những người này không mấy vui vẻ khi gặp ông, bởi vì họ hiểu rằng ông sẽ phá vỡ cuộc sống yên tĩnh của họ. Tuy vậy, ông đã làm vui lòng fon Papen khi thông báo rằng ông này được ban tặng huân chương Thập tự sắt. Cũng có thể vì thế mà Papen viết thư cho tướng Falkenhayn cảm ơn ngài đã phái đến một con người "bằng mọi cách phải phá hoại được các chuyến hàng tiếp tế quân sự của Mỹ".

  Rintelen mang theo một bộ mật mã mới cho ông đại sứ và hai tuỳ viên, bởi vì Berlin cho rằng bộ mật mã cũ khối Đồng minh đã biết rồi, không nên dùng lại nữa. Trao mật mã xong, Rintelen chào tạm biệt rồi "biến thẳng".

  Ông về ở một khách sạn khiêm tốn nhưng tiện nghi tại phố 57 và bắt đầu tìm cách chế tạo chất nổ. Khi dạo chơi trên các đường phố New York ông thấy có nhiều thuỷ thủ Đức đi lang thang: các tàu Đức không rời được cảng, vì ra ngoài khơi họ có thể bị tàu Anh đánh chìm hoặc bắt cóc. Một trong các cộng sự của Rintelen là đại uý fon Kleist đã sử dụng được những thuỷ thủ này vào mục đích phá hoại.
Hầu hết những phu khuân vác là người Ireland, họ căm ghét người Anh và Đồng minh của Anh. Họ chửi bới văng mạng khi nhìn thấy những tàu chở vũ khí sang Anh.

  Rintelen phải hành động dưới sự chỉ đạo của Papen, nhưng Rintelen không thích ông này, vì nhiều lần nghe nói ông ta bất tài. Nhiều điệp viên đã từ chối không làm việc với ông ta. Nhưng rồi họ vẫn phải làm. Ít lâu sau ông nghe nói có một người mà cả Đức và Ireland đều tin tưởng. Đó là tiến sĩ Buyns, trước đây đã là lãnh sự Đức ở New York. Thời gian đó ông đại diện cho ngành tàu biển Hamburg-Mỹ, chuyên đi thuê tàu để bí mật cung cấp than cho các tàu tuần tiễu Đức ở ngoài khơi. Để trao đổi với ban chỉ huy hạm đội Đức ông đã có một bộ mật mã riêng. "Khi chúng tôi gặp nhau, ông nói rằng nếu tôi cung cấp cho ông ta một ít kíp nổ thì tốt quá. Tôi hỏi kíp nổ để làm gì, thì ông bảo rằng những người anh em muốn làm một việc gì đó. Nếu ngoài khơi họ gặp một con tàu chở súng ống sang châu Âu, họ sẽ bắt tàu, bắt chỉ huy và cho nổ tàu...". Tôi không phản đối, nhưng ở New York lấy đâu ra kíp nổ mà không bị chú ý? - Rintelen nhớ lại.

  Ông lãnh sự đưa cho Rintelen địa chỉ một nhà xuất khẩu mà chiến tranh đã làm ông sập tiệm. Đó là Makc Visir. Rintelen đã thử thách ông ta và khẳng định rằng ông này biết mọi chuyện và có thể làm được mọi chuyện. Hai người cùng nhau lập ra hãng "E.B. Gibbons và K", thuê một văn phòng ở phố Chedar, trung tâm khu phố thương mại New York và ghi tên vào sổ đăng bạ thương mại với tư cách là công ty xuất nhập khẩu. Chẳng bao lâu sau có tiến sĩ hoá học Sheele đến với họ. Ông mang thư giới thiệu của đại uý Papen và một vật gì đó giống như điếu thuốc lá, thì ra đó là một kíp nổ. Họ đem vào rừng thử, thấy rất tốt. Bây giờ phải tìm cách sản xuất và đem ra tàu.

  Nhờ các bạn Ireland và những người khuân vác mà vấn đề đưa kíp nổ ra tàu được dễ dàng. Con tàu đầu tiên được chọn là "Fobus", vài hôm nữa nó sẽ chở đạn dược sang Arkhangenlsk. Một anh khuân vác đã bình tĩnh mang kíp nổ lên tàu trước mắt lính gác.
Suốt ngày hôm sau Rintelen cùng các anh em ngồi trong văn phòng chờ đợi tin nhanh. Không thấy đâu cả. Ngày thứ hai, rồi... ngày thứ ba. Bỗng nhiên có "Bản tin Lloyd" (hãng bảo hiểm): "Các sự cố. Tàu "Fobus" chạy từ New York về Arkhangelsk đã bốc cháy ngoài biển và đã được kéo về Liverpool".

  Rintelen rất vui. Ông khẳng định rằng họ không muốn ban lãnh đạo con tàu phải chết, vì thế không gắn kíp nổ vào đạn pháo, mà gắn vào đạn thường. Cuộc thí nghiệm đã thành công.

  Hãng "E.B. Gibbons" cần thể hiện tính năng động thương mại hơn nữa. Thông qua một bà bạn, Rintelen đã liên hệ được với tuỳ viên quân sự Nga ở Paris là bá tước Ignatiev, nhờ ông mà ổn định được việc nhập khẩu rượu vang Pháp "Claret" vào Mỹ. Sau đó hãng lại đề nghị Ignatiev mở rộng buôn bán bằng cách cung cấp cho quân đội Nga. Một thời gian sau hãng lại ký được hợp đồng cung cấp cho quân đội Nga nhiều mặt hàng nữa. Con tàu đầu tiên chở hàng cho quân đội Nga (đồ hộp và đạn dược) bị cháy ngoài khơi là do một quả mìn của nhóm ông. Công việc của họ thật dễ dàng: ông và các bạn ông được tự do thăm tàu khi bốc hàng vì đã được tín nhiệm.

  Những người Nga rất phiền lòng. Con tàu thứ hai chở hàng cho Nga cũng được bốc hàng không có sự cố gì dưới sự quan sát của ông. Nhưng... nó lại bốc cháy ngoài khơi.

  Khi bốc hàng cho con tàu thứ ba, Rintelen và đồng sự không rời mắt khỏi quá trình làm việc. Nhưng bỗng nhiên những chiếc xà lan kéo hàng chòng chành, và chẳng mấy chốc tất cả đã chìm xuống đáy cảng New York. Đoàn chủ tàu may mà thoát chết.

  Sáng hôm sau những người Nga mặt mày xanh xám đến văn phòng ông yêu cầu chở nốt số hàng còn lại. Rintelen tuyên bố rằng ông không có ý định tiếp tục công việc. Hai bên chia tay không chút hài lòng. Hãng ông tuyên bố sạt nghiệp và không tồn tại nữa. Ông Rintelen hết sức vui mừng: những người Nga không nhận được hàng!

  Tiến sĩ Sheele vẫn tiếp tục chế tạo ngòi nổ suốt ngày đêm. Số lượng những tai nạn ngày càng nhiều, tờ "Thời báo New York" liên tục đăng trên trang nhất những thông báo làm vui lòng Rintelen và bạn bè. Ngày 5-7-1915 thủ tướng Nga Miliukov trình lên Duma một bản báo cáo nói rằng việc chậm trễ gửi hàng từ Mỹ sang đang trở nên ngày một trầm trọng và rằng cần có biện pháp điều tra và trừng phạt.
Việc cung cấp hàng sang Nga bị gián đoạn. Rintelen viết: "Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc". Ông vẫn tiếp tục đặt bom và đã mở những chi nhánh của mình ở Boston, Philadelfia, Baltimor và ở các cảng phía Nam nước Mỹ. Ngòi nổ được các nhân viên của ông mang lên tàu trong hành lý của mình. Cuồng tín nhất là những người Ireland. Họ không từ bỏ một cơ hội nào để đặt mìn vào tàu nước Anh.

  Rintelen nhớ lại: "Họ không biết thực sự tôi là ai, chỉ cho rằng tôi có liên lạc với Bộ chỉ huy của phong trào giải phóng Ireland. Nhưng tôi phải từ bỏ phục vụ cho phong trào này, bởi vì họ đã đặt bom không đúng yêu cầu". Vấn đề là ở chỗ ông không có kế hoạch đặt bom vào tàu của Mỹ để không phá vỡ tính trung lập của họ và không làm người Mỹ nổi giận, nhưng người Ireland lại làm việc đó.

  Rintelen mở một công ty mới "Công ty đường sắt Tây Bắc Mexico". Tác giả và người thực hiện phi vụ đầu tiên là kỹ sư người Đức Fey. Ông đã đi thuyền đến sát con tàu đỗ tại cảng và gắn mìn vào chỗ buồng lái. Ra ngoài khơi mìn nổ, con tàu đúng là "không buồm không lái". Mấy con tàu đã phải nằm bẹp như vậy. Các cơ quan bảo vệ cảng tăng cường cảnh giác. Fey không thể dùng xuồng máy tiếp cận được nữa. Ông bèn thiết kế một cái mảng nhỏ. Chờ đêm xuống ông ra gắn mìn. Lúc đó mọi người áp dụng cả mìn gắn vào hàng hoá và cả mìn của Fey. Kết quả thật đặc biệt và "công suất" của nhóm ông tăng lên gấp hàng chục lần.

  Một lần Rintelen đọc báo về vụ đình công của anh em bốc dỡ New York không bị các công đoàn trừng phạt. Ông nảy ra một ý tưởng mới. Hầu hết anh em bốc dỡ là người Ireland, họ cho rằng nếu ngăn cản được việc chở vũ khí thì nước Anh sẽ thua trận và nước họ sẽ được tự do. Nhưng các công đoàn dưới sự chỉ đạo của thủ lĩnh thân Anh là Samuel Gompers đã cấm đoán những cuộc đình công này. Không phải mọi thủ lĩnh công đoàn đều đồng tình với ông ta, và trong lãnh đạo đã có sự chia rẽ. Rintelen quyết định thành lập công đoàn "riêng", ủng hộ những cuộc bãi công của anh em bốc dỡ, và ông đã có tiền để làm điều đó.

  Ông không thể đấu tranh với tư cách là người Đức, việc đó sẽ làm người ta không tin ông. Ý đồ đấu tranh của người Ireland cũng không phải là tối ưu, bởi vì nó không được anh em các dân tộc khác ủng hộ. Lúc đó ông đưa ra tư tưởng tình anh em công nhân quốc tế. Khẩu hiệu của ông là: "Không cho phép chở bom đạn để công nhân các nước tham chiến giết hại lẫn nhau!".

  Các nhân viên được ông trả tiền đã đi truyền bá tư tưởng đó. Họ tổ chức mít tinh kêu gọi các nghị sĩ và các nhân vật tiếng tăm đấu tranh phản chiến. Không ai nghi ngờ gì rằng họ trở thành con rối của viên sĩ quan Đức đang khiêm tốn ngồi trong đám người biểu tình.
Ngày hôm sau ông gặp các thủ lĩnh các công đoàn Đức, Mỹ và Ireland. Họ thành lập một công đoàn mới mang tên "Hội đồng công nhân quốc gia vì hoà bình". Tất nhiên là chính Rintelen không tham gia vào ban lãnh đạo, nhưng trong số đó đã có người tin cậy của ông. Ông mong muốn thống nhất được trong "công đoàn" càng nhiều công nhân bốc vác Mỹ càng tốt, nó cho phép ngăn cản được hoàn toàn việc bốc hàng quân sự cho các nước Đồng minh. Các công đoàn chính thức thì cười diễu công đoàn mới này, nhưng ông thì đã có thể tổ chức được hàng loạt các cuộc đình công tại các cảng Mỹ. Tuy nhiên ông phải trả tiền cho những người tham gia, mà không phải là ít. Lại còn mất nhiều tiền để đánh điện gửi tổng thống Wilson, những bức điện này được gửi từ nhiều thành phố yêu cầu chấm dứt việc cung cấp vũ khí "để giết hại anh em công nhân". Tổng thống đã có ý định tiếp kiến với các thủ lĩnh công đoàn Rintelen, nhưng sau lại thôi.

  Trong khi đó thì áp lực từ phía các công đoàn chính thức và tổ hợp công nghiệp quân sự ngày càng tăng, bản thân Rintelen cũng cảm thấy mình bị theo dõi. Phần lớn công nhân đã trở lại làm việc. Tư tưởng của ông có vẻ thất bại.

  Rintelen chú ý đến một đối tượng mới - Mexico. Ông cho rằng nếu nổ ra chiến tranh giữa Mexico với Mỹ thì vũ khí Mỹ sẽ được ném sang mặt trận Mexico. Rintelen đã gặp gỡ cựu tổng thống Mexico là Guerte, ông này đang sống trong một khách sạn New York và đang chuẩn bị một cuộc chính biến nhằm giành lại chính quyền. Ông công khai tự giới thiệu là một sĩ quan Đức có thể cung cấp vũ khí cho Guerte và hỗ trợ cho đảng ông lên nắm chính quyền. Đầu tiên Guerte tưởng ông là điệp viên của Mỹ, nhưng cuối cùng đã tin tưởng. Hai bên thoả thuận rằng sẽ có một tàu ngầm Đức chở vũ khí đến bờ biển Mexico, ngoài ra nước Đức sẽ hỗ trợ ông ta về mặt tinh thần. Để đổi lại, Mexico sẽ quay mũi súng chống lại Mỹ.

  Rời khách sạn sau cuộc gặp Guerte, Rintelen thấy có bọn mật thám trước đó đã theo dõi ông. Một lát sau ông thấy Guerte đi ra, có hộ vệ đi kèm, còn bọn mật thám thì lên taxi đi theo. Ông biết rằng đã bị theo dõi. Trở về văn phòng, ông đánh một bức điện mật mã cho Berlin kể về cuộc gặp mặt và việc thoả thuận với Guerte. Nhưng ngày hôm đó luật sư của ông là Bonifeys thông báo cho ông một tin không vui: mật mã của Đức đã bị đánh cắp. Tình báo Anh đã cài được một điệp viên nữ chơi với một anh thư ký được trả lương ít ỏi của tuỳ viên hải quân Đức và anh này đã bán cho cô ta. Cũng ngày hôm đó tin này được ông khẳng định: vấn đề này được thảo luận trong chính phủ Washington. Đó là bộ mã bí mật nhất mà Rintelen mang theo để thay thế bộ cũ mà địch đã biết.

  Rintelen vội vã đến báo cho tuỳ viên hải quân. Ông này lại không tin. Ông chỉ còn cách ngồi chờ tin Berlin. Khi được báo lại là đồng ý, ông đến cựu tổng thống, nhưng ông ta đi đâu mất không có tin tức gì cả. Mấy ngày sau ông đi dự một dạ hội về thì có một người lạ mặt giữ lại.

  - Người ta đang theo dõi ông, đừng chờ Guerte nữa. Ông ta đã bị đầu độc.

  Sau này ông mới biết rằng Guerte bị chính đầu bếp của mình đầu độc trên biên giới Mexico.

  Mặc dầu ông biết mình bị theo dõi, nhưng vẫn yên tâm: ông rất thận trọng, không để lại dấu vết ở đâu và nhân thân trong sạch. Hôm sau ông nhận được qua bưu điện một bức thư đề ở ngoài "Ngài đại uý hải quân Rintelen". Ông bóc ra, đó là thư của tuỳ viên quân sự. Ông kinh ngạc vì tính vô tư và ngu ngốc của Papen.

  Ngày 6-6-1915 khi ông đang ở câu lạc bộ đua thuyền thì có người mời lên nghe điện thoại. Ông tuỳ viên hải quân muốn gặp. Khi gặp nhau ông ta đưa cho ông một bức điện: "Gửi ông tuỳ viên hải quân. Mật báo cho đại uý Rintelen về Đức ngay". Thế là thế nào? Cách đây hai tuần ông đã đề nghị không nêu tên ông trong các bức điện hay sao? Ông không hiểu vì sao lại có bức điện này, nhưng vẫn phải tuân lệnh. Nơi đây người ta đang cần ông: người Ireland tin cậy ông, các cuộc bãi công đang được khởi động lại, bom phá đang được cài đi các tàu. Bây giờ mọi việc sẽ chấm dứt. Rintelen hiểu rằng ông trở thành nạn nhân của một mưu đồ gì đó.

  Ông dùng hộ chiếu Thuỵ Sĩ và bức thư của bá tước Ignatiev mời ông làm đại diện bán "Klaret" sang Mỹ. Ông lên tàu "Noordam" về châu Âu.

  Ngày 13-8-1915, trên đường đi Remsgeyt "người công dân Thuỵ Sĩ" Emil Gashe bị bắt và bị dẫn độ về Tauer. Ông không khai báo gì cả.
Ngày 13-4-1917, sau khi nước Mỹ tham chiến, ông bị đưa về Mỹ. Tại nhà tù Tombs ông gặp ngài Kleist, kỹ sư Fey và ba mươi thành viên đội điệp vụ của ông và bị giam ở đó đến năm 1921.

  Sau đó ông về Anh vì quyết định chia tay với Cục Tình báo Đức và kể lại tất cả những gì ông biết về phương pháp hoạt động tình báo Đức. Ông sống ở Anh và từ chối mọi dính líu với bọn Quốc xã trong Đại chiến thế giới lần thứ hai.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 03 Tháng Tám, 2008, 07:12:53 pm
76 - EDVARD MILLER (thế kỷ XX)
Người thợ mộc hải quân tình cờ làm điệp viên



   Edvard S. Miller không phải là một tình báo hoặc một điệp viên xuất chúng. Thực ra, ông ta hoàn toàn không phải là một tình báo. Thế nhưng ông ta lại góp phần căn bản vào quá trình và kết quả chiến tranh trên biển trong những năm Đại chiến thế giới I.

   Miller là một người thợ mộc trên tàu Anh. Nghề của ông bao giờ cũng được các thuỷ thủ đánh giá cao. Từ thời Trung cổ bọn cướp biển sau khi bắt được tàu buôn liền bắt thuỷ thủ đoàn đứng trên boong và ra lệnh: "Bác sĩ và thợ mộc, bước lên hai bước! Những tên còn lại ném xuống biển!". Miller là một thợ mộc chuyên cần. Để tự mình xem xét phần chìm của con tàu khi cần sửa chữa, ông đã một lần yêu cầu thả ông xuống trong bộ quần áo lặn. Công việc ấy khiến ông thích thú đến nỗi ông quyết định phải nắm được nghề thợ lặn. Chẳng bao lâu ông trở thành một chuyên gia cao cấp. Năm 1914 ông được chỉ định làm giáo viên trường huấn luyện hàng hải Anh. Đại chiến I nổ ra, các nước Đồng minh tuyên bố bao vây nước Đức. Để trả đũa, Đức tuyên bố bao vây nước Anh. Các tàu ngầm Đức hoành hành trên biển, bắn chìm nhiều tàu buôn và tàu khách. Dư luận thế giới rất phẫn nộ khi ngày 7-6-1915 tàu ngầm Đức "U-20" đánh chìm con tàu xuyên Đại Tây Dương của Anh "Lusitania", giết chết một ngàn một trăm chín mươi tám người, trong đó có một trăm mười lăm người Mỹ.
Để chống lại tàu ngầm người ta chế ra bom nước sâu. Tại những khu vực nguy hiểm người ta dùng tàu chiến hoặc tàu buôn đi hộ tống. Đã xuất hiện các loại "thợ săn biển", tàu đánh cá vũ trang, các thiết bị thuỷ âm để theo dõi hoạt động tàu ngầm, các thuỷ phi cơ để phát hiện tàu ngầm địch ẩn náu dưới nước. Đã có những dự án độc đáo để phát hiện tàu ngầm và chống lại chúng. Một nhà động vật học Mỹ đề nghị huấn luyện sư tử biển để theo dõi tàu ngầm, một người khác thì đề nghị huấn luyện hải âu.

  Trong tất cả các dự án đó người ta đã thông qua dự án "tàu mồi". Nó giống như "tàu lừa" thời Trung thế kỷ. Khi đó các "nhà buôn" bình thường cũng giả danh chiến hạm, họ đặt trên boong những khẩu pháo bằng gỗ để dọa cướp biển. Bây giờ người ta làm ngược lại - những tàu buôn trông rất bình thường lại trang bị đại bác bắn nhanh và có thuỷ thủ đoàn là quân nhân tinh nhuệ. Nhìn thấy con tàu này, tàu ngầm Đức bắn lên một quả thuỷ lôi rồi nổi lên để dùng đại bác bắn hạ (thuỷ lôi cần được tiết kiệm). Trên tàu bắt đầu "hoảng loạn", một phần ban chỉ huy xuống xuồng cứu hộ, một số người nhảy xuống biển. Để tấn công, tàu ngầm tiến đến gần. Các pháo thủ "tàu mồi" chỉ chờ có thế. Họ tức tốc tháo lớp nguỵ trang và nã xuống ròn rã. Tàu ngầm chìm nghỉm, bỏ lại những vệt dầu loang to lớn. Chúng tôi xin nói ngay rằng trong số 145 tàu bị người Anh đánh chìm thì có 11 chiếc bị tiêu diệt bằng "tàu mồi" từ tháng 7-1915 đến tháng 11-1918. Xin hãy chú ý đến những con số đó. Trước tháng 7-1915 thành tích của người Anh rất hạn chế. Vấn đề là ở chỗ tàu ngầm Đức thường đột ngột xuất hiện ở những chỗ bất ngờ nhất, chúng hoàn thành nhiệm vụ rồi lại thần tốc biến đi để rồi xuất hiện ở một chỗ khác.

  Tháng 6-1915, tại bờ biển lãnh địa Kent có một chiếc tàu ngầm Đức bị chìm. Người ta tìm được nhờ một quả phao tiêu. Một thợ lặn được đưa xuống. Anh ta phải xác định trạng thái và nghiên cứu cấu trúc bên trong, và điều quan trọng là phải làm quen với các thiết bị kỹ thuật. Trước đó chưa có một thợ lặn nào của Anh có điều kiện làm. Người thực hiện là Edvard S. Miller.

  Suốt mấy ngày ông phải học một lớp của kỹ sư tàu ngầm, nghiên cứu các nguyên tắc cấu tạo, bố trí các khoang và các thiết bị khác. Ông được giải thích rằng chính ông phải tìm hiểu những nguy hiểm và khó khăn gặp phải.

  Ngày xuống nước đã đến. Thời tiết lý tưởng. Khi Miller xuống tới đáy ông không thấy một tàu ngầm nào cả. Ông dùng đèn soi vào lớp bùn và đi tiếp. Đằng trước có một vật gì to lớn như một tảng đá. Khi tới gần ông thấy vỏ một con tàu có lẽ đã chìm đến một thế kỷ trước... Ngày hôm đó không tìm thấy tàu ngầm. Mãi đến ngày thứ ba Miller mới tìm thấy, nhưng ông chỉ xem được bên ngoài vì thời gian không cho phép. Tuy nhiên ông đã thấy một chỗ vỡ có thể chui vào được.

  Đến ngày thứ tư thời tiết xấu. Khi ông xem xét chỗ vỡ ông thấy không ổn vì mép vỡ rất sắc có thể làm thủng đường ống dẫn khí thở. Nhưng vì thời tiết được dự báo là xấu đi, có bão biển kéo dài mấy ngày, nên phải làm vội. Miller quyết định mạo hiểm. Ông thận trọng chui vào, đi suốt chiều dài, cố gắng không nhìn vào những xác chết vì khi động nước thì quần áo, chân tay, tóc tai họ động đậy.

  Trong buồng lái ông tìm thấy một hộp kim loại. Ông biết rằng đó là chiến lợi phẩm chính. Ông muốn mang ngay lên bờ. Ra khỏi tàu ông buộc chiếc hộp vào dây rồi đánh tín hiệu kéo lên. Ông báo cáo những gì nhìn thấy, nhưng bị buộc phải viết thành văn bản. Trong lúc đó người ta hết sức thận trọng mở cái hộp sắt. Trong đó có những thứ quý như bản đồ các bãi mìn của Đức, hai bản mật mã mới của hải quân Đức và một bản mật mã quý nhất chỉ được dùng để liên lạc với Đại hạm đội. Đại diện của Bộ tư lệnh Hải quân thận trọng cất vào cặp. "Những thứ này cần phải gửi ngay về London, - ông ra lệnh cho chỉ huy tàu lặn - Thả phao tiêu đánh dấu! Chạy ngay, hết tốc lực!".
Các bộ mật mã được đưa ngay đến "Phòng 40 O.B." nổi tiếng của Bộ tư lệnh Hải quân Anh, nơi lưu giữ các bộ mật mã Anh và  giải các mã của quân địch.

  Bây giờ ông đã nằm trong biên chế của tình báo hải quân Anh. Đã thành lập một đơn vị đặc nhiệm chuyên đưa Miller và các thiết bị lặn đến những chỗ nào có tàu ngầm Đức bị chìm. Chẳng bao lâu ông thông thạo tàu ngầm Đức hơn bất cứ một chuyên gia nào. Mặc dù Bộ Hải quân Đức luôn luôn thay đổi mật mã, nhưng quân Anh vẫn biết. Những mật mã này là vũ khí sắc bén trong tay quân Đồng minh. Các bức mật điện của Đức bị tóm và bị giải mã. Tàu của chúng cứ đi vào chỗ chết tại những điểm chúng đã sẵn sàng chờ tàu của quân Đồng minh. Tất cả chỉ nhờ một người thợ lặn vốn là một anh thợ mộc.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 03 Tháng Tám, 2008, 07:15:34 pm
77 - ALECSANDR TSEK (thế kỷ XX)
Điệp vụ ăn cắp bộ mật mã ngoại giao Đức



  Cuộc chiến tranh của những người lập mã và giải mã cũng không kém phần khốc liệt so với cuộc chiến tranh ngoài chiến địa. Nó có quy mô đặc biệt trong những năm Đại chiến thế giới I, khi liên lạc vô tuyến được sử dụng rộng rãi.

  Tháng 10-1914 ở vịnh Phần Lan thuỷ quân Nga đã đánh chìm một tuần dương hạm nhỏ của Đức "Magdeburg", thu được một cuốn sách nguyên vẹn các mật mã của hải quân Đức. Mọi việc hết sức tốt đẹp, quân Đức không biết gì và vẫn tiếp tục sử dụng mật mã cũ. Chiến tích này người Nga chia sẻ với quân Đồng minh, trong suốt cuộc chiến tranh người Anh đã đọc được các bức điện của thuỷ thủ Đức. Đọc mật mã là việc của một phân đội tình báo Anh dưới quyền Redzhinald Holl. đó là "Phòng 40", nơi làm việc của những chuyên gia tài giỏi. Nhờ nhóm này (và cả món quà của người Nga) mà thuỷ quân Hoàng gia đã đánh thắng một trận ngoạn mục đối với quân Đức ở Anh cuối tháng 5-1916. Một việc khó khăn hơn là giải bộ mã ngoại giao Đức. Đã hết sức cố gắng nhưng "Phòng 40" vẫn không khám phá được bí mật.

  Ban chỉ huy tình báo Anh hiểu rằng không thể lặp lại được một chiến công như đối với tàu "Magdeburg". Muốn kiếm được bộ mật mã Đức phải có một đội tình báo. Tình báo Anh có khả năng nhiều nhất là ở Bỉ. Họ hướng tới đó. Thiếu tá Cameron được giao nhiệm vụ lãnh đạo các điệp viên ở miền Bắc nước Pháp và ở Bỉ (cô y tá người Anh Edit Kavel, những thanh niên Bỉ Margerit Valrevens và Marta Knokert, cô gái Pháp Louisa Bettini tức Alisa Duybua và những người khác). Trong nhóm này có đội mật mã của thiếu tá Trench. Họ chuyên đi săn lùng các sách mật mã ở những khinh khí cầu Đức bị bắn rơi, đôi khi họ cũng có thắng lợi. Nhưng bộ mã ngoại giao thì không sao kiếm được.

  Thế nhưng lúc đó ở Bỉ có một sự kiện không ai chú ý.

  Ngay khi bắt đầu cuộc chiếm đóng thì ở trung tâm Brussel có một sĩ quan Đức đến ở nhà một người giàu có. Gia chủ là một nhà doanh nghiệp Áo gốc người Tiệp họ là Tsek sống cùng với con trai là Alecsandr và vợ là một người Anh. Trong thời gian đó bà đang ở bên Anh thì chiến tranh nổ ra, và vì bà là thần dân của nước thù địch (Áo- Hung) nên bị giam lại. Một hôm Alecsandr gõ cửa phòng viên sĩ quan xin vào nói một chuyện quan trọng. Việc là thế này: khi làm thí nghiệm về điện tín vô tuyến anh đã làm được một máy thu thanh đặc biệt để trên tầng sát mái. Vì thế anh yêu cầu viên sĩ quan thông báo cho ban chỉ huy để họ không nghi anh làm gián điệp. Viên sĩ quan an ủi chàng thanh niên ngây thơ và nói lại chuyện này với một người bạn trong trung đội kỹ thuật điện. Anh này đến xem máy móc và xác nhận rằng quả thật Alecsandr làm được một máy thu thanh mà quân đội Đức cũng chưa có: máy này có thể thu được cả sóng cực ngắn lẫn sóng dài. Họ báo cáo về anh và chiếc máy đó cho chỉ huy biết. Người ta chú ý đến anh. Chính quyền quân sự và đội phản gián đã khám xét gia đình Alecsandr. Các nhóm quyền lực Áo-Hung đã biết rằng bọn phản gián chú ý đến Alecsandr. Người ta đặt yêu cầu. Bộ chỉ huy quân sự đã trả lời, và về phía mình bộ chỉ huy cũng quan tâm xem có thể lợi dụng được hay không những tri thức kỹ thuật của anh và yêu cầu anh làm một việc có liên quan đến những bí mật quân sự quan trọng. Câu trả lời có ngay: "Anh không bị nghi ngờ gì cả". Alecsandr được mời đi làm. Những quan điểm của anh trùng với những quan điểm của bố, coi mình là người yêu nước của Áo và sẵn sàng nhận lời đề nghị.

  Anh được nhận vào làm một chức nhỏ trong Đài truyền thanh trung ương dân sự Bỉ. Đầu tiên anh làm việc lắp ráp máy móc. Anh tỏ ra kiên trì và có năng lực, chẳng mấy chốc được cấp trên hoàn toàn tin tưởng. Anh được bố trí vào làm một trong những vị trí có trách nhiệm nhất của người chuyên thu những bức điện mà chính quyền Đức ở Bỉ nhận được từ Berlin cũng như từ các bộ chỉ huy quân sự. Đó là một công việc hoàn toàn bí mật. Bộ mật mã được dùng để gửi những văn kiện cực kỳ quan trọng của chính phủ chỉ được lưu ở những quan chức trọng  yếu nhất. Những cuốn sách ghi mật mã chỉ có ở các tư lệnh, các toàn quyền các vùng lãnh thổ  chiếm  được và ở các đại sứ Đức.

  Khoá điện tín Đức đã được soạn thảo từ những năm trước chiến tranh, được lưu vào hai quyển sách. Quyển "dày" là bảng chữ cái và một vài từ được thể hiện bằng những ký hiệu số quy ước. Quyển này không dùng được nếu thiếu quyển hai là quyển "mỏng". Quyển này quy định ngày nào trong năm thì dùng khoá nào, bởi vì các số ở quyển một hàng ngày thay đổi ý nghĩa. Ngoài ra, vào những ngày khác nhau trong năm các khoá của quyển dày lại có cách kết hợp riêng với những số nhất định của quyển mỏng. Mật mã của người Đức thuộc hạng những mật mã thực sự là không thể giải được.

  Alecsandr Tsek là một trong mấy người phải ngồi suốt ngày đêm trong một căn phòng cách ly và được bảo vệ để giải mã những bức điện mật của chính phủ gửi cho toàn quyền nước Bỉ bị chiếm đóng Moris fon Bissing.

  Tình báo Anh vẫn tiếp tục tìm kiếm các mật mã Đức. Thiếu tá Trench nói rõ rằng ở Brussel có một trạm rađiô nhận được các bức điện theo một mật mã. Ông lệnh cho các nhân viên ở Bỉ tìm hiểu xem ai là người giải được mật mã. Họ thông báo tên tuổi mấy người. Tình báo Anh tìm hiểu mọi thông tin về các nhân viên đài truyền thanh và chú ý đến Alecsandr Tsek. Mọi người thấy chọn anh là hợp, vì anh có một nửa dòng máu người Anh, mẹ anh đang ở nước Anh và đang bị chính quyền Anh bắt giữ.

  Người vận động được anh là cô y tá Edit Kavel và nhà xuất bản bí mật Phillip Bokk. Để đổi lại người ta hứa đảm bảo an ninh cho bà mẹ yêu quý của anh và đưa anh sang Anh khi anh hoàn thành công việc. Người ta đã trao cho anh bức thư của mẹ anh. Alecsandr Tsek chăm chú nghe rồi đọc bức thư trong đó mẹ anh bảo anh rất thận trọng đối với những gì mọi người sắp nói. Vào thời điểm này anh đã thất vọng với Đồng minh Đức của Áo-Hung, với vua Wilhelm. Đề nghị của hai người khiến anh vui mừng, hơn nữa anh đang lo lắng cho mẹ. Anh đồng ý.

  Lãnh đạo tình báo Bendzhamin Holl làm việc theo kiểu lính tráng. Ông đề nghị Alecsandr ăn cắp sách mật mã, rồi đến đêm rất thận trọng chạy sang nước Hà Lan trung lập. Nhưng thiếu tá Trench phản đối.

  - Khi biết là mất, bọn Đức sẽ thay ngay khoá mã, và cuộc phiêu lưu phí công.

  Đề nghị của Trench được chấp nhận - đêm đêm khi ngồi trực, anh phải chép lại cả hai cuốn sách. Công việc đó thật nặng nề và nguy hiểm, anh đã phát ốm thật sự. Bác sĩ xác nhận là quá sức. Khi hơi hồi sức anh phải bắt tay vào phần hai của công việc: chuyển được hai cuốn đó sang Hà Lan. Đêm 14-8-1915, người giao liên dẫn anh đến đường dây điện cao thế và chỉ cho anh một chỗ bảo vệ sơ sài. Tại đó, dùng một chiếc xe đạp có các tấm gỗ cách điện che chắn anh đã lách được sang đất nước Hà Lan.

  Hai cuốn này được đưa vào tay thiếu tá Oppengeym, trùm tình báo Anh ở Rotterdam, qua ông ta lại đến tay đô đốc Holl. Từ ngày đó, tức là trước khi Mỹ tham chiến khá lâu, quân Đồng minh đã có khả năng giải mã các bức điện mật của chính phủ Đức. Hành động của Alecsandr Tsek đã dẫn tới chỗ nước Mỹ tham chiến và nhìn chung đã thấy nước Đức thất bại. Vì thế đôi khi các nhà sử học gọi Alecsandr Tsek là người quyết định kết cục cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất.

  Câu chuyện xảy ra như thế nào?

  Ngày 17-1-1917, "Phòng 40" nhận được một bức điện. Cũng như nhiều bức khác, bức này đã đi qua hãng thông tin Mỹ "Western Union", và người Anh đã nhận lại bằng cách "ăn cướp".

  Những người giải mã là của nhóm A là Naidzel di Grey và William Montgomeri. Những nhóm số đầu tiên cho thấy rằng nó thuộc bộ chữ kiểu 13040 là số khoá của mật mã ngoại giao Đức. Chẳng bao lâu người ta đã đọc được cả chữ ký dưới bức điện (97556). Đó chính là Artur Tsimmerman - Bộ trưởng Ngoại giao Đức. Bức điện gửi cho chỉ huy Đức ở Mexico là fon Ekardt:

  "Bản tham khảo số 13042. Bộ Ngoại giao, ngày 16-1-1917. Tuyệt mật. Phải tự mình giải mã. Chúng ta có ý định bắt đầu cuộc chiến tranh tàu ngầm không giới hạn từ ngày 1-2. Tuy thế, tôi cho rằng vẫn có khả năng duy trì tính trung lập của nước Mỹ. Nếu những cố gắng của chúng ta theo hướng này không có kết quả, chúng ta sẽ ký kết đồng minh với Mexico theo những điều kiện sau đây. Chúng ta sẽ coi họ là đồng minh và sẽ ký kết hoà bình. Chúng ta có thể dành cho họ một khoản viện trợ tài chính và cố gắng trả lại cho họ những miền đất mà họ đã mất năm 1848, tức là các bang New Mexico và Arizona. Việc định ra chi tiết cho kế hoạch này là tuỳ theo ý kiến của ông. Nhiệm vụ của ông là phải nghiên cứu tuyệt mật ý kiến của Karantsa, và khi nào ông ta biết rằng chúng ta không thể tránh khỏi chiến tranh với Mỹ, thì hãy nhắc nhở rằng nếu là khôn ngoan thì ông ta hãy chủ động đàm phán với Nhật Bản về chuyện đồng minh, hãy đàm phán đến khi có kết quả tốt đẹp, sau đó ngay lập tức phải đề nghị được làm người trung gian giữa Đức và Nhật. Hãy lưu ý ông Karantsa rằng khi chúng ta bắt đầu cuộc chiến tranh tàu ngầm ác liệt thì sẽ có điều kiện làm tê liệt nước Anh và có thể tiến tới hoà bình trong vòng vài ba tháng. Tsimmerman".

  Bức điện này rơi vào tay phó đô đốc Redzhinald Holl. Lập tức ông phải báo cho Tổng thống và nhân dân Mỹ biết. Nhưng làm thế nào thực hiện được việc đó mà không để cho toàn thế giới biết rằng "Phòng 40" có khả năng thu tóm và đọc những văn kiện bí mật nhất của quân thù?

  Lúc này, khi Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đang hội đàm với Đại sứ Đức về việc hạn chế cuộc chiến tranh tàu ngầm thì bí thư Bộ Ngoại giao của nhà vua lại tăng cường tìm kiếm những lực lượng chống Mỹ ở Mexico và Nhật Bản, còn hạm đội của nhà vua thì chuẩn bị mở rộng các hoạt động tàu ngầm. Người ta quyết định công khai hoá bức điện bằng cách này: ở Mexico họ thoả thuận với "Westhern Union" để có được bản sao bức điện và trình nó cho Washington. Ai giải mã và giải thế nào thì phải im lặng. Họ làm đúng như vậy. Nội dung bức điện được chuyển cho sứ quán Mỹ ở London.
 
  Việc công bố bức điện làm dấy lên một cơn bão phẫn nộ khắp thế giới. Như thế là nước Đức đã âm mưu chống lại thêm một cường quốc trung lập nữa và muốn lôi kéo Nhật vào vòng chiến chống Anh và Mỹ. Báo chí Mỹ lên tiếng ủng hộ chiến tranh, đã nhấn mạnh đến những hiểm họa đe dọa nước Mỹ. Họ viết rằng theo các nhà quân sự lớn của Mỹ thì việc Nhật tấn công Mỹ sẽ diễn ra theo con đường cắt ngang lãnh thổ Mexico tới thung lũng Missisipi để chia đất nước ra làm hai phần.
 
  Sau khi hãng "Reutes" công bố bức điện, bọn Đức mới biết rằng văn bản đã rơi vào tay kẻ địch. Cả nước Đức ngỡ ngàng. Ngoại trưởng Tsimmerman đã phải tường trình trước quốc hội. Đáng lẽ phải từ bỏ bức điện đó, phải gọi việc này là giả mạo và khiêu khích, thì ông lại nói rằng ông hoàn toàn không hiểu vì sao nó rơi vào tay người Mỹ, vì nó được gửi đi "bằng mã tối mật". Trong cuộc họp báo ông cũng lâm vào tình trạng tồi tệ: vì giận dữ vô lối trước cách nói thô bạo của người Anh, ông lại đã khẳng định tính nguyên tắc của văn bản. Hậu quả sẽ ra sao? Tổng thống Wilson bị giáng một đòn mạnh, khi biết được trò chơi hai mặt của người Đức. Ngày 3-2, Mỹ tuyên bố cắt đứt quan hệ với Đức, và ngày 6-4-1917 tuyên bố Mỹ tham chiến.
 
  Còn số phận nhân vật chính Alecsandr Tsek ra sao?
 
  Anh vượt biên... và mất tích. Không ai nhìn thấy anh ở đâu bao giờ. Thậm chí người ta cũng không biết các văn bản rơi vào tay Tổng thống Anh như thế nào. Tựa hồ Alecsandr Tsek lặn xuống đáy nước, không ai tìm thấy dấu hiệu nào xem anh sống chết ra sao. Ông bố tội nghiệp tốn bao nhiêu tiền của để tìm kiếm anh, một dạo đã nuôi cả một đội thám tử, nhưng vô ích. Dấu vết duy nhất mà ông bố biết được đã dẫn mọi người từ Hà Lan sang Anh. Ông bố viết một bức thư tuyệt vọng gửi ngài Redzhinald Holl. Ngày 3-5-1925, Holl trả lời rằng ông không hề thấy hoặc nghe thấy tên người nào là Alecsandr Tsek. Nhưng ông ta đã lờ đi một chuyện. Ông rất lo lắng là điều gì sẽ xảy ra khi quân Đức biết việc chạy trốn của người giải mật mã. Chúng sẽ thay đổi mã và thế là mọi việc lại bắt đầu từ đầu! Nếu anh ta còn sống thì anh ta có thể thú nhận rằng chính anh ta đã trao mật mã cho người Anh. Nếu hoàn toàn xa lánh được anh thì đấy lại là một chuyện khác. Các nhà nghiên cứu cho rằng pháp luật hà khắc đã xử tử anh. Nói đúng hơn, người Anh đã mang xác anh về Brussel để khẳng định với người Đức rằng Tsek đã chết trong một tai nạn. Kết quả là nhân viên mật mã của vua Đức vẫn tiếp tục dùng những bộ mã cũ.

  Thế nhưng lại vẫn có những người làm chứng rằng anh đang phục vụ cho tình báo Anh. Đó là Edit Kavel và Phillip Bokk. Nhóm của họ bị Đức bắt ngay ngày hôm sau khi Tsek chạy sang Hà Lan. Trong tập bút ký viết về Edit Kavel có kể lại rằng trước khi ra toà người ta đã có khả năng tổ chức cho Edit Kavel trốn trại, và để cứu thoát cô, chỉ cần có một ngàn bảng Anh. Nhưng tình báo Anh quan tâm đến vấn đề ngược lại - làm sao thoát khỏi những nhân chứng có liên quan đến việc giải mã. Cùng với những người khác Edit Kavel và Phillip Bokk bị kết án tử hình. Tướng Bissing tha cho 3 người. Edit Kavel và Phillip Bokk bị xử tử ngày 12-10-1915.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 03 Tháng Tám, 2008, 07:18:45 pm
78 - ELIZABETH SHRAGMULLER (thế kỷ XX)
"Bà thầy" của trường tình báo đầu tiên trong lịch sử



  Bác sĩ Elizabeth Shragmuller, biệt hiệu "Bà Doctor" là một trong những nữ điệp viên vĩ đại. Một số người còn khẳng định rằng một mình bà có thể giành  chiến thắng cả Đại chiến thế giới I cho vua Đức. Tuy nhiên nếu là một mình thì chưa chắc bà đã tham gia tình báo. "Bà Doctor" là một nhà tổ chức xuất sắc.

  Trừ một số rất ít, còn thì các nữ điệp viên Đức không có được cái vẻ duyên dáng, diễm lệ như các bạn đồng nghiệp Pháp. Họ là những người làm việc hết lòng và có phương pháp. Thay vì sức suy nghĩ họ lại có tinh thần kỷ luật cao và tính chăm chỉ. Hơn ai hết "Bà Doctor" đã biết giáo dục cho họ những phẩm chất đó khi bà là người sáng lập trường tình báo đầu tiên trong lịch sử và là tấm gương cho các nữ tình báo thế giới.

  Nhà trường bắt đầu hoạt động trong thời gian Thế chiến thứ nhất trong thành phố Antverpen bị chiếm đóng, đây là trung tâm của hoạt động tình báo Đức, và bà đã được dành cho những ngân khoản lớn và điều kiện vô hạn để hoạt động thắng lợi.

  Mục tiêu cơ bản của "Bà Doctor" là nước Anh, từ Kornuoll ở miền Nam đến căn cứ hải quân ở Skapa Floy thuộc miền Bắc. "Bà Doctor" không những chỉ đào tạo và huấn luyện tình báo. Bà còn lãnh đạo một mạng lưới điệp viên từ Boulogne đến Paris, và từ Paris đến biên giới Thuỵ Sĩ. Sau này, trong thời gian chiến tranh, phạm vi hoạt động của bà còn mở rộng đến các nước Bắc Âu và Tây Ban Nha. Thường thường Bộ Tổng tham mưu Đức tin tưởng các thông tin của bà hơn là những văn kiện và báo cáo của Cục Tình báo quân sự.

  Bà Elizabeth Shragmuller là một phụ nữ duyên dáng, một nhà ngôn ngữ hàng đầu, và hơn thế nữa, bà còn có khả năng tổ chức đặc biệt và có nghị lực. Bà có thể giành thắng lợi trong bất cứ lĩnh vực hoạt động nào. Elizabeth luôn luôn giấu đi tuổi tác của mình, nhưng có thể đoán được rằng bà độ bốn mươi lăm khi bà lãnh đạo trường. Quá khứ của bà như trong sương mù, nhưng người ta biết rằng bà là con gái một sĩ quan Phổ đã về hưu. Trước chiến tranh bà đã đi du lịch qua Pháp, Hà Lan và Anh dưới cái tên là nữ công tước d'Aspremont và nữ bá tước de Luven, bà đã giả danh làm một nhà quý tộc Bỉ, điều đó không khó khăn gì vì bà nói tiếng Pháp cực chuẩn. Chẳng bao lâu sau ngày bà nhậm chức trong trung tâm tình báo ở Antverpen, bà khẳng định rằng nhiều tình báo được đào tạo kém. Một số người, chẳng hạn, "Lodi" đã bị bắt và bị xử tử. Những mật vụ mà bà đã gặp chủ yếu là những người làm thuê cố gắng kiếm thật nhiều tiền mà lại ít rủi ro nhất. Bà bắt tay vào việc cải tổ trung tâm tình báo với một sự khắc nghiệt được tính toán kỹ lưỡng, khi bà tin rằng để thực thi kỷ luật trong cái tập thể đa dạng này cần phải bắt các nhà tình báo và điệp viên sợ bà hơn là sợ địch. Bà đã thắng lợi. Chỉ cần bà nghi ngờ một người nào đó không tận tâm và thiếu chút ít trung thực là bà giao cho người đó một nhiệm vụ khá dễ dàng. Khi điệp viên vào tới đất địch, bà cố gắng sao cho cơ quan phản gián của địch biết là có "một ông khách bất đắc dĩ". Điệp viên đó bị bắt và bà có cách để đưa anh ta ra toà. Tại Pháp những điệp viên bị phát giác thường sẽ bị bắn bỏ, đôi khi bị chém đầu, còn ở Anh thì bị treo cổ hoặc bị bắn chết. Điều đó gây ấn tượng khủng khiếp cho các học trò. Họ được biết rõ vì sao bạn họ phải chết và chết ra sao. Bằng cách đó bà đã "nhổ được cỏ dại" trong ngôi trường mà giờ đây ít người sợ bà hơn, nhưng lại trung thành hơn. Đôi khi bà đưa một điệp viên giỏi hơn đến đúng cái nơi mà người kém đã chết. Bọn Anh hay Pháp vừa mới bắt được một tình báo Đức nên có mất cảnh giác chút ít, và người thứ hai có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ mà không có sự phá rối của cơ quan phản gián. "Bà Doctor" không quên nhắc đi nhắc lại rằng các học trò của bà phải rất trung thành để có thể được nhận một nhiệm vụ quan trọng hơn và được trả tiền cao hơn.

  R.V. Royan, nhân viên của cơ quan phản gián của liên bang, người chuyên nghiên cứu các phương pháp của "Bà Doctor" đã kể lại một chuyện. Quân Đồng minh đã rất nỗ lực để chui vào trung tâm Antverpen. Họ đưa được vào đó một người Bỉ. Đó là một thành công vô giá. Nhưng trước khi anh ta chiếm được lòng tin của "Bà Doctor", anh ta có nghe bà nói rằng bà đã cử đến Scotland một người xuất sắc. Từ Scotland người đó sẽ phải tới Paris. Anh chàng người Bỉ vội vã báo tin đó về Paris và London. Tại Scotland người ta quyết định không đụng đến điệp viên, và theo đúng mệnh lệnh, anh ta sang Paris. Nhưng vì không ngờ nên anh ta bị bắt ở Dunkinrt và bị buộc tội gián điệp. Không biết bằng con đường kỳ lạ nào mà bà biết được chuyện đó sau 2 ngày. Bà gọi anh chàng người Bỉ lên văn phòng và kể chuyện về sự thất bại nhanh chóng không ngờ tới đó. Bà cũng nói rằng chỉ có hai người biết nhiệm vụ này là bà và anh chàng người Bỉ. Nói tới đó bà bình thản lấy súng lục trong ngăn kéo ra và bắn luôn, không thèm nghe những lời thanh minh.

  "Bà Doctor" là một phụ nữ tuyệt vời. Bà là người đầu tiên được biết rằng quân Đồng minh có ý định sử dụng một vũ khí bí mật mới - xe tăng. Quân Đồng minh đã rất nỗ lực giữ bí mật loại vũ khí này, và khi nó xuất hiện trên chiến trường, thì đó là điều bất ngờ đối với quân Đức và nó đã làm thay đổi đáng kể tiến trình của Đại chiến thế giới I. Tuy nhiên tình hình có thể khác. Thông tin về xe tăng bà được nghe qua câu chuyện của Lizzi Vertheim. "Bà Doctor" đã gửi 3 bản báo cáo cho người đứng đầu Bộ tư lệnh Đức, tướng fon Falkenhayn, về xe tăng của Anh. Trong bản báo cáo cuối cùng bà đã mô tả tỷ mỷ cấu trúc và trang bị của chúng. Nhưng các cố vấn kỹ thuật lại tuyên bố rằng những báo cáo đó là bịa đặt và không đáng chú ý. Một chuyên gia còn đánh giá xe tăng là trò ảo thuật và viết nhận xét: "Cái gọi là xe tăng thật vô ích trong cuộc chiến đấu chống lại pháo binh và các loại mìn hạng nặng". Chẳng bao lâu sau, trong trận đánh ở Kambre quân Anh đã sử dụng 300 chiếc xe tăng "vô ích". Chúng đánh bại quân đoàn Đức số hai. Sau này nhiều chuyên gia coi đó là bước ngoặt của Đại chiến I. Lời nói của "Bà Doctor" đã được khẳng định, nhưng phải trả một cái giá ghê gớm! Phản ứng của bà ra sao? Bà chỉ gửi một báo cáo chi tiết về trận Kambre cho chính cái ông chuyên gia mắc sai lầm thảm hại. Kèm theo báo cáo bà gửi một khẩu súng lục. Ông hiểu được thâm ý rõ ràng của bà và đã tự sát bằng khẩu súng mà "Bà Doctor" cẩn thận gửi cho. Có lẽ đây là một chuyện huyền thoại, nhưng là chuyện hay. Cần phải nói rằng xung quanh bà có nhiều chuyện như vậy.

  Lizzi Vertheym, người đưa chuyện về xe tăng, đã bị phản gián Anh bắt, bị kết án 10 năm tù và đã chết ở Eylsbersh hai năm sau ngày đình chiến. Bạn cặp đôi với cô - George Breekov - làm việc tại Anh dưới cái tên Redzhinald Roland, bị xử bắn ở Tower London. Cả hai là những học trò xuất sắc của trường  Antverpen.

  "Bà Doctor" còn nghĩ ra mấy bộ mã khôn ngoan để truyền thông tin từ Anh về bản doanh của bà. Có hai điệp viên của bà là  Marinus Jhansen và Hans Rooz làm việc tại Anh dưới dạng đại diện cho hãng thuốc lá "Dirks và Kompania". "Công việc" mà họ phụ trách tại hậu phòng của văn phòng nhỏ ở London đã được "Bà Doctor" sắp xếp từ trước chiến tranh. Bọn kiểm duyệt thư tín Anh thường hay nghi ngờ những bức thư mà văn phòng này nhận được cùng những hợp đồng lớn đặt mua thuốc lá. Nhu cầu đặt mua nhiều không tưởng tượng được. Nhiều hơn nữa là những đơn đặt mua từ các quân cảng - Portsmut, Chetam, Devenport và Duvr. Những hợp đồng này gửi cho Jhansen và Rooz, hai người này có hộ chiếu Hà Lan, sau đó chúng được gửi cho văn phòng chính của hãng tại Rotterdam. Mật vụ Anh ở Hà Lan dễ dàng xác định được rằng sự thực thì cái hãng ở Rotterdam chỉ là chi nhánh tổ chức của "Bà Doctor". Mật mã của bà khá đơn giản. Thí dụ, Jhansen và Rooz gửi đi một bức điện yêu cầu gửi thuốc lá xì gà: "10.000 La Habana", "4.000 Rotshild", "3.000 Koronas". Bức điện gửi từ Portsmut. Như thế nghĩa là tại cảng đó có 10 tàu ngư lôi, 4 tàu tuần tiễu và 3 tàu thiết giáp. Jhansen và Rooz đã bị bắt, bị kết án tử hình và đã bị bắn.

  Một bộ mật mã khác của "Bà Doctor" có liên quan đến việc sử dụng các bộ sưu tập tem. Bà đã cử đi London hai điệp viên xuất sắc nhất Josef Marks và "Suzetta", tên thật của cô không ai được biết. Họ có hộ chiếu giả của Hà Lan, có một khoản tiền lớn và một cuốn album tem thư. Bộ mã của "Bà Doctor" sau này được nhiều cơ quan mật vụ khắp thế giới sao lại. Những con tem nước ngoài được coi là biểu tượng của các đơn vị hải quân như tập đoàn, vũ khí, cảng, công sự, đạn dược, thậm chí là con người. Con tem của Peru năm 1897 vẽ cây cầu Paukartambo là cảng quân sự Fert-of-Forte, con tem phát hành ở  Haiti năm 1904 vẽ các quân nhân là biểu tượng khí tài. Những con tem của đế chế Anh và các thuộc địa Pháp đều là những quy ước gì đó trong bộ mật mã. Những điệp viên Đức chỉ việc cài vào những văn bản chung chung những con số cần thiết, hoặc nêu những con số trong số lượng những con tem mà họ muốn mua hoặc bán.
Những chuyện đó theo con mắt của những người không chuyên nghiệp là một hệ thống những thuật ngữ  chuyên ngành hoặc những lời nói lóng của những người trong hội chơi tem. Bằng cách này Josef và "Suzetta" đã trao đổi thông tin về các lực lượng phòng thủ của nước Anh. Nhưng cuối cùng Marks đã bị phát hiện và bị phản gián Anh bắt được. Anh đã nói với người theo dõi anh rằng bây giờ đối với anh thì nhà tù là nơi an toàn duy nhất, nơi anh trốn khỏi "người đàn bà Antverpen". Marks đã bị kết án, còn "Syuzetta", cô gái Pháp khôn ngoan, cô học trò của "Bà Doctor", thì không hề hấn gì cả.

 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 03 Tháng Tám, 2008, 07:18:59 pm
  Chúng tôi đã nói rằng các cô điệp viên Đức là những người dũng cảm, quên mình, nhưng họ lại thiếu khả năng ứng phó và sáng tạo, vốn là thuộc tính của các bạn đồng nghiệp Pháp. Vì thế người Đức thường đi mượn các cô gái nước ngoài. Cô "Eva Thuỵ Điển", một trong những người tốt nghiệp trường điệp viên của "Bà Doctor", có thể được coi là một ví dụ điển hình.

  Bố cô Eva de Burnonvil là người Thuỵ Điển (gia đình ông từ Pháp sang cùng với đô đốc thời Napoleon Bernadott), mẹ cô là người Đan Mạch. Eva đi làm gia sư cho một gia đình Đức giàu có ở vùng Pribaltika. Thời gian này cô có quen với một bà người Anh có tước hiệu. Về sau cô bỏ làm và quyết định kinh doanh nhà hát, nhưng không thành, vì thế cô phải đổi mấy nơi làm việc. Cô trở về Stockholm. Tại đó năm 1915 cô được tuyển mộ vào mật vụ Đức và được đưa vào trường của "Bà Doctor". Khi Eva kể chuyện rằng có quen một bà mệnh phụ người Anh, cô được yêu cầu viết cho bà ta một lá thư xin được sang Anh để học tiếng. Vì là công dân của nước Thụy Điển trung lập nên cô không gặp khó khăn, và sau mấy tuần cô đã được sang London. Cô thuê một căn phòng đầy đủ tiện nghi ở Blumsberi, từ đây cô viết thư cho bà người Anh, trong đó có nhắc đến chuyện cô muốn giúp cho nước Anh đang tham chiến. Kết quả, người ta cho cô làm nhân viên kiểm duyệt tại trạm điều tra thư tín (nhờ cô biết nhiều ngoại ngữ). Tại đó cô đã kiểm duyệt cả những "thư từ của người mình" gửi đi Stockholm và Copenhagen, theo những địa chỉ mà tình báo Đức đã cho cô. Nhưng Eva còn là một điệp viên biết quan tâm đến mọi chuyện. Cô thường đặt ra những câu hỏi tới tấp cho các bạn mới. Vào lúc này các khinh khí cầu của Đức thường bay sang London và Eva công khai hỏi về kết quả của chúng, nơi nào có các bệ pháo, có bao nhiêu pháo, nòng pháo bao nhiêu, pháo kích thế nào... Một hôm cô cùng một người quen đi qua công viên Finsberi.

  - Ôi, đây là công viên Finsberi! Pháo đặt ở đâu nhỉ?

  Đối với người Anh, cô tỏ ra rất trong sáng, rất vồ vập và rất ham học hỏi. Trong Đại chiến thế giới I nghề điệp viên rất được phổ biến, và người ta thường nghi ngờ tất cả những người nước ngoài là gián điệp. Tính tò mò thái quá của cô đã được báo cáo cho cảnh sát. Mặc dù lúc ấy cô chưa bị nghi ngờ, nhưng bọn phản gián đã "để mắt đến". Lúc này cô phạm phải một sai lầm thô thiển, cô đã đến một khách sạn, nơi có các sĩ quan nghỉ phép. Chẳng bao lâu sau cô quen được một số người. Cô muốn gây ấn tượng với họ bằng những câu chuyện về ông bố cô là tướng quân trong quân đội Đan Mạch, và về bà cô là giáo viên dạy nhạc cho nữ hoàng Alecsandra. Các sĩ quan trẻ tuổi không mấy quan tâm đến họ hàng của Eva, nhưng một vài người đã nhận thấy rằng cô rất thích hỏi xem họ ở đơn vị nào, đóng quân ở đâu và vũ khí ra sao. Người ta đã báo cáo cho một sĩ quan cấp trên, người đó lại báo cho Cục Phản gián. Chánh thanh tra Kanning trực tiếp theo dõi. Anh ta là "một trong hai chàng Albert", là hai chuyên gia phản gián cỡ lớn, đã thành công trong nhiều vụ phát hiện gián điệp. Vào một đêm năm 1915 anh ta cùng với chàng Albert kia, chánh thanh tra Foster, đã tóm gọn được 9 điệp viên Đức. Kanning quyết định thoả mãn tính tò mò của Eva về hoạt động quân sự.

  Có hai sĩ quan trẻ tuổi đã được biết về một loại vũ khí mới rất bí mật, nhưng tất nhiên là không có thật. Họ chia sẻ tin này trong khách sạn với cô gái nước ngoài xinh đẹp. Bây giờ bọn phản gián thận trọng kiểm tra mọi bức thư có trong tay Eva. Chẳng bao lâu sau họ giữ được hai bức thư gửi đi Kopenhagen, trong đó có nhắc đến việc cung cấp loại vũ khí mới bí mật cho quân đội Anh. Họ dễ dàng đoán được rằng chính Eva viết những bức thư đó. Việc theo dõi tiếp tục đã cho những bằng chứng mới. Công việc nhân viên kiểm duyệt quân sự của Eva chỉ kéo dài được vài tháng. Ngày 12 tháng 1 năm 1916 cô bị đưa ra toà. Tại Anh phụ nữ thường không bị tử hình, vì thế án tử hình của cô được nhà vua George V đổi thành án tù chung thân. Năm 1922 cô được trả về nước từ nhà tù Eylsberi.

  Nhưng bây giờ chúng ta lại quay lại chuyện về "Bà Doctor". Quả thật bà là một trong những nhà hoạt động gián điệp xuất chúng.

  Tình báo viên Anh Ernst Kukridzh đã gặp bà nhiều năm sau chiến tranh khi bà đã nghỉ việc. Ông ta nói rằng vì công sức của bà mà các chính phủ Đồng minh có thể quyết định rằng sau khi nước Đức đại bại bà Elizabeth Shragmuller đã không bị bắt. Bằng cách đó các ông trùm các Cục Tình báo Anh và Pháp đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với người phụ nữ phi thường, con người đã nhiều lần đem họ ra làm trò chơi. Những khoản tiền lớn mà bà nhận được của Bộ Tổng tham mưu Đức đã biến thành số không vì cuộc lạm phát sau chiến tranh. Bà bị bỏ mặc cho số phận, sống nốt cuộc đời trong nghèo đói, vì thế mà bị ho lao, sống thầm lặng bằng đồng lương hưu ít ỏi ở Thụy Sĩ. Khi Kukridzh làm việc ở Geneva tại bản doanh của Hội Quốc Liên, năm 1934 ông nghe nói rằng "Bà Doctor" dường như sắp chết ở Duyrich, ông có viết cho bà một bức thư mong được gặp mặt. Bà đồng ý. Người phụ nữ ốm đau sáu mươi tuổi vẫn có tinh thần khoẻ mạnh và trí nhớ minh mẫn. Bà không giấu giếm một niềm tự hào khi kể lại một số chiến tích của mình. Ông hỏi bà về Mata Hari, bởi vì lúc đó có cả một làn sóng những câu chuyện không đâu và những truyền thuyết về cô tràn ngập các quầy sách ở châu Âu.

  - Nếu bao giờ có một cô bé ngốc nghếch tự đào huyệt chôn mình, thì đó chính là cô bé đáng thương Gershi. Đó là cái tên chúng tôi gọi Gertruda Tselle, tức là Mata Hari. Đó là một điệp viên rất không có hiệu quả. Tôi có ý định đào tạo cô ta, nhưng cô không đủ tri thức, và theo ý kiến của cô ta, thì làm gián điệp có nghĩa là phải chung sống được với những người đàn ông có quyền thế. Chúng tôi không bao giờ nhận được của cô ta một tin gì đáng kể. Quả thật là cô ta có lỗi vì đã bị người Pháp xử tử. Đó là một cô gái ngốc nghếch, buôn chuyện quá nhiều...

  Bà tự hào nói với ông rằng trong chiến tranh bà đã làm những việc không kém gì nam giới. Bà say mê nghề tình báo  cũng như những người khác say mê leo núi hoặc đánh cờ vậy. Những người như bà thật là nguy hiểm.

  Tuy nhiên ta cũng không nên hoàn toàn tin lời Kukridzh, ngay cả chuyện ông có gặp bà. Theo những nguồn tin khác, bà sống ở Muynich cho đến khi mất vào năm 1940 và là giáo sư một trường tổng hợp. Giới tuyên truyền của phát xít thích sử dụng cái tên "Bà Doctor", nói đúng hơn, họ thích những chuyện huyền thoại về bà để thổi bùng lên tinh thần quốc gia Đức. Người ta cũng đã dựng một vài cuốn phim  về cuộc đời là thật hoặc là ảo của bà.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 04 Tháng Tám, 2008, 07:26:52 pm
79 - C-25 - điệp viên đến nay vẫn còn vô danh



  Đội tuần tra sân ga Paris vào buổi tối tháng 1 năm 1918 ngay lập tức thấy khó chịu về người lính đó. Anh ta người to cao, dáng lảo đảo, mặc một bộ quân phục rách, đeo túi đồ buộc bằng dây, đội mũ lệch ra sau gáy, đang định lên tàu đi về phía biên giới Tây Ban Nha.

  - Sao anh lôi thôi thế? Xin cho xem giấy tờ! - Đội trưởng yêu cầu.

  - Anh đi chỗ khác đi!... - anh ta đáp.

  - Bắt anh ta lại! - Đội trưởng ra lệnh.

  - Cứ thử đi, - anh chàng sếu vườn xổ ra.

  Đám lính sợ hãi dạt ra. Chỉ có một người mở khoá súng. Chàng sếu vườn nhìn thấy, nhếch mép:

  - Thôi được, tôi phục tùng sức mạnh.

  Anh ta bị giải về đồn. Đến đấy mới vỡ lẽ rằng anh ta trốn khỏi tiểu đoàn lính phạm luật và đang bị theo dõi. Điện truy nã đã được truyền đi khắp nơi.

  Vấn đề có vẻ rất rõ và kẻ đào ngũ sẽ bị áp tải về pháo đài, thì lúc đó sĩ quan Phòng nhì (cơ quan phản gián của Pháp) bước vào và nói chuyện với chỉ huy. Ông này rõ ràng là không hài lòng vì có người xía vô, nhưng vẫn ra lệnh thả anh lính.

  Viên sĩ quan phản gián phải đích thân dẫn anh ta ra ga và để tránh những sự hiểu lầm khác, phải đưa anh ta lên con tàu sau.

  Đêm ấy trôi qua yên ổn, sáng hôm sau, khi con tàu đến gần chỗ xuống, có một toán quân cảnh lên toa và bắt đầu kiểm tra hành khách kỹ lưỡng. "Kẻ đào tẩu" bị lộ vì dáng cao lênh khênh và quân trang xộc xệch. Mặc dầu anh lớn tiếng phản đối, thậm chí đã định vùng ra, nhưng anh vẫn bị bắt và bị tống giam tại thị trấn biên giới Hendey. Anh nằm đó 2 đêm. Đêm thứ ba anh lính gác đi tuần đã nói nhỏ với anh rằng cửa phòng giam sẽ không khoá. Người bị giam bình thản thoát thân. Còi báo động rú lên, khi anh đã ở ngoài tầm bị bắt.

  Tiếng súng nổ. Anh nhảy xuống dòng sông băng lạnh Bidassoa, vượt sang bên kia và kêu lính hải quan Tây Ban Nha ứng cứu.

  Ngày hôm sau cả hai phía đều nói đến  cuộc chạy trốn dũng cảm của người Pháp đào ngũ kia.

  Thế là điệp viên Pháp C-25 ở trên đất Tây Ban Nha. Anh được ném sang nước này nhằm thâm nhập vào trung tâm tình báo Đức hoạt động tại đây với cái tên "Bản doanh năm".

  Trung tâm này người Đức lập ra ngay từ đầu chiến tranh, tháng 8 năm 1914 ở thành phố San-Sebastian, gần biên giới Pháp. Mục đích của nó là thu thập và xử lý thông tin nhận được từ những người vượt biên và lính đào ngũ của quân đội Đồng minh. Thường là người ta thử thách những người này cẩn thận, sau đó đưa vào một trại cách ly. Nhưng nếu kẻ đào ngũ được người Đức chú ý đến, thì anh ta có thể được tuyển mộ và đưa trả về Pháp. Đó là lối sử dụng "vắt kiệt": khi nào hết khả năng mà anh ta vẫn đòi tiền thì người ta đánh tháo một cách rất đơn giản: tố giác cho người Pháp, người Pháp xử rất nhanh rồi đem bắn.

  Người Đức rất tính toán đối với những người vượt biên, họ có cả một bảng giá cho các dịch vụ gián điệp. Chẳng hạn, một bản đồ sân bay chi tiết với danh mục tất cả những gì có trên đó được tính là tám ngàn frank. Bản đồ bao quát pháo binh khu vực là hai mươi lăm ngàn, chỉ thị mật của tổng tham mưu là một trăm ngàn. Tháng 12-1917 người ta đã trả tiền một văn bản mật đánh cắp được của Bộ Tổng tham mưu một khoản tiền kỷ lục là ba trăm tám mươi ngàn frank. Tất nhiên, tiền chỉ được trả sau khi khẳng định được là văn bản thật thông qua một tổ chức gián điệp khác. Số tiền mà "Bản doanh năm" chi ra không phải là vô ích. Thành công của nó khẳng định như vậy: các nhân viên của trung tâm đã thu được thông tin về tình trạng của lính đào ngũ Pháp, về kế hoạch tấn công của Đồng minh năm 1917, về đường đi của chiến hạm "Kleber" (nó đã bị đánh đắm), về kỹ thuật sản xuất lựu đạn đánh hầm trú ẩn và nhiều thông tin khác có giá trị bằng mạng sống của hàng ngàn binh lính Đồng minh.

  Khi biết tin về cuộc chạy trốn dũng cảm của C-25, các nhân viên của "Bản doanh năm" đã nghiên cứu rất cẩn thận. Anh ta khác hẳn những người chạy trốn khác ở chỗ những người kia chỉ dám vượt qua những hẻm núi dốc đứng. Đại uý Đức Kraftenberg gặp C-25. C-25 "chân thành" chia sẻ suy nghĩ với ông rằng anh ta thuộc phái hoà bình, căm thù chiến tranh và không muốn chiến đấu. Trong lần hỏi cung thứ hai lâu hơn, C-25 nói rằng anh thạo tiếng Tây Ban Nha, nhưng giấu biệt là biết tiếng Đức. Anh cho biết là có nghề chào hàng đồ thể thao và muốn tìm việc về nghề đó ở Tây Ban Nha. Để lấy lòng đại uý anh thông báo về tình hình khốn quẫn của quân đội Pháp, về tinh thần rã đám của quân đội do cách mạng Nga gây ra và anh phê phán sự giúp đỡ của Đồng minh. Đến cuộc nói chuyện sau thì chính người đứng đầu "Bản doanh năm", tướng Shults, tiếp anh. Ông ta "nắm đằng chuôi":

  - Tôi không úp mở gì cả. Tôi nói thẳng luôn. Tôi cần một người như anh. Tôi muốn anh nhận cho một công việc. Nhưng muốn thế anh phải trở về Pháp. Tổ chức của chúng tôi rất mạnh, cho nên sự rủi ro cho anh là tối thiểu. Anh nói thạo tiếng Tây Ban Nha làm cho công việc của anh rất đơn giản: chúng tôi sẽ trao cho anh một hộ chiếu ngoại giao Tây Ban Nha. Tất nhiên, anh có quyền từ chối, nhưng như thế chúng tôi sẽ đưa anh về trại và anh sẽ hối tiếc. Tôi để anh suy nghĩ từ nay tới mai.

  Tất nhiên, ngày hôm sau C-25 trả lời đồng ý và ký tên vào một văn bản có nội dung như sau: "Tôi xin thề toàn tâm toàn ý phục vụ nước Đức. Kể từ hôm nay đó là Tổ quốc duy nhất của tôi. Tôi xin hứa bảo vệ bí mật, thận trọng và dũng cảm khi thực hiện mọi công việc được giao phó. Tôi xin thề trước cả Chúa Trời!".

  Đầu tiên người ta giao cho C-25 biên tập một tờ báo bằng tiếng Pháp mà người Đức xuất bản ở Tây Ban Nha. Tờ báo này dùng để tuyên truyền trong các trại lính đào ngũ người Pháp. Đây là lúc người Đức kiểm tra anh, họ không giấu giếm.

  Mấy tuần sau đại uý Krafenberg gọi C-25 từ Barselona về và giao cho anh nhiệm vụ thật sự đầu tiên. Anh được ăn mặc sang trọng nhất và cầm các giấy tờ mang tên ngài Migel de Palensia, thành viên chính thức của Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế. Trong vai một nhà quý tộc anh đĩnh đạc lên một toa tàu nằm trở về nước Pháp, nơi anh vừa mới ra đi theo con đường đặc biệt. Anh tạm ở lại Paris hơn một tuần chờ đợi liên  lạc viên của "thủ trưởng". Một hôm, khi ra cửa khách sạn, có người chuyển cho anh một phong thư hẹn gặp ở dãy cột nhà thờ Đức Bà. Tại đó có một người lạ mặt đến truyền lệnh: lấy được bản vẽ động cơ máy bay mới, sau đó trở về ngay San - Sebastian. Nhiệm vụ không dễ chút nào. C-25 hiểu rằng bọn Đức vẫn theo dõi. Anh lấy bộ quân phục sĩ quan cũ ra mặc, lang thang mấy ngày ở sân bay Burzhe. Tất nhiên, sau đó nhờ sự giúp đỡ của tình báo Pháp anh đã lấy được bản vẽ đã được "chữa đểu" để quân địch không sao dùng được. Với chiến lợi phẩm trong vali anh lại mặc quần áo sang trọng và trở về San- Sebastyan. Thế là từ đó bắt đầu hoạt động thật sự của anh trong ngành tình báo Pháp. Có hai việc đáng chú ý:

  Thứ nhất, có một hoàng thân Đức, người nhà của quốc vương Wilhelm II, bị cảnh sát Pháp bắt và có thể bị chết vì tội gián điệp. Vấn đề là ở chỗ, xét về sức khoẻ thì ông ta không thể vào quân đội chính quy được, nhưng tình cảm nghĩa vụ và lòng yêu nước đòi hỏi ông phải tham gia chiến tranh. Ông làm gián điệp rồi bị bắt và bây giờ đang chờ tử hình ở nhà tù Pháp.

  Thứ hai, vì quân Đức tiến công thắng lợi vào đầu mùa xuân 1918 nên tình báo Pháp thất bại nặng nề. Quân Đức đã lấy được những danh sách điệp viên được cài lại trong những vùng quân Đức chiếm đóng. Tất nhiên, số đó bị tiêu diệt. Quân Pháp không có thông tin khi đang rất cần. Trong một cuộc họp về vấn đề này nguyên soái Fosh tuyên bố:

  - Phải làm sao điệp viên của chúng ta khắc phục được những hậu quả của tổn thất to lớn đó... Đó là việc sống còn đối với chúng ta. Tôi yêu cầu gửi điệp viên sang Đức và khôi phục lại những tổ chức đã mất...

  Sau ngày đó tình báo Pháp phải làm một công việc lớn. Họ dùng máy bay ném vào hậu phương quân địch nhiều điệp viên mới. Nhưng ít ra cũng phải có một điệp viên đáng tin cậy móc nối được với quân Đức và chiếm được lòng tin của chúng.

  Sau khi đến San-Sebastian điệp viên C-25 được mời ngay đến một cuộc nói chuyện rất nghiêm túc và rất bí mật với tướng Shults. Không giấu được nỗi đau thật sự, ông kể hết về số phận bi đát của Hoàng thân.

  - Hiện nay tên tuổi và vị thế của ông, bọn chúng vẫn chưa biết đến. Phải làm sao cứu ông thoát ra được càng sớm càng tốt, trước khi chúng phát hiện ra được sự thật... Chính vua Đức đã yêu cầu tôi giải thoát cho Hoàng thân trẻ tuổi là một trong những người được đức vua quý trọng nhất trong hoàng tộc. Cứ mỗi lần tôi nghĩ rằng  bọn Pháp khốn nạn có thể đem bắn ông ta bất cứ lúc nào thì máu tôi lại lạnh đi trong huyết quản. Tôi xin anh giúp tôi cứu lấy ông Hoàng thân tội nghiệp!

  Một thời gian sau tướng Shults lại chuyển cho C-25 một bức mật thư (bức thư này hiện được giữ trong kho lưu trữ của cơ quan phản gián Pháp), trong đó nói rằng có một người nào đó tên là Otto Muller đã bị bắt tại Pháp vì tội gián điệp và hiện đang nằm trong nhà tù quân sự chờ toà án quân sự xét xử, và C-25 được giao trách nhiệm giải thoát cho ông.

  Ngay khi về đến Paris, C-25 lập tức đến gặp người lãnh đạo của mình. Ông ta mừng run lên:

  - Anh chính là người mà chúng ta đang rất cần.

  Hôm sau ông này báo cáo lên trên rồi bảo C-25:

  - Anh sẽ giúp cho Hoàng thân trốn thoát, ông ta sẽ biết ơn và tin anh, sau đó anh cùng với ông ta trở về Đức và làm việc cho ông ta. Như vậy anh sẽ là người của quân ta trong tổng hành dinh quân địch.

  C-25 lập tức bắt tay vào việc. Anh đến nhà tù, nơi giam giữ Hoàng thân. Tình huống giải thoát cho Hoàng thân không được mô tả chi tiết. Chỉ biết rằng để tránh thất thoát thông tin, C-25 đã phải tiến hành chiến dịch đó bằng tiền riêng của mình không tiếc của (khoản tiền không phải là nhỏ!).

  Đến giờ quy định anh quăng một chiếc thang dây qua tường nhà giam, Hoàng thân trèo qua và nhảy vào một chiếc ô tô ghé đến. Khi còi báo động cất lên thì họ đã nghỉ chân trong một khách sạn cách xa thị trấn có nhà tù hàng trăm cây số.

  C-25 đánh điện về San-Sebastian:

  "Món hàng đã xong. Sẽ chuyển hàng đến. Migel".

  Họ có hộ chiếu Tây Ban Nha và dễ dàng đi qua biên giới.

  Hoàng thân chân thành biết ơn tướng Shults rồi chỉ vào C-25 nói thêm:

  - Còn về con người này, nhờ anh ta mà tôi có mặt tại đây hôm nay, tôi sẽ chịu ơn anh ấy suốt đời. Để bầy tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tôi muốn rằng từ nay anh ấy sẽ ở bên tôi mãi mãi.

  Tướng Shults phản đối, nói rằng Hoàng thân phải trở về Đức ngay. Đó là lệnh của đức vua.

  - Tất nhiên, tôi phục tùng ý chỉ của Người, nhưng tôi muốn mang theo ân nhân của tôi, người mà tôi đã coi là bạn. Xin ông thông báo cho đức vua và xin Người chấp thuận.

  Mấy hôm sau có một chiếc tàu ngầm đến đón Hoàng thân. Khi biết rằng ngoài Hoàng thân ra thuyền trưởng còn phải chở theo một người nữa, mà lại là người ngoại quốc, thì thuyền trưởng đã từ chối, nói rằng về vấn đề này đã có một mệnh lệnh cứng mà ông không thể vi phạm. Nhưng lập tức Hoàng thân tỏ thái độ:

  - Xin ông chấp nhận cho, đó là ý nguyện của tôi. Và cũng đã có sự chấp thuận của nhà vua rồi.

  Thuyền trưởng đành chịu, nhưng yêu cầu Hoàng thân viết giấy. Hoàng thân viết ngay. Chuyến đi ngầm diễn ra thành công. Hoàng thân được đón tiếp long trọng tại cảng của Đức. Trong vòng ba tháng Hoàng thân thường đến tổng hành dinh có kèm theo "anh bạn mới trung thành" của mình. Người ta có ý nghi ngờ C-25 và cử các điệp viên khiêu khích đến gặp anh, nhưng lần nào anh cũng thoát ra trong danh dự. Trong thời gian ba tháng ở Đức anh đã thu thập được nhiều thông tin quý báu, và điều chủ yếu là anh đã tạo được điều kiện để khôi phục mạng lưới điệp viên Pháp. Sau việc đó anh mới cho rằng mình hoàn thành trách nhiệm. Có những tư liệu khẳng định rằng anh đột nhiên rời bỏ Hoàng thân ở Lille và biến đi đâu mất. Con đường chính xác dẫn anh về nhà như thế nào thì không ai biết, nhưng chắc chắn nhất là anh bay về Pháp bằng một chuyên cơ đến đón.

  Trong buổi báo cáo tại Bộ Quốc phòng C-25 đã làm ban lãnh đạo cảm phục về tính chính xác và khối lượng to lớn những thông tin tư liệu mà anh lấy được. Phần lớn những thông tin mà anh báo cáo có ý nghĩa hàng đầu: chúng giúp cho Bộ Tổng tham mưu xác định rõ là quân địch suy yếu ra sao và vạch ra chiến lược trước những trận đánh quyết định vào năm 1918.

  C-25 qua đời mấy năm sau chiến tranh. Ngay đến lúc lâm chung anh cũng từ chối không thông báo một số chi tiết  trong hoạt động của mình trong lòng địch và yêu cầu đừng bao giờ công bố tên tuổi của anh. Yêu cầu đó được tôn trọng. Tên tuổi của điệp viên C-25 vẫn còn chưa ai biết được.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 04 Tháng Tám, 2008, 07:33:07 pm
80 - Điệp vụ đánh tháo Mussolini



  Năm 1943, Thủ tướng độc tài của Italia Mussolini bị lật đổ và bắt giữ. Phát xít Đức đã dày công tổ chức một chiến dịch giải cứu Mussolini. Tham gia vào chiến dịch này có Otto Scorseni - một sĩ quan SS ranh ma xảo quyệt và trung thành với Hitler, với Đức Quốc xã đến mức cuồng tín. Dưới đây là một đoạn trong quyển hồi ký của Otto Scorseni về chiến dịch đó.

  Ngày 26-7-1943, tôi được lệnh triệu hồi khẩn cấp về dinh Quốc trưởng. Sau khi nghe tôi trình bày ngắn gọn lý lịch của mình: nơi sinh, học ở đâu, các giai đoạn sĩ quan dự bị và tình trạng hiện nay, Hitler lùi lại một bước và đột ngột ra câu hỏi đầu tiên:

  - Ai trong các ông biết nước Italia?

  Chỉ có mình tôi đáp:

  - Trước chiến tranh, tôi đã hai lần ở Italia, thưa Quốc trưởng. Tôi đã đi môtô đến tận Napoli.

  Ngay lập tức, một câu hỏi nữa cho tất cả:

  - Các ông suy nghĩ gì về Italia?

  Với vẻ bối rối, lúng túng, nhiều sĩ quan trả lời lắp bắp. Cuối cùng đến lượt tôi, tôi trả lời ngắn gọn:

  - Tôi là người Áo, thưa Quốc trưởng.
Tôi cho rằng, chỉ cần đáp thế là đủ để bày tỏ quan điểm của mình. Bất kỳ một người Áo chân chính nào cũng trải qua nỗi đau sâu sắc khi mất miền Nam Tiroli, một vùng đẹp nhất mà trước đó đã từng của chúng tôi.

  Hitler đăm chiêu nhìn tôi, sau đó nói:

  - Tất cả có thể ra. Còn ông, đại úy Scorseni, hãy ở lại. Tôi muốn trao đổi với ông.

  Hitler bắt đầu:

  - Tôi có một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cho ông. Thủ tướng Italia - Mussolini, bạn tôi và là chiến hữu trung thành của chúng ta, hôm qua đã bị Quốc vương làm phản và bị đồng bào của ông ấy bắt giam. Cần giải thoát Mussolini một cách nhanh nhất. Tôi trao cho ông sứ mệnh này. Ông cần giữ bí mật tuyệt đối chuyện này. Ngoài ông ra, chỉ có 5 người nữa được biết về chiến dịch. Ông sẽ trực thuộc tướng Student. Bây giờ, ông sẽ gặp ông ấy.

  Tôi bước vào gian phòng nhỏ ở bên cạnh của tướng Student. Viên tướng chưa kịp nói gì với tôi thì Himmler, sếp của SS xuất hiện. Phân tích các sự kiện dẫn đến sự sụp đổ của Mussolini, Himmler đã liệt kê một số tên các sĩ quan, các nhà hoạt động chính trị và các quý tộc
- trong số ấy tôi không hề biết một ai. Một số, Himmler gọi là lũ phản bội, còn số thứ ba, ông ta coi là những người bạn đáng tin cậy. Khi tôi lấy giấy bút định ghi thì Himmler bỗng nổi giận ngăn tôi lại:

  - Ông điên rồi. Điều đó cần phải hết sức giữ bí mật. Ông phải nhớ lấy!

  Ít phút sau, tất cả đã được giải quyết: buổi sáng, tôi sẽ bay cùng tướng Student tới Rome. Chính thức tôi sẽ là sĩ quan tùy tùng của ông ta. Cùng thời gian này, 50 chiến sĩ trong đội xung kích của tôi sẽ bay từ sân bay ở Berlin tới miền Nam nước Pháp, rồi từ đó sẽ bay tới Rome cùng với các đơn vị của sư đoàn không quân cơ động đầu tiên cần có mặt ở mặt trận Italia. Buổi chiều hôm đó, tướng Student đưa tôi, với tư cách sĩ quan tùy tùng, đến chỗ Thống soái Kesenrinh. Viên tướng đó thề rằng, ông ta và bất kỳ người nào trong giới lãnh đạo quân sự Italia đều không biết tý gì về địa điểm Mussolini đang bị giam giữ.

  May sao, trong hàng trăm cái tên mà Himmler đã nêu ra, tôi lại nhớ được hai tên quan trọng nhất: Kapple và Donman. Kapple là đại diện của Gestapo tại Italia. Còn Donman là người đã sống ở Italia tương đối lâu. Theo lời khuyên của trùm SS Himmler, tôi và tướng Student đã có tiếp xúc với họ, nói về mục đích sứ mệnh của mình và yêu cầu họ giúp đỡ. Chúng tôi được biết rằng, ở khắp thủ đô Italia đang có những tin đồn khác nhau. Một số nói rằng, Mussolini đã tự sát, số khác nói ông ta đang lâm trọng bệnh. Số thứ ba khẳng định Mussolini đang ở nhà nghỉ. Nhưng chúng tôi may mắn biết được rằng: buổi trưa ngày 25-7, Mussolini đã tới tiếp kiến Quốc vương. Từ lúc đó không ai nhìn thấy ông ta nữa. Như vậy, ông ta đã bị bắt ngay trong hoàng cung.

  Trong số quan chức Italia mà Kapple giao tiếp, có một sĩ quan quân đoàn cácbin (tất cả lính tráng đều được trang bị súng cácbin. Viên sĩ quan này hé ra các tin tức quý giá: dường như Mussolini bị đưa đi trên chiếc xe cứu thương từ hoàng cung đến các doanh trại lính cácbin ở Rome. Việc điều tra của chúng tôi đã khẳng định thông tin này. Ngoài ra, chúng tôi còn biết tù binh bị giam ở chỗ nào, ở tầng nào của tòa nhà. Nhưng, đã 10 ngày trôi qua từ khi bị bắt, Mussolini có thể đã bị chuyển đến chỗ khác.

  Tại một nhà hàng nhỏ ở Rome, chúng tôi đã làm quen với một thương gia buôn bán hoa quả. Con gái người hầu của một trong số các khách hàng của ông ta yêu một anh lính cácbin. Anh ta phục vụ trên đảo Ponsa, nơi có một trại giam, và anh ta thường viết thư cho người yêu của mình. Trong một bức thư, anh ta kể chuyện: có một người tù quan trọng, một nhân vật cao cấp nào đó bị đưa tới đảo. Thông tin này nhanh chóng được xác nhận, nhưng ngay sau đó, một sĩ quan hải quân trẻ, trong lúc nửa tỉnh nửa say đã lộ ra rằng: chiến hạm của anh ta mới đây đã chở Mussolini từ trại giam trên đảo Ponsa về thành phố nhỏ Spexia, nơi có căn cứ Hải quân của Italia bên bờ Liguri.

  Sau đấy, chúng tôi nhận được nhiều tin tức từ nhiều nguồn khác nhau. Mọi tin đồn rằng, Mussolini ở một hòn đảo nhỏ hay tại một quân y viện của một thị trấn nhỏ nằm sâu trong rừng núi, đều là giả. Ngược lại, tin tức về sự có mặt của Mussolini ở một pháo đài bên bờ biển Xanta Madalena ở tận mũi Đông Bắc của Xardinia, được xác định đúng hơn cả. Các thông tin này đối với tôi quan trọng đến nỗi tôi quyết định bay ngay đến Xardinia và tự mình tiến hành trinh sát. Tôi đem theo thuyền trưởng và trung úy Vargher trong đội của mình, bởi anh ta nói sõi tiếng Italia, đi trên chiếc tàu quét mìn của Đức, lượn khắp khu vực trên mặt nước của cảng và dọc các bờ của đảo. Nấp dưới cánh buồm, tôi đã chụp nhiều kiểu ảnh về các công trình của cảng và dù từ xa, tôi vẫn chụp được tòa biệt thự mà chúng tôi quan tâm hơn cả - đó là biệt thự Veber nằm ở ngoại ô thành phố. Sau đấy, tôi tìm cách xác minh "người tù quan trọng" là ai. Để đạt mục đích này, tôi quyết định dùng trung úy Vargher.

  Vargher ăn mặc giả một thủy thủ bình thường của Đức. Trời nhập nhoạng tối, anh ta sẽ lân la ở các quán rượu và lắng nghe các cuộc trò chuyện. Khi nào tóm được câu chuyện về Mussolini, anh sẽ xen vào và tuyên bố rằng Mussolini bị bệnh nặng. Rõ ràng là ý kiến của anh sẽ bị bác lại và điều này cho phép Vargher đánh cuộc. Để thêm sức thuyết phục, Vargher phải đóng vai một kẻ nát rượu.

  Kế hoạch của tôi có vẻ đơn giản, song lại có kết quả không ngờ. Một người bán hàng rong, hằng ngày thường đem hoa quả tới biệt thự Veber, nhận đánh cuộc. Để chứng tỏ cho Vargher, ông ta đã dẫn anh chàng tới ngôi nhà cạnh biệt thự và qua ô cửa tò vò của trần nhà, ông ta chỉ cho Vargher cái sân gác mà "tù nhân đặc biệt" thường đi dạo. Sang ngày hôm sau, Vargher quay lại vị trí quan sát này. Ít bữa sau, anh ta đã biết gần chính xác số lính gác, thời gian thay gác, các điểm súng máy...

  Đã tới lúc soạn kế hoạch hành động tiếp theo. Bằng cách nào có thể đưa được Mussolini ra khỏi biệt thự và đưa ông ra khỏi thành phố bằng phương tiện gì?

  Kế hoạch soạn xong thì bỗng nhiên - như sét đánh giữa trời quang - có lệnh từ hành dinh Quốc trưởng: "Hành dinh vừa nhận được báo cáo từ Abver (Đô đốc Canaris) rằng, Mussolini đang ở một đảo nhỏ cách đảo Enba không xa. Đại úy Scorseni nhanh chóng chuẩn bị chiến dịch đổ bộ và thông báo về hành dinh thời gian có thể tiến hành chiến dịch. Hành dinh sẽ phê chuẩn kế hoạch chiến dịch".

  Thế này là thế nào? - Chúng tôi tự hỏi. Tuy rằng tình báo của đô đốc có các phương tiện thu thập tin tức cực kỳ hiệu quả, nhưng không lẽ những gì chúng tôi nắm được đều là tin nhảm cả hay sao? Vì ý kiến của chúng tôi đối lập nhau, nên tướng Student đề nghị được trực tiếp báo cáo với Quốc trưởng. Sau nhiều lần giải thích qua điện thoại, cuối cùng cũng được phép. Chúng tôi được lệnh bay ngay lập tức đến Đông Phổ và sau buổi trưa, vừa hạ cánh, chúng tôi đã biết rằng Hitler đang đợi.

  Tướng Student giới thiệu vắn tắt về tôi, sau đấy ông nhường lời cho tôi. Theo khả năng, tôi trình bày rõ ràng, ngắn gọn và chi tiết các giai đoạn điều tra của chúng tôi. Nhiều chứng cứ có sức thuyết phục, nghiêng về giả thiết của chúng tôi, phù hợp với việc Mussolini hiện đang ở Xanta Madalena, đã gây được ấn tượng.

  Những lý lẽ mà tôi trình bày đã thuyết phục được Hitler. Ông ta muốn tôi trình bày tiếp kế hoạch giải cứu Mussolini. Nhờ sơ đồ, tôi kể về dự án của chúng tôi mới phác thảo vài ngày trước. Tôi giải thích rằng, ngoài hạm đội tàu phóng lôi, tôi cần một số tàu quét mìn và ngoài 50 người của tôi, còn cần gần 1 đại đội quân tình nguyện từ biên chế của Lữ đoàn SS đóng lại Corxica. Mặt khác, để yểm trợ cho việc rút quân, tôi cần có quyền sử dụng các đại đội cao xạ của quân đội Đức ở Corxica và Sardinia. Nghe xong, Hitler rất tán thành và lệnh cho Đại đô đốc Denis, hãy ra các mệnh lệnh cần thiết cho các đơn vị của mình. Trong suốt thời gian tiến hành chiến dịch, phải hành động dưới sự chỉ huy của tôi.

  Sau khi các tàu phóng lôi đã đến Xanta Madalena, Riedli, - đồng đội của tôi liền lên tàu quét mìn tới Corxica kiểm tra quân đổ bộ xuống tàu. Trong lúc chờ đợi, tôi bắt tay nghiên cứu thêm biệt thự Veber và các vùng lân cận của nó. Mặc dù Vargher đã làm việc rất tốt, nhưng tôi vẫn quyết định tự mình đi kiểm tra lại tất cả một lần cuối. Chúng tôi "đi dạo" gần biệt thự và ngụy trang trong bộ quần áo lính thủy lôi thôi. Tôi tìm cách xem xét biệt thự và công viên bao quanh nó. Mọi thứ có vẻ yên tĩnh. Trên đường quay về, tôi ghé qua một hiệu giặt. Lại thêm một điều may mắn nữa đến với tôi. Có một anh lính cácbin trong đội canh gác Mussolini ghé vào chơi với bà chủ hiệu. Tôi lấy cớ làm quen và cẩn thận hướng câu chuyện về việc sụp đổ của Mussolini. Mới đầu anh chàng có vẻ hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề này. Anh ta chỉ hoạt bát lên khi tôi cho rằng, chắc là Mussolini đã chết, không chịu được các tình tiết trong phút lâm chung của Mussolini do tôi bịa ra, anh ta gào lên: "Tôi vừa mới nhìn thấy Mussolini sáng nay. Chính tôi đã hộ tống ông ấy, khi họ chở ông ấy tới chiếc máy bay màu trắng để đưa ông ta bay đi đâu đó, rời khỏi đây".

  Trời! Quả là một điều bất ngờ! Chỉ tới lúc đó tôi mới sực nhớ rằng, chiếc thủy phi cơ cứu thương, chiều qua tôi vẫn còn thấy dập dềnh trên sóng bên cạnh bờ, sáng nay đã biến mất. Tôi đã nhận ra điều đó, song không mấy lưu ý. Mặt khác, tôi cũng hơi ngạc nhiên, khi nhìn vào biệt thự thấy lính gác có vẻ thảnh thơi.

  Bây giờ, điều cần thiết trước hết là bãi bỏ chiến dịch và dừng ngay việc di chuyển lực lượng đến các vị trí.

 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 04 Tháng Tám, 2008, 07:34:14 pm
  Lúc này, "ngành tình báo" nhỏ bé riêng của tôi cũng thu thập được tin tức, gần như hoàn toàn chắc chắn, rằng Mussolini đang ở trong một khách sạn nằm ở chân đỉnh núi Gran Xarxo.

  Suốt mấy ngày, chúng tôi cố tìm kiếm các bản đồ chi tiết của vùng này. Bởi vì khách sạn được xây xong không bao lâu trước chiến tranh, nên hiện giờ nó chưa có trên bản đồ. Để chuẩn bị một chiến dịch lớn, chúng tôi thấy rất cần có các bức ảnh chụp từ trên không, càng nhanh càng tốt. Tướng Student giao cho tôi chỉ huy một chiếc máy bay có trang bị máy quay phim tự động. Sáng ngày 8-9, tôi cất cánh từ Pratica-di-Mar gần Rome, cùng với Riedli và một sĩ quan trinh sát ban tham mưu sư đoàn. Còn cách Gran Xarxo khoảng 30km, chúng tôi quyết định chụp vài kiểu ảnh để thử nghiệm chiếc máy quay to được lắp ở bụng máy bay. Đến lúc ấy mới phát hiện ra rằng cuốn phim bị dính vì quá lạnh (chúng tôi bay ở độ cao 5.500m). May sao, chúng tôi mang theo máy quay xách tay. Nhưng vì trong khi bay không thể mở hoàn toàn vòm kính lớn của cabin sau nên chúng tôi đành phải bẻ một phần của nó cho vừa tầm quan sát của camera. Thợ chụp ảnh buộc phải thò đầu, vai và hai tay qua lỗ này. Rất khó khăn tôi mới luồn được ngực qua lỗ, còn Riedli ngồi giữ chân tôi. Vài giây sau, chúng tôi bay qua trên Kampo-Imperator, một cao nguyên hoang dại địa hình phức tạp, rồi cuối cùng chúng tôi cũng bay qua trên mục tiêu của mình là khách sạn. Đó là một công trình tương đối đồ sộ. Tôi chụp kiểu ảnh đầu tiên. Tôi nhận thấy ngay sau khách sạn là một bãi cỏ gần như hình tam giác. Lập tức, tôi nhủ thầm: đây là bãi hạ cánh cho máy bay! Tôi chụp tiếp kiểu ảnh nữa. Sau đó, tôi ra lệnh cho phi công quay 180 độ và lên cao 5.500m để bay qua đỉnh Gran Xarxo. Lần này đến lượt Riedli. Riedli luồn người ra, còn tôi quỳ xuống giữ chân cậu ta. Khi đỉnh núi đã nằm trong tầm nhìn, tôi bấm vào bắp chân cậu ta ra hiệu sẵn sàng. Có lẽ chúng tôi đã không bay qua đúng đỉnh khách sạn, nên Riedli phải nghiêng người chụp cắt góc. Điều này rất có lợi, bởi vì những bức ảnh đó tốt hơn những bức ảnh chụp thẳng đứng và cho phép hình dung được độ dốc của địa hình. Sau đó tôi cho phi công các chỉ dẫn cụ thể: hạ độ cao xuống 1.500m và trở về, nhưng hơi chếch hướng lên phía Bắc. Tới Địa Trung Hải bay hẳn về phía Bắc Rome. Rồi lấy hướng về sân bay với độ cao gần sát mặt đất. Mười lăm phút sau, tôi mới thấy rằng sự đề phòng này đã cứu sống chúng tôi, vì khi bay tới bờ biển, bất chợt tôi nhìn thấy các máy bay của địch dàn thành các hàng dày đặc bay đến Praxcati. Những quả bom chúng ném xuống thành phố, chính xác vào ban tham mưu của chúng tôi. Chỉ đến giây phút đó, tôi mới hiểu rằng, nếu tôi không ra lệnh bay vòng một chút lên hướng Bắc, thì chúng tôi đã bị vây ở giữa bầy dày đặc các máy bay của Đồng minh.

  Khi về đến Praxcati, chúng tôi bị rơi vào tình trạng hỗn loạn. Ngôi nhà đặt ban tham mưu của tướng Student tuy không bị bom đụng đến, nhưng một sĩ quan cảnh báo rằng dưới tầng hầm có 2 quả bom nổ chậm. Chúng có thể nổ bất cứ lúc nào. Trong phòng ngủ vẫn còn các giấy tờ quan trọng, có cả các kết quả điều tra của chúng tôi nữa. Thế là chúng tôi leo qua lan can vào phòng của mình. Mặc dù trong phòng cực kỳ lộn xộn, nhưng chúng tôi vẫn tìm được hồ sơ của mình.

  Tôi vẫn đi tìm sự khẳng định việc có mặt của Mussolini ở khách sạn tại Gran Xarxo. ở Rome tôi có quen một bác sĩ quân y người Đức. Anh ta là một thanh niên trung thực, luôn mơ ước đạt được phần thưởng danh dự. Tôi quyết định lợi dụng lòng khát khao của anh ta và chiều ngày 7-9, tôi đã giải thích là anh ta có thể gây được thiện cảm của cấp trên như thế nào. Trước thời gian này, lính Đức bị sốt rét rất nhiều, được đưa đến điều trị ở Tiroli. Tôi đã đề nghị bác sĩ của mình "theo sáng kiến riêng" tới khách sạn nằm trên núi Gran Xarxo, để tìm hiểu xem có thể biến cơ sở nằm trên độ cao khoảng 2.000m này thành nhà nghỉ được không. Tôi dựa vào việc, cần phải thương thuyết tại chỗ với người quản lý, xem có bao nhiêu giường bệnh, xem xét buồng vệ sinh... Đề nghị của tôi được thực hiện: Sáng ngày 8-9, ông bạn bác sĩ của tôi lên đường bằng ôtô. Ngày hôm sau, "thám tử bất đắc dĩ" của tôi trở về, mặt mày ủ dột. Anh ấy kể rằng, trong khách sạn, đường vào chỗ thang máy bị chắn ngang bởi một barie, thêm vào đó còn nhiều trạm bảo vệ của lính cácbin. Sau một hồi thương thuyết khá lâu, cuối cùng anh ấy cũng được phép gọi điện vào khách sạn. Nhưng trả lời anh ấy không phải là người quản lý: ở đầu dây bên kia, một sĩ quan nào đó nhắc nhở anh ta rằng đây là khu quân sự, và tất nhiên, mọi việc sử dụng cao nguyên và các tòa nhà ở đây vào mục đích khác đều bị cấm. Theo quan sát của bác sĩ: trong thung lũng, anh ta thấy có xe ô tô trang bị vô tuyến điện, còn thang máy thì hoạt động liên tục. ở làng nhỏ gần đấy, dân chúng kể cho anh ta những câu chuyện khó có thể tin nổi: khách sạn mới bị chiếm cách đây không lâu, ngay lập tức cả bộ máy dân sự ở đây bị đuổi ra ngoài. Các phòng được trang bị lại, để sắp xếp trong đó khoảng 200 tên lính. Mấy lần có cả sĩ quan cao cấp tới thung lũng. Một số người tỏ vẻ am hiểu nhiều cho rằng, Mussolini đang bị giam giữ ở trong khách sạn. Nhưng anh bác sĩ quân y thì cho là tin đồn nhảm.

  Còn tôi, tất nhiên, không có ý định làm cho anh ta tin và tích cực làm những chuẩn bị cuối cùng.

 
  Trước tiên, tôi cùng với Riedli nghiên cứu các phương án khác nhau để chọn lấy một. Tôi rất cân nhắc với ý tưởng cho rằng, hằng ngày chỗ giam giữ Mussolini có thể thay đổi, đấy là chưa nói đến điều chúng tôi lo ngại: Mussolini có thể bị giao cho quân Đồng minh, họ đã đòi vậy. Sau đó ít lâu, chúng tôi được biết rằng tướng Eisenhower đã liệt yêu cầu này vào các điều kiện ngừng bắn.

  Chúng tôi thấy chỉ có hai cách: đổ bộ bởi quân nhảy dù hoặc các tàu lượn vận tải hạ cánh xuống cạnh khách sạn. Sau một hồi lâu phân tích, chúng tôi chọn cách thứ hai. Để đề phòng việc rơi xuống quá nhanh trong không khí loãng ở độ cao này, chúng tôi cần phải có những chiếc dù đặc biệt. Thêm nữa, vì địa hình bị chia cắt quá rộng, những người nhảy dù tiếp đất tản mạn khá xa nhau và một cuộc tấn công nhanh chóng với đội ngũ dày đặc là không thể được. Chỉ còn mỗi cách là cho một số tàu lượn vận tải hạ cánh.

  Quá trưa ngày 8-9, tôi đã rửa được một số bức ảnh, cỡ 14 x 14cm. Trên ảnh hiện rõ bãi cỏ hình tam giác mà tôi đã chú ý bay trên khách sạn. Chính bãi cỏ này sẽ là bãi hạ cánh, tôi sẽ thực hiện kế hoạch của mình. Cần phải nghĩ đến việc yểm trợ cho phía sau và bảo đảm rút ra sau khi hoàn thành chiến dịch. Theo kế hoạch của tôi, cả hai mục đích đều đạt được nhờ tiểu đoàn dù. Tiểu đoàn này cần đột nhập thung lũng vào ban đêm và đến giờ "G" sẽ chiếm trạm thang máy.

  Sau khi soạn xong các chi tiết chính của chiến dịch, tôi tới chỗ tướng Student. Sau hồi lâu suy nghĩ, viên tướng này đã chấp nhận kế hoạch. Tôi cùng với Riedli xem xét lại các chi tiết cuối cùng. Cần phải tính toán rất chính xác khoảng cách, xác định trang bị cho mọi người và bố trí điểm hạ cánh cho từng chiếc trong 12 chiếc tàu lượn. Ngoài phi công, mỗi tàu lượn có thể mang được 9 người, tức là một nhóm. Chúng tôi đặt cho mỗi nhóm một nhiệm vụ cụ thể. Tôi sẽ bay ở chiếc thứ ba, để khi tấn công trực tiếp vào khách sạn, sẽ được sự yểm trợ của những người ở hai chiếc đầu. Chúng tôi phải đụng độ với 250 tên lính Italia, họ biết rõ địa hình và cố thủ trong khách sạn như trong pháo đài. Về trang bị vũ khí thì tương đối cân bằng. Súng tiểu liên của chúng tôi trội hơn chút ít, trong điều kiện những tổn thất ban đầu của chúng tôi không quá lớn.

  Tôi có thêm một mối quan tâm nữa: không tìm ra được cách nào để tăng tính bất ngờ. Chúng tôi vò đầu suy nghĩ khoảng 1 giờ đồng hồ, bỗng Riedli nảy ra ý nghĩ tuyệt vời: Chúng tôi sẽ đem theo một sĩ quan cấp cao nào đó của Italia. Chỉ cần sự có mặt của ông ta cũng đủ để gieo rắc sự dao động trong lòng các tên lính cácbin, mà điều này cản trở chúng đánh trả nhanh chóng hoặc giết Mussolini.

  Chủ nhật, 12-9-1943, trong lúc chờ đợi các tàu lượn, cùng với người đã tham gia trong chuyến bay trinh sát, tôi kiểm tra và tính toán lại các chi tiết chính như quan sát bấm giờ đường bay, độ cao, hướng... Chúng tôi quyết định cất cánh đúng vào lúc 13 giờ. Bỗng nhiên, lúc 12 giờ rưỡi có báo động phòng không. Máy bay ném bom của quân Đồng minh xuất hiện và những tiếng nổ đầu tiên dội lên ngay lối vào sân bay. Chúng tôi tản ra tán loạn và vào hầm trú ẩn. Gần 13 giờ, còi báo yên. Lớp phủ bêtông trên nhiều đoạn băng bị hỏng nhưng máy bay thì không bị hư hại gì.

 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 04 Tháng Tám, 2008, 07:35:35 pm
  Đúng 13 giờ, chúng tôi xuất phát. Cả đoàn chỉnh đốn đội hình và hướng về phía Đông Bắc. Thời tiết cho công việc này thật là lý tưởng: mây trắng tạo thành từng đám khổng lồ lơ lửng ở độ cao 3.000 mét. Không một thứ gió nào có thể làm tan chúng được, vì thế chúng tôi có cơ hội đạt tới đích mà không bị phát hiện và sau đó sẽ đột ngột lao thẳng xuống mục tiêu.

  Khi bay đến Tivoli, tôi bất ngờ nhận được thông báo là trong đội hình chỉ có 7 chiếc tàu lượn, thay vì 9 chiếc. Vì trong lúc cất cánh, hai chiếc bị sa vào hố bom nên phải quay lại. Tôi truyền đạt cho phi công máy bay - tàu kéo: "Hãy nhận trách nhiệm dẫn đường tới mục tiêu". Bây giờ lúc hạ cánh, tôi sẽ không được sự yểm trợ, mà lẽ ra sẽ do những người của hai tàu lượn bị mất tích đảm nhận.

  Còn mấy phút nữa là đến giờ X, chúng tôi đã bay qua trên thung lũng Acvila. Trên đường, tôi nhận rõ các xe vận tải của tiểu đoàn dù đang bon nhanh theo hướng tới trạm thang máy của con đường cáp treo. Họ đã may mắn vượt mọi trở ngại và tấn công chính xác vào thời điểm phù hợp. Khi phía dưới đã xuất hiện mục tiêu - khách sạn trên núi Gran Xarxo, phi công lái ngoặt tàu lượn và bắt đầu tìm kiếm một vị trí thuận lợi để hạ cánh xuống bãi cỏ dốc thoai thoải. Từ cái nhìn đầu tiên, tôi phát hiện ra bãi cỏ hình tam giác, chỉ có điều không hoàn toàn "hơi dốc" mà chạy xuống dưới, dốc đứng, như cái cầu nhảy trượt tuyết. Tôi nhanh chóng quyết định:

  - Hạ cánh kiểu bổ nhào! Thật gần với khách sạn!

  Không một chút do dự, phi công cho tàu lượn vòng lại và nghiêng cánh trái lên trên, lao bổ nhào xuống. Tiếng réo của gió tăng lên và trở thành tiếng rít, vừa lúc trước mắt tôi, mặt đất xuất hiện. Tôi nhìn thấy trung úy Maier tung chiếc dù hãm. Chiếc tàu lượn nảy tung lên đôi ba lần khi chạm đất. Tôi nhắm mắt lại theo bản năng. Sau khi chồm lên lần cuối cùng, nó đã chết yên tại chỗ.

  Người đầu tiên của chúng tôi nhảy ra ngoài, tôi lướt lên phía trước. Chúng tôi cách khách sạn khoảng 15 mét. Chạy dọc tòa nhà, lượn qua góc và chúng tôi đứng trước một bức tường cao khoảng 3 mét. Ngay lập tức, một sĩ quan biến mình thành chiếc thang, tôi nhảy lên vai anh ta và trèo qua. Những người còn lại cũng làm theo tôi.

  Tôi quan sát khắp tiền sảnh. ở cửa sổ tầng một, tôi nhìn thấy cái đầu to đặc trưng của Mussolini. Tôi kêu lên để ông rời cửa sổ và lao thẳng theo lối chính. ở đó, chúng tôi gặp một đám đông lính mang súng cácbin vừa tập hợp đi ra. Hai khẩu tiểu liên của chúng tôi hất tung bọn chúng trở lại.

  Tôi lọt vào hành lang. Bên phải là cầu thang, tôi như bay trên đó khi bước 3 bậc một. Lên tới tầng một, tôi lao dọc hành lang, mở đại một cánh cửa trong rất nhiều cánh và thành công rồi! Trong phòng có Mussolini và hai sĩ quan Italia. Ngay lập tức hai tên đó bị tôi dồn vào góc tường. Bây giờ Mussolini đã ở trong sự bảo vệ của chúng tôi. Từ lúc hạ cánh đến giờ chỉ chừng 3 hoặc cùng lắm là 4 phút.
Từ cửa sổ, nghe tiếng những bước chân đều đặn đang tới gần cầu thang. Đó là một nhóm người của tôi dưới sự chỉ huy của Riedli và trung úy Menseli. Tôi quan sát thấy các tàu lượn số 5, 6, 7 tới cùng lính dù. Họ tiếp đất thật hoàn hảo, song với tàu lượn số 8 thì cảnh tượng thật kinh hoàng: nó bị rơi vào phễu không khí, sau khi bị vặn xoắn, đập vào phần đá lở, như một hòn cuội và vỡ tan tành.

  Xa xa vang lên vài phát súng lẻ tẻ, hiển nhiên là từ các trạm gác của lính Italia nằm rải rác khắp cao nguyên. Tôi bước ra hành lang, gọi to người quản lý khách sạn. Ông ta, quân hàm đại tá, xuất hiện ngay. Tôi giải thích cho ông ta rằng mọi sự kháng cự đều vô ích và đề nghị nhanh chóng đầu hàng. Chỉ ít phút sau, lá cờ treo ngoài cửa sổ bây giờ đã đổi sang màu trắng. Việc đầu tiên là tôi truyền qua vô tuyến điện về Rome rằng tôi đã kết thúc thành công một phần chiến dịch. Sau đó tôi bắt tay vào việc thực hiện kế hoạch do tướng Student đề nghị, gồm cuộc tập kích chớp nhoáng sân bay ở Acviladi - Abrussa, nằm trên đường ra khỏi bình nguyên. Tôi phải giữ nó đến khi có mặt 3 máy bay vận tải, sẽ hạ cánh sau khi tập kích ít phút. Nhưng vừa chuẩn bị liên lạc với Rome và thông báo giờ G chúng tôi sẽ tấn công sân bay Acviladi, thì nhân viên điện đài biến đâu mất. Thế là kế hoạch này phải bỏ. Tôi đành tính chuyện đưa Mussolini về Rome theo một kế hoạch rất mạo hiểm. Gherlakh, phi công riêng của tướng Student sẽ hạ cánh trên một máy bay "con cờ". Gherlakh, với sự khéo léo cực kỳ của mình, đã hạ xuống "đường băng" mà chúng tôi vừa kịp dọn gần khách sạn. Khi biết rằng tôi dự định bay cùng anh, anh không tỏ ra vui mừng. Nhưng khi tôi bổ sung thêm rằng, chúng tôi sẽ bay cả 3 người - Mussolini, anh và tôi - thì anh bác bỏ thẳng thừng. Anh cho rằng, kế hoạch của tôi hoàn toàn không thể thực hiện được. Tôi kéo anh ra một nơi và trình bày rất thuyết phục các lý do làm tôi buộc phải thực hiện kế hoạch của mình. Tự tôi cân nhắc rất lâu cái được và cái không được, hoàn toàn ý thức được trách nhiệm to lớn này. Cuối cùng, sau một lúc do dự, Gherlakh đồng ý. Thở phào nhẹ nhõm, tôi trao cho Riedli các mệnh lệnh phù hợp.

  Khi đại úy Gherlakh chỉ huy binh lính chuẩn bị đường băng cất cánh, tôi đã có thể dành hoàn toàn bản thân mình cho Mussolini. Con người đang ngồi đối mặt với tôi trong bộ quần áo dân sự quá rộng, không hề có một phong độ nào như đã thể hiện trong các tấm ảnh mà tôi được xem trước đó. Tôi vui mừng thông báo với ông một tin dễ chịu:

  - Thưa ngài Mussolini, chúng tôi không phút nào quên gia đình ngài cả. Thống chế Badolio đã bố trí phu nhân và hai con của ngài tại điền trang của ngài ở Rocca-della-Kraminata. Vài tuần trước đây, chúng tôi đã duy trì liên lạc với Dona Rakele. Và vào thời điểm này, khi chúng ta đang ngồi đây, một đội khác trong quân đội của tôi đã bắt đầu chiến dịch giải thoát gia đình ngài. Tôi tin rằng tới giờ này chiến dịch đã kết thúc rồi.
 
  Quá xúc động, Mussolini nắm chặt tay tôi:

  - Trời, thật tuyệt! Tôi cảm ơn ông từ cả trái tim mình.

  Chúng tôi rời khách sạn. Gherlakh đã điều khiển máy bay khỏi bị bổ nhào và chậm rãi giữ thăng bằng ở vị trí nằm ngang. Bây giờ máy bay của chúng tôi chuyển động với tốc độ đủ để giữ nó trong không khí loãng này. Máy bay vượt qua phía trên những nhánh núi cuối cùng rồi bay vào bầu trời Rome, hướng về sân bay Pratica-di-Mar.

Đoàn Thị Phương (dịch)


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 05 Tháng Tám, 2008, 06:54:24 pm
81 - Sự phá sản của "Đồng chí Li Khai Chen"



  Đó là một chiến dịch phản gián đã góp phần không nhỏ làm cho đạo quân Quan Đông của Nhật phải đầu hàng vào cuối Chiến tranh thế giới thứ II. Cho đến nay cũng mới chỉ có một nhóm nhỏ các chuyên gia được biết tới chiến dịch này - một chiến dịch do các cơ quan an ninh quốc gia Xô Viết tiến hành âm thầm mà đầy hiệu quả trong suốt những năm từ 1939 đến 1945 tại vùng Viễn Đông. Đối thủ chính của các chiến sĩ Treca (An ninh Liên Xô) là Cơ quan tình báo của Bộ Tổng tham mưu Nhật với siêu điệp viên Li Khai Chen có thâm niên 40 năm trong nghề.

  Vào cuối năm 1938, tại thủ phủ Thẩm Dương của chính phủ bù nhìn thân Nhật Mãn Châu Quốc, trong ngôi nhà số 4, phố Liu Chuen Đưng, xuất hiện một tổ chức mới lạ. Dưới vỏ bọc là "một học xá tư thục", nhưng bên trong ẩn giấu một trường đào tạo bí mật. Tại đây, bằng tiền của Nhật, với sự tham gia của các giảng viên người Nhật, trường đã đào tạo các điệp viên để chuẩn bị tung vào lãnh thổ Liên Xô. Đứng đầu "học xá" này là Li Khai Chen rất giàu có - ông chủ của hàng loạt xí nghiệp công nghiệp mỏ, đồng thời cũng là một điệp viên lão luyện của tình báo Nhật. Rất nhiều điệp viên của ông ta dưới vỏ bọc là các nhà buôn đã la cà khắp những vùng đông quân của Liên Xô để thu thập tin tức, còn Li Khai Chen thì sử dụng hệ thống thông tin rất tinh xảo của mình để đưa những thông báo chính xác tới Bộ Tổng tham mưu Nhật.

  Cũng cần phải lưu ý rằng, ngay từ khi còn là một cậu bé nhà quê ở một làng hẻo lánh miền Bắc Triều Tiên, Li đã có dịp tiếp xúc với Bem Sen - một tên khủng bố và điệp viên nổi tiếng của Nhật khi đó đang bị lưu đày ở quê của Li. Chịu ảnh hưởng của Sen, Li đã thấm nhuần thuyết Đại Đông Á của Nhật Bản và thậm chí đã tham gia vào vụ mưu sát Hoàng đế Triều Tiên. Li rất tích cực giúp đỡ các ông chủ Nhật Bản trong việc chuẩn bị chiếm đóng Tổ quốc mình, đổi lại, Li giành được nhiều đặc quyền trong kinh doanh.

  Vào giữa những năm 30, khi giới cầm quyền quân phiệt Nhật lên kế hoạch tấn công Liên Xô, nhà công nghiệp mỏ Triều Tiên này đã trở thành một nhân vật then chốt trong việc chuẩn bị thực hiện kế hoạch đó. Li Khai Chen đã viết một cuốn sách có tựa đề “Những hình dung của tôi về phòng thủ quốc gia ở biên giới Liên Xô - Mãn Châu Lý” được dùng làm tài liệu học tập trong tổng hành dinh và được báo cáo lên Nhật hoàng. Còn tác giả của cuốn sách thì chiếm một vị trí quan trọng trong "Hắc Long hội" - một đơn vị đặc biệt của tình báo Nhật được "đánh" sang Liên Xô.

  Li Khai Chen đã soạn thảo cho các học trò của mình một lý lịch đầy thuyết phục: tất cả họ đều vào Liên Xô dưới danh nghĩa những nhà "Cộng sản yêu nước" Triều Tiên. Vị khách đầu tiên kiểu đó đã xuất hiện trên đất Xô Viết vào đêm 23-06-1939. Trước đó, Cơ quan an ninh vùng duyên hải đã nhận được thông báo từ đồn biên phòng rằng, phái bộ quân sự Nhật Bản ở Mãn Châu Lý đã chuẩn bị người để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt trên lãnh thổ Liên Xô. Phía Liên Xô ngờ rằng đó là sự chuẩn bị cho một vụ mưu sát Stalin và các vị lãnh đạo khác của Nhà nước Xô Viết. Bởi trước đó, tại cuộc diễu hành 1-5-1939 ở Moscva, người ta đã ngăn chặn được một âm mưu nổ mìn có sức công phá lớn do một điệp viên Nhật bí mật đặt ở Lăng Lênin.

  Các biện pháp an ninh trên biên giới được tăng cường. Và lực lượng biên phòng đã bắt được một người vượt biên tự xưng là đảng viên Cộng sản Triều Tiên, được tổ chức Cộng sản bí mật phái sang liên lạc với chính quyền Xô Viết nhằm mục đích chuẩn bị cuộc nổi dậy chống Nhật tại nước mình. Nhưng rất nhanh chóng, các cơ quan an ninh Xô Viết đã nắm được ý đồ của Li là định thiết lập trên lãnh thổ Liên Xô một cơ sở phá hoại và mở ra một kênh thâm nhập hoàn toàn hợp pháp cho các môn đệ thuộc "học xá" Thẩm Dương tiếp cận với các đối tượng của các chiến dịch đặc biệt trong tương lai ở vùng duyên hải và ngoại vi Baical. Cáo già Li dường như đã tính toán tất cả. Chỉ có điều hắn đã không tính tới một thực tế là sự tồn tại của "tổ chức Cộng sản" đó đã được Bộ Nội vụ Liên Xô kiểm tra rất kỹ qua hệ thống điệp viên vùng biên giới của mình.

  Không lâu sau đó, trên biên giới, lực lượng biên phòng Liên Xô lại bắt giữ được một điệp viên thứ hai của Li. Còn tên trước đó đã được Cơ quan phản gián Liên Xô gửi trở lại Triều Tiên, sau khi làm ra vẻ tin lời hắn nói. Moscva quyết định mở màn "cuộc chơi" với tình báo Nhật nhằm làm rõ hơn kế hoạch và ý đồ của Nhật. Điệp viên thứ hai của Li đã khai với các chiến sĩ an ninh Liên Xô rằng, hắn sang để kiểm tra xem có đúng là người thứ nhất đã gặp chỉ huy Xô Viết hay chưa và gần như lặp lại từng lời câu chuyện về sự tồn tại trên đất Triều Tiên bị Nhật chiếm đóng một tổ chức cộng sản mạnh mẽ đứng đầu là "đồng chí" Li, người đã thoát khỏi nhà tù của Nhật. Vị "sứ giả" này đã nhận được những đảm bảo mà hắn yêu cầu rồi cũng được gửi trở lại Triều Tiên.

  Thế rồi, ngày 19-10-1939, trên biên giới Liên Xô đã xuất hiện cả một phái đoàn do "đồng chí" Li cử sang, đứng đầu là Takaiama, tự xưng là cựu biên tập viên của một tờ báo ở Seoul. Còn 2 người trong đó lại chính là 2 tên đã sang đầu tiên mà Li có ý định gửi lại ở Liên Xô để "học tập" phương pháp nổi dậy. Theo lời Takaiama, "đồng chí" Li đang nóng lòng muốn bí mật sang "thăm" Liên Xô và bàn cách đẩy mạnh công cuộc chuẩn bị "lật đổ" bọn chiếm đóng.

  Vào giữa tháng 2-1940, lại có 5 sứ giả trẻ tuổi nữa của Li qua biên giới Liên Xô, tới mùa xuân thì con số này đã lên tới 40. Cơ quan an ninh vùng duyên hải Liên Xô đã dành cho các "đồng chí" Triều Tiên một ngôi nhà có đủ tiện nghi ở trạm Đại Dương bên bờ vịnh Amur và tạo cho họ mọi điều kiện gần giống như các học viên quân sự Liên Xô. Tiếp theo là những giờ học do các cán bộ của Quốc tế Cộng sản (thực chất là các cán bộ an ninh Liên Xô) hướng dẫn. Trong quá trình đó, từng "chiến sĩ Cộng sản Triều Tiên" phải viết tự thuật chi tiết về mình. Phân tích những bản lý lịch tự thuật này, so sánh với các dữ liệu khác đã cho phép Cơ quan an ninh Liên Xô nắm vững được nhân sự của tình báo Nhật và thiết lập được sự kiểm tra đặc biệt đối với chúng.

  Chẳng bao lâu sau, cùng với một nhóm "những người Cộng sản bí mật" khác, nhân vật phó của Chủ tịch Li tên là Kim En San cũng vượt biên giới vào Liên Xô. Ông ta khẳng định ý định của "lãnh tụ" Li là sẽ bí mật sang thăm Tổ quốc của Lênin và nếu có thể thì sẽ tới tận Moscva để xin đàm đạo với Stalin. Dưới sự dàn dựng của phản gián Liên Xô, không chút nghi ngờ, Kim đã trở về bên kia biên giới chuyển lời mời "thủ lĩnh" Li sang thăm Liên Xô.

  Nhưng lão luyện trong các trò chơi phản gián, Li chưa vội xuất hiện. Hắn còn chờ đợi xem có những dấu hiệu nào chứng tỏ an ninh Liên Xô gài bẫy hay không. Cho nên qua liên lạc, lúc thì hắn thông báo, do hiến binh Nhật tăng cường truy nã nên không thể đi được, lúc thì đề nghị cho gặp gỡ các "đồng chí Liên Xô" ở... Mỹ. Nhưng lần nào hắn cũng nhận được câu trả lời rất thân thiện, hợp tình hợp lý rằng, Liên Xô sẵn sàng nghênh đón "đồng chí" Li ở bên bờ tả ngạn sông Amur.

  Tháng 3-1940, Kim En San lại sang Liên Xô một lần nữa và lại được tiếp đón rất nồng hậu, rồi được đưa đi thăm trạm Đại Dương xem các "học viên Triều Tiên của các lớp Quốc tế Cộng sản" sống và học tập như thế nào. Sau chuyến đi này của Kim, Li Khai Chen đã tự đặt vấn đề với Cơ quan tình báo Nhật về chuyến sang thăm Liên Xô của mình với lý lẽ khá thuyết phục rằng, nếu tiếp tục trì hoãn sẽ làm cho người Nga sinh nghi. Còn trong trường hợp âm mưu bại lộ, hắn hứa sẽ tự kết thúc đời mình bằng cách rạch bụng theo kiểu các võ sĩ đạo.
Ngày 10-7-1940, Li Khai Chen được sự hộ tống của một số cộng sự đã có mặt trên lãnh thổ Liên Xô ở khu vực làng Poltavca. Và một cán bộ (an ninh) Nga đã ra tận biên giới đón tiếp thân mật. Chỉ vài tiếng sau, cả nhóm đã được đưa tới Vladivostok. Theo một kịch bản đã chuẩn bị trước, "đồng chí" Li được đưa đi thăm trạm Đại Dương để được tận mắt nhìn và tin tưởng vào sự tồn tại của các "khóa học Quốc tế Cộng sản". Sau khi được nghỉ ngơi thoải mái và hoàn toàn yên tâm về mọi chuyện, "đồng chí" Li đã đề cập đến nguyện vọng được tới Moscva để gặp lãnh đạo tối cao của Liên Xô.

  Cuộc hành trình của Li Khai Chen tới Moscva đã được chuẩn bị từ trước và được thực hiện chu đáo. Chỉ có điều không phải trên đoàn tàu tốc hành xuyên Sibir, mà là trong một cũi sắt ở toa đặc biệt dưới sự canh gác cẩn mật. Sau đó, trong phòng giam ở nhà tù Batưrski, do không có điều kiện để tự mổ bụng nên Li Khai Chen đã tuyệt thực. Ngày 16-4-1941, hắn đã bị chết vì bị đói trong bệnh viện nhà tù. Cùng lúc đó, tại vùng duyên hải, các môn đệ của "đồng chí" Li cũng được chuyển từ ngôi nhà đầy đủ tiện nghi ở trạm Đại Dương vào thẳng các phòng giam của Cơ quan an ninh Liên Xô. Nhưng điều thú vị là chiến dịch này vẫn chưa kết thúc ở đó, vì "khu học xá" ở Thẩm Dương và hàng chục cơ sở tương tự khác vẫn tiếp tục đào tạo những tên khủng bố và phá hoại khác. Do vậy cần phải tiếp tục đưa chúng vào tròng.

  Qua một môn đệ của Li Khai Chen đã được Cơ quan an ninh Liên Xô cải hóa và tuyển mộ, một bức thư dường như do đích thân "lãnh tụ" Li viết đã gửi về bên kia, trong đó thông báo rằng, ông ta đã tới Moscva để hội đàm với lãnh đạo cao nhất của Liên Xô về việc mở rộng các khóa đào tạo dành cho các "đồng chí Triều Tiên" và do vậy các học viên đã được "chuyển tới" thành phố Molotov (nay là thành phố Permơ). Bức thư cũng đề nghị "ở nhà" tiếp tục cử sang Liên Xô những nhóm học viên tin cậy... Và thế là tình báo Liên Xô lần lượt đón lõng đưa vào trại giam tổng cộng hơn 2.500 gián điệp Nhật trong vòng 5 năm.

  Về cái chết của Li Khai Chen sau đó, Cơ quan phản gián Liên Xô đã khéo léo tạo tình huống lý giải khiến phía Tokyo không thể nghi ngờ gì. Theo các "kênh đã được thử thách", tình báo Nhật vẫn tiếp tục cử điệp viên của mình sang nhằm bổ sung và củng cố cho "đạo quân thứ năm" gồm toàn người Triều Tiên của Li Khai Chen. Theo lời khai của một sĩ quan tình báo Nhật bị Liên Xô bắt vào mùa thu năm 1945, thì phía Nhật đã chi không dưới 900.000 yên (thời đó) cho "tổ chức Cộng sản bí mật" của Li Khai Chen và hơn 300.000 yên chu cấp hằng năm cho gia đình của những điệp viên này.

  Vậy mà cả một đạo quân ngầm đã bị Cơ quan phản gián Liên Xô vô hiệu hóa hoàn toàn. Chính việc đập tan ngay từ đầu chiến dịch gián điệp này đã góp phần đáng kể vào chiến thắng như vũ bão của Hồng quân Liên Xô trước đạo quân Quan Đông Nhật Bản.

Thu Tâm


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 05 Tháng Tám, 2008, 06:57:13 pm
82 - MARGARITA CONENCOVA
Mối tình cuối đời của nhà bác học Albert Einstein



   Năm 1998, Hãng Sotheby ở London tổ chức bán đấu giá chiếc đồng hồ cá nhân cùng ảnh và một số bức thư của nhà bác học vĩ đại gửi cho một phụ nữ Nga tên là Margarita Conencova. Mỹ nhân này vốn là vợ nhà tạc tượng nổi tiếng Conencov, có mối quan hệ thân thiết với Einstein trong gần một thập niên. Khi đó, một chuyên gia của Hãng Sotheby đã nêu lên giả thuyết rằng, thông qua Margarita, Einstein đã cung cấp cho Moscva không ít thông tin tuyệt mật liên quan tới việc chế tạo bom nguyên tử. Cơ quan an ninh Nga tất nhiên là đã phủ nhận giả thuyết này. Thế nhưng, gần đây, trên tạp trí Nga Itogi trong số ra ngày 24-7-2001 lần đầu tiên đã tìm được đầu mối tư liệu để chứng minh rằng giả thuyết nêu ra năm 1998, không phải là không có lý.

   Margarita (họ thời con gái là Vorontxova) thuộc típ người vẫn được xếp vào lớp "phụ nữ định mệnh", những người đàn bà vừa đẹp lại vừa thông minh trong một gia đình quý tộc tỉnh lẻ, đến tuổi cập kê, Margarita được cha mẹ cho lên Moscva theo học Đại học Luật. Nơi tá túc tạm thời của cô chính là biệt thự của Ivan Bunin, nhà văn Nga nổi tiếng về sau được giải Nobel văn học. Chính ở trong môi trường đó, cô gái tỉnh lẻ sớm biết mùi vị cuộc sống nghệ sĩ thượng lưu. Margarita từng chơi thân với gia đình ca sĩ vĩ đại Phedor Saliapin, thiếu chút nữa thì trở thành con dâu của ông. Cô như thể vô tình còn làm cho cả Bunin cũng phải xao xuyến và ông nhà văn trung niên này có lúc đã trở nên giống một cậu con trai mới lớn, ngượng nghịu tỏ tình với cô... Câu chuyện oái oăm với Bunin đã làm hỏng cơ hội để cô lọt vào nhà Saliapin. Tuy nhiên, vốn nhan sắc mặn mà, Margarita đã chiếm được cảm tình của một nhà tạc tượng trẻ tên là Piot'r Bromirski. Hai người đã hứa hôn với nhau.

  Bromirski vốn bản tính thật thà. Lọt vào mắt xanh của mỹ nhân rồi, anh mang bức ảnh chụp cô người yêu vừa tròn hai mươi tuổi của mình cho Sergei Conencov, bạn đồng nghiệp vừa lớn tuổi hơn, vừa tài năng hơn gấp bội phần xem. Lúc này, Conencov, ở tuổi 42 đang cô đơn vì người vợ đầu tiên đã bỏ ông đi. Dĩ nhiên là trái tim bị hư hao nhiều vì những buồn tủi của Conencov đã cảm thấy ấm lại ngay khi ông nhìn thấy gương mặt khả ái và dịu dàng của Margarita. Về sau ông kể lại: "Cô gái trong ảnh tuyệt vời tới mức tôi cứ ngỡ đó là một tác phẩm nghệ thuật của một danh họa nào đó mà tôi còn chưa được biết tên. Hoàn mĩ nhất là dáng vươn đầu. Và đôi tay nữa, đôi tay thật mĩ lệ, với những ngón tay thanh mảnh. Tôi chưa từng được thấy đôi tay như thế bao giờ"... Rồi Conencov nhờ Bromirski dẫn ông lại nhà Bunin chơi để "mục kích sở thị" vị hôn thê của bạn. Ngay trong lần hạnh ngộ đầu tiên, Margarita đã làm chàng họa sĩ đã từng qua mọi "lửa, nước và ống đồng" của tình trường phải rung động tới rơi nước mắt. Trong lúc mọi người chỉ tìm rượu uống thì cô, thực ra cũng nếm không ít mùi đời rồi, lại "ngây thơ" xin nước quả. Thế là chàng họa sĩ tưởng như mình đang gặp một tiên nữ trinh trắng nhất đời không may bị lạc vào chốn tục tử phàm phu. Thế là lửa đã bén và Conencov lặn lội về quê Margarita xin cha mẹ cô cho cưới cô. Là những nhà quý tộc chất phác, cha mẹ Margarita dĩ nhiên là từ chối chàng họa sĩ tuổi gấp đôi con gái mình, lại luôn bị tai tiếng đào hoa. Thất vọng trở lại Moscva, Conencov tự giam mình trong phòng kín, cố hình dung ra gương mặt ý trung nhân và tạc tượng cô. Cảnh chăn đơn gối chiếc này không kéo dài được lâu vì mấy ngày sau, Margarita đã tìm tới nhà Conencov, tình nguyện "cho không, biếu không" mọi thứ để nâng khăn sửa túi cho chàng. Họ sống với nhau ở nước Nga trong cuộc hôn nhân không giá thú nhiều năm liền. Margarita với thẩm mỹ tinh tế và thân hình tuyệt đẹp của mình đã giúp cho Conencov sáng tạo nhiều tác phẩm để đời của ông. Năm 1923, với danh nghĩa vợ chồng chính thức, cả hai cùng sang Mỹ dự một cuộc triển lãm quốc tế. Họ chỉ trở về Moscva sau đó hơn 20 năm.

  Tại Mỹ, sức hấp dẫn của Margarita theo dòng thời gian không những không suy giảm mà lại có phần tăng thêm vì cách ứng xử khéo léo và tinh tế bẩm sinh. Chính ở Mỹ, bà đã làm cho nhiều nam văn nghệ sĩ Nga lúc đó đang cư trú ở đây phải chết mê chết mệt. Trong số này có những tên tuổi rất quen thuộc như nhà soạn nhạc Sergei Rakhmaninov hay chính ông bố chồng hụt của bà là ca sĩ Phedor Saliapin... Là một họa sĩ, lại hơn vợ quá nhiều tuổi nên Conencov "mũ ni che tai" trước mọi chuyện "hoa lá cành" của vợ mình. Thực ra, lúc này, quan hệ giữa họ mang tính anh em, đồng chí nhiều hơn là phu phụ.

  Khi đó, Margarita đã có những mối liên hệ bí mật với Dân uỷ Nội vụ, Cơ quan An ninh của Liên Xô, tiền thân của KGB. Trong lịch sử Xô Viết, đã có không ít những điệp viên bán chuyên nghiệp hoặc chuyên nghiệp như vậy. Họ thường là chồng hoặc vợ hoặc là con cháu của những văn nghệ sĩ nổi tiếng. Chồng của nữ sĩ Marina Xvetaeva, cháu gái của văn hào Anton Chekhov... khi ra nước ngoài cư trú đều đã cộng tác với Cơ quan An ninh Liên Xô Dân uỷ Nội vụ.

  Theo Trung tướng Pavel Sudaplatov, Cục trưởng Cục NDVD - KGB, tại Mỹ, phu nhân của nhà tạc tượng hoạt động dưới sự chỉ đạo của Lisa Zarubina, vợ trưởng cơ quan điệp viên an ninh Liên Xô ở nước này, Margarita đã làm quen được với Einstein và một nhà vật lý vĩ đại khác là Jacob Oppenheimer. Oppenheimer là tác giả của nhiều công trình về vật lý lượng tử. Năm 1943, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Trung tâm Los Alamos và cùng một nhóm của nhà vật lý khác chế tạo ra một trong những quả bom hạt nhân đầu tiên (bom A)... Chính Margarita và chồng bà đã thuyết phục Oppenheimer nhận về phòng thí nghiệm của mình một số nhà vật lý có tư tưởng thiên tả và ủng hộ Liên Xô, trong số này hiển nhiên là có những điệp viên của Moscva.

  Einstein lần đầu tiên bước vào phòng làm việc của gia đình Conencov là vào năm 1935. Khi ấy, trường đại học Priston đặt Conencov làm một bức tượng chân dung của nhà bác học vĩ đại. "Lòng vả cũng như lòng sung", tác giả của thuyết tương đối đã không thoát khỏi lực hút của Margarita. Bản thân bà cũng cảm nhận được những ấn tượng rất sâu sắc về Einstein: "Ông ấy là người rất khiêm nhường, không thích của cuộc hội hè, thường hay nói đùa là mình nổi tiếng chỉ vì có mái tóc xù như sư tử. Trong lúc chồng tôi vẽ chân dung ông, ông kể rất sinh động và mê say về thuyết tương đối của mình. Tôi chăm chú lắng nghe nhưng còn rất nhiều điều không hiểu nổi. Sự chăm chú của tôi động viên được ông ấy, khiến ông vớ lấy tờ giấy vẽ sơ đồ và hình họa để thuyết minh cho tư tưởng của mình. Đôi khi những lời diễn giải bỗng thay đổi tính chất, chuyển thành chuyện đùa. Chính trong một thời điểm như vậy chúng tôi đã cùng vẽ một bức chân dung Einstein và ông ấy đã nghĩ ra cái tên tác giả là Almar (Albert + Margarita)".

  Vào thời điểm này, Einstein đã 56 tuổi, còn Margarita 39 tuổi; những tưởng cả hai đều đã "no xôi, chán chè" trong cảnh ngộ sôi động, nhiều đa đoan của mình. Lúc này, Einstein đang sống cùng người vợ thứ hai. Còn Margarita, xét theo các bức tượng mà chồng bà tạc nên nhờ bà làm mẫu đã bước vào thu: thân hình không còn thon thả, trái tim đã mệt mỏi vì những cảm xúc mạnh...
Thế nhưng, đúng như Puskin từng viết, "mọi lứa tuổi đều hàng phục tình yêu", nếu đó là tình yêu đích thực. Người ta yêu nhau lắm khi không phải vì nhan sắc hay lợi lộc. Lửa gần rơm chỉ ít ngày đã bén. Và Einstein, một trí tuệ khoa học khô khan thuần túy đã xao động trước Margarita đến nỗi bạo phổi viết luôn một bài sonat, tạm dịch nghĩa ra tiếng Việt như sau:

Hai tuần anh ám ảnh em hoài
Và em viết rằng em không vừa ý,
Nhưng em ơi hãy hiểu là bao kẻ
Cũng ám ảnh bằng chuyện kể về em
Em không thể rời tổ ấm thân quen
Bất hạnh ấy là của chung hai đứa
Xuyên thủng khung trời như định mệnh ngàn thu
Đầu âm u như một tổ ong ù
Trái tim và đôi tay đều như nhau bất lực.
Hãy tới Priston với anh trong đời thực
Để nghỉ ngơi, để tĩnh tâm đôi chút
Ta sẽ cùng đọc Lev Tolstoi
Em sẽ ngước nhìn anh khi mệt mỏi
Đôi mắt dịu dàng êm ái bình yên
Và anh thấy ánh trời sáng bừng lên
Em vẫn nói em yêu anh,
Có thể,
Nhưng cuộc đời không phải là mê
Anh khấn tình yêu hãy tới
Giúp chúng mình hai đứa cận kề đôi...

  Với sự bàng quan gần như đồng lõa của nhà tạc tượng Conencov, trong nhiều năm liền, Einstein và Margarita thường xuyên gặp gỡ nhau, cùng nhau nghỉ hè... Einstein còn tế nghị tới mức viết một lá thư cho Conencov rằng, theo ý kiến của một bác sĩ bạn của nhà bác học, Margarita nên thường xuyên tới vùng Saranak Lake nghỉ vì ở đó có khí hậu thích hợp với những người mắc một căn bệnh bí hiểm như bà. Ai cũng biết rằng tại khu vực đó, Einstein luôn duy trì cái du thuyền nổi tiếng của mình và ông cũng đã thuê tại đó ngôi nhà số 6.
Thông qua Einstein, Margarita đã thu nhận được những thông tin cần thiết về quá trình chế tạo bom nguyên tử ở Mỹ, đồng thời cũng "cấy" được thêm những điệp viên khác vào môi trường thân cận với nhà bác học đại tài. Nhờ Einstein, bà đã biết ngày Mỹ thử quả bom nguyên tử đầu tiên (16-7-1945) tại bang New Mexico hai tuần trước khi sự kiện này diễn ra. Tin lập tức được Dân uỷ Nội vụ chuyển tới lãnh tụ Stalin. Chính thế nên ngày 18-7-1945, trong phiên khai mạc hội nghị Postdam, khi Tổng thống Mỹ Schuman thông báo về việc Washington đã chế tạo được loại vũ khí mới "có sức công phá khủng khiếp", Stalin vẫn bình thản như không. Thủ tướng Anh Churchill, được biết chuyện này trước đó vài giờ, đã tưởng rằng Stalin không hiểu gì từ những điều mà Schuman nói. Thực là "bé cái lầm" vì ngay trong ngày 18-7, Liên Xô đã ra sắc lệnh số 9887 về việc bắt đầu đưa vào thực hiện kế hoạch sản xuất bom nguyên tử và giao cho lãnh đạo Cơ quan An ninh lúc đó là Beria thu thập những thông tin đầy đủ hơn về công nghiệp chế biến uran làm bom nguyên tử. Lúc này, Tình báo Xô Viết đã thu lượm được khá nhiều thông tin về bom nguyên tử Mỹ nhưng vẫn chưa đủ để tự mình sản xuất bom nguyên tử. Trách nhiệm nặng nề rơi xuống vai người đàn bà khả ái Margarita. Lúc này gia đình bà rất muốn hồi hương và điều kiện chủ yếu để đạt được nguyện vọng này là phải làm sao để Einstein cung cấp thêm thông tin về việc chế tạo bom nguyên tử. Bà đã tổ chức cho Einstein làm quen với một điệp viên Xô Viết chính gốc khoác áo ngoại giao tên là Pavel Mikhailov. Thậm chí, cuối tháng 8-1945, bà còn phải chơi bài ngửa với nhà bác học, buộc Einstein phải hiểu rằng, nếu bà không hoàn thành nhiệm vụ này thì bà có thể gặp rắc rối to ở quê hương mình.

  Theo chứng nhận của tạp chí Itogi, Einstein đã làm mọi việc để giúp Margarita, tình yêu cuối cùng của cuộc đời ông. Tất nhiên, để có được đầy đủ những bí mật về bom nguyên tử Mỹ, Tình báo Xô Viết không chỉ thông qua Einstein mà còn tiếp cận hàng loạt các nhà khoa học khác ở Mỹ. Margarita chỉ là một mắt xích trong cả chuỗi chiến dịch đặc biệt đó, nhưng là một mắt xích quan trọng.
Hoàn thành nhiệm vụ, gia đình Conencov hồi hương trong một chuyến đi đặc biệt được bảo vệ kỹ càng. Einstein, như các tài liệu viết về ông, đã khẳng định, cho tới phút cuối cùng của cuộc đời mình (năm 1955) vẫn giữ nguyên vẹn những tình cảm tốt đẹp nhất về người đàn bà Nga đã làm cho ông hạnh phúc nhất trong đời. Margarita qua đời tại Moscva vào năm 1980. Chồng bà, nhà tạc tượng Conencov, chết trước bà 9 năm.

Thu Nhớ


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 06 Tháng Tám, 2008, 08:21:19 pm
83 - NASS CAW (1918 - 2002)
Người sáng lập ngành tình báo Ấn Độ



  Dư luận ấn Độ bàn tán xung quanh cái chết bí ẩn của ông Nass Caw, 84 tuổi, người được coi là cha đẻ của ngành Tình báo ấn Độ, tại tư dinh ở thủ đô New Delhi. Thậm chí có người còn nói, cái chết của ông Nass Caw là sự kết thúc một thời huy hoàng trong lịch sử của tình báo ấn Độ. Theo giới chuyên môn, ông Nass Caw không những là một trong những người được dòng họ Gandhi tin cậy nhất, mà còn là một trong những người thần bí nhất Ấn Độ.

  Ông Nass Caw sinh năm 1918, tại một thành phố phía Bắc Ấn Độ. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông gia nhập lực lượng Cảnh sát và trước khi Ấn Độ tuyên bố độc lập (1947), ông được cử về công tác tại Cục Tình báo do người Anh thành lập và trở thành một trong những người ấn độ đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực này. Sau khi Ấn Độ tuyên bố độc lập, nhờ vào khả năng quản lý cũng như năng khiếu bẩm sinh về lĩnh vực tình báo nên Nass Caw đã được Thủ tướng Nehru, Thủ tướng Indira Gandhi và Thủ tướng Rajiv Gandhi giao trọng trách đứng đầu Cơ quan Tình báo Ấn Độ. Thậm chí Thủ tướng Indira Gandhi còn coi ông Nass Caw là người thân tín nhất của mình, trước khi ra một quyết sách lớn, bà đều tham khảo ý kiến của ông. Sau cuộc chiến tranh Pakistan - Ấn Độ lần thứ hai (năm 1965), Thủ tướng Indira Gandhi yêu cầu ông Nass Caw thành lập Cục Tình báo đối ngoại với mô hình giống như KGB của Liên Xô, MI-5 của Anh và CIA của Mỹ. Vì công tác chuẩn bị quá gấp nên sau khi bí mật chiêu mộ được 250 chuyên gia phân tích, xử lý tin cùng các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực hoạt động tình báo, ông Nass Caw đã đứng ra đảm trách cương vị Cục trưởng Cục Tình báo đối ngoại. Năm 1977, ông Nass Caw tuyên bố nghỉ hưu sau thất bại của Thủ tướng Indira Gandhi trong cuộc tranh cử. Sau khi bà Indira Gandhi trở lại chính trường, việc đầu tiên của bà là mời ông Nass Caw đảm trách cương vị Cố vấn an ninh quốc gia. Người ta còn nhớ, tháng 7-1984, ông Nass Caw đã đề nghị Thủ tướng Indira Gandhi đưa các vệ sĩ người Xích ra khỏi đội bảo vệ của bà, song đề nghị này đã bị bà kiên quyết từ chối: "Chúng ta làm thế có coi được không?". Nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại: 9 giờ 15 phút ngày 30-10-1984, Thủ tướng Indira Gandhi đã bị 2 lính gác cổng người Xích (Banter Singh và Steven Singh) bắn chết.

  Đến đời Thủ tướng Rajiv Gandhi, ông Nass Caw được bổ nhiệm làm Cố vấn cao cấp chuyên xử lý các vấn đề có liên quan tới tình báo cũng như liên hệ với các tổ chức tình báo trên thế giới. Theo giới thạo tin, ông Nass Caw là người được Thủ tướng Rajiv Gandhi cử làm đại sứ, khai thông những trở ngại để Ấn Độ và Trung Quốc tái bình thường hóa quan hệ (năm 1988). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, dòng họ Gandhi là một trong những dòng họ chịu nhiều đau thương nhất trên thế giới bởi không chỉ bản thân bà Indira Gandhi bị ám sát, mà cả hai con trai bà cũng đều bị chết một cách bí ẩn (Thủ tướng Rajiv Gandhi bị ám sát năm 1991, còn Sanjai Gandhi bị tai nạn máy bay). Chính vì vậy, Chính phủ Ấn Độ đã phải áp dụng các biện pháp bảo vệ đặc biệt đối với bà Sonia Gandhi, vợ cố Thủ tướng Rajiv Gandhi và hai con của bà. Ngoài 3 cảnh vệ lấy từ lực lượng tình báo, 1 đội bảo vệ khác được huấn luyện kỹ càng cũng được tăng cường để bảo vệ an toàn cho gia đình bà. Những người lính này được tuyển lựa rất cẩn thận, không một cảnh vệ nào thuộc đội cảnh vệ cho Thủ tướng Rajiv Gandhi được tái sử dụng đủ thấy vấn đề này quan trọng tới mức nào.

  Theo giới chuyên môn, Cục Tình báo Đối ngoại mặc dù mới thành lập chưa đầy 3 năm, nhưng đã phát huy tác dụng to lớn trong cuộc chiến tranh Pakistan - Ấn Độ lần thứ ba (năm 1971). Khi đó nhân viên của Cục Tình báo Đối ngoại ngoài việc báo cáo chính xác những tin tức tình báo có liên quan tới tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, cũng như việc đóng và di chuyển quân của phía Pakistan, còn kích động nhiều sĩ quan cao cấp trong quân đội Pakistan tạo phản, tổ chức huấn luyện vũ trang cho lực lượng chống đối Chính phủ tại Bangladesh để gây ra những cuộc bạo loạn quy mô lớn. Tất cả những công việc này của Cục Tình báo Đối ngoại không những góp phần quan trọng vào chiến thắng về quân sự của Ấn Độ trong cuộc chiến tranh năm 1971, mà còn giúp Bangladesh tuyên bố độc lập, tách ra khỏi Pakistan. Tháng 6-1975, sau khi nhận được tin tức tình báo: sắp xảy ra một cuộc đảo chính quân sự tại Bangladesh, ông Nass Caw đã bí mật bay sang thủ đô Dhaka để thông báo tin này cho Tổng thống Raheman, nhưng ông Raheman đã không tin vào tin này và hậu quả đã xảy ra - 2 tháng sau ông bị giết chết trong vụ đảo chính quân sự. Năm 1981, khi thăm Ấn Độ, tướng Qiya của Bangladesh đã nói với Thủ tướng Indira Gandhi rằng: "Ông Nass Caw còn hiểu đất nước Bangladesh hơn tôi". Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh năm 1971, chiến tích của ông Nass Caw đã được Tư lệnh Lục quân Ấn Độ ca ngợi: "Nếu không có những tin tức tình báo của ông, quân đội chẳng biết tác chiến như thế nào". Kể từ đó tên tuổi của Cục Tình báo Đối ngoại cũng như của ông Nass Caw nổi như cồn. Bài học kinh nghiệm này đã được trường quân sự West Point, Mỹ, lấy làm giáo trình giảng dạy cho tới tận ngày hôm nay. Tên tuổi của ông Nass Caw còn được ghi vào cuốn "Những nhân vật đứng đầu Cơ quan Tình báo thế giới" do phương Tây biên soạn.

  Mặc dù là một người quan trọng như vậy, nhưng ông Nass Caw rất hiếm khi xuất hiện công khai, lẩn tránh ống kính phóng viên và luôn đeo kính đen mỗi khi ra ngoài. Sau khi nghỉ hưu, ông cũng ít xuất hiện nơi đông người, không viết hồi ký. Tuy là một nhân vật bí hiểm, song ông là người đa tài, là một cao thủ trong lĩnh vực điêu khắc. Vị thế của Cục Tình báo Đối ngoại ngày một nâng cao, hiện nay nó thường xuyên cung cấp cho nội các Chính phủ Ấn Độ những kết quả phân tích, nghiên cứu mới nhất xung quanh lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế... Những người lãnh đạo sau này của Cục Tình báo Đối ngoại đều tự xưng mình là con trai của ông Nass Caw.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 06 Tháng Tám, 2008, 08:30:22 pm
84 - Phạm Ngọc Thảo (1918 - 1965)
Người anh hùng tình báo Việt Nam

(http://img255.imageshack.us/img255/3177/daitaphamngocthaoou6.jpg)

  Phạm Ngọc Thảo sinh ra trong một gia đình giàu có nhất nhì vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cha anh, ông Adrian Phạm Ngọc Thuần học tại Pháp, đậu kỹ sư đo đạc. Hầu hết các con ông, dù gái hay trai đều được đưa sang Pháp học thành tài mới về nước.

  Phạm Ngọc Thảo không được sang Pháp học như các anh, các chị mình. Vì khi anh đủ tuổi đi học thì Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, việc đi lại giữa các nước rất khó khăn, lúc đó chỉ có một phương tiện duy nhất là tàu thủy. Cả gia đình Phạm Ngọc Thảo đều là dân Tây, có đủ quyền lợi như một người Pháp thực thụ. Nhưng khi Phạm Ngọc Thảo vừa tốt nghiệp kỹ sư Công chánh ở Hà Nội về thì cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ nổ ra. Anh rất phẫn uất, gửi một bức điện cho Tổng thống Pháp lúc đó là De Gaulle, lên án cuộc xâm lược của Pháp và tuyên bố hủy bỏ quốc tịch Pháp của mình, vì cho rằng mang quốc tịch của kẻ xâm lược là ô nhục. Anh xin phép và chia tay với cha mẹ, hai người em gái, ra chiến khu.

  Nhưng, vì nóng lòng đi tìm Cách mạng, tới bến phà Mỹ Thuận, Phạm Ngọc Thảo lân la ở mấy hàng quán, hỏi thăm cơ quan của Cách mạng. Hành vi của Phạm Ngọc Thảo không thoát khỏi con mắt của anh em dân quân du kích địa phương. Chờ cho sẩm tối, hai anh thanh niên lực lưỡng bèn bắt giữ Phạm Ngọc Thảo giải đi. Họ xét trong người thấy Phạm Ngọc Thảo có một cây súng sáu do anh mới tìm được trước khi ra chiến khu, mép áo sơ mi lại có hai sọc kẻ xanh đỏ, giống như cờ Pháp. Vậy là họ quyết đoán: Đúng đây là do thám của Pháp...

  Những người du kích bến phà Bắc Mỹ Thuận đã chờ tới khuya, khi con nước ròng, trói chân tay anh lại, đưa lên một chiếc xuồng nhỏ, ra giữa dòng, choàng thêm một cục đá lớn vô cổ, đẩy anh xuống sông...

  Vốn là một người thông minh, dũng cảm và có sức khỏe, Phạm Ngọc Thảo bình tĩnh quan sát mọi động thái chung quanh mình. Khi bị đẩy xuống sông, anh nín thở, lộn đầu xuống trước để cho hòn đá choàng trên cổ rơi ra, lặn một hơi dài nương theo dòng nước rồi mới ngoi lên hít thở. Trời tối như bưng, chân tay bị trói, rất khó xoay trở, anh đành phải trườn mình theo dòng nước đang chảy xiết. Tới lúc hai chân đụng phải một chiếc thuyền chìm, anh lặn xuống tìm hiểu con thuyền xem có thể lợi dụng được không. May sao, sau nhiều lần trồi lên, lặn xuống, Phạm Ngọc Thảo đụng được vào một cây sắt, nẹp mui, cứa đứt sợi dây trói tay... Vậy là thoát nạn. Chờ tới sáng, anh giả đò như một người nông dân đi đánh dậm theo mép nước. Cuối cùng anh gặp mấy người bạn cũ cùng hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền phong, những ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Mấy ngày sau, anh ruột Phạm Ngọc Thuần đang làm Phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính cho người tới đón Phạm Ngọc Thảo về làm việc ở Văn phòng ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Từ đây anh được cử ra miền Bắc học khóa đầu tiên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, đặt địa điểm tại Sơn Tây.

  Sau nửa năm học tập, Phạm Ngọc Thảo nhận chứng chỉ tốt nghiệp và được lệnh trở về Nam Bộ ngay. Nhưng Phạm Ngọc Thảo chỉ mới tới Phú Yên thì tắc đường. Lúc này Trung ương cử nhiều đoàn cán bộ tăng cường cho miền Nam đang kháng chiến. Trong số các đoàn này có đồng chí Lê Duẩn. Đồng chí Lê Duẩn yêu cầu được đi riêng và cần giữ hoàn toàn bí mật. Bộ Tư lệnh Quân khu 6 trao nhiệm vụ cho Phạm Ngọc Thảo đưa đồng chí Lê Duẩn về Nam Bộ.

  Khi Xứ ủy Nam Bộ tổ chức Ban quân sự để giúp Xứ ủy về các vấn đề quân sự, Phạm Ngọc Thảo dù là dân Tây, dù là gia đình địa chủ vẫn được đề bạt làm Trưởng phòng Mật vụ. Đây là tổ chức tình báo đầu tiên của Cách mạng Việt Nam ở Nam Bộ.

  Phạm Ngọc Thảo đã mở được nhiều khóa huấn luyện cán bộ tình báo cho các tỉnh, lập nên một hệ thống tình báo của các tỉnh phía Nam, sau này đã giúp việc đắc lực cho các quân khu nắm tình hình địch và làm công tác địch vận rất có kết quả.

  Khi tướng Nguyễn Bình được cử làm Tư lệnh Nam Bộ, Ban quân sự Xứ ủy Nam Bộ giải thể và phân bố lại các Quân khu 7, Quân khu 8, Quân khu 9, Phạm Ngọc Thảo được phân công về Quân khu 9, là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 410.

  Đại tá Tăng Thiện Kim, nguyên Chính trị viên phó kiêm Phó bí thư Tiểu đoàn 410, người đã kết nạp Phạm Ngọc Thảo vào Đảng, tại Rạch Bà Đăng, Thới Bình, rất quý mến Phạm Ngọc Thảo, cho biết, Phạm Ngọc Thảo là người rất ham học các kỹ thuật chiến thuật trong chiến đấu cũng như các vấn đề chiến lược của cuộc kháng chiến. Anh còn ham mày mò, chế tạo ra chiếc cò nẩy cho súng cối. Có cái cò này, súng cối bắn chính xác hơn trước nhiều. Khi có lệnh cho đơn vị học tập cách đánh đặc công, Phạm Ngọc Thảo đã cùng trinh sát bò vào đồn địch ban đêm để nghiên cứu cách bố phòng của địch và về đơn vị làm sa bàn, trình bày kế hoạch tiến công. Anh đã tham gia nhiều trận đánh, từ những trận đánh tiểu đoàn độc lập tới những trận đánh phối hợp trong chiến dịch. Nhiều trận đã đem lại thắng lợi to lớn...
Vào giữa năm 1953, Phạm Ngọc Thảo được cấp trên triệu tập đi học lớp huấn luyện trung cao của Xứ ủy Nam Bộ. Lớp học bế mạc sau Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơnevơ về Việt Nam. Phạm Ngọc Thảo đã được gọi ra Việt Bắc và đích thân đồng chí Lê Duẩn trao nhiệm vụ vào hoạt động ngay trong lòng địch. Nghĩa là Phạm Ngọc Thảo cần tìm mọi cách chui được vào chính quyền ngụy, cố gắng lọt được vào gia đình Ngô Đình Diệm... Anh có lợi thế là gia đình Thiên Chúa giáo lâu đời, thân thiết với linh mục Ngô Đình Thục đã từng cai quản giáo xứ Vĩnh Long là quê quán của Phạm Ngọc Thảo. Chính linh mục Ngô Đình Thục đã làm lễ rửa tội cho Phạm Ngọc Thảo và cũng yêu mến anh như con nuôi của mình... Phạm Ngọc Thảo công khai mọi công tác, hành động của mình khi đi kháng chiến chống Pháp, chỉ trừ việc là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Là người Việt Nam yêu nước, nay trở về với tất cả niềm tự hào đã góp phần chiến thắng thực dân Pháp, hợp tác với chính quyền mới của Ngô Đình Diệm thường tuyên bố bài phong đả thực, hoan nghênh những người kháng chiến cũ cộng tác với chính nghĩa quốc gia...

  Phạm Ngọc Thảo không có trách nhiệm báo cáo chuyện gì với ai... Thảo không phải là một cán bộ tình báo thông thường, cũng không phải là một điệp báo. Khi có việc cần thiết, Phạm Ngọc Thảo có quyền trao đổi với một cán bộ nào đó mà anh thấy thực sự tin cậy. Như vậy, Phạm Ngọc Thảo sẽ không quan hệ với ai là bạn bè kháng chiến cũ, kể cả những người lãnh đạo, đề phòng đầu hàng... Tuy vậy, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu chưa tin cậy ngay. Họ còn cần thời gian để thử thách. Mới đầu Phạm Ngọc Thảo là Tỉnh đoàn trưởng Bảo an Vĩnh Long. Sau đó anh được cử làm thanh tra Bảo an đoàn, rồi tuyên huấn đảng Cần lao Nhân vị của anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu. Đó chỉ là những chức hữu danh vô thực.

  Phạm Ngọc Thảo tự xuất hiện bằng cách viết báo. Cộng tác với tạp chí Bách khoa, chỉ trong hơn một năm, Phạm Ngọc Thảo đã viết hơn 20 bài báo trình bày rõ quan điểm của mình là phải yêu nước, thương dân. Anh đã đề cập đến nhiều vấn đề chiến lược, chiến thuật trong cầm quân và chỉ huy chiến sĩ. Anh còn phân tích cả chiến sách của Tôn Tử trong sách lược dùng quân và bình thiên hạ. Những bài viết đầy nhiệt tình cách mạng và tính nhân văn của Phạm Ngọc Thảo được độc giả và trí thức rất hoan nghênh. Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Thục đã nghiên cứu kỹ những bài viết của Phạm Ngọc Thảo: Giọng điệu thì như Cộng sản, nhưng chính nghĩa quốc gia của họ cũng đâu có thể nào nói lời ngược lại. Cuối cùng, anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu đành khâm phục Phạm Ngọc Thảo là một trí thức uyên bác. Bởi chung quanh họ chỉ có đám võ biền, thô bạo, tham nhũng, còn Phạm Ngọc Thảo xuất hiện như một ngôi sao sáng chói. Ngô Đình Diệm đã đích thân phong tặng Phạm Ngọc Thảo cấp bậc Trung tá và cử làm tỉnh trưởng Bến Tre. Trước khi nhận nhiệm vụ mới, anh đề nghị trực tiếp với Ngô Đình Diệm ba yêu cầu: Một, ổn định tình hình tỉnh Bến Tre không phải bằng bạo lực mà chính trị. Vì anh không thể hành động như những quân nhân võ biền khác. Mục đích của anh là không phải đàn áp phong trào đấu tranh của Bến Tre đang lên cao độ. Hai, nếu bắt được Việt Cộng, có đủ bằng chứng, cho lập phiên tòa xét xử. Với yêu cầu này, Phạm Ngọc Thảo sẽ có cớ để trừng trị bọn đầu hàng, bọn chỉ điểm. Ba, Tỉnh trưởng Bến Tre được đặc cách chỉ báo cáo với Tổng thống, không qua một ban, bộ nào. Như vậy, Phạm Ngọc Thảo sẽ tránh được những kẻ gièm pha, ton hót...

  Ngô Đình Diệm đã chấp thuận cả ba yêu cầu của Phạm Ngọc Thảo. Khi nhận chức tỉnh trưởng, việc đầu tiên của anh là ký quyết định thả 2.000 tù nhân đang bị giam giữ... và lập tòa án trừng trị bọn phản bội, đầu hàng. Nhiều phản ứng của phía chính quyền và quân đội ngụy đều được Phạm Ngọc Thảo bác bỏ bằng luận thuyết rằng, Ngô Đình Diệm đang thí nghiệm một luận thuyết mới: Luận thuyết thân dân, phải có thì giờ kiểm nghiệm. Nhưng chẳng bao lâu sau, ngay trong các tầng lớp dân chúng Bến Tre cũng xì xào rằng: Hình như Phạm Ngọc Thảo là... một Việt Cộng nằm vùng.

  Do chính sách của Phạm Ngọc Thảo không cho phép quân lính thuộc quyền đàn áp dân chúng, điều đó đã góp phần cho các cuộc nổi dậy của nhân dân Bến Tre đạt được thắng lợi. Đó chính là phong trào đồng khởi của đội quân tóc dài mà lịch sử sau này mãi mãi ghi công.
Chức tỉnh trưởng Bến Tre của Phạm Ngọc Thảo bị thay thế, nhưng Ngô Đình Diệm chỉ cho rằng anh còn non nớt, chưa có kinh nghiệm cai trị nên cho anh ra nước ngoài học tập một thời gian, khi trở về chuyển làm phát ngôn viên Chính phủ vì anh có trình độ học thức cao... Trong giới tướng lĩnh ngụy, Phạm Ngọc Thảo rất có uy tín vì anh thông minh, giao du rộng, hào phóng, có tài ăn nói... tất cả các tướng lĩnh của chính quyền ngụy đều khâm phục và muốn lôi kéo về mình. Thậm chí, bác sĩ Trần Kim Tuyến, Giám đốc Cơ quan nghiên cứu chính trị (một tổ chức tình báo của chính quyền ngụy), Tướng Đỗ Mậu phụ trách an ninh quân đội ngụy... cũng bị Phạm Ngọc Thảo thuyết phục.

 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 06 Tháng Tám, 2008, 08:31:17 pm
  Trước cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu ngày 1-11-1963, Phạm Ngọc Thảo bàn với Dương Văn Minh, nhưng Minh quá nhát, không dám hưởng ứng. Tiếp đó Phạm Ngọc Thảo bàn với Trần Thiện Khiêm. Quả nhiên cuộc đảo chính thắng lợi. Tuy vậy, Dương Văn Minh cũng được cử đứng đầu Hội đồng quân nhân cách mạng... Tất cả các tướng lĩnh tham gia cuộc đảo chính đều được lên chức, lên lon. Phạm Ngọc Thảo vì chưa qua lớp cao cấp nên không được đề bạt.

  Đại sứ Mỹ rất biết việc này, muốn nắm Phạm Ngọc Thảo về sau, liền đề nghị với chính quyền ngụy đưa Phạm Ngọc Thảo sang Mỹ học trường võ bị cao cấp cùng với đề nghị đưa chị Phạm Thị Nhiệm sang Mỹ làm giáo sư dạy tiếng Việt cho những lớp sĩ quan Mỹ trước khi được đưa qua Việt Nam. Trong khi Phạm Ngọc Thảo đi Mỹ học thì ở trong nước, Nguyễn Khánh làm đảo chính Dương Văn Minh lên nắm chính quyền. Nhưng Nguyễn Khánh chỉ là một tên võ biền, không có chủ trương chính sách gì khả dĩ ổn định được tình hình rối loạn khắp nơi cũng như không dám đương đầu với đám tướng lĩnh, chỉ huy các đơn vị tham nhũng, buôn lậu. Nhiều cuộc biểu tình của dân chúng và học sinh, sinh viên đòi Nguyễn Khánh ra đối chất, Nguyễn Khánh ú ớ không trả lời được. Vì vậy khi Phạm Ngọc Thảo tốt nghiệp Học viện cao cấp quân sự ở Hoa Kỳ về, liền được Nguyễn Khánh phong ngay quân hàm đại tá và cử làm phát ngôn viên Chính phủ.

  Có Phạm Ngọc Thảo, công việc bàn thảo và những kế hoạch đảo chính lại được tiếp tục. Trần Thiện Khiêm muốn đảo chính Nguyễn Khánh bằng kế hoạch bắt cóc trong một bữa tiệc gia đình nhưng không thành, lập tức Trần Thiện Khiêm đi làm đại sứ ở Mỹ đã yêu cầu có Phạm Ngọc Thảo đi theo để phụ trách nhiệm vụ tùy viên quân sự và báo chí. Nguyễn Khánh chấp thuận.

  Làm Tùy viên quân sự và báo chí bên cạnh Trần Thiện Khiêm, chỉ một thời gian ngắn Phạm Ngọc Thảo đã nắm được kế hoạch của Lầu năm góc đang chuẩn bị đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Nhiều khu căn cứ bí mật đã được thành lập để huấn luyện cho quân đội Mỹ quen thuộc với địa hình đầm lầy và rừng rậm Việt Nam. Đế quốc Mỹ đang chờ thời cơ để có thể ký được với chính phủ bù nhìn nào đó ở Việt Nam một hiệp định cho Mỹ có quyền đưa quân đội viễn chinh vào chiếm đóng ở miền Nam Việt Nam.

  Nguyễn Khánh muốn cắt bớt vây cánh của Trần Thiện Khiêm đề phòng nguy hiểm về sau, liền lệnh cho Bộ Ngoại giao Sài Gòn triệu hồi Phạm Ngọc Thảo về nước và phải trình diện trước ngày 18-2-1965. Biết rõ âm mưu của Nguyễn Khánh, Phạm Ngọc Thảo đã bàn với Trần Thiện Khiêm về việc cần làm cuộc đảo chính Nguyễn Khánh ngay. Lần này sẽ do chính Phạm Ngọc Thảo đứng ra chỉ huy. Cuộc đảo chính được hoạch định với những mục tiêu quan trọng như các cơ quan chính quyền, đài phát thanh, dinh thự của Nguyễn Khánh... phải giải quyết xong vào lúc 13 giờ ngày 19-2-1965.

  Đúng như kế hoạch, Phạm Ngọc Thảo đã chiếm được trụ sở làm việc của Nguyễn Khánh, cho xe tăng trở mũi về Đài Phát thanh thì bất ngờ một số nhà báo trông thấy Phạm Ngọc Thảo ngồi trên nóc một chiếc xe tăng chạy ngang qua công trường Mê Linh. Họ xúm tới phỏng vấn. Là phát ngôn viên Chính phủ, Phạm Ngọc Thảo quen biết rất nhiều nhà báo nên không nỡ từ chối một ai, đành phải trả lời và để họ quay phim, chụp ảnh. Anh tới Đài Phát thanh trễ mất nửa giờ. Nhiệm vụ bắt Nguyễn Khánh được trao cho Trung tá Lê Hoàng Thao, nhưng không may đơn vị bị lạc đường, phải có người đi tìm dẫn đường tới nơi. Cũng trễ nửa giờ. Nguyễn Khánh đã ăn trưa xong và về nghỉ tại biệt thự riêng cũng trong Bộ Tổng tham mưu và thấy có đơn vị đảo chính đang xông vào liền lẻn qua một cổng riêng chạy qua sân bay quân sự. Y gặp Nguyễn Cao Kỳ ở đây. Hai người chui hàng rào chạy thoát thân tới sân bay Biên Hòa. Nguyễn Cao Kỳ là Tư lệnh không quân của chính quyền Sài Gòn, cho một máy bay nhỏ đưa Nguyễn Khánh chạy ra Vũng Tàu. Nguyễn Cao Kỳ cũng lên một máy bay khác trốn khỏi sân bay Biên Hòa. Y cho máy bay lượn trên vùng trời sân bay Tân Sơn Nhất dùng loa gọi xuống lệnh cho quân đảo chính rời khỏi Tân Sơn Nhất, nếu không y sẽ cho thả bom sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc này ở sân bay Tân Sơn Nhất đang có một số đơn vị Mỹ đóng trong một khu doanh trại. Đại sứ Mỹ nghe được tuyên bố của Nguyễn Cao Kỳ liền phái tướng Rowland chạy tới Dinh Độc Lập gặp Phạm Ngọc Thảo đang họp báo ở đó. Phạm Ngọc Thảo đồng ý lên trực thăng riêng của Đại sứ Mỹ cùng Tướng Lâm Văn Phát lên Biên Hòa gặp Nguyễn Cao Kỳ. Hai bên thương lượng. Nguyễn Cao Kỳ chấp thuận loại Nguyễn Khánh ra khỏi Hội đồng quân nhân mà hiện nay y làm chủ tịch đổi lấy việc quân đảo chính rút khỏi sân bay Tân Sơn Nhất. Như vậy là cuộc đảo chính không đạt được mục tiêu. Vào 20 giờ cùng ngày các tướng lĩnh đảo chính họp và đồng ý giải tán để chờ cơ hội khác sẽ lại cùng nhau hợp tác.

  Làm lại từ đầu, lần này Phạm Ngọc Thảo thận trọng hơn trong việc lựa chọn đơn vị tham gia. Đối với những người chỉ huy, anh sinh hoạt kỹ càng hơn về kế hoạch hành quân cũng như những biện pháp phải đối phó. Anh xuất bản một tờ báo lấy tên là Việt Tiến tuyên truyền về tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam quyết đánh đuổi bọn xâm lược và tay sai, tinh thần dũng cảm của người lính khi lâm trận, phân tích những thiếu sót về cuộc đảo chính vừa qua và những biện pháp cần khắc phục. Báo Việt Tiến phát hành tới từng tiểu đội sẽ tham gia đảo chính lần thứ hai và được đông đảo nhân dân ủng hộ...

  Lúc này Nguyễn Khánh đã bị phế truất, Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu chính phủ mới mà họ gọi là "ủy ban hành pháp trung ương". Cả Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ đều sợ Phạm Ngọc Thảo. Cao Kỳ ngấm ngầm cho bọn an ninh quân đội đi khắp nơi dò la tin tức của Phạm Ngọc Thảo.

  Cũng cùng thời gian này, Đại sứ quán Mỹ tìm cách liên lạc với Phạm Ngọc Thảo hứa sẽ đưa anh ra nước ngoài nếu anh chấp nhận không trở về Việt Nam nữa. Đại sứ quán Campuchia cũng chuyển lời của Sihanouk mời Phạm Ngọc Thảo qua Campuchia tị nạn. Với cả hai nơi, anh đều có lời cám ơn và nói rằng: Nếu có chết cũng xin chết trên đất nước Việt Nam.

  Quả thật Phạm Ngọc Thảo có một vòng rào bảo vệ rất rộng lớn và vững chắc ở các xứ đạo từ Biên Hòa tới Hố Nai, Thủ Đức, Sài Gòn. Nhiều linh mục cộng tác với anh đủ mọi công việc, từ việc in ấn, phát hành tờ "Việt Tiến". Nhiều linh mục đã tham gia viết bài cho tờ báo. Nhiều thương gia, trí thức yêu nước sẵn sàng giao cả nhà của mình cho lực lượng đảo chính sử dụng hội họp. Bên cạnh Phạm Ngọc Thảo bao giờ cũng có linh mục Nguyễn Quang Lãm và một người trợ lý, Phạm Ngọc Thảo liên lạc với các đầu mối, vạch chương trình làm việc hàng ngày, những người cần tiếp xúc, bố trí những địa điểm cần thay đổi để giữ bí mật.

  Bữa ấy linh mục Nguyễn Quang Lãm sắp xếp cho Phạm Ngọc Thảo tiếp một người khách ở nhà dòng Phước Sơn. Cuộc tiếp xúc xong thì đáng ra Phạm Ngọc Thảo rời địa điểm. Nhưng còn có nhiều việc phải làm nên nấn ná qua bữa sau. Sáng hôm sau, ngày 16-7-1965, hai chiếc xe Citroen chạy thẳng vào nhà dòng Phước Sơn, đậu ngay trước cửa phòng Phạm Ngọc Thảo. Một toán người mặc đồ đen tung cửa vào khi anh đang ngồi bên bàn trước ly cà phê để tính toán công việc. Phạm Ngọc Thảo chưa kịp phản ứng đối phó thì họ đã xông tới ôm chặt Phạm Ngọc Thảo, xốc nách lôi ra xe. Sự việc xảy ra nhanh quá khiến người trợ lý của anh không kịp trở tay. Chúng đưa anh tới rừng cao su Phước Tân thuộc họ đạo Tân Mai. Chúng dừng xe, bịt mắt anh và dẫn đi một đoạn đường. Biết mình bị nguy hiểm, anh chuẩn bị đối phó, dù chúng nắm hai tay anh thật chặt. Có tiếng lên đạn, Phạm Ngọc Thảo vốn có sức khỏe, vùng vẫy muốn thoát ra. Chúng sợ anh vuột mất liền nhắm đầu anh nổ súng. Phạm Ngọc Thảo ngã vật ra. Ngay lúc đó những người công nhân đi cạo mủ buổi sáng, nghe tiếng súng vội ù chạy. Chúng sợ bị lộ liền quay xe chạy mất...

  Phạm Ngọc Thảo nằm bất tỉnh một lúc lâu... Anh giơ tay mở khăn bịt mặt... ở xa xa có mấy người mon men tới gần, có người còn sợ. Phạm Ngọc Thảo giơ tay vẫy gọi. Họ vẫn rón rén, một hai người bước tới, sau dần dần đông... Phát súng trúng hàm dưới trổ ra phía trước, gãy mất mấy cái răng. Máu ra rất nhiều, ướt đẫm chiếc áo linh mục anh mặc trên người. Mọi người nâng Phạm Ngọc Thảo dậy, nghĩ đây là một linh mục bị bắt cóc và bị ám sát nên tạm đưa anh về trại định cư Tam Hiệp. Máu từ vết thương vẫn ra đầy miệng, anh ra hiệu mượn giấy bút, viết mấy chữ cho cha xứ dòng Đa Minh. Cha xứ dòng Đa Minh là linh mục Cường, biết tin linh mục Jacobert lâm nạn liền tập tức tới nơi. Cha Cường làm lễ rửa tội, mọi người biết ý lui ra. Thảo yêu cầu linh mục đưa anh đi ngay khỏi chốn này, vì bọn an ninh quân đội thế nào cũng sẽ quay lại. Cha Cường mướn một chiếc xe lam đưa anh về xứ đạo Đa Minh nhờ các bà sơ thay quần áo và băng bó vết thương. Nhưng, bọn cảnh sát quốc gia và an ninh quân đội cũng tìm ra nơi anh nằm và chúng đã tới bắt anh... Từ Biên Hòa, chúng dùng trực thăng đưa anh về Sài Gòn. Tại Tân Sơn Nhất có Nguyễn Ngọc Loan, Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia và nhiều tên sĩ quan an ninh quân đội đón anh. Anh Thảo vẫn một mình từ trực thăng nhảy xuống đất, nghĩa là vết thương ở miệng không làm anh mất sức.

  Nguyễn Ngọc Loan chở ngay anh Thảo về an ninh quân đội Sài Gòn. Nơi đây Đại tá Đặng Như Tuyết bị bắt từ hôm đảo chính 20-2-1965 nằm phòng bên cạnh có nghe được phần nào cuộc hỏi cung anh Thảo. Sau này anh Đặng Như Tuyết có kể được một đoạn:

  An ninh quân đội hỏi anh Thảo:

  - Nếu Đại tá được tự do trở lại thì Đại tá sẽ làm gì?

  Anh Thảo trả lời:

  - Tôi sẽ tiếp tục sứ mạng của tôi cho tới thành công.

  An ninh quân đội lại hỏi:

  - Đại tá cho biết những ai giúp Đại tá sống mấy tháng đã qua?

  - Đó là những người ơn nghĩa của tôi, giúp tôi trong công việc chung. Tôi không thể cho các anh biết.

  Đêm về khuya, ở phòng kế bên, anh Đặng Như Tuyết nghe tiếng đánh đá nhiều lần và sau cùng nghe anh Thảo la thất thanh rồi im lặng luôn. Lúc đó vào khoảng 1, 2 giờ sáng thứ sáu, ngày 17-7-1965.

  Hôm sau, báo chí Sài Gòn đăng thông báo của cảnh sát là Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã chết vì vết thương ngày hôm trước. Có báo đăng hình anh Thảo nằm chết trên ghế bố. Sự thật, Phạm Ngọc Thảo chết vì Nguyễn Ngọc Loan ra lệnh cho sĩ quan và người của an ninh quân đội đánh đập đến tắt thở.

  Năm ấy Phạm Ngọc Thảo 43 tuổi.

  Đồng chí Trần Bạch Đằng, nguyên Bí thư Khu 1 Sài Gòn, nói: Khác với các nhà tình báo khác, mà nhiệm vụ chủ yếu của họ là khéo giấu mình, tổ chức thu thập, tuyển chọn các tin tức cần thiết chuyển về trung tâm, Phạm Ngọc Thảo đã đi thẳng vào hàng ngũ kẻ thù, không hề che giấu sự tự hào của mình đã từng cầm quân Cách mạng chống thực dân Pháp và đã trụ vững, tung hoành trong hàng ngũ địch trong một thời gian dài cho đến tận lúc hy sinh. Đó mới thật là đặc biệt, chỉ có riêng ở Phạm Ngọc Thảo...

Phạm Tường Hạnh


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 07 Tháng Tám, 2008, 06:14:42 pm
85 - ANNA MOROZOVA (1920 - 1944)
Nữ điệp viên Nga anh hùng thế chiến II



  Trong số những nữ điệp viên anh hùng của Thế chiến thứ II, tên tuổi của Anna Morozova chiếm một vị trí đặc biệt. Trong một thời gian dài, cô bị lãng quên nhưng rồi trở nên nổi tiếng khắp đất nước Xô Viết nhờ bộ phim "Hãy trút đạn lên đầu chúng tôi", trong đó hình ảnh cô đã được nữ diễn viên Ludmila Casatkina thể hiện một cách xuất sắc. Nhưng ít ai biết rằng quãng đời hoạt động bí mật được kể lại trong phim chỉ chiếm một phần ba cuộc đời chiến đấu của cô.

  Trước chiến tranh, tại nhà ga Xesa thuộc tỉnh Smolensk, cách Moscva chừng ba trăm cây số, có doanh trại của một đơn vị không quân. Tại đây, cô gái Anna Morozova hai mươi tuổi chỉ là một nhân viên văn phòng làm việc theo hợp đồng. Ngay hôm sau ngày chiến tranh bùng nổ, cô đến gặp chỉ huy đơn vị và nộp đơn xin ra trận.

  - Thì đây cũng là mặt trận rồi còn gì, - chỉ huy bảo cô. - Hãy yên tâm làm việc chỗ cũ đi.

  Nhưng quân Đức tiến đến mỗi ngày một gần, và một hôm, Anna được mời đến phòng làm việc của phó chỉ huy. Tại đây có một sĩ quan lạ mặt đứng tuổi. 

  - Anna, - ông nói, - chúng tôi biết rõ cô. Bọn phát xít sắp tới đây. Đơn vị chúng tôi sắp di chuyển. Nhưng một người nào đó phải ở lại. Công việc sẽ nguy hiểm và phức tạp. Cô có sẵn sàng làm công việc này không?

  Câu chuyện dĩ nhiên không ngắn gọn đến thế, không đơn giản đến thế. Anna được mọi người hoàn toàn tin cậy, cô được uỷ thác ở lại để làm công tác phá hoại bí mật. Vào hôm sơ tán, cô phải diễn một vở kịch nhỏ. Cô xách va li chạy đến ban tham mưu khi chiếc xe cuối cùng chở phụ nữ và trẻ em đã lăn bánh về phía Đông. Vẻ buồn rười rượi, cô trở về nhà, hay đúng hơn, trở về khu trường mẫu giáo cũ bởi vì nhà của họ đã bị bom Đức phá huỷ. Ngay tối hôm đó, quân đội phát xít tiến vào làng.

  Bọn Đức khôi phục hoàn toàn khu sân bay hạng nhất được xây dựng ít lâu trước chiến tranh và còn mở rộng thêm. Căn cứ không quân ở đây trở thành một trong những căn cứ lớn nhất chuyên dùng cho máy bay ném bom tầm xa của Hitler. Từ đây, máy bay của phi đoàn không quân số hai do trung tướng Albert Kesselring chỉ huy thực hiện các chuyến bay bắn phá Moscva, Gorki, Iaroslav, Saratov... Sân bay có hệ thống phòng không cực mạnh, được bảo vệ vững chắc từ mặt đất, tất cả các cửa ngõ đến sân bay đều bị phong toả, lãnh thổ xung quanh sân bay được đặt dưới một chế độ đặc biệt.

  Thời gian đầu, nhóm của Anna gồm những cô gái làm việc trong bộ phận hậu cần của đơn vị phát xít. Trong nhóm có cả hai cô gái Do Thái đến từ khu nhà ổ chuột ở Smolensk và đã được Anna che giấu. Sau đó hai cô được đưa vào đội du kích làm liên lạc. Các cô gái thu thập tin tức và những tin tức này được Anna chuyển cho... viên cảnh sát Constantin Povarov - người lãnh đạo tổ chức bí mật địa phương. Ông liên lạc với các chiến sĩ du kích và các điệp viên, rồi thông qua họ liên lạc với Trung Tâm.

  Thật đáng tiếc là những tin tức mà các cô gái thu thập được không nhiều và giá trị lắm bởi vì những ai là người Nga đều không được phép ra vào các trụ sở quân sự và ban tham mưu. Nhưng phụ nữ có một ưu thế hiển nhiên: ở những nơi nào họ không thể tự mình hoạt động được thì họ hoạt động thông qua nam giới. Các cô gái trong nhóm của Anna cũng vậy: họ thu hút được một số nam giới làm trợ thủ cho họ, đó là những thanh niên Ba Lan, Tiệp Khắc... bị động viên vào quân đội phát xít. Bởi vậy, nếu lúc đầu thành công của họ có tính chất ngẫu nhiên (chẳng hạn như Anna đánh cắp được chiếc mặt nạ phòng hơi ngạt kiểu mới nhất hoặc biết được số hiệu các đơn vị phát xít đóng tại sân bay) thì về sau, nhờ các trợ thủ của họ là binh lính trong quân đội phát xít, hoạt động của họ có kế hoạch hơn và thường xuyên hơn. Chẳng bao lâu sau, Anna nhận được tấm bản đồ chỉ rõ các ban tham mưu, các trại lính, kho chứa, xưởng thợ, sân bay giả, các khẩu đội cao xạ, đèn chiếu, những chỗ đỗ máy bay kèm theo số lượng chính xác số máy bay ở từng chỗ đỗ.
 
  Tấm bản đồ này được chuyển đến ban trinh sát của bộ tham mưu phương diện quân Miền Tây của Hồng quân. Kết quả là trận không kích sau đó của không quân Xô Viết đã phá huỷ được hai mươi hai máy bay phát xít, hai mươi chiếc khác bị hư hỏng, ba chiếc bị bắn rơi khi tìm cách cất cánh. Kho xăng cũng bị đốt cháy. Sân bay phải ngừng hoạt động suốt một tuần lễ. Mà đó là vào những ngày chiến tranh ác liệt!

  Từ ngày ấy, dựa vào tin tức của các cô gái trong nhóm Anna, căn cứ không quân phát xít ở đây bị oanh kích một cách hệ thống mặc dù bọn Đức bố trí thêm những sân bay giả và tăng cường lực lượng phòng không.

  Sau khi Constantin Povarov bị chết vì ngẫu nhiên vướng phải mìn, Anna đứng đầu tổ chức bí mật ở Xesa.

  Trong những ngày diễn ra trận Stalingrad, căn cứ không quân Đức tại Xesa bị giáng những đòn nặng, phải hứng chịu hai nghìn rưởi quả bom và mấy chục chiếc máy bay bị loại khỏi vòng chiến. Vào quãng thời gian này, Anna đã có người của mình trong ban tham mưu của đại uý Đức Acvaide, chỉ huy trưởng sân bay. Người này tên là Vendelin Roglich. Anh có điều kiện thu thập những tin tức hết sức quan trọng như lịch bay, những số liệu về các sân bay giả, và thậm chí, cả những kế hoạch càn quét chống du kích. Chính Vendelich đã thông báo cho Anna biết về một bộ phận đơn vị bay ở sân bay Xesa đi nghỉ ở làng Xergheevsk. Các chiến sĩ du kích liền mở một cuộc đột kích ban đêm vào "nhà nghỉ", tiêu diệt được gần hai trăm phi công và nhân viên kỹ thuật Đức.
 
  Vào mùa hè năm 1943, cả Liên Xô và Đức đều chuẩn bị những trận giao chiến quyết định ở vòng cung Curxc. Được các điệp viên hướng dẫn, không quân Xô Viết đã giáng một loạt đòn chí mạng xuống sân bay Xesa. Trong lúc diễn ra những trận không kích dữ dội này, bọn Đức có thể ẩn nấp vào các hầm ngầm và hầm trú ẩn. Còn Anna và các bạn gái của cô thì tự thu hút hoả lực vào chính mình, nơi ẩn nấp của các cô chỉ là những căn hầm đơn sơ trong những ngôi nhà gỗ nhỏ bé.

  Nhóm của Anna không chỉ thu thập tin tức, họ còn hoạt động phá hoại, cả phá hoại lặt vặt (đổ đường vào xăng của bọn Đức, rắc cát vào súng máy, đánh cắp dù và vũ khí) lẫn phá hoại lớn (gắn mìn nổ chậm vào bom và khoang chứa bom của máy bay khiến máy bay nổ tung trên không vì "nguyên nhân không rõ" sau khi cất cánh được một - hai tiếng đồng hồ).
 
  Ngày mồng 3 tháng 7 năm 1943, các cô gái nhận thấy sân bay nhộn nhịp khác thường. Rất nhiều máy bay mới và nhân viên kỹ thuật cùng phi công mới được đưa đến. Họ nghe lén cuộc trò chuyện giữa các phi công và được biết là cuộc tấn công ở vòng cung Curxc sẽ bắt đầu vào ngày mồng 5 tháng 7. Tin này được chuyển kịp thời về Trung Tâm, và đây là một bằng chứng nữa xác nhận những tin tức tình báo mà Trung Tâm đã nhận được. Điều này đã giúp quân đội Xô Viết giáng đòn phủ đầu vào quân đội phát xít và đã đóng một vai trò không nhỏ vào kết cục của một trong những chiến dịch lớn nhất Thế chiến thứ hai.

  Chỉ riêng trong những ngày diễn ra trận Curxc, các cô gái trong nhóm Anna đã làm nổ tung mười sáu máy bay! Các phi hành đoàn phát xít bị tử nạn mà không kịp thông báo qua điện đài về nguyên nhân máy bay nổ. Những cuộc điều tra và phân tích kỹ thuật bắt đầu. Tư lệnh không đoàn thứ sáu là bá tước fon Rictofen lừng danh đã khiếu nại với Berlin, buộc tội phá hoại ngầm cho nhà máy sản xuất máy bay. Tuy nhiên, các cuộc điều tra đều không đem lại kết quả. Tổ chức bí mật ở Xesa là một trong số ít những tổ chức bí mật không có kẻ phản bội. Chỉ có một thành viên hy sinh do sự sơ suất của chính mình - đó là Ian Mancovski, anh không khai báo một ai và đã hy sinh anh dũng. Anh không chịu chạy trốn vì sợ sẽ gây nguy hại cho người vợ đang mang thai là Luxia Senchilin.

  Ít lâu sau, ba chiếc máy bay bị Ian Tim gài mìn chưa kịp cất cánh đã nổ tung ngay trước mắt mọi người. Lẽ ra, những chiếc máy bay này phải nổ tung sau khi cất cánh được một - hai tiếng đồng hồ, nhưng giờ cất cánh bị trì hoãn. Làn sóng bắt bớ lan tràn khắp Xesa. Ian Tim và Stephan Harkevich bị bắt nhưng chạy trốn được. Anna chuyển họ sang đội du kích. Đa số các thành viên tổ chức bí mật cũng kịp trốn thoát.

 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 07 Tháng Tám, 2008, 06:14:58 pm
  Ngày 18 tháng 9 năm 1943, Xesa được giải phóng. Nhưng đối với Anna thì cuộc đấu tranh chống phát xít chưa kết thúc. Cô trở thành học viên trường tình báo. Sau đó họ hàng và những người thân của cô mất liên lạc với cô. Đến năm 1945, họ nhận được tin cô bị mất tích. Nhưng trong thực tế thì tình hình có khác. Sau khi tốt nghiệp trường tình báo, Anna cùng một số điệp viên được tung vào hậu phương quân Đức để thăm dò hệ thống công sự của kẻ thù. Đêm 26 rạng ngày 27 tháng 7 năm 1944, một nhóm điệp viên Xô Viết nhảy dù xuống vùng Đông Phổ gồm tám người, đứng đầu là đại uý Pavel Crưlatức. Trong nhóm có hai phụ nữ là Dina Baradoseva và Anna Morozova, bí danh là “Thiên Nga". Họ không gặp may vì rơi xuống một khu rừng cây cao, sáu chiếc dù bị mắc trên cây làm lộ nơi họ nhảy xuống. Vài giờ sau khi họ tiếp đất, một viên sĩ quan Đông Phổ là Eric Coc được thông báo là về mạn Đông Bắc Keningsberg có phát hiện thấy mấy chiếc dù. Tiếp đó, nhờ chó đánh hơi, chúng tìm thấy cả những chiếc dù khác chôn trong đất cùng một chiếc xe chở ắcquy dự trữ dùng cho điện đài và đạn dược. Tin tức về vụ nhảy dù chỉ cách tổng hành dinh của Hitler chừng hai - ba chặng đường đêm khiến Eric Coc cùng tất cả các đơn vị bảo vệ của y hết sức lo lắng. Hơn nữa, vụ việc lại xảy ra chỉ một tuần sau cuộc mưu sát Hitler bất thành tại chính khu vực "Hang sói" này. Thêm vào đấy, Eric Coc còn là một chủ đất lớn có tới vài lãnh địa ở Đông Phổ. Vậy mà tất cả những thứ đó lại bị bọn Nga xâm phạm! Coc có đủ cơ sở để lo lắng rằng y có thể chịu số phận của Wilhelm Kube, viên toàn quyền Đông Phổ đã bị các điệp viên Xô Viết giết chết. Bởi vậy, y tung một lực lượng lớn truy tìm dấu vết của nhóm điệp viên vừa nhảy dù xuống. Chúng bắt đầu cuộc truy lùng, và ngay trong trận giao chiến ngắn ngủi đầu tiên, chỉ huy trưởng của nhóm đã bị hy sinh.

  Nhưng cũng ngay trong ngày hôm đó, nhóm điệp viên Xô Viết bất ngờ bắt gặp tuyến công sự dự trữ mạnh nhất của phát xít Đức gồm những hoả điểm, lỗ châu mai và giao thông hào bằng bê tông cốt thép. Tuyến công sự này không có ai bảo vệ vì mặt trận cách đây rất xa. Bộ chỉ huy Xô Viết cũng không hay biết gì về tuyến công sự này. Đó là thành công đầu tiên của nhóm. Hơn nữa, họ còn bắt được hai tù binh thuộc Cục Xây dựng Quân đội. Nhờ thế, họ biết được khá nhiều chi tiết về tuyến công sự "Ilmenhorst" kéo dài từ biên giới Litva ở phía Bắc cho tới vùng đầm lầy Maduaxki ở phía Nam. Một tên tù binh còn kể về những căn cứ đã được chuẩn bị sẵn trong rừng cho các nhóm phá hoại với đầy đủ vũ khí, đạn dược và lương thực.

  Anna hoá ra là nhân vật không thể thay thế được trong nhóm: gặp sông là cô nhảy ngay xuống tìm chỗ lội qua được, tiếp đó, khi cả nhóm bị một đám trẻ con Đức ở xóm gần đó "bao vây", cô liền thay quân phục bằng bộ váy áo thông thường và đến gặp đám trẻ con, cô đánh lạc hướng chúng trong khi đồng đội của cô rút vào rừng. Tiếng Đức của cô lúc này thật hữu ích.

  Bọn Đức tổ chức một cuộc săn đuổi ráo riết nhóm điệp viên Xô Viết. Để người dân địa phương thêm cảnh giác, chúng đốt cháy xóm Clainberg, giết chết dân trong xóm rồi tung tin trên các tờ báo địa phương rằng đó là do nhóm điệp viên Xô Viết nhảy dù xuống gây ra. Tên sát nhân và đao phủ Eric Coc không ngại gì mà không thực hiện một hành động khiêu khích như vậy.

  Ngay cả Himmler cũng quan tâm đến kết quả của cuộc truy lùng, y nhiều lần gọi điện về Berlin. Cuộc săn đuổi diễn ra suốt ngày đêm. Ngoài lực lượng cảnh sát, chúng còn huy động riêng hai trung đoàn chà xát các khu rừng. Những đơn vị cơ động lập tức đi xe đến ngay những nơi nào đáng ngờ.

  Vào một đêm giông bão, nhóm điệp viên Xô Viết bắt gặp một trạm liên lạc của Đức. Qua cửa sổ có thể thấy một tên trực ban đang ngủ.

  - Để tôi vào cho, - Anna tình nguyện nói. - Nếu tên Đức thức dậy, tôi sẽ bảo là ngoài cửa có một phụ nữ bị ốm và tôi đề nghị hắn giúp đỡ. Khi hắn bước ra, các đồng chí sẽ bắt lấy hắn, nếu không tôi sẽ bắn chết hắn.

  Họ làm đúng như vậy. Khi tên Đức bước ra, y lập tức bị bắt và bị tra hỏi. Y không cung cấp được tin gì có giá trị nhưng cho biết rằng tất cả mọi người, cả dân sự cũng như quân sự, đều đã được cảnh báo về việc có một nhóm điệp viên Xô Viết nhảy dù xuống.

  Khi đến gần thành phố Golglap, họ lại vấp phải một tuyến công sự tăng cường. Tại đây, họ bị một một toán quân Đức bắt gặp. Không thể lùi được nữa, họ đành phải giao chiến mới phá được vòng vây. Trong lúc giao chiến, họ bất ngờ bắt gặp một sân bay và từ sân bay này, họ may mắn chạy thoát được vào rừng. Họ nhanh chóng dùng điện đài báo cáo về Trung Tâm những tin tức thu lượm được. Rồi họ quay lại khu rừng mà bọn Đức đã chà xát để ngủ đêm. Hôm sau, họ nhận được lệnh của Trung Tâm quay trở lại khu vực đã nhảy dù xuống, tiến ra con đường Kenningsberg - Tinzit và quan sát những đoàn xe chuyên chở chạy qua con đường này và con đường xa lộ gần đấy. Họ tìm được một vị trí thuận lợi có thể quan sát được cả hai con đường nói trên. Để truyền đi các bức điện, Anna thường phải "hành quân" nhiều cây số. Họ liên lạc với Trung Tâm tại những địa điểm bất ngờ nhất: ngoài cánh đồng, cạnh những doanh trại Đức, ngoại ô các thành phố, trên bờ vịnh Kurishes Haf. Trong vòng một đêm, họ thường đi được rất xa, ngoài vòng vây của quân Đức, rồi lại quay trở lại.
Bản báo cáo của ban tham mưu phương diện quân Belorus số ba có ghi rõ: "Nhóm trinh sát "Jeck" cung cấp được nhiều tin tức quý giá. Trong số sáu mươi bảy bức điện nhận được, có bốn mươi bảy bức có giá trị".

  Cả nhóm đều thiếu ăn. Bức điện của chỉ huy trưởng mới của nhóm gửi Trung Tâm vào đầu tháng 11 năm 1944 viết: "Tất cả các thành viên trong nhóm đều là cái bóng chứ không còn là người nữa... Họ đói lả và rét cóng trong bộ quần áo mùa hè, họ không còn đủ sức vác súng nữa. Chúng tôi đề nghị được phép sang Ba Lan, nếu không tất cả sẽ chết hết".

  Nhưng họ vẫn tiếp tục hoạt động, vẫn tiếp tục trinh sát, vẫn bắt tù binh và vẫn gửi mật điện về Trung Tâm. Trong một trận giao chiến, họ bị bao vây.

  Bức điện của "Thiên Nga" viết: "Ba ngày trước đây, bọn SS tấn công vào rừng. "Xoica" (tức Dina) bị thương ngay ở ngực. Cô ấy bảo tôi: "Nếu có thể thì hãy nói với mẹ tôi rằng tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được. Tôi đã chết xứng đáng". Rồi cô ấy tự sát".

  Những người còn lại thoát được khỏi vòng vây nhưng mất liên lạc với nhau. Suốt ba ngày, Anna cùng điện đài lang thang trong rừng cho đến khi bắt gặp nhóm trinh sát của đại uý Xô Viết Secnưc. Họ gặp gỡ các chiến sĩ du kích Ba Lan, cùng nhau thực hiện một vài chiến dịch. Một hôm, họ rơi vào ổ phục kích, đại uý Secnưc và những người khác đều hy sinh.

  Riêng Anna lại chạy thoát. Cô đến được lãnh thổ Ba Lan, đến được khu rừng Mưsenexki ở mạn Bắc Varsava. Tại đây, cô có cơ may sống sót nếu hoà vào dòng người chạy nạn. Nhưng cô quyết định tiếp tục chiến đấu.

  Cô đi tìm một đội du kích Ba Lan, gia nhập đội này và tham gia các cuộc chiến đấu. Trong một trận giao chiến, cô bị thương, bị gãy tay trái. Cô nói đùa: "Nhân viên điện đài chỉ cần tay phải là đủ".

  Cô được giấu trong rừng nhưng rồi bọn Đức lại kéo đến. Sáng ngày 11 tháng 11 năm 1944 đã trở thành buổi sáng cuối cùng đối với cô. Cô bị bao vây, mặc dù bị thương, cô vẫn bắn trả quyết liệt, và khi bọn Đức muốn bắt sống cô thì cô dùng lựu đạn tự làm nổ tung cả mình lẫn điện đài.

  Các chiến sĩ du kích Ba Lan chôn cất cô tại ngôi mộ chung ở Gratdannule.

  Năm 1963, Anna Morozova được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và được tặng thưởng huân chương "Thập Tự Grunvanda hạng II" của Ba Lan.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 07 Tháng Tám, 2008, 06:17:22 pm
86 - GEORGE BLAKE (sinh năm 1922)
Và những điệp vụ sau thế chiến thứ hai



  George Blake sinh ở Hà Lan ngày 22-11-1922. Bố anh là người Anh, tên là Albert Biher, cựu nhân viên tình báo Anh. Mẹ anh, Ketrin người Hà Lan, quê ở Beydervellen. Thời trẻ George rất sùng đạo, thậm chí còn muốn làm mục sư Tin lành. Khi quân Đức bắt đầu chiếm đóng, anh tham gia Kháng chiến. Năm 1940 bị bắt và bị cầm tù trong trại giam Sherl, nhưng anh trốn thoát. Năm 1942 lại bị bắt và lại trốn thoát, lần này anh vượt qua Pháp và Tây Ban Nha sang Anh. Tại đây anh vào hải quân, từ đó làm tình báo. Lúc này anh mang tên Blake. Lý lịch của anh có ghi: "Biết thành thạo các thứ tiếng Đức, Anh, Pháp, Hà Lan. Đã kinh qua chiến đấu, nhiều ưu điểm, dũng cảm và quyết đoán, có nhiều triển vọng cho công tác tình báo".

  George rất khâm phục vai trò của Liên Xô trong cuộc đấu tranh chống phát xít, khâm phục chủ nghĩa anh hùng của người Liên Xô và sự công bằng trong chế độ xã hội. Năm 1950 anh tham gia chiến tranh Triều Tiên. "Tôi thấy máy bay Mỹ thực sự là san bằng các làng mạc và thành phố của Triều Tiên... Và tôi tự hỏi: chúng ta cần gì trong cuộc chiến tranh này? Tôi phải đứng về phía ai mà chiến đấu?" - George nhớ lại.

  Trong thời gian chiến tranh anh bị bắt làm tù binh ở Bắc Triều Tiên. Đây là giai đoạn quyết định trong cuộc đời anh. Anh rút ra một kết luận dứt khoát là phải đứng về phía nào. Chính tại đây anh trở thành điệp viên, và sau này trở thành cán bộ nòng cốt của tình báo Xô Viết. Năm 1955, từ Triều Tiên trở về, anh tiếp tục phục vụ cho tình báo Anh (CIC). Anh phụ trách mạng lưới điệp viên của Anh ở Đông Đức và Tiệp Khắc. Moscva đã biết rõ những ý đồ của điệp viên phương Tây đối với những nước này. Nhưng phải bố trí công việc sao cho Blake không bị nghi ngờ. Tất cả phụ thuộc vào nghệ thuật của các sĩ quan tình báo Xô Viết làm việc với anh. Trong số điệp viên của anh không có ai bị bắt. Một số chỉ bị điều đi vùng khác, một số khác thì bị thận trọng bịt đầu mối vào những tài liệu mật, một số khác nữa thì bị nhận những "tài liệu giả", mà việc "rò rỉ" này chỉ có lợi cho tình báo Xô Viết. Ngoài những tình báo do chính anh tuyển chọn, các tình báo viên Nga còn cung cấp cho anh những điệp viên vững chắc nữa. Nhờ có Blake đã phát hiện được một trong những chiến dịch bí mật của CIA và CIC sau Đại chiến thế giới II có tên là "Gold" ("Vàng").

  Chiến dịch này là thế nào? Trên lãnh thổ Đông Berlin, khá gần với phần Tây Berlin có một con đường ngầm bí mật của chính phủ và quân đội Xô Viết. Người Mỹ cũng xây dựng một đường ngầm ở mép biên giới này, gần với đường kia và đặt các thiết bị nghe trộm các cuộc nói chuyện. Chiến dịch này được tính toán và tiến hành theo đúng kiểu Mỹ. Thành công của nó là nhờ có tính bí mật tuyệt đối, tiền chi nhiều và kỹ thuật hiện đại nhất của Anh. Việc nghe trộm, ghi chép và phân tích các cuộc nói chuyện theo đường này có thể cung cấp những thông tin quý báu cho các cơ quan mật vụ Anh, Mỹ mà không điệp viên nào có được.

  Mọi việc dường như suôn sẻ, nếu không có chữ "nhưng". Nhờ có Blake, tình báo Xô Viết biết được mọi chi tiết về chiến dịch "Vàng". Có thể ngăn chặn được chiến dịch này ngay từ đầu, nhưng mọi người muốn lôi kéo "đối tác" chịu chơi hơn nữa. Mặc dù mọi cuộc nói chuyện đều được kiểm tra gay gắt nhằm không để thất thoát sang phương Tây những thông tin giá trị, nhưng đôi khi vẫn để "rò rỉ" một ít, để "đối tác" không nghi ngờ gì. Tuy nhiên, cũng đến lúc phải chấm dứt cuộc chơi, nhưng phải làm sao để Blake không bị ngờ vực. Một ngày tháng 4 năm 1956 các tình báo quân sự Mỹ, các nhà kỹ thuật phụ trách các máy nghe trộm bỗng nghe thấy những giọng nói to từ phía hầm đối diện bên Đông Đức. Họ hoảng sợ quá đến mức bỏ chạy, không kịp tháo gỡ máy móc. Đường hầm của họ đã bị bật mở bởi các "liên lạc viên" Xô Viết và Đức với lý do "phát hiện thấy trục trặc trong đường hầm thông tin", từ đó dẫn tới nơi có các máy nghe trộm. Lối phản thông tin này được tiến hành khéo đến mức thậm chí một uỷ ban đặc biệt của CIA và CIC cũng chỉ đi đến kết luận rằng đó là sự cố ngẫu nhiên. Blake không hề bị nghi ngờ gì cả.
   
  Điểm yếu nhất trong công tác tình báo là đường dây liên lạc, tại đó họ thường bị "chết cháy". Đối với Blake người ta đã nghĩ ra một cách: anh công khai gặp gỡ một công dân Xô Viết tên là "Boris", anh chàng này dường như là làm việc cho CIC. Thực ra anh ta là điệp viên Xô Viết là liên lạc nhận tin của Blake. Đồng thời thông qua Boris mà tung cho bọn Anh những tin giả đã được chuẩn bị khéo léo sao cho chúng vẫn tưởng thật. "Tôi là cộng sự duy nhất của CIC, mà trên đường dây của mình lại có một người Nga thật". Những thông tin nhận được qua anh ta nhìn chung là mang tính chất kinh tế (phần lớn là những vấn đề quan hệ kinh tế qua lại và hợp tác kinh tế giữa Liên Xô và Đông Đức), đôi khi cũng là chính trị, và như Blake nhớ lại trong cuốn sách của mình "Không còn cách lựa chọn nào khác", "những thông tin này được đón nhận một cách nồng nhiệt ở London... Dần dần London giao cho tôi những nhiệm vụ đặc biệt, liên quan đến một số vấn đề của tình hình hiện tại, và bao giờ "Boris " cũng trở về với những thông tin cần thiết".

  Nhưng rồi cũng xảy ra đổ vỡ - mà không phải do Boris và Blake, mà do sự phản bội của nhân vật trung gian, một người Đức tên là Mikka. Blake bị bắt và bị đưa ra toà án Anh. Toà kết luận: "Con người này đã phá hoại gần như tất cả những gì mà các cơ quan tình báo Anh đã tạo dựng được từ khi kết thúc Đại chiến thế giới lần thứ II".

  George Blake bị kết án bốn mươi hai năm tù. Trong cuộc nói chuyện với nhà tình báo V. Andrianov, Blake nhớ về bản án như sau: "Khi nghe đến 42 năm tù tôi mỉm cười. Thời hạn này là không khả thi, trong thời gian đó sẽ có thể xảy ra bao chuyện, cho nên tôi thấy là không hiện thực. Nếu người ta kết án tôi 14-15 năm thì sẽ gây cho tôi ấn tượng lớn hơn là 42 năm. Và tất nhiên, một thời hạn dài như thế là cái cớ tốt nhất để... - "Cố gắng rút ngắn lại", - người tiếp chuyện chêm vào. - Vâng... Có nhiều người thông cảm với tôi. Vì thế mà tôi đã chạy thoát".

  Cuộc chạy trốn dũng cảm được thực hiện theo tinh thần những truyền thống tốt đẹp nhất trong những cuốn tiểu thuyết phiêu lưu của Alexandre Dumas cộng thêm kỹ thuật hiện đại. Nhà tù "Wordvus Scrable" nổi tiếng vì xưa nay chưa có ai chạy thoát. Vì thế đây là nơi giam giữ những tù nhân nguy hiểm như các điệp viên Xô Viết. Cũng còn có cả những tù nhân không mấy nguy hiểm. Chẳng hạn, trong đó có hai nhà đấu tranh người Anh chống việc bố trí vũ khí hạt nhân ở Anh là M. Rendlee và P. Potle. Còn một tù nhân nữa tên là Son Berg. Chính những người này giúp Blake chạy trốn.

  M. Rendle và P. Potle ở tù không lâu và chẳng bao lâu đã được thả. Son Berg được làm việc ban ngày ở ngoài nhà tù, đến kỳ nghỉ cuối tuần được cấp giấy nghỉ phép. Nhờ thế anh đã chuyển được cho Blake thiết bị truyền tin và một con dao. Việc chuẩn bị được tiến hành khẩn trương. Lợi dụng chiều tối thứ bảy có chiếu phim cho tù nhân, bọn bảo vệ cũng bớt cảnh giác. Trước ngày trốn Blake đã rút được ra một tấm kính cửa sổ, cưa được chấn song sắt rồi đặt lại như cũ. Tối thứ bảy anh mới lấy ra, trèo qua cửa sổ ra sân cạnh tường vây cao. Trời mưa tầm tã, Blake phải đợi đến một tiếng để Son Berg ném thang dây vào. Khi không còn ai, Son đến gần tường ném vào một chiếc thang dây tự tạo. Blake nhanh chóng leo lên, đến lúc tụt xuống thì lại ngã gãy xương bàn tay. Đau điếng người, nhưng anh đã chui được vào xe Son. Tự do đang chờ anh ở phía trước! Để chữa tay phải tìm một bác sĩ quen. Người này đã không tố giác, mà bó bột cho anh.
 Cả nước Anh báo động vì cuộc chạy trốn đó. Tất cả các cảng biển, bến tàu, sân bay đều đặt trạm gác. Cảnh sát rà soát các địa điểm và các căn hộ nghi vấn. Nhưng anh vẫn ẩn nấp rất gần, trong nhà các bạn bè. Họ có nhiệm vụ đưa anh ra khỏi lãnh thổ Anh. Việc đó không dễ, vì hình ảnh George đã được treo khắp nơi, mỗi cảnh sát, nhân viên hải quan và lính biên phòng đều có. Các bạn anh bàn nhiều phương án. Có người bàn phải thay đổi màu da của anh, biến anh thành da đen. Nhưng George gạt đi. Vợ chồng Rendle thiết kế được một khoang bí mật trong chiếc xe nhà to của mình, bên dưới chiếc giường trẻ con. Trong khoang này anh có thể ngao du với vợ chồng Rendle và hai đứa con nhỏ hai tuổi và bốn tuổi.

  Ngày 17-12-1966, họ rời London, đến Duvre, từ đó đi phà sang cảng Ostende của Bỉ, rồi đi một mạch đến Berlin. Suốt dọc đường trên lục địa George ở trong xe cùng gia đình Rendle. Anh chỉ chui vào "công ten nơ" khi đi trên đất Anh, khi qua eo biển La Manche và lúc qua biên giới. Cuối cùng anh sang được Đông Berlin, khi các chiến sĩ biên phòng Đông Đức và các sĩ quan Xô Viết đang chờ đón các khách du lịch. Tất nhiên mọi người kinh ngạc vì ông khách bất ngờ chui ở trong hòm ra. Mọi việc được giải thích ngay, nhất là lại có một tình báo Xô Viết quen anh. Chuyến du ngoạn dài ngày và nguy hiểm kết thúc. George Blake sống ở Moscva và làm nhiệm vụ đào tạo các tình báo trẻ tuổi.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 09 Tháng Tám, 2008, 01:55:33 pm
87 - MARKUS  WOLF (sinh năm 1923)
Và cuộc đối đầu tình báo Đông - Tây Đức

(http://www.spiegel.de/img/0,1020,734912,00.jpg)

  Markus Wolf - người phương Tây gọi là "kẻ không có khuôn mặt" - là một trong những nhà tổ chức tài năng nhất của các Cục Tình báo. Ngành tình báo Cộng hòa Dân chủ Đức do ông lãnh đạo suốt hơn ba mươi năm là cơ quan năng động và tích cực nhất, và không phải do lỗi của ngành mà nhà nước với những quyền lợi do nó đại diện và bảo vệ phút chốc đã chấm dứt sự tồn tại.

  Là con trai lớn của Elza (người Đức, theo Đạo Tin lành) và Fridrich Wolf (người Do Thái), Markus Wolf sinh năm 1923 tại thành phố nhỏ Hehingen. Cha ông là bác sĩ, say mê liệu pháp vi lượng đồng căn, ăn chay và rèn luyện thân thể, nhưng bên cạnh đó đã trở thành một nhà văn và nhà soạn kịch nổi tiếng. Bộ phim dựng theo vở kịch “Giáo sư Mamlok” kể về chủ nghĩa bài Do Thái và sự truy bức hãm hại người Do Thái ở nước Đức phát xít được chiếu rất rộng rãi ở nước Nga và bản thân vở kịch cũng được diễn ở các nhà hát nhiều nước trên thế giới. Sau khi Hitler đoạt quyền lực vào tay, Fridrich Wolf đã phải chạy ra nước ngoài và sau một năm phiêu bạt đã cùng gia đình mình có mặt ở Moscva. Markus, được những người bạn Nga gọi là Misa, cùng cậu em trai Konrad học phổ thông ở Moscva, còn sau khi tốt nghiệp thì vào Học viện Hàng không. Tiếng Nga trở thành tiếng mẹ đẻ của ông. Markus lớn lên thành một người chống phát xít kiên định, tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Năm 1943 ông được huấn luyện để ném vào làm điệp viên mật ở hậu phương của quân đội Đức. Nhưng nhiệm vụ bị bãi bỏ, và đến cuối chiến tranh Markus làm phát thanh viên và bình luận viên trên sóng phát thanh những chương trình chống phát xít. Ông vẫn làm công việc này cho đến khi tới Berlin vào năm 1945. Sau đó trong vòng một năm rưỡi ông làm công tác ngoại giao ở Moscva. Vì công việc này mà ông phải đổi quốc tịch Liên Xô sang quốc tịch Đức.

  Mùa hè năm 1951, Markus Wolf được triệu hồi về Berlin và được đề nghị, hay nói chính xác hơn là được lệnh theo ngạch đảng chuyển sang bộ máy cơ quan tình báo đã được thành lập. Đến lúc này ở Tây Đức cơ quan tình báo đã tồn tại được mấy năm - đó là tổ chức của Gehlen. Để đáp lại điều này, ngày 16 tháng 8 năm 1951 Viện Nghiên cứu Kinh tế được thành lập. Cái tên vô hại này được dùng để ngụy trang cho Cục Tình báo Chính trị Đối ngoại của Đông Đức. Ngày thành lập chính thức của cơ quan này là mồng 1 tháng 9 năm 1951, khi tám người Đức và bốn cố vấn người Nga từ Liên Xô trong một cuộc họp chung đã xác định những nhiệm vụ của cơ quan này như sau: tiến hành hoạt động tình báo chính trị, kinh tế và khoa học kỹ thuật tại Liên bang Đức, Tây Berlin và các nước NATO, cũng như chui sâu vào các cơ quan đặc biệt của phương Tây. Nhiệm vụ sau cùng được trao cho ban do Wolf lãnh đạo.

  Tháng 12 năm 1952, ông bất ngờ được Tổng bí thư Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức và là người đứng đầu thực sự của quốc gia là Valter Ulbricht mời gặp mặt. Ông này thông báo cho Markus Wolf về việc bổ nhiệm ông làm người lãnh đạo cơ quan tình báo. Markus vẫn chưa tròn ba mươi tuổi, kinh nghiệm hoạt động trong ngành tình báo của ông gần như bằng không. Nhưng bù lại ông xuất thân từ gia đình một nhà văn cộng sản nổi tiếng, có những quan hệ chắc chắn ở Moscva, và ông được người lãnh đạo tiền nhiệm của cơ quan tình báo Akkerman vừa từ chức vì "tình trạng sức khỏe" giới thiệu.

  Wolf được bổ nhiệm không lâu trước cái chết của Stalin, trước những sự kiện ngày 17 tháng 6 năm 1953 và vụ bắt giam Beria, điều ở một mức độ không nhỏ đã ảnh hưởng đến số phận của cơ quan tình báo. Nó bị sát nhập vào hệ thống Bộ An ninh Quốc gia do Vollveber, sau đó là Milke lãnh đạo. Sau các sự kiện ngày 17 tháng 6 bắt đầu một luồng di tản ồ ạt từ Đông Đức. Trước năm 1957 có đến gần nửa triệu người rời bỏ Đông Đức. Trong đám đó người ta đã "tung" được một số đàn ông và phụ nữ được tuyển chọn đặc biệt, những điệp viên tình báo đã qua các khóa đào tạo đơn giản về các nguyên tắc bảo mật cơ bản và những nhiệm vụ họ sẽ phải làm. Một số trong đó buộc phải bắt đầu cuộc sống ở phương Tây từ con số không, lao động chân tay và bằng nỗ lực của bản thân tạo dựng sự nghiệp. Đối với các sinh viên và cán bộ khoa học, người ta dùng mọi cách để tìm kiếm vị trí làm việc trong các trung tâm khoa học quan trọng. Có những người thâm nhập vào các chức vụ liên quan đến bảo mật thông tin, hoặc có những người nắm giữ vị trí trọng yếu trong nền kinh tế. Việc cài điệp viên vào giới chính trị và quân sự gặp phải nhiều khó khăn. Những điệp viên này phải vượt qua sự kiểm tra quá phức tạp và không phải lúc nào cũng thành công. Có những cản trở khách quan như là tình trạng quá đủ ứng cử viên vào những vị trí đó ở Liên bang Đức.

  "Felics" là điệp viên đầu tiên thành công. Theo vỏ bọc bên ngoài "Felics" là đại diện của một công ty cung cấp thiết bị cho phòng cắt tóc thường xuyên có mặt tại Bonn, nơi có Tổng nha thủ tướng liên bang tọa lạc. Các nhà tình báo nói chung không dám mơ ước lọt được vào đó. "Felics" đã đánh bạo quyết định thử. Trong đám đông ở bến chờ ô tô buýt anh ta đã làm quen với một phụ nữ, về sau trở thành cơ sở đầu tiên trong Tổng nha. Dần dần họ trở thành tình nhân và "Norma" (biệt danh của chị) sinh cho anh ta một cậu con trai. Người phụ nữ không phải là điệp viên nhưng những gì chị kể lại giúp cho cơ quan tình báo hoạt động tích cực và có hệ thống hơn. Về sau "Felics" bị Cục Bảo vệ Hiến pháp (cơ quan phản gián Liên bang Đức) để ý. Phía Đông Đức buộc phải đưa anh trở về, còn "Norma" ở lại Tây Đức vì theo lời "Felics" là "cô ấy không thể hình dung được cuộc sống của mình ở Đông Đức. "Vụ Romeo" đầu tiên đã kết thúc như vậy.
Sau đó còn có nhiều vụ tương tự đã diễn ra. Tất cả những câu chuyện đó được người ta gọi là "hoạt động gián điệp tình yêu".

  Trong hồi ký “Trò chơi trên sân lạ” của mình, Markus Wolf viết rằng tình yêu, sự quyến luyến cá nhân với một nhân viên tình báo chỉ là một trong nhiều động lực thúc đẩy đối với những người hoạt động vì lợi ích của Cục, bên cạnh các chính kiến chính trị, sự ưa thích lý tưởng hóa, các lý do tài chính và thói hiếu danh không mãn ý. Ông viết: "Phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng lời khẳng định rằng Tổng cục Tình báo của tôi đã tung "điệp viên Romeo" thật để tấn công những nữ công dân vô tội Tây Đức, và họ nhanh chóng bắt đầu cuộc sống mới của riêng mình. Chẳng thể làm gì được với chuyện này, và từ đó cơ quan của tôi bị dính với câu chuyện úp mở về các chàng thạo "bẻ khóa trái tim" và bằng cách này khai thác những bí mật của chính phủ Bonn". Người ta viết rằng có hẳn bộ phận chuyên đào tạo "Romeo". "... Sự tồn tại của một ban như vậy, - Wolf viết tiếp, - đúng chỉ là chuyện hoang đường, cũng như cái ban không có thật trong cơ quan MI-5 của người Anh mà người ta đồn rằng chuyên sáng chế và thử nghiệm những phương tiện hỗ trợ mới nhất cho điệp viên 007". Tiếp đó Markus cũng lưu ý rằng sự xuất hiện của "bản đúc Romeo" là có khả năng bởi vì phần lớn những điệp viên được tung sang phương Tây là đàn ông độc thân - đối với họ người ta dễ thêu dệt những câu chuyện bịa đặt và điều kiện để thích nghi hơn.

  Dưới đây mấy ví dụ về "hoạt động gián điệp tình yêu".

  Điệp viên "Felics" đã trở về Đông Đức. Anh ta thông báo về một cô Gudrun nào đó là nữ thư ký độc thân trong bộ máy của Ngoại trưởng Globke. Cô ta là người có thể bị mua chuộc bởi một người đàn ông lựa chọn đúng. Nhằm mục đích này người ta đã chọn Herbert S. (bí danh là "Astor"), phi công - vận động viên thể thao, từng là thành viên của Đảng Công nhân Xã hội Dân tộc. Điều kiện sau cùng là lý do rất tốt để anh ta "đào tẩu" khỏi Đông Đức. Anh ta đã đến Bonn, làm quen được nhiều người, trong đó có cô Gudrun. Cô ta, thậm chí khi chưa được tuyển mộ đã cung cấp thông tin về những người và sự kiện xung quanh Thủ tướng Alenauer, về các cuộc tiếp xúc của Gehlen với Thủ tướng và với Globke. "Astor" đã tuyển mộ được Gudrun, tự nhận mình là điệp viên Liên Xô. Sự chú ý của đại diện đặc biệt một cường quốc lớn khiến Gudrun mát lòng, và cô ta bắt đầu làm gián điệp một cách nhiệt thành. Tiếc rằng bệnh của tình đã khiến cơ quan tình báo phải gọi anh ta trở về và mối liên hệ bị cắt ngang.

  Giám đốc một nhà hát nổi tiếng từ Saksonia là Roland G. đã đến Bonn để làm quen với cô Margarita là một tín đồ Kito giáo nền nếp làm việc trong Tổng Hành dinh khối NATO. Anh ta tự nhận là phóng viên người Đan Mạch tên là Kai Petersen, nói tiếng Đan Mạch âm sắc nhẹ. Tiếp cận với Margarita, anh ta "thú nhận" mình là sĩ quan tình báo quân sự Đan Mạch. "Đan Mạch là một nước nhỏ bị coi nhẹ trong NATO nên không được chia sẻ thông tin. Em cần phải giúp chúng tôi". Cô gái đồng ý, nhưng thú nhận rằng cảm thấy lương tâm cắn rứt với tính chất tội lỗi trong quan hệ. Để trấn an cô, người ta đã bài binh bố trận để một nhân viên Cục Tình báo lập tức học một ít tiếng Đan Mạch (với khối lượng cần thiết) và lên đường sang Đan Mạch. Anh ta tìm được một nhà thờ thích hợp và tìm hiểu lịch hoạt động của nó. Roland và Margarita cũng đến đó. Vào một ngày đẹp trời, khi ngôi nhà thờ vắng người, "linh mục" đã nghe Margarita xưng tội, anh ta an ủi tâm hồn cô và chúc phúc để cô tiếp tục giúp đỡ bạn mình và "đất nước nhỏ bé của chúng tôi". Sau này Roland G. phải trở về vì bắt đầu có nguy cơ bại lộ, Margarita đồng ý tiếp tục cung cấp thông tin cho một "người Đan Mạch" khác, nhưng không lâu sau hứng thú của cô không còn: cô hoạt động chỉ vì một người đàn ông duy nhất.

  Đầu những năm 1960, tại Paris, sĩ quan tình báo Herbert Z. mang mật danh "Krans" đã làm quen với cô Gerda O. hai mươi chín tuổi. Cô làm việc trong một ban của Bộ Ngoại giao "Telko", nơi giải mã và chuyển tiếp điện tín của tất cả các sứ quán của Tây Đức. "Krans" tỏ tình với Gerda và tiến tới hôn nhân. Với mật danh "Rita" cô bắt đầu hoạt động cho chồng. Vốn là người dũng cảm và mạo hiểm, cô đã bình thản nhét đầy băng điện tín vào chiếc túi to tướng rồi mang đến cho "Krans". Ba tháng liền cô làm nhân viên mật mã tại Washington, và nhờ cô mà tình báo Đông Đức nắm được tình hình quan hệ Mỹ-Đức. Đầu những năm 1970, "Rita" bị thuyên chuyển đến làm việc tại sứ quán Tây Đức tại Varsava. "Krans" với vỏ bọc của mình buộc phải ở lại Tây Đức. "Rita" đã yêu một chàng phóng viên là nhân viên của Cục Tình báo Liên bang và thú nhận toàn bộ sự việc với anh này. Nhưng trước đó cô thông báo qua điện thoại cho "Krans". Anh đã kịp trốn thoát về Đông Đức.

  Theo yêu cầu của Wolf, các sĩ quan tình báo Ba Lan tại sân bay trước khi "Rita" lên đường về Bonn đề nghị cô tị nạn chính trị tại Ba Lan. Cô có dao động trong khoảnh khắc nhưng rồi vẫn lên máy bay. Tại Bonn cô thành khẩn khai báo mọi thông tin về hoạt động cho tình báo Đông Đức của mình và về "Krans".

  Nhưng anh chàng điệp viên đúng là người "không thể kháng cự". Anh ta lại kiếm được một phụ nữ khác về sau nhận mật danh "Inga". Cô biết tất cả về anh, lại còn đọc được bài báo về vụ "Rita" kèm ảnh của "Krans". Bất chấp tất cả, cô đã tích cực hoạt động, khá nhanh chóng kiếm được một vị trí tại Bonn, tại Tổng nha Thủ tướng Liên bang, và trong suốt nhiều năm đã cung cấp cho tình báo Đông Đức những thông tin chất lượng hàng đầu. "Inga" mơ ước được chính thức lấy "Krans" làm chồng, nhưng ở Tây Đức điều này không thể được. Họ quyết định tiến hành kết hôn tại Đông Đức. Người ta cấp cho "Inga" giấy tờ mang tên họ thời con gái và tại một ủy ban vùng giáp biên giới họ đã chính thức hóa quan hệ vợ chồng. Sự thật là trang đăng ký kết hôn của họ đã bị thu và hủy, mà đôi vợ chồng không thể biết được vào thời gian đó.

  Năm 1979, Cục Phản gián Tây Đức đã giáng những đòn nặng nề vào hoạt động tình báo của Đông Đức. Mười sáu điệp viên bị bắt. Rất nhiều người, trong đó có "đôi vợ chồng" này phải trốn về Đông Đức. Một số họ tiếp tục duy trì quan hệ hôn nhân và bắt đầu cuộc sống gia đình bình thường.

  Nhưng hoạt động tình báo vẫn tiếp diễn hiệu quả với việc sử dụng những biện pháp truyền thống, cũng như "hoạt động gián điệp tình yêu". (Cụm từ "biện pháp truyền thống" ý nói đến hoạt động tình báo thông thường của đàn ông).

  Những năm 1950 là thời kỳ hoạt động của nhóm Kornbrenner do một cựu nhân viên SD - Cục An ninh Quốc xã - đứng đầu. Đây có lẽ là trường hợp duy nhất khi cơ quan tình báo Đông Đức sử dụng một cựu thành viên Quốc xã tích cực.

  Một trong những điệp viên thành công là Adolf Kanter (mật danh là "Fichtel"). Anh được cài vào nhóm thân cận với một chính khách trẻ là thủ tướng tương lai Helmut Kol. Quả thật là sự đi lên của anh trong hàng ngũ những người ủng hộ Kol chấm dứt vì lời buộc tội vô lý về sử dụng tiền quyên góp không có mục đích mà về sau cũng thanh minh được. Nhưng với nhóm của Kol anh giữ được các mối quan hệ tốt đẹp. Năm 1974 anh trở thành phó ban đại diện tại Bonn của doanh nghiệp Flik và không chỉ chuyển các thông tin về mối liên hệ của đại doanh nghiệp với chính trị, mà bản thân cũng có ảnh hưởng đến sự phân chia những khoản "quyên góp" kếch xù.

  Năm 1981, khi ở Bonn xảy ra vụ bê bối lớn liên quan đến những khoản tiền "quyên góp" này, tình báo Đông Đức, để bảo vệ cơ sở của mình, đã không chuyển tư liệu cho các phương tiện thông tin đại chúng Tây Đức, mặc dù cơ quan này nắm được rất nhiều bí mật về vụ này. Sau vụ bê bối, ban đại diện tại Bonn bị giải thể, nhưng Kanter vẫn giữ được các quan hệ của mình trong bộ máy đảng và chính phủ Tây Đức và tiếp tục chuyển tin về cho tình báo Đông Đức. Mãi đến năm 1994, Kanter mới bị bắt và bị kết án hai năm tù treo. Rõ ràng là việc anh đã không khai ra nhiều chuyện về cuộc sống của giới chính khách Bonn đã có tác dụng.

 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 09 Tháng Tám, 2008, 01:55:51 pm
  Markus Wolf gọi điệp viên "Freddy" của mình là "đầu mối hết sức quan trọng" (ông không bật mí tên thật của điệp viên này) trong nhóm thân cận của Willi Brandt. Điệp viên này đã hoạt động hết sức hiệu quả nhưng vào cuối những năm 1960 đã chết vì đột quỵ.

  Một trong các nguồn cung cấp thông tin quan trọng nhất của tình báo Đông Đức là Gunter Gyom có tên tuổi đã đi vào lịch sử  (xem bài viết về ông).

  Cuối cùng là nhà nữ tình báo xuất sắc Gabrriela Hast - người phụ nữ duy nhất trong cơ quan tình báo Tây Đức đã nắm được một chức vụ lãnh đạo với vai trò nhà phân tích về Liên Xô và Đông Âu. Chính bà là người soạn trình lên thủ tướng báo cáo tổng hợp từ các nguồn thông tin khai thác được. Bản sao thứ hai của những bản báo cáo này cuối cùng sẽ nằm trên bàn Markus Wolf. Năm 1987 bà được chỉ định làm phó ban phụ trách khối phương Đông của Cục Tình báo Liên bang Đức. Năm 1990 bà bị bắt, được trả tự do năm 1994.

  Nhiều khi nhiệm vụ của Markus Wolf mở rộng ra ngoài phạm vi chỉ đạo hoạt động ngành tình báo. Ông tham gia vào các cuộc thương lượng bí mật với các nhà hoạt động chính thức và cao cấp của Tây Đức. Ví dụ với Bộ trưởng Tư pháp Frisch Seffer là người có tư tưởng thống nhất hai nước Đức. Hoặc (qua trung gian) tiếp xúc với Bộ trưởng phụ trách các vấn đề chung nước Đức trong nội các của Thủ tướng Alenauer là Ernsto Lemmer. Các cuộc tiếp xúc chính trị bí mật cũng được duy trì với thủ tướng lãnh địa Bắc sông Rein - Westfalli là Heinz Kun và đại diện của đảng SDPG trong Thượng viện Bonn là Frish Erler. Phân tích các quá trình diễn ra trong nội bộ NATO, hay những thông báo về các kế hoạch của "những con diều hâu" Washington đã tỏ ra rất có ích lợi.

  Để có thêm bạn hữu trong giới chức cao cấp ở Bonn, Markus Wolf sử dụng rất nhiều biện pháp khác nhau. Chẳng hạn để thiết lập các mối tiếp xúc với nhà hoạt động nổi danh trong lực lượng vũ trang Đức là người về sau hoạt động với mật danh "Ulius", Wolf đã tổ chức cho ông ta một chuyến đi dọc dòng sông Volga, sau đó ghé thăm ngôi nhà nhỏ của một dân chài vùng ngoại ô Volgagrad, nơi trong một bầu không khí hết sức thoải mái, trong tiếng đàn baian, với món mì đặc sản Nga, rượu vodka, trứng cá hồi và những câu chuyện của người dân chài đã mất hai con trai ngoài mặt trận, họ đã tìm được tiếng nói chung.

  Markus Wolf đã nhận được ở phương Tây biệt hiệu "Kẻ không có khuôn mặt", bởi vì suốt hai mươi năm ông ở cương vị giám đốc cơ quan tình báo Đông Đức, phương Tây chưa có được một tấm ảnh nào của ông. Chỉ do sự phản bội và đào tẩu sang phía Tây của một nhân viên tình báo là đại úy Stiller, điều này mới bị lộ. Chuyện xảy ra là trong thời gian sang Thụy Điển, Wolf đã bị chụp ảnh như "một nhân vật đáng ngờ". Bức ảnh này được đặt giữa nhiều bức ảnh khác cho Stiller nhận diện và tất nhiên anh ta nhận ra ngay được sếp của mình. Hậu quả là một nhân vật tên là Kremer đã bị bắt giữ vì đã gặp gỡ với Wolf tại Thụy Điển. Người này bị coi là một gián điệp quan trọng vì được đích thân lãnh đạo tối cao của cơ quan tình báo gặp mặt. Nhưng anh ta hóa ra không phải là gián điệp mà chỉ là một chiếc cầu nối đến một người cần thiết khác. Nhưng điều đó không giúp ích gì cho Kremer, và anh ta vẫn bị kết án.

  Nhiều năm liền đã diễn ra cuộc đấu tay đôi của Markus Wolf với giám đốc Cục Tình báo Liên bang của Tây Đức là "viên tướng xám" Gehlen. Cuộc đối đầu diễn ra với những thành tựu lúc thì thuộc bên này lúc thuộc bên kia. Gehlen đã tung sang, hay nói chính xác hơn là tuyển mộ điệp viên trong nhiều cơ quan trọng yếu của Đông Đức, kể cả những cơ quan đảng-chính phủ. Còn điệp viên của Wolf thì đã chui sâu vào những nơi bí mật nhất của Cục Tình báo Liên bang và NATO. Cả hai đều phải chịu đựng những tên đào ngũ và phản bội. Và cả hai đều cho rằng mình phục vụ vì lợi ích dân tộc Đức.

  Gehlen bị bãi chức năm 1968 và mất năm 1979.

  Wolf thì tự nguyện từ chức năm 1983 ở tuổi 60. Ông không lập tức về hưu ngay mà phải mất đến gần ba năm để bàn giao công việc cho người kế nhiệm là Verner Grossman. Ngày 30 tháng 5 năm 1986 là ngày làm việc cuối cùng của ông, nhưng ngày chính thức ra đi là 27 tháng 11 năm 1986.

  Wolf không còn bận rộn với công tác. Trước tiên ông thực hiện mơ ước của em trai đã mất của mình hoàn thành bộ phim “Điểm ba” nói về số phận những con người trong thời niên thiếu ở Moscva của họ. Mùa xuân năm 1989 bộ phim được đồng thời chiếu cả ở Tây Đức và Đông Đức đã gây chú ý của người xem. Trong phim tác giả luận bàn một cách gay gắt về những mặt khuất của Chủ nghĩa Xã hội, đòi cởi mở, đòi được trao đổi ý kiến một cách dân chủ và chấp nhận những tưởng khác.

  Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Markus Wolf đến với chị gái Lena ở Moscva, để lao động sáng tạo nghệ thuật. Nhưng khi quay trở về Đức ông lại rơi vào bầu không khí xung đột căng thẳng. Sự khao khát báo thù của nhiều người tập trung chĩa vào các cơ quan an ninh quốc gia và những đại diện tiêu biểu của nó là Milke và Wolf.

  Mùa hè năm 1990 điều luật được soạn thảo cùng với hiệp định thống nhất về đại xá cho nhân viên cơ quan tình báo Đông Đức bảo vệ họ không bị truy tố không được thông qua. Từ ngày thống nhất, tức là từ ngày 3 tháng 10 năm 1990, Wolf có nguy cơ bị bắt. Ông đã viết thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Tây Đức, cũng như cho Willi Brandt thông báo không định di tản và sẵn sàng cho việc xem xét tất cả các cáo buộc đối với ông trong những điều kiện minh bạch. "Nhưng vào cái mùa xuân Đức năm 1990 đó các điều kiện minh bạch đã không được đặt ra", Wolf nhớ lại.

  Cùng vợ, ông sang Áo. Từ đó vào ngày 22 tháng 10 năm 1990 ông viết thư cho Gorbachov. Trong thư nói:
 
  "Mikhail Sergeievich thân mến

  ... Các nhân viên tình báo Đông Đức đã làm được nhiều điều vì nền an ninh ngành tình báo của Liên Xô, và những nhân viên tình báo hiện nay đang bị truy bức và hãm hại khắp nơi là những người đã từng cung cấp luồng thông tin liên tục, đáng tin cậy và có giá trị. Người ta gọi tôi là "biểu tượng" hay "từ đồng nghĩa" của công tác tình báo hiệu quả. Rõ ràng là vì những thành tích của chúng tôi mà các đối thủ hiện nay đang muốn trừng trị, đóng đinh câu rút tôi, như người ta đã viết...".

  Tiếp theo trong bức thư của mình, Wolf yêu cầu Gorbachov trong thời gian thăm Đức sắp tới hãy đặt vấn đề về số phận những người bạn - nhà tình báo, những trợ tá đang bị người ta đối xử tồi tệ hơn cả tù binh chiến tranh.

  Bức thư kết thúc với những lời như sau:

  "Ngài, Mikhail Sergeirvich, hãy hiểu cho, rằng tôi đấu tranh không chỉ cho bản thân, mà cho nhiều người, cho những người vì họ trái tim tôi đau đớn và vì những người mà tôi cảm thấy mình mang nặng trách nhiệm".

  Nhưng "Mikhail Sergeievich thân mến" không chỉ không có giải pháp nào mà còn không trả lời thư.

  Từ Áo, Wolf và vợ đã đến Moscva. Nhưng tại đây ông cũng cảm thấy rằng trong điện Cremli có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến sự có mặt của ông tại Liên Xô. Một mặt, quá khứ của ông buộc họ có trách nhiệm cho ông một nơi ẩn náu nhưng mặt khác người ta cũng không muốn làm hỏng quan hệ với nước Đức.

  Sau thất bại của cuộc bạo động "lố lăng" tháng 8 năm 1991, Wolf trở về Đức và chia sẻ gánh nặng trách nhiệm đang đặt lên vai người kế nhiệm và các đồng chí cùng công tác của mình. Ngày 24 tháng 9 năm 1991, ông vượt biên giới Áo-Đức, Chánh Công tố viên đã chờ ông sẵn. Vào ngày hôm đó ông bị giam vào một xà lim đơn với hai lớp chấn song của nhà tù thành phố Carlsrue. Sau mười một ngày ông được thả với khoản tiền bảo đảm rất lớn do bạn bè gom góp.

  Bắt đầu quá trình sơ thẩm kéo dài và nặng nề, còn sau đó là phiên tòa xét xử Markus Wolf. Cả ông lẫn những người có đầu óc lành mạnh khác trước tiên hết sức phẫn nộ bởi bản thân sự kiện truy tố ông trước pháp luật của những người làm việc vì lợi ích của một quốc gia tồn tại hợp pháp của mình, một quốc gia là thành viên của tổ chức Liên Hiệp Quốc. Thậm chí các đối thủ cũ của ông cũng lấy làm ngờ vực và khó hiểu.
   
  Cựu giám đốc Cục Tình báo Liên bang là H. Hellebroit tuyên bố: "Vụ án chống Wolf theo tôi là đi ngược lại Hiến pháp. Wolf hoạt động tình báo là do sự ủy thác của quốc gia thời đó...".
   
  Bộ trưởng Tư pháp Kinkel: "Trong liên hiệp Đức không có người chiến thắng và cũng không có người bại trận".
   
  Viện Tư pháp Berlin theo luật pháp quốc tế đã chứng minh một cách có cơ sở nghi vấn liên quan đến các cáo buộc chống những nhân viên tình báo.
   
  Tuy vậy phiên tòa vẫn diễn ra. Ngày 6 tháng 12 năm 1993, Markus Wolf bị kết án sáu năm tù giam nhưng được thả ra với số tiền bảo đảm rất lớn. Mùa hè năm 1995 Tòa án Hiến pháp Liên bang thông qua quyết định trong vụ án Verner Grossman, tuyên bố các sĩ quan tình báo của Đông Đức ở Tây Đức không thuộc diện bị truy tố vì tội phản bội Tổ quốc và hoạt động tình báo. Trên cơ sở đó, Viện Tư pháp liên bang đã hủy bỏ cả bản án của tòa án Dusseldorf đã tuyên bố đối với Markus Wolf.

  Thủ trưởng cũ của cơ quan tình báo Đông Đức vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh đòi phục hồi quyền cho những người vẫn còn đang chịu sự truy bức vì làm việc cho Đông Đức.

  Điều thú vị là Markus Wolf - "kẻ không có khuôn mặt" - trong cuộc đời đã trở thành nhân vật của một tiểu thuyết trinh thám. Năm 1960, những chiến công của ông đã khiến anh nhân viên trẻ của Intelligence Service là David Cornwell ngưỡng mộ. Dưới bút danh là John Le Carre, anh đã xây dựng hình tượng nhân vật Carl nổi tiếng, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo của những người cộng sản, con người học thức và quyến rũ chuyên hút thuốc hiệu "Navy Cate".


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 09 Tháng Tám, 2008, 06:57:20 pm
88 - ĐÀO PHÚC LỘC (1923 - 1969)
Nhà tình báo nổi tiếng qua hai cuộc trường chinh lịch sử

(http://www.hanoinews.com.vn/images/normal/2006/06/200606120752072_6.6VX126anhthoisuduala.jpg)

  Ít ai biết rằng, đại gia Đào Ngọc Khanh, một thương nhân giàu có và nổi tiếng ở đất Quảng Ninh - Hải Phòng, người đã dựng nên Nhà máy điện Uông Bí, Nhà máy xi măng Hải Phòng, Chợ Sắt và một số công trình xây dựng trên đất Cảng, người "khét tiếng" trong giới về sự "ăn chơi" - lại là cha đẻ của một nhà tình báo nổi tiếng qua hai cuộc trường chinh lịch sử.

  Đào Phúc Lộc sinh ra trong một dòng họ nổi tiếng về truyền thống yêu nước, dòng họ vinh dự được nhà chí sĩ Phan Bội Châu tặng đôi câu đối, đại ý: "Lòng yêu nước thương dân của họ Đào như viên ngọc quý giữa đời thường. Phật ngồi trên tòa sen sẽ phù hộ cho cả gia tộc". Đào Ngọc Khanh là cháu của cụ Đào Đức Điển, làm Tri phủ dưới triều Nguyễn kiêm Phó lãnh binh phụ trách quân sự từ Móng Cái đến Uông Bí. Các con của ông Điển đều làm quan và đều một lòng đi theo phong trào yêu nước của cụ Phan Bội Châu. Đào Ngọc Khanh từng đỗ tú tài nhưng vì ưa cuộc sống phóng túng, ông đã từ chối chốn quan trường để chọn nghề xây dựng. Nhiều năm trước khi Đào Phúc Lộc ra đời, tên tuổi của người cha đã vang xa khắp nơi với những công trình xây dựng của thành phố Cảng. Trong khi đó, người vợ xinh đẹp và hiền thục đã có với ông 5 mặt con. Một ngày định mệnh, khi vừa sinh được tin báo chồng mình có "vợ bé". Không chịu nổi cú sốc bà đã mất ngay trong đêm đó. Khi đó Đào Phúc Lộc 6 tuổi, cậu bé út mới tròn 20 tháng. Ít lâu sau, Đào Ngọc Khanh đưa "vợ bé" về nhà. Nhân lúc chồng đi vắng, bà ta đã đuổi 4 đứa con của chồng (Kim Liên đã mất từ nhỏ) ra khỏi nhà. Khi Đào Ngọc Khanh trở về thì sự thể đã rồi, ông đành đưa hai con nhỏ cho một người bà con trông giùm. Còn ông thuê nhà ở hẻm cô Ba Chìa cho hai chị em Hải và Lộc trọ học.

  Những năm tháng ở Hải Phòng, số phận đã dun dủi hai chị em được làm quen với đồng chí Tô Hiệu -  người đã dìu dắt hai chị em vào con đường cách mạng. Chị gái là Đào Hải - cô giao liên ZT của Khu ủy với phong trào vùng mỏ bị đánh phá dữ dội nhất, đã làm cho cậu bé Lộc sớm giác ngộ Cách mạng, đi theo Cách mạng từ năm 13 tuổi. Sớm phát hiện ra tư chất thông minh của Đào Phúc Lộc, Tô Hiệu đã giác ngộ và kết nạp anh, chỉ mới 16 tuổi, vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Và ít ai ngờ rằng, căn nhà trọ của hai chị em Hải, Lộc lại trở thành điểm công tác tạm thời của cơ quan bí mật Khu ủy lúc này.

  Năm 1940, trong một chuyến đi công tác, Đào Phúc Lộc bị bắt. Anh bị kết án tù 2 năm, bị dẫn giải qua nhiều nhà tù, song bọn chúng đã không khai thác được gì. Bất lực, chúng đưa anh về quản thúc tại Móng Cái trong 5 năm. Chính trong thời gian bị quản thúc và theo dõi gắt gao, Đào Phúc Lộc đã bộc lộ những năng khiếu thiên bẩm của một nhà tình báo tài giỏi. Anh đã khôn khéo đánh lừa bọn mật thám, vượt biên sang Trung Quốc để bắt liên lạc với Đảng và được đồng chí Trường Chinh giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở Móng Cái, thành lập đường dây liên lạc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Móng Cái - Quảng Tây để đưa cán bộ ra nước ngoài hoạt động.

  Cách mạng tháng Tám thành công, Đào Phúc Lộc về Hà Nội, được cử làm Trưởng phòng Tình báo Quân ủy Hội (Bộ Quốc phòng) dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp và Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Anh đã tuyển chọn 50 cán bộ Việt Minh ở Móng Cái về Hà Nội làm công tác tình báo. Với cương vị ấy, Đào Phúc Lộc phân công công việc cụ thể cho từng anh em phụ trách tình báo của các Liên khu. Chỉ trong vòng 2 năm (1945 - 1947), anh đã nắm được các cơ sở tình báo quân đội ở miền Bắc, Khu IV, Khu V, Khu VI. Anh đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an (do ông Lê Giản phụ trách) và sử dụng nguồn tin quần chúng để thu thập tin tức hàng ngày phục vụ cấp trên. Phòng Tình báo - Bộ Tổng tham mưu lúc này đã có tổ chức đặt ở 23 thành phố, tỉnh lỵ thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đến Thừa Thiên.

  Đào Phúc Lộc là người đã mở các lớp đào tạo cán bộ tình báo đầu tiên của ngành Tình báo quân sự Bắc - Nam trong những ngày đầu kháng chiến. Năm 1946, anh đã hướng dẫn đội quyết tử tham gia đánh sân bay Gia Lâm. Đêm 19-12-1946, ta phá hủy hoàn toàn 2 máy bay của giặc, gây tiếng vang lớn, góp công đầu trong đêm Toàn quốc kháng chiến.

  Năm 1948, Hoàng Minh Đạo (Đào Phúc Lộc) nhận lệnh điều động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cử vào tăng cường cho chiến trường miền Nam đảm trách Trưởng ban Quân báo Nam Bộ với nhiệm vụ là Đặc phái viên của Bộ Tổng tham mưu đi kiểm tra tình hình công tác phản gián, tình báo, quân báo ở Khu IV vào đến tận Nam Bộ. Mục đích là để kiện toàn thống nhất lại tổ chức của ngành Tình báo từ Trung ương đến địa phương để giúp Cục có điều kiện chỉ đạo Tình báo toàn quốc. Trong thời gian này, Đào Phúc Lộc đã từng sống ngay trong lòng Sài Gòn cùng với Phan Văn Đáng (Hai Văn), Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam trong một gia đình thuộc chính quyền Sài Gòn.

  Đến bây giờ, những người trong cuộc từng chứng kiến việc xử vụ án gián điệp miền Đông năm 1950 đều thấy nhẹ nhõm bởi kết thúc vụ án: giá như không có Đào Phúc Lộc, liệu vụ án ấy có làm nên một câu chuyện bi thương trong lịch sử, hậu thế sẽ mãi còn đớn đau về số phận oan khiên của 34 đồng chí mình không? Năm 1949-1950, chiến trường Nam Bộ được chia ra làm hai Phân liên khu Miền Tây và Phân liên khu Miền Đông. Riêng Phân liên khu Miền Đông, ban lãnh đạo của Đảng có trách nhiệm với phong trào cách mạng ở Đông Campuchia nên ngành Tình báo của ta cũng đặt ở đấy. Trong thời gian đó, có một đồng chí (xin được giấu tên) nhiệt tình trong công tác, nhưng không biết do từ một nguồn tin nào, có thể là ấu trĩ, có thể do cung cấp sai, có thể quá cảnh giác mà địch, ta lẫn lộn, cũng có thể do địch thực hiện thủ đoạn phản gián... đã báo cáo phát hiện ra một tổ chức gồm số đông cán bộ, trong đó có nhiều đảng viên của ta từ cấp huyện ủy đến tỉnh ủy gồm 34 người bị kết tội là gián điệp.
 
  Đứng trước vụ án do cơ sở báo cáo lên đề nghị cấp trên xử lý, Đào Phúc Lộc hết sức phân vân. Trước những chứng cứ, chứng lý chưa rõ ràng, chưa có sức thuyết phục, trong thâm tâm, Đào Phúc Lộc không tin 34 đồng chí mình là gián điệp. Yêu cầu của Bộ Tư lệnh là phải xử lý ngay, nếu không làm ngay thì không chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, nếu xử lý vội sợ rằng sẽ có nhiều oan ức. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định báo cáo với Bộ Tư lệnh xin được chịu trách nhiệm về vụ án này và xin gia hạn thêm. Để làm rõ vụ án, anh đã rút đồng chí Sáu Ninh (Phó ban tình báo Khu VIII) về để trực tiếp điều tra lại vụ án. Về mặt nghiệp vụ đã vô cùng nặng nề, lại điều tra chính các đồng chí ngày đêm đồng cam cộng khổ với mình trên một chiến tuyến, áp lực tinh thần ấy quá lớn. Phải mất tới 6, 7 tháng trời điều tra từng hồ sơ, thẩm vấn và minh xét từng người trong điều kiện giặc ruồng bố liên miên và bằng mọi giá phải bảo vệ được tính mạng cho 34 người, cuối cùng Sáu Ninh đã có bản kết luận. Đào Phúc Lộc đã không kìm nén được sự xúc động. Anh nói với Sáu Ninh: "Cậu đã làm được điều mình suy nghĩ và mong đợi. Các anh em đồng chí của mình không có ai làm gián điệp tay sai cho giặc cả mà chỉ là do hiểu lầm". Ngay lập tức, Đào Phúc Lộc báo cáo lên cấp trên. Chưa hết hoài nghi, phân liên khu ủy quyết định tiến hành một cuộc họp. Nhờ sự kiên định lập trường của anh ngay trong cuộc họp về "vụ án gián điệp" miền Đông ấy, 34 người được trắng án. Các đồng chí này sau được điều động đi tập kết và đều có những đóng góp và vị trí xứng đáng trong tổ chức Đảng. Nếu không có một người thủ trưởng thông minh, can trường, sáng suốt và có tấm lòng nhân hậu, dám chịu trách nhiệm trước ngành, trước sinh mệnh chính trị của đồng chí, đồng đội mình, chắc sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

  Thời gian bị quản thúc ở Móng Cái, trong số những thanh niên tiến bộ yêu nước do Đào Phúc Lộc tập hợp có một thiếu nữ đã để lại trong ông nhiều ấn tượng nhất. Đó là Hoàng Minh Phụng, con gái của một vị quan trong phủ nổi tiếng giàu có và thế lực. Phụng thường trốn gia đình lén đi theo nhóm thanh niên tham gia Việt Minh, cô rất nhiệt tình đi quyên góp tiền bạc, gạo thóc, thực phẩm để cứu đói cho những người nghèo. Bản thân cô cũng đã đem hết nữ trang, tiền bạc dành dụm của riêng mình ủng hộ cách mạng. Dẫu chưa một lần nói ra song cả Phụng và Lộc đều dành cho nhau những tình cảm riêng. Một lần, Lộc đi công tác ở Hải Phòng đem tài liệu mật về Móng Cái. Khi đi ngang qua nhà Phụng thì bất ngờ bị tên mật thám dẫn bọn lính rượt theo rầm rập từ phía sau lưng. Anh chưa biết phải xử trí sao, thì bất ngờ gặp Phụng. Cô kéo tay anh rẽ vào một ngõ rồi chạy thẳng về nhà phía cửa sau đẩy anh vào, đóng cửa lại, dắt anh qua một khoảnh vườn nhỏ vào phòng của cô, lấy ra một bộ đồ con gái bắt anh mặc vào, rồi lấy chiếc khăn màu nâu cột lên đầu anh. Cô lại đem một rổ rau ra nhà sau, bắt ông ngồi nhặt rau như hai chị em gái. Khi bọn mật thám tới, nhìn vào thấy con gái ông quan phủ ngồi với một người bạn gái nên chúng bỏ đi. Từ đó cái tên Minh Phụng đã in sâu trong tâm trí ông. Khi chi bộ Đảng đầu tiên ở Móng Cái được thành lập, Đào Phúc Lộc làm bí thư đã lấy bí danh là Minh Phụng.



Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 09 Tháng Tám, 2008, 06:57:36 pm
  Tháng 12-1945, đôi trai tài gái sắc ấy đã trình báo cơ quan tổ chức lễ cưới. Một năm sau, con gái đầu lòng là Minh Vân ra đời. Bé Minh Vân mới được mấy ngày tuổi thì Hà Nội bị Pháp chiếm đóng. Đào Phúc Lộc đành gửi hai mẹ con lên an toàn khu ở Thái Nguyên. Năm 1947, anh nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam. Khi về đến trạm quân y an toàn khu Việt Bắc thì vợ ông đã mất do bệnh sốt rét ác tính. Sau đám tang của vợ, Đào Phúc Lộc phải hành quân vào Nam gấp. Ba năm sau, có một người con gái muốn chia sẻ cuộc đời mình với cuộc đời vất vả, gian truân và nhiều hy sinh của ông. Đó là chị Bùi Ngọc Hường, một đồng chí ở Liên khu Miền Đông Nam Bộ, liên lạc viên của Cục Tình báo Trung ương. Được bạn bè đồng chí vun vén, đặc biệt là anh Ba Lê Duẩn, tháng 4-1951, đám cưới được tổ chức ở chiến khu Đ. Được vài tháng, Đào Phúc Lộc lại đi hoạt động và một năm sau, con trai Minh Ngọc ra đời. Năm 1954, con gái Minh Thu chào đời tại Viện Dân y Nam Bộ. Ông chỉ kịp đặt tên cho con, rồi tiếp tục nhận nhiệm vụ về hoạt động tại thành phố Sài Gòn với bí danh là Minh Thu. Bốn năm sau, khi chị Hường hay tin chồng bị bắt, rồi lại nghe báo ông đã vượt ngục trở lại cơ quan công tác, chị lặn lội vào Sài Gòn tìm ông. Chuyến đi mất tới 120 ngày mới gặp được ông tại Nam Vang. Chị được bố trí chuyển công tác từ Nam Vang lên Ban Công vận thành phố Sài Gòn. Lần gặp cuối cùng vào năm 1962, chị theo đoàn giao liên tới rừng Sác huyện Nhà Bè để gặp chồng. Không ngờ, đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng. Chị Hường đã bùi ngùi nhớ lại: "Tôi với ảnh có với nhau 3 mặt con nhưng sống với nhau tính cặn kẽ cũng chưa đầy 3 năm. Ba đứa con của tôi sinh ở ba chiến trường khác nhau. Sau lần gặp năm 1962 ở rừng Sác ít lâu thì tôi bị bắt. Phải mất tới 12 năm bị đày trong nhà tù Côn Đảo, năm 1974 khi trao trả tù binh, tôi đã nóng lòng mong gặp lại ảnh. Vậy mà...".

  Năm 1969, Đào Phúc Lộc được Trung ương Cục điều động từ Phân khu V về làm Chính ủy Phân khu I. Đất thép Củ Chi lúc này có thể ví như một trảng lớn, không có một bóng cây. Địch quyết tâm chà xát suốt ngày đêm. Cuối năm 1969, ông nhận được lệnh mời về họp và báo cáo công tác của Bộ Tư lệnh Phân khu I với Trung ương Cục. Chuyến đi công tác này được ấn định khởi hành đúng vào đêm 24-12-1969. Cùng đi có đồng chí Tám Lê Thanh, Phó tư lệnh Phân khu I cùng nhiều đồng chí khác. Để tránh thương vong có thể xảy ra, đoàn đã chia làm hai nhóm do Đào Phúc Lộc và Tám Lê Thanh dẫn đầu xuống. Khoảng 8 giờ đêm ngày 24 - 12 - 1969, đoàn quân bắt đầu xuất phát, Đào Phúc Lộc đã nói đùa cùng anh em: "Kể ra chúng ta sáng kiến tổ chức đi trong đêm Noel thật là hay. Giờ này hẳn bọn giặc đang say sưa với cái thứ bánh trái rượu ngon bên cây thông mừng Giáng sinh. Trong đêm Chúa giáng thế, có lẽ bọn mình sẽ đi trót lọt, bởi có thể chúng sẽ vì Chúa mà bớt đi sự giết chóc". Hai chiếc ghe khá lớn ngụy trang cẩn thận đã đậu sẵn. Theo sự phân công từ trước, ghe của anh Tám Lê Thanh bắt đầu qua sông. Khi ghe của Tám Thanh sắp sửa cập bến thì ghe của Đào Phúc Lộc bắt đầu rời chỗ trú ẩn để xuất phát. Thật bất ngờ, khi chiếc ghe của Đào Phúc Lộc qua được một phần hai quãng đường thì đụng phải một chiếc giang thuyền của Mỹ ngụy trang như một chiếc bè thả trôi sông. Năm Thu chỉ phát hiện ra chiếc giang thuyền ấy khi nó theo dòng nước vượt qua khúc quanh. Chưa kịp ra lệnh thì những ngọn đèn pha trên giang thuyền đồng loạt bật sáng, soi rõ mồn một chiếc ghe của ông với những người lính theo phản xạ đang đưa tay lên cò súng. Chỉ trong một tích tắc, một trận mưa đạn phủ xuống chiếc ghe. Tất cả hỏa lực trên ba chiếc tàu Mỹ đồng loạt nhả đạn. Lửa cháy rừng rực một khúc sông. Chiếc ghe của Năm Thu như một chiếc lá rơi vào biển lửa. Anh Tám Lê Thanh cùng đoàn quân núp trong bụi cây ven bờ chỉ cách chiếc ghe Năm Thu chừng hơn 50m. Chỉ độ vài phút sau, một đoàn trực thăng với những ngọn đèn pha rực sáng đã liên tục bắn rốckét và đạn đại liên dài theo hai bên bờ. Tiếp theo là những cụm pháp từ Gò Dầu, Tây Ninh, Trảng Bàng chụp tới.

  Sau đêm bão lửa ấy, Trung ương Cục triển khai một lực lượng lớn tìm kiếm bên hai bờ sông hy vọng cứu được những đồng chí may mắn sống sót. Nhưng liên tiếp nhiều ngày, không một ai tìm được dù một vết tích nhỏ của 14 người trên chiếc ghe định mệnh ấy. Và từ đó, tin Năm Thu (Đào Phúc Lộc) hy sinh được giấu kín trong một thời gian dài.

  Bà Bùi Ngọc Hường trở về sau 12 năm ở nhà tù Côn Đảo cùng với 4 đứa con sinh ra ở 4 chiến trường. Những đứa trẻ lớn lên không biết mặt cha, thiếu bàn tay chăm bẵm của mẹ vẫn đau đáu một hoài vọng mơ hồ biết đâu một ngày nào đó cha sẽ trở về. Tờ giấy chứng nhận liệt sĩ của chồng và cha không đủ sức để bà con nhân dân nơi quê hương ông hiểu và tin rằng Đào Phúc Lộc đã hy sinh anh dũng. Chiến tranh, mọi sự xảy ra đều là lẽ thường, ngay cả chuyện người dân quê ông vẫn đồn rằng, Đào Phúc Lộc là gián điệp, là phản gián v.v...
Đau đớn vì mất chồng, cha, càng đau đớn hơn khi thanh danh của ông chưa được làm rõ, bà Hường cùng với các con đã ngược dòng lịch sử tìm lại thời gian đã mất của liệt sĩ Đào Phúc Lộc.

  Cuộc hành trình tìm cha phải mất tới gần 30 năm. Ba mươi năm, những nghi ngờ ông là một kẻ "phản bội Tổ quốc" mới được gột rửa. Trong khi vợ và các con đi tìm thì ông lại nằm lặng lẽ trong lòng đất trên triền sông Vàm Cỏ Đông ở ấp An Thới, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh với ngôi mộ vô danh. Bác Hai Tờ ở ấp An Thới đã vớt thi thể Đào Phúc Lộc lên cùng với bà con mai táng chôn cất. Bác Hai Tờ kể rằng: "Khi vớt ổng lên, thấy mặc bộ bà ba đen, trên người không có một vết xây xước hay mảnh đạn gì, đoán là người đằng mình nên đã chôn cất và cắt cử người chăm sóc phần mộ đặng sau này có người tìm đến mà giao cho họ. Đoán vậy thôi chớ không biết người ấy là ông Năm Thu, nhà tình báo quân sự làm to đến cỡ ấy". Từ đấy, bác Hai Tờ cùng vợ chồng Tư Ngãi đã chăm sóc hương khói cho phần mộ của ông với một lẽ rất thường của những tấm lòng nhân ái người Việt.

  Vào đầu tháng 4 - 1998, Minh Vân cùng với các em và những đồng đội cũ của cha mình đã lần tìm được dấu tích xưa qua xâu chuỗi của những nhân chứng sống của lịch sử. Khi ngôi mộ được khai quật, một đặc điểm khiến cho mọi người nhận ra ngay đó chính là Đào Phúc Lộc bởi hàm răng dưới có hai chiếc bịt bạc vẫn còn nguyên vẹn.

  Ngày 8-4-1998, lễ truy điệu long trọng cho liệt sĩ Đào Phúc Lộc được tổ chức tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 10-8-1998, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Đào Phúc Lộc. Đây là Huân chương cao quý đầu tiên được trao cho ông trong số gần 2000 Anh hùng lực lượng vũ trang của nước ta. Hiện nay, bà Bùi Ngọc Hường đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh cùng với các con của ông đều thành đạt trong cuộc sống và có nhiều đóng góp cho đất nước.

Như Bình


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 09 Tháng Tám, 2008, 07:00:39 pm
89 - GHEVOR VACTANHIAN (sinh năm 1924)
Người phá điệp vụ mưu sát lãnh tụ tam cường


  Sau khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc bắt đầu được ít lâu, ngày 25 tháng 8 năm 1941, các lực lượng vũ trang Liên Xô và Anh cùng phối hợp tiến hành một chiến dịch quân sự chớp nhoáng. Hai binh đoàn Xô Viết tiến vào Iran từ phía Bắc và chiếm các tỉnh miền Bắc nước này, còn các đơn vị quân đội Anh thì đồng thời tiến vào từ mạn Tây Nam. Họ không bị một tổn thất nào và đến ngày 17 tháng 9 thì gặp nhau ở thủ đô Teheran của Iran. Đến năm 1942, hai cảng của Iran bị quân Mỹ chiếm đóng. Có một vài nguyên nhân dẫn đến việc quân Đồng minh tiến vào Iran. Thứ nhất, chính phủ Iran có thiện cảm với nước Đức Hitler và có thể từ hậu phương tấn công vào Liên Xô. Thứ hai, ở Iran có một số lượng lớn điệp viên Đức hoạt động, tạo nên mối đe dọa đối với Liên Xô. Thứ ba, Iran là đường trung chuyển thuận tiện cho việc đưa thiết bị quân sự của Mỹ vào Liên Xô.

  Ít lâu sau, Iran gia nhập liên minh chống Hitler. Mặc dù vậy, mạng lưới điệp viên Đức của Canaris và Sellenberg vẫn tiếp tục hoạt động ở nước này, và cuộc đấu tranh với chúng tiếp tục gần như cho đến hết chiến tranh.

  Mùa thu năm 1943, các nước Đồng minh quyết định tổ chức hội nghị các nhà lãnh đạo ba cường quốc là Liên Xô, Mỹ và Anh ở Teheran. Tham dự hội nghị có nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin, tổng thống Mỹ Roosevelt và thủ tướng Anh Churchill. Địa điểm hội nghị được chọn lựa sau những cuộc thương lượng và thảo luận kéo dài, và cuối cùng, tất cả các bên đều thấy Teheran là thuận lợi hơn cả.

  Điệp viên Đức biết được việc chuẩn bị cho hội nghị và thông báo tin này cho ban lãnh đaọ nước Đức phát xít. Hitler liền quyết định mở chiến dịch "Bước nhảy dài" - đó là tên gọi mà điệp viên Đức đặt cho kế hoạch mưu sát các nhà lãnh đạo "Tam cường" trong thời gian diễn ra hội nghị Teheran. Hitler trao việc mưu sát này cho "sủng thần" của y là Otto Scorseni.

  Tháng 8 năm 1943, một điệp viên Đức giàu kinh nghiệm là Roman Gamota nhảy dù xuống khu vực Teheran. Y lập tức liên lạc với tên đứng đầu mạng lưới điệp viên Đức ở đây là Frank Maie. Đồng thời một nhóm sáu tên biệt kích Đức cũng được tung vào để hỗ trợ cho chúng. Nhóm biệt kích Đức nhảy dù xuống khu vực thành phố Cum, cách Teheran chừng bảy mươi cây số, và chúng phải mất hơn hai tuần mới đến được Teheran. Chúng đem theo nhiều đạn dược vũ khí, lúc đầu chúng chở trên lưng mười con lạc đà và về sau chất lên một chiếc xe tải. Chúng nhuộm lại tóc thành màu đen, mặc quần áo người Iran, trú ngụ tại một địa điểm bí mật để chờ những tên chủ chốt trực tiếp thực hiện chiến dịch "Bước nhảy dài".

  Tuy nhiên, cơ quan tình báo Xô Viết đâu có ngủ yên. Một trong những tin tức đầu tiên về ý đồ của bọn Đức đã được điệp viên Nicolai Kuznesov thông báo. Anh hoạt động ở thành phố Rovno nằm trong hậu phương phát xít dưới lớp vỏ thượng uý Đức Paul Giberg. Người để lộ tin này cho anh biết là viên sĩ quan SS Unrich fon Orten khi y mời "anh bạn Paul" tham gia một "vụ làm ăn" ở Teheran. Kudonesov từ chối, còn Orten thì lên đường tới thủ đô Uran nhập bọn với Maie và Gamota.

  Cơ quan tình báo Xô Viết cũng nhận được tin từ các nguồn khác - từ người Iran, từ người Đức và nhất là từ một thanh niên 17 tuổi tên là Amia, người đứng đầu đội "khinh kỵ binh".

  Ngày khai mạc hội nghị đến gần. Cơ quan tình báo thi hành những biện pháp cần thiết. Những hành động của nhóm phá hoại chính đã nằm trong tầm nhìn của tình báo Xô Viết và tình báo Anh, và chúng bị theo dõi thường xuyên. Hoạt động của các điện đài của chúng bị kiểm soát, các bức điện bị đón bắt và giải mã, sau đó cả nhóm phá hoại bị bắt giữ.

  Khi biết tin thất bại, Hitler đổi ý và không phái đến Teheran những tên chịu trách nhiệm chính thực hiện chiến dịch "Bước nhảy dài" nữa, chiến dịch bị bãi bỏ. Mãi đến sau chiến tranh, người ta mới được biết quyết định đó là của Hitler. Nhưng hồi đó, vào năm 1943, không ai biết chuyện này và mọi người vẫn phỏng đoán một cách hợp lý rằng bọn Đức có những phương án khác, do đó, vẫn cần đề phòng cuộc mưu sát. Vì vậy, khi các nhà lãnh đạo "Tam cường" gặp nhau, Stalin đề nghị Roosevelt đến ở tại sứ quán Xô Viết. Roosevelt nhận lời, còn Churchill thì tỏ ra rất ghen tức và thừa nhận:

  - Stalin đã qua mặt chúng ta và thắng cả hiệp đấu này nữa...

  Sau khi trở về Washington, Roosevelt nói trong một cuộc họp báo:

  - Nguyên soái Stalin tuyên bố rằng một âm mưu nhằm mưu sát tất cả những người tham dự hội nghị rất có thể sẽ được tổ chức. Ông đề nghị tôi đến ở sứ quán Xô Viết để đỡ phải đi lại trong thành phố... Bọn Đức sẽ khá thuận lợi sát hại nguyên soái Stalin, thủ tướng Churchill và tôi vào lúc chúng tôi đi lại trên các đường phố Teheran bởi vì sứ quán Liên Xô và sứ quán Mỹ cách xa nhau đến một cây số rưỡi...
Hội nghị các nhà lãnh đạo "Tam cường" đã thành công. Hội nghị thông qua một loạt quyết định quan trọng và không gặp trở ngại gì. Chiến dịch "Bước nhảy dài" của Hitler đã bị thất bại nhờ hoạt động có kết quả của các cơ quan tình báo Liên Xô và Anh, trong đó có hoạt động của nhóm Amia, tức là của Ghevor Vactanhian.

  Bố của Amia là thần dân Iran và ông hợp tác với cơ quan tình báo Xô Viết. Gia đình ông sinh sống ở thành phố Nga Rostov trên sông Don, nhưng khi Amia lên sáu tuổi thì gia đình chuyển sang Iran theo yêu cầu của cơ quan tình báo Xô Viết. Bố của Amia trở thành một thương nhân thành đạt, ông hầu như không bao giờ dùng đến tiền của Trung Tâm mà tự mình đảm nhận mọi chi phí. Ông xây dựng một mạng lưới điệp viên và đã giúp đỡ rất nhiều cho tình báo Xô Viết. Ông đã vài lần bị bắt vì bị nghi ngờ hoạt động gián điệp, nhưng vì không có bằng chứng nên lại được trả tự do. Ông chân thành yêu mến nước Nga Xô Viết và giáo dục các con theo tinh thần đó. Chính là dưới ảnh hưởng của ông mà chàng thanh niên Amia tuy hồi đó còn rất trẻ, mới 16 tuổi, đã trở thành điệp viên Xô Viết vào năm 1940.

  Người thầy đầu tiên của Amia là một điệp viên Xô Viết "nằm vùng" tên là Agaian. Amia thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là chọn lựa nhóm bạn bè và những thanh niên cùng chí hướng. Họ đều trẻ trung, dũng cảm và sẵn sàng hy sinh. Giới điệp viên gọi đùa họ là đội "Khinh kỵ binh", rất có thể là vì họ cưỡi xe đạp đi lại trong thành phố. Họ không có phương tiện đi lại khác, và mãi đến năm 1942, họ mới có một chiếc mô tô Đức chiến lợi phẩm.

  Theo nhiệm vụ của Agaian giao cho, đội "Khinh kỵ binh" hoạt động như một đội quan sát bên ngoài, đôi khi như một đội phản ứng nhanh "có khả năng thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt". Chỉ trong vòng hai năm rưỡi, đội của Amia đã phát hiện được bốn trăm người có liên hệ với cơ quan tình báo Đức. Họ còn rất trẻ nên đã đánh lạc hướng được những kẻ bị họ theo dõi. Không một ai ngờ rằng những thiếu niên non choẹt chuyên cưỡi xe đạp đó lại có thể theo dõi ai đấy. Nhưng họ không chỉ làm nhiệm vụ theo dõi, đôi khi họ phải tham gia những chiến dịch nguy hiểm, tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc. Đó là thời buổi chiến tranh tàn khốc và họ biết rằng những chàng trai cùng tuổi với họ trong các đội du kích cũng đang chiến đấu gan dạ như vậy với kẻ thù. Chính đội của Amia đã phát hiện được tên điệp viên Đức Maie lẩn trốn ở Teheran. Nhưng tình báo Xô Viết không bắt được y: y cũng bị tình báo Anh theo dõi và "nẫng tay trên". Dù sao thì y cũng bị loại khỏi  "cuộc chơi" và hai nhân viên điện đài của y cũng bị bắt gọn.

  Trong quá trình theo dõi Maie, Amia cùng các bạn còn phát hiện được nhưng kẻ đồng loã đã cung cấp nơi trú ẩn cho Maie và chuẩn bị cung cấp nơi trú ẩn cho cả những điệp viên Đức khác. Nhờ "bộ bảy" của Amia giúp đỡ, tình báo Xô Viết đã bắt được cả tên trợ thủ chính của Maie là Otto Enghen. Bị mất những kẻ cầm đầu và mất điện đài liên lạc, hoạt động của mạng lưới tình báo Đức  đến cuối năm 1943 đã bị yếu hẳn đi.

  Ngay từ trước những cuộc bắt giữ nói trên, tình báo Xô Viết đã biết rằng một thương nhân Đức (y được đặt cho bí danh là "Dược sĩ") đang tích cực tiến hành hoạt động gián điệp và thường bí mật gặp gỡ những quan chức cao cấp của Iran. Nhưng đội của Amia chịu trách nhiệm theo dõi y không phát hiện được bất kỳ những cuộc gặp gỡ nào của y. Khi ấy, họ liền quay sang theo dõi ngôi nhà y ở và phát hiện ra người em trai sinh đôi của y. Hai anh em y thường tìm cách đánh lạc hướng những người theo dõi, chẳng hạn như một tên ra khỏi nhà để dụ những người theo dõi đi theo rồi tạt vào quán ba hoặc rạp chiếu phim và chẳng gặp gỡ một ai hết. Trong khi ấy, tên thứ hai sau khi tin chắc là không có ai theo dõi, liền ra khỏi nhà để đến nơi hẹn gặp. Họ cũng phát hiện ra một người Đức đáng chú ý nữa là Vante. Ông ta là chủ một cửa hiệu sách cũ mà các sĩ quan Iran thường rẽ vào để mua hoặc bán sách. Họ ngờ rằng cửa hiệu này là "hòm thư" của gián điệp Đức. Họ liền bắt đầu năng tạt vào hiệu sách và làm quen với Vante. Ông ta quả thật là người giữ hòm thư của các sĩ quan Đức nhưng ông ta không tin vào chiến thắng của nước Đức. Ông ta cho rằng việc Đức tấn công Liên Xô là một sai lầm nghiêm trọng của Hitler và nhất định sẽ dẫn đến thảm họa. Tình báo Xô Viết tiếp cận Vante sát hơn nữa và ít lâu sau thì tuyển mộ ông ta. Ông ta là một trong những người đã thông báo về kế hoạch mưu sát các nhà lãnh đạo "Tam cường".

  Các chàng trai của Amia cũng là những người đầu tiên biết được và thông báo về một nhóm tiền trạm Đức đổ bộ để tham gia kế hoạch mưu sát và họ đã giúp vào việc vạch mặt nhóm này.

  Mặc dù là đồng minh với Liên Xô nhưng người Anh vẫn đồng thời tiến hành hoạt động thù địch chống đất nước Xô Viết. Dưới lớp vỏ câu lạc bộ radio, họ thành lập một trường tình báo chuyên đào tạo điệp viên để tung vào các nước cộng hoà Trung Á và ngoại Kavkaz của Liên Xô. Cơ quan tình báo Xô Viết trao nhiệm vụ cho Amia thâm nhập vào trường này. Nhờ đó, Amia đã được huấn luyện kỹ càng về công tác tình báo, một điều rất hữu ích cho anh trong tương lai. Anh được dạy nhiều thứ mà người điệp viên cần biết và cần làm, chẳng hạn như liên lạc hai chiều qua điện đài, mật tự, những thủ pháp giữ bí mật, cách sử dụng bí số, những phương pháp tuyển mộ điệp viên. Amia cùng các bạn của anh đã thu thập được những tin tức chi tiết về trường này và về các học viên trong trường. Họ được biết rằng sau những đợt huấn luyện kéo dài 6 tháng, những học viên tốt nghiệp thường được phái sang ấn Độ và tại đây họ hoàn thiện trình độ và tập luyện nhảy dù. Sau đó, họ được tung vào lãnh thổ Liên Xô. Nhờ nhóm của Amia, người ta cũng biết được về nhiều học viên tốt nghiệp trường nói trên. Hầu hết bị bắt ngay sau khi được tung vào Liên Xô. Một số đồng ý làm việc cho tình báo Xô Viết và truyền thông tin giả cho người Anh. Kết quả là trường không những hoạt động vô bổ mà còn gây hại cho những kẻ mở trường nữa nên rốt cuộc đã bị giải thể.
Trợ thủ và về sau trở thành vợ của Amia là một cô gái mười sáu tuổi tên là Goa. Họ đã cùng nhau trải qua một con đường dài trong ngành tình báo Xô Viết, đã hoạt động ở nhiều nước khác nhau trên thế giới. Goa đã giúp tình báo Xô Viết phát hiện được nhiều điệp viên Đức. Cô cũng đã khôn khéo tìm thấy căn phòng bí mật mà tình báo Đức dùng để che giấu hai phi công Xô Viết phản bội. Hai tên này đã lái máy bay từ Baku sang Iran, và bọn Đức dự định sẽ đưa chúng về Đức. Nhưng chúng đã bị bắt và bị trừng phạt.

  Đội của Amia hoạt động cho đến cuối những năm 40.

  Bản thân Amia cùng vợ hoạt động nhiều năm ở nước ngoài và hiện nay vẫn tiếp tục hoạt động. Thật đáng tiếc là vẫn còn chưa đến lúc kể về mọi việc làm của Ghevor Vactanhian.

  Ghevor Vactanhian được tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Liên Xô, còn Goa được tặng thưởng Huân chương Cờ Đỏ.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 10 Tháng Tám, 2008, 11:22:13 am
90 - Nguyễn Tài (sinh năm 1926)
 Cuộc đối mặt với CIA



  Giữa năm 2002, 76 tuổi, nguyên thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Tài đã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND), sau nhiều thăng trầm đã được tôn vinh xứng đáng.

  Nguyễn Tài sinh năm 1926 tại Xuân Cầu, Văn Giang, Hưng Yên. Thừa hưởng truyền thống của gia đình và quê hương, ông đã sớm giác ngộ cách mạng và năm 1944 tại Hà Nội gia nhập Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Một năm sau ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

  Ông là một trong những người có công đặt nền móng đầu tiên cho ngành An ninh Cách mạng Việt Nam. Những người thầy đầu tiên của ông về nghiệp vụ quân sự cũng như công tác an ninh là các đồng chí Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái...

  Tháng 9-1945, Nguyễn Tài được phân về Sở Liêm phóng Bắc Bộ và nhanh chóng được giao chức Trưởng phòng Công an Khu đặc biệt Hà Nội. Vừa học vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, ông đã đóng góp nhiều công lao to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chín năm.
Năm 1958, khi mới 32 tuổi, ông đã giữ một chức vụ vô cùng quan trọng trong ngành Công an Việt Nam: Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị. Cái tên này đối với người dân thật mơ hồ, nhưng công việc của những người ở cơ quan này là đập tan mọi hoạt động mang tính bí mật của các thế lực nhằm chống lại Nhà nước xã hội chủ nghĩa. 32 tuổi mà ông đã được giao một trọng trách lớn lao như vậy. Năm 1964, ông xung phong vào chiến trường miền Nam. Việc đi chiến trường của ông được người ta kể lại như một huyền thoại rằng, chính Bác Hồ đã gặp ông trước khi đi và Bác Hồ gửi một bức điện vào chiến trường miền Nam với nội dung: Chú Nguyễn Tài là tài sản quý của Đảng, mọi người phải bảo vệ chú. Đồng chí Lê Duẩn gặp ông tại nhà riêng vào một buổi tối và nói với ông về Cách mạng miền Nam và sẽ làm gì khi ta giải phóng. Việc đi chiến trường là do ông xung phong. Hồi đó, ông là cán bộ miền Bắc có chức cao nhất trong ngành Công an đi chiến trường.

  Ông Nguyễn Tài là con trai nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan. Nhưng ông không theo nghiệp cha. Có người bảo ông là một cán bộ an ninh bẩm sinh. Ông hoàn toàn không đồng ý nhận xét này. Ông bảo chẳng ai sinh ra lại được trời phú cho nghề an ninh. Hồi Cách mạng tháng Tám, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao cho làm báo Nước Nam Mới. Nhưng hình như ông chẳng mặn mà với nghề chữ nghĩa này cho lắm. Sau Cách mạng tháng Tám, cấp trên phân công ông làm công tác trong ngành Công an, ông đã lưỡng lự. Ông nói ông không thích nghề này vì nhiều người trong gia đình ông trước đó bị mật thám Pháp bắt bớ. Nhưng cấp trên nói với ông là công an cách mạng chỉ vì dân vì nước. Và thế là ông chấp thuận.

  Ông Nguyễn Tài bị bắt ngày 23-12-1970 trên đường đi công tác. Nhiều người sau đó nghi ông Bảy Sết, người lái chiếc ghe chở ông Nguyễn Tài đi công tác, đã phản bội, chỉ điểm cho địch bắt ông. Sau giải phóng, ông đã tìm gặp Bảy Sết và minh oan cho ông ấy, và đề nghị chính quyền làm chế độ hưu cho Bảy Sết. Khi bị bắt, ông đã khai mình là Nguyễn Văn Hợp, đại úy thuộc Cục Nghiên cứu miền Bắc. Ông được đưa vào miền Nam để xã hội hóa và chờ khi chiến tranh kết thúc sẽ đi Pháp để hoạt động lâu dài. Nhưng rồi CIA Mỹ đã lần ra lý lịch thật của ông. CIA đã phát hiện ra ông là con trai nhà văn Nguyễn Công Hoan, làm Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị. Biết ông đã từng đi công tác nước ngoài với Bác Hồ, chúng đã đưa cho ông xem một bức ảnh chụp Bác Hồ đi thăm đền Borubodour ở Nam Dương. Đứng sau Bác Hồ là một người trẻ đeo kính đen, đó là ông Nguyễn Tài. Và chúng biết những chức vụ ông nắm giữ trong thời gian ở Sài Gòn - Gia Định. Chúng biết cả ông Lê Văn Lương (tên thật là Nguyễn Công Miều) là chú ruột ông. Việc CIA biết khá rõ về ông là vì một số cán bộ cấp dưới của ông đã đầu hàng và phản bội cách mạng. Lúc đầu chúng hỏi ông có thích đọc tiểu thuyết tiền chiến không? Rồi hỏi ông có đọc văn Nguyễn Công Hoan không? Và đưa cho ông mượn cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại” của Vũ Ngọc Phan trong đó có in ảnh cha ông để thăm dò phản ứng của ông. Nhưng là một cán bộ an ninh nhà nghề, những trò chơi nghiệp vụ như vậy đối với Cục trưởng Nguyễn Tài quả là một trò chơi xoàng. Trong bài phỏng vấn đăng trên báo L‘Express sau ngày miền Nam giải phóng, Frank Snepp, nhân viên CIA đã từng hỏi cung ông, viết: "Vì ông ta (Nguyễn Tài) không chịu nổi sự lạnh lùng cho nên người ta đã tống ông ta vào một xà lim của bộ máy của những người có thế lực để thổi một luồng không khí lạnh vào trong đó, nhưng ông ta không chịu khuất phục. Tôi đã phát hiện ra một điểm yếu khác trong ông. Trong những năm 50, ông đã muốn chứng tỏ lòng trung thành của mình với cấp trên bằng cách từ bỏ cha đẻ của ông, một nhà văn tên tuổi trên văn đàn Việt Nam. Khi mà ta hiểu rõ sự tôn kính gia đình trong con người Việt Nam, ta mới mường tượng ra vết thương lòng đau đớn này... Có thể nói rằng ông ta đã không làm trọn đạo lý. Và vết thương này có thể làm thay đổi con người ông ta". Khi được hỏi vì lý do gì mà Frank Snepp lại nói như vậy khi nhà văn Nguyễn Công Hoan là nhà văn cách mạng nổi tiếng, người đã chiến đấu không mệt mỏi bằng ngòi bút của mình cho những người lao động, ông trả lời rằng đó là sự xuyên tạc. Ông nói sự thật cha ông như thế nào thì mọi người đều biết. Trong một số cuộc hỏi cung ở số 3 Bạch Đằng, Frank có đề cập đến cuốn “Đống rác cũ” và nói tại sao có người lại phê phán cuốn ấy ghê thế để kích động và phân hóa ông. Nhưng Frank nói riêng và CIA nói chung đã thất bại. Thời gian đó, CIA hứa với ông nếu ông xác nhận đầy đủ về bản thân mình thì chúng sẽ cấp cho ông 20 triệu và một biệt thự ở Thụy Sĩ để ông sang đó sinh sống nếu ông không muốn trở về miền Bắc. Sau này vì một số lý do, ông đã thừa nhận mình là Đại tá Tư Trọng, phục vụ trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN). Tháng 11-1971, ông Trần Bạch Đằng thừa lệnh cấp trên viết một lá thư nhân danh mặt trận để đặt vấn đề với phía Mỹ trong việc trao đổi ông Nguyễn Tài với một tù binh là sĩ quan tình báo Mỹ trước khi ký kết Hiệp định Paris. Bức thư này được giao cho một trung sĩ Mỹ bị ta bắt, được phóng thích mang về Sài Gòn. Trong cuốn hồi ký nhan đề Decent Interval của Frank Snepp thì giữa MTDTGPMNVN và CIA đã bí mật dàn xếp một cuộc trao đổi tù binh đặc biệt vào cuối năm 1971. Frank viết: "Nguyễn Tài, người mà họ đã từng coi là quá quan trọng để đánh đổi lấy Ramsey năm 1971, nay phải thấy là cái tài sản hấp dẫn nhất nằm trong tay Sài Gòn, như họ đã từng rêu rao như thế... để không ai còn có thể chống lại cái quyết định trước đây tức là không đem người này (Nguyễn Tài) ra đổi lấy một sĩ quan ngoại vụ". Sau này, cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn nói với ông làm thế là một hình thức ngăn cản Mỹ - ngụy có thể thủ tiêu ông. Vì lúc đó, việc trao đổi tù binh khó có thể thực hiện được. Và sau hơn bốn năm trong phòng biệt giam chịu đủ đòn tra tấn thể xác cũng như tinh thần, tình báo ngụy và CIA đã không thể nào khuất phục được ông.
Cũng trong cuốn Decent Interval của Frank Snepp có đoạn: "Ngay trước khi xe tăng Bắc Việt Nam tràn vào Sài Gòn, một quan chức cao cấp của CIA đã gợi ý với nhà chức trách Sài Gòn rằng, tiện nhất là cho y biến mất. Bởi vì Tài là một tay khủng bố có kinh nghiệm, nên khó có thể mong đợi y là một người thắng trận rộng lượng. Người Nam Việt Nam đồng ý. Tài bị đưa lên một máy bay và ném xuống biển Nam Hải từ độ cao mười ngàn bộ. Đến đây, thì ông ta đã trải qua hơn bốn năm bị biệt giam trong một phòng sơn trắng toát, và cũng chưa khi nào xác nhận một cách đầy đủ mình là ai cả". Đấy là kế hoạch thủ tiêu ông mà CIA đã bàn với chính quyền Sài Gòn. Frank nghĩ ông đã chết mất tích trên biển. Nhưng kế hoạch thủ tiêu ông đã không thực hiện được vì lúc đó Sài Gòn đã hoàn toàn rối loạn trước sự tấn công như vũ bão của quân đội ta, không đủ bình tĩnh và thời gian để đưa ông lên một chiếc trực thăng bay ra biển Đông để thủ tiêu ông. Sau này khi biết được kế hoạch CIA nhằm thủ tiêu ông thì ông nhớ lại bữa cơm ngày 26-4-1975. Khi ông bưng bát canh dưa lên, ông thấy có mùi lạ. Ông đã bỏ bữa cơm vì sợ bệnh đường ruột. Có lẽ do tình cờ vậy mà ông đã thoát chết chăng? 

  Sau khi ra khỏi tù, ông trở về tiếp tục công tác tại Bộ Công an với chức vụ Thứ trưởng. Và rồi ông bị đình chỉ công tác vì có một tài liệu nào đó nói ông đã bị CIA sử dụng cùng với những đoạn lập lờ thiếu lôgíc trong cuốn hồi ký của Frank Snepp. Đứng về nguyên tắc của tổ chức thì việc ông không được công tác ở Bộ Công an là đúng. Nhiệm vụ của tổ chức phải xác minh nguồn tin này. Tổ chức không thể để một Thứ trưởng Bộ Công an đang có nghi vấn bị CIA sử dụng làm việc. Sau đó ông được điều về công tác tại ủy ban Pháp luật Nhà nước, rồi làm Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan... và về hưu năm 1992. Sau chiến tranh, trường hợp hư hư thực thực của một số cán bộ bị địch bắt như ông không phải hiếm. Nhưng với ông, một trường hợp đặc biệt vì chức vụ cực kỳ quan trọng mà ông đang nắm giữ lúc bấy giờ. CIA cũng như nhiều cơ quan tình báo nào đó cũng có những trò chơi nghiệp vụ của họ. Nếu họ không sử dụng được một nhân vật quan trọng nào đó thì họ tìm cách vô hiệu hóa nhân vật đó.

  Nhưng ông đã không hề khủng hoảng tinh thần, vẫn với tính cách và bản lĩnh của mình, ông bình tĩnh và bền bỉ bảo vệ nhân cách trong sáng và sự trung thành với dân tộc của ông trong những năm tháng biệt giam. Chính vì thế mà năm 2002, nguyên Cố vấn Võ Văn Kiệt đã đề nghị với Nhà nước phong tặng ông danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân với hai lý do: Trung kiên bảo vệ Cách mạng trong nhà tù Mỹ - ngụy và dũng cảm bảo vệ nhân cách trong sáng của một đảng viên trước nhân dân.
 
 
Hoàng Lê


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 10 Tháng Tám, 2008, 11:25:32 am
91 - Uông Đông Hưng (thế kỷ XX)
Điệp viên-vệ sĩ của Mao Trạch Đông




  Uông Đông Hưng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Thái Hòa, tỉnh Giang Tây. Năm 1927, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lập căn cứ du kích ở núi Tĩnh Cương, tỉnh Giang Tây được ít lâu, Uông Đông Hưng gia nhập tổ chức "Hồng tiểu quỷ" của Đội thiếu niên Cộng sản. Năm 1933, Uông Đông Hưng được biên chế vào Hồng quân, làm cảnh vệ tại Cục Bảo vệ Quân khu Mân Tráng, mặc dù khi đó Uông chưa trải qua bất cứ một khóa đào tạo chính quy nào. Ít lâu sau, do sinh ra và lớn lên ở vùng núi Tĩnh Cương nên rất thông thạo địa hình vùng này, Uông được cử làm bảo vệ cho Mao Trạch Đông, nhiệm vụ này được coi là cái mốc quan trọng nhất trong cuộc đời chính trị của Uông.

  Rất mực trung thành với Mao, Uông không những chỉ bảo vệ an toàn cho Mao Trạch Đông, mà còn chăm sóc sức khỏe, nấu ăn và làm cần vụ cho Mao. Cảm kích trước lòng tận tụy của Uông đối với mình nên những lúc nhàn rỗi, Mao thường dạy Uông đọc và viết, đồng thời giáo dục lý luận cách mạng cho Uông. Từ giữa những năm 30 đến những năm 40 của thế kỷ XX, giữa Mao Trạch Đông và Uông Đông Hưng đã hình thành một mối quan hệ khăng khít và bền vững.   Tháng 1-1935, trong Hội nghị Tuân Nghĩa - hội nghị mang tính bước ngoặt - Mao Trạch Đông thay Chu Ân Lai giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Sau hội nghị này việc bảo vệ Mao Trạch Đông được tăng cường, Uông được giao đứng đầu 12 cảnh vệ để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Mao. Sau cuộc trường chinh, Uông được giao chỉ huy một đội cảnh vệ đặc biệt là "đội súng ngắn" với khoảng 30 tay súng trực thuộc Đoàn bảo vệ Trung ương. Sau năm 1949, Đoàn bảo vệ Trung ương được đổi thành Bộ đội 8341.

  Riêng về tên gọi 8341 có hẳn một truyền thuyết về nó. Khi Mao Trạch Đông ở Hương Sơn có gặp một vị đạo sư pháp thuật cao siêu, Mao hỏi đạo sư: "Khi nào thì mình vào Trung Nam Hải mới tốt?". Đạo sư không nói không rằng mà chỉ viết 2 số 99. Mao Trạch Đông lại hỏi: "Quyền vị của mình giữ được bao lâu?". Đạo sư lại viết con số 8341. Mao Trạch Đông không hiểu nổi các thuật số này, nhưng rất kính trọng đạo sư. Ngày 9-9-1949, Mao Trạch Đông vào ở Trung Nam Hải và đổi phiên hiệu đội bảo vệ của mình thành Đội 8341. Sau này, khi Mao Trạch Đông mất, hai thuật số đó mới được giải: Mao Trạch Đông mất ngày 9-9-1976, thọ 83 tuổi (1893-1976) và "trị vì thiên hạ" được 41 năm (1935-1976).

  Theo hồi ký của một số bảo vệ của Mao thì từ năm 1947, Uông đã được bổ nhiệm làm phó tham mưu trưởng phương diện quân, do Nhiệm Bách Thời làm tư lệnh, Diệp Tử Long làm tham mưu trưởng. Uông đã từng bảo vệ Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và một số cán bộ khác của Tổng bộ Trung ương Đảng rút khỏi Diên An trước những cuộc tiến công của quân Quốc dân đảng, do Hồ Tùng Nam chỉ huy. Tháng 10-1949, sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Uông Đông Hưng được bổ nhiệm làm phó văn phòng kiêm trưởng phòng bảo vệ Chính vụ viện (tiền thân của Quốc vụ viện). Sau đó ít lâu, Uông được cử làm phó cục trưởng Cục 8, thuộc Bộ Công an. Từ đó về sau, chức vụ của Uông thỉnh thoảng lại thay đổi, nhưng chức trách cơ bản vẫn như thế, tức là bảo vệ an toàn cho Mao Trạch Đông. Từ tháng 12-1949 đến tháng 2-1950, khi Mao Trạch Đông sang thăm Moscva, Uông là người tháp tùng phụ trách công tác bảo vệ bên cạnh Mao. Đây là lần đầu tiên Uông ra nước ngoài. Từ năm 1951-1958, Uông không hề xuất hiện trong bất cứ trường hợp công khai nào. Chỉ có một lần duy nhất báo chí Trung Quốc nhắc đến Uông khi đưa một đoạn tin ngắn của Tân Hoa Xã (ngày 28-12-1955): Uông Đông Hưng được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an, La Thụy Khanh làm Bộ trưởng. Song, hai chức vụ không công khai của Uông có thể khẳng định là quan trọng hơn và có quyền hành nhiều hơn. Đó là Uông làm Cục trưởng Cục Bảo vệ Trung ương Đảng, một tổ chức an ninh đặc biệt, có hành động độc lập tách khỏi các tổ chức an ninh và tình báo khác, mọi hoạt động của Uông chỉ chịu trách nhiệm trước Mao Trạch Đông; và chức vụ thứ hai là Đoàn trưởng kiêm Chính ủy   Bộ đội 8341. Mãi đến giữa những năm 70, Bộ đội 8341 mới đổi phiên hiệu thành 57001.

  Bộ đội 8341 có tới hàng vạn người, đảm nhiệm trọng trách bảo vệ an toàn cho Mao Trạch Đông, và bảo vệ các cơ sở quan trọng cũng như những nhân vật quan trọng của Quân - Chính - Đảng. Cơ quan an ninh do Uông Đông Hưng phụ trách còn là một đơn vị thu thập tin tức tình báo. Chính vì vậy mà Mao Trạch Đông biết được mọi thông tin về các mặt xã hội, chính trị, kinh tế cũng như cuộc sống "riêng tư" của những người mà Mao quan tâm. Có thể nói công tác bảo vệ và thu thập tin tức tình báo đã đặt cơ sở quyền lực cho Uông trong những năm về sau này, khi mà thế và lực của Uông đã vững chắc. Với danh nghĩa để bảo vệ an toàn cho Mao Trạch Đông, Uông có "quyền điều tra" rất lớn, làm cho các nhà lãnh đạo khác cũng phải kiêng nể.

  Có thể nói hai năm (1958-1960) là một bước thử thách mới trong sự nghiệp chính trị của Uông Đông Hưng khi Uông "bị đày" về làm phó tỉnh trưởng tỉnh Giang Tây - quê hương của Uông (Tỉnh trưởng khi đó là Thiếu Đức Bình). Tại đây, Uông được giao chủ quản ngành nông lâm và khai hoang, kiêm bí thư Đảng ủy Trường đại học Lao động Cộng sản chủ nghĩa mới được thành lập (tạm thời gác bỏ chức Thứ trưởng Bộ Công an). Sở dĩ có sự điều động này là vì trong thời gian đó, Mao Trạch Đông đang phát động phong trào "cán bộ xuống cơ sở, sĩ quan xuống tiểu đội" với mục đích hồi phục sức sống cách mạng cho cán bộ và cải thiện quan hệ giữa sĩ quan với binh lính. Chuyến đi thực tế này của Uông còn có một trọng trách khác là phối hợp với địa phương thành lập các công xã nông thôn và "cuộc đại nhảy vọt kinh tế quốc dân" trong cả nước theo chỉ thị của Mao Trạch Đông. Ngoài phạm vi công tác nông nghiệp, Uông còn tham gia chặt chẽ công tác xây dựng và quản lý Trường đại học Lao động Cộng sản chủ nghĩa Giang Tây. Đây là trường kết hợp công - nông nghiệp không chính quy, gồm các chương trình tiểu học, trung học và đại học, đối tượng chiêu sinh là cán bộ trẻ và trung niên, vừa học, vừa làm. Nhưng đến năm 1961, số phận của trường đại học này bị đe dọa. Vì sau khi "cuộc đại nhảy vọt" bị thất bại, Lưu Thiếu Kỳ đã ra lệnh cho các trường, viện không chính quy phải giải tán. Uông đã yêu cầu Mao Trạch Đông cứu vãn "sản phẩm kết tinh" đó. Ngày 30-7-1961, Mao đã viết một bức thư gửi cho trường này, xác định "phương hướng giáo dục" và đánh giá cao thành tích của nhà trường đã đạt được trong thời gian qua, thậm chí kêu gọi các tỉnh, thành khác phải học tập kinh nghiệm của trường này.

  Mặc dù khá bận rộn với công tác tại Giang Tây, nhưng kể từ tháng 12-1960, Uông đã được chính thức tái bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an do Bộ trưởng Tạ Phú Trị lãnh đạo. Từ năm 1961-1965, tên tuổi của Uông rất ít xuất hiện trên báo chí. Mùa hè năm 1966, cuộc Cách mạng văn hóa bước vào một giai đoạn mới. Tháng 8, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc triệu tập một cuộc họp toàn thể. Tại thời điểm đó, Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình đã bị tước đoạt mọi quyền lực. Mao Trạch Đông và những người ủng hộ ông tiếp tục quản hạt "địa bàn" của mình. Và chức chánh văn phòng Trung ương Đảng đã được Uông Đông Hưng tiếp quản, đây là một bước ngoặt quan trọng thứ hai trong sự nghiệp chính trị của Uông Đông Hưng. Tại thời điểm đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã bị "đóng cửa" (từ mùa hè năm 1966) nên Văn phòng Trung ương đã tiếp quản hầu như tất cả những công việc quan trọng của Ban Bí thư. Sau khi hủy bỏ văn phòng của "Tổ Cách mạng văn hóa" do Trần Bá Đạt cầm đầu và "Văn phòng hành chính" cùng Quân ủy Trung ương do Lâm Bưu khống chế, thì quyền lực của Uông Đông Hưng càng được mở rộng thêm. Văn phòng Trung ương do Uông Đông Hưng cai quản đã điều tiết hầu như tuyệt đối chương trình nghị sự hằng ngày của các cấp trong Trung ương. Ngoài việc được "nâng cao uy tín" trong Đảng, Uông Đông Hưng còn từng bước mở rộng ảnh hưởng của mình trong hệ thống Công an. Uông Đông Hưng chưa từng công khai phát biểu cổ động cho Cách mạng văn hóa, nhưng ông ta là người kiên quyết ủng hộ đến cùng mọi ý tưởng của Mao Trạch Đông. Trong Cách mạng văn hóa, quyền lực của Uông Đông Hưng được tăng dần theo tháng năm. Mọi người đều biết tới "Sự kiện Vũ Hán" xảy ra tháng 7-1967 là một vụ binh biến do quân đội tiến hành, nhưng rất may nó đã được dập tắt nhờ công lao của Chu Ân Lai. Sau sự kiện đó, Uông Đông Hưng đã được bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm Tổ Cách mạng văn hóa của quân đội nhằm tăng thêm "tai mắt" của Mao Trạch Đông trong quân đội.
Có một điều đáng chú ý là trong những năm 60, Uông Đông Hưng "hình như" có quan hệ khá mật thiết và chặt chẽ với Lâm Bưu và Giang Thanh, nhất là trong thời kỳ từ 1966-1968 - cao trào của cuộc Đại cách mạng văn hóa (khi đó, Mao Trạch Đông và Lâm Bưu hợp tác thân mật và chặt chẽ với nhau). Nhưng vốn là người trung thành với Mao nên Uông Đông Hưng đã đứng về phía Mao, chống lại Lâm Bưu khi Mao Trạch Đông và Lâm Bưu xảy ra xung đột. Trong thời kỳ Uông làm vệ sĩ trưởng cho Mao có một vụ "tự sát" bí hiểm: Tối ngày 22-5-1966, Điền Gia Anh, thư ký chính trị của Mao Trạch Đông kiêm Phó chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, đã tự tử ở Hải Yến Đường. Đây là vụ tự sát nổi tiếng ở Trung Nam Hải. Từ năm 1948, Điền là trợ thủ đắc lực, chuyên thảo các văn bản cho Mao Trạch Đông. Sau Hội nghị Lư Sơn năm 1959, giữa Mao và Điền đã xảy ra nhiều mâu thuẫn, ngăn cách, Điền đã nhiều lần đề nghị được chuyển công tác nhưng không được Mao chấp thuận vì Điền biết quá nhiều bí mật về Mao. Đêm hôm Điền tự sát, Uông Đông Hưng, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng kiêm Đội trưởng Đội bảo vệ, đã cử người đến nhà Điền tuyên bố đình chỉ công tác của Điền và lục soát nhà, lấy đi các văn kiện giấy tờ và tuyên bố cả gia đình Điền từ mai "ra khỏi Trung Nam Hải". Có người cho rằng, không phải Điền tự tử mà là bị giết. Tiếp đến là vụ Thứ trưởng Bộ Công an Lý Chấn bị "hãm tử" trong đường hầm từ Trung Nam Hải đến Đại lễ đường Nhân dân. Địa đạo là khu vực bảo vệ đặc biệt. Chỉ có 3 người là Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Lâm Bưu sử dụng. Chu Ân Lai có cho phép Trần Nghị, Giang Thanh, Khang Sinh, Trần Bá Đạt dùng. Ngoài ra, còn có Bộ trưởng Bộ Công an Tạ Phú Trị, Thứ trưởng Bộ Công an Lý Chấn và Uông Đông Hưng, vệ sĩ trưởng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, là những người biết tới con đường địa đạo này, nhưng rồi Lý Chấn lại bị "hãm tử". Lý Chấn xuất thân từ Dã chiến quân 2 của Lưu Bá Thừa và Đặng Tiểu Bình, từng là Đội trưởng Đội bảo vệ chính trị của Dã chiến quân 2, là một tướng trí dũng song toàn, được cả Đặng Tiểu Bình và Lưu Thiếu Kỳ yêu mến, nhưng lại bị chết trong tay Tạ Phú Trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Để thanh trừ "hiểm họa" trong Đội bảo vệ chính trị của Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, tốp "đặc nhiệm" trong Trung Nam Hải - Đội 8341 - đã cấm ngặt không cho bất kỳ ai được mang theo vũ khí, do đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lý Chấn đã bị 3 tên võ thuật cao siêu hãm chết trong địa đạo.

  Trong cuộc Cách mạng văn hóa, Đơn vị 8341 của Uông Đông Hưng đã bắt giữ Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Bành Chân, La Thụy Khanh, Dương Thành Vũ và nhiều nhà lãnh đạo khác. Sau khi bị bắt, tất cả những người này đều "được" Uông Đông Hưng canh giữ trong "Nhà khách đặc biệt" ở Bắc Kinh hoặc tại Trường Cán bộ 725 ở Giang Tây. Nghe nói, Uông Đông Hưng thường xuyên "đến thăm", kiểm tra "tình hình tư tưởng" của những người này và truyền đạt "sự quan tâm" của Mao Trạch Đông đối với sự "tiến bộ" của họ trong việc "tái cải tạo". Tháng 4-1969, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 9 đã họp và Uông Đông Hưng được bầu làm ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị - một chức vụ không nhỏ (sau này Uông Đông Hưng được cử vào Bộ Chính trị để cùng với Hoa Quốc Phong cộng tác làm việc). Trong thời kỳ 1969-1970, Đơn vị 8341 được báo chí Trung Quốc tâng bốc thành đơn vị kiểu mẫu về mọi mặt và Uông Đông Hưng là một người rất có ý thức kỷ luật. Nhưng Uông Đông Hưng lại không cho báo chí tiết lộ ông ta là tư lệnh và chính ủy của đơn vị đó. Tháng 9-1971, sau khi Lâm Bưu bị chết vì "tai nạn máy bay" trên đường chạy trốn, Uông Đông Hưng được bổ nhiệm làm thành viên trong tổ chuyên án điều tra tội ác của "tập đoàn phản đảng Lâm Bưu, Trần Bá Đạt". Ngoài Uông Đông Hưng, tổ chuyên án còn có Diệp Kiếm Anh, Lý Đức Sinh, Trương Xuân Kiều, Kỷ Đăng Khuê và Trần Tích Liên (về sau được bổ sung thêm Hoa Quốc Phong và Vương Hồng Văn). Mặc dù vậy, Uông Đông Hưng vẫn luôn ra sức duy trì quan hệ tốt - bảo vệ an toàn cho một số nhà lãnh đạo lão thành như Đặng Dĩnh Siêu (vợ Chu Ân Lai), Đặng Tiểu Bình (giúp Đặng Tiểu Bình trốn khỏi Bắc Kinh)... Chính vì vậy mà khi Mao Trạch Đông chết, Đặng Tiểu Bình quay lại chính trường, Uông Đông Hưng vẫn là nhân vật mà tất cả "mọi người" đều phải cần tới. Có tin nói rằng, sau khi Lâm Bưu bị buộc tội tìm cách ám sát Mao Trạch Đông vào năm 1971, Giang Thanh đã lên án đơn vị 8341 là không đáng tin cậy, nhưng lời buộc tội này của Giang Thanh đã bị Mao Trạch Đông bác bỏ.

  Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, Uông Đông Hưng đã quay lại đối phó với "bè lũ bốn tên". Đã có người nói rằng, nếu như "bè lũ bốn tên" được sự giúp sức của Uông Đông Hưng thì biết đâu chính cục Trung Quốc đã khác... Nhưng có người lại cho rằng, bản thân Uông Đông Hưng thấy rõ "bè lũ bốn tên" đã tạo dựng lên quá nhiều kẻ thù, nếu đứng về phía "bè lũ bốn tên" thì không những bị đánh bại, mà còn mất tất cả vốn liếng chính trị mà Uông đã tạo dựng bấy lâu nay. Cuối cùng, Uông quyết định đi theo "phò tá" Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình.

  Đại hội Đảng lần thứ 11 (tháng 8-1977) đã thừa nhận công lao và tác dụng của Uông Đông Hưng trong cuộc đấu tranh với "bè lũ bốn tên" nên Uông đã được bầu làm một trong bốn phó chủ tịch Đảng - trở thành người lãnh đạo tối cao, đứng hàng thứ 5, chỉ sau Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình và Lý Tiên Niệm. Như vậy là Uông Đông Hưng từ một vệ sĩ của Mao Trạch Đông đã trở thành nhân vật số 5 trong Đảng, là một kỳ tích ít người làm được. Thành công nhất của Uông Đông Hưng chính là ở chỗ, bất kể là Lâm Bưu, Giang Thanh hay Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh... họ đều trọng dụng ông ta, mặc dù ông ta đã từng "thân" với người này, "sơ" với người kia, thậm chí "đắc tội" với những người đã từng bị bắt thời kỳ Cách mạng văn hóa. Mặc dù vậy, Uông Đông Hưng vẫn luôn là một trong những nhân vật bí hiểm nhất trong số hàng ngũ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trang Cường


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 11 Tháng Tám, 2008, 07:17:18 pm
92 - Mười Hương (thế kỷ xx)
Một huyền thoại của Tình báo Việt Nam

(http://www2.vietnamnet.vn/dataimages/200609/original/images1104495_10huong.jpg)

   Trần Ngọc Ban (tên thật của nhà tình báo Mười Hương) sinh ra trong một gia đình có thế lực ở Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Tiếng là tư sản, tuy nhiên cha ông, nhà thầu khoán Trần Ngọc Tân lại mang nhiều nét chất phác, cần kiệm của người nông dân Bắc Bộ. Cậu bé Trần Ngọc Ban được cha cho đi học chữ Nho từ khi còn nhỏ. Thầy dạy của Ban chính là đồng chí Nguyễn Đức Quỳ, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, người đã giác ngộ Trần Ngọc Ban và đưa cậu đến với Cách mạng. Với cậu, Chủ nghĩa xã hội một cái gì đó thật tuyệt vời, lung linh huyền ảo. Mới 14, 15 tuổi, Ban đã tích cực tham gia phong trào Thanh niên dân chủ. Học hết lớp nhất tại trường tiểu học Phủ Lý, Trần Ngọc Ban chuyển lên Hà Nội nhập học ở trường dòng phố Nhà Chung. Thời gian này anh đổi tên là Hương (sau này khi vào Nam công tác, anh mới được gọi là Mười Hương), nhiệt tình tham gia phong trào Hướng đạo và Hội truyền bá quốc ngữ. Học được hơn hai năm, đến năm 1941 thì Mười Hương bị bắt vì tội treo cờ Cộng sản và rải truyền đơn kêu gọi ủng hộ Hồng quân Liên Xô. Mười Hương bị tống giam vào Hỏa Lò hơn một năm, sau đó bị đem ra xét xử tại tòa án binh của Pháp. Do chưa đến tuổi thành niên, mặt khác, anh trai Mười Hương cũng là một nhà thầu khoán có quan hệ rộng đã bỏ tiền lo lót cho em, anh được trả tự do. Mười Hương được phóng thích có mang theo một lá thư của chi bộ trong tù giới thiệu anh với Ban thường vụ Trung ương. Mười Hương được sắp xếp cho đi học một lớp chính sách mới tại Bắc Ninh, sau đó anh được cử về công tác tại Ban cán sự Phúc Yên. ở trên đó một thời gian thì đồng chí Trường Chinh rút Mười Hương về An toàn khu.

  Bối cảnh thế giới lúc đó hết sức phức tạp, phát xít Đức đã nuốt chửng hàng loạt nước châu Âu và đang dồn sức tấn công Liên Xô. Nước Pháp sụp đổ và chia rẽ, De Gaulle phải lưu vong sang nước Anh lập chính phủ kháng chiến. Mười Hương được đồng chí Trường Chinh đặc trách giao cho việc giao thiệp với những người Pháp thuộc phái De Gaulle ở Đông Dương nhằm tranh thủ cảm tình của họ đối với phong trào dân tộc ở thuộc địa. Trong đội ngũ lính lê dương của Pháp có một chi bộ Cộng sản của những người thuộc đảng Xã hội do một người Đức tên là Frey làm đại diện. Mười Hương đã tiếp cận được với Frey và khai thác được khá nhiều tin tức hữu ích. Sau đó, anh còn tổ chức thành công cuộc gặp giữa đồng chí Trường Chinh với nhóm những người Xã hội Pháp (trong đó có Caput, Chánh thanh tra học chính Bắc Kỳ, vốn là Bí thư đảng Xã hội Pháp tại Đông Dương, Frey, Borchers, Seyberlych và Thiếu tá Auriol, đại diện của tướng Mordant, chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ), để bàn về sự hợp tác tiến tới thành lập mặt trận chung chống phát xít. (Sau này Frey và Borchers đã rời bỏ hàng ngũ, đi theo những người Việt Nam kháng chiến chống Pháp, Borchers lấy tên Việt là Chiến Sĩ, còn Frey trở thành đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Dân).

  Hà Nội vừa giành chính quyền thành công, đồng chí Nguyễn Lương Bằng giao cho Mười Hương việc tổ chức ra báo Cờ giải phóng của Đảng. Mười Hương cũng là một trong những người đóng góp tích cực trong thành công của buổi lễ Tuyên ngôn độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phụ trách vấn đề an ninh bảo vệ.

  Kháng chiến bùng nổ, Trung ương lập G.L.A (Giao thông-Liên lạc-An toàn khu), đảm trách nhân khẩu báo chí, duy trì thông tin liên lạc từ Trung ương đi các chiến khu. Mười Hương về công tác tại bộ phận này từ năm 1946 đến 1948. Năm 1949, cuộc đời ông rẽ sang một bước ngoặt mới. Trên thực tế, một số nhiệm vụ Mười Hương làm trước đó đã ít nhiều mang màu sắc tình báo nhưng ông không hề ý thức được khả năng thiên phú của mình trong lĩnh vực này và cũng chưa khi nào nghĩ rằng mình lại trở thành một nhân viên tình báo. Tình cờ một lần ông Trần Hiệu, Phó tổng giám đốc Nha Công an phụ trách tình báo gặp Mười Hương và lập tức nhận ra đây chính là người mà ông cần. Trần Hiệu bèn xin Mười Hương về với mình và được đồng chí Trường Chinh chấp thuận.

  Sau một thời gian dài đi biệt phái, lăn lộn dưới các địa phương, Mười Hương nhận được một bức điện của Trung ương với nội dung: "Về ngay Văn phòng Trung ương". Khi đó quân đội viễn chinh Pháp đã bị đánh quỵ tại trận Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ mang lại hòa bình cho Đông Dương sắp được ký kết. Ông vội vã thu xếp công việc, lên đường trở về chiến khu Việt Bắc.

  Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của phong trào cách mạng miền Nam, đồng chí Lê Đức Thọ xin Trung ương biệt phái một cán bộ công tác địch hậu và người này phải có khả năng tranh thủ được giới trí thức tầng lớp trên. Xét thấy Mười Hương phù hợp với nhiệm vụ này, đồng chí Trường Chinh xin ý kiến của Bộ Chính trị, Hồ Chủ tịch và nhận được sự đồng tình ủng hộ. Hai đồng chí Trường Chinh và Phạm Văn Đồng gặp, trao nhiệm vụ cụ thể cho Mười Hương. Đích thân Bác Hồ cũng dự cuộc gặp quan trọng này. Mười Hương gấp rút về sửa soạn chờ ngày lên đường. Ông ở nhà mấy hôm với vợ cùng cô con gái út và không khỏi suy nghĩ nhiều về trách nhiệm người chồng, người cha. Ông không thể tiết lộ công việc của mình dù ngay cả với những người thân yêu nhất. Ông chỉ nói với người vợ rất đỗi yêu quý rằng mình sắp đi công tác xa một thời gian.

  Vừa chân ướt chân ráo vào đến nơi, đang lo lạ nước lạ cái, Mười Hương gặp ngay ông Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh Quân khu 9, từng là bạn tù với nhau trước kia. Ngoài ra, Xứ ủy Nam Kỳ, ông Lê Toàn Thư cũng tỏ ra tâm đầu ý hợp với Mười Hương khiến ông vững dạ. Ông bắt đầu vào việc ngay với hai ông Mai Chí Thọ và Cao Đăng Chiếm. Công việc đầu tiên là mở lớp huấn luyện tình báo, học viên chủ yếu tuyển lựa trong lực lượng Công an. Thấm thoắt 6 tháng trôi qua, khóa huấn luyện đã kết thúc và cũng đến lúc Mười Hương phải quay ra Bắc. Nhưng đồng chí Lê Đức Thọ nói: "Xứ ủy xin anh ở lại, anh tính sao?". Mười Hương trả lời: "Nếu Trung ương đồng ý thì tôi sẽ ở lại". Vấn đề được trên chấp thuận, Mười Hương được phân công vào Ban Địch tình Xứ ủy, tiếp tục mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ tình báo góp phần phục vụ cho yêu cầu của phong trào cách mạng.

  Sau khi đã ổn định chỗ đứng trong vai một giáo viên dạy tư tại Sài Gòn, Mười Hương tìm cách bắt liên lạc lại với Vũ Ngọc Nhạ, người mà ông đã gây dựng từ trước khi vào Nam. Sau khi ký kết Hiệp định Giơnevơ, làn sóng giáo dân di cư vào Nam bắt đầu, những đơn vị quân đội Pháp cũng lần lượt rút đi. Đây thực sự là cơ hội tốt để có thể cài người của ta vào tìm hiểu tình hình bên kia giới tuyến. Vũ Ngọc Nhạ hồi đó đang là lính công binh trong quân đội Pháp, đồng thời cũng có chân trong Thị ủy thị xã Thái Bình. Mười Hương đã qua ông Nghĩa, Bí thư tỉnh Thái Bình để gây dựng Vũ Ngọc Nhạ, ém mình chờ thời chuẩn bị cho những kế hoạch lâu dài.   Mười Hương suy xét kỹ tình hình và thấy rằng, mặc dù Mỹ đổ tiền của vào dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm nhưng không phải đã nắm được tất cả, đặc biệt là các phe phái tôn giáo. Thiên Chúa giáo ở miền Nam bị chia rẽ sâu sắc, giám mục Lê Hữu Từ ở giáo xứ Phát Diệm là người của Pháp nhưng Phạm Ngọc Chi, giáo xứ Bùi Chi lại thân Mỹ. Anh em Ngô Đình Diệm muốn kéo Lê Hữu Từ về với mình nhưng ông ta không chịu nên xứ đạo Bình An bị Diệm - Nhu o ép cực khổ đủ bề. Theo gợi ý của Mười Hương, Vũ Ngọc Nhạ vốn là giáo dân đã khôn khéo chiếm được thiện cảm của Lê Hữu Từ và trở thành người đại diện của vị giám mục này trong việc giao thiệp với chính quyền Ngô Đình Diệm. Với vị thế sẵn có, Vũ Ngọc Nhạ dần dần gây được ảnh hưởng đối với anh em Diệm - Nhu, để rồi trở thành "Ông cố vấn" thân cận của chế độ gia đình trị của anh em nhà Ngô Đình Diệm. Ông đã triệt để khai thác những mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Diệm, cũng như những mâu thuẫn giữa chính quyền với các phe phái khác, lập những chiến công xuất sắc mà chúng ta đã biết qua tác phẩm “Ông cố vấn” của nhà văn Hữu Mai.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Mười Hương còn có một chiến sĩ điệp báo xuất sắc khác là Lê Hữu Thúy (tức Lê Nguyên Vũ), hoạt động trong lưới tình báo chiến lược H10-A22. Lê Hữu Thúy là một minh chứng hùng hồn cho quan điểm về lợi dụng, khai thác mâu thuẫn trong lòng kẻ địch của nhà tình báo Mười Hương. Cũng là một trí thức gốc Bắc di cư vào, Lê Hữu Thúy có một số bạn bè hiện đã nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền Ngô Đình Diệm. Qua Huỳnh Văn Trọng, Đổng Lý Văn phòng Bộ Nội vụ Chính phủ Ngô Đình Diệm, với vốn trí thức quảng bác và năng lực bẩm sinh của một chiến sĩ tình báo, Lê Hữu Thúy đã giành được thiện cảm của Tổng trưởng Nội vụ Huỳnh Văn Nhiệm. Nhiệm tin cậy, cử Lê Hữu Thúy làm "công cán ủy viên" của Bộ Nội vụ liên lạc với các phe Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo theo "chức phận" của mình, Lê Hữu Thúy đã chiếm được lòng tin tuyệt đối của thủ lĩnh Bình Xuyên Bảy Viễn và tướng Hòa Hảo Năm Lửa. Năm Lửa tin và nể phục tài năng của Lê Hữu Thúy đến mức phong ông làm cố vấn đặc biệt cho mình. Lê Hữu Thúy đã "khích" cho các tổ chức Cao Đài, Bình Xuyên, Hòa Hảo bất hòa với Diệm. Năm Lửa, Bảy Viễn đồng loạt từ chức, rút lui khỏi chính phủ, thành lập "Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia" chống Diệm. Anh em nhà họ Ngô đã phải mất hai năm trời, hao tổn rất nhiều tiền của và binh lực mới tạm dẹp yên được những viên tướng nổi loạn. Ý đồ chiến lược của Trung ương đã thành công, trong khi Diệm lo bình định các phe phái cát cứ, Cách mạng miền Nam đã có đủ thời gian, điều kiện xây dựng và củng cố lực lượng, đưa phong trào đấu tranh lên một tầm cao mới.
Tìm hiểu kỹ con người Ngô Đình Diệm, Mười Hương đã khuyên Phạm Ngọc Thảo nên lợi dụng chiêu bài "tinh thần yêu nước và chính nghĩa quốc gia" của Ngô Đình Diệm để tiếp cận Ngô Đình Diệm. Quả nhiên bằng cách này, Phạm Ngọc Thảo đã chiếm được thiện cảm đặc biệt của Diệm. Diệm hết sức trọng dụng, cử Phạm Ngọc Thảo làm tỉnh trưởng Bến Tre với những đặc quyền trước nay chưa từng dành cho ai. Diệm tín nhiệm gửi ông ra nước ngoài học tập. Phạm Ngọc Thảo đã chui sâu, leo cao trong chính quyền ngụy Sài Gòn. Ông đã tiến hành cuộc đảo chính tháng 2-1965 nhằm lật đổ Nguyễn Khánh nhưng bất thành, ông bị bắt và bị địch sát hại.

  Một thành công nữa của nhà tình báo Mười Hương là đã gây dựng được một điệp viên vô cùng lợi hại ngay trong Văn phòng đại diện của tuần báo Time tại Sài Gòn. Mười Hương nhớ năm 1946, Bác Hồ có nói với đồng chí Trường Chinh rằng, nhà báo là người rất có thế lực. Nhà báo có thể tiếp xúc với bất kỳ hạng người nào trong xã hội, kể cả gặp tổng thống cũng không phải việc khó khăn và nhờ đặc thù nghề nghiệp có thể nắm được rất nhiều thông tin. Hồi đó, Hai Trung (tên thật là Phạm Xuân Ẩn) đang làm thư ký trong một công sở. Ông rất thông minh, giỏi tiếng Anh và thường đi làm phiên dịch cho người Mỹ, rất được người Mỹ quý mến, tín nhiệm. Ký ức về câu chuyện của Hồ Chủ tịch năm nào đã gợi cho Mười Hương một ý tưởng táo bạo. Ông đề nghị Hai Trung đi Mỹ học nghề báo để phục vụ yêu cầu của cách mạng. Từ Mỹ trở về, Hai Trung vào làm việc cho Văn phòng đại diện của tuần báo Time ở Sài Gòn. Với vị thế hết sức thuận lợi, Hai Trung có cơ hội tiếp xúc với nhiều nhân vật thuộc giới chóp bu của cả Mỹ và ngụy quyền. Chính ông là người nắm được và thông báo kịp thời cho Trung ương những chuyển hướng chiến lược quan trọng của Mỹ - ngụy như chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh, để trên kịp thời điều chỉnh, giáng những đòn chí mạng, bẻ gãy mưu đồ thâm hiểm của chính quyền ngụy và quan thầy Mỹ.
 
 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 11 Tháng Tám, 2008, 07:17:37 pm
  Tháng 6-1958, Mười Hương không may rơi vào tay bọn mật vụ của gia đình họ Ngô. Tai họa khởi nguồn từ việc một cán bộ tập kết tên là Tam được trên bí mật phái từ Bắc vào phối hợp hoạt động trong mạng lưới tình báo chiến lược do Mười Hương phụ trách. Khi đi qua Quảng Trị, Tam bị đám đặc vụ của Ngô Đình Cẩn bắt. Không chịu nổi đòn tra tấn, Tam đã sớm chiêu hồi và khai hết mục đích chuyến về Nam của y. Tam bị khống chế, hợp tác với Cẩn, trở thành một con bài trong ván cờ mà Cẩn sắp đặt. Tam vào Sài Gòn đúng theo kế hoạch, không một ai trong các đồng chí của y phát hiện ra sự phản bội và y đích thực là một con rắn độc trong hàng ngũ. Tuy nhiên, qua một số biểu hiện bất bình thường, với linh cảm của người chỉ huy tình báo phải sống giữa bầy sói, luôn phải đối phó với bao cạm bẫy nguy hiểm xung quanh và cái chết thường trực, Mười Hương đã cảm nhận có điều gì bất ổn ở con người này. Đã có lúc, ông toan báo cáo cấp trên và cắt liên lạc với y nhưng những biểu hiện trên lại chưa đủ xét đoán và kết tội một con người, hơn nữa từ khi Tam vào cũng chưa xảy ra chuyện gì nghiêm trọng. Mười Hương quyết định theo dõi Tam thêm một thời gian, ông tự nhủ từ nay phải thận trọng hơn và ông đã phải trả giá cho sự trù trừ của mình.

  Bẵng đi một dạo, do nhu cầu công việc nên Mười Hương vẫn phải gặp Tam. Ông hẹn gặp y song vẫn cảnh giác đề phòng. Cuộc hẹn thứ nhất được ấn định tại một địa điểm ở Bà Chiểu, nhưng Mười Hương không đến. Cơ sở báo cáo lại rằng có thấy Tam tới chờ khá lâu, mãi mới lủi thủi quay về, cũng không thấy ai lảng vảng xung quanh khu vực này. Cuộc hẹn thứ hai diễn ra tại một cây xăng thuộc quận Phú Nhuận, lần này người không đến là Tam. Sau hai lần hẹn mà không gặp được nhau, Mười Hương cho Tam biết ông sẽ gặp y ở một nhà cơ sở tại Gò Vấp. Đó là một căn nhà nằm sâu trong ấp, khá kín đáo. Mặc dù 9 giờ mới tới giờ hẹn, nhưng Mười Hương đến điểm hẹn lúc 8 giờ. Ông đảo qua một vòng, thấy ám hiệu đúng, không thấy động tĩnh gì khả nghi. Đúng giờ, Tam xuất hiện. Mười Hương hỏi: "Sao lần trước hẹn gặp mà anh không đến?". Tam lấy cớ biện bạch nhưng trông mắt rất thiếu tự nhiên. Mười Hương nhận ra rất nhanh đằng sau vẻ lúng túng của y đang che giấu âm mưu gì đó. Ông chìa cho Tam mấy tờ báo: "Gặp nhau ở chỗ này e không tiện, hẹn anh ở cây xăng lần trước". Dứt lời, ông sải bước. Vừa ra tới đường, thình lình một tiếng còi lanh lảnh huýt lên, bốn năm gã lực lưỡng nấp sẵn ùa tới trói quặt tay ông ra sau lưng, rồi choàng lên mắt ông một cặp kính tròng đen đã bị sơn kín. Mười Hương bị tống vào một chiếc xe bịt bùng và chạy thẳng. Tuy không nhìn thấy gì, song qua tiếng gió khi xe chạy qua cầu, Mười Hương nhận thấy chúng đưa ông ra ngoại ô. Xe đỗ xịch, bọn mật vụ chẳng nói chẳng rằng đẩy Mười Hương vào một gian nhà tồi tàn, sập cửa lại, bên ngoài có một tên ôm súng gác. Ông nhận ra đó là khu nhà kho của thủ lĩnh Bình Xuyên Bảy Viễn trước đây ở Khánh Hội. Khoảng 9 giờ 30 phút, cửa mở, một tên lạ mặt bước vào. Hắn kéo ghế ngồi, nhìn Mười Hương bằng cặp mắt sắc lạnh: "Ông tên gì?", Mười Hương đáp: "Ông coi thẻ căn cước của tôi rồi còn gì". Cái nhìn của kẻ thẩm vấn như khoan vào ông: "Không phải, ông bịp tụi tôi. Người ta đã khai hết về ông rồi. Ông là HG". Mười Hương hơi chột dạ, đây là hai chữ viết tắt tên ông mà ông thường dùng khi gửi các báo cáo cho cấp trên. Không lẽ chúng biết tường tận về ông đến thế? Tên lạ mặt thấy dường như nắn gân như thế là đủ, hắn đi ra. Đầu óc Mười Hương căng như sợi dây đàn... 9 giờ tối, Khanh, Giám đốc Sở hoạt vụ và Dương Văn Hiếu, Giám đốc Cảnh sát đặc biệt của Ngô Đình Diệm tới gặp Mười Hương. Hiếu được Mỹ đào tạo, nổi tiếng là một kẻ nham hiểm. Hiếu và Khanh làm như đến thăm một người bạn cố tri, sau một hồi tán chuyện như vô tình hỏi: "Có phải ông là Mười Hương không?". Rồi không chờ ông trả lời, hai tên ra sức ca ngợi Mười Hương là một chỉ huy tình báo Việt Cộng tài giỏi và xuýt xoa: "Các ông Minh Vân và ông Hội bị bắt trước ông khen ông lắm đấy". Mười Hương biết thừa chúng dùng đòn cân não để hù tinh thần. Ông điềm tĩnh đáp: "Phải, tôi chính là Mười Hương đây. Các ông muốn gì?" Hai vị khách đưa mắt nhìn nhau. Mười Hương dõng dạc tiếp lời: "Bây giờ tôi đã là tù nhân của các ông. Tuy nhiên tôi tuyên bố có ba điều tôi quyết không làm dù có chết: Thứ nhất là tôi bị bắt không bao giờ tôi khai; thứ hai là không khi nào nói xấu Cụ Hồ; không nói xấu và chống miền Bắc là điều thứ ba." Hiếu và Khanh tái mặt, nói ba láp dăm câu ba điều rồi lủi mất.
Hôm sau Mười Hương mới biết nơi này là trại giam của Ngô Đình Cẩn, các phòng khác đều có người bị nhốt. Khi tên gác dẫn ông đi tiểu, Mười Hương phát hiện thấy có mấy người quen đang ngồi đánh cờ. Ông nói: "Các ông chơi cờ vui quá nhỉ, coi chút được không?", miệng nói, chân ông xáp ngay lại khiến tên gác không kịp ngăn. Một người nói nhỏ: "Thằng Tam nó tố anh từ lâu rồi. Nó cũng đang bị nhốt ở đây". Mười Hương hiểu ngay vấn đề. Vậy là khẳng định được Tam chính là kẻ phản bội, bán đứng anh em đồng đội. Tuy nhiên đối với hạng người này, Cẩn rất khinh và không tin hoàn toàn nên đã cho bắt giam cả Tam để xét hỏi kỹ càng.

  Bị giam cạnh phòng Mười Hương là ông Hoàng, Trưởng phòng tình báo Khu V. Mười Hương viết một bức thư, đại ý: "Thế nào người ta cũng giết tôi thôi. Nhưng "Nhân sinh tự cổ thủy vô tử. Tử ư quốc sự tử do sinh". Tôi chỉ yêu cầu sau này có gặp vợ con tôi thì nói lại tôi chết rất thảnh thơi, hy vọng con cái học tốt". Viết xong, Mười Hương tìm cách búng thư vào cho ông Hoàng. Ông Hoàng thư lại: "Anh không nên nói thế. Có thể chúng sẽ đưa anh ra Huế". Quả nhiên ông Hoàng nói đúng. Mấy hôm sau, Mười Hương bị áp giải ra sân bay, tống lên một chiếc máy bay quân sự, đưa thẳng ra Huế. Ông bị giam ở nhà lao Tòa Khâm khét tiếng của "hung thần miền Trung" Ngô Đình Cẩn. Bắt được một nhân vật quan trọng như Mười Hương, Cẩn rất muốn gặp nhưng lại sợ bị sỉ nhục sẽ không kiềm chế nổi bản thân dẫn đến hỏng việc lớn nên y sai Lê Khắc Duyệt, Giám đốc Cảnh sát Trung phần thay mình xử lý vụ này. Thoạt đầu, chúng cho tên chiêu hồi như Thống, Trưởng ban kinh tài Khu V, Đạt là Phó bí thư Thừa Thiên và một tiểu đoàn trưởng tên là Thưởng... đến dùng lời lẽ ngon ngọt thuyết phục, lôi kéo Mười Hương "về với chính nghĩa quốc gia". Những người này không những không thành công mà còn bị chính Mười Hương dồn cho cứng lưỡi và bị thuyết phục lại. Chúng lại cho những tên khác thay nhau đến, đấu khẩu thâu đêm với Mười Hương với mục đích quần cho ông mệt, suy sụp về thể xác sau đó là suy sụp về tinh thần, cuối cùng phải đầu hàng. Nhưng thấy cũng không ăn thua chúng chuyển sang nhiều chiêu hành hạ khác. Xem ra gặp phải một đối thủ quá rắn, không dễ gì lung lạc được, bọn chúng tống ông vào phòng tối suốt 24/24 tiếng không thấy ánh sáng Mặt Trời. Một hôm, tầm 9 giờ sáng, bốn tên lực lưỡng hầm hầm bước vào phòng giam. Chúng đóng ập cửa lại rồi thi nhau đấm đá Mười Hương túi bụi khiến ông hộc cả máu mồm, máu mũi, ngất lịm đi. Ngày hôm sau, bọn đao phủ dùng gậy mây đánh ông thừa sống thiếu chết, rồi gí điện. Dã man hơn, chúng dằn ngửa nạn nhân trên ghế dài, vừa đánh vừa đổ nước, ném một mảnh khăn phủ mặt khiến người bị tra tấn thở không được, nước xộc lên mũi lên óc, đánh đến khi bất tỉnh nhân sự mới ngừng tay. Dù bị đánh rất dữ nhưng Mười Hương cương quyết không chịu hé răng khai một lời.

  Những trận đòn dữ dội chấm dứt sau hai tuần lễ. Một hôm, Cẩn cho tay chân đưa Mười Hương đến gặp để xem nhân vật được đoán định là trùm tình báo Bắc Việt nằm vùng nổi tiếng cứng đầu ấy mồm ngang mũi dọc ra sao. Đây cũng là lần đầu tiên Mười Hương trực tiếp giáp mặt "hung thần miền Trung". Cẩn xuất hiện đúng như người ta mô tả, y ăn vận theo nếp một viên quan triều Nguyễn khi ở nhà: quần lá tọa, đi guốc mộc. Tham dự cuộc gặp này còn có mặt Ngô Đình Nhu, Tỉnh trưởng Thừa Thiên Hà Thúc Luyện và đại biểu Trung phần Hồ Đắc Hương. Sau khi chào hỏi Mười Hương, xưng hô ông - tôi rất lịch thiệp, tử tế, câu đầu tiên Cẩn đốp chát ngay: "Cộng sản các ông ác lắm, giết anh tôi rồi lại giết cả thằng cháu đích tôn của tôi nữa!". Cẩn muốn nói tới Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân. Mười Hương không vừa, đáp ngay: "Nếu quả thật Cộng sản ác độc như ông nói thì ông Diệm đã chết từ lâu rồi" - ý ông muốn nhắc lại chuyện Bác Hồ thả Ngô Đình Diệm năm xưa. Cẩn thoáng bối rối lảng qua chuyện khác, còn Nhu thì lờ coi đi như không nghe thấy. Cẩn chuyển sang kết tội Mười Hương là người miền Bắc vào phá hoại miền Nam. Mười Hương phản công: "Miền Bắc hay miền Nam thì cũng là người Việt Nam cả, tôi chỉ là một giáo viên, muốn sinh sống ở đâu là quyền của tôi. Tôi thấy các ông đang chạy theo ảo tưởng, chính các ông cũng thừa nhận chưa có độc lập. Mỹ chỉ giúp các ông xây dựng bộ máy quân đội, cảnh sát, tuyên truyền để chống phá miền Bắc. 80% viện trợ của Mỹ dành cho quân sự, Mỹ chỉ chi tiền cho những việc họ muốn và có lợi. Khi ông Diệm sang vay tiền để xây mấy cái đập, Mỹ đã từ chối thẳng thừng. Các ông không thể có độc lập với Mỹ được". Cẩn chống chế: "Các ông thì dựa vào Nga Xô, chúng tôi dựa vào Mỹ, như rứa là chúng ta hòa". Mười Hương bác lại: "Mỹ đổ tiền của rồi đưa cố vấn, đưa quân vào miền Nam nhưng các ông có thấy có người lính Nga nào ở miền Bắc không?". Một gã chiêu hồi tên Lâm kể lại, sau khi gặp Mười Hương, thái độ Nhu và Cẩn rất bực bội. Tuy nhiên, Nhu thừa nhận mình không có trong tay một bộ trưởng nào am hiểu nhiều như người tù Cộng sản này. Anh em họ Ngô xuất thân từ dòng dõi quan lại phong kiến, rất khinh ghét những kẻ hèn nhát quỳ gối nhưng lại kính trọng những người biết giữ tiết tháo, dám xả thân vì nghĩa khí, kể cả đó là kẻ thù. Nếu như Mười Hương tỏ ra sợ chết, phản bội ắt Cẩn sẽ giết chết không tha. Cẩn từng bảo bọn tay chân: "Giết thằng nớ không có lợi chi cả, cứ hành hạ hắn để khi có sống sót trở về thì cũng tàn phế".

  Cuộc đảo chính ngày 1-11-1963 đã kết liễu chế độ gia đình trị của anh em nhà họ Ngô. Tin tức về cuộc đảo chính lan đi rất nhanh và những người tù cũng sớm nhận được tin này. Mười Hương biết là mình sống rồi. Ông trao đổi với anh em tù tiến hành liên hệ ra ngoài, đặc biệt là với Giáo hội Phật giáo và giới báo chí lên tiếng tố cáo chế độ Diệm đang giam giữ rất nhiều những người bất đồng chính kiến, khi nhà cầm quyền xem xét lại họ sẽ đảo cung. Đây cũng là cơ hội tốt để móc nối lại liên lạc với tổ chức. Lúc bấy giờ, anh em ở ngoài mới biết Mười Hương vẫn còn sống. Đồng chí Mai Chí Thọ chỉ thị phải cứu bằng được Mười Hương ra. Khi đó, chính quyền mới có chủ trương dùng tàu hỏa đưa tất cả số tù nhân bị Ngô Đình Cẩn giam cầm ở Huế vào Sài Gòn để phúc tra. Một số anh em bàn bạc với nhau, lập kế hoạch khi đoàn tàu đi qua vùng rừng núi thì sẽ trốn. Tuy nhiên, Mười Hương không ủng hộ kế hoạch trên vì ông thấy nó quá phiêu lưu. Mười Hương tin rằng, về đến Sài Gòn, ông sẽ có cách thoát được bởi lẽ các đồng chí không bao giờ bỏ rơi ông. Đúng như dự đoán, khi bị đưa về Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, tổ chức đã bố trí một cơ sở của ta là bà Lê Thị Nhiễm, người sau này trở thành Anh hùng quân đội, nhận Mười Hương là con mình và thường xuyên đến thăm nuôi. Một chi tiết hết sức thuận lợi và chồng bà Nhiễm cũng mang họ Trần, tạo cho ông một lý lịch hợp pháp nên địch không phát hiện điều gì đáng ngờ. Mười Hương khai mình chỉ là một giáo viên dạy tư bị đặc vụ của Ngô Đình Cẩn bắt oan. Ông nằm trong danh sách 22 người được đưa lên Hội đồng an ninh xét thả đợt ấy. Hôm đưa ra Hội đồng an ninh phúc tra, Mười Hương trả lời khớp với những gì đã khai trước đây và một mực kêu oan. Vì thế ông được tha.

  Sau khi ra tù, Mười Hương về ở nhà bà Nhiễm tại quận 3, hàng tháng phải tới đồn cảnh sát gần nhất trình diện. Mười Hương "ngoan ngoãn" nằm ở đó một tháng, tháng sau ông được tổ chức bố trí đưa về căn cứ Củ Chi gặp các đồng chí lãnh đạo miền lúc bấy giờ như Nguyễn Văn Linh, Trần Văn Trà, Trần Văn Danh. Mọi người đều rất mừng vì sự trở về của Mười Hương. Các đồng chí Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt biết tin Mười Hương vẫn còn sống đều vui mừng khôn xiết, mặt khác vì ông đã giữ vẹn tròn uy tín cho Trung ương. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh rất muốn giữ Mười Hương ở lại nhưng Bác Hồ nói: "Chú ấy vừa trải qua một cuộc đấu tranh vô cùng gay go, quyết liệt. Phải để chú ấy nghỉ ngơi một thời gian". Sau đó, Mười Hương nhận chỉ thị của Trung ương gọi ra miền Bắc.

  Sau khi được trên sắp xếp đi nghỉ ở Châu Âu, mục đích chính là để gặp người vợ đang học ở bên đó sau 10 năm cách biệt, Mười Hương lại xin đi Nam. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn nói: "Anh cứ nghỉ ngơi thêm một thời gian đi đã, ở ngoài này cũng không thiếu gì việc cho anh làm đâu". Từ năm 1964 đến 1968, Mười Hương được cử làm Cục trưởng Cục Kỹ thuật Bộ Công an, đảm trách việc liên lạc với lực lượng An ninh miền Nam. Trước nguy cơ Mỹ ngụy có thể dùng bộ binh đánh ra miền Bắc, Mười Hương được giao nhiệm vụ tổ chức khóa đào tạo lớp nữ trinh sát viên đặc biệt với gần 100 học viên nhằm đối phó với những tình huống xấu có thể xảy đến. Tuy nhiên, lòng ông vẫn không nguôi hướng về miền Nam, nơi mà ông cảm thấy mình mắc nợ rất nhiều. Cuối cùng, nguyện vọng cháy bỏng này ông đã được đáp ứng. Năm 1968, Mười Hương trở lại chiến trường Nam Bộ. Ông về công tác tại An ninh miền. Năm 1970, Mười Hương được đưa vào Thường vụ T4, trở thành Trưởng ban An ninh T4 với 3 nhiệm vụ chính: Diệt ác ôn, đánh xẹp khí thế chính trị của địch; tiến hành công tác điệp báo, xây dựng mạng lưới cơ sở, nắm âm mưu địch; Đảm bảo an ninh khu vực. Dưới sự chỉ đạo của Mười Hương, lực lượng An ninh T4 đã lập nhiều chiến công xuất sắc, góp công lớn vào chiến thắng ngày 30-4-1975 lịch sử. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Mười Hương đảm nhiệm cương vị Phó bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phụ trách công tác an ninh rồi phụ trách tổ chức. Ông trở thành ủy viên Trung ương Đảng khóa 4, được Đảng và Nhà nước tín nhiệm lần lượt giao cho các trọng trách Phó bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Phó ban Thanh tra Nhà nước rồi Trưởng ban Nội chính Trung ương... Dù ở cương vị nào, ông cũng làm hết trách nhiệm, không để cho mình bị chi phối bởi bất kỳ sức ép nào.

Đặng Vương Hạnh


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 12 Tháng Tám, 2008, 07:29:36 pm
93 - Kim Sơn (sinh năm 1928)
Những vai kịch của điệp viên A14



  Tháng 9-1950, trên đường sang chi viện cho chiến trường Triều Tiên, thông báo hạm đồ sộ Amyot D'lnville của Pháp đã bị đánh nổ tung trên biển Sầm Sơn (Thanh Hóa). Thực chất, chiến công vang dội này là đoạn kết của một điệp vụ lừng lẫy mà lực lượng Công an Việt Nam đã thực hiện thành công trong 14 tháng trời (7/1949 - 9/1950). Sau nửa thế kỷ, nhân vật và tình tiết của câu chuyện đã trở thành đề tài  và chất liệu cho ra đời hàng chục bài báo và ít nhất 3 bộ tiểu thuyết lớn, khắc họa khá đầy đủ chiến công của các chiến sĩ Hoàng Đạo, Kim Sơn, Chu Duy Kính và Nguyễn Thị Lợi, tức các điệp viên A13, A14, A15, A16 trong điệp vụ này.

  Tuy nhiên, theo dòng thời gian, nhiều bí mật vẫn tiếp tục được vén lên và công bố. Trong bài này xin nói về một vai kịch táo bạo của điệp viên A14.

  Nguyễn Kim Sơn là con trai một nhà buôn lớn, sinh tại Sài Gòn năm 1928. Do công việc làm ăn buôn bán của cha mẹ nên hầu hết tuổi thơ của anh đều trôi qua trên đất Campuchia. Tháng 3-1945, anh vừa tốt nghiệp trung học tại Trường Lycée Sisowath (Phnôm Pênh) thì Nhật đảo chính Pháp. Biết anh giỏi cả tiếng Nhật lẫn tiếng Pháp, đích thân viên lãnh sự Nhật tại Phnôm Pênh là Takashima đã tìm đến tận nhà anh nhờ Kim Sơn ra làm phiên dịch cho một đơn vị hiến binh Nhật tại xứ sở này. Vốn hiếu động, thích phiêu lưu, lại đang rảnh rỗi, Kim Sơn gật đầu. Ba tháng trời sau đó, anh đã cùng với chuẩn úy Nishi chỉ huy một đồn hiến binh đóng tại Kôngpông Thom để lùng bắt những người Pháp thực dân đang lẩn trốn trong rừng sau đảo chính. Hoàn toàn mơ hồ về ý thức chính trị, Kim Sơn không hề cảm thấy áy náy gì trong việc ủng hộ những người Nhật "cùng giống da vàng mũi tẹt" trong cuộc đối đầu với những người Pháp mắt xanh mũi lõ. Nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, khi đã hiểu biết đôi chút về nghiệp vụ công an, tâm hồn phóng khoáng, chuộng tự do của Kim Sơn đã bắt đầu cảm thấy "không ưa nổi" cả đám hiến binh của Nishi lẫn những tên mật vụ người Campuchia dưới quyền sếp cảnh sát Phnôm Pênh Sam Sary mà anh đang cộng tác. Vì vậy, lợi dụng việc Nishi không biết tiếng Pháp, Kim Sơn đã khôn khéo lừa, dịch sai hồ sơ, cáo trạng để y ký lệnh tha cho một tù an trí người Campuchia được Cảnh sát liệt vào hàng "đặc biệt nguy hiểm" mà anh biết rõ là một cán bộ Cộng sản Campuchia cao cấp. Trước khi Sam Sary sang và Nishi kịp phanh phui ra vụ việc, Kim Sơn đã nhanh chóng rời Phnôm Pênh về Sài Gòn, đúng vào lúc khí thế cách mạng ở quê nhà đang hừng hực. Nhiệt tình tuổi trẻ nhanh chóng được thời cuộc cuốn theo. Kim Sơn gia nhập Thanh niên tiền phong của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và hăng hái tham gia cướp chính quyền Đakao, Sài Gòn, sau đó về công tác tại Quốc gia tự vệ cuộc quận Phú Nhuận.

  Kim Sơn nhận công tác chưa được bao lâu, Pháp tái chiếm Nam Bộ. Là người có bằng cấp, anh được Công an Nam Bộ cử ra Nha Công an theo học lớp công an Trung cấp Liên khu III tại Chợ Dầu (Phủ Lý, Hà Nam), nhằm chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Tháng 11-1948, khóa học kết thúc. Lễ bế mạc có tổ chức cả biểu diễn văn nghệ để góp vui. Món này, Kim Sơn tỏ ra rất có năng khiếu. Anh đã tự viết kịch bản và đạo diễn một vở kịch ngắn, sau đó tự mình đóng luôn cả ba vai ông già, cô gái, đứa trẻ, diễn luôn trong đêm vui. Vở diễn thành công quá mức tưởng tượng, được người xem hoan hô nhiệt liệt. Trong số khán giả đêm ấy có cả ông Nguyễn Phú Doãn, tức Nguyễn Tạo, tức Trần Châu Phong, thường gọi là Tạo Doãn, một cán bộ dày dạn kinh nghiệm đấu tranh từ những năm 1930-1931 lúc đó đang giữ chức Trưởng ty điệp báo thuộc Nha Công an Trung ương, được gọi dưới cái tên "Ty tập trung tài liệu". Khả năng xử lý tình huống và nhập vai của Kim Sơn đã khiến ông Tạo Doãn chú ý. Ông yêu cầu đưa Kim Sơn về Ty mình thực tập. Nghĩ rằng làm một điệp viên để tha hồ hoạt động, Kim Sơn nhận lời ngay. Anh được đưa về một tổ công tác chuyên diệt ác phá tề của chi Lam Điền, hoạt động ở vùng giáp ranh dọc theo đường số 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng. Công việc trôi chảy, được cấp trên đánh giá cao, nhưng Kim Sơn chưa hài lòng. Óc tưởng tượng phong phú và máu phiêu lưu thôi thúc Kim Sơn hướng về những trận đánh lớn... Dự định của anh được ông Lê Văn Lăng, Trưởng chi Lam Điền ủng hộ.

  Nguyên trước đó, ông Lê Văn Lăng đã cấy được một người tên là Thái vào "lót ổ" trong Phòng nhì Pháp. Khá tháo vát, Thái đã nhanh chóng chiếm được lòng tin của Phòng nhì, được chúng tăng cường bồi dưỡng để sau này sử dụng anh như một nhân mối đánh ra vùng tự do, phá hoại kháng chiến. Sau nhiều lần "thâm nhập" vùng tự do, Thái đã báo cáo với Phòng nhì: Trong hàng ngũ Việt Minh có nhiều người quốc gia không Cộng sản. Họ muốn về hợp tác cùng Quốc trưởng Bảo Đại và Chính phủ quốc gia nhưng còn nghi ngại thái độ của người Pháp. Đặc biệt, họ không muốn một mình rời Việt Minh về thành để mang tiếng đầu hàng, bị coi khinh. Nếu người Pháp có thiện chí, họ sẽ rủ nhau về theo từng đơn vị. Trước mắt, Thái có thể lôi kéo được một đại đội độc lập thuộc Trung đoàn 48 của Đại đội trưởng Hồng Quân, một người Nam Bộ thân quen với anh. Thông tin này khiến Phòng nhì Pháp như mở cờ trong bụng, hy vọng sẽ lập lại được một chiến tích tầm cỡ như việc dụ hàng Bảy Viễn ở Nam Bộ. Vì vậy, chúng ra sức thúc ép Thái. Nghe báo cáo, ông Lê Văn Lăng nảy ra dự định bố trí trá hàng để đưa một đơn vị của chi Lam Điền công khai kéo về đánh bốt Chùa Thông trên đường 5, một cứ điểm quan trọng có nhiều vũ khí của Pháp. Ông Lăng quyết định cho Kim Sơn sắm vai một y tá, cộng sự đắc lực và đồng hương Nam Bộ của Hồng Quân vào thành liên lạc với Phòng nhì bàn bạc kế hoạch đưa đại đội về "hợp tác". Vai trò một kịch sĩ đã được Kim Sơn đảm nhận trọn vẹn. Dupra, Barberit, Jacquemin và những tay trùm sỏ Phòng nhì tỏ ra rất vồ vập với sự xuất hiện của anh. Cả thủ tướng bù nhìn Nguyễn Văn Xuân cũng nhiệt liệt hoan hô việc "đầu hàng" của Kim Sơn, mời anh hội kiến và góp ý. Mọi việc đang thuận buồm xuôi gió bỗng nhiên bị đảo lộn toàn bộ. Trên đường ra chiến khu, Kim Sơn bị tự vệ Cách mạng bắt vì tội... buôn lậu. Nguyên do là trước khi anh rời thành, tay trùm sỏ Phòng nhì Dupra muốn tỏ ra ưu ái, đã tặng Kim Sơn khá nhiều những thứ xa xỉ phẩm như đồng hồ, bút máy, thuốc lá v.v... những chứng cứ không thể chối cãi về tội buôn lậu! Không còn cách nào khác, Trưởng chi Lam Điền Lê Văn Lăng đành phải ôm toàn bộ hồ sơ vụ việc báo cáo với ông Tạo Doãn để xin ý kiến. Tuy phê phán cấp dưới gay gắt vì "phiêu lưu, manh động", song, trong bộ óc tổ chức tài ba của ông Tạo Doãn, một kế hoạch lớn, đã hình thành, trong đó Kim Sơn vẫn đóng vai trò một nhân vật chính.

  Sau thất bại của Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, quân đội Pháp ở Bắc Bộ đã rắp ranh ý đồ tấn công Khu IV, vùng tự do, cái nôi hậu cần cung cấp cả lương thực và nhân lực cho đầu não kháng chiến của Việt Minh ở Chiến khu Việt Bắc. Nắm rõ ý đồ của địch, ta cũng tìm mọi cách để giữ an toàn cho Khu IV. Xét về thực lực quân sự, nếu chiến sự xảy ra ở vùng Thanh - Nghệ, ưu thế sẽ nghiêng về phía quân đội Pháp. Vì vậy, Trưởng ty điệp báo Tạo Doãn đã nghĩ đến kế hoạch bảo vệ Khu IV bằng cách đánh lừa tình báo Pháp, sao cho chúng tin chắc Việt Minh ở Khu IV còn gồm cả nhiều thành phần quốc gia không Cộng sản, sẵn sàng hợp tác với Chính phủ quốc gia của Bảo Đại và quân đội Pháp, nếu các điều kiện đưa ra được thỏa thuận. Vì vậy, một đảng "ma" được dựng lên, mang tên Phục Việt, có điều lệ, cương lĩnh hẳn hoi, và có cấu trúc tổ chức từ địa phương lên đến trung ương. Vai trò lãnh đạo cao cấp của Phục Việt sẽ do Hoàng Đạo, nguyên Trưởng ty Công an Thanh Hóa, đảm nhận. Kim Sơn vẫn tiếp tục tham gia vở kịch với vai trò con thoi giữa lãnh đạo Phục Việt và Phòng nhì Pháp.

  Về phía địch, không cam chịu để cho kế hoạch lôi kéo các đảng phái về "hợp tác" gãy đổ nửa chừng chỉ vì việc Kim Sơn bị bắt nên Dupra và Phòng nhì đã tìm đủ mọi cách để cứu anh ra. Trong khi Kim Sơn hoàn toàn tự do và đang vật vã trong một trận sốt rét thập tử nhất sinh thì Dupra đã đưa cho Thái 2 vạn bạc Đông Dương để Thái giao cho bà Kiểm - một điệp báo viên của ta cấy vào Phòng nhì, đưa vào vùng tự do tìm cách lo lót cứu Kim Sơn. Lúc này, Khu IV đang đói nặng, cán bộ chiến sĩ ngành Công an đang phải bữa rau, bữa cháo cầm hơi, 2 vạn bạc Đông Dương của Phòng nhì đã thật sự đắc dụng góp phần vào việc... cứu đói. Còn Kim Sơn, sau nhiều lần từ chối Phòng nhì vì đã để "vuột" mất đại đội Hồng Quân, đã đồng ý quay lại hợp tác làm con thoi để đưa người của đảng Phục Việt về hợp tác. Với nước da xanh lét vì sốt rét, vai kịch "ngồi tù Việt Minh" của anh đã khiến đám Phòng nhì tin sái cổ và... chảy nước mắt. Kim Sơn lại bắt đầu diễn tiếp vai kịch lớn nhất của đời mình trong vai trò điệp viên A14, người liên lạc kiêm thông ngôn của đảng trưởng Phục Việt Hoàng Đạo, tức điệp viên A13, một người hơn anh 19 tuổi.

  Vai diễn của hai thầy trò Hoàng Đạo - Kim Sơn khiến trùm Phòng nhì Dupra không mảy may nghi ngờ. Sau nhiều lần tiếp xúc và hàng loạt những lần kiểm tra gắt gao, Dupra bắt đầu nghĩ đến việc dùng đảng Phục Việt làm bàn đạp để đánh vào Khu IV. Để chắc ăn, y cho kiểm tra lại lần cuối. Đầu năm 1949, y thông báo cho Hoàng Đạo và Kim Sơn biết: "Tôi tin các ông nhưng cấp trên không tin. Tôi vừa được lệnh từ Sài Gòn phải "câu lưu" các ông, vì cấp trên nghi hai ông là Cộng sản trá hình". Nói vậy, nhưng Dupra vẫn hứa sẽ "chạy" để lo "gỡ" vụ này. Cả đêm, hai thầy trò Hoàng Đạo - Kim Sơn đều không chợp mắt. Muốn chạy cũng không kịp, chỉ tổ thừa nhận vai trò điệp viên. Đêm đó Hoàng Đạo và Kim Sơn đã cấp tốc tổ chức lại gọn ghẽ toàn bộ giấy tờ, tài liệu liên quan đến Phục Việt, kể cả thư tuyệt mệnh gửi "các đồng chí Phục Việt" khuyên "không nên tin tưởng, người Pháp chỉ là những kẻ tráo trở". Riêng Kim Sơn, vốn lo xa và ưa sạch sẽ, đã chuẩn bị tắm rửa kỹ lưỡng, xức dầu thơm, và tròng vào người mỗi thứ 2 bộ từ quần đùi đến áo lót vì e "vào tù không có cái thay".

  Không "hù" được "hai ông Phục Việt cứng cựa", Dupra quyết định đưa họ đến tiếp kiến Tướng Alexandri, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Bắc Bộ. Là một nhà hùng biện qua thông ngôn Kim Sơn, Hoàng Đạo đã khiến viên tướng Pháp cáo già khâm phục thực lực mạnh mẽ và hoài bão lớn lao của đảng Phục Việt trong chiến khu Việt Minh. Viện tư lệnh đồng ý hết những điều kiện mà "ngài đảng trưởng Hoàng Đạo" đưa ra. Vậy là, Kim Sơn và Hoàng Đạo lại gấp rút chuẩn bị để vào Sài Gòn, sau đó lên Đà Lạt tiếp kiến và bàn luận với Quốc trưởng Bảo Đại. Mọi cuộc tiếp xúc, bàn bạc đều diễn ra suôn sẻ và có kết quả. Để hợp thức hóa vai trò, danh nghĩa của hai người và để tương xứng với địa vị của họ trong đảng Phục Việt, Bảo Đại đã phong cho Hoàng Đạo chức Quốc vụ khanh, có quyền thay quốc trưởng đi tiếp xúc, thảo luận chuyện đại sự với các đảng phái, lực lượng quốc gia khác ở trong nước. Còn Kim Sơn, dù mới 21 tuổi, Phòng nhì Pháp cũng gắn cho anh cái lon đại úy Hộ phòng Ngự lâm quân, được quyền theo chuyên cơ cùng Hoàng Đạo tháp tùng Quốc trưởng Bảo Đại và Nội các vào Nam ra Bắc bàn bạc mưu đồ đại sự. Vai diễn của hai điệp viên A13, A14 đã thành công ngoài mức tưởng tượng.

 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 12 Tháng Tám, 2008, 07:29:57 pm
  Trong chuyến về Sài Gòn trước khi lên Đà Lạt gặp Bảo Đại, Kim Sơn đã thông báo cho Dupra biết, anh sẽ đi tìm lại gia đình và ngỏ ý nhờ y tìm giúp. Tay Phòng nhì trao cho anh một địa chỉ trên đường Phan Thanh Giản, bảo: "Hình như đó là nơi ở của gia đình anh", kèm theo nụ cười úp mở: "Về đó, sẽ có nhiều điều thú vị bất ngờ chờ anh. Nhưng có gặp người em của anh thì phải coi chừng, anh ta là Cộng sản thứ thiệt đấy". Vừa bước vào căn nhà số 90-92-94 đường Phan Thanh Giản (nay là Lê Thị Riêng, quận 1) Kim Sơn đã hết sức ngạc nhiên khi biết rằng mình đã... có vợ, trong khi chân dung của anh lại đang đặt trên bàn thờ gia đình, dưới khói hương leo lét. Câu chuyện này cũng là kết quả tốt đẹp sau một vai kịch mà anh từng đóng. Số là năm 1944, trước lúc ra trường, học sinh Trường Lycée Sisowath và Trung học nữ Phnôm Pênh đã cùng nhau công diễn một vở kịch. Viết kịch bản xong, tác giả kiêm đạo diễn Huỳnh Trung Nhì quyết định chọn cô Nguyễn Thị Nho - hoa khôi Trường trung học nữ vào vai chính - một cô gái nghèo phải đi làm vợ bé một kẻ nhà giàu. Còn Kim Sơn, vai diễn đảm nhận khiêm tốn hơn nhiều: anh sắm vai gã đầy tớ của nhà giàu nọ. Với Kim Sơn như vậy là quá đủ. Từ lâu, anh đã thầm yêu trộm nhớ "chị" Nho (hai người bằng tuổi) nhưng chưa một lần dám ngỏ lời. Với vai đầy tớ, anh sẽ có cơ hội (dù chỉ là trên sân khấu) bưng nước, pha trà và chăm sóc "bà chúa" của lòng mình. Đùng một cái, cách hôm công diễn chỉ 2 ngày, cô Nho xin trả vai vì "bố em hổng chịu". Ông Minh, bố cô Nho, là một viên chức của Ty Công chánh Phnôm Pênh không chịu nổi việc con gái cưng độc nhất của mình phải vào một vai khốn khổ nên nhất quyết phản đối. Không dám cãi lời cha, cô diễn viên chính đành trả vai. Đạo diễn tái mặt: Lấy ai thay bây giờ? Trời xui đất khiến, Kim Sơn xung phong: "Kiếm người khác vào vai đầy tớ, tôi đóng vai cô Ngọc vợ bé, với điều kiện cô Nho phải tự tay hóa trang cho tôi". Bí quá, đạo diễn đành gật. Không ngờ, Kim Sơn nhập vai quá tốt. Sân khấu vừa hạ màn, giáo sư Xuân, người phụ trách môn Việt văn ở Trường Sisowath đã kêu lên với đạo diễn: "Anh thuê cô nào đóng vai cô Ngọc vừa đẹp vừa diễn hay quá vậy?!". Sau vở diễn, tình cảm của hai người đã bắt đầu quyến luyến. Thu hết can đảm, Kim Sơn chỉ dám gửi cho người mình yêu ba chữ "Anh yêu em" bằng tiếng Pháp rồi trốn biệt, ốm tương tư suốt cả tháng trời. Cô Nho cũng viết cho anh một lá thư dài 5 trang, nêu rõ hàng loạt lý do, nào không môn đăng hộ đối (nhà Kim Sơn rất giàu), nào cả hai còn nhỏ, chưa có tương lai (mới 17 tuổi) nên chưa thể trả lời v.v... Cuộc tình mới nhen lên, dùng dằng chưa dứt thì Cách mạng tháng Tám nổ ra. Mang theo cơn ốm tương tư, Kim Sơn đi biền biệt theo kháng chiến. Trong khi đó, cô Nho cũng hồi hương về Trà Ôn, Vĩnh Long, sau đó lên Sài Gòn tiếp tục học. Là hoa khôi, hàng loạt thầy thông, thầy ký, cậu ấm đã liên tục đến "thưa chuyện" cùng cha mẹ cô xin cưới. Thấy cô Nho đã lớn, cha mẹ cô cũng có ý thúc giục. Bí quá, cô Nho lên Sài Gòn, kể hết cho em ruột của Kim Sơn là Nguyễn Ngọc Hà nghe, nhờ Hà nhắn hỏi anh Sơn một câu dứt khoát để còn yên tâm chờ đợi. Nghe Hà kể, gia đình Kim Sơn vốn cũng quý mến cô Nho nên đồng ý. Cha mẹ cô Nho đưa điều kiện phải làm đám hỏi trước cho chắc ăn. Mẹ Kim Sơn quyết định: "Đã vậy thì cho cưới luôn". Vậy là trong khi Kim Sơn đang ngang dọc tung hoành với chi Lam Điền ở đường số 5 ngoài Bắc thì tại Sài Gòn, đám cưới linh đình của anh đã được tổ chức, chỉ vắng mỗi mình... chú rể. Cô Nho về nhà chồng, trở thành người giữ tay hòm chìa khóa của gia đình anh chưa bao lâu thì cô tin Kim Sơn đã chết ở chiến khu Việt Bắc. Vậy là bàn thờ anh được lập, cô để tang anh. Giữa năm 1949, khi Kim Sơn trở lại, thấy ông chồng kháng chiến thoắt cái trở thành một tên Việt gian, mang hàm đại úy ngự lâm quân, cô Nho giận lắm, khóc rưng rức. Gia đình Kim Sơn cũng nhìn anh bằng cặp mắt tức giận. Hoảng quá, Kim Sơn chỉ dám ở nhà vài ngày rồi lặn luôn, sau khi thề sống thề chết với cô vợ trẻ là mình không hề thay lòng đổi dạ, cả với kháng chiến lẫn với... vợ hiền. Hoàng Đạo cũng phải vận hết tài hùng biện mới giúp gia đình Sơn giải tỏa hết những mối nghi ngờ.

  Tại Sài Gòn, trong vai diễn hai tên Việt gian cỡ bự, cả Hoàng Đạo lẫn Kim Sơn đã bị Công an Nam Bộ tóm cổ. Phải mất hơn nửa tháng, cả hai mới chứng minh được tư cách kháng chiến của mình mà vẫn không làm lộ vai diễn đặc biệt, nhờ đó mới được thả. Một tháng sau khi Kim Sơn tự do, từ Hà Nội, thư của Ty Điệp báo và Nha Công an Trung ương yêu cầu thả hai anh mới vào đến Công an Nam Bộ! Những cuộc bàn bạc thương thuyết giữa Phục Việt và Phòng nhì đã đi đến một kế hoạch quan trọng: Phục Việt sẽ khởi nghĩa ở Khu IV cướp chính quyền từ tay Việt Minh, sau đó Pháp sẽ nhanh chóng đổ quân vào hỗ trợ chính quyền do Phục Việt nắm, tiến tới khởi nghĩa toàn quốc chống Việt Minh của các đảng phái. Kế hoạch được trù liệu sẽ tiến hành vào khoảng tháng 10-1949, ngay sau đại hội đảng Phục Việt. Trước khi vào trận cuối cùng, Ty Điệp báo đã đem toàn bộ kế hoạch và điệp vụ báo cáo lên Nha Công an Trung ương. Thấy nước cờ "lấy chính trị phục vụ chuyên môn" này có phần quá phiêu lưu, Trung ương đã không duyệt. Hoàng Đạo, Kim Sơn và đảng Phục Việt "ma" được cấp trên yêu cầu chấm dứt vai trò. Trước khi rút, Hoàng Đạo và Kim Sơn được lệnh tìm mục tiêu đánh một trận thật lớn để gây tiếng vang cho cuộc kháng chiến.

  Là một đại úy ngự lâm quân, thường được hộ tống Hoàng Đạo cùng Quốc trưởng Bảo Đại và Thủ tướng Trần Văn Hữu vào Nam ra Bắc bằng máy bay Dakota, óc phiêu lưu của Kim Sơn lại nhanh chóng hình thành một kịch bản táo bạo, theo mô hình của đảo chính Galvao ở Bồ Đào Nha trước đó. Nhờ hỏi chuyện phi hành đoàn, Kim Sơn biết sân bay Thanh Hóa do Nhật xây dựng từ thời Chiến tranh thế giới thứ II vẫn có thể đáp được Dakota, nếu được dọn dẹp, phát quang lại. Theo kịch bản, trong chuyến bay đưa cả Bảo Đại và nội các của Thủ tướng bù nhìn Trần Văn Hữu ra Hà Nội họp bàn kế hoạch cho khởi nghĩa của Phục Việt ở Thanh Hóa, Hoàng Đạo và Kim Sơn sẽ tiến hành bắt cóc toàn bộ nội các này. Là sĩ quan ngự lâm quân, việc Kim Sơn đưa vũ khí lên máy bay sẽ không ai ngăn cản. Khi máy bay sắp ra đến xứ Thanh, Kim Sơn sẽ "nháy" Hoàng Đạo ra và trao khẩu Thomson vào tay anh. Trong khi Kim Sơn dùng súng Côn bạt khống chế phi hành đoàn thì Hoàng Đạo sẽ chĩa súng vào ngực Bảo Đại và toàn bộ nội các, bắt máy bay phải đáp xuống sân bay Thanh Hóa. Kế hoạch gần như chắc chắn thành công. Trường hợp xấu nhất, Kim Sơn và Hoàng Đạo sẽ cho nổ máy bay, tiêu diệt toàn bộ nội các lẫn Quốc trưởng, gây tiếng vang thật lớn.

  Quá phấn khởi với vở diễn táo bạo và chắc ăn này, Hoàng Đạo đã nhanh chóng báo cáo với cấp trên xin chỉ thị. Phấn khích vì kế hoạch thỏa mãn cả óc tưởng tượng lẫn máu phiêu lưu, cả Hoàng Đạo lẫn Kim Sơn đều không tính đến hậu quả của cú "bắt cóc" động trời này. Lẽ tất nhiên, ngay khi Bảo Đại và toàn bộ nội các Trần Văn Hữu bị bắt sống, Pháp sẽ tung quân nhảy dù vào Thanh Hóa để giải cứu, đồng thời toàn bộ vùng biển Khu IV cũng sẽ bị tàu chiến Pháp vây chặt. Lực lượng quân sự của ta ở Thanh Hóa lúc này chỉ chủ yếu là dân quân tự vệ, còn quân chính quy đã tăng cường gần hết cho các chiến trường khác, e không thể cố thủ nổi trước 3 gọng kìm không - thủy - lục quân của quân đội Pháp. Vì vậy, Hoàng Đạo và Kim Sơn nhận được chỉ thị: "Bãi bỏ kế hoạch, tuyệt đối không được phiêu lưu". Rất buồn vì kế hoạch không được chấp thuận, không có cơ hội "đánh một trận kinh thiên động địa" như ao ước, nhưng Kim Sơn vẫn không nản. Anh lại nhanh chóng cùng Hoàng Đạo vạch kế hoạch bắt sống đại diện những đảng phái phản động và đánh chiến hạm Pháp đang lởn vởn ngoài khơi biển Sầm Sơn.

  Theo đúng kế hoạch, ngày 15-9-1949, 3 tên phản động là Đinh Xuân Cầu - một tai mắt của tình báo Pháp, Lê Quang Thiện (tức Minh), đại biểu Quốc dân đảng và Nguyễn Văn Hướng, nguyên là Tổng bí thư đảng Đại Việt từ Vĩ tuyến 16 trở vào, được tuần dương hạm Annamite đưa vào bờ biển Sầm Sơn. 11 giờ đêm, Hoàng Đạo và Cao Nguyên Bình đứng ở mép nước bấm đèn pin ra hiệu. Lập tức thuyền phó tàu Annamite cùng đội lính bảo vệ cho hạ thủy canô xuống đưa Cầu, Hướng, Minh vào bờ. Riêng Kim Sơn, anh phải tránh mặt vì trong chuyến đưa Đinh Xuân Cầu vào thăm chiến khu Phục Việt trước đó, anh đã được cấp trên ra lệnh "chết" để chấm dứt vai kịch đang thủ diễn. Khi 3 tên phản động được đưa đến nơi an toàn, Kim Sơn mới xuất hiện. Trông thấy anh, Đinh Xuân Cầu tái mặt ngạc nhiên. Đến lúc đó, y mới được Kim Sơn và Hoàng Đạo "vui vẻ" thông báo cho biết toàn bộ sự thật. Để giữ mạng sống và chuộc tội với cách mạng, Đinh Xuân Cầu đã ngoan ngoãn viết thư cho trùm Phòng nhì Dupra thông báo "thắng lợi", đồng thời xin thêm điện đài, đồ đạc và gấp rút chuẩn bị để "đón ông bà Hoàng Đạo cùng vào".

  Kế hoạch đánh tàu được bàn bạc đến từng chi tiết nhỏ nhất, được Nha Công an Trung ương duyệt và chỉ đạo chặt chẽ. Đích thân đồng chí Nguyễn Duy Soạn, Phó giám đốc Ty Công an Hà Nội được Nha cử vào trực tiếp chỉ huy vụ đánh tàu này. Đêm 19 rạng ngày 20-9, Kim Sơn đã một mình ra tàu chiến địch để liên lạc hẹn ngày đón. Lẽ ra, việc này phải giao cho người khác vì Kim Sơn được coi là đã chết, lỡ lên tàu gặp lại người quen thì anh chắc chết. Nhưng, ngoài Kim Sơn, không ai thuộc đường đi nước bước trên tàu địch, cũng không ai thạo tiếng Pháp hơn anh nên Kim Sơn lại đành liều mình. Dù đã cải trang thật kỹ, song từ lúc bước chân xuống thuyền đến lúc cập mạn tàu, Kim Sơn cũng cứ ngay ngáy lo lỡ đứng đón anh trên boong là Dupra, Barberit hay Jacquemin thì hỏng bét. Rất may, chuyến cải trang cho vai diễn cuối cùng đã không hề gặp sự cố nhỏ nào. Đúng hẹn, ngày 26-9-1950, thông báo hạm Amyot D'lnville, dài 150m, rộng 15m đã tiến vào cửa biển Sầm Sơn. Đây là chiếc tàu lớn nhất, giàu chiến tích nhất trong Chiến tranh thế giới thứ II của hạm đội tuần dương Pháp, nay được điều sang biển Đông và đang trên đường sang chi viện cho chiến tranh Triều Tiên. Tổ công tác gấp rút chuẩn bị cho "ông bà Hoàng Đạo" xuống tàu. Thuốc nổ được nhét trong va li quần áo của bà Hoàng Đạo, lẫn giữa những bánh thuốc phiện được đem ra bán lo kinh tài cho đảng Phục Việt. 3 ống kíp nổ do Chu Duy Kính, tức Mai, tức điệp viên A15 giữ. Người thủ vai "bà Hoàng Đạo" là điệp viên A16, chị Nguyễn Thị Lợi, một phụ nữ Nam Bộ bất hạnh được Công an Thanh Hóa cứu sống và được Hoàng Đạo cưu mang. Khi được nhận vào tổ điệp báo với bí danh A16, chị đã tình nguyện làm người xách va li xuống tàu và ở lại, chấp nhận hy sinh để đánh tàu, còn Hoàng Đạo sẽ viện cớ đang bận việc và quay lại.

  Đêm ấy, biển động dữ dội, nhưng sợ chờ lâu không thấy người ra, tàu địch sẽ chạy mất lỡ cơ hội, cả tổ quyết định vẫn xuống thuyền ra biển. Đề phòng bất trắc, Hoàng Đạo đã nhờ các đồng chí địa phương chặt luồng ghép làm mảng chắp thành cánh hai bên be xuồng cho sóng khỏi đánh lật. 2 giờ sáng thuyền rời xa bờ biển Sầm Sơn. Gần 6 giờ sáng, thuyền mới xa bờ được chừng 8km. Cả đoàn đều ướt đẫm và say sóng nhừ tử. Đúng lúc đó thì thuyền cập mạn tàu Amyot D'lnville. Sau khi đưa "ông bà Hoàng Đạo" lên tàu xong, Kim Sơn cúi xuống mạn tàu bảo "người đầy tớ": "Anh Mai đưa hành lý của bà lên".

  Chiếc va li thuốc nổ to đùng, lúc ở trên bờ Kim Sơn và Mai phải lặc lè khiêng mới đưa được xuống thuyền. Còn ở đây, thuyền tròng trành, đường lên tàu chỉ là một chiếc thang dây chao lắc, Kim Sơn vã mồ hôi. Không thể để hai người thòng dây xuống kéo, khối thuốc nổ bị va đập chắc chắn sẽ nổ tung... Đúng lúc nan giải ấy, điệp viên A15 (Mai) chứng tỏ một nỗ lực phi thường. Buộc quai vào va li thuốc nổ, một mình Mai đã cõng nó trên lưng lần từng bước trên bậc gỗ thang dây và đưa nó lên trên boong tàu cao ngất không một lần va đập.
Trong khi Hoàng Đạo, Kim Sơn ngồi nói chuyện với viên thuyền trưởng thì Mai tiếp tục đưa va li quần áo vào cabin cho "bà Hoàng Đạo" thay. Được một lát, theo lệnh Hoàng Đạo, Kim Sơn cũng xin phép thuyền trưởng để tới cabin trông chừng sức khỏe "bà Hoàng Đạo". Vào đến nơi, anh đứng gác cửa để cho Mai cắn kíp gắn vào va li thuốc nổ. Khi mọi việc đã hoàn tất, những màn chào hỏi, từ biệt cũng đã diễn xong, cả tổ - trừ chị Lợi ở lại - xuồng thuyền để vào bờ thì một tình huống mới nảy sinh. Vào thời điểm đó, trình độ của ngành quân giới còn rất thô sơ, non yếu. Kíp nổ hẹn 4 giờ, có lúc mới 2 giờ đã nổ, có lúc... tịt luôn, không thể chủ động được. Để chắc ăn, bộ phận quân giới đã chuẩn bị cho tổ điệp báo 3 kíp nổ một lúc. Khi gắn kíp, do quá hồi hộp, Mai chỉ cắn vỡ lọ acid của 1 kíp rồi trở ra nhưng Kim Sơn không biết. Khi xuống quay mũi vào bờ, anh mới nói. Kim Sơn tức điên lên, đòi "đưa 2 chiếc kia đây, tao liều mạng lên cắm lại". Khổ thay, 2 kíp thừa, Mai đã quăng xuống biển ngay khi vừa trở lại thuyền. Việc Kim Sơn liều mạng quay lại tàu, chấp nhận hy sinh để kích nổ va li thuốc cũng không thể thực hiện vì sự trở lại của anh sẽ báo động cho địch, chúng sẽ tiêu diệt cả đoàn và vô hiệu khối thuốc nổ ngay. Không ngờ vai diễn cuối cùng lại có nguy cơ trở thành vai diễn tồi tệ và vô ích nhất, Kim Sơn, Hoàng Đạo và tất cả mọi người đều lặng câm không nói một câu, chỉ gò lưng trên tay chèo nặng trĩu.

  Hơn 10 giờ trưa ngày 27-9-1950, thuyền về đến bờ. Cả tổ trèo lên núi Độc Cước chờ đợi. Tàu Amyot D'lnville quay mũi về hướng đảo Người (Home) và mất hút. 10 giờ 30 phút... 11 giờ... 11 giờ 30 phút, khi tất cả định quay về thì "ầm", một tiếng nổ long trời bùng lên trên mặt biển, kéo theo hàng loạt tiếng nổ dây chuyền khác, dội rền ngoài khơi. Cả tổ nhảy ào lên, ôm nhau sung sướng. Sau phút hân hoan là nước mắt lặng thầm. Hoàng Đạo, Kim Sơn chia nhau bó hương đốt cắm dọc mép bờ nước biển. Cả tổ im lặng dàn hàng ngang trông ra phía biển, cúi đầu tưởng nhớ điệp viên A16 - chị Nguyễn Thị Lợi đã vĩnh viễn không còn quay trở lại. Dù mất mát, đau thương nhưng điệp vụ của họ đã kết thúc toàn thắng. Với Kim Sơn, vai diễn lớn nhất đời anh cuối cùng cũng đã thành công mỹ mãn.

 
Nguyễn Hồng Lam


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 15 Tháng Tám, 2008, 07:26:02 pm
94 - Vũ Ngọc Nhạ (1928-2002)
Cố vấn ba đời Tổng thống ngụy Sài Gòn

(http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/images150788_44.jpg)

  Ở Việt Nam, rất nhiều người đã từng say mê với tiểu thuyết “Ông cố vấn” của nhà văn Hữu Mai (và sau đó là bộ phim cùng tên chuyển thể từ tiểu thuyết), viết về chiến công của một nhà tình báo cộng tác lỗi lạc trong lòng chế độ Mỹ - ngụy ở Sài Gòn. Nhân vật chính trong bộ phim và tiểu thuyết là Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ, bí danh Hai Long, nguyên cố vấn cho ba đời tổng thống ngụy Sài Gòn.

  Vũ Ngọc Nhạ sinh ngày 30-3-1928, tại làng Cối Khê, xã Vũ Hội, Vũ Thư, Thái Bình, tham gia Mặt trận Việt Minh sau ngày Toàn quốc kháng chiến, vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1947. Bốn năm sau, anh trở thành Thị ủy viên của thị xã Thái Bình. Anh đã từng là một trong 300 đại biểu kháng chiến được mời về dự Hội nghị chiến tranh du kích đồng bằng Bắc Bộ (1952). Tại đó, sau vài lần gặp gỡ, biết anh có ít nhiều kinh nghiệm làm công tác địch vận ở vùng địch tạm chiếm ở Thái Bình, chính Hồ Chủ tịch đã chọn anh vào hàng ngũ những người tiên phong làm công tác tình báo của Quân đội nhân dân Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài với Mỹ - ngụy. Anh được đích thân Bác Hồ căn dặn: "Nhiệm vụ của chú là vào Nam tìm cách nắm bằng được Mỹ - ngụy đã làm gì, chúng đang làm gì và sẽ làm gì...". Để tạo vỏ bọc an toàn, người cán bộ Cộng sản Vũ Ngọc Nhạ đã thâm nhập vào quân đội Liên hiệp Pháp và có cơ hội chụp ảnh chung với cha Lê Hữu Từ, cha Cassaigne tại Hải Phòng vào cuối năm 1954 trước khi lên tàu di cư vào Nam không lâu lắm.

  Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, với tờ căn cước hợp pháp, Vũ Ngọc Nhạ đưa vợ con từ làng Cối Khê, xã Vũ Hội, Vũ Thư, Thái Bình theo quân đội Pháp xuống tàu Hải Phòng di cư vào Nam. Anh tìm cách "bọc mình" thật kín và âm thầm làm nhiệm vụ.

  Có thể nói, trận chiến đấu thật sự của nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ bắt đầu vào một buổi sáng tháng 12-1958. Do Tá Đen, một tên chiêu hồi chỉ điểm, bọn mật vụ thuộc đoàn công tác đặc biệt của Ngô Đình Cẩn do Dương Văn Hiếu cầm đầu đã bắt cóc anh. Sau hơn một tháng giam giữ tại địa điểm bí mật ở đường Bến Vân Đồn, Quận 4, Vũ Ngọc Nhạ bị bọn mật vụ chuyển ra trại Tòa Khâm (Huế). Suốt 8 tháng trời, bằng các thủ đoạn và mọi ngón nghề khai thác, lừa bịp, mị dân, kẻ địch vẫn không phát hiện được con người thật của Vũ Ngọc Nhạ. Trước sau, chúng chỉ biết về anh như tất cả "sự thật" mà tổ chức đã chuẩn bị sẵn khi đưa anh vào sống trong lòng địch. Trong trại Tòa Khâm, Vũ Ngọc Nhạ bắt được liên lạc và được "anh Mười" - tức đồng chí Trần Quốc Hương - và được giao nhiệm vụ trèo cao, chui sâu vào trong lòng địch để hoạt động.

  Từ cái "vỏ bọc" của tổ chức trao cho, dựa vào ảnh hưởng của cha Lê Hữu Từ, cha Hoàng Quỳnh ở nhà thờ Bình An và Phát Diệm mà anh đã có dịp biết, anh bắt đầu hành động. Lúc này, chế độ Ngô Đình Diệm rất cần sự ủng hộ của các linh mục có tiếng chống Cộng quyết liệt này. Vũ Ngọc Nhạ đã khéo léo biến mình thành "cầu nối" cho hai bên kết gắn với nhau. Từ đó, dần dần anh chiếm được lòng tin của Ngô Đình Cẩn - Cố vấn miền Trung của chế độ Ngô Đình Diệm. Cẩn đã "bắt cầu" cho anh sang cha Thục, Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Diệm. Bản tường trình phân tích kỹ bốn nguy cơ "đe dọa chế độ mà Ngô Tổng thống đã dày công vun đắp", mà anh trình lên họ Ngô đã khiến Ngô Đình Cẩn, sau đó là cả Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm quan tâm chú ý. Khi được hỏi, Vũ Ngọc Nhạ đã khéo léo hé cho anh em họ Ngô biết rằng tất cả những ý kiến trong tờ trình đều là của giám mục Lê Hữu Từ, anh chỉ là người lĩnh hội và được thừa nhiệm báo nguy chế độ. Đánh giá rất cao "trách nhiệm" và sự sâu sắc của "bản tường trình", đồng thời tưởng nắm được cơ hội tìm sự ủng hộ của khối Công giáo di cư do giám mục Lê Hữu Từ và linh mục Hoàng Quỳnh lãnh đạo, anh em Diệm - Nhu đã tỏ ra khá vồ vập, mời Vũ Ngọc Nhạ về làm cố vấn. Đồng thời cho rằng nhờ anh mà mối bất hòa giữa Phát Diệm với anh em Ngô Tổng thống cũng được dỡ bỏ, nên cha Lê, cha Hoàng cũng hởi lòng, coi Vũ Ngọc Nhạ như người thân tín. Linh mục Hoàng Quỳnh còn lấy họ của mình đặt cho anh tên mới là Hoàng Đức Nhã.

  Tại Dinh Độc Lập, với những ý kiến sâu sắc về sách lược, chiến lược và chiến thuật đối phó với thời cuộc sâu sắc, Vũ Ngọc Nhạ đã khiến anh em Diệm - Nhu vì nể. Vì thế, chẳng bao lâu, anh đã trở thành một người tâm phúc, thường xuyên được cùng bàn bạc những vấn đề cơ mật, sinh tử với anh em họ Ngô. Một hôm họp gia đình có đầy đủ anh em họ Ngô và Vũ Ngọc Nhạ, Ngô Đình Diệm đã tự đặt biệt danh 5 con rồng cho 5 anh em. Diệm bảo: "Từ nay Ngô Đình Thục là Hồng Long, Ngô Đình Diệm là Bạch Long, chú Nhu là Thanh Long, chú Cẩn là Hắc Long, thầy Hai (tức Vũ Ngọc Nhạ) là Hoàng Long. Đã là anh em trong nhà, thầy Hai không cần phải ý tứ gì". Mở được cánh cửa quyền lực của anh em họ Ngô, Vũ Ngọc Nhạ đã nhanh chóng liên kết với các đồng chí của mình như Lê Hữu Thúy (ủy viên phụ tá Thông tin chiêu hồi), Vũ Hữu Ruật (ở Tổng nha Cảnh sát sau là ủy viên tuyên huấn trung ương lực lượng tự do và phó tổng thư ký thường trực đảng Liên minh dân chủ), Nguyễn Xuân Hòe (ủy viên Văn phòng Tổng thống), hình thành nên một mạng lưới tình báo (lưới A22) nắm giữ các vị trí chủ chốt trong ngụy quyền Sài Gòn để khai thác tin tức chiến lược phục vụ đấu tranh cách mạng.

  Làm cố vấn cho Diệm, Vũ Ngọc Nhạ có điều kiện tiếp cận với các quan chức cấp cao trong chính phủ ngụy quyền, với Tòa thánh Vatican, Giáo chủ Pie XI, Khâm sứ Tòa thánh Sài Gòn, Đức hồng y Xpenman Mỹ... để nắm tình hình, tìm kiếm tin tức.

  Tình hình ở miền Nam ngày càng trở nên phức tạp khi chính quyền Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp các giáo phái vũ trang Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo. Mỹ buộc phải thực hiện kế hoạch "thay ngựa giữa dòng". Sau cuộc đảo chính nhằm thăm dò thái độ trung thành của các  tướng lĩnh ngụy quân Sài Gòn với chế độ nhà Ngô vào tháng 11-1960 bất thành, việc thực hiện các mưu đồ chính trị của bọn chúng được điều hành thận trọng hơn. Ngày 1-11-1963, cuộc đảo chính do Dương Văn Minh cầm đầu diễn ra thành công, anh em Ngô Đình Diệm bị giết, chế độ chính trị Việt Nam Cộng hòa lung lay. Lúc này, người Mỹ đang ra sức chọn đối tượng lên thay Diệm, tướng Nguyễn Văn Thiệu một giáo dân ngoan đạo, được các cha cố, linh mục có cảm tình là một trong những con bài lọt vào mắt họ. Vũ Ngọc Nhạ được ủy quyền đại diện cho khối Công giáo tổ chức ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng thống. Cuộc vận động thành công, Thiệu tha thiết mời ông vào Dinh Độc Lập làm cố vấn đặc biệt. Ngay sau ngày lễ nhậm chức Tổng thống, Nguyễn Văn Thiệu sang phòng làm việc của Vũ Ngọc Nhạ bảo: "Thầy Hai dàn xếp cùng người Mỹ đưa tôi lên làm Tổng thống, tôi rất biết ơn thầy. Nhưng khi thầy muốn hạ tôi xuống, thầy phải "xinhan" trước cho tôi nghe, đừng để tôi phải chết nhục như anh em Ngô Đình Diệm!". Từ đó Vũ Ngọc Nhạ được Nguyễn Văn Thiệu tin cẩn hoàn toàn và coi ông như là một chiến hữu "tử vì đạo". Không chỉ có Thiệu mà người Mỹ cũng rất cần ông, vì ông làm cố vấn cho Thiệu nên Mỹ muốn qua ông để thăm dò Nguyễn Văn Thiệu, và Thiệu cũng dựa vào ông để biết "ý tứ" người Mỹ. Vì vậy, ông càng có điều kiện nắm bắt tình hình của cả hai bên. Thành công quan trọng của lưới tình báo A22 là lôi kéo được Huỳnh Văn Trọng, từng là một bộ trưởng dưới thời Bảo Đại, nhưng bị Ngô Đình Diệm bỏ rơi hoàn toàn nên tỏ ra bất mãn. Vũ Ngọc Nhạ đã cố vấn cho Huỳnh Văn Trọng tạo dần thanh thế rồi dùng uy tín của mình trợ giúp Nguyễn Văn Thiệu trở thành Tổng thống, được Thiệu vừa hàm ơn, vừa sủng ái đặt vào ghế cố vấn ngoại giao Phủ Tổng thống (tương đương bộ trưởng). ở vị trí này, Huỳnh Văn Trọng có điều kiện tiếp xúc và lấy được hàng loạt văn kiện, chính sách tối mật của Mỹ - ngụy, giao lại cho Vũ Ngọc Nhạ để Trung ương Cục miền Nam kịp thời có đối sách đấu tranh. Tháng 6-1968, dưới sự dàn xếp và tham mưu của Vũ Ngọc Nhạ, Nguyễn Văn Thiệu đã cử Huỳnh Văn Trọng cầm đầu phái đoàn Việt Nam Cộng hòa sang Hoa Kỳ tiếp xúc, gặp gỡ với hàng loạt tổ chức, cá nhân trong chính phủ và chính giới Hoa Kỳ. Chính những thông tin thu lượm được qua người này đã góp phần vô giá cho lãnh đạo của ta trước khi mở ra cửa đàm phán tại Paris với Mỹ.

  Với vẻ bề ngoài là một con chiên ngoan đạo kính Chúa, luôn sẵn sàng tử vì đạo, nhưng Vũ Ngọc Nhạ, con người có công với mọi chế độ quyền lực ở miền Nam này vẫn không hề nhận bất kỳ một ân sủng, chức tước, bổng lộc nào của những kẻ đứng đầu chế độ mong muốn ban tặng, trả ơn. Cũng chính điều đó đã gây ra quanh ông không ít dư luận. Chẳng hạn, một lần, ông cùng Ngô Đình Nhu và Lệ Xuân lên Đà Lạt, sau khi trao đổi một số công việc, Lệ Xuân hỏi:

  - "Anh là Cộng sản à?

  - Sao bà nghĩ vậy?

  - Anh không cần tiền, không cần tình, chỉ có Cộng sản mới thế.

  - Tôi cũng từng là Cộng sản. Nhưng tôi đã "từ bỏ" Cộng sản lâu rồi.

  Lệ Xuân lắc đầu:

  - Tôi thấy anh lạ thật. Làm việc cho Chính phủ mà không nhận phụ cấp. Gia đình anh thì nghèo xác. Sáng nào trước khi vào phủ Tổng thống anh chả đèo rau ra chợ cho bà vợ anh bán, tôi biết chứ...".

 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 15 Tháng Tám, 2008, 07:26:21 pm
  Làm cố vấn cho mấy đời Tổng thống ngụy, mọi phụ cấp anh đều cúng cho nhà thờ. Bù lại, sự tin cậy của chế độ đã giúp anh lấy được hàng loạt tài liệu chiến lược, sách lược tuyệt mật, từ kế hoạch xây dựng ấp chiến lược, kế hoạch Stanley Taylor thời Diệm đến kế hoạch "bình định" nông thôn, kế hoạch Phượng Hoàng, sách lược chiến tranh đặc biệt, cục bộ thời Thiệu v.v.. để Đảng kịp thời có đối sách lãnh đạo đường lối đấu tranh.

  Thêm một điều thú vị nữa, là cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhưng trong trận Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, theo kế hoạch, chính Vũ Ngọc Nhạ sẽ là người chỉ huy biệt động thành tấn công Dinh Độc Lập, bắt hoặc tiêu diệt Nguyễn Văn Thiệu. May cho viên Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, trước giao thừa đã cùng vợ con về quê ngoại (Tiền Giang) ăn tết nên không có mặt. Đêm trước giao thừa, khi tiếng súng tổng tấn công nổi lên khắp nơi, Vũ Ngọc Nhạ - lúc đó đang thay Thiệu "trực" tại Dinh Độc Lập - đã chủ động mở hầm rượu của Tổng thống để "úy lạo anh em binh sĩ", khiến lực lượng phòng vệ trong Dinh Độc Lập say bò lăn bò càng, tạo điều kiện cho cuộc tấn công của quân ta. Tuy nhiên, do kế hoạch có sự thay đổi nên cuộc tấn công vào Dinh đã không nổ ra, để kết quả là sau Tết, Nguyễn Văn Thiệu hết lời khen ngợi và cảm ơn "ông Cố vấn" với sáng kiến mở hầm rượu "lên dây cót anh em" cho nên Dinh Độc Lập đã được giữ nguyên, trong khi Tòa Đại sứ Mỹ cách đó chỉ 300m thì bị Quân giải phóng giã nát.

  Trong lúc Nguyễn Văn Thiệu đang tin dùng Vũ Ngọc Nhạ, thì Cục Tình báo CIA Mỹ đã bắt đầu ngờ vực anh. CIA và mật vụ Mỹ nghi ngờ rằng có một nhóm Cộng sản đang "thao túng" Dinh Độc Lập nên đã theo dõi sát sao và giăng bẫy khắp nơi. Chúng đã gặp Nguyễn Văn Thiệu và cảnh báo ông ta rằng: một lưới tình báo Bắc Việt trong Dinh Tổng thống đang ngầm phá Mỹ và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Cầm đầu lưới này là Vũ Ngọc Nhạ, người mà ông ta tin cẩn nhất. Nhưng Thiệu vẫn không tin Vũ Ngọc Nhạ là Việt Cộng nằm vùng mà cho rằng đấy chỉ là mưu đồ của người Mỹ muốn hạ uy tín của anh. Nhưng rồi, do những sơ hở trong khâu lấy tin, CIA đã có được bằng chứng về hoạt động của Vũ Ngọc Nhạ và ngày 16-7-1969 cả lưới tình báo A22 sa vào tay giặc (trừ Trần Quốc Hương, người chỉ huy cao nhất đã kịp thời rút lui an toàn). Sau hơn một tháng giam giữ, bọn mật vụ và CIA đã dùng mọi cực hình đánh đập, tra khảo, nhưng anh vẫn không nói một câu. Đau đớn về thể xác, Vũ Ngọc Nhạ còn chịu đựng được, nhưng nỗi vò xé về tinh thần thì không chịu nổi: toàn bộ hoạt động của mạng lưới tình báo đã bị kẻ địch nắm được đầy đủ. Để cứu những người bị bắt oan, đồng thời để có cơ hội tiếp tục đấu tranh công khai khi phiên tòa được mở, Vũ Ngọc Nhạ quyết định thừa nhận những gì mà kẻ địch đã có đủ bằng chứng. Hy vọng Vũ Ngọc Nhạ chịu hợp tác, CIA đã cử người đến gặp và đề nghị anh nhận mình là người của CIA. Lời đề nghị này tưởng chừng là một nước cờ cao: vừa nâng uy tín cho CIA (vì lúc này cái tên Vũ Ngọc Nhạ và lưới tình báo A22 đã nổi tiếng), vừa có cơ may tháo mớ bòng bong chính trị đang ngày càng rối tung lên do vụ bê bối đưa đến. Nước cờ cao nên cái giá không thể thấp: khởi điểm CIA sẽ trả cho Vũ Ngọc Nhạ 2 triệu đôla, trương mục mở vào bất kỳ ngân hàng nào do anh yêu cầu, cộng với khoản lương tháng cực cao. Thế nhưng Vũ Ngọc Nhạ đã không đồng ý. Anh cũng từ chối mọi thiện chí giúp đỡ của các luật sư, từ chối biện hộ trước tòa để biến phiên tòa xử anh thành vô giá trị. Vậy là, từ thắng lợi vì phá được một "vụ gián điệp lớn nhất mọi thời đại", CIA và ngụy quyền Sài Gòn lại rơi tõm vào sự thảm bại của một vụ bê bối chính trị không lối gỡ. Mọi công việc của bị cáo đều do... Tổng thống hợp hiến ủy thác hoặc ra lệnh. Nhân chứng quan trọng nhất của "vụ án" chắc chắn tòa sẽ không triệu tập được vì đó chính là... Tổng thống. Tất cả mọi vụ việc, tình tiết có thể nêu lên đều hoàn toàn là chính sách, chủ trương công việc của chính phủ và đều dính tới các chóp bu chính quyền từ tổng thống, bộ trưởng đến dân biểu, CIA, thậm chí dính đến cả... Tổng thống Mỹ. Mặt khác, Nguyễn Văn Thiệu cũng phản ứng: chính CIA cố tình dàn cảnh để chặt tay, chặt chân Thiệu. Chưa hết, Tòa thánh Vatican và cộng đồng Thiên Chúa giáo di cư cũng cho rằng đây là âm mưu của CIA và chính quyền Thiệu nhằm làm cho Thiên Chúa giáo Việt Nam suy yếu. Sự việc xảy ra đã khiến những kẻ ngồi ghế quan tòa lúng túng, không dám tuyên bố một án tử hình nào. Cả 4 người chủ chốt, gồm: Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Lê Hữu Thúy, Nguyễn Xuân Hòe, đều bị kết án chung thân khổ sai và đày ra Côn Đảo. Oái oăm hơn nữa, ngày 23-6-1971, tại Roma diễn ra một đại lễ cầu nguyện cho những ân nhân của Giáo hoàng, Phêrô Vũ Ngọc Nhạ đã được ghi nhận là "người con hiếu thảo của Chúa, vệ sĩ nhiều công đức của Giáo hội, ân nhân của Giáo hoàng Paul VI", được Đức Thánh Cha ban ơn, tặng bằng khen và huy chương của Giáo hoàng. Hai ngày sau, 25-6, một linh mục khâm sai của Vatican đã vào tận khám Chí Hòa trao tặng các phần thưởng cho Vũ Ngọc Nhạ.

  Thái độ ủng hộ của Giáo hoàng Paul VI đã giúp Vũ Ngọc Nhạ, dù đang ngồi tù, uy tín vẫn tăng vùn vụt. Suốt những năm ông bị lưu đày tại Côn Đảo, hàng loạt dân biểu, chính khách, chức sắc tôn giáo và cả cha tuyên úy trong quân đội Mỹ đều viết thư, nhắn hoặc ra tận nơi để thăm hỏi và xin Vũ Ngọc Nhạ cho ý kiến. Năm 1973, thi hành những điều khoản của Hiệp định Paris, chiều 23-7-1973, Vũ Ngọc Nhạ được trao trả tại Lộc Ninh, với danh xưng là "linh mục Giải phóng". Vì thế, cho đến lúc này, khắp miền Nam vẫn không một kẻ nào nghi ngờ vị trí, ảnh hưởng của anh trong chính trường miền Nam. Linh mục Hoàng Quỳnh và nhiều vị chức sắc khác của Tòa thánh Vatican vẫn đều đặn từ Sài Gòn liên lạc với anh ở vùng giải phóng. Uy tín của anh ngày càng lên cao; ngày 12-11-1974, cha Hoàng còn sẵn sàng theo chân Liên - con gái lớn của Vũ Ngọc Nhạ - ra vùng căn cứ của ta ở Đồng Lớn (Trung Lập Thượng, Củ Chi) để cùng anh bàn bạc về lực lượng thứ 3 và chính phủ ba thành phần ở miền Nam theo Hiệp định Paris. Và, chính với tư cách của một người thuộc lực lượng thứ 3, trưa ngày 30-4-1975, Vũ Ngọc Nhạ đã đứng bên cạnh Dương Văn Minh khi viên Tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn tuyên bố đầu hàng Cách mạng vô điều kiện. Vào giờ phút đó, với tâm trạng rối bời, Tổng thống Việt Nam Cộng hoà cuối cùng đã không để ý thấy một chi tiết: Con người nhỏ bé đứng bên cạnh ông ta đang nở một nụ cười, nhẹ nhàng nhưng tươi tắn và mãn nguyện.

  Sau ngày giải phóng, trong bộ hồ sơ ta thu được tại Tổng Nha Cảnh sát ngụy quyền có đoạn viết: "Từ trước đến nay, ngoại trừ những giai thoại giả tưởng trong tiểu thuyết trinh thám, chưa bao giờ có những tổ điệp báo thành công như thế. Cụm A22 hoạt động do ông Vũ Ngọc Nhạ cầm đầu phát triển đều đặn và thi thố nhiều thủ đoạn mà chúng ta phải nhìn nhận là huyền diệu và sâu sắc... Cụm đã phát triển một hệ thống điệp vụ vô cùng quan trọng và đã len lỏi vào nhiều cơ quan đầu não của Việt Nam Cộng hòa. Những tin tức chiến lược họ cung cấp đều có giá trị, giúp cho Hà Nội có những dữ kiện chắc chắn khi ấn định chính sách của họ đối với cuộc chiến tranh".
Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ, thầy Bốn, anh Hai Long, ông Cố vấn... đã lập nên những chiến công khiến cả kẻ thù cũng phải khâm phục, trở thành một mẫu chiến sĩ tình báo độc đáo, tạo ra một triết lý hoạt động phản gián có một không hai từ trước tới nay. Ông mất ngày 7-8-2002.

Đinh Hải Lý
(Tổng hợp từ các báo


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 15 Tháng Tám, 2008, 07:29:05 pm
95 - JOHN  LE  CARRE (sinh năm 1931)
Nhà văn bậc thầy về nghề điệp viên

(http://cache.eb.com/eb/image?id=10284&rendTypeId=4)

  Le Carre tên thật là David Cornuel sinh năm 1931 ở Pulo thuộc tỉnh Dorset. Năm David lên sáu, mẹ cậu đã bỏ gia đình, gây nên cú sốc sau này tác động đến thái độ đối với phụ nữ của Le Carre. Chàng trai hoàn toàn chịu ảnh hưởng của bố, một người đàn ông khả ái, vô lo và hay mơ mộng huyễn hoặc. Tốt nghiệp phổ thông, David thi vào trường Đại học Tổng hợp Berns học tiếng Đức. David ở trường 9 tháng mà không học gì cả. Cũng tại trường này David lần đầu tiên tiếp xúc với hoạt động tình báo mà ông miêu tả sau này trong một cuốn truyện của mình. Cuộc tiếp xúc là định mệnh đối với David.

  Năm 1949 David từ Berns trở về và được gọi vào quân ngũ. Ông làm việc ở "quân đoàn tình báo" ở Áo và như chính lời ông thừa nhận "ở bộ phận tìm cách moi bí mật bằng tra hỏi những người vượt biên giới Tiệp". Đó là thời kỳ chuyển từ chiến tranh "nóng" sang "lạnh". David thuộc thế hệ những nhà văn Anh mà lập trường chính trị được hình thành vào thời kỳ này. David nhớ lại đã bị sốc trước những biến chuyển quá nhanh của các sự kiện. "Chuyện xảy ra quá nhanh cứ như là nòng súng bất ngờ quay ngược hết lại vậy". Rồi ông đưa ra thí dụ: "Kể từ khi chiến tranh chuyển từ "nóng" sang "lạnh", sau đó tình hình có vẻ dịu đi, chúng ta đã trải qua sự đảo lộn dữ dội về tư tưởng: Những ai trước đây vào năm 1945 còn đi ném bom Berlin thì đến năm 1948 lại bắc sang đó "chiếc cầu hàng không".

  Năm 1952, ra khỏi quân ngũ David thi vào trường Lincohn ở Oxford, lại bắt tay vào học tiếng Đức. Thời gian theo học ở trường David vẫn làm cho các cơ quan tình báo và có nhiệm vụ thu thập tin tức mật báo về các phần tử cánh tả tích cực trong sinh viên. Ông làm điều này hoàn toàn tự giác vì ông cho là tư tưởng và hành động của những người cánh tả là phi đạo đức và có hại. Vào năm 1954 David học hết năm thứ hai, nhưng buộc phải bỏ học vì ông bố đã khánh kiệt và phải tuyên bố vỡ nợ. Sau một thời gian đi làm giáo viên kiếm sống, năm 1956 David lại quay về trường tiếp tục học. Cũng lúc này ông lấy vợ. Năm 1958 David lại bỏ học: "tôi thấy mình bị lôi cuốn vào cuộc chiến xã hội". David cảm thấy bị tổn thương vì vương quốc Anh một thời làm chủ thế giới nay bị sụp đổ ngay trước mắt ông. "Tất cả mọi thứ đều đã sụp đổ, chẳng còn gì nữa, vĩnh biệt thế giới." - tâm trạng của David lúc ấy là như vậy.

  Ngay từ khi còn đi học David đã nỗ lực thi vào làm ở Bộ Ngoại giao. Sau bao trở lực bởi thói quan liêu, David đã đạt được mong muốn. Nhiệm vụ đầu tiên tại Bonn của David là hoạt động trong đường dây MI-5 của Maxwell Night nổi tiếng bởi chiến dịch thâm nhập vào Đảng cộng sản Anh thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến. Bản thân David (khi đã là nhà văn Le Carre) phủ định chuyện ông là "điệp viên", song các cuốn tra cứu đáng tin cậy của Anh lại khẳng định chuyện đó. Cựu giám đốc Cục Tình báo William Conbi thì thấy các cuốn sách của Le Carre phản ánh thật chính xác hoạt động tình báo và chỉ có người trong ngành mới có thể viết chân thực đến thế. Trong cuốn tra cứu "Các điệp viên Anh" đã chỉ rõ từ MI-5 Le Carre đã được chuyển sang SIS và sau khi học xong khóa tình báo ở trại Sarrat-lake đã được cử học tiếp một khóa đào tạo nữa ở Scotland.

  Mùa hè năm 1961, David được bổ nhiệm Bí thư thứ hai sứ quán Anh ở Bonn. Ông ở đó khi bức tường Berlin được dựng lên. Sau này ông thường đến Berlin công tác và đã thuật lại trong cuốn "Điệp viên đến từ băng giá". David bây giờ là nhà văn, song cán bộ Ngoại giao không được phép in sách với tên thực, nên năm 1961 ông bắt đầu lấy bút danh là "Trang Sprit", sau này nổi tiếng với tên Le Carre. Cuốn sách đầu tay "Tiếng gọi tới những người chết" không được ai biết đến, cuốn thứ hai "Tên giết người chuyên nghiệp" năm 1962 cũng vậy. Mãi tới cuốn thứ ba "Điệp viên đến từ băng giá" mới nổi danh và là một cuốn sách ăn khách nhất. Báo chí bắt đầu nói tới ông, gọi David là người "đã phanh phui hồ sơ mật của châu Âu", là tác giả của "Lịch sử tình báo qua tư liệu" và nhấn mạnh là chỉ có người biết rõ "trực tiếp" về tình báo mới viết được như thế. Bí ẩn của bút danh đã gây ra làn sóng đầu cơ trong báo chí. Các sách của ông được ấn hành với số lượng lớn. Năm 1963, chỉ trong có hai tuần ở Mỹ đã bán được 70 ngàn cuốn. Năm 1964 Le Carre thôi làm việc ở Bộ Ngoại giao. Cuốn "Điệp viên đến từ băng giá" được giải thưởng cao quý Somerset Moem cho truyện hình sự. Ông được tạm ứng 50 ngàn stéclinh cho cuốn "Chiến tranh phản chiếu" và trở thành một người giàu có. Phim ảnh được dựng theo truyện của ông với sự tham gia của các ngôi sao. Sách của ông được tái bản hai - ba năm một lần. Cuốn sách nổi tiếng nhất - cuốn "Điệp viên lý tưởng" - được xuất bản năm 1986.

  Cùng với thời gian các quan điểm của Le Carre cũng thay đổi. Ông đã "tả hóa": đã tham gia chiến dịch chống chiến tranh hạt nhân, lên tiếng phê phán gay gắt đường lối của chính phủ Israel ở vùng Cận Đông (thậm chí David còn bị buộc tội đã tuyên truyền cho "Mặt trận giải phóng dân tộc của Palestine"). Ông lên án vụ chính phủ Israel can thiệp vào Liban năm 1982, cũng năm ấy ông tuyên bố luôn luôn bỏ phiếu cho Đảng Xã hội. Cuối những năm 80 Le Carre đã vài lần tới Nga. Trong cuốn "Ngôi nhà Nga" ông cũng viết về hoạt động tình báo, đã thấy niềm tin của tác giả vào sự thay đổi theo chiều hướng tốt lên của các mối quan hệ Đông-Tây. Ông cũng bày tỏ hy vọng của mình khi trả lời phỏng vấn của báo "Văn học" vào tháng 4 năm 1989. Cũng cần nói thêm rằng ngay khi ấy ông đã nói là sau "chiến tranh lạnh" các Cục Tình báo cần thể hiện được những sự thay đổi mà cuộc sống cũng như thời đại đã đưa lại ở phương pháp, hình thức và mạng lưới hoạt động của mình.

  Ý kiến của các chuyên gia tình báo về các tác phẩm của Le Carre rất khác nhau. Giám đốc Cục Tình báo quân sự Israel cho rằng đó là những cuốn sách giáo khoa không chính thức cho các điệp viên. Còn theo con trai của Richard Hemmer thì giám đốc Cục Tình báo, người vốn rất ái mộ Ian Fleming, lại rất ghét Le Carre. Thậm chí một đồng nghiệp tình báo Anh của Le Carre còn mắng vào mặt ông: "Đồ súc sinh! Đồ quái thai!".

  Điệp viên Nga Kim Philby cũng không thích "Điệp viên đến từ băng giá". Trong lá thư gửi vợ năm 1963 ông viết: "Thật dễ chịu sau khi xem những chuyện ngớ ngẩn về điệp viên 007 James Bond, được đọc một cuốn viết có tính chuyên nghiệp về tình báo. Tuy nhiên cốt truyện và tình tiết từ đầu đến cuối hoàn toàn khó tin và sự bịa đặt không đúng sự thật ấy luôn lộ ra ít nhất là đối với những người biết rõ và am hiểu thực tế về hoạt động tình báo". Có lẽ không ở đâu ngoài kho lưu trữ của Cục Tình báo Anh có lưu giữ tư liệu khẳng định hoạt động của điệp viên Le Carre. Trong bài viết này của chúng tôi cũng vậy, Le Carre không phải là một điệp viên bậc thầy, mà chỉ là một tác giả bậc thầy về đề tài tình báo. Chắc là Le Carre đã viết về chính hoạt động của ông và các đồng sự của mình.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 16 Tháng Tám, 2008, 07:20:42 pm
96 - DIETER GERHARDT (sinh năm 1936)
RUTH  JOHR - điệp viên Xô Viết,
Bạn của tổng thống Nam Phi

(http://www.yuar.ru/pics/gerhardt.jpg)

  Phán quan của toà án vùng Keiptaun George Munnik lần đầu tiên sau nhiều năm công tác gặp phải một vụ án như vậy. Khi ông tuyên đọc: "Bây giờ toà sẽ xem xét các vật chứng", - thì lẽ ra ông phải cầm chúng trong tay, tự mình nhìn, đưa ra cho mọi người và các vị bồi thẩm xem, đằng này ông lại phải nói thêm:

  - Xin mời các quý vị xem!   

  Lúc đó một số thanh niên trai tráng ngồi ở mấy ghế dưới mới cầm lên những quyển mật mã và các cuộn phim thu nhỏ và từ xa giới thiệu với quan toà và những người khác. Ông Munnik không hề bực bội vì sự không tin tưởng đó, vả lại bằng khoé mắt ông cũng đã nhận thấy bị can hơi nhếch miệng cười, đó là một người đàn ông đĩnh đạc, cao đến hai mét, bốn mươi bảy tuổi, ngồi sau chấn song, cạnh một người phụ nữ nhỏ bé, mảnh mai, duyên dáng. Đây là một vụ án bí mật, không tiền khoáng hậu, chứa đựng những bí mật quốc gia trọng đại nhất, được xử không công khai, tham dự toàn là những người được tin cậy đặc biệt. Trong phòng xử, xung quanh ông là các đơn vị cảnh sát, được tăng cường bằng quân đội, sẵn sàng bất kỳ phút nào cũng có thể tóm ngay "bàn tay Moscva", nếu bàn tay ấy xía vào đây hòng cứu thoát  các điệp viên của mình.

  Nhưng không có gì đặc biệt xảy ra cả. Toà án bắt đầu từ tháng 8 năm 1983 và kết thúc ngày 31 tháng 12, sau bốn tháng rưỡi xét xử. Trong số 124 nhân chứng bị thẩm vấn không có người nào đưa ra được bằng chứng về tội gián điệp của các bị can. Nhưng những bằng chứng đó đã có từ trước: ngoài những cuốn sách mật mã, những cuốn phim thu nhỏ, băng cassette, những máy móc gián điệp cỡ lớn xếp đầy một phòng trong toà. Thêm vào đó các bị can - một cặp vợ chồng - đã không phủ nhận những lời buộc tội rằng họ làm gián điệp cho Liên Xô. Trong lời cuối cùng, bị can chỉ xin một điều: khoan hồng cho vợ ông vì bà chỉ là người thực hiện mù quáng ý chí của ông và chỉ làm nhiệm vụ thư ký và đưa thư mà thôi. Theo pháp luật của Nam Phi thì tội phản quốc bị xử rất nặng, thậm chí tử hình. Ngày 31-12-1983 toà tuyên án...

  ... Mọi việc bắt đầu năm 1962, khi Gerhardt còn công tác ở London, tại đó ông đã đến Đại sứ quán Liên Xô và yêu cầu được gặp tuỳ viên quân sự. Từ đó ông được đưa vào danh sách điệp viên với biệt danh “Felics”. Có một điều đơn giản là cuộc sống phẳng lặng không thoả mãn được tính lãng mạn của ông, lòng mong mỏi muốn bộc lộ mình và lòng căm thù chế độ apacthai đã đưa ông tới chỗ hợp tác với tình báo Xô Viết.

  Vào ngày Noel đẹp trời năm 1968 tại thị trấn Thụy Sĩ Kloster ông làm quen với Ruth Johr - cô con gái 27 tuổi của một công nhân hãng dược liệu, người trình diễn các mốt mũ và là thư ký của một luật sư nổi tiếng Thụy Sĩ. Trong khi đi nghỉ những người trẻ tuổi thường làm quen với nhau rất nhanh. Dieter Gerhardt, sĩ quan hải quân của Nam Phi, lúc này là điệp viên Xô Viết, đã say mê nàng ngay từ ánh mắt đầu tiên và yêu cho đến cuối đời. Tháng 9-1969 ở Keiptaun họ cưới nhau (bà là vợ thứ hai của ông). Vì Dieter Gerhardt là sĩ quan, nên theo luật pháp Nam Phi, người vợ không thể là người nước ngoài. Ruth là người Thụy Sĩ, bà đã nhập quốc tịch Nam Phi.

  Là một phụ nữ vui vẻ, phóng khoáng, xinh đẹp, chẳng bao lâu sau Ruth đã nổi trội trong giới các phu nhân sĩ quan. Thậm chí họ còn bầu chọn bà là đại diện cho câu lạc bộ của họ. Bà biết các thứ tiếng Đức, Pháp, Anh và Italia, Ruth lại học thêm được tiếng Afrikanas và bà đã tổ chức các lớp dạy ngoại ngữ cho các bà vợ sĩ quan. Ngôi nhà của Dieter Gerhardt lúc nào cũng đầy khách, ở đây họ thấy mình được hoàn toàn tự do và cởi mở, dân thuỷ thủ uống rượu và nói mọi chuyện. Mặc dù những điều bí mật cứ tự nhiên rót vào tai Ruth, nhưng Dieter không sử dụng bà ngay lập tức: phải tới một năm rưỡi hoặc hai năm sau ông mới lôi kéo bà vào cuộc. Ông vẫn thu thập những tin tức mà ông biết thông qua cương vị công tác của mình. Ông còn là liên thuyền trưởng và là trưởng sĩ quan của căn cứ hải quân lớn nhất Nam bán cầu Saymonstaun. Dưới trướng của ông có hai ngàn bảy trăm người, ông phụ trách toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, việc xây dựng và khả năng tác chiến của Hải quân Nam Phi. Năm 1983 ông được phong hàm chuẩn tướng. Khi đã hoàn toàn tin tưởng vào lòng trung thực và trung thành của vợ, Dieter Gerhardt mới nhẹ nhàng cho vợ biết rằng ông làm việc cho tình báo Xô Viết. Ông lo lắng chờ đợi phản ứng của vợ. Cuối cùng bà nói:

  - Em sẽ làm tất cả những gì anh làm.

  Tổng thống Nam Phi Peter Bota, một người phân biệt chủng tộc và căm thù Liên Xô, nhưng trong cuộc sống lại là người dễ chịu và độ lượng. Ông quen với bố của Dieter Gerhardt và che chở cho ông. Vì thế (và cũng vì trình độ chuyên môn cao) nên Dieter rất thích ông ta với tư cách là một nhà chuyên môn khi thảo luận trong phạm vi hẹp những vấn đề quân sự đặc biệt quan trọng. Những cuộc thảo luận như vậy thường kết thúc bằng một bữa cơm thân mật do bà vợ tổng thống chuẩn bị. Một hôm bà Ruth cũng được mời tới dự. Hai bà vợ rất thích nhau, từ đó hai gia đình chơi với nhau, mặc dù có sự cách biệt về xã hội.

  Bạn thân của Dieter Gerhardt là Tư lệnh Hạm đội Hải quân Nam Phi Birmann, ấy là chưa kể đến những sĩ quan cao cấp khác nữa. Tất nhiên, họ không chỉ bàn đến những chuyện thể thao và đua ngựa. Trong nhóm này có Dieter, trong nhóm khác có Ruth. Bà chăm chú nghe các câu chuyện, đôi khi còn lái câu chuyện vào chủ đề cần thiết. Tuy nhiên, nguồn thu thập thông tin của vợ chồng ông không phải chỉ là những thông tin hải quân hoặc những phát ngôn của các nhân vật cao cấp. Vấn đề là ở chỗ Dieter Gerhardt được bước chân vào những nơi tuyệt mật không những đối với Nam Phi, mà còn đối với toàn bộ cánh phía Nam của NATO (mặc dù đường lối chính thức của quốc tế là tẩy chay Nam Phi, nhưng các nhà quân sự của NATO vẫn duy trì tiếp xúc với Nam Phi). Đó là căn cứ tuyệt mật Silvermayn, một kỳ quan về điện tử, được "tổ hợp" bằng mọi thiết bị hiện đại nhất để theo dõi tàu thuỷ và máy bay ở vùng Nam Đại Tây Dương và ấn Độ Dương. Dieter được biết không những các thiết bị và phương pháp hoạt động của căn cứ, ông còn được biết tất cả mọi điều về sự hoạt động và sự di chuyển của các tàu nổi và tàu ngầm của Liên Xô ở Nam bán cầu. Nhưng một thông tin bất kỳ, dù có giá trị nhất đi nữa, cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu không được truyền đi kịp thời đến đúng địa chỉ. Bây giờ đến lượt bà Ruth vào cuộc.

  Dieter và Ruth có biệt danh là Felics và Lina. Mọi tin tức thu được Lina chuyển cho các liên lạc viên. Những người này được thay đổi luôn, nhưng họ đều mang tên là Bob. Họ không những là các nhà chuyên môn có trình độ, mà còn là những con người duyên dáng khiến bà hết sức kính trọng và yêu mến, đồng thời yêu luôn cả nghề tình báo mà họ đại diện. Không phải ngẫu nhiên, sau bao nhiêu gian khổ và điều trị Ruth mới sinh được một cậu con trai, hai vợ chồng đặt tên là Gregori để tưởng nhớ thần tượng của mình ở Moscva là Gregori, mà họ đã quen ông trên đường tới thủ đô Xô Viết. Lina tới các cuộc gặp mặt với các liên lạc viên mỗi năm mấy lần, chủ yếu là với lý do thăm thân. đây là những cuộc thăm viếng trên quê hương bà ở Thụy Sĩ, ở Madagaskar kỳ thú và ở các nước khác nữa.

  Những thiết bị mà sau này người ta đem trưng bày trong toà án là do các điệp viên mang đến theo nhiều đường phức tạp khác nhau. Họ nhận các nhiệm vụ và chỉ thị không những trong các cuộc gặp gỡ giữa Lina với các liên lạc viên, mà còn nhờ máy radio bình thường thu sóng cực ngắn. Trong máy có gắn một thiết bị ghi đặc biệt chạy mấy tốc độ. Đến giờ quy định Lina mở máy, trên sóng vang lên mật khẩu, sau đó mấy giây có tiếng rít. Sau khi ghi xong, Lina để máy ở tốc độ không lớn - bây giờ những tiếng rít vô nghĩa đã biến thành những tiếng tạch tè rõ nét, mà một nhân viên điện đài mới vào nghề cũng hiểu được. Ghi lại xong, bà lấy ra cuốn sách mật mã. Nhờ hoá chất một văn bản hiện ra. Bây giờ bà giải mã. Chỉ thị của Trung Tâm bao giờ cũng ngắn gọn và rõ ràng. Đôi khi còn có lời cám ơn vì một thông báo giá trị. Các đồng chí ở Trung Tâm không quên chúc mừng ngày sinh nhật và các ngày lễ.

  Trước năm mới 1983 Dieter đi  Mỹ dự một lớp học ngắn ngày về quản lý và kinh doanh tại thành phố nhỏ Sirakuzy gần New York. Một người bạn cùng lớp tên là Dzhimmi mời ông đi nghỉ cuối tuần ở New York. Tại khách sạn ở đây ông bị bắt. Suốt 11 ngày liền ông bị tra hỏi dồn dập kèm theo những lời đe dọa, những tác động tâm lý. Đầu tiên ông cho rằng chúng không đủ bằng chứng, mà chỉ vì ông có những sơ suất nhỏ, nhưng sau đó ông được biết rằng CIA  đã biết rõ nội dung hồ sơ Moscva của ông. Ông không biết rằng ông bị khai ra bởi một tên tình báo Xô Viết phản động tên là Poliacov, sau này hắn đã bị trừng trị thích đáng. Nhưng chính sự rò rỉ tin tức lại xảy ra từ chính cơ quan mà ông kính trọng dẫn ông đến chỗ thất bại, điều này đã làm ông nản chí. Hơn thế nữa, những lời đường mật cũng không thể không có ảnh hưởng: hợp tác với ban điều tra thì sẽ được giảm tội, rồi lại có những lời đe dọa: trừng trị thẳng tay không những đối với ông, mà còn đối với cả vợ và con trai nữa. Dieter đã không chịu đựng nổi. Ông khai ra hoạt động của mình, thậm chí khai cả tên người liên lạc là Nicolaev mà ông phải gặp trên đường từ Mỹ trở về Duyrich. Nicolaev cũng bị bắt. Bọn chúng đến lục soát nhà bà mẹ của Ruth, chúng phát hiện và tịch thu những cuốn phim thu nhỏ và những hộ chiếu giả. Ruth cũng bị bắt. Trước phiên toà diễn ra vào tháng tám Ruth chỉ nhìn thấy chồng có một lần, khi cả hai người được dẫn từ nhà tù về nhà để họ chứng kiến buổi khám nhà. Chúng tìm thấy máy truyền tin, nhưng chẳng có ích gì vì hai người không sử dụng.

  Ngày 26-1-1983, tổng thống Nam Phi Peter Bota trong một cuộc họp ở Keiptaun đã buồn rầu tuyên bố về việc bắt giữ viên sĩ quan hải quân Nam Phi Dieter vì tội gián điệp. Ông không nhắc đến chuyện Dieter là một người quen thân của mình. Bắt đầu một cuộc điều tra kéo dài. Trong một tư liệu có nói: "Những thiệt hại mà Dieter Gerhardt gây ra có liên quan đến NATO, các lực lượng hải quân Anh, các hệ thống tên lửa Pháp "Ekzoset", ấy là chưa nói đến cấu trúc căn cứ hải quân ở Saymonstaun". Tất nhiên, báo chí đã phẫn nộ viết rằng đối với Dieter Gerhardt thì Nam Phi chẳng có gì là bí mật cả, rằng mới một tháng trước khi bị bắt ông đã có cuộc gặp mặt bí mật với bộ trưởng quốc phòng Tây Đức Manfred Verner. Tờ báo "Sandi star" ở Johannesburg viết: "Những thông tin mà Dieter Gerhardt chuyển cho những người Xô Viết là một trong những đòn chí tử đánh vào phương Tây kể từ ngày bắt đầu "chiến tranh lạnh". Hàng loạt bí mật quân sự và chiến lược quan trọng nhất của Nam Phi, Anh và NATO đã được phanh phui. Đối với người Nga Dieter Gerhardt là một điệp viên có giá trị nhất sau Kim Philby".

  ... Quan toà George Munnik đằng hắng một tiếng, uống một hớp nước, kết thúc bản kết án và nói:

  - Trên cơ sở những điều đã tuyên đọc Dieter Gerhardt bị kết tội tù chung thân, còn Ruth Gerhardt bị mười năm tù.

  Trong phòng im lặng, chỉ có tiếng của Ruth vang lên:

  - Con nhỏ đáng thương của tôi! Tôi biết làm gì đây với Gregori?!

  Ruth đã được tha sớm trước thời hạn và trở về quê hương Thụy Sĩ. Năm 1992, sau khi trên tờ "Tin tức" công bố bài báo của B. Piliatskin "Felics và Lina", tổng thống Nga B.N. Eltsin mới yêu cầu tổng thống Nam Phi ân xá cho Dieter Gerhardt. Yêu cầu đó được thoả mãn và ngày 27-8-1992 Dieter Gerhardt được trả tự do.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 17 Tháng Tám, 2008, 12:31:10 pm
97 - OLDRICH AIMS (sinh năm 1941)
CIA làm việc cho Nga

(http://static.howstuffworks.com/gif/spy-1.jpg)

  Một ngày xuân tháng 4 năm 1985 có một người lạ mặt gõ cửa Đại sứ quán Liên Xô ở Washington. Anh ta đưa cho người thường trực một cái túi, trong đó lại có một cái túi nữa có đóng dấu gửi cho một công dân Xô Viết, trong đó người lạ mặt thông báo họ tên của mình, đồng thời cung cấp một số thông tin về hai sĩ quan Mỹ hoạt động cho KGB, kèm theo một bức thư nhỏ có ghi: "5.000 USD", tức là cái giá quy định để từ nay anh sẽ cung cấp những thông tin bí mật.

  Như vậy, theo lời thú nhận của chính Aims trước toà án Mỹ ngày 28-4-1994 - tại đó anh bị kết án tù chung thân, thì anh bắt đầu hợp tác với tình báo Xô Viết như thế đó. Nhưng vì các cơ quan mật vụ của Liên Xô không đưa ra lời nhận xét về vụ án Aims, cho nên những điều trình bày trong truyện này đều dựa vào báo chí nước ngoài.

  Oldrich Aims sinh năm 1941 ở một thị trấn nhỏ bang Viskonsin. Cha anh, Carlton Aims năm 1951 là nhân viên CIA, và cả gia đình chuyển sang Miến Điện, lúc đó Miến Điện là trung tâm chú ý của CIA. Học xong phổ thông Rik (tên anh ở nhà) vào đại học tổng hợp Chicago, nhưng bị đuổi học vì tội thường xuyên bỏ học, lang thang với bọn digan quanh nhà hát mong làm nghệ sĩ. Gần một năm anh không làm gì cả. Theo yêu cầu chủ cha, anh làm đơn xin vào CIA. Vì không có trình độ đại học nên anh chỉ được làm việc văn phòng, mãi một năm sau, học xong lớp buổi tối của tổng hợp, anh mới được đi học lớp đào tạo của đội nhân viên tác nghiệp. Tại lớp này anh gặp cô gái Nensi, cũng là nhân viên CIA. Họ quyết định lấy nhau, nhưng sau đám cưới cô phải rời bỏ CIA theo luật định... Năm 1980, anh được cử sang Mexico, cô đã từ chối theo anh. Họ sống ly thân. Tại Mexico, Rik quen một cô gái rất xinh đẹp là Rosario, làm tuỳ viên văn hoá ở Đại sứ quán Columbia. Là người có học vấn cao, duyên dáng và rất văn hoá, cô gái đã chinh phục trái tim người đàn ông bốn mươi tuổi này. Cô cũng là điệp viên ăn lương của CIA. Cô cũng ngạc nhiên thấy Aims là người có trình độ văn hoá cao, am hiểu văn học cổ điển, là điều khác  với đa số người Mỹ. Họ yêu nhau, quyết định sống chung, nhưng đó lại là một vấn đề nan giải đối với Aims: sắp tới vụ giải quyết ly hôn và quyết định vấn đề tài sản. Tình hình tài chính của anh thật thảm hại, nợ như chúa Chổm, và đã nhiều khi anh có ý định phải sở hữu một nguồn thu nhập phong phú để có cuộc sống cao. Anh đã cố xua đuổi ý nghĩ đó mà không được. Lại còn một điều nữa. Anh luôn luôn có cảm giác là mình thiếu khả năng thực tế, thường xuyên bị người ta đánh giá chưa đúng trong công việc. Anh là một nhà phân tích mạch lạc, nhưng người ta lại muốn sử dụng anh như một người chiêu mộ tác nghiệp ít tác dụng. Anh bị giáng một đòn mạnh khi anh nhìn thấy trong hồ sơ của cha anh, một người quá cố mà anh rất yêu mến và kính trọng: "Ông Carlton Aims không có giá trị gì trong ngành tình báo và hoàn toàn không có khả năng". Anh không thể tha thứ cho sự xúc phạm này được. Và thế là Oldrich Aims đi đến một sự lựa chọn. Về lý thì có thể xuất hiện một vấn đề là làm sao anh có thể tự do, không sợ bị theo dõi mà lai vãng đến đại sứ quán Xô Viết và rất nhiều lần gặp gỡ các nhà tình báo Xô Viết? Vấn đề là ở chỗ những cuộc tới thăm và gặp gỡ đó là hợp pháp vì anh là người lãnh đạo một đơn vị phản gián chống Xô Viết của CIA! Oldrich Aims đã có một thời kỳ làm việc "dưới trướng" của đại sứ quán Mỹ ở Ancara, sau đó trong bộ máy trung tâm của CIA ở Washington. Là cộng sự của Ban Xô Viết, anh đã học tiếng Nga thành thạo, có uy tín cao. Anh đã sống mấy năm ở New York, được giao trách nhiệm làm việc với các nhà ngoại giao Xô Viết, đặc biệt là với phó tổng thư ký Liên hiệp quốc Sevtrenco, chính ông này đã đề nghị được phục vụ cho CIA.

  Năm 1985, khi Oldrich Aims đã là tình báo Xô Viết anh lại đến Washington và nhờ chức vụ của mình mà biết được mọi hoạt động chống Liên Xô và chống tình báo Xô Viết đang được tiến hành ở bất kỳ nước nào trên thế giới. Anh cũng được trực tiếp tham gia kiểm tra các điệp viên bị nghi ngờ là có quan hệ với tình báo nước ngoài. Từ tháng 6-1986 đến tháng 7-1989 anh làm việc ở La Mã, ở đây, theo anh thừa nhận, anh đã chuyển cho tình báo Xô Viết từng túi nguyên các tài liệu cơ mật. Sau khi trở về Lengli (đại bản doanh của CIA)  Aims lại được cử vào ban phản gián của CIA. Anh nhận việc tại Ban Xô Viết thuộc nhóm phân tích của Trung Tâm. Anh đã viết những công trình khoa học về các hoạt động của KGB, và bây giờ tình báo Xô Viết đã có được khả năng không những đọc được các báo cáo của CIA, mà còn có thể tác động đến nội dung và những kết luận trong các báo cáo của CIA về KGB. Anh có thể thâm nhập vào các cơ sở dữ liệu bí mật, tại đây, ngoài những điều nói trên còn có những thông tin về các điệp viên nhị trùng, có thể đọc được những tệp điện thoại bí mật. Một tác giả người Mỹ đã viết: “đối với KGB thì việc đặt mua tin tức tại một cơ sở dữ liệu bí mật hoàn toàn mới mang tên là "CIA Trực tuyến" cũng chẳng có gì là khó khăn cả".

  Tất cả những chi tiết trong hoạt động tác nghiệp của Oldrich Aims với tư cách là điệp viên Xô Viết chắc gì đã được công bố trong một tương lai gần. Tuy nhiên, các nguồn tin của Mỹ đã khẳng định rằng Aims có thể đã phá vỡ hàng loạt những chiến dịch lớn của các cơ quan đặc vụ Mỹ chống Liên Xô và nước Nga trong giai đoạn từ 1985 đến cuối 1992. Một trong những điều buộc tội  Aims là anh đã "khai báo" hơn mười điệp viên giá trị của CIA.

  Những "mất mát" lớn nhất trong số đó là ai?

  Là Sergei Motorin, tình báo của KGB, là bí thư thứ ba phòng lãnh sự đại sứ quán Liên Xô ở Washington. Ông này bị chiêu mộ qua con đường quan hệ với gái điếm, buôn bán và ông đã chuyển cho người Mỹ những tin tức về các cộng sự và tình báo KGB trong đại sứ quán. Cuối năm 1984 Motorin về Moscva, nửa năm sau Aims tố cáo ông và ông đã bị vô hiệu hoá.

  Là Adolf Tolcatrev, cán bộ một viện nghiên cứu tuyệt mật, anh này đã chuyển cho người Mỹ những thông tin về hệ thống "ta - địch". Anh bị mua chuộc ở Moscva "bằng tiền" và cũng vì anh không hài lòng với cương vị công tác. Anh bị xử tử ngày 24-9-1986.

  Là Valeri Martưnov, cộng sự của KGB, bí thư thứ ba đại sứ quán Xô Viết ở Washington. Bị mua chuộc bởi cả FBI và CIA. Bị triệu hồi về Moscva, bị ra toà và xử bắn ngày 28-5-1987.

  Là Vladimir Potasev, chuyên gia về các vấn đề giải trừ quân bị, đã cung cấp cho CIA nhiều thông tin, khi làm việc tại Viện nghiên cứu Mỹ và Canada. Bị bắt ngày 1-7-1986, bị xử án 13 năm tù. Năm 1992 Elsin ân xá cho Potasev, anh này đã sang Mỹ và sống tại đó.

  Là Boris Yuzhin, sĩ quan KGB, làm việc "dưới trướng" hãng thông tấn TASS ở San-Fransisko. Bị mua chuộc năm 1978. Năm 1986 bị bắt ở Moscva, bị kết án 15 năm tù. Năm 1992 được Elsin ân xá và hiện sống ở Mỹ.

  Cuối cùng là Dmitri Poliacov, một trong những điệp viên giá trị nhất của CIA. Tự nguyện liên hệ với người Mỹ năm 1961. Trong nhiều năm cung cấp cho CIA những số liệu về tên lửa chiến lược Xô Viết. Trong thời gian làm việc cho Mỹ đã tố giác mười chín tình báo Xô Viết, hơn một trăm năm mươi tình báo là người nước ngoài, gần một ngàn rưởi sĩ quan có liên quan đến Cục Tình báo Trung ương, đã trao cho Mỹ bản chụp các tài liệu về bất đồng sâu sắc giữa Trung Quốc và Liên Xô, giúp cho Nixon dàn hoà được quan hệ với Trung Quốc năm 1972. Năm 1971 Poliakov nhận quân hàm thiếu tướng. Cuối năm 1986 bị bắt, bị tịch thu các thiết bị gián điệp. Đầu năm 1988 bị kết án tử hình. Bản án được thi hành ngày 15-3-1988, việc xử bắn được thông báo chính thức năm 1990. Theo lời giám đốc CIA James Volsi, trong số các điệp viên Xô Viết được chiêu mộ trong thời kỳ "chiến tranh lạnh" thì Poliacov là "một viên kim cương thật sự".

  Bản thân Oldrich Aims, theo nguồn tin của Mỹ, bị phát hiện là vì mức chi tiêu của anh cao hơn nhiều so với nguồn thu nhập chính. Chẳng hạn anh đã mua 3 chiếc xe ô tô "jahuar" v.v... Anh bị theo dõi từ năm 1990 và bị bắt ngày 21-2-1994. Toà án đưa ra phán quyết ngày 28-4 năm đó. Các tài liệu đều cho thấy rằng anh nhận được của tình báo Xô Viết ít nhất là một triệu rưỡi đô la; nhiều khoản lớn còn nằm trong các tài khoản của anh ở các ngân hàng.

  Rosario vợ anh bị kết án sáu mươi ba tháng tù vì tội "không chịu tố giác".


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 17 Tháng Tám, 2008, 12:39:55 pm
98 - Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1947)
 Điệp báo viên sau 20 năm ẩn tích - ném bom Dinh Độc Lập

(http://4u.jcisio.com/data/knowledge/danhnhan/gif/nguyen_thanh_trung.jpg)

  Qua bao nhiêu lần kiểm tra, cả An ninh quân đội ngụy lẫn CIA (Mỹ) vẫn không hề phát hiện ra rằng, Nguyễn Thành Trung chỉ là một cái tên giả, mang một lý lịch giả. Kỳ thực, viên trung úy phi công hạng ưu ấy có cái tên khai sinh hoàn toàn khác: Đinh Khắc Chung, sinh năm 1947. Cha của anh, ông Đinh Văn Dậu, nguyên là Bí thư huyện ủy Châu Thành, Bến Tre. Mẹ và ba người anh ruột của Chung cũng tham gia Cách mạng suốt hai mùa kháng chiến. Vì vậy, Đinh Khắc Chung được Tỉnh ủy Bến Tre xếp vào danh sách những hạt giống của Cách mạng cần được bảo vệ và phát triển.

  Năm 1956, Tỉnh ủy Bến Tre quyết định thay đổi lý lịch để tạo điều kiện cho Đinh Khắc Chung ăn học đến nơi đến chốn, sau này phục vụ Cách mạng công khai và lâu dài. Ra trước tòa, bà Nguyễn Thị Mỹ - mẹ anh - một mực khai rằng bà chỉ có một mẹ một con. Với đầy đủ người làm chứng - do Tỉnh ủy Bến Tre chỉ đạo - tòa án ngụy đã phán quyết cho cậu bé được mang họ mẹ với cái tên Nguyễn Thành Trung, mục người cha trong lý lịch được ghi: vô danh.

  Ngày 2-3-1963, một biến cố đau thương đã đẩy lệch những giấc mơ trong suy nghĩ của Nguyễn Thành Trung: Ông Đinh Văn Dậu lọt vào ổ phục kích, bị biệt kích ngụy bắn chết. Chúng kéo lê xác ông đi khắp làng để khủng bố bà con. Chưa đủ, bọn ác ôn còn vứt xác ông xuống sông, không cho chôn cất. Ngay sau đó, mẹ Trung cũng bị địch bắt, bị tra tấn, đánh đập. Không còn nước mắt để khóc cha và lo lắng cho mẹ, Nguyễn Thành Trung nghiến răng thề sẽ trả thù. Đầu năm 1964, Nguyễn Thành Trung trở thành nhân viên Ban Dân vận Trung ương Cục, sau đó trở thành điệp báo viên trong mạng tình báo của An ninh Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục trực tiếp lãnh đạo.

  Học rất giỏi, Nguyễn Thành Trung dễ dàng tìm được một chỗ cho mình trong khoa Toán - Lý - Hóa của Đại học Khoa học Sài Gòn. Khi tiếng súng Tết Mậu Thân nổ ran thì Nguyễn Thành Trung biến mất. AK47 trên tay, lựu đạn giắt bên người, anh đang cùng một tổ vũ trang 8 người của Thành đoàn tấn công vào cánh Nam Sài Gòn, quần thảo hơn 10 ngày liền với địch ở khu vực cư xá Minh Mạng, vòng qua chợ Thiếc, đường Vĩnh Viễn... Đến mùng 10 Tết, tổ 9 người đã hy sinh hết 6, Trung và 2 đồng đội còn lại đành rút lui tìm đường ra cứ. Được xác định là chưa bị lộ, tháng 5-1968, Nguyễn Thành Trung lại theo những mũi tấn công đợt 2 của Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.
Nhưng, lần này anh không tham gia chiến đấu. Trung được đồng chí Phạm Hùng chỉ đạo: Bỏ Đại học Khoa học, thi vào Không quân ngụy nằm vùng. Anh đậu xuất sắc. Tháng 6-1969, Nguyễn Thành Trung vác ba lô vào quân trường, tạm khoác lên người bộ đồ rằn ri mà anh ghét cay, ghét đắng. Vào không quân, nhiệm vụ mà Nguyễn Thành Trung được giao hết sức nặng nề: bằng mọi giá, phải được chọn lái máy bay chiến đấu. Tuy nhỏ con, nhưng với một ý chí quyết tâm cao, Nguyễn Thành Trung luôn lọt vào tốp xuất sắc nhất trong tất cả các kỳ sát hạch chuyên môn, bỏ xa điểm số của lớp đồng ngũ. Vì vậy, sau 6 tháng quân trường Nha Trang và 6 tháng huấn luyện tại Tân Sơn Nhất, Nguyễn Thành Trung đã được gửi sang Mỹ học lái máy bay. Sang Mỹ, lại một thách thức mới nảy sinh: Các thực tập sinh phi công gồm đủ quốc tịch phải chen nhau để được chọn loại máy bay. Nếu đỗ thấp, họ chỉ được học lái trực thăng, cao hơn mới được lái máy bay trinh sát, đạt điểm giỏi kèm sức khỏe "tuyệt vời" mới được lái máy bay vận tải. Còn lái phản lực cơ phải là hạng "top" ưu hạng, mọi yêu cầu đều phải đạt ở mức "không chê vào đâu được". Vượt lên trên hàng trăm thực tập sinh khác, Nguyễn Thành Trung đã giành được quyền ngồi vào cabin phản lực cơ chiến đấu. Trong hai năm rưỡi (1970-1972), Trung đã được đào tạo kỹ lưỡng qua 4 trường: Lackland và Randofh (bang Tezcat), Kessler (Mississippi) và England (Lusiana). Kết quả tốt nghiệp ở bất kỳ hạng mục nào, Trung cũng đạt "hạng top" (hạng ưu), trong đó có hai lần giành ngôi vị thủ khoa về bom và rốckét. Năm 1972, Nguyễn Thành Trung về nước, được đánh giá là một phi công loại "của hiếm", một "chuyên gia" thành thạo cả hai loại máy bay tiêm kích tối tân: A37 và F5.

  Phần thưởng đầu tiên mà không quân ngụy dành cho viên phi công hạng ưu là cho phép anh chọn đơn vị công tác. Không ngần ngại, Trung chọn đồng bằng sông Cửu Long và xin về Phi đoàn 526, Sư đoàn 4 Không quân đóng tại Cần Thơ. Dù rất sốt ruột, song giai đoạn này Nguyễn Thành Trung vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Đồng chí Phạm Hùng chỉ đạo anh: nằm yên, tạo vỏ bọc tốt, chờ nhận một nhiệm vụ chiến lược - dùng máy bay đánh vào đầu não Mỹ - ngụy. Thời gian này, viên trung úy phi công lại xuất sắc giành thêm một bằng hạng ưu trong khóa huấn luyện lái F5E - loại phản lực cơ chiến đấu tối tân nhất Mỹ mới trang bị cho không quân ngụy. Sau khóa huấn luyện anh được điều về Không đoàn 63 chiến thuật thuộc Sư đoàn 3 Không quân đóng tại Biên Hòa. Lúc đó là đầu năm 1975.

  Chưa kịp được giao nhiệm vụ cụ thể, Nguyễn Thành Trung đã được cấp trên thông báo: anh đã bị lộ trong diện rộng, tuy địch chưa phát hiện được đúng người, song tình thế rất nguy hiểm.Vào thời điểm đó, ngụy quân có bao nhiêu quân binh chủng thì Trung ương Cục miền Nam cũng tổ chức bấy nhiêu lưới điệp báo để thu thập tin tức của chúng. Tháng 1-1975, một điệp báo viên của lưới phụ trách pháo binh bị địch bắt. Không chịu nổi đòn tra, anh ta đã khai báo. Kết quả: địch bắt hết cả lưới điệp báo bộ phận này. Không những thế, anh ta còn khai rằng: "Trong không quân có một điệp báo viên người gốc Bến Tre, còn tên họ, cấp bậc, thì không biết". Ngay lập tức, An ninh quân đội ngụy lần lượt đòi từng sĩ quan không quân lên thẩm vấn. Cùng đơn vị với Trung còn có Đại úy Nguyễn Văn Thụ, vừa là người cùng làng ở Bến Tre, lại chung trường thuở nhỏ, anh ta thừa biết Trung khai man lý lịch, thừa biết gia đình Trung là Cách mạng "gốc". Chỉ cần Thu lộ ra một tý, Nguyễn Thành Trung sẽ bị còng tay tức khắc. Quả nhiên, suốt cả tháng trời, Đại úy Thu bị đình chỉ bay để liên tục khai báo lý lịch với đám an ninh quân đội. Mỗi lần gặp Trung, anh ta lại nhăn nhó: "Tao khai thế nào chúng cũng bảo không đúng". Trung trấn an: "Chắc tại hồi trước bà chị anh có tham gia phong trào sinh viên, bị bắt giam 2 tháng nên họ nghi bóng gió thôi?". Đại úy Thu gật đầu. Trung hỏi dò: "Họ có hỏi gì tôi không?". Không, nhưng mày yên tâm, có hỏi tao cũng "ba không" (không nghe, không thấy, không biết)". Đại úy Thu đã giữ lời. Lúc này, xã An Khánh và cả huyện Châu Thành quê Trung đều do Cách mạng kiểm soát nên muốn thẩm tra lý lịch anh, địch cũng không thể thực hiện được. Tạm thời, anh vẫn an toàn, dù hết sức lo lắng. Cấp trên chỉ đạo: Trường hợp xấu nhất thì cướp máy bay bay ra Lộc Ninh rồi nhảy dù, sẽ có người đón.




Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 17 Tháng Tám, 2008, 12:40:23 pm
  Cuộc điều tra của địch chưa kết thúc thì tỉnh Phước Long giải phóng. Biết rõ ngụy quyền đã quyết định không tái chiếm Phước Long, Nguyễn Thành Trung đề xuất: cho sửa lại sân bay Phước Long, anh sẽ cướp máy bay và đáp xuống đó. Trung ương Cục chuẩn y. Bom pháo tơi bời của hai bên đã khiến sân bay này gần như nát bét. Mất đúng 2 tháng, công binh ta mới tạm hoàn tất việc tu bổ sân bay, nhưng nhiều đoạn phải lót tạm bằng vỉ sắt. Chưa hết, sân bay này lại nằm trên đỉnh núi, đường băng chỉ dài 1.000m, trong khi tiêu chuẩn an toàn để đáp máy bay F5E là đường băng phải dài đúng 3.000m. Trung ương Cục lệnh cho Nguyễn Thành Trung: "Không được liều!". Đồng chí Phạm Hùng liên tục hỏi: "Có đáp được không?". Tình thế quá gấp, không còn thời gian để chọn lựa, Nguyễn Thành Trung quyết định: Vẫn cứ đáp. Để được chuẩn y, anh phải thực nghiệm. Các chuyến bay đầu năm 1975, khi trở về căn cứ, Nguyễn Thành Trung đều cố tình giảm bớt độ dài đường đáp của F5E. Lần thứ nhất: máy bay nổ lốp, lần thứ hai: máy bay gãy càng, lần thứ ba: cháy phanh. Một loạt máy bay bị Trung phá hỏng liên tục đã khiến cả binh chủng ngạc nhiên. Đích thân trung tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh Không quân ngụy phải vội vã bay ra Biên Hòa, triệu Nguyễn Thành Trung đến hỏi: "Tại sao vậy?". Trung đáp: "Tôi cũng không biết. Mọi thứ đều bình thường, có lẽ mấy chuyến vừa rồi tôi bay dở". Không có bằng chứng gì khác để kết tội anh, tướng Minh đành ra lệnh: trừ Nguyễn Thành Trung 30 điểm tiêu cực, trong khi chỉ có 50 điểm cộng là đủ để lên lon trước niên hạn. Vì vậy, khi đám đồng ngũ cùng niên hạn đã đeo lon đại úy hết thì Nguyễn Thành Trung - viên phi công thuộc hàng giỏi nhất - vẫn chỉ là một trung úy tép riu. Chậm lên lon, song anh vẫn toại nguyện: Chiếc F5E đã ngoan ngoãn dừng lại sau đúng 1.000m mà không còn bộ phận nào bị hư hại nữa. Trung báo cáo lên đồng chí Phạm Hùng: "Đã sẵn sàng". Trung ương Cục trả lời: "Thời gian cướp máy bay: từ ngày 1 đến ngày 10-4-1975. Mục tiêu tấn công trước khi rút: Dinh Độc Lập và Tòa Đại sứ Mỹ".

  Nhưng, cướp máy bay là việc gần như không thể thực hiện được. Dưới mặt đất, không có lệnh điều động, anh không thể tiến đến gần buồng lái, nếu không muốn bị an ninh, quân cảnh bắn hạ. Khi đã cất cánh, anh không thể tự ý tách khỏi phi đội. Nếu gặp trục trặc, ngay lập tức cả phi đội sẽ "áp tải" anh về đến căn cứ. Nếu tự động bay chệch hướng, dứt khoát anh sẽ bị chính các máy bay khác cùng phi đội tiêu diệt. Suy nghĩ nát óc, Trung mới tìm được một kẽ hở duy nhất, nằm ngay trong khâu xuất phát. Việc của anh là phải lừa được cả hai, sao cho đài kiểm soát ngỡ là anh sẽ bay, trong khi chỉ huy và các thành viên khác trong phi đội lại tưởng anh ở lại. Để thực hiện, anh chỉ có thảy 10 giây đồng hồ. Nhanh hơn hay chậm hơn, anh cũng chỉ có chung một kết cục: bị tiêu diệt! Theo quy định, toàn bộ máy bay chiến đấu của Mỹ - ngụy trên vùng trời Nam Việt Nam chỉ được liên lạc với mặt đất trên cùng một tần số. Vì vậy, sóng vô tuyến luôn trong tình trạng quá tải, rất ồn. Để khắc phục, các phi công được dạy cách liên lạc với nhau trong cùng một phi đội bằng cách dùng ký hiệu ngón tay và nhìn qua... cửa kính. Trao đổi bằng cách này, đài kiểm soát không lưu... chịu cứng, không tài nào phát hiện được. Và đó là cơ hội của Nguyễn Thành Trung.

  8 giờ sáng ngày 8-4-1975, Trung được lệnh xuất phát, vị trí số 2. Bởi ở vị trí số 1 là một thiếu tá chỉ huy và ở vị trí số 3 là một đại úy khác. Khi đã ngồi vào buồng lái, anh báo bằng sóng vô tuyến cho đài kiểm soát sân bay Biên Hòa: "Đã sẵn sàng". Trong khi đó, ngón tay Trung lại cong lên báo cho viên thiếu tá chỉ huy phi đội: "Số 2 gặp trục trặc, không xuất phát". Viên thiếu tá cũng cong ngón tay trả lời: "Số 2 trục trặc thì cứ ở nhà, số 1 và số 3 sẽ bay". Anh lại ra hiệu cho số 3 và nhận được dấu hiệu đồng ý. Vậy là, cho máy bay nổ máy nhưng Trung vẫn giữ chặt phanh. 5 giây sau khi chiếc số 1 xuất phát (theo quy định), anh nhìn thấy chiếc số 3 vút lên. Chờ thêm chừng 5 giây, anh nhả phanh cho chiếc F5E lao theo lên trời. Hoàn toàn yên tâm, đài kiểm soát không lưu không hề phát hiện ra rằng chiếc F5E do Trung úy Nguyễn Thành Trung điều khiển đã không hề quay vòng lại để nhập đội hình mà cứ tách đoàn bay thẳng. Anh bay về hướng trung tâm Sài Gòn.

  Chỉ sau ít phút, Nguyễn Thành Trung đã tiếp cận mục tiêu. Theo tính toán, anh sẽ bay từ hướng chợ Bến Thành vào Dinh Độc Lập cắt bom, sau đó vòng lại thả tiếp hai quả còn lại vào Tòa Đại sứ Mỹ. Rất bình tĩnh và tự tin vào trình độ thao tác của mình, song anh vẫn thấy lo lo: lỡ bom rớt không đúng mục tiêu thì sẽ không ít người vô tội thiệt mạng. Mọi suy nghĩ chỉ diễn ra trong tích tắc, hai quả bom đã rời máy bay rơi thẳng xuống Dinh Độc Lập. Hai tiếng nổ từ dưới đất dội lên. Súng phòng không từ phía Dinh vãi đạn lên như mưa ngược. Kệ, Nguyễn Thành Trung vẫn cẩn thận vòng máy bay lại kiểm tra. Trật. Hai quả bom đã rơi về phía cửa Đông của Dinh. Anh quyết định đánh tiếp và lập tức thả nốt hai quả bom còn lại xuống nóc Dinh. Sau đó, anh vòng lại lần nữa để kiểm tra, bất chấp đạn phòng không bắn như vãi trấu. Thành công! Anh hét thầm khi nhìn rõ những cột khói đen đang tuôn ra từ các cửa sổ của Dinh Độc Lập, tại hai vị trí bị trúng bom. Lập tức, anh cho máy bay vòng ra hướng Đông, nhằm thẳng kho xăng Nhà Bè bắn liên tục gần 200 phát đạn. Số đạn còn lại, Trung dành để phòng bị, nếu bị máy bay khác tấn công. Khi vòng trở lại để đưa chiếc F5E trở về sân bay Phước Long, anh nghe trên sóng vô tuyến nhốn nháo đủ thứ tiếng hỏi han quát tháo. Liền đó là một mệnh lệnh khẩn được phát đi từ Bộ Tổng tham mưu ngụy: "Tất cả phi cơ đang hoạt động trên không phải lập tức trở về căn cứ. Tất cả phi cơ ở các căn cứ phải nằm yên tại chỗ, không được xuất phát!". Nghe lệnh, anh cười thầm: Địch vẫn cứ tưởng Nguyễn Cao Kỳ làm đảo chính, cho máy bay oanh tạc Dinh Độc Lập để giết Nguyễn Văn Thiệu. Mặc kệ cho bọn chúng nhầm, Trung vội cho máy bay hạ độ cao tối thiểu để tránh rađa và nhằm hướng Phước Long bay thẳng.

  Khi cấp những tấm bằng hạng ưu cho Nguyễn Thành Trung, các giáo viên Mỹ dạy lái máy bay quả đã không hề đánh giá sai năng lực ưu việt của tay phi công trẻ tuổi. Khi đáp xuống sân bay Phước Long - còn khá tạm bợ - anh đã cho chiếc F5E dừng lại ở sau chỉ... 900m. Một kỷ lục thế giới! Trước và sau Nguyễn Thành Trung, không thể một viên phi công nào dám thực hiện lại cú đáp liều lĩnh ấy với loại máy bay F5E, dù chỉ là thực hiện trong... ý nghĩ! Phần Nguyễn Thành Trung, nếu chiếc F5E của anh lao thêm chỉ 100m nữa - điều này rất dễ xảy ra - nó sẽ rơi cắm đầu từ đỉnh núi xuống. Nhưng, nó đã đáp xuống nguyên vẹn, hoàn hảo, dù không hề có bất cứ một sự hướng dẫn nào từ dưới mặt đất.

  Vậy là, sau gần 20 năm chuẩn bị, một chiến công tình báo chiến lược đã được thực hiện mỹ mãn đến 98%. Nhưng vẫn còn một điểm chưa trọn vẹn: vợ và hai con của Nguyễn Thành Trung bị An ninh không quân ngụy bắt ngay sau khi những trái bom phát nổ chỉ 15 phút. Chi tiết này, tổ chức đã tính đến, bố trí người đón vợ và hai con anh trước khi Trung ngồi vào buồng lái, song, thực hiện không kịp! Chị Cầm vợ anh và hai con gái bị chúng giam ở căn cứ không quân Biên Hòa. Đủ kiểu tra tấn đánh đập, chị chỉ lắc đầu: "Tôi không biết. Việc đang làm, ảnh đâu có cho tôi hay".

  Dù hết sức lo lắng cho tính mạng vợ con đang nằm trong tay địch, song Nguyễn Thành Trung vẫn phải tiếp tục bắt tay vào công việc. Những ngày đó, đại quân ta đã áp sát cửa ngõ Sài Gòn. Sau 10 ngày ở Phước Long, Trung được Trung ương Cục đưa ra Đà Nẵng bằng đường bộ. Đi mất gần 10 ngày, anh có mặt tại căn cứ không quân Chu Lai. Nhiệm vụ mới của anh là gấp rút huấn luyện một phi đội lái A37 ném bom Tân Sơn Nhất. Thời gian huấn luyện: không quá... 1 tuần. Nếu là lúc khác, chắc chắn không ai dám đưa ra một yêu cầu gấp rút như vậy. Nhưng, Trung và những đồng đội mới - các anh Lục, Quang, Vượng, Để, đều là phi công lái Mig-17 - không còn thời gian để chọn lựa. Họ bắt tay ngay vào việc. Và, thêm một kỷ lục tầm... thế giới nữa ngành Không quân Việt Nam đã lập được. Chỉ năm ngày sau, phi đội 5 người đã báo cáo: "Sẵn sàng nhận nhiệm vụ oanh kích Tân Sơn Nhất bằng A37". Ngay lập tức, họ được điều vào sân bay Thánh Sơn (Phan Rang - Ninh Thuận), chuẩn bị xuất kích.

  18 giờ chiều ngày 28-4-1975, cả phi đội lên đường. Trời mưa tầm tã, lại không hề có sự hướng dẫn nào từ dưới mặt đất; sợ lộ, 5 chiếc A37 cũng không dám sử dụng sóng vô tuyến. Nguyễn Thành Trung phải bay trước dẫn đội hình 4 chiếc bay sau cứ bám đuôi anh mà tiến (quan sát bằng mắt). Sợ đồng đội lạc đường, anh không dám bay cao hơn mây, đành dắt cả phi đội bay là là mặt đất. Phía dưới, bộ đội đang hành quân phát hiện ra "máy bay địch", vãi đạn đỏ trời. Vào đến Tân Sơn Nhất, Nguyễn Thành Trung bật vô tuyến ra lệnh cho cả phi đội: "Đánh!". Đúng 19 giờ tối, cả 5 chiếc phản lực cơ đều bổ nhào xuống sân bay Tân Sơn Nhất, đồng loạt cắt bom. Khói lửa mù trời, bom nổ dậy đất. Trong sóng vô tuyến, tiếng đài không lưu ngụy hét lên thất thanh: "A37 của phi đoàn nào? Phi đoàn nào? Phi đoàn nào?". Trên trời, cả 5 phi công Cách mạng đều gần như hét lên cùng lúc: "Cộng sản đấy con ạ!".

  Lại bay thấp để tránh rađa, lại tắt vô tuyến điện, lại căng mắt để né tránh đạn phòng không của bộ đội từ mặt đất vãi lên, 5 chiếc A37 nối đuôi nhau về đến Phan Rang lúc gần 20 giờ và hạ cánh an toàn - liên tục liệng vòng vèo để tránh đạn nên đường bay bị kéo dài. Đến lúc đó, Trung và 4 chiến sĩ cùng phi đội mới nhận ra một điều: ngoài cái tên, họ hoàn toàn chưa biết gì về cuộc đời của người đối diện. Nhiệm vụ được thực hiện thành công bởi một phi đội có một không hai, với vỏn vẹn một câu nói của đồng đội dành cho người phi đội trưởng lúc lên đường "Chúng tôi tin tưởng anh! Chúng ta sẽ thắng!".

  Sau ngày giải phóng Nguyễn Thành Trung được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Khá nhiều thư từ, điện... đã gửi đến chúc mừng anh. Lẫn trong số thư từ đó, Trung nhận được một lời trách cứ đến mức phẫn nộ của một nhà chuyên môn người Mỹ - thầy dạy lái máy bay của anh trong Không lực Hoa Kỳ. Ông ta không trách vì người học trò cưng của mình là một điệp viên Cộng sản; cũng không phản đối gì việc Nguyễn Thành Trung đã trút bom xuống Dinh Độc Lập - đầu não của một lực lượng đồng minh với quân đội Hoa Kỳ. Thậm chí, việc suýt nữa Nguyễn Thành Trung dội bom xuống Tòa Đại sứ Mỹ, ông thầy Mỹ cũng bỏ qua nốt. Điều khiến "ông thầy" "nổi giận" là việc cậu "học trò" dám cho F5E dừng ở mức chỉ sau 900m trên đường băng. Trong thư, ông ta gào lên: "Anh là một thằng điên, một thằng vô kỷ luật. Tôi dạy anh đáp an toàn chứ không dạy anh tự sát. Tôi chưa bao giờ thấy kẻ nào liều lĩnh như anh. Thật không hiểu nổi".

Nguyễn Hồng Lam


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 17 Tháng Tám, 2008, 12:43:51 pm
99 - ALI MOHAMED (sinh năm 1952)
Điệp viên hai mang của Bin Laden xỏ mũi CIA và FBI

(http://www.iantanner.com/AliColourShot.png)

  Lần tiếp xúc đầu tiên giữa Ali Mohamed với CIA diễn ra vào năm 1984. Khi đó, chàng thanh niên Ai Cập sau khi vừa xuất ngũ khỏi quân đội nước mình, đã tìm ngay tới văn phòng của Cơ quan Tình báo Mỹ tại Cairô để bày tỏ nguyện vọng muốn trở thành "điệp viên". Anh ta tiết lộ là hiện nay đang có quan hệ với một bộ phận của tổ chức Hezbolla tại Đức. Các quan chức CIA nhanh chóng tiếp nhận anh ta vào làm việc. Tuy nhiên, chỉ sau vài tuần, CIA khẳng định là Mohamed đã cố tình che giấu hoạt động của mình tại Hezbolla. Họ cắt đứt quan hệ và đưa anh ta vào danh sách tình nghi được coi là "những tên khủng bố có khả năng".

  20 năm đã qua, vụ việc của Ali Mohamed có lẽ đã trở thành một ví dụ thuyết phục nhất về những khó khăn mà Mỹ đang phải đương đầu trong cuộc chiến chống khủng bố nói chung, và với mạng lưới của Osama Bin Laden nói riêng. Cho dù CIA đã cảnh báo, ngay từ đầu những năm 90, Ali Mohamed đã trở thành người cung cấp thông tin chính cho FBI về hoạt động đáng ngờ của nhà triệu phú ả Rập Xêut là Osama Bin Laden. Trong khi tiến hành hoàn hảo trò chơi hai mặt với Mỹ, Mohamed đồng thời cũng là một trung sĩ phục vụ trong quân đội nước này. Là thành viên của tổ chức Hồi giáo cực đoan Jahad ở Ai Cập và Al Qaeda, Mohamed từng huấn luyện nhiều tên khủng bố - một vài tên trong số này đã từng đặt bom tại WTC vào năm 1993 và tham gia tấn công các đại sứ quán Mỹ tại Nairobi (Kenya) và Dar - es Salam (Tanzania). Tất cả những hoạt động này của Mohamed được thực hiện ngay trước mũi cơ quan mật vụ Mỹ khi đó mà người Mỹ vẫn hoàn toàn mù tịt. Mãi đến tháng 9-1998, tên gián điệp hai mang này mới bị bắt sau khi chính quyền Mỹ cuối cùng cũng nhận thức được con người này nguy hiểm như thế nào.

  Từ thời điểm này, Mohamed bị giam giữ rất nghiêm ngặt trong tình trạng cách ly hoàn toàn tại một nhà tù ở New York. Anh ta đã thú nhận việc tham gia tổ chức âm mưu khủng bố và những chi tiết về cuộc đời mình trước Tòa án Liên bang Manhattan. Luật sư tham gia vụ xét xử Mohamed nói: "Chỉ một mình anh ta cũng có thể cho thấy sự yếu kém của Mỹ trong hoạt động chống khủng bố, không chỉ trong quá khứ mà còn cả sau ngày 11-9. Anh ta đã đánh lừa cả thế giới và cho phép Bin Laden ung dung chuẩn bị hoạt động khủng bố ngay trước mũi các cơ quan mật vụ Mỹ". Vụ việc của Ali Mohamed nhạy cảm đến nỗi không một cơ quan nào muốn công khai nói về nó. Theo tờ Libération thì cả FBI, quân đội Mỹ cũng như luật sư của anh ta là James Roth đều khước từ trả lời các câu hỏi của phóng viên của tờ báo Pháp này. Một nguồn tin thân cận chịu trách nhiệm điều tra các hoạt động khủng bố ngày 11-9 cho biết: "Mohamed vẫn là một câu đố hoàn toàn bí ẩn do không ai có thể biết rõ, anh ta đã đi sâu vào hợp tác với Mỹ đến mức độ nào". Chí ít, người ta có thể hiểu rõ hơn về bí ẩn này nếu xem xét lại quá khứ của Ali Mohamed.

  Mohamed sinh năm 1952, trong gia đình một quân nhân tại Alexandria và cũng nhanh chóng nối gót cha trên đường binh nghiệp. Thừa hưởng từ cha một sức khỏe và khả năng ngoại ngữ tốt, anh ta nhanh chóng thăng tiến trong sự nghiệp và trở thành thiếu tá quân đội Ai Cập trước khi bị thải hồi vào năm 1984 vì có những biểu hiện quan điểm tôn giáo cuồng tín. Thực tế là Ali Mohamed đã bí mật gia nhập vào tổ chức Jihad của những phần tử Hồi giáo cực đoan từ trước đó. Sau khi rời khỏi quân đội Ai Cập, Mohamed bắt đầu "cuộc phiêu lưu tại Mỹ" của mình. Cho dù không thành công trong việc cộng tác với CIA, anh ta vẫn nhận được thị thực của Mỹ và nhanh chóng biết tận dụng thời gian. Ngay trên chuyến bay tới California, Mohamed đã kịp làm quen với một nữ y tá tên là Linda Sanchez và cưới cô này chỉ vài tuần sau đó. Hai vợ chồng chuyển đến sống tại San Jose và từ đây Mohamed trở thành một công dân Mỹ. Rất nhanh chóng tận dụng kinh nghiệm nhà binh của mình, anh ta trở thành trung sĩ dự bị của quân đội Mỹ tại vùng Forte Bregg, Bắc California. Do từng có cả chục năm quân ngũ, Mohamed được giao nhiệm vụ đào tạo một số đơn vị nhỏ để hoạt động tại vùng Trung Đông. Trong một cuốn băng ghi âm giới thiệu trước những người lính, Mohamed đã từng giải thích: Từ quan điểm của đạo Hồi, Israel không có quyền tồn tại do họ đã chiếm đất của người Hồi giáo.

  Trong 3 năm tại Forte Bregg, Ali Mohamed đã khiến các đồng nghiệp chú ý bởi các "hành vi hay thay đổi và khó đoán trước" của mình. Năm 1988, anh ta biến mất đi đâu vài tuần, khi trở về tuyên bố "được cử đến chiến đấu bên cạnh những chiến sĩ Mujaheddeen Afghanistan để chống lại quân Liên Xô". Anh ta còn mang về 2 dây lưng nói là của những kẻ bị mình giết trong cuộc chiến. Cấp trên đã nhận được báo cáo về vụ việc này, tuy nhiên họ lại không hề xử lý. Sau lần này, Mohamed lại tìm cách gặp đại diện CIA tại Forte Bregg đề nghị được làm việc cho Cơ quan Mật vụ Mỹ, nhưng anh ta không được để mắt tới. Tuy vậy, Cơ quan Tình báo Mỹ cũng biết được tương đối nhiều về hoạt động của Ali Mohamed. Anh ta thường đến New York vào cuối tuần để tiếp xúc với một nhóm bảo thủ cực đoan sống trong trung tâm tị nạn Kifa ở Brooklyn. Theo các chuyên gia đánh giá, đây có thể là hạt nhân đầu tiên của Al Qaeda được Bin Laden tổ chức tại Mỹ. Camera của FBI còn quay được cảnh Mohamed huấn luyện cho 5 chiến binh Hồi giáo, những kẻ sau này bị buộc tội khủng bố tại WTC năm 1993. Viên trung sĩ quân đội Mỹ này còn làm việc cùng với thủ lĩnh Omar Abdel Rahman, kẻ được coi là đầu não của chiến dịch trên. Tuy nhiên, FBI vẫn không hề động đậy. Ngay đến bây giờ, họ vẫn biện luận rằng, "không có đủ thông tin về những tên cực đoan để can thiệp khi đó". Mùa xuân năm 1993, FBI đã có thể tận dụng cơ hội bắt Ali Mohamed. Một kẻ tình nghi vì có quan hệ với Osama Bin Laden bị bắt tại Canada đã khai ra Mohamed. Đến khi bị gọi đến tra hỏi, Mohamed đã thẳng thừng đề nghị được làm người báo tin cho FBI. Anh ta tuyên bố: Bin Laden đã xây dựng mạng lưới Al Qaeda để tấn công người Mỹ trên khắp thế giới và các điệp viên của Osama hiện vẫn đang ẩn mình chờ thời cơ tại Mỹ. Anh ta còn nói mình đã từng có mặt tại các trại huấn luyện của Osama tại Afghanistan và Sudan.

  Trước những tiết lộ này, FBI vẫn quyết định trả tự do cho Mohamed với mục đích sử dụng anh ta làm gián điệp cho mình. Một luật sư tham gia vụ án bình luận: "Chính quyền khi đó đã rất mừng vì cho rằng đã tìm được người có thể cung cấp thông tin quan trọng về Bin Laden. Tuy nhiên, họ không biết cách kiểm soát anh ta". Tất nhiên là Mohamed đã không kể cho FBI tất cả. Ví dụ như anh ta đã nín thinh về việc đã giúp Bin Laden đến được Sudan vào năm 1991 hay đã vài lần huấn luyện các thành viên của Al Qaeda. Anh ta cũng không nói gì về hoạt động của mình tại trung tâm ở Brooklyn. Điều quan trọng nhất mà Mohamed đã giấu kín là Bin Laden đã đề nghị anh ta điều tra về các đại sứ quán nước ngoài tại Nairobi (Kenya). Trong một lần gặp gỡ, Osama đã trao cho Mohamed tấm ảnh chụp mặt tiền Sứ quán Mỹ và giải thích có thể tấn công bằng một chiếc xe tải chở đầy thuốc nổ. Ngày 7-8-1998, những vụ khủng bố tại Kyena và Tanzania đã diễn ra. Tháng 9 năm đó, FBI yêu cầu Ali Mohamed ra làm chứng tại một phiên tòa lớn và sau đó bắt giữ anh ta khi đã khẳng định được chắc chắn "điệp viên" của mình có tham gia tổ chức khủng bố. Tháng 5-1999, Chính phủ Mỹ chính thức buộc tội cựu Trung sĩ Mohamed về việc tổ chức âm mưu khủng bố. Tháng 10-2000, Mohamed đã thú nhận và nói sẵn sàng làm chứng chống lại 4 phần tử Hồi giáo bị buộc tội khủng bố tại Kenya và Tanzania để đổi lấy việc được giảm án. Tuy nhiên, trong phiên tòa kéo dài suốt 6 tháng này, Mohamed không thấy xuất hiện. Nhân vật đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động khủng bố của Al Qaeda đang chờ đợi một bản án tại nhà tù Manhattan. Chính phủ Mỹ cũng từ chối tiết lộ hình phạt nào sẽ dành cho công dân Mỹ gốc Ai Cập đã xỏ mũi cả CIA lẫn FBI này.

Thái Quân


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 18 Tháng Tám, 2008, 07:57:20 pm
100 - JULIE-CRAWFORD ZILBER (thế kỷ XX)
Điệp viên không bao giờ bị lộ



  Xét về nhiều mặt thì Zilber là điệp viên Đức thông minh nhất và thành đạt nhất trong những năm Thế chiến thứ nhất. Là người Đức, nhưng Zilber trông giống người Anh và nói tiếng Anh tuyệt vời. Phần lớn cuộc đời mình anh sống ở nước ngoài, ở những nước thuộc đế quốc Anh. Trong thời gian chiến tranh giữa Anh và thuộc địa, anh đã giúp người Anh được ít nhiều và đã có được giấy tờ chứng nhận. Trong những câu chuyện nhàn đàm đôi khi anh "quá lời" nói rằng trong thời gian chiến tranh anh đã quen với chàng quân nhân tình nguyện người Anh Winston Churchill, thậm chí còn có quan hệ bằng hữu với anh ta nữa. "Nhưng chuyện đó lâu rồi, tất nhiên anh ta đã quên tôi, nhưng khi đó..." - rồi anh ta im lặng một cách đầy ngụ ý. Ngay đầu chiến tranh, tháng 9-1914 Zilber đã đến Anh qua Mỹ và Canada. Anh có hộ chiếu công dân của một quốc gia trung lập và giấy tờ khẳng định hoạt động phục vụ nước Anh chống người thuộc địa. Như thế đủ để người ta cho phép anh vào nước Anh và cư trú tại đó. Anh được lòng các quan chức địa phương, những người cần đến trình độ ngoại ngữ của anh. Zilber được mời vào làm việc tại văn phòng kiểm duyệt, bởi vì các thư từ được viết không những bằng các thứ tiếng châu Âu, mà còn bằng nhiều ngôn ngữ của các dân tộc phải thuần phục đế quốc Anh.

  Những người kiểm duyệt của Anh nổi tiếng trung thực và tỷ mỷ. Nhờ thế mà đã bắt giữ và xử tội được mấy điệp viên Đức. Không ai có thể làm giảm nhẹ tính nghiêm khắc của kiểm duyệt. Hoàng hậu Hy Lạp Sofia (em gái của quốc vương Đức), hoàng hậu Thuỵ Điển (nguyên là công chúa Baden) và hoàng thái hậu Tây Ban Nha tỏ ra sùng Đức rõ rệt. Những bức thư gửi cho các bậc mệnh phụ này và những bức thư do họ gửi đi cũng đều được phân tích kỹ lưỡng và được giữ lại nếu tình hình yêu cầu. Nhiều trường hợp, như với nữ hoàng Hy Lạp, bà đã rơi vào danh sách những người bị tình nghi, và những bức thư của bà không được gửi đi. Một khi ban kiểm duyệt khẳng định rằng những mệnh lệnh gửi tới các điệp viên Đức và các tàu ngầm được chuyển theo đường thư tới Nam Phi bằng mật mã của chính phủ Thuỵ Điển thì tình báo Anh lập tức ra tay. Họ tổ chức sao cho hành vi của hoàng hậu Thuỵ Điển, em gái của Vilgelm, được cả Stokholm biết đến, và ở thủ đô Thuỵ Điển đã bùng lên một vụ bê bối ồn ào. Tất nhiên sau đó người Đức sẽ thôi không dùng đến bộ mật mã Thuỵ Điển nữa.

  Nhưng những người kiểm duyệt Anh cũng là con người, và họ cũng biết thư giãn. Sau một ngày làm việc căng thẳng, ngồi bên các đồng sự đáng tin cậy với những vại bia ngon thì họ cũng chẳng giữ mồm giữ miệng làm gì. Tất nhiên là họ kể đủ mọi thứ chuyện trong các bức thư đọc được, ngoài ra họ còn thảo luận các thông tin quân sự và chính trị mà các tác giả thư từ trao đổi với nhau. Zilber là người vui tính, cởi mở nên luôn có mặt trong các nhóm đó. Anh còn có nhiều bạn ở các nơi khác. Tất cả bổ sung cho khối tri thức mà anh thu lượm được từ trăm ngàn bức thư trực tiếp qua tay anh kiểm duyệt.

  Zilber làm việc một mình, không liên quan đến các điệp viên khác, với Trung Tâm anh cũng giữ quan hệ một chiều, không cần đến sự "giúp đỡ" và những lời khuyên của thượng cấp, thậm chí còn tìm cách tránh xa. Là người kiểm duyệt, tức là cấp kiểm tra cuối cùng, anh có khả năng tự do gửi đi những thông tin tình báo của mình. Để đảm bảo trước dấu triện thật của bưu điện, anh tự gửi cho mình từ khắp các nơi của London những bức thư không bị kiểm duyệt. Như thế anh dùng được những chiếc phong bì "có cửa sổ trong suốt", dưới đó đã ghi sẵn địa chỉ. Khi nhận được bức thư đó, anh vứt đi tờ giấy vô ích có địa chỉ của mình, cài vào đó một thông tin có địa chỉ mới. Sau đó cộp lên phong bì con dấu "Đã kiểm duyệt quân sự" và gửi đến một nơi nào đó ở một nước trung lập. Zilber hầu như không bao giờ dùng một địa chỉ duy nhất. Anh khéo léo đa dạng hoá việc trao đổi thư từ của mình, xử lý tốt "danh sách các nhân vật tình nghi" mới nhất mà lúc nào anh cũng có bên mình, trong đó có địa chỉ những nhân vật có quan hệ với người Đức mà tình báo Anh cũng biết. Khi nhận được bức thư như vậy, người nhận phải chuyển ngay cho một điệp viên Đức. Ngay trong thời kỳ chiến tranh thư từ cũng đến rất nhanh chóng, cho nên phương pháp liên lạc này là nhanh nhất và chắc chắn nhất. Tất nhiên, cũng vẫn có hiểm họa là đụng phải "lưới" của tình báo Anh, nhưng nhờ trời, Zilber vẫn khéo léo gửi đi được các tin mật qua đường New York trong những túi riêng tới các hãng kinh doanh nổi tiếng. Anh cài thư từ của mình vào đó với ký hiệu "nhờ chuyển đi tiếp", và không có trường hợp nào bị trục trặc cả. Là người cẩn thận, anh chỉ dùng phương pháp này một lần đối với một hãng. Cũng có những trường hợp anh lặng lẽ quan sát bọn phản gián Anh rình mò một điệp viên Đức. Anh không thể báo trước hoặc giúp đỡ người đó. Cũng có trường hợp ngược lại: anh phát hiện được điệp viên Anh ở Đức, nhưng không bao giờ anh nhúng tay vào và không giúp gì cho phản gián Đức, vì cho rằng sẽ làm hại chính mình.

  Khi Zilber làm việc sát cạnh những kiểm duyệt viên khác, anh không thể làm đánh dấu thư hoặc chép lại thư, tất cả những thông tin mà anh thu được anh phải lưu giữ trong đầu, và đấy là một việc hết sức căng thẳng. Anh không bao giờ dám viết lách, tàng trữ thông tin trong căn hộ, mà phải đi thuê những phòng ở khác. Để ngụy trang, anh thường phải đi xem hát, anh mua vé, xé phần "kiểm tra", rồi về vứt lung tung những vé "xem rồi" ở cạnh nhà hoặc nơi làm việc. Thường anh cũng mang về nhà những tài liệu cần thiết và chụp ảnh lại. Anh tốn rất nhiều phim, và anh phải mua ở nhiều nơi khác nhau trong thành phố. Một hôm có một tay chủ quán nghi ngờ Zilber và tự hắn theo dõi anh. Khi nhận thấy điều đó, anh liền báo cáo cấp trên, và cũng khuyên người bán hàng rất thận trọng kia hãy yên tâm làm việc của mình.

  Một lần Zilber đọc được một lá thư quan trọng nhất trong suốt cuộc đời tình báo của anh. Một cô gái chia sẻ một niềm vui với một bạn gái: anh cô ta, một sĩ quan hải quân, bây giờ có thể được thường xuyên ở nhà, vì được bố trí công việc ở một cảng gần, làm một công việc bí mật liên quan đến việc trang bị cho những cảng cũ. Người tình báo hiểu rằng đây là một việc quan trọng, và ngay ngày nghỉ đầu tiên đã đến cái thành phố, nơi có cô gái nhẹ dạ gửi thư kia. Anh gặp cô với tư cách một sĩ quan kiểm duyệt quốc gia để cảnh cáo. Cô gái hoảng hốt và lo lắng lạy van Zilber đừng nói chuyện đó cho anh mình biết và đừng làm hại đường công danh của anh ấy. Trong câu chuyện anh biết chắc chắn là có một phương thức đấu tranh mới chống lại loại tàu ngầm Đức vẫn được gọi là "tàu mồi". Ngay bản thân Zilber và bộ tham mưu các lực lượng hải quân Đức trước đây cũng chưa bao giờ nghe đến một chuyện như thế. Khi chia tay, Zilber hứa sẽ bỏ qua chuyện này và ngược lại cũng bắt cô gái hứa không nói gì với anh cô về cuộc gặp đó. "Đây là quyền lợi chung của hai chúng ta", - anh nói thêm. Cô gái cũng hiểu như vậy. Ngày hôm sau Zilber gửi đi một tin hết sức quan trọng, trong đó nói rằng quân Anh đang sử dụng các "tàu mồi". Đó là những tàu buôn cũ đặt các súng đại bác bắn nhanh được nguỵ trang kỹ và các vũ khí khác. Thành tàu được gia cố chắc, hầm tàu chứa bọt biển và các thiết bị giữ cho tàu nổi được khi trúng thuỷ lôi. (Về việc sử dụng các loại tàu này xin xem bài về "Edvard S. Miller"). Bộ chỉ huy Đức cũng đã biết về việc mất tích đột ngột mấy chiếc tàu ngầm, trước khi mất tích đã kịp báo là bị trúng thuỷ lôi địch. Bây giờ câu hỏi đó đã được giải thích. Nhưng sau khi người Đức biết rõ sự thực về "tàu mồi" thì vấn đề cũng không dễ dàng. Khi tàu ngầm Đức biết rằng bất kỳ một chiếc tàu nào trông bề ngoài đơn độc và không có vũ khí cũng có thể bất ngờ trở thành một tàu chiến hung hãn thì họ mất hết khả năng hành động chắc chắn. Đã có những trường hợp ban chỉ huy hãi hùng và không thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình.

  Zilber sống ở Anh cho đến khi chiến tranh kết thúc và không hề bị phát giác, sau đó trở về Đức an toàn, rồi kể lại những chuyện cũ của mình.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 18 Tháng Tám, 2008, 08:02:02 pm
101 - GRUYTER  GUYON (mất năm 1995)
Điệp viên Đông Đức làm cố vấn Thủ tướng Tây Đức



  Gruyter  Guyon  bước vào lịch sử như một điệp viên suốt mấy năm liền  ở ngay bên cạnh thủ lĩnh một trong những cường quốc mạnh nhất thế giới - thủ tướng Cộng hoà Liên bang Đức Villi Brandt. Sự thất bại của Guyter Guyom là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến việc thủ tướng rời ghế. Vì thế không thể không nhắc đến nhà hoạt động chính trị kiệt xuất này.

  Trong hồi ký của mình "Những điều đáng nhớ", Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.A. Gromưco đã dành riêng cho ông cả một chương mang tựa đề "Ông Brandt đã viết cả một trang sử". Sau đây là một vài đoạn (nói về năm 1970, khi chuẩn bị ký kết Hiệp ước Moscva giữa Liên Xô và Cộng hòa Liên bang Đức, trong đó công nhận Cộng hoà dân chủ Đức  là một quốc gia độc lập): "Ông Brandt đã được nổi tiếng ở Moscva. Những cuộc gặp gỡ giữa tôi với ông là cơ sở để nói rằng đó là một trong những nhà hoạt động kiệt xuất của Cộng hòa Liên bang Đức. Trong thời gian chiến tranh ông sống ở Thụy Điển. Ông thà xa rời đất nước của mình, còn hơn cúi đầu trước dấu thập ngoặc. Đó chính là danh dự của ông...

  Trước khi đạt tới đỉnh quyền lực quốc gia cao nhất ở Bonn, trong suốt mấy năm liền Brandt là thị trưởng Tây Berlin. Tất nhiên, làm thị trưởng thì có dịp tiếp xúc nhiều không những với các đại diện của Đông Đức, mà còn với cả đại sứ quán Liên Xô nữa... Ngay từ khi đó Brandt đã cảm thấy có cơ sở có thể xây dựng quan hệ giữa Liên Xô và Cộng hòa Liên bang Đức. Ông cho rằng luận đề về sự chung sống hoà bình... là nền tảng của mọi quan hệ. Và như vậy ông xây dựng một đường lối chính trị theo hướng đó".

  Qua đoạn trích dẫn khá dài này ta thấy rằng cả Liên Xô, cả Đông Đức  đều không hề có ý định phủ định hoặc bôi nhọ thanh danh ông Villi Brandt. Nhưng làm sao ở bên ông lại là một sĩ quan tình báo Đông Đức?
 
  Gruyter  Guyon cùng với vợ là Kristel được đưa sang Tây Đức vào giữa năm 1950. Việc này không khó vì bên đó đã có mẹ của Kristel, họ không bị thẩm vấn và kiểm tra ở các trại tị nạn. Những người làm nghề tình báo không thể ngờ được rằng Guyter lại có thể leo cao được đến thế. Họ không đánh giá hết những năng lực phi thường và sự nỗ lực của Guyter.

  Hai vợ chồng bắt đầu từ việc mở một cửa hàng photocopy ở Frankfurt, Guyter còn làm thêm nghề nhiếp ảnh tự do. Cả hai người đều tham gia hoạt động chính trị, theo cánh tả của Đảng dân chủ xã hội. Năm 1964 Guyom trở thành bí thư đảng này ở Frankfurt, năm 1968 anh trở thành nghị viên của thành phố và là Bí thư của đảng đoàn này trong nghị viện. Guyter đảm bảo cho George Leber giành thắng lợi trong cuộc bầu cử, ông này đã tìm cho anh việc làm tại Bonn. Tổ chức tình báo giao cho anh nhiệm vụ thông báo kịp thời tình hình thế giới căng thẳng  một cách nguy hiểm. Đồng thời cũng rất cần thông tin về những thế lực trong chính phủ quan tâm đến việc làm dịu tình hình thế giới. Gruyter  Guyon cho rằng anh có thể kiếm được những thông tin như vậy nếu được ở cạnh "các nhà chóp bu", tuy nhiên giới lãnh đạo tình báo lại kìm hãm bầu nhiệt huyết ấy.

  Ngày 21-10-1969 Guyter Guyom được giới thiệu với sếp của Văn phòng thủ tướng. Anh phải qua một kỳ thẩm tra chính trị, và anh đã thể hiện mình tuyệt vời. Người ta soi mói quá khứ  và hành vi của anh, nhưng không tìm thấy gì đáng ngờ cả. Anh lại còn được khen là thông minh và cần cù.

  Trước khi bắt đầu công việc tham vấn cho Villi Brandt  Guyom đã được nhận vào nhóm thân cận của ông. Ít lâu sau anh đã chuyển về những thông tin giá trị. Chẳng hạn,  trước cuộc hội đàm của Villi Brandt  với thủ tướng Đông Đức Villi Shtof, các cơ quan mật vụ Xô Viết và Đông Đức đã có được bản trình bày đầy đủ về các ý đồ của chính phủ Liên bang Đức. Năm 1970 Văn phòng thủ tướng giao cho Guyom tổ chức Tiểu ban của chính phủ tiến hành đại hội Đảng dân chủ xã hội Đức ở Saabryukken. Trong dịp này anh thiết lập được quan hệ với cơ quan nội vụ. Họ cho rằng anh đã được chính phủ tin cậy nên cho anh được tiếp cận với những tài liệu tuyệt mật. Sau đó anh trở thành người lãnh đạo ban tham mưu bầu cử và là người tham vấn cho đảng trong văn phòng thủ tướng. Bây giờ anh thường xuyên ở bên cạnh Villi Brandt, điều đó cho phép anh biết cả những mặt yếu của thủ tướng, đặc biệt trong chuyện yêu đương.

  Cuộc bầu cử năm 1972 đã mang lại thắng lợi đáng khích lệ cho liên minh Đảng dân chủ xã hội và Đảng dân chủ tự do. Cùng với Villi Brandt, Guyom cũng được hưởng lợi. Từ ngày 1-1-1973 anh trở thành cố vấn riêng của thủ tướng về các vấn đề đảng phái. Từ đây anh được tham gia vào các phiên họp của ban lãnh đạo đảng và đảng đoàn, vào các cuộc hội ý của các trưởng ban của đảng. Anh có điều kiện để suy xét lập trường của các chính khách và những quyết định không những qua những dòng văn bản khô khan mà còn biết tường tận từ những phát ngôn đầu tiên. Đặc biệt có giá trị trong những điều kiện ấy là khả năng phân tích và trí tuệ sắc sảo của Guyom, khiến anh hiểu được các sự kiện và rút ra được những kết luận đúng đắn. Chính nhờ có Guyom mà các nhà lãnh đạo Đông Đức  và chính phủ Liên Xô biết được rằng "đường lối phương Đông mới" của Brandt không phải chỉ là những lời hùng biện, mà là sự thay đổi đáng kể đường lối đối ngoại của Cộng hòa Liên bang Đức. Bằng hoạt động ủng hộ đường lối này, Guyom đã có tác động riêng vào tính chất của chính sách mà Brandt tiến hành. Nhưng một mối hiểm họa vẫn treo lơ lửng trên con đường sự nghiệp thành đạt của Guyter Guyom và trên chính số phận của anh. Nó đến từ nơi anh ít đề phòng nhất.

  Mùa thu 1972 trong một cuộc gặp mặt ở Tây Berlin người ta bắt được điệp viên Wilhelm Gronau là nhân viên điệp vụ Đông Đức và tìm thấy một mẩu giấy có tên Guyom. Ngoài ra phản gián Tây Đức cũng đã biết được những quan hệ công việc giữa Guyom và Gronau, nhưng những quan hệ này vẫn là vô tình, người này không biết rằng người kia là điệp viên. Vì thế nhân viên mật vụ mới ghi tên Guyom để báo cho Gronau rằng không nên có quan hệ với nhân vật này. Tuy nhiên cơ quan phản gián cũng bắt đầu theo dõi Guyom, nhưng anh không những không bị cách ly khỏi những hoạt động bí mật trọng đại, mà ngược lại, lại còn gần với Brandt hơn. Mặc dầu đến cuối tháng 5 bộ trưởng nội vụ Hensher đã cảnh báo cho Brandt (không biết là dưới hình thức nào) về những điều đáng ngờ đối với Guyom, nhưng thủ tướng vẫn mời Guyter cùng đi nghỉ với ông ở Na Uy. Mấy tuần liền ở đó anh thực hiện trách nhiệm là cố vấn riêng và chánh văn phòng. Mọi thư từ của thủ tướng đều qua tay anh. Lúc này cũng là lúc chuẩn bị cho Hội nghị an ninh và hợp tác châu Âu, sẽ được tiến hành ở Helsinki. Đức là đối tác chính, và Nicxon có cuộc mật đàm với Brandt, còn ngoại trưởng Kissinger - với Bộ trưởng Ngoại giao Sheel. Nickson muốn hối thúc các đồng minh châu Âu ký kết bản Hiến chương Đại Tây Dương, theo đó các quốc gia thành viên NATO phải công nhận quyền chủ đạo của Mỹ. Guyom nắm vững tình hình hội đàm và những mâu thuẫn giữa các đồng minh NATO. Muốn thông báo về ban chỉ huy anh đã sao chép các văn bản hệ trọng nhất về những bất đồng ý kiến sâu sắc giữa các thành viên NATO và qua vợ anh gửi đến nơi quy định. Nhưng do trục trặc mà chúng không đến được địa chỉ. Trong một quán cà phê, khi Kristel gặp cô liên lạc Anita, họ phát hiện rằng bị chụp ảnh lén. Anita vẫn cứ nhận tài liệu, nhưng một lát sau, trên cầu qua sông Reyn, cô phát hiện thấy mình bị theo dõi dày đặc, cô bèn vứt cái túi xuống sông  và dòng sông đã vĩnh viễn chôn vùi bí mật của những tài liệu đó.

  Việc theo dõi Guyom vẫn được tiếp tục. Đã có thêm những bằng chứng nghiêm trọng. Ngay từ những năm 50 các cơ quan mật vụ  Cộng hòa Liên bang Đức đã có thể giải mã các bức điện của trung tâm. Biết thế, tình báo đã chuyển sang hệ mật mã khác, nhưng các bức điện cũ thì vẫn được lưu trong cơ quan mật vụ Tây Đức. Một nhân viên phản gián kỹ tính quyết định kiểm tra xem trong số các điệp viên có những ai được mừng sinh nhật trong những năm đó. Hoá ra trong đó có Guyter Guyom. Bây giờ bọn phản gián không còn nghi ngờ gì nữa, nhưng cần phải có chứng lý. Hơn nữa còn một tình huống không nói ra được buộc không thể vội vàng về việc bắt giữ Guyom. Vấn đề là thủ tướng Villi Brandt có nhiều kẻ thù và đối thủ, nói một cách đơn giản là họ muốn ông ta dấn sâu vào các mối quan hệ với Guyom. Bọn do thám rình mò thủ tướng liên tục xem có phải đây là một mục tiêu xứng đáng hay không? Các sự kiện về sau đúng như vậy: việc phanh phui Guyter Guyom đã làm thủ tướng mất chức.

  Cuộc theo dõi Kristel và Anita đã làm tình báo Đông Đức  hoảng sợ. Guyom được lệnh ngừng hoạt động tình báo và chuẩn bị về Đông Đức, đúng lúc vợ chồng anh cảm thấy nguy hiểm. Nhưng tất cả đều yên ắng. Đến tháng 2-1974 quan hệ giữa họ lại được khôi phục. Tháng 4 năm đó Guyter đi nghỉ ở miền Nam nước Pháp, ở đây anh thấy mình bị theo dõi. Việc này diễn ra trên khắp đất Pháp, đến Bỉ mới thôi. Anh có thể trốn được, nhưng anh không trốn. Ngày 24-4-1974, ngay sau khi trở về vợ chồng anh bị bắt. Khi bị bắt Guyter hốt hoảng, trước hết anh nghĩ đến con trai, anh kêu lên: "Tôi là công dân và sĩ quan Đông Đức, hãy nhớ lấy!". Điều đó còn mạnh hơn là thú nhận, và việc điều tra chỉ còn là củng cố thêm sự thật mà thôi.

  Trong các cuộc hỏi cung Guyter khẳng định rằng anh có làm tình báo, nhưng từ chối không cung khai anh đã biết gì về đời tư của ông Villi Brandt. Anh hoàn toàn từ chối không nói gì về công việc của mình cả. Mọi việc điều tra và xử án Guyom đều lạ lùng. Không ai trả lời được câu hỏi chính: vì sao tổ chức phản gián biết rằng Guyter Guyom là điệp viên nước ngoài, mà vẫn để yên cho anh ở gần Brandt lâu đến như thế, để yên cho anh nắm được mọi bí mật quốc gia. Trong hồi ký của mình Brandt viết: "Nếu có một sự nghi ngờ nặng nề thì không bao giờ lại để cho một điệp viên nước ngoài ở ngay cạnh mình, phải đưa anh ta đi ngay vị trí khác, để có thể quan sát được tốt hơn, thậm chí còn thăng chức nữa là khác. Đáng lẽ phải bảo vệ thủ tướng thì người ta lại biến thủ tướng thành điệp viên - con mồi trong cơ quan mật vụ của chính nước mình". Villi Brandt đã trở thành nạn nhân của những mâu thuẫn bên trong đảng của ông và đến ngày 6-5-1974 ông phải thôi chức.

  Guyter Guyom bị kết án 13 năm tù, còn Kristel 8 năm. Tháng 3-1981 là Kristel, và đến ngày 1 tháng 10 là Guyter Guyom được đánh đổi. Nhưng cuộc sống gia đình của họ không tồn tại lâu nữa, mọi người đều đã lập gia đình mới.

  Giữa năm 1995 sau một thời gian dài bệnh tật, Guyter Guyom qua đời.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 18 Tháng Tám, 2008, 08:06:03 pm
102 - Điệp vụ săn lùng vĩ đại của điệp viên thượng đẳng

(http://www.trutv.com/graphics/photos/terrorists_spies/spies/james_jesus_angleton/Yuri-Nosenko200.jpg)

  Tháng 2-1964, Yuri Nosenco, một điệp viên KGB đã phản bội Tổ quốc đến ngôi biệt thự thiên đường trong mộng của anh ta. Nó khác hoàn toàn với cuộc sống khó khăn và thiếu thốn ở Liên Xô. CIA tìm mọi cách để kẻ phản bội kia hài lòng. Chúng tận tình cung cấp cho Nosenko những điếu xì gà Cu Ba hảo hạng, thường xuyên đưa anh ta tới du lịch ở Baltimore và Washington D.C. Tại đây, Nosenko qua đêm với các gái điếm cao cấp do CIA tuyển chọn. Nhưng chỉ một tháng sau, khi Nosenko vừa kịp bén hơi vào cuộc sống sung sướng thì mọi thứ bất chợt kết thúc chỉ trong một đêm. Trong khi đang ngủ say sưa thì anh ta bất chợt bị bốn người đàn ông gí súng vào đầu. Bọn họ còng tay và lôi anh ta ra ngoài rồi tống cổ vào một thùng xe tải. 5 tiếng sau, Nosenko bị ném vào một thế giới hoàn toàn khác nơi anh ta vừa rời khỏi. Phải đến 3 năm sau, Nosenko mới tìm ra câu trả lời. Trong suốt 3 năm bị giam giữ, anh ta thường xuyên chịu các trận tra tấn tâm lý khủng khiếp, các đợt hỏi cung dồn dập và nỗi ám ảnh rằng tình thế tồi tệ này sẽ kéo dài mãi mãi.

  Những điều xảy ra với Nosenko chính là một trong những điều nhục nhã nhất trong lịch sử tình báo Hoa Kỳ. Câu chuyện của Nosenko xảy ra tại một trong những thời gian cực kỳ tăm tối trong trận chiến tình báo thời Chiến tranh lạnh. Cuộc chiến này nổ ra khi Angleton phát hiện ra mình đã để Kim Philby lừa bịp.

  Thời còn học ở Đại học Yale, Angleton điều hành một tạp chí văn học của nhà trường và là nhà thẩm mỹ học số một trong các sinh viên tại đây. Sau đó, anh ta được tuyển mộ vào phòng X-2 (phản gián) của OSS (Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ - giải thể năm 1945). Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, chàng thanh niên 28 tuổi này có một bảng dày đặc thành tích đập tan các điệp vụ của Đức và điều tất nhiên là anh ta đã gia nhập CIA và trở thành một trong những nhân vật nổi bật nhất thời kỳ này. Angleton được trao cho đặc quyền rất lớn nhằm đảm bảo không cho KGB thâm nhập vào CIA. Và cũng chính nhiệm vụ đã đưa đẩy họ - Angleton đến với Philby - sếp mới của MI-6 ở Washington năm 1949.

  Do có quan hệ công tác gần gũi, Angleton và Philby dần thân thiết. Angleton trở nên ngưỡng mộ tài năng của Philby và chưa bao giờ dám nghi ngờ lòng trung thành của Philby dành cho nước Anh. Năm 1951, sau vụ phản bội của Guy Burgess và Donald Maclean (hai trong số nhóm người Anh quyền lực làm việc cho Liên Xô) thì các nhân viên CIA bắt đầu nghi ngờ Philby chính là nhân vật thứ ba, kẻ đã báo động để Maclean chuồn sớm và cũng là một gián điệp KGB. Angleton cực lực bảo vệ cho Philby do anh ta luôn tin vào cảm tính của mình. Giác quan thứ sáu bảo Angleton rằng, Philby trung thành, do đó chắc chắn Philby không thể nào là kẻ phản bội. Cơn lốc lên đến đỉnh điểm vào năm 1955 khi các bằng chứng thu thập được chỉ rõ Philby là một điệp viên nằm vùng của KGB. Từ lúc đó, trong đầu Angleton hình thành một giả thiết về vụ lừa đảo tinh vi có quy mô lớn của KGB nhằm vào phương Tây.

  Tháng 12 năm đó, một nhân viên KGB tên là Anatoli Golitsin đã phản bội và chạy đến cơ sở của CIA ở Helsinki. Nhờ trước đây làm việc ở trụ sở đầu não của KGB liên quan đến các điệp vụ Tây Âu, Golitsin có cơ hội xem chi tiết danh sách những điệp viên do KGB tuyển mộ. Kết quả là hàng tá điệp viên bị lộ mặt, trong đó nổi bật nhất là nhóm điệp viên có mật danh SAPPHIRE hoạt động trong thượng tầng Chính phủ Pháp. Người này cũng cung cấp những bằng chứng cuối cùng cho thấy Philby làm gián điệp cho KGB từ năm 1934. Điều này khiến Philby phải chạy trốn sang Moscva. Tuy nhiên, những tiết lộ trên chỉ có tầm quan trọng thứ yếu. Giá trị thực sự của Golitsin - theo quan điểm của Angleton - nằm ở những hiểu biết của người này về âm mưu "đen tối" của KGB nhằm phá hoại tình báo phương Tây. Được đà, Golitsin rỉ tai Angleton về một cuộc họp đặc biệt của KGB diễn ra ở Moscva năm 1959 mà hắn ta có may mắn tham gia. Trong cuộc họp này, các quan chức cao cấp KGB phác thảo một kế hoạch "tác động đến nền tảng sức mạnh lý trí của kẻ thù". Cũng theo Golitsin thì kế hoạch này gồm việc tạo nên một làn sóng những kẻ trá hàng, nhằm tạo ra luồng thông tin giả, đánh lạc hướng phương Tây. Và đúng như Golitsin dự đoán, đầu năm 1964, một sĩ quan tình báo KGB đã tìm đến CIA, người này tên là Yuri Nosenko.

  Nosenko từng phục vụ cho tình báo Hải quân. Ba năm sau đó, người ta tiếp tục thuyên chuyển Nosenko đến KGB. Vào thời điểm này, làm việc cho KGB được coi là một lựa chọn sáng suốt. Vì KGB đóng một vai trò đặc biệt trong xã hội nên các nhân viên của cơ quan này được hưởng rất nhiều ưu đãi cũng như đặc quyền. Nhưng đến năm 1962, Nosenko tỏ thái độ bất mãn và quyết định bắt liên lạc với CIA. Khi được cử theo một phái đoàn Xô Viết đến Genève tham gia hội nghị giải trừ quân bị, Nosenko xác định được một nhân viên CIA nằm trong phái đoàn Mỹ và ra hiệu muốn nói chuyện. Một lát sau, tại một căn cứ an toàn của CIA, Nosenko tuyên bố anh ta muốn làm gián điệp cho Mỹ nhưng không muốn có bất cứ cuộc gặp gỡ nào với các điệp viên CIA còn cắm trên đất Liên Xô. Sau khi tiết lộ tung tích vài điệp viên KGB hạng "ruồi", để chứng tỏ thiện ý của mình, Nosenko hứa sẽ liên lạc nếu có thêm tin tức quan trọng, rồi anh ta quay trở lại với phái đoàn Liên Xô. Một thời gian sau đó, CIA không nhận được tin tức gì từ Nosenko, nhưng số phận anh ta đã bị một tên phản bội khác - Antoli Golitsin - định đoạt. Sau khi được tường thuật lại chi tiết buổi gặp gỡ của Nosenko với CIA, Golitsin ngay lập tức coi đây là vụ trá hàng. Hắn coi câu chuyện rác rưởi của Nosenko chỉ là một loại cổ tích hiện đại nhằm che giấu tung tích siêu điệp viên KGB đang ẩn náu trong hàng ngũ CIA, kẻ đang lật tẩy hàng tá gián điệp CIA đang hoạt động ở Moscva dưới vỏ bọc ngoại giao. Hắn dự đoán tiếp là Nosenko rồi sẽ chạy trốn sang Mỹ với nhiệm vụ đặc biệt là phá hoại uy tín của Golitsin.

  Ngày 4-2-1964, Nosenko lại xuất hiện ở Genève và bắt đầu liên lạc với CIA. Anh ta nói vừa nhận được bức điện triệu hồi về Moscva, một dấu hiệu cho thấy chắc chắn anh ta đã bị nghi ngờ. Anh ta tuyên bố ý định muốn bỏ trốn ngay lập tức. Để chứng tỏ giá trị của mình, Nosenko liền tiết lộ một bí mật bất ngờ. Theo lời Nosenko, vài năm trước có một người Mỹ bất mãn tên là Lee Harvey Oswald đến sống ở Liên Xô. Nosenko được cử đi theo dõi xem liệu đây có phải là người của CIA hay không. Anh ta kết luận là không. KGB đã có ý định tuyển mộ người này nhưng lại thôi vì thấy đây là người thần kinh có vấn đề. Do đó, họ không quan tâm đến Oswald nữa, thậm chí còn cho phép anh ta quay trở lại Mỹ với cô vợ người Nga.

  Tình thế Nosenko giờ lại càng đen tối hơn. Golitsin khẳng định nếu Nosenko là một phần của kế hoạch đánh lừa của KGB thì tất cả những điều về Oswald là dối trá. Theo lý luận của Angleton, KGB gửi Nosenko đi trá hàng nhằm đạt nhiều mục đích một lúc, mà một trong số đó là thuyết phục CIA rằng, Nga chẳng liên quan gì đến Oswald cả. Do đó, Angleton suy ra chắc chắn KGB có liên hệ với Oswald và có thể đã đạo diễn vụ ám sát Tổng thống Kennedy.

  Khi chiếc máy bay chở Nosenko hạ cánh xuống Washington, anh ta không biết giông tố đang đợi phía trước. Những đối xử tử tế ban đầu có chủ định làm mềm ý chí kẻ phản bội, làm cho anh ta không được chuẩn bị những thử thách sắp đến. Khi bị giam giữ, Nosenko phải trải qua hàng loạt những loại tra tấn tinh thần làm tê liệt ý chí, khiến anh ta phải thú nhận những giả thiết do Angleton nghĩ ra là sự thật: Yuri Nosenko là kẻ trá hàng nằm trong kế hoạch của KGB có nhiệm vụ đánh lạc hướng CIA về sự dính líu của Nga trong vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Thế nhưng, không một biện pháp nào phát huy tác dụng. Hai cai ngục bèn thay đổi nhiệt độ phòng giam từ cực nóng đến lạnh, lôi anh ta dậy để thẩm vấn vào những giờ hết sức quái gở, thỉnh thoảng lại bỏ đói kẻ phản quốc trong vài tuần, không cho hút thuốc, chiếu sáng phòng giam suốt cả ngày để anh ta không ngủ được, gặp gỡ các tên hỏi cung hung tợn dọa giết anh ta bất cứ lúc nào mà không ai hay. Để chắc chắn hơn, toán thẩm vấn còn trưng ra cho Nosenko vài bằng chứng mà "Điện triệu hồi" là một ví dụ điển hình. Qua một cuộc kiểm tra từ Cục An ninh quốc gia Mỹ (NSA) - cơ quan đã theo dõi phái đoàn Xô Viết trong suốt cuộc đàm phán giải trừ quân bị - thì không hề có bức điện nào có nội dung như Nosenko khai báo được gửi từ Moscva. Việc anh ta tuyên bố mình là một đại tá lại là sự dối trá nữa. Thực tế anh ta là thiếu tá. Nosenko thừa nhận anh ta đã nói dối nhưng chỉ nhằm mục đích làm tăng tầm quan trọng của bản thân để CIA sớm đánh tháo anh ta đến Mỹ mà thôi. Và cho dù phải chịu thêm các cực hình tàn khốc thế nào đi nữa thì Nosenko vẫn khăng khăng không chịu thay đổi lời khai, nhất quyết chỉ khai anh ta thực sự là một kẻ đào tẩu, rằng Lee Harvey Oswald là một gã mất trí mà KGB không muốn thâu nạp. Còn đối với Golitsin, theo lời Nosenko - thì KGB vui mừng vì đã tống khứ được hắn đi. Đấy là một gã tự cao tự đại đã có lần kiến nghị thay đổi toàn bộ cấu trúc ngành Tình báo Xô Viết mà trong đó hắn sẽ là người lãnh đạo cao nhất.

  Sự bướng bỉnh không chịu nhận tội ở đây được Angleton hiểu là Nosenko quyết tâm hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Do không giải quyết được vụ Nosenko nên Angleton và Golitsin quyết định dành thời gian để tìm ra có bao nhiêu điệp viên trong số đã bị Golitsin khai quật từ đống hồ sơ cá nhân của CIA. Đầu tiên, con số kẻ bị tình nghi lên đến 120, rồi giảm 50 và danh sách cuối cùng còn 16. Cơ sở duy nhất để nghi ngờ 16 sĩ quan CIA với tội danh nghiêm trọng làm gián điệp chỉ là quá trình Golitsin nghiên cứu hồ sơ cá nhân. Bằng một sự suy diễn bí hiểm mà chỉ có Angleton mới hiểu được, Golitsin đưa ra kết luận xem ai là gián điệp của KGB bằng cách chỉ ra những chi tiết mà hắn gọi là manh mối không thể nhầm lẫn được nằm trong hồ sơ cá nhân của người này.

  Sau khi cuộc truy tìm điên rồ của Angleton diễn ra một thời gian thì bộ máy CIA bị phá hoại tả tơi. Họ không phát hiện ra bất cứ gián điệp nào. Mặc dù vẫn bị giam cầm khổ sở nhưng Nosenko không chịu đổi lời khai trong khi các nhân viên phản gián không tìm ra được bằng chứng nào để kết tội kẻ nghi phạm cứng đầu này. Các vị lãnh đạo cao cấp CIA bắt đầu cảm thấy bồn chồn, ra lệnh cho Angleton phải giải quyết dứt điểm vụ Nosenko ngay lập tức sau vòng thẩm vấn, cuối cùng Nosenko được thả. Lo lắng vụ này bị phanh phui, CIA trao cho Nosenko một tấm séc 30.000 USD và để hắn làm tư vấn tại cơ quan tình báo này. Trong khi đó, Giám đốc CIA, Richard Helm triệu tập một cuộc họp kín nhằm xét lại trường hợp Nosenko. Kết luận cuối cùng của họ là Nosenko thực sự là một tên phản quốc chạy trốn.

  Lúc Nosenko được minh oan cũng là khởi điểm cho sự kết thúc của Angleton cùng cánh tay phải Golitsin. Ngày càng nhiều lời phàn nàn về Angleton. Năm 1974, Giám đốc mới của CIA, William Colby khám phá ra vụ Giám đốc Cục Phản gián đã phạm phải rất nhiều trọng tội trong "công cuộc bảo vệ" CIA khỏi các điệp viên KGB hư ảo mà trong đó có việc giam giữ trái phép Nosenko. Angleton còn cả gan phá luật để đặt máy nghe trộm tại tư gia các sĩ quan CIA mà ông ta tình nghi, cũng như bóc trộm thư tín. Người ta buộc Angleton từ chức và chấm dứt hợp tác với Golitsin.

  Thế là cuộc "săn lùng vĩ đại" chấm dứt. Một năm sau, người kế vị Angleton là George Kalaris đã tổ chức một buổi nói chuyện bất ngờ. Nội dung của nó là các kỹ thuật phản gián của Liên Xô, còn diễn giả là Yuri Nosenko! Sau đó, các nạn nhân - những nhân viên CIA bị cuộc săn lùng điệp viên tàn phá sự nghiệp - được lặng lẽ bồi thường. Còn Angleton, cho đến lúc chết (cuối năm 1987) vẫn tiếp tục khăng khăng mình hoàn toàn làm đúng. Nếu còn sống, chắc chắn Angleton sẽ hết sức ngạc nhiên nếu biết được một trong những di chứng mà cuộc chiến do ông ta phát động để lại. Đó là một bản báo cáo dài lê thê được đọc sau một buổi họp diễn ra ngay sau khi ông ta mất ghế nhằm đánh giá những hậu quả của cuộc chiến gián điệp gây ra. Trước hết, nó chỉ ra rằng CIA đã phải chịu những tổn thất nặng nề có thể là do kết quả của một điệp vụ phá hoại của KGB, một điệp vụ được chỉ đạo bởi một siêu điệp viên thượng đẳng của KGB nằm ở tầng chóp của CIA - đó là Angleton!
 
Nguyễn Đăng Tuấn


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 30 Tháng Tám, 2008, 04:09:26 pm
103 - WILLIAM  JOSEPH  DONOVAN (thế kỷ XX)
Người lãnh đạo cục chiến lược tình báo Mỹ

(http://aycu35.webshots.com/image/41994/2004836103433265584_rs.jpg)

  Theo đánh giá chính thức, trước năm 1941, nước Mỹ chưa có cơ quan tình báo thống nhất. Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson nói: "Trước Thế chiến II, con số nhân viên làm nhiệm vụ tổng hợp thông tin trong Ngoại vụ Mỹ không vượt quá con số mười người. Tiến bộ trong công nghệ thu thập thông tin  so sánh với năm 1770 có khác chăng chỉ là  sự ra đời của máy chữ và máy điện báo". Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng nước Mỹ thực sự đã có được gần như toàn bộ những thông tin cần thiết. Thông tin được tập hợp bởi các đại sứ quán, ban tùy viên Quân sự và Hải quân, nhưng chủ yếu vẫn từ các trùm tư bản tài chính và công nghiệp hùng mạnh với những mạng lưới cơ quan tình báo riêng rải khắp toàn cầu đã thu thập được những thông tin cần thiết không chỉ cho các ông chủ mà cả cho chính phủ Mỹ. Nói cách khác là chưa có một cơ quan chuyên môn để tập hợp, phân tích và trình bày dưới hình thức thuận tiện cho sử dụng để trình lên cấp lãnh đạo tối cao của đất nước.

  Khi nước Mỹ sửa soạn tham chiến, tổng thống Roosevellt quyết định thành lập cơ quan tình báo trung ương đứng trên tất cả các cơ quan tình báo hiện có. Việc này bị giới lãnh đạo nhiều cơ quan tình báo khác nhau chống đối, đặc biệt là Bộ Hải quân. Nhưng Roosevelt không nao núng. Ngày 11 tháng 7 năm 1941 ông chỉ định luật sư New York, đại tá, sau này là thiếu tướng William Joseph Donovan soạn thảo dự án thành lập tổ chức đó. Trong cuốn sách của mình là "Hoạt động tình báo - chìa khóa phòng vệ", Donovan nhớ lại lời tổng thống Roosevellt đã nói với ông vào ngày hôm đó: "Anh sẽ bắt đầu hoàn toàn từ đầu là rất tốt. Bởi vì nước Mỹ chưa có cái gọi là một cơ quan tình báo".

  William Donovan sinh tại thành phố Buffalo trong một gia đình công chức người Ireland theo Thiên chúa giáo. Vợ ông theo đạo Tin lành. Tính cách khá khắt khe, nghiệt ngã. Bạn bè thường gọi ông là "Bill Hoang Dại". Là một luật sư nổi tiếng - tín đồ Thiên chúa giáo và theo phe Cộng hòa, bằng cách nào đó ông đã trở thành bạn thân và là nhân vật tin cậy của Franklin Roosevelt, một người Dân chủ và theo đạo Tin lành. Trước chiến tranh, Roosevellt đã phái ông sang Anh để dàn xếp quan hệ hợp tác với người Anh, và tiện thể theo dõi hoạt động của đại sứ Mỹ là Joseph Kennedy, một người Ireland theo Thiên chúa giáo ở một mức độ nào đó tỏ ra có thiện cảm với quân Đức, là những kẻ ủng hộ nền độc lập của Ireland. Chức vụ mà Donovan được chỉ định vào ngày 11 tháng 7 năm 1941 ban đầu được gọi là "Người phối hợp cơ quan tình báo". Nhưng bất chấp lệnh của tổng thống gửi tất cả các cơ quan chính phủ yêu cầu cung cấp cho Donovan thông tin mang tính chiến lược và chiến thuật, viên đại tá đã vấp phải sự chống đối ra mặt, sự không thông hiểu, sự ghen ghét của những người đại diện cho quyền lợi hẹp của các cơ quan và họ đã cản trở khiến công việc của ông gần như không thể thực hiện nổi. Thông tin do Ngoại Vụ viện, Quân đội và Hạm đội Hải quân cung cấp cho ông chẳng thể sử dụng vào mục đích gì. Những người có kinh nghiệm hoạt động tình báo trước yêu cầu đề nghị chuyển sang làm việc cho Donovan đều từ chối. Khi đó ông bèn chuyển hướng hành động và mời làm việc toàn những người ngoài cuộc, chưa hề hoạt động tình báo bao giờ như nhân viên các công ty, nhân viên các ngân hàng, luật sư, giáo sư các trường đại học, thậm chí là các linh mục.

  Tháng 6 năm 1942, theo lệnh của tổng thống Roosevellt, Cục Thông tin quân sự được thành lập, còn sau đó là Cục Chiến lược do Donovan đứng đầu. Có ba nhiệm vụ được đặt ra cho ông là: tiếp tục thu thập những thông tin khoa học và phi chính thức; tiến hành tuyên truyền phá hoại; hoạt động phá hoại (có sự phối hợp của quân đội). Như vậy, do vấp phải sự chống đối của giới lãnh đạo Quân đội, Hải quân và Ngoại Vụ viện, Roosevelt và Donovan đã xây dựng được một cơ quan tình báo riêng rất mạnh hoạt động lấn át cả những tổ chức tình báo khác. Donovan nhận được những nguồn tiền rất lớn (chẳng hạn vào năm 1940 toàn bộ chi phí của quân đội Mỹ cho hoạt động tình báo gồm hai trăm bốn mươi nghìn đôla, mà riêng Cục chiến lược của Donovan trong năm 1945 được cấp ngân sách lên tới năm mươi chín triệu đôla). Lúc này Donovan đã có thể mời những chuyên gia cao cấp, nhà khoa học, giáo sư trong tất cả các lĩnh vực khoa học hiện đại, các nhà văn, nhà báo, nhạc công, các chuyên viên kỹ thuật, thợ lành nghề và thậm chí cả những tên lừa đảo chuyên nghiệp và những tay "đầu gấu"... làm việc cho mình. Tiền cũng như tình cảm trách nhiệm đối với Tổ quốc đóng vai trò quyết định. Trong thời hạn ngắn ngủi, Donovan đã tập hợp được một đạo quân gồm mười lăm nghìn điệp viên thực hiện nhiệm vụ do ông giao ở tất cả các nước trên thế giới. Điều thú vị là tất cả những con người này không phải là các nhà tình báo chuyên nghiệp, đã sáng tạo ra những phương pháp hoạt động tình báo và phá hoại độc đáo của riêng mình, mà những gián điệp chuyên nghiệp thường bị gò bó bởi thói quen, nguyên tắc và bệnh quan liêu thậm chí không thể tưởng tượng ra nổi.

  Các tướng lĩnh thuộc quân đội và Hạm đội Hải quân, các đô đốc và quan chức ngoại giao thuộc Ngoại Vụ viện đến cuối cuộc chiến tranh đã buộc phải thừa nhận rằng tổ chức của Donovan "đã vượt xa họ và đến đích đầu tiên". Riêng cơ sở của Cục Chiến lược đặt tại Bern do Allen Dulles chỉ đạo đã khai thác lượng thông tin về nước Đức phát xít nhiều hơn khối lượng thông tin do cả quân đội, Hạm đội Hải quân và Ngoại Vụ viện thu thập được. Ngoài ra, Dulles, như người ta biết, không chỉ hoạt động tình báo. Ông này còn duy trì mối quan hệ với Vatican, và với trùm tư bản độc quyền lớn nhất ở Đức là Krupp, một trong những nhân vật đứng đầu Đệ Tam Quốc xã Himmler, với lãnh đạo cao nhất của ngành tình báo Đức là Sellenberg. Thông qua nhà tình báo - nhà ngoại giao Nhật Bản Fudzimuru, ông ta chuyển thông điệp đến chính phủ Nhật Bản rằng "nước Mỹ sẵn sàng bắt đầu đàm phán về hòa bình vào bất cứ thời điểm nào để tước quyền bỏ phiếu của Liên Xô về vấn đề Trung Quốc". Hơn thế nữa, ông ta còn thông báo cho người Nhật một trong những quyết định bí mật của Hội nghị Yalta về việc Liên Xô tham gia vào cuộc chiến tranh chống Nhật. Khi đó chính Dulles đã khuyên Roosevelt và Donovan không tiếc tiền của và sức người để làm suy yếu ảnh hưởng của Liên Xô và Anh tại các nước Đông Âu, biến Hungari và Ba Lan thành tiền đồn chống chủ nghĩa cộng sản trong tương lai. Năm 1943-1945 Donovan đã tổ chức thành công các chiến dịch tung gián điệp vào hậu phương của đối thủ ở Pháp, Italia, Miến Điện, Thái Lan, Algieri và các nước khác. Tiếc rằng rất nhiều gián điệp nhảy dù xuống Tiệp Khắc đã không có cơ hội sống sót.

  Cuối năm 1943, Roosevelt đã tán thành đề nghị của Donovan về việc bắt đầu hợp tác với tình báo Xô Viết. Trước Giáng sinh năm 1943, Donovan bay sang Moscva. Ngày 25 tháng 12, ông ta cùng với đại sứ Harriman được Molotov tiếp. Donovan kể cặn kẽ về Cục Chiến lư¬ợc, về các nhiệm vụ, chức năng và hoạt động cụ thể của ông ta ở hàng loạt các nước, trong đó có các nước vùng Balcan. Sau đó Donovan gặp gỡ với người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài Finitin. Kết quả các cuộc đàm phán được trình lên Stalin. Stalin đồng ý việc trao đổi đại diện và hoạt động hợp tác của cơ quan tình báo Xô Viết với Cục chiến lược của Mỹ.

  Trở về Mỹ, Donovan gửi đến tất cả các phòng ban chỉ thị về việc: "Cục chiến lược có thể cung cấp cho Nga thông tin tình báo giá trị, hữu ích cho đất nước đang tiến hành cuộc chiến tranh chống Đức". Đại diện Liên Xô ở Cục chiến lược là đại tá Graur và thành viên trong phái đoàn của ông đã sẵn sàng bay sang Mỹ. Đột nhiên ngày 16 tháng 3 năm 1944 từ Mỹ có một bức điện do Roosevelt gửi cho Harriman yêu cầu tạm hoãn vô thời hạn việc trao đổi các đoàn đại biểu. Quyết định đó được thông qua theo yêu cầu khẩn khoản của giám đốc FBI là E. Guver, người cho rằng mục đích của ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) là thâm nhập vào các cơ quan nhà nước của Mỹ.
Donovan thực sự tức giận vì sự can thiệp của Guver nhưng tổng thống không thay đổi quyết định. Mặc dù vậy cuộc tiếp xúc giữa hai cơ quan tình báo vẫn được ấn định, nhưng thông qua người lãnh đạo phái đoàn đại diện quân sự của Mỹ tại Liên Xô là thiếu tướng J. P. Din.
Trong thời gian hợp tác giữa hai cơ quan tình báo, phía Mỹ đã cung cấp những thông tin chính trị và quân sự đặc biệt có giá trị trong  những năm chiến tranh, gồm: tin về tình hình tại Đức và các nước bị chiếm đóng, các bản tổng hợp tin tình báo về các vấn đề riêng rẽ, bản tổng kết phân tích khả năng của nền công nghiệp Đức; đánh giá tình hình trong giới lãnh đạo quốc xã của Đức, thông tin về tình hình Hungari, Rumani và Bungari. Trong thời gian diễn ra các cuộc đàm phán, Donovan phát biểu nguyện vọng muốn trao đổi tài liệu về máy móc kỹ thuật cho hoạt động phá hoại, nhưng ông chỉ cung cấp được một cuốn danh mục có ảnh minh họa loại vũ khí và máy chuyên dụng khiến các chuyên gia quan tâm. Gói hàng thứ hai của người Mỹ là mẫu các thiết bị nhỏ dùng cho vi phim do Cục chiến lược làm ra nhưng không sử dụng được vì các mẫu này được chế tạo bởi trình độ tay nghề quá thấp. Về phần mình, tình báo Xô Viết đã chuyển cho đối tác các báo cáo về tình hình quân đội Đức, tình trạng vũ trang, đánh giá tương lai chính trị của nước Đức; thông tin về các nhà máy hóa chất bí mật tại Đức và Ba Lan chuyên sản xuất chất độc; về nhà máy ngầm ở Svinemunde; về trạm thử nghiệm tên lửa tại Merzeburg; về tình hình Bungari với đánh giá tình thế chính trị bên trong nước này. Tháng 5 năm 1944, theo yêu cầu của Donovan, người ta đã chuyển cho ông ta thông tin về các bộ máy và phương pháp phá hoại, đặc biệt là về kinh nghiệm sử dụng mìn nổ chậm và về các khảo sát tìm tòi hoàn thiện phương tiện phá hoại. Năm 1944 - đầu năm 1945, tình báo Xô Viết đã giúp đỡ các đồng nghiệp Mỹ rất nhiều trong việc làm sáng tỏ số phận của một số nhóm điệp viên Mỹ nhảy dù xuống Tiệp Khắc và của những phi công lái máy bay đã bị giết ở đó. Toàn bộ những thông tin do tình báo Xô Viết cung cấp được phía Mỹ đánh giá rất cao.

  Tháng 7 năm 1945, sau khi chiến tranh kết thúc, Donovan thông báo cho Fitin về việc người ta đã bắt giữ tại Áo chỉ huy mạng lưới tình báo ở các nước vùng Balcan là Huttle - kẻ "mong muốn gây bất đồng ý kiến giữa Liên Xô với Mỹ, sẵn sàng chuyển giao toàn bộ phần còn lại của mạng lưới tình báo đang tồn tại cho Mỹ để sử dụng chống người Nga". Donovan đề xuất việc thảo luận các giải pháp phối hợp nhằm xóa bỏ mạng lưới của Huttle và thông báo đã giao nhiệm vụ này cho trợ lý của mình là Allen Dulles. Vào tay Dulles, công việc vượt khỏi tầm kiểm soát của Donovan và bị ngừng lại. Donovan tìm cách cố làm được điều gì đó, kiên trì yêu cầu gặp riêng Fitin nhưng không được. Còn trong thời gian đó Dulles cùng với chỉ huy cơ quan tình báo của quân đội là tướng Siberto đã tiến hành những cuộc thương lượng với người đứng đầu cơ quan tình báo của Hitler ở mặt trận phía Đông là tướng Gehlen về các hoạt động phối hợp chống người Nga. Chống lại đề xuất của Donovan còn có cả nhóm liên minh chỉ huy các bộ tham mưu.  Họ cho rằng nhất thiết phải "thảo luận vấn đề nên hay không nên hợp tác với các sĩ quan Đức không thuộc Đảng Quốc Xã để thu thập tin tức tình báo về tiềm lực và các dự định của người Nga". Hoạt động hợp tác giữa tình báo Xô Viết và Mỹ kết thúc ở vụ Huttle.

  Donovan còn lại một mình đơn độc. Tổng thống Roosevelt mất ngày 12 tháng 4 năm 1945, còn tổng thống mới là Truman lại là người giữ lập trường chống Liên Xô kịch liệt. Thậm chí không thể nói đến chuyện hợp tác tiếp tục với tình báo Xô Viết. Rõ ràng Donovan rất tiếc. Ông ta viết trong một bức thư thể hiện sự ủng hộ "bầu không khí hợp tác hữu nghị" gửi Fitin như sau: "Tôi tin tưởng rằng thành công đã đạt được bấy lâu trong sự nghiệp chung của chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta có thể là những đồng minh trong các hoạt động hợp tác, ít ra là trong lĩnh vực tình báo".

  Sau khi thắng Nhật, ngày 20 tháng 9, Truman ra lệnh giải tán Cục chiến lược. Tướng Donovan xin từ chức và trở về với nghề luật sư ở thành phố New York.

  Hoạt động tình báo thời kỳ này lại được trao về dưới sự điều khiển của các chủ nhân cũ của nó là Ngoại Vụ viện và Bộ Quốc phòng. Không bao lâu sau đó, ngày 15 tháng 9 năm 1947, tổng thống Truman ký Luật về An ninh Quốc gia và lại một lần nữa thống nhất ngành tình báo làm một và chính thức đặt bước khởi đầu cho việc thành lập Cục Tình báo Trung ương Mỹ.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 30 Tháng Tám, 2008, 04:14:44 pm
104 - Đinh Thị Vân (1916-1995)
Nữ Đại tá tình báo anh hùng

(http://batinh.vnweblogs.com/gallery/2286/previews-med/57357-a13.jpg)

  Trong lịch sử quân báo Việt Nam, có một nữ điệp báo suốt mấy chục năm âm thầm làm nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm trong lòng địch trong "vỏ bọc" một người lao động bình thường. Vì những đóng góp xuất sắc chị được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Và khi đất nước ca khúc khải hoàn, người phụ nữ ấy vẫn sống một cuộc đời hết sức giản dị và thầm lặng cho đến ngày cuối đời, tránh xa mọi ồn ã, vinh hoa. Người đó là nữ đại tá tình báo Đinh Thị Vân.

  Đinh Thị Vân (Vân là tên chồng, tên thật là Đinh Thị Mậu) sinh năm 1916 tại xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nông dân giàu lòng yêu nước và truyền thống cách mạng. Ngay từ nhỏ chị đã ý thức được tinh thần đấu tranh chống thực dân đế quốc vì độc lập dân tộc. Được các anh trai Đinh Lai Hạp và Đinh Thúc Dự, những đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương giác ngộ và động viên, chị đã sớm hoạt động cách mạng, làm giao thông liên lạc, cất giữ tài liệu bí mật của Đảng và tham gia tổ chức nhóm "Ái hữu tương tế", nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ. Tháng 8 năm 1945, với vai trò là cán bộ Việt Minh huyện Xuân Trường, Đinh Thị Vân hăng hái vận động quần chúng tham gia tổng khởi nghĩa ở hai huyện Xuân Trường và Giao Thủy. Ngày 30-6-1946, chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản và giữ các chức vụ huyện ủy viên huyện Xuân Trường, ủy viên Ban Thường vụ Phụ nữ cứu quốc tỉnh. Từ năm 1951 đến 1953, Đinh Thị Vân được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nam Định. Trong các cương vị công tác của mình, chị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên và đồng đội tín nhiệm, tin yêu.

  Tháng 6-1954, để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài của dân tộc, cấp trên quyết định điều động Đinh Thị Vân lên công tác ở Cục Tình báo, Bộ Quốc phòng. Chị được giao nhiệm vụ về Hà Nội hoạt động bí mật trong lòng địch, gây dựng cơ sở, tìm hiểu những ý đồ chiến lược của địch. Trong thâm tâm, chị ý thức được những nguy hiểm trong công việc mới mẻ mà chị sẽ phải đương đầu. Hoàn cảnh gia đình chị đang gặp khó khăn, chồng bị đau ốm luôn, nay vì nhiệm vụ đặc biệt chị phải rời xa quê hương, xa mẹ già, xa những người thân yêu nhất. Mặc dù nghĩa tình sâu nặng, chị đã chủ động đề nghị với cấp trên, đồng thời khuyên chồng đi lấy vợ khác để  có người thay chị chăm sóc lo toan việc nhà, tạo điều kiện để chị hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và quân đội giao cho.

  Với một giấy thông hành mang tên Trần Thị Mỹ, chị lên đường đi Hà Nội cùng một đồng chí liên lạc tên là Hà trong vai chị dâu, em chồng đi thăm "chú ấy" đang ở trong quân đội quốc gia. Chị tìm đến bà cả Dòe (một người quen cũ ở làng Ngọc Hà, Hà Nội); qua bà, chị đã móc nối với một số đồng chí cùng hoạt động trước đây nay đang làm việc ở các cơ quan của địch, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu thập tin tức và gây cơ sở trong nội bộ địch. Khi chị đã xây dựng được một số cơ sở tin cậy ở Hà Nội, cấp trên giao nhiệm vụ mới: phải mở rộng và phát triển phạm vi hoạt động xuống địa bàn Hải Phòng. Chấp hành chỉ thị, Đinh Thị Vân tìm cách lọt qua mạng lưới kiểm soát dày đặc của địch trên đường số 5 để xuống thành phố cảng. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ các mối quan hệ cũ chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cung cấp được nhiều tin tức quan trọng để cấp trên chỉ đạo thắng lợi và giành thế chủ động trong thời gian "300 ngày tập kết".

  Tháng 7-1954, Hiệp định Genève được ký kết, đất nước bị chia cắt làm hai miền lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời. Tháng 10-1954, chị nhận chỉ thị bí mật vào Nam tiếp tục hoạt động. Để tạo vỏ bọc hợp pháp cho việc di cư vào Nam và phù hợp với hoạt động sau này, chị đã đóng vai một người đi buôn, vào Nam kiếm sống; đồng thời tìm cách động viên, lôi kéo một số gia đình cùng đi. Với danh nghĩa chị dâu em chồng, chị cùng gia đình anh Phúc (một điệp viên trong lưới) xuống Hải Phòng hòa vào đoàn người  xuống tàu theo Chúa di cư vào Nam. Từ cái "vỏ bọc" đó, Đinh Thị Vân đã tìm mọi cách kiếm sống ở Sài Gòn để vừa che mắt địch vừa dễ bề hoạt động. Mặc dù trên địa bàn mới vô cùng khó khăn phức tạp, chị đã nhanh chóng tạo được thế đứng hợp pháp và từng bước, từng bước xây dựng mạng lưới tình báo của mình. Chị vào nghề bán guốc để mưu sinh, ngày này sang ngày khác, vừa nắm bắt tình hình, vừa tìm cách đưa các đồng chí của mình vào làm việc trong các bộ máy chính quyền, quân sự của địch, ở các vị trí quan trọng, chủ chốt, có nhiều nguồn tin chính trị, quân sự. Tại thời điểm này, để hỗ trợ cho hoạt động của chị, cấp trên quyết định ra thông báo: "Đinh Thị Vân đã phản Đảng, bỏ nhiệm vụ chạy trốn vào Nam. Tuyên án tử hình vắng mặt". Tin dữ lan truyền về quê, họ hàng, anh em đều bàng hoàng, sửng sốt. "Vụ án chính trị" này khiến nhiều người ruột thịt của chị bị "vạ lây" nhưng đã đánh hỏa mù vào cơ quan mật vụ của địch, tạo điều kiện hỗ trợ cho chị Vân hoạt động.

  Khi các cơ sở ở Sài Gòn đã tạm ổn định và đi vào hoạt động, chị nhận được giấy triệu tập ra Hà Nội báo cáo tình hình và trực tiếp nhận chỉ thị của Cục 2. Kết quả hoạt động của chị trên cương vị của một tổ trưởng điệp báo đã được cấp trên đánh giá cao, nhiều anh em trong mạng lưới ở Hà Nội chuyển vào đã tìm được cách chui sâu vào hàng ngũ địch, như Đoan ở không quân, Phúc ở quân sự, Quyên ở trường võ bị Thủ Đức, v.v... Sau bảy ngày ngắn ngủi vừa làm việc, học tập, nghiên cứu về tình hình và nhiệm vụ mới ở thủ đô, chị lại lên đường trở vào Nam mà không biết rằng đúng ngày ấy người mẹ yêu quý của chị, một cơ sở nuôi dưỡng và bảo vệ cách mạng, người đã được Bác Hồ tặng "đồng tiền vàng" vì có công với nước, đã qua đời trong một hoàn cảnh rất đau lòng: cho đến ngày cuối đời bà vẫn bị mang tiếng là một bà mẹ có con phản Đảng, phản cách mạng...
 
  Lúc này, tình hình ở Sài Gòn vô cùng rối ren, phố xá nhốn nháo. Chị thôi không đi bán guốc nữa mà theo bà con tản cư về Tân Sân Nhì, ở xóm Mồ Côi và tiếp tục nhiệm vụ của mình. Nhưng những hoạt động lặng lẽ, độc lập của chị lại gây sự chú ý của tổ chức ta. Trong lúc chị đang tìm cách gây cơ sở ở địa điểm mới thì các đồng chí ở cơ quan tuyên huấn của Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn đã họp bàn về "mụ Sáu di cư" (tên gọi của Đinh Thị Vân hồi đó). Có người cho chị là tay sai của Ngô Đình Diệm đi dò la tin tức, lập phương án thủ tiêu chị. ở vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, chị vừa phải ngụy trang để che mắt địch vừa phải khôn khéo tránh sự nguy hiểm từ phía lực lượng biệt động của ta, thì một sự kiện bất ngờ đã xảy ra với chị. Cơ quan chỉ đạo của Đặc khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn bị đàn áp. Đồng chí Ba, nguyên là Trưởng ban tuyên huấn của Đặc khu (vì có thân hình gầy yếu nên thường gọi là ông Ba ốm) có tên trong “sổ bìa đen” và bị mật vụ truy đuổi gắt gao. Qua báo cáo của đội biệt động về chị Vân, bằng sự nhạy cảm của một cán bộ dày dặn kinh nghiệm, ông tin rằng chị Vân là một người yêu nước, nên trong lúc cơ sở bị lộ ông đã quyết định chủ động chạy vào nhà riêng của chị Vân để ẩn nấp và giấu tài liệu. Biết mình không qua khỏi, trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông đã trao tài liệu cho chị Vân và nói: “Sau này sẽ có người trả ơn chị”. Chị Vân ân cần bón thìa cháo cho ông và nói: “Ông cứ yên tâm, đây là Đảng nuôi ông”. Sau khi Ba ốm mất, không còn cách nào khác để đồng chí của mình có được phần mộ, chị quyết định nhận ông Ba ốm là chồng để lo tang lễ cho ông và che mắt địch. Đây là một việc ngoài ý muốn của tổ chức, nhưng từ sau tang lễ ông Ba, biệt động Sài Gòn không còn “để mắt” đến chị nữa. Sau đó, với vành khăn trắng trên đầu, chị tìm cách báo cáo cấp trên, bắt liên lạc trao cho Đặc khu ủy Sài Gòn toàn bộ số tài liệu mà ông Ba đã gửi lại.
 
  Tháng 3-1956, hoạt động của chị gặp khó khăn nghiêm trọng: các đường dây liên lạc với Trung ương đều bị đứt. Theo quy định của cấp trên, một mặt chị Vân phải chủ động móc nối ra Bắc, mặt khác Cục sẽ bằng mọi cách chắp nối liên lạc vào. Không thể chậm trễ, chị lên đường ra Huế, Quảng Trị để tìm hiểu rồi bắt liên lạc với địa phương, cử người vượt biển Cửa Tùng, nếu không được thì chuyển phương án lên miền Tây Vĩnh Linh lập đường dây liên lạc với miền Bắc. Thế nhưng, mọi cố gắng của chị đều vô vọng. Với âm mưu chia cắt lâu dài, địch đã tìm mọi thủ đoạn để biến vĩ tuyến 17 thành giới tuyến vĩnh viễn, ngăn chặn triệt để mọi con đường liên lạc Bắc - Nam. Cơ sở cách mạng bị trốc hết, người nào còn có lòng nghĩ đến kháng chiến cũng phải nằm im. Vì vậy, tìm kiếm đường dây liên lạc sang phía bên kia sông Bến Hải lúc này là không thể thực hiện được.

 


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 30 Tháng Tám, 2008, 04:15:04 pm
  Mất liên lạc bằng con đường nội địa, chị đành quay trở lại Sài Gòn tìm hướng liên lạc ra Bắc qua đường sang Campuchia. Ngày 15-7-1956, Đinh Thị Vân lên đường đi Phnôm Pênh với bản căn cước là "người đi buôn". ở đây, chị có thể liên lạc với Hà Nội bằng cách trao đổi thư từ, bưu thiếp. Nhưng đường dây này cũng không an toàn. Năm 1957, cấp trên yêu cầu chị cắt đường liên lạc qua Phnôm Pênh và tổ chức đường dây khác lên phía Tây Nguyên qua Plei Ku - Kon Tum. Việc quan trọng trước tiên là phải có cơ sở. Chị tìm đến bà Khôi, một gia đình quen biết từ Hà Nội vào, bà Khôi ở ngay trong cơ quan quân cụ, do đó việc liên lạc với cấp trên theo đường số 14 được thiết lập và đi vào hoạt động.

  Năm 1958, tình hình trở nên vô cùng căng thẳng. Sách lược "Tát nước bắt cá" của chính quyền Ngô Đình Diệm đã làm cho lực lượng của ta bị tổn thất nặng nề, có nơi thành cơ sở trắng. Để che mắt địch, Đinh Thị Vân phải xoay ra làm nghề may máy và bỏ mối hàng thêu ở ngã ba Vườn Lài. Công việc đang tiến triển thì chị nhận được chỉ thị: "Phải nghiên cứu gấp tình hình phía Nam, nhất là vĩ tuyến 17, sự bố phòng của sư đoàn 1 ngụy, đồng thời tìm hiểu xem địch biết về lực lượng ta ở Hạ Lào như thế nào?". Đinh Thị Vân vội vã lên đường ra Huế cùng một đồng chí trước đây công tác ở Ba Lòng với danh nghĩa đi du lịch tới thăm các bạn cũ, rồi qua đó ra thăm giới tuyến. Bằng một trí nhớ tuyệt vời, một sự quan sát chính xác và một máy ảnh Betri, toàn bộ tuyến phòng thủ của địch từ Huế đến Gio Linh, vị trí các trung đoàn, hệ thống công sự, các bãi mìn, phương án tác chiến, hướng triển khai của các trung đoàn bộ binh ngụy... đã được lưới báo cáo chi tiết ra miền Bắc, góp phần cho chiến thắng của quân và dân ta trong giai đoạn lịch sử quan trọng này.

  Nhiệm vụ vừa hoàn thành, chị lại nhận được lệnh mới: "Tổ chức đường dây từ Sài Gòn qua Nha Trang - Đà Nẵng và Huế, bắt liên lạc với giao thông Trung ương thay cho đường dây theo quốc lộ 14 lên Plei Ku". Đinh Thị Vân lại lên đường đi Đà Nẵng, Huế với "vỏ bọc" là người đi buôn vải và các mặt hàng thêu. Đến đâu chị cũng tìm đến những gia đình quen cũ để vừa tiện cho việc buôn bán vừa dễ bề hoạt động. Sau chuyến đi ra Đà Nẵng - Huế trở vào Sài Gòn, do sơ hở ở một mắt xích trong lưới, Đinh Thị Vân bị địch nghi ngờ và bắt giam. Tại cơ quan an ninh quân đội, chúng sử dụng mọi thủ đoạn tra tấn rất dã man, nhưng không moi được bất cứ tin tức gì ở chị. Sau đó chúng đưa chị đi biệt giam ở Vân Đồn, trại Lê Văn Duyệt, Sở Thú. Năm năm tù đày qua các nhà lao, nếm đủ mọi  cực hình tra tấn về thể xác, uy hiếp khủng bố về tinh thần, nhưng chị đã vượt qua tất cả, tuyệt đối trung thành với cách mạng, bảo vệ trọn vẹn cơ sở mạng lưới tình báo do chị phụ trách.

  Cuối năm 1963 đầu 1964, Dương Văn Minh lật đổ Ngô Đình Diệm, rồi Nguyễn Khánh lật đổ Dương Văn Minh. Những người bị giam ở trại Lê Văn Duyệt và Sở Thú đều được xem xét lại. Nhờ lúc chính quyền của địch vừa thay đổi, còn nhiều sơ hở, với bản hồ sơ là "người đi buôn bị bắt oan", ngày 18-5-1964, chị Đinh Thị Vân được trả tự do. Ra tù, chị lập tức kiểm tra lại an toàn của lưới tình báo, tìm cách chắp nối lại liên lạc với đồng chí và cấp trên để nhận nhiệm vụ tiếp tục hoạt động. Trong thời gian chị bị tù đày, nhiều điệp viên trong lưới tình báo do chị gây dựng đã dần dần luồn sâu, leo cao vào những vị trí trọng yếu trong các cơ quan quân sự của địch, hoặc có quan hệ với những nhân vật đang giữ chức vụ quan trọng của ngụy quyền Sài Gòn: người làm thư ký trong sở quân cụ Sài Gòn, người là sĩ quan ngoại vụ Bộ quốc phòng, người thì giữ chức trưởng ban thống kê thuộc Bộ tư lệnh... Đinh Thị Vân được giao nhiệm vụ tìm hiểu các ý đồ chiến lược của Mỹ - ngụy: nếu địch thất bại trong "chiến tranh đặc biệt" thì tình hình sẽ diễn ra theo hướng nào, có thể hiệp thương và thành lập chính phủ như kiểu ba phái ở Lào, hay sẽ chuyển thành "chiến tranh cục bộ"? Nếu quân Mỹ nhảy vào thì quy mô, số lượng ra sao? Chị suy tính, lên kế hoạch, vạch nhiệm vụ cụ thể cho từng anh em trong lưới. Về phần mình, chị lại tiếp tục lo nghề nghiệp làm ăn hợp pháp để che mắt địch đồng thời có kinh phí phục vụ cho hoạt động: buôn vải, đan bít tất khoán, bán hàng tạp hóa, sao trà... khi ở nơi này, lúc ở nơi khác. Những chủ trương, kế hoạch mới của địch được lưới của Đinh Thị Vân cung cấp đều đặn và kịp thời ra Trung ương: từ chiến lược "Chiến tranh cục bộ" đến kế hoạch xây dựng địa phương quân của địch để thay thế cho quân chủ lực rút khỏi nhiệm vụ lãnh thổ, tập trung mở những cuộc càn quét lớn; kế hoạch hành quân của những sư đoàn chủ lực; sơ đồ phòng thủ của địch; chiến dịch "Ba mũi tên tìm diệt" của Mỹ - ngụy; nội dung cuộc họp của tổng thống với cố vấn của bộ tổng tham mưu và tướng Cao Văn Viên v.v... Chính vì vậy, cuộc phản công chiến lược hai mùa khô 1965-1966, 1966-1967 của địch đánh vào căn cứ của ta nhằm "tìm diệt" và "bình định" bị quân ta bẻ gãy. Địch vô cùng hoang mang, khốn đốn. Một tên đại tá ngụy đã phải thốt lên: "Chúng nó như ma ấy. Không biết lực lượng chính ở chỗ nào mà sáu nơi mình thọc vào đều bị đánh, không tiến lên được...".

  Phát huy đà thắng lợi hai mùa khô, nhận định cục diện trên toàn miền Nam thay đổi có lợi cho ta, Trung ương Đảng quyết định "Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định". Chủ trương của ta được thực hiện bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 mà tình báo gọi là kế hoạch "Vụ mùa". Chị Đinh Thị Vân lại bận rộn với bao công việc: trực tiếp gặp và hướng dẫn về việc chuẩn bị "Vụ mùa", tổ chức giao liên dẫn đường cho các lực lượng ở bên ngoài vào, thăm dò khả năng hiểu biết của địch về kế hoạch chuẩn bị của ta, sơ đồ phòng thủ của quân khu đô thành Sài Gòn... Tất cả tin tức được lưới của chị Vân gửi kịp thời ra cơ quan chỉ đạo kèm theo những ý kiến phân tích xác đáng. Mọi kế hoạch đều được tuyệt đối giữ bí mật tới mức khi "Vụ mùa" đã triển khai thì địch vẫn khẳng định rằng hiện nay ta chỉ có thể mở những hoạt động bình thường mang tính chất củng cố vùng căn cứ địa mà thôi. Đến đêm 30 rạng ngày mồng một Tết, trong lúc bọn chúng đang say sưa chúc tụng lẫn nhau thì tiếng súng của cuộc tổng công kích bắt đầu phát hỏa. Địch trở tay không kịp, hoang mang lo sợ, máy bay bay rối loạn trên trời, xe nhà binh chạy đâm bừa vào nhau nhốn nháo. Trong thời điểm ấy, Đinh Thị Vân vẫn bình tĩnh điều động các chiến sĩ trong lưới của mình, âm thầm và an toàn làm nhiệm vụ. Vì vậy, sau những ngày vang dội của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, lưới tình báo do chị phụ trách vẫn giấu kín mình trong từng cái vỏ bọc khác nhau và hàng ngày vẫn hoạt động giữa vòng vây kẽm gai của cảnh sát và "mắt kiếng đen" dày đặc của mật vụ Sài Gòn tăng gấp bội so với trước, lặng lẽ đi lại, nắm tình hình, nhận định và tổng hợp báo cáo về Trung ương, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân ta trên toàn mặt trận miền Nam.

  Tháng 3-1969, do yêu cầu công tác và tình hình sức khỏe của chị bị giảm sút sau những năm tháng bị địch tra tấn và hoạt động vất vả, căng thẳng, cấp trên đã quyết định điều động chị ra Hà Nội và phân công chị làm công tác huấn luyện. Trong cương vị công tác mới, người nữ sĩ quan tình báo dày dạn kinh nghiệm đã đem hết tinh thần, năng lực để truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm của mình cho đội ngũ những chiến sĩ sẽ kế tiếp lên đường làm nhiệm vụ đặc biệt, đồng thời viết các bản báo cáo tổng kết, rút ra những bài học thành, bại đúc kết từ thực tiễn công tác trong hoạt động ở nội thành Sài Gòn, công tác vận động quần chúng và phương châm hoạt động độc lập, đó là những minh họa sâu sắc và sinh động trong những bài giảng của chị.

  Với công lao cống hiến to lớn, ngày 25-8-1970, chị Đinh Thị Vân đã được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân với lời tuyên dương: "Đồng chí thiếu tá Đinh Thị Vân là một cán bộ mẫu mực trung thành tận tụy phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng trong những hoàn cảnh rất khó khăn".

  Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nhiệm vụ đặc biệt của chị lúc này là vào ngay Sài Gòn để giúp các cơ quan bảo vệ xác minh để trả lại sinh mạng chính trị cho những đồng chí hoạt động trong lực lượng địch, giao nhiệm vụ mới để các đồng chí ấy tiếp tục tham gia công tác giải quyết các vấn đề hậu chiến, chống gián điệp lọt lưới cài lại chống phá cách mạng...
 
  Tháng 10-1977, chị được thăng quân hàm trung tá và năm 1990 thăng quân hàm đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam.

  Sau gần trọn một đời cống hiến, chị về nghỉ hưu ở ngôi nhà số 8 phố Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, sống đời thường thanh bạch, giản dị, khiêm tốn và thật sự trong sạch trong sự yêu mến và ngưỡng mộ của bạn bè, bà con nhân dân.

  Chị Đinh Thị Vân mất tại Hà Nội ngày 15-12-1995, thọ 79 tuổi.


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 30 Tháng Tám, 2008, 04:16:36 pm
105 - Điệp vụ CIA đánh cắp thông tin
của Liên Xô dưới đáy biển Okhotsk



  Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, giữa CIA và KGB đã diễn ra cuộc đối đầu gay go quyết liệt, tuy không phải bằng súng đạn nhưng các trận đánh "giáp lá cà" ở các buổi lễ hội, các ngõ phố hay những lần đối đầu bằng vệ tinh gián điệp trên không, tàu ngầm nằm sâu dưới đáy biển v.v... tất cả đều làm cho người ta không thể lý giải, phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Việc Mỹ sử dụng tàu ngầm hạt nhân bí mật hoạt động và lắp đặt thiết bị nghe trộm điện thoại của Hạm đội Thái Bình Dương (Liên Xô) dưới đáy biển Okhotsk là một trong những ví dụ điển hình nhất.

  Nhiệm vụ chủ yếu của Thượng tá Bradly, Trưởng phòng Tác chiến trên biển, thuộc Cục Tình báo Hải quân Mỹ, là thu thập các yêu cầu tình báo của Cục An ninh quốc gia, Lầu Năm Góc, Nhà Trắng, sau đó lập kế hoạch - thông qua các phương thức như theo dõi hoạt động của tàu ngầm, giám sát việc thử tên lửa, thu thập tín hiệu điện tử của Liên Xô để có được những tin tức tình báo cần thiết. Mỹ vừa phóng một số vệ tinh gián điệp thế hệ mới nhất "Sky eyes", chúng có thể tiến hành trinh sát các địa điểm phóng tên lửa trên bộ và các xưởng chế tạo tàu ngầm mới nhất của Liên Xô, vậy mà phía Hải quân Mỹ đang muốn những chiếc vệ tinh này không chỉ chụp được ảnh loại tàu ngầm mới nhất, mà còn thu thập được các tin tức tình báo có liên quan đến các tính năng của loại tên lửa được Liên Xô lắp đặt trên tàu ngầm mới nhất đó. Sau khi nhận được mệnh lệnh, Bradly dự định điều một chiếc tàu ngầm đặc chủng của Hải quân bí mật đột nhập vào vùng biển Okhotsk do Liên Xô kiểm soát nhằm nghe trộm cáp điện có thể được Liên Xô lắp đặt dưới đáy biển. Đầu của dây cáp điện hình như bắt nguồn từ căn cứ tàu ngầm của Liên Xô nằm ở Petropavlovsk, xuyên qua biển Okhotsk tiếp nối với Bộ tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, sau cùng được nối thẳng về Bộ tư lệnh Hải quân ở Moscva. Nếu như chiếc tàu ngầm đặc chủng của Hải quân Mỹ phát hiện và nghe trộm được cáp điện thì Mỹ sẽ xâm nhập được vào lĩnh vực cơ mật nhất của Liên Xô, thu thập được nhiều tin tức tình báo như tính năng kỹ thuật tàu ngầm hạt nhân, dự đoán được khả năng tác chiến, báo cáo thử nghiệm tên lửa vượt đại châu và tên lửa thuộc căn cứ trên biển, ý đồ tác chiến của các quan chức chỉ huy Liên Xô. Nhưng tất cả đều được đặt dấu chấm hỏi: có đúng là có dây cáp điện của Liên Xô bố trí ở dưới biển Okhotsk không? Và nếu có thì làm thế nào để tìm được nó. Bằng kinh nghiệm nhiều năm hoạt động tình báo, Bradly biết rằng, các sĩ quan chỉ huy của Liên Xô đóng tại các căn cứ quân sự ở nước ngoài thường xuyên thông báo hoạt động tác chiến của họ cho chỉ huy cấp cao ở trong nước. Do vậy, Liên Xô đã lập ra được một hệ thống mật mã điện báo khổng lồ. Tuy nhiên, các sĩ quan Hải quân Liên Xô chưa chắc đã sử dụng hệ thống truyền tin phức tạp mà họ sẽ sử dụng phương pháp truyền tin nhanh và đơn giản. Phương pháp truyền tin này chỉ có thể sử dụng hệ thống cáp điện thoại. Như vậy, đường dây cáp nối từ Petropavlovsc đến Bộ tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô nhất định phải đi qua biển Okhotsk.

  Khi đặt giả thiết có thể có đường dây cáp điện của Liên Xô dưới đáy biển Okhotsk, Bradly vẫn trằn trọc suy nghĩ dây cáp điện đó sẽ nằm ở vị trí nào dưới đáy biển Okhotsk rộng lớn. Nghĩ đến đây, Bradly nhắm mắt lại và hồi tưởng về thời ấu thơ của mình: Khi còn là một cậu bé, Bradly đã cùng gia đình ngồi tàu thủy qua sông Mississippi, khi qua sông, ngoài việc nhìn thấy mấy bảng chỉ dẫn, Bradly còn nhìn thấy một biển báo: "ở đây có dây cáp, cấm không được neo đậu tàu". Liên tưởng đến những gì đã nhìn thấy trên sông Mississippi, Bradly đặt giả thiết có khả năng sẽ có biển báo như vậy trên biển Okhotsk, tàu ngầm của Mỹ sẽ dựa vào biển báo này để tìm ra được dây cáp điện. Nghĩ đến đây, Bradly quyết định sẽ điều chiếc tàu ngầm đặc chủng SSGN-587 đến biển Okhotsk tìm kiếm dây cáp điện.

  Chiếc tàu SSGN-587 là loại tàu ngầm được thiết kế kém nhất về động lực học thể lưu trong hạm đội tàu ngầm của Mỹ, dáng vẻ bên ngoài của nó trông như một con quái vật dưới biển, bộ phận bên trên nhô lên trông như bướu con lạc đà, phía sau là khoang tàu trông như mồm của con cá mập lớn. Nhìn bên ngoài con tàu thật không có một chút cảm tình, nhưng nó sẽ là loại tàu ngầm đặc chủng lý tưởng, không gian rộng lớn của chiếc tàu có thể lắp đặt được thiết bị gián điệp đặc chủng vì khoang của tàu có đường kính 6,7m. Tháng 2-1965, tàu SSGN-587 được đưa đến cải tiến ở Trân Châu Cảng. Tháng 5-1965, tàu SSGN-587 hoàn tất phần cải tiến. Phía ngoài tàu với đài chỉ huy cao lớn trước đây đã được vứt bỏ, thay vào đó là ăngten và kính tiềm vọng để thu và ngăn chặn thông tin từ các tàu của Liên Xô. Bên trong tàu có một gian phòng kín, một phòng phân tích và một phòng máy tính hiện đại. Ngoài ra, tàu còn có đủ giường nghỉ cho 16 thủy thủ và các nhân viên trinh sát. Đặc biệt, trên tàu có thiết bị chụp ảnh đặc chủng có tên là "Fish", nặng khoảng 2 tấn, dài 3,7m, được lắp thiết bị đặc biệt có thể chụp ảnh trong bóng tối ở độ sâu dưới đáy biển. Năm 1969, Mỹ có những bước tiến vượt bậc về kỹ thuật lặn dưới biển sâu, tàu SSGN-587 lại được cải tiến một lần nữa, nhờ vậy, nó có thể mang theo các thợ lặn tiến hành hoạt động gián điệp ở dưới biển. Đến mùa hè năm 1971, công việc cải tiến đã hoàn thành sơ bộ.

  Ngày 22-10, tàu SSGN-587 bắt đầu rời khỏi căn cứ đến biển Okhotsk. Khi đến Okhotsk, các thủy thủ dễ dàng nhìn thấy núi lửa đang hoạt động thông qua kính tiềm vọng, nhưng điều khiến họ sợ nhất đó là ánh Mặt Trời, bất cứ ánh phản quang nhỏ nào trên kính tiềm vọng cũng có thể bị máy bay chống tàu ngầm và tàu đánh cá của Liên Xô phát hiện. Thuyền trưởng McNish ra lệnh cho tàu đi theo đường ven biển của Liên Xô, đồng thời cho kính tiềm vọng truy tìm mục tiêu. Sau một tuần tìm kiếm, họ đã tìm thấy biển báo ở phía Bắc biển Okhotsk giống như lời Bradly đã từng nói, một biển báo được ghi bằng tiếng Nga: "Cấm neo đậu thuyền ở đây, phía dưới có dây cáp điện". McNish ra lệnh thả thiết bị "Fish" ra. Hình ảnh xung quanh được hiện lên qua máy theo dõi. Theo hướng dẫn của máy theo dõi, thiết bị "Fish" bắt đầu chụp ảnh, với tốc độ 24 ảnh/giây. Đến đây các thủy thủ cho rằng họ đã tìm thấy dây cáp điện, nhưng muốn biết chính xác cần phải đợi rửa ảnh xong, mà muốn rửa ảnh thì phải cho tàu nổi lên trên mặt nước. Do đó, họ phải đợi đến đêm mới cho tàu nổi lên. ở gian phòng kín của con tàu, các thợ ảnh và các nhân viên trong "Nhóm công tác đặc biệt" khi thực hiện rửa ảnh xong đã tận mắt nhìn thấy mục tiêu mà họ cần tìm - dây cáp điện của Liên Xô. Công việc của họ bây giờ là tìm một địa điểm thích hợp gần với đường dây cáp điện. Lúc này cũng chính là lúc các thợ lặn ra tay. Khi tiếp cận được dây cáp điện, các thợ lặn phải gạt bỏ lớp bùn cát phủ trên dây cáp, sau đó bắt đầu lắp thiết bị nghe trộm có kích cỡ như máy ghi âm, bên trong máy được cài thêm một bình ắc quy Urani để cung cấp điện, sau đó họ lắp một máy tiếp nối dạng cảm ứng trùm lên dây cáp điện, lúc này nhân viên trực máy theo dõi nghe rõ tiếng đối thoại bằng tiếng Nga qua dây cáp, các nhân viên trong "Nhóm công tác đặc biệt" thật không thể tin nổi kế hoạch gián điệp mạo hiểm của tình báo Hải quân Mỹ lại thành công một cách dễ dàng như vậy. Sau hai tuần hoạt động, tàu SSGN-587 về đến cảng Mali an toàn.

  Trước khi tàu SSGN-587 rời khỏi vị trí để trở về, băng ghi âm nghe trộm được qua dây cáp điện đã được gửi về Trung Tâm Trinh sát Điện tử thuộc Cục An ninh quốc gia Mỹ, trung tâm này chuyên giải mật mã và phân tích các tin tức, tín hiệu tình báo mà Bộ Quốc phòng Mỹ có được thông qua tàu ngầm và các phương thức gián điệp khác. Bradly nhanh chóng biết được nội dung đã nghe trộm, tất cả đều là thông tin quân sự của Hải quân Liên Xô, như vậy Mỹ lại có thêm một nguồn thông tin tình báo mới. Các vệ tinh gián điệp, máy bay gián điệp, trạm theo dõi có thể theo dõi và nghe trộm được mọi việc làm của Liên Xô, nhưng hệ thống nghe trộm tiên tiến nhất của Mỹ vẫn chưa xâm nhập được vào hệ thống điện thoại hữu tuyến cố định của Liên Xô. Mỹ chỉ có máy vệ tinh tập trung theo dõi ở Moscva và bờ biển Bắc của Liên Xô, còn tín hiệu trinh sát từ Hạm đội Thái Bình Dương vẫn chỉ là con số không, như vậy nếu như lấy được thông tin qua dây cáp dưới đáy biển Okhotsk thì Mỹ sẽ lấp được chỗ trống này. Bradly tiếp tục lập phương án hành động mới, cần phải nghe được nhanh, nhiều thông tin từ đường dây điện thoại của dây cáp điện. Bradly nghĩ ra ý tưởng nghiên cứu chế tạo một thiết bị nghe trộm có thể làm việc liên tục trong một tháng, thậm chí cả một năm. Nắm bắt được ý tưởng của Bradly, Công ty Bells đã nghiên cứu ra thiết bị đó với trọng lượng nặng 6 tấn, dài 20m, rộng 3m, sử dụng năng lượng hạt nhân để cung cấp điện, thời gian nghe trộm kéo dài trong một năm, có thể nghe được 10 cú điện thoại qua mỗi lần nghe trộm, nếu như lắp ráp vào với dây cáp điện thì một năm sau mới phải quay lại để kiểm tra lấy tin tức. Chuẩn bị xong xuôi mọi việc, Bradly tiến hành hội báo phương án hành động của mình. Sau khi nghe các cuốn băng do tàu SSGN-587 ghi được, các quan chức cấp cao của Mỹ đều nhất trí thông qua kế hoạch của Bradly, đồng thời đặt tên cho kế hoạch này là "Chuông gió". Ngày 4-8-1972, tàu SSGN-587 lần thứ hai đến biển Okhotsk, sau khi lắp ráp thiết bị mới vào dây cáp điện, con tàu đã hoạt động dưới biển hơn một tuần, thu thập được khá nhiều cuộc nói chuyện bằng điện thoại của Hải quân Liên Xô, sau đó nó tiếp tục quay trở về căn cứ an toàn.

  Kế hoạch "Chuông gió" được tiến hành đến năm thứ 10, tức năm 1981, thì Cơ quan Tình báo Liên Xô phát hiện ra thiết bị nghe trộm dưới đáy biển Okhotsk và cho trục vớt lên. Tuy Mỹ bị mất một "kho vàng tình báo" quý giá nhưng cũng vào thời điểm đó Mỹ đã triển khai một thiết bị nghe trộm khác lắp ráp vào dây cáp điện của Liên Xô trên biển Barents ở Bắc Băng Dương với quy mô ngày càng lớn hơn và khó bị phát hiện hơn.

Phạm Nghiêm Minh


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 30 Tháng Tám, 2008, 04:18:12 pm
106 - Cú lừa ngoạn mục của tình báo Cu Ba



  Vào một ngày tháng 7-1987, một thông điệp làm chấn động sở chỉ huy của CIA ở Langley, bang Virginia, dưới dạng một bức điện tín từ một trong những nước là "kẻ thù" hàng đầu của Mỹ. Nội dung bức điện như sau: "Nhân danh những điệp viên bảo vệ an ninh quốc gia và những đồng bào đang tranh đấu, chúng tôi gửi đi bức thông điệp cuối cùng này. Chúng tôi đã thông qua quyết định chiến đấu đến cùng, bất kể ở đâu và với phương pháp nào, để chống lại mọi cố gắng ám sát vị lãnh tụ tối cao của chúng tôi, chống lại mọi đe dọa về quân sự, chống lại mọi thủ đoạn cản trở tình đoàn kết quốc tế của chúng tôi, chống lại âm mưu phá hoại cuộc cách mạng của những người Cộng sản. Fidel muôn năm!".

  Mẩu tin trên rõ ràng là một sản phẩm của Cơ quan tình báo Cu Ba (DGI). Nhưng phía dưới ký tên Mateo, biệt hiệu của một trong những gián điệp hàng đầu mà CIA đang cài cắm ở Cu Ba. Thông điệp này không thể nhầm lẫn được: Mateo thực sự làm việc cho DGI. Mẩu tin trên không hoàn toàn bất ngờ đối với CIA. Một tháng trước, một điệp viên là Antonio Rodriguez đã đầu thú CIA. Trong buổi thẩm vấn, Antonio đưa ra một ý kiến khiến người nghe vô cùng sửng sốt. Anh ta không được biết chi tiết, nhưng theo các câu chuyện phiếm tại đầu não DGI ở Havana thì tất cả các điệp viên nằm vùng mà CIA tuyển mộ trong 26 năm qua, thực chất là những điệp viên nằm trong kế hoạch của DGI. Chỉ vài tuần, điều tệ hại nhất đã được khẳng định khi một điệp viên khác của DGI phản bội. Người này có nhiều thông tin chính xác hơn. Astillaga Lombart, trạm trưởng của DGI ở Praha do mệt mỏi bởi cuộc sống nghèo nàn, đã cùng bạn gái lái xe qua biên giới vào đất Áo. Ông ta đến thẳng Đại sứ quán Mỹ ở Vienna, tuyên bố ý muốn đầu hàng và lập tức cho họ thấy rằng mình là người có nhiều món hàng có giá trị để trao đổi. Ông ta tiết lộ trước đây mình làm việc ở bộ phận phản gián của DGI. Tại đây, ông ta đã giám sát các điệp vụ chống CIA ở Cu Ba. Ông ta cho biết, DGI đã thành công trong việc điều khiển tất cả 38 điệp viên ngầm mà CIA đã thâu nạp ở Cu Ba từ năm 1961.

  Bức thông điệp trên đã làm rõ tất cả những gì mà CIA nghĩ là họ đã biết về Cu Ba thực tế là thông tin giả. Người viết bức điện trên chỉ là một trong số đó. Vài ngày sau, CIA phải xấu hổ khi Đài Truyền hình Trung ương Cu Ba đã chiếu một cuốn phim tài liệu gồm 11 phần với tựa đề "Cuộc chiến của CIA chống Cu Ba". Nội dung của nó là những cuộc phỏng vấn hàng loạt người Cu Ba (cả nam và nữ), những người mà CIA tin rằng họ đã làm việc cho CIA hàng thập kỷ qua. Cùng với nó là những thước phim quay cảnh các điệp viên CIA dưới vỏ bọc ngoại giao ở Havana đang đến các "hòm thư chết" để gửi tài liệu. Dựa theo tường thuật của Astillaga, người Mỹ đã có một báo cáo đánh giá thiệt hại: từ trước đến nay, CIA đã hoàn toàn bị DGI đánh lừa và loại bỏ hàng loạt điệp viên của CIA ra khỏi Cu Ba. Thậm chí bản báo cáo còn "cân đong" thảm họa này: trong 26 năm qua, 38 điệp viên nằm vùng người Cu Ba đã chịu sự điều khiển của DGI và họ đã giúp Cu Ba tìm ra ít nhất là 179 điệp viên của CIA (24 trong số đó hoạt động dưới chiêu bài ngoại giao đã sớm rời Cu Ba khi CIA biết về thảm kịch của họ). Trong suốt thời gian đó, DGI đã điều khiển tình báo CIA từ Cu Ba và khiến cho CIA bị "mù" hoàn toàn. Thật dễ hiểu tại sao tình báo Mỹ trên đất Cu Ba hiện nay vẫn ở trong tình trạng hết sức tồi tệ.

  Tại sao tình báo của một đất nước nhỏ bé thuộc thế giới thứ 3 có thể đánh lừa được CIA với công nghệ cao và đội quân tình báo đồ sộ? Câu trả lời liên quan đến tất cả những nhân tố cơ bản của một kế hoạch.

  Mateo, điệp viên nằm vùng, người đã gửi bức điện cuối cùng nói trên đến tổng hành dinh của CIA, là nguyên mẫu điển hình của các điệp viên CIA thu nhận ở Cu Ba. Anh tên thật là Juan Acosta, một thuyền trưởng tàu đánh cá, một người rất kính trọng Fidel Castro trong suốt cuộc cách mạng. Sau khi Castro lên nắm quyền lãnh đạo năm 1959, Acosta quyết định ở tại Cu Ba. Kiến thức về thế giới tình báo của Acosta chỉ vẻn vẹn trong vài bộ phim anh xem trước đó. Thế nhưng, anh háo hức nhận lời tham gia vào "trò chơi" này ngay khi DGI yêu cầu anh vào năm 1966. Acosta được biết CIA đang tuyển mộ người Cu Ba, đặc biệt những người làm việc từ hải ngoại. Gần như chắc chắn (theo Acosta được thông báo) anh sẽ bị CIA tiếp cận. Khi điều này xảy ra, anh hãy giả vờ chấp nhận và lập tức thông báo cho DGI, họ sẽ lo mọi chuyện còn lại. Người của DGI hướng dẫn cho anh biết nếu anh bị tuyển mộ, anh sẽ phải khẳng định mình bất mãn về chính trị và cảm thấy hạnh phúc khi cung cấp tin tức tình báo chống lại Castro. Bất kỳ loại tin tức nào CIA yêu cầu, anh sẽ được DGI cung cấp. Đúng như DGI dự đoán, trong một chuyến đến quần đảo Canary, người của CIA đã tiếp cận Acosta. Những người tuyển mộ nói anh sẽ được trả 250 USD mỗi tin (sau này tăng lên 1.700 USD) và hầu hết số tiền này sẽ được chuyển khoản vào một nhà băng ở Mỹ. Một ngày trong tương lai, CIA sẽ đánh tháo anh khỏi Cu Ba và trao cho anh toàn bộ số tiền (cả lợi tức) mà họ đã gửi vào tài khoản cho anh. Acosta bối rối khi bị tuyển mộ bởi anh không có một chút kiến thức nào về quân sự hay các bí mật chính trị. Nhưng sau đó anh đã hiểu ra là CIA quan tâm đến một lĩnh vực khác: Acosta là bạn thân với một số thuyền trưởng tàu chuyên phục vụ cho các nhà lãnh đạo Cu Ba, trong đó có Castro. Trong các chuyến đánh cá thường kỳ hay các trò tiêu khiển trên biển, Acosta được hướng dẫn thu thập tin tức của các chuyến đi, đặc biệt là thời gian chính xác mà Castro hay rời Cu Ba và trở lại Cu Ba. Acosta cung cấp các báo cáo về mọi động thái của Castro một cách cụ thể, nhưng đó chỉ là tin bịa đặt bởi các cấp trên của anh ở DGI. Chúng chẳng khác gì một mớ hỗn độn với thời gian và ngày tháng giả. Acosta lo lắng những người liên lạc của CIA sẽ khám ra sự lừa bịp này. Thế nhưng, anh lại được khen ngợi bởi từ các tin tức mà anh cung cấp đã khiến CIA kết luận rằng, "Fidel di chuyển một cách có quy luật".

  Sự tuyển mộ của CIA đối với những người trung thành với Fidel Castro như Acosta được coi là một thuận lợi đối với DGI. Đó cũng là trường hợp một điệp viên nằm vùng khác của CIA là Rodriguez Mena, làm ở Hãng hàng không Cu Ba. Năm 1966, làm việc trên các chuyến bay quốc tế của Cu Ba, khi anh đến một điểm dừng tại Madrid, một phụ nữ Cu Ba đã tìm đến anh và đề nghị anh làm việc cho CIA. Anh nhận lời, và khi trở về Havana đã báo cáo lại cho DGI. DGI đã chấp nhận cho anh được làm việc và họ tạo ra những tin tức tình báo khiến CIA phải trả cho anh 2.000 USD mỗi tháng. CIA cần những tin tức mà Rodriguez Mena biết về chuyến bay ra hải ngoại của Castro, đặc biệt là những tin tức liên quan đến việc vận chuyển quân đội và vũ khí bằng đường không từ Havana. Anh luôn đảm bảo cung cấp một lượng thông tin đều đặn, anh còn đánh lạc hướng CIA về việc quân đội Cu Ba chuyển về Angola. Rodriguez Mena được coi là ngôi sao sáng trong số các điệp viên nằm vùng người Cu Ba của CIA. Anh luôn giữ vẻ bề ngoài là một người Cu Ba yêu nước nhưng bị Castro làm vỡ mộng một cách rất thành công. Rodriguez Mena đã đánh lừa phương tiện kiểm tra duy nhất của CIA chuyên dùng để kiểm tra sự thành thật của các điệp viên: máy phát hiện nói dối. CIA có xu hướng quá phụ thuộc vào công nghệ này và phải trả giá đắt. KGB có một phương pháp đánh bại bài kiểm tra nói dối, đã trao cho Cu Ba bí mật này. Thậm chí lĩnh vực công nghệ tình báo được người Mỹ tự hào là dẫn đầu thế giới cũng trở nên ít ấn tượng. Phương pháp phổ biến của họ là tuyển người Cu Ba từ hải ngoại rồi trang bị cho họ công nghệ truyền tin tiên tiến nhất một khi họ trở lại Cu Ba. Thiết bị được CIA ưa dùng là máy truyền tin CD-501, một thiết bị điện tử kỳ diệu có thể tự động hóa tới 1.596 chữ cái, có chíp nhớ có thể lưu dữ liệu tới 30 ngày, có thể truyền chớp nhoáng trong 21 giây và sau đó dữ liệu truyền đi được thu nhận bởi vệ tinh PLTSATCOM (phương thức liên lạc của hải quân). Thế nhưng, điệp viên ngầm của CIA tại Cu Ba lại quan tâm đến "dead drop" (điểm giao tài liệu) những khi phải sửa chữa CD-501. Các điệp viên thường phàn nàn rằng, thứ công nghệ cao này thường xuyên bị hỏng hóc và pin của nó trở nên tồi tệ khi đối mặt với khí hậu nóng ẩm ở Cu Ba. Các điệp viên này cũng không tỏ ra mặn mà lắm với các thiết bị công nghệ tình báo vì chúng có xu hướng thường xuyên hỏng hóc. Trong số này có cả một chiếc radio có vẻ bề ngoài giống như bao chiếc radio khác nhưng bên trong có gắn một bộ phận nhận tin bí mật để ghi lại sóng được phát đi từ Langley và chứa chúng trong một bộ nhớ bí mật. Vào khoảng giữa 19 giờ và 20 giờ, CIA sẽ truyền các mệnh lệnh và yêu cầu bằng sóng ngắn tới các điệp viên cài cắm ở Cu Ba. Các thông điệp được phát đi bởi một giọng nữ (giống như giọng gái quán bar) và được những người nghe đặt tên là Cynthia. Mỗi thông điệp được mở đầu bằng một nhóm 10 chữ số để cho người nhận biết có bao nhiêu nhóm mã số gồm 4 chữ số sẽ tạo nên thông điệp này. Các điệp viên có một bảng mật mã (loại dùng một lần rồi bỏ) dùng để đọc các thông điệp, một hệ thống rất an toàn và đơn giản (các điệp viên cần rất ít hướng dẫn để có thể sử dụng lại bảng mã dùng một lần này).

  Trong khi đó, kế hoạch đánh lừa của Cu Ba vẫn đang khẩn trương tiến hành. Theo đánh giá từ Langley, kế hoạch tuyển mộ ở Cu Ba đã dường như thành công một cách đáng kinh ngạc, tạo được hàng loạt điệp viên cài cắm. Danh sách bao gồm cả Eduardo Leal, một nhân viên của Bộ Thông tin Cu Ba. Người này cung cấp tần số mà Castro và các quan chức hàng đầu dùng để liên lạc với nhau và với các lực lượng ở nước ngoài. Leal được coi là gián điệp có giá trị nhất. Anh ta được CIA trả tới 20.000 USD kèm theo là khoản tiền thưởng đặc biệt 10.000 USD và một huân chương đích thân Giám đốc CIA William Cosey tận tay đính lên ngực. Thế nhưng Cục An ninh quốc gia (NSA), nơi sử dụng các tin tức tình báo của Leal để nghe trộm các cuộc đàm thoại của Castro cảm thấy không ấn tượng lắm. Một cách bí hiểm, Castro lẫn cấp dưới của ông chẳng nói một điều gì quan trọng ở dải sóng đó cả. Vị trí thấp hơn Leal là các điệp viên chuyên cung cấp những thông tin về nông nghiệp, công nghiệp, chính quyền và kinh tế của Cu Ba. Những thông tin được CIA coi là đã cho họ bức tranh toàn cảnh về Cu Ba. Bản danh sách còn có cả một quan chức trong ngành công nghiệp mía đường, lãnh đạo ngành công nghiệp Amoniac, một quan chức của Liên đoàn Thể thao Cu Ba, một doanh nhân liên quan đến việc buôn bán ở nước ngoài được Chính phủ tài trợ, một số quan chức và chuyên gia khác... Thế nhưng có một sự thật là, cho đến trước khi bức điện trên được gửi đến, Vụ Mỹ - Latinh của CIA không hề cảm thấy nghi ngờ tất cả các gián điệp người Cu Ba của mình. Bức điện trên đánh dấu sự thất bại của một kế hoạch. Sau đó những người dân Cu Ba được xem những bộ phim tài liệu trên truyền hình cảnh các gián điệp CIA đến các hòm thư chết bí mật thu thập các mẫu vật về vụ mùa thuốc lá của Cu Ba, liên lạc chớp nhoáng trên đường phố đông đúc ở Havana và cảnh một điệp viên CIA có mật danh là Angel đang ngồi đợi tại một ghế băng ở công viên, mặc áo sơ mi nhiều màu, mỗi màu ra ám hiệu rằng anh ta "sạch" (không bị theo dõi) hay "bẩn" (bị theo dõi). Kết thúc cuộc chơi bằng ngoại giao, phía Cu Ba đòi triệu hồi một danh sách dài các "nhà ngoại giao" ở trạm Havana. Để trả đũa, Mỹ trục xuất hai tùy viên người Cu Ba ở Washington.

  Có một công trình kỷ niệm các chiến công của DGI hiện nay vẫn còn ở Havana. Đó là Bảo tàng an ninh quốc gia trưng bày các phương tiện của CIA mà DGI thu thập được qua vô số các điệp vụ của mình, trong đó có cả các mô hình thu nhỏ của các máy truyền tin.

Đặng Tấn - Mạnh Tuấn


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 30 Tháng Tám, 2008, 04:21:12 pm
107 - Các điệp vụ của An ninh T4 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử



  Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hơn 13.000 cán bộ công an ở khắp mọi miền đất nước vinh dự được trực tiếp tham gia, có mặt ở nhiều nơi, lập nhiều thành tích vẻ vang, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc, ở đây chỉ hệ thống lại một số hoạt động của các chiến sĩ điệp báo an ninh Đặc khu Sài Gòn - Gia Định (ANT4) trong những ngày gần cuối của chiến dịch.

  Huỳnh Bá Thành (họa sĩ Ớt), cán bộ điệp báo ANT4, thuộc cụm điệp báo A10, trong vai một ký giả, hoạt động trong giới trí thức, sinh viên, nhà báo, nhà văn, nhóm "lực lượng thứ ba", nghị sĩ đối lập. Anh được chỉ thị thâm nhập nhóm thân Dương Văn Minh từ năm 1971, thường lui tới tư dinh tướng Minh và có quan hệ tương đối gần gũi với ông ta. Ngày 15, 16-4, ta giải phóng Phan Rang. Ngày 21-4, giải phóng Xuân Lộc. Địch hoang mang, tuyệt vọng. Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo ANT4 là cần mở rộng tuyên truyền công khai thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên khắp mặt trận, Huỳnh Bá Thành thúc đẩy nhóm thân Dương Văn Minh ra bản tin công khai, phát cho 40 đoàn thể công khai và báo ở nội thành. Những tin tức đăng trong các tin báo đó là do các đồng chí trong cụm A10 dựa vào Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam mà biên soạn và cung cấp. Cụm A10 thúc đẩy nhóm Dương Văn Minh đứng ra làm bình phong và liên kết với 40 đoàn thể, phong trào quần chúng cách mạng, tiến bộ, đấu tranh đòi lật đổ Thiệu. Trước sức ép do liên tiếp thất bại trên chiến trường, nhất là sức đấu tranh của công luận, của quần chúng cách mạng và các lực lượng tiến bộ, ngày 21-4, Thiệu ngậm ngùi đọc diễn văn tuyên bố từ chức. Việc Thiệu trao quyền cho Trần Văn Hương đã 71 tuổi làm cho Dương Văn Minh và những người thân tín của ông thất vọng và bực tức. Đây là mâu thuẫn có thể khai thác và lợi dụng được. Dựa vào tin tức thu được trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng, cụm A10 tác động vào các dân biểu đối lập như Lý Quý Chung, Nguyễn Văn Chung, Dương Văn Ba... cùng ra bản tuyên bố chống "Chính phủ Thiệu không có Thiệu", đòi Trần Văn Hương phải từ chức.

  Cụm A10 cùng Văn phòng báo chí Dương Văn Minh tổ chức họp báo gồm cả báo trong nước và nước ngoài. Để chuẩn bị họp báo, cụm A10 đã in tuyên cáo (dịch ra cả tiếng Anh và Pháp). Cuộc họp báo thành công, thu hút được trên 40 đoàn thể và báo giới tham gia. Tuyên cáo 3 thứ tiếng được phát cho mọi người.

  Sáng ngày 25-4, nhằm lúc nhóm dân biểu phản động trong thượng nghị sĩ nhóm họp, chuẩn bị làm lễ tấn phong Trần Văn Hương, nhóm dân biểu đối lập đã phân phát tuyên cáo chung của 40 đoàn thể báo giới đòi Trần Văn Hương phải từ chức. Hội trường rối loạn. Dân biểu Lý Quý Chung đoạt micro đọc bản tuyên cáo. Cuộc "tấn phong" thất bại.

  Ngày 28-4, các hướng, các mũi quân chủ lực của ta đã đến sát cửa ngõ Sài Gòn, chỉ chờ lệnh là tấn công. Dư luận trong dân chúng và binh sĩ xôn xao, nếu Chính phủ Trần Văn Hương ngoan cố, Cách mạng sẽ tấn công. Trong ngày, Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân đội ngụy, vừa ký xong lệnh "Tử thủ đến cùng trên mảnh đất còn lại" thì y đã vội chuồn ra nước ngoài. Nguyễn Bá Cẩn cũng chuồn luôn. 17 giờ hôm đó, Trần Văn Hương buộc phải tuyên bố trao quyền lại cho Dương Văn Minh.

  Trên thực tế, khi lên thay Trần Văn Hương, Dương Văn Minh không thể làm gì hơn để lật lại thế cờ. Vì thế, làm cho Dương Văn Minh chấp nhận đầu hàng không điều kiện là chủ trương sáng suốt và tỉnh táo của Đảng ta trong chỉ đạo chiến dịch.

  Bằng nhiều con đường, điệp báo viên ANT4 đã có người tiếp cận Dương Văn Minh.

  Ông Nguyễn Khắc Thuận, một cơ sở điệp báo của ANT4 là vận động viên quần vợt, đã từng so vợt với Dương Văn Minh. Theo hướng dẫn của đồng chí Ba Dũng, ủy viên Ban ANT4, ông Thuận đã gây dựng được quan hệ thân thiết với Dương Văn Minh. Từ khi Thiệu từ chức, ta nhận định có khả năng Dương Văn Minh sẽ được đưa lên làm tổng thống. Ông Thuận thường luôn có mặt tại tư dinh của Dương Văn Minh. Khi tướng Minh lên làm tổng thống, ông Thuận trở thành cố vấn của Minh. Được sự chỉ đạo của Ban ANT4, ông Thuận nói với tướng Minh: "Tôi là đại diện của Mặt trận, Mặt trận yêu cầu anh phải đầu hàng, nếu không hành động kịp thời sẽ thân bại danh liệt".

  Anh Nguyễn Hữu Thái được chỉ đạo tìm cách tiếp cận Dương Văn Minh từ trước khi Minh trở thành tổng thống. Sáng ngày 30-4, Thái cũng có mặt tại Dinh Độc Lập. Thái đã góp phần thúc đẩy Dương Văn Minh đầu hàng và tổ chức ghi âm lời tuyên bố của Dương Văn Minh phát trên Đài Sài Gòn trưa ngày 30-4.

  Trong khi các lực lượng của ta tiến công và chiếm lĩnh các vị trí, nhiều chiến sĩ điệp báo và cơ sở điệp báo ANT4 đã làm nhiệm vụ liên lạc dẫn đường, khéo léo tác động để sĩ quan, binh lính địch bỏ trốn, hoặc đơn phương ngừng bắn... tạo điều kiện cho việc tiến công chiếm lĩnh của chúng ta thực hiện được thuận lợi và trọn vẹn.

  13 giờ ngày 30-4, một mũi tiến công của ANT4 đánh chiếm Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia ngụy. Lúc này bọn địch ở đây đã tháo chạy hết. Một nhân viên cảnh sát đặc biệt ngụy là cơ sở bí mật của ANT4, làm việc trong Ban thẩm vấn đã đón lực lượng ta và hướng dẫn đến chốt giữ bảo vệ các khu: lưu trữ hồ sơ, cảnh sát đặc biệt, truyền tin, căn cước và các kho tàng.

  Đồng chí Bảo Việt và một số cán bộ điệp báo hoạt động trong biệt đoàn Lôi Hổ. Khi biệt đoàn này được điều động đến bảo vệ Bộ Tổng tham mưu, nhằm lúc tâm lý binh lính địch hoang mang, Bảo Việt đã tác động để tên thiếu tá trưởng phòng 3 cùng bỏ trốn với binh lính, giao chìa khóa các phòng tài liệu lại cho anh.

  Tại trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động Trần Quốc Biểu, ngày 28-4, Biểu và tay chân thân tín đã trốn hết. Trần Quang Sang, ủy viên Ban chấp hành, cơ sở điệp báo của ANT4, theo chỉ đạo đã lập một "Ban đại diện" (gồm 4 người) do Sang phụ trách. Là "thủ lĩnh mới", anh yêu cầu tập trung 12 súng trường và 6 súng ngắn cất vào kho. Thủ lĩnh giữ chìa khóa. Sáng ngày 30-4, tại trụ sở cơ quan sặc mùi phản động này xuất hiện một lá cờ Mặt trận giải phóng và 2 băng khẩu hiệu với dòng chữ "Nhiệt liệt chào mừng Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam", "Hoan nghênh bộ đội ta vào giải phóng thành phố".

  Thành tích của các chiến sĩ điệp báo an ninh Đặc khu Sài Gòn - Gia Định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử chắc chắn còn nhiều, một phần nào đó 25 năm qua đã được sách vở, báo chí và đồng chí, đồng đội nhắc đến. Nhưng do tính đặc trưng của hoạt động tình báo nên hiện nay có những chiến công thầm lặng, hiển hách mà chúng ta vẫn chưa biết hết được.

Nguyễn Đình Tập


Tiêu đề: Re: 108 điệp viên và điệp vụ thế giới.
Gửi bởi: maibennhau trong 30 Tháng Tám, 2008, 04:24:28 pm
108 - Điệp vụ "Nhử mồi" - Vụ án gián điệp
lớn nhất nước Nga thời hậu Xô Viết



  Aleksandr Zaporozski sinh ngày 29-8-1950 tại Gruzia. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh ta vào làm thợ nguội tại Nhà máy Thủy điện Tbilisi. Zaporozski tốt nghiệp Trường Đào tạo các phiên dịch viên quân sự sau khi nhập ngũ. Năm 1975, anh ta được nhận vào KGB. Bốn năm sau, Zaporozski thực hiện chuyến công tác nước ngoài đầu tiên có thời hạn 5 năm tại Ethiopia. Trở về sau chuyến công tác tại Ethiopia lần thứ hai, Zaporozski hầu như đã có được tất cả những gì mà bất cứ một người dân thường nào tại Liên Xô thời đó cũng đều mơ ước: chiếc xe Volga mới, nhà nghỉ, tivi, cassette... và còn có cả hai căn hộ nữa.

  Zaporozski gây được ấn tượng khá tốt đối với cấp trên. Cho dù không có được thành tích nổi bật tại Ethiopia, anh ta vẫn biết cách "thể hiện" kết quả hoạt động của mình và còn được tặng thưởng huân chương. Zaporozski luôn được đánh giá là một điệp viên chuyên nghiệp và chuyên gia phân tích trong thông tin có hạng. Chuyển sang làm việc cho Cục Phản gián Đối ngoại, Zaporozski trực tiếp tham gia nhiều công việc khá quan trọng như tìm kiếm những kẻ phản bội trong nội bộ, theo dõi tất cả những nhân viên đáng ngờ. Năm 1994, Zaporozski được thăng chức làm phó chỉ huy một ban quan trọng nhất chuyên về châu Mỹ của VKR (Cơ quan Phản gián quân đội).

  Những hồi chuông cảnh báo đầu tiên trong các cơ quan tình báo Nga đã vang lên từ đầu năm 1997, sau khi một vài chiến dịch do SVR (Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga) phối hợp tổ chức cùng FSB (Cơ quan An ninh Liên bang Nga) đã bị phía Mỹ dễ dàng vô hiệu hóa. Trong Cơ quan Phản gián bắt đầu xuất hiện những nghi ngờ: Nội bộ của SVR có kẻ nội gián cho Mỹ. Tuy nhiên, bước đầu mới chỉ là những phỏng đoán, cần phải được kiểm tra một cách tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Theo lời kể của các đồng nghiệp, Zaporozski đã có thái độ lo lắng khá rõ khi biết được về những mối nghi ngờ này. Nhiều lần, các đồng nghiệp bắt gặp viên đại tá này bắt đầu ngày làm việc mới bằng một cốc rượu whisky to. Nhưng mọi người chỉ coi đây là nguyên nhân của những công việc căng thẳng. Đến ngày 8-1997, Zaporozski bất ngờ đệ đơn xin thôi việc vì lý do bệnh tật. Điều này thật vô lý vì mọi người đều biết ông ta rất khỏe mạnh.

  Nguyên nhân của thái độ vội vã kỳ quặc này chỉ mới được làm rõ về sau này, khi FSB và SVR đã thu hẹp dần dần vòng vây nghi vấn để có thể đưa ra kết luận: Tên phản bội chính là Zaporozski. Đáng tiếc là điều này đã xảy ra quá muộn.

  Hiện giờ vẫn chưa ai làm rõ được động cơ phản bội Tổ quốc của Zaporozski. Một số người cho rằng, nó xuất phát từ tham vọng không có giới hạn của Zaporozski, về việc ông ta luôn cho mình "cao hơn một cái đầu" so với cấp chỉ huy của mình, trong khi bản thân không còn triển vọng thăng tiến thêm. Một số khác lại nghiêng về thói hám lợi và tham tiền của Zaporozski.

  Có điều chắc chắn, Zaporozski đã chủ động tìm cách tiếp xúc với CIA trong một chuyến đi công tác ngắn ngày của mình tại châu Mỹ-La tinh hồi giữa năm 1990. Sự xuất hiện của Zaporozski đã khiến cho cơ quan đầu não của CIA tại Langley hết sức hân hoan. Hoạt động của hắn ta trong Cơ quan Tình báo Nga từ lâu không còn là chuyện bí mật đối với người Mỹ. Hồi đầu năm đó, Zaporozski còn được công khai giới thiệu với tùy viên hợp pháp của CIA tại Moscva. Trước đó, ông ta từng có khá nhiều lần gặp gỡ các "đồng nghiệp từ bên kia đại dương" tại một số cuộc đàm phán trong và ngoài nước.

  Đã từ lâu, người Mỹ không có được nguồn cung cấp tin quý giá tới mức này. Vì an toàn của nguồn tin, họ sẵn sàng chấp nhận bất cứ một nhượng bộ nào. Tuy nhiên, Zaporozski đã không đòi hỏi gì nhiều, ngoài việc phải tuân thủ nguyên tắc hoạt động bí mật một cách tối đa. Cụ thể theo yêu cầu của ông ta, mọi cuộc tiếp xúc với CIA cần phải được diễn ra ngoài biên giới nước Nga. Để phối hợp hoạt động với "siêu điệp viên" này, phía Mỹ đã biệt phái hẳn một chuyên gia tình báo có nhiều kinh nghiệm. Theo một số đánh giá, nhân vật làm liên lạc viên cho Zaporozski có thể là William Ortman, một chuyên gia tình báo tại các nước châu Mỹ - Latinh. Sau khi Zaporozski chạy trốn, đây là kẻ có mối quan hệ chặt chẽ nhất và là vị khách thường xuyên có mặt trong nhà hắn ta. Cần nhắc tới một tên tuổi nữa là Steven Kappes - kẻ từng chỉ huy bộ phận tình báo CIA tại Moscva vào thời đó và sau cũng trở thành bạn thân của Zaporozski. Hai nhân vật trên đã có ảnh hưởng khá lớn đến số phận của tên phản bội.

  Lúc biết được về những nghi ngờ của Cơ quan Phản gián Nga, Zaporozski đã hiểu rằng: Ngay sau khi CIA và FBI bắt đầu "áp dụng" những thông tin nhận được từ hắn ta, bản thân hắn sẽ không tránh khỏi nút thòng lọng đang siết chặt dần. Tháng 12-1997, Zaporozski xin thôi việc trong cơ quan tình báo. Ông ta ngay lập tức cắt bỏ mọi liên hệ với thế giới trước đó. Không ai biết được ông ta đang ở đâu và đang làm gì. Hiếm hoi lắm, Zaporozski mới gọi điện cho một số đồng nghiệp cũ, nhưng khi được hỏi xin số điện thoại, hắn ngay lập tức tìm cách thoái thác. Điều duy nhất mà hắn tiết lộ: Đó là đang "hoạt động kinh doanh" qua lại giữa Kaliningrad và St.Peterburg nên không có chỗ ở cố định.

  Về sau mọi người mới được biết, đến tháng 4-1998, Zaporozski đã bí mật bay sang Praha để gặp gỡ với các nhân viên CIA. Zaporozski yêu cầu phải chuyển hết gia đình của mình sang Mỹ. Đích thân Kappes đã đứng ra trực tiếp chỉ đạo chiến dịch này. Gia đình Zaporozski rời khỏi Moscva vào tháng 6-1998 mà không nói với ai một lời nào. Chỉ có bà vợ Galina tiết lộ với hàng xóm xung quanh rằng ông chồng đang chuẩn bị cho chuyến đi công tác mới vì mọi người xung quanh vẫn nghĩ Zaporozski là một sĩ quan SVR như trước đây. Theo quy định chung, Zaporozski - với tư cách là một người từng được tiếp xúc với các tài liệu mật - trong vòng 5 năm không được phép ra nước ngoài. Nhưng khi nghỉ việc, hắn đã không trao trả cuốn hộ chiếu đi nước ngoài của mình. Sự cẩu thả này đã khiến Cơ quan Tình báo Nga phải trả giá khá đắt.

  Khi Cơ quan Phản gián Nga thắt vòng vây nghi ngờ đến nút cuối cùng thì Zaporozski đang sống nhởn nhơ tại Mỹ. Những kế hoạch xử lý kẻ phản bội tương tự như ám sát hay bắt cóc đều có vẻ "không mấy hợp thời" nữa. Vấn đề là làm sao để có thể lôi kéo Zaporozski quay trở lại nước Nga. Chỉ còn một phương án duy nhất: Trước tiên là củng cố lòng tin của hắn về việc chưa ai biết gì về vụ phản bội này, cũng như không ai đe dọa hắn tại nước Nga. Bước tiếp theo là nhử hắn quay trở về... Nhưng kế hoạch như vậy dường như chưa từng có trong lịch sử Tình báo của Liên Xô trước đây, cũng như của Nga hiện nay. Thật ra, cũng từng có hai chiến dịch có điểm tương tự mang tên "Trest" và "Syndicat" hồi những năm 20, khi các cơ quan mật vụ nhử thành công Boris Savinkov và điệp viên người Anh là Sidney Reilly (vốn được coi là nguyên mẫu của điệp viên 007 James Bond). Nhưng trong khi Savinkov chỉ là một đảng viên Đảng Xã hội Cách mạng, còn Reilly là một kẻ có tính phiêu lưu, Zaporozski lại là một cựu đại tá tình báo. Đánh lừa một kẻ mới hôm qua còn cùng chung chiến hào, đồng thời hiểu rõ tất cả những "mánh lới" và cạm bẫy trong nghề quả thực là chuyện không phải đơn giản.

  Trong khi đó, "Tổ quốc mới" đã đón tiếp Zaporozski khá chu đáo. Chỉ sau nửa năm, hắn đã được nhận "thẻ xanh" (một dạng giấy phép cư trú thường chỉ được trao cho những người đang sống tại Mỹ từ 5 năm trở lên). Zaporozski cùng gia đình chuyển tới sống tại một biệt thự 3 tầng ở ngoại ô Baltimor. Theo một nguồn tin công khai, tiền mua ngôi nhà này (khoảng 300 ngàn USD), Zaporozski đã kiếm được khi làm một chân cố vấn tại Công ty Water Shipping Co... Nhưng đó là chuyện không mấy ai có thể tin cậy (ngay sau phiên tòa xét xử Zaporozski, các phóng viên Mỹ đã không thể tìm ra được một công ty có cái tên như vậy). Thực ra, kẻ phản bội này đã nhận được từ người Mỹ tới hơn nửa triệu USD. Cần nói thêm là FBI cũng tham gia chia sẻ "phần bánh này": Ngoài việc cộng tác với CIA, Zaporozski còn tư vấn rất tích cực cho cơ quan đảm trách về phản gián hàng đầu của Mỹ.

  Nhưng lượng thông tin quý giá để bán dần dần cũng cạn, kéo theo khoản tiền "bồi dưỡng" cũng ít dần. Zaporozski buộc phải nghĩ đến cách tìm những nguồn thông tin mới. Hắn đã nghĩ ngay tới các đồng nghiệp cũ. Nhiều lần, hắn đã tìm cách tiếp cận với các nhân viên SVR đang hoạt động ở nước ngoài nhằm đề nghị hợp tác. Zaporozski cũng thường xuyên liên lạc với Moscva, đặc biệt là những đồng nghiệp đang chuẩn bị nghỉ hưu. Đây chính là cơ sở cho chiến dịch "nhử mồi" được FSB và SVR phối hợp tổ chức. Đến năm 1999, Zaporozski đã có một quyết định thiếu thận trọng khi quay trở lại Moscva mà không có mục đích cụ thể. Cơ quan Phản gián Nga đã biết được điều này, nhưng chưa vội vàng hành động. Nếu như tên gián điệp đã tới đây lần đầu, nhất định sẽ có những lần tiếp theo, với những nhiệm vụ cụ thể và quan trọng hơn.

  Tháng 10-2000, viên phó chỉ huy bộ phận tình báo của SVR tại New York là Sergey Tretiakov đã trốn sang Mỹ. Chỉ hai tháng tiếp sau là vụ đào ngũ của một sĩ quan an ninh trong Đại sứ quán Nga tại Ottawa và nhân viên phản gián đối ngoại của SVR là Evgheny Toropov. Đối với Zaporozski, đây là một thời điểm thuận lợi nhất để có thể công khai quay lại Moscva. Hắn đã có "bằng chứng ngoại phạm": Tất cả những thất bại trước có thể đổ lỗi cho hai tên phản bội vừa qua, hơn nữa Toropov còn từng làm việc chung một ban với hắn. Zaporozski thậm chí đã gọi điện về cho các đồng nghiệp cũ tại Moscva, bày tỏ "sự công phẫn" của mình trước những kẻ phản bội!

  Mọi việc tất nhiên không thể qua được mắt của SVR và FSB. Họ đang tập trung vào những "chiêu cuối cùng" nhằm nhanh chóng dụ Zaporozski về Moscva.

  CIA cũng muốn cho điệp viên của mình nhanh chóng trở lại Moscva. Họ đã lập sẵn một danh sách các nhân viên và cả cựu nhân viên các cơ quan mật vụ Nga, những người mà Zaporozski phải gặp gỡ để khôi phục lại quan hệ. Quyết định dứt khoát đã được Zaporozski đưa ra vào hè năm 2001, khi Cơ quan Phản gián Nga đưa ra một đòn tâm lý cuối cùng. Trong những lần điện thoại trước đó, các cựu đồng nghiệp của Zaporozski luôn phàn nàn về việc thiếu tiền. Họ "nài nỉ" Zaporozski tài trợ cho lễ kỷ niệm 30 năm của Cơ quan Phản gián Đối ngoại sẽ được tổ chức vào tháng 11. "Cậu bây giờ đã là một thương gia - họ thuyết phục - tiền bạc không còn là chuyện khó khăn nữa. Tất cả hy vọng đều dồn vào cậu". Sau khi các chỉ đạo viên Kappes và Ortman đồng ý, Zaporozski đã quay trở lại Moscva vào ngày 9-11. Trong chiếc cặp hắn mang theo là một danh sách những "đối tượng có thể tuyển mộ", còn trong ví là một chiếc vé khứ hồi cùng với 10 ngàn USD "tiền tài trợ".

  Kế hoạch dạo chơi với các đồng nghiệp cũ đã không thành hiện thực. Ngay sau khi đặt chân xuống sân bay Sheremetrevo- Moscva, "nhân vật đặc biệt" đã được mời ngay lên chiếc xe con đậu sát đường băng. Đến khi bị ép chặt giữa các nhân viên an ninh Nga, Zaporozski mới hiểu được chuyện gì xảy ra với mình. Từ thời điểm này đối với hắn, căn nhà ấm cúng tại Baltimor, vợ con và bạn bè... tất cả đều không còn ý nghĩa nữa. Trong vòng kiềm tỏa của các nhân viên hộ tống, Zaporozski đã thét lên một cách đầy tuyệt vọng, chẳng khác gì một con thú vừa bị sập bẫy. Từ sân bay Sheremetrevo, hắn bị áp giải ngay tới nhà tù Lefortovo. Hoạt động điều tra vụ phản bội của Zaporozski đã kéo dài trong suốt nửa năm. Ngày 11-6-2003, Tòa án quân sự Moscva đã đưa ra phán quyết cuối cùng về tội danh phản bội Tổ quốc của Aleksandr Zaporozski với bản án khá nghiêm khắc: 18 năm tù giam.

Thái Quân