Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 07:37:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Kissinger-Những biên bản hội đàm tuyệt mật chưa công bố  (Đọc 148584 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #90 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2009, 08:54:23 pm »

Kít-sinh-gơ: Tôi rất khâm phục Thủ tướng. Tôi luôn cho rằng những ai có dịp hội kiến Thủ tướng đều thu được nhiều điều bổ ích. Tôi cho rằng ông W. Tréc-gi là người thân Trung Quốc. Nếu được gặp Thủ tướng, ông ta sẽ giúp được các Ngài nhiều. Chắc chắn ông ta sẽ viết bài có lợi cho các Ngài. Hơn nữa ông ta có quan hệ xã hội rất rộng, những cảm tưởng của ông ta về Trung Quốc viết ra có lợi cho các Ngài. Ngoài ra, cũng có lợi cho cá nhân tôi. Còn nếu Thủ tướng không tiếp được do quá bận; thì tôi vẫn vui vẻ (người Trung Quốc trao đổi với nhau).

Đại sứ Hàn: Hội nghị lần này cần bí mật đối với giới báo chí. Như Ngài nói, chỉ cần có người nhìn thấy chúng tôi trong một phần ngàn khoảnh khắc ... .

Kít-sinh-gơ: Tôi không nói gì hết. Tôi sẽ chối không gặp các Ngài.

Đại sứ Hàn: Chúng tôi sẽ nói chỉ là chuyến viếng thăm bình thường. Còn vụ ngày 13, chúng tôi chỉ bày tỏ sự đáng tiếc.

Kít-sinh-gơ: Thế cũng được. Chúng ta không mong muốn sự việc lại như thế này (cười), không ai trông thấy các Ngài đâu (Nói với Lốt) Đúng không?

Lốt: Đúng vậy.

Kít-sinh-gơ: Tôi rất vui vì được gặp người bạn cũ (nói với ông Quách). Tôi mong rằng Đại sứ cũng sẽ đến.

Ông Quách: Chỉ cần một thông báo ngắn là tôi sẽ đến ngay.

Kít-sinh-gơ: Tôi thông cảm với cơ chế này. Chúng ta sẽ giải quyết nó.

Ông Kỳ: Ngài Sô-lô-môn và Ngài Bei-cơ đang giải quyết việc này.

(Diễn ra một số câu chuyện vui vẻ. Kít-sinh-gơ nói: Lốt rút đi, nhưng chính sách của Mỹ không thay đổi. Tất nhiên có khả năng không như trước nhưng sẽ tốt hơn. Kít-sinh-gơ mong Lốt sẽ sống hạnh phúc bên cạnh người vợ Trung Quốc)

Kít-sinh-gơ: Tôi được biết Đại sứ Brúc-sơ đã tới ngày hôm qua. Có khoảng 10 ngàn người Mỹ muốn làm việc ở đây vì vậy chúng ta phải mở rộng văn phòng (cười), không rõ Đại sứ của các Ngài bao giờ mới tới.

Đại sứ Hàn: Chúng tôi chưa có tin. Khi nào có xin thông báo với Ngài. Ông Sô-lô-môn hỏi, liệu khi ông Kỳ và ngài đến Pa-ri, Đại sứ có mặt ở đấy chưa? (Kít-sinh-gơ tỏ ra ngơ ngác không hiểu)

Đại sứ Hàn: Chúng tôi chưa có tin, ông ta chỉ muốn biết Ngài không có mặt ở đó thì liệu Đại sứ có đến không?

Kít-sinh-gơ: ông ta đến lúc nào cũng sẽ được hoan nghênh nhiệt liệt. Tất nhiên, ông ta đến là Tổng thống tiếp ngay.

Đại sứ Hàn: Chúng tôi chờ đón ngày đó.

Kít-sinh-gơ: Buổi gặp gỡ với bạn bè bao giờ cũng vui vẻ. Tôi phải rút khỏi đây trước và đi riêng ra, như vậy các Ngài ra khỏi đây càng an toàn.

(Cuộc chia tay diễn ra thân mật. Lốt kiểm tra tình hình, thấy chung quanh không ai nhìn thấy người Trung Quốc rời khỏi nơi đây, Lốt nói ngắn gọn với người Trung Quốc, khoảng một hoặc hai ngày nữa liên hệ lại với ông ta. Sau đó Lốt bày tỏ mong muốn gặp lại người Trung Quốc trong tư cách cá nhân. Lốt nhờ ông Quách chuyển lời hỏi thăm đến Đại sứ Hoàng Hoa và Sử phu nhân tại Niu-oóc. Lốt tiễn người Trung Quốc đến bên cạnh xe con đậu chờ ở Trung tâm ngoại giao và bắt tay thân mật)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #91 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2009, 03:56:54 pm »

Lời dẫn

Ngày 29/5, Đại sứ Hoàng Hoa, người phụ trách Văn phòng liên lạc nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tại Oa-sinh-tơn có cuộc hội kiến đầu tiên với Kít-sinh-gơ và Tổng thống Ních-xơn.

Kít-sinh-gơ tiếp tục trao đổi về vấn đề Cam-pu-chia và nhắc lại đề nghị trước đó nêu ra với Hoàng Hoa. Đại sứ Hoàng Hoa đồng ý chuyển tới Bộ Ngoại giao Mỹ bản nhận xét về cuộc đối thoại giữa một bên là đại diện của Khơ-me Đỏ và Lon-non, với một bên là Xi-ha-núc và USLO của Bắc Kinh.

Tự nhiên, Kít-sinh-gơ đe dọa "gia tăng sức ép" bằng cách ném bom nhiều hơn nữa, nếu lực lượng khởi nghĩa Cam-pu-chia bác bỏ đàm phán, nhưng ngày 14/6 Hoàng Hoa đề nghị với Kít-sinh-gơ, trường hợp Xi-ha-núc đi nghỉ nước ngoài trở về Bắc Kinh sẽ chuyển đến phía Cam-pu-chia suy nghĩ hiện nay của Mỹ. Tuy đây chưa phải là sự cam kết rõ ràng nhưng là một bước tiến triển mà lâu nay Kít-sinh-gơ mong muốn.

Trong cuộc hội kiến này và cuộc gặp ngắn với Tổng thống Ních-xơn diễn ra ngày hôm sau, Kít-sinh-gơ và Ních-xơn nêu ra một Hiệp định chính thức, dựa trên cơ sở trao đổi của hai phía Trung - Mỹ. Chúng tôi chuẩn bị tính đến cuộc đàm phán mà bất cứ phía nào cũng không tham dự chống lại phía kia, hoặc một bản tuyên bố chung: bất cứ phía nào cũng không tham gia bất kỳ Hiệp định, nào khi chưa biết về tình hình thảo luận của phía bên kia.

Ngày 14/6, người Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị này, cho rằng đó là nhắc lại phần nội dung có liên quan trong thông báo Thượng Hải, nó không thể ngăn cản ý đồ của Liên Xô bao vây châu Á. Ních-xơn và Kít-sinh-gơ một lần nữa cam kết, việc hoà hoãn quan hệ Mỹ - Xô sẽ không xâm phạm tới lợi ích của Trung Quốc.

Ngày 16/6 trong thư gửi Chu Ân Lai, Ních-xơn "đơn phương cam kết: "Chúng tôi không cùng với người khác xử lý những việc làm ảnh hưởng tới lợi ích của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, mà không có sự trao đổi toàn diện”. Mấy ngày trước đó, Hoàng Hoa đưa ra một bản chỉ trích "Hiệp định ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân", yêu cầu Kít-sinh-gơ phải cam kết nhiều hơn với Hoàng Trấn rằng "Mưu cầu bá quyền của hai siêu cường hạt nhân không phải là chính sách của Mỹ"

Kít-sinh-gơ đã đưa cho ông ta bản tuyên bố mà Tổng thống Pháp Pom-pi-đu nhận được trước đó mấy ngày, trong đó giải thích chính sách của Mỹ không bao giờ nêu mục tiêu cùng với Liên Xô lập Chính phủ cộng quản và giải thích tại sao nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tồn tại trong độc lập có tầm quan trọng về an ninh đối với châu Âu và Mỹ.

Bản tuyên bố viết: "Không có lý do để chọn kẻ mạnh chống lại kẻ yếu. Nếu Liên Xô có ý đồ làm Trung Quốc suy yếu, thì châu Âu sẽ trở thành Phần Lan và nước Mỹ sẽ hoàn toàn bị cô lập. Vì vậy, đó là điều liên quan đến lợi ích của bản thân chúng tôi, chúng tôi không mong muốn và cần nỗ lực tối đa không cho phép Liên Xô huỷ diệt Trung Quốc".

Cho dù, Ních-xơn và Kít-sinh-gơ đã có cam kết, nhưng cuộc họp cấp cao Ních-xơn và Brê-giơ-nhép tháng 6/1973 đã làm cho Bắc Kinh phẫn nộ. Cuộc họp cấp cao rất thành công, bởi được coi là một bước hợp tác mới giữa Mỹ và Liên Xô, thực hiện chế độ hóa việc hoà hoãn quan hệ quốc tế.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #92 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2009, 03:57:04 pm »

Chu Ân Lai đã bày tỏ sự nghi ngờ ngay sau khi Brê-giơ-nhép rời Ca-li-foóc-ni-a. Chu Ân Lai cho triệu Đại sứ Blúc-sơ đến Đại lễ đường nhân dân, trao đổi với ông ta về khoa học hiện đại và nguy cơ phổ biến bí mật hạt nhân. Chu Ân Lai nói: "Những người phương Đông và phương Tây bơi chung quanh Nhà Trắng có hữu nghị với nhau đến mấy, nhưng họ đều không được để lộ bí mật hạt nhân của họ".

Ông ta không nghi ngờ việc Liên Xô tuân thủ Hiệp định PNW, nhưng qua Hiệp định người ta nhìn thấy hình ảnh về hai siêu cường cùng nhau thống trị thế giới. "Sự thực là Hiệp định chỉ có hai quốc gia chủ yếu dự khảo, hai siêu cường muốn thống trị thế giới". Trong tranh luận Chu Ân Lai nói: Nếu Liên Xô và Trung Quốc đánh nhau, Mỹ sẽ tích cực cung cấp viện trợ cho Liên Xô, chứ không phải tấn công Liên Xô từ sau lưng.

Trong báo cáo, Blúc-sơ nhận xét: "Sự chỉ trích của Chu Ân Lai đối với PNW là đáng tiếc, chứ không phải là sự phẫn nộ". Nhưng ông ta đã không chú ý đến việc một cố vấn quan trọng của Thủ tướng, Trợ lý Ngoại trưởng Chương Văn Tấn đã viết bài chỉ trích chính sách của Mỹ. Mấy tháng sau, chuyên gia của Kít-sinh-gơ về vấn đề Trung Quốc, tìm hiểu biết được, Chương Văn Tấn luôn tranh luận rằng Oa-sinh-tơn luôn lợi dụng lực lượng cách mạng thế giới, trong đó bao gồm Trung Quốc, để làm cái giá cấu kết chặt chẽ hơn nữa với Mát-xcơ-va.

Lời tranh luận của Chương Văn Tấn là sự xác nhận về nghi ngờ của Chu Ân Lai đối với chính sách của Mỹ, nhưng Mao Trạch Đông thì tuyên bố rằng, họ nói tào lao? Sau khi Mao công khai quan điểm của mình, quan chức Bộ Ngoại giao Kỳ Triều Chú đã chính thức phê phán phân tích của Chương Văn Tấn, xác định lại tính chân thật trong "đường lối cách mạng trong chính sách ngoại giao" của Mao Trạch Đông.
Chương Văn Tấn buộc phải nhận sai lầm trong nhận thức và điều đi làm Đại sứ ở Ca-na-đa, bị tách khỏi công việc xây dựng chính sách. Kít-sinh-gơ không hay biết gì về việc Chương Văn Tấn chỉ trích chính sách của Mỹ, hơn nữa ông ta đang bị bài vở tin tức về cuộc hội đàm giữa Blúc-sơ với Chu Ân Lai làm khó dễ.

Để làm cho Chu Ân Lai bớt nghi ngờ, Kít-sinh-gơ chỉ thị cho Blúc-sơ nói với Chu Ân Lai rằng, Oa-sinh-tơn không hề tiết lộ bí mật hạt nhân với Liên Xô, và Mỹ không bao giờ cung cấp viện trợ quân sự cho Liên Xô nếu xảy ra cuộc chiến Trung - Xô. "Sẽ cắt hết các dự án kinh tế dành cho Liên Xô, để xua tan nghi ngờ của Chu Ân Lai”. Kít-sinh-gơ hy vọng Chu Ân Lai hiểu được nội dung chính của cuộc họp cấp cao Ních-xơn và Brê-giơ-nhép, mà đích thân ông ta sẽ thông báo tóm tắt với Đại sứ Hoàng Trấn.

Ngày 6/7, sau khi gặp Kít-sinh-gơ, Hoàng Trấn hội kiến Ních-xơn, chủ đề cuộc trao đổi tập trung vào vấn đề Cam-pu-chia. Nhưng theo Kít-sinh-gơ nhận xét, triển vọng đàm phán không sáng sủa như trước. Mấy tuần trước đó, Kít-sinh-gơ làm việc như điên, nhằm đảm bảo cho Nhà Trắng hành động trong tự do và ngăn cản Quốc hội hạn chế việc ném bom Cam-pu-chia. Nhưng cuối tháng 6 Quốc hội đã phá lệ, gây sức ép buộc Ních-xơn phải chấm dứt ném bom vào ngày 15/8, trong khi địa vị chính trị của ông ta đã bị lung lay.

Mặc dù, chủ đề cuộc trao đổi vẫn là Hội nghị cấp cao Brê-giơ-nhép Ních-xơn, và những cố gắng của Brê-giơ-nhép muốn Oa-sinh-tơn gia nhập Hiệp định chống Bắc Kinh, mặc dù Kít-sinh-gơ không nhắc đến việc Brê-giơ-nhép miêu tả Mao Trạch Đông như một tên gian mãnh, hoặc Brê-giơ-nhép nghiêm khắc cảnh cáo hợp tác quân sự Trung - Mỹ, nhưng ông ta vẫn cứ vẽ nên một bức tranh gay cấn.

Đúng vậy, cho dù Liên Xô có quan tâm đến mối đe doạ của Trung Quốc đến đâu, cũng vẫn tránh một cuộc tấn công đơn phương có tính huỷ diệt vào cơ sở hạt nhân của Trung Quốc (như chính quyền Giôn-xơn đã có hành động đơn phương vào năm 1964).

Sau này, Kít-sinh-gơ có thừa nhận với Đô-brư-nin ông ta đã thổi phồng sự đe doạ của Liên Xô đối với Trung Quốc. Có thể Kít-sinh-gơ muốn Bắc Kinh gần lại với Oa-sinh-tơn. Kít-sinh-gơ cho rằng, người Trung Quốc sẽ phải giật mình nếu nghe ông ta miêu tả. Để làm dịu căng thẳng, Kít-sinh-gơ đã có sự cam kết vừa chung chung vừa đặc biệt về kế hoạch đối phó với rủi ro, cho đến việc Trung Quốc nhận được kỹ thuật của phương Tây. Nhưng Kít-sinh-gơ nhanh chóng phát hiện ra rằng chỉ cam kết thôi là chưa đủ. Tháng 11 Kít-sinh-gơ cam kết với Chu Ân Lai rằng, Trung Quốc sẽ được cung cấp vật tư một khi bị nổ ra xung đột với Liên Xô.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #93 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2009, 03:59:07 pm »

BẢN GHI NHỚ HỘI ĐÀM NHÀ TRẮNG
VĂN KIỆN TUYỆT MẬT, CHỈ DÙNG THAM KHẢO NỘI BỘ

Người dự.

Tiến sĩ. H. Kít-sinh-gơ, Trợ lý An ninh Quốc gia bên cạnh Tổng thống Mỹ.

B. Sư-can-rốp, Phó trợ lý An ninh Quốc gia bên cạnh Tổng thống.

Ing-gơ-béc, Trợ lý hành động Hội đồng An ninh quốc gia bên cạnh Tổng thống.

Hoàng Trấn, Đại sứ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Phiên dịch, ông Kỳ.

Ngày giờ. 10 giờ sáng, ngày 6/7/1973

Địa điểm: Văn phòng Tiến sĩ Kít-sinh-gơ tại Nhà Trắng

Đại sứ Hoàng: Tôi rất vui mừng được gặp Ngài ở đây.

Tiến sĩ Kít-sinh-gơ: Thời tiết không được đẹp, nhưng chúng tôi rất vui vì Ngài đã đến.

Trong buổi chiêu đãi tối nay, Ngài sẽ được gặp một số người không còn là người của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, vì họ chịu nhiều ảnh hưởng cuộc sống Mỹ. Tôi đã đặc biệt lựa chọn họ đến đây. Họ có nhiều ảnh hưởng trong công chúng, họ có thể bàn luận suốt hai năm về cuộc gặp Ngài hôm nay. Kia là Đa-ni Ken, một đầu bếp rất giỏi về các món ăn Trung Quốc. Nếu tối nay ông ta nói về chuyện này, Ngài nhớ cho những điều tôi nói, ông ta rất mến mộ Trung Quốc và là một đầu bếp giỏi.

Đại sứ Hoàng: Tôi xin cám ơn Ngài về sự thu xếp chu đáo cho chuyến đi của tôi. Tôi đến đây đúng lúc, nhưng e rằng tuần sau tôi trở lại không kịp, vì tôi vừa nhận được chỉ thị trở về Bắc Kinh một thời gian. Khi Ngài tới Bắc Kinh, chắc tôi sẽ có mặt nghênh tiếp.

(Kít-sinh-gơ nói với Hoàng Trấn là sẵn sàng thăm Trung Quốc từ ngày 6/8 và tuyên bố chuyến thăm vào ngày 12 hoặc 14/7 - Đại sứ đồng ý thông báo tin này tới Bắc Kinh)

Tiến sĩ Kít-sinh-gơ: Trước khi ông Kỳ dịch, cho phép tôi hỏi một vấn đề: Đại sứ là một vị tướng?

Đại sứ Hoàng: Tất nhiên.

Kít-sinh-gơ: Tôi cho là như vậy. Nhưng một số người tranh cãi với tôi rằng không phải.

Đại sứ Hoàng: Chức vụ của tôi giống như tướng Skan-cơ-rốp

Kít-sinh-gơ: Tôi có theo dõi một chuyện trong quân đội Mỹ. Rất nhiều thượng tá có tài, nhưng người có tài ở cấp tướng đếm trên đầu ngón tay. Skan-cơ-rốp sau khi được thăng lên hàng tướng tôi luôn theo dõi hành vi đi vào con đường sa đoạ của ông ta.

Đại sứ Hoàng: Nếu xét về quan điểm chung, tôi có thể nói, rất nhiều tướng có tài. Như Ngài biết đấy, trong quân đội chúng tôi đã bỏ chế độ quân hàm.
Kít-sinh-gơ: Một liên minh tướng quân. Ông Kỳ, tôi không để ông có dịp dịch rồi.

Đại sứ Hoàng: Giờ đây chúng tôi đã có sẵn các chủ đề trong suy đoán. Bây giờ tôi nói về chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chu Ân Lai. Giới báo chí có rất nhiều suy đoán, một bài viết từ San-cơ-lê-men-tơ ngày 27/6 cho rằng, chuyến thăm này ảnh hưởng nhiều tới "lập trường nguyên tắc của chúng tôi”. Thủ tướng có thể tính chuyện thăm Nhà Trắng của phương Tây.

Kít-sinh-gơ: Các Ngài cần hiểu rằng, chúng tôi không liên quan đến những bài viết này.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #94 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2009, 04:02:38 pm »

Đại sứ Hoàng: Phía Mỹ cần hiểu rằng họ còn mối liên hệ với tập đoàn họ Tưởng. Năm ngoái Tổng thống Ních-xơn còn gửi điện chúc mừng đến Tưởng Giới Thạch, hơn nữa họ Tưởng còn có Đại sứ quán ở Oa-sinh-tơn. Sao Thủ tướng của chúng tôi lại có thể thăm Mỹ trong tình hình này? Chuyến thăm San-cơ-lê-men-tơ chỉ có thể là không chính thức. Tôi cũng nói luôn với Ngài, Thủ tướng không cần thiết phải thăm Liên Hợp Quốc.

Kít-sinh-gơ: Những bài viết này không dính dáng đến chúng tôi, chúng tôi đã chính thức phủ nhận.

Đại sứ Hoàng: Tôi xin nêu ra đề nghị cá nhân thế này, để ông Chi-lơ-lê đứng ra tuyên bố là sự suy đoán không có căn cứ, như vậy tốt hơn. Giống như ông ta đã làm trong thời gian gần đây

Kít-sinh-gơ: Đó là trách nhiệm của chúng tôi, như Tổng thống đã nói, ông ta sẽ có chuyến thăm Trung Quốc lần nữa. Nếu làm được một cái gì đó, giữa thời gian chuyến thăm Bắc Kinh lần đầu và lần thứ hai của Tổng thống đều nhằm mục đích làm dịu tình hình, chúng tôi dự định làm việc đó vào năm 1974.

Đại sứ Hoàng: Chuyện này có thể trao đổi tại Bắc Kinh.

Tiến sĩ Kít-sinh-gơ: Tất nhiên là được. Chúng tôi sẽ ngăn chặn mọi sự suy đoán. Chúng ta phải làm gì ư? Có rất nhiều vấn đề cụ thể phải trao đổi. Tôi muốn nhắc lại chuyến thăm Brê-giơ-nhép, và một chuyện đặc biệt trong thời gian đó. Ngoài ra, còn có vấn đề Cam-pu-chia, Triều Tiên và một số vấn đề khác.

Đại sứ Hoàng: Ngài cứ nói. Tôi trao đổi việc có liên quan tới Cam-pu-chia. Tôi có một văn kiện xin gởi Ngài (đưa văn kiện có nội dung sau đây)

Phía Trung Quốc đã thông báo với phía Mỹ từ lâu. Do Nô-rô-đôm Xi-ha-núc đang thăm Châu Phi và châu Âu, phía Trung Quốc không có cách nào chuyển tới ông ta quan điểm của Mỹ hiện nay về giải pháp cho Cam-pu-chia. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã thông báo với Mỹ, không có khả năng đàm phán diễn ra giữa Xi-ha-núc và tập đoàn phản nghịch ở Phnôm Pênh. Nhưng phía Mỹ đã công khai bác bỏ đàm phán với Xi-ha-núc khiến ông ta phẫn nộ.

Song theo nguồn tin cho hay, gần đây quan chức Chính phủ Mỹ đã để lộ một số bí mật về vấn đề này dẫn đến nhiều sự suy đoán khác nhau. Trong khi đó nghe nói tập đoàn Lon-non ra sức tung tin đồn rằng chính quyền Phnôm Pênh sẽ nhanh chóng tiến hành đàm phán chính thức với Mặt trận đoàn kết Quốc gia Cam-pu-chia, Mỹ và Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ là người trung gian.

Trong tin đồn hoàn toàn không căn cứ đó, tập đoàn Lon-non rắp tâm bưng bít công luận khắp nơi nhằm cản trở việc giải quyết vấn đề Cam-pu-chia. Phía Trung Quốc cho rằng, vụ việc này hoàn toàn không có lợi cho việc tìm kiếm giải pháp Cam-pu-chia, còn gây ra những chuyện phiền phức. Phía Trung Quốc thấy cần thiết nhắc nhở phía Mỹ quan tâm đến vấn đề này.

Đại sứ Hoàng: Xi-ha-núc sẽ nhận được bức điện này trước khi ông ta về tới Bắc Kinh.

Kít-sinh-gơ: (đọc văn kiện) Quả thật ông ta đã phẫn nộ.

Đại sứ Hoàng: Bởi trước đây Ngài nói không muốn nói chuyện với ông ta, ông ta rất bực mình.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy? Nhưng từ chỗ chúng tôi các Ngài đã thu lượm được thông tin về chuyến đi, tất cả đều xảy ra trước khi ông ta trở về Bắc kinh.

Đại sứ Hoàng: Như vậy, Xi-ha-núc đã trở về Bắc Kinh. Chúng tôi sẽ chuyển đến ông ta ý kiến của các Ngài.

Kít-sinh-gơ: Tôi đoán rằng ông ta không biết về ý kiến này trước khi trở về.

Đại sứ Hoàng: Bề ngoài là như vậy.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #95 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2009, 04:03:43 pm »

Kít-sinh-gơ: Trước đây tôi không biết Thủ tướng biết nói tiếng Pháp.

Đại sứ Hoàng: Thủ tướng từng sống ở Pháp.

Kít-sinh-gơ: Tôi quên. Tại Pháp, Thủ tướng đã đưa ra một số bình luận về chúng tôi.

Tôi xin thông báo với các Ngài quan điểm của chúng tôi về Cam-pu-chia. Trước hết chúng tôi không thể kiểm soát được người của Lon-non nói những gì, nhưng họ lại biết được điều chúng tôi nói với các Ngài, những đề nghị của chúng tôi nêu với các Ngài. Nhưng đó chỉ là sự suy đoán của họ.

Tôi muốn nói một cách thẳng thắn rằng, chúng tôi đã đề nghị với các Ngài về ngừng bắn, cho dù chỉ có 90 ngày, chúng tôi tin điều đó cũng có lợi cho tình hình. Thủ tướng đã nói với Đại sứ Blúc-sơ trong lần gặp đầu tiên rằng "chúng tôi không có bất kỳ lợi ích nào ở Cam-pu-chia". Trong thực tế, chúng tôi sẽ hoan nghênh nếu chính quyền Phnôm Pênh quan hệ tốt với Bắc Kinh và bác bỏ tham gia vào chủ nghĩa bá quyền nước lớn ở Đông Nam Á.

Như tôi đã từng nói, xử lý thế nào trước sự chuyển biến là vấn đề tế nhị đối với chúng tôi. Nếu chúng tôi bị đẩy vào địa vị mà tiếng tăm đã bị tổn thương, thì chỉ làm tăng thêm sức mạnh quân sự của những kẻ chống lại chúng tôi ở quốc gia này. Vì vậy, chúng tôi cho rằng chấm dứt tình hình Cam-pu-chia bằng phương pháp không làm hại tới lợi ích của Mỹ là điều quan trọng. Chúng tôi cũng chú ý không làm khó dễ cho chính sách của các Ngài, chúng tôi thật sự cho rằng, thúc đẩy một tình hình không gây khó khăn cho bất cứ bên nào là một điều cả hai bên đều nên làm.

Đại sứ Hoàng: Tôi sẽ báo cáo lại với Chính phủ chúng tôi về điều này. Thủ tướng cũng đã bày tỏ rõ ràng thái độ của chúng tôi với Đại sứ Blúc-sơ. Như Thủ tướng nói: Tất cả các bên cần tôn trọng chủ quyền của Cam-pu-chia. Chúng tôi không thể tham dự cuộc đàm phán có liên quan đến Cam-pu-chia. Đàm phán cần được tổ chức giữa các Ngài với chính quyền Phnôm Pênh hiện hành và Xi-ha-núc.

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi không yêu cầu đàm phán với các Ngài, nhưng chúng tôi đã nêu ra đề nghị: Nếu Thủ tướng đề nghị ngừng bắn trước ngày tôi tới Bắc Kinh, thì chúng tôi sẽ chấm dứt ném bom, sau đó thoả thuận một giải pháp thoả mãn được nhu cầu của các bên.

Đại sứ Hoàng: Việc đó do Hoàng thân làm, chứ không phải do chúng ta quyết định.

Kít-sinh-gơ: Không. Có thể thông báo với ông ta suy nghĩ của chúng ta

Đại sứ Hoàng: Tôi chỉ có thể báo cáo lại. Việc này do Chính phủ quyết định.

Kít-sinh-gơ: Tất nhiên.

Đại sứ Hoàng: Tại sân bay, Hoàng thân đã nói rất nhiều chuyện.

Kít-sinh-gơ: Tôi biết. Mấy hôm nay cả thành phố Bắc Kinh đang xôn xao. Ví dụ mấy hôm trước Thủ tướng có một số nhận xét về Đoàn đại biểu Nghị viện của chúng tôi.

Đại sứ Hoàng: Tôi không biết chuyện đó.

Kít-sinh-gơ: Không phải chúng tôi đang chỉ trích Thủ tướng đã "điểm xạ" chúng tôi, nhưng chưa đánh mạnh vào chúng tôi.

Đại sứ Hoàng: Tôi chưa bao giờ nghe thấy chuyện này.

Kít-sinh-gơ: Chưa bao giờ ư? Những điều Thủ tướng nói rất giống thái độ của các Ngài trước đây, đối với người của Quốc hội Mỹ điều này rất mới, nhưng đối với chúng tôi thì không.

Tôi xin nói vài lời về Brê-giơ-nhép. Tôi xin trịnh trọng loan báo với các Ngài chuyện đã xảy ra. Trước tiên tôi nói tới cuộc hội đàm về Trung Quốc. Mất đến cả tuần, Brê-giơ-nhép mới tìm được dịp trao đổi với Tổng thống mà tôi không có mặt.

Đại sứ Hoàng? Bởi Ngài là một nhân vật nguy hiểm?
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #96 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2009, 04:05:37 pm »

Kít-sinh-gơ: Brê-giơ-nhép là con người cố chấp, nhưng không xảo quyệt. Ông ta đã gặp Tổng thống tại Trại Đa-vít khoảng 30 phút. Lời nhận xét của ông ta về Trung Quốc là không có lợi, nhưng có lẽ Ngài cũng đã biết, ngày cuối cùng đó là hôm thứ bảy, Brê-giơ-nhép đã gặp Ních-xơn ba tiếng đồng hồ. Tôi cũng có mặt tại cuộc gặp này. Chúng tôi bàn luận rất cụ thể về Trung Quốc. Nửa phần đầu thời gian cuộc gặp, ông ta chỉ trích dữ dội Ban lãnh đạo Trung Quốc và loan báo với chúng tôi về vụ Lâm Bưu. Tôi có thể nói qua nếu các Ngài muốn biết.

Đại sứ Hoàng: Xin cứ tiếp tục.

Kít-sinh-gơ: Brê-giơ-nhép đã nói về Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau, mà trước đây các Ngài cũng đã nói với chúng tôi. ông ta nói, sau khi trở về Liên Xô sẽ cho công bố, coi như một minh chứng về sự hiếu chiến của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Về sự kiện Lâm Bưu, chuyện duy nhất có thể khơi gợi sự tò mò của mọi người, Brê-giơ-nhép nói: "Có thể đưa chúng tôi xem bản báo cáo điều tra". Tôi nói: "Chúng tôi không quan tâm đến chuyện này”. Tiếp sau đó, ông ta nói sang một số chuyện khác. Brê-giơ-nhép nói trong sự tưởng tượng, cho rằng, khả năng hạt nhân của Trung Quốc sau 15 năm sẽ được như Liên Xô hiện nay, là điều không thể tha thứ. Đối với Liên Xô đó là điều không thể tha thứ và không thể chấp nhận. Ông ta đề nghị chúng tôi hợp tác trên lĩnh vực này như đã từng bày tỏ ý định ở Da-vích-đốp, mà nay đưa ra đề nghị chính thức và rõ ràng.

Ông ta còn đề nghị Xô - Mỹ trao đổi tình báo về các dự án hạt nhân của các Ngài. Chúng tôi trả lời: Chúng tôi không thể, và không thích thú trong việc trao đổi tình báo quân sự. Brê-giơ-nhép lại hỏi chúng tôi: Có muốn trao đổi các tình báo khác về Trung Quốc không”. Chúng tôi trả lời: Chúng tôi không thể coi một quốc gia như một thứ hàng trong buôn bán. Chúng tôi không thể có những hành động như vậy".

Sau đó, Brê-giơ-nhép bày tỏ hy vọng quan hệ giữa chúng tôi với các Ngài được cải thiện và Liên Xô không chống lại điều này. Nhưng nếu giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có sự thu xếp về quân sự sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng và Liên Xô buộc phải có biện pháp nghiêm khắc. Trên đây là nội dung chính về cuộc trao đổi.

Họ còn hỏi, chúng tôi có sự thu xếp nào về quân sự không? Chúng tôi phải nhắc lại đến ba lần rằng không có sự thu xếp nào về quân sự. Nhưng chúng tôi không đề cập đến chuyện trong tương lai. Chúng tôi coi đó là vấn đề nguyên tắc trong ứng xử. Trong chúng tôi không có bất cứ kế hoạch nào về một đường lối như vậy, nhưng chúng tôi không tin rằng Liên Xô sẽ cho chúng tôi biết kế hoạch của họ, còn chúng tôi có thể có sự thu xếp về quân sự với bất cứ ai mà mình muốn giúp đỡ.

Dự Hội nghị có Brê-giơ-nhép, Tổng thống, tôi và một phiên dịch Liên Xô. Về cuộc họp này, chúng tôi không nói với bất cứ ai trong Chính phủ, bởi cần giữ bí mật hoàn toàn. Tôi cũng không nói với Đại sứ Blúc-sơ. Nhưng sau khi về nước, nếu các Ngài nói với Đại sứ Blúc-sơ thì tôi sẽ không phản đối, nhưng đừng để người khác biết.

Đại sứ Hoàng: Tôi sẽ không nói với Đại sứ Blúc-sơ, Ngài có thể trao đổi với ông ta. Còn về phía Trung Quốc, chúng tôi rất thận trọng, ví như những điều Tổng thống nói với tôi lần trước.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #97 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2009, 04:08:16 pm »

Kít-sinh-gơ: Brê-giơ-nhép nói với chúng tôi, chỉ có những người ở trong gian phòng này biết có cuộc nói chuyện này. Nhưng đến tối, Grô-mư-cô đề nghị gặp tôi và hỏi cảm nghĩ của tôi về cuộc trao đổi với Brê-giơ-nhép (cười)

Ông ta hỏi tôi có hiểu đề nghị của Brê-giơ-nhép về Trung Quốc hay không. Tôi nói, tôi hiểu rằng nên xử lý việc thu xếp quân sự giữa chúng ta. Ông ta nói tôi đã hiểu nhầm. Brê-giơ-nhép không những chỉ muốn có sự thu xếp về quân sự, mà có cả sự thu xếp về chính trị trực tiếp và nhằm vào Liên Xô. Tôi hỏi thu xếp về chính trị là gì? Ai quyết định sẽ nhằm trực tiếp vào Liên Xô. Grô-mư-cô trả lời lờ mờ.

Tôi đề nghị ông ta lưu ý bản thông cáo Thượng Hải và nói: "chúng tôi đã đi đến nhận thức chung là không xây dựng Hiệp định nhằm vào nước khác". Tôi có cảm giác một số vấn đề mà trước đây Liên Xô đeo đuổi với chúng tôi là nghiêm túc, nhưng bây giờ họ trắng trợn, ngang ngược hơn chúng tôi tưởng.

Trước tình hình này, chúng tôi cho rằng đã hiểu được họ, hiểu được tầm quan trọng về lợi ích của chúng tôi. Thủ tướng của các Ngài nói với Đại sứ Blúc-sơ rằng, nếu xảy ra chiến tranh Trung - Xô, chúng tôi sẽ cung cấp vũ khí và vật tư cho Liên Xô. Đó là chuyện hoang đường. Chúng tôi không thích thú gì việc giúp kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu.

Đại sứ Hoàng: Thủ tướng đã nói như thế nào?

Kít-sinh-gơ: Đọc bức điện của Đại sứ Blúc-sơ ngày 26/6 "Ban đầu, Mỹ giữ trung lập, nhưng cung cấp hàng quân sự cho Liên Xô. Sau đó, để Trung Quốc kìm chân Liên Xô một thời gian, Mỹ sẽ tấn công Liên Xô từ sau lưng”. Nếu Trung Quốc bị tấn công, chúng tôi khẳng định sẽ cắt tất cả các khoản tiền cho vay dành cho Liên Xô.

Lời nhận xét phần sau của Thủ tướng có thể là đúng, nhưng phần trước tất nhiên không đúng. Nếu Liên Xô tấn công Trung Quốc, chúng tôi không bao giờ cung cấp viện trợ quân sự và hàng hóa cho họ, và điều khẳng định là sẽ cắt tất cả mối liên hệ về kinh tế. Nhưng chúng tôi không biết làm thế đã đủ chưa? Chúng tôi sẽ ngăn cản cuộc tấn công Trung Quốc với khả năng lớn nhất.

Tôi sẽ sử dụng Hiệp định PNW để tuyên bố trong cuộc họp báo rằng, không một cuộc tấn công nào chống Trung Quốc lại có thể làm cho dư luận tin rằng hoà bình và an ninh không bị đe doạ . Tôi đã lập ra một nhóm đặc biệt bí mật gồm 4 đến 5 quan chức loại giỏi nhất mà tôi đã kiếm được, để quyết định Mỹ có thể làm gì nếu sự việc xảy ra. Những điều tôi nói với các Ngài là tuyệt mật. Nhóm này được lập trong tuần qua. Tôi sẽ thông báo việc này với Chủ tịch Hội đồng liên quân khi ông ta đến đây trong tuần này. Nếu được đảm bảo bí mật tôi sẵn sàng trao đổi quan điểm với các Ngài về vấn đề này.

Ngoài ra, chúng tôi trao đổi với Ngoại trưởng Pháp về lợi ích của chúng tôi trong việc tăng cường PRC. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức khuyến khích các Đồng minh của chúng tôi nhanh chóng giải quyết yêu cầu của các Ngài về các dự án kinh tế của Trung Quốc.

Còn một việc nữa: Các Ngài từng yêu cầu về một số công nghệ sản xuất của Hãng Roi-bơ. Trong điều kiện hiện nay, chúng tôi buộc phải từ chối yêu cầu này nhưng chúng tôi đã cùng người Anh xây dựng một quy trình sản xuất, công nghệ này có thể tự do chuyển giao. Sau khi tôi đến Bắc Kinh, tôi cho rằng chúng ta cần trao đổi về tính phức tạp của tình hình tương đối nghiêm trọng này. Nói cách khác, chúng ta làm thế nào ngăn chặn được cuộc tấn công với khả năng lớn nhất mà không cần tìm cớ gì.

Cuối cùng các Ngài nên hiểu nội dung chính sách của chúng tôi. Nếu chúng tôi muốn hợp tác với Liên Xô thì chúng tôi không cần thiết phải phiền phức đến như vậy. Chúng tôi đang ra sức dành thời gian và các vị trí có lợi cho các Ngài, như vậy trong trường hợp xảy ra chiến tranh, mới có thể chống trả với khả năng lớn nhất. Đó là lập trường của chúng tôi. Cần nói rằng, chúng tôi coi cuộc trao đổi với Liên Xô là điều chẳng lành.

Đại sứ Hoàng: Tôi sẽ báo cáo lại với Chính phủ chúng tôi. Còn Hiệp định về hạt nhân Mỹ - Xô, chúng tôi đã bày tỏ quan điểm.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #98 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2009, 04:08:24 pm »

Kít-sinh-gơ: Tôi hiểu. Điều này không làm chúng tôi khó chịu. Thật là tồi tệ nếu các Ngài lại ủng hộ Hiệp định này. Tôi chỉ muốn các Ngài hiểu được quan điểm của chúng tôi, nhưng xin đừng nói với các nghị sĩ Quốc hội của chúng tôi. Đó chỉ là một tờ giấy lộn mà chúng tôi cần lợi dụng. Các Ngài có thể bác bỏ nó bằng cách khác.

Đại sứ Hoàng: Thủ tướng của chúng tôi nói vậy ư?

Kít-sinh-gơ: Báo chí của chúng tôi đưa tin như vậy. Như tôi đã nói, chúng tôi không sợ chỉ trích, chỉ ngại Liên Xô phát hiện ra điều hớ hênh trong đó.

Đại sứ Hoàng: Kinh nghiệm cho chúng tôi thấy, đối với Liên Xô thì văn kiện không có ý nghĩa gì ngay cả khi họ cầm bút ký.

Kít-sinh-gơ: Tôi hiểu. Mục tiêu của họ là nhằm vào vấn đề chúng tôi tác động gì đến người Nga. Như tôi đã nói, tấn công Trung Quốc sẽ đe doạ Mỹ, nếu không có Hiệp định thì vụ việc đã ầm ĩ lên rồi. Còn khi có Hiệp định thì chúng ta có thể nói rằng tình hình tương đối yên lặng. Bây giờ đã đến lúc phải nói chuyện với giới báo chí. Tôi nên nói gì về cuộc họp của chúng ta?. Chúng ta kiểm điểm lại tình hình, cuộc trao đổi diễn ra trong bầu không khí hữu nghị? chả có gì đặc biệt cả. Họ có biết Ngài sắp về Trung Quốc,

Đại sứ Hoàng: Chưa rõ

Tiến sĩ Kít-sinh-gơ: Giới báo chí sẽ nói tôi vẫn đến quấy quả cả khi Ngài sắp về nước.

Đại sứ Hoàng: Có người lại nói, tôi rất mừng vì được về nước báo cáo. (cuộc họp nghỉ giữa chừng để gặp giới báo chí và hội kiến Tổng thống)

Tiến sĩ Kít-sinh-gơ: Tôi vừa nhận được báo cáo của Đại sứ Blúc- sơ về cuộc hội đàm giữa Thủ tướng các Ngài với các nghị sĩ Quốc hội. Ông ta đã thật sự nói những điều như tôi đã báo cáo, nhưng không phải là ý kiến của mình mà do bị kích động của phía chúng tôi.

Chúng tôi hiểu ông ta không có sự lựa chọn nào khác để bày tỏ quan điểm của mình khi bị chất vấn. Và sau đó, các nghị sĩ đã nhắc lại với giới báo chí lời nhận xét của ông ta. Nghị sĩ Quốc hội của chúng tôi không có khả năng giữ bí mật về tin tức, còn nghị sĩ W.Man-me-xơn không hiểu gì về chính sách đối ngoại, điều đó khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, chúng tôi phải xử lý vụ việc này qua kênh của chúng tôi.

Chúng tôi đã trình bày với các Ngài quan điểm của chúng tôi về Triều Tiên. Tôi đoán rằng Thủ tướng các Ngài sẽ trao đổi với tôi vấn đề này khi tôi tới Bắc Kinh.

Đại sứ Hoàng: Ngài đã đọc lời phát biểu của Thủ tướng chúng tôi về vấn đề Triều Tiên tại buổi chiêu đãi ở Ma-li chưa? Thủ tướng ủng hộ tuyên bố 5 điểm của Kít-sinh-gơ.

Kít-sinh-gơ: Có, nhưng đó chỉ là bản tuyên bố thông thường, nhưng vấn đề hiện nay là chúng tôi buộc phải quyết định quan hệ ra sao với Liên Hợp Quốc về vấn đề thống nhất và phục hưng Triều Tiên và với Bộ chỉ huy Liên Hợp Quốc trong những năm tới.

Đại sứ Hoàng: Ngài có thể trao đổi tại Bắc Kinh vấn đề này.

Kít-sinh-gơ: Trong cuộc hội đàm trước đây, Ngài có nêu ra khả năng về địa điểm trao đổi hồ sơ về quan hệ hai nước, điều này khó thực hiện, nhưng nếu một khi các Ngài đã sẵn sàng, chúng tôi sẽ tạo thuận lợi cho cuộc trao đổi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #99 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2009, 04:09:15 pm »

Lời dẫn

Kít-sinh-gơ và Hoàng Trấn đã thảo luận vấn đề địa điểm để trao đổi hồ sơ của Trung Quốc tại Oa-sinh-tơn và việc Mỹ bán lương thực cho Trung Quốc, sau đó đến văn phòng Tổng thống Ních-xơn tiếp tục trao đổi về cuộc gặp cấp cao và quan hệ Trung - Mỹ.

Sau khi Brê-giơ-nhép về nước, Ních-xơn ở lại San-cơ-lê-men-tê, chống lại yêu cầu của Uỷ ban Thượng viện về vụ Oa-tơ-ghết, đòi điều tra văn kiện của ông ta, chủ yếu tập trung vào vấn đề "Tổng thống biết gì và biết vào lúc nào". Mặc dù Ních-xơn đã viết thư cho Chủ tịch Uỷ ban Sam Âu-ven, nêu rõ ông ta cần và sẽ tẩy chay những cố gắng của họ, nhằm dụ dỗ ông ta chứng minh hoặc đem nộp văn kiện của Nhà Trắng.

Chuyện phiền phức còn đến với ông ta: Trong vòng một tuần, Hội đồng Tham mưu đã biết được Ních-xơn có một hệ thống ghi âm qua nguồn tin của nguyên trợ lý Nhà Trắng A. Ba-đô-pléc. Lợi dụng vị trí chính trị gia của mình. Ních-xơn đã nêu ra nhiều cam kết với Hoàng Trấn nhằm xua đi những tin xấu về Kít-sinh-gơ.

Sau khi Ních-xơn tuyên bố vai trò then chốt trong quyết định chính sách của Kít-sinh-gơ, ông ta đã nói "Kít-sinh-gơ chưa bao giờ có lời tuyên bố riêng của mình". Ních-xơn coi sự thúc đẩy hoà hoãn quan hệ quốc tế là một lợi ích cơ bản của Mỹ, nhưng tiếp tục cam kết với Hoàng Trấn rằng "Hiệp ước Mỹ - Xô không làm hại tới lợi ích của Bắc Kinh"

Về vấn đề Cam-pu-chia, Ních-xơn thúc giục Trung Quốc trợ giúp Cam-pu-chia giải quyết. Lời tuyên bố của Ních-xơn về "khả năng mở rộng hoà hoãn" trở nên rỗng tuếch bởi hành động ném bom Cam-pu-chia. Hoàng Trấn đã phản ứng lấy lệ trước lời kêu gọi của Ních-xơn, cũng giống như phản ứng về những cam kết của Tổng thống đối với sự đe doạ của Liên Xô. Rõ ràng, Hoàng Trấn không nhận được chỉ thị để có phản ứng trước những vụ việc đột xuất. Nhưng ông ta hiểu được vấn đề, có lẽ ông đã tìm cách nhanh chóng viết bản báo cáo gửi về Bộ Ngoại giao.

Một giải pháp mà Kít-sinh-gơ tham gia đàm phán, cố gắng giữ lại một bộ phận Chính phủ Lon-non đã biến thành mây khói. Người Trung Quốc thông báo với phía Mỹ: Việc vô cớ ném bom Cam-pu-chia và ủng hộ "lũ phiến loạn Lon-non" của Mỹ đã làm cho Xi-ha-núc càng thêm phẫn nộ, quyết chống lại chính sách của Mỹ. Tình hình này "rõ ràng" không thích hợp để Bắc Kinh chuyển tới Xi-ha-núc quan điểm của Kít-sinh-gơ về giải pháp Cam-pu-chia - Một khi Mỹ nắm trong tay "chìa khóa" giải quyết vấn đề thì Mỹ cần có trách nhiệm thay đổi chính sách.

Bức công hàm trên đã khiến Kít-sinh-gơ rất bực tức, cho rằng người Trung Quốc vong ơn bội nghĩa. Kít-sinh-gơ băn khoăn công hàm của Trung Quốc phải chăng có nghĩa là sẽ có một số thay đổi quan trọng trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh. Đề nghị của Kít-sinh-gơ về ngày 14/7 tuyên bố chuyến thăm của Kít-sinh-gơ tới Trung Quốc cũng chưa thấy phản ứng của phía Bắc Kinh, khiến ông ta suy đoán, phải chăng chuyến thăm bị huỷ bỏ. Kít-sinh-gơ nói với tham mưu của mình: "Nếu chuyến thăm bị hủy bỏ, thì quả là một sự kiện quốc tế quan trọng đáng lưu ý”. Nhưng sau đó mấy tiếng đồng hồ, ông ta được biết chuyến thăm vẫn nằm trong chương trình của Bắc Kinh.

Ngày 14/7 Kít-sinh-gơ và các tham mưu của mình đánh giá lại tình hình. ông ta cho rằng, việc Mỹ chấm dứt ném bom khiến Bắc Kinh thay đổi thái độ đối với Cam-pu-chia. Một số Cố vấn chưa nhất trí với nhận đinh này. Cho dù thế nào chăng nữa, Kít-sinh-gơ quyết định để người Trung Quốc biết rằng, ông ta đang thất vọng. Một tuần sau, Skan-cơ-rốp nói với Hàn Tự: “Trong quan hệ của chúng ta, đây là lần đầu tiên người Trung Quốc nói nhưng không làm".
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM