Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 11:53:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện của một thời  (Đọc 284479 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #480 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2012, 03:46:56 pm »


Chào TANVINHprc25. Đang nhớ nhà giở QSVN ra thì thấy bác kể chuyện Tết hồi ấy.
Cho mình ké chia sẻ chút ghi chép cái vụ đấy. Hè rồi để chuẩn bị cho 40 năm 1972-2012, mình tính viết lại chuyện hồi đó, mà mới được chút lại vướng một chuyện khác phải làm gấp suốt hè nên lại thôi. Thân mến.
---

8/2/1972
Đấy là đêm 24 tháng chạp âm lịch, một tuần trước khi sang năm Nhâm Tý. Sau khi anh Hiền đại đội trưởng và anh Khâm chính trị viên lên sư đoàn nhận nhiệm vụ về, ban chỉ huy đại đội, thêm anh Thời đại đội phó và anh Ánh chính trị viên phó, đã họp bàn gì đó khá lâu, có vẻ quan trọng. Không phải làm gì khi các anh họp, tôi đi ngủ sớm. Sau một tháng đi khám tuyển phi công ở bên phòng không-không quân, TTNL và 6971 hai chiến hữu nhập ngũ từ Khoa Lý Đại học Tổng hợp và tôi, ba lính sinh viên của sư đoàn cùng trượt vòng hai tuyển phi công được gửi về và bổ sung vào đại đội trinh sát (C20) của sư đoàn, vào lúc F325 đang chuyển từ sư đoàn huấn luyện quân tăng cường thành sư đoàn chiến đấu.

TTNL và 6971 được về hai tiểu đội, còn tôi bị phát hiện viết chữ đẹp, không may bị tóm lên làm liên lạc đại đội, cái việc vốn chỉ giao cho các gã lính trẻ nhất. Mà lính C20 phần lớn ít hơn tôi một đến hai tuổi, tức hầu hết mới 17, 18, ở quê vừa đủ hay gần đủ tuổi là đi bộ đội luôn. Mà tôi đi lính đã bốn tháng, đã là lính cựu so với bao lính mới toanh ở C20, lại cũng hơi oách vì là một trong 15 lính của sư đoàn qua được vòng một khám phi công Cry Tệ thật. Nhưng thôi “điếu đóm” cho mấy anh ấy, toàn những sĩ quan xuất sắc hay dũng sĩ diệt Mỹ từ chiến trường ra, cũng đáng đời binh nhì. Thêm nữa, sau hơn một tháng làm liên lạc đại đội, bù lại anh Khâm đề xuất và ban chỉ huy đồng ý cho tôi về phép mấy ngày từ 28 Tết. Tôi đã viết thư báo tin cho bố mẹ, hẹn cả nhà đi xem xiếc ở công viên Thống nhất, một loại giải trí hiếm hoi thời đó.

9/2/1972
Sáng sớm đại trưởng Hiền bảo tôi đến báo ba B trưởng lên họp đột xuất. Thì ra là có lệnh chuyển quân. Sau đó đại đội tập trung ở sân kho hợp tác xã, có cả thủ trưởng Tân, trưởng Ban trinh sát sư đoàn, cùng Ban chỉ huy đại đội phổ biến lệnh chuyển. Không ai được biết sẽ đi đâu. Đại đội thu xếp rất nhanh. Thực phẩm đã mua cho Tết được chia ra đem theo. Bịn rịn chiều cuối năm trên đất Việt Yên. Viết vội thư gửi về cho bố mẹ. Thư chắc không kịp tới nhà trước 28 Tết.

10/2/1972
Quãng 3 giờ chiều đại đội đã hành quân tới ga Bắc Giang. Được trang bị để sẵn sàng chiến đấu ở chiến trường nên mỗi gã lính trinh sát đều đeo và khoác trên người chừng từ ba mươi đến ba mươi lăm kilô. Đấy là một AK báng gấp, hai băng đạn, hai lựu đạn, dao găm, xẻng, bông băng cá nhân, một bao gạo 5-7 cân, và một ba-lô con cóc nặng với tăng và võng, hăng-gô , bi-đông nước, ni-lon đi mưa, hai bộ quần áo, giày dép, ít đồ dùng cá nhân. Mỗi tiểu đội còn phải chia nhau mang một số đồ chung, như ống nhòm, xoong nồi, mắm muối, … Mỗi người còn có thêm ít giấy bút viết thư, mấy gã lính sinh viên thường có thêm cuốn nhật ký nhỏ, sách học tiếng Anh hoặc một hai tập thơ, những thứ về sau phần lớn đều bỏ lại trên đường hành quân.

Sân ga Bắc Giang đông nghẹt sĩ quan các Ban của sư đoàn, và một số đơn vị của sư bộ . Anh Khâm chỉ cho tôi sư trưởng Lê Kích, chính ủy Nguyễn Công Trang, tham mưu phó Nguyễn Việt, … tất cả đều mặc áo bành-tô dạ màu lính, thật ấn tượng.

Tàu đi về phía Nam. Các toa đều chật, lính ngồi sát bên nhau. Tới Đông Anh đã nhập nhoạng tối và phải chờ tránh tàu. Ở đường bên cạnh là một chuyến tàu chở những người còn trẻ, có vẻ là lưu học sinh và nghiên cứu sinh đi ngược lên Lạng Sơn ra nước ngoài. Con tàu ấy rộng và đẹp, mỗi khoang chỉ thấy vài người, đèn vàng mờ mờ nhưng đủ cho tôi từ con tàu tối om chen chúc lính bên cạnh, lặng lẽ thấy những người mặc complet đang ăn tối với nhiều cốc chén trước mặt.

Không ngờ lại có lúc trên những chuyến tàu ngược về hai đầu đất nước thế này. Lan man nghĩ đến tất cả những đứa bạn hồi phổ thông đang học ở nước ngoài: Thể Liên, Bính, Dũng, Quân, Kiên, Hồng, Thuận Nam ở Nga; Lan Anh và Tự Cường ở Đức, Đại ở Tiệp. Nếu cả lớp không phải làm lại hồ sơ sau khi thi tốt nghiệp cuối tháng Năm, do các thầy cô chưa quen các các thủ tục cho lớp chuyên toán đầu tiên của Bộ đặt ở một trường đại học, thì có lẽ tôi cũng đang đâu đó những nơi xa xôi ấy. Tàu qua cầu Long Biên khi Hà Nội đã lên đèn. Lại hiện về những ngày hè trước khi nhập ngũ, ngồi với Việt và Minh Cường ở bờ đê sông Hồng nhìn nước lũ cuồn cuộn mấp mé gầm cầu. Lại hiện về những ngày tháng Tám hè năm ngoái, tiễn M đi học ở Liên Xô. Trời mưa to, nước sông lớn, lòng xốn xang những điều mơ hồ chưa thành lời.

Tàu đến ga Hàng Cỏ quãng gần 8 giờ tối, đỗ lại trước khi đi về phương Nam nhưng không ai được rời tàu. Gần quá mà không được chạy ù về nhà báo bố mẹ Tết này tôi sẽ không về như đã hẹn cả nhà. Giờ này chắc bố mẹ đã dọn dẹp và chuẩn bị thức ăn cho ngày mai 28 Tết. Và rồi sẽ chờ, chờ với thấp thỏm và hy vọng. Và rồi những ngày Tết chắc sẽ buồn khi nhận thư tôi báo đang đi về phía Nam, nhất là khi đứa em út kề tôi cũng vừa nhập ngũ, làm người lính thứ ba gia đình góp vào cuộc chiến tranh đã dài lâu trên quê hương.

Tạm biệt Hà Nội. Tạm biệt bố mẹ và những người thân yêu. Tôi là anh bộ đội đi vào chiến trường đây. Từ con tàu này chỉ chạy năm phút thôi là đến Nhà hát Nhân dân, nơi mấy năm trước lũ trẻ con phố tôi vẫn thứ bảy hằng tuần đến phía sau nhà hát ở mặt phố Trần Bình Trọng, lách hàng rào gỗ lẻn vào rồi chui từ dưới lên các hàng ghế xem đấm box hay ca nhạc. Từ con tàu này chỉ chạy mười phút thôi là đến trường Quang Trung của tôi trước khi đi sơ tán. Rồi tàu cũng rời ga sau chừng nửa tiếng đỗ, từ từ qua rạp xiếc nơi mấy ngày tới cả nhà tôi sẽ không đến xem nữa, từ từ qua sân Bảy Mẫu nơi chiều chiều hồi trước khi sơ tán tụi tôi vẫn đá bóng, từ từ qua bệnh viện Bạch Mai nơi mẹ tôi và ba anh em đã sống ở khu tập thể bệnh viện khi mới từ Việt Bắc về lại Hà Nội sau 9 năm kháng chiến chống Pháp. Đoàn tàu không đèn lặng lẽ đi về phương Nam, chở một phần sư đoàn mới thành lập của tôi vào chiến trường. Chào Hà Nội, hẹn ngày tôi sẽ về.
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #481 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2012, 04:46:26 pm »

              Vâng! Tranphu341 đọc bài của các bạn nói về những cái Tết của lính thật là ấn tượng. Vì với phong tục dân tộc Việt mình thì ngày tết mang nặng sự thể hiện tình cảm của mọi người nhất là của từng gia đình. Dù ai làm gì? Ở đâu làm ăn xa mấy đi nữa thì những ngày Tết đều hướng về quên nhà nời có bố, có mẹ, có anh em bà con đang sống. Nơi mà phần đa là được lớn lên ở đó với bao kỷ niệm của trẻ thơ.

              Thời xưa ngày Tết trong những năm đói kém thì cái háo hức của ngày Tết còn là những bữa cỗ linh đình, rất nhiều món ăn ngon khi đó mới được làm cho mọi người ăn. Gọi là ăn Tết mà. Rồi con trẻ thì háo hức được có quần áo mới, được có tiền "mừng tuổi". Được đốt pháo, được xem các trò vui biểu diễn mà mọi ngày thường không có....Ôi biết bao là niềm vui. Vì vậy, khi phải đi lính, phải xa nhà thì những ngày gần tết với mọi người ai cũng háo hức muốn được về nhà.

              Vâng! Bây giờ khi cuộc sống của mọi người nói chung cũng đã tương đối đầy đủ, thì cái háo hức được mặc quần áo mới, được ăn nhiều thứ ngon, món ngon hầu như không còn nữa. Nhất là với khu vực thành phố. Trẻ em đã thờ ơ với ăn, với keo, với bánh rồi, với các loại hoa quả. Vì ngày nào nó cũng được nhồi nhét các thứ ấy mà

              Vâng bây giờ khi nói đến cái tết thì những người đang phải làm việc, doanh nghiệp hay công chức cũng vậy. "Trừ các xếp lớn" và các vợ xếp. Mọi người rất khổ vì cái tệ nạn phải đi biếu xén "PHONG BÌ" Cũng thật là vất vả với bao lo toan. Thậm chí đi biếu phải chen chúc nhau. Vì những việc như vậy thường xếp không tiếp 1 lúc nhiều người được.

                               Khổ lắm! Khổ vô cùng! Thậm chí là nhục vô cùng! Mà vẫn phải làm cái việc đó.

             CHÚC CÁC BẠN CÙNG GIA ĐÌNH LUÔN VUI KHỎE ĐỂ ĐÓN TẾT THẬT VUI, ĐỂ KHÔNG PHẢI LÀM NHỮNG VIỆC NHƯ TP VỪA NÓI!
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #482 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2012, 05:17:23 pm »

Cụ Phú than thở hả? Cũng thế thôi, dẫu sao chế độ phong bì cũng tiến bộ hơn chế độ phong kiến nên chế độ phong kiến đã bị nhân dân ta đứng lên đập tan.
Giả dụ lạm phát ở mức 2000% vậy khi đó sẽ là chế độ bao bì chăng? 
Hồi xưa ở Cam Ranh thời 85-86 cứ đến tết là lữ đoàn 394 cho 2 xe bò MAZ chở xi măng Liên Xô vào Sè Goòng đổi lấy một xe mì chính. Đổi ở đâu, các chú hậu cần đã liên hệ với anh hùng lao động - chị Ba Thi ở công ty LTTP. Mà mì chính thì thời bao cấp đúng là...mì chính. Xong rồi chở ra Hà Nội biếu Tết. Bây giờ mì chính ai thèm.
Còn vùng 4 thì sao, các bác ấy cho quân lên rừng bắt bò về, nhiều lúc không thấy bò mẹ vì đã vướng mìn hoặc lựu đạn thời trước gài lại chết queo, nhưng lại có vài bê con, không sao-vẫn không lỗ, tiện thể chặt vài cành mai trắng về, thế là xong Tết.
Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #483 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2012, 06:06:48 pm »

                                              
Những cái Tết xa nhà

 . . . . Anh Thắng quản dân Đại học Kinh tế kế hoạch làm quản lý đại đội nên công tác hậu cần lính được nhờ nhiều. Cơm nước được. Ở vùng rau đang rộ nên bữa cơm hàng ngày rau các loại lính ăn xả láng. Rét mướt ở thao trường nhanh đói, về cơm no bụng ngon lành với lính 18, 19 tuổi ngày ấy là tốt rồi. Cuộc đời tân binh cứ êm ả trôi từng ngày nhẹ tênh.

Đã sắp Tết. Anh Thắng quản lục tục chuẩn bị thực phẩm Tết cho đại đội. Cái Tết đầu của lính tân binh nên có lẽ chủ trương của chỉ huy muốn có cái Tết tươm tất cho lính đỡ nhớ nhà. Lợn đã đưa về sân kho, thực phẩm khô, rau củ cũng ùn ã trong kho nhà bếp. Trong bữa cơm, lính đã râm ran chuyện Tết.


     Vụ này bác TanVinhPRC25 nhớ nhầm tên anh quản lý rồi. Lúc ấy, quản lý đại đội là anh Dung, người nghệ An hay Hà Tĩnh gì đó chứ không phải anh Thắng. Bác cứ phone cho anh Thắng là biết ngay.
Logged

sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #484 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2012, 07:25:54 pm »


1 ... TTNL và 6971 được về hai tiểu đội, còn tôi bị phát hiện viết chữ đẹp, không may bị tóm lên làm liên lạc đại đội,


2. ...  Tới Đông Anh đã nhập nhoạng tối và phải chờ tránh tàu.

3. ... Giờ này chắc bố mẹ đã dọn dẹp và chuẩn bị thức ăn cho ngày mai 28 Tết.


Chào các bác Xê 20, và xin lỗi các bác Xê khác, lại chuyện Xê 20, lại có cớ "chém gió" rồi.

1. Thế mà TTNL và tôi mong được "không may" như TLT mà không được đấy.

2. Chắc là TLT ngóng ai trong đoàn Lưu học sinh ấy rồi nên nhớ lâu thế. 6971 không nhớ vụ này. Nhưng nếu đúng thì đấy là ga Yên Viên, không phải Đông Anh, vì Đông Anh nằm trên đường Hà Lào, không phải đường Hà Lạng.

3. Có vẻ TLT và Tanvinh nhớ nhầm ngày âm hay là có vấn đề gì đó về lịch âm dương như bác TTNL đã một lần hỏi. Đúng là sáng 10/2/1972 đơn vị C20 rời Xóm Đồng Bùi, ra ga Bắc Giang, nhưng hôm đó là 26 Chạp, không phải 28 Chạp như Tânvinh nhớ, cũng không phải 27 như TLT nhớ.

Còn một điều này nữa, 6971 thì nhớ là tàu rời khỏi ga Bắc Giang quãng trưa, qua ga Hàng Cỏ quãng buổi chiều, đến Vinh lúc mờ sáng. Tânvinh thì nhớ là tàu hú còi rời ga Bắc Giang trong buổi sáng, còn TLT lại nhớ là đến Hà Nội khi "thành phố lên đèn". Để tra từ điển TTNL xem sao.

Logged

Nhật ký Viết lại
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #485 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2012, 09:57:30 pm »


Còn một điều này nữa, 6971 thì nhớ là tàu rời khỏi ga Bắc Giang quãng trưa, qua ga Hàng Cỏ quãng buổi chiều, đến Vinh lúc mờ sáng. Tânvinh thì nhớ là tàu hú còi rời ga Bắc Giang trong buổi sáng, còn TLT lại nhớ là đến Hà Nội khi "thành phố lên đèn". Để tra từ điển TTNL xem sao.


     Vụ này em không có nhớ gì đâu mà cũng chưa có viết gì về những ngày hành quân đó đâu. Bác 6971 khỏi phải tra làm gì.
Logged

tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #486 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2012, 10:35:23 pm »

6971, Tanvinhpc25, TTNL@: TTNL nhớ thật phi thường. Mình nhớ các chi tiết rất tồi. Nhật ký và ghi chép lại mất hết nên chỉ suy đoán, và một số chi tiết có thể sai.

---
1. Thế mà TTNL và tôi mong được "không may" như TLT mà không được đấy.
---
Không chắc lắm, nhưng nghĩ là lúc ấy không vui. Trong "Nhật ký viết lại", chính 6971 viết "TLT ngậm ngùi lên làm liên lạc đại đội".

---
2. Chắc là TLT ngóng ai trong đoàn Lưu học sinh ấy rồi nên nhớ lâu thế. 6971 không nhớ vụ này. Nhưng nếu đúng thì đấy là ga Yên Viên, không phải Đông Anh, vì Đông Anh nằm trên đường Hà Lào, không phải đường Hà Lạng.
---
Chắc là mình sai, vì ngay cả bây giờ mình cũng mù mờ mấy nơi này.

---
3. Có vẻ TLT và Tanvinh nhớ nhầm ngày âm hay là có vấn đề gì đó về lịch âm dương như bác TTNL đã một lần hỏi. Đúng là sáng 10/2/1972 đơn vị C20 rời Xóm Đồng Bùi, ra ga Bắc Giang, nhưng hôm đó là 26 Chạp, không phải 28 Chạp như Tânvinh nhớ, cũng không phải 27 như TLT nhớ.
---
Thế à? 6971 còn nhật ký nên chắc đúng. Mình suy đoán mấy ngày này thôi. Nhớ là rạng sáng 29 Tết thì đến Kỳ Lạc, sáng 30 Tết mình đã đi cùng đại trưởng Hiền đi trinh sát Hoành Sơn tìm điểm đặt đài quan sát đánh quân đổ bộ, và ngủ đêm 30 Tết giữa rừng. Vậy là đơn vị đi trưa 26 Tết, sáng 29 Tết đến Kỳ Lạc.

---
Còn một điều này nữa, 6971 thì nhớ là tàu rời khỏi ga Bắc Giang quãng trưa, qua ga Hàng Cỏ quãng buổi chiều, đến Vinh lúc mờ sáng. Tânvinh thì nhớ là tàu hú còi rời ga Bắc Giang trong buổi sáng, còn TLT lại nhớ là đến Hà Nội khi "thành phố lên đèn". Để tra từ điển TTNL xem sao.
---
Mình nhớ khi hai đoàn tàu đi về hai phía dừng ở ga Yên Viên, trời đã nhập nhoạng tối và bên tàu kia có đèn, tàu ta tối om, nên cho là khi tới Hà Nội thành phố đã lên đèn Huh

Hồi đầu hè nghĩ và nhớ lại những này ấy quả là gian nan, tuy hào hứng. Đã 40 năm nên mọi thứ mờ dần, vừa viết vừa nhớ vừa đoán.

Logged
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #487 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2012, 10:55:48 pm »

---
9/2/1972
Sáng sớm đại trưởng Hiền bảo tôi đến báo ba B trưởng lên họp đột xuất. Thì ra là có lệnh chuyển quân. Sau đó đại đội tập trung ở sân kho hợp tác xã, có cả thủ trưởng Tân, trưởng Ban trinh sát sư đoàn, cùng Ban chỉ huy đại đội phổ biến lệnh chuyển. Không ai được biết sẽ đi đâu. Đại đội thu xếp rất nhanh. Thực phẩm đã mua cho Tết được chia ra đem theo. Bịn rịn chiều cuối năm trên đất Việt Yên. Viết vội thư gửi về cho bố mẹ. Thư chắc không kịp tới nhà trước 28 Tết.

10/2/1972
Quãng 3 giờ chiều đại đội đã hành quân tới ga Bắc Giang...
---

Mình nghĩ đã nhớ sai ở đây. Việc sáng sớm đại đội họp các B trưởng phổ biến, rồi thủ trưởng ban 2 đến truyền lệnh, ... và đến lúc ra đến ga là trong cùng ngày 9/2. Việc sư đoàn chuyển vào miền Trung là việc bí mật, vì chỉ hơn một tháng sau chiến dịch QT bắt đầu. Có lẽ không có chuyện phổ biến và bắt đầu hành quân lại trong 2 ngày khác nhau. Nếu thế thì cái đêm ấy lính tráng làm gì?  Wink
Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #488 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2012, 12:28:32 am »


TLT:

Chào bạn. Đọc những dòng chia sẻ của bạn về những ngày giáp Tết năm ấy, cách đây 40 năm, chúng mình ra ga lên tàu xuôi về phương nam với một cái Tết xa nhà đầu tiên mà lòng vẫn thấy bồi hồi làm sao.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe. Mong sớm được đọc tiếp những kỉ niệm một thời trên chặng đường quân ngũ của bạn.

6971 ơi,
Về ngày tháng cụ thể ta rời ga Bắc Giang, qua Hà Nội lúc nào có lẽ ta cùng xem lại, chắc không khó xác định. Tôi tin TLT đúng ( 26 Tết ) vì TLT làm liên lạc đại đội ngày ấy nên mấy ngày TLT kể có gắn với các kế hoạch hành quân và 6971 cũng đúng ( cũng 26 Tết ) vì ấy nhớ ta rời xóm Đông Bùi để ra ga vào sáng 10/2 /72.
Chỉ có điều tôi không có ấn tượng ta qua Hà nội vào buổi tối mà vào ban ngày, khi tàu chạy chậm qua mấy chỗ chắn tàu khu vực Cửa Nam tôi thò đầu ra cửa sổ tàu để nhìn phố phường.
Ta hành quân vào sáng sớm để ra ga BG. Từ làng đóng quân ra ga chỉ răm sáu cây số nên ta lên tàu và rời ga trong buổi sáng, không quá sớm nhưng cũng không muộn đến trưa đâu.
Đoạn đường BG-HN khoảng 50 km nên tàu qua HN cũng trong ngày thôi, hơn nữa là tàu quân sự chắc không đi lề mề.
--------------

Trích dẫn TTNL:
" Vụ này bác TanVinhPRC25 nhớ nhầm tên anh quản lý rồi. Lúc ấy, quản lý đại đội là anh Dung, người nghệ An hay Hà Tĩnh gì đó chứ không phải anh Thắng. Bác cứ phone cho anh Thắng là biết ngay."
-----

TTNL,
Về ai là Quản lí đại đội lúc ấy thì tôi còn nhớ thế này: có lần tôi được phân công đi giúp nhà bếp nấu cơm. Khi đến, tôi được bảo làm việc gì đó ở bếp, tôi thật thà lại trả lời là được cử giúp nấu cơm cơ mà. Thế là anh Thắng đứng đó nghe ae nào đó nói lại bèn nói “ thế thì để ông ấy nấu cơm ! “. Tôi chợt cay cay mũi, biết ông Thắng “chơi” mình đây.
Nhóm trượt tuyển phi công của 3 chàng ngự lâm về C20 muộn, sau mấy anh em A12. (có lần TTNL cũng nói như vậy với tôi), còn a Thắng về C20 từ 25/12/71. Hay a Thắng sau này mới làm Quản lí nhỉ mà tôi nhầm? Trong danh sách ở Kỷ Yếu C20 không thấy tên a Dung ?
   
Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #489 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2012, 01:43:56 am »

Những cái Tết xa nhà ( 2 )

Sau một hồi ồn ã, các toa lính như trùng xuống, ai cũng đã rõ mình đang đi đâu theo hướng con tàu chạy, không còn thì thào bàn tán như lúc sáng ở sân ga nữa Bắt đầu im ắng suy tư, nghĩ ngợi mung lung chẳng có đầu có cuối. Chỗ này chỗ kia còn cười nói ầm ĩ nhưng chỉ là nhóm nhỏ hoặc bâng quơ đùa nghịch. Có nhiều người đã hí hoáy viết thư, bảo nhau qua Hà nội sẽ ném xuống nhờ người đi đường gửi giúp. Tôi cũng viết vội ít dòng cho gia đình thông tin đã rời Hà Bắc đi B. Hình ảnh quê hương, bố mẹ anh chị em, bạn bè, làng xóm cứ chập chờn theo dòng chữ và lắc lư của tàu làm cho tâm trí tôi như mụ đi, tôi chẳng thể nào viết nhiều được. Cứ lởn vởn trong đầu với ý nghĩ sao nhanh thế, biết bao giờ mới lại được về gặp bố mẹ và anh chị em. Quê vừa trải qua trận lũ lụt lịch sử do phân lũ Sông Hồng nên đang rất khó khăn...

Rồi tàu cũng đến Hà Nội, lòng trĩu buồn. Hình ảnh trường , lớp, các thầy cô giáo và các bạn – nơi mà tôi đã học ở đó 2 năm đầu đại học, buổi chia tay nhập ngũ mới có mấy tháng trước đây, chỉ cách nhà ga tàu chúng tôi đi qua có mấy cây số thôi mà giờ đã trở thành xa vời vợi.

Khi tàu chạy chầm chậm qua mấy phố có chắn tàu khu vực gần về ga Hàng Cỏ thì các toa lính ồn ào hẳn lên, ai cũng cố thò đầu ra cửa sổ để nhìn phố phường, vấy tay chào tạm biệt người qua đường cũng đang vẫy tay chào lính, nhiều người tranh thủ ném thư xuống nói với theo nhờ người đi đường gửi giúp bưu điện. Tháng 12/2011 vừa rồi ra mắt phim Mùi Cỏ Cháy về cuộc chiến Quảng Trị 1972 của thời lính chúng tôi, nếu có cảnh này thì hay và thực biết mấy. Cảnh trong phim là đoàn xe chở lính đi B, lính cũng ném thư lả tả xuống...ruộng lúa hai bên đường !

Nhoàng cái, ga Hàng Cỏ cũng lùi lại phía sau. Chúng tôi bắt đầu mệt mỏi lộ rõ. Tôi trùng người để tựa vào ghế chợp mắt. Nhiều anh em cũng lim dim, gật gù. Con tàu vẫn lắc lư, xình xịch qua các làng mạc, đồng ruộng xuôi về phương nam.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM