Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu - Hồi ký Việt Nam => Tác giả chủ đề:: hoi_ls trong 10 Tháng Tám, 2021, 09:28:35 am



Tiêu đề: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 10 Tháng Tám, 2021, 09:28:35 am
Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007

(Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – sự thật, Hà Nội 2011)


Nguồn: Tư liệu văn kiện Đảng




(https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/Uploads/2018/6/3/16/bia-viet-lao.jpg)



BAN CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN VIỆT NAM

TÔ HUY RỨA   Trưởng Ban
PHÙNG HỮU PHÚ   Phó Trưởng ban
ĐÀO VIỆT TRUNG   Thành viên
NGUYỄN KHÁNH TOÀN   Thành viên
PHẠM XUÂN SƠN   Thành viên
PHÙNG TRẦN HƯƠNG   Thành viên
NGUYỄN VĂN THẠO   Thành viên
NGUYỄN HUY CƯỜNG   Thành viên
TRƯƠNG VĂN ĐOAN    Thành viên
TRẦN CHIẾN THẮNG   Thành viên
NGUYỄN THÀNH BIÊN   Thành viên
NGUYỄN ĐĂNG THÀNH   Thành viên
HOÀNG PHONG HÀ   Thành viên
NGUYỄN TUẤN DŨNG   Thành viên

BAN CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN LÀO

XÁ MẢN VINHAKỆT   Trưởng Ban
PHĂN ĐUÔNG CHÍT VÔNGXẢ   Phó Trưởng ban
CHĂN XA MỎN CHĂNNHALẠT   Thành viên
BO SENG KHĂM VÔNGĐALA   Thành viên
THOONG SỈ INTHAPHÔN   Thành viên
SU VĂN ĐI SIXÁVẮT   Thành viên
THONG SẢ PĂNNHAXÍT   Thành viên



HỘI ĐỒNG CHỈ ĐẠO XUẤT BẢN VIỆT NAM

PGS. TS. TÔ HUY RỨA   Chủ tịch
GS.TS. PHÙNG HỮU PHÚ   Phó Chủ tịch
TS NGUYỄN DUY HÙNG   Phó Chủ tịch
PGS.TS. PHẠM VĂN LINH   ủy viên
TS. HOÀNG PHONG HÀ   ủy viên
TS. LÊ MINH NGHĨA   ủy viên


HỘI ĐỒNG CHỈ ĐẠO XUẤT BẢN LÀO

XÁ MẢN VINHAKỆT   Chủ tịch
TS. PHĂN ĐUÔNG CHÍT VÔNGXẢ   Phó Chủ tịch
Trung tướng CHĂN XA MỎN CHĂNNHALẠT   Ủy viên
GS. TS. BO SENG KHĂM VÔNGĐALA   Ủy viên
THOONG SỈ INTHAPHÔN   Ủy viên
SU VĂN ĐI SIXÁVẮT   Ủy viên
THONG SẢ PĂNNHAXÍT   Ủy viên
VIÊNG KẸO PHÔMMAHẢXÂY   Ủy viên
BAN BIÊN SOẠN VIỆT NAM

GS. TS. TRỊNH NHU   Trưởng Ban
TS. TRẦN TRỌNG THƠ   Thư ký khoa học
TS. Đại tá TRẦN VĂN THỨC   Thành viên
PGS. TS. Đại tá NGUYỄN MINH ĐỨC   Thành viên
Đại tá VŨ TRỌNG HOAN   Thành viên
Đại tá PHẠM HỮU THẮNG   Thành viên
PGS.TS. TRẦN THỊ THU HƯƠNG   Thành viên
Th.S. NGUYỄN XUÂN ỚT   Thành viên
ThS. NGUYỄN HÀO HÙNG   Thành viên

BAN BIÊN SOẠN LÀO

TS. PHĂN ĐUÔNG CHÍT VÔNGXẢ   Trưởng Ban
VIÊNG KẸO PHÔMMAHẢXÂY   Thư ký khoa học
THONG SẢ PĂNNHAXÍT   Thành viên
VI XẨY CHĂNTHAMẠT   Thành viên
SU LI VĂN SẺNGCHĂN   Thành viên
TS. SỈNG THOONG SỈNGHẢPĂNNHA   Thành viên
KHĂM PHON ĐUNNAĐI   Thành viên
VIÊNG XAY XỔMVICHÍT   Thành viên
BUA NGÂN ĐALAXẺN   Thành viên


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 10 Tháng Tám, 2021, 09:42:18 am
LỜI GIỚI THIỆU
CÔNG TRÌNH BIÊN SOẠN
"LỊCH SỬ QUAN HỆ ĐẶC BIỆT
VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM (1930 - 2007)"


Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa tới nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào – Việt Nam là một điển hình, một tấm gương mẫu mực hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội.

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam phát triển từ quan hệ truyền thống, do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng và chính Người cùng Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, Chủ tịch Xuphanuvông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp; mối quan hệ ấy đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt, đầy hy sinh, gian khổ vì độc 1ập, tự do, hạnh phúc của hai dân tộc và nhân dân hai nước, đã trở thành quy luật sống còn và sức mạnh kỳ diệu đưa tới những thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và Lào trong đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược tiến hành thành công sự nghiệp đổi mới đưa hai nước cùng phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Đối với nhân dân hai nước Việt Nam và Lào, quan hệ đặc biệt được coi là lẽ sống, là tình nghĩa ruột thịt thân thiết, trước sau như một, dù gian nan nguy hiểm đến chừng nào cũng không thể chia tách được. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Việt – Lào, hai nước chúng ta. Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long". Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản cũng khẳng định: “Trong lịch sử cách mạng thế giới cũng đã có những tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện như vậy".

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sự nghiệp đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế mà nhân dân hai nước đang tiến hành đã tạo ra những xung lượng mới, đồng thời đặt ra những yêu cầu khách quan tăng cường mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam với những phương thức mới và những nội dung mới.

Nhằm giữ gìn, vun đắp và phát huy vai trò của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam trong hiện tại và tương lai vì sự trường tồn và phát triển của hai dân tộc, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã quyết định tổ chức hợp tác cùng biên soạn công trình “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930 - 2007)".

Công trình gồm có sáu sản phẩm, sản phẩm chính “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930 – 2007)” (gọi tắt là Sản phẩm chính); Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930 - 2007) - Văn kiện , Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930 - 2007) - Biên niên sự kiện; Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930 - 2007) - Hồi ký (gồm Bài viết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hồi ký các chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào qua các thời kỳ), Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930 – 2007) - Sách ảnh và bộ phim “Bản anh hùng ca quan hệ Việt - Lào”.

Sau hơn bốn năm khẩn trương triển khai thực hiện, được sự quan tâm sát sao của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương của hai Đảng, cùng với sự lao động miệt mài, nghiêm túc của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và sự đóng góp tích cực của các thế hệ chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam giúp cách mạng Lào… trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau của cả hai bên, công trình đã hoàn thành. Trong quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo và các Ban Biên soạn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, trong đó tổ chức sáu sự kiện lịch sử quan trọng về hai cuộc kháng chiến của nước Lào trên các địa danh từ Sầm Nưa - căn cứ địa cách mạng đầu tiên của Lào, đến các chiến khu cách mạng quan trọng như Áttapư và các tỉnh Nam Lào; Xaynhabuli và các tỉnh Bắc Lào; đường 9 - Nam Lào và các tỉnh Trung Lào; căn cứ chiến lược Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng;… Mỗi sự kiện đều tổ chức hội thảo khoa học gặp gỡ nhân chứng và thăm lại chiến trường xưa, góp phần làm sinh động, phong phú thêm nguồn tư liệu lịch sử phục vụ cho công tác biên soạn. Công trình đã dược Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào phê duyệt, cho phép xuất bản, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống đoàn kết, đấu tranh cách mạng, gìn giữ hòa bình của hai nước và phục vụ bạn đọc trên thế giới.

Với tinh thần và phương pháp nghiên cứu, biên soạn công phu, nghiêm túc, khoa học nguồn tư liệu, tài liệu lịch sử phong phú, đa dạng, có độ tin cậy cao, trong đó có những tư liệu lần đầu được công bố, các sản phẩm đã trình bày có hệ thống, sâu sắc, toàn diện và khách quan quá trình xây dựng và phát triển của mối quan hệ đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, trên các lĩnh vực từ năm 1930 đến 2007; nêu bật được nhưng thành quả, vai trò to lớn của mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc đối với tiến trình cách mạng mỗi nước; tổng kết phân tích và đánh giá những đặc điểm của mối quan hệ đặc biệt, những thắng lợi, thành tựu nhân dân hai nước đã đạt được trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay dưới sự lãnh dạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào.

Các sản phẩm đã nêu bật những nhân tố tạo nên mối quan hệ đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; đặc biệt là vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, những hy sinh cao cả của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân hai nước. Đồng thời, cũng thể hiện tinh thần nhất quán, xuyên suốt tư tưởng hai nước cùng tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ, giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc, tiến lên xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau, hợp tác giúp đỡ nhau một cách trong sáng về mọi mặt, từ cấp Trung ương đến các địa phương.

Các sản phẩm đã làm sáng tỏ quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam thủy chung, son sắt, là tài sản vô giá, là nguồn sức mạnh, nhân tố bảo đảm thắng lợi sự nghiệp cách mạng của mỗi nước; đồng thời đúc kết các bài học kinh nghiệm, gợi mở những vấn đề vận dụng vào hiện tại và tương lai.

Sản phẩm chính được thu thập xử lý qua 645 đầu mục tài liệu tiếng Việt, tiếng Lào và các tiếng nước ngoài khác, trong đó phần lớn là các tài liệu, tư liệu gốc có độ tin cậy cao. Số tư liệu, tài liệu trên được xử lý, thẩm định, sử dụng vào việc biên soạn tác phẩm với tinh thần cẩn trọng. Ban Biên soạn đã tổ chức trên 30 cuộc hội thảo, bao gồm hội thảo đề cương, hội thảo nội dung từng chương và toàn bộ bản thảo, hội thảo những vấn đề tồn đọng, hội thảo xin ý kiến chuyên gia, nhân chứng. Ban Biên soạn phía Việt Nam và Ban Biên soạn phía Lào thường xuyên trao đổi thống nhất với nhau về nguồn tư liệu khi đánh giá, nhận định các nhân vật, sự kiện dược trình bày trong Sản phẩm chính. Đặc biệt, hai bên đã tiến hành ba cuộc hội thảo quốc tế: tổ chức tại Thanh Hóa (tháng 11 năm 2009), Viêng Chăn (tháng 8 năm 2010) và Vinh – Nghệ An (tháng 8 năm 2010) để thu thập tài liệu và cùng nhau đóng góp ý kiến vào các chương bản thảo. Các nhà khoa học hai bên trao đổi trên tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử, đồng thời tuân thủ nghiêm túc những quy định của hai Ban Chỉ đạo Việt Nam và Lào về hợp tác nghiên cứu, biên soạn Sản phẩm chính. Tất cả các vấn đề nêu ra đều được hai bên thảo luận thẳng thắn, tôn trọng ý kiến của nhau và đi đến nhất trí cao, được văn bản hoá thành Biên bản ghi nhớ đã trình hai Ban Chỉ đạo.

Sản phẩm được Hội đồng nghiệm thu quốc tế do hai Bộ Chính trị của hai Đảng quyết định, các đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trung ương của hai Đảng là đồng chủ tịch, đã đánh giá cao chất lượng nội dung sản phẩm.

Sau hội nghị nghiệm thu, tập thể Ban Biên soạn đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng và tích cực sửa chữa, hoàn thiện bản thảo. Kết quả bản thảo cuốn cùng gồm 4 phần, 10 chương:

Phần thứ nhất: Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân hai nước Việt Nam và Lào phát huy truyền thống đoàn kết đặc biệt, đấu tranh giành độc lập, tự do (1930 – 1945).

Phần thứ hai: Liên minh Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 – 1975).

Phần thứ ba: Quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam từ năm 1976 đến 2007.

Phần thứ tư: Thành quả, bài học và triển vọng.

Sản phẩm có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, nhân dân hai nước Việt Nam và Lào.

Bộ Văn kiện là bộ sách mang ý nghĩa lý luận chính trị sâu sắc, thể hiện mối quan hệ đặc biệt, thủy chung, son sắt giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Mặt trận, hai quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào. Cả hai dân tộc đều cùng chiến đấu kiên cường, bất khuất, chống kẻ thù chung giành độc lập, tự do cho mỗi nước. Hai Đảng đều có chung một đường lối bắt nguồn từ đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương - đường lối cách mạng dân tộc, dân chủ  tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Quá trình đấu tranh cách mạng hai nước đã trải qua nhiều chặng đường với biết bao hy sinh, gian khổ, vượt qua mọi thử thách, trước nhiều biến động và thay đổi to lớn, kề vai, sát cánh bên nhau chiến đấu và giành thắng lợi vẻ vang.

Bộ Văn kiện gồm 5 tập:

- Tập I: 1930 - 1945

- Tập II: 1946 - 1955

- Tập III: 1956 - 1975

- Tập IV: 1976 – 1985

- Tập V: 1986 - 2007

Bộ Biên niên sự kiện có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt, nhằm làm sáng tỏ những sự kiện lịch sử về tình đoàn kết giữa hai nước trong tháng năm đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Hàng ngàn sự kiện được trình bày trong Biên niên sự kiện đã khái quát, phục dựng lại tiến trình lịch sử của tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, giúp độc giả hiểu rõ thêm một giai đoạn lịch sử hào hùng nhất của hai dân tộc Việt - Lào anh em. Tình đoàn kết đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, Chủ tịch Xuphanuvông đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp trong gần một thế kỷ đã lập nên kỳ tích, đem lại độc lập, hòa bình, ấm no hạnh phúc cho nhân dân hai nước.

Để phù hợp với phân kỳ lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, bộ Biên niên sự kiện được kết cấu thành hai tập:

- Tập I bao gồm những sự kiện diễn ra từ năm 1930 đến 1975

- Tập II bao gồm những sự kiện diễn ra từ năm 1976 đến 2007.

Bộ Hồi ký trong quá trình thực hiện, Ban Biên soạn phía Việt Nam và Ban Biên soạn phía Lào đã phối hợp chặt chẽ với nhau, liên hệ với tác giả đặt bài theo yêu cầu đã được thông qua trong đề cương do Ban Chỉ đạo phê duyệt tổ chức các để khảo sát tại Lào và Việt Nam để sưu tầm tư liệu. Hai Ban Biên soạn cũng tổ chức hai cuộc hội thảo chính thức tại Viêng Chăn và Hà Nội để thống nhất nội dung sản phẩm và giải quyết những vấn đề còn vướng mắc; tổ chức các hội thảo chuyên gia, xin ý kiến các nhà khoa học và cựu chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào.

Nội dung các bài viết đã phản ánh chân thực, sinh động, sâu sắc về mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Mặt trận cùng các tổ chức đoàn thể nhân dân, các ngành các địa phương của Việt Nam và Lào; phản ánh những tình cảm sâu sắc của các cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, các chuyên gia Việt Nam tại Lào và cán bộ, chiến sĩ vào cùng kề vai sát cánh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ...

Bộ sản phẩm gồm:

Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam (1930 – 2007) - Hồi ký Tập I (Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược).

- Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam (1930 – 2007) - Hồi ký, Tập II (Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào – Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước).

Ngoài ra trong bộ sách này còn có cuốn sách Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam (1930 - 2007) - Bài viết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước bao gồm những bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và một số địa phương của Việt Nam và Lào. Các bài viết đều toát lên tầm tư tưởng lớn về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam thể hiện quan điểm, đường lối và hoạt động thực tiễn rất hiệu quả của hai Đảng, hai Nhà nước, hai Mặt trận và nhân dân hai nước trong mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam.

Tập Sách ảnh là sản phẩm chung, công trình hợp tác đầu tay về sách ảnh giữa Việt Nam và Lào. Thông qua các hình ảnh và tư liệu được chọn lựa kỹ, sách ảnh đã phản ánh một cách khách quan, có hệ thống và tiêu biểu về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào qua tác thời kỳ lịch sử. Cuốn sách gồm hơn 300 ảnh, được chú thích bằng ba thứ tiếng: tiếng Việt Nam, tiếng Lào và tiếng Anh, có ba phần chính:

- Phần thứ nhất: Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân hai nước Việt Nam và Lào đoàn kết giúp đỡ nhau đấu tranh giành độc lập tự do (1930 - 1945)

- Phần thứ hai: Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào Chống thực dân, đế quốc xâm lược (1945 - 1975).

- Phần thứ ba: Quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào (1975 – 2007).

Trong quá trình biên soạn, Ban Biên soạn Sách ảnh đã cố gắng kế thừa những thành quả của công trình sách ảnh “Quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào được xuất bản vào dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5-9-1962 - 5-9- 2007) và 30 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977 - 18-7-2007). Tập Sách ảnh được đánh giá cao, phản ánh trực quan, khoa học là tài liệu tuyên truyền, giáo dục sâu rộng cho nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ về mối quan hệ và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trên mọi lĩnh vực.

Ngoài năm sản phẩm bằng cho viết và hình ảnh, công trình còn có bộ phim tài liệu "Bản anh hùng ca quan hệ Việt - Lào gồm 10 tập (100 phút). Nội dung, độ dài và bố cục của phim phù hợp với các sự kiện lịch sử phản ánh khá toàn diện, phong phú và sinh động những hoạt động trong tiến trình phát triển quan hệ đặc biệt của hai nước Việt Nam - Lào từ liên minh đến đấu chống kẻ thù chung, nhằm giải phóng dân tộc của một nước đến quan hệ hợp tác toàn diện nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai nước, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930 – 2007) là công trình quy mô lớn nhất từ trước tới nay về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, được nghiên cứu, biên soạn công phu, tương xứng với tầm vóc lớn lao của mối quan hệ đúng tinh thần mà Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã thỏa thuận. Công trình cũng có ý nghĩa to lớn khi hoàn thành và xuất bản đúng dịp Đại hội lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội lần thứ IX Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Công trình có giá trị khoa học, chính trị, tư tưởng cao, góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và thế hệ trẻ hai nước về mối quan hệ hữu nghĩ đặc biệt, thủy chung, trong sáng giữa hai nước về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, thủy chung, trong sáng giữa hai nước. Trên cơ sở đó nâng cao ý thức giữ gìn, củng cố, vun đắp và phát triển mãi mãi mối quan hệ tốt đẹp, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào; đồng thời, giới thiệu với bạn bè quốc tế về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam, đấu tranh chống lại sự bóp méo, xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch chia rẽ tình đoàn kết của nhân dân hai nước.

Nhân dịp công trình ra mắt bạn đọc hai nước, Ban Chỉ đạo xin chân thành cảm ơn Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào, xiN chân thành cám ơn và đánh giá cao các Ban Biên soạn, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam và Lào đã hết sức cố gắng dành nhiều thời gian và công sức hoàn thành công trình theo đúng kế hoạch và bảo đảm chất lượng; chân thành cảm ơn các cựu chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam giúp cách mạng Lào, các cựu chiến binh và các nhân chứng lịch sử, các cơ quan và địa phương hai nước Việt Nam, Lào đã có nhiều đóng góp quý báu cho sự thành công của công trình đặc biệt này.

Hà Nội – Viêng Chăn, tháng 5 năm 2011

BAN CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN CHƯƠNG TRÌNH
“LỊCH SỬ QUAN HỆ ĐẶC BIỆT LÀO – VIỆT NAM, VIỆT NAM – LÀO (1930 – 2007)

BAN CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN CÔNG TRÌNH
“LỊCH SỬ QUAN HỆ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM – LÀO, LÀO – VIỆT NAM (1930 – 2007)


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 10 Tháng Tám, 2021, 09:59:11 am
PHẦN THỨ NHẤT

DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG,
NHÂN DÂN HAI NƯỚC VIỆT NAM VÀ LÀO
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ĐOÀN KẾT ĐẶC BIỆT,
ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP, TỰ DO (1930 - 1945)





Chương I

NHỮNG CƠ SỞ HÌNH THÀNH QUAN HỆ ĐOÀN KẾT ĐẶC BIỆT VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM


Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi trên bán đảo Đông Dương, có truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau lâu đời. Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam hình thành nên không phải do ý muốn chủ quan của bất kỳ bên nào, cũng không phải là một hiện tượng nhất thời, mà bắt nguồn từ vị trí địa - chiến lược của hai nước, từ bản chất nhân văn, nương tựa lẫn nhau của hai dân tộc, được nâng lên thành quan hệ đặc biệt từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930 và đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 10 năm 1930.

I. CÁC ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, ĐỊA - CHIẾN LƯỢC, ĐỊA - QUÂN SỰ CHI PHỐI QUAN HỆ VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM

Việt Nam và Lào nằm ở trung tâm bán đảo Ấn - Trung, thuộc vùng Đông Nam Á lục địa. Trong phạm vi của bán đảo Đông Dương, Việt Nam nằm ở phía đông dãy Trường Sơn, như một bao lơn nhìn ra biển; Lào nằm ở sườn tây dãy Trường Sơn, lọt sâu vào đất liền của bán đảo. Như vậy, dãy Trường Sơn có thể ví như cột sống của hai nước, tạo thành biên giới tự nhiên trên đất liền giữa Việt Nam và Lào.

Địa hình tự nhiên này đã quy định hệ thống giao thông ở Việt Nam và Lào cùng chạy dài theo trục Bắc - Nam: ở Việt Nam là trục quốc lộ 1A và ở Lào là trục quốc lộ 13. Về mặt tự nhiên, bên cạnh con đường 13 nối Pạc Xê1  - Cratié (Campuchia) - thành phố Hồ Chí Minh, Lào có thể thông thương ra biển gần nhất bằng hệ thống các đường xương cá chạy ngang trên lãnh thổ hai nước như: đường 6 Sầm Nưa2  - Thanh Hoá, đường 7 Xiêng Khoảng - Nghệ An, đường 8 Khăm Muộn - Hà Tĩnh, đường 9 Xavẳnnakhệt3  - Đông Hà, đường 12 Khăm Muộn - Quảng Bình...

Cùng nằm trong vùng nhiệt đới châu Á gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, lượng bức xạ mặt trời lớn, nhưng khí hậu hai nước cũng có điểm khác biệt, bởi Việt Nam chịu sự điều tiết của biển nên ít khô hanh như khí hậu Lào ở sâu trong đất liền, trong khi địa hình Lào, nhờ dãy Trường Sơn che chắn, lại hầu như không bị những cơn bão biển tàn phá. Lãnh thổ Việt Nam trải dài theo chiều dọc của bán đảo, mặt hướng ra biển Đông với bờ biển dài trên 3.400 km, tiếp giáp với vịnh Bắc Bộ, biển Đông và vịnh Thái Lan, có nhiều cảng biển lớn, nhất là các cảng nước sâu ở miền Trung.

Việt Nam và Lào là những nước thuộc loại “vừa” và “tương đối nhỏ” sống bên cạnh nhau, chiếm vị trí địa - chiến lược quan trọng ở vùng Đông Nam Á do nằm kề con đường giao thương hàng hải hàng đầu thế giới, nối liền Đông Bắc Á, Nam Á qua Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Về quốc phòng, do bờ biển Việt Nam ở phía đông tương đối dài, nên việc bố phòng về mặt biển gặp không ít trở ngại. Trong khi đó, dựa vào địa thế hiểm trở, nhất là với dãy Trường Sơn - một “lá chắn chiến tranh” hùng vĩ, một lợi thế tự nhiên che chở cho cả Việt Nam và Lào, nên chẳng những hai nước có thể khắc phục được những điểm yếu “hở sườn” ở phía đông, mà còn phát huy được sự cần thiết phải dựa lưng vào nhau, tạo ra vô vàn cách đánh của chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân hai nước có thể lấy ít đánh nhiều, lấy yếu chống mạnh, giành thắng lợi từng bước, tiến lên đánh bại mọi kẻ thù xâm lược. Về địa - quân sự, Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng; hay cao nguyên Bôlavên của Lào và Tây Nguyên của Việt Nam; vùng rừng núi Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào... đều là những vị trí có tầm chiến lược hàng đầu trên bán đảo Đông Dương. Nhiều nhà chiến lược và quân sự cho rằng: ai nắm được những địa bàn chiến lược trên, người đó sẽ làm chủ toàn bộ chiến trường Đông Dương.




------------------------------------------------------------------
1. Pạc Xê (còn gọi là Pắc Xế): tỉnh lỵ của tỉnh Chămpaxắc. Pạc có nghĩa là cửa, là sông: thành phố cửa sông (BT).

2. Sầm Nưa: thị xã của tỉnh Hủa Phăn. Sầm Nưa đọc đúng âm Lào là Sâm Nửa: Sâm là tên của sông Sâm, Nặm Sâm, Nửa là phía trên hoặc phía thượng nguồn của sông. Sâm Nửa là vùng đất nằm ở thượng nguồn  của (sông) Nặm Sâm (BT).

3. Xavẳnnakhệt: tỉnh lỵ của tỉnh Xavẳnnakhệt. Xavẳnnakhệt: đọc đúng là Xávẳnnákhệt có nghĩa là thiên đường (BT).


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 10 Tháng Tám, 2021, 10:14:12 am
II. CÁC NHÂN TỐ DÂN CƯ, XÃ HỘI, VĂN HOÁ VÀ LỊCH SỬ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUAN HỆ VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM


1. Nhân tố dân cư và xã hội

Trước hết, về mặt phân bố tộc người, Việt Nam và Lào đều là những quốc gia đa dân tộc. Việt Nam có 54 dân tộc chia thành tám nhóm ngôn ngữ. Lào có 49 tộc người (phầu) xếp theo bốn nhóm ngôn ng . Hiện tượng một tộc người sống xuyên biên giới quốc gia của hai nước hay nhiều nước là đặc điểm tự nhiên của sự phân bố tộc người ở khu vực Đông Nam Á nói chung, ở Việt Nam và Lào nói riêng. Đặc điểm địa - tộc người này đến nay vẫn tiếp tục chi phối mạnh mẽ các mối quan hệ khác trên đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào.

Quá trình cộng cư, hoặc sinh sống xen cài của những cư dân Việt Nam và cư dân Lào trên địa bàn biên giới hai nước xuất phát từ nhiều lý do, liên quan đến việc cùng khai thác và chia sẻ nguồn lợi tự nhiên, đặc biệt là nguồn lợi sinh thuỷ, có thể do tập quán sản xuất du canh du cư, có thể do xung đột cộng đồng, tranh giành quyền lực, cũng có thể do tránh dịch bệnh, thiên tai... Như vậy, các quan hệ cội nguồn và quan hệ tiếp xúc đã là những điều kiện lịch sử và xã hội đầu tiên, tạo ra những mối dây liên hệ khó phai mờ và sự giao thoa văn hoá nhiều tầng nấc giữa cư dân hai nước. Điều này được phản ánh khá sâu đậm trong những ký ức và tâm thức dân gian, cũng như được lưu giữ trong các nguồn tài liệu bia ký và sử sách của cả Việt Nam và Lào.

Huyền thoại khởi nguyên nổi tiếng của người Lào còn nhắc đến nguồn gốc chung từ một quả bầu của các nhóm dân cư Lào, Thái, Khơmú, Việt và điều độc đáo kỳ diệu là lời dặn dò giàu tính nhân bản của Khún Bulôm với các con cháu của Người: “Các con phải luôn luôn giữ tình thân ái với nhau, không bao giờ được chia rẽ nhau. Các con phải làm cho mọi người noi gương các con và coi nhau như anh em một nhà, người giàu phải giúp đỡ kẻ nghèo, người mạnh giúp kẻ yếu. Các con phải bàn bạc kỹ trước khi hành động và đừng bao giờ gây hấn xâm lăng lẫn nhau”. Dưới dạng lời căn dặn của thế hệ trước cho thế hệ sau, di chúc huyền thoại của Khún Bulôm truyền tải nét đẹp chung về một loại hình văn hoá pháp lý có tính chất luật tục, ngày nay còn thấy khá phổ biến trong các cư dân Lào và Việt Nam sống ở hai bên dãy Trường Sơn. Đặc trưng của nền văn hoá này là toàn thể cộng đồng được điều hành theo phong tục tập quán (Hít Khoóng Pạ Phê Ni) để duy trì những nền tảng đạo đức và quan hệ xã hội tích cực, coi đó là các giá trị thiêng liêng do “ông bà xưa để lại” .

Cùng một môtíp quả bầu mẹ, người B’ru thuộc ngữ hệ Môn - Khơme ở miền tây Quảng Bình và miền tây Quảng Trị của Việt Nam cũng có huyền thoại khởi nguyên giải thích một cách tự nhiên nguồn gốc anh em giữa các dân tộc Tà Ôi, Êđê, Xơđăng, Bana, Khùa, Sách, Mông, Dao, Tày, Khơme, Lào, Thái, Kinh (Việt)... . Hình tượng quả bầu mẹ hay quan niệm đồng nhất về nguồn gốc loài người, phổ biến trong cư dân hai nước đã phản ánh một nền tảng chung về môi trường địa - sinh thái, điều kiện phân bố dân cư xen kẽ, cũng như cơ tầng chung của một nền sản xuất nông nghiệp lúa nước ở cả Việt Nam và Lào.

2. Nhân tố văn hóa

Do quan hệ gần gũi và lâu đời, đặc biệt trên các vùng biên giới, người Việt và người Lào đã am hiểu về nhau khá tường tận. “Dư địa chí” là một trong những sách địa lý cổ nhất của Việt Nam (thế kỷ XV), khi giới thiệu các tộc người sống ở vùng biên giới Cao, Lạng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) đã đưa ra những nét mô tả khá ấn tượng về nền văn hoá độc đáo và phong tục thuần phác của dân tộc Lào, cũng như hiện tượng giao thoa văn hoá nở rộ giữa Đại Việt với các nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Lào Lạn Xạng.

Dưới thời Trần (thế kỷ XIII), các sản vật như gấm, chim ưng, cá sấu, da dê, ngà voi, trầm hương, gỗ bạch đàn của Lào và Campuchia đã có mặt trên thị trường Việt Nam qua cảng biển Vân Đồn: “không thiếu thứ gì, đều là những thứ đời sau ít có” . Phủ Ninh Biên (vùng Tây Bắc Việt Nam) được thành lập từ năm 1775, dưới thời chúa Trịnh, đã từng là địa điểm giao thương sầm uất. Những đoàn lái thương từ Lào, Mianma, các miền Síp Loỏngphằnna, Mương La, miền Khai Hoá, Vĩnh Xương (Vân Nam, Trung Quốc) kéo về buôn bán rất đông. Phiên chợ ở đây có đến hàng chục đoàn voi và hai, ba nghìn bò, ngựa, tải hàng đến bán: muối, chè, cánh kiến, đồ trang sức, vật dụng hàng ngày; mua lại những sản phẩm địa phương như: sa nhân, mật ong, cao thú, mộc nhĩ, nấm hương,... Sử của người Thái (Tây Bắc Việt Nam) chép đây là thời kỳ thịnh vượng nhất ở miền này . Lê Quý Đôn dưới thời Lê mạt (thế kỷ XVIII) và Phan Huy Chú dưới thời Nguyễn (thế kỷ XIX) đều ca ngợi sự buôn bán thịnh đạt với Lào ở phủ Triệu Phong (Quảng Trị), một khu vực “trao đổi hàng hoá, nguồn lợi và sản vật thường được thừa thãi”.

Điều đáng chú ý là trong quan hệ giao thương với Đại Việt, Lào Lạn Xạng đã không ít lần bộc lộ mối quan tâm hướng ra biển của mình, trong khi Đại Việt lại tìm được không ít cơ hội để mở rộng buôn bán vào sâu lục địa. Chỉ riêng những hoạt động ở cửa khẩu Quy Hợp (Hương Khê, Hà Tĩnh) 1 đã cung cấp những bằng chứng rõ rệt cho việc: “cách đây 200 năm, nhiều đặc sản của Vương quốc Viêng Chăn đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế phía biển Đông qua cửa khẩu Quy Hợp. Về phía tây, Quy Hợp thông thương dễ dàng bằng đường bộ và đường voi với Thà Khẹc, Viêng Chăn, rồi từ đó với Xiêm và xa hơn nữa. Hàng đặc sản của Việt Nam, của Trung Quốc bằng con đường ấy đi sang Lào và các nước phía tây sông Mê Công” . Người tiêu dùng Việt Nam cũng từng bày tỏ mối thiện cảm với chất lượng cao của mặt hàng vải dệt tài hoa từ xứ sở Lào: “Nay nước Ai Lao bán các thứ phạ2  Lào ấy, phạ Lào dệt bằng các sợi ngũ sắc sặc sỡ rất khéo, rất đẹp, một tấm dài đến hơn 20 thước, giá tiền 6-7 quan, dùng may màn rất tốt, còn thứ vải không có hoa cũng rất tốt (vải trắng)”.

Chiêng đồng Lào rất nổi tiếng và được coi là đồ triều cống dùng trong quan hệ bang giao, cũng có khi dùng để trao đổi các vật phẩm quý khác. Nhiều dân tộc ít người ở Tây Nguyên (Việt Nam) còn giữ được những chiếc chiêng Lào chuyên dùng đánh trong các ngày hội của buôn làng . Ghi chép về những đặc sản quý của nước Lào, nhà bác học Lê Quý Đôn của Việt Nam nhận xét: “thật là một nước đã giàu lại khéo”.

Có thể khẳng định rằng, sự hài hoà giữa tình cảm nhân ái và tinh thần cộng đồng là một nét đặc sắc của triết lý nhân sinh người Việt Nam cũng như người Lào. Chính trong cuộc sống chan hoà này, nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào đã ngày càng hiểu nhau hơn và bày tỏ những tình cảm rất đỗi chân thành với nhau. Ngạn ngữ Lào có câu: “Nói hợp lòng thì xin, cho cũng chả tiếc, nói trái lý thì dẫu xin, mua cũng chẳng bán” (Vầu thức khỏ, khỏ kin bò thi (bò khỉ thi), vầu bò thức khỏ kho xử cò bò khai). Chẳng khác nào với những cảm xúc bình dị, nhưng đầy tinh tế mà người dân nước Việt dành nhận xét về người bạn láng giềng của mình: “người Lào thuần hậu chất phác”, trong giao dịch buôn bán thì “họ vui lòng đổi chác”. Chứng kiến hiện tượng giao thoa văn hoá Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, ngay từ thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã kịp ghi nhận những chi tiết khá sát thực về những người khác với mình: “tiếng Lào nói trong họng”, còn y phục thì “người Lào lấy vải lông quấn vào mình như áo cà sa nhà Phật”. Nhờ vào tinh thần khoan hoà văn hoá, đó là sự tôn trọng những khác biệt của người khác, để người khác tôn trọng những khác biệt của mình, mà người Việt Nam và người Lào đã dễ dàng hoà đồng, ngày thêm xích lại gần nhau trong quá trình lịch sử, để cùng tồn tại và phát triển.

Giống như nhiều nước trong khu vực lịch sử - văn hoá Đông Nam Á khác, sở dĩ có sự tương đồng giữa văn hoá Việt Nam và văn hoá Lào, là vì hai nước đều có chung một cơ tầng của nền văn minh lúa nước Đông Nam Á.. Mô hình tổ chức xã hội cổ truyền của người Việt là làng - nước có nhiều nét tương đồng với mô hình tổ chức xã hội cổ truyền bản - mường của nhân dân Lào anh em.

Ở Lào, văn hoá chùa từng là nền tảng cơ bản của văn hoá truyền thống Lào với giáo lý của Đạo Phật: Ở hiền gặp lành, chăm lo bố thí và hạn chế sát sinh, thấm đẫm tinh thần nhân ái, hướng con người tới phép xử thế nhún nhường, từ bi bác ái, lấy từ thiện tu thân để khi qua đời được hưởng một cuộc sống sung sướng hơn ở kiếp sau. Ở Việt Nam, vào đầu thời kỳ tự chủ (thế kỷ XI - XIII), văn hoá Phật giáo cũng từng giữ vai trò chủ đạo và sau này, khi Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống của chế độ phong kiến Việt Nam (từ cuối thế kỷ XIV trở đi), Phật giáo vẫn cùng Nho (Khổng), Đạo (Lão) đồng hành trong đời sống văn hoá “tam giáo đồng nguyên” của dân tộc. Nhờ lòng nhân ái bao la và đời sống tâm linh phong phú của người Việt cũng như của người Lào, nhân dân hai nước đã biết thực hành chuyển hoá những giận hờn, oán hận đời thường thành hoà giải, yêu thương, thiện hạnh. Lịch sử cho thấy: hoà hiếu, hoà giải, khoan dung, yêu thương đã trở thành những truyền thống cao quý nhất của nhân dân Việt Nam cũng như của nhân dân Lào.

Trong quá trình phát triển lịch sử, Việt Nam và Lào có tiếng nói, văn tự không giống nhau, mô phỏng và xây đắp nên các nền văn hoá, cũng như mô thức tổ chức chính trị - xã hội khác nhau: Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều của văn hoá Khổng giáo Trung Hoa, trong khi Lào chịu tác động nhiều của văn hoá Phật giáo và Bàlamôn giáo Ấn Độ. Đứng trên bình diện so sánh loại hình, người ta dễ dàng nhận ra những nét tương đồng và khác biệt giữa văn hoá Lào với văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, những nét tương đồng thì vẫn thấy phổ biến trong muôn mặt đời sống văn hoá dân gian phong phú của cư dân Việt Nam và Lào. Vì về bản chất, các nền văn hoá nghệ thuật truyền thống này mang nhiều nét tương đồng, thích đề cao các giá trị cộng đồng, tôn trọng luật tục và thượng tôn người già...




------------------------------------------------------------------
1. Nay là cửa khẩu Bản Giàng (Hà Tĩnh) - Mắtca (Khăm Muộn).

2. Phạ: tiếng Lào có nghĩa là vải, thư tịch cổ Việt Nam đã dùng nguyên từ Lào này chứ không dịch ra, một bằng chứng về sự giao thoa văn hoá Việt - Lào trên lĩnh vực ngôn ngữ.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 14 Tháng Tám, 2021, 03:52:19 pm
3. Nhân tố lịch sử

Nếu dãy Trường Sơn như bức rào thiên nhiên chắn ngang khiến Việt Nam và Lào hầu như ít có va chạm, xung đột, thì không vì thế, hai nước không nhận ra những giá trị phòng thủ an ninh đích thực của bức trường thành này, mà ngược lại, không có thời nào, Việt Nam và Lào lại bỏ lỡ các cơ hội để tìm gặp nhau, nương tựa vào nhau và giúp đỡ lẫn nhau như anh em.

Các thư tịch cổ nổi tiếng của Việt Nam như “Việt điện u linh”, “Lịch triều hiến chương loại chí”, đều ghi chép sự kiện đầu tiên về quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là rất sớm: vào năm 550, dưới thời nước Vạn Xuân của nhà tiền Lý. Lúc đó bị quân Lương ở phương Bắc đàn áp, Lý Nam Đế buộc phải lánh nạn và anh ruột của vua là Lý Thiên Bảo đã chạy sang đất Lào lập căn cứ chống giặc ngoại xâm . Còn hai bộ chính sử khác là “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” thì ghi nhận sự kiện quan hệ ngoại giao, thông hiếu đầu tiên giữa nước Đại Việt và Lào là vào năm 1067.

Về phía Đại Việt, việc đề xuất phương hướng dựa lâu dài vào Lào ở phía tây, để ngăn cản sức ép của phương Bắc là một thành tựu đỉnh cao về mặt nhận thức đối ngoại của vương triều Trần trong việc xác lập quan hệ với các nước láng giềng, một hệ quả tất yếu của những yêu cầu tập hợp lực lượng chung vượt ra ngoài biên giới từ nhiều thế kỷ trước đó. Vả chăng, “Đại Việt sử ký toàn thư” đã tổng kết rất rõ ý kiến khẳng định sự cần thiết phải liên kết lực lượng đồng minh phía tây tại triều đình Trần vào năm 1335 bằng một câu hỏi chứa đầy sức nặng của thực tiễn lịch sử: “Lỡ ra giặc phương Bắc xâm lấn thì ta nhờ cậy vào đâu?”.

Vào giữa thế kỷ XIV (năm 1353), Chạu Phạ Ngừm lần lượt chinh phục các mường Lào, lập nên Vương quốc Lạn Xạng thống nhất đầu tiên của người Lào, dường như ngay lập tức, những quy ước hoà bình đầu tiên về biên giới quốc gia đã được xác lập giữa Đại Việt và Lạn Xạng.
 
Bàn về quan hệ giữa nhà Lê sơ với Lạn Xạng dưới thời Chạu Xảmxẻnthai (1373 - 1416) và Lạn Khăm Đeng (1416 - 1428), sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” nhắc lại: “Thời Lê Thái Tổ mới khởi nghĩa thường cùng nước này kết hảo”. Trong suốt quá trình của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427), nghĩa quân Lê Lợi luôn nhận được sự tiếp sức của các tộc trưởng và nhân dân Lào vùng biên giới như truy đuổi quân Minh trốn sang Lào, giúp đỡ lương thực, voi chiến...

Tinh thần lấy hoà hiếu làm trọng xuyên suốt thế kỷ XIV và XV trong quan hệ bang giao Đại Việt - Lạn Xạng, Lạn Xạng - Đại Việt, cho dù không phải không có những thời khắc gặp nguy nan khi xảy ra biến cố đụng chạm lợi ích giữa các tập đoàn phong kiến dưới thời Vua Lê Thánh Tông. Đó là sự kiện nhà Lê tiến hành cuộc chinh phạt Lạn Xạng vào năm 1479. Nhưng hai nước thật sáng suốt và công bằng khi cả Lào và Việt đều có ý thức đề cao không thù hận, biết chủ động vun đắp tình thân ái và hữu nghị lâu dài giữa hai dân tộc. Phôngxavađan (dã sử) Lạn Xạng đã kể lại những cử chỉ cao đẹp của nhân dân và các nhà sư Lạn Xạng khi băng bó và chăm sóc vết thương cho binh lính người Việt. Được cảm hoá trước những hành vi độ lượng và đầy lòng vị tha của nhân dân Lạn Xạng mà nhiều người Việt đã xin ở lại đất Lào làm ăn kể từ đó. Phôngxavađan Lạn Xạng còn nhấn mạnh rằng, sau cuộc chiến tranh trên: “nhà vua nước Việt đã hối hận sâu sắc vì làm sai lời giáo huấn của Khún Bulôm và cam kết rằng từ nay về sau sẽ không bao giờ gây chiến tranh với những người anh em của mình nữa”.

Có thể nói, tinh thần hoà bình, nhân bản dựa trên nền tảng cao đẹp của một nền văn hoá pháp lý có tính chất luật tục để duy trì đạo đức và quan hệ xã hội cộng đồng khá phổ biến của nhân dân Lào, gắn với những ảnh hưởng khoan dung, bác ái sâu rộng của Đạo Phật dân gian Lào đã làm nên âm hưởng chủ đạo, chi phối quan hệ Lạn Xạng - Đại Việt, Đại Việt - Lạn Xạng trong suốt thời kỳ cổ, trung đại. Vượt qua hậu quả của một cuộc chiến tranh thông thường, nền văn hoá yêu chuộng hoà bình của nhân dân Lạn Xạng thật sự đã đạt đến tầm cao của phép xử thế tinh tế, thấm đẫm tính nhân văn qua việc khắc phục tận gốc nguyên nhân và hậu quả của những va chạm trong quan hệ hai nước. Đây không những là bài học lịch sử mẫu mực trong việc tháo gỡ xung đột quốc gia, thực hiện hoà giải, khoan dung giữa Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, mà trên hết còn là ý thức chung sống hoà bình hiếm thấy trong lịch sử quan hệ bang giao giữa các quốc gia trong thời kỳ cổ, trung đại1.

Sang thế kỷ XVII là thời kỳ toàn thịnh của Lạn Xạng dưới Vương triều Xulinhavôngsả (1637 - 1694). Nhà vua Lào cũng đích thân cầu hôn công chúa con Vua Lê Duy Kỳ. Tuy nhiên, đây cũng là lúc chế độ phong kiến Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng, với việc phân tranh Nam - Bắc kéo dài suốt hơn hai thế kỷ (1533 - 1788), nên quan hệ giữa hai vương triều hậu Lê và Lạn Xạng không phát triển được nhiều. Cuối thế kỷ XVII, nội bộ hoàng tộc Lào rối ren, cháu nội của Xulinhavôngsả là Say Ông Vẽ (có vương hiệu là Xâynha Xệtthảthilạt 2, “Biên niên sử” Việt Nam chép là Sài Ông Huế), năm 1696 sang Huế cư trú để xin trợ giúp của triều đình Việt Nam. Năm 1707, Say Ông Vẽ lại sang cầu cứu quân đội Ayuthaya nhằm chống lại các phe phái đối lập trong hoàng tộc. Phong kiến cầm quyền Ayuthaya đã không bỏ qua cơ hội này để thực hiện ý đồ bành trướng và thôn tính sang phía đông. Đến năm 1713, khi kinh đô Chămpaxắc tuyên bố tách ra thì nước Lạn Xạng bị chia thành ba tiểu vương quốc: Viêng Chăn, Luổng Phạbang và Chămpaxắc.

Bất chấp hoàn cảnh bất lợi của chế độ phong kiến ở Đại Việt và Lạn Xạng, quan hệ nương tựa vào nhau giữa nhân dân hai nước vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng. Nửa cuối thế kỷ XVIII, khu vực Mương Phuôn (Xiêng Khoảng) đã trở thành một căn cứ đề kháng quan trọng của nghĩa quân Tây Sơn chống lại thế lực Nguyễn Ánh được phong kiến Xiêm trợ giúp. “Biên niên sử” Lào còn dành một đoạn trình bày cuộc tấn công năm 1788 của hai viên tướng Tây Sơn là Chiêng Ba (?) và Chiêng Viên (?). Trong trận này, 3.000 quân Tây Sơn đã phối hợp với 3.000 quân Xiêng Khoảng đánh thẳng vào thành Viêng Chăn, buộc chính quyền do Xiêm dựng nên phải thả Chạu Xủmphu và thừa nhận chức Chạu mương Xiêng Khoảng của ông.

Sang thế kỷ XIX, quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đã có bước trưởng thành sâu hơn về phương diện nhận thức chủ quyền quốc gia, quan điểm bạn thù cũng như phương cách xây dựng đồng minh giữa nhân dân hai nước. Ngoài các cuộc kết hôn thường thấy giữa các tầng lớp vua chúa và các thủ lĩnh địa phương với nhau, quan hệ bang giao giữa các nhà nước phong kiến Việt Nam và Lào, trong mọi hoàn cảnh, luôn được duy trì và được đặt ở vị trí ưu tiên đối với nhau. Quốc sử quán triều Nguyễn còn ghi lại những quy định ngoại giao cụ thể như: sứ giả của Vạn Tượng (Viêng Chăn), Nam Chưởng (Luổng Phạbang) được phép đến thẳng kinh đô Huế theo đường trạm Nghệ An; trong nghi lễ yến tiệc ngoại giao, sứ Nam Chưởng được xếp ở vị trí cao nhất. Ngay tại hoàng cung, nhà Nguyễn còn cho mở nhiều lớp phiên dịch tiếng Lào, Thái để phục vụ cho quan hệ bang giao. Vua Chạu Anúvông (1766 - 1828), vị anh hùng kiệt xuất của Lào, đã chủ trương dựa hẳn vào Việt Nam để xây dựng lực lượng kháng chiến chống Xiêm. Sự kiện này được kể lại trân trọng trong “Phưn Viêng”, một truyện thơ khuyết danh nổi tiếng của Lào ở thế kỷ XIX.

Biên niên sử triều Nguyễn cũng dành nhiều trang phản ánh mối quan hệ đồng minh giữa Nhà vua Lào Chạu Anúvông (thư tịch cổ Việt Nam ghi phiên âm là Chiêu A Nỗ) với triều đình Việt Nam vào những năm 1827 - 1828 . Có thể nói rằng: nhận thức phải nương tựa vào nhau và cùng nhau tồn tại bắt nguồn từ yêu cầu sống còn của hai dân tộc, hai quốc gia. Chính việc nương tựa vào nhau, cùng nhau đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mình là nội dung cơ bản của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong suốt thời kỳ cổ, trung đại.




------------------------------------------------------------------
1. Nghiên cứu những sự kiện quan hệ Việt - Lào trong thời kỳ này, chính ngòi bút của học giả thực dân cũng phải công nhận rằng: “Quan hệ giữa hai dân tộc được nổi bật hẳn lên sau cuộc va chạm dữ dội năm 1479, và nhiều người An Nam đã ở lại Lạn Xạng sau khi quân đội Vua Lê Thánh Tông rút lui. Hai vị quốc vương đã trao đổi lễ vật và quan hệ láng giềng giữa hai nước đượm một tình thân mật hữu nghị từ trước đến nay chưa từng có, ngay cả trước thời Lê Lợi và Lạn Khăm Đeng cũng vậy”. (Xem Paul Le Boulanger: Histoire du Laos franỗais, (Lịch sử Lào thuộc Pháp), Librairie Plon, Paris, 1931, tr.75).


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 14 Tháng Tám, 2021, 03:54:23 pm
III. TRUYỀN THỐNG CHỐNG GIẶC NGOẠI XÂM VÀ SỰ TỰ NGUYỆN PHỐI HỢP CỦA NHÂN DÂN HAI NƯỚC VIỆT NAM VÀ LÀO TRONG CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC


Trong khi chế độ phong kiến phương Đông đang rơi vào khủng hoảng thì chủ nghĩa tư bản phương Tây bước vào giai đoạn phát triển, đang tích cực bành trướng thế lực, tìm kiếm thị trường và thuộc địa. Từ thế kỷ XVI, các nước tư bản phương Tây đã dùng vũ lực trắng trợn xâm lược nhiều nước châu Á.

Bán đảo Đông Dương nằm ở ngã ba đường giao thông qua lại từ đông sang tây, từ bắc xuống nam của khu vực, lại trấn giữ bao lơn Thái Bình Dương, nên có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng trong thời kỳ phát triển cạnh tranh tư bản và đế quốc chủ nghĩa thế giới. Chiếm được bán đảo Đông Dương sẽ có khả năng khống chế được sự đi lại cũng như việc giao lưu kinh tế, văn hoá với thị trường Trung Quốc rộng lớn. Ngoài ra, bán đảo Đông Dương còn là bàn đạp để tiến sâu vào lục địa Đông Nam Á, một vùng tài nguyên nhiệt đới dồi dào.

Để xâm lược bán đảo Đông Dương, đế quốc Pháp đã tiến đánh Việt Nam đầu tiên. Đây là một quốc gia mặt hướng ra biển Đông, nên được coi là “lá chắn” án ngữ hướng tiến vào lục địa từ phía biển. Thôn tính xong Việt Nam (1883) và Campuchia (1863), Pháp không muốn dừng lại mà tiếp tục bành trướng đến tận bờ đông sông Mê Công để cạnh tranh ảnh hưởng với đế quốc Anh, đẩy lùi quyền lực của phong kiến Xiêm, thôn tính nốt Vương quốc Lào Lạn Xạng (1893).

Thực hiện chính sách “chia để trị”, đế quốc Pháp đã chia Việt Nam thành ba xứ (Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ) cùng với Cao Miên (Campuchia) lập thành Liên bang Đông Dương theo sắc lệnh ngày 17 tháng 10 năm 1887 của Tổng thống Pháp và tiếp đến là sắc lệnh ký ngày 19 tháng 4 năm 1899, có thêm Lào. Bộ máy cai trị thực dân được tạo lập trên cơ sở có sự câu kết chặt chẽ giữa bọn thống trị tư bản Pháp với giai cấp phong kiến bản xứ, chủ yếu nhằm xây dựng các công cụ đàn áp, bóc lột và chia rẽ nhân dân các nước Đông Dương. Việc sáp nhập cưỡng bức ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia vốn có nền văn hoá, ngôn ngữ, tôn giáo, phong tục tập quán khác nhau thành một thực thể “Đông Dương thuộc Pháp”, chẳng những đã huỷ bỏ tính chất quốc gia của mỗi nước, mà còn biến Đông Dương thực sự trở thành một nhà tù của các dân tộc.

 Trên thực tế, chủ nghĩa tư bản Pháp đã duy trì những tàn tích lạc hậu của nền văn minh nông nghiệp ở thuộc địa Đông Dương để nuôi dưỡng tâm lý biệt lập với thế giới bên ngoài và thực hiện triệt để chính sách “chia để trị”. Mặt khác, bọn thực dân đế quốc còn triệt để lợi dụng đặc trưng của khu vực này đều là các quốc gia đa dân tộc và một tộc người lại sống trên nhiều lãnh thổ quốc gia, để từ đó khoét sâu vào những vấn đề biên giới do lịch sử để lại.

Do cùng chung một kẻ thù và chung cảnh ngộ bị xâm lược và đô hộ, nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia dễ dàng đồng cảm, liên kết tự nhiên với nhau và tự nguyện phối hợp với nhau trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Ở Việt Nam, phong trào hưởng ứng chiếu Cần Vương chống Pháp của Vua Hàm Nghi (1885 - 1895) lan rộng và sôi sục. Nhiều căn cứ và đơn vị nghĩa quân của Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng, Cao Đạt, Hà Văn Mao, Tống Duy Tân... đã dựa vào các vùng rừng núi giáp biên giới Việt Nam - Lào để hoạt động, được nhân dân Lào và Việt Nam ở đây đùm bọc, nuôi dưỡng.

Cũng như ở Việt Nam, phát huy truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm, phong trào chống Pháp ở Áttapư do ông Khi Volảlạt lãnh đạo (1900 - 1901) hoà chung với phong trào Phùmibun ở Trung Lào của Phò Càđuột (1901 - 1902) và cuộc khởi nghĩa Hạ Lào do ông Kẹo, ông Cômmađăm lãnh đạo (1901 - 1937), đã có sự liên kết với các cuộc nổi dậy chống Pháp của bộ tộc Xơđăng ở Kon Tum (Việt Nam). Đặc biệt, năm 1918, phong trào chống Pháp của người Mông ở Tây Bắc Việt Nam do Chạu Phạpắtchây lãnh đạo, lan rộng trên địa bàn nhiều tỉnh Bắc Lào và Tây Bắc Việt Nam, kéo dài đến tận năm 1922, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, các cuộc đấu tranh trên còn nặng tính cục bộ, chưa liên kết được rộng rãi tất cả các địa phương nên đã bị kẻ địch đàn áp đẫm máu.

Trong thập niên đầu của thế kỷ XX, phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều văn thân, sĩ phu phong kiến yêu nước đã anh dũng, mưu lược trong việc tập hợp lực lượng ở trong nước để đấu tranh chống Pháp và đi ra nước ngoài cầu viện, tìm chỗ dựa. Các xu hướng giải phóng dân tộc theo lập trường dân chủ tư sản, tiêu biểu là Phan Châu Trinh, hoặc theo xu hướng quân chủ lập hiến, tiêu biểu là Phan Bội Châu, hay theo con đường cách mạng vô sản đã xuất hiện. Song, cứu nước và giải phóng dân tộc theo con đường nào thì vẫn chưa được định đoạt rõ ràng, trong quan hệ với Lào thì chưa chú ý đầy đủ, trong hoạt động thực tiễn thì chưa xây dựng được mối liên kết lực lượng.

Đặc trưng của chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp là vơ vét nguyên liệu và bóc lột nhân công rẻ mạt, đồng thời duy trì tình trạng lạc hậu, trì trệ, chia cắt các xứ Đông Dương thuộc Pháp. Chúng luôn luôn nhấn mạnh: “Một chính sách hướng tới công nghiệp hoá xứ này (tức Đông Dương) sẽ là một sai lầm và là một tội lỗi!” . Tuy nhiên, hệ quả khách quan về mặt kinh tế - xã hội qua hai đợt khai thác thuộc địa (trước và sau Chiến tranh thế giới thứ nhất 1914 - 1918) của thực dân Pháp ở Đông Dương là việc thương mại hoá nền nông nghiệp. Sự phân hoá giai cấp, xã hội diễn ra ngày một sâu sắc ở Việt Nam, còn Lào và Campuchia mới có sự phân hoá xã hội. Tất nhiên, đối đầu với chế độ thuộc địa, dù là người Lào hay người Việt Nam ở Đông Dương đều là đồng minh tự nhiên của nhau và cái cần thiết đối với họ là tìm kiếm, xây dựng khối đoàn kết các lực lượng đấu tranh và chướng ngại lớn cần vượt qua của họ là sự chia rẽ, phân tán và những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 14 Tháng Tám, 2021, 04:07:37 pm
IV. NGUYỄN ÁI QUỐC - HỒ CHÍ MINH ĐẶT NỀN MÓNG CHO QUAN HỆ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM


Tháng 6 năm 1911, Nguyễn Ái Quốc rời Đông Dương đi tìm đường cứu nước giữa lúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở cả Việt Nam, Lào, Campuchia đang lâm vào cuộc khủng hoảng bế tắc về đường lối, ngọn cờ lãnh đạo phong trào yêu nước chưa tìm được đại diện xứng đáng.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga (1917) đã mở ra một cao trào cách mạng mới trên thế giới, thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, điều có sức cổ vũ lớn lao là việc Quốc tế III do lãnh tụ thiên tài V.I. Lênin thành lập (ngày 4 tháng 3 năm 1919) đã bổ sung vào khẩu hiệu nổi tiếng của phong trào cộng sản do Mác - Ăngghen đề ra trước đó trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là: “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!” bằng khẩu hiệu chiến lược: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”.

Việc Quốc tế Cộng sản coi vấn đề dân tộc, thuộc địa, vấn đề tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo giúp đỡ toàn diện, phối hợp hành động giữa cách mạng chính quốc với cách mạng thuộc địa là một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất, đã định hướng cho các lực lượng yêu nước và cách mạng Việt Nam, đoàn kết họ lại với nhau để tìm ra một con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam, thoát khỏi tư tưởng đi tìm chỗ dựa từ bên ngoài của những người yêu nước đương thời.

Với tư cách là một nhà yêu nước Việt Nam và là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia sáng lập Hội Nông dân quốc tế - một tổ chức của nông dân quốc tế trực thuộc Quốc tế Cộng sản - trên cương vị là ủy viên Hội đồng và uỷ viên Đoàn Chủ tịch Hội đồng vào năm 1923. Tháng 7 năm 1924, tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V, lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc có dịp trình bày một cách súc tích những hoài bão sâu sắc của Người về con đường cứu nước và giải phóng dân tộc: “Trong tất cả các thuộc địa của Pháp, nạn nghèo đói đều tăng, sự phẫn uất ngày càng lên cao. Sự nổi dậy của nông dân bản xứ đã chín muồi. Trong nhiều nước thuộc địa, họ đã vài lần nổi dậy, nhưng lần nào cũng bị dìm trong máu. Nếu hiện nay nông dân vẫn còn trong tình trạng tiêu cực, thì nguyên nhân là vì họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng”.

Trong quá trình nghiên cứu lý luận, hoạch định con đường giải phóng dân tộc theo học thuyết khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc nhận thức rất sớm sức mạnh dân tộc, nhưng Người luôn đặt cách mạng Việt Nam trong mối quan hệ với cách mạng thế giới, với các dân tộc bị áp bức, nhất là đối với hai nước Lào, Campuchia trên bán đảo Đông Dương. Chính vì thế, ngay trong những bài báo đầu tiên viết về Đông Dương vào năm 1921, Người luôn đặt niềm tin vào sức mạnh quật khởi tiềm tàng của quần chúng nhân dân: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến... Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi” . Người nhận thức rất rõ những điều kiện vật chất khách quan do thời đại tư bản chủ nghĩa đem lại so với bất cứ thời đại nào trước đó: “Đời sống xã hội hiện nay phụ thuộc trước hết vào những trung tâm công nghiệp lớn mạnh và vào những đường giao thông” . Điều dự báo này dường như trùng hợp với hoàn cảnh xã hội của Việt Nam và Lào khi Pháp mở cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918). Kể từ đó, Người bắt tay vào quá trình chuẩn bị công phu cho việc xây dựng, bồi đắp những nhân tố chủ quan cho công cuộc giải phóng nhân loại bị áp bức nói chung, nhân dân các nước Đông Dương nói riêng.

Nhưng Nguyễn Ái Quốc không chỉ là con người hiệu triệu mà trước hết và trên hết là con người hành động. Người chỉ ra: “Nguyên nhân đầu tiên đã gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là SỰ BIỆT LẬP. Không giống như các dân tộc phương Tây, các dân tộc phương Đông không có những quan hệ và tiếp xúc giữa các lục địa với nhau. Họ hoàn toàn không biết đến những việc xảy ra ở các nước láng giềng gần gũi nhất của họ, do đó họ THIẾU SỰ TIN CẬY LẪN NHAU, SỰ PHỐI HỢP HÀNH ĐỘNG VÀ SỰ CỔ VŨ LẪN NHAU”. Người rút ra kết luận: Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Ai làm cách mạng thế giới đều là đồng chí của cách mạng Việt Nam. Đã là đồng chí thì sung sướng và cực khổ phải có nhau. Đây là những nhận thức đặt tiền đề cho sự nghiệp xây dựng khối đoàn kết giữa các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nói chung, trong đó có tình đoàn kết của nhân dân ba nước Đông Dương, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp.

Tháng 11 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Trung Quốc và tại Quảng Châu, Người mở các lớp huấn luyện chính trị để đào tạo cán bộ cách mạng nhằm chuẩn bị cho việc thành lập một đảng vô sản ở Việt Nam. Cũng tại đây, tháng 6 năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, nhằm tập hợp những thanh niên yêu nước có xu hướng cộng sản và dùng tổ chức này để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về nước. Do nắm chắc được hoạt động của Việt kiều yêu nước ở Xiêm, Lào, Nguyễn Ái Quốc đã thông qua Việt kiều yêu nước ở đây để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cứu nước mới vào Lào và Việt Nam từ phía tây . Từ Xiêm qua Lào vào Việt Nam, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã tổ chức một đường dây liên lạc nhằm vận chuyển tài liệu, sách báo cách mạng và đưa thanh niên yêu nước ra nước ngoài học tập và huấn luyện. Điều này cho thấy, ngay từ buổi đầu của cuộc vận động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã sớm xác định Lào là một bộ phận của cách mạng Đông Dương.

Với các hình thức truyền bá rất sáng tạo, đa dạng và hiệu quả, Nguyễn Ái Quốc và những lớp học trò xuất sắc của Người đã vượt qua mọi sự kiểm duyệt gắt gao bằng lưỡi lê và song sắt nhà tù của chính quyền thực dân, từng bước vũ trang cho các tầng lớp nhân dân lao động ở Việt Nam, ở Lào một hệ thống khá hoàn chỉnh về lý luận cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới. Hệ thống lý luận đó bao gồm những nội dung cơ bản sau đây:

Trước hết, bằng những cứ liệu xác thực và tiêu biểu, Nguyễn Ái Quốc đã bóc trần luận điệu lừa bịp của bọn thực dân, đế quốc về cái gọi là “sứ mệnh khai hoá văn minh” của các đế quốc nói chung và thực dân Pháp nói riêng. Tập trung tố cáo chủ nghĩa thực dân bằng những lý lẽ rất đanh thép, Nguyễn Ái Quốc đã khơi dậy trong nhân dân lao động bị áp bức lòng căm thù giặc sâu sắc, khích lệ lòng yêu nước, thương nòi, ý chí độc lập tự cường và từng bước hình thành trong họ lập trường quan điểm về bạn, thù... để từ đó có quyết tâm và biện pháp cụ thể nhằm mục tiêu cứu nước, giải phóng dân tộc. Tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân là cơ sở thực tiễn quan trọng của lý luận cách mạng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh.

Hai là, trong thời đại mới được mở đầu bằng thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại thì cách mạng giải phóng dân tộc trở thành bộ phận khăng khít, hữu cơ của cách mạng vô sản; giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động. Tư tưởng này trở thành nền tảng và nội dung đường lối chiến lược của cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam và Lào đang thực hiện.

Ba là, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và cuộc cách mạng vô sản ở các nước “chính quốc” có mối quan hệ hữu cơ, thúc đẩy lẫn nhau. Một mặt, Người phê phán suy nghĩ cho rằng: cách mạng của các nước thuộc địa và các nước chậm tiến phải phụ thuộc vào cuộc cách mạng của các nước tiên tiến. Mặt khác, Người đưa ra nhận định: người châu Á có thể sẽ giúp đỡ người anh em châu Âu trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn nhân loại. Như vậy tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ đặt ngang hàng cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa với cuộc cách mạng vô sản ở “chính quốc”, mà Người còn chỉ rõ tính năng động tích cực của cách mạng giải phóng dân tộc đối với cách mạng vô sản ở “chính quốc”; nó có thể giành thắng lợi trước và tác động tích cực trở lại cách mạng vô sản ở “chính quốc”.

Bốn là, về đường lối chiến lược của cách mạng giải phóng dân tộc, trước hết phải tiến hành đấu tranh đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược và bọn phong kiến tay sai của chúng để giành lại độc lập cho dân tộc và các quyền tự do dân chủ cho các tầng lớp nhân dân.

“Đây chính là luận điểm ba cuộc giải phóng, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người quyện vào nhau, thống nhất với nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước khi gặp chủ nghĩa Mác - Lênin thì dần dần vươn tới ba cuộc giải phóng của loài người”.

Năm là, cách mạng là một sự nghiệp vĩ đại. Hoàn thành công việc ấy phải là kết quả công sức của cả một dân tộc, chứ không phải việc của một, hai người. Phải bền gan vững chí, phải có “mưu chước” mới làm được. Trước hết phải lấy công nông là gốc, là người chủ của cách mạng. Phải xây dựng khối liên minh chặt chẽ giữa hai giai cấp cơ bản và đông đảo ấy dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, vì công nhân là giai cấp độc nhất và duy nhất có sứ mệnh lịch sử là lãnh đạo cách mạng đến cùng.

Trên cơ sở khối liên minh công nông chặt chẽ, phải không ngừng củng cố và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi nhằm thu hút tất cả các tầng lớp nhân dân như “học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ vì họ là bầu bạn cách mạng của công nông”. Chỉ có sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân mới có thể hoàn thành được sự nghiệp “Sửa cái xã hội cũ đã mấy ngàn năm làm xã hội mới”.

Sáu là, cách mạng của mỗi nước là một bộ phận hữu cơ, khăng khít của cách mạng thế giới. Ai làm cách mạng trên thế giới nhằm chống đế quốc, phong kiến, chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hoà bình, xoá bỏ mọi ách áp bức bóc lột, bất công đều là bạn bè, đồng chí của nhau. Do đó phải đoàn kết và giúp đỡ nhau vì sự nghiệp giải phóng của dân tộc mình và sự nghiệp cách mạng của nhân dân lao động trên toàn thế giới. Song, muốn người ta giúp mình thì trước hết “mình phải tự giúp lấy mình”.

Bảy là, phải không ngừng củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của đảng Mác - Lênin chân chính, nhân tố cơ bản hàng đầu bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng nói chung và cách mạng giải phóng dân tộc nói riêng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: muốn làm cách mệnh, “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công... Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt... Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam.

Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.

Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng cách mạng chỉ bó hẹp phạm vi trong cộng đồng người Việt tại Lào, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho cách mạng Lào đã được Nguyễn Ái Quốc đặt ra rất sớm và niềm trăn trở này còn đi theo suốt cả cuộc đời hoạt động sau này của Người. Ngay trong những báo cáo đầu tiên gửi Quốc tế Cộng sản vào năm 1925, chúng ta bắt gặp hàng loạt những mối quan tâm của Người về đào tạo nguồn nhân lực cho cách mạng Lào.

Khoảng giữa năm 1925, chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên ở Xiêm được nhen nhóm tại Phi Chịt. Từ đông bắc Xiêm, các cơ sở cách mạng Việt kiều khác thuộc các tỉnh trên bờ sông Mê Công, đối diện với Lào, là những bàn đạp thuận lợi cho công tác truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Lào và Việt Nam. Tháng 2 năm 1927, tại bản Noỏng Bua, tỉnh Uđon (Xiêm) đã diễn ra Hội nghị đại biểu thanh niên Việt kiều yêu nước và chuẩn bị thành lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Lào. Sau đó, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Lào đã vận động tổ chức Hội Ái hữu, Hội Việt kiều yêu nước, mở lớp huấn luyện cách mạng.

Mùa Thu năm 1928, Nguyễn Ái Quốc đến Xiêm để hướng dẫn phong trào cách mạng. Theo lời kể của Nguyễn Tài, trong dịp này, Nguyễn Ái Quốc đã đến bản Xiêng Vảng, huyện Noỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn trực tiếp truyền bá cách mạng tại Lào1. Về những công tác ở Xiêm, Lào năm 1928 - 1929, Nguyễn Ái Quốc đã trình bày rõ trong “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18 tháng 2 năm 1930”2.

Khoảng tháng 8 năm 1928, trong chuyến thị sát Noỏng Khai (Xiêm) sát với biên giới Lào, Người đã gặp một số cán bộ hoạt động ở Viêng Chăn sang để tìm hiểu phong trào Lào. Theo lời kể lại của một bậc lão thành cách mạng Lào, Người còn trực tiếp tới Viêng Chăn khảo sát và ẩn trú tại Chùa In Peng . Nhờ vậy, Người đã có điều kiện tìm hiểu tình hình Lào kỹ hơn, nhất là Viêng Chăn. Các sự kiện quan trọng trên khẳng định rõ mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng Lào và cách mạng Việt Nam, và Lào trở thành một trong những địa điểm đầu tiên trên hành trình trở về Đông Dương của Nguyễn Ái Quốc.

Năm 1928, một số chi bộ Tân Việt cũng ra đời ở Viêng Chăn, Thà Khẹc, Xavẳnnakhệt. Đảng viên phần lớn là công chức, giáo học, nhân viên sở dây thép, thư ký các hãng buôn và một số học sinh. Các chi bộ ở Lào trực thuộc sự lãnh đạo của Đảng bộ Tân Việt ở Huế. Cũng trong năm này, chi bộ Thanh niên cộng sản đầu tiên được thành lập tại Viêng Chăn, đồng thời đường dây liên lạc giữa các thị trấn ở Lào với Việt Nam được tổ chức.

Như vậy, từ giữa thập niên 20 thế kỷ XX, hàng loạt những hoạt động sôi nổi chưa từng thấy trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng cứu nước mới của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các vị cách mạng tiền bối trên đất Trung Quốc, Xiêm, Lào và Việt Nam, báo hiệu những điều kiện khách quan và chủ quan cho việc thành lập đảng của giai cấp công nhân ở khu vực này đã chín muồi.




------------------------------------------------------------------
1. Nguyễn Tài kể, Thế Tập ghi: “Nhớ lại ngày đưa Bác Hồ từ Thái Lan sang gây dựng cơ sở cách mạng ở Lào”, Tạp chí Cộng sản số 372, tháng 12 năm 1986, tr.80. Nguyễn Tài (1897 - 1989) tức đồng chí Lê Ngôn Vệ, hay Vệ - Tài Ngôn (Vệ là bí danh hoạt động ở Xiêm), năm 1927 được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, năm 1930 vào Đảng Cộng sản Xiêm, năm 1934: Ủy viên Đông Dương viện trợ Bộ đồng thời là thông tấn viên của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương ở nước ngoài. Cuốn “Lịch sử Đảng Nhân dân cách mạng Lào” của Ban Chỉ đạo nghiên cứu lý luận và thực tiễn Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, xuất bản năm 2005 cũng xác nhận sự kiện trên. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2010), đồng chí Bun Nhăng Volachít, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và đồng chí Hồ Đức Việt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã dự lễ động thổ xây dựng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Xiêng Vảng, huyện Noỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn. Ngày 19 tháng 7 năm 2010, Ban biên soạn bộ “Lịch sử quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930 - 2007)” đã có chuyến khảo sát thực địa tại bản Xiêng Vảng, huyện Noỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn. Đoàn chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với các nhân chứng địa phương, đặc biệt nghe cụ Đặng Văn Hồng, 78 tuổi, người Lào gốc Việt kể những hồi ức lịch sử mà các thế hệ trước đã truyền lại về hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Xiêng Vảng này (BBS).

2.Cố nhà văn Xuvănthon có kể lại cho con gái là bà Xuvănphêng, đại biểu Quốc hội Lào nghe về việc năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến giảng tại lớp học cho cán bộ chủ chốt Lào mà ông có vinh hạnh được tham dự ở Tuyên Quang (Việt Bắc) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp cùng với Hoàng thân Xuphanuvông và các đồng chí Phumi Vôngvichít, Thạo Xột Phệtlaxỉ... Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng: Người đã đến Viêng Chăn, ngủ ở chùa In Peng. Ngôi chùa này nay thuộc bản Mixây, mường Chănthabuli, thành phố Viêng Chăn, cách Mè Nặm Khoỏng 200 m, cách chùa Phạ Kẹo 1 km về phía bắc.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 14 Tháng Tám, 2021, 04:09:31 pm
*
*     *

Nhìn lại lịch sử, có thể rút ra một số nhận định cơ bản dưới đây về mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam:

 Do những điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử gần gũi, quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam hình thành từ rất sớm, có thể nói ngay từ khi xuất hiện những cư dân Việt Nam và Lào trên khu vực địa lý lịch sử này. Điều kiện địa - nhân văn hay sự gặp gỡ về những phẩm chất nhân văn cao quý của hai dân tộc Việt Nam và Lào, từ người cầm quyền đến người dân, đã là mảnh đất vô cùng màu mỡ để kết tinh thành quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Bởi vì quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam ấy, được nảy sinh trực tiếp từ trái tim đến với trái tim của cả hai dân tộc. Hợp lòng người là yếu tố căn cốt, quyết định tính trường tồn của mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Trong thời kỳ cổ, trung đại, quan hệ giữa hai nhà nước phong kiến Việt Nam và Lào về cơ bản là quan hệ bang giao láng giềng hoà hiếu. Trong lịch sử thế giới, hiếm có quan hệ láng giềng nào thánh thiện như hai dân tộc Việt Nam và Lào. Giữa hai nước không hề có cuộc chiến tranh nào nhằm thôn tính lẫn nhau, không có hiềm khích và thù hằn dân tộc, lại có cả ngàn năm giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau, là láng giềng tốt của nhau.

Trong thời kỳ cận, hiện đại, khi các nước Đông Dương còn chìm trong đêm tối của chủ nghĩa thực dân và phong kiến, với việc tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, Nguyễn Ái Quốc chẳng những có công đầu trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng về vai trò lãnh đạo sự nghiệp cứu nước ở Việt Nam, mà còn là người đầu tiên góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng đó ở Lào, đưa sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Việt Nam và Lào ngày càng hoà quyện vào nhau, nương tựa lẫn nhau, mở ra một trang mới trong quan hệ giữa nhân dân hai nước, cùng hướng tới mục tiêu chung là độc lập dân tộc và tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa.

Quá trình chuẩn bị công phu về mọi mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức cho cách mạng Việt Nam, đồng thời với việc quan tâm xây dựng nhân tố bên trong cho cách mạng Lào, cả về phương diện tổ chức lẫn chỉ đạo thực tiễn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thật sự tạo ra nền tảng hoàn toàn mới về chất cho lớp người cộng sản Đông Dương đầu tiên, bất luận họ là người Việt Nam, người Lào hay người Campuchia. Đây chính là nền móng vững chắc của quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mà Nguyễn Ái Quốc là kiến trúc sư vĩ đại của tình đoàn kết đặc biệt đó.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 14 Tháng Tám, 2021, 04:18:40 pm
Chương II

NHÂN DÂN VIỆT NAM VÀ NHÂN DÂN LÀO
NƯƠNG TỰA LẪN NHAU ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP, TỰ DO
(1930 - 1945)



I. ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN VIỆT NAM VÀ NHÂN DÂN LÀO ĐOÀN KẾT ĐẤU TRANH
CHỐNG CHẾ ĐỘ THUỘC ĐỊA (1930 - 1939)



1. Đảng Cộng sản Việt Nam - tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương - thành lập, đánh dấu việc thiết lập quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam

Cuối những năm 20 thế kỷ XX, do kết quả trực tiếp của quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc, cùng với sự phát triển của phong trào công nhân và phong trào yêu nước, những điều kiện khách quan và chủ quan cho việc thành lập Đảng của giai cấp công nhân ở Đông Dương, trước hết là ở Việt Nam, đã chín muồi. Cuối năm 1929 đầu năm 1930 ở Việt Nam lần lượt xuất hiện ba tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản ĐảngĐông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Sự ra đời và hoạt động của ba tổ chức cộng sản trên thể hiện sự phát triển của phong trào cách mạng, đặt ra yêu cầu bức thiết về việc thành lập một chính đảng cộng sản ở Việt Nam và Đông Dương.

Nắm bắt được yêu cầu bức thiết về thống nhất lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, với tư cách là đại biểu của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động triệu tập hội nghị hợp nhất các nhóm cộng sản thành chính đảng vô sản duy nhất ở Việt Nam.

Vào những ngày đầu năm 1930, Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã diễn ra tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc). Về vấn đề đặt tên Đảng, Hội nghị tán thành chủ trương của Nguyễn Ái Quốc và quyết định lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội nghị hợp nhất thảo luận và thông qua các văn kiện “Chánh cương vắn tắt của Đảng”, “Sách lược vắn tắt của Đảng”, “Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng” do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.

“Chánh cương vắn tắt” xác định rõ con đường giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam là “làm tư sản dân quyền c.m (cách mạng - BBS) và thổ địa c.m để đi tới xã hội cộng sản”. Nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng thổ địa, tức cách mạng dân tộc dân chủ là thực hiện quyền độc lập dân tộc, quyền tự do, dân chủ, trong đó nông dân nghèo được chia ruộng đất, phát triển kinh tế của đất nước. Hướng phát triển của cách mạng Việt Nam là bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi tới xã hội cộng sản mà chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu của nó.

“Sách lược vắn tắt”“Chương trình tóm tắt” xác định rõ Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản, thực hiện vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp đó. Đảng chủ trương “thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa c.m đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến” . Đảng xây dựng khối đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các tầng lớp nhân dân yêu nước và các tổ chức cách mạng, chỉ đánh đổ những lực lượng và đảng phái phản cách mạng. Sự đoàn kết rộng rãi đó vì mục tiêu thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào, không hề sa vào lý thuyết thoả hiệp giai cấp, bỏ rơi lợi ích của đại đa số nhân dân lao động là công nhân và nông dân: “Trong khi liên lạc với các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thoả hiệp”.

“Sách lược vắn tắt”“Chương trình tóm tắt” còn chứa đựng tinh thần yêu nước chân chính kết hợp với tinh thần quốc tế trong sáng, được thể hiện ở chỗ trong khi tuyên truyền khẩu hiệu nước An Nam độc lập, đồng thời Đảng cũng tuyên truyền và xây dựng quan hệ đoàn kết với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới, nhất là giai cấp vô sản Pháp.

“Điều lệ vắn tắt” cũng nhấn mạnh: Cách mạng muốn giành thắng lợi, trước hết phải có sự lãnh đạo của Đảng, Đảng phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân, là lãnh tụ chính trị và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp và dân tộc, đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và toàn thể những người lao động bị áp bức thoát khỏi ách nô lệ. Nếu xa rời hoặc thiếu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thì không thể có thắng lợi của sự nghiệp cách mạng nói chung và cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nói riêng.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về lý luận, đường lối và lực lượng lãnh đạo phong trào đấu tranh vì độc lập tự do và phát triển của dân tộc Việt Nam, đồng thời mở ra một thời kỳ mới, một sự chuyển biến về chất mối quan hệ vốn có giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào. Với chính cương cách mạng và khoa học, chứa đựng tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, thấm đượm tư tưởng Nguyễn Ái Quốc về mối quan hệ biện chứng giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo ra một xung lượng mới cho mối quan hệ của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào trên con đường đoàn kết đấu tranh, hoà mình và gắn kết chặt chẽ với phong trào cách mạng thế giới.

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, cùng với sự bùng lan mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ (Việt Nam), bộ phận ưu tú trong các tổ chức cách mạng, như Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tân Việt được xây dựng trong cộng đồng Việt kiều ở Viêng Chăn, Phôn Tịu, Bò Nèng, Thà Khẹc, Na Pê, Xavẳnnakhệt, Pạc Xê (Lào) đã lần lượt tiếp nhận quan điểm, chủ trương và đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Qua bộ phận này, chủ trương, đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam xác lập bắt đầu lan truyền trong bộ phận người Việt sống ở Lào.

Với hoàn cảnh lịch sử tương đồng, có cùng mục tiêu và khát vọng độc lập, tự do, con đường giải phóng của dân tộc Việt Nam theo tư tưởng Nguyễn Ái Quốc cũng là con đường phù hợp để giải phóng dân tộc Lào khỏi ách nô lệ. Tuân thủ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của một chính đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin, sự ra đời và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam (trong đó có một bộ phận hoạt động ở Lào) đã tác động mạnh mẽ, là một nhân tố quyết định sự chuyển biến của phong trào cách mạng Lào. Ngay từ tháng 4 năm 1930, ảnh hưởng mạnh mẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với phong trào đấu tranh của nhân dân Đông Dương, trong đó có nhân dân Lào, đã làm chính quyền thuộc địa quan ngại.

Được sự thôi thúc và tác động của phong trào cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, phong trào cách mạng Lào chuyển biến, đòi hỏi phải có ánh sáng mới soi đường, ngọn cờ mới dẫn dắt và một gắn kết mới với dân tộc láng giềng Việt Nam đồng hành trên con đường giành độc lập dân tộc, tự do và phát triển của mỗi nước.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở đầu cho những trang sử quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 14 Tháng Tám, 2021, 04:25:18 pm
2. Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, xác định đường lối cách mạng Đông Dương

Tám tháng sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khi phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt, nhất là ở Nghệ An, Hà Tĩnh, phong trào cách mạng Lào đang có những chuyển biến theo khuynh hướng cách mạng vô sản, thì một sự kiện lịch sử quan trọng đối với phong trào cách mạng Việt Nam, phong trào cách mạng Lào và mối quan hệ hai dân tộc diễn ra. Tháng 10 năm 1930, thực hành “Án nghị quyết và Thơ chỉ thị của Q.T.C.S”, Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành tại Hương Cảng vào tháng 10 năm 1930 đã thảo luận và thông qua “Luận cương chánh trị” và nhiều văn kiện quan trọng như: “Án nghị quyết của Trung ương toàn thể Đại hội về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng”, “Điều lệ Đảng”, “Công nhơn vận động”, “Nông dân vận động”, “Án nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động của T.Ư toàn thể hội nghị”, ...

Với những văn kiện trên, nhất là “Luận cương chánh trị” của Đảng Cộng sản Đông Dương, Hội nghị xác định cụ thể, toàn diện hơn về mặt lý luận cho mối quan hệ giữa phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng Lào.

Việt Nam, Lào và Cao Miên tuy là ba nước nhưng đều nằm trong một xứ, đều bị thực dân Pháp thống trị và áp bức. Giai cấp vô sản và nhân dân lao động bị áp bức trong ba nước muốn đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp, giành lại độc lập, đánh đổ chế độ phong kiến để giải phóng cho mình thì không thể đấu tranh riêng lẻ được. Án nghị quyết của Hội nghị viết: “vô sản An Nam, Cao Miên và Lào tuy tiếng nói, phong tục và nòi giống khác nhau, nhưng về mặt chánh trị và kinh tế thì cần phải liên lạc mật thiết với nhau”.

Kẻ thù chung của phong trào cách mạng ở Việt Nam, Lào và Cao Miên là “một thế lực tập trung, thống nhất”, do đó, Đảng Cộng sản, đội tiền phong của giai cấp công nhân và là tổ chức dẫn đường của tất cả quần chúng làm cách mạng không thể chỉ lãnh đạo riêng cho một xứ, mà phải là một Đảng Cộng sản tập trung lực lượng giai cấp cho toàn xứ Đông Dương. Trên cơ sở đó, Hội nghị quyết nghị đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

Phạm vi lãnh đạo của Đảng mở rộng ra toàn Đông Dương, Hội nghị đã xác lập các quan điểm chính trị, xác định đường lối và những nhiệm vụ cơ bản cho phong trào cách mạng của ba dân tộc ở Đông Dương với những nét chính yếu như sau:

- Cách mạng Đông Dương trong lúc đầu “là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền”  với tính chất thổ địa và phản đế. Khi cách mạng tư sản dân quyền thắng lợi, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, sự giúp đỡ của cách mạng thế giới sẽ “bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”.
 
- Vấn đề căn cốt của cách mạng tư sản dân quyền là chống đế quốc và chống phong kiến, hai mặt đó quan hệ chặt chẽ với nhau và tác động tích cực tới nhau trong một cuộc cách mạng.

- Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cuộc cách mạng ở Đông Dương là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp, phong kiến, địa chủ, lập chính quyền Xôviết công nông, lấy đó làm “khí cụ” thực hiện các quyền dân chủ cơ bản cho nhân dân lao động bằng cách tịch thu hết ruộng đất của địa chủ ngoại quốc và trong nước, giao cho trung nông và bần nông, quyền sở hữu ruộng đất thì thuộc chính phủ công nông; sung công những sản nghiệp lớn của tư bản ngoại quốc, công nhân lao động tám giờ một ngày, cải thiện đời sống cho thợ thuyền và quần chúng lao khổ, vô sản có pháp luật bảo hộ quyền lợi; thừa nhận quyền dân tộc tự quyết và quyền bình đẳng nam, nữ.

- Trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương, giai cấp vô sản và giai cấp nông dân là hai động lực chính, trong đó, giai cấp công nhân vừa là động lực chính rất mạnh của cách mạng, vừa là giai cấp lãnh đạo nông dân và các tầng lớp nhân dân nghèo khổ làm cách mạng, “vô sản có cầm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thắng lợi được”.

- Muốn giành được thắng lợi, cách mạng Đông Dương phải liên hệ mật thiết với cách mạng vô sản thế giới, nhất là vô sản Pháp và cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và bán thuộc địa.

- Cách mạng Đông Dương muốn giành được thắng lợi “phải có một Đảng Cộng sản có một đường lối chánh trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng, và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc mà đại biểu quyền lợi chánh và lâu dài, chung cho cả giai cấp vô sản ở Đông Dương, và lãnh đạo vô sản giai cấp Đông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản” . Muốn làm tròn được nhiệm vụ của mình trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, Đảng cần phải dựa hẳn vào lực lượng quần chúng công nông, tổ chức ra những đoàn thể cách mạng như công hội, nông hội.

Về công tác xây dựng đảng, căn cứ vào nguyên tắc tổ chức của chính đảng vô sản và tình hình Đông Dương, Hội nghị thông qua Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương. Theo Điều lệ, toàn Đảng sẽ xây dựng tổ chức đều khắp ở Đông Dương, hình thành năm xứ bộ do năm xứ uỷ chỉ đạo. Ba xứ bộ ở Việt Nam sẽ do ba xứ uỷ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ phụ trách; Xứ bộ Ai Lao sẽ do Xứ uỷ Ai Lao chỉ đạo.

Hội nghị yêu cầu các cấp bộ đảng phải quán triệt Nghị quyết của Đảng và Quốc tế Cộng sản để nâng cao trình độ chính trị cho đảng viên, thực hiện nhiệm vụ theo đúng đường lối cách mạng của Đảng; phân công đảng viên về các nhà máy, đồn điền, hầm mỏ... để tập hợp, lãnh đạo quần chúng; chú trọng xây dựng chi bộ ở nông thôn, quan tâm bồi dưỡng cán bộ nữ; thành lập hệ thống tổ chức đảng cấp xứ theo điều lệ mới của Đảng; các cấp bộ đảng liên hệ chặt chẽ với Trung ương Đảng trong mọi hoạt động. Quan hệ mật thiết với các đảng cộng sản trên thế giới (như Đảng Cộng sản Pháp, Trung Quốc...), với Quốc tế Cộng sản. Lựa chọn những quần chúng giác ngộ giai cấp và hăng hái đấu tranh để kết nạp vào Đảng.

Về công tác quần chúng, Hội nghị thảo luận và thông qua các nghị quyết về vận động công nhân, nông dân, thanh niên cộng sản, phụ nữ..., các Điều lệ Công hội, Tổng Công hội Đông Dương, Nông hội làng, Ban Chấp hành nông hội xã, Tổng Nông hội Đông Dương, Phụ nữ liên hiệp hội, Hội Cứu tế đỏ, Hội đồng minh phản đế... Hội nghị chỉ rõ Đảng phải tăng cường vận động công nhân, lãnh đạo công nhân đấu tranh; tổ chức công hội trong các nhà máy, đồn điền, hầm mỏ..., tổ chức đội tự vệ công nhân; công hội phải tổ chức có hệ thống theo quy tắc Quốc tế Công hội đỏ; chuẩn bị lập Tổng Công hội Đông Dương; mở rộng phong trào đấu tranh của nông dân, tổ chức đội tự vệ nông dân, chỉnh đốn hệ thống tổ chức nông hội theo điều lệ mới, chuẩn bị lập Tổng Nông hội Đông Dương; phân công các đồng chí phụ trách Hội đồng minh phản đế, Hội Cứu tế và Thanh niên cộng sản Đoàn; lập Bộ quân sự của Đảng...

Hội nghị đã thông qua Điều lệ Tổng Công hội Đông Dương, Điều lệ Tổng Nông hội Đông Dương, Điều lệ Phụ nữ liên hiệp hội, Án nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động, Điều lệ Hội Cứu tế đỏ,... Theo đó, cùng với các xứ khác ở Đông Dương, Xứ bộ Ai Lao sẽ tổ chức ra Tổng Công hội Ai Lao, Tổng Nông hội Ai Lao, Ban Xứ chấp uỷ Phụ nữ Hiệp hội Ai Lao, Uỷ hội Thanh niên cộng sản Đoàn Ai Lao, Phân hội Cứu tế đỏ Ai Lao.

 Hội nghị thông qua Điều lệ của Đại đồng minh phản đối đế quốc chủ nghĩa và mưu dân tộc độc lập - Phân bộ Đông Dương (gọi tắt là Đồng minh phản đế. Đảng bộ Ai Lao sẽ tổ chức một Phân hội Đồng minh phản đế xứ.

Với những chủ trương và công tác đề ra trên đây, Hội nghị đã quán triệt và vận dụng quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Đông Dương, làm cho các tầng lớp nhân nhân của hai dân tộc Việt Nam và Lào sát cánh bên nhau đấu tranh dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Hội nghị xác lập con đường phát triển của cách mạng Đông Dương khi chưa có tình thế cách mạng thì lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi quyền lợi hằng ngày để tập hợp dân chúng theo cách mạng. Khi có tình thế cách mạng, Đảng phải lãnh đạo quần chúng vũ trang nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền.

Hội nghị đề ra nhiệm vụ cần kíp của Đảng là mở rộng phong trào đấu tranh khắp Đông Dương nhằm làm cho phong trào đấu tranh cách mạng ngày càng sâu rộng; đấu tranh chống khủng bố trắng, chống sưu, thuế và địa tô; chống các chính sách lừa bịp của đế quốc Pháp; chống những xu hướng bạo động non và manh động. Đảng phải tập hợp đông đảo lực lượng các tầng lớp nhân dân đấu tranh giành thắng lợi.

Hội nghị cử ra Trung ương Đảng Cộng sản chính thức gồm bảy đồng chí, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Với việc thảo luận và thông qua Luận cương chính trị - cương lĩnh xác định các nguyên tắc, các phương hướng chính trị và đường lối cách mạng, Án nghị quyết về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng cùng các văn kiện quan trọng khác, Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 10 năm 1930 đã hoạch định những vấn đề căn bản và cốt lõi của cách mạng Đông Dương; đặt phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Sau Hội nghị, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Thông cáo chỉ đạo tổ chức đảng trong các xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao, Cao Miên tiến hành hội nghị, cử ra các xứ uỷ để lãnh đạo phong trào. Ngày 19 tháng 12 năm 1930, Ban Thường vụ Trung ương tiếp tục gửi thư cho các cấp bộ đảng kêu gọi: “Nhiệm vụ chánh của chúng ta bây giờ là phải khuếch trương phong trào cách mạng kịch liệt chống lại với khủng bố trắng để làm cho cách mạng mau thành công”.

Những chỉ đạo trên của Trung ương giúp cho các cấp bộ, đảng viên ở Việt Nam và Lào tuân thủ nghiêm túc chủ trương của Trung ương Đảng về việc đổi tên Đảng, nhận thức rõ trách nhiệm trong việc tăng cường đoàn kết thống nhất, giúp đỡ nhau trong nội bộ Đảng, cũng như trong phối hợp lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào.

Trong suốt quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng, Đảng Cộng sản Đông Dương còn bổ sung và đề ra những chỉ đạo cụ thể đối với các cấp bộ đảng và phong trào cách mạng Đông Dương, cũng như tăng cường quan hệ mật thiết, nương tựa lẫn nhau của hai dân tộc Việt Nam và Lào trên tiến trình đấu tranh giành tự do, độc lập cho mỗi nước.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 14 Tháng Tám, 2021, 04:48:38 pm
3. Nhân dân Lào cùng Việt kiều đấu tranh chống chế độ thuộc địa, phối hợp và ủng hộ cách mạng Việt Nam (1930 - 1939)

a) Xây dựng và khôi phục phong trào cách mạng, ủng hộ phong trào cách mạng Việt Nam (1930 - 1935)


Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Viêng Chăn, các chi bộ Đảng Tân Việt ở Thà Khẹc, Xavẳnnakhệt, Pạc Xê lần lượt chuyển đổi thành chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng trong thời gian này, Tỉnh ủy Quảng Trị tiến hành bắt mối, xây dựng một số chi bộ đảng trong Việt kiều ở địa bàn Trung Lào; đường dây liên lạc giữa các chi bộ đảng ở đây với Tỉnh ủy Quảng Trị được thiết lập. Sự ra đời của các chi bộ đảng trên thể hiện sự phát triển của phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động Lào cũng như vai trò rất lớn của Việt kiều.

Bên cạnh đó, các tổ chức quần chúng như Liên minh chống chủ nghĩa đế quốc, Tổ chức thanh niên, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Hội Cứu tế, Hội Bóng đá..., bắt đầu được gây dựng và phát triển trong các đô thị ở Lào. Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 3 năm 1931, về việc thành lập Công hội vận tải Lào, tổ chức công hội bắt đầu thành lập ở Viêng Chăn.

Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đảng, sự vận động của các đoàn thể quần chúng, những hoạt động chống Pháp có tính chất lẻ tẻ trong phạm vi bộ tộc, bộ lạc, mang tính chất địa phương và tự phát ở Lào dần dần chuyển lên mang tính tổ chức, hoà nhịp với phong trào đấu tranh của ba nước Đông Dương. Những hoạt động yêu nước và cách mạng ở Việt Nam và Lào có sự phối hợp và ngày càng gắn kết chặt chẽ, bổ sung, hỗ trợ nhau.

Từ giữa năm 1930, phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam bùng lan trong cả nước, diễn ra mạnh mẽ ở Trung Kỳ, nhất là ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Khi cuộc nổi dậy của nhân dân Nghệ An diễn ra, tuy không đồng ý với chủ trương “bạo động địa phương, bạo động non, sớm” mang tính chất “manh động” của các cấp uỷ đảng ở Trung Kỳ, song trước sự đánh phá, khủng bố dã man của kẻ thù, Trung ương Đảng ra thông cáo cho các cấp bộ đảng trong toàn xứ “hết sức bênh vực Nghệ An đỏ, mở rộng phong trào thị uy biểu tình phản kháng lại thủ đoạn gian ác của đế quốc chủ nghĩa” . Tiếp đó, Trung ương lâm thời ra lời kêu gọi thợ thuyền, dân cày, binh lính liên hiệp đấu tranh bảo vệ công nông Nghệ An với khẩu hiệu “Không được động tới công nông Nghệ An”.

Do sự cận kề về mặt địa lý, phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, nhất là ở Trung Kỳ, đã nhanh chóng tác động và ảnh hưởng đến phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc Lào.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, do sự thôi thúc của phong trào đấu tranh ở Nghệ - Tĩnh, cùng với sự phát triển của phong trào cách mạng và tổ chức đảng ở các địa phương Việt Nam, các chi bộ đảng và đoàn thể quần chúng ở Lào đã tiến hành một số cuộc đấu tranh với những hình thức từ công khai, hợp pháp đến bán công khai, bán hợp pháp. Tháng 12 năm 1930, công nhân bến tàu Viêng Chăn, công nhân mỏ Bò Nèng, Phôn Tịu (tỉnh Khăm Muộn) đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm và phản đối chủ mỏ sa thải công nhân. Cũng trong thời gian cuối năm 1930, chị em buôn bán nhỏ ở chợ Viêng Chăn tiến hành bãi thị, đòi giảm thuế và chống chính sách ngược đãi của nhà cầm quyền.

Đặc biệt, trước tình hình cao trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, nhất là ở Trung Kỳ, bị thực dân Pháp và tay sai dìm trong máu, mặc dù bị bộ máy cai trị hà khắc của Pháp kìm kẹp, mạng lưới mật vụ, cảnh sát, chỉ điểm ngày đêm lùng sục, bắt bớ, khủng bố, nhưng phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động Lào vẫn liên tiếp nổ ra trong các tháng 4 và 5 năm 1931. Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (ngày 1 tháng 5), công nhân Lào làm đường Lắc Xao đấu tranh, đình công, đòi tăng lương và ủng hộ phong trào Xôviết Nghệ - Tĩnh (Việt Nam). Các tổ chức cách mạng ở Viêng Chăn, ở các đô thị gần trục giao thông quốc lộ 13 ven sông Mê Công đã rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm hưởng ứng cuộc đấu tranh.

Với những hành động ngày càng mạnh mẽ, phong trào đấu tranh ở Việt Nam và Lào đã gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế, giành được sự ủng hộ to lớn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trước sự trưởng thành của giai cấp công nhân, trước sức đấu tranh cách mạng của nhân dân Đông Dương, nhất là của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào, Hội nghị Quốc tế Cộng sản tháng 4 năm 1931 ra Nghị quyết công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là “chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản” . Đây là điều kiện quan trọng để Quốc tế Cộng sản tăng cường chỉ đạo, giúp đỡ Đảng Cộng sản Đông Dương cả trên phương diện xây dựng và thực hiện đường lối chiến lược, sách lược; xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức, các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, các lực lượng tiến bộ trên thế giới, nhất là ở Pháp, diễn ra mạnh mẽ, phản đối chính sách khủng bố trắng của chính quyền thực dân đối với cách mạng Đông Dương. Đó là niềm cổ vũ lớn lao cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào.

Hoảng sợ trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh của nhân dân Đông Dương, nhất là phong trào Xôviết Nghệ - Tĩnh, thực dân Pháp và chính quyền thuộc địa Đông Dương đã câu kết với các thế lực phản động quốc tế và trong khu vực đàn áp cách mạng hai nước Việt Nam và Lào.

Trước sức khủng bố và đánh phá ác liệt của đối phương, phong trào cách mạng ở Việt Nam và Lào chịu nhiều tổn thất. Trong hai năm 1930 - 1931, toàn Đông Dương có tới hơn 15.000 chiến sĩ cách mạng bị tù đày . Trong thời gian sáu tháng cuối năm 1931 và cả năm 1932, trong các nhà tù ở Đông Dương có gần 16.000 tù chính trị . Trong ba năm 1931 - 1933, có tới 164 bản án tử hình, trong đó có 88 bản án đã được thi hành , những người bị kết án chủ yếu là các chiến sĩ yêu nước và cách mạng.

Hệ thống tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương bị phá vỡ. Tổng Bí thư Trần Phú bị bắt vào tháng 4 năm 1931 ở Sài Gòn và hy sinh ngày 6 tháng 9 năm 1931. Ngày 1 tháng 6 năm 1931, đồng chí Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hồng Công. Nhiều cán bộ chủ chốt của Đảng bị bắt. Ban Trung ương Đảng không còn.

Tại Lào, ngày 19 tháng 4 năm 1931, các chi bộ đảng ở Xavẳnnakhệt, Pạc Xê, Thà Khẹc bị địch phát hiện. Hơn 10 đảng viên bị bắt. Một số đảng viên người Việt Nam hoạt động tại các đô thị ở Lào lần lượt bị địch bắt hoặc bị trục xuất về nước. Riêng chi bộ ở mỏ thiếc (Thà Khẹc) và ở Viêng Chăn không bị lộ, song mất liên lạc với Trung ương. Cũng như các địa phương ở Việt Nam, phong trào cách mạng ở Lào gặp rất nhiều khó khăn và tạm thời lắng xuống.

Cuối năm 1931, trong hoàn cảnh bị địch khủng bố, ba đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh là Lê Lộc (tức Hiền), Trần Xu (tức Thành), Bùi Khương (tức Liễu Hán, tức Khương) cùng một số đảng viên của Đảng bộ Hà Tĩnh, cán bộ của Xứ uỷ Trung Kỳ lánh sang Xiêm bắt liên lạc với các cơ sở cách mạng của người Việt ở Xiêm và Đảng Cộng sản Xiêm để hoạt động. Tháng 2 năm 1932, được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Xiêm, các đồng chí đã thành lập Ban Chấp uỷ Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau một thời gian ngắn, các đồng chí nhận thấy Ban Chấp uỷ Trung ương không thể tồn tại ở ngoài nước, nên đã tổ chức lại thành Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Xiêm. Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ đặt trụ sở tại Uđon (Xiêm).

Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ chủ trương đưa người từ trong xứ sang Xiêm huấn luyện rồi cử về xứ hoạt động; kết nạp những phần tử tiên tiến vào Đảng Cộng sản ; đề nghị Trung ương Đảng Cộng sản Xiêm giúp đỡ bắt liên lạc với Quốc tế Cộng sản.

Trong những năm 1932 - 1933, Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ thực hiện các công tác bảo vệ, nuôi dưỡng cán bộ và giúp đỡ người Việt Nam sang lánh nạn, liên tiếp cử nhiều cán bộ về nước chắp nối lại cơ sở, gây dựng lại phong trào. Dưới sự giúp đỡ của Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ, nhiều lớp huấn luyện về tình hình, nhiệm vụ, về công tác xây dựng đảng, xây dựng đoàn thể quần chúng, về hình thức tổ chức và phương thức lãnh đạo đấu tranh được mở ở Nakhon Phạnôm, Noỏng Khai (Đông Bắc Xiêm) cho các đảng viên và quần chúng cốt cán ở Lào . Tại những lớp huấn luyện này, các đồng chí Lào được nghiên cứu “Luận cương chánh trị” của Đảng Cộng sản Đông Dương, Điều lệ các tổ chức quần chúng; các tài liệu: “Nhân loại tiến hoá sử”, “Nhật ký chìm tàu” (do Nguyễn Ái Quốc viết), “Cách mạng nhập môn”, “Gương Nga”. Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ còn sáng tác các bài hát cách mạng theo lối Ả đào, Xẩm xoan, Sa mạc... để phổ biến trong Việt kiều ở Lào; tiến hành rải truyền đơn, treo cờ ở Lào; đặt các nhân mối ở Lào để giúp đỡ những người hoạt động cách mạng ở Việt Nam mới sang và chọn lọc đưa họ sang Xiêm huấn luyện . Đầu năm 1934, qua Ban Trung ương Chấp uỷ Đảng Cộng sản Xiêm, Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ bắt liên lạc với Ban Chỉ huy ở ngoài Đảng Cộng sản Đông Dương. Hoạt động của Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ góp phần khôi phục tổ chức đảng và phong trào cách mạng ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và ở Lào.

Bên cạnh Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ, Xứ uỷ Nam Kỳ sau khi được lập lại cũng rất quan tâm đến công tác gây dựng tổ chức đảng và phát triển phong trào cách mạng Lào. Trong Thông cáo cho các đồng chí, ngày 4 tháng 7 năm 1933, Xứ uỷ Nam Kỳ nêu rõ: “ảnh hưởng của Đảng đã đâm sâu lan rộng tới Cao Miên và Ai Lao” . Tháng 8 năm 1933, Xứ uỷ Nam Kỳ mở hội nghị bàn về công tác phát triển phong trào cách mạng trong xứ. Trước tình hình Trung ương Đảng chưa được lập lại, Xứ uỷ Nam Kỳ chủ trương: “Xứ uỷ phải tìm mối liên lạc với Cao Miên, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Ai Lao đặng hợp nhất các xứ bộ, tổ chức (lại) Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương”.

Được sự giúp đỡ của Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ, đến năm 1933, ở Lào có một số đảng viên người Việt hoạt động3; phong trào đấu tranh cách mạng ở Lào đã dần dần được nhen nhóm và phát triển.

Năm 1933, dưới sự lãnh đạo của các đảng viên, chị em buôn bán nhỏ ở chợ Viêng Chăn bãi thị đòi giảm thuế và phản đối sự ngược đãi của nhà chức trách đối với những người buôn bán nhỏ ở chợ. Tháng 11 năm 1933, Chi bộ Đoàn Thanh niên cộng sản Trường Tiểu học Pháp - Việt ở Viêng Chăn lãnh đạo 50 học sinh lớp nhất đến văn phòng đốc học người Pháp đấu tranh phản đối việc nhà trường đuổi một số học sinh. Kết quả viên đốc học phải nhận lại số học sinh trên.

Bước vào năm 1934, phong trào đấu tranh của nhân dân Lào có bước phát triển mới. Đầu năm 1934, công nhân mỏ Phôn Tịu tiến hành ba cuộc bãi công. Ngày 2 tháng 5 năm 1934, 60 công nhân (đại đa số là người Lào) của Trường Kỹ nghệ thực hành Viêng Chăn tiến hành bãi công, tuần hành bằng xe đạp chống giảm tiền công. Tuy không đạt được kết quả, song cuộc đấu tranh đã gây tiếng vang lớn ở Viêng Chăn . Ngày 22 tháng 6 năm 1934, 40 người làm nghề kéo xe bò tiến hành bãi công đòi tăng tiền lương thắng lợi. Các cuộc đấu tranh của công nhân Xưởng dệt Kapphạ ở Viêng Chăn, công nhân làm đường 13, đường 9, công nhân vận tải thuỷ chống sa thải thợ, chống cúp lương nổ ra liên tiếp. Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 3 năm 1935) viết: “Vô sản kỹ nghệ Lào (...) đã biết nhiều phen bãi công bênh vực quyền lợi thiết thực hằng ngày của mình”.
 
Tiếp nối các cuộc đấu tranh trong năm 1933, ngày 3 tháng 6 năm 1934, các thương nhân ở Viêng Chăn tổ chức bãi thị chống tăng thuế thành công.

Bên cạnh các cuộc đấu tranh của công nhân, tiểu thương, năm 1934, nông dân trong nhiều tỉnh của Lào đã tiến hành đấu tranh chống sưu; đòi chính quyền thuộc địa ở Lào thu thuế bằng đồng bạc cũ và đồng bạc mới. Điều đặc biệt là, tuy còn nhiều hạn chế, như chưa lôi kéo được đông đảo nông dân, nhất là thanh niên, phụ nữ tham gia..., song các cuộc đấu tranh của nông dân Lào trên thực tế đã “đồng liên hợp với nông dân Việt Nam chống kẻ thù chung, cố trừ diệt lòng ác cảm của đế quốc” ; đồng thời, góp phần thúc đẩy các tổ chức đảng trong xứ đẩy mạnh công tác vận động nông dân.

 Nhận xét về phong trào đấu tranh ở Lào, trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 20 tháng 12 năm 1934, Ban Chỉ huy ở ngoài viết: “Các đồng chí ở Ai Lao tính chiến đấu cao”, “Đảng đã biết lôi cuốn những người Lào (...) vào phong trào” . Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra tại Ma Cao từ ngày 27 đến 31 tháng 3 năm 1935 cũng nhận xét: “Trong khoảng hai năm sau này [1933-1934 - BBS] công nhân vận động phát triển ở Lào (bãi công thợ mỏ trường bách công, culi xe bò) (...) các cuộc tranh đấu của công nhân ở Lào, Bắc Kỳ do Đảng Cộng sản tổ chức và chỉ huy (...) nhiều nơi đem các nguyên nhân thắng lợi và thất bại giảng giải cho quần chúng hiểu (Lào, Bắc Kỳ). Cao trào cách mạng mới đã lan khắp các miền hậu tiến (Lào, Cao Miên, thượng du Bắc Kỳ, các địa phương Thượng), các lớp hậu tiến và quần chúng lao động trong các miền dân tộc thiểu số chẳng phải chỉ vào hàng ngũ cách mạng mà thôi mà lại còn tham gia trong công tác chỉ đạo trong công cuộc tranh đấu (Lào, Bắc Kỳ)”.

Trong khi các đảng viên cộng sản, các tổ chức đảng ở Việt Nam và Lào chủ động liên hệ giúp nhau khôi phục tổ chức và các phong trào cách mạng, Quốc tế Cộng sản rất quan tâm đến việc phục hồi cách mạng Đông Dương.

Từ sau khi ra nghị quyết công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là “chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản” (tháng 4 năm 1931)4, Quốc tế Cộng sản tăng cường chỉ đạo, giúp đỡ Đảng Cộng sản Đông Dương cả trên phương diện xây dựng và thực hiện đường lối chiến lược, sách lược. Đặc biệt, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương bị đánh phá ác liệt, Trung ương Đảng không còn, Quốc tế Cộng sản tăng cường chỉ đạo, giúp đỡ Đảng Cộng sản Đông Dương khôi phục và phát triển phong trào cách mạng, hệ thống tổ chức, các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Ngày 5 tháng 6 năm 1931, Ban Chấp hành Quốc tế Công hội đỏ ban hành tài liệu “Những nhiệm vụ của cuộc Công hội cách mệnh ở Đông Dương”, trong đó kêu gọi những người cộng sản Đông Dương tranh đấu lập “mặt trận thống nhất của thợ thuyền các dân tộc (...) giúp đỡ về tinh thần và vật chất cho những người thợ Trung Hoa, Lào, Cao Miên, v.v., tham dự trong cuộc tranh đấu” . Tiếp đó, ngày 27 tháng 6 năm 1931, Ban Bí thư Chính trị Quốc tế Cộng sản gửi thư cho Đảng Cộng sản Đông Dương, chỉ thị: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng của thời cục là mở rộng phong trào cách mạng ra tất cả mọi miền - Cao Miên, Lào”.
 
Để khôi phục hệ thống tổ chức đảng, các cơ quan lãnh đạo và phong trào cách mạng Đông Dương, Quốc tế Cộng sản tổ chức cho những sinh viên tốt nghiệp Đại học phương Đông lần lượt trở về xứ hoạt động, gây dựng lại tổ chức đảng và phong trào cách mạng. Từ năm 1932 đến 1935, Quốc tế Cộng sản đã cử về Đông Dương 35 học viên tốt nghiệp các trường đào tạo tại Liên Xô.
 
Tháng 11 năm 1931, Lê Hồng Phong và Trần Đình Long nhận nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản trở về Đông Dương tham gia Ban Chấp uỷ Trung ương Đảng . Đầu năm 1932, sau khi biết Ban Chấp uỷ Trung ương không còn, đồng chí Lê Hồng Phong từ Pháp đến Trung Quốc chắp nối liên lạc với các nơi trong xứ, chuẩn bị điều kiện tái lập Ban Chấp uỷ Trung ương Đảng. Từ tháng 4 năm 1932, tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc), đồng chí Lê Hồng Phong bắt liên lạc với các nơi trong xứ; bắt liên lạc với các đồng chí hoạt động ở Xiêm để tìm hiểu tình hình Ai Lao và Trung Kỳ. Năm 1932, đồng chí Lê Hồng Phong biên soạn tài liệu “Tình hình và nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Đông Dương”, trong đó nêu rõ Đảng phải có trách nhiệm tuyên truyền, cổ động đấu tranh chống đế quốc Pháp “đem lính chỗ này sang chỗ nọ hoặc Lào và Cao Miên sang Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ và ngược lại”  để đàn áp phong trào cách mạng. Cũng trong năm 1932, những người cộng sản Đông Dương ban hành tài liệu “Đảng Cộng sản Đông Dương và những yêu sách chung cho các giai cấp và dân tộc ở Đông Dương”, trong đó chỉ rõ giai cấp vô sản Đông Dương phải “tìm kiếm bạn đồng minh” trong các dân tộc ở Đông Dương, trong đó có dân tộc Lào; thành lập “mặt trận thống nhất của mọi dân tộc Đông Dương” nhằm lật đổ chủ nghĩa đế quốc và tất cả bọn phong kiến, giải phóng hoàn toàn các dân tộc, bảo đảm cho họ một sự phát triển kinh tế - xã hội và văn hoá, thực hiện “Bình đẳng tuyệt đối giữa tất cả các dân tộc Đông Dương”. Năm 1933, những người cộng sản Đông Dương ban hành tài liệu “Những nhiệm vụ hiện nay của Đảng Cộng sản Đông Dương” đề ra những nhiệm vụ xây dựng lại bộ máy tổ chức đảng và tổ chức quần chúng. Tài liệu có đoạn viết: “Ở Cao Miên và ở Ai Lao, phải làm cho những người dân bản xứ tham gia vào bộ máy của Đảng. Công tác chuẩn bị các cán bộ bản xứ phải thu hút được sự chú ý của tất cả những người cộng sản của các xứ đó” .

Dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập vào tháng 3 năm 1934 để tiến hành các công tác của Đảng. Ban Chỉ huy ở ngoài gồm ba người, do đồng chí Lê Hồng Phong làm bí thư.

Sau khi thành lập, Ban Chỉ huy ở ngoài rất quan tâm lãnh đạo phong trào cách mạng ở Lào. Ban Chỉ huy ở ngoài xuất bản tạp chí Bônsơvích rồi gửi tới Xiêm để nhân bản gửi sang Lào, mỗi số khoảng 50 bản2; tiến hành bắt liên lạc với Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ.
Ngày 1 tháng 5 năm 1934, sau khi bắt được liên lạc với Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ, Ban Chỉ huy ở ngoài đã chỉ thị cho đầu mối này giúp đỡ khôi phục phong trào cách mạng ở Trung Kỳ và Ai Lao, trong đó có việc xúc tiến thành lập Xứ bộ Ai Lao của Đảng Cộng sản Đông Dương, thành lập Xứ uỷ lâm thời Ai Lao.

Từ ngày 16 đến 21 tháng 6 năm 1934, tại Ma Cao, Ban Chỉ huy ở ngoài và đại diện của Ban Chấp uỷ Xiêm3 tiến hành hội nghị để kiểm điểm việc thực hiện Chương trình hành động của Đảng ở trong xứ. Hội nghị nhận định rằng cùng với các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, các cuộc đình công của công nhân Lào ở Viêng Chăn, Bò Nèng,...; các cuộc bãi khoá của học sinh Lào ở Viêng Chăn; các cuộc bãi thị ở Viêng Chăn, đã góp phần làm cho cuộc đấu tranh cách mạng ở Đông Dương “tiếp diễn và được mở rộng (...) Ảnh hưởng và tổ chức đảng đang lan rộng đến Ai Lao”.

Hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế của phong trào đấu tranh ở Lào, như: ở Viêng Chăn cuộc đấu tranh không được tổ chức; trong cuộc bãi khoá của học sinh ở Viêng Chăn tổ chức đảng không lôi kéo được người Lào tham gia.

Hội nghị ra Nghị quyết nêu rõ: “Trong trường hợp Trung ương Đảng bị vỡ và mất liên lạc và để tránh mất sự lãnh đạo thường xuyên, các Xứ uỷ Đảng (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào, Cao Miên) phải liên lạc với Ban Chỉ huy ở ngoài. Trong trường hợp Trung ương bị vỡ, Ban Chỉ huy ở ngoài có thể thay thế Trung ương lãnh đạo trực tiếp tất cả các tổ chức đảng trong nước”3. Do trên thực tế Ban Chấp uỷ Trung ương chưa được lập lại nên Ban Chỉ huy ở ngoài “đóng vai trò Ban Trung ương Chấp uỷ lâm thời và tập hợp dưới sự lãnh đạo của mình tất cả các tổ chức của Đảng ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Nam Kỳ, Cao Miên và Ai Lao”.

 Hội nghị quyết định đến tháng 1 năm 1935 phải thành lập xong tất cả các xứ uỷ và các xứ uỷ sẽ cử đại biểu đi dự Đại hội Đảng vào mùa Xuân 1935; sau khi thành lập Xứ uỷ Trung Kỳ và Xứ uỷ Ai Lao sẽ giải tán Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ thuộc Đảng Cộng sản Xiêm, lập một cơ quan liên lạc giữa Đảng Cộng sản Đông Dương và Đảng Cộng sản Xiêm. Ban Chỉ huy ở ngoài đã thông qua đại diện của Ban Chấp uỷ Xiêm giao cho Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ nhiệm vụ khôi phục tổ chức đảng ở Bắc Trung Kỳ, lập Xứ uỷ Ai Lao; gửi cho đầu mối này một số tài liệu: tạp chí Bônsơvích, mẫu truyền đơn kỷ niệm Xôviết Nghệ - Tĩnh (ngày 12 tháng 9)...

Sau khi chắp nối được liên lạc với Ban Chỉ huy ở ngoài qua Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ, cơ sở đảng ở Lào có bước phát triển mới. Đến giữa năm 1934, ở Lào có 16 đảng viên (7 đồng chí là thợ mỏ, 6 đồng chí ở Viêng Chăn, 3 đồng chí ở Xavẳnnakhệt), 3 đoàn viên Thanh niên cộng sản Đoàn; có một chi bộ Thanh niên cộng sản Đoàn; 109 đoàn viên công hội, có các công hội thợ mỏ, thợ mộc, phu xe . Bên cạnh các đảng viên là người Việt sinh sống ở Lào, các đồng chí người Lào xuất thân từ thành phần công nhân, tổ chức đảng ở Lào kết nạp nhiều đảng viên xuất thân từ thành phần học sinh, công chức cấp thấp... như các đồng chí Xávắt Phỉu Khảo (Xú lin), Thít Phủi Bănchông, Khăm Xẻng, Phănđi... .

Trên cơ sở sự phát triển của tổ chức đảng ở Lào, thực hiện chủ trương của Ban Chỉ huy ở ngoài, từ ngày 6 đến 9 tháng 9 năm 1934, đại biểu của các chi bộ, cơ sở đảng Viêng Chăn, Bò Nèng, Phôn Tịu, Thà Khẹc, Xalavăn, Pạc Xê đã họp Đại hội tại cù lao Xiêng Xụ giữa sông Mê Công, trước làng Xỉ Khây thuộc tỉnh Viêng Chăn, đề ra chủ trương lãnh đạo phong trào cách mạng trong xứ, thành lập Xứ Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại Lào. Tham dự Đại hội có đồng chí Tiến Già (Lê Mạnh Trinh), đồng chí Phây (Nguyễn Chính Giao) là đại biểu Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ.

Đại hội thảo luận và quyết định:

- Kiện toàn, mở rộng các tổ chức đảng, đoàn thanh niên cộng sản và các tổ chức quần chúng.
- Đẩy mạnh hoạt động bằng các hình thức có tính chất quần chúng.
- Tích cực vận động quần chúng người Lào .

Đại hội thành lập Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời Ai Lao (tức Xứ uỷ lâm thời Ai Lao) gồm bảy uỷ viên. Ban Thường vụ gồm có ba uỷ viên.
Đại hội quyết định thành lập các tỉnh uỷ ở Pạc Xê, Xavẳnnakhệt và củng cố lại Thành uỷ Viêng Chăn; chỉ định một Ban Chấp hành lâm thời Thanh niên cộng sản Đoàn Ai Lao gồm ba đồng chí. Các đồng chí đã tuyên truyền vận động nhiều thanh niên Lào, thanh niên Việt kiều gia nhập các tổ chức cách mạng ở Viêng Chăn, ở vùng mỏ Bò Nèng, Phôn Tịu.

Đại hội còn quyết định củng cố các công hội và Hội phản đế liên minh và tổ chức các ngày kỷ niệm lớn bằng cách rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm khắp nơi trên đất nước Lào như ngày Quốc tế Lao động (ngày 1 tháng 5), ngày kỷ niệm Xôviết Nghệ - Tĩnh.

Xứ uỷ Ai Lao xuất bản tờ báo Gương chung làm cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ Lào, mỗi kỳ ra 100 số. Địa điểm ấn loát báo đặt tại cơ quan đóng ở cây số 5 trên đường đi Xỉ Khây; đây đồng thời là cơ sở làm kinh tế và là nơi liên lạc của Xứ uỷ . Báo Gương chung được chuyển từ Viêng Chăn đến Pạc Xê, Xavẳnnakhệt, Thà Khẹc bằng đường giao thông thuỷ dọc sông Mê Công và đã có tác dụng rất lớn trong phong trào cách mạng ở Lào lúc bấy giờ. Ngoài ra, Xứ uỷ còn sử dụng các tài liệu để tuyên truyền, huấn luyện cán bộ, như cuốn “Đường cách mệnh” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc phát hành năm 1927, “Duy vật sử quan sơ học” do Trung ương Đảng Cộng sản Xiêm ấn hành .

Ngay sau khi ra đời, thực hiện chủ trương đã đề ra tại Đại hội tháng 9 năm 1934, Xứ uỷ lâm thời Ai Lao họp bàn chủ trương phối hợp với tổ chức đảng ở Trung Kỳ, Đảng Cộng sản Xiêm phát động một đợt đấu tranh kỷ niệm Xôviết Nghệ - Tĩnh (ngày 12 tháng 9), đòi quyền tự do dân chủ. Xứ uỷ quyết định tổ chức kỷ niệm Xôviết Nghệ - Tĩnh thật rầm rộ, với các hình thức tổ chức mít tinh ở Viêng Chăn, ở vùng mỏ, ở Thà Khẹc, Xavẳnnakhệt; treo cờ, rải truyền đơn dọc theo sông Mê Công, v.v.. Các đồng chí trong Xứ uỷ được phân công về các địa phương tổ chức và lãnh đạo phong trào.

 Thực hiện chủ trương của Xứ uỷ, ngày 12 tháng 9 năm 1934, các chi bộ cộng sản Viêng Chăn, khu mỏ Hỉn Bun (Thà Khẹc Xavẳnnakhệt, Pạc Xê... đã lãnh đạo quần chúng treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn để kỷ niệm bốn năm ngày Xôviết Nghệ - Tĩnh. Tại Viêng Chăn, chị em tiểu thương chợ Viêng Chăn tiến hành bãi thị với các khẩu hiệu đòi giảm thuế, không được vứt quang gánh. Trước sức đấu tranh của chị em, bọn thống trị phải chấp nhận yêu sách. Sau cuộc đấu tranh này, 30 công nhân làm nghề xe bò tổ chức bãi công đòi tăng lương, trả lương sòng phẳng, chống quỵt tiền công. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy, cuộc bãi công đã giành thắng lợi. Thắng lợi của hai cuộc đấu tranh trên đã cổ vũ học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành tiến hành bãi khoá. Dưới sự tổ chức của Xứ uỷ Thanh niên cộng sản Đoàn đang học tại đây, học sinh đã đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Cuộc đấu tranh tuy bị thất bại, một số học sinh bị đuổi học, song đã góp phần tạo nên không khí đấu tranh sôi động ở Viêng Chăn trong ngày kỷ niệm Xôviết Nghệ - Tĩnh.

 Trong các hoạt động kỷ niệm, lực lượng Thanh niên cộng sản Đoàn đóng vai trò là lực lượng nòng cốt. Lực lượng tham gia đấu tranh phần lớn là anh chị em Việt kiều làm trong các công sở, một vài nơi đã có một số đồng chí Lào tham gia. Đợt đấu tranh này là một hoạt động phối hợp với cuộc đấu tranh của nhân dân Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ (Việt Nam).

 Cùng với các hoạt động trên đây, các tổ chức quần chúng cách mạng: phụ nữ, công hội đỏ, cứu tế đỏ, hội bồi bếp, hội xe bò, hội thợ may, hội học sinh, v.v. được tổ chức và phát triển ở nhiều nơi, nhất là ở Viêng Chăn. Các chi bộ Thanh niên cộng sản Đoàn phát triển ở Trường Kỹ nghệ thực hành, trường tiểu học và tại các phố. Các đoàn thể, như Công hội, Hội phản đế đồng minh được củng cố, thu hút nhiều người Lào yêu nước và tiến bộ.

Phát hiện thấy sự phát triển của phong trào cách mạng, chính quyền thuộc địa tiến hành khủng bố, gây cho Đảng bộ Lào nhiều tổn thất.
Xứ uỷ được thành lập hoạt động không đầy một tháng thì hầu hết xứ uỷ viên đều bị bắt, chỉ còn lại một đồng chí. Nhiều đảng viên và quần chúng người Việt tham gia các hoạt động trong đợt đấu tranh ngày 12 tháng 9 năm 1934 bị bắt và trục xuất về nước. Tuy nhiên, các chi bộ đảng ở Viêng Chăn, Pạc Xê, Thà Khẹc, Xavẳnnakhệt không bị lộ.

Theo chỉ thị của Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ, tháng 10 năm 1934, đồng chí xứ uỷ viên còn lại và các đảng viên cốt cán của Đảng bộ Lào họp ở Uđon (Xiêm), có đồng chí Lê Mạnh Trinh đại diện cho Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ dự, để kiểm điểm lại tình hình và tổ chức lại Xứ uỷ. Hội nghị cho rằng tuy bị khủng bố nhưng đợt đấu tranh kỷ niệm Xôviết Nghệ - Tĩnh đã thể hiện rõ sự tiến bộ đáng kể trong công tác tuyên truyền vận động của các tổ chức cơ sở đảng. Hội nghị đã bổ sung và củng cố Xứ uỷ. Đồng chí Phan Đình Hy (tức Quế) được cử làm bí thư. Xứ uỷ phân công các xứ uỷ viên phụ trách công vận, binh vận, báo chí.



Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 14 Tháng Tám, 2021, 04:50:51 pm
Sau khi Xứ uỷ được củng cố, phong trào cách mạng được đẩy mạnh. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh đòi quyền dân chủ phát triển rộng rãi ở Viêng Chăn, Thà Khẹc, Xavẳnnakhệt. Để đảm bảo an toàn, cơ quan báo Gương chung của Xứ uỷ chuyển sang Xiêm. Ngoài tờ báo Gương chung của Xứ uỷ, Đảng bộ Lào chỉ đạo xuất bản thêm tờ Bạn trẻ  của Thanh niên cộng sản Đoàn, phát hành chủ yếu ở Viêng Chăn, tờ Trẻ Lênin phát hành ở Xavẳnnakhệt; tờ Bạn thợ của công nhân; tờ Học sinh của Hội Học sinh để tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân lao động đứng lên làm cách mạng tự giải phóng. Các báo và truyền đơn đều in hai mặt, một mặt bằng tiếng Lào, mặt còn lại bằng tiếng Việt.

Công tác xây dựng tổ chức đảng ở Ai Lao được đẩy mạnh. Đến cuối năm 1934, ở Lào có bốn chi bộ ở Viêng Chăn, Bò Nèng, Thà Khẹc và Phôn Tịu với 18 đảng viên . Theo báo cáo của đồng chí Lê Hồng Phong gửi Quốc tế Cộng sản ngày 15 tháng 1 năm 1935, thời điểm này ở Lào có 16 đảng viên (7 đồng chí là thợ mỏ, 6 đồng chí ở Viêng Chăn, 3 đồng chí ở Xavẳnnakhệt), 3 đoàn viên Thanh niên cộng sản Đoàn. Tính đến ngày 15 tháng 2 năm 1935, Đảng bộ Lào có 32 đảng viên, trong đó có 28 đồng chí thuộc thành phần công nhân. Đảng bộ đã tổ chức được Thị uỷ Viêng Chăn (5 chi bộ), 2 Tỉnh uỷ Xavẳnnakhệt và Thà Khẹc; các chi bộ đảng ở các mỏ Bò Nèng, Phôn Tịu, Thà Khẹc .

Các tổ chức quần chúng cũng có bước phát triển. Đoàn Thanh niên cộng sản phát triển từ 15 đồng chí cuối năm 1934  lên 25 đồng chí tính đến ngày 15 tháng 2 năm 19353. Ban Chấp hành lâm thời Thanh niên cộng sản Đoàn Ai Lao và các chi bộ trực thuộc được tổ chức lại. Tổ chức Thanh niên cộng sản giữ vai trò chỉ huy các cuộc đấu tranh của thanh niên lao động tại Lào trong những năm 1934 - 19354.

Liên đoàn Công hội đỏ xứ Ai Lao được thành lập với hệ thống ngang và dọc thống nhất đến cấp xứ. Tuy số lượng hội viên Công hội đỏ giảm từ 60 hội viên vào cuối năm 19345 xuống còn 55 hội viên tính đến ngày 15 tháng 2 năm 19356, song, so với toàn xứ Đông Dương thì Ai Lao vẫn là xứ có hệ thống tổ chức của Công hội đỏ phát triển nhất. Tại Viêng Chăn, các hội viên Công hội đỏ đã thâm nhập vào các hội ái hữu để hoạt động. Nghị quyết của Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ I ghi rõ: “Ở Lào công hội vận động có phát triển”, “chỉ có đảng bộ Ai Lao biết chỉ đạo Công hội đỏ, lập ra tờ báo Bạn thợ riêng cho công hội” .

Ngoài ra, các tổ chức nhân dân khác cũng phát triển rất nhanh. Phân bộ Liên minh phản đế ở Lào hoạt động rất mạnh, thu hút được nhiều quần chúng Lào hăng hái tham gia. Cuối năm 1934, Phân bộ Liên minh phản đế Ai Lao có 12 người (ở Viêng Chăn) , đến ngày 15 tháng 2 năm 1935 tăng lên 69 người3. Phân bộ ra báo riêng làm cơ quan tuyên truyền, phối hợp cùng các chi bộ đảng và các đoàn thể quần chúng khác tổ chức những cuộc vận động chống khủng bố trắng ở Đông Dương, ở Việt Nam, bênh vực phong trào cách mạng Xiêm.

Vào cuối năm 1934, Hội Cứu tế đỏ Ai Lao có 29 hội viên. Cùng với Hội Cứu tế đỏ ở Nam Kỳ, Hội Cứu tế đỏ Ai Lao là một trong hai hội “có thế lực” khá hơn cả so với các nơi khác ở Đông Dương4. Hội đã góp phần đấu tranh đòi thả tù chính trị ở Đông Dương, trong đó có các tù chính trị ở nhà đày Lao Bảo, Khám lớn Sài Gòn, nhà tù Côn Đảo..., giúp đỡ các chiến sĩ cách mạng thoát khỏi nhà tù đế quốc trở về tham gia phong trào cách mạng.
 
Hội Thể thao Ai Lao cũng tăng từ 12 người lên 18 người tính đến ngày 15 tháng 2 năm 1935. Bên cạnh đó, đến đầu năm 1935, ở Lào còn có các hội phụ nữ (5 hội viên), sinh viên (20 người), binh sĩ (9 người).

Do chính quyền thuộc địa kiểm soát rất gắt gao, đề phòng bị khủng bố nên Đảng bộ Lào chủ trương “bí mật lãnh đạo trong các cuộc đấu tranh của quần chúng (Lào)” . Trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương , các chi bộ đảng ở Viêng Chăn, Xavẳnnakhệt, Thà Khẹc tiến hành nhiều hoạt động treo cờ Đảng, rải truyền đơn, treo khẩu hiệu... tuyên truyền về Đảng. Ngày 9 tháng 1 năm 1935, truyền đơn viết bằng chữ Việt và chữ Lào cùng nhiều khẩu hiệu cách mạng xuất hiện ở Trường Trung học Pavie, sân bóng đá và tại một số ngôi chùa ở Viêng Chăn. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ rải truyền đơn, một thanh niên cộng sản bị bắt.

Trước tình hình đó, Xứ uỷ Ai Lao họp tại Thà Boốc (Xiêm) quyết định tổ chức cuộc mít tinh tại chùa Cấm (Viêng Chăn) vào ngày mùng 2 Tết âm lịch Ất Mùi của người Việt, tức ngày 5 tháng 2 năm 1935, để phản đối sự khủng bố phong trào cách mạng của nhà cầm quyền thực dân Pháp, hô hào chống âm mưu địch gây thù hằn và kỳ thị giữa người Việt và người Lào. Đồng chí Phạm Văn Xô được giao nhiệm vụ lãnh đạo cuộc mít tinh. Lực lượng tham gia tổ chức cuộc mít tinh có các đoàn thể Công hội đỏ ở Viêng Chăn, Hội Phản đế liên minh và Đoàn Thanh niên cộng sản đóng vai trò nòng cốt. Đúng thời gian đã định, nhân lúc bà con người Việt đi lễ, cuộc mít tinh diễn ra với khoảng 400 người tham dự, trong đó có một số người Lào. Cuộc mít tinh sau đó trở thành cuộc biểu tình qua các phố rồi kéo đến đập phá nhà tên mật thám, yêu cầu trả tự do cho người bị bắt.

Sau cuộc đấu tranh này, thực dân Pháp tiến hành khủng bố, nhiều đảng viên cộng sản bị bắt.

Từ giữa tháng 12 năm 1934, Ban Chỉ huy ở ngoài tiến hành triệu tập đại biểu các xứ tham dự Đại hội. Ban Chỉ huy ở ngoài gửi thư nhờ Đảng Cộng sản Xiêm qua Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ thông báo đến tổ chức đảng ở Lào và ở Bắc Trung Kỳ, yêu cầu cử đại biểu tham dự Đại hội.

Nhận được chỉ thị của Ban Chỉ huy ở ngoài, từ ngày 21 đến 25 tháng 2 năm 1935, Xứ uỷ Ai Lao tiến hành hội nghị ở Uđon (Xiêm) bổ sung xứ uỷ viên , bàn các nhiệm vụ củng cố tổ chức đảng cấp dưới và thúc đẩy liên lạc giữa Xứ uỷ với các cấp; tổ chức Công hội đỏ toàn thành phố Viêng Chăn và triệu tập hội nghị bàn vấn đề phát triển hội viên mới, bầu Ban Chấp hành Liên hiệp Công hội đỏ Viêng Chăn; cử hai đồng chí Phan Đình Hy - Bí thư Xứ ủy và Phạm Văn Xô đại diện cho Đảng bộ Lào đi dự Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Ma Cao. Sau đó, do yêu cầu chỉ đạo công tác nên đồng chí Phan Đình Hy ở lại, không đi dự Đại hội Đảng như đã định.

Trong hoàn cảnh rất khó khăn, chỉ trong vòng sáu tháng từ khi Xứ bộ Ai Lao được thành lập, Xứ uỷ Ai Lao bị khủng bố, bị vỡ phải lập đi lập lại ba lần, song các đảng viên cộng sản ở Lào vẫn hoạt động, tích cực lãnh đạo phong trào trong xứ, đồng thời làm tốt nhiệm vụ do Ban Chỉ huy ở ngoài giao phó trong việc chuẩn bị Đại hội lần thứ I của Đảng. Các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ I của Đảng đã được các chi bộ đảng ở Lào nghiên cứu. Trong thư gửi Quốc tế Cộng sản ngày 31 tháng 3 năm 1935, Ban Chỉ huy ở ngoài đề nghị biểu dương những người cộng sản hoạt động ở Lào. Ban Chỉ huy ở ngoài viết: “Về chuẩn bị Đại hội của Đảng (...) Ở Lào, công việc này khá tốt, do nói chung các đồng chí ở Lào đã thực hiện các công việc do Ban Chỉ huy ở ngoài đề ra (...) Cần biểu dương tổ chức ở Lào, vì trong sáu tháng, khủng bố trắng đã làm đảo lộn gần toàn bộ xứ uỷ ba lần, nhưng xứ uỷ vẫn được khôi phục” .

Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra từ ngày 27 đến 31 tháng 3 năm 1935, tại một địa điểm ở phố Quan Công (Ma Cao, Trung Quốc). Tham dự Đại hội có 13 đại biểu; đại biểu của Đảng bộ Lào là Phạm Văn Xô - Uỷ viên Xứ uỷ Ai Lao. Đại hội đã thảo luận và thông qua các văn kiện do Ban Chỉ huy ở ngoài soạn thảo, như Báo cáo chính trị, báo cáo về công tác đã qua của Ban Chỉ huy ở ngoài; về nhiệm vụ của Ban Chỉ huy ở ngoài và các quan hệ của Ban với Ban Trung ương Đảng; về Điều lệ của Đảng.

Đại hội nhận định, cùng với Nam Kỳ, phong trào công nhân ở Lào là một trong hai khu vực có phong trào mạnh nhất Đông Dương với những cuộc đấu tranh “đặc sắc” của thợ mỏ, culi xe bò, của công nhân bồi bếp... đã lôi kéo được cả người dân tộc thiểu số và người ngoại quốc tham gia. Nghị quyết Đại hội viết: “Một điều đặc sắc là đại đa số cuộc bãi công, biểu tình do Đảng ta chỉ đạo trong khoảng hai năm nay (như ở Lào, Bắc Kỳ và nhiều chỗ ở Nam Kỳ) đều được thắng lợi hoặc hoàn toàn, hoặc từng phần, khiến cho quần chúng thêm hăng hái tranh đấu”.

 Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá tình hình khôi phục hệ thống tổ chức đảng và phong trào quần chúng qua gần năm năm đấu tranh, Đại hội đã xác định toàn Đảng phải tập trung thực hiện ba nhiệm vụ chính: Một là, củng cố và phát triển Đảng; Hai là, thâu phục quảng đại quần chúng lao động; Ba là, chống chiến tranh đế quốc.

Đại hội ra nhiều nghị quyết về Công nhân vận động, Nông dân vận động, Phụ nữ vận động, Thanh niên vận động, Cứu tế đỏ Đông Dương vận động, về Công tác trong các dân tộc thiểu số, về Công tác Phản đế liên minh, về Vận động binh lính, về Đội tự vệ..., trong đó chỉ rõ những nhiệm vụ của Đảng đối với phong trào cách mạng ở Lào cũng như mối liên kết giữa phong trào đấu tranh ở Lào và phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Nghị quyết Đại hội ghi rõ “Đảng cần phải phát triển và củng cố Công hội đỏ đã có”  ở Lào.

Đại hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên hợp mật thiết các dân tộc Đông Dương để chống kẻ thù chung trên cơ sở lấy nguyên tắc chân thật, tự do và bình đẳng cách mạng làm căn bản. Đại hội nhấn mạnh khẩu hiệu “Cho các dân tộc được quyền tự quyết” đã được nêu trong chương trình hành động của Đảng năm 1932. Nghị quyết viết: “Đảng Cộng sản thừa nhận cho các dân tộc được quyền tự do hoàn toàn (...) Sau khi đánh đổ được ách đế quốc Pháp ra khỏi xứ Đông Dương rồi, các dân tộc có quyền tự quyết, nghĩa là tuỳ theo ý chí của họ, họ muốn theo Liên bang Cộng hoà Xôviết Đông Dương, hoặc muốn lập ra nhà nước độc lập, muốn theo chính thể nào cũng được, chính phủ Xôviết công nông binh Đông Dương quyết không can thiệp và ngăn trở”2. Trên cơ sở đó, Đại hội chủ trương phải kiên quyết đưa các phần tử tích cực người Lào vào chiếm đa số trong các cơ quan chỉ đạo của Đảng, của các đoàn thể cách mạng ở Lào; Xứ uỷ Ai Lao phải sử dụng đủ phương pháp xuất bản báo chương, truyền đơn và các tài liệu bằng chữ dân tộc; kịch liệt đấu tranh chống áp bức, bóc lột; củng cố tình cảm và sợi dây liên lạc với nhân dân lao động Việt Nam; chống địa phương chủ nghĩa đồng thời chống xu hướng vị chủng, chủ nghĩa sôvanh của các cán bộ người Việt Nam đối với người lao động Lào.

Đại hội bầu Ban Trung ương Chấp uỷ gồm 13 đồng chí, trong đó, Đảng bộ Ai Lao vinh dự có hai đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành là đồng chí Phan Đình Hy (tức Quế) và đồng chí Phạm Văn Xô.

Sau Đại hội Đảng, các văn kiện Đại hội được phân phát tới Lào  và thổi vào phong trào cách mạng Lào một sinh khí đấu tranh mới.

Ngày 1 tháng 5 năm 1935, bất chấp lệnh giới nghiêm của Toàn quyền Đông Dương cùng việc chính quyền thuộc địa tăng cường các biện pháp trấn áp, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đảng, công nhân mỏ người Lào và người Việt Nam tiến hành bãi công . Học sinh người Việt và người Lào ở Trường Kỹ nghệ thực hành Viêng Chăn tiến hành một cuộc bãi công lớn trong vòng một tuần lễ. Năm công nhân người Việt bị đuổi về nước và 30 công nhân Lào bị sa thải. Nhiều nơi ở Lào rải truyền đơn và treo cờ đỏ búa liềm . Trong tháng 5 năm 1935, Xứ uỷ Ai Lao lãnh đạo các cuộc biểu tình kéo dài ba tuần lễ nổ ra ở Viêng Chăn, Bò Nèng, Phôn Tịu. Trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, đầu năm 1936, Ban Chỉ huy ở ngoài viết: “Mặc dầu có nạn khủng bố, Đảng đã có thể tổ chức hai cuộc đình công chính trị ở Lào trong ba tuần lễ vào dịp 1-5-1935” .

Chính quyền thuộc địa tiến hành khủng bố phong trào cách mạng Ai Lao. Tháng 5 năm 1935, đồng chí Phan Đình Hy, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ uỷ Ai Lao cùng ba xứ uỷ viên bị bắt. Ngày 6 tháng 6 năm 1935, đồng chí Phạm Văn Xô vừa dự Đại hội Đảng về đến bản Noỏng Bua (tỉnh Uđon - Xiêm) thì bị bắt. Tuy nhiên, các chi bộ đảng và tổ chức quần chúng vẫn tồn tại.

Giữa năm 1935, Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương viết thư cho Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ, chỉ rõ: Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, sau Đại hội Ma Cao đã có Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo phong trào cách mạng nên những người trong Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ sẽ trở thành thông tin viên của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ở nước ngoài. Thực hiện chỉ thị trên đây, Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ giải thể vào tháng 6 năm 1935. Từ đây, Đảng bộ Lào nhận sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng.

Để tăng cường sự lãnh đạo phong trào cách mạng Lào, tháng 7 năm 1935, Ban Chỉ huy ở ngoài và Ban Trung ương phân công một đồng chí tới Lào, song đồng chí này bị bắt tại Xiêm tháng 8 năm 1935.

Từ tháng 9 năm 1935, do điều kiện khó khăn, nhiều uỷ viên Trung ương lần lượt sa lưới mật thám, Ban Trung ương Đảng không còn nên phong trào cách mạng ở Lào đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chỉ huy ở ngoài. Do Xứ uỷ Ai Lao bị vỡ nên Ban Chỉ huy ở ngoài gấp rút chỉ đạo tái lập Xứ uỷ để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng đang diễn ra sôi nổi.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy ở ngoài, được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Xiêm, Xứ uỷ Ai Lao được tái lập vào tháng 9 năm 1935 , gồm ba uỷ viên. Xứ uỷ lãnh đạo hai Tỉnh uỷ Viêng Chăn và Xavẳnnakhệt; các tổ chức đảng ở Bò Nèng, Phôn Tịu, Thà Khẹc, Pạc Xê, Xiêng Khoảng2. Tháng 11 năm 1935, Xứ uỷ Ai Lao tổ chức hội nghị tại Na Kè thuộc huyện Phạnôm tỉnh Nakhon Phạnôm (Xiêm) để củng cố Xứ uỷ.
Các tổ chức quần chúng như Hội Phụ nữ, Hội Sinh viên, Cứu tế đỏ và Liên minh phản đế tiếp tục được củng cố. Bên cạnh đó, Hội Nông dân ở Lào bắt đầu được tổ chức. Các tổ chức đảng và quần chúng ở Lào đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xuất bản đều đặn bảy tờ báo bất hợp pháp. Cùng với sự khôi phục của Xứ uỷ, nhiều cuộc đấu tranh của công nhân, binh lính nổ ra ở Phôn Tịu, Thà Khẹc, Viêng Chăn... Đáng chú ý là cuộc bãi thao của 62 binh lính khố xanh người Việt và người Lào diễn ra ở Thà Khẹc phản đối sự ngược đãi của chỉ huy Pháp, buộc chúng phải nhượng bộ. Phong trào đấu tranh vũ trang của các bộ tộc Lào cũng diễn ra ở các tỉnh Xalavăn, Áttapư, Chămpaxắc, trong đó, nổi bật nhất là các hoạt động của nghĩa quân do ông Kẹo và ông Cômmađăm đứng đầu, có sự tham gia của dân tộc Xơđăng ở Tây Nguyên - Việt Nam. Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, đầu năm 1936, Ban Chỉ huy ở ngoài viết: “Phải nói rằng các đồng chí ở Lào hoạt động tốt. Các tổ chức quần chúng rất tích cực”.

Trong những năm 1930 - 1935, trong khi phong trào cách mạng ở Việt Nam bị khủng bố, gặp nhiều khó khăn, phong trào cách mạng ở Lào đạt nhiều bước tiến triển. Mặc dù chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng đều, song các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và Lào đã ảnh hưởng lẫn nhau, góp phần thúc đẩy sự ra đời của các đoàn thể yêu nước và cách mạng, các tổ chức đảng ở Lào; sự phát triển của phong trào cách mạng Lào, đặc biệt là các cuộc đấu tranh ủng hộ Xôviết Nghệ - Tĩnh đã góp phần khôi phục phong trào cách mạng và tổ chức đảng ở Việt Nam. Trong các cuộc đấu tranh ở các khu mỏ, ở công trường làm đường 9, đường 13, ở Trường Kỹ nghệ thực hành Viêng Chăn..., công nhân mỏ, học sinh và binh lính người Việt đã sát cánh cùng công nhân, học sinh và binh lính người Lào đấu tranh là những hình ảnh đẹp về mối liên hệ mật thiết giữa những người yêu nước của hai dân tộc.

Chính địa bàn và phong trào đấu tranh của nhân dân Lào đã làm xuất hiện và rèn luyện nhiều đảng viên ưu tú người Việt Nam, trong đó có những đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng. Sự ra đời của Xứ uỷ Ai Lao (tháng 9 năm 1934) là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh yêu nước của nhân dân các bộ tộc Lào, khẳng định trên thực tế vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Lào đối với cách mạng Lào.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 15 Tháng Tám, 2021, 09:08:16 am
b) Đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh thế giới (1936 - 1939)

Từ cuối năm 1935, đầu 1936, tình hình thế giới có những diễn biến ngày càng phức tạp với sự hình thành của Liên minh phát xít Đức - Italia - Nhật Bản. Nhật ráo riết chuẩn bị kế hoạch xâm lược Trung Quốc.

Trước tình hình chủ nghĩa phát xít ra đời, ráo riết chuẩn bị gây chiến tranh, với tinh thần trách nhiệm trước nhân dân thế giới, phong trào cộng sản quốc tế đã chuyển hướng đấu tranh, nhằm mục tiêu chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh. Chủ trương thành lập Mặt trận công nhân thống nhất, Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi nhằm tập hợp quần chúng chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh của Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản, cùng với những thay đổi trong quan điểm lãnh đạo của tổ chức này đã mang lại một sinh khí mới cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, có tác động đặc biệt quan trọng đến cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa, trong đó có Đông Dương.

Tại Pháp, Mặt trận Nhân dân Pháp hình thành từ tháng 7 năm 1934 với thoả ước thống nhất hành động giữa Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội về tổ chức mít tinh, biểu tình chống chủ nghĩa phát xít. Ngày 12 tháng 1 năm 1936, liên minh này công bố Chương trình của Mặt trận Nhân dân. Tháng 5 năm 1936, Mặt trận Nhân dân Pháp tiếp tục giành thắng lợi trong vòng bầu cử thứ hai vào Quốc hội Pháp. Ngày 4 tháng 6 năm 1936, Chính phủ mới được thành lập trên cơ sở thắng lợi của Mặt trận Nhân dân do Léon Blum đứng đầu. Chính phủ mới tuyên bố thực hiện Chương trình của Mặt trận Nhân dân, tiến hành cải cách chính trị - xã hội, chống chủ nghĩa phát xít, ban hành một số chính sách tự do, dân chủ cho các thuộc địa. Sự kiện này đã tạo ra những thuận lợi cho cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa, trong đó có nhân dân Đông Dương.

Những thay đổi của tình hình quốc tế, đặc biệt là chủ trương mới của Quốc tế Cộng sản có ảnh hưởng sâu sắc đến cách mạng Đông Dương. Thắng lợi của Mặt trận Nhân dân Pháp đã có những tác động tích cực đến các nước thuộc địa. Chính phủ Pháp buộc phải thực hiện những cải cách theo hướng nới rộng các quyền tự do, dân chủ ở Đông Dương. Đây chính là những điều kiện hết sức thuận lợi cho Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân đòi dân sinh, dân chủ.

Theo tinh thần chỉ đạo của Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản, trước những chuyển biến thuận lợi của tình hình thế giới và trong xứ, Đảng Cộng sản Đông Dương đã chuyển hướng đấu tranh nhằm mục tiêu chống phản động thuộc địa, chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh, đòi các quyền tự do, dân chủ. Đảng chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc phản đế là “nhiệm vụ trọng tâm”. Mặt trận dân tộc phản đế không phải là hình thức liên kết bí mật với các đảng cách mạng dân tộc trên cơ sở đòi lật đổ chủ nghĩa đế quốc và phong kiến bản xứ, thành lập chính phủ dân chủ và độc lập hoàn toàn cho Đông Dương, mà là một “tổ chức công khai nhất của đông đảo quần chúng”, bao gồm tất cả các đảng phái, các tầng lớp nhân dân kể cả người nước ngoài, cùng nhau đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ.

Chủ trương của Đảng đã mở ra cao trào đấu tranh đòi các quyền lợi dân sinh, dân chủ, tự do, cơm áo, hoà bình rộng khắp ở Đông Dương. Tại Việt Nam, hệ thống tổ chức đảng được khôi phục, phong trào đấu tranh đòi tự do, cơm áo diễn ra sôi nổi, rầm rộ khắp cả nước, tiêu biểu là các phong trào đấu tranh đòi triệu tập Đại hội Đông Dương diễn ra tại Việt Nam vào mùa Thu 1936; đón Gôđa và Brêviê đầu năm 1937; đấu tranh đòi tự do báo chí và tự do tuyển cử vào các cơ quan chính quyền do thực dân Pháp lập ra...

Trong khi phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam nhằm mục tiêu dân sinh, dân chủ bùng lan khắp nơi thì phong trào đấu tranh của nhân dân Lào lại gặp nhiều khó khăn.

Sau khi được lập lại vào tháng 9 năm 1935, được củng cố vào tháng 11 năm 1935, đến giữa năm 1936, tổ chức đảng ở Lào gồm xứ uỷ, các tỉnh uỷ Viêng Chăn, Xavẳnnakhệt và các tổ chức địa phương ở Bò Nèng, Phôn Tịu, Thà Khẹc, Pạc Xê, Xiêng Khoảng2. Toàn Đảng bộ có 28 đảng viên, hơn 30 đoàn viên Thanh niên cộng sản3. Ngoài ra, còn có một số hiệp hội công đoàn, hội phụ nữ, hội sinh viên, một vài nhóm phản đế và năm tờ báo. Trong thư công khai của Trung ương gửi các đồng chí toàn Đảng, tháng 6 năm 1936, Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đánh giá về phong trào đấu tranh ở Lào cuối năm 1935 đầu năm 1936 như sau: “Cao trào cách mạng vẫn kế tiếp lên, những cuộc bãi công chính trị ở Vientiane (Viêng Chăn), Boneng (Bò Nèng), Bontiou (Phôn Tịu), các cuộc bãi công của thợ nhà máy in, máy gạo, làm đồ sứ, vườn nuôi, culi xe kéo, các cuộc bãi khoá của học sinh, bãi thực của các chính trị phạm, bãi thị của các tiểu thương gia, tiêu biểu rằng quần chúng lao khổ càng ngày càng cách mạng hoá”.

Phát hiện thấy sự phát triển của phong trào cách mạng Ai Lao, chính quyền thuộc địa tiến hành một cuộc khủng bố lớn phong trào cách mạng trong xứ vào đầu năm 1936. Cuộc khủng bố của địch đã gây tổn thất lớn cho Đảng bộ và cho phong trào cách mạng ở Lào. Hơn 400 chiến sĩ cách mạng người Việt bị bắt và bị trục xuất. Phần lớn các uỷ viên Xứ uỷ Ai Lao bị bắt, chỉ còn hai đồng chí thoát được sang Xiêm. Xứ uỷ bị vỡ.

Từ sau Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương, trong Đảng Cộng sản Xiêm xuất hiện những mâu thuẫn nội bộ. Đến đầu năm 1936, cơ quan lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản Xiêm nảy sinh hiện tượng bè phái, mất đoàn kết, chia thành hai nhóm “phê phán nhau kịch liệt và vô nguyên tắc và làm việc tách rời nhau”, “Vấn đề bè phái ở Xiêm đã gây ra ảnh hưởng rất xấu đến Lào” . Giữa năm 1936, Đảng Cộng sản Xiêm bị khủng bố, nhiều đồng chí cán bộ chủ chốt bị chính quyền Xiêm bắt giam. Mối liên lạc giữa Ban Chỉ huy ở ngoài với Lào vốn thông qua Đảng Cộng sản Xiêm bị gián đoạn. Trong báo cáo của Ban Trung ương gửi Quốc tế Cộng sản (ngày 10 tháng 9 năm 1937), viết: “Trước đây, Ban Chỉ huy ở ngoài có những liên lạc với các tổ chức của Lào qua trung gian của Đảng Cộng sản Xiêm. Từ lúc Đảng này bị cuộc đại khủng bố trắng đánh phá, các tổ chức của Lào cũng chịu cực về các vấn đề liên lạc của họ”.

Mặt khác, trong thời gian đầu năm 1936, do gặp nhiều khó khăn, sự lãnh đạo của Ban Chỉ huy ở ngoài đối với Lào cũng không được liên tục và sâu sát. Công cuộc xây dựng tổ chức đảng và phong trào cách mạng ở Lào bước vào giai đoạn khó khăn.

 Ngày 17 tháng 7 năm 1936, Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương gửi thư cho Xứ uỷ Ai Lao thông báo đã chỉ định hai hoặc ba đồng chí đến Lào để “tạo được một sự thúc đẩy mới cho những hoạt động ở Lào” và giúp đỡ phân bộ của Lào và Đông Bắc Xiêm. Tuy nhiên, do Xứ uỷ Ai Lao đã bị vỡ nên việc liên hệ trên không đạt kết quả.

Ngày 26 tháng 7 năm 1936, các đồng chí Ban Chỉ huy ở ngoài và Trung ương tiến hành hội nghị bàn công tác khôi phục Đảng và phong trào cách mạng, lãnh đạo các cuộc đấu tranh theo tinh thần chỉ đạo của Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản. Hội nghị thông qua chỉ thị yêu cầu các cấp bộ đảng chủ động thành lập Mặt trận dân tộc phản đế nhằm tập hợp tất cả các đảng phái, các tầng lớp nhân dân đấu tranh đòi các quyền lợi dân sinh, dân chủ. Đối với Lào, Hội nghị cho rằng phải có yêu sách đấu tranh riêng phù hợp với điều kiện của xứ. Theo đó, Lào có thể nêu yêu sách đòi xoá bỏ các luật lệ bản xứ, cải cách các cơ quan đại diện, hội đồng hàng tỉnh, biến chúng thành những cơ quan đại diện cho nhân dân. Nghị quyết Hội nghị viết: “Mặt trận dân tộc phản đế bao gồm tất cả các đảng phái và tất cả các tầng lớp nhân dân, không phụ thuộc vào dân tộc nào - dù là người Pháp, người Việt, người Lào hay các dân tộc thiểu số khác, miễn là họ nhất trí tranh đấu để thực hiện những yêu sách đã nêu ra”.

Hội nghị cũng cho rằng để thích hợp với các điều kiện đấu tranh giải phóng dân tộc, đối với các nơi giai cấp vô sản hãy còn ít như ở Lào, “cần phải thành lập các đảng cách mạng dân tộc cho dân bản xứ (...) như vậy không có nghĩa là chúng ta phải thủ tiêu các tổ chức Đảng Cộng sản ở những xứ này. Để lãnh đạo tốt các đảng dân tộc chủ nghĩa ấy và phong trào giải phóng dân tộc ở những xứ này, chúng ta phải tổ chức và tăng cường các chi bộ cộng sản”.

Từ tháng 10 năm 1936, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chuyển về đóng cơ quan tại Nam Kỳ (Việt Nam) để trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh trong xứ và đã có nhiều chỉ đạo đối với phong trào cách mạng của nhân dân Lào.

Trong các ngày 13, 14 tháng 3 năm 1937, Ban Trung ương họp Hội nghị mở rộng tại Nam Kỳ. Hội nghị đã bàn những biện pháp lập Mặt trận thống nhất nhân dân Đông Dương, phương pháp đấu tranh, tuyên truyền, cổ động... trong tình hình mới.

Tiếp đó, từ ngày 25 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9 năm 1937, Ban Trung ương tiến hành Hội nghị mở rộng tại Nam Kỳ. Đối với phong trào cách mạng Lào, Hội nghị nhận định: “Các đảng bộ ở Lào vẫn còn chưa khôi phục đảng bộ” . Do đó, cùng với việc đặt công tác xây dựng đảng là công tác quan trọng hàng đầu trong những nhiệm vụ cần kíp của Đảng, Hội nghị đề ra nhiệm vụ “mở rộng và củng cố các đảng bộ đã có, kế tiếp khôi phục cơ sở cũ của Đảng ở Ai Lao”.

Sau một thời gian chỉ đạo toàn Đảng đẩy mạnh lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức, các cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng, Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức Hội nghị toàn thể vào các ngày 29, 30 tháng 3 năm 1938, tại Tân Thới Nhất, gần Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định.

Kiểm điểm “công tác nội bộ” của Đảng, Hội nghị nhận định: số lượng đảng viên tăng 60%; ảnh hưởng của Đảng lan rộng trong quần chúng, Đảng chỉ đạo được công tác công khai, Ban Trung ương và các Xứ uỷ đã chỉ đạo được các đồng chí công khai tương đương... Tuy nhiên, cơ sở đảng chưa khôi phục được ở Lào, còn yếu ở Cao Miên, ở thành thị, tỉnh lỵ yếu hơn ở nông thôn; một bộ phận đảng viên nhiễm thói cô độc... Nghị quyết Hội nghị viết: “Điều khuyết điểm lớn là Đảng chưa có cơ sở ở Lào, ở Cao Miên thì rất yếu và thế lực ở tỉnh thành và tỉnh lỵ yếu hơn ở thôn quê”.

Hội nghị đã quyết định những vấn đề xây dựng đảng về mặt tổ chức, như củng cố những cơ sở đã có, lập cơ sở mới, chú trọng phát triển ở các thành phố, đồn điền, vùng công nghiệp tập trung; tăng cường công tác giao thông liên lạc giữa các cơ quan lãnh đạo các cấp, các xứ uỷ phải tổ chức các cơ quan giao thông chuyên môn...

 Trước tình hình tổ chức đảng ở Trung Kỳ đã phát triển và liên lạc được với nhau, Hội nghị quyết định tổ chức lại Xứ uỷ Trung Kỳ và “giao cho Xứ ủy Trung Kỳ tìm mối liên lạc với Ai Lao” . Tuy nhiên, do Xứ uỷ Trung Kỳ mới lập lại, cơ sở đảng ở Lào bị đánh phá và gặp những khó khăn nên chủ trương khôi phục tổ chức đảng ở Lào không thực hiện được.

Trong khi sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương với cách mạng Lào gặp khó khăn, các đảng viên người Việt hoạt động trên địa bàn Lào, Xiêm đã chủ động công tác, lập lại các chi bộ đảng để lãnh đạo phong trào nhân dân Lào nhằm các mục tiêu dân sinh, dân chủ. Một năm sau khi Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ của Đảng Cộng sản Xiêm giải thể theo quyết định của Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 3 năm 1935), vào đầu năm 1937, Ban Trung - Lào viện trợ  thuộc Đảng Cộng sản Xiêm được thành lập để giúp đỡ công tác gây dựng cơ sở đảng ở Trung Kỳ và Lào.

Dưới sự giúp đỡ của Ban Trung - Lào viện trợ, một số chi bộ đảng được thành lập ở Lào và nhận chủ trương mới của Đảng về chuyển hướng đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Tuy nhiên, các chi bộ đảng ở Lào không bắt được liên lạc trực tiếp với Ban Chỉ huy ở ngoài và Ban Trung ương Đảng nên gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, nhất là từ tháng 6 năm 1938, khi người phụ trách Ban Trung - Lào viện trợ là Nguyễn Chính Giao, Ủy viên người Việt duy nhất trong Ban Trung ương Đảng Cộng sản Xiêm - Bí thư Xứ uỷ Đông Bắc Xiêm bị bắt.

Trong thời gian này, mặc dù gặp nhiều khó khăn, sự lãnh đạo của Ban Chỉ huy ở ngoài, sau đó là của Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đối với Lào không được liên tục và sâu sát, tổ chức đảng bị tổn thất, song những đảng viên cốt cán trung kiên đã tổ chức quần chúng công nhân, giới buôn bán, học sinh người Việt và người Lào ở Viêng Chăn, Thà Khẹc, Xiêng Khoảng... đứng lên đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Ngày 25 tháng 10 năm 1936, 60 công nhân người Việt và người Lào ở mỏ thiếc Phôn Tịu đình công đòi bỏ việc một giờ để phản đối chủ mỏ không trả lương. Ngày 22 tháng 2 năm 1937, thợ may ở Viêng Chăn đấu tranh đòi tăng giá công may lên 10% và đòi được lập nghiệp đoàn thợ may. Tháng 3 năm 1937, công nhân nhà máy điện Viêng Chăn đấu tranh đòi tăng lương, đòi tiền thuốc chữa bệnh cho công nhân. Ngày 2 tháng 2 năm 1939, công nhân làm đường 13 ở bắc Thà Khẹc thuộc hãng Compagnie Coloniale đấu tranh đòi chủ hãng thi hành điều ước khoán việc theo hợp đồng và thanh toán tiền để công nhân nghỉ Tết.

Trước tình hình phong trào Lào không còn đầu mối lãnh đạo, sau khi bắt được liên lạc với Xứ uỷ Bắc Kỳ vào cuối năm 1938, một bộ phận đảng viên người Việt hoạt động trong Đảng Cộng sản Xiêm chủ trương chuyển sang hoạt động trong Đảng Cộng sản Đông Dương, chia nhau đi bắt mối, lập các chi bộ đảng ở Lào và xúc tiến lập lại Xứ uỷ Ai Lao.

Thực hiện chủ trương đó, trong hai ngày 7 và 8 tháng 2 năm 1939, một số đồng chí đảng viên của Đảng Cộng sản Xiêm cùng một số đảng viên của Thà Khẹc và khu mỏ tổ chức hội nghị tại trại cưa Xála Hỉn Khăn (Thà Khẹc), đề ra các biện pháp phát triển cơ sở ở khu mỏ, thị xã Thà Khẹc, khu vực công nhân làm đường ở Pạc Xan; đồng thời xúc tiến công tác trong hai tỉnh Viêng Chăn và Xavẳnnakhệt. Hội nghị đã bầu Xứ uỷ lâm thời Ai Lao gồm ba đồng chí.

Tuy nhiên, Xứ uỷ vừa thành lập được một ngày thì tất cả các xứ uỷ viên bị địch bắt. Tiếp đó, ngày 20 tháng 3 năm 1939, chính quyền thực dân tiến hành một cuộc khủng bố, bắt các đảng viên cộng sản Đông Dương tại các địa phương Thà Khẹc, Xavẳnnakhệt, Pạc Xê và khu mỏ Bò Nèng, Phôn Tịu.

Tuy các chi bộ đảng bị đánh phá, phong trào cách mạng Lào gặp rất nhiều khó khăn và tạm lắng xuống, song ở một vài nơi vẫn nổ ra một số cuộc đấu tranh, như: cuộc biểu tình của 40 công nhân người Lào và người Việt ở Thà Khẹc (ngày 1 tháng 5 năm 1939) ; cuộc đấu tranh bãi thị của những người bán củi ở Viêng Chăn phản đối việc tăng thuế của cảnh sát (ngày 25 tháng 9 năm 1939). Công nhân ở Lào còn gửi tiền ủng hộ báo Đời nay của những người cộng sản ở Bắc Kỳ Việt Nam3. Theo văn bản “Tình hình Đông Dương từ 1938 đến 1939”, thì ở Lào có hai cuộc đấu tranh của quần chúng.

Trong khi phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam lên cao với các mục tiêu dân sinh, dân chủ thì do những điều kiện khách quan, nhất là sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương gặp nhiều khó khăn, nhiều lúc bị gián đoạn, phong trào ở Lào bị giảm sút. Nếu trong giai đoạn 1930 - 1935, các cuộc đấu tranh ở Lào sôi động và gây ảnh hưởng đến phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam thì trong giai đoạn 1936 - 1939, phong trào đấu tranh sôi động ở Việt Nam đã ảnh hưởng đến Lào, thúc đẩy các đảng viên ở Lào khôi phục tổ chức và lãnh đạo một số cuộc đấu tranh của nhân dân Lào đòi các quyền lợi hằng ngày. Phong trào đấu tranh tuy không mạnh, song đã giữ vững được ảnh hưởng của Đảng trong nhân dân Lào. Trong bài “Mười lăm năm vận động cộng sản và chín năm thành lập Đảng Cộng sản ở Đông Dương”, báo Dân chúng, số 41, 42 ngày 3 và 7 tháng 1 năm 1939 viết: “Sau lúc phong trào cách mạng sụt xuống (...) Đảng Cộng sản luôn luôn tồn tại trong quần chúng, một phần cơ sở ở các vùng trung tâm tuy bị tạm thời mất liên lạc và yếu đuối, song ảnh hưởng và tổ chức của Đảng lại lan rộng tới các vùng thượng du Bắc Kỳ, tới Ai Lao, Cao Miên”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 15 Tháng Tám, 2021, 10:19:48 am
II. NHÂN DÂN VIỆT NAM - LÀO GIÚP NHAU TIẾN HÀNH CUỘC VẬN ĐỘNG KHỞI NGHĨA VŨ TRANG GIÀNH CHÍNH QUYỀN THẮNG LỢI (1939 - 1945)



1. Phối hợp chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền (từ năm 1939 đến tháng 3 năm 1945)

Ngày 1 tháng 9 năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ở Đông Dương, chính quyền thuộc địa thi hành chính sách phát xít hoá bộ máy thống trị, thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân trong xứ; ban bố lệnh tổng động viên, thực hiện chính sách kinh tế thời chiến nhằm tăng cường vơ vét sức người sức của ở Đông Dương phục vụ cho chiến tranh đế quốc.

Trước sự tồn vong của vận mệnh các dân tộc trong xứ, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đề ra và thực hiện quyết sách: đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng trước tiên.

Ngày 29 tháng 9 năm 1939, Trung ương Đảng gửi thông báo cho các cấp bộ đảng nói rõ hoàn cảnh Đông Dương sẽ tiến lên giải phóng dân tộc.

Hai tháng sau ngày Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Hội nghị Trung ương Đảng đã diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 11 năm 1939, tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định) để quyết định chủ trương mới đáp ứng những yêu cầu của cách mạng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì Hội nghị.

Hội nghị đưa ra nhận định cực kỳ quan trọng: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập (...) Sự bóc lột tàn ác của đế quốc Pháp ở Đông Dương để cung cấp cho chiến tranh sẽ làm cho dân Đông Dương ngày càng cách mệnh hoá. Cuộc cách mệnh đánh đổ đế quốc Pháp của các dân tộc Đông Dương nhất định sẽ nổ bùng”.

Từ nhận định đó, Hội nghị quyết định “đặt quyền lợi dân tộc lên trên các quyền lợi khác”, kể cả vấn đề ruộng đất cũng phải nhằm vào mục đích ấy mà giải quyết. Hội nghị chủ trương: phải thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương để “tranh đấu chống đế quốc chiến tranh, chống xâm lược phát xít, đánh đổ đế quốc Pháp, vua chúa bổn xứ và tất cả bọn tay sai của đế quốc đòi hoà bình cơm áo, thực hiện nền độc lập hoàn toàn cho các dân tộc Đông Dương với quyền dân tộc tự quyết”.

Lực lượng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đoàn kết trong Mặt trận bao gồm tất cả các giai cấp, các đảng phái, các phần tử phản đế muốn giải phóng dân tộc, thực hiện Đông Dương hoàn toàn độc lập với quyền dân tộc tự quyết, trong đó công nông là lực lượng chính, đặt dưới quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân.

Về vấn đề dân tộc, Nghị quyết Hội nghị viết: “Xứ Đông Dương gồm có nhiều dân tộc (...) trong đó có ba dân tộc Việt Nam, Lào, Miên ở riêng ba xứ khác nhau và đã từng có một lịch sử, một văn hoá riêng (...). Tuy bị đế quốc tìm cách chia rẽ cho dễ cai trị, tuy có nhiều điều kiện lịch sử và văn hoá khác nhau, các dân tộc Việt Nam, Miên, Lào và các dân tộc thiểu số khác cùng sinh hoạt trên dải đất chữ S, đều có liên quan về kinh tế và chính trị, tất cả đều bị đế quốc áp bức, tất cả đều bị bóc lột bởi những độc quyền tư bản tài chánh, tất cả đều nằm dưới một bộ máy đàn áp thống nhất về chính trị, và quân sự của đế quốc Pháp. Phong trào giải phóng các dân tộc vì vậy có mật thiết quan hệ với nhau và phải dựa lẫn nhau”.

Nghị quyết viết: “Phong trào dân tộc ở Đông Dương từ khi bị đế quốc Pháp cai trị đã trải qua nhiều đoạn tranh đấu vẻ vang. Khi ôn hoà, khi đổ máu, tất cả các dân tộc Đông Dương, từ Việt Nam, Miên, Lào đến các dân tộc thiểu số Thổ, Thượng, v.v., đã nhiều lần nổi dậy chống chính sách cướp bóc tàn ác và ách thống trị nặng nề của đế quốc”.

Từ những nhận thức mang tính đột biến về vấn đề dân tộc chân chính, Hội nghị đi đến chủ trương: Đông Dương hoàn toàn độc lập (thi hành quyền dân tộc tự quyết). Không một dân tộc nào có thể giải phóng riêng rẽ vì Đông Dương ở dưới quyền thống trị duy nhất của đế quốc Pháp về mặt chính trị, kinh tế và quân sự. Nhưng sự liên hiệp các dân tộc Đông Dương không nhất thiết bắt buộc các dân tộc phải thành lập một quốc gia duy nhất vì các dân tộc Việt Nam, Miên, Lào xưa nay vẫn có sự độc lập. Mỗi dân tộc có quyền giải quyết vận mệnh theo ý muốn của mình, song sự tự quyết cũng không nhất định là rời hẳn nhau ra.

Hội nghị chỉ rõ trong lúc cần phải làm thức dậy và đề cao tinh thần dân tộc chính đáng, trong lúc nhiệm vụ trung tâm là thống nhất tất cả các lực lượng dân tộc để đấu tranh giành độc lập, người cộng sản có thể và cần tổ chức ra “Liên đoàn giải phóng dân tộc Việt Nam phản đế hội”, “Việt Nam thống nhất dân tộc hội” để làm nền tảng cho việc thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương. “Mở rộng và nâng cao tinh thần dân tộc, làm cho mỗi người trong các giai cấp có ý thức về sự tồn vong của dân tộc và sự liên quan mật thiết của vận mạng dân tộc với lợi ích cá nhân mình; đặt quyền lợi dân tộc lên trên các quyền lợi khác, thống nhất lực lượng dân tộc là điều kiện cốt yếu để đánh đổ đế quốc Pháp”.

Hội nghị nhất trí rằng trong tình hình mới, nhiệm vụ của Đảng rất nặng nề, Đảng phải “giác ngộ rõ cái sứ mệnh lớn lao ấy và đủ can đảm, đủ nghị lực, đủ sáng suốt để gánh vác nó”. Trên tinh thần đó, Hội nghị đặc biệt coi trọng công tác xây dựng đảng về mọi mặt.

Đối với Miên, Lào, Hội nghị đề ra nhiệm vụ: “Phải chú ý gây dựng cơ sở Miên, Lào và tổ chức những Đảng bộ tự trị của các dân tộc thiểu số”.

Hội nghị khẳng định vận mạng và sự giải phóng của các dân tộc Đông Dương có liên quan mật thiết với nhau thì “ta phải đặc biệt chú ý sự vận động các dân tộc Miên, Lào và các dân tộc thiểu số; phải nghiên cứu những phương pháp cụ thể để thực hành nhiệm vụ ấy (...) phải tìm đủ mọi cách tìm mối liên lạc và gây cơ sở ở Miên, Lào và các dân tộc thiểu số như Thổ, Thượng, v.v.. Dù cho sự rút bớt cán bộ để phụ trách công tác này mà đình trệ công tác ít nhiều ở địa phương thì cũng phải làm. Phải tổ chức cho được những phần tử hăng hái của các dân tộc thiểu số vào Đảng và các Đảng bộ Miên, Lào cũng như Thổ, Thượng, v.v., vẫn nằm trong hệ thống duy nhất toàn Đảng, dưới một trung tâm chỉ huy duy nhất, vẫn theo đúng tinh thần chủ nghĩa quốc tế, nhưng được tổ chức thành những Đảng bộ tự trị để chỉ huy cho sát với những điều kiện đặc biệt của các dân tộc họ và lôi kéo được quảng đại quần chúng trong các dân tộc ấy tranh đấu đánh đổ đế quốc Pháp, giải phóng dân tộc”.

Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11 năm 1939 có một ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới về năng lực tư duy, sáng tạo và sự nhạy bén chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương. Với sự khẳng định tính chất và nhiệm vụ cách mạng lúc này là giải phóng dân tộc và với chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương để tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng, mọi xu hướng chính trị có thể tập hợp được, Hội nghị tháng 11 năm 1939 của Trung ương Đảng đã mở ra một thời kỳ đấu tranh mới: thời kỳ trực tiếp chuẩn bị lực lượng để khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn Đông Dương khi có thời cơ.

Tháng 12 năm 1939, Ban Trung ương ban hành tài liệu “Chủ trương của người cộng sản đối với vụ bắt lính”, có đoạn viết: “Phải tuyên truyền người Đông Dương đừng bắn giết người Đông Dương, đừng để cho đế quốc lợi dụng kích thích những thù oán dân tộc giữa người Nam, người Miên, người Lào, Thổ, Mọi, v.v., mà đem lính dân tộc này bắn giết dân tộc khác”.

Tháng 11 năm 1940, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp hội nghị để bàn về các nhiệm vụ cách mạng trong hoàn cảnh phát xít Nhật đã vào Đông Dương, cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên đã nổ ra ở Bắc Sơn (Lạng Sơn, Việt Nam). Hội nghị chỉ rõ kẻ thù của các dân tộc Đông Dương lúc này là phát xít Nhật và thực dân Pháp. Nhiệm vụ của Đảng là phải chuẩn bị lãnh đạo nhân dân ba nước Đông Dương nổi dậy đánh Pháp, đuổi Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân.

Tháng 5 năm 1941, Hội nghị lần thứ tám Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì, diễn ra tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng (Việt Nam). Từ những phân tích về tình hình, sự thay đổi thái độ của các giai cấp, tầng lớp và nguyện vọng của toàn thể nhân dân, Hội nghị quyết định “Cần phải thay đổi chiến lược”  phải xem nhiệm vụ giải phóng dân tộc, độc lập cho đất nước là một “nhiệm vụ trước tiên của Đảng ta và của cách mạng Đông Dương”3. Hội nghị khẳng định: “cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”, vậy thì cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”.

Đối với vấn đề dân tộc, Hội nghị chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước, cốt làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân. Do đó, Hội nghị quyết định thành lập ở mỗi nước một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi với những tên dễ hiểu, có ý nghĩa cho từng dân tộc. Ở Việt Nam, theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Việt Nam độc lập đồng minh lấy lá cờ đỏ ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh làm biểu tượng. Các đoàn thể quần chúng yêu nước chống đế quốc đều thống nhất lấy tên là “hội cứu quốc” như Công nhân cứu quốc hội, Nông dân cứu quốc hội, Thanh niên cứu quốc hội, Phụ nữ cứu quốc hội, Phụ lão cứu quốc hội, Quân nhân cứu quốc hội, Nhi đồng cứu vong đoàn... Đối với Lào và Cao Miên, Hội nghị chủ trương sẽ giúp đỡ nhân dân hai nước thành lập Cao Miên độc lập đồng minh và Ai Lao độc lập đồng minh. Trên cơ sở sự ra đời của mặt trận ở mỗi nước, sẽ tiến tới thành lập mặt trận chung của ba nước là Đông Dương độc lập đồng minh.

Hội nghị cho rằng các dân tộc Đông Dương đều chịu chung một ách thống trị của phát xít Pháp - Nhật cho nên phải đoàn kết lại đánh đuổi kẻ thù chung. Song nói đến vấn đề dân tộc, nói đến đoàn kết các dân tộc lúc này là nói đến sự tự do, độc lập của mỗi dân tộc tuỳ theo ý muốn của mỗi dân tộc. Do vậy, Đảng phải hết sức tôn trọng và thi hành đúng quyền “dân tộc tự quyết” đối với các nước ở Đông Dương. Sau khi đánh đuổi Pháp - Nhật thì các dân tộc sẽ tuỳ theo ý muốn mà tổ chức thành liên bang cộng hoà dân chủ hay đứng riêng thành một quốc gia dân tộc. “Sự tự do độc lập của các dân tộc sẽ được thừa nhận và coi trọng” . Riêng đối với Việt Nam, sau khi đánh đuổi được Pháp - Nhật sẽ lập nước Việt Nam dân chủ mới. Chính quyền cách mạng của nước Việt Nam dân chủ mới là một chính quyền cộng hoà “là của chung cả toàn thể dân tộc” .

Hội nghị quyết định xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, coi đó là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân trong giai đoạn hiện tại.

Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5 năm 1941 có ý nghĩa to lớn trong tiến trình hoạch định đường lối và quá trình thực hiện cuộc vận động khởi nghĩa vũ trang của cả Việt Nam và Lào. Chủ trương khởi nghĩa từng phần giành chính quyền địa phương tiến lên tổng khởi nghĩa là sự phát triển sáng tạo về phương thức khởi nghĩa vũ trang cách mạng trong điều kiện cụ thể của cách mạng ở nước thuộc địa. Những quyết sách rất đúng đắn, sáng tạo đó là nguồn sáng dẫn đường cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào phát huy mạnh mẽ tinh thần độc lập, tự chủ, chủ động khơi dậy và nhân lên sức mạnh tự thân của mỗi dân tộc, đồng thời tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân hai nước cùng tiến lên trong sự nghiệp đánh Pháp, đuổi Nhật, giành thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam và cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Lào.

Sau Hội nghị lần thứ tám Trung ương Đảng, ở Việt Nam phong trào Việt Minh lan rộng từ miền núi phía Bắc về đồng bằng, đô thị, từ miền Bắc vào miền Nam.

Ở Lào, sau khi Mặt trận Bình dân Pháp bị thất bại (năm 1940), chính quyền thuộc địa tiến hành đợt khủng bố ác liệt.

Đầu năm 1941, thực dân Pháp thành lập Sở Tuyên truyền Lào do Giám đốc Nha học chính ở Lào cầm đầu, ráo riết tuyên truyền cho chủ nghĩa Đại Lào nhằm kích động đầu óc dân tộc hẹp hòi, gây kỳ thị giữa Lào với các dân tộc láng giềng.

Tháng 3 năm 1941, Toàn quyền Đờcu đề ra “chương trình cải cách” ở Lào để “Lào được tự do, dân chủ” về chính trị. Trong đó có một số điểm đáng chú ý như: tăng thêm ngân sách cho địa phương, tăng thêm người Lào vào bộ máy cai trị, tăng phụ cấp cho công chức Lào, đặt chức “châu khoảnh” (tỉnh trưởng) cho người Lào đảm nhiệm. Gần bốn tháng sau ngày ký hiệp ước cắt một phần đất của tỉnh Xaynhabuli, Chămpaxắc (Lào)1 cho Thái Lan (ngày 9 tháng 5 năm 1941), để xoa dịu sự phản ứng trong tầng lớp phong kiến Lào, ngày 29 tháng 8 năm 1941, thực dân Pháp đã ký một hiệp ước bảo hộ với Lào. Theo đó, thực dân Pháp đã thực hiện một số biện pháp mà suốt nửa thế kỷ thống trị Lào cũng không hề đề cập như: thành lập một nội các Lào gồm bốn bộ (Nội vụ, Công chính và Y tế, Tài chính, Lễ nghi), do Hoàng thân Phếtxarạt đứng đầu; mở rộng quyền hành chính cho triều đình Luổng Phạbang và năm tỉnh ở Bắc Lào: Viêng Chăn, Xiêng Khoảng, Phôngxalỳ, Sầm Nưa, Hủa Khoổng; đặt quốc ca Lào; mở rộng ngành quan lại người bản xứ... Trong quân đội, người Lào được đề bạt lên đến chức “chánh quản” (tương đương chuẩn uý). Những tháng đầu năm 1941, Pháp cho xuất bản tờ báo Lào Nhay (Đại Lào)2 để tuyên truyền cho chủ nghĩa thực dân, gieo ảo tưởng trong nhân dân Lào về tình “hữu nghị” Lào - Pháp.

Do chính sách khủng bố của chính quyền thuộc địa ở Lào, nhiều đảng viên người Việt bị bắt, bị trục xuất về Việt Nam, một số lánh sang Thái Lan3; các tổ chức cách mạng phải rút vào bí mật.

Trong hoàn cảnh phong trào cách mạng ở Lào gặp khó khăn, một số sĩ quan, cảnh sát, trí thức và công chức Lào có tinh thần dân tộc chạy sang Thái Lan để tìm đường liên lạc với đồng minh chống Nhật, Pháp. Họ liên lạc với tổ chức Việt kiều ở Thái Lan và được Đảng Thái tự do (Thái Sêri)4 giúp đỡ đấu tranh chống Nhật.

Từ năm 1942, một số đảng viên thoát khỏi nhà tù hoặc tạm lánh trở về hoạt động tại các địa phương của Lào. Tháng 1 năm 1943, Ban Vận động Việt kiều Lào - Thái được thành lập tại Bạn Mầy, tỉnh Nakhon Phạnôm (Đông Bắc Thái Lan). Tiếp đó các tổ chức hội Việt kiều được thành lập rộng rãi ở các địa phương có Việt kiều cư trú trên đất Thái - Lào. Ban Vận động bắt đầu xúc tiến gây dựng cơ sở trên địa bàn Lào, thu hút các đảng viên cũ còn lại và những Việt kiều tích cực, nhằm mục đích tương trợ nhau trong cuộc sống. Một số cơ sở đảng được gây dựng lại ở Thà Khẹc, Xavẳnnakhệt, Viêng Chăn.

Ngày 28 tháng 2 năm 1943, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 25 đến 28 tháng 2 năm 1943 ra nghị quyết một lần nữa nhấn mạnh việc tổ chức Ai Lao độc lập đồng minhCao Miên độc lập đồng minh. Nghị quyết giao nhiệm vụ cho Xứ uỷ Trung Kỳ và Xứ uỷ Nam Kỳ phải đặc biệt giúp đỡ nhân dân Lào và Cao Miên phát triển những tổ chức nói trên. Tuy nhiên, do hoàn cảnh địch khủng bố, các tổ chức Đảng ở Trung Kỳ và Nam Kỳ đang trong quá trình khôi phục, nên chủ trương trên của Trung ương không thực hiện được.

Cuối năm 1943 đầu 1944, một số đảng viên người Việt trước đây bị quân phiệt Thái Lan cầm tù được trả tự do đã chắp nối liên lạc với các cơ sở đảng và quần chúng yêu nước ở Lào, hợp sức gây dựng lại phong trào. Năm 1944, sau khi nhận được chủ trương của Hội nghị lần thứ tám Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương do một số đảng viên ở Quảng Bình sang Lào lánh địch truyền đạt, Ban Vận động Việt kiều tại Lào - Thái tiến hành chuyển hướng hoạt động và đấu tranh theo chủ trương và phương thức hoạt động mới. Ban Vận động Việt kiều chuyển thành Hội Việt kiều cứu quốc.

Tranh thủ sự chuyển hướng về chính trị của Chính phủ Thái Lan, tổ chức Việt kiều ở Thái Lan đẩy mạnh hoạt động, thành lập các hội cứu quốc của Việt kiều, khôi phục lại các tổ chức đảng. Các đảng viên người Việt trước đây tham gia Đảng Cộng sản Xiêm nay được đưa về Lào hoạt động.

Để thống nhất việc chỉ đạo phong trào cách mạng và khôi phục tổ chức cơ sở đảng, xúc tiến việc củng cố và phát triển lực lượng cách mạng, những đồng chí trung kiên trong Hội Việt kiều cứu quốc đã thành lập Đội Tiên phong để chỉ đạo phong trào cách mạng ở Lào. Đội hoạt động bí mật, do đồng chí Nguyễn Chấn làm bí thư. Trên thực tế, Đội Tiên phong đã làm nhiệm vụ và đóng vai trò của Xứ uỷ lâm thời Ai Lao.
Dưới sự lãnh đạo của Đội Tiên phong, các chi bộ đảng ở Uđon, Nakhon, Mụcđahán (trên đất Thái Lan) đã cử cán bộ về Lào hoạt động. Các chi bộ đảng ở Viêng Chăn, Bò Nèng, Thà Khẹc, Xavẳnnakhệt lần lượt được củng cố. Phong trào yêu nước trong học sinh, viên chức Lào được nhen nhóm, phong trào yêu nước của Việt kiều ở hai bên bờ sông Mê Công phát triển mạnh.

Tháng 2 năm 1945, tại một địa điểm trên hữu ngạn sông Mê Công đối diện với Viêng Chăn, Đội Tiên phong tổ chức hội nghị mở rộng với sự tham gia của đại diện một số tổ chức quần chúng. Hội nghị nhất trí đề ra một số chủ trương quan trọng: “Đẩy mạnh việc vận động quần chúng, phát triển hội viên cứu quốc vào các tầng lớp nhân dân, nông dân, thanh niên, học sinh, sinh viên, công chức, binh lính, cảnh sát có tinh thần yêu nước và tiến bộ, cùng nhau đoàn kết đánh Pháp, đuổi Nhật. Liên hệ với tổ chức “Sêrithai” (Thái tự do) để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của họ trong việc xây dựng căn cứ bí mật trên đất Thái Lan, tranh thủ số người Lào di tản sang Thái Lan tham gia vào hàng ngũ cứu quốc”.

Cũng trong tháng 2 năm 1945, vào dịp Tết Nguyên đán Ất Dậu, theo chủ trương của Đội Tiên phong, Đại hội đại biểu Việt kiều cứu quốc ở cả Thái Lan và Lào được tổ chức. Đại hội quyết định thành lập Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào - một chi nhánh của Mặt trận Việt Minh, nhằm hưởng ứng và tham gia công cuộc giành độc lập của xứ sở. Đại hội nhận định: “Bọn phát xít Đức - Ý - Nhật đã đến giờ cáo chung; đế quốc Pháp ở Đông Dương đổ nát; Mặt trận Dân chủ thế giới đã đến ngày thắng lợi. Các nước bị xâm lăng ở châu Âu đã lần lượt cướp chính quyền tự chủ, kiều dân của những dân tộc bị xâm lăng đã lập thành những đội quân giải phóng hăng hái từ nước ngoài kéo về để cùng với đồng bào họ giành lại quyền tự do, độc lập. Thời cơ có lợi cho cuộc vận động độc lập nước nhà không bao giờ tốt đẹp bằng ngày nay...” . Với mục tiêu đó, Đại hội chủ trương xuất bản báo Độc lập, lập chiến khu, tổ chức quân giải phóng, liên lạc với Hội Lào Tự do để phối hợp đấu tranh chống phát xít, giành độc lập cho mỗi nước.

Có thể thấy, từ năm 1939, quan hệ Việt Nam - Lào đã có những chuyển biến mới. Tuy phong trào cách mạng hai nước đều nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, song chủ trương thành lập ở mỗi nước một mặt trận dân tộc thống nhất đã phát huy được tính chủ động của cách mạng mỗi nước trong chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở hai nước Việt Nam, Lào.




------------------------------------------------------------------
1. Đầu năm 1940, Thái Lan lên tiếng đòi Pháp phải trả lại các tỉnh nằm trên lãnh thổ Lào, Campuchia thuộc Pháp theo hiệp định được ký kết giữa Xiêm và Pháp từ năm 1903. Ngày 8 tháng 11 năm 1940, Thái Lan dùng cả lục quân và không quân vượt biên giới tấn công quân Pháp. Chiến sự diễn ra không đầy một tháng, quân đội Thái Lan đã chiếm đóng các vùng đòi Pháp trao trả. Ngày 27 tháng 11 năm 1941, hai tỉnh Xaynhabuli và Chămpaxắc được chính thức sáp nhập vào lãnh thổ Thái Lan.

2. Trong suốt quá trình xâm lược và thống trị Lào, do thực hiện “chính sách ngu dân”, thực dân Pháp hầu như không xuất bản các ấn phẩm, báo chí phục vụ người Lào. Không tính các tờ báo cách mạng, tờ Lào Nhay là tờ báo đầu tiên của chính quyền thuộc địa ở Lào, sau đó có thêm tờ Lào Nọi.

3. Ngày 11 tháng 11 năm 1940, trung đội lính khố xanh người Việt Nam đóng ở Viêng Chăn do ông Vũ Hữu Bỉnh (quản Bỉnh) chỉ huy đã bí mật rút sang Thái Lan, có ý định liên lạc với tổ chức cách mạng của Việt kiều ở Thái Lan và dựa vào Thái Lan để chống Pháp.

4. “Thái Sêri” hay “Sêrithai”là tổ chức chính trị ở Đông Bắc Thái chủ trương chống Nhật; được Mỹ, Anh giúp đỡ. Tổ chức “Thái Sêri” đã giúp đỡ một số thanh niên trí thức Lào chạy sang Thái từ năm 1941 để liên lạc với Đồng minh nhờ giúp đỡ chống lại Nhật. Tổ chức này về sau còn giúp đỡ thành lập tổ chức “Lào Sêri”.



Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 15 Tháng Tám, 2021, 10:30:46 am
2. Phối hợp đấu tranh chống phát xít Nhật, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, thành lập chính phủ độc lập ở mỗi nước (từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1945)

Cuối năm 1944 đầu năm 1945, tình hình thế giới và Đông Dương có nhiều biến đổi, đe doạ trực tiếp quyền lực và lợi ích của phát xít Nhật ở Đông Dương. Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai tàn khốc bước vào giai đoạn kết thúc với những thắng lợi liên tiếp của quân đội Liên Xô và các nước Đồng minh cùng các lực lượng dân chủ, hoà bình và tiến bộ xã hội trên thế giới. Ngày 30 tháng 4 năm 1945, quân đội Liên Xô cắm cờ trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức. Hítle tự sát. Ngày 8 tháng 5 năm 1945, Đức ký văn bản đầu hàng không điều kiện Liên Xô và các nước Đồng minh. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc ở châu Âu.

Trên chiến trường châu Á - Thái Bình Dương, quân đội phát xít Nhật bị bao vây, uy hiếp từ bốn phía. Cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc chống phát xít Nhật bước vào giai đoạn phản công, đẩy quân Nhật vào thế bị sa lầy, khốn đốn trong cuộc xâm lược đại lục Trung Hoa rộng lớn. Trên mặt trận Thái Bình Dương, các căn cứ của quân đội Nhật liên tiếp bị thất thủ trước những đòn tấn công của quân đội Mỹ. Trước những thắng lợi của quân Đồng minh và những thất bại của phát xít Nhật, chính quyền Đờcu “như rắn mất đầu”, một mặt tiếp tục quỵ luỵ Nhật, mặt khác ráo riết hoạt động chuẩn bị đón thời cơ khôi phục các quyền lợi đã mất.

Trước tình thế đó, để “tránh bị kẹp giữa hai lưới lửa”, quân đội Nhật quyết định thực hiện đảo chính Pháp ở Đông Dương vào ngày 9 tháng 3 năm 1945. Cuộc đảo chính của Nhật đã gây ra những thay đổi lớn ở Đông Dương, tạo ra những thách thức mới cũng như những điều kiện thuận lợi mới cho việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào.

Tại Lào, đêm mùng 8 rạng mùng 9 tháng 3 năm 1945, quân đội Nhật từ Thái Lan bí mật kéo vào Lào tước khí giới quân đội Pháp. Trừ trại lính khố xanh ở Thà Khẹc chống cự yếu ớt, còn hầu hết các đơn vị, đồn binh của quân đội Pháp tại Lào nhanh chóng tan rã, một số đầu hàng, một số chạy trốn vào rừng và chạy sang Vân Nam (Trung Quốc). Trong tháng 3 năm 1945, quân phát xít Nhật bắt giữ và giết 52 tên Pháp, hầu hết là những tên cầm đầu các ngành trong bộ máy cái trị ở hai tỉnh Thà Khẹc và Viêng Chăn. Ngày 14 tháng 4 năm 1945, quân đội Nhật tiến vào Sầm Nưa.

Sau khi lật đổ Pháp, phát xít Nhật thực thi một chính sách cai trị thâm độc và tàn bạo ở Đông Dương. Về mặt chính trị, Nhật vẫn giữ nguyên bộ máy chính quyền tay sai của thực dân Pháp trong các xứ , đồng thời chồng lên trên bộ máy cai trị tay sai một cơ cấu quyền lực gồm toàn các quan chức quân sự và chính khách người Nhật. Ngày 16 tháng 3 năm 1945, hãng tin Đômây (Domei) của Nhật công bố: “Theo chính sách mới thì các chính phủ Nam Triều, Cao - Miên và Luăng Pờrabăng (Luổng Phạbang)1 vẫn giữ nguyên hình thức chính phủ hiện thời. Còn Nam Kỳ tới nay vẫn là thuộc địa của Pháp và Bắc Kỳ cùng với Ai Lao tới nay vẫn là nửa thuộc địa nửa bảo hộ, thì tạm thời cử các quan thống đốc, thống sứ, khâm sai để quyền nhiếp chính sự vụ cho tới khi lập được các chính phủ bản quốc” .

Để tạo cơ sở xã hội, chính trị, Nhật còn cho lập mới hoặc hà hơi tiếp sức cho hàng loạt tổ chức chính trị thân Nhật đã có từ trước. Ngày 11 tháng 3 năm 1945, quân đội Nhật và bọn tay sai trong tổ chức Thanh niên Đại Việt đã tổ chức các cuộc mít tinh ở Viêng Chăn, Thà Khẹc, Xalavăn hô hào về việc Nhật trao trả “nền độc lập” cho Việt Nam và Lào.

Nhằm che đậy âm mưu xâm lược đối với Lào, sau khi lật Pháp, ngày 15 tháng 3 năm 1945, phát xít Nhật “công nhận” Vương quốc Lào và ngày 8 tháng 4 năm 1945, Vua Lào Xỉxávàngvông tuyên bố Vương quốc Lào Luổng Phạbang là một quốc gia “độc lập” (!) trong khối Đại Đông Á 2.

Cũng như ở Việt Nam, tại Lào, bên cạnh việc ban phát nền “độc lập bánh vẽ” cho người Lào, phát xít Nhật duy trì bộ máy thống trị cũ của thực dân Pháp, chỉ thay thế vị trí các quan chức người Pháp trước đây bằng các võ quan Nhật. Chúng giật dây cho một số người Lào ra báo Lào Chălơn (Lào thịnh vượng) để tuyên truyền cho thuyết Đại Đông Á của Nhật. Chúng tiến hành vơ vét nhân, tài, vật lực của nhân dân Lào, như: tăng cường bắt phu, tăng thuế, thu vét thiếc, cánh kiến trắng, cánh kiến đỏ, sa nhân, da thú, lương thực, thực phẩm... để phục vụ cho việc kéo dài chiến tranh xâm lược. Các tầng lớp nhân dân Lào ngày càng nhận rõ bộ mặt thật của phát xít Nhật, muốn vùng lên đánh đổ chúng, giành lại độc lập cho dân tộc.

Ngay trong đêm Nhật đảo chính Pháp (ngày 9 tháng 3 năm 1945), Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp đề ra chủ trương phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa. Toàn bộ chủ trương của Hội nghị được thể hiện trong Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” do Ban Thường vụ Trung ương ban hành vào ngày 12 tháng 3 năm 1945. Một cao trào kháng Nhật, cứu nước bùng lan tại Việt Nam. Cao trào kháng Nhật, cứu nước ở Việt Nam đã tác động và hỗ trợ tích cực, mạnh mẽ các lực lượng yêu nước Lào đấu tranh giành độc lập.

 Sau ngày Nhật đảo chính, thực hiện chủ trương của Đội Tiên phong và của Đại hội thành lập Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào, ngày 28 tháng 3 năm 1945, tại tỉnh Xakô Nakhon (Đông Bắc Thái Lan), các lực lượng Việt kiều yêu nước đã thành lập chiến khu Na Kè. Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào còn tiến hành bắt mối với tổ chức Thái Sêri để tranh thủ sự ủng hộ của họ 3 nhanh chóng xây dựng và củng cố các chiến khu ở các tỉnh Nakhon Phạnôm, Noỏng Khai, Xakôn Nakhon, Mụcđahán... để huấn luyện quân sự cho nam nữ thanh niên, cấp tốc xây dựng lực lượng vũ trang, bán vũ trang chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Lào. Ngày 11 tháng 5 năm 1945, tại chiến khu Na Kè (Nakhon Phạnôm), lực lượng vũ trang cách mạng của Việt kiều được thành lập lấy tên là Việt Nam độc lập quân 4.

Tại Viêng Chăn, vào cuối tháng 4 năm 1945, một chi bộ đảng được thành lập gồm bốn đồng chí; các đoàn thể Việt kiều cứu quốc cũng được tổ chức, thu hút khoảng 40 hội viên.

Sau ngày Nhật đảo chính, những trí thức, nhân sĩ, binh lính yêu nước và tiến bộ Lào đã hình thành các tổ chức chính trị khác nhau để mưu cầu nền độc lập cho dân tộc Lào.

Vào tháng 4 năm 1945, tại Thái Lan, nhóm người Lào lưu vong thành lập tổ chức Lào Ítxalạ (Lào tự do) do ông Thạo Ùn Xánánicon đứng đầu. Tổ chức này tập hợp các công chức, học sinh có tinh thần yêu nước, chủ trương dựa vào phe Đồng minh chống Nhật để giành độc lập.

Tháng 5 năm 1945, một tổ chức yêu nước khác của người Lào cũng ra đời là Lào pên Lào (Nước Lào của người Lào), gọi tắt là Lo Po Lo, gồm những công chức, trí thức, sĩ quan người Lào tập hợp nhau để đấu tranh giành độc lập cho Lào. Tổ chức chính trị này đã lập ra Uỷ ban chấp hành Lào pên Lào do ông Bông Xỉlạttạna Kun (sau đổi họ Xuvannavông) làm chủ tịch.

Ủy ban Lào pên Lào còn chỉ định một số Uỷ ban Lào pên Lào ở các địa phương: thành phố Viêng Chăn, tỉnh Viêng Chăn, tỉnh Luổng Phạbang, tỉnh Khăm Muộn, tỉnh Xavẳnnakhệt...

Trước sự ra đời của các tổ chức chính trị trên đây, Đội Tiên phong, Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào đã tiến hành liên hệ để bàn việc phối hợp hoạt động nhằm thu hút và tổ chức huấn luyện chính trị, quân sự cho thanh niên Lào - Việt.

Tháng 7 năm 1945, qua đồng chí Nguyễn Chính Giao, Đội Tiên phong chắp nối và nhận chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương về việc công nhận Xứ uỷ lâm thời Ai Lao, cử đại biểu dự Hội nghị đại biểu toàn Đảng tại Tân Trào - Tuyên Quang (Việt Nam). Thi hành chủ trương của Ban Thường vụ Trung ương, Đội Tiên phong chính thức chuyển thành Xứ uỷ lâm thời Ai Lao, do đồng chí Nguyễn Chấn làm bí thư. Xứ uỷ phân công các xứ uỷ viên phụ trách những khu vực quan trọng: Viêng Chăn, Thà Khẹc, Xavẳnnakhệt....; cử hai đồng chí Trần Đức Vịnh và Dương Chí Trung đại diện cho Đặc chi Lào - Thái đi dự Hội nghị đại biểu toàn Đảng ở Tân Trào vào tháng 8 năm 1945.






------------------------------------------------------------------
1. Luổng Phạbang: phiên âm theo tiếng Pháp là Luăng Pờrabăng, thường đọc Luông Phabăng. Luổng Phạbang là kinh đô (mương luổng) có tượng Phật Phạbang (đúc bằng vàng), là kinh đô của Vương quốc Lào trước đây, nay là tỉnh lỵ của tỉnh Luổng Phạbang. Luổng Phạbang được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới.

2. Vua Lào tuyên bố “độc lập” với nội dung như sau: Căn cứ vào diễn biến của tình hình thế giới, nhất là các nước ở khu vực Đông Nam Á thời gian qua, tôi công khai tuyên bố Vương quốc Lào thuộc Pháp trước đây bắt đầu từ hôm nay trở thành một nước độc lập. Vương quốc Lào Luổng Phạbang sẽ bảo vệ nền độc lập của mình như các nước khác ở Đông Nam Á và cùng với các nước bầu bạn xây dựng sự phồn vinh tiến bộ, như tuyên bố xây dựng thịnh vượng chung của khối Đại Đông Á. Vương quốc chúng ta quyết định cộng tác với nước Nhật trong mọi lĩnh vực để xây dựng mục tiêu nói trên.

3. Trong thời gian này, tổ chức “Thái Sêri” muốn sử dụng lực lượng ngày càng lớn mạnh của Việt kiều ở Thái Lan để chống Nhật nên đã đặt mối liên hệ và tích cực giúp đỡ Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào.

4. Đến tháng 7 năm 1945, chiến khu này giải thể, lực lượng vũ trang chiến khu phân tán trong Việt kiều trở về Lào gây dựng cơ sở.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 15 Tháng Tám, 2021, 10:39:40 am
Giữa lúc cao trào kháng Nhật của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào đang phát triển vô cùng mạnh mẽ thì một sự kiện quan trọng diễn ra: Nhật Bản đầu hàng Đồng minh vô điều kiện.

Ngày 6 tháng 8 năm 1945, Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hirôsima và ba ngày sau, ngày 9 tháng 8 năm 1945, ném quả thứ hai xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản làm chết hàng chục vạn người. Thực hiện cam kết tại Hội nghị Pốtxđam (họp từ ngày 17 tháng 7 đến 2 tháng 8 năm 1945), rạng sáng ngày 9 tháng 8 năm 1945, quân đội Liên Xô từ bốn hướng ồ ạt tấn công đạo quân Quan Đông của Nhật ở Mãn Châu (Đông Bắc Trung Quốc). Bằng những đòn tấn công như vũ bão, chỉ trong vòng một tuần lễ, quân đội Liên Xô đã đập tan hoàn toàn đạo quân Quan Đông với 1 triệu lính thiện chiến của Nhật, giải phóng toàn bộ vùng Đông Bắc Trung Quốc, miền Bắc Triều Tiên. Đây là đòn cân não buộc Nhật Bản phải đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Đài Phát thanh Tôkyô phát đi lời tuyên bố của Nhật hoàng Hirôhito “chấp nhận bản Tuyên bố chung của các cường quốc”.

Việc Chính phủ Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện khiến phát xít Nhật ở Đông Dương mất tinh thần, hoang mang, rệu rã, các chính quyền bù nhìn tay sai của Nhật ở Việt Nam, Lào và Cao Miên hoàn toàn bị tê liệt. Tình hình diễn biến rất nhanh, cơ hội ngàn năm có một của nhân dân Đông Dương giành độc lập đã tới.

Trong thời điểm lịch sử đó, Hội nghị đại biểu toàn Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 13 đến 15 tháng 8 năm 1945 đã nhận định: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi” và đưa ra quyết sách kịp thời lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tiếp sau Hội nghị, Đại hội Quốc dân cũng họp và chủ trương lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy tước khí giới của Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; giành lấy chính quyền từ tay Nhật, lật đổ bọn bù nhìn tay sai Nhật, đứng ở vị trí làm chủ nước mình mà tiếp đón quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật trên đất Đông Dương.

Tại Đại hội này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp hai đại biểu của Xứ uỷ Ai Lao là đồng chí Trần Đức Vịnh và Nguyễn Hữu Khiếu (Dương Chí Trung). Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, đại ý: “Thời cơ rất thuận lợi cho cách mạng Đông Dương. Kẻ địch sau này không phải là Nhật mà Pháp, Pháp nhất định núp sau Đồng minh để trở lại xâm lược. Ở Việt Nam cũng thế và ở Lào cũng vậy. Bây giờ không chờ cho khắp nơi chuẩn bị đầy đủ, mà không kể địa phương nào, hễ có điều kiện thì cùng với người Lào cướp chính quyền rồi giao lại cho họ” . Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh cũng căn dặn: “Các đồng chí về đưa lực lượng kiều bào hợp tác với người Lào để cướp chính quyền. Hợp tác thế nào, ở đây không nói được, tuỳ anh em bên ấy. Phải nắm vững tinh thần Lào - Việt Nam hợp tác. Phải tôn trọng người ta. Dù mình có khả năng làm được cũng phải coi người ta là chủ. Không phải chờ cướp chính quyền ở thủ đô đâu, nếu ở một vài nơi làm được thì cứ làm”.

Thực hiện chủ trương đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, ở Việt Nam, cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra sôi động và kết thúc thắng lợi hoàn toàn trên cả nước trong vòng 15 ngày. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt quốc dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tuyên bố với nhân dân cả nước và thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam đã đập tan bộ máy thống trị đầu não của phát xít Nhật ở Đông Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Lào.

Tuy nhiên, ở Lào tình hình diễn biến rất phức tạp. Các lực lượng cách mạng yêu nước chủ yếu mới được xây dựng và phát triển ở một số thành phố, thị trấn dọc sông Mê Công.

Sáng ngày 12 tháng 8 năm 1945, trong khi đang mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ Việt kiều ở Phôn Vixầy (Thái Lan), Xứ uỷ Ai Lao nhận được tin Nhật hoàng đã chấp nhận đầu hàng qua truyền đơn từ trên máy bay của Đồng minh thả xuống. Trong tình hình khẩn trương, Xứ uỷ Ai Lao không có điều kiện họp bàn kế hoạch khởi nghĩa, nhưng các đồng chí cán bộ lãnh đạo đã nhanh chóng nhất trí rằng phải hết sức khẩn trương, tranh thủ thời gian huy động nhân dân nổi dậy cướp chính quyền trong tay Nhật, trước khi chúng hạ vũ khí; ngăn chặn không cho Pháp trở lại cai trị Lào. Chủ trương trước hết phải vũ trang cho Việt kiều để có đủ sức mạnh đối phó với địch, rồi cùng toàn thể nhân dân Lào vùng dậy đánh đuổi Nhật và cả Pháp nếu chúng trở lại.

Mặc dù chưa học hết chương trình, lớp học vẫn bế mạc và ngay đêm 12 tháng 8 năm 1945, tất cả các đồng chí dự lớp huấn luyện lên đường về Viêng Chăn để lãnh đạo phong trào khởi nghĩa.

Ngày 14 tháng 8 năm 1945, trong lúc tin Nhật đầu hàng đã lan khắp trong nhân dân, binh lính Nhật ra sức vơ vét của cải để chuẩn bị rút, Ban Chỉ đạo khởi nghĩa Viêng Chăn được thành lập gồm ba đồng chí: Nguyễn Chấn, Bí thư Xứ uỷ, trưởng ban phụ trách chung; Vũ Hữu Bỉnh phụ trách quân sự, ngoại giao và quan hệ Lào - Việt; Nguyễn Đình Hin giúp đồng chí Nguyễn Chấn chỉ đạo các lực lượng Việt kiều . Ban Chỉ đạo lấy nhà đồng chí Hin ở ngoại ô Viêng Chăn làm cơ quan chỉ huy, gấp rút tiến hành triệu tập cuộc họp có các đồng chí trong Chi bộ Viêng Chăn tham gia để nắm tình hình, bàn kế hoạch khởi nghĩa.

Ban Chỉ đạo chủ trương phải tranh thủ cho được chính giới Lào, nhất là những người tiến bộ trong chính quyền, cảnh sát, bảo an; xúc tiến vận động Hoàng thân Phếtxarạt, làm cho họ thấy rõ không có con đường nào khác là phải đấu tranh vũ trang giải phóng đất nước 1.

Thực hiện chủ trương của cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã tiến hành vận động Hoàng thân Phếtxarạt cho phép Việt kiều được tổ chức lại nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của mình; đồng thời góp sức cùng nhân dân Lào đứng dậy giành độc lập, chống xâm lăng. Lúc này thực dân Pháp hiện diện trên đất Lào đang ráo riết chuẩn bị lực lượng trở lại thay thế Nhật. Núp dưới danh nghĩa Đồng minh, thực dân Pháp còn cho người liên lạc với Hoàng thân Phếtxarạt để thương lượng cho chúng được tiến vào Viêng Chăn.

Ban Chỉ đạo còn tập hợp Đoàn Thanh niên Việt kiều cứu quốc do đồng chí Phan Linh phụ trách làm lực lượng xung kích, tổ chức động viên các tầng lớp Việt kiều cùng với những người yêu nước Lào hăng hái tham gia các hoạt động cách mạng. Tiến hành tiếp xúc với Uỷ ban Lào pên Lào ở Viêng Chăn để thống nhất hành động.

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo gặp rất nhiều khó khăn vì trước khí thế cách mạng sôi sục của Việt kiều, một số thành viên chính phủ bù nhìn Lào và một bộ phận chính giới Lào có phần lo ngại, nghi ngờ Việt kiều có ý đồ thôn tính Lào nên tìm cách ngăn cản các tổ chức Việt kiều hành động.

Trong thời điểm khó khăn đó, vào ngày 16 tháng 8 năm 1945, nhận được tin hơn 500 công nhân Xưởng dệt Kapphạ (một xưởng dệt của tư bản Pháp ở Viêng Chăn, đa số công nhân là người Việt, có một số ít người Lào và người Hoa) đấu tranh đòi Nhật giao nhà máy cho Lào và trả nợ lương cho công nhân, Ban Chỉ đạo và Chi bộ đảng ở Viêng Chăn đã cử người vào lãnh đạo cuộc đấu tranh. Sau ba ngày đấu tranh rất quyết liệt, được sự ủng hộ hết lòng của Việt kiều và nhân dân Viêng Chăn, bọn Nhật buộc phải trả tự do cho đại biểu công nhân và trao trả nhà máy cho chính quyền Viêng Chăn.

Trước sự kiện đó, các chính giới Lào nhận rõ thật tâm đoàn kết của Việt kiều đối với Lào. Uỷ ban Lào pên Lào và Tỉnh trưởng Viêng Chăn Khăm Mạo rất tích cực phối hợp với Ban Chỉ đạo khởi nghĩa, vận động lực lượng quân đội, cảnh sát, bảo an đi theo cách mạng, tổ chức đội bảo an hỗn hợp Lào - Việt để tự vệ. Nhờ sự vận động tích cực của Tỉnh trưởng Khăm Mạo và Ban Chỉ đạo khởi nghĩa Viêng Chăn, Phó vương Phếtxarạt, nguyên Thủ tướng Chính phủ ở Luổng Phạbang đã đồng ý cho Việt kiều được tổ chức các đội tự vệ để giữ gìn trật tự trị an; cho phép Hội Việt kiều cứu quốc được hoạt động công khai.

Ngày 23 tháng 8 năm 1945, Ban Chỉ đạo khởi nghĩa cùng với Tỉnh trưởng Khăm Mạo tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại khu vực chợ Mới có đông đảo nhân dân Lào và Việt kiều tham gia. Một số nhân vật trong Chính phủ Vương quốc cũng đến dự. Trong cuộc mít tinh, đại biểu Việt kiều nói rõ chủ trương đoàn kết Lào - Việt chống thực dân Pháp, không để cho Pháp trở lại cai trị Lào lần thứ hai, ủng hộ và tuân theo pháp luật của Chính phủ Lào. Tỉnh trưởng Khăm Mạo thay mặt cho Chính phủ Vương quốc và Uỷ ban Lào pên Lào Viêng Chăn tuyên bố Việt kiều được quyền tổ chức các đội tự vệ; kêu gọi Việt kiều đoàn kết với nhân dân Lào, giúp đỡ Chính phủ Lào, cùng nhau chống Pháp, giành độc lập dân tộc cho hai nước. Cuộc mít tinh đã tăng cường lòng tin và tình đoàn kết Lào - Việt Nam, làm cho các lực lượng Việt kiều và lực lượng Lào yêu nước thêm gắn bó.

Cuộc khởi nghĩa Viêng Chăn ngày 23 tháng 8 năm 1945 giành được thắng lợi mà không tốn xương máu. Đó là do có sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời và khôn khéo của Xứ uỷ Ai Lao, mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo khởi nghĩa đã phát huy được sức mạnh đoàn kết của các lực lượng yêu nước Lào - Việt, đặc biệt là đông đảo Việt kiều ở Viêng Chăn; tranh thủ được sự ủng hộ của chính giới Lào, kể cả những người trong chính quyền Vương quốc.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Viêng Chăn đã thúc đẩy và tạo điều kiện cho các địa phương khác trên đất Lào đứng lên khởi nghĩa thắng lợi.

Tại Thà Khẹc, Xứ uỷ cử hai đồng chí xứ uỷ viên là Đinh Văn Khanh và Nguyễn Văn Long (tức Lý Bạch Sơn) cùng với Chi bộ Thà Khẹc thành lập Ban Chỉ đạo khởi nghĩa, thành lập đơn vị Việt kiều giải phóng quân, phối hợp với Uỷ ban Lào pên Lào và đơn vị Lào Ítxalạ lãnh đạo Việt kiều và nhân dân Lào khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi một cách nhanh gọn vào ngày 25 tháng 8 năm 1945.

Tại Xavẳnnakhệt, từ ngày 21 đến 30 tháng 8 năm 1945, các đồng chí Trần Đức Vịnh (xứ uỷ viên), Lê Mạnh Trinh cùng với chi bộ đảng lãnh đạo Việt kiều và các lực lượng Lào yêu nước ở đây (đặc biệt là Uỷ ban Lào pên Lào và Tỉnh trưởng Xavẳnnakhệt) khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Tại Sầm Nưa, ngày 26 tháng 8 năm 1945, tàn binh Pháp quay lại chiếm tỉnh lỵ Sầm Nưa. Tháng 10 năm 1945, được sự giúp đỡ của đơn vị bộ đội Việt Nam, nhân dân Sầm Nưa đã đánh đuổi quân Pháp, giải phóng thị xã Sầm Nưa.

Tại Luổng Phạbang, lực lượng nổi dậy chiếm thành phố vào ngày 18 tháng 10 năm 1945.

Đầu tháng 11 năm 1945, tỉnh Xiêng Khoảng được giải phóng.

Có thể nói, thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam và khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Lào diễn ra gần như đồng thời và đều ít đổ máu. Thắng lợi đó minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời, sáng tạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, thể hiện rõ tính hiệu quả của tình đoàn kết đấu tranh của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào. Cùng với cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam, thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 ở Lào đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân dân Lào đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản viết: “Đây là thắng lợi đầu tiên của nhân dân ta trở lại làm chủ đất nước và vận mệnh của mình sau hơn một trăm năm sống dưới ách nô lệ và bị chia cắt. Thắng lợi đó đã mở đầu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên mà nhân dân ta được huy động và tự giác tham gia vào cuộc chiến đấu sống còn với kẻ thù để cứu nhà, cứu nước” . Đồng thời cũng mở ra kỷ nguyên mới về quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam cùng đoàn kết giúp đỡ nhau vì những mục tiêu chung của cả hai dân tộc.

Sau khi khởi nghĩa ở Lào giành thắng lợi, hầu hết Việt kiều ở Viêng Chăn tham gia Hội Việt kiều cứu quốc. Nam nữ thanh niên hăng hái tham gia tự vệ chiến đấu, những người cao tuổi cũng xin gia nhập đội tự vệ chiến đấu. Tiếp đó, Việt kiều và nhân dân Lào ở Viêng Chăn phát động phong trào quyên góp, mua sắm vũ khí, rèn giáo mác, với khí thế bừng bừng cách mạng. Dân quân, tự vệ tổ chức tuần tra canh gác các ngả đường, khu phố, làng bản, giữ gìn trật tự, trị an, ngăn ngừa trộm cướp, cảnh giới đối với quân Pháp đang lăm le tấn công vào thành phố.
Thực hiện chủ trương và những lời căn dặn của đồng chí Hồ Chí Minh tại Hội nghị Tân Trào, Ban Chỉ đạo khởi nghĩa ở Viêng Chăn (do các đảng viên cộng sản làm nòng cốt) đã vận động các lực lượng yêu nước và tiến bộ Lào xúc tiến lập Chính phủ Lào. Trong thời gian gấp rút thành lập Chính phủ Lào, soạn thảo Hiến pháp, tình hình ở Viêng Chăn và ở Lào có những phức tạp mới do quân Pháp đang ráo riết hoạt động để quay trở lại Lào. Chúng tiến hành xây dựng những căn cứ ở các vùng nông thôn, xung quanh Viêng Chăn để tìm cách đánh vào thành phố. Ngày 1 tháng 9 năm 1945, Hoàng thân Phếtxarạt nhân danh Phó vương và Thủ tướng Chính phủ Vương quốc ở Luổng Phạbang tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ với Pháp, cấm người Pháp can thiệp vào nội trị của Lào.

Bên cạnh sự hiện diện của quân Pháp, ngày 29 tháng 9 năm 1945, các đơn vị đầu tiên của quân Tưởng Giới Thạch đến Viêng Chăn để giải giáp quân đội Nhật.

Trước đòi hỏi của quần chúng cách mạng, nhằm tạo nên sức mạnh thống nhất để bảo vệ chính quyền cách mạng, mà trước mắt là chống lại các cuộc tấn công quy mô của bọn xâm lược Pháp vào các đô thị, tháng 9 năm 1945, sau khi hiệp thương, tổ chức Lào Ítxalạ và Việt kiều yêu nước đã nhất trí thành lập đội quân lấy tên là Liên quân Lào - Việt đặt dưới sự chỉ huy của một bộ tham mưu chung, do quản Xỉng (người Lào) và Vũ Hữu Bỉnh (người Việt) đứng đầu.

Sau khi thành lập liên quân Lào - Việt, các Uỷ ban phòng thủ chung Lào - Việt ở các địa phương được tổ chức.

Tuy mới được thành lập, lại gặp nhiều khó khăn về tổ chức huấn luyện, trang bị, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần căm thù bọn xâm lược, các chiến sĩ trong liên quân Lào - Việt đã chiến đấu rất dũng cảm, gây cho quân địch nhiều thiệt hại trong các trận đánh lớn như Nhômmalạt, Phôn Tịu, Hỉn Bun, Kẹng Koọc, Xoỏng Khon, Thà Đừa, Ylay, Na Khằng, Bạn Cơn...

Được sự giúp đỡ của Ban Chỉ đạo khởi nghĩa ở Viêng Chăn, ngày 8 tháng 10 năm 1945, tổ chức Lào pên Lào và tổ chức Lào Ítxalạ cử đại biểu về dự Đại hội đại biểu Uỷ ban Dân chúng Lào tại Viêng Chăn với mục đích hợp nhất hai tổ chức, thành lập Uỷ ban Khởi sự (Kháná Phù Còcan), bàn việc thành lập Chính phủ Trung ương và dự thảo Hiến pháp tạm thời.

Ngày 10 tháng 10 năm 1945, Đại hội đại biểu Uỷ ban Dân chúng họp lần thứ hai quyết định thành lập Chính phủ Lào Ítxalạ do Hoàng thân Phếtxarạt đứng đầu, ông Khăm Mạo Vilay làm thủ tướng; thông qua Hiến pháp tạm thời, quyết định quốc kỳ, quốc ca.

Chính phủ Lào cũng gửi điện lên Nhà vua yêu cầu vua thừa nhận Hiến pháp mới, giải tán Chính phủ Luổng Phạbang, công nhận chính phủ mới và mời Xỉxávàngvông tiếp tục làm vua theo Hiến pháp 2.

Sáng ngày 12 tháng 10 năm 1945, Uỷ ban Dân chúng Lào và Chính phủ Lào Ítxalạ tổ chức cuộc mít tinh lớn tại tại sân vận động Viêng Chăn để làm lễ tuyên bố nền độc lập của quốc gia Lào và ban bố bản Hiếp pháp tạm thời. Hàng vạn nhân dân Lào, gồm công nhân, nông dân, học sinh, thanh niên, viên chức, người buôn bán và Việt kiều tham gia cuộc mít tinh đã phấn khởi hô vang các khẩu hiệu hoan nghênh nền độc lập của Lào, hoan nghênh Chính phủ mới, cổ súy tinh thần đoàn kết Lào - Việt. Đúng 8 giờ sáng ngày 12 tháng 10 năm 1945, ông Khăm Mạo thay mặt Uỷ ban Lào Ítxalạ tuyên bố khai mạc cuộc mít tinh và tuyên đọc các văn kiện quan trọng như: Tuyên ngôn độc lập; Quyết nghị thành lập chính phủ; Công bố bản hiến pháp lâm thời; Tuyên bố bổ nhiệm các thành viên trong Chính phủ. Cuộc mít tinh sau đó biến thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy nhằm biểu dương lực lượng và thể hiện quyết tâm bảo vệ nền độc lập của nhân dân Lào.

 Sau khi thành lập, Chính phủ Lào chủ trương: “1. Nhân dân Lào quyết tâm đoàn kết chống mọi mưu mô lập lại ách đô hộ của thực dân Pháp ở Lào; 2. Nhân dân Lào đã chán ghét bọn vua quan, tay sai của thực dân Pháp; 3. Nhân dân Lào thân thiện với nhân dân Việt Nam và quyết tâm cùng nhân dân Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương” . Thủ tướng Khăm Mạo nhân dịp này đã tuyên bố với Việt kiều: “mong rằng ba nước Việt, Miên, Lào bắt tay nhau để kiến thiết quốc gia”.

Nhận rõ tầm quan trọng của mối quan hệ hai dân tộc, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phái hai đồng chí Trần Đức Vịnh và Dương Chí Trung, đại biểu Việt kiều yêu nước Lào - Thái sau thời gian về nước dự Hội nghị Tân Trào trở lại Lào với danh nghĩa là phái viên của Tổng bộ Việt Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trên đường đi từ Trung Bộ Việt Nam đến Viêng Chăn, hai đồng chí đã đến Xavẳnnakhệt (ngày 26 tháng 8 năm 1945), Thà Khẹc (ngày 1 tháng 9 năm 1945), đến đâu đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng được Việt kiều và nhân dân Lào tổ chức mít tinh trọng thể chào mừng Đoàn.

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Xuphanuvông đang ở Vinh ra Hà Nội và tiếp Hoàng thân vào ngày 4 tháng 9 năm 1945. Cuộc gặp gỡ đã có tác động mạnh mẽ, quyết định đối với Hoàng thân trong việc chọn lựa con đường làm cách mạng, cũng như mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Lào trong bối cảnh mới. Sau khi tiếp kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thân Xuphanuvông trở về tham gia Chính phủ Lào. Ngày 3 tháng 10 năm 1945, hàng vạn nhân dân ở Xavẳnnakhệt họp mít tinh chào mừng Hoàng thân Xuphanuvông ghé qua Xavẳnnakhệt. Tại cuộc mít tinh, Hoàng thân Xuphanuvông tuyên bố: “Từ nay nước Lào là quốc gia độc lập có chủ quyền ngang hàng với tất cả các dân tộc trên thế giới”. Hoàng thân nhấn mạnh: “Quan hệ Lào - Việt từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới...”. Trên đường đi Viêng Chăn, Hoàng thân Xuphanuvông ghé thăm Thà Khẹc, chính quyền địa phương tổ chức mít tinh chào mừng. Cuộc mít tinh được tổ chức tại sân vận động thị xã Thà Khẹc gồm đông đủ các tầng lớp nhân dân Lào và Việt kiều yêu nước tham gia. Việt kiều ở các vùng biên giới Thái Lan dọc sông Mê Công cũng vượt sông sang tham gia mít tinh. Tại đây, vào ngày 8 tháng 10 năm 1945, Hoàng thân Xuphanuvông khai mạc và chủ trì Hội nghị cán bộ Lào Ítxalạ. Hình ảnh, uy tín, quyết tâm làm cách mạng, cứu nước và những lời nói tốt đẹp của Hoàng thân về quan hệ Lào - Việt Nam đã tác động lớn lao đến sự hưởng ứng, tham gia cách mạng của các tầng lớp nhân dân Lào, càng tạo thêm chất keo gắn kết tình cảm của nhân dân Lào với Việt kiều cũng như với Việt Nam.




------------------------------------------------------------------
1. Đầu những năm 40 thế kỷ XX, do những chuyển biến nhanh chóng của tình hình chính trị thế giới và khu vực, nhất là sự tuyên truyền, kích động chủ nghĩa dân tộc “Đại Lào” của thực dân Pháp, trong nhân dân Lào, nhất là tầng lớp trên, xuất hiện sự phân hoá tư tưởng về con đường giành độc lập cho đất nước Lào. Ngoài phong trào chủ trương giành độc lập dân tộc của lực lượng cách mạng, còn có xu hướng muốn giành độc lập bằng con đường tranh thủ sự ủng hộ của Đồng minh (trong số này có Hoàng thân Phếtxarạt), thậm chí có một bộ phận muốn Pháp quay trở lại và công nhận nền độc lập của Lào trong Khối Liên hiệp Pháp.

2. Tuy nhiên Vua Lào đã từ chối. Sau đó, quân đội Chính phủ đã giải phóng Luổng Phạbang, lập chính quyền mới.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 15 Tháng Tám, 2021, 10:42:50 am
*
*     *

Quãng thời gian 1930 - 1945 là thời kỳ nhân dân Việt Nam và Lào nương tựa lẫn nhau trong quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Mối quan hệ đó đó xuất phát từ những điều kiện về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hoá, đặc biệt từ yêu cầu khách quan của công cuộc đấu tranh tự giải phóng, mang bản chất quốc tế vô sản, mang lại hiệu quả rõ rệt.

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh xác định về mặt lý luận và chính Người hiện thực hoá bằng việc chủ trì việc hợp nhất các tổ chức cộng sản thành chính đảng vô sản đầu tiên ở Đông Dương là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến tháng 10 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đảng Cộng sản Đông Dương có vai trò rất to lớn trong việc xây đắp mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào. Đảng Cộng sản Đông Dương đã khơi dậy và thức tỉnh tinh thần yêu nước và cách mạng của nhân dân Lào; xây dựng được những cơ sở và phong trào cách mạng đầu tiên của nhân dân Lào để từ đó nhân dân Lào chớp thời cơ giành chính quyền vào tháng 8 năm 1945, thành lập Chính phủ độc lập Lào, mở ra một thời kỳ mới thiết lập liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam. Sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau được duy trì, ngày càng phát triển do nỗ lực phấn đấu của các đảng viên cộng sản, của nhân dân hai nước.

Bộ phận nhân sĩ, trí thức tiến bộ và các tầng lớp nhân dân Lào có vai trò quyết định trong quá trình phát triển của phong trào cách mạng Lào cũng như trong thành công của cuộc nổi dậy giành độc lập ở Lào vào tháng 8 năm 1945. Cưu mang, giúp đỡ, ủng hộ những người Việt đến sinh sống, tham gia các phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo nhằm mục tiêu giải phóng, giành độc lập và xây dựng quốc gia Lào phồn thịnh, những nhân sĩ, trí thức tiến bộ và các tầng lớp nhân dân Lào cũng đồng thời có nhiều đóng góp lớn lao trong việc duy trì và phát triển mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Trong quá trình đoàn kết đấu tranh chống thực dân xâm lược của nhân dân hai nước Việt - Lào, bộ phận người Việt ở Lào có vai trò rất quan trọng. Do điều kiện địa lý, hoàn cảnh lịch sử, nhất là chính sách đàn áp phong trào cách mạng và khai thác thuộc địa ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, một số lượng lớn người Việt đến định cư và sinh sống ở Lào. Người Việt ở Lào tham gia vào hầu hết các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội của Lào, trở thành một bộ phận quan trọng trong cộng đồng dân cư Lào, cùng chung thân phận, cảnh ngộ bị mất nước, bị áp bức bóc lột bởi thực dân Pháp như nhân dân Lào và có nhiều đóng góp trong việc phát triển xã hội Lào, nhất là trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của đất nước Lào.

Đặc biệt, trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, phong trào đấu tranh của người Việt ở Lào đã góp sức cùng nhân dân Lào khởi nghĩa giành thắng lợi. Đây là một trong những nguyên nhân thành công của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Lào trong hoàn cảnh vùng nông thôn rộng lớn còn sự hiện diện của một lực lượng lớn quân Pháp, lực lượng cách mạng phải đối mặt với quân Anh, quân Trung Hoa dân quốc mang danh nghĩa Đồng minh tràn vào Lào, nội bộ quý tộc Lào bị phân hoá với những quan điểm khác nhau về con đường giành độc lập, tự do cho đất nước Lào.

Sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (ngày 2 tháng 9 năm 1945) và Chính phủ Lào Ítxalạ (ngày 12 tháng 10 năm 1945) cùng những mong muốn của hai bên về xây dựng mối quan hệ hoàn hảo và vững chãi hơn trước là một bước ngoặt đưa tình đoàn kết, giúp đỡ nhau lên tầm liên minh chiến đấu.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 15 Tháng Tám, 2021, 10:52:01 am
PHẦN THỨ HAI

LIÊN MINH VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM CHIẾN ĐẤU
CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC
(1945 - 1975)



 

 
Chương III
HỢP TÁC, GIÚP NHAU KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC
(từ ngày 16 tháng 10 năm 1945 đến tháng 12 năm 1950)



I. BƯỚC ĐẦU THỰC HIỆN LIÊN MINH CHIẾN ĐẤU VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (TỪ NGÀY 16 THÁNG 10 NĂM 1945 ĐẾN THÁNG 12 NĂM 1948)


1. Bối cảnh lịch sử


Sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời (ngày 2 tháng 9 năm 1945) và nước Lào tuyên bố độc lập (ngày 12 tháng 10 năm 1945), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, hai nước Việt Nam và Lào đã tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trong bối cảnh, tình hình quốc tế và hai nước có nhiều biến động với nhiều thuận lợi và khó khăn.

Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) kết thúc, nhân loại bước vào thời kỳ mới. Về chính trị, quan hệ quốc tế có những thay đổi lớn, quan trọng như sự hình thành hai hệ thống xã hội (tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa) đối lập; Chiến tranh lạnh khởi phát và lan rộng toàn cầu.

Sự hình thành và lớn mạnh của các nước xã hội chủ nghĩa, mà Liên Xô là trung tâm, ảnh hưởng đến chiều hướng phát triển của các trào lưu cách mạng, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Trong các nước tư bản chủ nghĩa, Mỹ là đế quốc duy nhất giàu và mạnh lên bởi Chiến tranh thế giới thứ hai, trở thành kẻ đầu sỏ, chi phối chính sách các nước trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, ráo riết theo đuổi chiến lược toàn cầu phản cách mạng. Trước năm 1945, Mỹ luôn tìm cách gạt Pháp ra khỏi Đông Dương, nhưng sau khi Tổng thống Rudơven qua đời (tháng 4 năm 1945), quan điểm của Mỹ về Đông Dương có sự thay đổi, tạo cơ hội cho Pháp trở lại Đông Dương.

Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố thành lập (ngày 2 tháng 9 năm 1945), đánh dấu sự kết thúc chế độ thực dân phong kiến, mở đầu thời đại mới vẻ vang, huy hoàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam - thời đại Hồ Chí Minh. Về phương diện quốc tế, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, đánh dấu bước đột phá vào dinh luỹ, hệ thống của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, mở đầu cuộc tiến công mạnh mẽ của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Thắng lợi của khởi nghĩa tháng Tám 1945 ở Lào và việc nước Lào tuyên bố độc lập (ngày 12 tháng 10 năm 1945) là những sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn, đánh dấu bước ngoặt cơ bản trong quá trình phát triển của cách mạng Lào.

Chính ý nghĩa sâu sắc và tầm vóc lớn lao của những sự kiện lịch sử trọng đại nói trên cũng như vị trí địa - chính trị, địa - quân sự, địa - kinh tế của Việt Nam, Lào đối với khu vực và thế giới đã khiến cho các kẻ thù của ba nước Đông Dương, của nhân loại tiến bộ nói chung phải cấu kết lại nhằm thực hiện âm mưu xoá bỏ thành quả cách mạng của nhân dân Việt Nam và Lào, ngăn chặn ảnh hưởng của cách mạng Việt Nam, Lào trong khu vực cũng như trên trường quốc tế, khôi phục ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.

Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Lào tuyên bố độc lập, nhưng về phương diện quốc tế, chưa có một nước nào công nhận 1. Không những thế, với quyết định của Hội nghị Pốtxđam 2, việc giải giáp quân Nhật ở Đông Dương được giao cho quân Trung Hoa dân quốc và quân Anh, phân cách bởi vĩ tuyến 16, đã tạo cơ sở, điều kiện để kẻ thù của cách mạng Đông Dương đưa quân vào bán đảo này, thực hiện dã tâm xâm lược của chúng.

Cuối tháng 8 năm 1945, gần 20 vạn quân Trung Hoa dân quốc chia thành nhiều hướng tiến vào bắc vĩ tuyến 16 Việt Nam, Lào. Sau khi đưa quân chiếm đóng các thành phố, thị xã và các địa bàn trọng yếu, những kẻ cầm đầu quân Trung Hoa dân quốc tuyên bố thời gian có mặt của chúng tại bắc vĩ tuyến 16 là không hạn định và ráo riết thực hiện âm mưu tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương, giúp bọn tay sai chống phá cách mạng Việt Nam, Lào.

Theo quyết định của Hội nghị Pốtxđam, Pháp bị gạt ra ngoài lề trong vấn đề Đông Dương, nhưng thực tế việc để quân Anh vào giải giáp quân Nhật ở nam vĩ tuyến 16, vô hình trung đã tạo điều kiện cho Pháp trở lại xâm lược bán đảo này. Mặt khác, lợi dụng tình thế lúc bấy giờ, số quân Pháp dạt khỏi Đông Dương trong cuộc đảo chính của quân Nhật (ngày 9 tháng 3 năm 1945), cũng bí mật tìm đường trở lại bắc vĩ tuyến 16 Việt Nam, Lào.

Được sự đồng loã của quân Anh, đêm 22 rạng sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm một số công sở trong thành phố Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai. Tiếp đó, chúng mở rộng chiến tranh ra toàn Nam Bộ và Nam Trung Bộ, sang Campuchia. Đầu tháng 9 năm 1945, Pháp đưa quân vào nam vĩ tuyến 16 của Lào, thành lập Bộ Tham mưu quân Pháp ở Lào. Trong khi đó, Sư đoàn 23 thuộc Quân đoàn 60 quân Trung Hoa dân quốc tiến vào phía bắc vĩ tuyến 16 của Lào chiếm đóng các thị xã, thị trấn lớn dọc sông Mê Công, từ Phôngxalỳ đến Xavẳnnakhệt.

Trước âm mưu từng bước mở rộng chiến tranh, dùng lãnh thổ nước này để xâm chiếm nước kia, biến Đông Dương thành thuộc địa kiểu mới của thực dân Pháp đòi hỏi Việt Nam, Lào và Campuchia phải liên minh, đoàn kết với nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc.




-----------------------------------------------------------------
1. Đầu năm 1950, Trung Quốc, Liên Xô và một số nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu công nhận Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

2. Hội nghị giữa những người đứng đầu chính phủ các nước lớn chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) là Liên Xô, Mỹ, Anh, diễn ra từ ngày 17 tháng 7 đến 2 tháng 8 năm 1945, tại Pốtxđam, ngoại vi Béclin (Đức).


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 15 Tháng Tám, 2021, 04:35:51 pm
 2. Chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương và các lãnh tụ về kháng chiến, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào chống thực dân Pháp xâm lược

Nhu cầu hợp tác, giúp đỡ nhau kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược xuất phát từ hai phía. Lào cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ của Việt Nam và ngược lại Việt Nam cũng vậy. Đó là sự hợp tác, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, vì mục tiêu chung và riêng, đôi bên cùng có lợi, nhằm đưa sự nghiệp cách mạng vững bước tiến lên.

Ngày 14 tháng 10 năm 1945, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chính thức công nhận Chính phủ độc lập Lào. Tiếp đó, đại diện hai chính phủ ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt  và Hiệp định về tổ chức liên quân Lào - Việt  nhằm giúp đỡ nhau về mọi mặt trong kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. Đó là những văn kiện chính thức đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ độc lập Lào, tạo cơ sở pháp lý để hai dân tộc hợp tác, liên minh chiến đấu chống Pháp xâm lược.

Thấy rõ tầm quan trọng của liên minh Việt Nam - Lào, tháng 10 năm 1945, Hoàng thân Xuphanuvông tuyên bố: “Lào và Việt Nam cùng chung một nguyện vọng duy nhất là có nền độc lập dân tộc và quyền dân chủ thực sự, cùng chung kẻ thù là thực dân Pháp muốn trở lại thống trị hai nước chúng ta. Do đó, nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam anh em phải đoàn kết nhau lại tiếp tục chiến đấu. Nền độc lập của Lào muôn năm! Tình đoàn kết Lào - Việt muôn năm!” .

Ngày 15 tháng 11 năm 1945, Hoàng thân Xuphanuvông thay mặt Chính phủ độc lập Lào gửi điện đến Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ tinh thần đoàn kết gắn bó của nhân dân Lào đối với nhân dân Việt Nam, khẳng định quân và dân hai nước sát cánh chiến đấu chống kẻ thù chung đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong Thư chúc Tết Việt kiều ở Lào, Xiêm, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lào và Việt là hai nước anh em. Mối quan hệ giữa hai dân tộc rất là mật thiết. Đối với kiều bào ta làm ăn sinh sống ở đất nước Lào thì Lào lại như là một Tổ quốc thứ hai. Tục ngữ có câu: “Bán bà con xa, mua láng giềng gần” ý nghĩa là như thế.

Vậy nên sự đoàn kết chẳng những bao gồm đồng bào Việt, mà bao gồm cả đồng bào Việt với đồng bào Lào. Đoàn kết chặt thì lực lượng to. Lực lượng to thì quyết thắng lợi.

Bây giờ, hai dân tộc ta tuy còn phải khó nhọc, nhưng tương lai của chúng ta rất là vẻ vang. Đến ngày Việt - Lào được quyền hoàn toàn độc lập, anh em ta sẽ cùng hưởng phúc thái bình.

Tôi thay mặt Chính phủ và đồng bào trong nước, gửi lời chào thân ái cho toàn thể kiều bào, chúc các kiều bào gắng sức và thắng lợi” .

Tháng 11 năm 1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc, nêu rõ cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng, nhiệm vụ cứu nước của giai cấp vô sản chưa xong, kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng; cần phải lập Mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp; thống nhất mặt trận Việt - Miên - Lào . Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc thực sự là cương lĩnh hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương trước tình hình mới.

Thực hiện chủ trương của Đảng, với ý chí sắt đá vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, quân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ đã dũng cảm đứng lên chiến đấu ngăn chặn bước tiến quân của kẻ thù, nhưng do lực lượng quân sự chênh lệch nên đầu năm 1946, quân Pháp đã từng bước đánh chiếm, mở rộng chiến tranh ra toàn vùng nam vĩ tuyến 16.

Cuối tháng 2 năm 1946, Anh bắt đầu rút quân khỏi nam vĩ tuyến 16; tàn quân Nhật bị tước vũ khí, lần lượt hồi hương. Pháp thoả thuận với Trung Hoa dân quốc ký bản Hiệp ước Pháp - Hoa , tạo điều kiện cho Pháp thực hiện âm mưu chiếm lại toàn bộ Đông Dương. Trước tình hình đó, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Tình hình và chủ trương (ngày 3 tháng 3 năm 1946), chỉ rõ: “muốn cứu vãn quyền lợi chung của đế quốc, chống phong trào cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa, Anh, Pháp và Mỹ - Tàu đã tạm dẹp mâu thuẫn bộ phận ở Đông Dương. Coi đó thì Hiệp ước Hoa - Pháp không phải là chuyện riêng của Tàu và Pháp. Nó là chuyện chung của phe đế quốc và bọn tay sai của chúng ở thuộc địa... Nhưng chúng vẫn gờm cách mạng Đông Dương và dư luận quốc tế, nên cả Tàu lẫn Pháp cũng muốn dàn xếp với ta về việc quân Pháp kéo vào Bắc nước ta” . Chỉ thị phân tích: “Vấn đề lúc này, không phải là muốn hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình biết người, nhận một cách khách quan những điều kiện lời lãi trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng”. Thường vụ Trung ương Đảng cho rằng hoà với Pháp có thể phá tan âm mưu của chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động, bảo toàn lực lượng, có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới, tiến tới giành độc lập hoàn toàn. “Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp, không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy, và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta”. “Đối với Lào, Mên cùng với ta có chung một kẻ địch ta đòi Pháp phải thừa nhận quyền tự chủ hay ít nhất quyền tự trị rộng rãi về chính trị cho họ”.

Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhất trí chủ trương Hoà để tiến (ngày 5 tháng 3 năm 1946), quyết định tạm thời hoà hoãn với thực dân Pháp, nhằm đẩy nhanh quân Trung Hoa dân quốc về nước, tránh nguy cơ cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù.

Thực hiện chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương, với thiện chí hoà bình, Việt Nam đã tiến hành các cuộc đàm phán với Pháp ; Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Chính phủ Pháp bản Thoả ước tạm thời  nhằm tăng thêm thời gian hoà hoãn, tiếp tục chuẩn bị thêm về mọi mặt, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến.

Đến giữa tháng 12 năm 1946, khả năng hoà hoãn không còn, nguy cơ chiến tranh phát triển tới đỉnh điểm, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Toàn dân kháng chiến (ngày 12 tháng 12 năm 1946), nêu rõ mục đích đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập và thống nhất; xác định đường lối kháng chiến toàn dân toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh; chủ trương đoàn kết toàn dân, đoàn kết với nhân dân hai nước Lào và Campuchia, nhân dân Pháp và các dân tộc yêu chuộng hoà bình trên thế giới, v.v.. Với Chỉ thị này, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã hạ quyết tâm phát động toàn dân kháng chiến và quyết định đánh trước để giành thế chủ động. Theo đó, đêm 19 tháng 12 năm 1946, quân và dân Thủ đô Hà Nội cùng các thành phố, thị xã bắc vĩ tuyến 16, đồng loạt tiến công địch, mở đầu cuộc kháng chiến trên quy mô toàn lãnh thổ Việt Nam.

Tại Lào, sau Hiệp định Pháp - Hoa (ngày 28 tháng 2 năm 1946), quân Trung Hoa dân quốc lần lượt rút khỏi bắc vĩ tuyến 16, quân Pháp vào thay thế, thực chất là để Pháp xâm chiếm Lào. Từ giữa năm 1946, sau khi căn bản chiếm được toàn bộ lãnh thổ Lào, thực dân Pháp ra sức củng cố, phục hồi chính quyền tay sai các cấp; tăng cường bắt lính, đôn quân, xây dựng và phát triển lực lượng dân vệ, thiết lập hệ thống đồn bốt ở những vị trí quan trọng nhằm kiểm soát tình hình. Đi đôi với việc kìm kẹp, khống chế về quân sự, thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, lừa bịp về chính trị, như ký Hiệp định ngày 28 tháng 7 năm 1946, cho Lào “độc lập thống nhất và tự trị trong khối Liên hiệp Pháp”, lập Chính phủ và bầu Quốc hội Viêng Chăn (tháng 5 năm 1946); thành lập các đảng phái chính trị làm công cụ chia rẽ nội bộ, phá phong trào cách mạng Lào, chia rẽ mối quan hệ láng giềng thân thiện, tình đoàn kết chiến đấu chống thực dân phong kiến giữa Việt Nam và Lào. Đồng thời, chúng ra sức vơ vét của cải, tăng thuế má, bắt phu phen tạp dịch, v.v., thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, “dùng người Lào đánh người Lào”, “dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương”.

Bằng sức mạnh quân sự và thủ đoạn chính trị thâm độc, thực dân Pháp từng bước ổn định tình hình, thiết lập bộ máy chính trị các cấp ở Lào, gây cho phong trào kháng chiến của Lào nhiều khó khăn, phức tạp.

Về phía cách mạng Lào, phong trào đấu tranh còn yếu, cơ sở chính trị, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi hầu như chưa có gì. Lực lượng vũ trang cách mạng Lào nhỏ bé, với vũ khí hết sức thô sơ, hoạt động phân tán, thiếu sự chỉ huy, chỉ đạo thống nhất. Lào tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp trong điều kiện khó khăn hơn Việt Nam rất nhiều. Chính phủ độc lập Lào, sau hơn tám tháng hoạt động đã phải lánh sang Thái Lan (tháng 6 năm 1946).

Ngày 29 tháng 12 năm 1946, Pháp tuyên bố bình định xong Lào.

Như vậy, đến cuối năm 1946, chiến tranh đã lan rộng trên khắp bán đảo Đông Dương, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và Lào đang gặp rất nhiều khó khăn về mọi phương diện, trong đó, nổi lên là phải “chiến đấu trong vòng vây” bốn bề của chủ nghĩa đế quốc, thực dân và thiếu sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế. Đông Dương trở thành một chiến trường. Việt Nam là chiến trường chính, nơi tập trung nhất về lực lượng và phương tiện chiến tranh của quân Pháp.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 15 Tháng Tám, 2021, 04:42:14 pm
3. Hai nước Việt Nam - Lào bước đầu thực hiện liên minh, đoàn kết chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1948)

 Phối hợp chiến đấu chống Pháp chiếm đóng các thành phố, thị xã của Lào. Trước hành động trắng trợn xâm lược Đông Dương của thực dân Pháp, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, của các lãnh tụ cách mạng Việt Nam và Lào, thực hiện Hiệp ước tương trợ Lào - Việt và Hiệp định về tổ chức liên quân Lào - Việt, còn được gọi là Hiệp định thành lập liên quân Lào - Việt, quân và dân các địa phương Việt Nam, nhất là vùng giáp biên giới Việt Nam - Lào, tiến hành phối hợp tác chiến. Liên quân Lào - Việt Nam kiên cường, dũng cảm chiến đấu, chống kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Xứ uỷ Lào đã kịp thời lãnh đạo nhân dân các bộ tộc Lào và Việt kiều đứng lên chống thực dân Pháp. Hội Việt kiều cứu quốc ở các tỉnh, thành phố đã động viên và kêu gọi thanh niên, học sinh, sinh viên, viên chức yêu nước tham gia lực lượng vũ trang, gia nhập lực lượng liên quân Lào - Việt. Ngoài lực lượng tự vệ ở các khu phố và các cơ quan, các chi hội, phân hội Việt kiều cứu quốc, các ban chỉ huy liên quân Lào - Việt ở các thành phố, thị xã đã tập hợp được một số lượng lớn thanh niên, học sinh. Thủ đô Viêng Chăn tập hợp được hơn 600 người và tổ chức thành 6 đại đội chiến đấu, gồm 3 đại đội Việt kiều và 3 đại đội Lào Ítxalạ, trong đó có đại đội Lào từ Thái Lan về, do ông Thạo Xột Phệtlaxỉ làm đại đội trưởng. Xavẳnnakhệt tập hợp được 200 người, tổ chức thành 2 đại đội chiến đấu. Thị xã Thà Khẹc tổ chức 4 đại đội gồm 2 đại đội Lào Ítxalạ và 2 đại đội Việt kiều giải phóng quân với số lượng 800 người. Ban Chỉ huy liên quân Lào - Việt ở mặt trận Thà Khẹc do Hoàng thân Xuphanuvông chỉ huy chung, ông Xỉngcapô phụ trách lực lượng vũ trang Lào; đồng chí Nguyễn Chánh phụ trách lực lượng vũ trang Việt kiều. Tại khu vực mường Xê Pôn và Mương Phin, nam - bắc đường 9, nối liền với thị trấn Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam), các lực lượng yêu nước Lào do ông Thạo Ô, Thạo Kê phụ trách, thành lập đại đội mường Xê Pôn. Tại khu vực Lắc Xao, Khăm Cợt, Na Pê (thuộc tỉnh Khăm Muộn), các lực lượng vũ trang yêu nước Lào do các ông Thạo Xây, Thạo Xổm phụ trách, thành lập một trung đội Lào Ítxalạ.

Ban Chỉ huy liên quân Lào - Việt ở thành phố Viêng Chăn và các thị xã Thà Khẹc, Xavẳnnakhệt, mở các lớp huấn luyện quân sự cho dân quân tự vệ và các lớp bồi dưỡng ngắn ngày về nhiệm vụ công tác cho cán bộ trung đội, tiểu đội. Tính đến tháng 2 năm 1946, mỗi nơi đã mở được hai đến ba lớp, giúp cho đội ngũ cán bộ chỉ huy trung đội, tiểu đội có thêm kiến thức về quân sự cũng như về chỉ huy, lãnh đạo.
Về trang bị vũ khí và hậu cần, các đơn vị liên quân Lào - Việt đều dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân Lào và bà con Việt kiều. Liên quân Lào - Việt phân tán thành từng bộ phận nhỏ, thực hiện cùng ăn, ở và làm việc với dân; lúc tập trung huấn luyện chiến đấu thì nhờ các mẹ, chị em phụ nữ nấu cơm ăn tập thể. Quần áo, giày dép, ..., chủ yếu là do anh em tự túc và gia đình trợ giúp. Trang bị vũ khí chủ yếu là một vài loại súng bộ binh như súng trường, tiểu liên, trung liên, cả súng kíp, lựu đạn, giáo mác và cung tên. Mỗi trung đội có vài ba khẩu súng tiểu liên. Các đại đội tập trung có một đến hai khẩu súng trung liên.

Ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến, Ủy ban kháng chiến - hành chính và Bộ Chỉ huy Chiến khu 41  đã đưa lực lượng lên phía tây, sang Lào phối hợp chiến đấu. Khi Pháp cho quân nhảy dù chiếm đóng một số vị trí trên đường 9, 12, 8, Chiến khu 4 quyết định thành lập Ban Chỉ huy mặt trận đường 9, đường 8 và đưa một số đơn vị lên sát biên giới Việt Nam - Lào sẵn sàng đánh địch.

Trên mặt trận đường 9, Chiến khu 4 điều hai phân đội (tương đương trung đội) của tỉnh Quảng Bình, một phân đội của thành phố Huế, một đại đội của tỉnh Quảng Nam, cùng với chi đội giải phóng quân tỉnh Quảng Trị, do đồng chí Nguyễn Thụ (Ba Thụ) làm chỉ huy trưởng, đồng chí Trần Thanh Lạc (Chu Huy Mân) làm chính uỷ, tiến lên biên giới Việt Nam - Lào, phối hợp đánh địch. Từ đầu tháng 11 năm 1945, các đơn vị thuộc mặt trận đường 9, tổ chức đánh địch ở bản Nặm Cha Lộ (tây bắc Xê Pôn), buộc địch phải rút về phía tây nam. Liên quân Lào - Việt phối hợp chiến đấu, kiểm soát Mương Phin (ngày 21 tháng 12 năm 1945).

Ở mặt trận đường 8, Chi đội Phan Đình Phùng (sau đổi thành Trung đoàn 103) tổ chức một đơn vị, phối hợp với lực lượng liên quân Lào - Việt, đánh địch ở gần Na Pê (giáp huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), buộc địch phải lui về bản Na Xalim. Sau khi được thành lập, tiểu đoàn của đồng chí Nguyễn Trường Sinh  bố trí một đại đội chốt giữ Na Pê, số còn lại phân tán làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân, gây dựng cơ sở, lực lượng kháng chiến. Cuối tháng 9 năm 1945, đơn vị của đồng chí Sinh tiến công địch khi chúng đang từ bản Na Xalim về ngã ba Lắc Xao, diệt một số tên, buộc địch phải rút về Khăm Cợt, phá tan âm mưu chiếm giữ Na Pê, tạo bàn đạp tiến công vào phía tây Hà Tĩnh theo đường 8. Đơn vị của đồng chí Sinh tích cực giúp Lào gây dựng cơ sở, tổ chức một trung đội Lào Ítxalạ với đầy đủ vũ khí.

Tại tỉnh Khăm Muộn, ngày 27 tháng 11 năm 1945, một lực lượng liên quân Lào - Việt do Hoàng thân Xuphanuvông chỉ huy chia thành hai mũi đánh vào Nặm Malạt, buộc địch phải rút khỏi vị trí. Mười ngày sau đó, liên quân Lào - Việt tổ chức đánh chặn, đẩy lùi cuộc tiến công của địch ở Thà Đừa và truy kích địch ở Mương Cầu, Na Mương, Bạn Đôn, Cốc Đôn.

Tỉnh Thanh Hoá cũng điều lực lượng lên phía tây, hoạt động ở vùng biên giới Việt - Lào.

Trong các tháng cuối năm 1945 đầu năm 1946, tại Viêng Chăn, liên quân Lào - Việt tổ chức đánh địch ở bản Na Khằng (ngày 10 tháng 10), trên đường 13 đoạn Ylay - Na Khằng (ngày 14 tháng 10), Bạn Cơn (ngày 19 tháng 11 năm 1945 và 22 tháng 1 năm 1946), Thà Đừa (ngày 8 tháng 1 năm 1946), v.v..

Từ tháng 2 năm 1946, sau khi được tăng cường thêm binh lực, quân Pháp ở Lào mở các cuộc tiến công lớn vào khu vực Đồng Hến, Mương Phin, Xê Pôn. Liên quân Lào - Việt tổ chức nhiều trận đánh để ngăn chặn các cuộc tiến công của địch. Do bị tổn thất, liên quân Lào - Việt chủ động rút khỏi Mương Phin, Xê Pôn về vùng biên giới Việt - Lào. Đầu tháng 3 năm 1946, tiểu đoàn bộ đội địa phương Hà Tĩnh do đồng chí Trường Sinh chỉ huy, rút khỏi Khăm Cợt về vùng biên giới Lào - Việt. Các ông Thạo Xây, Thạo Xổm cùng một trung đội Lào Ítxalạ rút sang khu vực Phố Châu (Hương Sơn, Hà Tĩnh) xây dựng lực lượng, chờ thời cơ trở về nước tiếp tục chiến đấu.

Nhằm ngăn chặn địch đánh chiếm thị xã Xavẳnnakhệt, từ ngày 21 đến 24 tháng 2 năm 1946, liên quân Lào - Việt tổ chức phục kích, tập kích địch ở Km 160, 185 trên đường 13, ở bản Noỏng Đơn, Na Xeng, v.v..

Chi bộ Đảng Cộng sản ở Thà Khẹc chủ trương động viên nhân dân Lào và Việt kiều cùng lực lượng vũ trang liên quân Lào - Việt đánh địch, bảo vệ Thà Khẹc. Nhân dân Lào và Việt kiều cùng bộ đội xây dựng công sự, trận địa ở các vị trí quan trọng trong và ngoài thị xã. Lực lượng vũ trang cách mạng ở Thà Khẹc có hai đại đội bộ đội Lào, hai đại đội Việt kiều cứu quốc, quân số khoảng 800 người, được trang bị các loại vũ khí bộ binh. Ngoài ra, còn có đông đảo du kích, tự vệ chiến đấu.

Ngày 21 tháng 3 năm 1946, khi Pháp mở cuộc tiến công vào thị xã Thà Khẹc, liên quân Lào - Việt đã chiến đấu rất quyết liệt, kéo dài nhiều giờ đồng hồ, gây cho địch một số tổn thất. Nhưng, so sánh lực lượng bất lợi nên liên quân Lào - Việt vừa đánh vừa rút dần về phía tây thị xã, sang Thái Lan. Phát hiện liên quân Lào - Việt đang vượt sông Mê Công sang Nakhon Phạnôm (Thái Lan), quân Pháp huy động máy bay ném bom, bắn phá. Chiếc thuyền chở Hoàng thân Xuphanuvông bị bắn dữ dội, cán bộ, chiến sĩ Việt Nam - Lào đã dũng cảm che chở, bảo vệ an toàn cho Hoàng thân Xuphanuvông, song đồng chí Lê Thiệu Huy, một cán bộ chỉ huy người Việt Nam, bị trúng đạn hy sinh. Sau này, trong bức thư gửi cụ Lê Thước (thân sinh của Lê Thiệu Huy), Hoàng thân Xuphanuvông viết: “Thưa Ngài, anh Lê Thiệu Huy, người con yêu quý vào bậc nhất của Ngài, mất đi, không những riêng trong gia quyến mất một người con yêu dấu mà nước Việt Nam và nhân dân Lào mất một chiến sĩ đầy tinh thần hy sinh vì công lý. Riêng tôi, cái chết của anh Lê Thiệu Huy không khỏi làm cho tôi bùi ngùi và thương tiếc. Anh Lê Thiệu Huy đã sát cánh cùng tôi chiến đấu để giải phóng cho nước Lào, cho dân tộc Lào. Tinh thần hy sinh cao cả ấy đã nhắc nhở cho thanh niên Lào, cho nhân dân Lào, luôn luôn bền bỉ chiến đấu để diệt đế quốc xâm lăng và giành độc lập thực sự cho đất nước”.

Chiến đấu bảo vệ Thà Khẹc là trận đánh lớn nhất của liên quân Lào - Việt kể từ ngày thành lập, nêu một tấm gương sáng ngời về tinh thần dũng cảm và tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Lào - Việt; trở thành một biểu tượng cao đẹp về liên minh chiến đấu giữa quân và dân hai nước Việt Nam - Lào.

Từ sau khi thực dân Pháp đưa quân lên bắc vĩ tuyến 16 (tháng 3 năm 1946), một bộ phận lực lượng cách mạng Lào ở các tỉnh Xavẳnnakhệt, Khăm Muộn, Xiêng Khoảng và Hủa Phăn, chuyển sang Khu 4 (Việt Nam), được Khu uỷ và Uỷ ban kháng chiến - hành chính tận tình giúp đỡ. Các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình trở thành căn cứ địa, đất đứng chân của lực lượng cách mạng vùng Đông Lào. Năm 1946, các lực lượng phía Đông Lào rút sang Việt Nam gồm có 160 người từ tỉnh Xavẳnnakhệt sang tỉnh Quảng Bình; một trung đội từ tỉnh Khăm Muộn sang huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; hơn 100 người từ tỉnh Xiêng Khoảng sang huyện Mường Xén, tỉnh Nghệ An và khoảng 30 người từ tỉnh Hủa Phăn sang vùng Cửa Rào, Nghệ An.

Cuối tháng 3 năm 1946, hàng trăm gia đình người Mông (Lào), từng chiến đấu chống Pháp và tay sai, dưới sự chỉ huy của ông Thạo Tu đã bí mật chuyển sang vùng Mường Xén (Nghệ An). Tiếp đó, 30 thanh niên con em các bộ tộc Lào ở vùng Sằm Tớ, do ông Xiêng Xinh (tức Phia Hõm) phụ trách tới vùng Cửa Rào, Mường Xén (Nghệ An). Một bộ phận khác khoảng 160 người là công nhân, viên chức, binh lính yêu nước mang theo vũ khí vượt sông Xê Pôn (Lào) sang Quảng Bình và Hà Tĩnh . Tỉnh Nghệ An cử đồng chí Lê Văn Bính, Phó Chủ tịch huyện Con Cuông và đồng chí Lê Văn Diễm, Ủy viên tuyên truyền phủ Anh Sơn, tổ chức tiếp đón lực lượng yêu nước các bộ tộc Lào sang củng cố và trang bị thêm vũ khí. Nhiều vùng ở Khu 4 trở thành hậu phương, chỗ đứng chân của các lực lượng kháng chiến, yêu nước Lào. Các khu vực biên giới ở Nặm Cắn đường 7, Lắc Xao đường 8, Lao Bảo đường 9, là những mặt trận quan trọng, do Khu 4 đảm nhiệm phòng thủ. Phòng Ngoại vụ Khu 4 chịu trách nhiệm trực tiếp giúp đỡ các lực lượng cách mạng Lào. Các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Khu 4 và Uỷ ban kháng chiến - hành chính tỉnh Nghệ An được Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương giao nhiệm vụ chỉ đạo việc giúp đỡ, giải quyết các vấn đề theo yêu cầu của lực lượng kháng chiến Đông Lào.



------------------------------------------------------------------
1. Từ năm 1948, đổi thành Liên khu 4.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 15 Tháng Tám, 2021, 04:46:29 pm
Tháng 10 năm 1946, Chiến khu 4 (Việt Nam), giúp các lực lượng kháng chiến Lào thuộc các tỉnh Xavẳnnakhệt, Khăm Muộn, Xiêng Khoảng và Hủa Phăn, tổ chức hội nghị tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, nhằm thống nhất lực lượng, thành lập Uỷ ban giải phóng Đông Lào  để chỉ đạo cuộc đấu tranh tại vùng phía Đông Lào. Hội nghị đề ra phương hướng công tác vận động nhân dân xây dựng cơ sở, tổ chức các đơn vị vũ trang Lào Ítxalạ và quyết định tập trung củng cố các lực lượng vũ trang Lào, phát động chiến tranh du kích chống thực dân Pháp và tay sai. Uỷ ban giải phóng Đông Lào quyết định phân chia lực lượng vũ trang thành hai bộ phận. Bộ phận thứ nhất, chịu trách nhiệm khu vực Xiêng Khoảng, Sầm Nưa (Hủa Phăn). Bộ phận thứ hai chịu trách nhiệm khu vực đường 8, 9. Các lực lượng này của Lào phối hợp với các lực lượng vũ trang của Chiến khu 4 và của các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh phối hợp với nhau xây dựng cơ sở dọc biên giới hai nước từ Hủa Phăn xuống Khăm Muộn.

Để bảo toàn lực lượng kháng chiến lâu dài, từ tháng 3 năm 1946, Xứ uỷ Ai Lao thông qua phái viên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Viêng Chăn, đã bàn bạc, thống nhất với Chính phủ độc lập Lào Ítxalạ, chủ trương vừa chiến đấu tiêu hao sinh lực địch, cản bước tiến của chúng, vừa chủ động tổ chức cho nhân dân Lào và Việt kiều di tản ra khỏi thành phố, chuyển Chính phủ lên Luổng Phạbang và đưa lực lượng vũ trang về vùng nông thôn, miền núi, tiến hành kháng chiến lâu dài. Theo đó, từ cuối tháng 3 năm 1946, đa số nhân dân Lào ở Viêng Chăn và hầu hết bà con Việt kiều đã vượt sông Mê Công tản cư sang Thái Lan. Đầu tháng 4 năm 1946, một bộ phận các cơ quan của Chính phủ độc lập Lào Ítxalạ chuyển lên kinh đô Luổng Phạbang. Ban Chỉ huy liên quân Lào - Việt ở Viêng Chăn tổ chức lại lực lượng chiến đấu cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới. Đại bộ phận vẫn tiếp tục chiến đấu nhằm tiêu hao sinh lực địch, ngăn cản bước tiến quân của chúng. Một lực lượng được cử đi theo làm nhiệm vụ bảo vệ dân và cơ quan Chính phủ. Đến cuối tháng 4, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiêu hao sinh lực địch, bảo vệ nhân dân và Chính phủ tản cư an toàn sang Thái Lan và lên Luổng Phạbang, liên quân Lào - Việt rút ra khỏi Thủ đô Viêng Chăn, sau đó rút sang Thái Lan.

Giữa tháng 5 năm 1946, quân Pháp tiến công vào kinh đô Luổng Phạbang. Nhà vua Xỉxávàngvông đầu hàng Pháp và lệnh cho lực lượng vũ trang Lào hạ vũ khí, chấp nhận sự thống trị của Pháp. Lực lượng vũ trang Lào Ítxalạ và những người Lào chống Pháp rút khỏi kinh đô, tản vào rừng.

Có thể nói, cuộc chiến đấu bảo vệ các thành phố, thị xã ở bắc vĩ tuyến 16 của Lào, đến giữa tháng 5 năm 1946, về cơ bản đã suy yếu, chỉ còn những hoạt động nhỏ lẻ, phân tán. Chính phủ độc lập Lào, sau một thời gian hoạt động, phải lánh sang Thái Lan, nhưng đã có những đóng góp quan trọng trong việc đề cao danh nghĩa độc lập của nước Lào và tăng cường quan hệ đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Liên quân Lào - Việt đã đoàn kết, giúp đỡ nhau, tích cực, chủ động đánh địch, nêu cao tinh thần cách mạng, ý chí chiến đấu chống kẻ thù chung là thực dân Pháp.

Sau khi chiếm được Thủ đô Viêng Chăn và kinh đô Luổng Phạbang, Pháp cho lập Chính phủ và bầu Quốc hội Viêng Chăn; ký hiệp định (ngày 28 tháng 7 năm 1946) công nhận Lào “độc lập, thống nhất và tự trị trong khối Liên hiệp Pháp”; thành lập các đảng phái chính trị làm công cụ phá hoại cách mạng Lào, chia rẽ nội bộ Lào, chia rẽ tình đoàn kết, thân thiện Lào - Việt Nam.

Bằng chính sách thâm độc đó cùng với sức mạnh quân sự, đến cuối năm 1946, quân Pháp đã từng bước kiểm soát được tình hình ở Lào, thiết lập bộ máy chính quyền tay sai, gây cho phong trào kháng chiến của Lào nhiều khó khăn, đồng thời uy hiếp phong trào cách mạng Việt Nam từ phía tây.

Nhằm từng bước phối hợp xây dựng lực lượng cơ sở kháng chiến ở Lào, cuối năm 1946, các lực lượng vũ trang cách mạng Lào và lực lượng Việt kiều chuyển hướng trở về hoạt động ở vùng nông thôn, rừng núi, tiến hành công tác vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở chính trị, phát động chiến tranh du kích, thiết lập các khu căn cứ, chuẩn bị điều kiện để tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài, đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Lào từng bước tiến lên.

Tại Hạ Lào, thực hiện chủ trương đưa lực lượng về hoạt động trên đất Lào, Hoàng thân Xuphanuvông trên danh nghĩa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ độc lập Lào Ítxalạ và Tổng Chỉ huy liên quân Lào - Việt, lệnh cho các lực lượng của Lào tản cư sang ămphơ (tổng) Phi Bun (Thái Lan) tổ chức huấn luyện quân sự, củng cố tổ chức để trở về vùng Hạ Lào1  tham gia kháng chiến chống Pháp.

Để tăng cường xây dựng lực lượng, thúc đẩy phong trào kháng chiến chuẩn bị mở mặt trận Hạ Lào, Hoàng thân Xuphanuvông đã hiệp thương với đồng chí Nguyễn Đức Quỳ, đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và thu xếp cho lực lượng tiền trạm sang liên lạc với Chính phủ Việt Nam tại miền Nam Trung Bộ, nhờ Việt Nam giúp xây dựng chỗ đứng chân ở vùng biên giới phía đông Hạ Lào. Đội tiền trạm xuất phát từ tháng 5 năm 1948 gồm một trung đội Lào do ông Xổm Manôviêng chỉ huy, cùng một trung đội Việt kiều giải phóng quân, vượt vùng địch kiểm soát sang Liên khu 5 (Việt Nam). Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ thị cho Đảng bộ và chính quyền địa phương Liên khu 5 về việc tăng cường giúp đỡ Hạ Lào. Tháng 3 năm 1948, đồng chí Phạm Văn Đồng, lúc đó là đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Nam Trung Bộ, giao nhiệm vụ cho Tỉnh uỷ Quảng Nam (Việt Nam) cùng Trung đoàn 93 tổ chức một trung đội đến biên giới phía tây Quảng Nam giáp Xalavăn nắm tình hình và chuẩn bị địa bàn giúp đỡ lực lượng kháng chiến Lào. Đầu tháng 7 năm 1948, tổ công tác và trung đội trên đã đón đơn vị của ông Xổm Manôviêng cùng đơn vị Việt kiều về huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) để củng cố lực lượng, huấn luyện và trang bị vũ khí.

Ngày 10 tháng 7 năm 1948, đồng chí Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ký quyết định thành lập Khu đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ Lào xây dựng cơ sở, xây dựng căn cứ ở Hạ Lào. Khu đặc biệt do đồng chí Trần Công Khanh làm khu trưởng, đồng chí Nguyễn Chính Cầu (tức Nguyễn Chính Giao) làm chính uỷ.

Ban lãnh đạo Khu đặc biệt tổ chức bộ phận đón tiếp lực lượng của Lào sang và chuẩn bị lực lượng, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ phối hợp, giúp đỡ cách mạng Lào. Căn cứ của Khu đặc biệt được đặt tại Tà Ngô (huyện Bến Giằng, tỉnh Quảng Nam), gần biên giới Việt Nam - Lào.

Lực lượng của Liên khu 5 (Việt Nam) được cử đi giúp Lào gồm có một đại đội được tuyển chọn gồm cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần, chủ yếu là của Phòng Chính trị Liên khu 5.

Sau một thời gian chuẩn bị cả về vật chất và tinh thần, ngày 19 tháng 8 năm 1948, đơn vị của ông Xổm Manôviêng cùng đoàn cán bộ của Liên khu 5 (Việt Nam) làm lễ xuất quân từ làng Đề An, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đi Tà Ngô, huyện Bến Giằng, tỉnh Quảng Nam để sang Hạ Lào hoạt động. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã ân cần dặn dò đoàn công tác rằng chỉ có vận động nhân dân Lào kháng chiến thì Việt Nam và Lào mới có thể đánh thắng giặc Pháp xâm lược.

Sau khi dừng chân ở Tà Ngô, đoàn cán bộ Lào - Việt chia thành ba bộ phận, hành quân sang vùng phía đông hai tỉnh Xalavăn và Áttapư theo ba hướng tây, tây bắc và tây nam. Mỗi bộ phận gồm một tiểu đội người Lào, hai tiểu đội người Việt Nam và tổ dân vận, làm nhiệm vụ khảo sát, nắm tình hình địch, dân cư, gây dựng cơ sở, phát động nhân dân kháng chiến. Đoàn cán bộ Lào - Việt, từ cán bộ đến chiến sĩ, ai cũng có quyết tâm cao, hăng say công tác, nhưng có điều trở ngại là anh em người Việt không biết tiếng Lào, không hiểu phong tục, tập quán của đồng bào các bộ tộc Lào, người Lào không biết tiếng Việt, nên trong tiếp xúc, công tác gặp nhiều khó khăn. Nhiều anh em (cả người Lào và Việt) hầu như chưa có kinh nghiệm làm công tác vận động nhân dân vùng dân tộc thiểu số, nhiều người chỉ muốn được cầm súng đánh địch, ít coi trọng công tác dân vận, vận động quần chúng nhân dân.

Thời gian đầu, các đội công tác Lào - Việt tiến hành khảo sát tình hình và vận động nhân dân ở vùng biên giới phía đông các tỉnh Xalavăn và Áttapư. Sau khoảng nửa năm công tác, phạm vi hoạt động chỉ mở rộng được trong khoảng bốn, năm ngày đường đi bộ mỗi chiều, vận động được khoảng 50 bản, cùng chừng 5.000 dân gồm nhiều bộ tộc, ngôn ngữ và phong tục, tập quán khác nhau.

Phát hiện thấy lực lượng Lào - Việt hoạt động, quân địch tổ chức nhiều cuộc càn quét, từ Áttapư, Xalavăn đến tận biên giới Việt - Lào, các đội công tác Việt - Lào tổ chức một số trận đánh ở Đắc Rai, Đắc Ranh, Măng Dơn, Tăng Dưi, Măng Hà, gây cho địch một số thiệt hại, buộc chúng phải rút ngắn thời gian hoạt động.

Một khó khăn khác của đoàn công tác là trong vùng hoạt động, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn, trình độ dân trí thấp. Nhân dân thường xuyên mắc phải nhiều bệnh tật, nhất là sốt rét và đường ruột. Các bộ tộc sống đơn lẻ, thiếu hiểu biết nhau, thường có mâu thuẫn và sự hiềm khích. Mặc dầu đã hết sức cố gắng nhưng các đội công tác Lào - Việt chỉ gây được cơ sở ở một vài bản. Một số nơi dân sống biệt lập, “cắm lá” không tiếp xúc với đoàn công tác. Do hoạt động khó khăn về mọi mặt nên trong đoàn công tác xuất hiện tư tưởng bi quan, chán nản, không muốn tiếp tục công tác ở vùng này. Số anh em người Lào muốn được trở về cầm súng chiến đấu như hồi đầu kháng chiến ở vùng Chămpaxắc. Một số anh em người Việt cũng muốn trở về nước.

Tình hình trên nếu không có phương hướng, biện pháp giải quyết thì sẽ khó có thể thúc đẩy phong trào kháng chiến ở Hạ Lào phát triển. Nhận rõ tình hình và thấy được việc cấp bách phải xây dựng căn cứ, xây dựng lực lượng đẩy mạnh kháng chiến ở Hạ Lào, cuối năm 1948, Hoàng thân Xuphanuvông, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ độc lập Lào đã giao cho đồng chí Khăm Tày Xiphănđon, đại diện Chính phủ Lào cùng ông Xỉthôn Cômmađăm, khu trưởng quân sự, đưa một trung đội của đơn vị Xaychắccaphắt và một trung đội Việt kiều từ Thái Lan di chuyển về phía biên giới Việt - Lào, sang Liên khu 5 (Việt Nam) chuyển công văn của Chính phủ Lào đến đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Nam Trung Bộ, nhờ giúp đỡ thành lập Khu kháng chiến Hạ Lào.




-----------------------------------------------------------------
1. Hạ Lào, khái niệm này có nhiều nguồn tài liệu giải thích khác nhau, theo nguồn tài liệu này bao gồm ba tỉnh là Chămpaxắc, Xalavăn và Áttapư, chiếm khoảng 1/6 diện tích Lào. Đây là vùng rừng núi xen lẫn đồng bằng và cao nguyên, có biên giới giáp các tỉnh vùng Tây Nguyên (Việt Nam), đông bắc Campuchia và Thái Lan. Hạ Lào nằm ở phía nam vĩ tuyến 16, vì thế ngay từ tháng 9 năm 1945, Pháp đã đưa quân chiếm đóng (núp sau lưng quân Anh, với danh nghĩa lực lượng Đồng minh vào giải giáp quân Nhật), được tập đoàn lãnh chúa Bun Ùm, giúp đỡ, nên đến cuối tháng 10 năm 1945, quân Pháp đã chiếm xong Hạ Lào và thiết lập bộ máy nguỵ quyền tay sai. Căm thù, chán ghét bọn thực dân Pháp và chế độ bóc lột tàn tệ của lãnh chúa phong kiến địa phương nên một số viên chức và thanh niên Lào có tinh thần yêu nước ở Hạ Lào đã di tản sang các tổng Bun và Bùng Vai, thuộc huyện Valin, tỉnh Uđon, Thái Lan. Phong trào cách mạng và sự phối hợp chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đã phát triển từ khi Pháp trở lại xâm chiếm Hạ Lào. Hạ Lào là nơi xuất xứ nhiều cán bộ cách mạng của Lào.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 15 Tháng Tám, 2021, 04:50:19 pm
Tây Lào 1, từ khi phải chuyển lực lượng sang Thái Lan (năm 1946), cấp uỷ, chỉ huy các đơn vị liên quân Lào - Việt ở từng khu vực đã tập hợp, củng cố lực lượng vũ trang Việt kiều, các đội công tác cơ sở, chuẩn bị điều kiện để trở về hoạt động ở mặt trận phía tây Lào.

Dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Ai Lao, các tổ chức đoàn thể Việt kiều yêu nước ở Lào, Thái Lan, vận động đồng bào ủng hộ tiền, của để mua sắm vũ khí chuyển từ Thái Lan về Lào; đồng thời động viên nhân dân Lào cùng Việt kiều gửi con em tham gia xây dựng các đơn vị liên quân Lào - Việt. Sinh ra và lớn lên trên đất Lào, thông thạo ngôn ngữ, am hiểu tập quán của các bộ tộc Lào là điều kiện thuận lợi để thanh niên Việt kiều gia nhập các đơn vị vũ trang liên quân, sát cánh chiến đấu với anh em người Lào.

Đầu năm 1947, Đặc ủy kiều bào và Tổng hội Việt kiều cứu quốc quyết định thành lập Bộ Tư lệnh mặt trận Lào - Miên, do đồng chí Vũ Hữu Bỉnh làm tư lệnh (sau gọi là mặt trận miền Tây) nhằm giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Lào, Miên từ phía tây. Bộ Tư lệnh chủ trương thành lập bốn đặc khu trên đất Lào, Miên. Đặc khu 1 là Viêng Chăn. Đặc khu 2 là Pạc Xan - Thà Khẹc. Đặc khu 3 là Xavẳnnakhệt. Đặc khu 4 là Báttamboong (Bắc Miên) 2. Ở các đặc khu, đảng uỷ và ban chỉ huy quân sự nhanh chóng tập hợp, củng cố lực lượng vũ trang Việt kiều và các đội công tác cơ sở, chuẩn bị sẵn sàng trở lại Lào hoạt động khi có điều kiện thuận lợi.

Từ giữa năm 1947, các đơn vị Việt kiều giải phóng quân và đội công tác cơ sở (ở Thái Lan) được bổ sung thêm quân số, vũ khí và tổ chức thành ba lực lượng về Nam Bộ (Việt Nam), Campuchia và Lào, trực tiếp tham gia kháng chiến.

Lực lượng trở về Lào được tổ chức thành các đơn vị vũ trang tuyên truyền và các đội công tác cơ sở hoạt động dọc theo lưu vực sông Mê Công từ Viêng Chăn xuống khu vực Trung Lào.

Phía bộ đội Việt kiều được phái về Viêng Chăn (Đặc khu 1) hoạt động, lúc đầu có 70 người. Ban Chỉ huy Đặc khu 1 tổ chức hai đơn vị Việt kiều giải phóng quân trở lại chiến trường Viêng Chăn tìm cách phối hợp với lực lượng Lào Ítxalạ, nhằm vào hai hướng là vùng Nặm Tòn - Phôn Hoộng ở phía tây bắc, bắc Viêng Chăn và vùng Thà Boốc - Pạc Xan ở phía đông và đông bắc Viêng Chăn hoạt động. Đây là hai địa bàn rừng núi có vị trí quan trọng về chính trị, quân sự, xa trung tâm đầu não của địch, mặt khác ở đây có thể dựa vào cơ sở Việt kiều ở ven sông Mê Công bên phía Thái Lan để bảo đảm giao thông liên lạc, chỉ huy, tiếp tế và có thể thực hiện tác chiến tiêu hao sinh lực địch, bảo toàn lực lượng kháng chiến. Bộ đội Việt kiều trở về Viêng Chăn được cán bộ và nhân dân Lào gọi là “Thà hãn ai noọng” (bộ đội anh em), hoặc gọi chung là “Thà hãn Ítxalạ” như bộ đội Lào.

Đơn vị Nặm Tòn - Phôn Hoộng có 40 người, biên chế thành ba phân đội và một cơ quan chỉ huy. Phạm vi hoạt động tương đối rộng, từ vùng Nặm Tòn đến đường 13, từ ngoại thành Viêng Chăn lên Phôn Hoộng, sang Nặm Lịch, khu vực Bạn Cơn và đường 10. Nhiệm vụ của đơn vị là phối hợp với bộ đội Lào Ítxalạ tại địa phương, thực hiện công tác vũ trang tuyên truyền, tác chiến tiêu hao địch và đánh phá giao thông, kìm chế hoạt động của địch, gây thanh thế cho bộ đội Lào Ítxalạ và phong trào kháng chiến của nhân dân các bộ tộc Lào. Trong năm 1947, đơn vị phân chia thành nhiều tổ, nhóm nhỏ vào từng làng, bản, tuyên truyền, vạch rõ âm mưu, hành động phá hoại của giặc Pháp, giải thích chủ trương của Chính phủ Lào Ítxalạ là kháng chiến, đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập, tự do thực sự cho Lào. Đồng thời, tổ chức tập kích đồn Hủa Khủa trên đường 13 cách Viêng Chăn 20 km về phía bắc; phục kích đoàn xe chở quân của địch gần làng Thồng Măng trên đường 10, đoạn Thà Ngòn - Bạn Cơn; phục kích đoàn canô chở quân ở khu vực Kẹng Mọ, trên sông Mê Công; đánh địch ở giữa bản Noỏng Khỏn và bản Háy Càbạc.

Đơn vị Thà Boốc - Pạc Xan có 30 người. Phạm vi hoạt động dọc theo đường 13 từ Pạc Xan - Thà Boốc - Pạc Ngừm ngược lên Viêng Chăn, dọc đường 4, từ Pạc Xan - Mương Cầu lên Thà Viêng và các vùng thượng lưu sông Nặm Xăn, Nặm Nghiệp, các vùng núi cao Phu Phalavẹc, Phu Mừn, Phu Ngu. Nhiệm vụ của đơn vị này là phối hợp với lực lượng Lào Ítxalạ tại địa phương làm công tác vũ trang tuyên truyền và đánh địch, gây tiếng vang cho phong trào kháng chiến, tạo niềm tin trong nhân dân và lực lượng vũ trang Lào - Việt. Các cán bộ, chiến sĩ đơn vị Thà Boốc - Pạc Xan đã tiến hành các hoạt động vũ trang tuyên truyền qua nhiều làng, bản trên địa bàn rừng núi ở vùng thượng nguồn các sông Nặm Xăn, Nặm Nghiệp, xây dựng cơ sở và tổ chức đánh địch ở Bạn Hày (trên đường 13), phá cầu ở Thà Boốc, phục kích đánh ca nô và xe cơ giới địch khi chúng chở quân xuống tăng cường cho đồn Pạc Xan.

Ngoài hai đơn vị trên ở Viêng Chăn, phía Tây Lào còn có một bộ phận phụ trách đường giao thông Việt - Lào - Thái gồm 30 người. Cuối năm 1947, được nhân dân Lào nhiệt tình giúp đỡ, đơn vị này đã mở thông con đường giao liên quốc tế từ Bưng Càn (Thái Lan) qua Bolịkhăn, Mương Mộc, Mương Ngan (Lào) về Liên khu 4 (Việt Nam), góp phần quan trọng bảo đảm cho sự liên lạc của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương với chiến trường Lào qua Thái Lan ra các nước khác.

Tại khu vực nam Thà Khẹc và bắc Xavẳnnakhệt, phía tây Lào, có một lực lượng gọi là Phân khu 6, tổ chức thành ba đội công tác (số 13, 14, 15). Đây là số anh chị em Việt kiều, thông thạo tiếng và phong tục, tập quán địa phương Lào, làm công tác tuyên truyền vận động quần chúng.

Hoạt động của các đơn vị Nặm Tòn - Phôn Hoộng và Thà Boốc - Pạc Xan cùng với hoạt động của đơn vị Koong Phạ Ngừm Lào Ítxalạ ở địa phương và các đơn vị nói trên đã gây được ảnh hưởng lớn đến nhân dân ở vùng địch tạm chiếm, tạo được lòng tin đối với nhân dân, gây dựng được những cơ sở kháng chiến ban đầu ở mặt trận Viêng Chăn và một số vùng phía tây Lào.

Do hoạt động gian khổ, điều kiện sinh hoạt khó khăn, bệnh tật phát sinh, một số đồng chí đã hy sinh, nên đến cuối năm 1947, phần lớn lực lượng của hai đơn vị Việt kiều hoạt động ở vùng Viêng Chăn được lệnh rút sang Thái Lan củng cố. Chỉ còn một tổ công tác ở lại vùng Nặm Tòn, liên hệ phối hợp với đơn vị Lào Ítxalạ do ông Thạo Mừn Xổmvichít chỉ huy, dựa vào dân tiếp tục hoạt động.




-----------------------------------------------------------------
1. Tây Lào, khái niệm này có nhiều nguồn tài liệu giải thích khác nhau, theo nguồn tài liệu này là vùng dọc theo sông Mê Công, từ phía bắc tỉnh Huội Xài đến phía tây tỉnh Khăm Muộn, gồm toàn bộ tỉnh Huội Xài, phía tây Luổng Phạbang, toàn bộ Viêng Chăn và một phần nam Khăm Muộn.

2. Đến tháng 4 năm 1949 lập thêm đặc khu ở vùng Huội Xài - Luổng Phạbang - Xaynhabuli.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 15 Tháng Tám, 2021, 04:57:48 pm
Tại vùng Đông Lào 1, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia Việt Nam và theo yêu cầu của cách mạng Lào, Bộ Tư lệnh Chiến khu 4 giao nhiệm vụ cho các tỉnh cử một số cán bộ và đơn vị sang phối hợp, giúp đỡ các địa phương lân cận phía Đông Lào xây dựng cơ sở kháng chiến. Đầu năm 1947, Khu ủy và Ủy ban kháng chiến - hành chính Khu 4 quyết định thành lập Phòng Biên chính trên cơ sở Phòng Ngoại vụ, chuyên trách giúp các lực lượng kháng chiến Lào, do đồng chí Trần Đức Vịnh phụ trách  đóng ở vùng Đô Lương, Con Cuông (tỉnh Nghệ An). Phòng Biên chính có nhiệm vụ giúp Ủy ban giải phóng Đông Lào củng cố và phát triển các lực lượng cách mạng, yêu nước Lào và tổ chức đón tiếp các lực lượng từ Thái Lan qua Lào sang Việt Nam và ngược lại; phối hợp chặt chẽ với Tiểu đoàn 265 địa phương tỉnh Nghệ An phụ trách biên giới phía tây, tổ chức hoạt động gây cơ sở trong các vùng người dân tộc Việt Nam và Lào, tạo chỗ đứng chân để tiến sâu vào đất Lào; chắp nối liên lạc với cán bộ cốt cán còn lại trong các thị xã, thị trấn, và các vùng địch tạm chiếm, xây dựng cơ sở chính trị, hoạt động vũ trang tuyên truyền, trọng tâm là vùng nông thôn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, tập trung xây dựng căn cứ du kích làm chỗ đứng chân ở vùng Xảm Chè (người Mông), Mương Nham và ngược lên phía bắc, hai bên đường 7, thuộc vùng Noỏng Hét, Bạn Ban, Mương Pẹc.

Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị tổ chức Ban Biên chính, gồm 2 đến 4 cán bộ để liên hệ giúp Lào. Ban Biên chính Hà Tĩnh gồm có 4 người, đóng ở huyện Hương Sơn. Cán bộ của ban này thường xuyên sang hoạt động, giúp Lào ở các vùng Na Vang, Na Háo, thuộc tàxẻng (tổng) Nặm Vẹo sát với huyện Hương Sơn và tàxẻng Thạp Hay sát với huyện Hương Khê. Tỉnh Quảng Bình cử một tổ công tác sang gây cơ sở ở vùng Bualapha, sát biên giới với huyện Bố Trạch. Ban Biên chính tỉnh Quảng Trị đóng ở huyện Hương Hoá, sang giúp Lào xây dựng cơ sở, phát động phong trào ở vùng Tà Ôi, Mương Noòng, tiếp giáp tỉnh Quảng Trị. Mặt khác, các tỉnh thuộc Liên khu 4 còn cử một số đơn vị bộ đội sang vùng lân cận của Lào phối hợp hoạt động, gây dựng cơ sở.

 Tỉnh Quảng Trị cử Đại đội 55 bộ đội địa phương sang phối hợp, hoạt động, giúp đỡ cách mạng Lào ở mường Xê Pôn , Mương Phin, trên trục đường 9 và khu vực phía đông nam tỉnh Xavẳnnakhệt. Tỉnh Quảng Bình cử Đại đội 6 bộ đội địa phương sang hoạt động ở khu vực đường 12 vùng mường Bualapha, Ang Khăm, Bạn Naphào, tỉnh Khăm Muộn. Một đại đội của Tiểu đoàn Trường Sinh, thuộc Trung đoàn 103, phối hợp hoạt động ở khu vực đường 8 vùng Na Pê, Lắc Xao, Bạn Tồn đến Nhômmalạt.

Cuối năm 1947, đầu năm 1948, các đơn vị của các tỉnh thuộc Khu 4 (Việt Nam) gồm Đại đội 55 ở Xavẳnnakhệt, Đại đội 6 ở Khăm Muộn, đại đội thuộc Tiểu đoàn Trường Sinh của Trung đoàn 103, ở Na Pê, Khăm Cợt được tổ chức thành các đội vũ trang tuyên truyền, sát cánh cùng lực lượng vũ trang cách mạng Lào vào từng bản, làng, tuyên truyền vận động nhân dân, xây dựng cơ sở, tổ chức lực lượng bán vũ trang. Tháng 10 năm 1948, Đại đội 55 phối hợp với lực lượng vũ trang mường Xê Pôn, đánh địch ở Samuội, sau đó tập kích đồn Mương Noòng, giải phóng huyện Tà Ôi, Mương Noòng.

Để tăng cường sự chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng của Việt Nam hoạt động ở Trung Lào và thống nhất việc giúp đỡ, phối hợp hoạt động với lực lượng vũ trang cách mạng Lào, đầu tháng 8 năm 1948, Liên khu uỷ 4 quyết định thành lập Ban Cán sự Trung Lào  gồm bảy người, do đồng chí Nguyễn Minh Châu, Khu ủy viên phụ trách.

Sau một thời gian củng cố và huấn luyện ở Khu 4 (Việt Nam), các lực lượng vũ trang yêu nước Lào đã lần lượt trở lại các khu vực trên chiến trường Đông Lào, tiến hành hoạt động vũ trang, gây cơ sở, tổ chức phát động chiến tranh du kích chống thực dân Pháp xâm lược và bọn tay sai. Tháng 3 năm 1947, ông Thạo Kê tổ chức một trung đội Lào - Việt trở về Xiêng Khoảng, hoạt động ở vùng Mương Mộc, Mương Nham. Ông Xiêng Xinh (Phia Hõm) đưa một trung đội vào khu vực Mương Dương, Bò Nhia, Sằm Tớ hoạt động.

Cũng trong tháng 3 năm 1947, khoảng 200 Việt kiều từ Thái Lan chuyển về bổ sung cho Phòng Biên chính Khu 4 (Việt Nam). Với quân số được tăng cường, Phòng Biên chính thành lập hai đội vũ trang tuyên truyền (219 và 210). Đội 219 có nhiệm vụ bảo vệ con đường giao liên quốc tế bí mật từ Việt Nam qua Lào sang Thái Lan. Đội 210 hoạt động gây cơ sở chính trị ở vùng Xảm Chè - Long Mộ (huyện Mương Mộc) tạo bàn đạp phát triển vào Thà Thôm, Thà Viêng, nối liền cơ sở của Lào ở Bolịkhăn, phía đông Viêng Chăn.

Theo chủ trương của Bộ Tư lệnh Khu 4 và sự thống nhất của Uỷ ban giải phóng Đông Lào, các lực lượng Việt - Lào mở đợt hoạt động quân sự, chính trị ở vùng Mương Ngan, phía đông thị xã Xiêng Khoảng, nhằm mở rộng vùng căn cứ du kích của Lào ở Mương Mộc, giáp tỉnh Nghệ An và phát triển cơ sở chính trị vào sâu trong vùng địch tạm chiếm. Về phía Việt Nam, lực lượng tham gia đợt hoạt động này có Tiểu đoàn 265, Đội 219, Đội 210. Phía Lào có đội vũ trang do ông Thạo Kê chỉ huy, đội du kích người Mông do ông Thạo Tu phụ trách. Ban Chỉ huy phối hợp chung của Lào - Việt gồm ông Thạo Xột, Thạo Kê, các đồng chí Nguyễn Quới, Phạm Bảo, Đặng Bá Thi.

Tiểu đoàn 265 của Khu 4 hoạt động ở đường 7, khu vực biên giới Việt - Lào, được giao nhiệm vụ phối hợp, giúp đỡ đơn vị vũ trang tuyên truyền của Lào do các ông Thạo Bun, Thạo Phăn chỉ huy trở lại hoạt động ở khu vực Mương Mộc, Mương Ngan.

Tại khu vực bắc Xiêng Khoảng, nam Hủa Phăn, đội vũ trang công tác gồm số cán bộ, chiến sĩ vốn là “Biệt động đội đường 9”, đã từng hoạt động ở hai huyện Mương Noòng, Tà Ôi (Nam Lào) và một tổ dân vận, trong đó có hai người Lào là Cà Tè, Cà Tằng (dân tộc Tà Ôi), được điều ra hoạt động ở đường 7 phía tây Nghệ An. Đội được giao nhiệm vụ phối hợp giúp đỡ đội vũ trang tuyên truyền “Tây tiến 1” do ông Thạo Ma phụ trách và đơn vị do ông Phìa Hóm chỉ huy, trở lại hoạt động ở tây nam Hủa Phăn, bao gồm các tàxẻng của huyện Sằm Tớ, phát triển lên vùng phía nam huyện Hủa Mường và phía tây huyện Mương Xăm (gồm cả thị xã Sầm Nưa).

Trong điều kiện địa hình rừng núi hiểm trở phía đông Lào, giao thông liên lạc cách trở, đời sống rất thiếu thốn, song các lực lượng vũ trang Việt kiều và các đơn vị bộ đội địa phương, chủ lực Khu 4 được phái sang hoạt động ở Đông Lào đã khắc phục mọi khó khăn gian khổ, hy sinh, mất mát, kề vai sát cánh công tác, chiến đấu với lực lượng vũ trang yêu nước và nhân dân Lào, từng bước xây dựng được địa bàn đứng chân ở một số vùng, làm cho nhân dân các bộ tộc Lào hiểu, tin tưởng hơn vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và mối quan hệ đoàn kết chiến đấu đặc biệt của các lực lượng vũ trang, nhân dân hai nước Việt - Lào.
   
Tháng 3 năm 1948, Phòng Biên chính Liên khu 4 và Uỷ ban giải phóng Đông Lào, tổ chức cuộc họp xác định nhiệm vụ củng cố về chính trị, tổ chức các đội vũ trang, bán vũ trang Lào; đồng thời quyết định thành lập Uỷ ban kháng chiến tỉnh Xiêng Khoảng. Theo đó, ngày 4 tháng 4 năm 1948, Uỷ ban kháng chiến tỉnh Xiêng Khoảng được thành lập.

Theo sự phân công của Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam, từ tháng 5 năm 1948, Liên khu 3 và Liên khu 4 có nhiệm vụ trực tiếp phối hợp, giúp đỡ mặt trận Đông Lào.

Nhằm giúp Lào đẩy mạnh phong trào kháng chiến ở Xiêng Khoảng, Liên khu 4 quyết định thành lập hai đại đội vũ trang tuyên truyền (210 và 219, trên cơ sở đội vũ trang tuyên truyền 210, 219). Mỗi đại đội có 100 người, đa số là Việt kiều, phần khác là thanh niên miền tây Thanh Hoá, Nghệ An, biên chế thành ba trung đội. Sau khi được thành lập, các đại đội khẩn trương ổn định tổ chức biên chế, bổ sung trang bị vũ khí, huấn luyện quân sự, học tập chính trị, quân sự và tìm hiểu phong tục tập quán của nhân dân các bộ tộc Lào, rồi hành quân sang Lào.

Tại Xiêng Khoảng, Đại đội 219 tiếp tục làm nhiệm vụ bảo đảm đường giao liên quốc tế bí mật, đưa đón, bảo vệ các đoàn cán bộ từ Liên khu 4 qua Lào sang Thái Lan, tham gia xây dựng căn cứ địa ở đông nam Xiêng Khoảng, đồng thời bố trí một đội vũ trang tuyên truyền hoạt động ở Mương Mộc.

Đại đội 210 làm nhiệm vụ giúp Lào xây dựng cơ sở ở vùng căn cứ Lào Xủng, trọng điểm là vùng Xảm Chè - Noỏng Hét, đồng thời phát triển sang bắc Xiêng Khoảng, khu vực Mương Dương, Mương Bò, Mương Nhia, trọng điểm là Bò Nhia.

Tháng 10 năm 1948, Đại đội 210 chia làm hai bộ phận, tiến vào vùng địch tạm chiếm. Bộ phận thứ nhất gồm hai trung đội (1 và 2), chia thành các tổ nhỏ, vào vùng Xảm Chè - một vùng núi cao sát biên giới Việt Nam - Lào. Mặc dù chưa biết tiếng và chưa am hiểu phong tục tập quán của người Mông ở vùng này, nhưng được sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị vũ trang Lào, cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã dần khắc phục những khó khăn, gian khổ để tiếp xúc với dân, tuyên truyền, giác ngộ, vận động nhân dân ủng hộ và tham gia kháng chiến. Phụ nữ Mông ở đây thường không biết tiếng Lào phổ thông, không hề biết bộ đội Việt Nam tốt hay xấu nên thường tìm cách xa lánh. Anh em phải đến từng nhà, ra tận nương rẫy, làm quen, giúp dân, tặng muối và thuốc chữa bệnh, qua đó từng bước chiếm được cảm tình của dân, rồi tuyên truyền vận động nhân dân tham gia, ủng hộ kháng chiến. Nhờ vậy, Xảm Chè được xây dựng thành một khu căn cứ kháng chiến. Và, từ Xảm Chè phát triển rộng ra các vùng xung quanh. Đến tháng 12 năm 1948, khi địch tăng cường lực lượng xây dựng ba đồn Mương Ngan, Mương Ngạt, Phu Cầy Khẳn, tổ chức càn quét liên tục, nên các Trung đội 1 và 2 và lực lượng của Lào rút về bảo vệ căn cứ Xảm Chè - Noỏng Hét. Sau một thời gian củng cố, Trung đội 1 và Trung đội 2 cùng với lực lượng của Lào tổ chức các cuộc bao vây, tiến công đồn địch, buộc chúng phải rút khỏi một số vị trí.

Trong khi đó, bộ phận thứ hai là Trung đội 3 tiến vào khu vực Mường Lống, Mỷ Lý (Nghệ An), rồi từ đó theo dọc sông, đi sâu vào vùng bắc Xiêng Khoảng, làm công tác tuyên truyền, xây dựng cơ sở. Lực lượng của đồng chí Việt Sơn Hùng và đội vũ trang công tác của Lào được tổ chức thành Đội vũ trang tuyên truyền Lào Bắc (còn gọi là Đội vũ trang tuyên truyền Sằm Tớ), do ông Xiêng Xinh (tức Phia Hõm) làm chỉ huy trưởng, đồng chí Việt Sơn Hùng làm chỉ huy phó và đồng chí Nguyễn Thị Ngọc làm bí thư. Sau khi ổn định tổ chức, toàn đội tiến vào các khu vực Mương Dương, Mương Bò, Mương Nhia tuyên truyền, xây dựng và phát triển cơ sở cách mạng. Đây là vùng mà đội “Xiêng Xinh” của Lào, đã từng hoạt động, nhân dân rất có cảm tình với kháng chiến, nên khi bộ đội Việt Nam và lực lượng Lào Ítxalạ trở lại, nhân dân địa phương tiếp đón nồng hậu và sẵn sàng che chở, giúp đỡ. Cán bộ, chiến sĩ Trung đội 3 đã cùng dân phát nương, làm rẫy, trồng sắn, trỉa ngô, lên rừng đào củ mài, tiết kiệm từng nắm cơm, hạt muối để giúp đỡ dân. Nhờ quan hệ tốt với dân, được nhân dân tin cậy, yêu mến, giúp đỡ, Trung đội 3 đã xây dựng được cơ sở quần chúng ở nhiều nơi, mở rộng hoạt động ra các bản Xam Kháng, Cò Khương và tàxẻng Xốp Na, huyện Mương Khăm, sang tàxẻng Thặm La, Na Khằng (giáp huyện Hủa Mường, tỉnh Hủa Phăn). Cuối năm 1948, Trung đội 3 tổ chức phục kích địch ở sát đồn Mương Ngạt.

Theo yêu cầu của Lào, tháng 11 năm 1948, Liên khu 4 cử thêm Đại đội 215, với quân số ban đầu là 60 người, sang giúp Lào xây dựng cơ sở kháng chiến ở Thà Viêng (nam thị xã Xiêng Khoảng). Đại đội phân chia lực lượng thành từng tổ, nhóm nhỏ luồn sâu vào vùng tạm chiếm, bắt mối liên lạc với quần chúng. Với tinh thần dũng cảm, kiên trì bám dân và thực hiện hoạt động theo phương thức thích hợp, Đại đội 215 đã tranh thủ được lòng nhiệt tình của nhân dân, xây dựng được cơ sở trung kiên ở nhiều nơi thuộc vùng Thà Viêng, Mương Om và Phả Son.
Nhằm phối hợp và giúp đỡ Đông Lào, tháng 4 năm 1948, Liên khu 3 thành lập Đoàn vũ trang công tác miền Tây, với nhiệm vụ hoạt động vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở ở phía tây biên giới Việt - Lào, tạo điều kiện để phát triển sang Lào làm nhiệm vụ giúp cách mạng Lào ở khu vực phía nam tỉnh Hủa Phăn và phía bắc tỉnh Xiêng Khoảng. Đoàn gồm 15 cán bộ tỉnh uỷ, huyện uỷ, do đồng chí Nguyễn Thế Tùng, Bí thư Tỉnh uỷ Sơn Tây, đồng chí Nguyễn Hồng, Tỉnh uỷ viên Tỉnh uỷ Hà Đông và đồng chí Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến - hành chính tỉnh Hoà Bình, lãnh đạo, cùng một đội vũ trang tuyên truyền hơn 20 người (rút từ Trung đoàn 52), trong đó có nhiều anh em là người địa phương.

Đoàn chủ trương tập trung lực lượng xây dựng cơ sở ở khu vực Phú Lệ trước, sau đó tiến lên Sơn La, Lai Châu, xuống Hồi Xuân (Thanh Hoá) và sang phía tây đến khu vực nam Sầm Nưa, bắc Xiêng Khoảng. Tháng 9 năm 1948, Đoàn vũ trang công tác miền Tây được Liên khu 3 bổ sung thêm lực lượng (Đại đội 74) và tiếp tế về muối, gạo, v.v, nên cán bộ, chiến sĩ thêm yên tâm hoạt động gây dựng cơ sở. Chấp hành chỉ thị của Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Liên khu 3, Đoàn vũ trang công tác miền Tây quyết định kết hợp quân sự với chính trị, đập tan thế lực của bọn đầu sỏ lang đạo phản động, giải phóng nhân dân, mở rộng phạm vi hoạt động, xây dựng cơ sở kháng chiến, địa bàn đứng chân vững chắc ở vùng biên giới, từ đó tiến sang Lào thực hiện nhiệm vụ phối hợp tác chiến, giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Lào.

Có thể nói, trong những năm 1945 - 1948, lực lượng vũ trang các tỉnh Liên khu 4, Liên khu 3 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng vùng Đông Lào chiến đấu, bảo vệ thành quả cách mạng, giúp đỡ các địa phương Lào xây dựng cơ sở, xây dựng căn cứ kháng chiến và xây dựng lực lượng vũ trang. Nhờ đó, sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam và Lào đã có những bước phát triển mới, làm cho cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ngày càng gặp nhiều khó khăn.




-----------------------------------------------------------------
1. Đông Lào, khái niệm này có nhiều  nguồn tài liệu giải thích khác nhau, theo nguồn tài liệu này là vùng phía đông các tỉnh Khăm Muộn, Xavẳnnakhệt (thuộc Trung Lào), Xiêng Khoảng và Hủa Phăn (Bắc Lào).


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 21 Tháng Tám, 2021, 10:47:37 am
Tại Lào Bắc 1, quán triệt tinh thần Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương mở rộng (tháng 1 năm 1948) về những chủ trương mới và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam đối với cách mạng Lào, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam quyết định tăng cường lực lượng giúp cho Mặt trận Lào Bắc. Ban Cán sự Đảng Lào Bắc do đồng chí Lê Thế Sơn làm bí thư được thành lập. Tổng Quân uỷ chỉ thị cho Liên khu uỷ và Bộ Tư lệnh Liên khu 10 thành lập Ban xung phong Lào Bắc hoạt động ở phía đông của vùng Bắc Lào để xây dựng căn cứ địa, đào tạo cán bộ và phát động chiến tranh du kích.

Trong Chỉ thị Về phương châm, phương hướng hoạt động cho cấp chỉ huy và bộ đội hoạt động trên mặt trận Lào - Miên (tháng 3 năm 1948), Bộ Tổng chỉ huy chỉ rõ: khâu then chốt trong việc giúp Lào là xây dựng cơ sở chính trị, phát động chiến tranh du kích; là phải đi đến chỗ để anh em cán bộ Lào tự phụ trách. Việc đào tạo cán bộ phải đi đôi với phát triển cơ sở đảng ở Lào. Bộ Tổng chỉ huy nhấn mạnh nhiệm vụ giúp đỡ Lào lập ra quân đội giải phóng bên cạnh liên quân Lào - Việt.

 Để giúp Lào có được căn cứ địa kháng chiến của trung ương làm chỗ dựa lâu dài cho cơ quan lãnh đạo công cuộc kháng chiến cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp nghiên cứu xây dựng Sầm Nưa thành căn cứ chiến lược cho cách mạng Lào. Theo đó, công việc đầu tiên của đồng chí Võ Nguyên Giáp là phải tìm cho được một số anh em Lào có tinh thần yêu nước, hình thành một đội công tác xung phong để đưa về hoạt động ở Sầm Nưa. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tìm cách bắt liên lạc được với đồng chí Cayxỏn Phômvihản và bàn bạc, trao đổi ý kiến về việc xây dựng Khu căn cứ kháng chiến trung ương Lào cùng việc cử cán bộ, bộ đội Việt Nam sang phối hợp với lực lượng vũ trang nhân dân Lào đấu tranh chống thực dân Pháp ở Lào. Sau đó, đồng chí Cayxỏn Phômvihản rời Thái Nguyên đi đến đơn vị của đồng chí Bế Sơn Cương ở Mộc Châu (Sơn La), để phối hợp chỉ đạo việc xây dựng lực lượng sang Bắc Lào hoạt động. Tiếp đó, ngày 16 tháng 5 năm 1948, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, Ban xung phong Lào Bắc được thành lập 2, do đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm chỉ huy trưởng, đồng chí Đông Tùng làm chính trị viên. Nhiệm vụ chủ yếu của Ban xung phong Lào Bắc là gây dựng cơ sở quần chúng nhân dân, xây dựng căn cứ địa Lào Bắc vững chắc, làm chỗ dựa cho việc xây dựng và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Ban xung phong Lào Bắc, nêu rõ: “Thiết lập căn cứ địa Lào độc lập là nhiệm vụ cần kíp, Ban xung phong Lào Bắc phải ra sức xây dựng cơ sở quần chúng trong vùng địch kiểm soát. Tôi chúc Ban xung phong Lào Bắc nhanh chóng thành công, khu giải phóng Lào độc lập nhanh chóng thành lập” .

 Lúc mới thành lập, Ban xung phong Lào Bắc có 19 người, gồm cả người Lào và người Việt. Ngày 20 tháng 5, một bộ phận của Ban xung phong Lào Bắc cùng một trung đội vũ trang tuyên truyền, xuất phát tại xã Hà Lương (Phú Thọ) tiến lên Sơn La, lấy Mộc Châu làm bàn đạp phát triển sang hữu ngạn Sông Mã vào Pa Háng tiến lên Xiêng Khọ. Từ đây, đội xung phong công tác Lào Bắc móc nối với dân để xây dựng cơ sở trong người Mông, người Puộc ở tàxẻng Phiêng Xa (còn gọi Lào Húng, có nghĩa là Bình Minh) sau đó phát triển sang các tàxẻng Moong Nặm và Phiêng Xá. Đến tháng 10 năm 1948, Ban xung phong Lào Bắc đã xây dựng được cơ sở tại 44 bản gồm 333 gia đình với số dân trên 1.500 người. Vùng này được xây dựng thành căn cứ kháng chiến đầu tiên ở huyện Xiêng Khọ, tỉnh Hủa Phăn.

Cuối năm 1948, Liên khu 10 tăng cường Tiểu đoàn chủ lực 910 sang Bắc Lào, giúp xây dựng cơ sở và mở rộng căn cứ kháng chiến xuống vùng đồng bằng ven sông Mã, từ Xiêng Khọ, Xốp Xan, Mương Ét, v.v., đến sát biên giới Lào - Việt.

Theo chỉ thị của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đầu năm 1948, Đặc uỷ Lào - Thái thành lập Mặt trận Tây Bắc Lào 3 nhằm xúc tiến việc xây dựng vùng Tây Bắc Lào thành căn cứ địa vững chắc, nối liền với khu Tây Bắc của Việt Nam.

Sau khi ổn định tổ chức, mở lớp huấn luyện, Đặc uỷ Lào quyết định đưa lực lượng về Lào hoạt động ở vùng Mương Xỉnh (Phân khu A, sau đổi tên là Khu 1) và vùng Hoộng Xả, Xaynhabuli (Phân khu B, sau đổi tên là Khu 2). Đặc uỷ Lào cũng quyết định phải xây dựng Luổng Phạbang thành trung tâm căn cứ ở Bắc Lào.

Thực hiện chủ trương trên, mặt trận Tây Bắc Lào chọn địa bàn hoạt động ban đầu là Mương Xỉnh. Đây là một huyện biên giới của Huội Xài, có đường biên giới giáp với Miến Điện, Trung Quốc và Thái Lan, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn. Các bộ tộc Lào ở Mương Xỉnh chỉ có người Lự sống bằng nghề trồng lúa nước, còn lại chủ yếu phát nương làm rẫy, săn bắn, trình độ dân trí thấp, còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu.

Trước đó, từ giữa năm 1947 đến đầu năm 1948, theo chỉ thị của Đặc uỷ Lào, một số cán bộ Việt Nam được giao nhiệm vụ lên vùng biên giới Lào - Miến Điện (Mianma) - Thái Lan, xây dựng lực lượng và chỉ đạo các đơn vị Việt kiều giải phóng quân hoạt động ở Tây Bắc Lào, từ đó, phát triển sang phía đông, hội quân với các đơn vị từ Việt Nam sang, giúp Lào xây dựng căn cứ địa ở Bắc Lào nối liền với Tây Bắc Việt Nam.

Dựa vào sự giúp đỡ của bà con Việt kiều ở Đông Bắc Thái Lan và Miến Điện giáp biên giới Lào, được Chính phủ Miến Điện viện trợ một số vũ khí, đạn dược, cơ quan lãnh đạo và chỉ huy Mặt trận Tây Bắc Lào khẩn trương xúc tiến việc tuyển lực lượng, chọn lựa thanh niên Việt kiều từ Đông Bắc Thái Lan đưa sang, mở trại huấn luyện kiến thức quân sự, chính trị tại một khu rừng cạnh làng Pa Leo, tổng Xiêng Lạp (gần sông Mê Công), trên đất Miến Điện. Ngày 23 tháng 9 năm 1948, một đoàn chiến sĩ giải phóng quân Việt Nam gồm 92 người, trong đó có 8 đảng viên, tổ chức thành 3 trung đội, mang phiên hiệu Ban Chỉ huy Khu 1, rời trại huấn luyện Pa Leo, tiến về Tây Bắc Lào, đặt trụ sở tại bản Mương Xạ, tàxẻng Mương Xạ, huyện Mương Xỉnh, tỉnh Huội Xài.

Ban Chỉ huy Khu 1 bố trí một trung đội hoạt động ở tàxẻng Mương Xạ và bảo vệ cơ quan chỉ huy Khu 1; một trung đội phát triển về hướng Mương Long, Mương Năng; một trung đội phát triển về Bạn Bò, Bạn Toọng (huyện Mương Xỉnh). Các trung đội phân chia thành các tổ từ ba đến năm người, thâm nhập vào các bản làng, thực hiện “ba cùng” với nhân dân địa phương, tuyên truyền vận động làm cho nhân dân nhận rõ bạn thù, hiểu rõ chủ trương kháng chiến, động viên nhân dân tham gia và ủng hộ bộ đội cách mạng. Nhiều anh em đã nhận mẹ, chị nuôi với người Lào. Hàng ngày, bộ đội làm vệ sinh làng bản, tổ chức dạy chữ, dạy các bài hát cách mạng cho thanh, thiếu niên, khám chữa bệnh cho nhân dân, v.v.. Nhờ vậy, quan hệ giữa bộ đội và nhân dân ngày càng gắn bó, nhân dân Lào gọi các chiến sĩ Việt kiều là “bộ đội bạn”, “bộ đội Việt Nam anh em”.

Ngoài việc tuyên truyền vận động nhân dân, các đơn vị bộ đội Việt Nam còn rất quan tâm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các tù trưởng, tộc trưởng và chức dịch của chính quyền cũ ở địa phương, nhờ vậy nên đã vận động được nhiều người đi theo cách mạng, ủng hộ kháng chiến.
Trên cơ sở tuyên truyền, vận động quần chúng, các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam chú trọng giúp Lào tổ chức “hội Ítxalạ bản”, thu hút nhiều người Lào yêu nước tham gia. Ở những nơi phong trào phát triển, bộ đội tổ chức các đoàn thể quần chúng (Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên, v.v.) và thành lập đội “dân quân du kích bản” để canh gác, bảo vệ bản làng.

Tóm lại, trong những năm 1945 - 1948, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào đã từng bước được hình thành, phát triển toàn diện, cả chiều rộng và chiều sâu, đã thu được nhiều thành quả hết sức quan trọng, đưa sự nghiệp kháng chiến ở mỗi nước vững bước tiến lên. Và chính sự lớn mạnh của sự nghiệp kháng chiến ở mỗi nước lại thúc đẩy quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào thêm gắn bó mật thiết hơn.




------------------------------------------------------------------
1. Vùng Lào Bắc (còn gọi Bắc Lào hay Thượng Lào), khái niệm này có nhiều nguồn tài liệu giải thích khác nhau, theo nguồn tài liệu này bao gồm các tỉnh Phôngxalỳ, Luổng Phạbang, Sầm Nưa (Hủa Phăn), Xiêng Khoảng, Huội Xài và Viêng Chăn. Bắc Lào được phân thành hai vùng Tây Bắc và Đông Bắc. Tây Bắc gồm các tỉnh Huội Xài, phần phía tây tỉnh Luổng Phạbang và Viêng Chăn. Đông Bắc gồm tỉnh Phôngxalỳ, phần phía đông tỉnh Luổng Phạbang, Hủa Phăn và Xiêng Khoảng, là vùng rừng núi hiểm trở, nối liền với khu Tây Bắc Việt Nam. Trong những năm 1946 - 1947, khu Bắc Lào và Tây Bắc Việt Nam bị thực dân Pháp chiếm đóng, ở nhiều vùng dọc biên giới Lào - Việt, bọn phản động nổi lên chống phá cách mạng, phong trào kháng chiến gặp rất nhiều khó khăn.

2. Về ngày thành lập Ban xung phong Lào Bắc, nhiều tài liệu viết không thống nhất. Theo đồng chí Huỳnh Đắc Hương viết trong bài “Sau thắng lợi giải phóng dân tộc nhìn lại Sầm Nưa”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Căn cứ địa Sầm Nưa - biểu tượng đoàn kết đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2008, tr.67, thì Ban xung phong Lào Bắc được thành lập ngày 24 tháng 8 năm 1948.

3. Tây Bắc Lào - vùng phía tây của Bắc Lào - gồm tỉnh Huội Xài và phần phía tây tỉnh Luổng Phạbang (sau tách thành tỉnh Xaynhabuli). Đây là vùng rừng núi điệp trùng, nằm sâu trong vùng địch kiểm soát, có biên giới giáp với Thái Lan, Miến Điện và Trung Quốc. Dân cư trong vùng phần lớn là các bộ tộc thiểu số như Lự, Cọ, Muxơ, Lan Ten, Cùi, Nghiệu,... sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy, chăn nuôi, tự cấp, tự túc.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 21 Tháng Tám, 2021, 10:54:13 am
II. TĂNG CƯỜNG PHÁT TRIỂN LIÊN MINH CHIẾN ĐẤU VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (TỪ THÁNG 1 NĂM 1949 ĐẾN THÁNG 12 NĂM 1950)


1. Tình hình mới và chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương về liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam


Trong những năm 1949 - 1950, Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam tiếp tục liên minh, đoàn kết chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và ở hai nước có những biến đổi so với những năm 1945 - 1948.

Trên trường quốc tế, Chiến tranh lạnh tiếp diễn bao trùm toàn cầu. Sự ra đời của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (ngày 1 tháng 10 năm 1949) gây ảnh hưởng lớn lao trong quan hệ quốc tế, có lợi cho phe hoà bình, dân chủ, chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là đối với cách mạng ba nước Đông Dương. Đến đầu năm 1950, Trung Quốc, Liên Xô và một loạt các nước xã hội chủ nghĩa, dân chủ nhân dân công nhận Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đó là thắng lợi chính trị to lớn, rất quan trọng của Việt Nam. Trong khi đó, Mỹ, Anh, v.v., công nhận chính quyền Bảo Đại do Pháp dựng lên ở Việt Nam. Đế quốc Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào chiến tranh Đông Dương, ép Pháp ký Hiệp ước phòng thủ năm bên gồm Pháp, Mỹ và “ba quốc gia liên kết” là quốc gia Việt Nam của Bảo Đại, Khơme và Lào (ngày 23 tháng 2 năm 1950). Trên bán đảo Triều Tiên, tháng 6 năm 1950, nổ ra chiến tranh giữa hai miền Nam - Bắc 1.

Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng trong các năm 1945 - 1948 và đang ở trong giai đoạn đẩy mạnh kháng chiến toàn dân, phát triển chiến tranh du kích, từng bước tiến lên vận động chiến làm thất bại âm mưu kéo dài, mở rộng chiến tranh và chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.

Cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào chống thực dân Pháp và bọn tay sai còn rất gay go, quyết liệt do Mỹ can thiệp, tiếp tay cho Pháp. Cuộc chiến ở Đông Dương mang tính chất chiến tranh giữa hai phe (chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản) càng thể hiện rõ nét, song khả năng thắng lợi của cách mạng Việt Nam và của cách mạng Lào ngày càng sáng tỏ.

Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Đông Dương và các lãnh tụ hai nước tiếp tục đề ra các chủ trương lãnh đạo các lực lượng vũ trang và nhân dân hai nước đoàn kết liên minh chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.

Đầu năm 1949, căn cứ vào sự phát triển của cách mạng ba nước Đông Dương, Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu (tháng 1 năm 1949), quyết định: “mở rộng mặt trận Lào - Miên”.

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến của nhân dân Đông Dương và tăng cường vai trò nòng cốt của Việt Nam trong khối liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Miên, ngày 15 tháng 2 năm 1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức cuộc hội nghị quán triệt Đề cương cách mạng Lào - Miên, kiểm điểm việc giúp đỡ Lào, Miên trong các năm vừa qua; khẳng định việc giúp đỡ cách mạng Lào - Miên là vì lợi ích chung; xác định những nguyên tắc trong công tác giúp Lào, Miên là: không đứng trên lợi ích Việt Nam mà làm công tác Lào - Miên; nắm chắc các nguyên tắc dân tộc tự quyết, nhiệm vụ cách mạng Lào, Miên phải do Lào, Miên tự quyết định lấy; không đem chủ trương, chính sách, nguyên tắc của Việt Nam ứng dụng vào Lào, Miên như lắp máy; cần giúp đỡ Lào, Miên để Lào, Miên tự làm lấy.

Hội nghị chỉ rõ nhiệm vụ cần kíp trước mắt là giúp Lào, Miên xây dựng và củng cố căn cứ địa, xây dựng quân đội, chính quyền cách mạng ở căn cứ địa. Hội nghị chủ trương lập Ban Lào, Miên, có nhiệm vụ nắm tình hình, báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

Hội nghị quyết định thành lập các ban cán sự Đảng để phụ trách công tác giúp cách mạng Lào. Theo đó, Ban Cán sự Lào Bắc (trực thuộc Trung ương Đảng) phụ trách khu vực Bắc Lào; Ban Cán sự Lào Trung do Liên khu uỷ 4 lãnh đạo, phụ trách khu vực Trung Lào; Ban Cán sự Hạ Lào do Liên khu uỷ 5 lãnh đạo phụ trách khu vực Hạ Lào; ...

Từ ngày 8 đến 10 tháng 5 năm 1949, Hội nghị cán bộ Việt - Lào họp, kiểm điểm lại công tác phối hợp hoạt động Việt - Lào tại Đông Lào, xác định mục đích công tác Việt - Lào, nguyên tắc, phương pháp tổ chức và phối hợp, thể lệ của sự phối hợp công tác tại Đông Lào.

Sau khi Chính phủ độc lập Lào do các phần tử thiếu kiên định chi phối đã tuyên bố tự giải thể (ngày 26 tháng 10 năm 1949), Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn xác định quyết tâm đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở Lào - Miên, giúp Lào - Miên xây dựng căn cứ địa chính, xây dựng quân đội quốc gia và đào tạo cán bộ. Hoàng thân Xuphanuvông và các cộng sự tuyên bố tiếp tục kháng chiến.

Trước những biến chuyển mới của cách mạng hai nước, ngày 30 tháng 10 năm 1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định các lực lượng quân sự của Việt Nam được cử sang chiến đấu giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện. Đây là mốc lịch sử trọng đại đánh dấu bước phát triển và trưởng thành của các lực lượng quân sự Việt Nam giúp Lào trên chiến trường Lào; đồng thời thể hiện quan điểm đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương trong quan hệ Việt Nam - Lào, khẳng định tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam phát triển lên tầm cao mới vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân hai nước, cũng như cả ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương.

Báo cáo Hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị, chuyển mạnh sang tổng phản công tại Hội nghị toàn quốc lần thứ ba (tháng 1 năm 1950) của Đảng Cộng sản Đông Dương xác định: “Trong cuộc chiến tranh chống Pháp này, Đông Dương chỉ là một chiến trường duy nhất. Chiến lược tổng phản công bao trùm tất cả Đông Dương. Nhiệm vụ tổng phản công không phải là chỉ quét sạch địch ra khỏi Việt Nam, mà phải nhằm giải phóng cho cả Ai Lao và Cao Mên . Vì, do quan hệ địa thế, vận mệnh ba quốc gia Việt, Mên, Lào gắn bó với nhau rất khăng khít. Độc lập Việt Nam không được bảo đảm, nếu Ai Lao, Cao Mên chưa được giải phóng. Ai Lao, Cao Mên khó giành được độc lập hoàn toàn nếu kháng chiến Việt Nam chưa thành công.

Cao Mên và Ai Lao lúc này là kho dự trữ về người, lương thực và nguyên liệu của địch, sẽ là nơi địch rút lui khi nào thất bại ở Việt Nam, nhưng lại là hai mặt trận sơ hở nhất của địch. Cho nên, việc mở mặt trận Ai Lao và Cao Mên ngày một rộng để phá sức dự trữ của địch lúc này, để kiềm chế quân đội địch và phối hợp với mặt trận chính ở Việt Nam, để chặt đường rút lui của địch sau này là việc rất cần.

Trong giai đoạn tổng phản công, ta không thể giải quyết xong chiến trường Việt Nam rồi nghỉ mà phải tiếp tục nhiệm vụ giải phóng toàn Đông Dương. Có khi chưa giải quyết xong toàn bộ chiến trường Việt Nam, nhưng theo một kế hoạch phản công chung cho chiến trường Đông Dương, ta đã phải giải quyết một phần chiến trường Ai Lao hay Cao Mên.

Một điểm ngay từ giờ, cần nhận định rõ là: khi nào thực dân Pháp núng thế, chúng có thể bỏ miền Bắc Đông Dương mà thu quân củng cố miền Nam, chặt Đông Dương ra làm hai khúc. Cũng có thể lúc đó, chúng giảng hoà riêng với Việt Nam, công nhận điều kiện do Việt Nam đề ra rồi đem quân sang Ai Lao, Cao Mên, băng bó thương tích và chuẩn bị lực lượng hòng đánh lại Việt Nam. Trong trường hợp đó, chiến tranh giải phóng ở Đông Dương chưa dứt. Nay người cộng sản Đông Dương chúng ta vẫn phải tiếp tục lãnh đạo các dân tộc Lào, Mên kháng chiến. Khi đó, Chính phủ Việt Nam cần giải thích rõ ràng thái độ của mình cho các bạn kháng chiến Lào, Mên biết và các chiến sĩ quốc gia Việt Nam vẫn phải tiếp tục giúp hai dân tộc Mên, Lào chiến đấu đến cùng.

Một điểm nữa cần chú ý là: khi Pháp bị bại ở Việt Nam hoặc chưa bại hẳn ở Việt Nam nhưng không đủ sức đương đầu với quân ta ở Ai Lao, Cao Mên, thì tuân theo mệnh lệnh của Mỹ - Anh, bọn phản động Xiêm có thể xâm lấn Ai Lao, Cao Mên, biến hai nước này thành những vị trí chiến lược trong phòng tuyến chống cộng của chủ nghĩa đế quốc thế giới. Cho nên muốn giải phóng cho dân tộc Đông Dương và góp phần bảo vệ hoà bình thế giới ở Đông Dương, ở Đông Nam châu Á, Đảng ta phải nhằm mục đích giải quyết cả chiến trường Đông Dương.

Việc mở mặt trận Ai Lao, Cao Mên và tăng cường cho mặt trận đó, phải là một điểm trọng yếu trong kế hoạch chuẩn bị tổng phản công của ta”.

Báo cáo Nhiệm vụ quân sự trước mắt chuyển sang tổng phản công tại Hội nghị toàn quốc lần thứ ba (tháng 1 năm 1950) của Đảng Cộng sản Đông Dương xác định: tích cực mở rộng các khu giải phóng Miên, Lào có căn cứ địa chính khá vững chắc để đẩy mạnh cuộc chiến tranh giải phóng; thống nhất sự chỉ đạo về quân sự ở Lào và Miên, đồng thời với sự thống nhất chỉ đạo về chính trị; tích cực xây dựng quân đội Lào và quân đội Miên độc lập, giúp cho quân đội Lào, Miên trở thành lực lượng trụ cột lôi cuốn quảng đại nhân dân Lào - Miên vào cuộc chiến tranh giải phóng; đào tạo cán bộ quân sự Miên, Lào; về tác chiến, vì điều kiện đặc biệt của chiến trường, bộ đội chủ lực có thể phối hợp phương thức hoạt động, tập trung lực lượng tiêu diệt địch, giành thắng lợi lớn sau đó phân tán thành từng đơn vị nhỏ tiến hành vũ trang tuyên truyền, gây cơ sở chính trị rộng rãi; mở rộng khu giải phóng.

Báo cáo Hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị, chuyển mạnh sang tổng phản công tại Hội nghị toàn quốc lần thứ ba (tháng 1 năm 1950) của Đảng Cộng sản Đông Dương còn nêu rõ vấn đề: “Xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất ở Mên, Lào, tiến tới lập Mặt trận các dân tộc thống nhất Đông Dương”.

Chú trọng xây dựng căn cứ địa chính cho Miên, Lào và mở rộng cơ sở quần chúng, gắn liền các căn cứ địa với nhau. Tích cực xây dựng quân đội quốc gia và đào tạo cán bộ cho Miên, Lào. Phát triển mạnh mẽ Hội Ítxara Miên và Hội Ítxarắc Lào, để xúc tiến xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất ở Miên và Lào, tiến tới lập Mặt trận các dân tộc thống nhất Đông Dương.

Nhằm thúc đẩy cuộc kháng chiến tiến tới, Hội nghị cán bộ Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ ba (ngày 21 tháng 1 năm 1950) xác định những vấn đề cơ bản lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương. Với cách mạng Lào, Hội nghị chỉ rõ cần xây dựng căn cứ địa trung ương và nối liền các căn cứ địa với nhau, tiến tới thống nhất sự chỉ đạo về quân sự, chính trị trên toàn Lào; tích cực xây dựng quân đội và chú trọng công tác đào tạo cán bộ; khẩn trương xây dựng các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy kháng chiến, thành lập chính phủ, mặt trận ở trung ương và xây dựng chính quyền nhân dân trong các khu giải phóng; mở rộng cơ sở quần chúng, khẩn trương xây dựng mặt trận thống nhất ở Lào, tiến tới chính thức thành lập Mặt trận các dân tộc thống nhất Đông Dương. Hội nghị coi việc xây dựng mặt trận thống nhất là yêu cầu cấp thiết để thực hiện đoàn kết dân tộc, đoàn kết ba nước Đông Dương, đẩy mạnh kháng chiến tiến tới.

Kiểm điểm tình hình thực hiện Đề cương cách mạng Lào - Miên và bàn kế hoạch mới, ngày 29 tháng 6 năm 1950, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương triệu tập Hội nghị cán bộ toàn Lào. Hội nghị xác định trong những năm 1950 - 1951 phải giành lợi thế về chính trị ở Lào, phối hợp chặt chẽ với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Hội nghị đề ra nhiệm vụ triệu tập Hội nghị quốc dân Lào.
Thực hiện chủ trương, đường lối kháng chiến của Đảng Cộng sản Đông Dương và các lãnh tụ của hai nước Việt Nam - Lào, trong các năm 1949 - 1950, quân dân Việt Nam và quân dân Lào ở các địa phương tiếp tục đẩy mạnh sự phối hợp, giúp đỡ nhau, liên minh chiến đấu chống thực dân Pháp cùng bọn tay sai và can thiệp Mỹ.




-------------------------------------------------------------------
1. Chiến tranh Triều Tiên diễn ra từ ngày 25 tháng 6 năm 1950 và kết thúc ngày 27 tháng 7 năm 1953, bằng Hiệp định đình chiến tại Bàn Môn Điếm. Thực hiện chủ trương “kháng Mỹ viện Triều”, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa cùng quân đội Bắc Triều Tiên chiến đấu. Chiến tranh đã gây tổn thất lớn cho các bên tham chiến với hơn 1 triệu người chết và 115.000 người bị thương.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 21 Tháng Tám, 2021, 11:00:53 am
2. Quân dân hai nước Việt Nam, Lào tăng cường phát triển liên minh chiến đấu

 Phối hợp xây dựng Khu kháng chiến Hạ Lào. Đầu tháng 2 năm 1949, đồng chí Khăm Tày Xiphănđon cùng ông Xỉthôn Cômmađăm dẫn một đơn vị tới vùng căn cứ kháng chiến Liên khu 5 (Việt Nam). Đoàn gồm 60 cán bộ, chiến sĩ người Lào và một trung đội Việt kiều do đồng chí Nguyễn Đình Hin phụ trách. Trên cương vị đại diện Chính phủ độc lập Lào, đồng chí Khăm Tày Xiphănđon đã chuyển công văn của Chính phủ Lào do Hoàng thân Xuphanuvông ký, tới đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đang ở Nam Trung Bộ. Công văn của Chính phủ Lào đề nghị phía Việt Nam giúp đỡ thành lập Khu kháng chiến Hạ Lào và giới thiệu ông Xỉthôn Cômmađăm là khu trưởng, ông Xổm Manôviêng là chủ tịch Uỷ ban chính quyền khu.

Đồng chí Khăm Tày Xiphănđon cùng đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Nguyễn Thế Lâm, quyền Tư lệnh Liên khu 5 đã trao đổi ý kiến và thống nhất về hình thức tổ chức cùng các biện pháp cụ thể giúp đỡ nhau đẩy mạnh kháng chiến chống thực dân Pháp ở Hạ Lào. Tại cuộc trao đổi đó, phía Việt Nam hoan nghênh, ủng hộ Lào thành lập Khu kháng chiến Hạ Lào và nhất trí giải thể Khu đặc biệt do Việt Nam lập trước đó; tán đồng tích cực giúp đỡ phong trào kháng chiến Hạ Lào; đưa bộ đội tình nguyện sang phối hợp, giúp đỡ cùng chiến đấu, sẵn sàng chi viện lương thực, vũ khí cho lực lượng vũ trang cách mạng Lào. Việt Nam cử một phái đoàn thuộc Uỷ ban kháng chiến miền Nam Trung Bộ do đồng chí Nguyễn Chính Cầu làm đoàn trưởng, đồng chí Đoàn Huyên phụ trách quân sự, đồng chí Đoàn Kim phụ trách chính quyền, sang làm nhiệm vụ bên cạnh cơ quan Khu kháng chiến Hạ Lào. Lào và Việt Nam thống nhất lập Ban Chỉ huy quân sự hỗn hợp để chỉ huy lực lượng Việt - Lào, nhưng vẫn duy trì tổ chức và quản lý riêng lực lượng mỗi bên. Ban Chỉ huy quân sự hỗn hợp do ông Xỉthôn Cômmađăm làm chỉ huy trưởng, đồng chí Đoàn Huyên làm chỉ huy phó, đồng chí Nguyễn Chính Cầu làm chính uỷ.

Khu Hạ Lào chính thức thành lập tháng 2 năm 1949, do ông Xỉthôn Cômmađăm làm khu trưởng kiêm chỉ huy quân sự; ông Xổm Manôviêng làm chủ tịch chính quyền khu, dưới sự lãnh đạo chung của đại diện Chính phủ Lào Ítxalạ là đồng chí Khăm Tày Xiphănđon.

 Để giúp đỡ Lào xây dựng Khu kháng chiến Hạ Lào, phía Việt Nam chỉ định Ban Cán sự Hạ Lào do đồng chí Nguyễn Chính Cầu làm bí thư và uỷ viên là các đồng chí Đoàn Huyên, Đoàn Kim và Nguyễn Đình Hin. Bộ Tư lệnh Liên khu 5 chỉ định Ban Chỉ huy bộ đội Việt Nam tại Hạ Lào do đồng chí Đoàn Huyên làm chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Chính Cầu làm chính uỷ.

Cuộc gặp gỡ giữa đồng chí Khăm Tày Xiphănđon, theo sự uỷ quyền của Hoàng thân Xuphanuvông, với đồng chí Phạm Văn Đồng và những thoả thuận hai bên đã đạt được cùng sự giúp đỡ nhiệt tình, tích cực, có hiệu quả của Việt Nam ngay sau đó là một trong những dấu mốc quan trọng của liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, tạo điều kiện cho cuộc kháng chiến của Lào nói chung, ở Hạ Lào nói riêng có bước phát triển mới.

Sau khi thành lập, Bộ Chỉ huy Khu kháng chiến Hạ Lào đã triển khai lực lượng Lào - Việt ở vùng biên giới phía đông hai tỉnh Xalavăn và Áttapư, chia thành ba bộ phận hoạt động ở ba vùng.

Bộ phận thứ nhất gồm hai trung đội và 12 cán bộ dân vận, theo lưu vực sông Xê Camản, từ Koongna, Đắc Mong tiến xuống vùng Kẹng Xây, Xákhẹ dọc hữu ngạn Xê Coong (đông bắc thị xã Mương Mày, Áttapư).

Bộ phận thứ hai gồm hai trung đội và tám cán bộ dân vận hoạt động ở vùng biên giới phía đông Xalavăn, vùng Đắc Chưng, Măng Hà, Mang Dơn, Đắc Blê sang phía bắc gồm Tăng Mi, Adun, Tăng Lu.

Bộ phận thứ ba gồm hai trung đội và hai cán bộ dân vận hoạt động ở vùng Đắc Ranh - Đắc Ray, là vùng gây cơ sở cũ, để củng cố đường liên lạc về Liên khu 5 và cảnh giới đề phòng địch từ hướng Đắc Pung sang.

Mỗi vùng đều gồm lực lượng Lào - Việt, có nhiệm vụ tìm hiểu dân cư, địa thế, địch tình và gây cơ sở trong nhân dân để hoạt động lâu dài. Chỉ sau một thời gian ngắn của đợt hoạt động này, khu vực miền núi vùng Tà Riêu, Đắc Chưng, Đắc Pằm, Măng Hà, Đắc Blê đã hình thành được một số cơ sở kháng chiến. Phát huy thành quả đã đạt được, các bộ phận tiến hành mở rộng địa bàn hoạt động. Đến cuối tháng 4 năm 1949, đã thành lập được một số uỷ ban tổng, làng, xã, tổ chức lực lượng tự vệ, v.v.. Song, do không nắm được tình hình địch và dân cư, cán bộ, chiến sĩ người Lào thiếu kinh nghiệm hoạt động trên địa bàn dân cư mới lạ, nhiều cán bộ, chiến sĩ người Việt không biết tiếng Lào, nên mục tiêu của đợt hoạt động còn có nhiều hạn chế. Trước tình hình đó, đồng chí Khăm Tày Xiphănđon nêu ý kiến đề nghị phái đoàn Việt Nam tìm biện pháp khắc phục. Nhận thấy cần phải huấn luyện thêm cho bộ đội về chỉ huy, kỹ thuật, chiến thuật cũng như phương pháp vận động quần chúng, xây dựng cơ sở, các đồng chí lãnh đạo Khu kháng chiến Hạ Lào và Ban Cán sự Hạ Lào thống nhất rút phần lớn lực lượng về vùng tự do ở tỉnh Quảng Nam (Việt Nam) tiến hành đợt học tập quân sự, chính trị. Lực lượng ở lại hoạt động ở vùng Áttapư chỉ còn lại hai trung đội vũ trang tuyên truyền, trong đó có hai tiểu đội là Việt kiều.

Sau một thời gian hoạt động ở vùng phía đông hai tỉnh Xalavăn và Áttapư, thấy rõ những thuận lợi, khó khăn ở vùng này và để đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng, xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài ở Hạ Lào nên Ban lãnh đạo Khu kháng chiến Hạ Lào quyết định chuyển căn cứ xuống vùng tây nam Áttapư.

Cuối tháng 4 năm 1949, Ban Cán sự Hạ Lào tổ chức Hội nghị sơ kết công tác và quyết định đưa lực lượng tiến sâu vào vùng sau lưng địch, chuyển trọng điểm hoạt động về các vùng đông dân ở phía tây sông Xê Coong, nhằm phát triển cơ sở cách mạng, mở rộng và đẩy mạnh kháng chiến ở cả ba tỉnh Hạ Lào, giành lại thế chủ động, tránh nguy cơ bị địch chặn lại ở biên giới Việt Nam - Lào.

Như vậy, giữa hai bên Lào - Việt có sự giống nhau về việc chuyển căn cứ, lực lượng xuống vùng tây nam Áttapư. Theo đó, các Bạn Mầy, Hỉn Lạt, Bạn Chiêng, Bạn Inthi, Bạn Pú, Bạn Úc, Bạn The và Bạn Xổm Pòi bên bờ sông Xê Piên được xây dựng thành vùng căn cứ.

Thường vụ Liên khu uỷ 5 và Bộ Tư lệnh Liên khu 5 nhất trí với quyết định của Hội nghị sơ kết của Ban Cán sự Hạ Lào và quyết định tăng cường cho Hạ Lào hai đại đội (200, 44) cùng một số cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần. Đây là hai đại đội được chuẩn bị đầy đủ về vật chất, tinh thần, có kinh nghiệm hoạt động ở vùng địch hậu. Khu kháng chiến Hạ Lào còn tổ chức một bộ phận hậu cần, có nhiệm vụ vận tải, xây dựng hệ thống kho, trạm vận chuyển, đáp ứng quân nhu, vật dụng cho bộ đội Việt Nam và Lào tiến quân vào vùng sau lưng địch.

Mặt khác Bộ Tư lệnh Liên khu 5 quyết định đưa các lực lượng đã hoạt động trước đó ở vùng Hạ Lào tạm lui về vùng hậu cứ để củng cố tổ chức, lực lượng, tránh mùa mưa lũ ở rừng núi, trước khi tiến quân vào hoạt động trong vùng địch hậu trên đất Lào. Theo đó, từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1949, chỉ để lại một đơn vị vũ trang tuyên truyền và một tổ cán bộ dân vận làm nhiệm vụ theo dõi tình hình địch và gây dựng cơ sở, còn phần lớn lực lượng được tập trung về vùng tự do Tam Dân, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, tiến hành chỉnh huấn về quân sự và chính trị. Các nội dung chính về chỉnh huấn quân sự là rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật cá nhân và tiểu, trung, đại đội chiến đấu; chú trọng lối đánh phục kích, tập kích, đánh phá giao thông, v.v., và kinh nghiệm chiến đấu ở chiến trường Liên khu 5. Về chính trị, tập trung bồi dưỡng tinh thần, ý chí chiến đấu, quán triệt nhiệm vụ giúp đỡ, hỗ trợ cách mạng Lào, theo tinh thần “giúp bạn là mình tự giúp mình”. Cán bộ, chiến sĩ được giới thiệu về phong tục tập quán của các bộ tộc Lào, học tiếng và chữ viết của Lào. Cán bộ dân vận học các bước công tác vận động quần chúng. Cán bộ phụ trách các đơn vị nghiên cứu phương thức hoạt động ở chiến trường địch hậu. Ban cán sự và cán bộ phụ trách công tác dân vận tập trung nghiên cứu hình thức tập hợp quần chúng, công tác tổ chức đảng ở Lào.

Trong thời gian bộ đội tập trung chỉnh huấn, bộ phận hậu cần đã tăng cường xây dựng, củng cố cơ quan, lập đội vận tải, xây dựng các kho trạm, thực hiện kế hoạch bổ sung, trang bị cho bộ đội tình nguyện Việt Nam và lực lượng của Lào.

Sau đợt chỉnh huấn, vào khoảng hạ tuần tháng 10 năm 1949, các đơn vị hành quân sang vùng phía đông hai tỉnh Xalavăn, Áttapư, rồi từ đó cùng lực lượng của Lào tiến sang phía tây sông Xê Coong theo hai hướng. Hướng thứ nhất gồm Uỷ ban kháng chiến khu Hạ Lào và toàn bộ lực lượng của Lào cùng phần lớn lực lượng của Đại đội 200, Đại đội 44 (Liên khu 5), hai đội vũ trang tuyên truyền, các tổ cán bộ dân vận, tiến vào khu vực Bạn Mầy, Hỉn Lạt, nằm giữa hai tỉnh Áttapư và Chămpaxắc. Đêm 24 tháng 10 năm 1949, sau khi luồn qua hệ thống đồn bốt địch, các đơn vị Việt Nam, Lào vượt sông Xê Coong ở phía bắc thị xã Áttapư, tiến đến vị trí tập kết ở Bạn Chiêng và Bạn Inthi (cách thị xã Áttapư khoảng 15 km về phía tây nam) an toàn. Ngày 25 tháng 10, cả đoàn tiếp tục tiến sâu về phía tây và dừng chân ở khu vực Bạn Mầy, bản Hỉn Lạt, Bạn The hai bên bờ sông Xê Piên để củng cố lực lượng, xây dựng căn cứ, vận động nhân dân, triển khai hoạt động ra các vùng xung quanh.

Hướng thứ hai tiến vào vùng địch hậu tỉnh Xalavăn, gồm một đội vũ trang tuyên truyền, một tổ cán bộ dân vận Việt Nam và một số cán bộ của đơn vị Xaychắccaphắt (Lào). Sau khi vượt biên giới, lực lượng này sang vùng bản Kó, cách thị trấn Thà Teng khoảng 20 km về phía đông bắc.

 Chuyển về phía tây nam Áttapư, triển khai lực lượng, hoạt động trong vùng địch hậu, xây dựng căn cứ kháng chiến là việc làm mang ý nghĩa chiến lược, tạo điều kiện cho cuộc kháng chiến của nhân dân Hạ Lào có bước phát triển mới.

Sau khi đưa lực lượng vào vùng tây nam Áttapư, các đơn vị vũ trang Việt Nam, Lào triển khai hoạt động rộng trên nhiều hướng để có thể chiến đấu và xây dựng được cơ sở ở nhiều nơi, lập chỗ đứng chân nhằm mở rộng phong trào kháng chiến ở ba tỉnh Hạ Lào, trọng tâm là ở khu vực Đầm Phạ Phô, cao nguyên Bôlavên, tây nam Áttapư và biên giới Lào - Campuchia.

Tại vùng Đầm Phạ Phô, lực lượng của Lào gồm hầu hết số cán bộ, chiến sĩ đại đội Xaychắccaphắt và bộ phận mạnh nhất của quân tình nguyện Việt Nam. Nhiệm vụ của các lực lượng ở vùng này là xây dựng cơ sở chính trị ở khu vực phía đông đường 13 và thị trấn Phia Phay, tạo bàn đạp để vượt sông Mê Công tiến vào các huyện phía tây của tỉnh Chămpaxắc - vùng đông dân nhất của Hạ Lào, đồng thời tạo thế đánh địch trên đường 13. Sau một thời gian, các đội công tác Lào - Việt đã gây dựng được cơ sở ở nhiều bản, đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền vào sát thị xã Pạc Xê, gây ảnh hưởng chính trị rộng rãi ở nhiều nơi trong tỉnh Chămpaxắc.

 Được tin các đội vũ trang của Lào và quân tình nguyện Việt Nam đã tiến sâu vào vùng sau lưng địch cả ở bên bờ sông Mê Công, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 quyết định tăng cường Đại đội 44 cơ động sang khu Hạ Lào hoạt động ở vùng hữu ngạn sông Mê Công. Ban Chỉ huy quân sự hỗn hợp phân công đại đội này mở rộng địa bàn hoạt động sang hữu ngạn sông Mê Công, buộc địch phải đối phó trong thế lúng túng, bị động.
 
Ở vùng cao nguyên Bôlavên, Việt Nam và Lào đưa hai đội vũ trang tuyên truyền và một số đội công tác vào phía nam thị trấn Pạc Xoòng và Huội Coòng. Đội vũ trang tuyên truyền hoạt động ở phía nam thị trấn Pạc Xoòng nhanh chóng lập được địa bàn đứng chân và phát triển ra vùng phụ cận thị trấn. Ở phía nam Huội Coòng, do địch nắm được tù trưởng địa phương nên hoạt động của đoàn công tác gặp nhiều khó khăn, tổn thất, việc gây dựng cơ sở trắc trở trong một thời gian dài.

Vùng tây nam Áttapư có địa thế thuận lợi, dân cư tương đối đông. Việt Nam và Lào có ý định xây dựng nơi đây thành căn cứ địa của Hạ Lào. Hai trung đội của Đại đội 44 (Việt Nam) cùng tổ dân vận và các đội vũ trang, đội công tác (Lào) triển khai hoạt động gây dựng cơ sở, vận động quần chúng nhân dân ở vùng dọc bờ sông Xê Coong và vùng chân núi Phu Luổng, khu vực sông Xê Piên, Hỉn Lạt, Bạn The, v.v..

Ở vùng biên giới Lào - Campuchia, đội vũ trang tuyên truyền vừa hỗ trợ cho bộ phận ở tây nam Áttapư, vừa hoạt động gây dựng cơ sở và tạo điều kiện thuận lợi cho Liên khu 5 đưa lực lượng sang hoạt động ở Đông Bắc Campuchia.

Ngoài các bộ phận hoạt động vũ trang tuyên truyền ở các vùng trên, Ban Chỉ huy Khu kháng chiến Hạ Lào thống nhất với quân tình nguyện Việt Nam tổ chức một bộ phận xây dựng hành lang từ huyện Giằng, tây Quảng Nam sang để đảm bảo tiếp tế cho Hạ Lào; lập một bộ phận công tác để theo dõi hoạt động của địch và gây cơ sở trong quần chúng Việt kiều ở thị xã Pạc Xê và thị trấn Pạc Xoòng.

Nhờ bố trí lực lượng hoạt động như trên, các đơn vị Việt Nam và Lào đã tạo lập được địa bàn đứng chân, gây dựng và mở rộng cơ sở kháng chiến trong nhân dân, làm cho phong trào kháng chiến phát triển ở hầu khắp các tỉnh Hạ Lào.

Tính đến đầu năm 1950, với sự hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp hoạt động của quân tình nguyện Việt Nam, Hạ Lào đã hoàn thành việc di chuyển căn cứ, hoạt động tập trung ở phía tây sông Xê Coong, bố trí lực lượng ở những địa bàn quan trọng và chiếm lĩnh nhiều vùng đông dân cư, phát triển cơ sở chính trị và tổ chức đánh địch ở cả ba tỉnh.

Hoạt động của các đội vũ trang tuyên truyền, các đội công tác có nhiều tiến bộ. Các đội vũ trang tuyên truyền và đội công tác Lào - Việt được chia thành các tổ, tiểu đội đến các bản làng vận động nhân dân. Nơi nào địch yếu thì tổ chức đánh địch, hạn chế các hành động cướp bóc, cao hơn là buộc chúng rút khỏi vị trí đóng quân. Để vận động được nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong các tổ, đội công tác Lào - Việt luôn bám sát cơ sở, thực hiện cùng sinh hoạt, ăn uống, làm nương, phá rẫy với nhân dân, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi tuyên truyền vận động nhân dân. Thời gian đầu, trình độ hiểu biết và uy tín của anh em trong các đội công tác còn hạn chế, nhưng với lòng căm thù thực dân Pháp xâm lược và với tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế vô sản, tình đoàn kết chiến đấu, láng giềng thân thiện Việt Nam - Lào, nên dần dần đã khắc phục được khó khăn, trở ngại, được nhân dân tin yêu, mến phục coi như con em, người thân trong gia đình và hết lòng thương yêu, giúp đỡ, bảo vệ. Nhiều bản làng, nhân dân quý mến, chọn dịp tập trung làm lễ buộc chỉ cổ tay cho bộ đội. Tại buổi lễ, bộ đội cùng nhân dân uống nước ăn thề, cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp. Bộ đội hứa với dân kiên quyết chiến đấu, hy sinh vì dân, trung thành sống chết với dân, nhân dân Lào nói với bộ đội rằng tất cả mọi người, già trẻ, gái trai sẽ đoàn kết một lòng, không phản lại nhau, không làm tay sai cho giặc Pháp, ủng hộ bộ đội Ítxalạ, ủng hộ bộ đội Việt Nam, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiều cán bộ, chiến sĩ cả Lào và Việt cùng dân kết nghĩa bố mẹ, anh, chị, em, bạn thân, nhờ vậy đã tạo nên được những mối quan hệ tình cảm gắn bó vô cùng thân thiết, chân thành.

Nhờ phương thức hoạt động đúng đắn và sự kiên trì bám dân để tuyên truyền vận động, nên quân tình nguyện Việt Nam đã làm nhân dân các bộ tộc Lào ở Hạ Lào từ chỗ còn e ngại, xa lánh đến chỗ tin yêu bộ đội Ítxalạ và bộ đội Việt Nam, nhận thức được rằng bộ đội Ítxalạ và bộ đội Việt Nam là bộ đội của nhân dân, làm nhiệm vụ cách mạng, cứu nước, cứu dân, khác hẳn với quân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai bán nước hại dân.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Ban Chỉ huy Khu kháng chiến Hạ Lào xác định nhiệm vụ chủ yếu của những tháng đầu năm 1950 là tập trung vào việc gây dựng cơ sở chính trị.

Nhằm đối phó với các âm mưu, thủ đoạn mới của thực dân Pháp và bọn tay sai, lực lượng vũ trang cách mạng Hạ Lào và quân tình nguyện Việt Nam kiên cường bám địch, bảo vệ nhân dân, bảo vệ căn cứ, thực hiện tiêu hao sinh lực địch.

Đầu năm 1950, Đại đội 44 (Việt Nam) tổ chức quấy rối địch ở Mương Mày (ngày 6 tháng 2), phục kích trên đường 23 (ngày 17 tháng 2), v.v.. Đại đội 200 (Việt Nam) hoạt động ở khu vực phụ cận Áttapư, từ Bạn Hôm lên Kẹng Khảm, Thà Hỉn Tẹc vừa tổ chức huấn luyện cho dân quân vừa phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Áttapư tổ chức chiến đấu, tiêu hao sinh lực địch (phục kích ở Inthi, tây nam Mương Mày, ngày 19 tháng 3), diệt và làm bị thương 16 tên), bảo vệ căn cứ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Tháng 7 năm 1950, Ban Cán sự Hạ Lào và Khu kháng chiến Hạ Lào mở Hội nghị sơ kết công tác và bàn phương hướng, biện pháp hoạt động nhằm củng cố cơ sở, xây dựng bàn đạp, đẩy mạnh các hoạt động kháng chiến ở Hạ Lào. Về phương hướng nhiệm vụ hoạt động, Hội nghị chỉ rõ cần ra sức củng cố căn cứ địa tây nam Áttapư, nối liền với Bôlavên thành một bàn đạp vững chắc; tiến tới đánh mạnh ở Áttapư, Phia Phay, đường 13, đường 23, Pạc Xê, Pạc Xoòng, Xalavăn, Thà Teng bằng cách củng cố cơ sở kháng chiến trong nhân dân, cơ sở du kích; phát triển cơ sở quần chúng ở vùng Phia Phay, Xalavăn, trên dọc đường 23, 13 từ Pạc Xê trở xuống, chuẩn bị chiến trường để lực lượng chủ lực tiến vào tiêu diệt sinh lực địch, xây dựng căn cứ địa tả ngạn sông Xê Coong đến biên giới Lào - Việt; phát triển và củng cố cơ sở vùng Chămpaxắc, gây cơ sở bí mật trong nội thị Pạc Xê và các thị xã khác; gây dựng và phát triển du kích chiến tranh ở các vùng phụ cận Áttapư, Xalavăn, trên đường 23, 13, cao nguyên Bôlavên và căn cứ địa 5 (miền Đông Hạ Lào); bảo toàn và tích cực bồi dưỡng lực lượng bằng cách tích cực đánh phá các hoạt động, tiêu diệt các đội quân tuần tiễu, lùng quét, đánh phá các vị trí địch; bảo vệ và mở rộng căn cứ địa Hạ Lào nối liền với căn cứ địa Trung Lào; kiện toàn bộ đội tình nguyện Việt Nam, phát triển bộ đội Lào; phát triển vùng giải phóng cả về hình thức và nội dung; tích cực gây dựng kinh tế   tự túc, bảo vệ mùa màng; phá hoại giao thông, bao vây kinh tế địch, đặc biệt là cắt tiếp tế của địch cho Áttapư, Xalavăn .

Theo tinh thần của hội nghị nói trên, Ban Chỉ huy Mặt trận và Ban Cán sự của từng vùng, khu vực được thành lập nhằm thống nhất chỉ đạo lực lượng quân tình nguyện Việt Nam ở chiến trường Hạ Lào và giúp đỡ hỗ trợ cán bộ Lào ở các vùng. Cụ thể:

- Mặt trận Tây Nam, gồm tỉnh Chămpaxắc (trừ khu vực Pạc Xoòng, Pạc Xê), có sáu mường ở phía tây và đông sông Mê Công. Lực lượng quân tình nguyện Việt Nam có Đại đội 44. Lào có đại đội Xaychắccaphắt, lực lượng chủ lực Khu kháng chiến Hạ Lào, trung đội địa phương Chăntha-uđôm và dân quân du kích các bản. Mặt trận Tây Nam có nhiệm vụ củng cố cơ sở vùng Đầm Phạ Phô làm chỗ đứng chân để chỉ đạo hoạt động toàn tỉnh Chămpaxắc, giữ vững và phát triển cơ sở ở vùng hữu ngạn sông Mê Công, tích cực chống âm mưu bình định của địch.

- Mặt trận Xala - Bôla (Xalavăn - Bôlavên), gồm các mường Uđômxỉn, Lao Ngam, Thà Teng, Xalavăn, Khôngxêđôn, Vapikhămthoong. Lực lượng quân tình nguyện Việt Nam có một đại đội hoạt động ở Lao Ngam. Lực lượng Lào có Trung đội Cômmađăm ở Uđômxỉn, một trung đội ở Lao Ngam cùng du kích các bản. Mặt trận này có nhiệm vụ thống nhất chỉ đạo các lực lượng cao nguyên Bôlavên, tích cực chống càn ở Lao Ngam, mở rộng cơ sở ra toàn vùng phía bắc cao nguyên, cả Thà Teng, tiến tới nối liền cơ sở với các vùng ở phía nam Bôlavên.

- Mặt trận Xê Coong, gồm khu vực xung quanh thị xã Áttapư và Xánẳmxay, Xayxệtthả, Phu Vông. Quân tình nguyện Việt Nam có Đại đội 200. Lực lượng Lào có các trung đội địa phương ở các châu và dân quân du kích ở các bản. Mặt trận này có nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động ở cả hai phía đông và tây thị xã Áttapư, bao vây kiềm chế địch ở thị trấn Mương Mày, giữ vững hành lang tiếp vận từ Liên khu 5 (Việt Nam) sang, từng bước xây dựng vùng tây nam Áttapư thành căn cứ địa kháng chiến của toàn khu Hạ Lào.

Nhằm đối phó với âm mưu càn quét đánh phá của địch, đẩy mạnh phong trào kháng chiến ở Hạ Lào, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 (Việt Nam) quyết định điều động lực lượng từ mặt trận Quảng Nam sang tăng cường cho Hạ Lào gồm Tiểu đoàn 49 cùng một số cán bộ các ngành tham mưu, hậu cần. Uỷ ban kháng chiến miền Nam Trung Bộ điều động một số cán bộ, nhân viên có chuyên môn thuộc các ngành nghề như: làm giấy theo phương pháp thủ công, dệt vải bằng khung cửi cải tiến, rèn nông cụ, nấu muối mỏ và văn hoá, giáo dục sang giúp nhân dân các vùng căn cứ Hạ Lào.

Đầu năm 1950, có thêm 100 Việt kiều từ Thái Lan được bổ sung cho các đại đội độc lập, chủ yếu để làm công tác dân vận ở Hạ Lào. Trong các tháng cuối năm 1950, do bộ đội tình nguyện Việt Nam tập trung vào việc phân tán lực lượng để kèm cặp, huấn luyện bộ đội địa phương, dân quân du kích Lào, nên về tác chiến đánh địch không nhiều. Tuy nhiên, cũng đã tổ chức được một số trận, đáng kể là trận tao ngộ chiến ở khu vực Đon Tálạt (ngày 3 tháng 9 năm 1950), Na Khăm (ngày 26 tháng 10 năm 1950), trận phục kích ở Km 15, đường 23, Bạn Phôn đi Áttapư.

Đến cuối năm 1950, quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Hạ Lào đã thực sự phối, kết hợp công tác chặt chẽ, hiệu quả, biết khắc phục hạn chế, phát huy thế mạnh của nhau. Quân tình nguyện Việt Nam đoàn kết chặt chẽ với lực lượng cách mạng Lào, giúp đỡ tận tình về mọi phương diện, chịu đựng và vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tạo niềm tin vững chắc trong cả lực lượng vũ trang và nhân dân các bộ tộc ở Hạ Lào.

Với sự phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau, đến cuối năm 1950, phong trào kháng chiến ở Hạ Lào đã có bước phát triển vượt bậc: cơ sở được xây dựng ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là ở hướng Páxắc, tây nam Áttapư và Bôlavên; căn cứ địa kháng chiến được mở rộng, hình thành bốn vùng căn cứ; hành lang hậu phương từ biên giới Việt - Lào đến tây nam Áttapư được xây dựng, củng cố, phát huy hiệu quả; Mặt trận Lào Cụ Xạt, hội mẹ, chị chiến sĩ được tổ chức; tổ chức dân quân tự vệ, hệ thống chính quyền được hình thành.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 21 Tháng Tám, 2021, 11:07:25 am
Tại vùng Trung Lào, đầu tháng 12 năm 1949, Liên khu 4 điều thêm Tiểu đoàn 64 cho mặt trận đường 9. Việt Nam và Lào phối hợp xây dựng huyện Tà Ôi, Mương Noòng thành hai căn cứ vững chắc ở nam đường 9, nối liền căn cứ kháng chiến của các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên (Việt Nam).

 Ngày 26 tháng 2 năm 1950, Liên khu 4 ra nghị quyết chuyên đề về công tác giúp Lào, nêu rõ chủ trương mở rộng và đẩy mạnh hoạt động ở Trung Lào, hướng chính là đường 9; vận dụng phương thức “đại đội độc lập, trung đội phân tán”, giúp Lào đẩy mạnh công tác vũ trang tuyên truyền, xây dựng tổ chức quần chúng và lực lượng vũ trang địa phương, tổ chức chính quyền để củng cố mở rộng khu căn cứ.
Nhằm đáp ứng yêu cầu về chấn chỉnh tổ chức và phát triển lực lượng kháng chiến, Trung ương Mặt trận Lào Ítxalạ có những thay đổi. Các uỷ ban Tây Lào, Đông Lào đóng ở huyện Con Cuông, Nghệ An (Việt Nam) giải thể để thành lập các uỷ ban Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào. Lực lượng quân tình nguyện Việt Nam ở Trung Lào được phân công hoạt động theo từng khu vực.

Thực hiện nghị quyết của Liên khu uỷ 4 về công tác giúp Trung Lào, Bộ Tư lệnh Liên khu 4 quyết định thành lập Đoàn 120 hoạt động bên cạnh Uỷ ban Trung Lào, do ông Thạo Lấu làm chủ tịch , ông Khăm Chăn làm phó chủ tịch và ba uỷ viên, đóng ở các huyện Hương Sơn, Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Ban Cán sự Trung Lào và Đoàn 120 thống nhất tổ chức lại lực lượng vũ trang công tác, mỗi đội gồm 25 đến 30 người, làm nhiệm vụ phối hợp và giúp Lào hoạt động ở mỗi hướng, lấy tên các trục đường đặt tên cho các đội. Bao gồm Đội 813 (đường 8 và 13), Đội 812 (đường 8 và đường 12), Đội 912 (đường 9 và đường 12), Đội 923 (đường 9 và đường 23).

 Liên khu 4 còn điều động hơn 100 cán bộ xã, huyện của các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình bổ sung cho các đội vũ trang công tác giúp Trung Lào. Chấp hành chỉ thị của Liên khu 4, tỉnh Quảng Bình điều động một đại đội thuộc Trung đoàn 18 sang hoạt động ở Bạn Naphào; tỉnh Hà Tĩnh điều một trung đội bổ sung cho Đoàn 120 để kiện toàn cơ quan đoàn bộ; mặt trận Bình - Trị - Thiên cử Tiểu đoàn 364 sang Trung Lào hoạt động dưới sự chỉ huy lãnh đạo của Đoàn 120.

Đồng thời với việc chấn chỉnh tổ chức, phát triển lực lượng, Ban Cán sự Đoàn 120 trực tiếp giúp Uỷ ban Trung Lào mở hai lớp đào tạo cán bộ cho các tỉnh Khăm Muộn, Xavẳnnakhệt và Liên huyện 90, góp phần tăng cường đội ngũ cán bộ cho Lào về xây dựng cơ sở cách mạng ở Trung Lào. Trong thời gian Uỷ ban Trung Lào đóng ở Hà Tĩnh, Ban Cán sự Đoàn 120 đã chăm lo giúp Lào chuẩn bị các mặt công tác, bảo đảm cơ sở vật chất, ổn định nơi ăn chốn ở cho sáu gia đình của cán bộ Uỷ ban Trung Lào.

Sự ra đời của Đoàn 120 và các đội vũ trang công tác hoạt động ở các tỉnh Khăm Muộn, Xavẳnnakhệt là một trong những biểu hiện của sự phối hợp, giúp đỡ của Liên khu 4 đối với Trung Lào.

Phương châm của Đoàn 120 và các đội vũ trang công tác giúp Lào trong xây dựng cơ sở là vừa bí mật vừa công khai; thực hiện các hình thức đấu tranh hợp pháp như chống bắt phu, bắt lính, chống lấy lúa gạo, vận động binh lính nguỵ Lào trở về với gia đình, đồng thời tổ chức phục kích, tập kích, cài chông mìn, cạm bẫy, tiêu hao sinh lực địch.

Đoàn 120 thực hiện triệt để “ba cùng” với đồng bào và các lực lượng vũ trang Trung Lào. Bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, Đoàn 120 và các lực lượng vũ trang Việt Nam sang giúp Trung Lào đã xây dựng được nhiều cơ sở ở các vùng tranh chấp và những vùng sâu trong hậu phương địch. Các tổ chức kháng chiến bí mật của Lào đã từng bước tổ chức đấu tranh, yêu cầu bãi bỏ các chức dịch cũ, thành lập chính quyền mới. Đồng thời, Đoàn 120 đã phối hợp với các lực lượng vũ trang Trung Lào chống phá các cuộc càn quét, cướp phá của địch, tiêu hao sinh lực địch. Cụ thể là Tiểu đoàn 364 đã tiến hành bao vây đồn Mương Noòng, phục kích đoàn xe cơ giới địch ở dốc Cha Ky, phục kích trên đường 23. Đội 812 đánh phục kích địch trên sông Nặm Thơn.

Đoàn 120 và các đội vũ trang công tác từ Liên khu 4 sang giúp các đơn vị Lào Ítxalạ đã hoạt động, công tác, chiến đấu quên mình, góp phần xây dựng và củng cố bốn vùng căn cứ lớn liên hoàn, gồm 600 bản với khoảng 3 vạn dân ở vùng biên giới Việt - Lào. Trong các khu căn cứ đó, chính quyền cách mạng, các tổ chức, đoàn thể quần chúng và lực lượng vũ trang được xây dựng khá vững mạnh. Các lực lượng vũ trang Việt Nam, Lào đã phối hợp chiến đấu đập tan nhiều cuộc tiến công lấn chiếm của địch, buộc chúng phải rút bỏ gần một chục vị trí nhỏ, gây ảnh hưởng chính trị tốt đối với đồng bào Lào. Từ các căn cứ đã được xây dựng dọc phía đông Trung Lào, các đội vũ trang công tác, đơn vị vũ trang tuyên truyền Lào - Việt tiến vào các vùng sau lưng địch, phát động, tổ chức nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị và vũ trang bí mật ở các khu vực Huội Mừn, Lahảnặm, Kẹng Koọc, Nặm Cha Lộ, Na Nhôm, Nhômmalạt và Hỉn Bun bắt liên lạc với vùng Bolịkhăn (đông Viêng Chăn). Những tháng đầu năm 1950, sau nhiều thất bại ở chiến trường Bình - Trị - Thiên và do phong trào kháng chiến ở Trung Lào phát triển mạnh, thực dân Pháp rút bỏ một số vị trí nhỏ lẻ, tập trung lực lượng xây dựng các đồn bốt án ngữ dọc biên giới Việt - Lào, ở Na Pê, Bạn Naphào, Mahả Xây, Pạc Cuội, Nặm Cha Lộ, Kẹng Koọc và trên các trục đường 8, 9, 12. Mặt khác, địch tăng cường củng cố hệ thống chính quyền tay sai, tổ chức các toán gián điệp để thăm dò lực lượng kháng chiến. Địch còn tổ chức lực lượng vũ trang phản động ở các bản, trang bị súng trường, lựu đạn.

Tình hình tuy khó khăn, nhưng quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang Trung Lào luôn đoàn kết với nhau, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, gây dựng cơ sở kháng chiến, gây niềm tin trong nhân dân. Nhờ vậy, ở nhiều vùng, quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Lào đã tranh thủ được nguỵ quân, nguỵ quyền. Tại tỉnh lỵ Thà Khẹc và các đồn chung quanh, đã tổ chức được một số cơ sở trong hàng ngũ địch. Trong quá trình hoạt động công tác, một số cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống.

Thực hiện chủ trương mở rộng mặt trận Trung Lào của Liên khu uỷ 4 1, đầu năm 1950, tại chùa Đá, Linh Cảm (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), Ban Cán sự Trung Lào và Trung đoàn 120 tổ chức Đại hội đại biểu các lực lượng giúp Lào ở Trung Lào. Đại hội đánh giá tình hình địch, ta trên chiến trường Trung Lào, đề ra phương hướng giúp Trung Lào tiến mạnh về hoạt động ở vùng đồng bằng, đẩy mạnh các hoạt động trong vùng địch tạm chiếm, đưa phong trào Trung Lào phát triển, phối hợp chặt chẽ với cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam ở các tỉnh Bình - Trị - Thiên.

Đoàn 120 chấn chỉnh, tổ chức lại lực lượng, đổi phiên hiệu thành Đoàn 280 (ngày 19 tháng 5 năm 1950). Lực lượng quân tình nguyện Việt Nam ở Trung Lào có hai tiểu đoàn (1 và 2). Tiểu đoàn 1 vốn là Tiểu đoàn 364 hoạt động ở vùng phía nam đường 9. Từ cuối năm 1950, Tiểu đoàn 1 tiến vào vùng Lahảnặm, vừa chiến đấu vừa làm công tác xây dựng cơ sở trên trục đường 23. Tiểu đoàn 2 gồm các đại độc lập số 6, 75 và 77, hoạt động ở khu vực đường 12, tiến vào vùng đồng bằng Mahả Xây vừa đánh địch vừa làm công tác cơ sở ở vùng giáp ranh tỉnh Khăm Muộn và Xavẳnnakhệt.

Ngoài ra, Ban Cán sự Trung Lào còn thành lập ba phân đoàn (9, 13, 812), mỗi phân đoàn gồm một số cán bộ Ban Cán sự và một đội cơ sở làm công tác dân vận. Nhiệm vụ của các phân đoàn là chuyển vào hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng cơ sở ở vùng địch hậu. Phân đoàn 9 có bốn đội cơ sở (306, 307, 308, 309), hoạt động ở vùng nam và bắc đường 9. Đội 306 ở huyện Mương Noòng. Đội 307 ở huyện Tà Ôi. Đội 308 ở tây đường 23. Đội 309 ở vùng Xê Săngxoi - Kẹng Koọc. Phân đoàn 13 có ba đội (101, 102, 103) hoạt động từ mường Mahả Xây đến Đồng Hến (bắc đường 9). Đội 101 ở vùng Mahả Xây. Đội 102 ở khu vực Cầu Sắt trên đường 13. Đội 103 ở khu vực Đồng Hến. Phân đoàn 812 hoạt động từ khu vực Khăm Cợt, Lắc Xao đến Nhômmalạt.

Nhờ có chủ trương đúng đắn, kịp thời và hoạt động tích cực của quân tình nguyện Việt Nam và các lực lượng cách mạng vũ trang Lào, đến cuối năm 1950, hoạt động kháng chiến ở Trung Lào đã có bước phát triển mới. Vùng giải phóng và các khu căn cứ của các tỉnh Khăm Muộn, Xavẳnnakhệt được củng cố và mở rộng, nhân dân các địa phương ngày càng hăng hái tham gia, ủng hộ kháng chiến, tạo điều kiện cho quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Lào tăng cường hoạt động phát triển chiến tranh nhân dân xuống các vùng đồng bằng, gây cho địch nhiều khó khăn, lúng túng. Phong trào kháng chiến ở Trung Lào phát triển mạnh và đồng đều, đã góp phần tăng cường sự phối hợp giữa các chiến trường ở miền Trung Đông Dương, làm cho các vùng chiếm đóng của giặc Pháp không còn là hậu phương an toàn của chúng.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Lào Ítxalạ (ngày 13 tháng 8 năm 1950), Trung Lào thành lập Mặt trận Lào Ítxalạ và Uỷ ban kháng chiến khu. Đồng chí Khăm Tày Xiphănđon được cử giữ chức chủ tịch Uỷ ban kháng chiến khu và là đại diện của Chính phủ và Mặt trận Trung ương ở khu Trung Lào. Ban Cán sự và Đoàn 280 quân tình nguyện Việt Nam có nhiệm vụ tiếp tục giúp đỡ Trung Lào thực hiện các chủ trương, kế hoạch xây dựng, chiến đấu và phục vụ chiến đấu.




------------------------------------------------------------------
1. Đại hội đại biểu Đảng bộ Liên khu 4 họp giữa năm 1948 đã chỉ rõ âm mưu thủ đoạn của địch, nhiệm vụ của các chiến trường trong Liên khu 4 và đề ra chủ trương: đánh mạnh ở Bình - Trị - Thiên; thúc đẩy phong trào kháng chiến, đề phòng địch đánh ra Thanh - Nghệ - Tĩnh; mở rộng mặt trận Trung Lào.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 21 Tháng Tám, 2021, 11:11:42 am
Tại mặt trận Thượng Lào, sau ngày đồng chí Cayxỏn Phômvihản tuyên bố thành lập đội Látxavông - Quân đội Lào Ítxalạ - ở khu căn cứ Xiêng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (ngày 20 tháng 1 năm 1949), Liên khu 10 đã cử đồng chí Tắc Tịnh giúp đội Látxavông về quân sự, đồng chí Xà Man (Sơn La) giúp về chính trị; cùng cán bộ, chiến sĩ Lào tiến hành huấn luyện quân sự, học tập chính trị. Nhờ vậy, đơn vị Látxavông ở Xiêng Khọ có điều kiện đi sâu hơn vào vùng địch hậu, phát triển kháng chiến trên toàn tỉnh Hủa Phăn.

Đầu năm 1949, Đoàn vũ trang công tác miền Tây tổ chức hội nghị cán bộ đảng, xác định quyết tâm, kế hoạch tiến quân sang vùng nam Sầm Nưa, bắc Xiêng Khoảng. Đoàn quyết định lấy Đại đội 74 làm lực lượng nòng cốt, thành lập 5 đội vũ trang công tác, trong đó có 2 đội củng cố cơ sở (đội Đ và I), 2 đội phát triển cơ sở (đội O và P), một đội cơ động đánh địch, hỗ trợ cho công tác cơ sở (đội K). Ngoài ra, còn có một đội làm công tác giao thông (đội J) và một đội làm công tác vận tải (đội Q). Trong mỗi đội công tác đều có một số chiến sĩ cùng một cán bộ người Lào. Tham gia Ban Chỉ huy Đoàn vũ trang công tác miền Tây, phía Lào có ông Thạo Ký . Địa bàn hoạt động của các đội được phân công như sau: đội Đ xây dựng cơ sở ở Phú Lệ; đội I xây dựng cơ sở ở huyện Mương Xôi, tỉnh Hủa Phăn; đội P hoạt động ở khu vực Mương Lý, Mương Lạp, Xốp Nao (giáp huyện Xiêng Khọ, tỉnh Hủa Phăn). Đội O hoạt động ở vùng Xiêng Luồng, Xiêng Mèn (giáp huyện Mương Xăm, tỉnh Hủa Phăn).

Trên các khu vực hoạt động, các đội liên tiếp tổ chức phục kích địch, có tháng đánh 17 trận, buộc địch phải co cụm lực lượng, không dám tự do lùng sục như trước. Kết hợp công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở, Đoàn vũ trang công tác miền Tây tập trung lực lượng tiêu diệt một số đồn nhỏ lẻ trên đường giao thông dọc sông Mã, mở đường cho các đội đi sâu làm công tác cơ sở trong vùng địch kiểm soát. Tháng 12 năm 1949, đội I và đội O diệt đồn Pọng Nha, đồn Mương Pao rồi tiến sâu vào đất Lào hoạt động. Đội O bí mật thọc sâu vào khu vực Xiêng Mèn, Xiêng Luồng, Mương Pua. Đoàn đã giúp Lào đẩy mạnh gây dựng cơ sở, tích cực củng cố hệ thống chính quyền từ tàxẻng (tổng) đến huyện và phối hợp với bộ đội Lào Ítxalạ tập kích, phục kích, giành nhiều thắng lợi.

Cùng với những hoạt động của Đoàn vũ trang công tác miền Tây của Liên khu 3, Tiểu Ban biên chính của tỉnh Thanh Hoá tổ chức một đội vũ trang tuyên truyền gồm một số cán bộ dân vận và một đơn vị bộ đội (rút từ đại đội độc lập của tỉnh Thanh Hoá) gồm 70 người chuyển sang hoạt động ở huyện Sằm Tớ, đông nam tỉnh Hủa Phăn. Thời kỳ đầu khi các đội vũ trang công tác của Việt Nam sang vùng này hoạt động, nhân dân Lào ở trong vùng sợ hãi, một số người bỏ chạy khỏi bản làng, số khác không tiếp xúc. Anh em trong đội công tác đã kiên trì bám trụ, vận động, giác ngộ nhân dân, giúp đỡ nhân dân các công việc cụ thể như làm vệ sinh làng bản, chăm sóc sức khoẻ, giúp dân sản xuất, hướng dẫn dân sang Việt Nam mua công cụ sản xuất, vải, muối nhằm cải thiện đời sống. Đồng thời, các đơn vị vũ trang công tác thực hiện nghiêm kỷ luật dân vận, chia sẻ với dân từng bát cơm, tấm áo, viên thuốc chữa bệnh. Nhờ vậy, đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của dân, từng bước đưa dân vào các hội quần chúng, thành lập chính quyền kháng chiến, xây dựng dân quân du kích, tổ chức canh gác, bảo vệ bản làng, đấu tranh với địch bằng nhiều hình thức, từ thấp đến cao. Trên cơ sở đó, các đội vũ trang công tác Việt Nam đẩy mạnh việc giúp Lào xây dựng cơ sở, tiến sát các khu vực gần huyện lỵ Sằm Tớ. Xây dựng củng cố hệ thống chính quyền từ các uỷ ban tổng đến huyện. Các bản, tàxẻng ở gần biên giới Việt Nam có cơ sở quần chúng mạnh và có tổ chức dân quân, du kích, đã hăng hái cùng bộ đội tổ chức phục kích, tập kích địch, giành một số thắng lợi.

Từ năm 1949, các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam giúp tỉnh Xiêng Khoảng xây dựng lực lượng, hoạt động theo phương thức đội vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, xây dựng cơ sở quần chúng, xây dựng căn cứ du kích, đẩy mạnh chiến tranh du kích.

Với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng của cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, liên minh chiến đấu Việt - Lào tại Xiêng Khoảng ngày càng được củng cố vững chắc thêm. Tại vùng Long Mộ, anh em Việt Nam được “Lào hoá”, luôn bám sát dân, nên đã xây dựng, phát triển được nhiều cán bộ địa phương, tổ chức được một số đơn vị vũ trang như đơn vị dân quân Koong Thạo Tu, 34 người ở vùng Xảm Chè và đội vũ trang khoảng 20 người do ông Xiêng Xinh chỉ huy ở vùng Nặm Nơn, v.v.. Các đơn vị này thực hiện nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa, động viên nhân dân tham gia kháng chiến, bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ gìn trật tự làng bản, ổn định đời sống của nhân dân.
Tháng 10 năm 1949, khi địch tập trung lực lượng mở các cuộc càn quét, đánh phá cơ sở ở các bản Kỵ Ninh, Pa Kha, Phay Đang, v.v, Đại đội 210 phối hợp với du kích các bản thuộc vùng Xảm Chè đánh địch, loại khỏi vòng chiến đấu một số tên, điều quan trọng hơn là gây được thanh thế và niềm tin đối với nhân dân. Đến tháng 12 năm 1949, đội du kích tập trung người Mông mang tên “Koong Pắtchây” gồm 30 người được thành lập, do ông Thạo Tu chỉ huy.

Đại đội 219 vừa gây dựng cơ sở chính trị, vừa đưa đón bảo vệ nhiều đoàn cán bộ, bảo đảm an toàn. Trong một chuyến dẫn đường, bảo vệ đoàn đại biểu quốc tế từ Bưng Càn (Thái Lan), qua Pạc Káđin đến Mương Mộc, vượt núi Phu Luổng, cao 2.811 m, đến đỉnh đèo gần biên giới Lào - Việt, một chiến sĩ dẫn đường người Việt đã hy sinh anh dũng.

Nhằm xây dựng một tổ chức lãnh đạo kháng chiến đại diện cho các bộ tộc Lào, tháng 11 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Xuphanuvông từ Thái Lan sang căn cứ địa Việt Bắc để bàn bạc và thống nhất chủ trương. Đại đội 219 đã đón Hoàng thân Xuphanuvông và gia đình cùng Hoàng thân Xúttivan và bác sĩ Đặng Văn Ngữ (Hưng), từ Thái Lan qua đường Viêng Chăn - Khăm Muộn - Bolikhămxay sang Đô Lương (Nghệ An). Phòng Biên chính Liên khu 4 đón đoàn từ làng Như Xuân, tổng Đăng Sơn rồi đi thuyền sang Đô Lương. Chủ tịch Uỷ ban giải phóng Đông Lào, Nủhắc Phumxavẳn và các uỷ viên Xỉngcapô, Thạo Xột Phệtlaxỉ, Thạo Lấu cùng lãnh đạo Phòng Biên chính Liên khu 4 đã đón tiếp, gặp gỡ đoàn của Hoàng thân Xuphanuvông tại Đô Lương.

Trước khi đoàn cán bộ cấp cao Lào ra Việt Bắc, ông Thạo Lấu được cử ở lại Đô Lương đảm nhiệm quyền chủ tịch Uỷ ban giải phóng Đông Lào và đồng chí Lê Văn Diễm đại diện cho Phòng biên chính bên cạnh Uỷ ban giải phóng Đông Lào. Khi đến Việt Bắc, ông Xỉngcapô được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tính đến cuối năm 1949, Đại đội 219 đã đưa, đón an toàn 28 đoàn cán bộ của Việt Nam và Lào đi qua tuyến giao liên này. Trong quá trình làm nhiệm vụ đó, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 219 luôn được nhân dân Lào đùm bọc, chở che, giúp đỡ, cung cấp, tiếp tế lương thực - thực phẩm, thông báo mọi tình hình, đồng thời được sự phối hợp hỗ trợ của đội du kích Koong Thạo Tu và đơn vị của ông Thạo Kê.

Tháng 12 năm 1949, đội vũ trang tuyên truyền của tỉnh Thanh Hoá hoạt động trên đất Lào, sáp nhập với đội Đ của Đoàn vũ trang công tác miền Tây của Liên khu 3, thành đội Đ.S, tiếp tục hoạt động ở huyện Sằm Tớ.

Thực dân Pháp đóng đồn bốt dọc tuyến biên giới nhằm ngăn cản sự tiếp tế của hậu phương Thanh Hoá cho căn cứ địa Việt Bắc và lực lượng kháng chiến Bắc Lào. Để bảo vệ miền tây Thanh Hoá, bảo vệ hành lang chiến lược Việt - Lào, quân và dân Thanh Hoá đã tổ chức tiến công địch, phá phòng tuyến sông Mã.

Nhằm giúp Lào xây dựng căn cứ kháng chiến Bắc Lào, Đoàn vũ trang công tác miền Tây kết hợp với đơn vị vũ trang địa phương Thanh Hoá (Trung đoàn 77, các đại đội Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước) “nhảy dù” xuống các huyện Mương Xôi, Sằm Tớ, Xiêng Khọ, xây dựng cơ sở cách mạng và kết hợp với lực lượng Pathết Lào tiến công giải phóng ba huyện nói trên, hình thành căn cứ địa kháng chiến Bắc Lào.

Để chỉ đạo kháng chiến thuận lợi, cuối năm 1950, Chính phủ kháng chiến Lào chuyển sang Thanh Hoá. Bên cạnh Chính phủ kháng chiến Lào còn có Ban Cán sự Thượng Lào (đoàn chuyên gia Việt Nam). Ban đầu Chính phủ kháng chiến Lào đóng tại khu vực Đầm (Thọ Xuân), sau đó chuyển về vùng Cha Lo - Sằm Bứa (Ngọc Lặc) 1. Trong thời gian Chính phủ kháng chiến Lào ở Thanh Hoá, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hoá đã tận tình giúp đỡ, bảo vệ và cung cấp lương thực, thực phẩm đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt.

Sau gần hai năm hoạt động (từ tháng 6 năm 1948 đến đầu năm 1950), Đoàn vũ trang công tác miền Tây, từ lực lượng ban đầu gồm một số cán bộ chính trị, dân vận, một đội võ trang tuyên truyền đã phát triển thành sáu đội vũ trang công tác và các bộ phận chuyên môn phục vụ, với quân số khoảng 400 - 450 người. Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Liên khu 3 (Việt Nam), Đoàn đã vượt qua nhiều thử thách, gian khổ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác được giao, phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào diệt, bức rút tám đồn địch, xây dựng cơ sở kháng chiến ở hai huyện Mương Xôi, Sằm Tớ và khu vực hạ lưu sông Mã thuộc Lào; tiến sâu vào khu vực Xiêng Luồng, Xiêng Mèn, Mương Liệt, Mương Pua, Xốp Hào, chuyển một vùng rộng lớn trước là hậu phương của địch thành khu du kích của Lào. Đoàn vũ trang công tác miền Tây đã nối được liên lạc với các lực lượng của Phòng Biên chính Liên khu 4, nhận và bàn giao cơ sở huyện Sằm Tớ và nối liên lạc với Ban xung phong Lào Bắc do đồng chí Cayxỏn Phômvihản chỉ huy, cùng các đơn vị chủ lực Liên khu 10 đang hoạt động ở Bắc Lào.

Trong khi đó, khoảng giữa năm 1949, nhằm khuếch trương thanh thế và mở rộng khu căn cứ, Ban xung phong Lào Bắc chủ trương đi sâu vào vùng địch hậu, xây dựng cơ sở kháng chiến xung quanh khu vực thị xã Sầm Nưa. Để giúp Lào thực hiện chủ trương trên, Liên khu 10 Việt Nam bổ sung thêm Đại đội 844, tổ chức thành đội vũ trang tuyên truyền số 77 phối hợp hoạt động cùng các lực lượng của Lào. Tháng 7 năm 1949, các lực lượng vũ trang của Lào và Việt Nam được nhân dân giúp đỡ đã tổ chức vây ép, buộc toàn bộ binh lính đồn Xiêng Khọ mang theo vũ khí về với kháng chiến. Chiến thắng Xiêng Khọ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào kháng chiến của nhân dân trong vùng, đồng thời củng cố khu căn cứ Xiêng Khọ thêm một bước vững chắc hơn.

Đầu tháng 11 năm 1949, Ban xung phong Lào Bắc thống nhất với Bộ Tư lệnh Liên khu 10 (Việt Nam) mở Chiến dịch Sông Mã, nhằm phá vỡ phòng tuyến sông Mã của địch, mở thông biên giới Việt - Lào ở hướng Tây Bắc Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ địa trung ương của cách mạng Lào. Lực lượng tham gia chiến dịch, về phía Việt Nam có Trung đoàn 138 (Tiểu đoàn 532, Tiểu đoàn 35), Tiểu đoàn 910; về phía Lào có đại đội Látxavông, đội vũ trang tuyên truyền số 80 cùng lực lượng dân quân du kích ở địa phương.

 Mở màn chiến dịch (ngày 2 tháng 11 năm 1949), đội vũ trang tuyên truyền số 80 phối hợp với chủ lực Việt Nam nổ súng tiến công, chiếm đồn Xiêng Khọ, loại khỏi vòng chiến đấu một đại đội địch, bắt sống 35 tên, trong đó có ba tên Pháp, thu toàn bộ vũ khí. Tiếp đó, ngày 3 tháng 11, lực lượng vũ trang Lào - Việt triển khai lực lượng tiến công, địch hoảng loạn, rút chạy khỏi chín vị trí dọc sông Mã từ Xiêng Khọ đến Xốp Hào. Phòng tuyến sông Mã của địch bị phá vỡ một đoạn dài từ Mương Lầm đến Xốp Hào. Vùng cơ sở của Lào được mở rộng trên 2.000 km2 với hơn 1 vạn dân.

Sau chiến dịch Sông Mã, ngày 4 tháng 12 năm 1949, lực lượng vũ trang Lào cùng Đại đội 930 của Tiểu đoàn 532 (Trung đoàn 138) quân tình nguyện Việt Nam tập kích đồn Noỏng Khạng (phía tây bắc cách thị xã Sầm Nưa 25 km), diệt 3 tên, thu 10 súng và 3.000 viên đạn, buộc địch rút khỏi khu vực.

Sau một loạt chiến thắng vang dội đó, Uỷ ban kháng chiến tỉnh Hủa Phăn được thành lập để thống nhất chỉ đạo các hoạt động kháng chiến trong tỉnh. Lo sợ trước sự phát triển của các lực lượng cách mạng ở tỉnh Hủa Phăn, cuối tháng 12 năm 1949, thực dân Pháp đã tập trung một tiểu đoàn của Tiểu khu Sầm Nưa và hai đại đội từ Mộc Châu (Việt Nam) sang, mở cuộc càn quét hòng chiếm lại Xiêng Khọ và các khu vực đã mất. Các lực lượng vũ trang Lào phối hợp chặt chẽ cùng hai tiểu đoàn (532, 910) quân tình nguyện Việt Nam vừa đánh chặn, vừa tổ chức phục kích, gây cho chúng nhiều thiệt hại, buộc chúng phải rút khỏi khu vực Xiêng Khọ - Nặm Mã.

Nhằm củng cố thắng lợi, theo yêu cầu của Ban xung phong Lào Bắc, Bộ Tư lệnh Liên khu 10 Việt Nam đã quyết định để Trung đoàn 138 ở lại và điều Tiểu đoàn 940 (Điện Biên) hỗ trợ chiến đấu, xây dựng cơ sở, đẩy mạnh phong trào kháng chiến khu vực đông bắc Thượng Lào. Ban xung phong Lào Bắc tổ chức huấn luyện, đào tạo được gần 100 cán bộ, bổ sung cho các địa phương trong khu vực.

Như vậy, với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của đồng chí Cayxỏn Phômvihản, các lực lượng cách mạng Lào ở khu vực phía Đông Bắc Lào (đặc biệt là Hủa Phăn), trong các năm 1949 - 1950 đã vượt mọi khó khăn, giành được những thắng lợi cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi để cách mạng Lào có bước phát triển mới.




------------------------------------------------------------------
1. Đầu năm 1952, Chính phủ kháng chiến Lào chuyển về Phủ Quỳ, Nghệ An.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 28 Tháng Tám, 2021, 04:45:02 pm
Ở vùng Tây Bắc Lào, từ đầu năm 1949, trên cơ sở tuyên truyền, vận động quần chúng, các cán bộ, chiến sĩ Việt kiều đã tổ chức “Hội Ítxalạ bản”, kết nạp tất cả những người Lào yêu nước. Nhiều nơi đã tổ chức được Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên Ítxalạ và thành lập “đội dân quân du kích bản” để canh gác, bảo vệ bản làng. Tháng 2 năm 1949, đội du kích đầu tiên ở vùng Kọ Chà Kủa thuộc tàxẻng Mương Xạ được thành lập, tiếp đó nhiều bản ở vùng lân cận cũng lập ra đội du kích hoặc tổ du kích.

Để có vũ khí trang bị cho dân quân du kích, tháng 4 năm 1949, Ban Chỉ huy Khu 1 đã lập một công binh xưởng nhỏ ở vùng bộ tộc người Mu Xơ thuộc tàxẻng Mương Xạ. Xưởng có 5 cán bộ và 14 chiến sĩ. Mặc dù trang bị còn thô sơ nhưng xưởng đã sản xuất được lựu đạn, địa lôi và sửa chữa được nhiều loại súng. Riêng năm 1950, xưởng sản xuất trên 800 quả lựu đạn, hơn 500 quả địa lôi và sửa chữa 50 khẩu súng. Ngoài nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa vũ khí, anh em còn làm công tác vận động tuyên truyền, tổ chức “Hội Ítxalạ” để thu hút nhân dân các bản gần xưởng tham gia kháng chiến, lập ba đội du kích và kết nạp năm đảng viên người Mu Xơ. Do làm tốt công tác xây dựng cơ sở, vận động nhân dân nên cán bộ, chiến sĩ trong xưởng được nhân dân và dân quân du kích trong vùng ủng hộ giúp đỡ nhiều mặt và cùng tham gia chiến đấu bảo vệ xưởng. Trong sáu trận chiến đấu bảo vệ công binh xưởng, bộ đội đã phối hợp chặt chẽ với du kích, diệt được sáu tên địch, làm bị thương 15 tên, bảo vệ xưởng và tính mạng, tài sản của nhân dân. Đây là những chiến công thầm lặng rất đáng tự hào của tập thể thợ - chiến sĩ của bộ đội Việt kiều giải phóng quân.

Giữa năm 1949, nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào kháng chiến, Đặc uỷ Lào đã cử đồng chí Khăm Xẻng1 và một số cán bộ Lào về tăng cường cho Khu 1. Các cán bộ Lào và Việt Nam trong Ban Chỉ huy Khu đã phối hợp chặt chẽ, phát hiện, tuyển chọn, tổ chức nhiều lớp học ngắn ngày nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ Lào có thể chỉ đạo các ngành, các địa phương kháng chiến. Ban Chỉ huy Khu đề ra phương châm: địa phương nào cũng phải có cán bộ địa phương đó, mỗi bộ tộc phải có cán bộ của bộ tộc mình. Nhờ đó, đến tháng 9 năm 1949, Khu 1 đã có một đội ngũ cán bộ địa phương, bao gồm những người từ các bộ tộc khác nhau trong vùng như Chà Ạt (người Mu Xơ), Mạy Chom Peng, Mạy Khăm Khẳn, Xẻng Y Nam (Mương Xạ), Nản In Bun, Nản Chom (Bạn Mo), Phạnha Luổng, Cha Pi, Mạy Khăm Đi, Ại Chòi (Mương Long), Un Luổng (Mương Năng), Bun Lắt (Mương Mưng), Pha Nha (Mương Cang).

Đầu năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân vùng Tây Bắc Lào có nhiều thuận lợi mới. Tháng 2 năm 1950, Uỷ ban kháng chiến Khu 1 được thành lập, do chánh tổng (nai tàxẻng) Mương Long cũ làm chủ tịch. Mặt trận Ítxalạ Khu 1 do ông Khăm Đi làm chủ tịch. Tiếp đó, tháng 3 năm 1950, trung đội bộ đội địa phương thoát ly đầu tiên của huyện Mương Xỉnh được tổ chức, bao gồm con em các bộ tộc Lự, Cọ, Đoi của các tàxẻng Mương Xạ, Mương Long, Mương Năng, Xiêng Cốc, Bạn Mo.

Như vậy, sau hơn hai năm xây dựng và chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Khu 1 đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ ở vùng biên giới xa xôi, tích cực xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng, giành được nhiều kết quả quan trọng. Cơ sở chính trị, các tổ chức quần chúng, hệ thống chính quyền mới đã hình thành. Các đội dân quân du kích và đơn vị vũ trang tập trung lần lượt được thành lập. Khu đã xây dựng được khu du kích liên hoàn, bao gồm 9 tàxẻng: Mương Xạ, Bạn Mo, Mương Cang, Mương Long, Mương Năng, Xiêng Cốc tới Xốp Lôi, Xiêng Khêng, bản Sài thuộc huyện Mương Xỉnh, tỉnh Huội Xài. Khu căn cứ du kích này trở thành khu giải phóng nằm sâu trong vùng địch hậu ở Bắc Lào, là chỗ dựa cho phong trào cách mạng ở vùng Tây Bắc Lào phát triển.

Các đơn vị Việt kiều giải phóng quân ở Khu 1 thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, giúp Tây Bắc Lào xây dựng được phong trào kháng chiến. Từ năm 1950, lực lượng Việt kiều giải phóng quân ở Khu 1 được củng cố, có thêm điều kiện phát triển về phía đông.

Theo chỉ đạo của Đặc uỷ Lào, Ban Chỉ huy Khu 1 cử một trung đội gồm 28 đồng chí tiến về khu vực Bò Tên, Na Le, Na Lơi (tây nam Mương Xỉnh) và một đại đội gồm 80 người, do đồng chí Thông chỉ huy, tiến về Nặm Bạc (Luổng Phạbang) để xây dựng hai khu căn cứ mới. Sau bốn tháng vừa mở đường, vừa điều tra nắm địch và làm công tác quần chúng, đơn vị mới tới được Nặm Bạc, nhưng vì đây là vùng địch chiếm đóng, nên lúc đầu anh em phải ở trên núi, ban đêm vào các bản nắm tình hình, tiếp xúc với nhân dân gây cơ sở, sau đó tổ chức thành nhóm, tổ nhỏ, thực hiện “ba cùng” với dân. Sau gần một năm hoạt động, đơn vị đã xây dựng được nhiều cơ sở kháng chiến, giác ngộ, kết nạp năm đảng viên và thành lập chi bộ đảng đầu tiên ở Nặm Bạc do đồng chí Khăm Mun Ti làm bí thư. Trên cơ sở lực lượng quần chúng kháng chiến phát triển, quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với lực lượng kháng chiến địa phương thành lập chính quyền các cấp. Đồng chí Khăm Mun Ti được cử làm “chạu khệt” (khu trưởng) Nặm Bạc. Tiếp đó, đơn vị của đồng chí Thông tổ chức lực lượng đi xây dựng cơ sở kháng chiến ở vùng Nặm Ngà, Mương Ngà, Mương Pạc Beng, Mương Ngòi, sang Xốp Xàng. Đến cuối năm 1950, đại đội của đồng chí Thông đã liên lạc được với Tiểu đoàn 940 mới từ Tây Bắc (Việt Nam) sang và sau đó cũng bắt liên lạc được với Đại đội 160 từ Mương Xon (Hủa Phăn) phát triển sang.

Đồng thời với việc triển khai xây dựng, mở rộng căn cứ Khu 1, Đặc uỷ Lào cũng đẩy mạnh hoạt động xây dựng căn cứ ở Khu 2. Địa bàn Khu 2 bao gồm hai huyện Xaynhabuli  và Pạc Lai ở phía tây tỉnh Luổng Phạbang, tiếp giáp với tỉnh Chiềng Mai (Thái Lan). Đây là vùng đất nằm phía tây (hữu ngạn) sông Mê Công, đất đai bằng phẳng, làng mạc, dân cư đông đúc, có nhiều tài nguyên, giao thông phát triển. Khu 2 có nhiều bộ tộc sinh sống, nhưng chiếm tỷ lệ lớn là người dân tộc Lào, Lự, Nhuôn (thuộc dân tộc Lào Lùm). Tại vùng này, thực dân Pháp cho quân đóng đồn ở Xaynhabuli, Pạc Lai, Pạc Khọp.

Trên cơ sở đơn vị Việt kiều ban đầu đã về Lào, ông Phumi Vôngvichít, đại diện Chính phủ độc lập Lào Ítxalạ cùng đồng chí Mai Văn Quang (cán bộ mặt trận Tây Bắc Lào) và một số cán bộ Lào, Việt tổ chức một cuộc họp tại tàxẻng Pạc Khọp, bàn kế hoạch xây dựng khu căn cứ Khu 2, quyết định thành lập Khu kháng chiến 2 và cử ông Phumi Vôngvichít làm khu trưởng; đồng chí Mai Văn Quang làm chỉ huy trưởng bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Khu 2. Trong Ban Chỉ huy Khu 2, phía Lào còn có các ông Mahả Khăm Phăn Vilachít, Uttamạ, Phạu Phimphachăn, v.v..

Sau khi thành lập, Ban Chỉ huy Khu 2 triển khai việc huấn luyện cho bộ đội các kiến thức quân sự cơ bản, chủ trương, đường lối kháng chiến và về công tác tuyên truyền vận động quần chúng, xây dựng cơ sở, v.v.. Ông Phumi Vôngvichít cùng một số cán bộ Lào cũng tích cực tham gia giảng dạy một số bài về chính trị, đạo đức cách mạng.

Ban Chỉ huy Khu phân chia lực lượng thành các tổ nhỏ gồm cả cán bộ Lào và Việt, đến từng bản làng để tuyên truyền xây dựng cơ sở, vận động nhân dân ủng hộ và tham gia kháng chiến. Từ chỗ đứng chân ban đầu ở các bản Huội Lau, Nặm Khả, các lực lượng Lào - Việt phát triển theo hai hướng, một hướng tiến về Pạc Khọp, cạnh sông Mê Công, một hướng tiến xuống các tàxẻng Xiêng Lôm, Xiêng Hòn. Cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã bám sát cơ sở, thực hiện “ba cùng” với dân.

Nhờ sự nỗ lực và hoạt động với phương thức thích hợp, đến giữa năm 1949, các lực lượng Lào - Việt ở Khu 2 đã xây dựng được cơ sở chính trị ở các tàxẻng Pạc Khọp, Xiêng Lôm, Xiêng Hòn và Xaynhabuli. Các đội dân quân du kích cũng được thành lập ở nhiều bản làng. Các tù trưởng, tộc trưởng, chức dịch cũ có tinh thần yêu nước, được nhân dân tin cậy được lựa chọn giao trách nhiệm lãnh đạo chính quyền mới.
Vào tháng 10 năm 1949, khi Chính phủ độc lập Lào Ítxalạ lưu vong ở Thái Lan do ông Khăm Mạo làm thủ tướng tuyên bố giải thể, một số thành viên Chính phủ này về Viêng Chăn theo Pháp. Do nội bộ cán bộ Lào ở Khu 2 có kẻ phản bội nên cuối năm 1949, ông Phumi Vôngvichít phải di chuyển lên biên giới Lào - Thái, sau đó ở lại chỉ đạo phong trào kháng chiến ở Khu 1. Các đồng chí Khăm Xẻng, Phạu Phimphachăn cùng một số cán bộ chính trị, quân sự Lào được cử về củng cố phong trào kháng chiến Khu 2.

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh hoạt động về phía đông, đầu năm 1950, Đặc uỷ Lào chỉ thị cho các đơn vị Việt kiều giải phóng quân của Khu 2 vượt sông Mê Công tiến sang khu vực Mương Mẹt huyện Ka Xỷ (Viêng Chăn). Một số cán bộ về nhận công tác ở Ban Cán sự tỉnh Viêng Chăn. Lực lượng còn lại hoạt động ở phía tây tỉnh Viêng Chăn, móc nối cơ sở trở lại hoạt động ở vùng Pạc Lai, Xaynhabuli bên hữu ngạn sông Mê Công.



------------------------------------------------------------------
1. Đồng chí Khăm Xẻng là một trong hai đảng viên cộng sản đầu tiên của Lào, sau này đồng chí là một trong những người tham gia sáng lập Đảng Nhân dân Lào và là Ủy viên Trung ương Đảng.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 28 Tháng Tám, 2021, 04:48:06 pm
Trong những tháng đầu năm 1950, địa bàn hoạt động của quân tình nguyện Việt Nam chưa phân theo địa giới hành chính tỉnh, huyện của Lào, mà phân chia theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị cũng như tình hình thực tế và khả năng thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của phong trào kháng chiến trên chiến trường Lào, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định tăng cường cán bộ giúp cách mạng Lào, đồng thời thay đổi phương thức tổ chức cho phù hợp với tình hình mới.

Chấp hành chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 3 năm 1950, Ban Cán sự hải ngoại quyết định thành lập Ban Cán sự và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Lào để lãnh đạo, chỉ đạo Tây Lào đẩy mạnh phong trào kháng chiến. Đồng chí Mai Côn làm bí thư Ban Cán sự Đảng. Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Lào do đồng chí Nguyễn Hoà làm chỉ huy trưởng; đồng chí An Giao làm chính uỷ; đồng chí Mừn Xổmvichít, đại diện Chính phủ Kháng chiến ở Tây Lào, làm chỉ huy phó kiêm tham mưu trưởng.

Mặt trận Tây Lào được tổ chức lại thành hai khu và một tỉnh (Viêng Chăn). Khu 1 gồm Huội Xài, Luổng Nặm Thà, tây Luổng Phạbang. Khu 2 gồm Hoổng Xả, Xaynhabuli, Pạc Lai. Tỉnh Viêng Chăn chia thành bốn phân khu là Nặm Tòn, Phu Khun, Bolịkhăn, Thulakhôm. Mỗi khu có một đơn vị Việt kiều giải phóng quân và một trung đội địa phương Lào. Ngoài ra, còn có một đơn vị khác hoạt động trên đường 13.

Giữa năm 1950, có rất đông thanh niên Việt kiều ở Thà Bò, Noỏng Khai, Uđon, Xakôn gia nhập các đơn vị Việt kiều sang Tây Lào hoạt động. Số này sau khi được học tập chính trị đã được phân công về nhận công tác ở các địa phương.

Trong số thanh niên Việt kiều từ Thái Lan gia nhập Việt kiều giải phóng quân sang Tây Lào hoạt động có nhiều chị em phụ nữ. Họ đảm nhiệm các công việc y tá, cứu thương, phục vụ bệnh xá, dân vận, xây dựng cơ sở.

 Cuối năm 1950, địch mở nhiều cuộc hành quân càn quét vào các vùng căn cứ kháng chiến của tỉnh Viêng Chăn. Tuy vậy, lực lượng quân tình nguyện Việt Nam và Lào vẫn kiên cường bám trụ địa bàn, đánh trả, bảo vệ cơ sở. Phong trào kháng chiến ở Viêng Chăn, quan trọng là vùng Nặm Tòn, Thulakhôm, đường 13, Mương Phương, Ka Xỷ, Na Khưa, Na Lưởng, Bolịkhăn, v.v., vẫn không ngừng được củng cố và mở rộng, trở thành các căn cứ kháng chiến cho cách mạng vùng Tây Lào những năm tiếp theo.

Cuối tháng 2 năm 1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra nghị quyết về việc thành lập Ban Cán sự lâm thời Thượng Lào, do đồng chí Song Hào (Chính uỷ Liên khu 10) làm bí thư. Ban Cán sự lâm thời Thượng Lào đặt dưới quyền chỉ đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã tăng cường lực lượng giúp Lào, đặc biệt là tập trung giúp Thượng Lào.

 Tháng 4 năm 1950, với sự thống nhất của Lào, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định tổ chức lại các lực lượng hoạt động giúp Lào ở Thượng Lào (các tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Luổng Phạbang, Phôngxalỳ). Theo đó, Thượng Lào được tổ chức thành ba phân khu (A, B, C). Mỗi phân khu có Ban Cán sự và Ban Chỉ huy Phân khu, chịu trách nhiệm lãnh đạo chỉ huy cả về quân sự và xây dựng cơ sở. Các đơn vị bộ đội tình nguyện, khi có giặc thì tập trung vào chiến đấu, lúc thường thì phân tán làm nhiệm vụ dân vận, xây dựng cơ sở quần chúng.

Phân khu A phụ trách hai tỉnh Hủa Phăn và Phôngxalỳ. Lực lượng gồm có hai tiểu đoàn (532 và 35) của Trung đoàn 138; sáu đội vũ trang của Đoàn vũ trang công tác miền Tây (các đội I, O, K, P, J và Q) và Đại đội 230 của Liên khu 10. Ban Chỉ huy Phân khu A, do đồng chí Bế Sơn Cương làm phân khu trưởng, đồng chí Phạm Nghiêm làm chính uỷ kiêm bí thư Ban Cán sự. Về phía Lào có đội vũ trang tuyên truyền số 80 và hai đội công tác Nặm Săm, Nặm Mã.

Sau khi được hình thành, Ban Chỉ huy Phân khu A đã tiến hành sắp xếp lại lực lượng. Tiểu đoàn 532 trở thành đơn vị chủ lực của Phân khu, mang phiên hiệu mới là Tiểu đoàn 70. Đại đội 162 của Tiểu đoàn 35 được tăng cường cho Tiểu đoàn 70 làm đại đội trợ chiến. Giải thể Tiểu đoàn 35 và đội P, xây dựng thành ba đại đội độc lập (104, 160, 320). Đại đội 104 hoạt động ở huyện Mương Xăm. Đại đội 160 hoạt động ở huyện Mương Xon. Đại đội 320 hoạt động ở huyện Xiêng Khọ. Đại đội 610 (đội O cũ) hoạt động ở huyện Hủa Mường. Đại đội 620 (đội K cũ) hoạt động ở huyện Sằm Tớ. Đại đội 615 (đội I cũ) hoạt động ở huyện Mương Xôi.

Khoảng giữa năm 1950, Phân khu A và Tiểu đoàn 70 đóng quân ở miền tây tỉnh Thanh Hoá để củng cố và huấn luyện. Bộ đội Việt Nam được học tập về đường lối, chính sách của cách mạng Lào, xác định nhiệm vụ, phương châm hoạt động của các đại đội độc lập, v.v.. Nửa cuối năm 1950, các đơn vị của Phân khu A phối hợp với đội vũ trang tuyên truyền số 80 và các đội công tác Nặm Săm, Nặm Mã của Lào, đi xuống các địa bàn, tuyên truyền vận động nhân dân, xây dựng và phát triển cơ sở quần chúng. Đến cuối năm 1950, hai phần ba các huyện ở tỉnh Hủa Phăn đã có cơ sở quần chúng hoạt động và phát triển sang huyện Pạc Xeng (tỉnh Luổng Phạbang). Phần lớn các tàxẻng đã tổ chức được mặt trận Ítxalạ, hội mẹ chiến sĩ, hội thanh niên và phụ nữ; 26 trong số 42 tàxẻng đã có chính quyền cách mạng. Các huyện Xiêng Khọ, Sằm Tớ, Pạc Xeng tổ chức được mặt trận Ítxalạ và Ủy ban kháng chiến. Cùng với xây dựng cơ sở, sáu tháng cuối năm 1950, các đơn vị của Phân khu A đã tổ chức 37 trận phục kích, loại khỏi vòng chiến đấu 131 tên, hạn chế được hoạt động phá hoại của địch.

 Phân khu B phụ trách địa bàn tỉnh Xiêng Khoảng, gồm có đội ĐS (thuộc Đoàn vũ trang công tác miền Tây cũ hợp nhất với đội vũ trang Sằm Tớ); Đại đội 210 hoạt động ở vùng Xảm Chè, Mương Mộ cũ; Tiểu đoàn 204 mới được tăng cường; đội vũ trang Lào Bắc hoạt động ở nam Sầm Nưa cũ. Ban Chỉ huy Phân khu B do đồng chí Lê Thanh làm phân khu trưởng, đồng chí Nguyễn Tài làm chính uỷ và bí thư Ban Cán sự, đồng chí Đặng Bá Phi làm phân khu phó. Việc thành lập Phân khu B diễn ra chậm hơn so với kế hoạch. Trong các tháng cuối năm 1950, Phân khu B tập trung ổn định tổ chức, huấn luyện, học tập, bồi dưỡng kiến thức, phương thức hoạt động, công tác. Lực lượng của Phân khu B được sắp xếp lại như sau: giải thể Tiểu đoàn 204, thành lập hai đội (217, 219). Đội 217 là chủ lực của Phân khu B và Đội 219 phụ trách các khu vực Mương Ngan, Mương Ngạt và Mương Mộc. Đội 213 (gồm Đại đội 210 và một trung đội của đội ĐS cũ) phụ trách khu vực Mương Khun. Đội 216 (đội vũ trang tuyên truyền Lào Bắc cũ) phụ trách khu vực Mương Dương, Bò Nhia.

 Phân khu C phụ trách địa bàn tỉnh Luổng Phạbang, gồm các đơn vị đại đội độc lập ở Khu 1 từ Mương Xỉnh chuyển sang hoạt động ở khu vực Nặm Bạc, Nặm Ngòi; Đại đội độc lập 160 từ huyện Mương Xon, tỉnh Hủa Phăn chuyển sang hoạt động ở huyện Pạc Xeng; Tiểu đoàn 940 của Liên khu 10 mới tăng cường cho Mặt trận Thượng Lào.

Do tổ chức Phân khu C chưa hình thành, nên trong năm 1950, các đơn vị hoạt động độc lập. Đến tháng 10 năm 1950, Tiểu đoàn 940 mới đến Mương Ngòi và tổ chức hội nghị đại diện ba đơn vị. Hội nghị nhất trí phân công Đại đội 160 tiếp tục hoạt động tại huyện Pạc Xeng, phát triển dần lên huyện Xiêng Ngơn, giáp kinh đô Luổng Phạbang; lực lượng của Khu 1 (Mương Xỉnh) phụ trách xây dựng cơ sở ở Nặm Bạc, Mương Ngòi, Mương Beng rồi phát triển lên khu vực Xốp Xàng, Na Luông, tiếp giáp vùng Mường Lói, Xốp Cộp, Mường Va của huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La, Việt Nam), xây dựng vùng này thành hậu cứ của tỉnh Luổng Phạbang. Tiểu đoàn 940 cơ động đánh địch trên địa bàn và cử một số đơn vị làm công tác cơ sở các khu vực Mương Khỏa, Hạt Ngo, La Khon.

Phát hiện thấy phong trào kháng chiến phát triển và sự hoạt động mạnh của quân tình nguyện Việt Nam ở tỉnh Luổng Phạbang, cuối năm 1950, địch mở cuộc càn lớn vào khu vực Pạc Xeng, Bạn Xẻ, Xốp Xàng và Mương Ngòi. Bị quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang Lào chặn đánh và thiệt hại đáng kể, nhưng sau đó chúng tăng cường lực lượng đóng thêm đồn bốt ở Na Tở (Mương Ngòi), Bạn Xẻ, Nặm Bạc, Mương Hợp, Pạc Xeng, Pạc Beng và Mương Ngà.

Do tình hình phát triển không thuận lợi nên để bảo toàn lực lượng chuẩn bị cho hoạt động lâu dài ở Luổng Phạbang, Tiểu đoàn 940 và một số đơn vị được lệnh rút khỏi Luổng Phạbang. Chỉ còn Đại đội 160 hoạt động tại huyện Pạc Xeng và Đại đội 926 của Tiểu đoàn 940 được biên chế lại gồm một số cán bộ, chiến sĩ Khu 1 cũ và một số anh em người dân tộc Thái từ Tây Bắc (Việt Nam) sang, ở lại tiếp tục bám trụ địa bàn, giúp Lào xây dựng củng cố cơ sở kháng chiến.

Gần một năm tổ chức lại lực lượng giúp Lào, ở vùng Thượng Lào đã hình thành tổ chức mới, dưới sự lãnh đạo chung của Ban Cán sự lâm thời Thượng Lào. Các phân khu, nhất là Phân khu A (phụ trách tỉnh Hủa Phăn) đã giúp Lào đẩy mạnh hoạt động đánh địch và xây dựng cơ sở, góp phần thúc đẩy phong trào kháng chiến ở Thượng Lào, tạo cơ sở, điều kiện để tiến tới thống nhất tổ chức, chỉ đạo quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào trên toàn mặt trận Thượng Lào.

Không chỉ đưa quân tình nguyện sang giúp đỡ, phối hợp chiến đấu với các lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Lào trên khắp các chiến trường Hạ Lào, Trung Lào và Thượng Lào, Việt Nam còn là hậu phương vững chắc, đất đứng chân của các lực lượng kháng chiến và cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến của Lào. Biểu hiện rõ nhất là vào đầu năm 1950, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thân Xuphanuvông cùng một phái đoàn đã sang vùng căn cứ địa Việt Bắc. Để tạo điều kiện cho đoàn cán bộ cách mạng Lào trong thời gian ở tại Việt Nam, Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất cho đoàn. Một quả đồi thấp, tương đối rộng và bằng phẳng của thôn Làng Ngòi, xã Mỹ Lâm (nay là xã Mỹ Bằng), huyện Yên Sơn được chọn làm nơi xây dựng bản doanh cho đoàn cán bộ cách mạng Lào gồm hơn 200 người, bao gồm nhà ở, nơi làm việc của Hoàng thân Xuphanuvông, đồng chí Cayxỏn Phômvihản; hội trường 12 gian với đủ bàn, ghế bằng tre nứa; nhà bếp, nhà kho, v.v.. Nhân dân địa phương hết lòng giúp đỡ, che chở, đùm bọc đoàn cán bộ cách mạng Lào. Đại đội bộ đội Lào làm nhiệm vụ bảo vệ vòng trong, bộ đội Việt Nam và dân quân, du kích xã Mỹ Lâm bảo vệ vòng ngoài, nhân dân trong vùng triệt để thực hiện ba không: “không nghe, không biết, không nói”. Nhân dân địa phương không chỉ tự nguyện đem giường, tủ, bàn ghế, đồ dùng sinh hoạt gia đình cho các đồng chí Lào mượn, mà còn cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm cho đoàn cán bộ Lào.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 28 Tháng Tám, 2021, 04:52:22 pm
Thực hiện chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương, từ ngày 13 đến 15 tháng 8 năm 1950, tại tỉnh Tuyên Quang (Việt Nam) diễn ra Đại hội quốc dân Lào (Mặt trận Lào kháng chiến). Đại hội quy tụ hơn 100 đại biểu đại diện cho lực lượng vũ trang, nhân dân các bộ tộc trên cả nước Lào. Đại hội quyết định thống nhất các tổ chức quần chúng, thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất, tức Neo Lào Ítxalạ và Chính phủ Kháng chiến Lào. Đại hội bầu Ủy ban Trung ương Neo Lào Ítxalạ do Hoàng thân Xuphanuvông làm chủ tịch và Chính phủ Kháng chiến Lào do Hoàng thân Xuphanuvông làm thủ tướng. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản được bầu làm bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đại hội thông qua những nghị quyết, quyết định quan trọng, trong đó có nghị quyết về tăng cường quan hệ đoàn kết chiến lược với Việt Nam và Campuchia đánh đuổi thực dân Pháp, xây dựng một nước Lào độc lập, thống nhất, phú cường1.

Đại hội ra nghị quyết về quan hệ giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Nghị quyết khẳng định: muốn kháng chiến giành độc lập, lực lượng kháng chiến của ba nước không thể chia cắt được. Nước Lào không thể độc lập được một khi Việt Nam chưa được độc lập. Việt hay Miên không thể có sự độc lập thực sự được khi nước Lào còn là bàn đạp của Pháp ở Đông Dương. Nghị quyết chỉ ra nhiệm vụ của nhân dân các bộ tộc Lào là đoàn kết toàn dân thành một mặt trận thống nhất. Đoàn kết với hai dân tộc Việt, Miên trên chiến trường Đông Dương để có đủ lực lượng hoàn thành hai nhiệm vụ trọng tâm là kháng chiến và kiến quốc. Đại hội quốc dân Lào đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình phát triển của cách mạng Lào. Đại hội mở ra một giai đoạn mới của quan hệ đoàn kết chiến lược Việt - Lào.

Trong thời gian diễn ra Đại hội quốc dân Lào (Mặt trận Lào kháng chiến), để bảo đảm an toàn bí mật, Hoàng thân Xuphanuvông và đoàn cán bộ Lào được bố trí di chuyển đến một số địa điểm khác trong xã Mỹ Lâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên trao đổi với Hoàng thân Xuphanuvông và các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, Mặt trận Lào yêu nước các vấn đề về liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào và phương thức tiến hành kháng chiến toàn dân, toàn diện, về xây dựng đảng Mác - Lênin ở Lào, v.v..

Nhằm chuẩn bị tiến tới Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Đông Dương , từ ngày 20 đến 22 tháng 11 năm 1950, tại Việt Nam diễn ra Hội nghị đại biểu ba mặt trận dân tộc thống nhất của Việt Nam, Lào, Campuchia. Ngay sau Hội nghị, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hoàng thân Xuphanuvông và đại diện của Campuchia thay mặt ba mặt trận dân tộc thống nhất của ba nước đã ký Tuyên cáo chung nhấn mạnh cuộc hội nghị này là bước đầu cho liên minh giữa ba dân tộc Việt Nam - Lào - Miên. Chỉ có liên minh ấy, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, mới đánh tan được mưu mô xảo trá của bọn thực dân xâm lược Pháp và bọn can thiệp Mỹ, mới đem lại độc lập thực sự cho ba quốc gia, đem lại hạnh phúc cho ba dân tộc.




-----------------------------------------------------------------
1. Mười hai điểm trong nội dung Đề án về chương trình chính trị, tình hình và nhiệm vụ của chúng ta thông qua tại Đại hội toàn quốc Mặt trận Lào kháng chiến họp từ ngày 13 đến 15 tháng 8 năm 1950:
1) Đánh đổ thực dân Pháp và bọn Lào gian bán nước, chống mưu mô can thiệp của đế quốc trên thế giới.
2) Thành lập nước Lào độc lập, thống nhất thật sự, thành lập Chính phủ liên hiệp quốc gia.
3) Thực hiện các quyền tự do dân chủ bao gồm tự do tín ngưỡng.
4) Tịch thu tài sản của thực dân Pháp và bọn Lào gian, giao cho Chính phủ xử lý, quốc hữu hoá các xí nghiệp của thực dân.
5) Xoá bỏ các thứ thuế do thực dân Pháp đặt ra, đặt thuế mới cho công bằng, bãi bỏ chế độ phu phen tạp dịch.
6) Phát triển công nghiệp, nông nghiệp và thương nghiệp. Giải quyết vấn đề giao thông vận tải, cải thiện dân sinh, thực hiện giảm tô, giảm tức.
7) Ban bố luật giao thông và bảo hiểm lao động.
8 ) Thủ tiêu nạn mù chữ, phát triển giáo dục và văn hoá dân tộc.
9) Phát triển chiến tranh nhân dân và chính thức thành lập Quân đội Quốc gia Lào.
10) Thực hiện quyền dân tộc bình đẳng.
11) Thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất, tức Neo Lào Ítxalạ.
12) Đoàn kết với dân tộc Việt Nam, Khơme, đánh đổ đế quốc Pháp và bất cứ đế quốc nào can thiệp vào Lào, mật thiết liên hệ với các nước dân chủ mới, gia nhập Mặt trận hoà bình thế giới.
(Nguồn: Phòng Tư liệu Viện Nghiên cứu Đông Nam Á)




Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 29 Tháng Tám, 2021, 09:53:09 am
*
*     *

 Trong giai đoạn từ ngày 16 tháng 10 năm 1945 đến tháng 12 năm 1950, Việt Nam và Lào, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đã tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và Lào là một cuộc chiến tranh chính nghĩa, nhằm bảo vệ những thành quả của Cách mạng tháng Tám 1945, thực hiện mục tiêu cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc kháng chiến đó của nhân dân hai nước diễn ra trong bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực và Đông Dương có nhiều thuận lợi rất căn bản, song chứa đựng nhiều khó khăn, phức tạp. Từ năm 1945 đến đầu năm 1950, cả hai nước phải chiến đấu trong vòng vây bốn bề của chủ nghĩa đế quốc, thiếu sự giúp đỡ, viện trợ của các nước, lực lượng cách mạng từ bên ngoài. Trong khi đó, tiềm lực về kinh tế và quốc phòng của cách mạng Việt Nam và Lào còn có nhiều hạn chế bởi những hậu quả nặng nề của ách áp bức, bóc lột phong kiến, thực dân, phát xít; Pháp tuy phải chịu nhiều thiệt hại bởi Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945), nhưng vẫn là một nước đế quốc mạnh, lại được các nước đế quốc khác đồng lõa, ủng hộ việc Pháp đưa quân vào xâm lược Đông Dương lần thứ hai; đội quân xâm lược của Pháp được tổ chức và trang bị vũ khí hiện đại, có nhiều kinh nghiệm trong chiến tranh xâm lược. Trong bối cảnh, tình hình đó, cách mạng Việt Nam và Lào cần thiết và nhất thiết phải có sự liên minh, đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, kế thừa và phát triển truyền thống đoàn kết, tượng trợ và giúp đỡ lẫn nhau vốn có, Việt Nam và Lào từng bước xây dựng, củng cố, mở rộng và tăng cường mối quan hệ liên minh đoàn kết chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Trong từng năm tháng cụ thể, theo tình hình chung và riêng của hai nước Việt Nam - Lào, theo diễn biến của cuộc kháng chiến, Đảng Cộng sản Đông Dương đã kịp thời đề ra những chủ trương, biện pháp cụ thể nhằm đưa sự nghiệp đấu tranh cách mạng của hai nước tiến lên. Đảng Cộng sản Đông Dương đã từng bước xác định đường lối, tư tưởng và quan điểm chỉ đạo cách mạng ba nước Đông Dương. Trên quan điểm Đông Dương là một chiến trường, Đảng Cộng sản Đông Dương, Nhà nước, Chính phủ và quân đội Việt Nam cùng những nhà lãnh đạo cách mạng, lực lượng vũ trang và nhân dân Lào đã thống nhất ý chí đoàn kết, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung vì mục tiêu chung của hai nước và mục tiêu riêng của từng quốc gia.

Ngay từ tháng 10 năm 1945, đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đại diện Chính phủ độc lập Lào đã ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt (ngày 16 tháng 10 năm 1945), Hiệp định về tổ chức liên quân Lào - Việt (ngày 30 tháng 10 năm 1945). Đó là những văn kiện chính thức đầu tiên, là cơ sở pháp lý của mối quan hệ liên minh, hợp tác giữa cách mạng Việt Nam - Lào.

Trong tiến trình của cuộc kháng chiến, Việt Nam trở thành chiến trường chính, nơi Pháp tập trung lực lượng đông nhất, nơi diễn ra những trận chiến lớn với quân xâm lược Pháp, đồng thời Việt Nam trở thành hậu phương lớn, chỗ dựa vững chắc đối với cách mạng Lào. Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Việt Nam trên nhiều phương diện, từ trung ương đến địa phương, mà quan trọng là sự phối hợp chiến đấu của quân và dân các tỉnh giáp nhau suốt dọc biên giới Việt - Lào, của liên quân Lào - Việt, Việt kiều giải phóng quân, của lực lượng quân tình nguyện Việt Nam trên khắp các chiến trường Lào, nên trong những năm 1945 - 1950, cuộc kháng chiến của nhân dân Lào đã vượt qua được nhiều khó khăn, từng bước trưởng thành và phát triển. Đến năm 1950, Lào đã xây dựng được nhiều vùng giải phóng và khu căn cứ rộng lớn, chiếm khoảng một phần ba diện tích đất nước. Nhiều vùng giải phóng và khu căn cứ của Lào đã nối liền với nhau, mở thông với các vùng căn cứ Tây Bắc, các vùng hậu phương của Liên khu 4 và Liên khu 5 (Việt Nam), tạo thành một thế kháng chiến liên hoàn khá vững chắc giữa Việt Nam và Lào suốt theo chiều dài biên giới từ bắc xuống nam, theo từng vùng, miền của hai nước Việt Nam - Lào. Quân đội Lào Ítxalạ được thành lập (ngày 20 tháng 1 năm 1949). Mặt trận dân tộc thống nhất, tức Neo Lào Ítxalạ và Chính phủ Kháng chiến Lào ra đời (tháng 8 năm 1950). Sự phát triển lớn mạnh của cách mạng Lào trong những năm 1945 - 1950 tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của nhân dân Việt Nam.

Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, trong những năm 1945 - 1950, quân và dân Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi hết sức căn bản, đánh bại chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, mà dấu chấm hết của nó là chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947, buộc Pháp phải chuyển sang đánh lâu dài, đối phó với kháng chiến toàn diện và ngày càng lao sâu vào thế bị động. Đầu năm 1950, Việt Nam đã giành được thắng lợi quan trọng về phương diện chính trị, đó là việc nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Liên Xô và một loạt nước dân chủ nhân dân công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến Thu Đông năm 1950, Việt Nam giành thắng lợi lớn về quân sự trong Chiến dịch Biên giới, mở thông đường liên lạc trực tiếp với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, tạo bước ngoặt căn bản cho cuộc kháng chiến. Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950 là kết tinh thành quả của những nỗ lực phi thường của quân và dân Việt Nam và về gián tiếp, có thể nói cũng là sự kết tinh của tình đoàn kết, phối hợp, liên minh chiến đấu giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào. Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950 đã tạo ra một chuyển biến căn bản, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam bước sang giai đoạn mới, giai đoạn Việt Nam nắm quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ, chuyển sang liên tục tiến công và phản công địch.

Sự phối hợp, giúp đỡ, liên minh đoàn kết chiến đấu có hiệu quả, cùng những thành quả mà cách mạng hai nước đã giành được trong những năm 1945 - 1950 đã tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cách mạng hai nước, của mối quan hệ liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong nửa cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1951 - 1954.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 29 Tháng Tám, 2021, 09:56:44 am
Chương IV
TĂNG CƯỜNG LIÊN MINH CHIẾN ĐẤU,
KẾT THÚC THẮNG LỢI CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1951 - 1954)


I. MỞ RỘNG QUAN HỆ GIỮA CÁCH MẠNG VIỆT NAM VÀ CÁCH MẠNG LÀO TRONG HOÀN CẢNH MỚI (1951 - 1952)

1. Tình hình mới và yêu cầu mở rộng quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào


Sau năm năm tiến hành kháng chiến, nhân dân ba nước Đông Dương đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Đặc biệt từ sau chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950 trên chiến trường Việt Nam, tình hình quân sự, chính trị ở Việt Nam và Lào có nhiều chuyển biến sâu sắc.

Ở Việt Nam, lực lượng kháng chiến đã phá được thế bao vây của chủ nghĩa đế quốc và mở thông con đường liên lạc trực tiếp giữa cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương với các nước xã hội chủ nghĩa và các lực lượng yêu chuộng hòa bình thế giới. Từ đây, Việt Nam có điều kiện tiếp nhận sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em để đẩy mạnh cuộc kháng chiến lên một bước phát triển mới. Ở trong nước, quân và dân Việt Nam đã xây dựng được lực lượng vũ trang ba thứ quân, tổ chức nhiều trung đoàn và đại đoàn chủ lực mạnh có khả năng mở những chiến dịch lớn, tiêu diệt được bộ phận sinh lực quan trọng của địch, giải phóng được nhiều vùng đất đai rộng lớn, làm lung lay ý chí quân xâm lược. Nhiều vùng hậu phương địch đã trở thành tiền phương của lực lượng kháng chiến.

Sự phát triển về thế và lực cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam từ sau chiến thắng Biên giới đã ảnh hưởng sâu sắc tới chiến trường ba nước Đông Dương, đặc biệt tạo thêm điều kiện để mở rộng quan hệ giúp đỡ lẫn nhau giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào.

Ở Lào, cuộc kháng chiến đã có bước phát triển quan trọng cả về lực lượng, thế trận và tác chiến. Đó là sự ra đời của Mặt trận Lào Ítxalạ (Neo Lào Ítxalạ) và Chính phủ Kháng chiến Lào (tháng 8 năm 1950) với khu giải phóng rộng lớn chiếm khoảng 1/3 diện tích nước Lào; có lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh, bao gồm hàng nghìn dân quân bản, tàxẻng (tổng), một số đội du kích thoát ly và một số đơn vị bộ đội chủ lực Ítxalạ như: đội Látxavông ở Hủa Phăn, đội Xây Xếtthảthilạt ở Trung Lào, đội Xaychắccaphắt ở Hạ Lào, đội Phạ Ngừm ở Viêng Chăn, đội Pắtchây ở Xiêng Khoảng... Chiến tranh du kích đã phát triển rộng trên các địa phương, gây cho quân địch nhiều tổn thất.

Những thắng lợi về chính trị và quân sự nói trên đánh dấu một bước phát triển rất quan trọng của cách mạng Lào, phản ánh ý chí thống nhất và quyết tâm của nhân dân các bộ tộc Lào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Những thắng lợi đó cùng với sự lớn mạnh của lực lượng kháng chiến Lào có ảnh hưởng lớn đối với phong trào kháng chiến ở Việt Nam và Campuchia, khiến cho quân Pháp phải rút một lực lượng lớn để lo đối phó với chiến trường Lào, do đó chúng không thể tập trung lực lượng tối đa vào chiến trường chính ở Việt Nam.

Trong khi tình hình chuyển biến ngày càng có lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương thì thực dân Pháp càng lâm vào tình thế khó khăn, lúng túng, bị mất quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính ở Bắc Bộ (Việt Nam). Tâm lý hoài nghi, thất bại chủ nghĩa không chỉ diễn ra trong quân đội viễn chinh Pháp mà còn lan rộng đến giới chính trị và kinh doanh thực dân ở Đông Dương. Phong trào phản đối “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” ở Đông Dương của nhân dân Pháp và dư luận tiến bộ thế giới ngày càng dâng lên mạnh mẽ.

Đến đây, cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương bước sang một giai đoạn mới với nhiều thuận lợi cơ bản nhưng cũng đứng trước những thách thức mới. Bởi vì, từ sau khi cách mạng Trung Quốc thành công (tháng 10 năm 1949) và chiến tranh Triều Tiên nổ ra (tháng 6 năm 1950), cuộc chiến tranh Đông Dương đã trở thành một vấn đề quốc tế giữa hai phe: xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Việt Nam và Đông Dương ngày càng được Mỹ coi là trọng điểm để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan rộng trong khu vực Đông Nam Á.

Vì thế, Mỹ tích cực viện trợ quân sự, kinh tế cho Pháp và ép Pháp phải tiến hành chiến tranh đến cùng, đồng thời từng bước thực hiện ý đồ xây dựng ảnh hưởng trực tiếp đối với ngụy quyền, ngụy quân tại ba nước Đông Dương.

Chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 9 năm 1950 đến tháng 4 năm 1951, đế quốc Mỹ đã viện trợ cho thực dân Pháp 160 máy bay các loại, 42 tàu xuồng, 2 đại đội chiến xa và một số lượng lớn vũ khí đủ trang bị cho 12 tiểu đoàn quân ngụy, 460 triệu phrăng, trong đó 320 triệu phrăng là do Mỹ trực tiếp viện trợ cho các chính phủ bù nhìn ở Đông Dương.

Từ đây, viện trợ Mỹ chiếm một tỷ lệ ngày càng quan trọng trong ngân sách chiến tranh Đông Dương của Pháp: từ 19% năm 1950, 35% năm 1952, 43% năm 1953 lên đến 73% năm 1954 . Cùng với thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ trở thành kẻ thù cụ thể trước mắt của nhân dân ba nước Đông Dương.

Được Mỹ tiếp sức, thực dân Pháp chủ trương kiên quyết giữ Đông Dương, tiếp tục thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương” một cách triệt để hơn, tăng cường lực lượng phòng giữ và bình định các vùng chiếm đóng, chủ yếu là vùng đồng bằng Bắc Bộ (Việt Nam), đồng thời xúc tiến chuẩn bị các điều kiện để phản công hòng xoay chuyển tình thế và giành lại quyền chủ động chiến lược đã mất.

Thực hiện chủ trương trên, ngày 6 tháng 12 năm 1950, Chính phủ Pháp quyết định cử Đại tướng Đờ Lát đờ Tátxinhi, Tư lệnh Lục quân khối Tây Âu, làm tổng chỉ huy kiêm cao uỷ Pháp ở Đông Dương. Đây là lần đầu tiên sau năm năm chiến tranh, một viên tướng được Chính phủ Pháp giao nắm giữ cả hai chức chỉ huy chính trị và quân sự cao nhất trong chiến tranh Đông Dương.

Với ý đồ giành lại quyền chủ động, Đờ Lát vừa tới Đông Dương đã nhanh chóng vạch ra một kế hoạch chiến lược gồm các điểm: gấp rút tập trung quân Âu - Phi xây dựng một lực lượng cơ động chiến lược mạnh và ra sức phát triển quân ngụy; lập tuyến phòng thủ bao quanh trung du và đồng bằng Bắc Bộ nhằm đối phó với bộ đội chủ lực và ngăn chặn Việt Minh đưa nhân lực, vật lực ra vùng tự do; tiến hành “chiến tranh tổng lực”, bình định vùng tạm bị chiếm và vùng du kích để vơ vét sức người, sức của của nhân dân Đông Dương và đẩy mạnh việc phá hoại các vùng tự do... hòng gây thanh thế, lấy lại tinh thần binh lính địch, làm cơ sở cho việc xin Mỹ tăng cường viện trợ.

Kế hoạch Đờ Lát là một cố gắng rất lớn của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhằm đè bẹp lực lượng kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương, để nhanh chóng đi đến kết thúc chiến tranh.

Dựa vào viện trợ Mỹ, thực dân Pháp càng tăng cường thêm lực lượng quân sự ở Đông Dương. Đến tháng 3 năm 1951, tổng quân số trên toàn Đông Dương là 325.000 tên, trong đó có 160.000 lính Âu - Phi, 165.000 quân ngụy. Ở Việt Nam, Pháp bố trí 179 tiểu đoàn, phần lớn tập trung tại chiến trường chính Bắc Bộ, gồm 89 tiểu đoàn bộ binh và quân dù, 11 tiểu đoàn pháo binh, 3 trung đoàn cơ giới và 150 máy bay các loại... . Ở Lào, Pháp bố trí 12 tiểu đoàn làm nhiệm vụ chiếm đóng, gồm toàn quân ngụy Lào.

Đi đôi với việc phát triển lực lượng, thực dân Pháp đẩy mạnh càn quét, bình định trong các vùng chiếm đóng và tìm mọi cách chia rẽ, phá hoại sức mạnh đoàn kết kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương.

Bằng những thủ đoạn chiến tranh rất tàn khốc và xảo quyệt về mọi mặt, kẻ địch đã gây thêm nhiều khó khăn cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và Lào, nhất là làm cho hiệu quả của liên minh chiến đấu giữa hai nước bị hạn chế, không phát huy cao được khả năng phối hợp chiến trường. Tình hình đó đặt ra nhiều yêu cầu mới về xây dựng, phát triển lực lượng kháng chiến ở mỗi nước cũng như phối hợp tác chiến giữa chiến trường Lào với chiến trường chính Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 29 Tháng Tám, 2021, 10:02:50 am
2. Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương mở ra chặng đường phát triển mới của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam

Bước sang năm 1951, cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương đang trên đà phát triển mới, cục diện chiến tranh ở Đông Dương biến chuyển có lợi cho cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia. Thế phối hợp chiến đấu giữa các mặt trận trên chiến trường từng nước nói riêng cũng như giữa các chiến trường trên toàn Đông Dương nói chung càng có điều kiện phát triển thuận lợi. Thực tiễn phong phú của cuộc kháng chiến ở từng nước cũng như yêu cầu đẩy mạnh sự phối hợp tác chiến giữa các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia đòi hỏi Đảng phải có đường lối, chính sách và tổ chức Đảng phù hợp với đặc điểm mỗi nước, đồng thời tạo điều kiện mở rộng hơn nữa sự phối hợp hành động trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược và bọn can thiệp Mỹ.

Do yêu cầu mới của cách mạng đặt ra, Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương được triệu tập. Đại hội khai mạc ngày 11 tháng 2 năm 1951 tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang (Việt Nam). Tham dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho hơn 76 vạn đảng viên của các đảng bộ Việt Nam, Lào và Campuchia. Đoàn đại biểu Đảng bộ Lào do đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm trưởng đoàn.

Tại Đại hội, đồng chí Cayxỏn Phômvihản thay mặt những người cộng sản Lào và một đồng chí đại diện những người cộng sản Campuchia tham gia Đoàn Chủ tịch.

Từ ngày 11 đến 19 tháng 2 năm 1951, Đại hội đã nghiên cứu, thảo luận Báo cáo chính trị, Báo cáo “Bàn về cách mạng Việt Nam” (còn gọi là “Luận cương cách mạng Việt Nam”), Báo cáo về tổ chức và Điều lệ Đảng, các báo cáo bổ sung về Mặt trận dân tộc thống nhất, chính quyền dân chủ nhân dân, quân đội nhân dân, kinh tế - tài chính, về văn nghệ nhân dân và một số tham luận khác. Nội dung các bản báo cáo cũng như các phiên thảo luận tại Đại hội đều xoay quanh hai nhiệm vụ chính là: thúc đẩy kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và tổ chức Đảng Lao động Việt Nam.

Về mối quan hệ đoàn kết của nhân dân ba nước Đông Dương, Đại hội nhất trí tăng cường hơn nữa sự phối hợp chiến đấu giữa ba dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia để chống kẻ thù chung. Đại hội thống nhất nhận định rằng, từ năm 1930 trở đi, Đảng Cộng sản Đông Dương là người tổ chức và lãnh đạo cách mạng ba nước Đông Dương, nhưng đến nay cách mạng và kháng chiến của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia có những bước phát triển riêng biệt, đòi hỏi phải có đường lối, chính sách và tổ chức Đảng phù hợp với đặc điểm mỗi nước và trên cơ sở phối hợp hành động chung giúp đỡ lẫn nhau. Điều đó đòi hỏi Đảng Cộng sản Đông Dương phải được tổ chức lại. Đại hội đã đi đến quyết định thành lập ở mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia một đảng Mác - Lênin, có cương lĩnh riêng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể để lãnh đạo cuộc kháng chiến ở từng nước.

Trong “Báo cáo chính trị” đọc tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh yêu cầu: đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và tổ chức Đảng Lao động Việt Nam. Đồng thời, Người kêu gọi phải ra sức giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Lào và Campuchia, vì cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam có liên quan mật thiết với cuộc chiến tranh giải phóng Lào và Campuchia. Người nêu rõ: “Chúng ta kháng chiến, dân tộc bạn Miên, Lào cũng kháng chiến. Bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ là kẻ thù của ta và của dân tộc Miên, Lào. Vì vậy, ta phải ra sức giúp đỡ anh em Miên, Lào, giúp đỡ kháng chiến Miên, Lào; và tiến đến thành lập Mặt trận thống nhất các dân tộc Việt - Miên - Lào” .

Sau khi thảo luận “Báo cáo chính trị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội quyết định: ở Việt Nam sẽ xây dựng Đảng Lao động Việt Nam có Chính cương, Điều lệ thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Ở Lào và Campuchia, thành lập ở mỗi nước một chính đảng riêng lấy tên là Đảng Nhân dân Lào và Đảng Nhân dân Khơme, mỗi Đảng chịu trách nhiệm trước sự nghiệp giải phóng của dân tộc mình. Đảng Lao động Việt Nam có nghĩa vụ giúp đỡ các đồng chí và những tổ chức cách mạng Lào, Miên để họ lãnh đạo cuộc kháng chiến của hai dân tộc ấy giành lấy thắng lợi cuối cùng.

Theo tinh thần đó, Đảng Lao động Việt Nam phối hợp với những người cộng sản Lào xúc tiến chuẩn bị các điều kiện để tiến tới thành lập một chính đảng cách mạng ở Lào, như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn: “Các đồng chí Lào cần cố gắng thành lập cho được đảng cách mạng và ra sức củng cố đảng để đảng có đủ sức lãnh đạo cuộc cách mạng trên đất nước Lào. Về phía mình, Việt Nam luôn sẵn sàng ủng hộ và giúp đỡ các đồng chí Lào. Có Đảng cách mạng Lào lãnh đạo nhân dân Lào, có sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân Việt Nam và các nước bè bạn, cách mạng Lào nhất định thắng lợi; cán bộ Lào cần tin vào sức mình” .

Quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về sự tăng cường phối hợp, giúp đỡ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào, Campuchia được thể hiện cụ thể hơn trong “Luận cương về cách mạng Việt Nam” và trong các báo cáo chuyên đề của Đại hội.

Trong “Luận cương về cách mạng Việt Nam”, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng chỉ rõ: cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam có quan hệ mật thiết với cách mạng Lào và cách mạng Campuchia. Song hiện nay, do tình hình và điều kiện cách mạng ở Việt Nam khác tình hình và điều kiện cách mạng ở Lào và Campuchia, cho nên vấn đề cách mạng Việt Nam phải đặt khác cách mạng Lào và cách mạng Campuchia. Những người cộng sản Việt Nam phải căn cứ vào điều kiện thực tế và đặc điểm của nước mình để định ra đường lối, chính sách riêng và tổ chức một đảng cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động để lãnh đạo cách mạng đi đến thắng lợi.

Bàn về quan hệ đoàn kết, hợp tác giữa cách mạng ba nước Đông Dương, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: Việt Nam có nhiệm vụ giúp đỡ nhân dân Lào và Campuchia về cả vật chất và tinh thần để đẩy mạnh kháng chiến, nhất là giúp đỡ đào tạo cán bộ, kinh nghiệm tổ chức và đấu tranh; củng cố và phát triển Hội Ítxalạ ở Lào và Hội Ítxarắc ở Campuchia; xây dựng căn cứ địa, phát triển lực lượng vũ trang, thành lập quân đội nhân dân, xây dựng và phát triển chính quyền dân tộc chống đế quốc, thành lập Mặt trận thống nhất Việt - Lào - Campuchia để chống xâm lược. Đồng chí nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Việt Nam phải khắc phục và ngăn chặn những tư tưởng sai lầm làm hại đến tình đoàn kết giữa ba dân tộc anh em, như tư tưởng bản vị, chỉ biết lo cho cách mạng nước mình mà không chú trọng giúp đỡ cách mạng Lào, cách mạng Campuchia và những thành kiến dân tộc hẹp hòi...

Phân tích ý nghĩa của chủ trương thành lập khối liên minh kháng chiến của ba dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia, trong Báo cáo “Củng cố khối đại đoàn kết để chiến thắng”, đồng chí Hoàng Quốc Việt khẳng định vai trò tích cực của liên minh trong việc thống nhất lực lượng, thống nhất hành động giữa ba dân tộc để đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến toàn thắng và đập tan âm mưu chia rẽ của bọn đế quốc và bè lũ tay sai.

Về phương diện quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Báo cáo “Xây dựng quân đội nhân dân hoàn thành chiến tranh giải phóng” đã phân tích, nêu lên những đặc điểm của chiến tranh giải phóng Việt Nam cũng như của Lào và Campuchia. Đồng chí nhấn mạnh đặc điểm: Đông Dương là một chiến trường không thể phân chia và vạch rõ âm mưu của thực dân Pháp là ra sức củng cố Lào, Campuchia để làm căn cứ kéo dài chiến tranh và chống lại cách mạng Việt Nam.

Từ thực tế đó, bản báo cáo quân sự của Đại hội nhấn mạnh yêu cầu ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia cần phải phối hợp tác chiến chặt chẽ với nhau và đề ra phương châm chiến lược ở các chiến trường. Việt Nam đảm trách chiến trường chính vì đại bộ phận binh lực của địch đóng ở Việt Nam, còn Lào và Campuchia là nơi địch sơ hở, lực lượng khá mỏng, nên giữ vai trò chiến trường kiềm chế và phối hợp.

Do yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến ở hai nước Lào và Campuchia trong giai đoạn mới, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ ra những nhiệm vụ như: đẩy mạnh xây dựng căn cứ địa, xây dựng lực lượng vũ trang, đào tạo cán bộ, kết hợp tác chiến với địch vận, chấn chỉnh lại tổ chức chỉ đạo quân sự ở Lào cho thích hợp, cán bộ quân sự Việt Nam ở Lào, Campuchia cần được bồi dưỡng thêm về kinh nghiệm hoạt động chính trị, tổ chức và phong tục tập quán của nước bạn.

Những nội dung nêu trên đã vạch ra phương hướng cho cán bộ, chiến sĩ Việt Nam sang công tác ở Lào căn cứ vào tình hình cụ thể mà đề ra biện pháp thực hiện sự phối hợp và giúp cách mạng Lào có hiệu quả hơn.

Như vậy, vấn đề đoàn kết, tăng cường phối hợp chiến đấu giữa ba dân tộc Đông Dương là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt trong các văn kiện của Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương. Nghị quyết của Đại hội khẳng định: “Vì Đông Dương là một chiến trường và cách mạng Việt Nam có nhiệm vụ phối hợp với cách mạng Miên, Lào, nên lúc này phải tích cực giúp đỡ cuộc kháng chiến Miên, Lào, phát triển du kích chiến tranh, xây dựng lực lượng võ trang, xây dựng căn cứ địa” .

Bản “Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam” - sự đúc kết trí tuệ của Đại hội, đã khẳng định:

“1. Dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ với hai dân tộc Miên, Lào và hết sức giúp đỡ hai dân tộc ấy cùng nhau kháng chiến chống đế quốc xâm lược, giải phóng cho tất cả các dân tộc Đông Dương.

2. Nhân dân Việt Nam đứng trên lập trường lợi ích chung mà hợp tác lâu dài với hai dân tộc Miên, Lào trong kháng chiến và sau kháng chiến” .

Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương là một sự kiện chính trị trọng đại, đánh dấu bước ngoặt rất quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ba nước Đông Dương. Chủ trương thành lập ba đảng Mác - Lênin ở ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia thể hiện sự trưởng thành trong nhận thức chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương về “quyền dân tộc tự quyết” của các dân tộc ở Đông Dương, đồng thời phù hợp với bước phát triển mới của cách mạng, với đặc điểm tình hình xã hội ở từng nước. Đảng Cộng sản ở mỗi nước không những phải chịu trách nhiệm về sự tồn vong của dân tộc mình, mà còn phải gánh vác nghĩa vụ quốc tế cao cả, trước hết là đối với kháng chiến của các nước trên bán đảo Đông Dương.

Đối với cách mạng Lào, việc Đại hội xác định trách nhiệm của Đảng Lao động Việt Nam giúp đỡ những người cộng sản Lào tiến hành xây dựng chính đảng riêng của mình phản ánh sự đoàn kết, hợp tác chân tình, thủy chung, trong sáng, vô tư vì sự nghiệp cách mạng của hai dân tộc anh em. Phát biểu trong cuộc gặp mặt đầu tiên với Đảng Lao động Việt Nam, Hoàng thân Xuphanuvông thay mặt Mặt trận Lào Ítxalạ bày tỏ: “Sau khi được nghe những chính sách của Đảng, chúng tôi nhận thấy chính sách ấy biểu thị ý chí yêu nước cương quyết và tinh thần quốc tế rất rộng rãi thì chúng tôi rất tán thành và hoan nghênh”. “Chúng tôi tin chắc rằng Đảng Lao động Việt Nam sẽ là một chính đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến và kiến quốc của Việt Nam. Đồng thời sẽ cùng với Mặt trận Liên Việt giúp đỡ và dìu dắt nhân dân Lào trong việc đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược” .

Với chủ trương xây dựng ở mỗi nước một đảng cách mạng thích hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng nước, với việc khẳng định và tăng cường sự đoàn kết chống kẻ thù chung, Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương đã tiếp thêm sức mạnh cho khối liên minh chiến đấu của ba nước Đông Dương nói chung, cho liên minh chiến đấu Việt - Lào nói riêng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Đại hội đã xác định rõ thêm vị trí, vai trò của cách mạng mỗi nước, đặc biệt đề ra phương hướng, biện pháp để tăng cường liên minh chiến đấu Việt - Lào. Đại hội cũng mở ra một thời kỳ hoạt động mới, một hình thức liên minh chiến đấu mới giữa nhân dân ba nước trên bán đảo Đông Dương. Từ đây, quan hệ Việt Nam - Lào - Campuchia là quan hệ giữa ba nước, ba đảng cách mạng, ba dân tộc trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung vì độc lập, tự do của mỗi quốc gia, vì phồn vinh, hạnh phúc của mỗi dân tộc.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 29 Tháng Tám, 2021, 10:06:22 am
3. Phối hợp đẩy mạnh kháng chiến trong thời kỳ mới

a) Thành lập Mặt trận Liên Việt và Liên minh nhân dân ba nước Đông Dương


Đáp ứng yêu cầu tăng cường đoàn kết dân tộc và làm nòng cốt cho khối liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia trong thời kỳ mới, tháng 3 năm 1951, ở Việt Nam diễn ra Đại hội thống nhất Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt).

Đại hội thông qua Chính cương, Điều lệ, Tuyên ngôn của Mặt trận và nhất trí việc xây dựng và bảo vệ khối đoàn kết giữa nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia để chống kẻ thù chung.

Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Với sự đồng tâm nhất trí của ba dân tộc anh em, với sức đại đoàn kết của ba dân tộc anh em, chúng ta nhất định đánh tan lũ thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, chúng ta nhất định làm cho ba nước độc lập và thống nhất thật sự” .
Việc tập hợp tất cả các lực lượng yêu nước trong một mặt trận thống nhất - Mặt trận Liên Việt, không chỉ có ý nghĩa đối với việc tăng cường sức mạnh của lực lượng kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam, mà còn góp phần đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến chung của ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương.

Tham dự Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt, Hoàng thân Xuphanuvông thay mặt Ban Chấp hành Mặt trận dân tộc thống nhất Lào Ítxalạ phát biểu: “... Việc thống nhất Việt Minh - Liên Việt thành một mặt trận duy nhất của nhân dân Việt Nam có tính chất quan trọng”, góp phần “làm cho cuộc kháng chiến của Việt Nam thành một lực lượng mạnh mẽ hơn trong việc tiêu diệt bọn xâm lược. Hơn nữa, nó còn là trụ cột vững chắc của khối đại đoàn kết ba dân tộc Việt - Miên - Lào” .

Tiếp đó, theo sáng kiến của Đảng Lao động Việt Nam, ngày 11 tháng 3 năm 1951, Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Đông Dương đã được tổ chức tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Các đại biểu đại diện Mặt trận Liên Việt của Việt Nam, của Mặt trận Lào Ítxalạ, của Mặt trận Khơme Ítxarắc đã thảo luận và nhất trí thành lập khối liên minh nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau. Hội nghị nhất trí đề ra chương trình hành động chung và cử ra Ủy ban liên minh nhân dân ba nước Đông Dương gồm các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Minh Giám (Việt Nam), Xuphanuvông, Nủhắc Phumxavẳn (Lào), Sơn Ngọc Minh, Tuxamút (Campuchia). Ủy ban có nhiệm vụ thực hiện các nghị quyết của Hội nghị và tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa nhân dân ba nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị với tư cách là Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch danh dự Mặt trận Liên Việt. Phát biểu tại Hội nghị, Người nói: “Kháng chiến của Việt Nam - Miên - Lào là chung của chúng ta, là bổn phận của chúng ta. Việt Nam kháng chiến có thành công thì kháng chiến Miên - Lào mới thắng lợi và kháng chiến Miên - Lào có thắng lợi thì kháng chiến Việt Nam mới hoàn toàn thắng lợi” và Người bày tỏ niềm vui mừng: “Từ nay chẳng những là toàn dân Việt Nam đoàn kết, mà toàn dân hai nước anh em là Cao Miên và Ai Lao cùng đi đến đại đoàn kết” .

Việc thành lập khối liên minh Việt Nam - Lào - Campuchia dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo ra bước phát triển mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương.

Hoàng thân Xuphanuvông, Trưởng Đoàn đại biểu Mặt trận Lào Ítxalạ khẳng định ý nghĩa lịch sử và kết quả to lớn của sự ra đời Liên minh: “Chúng tôi vô cùng sung sướng thấy Hội nghị liên minh của ba dân tộc thu được kết quả mỹ mãn. Đó là bằng chứng chứng tỏ tinh thần đoàn kết thân mật và chặt chẽ của ba dân tộc. Mặt trận Liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào mà chúng ta thành lập ngày hôm nay có ý nghĩa rất trọng đại trong lịch sử từ trước tới nay chưa từng có. Chúng tôi nhận thấy đó là những quả tạ ngàn cân để đập tan mọi mưu mô chia rẽ của thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ, nó đã biến lực lượng mạnh mẽ của chúng ta thành lực lượng vô biên để tiêu diệt tất cả kẻ xâm lăng nào muốn xâm lược lãnh thổ chúng ta...” .

Trưởng Đoàn đại biểu Mặt trận Khơme Ítxarắc nêu cao vai trò tích cực của Liên minh đối với cách mạng Cao Miên: “Riêng về dân tộc Miên, Mặt trận Liên minh này cho chúng tôi rất nhiều ảnh hưởng tốt đẹp. Từ nay chúng tôi được gia nhập một Mặt trận rộng lớn hơn, tranh đấu không phải cô độc mà còn có cả Đông Dương và Mặt trận Dân chủ thế giới làm hậu thuẫn”.

Thành công của Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Đông Dương đánh dấu một bước tiến mới của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia trong việc đoàn kết chống kẻ thù chung, làm cho nhân dân ba nước càng thêm phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của mình. Đó cũng là sự khẳng định ý chí thống nhất của nhân dân ba nước trong sự nghiệp đấu tranh tự giải phóng, là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia; đồng thời là đòn giáng mạnh vào âm mưu chia rẽ các dân tộc ở Đông Dương, là sự thất bại nặng nề của chính sách “chia để trị”, “dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương” của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Cùng với Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương, Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia đánh dấu sự phối hợp và liên minh giữa nhân dân ba nước Đông Dương ngày càng được mở rộng và là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu chống kẻ thù chung.

b) Chuẩn bị thành lập Đảng Nhân dân Lào

Chấp hành Nghị quyết Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương, các đồng chí Lào là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương đã tổ chức thành “Nhóm Nhân dân Lào” để tiếp tục lãnh đạo cách mạng và chuẩn bị cho việc thành lập đảng chính trị của mình.

Theo yêu cầu của Mặt trận Ítxalạ và Chính phủ Kháng chiến Lào, tháng 3 năm 1951, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra mục tiêu và kế hoạch giúp các đồng chí đảng viên, cán bộ và nhân dân Lào xây dựng chính đảng Mác - Lênin để lãnh đạo cách mạng Lào. Hội nghị xác định: cương lĩnh, chính sách của Đảng Nhân dân Lào phải căn cứ vào đường lối cách mạng Lào đã được Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương thông qua. Đó là “Đoàn kết toàn bộ tộc, đánh đổ đế quốc xâm lược và bọn tay sai, làm cho nước Lào hoàn toàn độc lập, thống nhất” . Về tổ chức, xây dựng Đảng Nhân dân Lào phải theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết thống nhất nội bộ, có quan hệ mật thiết với quần chúng. Đồng thời phải tuỳ trình độ đảng viên, tình hình phát triển của cách mạng, yêu cầu của nhiệm vụ chính trị mà đề ra các biện pháp cho thích hợp. Trong lựa chọn phát triển đảng, chủ yếu hướng vào công nhân, nhân dân lao động, đồng thời chú ý những người có tinh thần yêu nước trong tầng lớp trên, những trí thức tiến bộ có uy tín và ảnh hưởng trong quần chúng. Hội nghị cũng nêu rõ, về phương châm phải cẩn thận, chuẩn bị từng bước vững chắc, không hấp tấp, miễn cưỡng, chú trọng chất lượng hơn số lượng.

Đồng thời, Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cũng ra quyết định cho các đảng viên Đảng Lao động Việt Nam hoạt động ở Lào thành lập các tổ chức Đảng Lao động Việt Nam để lãnh đạo các lực lượng Việt Nam giúp cách mạng Lào được thống nhất, đạt kết quả tốt. Các tổ chức này phải theo hệ thống Ban Cán sự Đảng các cấp trong các đơn vị làm nhiệm vụ giúp cách mạng Lào từ trung ương tới địa phương.

Theo tinh thần ấy, tháng 4 năm 1951, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng ở Mặt trận Thượng Lào, gồm các đồng chí Mai Côn làm bí thư Ban Cán sự; Tạ Xuân Thu và Đào Việt Hưng là ủy viên thường vụ; các đồng chí Đinh Văn Khanh, Nguyễn Quang Xá, Nguyễn Tài, Lý Thế Sơn là uỷ viên. Đồng thời, Ban Cán sự Đảng các mặt trận Trung Lào, Hạ Lào cũng lần lượt được bổ sung, kiện toàn để có đủ sức giúp cách mạng Lào và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Tiếp đó, tháng 11 năm 1951, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam chủ trương: “Tách các đồng chí đảng viên cộng sản Lào ra khỏi tổ chức cơ sở của Đảng Cộng sản Đông Dương cũ, mà trước đây cả đảng viên Lào và đảng viên Việt Nam cùng sinh hoạt chung, để thành lập các “Nhóm trung kiên” gồm các đảng viên cộng sản Lào và những cốt cán ở địa phương làm tổ chức nòng cốt lãnh đạo phong trào và chuẩn bị điều kiện cho việc thành lập Đảng Nhân dân Lào sau này” . Tiêu chuẩn kết nạp vào “Nhóm trung kiên” là những cán bộ cốt cán Lào có tinh thần chiến đấu và công tác, có phẩm chất đạo đức, có quan hệ tốt đối với quần chúng và có khả năng phát triển thành đảng viên.

Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cũng xác định, lực lượng đảng viên Việt Nam và tổ chức Đảng Lao động Việt Nam ở Lào có trách nhiệm giúp “Nhóm trung kiên” Lào giữ vững sinh hoạt và lãnh đạo kháng chiến thông qua tổ chức Mặt trận Ítxalạ và Chính phủ Kháng chiến Lào.

Thực hiện chỉ đạo của Hội nghị Bộ Chính trị về công tác giúp Lào xây dựng đảng cách mạng, tháng 11 năm 1951, Chính phủ Việt Nam quyết định tổ chức một phái đoàn liên lạc bên cạnh Chính phủ Kháng chiến Lào gồm ba đồng chí Mai Côn, Tạ Xuân Thu, Đào Việt Hưng để giúp Chính phủ Kháng chiến Lào điều hành mọi công việc. Cùng với việc quản lý, chỉ đạo các lực lượng Việt Nam đang hoạt động giúp Lào ở chiến trường Thượng Lào, “phái đoàn liên lạc” còn có nhiệm vụ theo dõi, nắm tình hình của Trung Lào và Hạ Lào để tham mưu giúp Chính phủ và Trung ương Neo Lào Ítxalạ lãnh đạo kháng chiến.

Về Đảng, “phái đoàn liên lạc” cũng là Ban Cán sự Thượng Lào. Về quân sự, đồng chí Tạ Xuân Thu, Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam ở Mặt trận Thượng Lào, làm cố vấn cho Bộ Quốc phòng Lào. Đồng thời với việc tổ chức “phái đoàn liên lạc” bên cạnh Chính phủ Kháng chiến Lào, Chính phủ Việt Nam cũng cử các phái viên bên cạnh Uỷ ban Kháng chiến Trung Lào và Uỷ ban Kháng chiến Hạ Lào.

Các Ban Cán sự Đảng Lao động Việt Nam ở Thượng, Trung và Hạ Lào đều triển khai giáo dục cho cán bộ, đảng viên cả Việt Nam và Lào quán triệt nội dung tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 2 năm 1951) về công tác xây dựng đảng Mác - Lênin của giai cấp công nhân Lào để lãnh đạo cách mạng Lào. Song do khó khăn về giao thông liên lạc, kế hoạch hướng dẫn thực hiện cụ thể của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, của Mặt trận Ítxalạ và Chính phủ Kháng chiến Lào không kịp xuống các địa phương, nên việc triển khai còn chưa thống nhất: Hạ Lào vẫn tiếp tục “phát triển đảng viên nhân dân” và lập “chi bộ Đảng Nhân dân”; ngược lại ở Viêng Chăn, Luổng Phạbang, Huội Xài, Sầm Nưa vẫn cứ giữ “chi bộ cộng sản” như trước. Những nơi số đảng viên Lào có ít, lẻ tẻ vẫn còn sinh hoạt trong các chi bộ Đảng Lao động Việt Nam trong các đơn vị quân tình nguyện.

Tuy còn hạn chế, nhưng công tác phát triển đảng ở Lào đã có nhiều tiến bộ. Đến năm 1952, tổng số đảng viên cộng sản ở các địa phương Thượng, Trung và Hạ Lào đã tăng lên 433 đồng chí. Đó là cơ sở vật chất, là điều kiện thuận lợi về mặt tổ chức cho việc thành lập Đảng Nhân dân Lào sau này.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 29 Tháng Tám, 2021, 10:11:31 am
c) Tăng cường thực lực kháng chiến, chống địch càn quét lấn chiếm, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng ở Lào

Bước sang năm 1951, chiến trường Lào không còn là hậu phương an toàn của thực dân Pháp nữa. Để thực hiện kế hoạch Đờ Lát nhằm biến Lào thành một chiến trường phối hợp quan trọng, phục vụ âm mưu mở rộng cuộc chiến tranh ở Đông Dương, thực dân Pháp tập trung ở Lào hơn 20.000 quân, trong đó có 60% quân nguỵ Lào, 40% quân Âu - Phi và quân nguỵ Việt Nam, mở những cuộc càn quét ác liệt vào các vùng căn cứ kháng chiến, trọng điểm là các tỉnh khu vực Thượng Lào. Đồng thời, địch dùng các thủ đoạn chiến tranh tâm lý, tuyên truyền, lừa bịp hòng chia rẽ, cô lập, làm suy yếu tình đoàn kết chiến đấu của quân và dân hai nước Việt - Lào.

Trước tình hình đó, để giúp quân và dân Lào đánh bại chính sách càn quét, bình định của địch, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam càng tăng cường đoàn kết và phối hợp chặt chẽ với cách mạng Lào. Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi nhiệm vụ giúp cách mạng Lào như tự giúp mình để cùng phối hợp chiến đấu đánh đuổi kẻ thù chung, giành độc lập tự do cho mỗi nước trên bán đảo Đông Dương.

Theo yêu cầu của Chính phủ Kháng chiến Lào, trong năm 1951, Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh chi viện quân sự cho chiến trường Lào. Lực lượng cán bộ và bộ đội Việt Nam sang hoạt động ở chiến trường Lào được tăng lên 12.000 người, gồm Thượng Lào hơn 6.000, Trung Lào hơn 3.000 người, Hạ Lào hơn 2.000 người.

Về danh nghĩa, các lực lượng này đều thống nhất lấy tên là Bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Lào và chấp hành theo quy định: “Bộ đội tình nguyện Việt Nam đặt dưới quyền tối cao của Chính phủ nước bạn. Bộ đội ấy phải theo đường lối chính trị, quân sự của nước bạn. Đến một địa phương nào, cán bộ chỉ huy Việt Nam phải bàn với cơ quan chính quyền địa phương để định nhiệm vụ công tác và tác chiến.

Bộ đội tình nguyện Việt Nam ở dưới quyền trực tiếp của Ban Chỉ huy Việt Nam về mọi mặt công tác, tác chiến, quản trị, huấn luyện, khen thưởng...” .

Việc tăng cường lực lượng cán bộ, bộ đội Việt Nam hoạt động trên chiến trường Lào với những quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ là cố gắng rất lớn của Chính phủ Việt Nam, thể hiện tinh thần đoàn kết và giúp đỡ vô tư của nhân dân Việt Nam đối với cách mạng Lào.   

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về nghĩa vụ quốc tế, nhân dân Việt Nam từ tiền tuyến đến hậu phương đều tích cực chấp hành chủ trương của Đảng, chia sẻ những thuận lợi, cùng khắc phục khó khăn, cử nhiều cán bộ, chiến sĩ sang giúp đỡ và cùng bạn Lào đẩy mạnh chiến tranh du kích, phát triển lực lượng kháng chiến. Quân tình nguyện Việt Nam trên các chiến trường Lào được chấn chỉnh về tổ chức, tăng cường thêm lực lượng, kịp thời giúp bạn và cùng bạn vượt qua mọi khó khăn, đẩy mạnh kháng chiến trên tất cả các mặt trận Thượng, Trung và Hạ Lào.

Mặt trận Thượng Lào:

Chấp hành Nghị quyết Đại hội II (tháng 2 năm 1951) và theo yêu cầu của Chính phủ Kháng chiến Lào về việc giúp Lào xây dựng Khu giải phóng Thượng Lào thành căn cứ địa chính của cả nước, tháng 4 năm 1951, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định thống nhất các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam ở Bắc Lào và Tây Lào, thành lập Ban Cán sự Đảng và Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Mặt trận Thượng Lào.

Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam ở Mặt trận Thượng Lào gồm các đồng chí Tạ Xuân Thu, tư lệnh; Đào Việt Hưng, phó chính uỷ; Nguyễn Thế Tùng, trưởng ban quân chính; Nguyễn Tùng, phụ trách cung cấp (hậu cần).

Căn cứ vào đặc điểm cụ thể của chiến trường Lào, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đề ra nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Lào ở Mặt trận Thượng Lào là: “Đẩy mạnh chiến tranh du kích để phối hợp chặt chẽ với cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam, với phương châm chiến lược “du kích chiến là chính, tiến tới vận động chiến”. Chú trọng giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang địa phương, xây dựng căn cứ địa vững chắc” . Để phát triển chiến tranh du kích rộng rãi, phương thức hoạt động chủ yếu là vũ trang tuyên truyền, ban xung phong công tác, đại đội độc lập và thực hiện tiểu đoàn tập trung trong những điều kiện thuận lợi; đồng thời lấy khu tam giác Sầm Nưa - Xiêng Khoảng - Luổng Phạbang làm trung tâm xây dựng căn cứ địa vững chắc cho cách mạng Lào.

Thực hiện quyết định của Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Ban Cán sự Đảng Mặt trận Thượng Lào quyết định tổ chức các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam ở Thượng Lào thành bốn đoàn phụ trách bốn địa bàn khác nhau: Đoàn 80 (Phân khu A cũ) phụ trách hai tỉnh Hủa Phăn và Phôngxalỳ; Đoàn 81 (Phân khu B cũ) phụ trách tỉnh Xiêng Khoảng; Đoàn 82 (Phân khu C cũ) phụ trách hai tỉnh Luổng Phạbang và Huội Xài; và Đoàn 83 (khu Tây Lào cũ) phụ trách tỉnh Viêng Chăn và hai huyện Pạc Lai, Xaynhabuli (Luổng Phạbang).

Dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng và Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Mặt trận Thượng Lào, các đoàn 80, 81, 82 và 83 nhanh chóng ổn định tổ chức, khẩn trương tiến hành chấn chỉnh bộ đội, để sớm đưa các lực lượng đi vào hoạt động.

Ngay từ đầu, Ban Cán sự Đảng và Bộ Tư lệnh quân tình nguyện chủ trương mở các lớp chỉnh huấn chính trị cho các đơn vị. Lớp học đầu tiên gồm cán bộ trung đội, tiểu đội của các đoàn 80, 81, 82, 83 cử đến học tập. Phía bạn Lào có ba cán bộ cùng tham dự đợt chỉnh huấn này. Hoàng thân Xuphanuvông đến dự lễ khai giảng, nói chuyện động viên cán bộ Việt Nam và Lào nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập. Tính chung, toàn mặt trận đã mở được 18 lớp học cho bộ đội, theo các nội dung: bản chất quân đội nhân dân; nghĩa vụ quốc tế của quân tình nguyện Việt Nam tại Lào; tình hình nhiệm vụ và các chính sách, công tác của cách mạng Lào. Đồng thời, về quân sự, tổ chức cho bộ đội học tập các kỹ thuật bắn súng, ném lựu đạn, đánh mìn... và chiến thuật phục kích, vận động phục kích trên địa hình rừng núi với quy mô trung đội, đại đội và tiểu đoàn.

Sau một thời gian tập trung xây dựng, huấn luyện, các đơn vị quân tình nguyện đã nhanh chóng trở lại thực hiện các nhiệm vụ, sát cánh cùng quân và dân Lào đẩy mạnh chiến đấu và công tác. Được nhân dân Lào tin cậy và hết lòng giúp đỡ, quân tình nguyện Việt Nam cùng bộ đội Lào Ítxalạ đi sâu vào các thôn bản, tuyên truyền vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang địa phương. Trên cơ sở thế trận chiến tranh nhân dân đã được chuẩn bị, quân tình nguyện và bộ đội Lào tổ chức các trận phục kích, chặn đường tiếp tế, quấy rối các đồn bốt, đánh chặn các cuộc càn quét của địch, bảo vệ vững chắc khu căn cứ kháng chiến của Lào.

Nổi bật là ở các khu vực Xiêng Khọ - Nặm Mã, Mương Xôi và Sằm Tớ (Sầm Nưa), Xảm Chè - Mương Mộc, Thà Viêng - Mương Om (Xiêng Khoảng)..., bộ đội tình nguyện Việt Nam cùng cán bộ Lào đi vào các bản, tuyên truyền vận động nhân dân giúp đỡ bộ đội, ủng hộ kháng chiến, từng bước xây dựng các tổ trung kiên, dân quân du kích bí mật, vận động nhân dân thực hiện vườn không nhà trống, giúp đỡ và phối hợp với bộ đội chiến đấu khi địch càn quét.

Với sự đoàn kết giúp đỡ, phối hợp của quân tình nguyện Việt Nam, phong trào kháng chiến ở Thượng Lào có bước phát triển mới. Đến giữa năm 1951, Thượng Lào đã xây dựng, củng cố được các khu du kích ở Mương Xôi, Mương Xăm, Xiêng Khọ, Mương Xon, Pạc Xeng... Nhiều xã, bản của Thượng Lào có cơ sở kháng chiến và tổ chức được dân quân du kích.

Trước sự lớn mạnh của phong trào kháng chiến Thượng Lào, địch tập trung quân càn quét, đánh phá liên tục vào các vùng vừa mới giải phóng và các khu căn cứ. Bộ đội tình nguyện Việt Nam và bộ đội Lào Ítxalạ kiên trì bám đất, bám dân, tích cực chiến đấu gây cho chúng nhiều thiệt hại. Nhưng do địch có lực lượng đông hơn, ta chưa đủ sức ngăn chặn các hoạt động của chúng nên một số vùng giải phóng và khu căn cứ bị địch lấn chiếm, cơ sở quần chúng bị địch phá vỡ. Cuộc chiến đấu chống địch càn quét, bình định diễn ra quyết liệt trong thế giằng co ở các khu vực Thượng Lào.

Theo dõi chặt chẽ tình hình và trao đổi thống nhất với Trung ương Mặt trận Ítxalạ và Chính phủ Kháng chiến Lào, ngày 25 tháng 11 năm 1951, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã họp và ra Nghị quyết Về tình hình và nhiệm vụ trước mắt ở Thượng Lào.

Đánh giá về kết quả giúp đỡ cách mạng Lào của quân tình nguyện Việt Nam, Nghị quyết chỉ rõ: cách mạng Lào, kháng chiến Lào căn bản là dựa trên sức của nhân dân Lào, cán bộ và bộ đội Việt Nam sang Lào để giúp gây dựng lực lượng cách mạng, lực lượng kháng chiến của nhân dân Lào. Vì không hiểu đúng điều này nên có đồng chí đã phạm lệch lạc trong thái độ đối với cách mạng Lào, kháng chiến Lào, với cán bộ và nhân dân Lào.

Nghị quyết nhấn mạnh: “Cái gốc của lực lượng kháng chiến Lào là nhân dân Lào, nhân dân giác ngộ có tổ chức. Nhân dân giác ngộ cao, tổ chức rộng và vững chắc chừng nào thì sức kháng chiến mạnh chừng ấy. Vì không hiểu đúng điểm này nên có đồng chí lo hoạt động quân sự hơn gây cơ sở nhân dân trong lúc cơ sở nhân dân chưa có hay non yếu.

Phải nắm nhân dân để tổ chức tranh đấu vũ trang và kháng chiến cốt yếu là vũ trang tranh đấu. Nhưng ở Lào hiện nay, vũ trang tranh đấu là du kích chiến tranh, xây dựng và tác chiến phải nhằm phương châm: gây dựng, củng cố phát triển du kích chiến tranh. Vì không hiểu đúng điều này nên có đồng chí có xu hướng ham tập trung chủ lực, đánh chính quy, đánh to. Như thế không đánh được giặc vừa phiền nhân dân rất nhiều.

Vì những sai lệch căn bản trên nên ta sơ hở nhiều để địch nhân chỗ sơ hở đó mà phá cơ sở ta, đánh dồn ta, thu hẹp vùng ta kiểm soát, uy hiếp đến căn cứ của ta (ở Thượng Lào)...” .

Xuất phát từ tình hình thực tế của cách mạng Lào, muốn tiến hành kháng chiến nhất thiết phải phát động và tổ chức nhân dân đoàn kết đứng lên chống quân xâm lược, Hội nghị đề ra hai nhiệm vụ cấp bách trong công tác giúp cách mạng Lào lúc này là:

“1. Củng cố cơ sở chính trị, quân sự, xây dựng cơ sở kinh tế ở vùng ta kiểm soát, đặc biệt củng cố cơ sở ấy ở nơi ta định xây dựng thành căn cứ địa...

2. Tuyên truyền sâu rộng trong vùng ta kiểm soát, cố gắng tuyên truyền rộng rãi trong vùng du kích, vùng tạm bị chiếm, trong các đô thị; tuyên truyền sự cần thiết đoàn kết toàn dân Lào và đoàn kết Lào - Việt - Miên để kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, để phá chính sách lợi dụng nguỵ quyền, nguỵ quân, phá chính sách chia rẽ Lào - Việt”.

Do yêu cầu nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa cách mạng hai nước Việt Nam và Lào, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra chỉ thị cho các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam phải giúp Lào chuyển hướng chủ trương và phương thức hoạt động. Chỉ thị nêu rõ: “Tích cực củng cố cơ sở chính trị, quân sự, ra sức cải thiện dân sinh, mở chiến dịch tuyên truyền rộng rãi đường lối, chính sách cách mạng và kháng chiến cho nhân dân ba vùng căn cứ, du kích và địch hậu, coi trọng công tác bí mật chiều sâu, ra sức đào tạo cán bộ địa phương” .

Chấp hành chủ trương của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, sang năm 1952, các đơn vị quân tình nguyện đứng chân trên địa bàn Thượng Lào chuyển phương thức hoạt động, thực hiện phương châm đại đội độc lập và đội vũ trang tuyên truyền. Theo phương hướng đó, bộ đội tình nguyện phối hợp với quân và dân Lào kiên quyết chiến đấu đập tan các cuộc càn quét lấn chiếm của địch, giữ vững và mở rộng các căn cứ kháng chiến, xây dựng cơ sở và lực lượng vũ trang. Đồng thời, giúp bạn đưa lực lượng tiến sâu vào vùng địch hậu, đẩy mạnh chiến tranh du kích, biến nhiều vùng hậu phương của địch thành tiền phương của lực lượng kháng chiến Lào.

Với sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ của quân tình nguyện Việt Nam, quân và dân Lào đã xây dựng, củng cố được nhiều khu căn cứ du kích ở Mương Beng, Mương Hùn (Luổng Phạbang), Nặm Tòn - Nặm Xẳng, Mương Phương - Mương Mẹt, Bạn Xạng, Na Khưa - Na Lưởng, Nặm Xăn - Nặm Nghiệp (Viêng Chăn)... tạo cơ sở vững chắc cho việc phát triển chiến tranh du kích ở các tỉnh Thượng Lào. Nhiều làng bản trong các vùng căn cứ đã tổ chức được chính quyền, mặt trận, dân quân du kích và các hội quần chúng. Những thắng lợi đó tạo điều kiện cho việc củng cố, phát triển thế và lực của cách mạng, góp phần làm chuyển biến tình hình có lợi cho phong trào kháng chiến ở Thượng Lào.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 29 Tháng Tám, 2021, 10:20:15 am
Mặt trận Trung Lào:   

Từ đầu năm 1951, địch tăng cường càn quét, đánh phá vùng giải phóng dọc Trung Lào, sát vùng biên giới với Việt Nam, nhằm tiêu diệt lực lượng Mặt trận Lào Ítxalạ, xoá vùng căn cứ kháng chiến ở Lào, từ đó xây dựng bàn đạp để tiến công, uy hiếp trực tiếp chiến trường Liên khu 4 của Việt Nam. Sự phối hợp chặt chẽ giữa chiến trường Liên khu 4 và Trung Lào ngày càng có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đánh bại âm mưu mở rộng chiến tranh của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Xuất phát từ thực tiễn đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam giao nhiệm vụ cho Liên khu uỷ 4 trực tiếp chỉ đạo công tác phối hợp, giúp đỡ cách mạng Lào thông qua Ban Cán sự Trung Lào.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, ngày 16 tháng 3 năm 1951, Liên khu uỷ 4 đã họp ra nghị quyết về nhiệm vụ và phương thức hoạt động của bộ đội tình nguyện và cán bộ cơ sở của Liên khu ở chiến trường Trung Lào. Nghị quyết chỉ rõ: “... Các lực lượng của ta cùng với bạn kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, đưa chiến tranh du kích tiến sâu vào lòng địch; giúp bạn bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phát triển mặt trận Ítxalạ; xây dựng và bảo vệ các căn cứ kháng chiến, các khu du kích ở vùng giáp ranh, tổ chức lực lượng dân quân du kích ở cơ sở, tích cực xây dựng các đội vũ trang tuyên truyền ở Trung Lào...” .

Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ quốc tế mà Trung ương Đảng giao cho, Liên khu uỷ 4 tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đẩy mạnh việc chi viện, phối hợp với quân và dân Lào đánh địch ở Trung Lào. Từ đây, vai trò và sự đóng góp của quân và dân Liên khu 4 đối với cách mạng Lào ngày càng được nâng lên. Cùng với việc cung cấp hai tiểu đoàn và một số đơn vị vũ trang, 1.000 cán bộ sang giúp lực lượng kháng chiến Trung Lào, Liên khu 4 còn đóng vai trò là hậu phương nơi đóng quân và vùng hoạt động của các lực lượng kháng chiến Việt Nam và Lào tại chiến trường Trung Lào. Trong thời gian Chính phủ Kháng chiến Lào về đứng chân trên đất Thanh Hoá (từ cuối năm 1950), rồi Nghệ An (từ đầu năm 1952), Đảng bộ và nhân dân Liên khu 4 nói chung, tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An nói riêng, hết lòng giúp đỡ xây dựng lán trại, cung cấp lương thực, thực phẩm nuôi dưỡng, bảo vệ tận tình. Nhân dân các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh tích cực chấp hành chủ trương của Liên khu về việc thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Trung Lào, như tham gia dân công, mở đường, vận chuyển lương thực, hàng hoá phục vụ tác chiến cho quân tình nguyện và giúp bộ đội, nhân dân Lào trong các vùng căn cứ và vùng giải phóng. Các tỉnh Liên khu 4 của Việt Nam cũng tổ chức kết nghĩa với các tỉnh biên giới của Lào như Hà Tĩnh kết nghĩa với Bolikhămxay .

Tháng 4 năm 1951, với sự giúp đỡ của quân và dân Liên khu 4, Đại hội đại biểu nhân dân Trung Lào được tổ chức tại xã Trúc Lâm, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Đại hội đã tán thành chủ trương thành lập khối liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào và xác định quyết tâm: “... Đoàn kết, chiến đấu và hợp tác toàn diện với quân dân Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước” . Đại hội quyết định thành lập Mặt trận Ítxalạ Trung Lào, vạch chương trình, kế hoạch phối hợp hành động với quân và dân Liên khu 4 của Việt Nam để đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở Trung Lào.

Nhất trí với tinh thần Nghị quyết của Đại hội đại biểu nhân dân Trung Lào, Liên khu uỷ 4 giao cho Ban Cán sự Trung Lào và Ban Chỉ huy Đoàn 280 quân tình nguyện (Trung đoàn Trung Lào) giúp đỡ Lào thực hiện mọi chủ trương, kế hoạch về xây dựng, chiến đấu, phục vụ chiến đấu và công tác ở Trung Lào.

Thực hiện chủ trương phối hợp chiến đấu giữa cách mạng hai nước, Ban Cán sự Trung Lào và Ban Chỉ huy Đoàn 280 quân tình nguyện đã chỉ đạo các phân đoàn cơ sở, các đại đội độc lập và tiểu đoàn tập trung tiến sâu vào nội địa Lào, đẩy mạnh hoạt động tác chiến và gây dựng cơ sở, giúp Lào bảo vệ các căn cứ kháng chiến. Căn cứ vào đặc điểm chiến trường Trung Lào, các đội công tác cơ sở của quân tình nguyện Việt Nam phân tán tổ chức thành nhiều nhóm, mỗi nhóm từ hai đến ba người, cùng cán bộ Lào đi vào từng làng bản, thực hiện “ba cùng” với dân, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia kháng chiến, động viên các bộ tộc Lào không cho con em đi lính cho địch, chống phu phen tạp dịch, đồng thời vạch rõ âm mưu thực hiện chính sách “chia để trị”, “dùng người Lào đánh người Lào” để phục vụ chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

Với sự phối hợp hoạt động chặt chẽ đó, phong trào kháng chiến ở Trung Lào có bước phát triển mới. Đầu năm 1951, Trung Lào đã xây dựng được các khu du kích ở Tà Ôi, Mương Noòng, Bualapha, Ang Khăm, Thà Phaibạn... Gần 60 xã trên tổng số 95 xã của Trung Lào có cơ sở kháng chiến, trong đó 40 xã đã xây dựng được chính quyền cách mạng. Đến giữa năm 1951, địa bàn hoạt động của Liên khu 4 và Trung Lào ở vùng sát biên giới hai nước đã mở rộng gấp 5 lần so với trước, góp phần bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía tây Liên khu 4 của Việt Nam.

Đối phó với phong trào kháng chiến ở Trung Lào, thực dân Pháp tăng cường phòng thủ hai tiểu khu Xavẳnnakhệt và Thà Khẹc, âm mưu biến nơi đây thành khu vực trọng điểm để ngăn chặn sự phối hợp tiến công của quân và dân hai nước Việt - Lào. Chúng còn ra sức tuyên truyền gây chia rẽ nội bộ các bộ tộc Lào, phá hoại tình đoàn kết chiến đấu Việt - Lào.

Trước âm mưu, thủ đoạn đánh phá mới của địch, bộ đội Việt Nam và bộ đội Ítxalạ đã tích cực đấu tranh và kiên quyết chiến đấu bảo vệ nhân dân, giữ vững căn cứ kháng chiến. Thực hiện tuyên truyền vận động nhân dân Lào đứng lên chống địch và vận dụng nhiều cách đánh linh hoạt, sáng tạo, bằng những vũ khí thông dụng, thô sơ, bộ đội Việt - Lào đã phối hợp với du kích địa phương tổ chức nhiều trận tập kích, phục kích, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch và bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của địch vào các khu căn cứ ở Bualapha, Ang Khăm... Công tác binh vận cũng đã được phát động trong các thôn bản Lào.

Đồng thời, để bồi dưỡng năng lực lãnh đạo, chỉ huy và công tác cho đội ngũ cán bộ Lào, tháng 1 năm 1952, Ban Cán sự Trung Lào và Đoàn 280 giúp Uỷ ban Trung Lào mở bốn khoá huấn luyện cho hơn 300 cán bộ sơ cấp quân sự, chính trị. Đội ngũ cán bộ này là lực lượng nòng cốt, góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào kháng chiến ở Trung Lào phát triển.

Với sự đoàn kết giúp đỡ, phối hợp của quân và dân Liên khu 4, của quân tình nguyện Việt Nam, các căn cứ kháng chiến và căn cứ du kích ở Trung Lào được giữ vững, mở rộng, nối liền với vùng giải phóng Bắc Lào và Hạ Lào, tạo thế vững chắc cho cuộc kháng chiến của nhân dân Lào phát triển. Đến cuối năm 1952, Mặt trận Ítxalạ ở Trung Lào đã có 419 tổ chức cơ sở. Lực lượng vũ trang các địa phương phát triển mạnh: vùng Mahả Xây có hơn 100 du kích; vùng Bualapha phát triển được 200 du kích và tổ chức một trung đội bộ đội địa phương; vùng Mương Noòng có 600 du kích và một trung đội bộ đội địa phương; vùng Thà Phaibạn có trên 100 du kích và hai trung đội bộ đội địa phương . Toàn khu Trung Lào có 120 tiểu đội du kích, 2 đại đội và 4 trung đội bộ đội địa phương, 2 đại đội bộ đội chủ lực khu. Cán bộ chỉ huy các đơn vị đều là những cán bộ trung kiên, được rèn luyện, trưởng thành trong quá trình phát triển của cuộc kháng chiến. Uỷ ban Kháng chiến Trung Lào được thành lập do đồng chí Khăm Tày Xiphănđon làm chủ tịch, đồng thời là đại diện Chính phủ Kháng chiến và Trung ương Mặt trận Lào Ítxalạ ở Trung Lào. Chính quyền và Mặt trận Lào Ítxalạ các cấp từ khu, tỉnh xuống các huyện, tàxẻng, bản được xây dựng, củng cố, đảm nhiệm việc quản lý chỉ đạo hoạt động về mọi mặt của địa phương.

Nhận định về ý nghĩa thắng lợi và sự trưởng thành của khu kháng chiến Trung Lào, Hội nghị liên tịch của Uỷ ban Kháng chiến và Ban Cán sự Trung Lào nêu rõ: “Do nắm vững phương châm hoạt động, với ý nghĩa trách nhiệm đầy đủ của mình, các lực lượng vũ trang Trung Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam đã đạt được một số thắng lợi quan trọng. Uỷ ban Kháng chiến và Mặt trận Ítxalạ được kiện toàn, nhiều bản và tàxẻng thành lập được chính quyền và các tổ chức quần chúng. Cơ sở cách mạng được củng cố ở các vùng dọc Trường Sơn như Khăm Cợt, Bualapha, Tà Ôi, Mương Noòng, Kẹng Koọc, Mahả Xây, Nhômmalạt...” .

Thắng lợi của phong trào kháng chiến trên chiến trường Trung Lào trong những năm 1951 - 1952 đã góp phần cùng với phong trào kháng chiến Thượng Lào, Hạ Lào làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch có lợi cho lực lượng kháng chiến ở Lào, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam và Lào phối hợp đẩy mạnh kháng chiến, tiến lên giành những thắng lợi to lớn có ý nghĩa quyết định trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 29 Tháng Tám, 2021, 10:25:02 am
Mặt trận Hạ Lào:

Từ sau khi liên quân Lào - Việt phát triển lực lượng sâu vào tây nam Áttapư và mở rộng hoạt động xuống cao nguyên Bôlavên, đường 13 và tây nam Xalavăn, địch đã phản ứng rất quyết liệt. Chúng tăng cường càn quét bình định hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến, giành lại quyền kiểm soát các vùng đã bị mất, cố giữ Hạ Lào thành hậu phương an toàn, bảo vệ đầu cầu tiếp vận cho chiến trường Lào. Hoạt động của địch đã gây nhiều thiệt hại cho lực lượng kháng chiến Lào, một số đơn vị vũ trang tuyên truyền Việt - Lào phải rút về phía đông đường 13, một số tổ công tác dân vận phải tạm rời khỏi các bản. Tình hình đó khiến cho phong trào kháng chiến ở Hạ Lào gặp thêm nhiều khó khăn, phức tạp.

Quán triệt sâu sắc chủ trương của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về nghĩa vụ quốc tế, quân và dân Liên khu 5 (Việt Nam) càng tăng cường đoàn kết và phối hợp chặt chẽ với cách mạng Lào. Đầu năm 1951, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 quyết định tăng cường một tiểu đoàn chủ lực cùng một số cán bộ các ngành tham mưu, hậu cần sang phối hợp chiến đấu trên chiến trường Hạ Lào. Đồng thời, để tạo điều kiện cho liên quân Lào - Việt tác chiến thuận lợi dọc theo biên giới hai nước, Liên khu tiếp tục củng cố tuyến hành lang Hạ Lào, từ ngã ba Tam An lên Cẩm Khê, sang Minh Huy rồi lên Bến Giằng, Arố, qua Đắc Chưng sang Hạ Lào và huy động hàng ngàn dân công bảo đảm vận chuyển lương thực, thực phẩm, các loại vũ khí trang bị... chi viện cho chiến trường Hạ Lào. Liên khu 5 cũng cử một đội ngũ chuyên gia các ngành nghề, như nấu muối, dệt, rèn, làm giấy, làm ruộng chiêm, dạy bình dân học vụ... sang giúp cách mạng Lào xây dựng kinh tế kháng chiến, tổ chức đời sống văn hoá mới trong các vùng giải phóng.

Thực hiện sự chỉ đạo của Liên khu, nhân dân Quảng Nam, nhất là các xã Tam Dân, Tam Thái, Tam Ngọc, Tam An (nay là các xã Tam Dân, Tam Vinh, Tam Đại, Tam Phước, Tam An thuộc huyện Phú Ninh) đã hết lòng giúp đỡ cơ quan hậu cứ Khu kháng chiến Hạ Lào hoàn thành nhiệm vụ: tiếp nhận vũ khí, lương thực, quân trang cho chiến trường Hạ Lào; tiếp nhận và chữa trị cho thương binh từ Mặt trận Hạ Lào và bồi dưỡng, huấn luyện chiến đấu cho các đơn vị bộ đội Việt - Lào. Nhiều gia đình đã nhường cả ngôi nhà mình đang ở cho cán bộ, chiến sĩ sử dụng, lựa chọn những gian nhà khang trang, sạch sẽ nhất bố trí cho cán bộ, chiến sĩ Lào sinh hoạt và làm việc... Lương thực dành cho các bạn Lào là gạo nếp (nấu thành xôi) do nhân dân trong vùng cung cấp.

Trong những năm tháng khó khăn ấy, tuy bị địch bao vây kinh tế, bộ đội Việt Nam - Lào và nhân dân địa phương nhiều vùng không có muối ăn, phải ăn cỏ tranh thay muối, nhưng với tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, nhân dân Quảng Nam đã cung cấp, vận chuyển hàng trăm tấn muối cho nhân dân Hạ Lào. Thậm chí có những gia đình không có cơm ăn đã đào củ mài về nuôi những chiến sĩ mà nước bạn Lào gửi sang...

Đáp ứng yêu cầu phối hợp chiến đấu trong tình hình mới, Liên khu 5 và Khu kháng chiến Hạ Lào đã thống nhất thay đổi về hình thức tổ chức và mối quan hệ giữa các lực lượng vũ trang Việt Nam và Lào. Ban Chỉ huy hỗn hợp Việt - Lào giải thể. Quân tình nguyện Việt Nam tổ chức cơ quan chỉ huy riêng, gọi là Ban Chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam ở Hạ Lào và được giao nhiệm vụ làm chuyên gia giúp Lào về các mặt xây dựng và hoạt động. Bộ đội Lào Ítxalạ cũng được chấn chỉnh và tăng cường. Ban Chỉ huy quân sự khu Hạ Lào được thành lập, các lực lượng vũ trang Lào gồm ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích) được hình thành.

Thực hiện chủ trương trên, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam đóng quân xen kẽ trên các mặt trận và khu căn cứ, vừa làm nhiệm vụ cơ động đánh địch, vừa phối hợp giúp đỡ bộ đội Lào Ítxalạ trong xây dựng và chiến đấu. Nắm vững phương châm “kết hợp quân sự với chính trị” và vận dụng phương thức “trung đội tập trung cơ động đánh địch, tiểu đội phân tán xây dựng cơ sở” ở từng mặt trận, phần lớn các đơn vị quân tình nguyện đã cùng bộ đội Lào Ítxalạ bám sát các địa bàn, thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng sản xuất với dân, cùng dân quân du kích địa phương tuần tra canh gác, chống biệt kích phá hoại, chống địch càn quét.

Căn cứ vào đặc điểm cụ thể của từng địa bàn, sự phối hợp chiến đấu giữa quân tình nguyện Việt Nam với bộ đội và nhân dân khu Hạ Lào được triển khai rộng rãi với nhiều biểu hiện phong phú.

Tại tỉnh Chămpaxắc, Ban Chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam và Ban Chỉ huy quân sự khu Hạ Lào quyết định thành lập Liên đại đội Xaychắccaphắt để phát triển địa bàn hoạt động vào vùng sau lưng địch ở các khu vực phía tây sông Mê Công. Nhưng, do địch tăng cường càn quét, khủng bố gắt gao nên bộ đội Việt - Lào đã thay đổi phương thức hoạt động, giữ thế hợp pháp để bảo toàn cơ sở và lực lượng, chuẩn bị điều kiện cho việc khôi phục và phát triển phong trào. Các đơn vị quân tình nguyện cùng bộ đội Lào kiên trì bám dân, bám bản, bí mật chắp nối liên lạc với cơ sở, xây dựng cán bộ cốt cán trung kiên, tích cực tranh thủ các sư sãi, phân hoá tề nguỵ, vận động dân vệ, binh lính địch; từ đó phát động, tổ chức nhân dân đẩy mạnh đấu tranh, từ đấu tranh kinh tế, đấu tranh chính trị bằng hình thức hợp pháp đến nửa hợp pháp, tiến lên đánh du kích ngày càng mạnh, giải phóng nhân dân khỏi sự kìm kẹp của địch.

Với phương thức hoạt động đó, đến giữa năm 1952, vùng kiểm soát của địch ở Chămpaxắc bị thu hẹp, các cuộc càn quét giảm dần cả về quy mô, thời gian và mức độ ác liệt. Các vùng cơ sở và vùng du kích được xây dựng, mở rộng từ bờ sông Mê Công đến tận biên giới Thái Lan. Các tổ chức chính quyền cách mạng và Mặt trận Ítxalạ được thành lập ở các bản, tàxẻng và có hệ thống đến huyện; lực lượng dân quân du kích được tổ chức đều khắp.

Tại cao nguyên Bôlavên và tỉnh Xalavăn, bộ đội tình nguyện Việt Nam và bộ đội Lào Ítxalạ đẩy mạnh đấu tranh quân sự và chính trị phá âm mưu địch: tổ chức lực lượng vũ trang phản động địa phương, lôi kéo các tù trưởng, tộc trưởng người Nha Hớn chống lại cách mạng, nhằm giành lại quyền kiểm soát cao nguyên chiến lược Bôlavên. Vận dụng phương thức đấu tranh linh hoạt, bộ đội Việt - Lào phân tán lực lượng, bám dân, xây dựng cơ sở từng bản và từng bước xây dựng các vùng du kích, mở rộng hoạt động ngày càng có hiệu quả.

Ở phía nam cao nguyên, bộ đội Việt Nam cùng với bộ đội Lào tổ chức vận động quần chúng, củng cố cơ sở vùng Uđômxỉn và phát triển thành vùng du kích mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập chính quyền cách mạng và xây dựng bộ đội địa phương của huyện. Được sự giúp đỡ của bộ đội Việt - Lào, nhân dân địa phương đẩy mạnh chiến tranh du kích, sử dụng hầm chông, cạm bẫy và vũ khí tự tạo đánh địch rộng khắp, hạn chế được các cuộc lùng sục của địch, bảo vệ được cơ sở quần chúng, góp phần xây dựng và giữ vững vùng căn cứ du kích ở nam Pạc Xoòng, nối liền với căn cứ tây nam Áttapư. Đồng thời, bộ đội Việt - Lào tổ chức tập kích tiêu diệt đồn Chămpi (năm 1952), tạo đà thuận lợi cho phong trào chiến tranh du kích vùng này phát triển.

Ở phía bắc cao nguyên, bộ đội Việt Nam và bộ đội Lào phối hợp đẩy mạnh hoạt động ở huyện Lao Ngam, Thà Teng, phát triển vùng này từ cơ sở chính trị lên thành vùng du kích, làm cơ sở cho việc thành lập các tổ chức Mặt trận Ítxalạ và chính quyền cách mạng ở các bản, tàxẻng. Bộ đội Việt - Lào có du kích địa phương phối hợp, ngày đêm quần nhau với giặc, chống các cuộc càn quét của địch có hiệu quả hơn, thu hẹp vùng kiểm soát của địch, nhất là trên đường Xalavăn đi Khôngxêđôn và vùng Kẹng Kịa ở đông bắc Pạc Xê.

Đến cuối năm 1952, cơ sở kháng chiến ở các khu vực trên vùng cao nguyên Bôlavên được củng cố và mở rộng. Hai căn cứ du kích Uđômxỉn và Lao Ngam trở thành những căn cứ mạnh nhất ở Hạ Lào.

Tại Áttapư, bộ đội Việt Nam và bộ đội Lào đã phân tán thành từng tổ nhỏ, phối hợp với dân quân du kích địa phương bám đánh địch, quấy rối, tiêu hao chúng tại chỗ, đồng thời tổ chức hướng dẫn nhân dân sơ tán vào rừng, làm “vườn không nhà trống”, triệt phá nguồn tiếp tế lương thực của địch.

Cùng với các hoạt động ở phía trước, bộ đội Việt Nam và bộ đội Lào còn phối hợp đẩy mạnh xây dựng, củng cố và mở rộng các căn cứ địa miền Đông và căn cứ địa tây nam Áttapư. Các đội công tác cơ sở Việt Nam cùng cán bộ Lào đi vào các vùng dân tộc người Lào Thơng, “địa phương hoá” triệt để (ở trần, đóng khố, để tóc dài, phơi nắng cho da đen, mang gùi thay balô, học tiếng dân tộc, cùng đi làm nương phát rẫy với dân) để tuyên truyền vận động nhân dân. Kết quả là các đội công tác Việt - Lào đã vận động các bộ tộc Lào xoá bỏ dần hiềm khích cũ, chấm dứt tệ nạn đâm chém trả thù nhau. Chính quyền cách mạng được thành lập đã vận động nhân dân Lào Lùm nhường đất canh tác và giúp dân Lào Thơng sản xuất, xây dựng tình nghĩa đoàn kết, thông cảm giữa Lào Lùm và Lào Thơng. Đồng thời, giúp đỡ nhân dân học tập văn hoá, sinh hoạt văn nghệ, giữ vệ sinh phòng bệnh, giảm bớt các tục lệ kiêng cữ lạc hậu, có hại cho đời sống và sản xuất...

Đến cuối năm 1952, phong trào đánh giặc giữ làng, sản xuất cải thiện đời sống và góp sức nuôi quân ở các vùng căn cứ miền Đông và tây nam Áttapư phát triển mạnh mẽ. Cơ sở đảng, quần chúng và lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích được xây dựng ngày càng vững mạnh.

Với sự đoàn kết giúp đỡ, phối hợp của quân tình nguyện Việt Nam, vùng căn cứ địa tây nam Áttapư và các khu căn cứ du kích ở Chămpaxắc, Bôlavên, Xalavăn được giữ vững và mở rộng. Phong trào chiến tranh du kích phát triển rộng khắp ở các tỉnh Hạ Lào, nhất là ở cao nguyên Bôlavên. Phong trào đấu tranh của quần chúng, kết hợp các hình thức hợp pháp và không hợp pháp ngày càng mạnh mẽ, đỉnh cao là cuộc biểu tình của nhân dân các huyện ở Pạc Xê (giữa năm 1952), đã giáng một đòn mạnh mẽ vào hệ thống chính quyền bù nhìn và chính sách bình định của địch. Lực lượng cách mạng của nhân dân Hạ Lào về quân sự cũng như chính trị được củng cố và phát triển vững chắc, làm cho cán cân so sánh lực lượng nghiêng hẳn về phía kháng chiến Lào.

Đoàn kết và giúp đỡ cách mạng Lào, cũng như cách mạng Campuchia là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng Lao động Việt Nam thường xuyên kiểm điểm, rút kinh nghiệm về sự phối hợp chiến đấu giữa hai nước nhằm đạt kết quả ngày càng cao hơn.

Tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (từ ngày 22 đến 28 tháng 4 năm 1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Vì mọi quan hệ khăng khít về địa lý, quân sự, chính trị, v.v. mà ta với Miên, Lào cũng như môi với răng. Hai dân tộc Miên, Lào hoàn toàn giải phóng, thì cuộc giải phóng của ta mới chắc chắn, hoàn toàn. Cho nên nhiệm vụ của ta lại phải ra sức giúp đỡ kháng chiến Miên, Lào một cách tích cực, thiết thực hơn.

Đó là nhiệm vụ quốc tế của chúng ta” .

Tiếp đó, ngày 14 tháng 9 năm 1952, Hội nghị cán bộ Mặt trận liên minh nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia đã họp tại Việt Bắc (Việt Nam). Hội nghị kiểm điểm tình hình thực hiện các nghị quyết của Hội nghị liên minh tháng 3 năm 1951 và đề ra phương hướng tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ mới để củng cố hơn nữa tình đoàn kết kháng chiến của ba dân tộc.

Về dự Hội nghị có đại biểu Neo Lào Ítxalạ cùng cán bộ tình nguyện Việt Nam hoạt động ở các khu Thượng, Trung và Hạ Lào; đại biểu các đoàn thể Việt Nam trong Mặt trận như công đoàn, nông dân, thanh niên, phụ nữ, Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội. Đại biểu Miên vì đường xa không kịp đến dự Hội nghị.

Hội nghị vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện thân mật với các đại biểu. Thay mặt Chính phủ, Mặt trận và nhân dân Việt Nam, Người tuyên bố: “Chính phủ, Mặt trận và nhân dân Việt Nam ra sức, hết lòng thành thật giúp đỡ Mặt trận, nhân dân Lào một cách không điều kiện. Sự thật là chưa tìm ra chữ gì để thay chữ giúp, nên mới dùng chữ giúp, chứ thật ra không phải là giúp, mà là làm một nhiệm vụ quốc tế. Kháng chiến của Việt - Miên - Lào là chung của chúng ta. Việt Nam kháng chiến có thành công, thì Miên - Lào mới thắng lợi, và Miên - Lào kháng chiến có thắng lợi thì Việt Nam mới hoàn toàn thắng lợi. Việt - Miên - Lào như anh em ruột thịt trong một nhà” .
Đối với cán bộ, quân tình nguyện Việt Nam sang công tác ở Lào, Người căn dặn: phải chấp hành sự lãnh đạo của Chính phủ Lào; tuyệt đối không được tự cao, tự đại, bao biện; phải đoàn kết với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Lào.

Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ Đoàn đại biểu Lào chuyển món quà nhỏ của Người đến Hoàng thân Xuphanuvông. Món quà gồm có một tấm lụa, một thanh kiếm và một bộ quần áo. Người nói: “Tấm lụa là tượng trưng cho sự mềm mỏng và đại đoàn kết. Đoàn kết chặt chẽ như những sợi tơ trong tấm lụa. Mềm mỏng là để đối với nhân dân. Thanh kiếm là tượng trưng cho sự sắc sảo và cương quyết. Còn bộ quần áo là để tặng cho cán bộ Lào nào thi đua giỏi nhất” .

Tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Quốc Việt đọc báo cáo kiểm điểm việc thi hành Nghị quyết của Hội nghị liên minh Việt Nam - Lào - Campuchia, đề ra chương trình hành động chung của ba mặt trận và chuẩn bị cuộc Đại hội đại biểu của ba mặt trận để động viên nhân dân ba nước thúc đẩy kháng chiến đi đến thắng lợi. Đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian qua, chấp hành chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ và chiến sĩ Việt Nam đã cùng với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Lào đồng cam cộng khổ lăn lộn xây dựng cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang, cùng nhau dẻo dai chống địch ở khắp Thượng, Trung và Hạ Lào. Để tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa ba nước, đại biểu Việt Nam đề nghị ba mặt trận cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về khối liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia trong nhân dân nước mình và ra ngoài thế giới; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về mọi mặt và tăng cường hơn nữa sự liên lạc giữa các cơ quan phụ trách của ba Trung ương Mặt trận, của các địa phương ba nước ở gần nhau.

Đại diện Đoàn đại biểu Lào phát biểu nói lên bước phát triển mới và thắng lợi của cách mạng Lào trong những năm qua, như đã: tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về liên minh Việt Nam - Lào - Campuchia, về sự đoàn kết Lào - Việt; củng cố Neo Lào Ítxalạ, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tích cực chống địch càn quét lấn chiếm, bảo vệ khu giải phóng.

Đại biểu Lào nêu rõ: “Sự phát triển và thắng lợi của cuộc kháng chiến Lào căn bản là do lòng yêu nước, chí hy sinh và sức đoàn kết chiến đấu của nhân dân Lào, sự lãnh đạo sáng suốt của Chính phủ và Mặt trận Lào Ítxalạ. Song sự giúp đỡ của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần hy sinh chiến đấu của bộ đội và cán bộ tình nguyện Việt Nam cũng rất quan trọng đối với sự phát triển mau lẹ của kháng chiến Lào” .

Hội nghị đã thống nhất hành động và nêu cao quyết tâm của ba dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia trong cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, trên tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản để chống kẻ thù chung.

Hội nghị cán bộ Mặt trận liên minh nhân dân ba nước Đông Dương tháng 9 năm 1952 góp phần thắt chặt và thúc đẩy tình đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lên bước phát triển mới, trở thành một nhân tố quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của ba dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 29 Tháng Tám, 2021, 10:28:21 am
Với sự đoàn kết, giúp đỡ, phối hợp của Việt Nam và cùng với sự cố gắng vượt bậc của bản thân, trong hai năm 1951-1952, cuộc kháng chiến của nhân dân Lào đã giành được những kết quả quan trọng về nhiều mặt.

Về chính trị: từ sau Đại hội quốc dân (tháng 8 năm 1950), đường lối, chính sách của Trung ương Neo Lào Ítxalạ và Chính phủ Kháng chiến Lào đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân và tới khắp mọi miền đất nước. Uy tín và hiệu lực của Uỷ ban quân, dân, chính ngày càng rộng lớn. Đông đảo các tầng lớp nhân dân các bộ tộc Lào đã tích cực tham gia các tổ chức Neo Lào Ítxalạ ở các cấp từ địa phương đến trung ương, như Hội Cứu quốc, Hội Phụ nữ, Hội Mẹ chiến sĩ,...

Các đội vũ trang tuyên truyền Việt - Lào khắc phục mọi khó khăn gian khổ, đi vào các bản nằm sâu trong vùng địch hậu để tuyên truyền vận động nhân dân, xây dựng cơ sở. Do tích cực hoạt động, nên sau một thời gian ngắn, lực lượng kháng chiến Lào đã kết nạp được nhiều nông dân yêu nước vào các tổ chức Ítxalạ bí mật ở các làng bản; tuyển chọn và đào tạo được những cán bộ trung kiên làm nòng cốt lãnh đạo phong trào; đồng thời tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các phò bản, tàxẻng, hướng dẫn họ tổ chức nhân dân hăng hái sản xuất, cải thiện đời sống và tích cực tham gia kháng chiến. Nhờ đó, Mặt trận Lào Ítxalạ đã phát triển thêm hàng vạn hội viên từ mọi tầng lớp, các bộ tộc, tạo thành sức mạnh đoàn kết toàn dân ủng hộ và bảo vệ chính quyền cách mạng.

Đầu năm 1951, Trung ương Neo Lào Ítxalạ mở trường chính trị đầu tiên với tên gọi là Trường Đoàn kết nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận và khả năng công tác cho đội ngũ cán bộ cốt cán từ trung ương đến địa phương. Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ và phát triển đảng viên Lào càng được quan tâm phát triển. Nhiều chi bộ cộng sản và nhóm trung kiên được thành lập, làm nòng cốt, đầu tàu trong công cuộc kháng chiến cứu nước. Tiếp đó, Ban Tuyên huấn Trung ương Lào được thành lập và ra báo Ítxalạ mỗi tháng một kỳ (tháng 8 năm 1951). Cùng với việc giới thiệu, trình bày chủ trương, đường lối của Neo Lào Ítxalạ, tờ báo còn mở đợt vận động tuyên truyền về liên minh đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương chống kẻ thù chung. Đồng thời, mùa Hè 1951, Trung ương Neo Lào Ítxalạ cử một phái đoàn đại diện nhân dân Lào do Hoàng thân Xuphanuvông dẫn đầu đi thăm miền Bắc Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm về mọi mặt và thắt chặt tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Lào - Việt, Việt - Lào.

Tháng 3 năm 1952, Trung ương Mặt trận Lào Ítxalạ và Chính phủ Kháng chiến Lào chủ trương mở chiến dịch tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân cả nước về liên minh đoàn kết Việt Nam - Lào - Campuchia; qua đó nhằm đề cao uy tín của Chính phủ và Mặt trận Lào, phát huy ảnh hưởng của khối liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia, động viên nhân dân tích cực tham gia kháng chiến, đập tan các cuộc càn quét, bình định của địch.

Thực hiện chủ trương trên, Trung ương Neo Lào Ítxalạ đã tổ chức các đoàn tuyên truyền hoạt động chủ yếu ở các tỉnh Thượng Lào. Đoàn tuyên truyền 1 do đồng chí Nủhắc Phumxavẳn, Bộ trưởng Bộ Kinh tế làm trưởng đoàn, có nhiệm vụ hoạt động tuyên truyền ở huyện Mương Xon, rồi phát triển sang hai huyện Pạc Xeng và Mương Ngòi (thuộc tỉnh Luổng Phạbang). Đoàn tuyên truyền 2 do đồng chí Xỉxanạ Xixản, cán bộ Trung ương Neo Lào Ítxalạ làm trưởng đoàn, vào công tác ở các huyện Mương Xôi, Mương Xăm, Xiêng Khọ (thuộc tỉnh Hủa Phăn).
Nhờ có sự cố gắng của các cấp chính quyền và các đơn vị bộ đội Việt - Lào bảo vệ, Đoàn tuyên truyền 1 đã tổ chức được bảy cuộc mít tinh (mỗi cuộc có từ 100 đến 300 người dự); mở các hội nghị uỷ ban kháng chiến huyện, tàxẻng để bàn biện pháp đẩy mạnh kháng chiến; tổ chức các cuộc triển lãm tranh ảnh, các buổi nói chuyện thời sự, chính trị ở 16 bản; mở một lớp huấn luyện bảy ngày cho cán bộ Uỷ ban huyện Mương Xon và gặp gỡ giải thích chính sách khoan hồng cho 270 gia đình có con em đi lính hoặc làm việc cho địch. Đoàn tuyên truyền 2 tuy bị địch vây quét, ngăn chặn nhưng đã đi gặp gỡ, tuyên truyền được ở 50 bản thuộc sáu tàxẻng: Xiêng Khọ, Mương Ét, Xốp Xàng, Mương Pua, Mương Liệt và Mương Hằng.

Nhân dân các địa phương nơi đoàn tuyên truyền đi qua rất tin tưởng, phấn khởi, càng hăng hái giúp đỡ bộ đội, tham gia kháng chiến. Nhận xét về chiến dịch tuyên truyền vận động cho khối liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia, Hoàng thân Xuphanuvông đã viết: “Chiến dịch tuyên truyền liên minh Việt - Miên - Lào đã hoàn toàn đại thắng lợi, đã làm cho nhân dân càng giác ngộ, phấn khởi đoàn kết và hăng hái chiến đấu hơn, đã làm cho tình đoàn kết Việt - Miên - Lào càng thêm sâu rộng trong toàn dân” .

Về xây dựng chính quyền: đến giữa năm 1951, trong các vùng giải phóng và khu du kích, cơ quan chính quyền các cấp được thành lập từ trung ương đến địa phương. Đội ngũ cán bộ ngày càng phát triển và trưởng thành. Chính quyền các cấp đã lãnh đạo, tuyên truyền, giáo dục nhân dân địa phương mình thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Mặt trận và Chính phủ Kháng chiến Lào; đồng thời động viên, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân các bộ tộc đẩy mạnh sản xuất để cải thiện đời sống cũng như đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến cứu nước. Do trình độ giác ngộ chính trị được nâng lên, nhân dân các bộ tộc Lào đóng góp ngày càng nhiều sức người, sức của, góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến phát triển mạnh mẽ.

Về văn hoá, xã hội: chính quyền kháng chiến các cấp đã cố gắng khắc phục khó khăn, thiếu thốn, giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách như gìn giữ trật tự an ninh vùng giải phóng, phát động phong trào vệ sinh phòng bệnh rộng rãi trong các bản làng, từng bước xoá bỏ mê tín, hủ tục lạc hậu. Đồng thời để mở mang dân trí, xoá nạn mù chữ trong nhân dân, Chính phủ Kháng chiến còn quy định cách thức viết chữ Lào trong toàn quốc, mở các lớp bình dân học vụ cho người lớn, mở trường cho trẻ em. “Nhân dân vùng giải phóng rất hăng hái học tập nên công tác chống nạn mù chữ tiến bộ nhanh chóng. Có vùng dân cư miền núi như Lào Thơng, Mèo xưa kia không hề biết chữ, đến nay làng nào cũng có người biết đọc, biết viết” . Ngày 31 tháng 7 năm 1951, Thủ tướng Chính phủ Kháng chiến Lào ra chỉ thị về việc tổ chức các tổ văn hoá quần chúng ở các căn cứ địa kháng chiến, đồng thời phát động một phong trào sáng tác thơ ca rộng rãi trong quần chúng nhân dân để phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến cứu nước.

Những kết quả to lớn, quan trọng trên đây đã góp phần nâng cao uy tín của Mặt trận Ítxalạ và Chính phủ Kháng chiến Lào, đem đến cho nhân dân vùng giải phóng Lào một niềm tin tưởng và “cuốn hút nhân dân vào phong trào cách mạng và ngày càng ủng hộ Chính phủ và Mặt trận nhiều hơn” .

Về ngoại giao: Chính phủ Kháng chiến và Mặt trận Lào Ítxalạ đã đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, cử các đoàn đại biểu đi tham gia các hội nghị quốc tế, như: Hội nghị hoà bình châu Á - Thái Bình Dương họp ở Bắc Kinh (Trung Quốc), tháng 1 năm 1952; Hội nghị hoà bình thế giới họp ở Viên (Áo), tháng 12 năm 1952; Festival thanh niên - sinh viên thế giới tổ chức ở Bucarét, thủ đô của Rumani. Trong các hội nghị quốc tế này, các đại biểu nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới đều tỏ ra hết sức đồng tình và ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Lào, thông qua nghị quyết đòi chấm dứt chiến tranh ở Lào và toàn Đông Dương. Nhân dân thế giới hiểu rõ thêm về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân các bộ tộc Lào, vai trò và uy tín của Mặt trận Ítxalạ và Chính phủ Kháng chiến Lào ngày càng được đề cao trên trường quốc tế, đồng thời góp phần đập tan âm mưu bao vây, cô lập cách mạng Lào và Đông Dương của bọn thực dân, đế quốc.

Về mặt quân sự: qua quá trình chiến đấu, rèn luyện, học tập, lực lượng vũ trang Lào đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các đội dân quân du kích từng bước được tổ chức lại chặt chẽ. Bộ đội giải phóng Lào sau các đợt huấn luyện đã bắt đầu nắm được chiến thuật đánh du kích. Trình độ tác chiến và chỉ huy của đội ngũ cán bộ quân sự Lào được nâng cao thêm, nhất là ở Thượng Lào, Viêng Chăn và Mặt trận Hạ Lào. Nắm vững phương châm du kích chiến, phối hợp tác chiến cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam, bộ đội cách mạng Lào đã chủ động mở nhiều trận tập kích, phục kích ở trên khắp các địa bàn Thượng, Trung và Hạ Lào, tiêu hao, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch.

Cùng với các trận tập kích, phục kích của quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Lào, du kích ở các bản, mường cũng tăng cường hoạt động, như du kích Bạn Huột (Đoông Lavên), Mương Noòng (Xavẳnnakhệt), Keo Xẹt (Xiêng Khoảng), Phu Khun, Mương Mẹt (Viêng Chăn)... đã dùng vũ khí thô sơ chống trả quyết liệt quân địch càn quét, bảo vệ được tài sản, bản mường của mình.

Đồng thời, nhiều cơ sở chính trị được phát triển trong các thành thị như Viêng Chăn, Xavẳnnakhệt, Pạc Xê... Phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân trong vùng địch kiểm soát như chống bắt lính, bắt đi phu, chống quyên góp... đã nổ ra ở nhiều nơi, làm cho địch gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong âm mưu “bình định” và thực hiện chính sách vơ vét, bóc lột tiền của để phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược của chúng.

Những thành tích mà cách mạng Lào giành được trong hai năm 1951 - 1952 đánh dấu một bước tiến bộ mới của quân và dân Lào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đồng thời, đó cũng là thắng lợi, thành tích của sự phối hợp đoàn kết chiến đấu giữa quân và dân hai nước Việt - Lào.

Nhận xét về mối quan hệ đoàn kết giữa hai dân tộc cùng chống kẻ thù chung ở giai đoạn này, đồng chí Phumi Vôngvichít đã viết: “Cán bộ và bộ đội quân tình nguyện Việt Nam đến giúp đã làm cho lực lượng cách mạng chúng tôi mạnh thêm. Thái độ và đạo đức tốt đẹp của cán bộ, bộ đội tình nguyện Việt Nam đã làm cho cán bộ, bộ đội và nhân dân Lào yêu mến họ, làm cho tình đoàn kết Lào - Việt Nam mà hai bên đã cùng nhau xây đắp bằng xương máu ngày càng bền chặt. Đó cũng là nguyên nhân làm cho lực lượng của chúng tôi trong năm 1952 phát triển mạnh mẽ, rộng khắp” .

Kết quả hoạt động phối hợp đấu tranh giữa Việt Nam và Lào trong hai năm 1951 - 1952 đã góp phần tạo thêm thế và lực mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân hai nước, đồng thời chuẩn bị các yếu tố cần thiết để đưa liên minh chiến đấu Việt - Lào lên một bước phát triển mới.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 29 Tháng Tám, 2021, 10:35:38 am
II. TĂNG CƯỜNG LIÊN MINH CHIẾN ĐẤU VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM, ĐƯA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP ĐẾN THẮNG LỢI HOÀN TOÀN (1953 - 1954)

1. Phối hợp mở chiến dịch Thượng Lào


Trong hai năm 1951 - 1952, việc Đảng Lao động Việt Nam ra hoạt động công khai và thành lập Uỷ ban hành động Việt - Miên - Lào đã củng cố khối đoàn kết thống nhất và liên minh chiến đấu giữa nhân dân ba nước Đông Dương, làm phá sản chính sách “chia để trị” thâm hiểm của thực dân Pháp. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia có thêm nhiều thuận lợi cơ bản mới để phát triển lên một bước vững chắc và toàn diện hơn.

Trên chiến trường chính Việt Nam, quân và dân cả nước đã ra sức phấn đấu tăng cường lực lượng về mọi mặt, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng chiến lược, mở rộng và củng cố vùng tự do, xây dựng thêm nhiều căn cứ du kích vững mạnh trong vùng sau lưng địch, đánh bại âm mưu bình định và phản công của chúng. Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có khả năng mở các chiến dịch ở khắp các địa bàn trong cả nước và trên chiến trường Đông Dương.

Trên chiến trường Lào, chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch đã phát triển lớn mạnh hơn trước, phong trào đấu tranh chính trị bước đầu được gây dựng ở một số đô thị, thị trấn, làm cho lực lượng so sánh giữa ta và địch có những thay đổi có lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân Lào. Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại Lào được bồi dưỡng nâng cao trình độ về chính trị, quân sự, được tôi luyện trong chiến đấu nên các hoạt động tác chiến, tuyên truyền vận động quần chúng ngày càng có hiệu quả, được nhân dân và quân đội Lào yêu mến, tin cậy.

Tuy vậy, bên cạnh những ưu điểm và thành tích đạt được, nhìn cả quá trình phối hợp chiến đấu giữa Việt Nam và Lào và so với yêu cầu, thì việc giúp cách mạng Lào xây dựng vùng giải phóng và các căn cứ địa, xây dựng lực lượng vũ trang, nhất là các đơn vị chủ lực của quân đội Lào còn chậm, chưa theo kịp nhiệm vụ. Do đó, phong trào kháng chiến ở Lào vẫn chưa thật đều khắp, khả năng phối hợp tác chiến với chiến trường chính Việt Nam còn hạn chế.

Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã chỉ ra những khuyết điểm còn tồn tại trong công tác giúp Lào mà bộ đội tình nguyện cần phải tích cực sửa chữa là: “... chưa nắm vững và thấu triệt chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ nên còn phạm nhiều tư tưởng và thái độ sai lầm đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Lào. Chưa tin ở khả năng nhân dân Lào có thể đứng dậy làm cách mạng tự giải phóng, chưa dùng thái độ bình đẳng đối xử, chưa thật tôn trọng nhân dân, chưa thực sự chú ý dìu dắt đào tạo cán bộ nước bạn. Chưa thấu triệt sự liên hệ chặt chẽ giữa kháng chiến và cách mạng của ba nước Việt - Miên - Lào”. Do đó mà bộc lộ ra tinh thần tạm bợ cầu an, dao động, ngại khó khăn gian khổ, “một số đồng chí còn mang nặng đầu óc đại dân tộc...” .

Những hạn chế, thiếu sót trên đây đã được Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam kịp thời chỉ đạo các đơn vị quân tình nguyện rút kinh nghiệm, từng bước khắc phục và phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, giúp đỡ bạn đưa kháng chiến Lào chuyển sang giai đoạn mới.
Đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi và góp phần tăng cường liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã họp từ ngày 25 đến 30 tháng 1 năm 1953. Trong Báo cáo đọc tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cho đến nay, chúng ta giúp kháng chiến Miên - Lào chưa đúng mức. Từ nay chúng ta phải cố gắng giúp hơn nữa. Ta phải nhận rõ rằng: hai dân tộc anh em Miên, Lào được giải phóng, thì nước ta mới được giải phóng thật sự và hoàn toàn” .

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cũng nhận định rằng: sau chiến dịch Tây Bắc, cách mạng Việt Nam có điều kiện giúp đỡ và phối hợp với cách mạng Lào hơn do hậu phương kháng chiến của Việt Nam được mở rộng từ căn cứ địa Việt Bắc đến sát biên giới Việt - Lào. Vùng Thượng Lào hiện là chỗ yếu và sơ hở của địch, mặc dầu địch đã chú ý đến địa bàn này hơn trước, đặt Thượng Lào dưới quyền của Bộ Chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Bộ và có kế hoạch sử dụng lực lượng cơ động của Pháp ở Bắc Bộ Việt Nam ứng cứu bằng đường không khi bị tiến công.

Trong các tỉnh Thượng Lào, địch chọn thị xã Sầm Nưa làm khu vực phòng thủ chủ yếu và tăng cường cho Sầm Nưa hai tiểu đoàn, đưa quân số ở đây lên ba tiểu đoàn, gồm cả quân Pháp và quân nguỵ Lào. Đồng thời, địch cũng tăng cường cho khu vực Cánh đồng Chum ở Xiêng Khoảng thêm một tiểu đoàn.

Âm mưu của địch là nhằm biến Sầm Nưa thành một tập đoàn cứ điểm mạnh “kiểu Nà Sản” ở Tây Bắc Việt Nam để ngăn chặn các cuộc tiến công của quân chủ lực Việt Nam trên chiến trường Thượng Lào và uy hiếp vùng tự do của cách mạng Việt Nam. Do đó có đập tan được căn cứ Sầm Nưa, giải phóng Thượng Lào mới có điều kiện giúp Lào xây dựng hậu phương kháng chiến, đồng thời buộc địch tiếp tục phân tán lực lượng cơ động, ngăn chặn âm mưu địch định cứu vãn tình hình ở Tây Bắc và bình định vùng đồng bằng Bắc Bộ (Việt Nam).

Như vậy, trung thành với truyền thống đoàn kết anh em do Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và vun đắp, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam luôn luôn coi trọng việc củng cố mối quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu chống kẻ thù xâm lược giữa quân và dân ba nước Đông Dương.

Thực hiện chủ trương tăng cường liên minh chiến đấu của Đảng Lao động Việt Nam và quán triệt sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 3 tháng 2 năm 1953, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở chiến dịch Thượng Lào nhằm: tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai, xây dựng và mở rộng khu căn cứ địa, tạo lập hậu phương kháng chiến, thúc đẩy cuộc kháng chiến của Lào và phá thế bố trí chiến lược của địch ở Bắc Đông Dương.

Mục đích của chiến dịch hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển của cách mạng Lào, như đồng chí Cayxỏn Phômvihản lúc đó mong muốn là sau chiến dịch này, Sầm Nưa sẽ là thủ đô kháng chiến và Thượng Lào sẽ là căn cứ địa của kháng chiến và cách mạng Lào .

Sau khi thống nhất phương hướng, quyết tâm chiến dịch giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào, từ cuối tháng 2 năm 1953, các lực lượng tham gia chiến dịch bắt đầu triển khai về mọi mặt.

Bộ Chỉ huy chiến dịch Thượng Lào được thành lập gồm: phía Việt Nam có đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam làm chỉ huy trưởng; đồng chí Nguyễn Chí Thanh, chủ nhiệm chính trị; đồng chí Hoàng Văn Thái, tham mưu trưởng; đồng chí Trần Đăng Ninh, chủ nhiệm cung cấp. Phía Lào có Hoàng thân Xuphanuvông, Thủ tướng Chính phủ Kháng chiến Lào; đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào; đồng chí Xỉngcapô, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Thạo Ma Khảy Khămphithun, Bí thư Tỉnh uỷ Sầm Nưa.

Bước vào công tác chuẩn bị cho chiến dịch, từ đầu tháng 3 năm 1953, quân tình nguyện Việt Nam ở Thượng Lào cùng bộ đội Pathết Lào đã luồn sâu nghiên cứu tình hình địch, địa hình ở khu vực Sầm Nưa, Xiêng Khoảng. Tại Sầm Nưa, hơn 60 cán bộ, chiến sĩ Việt - Lào, chủ yếu là Đại đội 234 quân tình nguyện, phối hợp với quân báo chiến dịch thâm nhập sâu vào thị xã, điều tra nghiên cứu từng cứ điểm địch để làm cơ sở cho Bộ Chỉ huy chiến dịch xây dựng phương án tác chiến. Ở hướng đường 7, Xiêng Khoảng, đội vũ trang Pắtchây do đồng chí Thạo Tu chỉ huy dẫn trinh sát Đại đoàn 304 vào nghiên cứu nắm tình hình địch, địa hình ở cứ điểm Noỏng Hét và thị xã Xiêng Khoảng.

Địa bàn tác chiến Thượng Lào ở rất xa các căn cứ hậu phương của Việt Nam, Tổng Quân uỷ, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam nhận định đây là một chiến dịch mà “vấn đề cung cấp là khó khăn nhất”. Do đó, ngay khi có lệnh mở chiến dịch, Hội đồng cung cấp mặt trận được tổ chức thành hệ thống từ trung ương đến các liên khu, tỉnh.

Hội đồng cung cấp mặt trận trung ương do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm chủ tịch, đồng chí Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Trân làm phó chủ tịch. Hội đồng cung cấp mặt trận liên khu và tỉnh có nhiệm vụ huy động nhân lực, vật lực của địa phương, kết hợp với hậu cần quân đội, hậu cần chiến dịch phục vụ chiến đấu.

Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cử đồng chí Trần Đăng Ninh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Tổng Quân uỷ, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đầu một phái đoàn sang làm việc với Chính phủ Kháng chiến Lào về vấn đề cung cấp cho chiến dịch. Các đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Nủhắc Phumxavẳn, Xỉngcapô... đã trao đổi với đoàn về tình hình và khả năng đảm bảo hậu cần tại chỗ của nhân dân Lào.

Chấp hành chủ trương của Trung ương Đảng về nghĩa vụ quốc tế, các cấp bộ đảng, chính quyền và nhân dân ở các địa phương của Việt Nam đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, dồn sức chi viện cho chiến dịch Thượng Lào.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp bạn là mình tự giúp mình”, nhân dân các tỉnh Tây Bắc (Việt Nam) đã huy động gần 35.000 dân công với 1.732.000 ngày công, 850 thuyền, 2.000 xe đạp thồ, 180 con ngựa thồ, cung cấp 4.975 tấn gạo, 3.640 con trâu bò, 154 tấn muối, 108 tấn rau khô, 12 tấn đường... phục vụ kịp thời cho chiến dịch .

Các tỉnh Liên khu 4 Việt Nam, nhất là Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh vốn là hậu phương trực tiếp của cách mạng Lào nên được Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam tin cậy giao cho việc huy động sức người, sức của chi viện cho cách mạng Lào. Trong chiến dịch Thượng Lào năm 1953, hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá được giao nhiệm vụ phục vụ chiến dịch.

Theo kế hoạch phân công, nhân dân tỉnh Thanh Hoá đã cung cấp, vận chuyển đảm bảo trên 60% yêu cầu hậu cần của chiến dịch Thượng Lào. Khi địch rút chạy, bộ đội truy kích địch đến đâu, dân công Thanh Hoá vận chuyển lương thực, thực phẩm và vũ khí, đạn dược đến đó kịp thời. Trong chiến dịch này, Thanh Hoá đã huy động 113.973 dân công dài hạn và 148.499 dân công ngắn hạn, 8 ôtô, 1.300 thuyền, 2.000 xe đạp thồ, 8.000 tấn gạo và hàng trăm tấn mắm, muối, thịt, đậu.

Ở Nghệ An, khi được giao nhiệm vụ phục vụ chiến dịch Thượng Lào, ngày 21 tháng 2 năm 1953, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã mở Hội nghị Quân - Dân - Chính - Đảng quán triệt yêu cầu: “Đảm bảo cung cấp đầy đủ cho liên quân Lào - Việt và các lực lượng tham gia chiến dịch Thượng Lào. Tỉnh phải huy động lực lượng dân công vận chuyển từ đồng bằng lên biên giới Việt - Lào 1.380 tấn gạo, 60 tấn vũ khí, 50 tấn muối và nhiều nhu yếu phẩm khác phục vụ chiến dịch”. Ngay sau Hội nghị, Uỷ ban kháng chiến - hành chính tỉnh ra quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận và thành lập các trạm hậu cần ở Cửa Rào, Khe Kiền, Khe Nậm, Khe Tùng, Tha Đo phục vụ việc vận chuyển, tiếp tế cho chiến dịch Thượng Lào .

Tuyến đường vận chuyển từ Nghệ An đi Xiêng Khoảng dài hơn 400 km, nhiều đoạn đường chưa có dấu chân người, tỉnh đã huy động 72.940 dân công, sửa chữa 170 km đường, làm 100 cầu tạm, cầu phao trên tuyến đường 7 từ Phủ Diễn đến Đô Lương, lên Mường Xén sang Lào. Khi các tuyến đường ra mặt trận được khai thông, tháng 3 năm 1953, tiểu đoàn bộ đội địa phương 195 cùng các đại đội 121, 123 và 12.000 dân công Nghệ An theo đường 7, đường sông Lam, vận chuyển 700 tấn gạo, hàng nghìn con trâu bò, hàng trăm tấn muối, cá khô, nước mắm kem và các hàng hoá khác phục vụ chiến dịch.

Với tinh thần giúp bạn hết sức khẩn trương, Việt Nam đã cung cấp, tiếp tế cho chiến dịch Thượng Lào 6.300 tấn gạo, 200 tấn muối, 290 tấn thịt, 190 tấn thực phẩm khô và huy động hàng nghìn dân công, hơn 80 ôtô, 880 thuyền, 2.200 xe đạp thồ và 180 con ngựa để vận chuyển vật chất phục vụ chiến dịch3. Chính phủ Kháng chiến Lào cùng Bộ Tư lệnh quân tình nguyện ở Thượng Lào đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn chiến dịch, trọng điểm là huyện Xiêng Khọ và khu vực dọc theo đường Xốp Hào - Sầm Nưa đẩy mạnh công tác vận động quần chúng nhằm phát huy cao nhất mọi khả năng phục vụ cho chiến dịch.

Do tính chất và ý nghĩa quan trọng của chiến dịch đối với cuộc kháng chiến của hai dân tộc, Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh quân đội hai nước Việt - Lào thống nhất quyết tâm huy động một lực lượng lớn tham gia chiến dịch. Phía Việt Nam gồm có Đại đoàn 308, hai trung đoàn của Đại đoàn 312, Trung đoàn 98 của Đại đoàn 316, Đại đoàn 304 và Trung đoàn 148 của Quân khu Tây Bắc (tổng cộng 10 trung đoàn) cùng các đoàn quân tình nguyện đang hoạt động ở Thượng Lào. Lực lượng Lào gồm năm đại đội bộ đội tập trung và hàng nghìn dân quân du kích của các tỉnh trong địa bàn chiến dịch.

Đây là lần đầu tiên một bộ phận lớn chủ lực Việt Nam sang chiến đấu trên chiến trường Lào, vừa xa hậu cứ, lại chưa quen địa hình nên gặp rất nhiều khó khăn gian khổ. Do đó, cơ quan chính trị các cấp đã khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tham gia chiến dịch mở nhiều đợt sinh hoạt chính trị, xây dựng cho bộ đội quyết tâm chiến đấu, ý thức chấp hành chính sách đoàn kết Việt - Lào và nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Ngày 3 tháng 4 năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên toàn thể cán bộ, chiến sĩ, dân công tham gia chiến dịch và đặt giải thưởng cho những đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc. Trong thư, Người căn dặn: “Lần này là lần đầu tiên, các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” .

Người yêu cầu bộ đội:

“Vượt mọi khó khăn, thi đua diệt địch, chiến đấu anh dũng ở bên đó cũng như ở ta;
Nêu cao tinh thần quốc tế, tôn trọng chủ quyền, tôn trọng phong tục tập quán, kính yêu nhân dân của nước bạn;
Tuyệt đối giữ gìn kỷ luật, giữ gìn danh tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam;
Tất cả phải có quyết tâm rất cao, rất bền, tranh nhiều thắng lợi” .

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cũng gửi thư cho Tổng Quân uỷ, các Đại đoàn uỷ và Ban Cán sự Thượng Lào nêu rõ: “Theo chỉ thị của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, bộ đội chủ lực ta lần đầu tiên có nhiệm vụ mang lực lượng lớn sang giúp nước bạn. Đó là một nhiệm vụ quan trọng và vinh quang, một mặt thì giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân nước bạn, củng cố mối đoàn kết giữa hai dân tộc Việt - Lào để chống kẻ thù chung, mặt khác còn có ảnh hưởng trực tiếp đến chiến trường Việt Nam ta, đến việc xây dựng và rèn luyện cho bộ đội ta”. Vì vậy, bên cạnh yêu cầu “nắm vững phương châm đánh thắng và phương châm tiêu diệt sinh lực địch”, thì cần phải “nắm vững chính sách đoàn kết Lào - Việt và chính sách dân tộc, phải giữ vững kỷ luật quần chúng, tôn trọng chủ quyền nước bạn, tôn trọng phong tục tập quán, tính mệnh, tài sản của nhân dân nước bạn như của nhân dân ta.

Trong mọi công tác, phải luôn luôn chú trọng tăng cường đoàn kết Việt - Lào, tăng cường đoàn kết giữa bộ đội ta với bộ đội Lào và nhân dân Lào” .

Chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhiệm vụ phối hợp với bạn chiến đấu trên chiến trường Lào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, viết thư kêu gọi cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch Thượng Lào: “... Hãy anh dũng chiến đấu, tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch. Hãy tích cực vận động quần chúng, mở rộng cơ sở, tăng cường đoàn kết giữa bộ đội và nhân dân hai nước... Kiên trì với nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng nước bạn đến cùng, giúp đỡ không điều kiện...” .

Đồng thời, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành Mười điều quy định đối với cán bộ chiến sĩ sang làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào:

“1. Kiên quyết dũng cảm tiêu diệt địch, hoàn thành mọi nhiệm vụ chiến đấu.
2. Đoàn kết chặt chẽ với bộ đội Lào, gương mẫu chủ động giúp bộ đội Lào về mọi mặt.
3. Tôn trọng chủ quyền nước Lào, tôn trọng các cấp chính quyền Lào, tôn trọng mọi chính sách pháp luật của Chính phủ Lào.
4. Đoàn kết chặt chẽ với nhân dân Lào, triệt để giữ vững kỷ luật quần chúng (mượn gì của dân phải được dân đồng ý và phải trả, mất hay hư hỏng phải bồi thường), không được trêu ghẹo phụ nữ.
5. Tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân, tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo, sư sãi, bảo vệ đền chùa, miếu mạo.
6. Tích cực tuyên truyền chính sách kháng chiến của Chính phủ và Mặt trận Ítxalạ Lào, chính sách đoàn kết hai dân tộc Lào - Việt chống kẻ thù chung và kỷ luật của quân đội ta.
7. Bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, hết sức giúp đỡ nhân dân.
8. Đối với tù hàng binh người Lào phải chú trọng tuyên truyền giáo dục và trao trả chính quyền Lào xử lý.
9. Đối với Lào gian và nguỵ quyền Lào, việc bắt bớ, giam giữ, xét xử đều do Chính phủ Lào phụ trách. Bộ đội không được tự tiện can thiệp và có nhiệm vụ giúp đỡ đề nghị của chính quyền địa phương.
10. Đối với việc mua bán, đổi chác, ngoài các bộ phận đã được uỷ nhiệm phải làm theo đúng quy định, còn tuyệt đối không cá nhân nào hay đơn vị nào được tự ý mua bán đổi chác” .

Những quy định cụ thể đó được phổ biến đến từng đội viên, làm cơ sở cho việc lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức hoạt động trong các đơn vị. Đồng thời, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát hành tập sách nhỏ “Tự học tiếng Lào”, giúp cán bộ, chiến sĩ Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với cán bộ và nhân dân các bộ tộc Lào.

Tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Chí Thanh thay mặt Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Tổng Quân uỷ cùng đồng chí Phumi Vôngvichít thay mặt Chính phủ Kháng chiến và Mặt trận Lào Ítxalạ đến động viên cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 304 trước khi đơn vị hành quân sang nước bạn tham gia chiến dịch Thượng Lào. Với tình cảm chân thành và niềm tin tưởng chiến thắng, đồng chí Phumi Vôngvichít nói: “Cùng dựa lưng vào dãy Trường Sơn, nhân dân hai nước Lào - Việt từng cùng nhau đoàn kết chống ngoại xâm non một thế kỷ, chịu chung cảnh áp bức bóc lột của thực dân Pháp. Bây giờ tới lúc nhân dân hai nước chúng ta vùng lên đánh đuổi kẻ thù chung. Dẫu nước Lào còn nghèo, dân Lào còn đói, nhưng sẵn sàng bằng mọi cách đem hết sức mình cùng bộ đội Việt Nam đánh tan giặc Pháp, giải phóng dân làng thân yêu, núi rừng tươi đẹp của nước Lào” .

Trong không khí thi đua diệt giặc, Bộ Chỉ huy chiến dịch phát động phong trào thi đua lập công, giành giải thưởng cao quý của Bác Hồ.
Theo kế hoạch tác chiến của hai Bộ Tổng Tư lệnh, của Bộ Chỉ huy chiến dịch, ngày 8 tháng 4 năm 1953, các đơn vị chủ lực Việt Nam tiến quân sang đất Lào theo ba cánh. Cánh chủ yếu gồm các Đại đoàn 308, 312, Trung đoàn 98 từ biên giới Việt - Lào theo đường 6 tiến sang Sầm Nưa, phối hợp với lực lượng vũ trang Lào và quân tình nguyện đã ở sẵn trên các địa bàn, đang bám sát địch. Đồng chí Võ Nguyên Giáp và Hoàng thân Xuphanuvông cùng hành quân với các đơn vị ở hướng chủ yếu của chiến dịch.

Cánh thứ yếu là Đại đoàn 304 từ Nghệ An theo đường 7 tiến sang Xiêng Khoảng phối hợp với tiểu đoàn quân giải phóng Pathết Lào do đồng chí Thạo Tu chỉ huy, chặn đường rút chạy của địch từ Sầm Nưa xuống. Cùng đi với hướng này, có đồng chí Phumi Vôngvichít, đại diện Chính phủ Kháng chiến Lào.

Cánh phối hợp là Trung đoàn 148 từ Điện Biên Phủ tiến sang lưu vực sông Nặm U có nhiệm vụ tiêu diệt các vị trí địch ở khu vực này, đồng thời tạo thế uy hiếp địch ở Luổng Phạbang.   

Nhân dân các bộ tộc Lào ở vùng căn cứ dọc theo các đường bộ đội hành quân tích cực tham gia vận chuyển, tiếp tế, giúp đỡ liên quân Lào - Việt về mọi mặt với hết khả năng của mình.

Phối hợp với chiến trường Thượng Lào và nghi binh đánh lạc hướng phán đoán của địch, trên chiến trường chính Việt Nam các đơn vị thuộc Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đều tổ chức những trận đánh, những đợt hoạt động gây rối, tiêu hao để kìm giữ lực lượng địch, buộc chúng phải phân tán đối phó khắp nơi.

Phát hiện thấy liên quân cách mạng Việt - Lào, đêm 12 tháng 4 năm 1953, địch hốt hoảng bỏ Sầm Nưa rút chạy.

Bộ Chỉ huy chiến dịch lệnh cho các đơn vị truy kích thật nhanh, thật mạnh, nhanh chóng đuổi kịp tiêu diệt địch, không để chúng chạy thoát về Cánh đồng Chum. Quán triệt mệnh lệnh của cấp trên, các đơn vị không kịp nghỉ ngơi đã tổ chức các phân đội gọn nhẹ, tranh thủ thời gian đuổi bám địch. Mặc dù vừa qua hàng chục ngày hành quân liên tục, nhiều ngày đêm phải ăn gạo rang thay cơm, nhịn đói nhịn khát, các chiến sĩ vẫn bám đơn vị truy kích địch. Cán bộ bám chiến sĩ, đảng viên bám quần chúng, liên tục động viên bộ đội: “Lần theo vết giày địch mà đuổi”. “Đuổi địch đến cùng, tiêu diệt bằng được binh đoàn rút lui của địch. Địch chạy xa 200 kilômét cũng đuổi, 300 kilômét cũng đuổi. Có lương thực cũng đuổi, hết lương thực cũng đuổi” .

Cuộc truy kích đầy gian nan thử thách, hy sinh của bộ đội Việt - Lào đã diễn ra suốt bảy ngày đêm trên chặng đường 270 km, từ Sầm Nưa đến đường 7, Bạn Ban, Lạt Bua... Phần lớn quân địch rút chạy từ Sầm Nưa và quân đồn trú dọc đường từ Mương Pơn, Hủa Mường... đã bị tiêu diệt, chỉ có khoảng 200 tên chạy thoát về Cánh đồng Chum.

Trên hướng đường 7, bộ đội Việt - Lào bao vây tiêu diệt địch ở Noỏng Hét rồi tiến sang Bạn Ban. Do bị uy hiếp mạnh và có nguy cơ bị tiêu diệt, sáng ngày 19 tháng 4, địch rút chạy khỏi thị xã Xiêng Khoảng.

Phát huy thắng lợi, Bộ Chỉ huy chiến dịch lệnh cho Trung đoàn 148 kịp thời tiến công tiêu diệt địch ở lưu vực sông Nặm U, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn và giàu có ở Tây Bắc Lào, đồng thời tiến theo hai đường Mương Xon và Mương Xủi về uy hiếp Luổng Phạbang, khiến địch phải tức tốc điều quân cơ động, để tăng cường phòng thủ cố đô Lào.

Trong thời gian chiến dịch, nhân dân các bộ tộc Lào ở vùng Mương Ó, Pạc Xeng đã ra sức chi viện, ủng hộ liên quân Lào - Việt trong hành quân, tác chiến. Đặc biệt ở Sằm Tớ, nhân dân bị địch bóc lột rất nghèo khổ nhưng vẫn hăng hái giúp đỡ lương thực và dẫn đường cho bộ đội truy kích địch. Ở những tình huống khẩn trương, cấp bách, nhân dân Lào cung cấp cho bộ đội gạo, thịt, rau xanh, và nhận “phiếu vận động chiến”, sau đó, đơn vị đến thanh toán bằng tiền Đông Dương, bằng muối hoặc nông cụ. Kết quả là, các làng bản Lào đã cung cấp trên 220 tấn gạo, 10 tấn thực phẩm,... góp phần cùng với hậu phương kháng chiến của Việt Nam đảm bảo cho bộ đội đủ sức truy kích và đánh thắng địch ở Thượng Lào.

Chiến dịch đã đạt được mục tiêu mà hai Chính phủ, hai Mặt trận Việt Nam và Lào đề ra: tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, gồm gần 2.800 binh lính và sĩ quan địch, chiếm 1/5 tổng số địch ở Lào; giải phóng một vùng rộng lớn khoảng 35.000 km2 với hơn 40.000 dân, gồm toàn tỉnh Sầm Nưa, phần lớn tỉnh Xiêng Khoảng và một phần tỉnh Luổng Phạbang, trong đó có lưu vực sông Nặm U là một vùng có tầm chiến lược quan trọng, vùng giàu có nhất ở Tây Bắc Lào.

Với thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào, hậu phương kháng chiến của cách mạng Lào đã nối thông với vùng tự do của Việt Nam, tạo thế phối hợp chiến lược giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào. Từ đây, quân đội hai nước có điều kiện mở rộng hoạt động, tiến sâu vào hậu phương địch và cơ động tiến đánh chúng trên nhiều hướng, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ba nước trên bán đảo Đông Dương tiến lên một bước mới.

Thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào là thắng lợi của tinh thần quốc tế vô sản cao cả, thắng lợi của sự phối hợp chiến đấu giữa nhân dân hai nước Việt - Lào, giữa quân đội nhân dân Việt Nam và quân giải phóng Lào. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, của Mặt trận và Chính phủ Kháng chiến hai nước Việt - Lào, lần đầu tiên sự phối hợp chiến đấu về mặt quân sự giữa quân đội hai nước đã giành được thắng lợi to lớn, làm tiền đề cho sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước ngày càng chặt chẽ và thắng lợi to lớn hơn. Đây cũng là lần đầu tiên một chiến dịch thu hút đầy đủ Bộ Chỉ huy cấp cao nhất của cả Việt Nam và Lào và hầu như tướng lĩnh tài giỏi nhất của hai nước đều ra trận. Điều đó cho thấy sự tin tưởng và quyết tâm phối hợp chiến đấu rất cao giữa hai dân tộc, hai quân đội trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung và đánh dấu thêm một mốc son mới trong lịch sử liên minh chiến đấu đặc biệt Việt - Lào.

Đánh giá ý nghĩa của chiến thắng đối với mối quan hệ hai nước Việt - Lào, trong Hội nghị tổng kết chiến dịch Thượng Lào (từ ngày 2 đến 3 tháng 5 năm 1953), đồng chí Võ Nguyên Giáp nêu rõ: “Thắng lợi này là thắng lợi đầu tiên của quân đội nhân dân ta, của bộ đội chủ lực ta trong quá trình phối hợp chiến đấu với quân đội và nhân dân nước bạn, thực hiện nhiệm vụ quốc tế của Đảng ta, của nhân dân ta đối với cách mạng Pathết Lào. Đó cũng là thắng lợi lớn nhất của nhân dân và quân đội Pathết Lào kể từ ngày bắt đầu kháng chiến đến nay và cũng có thể nói là thắng lợi quân sự lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử vận động cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Pathết Lào”.
Thay mặt bộ đội chủ lực và quân tình nguyện Việt Nam ở Thượng Lào, đồng chí nhiệt liệt hoan nghênh Thủ tướng và các vị Bộ trưởng trong Chính phủ Kháng chiến Lào đã tham dự Hội nghị và bày tỏ niềm tin tưởng rằng: “Thắng lợi này sẽ làm cho mối đoàn kết giữa hai dân tộc, giữa hai quân đội ngày càng bền chặt, vì đó là thắng lợi chung của chúng ta” .

Ngày 15 tháng 5 năm 1953, Chính phủ Kháng chiến Lào ra thông cáo về chiến thắng Thượng Lào, trong đó có đoạn viết: “Sầm Nưa giải phóng có một ý nghĩa rất quan trọng. Sầm Nưa giải phóng là một thắng lợi lớn trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của chúng ta. Thắng lợi đó là kết quả của lòng yêu nước nồng nàn của quân đội và nhân dân Lào, của tình đoàn kết giúp đỡ của bộ đội tình nguyện và nhân dân Việt Nam. Thắng lợi đó làm cho đồng bào toàn quốc càng tích cực tham gia kháng chiến, càng nhiệt liệt hoan nghênh quân đội giải phóng Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam, càng ra sức thắt chặt mối đoàn kết giữa nhân dân Lào - Việt để tiêu diệt kẻ thù chung, giành tự do, độc lập cho hai nước anh em và càng thêm tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng” .

Tại lễ mừng chiến thắng tổ chức trọng thể ở Sầm Nưa ngày 19 tháng 5 năm 1953, Hoàng thân Xuphanuvông khẳng định: “Sầm Nưa giải phóng là kết quả của tinh thần đoàn kết anh em giữa hai nước Việt - Lào, của sự giúp đỡ không điều kiện của nhân dân, của quân đội Việt Nam tiêu diệt kẻ thù chung” . Đồng chí Phumi Vôngvichít cũng nói trong lễ mừng chiến thắng ở Xiêng Khoảng: “Thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào là thắng lợi của tinh thần quốc tế vô sản cao cả, thắng lợi của tinh thần đoàn kết giữa hai dân tộc và hai quân đội Việt - Lào” .


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 29 Tháng Tám, 2021, 10:39:28 am
2. Phối hợp xây dựng lực lượng cách mạng Lào về mọi mặt

a) Củng cố vùng giải phóng, tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng


Sau khi chiến dịch Thượng Lào kết thúc, Việt Nam khẩn trương giúp cách mạng Lào củng cố vùng giải phóng và các căn cứ kháng chiến. Theo yêu cầu của Chính phủ Kháng chiến Lào, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam để lại Trung đoàn 98 cùng các đơn vị quân tình nguyện ở Sầm Nưa và lưu vực sông Nặm U phối hợp với lực lượng vũ trang Pathết Lào truy quét tàn binh địch, tuyên truyền giác ngộ nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương. Hướng Xiêng Khoảng, Đại đoàn 304 cũng để lại hai tiểu đoàn để giúp Lào đẩy mạnh các hoạt động, giành thêm thắng lợi.

Đồng thời, các đơn vị quân tình nguyện và các đội công tác của Việt Nam ở Thượng Lào phối hợp với bạn tổ chức Tuần lễ đoàn kết Việt - Lào, trong đó tập trung tuyên truyền giải thích ý nghĩa chiến thắng Thượng Lào, đề cao uy tín của Chính phủ Kháng chiến Lào và Mặt trận Lào Ítxalạ, củng cố và tăng cường tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào, Lào - Việt.

Ở những vùng mới giải phóng, bộ đội Việt Nam sát cánh cùng bộ đội Lào đi khắp các bản làng, từ vùng đồng bằng lên vùng núi cao, tuyên truyền giải thích về chính sách đoàn kết dân tộc của Chính phủ Kháng chiến Lào, giúp dân sản xuất, xây dựng cuộc sống mới, thành lập chính quyền cách mạng, tổ chức các đội du kích, giúp họ về súng đạn, huấn luyện quân sự để bảo vệ bản làng.

Đi đôi với công tác chiến đấu, tuyên truyền, giúp đỡ nhân dân sản xuất, bộ đội Việt Nam còn giúp Lào xây dựng lực lượng vũ trang, bồi dưỡng kỹ năng tác chiến, tổ chức chiến đấu bảo vệ nhân dân, xây dựng, củng cố vùng giải phóng và căn cứ địa. Được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn chiến đấu vừa qua cùng những vũ khí trang bị thu được của địch, lực lượng quân đội giải phóng Lào có những bước phát triển mạnh mẽ và đã tiến hành nhiều trận đánh địch từ các cứ điểm nống ra càn quét khu vực mới được giải phóng, làm cho chúng phải co lại cố thủ trong các đồn bốt, không dám ngang nhiên như trước.

Cùng thời gian này, theo đề nghị của bạn, Tiểu đoàn 195 tỉnh Nghệ An ở lại giúp bạn xây dựng, củng cố vùng giải phóng Xiêng Khoảng. Mặc dù địa bàn hoạt động rất rộng lớn nhưng cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã vượt qua nhiều gian khổ hy sinh, tự phấn đấu rèn luyện, dựa vào dân để xây dựng cơ sở chính trị giúp bạn. Chỉ trong một thời gian ngắn, Tiểu đoàn 195 giúp được 54 làng bản thành lập ủy ban kháng chiến, 64 làng bản xây dựng cơ sở chính trị và tổ chức tiểu đội du kích.

Đáp ứng nhu cầu xây dựng, củng cố vùng giải phóng rộng lớn của bạn, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam giao cho các tỉnh Liên khu 4 thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ, chi viện cho vùng giải phóng Bắc Lào. Cùng với việc dốc hết sức phục vụ bộ đội đánh thắng địch ở chiến trường, từ sau chiến thắng Thượng Lào đến cuối năm 1953, nhân dân các tỉnh Liên khu 4, trong đó Thanh Hoá là lực lượng chính chịu trách nhiệm cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu, công cụ sản xuất cho khu căn cứ kháng chiến Lào. Chỉ tính từ tháng 5 đến tháng 12 năm 1953, nhân dân Thanh Hoá đã cung cấp, vận chuyển cho bạn 15.130 xếp giấy, 14.741 bút chì, 15.000 ngòi bút, 1.000 lọ mực, 3.000 mét vải, 500 chăn bông, 1.000 bộ quần áo bộ đội, 1.601 cái rìu, 4.522 con dao, 1.480 dao găm, 880 cái thuổng, 57 tấn muối, 15 tấn thóc nếp giống, 27 tấn gạo tẻ, 30 tấn thóc tẻ, 150 tấn gạo nếp. Các đợt về sau, Thanh Hoá còn cung cấp 15.000 dân công, 709 xe đạp thồ và 47 con ngựa thồ để vận chuyển lương thực, công cụ sản xuất, hàng hoá cung cấp cho bạn .

Sự chi viện và phối hợp chặt chẽ của quân và dân Việt Nam với nhân dân Lào là nhân tố quan trọng, góp phần đưa thế và lực của cách mạng Lào lên một bước phát triển mới.

Căn cứ vào tình hình thực tế của cách mạng Lào, tháng 5 năm 1953, Tổng Quân uỷ Việt Nam chủ động đề xuất một số nội dung phối hợp và giúp đỡ cách mạng Lào, trọng tâm là: “Tăng cường lực lượng vũ trang ở Lào để bảo vệ hậu phương và làm công tác trong vùng mới giải phóng; đồng thời để tránh phân tán chủ lực, cần xúc tiến chấn chỉnh bộ đội tình nguyện và xây dựng bộ đội giải phóng Lào” .

Trên cơ sở đó, tháng 7 năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định củng cố, tăng cường bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Lào cho có đủ khả năng hoàn thành ba nhiệm vụ là:

“1. Phối hợp với các lực lượng vũ trang và bán vũ trang Lào phát triển du kích chiến tranh tiêu diệt sinh lực địch.
2. Giúp đỡ xây dựng và dìu dắt các lực lượng vũ trang Lào tác chiến.
3. Tham gia việc tuyên truyền tổ chức quần chúng, tổ chức chính quyền, xây dựng căn cứ địa.

Ba nhiệm vụ đó là những tiêu chuẩn chính để kiểm tra và nhận xét công tác của bộ đội tình nguyện ở Lào” .

Theo phương hướng đó, các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam ở Thượng Lào được sắp xếp thành ba bộ phận: dân chính, quân sự và biệt phái; mỗi bộ phận có nhiệm vụ chuyên trách khác nhau. Cả ba bộ phận này đều hoạt động giúp cách mạng Lào dưới sự lãnh đạo thống nhất của Ban Cán sự Thượng Lào, do đồng chí Nguyễn Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam phụ trách.

Sát cánh với bạn, quân tình nguyện Việt Nam đã cùng bạn chiến đấu, làm thất bại âm mưu bình định của địch, đồng thời giúp đỡ bạn xây dựng các đơn vị bộ đội tập trung của tỉnh và vùng chiến lược. Để tăng cường khả năng tác chiến và phối hợp chiến đấu với chiến trường chính Việt Nam của quân đội cách mạng Lào, ngày 12 tháng 7 năm 1953, đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi thư cho đồng chí Nguyễn Khang và các đồng chí trong Ban Cán sự Thượng Lào về nhiệm vụ giúp Chính phủ Kháng chiến Lào xây dựng lực lượng vũ trang. Đồng chí chỉ rõ: “Vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang Lào là một vấn đề rất quan trọng, là một nhiệm vụ trung tâm trong công cuộc xây dựng căn cứ địa và nói chung trong công cuộc vận động giải phóng Lào. Vì vậy, các cán bộ ta cần phải thấm nhuần điểm đó và làm cho anh em Lào thấm nhuần điểm đó, để có thể làm thật tích cực... Chúng ta cũng cần quan niệm đó là một nhiệm vụ lâu dài, gian khổ và muốn hoàn thành thì một mặt dựa vào sự nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Lào, nhưng một mặt khác cũng cần có sự giúp đỡ tích cực của bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Lào”2 và “Trong công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang Lào thì vấn đề trung tâm là vấn đề đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Có giải quyết được vấn đề cán bộ thì mới xây dựng được quân đội Lào. Vì vậy, sự giúp đỡ của chúng ta cũng cần lấy vấn đề đào tạo và bồi dưỡng cán bộ làm vấn đề trung tâm” .

Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị và Tổng Quân uỷ, Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam ở Thượng Lào chủ trương, trong năm 1953 xây dựng một số tiểu đoàn tập trung và các đại đội độc lập, do Bộ Tư lệnh trực tiếp chỉ huy. Trước hết, Bộ Tư lệnh quân tình nguyện chỉ đạo gấp rút xây dựng Tiểu đoàn 532 và Đại đội trợ chiến 926 để kịp thời đáp ứng yêu cầu giúp bạn đẩy mạnh kháng chiến ở Mặt trận Thượng Lào. Đồng thời, chuẩn bị đến cuối năm 1953 đầu năm 1954, xây dựng thêm một số tiểu đoàn mới.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về nhiệm vụ giúp bạn xây dựng lực lượng quân sự, Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam ở Mặt trận Thượng Lào đề ra phương châm xây dựng bộ đội tình nguyện gắn liền với việc giúp đỡ xây dựng lực lượng vũ trang Lào. Đó là: “Các đại đội độc lập cũng như tiểu đoàn tập trung phải phụ trách một đơn vị Lào cùng đi theo để giúp đỡ, xây dựng và dìu dắt tác chiến. Mỗi tiểu đoàn phụ trách một đại đội giải phóng Lào. Mỗi đại đội độc lập phụ trách đại đội địa phương của tỉnh, còn các đại đội độc lập khác trong thời gian hoạt động ở hướng nào phải phụ trách bộ đội địa phương của hướng ấy... Nơi nào có đại đội độc lập thì đại đội độc lập phải trực tiếp xây dựng dìu dắt dân quân du kích, nơi nào không có đại đội độc lập thì các đơn vị tình nguyện ở bên cạnh tổ chức những tổ đi luân lưu phối hợp với chính quyền, mặt trận địa phương và cán bộ dân vận để tổ chức và huấn luyện dân quân du kích ở những địa phương trên. Các tiểu đoàn tập trung đi đến đâu phải phối hợp với đại đội độc lập, bộ đội Lào và chính quyền, mặt trận địa phương đặt kế hoạch giúp đỡ xây dựng, dìu dắt dân quân du kích” .

Với tinh thần đó, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam được bổ sung quân số, thường xuyên tổ chức huấn luyện quân sự, chính trị giúp Lào và cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Lào đẩy mạnh các hoạt động chống biệt kích, chống địch lấn chiếm, bảo vệ vùng giải phóng và các khu căn cứ. Mỗi đợt tác chiến, mỗi trận đánh của quân tình nguyện chỉ được coi là thắng lợi khi quân địch bị tiêu diệt, khi có cán bộ, chiến sĩ Lào cùng tham gia và khi cơ sở cách mạng của Lào được bảo toàn, mở rộng.

Trong sáu tháng cuối năm 1953, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam ở Thượng Lào phối hợp cùng quân giải phóng Lào đã đánh 96 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 505 tên địch, trong đó có 65 tên Pháp, làm bị thương 208 tên, bắt 79 tên, gọi hàng 34 tên, thu nhiều súng đạn và đồ quân dụng, bắn rơi một máy bay địch . Liên quân cách mạng Việt - Lào cũng đánh bại nhiều cuộc tiến công lấn chiếm của địch, giữ vững được nhiều vùng giải phóng và giam chân nhiều lực lượng địch, không để chúng rảnh tay rút quân đi đánh phá những nơi khác. Bộ đội cách mạng hai tỉnh Nghệ An - Xiêng Khoảng tranh thủ thời cơ thuận lợi đã phối hợp mở đợt truy quét bọn phỉ ẩn náu dọc biên giới Việt - Lào, góp phần làm sạch địa bàn vùng giải phóng.

Trong cùng thời gian này, ở các vùng Trung Lào, Tây Lào, kể cả các vùng đô thị, bộ đội tình nguyện Việt Nam cùng quân và dân Lào đẩy mạnh các mặt hoạt động, giành thêm nhiều thắng lợi. Phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân vùng địch kiểm soát, nhất là ở các thành phố lớn như Viêng Chăn, Xavẳnnakhệt, Pạc Xê..., gây cho địch thêm nhiều khó khăn, lúng túng trong âm mưu càn quét bình định vùng địch hậu và tiến công lấn chiếm các vùng mới giải phóng ở Thượng Lào.

Sự lớn mạnh của các lực lượng kháng chiến Lào đã buộc địch phải căng mỏng và phân tán lực lượng đối phó cả trước mặt và sau lưng, tạo thuận lợi để Việt Nam và Lào phát huy thế chủ động, phối hợp chặt chẽ trên các chiến trường, đẩy mạnh tiến công giành thắng lợi lớn hơn nữa trong các chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954.

b) Thành lập “Ban Vận động thành lập Đảng Nhân dân Lào”

Từ sau chiến thắng Thượng Lào, trước yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến, những người cộng sản Lào chủ trương xúc tiến thành lập đảng mácxít để lãnh đạo cách mạng Lào thực hiện những nhiệm vụ cấp bách đang đặt ra. Song quá trình này gặp khó khăn do tình hình phát triển đảng về số lượng cũng như chất lượng đảng viên ở Lào bị hạn chế, một số địa phương như Hạ Lào, Viêng Chăn phát triển đảng viên khá rộng, trong đó có một số chưa đảm bảo tiêu chuẩn.

Theo đề nghị của bạn, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định cử đồng chí Nguyễn Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Cán sự Đảng Lao động Việt Nam tại Lào, trực tiếp giúp đỡ những người cộng sản Lào chuẩn bị mọi mặt để tiến tới thành lập đảng cách mạng ở Lào. Xuất phát từ thực tiễn công tác phát triển đảng ở Lào, đồng chí Nguyễn Khang cùng Ban Cán sự Đảng Lao động Việt Nam thống nhất ý kiến với các đồng chí cán bộ chủ chốt của Lào về việc lựa chọn một số đảng viên Lào ưu tú, được rèn luyện, thử thách trong đấu tranh, có trình độ, có phẩm chất, có uy tín, ảnh hưởng tốt trong cán bộ, đảng viên và quần chúng để lập ra Ban Vận động thành lập Đảng Nhân dân Lào.

Thực hiện chủ trương trên, Ban Vận động thành lập Đảng Nhân dân Lào được thành lập, do đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm trưởng ban. Nhiệm vụ của Ban là, một mặt chỉ đạo công tác thẩm tra, chọn lọc kỹ đảng viên trong tổng số 433 đảng viên Lào đã có, một mặt nghiên cứu dự thảo Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng và chuẩn bị triệu tập Đại hội đại biểu để thành lập Đảng.

Trong quá trình chuẩn bị về các mặt chính trị và tổ chức, Ban Cán sự Đảng Lao động Việt Nam đã phối hợp và giúp đỡ Ban Vận động thành lập Đảng Nhân dân Lào tiến hành thẩm tra lại số đảng viên nhân dân, soát xét lại số trung kiên trong các “nhóm trung kiên”, thải loại số kém, không đảm bảo tiêu chuẩn, đồng thời bồi dưỡng thêm cho số đảng viên, trung kiên tốt. Đến cuối tháng 7 năm 1954, số đảng viên toàn Lào còn lại gồm 300 đồng chí và 600 đồng chí trung kiên được tiếp tục bồi dưỡng để kết nạp vào Đảng.

Trên cơ sở đó, các tổ chức đảng ở địa phương và cơ quan ở Trung ương đã giới thiệu được 42 đại biểu trong số đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương cũ về Ban Vận động thành lập Đảng Nhân dân Lào để tiến hành chỉnh huấn, giáo dục công tác xây dựng đảng Mác - Lênin của giai cấp công nhân Lào. Sau đợt học tập này, Ban Vận động thành lập Đảng Nhân dân Lào đã lựa chọn được 20 đồng chí đủ tiêu chuẩn làm đại biểu chính thức tham dự Đại hội thành lập Đảng.

Như vậy, với việc thành lập Ban Vận động thành lập Đảng Nhân dân Lào, công tác xây dựng đảng cách mạng, đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động các bộ tộc Lào đã tiến thêm một bước mới, đạt được kết quả căn bản cả về chính trị và tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập Đảng và cho việc củng cố, phát triển đảng về sau này. Trên thực tế, Ban Vận động thành lập Đảng Nhân dân Lào đã cùng với Mặt trận Lào Ítxalạ lãnh đạo quân và dân Lào đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, góp phần cùng với nhân dân hai nước Việt Nam, Campuchia đánh thắng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 29 Tháng Tám, 2021, 10:44:34 am
3. Phối hợp trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Bước vào Đông Xuân 1953 - 1954, cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh tiến công quân địch giành thắng lợi lớn hơn nữa trên các chiến trường. Còn thực dân Pháp sau những thất bại liên tiếp ở Hoà Bình, Tây Bắc (Việt Nam), ở Thượng Lào và những khó khăn về kinh tế, xã hội ở trong nước, càng lâm vào tình thế nguy ngập, bế tắc.

Trước tình hình đó, Chính phủ Pháp chủ trương xin thêm viện trợ của Mỹ, tập trung mọi cố gắng đẩy mạnh chiến tranh, nhằm tìm ra một “lối thoát danh dự”, đồng thời vẫn duy trì được những quyền lợi ở Việt Nam và giữ được Lào, Campuchia trong tay Pháp.

Ngày 7 tháng 5 năm 1953, được sự thoả thuận của Mỹ, Chính phủ Pháp cử Tướng Nava làm tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Dựa theo ý đồ chính trị của giới cầm quyền Pháp và thái độ của Mỹ đối với cuộc chiến tranh Đông Dương, ngày 2 tháng 7 năm 1954, Nava đã vạch ra một kế hoạch chiến lược nhằm kết thúc chiến tranh trong vòng 18 tháng để cứu vãn danh dự cho nước Pháp.

Điểm trung tâm của kế hoạch Nava là tổ chức khối chủ lực cơ động và dự tính tới năm 1954 sẽ có gấp ba lần số binh đoàn hiện có. Do đó, Nava chủ trương thừa nhận quyền “độc lập” cho các chính phủ tay sai ở Đông Dương để dùng bọn này đôn quân bắt lính và cho rút lực lượng chiếm đóng về để tập trung quân.

Thực hiện kế hoạch Nava, Pháp đưa ngay 12 tiểu đoàn lấy từ Pháp, Bắc Phi, Triều Tiên tăng viện cho đội quân viễn chinh, đưa lực lượng cơ động chiến lược trên toàn Đông Dương trong Thu Đông 1953 lên 84 tiểu đoàn. Đồng thời, từ giữa năm 1953 trở đi, Pháp tăng lực lượng quân nguỵ ở Việt Nam cũng như ở Lào lên mức cao hơn trước nhiều lần: ở Việt Nam, đến tháng 3 năm 1954, Pháp tăng quân nguỵ thêm 9,5 vạn và ở Lào, số lính nguỵ phát triển lên đến hơn 10.000 quân.

Được tăng cường thêm lực lượng, trong suốt Hè Thu 1953, thực dân Pháp mở hàng chục trận càn quét tại các vùng sau lưng địch ở Bắc Bộ, Bình - Trị - Thiên, Nam Bộ của Việt Nam và ở Bắc Lào. Đồng thời, chúng tăng cường lực lượng biệt kích, tập kích, đánh phá các vùng tự do, vùng căn cứ kháng chiến của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Với những hoạt động quân sự ráo riết kể trên, kế hoạch Nava thể hiện sự nỗ lực cao nhất của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương và cho thấy sự câu kết giữa các thế lực đế quốc với bọn tay sai phản động trên bán đảo Đông Dương để chống lại cách mạng của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Liên minh đoàn kết chiến đấu nhân dân ba nước Đông Dương đứng trước những thử thách gay go mới.

Trước tình hình trên, tháng 9 năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đề ra phương châm: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và xác định nhiệm vụ quân sự trong Đông Xuân 1953 - 1954 là: “Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch trong vận động ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta; trong lúc đó, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch và tích cực tiến hành mọi sự chuẩn bị cần thiết trong nhân dân và bộ đội địa phương, dân quân du kích các vùng tự do để cho chủ lực rảnh tay làm nhiệm vụ” .

Theo phương hướng chiến lược ấy, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954, nhằm giữ vững quyền chủ động đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, phối hợp chiến đấu trên phạm vi cả nước và trên toàn Đông Dương. Cụ thể là: tiến công tiêu diệt quân địch ở Lai Châu, giải phóng Tây Bắc, phối hợp với quân dân Lào giải phóng Phôngxalỳ, đánh địch ở Trung, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia; mở rộng vùng giải phóng sau lưng Sài Gòn; đánh thông đường chiến lược Bắc - Nam Đông Dương, giành địa bàn chiến lược Tây Nguyên, phá âm mưu bình định miền Nam của địch.

Thực hiện chủ trương tác chiến chiến lược nói trên của Bộ Chính trị, Tổng Quân uỷ - Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam vừa theo dõi chặt chẽ âm mưu và hoạt động của địch, chủ động đề xuất với Trung ương Đảng phương hướng giải quyết, vừa chỉ đạo các lực lượng vũ trang toàn quốc đẩy mạnh hoạt động trên các chiến trường theo kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 đã được Bộ Chính trị phê chuẩn.

Trong Báo cáo về chủ trương tác chiến ở Điện Biên Phủ, toàn quốc và Đông Dương gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh và Bộ Chính trị, đồng chí Võ Nguyên Giáp nêu nhận định: “Sự phối hợp toàn quốc và giữa các chiến trường Việt - Miên - Lào đã bắt đầu thực hiện trong hơn một tháng nay, nay phải đẩy mạnh lên nữa. Đặc điểm của hoạt động Đông Xuân là bao gồm chiến trường toàn quốc và Việt - Miên - Lào, chứ không phải hạn chế trong một chiến trường nào” .

Trên tinh thần ấy, Đề án quân sự trình Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ngày 20 tháng 12 năm 1953 của Tổng Quân uỷ đã đề ra chủ trương chiến lược: “Tăng cường chiến tranh du kích ở địch hậu, tăng cường hoạt động ở các chiến trường miền Nam và Lào, Miên, buộc địch phải phân tán lực lượng và do đó lâm vào bị động”2. Tổng Quân uỷ cũng chỉ ra một cách cụ thể quan hệ giữa các chiến trường: “Chiến trường miền Nam Việt Nam bao gồm Liên khu 5 và Nam Bộ, đứng về địa lý và quân sự mà nói thì có quan hệ rất mật thiết với chiến trường Cao Miên và miền Hạ Lào... Nếu hoạt động Đông Xuân của ta thắng lợi thì vùng giải phóng ở Thượng, Trung và Hạ Lào có thể chiếm đến 1/2 nước Lào. Vấn đề giúp đỡ nước bạn xây dựng vùng giải phóng, xây dựng quân đội, mở mang kinh tế, củng cố chính quyền, v.v. trở thành một vấn đề lớn...”.

Phối hợp với quân dân Việt Nam và Campuchia anh em đánh bại kế hoạch Nava, Trung ương Mặt trận Lào Ítxalạ và Chính phủ Kháng chiến Lào chủ trương tăng cường lực lượng, củng cố vùng giải phóng về mọi mặt. Tháng 11 năm 1953, Chính phủ Kháng chiến Lào ban hành nghị định về việc động viên nhân dân đóng góp lương thực cho cuộc kháng chiến. Nghị định quy định cụ thể đối với từng đối tượng đóng góp cũng như miễn, giảm cho các gia đình thương binh, liệt sĩ; có con tham gia bộ đội hoặc diện nghèo, neo đơn, gặp thiên tai..., nhằm khuyến khích sản xuất và bảo đảm hậu cần tại chỗ. Về mặt quân sự, Bộ Chỉ huy tối cao của quân đội cách mạng Lào chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường xây dựng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương theo yêu cầu mỗi tỉnh phải có một đại đội chủ lực, mỗi huyện có một đến hai trung đội, đồng thời kiện toàn cơ quan lãnh đạo, chỉ huy các cấp, có kế hoạch phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực Việt Nam bảo vệ và mở rộng các vùng giải phóng ở Lào.

Thực hiện kế hoạch tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, tháng 12 năm 1953, một bộ phận quân chủ lực Việt Nam gồm Trung đoàn 66 của Đại đoàn 304, Trung đoàn 101 và Trung đoàn 18 của Đại đoàn 325 phối hợp với bộ đội Lào Ítxalạ và bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Lào mở chiến dịch Trung, Hạ Lào nhằm: tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai trên một hướng chiến lược quan trọng trong Đông Xuân 1953 - 1954, tạo thuận lợi cho các chiến trường khác ở Đông Dương.

Thay mặt Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí Hoàng Văn Thái, Phó Tổng Tham mưu trưởng, phổ biến kế hoạch, phương châm tác chiến chiến dịch Trung, Hạ Lào cho các đơn vị trước khi lên đường sang Lào chiến đấu. Đồng chí nêu rõ: “Trung và Hạ Lào là nơi địch tương đối sơ hở... Mục đích của chiến dịch nhằm tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng và củng cố vùng giải phóng của Bạn. Cả hai nhiệm vụ đều phải coi trọng” .

Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Chỉ huy tối cao Quân đội Lào Ítxalạ quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch Trung Lào, lấy mật danh là “Mặt trận D”. Các đồng chí được cử tham gia Bộ Chỉ huy chiến dịch gồm: phía Việt Nam có các đồng chí Hoàng Sâm - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, Trần Quý Hai - Chính uỷ kiêm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 325, Võ Thúc Đồng - Bí thư Ban Cán sự Trung Lào; phía Lào là đồng chí Khăm Tày Xiphănđon - Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến khu Trung Lào.

Căn cứ vào chủ trương chung và tình hình địch ở Trung, Hạ Lào, Bộ Chỉ huy liên quân đề ra phương châm chỉ đạo tác chiến là: bí mật, bất ngờ, đánh chắc thắng; chỉ đánh các vị trí trọng yếu, tranh thủ tiêu diệt địch trong vận động. Từ đánh quỵ một bộ phận sinh lực tinh nhuệ của địch trong vận động, tiến lên giải phóng một phần đất đai; hết sức giữ gìn lực lượng để tiến công liên tục; đánh dài hơi, kết hợp giữa tác chiến với địch vận, tác chiến với vận động quần chúng, cùng các lực lượng tại chỗ xây dựng các vùng mới giải phóng thành căn cứ kháng chiến của cách mạng Lào.

Bước vào công tác chuẩn bị cho chiến dịch, đồng chí Võ Thúc Đồng, Bí thư Ban Cán sự Trung Lào và đồng chí Trường Sinh, Đoàn trưởng Đoàn 280 bộ đội tình nguyện ở Trung Lào đã cùng đồng chí Khăm Tày Xiphănđon, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến khu Trung Lào họp bàn chuẩn bị lực lượng, thống nhất kế hoạch hoạt động trên chiến trường, tổ chức cấp tốc các lớp đào tạo cán bộ tỉnh, huyện và xã ở Trung Lào để chuẩn bị thành lập chính quyền, tiếp quản vùng giải phóng. Ban Cán sự còn tổ chức cho cán bộ Việt Nam cùng cán bộ Lào đi vào từng bản ở vùng Mahả Xây, Bualapha, Tà Ôi, Mương Noòng và khu vực Khăm Cợt để tuyên truyền, vận động nhân dân Lào ủng hộ, đóng góp lương thực, thực phẩm cho bộ đội, xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng vũ trang, sẵn sàng phối hợp cùng bộ đội chiến đấu.

Trong điều kiện chiến trường rất rộng và yêu cầu về hậu cần của chiến dịch rất lớn, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam giao cho hai tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An đảm bảo cung cấp cho chiến dịch Trung Lào, Hạ Lào. Dưới sự chỉ đạo của Liên khu uỷ 4, các cấp bộ đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương trên quyết tâm vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, dốc toàn lực phục vụ chiến dịch thắng lợi.
Ở Nghệ An, tỉnh đã huy động mọi khả năng có thể tham gia phục vụ chiến dịch Trung Lào. Lực lượng dân công Nghệ An tham gia chiến dịch lên tới 20.000 người, 1.500 xe đạp thồ, 1.006 chiếc thuyền... Theo kế hoạch, ngày 10 tháng 11 năm 1953, tất cả dân công Nghệ An phối hợp với 32.000 dân công và 1.800 xe đạp thồ của tỉnh Hà Tĩnh, chuyển 4.600 tấn gạo lên Thanh Luyện - Chu Lễ - Tân Ấp - Xóm Cục, qua đường 15 lên đường 12, từ đó theo các đơn vị bộ đội triển khai đi vào Trung Lào.

Trong quá trình phát triển của chiến dịch, ngoài công tác vận chuyển, dân công Nghệ An còn tham gia đánh địch, cùng với bộ đội tiến vào giải phóng Bạn Naphào, Nhômmalạt, Thà Khẹc... .

Ở Hà Tĩnh, để đảm bảo bí mật, khi bộ đội Việt Nam hành quân sang đất bạn, tỉnh mới triển khai huy động dân công mở đường và lập các cung trạm vận chuyển. Chiến dịch kéo dài sáu tháng liền nên nhân dân Hà Tĩnh đã nỗ lực rất lớn để phục vụ bộ đội chiến đấu dài ngày trên nước bạn. Trong toàn bộ chiến dịch, số dân công phục vụ lên tới 80.909 người với 5.944.865 ngày công, trong đó Hà Tĩnh đảm nhiệm phần lớn với 56.000 người; riêng số dân công của Hà Tĩnh phục vụ trực tiếp trên chiến trường Lào là 28.300 người. Bình quân mỗi dân công Hà Tĩnh đã phục vụ chiến dịch hơn hai tháng rưỡi. Khối lượng vật chất của tỉnh Hà Tĩnh cung cấp cho chiến dịch gồm: 3.409 tấn gạo, 154 tấn muối, 2.102 con trâu bò và huy động tới 1.299 chiếc thuyền, 394 xe đạp thồ và hàng trăm phương tiện vận tải thô sơ khác.

Ngoài hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, tỉnh Quảng Bình được Liên khu uỷ 4 giao nhiệm vụ cung cấp một phần nhân công vật lực cho chiến dịch Trung Lào. Toàn tỉnh đã lập được 29 trạm vận chuyển, huy động 46.000 thanh niên xung phong, dân công với 4.944.986 ngày công và nhiều xe đạp thồ cùng hàng trăm phương tiện vận tải thô sơ khác .

Bằng công sức và cả xương máu, lực lượng dân công Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình đã góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo cho chiến dịch Trung Lào giành thắng lợi. Tiêu biểu cho sự đóng góp và vai trò quan trọng của dân công Liên khu 4 trong chiến dịch là các đơn vị dân công Đức Thọ, Mỹ Châu, Thạch Hà (Hà Tĩnh), Anh Sơn (Nghệ An)... và nhiều cá nhân điển hình khác.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 29 Tháng Tám, 2021, 10:46:32 am
Đêm 21 tháng 12 năm 1953, liên quân Lào - Việt nổ súng tiến công quân địch ở Khăm He, giải phóng Thà Khẹc và nhiều vùng quan trọng ở Trung Lào, uy hiếp Xavẳnnakhệt và Xê Nô. Lo sợ liên quân Lào - Việt đánh xuống đường 9 và Hạ Lào, Nava phải điều năm tiểu đoàn từ đồng bằng Bắc Bộ và Sài Gòn tới Xê Nô, lập một tập đoàn cứ điểm mới dưới quyền chỉ huy của Tướng Phơrăngxi. Cùng với đồng bằng Bắc Bộ và Điện Biên Phủ ở Việt Nam, Xê Nô (Lào) trở thành một trong những nơi tập trung binh lực lớn của thực dân Pháp.

Thừa thắng, liên quân Lào - Việt tiến xuống Hạ Lào, diệt cứ điểm Pui, tập kích Áttapư, tiêu diệt một tiểu đoàn địch, sau đó phát triển xuống Xalavăn, giải phóng toàn bộ cao nguyên Bôlavên.

Sau hơn hai tháng liên tục chiến đấu, liên quân Lào - Việt đã loại khỏi vòng chiến đấu 9.510 tên địch, thu nhiều vũ khí, giải phóng một khu vực rộng 16.000 km2 với 600.000 dân .

Như vậy, chiến thắng Trung Lào và Hạ Lào đã góp phần quan trọng làm phá sản kế hoạch tập trung quân của Nava, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó trên nhiều chiến trường, tạo điều kiện cho quân và dân ba nước Đông Dương tiếp tục giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa. Thế phối hợp chiến lược giữa quân và dân hai nước Việt Nam - Lào tiếp tục được củng cố và phát triển lên một bước mới.

Trên chiến trường chính, từ đầu tháng 12 năm 1953, trước sự tiến công của bộ đội chủ lực Việt Nam, quân Pháp phải bỏ Lai Châu, rút về cố thủ ở Điện Biên Phủ. Địch tổ chức Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm và quyết giữ vững bằng mọi giá để tiêu hao, tiêu diệt quân chủ lực Việt Nam. Điện Biên Phủ trở thành điểm trung tâm của kế hoạch Nava.

Ngày 6 tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm tiêu diệt lực lượng tinh nhuệ của địch trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng trên chiến trường Đông Dương, giải phóng hoàn toàn vùng Tây Bắc Việt Nam và tạo điều kiện cho quân dân Lào giải phóng vùng cực Bắc Lào. Chiến dịch lấy mật danh là Trần Đình và đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, được cử làm chỉ huy trưởng kiêm bí thư Đảng uỷ chiến dịch.

Đầu năm 1954, theo chỉ thị của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Kháng chiến Lào, đoàn cán bộ Khu 1 (của Bắc Lào), do Chính uỷ Đoàn 82 quân tình nguyện Việt Nam và đồng chí Khăm Hùng phụ trách tham mưu tác chiến bộ đội Ítxalạ dẫn đầu đã tới Sở Chỉ huy Mường Phăng (Việt Nam) gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp và Bộ Tham mưu để báo cáo tình hình và thống nhất kế hoạch phối hợp chiến đấu giữa Mặt trận Khu 1 (Bắc Lào) với Mặt trận Điện Biên Phủ (Việt Nam).

Nhận thấy quân địch ngày càng tăng cường lực lượng phòng ngự ở Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ quyết định hoãn cuộc tiến công theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, chuyển sang đánh địch theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Đồng thời để đánh lạc hướng quân địch, cô lập hơn nữa Điện Biên Phủ, Bộ Tư lệnh tiền phương Việt Nam do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy đã trao đổi, thống nhất với Bộ Chỉ huy tối cao Quân đội Lào Ítxalạ, mở chiến dịch Thượng Lào nhằm đập tan tuyến phòng thủ của địch trên lưu vực sông Nặm U, mở rộng vùng giải phóng Bắc Lào.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: phía Việt Nam có Đại đoàn 308, Trung đoàn 148 (Quân khu Tây Bắc), Đoàn 82 quân tình nguyện Việt Nam ở Thượng Lào (có bốn đại đội độc lập, một đội vũ trang tuyên truyền). Phía Lào có đại đội Chămpaxắc, đại đội địa phương tỉnh Luổng Phạbang và bốn trung đội bộ đội địa phương huyện.

Tranh thủ thời gian và gây bất ngờ cho địch, Đại đoàn 308 khẩn trương hành quân sang chiến trường Lào, vừa đi vừa nắm tình hình địch, vừa đi vừa dựa vào dân mà chuẩn bị hậu cần. Các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam và bộ đội Lào Ítxalạ đã phân chia thành nhiều tổ nhóm dẫn đường cho các đơn vị của Đại đoàn 308, đồng thời cùng với cán bộ dân - chính xuống từng làng bản vận động nhân dân cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội đánh giặc. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân các tỉnh Luổng Phạbang, Huội Xài và Phôngxalỳ đã quyên góp được 2.000 tấn gạo và nhiều thực phẩm phục vụ bộ đội tham gia chiến dịch.

Phát hiện Đại đoàn 308 tiến sang chiến trường Lào, ngày 25 tháng 1 năm 1954, quân địch bỏ phòng tuyến sông Nặm U rút chạy về hướng Mương Xài và Luổng Phạbang. Không bỏ lỡ cơ hội, liên quân Lào - Việt được nhân dân địa phương giúp đỡ tiến vào giải phóng vùng lưu vực sông Nặm U, toàn bộ tỉnh Phôngxalỳ, bao vây địch ở Mương Xài và tạo thế uy hiếp kinh đô Luổng Phạbang của nước Lào. Lo sợ liên quân Lào - Việt đánh thẳng vào kinh đô Lào, Nava buộc phải lập cầu hàng không, đưa 10 tiểu đoàn đến Luổng Phạbang và Mương Xài, lập thêm hai tập đoàn cứ điểm mới. Mương Xài, Luổng Phạbang lại trở thành nơi tập trung binh lực cơ động của địch trên chiến trường Lào.

Qua hơn 10 ngày liên tục chiến đấu, truy kích địch trên quãng đường dài hơn 200 km, liên quân Lào - Việt đã loại khỏi vòng chiến đấu 17 đại đội địch, gồm 2.200 tên, trong đó có một tiểu đoàn lính lê dương, thu hàng chục tấn vũ khí quân trang, quân dụng. Căn cứ kháng chiến của nhân dân Lào được mở rộng thêm gần một vạn kilômét vuông, nối liền khu giải phóng Thượng Lào với khu Tây Bắc của Việt Nam. Phòng tuyến sông Nặm U, “con đường liên lạc chiến lược” của địch với Điện Biên Phủ bị đập vỡ, đẩy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào thế hoàn toàn bị cô lập.

Phối hợp với chiến trường Trung, Hạ Lào và lưu vực sông Nặm U, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Lào Ítxalạ ở Tây Lào được nhân dân giúp đỡ đã đẩy mạnh tiến công diệt nhiều đồn bốt địch, như các trận tiến công Na Khai trên đường 13, bắc Viêng Chăn (ngày 28 tháng 12 năm 1953); Xảm Phăn, thuộc huyện Phôn Hoộng (đầu tháng 1 năm 1954); Bạn Xai, trên đường 13 (ngày 29 tháng 1 năm 1954); Phìa Lạt thuộc huyện Nặm Tòn (ngày 12 tháng 2 năm 1954); Thà Ngòn (ngày 1 tháng 3 năm 1954); Nặm He (ngày 16 tháng 3 năm 1954)..., làm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Những chiến thắng liên tiếp của quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Lào Ítxalạ ở khu Tây Lào đã góp phần đẩy địch vào thế bị động, khốn quẫn, buộc chúng phải co về phòng thủ trong các thị xã, thị trấn, tạo điều kiện cho cách mạng Lào xây dựng, phát triển lực lượng, mở rộng các khu căn cứ phía sau lưng địch.

Ở Hạ Lào, từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2 năm 1954, Tiểu đoàn 436 thuộc Trung đoàn 101, Đại đoàn 325 quân chủ lực Việt Nam phối hợp với quân và dân Nam Lào đánh nhiều trận, loại khỏi vòng chiến đấu gần 3.000 tên địch, giải phóng Áttapư, cao nguyên Bôlavên và nam Xalavăn rộng hơn 20.000 km2, nối liền vùng giải phóng Trung Lào với Nam Lào.

Lo sợ bị mất thị xã Xalavăn và vùng Hạ Lào, thực dân Pháp vội vã điều ngay một binh đoàn cơ động từ Bắc Bộ Việt Nam sang và Binh đoàn nguỵ số 51 từ Xê Nô xuống, lập thêm hai cụm cứ điểm mới ở thị xã Xalavăn và Pạc Xê. Khối quân cơ động của Pháp lại một lần nữa bị phân tán ở chiến trường Lào, khiến cho Pháp không thể tập trung lực lượng đối phó ở chiến trường chính Việt Nam.

Sự phối hợp chiến đấu giữa quân và dân hai nước Việt - Lào đã thu được thắng lợi to lớn. Liên quân cách mạng Việt - Lào đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng rộng lớn.

Trong chiến công chung đó, Việt Nam “ngoài 7.600 quân tình nguyện Việt Nam tại chỗ, còn được tăng cường thêm 10.000 quân chủ lực. Lực lượng dân công hoả tuyến lên tới 54.084 người với hơn 1.974.000 ngày công”  để phối hợp cùng với quân và dân Lào anh em chiến đấu và chiến thắng. Tình đoàn kết chiến đấu keo sơn, thuỷ chung giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt - Lào ngày càng phát triển bền vững.
Đặc biệt, do sự lớn mạnh của phong trào kháng chiến ở cả ba nước Đông Dương, khối cơ động chiến lược mà Nava và Bộ Chỉ huy quân Pháp mất nhiều công sức xây dựng và định dùng nó để đè bẹp quân chủ lực Việt Nam nay phải phân tán ra phòng ngự và bị giam chân ở nhiều nơi như: Điện Biên Phủ, Luổng Phạbang - Mương Xài, Xê Nô, Xalavăn, Pạc Xê, An Khê, Tuy Hoà, Quy Nhơn,... Tình hình đó đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho quân và dân Việt Nam tiến lên thực hiện trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định.

Ngày 13 tháng 3 năm 1954, quân và dân Việt Nam mở cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Phối hợp với chiến trường chính Việt Nam, quân và dân Lào tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự từ Bắc xuống Nam Lào, đồng thời ủng hộ Mặt trận Điện Biên Phủ (Việt Nam) 300 tấn gạo chiến lợi phẩm thu được sau chiến thắng Thượng Lào  và 400 viên đạn pháo 105 ly thu được của địch ở Bạn Naphào2.
Sau 55 ngày đêm chiến đấu, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Chiến công đó đã đánh bại cố gắng chiến tranh cao nhất của thực dân Pháp được Mỹ viện trợ, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của bọn đế quốc và liên minh giữa bọn đế quốc với bọn phản động tay sai ở ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam và cũng là thắng lợi của khối đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia mà Việt Nam làm trụ cột.

Trong nhật lệnh của Đại tướng, Tổng Tư lệnh nhân dịp lễ mừng chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 13 tháng 5 năm 1954, đồng chí Võ Nguyên Giáp nêu rõ: thắng lợi ở Điện Biên Phủ là kết quả của chín năm kháng chiến anh dũng của quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, đó cũng là “nhờ ở sự phối hợp chặt chẽ của quân đội giải phóng hai nước anh em Khơme - Pathết Lào” .

Nhận xét về sức mạnh đoàn kết chiến đấu của ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương, một học giả nước ngoài đã viết: “Không nghi ngờ gì nữa, chính trình độ đoàn kết có hiệu quả thực sự ấy đã dẫn tới thất bại của Pháp ở Đông Dương, mà tượng trưng là chiến thắng lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Điện Biên Phủ. Chiến thắng đó là sản phẩm của những nỗ lực quân sự thống nhất và có phối hợp” .

Thắng lợi ở Điện Biên Phủ cũng là thắng lợi của phong trào đấu tranh chống chiến tranh của nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới. Cục diện chiến trường chuyển sang thế có lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Giơnevơ.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 29 Tháng Tám, 2021, 02:47:43 pm
4. Phối hợp đấu tranh tại Hội nghị Giơnevơ

Một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 8 tháng 5 năm 1954, Hội nghị quốc tế về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương bắt đầu khai mạc. Hội nghị có chín bên tham dự, gồm Liên Xô, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia. Các đại diện lực lượng kháng chiến Pathết Lào và Khơme Ítxarắc cũng đã có mặt tại Giơnevơ, nhưng chưa được chính thức tham gia Hội nghị.

Tại Hội nghị, theo chương trình nghị sự, đoàn Pháp phát biểu trước. Đại biểu Pháp trình bày lập trường của Pháp về vấn đề Việt Nam, gồm năm điểm: tập kết quân đội hai bên vào các vùng quy định; giải giáp lực lượng dân quân du kích; trao trả tù quân sự và dân sự; kiểm soát quốc tế; đình chỉ chiến sự. Về Lào và Cao Miên, đại biểu Pháp nêu bốn điểm: rút tất cả các lực lượng Việt Nam; giải giáp lực lượng dân quân du kích; trao trả tù quân sự và dân sự; kiểm soát quốc tế.

Với tư thế đại diện cho một dân tộc chiến thắng, ngay từ phiên họp đầu tiên, đồng chí Phạm Văn Đồng tuyên bố rõ lập trường của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về việc lập lại hoà bình ở Đông Dương phải là một giải pháp hoàn chỉnh cả về quân sự và chính trị cho cả Việt Nam, Lào, Campuchia, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương. Trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Phạm Văn Đồng đề nghị Hội nghị mời đại biểu của Chính phủ Kháng chiến Pathết Lào và Chính phủ Kháng chiến Khơme Ítxarắc tham gia Hội nghị. Đồng chí nói rõ: hai Chính phủ đó được nhân dân ủng hộ, có uy tín và ảnh hưởng lớn trong toàn thể nhân dân hai nước. Sự có mặt của đại biểu hai Chính phủ Kháng chiến Khơme và Lào là cần thiết, đây sẽ là một đảm bảo cho Hội nghị thành công . Nhưng lời đề nghị của đồng chí Phạm Văn Đồng đã bị các đại biểu Mỹ và Pháp kiên quyết bác bỏ. Do đó, tại Hội nghị Giơnevơ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đại diện cho lập trường, tiếng nói của Chính phủ Kháng chiến Lào và Campuchia.

Ngày 10 tháng 5 năm 1954, tại phiên họp toàn thể thứ hai, đồng chí Phạm Văn Đồng nêu rõ quan điểm của Việt Nam về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương là: “Nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, cũng như nhân dân và Chính phủ Khơme và Pathết Lào nguyện dùng đường lối đàm phán để giải quyết vấn đề khôi phục hoà bình ở Đông Dương trên cơ sở nhìn nhận các quyền dân tộc của nhân dân Đông Dương: độc lập và thống nhất dân tộc, tự do dân chủ, do đó mà tạo điều kiện xây dựng quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Đông Dương và nước Pháp trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng quyền lợi lẫn nhau. Đó là con đường bảo đảm khôi phục theo công lý và danh dự một nền hoà bình vững chắc và lâu dài ở Đông Dương; con đường duy nhất bảo đảm thực sự hoà bình và an ninh của các nước Đông Nam Á và Á châu và góp phần vào việc làm dịu bớt tình hình quốc tế, duy trì và củng cố hoà bình thế giới” .

Trên lập trường đó, Trưởng đoàn Việt Nam đưa ra bản đề nghị gồm tám điểm, trong đó nêu rõ những vấn đề có tính nguyên tắc, đó là: nước Pháp phải công nhận chủ quyền và độc lập của nước Việt Nam, công nhận chủ quyền và độc lập của hai nước Lào và Campuchia; quân đội nước ngoài phải rút hết khỏi Đông Dương trong một thời hạn do hai bên thoả thuận; việc thống nhất quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia sẽ thông qua tổng tuyển cử tự do ở mỗi nước, các nước ngoài không được can thiệp. Đề nghị đó thể hiện rõ nguyện vọng, ý chí hoà bình của nhân dân và Chính phủ Việt Nam cũng như của nhân dân và Chính phủ Kháng chiến Pathết Lào và Khơme, phù hợp với hoà bình và an ninh của nhân dân các nước châu Á và thế giới.

Đồng thời với cuộc đấu tranh ở Hội nghị Giơnevơ, ngày 11 tháng 5 năm 1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Chỉ thị Về việc tổ chức một cuộc tuyên truyền động viên mở rộng thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Chỉ thị viết: “Từ trước đến nay chưa lúc nào quân ta phối hợp tác chiến rộng khắp và liên tục và thu nhiều thắng lợi như hiện nay, không những ở Việt Nam mà ở cả Lào - Miên” . “Chiến thắng ở Điện Biên Phủ và ở các chiến trường toàn quốc có tác dụng rất lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất, dân chủ, hoà bình của nhân dân Việt Nam, cũng như của nhân dân Miên - Lào, đồng thời góp phần đắc lực vào việc bảo vệ hoà bình thế giới”. Trong công tác tuyên truyền, Ban Bí thư nhắc nhở: “tuyên truyền chiến thắng Điện Biên Phủ là chính nhưng phải gắn với chiến thắng trên các chiến trường toàn quốc và chiến trường Lào - Miên”.

Phối hợp với cuộc đấu tranh ngoại giao tại Giơnevơ, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam động viên tinh thần quân và dân trên các chiến trường, đặc biệt ở vùng sau lưng địch, tích cực đánh giặc; ở vùng tự do, đẩy mạnh giảm tô, cải cách ruộng đất, hăng hái tòng quân, đi dân công; trong vùng bị tạm chiếm, tích cực chống địch bắt lính, đòi địch chấm dứt chiến tranh. Các lực lượng vũ trang liên tục tiến công tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng thêm nhiều vùng rộng lớn.

Nhất trí với lập trường của Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Giơnevơ, ngày 21 tháng 5 năm 1954, thay mặt Chính phủ Kháng chiến Lào, Thủ tướng Xuphanuvông ra tuyên bố:

“1. Kẻ xâm lược Pathết Lào hiện nay là thực dân hiếu chiến Pháp được can thiệp Mỹ viện trợ và thúc đẩy.
2. Nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là bạn thân thiết của nhân dân Pathết Lào.
3. Muốn lập lại hoà bình ở Đông Dương, phải ngừng bắn và đình chiến trên toàn cõi Đông Dương.

Việc tìm cách lập lại hoà bình ở Đông Dương tại Hội nghị Giơnevơ phải có đại biểu Pathết Lào cũng như đại biểu Khơme tham gia. Trong khi đại biểu của mình chưa tham dự Hội nghị Giơnevơ, Chính phủ Kháng chiến Pathết Lào hoàn toàn đồng ý và ủng hộ lập trường và đề nghị của đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Giơnevơ về vấn đề ngừng bắn và đình chiến trên toàn cõi Đông Dương để lập lại hoà bình ở Đông Dương” .

Ở chiến trường Lào, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Ban Vận động thành lập Đảng Nhân dân Lào, Mặt trận, Chính phủ và quân đội hai nước Việt - Lào thống nhất chủ trương: “Nhân đà chiến thắng, có những điều kiện thuận lợi mới, để phối hợp với cuộc đấu tranh ngoại giao, ta cần giữ vững và tăng cường hoạt động khi có cơ hội khuếch trương thắng lợi, đồng thời ra sức củng cố mở rộng vùng giải phóng và các căn cứ du kích” .

Thực hiện chủ trương trên, quân và dân Lào được sự giúp đỡ và phối hợp chặt chẽ với quân tình nguyện Việt Nam, tranh thủ thời cơ thuận lợi, đẩy mạnh các hoạt động chiến đấu, xây dựng lực lượng, tăng cường sức mạnh kháng chiến về mọi mặt.

Trước cuộc tiến công liên tục của các lực lượng cách mạng trên chiến trường Đông Dương, quân đội viễn chinh Pháp càng sa vào tình trạng nguy khốn. Để đối phó với tình hình sa sút trên chiến trường, Chính phủ Pháp cử Tướng Êly làm cao uỷ Đông Dương kiêm tổng chỉ huy các lực lượng Liên hiệp Pháp; đồng thời cầu cứu Hoa Kỳ can thiệp.

Tuy nhiên, cuộc họp giữa ba phái đoàn quân sự cấp cao Mỹ, Anh, Pháp ở Oasinhtơn ngày 3 tháng 6 năm 1954 đã không đưa ra được biện pháp khẩn cấp nào để giúp Pháp ở Đông Dương. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng cuộc chiến tranh ở Đông Dương đã vượt qua thời điểm có thể đảo ngược.

Ngày 14 tháng 6 năm 1954, Tổng thống Pháp Côty cử Nghị sĩ Măngđét Phơrăng, thuộc phe chủ hoà trong chính giới Pháp, lập nội các mới. Ngày 20 tháng 6, Thủ tướng mới Măngđét Phơrăng tuyên bố sẽ từ chức nếu trong vòng một tháng không đạt được một cuộc ngừng bắn ở Đông Dương.

Trước những diễn biến mới của cuộc đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Giơnevơ, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp Hội nghị lần thứ sáu từ ngày 15 đến 17 tháng 7 năm 1954. Trong Báo cáo đọc tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, âm mưu và kế hoạch can thiệp của Mỹ cũng thay đổi để kéo dài chiến tranh Đông Dương, quốc tế hoá chiến tranh Đông Dương, phá hoại Hội nghị Giơnevơ, tìm hết cách hất cẳng Pháp để chiếm ba nước Việt, Miên, Lào, biến nhân dân Việt, Miên, Lào thành nô lệ của Mỹ và gây thêm tình hình căng thẳng trên thế giới... Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới, mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt, Miên, Lào” . “Để chống đế quốc Mỹ trực tiếp can thiệp, kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương, ta phải nắm vững lá cờ hoà bình... Dùng lối nói chuyện thì phải nhân nhượng nhau đúng mức”, “mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ... Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”. Hội nghị nhất trí phải tiếp tục đấu tranh để sớm đi đến ký hiệp định đình chiến với Chính phủ Pháp, không để cho đế quốc Mỹ và phái hiếu chiến Pháp kéo dài Hội nghị và phá hoại đàm phán.

Cuộc đấu tranh trên bàn Hội nghị về phân chia giới tuyến tạm thời, khu vực tập kết và địa vị chính trị của lực lượng kháng chiến Lào và Campuchia giữa đại diện Việt Nam và đại diện Pháp diễn ra rất quyết liệt, kéo dài trong nhiều phiên họp, nhiều thời gian. Nhà sử học người Pháp Phrăngxoa Gioayô (Francois Joyaux) nhận xét rằng, đại diện quân sự Việt Nam trong các cuộc đàm phán với đại diện quân sự Pháp đã có thái độ cứng rắn về vấn đề này: “Nhân danh Pathết Lào, Tạ Quang Bửu đấu tranh để Chính phủ cách mạng Lào được kiểm soát phần nửa phía Đông nước Lào kể cả cao nguyên Bôlavên ở phía Nam. Việt Minh cũng đặt vấn đề như vậy trong một thời gian khi đợi công nhận quyền của Khơme Ítxarắc được có một vùng lãnh thổ” .

Cuối cùng, do những thắng lợi to lớn trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 của ba nước Đông Dương mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, những khó khăn của Pháp ở Đông Dương và ở ngay trong nước, đại diện Pháp đã phải chịu ký hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia.

Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam gồm sáu loại điều khoản với 47 điều, trong đó quy định lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời để lực lượng hai bên tập kết: lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam ở phía bắc giới tuyến, lực lượng quân đội “Liên hiệp Pháp” ở phía nam giới tuyến. Giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, hoàn toàn không thể coi là một ranh giới về chính trị hay lãnh thổ. Thời hạn quy định tổng tuyển cử ở Việt Nam là tháng 7 năm 1956.

Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Lào gồm sáu chương, 40 điều, trong đó công nhận nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Lào, lực lượng Pathết Lào trở thành lực lượng chính trị độc lập hợp pháp, có quân đội, có khu tập kết ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ. Điều 14 của Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Lào ghi rõ: “Trong khi chờ một giải pháp chính trị, các đơn vị chiến đấu “Pathết Lào” tụ tập trong các khu đóng quân tạm thời, trừ những chiến sĩ muốn được giải ngũ tại chỗ, sẽ chuyển đến các tỉnh Phôngxalỳ và Sầm Nưa. Các lực lượng này sẽ được tự do đi lại giữa hai tỉnh đó trong một hành lang dọc theo biên giới Lào - Việt, phía Nam giới hạn bởi con đường Xốp Kin, Na Mi, Xốp Xàng, Mương Xon” . Hiệp định còn quy định rõ, để làm cho đất nước Lào thống nhất, các nhà chức trách hai phái: phái Pathết Lào và phái Vương quốc Lào sẽ tiến hành đàm phán với nhau để tìm ra biện pháp giải quyết về chính trị trên cơ sở bảo đảm quyền tự do dân chủ cho nhân dân, thành lập chính quyền liên hiệp, hoà hợp dân tộc thông qua cuộc tổng tuyển cử tự do phổ thông đầu phiếu. Tổng tuyển cử ở Lào sẽ tiến hành trong năm 1955.

Ngày 21 tháng 7 năm 1954, Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương kết thúc bằng bản Tuyên bố cuối cùng gồm 13 điều về việc lập lại hoà bình ở Đông Dương.

Ý nghĩa chính trị to lớn của Hiệp định Giơnevơ là trong Tuyên bố cuối cùng, điều 12 đã nêu rõ: các nước tham gia Hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội bộ của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Đó là cơ sở pháp lý quốc tế rất quan trọng để nhân dân ba nước Đông Dương tiến lên giành độc lập, hoàn thành thống nhất đất nước ở mỗi nước.

Tại Hội nghị, tám đoàn đại diện chính thức tham gia Hội nghị là Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Anh, Pháp, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia tham gia ký kết các văn kiện hội nghị. Riêng phái đoàn Mỹ không chịu ký, mà ra một tuyên bố riêng cam kết tôn trọng Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương...

Mặc dù giải pháp Giơnevơ chưa phản ánh đầy đủ những thắng lợi của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia trên chiến trường, nhưng nó đã đánh dấu sự kết thúc chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương, đáp ứng nguyện vọng hoà bình của nhân dân Đông Dương và nhân dân thế giới. Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, việc ký kết Hiệp định Giơnevơ là thắng lợi quan trọng của sự nghiệp đoàn kết kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương nói chung, của nhân dân hai nước Việt Nam - Lào nói riêng. Thắng lợi đó đã mở đầu cho cao trào giải phóng dân tộc rộng lớn trên thế giới, cho thời kỳ tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi thế giới.

Đánh giá về ý nghĩa của thắng lợi này, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã khẳng định: “Đây là thắng lợi lịch sử của nhân dân Lào cũng như của nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia, chấm dứt ách thống trị kéo dài hơn 60 năm của thực dân Pháp, góp phần vào việc mở màn và thúc đẩy quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới” .

*
*     *

Như vậy, trong lịch sử quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu của quân và dân hai nước Việt Nam - Lào, những năm 1951 - 1954 là một giai đoạn chiến đấu đầy khó khăn, quyết liệt, song cũng rất đỗi sôi động và hào hùng.

Trong giai đoạn lịch sử này, cách mạng hai nước đã giải quyết thành công những vấn đề mấu chốt như: thống nhất chủ trương thành lập đảng mácxít ở mỗi nước Đông Dương, thành lập khối liên minh Việt Nam - Lào - Campuchia dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tôn trọng chủ quyền của nhau, nhằm mục tiêu đánh đuổi bọn xâm lược, làm cho mỗi nước hoàn toàn độc lập. Việc Đảng Lao động Việt Nam ra hoạt động công khai, sự ra đời của Liên minh mặt trận Đông Dương và của Ban Vận động thành lập Đảng Nhân dân Lào là cơ sở cho sự phát triển vượt bậc, có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương nói chung, Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam nói riêng. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, của Ban Vận động thành lập Đảng Nhân dân Lào và Mặt trận Lào Ítxalạ, cách mạng hai nước Việt Nam - Lào càng phối hợp chặt chẽ với nhau hơn trên mọi chủ trương, hành động chiến lược và trên mọi mặt, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp đánh bại kẻ thù chung là thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Với tư tưởng chỉ đạo chiến lược “Đông Dương là một chiến trường”, lãnh đạo hai nước Việt Nam - Lào thống nhất lựa chọn, quyết định xây dựng chiến trường Lào thành chiến trường phối hợp đắc lực với chiến trường chính Việt Nam. Thực hiện chủ trương trên, trong năm 1951, Đảng và Chính phủ Việt Nam tiếp tục cử hơn một vạn cán bộ, chiến sĩ sang phối hợp và giúp đỡ nhân dân Lào đẩy mạnh kháng chiến. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp bạn là mình tự giúp mình”, coi nhân dân bạn như nhân dân mình, coi sự nghiệp cách mạng của bạn là trách nhiệm của mình, cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã kề vai sát cánh cùng với bạn, vừa chiến đấu chống địch càn quét lấn chiếm, vừa tiến hành xây dựng và củng cố các đoàn thể, chính quyền kháng chiến, tăng cường lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích trên khắp các khu vực Thượng, Trung và Hạ Lào. Đồng thời, thực tiễn chiến đấu, công tác trên các chiến trường Lào cũng là cơ hội bồi dưỡng, rèn luyện rất bổ ích về các mặt quân sự, chính trị, nhất là nâng cao thêm tinh thần đoàn kết quốc tế cho cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam.

Sự lớn mạnh của phong trào kháng chiến Lào trong những năm 1951 - 1952 đã tạo điều kiện đưa chiến trường Lào tiến lên phối hợp có hiệu quả với chiến trường chính Việt Nam. Từ năm 1953, quân và dân hai nước Việt Nam - Lào phối hợp mở liên tiếp các chiến dịch tiến công lớn trên chiến trường Lào với quy mô lực lượng của cả hai nước tham gia lớn hơn bất kỳ thời kỳ nào trước đó, tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, mở rộng nhiều vùng giải phóng ở Lào. Đặc biệt, trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, chiến trường Lào đã phát huy tác dụng là chiến trường phối hợp đắc lực với chiến trường chính Việt Nam, thu hút và giam chân một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động của địch, góp phần tạo điều kiện cho các binh đoàn chủ lực Việt Nam tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ năm 1954, lập lại hoà bình ở Đông Dương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) thể hiện nghị lực và quyết tâm của cả hai nước Việt Nam - Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, kết tinh sức mạnh đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu giữa nhân dân và quân đội hai nước Việt - Lào. Thắng lợi đó tạo nền móng vững chắc cho sự phối hợp, liên minh chiến đấu giữa hai nước Việt Nam và Lào ngày càng được nâng cao trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954 - 1975).


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 29 Tháng Tám, 2021, 02:56:03 pm
Chương V
PHỐI HỢP ĐẤU TRANH THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ, CHỐNG CHIẾN LƯỢC
CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT CỦA ĐẾ QUỐC MỸ, THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO (1954 - 1962)


I. CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG Ở LÀO

1. Âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ đối với Việt Nam và Lào


Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) thắng lợi, Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương được ký kết (ngày 21 tháng 7 năm 1954) đã làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ ở Đông Dương và gây ảnh hưởng sâu rộng đến phong trào cách mạng thế giới, đặc biệt là phong trào giải phóng dân tộc ở các nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ1.

Sự vùng lên mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc và phong trào hoà bình thế giới cùng với sự phát triển lớn mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa từ châu Âu sang châu Á, trong đó những thành tựu to lớn của Liên Xô, Trung Quốc trên các lĩnh vực xây dựng kinh tế, củng cố quốc phòng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, bảo vệ hoà bình trên thế giới.

Đối phó với tình hình trên, đế quốc Mỹ buộc phải điều chỉnh lại chiến lược toàn cầu. Từ đối đầu gay gắt giữa hai phe, Mỹ chuyển sang hoà hoãn với Liên Xô, tập trung lực lượng đánh phá phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

Thực hiện âm mưu chiến lược mới này, Mỹ chọn Đông Dương làm khu vực trọng điểm, bởi theo nhận định của giới quân sự Mỹ: thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước Đông Dương đang đe dọa quyền lợi của Mỹ ở Đông Nam Á. Chính vì lẽ đó khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, mặc dù Trưởng phái đoàn Chính phủ Mỹ tuyên bố ghi nhận và cam kết tôn trọng quyết định của chín nước thành viên Hội nghị Giơnevơ, nhưng liền sau đó Tổng thống Mỹ lại tuyên bố không bị ràng buộc bởi Hiệp định này. Cùng với tuyên bố trên, Mỹ ra sức cản trở việc thực hiện Hiệp định Giơnevơ và tìm cách thay thế Pháp, can thiệp ngày càng sâu vào Đông Dương.

Để mở rộng xâm lược ba nước Đông Dương, Mỹ lôi kéo các nước Anh, Pháp, Ôxtrâylia, Niu Dilân, Pakixtan, Philíppin, Thái Lan họp ở Manila (thủ đô của Philíppin) thành lập khối quân sự trá hình lấy tên là Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO). Ngày 8 tháng 9 năm 1954, các nước này ký Hiệp ước phòng thủ Đông Nam Á. Điểm 4 của Hiệp ước này ghi: trong trường hợp có xâm lược hay tiến công vũ trang chống lại những nước thành viên, các nước ký kết sẽ cùng nhau hành động... Một điều khoản phụ nêu những nước cần SEATO bảo vệ để chống “xâm lược” và “lật đổ”, trong đó có Việt Nam và Lào. Với việc đặt xứ Đông Dương vào khu vực bảo hộ của khối Đông Nam Á, Mỹ và các nước đồng minh của họ đã ngang nhiên hợp pháp hoá việc chuẩn bị can thiệp vào các nước Đông Dương.

Mục tiêu chiến lược của Mỹ đối với ba nước Đông Dương là:

- Chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ.
- Dùng Nam Việt Nam, Lào làm bàn đạp tiến công nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
- Ngăn cản làn sóng cộng sản tràn vào các nước khác ở Đông Nam Á.

Thực hiện các mục tiêu trên, ngay sau Hiệp định Giơnevơ, đế quốc Mỹ đã tăng cường viện trợ quân sự, kinh tế cho các chính quyền thân Mỹ ở miền Nam Việt Nam và ở Lào2. Thông qua hệ thống cố vấn và viện trợ, Mỹ không những chi phối toàn bộ nền kinh tế của Nam Việt Nam, của Lào mà còn quyết định cả đường lối chính trị của chính quyền Sài Gòn và chính quyền Viêng Chăn.

Sau Hiệp định Giơnevơ, Lào trở thành quốc gia độc lập có chủ quyền. Bộ máy chính quyền thân Pháp trước đây tuy là sản phẩm của chủ nghĩa thực dân nhưng về danh nghĩa là chính phủ quốc gia. Khi can thiệp và xâm lược Lào, đế quốc Mỹ đã khai thác danh nghĩa pháp lý và bản chất của chính quyền này để mua chuộc lôi kéo những phần tử phản động cực hữu dựng lên chính phủ thân Mỹ.

Đi đôi với biện pháp quân sự, để nắm dân, mở rộng khu vực kiểm soát, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai thân Mỹ ở Lào còn đẩy mạnh các cuộc càn quét, dồn dân lập ra các “khu chấn hưng”, “làng đoàn kết” nhằm mục đích giành dân, cô lập cách mạng. Cũng tương tự như “ấp chiến lược”, “khu trù mật” của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, “làng đoàn kết”, “khu chấn hưng” ở Lào là một thủ đoạn thâm độc của Mỹ và tay sai nhằm tập trung các biện pháp chính trị, kinh tế, tâm lý phục vụ cho âm mưu chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ, tách dân để cô lập, đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Lào3.

Cùng với viện trợ quân sự, kinh tế, Mỹ cho thành lập hệ thống cố vấn nắm quyền chỉ huy điều hành các chính quyền thân Mỹ phục vụ cho kế hoạch xâm lược của Mỹ ở Việt Nam và Lào. Trong mỗi giai đoạn chiến tranh, các tổ chức cố vấn Mỹ đều có sự thay đổi về tên gọi để phù hợp với tình hình cụ thể. Ở miền Nam Việt Nam, Mỹ thành lập tổ chức MAAG từ năm 1950 khi còn làm nhiệm vụ viện trợ giúp Pháp. Đến giữa năm 1956, Mỹ cho thành lập ở Sài Gòn bốn tổ chức cố vấn với những tên gọi khác nhau MAAG, TRIM, CATO, TERM. Riêng phái đoàn MAAG ở miền Nam tính đến năm 1960 có khoảng 2.000 tên (trong đó khoảng 800 là cố vấn quân sự).

Dưới sự chỉ huy của Mỹ, ngay sau khi có lệnh ngừng bắn, bọn tay sai thân Mỹ ở Lào đã sử dụng các đơn vị quân đội Vương quốc liên tiếp gây ra nhiều vụ khiêu khích, tấn công các đơn vị đồn trú của Pathết Lào và quân tình nguyện Việt Nam, đồng thời cho quân chiếm đóng trái phép một số điểm trong vùng giải phóng của Pathết Lào ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ.

Sau Hiệp định Giơnevơ, cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ đấu tranh với những điều kiện thuận lợi mới nhưng cũng đầy những khó khăn phức tạp: đất nước tạm thời chia làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Miền Bắc hoàn toàn được giải phóng đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam còn dưới sự thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Cuộc đấu tranh để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đặt ra cho nhân dân Việt Nam những nhiệm vụ mới rất nặng nề. Để đi đến thắng lợi đòi hỏi phải có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam, sự đoàn kết toàn dân và sự ủng hộ tích cực của lực lượng hoà bình tiến bộ trên thế giới, trong đó có nhân dân Lào, Campuchia anh em.

Đối với nhân dân Lào, Hiệp định Giơnevơ 1954 được ký kết là một thắng lợi lớn, là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân các bộ tộc Lào. Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Lào được hội nghị quốc tế thừa nhận. Lực lượng cách mạng cũng được thừa nhận về pháp lý là một bên đối thoại để giải quyết nội bộ vấn đề Lào.

 Bối cảnh đó đặt mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trước những thử thách lớn và thời cơ mới đòi hỏi hai Đảng phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn thử thách để lãnh đạo nhân dân hai nước tiếp tục giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh đoàn kết ba nước Đông Dương và đoàn kết quốc tế tạo thành sức mạnh chung đánh thắng kẻ thù.




-----------------------------------------------------------------
1. Trên lục địa châu Phi, tháng 8 năm 1954, Đảng Cộng sản Marốc tuyên bố đòi Chính phủ Pháp phải chấm dứt các hành động đàn áp, khủng bố những người yêu nước, đòi phải thả tù chính trị. Ở các nước châu Phi khác như Tuynidi, Angiêri, Camơrun, Mađagaxca, Cônggô, phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũng diễn ra rất mạnh mẽ với khí thế sôi nổi chưa từng có.

Ở châu Á, nhiều quốc gia như Ấn Độ, Mianma, Inđônêxia... ngày càng tích cực thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, xoá bỏ ảnh hưởng của chủ nghĩa đế quốc. Tháng 6 năm 1954, chính phủ hai nước Trung Quốc và Ấn Độ ra tuyên bố về năm nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình. Gần một năm sau (tháng 4 năm 1955), Hội nghị Băng Đung triệu tập tại Inđônêxia với 29 nước Á - Phi tham dự đã ra tuyên bố 10 nguyên tắc chung sống hoà bình, trung lập.

2. Số viện trợ Mỹ ở Việt Nam từ năm 1955 đến 1964 là 3.485,7 triệu USD; ở Lào từ năm 1955 đến 1965 là 830 triệu USD.

3. Cuối năm 1959, số người bị đưa vào trại tập trung tại hai vùng Sầm Nưa và Luổng Phạbang lên tới 7.000 người. Đầu năm 1960, tại các tỉnh này có gần 2.400 gia đình bị chúng dồn về xung quanh các đồn bốt. Để thực hiện thủ đoạn lừa bịp, xoa dịu mâu thuẫn của nhân dân Lào, từ năm 1960, Mỹ còn đề ra chương trình phát triển nông thôn. Thực chất của chương trình này là nhằm quản lý nhân dân trong vùng chúng kiểm soát, kích động tâm lý nhân dân giữa hai vùng để chống phá cách mạng Lào. Theo số liệu thống kê, năm 1960, Mỹ đầu tư cho chương trình này 2,4 triệu USD, năm 1964 tăng lên 4 triệu USD và năm 1965 lên tới 6 triệu USD.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 29 Tháng Tám, 2021, 03:04:18 pm
2. Củng cố và xây dựng lực lượng cách mạng Lào về mọi mặt

a) Hoàn thành chuyển quân, củng cố vùng tập kết của Pathết Lào


Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, trước âm mưu thủ đoạn mới của đế quốc Mỹ đối với ba nước Đông Dương, đặc biệt là đối với Việt Nam và Lào, phân tích so sánh lực lượng địch, ta ở bán đảo Đông Dương, xu thế phát triển chung của tình hình Đông Nam Á và thế giới, Trung ương Mặt trận Lào Ítxalạ và Chính phủ Kháng chiến Lào đã đề ra nhiệm vụ của cách mạng Lào trong giai đoạn mới là: “đoàn kết toàn dân đấu tranh thực hiện hiệp định đình chiến, xây dựng hai tỉnh tập kết thành căn cứ đấu tranh của cả nước; giữ vững và phát triển cơ sở quần chúng ở các vùng ta vừa rút quân, dựa vào lực lượng của ta và hiệp định đình chiến mà thương lượng với Chính phủ Vương quốc, tiến hành tổng tuyển cử tự do và thành lập Chính phủ Liên hiệp thống nhất, tiến tới xây dựng một nước Lào dân chủ và hoàn toàn độc lập”, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ “bảo vệ và xây dựng hai tỉnh thành căn cứ cách mạng của cả nước và xây dựng phát triển các lực lượng vũ trang vững mạnh... là công tác trung tâm mấu chốt nhất trong giai đoạn này”1.

Thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ 1954, ngày 22 tháng 7 năm 1954, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra lệnh cho các lực lượng vũ trang ngừng bắn trên toàn chiến trường Việt Nam và quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia. Tại Lào, ngày 23 tháng 7 năm 1954, đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Kháng chiến Lào ra nhật lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ và thực hiện hiệp định đình chiến ở Lào. Lệnh ngừng bắn chính thức có hiệu lực từ ngày 6 tháng 8 năm 1954.

Theo quy định của Hiệp định Giơnevơ, lực lượng quân tình nguyện Việt Nam sẽ rút khỏi Lào trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày ký đình chiến, cũng trong khoảng thời gian đó, lực lượng Pathết Lào hoàn thành việc chuyển quân tập kết về hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ.

Triển khai kế hoạch rút quân theo quy định, ngày 28 tháng 8 năm 1954, Đại tá Đặng Tính, Trưởng Đoàn đại biểu quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Lào Ítxalạ cùng với Đại tá Sore, Trưởng Đoàn đại biểu lực lượng Liên hiệp Pháp và Quân đội Hoàng gia Lào họp tại Khăng Khay bàn và ký các văn bản quy định những khu vực đóng quân tạm thời, hành lang rút quân và thời hạn rút quân của các đơn vị tham chiến ở Lào. Hai bên thoả thuận quy định các khu vực đóng quân tạm thời cho hai bên tham chiến.

Sau Hiệp định Giơnevơ, Việt Nam cũng như Lào đã được quốc tế công nhận là các quốc gia độc lập, có chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Mỗi nước tiếp tục xây dựng lực lượng và đấu tranh vì nền độc lập, thống nhất của mỗi nước. Mối quan hệ đoàn kết liên minh chiến đấu giữa nhân dân và quân đội hai nước Việt Nam - Lào trong bối cảnh quốc tế mới đòi hỏi phải tập trung xây dựng lực lượng, giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị nhằm củng cố hoà bình, thực hiện hoà hợp dân tộc, đưa cách mạng mỗi nước tiến lên giành thắng lợi mới.

Theo đề nghị của Mặt trận Lào Ítxalạ và Chính phủ Kháng chiến Lào, nhằm tăng cường xây dựng và phát huy khả năng tự lực của lực lượng Pathết Lào đấu tranh giành thắng lợi trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng Lao động Việt Nam chủ trương tiếp tục giúp cách mạng Lào toàn diện, cơ bản, trước mắt tập trung giúp “xây dựng các lực lượng vũ trang, củng cố khu căn cứ hai tỉnh, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ” .

Do tình hình Lào và Việt Nam sau Hiệp định Giơnevơ có những nét đặc thù riêng nên phương thức hợp tác giúp đỡ của Việt Nam đối với cách mạng Lào cũng cần phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Trên cơ sở bàn bạc thống nhất với Chính phủ Kháng chiến và Bộ Quốc phòng Lào về các vấn đề chiến lược cách mạng, trong đó có chiến lược quân sự, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam chủ trương điều chỉnh tổ chức và bố trí lực lượng từ làm nhiệm vụ quân tình nguyện sang làm nhiệm vụ cố vấn quân sự thực hiện ở ba cấp: Bộ Quốc phòng (giúp chung mọi mặt); trường quân chính (giúp đào tạo, huấn luyện cán bộ) và các đơn vị, địa phương (mỗi nơi có một tổ cố vấn, gồm một cán bộ tiểu đoàn và một số cán bộ đại đội).

Về phương châm giúp cách mạng Lào, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam xác định phải đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng chủ quyền của Lào. Hết sức đề cao lòng tự tin, tinh thần độc lập tự chủ của cán bộ Lào, ra sức giúp đỡ bồi dưỡng cán bộ Lào tự đảm đương lấy nhiệm vụ của Lào theo tinh thần “cách mạng Lào do nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Lào tự làm lấy là chủ yếu; tránh bao biện làm thay, tránh chủ quan hấp tấp” .

Triển khai nhiệm vụ giúp cách mạng Lào theo phương thức mới, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã quyết định thành lập Đoàn 100 do đồng chí Chu Huy Mân làm trưởng đoàn kiêm bí thư Đảng uỷ sang giúp bộ đội Pathết Lào2.

Sau các buổi làm việc với đồng chí Nguyễn Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phụ trách Ban Cán sự miền Tây, đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Kháng chiến Lào; đồng chí Xỉxávạt Kẹo Bunphăn, Phụ trách tham mưu; Bun Phôm Mahả Xây, Phụ trách chính trị quân đội Pathết Lào, căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng và quân đội Pathết Lào, chỉ huy Đoàn 100 đã tổ chức phân công các đồng chí trực tiếp làm cố vấn giúp ba cơ quan Bộ Quốc phòng Lào, Trường Quân chính Cômmađăm, hai tỉnh đội (Sầm Nưa, Phôngxalỳ) và các địa phương, đơn vị.

Cuối tháng 11 năm 1954, các đơn vị quân đội Pathết Lào trong cả nước (gồm một số đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và các nhóm thanh niên yêu nước mới tập trung) tập kết về hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ3.

Khu tập kết của Pathết Lào gồm hai tỉnh Sầm Nưa, Phôngxalỳ và một dãy hành lang nối liền hai tỉnh, xuyên qua phía đông tỉnh Luổng Phạbang, gọi là “Đàn Pẹt” (Tiểu khu 8 ). Đây là một vùng đồi núi hiểm trở với diện tích khoảng 32.770 km2, là nơi cư trú của 32 vạn dân gồm nhiều bộ tộc sống xen kẽ nhau, từng là vùng căn cứ Trung ương của cách mạng Lào trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nối liền với khu Tây Bắc và Liên khu 4 (Việt Nam), đã hoàn toàn giải phóng, đây là điều kiện tốt để phát triển mối quan hệ giúp đỡ lẫn nhau giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt - Lào.

Tuy nhiên, đời sống của nhân dân hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ còn nhiều khó khăn, cơ sở cách mạng ở nhiều địa phương chưa được củng cố; nền kinh tế nghèo nàn, chậm phát triển, đời sống của nhân dân còn rất thiếu thốn. Bọn phỉ và tay sai phản động địa phương còn khống chế một số vùng; chính quyền các cấp đang hình thành, chưa phát huy được hiệu lực quản lý, chính sách còn nhiều bất cập. Nguồn bảo đảm vật chất, đời sống cho Chính phủ Kháng chiến Lào và quân đội chủ yếu dựa vào sự đóng góp của nhân dân hai tỉnh và sự viện trợ của Việt Nam nên còn nhiều hạn chế.

Căn cứ vào yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang đáp ứng nhiệm vụ cách mạng Lào trước mắt cũng như lâu dài, lãnh đạo và chỉ huy Đoàn 100 đã đi sâu nắm tình hình mọi mặt để xây dựng đề án tổ chức lực lượng giúp quân đội Pathết Lào. Dựa vào kinh nghiệm của Việt Nam trong giai đoạn đầu xây dựng lực lượng vũ trang, Đoàn 100 đề xuất phương án tổ chức xây dựng quân đội Pathết Lào gồm cơ quan Bộ Quốc phòng, một số tiểu đoàn bộ binh và đơn vị trợ chiến.

Đầu tháng 12 năm 1954, tại một địa điểm ở khu vực bản Cang Thạt và Cang Mùng thuộc huyện Mương Xôi, tỉnh Sầm Nưa, Hội nghị quân chính Lào do đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Kháng chiến Lào chủ trì đã thông qua đề án xây dựng lực lượng vũ trang Pathết Lào.

Cũng tại Hội nghị này, trên cơ sở đề án xây dựng lực lượng vũ trang Pathết Lào đã được xác định, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào nhấn mạnh nhiệm vụ cơ bản của quân đội Pathết Lào trong thời gian tới là: “khuếch trương và củng cố các lực lượng vũ trang Pathết Lào thành một quân đội cách mạng vững mạnh, có đủ khả năng trước mắt phá tan được âm mưu quân sự của đối phương, bảo vệ khu tập kết, hậu thuẫn vững chắc cho đấu tranh chính trị; về lâu dài, nếu địch gây lại chiến tranh thì sẽ trở thành lực lượng nòng cốt cho cuộc vũ trang toàn dân để tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, giải phóng hoàn toàn đất nước” . Hội nghị cũng xác định phương châm xây dựng quân đội Pathết Lào phải nắm vững những nội dung chủ yếu: “lấy giáo dục chính trị tư tưởng làm chính, bồi dưỡng cán bộ làm trọng tâm; tổ chức gọn nhẹ, dựa theo tính chất dân tộc, thích hợp với trình độ chỉ huy của cán bộ, điều kiện chiến trường và khả năng cung cấp tại chỗ; xây dựng bộ đội chủ lực, đồng thời với xây dựng bộ đội địa phương và dân quân du kích; xây dựng đơn vị đồng thời xây dựng cơ quan; tăng cường xây dựng hệ thống lãnh đạo của Đảng và hệ thống công tác chính trị trong quân đội”.

Sau Hội nghị quân chính tháng 12 năm 1954, Bộ Quốc phòng Chính phủ Kháng chiến Lào quyết định thực hiện biểu biên chế mới trong toàn quân. Theo đó, quân đội Pathết Lào có lực lượng chủ lực tập trung và lực lượng vũ trang địa phương ở hai tỉnh. Biên chế gồm: 3 cơ quan Bộ Quốc phòng (tham mưu, chính trị, hậu cần); Trường Quân chính Cômmađăm; 9 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn trợ chiến, 1 tiểu đoàn vận tải, 3 đại đội (thông tin, quân báo, công binh), 1 trung đội bảo vệ cơ quan, 12 đại đội độc lập và đại đội địa phương, 2 cơ quan tỉnh đội là Sầm Nưa và Phôngxalỳ. Tổng số có 7.267 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 67 cán bộ tiểu đoàn, 227 cán bộ đại đội, 557 cán bộ trung đội, 1.517 cán bộ tiểu đội.

Tập kết về hai tỉnh với quân số gần một vạn người, việc bảo đảm đời sống cho cán bộ, chiến sĩ, phục vụ kịp thời các yêu cầu xây dựng chiến đấu của quân đội Pathết Lào là một nhiệm vụ rất nặng nề trong điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật của Pathết Lào hầu như không có gì. Để giúp quân đội Pathết Lào bảo đảm hậu cần hàng ngày cho các cơ quan, đơn vị, Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam đã giúp quân đội Pathết Lào xây dựng nguồn và tổ chức hệ thống cung cấp, bảo đảm ăn mặc cho cán bộ, chiến sĩ, đồng thời đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hậu cần kỹ thuật trong các cơ quan, đơn vị của Pathết Lào để cán bộ Lào từng bước tự đảm đương nhiệm vụ.

Với sự giúp đỡ của Bộ Quốc phòng Việt Nam, quân đội Pathết Lào đã tổ chức xây dựng được một bệnh viện quân đội 40 giường, một cơ sở chế biến dược phẩm, tổ chức một số đội phẫu thuật, đội sửa chữa vũ khí, khí tài lưu động phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.

Đối với việc xây dựng, củng cố khu căn cứ tập kết hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ, theo yêu cầu của Chính phủ Kháng chiến và Bộ Quốc phòng Lào, phối hợp với Ban Cán sự miền Tây, Đoàn 100 cử tổ cố vấn do đồng chí Nguyễn Hữu Nghị, Trung đoàn phó phụ trách giúp tỉnh đội Sầm Nưa và tổ do đồng chí Đinh Văn Tuy, Trung đoàn trưởng phụ trách tỉnh đội Phôngxalỳ cùng với các tổ cố vấn tiểu đoàn giúp Lào xây dựng vững chắc khu tập kết hai tỉnh.

Thực hiện chỉ thị của Bộ Chỉ huy tối cao Lào, các cơ quan, đơn vị Pathết Lào ở các khu vực đóng quân có cố vấn Việt Nam giúp đỡ đã tổ chức các đội chuyên trách công tác xây dựng cơ sở quần chúng, giúp dân sản xuất, tổ chức khám, chữa bệnh cho nhân dân, dạy văn hoá cho thanh niên, tuyên truyền về tình đoàn kết quân dân hai nước Việt - Lào. Các cơ quan chính quyền ở hai tỉnh Sầm Nưa, Phôngxalỳ đã tích cực phát động nhân dân tăng gia sản xuất, thực hiện các chủ trương của Chính phủ Kháng chiến Lào. Nhờ đó, đời sống của nhân dân các bộ tộc Lào trên địa bàn hai tỉnh đã được cải thiện đáng kể, cơ sở quần chúng được tăng cường, củng cố ngày càng vững chắc. Trong số 1.572 bản đã có 1.327 bản xây dựng được cơ sở đoàn thể cách mạng và lực lượng du kích. Ở nhiều nơi, nhân dân tích cực đi dân công, động viên con em tham gia quân đội Pathết Lào.

Không những hoàn thành nhiệm vụ chuyển quân tập kết nhanh gọn, mà việc triển khai kế hoạch xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, giữ vững địa bàn tập kết hai tỉnh cũng được nhanh chóng triển khai, tạo điều kiện ban đầu rất quan trọng để Mặt trận Lào Ítxalạ và Chính phủ Kháng chiến Lào tiếp tục củng cố lực lượng đấu tranh, bảo vệ thành quả cách mạng.




-----------------------------------------------------------------
1. Khu vực đóng quân tạm thời của các bên tham chiến như sau:

Các đơn vị Lào Ítxalạ: Mương Ngan, Mương Pẹc (Xiêng Khoảng), Mương Ngòi (Luổng Phạbang), Mương Phương (Viêng Chăn), Mương Noòng (Xavẳnnakhệt), Lao Ngam (Xalavăn), Đoông Phia Phay (Chămpaxắc).

Các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam: Phôngxalỳ, Mương Liệt, Xốp Hào (Sầm Nưa), Thulakhôm (Viêng Chăn), Bualapha (Thà Khẹc), Xê Nọi (Áttapư).

Lực lượng thuộc quân đội Liên hiệp Pháp: Cánh đồng Chum, Luổng Phạbang, Viêng Chăn, Xavẳnnakhệt, Pạc Xê.

2. Đoàn uỷ Đoàn 100 buổi đầu sang giúp cách mạng Lào gồm các đồng chí: Chu Huy Mân, Lê Tiến Phục, Nguyễn Đức Phương, Võ Quốc Vinh và Đinh Văn Tuy, do đồng chí Chu Huy Mân làm bí thư. Biên chế tổ chức Đoàn 100 gồm các tổ cố vấn: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Trường Quân chính Cômmađăm và tổ cố vấn các địa phương, đơn vị.

3. Các lực lượng cách mạng Lào tập kết về hai tỉnh gồm 8.138 người, cộng với lực lượng tại chỗ (1.000 người của hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ), tổng số là 9.138 người.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 29 Tháng Tám, 2021, 03:12:19 pm
b) Thành lập Đảng Nhân dân Lào

Cuối năm 1954 đầu năm 1955, tình hình Lào diễn biến rất phức tạp do đế quốc Mỹ và bọn tay sai tăng cường các hoạt động phá hoại Hiệp định Giơnevơ, cản trở hiệp thương chính trị.

Ngày 6 tháng 1 năm 1955, Hội nghị hiệp thương chính trị giữa Neo Lào Ítxalạ và Chính phủ Vương quốc Lào khai mạc tại Cánh đồng Chum, tỉnh Xiêng Khoảng thì ngày 18 tháng 1 năm 1955 phải ngừng do phái đoàn Chính phủ Vương quốc Lào tự ý bỏ về Viêng Chăn1.

 Trước áp lực của phong trào đấu tranh đòi hoà bình, đòi nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ ở trong nước và dư luận quốc tế, ngày 3 tháng 2 năm 1955, Hội nghị hiệp thương chính trị giữa Neo Lào Ítxalạ và Chính phủ Vương quốc Lào tại Cánh đồng Chum được nối lại, hai bên tiếp tục thảo luận các vấn đề còn tồn tại từ các phiên họp trước.

Sau hơn một tháng hiệp thương, ngày 9 tháng 3 năm 1955, Hội nghị hiệp thương chính trị giữa Neo Lào Ítxalạ và Chính phủ Vương quốc Lào tại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng ra tuyên bố chung cam kết: chấm dứt ngay mọi hoạt động công kích lẫn nhau; hai bên ra lệnh cho các lực lượng vũ trang đình chỉ mọi hoạt động tấn công quân sự; hai bên thoả thuận chuyển địa điểm Hội nghị hiệp thương chính trị từ Cánh đồng Chum, tỉnh Xiêng Khoảng về Viêng Chăn.

Việc ký tuyên bố chung tại Hội nghị hiệp thương chính trị là thắng lợi bước đầu của Neo Lào Ítxalạ trong việc đấu tranh đòi đối phương thi hành Hiệp định Giơnevơ 1954 về Lào. Song, đế quốc Mỹ và bọn tay sai vẫn tích cực chuẩn bị lực lượng quân sự để thực hiện âm mưu thôn tính hai tỉnh tập kết.

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới của cuộc kháng chiến, những người cộng sản Lào nhận thấy phải nhanh chóng tổ chức Đại hội thành lập Đảng để lãnh đạo cách mạng Lào thực hiện những nhiệm vụ cấp bách đang đặt ra.

Trải qua một quá trình dày công chuẩn bị, bằng sự nỗ lực vượt bậc của những cán bộ, đảng viên ở các cơ sở cách mạng và Ban Vận động thành lập Đảng Nhân dân Lào, được sự giúp đỡ chí tình của cán bộ chuyên gia Việt Nam, đến đầu năm 1955, các điều kiện để tiến tới thành lập Đảng của Lào đã chín muồi.

Từ ngày 22 tháng 3 đến 6 tháng 4 năm 1955, tại một địa điểm gần biên giới Việt Nam - Lào, Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào đã được tiến hành. Dự Đại hội có 19 đại biểu2 của Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây, thay mặt cho gần 300 đảng viên trong cả nước.

Đại hội đã nghe đồng chí Cayxỏn Phômvihản trình bày báo cáo về công tác chuẩn bị thành lập Đảng, trong đó xác định rõ yêu cầu cấp bách phải tổ chức chính đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Lào. Đảng Nhân dân Lào lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam cho mọi hành động của mình. Tổ chức của Đảng gồm những người tiêu biểu trong cán bộ, chiến sĩ, quần chúng nhân dân, là những người có lòng yêu nước thương nòi, quyết tâm chống đế quốc vì lợi ích của dân tộc và nhân dân các bộ tộc Lào.

Cùng với việc khẳng định Đảng Nhân dân Lào là đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin, đại biểu chân chính của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đại hội đã xác định nhiệm vụ chung của Đảng trong giai đoạn này là đoàn kết lãnh đạo toàn dân phấn đấu hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thực hiện một nước Lào hoà bình, dân chủ, thống nhất và độc lập. Để thực hiện các mục tiêu trên, Đảng chủ trương hợp tác với chính quyền Viêng Chăn, với các lực lượng tiến bộ khác để cùng nhau thực hiện Hiệp định đình chiến 1954, bảo vệ độc lập chủ quyền của Lào. Đảng xác định kẻ thù của dân tộc là đế quốc Mỹ và bọn tay sai bán nước, phản dân tộc.

Sau khi nghe các đại biểu thảo luận về tình hình trong nước, tình hình thế giới, thế và lực cũng như những yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng Lào, Đại hội đã đi đến thống nhất những chính sách căn bản và chương trình hành động 12 điểm3.

Sau khi thông qua Báo cáo chính trị, Chính sách cơ bản, Cương lĩnh hành động, Điều lệ Đảng, Đại hội đã bầu Ban Chỉ đạo toàn quốc gồm năm đồng chí: Cayxỏn Phômvihản, Nủhắc Phumxavẳn, Khăm Xẻng, Xỉxávạt Kẹo Bunphăn và Bun Phôm Mahả Xây. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản được bầu làm trưởng Ban Chỉ đạo4.

Trong các ngày 14, 15, 16 tháng 4 năm 1955, Ban Chỉ đạo của Đảng họp phiên đầu tiên, đặt kế hoạch xây dựng đảng, tổ chức các cơ quan làm việc, định ra lề lối làm việc của Ban Chỉ đạo và Ban Cán sự.

Đảng Nhân dân Lào ra đời là sự đơm hoa kết trái của cả quá trình đấu tranh anh dũng của nhân dân Lào trong suốt những năm đấu tranh chống sự thống trị của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, là mốc son lịch sử “đánh dấu sự phát triển vượt bậc và bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Lào” .

Với việc thành lập Đảng Nhân dân Lào, tổ chức tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Lào, cách mạng Lào từ đây bước sang giai đoạn mới, giai đoạn nhân dân các bộ tộc Lào đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, xây dựng một nước Lào hoà bình, độc lập, thống nhất và phồn vinh. Từ đây, liên minh Việt - Lào chuyển sang thời kỳ mới, từ chỗ chung một đảng, nay là quan hệ tự nguyện liên minh hợp tác cùng nhau chiến đấu chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ, giành độc lập tự do cho mỗi dân tộc. Sau khi thành lập Đảng, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào đã gửi điện cảm ơn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, bày tỏ lòng cảm ơn trước sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với cách mạng Lào. Bức điện có đoạn: “Chúng tôi thành công trong việc thành lập Đảng Nhân dân Lào là nhờ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo dõi, dìu dắt và sự giúp đỡ vô điều kiện của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trong thời gian qua” .

Cũng trong tháng 4 năm 1955, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào họp ra nghị quyết thành lập Đảng uỷ Quân sự Trung ương gồm ba đồng chí, do đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm bí thư Đảng uỷ Quân sự Trung ương và chỉ huy tối cao các lực lượng vũ trang Pathết Lào.

Đảng uỷ Quân sự Trung ương Lào được thành lập đã tạo cơ sở vững chắc để tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào đối với quân đội Pathết Lào, đáp ứng tình hình mới, đồng thời đẩy mạnh quan hệ đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, quân đội hai nước Việt - Lào.



----------------------------------------------------------------
1. Hội nghị hiệp thương chính trị tại Cánh đồng Chum, tỉnh Xiêng Khoảng giữa Neo Lào Ítxalạ và Chính phủ Vương quốc Lào khai mạc ngày 6 tháng 1 năm 1955. Đoàn đại biểu Mặt trận Lào Ítxalạ gồm ba thành viên do ông Phumi Vôngvichít, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ Kháng chiến Lào, làm trưởng đoàn. Đoàn đại biểu Vương quốc Lào gồm sáu thành viên do ông Thoongđi, Bộ trưởng Bộ Canh nông trong chính phủ của Cátài, tay chân thân tín của Cátài, làm trưởng đoàn.

2. Theo danh sách có 20 đồng chí, nhưng vắng một đồng chí, chỉ có 19 đồng chí dự Đại hội.

3. Chương trình hành động 12 điểm gồm: 1. Chống đế quốc Mỹ và thực dân Pháp phá hoại Hiệp định đình chiến và bè lũ tay sai của chúng đang âm mưu phá hoại hoà bình, chia rẽ dân tộc ta, lôi cuốn nước ta vào các khối xâm lược và kéo dài trình trạng nô dịch nước ta; 2. Kêu gọi chính phủ nhà vua và các lực lượng yêu nước phải hợp tác với nhau một cách thực sự để thi hành Hiệp định đình chiến, củng cố hoà bình, thực hiện được dân chủ, tiến hành tổng tuyển cử tự do để thống nhất nước Lào, thành lập Chính phủ Liên hiệp dân tộc và hoàn thành độc lập dân tộc; 3. Đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi trên cơ sở liên minh công - nông; 4. Xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang và bán vũ trang để giữ vững căn cứ địa, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh chính trị; 5. Cải thiện đời sống cho các tầng lớp nhân dân, bảo đảm cho công nhân có công ăn việc làm, nông dân có ruộng, phát triển nông nghiệp, những người lao động bằng trí óc cần được trọng dụng và giúp đỡ để phát triển tài năng; 6. Thực hiện các quyền tự do dân chủ cho nhân dân, tự do ngôn luận báo chí, tự do hội họp, tự do đi lại; 7. Thực hiện nam, nữ bình quyền, chính sách dân tộc bình đẳng và đoàn kết, xoá bỏ các thù hằn, chia rẽ các dân tộc trong nước do thực dân, phong kiến gây ra; 8. Tôn trọng tự do tín ngưỡng và phong tục tập quán của nhân dân, xoá nạn mù chữ, phát triển nền văn hoá của dân tộc; 9. Bảo đảm tính mạng, tài sản và quyền tự do kinh doanh của ngoại kiều sinh sống ở Lào; ngoại kiều phải tôn trọng chủ quyền độc lập của Lào; 10. Xây dựng mối quan hệ hữu nghị với tất cả những nước tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lào. Đặt quan hệ về mọi mặt giữa Lào và các nước khác trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên đều có lợi; 11. Tích cực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt chú trọng công, nông, cán bộ của các dân tộc thiểu số; 12. Ra sức xây dựng Đảng Nhân dân Lào thành một đảng mạnh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, có đủ sức lãnh đạo cuộc cách mạng Lào đi đến thắng lợi cuối cùng.

4. Đến tháng 8 năm 1956, Ban Chỉ đạo được bổ sung thêm ba đồng chí: Xuphanuvông, Phumi Vôngvichít, Phun Xipaxợt.



Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 29 Tháng Tám, 2021, 03:18:43 pm
c) Củng cố, mở rộng Mặt trận thống nhất dân tộc Neo Lào Hắc Xạt

Ngày 19 tháng 4 năm 1955, Hội nghị hiệp thương chính trị giữa phái đoàn Neo Lào Ítxalạ và Chính phủ Vương quốc Lào nhóm họp trở lại ở Viêng Chăn. Nhưng Hội nghị chỉ họp được ba ngày lại bị gián đoạn do phía Chính phủ Vương quốc Lào đưa ra những đề nghị ngang ngược không thể chấp nhận được1. Để tạo thế hợp pháp cho việc thực hiện mưu đồ thôn tính hai tỉnh tập kết và thủ tiêu lực lượng vũ trang cách mạng, sau khi tuyên bố tổ chức tổng tuyển cử riêng, ngày 28 tháng 5 năm 1955, Chính phủ Vương quốc Lào, do Cátài Đônxảxổlít làm thủ tướng, cho thành lập “đặc khu hành quân” để chỉ huy đánh chiếm hai tỉnh Sầm Nưa, Phôngxalỳ. Chúng huy động 2/3 số quân2 cùng với hàng nghìn tên biệt kích do hai tướng Bunpon và Xẳng chỉ huy, mở các cuộc tấn công quy mô lớn vào hai tỉnh tập kết của Mặt trận Lào Ítxalạ.

Trước những diễn biến phức tạp ở Lào, ngày 2 tháng 7 năm 1955, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào họp ra Nghị quyết 2 về tình hình và nhiệm vụ cách mạng Lào trong giai đoạn mới. Nhận định về tình hình, so sánh tương quan lực lượng địch - ta, Nghị quyết chỉ rõ: “Sau gần một năm thi hành Hiệp định Giơnevơ, ảnh hưởng của Mặt trận Lào Ítxalạ lan rộng hơn trước, cơ sở quần chúng được giữ vững và phát triển, lực lượng vũ trang được xây dựng và củng cố. Song nhìn chung, sự phát triển về mọi mặt vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình... So sánh tương quan lực lượng hiện tại thì địch còn mạnh hơn ta, ta gặp nhiều khó khăn hơn địch...” .

 Xuất phát từ thực tiễn đặc điểm, tình hình, tương quan lực lượng, Nghị quyết nhận định tình hình sắp tới có thể diễn ra một trong ba khả năng:

 - Lực lượng cách mạng duy trì được cuộc đấu tranh chính trị, quân sự, giữ vững hai tỉnh tập kết, tình hình sẽ giằng co như hiện nay và có thể kéo dài.

- Địch lấn được hai tỉnh, thành lập được chính quyền, lực lượng cách mạng tạm thời phải rút vào bí mật.

 - Do sự nỗ lực chủ quan kết hợp tình hình khách quan, phong trào đấu tranh phát triển mạnh mẽ trong cả nước, lực lượng cách mạng lớn mạnh hẳn lên buộc địch phải thương lượng với Neo Lào Ítxalạ, thành lập Chính phủ liên hiệp thì chúng sẽ dùng thủ đoạn diễn biến hoà bình, mua chuộc, chia rẽ nội bộ để gạt bỏ lực lượng cách mạng.

Từ phân tích các khả năng, Nghị quyết đề ra nhiệm vụ và một số công tác trước mắt của cách mạng Lào là:

- Kiên trì đấu tranh chính trị, đòi phía Chính phủ Vương quốc Lào thi hành Hiệp định đình chiến, thành thực thương lượng, thực hiện tự do dân chủ, tiến hành tổng tuyển cử tự do, thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập dân tộc.

- Đoàn kết toàn dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất, kiên trì đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao, giữ vững và phát triển cơ sở quần chúng. Bảo vệ và xây dựng hai tỉnh tập kết thành căn cứ địa cách mạng cho cả nước.

- Xúc tiến xây dựng đảng và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, làm cho mọi người hiểu rõ cuộc đấu tranh của nhân dân Lào còn phải lâu dài, gian khổ, phức tạp nhưng cách mạng Lào nhất định vượt qua mọi khó khăn thử thách để đi đến thắng lợi hoàn toàn. Đồng thời, quán triệt sâu sắc sách lược đấu tranh của cách mạng Lào lúc này là tập trung mũi nhọn vào đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai cực đoan phản động. Đoàn kết tranh thủ bất kỳ phe phái, cá nhân nào có thể tranh thủ đoàn kết được để phân hoá cô lập kẻ thù.

Trong tháng 8 và tháng 9 năm 1955, cùng với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ và một số công tác trước mắt đã được Nghị quyết Trung ương 2 xác định, Neo Lào Ítxalạ khẩn trương chuẩn bị mọi mặt thành lập ban vận động toàn quốc để lập ra một mặt trận mới. Sau khi Hoàng thân Xuphanuvông, đại diện Neo Lào Ítxalạ và Cátài, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Lào gặp nhau tại Rănggun (ngày 11 tháng 10 năm 1955) ký hiệp định về đình chỉ mọi xung đột vũ trang ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ, ngày 12 tháng 10 năm 1955, Neo Lào Ítxalạ đã tổ chức hội nghị trù bị để chuẩn bị thành lập một mặt trận mới trên cơ sở mở rộng Neo Lào Ítxalạ. Hội nghị đã dự thảo Điều lệ, Cương lĩnh của mặt trận, lập Ban Vận động mặt trận toàn quốc; phổ biến, tuyên truyền các chủ trương chính sách của mặt trận, đồng thời định thời gian triệu tập Đại hội toàn quốc. Hội nghị trù bị đã bầu Ban Vận động mặt trận toàn quốc gồm 29 thành viên, do Hoàng thân Xuphanuvông làm chủ tịch.

Trước bước phát triển mới của cách mạng Lào, để thực hiện Nghị quyết của Đảng Nhân dân Lào (tháng 7 năm 1955) về đẩy mạnh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, từ ngày 6 đến 31 tháng 1 năm 1956, Uỷ ban Trung ương Neo Lào Ítxalạ đã tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II tại một địa điểm thuộc tỉnh Sầm Nưa.

Tham dự Đại hội có đông đủ đại biểu thay mặt các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, đảng phái, nhân sĩ yêu nước trong toàn quốc. Đại hội khẳng định, Mặt trận đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, nay tình hình đã thay đổi, cần phải mở rộng Mặt trận thống nhất dân tộc.
Sau khi thảo luận báo cáo chính trị của Ban Vận động thành lập Mặt trận thống nhất, Đại hội đã thông qua cương lĩnh chính trị 12 điểm, trong đó nêu lên nhiệm vụ chủ yếu của Mặt trận là:

- Đoàn kết toàn dân trong Mặt trận để đấu tranh đòi thi hành triệt để Hiệp định Giơnevơ, làm cho nước Lào hoà bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng.

- Giữ vững và phát triển lực lượng yêu nước của nhân dân Lào, tạo cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị của dân tộc.
Mặt trận chủ trương: về đối ngoại, theo đuổi chính sách hoà bình trung lập, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới; về đối nội, tiếp tục thực hiện đường lối hoà hợp dân tộc, thống nhất quốc gia, tôn trọng ngôi vua, tôn giáo, bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân.

Về kinh tế - xã hội, tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Ban hành chính sách thuế khoá hợp lý, giúp đỡ nông dân đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm công ăn việc làm cho công nhân, chăm lo giáo dục - y tế, phát triển và bảo vệ nền văn hoá dân tộc.

Để phù hợp với yêu cầu lãnh đạo cách mạng trong giai đoạn mới, Đại hội quyết định đổi tên Neo Lào Ítxalạ thành Neo Lào Hắc Xạt (Mặt trận Lào yêu nước). Đổi tên tờ báo Lào Ítxalạ - cơ quan ngôn luận của Mặt trận (thực chất là của Đảng Nhân dân Lào, vì lúc này Đảng chưa ra hoạt động công khai) - thành Lào Hắc Xạt.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Neo Lào Hắc Xạt gồm 47 đại biểu, đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo trong cả nước do Hoàng thân Xuphanuvông làm chủ tịch, các ông Phayđang Lô Blia Yao đại diện cho dân tộc Lào Xủng; Xỉthôn Cômmađăm đại diện cho các bộ tộc Lào Thơng được bầu làm phó chủ tịch.

Ngoài ra, Đại hội còn quyết nghị thông qua một số văn kiện quan trọng như:

- Điện văn gửi Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Kiến nghị gửi Uỷ ban quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến ở Lào, đòi phía Chính phủ Vương quốc Lào phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ và các hiệp định về đình chỉ xung đột vũ trang giữa hai bên.

- Thông qua tuyên bố phản đối Chính phủ Vương quốc Lào tổ chức tổng tuyển cử riêng rẽ (ngày 25 tháng 12 năm 1955).

 Đại hội thành công đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Lào, là sự biểu dương ý chí đoàn kết thống nhất của nhân dân các bộ tộc Lào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Sau Đại hội, Chủ tịch Xuphanuvông ra tuyên bố về chính sách hoà bình trung lập của Lào, kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bọn phản động tay sai phá hoại Hiệp định Giơnevơ 1954; đòi phía Chính phủ Vương quốc Lào phải hợp tác thực sự với Pathết Lào trong việc thực hiện Hiệp định Giơnevơ; kêu gọi lực lượng cách mạng kiên quyết chiến đấu bảo vệ hai tỉnh tập kết.




-----------------------------------------------------------------
1. Đây là lần thứ năm Hội nghị hiệp thương chính trị giữa hai bên bị gián đoạn, kể từ phiên họp đầu tiên (ngày 6 tháng 1 năm 1955).

2. Ở thời điểm này, quân nguỵ Lào đã tăng lên 25.000 tên, không kể các sĩ quan cố vấn Pháp, Mỹ và dân vệ.



Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 15 Tháng Chín, 2021, 10:24:48 am
II. PHỐI HỢP VIỆT NAM - LÀO ĐẤU TRANH THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ, TIẾN TỚI THÀNH LẬP CHÍNH PHỦ LIÊN HIỆP LÀO LẦN THỨ NHẤT

1. Đế quốc Mỹ và lực lượng phản động tay sai tăng cường phá hoại Hiệp định Giơnevơ 1954


Trong khi các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tiến hành việc rút quân khỏi Lào và các đơn vị chiến đấu Pathết Lào thực hiện việc chuyển quân tập kết về hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ thì đế quốc Mỹ thông qua các thế lực phản động Lào do Cátài Đônxảxổlít và Phủi Xánánicon đứng đầu ráo riết tiến hành các hoạt động phá hoại Hiệp định Giơnevơ 1954. 

Để chấn chỉnh bộ máy nguỵ quyền thân Pháp không ăn cánh với Mỹ và loại trừ những người có xu hướng tiến bộ, Mỹ cho tay chân ám sát Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cúvoravông (người có xu hướng hoà bình trung lập trong Chính phủ Vương quốc Lào và không tán thành kế hoạch tấn công hai tỉnh tập kết của Pathết Lào do Mỹ vạch ra). Tiếp đó, trong tháng 11 năm 1954, đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai dùng áp lực buộc Thủ tướng Hoàng thân Xuvănna Phuma (một nhân vật thuộc phái ôn hoà, đồng thời là anh em cùng cha khác mẹ với Hoàng thân Xuphanuvông, lãnh tụ Pathết Lào) phải từ chức và đưa Cátài Đônxảxổlít, một tay sai cực đoan thân Mỹ, lên làm thủ tướng.

Dưới áp lực của Mỹ, ngày 24 tháng 11 năm 1954, Vua Lào chỉ định Cátài đứng ra lập chính phủ mới gồm 11 thành viên, phần lớn là lực lượng thân Mỹ.

Vừa lên làm thủ tướng, Cátài đã công khai bài trừ Pháp, ra sức xuyên tạc Hiệp định Giơnevơ, vu cáo Pathết Lào, Việt Nam. Một mặt phá thương lượng với Pathết Lào, mặt khác ra sức phát triển lực lượng vũ trang, cho quân chiếm đóng trái phép nhiều điểm thuộc hai tỉnh tập kết của Pathết Lào. Ngày 31 tháng 12 năm 1954, chính phủ Cátài huy động một lực lượng lớn quân đội tấn công hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ, đồng thời tiến hành khủng bố những người tham gia kháng chiến cũ trong phạm vi cả nước hòng uy hiếp tinh thần, dập tắt phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ của nhân dân Lào.

Ở 10 tỉnh1 dưới quyền kiểm soát của Chính phủ Vương quốc Lào, tính từ tháng 8 năm 1954 đến tháng 4 năm 1955, quân đội Vương quốc Lào đã mở trên 200 cuộc hành quân khủng bố, cướp bóc tài sản của nhân dân tại các khu căn cứ cũ của Neo Lào Ítxalạ. Chúng trả thù, sát hại và bắt giam trên 1.000 người yêu nước kháng chiến cũ. Tại các bản làng, chúng tổ chức các đội vũ trang dân vệ, hình thành bộ máy kìm kẹp ở nông thôn.

Cùng với đẩy mạnh các cuộc tấn công lấn chiếm, phía quân đội Vương quốc Lào còn ráo riết tổ chức lực lượng vũ trang ngầm ở hai tỉnh tập kết. Đến tháng 12 năm 1955, quân đội Vương quốc Lào đã thâm nhập kiểm soát 131 bản trong số 974 bản của toàn tỉnh Sầm Nưa, đồng thời chúng sử dụng lực lượng từ một đại đội trở lên chiếm đóng một số vị trí quan trọng của Pathết Lào như Mương Pơn, Huội Thầu, Na Noọng, Tích Lang, Na Keng, Phả Kha, Phả Thí, Huội Nhạ, Hủa Mường, Mương Lạp...

Ở Phôngxalỳ, với ba tiểu đoàn chủ lực, năm đại đội địa phương, 600 quân phỉ các loại, quân đội Chính phủ Vương quốc Lào đã tổ chức nhiều cuộc tấn công vào Hạt Nang, phía tây nam Mương Khỏa, Huội Hoọc, Na Vải thuộc huyện Mương Bun và càn quét dọc sông Nặm Bút (phía nam Mương Khỏa). Đến cuối năm 1955, quân đội Vương quốc Lào đã chiếm giữ 195 bản trong tổng số 598 bản của tỉnh Phôngxalỳ. Ngoài ra quân đội Vương quốc Lào còn cho hai tiểu đoàn đóng ở Hạt Xả, Xốp Chai (thuộc tỉnh Luổng Phạbang) giáp Phôngxalỳ để uy hiếp các lực lượng Pathết Lào.

2. Đẩy mạnh đấu tranh thực hiện Hiệp định Giơnevơ, thành lập Chính phủ liên hiệp Lào lần thứ nhất

Dự kiến đúng đắn các khả năng đế quốc Mỹ và lực lượng phản động tay sai tăng cường phá hoại Hiệp định Giơnevơ, ngay khi Hiệp định Giơnevơ chưa được ký kết, tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khoá II (tháng 7 năm 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo “về tình hình mới và nhiệm vụ mới”, khi phân tích tình hình trong nước và quốc tế đã nêu rõ: “hiện nay đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Đông Dương, cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ. Bất kỳ người nào, nước nào không thân Mỹ đều có thể làm một mặt trận thống nhất (dù là tạm thời) với ta”. Đối với Lào và Campuchia, báo cáo nhấn mạnh: Việt Nam phải giúp đỡ nhân dân Lào và Campuchia đào tạo cán bộ, củng cố và mở rộng mặt trận thống nhất, đòi lập lại hoà bình ở Đông Dương trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba dân tộc.

Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, theo yêu cầu của Chính phủ Kháng chiến Lào, Đảng và Nhà nước Việt Nam quyết định để lại một bộ phận chuyên gia tiếp tục giúp đỡ cách mạng Lào. Tổng số chuyên gia gồm 964 đồng chí, trong đó có 314 người thuộc đoàn chuyên gia quân sự, 650 cán bộ các ngành dân, chính, đảng. Đây là lực lượng rất quan trọng đối với cách mạng Lào sau ngày đình chiến.    

Thực hiện đề án đấu tranh ở hai tỉnh đã được Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào thống nhất, được sự chỉ đạo phối hợp của Ban Cán sự miền Tây, Đoàn 100 đã nghiên cứu đề xuất với quân đội Pathết Lào kế hoạch tác chiến và tổ chức chiến đấu bảo vệ hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ; tổ chức hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ thành các khu chiến đấu liên hoàn, đáp ứng tình hình thực tế của từng địa bàn, khả năng tổ chức, quản lý của cán bộ Lào, đồng thời đề phòng chiến sự lan rộng. Trong trường hợp bị chia cắt, từng khu có thể đảm bảo độc lập tác chiến. Được Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào nhất trí, Bộ Quốc phòng Chính phủ Kháng chiến Lào tổ chức tỉnh Sầm Nưa hình thành ba khu vực tác chiến2; tỉnh Phôngxalỳ được chia thành hai phân khu3 ; Bộ Chỉ huy tối cao trực tiếp nắm lực lượng cơ động4 , làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ Kháng chiến và sẵn sàng chi viện đánh địch trên các hướng khi cần.

Cùng với việc giúp Bộ Chỉ huy tối cao Lào xây dựng lực lượng vũ trang, huấn luyện bộ đội, Đoàn 100 còn tích cực giúp các địa phương, đơn vị Pathết Lào triển khai các mặt công tác chuẩn bị chiến trường, củng cố cơ sở ở các địa phương tạo ra một thế trận vững chắc trên địa bàn hai tỉnh tập kết, góp phần đắc lực ngăn chặn các cuộc tấn công của quân đội Vương quốc Lào vào vùng tập kết.

Sau khi dùng lực lượng đánh chiếm một số khu vực ở vùng giáp ranh và tung biệt kích, gián điệp cài cắm hoạt động sâu trong một số khu vực quan trọng ở Sầm Nưa và Phôngxalỳ, từ tháng 3 năm 1955, các thế lực phái hữu trong chính quyền và quân đội Viêng Chăn tập trung một lực lượng lớn quân chủ lực mở các cuộc tấn công ồ ạt vào các vùng căn cứ của Pathết Lào ở hai hướng đông nam, tây bắc thị xã Sầm Nưa và khu vực tây nam Mương Khỏa, Mương U Tày - U Nửa thuộc tỉnh Phôngxalỳ.

Dưới sự chỉ huy của Bộ Chỉ huy tối cao Lào, dựa vào thế trận đã được chuẩn bị, bộ đội Pathết Lào và nhân dân các bộ tộc Lào đã kiên cường chiến đấu ngăn chặn các cuộc tiến công của địch. Sau năm tháng hoạt động từ tháng 1 đến tháng 5 năm 1955, quân dân tỉnh Sầm Nưa đã thu được một số thắng lợi, nhưng chưa có những trận thắng lớn, chưa tạo được sự chuyển biến quan trọng. Quân địch chưa bị đánh đau, tiếp tục lấn chiếm. Cuối tháng 5 năm 1955, chúng đưa một lực lượng lớn đánh ra khu vực Na Xála - Xa Lới và chuẩn bị tấn công vào khu vực Mương Hàm.

Theo dõi tình hình chiến sự, đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Tư lệnh Bộ Chỉ huy tối cao và đồng chí Xỉxávạt Kẹo Bunphăn, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pathết Lào hạ quyết tâm đánh một trận thắng lớn với yêu cầu diệt một tiểu đoàn địch để tạo thế so sánh lực lượng có lợi cho cuộc chiến đấu của Pathết Lào. Thực hiện quyết tâm đó, ngày 30 tháng 6 năm 1955, Bộ Chỉ huy tối cao Lào đã sử dụng hai tiểu đoàn chủ lực (705 và 617), hai đại đội địa phương, một đại đội trợ chiến tăng cường của Tiểu đoàn 605 trang bị ĐKZ 57 và cối 81 tấn công các vị trí địch ở gần bản Na Xála, sau đó tiếp tục truy kích địch đến Bạn Ngôn, gần khu vực Mương Pơn. Trận này, bộ đội Pathết Lào diệt và làm bị thương hơn 100 tên địch, bắt hơn 40 tên, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân dụng, giải phóng khu vực Na Xála, Na Ngôn, Na Noọng, Na Keng. Chiến thắng Na Xála gây tiếng vang lớn, làm nức lòng quân dân hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ, đánh dấu bước trưởng thành về sử dụng lực lượng đánh gần, phối hợp hiệp đồng chiến đấu giữa các đơn vị của bộ đội Pathết Lào.

Song song với việc phối hợp cùng quân dân hai tỉnh đẩy mạnh các hoạt động quân sự chống âm mưu lấn chiếm của quân đội Vương quốc Lào, để kịp thời giúp cách mạng Lào thực hiện các nhiệm vụ đang đặt ra, ngày 10 tháng 8 năm 1955, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định thành lập Ban Cán sự Lào - Miên gồm năm đồng chí, do đồng chí Lê Đức Thọ làm trưởng ban. Ban Cán sự Lào - Miên có nhiệm vụ giúp việc cho Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nghiên cứu mọi diễn biến ở Lào, từ đó đề xuất và xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương trong công tác giúp Lào. Ngoài ra, Ban Cán sự Lào - Miên còn có nhiệm vụ nghiên cứu công tác viện trợ kinh tế cho Lào và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm củng cố tình hữu nghị truyền thống giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.




------------------------------------------------------------------
1. Mười tỉnh gồm Huội Xài, Bò Kẹo, Luổng Phạbang, Xiêng Khoảng, Viêng Chăn (Thượng Lào), Khăm Muộn, Xavẳnnakhệt (Trung Lào), Xalavăn, Áttapư, Chămpaxắc (Hạ Lào).

2. Khu vực I gồm các huyện Mương Xôi, Sằm Tớ, một phần Mương Xăm và các xã phía đông đường 6 thuộc huyện Hủa Mường do hai tiểu đoàn chủ lực, ba đại đội bộ đội địa phương huyện, một trung đội Lào Xủng đảm nhiệm; Khu vực II gồm huyện Xiêng Khọ, một phần huyện Mương Xăm và các xã phía tây đường 6 của huyện Hủa Mường bố trí một đại đội chủ lực, hai đại đội địa phương huyện; Khu vực III gồm 145 bản thuộc 13 xã của huyện Mương Xon, do một đại đội chủ lực, hai đại đội địa phương huyện đóng giữ. Ngoài ra, tỉnh Sầm Nưa còn có 1.711 du kích bám cơ sở ở các làng bản vùng tự do và một số bản vùng địch tạm chiếm.

3. Phân khu tỉnh miền Bắc gồm hai huyện Mương U, Mương Xừn và thị xã Phôngxalỳ do một tiểu đoàn chủ lực, một đại đội trợ chiến, ba trung đội bộ đội địa phương đảm nhiệm. Phân khu tỉnh miền Nam gồm các huyện còn lại do một tiểu đoàn chủ lực, hai trung đội bộ đội địa phương huyện phụ trách. Ngoài ra còn có 1.150 du kích hoạt động ở các bản làng.

4. Gồm ba tiểu đoàn chủ lực, một tiểu đoàn trợ chiến, một tiểu đoàn vận tải và các đại đội thông tin, quân báo, công binh.



Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 15 Tháng Chín, 2021, 10:30:22 am
Trong khi Đảng Nhân dân và Chính phủ Kháng chiến Lào kiên trì con đường hoà bình trung lập, thực hiện năm nguyên tắc chung sống hoà bình thì quân đội Vương quốc Lào với sự tiếp tay của đế quốc Mỹ liên tục đẩy mạnh các cuộc tiến công lấn chiếm hai tỉnh. Sau khi tấn công lấn chiếm khu vực Phả Thí, trong tháng 8 và tháng 9 năm 1955, quân đội Vương quốc Lào tiếp tục tiến công Huội Nhạ, uy hiếp thị xã Sầm Nưa từ phía tây, ngăn chặn đường liên lạc vào các huyện địch hậu Mương Xon, Hủa Mường.

Trước tình hình đó, thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Đoàn 100 đã nghiên cứu giúp quân đội Pathết Lào triển khai lực lượng đánh địch ở khu vực Huội Nhạ 1. Do làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu, các đơn vị Pathết Lào đánh chiếm Phả Chon nhanh gọn, làm thất bại âm mưu lấn chiếm trái phép của địch, bảo vệ được đường thuỷ tiếp tế từ Việt Nam sang Lào.

Cùng với việc giúp lực lượng Pathết Lào đánh địch bảo vệ hai tỉnh tập kết, Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà còn tích cực giúp Chính phủ Kháng chiến Lào xây dựng chính quyền, đồng thời viện trợ về kinh tế nhằm giúp nhân dân Lào ổn định đời sống, phát triển sản xuất, xây dựng lực lượng cách mạng.

Về xây dựng chính quyền: ở Phôngxalỳ, sau ngày đình chiến, Chính phủ Kháng chiến Lào mới nắm được một số bản, đến cuối năm 1955 đã tổ chức được chính quyền ở 21 trong số 52 xã. Ở Sầm Nưa, chính quyền được tổ chức trong toàn tỉnh (trừ bảy xã với 137 bản do địch kiểm soát).

Trong năm 1955, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tiếp tế cho nhân dân hai tỉnh của Lào được 3.255 kg thóc giống, 2.552 tấn gạo, 1.284 triệu đồng ngân hàng, 10,5 triệu đồng Đông Dương cũ, 7.612 đồng bạc trắng, 22 tấn muối và hàng vạn bộ quần áo, chăn màn... Bộ Giáo dục Việt Nam đã đào tạo cho hai tỉnh tập kết của Lào được 138 giáo viên. Tỉnh Sầm Nưa mở được 50 trường, tỉnh Phôngxalỳ mở được 21 trường tiểu học.

Cùng với thắng lợi trên mặt trận quân sự, xây dựng chính quyền cách mạng, trên mặt trận đấu tranh chính trị, ngoại giao, Đảng Nhân dân và Neo Lào Hắc Xạt cũng giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Phong trào đấu tranh đòi hoà bình trung lập ở 10 tỉnh, nhất là ở Viêng Chăn, dâng cao, được dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ đã làm cho uy tín của Đảng Nhân dân và Neo Lào Hắc Xạt ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Trái lại, Chính phủ Vương quốc Lào do Cátài làm thủ tướng ngày càng bị cô lập và lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Ngày 14 tháng 2 năm 1956, Cátài buộc phải xin từ chức. Ngày 15 tháng 3 năm 1956, Hoàng thân Xuvănna Phuma được Thái tử Xavang Vắtthana đề nghị đứng ra lập chính phủ mới.

Ngày 15 tháng 5 năm 1956, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào họp ra nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ của cách mạng Lào. Sau khi nhận định tình hình thế giới, phong trào cách mạng ở ba nước Đông Dương, sự chuyển biến của phong trào đấu tranh đòi hoà bình, trung lập, nghị quyết đề ra chủ trương đấu tranh cho một nước Lào trung lập, trong đó xác định: “làm cho Lào dần dần thoát khỏi sự kiềm chế và ảnh hưởng của đế quốc Mỹ. Về đối nội, phải thực hiện quyền tự do dân chủ, độc lập thống nhất quốc gia. Về đối ngoại, phải trung thành năm nguyên tắc chung sống hoà bình, bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc”.

Để đạt được mục tiêu trên, nghị quyết nêu một số nhiệm vụ chủ yếu:

- Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng lực lượng ở hai tỉnh tập kết và cơ sở quần chúng trong 10 tỉnh. Kiên quyết đập tan mọi âm mưu lấn chiếm hai tỉnh của phía Vương quốc Lào.

 - Mở rộng Neo Lào Hắc Xạt, vận động tiến tới thành lập một Mặt trận chống đế quốc Mỹ xâm lược, đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng và thống nhất hành động.

 - Kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh của quần chúng và ở hội nghị hiệp thương, giữa phong trào đấu tranh trong nước với đấu tranh của phe xã hội chủ nghĩa và phong trào hoà bình dân chủ thế giới.

Ngày 28 tháng 5 năm 1956, Hoàng thân Xuphanuvông, Thủ tướng Chính phủ Kháng chiến Lào, Chủ tịch Neo Lào Hắc Xạt ra tuyên bố về chính sách trung lập của Neo Lào Hắc Xạt và kêu gọi nối lại các cuộc hiệp thương chính trị giữa hai phái. Một số nhóm trong quốc hội thuộc các đảng “độc lập”, “dân chủ”, “tiến bộ” tuyên bố chống lại chế độ độc tài của Cátài, yêu cầu củng cố hoà bình, độc lập dân tộc và kiến nghị giải quyết các xung đột bằng con đường thương lượng.

Nhằm phát huy những thành quả đã đạt được, tiếp tục sâu sát lãnh đạo cách mạng Lào giành những thắng lợi mới, ngày 30 tháng 5 năm 1956, Neo Lào Hắc Xạt thông qua “Đề án tăng cường đấu tranh cho nước Lào trung lập, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện nước Lào hoà bình, độc lập, dân chủ và thống nhất” 2.

Để đấu tranh làm cho nước Lào trung lập, đề án nêu một số nội dung quan trọng cần tập trung thực hiện tốt là:

“- Xúc tiến hơn nữa công tác củng cố lực lượng ở hai tỉnh và cơ sở quần chúng ở 10 tỉnh, xây dựng phong trào ở hai tỉnh làm hậu thuẫn mạnh mẽ cho đấu tranh chính trị trong cả nước. Kiên quyết chiến đấu tự vệ làm thất bại âm mưu của nhà vua dùng vũ lực để chiếm hai tỉnh. Luôn luôn chủ động khắc phục mọi khó khăn, đánh tan âm mưu phá hoại của Mỹ và bọn thân Mỹ, đưa cuộc đấu tranh chính trị tiến lên, đồng thời ra sức phát huy mọi khả năng hoạt động hợp pháp, nhất là ở trong các thành phố, để động viên, tổ chức và lãnh đạo đảng đưa quần chúng đấu tranh đòi nước nhà độc lập...

- Kết hợp chặt chẽ đấu tranh của nhân dân với đấu tranh ở hội nghị hiệp thương, kết hợp các cuộc đấu tranh đó với cuộc vận động ngoại giao của phe ta, tranh thủ dư luận trong nước và thế giới, kịp thời vạch trần âm mưu phá hoại của Mỹ và bọn thân Mỹ, nêu rõ thiện chí hoà bình của ta” .

Trong khi Neo Lào Hắc Xạt thông qua và triển khai thực hiện đề án thì Mỹ và tay sai tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phá hoại Hiệp định Giơnevơ, ngăn trở hiệp thương chính trị. Cùng với việc đòi lập Uỷ ban đặc biệt điều tra tình hình ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ (ngày 5 tháng 6 năm 1956), yêu cầu một số thành viên trong Uỷ ban quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến ở Lào họp để bàn về tình hình Lào (ngày 23 tháng 6), chính quyền Vương quốc Lào tiếp tục cho quân đội lấn chiếm một số điểm ở khu vực Phùng Nhang, cho biệt kích gián điệp thâm nhập khu vực nam Thà Teng (giáp vùng Bun Nửa).

Song song với nhiệm vụ giúp bộ đội Pathết Lào đánh địch lấn chiếm giữ vững hai tỉnh tập kết, theo yêu cầu của Chính phủ Kháng chiến và Bộ Quốc phòng Lào, các đơn vị công an vũ trang, bộ đội địa phương các tỉnh Việt Nam có biên giới giáp Lào còn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Pathết Lào kịp thời ngăn chặn bọn biệt kích, gián điệp hoạt động ở vùng biên giới Việt - Lào.




------------------------------------------------------------------
1. Lực lượng Pathết Lào tham gia trận đánh ngày 12 tháng 9 năm 1955 có Tiểu đoàn 609, một đại đội của Tiểu đoàn 705, một đại đội trợ chiến của Tiểu đoàn 605, một đại đội độc lập của tỉnh và các đơn vị kỹ thuật phục vụ chiến đấu của Bộ Chỉ huy tối cao Lào. Đồng chí Xỉxávạt Kẹo Bunphăn, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pathết Lào trực tiếp chỉ huy trận đánh. Cùng thời gian này, các lực lượng vũ trang Pathết Lào ở tỉnh Sầm Nưa đẩy mạnh các hoạt động đánh địch ở Huội Thầu, Mương Pơn và một số nơi khác. Ở tỉnh Phôngxalỳ, Tiểu đoàn 701 phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiến công đồn Phả Chon.

2. Đề án gồm bốn phần: I. Những chuyển biến mới của tình hình nước ta; II. Chủ trương đấu tranh cho nước nhà trung lập; III. Đấu tranh hiệp thương và ngoại giao trong toàn bộ cuộc đấu tranh cho nước nhà trung lập; IV. Mấy công tác căn bản trong cuộc đấu tranh cho nước nhà trung lập.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 15 Tháng Chín, 2021, 10:37:12 am
Những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 1956, cùng với phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân các bộ tộc Lào, được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới, cuộc chiến đấu bảo vệ hai tỉnh tập kết của lực lượng Pathết Lào giành được nhiều thắng lợi, đã có tác động mạnh đến Chính phủ Vương quốc Lào do Hoàng thân Xuvănna Phuma làm thủ tướng. Sau khi Chính phủ Vương quốc Lào ra tuyên bố thực hiện chính sách hoà bình trung lập, giải quyết vấn đề Lào theo tinh thần Hiệp định Giơnevơ, từ ngày 1 đến 5 tháng 8 năm 1956, Đoàn đại biểu Neo Lào Hắc Xạt do Hoàng thân Xuphanuvông làm trưởng đoàn đã tiến hành đàm phán với phía Chính phủ Vương quốc Lào tại Thủ đô Viêng Chăn.

Vào thời điểm này, công tác tiếp tế cho miền Tây để sang Lào gặp rất nhiều khó khăn do mưa lũ kéo dài, đường 217 mới làm từ Làng Tra đến biên giới Việt - Lào bị hư hỏng nặng. Đường dài 90 km, nhưng xe chỉ còn chạy được đến Km 17. Lương thực bị nghẽn lại dọc đường, trong khi đó các cơ quan, đơn vị Pathết Lào gạo chỉ còn đủ ăn đến ngày 5 tháng 9, thực phẩm đã hết từ ngày 8 tháng 8.

Trước tình hình đó, ngày 19 tháng 8 năm 1956, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Thông tri số 50-TT/TW về việc thực hiện kịp thời công tác tiếp tế miền Tây “theo đề nghị... các ngành giao thông, lao động, tài chính, thương nghiệp, Văn phòng kinh tế Thủ tướng phủ, Tổng cục Hậu cần, Ban Biên chính Trung ương và đại biểu Ban Cán sự miền Tây, Trung ương... phải kịp thời có kế hoạch khắc phục mọi khó khăn để đảm bảo việc tiếp tế cho miền Tây đúng theo số lượng và chất lượng đã quy định”.

Chấp hành chỉ thị của Ban Bí thư, các bộ, ban, ngành đã ra sức khắc phục mọi khó khăn, phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo tốt việc vận chuyển cho miền Tây. Đến cuối tháng 8 năm 1956, việc đảm bảo lương thực, thực phẩm cho các đơn vị Pathết Lào cơ bản đã được giải quyết.

Việc đảm bảo tiếp tế kịp thời cho miền Tây, cho Lào trong thời điểm cách mạng Lào đứng trước những khó khăn thử thách lớn đã góp phần đắc lực củng cố hậu phương, tạo niềm tin vững chắc để nhân dân hai tỉnh tập kết và lực lượng vũ trang Pathết Lào yên tâm chiến đấu, xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng Lào vừa giành được.

Đến tháng 8 năm 1956, với tinh thần vượt mọi khó khăn, tích cực chủ động triển khai các kế hoạch đề ra, cách mạng Lào đã giành được nhiều thành tựu trên các mặt công tác.

Về xây dựng đảng, đến tháng 8 năm 1956, bộ máy lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào đã hình thành từ trung ương xuống các địa phương. Ban Chỉ đạo Trung ương gồm tám đồng chí: Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư; các đồng chí Xuphanuvông, Phumi Vôngvichít, Nủhắc Phumxavẳn, Phun Xipaxợt, Bun Phôm Mahả Xây, Xỉxávạt Kẹo Bunphăn, Khăm Xẻng là uỷ viên; hệ thống cơ quan trung ương gồm các ban: Tổ chức, Tuyên huấn, Mặt trận, Vận động sản xuất, Kinh tài và Văn phòng; các chi bộ cơ sở gồm 76 chi bộ (trong đó 30 nông thôn, 25 cơ quan, 21 bộ đội) với tổng số 428 đảng viên.

Để giúp Đảng Nhân dân Lào chỉ đạo các hoạt động, Ban Cán sự miền Tây đã tổ chức các ban cán sự ở tây nam gồm bốn tỉnh Hạ Lào: Khăm Muộn, Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, Phôngxalỳ; ba khu thuộc Sầm Nưa và ba ban phụ trách (Huội Xài, Luổng Phạbang, Liên huyện 90) 1.

Về phân công giúp các cơ quan trung ương của Đảng Nhân dân Lào, Ban Cán sự miền Tây phân công: đồng chí Nguyễn Khang, Trung ương ủy viên, Bí thư, phụ trách chung; các đồng chí Nguyễn Chính Giao, Võ Thúc Đồng, Đào Việt Hưng phụ trách công tác tổ chức và tuyên huấn; Đinh Văn Khanh, phụ trách văn phòng kinh tế, mặt trận; Mai Văn Quang phụ trách Phôngxalỳ; Chu Huy Mân phụ trách đoàn cố vấn quân sự.

Trong hai ngày 28 và 29 tháng 8 năm 1956, Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Vương quốc Lào do Hoàng thân Xuvănna Phuma - Thủ tướng Chính phủ - làm trưởng đoàn thăm hữu nghị nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà 2.

Trên cơ sở kết quả các cuộc hội đàm, ngày 29 tháng 8, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Xuvănna Phuma đã ký Tuyên bố chung tại Hà Nội. Đoàn đại biểu Chính phủ hai nước khẳng định: “Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, xa xưa vốn đã có mối quan hệ giao hữu, nay tiếp tục nối lại và phát triển mối bang giao đó dựa trên năm nguyên tắc chung sống hoà bình; các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ 1954 cần được thực hiện ở Việt Nam và Lào để củng cố hoà bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới; Vương quốc Lào kiên quyết thực hiện chính sách hoà bình trung lập; Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ghi nhận chính sách hoà bình trung lập của Vương quốc Lào”.

Bày tỏ sự hợp tác với Chính phủ Vương quốc Lào, ngày 30 tháng 8 năm 1956, Hoàng thân Xuphanuvông, Chủ tịch Neo Lào Hắc Xạt ra tuyên bố hoan nghênh bản Tuyên bố chung ký kết giữa phái đoàn Chính phủ Vương quốc Lào với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bản tuyên bố trên một lần nữa xác nhận chính sách đối ngoại được ký kết tại Viêng Chăn giữa đại diện Neo Lào Hắc Xạt và Chính phủ Vương quốc Lào, đảm bảo nước Lào đi theo con đường hoà bình, trung lập.

Ngày 25 tháng 9 năm 1956, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào ra nghị quyết “về tình hình mới, nhiệm vụ mới”. Trên cơ sở nhận định tình hình và dự kiến các khả năng có thể xảy ra, nghị quyết đề ra nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào là: đoàn kết toàn dân đấu tranh chống đế quốc Mỹ, cô lập bọn tay sai đầu sỏ thân Mỹ, đòi Chính phủ Vương quốc Lào thực hiện nghiêm chỉnh những điều đã ký kết giữa hai bên ở Viêng Chăn; gấp rút củng cố cơ sở và chính quyền các cấp ở hai tỉnh, xây dựng hai tỉnh tập kết thành chỗ dựa vững chắc cho phong trào đấu tranh trong cả nước; kịp thời chấn chỉnh chính sách, củng cố mở rộng mặt trận để tập hợp rộng rãi mọi lực lượng chống Mỹ xâm lược, tán thành hoà bình trung lập và công khai hoá mặt trận và các tổ chức chính trị khác của Neo Lào Hắc Xạt; đặc biệt chú ý xây dựng Đảng Nhân dân Lào thành chính đảng tiền phong và vững mạnh của dân tộc; thống nhất tư tưởng, tăng cường đoàn kết nội bộ. Và yêu cầu: “cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong cả nước cần chuẩn bị đề phòng tình hình có thể diễn biến xấu, không có lợi cho cách mạng. Phải nâng cao cảnh giác, giữ vững ý chí chiến đấu” .

Để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước, từ ngày 12 đến 15 tháng 10 năm 1956, Uỷ ban Trung ương Neo Lào Hắc Xạt đã tiến hành Hội nghị mở rộng để sửa đổi, bổ sung chương trình hoạt động do đại hội đề ra hồi tháng 1 năm 1956 cho phù hợp với chuyển biến mới của cách mạng. Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ chủ yếu của nhân dân các bộ tộc Lào trong giai đoạn này là:

- Đoàn kết toàn dân, ủng hộ Chính phủ Vương quốc do Hoàng thân Xuvănna Phuma làm thủ tướng, đòi triệt để thi hành Hiệp định Giơnevơ 1954 và các hiệp định đã được ký kết giữa hai bên, thực hiện chính sách hoà bình trung lập, đấu tranh xây dựng một nước Lào hoà bình, dân chủ, thống nhất, độc lập và thịnh vượng, góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới.

- Kiên quyết chống lại âm mưu của mọi thế lực phản động ngoại quốc và bọn tay sai bán nước đầu sỏ ngoan cố, phá hoại hoà bình, trung lập, hoà hợp dân tộc, biến Lào thành một thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự.

- Tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của chính phủ và nhân dân các nước yêu chuộng hoà bình, công lý trên thế giới.

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được Neo Lào Hắc Xạt xác định, cùng với việc đẩy mạnh hoạt động trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và ngoại giao, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào đặc biệt chú trọng sắp xếp cán bộ, chiến sĩ và nhân viên ở hai tỉnh tập kết, trong đó bố trí cán bộ nòng cốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng vào các vị trí chủ chốt của tỉnh, huyện, xã, trong các đơn vị vũ trang, cảnh giác đề phòng địch cài cắm người vào các tổ chức của Pathết Lào...

Thực hiện thoả thuận giữa hai bên, từ ngày 16 tháng 11 đến 24 tháng 12 năm 1956, Hội nghị hiệp thương chính trị giữa Neo Lào Hắc Xạt và Chính phủ Vương quốc Lào tiếp tục họp tại Viêng Chăn để thảo luận một số nội dung quan trọng về hoà hợp dân tộc, bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả mọi công dân Lào, bảo đảm quyền hoạt động hợp pháp của Neo Lào Hắc Xạt.




------------------------------------------------------------------
1. Các ban cán sự biên chế ba đến bảy người, các ban phụ trách có từ một đến ba người; mỗi huyện có một bộ phận do một đến ba cán bộ phụ trách.

2. Thành phần Đoàn đại biểu Chính phủ Vương quốc Lào gồm có các vị: Hoàng thân Xuvănna Phuma - Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng các bộ ngoại giao, quốc phòng, thông tin - trưởng đoàn; Cátài Đônxảxổlít - Phó Thủ tướng; Lượm Inxỉxiêngmẩy - Bộ trưởng Bộ Tài chính, kinh tế, kế hoạch; Thoong Xệtthỉ Vôngnarạt - Thứ trưởng Bộ Thông tin; Chạu Xổmxạnít - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Cứu tế; Xỉ Xúc Ná Chămpaxắc - Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ.



Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 15 Tháng Chín, 2021, 02:08:25 pm
Trong khi Hội nghị hiệp thương đang tiến hành thì đế quốc Mỹ và tay sai tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phá hoại đàm phán ở Viêng Chăn, phá hoại hoà bình trung lập.

Trước âm mưu mới của đế quốc Mỹ và tay sai, để đáp ứng kịp thời các tình huống có thể xảy ra, ngày 28 tháng 11 năm 1956, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào ra chỉ thị về tình hình mới và những công tác cần kíp của các cấp, các ngành, trong đó nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của ta là phải tích cực thi hành nhiệm vụ đã đề ra trong nghị quyết tháng 8 năm 1956, cụ thể là: mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi người bất cứ ở đâu, làm việc gì đều phải làm công tác mặt trận, thực hiện việc đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc để chống âm mưu phá hoại hoà bình trung lập, lật đổ chính phủ của Phuma, chống nguy cơ chia cắt đất nước, đấu tranh ủng hộ và thúc đẩy chính phủ nhà vua thực hiện những điều đã ký kết ở Viêng Chăn, kiên quyết đi theo con đường hoà bình trung lập. Tiếp tục củng cố cơ sở hai tỉnh, giữ vững và phát triển lực lượng cách mạng trong toàn quốc để tiến tới xây dựng một nước Lào hoà bình, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng”.

Sau hơn một tháng hiệp thương, ngày 24 tháng 12 năm 1956, đại diện phái đoàn Neo Lào Hắc Xạt và đại diện phái đoàn Chính phủ Vương quốc Lào tại Hội nghị hiệp thương chính trị ở Viêng Chăn đã ký hiệp định về bảo đảm quyền công dân, cấm phân biệt đối xử, trả thù người của Neo Lào Hắc Xạt và người kháng chiến cũ.

Trên cơ sở những thoả thuận đã đạt được trong các cuộc hội đàm, ngày 28 tháng 12 năm 1956, tại Thủ đô Viêng Chăn, Hoàng thân Xuphanuvông đại diện cho Neo Lào Hắc Xạt và Hoàng thân Xuvănna Phuma đại diện cho Chính phủ Vương quốc Lào ký Tuyên bố chung thoả thuận thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc có Neo Lào Hắc Xạt tham gia và nâng tổng số nghị sĩ quốc hội từ 39 lên 60 đại biểu.

Song song với việc giúp Neo Lào Hắc Xạt đấu tranh thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc, xây dựng cơ sở đảng và phát triển lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh1, Đảng, Nhà nước Việt Nam còn tăng cường giúp đỡ cách mạng Lào về kinh tế, giáo dục, y tế.

Về viện trợ: năm 1956, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã giúp Chính phủ Kháng chiến Lào: 535 triệu đồng ngân hàng, 30 vạn đồng tiền Lào, 31 nghìn bạt (tiền Thái Lan), 2.525 tấn gạo, 26 tấn lúa, 7.500 tấn muối, 64.421 nông cụ, 91.600 mét vải, 18.764 lít xăng dầu. Ngoài ra, Việt Nam còn giúp Lào dụng cụ y tế, thuốc men, quần áo, giày dép, phương tiện máy móc thông tin, v.v., tổng cộng là 75 tấn với giá trị 745 triệu đồng.

Về công tác xây dựng tổ chức quần chúng, phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vùng giải phóng của Pathết Lào, tính đến cuối năm 1956, Neo Lào Hắc Xạt đã xây dựng được tổ chức quần chúng ở 5.422 bản trong tổng số 9.500 bản ở cả 12 tỉnh. So với cuối năm 1955, phong trào phát triển nhiều và mạnh hơn, nhất là ở Huội Xài, Viêng Chăn, Sầm Nưa, Phôngxalỳ. Trong năm 1956 đã xây dựng được cơ sở cách mạng ở 35 thị trấn và thị xã trong số 59 thị trấn và thị xã toàn Lào. Ở Sầm Nưa, đến cuối năm 1956, toàn tỉnh đã có 1.214 tổ đoàn kết sản xuất, thu hút được trên 12.000 gia đình, khoảng 70% dân số (toàn tỉnh có 105.516 người, trong đó có 17.668 người Mèo). Trong năm đã tiến hành vận động đoàn kết sản xuất, cải thiện dân sinh, củng cố cơ sở trong ba đợt. Riêng hai đợt đầu kết thúc ngày 10 tháng 12 đã làm trong 42 xã, 313 bản với 39.686 người thuộc bốn huyện: Mương Xôi, Sằm Tớ, Xiêng Khọ và Mương Xăm. Về chính quyền, toàn tỉnh đã có chính quyền trong 915 bản, 114 xã, 6 huyện. Đối phương còn kiểm soát 6 xã và 59 bản, ước độ 4.000 dân.

Ở Phôngxalỳ, đến cuối năm 1956, toàn tỉnh đã tổ chức được 1.000 tổ đoàn kết sản xuất với gần 20.000 hội viên và chấn chỉnh xong các uỷ ban mặt trận chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện.

Cùng với việc vận động nhân dân tăng gia sản xuất, hai tỉnh đã chấn chỉnh lại hệ thống giáo dục, ấn hành thêm các sách giáo khoa, mở các lớp để bổ túc giáo viên. Đến cuối năm 1956, hai tỉnh đã chấn chỉnh được 89 trường tiểu học và vỡ lòng với 5.765 học sinh, hàng nghìn tổ học chữ với hàng vạn học viên.

Ngày 22 tháng 2 năm 1957, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào ra chỉ thị về “công tác vận động quần chúng đấu tranh đòi phía Chính phủ Vương quốc thi hành các hiệp định đã được ký kết giữa các bên”. Sau khi vạch rõ âm mưu của Mỹ và bọn tay sai, chỉ thị đã xác định một số nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào là: đẩy mạnh đấu tranh đòi thi hành các điều đã được ký kết giữa hai bên; tăng cường củng cố hai tỉnh để làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh trước mắt và lâu dài; củng cố và phát triển lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và bán vũ trang; vận động đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cải thiện dân sinh.

Đầu tháng 3 năm 1957, Đảng Nhân dân Lào tổ chức Hội nghị cán bộ đảng toàn quốc, rút kinh nghiệm xây dựng đảng và thảo luận nghị quyết mới của Ban Chỉ đạo Trung ương. Hội nghị chỉ rõ: do lãnh đạo chưa sát và có phần thiếu tập thể dân chủ, do tổ chức và sinh hoạt chưa hợp lý, do đảng phát triển mau, sự giáo dục chưa chủ động, do phương pháp công tác không khéo léo, lộ bí mật, nên lẻ tẻ một số địa phương và cả ở các cơ quan trung ương đã xảy ra hiện tượng mất đoàn kết nội bộ, giữa Đảng và quần chúng, không có lợi cho tình hình và công tác hiện nay.

Từ đó, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào yêu cầu các địa phương tiếp tục bồi dưỡng cán bộ và chỉnh đốn bộ máy nhằm nâng cao tinh thần yêu nước, tinh thần trách nhiệm, ý chí chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Cũng trong thời gian này, Ban Cán sự miền Tây sơ kết công tác giúp cách mạng Lào. Theo chủ trương của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Ban Cán sự đã giúp Đảng Nhân dân Lào xác định đúng tình hình, chống các tư tưởng lệch lạc (lạc quan cho rằng việc hợp tác với Chính phủ Vương quốc diễn ra dễ dàng, hoặc tư tưởng bi quan, thiếu tin tưởng), giúp Đảng Nhân dân Lào đánh giá phong trào cơ sở từng tỉnh và tình hình công tác của trung ương cũng như mỗi ngành để có kế hoạch chỉ đạo cho sát, đúng; giúp mở các hội nghị đảng và mặt trận ở trung ương để thống nhất nhận định tình hình, thông suốt nhiệm vụ và thông suốt tư tưởng; gợi ý để phía Lào đề đạt kế hoạch củng cố lực lượng ở hai tỉnh, đề phòng địch lấn ra và âm mưu gây phỉ điệp ở hai tỉnh; góp ý kiến chấn chỉnh tổ chức lề lối làm việc và tăng cường quan hệ trên dưới, v.v..

Để đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh của nhân dân các bộ tộc Lào, kiên quyết đập tan các âm mưu phá hoại của Mỹ và tay sai, ngày 4 tháng 5 năm 1957, Trung ương Đảng Nhân dân Lào ra chỉ thị bổ sung tình hình nhiệm vụ cho cấp uỷ hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ.
Sau khi vạch trần những âm mưu thủ đoạn của Mỹ và tay sai, những khó khăn chúng đang gặp phải, chỉ ra những thuận lợi cơ bản của cách mạng Lào, chỉ thị đã đề ra một số công tác trước mắt cho quân dân hai tỉnh tập kết là:

- Bằng mọi hình thức tuyên truyền giải thích cho nhân dân hiểu rõ chính sách hoà bình trung lập và sự cần thiết phải thành lập Chính phủ liên hiệp.

- Ra sức củng cố lực lượng vũ trang và bán vũ trang vững mạnh, giữ vững khu tập kết làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh chính trị.

- Tích cực vận động nhân dân phối hợp với lực lượng vũ trang chống âm mưu lấn chiếm, phá hoại của địch.

- Phối hợp chặt chẽ giữa chính trị với quân sự, giữa hậu phương với tiền phương, giữa hai tỉnh tập kết với phong trào đấu tranh trong cả nước và tại Hội nghị hiệp thương chính trị ở Viêng Chăn.

Ngày 23 tháng 5 năm 1957, đồng chí Chu Huy Mân báo cáo và đề nghị với Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng một số vấn đề về tình hình lực lượng Lào. Căn cứ vào đề nghị của đồng chí Chu Huy Mân, ngày 11 tháng 6 năm 1957, Tổng Quân uỷ ra Quyết định số 110/TQU về tổ chức và xác định nhiệm vụ mới của Đoàn 100 ở Lào2.




-----------------------------------------------------------------
1. Đến tháng 12 năm 1956, số lượng đảng viên trong cả nước đã lên đến 2.289 đồng chí, sinh hoạt trong 334 chi bộ (182 chi bộ nông thôn, 88 chi bộ cơ quan và 64 chi bộ trong các đơn vị bộ đội); lực lượng vũ trang Pathết Lào đã có 7.518 người (trong đó có 313 người thuộc bộ đội địa phương Sầm Nưa, Phôngxalỳ) được tổ chức thành 9 tiểu đoàn chủ lực, 11 đại đội độc lập, 3 đại đội vận tải, một đại đội công binh, một đại đội bảo vệ, một đội quân báo và một số cán bộ, chiến sĩ các cơ quan chính trị, tham mưu, hậu cần. Về cán bộ, có 74 cán bộ tiểu đoàn, 275 cán bộ đại đội, 585 cán bộ trung đội, 1.467 cán bộ tiểu đội.

2. Theo đó, Đoàn 100 vẫn là một đơn vị trực thuộc Tổng Quân uỷ nhưng để chỉ đạo được tập trung và thống nhất, Tổng Quân uỷ giao cho Bộ Tổng Tham mưu chịu trách nhiệm theo dõi chung, từng thời kỳ nghe báo cáo tình hình và giải quyết các công việc cho Đoàn 100.
Về tổ chức, Tổng Quân uỷ phân công đồng chí Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng chịu trách nhiệm theo dõi Đoàn 100; cử đồng chí Đinh Văn Tuy làm đoàn trưởng thay đồng chí Chu Huy Mân, đồng chí Lê Tự Lập làm phó đoàn trưởng thứ nhất, đồng chí Đức Phương làm phó đoàn trưởng thứ hai.



Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 15 Tháng Chín, 2021, 02:14:58 pm
Cùng với việc giúp quân đội Pathết Lào trên lĩnh vực quân sự, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Lào cũng được đẩy mạnh trong các nhà trường, các cơ quan, ban, ngành của Việt Nam giúp cách mạng Lào. Ngày 22 tháng 6 năm 1957, Ban Biên chính Trung ương quyết định thành lập ở hai trường (T50 và T51), mỗi nơi một ban cán sự Việt thuộc Ban Biên chính Trung ương1 để giúp ban phụ trách hai trường trong việc điều khiển nhà trường, trong công tác lãnh đạo tư tưởng, giáo dục chính trị văn hoá cho cán bộ Lào. Trong hai tháng 7 và 8 năm 1957, Tiểu ban Phụ vận Trung ương Việt Nam còn mời 19 đồng chí đoàn cán bộ Pathết Lào làm công tác phụ vận sang nghiên cứu phương pháp tổ chức các hoạt động công đoàn, thanh niên, phụ nữ của Việt Nam.

Vừa nghiên cứu học tập lý luận, đoàn vừa dự một số buổi nói chuyện về hoạt động quốc tế của phụ nữ Việt Nam, nghe báo cáo của các cơ sở phụ nữ ở Hà Nội, Hải Phòng, tham quan các nhà máy xi măng, khu mỏ Cẩm Phả, Cửa Ông, Vịnh Hạ Long, v.v.. Những hoạt động trên đã góp phần nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau và tình đoàn kết keo sơn Việt - Lào.

 Thắng lợi của cách mạng Lào có tác động tích cực đến xu hướng và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân ở đô thị, ở một vài nơi đã chuyển thành phong trào chống đế quốc Mỹ và tay sai, ủng hộ đường lối hoà bình trung lập, mong hai bên chóng hợp tác để thống nhất quốc gia.

Ngày 2 tháng 11 năm 1957, Hoàng thân Xuphanuvông đại diện Neo Lào Hắc Xạt và Hoàng thân Xuvănna Phuma đại diện Chính phủ Vương quốc Lào ký tuyên bố chung thoả thuận thành lập Chính phủ liên hiệp có Neo Lào Hắc Xạt tham gia và công nhận các hiệp nghị đã được ký kết từ ngày 24 tháng 12 năm 1956 đến 2 tháng 11 năm 1957. Cũng trong ngày 2 tháng 11, tại Hội nghị hiệp thương chính trị, hai phái đoàn Neo Lào Hắc Xạt và Chính phủ Vương quốc Lào ký hiệp định thoả thuận tổ chức sáp nhập hai tỉnh tập kết vào Vương quốc Lào. Cùng thời gian này tại Viêng Chăn, Hội nghị liên hiệp quân sự giữa Neo Lào Hắc Xạt và Chính phủ Vương quốc Lào ký hiệp định giải quyết lực lượng vũ trang của Neo Lào Hắc Xạt 2.

Nhân dịp ký kết các hiệp định về hoà hợp dân tộc, thống nhất quốc gia, thành lập Chính phủ liên hiệp giữa Neo Lào Hắc Xạt với Chính phủ Vương quốc Lào, ngày 15 tháng 11 năm 1957, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào gửi thư cho các cấp bộ đảng và toàn thể đảng viên trong cả nước kêu gọi toàn thể đảng viên: “quyết tâm, bền bỉ đấu tranh cho một nước Lào hoà bình trung lập, hoà hợp dân tộc, nhân dân có quyền tự do dân chủ; mỗi đảng viên dù ở cương vị công tác nào, phải là nòng cốt, xung phong gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; củng cố sự đoàn kết và thống nhất nội bộ, đoàn kết hoà hợp với mọi người yêu nước, dựa vào nhân dân, tin tưởng ở lực lượng của nhân dân trong cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ; luôn nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, giữ bí mật, bảo vệ Đảng, giữ vững kỷ luật”.

Sau khi Quốc hội Vương quốc Lào thông qua danh sách Chính phủ liên hiệp dân tộc có Neo Lào Hắc Xạt tham gia, trong tháng 11 năm 1957, Hội nghị Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào xác định nhiệm vụ và phương châm đấu tranh của cách mạng Lào trong thời gian sắp tới: nhiệm vụ chủ yếu hiện nay là tập trung mọi lực lượng đấu tranh đòi thực hiện các hiệp định đã ký để củng cố và phát triển những thắng lợi đã giành được.

Về phương châm, Hội nghị chủ trương: chuyển phương châm đấu tranh từ đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh quân sự bảo vệ hai tỉnh tập kết, sang đấu tranh công khai hợp pháp trên toàn quốc, kết hợp đấu tranh chính trị của quần chúng với đấu tranh nghị trường và đấu tranh pháp lý, buộc phía Vương quốc phải thực hiện đúng đắn các thoả thuận giữa hai bên.

Ngày 18 tháng 12 năm 1957, Neo Lào Hắc Xạt tổ chức lễ chuyển giao tỉnh Sầm Nưa và tỉnh Phôngxalỳ cho Chính phủ liên hiệp dân tộc, tiếp đó ngày 25 tháng 12 năm 1957, cơ quan đại diện Neo Lào Hắc Xạt chính thức ra mắt và hoạt động công khai hợp pháp tại Thủ đô Viêng Chăn.

 Cũng trong thời gian này, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 quân đội Pathết Lào gồm 1.500 cán bộ, chiến sĩ sáp nhập với quân đội Vương quốc. Lựa chọn 330 người trong số lực lượng còn lại (trong đó có gần 700 đảng viên) cho đi đào tạo tại Việt Nam, chuẩn bị lực lượng cán bộ lâu dài. Số còn lại phục viên về các địa phương (10 tỉnh) để làm lực lượng nòng cốt cho phong trào đấu tranh cách mạng trong cả nước.

Nhân dịp giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh thực hiện hoà hợp dân tộc, thống nhất quốc gia, thành lập Chính phủ liên hiệp, ngày 10 tháng 1 năm 1958, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào gửi thư cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu rõ: “Cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược và cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Giơnevơ thực hiện hoà bình thống nhất nước Lào của Neo Lào Hắc Xạt đã giành được thắng lợi to lớn. Trong kháng chiến cũng như trong đấu tranh thực hiện hoà bình, thống nhất đất nước, cách mạng Lào luôn được sự giúp đỡ tận tình của cách mạng Việt Nam, Đảng Lao động Việt Nam. Sở dĩ cách mạng Lào đạt được những thắng lợi to lớn đó là do tinh thần đoàn kết đấu tranh anh dũng kiên cường của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào, đồng thời cũng do sự đóng góp quan trọng của đồng chí và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã hết lòng theo dõi giúp đỡ chúng tôi trong mỗi giai đoạn của cách mạng. Trước nhiệt tình và sự giúp đỡ vô điều kiện đó, chúng tôi xin thành thực tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với đồng chí, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và nhân dân Việt Nam”. Cũng trong dịp này, Neo Lào Hắc Xạt gửi thư cho Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ tình đoàn kết keo sơn giữa hai dân tộc Lào - Việt.

Nhằm phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, ngày 10 tháng 1 năm 1958, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào đã có cuộc trao đổi với Ban Cán sự miền Tây (trực thuộc Trung ương Đảng Lao động Việt Nam) về những việc hai bên đã làm được và những mặt còn tồn tại trong phối hợp thực hiện các nhiệm vụ.

Thực hiện thoả thuận giữa hai bên, ngày 18 tháng 1 năm 1958, Tiểu đoàn 1 và 2 của Neo Lào Hắc Xạt (mỗi tiểu đoàn biên chế 750 cán bộ, chiến sĩ), sáp nhập với quân đội Vương quốc Lào. Sau khi sáp nhập, Tiểu đoàn 1 đóng quân tại Xiêng Ngân (tỉnh Luổng Phạbang), Tiểu đoàn 2 đóng tại Cánh đồng Chum (tỉnh Xiêng Khoảng).

Theo hiệp định được ký kết giữa hai bên về tổng tuyển cử bổ sung có Neo Lào Hắc Xạt tham gia và luật bầu cử sửa đổi tiến bộ do phía Neo Lào Hắc Xạt đề nghị, bảy giờ sáng ngày 4 tháng 5 năm 1958, cả nước Lào đã tiến hành tuyển cử bổ sung để bầu thêm 21 nghị sĩ 3.

Mặc dù bọn tay sai phản động có những hành động gian lận, đe doạ nhân dân ở một số địa phương thuộc các tỉnh Luổng Phạbang, Sầm Nưa, Viêng Chăn, nhưng với tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, cuộc bỏ phiếu vẫn được tiến hành đúng quy định. Các ứng cử viên của Neo Lào Hắc Xạt và Đảng Hoà bình trung lập đã giành được thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử này, trong đó Hoàng thân Xuphanuvông thu được số phiếu cao nhất (37.389 phiếu) trong số 21 ứng cử viên đắc cử. Bà Khăm Pheng Búpphả, cán bộ Hội Phụ nữ Neo Lào Hắc Xạt, là đại biểu đầu tiên giành được số phiếu cao nhất ở tỉnh Luổng Phạbang 4. Trong những ngày này, các trụ sở cơ quan đại diện của Neo Lào Hắc Xạt công khai hoạt động, báo Lào Hắc Xạt phát hành rộng rãi, tạo nên một khí thế cách mạng sôi nổi, làm nức lòng quần chúng trong cả nước.

 Lần đầu tiên tất cả các cử tri trong toàn quốc được quyền đi bỏ phiếu. Các ứng cử viên của Pathết Lào và phía Hoà bình trung lập đều giành thắng lợi với 13/21 ghế trong Quốc hội. Kết quả này, cùng với việc thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc lần thứ nhất và sửa đổi hiến pháp, là thắng lợi quan trọng của đường lối hoà bình, trung lập, độc lập, dân chủ, thống nhất đúng đắn của Đảng Nhân dân Lào.




----------------------------------------------------------------
1. T50, Nguyễn Văn Bình - trưởng Ban Cán sự; các đồng chí Bạch Nhật, Vũ Phi Hùng, Mai Huy Chước là ủy viên Ban Cán sự. T51, Lê Quỳnh Vân - trưởng ban; các đồng chí Châu Văn Phép, Nguyễn Ngọc Tình là uỷ viên.

2. Hai bên thoả thuận: Chính phủ Vương quốc Lào bảo đảm sáp nhập tất cả quân đội, vũ khí của Neo Lào Hắc Xạt vào quân đội quốc gia; những người tình nguyện ở lại quân đội sẽ được đưa vào quân thường trực của Vương quốc Lào. Các đơn vị quân đội của Neo Lào Hắc Xạt gia nhập quân đội quốc gia sẽ được hưởng quyền lợi bình đẳng về mọi mặt. Sau khi sáp nhập với quân đội quốc gia, các đơn vị quân đội của Neo Lào Hắc Xạt sẽ đóng tại quân khu cũ của mình. Sĩ quan và chuyên viên kỹ thuật được biên chế vào các đơn vị của họ; những người xin giải ngũ sẽ đăng ký làm quân dự bị quốc gia; Chính phủ Vương quốc Lào nhận giải quyết quyền lợi, chính sách đối với các chiến sĩ giải ngũ, thương binh và các gia đình của quân nhân; thời hạn sáp nhập các đơn vị vũ trang của Neo Lào Hắc Xạt vào quân đội quốc gia là 60 ngày kể từ ngày thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc.

3. Số đại biểu bổ sung được chia ra trong các tỉnh như sau: Nặm Thà 1; Viêng Chăn 2; Luổng Phạbang 4; Khăm Muộn 2; Phôngxalỳ 1; Xavẳnnakhệt 3; Sầm Nưa 1; Xalavăn 2; Xaynhabuli 1; Chămpaxắc 2; Xiêng Khoảng 1; Áttapư 1. Số ứng cử viên của các đảng phái ra tranh cử trong 12 tỉnh có 105 người gồm: Neo Lào Hắc Xạt (Mặt trận Lào yêu nước): 13 người; Đảng Xạt Kaonạ (Quốc gia tiến bộ): 32 người; Đảng Páxathipatây (Dân chủ): 4 người; Đảng Xểli (Tự do): 5 người; Đảng Lao Luôm Xẳm Phăn (Lào liên minh): 5 người; Đảng Xẳntiphạp Pên Kang (Hoà bình trung lập): 4 người; không đảng phái: 42 người.

4. Kết quả cụ thể: Neo Lào Hắc Xạt, 9 ghế; không đảng phái, 5 ghế; Đảng Hoà bình trung lập, 4 ghế; Đảng Quốc gia tiến bộ, 3 ghế. Ngày 13 tháng 5 năm 1958, Quốc hội Vương quốc Lào thông qua kết quả cuộc tổng tuyển cử.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 15 Tháng Chín, 2021, 02:21:11 pm
III. PHỐI HỢP CHUYỂN HƯỚNG ĐẤU TRANH CHỐNG CHIẾN LƯỢC CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT CỦA MỸ Ở LÀO

1. Đế quốc Mỹ và tay sai tăng cường các hoạt động phá hoại Chính phủ liên hiệp và hoà hợp dân tộc


Trước thắng lợi của lực lượng Pathết Lào, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đẩy mạnh các hoạt động lật lọng, từng bước xoá bỏ các hiệp ước hoà hợp dân tộc đã được ký kết để cuối cùng trắng trợn xoá bỏ Chính phủ liên hiệp và hoà hợp dân tộc.

Ngày 18 tháng 8 năm 1958, Quốc hội Vương quốc Lào thông qua chính phủ do Phủi Xánánicon thành lập gồm chín thành viên 1. Cùng ngày Phủi Xánánicon tuyên bố đứng về thế giới tự do, chống lại sự xâm nhập và phát triển của chủ nghĩa cộng sản và cho thực thi hàng loạt chính sách cực kỳ phản động. Chúng gạt hết người của Neo Lào Hắc Xạt ra khỏi Quốc hội và Chính phủ; nhiều công chức của Neo Lào Hắc Xạt bị cách chức hoặc bị bắt giam; tờ báo Lào Hắc Xạt bị đóng cửa.

Thực thi âm mưu của Mỹ, ngày 8 tháng 5 năm 1959, cùng với việc ngừng cung cấp lương thực thực phẩm, sử dụng bốn tiểu đoàn do Khăm Xúc chỉ huy triển khai bao vây Tiểu đoàn 2 Pathết Lào, quân đội Vương quốc Lào còn dùng các loa phóng thanh liên tục doạ dẫm sẽ tấn công tiêu diệt Tiểu đoàn 2, nếu không chấp hành mệnh lệnh của tổng chỉ huy. Tiếp đó, ngày 9 tháng 5, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Vương quốc Lào Uộn Rathicun ra lệnh cho tất cả sĩ quan hai tiểu đoàn 1 và 2 Pathết Lào phải tập trung tại sân bay Xiêng Khoảng để bay về căn cứ Chinaimô (Viêng Chăn) làm lễ phong quân hàm.

Được sự hậu thuẫn của đế quốc Mỹ, bất chấp dư luận phản đối mạnh mẽ ở trong nước và thế giới, ngày 26 tháng 7 năm 1959, Chính phủ phản động Phủi Xánánicon ra lệnh bắt giam 16 nhà lãnh đạo, cán bộ của Neo Lào Hắc Xạt khi vào Thủ đô Viêng Chăn tham gia Hội nghị hiệp thương chính trị và Chính phủ liên hiệp dân tộc (trong đó có Hoàng thân Xuphanuvông và các ông: Phumi Vôngvichít, Nủhắc Phumxavẳn, Phun Xipaxợt, Xỉthôn Cômmađăm). Cùng với hành động trên, Chính phủ phản động Phủi Xánánicon còn điều quân đội tăng cường uy hiếp tỉnh Sầm Nưa.

Sau khi dùng tám máy bay C46 chở vũ khí, quân dụng viện trợ khẩn cấp cho quân đội Lào và hối thúc Liên hợp quốc cử một tiểu ban gồm bốn nước (Nhật Bản, Tuynidi, Italia và Áchentina) đến điều tra tình hình Lào, ngày 12 tháng 9 năm 1959, Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định đưa thêm quân vào Lào dưới danh nghĩa “các đơn vị liên lạc”. Các đơn vị này đặt dưới quyền chỉ huy của Bộ Tham mưu Mỹ ở Thái Bình Dương.
Việc Mỹ đẩy mạnh can thiệp quân sự, tăng cường viện trợ vũ khí, phương tiện chiến tranh, đôn quân nguỵ tăng lên nhanh chóng từ 25.000 tên (năm 1955) lên 44.000 tên (năm 1959), liên minh với nguỵ quyền Nam Việt Nam, chính quyền Thái Lan, đã bộc lộ dã tâm phá hoại Chính phủ liên hiệp, phá hoại sự hoà hợp dân tộc để phát động cuộc chiến tranh với quy mô lớn hơn nhằm tiêu diệt lực lượng Neo Lào Hắc Xạt và lực lượng hoà bình trung lập ở Lào.

2. Đảng Lao động Việt Nam phối hợp giúp Đảng Nhân dân Lào chuyển hướng đấu tranh

Trước tình hình căng thẳng do đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai gây ra ở Lào, ngày 28 tháng 8 năm 1958, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào ra chỉ thị cho các cấp bộ đảng về “tình hình nhiệm vụ mới”.

Phân tích âm mưu, thủ đoạn mới của Mỹ và tay sai, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào chủ trương: “Tập hợp mọi lực lượng, kiên quyết đấu tranh buộc chính phủ do Phủi Xánánicon làm thủ tướng phải từ chức để thành lập Chính phủ liên hiệp có đại diện Neo Lào Hắc Xạt và các nhân sĩ tiến bộ tham gia, thi hành chính sách hoà bình trung lập như chương trình của Chính phủ liên hiệp trước đó. Bằng mọi cách làm cho tình hình bớt căng thẳng đồng thời ra sức củng cố lực lượng, đề phòng tình hình xấu có thể xảy ra” .

 Về một số công tác trước mắt, chỉ thị xác định:

- Tiếp tục chuyển hướng hoạt động để làm tình hình bớt căng thẳng và bảo tồn lực lượng.

- Kịp thời lãnh đạo thông suốt tư tưởng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trước tình hình hiện nay.

- Tích cực củng cố và phát triển lực lượng về mọi mặt để phát huy tinh thần đấu tranh bền bỉ của cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân.

- Ra sức tranh thủ quân đội, cảnh sát và công chức phía Vương quốc.

- Củng cố đường dây liên lạc công khai và bí mật giữa trung ương với địa phương, giữa tỉnh với huyện để đảm bảo sự lãnh đạo kịp thời của Đảng.

Trước việc Mỹ và bọn tay sai ra sức thi hành chính sách khủng bố đối với cán bộ cách mạng và những người có tư tưởng hoà bình, tiến bộ, đã có nhiều cán bộ Pathết Lào và thường dân Lào ở các tỉnh biên giới chạy sang đất Việt Nam để tránh sự đàn áp, bắt bớ của địch. Để tạo điều kiện giúp cách mạng Lào, ngày 13 tháng 12 năm 1958, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Chỉ thị số 120/CT-TW về chủ trương đối với cán bộ và nhân dân Lào chạy qua biên giới, trong đó nêu rõ: “Xuất phát từ lợi ích của cách mạng Lào và mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng và nhân dân hai nước, đồng thời căn cứ ở tình hình trên, chủ trương của ta là hết lòng giúp đỡ cho số cán bộ và thường dân Lào vì tránh khủng bố mà chạy sang biên giới ta về mọi mặt tinh thần, vật chất theo khả năng của ta... Để thực hiện tốt chủ trương trên, cần coi trọng công tác điều tra, nghiên cứu để đối xử thận trọng với từng người cho chính xác, tránh nhầm lẫn giữa người tốt, kẻ xấu và bọn gián điệp. Đồng thời cần chú ý động viên tinh thần cán bộ và nhân dân bạn, hết sức tránh những gì có thể làm tổn thương đến tinh thần và tình cảm của bạn” .

 Cùng với việc giúp đỡ cán bộ, nhân dân Lào ở các tỉnh biên giới, ngày 23 tháng 12 năm 1958, Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương gửi Công văn số 418/BLL đến Khu uỷ Việt Bắc yêu cầu cung cấp đủ tiêu chuẩn phụ cấp cho các đồng chí cán bộ, học sinh Lào ở Thái Nguyên. Trong lúc điều kiện kinh tế của Việt Nam sau hoà bình còn rất nhiều khó khăn, những việc làm nghĩa tình đó càng làm cho quan hệ vừa là đồng chí vừa là anh em giữa hai Đảng, hai quân đội và nhân dân hai nước Việt - Lào thêm keo sơn, gắn bó.

Sau khi Chính phủ Vương quốc Lào cho quân đội tăng cường hoạt động vũ trang ở biên giới giáp các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh của Việt Nam, trong các ngày 28 tháng 12 năm 1958 và 1 tháng 1 năm 1959, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã gửi công hàm cho Chính phủ Vương quốc Lào phản đối hành động khiêu khích của quân đội Vương quốc Lào ở vùng Hướng Lập (Nghệ An) và yêu cầu sớm có biện pháp chấm dứt.

Ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phản đối các hoạt động khiêu khích của quân đội Vương quốc Lào, ngày 11 tháng 1 năm 1959, Hoàng thân Xuphanuvông, Chủ tịch Neo Lào Hắc Xạt đã gửi thư cho Chủ tịch Uỷ ban quốc tế ở Lào Tura Sinh Bah tố cáo những hành động vi phạm Hiệp định Giơnevơ và Hiệp định Viêng Chăn của phía Chính phủ Vương quốc Lào sau khi Uỷ ban quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến ở Lào ngừng hoạt động.

Để giúp Trung ương Đảng Nhân dân Lào kịp thời đấu tranh chống địch đàn áp khủng bố, ngày 30 tháng 1 năm 1959, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi thư trao đổi ý kiến với Trung ương Đảng Nhân dân Lào2 về phương hướng đấu tranh của cách mạng Lào, trong đó nhấn mạnh cần rút ngay một bộ phận bí mật chuyển ra vùng căn cứ để lãnh đạo phong trào đấu tranh, kiên quyết bảo vệ cho được lực lượng của cách mạng Lào.

Theo dõi sát những diễn biến mới ở Lào, ngày 15 tháng 3 năm 1959, Ban Cán sự miền Tây đã có báo cáo tình hình và dự kiến các nội dung giúp cách mạng Lào để trình Ban Bí thư, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam. Về âm mưu của Mỹ, Ban Cán sự miền Tây nhận định: “Sự xâm nhập và hoạt động của đế quốc Mỹ có tính chất toàn diện, nhanh, trắng trợn nhưng kín đáo với một kế hoạch từng bước với những thủ đoạn tương đối khôn khéo, xảo quyệt và thâm độc hơn trước. Hiện nay Mỹ đã nắm chính phủ trung ương và đang tích cực xuống nắm cấp tỉnh...” .

Về tình hình Lào, Ban Cán sự miền Tây nêu rõ: sau khi hợp tác thống nhất, cách mạng Lào giành thắng lợi trong tổng tuyển cử bổ sung. Phong trào lúc đó lên mạnh ở nông thôn và thành thị. Cơ sở của Lào được mở rộng, ảnh hưởng và uy tín của Lào lan rộng khắp nơi. Lào đã tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của cách mạng một cách rộng rãi và công khai. Các tầng lớp nhân dân tán thành đường lối, chính sách của cách mạng và ủng hộ Pathết Lào. Nhưng từ khi Phủi Xánánicon lên làm thủ tướng đến nay và qua các cuộc khủng bố liên tiếp, phong trào xẹp xuống, cơ sở cũ ở nhiều nơi bị thu hẹp lại.

Trên cơ sở đó, Ban Cán sự miền Tây đề xuất phương hướng phối hợp với cách mạng Lào trong thời gian tới là “tích cực ra sức củng cố và bảo tồn lực lượng của cách mạng Lào, đoàn kết và tập hợp lực lượng yêu nước, yêu hoà bình, tiếp tục đấu tranh chính trị để duy trì địa vị hợp pháp của Neo Lào Hắc Xạt và chống mọi âm mưu của đế quốc Mỹ và tay sai, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với tình hình xấu, nghĩa là cần thiết thì chuyển sang đấu tranh vũ trang...”.




--------------------------------------------------------------------
1. Chín thành viên gồm: 1. Phủi Xánánicon, Thủ tướng kiêm các bộ Kế hoạch, Công chính, viễn thông; 2. Cátài Đônxảxổlít, Phó Thủ tướng kiêm các bộ Quốc phòng, Cựu binh, Nội vụ; 3. Bôngxụ Vănnạvông, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, y tế, lễ nghi; 4. Khăm Phăn Pănnha, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; 5. Lưỡmrada Xổmbặt, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, tài chính; 6. Xỉxúc Chămpaxắc, Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền; 7. Kholạnhốt Xụvănnạvông, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; 8. Tănchun Lạmuntin, Thứ trưởng Bộ Y tế; 9. Panxỉxu Phănthoong, Thứ trưởng Bộ Công chính, viễn thông.

2. Từ năm 1959, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào gọi là Ban Chấp hành Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo gọi là Tổng Bí thư.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 15 Tháng Chín, 2021, 02:26:13 pm
Sau khi nắm tình hình mọi mặt về Lào, ngày 4 tháng 5 năm 1959, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại diện Đảng Nhân dân Lào về tình hình, chủ trương và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào. Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam nhất trí với chủ trương của Đảng Nhân dân Lào, đồng thời nhấn mạnh phải tích cực xây dựng, phát triển lực lượng để chuyển sang đấu tranh vũ trang khi cần.

 Căn cứ vào chủ trương đã được hai Đảng, hai quân đội thống nhất, ngày 11 tháng 5 năm 1959, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo Cục Tác chiến giúp Bộ Chỉ huy tối cao Lào soạn thảo dự án chủ trương đấu tranh vũ trang của cách mạng Lào.

Ngày 13 tháng 5 năm 1959, trước hành động đe doạ dùng vũ lực của Chính phủ Vương quốc Lào, cùng với việc động viên cán bộ, chiến sĩ hai tiểu đoàn giữ vững tinh thần chiến đấu và có các biện pháp phòng vệ cần thiết, Hoàng thân Xuphanuvông, Chủ tịch Neo Lào Hắc Xạt, đã gửi thư cho Uỷ ban quốc tế ở Lào tố cáo hành động bao vây hai tiểu đoàn vũ trang của Neo Lào Hắc Xạt, giam lỏng tại gia (nội bất xuất, ngoại bất nhập) các lãnh tụ Neo Lào Hắc Xạt và tuyên bố tình trạng giới nghiêm, thiết quân luật của Chính phủ Vương quốc Lào.

Sau khi Bộ Chỉ huy tối cao quân đội Vương quốc Lào ra lệnh cho hai tiểu đoàn 1 và 2 Pathết Lào phải đầu hàng trong vòng 24 giờ, nếu không thực hiện sẽ bị tiêu diệt, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 vũ trang của Neo Lào Hắc Xạt đóng tại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng đã dũng cảm, mưu trí, bí mật lợi dụng đêm tối vượt qua vòng vây của địch ra vùng núi phía đông và rút dần về vùng biên giới giáp Việt Nam.

Biết rõ trên đường hành quân, Tiểu đoàn 2 gặp rất nhiều khó khăn về đạn dược, lương thực, số người đi theo đông (91 gia đình, phần lớn là vợ con cán bộ, chiến sĩ), quân nguỵ Viêng Chăn đã sử dụng Tiểu đoàn 10 truy kích hòng tiêu diệt lực lượng Pathết Lào. Dự đoán đúng âm mưu và thủ đoạn tác chiến của địch, chỉ huy Tiểu đoàn 2 đã tổ chức lực lượng phục kích đánh tan tiểu đoàn địch ở Xiêng Khoảng. Không cam chịu thất bại, quân ngụy Viêng Chăn tiếp tục cho Tiểu đoàn dù số 2 nhảy dù xuống Mương Ngan chặn đường hành quân của Tiểu đoàn 2 Pathết Lào. Nhờ sự giúp đỡ che chở của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 đã đánh lui được quân địch ở Mương Ngan, tiếp tục hành quân ra vùng căn cứ.

Trải qua 15 ngày đêm vừa hành quân vừa chiến đấu dũng cảm, mưu trí, ngày 2 tháng 6 năm 1959, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 Pathết Lào đã vượt qua vòng vây của quân thù, bảo toàn được lực lượng, trở về căn cứ ở vùng núi Kày Khẳn, biên giới Lào - Việt Nam.

Việc Tiểu đoàn 2 phá vây, bảo toàn được lực lượng trở về căn cứ là một thắng lợi của cách mạng Lào. Từ thời điểm này, Tiểu đoàn 2 cùng nhân dân các dân tộc Lào trong cả nước thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng Nhân dân Lào, chuyển hướng sang đấu tranh vũ trang tự vệ kết hợp với phong trào khởi nghĩa của quần chúng, đòi phía chính quyền Vương quốc thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ và các hiệp định Viêng Chăn.

Cũng trong thời gian này, Tiểu đoàn 1 vũ trang của Neo Lào Hắc Xạt đóng ở huyện Xiêng Ngân (tỉnh Luổng Phạbang), do nhiều nguyên nhân, trong đó trở ngại nhất là thông tin liên lạc nên việc rút quân không thực hiện được theo ý định. Sau khi Tiểu đoàn 2 đã vượt vòng vây trở về căn cứ, địch càng tăng cường đối phó hết sức nghiêm ngặt. Do vậy, đến đầu năm 1960, Tiểu đoàn 1 mới rút ra được nhưng quân số thiếu hụt gần một nửa (về hoà hợp dân tộc, tiểu đoàn biên chế 750 cán bộ, chiến sĩ, quá trình rút quân nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương vong, một số bị địch bắt giam nên khi về đến căn cứ quân số của tiểu đoàn chỉ còn hơn 400 người). Tuy có bị thiệt hại về lực lượng nhưng về cơ bản Pathết Lào vẫn duy trì được lực lượng vũ trang, đây là yếu tố vô cùng quan trọng để xây dựng, củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ của quân giải phóng nhân dân Lào sau này.

Trong quá trình diễn ra sự kiện Tiểu đoàn 2 Pathết Lào chiến đấu phá vây, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân uỷ Trung ương Việt Nam, từ trung tuần tháng 5 đến đầu tháng 6 năm 1959, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo các quân khu, các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ giúp cách mạng Lào tạo mọi điều kiện giúp đỡ Tiểu đoàn 2 và các lực lượng Pathết Lào chiến đấu, bảo vệ lực lượng trên đường hành quân ra vùng biên giới Việt - Lào.

Ngày 20 tháng 5 năm 1959, Tổng Quân uỷ họp bàn về tình hình Lào. Trên cơ sở phân tích âm mưu của địch ở Lào trong thời gian tới, Tổng Quân uỷ đề ra một số công tác cần tiến hành, trong đó nhấn mạnh: “tổ chức bộ đội vũ trang giải phóng Lào; tổ chức cơ quan chỉ đạo, chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam ở Lào; chuẩn bị cho việc giải phóng một khu vực ở Lào làm căn cứ cho phong trào cách mạng toàn quốc và căn cứ chỉ đạo của cách mạng Lào; đào tạo đội ngũ cán bộ của cách mạng Lào; chuẩn bị về sự giúp đỡ của Việt Nam cho cách mạng Lào; chuẩn bị kế hoạch hoạt động quân sự để thực hiện chủ trương giải phóng một khu vực làm căn cứ hoặc chỗ đứng cho các lực lượng cách mạng Lào”.

 Cũng trong thời gian này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện chỉ thị các đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Đôn (Quân khu 4), yêu cầu Quân khu chuẩn bị điện đài, cán bộ và bộ đội để sẵn sàng thực hiện kế hoạch giúp đỡ Tiểu đoàn 2 Pathết Lào. Tiếp đó, ngày 30 tháng 5, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Quân khu 4, trong đó yêu cầu “tổ chức nhiều tổ nhỏ (3 - 4 người) phái vào phân tán hoạt động trên một khu vực tương đối rộng để giúp Tiểu đoàn 2 Pathết Lào khi Tiểu đoàn 2 về đến biên giới. Để giúp Tiểu đoàn 2 tác chiến, cần chi viện cho bạn hoả lực (cối 82 hoặc ĐKZ), bộc phá đạn dược, lương thực và điều tra vị trí địch; đôn đốc các vùng, các đồn biên phòng bảo đảm tiếp tế và nắm tình hình giúp bạn”.

Ngày 1 tháng 6 năm 1959, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam điện gửi đồng chí Tùng, Trưởng Ban Trinh sát Z20c: “Để yểm hộ Tiểu đoàn 2 rút quân, cần nắm vững tình hình địch, dùng bộ đội Tiểu đoàn 2 tiêu diệt quân truy kích nhưng phải chắc thắng mới đánh, không chắc thì đánh tiêu hao; lực lượng sử dụng ở mức trung đội tăng cường. Để tiến tới diệt địch ở Then Phun và Mương Ngạt, cần chuẩn bị điều tra địch, nắm nhân dân, lập tổ vũ trang, làm công tác tư tưởng và động viên cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2”. Riêng Cục Nghiên cứu Bộ Tổng Tham mưu đã cử một trung đội trinh sát do đồng chí Tâm chỉ huy đi đón và hỗ trợ dẫn đường cho Tiểu đoàn 2 về Mường Xén. Những hoạt động trên của các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam đã góp phần tích cực giúp đỡ để Tiểu đoàn 2 Pathết Lào rút lui thành công về vùng biên giới giáp Việt Nam.

Ngày 3 tháng 6 năm 1959, Trung ương Đảng Nhân dân Lào ra nghị quyết về tình hình nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào, trong đó nhấn mạnh: “Đế quốc Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào các mặt chính trị, kinh tế và quân sự của Lào. Theo lệnh đế quốc Mỹ, chính phủ Phủi Xánánicon đã gây tình hình nghiêm trọng ở Lào. Chúng ngang nhiên phá hoại Hiệp định Giơnevơ và các hiệp định Viêng Chăn. Trắng trợn hơn là chúng đã bao vây hai tiểu đoàn vũ trang 1 và 2, giam lỏng các lãnh tụ của Neo Lào Hắc Xạt, tấn công các lực lượng vũ trang của Neo Lào Hắc Xạt. Khả năng hoà bình, thực hiện hoà hợp dân tộc đã mất. Dù bọn tay sai phản động ra sức khủng bố, đàn áp phong trào đấu tranh của quần chúng, song lực lượng cách mạng vẫn ngày càng lớn mạnh. Các lực lượng nhân dân ngày càng ủng hộ đường lối đúng đắn của Neo Lào Hắc Xạt”.

Trên cơ sở phân tích tình hình, âm mưu của địch, nghị quyết vạch ra một số nhiệm vụ và hình thức đấu tranh, đó là:

- Chuyển sang hình thức đấu tranh vũ trang là chủ yếu, kết hợp với các hình thức đấu tranh khác.

- Đoàn kết rộng rãi các lực lượng yêu nước, yêu hoà bình với phương châm đoàn kết mọi lực lượng có thể đoàn kết được, trung lập mọi lực lượng có thể trung lập được, phân hoá mọi lực lượng có thể phân hoá được.

- Đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Viêng Chăn và các hiệp nghị đã được ký kết giữa hai bên để xây dựng một nước Lào hoà bình, trung lập, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng.

Nghị quyết xác định: “tiếng súng chiến đấu tự vệ của Tiểu đoàn 2 Pathết Lào báo hiệu cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Lào đang chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn từ đấu tranh công khai hợp pháp là chủ yếu, chuyển sang đấu tranh vũ trang là chủ yếu, kết hợp đấu tranh chính trị”.

Cũng trong thời gian này, Tổng Quân uỷ Việt Nam chỉ thị cho Quân khu Tây Bắc đ¬ưa lực lượng sang phối hợp với quân đội Pathết Lào tiến công một số cứ điểm của địch sát biên giới và vận động nhân dân Lào chuẩn bị cho những hoạt động lớn sau này.

Ngày 2 tháng 7 năm 1959, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam nhận định về tình hình Lào và đề ra chủ trương giúp cách mạng Lào đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển lực lượng trong tình hình mới.

Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam xác định nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam đối với cách mạng Lào là: “tích cực ủng hộ cách mạng Lào phải được coi là một nhiệm vụ quốc tế hết sức quan trọng của Đảng và nhân dân ta, là một công tác có ý nghĩa trọng đại đối với sự nghiệp củng cố miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Chúng ta cần phải thống nhất tư tưởng trong Đảng và trong cán bộ về tình hình và nhiệm vụ của cách mạng Lào, về nhiệm vụ quốc tế của Đảng ta đối với cách mạng Lào”.

Từ nhận định trên, để giúp Đảng Nhân dân Lào xây dựng phát triển lực lượng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho đoàn cán bộ Việt Nam (Đoàn 959) giúp Lào xây dựng phát triển Tiểu đoàn 2 thành ba tiểu đoàn (1, 2, 3). Quân số mỗi tiểu đoàn khoảng 200 người. Căn cứ vào tình hình thực tế, đoàn cán bộ Việt Nam đã cử ba tổ cán bộ giúp xây dựng ba tiểu đoàn, mỗi tổ có một đồng chí phụ trách và bộ phận cơ yếu điện đài. Ngoài ra theo yêu cầu của Lào, Đoàn 959 còn bổ sung vũ khí, trang bị, quân trang, quân dụng và tổ chức huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật cho các đơn vị Pathết Lào.

Ngày 3 tháng 7 năm 1959, hai Bộ Chính trị Việt Nam và Lào họp bàn quyết định mở đợt hoạt động quân sự trong mùa mưa năm 1959 nhằm củng cố căn cứ, cải thiện thế đứng chân của các đơn vị Pathết Lào. Để kịp thời nắm tình hình chỉ đạo các mặt công tác giúp Lào, ngày 6 tháng 7 năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định thành lập Ban Công tác Lào (CP31) do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm trưởng ban, đồng chí Nguyễn Khang làm phó ban, đồng chí Nguyễn Chính Giao làm uỷ viên thường trực và một số uỷ viên khác như Nguyễn Văn Vịnh, Nguyễn Đức Dương, Lê Chưởng. Nhiệm vụ chính của Ban là chủ động theo dõi, nghiên cứu, hướng dẫn mọi diễn biến về Lào, qua đó đề xuất và xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương thực hiện kế hoạch viện trợ cho Lào. Tiếp đó, ngày 11 tháng 7 năm 1959, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 147-CT/TW về việc tăng cường lãnh đạo công tác củng cố và mở mang miền Tây, các tỉnh Liên khu 4 cũ.

Bộ Chính trị hai Đảng xác định cách mạng Lào chuyển hướng đấu tranh từ công khai hợp pháp sang đấu tranh vũ trang là chủ yếu. Quán triệt tinh thần đó, ngày 15 tháng 7 năm 1959, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã xác định phương hướng hoạt động quân sự và giúp cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang trong thời gian tới.

Về hoạt động quân sự, hướng hoạt động quân sự chủ yếu là Thượng Lào, lấy hai tỉnh Phôngxalỳ và Sầm Nưa làm căn cứ; Trung Lào là hướng hoạt động phối hợp; ở Hạ Lào, xây dựng lực lượng chính trị quân sự bí mật rồi tiến tới đấu tranh vũ trang.

Về xây dựng lực lượng vũ trang, phấn đấu đến cuối năm 1959, mỗi tỉnh của Lào có từ hai trung đội đến một đại đội; mỗi huyện có từ một tiểu đội đến một trung đội bộ đội địa phương; bộ đội chủ lực có từ ba đến năm tiểu đoàn ở cơ sở, tổ chức lực lượng du kích để hoạt động vũ trang tuyên truyền.

Trong mùa mưa, dùng lực lượng quân sự mở các đợt hoạt động vũ trang tuyên truyền, đánh nhỏ ở vùng sâu, vùng biên giới và vùng trọng điểm. Phương châm hoạt động là kết hợp quân sự với chính trị, tác chiến tuyên truyền với xây dựng.

Để giúp lực lượng Pathết Lào hoạt động và xây dựng theo phương châm trên, “cần trang bị súng cho lực lượng bộ đội chủ lực, cấp dưỡng hoàn toàn cho cơ quan lãnh đạo, cho bộ đội chủ lực, một phần cho bộ đội địa phương và giúp đỡ nhân dân bạn phát triển sản xuất để tự túc”.

Thực hiện chủ trương giúp lực lượng Pathết Lào mở đợt hoạt động trong mùa mưa năm 1959, ngày 18 tháng 7 năm 1959, Tổng Quân uỷ Việt Nam chỉ thị cho Quân khu Tây Bắc và Quân khu 4 cử một số đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn, phối hợp với các đơn vị Pathết Lào tiến công một số cứ điểm của địch ở sát biên giới Việt - Lào, sau đó chia thành ba bộ phận theo ba hướng trở về Lào chiến đấu. Bộ phận thứ nhất gồm Tiểu đoàn 2, do đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Lào, trực tiếp chỉ đạo; đồng chí Lê Chưởng, phụ trách - đoàn trưởng đoàn cán bộ Việt Nam giúp Lào - cùng đi với tiểu đoàn tiến từ đông nam Sầm Nưa lên vùng đông nam Xiêng Khoảng (hướng chủ yếu). Bộ phận thứ hai gồm Tiểu đoàn 4, do đồng chí Khăm Tày Xiphănđon, Uỷ viên Trung ương Đảng Nhân dân Lào, trực tiếp chỉ đạo, tiến từ Mương Xon - bắc Sầm Nưa, Phôngxalỳ - Luổng Phạbang đến Xiêng Ngân (hướng thứ yếu). Bộ phận thứ ba do một đại đội của Tiểu đoàn 1 phụ trách từ bắc đường 8 đến đường 12 - Khăm Muộn (hướng phối hợp). Các tiểu đoàn 1, 2, 4 đều có một tổ chuyên gia và bộ phận điện đài đi cùng theo từng hướng.

Được sự hỗ trợ của các đơn vị Pathết Lào, nhân dân các địa phương đã nổi dậy đập tan ách kìm kẹp của địch, giải phóng các huyện Mương Xăm, Sằm Tớ, Mương Xon (tỉnh Sầm Nưa), Xốp Nao, Xốp Hùn (tỉnh Phôngxalỳ); Pạc Khao, Xốp Văn (tỉnh Luổng Phạbang), khu vực Xảm Chè (Xiêng Khoảng), vùng Khăm Cợt, Bolịkhăn (tỉnh Bolikhămxay), Na Pê, Na Hương, Lắc Xao (tỉnh Khăm Muộn). Phối hợp chặt chẽ với hoạt động vũ trang, công tác tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ được triển khai rộng khắp. Ngày 2 tháng 8 năm 1959, Uỷ ban Trung ương Neo Lào Hắc Xạt kêu gọi nhân dân cả nước đẩy mạnh phong trào đấu tranh, đòi nhà cầm quyền Vương quốc Lào trả tự do cho các nhà lãnh đạo Neo Lào Hắc Xạt, đòi đình chỉ chiến tranh, lập Chính phủ liên hiệp và thực hiện đường lối hoà bình trung lập.

Từ ngày 18 tháng 8 đến 15 tháng 9 năm 1959, một số đơn vị quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với các đơn vị Pathết Lào mở đợt hai hoạt động trong mùa mưa. Trong đợt hoạt động này, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, một số đơn vị quân tình nguyện Việt Nam (chủ yếu là lực lượng Quân khu 4 tác chiến ở các tỉnh Xiêng Khoảng, Liên huyện 90 và Khăm Muộn) đã vận dụng nhiều hình thức tác chiến linh hoạt như phục kích, tập kích, bao vây, bắn tỉa, địch vận, phá hoại cầu đường, đốt kho tàng của địch, đánh cứ điểm bằng đặc công kết hợp hoả lực, v.v.. Đi đôi với tác chiến, các đơn vị tình nguyện Việt Nam đã tích cực giúp Lào củng cố cơ sở, phát động nhân dân ủng hộ kháng chiến, tham gia các lực lượng dân quân tự vệ chiến đấu bảo vệ vùng mới giải phóng. Các đơn vị quân tình nguyện phối hợp chiến đấu chặt chẽ với lực lượng Pathết Lào và nhân dân địa phương đánh 40 trận, giải phóng thêm 13 điểm. Sau đợt hoạt động này, các tiểu đoàn 1, 2, 4 Pathết Lào được lệnh rút ra hoạt động ở vùng biên giới Việt - Lào, sau đó sang tập trung ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ (Việt Nam) để chấn chỉnh lực lượng. Theo yêu cầu của Trung ương Neo Lào Hắc Xạt, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã giúp xây dựng hai tiểu đoàn 1 và 2 Pathết Lào thành hai tiểu đoàn chủ lực mạnh, quân số mỗi tiểu đoàn từ 650 đến 700 người; đồng thời bổ sung vũ khí, trang bị và cử các tổ chuyên gia giúp hai tiểu đoàn cả về quân sự, chính trị và chuyên môn kỹ thuật.

Do yêu cầu chi viện chiến trường Lào ngày càng lớn, ngày 12 tháng 9 năm 1959, Bộ Quốc phòng Việt Nam ra Quyết định số 446/QĐ-QP thành lập Đoàn 959 (còn gọi là Đoàn Công tác miền Tây). Nhiệm vụ của Đoàn là làm chuyên gia về quân sự cho Quân uỷ Trung ương và Bộ Chỉ huy tối cao Quân đội Pathết Lào, tổ chức chi viện vật chất của Việt Nam cho cách mạng Lào và trực tiếp chỉ huy các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam hoạt động ở khu vực Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Viêng Chăn. Thiếu tướng Lê Chưởng - Uỷ viên Ban Công tác Lào, phụ trách - đoàn trưởng đoàn cán bộ Việt Nam được cử làm đoàn trưởng kiêm bí thư Đoàn uỷ Đoàn 959. Đồng chí Lê Tiến Phục, cán bộ quân đội và các đồng chí Đinh Văn Khanh, Mai Văn Quang, Đào Ngọc Hưng (cán bộ dân chính) làm uỷ viên Đoàn uỷ.

Với sự chuyển hướng đấu tranh kịp thời và sáng tạo của Đảng Nhân dân Lào cùng với sự phối hợp giúp đỡ toàn diện, có hiệu quả của Việt Nam, cách mạng Lào đã đồng loạt đấu tranh bằng nhiều hình thức, chủ yếu là quân sự và đã giành được những thắng lợi quan trọng, tạo điều kiện để xây dựng căn cứ, củng cố lực lượng vũ trang, tiếp tục cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai ở Lào trong giai đoạn mới.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 22 Tháng Mười, 2021, 03:33:42 pm
IV. PHỐI HỢP CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ VÀ MỞ RỘNG VÙNG GIẢI PHÓNG, ĐẤU TRANH ĐÒI THÀNH LẬP CHÍNH PHỦ LIÊN HIỆP LẦN THỨ HAI, TIẾN TỚI HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ VỀ LÀO, THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO GIỮA HAI NƯỚC


1. Tiếp tục xây dựng lực lượng, liên minh với lực lượng trung lập thực hiện hoà hợp dân tộc

Trước sự can thiệp trắng trợn của đế quốc Mỹ vào Lào, phá hoại nghiêm trọng Hiệp định Giơnevơ 1954 và các hiệp định Viêng Chăn, ngày 20 tháng 9 năm 1959, Trung ương Đảng Nhân dân Lào tiến hành Hội nghị lần thứ hai, ra Nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ cụ thể trước mắt của cách mạng Lào. Đánh giá về âm mưu của Mỹ và tay sai cũng như chuyển biến của tình hình Lào từ khi Tiểu đoàn 2 phá vòng vây trở về căn cứ và quân dân Lào trong cả nước chuyển hướng sang đấu tranh vũ trang là chủ yếu, Nghị quyết chỉ rõ: “Địch đã dùng lực lượng vũ trang tấn công Neo Lào Hắc Xạt gây lại cuộc chiến tranh, buộc nhân dân ta phải chiến đấu tự vệ. Với chủ trương chuyển hướng đấu tranh đúng đắn và kịp thời, quân dân Lào đã nổi dậy, đẩy mạnh hoạt động vũ trang chống lại đế quốc Mỹ và bọn tay sai phản động. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều vùng đất đai rộng lớn đã được giải phóng, ảnh hưởng của Neo Lào Hắc Xạt ngày càng được nâng cao ở trong nước và thế giới” .

Để chủ động đối phó với các âm mưu của địch, giành thắng lợi trong mọi tình huống, Nghị quyết đề ra nhiệm vụ cụ thể trước mắt của Đảng Nhân dân Lào trong giai đoạn mới là: “Phát động quần chúng trong toàn quốc đẩy mạnh chiến tranh du kích; ra sức củng cố và tăng cường lực lượng cách mạng về mọi mặt. Mở rộng các khu căn cứ ở miền núi, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động vào vùng đồng bằng và đô thị; phát động phong trào đấu tranh chính trị rộng rãi, đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, các hiệp định Viêng Chăn và đòi Uỷ ban quốc tế ở Lào hoạt động trở lại”2. Thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ hai, dựa vào lực lượng quần chúng, đồng thời dựa vào cơ sở pháp lý của Hiệp định Giơnevơ để phát động một phong trào đấu tranh mạnh mẽ trên toàn quốc, cuối tháng 9 năm 1959, ở Luổng Phạbang đã có hàng nghìn người ký kiến nghị phản đối chính phủ Phủi Xánánicon. Tiếp đó, ngày 1 tháng 10, một số giới ở Viêng Chăn mít tinh đòi chính phủ chấm dứt chính sách vũ lực, trả tự do cho Hoàng thân Xuphanuvông và các lãnh tụ Neo Lào Hắc Xạt bị bắt giam. Phong trào ở Viêng Chăn rất mạnh, nhất là trong giới trí thức, sư sãi, sinh viên, học sinh. Ở các nơi khác, phong trào xây dựng lực lượng vũ trang, đánh địch bảo vệ vùng giải phóng cũng thu được những thắng lợi đáng kể.

Ngày 22 tháng 10 năm 1959, tại vùng căn cứ địa Sầm Nưa, Neo Lào Hắc Xạt khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III nhằm đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ từ Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Trung ương Neo Lào Hắc Xạt tại căn cứ địa Sầm Nưa (ngày 10 tháng 1 năm 1958) đến hội nghị này.

 Trong hơn một năm ra hoạt động công khai hợp pháp ở một số đô thị lớn và qua bốn tháng chuyển hướng sang đấu tranh vũ trang, cách mạng Lào từ chỗ bị địch lật lọng, bị khủng bố trên toàn quốc đã từng bước giành lại được những thắng lợi quan trọng, uy tín của Neo Lào Hắc Xạt được phục hồi ở trong nước và trên thế giới. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Đại hội kêu gọi quân dân các dân tộc Lào đoàn kết chặt chẽ xung quanh Đảng Nhân dân Lào, Neo Lào Hắc Xạt, tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh vũ trang kết hợp với các hình thức đấu tranh khác, từng bước làm thất bại âm mưu gây lại chiến tranh ở Lào của đế quốc Mỹ và bọn tay sai cực đoan phản động. Trước mắt, yêu cầu Mỹ và Chính phủ Vương quốc phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ 1954, các hiệp định Viêng Chăn đã được hai bên ký kết, đưa nước Lào đi theo đường lối hoà bình trung lập, hoà hợp dân tộc, thống nhất quốc gia, thực hiện các quyền dân chủ. Đại hội còn thông qua một số chính sách quan trọng như: vận động viên chức, chính sách đối với sư sãi và thông qua tuyên bố: Neo Lào Hắc Xạt sẵn sàng đàm phán với nhà cầm quyền Lào để giải quyết vấn đề tranh chấp ở Lào.

 Trước âm mưu mở rộng chiến tranh, tiến công lực lượng cách mạng Lào của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, xuất phát từ đặc điểm chiến trường, nhiệm vụ cách mạng, phương châm hoạt động vũ trang đã được các Nghị quyết Trung ương hai và ba xác định, ngày 6 tháng 11 năm 1959, Trung ương Đảng Nhân dân Lào ra chỉ thị về việc tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của các đại đội độc lập.

Cùng với đẩy mạnh hoạt động của đại đội độc lập, vấn đề khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân trong các vùng giải phóng cũng được Đảng và Neo Lào Hắc Xạt tập trung lãnh đạo. Ngày 25 tháng 12 năm 1959, Trung ương Đảng Nhân dân Lào ra chỉ thị về việc tích cực vận động tăng gia, sản xuất lương thực, thực phẩm, trong đó yêu cầu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải “ra sức đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, chống đói, cải thiện đời sống nhân dân, cán bộ, bộ đội, từng bước thực hiện tự cấp tự túc nhằm thực hiện tốt phương châm đấu tranh trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh, nhất định thắng lợi” .

Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, cùng với việc đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, các địa phương đã tích cực xây dựng lực lượng vũ trang, đẩy mạnh chiến tranh du kích. Đến cuối năm 1959, chiến tranh du kích đã phát triển ở khắp nơi. Lực lượng vũ trang Pathết Lào được sự giúp đỡ của Việt Nam đã phát triển, xây dựng Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 thành hai tiểu đoàn chủ lực mạnh, quân số mỗi tiểu đoàn từ 650 đến 700 người. Ngoài ra, Đoàn 959 còn giúp các tỉnh của Lào xây dựng được hơn 100 trung đội bộ đội địa phương và tổ chức thêm nhiều trung đội, tiểu đội du kích chiến đấu tại chỗ. Với lực lượng đó, bộ đội Pathết Lào không chỉ đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, mà còn mở rộng vùng giải phóng, làm chủ nhiều địa bàn quan trọng ở đông bắc Luổng Phạbang, đông bắc Pạc Xan, miền đông Khăm Muộn, miền đông Hạ Lào và toàn bộ vùng nông thôn Thượng Lào.

Trong khi cách mạng Lào có bước phát triển mới thì Chính phủ Vương quốc Lào do Phủi Xánánicon làm thủ tướng lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Phủi Xánánicon phải đệ đơn xin từ chức và đưa Kúpaxít Aphay (Chủ tịch Hội đồng nhà vua) lên làm thủ tướng. Ngày 5 tháng 2 năm 1960, Chính phủ Vương quốc Lào cho sửa đổi Luật tổng tuyển cử1 nhằm hạn chế quyền tự do dân chủ, ngăn cản Neo Lào Hắc Xạt và các đảng phái tiến bộ khác tham gia tổng tuyển cử.

Trước tình hình trên, cùng với việc chỉ thị cho đảng uỷ các cấp phải lãnh đạo nhân dân kiên quyết đấu tranh vạch mặt và đánh đổ bọn phản động cầm đầu “Uỷ ban bảo vệ quyền lợi quốc gia”; tranh thủ liên minh với những người tiến bộ để tập hợp lực lượng chống Mỹ; phát triển du kích chiến tranh, chống địch càn quét, củng cố căn cứ địa và mở rộng hoạt động vào các vùng đồng bằng, đô thị, Trung ương Đảng Nhân dân Lào quyết định di chuyển một số cơ quan lãnh đạo của Đảng và Bộ Quốc phòng Lào đóng trên đất Việt Nam (khu vực Lam Sơn, Thanh Hoá) về nước để trực tiếp lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Mỹ.




-----------------------------------------------------------------
1. Trong Luật tổng tuyển cử sửa đổi, chính phủ phản động đã đưa ra một số điều kiện vô lý đối với những người ứng cử như: phải có bằng tiểu học hoặc bằng cao đẳng Phật học bậc 9 (mahả 9); nếu là công chức phải có thâm niên 15 năm trở lên; là nhà buôn phải có môn bài cấp 10 và đã liên tục kinh doanh 5 năm; phải là công dân Lào đã sinh sống liên tục 5 năm trên đất nước Lào tính đến ngày 1 tháng 1 năm 1960; người ra ứng cử phải ký quỹ 5.000 kíp và tiền bảo đảm 20.000 kíp; về khu vực bầu cử, không dựa vào đơn vị hành chính hiện hành mà dựa vào địa hình để cắt hoặc nhập các xã, mường nhằm bảo đảm mỗi khu vực có từ 25.000 đến 30.000 cử tri. Thực chất đây là âm mưu làm đảo lộn các vùng cơ sở của Neo Lào Hắc Xạt.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 22 Tháng Mười, 2021, 03:38:45 pm
Ngày 3 tháng 3 năm 1960, Ban Chấp hành Trung ương Neo Lào Hắc Xạt ra tuyên bố phản đối cuộc tổng tuyển cử do chính phủ phản động bất hợp pháp tổ chức (dự định vào ngày 24 tháng 4 năm 1960).

Để nhân dân trong cả nước thấy rõ đường lối chính trị của Neo Lào Hắc Xạt trong cuộc tổng tuyển cử và để tập hợp lực lượng quần chúng, ngày 1 tháng 4 năm 1960, Ban Chấp hành Trung ương Neo Lào Hắc Xạt đề ra chương trình chính trị gồm 10 điểm 1, thể hiện các mặt đối nội, đối ngoại nhằm thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ 1954 và các hiệp định Viêng Chăn, xây dựng nước Lào hoà bình, trung lập và phát triển thịnh vượng.

Tháng 4 năm 1960, các thế lực phản động tay sai thân Mỹ tổ chức tổng tuyển cử và bầu chính phủ mới, đưa Xổmxanít lên làm thủ tướng (nhưng thực tế quyền hành vẫn do Phumi Nòxavẳn nắm giữ). Bất chấp sự phản đối của nhân dân trong nước và dư luận quốc tế, đầu tháng 5 năm 1960, Uỷ ban bảo vệ quyền lợi quốc gia họp hội nghị tại Viêng Chăn quyết định thành lập Đảng chính trị mới lấy tên là “Pạxaxẳngkhôm (Xã hội dân chủ)” do Phumi Nòxavẳn làm chủ tịch.

Trước những diễn biến phức tạp ở Lào do Mỹ và tay sai gây ra, ngày 5 tháng 5 năm 1960, Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã họp bàn về tổng tuyển cử và hướng đấu tranh ở Lào. Một vấn đề lớn được Bộ Chính trị quan tâm là phải tìm mọi cách giải thoát cho các cán bộ của Trung ương Neo Lào Hắc Xạt đang bị bọn tay sai thân Mỹ bắt giam, đưa các đồng chí này trở về tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng đang diễn ra sôi động trong cả nước Lào.

Trước đó một năm (tháng 5 năm 1959), ngay khi Hoàng thân Xuphanuvông và một số nhà lãnh đạo của Neo Lào Hắc Xạt mới bị chính quyền Phủi Xánánicon bắt giam lỏng ở Viêng Chăn, theo yêu cầu của Trung ương Đảng Nhân dân Lào, Quân uỷ Trung ương Việt Nam đã giao cho Cục Nghiên cứu Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam lập một tổ công tác đặc biệt gồm chín đồng chí có năng lực và thông thạo tỉnh Viêng Chăn trước đây, do đồng chí Phan Dĩnh (nguyên Uỷ viên Ban Cán sự Đảng tỉnh Viêng Chăn) làm tổ trưởng, bí mật trở lại Viêng Chăn, bắt liên lạc với các đồng chí cán bộ Lào hoạt động bí mật trong nội thành để tổ chức cuộc giải thoát cho các đồng chí bị giam, kết hợp với việc truyền đạt, triển khai nghị quyết của Trung ương Đảng Nhân dân Lào chuyển hướng chiến lược từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh quân sự - chính trị kết hợp, nhưng quân sự là chủ yếu. Quán triệt chỉ thị của đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Lào, là “phải gắn chặt việc giải thoát các đồng chí lãnh đạo bị giam giữ với việc triển khai nghị quyết chuyển hướng chiến lược, phát động trở lại chiến tranh du kích song song với đấu tranh chính trị trên toàn quốc Lào, có chuyển hướng như vậy mới phục hồi và duy trì được cơ sở quần chúng yêu nước và phong trào đấu tranh của nhân dân, có phong trào đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị của nhân dân mới có điều kiện để giải thoát các đồng chí bị bắt giam được”1, các đồng chí trong tổ công tác đặc biệt Việt Nam và Tỉnh uỷ Viêng Chăn cùng các đồng chí cán bộ Lào hoạt động bí mật trong nội thành Viêng Chăn đã tìm cách tiếp cận nhà tù Phôn Khêng để xây dựng các phương án giải cứu các đồng chí bị giam.

Sau nhiều tháng chuẩn bị cơ sở bên trong và bên ngoài trại giam, tổ chức giao thông liên lạc, theo dõi, nghiên cứu bản đồ, thực địa, nhiều lần bàn bạc, cân nhắc các phương án với sự hỗ trợ của tổ công tác đặc biệt Việt Nam, cuối cùng Ban Chỉ đạo quyết định lựa chọn phương án: cho các đồng chí trong tù cải trang thành lính hiến binh địch, chọn thời cơ cùng đi lẫn vào tiểu đội hiến binh đã được giác ngộ đi tuần ban đêm để thoát ra ngoài về căn cứ của tỉnh uỷ bằng đường bí mật được chuẩn bị sẵn.

Đêm 23 rạng ngày 24 tháng 5 năm 1960, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Viêng Chăn, cơ sở ở nội thành phối hợp với binh lính, sĩ quan gác trại giam đã đưa Hoàng thân Xuphanuvông và 15 đồng chí bị bắt (Nủhắc Phumxavẳn, Phumi Vôngvichít, Phun Xipaxợt, Mừn Xổmvichít, Ma Khảy Khămphithun, Xỉxanạ Xixản, Xỉngcapô Xỉkhốt Chunlamany, Khăm Phải Búpphả, Maha Xổmbun Vông Nôbunthăm, Xỉthôn Cômmađăm, Khăm Phẹt Phômmạvăn, Phạu Phimphachăn, Phukhâu, Bua Xỉ Chalơnxúc, Manạvông Isản) ra khỏi trại giam Phôn Khêng về căn cứ an toàn.

Cuộc vượt ngục thành công chẳng những là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với lực lượng cách mạng và nhân dân trong cả nước Lào, mà còn giáng một đòn đau vào bọn tay sai phản động thân Mỹ, làm cho hàng ngũ chúng phân hoá, tinh thần binh lính địch hoang mang, dẫn đến những biến động lớn trên chính trường Lào, góp phần tạo ra cục diện so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng Lào sau này.

Tháng 6 năm 1960, Trung ương Đảng Nhân dân Lào ra nghị quyết xác định nhiệm vụ cơ bản và trước mắt của cách mạng Lào. Đánh giá về khả năng can thiệp và âm mưu thủ đoạn của Mỹ và tay sai, nghị quyết chỉ rõ: “Đế quốc Mỹ có thể can thiệp sâu hơn nữa vào Lào, bọn tay sai phản động có thể đàn áp phong trào cách mạng Lào trắng trợn hơn nữa; do nắm được lực lượng quân đội, chiếm được đa số ghế trong quốc hội, bọn phản động có thể sửa đổi hiến pháp, đặt Neo Lào Hắc Xạt ra ngoài vòng pháp luật, xoá bỏ quyền tự do dân chủ, ráo riết thực hiện kế hoạch củng cố nông thôn, dồn dân vào các làng “chấn hưng”, mua chuộc, gây chia rẽ dân tộc” .

Về nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Lào, nghị quyết xác định: “Đánh đổ đế quốc và phong kiến để giành độc lập cho đất nước, tự do dân chủ cho nhân dân. Hai nhiệm vụ đó có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nhưng nhiệm vụ trước mắt là chống đế quốc Mỹ xâm lược, kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân dân các dân tộc Lào; đối với phong kiến, cần tập trung chống bọn phong kiến làm tay sai cho đế quốc Mỹ và tư sản mại bản thân Mỹ... Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, Đảng Nhân dân Lào cần nêu cao ngọn cờ hoà bình, trung lập, độc lập, dân chủ. Tranh thủ đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, mọi lực lượng trung gian yêu nước, yêu hoà bình; ra sức xây dựng lực lượng về mọi mặt để tiến lên đánh bại mọi âm mưu của đế quốc Mỹ xâm lược, chấm dứt chiến tranh, giành thắng lợi to lớn hơn” .

Nghị quyết của Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã góp phần tích cực thúc đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước Lào, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tầng lớp nhân sĩ, trí thức, binh lính và cảnh sát của chính quyền Vương quốc, thôi thúc họ đứng lên chống lại chính quyền tay sai phản động.

Ngày 9 tháng 8 năm 1960, trong lúc hầu hết các bộ trưởng của Chính phủ Xổmxanít đi dự lễ hoả táng Vua Lào (Xỉxávàngvông) thì Tiểu đoàn dù 2, một số đơn vị cơ giới, Tiểu đoàn bộ binh số 25, một số phi đội không quân phối hợp với đông đảo học sinh, sinh viên ở Viêng Chăn dưới sự chỉ huy của Đại uý Koongle và Thạo Đươn Xúnnalạt đã nổi dậy làm đảo chính lật đổ chính phủ của Xổmxanít.

Ngay sau khi xảy ra cuộc đảo chính, Koongle đã cử Trung uý Đươn Xúnnalạt làm đại diện, bí mật đáp máy bay sang Hà Nội đưa thư và xin gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị Chính phủ Việt Nam giúp đỡ khẩn cấp.

 Cũng trong thời gian này, Ban Chấp hành Trung ương Neo Lào Hắc Xạt ra tuyên bố hoàn toàn ủng hộ cuộc đảo chính và các chủ trương, chính sách lớn do “Uỷ ban đảo chính” tuyên bố trong các thông cáo số 2 và số 4, đồng thời nêu rõ quan điểm: sẵn sàng tiếp xúc, đàm phán với Uỷ ban đảo chính hoặc một chính phủ sẽ được thành lập ra nay mai, bảo đảm thực hiện đường lối, chính sách do Uỷ ban đảo chính đã công bố, nhằm nhanh chóng giải quyết tình hình rối ren ở trong nước, lập lại trật tự an ninh, thực hiện hoà hợp dân tộc. Trung ương Đảng Nhân dân Lào chỉ thị cho đoàn cán bộ vượt ngục tổ chức thành hai bộ phận: một bộ phận do đồng chí Xuphanuvông dẫn đầu tiếp tục hành quân về Sầm Nưa, lúc này đã được giải phóng. Một bộ phận do đồng chí Nủhắc Phumxavẳn lãnh đạo quay trở lại nội thành Viêng Chăn để đại diện cho Trung ương Neo Lào Hắc Xạt vào hợp tác với Uỷ ban đảo chính của Koongle. Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cũng lệnh cho tổ công tác đặc biệt chia làm hai: tổ đồng chí Quý và Vinh đi theo phục vụ đoàn của Chủ tịch Xuphanuvông về căn cứ phía bắc; tổ đồng chí Dĩnh và đồng chí Khiết trở lại nội thành Viêng Chăn giúp bộ phận đồng chí Nủhắc Phumxavẳn và tiếp tục xây dựng căn cứ, chỉ đạo nội thành.

Cùng với việc gửi điện cho Tỉnh uỷ Viêng Chăn chỉ rõ: đây là sự kiện chính trị rất quan trọng có lợi cho phong trào đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân các dân tộc Lào, yêu cầu tỉnh uỷ phát động phong trào quần chúng rộng rãi nổi dậy ủng hộ cuộc đảo chính bằng mọi hình thức, Trung ương Đảng Nhân dân Lào còn chỉ thị tỉnh uỷ các tỉnh trong toàn quốc xác định nhiệm vụ mới của các địa phương sau cuộc đảo chính, trong đó nhấn mạnh: phải triệt để lợi dụng thời cơ địch đang hoang mang, dao động, đẩy mạnh hoạt động, phát triển lực lượng, mở rộng ảnh hưởng của Neo Lào Hắc Xạt; bằng mọi cách bắt liên lạc với các đơn vị quân đội Vương quốc, giúp đỡ họ nổi dậy chống lại bọn phản động Xổmxanít - Phumi Nòxavẳn.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Neo Lào Hắc Xạt, ngày 13 tháng 8 năm 1960, hơn 10.000 người dân Thủ đô Viêng Chăn đã biểu tình trước trụ sở Quốc hội Lào, đòi Chính phủ Xổmxanít từ chức, ủng hộ đường lối của Uỷ ban đảo chính. Những người biểu tình nêu khẩu hiệu “chính phủ phải từ chức”, “tống cổ Mỹ và những tên tay sai của chúng”, “nước Lào độc lập, thống nhất, dân chủ, hoà bình, trung lập muôn năm”.

Theo yêu cầu của Uỷ ban đảo chính, ngày 17 tháng 8 năm 1960, Vua Lào cử Hoàng thân Xuvănna Phuma thành lập Chính phủ mới. Ngay sau khi Chính phủ mới được Quốc hội Lào nhất trí biểu quyết tán thành, ngày 18 tháng 8 năm 1960, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra tuyên bố hoan nghênh chính sách hoà bình trung lập của Chính phủ Vương quốc Lào do Hoàng thân Xuvănna Phuma làm thủ tướng và Uỷ ban đảo chính do Đại uý Koongle đứng đầu. Tiếp đó, ngày 19 tháng 8 năm 1960, Hoàng thân Xuphanuvông công bố lập trường của Neo Lào Hắc Xạt, hoan nghênh cuộc đảo chính ngày 9 tháng 8 và hoàn toàn ủng hộ chính sách trung lập và hoà hợp dân tộc của Chính phủ mới, đồng thời kêu gọi: “toàn thể đồng bào ở nông thôn và thành phố... đồng tâm hiệp lực ủng hộ chính sách của Uỷ ban đảo chính, đả phá mọi âm mưu mới của đế quốc và bè lũ tay sai, tập trung mọi lực lượng và khả năng xây dựng nước Lào yêu quý của chúng ta thành một nước hoà bình, trung lập, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng” .

Phối hợp chặt chẽ với phong trào đấu tranh của nhân dân các địa phương trong cả nước, đầu tháng 9 năm 1960, Bộ Chỉ huy tối cao Pathết Lào sử dụng Tiểu đoàn 1 Pathết Lào phối hợp với Tiểu đoàn 3 quân tình nguyện Việt Nam tấn công các vị trí địch ở vòng ngoài sát biên giới Việt - Lào.

 Trong các ngày từ 16 đến 19 tháng 9, quân đội Thái Lan từ bên kia sông Mê Công liên tiếp bắn súng cối, liên thanh sang Viêng Chăn, đồng thời tiếp tay cho quân phiến loạn Phumi Nòxavẳn đánh chiếm thị trấn Pạc Xan (cách Viêng Chăn 150 km về phía nam).

Để kịp thời trừng trị các cuộc tấn công lấn chiếm của địch, từ ngày 26 đến 30 tháng 9 năm 1960, bộ đội Pathết Lào và Tiểu đoàn 3 quân tình nguyện Việt Nam đánh chiếm điểm cao Huội Thầu và dùng súng cối bắn vào sân bay Sầm Nưa. Tiếp đó, truy kích tiêu diệt quân địch ở Mương Pơn. Ngày 30 tháng 9, liên quân Lào - Việt giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa với 11 vạn dân 2.

Sau giải phóng, Trung ương Đảng Nhân dân Lào quyết định chuyển một bộ phận quan trọng các cơ quan của Trung ương, Tổng Quân uỷ và Bộ Chỉ huy tối cao vào Sầm Nưa, xây dựng Sầm Nưa thành căn cứ địa kháng chiến của Trung ương và cả nước.



-------------------------------------------------------------------
1. Chương trình chính trị 10 điểm gồm:
- Hai bên đình chỉ ngay tức khắc các cuộc xung đột vũ trang, các cuộc hành quân càn quét, khủng bố nhân dân. Đại diện hai bên gặp nhau để đàm phán nhằm thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ 1954 và các hiệp định Viêng Chăn.
- Thi hành chính sách đối ngoại hoà bình, trung lập, thực sự chống sự can thiệp của đế quốc Mỹ, đặt quan hệ ngoại giao với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị theo nguyên tắc chung sống hoà bình.
- Tôn trọng hiến pháp hiện hành, nhà vua, tôn giáo, bảo đảm quyền tự do dân chủ cho nhân dân.
- Bảo đảm quyền tự do hoạt động của Neo Lào Hắc Xạt và các đảng phái chính trị khác. Trả lại quyền tự do ngay cho Hoàng thân Xuphanuvông và các cán bộ khác của Neo Lào Hắc Xạt bị bắt giam trái phép.
- Thành lập Chính phủ liên hiệp có đại biểu của Neo Lào Hắc Xạt, các đảng phái chính trị tiến bộ và đại biểu các dân tộc tham gia.
- Tất cả các dân tộc ở Lào đều có quyền bình đẳng, đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau.
- Nam, nữ đều có quyền bình đẳng.
- Nâng giá đồng Kíp lên ngang giá trước đây. Tranh thủ sự viện trợ không có điều kiện ràng buộc của tất cả các nước để xây dựng nền kinh tế quốc gia, không nhận viện trợ quân sự.
- Cải thiện đời sống các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tiếp tế muối, vải, nông cụ cho nhân dân các bộ tộc. Xoá bỏ chế độ cuông, lam, các thứ thuế bất công, giảm nhẹ các loại thuế quá nặng nề. Chống bắt phu, bắt lính.
- Phát triển nền văn hoá, giáo dục dân tộc. Phát triển y tế, phòng bệnh chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.


2. Trong đợt chiến đấu này, liên quân Lào - Việt đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.000 tên địch (gồm 3 tiểu đoàn bộ binh và một đại đội dù), hơn 1.000 dân vệ tan rã và đầu hàng. Lực lượng cách mạng Lào xây dựng được hàng trăm trung đội du kích, cơ sở cách mạng ở Sầm Nưa và các vùng xung quanh.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 22 Tháng Mười, 2021, 03:44:51 pm
2. Sát cánh bên nhau chiến đấu chống chiến lược Chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ; thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc lần thứ hai; Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào; thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước

Từ ngày 5 đến 10 tháng 9 năm 1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam được tiến hành tại Hà Nội. Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Lào do Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản dẫn đầu dự Đại hội. Nghị quyết Đại hội đề ra hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, đồng thời chỉ rõ Đông Dương là một chiến trường, nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia phải kiên quyết sát cánh bên nhau chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược. Đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Lào, Đảng và Nhà nước Việt Nam khẳng định: “Chúng ta ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Lào để thực hiện đường lối hoà bình trung lập, hoà hợp dân tộc, và mong sẽ xây dựng được quan hệ hữu nghị lâu dài và bền chặt với Vương quốc Lào” .

Trong khi Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Lào tham dự Đại hội III Đảng Lao động Việt Nam thì ở Lào, được sự giúp đỡ của đế quốc Mỹ, tập đoàn phản động Thái Lan và chính quyền Sài Gòn, ngày 10 tháng 9 năm 1960, bọn Phumi - Bun Ùm thành lập Uỷ ban cách mạng, mưu toan chia cắt đất nước, chống lại chính phủ hợp pháp do Hoàng thân Xuvănna Phuma làm thủ tướng.

Trước tình hình trên, ngày 13 tháng 9 năm 1960, Neo Lào Hắc Xạt ra tuyên bố nêu rõ lập trường cùng nhân dân cả nước kiên quyết chống lại mọi âm mưu và hành động bán nước, chia cắt lãnh thổ của bọn phản động Phumi - Bun Ùm, đồng thời sẵn sàng hợp tác với tất cả các lực lượng chính trị, đảng phái, chính quyền các cấp, các tổ chức tán thành đấu tranh cho một nước Lào hoà bình trung lập, hoà hợp dân tộc và chính phủ hợp pháp. Cùng ngày, hơn 30.000 nhân dân Thủ đô Viêng Chăn họp mít tinh phản đối bọn phiến loạn, ủng hộ đường lối hoà bình trung lập, hoà hợp dân tộc của Chính phủ Vương quốc Lào và Uỷ ban đảo chính.

Cùng với việc tuyên bố một số nguyên tắc căn bản trong cuộc đàm phán giữa Neo Lào Hắc Xạt với Chính phủ Vương quốc Lào và đề nghị gồm sáu điểm để giải quyết vấn đề Lào, ngày 20 tháng 10 năm 1960, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào ra Nghị quyết lần thứ năm về tình hình và chủ trương công tác mới của cách mạng Lào. So sánh ba lực lượng ở Lào, Trung ương Đảng Nhân dân Lào chủ trương: “Ra sức phát động nhân dân, tăng cường lực lượng về mọi mặt, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất để đấu tranh cho hoà bình, trung lập, hoà hợp dân tộc. Tích cực mở rộng, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Ra sức củng cố và xây dựng căn cứ địa Sầm Nưa. Kiên quyết cùng lực lượng đảo chính bảo vệ Thủ đô Viêng Chăn. Đẩy mạnh các hoạt động quân sự, chính trị chống lại mọi hoạt động của đế quốc Mỹ và bè lũ Phumi Nòxavẳn, thúc đẩy chính phủ Phuma từng bước thực hiện chính sách hoà bình, trung lập thực sự và thành lập chính phủ liên hiệp dân tộc” . Về phương châm hoạt động, Nghị quyết chỉ rõ: “phải kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị và quân sự, vừa đánh vừa đàm, ra sức tăng cường về mọi mặt” .

 Thống nhất cao với đánh giá và chủ trương của Đảng Nhân dân Lào, ngày 12 tháng 11 năm 1960, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết về công tác giúp Đảng Nhân dân Lào. Sau khi phân tích tình hình, so sánh lực lượng các bên ở Lào, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam thống nhất với Trung ương Đảng Nhân dân Lào chủ trương: chiến đấu bảo toàn lực lượng, kéo dài thời gian cầm cự để tạo thế tấn công mới, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để thành lập một chính phủ mới nếu Chính phủ Phuma sụp đổ. Củng cố hậu phương Viêng Chăn, củng cố căn cứ địa Sầm Nưa.

Theo đề nghị của Đảng Nhân dân Lào và yêu cầu của chính phủ của Phuma do Uỷ ban đảo chính thành lập, ngày 7 tháng 12 năm 1960, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quyết định cử Thiếu tướng Chu Huy Mân sang Viêng Chăn vừa trực tiếp giúp Trung ương Đảng Nhân dân Lào, vừa là phái viên của Chính phủ Việt Nam làm việc với đại diện Chính phủ Phuma và Uỷ ban đảo chính Koongle. Sau khi đến Viêng Chăn, được các đồng chí cán bộ lãnh đạo Lào và tổ công tác đặc biệt ở Viêng Chăn thông báo tình hình “quân địch ở sát cửa thủ đô, có thể ngày mai chúng sẽ trực tiếp đánh Viêng Chăn”, đồng chí Chu Huy Mân bắt tay ngay vào việc nắm tình hình, giúp các đồng chí lãnh đạo Lào tổ chức lực lượng đánh địch.

Trước tình hình địch tập trung lực lượng và hoả lực đánh chiếm Thủ đô Viêng Chăn, theo đề nghị của Neo Lào Hắc Xạt và đồng chí Chu Huy Mân, ngày 9 tháng 12 năm 1960, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chi viện pháo binh giúp cách mạng Lào. Lực lượng pháo binh chi viện gồm 29 đồng chí được trang bị 2 khẩu pháo 105 ly, 2 khẩu cối 120 ly và một số đạn. Đồng chí Lê Kích, Chủ nhiệm pháo binh Quân khu Tây Bắc được phân công chỉ huy chung về pháo binh và làm tham mưu về hoả lực cho đồng chí Chu Huy Mân.

Cùng với chỉ thị tổ chức lực lượng pháo binh chi viện cho quân dân Lào đánh địch bảo vệ Thủ đô Viêng Chăn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn chỉ thị cho Quân khu 4: “địch tăng cường lực lượng ở phía Nam, có âm mưu đánh chiếm thành phố trong đêm 9 tháng 12, yêu cầu Quân khu giúp bạn hành động hết sức nhanh chóng, phô trương thanh thế, uy hiếp hướng Thà Khẹc, buộc địch phải rút một phần lực lượng về, phối hợp bảo vệ Viêng Chăn” 1. Tiếp đó, ngày 10 tháng 12, đồng chí Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đã bí mật bay vào Viêng Chăn để cùng đồng chí Chu Huy Mân bàn các phương án bảo vệ Viêng Chăn và bảo toàn lực lượng.

Sau các hoạt động thăm dò, vào hồi 14 giờ ngày 13 tháng 12 năm 1960, quân phiến loạn Phumi Nòxavẳn có cố vấn Mỹ và các đơn vị pháo binh Thái Lan, quân nguỵ Sài Gòn tham gia từ các hướng nam, tây nam, đông nam đồng loạt mở cuộc tấn công quy mô lớn vào Thủ đô Viêng Chăn. Đồng thời với việc mở cuộc tấn công lớn vào Thủ đô Viêng Chăn, ngày 13 tháng 12 năm 1960, tại Xavẳnnakhệt, Phumi Nòxavẳn tuyên bố thành lập một chính phủ lâm thời do Bun Ùm làm thủ tướng và Phumi Nòxavẳn làm phó thủ tướng.

Trước tình hình nghiêm trọng ở Lào do bọn phiến loạn Phumi Nòxavẳn gây ra, ngày 17 tháng 12 năm 1960, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhân danh là một nước tham gia Hội nghị Giơnevơ 1954, đã đề nghị họp lại Hội nghị Giơnevơ và khôi phục sự hoạt động của Uỷ ban quốc tế ở Lào.

 Được sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân, thanh niên, học sinh Thủ đô Viêng Chăn, các lực lượng vũ trang trung lập yêu nước và bộ đội Pathết Lào được sự chi viện của pháo binh Việt Nam đã chiến đấu anh dũng bảo vệ Thủ đô Viêng Chăn, chặn đứng các mũi tiến công của địch trong suốt bảy ngày đêm, tiêu diệt hơn 400 tên và làm nhiều tên khác bị thương.

Để bảo toàn lực lượng tiếp tục chiến đấu lâu dài, sau khi tiêu diệt một bộ phận sinh lực của địch, trong hai ngày 17 và 18 tháng 12 năm 1960, đồng chí Chu Huy Mân, Cố vấn - Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam đã trao đổi ý kiến với đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Lào, dự kiến ba phương án rút khỏi Viêng Chăn ra vùng giải phóng của Neo Lào Hắc Xạt.

Ta nhận định, Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng là địa bàn chiến lược, một vùng cao nguyên rộng lớn, địch sơ hở, dùng lực lượng không lớn đánh đòn bất ngờ chớp nhoáng có thể giành thắng lợi. Thực hiện phương án này chính là quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công của lực lượng kháng chiến Lào, từ Viêng Chăn tiến lên Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, nối liền với tỉnh Sầm Nưa, mở rộng căn cứ địa, tạo thế và lực mới cho cách mạng Lào phát triển. Qua trao đổi, các bên thống nhất thực hiện phương án thứ ba: sử dụng lực lượng quân trung lập kết hợp lực lượng Pathết Lào rút lui từ Viêng Chăn, có pháo binh Việt Nam yểm trợ, vừa hành quân vừa tác chiến lên thẳng Cánh đồng Chum và tỉnh Xiêng Khoảng. Lực lượng quân tình nguyện Việt Nam mở các cuộc tấn công phối hợp ở Bạn Ban, Noỏng Hét... buộc địch phải phân tán lực lượng, tạo điều kiện cho hướng Cánh đồng Chum.

Thực hiện chủ trương giải phóng tỉnh Xiêng Khoảng, mở rộng căn cứ địa miền Thượng Lào để chuyển các cơ quan thuộc Chính phủ hoà hợp dân tộc, lực lượng trung lập yêu nước và lực lượng đảo chính từ Viêng Chăn lên, ngày 23 tháng 12 năm 1960, Bộ Chỉ huy Quân đội Pathết Lào đã khẩn trương tập hợp lực lượng, tổ chức ba mũi tiến công vào thị xã Xiêng Khoảng. Tiếp đó, ngày 24 tháng 12, bộ đội Pathết Lào và lực lượng đảo chính tấn công các đồn địch ở Hỉn Hợp, thị trấn Văng Viêng, huyện lỵ Ka Xỷ.

Trong hai ngày 27 và 28 tháng 12 năm 1960, các đơn vị Pathết Lào, lực lượng đảo chính tiến công, làm chủ Xála Phu Khun, một căn cứ lớn của địch án ngữ ngã ba tiếp giáp giữa quốc lộ 13 và đường 7. Sau khi tiêu diệt căn cứ Xála Phu Khun, bộ đội Pathết Lào phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục tấn công tiêu diệt các đồn bốt địch trên đường 7. Ngày 30 và 31 tháng 12 năm 1960, bộ đội Pathết Lào, quân tình nguyện Việt Nam tấn công giải phóng Noỏng Hét (một huyện biên giới giáp Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An). Tiếp đó, các lực lượng Pathết Lào và quân tình nguyện Việt Nam đánh chiếm thị trấn Bạn Ban (huyện Mương Khăm). Sau khi Noỏng Hét, Bạn Ban thất thủ, các đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt Vàng Pao vội vã rút về sào huyệt ở Pà Đông, Xảm Thông, Loòng Chẹng. Phát huy thắng lợi, đêm 31 tháng 12 năm 1960, bộ đội Pathết Lào, lực lượng trung lập đồng loạt tấn công giải phóng Cánh đồng Chum.

Tiếp đó, một số đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam, bộ đội Pathết Lào và lực lượng trung lập, được sự chi viện của pháo binh Việt Nam, tiến đánh thị xã Xiêng Khoảng. Chiều ngày 1 tháng 1 năm 1961, lực lượng Pathết Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam làm chủ thị xã, thu nhiều vũ khí, đạn dược, đồng thời tổ chức truy kích địch về Thà Thôm, Mương Xủi.

Với việc giải phóng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, nối liền Cánh đồng Chum với Sầm Nưa, cách mạng Lào đã tạo được căn cứ địa vững chắc, tạo điều kiện cho Chính phủ hợp pháp của Hoàng thân Xuvănna Phuma đặt trụ sở chính thức ở Khăng Khay (Xiêng Khoảng).



-----------------------------------------------------------------
1. Điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo hoạt động ở Lào tháng 12 năm 1960, lưu tại Cục Cơ yếu, Bộ Tổng Tham mưu.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 22 Tháng Mười, 2021, 03:52:24 pm
Sau khi lực lượng vũ trang Pathết Lào, lực lượng trung lập yêu nước và bộ đội tình nguyện Việt Nam giải phóng Cánh đồng Chum, Phumi Nòxavẳn ra lệnh cho các tiểu đoàn dù 1 (1BP), 11 (11BP) và Tiểu đoàn 5 (5BI) nhảy dù mở các cuộc phản kích hòng chiếm lại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.

Được sự chi viện của pháo binh quân tình nguyện Việt Nam, từ ngày 2 đến 5 tháng 1 năm 1961, các đơn vị Pathết Lào đã đập tan các cuộc phản kích của địch, diệt và bắt hơn 100 tên, buộc lực lượng còn lại phải tháo chạy khỏi Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.

 Mặc dù bị thất bại trong các cuộc phản kích chiếm lại Cánh đồng Chum, nhưng được sự giúp đỡ của Mỹ và các đồng minh thân Mỹ, từ ngày 5 đến 20 tháng 1 năm 1961, Phumi Nòxavẳn tiếp tục mở hai cuộc hành quân Xản Nông và Phu Phiêng hòng đánh chiếm lại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng và ngã ba Xála Phu Khun, Mương Xủi. Được sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, các lực lượng vũ trang Pathết Lào đã đập tan hai cuộc hành quân của địch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng.

Ngày 6 tháng 1 năm 1961, đại diện lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào tiến hành hội đàm thống nhất quan hệ giữa hai Đảng theo năm nguyên tắc chung. Tinh thần cốt lõi của năm nguyên tắc là: sự nghiệp cách mạng Lào do nhân dân các bộ tộc Lào tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào; quan hệ giữa Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào là quan hệ đồng chí, bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; chống tư tưởng nước lớn và tư tưởng dân tộc hẹp hòi; chống bao biện làm thay; chống ỷ lại, tự ti và mọi biểu hiện làm phương hại đến tình đoàn kết hữu nghị giữa hai Đảng và nhân dân hai nước. Hai Đảng thống nhất tăng cường mở rộng quan hệ quốc tế, giúp đỡ nhau vì lợi ích của phong trào cách mạng thế giới và lợi ích của hai Đảng, hai nước và của mỗi quốc gia. Về quan hệ nhà nước, hai Đảng làm hết sức mình để tranh thủ những lực lượng tiến bộ, cô lập và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Lào và cách mạng Việt Nam của đế quốc Mỹ và tay sai.

Trên cơ sở thoả thuận giữa hai Đảng, ngày 9 tháng 1 năm 1961, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam xác định nhiệm vụ quốc tế của chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Lào trong năm năm (1961 - 1965) với những công tác cụ thể là: “giúp đỡ các lực lượng vũ trang cách mạng Lào về chuyên gia quân sự, đào tạo cán bộ; củng cố, xây dựng vùng giải phóng và phát triển lực lượng vũ trang của bạn; Khi bạn có yêu cầu, tổ chức bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp chiến đấu với bộ đội bạn” .
 Căn cứ vào nhiệm vụ trên, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định biên chế thời chiến cho Sư đoàn 325, Lữ đoàn 341, Trung đoàn 224 thuộc Quân khu 4; Lữ đoàn 316, Lữ đoàn 335 và Trung đoàn 148 thuộc Quân khu Tây Bắc, sẵn sàng chi viện cho chiến trường miền Nam và chiến trường Lào.

Sau khi Thái tử Xihanúc nêu sáng kiến triệu tập một hội nghị quốc tế để giải quyết vấn đề Lào, đã có nhiều nước lên tiếng ủng hộ 1. Trong khi đó, Mỹ, các nước chư hầu và bọn phản động ở Lào mưu toan đưa Liên hợp quốc hoặc khối quân sự SEATO can thiệp vào Lào. Không những thế, từ ngày 24 đến 26 tháng 1 năm 1961, Phumi Nòxavẳn còn huy động GM11 từ Luổng Phạbang, các GM51, GM52 từ Phôn Hoộng có hoả lực pháo binh chi viện tấn công theo hai hướng dọc theo đường 13 đánh chiếm ngã ba Xála Phu Khun để làm bàn đạp hòng đánh chiếm lại Cánh đồng Chum.

Trước việc Mỹ ngang nhiên câu kết, tiếp tay cho bọn phản động thân Mỹ phá hoại hiệp định, để giúp quân đội Pathết Lào đối phó có hiệu quả với các hoạt động của địch, trong các buổi gặp và làm việc (ngày 10 và 15 tháng 2 năm 1961) với Đoàn đại biểu Trung ương Đảng Nhân dân Lào, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã xác định rõ nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam và Lào, trong đó nhấn mạnh: “lực lượng Pathết Lào cần phối hợp chặt chẽ với quân tình nguyện Việt Nam, kiên quyết đập tan các hoạt động phiêu lưu quân sự của địch, giữ vững vùng giải phóng và các cơ quan đầu não của Trung ương Đảng Nhân dân Lào trong mọi tình huống” .

Thực hiện chủ trương trên, ngày 23 tháng 2 năm 1961, Tiểu đoàn 3 quân tình nguyện Việt Nam, tiểu đoàn Pathết Lào và một đại đội của lực lượng trung lập phối hợp tổ chức thành Mặt trận A do đồng chí Nguyễn Hoà làm chỉ huy trưởng, đồng chí Phạm Nghiêm (Chính uỷ Lữ đoàn 316) làm chính uỷ, đồng chí Ay (chỉ huy lực lượng Pathết Lào và trung lập) làm chỉ huy phó. Ngay trong buổi ra quân đầu tiên, liên quân Lào - Việt trong Mặt trận A đã đẩy lùi các cuộc tấn công của hai tiểu đoàn địch vào Phu Sủng, Xála Phu Khun.

Trên hướng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, sau khi đẩy lùi các cuộc tấn công của hai tiểu đoàn địch vào Phu Sủng, từ ngày 4 tháng 3 đến 22 tháng 4, liên quân Lào - Việt tiến công quân địch ở Xála Phu Kẹng, Phả Cọc, cao điểm Vành Khăn, Phả Hỉn, Phả Tòng Chinh, Phả Hom, Phả Tặng. Sau khi giải phóng Văng Viêng, cắm cờ phân chia ranh giới giữa Pathết Lào và lực lượng phái hữu ở giữa cầu Hỉn Hợp trên sông Nặm Lịch, các lực lượng Pathết Lào đã triển khai lực lượng phòng ngự bảo vệ các mục tiêu. Tiểu đoàn 3 quân tình nguyện Việt Nam đóng quân ở Văng Viêng làm nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng Pathết Lào phòng ngự, truy quét tàn quân địch, xây dựng chính quyền, mặt trận và củng cố vùng giải phóng.

 Ở hướng Trung Lào, lợi dụng lúc địch tập trung lực lượng lớn lên phía bắc nhằm chiếm lại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, sơ hở hướng Trung, Hạ Lào, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 được lệnh phối hợp với lực lượng Pathết Lào tiến công giải phóng đường 8.

Trên hướng Hạ Lào, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 (Việt Nam) sử dụng Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325), được tăng cường Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 95), một đại đội cao xạ và một số đơn vị bảo đảm cùng Tiểu đoàn 19 (bộ đội biên phòng), Tiểu đoàn 927 (tỉnh Hà Tĩnh), Tiểu đoàn 6 (Vận tải 559) và một tiểu đoàn Pathết Lào tiến đánh các vị trí địch ở khu vực đường 9 - Nam Lào, chiếm thị trấn Mương Phin, Xê Pôn, Thà Khoổng, đập tan tuyến phòng thủ dài hơn 100 km của địch, loại khỏi chiến đấu 400 tên địch. Trong đợt hoạt động này, liên quân Lào - Việt đã giải phóng được Xê Pôn (một vị trí quan trọng ở Nam Lào), góp phần mở rộng vùng giải phóng của Lào ở tỉnh Xavẳnnakhệt, nối với căn cứ kháng chiến của Việt Nam ở phía tây tỉnh Quảng Nam và tây tỉnh Quảng Bình.

Những tháng đầu năm 1961, cùng với những thắng lợi giòn giã trên các hướng chiến trường, việc xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang Pathết Lào cũng có bước chuyển biến rõ rệt. Bộ đội Pathết Lào được củng cố và nhanh chóng phát triển từ hai tiểu đoàn lên 10 tiểu đoàn và cơ động phần lớn lực lượng (sáu trong tổng số 10 tiểu đoàn) về khu vực Cánh đồng Chum, phối hợp cùng quân đội của Koongle đánh lui các đợt tấn công của địch, giữ vững địa bàn có ý nghĩa chiến lược này.

Cũng trong thời gian này, ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ và quân đội Sài Gòn đẩy mạnh đánh phá ngăn chặn, gây nhiều khó khăn cho việc vận chuyển của Đoàn 559 trên tuyến đông Trường Sơn. Để đáp ứng yêu cầu chi viện ngày càng lớn cho chiến trường miền Nam và Lào, trên cơ sở đề nghị của Đoàn 559, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Tỉnh uỷ Xavẳnnakhệt, Trung ương Đảng Nhân dân Lào và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã thảo luận và đi đến thống nhất chủ trương mở đường vận chuyển chiến lược sang phía tây Trường Sơn. Tháng 4 năm 1961, đồng chí Võ Bẩm “trực tiếp dẫn một nhóm cán bộ trinh sát soi đường dọc theo biên giới và sang đất bạn” .

Được sự giúp đỡ tận tình của các bộ tộc Lào trên tuyến tây Trường Sơn, chỉ trong một thời gian ngắn, các đoàn công tác thuộc Đoàn 559 và Quân khu 4 đã xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng trong đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Tà Ôi, Cà Tu và Lào Thơng, phục vụ cho việc mở tuyến đường mới dọc tây Trường Sơn trên đất Lào.

Việc chuyển hướng vận chuyển chiến lược sang tây Trường Sơn2 không chỉ tạo ra thế và lực mới cho cách mạng hai nước, mà còn là hành động cao đẹp thể hiện ý chí quyết tâm cao của hai Đảng và nhân dân hai nước Việt - Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, giành độc lập tự do cho hai dân tộc.

Từ ngày 26 đến 28 tháng 4 năm 1961, Hoàng thân Xuvănna Phuma, Thủ tướng Vương quốc Lào và Hoàng thân Xuphanuvông, Chủ tịch Neo Lào Hắc Xạt dẫn đầu Đoàn cán bộ cấp cao của Chính phủ Vương quốc và Neo Lào Hắc Xạt thăm Việt Nam. Trong ba ngày ở thăm và làm việc tại Việt Nam, Đoàn đã tiến hành hội đàm với Đoàn cán bộ cấp cao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, ký hiệp định về trao đổi và hợp tác kinh tế, văn hoá. Cùng ngày, đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đại diện Chính phủ Vương quốc Lào ký hiệp nghị về việc trao đổi hàng hoá giữa hai nước Việt Nam - Lào.




------------------------------------------------------------------
1. Tính đến ngày 18 tháng 1 năm 1961, Neo Lào Hắc Xạt, lực lượng trung lập yêu nước Lào và chính phủ các nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, Inđônêxia và Ấn Độ đều tuyên bố tán thành và hoan nghênh sáng kiến của Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc.

2. Đến đầu tháng 5, một tuyến đường giao liên hành quân mới được hình thành, bắt đầu từ Vítthúlu (cao điểm 592) chạy ngang qua động Vàng Vàng, vượt biên giới sang bản Tạt Hây (cao điểm 1034) thuộc đất Lào, vượt sông Xê Pôn (tại khu vực Bạn Kẹng) qua Sa Đi, Mương Noòng vào tới La Hạp. Đến hết tháng 6, đường mới từ Lằng Khằng (đường 12) đã băng qua nhiều cánh rừng, sông suối vào tới Pạc Pha Năng và cuối năm 1961, đã nối thông với đường 9 ở Mương Phin. Là trục nối đường 12 với đường 9 nên đường này có tên là đường 129.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 22 Tháng Mười, 2021, 03:59:44 pm
Trong khi dư luận quốc tế hưởng ứng lời kêu gọi ngừng bắn của đồng Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ 1954 về Đông Dương thì ngày 29 tháng 4 năm 1961, Tổng thống Mỹ Kennơđi triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia để bàn về vấn đề Lào. Cùng ngày, Mỹ ra tuyên bố yêu cầu các nước trong khối quân sự SEATO can thiệp vào Lào và đe dọa sẽ đưa vấn đề Lào ra Liên hợp quốc. Cùng với tuyên bố trên, Mỹ và chính quyền tay sai còn ép Vua Lào Xỉxávàng Vắtthana ký Dụ số 90 cách chức ông Kínim Phônxêna, Bộ trưởng và ông Khăm Phượn, Thứ trưởng trong Chính phủ Vương quốc Lào.

Trước những diễn biến mới của tình hình Lào, ngày 30 tháng 4 năm 1961, Trung ương Đảng Nhân dân Lào họp thông qua Nghị quyết (lần thứ sáu) về tình hình, nhiệm vụ của quân dân Lào.

Sau khi phân tích, nhận định tình hình một cách toàn diện, nghị quyết đề ra chủ trương, nhiệm vụ cấp bách của cách mạng Lào là: “đoàn kết toàn dân, mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất, kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tiến tới xây dựng nước Lào thành một quốc gia hoà bình, trung lập, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng” .

Những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 1961, chấp hành chỉ thị của cấp trên về đẩy mạnh hoạt động của quân tình nguyện Việt Nam ở Lào trước ngày ngừng bắn, Quân khu 4 và Quân khu Tây Bắc đã tích cực giúp Pathết Lào “mở thêm vùng giải phóng Trung - Hạ Lào; giữ vững các nơi ta giữ được, nhất là Mahả Xây, Nhômmalạt, Văng Viêng, Mương Xài; tích cực quét phỉ để củng cố hậu phương...” , đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Pathết Lào tổ chức tấn công địch giải phóng Xê Pôn, Xála Phu Khun.

Thắng lợi của đấu tranh quân sự và chính trị đã tác động mạnh mẽ đến đấu tranh ngoại giao. Ngày 3 tháng 5 năm 1961, đại diện ba phái (Neo Lào Hắc Xạt, Phuma và Bun Ùm - Phumi) gặp nhau ở Hỉn Hợp, sau đó ở Na Mon (ngày 13 tháng 5), thoả thuận công bố lệnh ngừng bắn, tiếp đó ngày 16 tháng 5 năm 1961 khai mạc Hội nghị quốc tế tại Giơnevơ bàn về vấn đề Lào gồm 14 nước tham dự.

Từ chỗ rất khó khăn nhưng nhờ sự đoàn kết, phối hợp hoạt động của cách mạng Lào - Việt, cách mạng Lào đã giành được thắng lợi to lớn trên các lĩnh vực. Vùng giải phóng của Neo Lào Hắc Xạt được mở rộng, chiếm hai phần ba diện tích đất đai và một phần ba dân số cả nước, trong đó có những địa bàn quan trọng như Sầm Nưa, Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Xê Pôn. Lực lượng vũ trang Pathết Lào đã tổ chức được 10 tiểu đoàn, 34 đại đội độc lập và 70 trung đội bộ đội địa phương. Các ban chỉ huy quân sự cấp huyện và cấp tỉnh đã hình thành ở hầu hết các vùng giải phóng của Lào.

Nhằm giúp Neo Lào Hắc Xạt củng cố vùng giải phóng, tăng cường hơn nữa thực lực cách mạng để có thể “vừa đánh vừa đàm” với địch, tháng 6 năm 1961, Quân khu 4 phối hợp với quân đội Pathết Lào mở chiến dịch Thà Khoổng giải phóng sáu huyện nam, bắc đường 9 - một vùng đất rộng lớn, đông dân thuộc Nam Lào.

Sau chiến dịch này, cùng với việc giúp các đơn vị Pathết Lào củng cố giữ vững vùng giải phóng, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam ở Lào tiến hành điều chỉnh lại lực lượng 1.

Trước bước phát triển mới của cách mạng Lào, ngày 9 tháng 7 năm 1961, Trung ương Đảng Nhân dân Lào và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam hội đàm để thống nhất một số nguyên tắc trong quan hệ giữa hai Đảng, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam còn có quan hệ với Chính phủ Vương quốc Lào và bàn về phương hư¬ớng của cách mạng Lào. Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự và căn dặn: “Nhất trí nhưng không miễn cưỡng, phải bàn bạc phân minh, nêu cho hết ý kiến nhưng quyết định là Đảng Lào, vì cách mạng Lào là do người Lào làm lấy... giúp nhiều mấy cũng chỉ được 1/10 còn tự lực là 9/10” .

Ngày 20 tháng 7 năm 1961, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào họp Hội nghị lần thứ bảy (khoá I). Trong Báo cáo chính trị đọc tại Hội nghị, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nhận định: “cách mạng Lào đang trên đà thắng lợi về chính trị cũng như quân sự, ảnh hưởng và địa vị của Pathết Lào ngày càng được nâng cao trong nước cũng như trên thế giới, đường lối đúng đắn của ta ngày càng được mọi tầng lớp nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Địch đang ở thế bị động và cô lập nhưng lực lượng của địch chưa bị tiêu diệt, lực lượng ta chưa hơn hẳn địch. Cuộc đấu tranh sẽ còn lâu dài phức tạp” .

Phân tích âm mưu của đế quốc Mỹ và tay sai, Hội nghị quyết định chủ trương: “ra sức củng cố thắng lợi, tăng cường lực lượng mọi mặt; đồng thời ra sức phát động phong trào đấu tranh của nhân dân các vùng do phái Phumi - Bun Ùm kiểm soát, tập hợp thật đông đảo mọi lực lượng yêu nước chống Mỹ, đòi thành lập Chính phủ liên hiệp do Phuma làm thủ tướng và có Pathết Lào tham gia với địa vị xứng đáng”2.
Về phương châm đấu tranh, trên cơ sở nhận định tình hình đã thay đổi, việc thực hiện ngừng bắn được thực hiện trên các chiến trường chính, Hội nghị Na Mon và Giơnevơ đã khai mạc, do đó phương châm đấu tranh phải trở lại lấy đấu tranh chính trị làm chính, phải mạnh bạo tấn công địch về chính trị nhưng phải ra sức xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang làm lực lượng hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị và chuẩn bị sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu tấn công của địch.

Sau cuộc hội đàm giữa hai Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào, tháng 8 năm 1961, trên cơ sở quan điểm xây dựng lực lượng vũ trang đã được hai bên nhất trí, ngày 4 tháng 9 năm 1961, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức hội nghị bàn về nhiệm vụ Đoàn 959 giúp cách mạng Lào.

Sau hội nghị này, ngày 9 tháng 9 năm 1961, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký quyết định về việc Cục Truyền thanh Việt Nam giúp Neo Lào Hắc Xạt xây dựng một đài phát thanh.

Những ngày cuối tháng 9 năm 1961, Phumi Nòxavẳn huy động ba binh đoàn và một số tiểu đoàn độc lập tấn công ra đường 8, đường 9, đường 12 lấn chiếm vùng Mương Phin (Xavẳnnakhệt) và Mahả Xây (đường 12, tỉnh Khăm Muộn) nhằm phá hành lang vận chuyển của lực lượng Pathết Lào xuống Hạ Lào và từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam.

Kịp thời đối phó lại các hoạt động lấn chiếm của địch, ngày 18 tháng 11 năm 1961, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng chỉ đạo Quân khu 4 và Quân khu Tây Bắc tăng cường phối hợp giúp bộ đội Pathết Lào đẩy mạnh các hoạt động chiến đấu, ngăn chặn địch bảo vệ hành lang vận chuyển.

Ngày 22 tháng 11 năm 1961, tại một địa điểm của tỉnh Sầm Nưa, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào họp Hội nghị toàn thể lần thứ tám. Trên cơ sở phân tích tình hình, so sánh tương quan lực lượng giữa các phe phái ở Lào, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào xác định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào là: “ra sức đấu tranh đòi thành lập Chính phủ liên hiệp trên nguyên tắc bảo đảm thực hiện chính sách hoà bình, trung lập, bảo đảm việc củng cố và phát triển mặt trận với Hoàng thân Phuma, với các lực lượng yêu nước khác và thân với phe xã hội chủ nghĩa” .

Sau bảy tháng họp, ngày 14 tháng 12 năm 1961, Hội nghị 14 nước tại Giơnevơ đã thông qua bản tuyên bố về nền trung lập của Lào và nghị định thư về bản tuyên bố đó. Các nước tham gia Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, trung lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Lào. Không can thiệp vào công việc nội bộ và không lôi kéo Lào vào các liên minh trái với nền trung lập của Lào. Quân đội và nhân viên nước ngoài phải rút khỏi Lào, không được lập căn cứ quân sự ở Lào hoặc dùng lãnh thổ Lào vào mục đích quân sự. Các nước tham gia Hội nghị Giơnevơ đã trao đổi ý kiến trong trường hợp độc lập, chủ quyền và trung lập của Lào bị xâm phạm, v.v.. Tiếp đó, ngày 3 tháng 2 năm 1962, tại Giơnevơ đã khai mạc Hội nghị cấp cao ba phái ở Lào để thảo luận về tổ chức Chính phủ liên hiệp và cử một phái đoàn thống nhất của Chính phủ Lào dự Hội nghị quốc tế 14 nước ở Giơnevơ.

Theo thoả thuận bước đầu, Chính phủ liên hiệp Lào sẽ gồm 18 ghế phân chia theo tỷ lệ 10 - 4 - 4 2. Đạt được kết quả trên là một thắng lợi của liên minh các lực lượng yêu nước Lào.

 Ngày 20 tháng 2 năm 1962, Quân uỷ Trung ương Việt Nam ra Nghị quyết số 28/QUTƯ về công tác quân sự ở Lào. Trên cơ sở phân tích tình hình địch, ta, Quân uỷ Trung ương chỉ thị cho quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào tiếp tục tranh thủ giúp Lào củng cố căn cứ địa, tích cực tiêu diệt địch bảo vệ vùng giải phóng; đẩy mạnh hoạt động quân sự vùng sau lưng địch, đồng thời củng cố liên minh với lực lượng Koongle nhằm làm cơ sở cho đấu tranh chính trị; tích cực chống càn, tiễu phỉ ở vùng trọng điểm, chú trọng bảo vệ đường giao thông của ta.

Những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1962, địch tập trung ở khu vực Nặm Thà - Mương Xỉnh một lực lượng lớn quân đội hòng tạo thế uy hiếp quân đội Pathết Lào ở khu vực Thượng Lào. Để tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, tạo đà phát triển cho cách mạng Lào, ngày 10 tháng 4 năm 1962, Trung ương Đảng Nhân dân Lào họp nhận định tình hình, xác định nhiệm vụ của bộ đội Pathết Lào cùng các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam mở chiến dịch tấn công Nặm Thà nhằm: “tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, giải phóng Luổng Nặm Thà và Mương Xỉnh, mở rộng khu căn cứ Thượng Lào, đồng thời rèn luyện cho bộ đội trưởng thành lên một bước. Sau khi giải phóng Mương Xỉnh, Nặm Thà, hướng Mương Xỉnh phát triển đến Mương Long, hướng Nặm Thà phát triển đến Viêng Phu Kha” .




----------------------------------------------------------------
1. Các đơn vị giúp Lào ở các tỉnh Phôngxalỳ, Sầm Nưa, Luổng Phạbang rút về nước 1.203 người và hai tiểu đoàn công binh làm đường. Ở Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, các đơn vị quân tình nguyện rút 2.373 người, ở Trung - Hạ Lào rút 1.872 người. Để đề phòng bất trắc và bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, đến tháng 6 năm 1961, theo yêu cầu của Đảng Nhân dân Lào, Bộ Quốc phòng Việt Nam còn duy trì bốn tiểu đoàn quân tình nguyện ở Mương Xài, Cánh đồng Chum, đường 12, đường 9 và một số nhân viên kỹ thuật.

2. Phái Phuma giữ ghế thủ tướng kiêm chức một bộ trưởng và 7 ghế bộ trưởng, 2 ghế thứ trưởng; Neo Lào Hắc Xạt giữ một ghế phó thủ tướng kiêm một bộ trưởng, một ghế bộ trưởng và 2 ghế thứ trưởng; phái Bun Ùm giữ một ghế phó thủ tướng kiêm một bộ trưởng, một ghế bộ trưởng và 2 ghế thứ trưởng.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 22 Tháng Mười, 2021, 04:04:35 pm
Để thống nhất chỉ huy, ngày 15 tháng 4 năm 1962, hai Bộ Quốc phòng Lào và Việt Nam đã quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch Nặm Thà 1. Tham gia Bộ Chỉ huy chiến dịch phía Việt Nam có Thiếu tướng Bằng Giang (Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam ở Bắc Lào) làm tư lệnh. Phía Lào có đồng chí Xỉxávạt Kẹo Bunphăn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pathết Lào.

Ngày 24 tháng 4 năm 1962, Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 1 Lữ đoàn 335 quân tình nguyện Việt Nam nổ súng tiến công các cao điểm 1620, 1680 thuộc ngoại vi Nặm Thà, đánh tan Tiểu đoàn dù 55 của địch. Tiếp đó, ngày 3 tháng 5 năm 1962, lực lượng vũ trang tỉnh Luổng Nặm Thà phối hợp với Tiểu đoàn 2 quân tình nguyện Việt Nam tấn công cứ điểm Mương Xỉnh. Trận này, liên quân Lào - Việt diệt 35 tên, bắt 194 tù binh, bắn hỏng một máy bay, thu 12 ôtô vận tải, 279 súng các loại. Sau khi giải phóng Mương Xỉnh, liên quân Lào - Việt phát triển đánh chiếm Mương Long, một mũi đánh chiếm Bạn Kha; một mũi phát triển xuống Viêng Phu Kha hình thành thế bao vây chiến dịch tiêu diệt quân địch bỏ chạy từ Nặm Thà.

Sau khi tấn công tiêu diệt các cứ điểm ngoại vi, đêm 4 tháng 5, Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 701 Pathết Lào cùng lực lượng bộ đội địa phương tỉnh Luổng Nặm Thà phối hợp với năm tiểu đoàn quân tình nguyện Việt Nam tấn công cụm cứ điểm Nặm Thà, đến trưa ngày 6 tháng 5, liên quân Lào - Việt hoàn toàn làm chủ chiến trường 2.

Chiến thắng Nặm Thà có ý nghĩa rất quan trọng về quân sự và chính trị. Liên quân Lào - Việt không chỉ tiêu diệt được một bộ phận sinh lực tinh nhuệ của địch vừa mới được xây dựng, mà còn giáng đòn mạnh về chính trị, đánh vào âm mưu của Mỹ và chính quyền tay sai Phumi Nòxavẳn, làm cho tinh thần đội quân đánh thuê thêm hoang mang, dao động. Uy tín của Neo Lào Hắc Xạt, quân đội Pathết Lào được nâng cao, khu giải phóng được mở rộng thành căn cứ liên hoàn đến tận biên giới Trung Quốc.

 Ngay sau chiến dịch, Quân uỷ Trung ương Việt Nam điện khen ngợi bộ đội tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào: “Các đồng chí đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, góp phần tích cực vào thắng lợi to lớn của cách mạng Lào, làm xoay chuyển tình thế có lợi cho cách mạng Lào” .

Từ ngày 7 đến 9 tháng 6 năm 1962, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào họp Hội nghị toàn thể lần thứ chín (khoá I). So sánh tương quan lực lượng giữa các phái, Hội nghị nhận định tình hình Lào có thể diễn ra theo ba khả năng:

- Chính phủ liên hiệp được thành lập, Hội nghị quốc tế Giơnevơ về Lào thành công.
- Hội nghị Giơnevơ kéo dài, Chính phủ liên hiệp không thành lập được, tiếp tục trong tình trạng vừa đánh vừa đàm.
- Các cuộc đàm phán bị cắt đứt, chiến sự mở rộng, địch thực hiện được âm mưu chia cắt đất đai.

Căn cứ vào tương quan lực lượng hiện tại, khả năng thứ nhất còn có một số khó khăn và khả năng thứ hai đang diễn ra.

Sau khi phân tích cụ thể tình hình các mặt của cách mạng, Hội nghị quyết định: ra sức tăng cường lực lượng cách mạng về mọi mặt, ra sức củng cố lực lượng vũ trang, củng cố căn cứ địa, xây dựng kinh tế và cải thiện dân sinh, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất chống Mỹ mà Neo Lào Hắc Xạt là nòng cốt. Trước hết, phải củng cố mặt trận với Hoàng thân Phuma và lực lượng trung lập yêu nước, thúc đẩy mọi hình thức đấu tranh, phân hoá địch đến tột độ, phá hoại mọi âm mưu mới của Mỹ - Phumi, tiến lên giành thắng lợi mới.

Về phương châm hoạt động, chính trị kết hợp với quân sự, tuỳ trường hợp, tuỳ tình hình từng nơi, có lúc nặng về mặt này nhẹ về mặt kia...
Từ ngày 9 đến 12 tháng 6 năm 1962, Hội nghị cấp cao ba phái họp tại Cánh đồng Chum. Sau ba ngày thảo luận, trên cơ sở những thoả thuận đã đạt được trong các bản tuyên bố chung Hỉn Hợp, Duyrích, Cánh đồng Chum và Giơnevơ, ba Hoàng thân Xuphanuvông, Xuvănna Phuma và Bun Ùm đại diện ba phái đã thoả thuận lập một chính phủ liên hiệp gồm 19 người do Hoàng thân Xuvănna Phuma làm thủ tướng.
Ngày 2 tháng 7 năm 1962, sau một thời gian gián đoạn, Hội nghị quốc tế 14 nước tại Giơnevơ họp trở lại để bàn các vấn đề bảo đảm hoà bình, trung lập, chủ quyền, thống nhất của Lào. Ngày 23 tháng 7, Hiệp định Giơnevơ về Lào được ký kết. Các nước tham gia ký kết Hiệp định Giơnevơ thừa nhận tôn trọng nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Lào; cam kết không can thiệp bằng bất cứ cách nào vào công việc nội bộ của Lào; không đề nghị hoặc thúc ép Lào tham gia vào bất cứ liên minh quân sự nào không phù hợp với nền trung lập của Lào.

Việc ký Hiệp định Giơnevơ 1962, giải quyết hoà bình vấn đề Lào là một thắng lợi to lớn của lực lượng cách mạng Lào liên minh với những người trung lập yêu nước, của phe xã hội chủ nghĩa và phong trào hoà bình dân chủ thế giới. Bằng việc long trọng xác nhận những nguyên tắc căn bản của Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương, Hội nghị quốc tế Giơnevơ 1962 về Lào đã mặc nhiên lên án sự can thiệp trắng trợn của đế quốc Mỹ vào Lào, đồng thời nêu ra những việc cụ thể cần làm để giúp Lào bảo đảm nền hoà bình, trung lập và xây dựng một nước Lào độc lập, thống nhất, dân chủ và phồn vinh. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nước Lào được quốc tế cam kết tôn trọng nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Pathết Lào có vùng giải phóng rộng lớn chiếm 2/3 đất đai và hơn 1/3 dân số toàn quốc.   
 
Sau Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào, thực hiện cam kết của mình, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định rút toàn bộ quân tình nguyện và đại bộ phận chuyên gia quân sự về nước 3. Trong thời gian này, các đồng chí lãnh đạo Đảng Nhân dân Lào, Neo Lào Hắc Xạt đã tổ chức nhiều chuyến đi nắm tình hình ở các tỉnh, các quân khu để điều chỉnh bố trí lại lực lượng, đồng thời thăm hỏi động viên các đơn vị quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã phối hợp chiến đấu, xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng trong thời gian vừa qua. Đây cũng là lúc Chính phủ liên hiệp Lào thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước. Do vậy, trong buổi họp với cán bộ quân đội Lào, khoảng giữa tháng 9 năm 1962, tại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, có các đồng chí Xỉngcapô Xỉkhốt Chunlamany, Xámản Vinhakệt, Xiphon tham dự, Hoàng thân Xuphanuvông nói: “Sau khi đặt quan hệ ngoại giao với các nước, chúng ta có thêm nhiều bạn bè, nhưng người bạn cùng sống chết, chung một chiến hào với ta chỉ có Việt Nam” .

Ngày 5 tháng 9 năm 1962, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Vương quốc Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đại sứ Việt Nam Lê Văn Hiến và Đại sứ Lào Thạo Pheng là những sứ giả đầu tiên của hai nước. Sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, đầu năm 1963, Vua Lào Xỉxávàng Vắtthana dẫn đầu Đoàn đại biểu Hoàng gia Lào sang thăm Việt Nam. Trong buổi chiêu đãi Vua Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “... hai dân tộc Việt và Lào sống bên nhau trên cùng một dải đất, cùng có chung một dãy núi Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta đã nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau như anh em... Ngày nay chúng ta lại đang giúp đỡ nhau để xây dựng một cuộc sống mới. Tình nghĩa láng giềng anh em Việt - Lào thật là thắm thiết không bao giờ phai nhạt được” .

Với tình cảm chân thành đó, trong buổi lễ tiễn đưa Nhà vua Lào lên đường về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng khắc hoạ sâu đậm hơn nghĩa tình nồng thắm của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam: “Cuộc đi thăm nước Việt Nam của Nhà vua và các vị làm cho hai nước chúng ta đã gần nhau về địa dư lại càng gần nhau về tình nghĩa. Sự hiểu biết lẫn nhau và mối quan hệ hợp tác thân thiện giữa hai dân tộc anh em đã tiến lên một giai đoạn mới mẻ và tốt đẹp.

Hôm nay, Nhà vua và các vị rời đất nước chúng tôi, song những hình ảnh đẹp đẽ của cuộc đi thăm vẫn lưu lại lâu dài trong lòng chúng tôi.
Thật là:

Thương nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Việt - Lào, hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long
.




------------------------------------------------------------------
1. Lực lượng tham gia chiến dịch có Lữ đoàn bộ binh 316 đã đứng chân ở địa bàn chiến dịch, Lữ đoàn 335, Tiểu đoàn 3 (Lữ đoàn 330), một tiểu đoàn sơn pháo 75 mm (13 khẩu), một tiểu đoàn súng cối 120 mm (12 khẩu), một tiểu đoàn phòng không 12,7 mm (12 khẩu); Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 701 Pathết Lào, đại đội địa phương Na Mô, đại đội địa phương Nặm Thà, một số trung đội địa phương huyện và dân quân du kích các xã. Tổng quân số tham gia chiến dịch khoảng 7.800 người.

2. Toàn chiến dịch, liên quân Lào - Việt loại khỏi vòng chiến đấu gần 1.800 tên thuộc lực lượng cơ động chiến lược của quân nguỵ Viêng Chăn, trong đó GM11 bị tiêu diệt hoàn toàn; GM15 và GM18 bị thiệt hại nặng, thu 400 súng và gần 600 tấn đạn, giải phóng một khu vực gần 8.000 km2 với hơn 7 vạn dân.

3. Theo đó, Đoàn 959 với quân số 3.085 người (giữa năm 1962) rút gọn còn một bộ phận chuyên gia quân sự gồm 49 người do các đồng chí Nguyễn Hoà - tham mưu trưởng; Lê Xuân - chủ nhiệm hậu cần; Hà Minh Tân - phụ trách phòng chính trị của Đoàn ở lại giúp ba cơ quan thuộc Quân uỷ và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Pathết Lào.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 05 Tháng Mười Một, 2021, 11:12:19 am
*
*     *


Thời kỳ 1954 - 1962 là thời kỳ cuộc đấu tranh cách mạng ở Lào và Việt Nam đứng trước những khó khăn, thử thách mới với nhiều diễn biến phức tạp do sự can thiệp ngày càng sâu của Mỹ vào các nước Đông Dương. Phát huy truyền thống hữu nghị và hợp tác trong kháng chiến chống Pháp, bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, với sự dốc sức tự vươn lên của cách mạng Lào và tiếp nhận sự giúp đỡ chân tình, không điều kiện của Việt Nam, lực lượng cách mạng Lào không ngừng lớn mạnh, bảo vệ vững chắc hai tỉnh tập kết, mở rộng vùng giải phóng, phát triển cơ sở và phong trào quần chúng, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ, chi viện của phe xã hội chủ nghĩa, của dư luận hoà bình tiến bộ trên thế giới, từng bước đấu tranh đòi đế quốc Mỹ và Chính phủ Vương quốc Lào thực hiện Hiệp định Giơnevơ, tiến tới thành lập Chính phủ liên hiệp lần thứ nhất (tháng 11 năm 1957).

Sau khi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai tiến hành lật đổ Chính phủ liên hiệp dân tộc, xoá bỏ các hiệp định hoà hợp dân tộc, đưa cố vấn và phương tiện chiến tranh vào Lào, thực hiện chiến lược Chiến tranh đặc biệt, mở các chiến dịch khủng bố và tấn công quân sự trên toàn quốc, Trung ương Đảng Nhân dân Lào, với sự giúp đỡ của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đã kịp thời chuyển hướng từ đấu tranh chính trị là chủ yếu sang đấu tranh vũ trang là chủ yếu kết hợp với đấu tranh chính trị.

Lực lượng cách mạng Lào liên tiếp giành những thắng lợi to lớn, buộc đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phải chấp nhận thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc ba phái; tiếp đó Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào được ký kết, Vương quốc Lào và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thiết lập quan hệ ngoại giao.

Có được những thành công trên trước hết là do Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào ngay từ đầu đã xác định đúng đắn tầm quan trọng có ý nghĩa đặc biệt của mối quan hệ chiến lược cách mạng giữa hai Đảng và nhân dân hai nước trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ. Trên cơ sở đó, hai Đảng đã sớm thống nhất chủ trương, đường lối chính trị, quân sự để lãnh đạo nhân dân hai nước đấu tranh giành độc lập, tự do cho mỗi nước.

Để đảm bảo sự thống nhất về đường lối chính trị, quân sự, bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, thông qua các cuộc hội đàm cấp cao, hai Đảng đã thống nhất ý kiến, cùng nhau rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, đưa cách mạng hai nước tiến lên. Trên cơ sở thống nhất về đường lối chính trị, quân sự, dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, lực lượng vũ trang và mặt trận dân tộc thống nhất ở hai nước đã phát huy tích cực vai trò của mình trong việc tập hợp đông đảo lực lượng các tầng lớp nhân dân yêu nước, tranh thủ các tầng lớp trung gian, cô lập và phân hoá kẻ thù, chĩa mũi nhọn vào kẻ thù chính của dân tộc là đế quốc Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào, được sự giúp đỡ có hiệu quả của Việt Nam, các lực lượng cách mạng Lào đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, bảo vệ vững chắc hai tỉnh tập kết, kết hợp đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở 10 tỉnh, tích cực xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân, tạo ra thế và lực đưa cách mạng Lào từng bước đi lên. Quân đội Pathết Lào được sự hỗ trợ đắc lực của bộ đội tình nguyện Việt Nam đã chống lại có hiệu quả các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, bảo vệ căn cứ địa cách mạng ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ, làm thất bại âm mưu bao vây, cô lập, tiêu diệt lực lượng cách mạng của đế quốc Mỹ và tay sai.

Cùng với sự thống nhất về đường lối chính trị, quân sự, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhận thức đúng đắn quan hệ chiến đấu bảo vệ độc lập của Việt Nam và Lào là quan hệ bình đẳng giữa hai dân tộc, là mối quan hệ của những người anh em, đồng chí sống chết có nhau, cùng chống kẻ thù chung. Để củng cố và phát triển mối quan hệ đặc biệt này, vấn đề quan trọng hàng đầu đặt ra là hai bên đều phải tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc trong quan hệ quốc gia và quốc tế. Để “phát triển quan hệ hữu nghị với tất cả các nước theo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và độc lập của nhau, trước hết với các nước xã hội chủ nghĩa và dân tộc chủ nghĩa”  như chính sách đối ngoại của Đảng Nhân dân Lào đã xác định. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đề cao nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của Lào, kiên quyết chống tư tưởng nước lớn, tư tưởng ban ơn... Quán triệt tinh thần đó, trong quá trình giúp cách mạng Lào, các chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam luôn xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình là giúp cách mạng Lào thực hiện mục tiêu chiến lược không chỉ là nghĩa vụ quốc tế mà còn là trách nhiệm của cách mạng Việt Nam và coi “giúp bạn là mình tự giúp mình”.

Ghi nhận sự giúp đỡ của Việt Nam cho sự nghiệp giải phóng của Lào, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nêu rõ: nhiều đồng chí Việt Nam đã hy sinh trên chiến trường Sầm Nưa, Cánh đồng Chum..., nhiều cán bộ Việt Nam đã sang Lào hoạt động từ lúc cách mạng mới bắt đầu cho đến khi tóc bạc, coi nhân dân Lào như nhân dân mình, coi sự nghiệp cách mạng Lào như sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đối với Việt Nam, sự hết lòng yêu quý, giúp đỡ của nhân dân các bộ tộc Lào luôn là một nguồn động viên, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của bộ đội tình nguyện và các chuyên gia Việt Nam. Thắng lợi của cuộc đấu tranh chống Mỹ ở Lào đã phối hợp và hỗ trợ tích cực cho cuộc đấu tranh chống Mỹ ở miền Nam, bảo vệ miền Bắc. Đặc biệt, nhân dân Lào đã cùng chia sẻ với nhân dân Việt Nam trước bom đạn ác liệt của giặc Mỹ, tạo mọi điều kiện để bộ đội Việt Nam mở đường Trường Sơn và mở các chiến dịch lớn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Có thể nói, mối quan hệ đoàn kết Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam giai đoạn 1954 - 1962 đã được hai Đảng và nhân dân hai nước củng cố, phát triển lên một tầm cao mới, đáp ứng kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ cách mạng của mỗi nước. Việt Nam luôn là hậu phương, là chỗ dựa vững chắc trong sự nghiệp đấu tranh của cách mạng Lào. Về phần mình, Đảng Nhân dân Lào cũng thường xuyên giáo dục nhân dân nêu cao tinh thần chiến đấu “đồng thời góp hết mình vào sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Việt Nam, Campuchia anh em, sẵn sàng nhận phần khó khăn về mình, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp cách mạng của nhân dân hai nước anh em phát triển và giành thắng lợi” . Mối quan hệ tốt đẹp đó là cơ sở vững chắc để quân dân hai nước tiếp tục sát cánh bên nhau chiến đấu và giành nhiều thắng lợi mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và tay sai, giành độc lập, tự do cho mỗi nước.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 05 Tháng Mười Một, 2021, 11:21:40 am
Chương VI
PHÁT TRIỂN LIÊN MINH CHIẾN ĐẤU, ĐÁNH THẮNG CÁC CHIẾN LƯỢC CHIẾN TRANH
CỦA ĐẾ QUỐC MỸ, GIÀNH THẮNG LỢI HOÀN TOÀN (1963 - 1975)



I. PHỐI HỢP XÂY DỰNG VÙNG GIẢI PHÓNG LÀO, XÂY DỰNG TUYẾN VẬN TẢI CHIẾN LƯỢC TÂY TRƯỜNG SƠN,
TỪNG BƯỚC ĐÁNH THẮNG CHIẾN LƯỢC CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT Ở LÀO VÀ CHIẾN TRANH CỤC BỘ Ở VIỆT NAM (1963 - 1968)


1. Phối hợp giữ vững địa bàn Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng và mở thông tuyến vận tải tây Trường Sơn

Từ năm 1963, tình hình cách mạng Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng. Ngay từ đầu năm 1963, quân dân tỉnh Mỹ Tho đã lập nên chiến thắng Ấp Bắc vang dội 1, lần đầu tiên một tiểu đoàn quân giải phóng miền Nam cùng lực lượng vũ trang địa phương đánh bại các biện pháp chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của địch, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Bộ đội chủ lực của miền Nam và các khu đều được tăng cường nhanh chóng. Phong trào phá ấp chiến lược, phong trào đấu tranh chính trị của đông đảo quần chúng cách mạng dâng lên mạnh mẽ, chính quyền Sài Gòn lâm vào tình trạng khủng hoảng triền miên, quốc sách “ấp chiến lược” của Mỹ, nguỵ đứng trước nguy cơ bị phá sản, báo hiệu sự thất bại không tránh khỏi của chiến lược Chiến tranh đặc biệt ở miền Nam.

Ở miền Bắc, nhân dân hăng hái tham gia công cuộc lao động, xây dựng đất nước, đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất - xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Hình thái kinh tế - xã hội mới, với quan hệ sản xuất mới và những cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội bước đầu được thiết lập. Đặc biệt, 10 triệu nông dân tham gia hợp tác xã, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, không những đã đưa sản lượng nông nghiệp năm 1963 cao hơn hai lần năm 1939 (là năm có sản lượng cao nhất trong thời Pháp chiếm đóng), mà quan trọng hơn là đã tạo điều kiện để Đảng, Nhà nước Việt Nam củng cố phát triển nông thôn - địa bàn chiến lược rộng lớn nhất của căn cứ địa miền Bắc, tạo nên sự nhất trí cao về chính trị, tinh thần, động viên và tổ chức được hàng triệu thanh niên ra tiền tuyến chiến đấu. Đúng như đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (tháng 3 năm 1964): “... miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới” .

Tháng 12 năm 1963, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ chín (khoá III) để xác định những vấn đề về đường lối chiến tranh cách mạng miền Nam cũng như đường lối đoàn kết quốc tế. Hội nghị đã biểu thị tinh thần kiên quyết bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và hướng mọi hoạt động quốc tế của toàn Đảng, toàn dân vào việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để đánh Mỹ và thắng Mỹ. Về cách mạng miền Nam, Trung ương Đảng đã quyết định nhiều vấn đề chiến lược nhằm thúc đẩy cuộc chiến tranh cách mạng phát triển mạnh mẽ hơn, như: nhấn mạnh yêu cầu mới của đấu tranh vũ trang để chủ động và kịp thời đối phó với hành động tăng cường chiến tranh leo thang của địch; xác định đấu tranh vũ trang ngày càng đóng vai trò quyết định trực tiếp tiêu diệt lực lượng quân sự địch; quyết định đưa từng đơn vị chủ lực (tiểu đoàn, trung đoàn) từ miền Bắc vào miền Nam, lập các khối chủ lực ở chiến trường, tăng dần quy mô tác chiến tập trung ở miền Nam. Như vậy, từ đây, việc chi viện từ miền Bắc vào miền Nam qua tuyến đường Trường Sơn sẽ ngày một tăng cao.

Tại Lào, sau khi Hiệp định Giơnevơ 1962 được ký kết, đế quốc Mỹ vẫn chưa từ bỏ âm mưu xâm lược Lào. Trước tình hình mới, đế quốc Mỹ đã thực hiện chính sách hai mặt: một mặt, dùng mọi thủ đoạn để khống chế Chính phủ liên hiệp, phá vỡ sự hợp tác giữa Neo Lào Hắc Xạt với lực lượng trung lập; mặt khác, chúng ra sức củng cố lực lượng phái hữu để phục vụ cho ý đồ xâm lược đã vạch ra. Theo Hiệp định, ngày 7 tháng 10 năm 1962 là thời hạn cuối cùng cho việc rút quân đội và nhân viên quân sự nước ngoài (cụ thể là Mỹ) ra khỏi lãnh thổ Lào, nhưng chính quyền Kennơđi chỉ cho rút 666 tên, còn phần lớn nhân viên trong các đoàn cố vấn quân sự như PEO (Programs Evaluation Office - Cơ quan đánh giá chương trình viện trợ), MAAG (Military Assistance Advisory Group - Phái đoàn cố vấn quân sự), PAG (Police Advisory Group - Phái đoàn cố vấn cảnh sát) và cơ quan viện trợ USOM (United States Operation Mission - Phái đoàn công tác của Mỹ) chuyển sang khoác áo dân sự dưới cái tên USAID (United States Assistance International Development - Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ), đồng thời duy trì một số lớn nhân viên quân sự Nam Việt Nam và Thái Lan ở các đơn vị của phái hữu. Chúng tăng cường viện trợ cho Phumi Nòxavẳn, tăng số quân nguỵ Viêng Chăn từ 54.000 tên năm 1962 lên 63.000 tên vào cuối năm 1963; xúc tiến khôi phục lại các binh đoàn cơ động (GM) bị tan rã trong chiến dịch Nặm Thà; tổ chức khôi phục lực lượng phỉ dưới tên gọi “lực lượng đặc biệt” lên tới 17.000 tên do Vàng Pao chỉ huy và đặt dưới sự điều khiển trực tiếp của CIA và cố vấn Mỹ .

 Dưới sự giật dây của Mỹ, lực lượng phái hữu ra sức thao túng, phá hoại Chính phủ liên hiệp, lôi kéo mua chuộc Hoàng thân Phuma và Koongle; tung hàng trăm sĩ quan và binh sĩ của Phumi Nòxavẳn vào lực lượng trung lập nhằm gây rối nội bộ, lôi kéo lực lượng này. Do bị lôi kéo, mua chuộc nên nội bộ lực lượng trung lập diễn biến phức tạp. Một bộ phận phản bội cách mạng, đi theo phái hữu. Một bộ phận có xu hướng tiến bộ tách ra, do Đại tá Đươn Xúnnalạt chỉ huy, tiếp tục đứng về phe cách mạng, chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai phản động. Bộ phận tiến bộ thường xuyên bị lực lượng trung lập phản bội, đe dọa khủng bố.

Trắng trợn hơn, đầu năm 1963, đế quốc Mỹ và tay sai còn tổ chức ám sát ông Kínim Phônxêna, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (ngày 1 tháng 4 năm 1963), uy hiếp các thành viên Neo Lào Hắc Xạt ở Viêng Chăn, buộc các thành viên của Neo Lào Hắc Xạt trong Chính phủ liên hiệp phải rút về Khăng Khay (ngày 14 tháng 4 năm 1963).

Sau khi lôi kéo được Koongle và một bộ phận lực lượng trung lập (tháng 3 năm 1963), địch mở nhiều đợt tiến công hòng chiếm toàn bộ khu vực Xiêng Khoảng, biến nơi này thành khu vực chiến trường ác liệt. Cuối năm 1963, chúng mở rộng chiến tranh ra cả nước, trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ 1962, làm cho Chính phủ liên hiệp chỉ còn trên danh nghĩa. Tháng 11 năm 1963, địch chiếm được khu vực Na Kay - đường 9; tháng 12, chúng tiến công uy hiếp đường 7 và Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Tình hình Lào ngày càng căng thẳng.

Không chỉ thế, dọc biên giới Lào - Việt Nam từ đường 9 đến Apa Chai, lực lượng vũ trang và bán vũ trang của bọn phản động Lào đóng thành bảy vùng lớn với 89 vị trí có quân. Các khu vực này trở thành bàn đạp để bọn biệt kích Mỹ, nguỵ ở miền Nam xâm nhập phá hoại miền Bắc Việt Nam và uy hiếp tuyến vận tải chiến lược tây Trường Sơn. Thêm nữa, trước sự kích động, dụ dỗ, cưỡng ép của Mỹ, nguỵ, một số phần tử phản động tề nguỵ cũ trong các dân tộc Thái, Mông ở khu vực biên giới bắt đầu ngóc đầu hoạt động trở lại. Rải rác ở một số vùng tại Thanh Hoá, Điện Biên, Sơn La đã có hiện tượng xưng vua. Những hành động cấu kết giữa Mỹ, nguỵ Sài Gòn với nguỵ Lào đều nhằm thực hiện âm mưu đánh phá, cắt đường tiếp tế giữa Việt Nam và Lào, giữa miền Bắc với miền Nam, cô lập cách mạng Lào, cách mạng miền Nam, đồng thời làm cho tình hình an ninh biên giới hai nước trở nên phức tạp, căng thẳng.

Trước tình hình có chiều hướng phức tạp, ngày 15 tháng 2 năm 1963, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào họp Hội nghị lần thứ 11 . Sau khi xem xét kỹ tình hình mọi mặt từ sau khi thành lập Chính phủ liên hiệp, Hội nghị đã đề ra hai nhiệm vụ cho cách mạng Lào trong thời gian trước mắt, đó là đấu tranh duy trì Chính phủ liên hiệp, bảo vệ hoà bình và ra sức củng cố, phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt. Hội nghị cũng xác định nhiệm vụ của quân đội là phải tích cực hoạt động quân sự, làm hậu thuẫn cho đấu tranh chính trị, đồng thời đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của địch, làm chuyển biến tình hình có lợi cho cách mạng.

Để giúp Lào thực hiện nhiệm vụ do Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương đề ra, ngày 18 tháng 6 năm 1963, Thường trực Quân uỷ Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã xác định phương hướng giúp Lào về quân sự, ra sức củng cố lực lượng vũ trang, lấy việc huấn luyện làm trung tâm, giữ vững và củng cố vùng giải phóng, phối hợp với lực lượng vũ trang trung lập tiến bộ giữ vững địa bàn quan trọng, nhất là khu vực Cánh đồng Chum; tăng cường giúp về vật chất kỹ thuật, phương tiện thông tin chỉ huy và một số chuyên gia quân sự để bảo đảm tác chiến, giữ vững khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Thường trực Quân uỷ Trung ương cũng đã quyết nghị những nguyên tắc tổ chức cơ quan công tác ở Lào, như: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần chịu trách nhiệm trực tiếp giúp Thường trực Quân uỷ Trung ương chỉ đạo công tác Lào, các cơ quan phải tổ chức bộ phận chuyên trách công tác Lào...

Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đã tổ chức một số đoàn chuyên gia quân sự để giúp Lào giữ vững khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng và một số địa bàn quan trọng khác, như: ngày 15 tháng 4 năm 1963, thành lập Đoàn 463 chuyên gia quân sự Việt Nam bên cạnh Quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, do Trung tá Nguyễn Bình Sơn làm trưởng đoàn; ngày 28 tháng 5 năm 1963, thành lập Đoàn công tác đặc biệt ở Lào (Đoàn 5), do Thượng tá Nguyễn Hữu An làm trưởng đoàn; ngày 18 tháng 7 năm 1963, quyết định thành lập Đoàn công tác đặc biệt thứ hai, do Trung tá Lê Kích làm chỉ huy trưởng.

Để có phương hướng giúp đỡ nhau toàn diện hơn, tháng 7 năm 1963, Bộ Chính trị của hai Đảng đã có cuộc hội đàm, trao đổi bàn về phương hướng phát triển của cách mạng Lào. Tham dự cuộc hội đàm có đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Lào.

 Trong cuộc hội đàm, hai bên đã thống nhất nhận định thắng lợi của cách mạng Lào trong thời gian vừa qua là rất to lớn. Hiện nay, Mỹ - nguỵ đang ra sức phá hoại Chính phủ liên hiệp, tiến công lấn chiếm vùng giải phóng. Tuy nhiên, chúng vẫn đang trong thế phòng thủ, thực hiện chính sách hai mặt lợi dụng Hoàng thân Phuma, lôi kéo Koongle giương cao ngọn cờ trung lập và thân phương Tây để chống lại Pathết Lào. Hai Đảng thống nhất trong lúc này cần phải tranh thủ thời gian để xây dựng lực lượng cả về quân sự và chính trị, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài.

Sau cuộc hội đàm, phía Lào đã có công hàm chính thức đề nghị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tăng cường lực lượng chuyên gia sang giúp Lào toàn diện, từ chủ trương, chính sách đến tổ chức thực hiện. Trong đó, về quân sự, giúp thực hiện hai nhiệm vụ cơ bản là xây dựng chính trị tư tưởng, tổ chức đảng trong quân đội và củng cố phát triển phong trào chiến tranh du kích.

Tháng 12 năm 1963, Quân uỷ Trung ương Đảng Lao động Việt Nam có phiên họp bàn về phương hướng giúp cách mạng Lào, xác định: tình hình Lào hiện nay đang có tính giằng co phức tạp; phương châm đấu tranh của cách mạng Lào trong giai đoạn tới là quân sự kết hợp chính trị, lấy đấu tranh chính trị làm chính, đấu tranh quân sự thích đáng làm áp lực để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị, tranh thủ đưa cách mạng Lào tiến lên.




----------------------------------------------------------------------
1. Trong trận đánh, quân dân Ấp Bắc đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 450 tên địch (trong đó có 9 cố vấn Mỹ), bắn rơi, bắn hỏng 9 máy bay trực thăng, phá huỷ 3 xe M113 và 2 tàu trên sông.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 05 Tháng Mười Một, 2021, 11:27:08 am
Đối với công tác giúp Lào, Quân uỷ Trung ương (Việt Nam) khẳng định sự giúp đỡ của Việt Nam về nhiều mặt là nhân tố quan trọng tạo điều kiện cho cách mạng Lào giành được thắng lợi và phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, vẫn còn một số thiếu sót, khuyết điểm: nhận thức về công tác giúp Lào chưa thật đầy đủ nên lúc cần thiết Việt Nam đưa lực lượng sang giúp Lào thì giành thắng lợi nhanh chóng, nhưng sau khi lực lượng Việt Nam rút hết thì Lào lại hết sức khó khăn trong việc củng cố và giữ vững thắng lợi đã giành được. Trong công tác giúp Lào còn nặng về đối phó với tình hình trước mắt, chưa có kế hoạch giúp lâu dài và toàn diện; những chủ trương đề ra giúp Lào thì đúng nhưng chưa có kế hoạch giúp cụ thể trong tổ chức thực hiện, chưa đào tạo được đội ngũ cán bộ giúp Lào một cách lâu dài và cơ bản.

Nhằm khắc phục những khuyết điểm trên, Quân uỷ Trung ương chủ trương phải tăng cường hệ thống cố vấn và chuyên gia trực tiếp giúp Lào cả ở trung ương và đơn vị cơ sở. Cần phải có cố vấn giúp Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng Tư lệnh, cố vấn giúp các quân khu (liên tỉnh) và tỉnh, cố vấn và chuyên gia giúp các đơn vị tiểu đoàn chiến đấu, cố vấn về công tác huấn luyện và nhà trường, cố vấn và chuyên gia giúp lực lượng trung lập tiến bộ.

Ngoài lực lượng chuyên gia và cố vấn, Việt Nam cũng cần giúp một số đội công tác và một số đơn vị bộ đội để phối hợp cùng Lào tiễu phỉ và củng cố cơ sở, củng cố khu giải phóng. Giúp đỡ lương thực và các nhu cầu vật chất khác, đồng thời giúp sửa chữa những khí tài, phương tiện hư hỏng và xây dựng cho Lào những cơ sở sửa chữa cần thiết...

Đáp ứng yêu cầu của Lào, đồng thời thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, cuối năm 1963 và đầu năm 1964, hơn 2.000 cán bộ các cấp của quân đội được điều động tăng cường cho Đoàn 959 để thực hiện nhiệm vụ chuyên gia giúp Lào. Hầu hết các cán bộ được điều động trong thời gian này đều là các đồng chí đã công tác ở Lào, rút về nước trong năm 1962.

Ở miền Nam Việt Nam, bước sang năm 1963, lực lượng vũ trang cách mạng phát triển nhanh, nhu cầu vận chuyển lực lượng và vật chất từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam tăng nhanh. Trong khi đó, Mỹ - nguỵ tập trung đánh phá quyết liệt tuyến hành lang đông Trường Sơn. Chỉ trong mấy tháng đầu năm 1963, địch mở liên tiếp bốn cuộc càn vào miền tây Trị - Thiên, dọc theo đường 9...

Nhận thấy tuyến hành lang đông Trường Sơn bị đánh chặn quyết liệt, đồng thời được sự ủng hộ, nhất trí của Trung ương Đảng, Mặt trận và Bộ Chỉ huy Quân đội Lào, ngày 24 tháng 1 năm 1964, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã quyết định giao nhiệm vụ cho Đoàn 559 chuyển toàn bộ hoạt động sang tuyến tây Trường Sơn, chuyển hàng và dẫn quân từ làng Ho vào khu vực ngã ba biên giới. Chỉ tiêu vận chuyển năm 1964 của Đoàn là 1.000 tấn hàng cho miền Nam và Lào, 220 tấn gạo bảo đảm giao liên hành quân.

Trước đòi hỏi phải kiên quyết giữ vững vùng giải phóng Lào, đồng thời giữ vững tuyến vận tải tây Trường Sơn, đầu năm 1964, bộ đội Lào - Việt đã mở hoạt động quân sự, chủ yếu ở khu vực đường 9 - Trung Lào và Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Từ ngày 27 tháng 1 đến 12 tháng 2 năm 1964, các đơn vị tình nguyện của Quân khu 4 Việt Nam cùng bộ đội Lào mở chiến dịch 128, tiến công quân địch ở Na Kay, loại khỏi vòng chiến đấu gần 900 tên, giải phóng toàn bộ khu vực cao nguyên Na Kay và các vùng lân cận trên tuyến biên giới Việt - Lào từ đường 8 đến đường 12 với chiều dài gần 700 km, mở thông hành lang tuyến vận tải tây Trường Sơn từ bắc xuống nam, tạo thế vững chắc cho vùng giải phóng Trung Lào, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển trên đường tây Trường Sơn. Đây là hoạt động quân sự lớn đầu tiên ở Lào, sau khi địch phá vỡ Hiệp định Giơnevơ 1962.

Sau chiến dịch 128, ngày 17 tháng 3 năm 1964, Trung ương Đảng Nhân dân Lào tổ chức Hội nghị lần thứ 12 và chỉ rõ : do âm mưu phá hoại của địch, Chính phủ liên hiệp chỉ còn là hình thức; đế quốc Mỹ và tay sai đã gây tình hình căng thẳng ở Lào; nhiệm vụ trước mắt của Đảng là đẩy mạnh đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh quân sự làm thất bại mọi âm mưu của địch; ra sức củng cố, tăng cường lực lượng cách mạng về mọi mặt. Hội nghị đã đề ra năm nhiệm vụ lớn là: tăng cường xây dựng mặt trận thống nhất chống Mỹ và tay sai; ra sức đẩy mạnh đấu tranh trong hậu phương địch bằng chính trị, kết hợp với vũ trang và vận động binh lính địch; xây dựng, củng cố vùng giải phóng về mọi mặt; ra sức củng cố lực lượng bán vũ trang; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, bồi dưỡng cán bộ.

Sau Hội nghị lần thứ 12 của Trung ương Đảng Nhân dân Lào, Đảng bộ các cấp trong cả nước Lào đã chuyển hướng lãnh đạo phù hợp với tình hình mới. Từng bộ phận đã lãnh đạo theo định hướng kháng chiến trường kỳ, tự lực cánh sinh; ở vùng địch tạm chiếm, cơ sở chính trị đã có bước phát triển; lực lượng vũ trang và bán vũ trang đã được củng cố và phát triển.

Trước sự lớn mạnh của cách mạng Lào, đế quốc Mỹ ồ ạt tăng viện trợ cho phái hữu nhằm tăng cường sức mạnh và thúc ép phái hữu đẩy mạnh hoạt động lấn chiếm vùng giải phóng. Ngày 19 tháng 4 năm 1964, đế quốc Mỹ đã sử dụng bọn cực hữu, hiếu chiến Kúpaxít Aphay và Xihổ Lamphatacun làm đảo chính quân sự, lật đổ Chính phủ liên hiệp ba phái. Chúng tổ chức chính phủ mới không có Neo Lào Hắc Xạt và vẫn để Phuma làm thủ tướng để sử dụng danh nghĩa “trung lập” và “Chính phủ liên hiệp” giả hiệu. Chúng còn sáp nhập quân của Koongle trung lập vào lực lượng phái hữu nhằm biến Chính phủ liên hiệp thành một chính quyền bù nhìn, là công cụ phục vụ cho âm mưu của đế quốc Mỹ. Tại khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, chúng đã triển khai một lực lượng lớn quân chủ lực1 nhằm chiếm giữ lâu dài địa bàn chiến lược này, từng bước tiêu diệt lực lượng Pathết Lào và uy hiếp vùng biên giới miền Bắc Việt Nam.

Trước âm mưu thâm độc của địch, đồng thời tận dụng thời cơ sau đảo chính, nội bộ chính quyền Viêng Chăn vẫn lục đục, Trung ương Đảng Nhân dân Lào quyết định mở chiến dịch 74A, tiến công quét bọn phái hữu ra khỏi Cánh đồng Chum. Đầu tháng 3 năm 1964, Bộ Tư lệnh chiến dịch 74A (chiến dịch đường 7 và đường 4) được thành lập do Thiếu tướng Nguyễn Bằng Giang, Tư lệnh Quân khu Tây Bắc làm tư lệnh. Phía Lào có các đồng chí Xỉngcapô, phó tư lệnh và Xámản Vinhakệt, chính uỷ Quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (Pathết Lào), Đại tá Đươn Xúnnalạt (trung lập) tham gia Bộ Chỉ huy chiến dịch 2.

Ngày 27 tháng 4 năm 1964, chiến dịch mở màn. Sau khi tiến công tiêu diệt các vị trí địch ở Phả Kha, Phu Noỏng, Noỏng Khạng, Mương Pơn..., ngày 15 tháng 5 năm 1964, bộ đội Việt - Lào tiến công vào khu vực Cánh đồng Chum. Đồng chí Khăm Tày Xiphănđon, Tổng Chỉ huy Quân đội Pathết Lào trực tiếp đến đài quan sát chiến dịch ở đồi Bạn Gion để chỉ đạo, chỉ huy. Sau gần hai tháng tiến công, ngày 8 tháng 6 năm 1964, chiến dịch kết thúc thắng lợi. Ta đã quét sạch địch ra khỏi Cánh đồng Chum, chiếm được Phu Cút - dãy điểm cao khống chế vô cùng quan trọng, bảo vệ cửa ngõ phía tây Cánh đồng Chum, giải phóng 28 tàxẻng với 30.000 dân; loại khỏi vòng chiến đấu 1.600 tên địch, thu hàng trăm súng, bắn cháy 19 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi 4 máy bay.

Đây là thắng lợi có ý nghĩa rất quan trọng cả về chính trị và quân sự. Từ đây, vùng giải phóng Lào đã nối liền từ Trung Lào đến Sầm Nưa, đường 7 nối với Việt Nam đã được mở thông, lực lượng vũ trang Lào có bước trưởng thành vượt bậc, càng tự tin vào khả năng chiến đấu của mình. Qua chiến dịch, một số sĩ quan trung lập đã nhận rõ âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, sự phản bội của Koongle và Phuma, đồng thời cũng thấy được đường lối đúng đắn của Mặt trận Lào yêu nước nên đã từ bỏ quân đội phái hữu trở về hợp tác với cách mạng. Sự phân hoá tất yếu trong lực lượng trung lập đã tạo nên một liên minh vững chắc hơn giữa lực lượng trung lập yêu nước và Pathết Lào, góp phần tạo thế và lực mới cho cách mạng Lào.

Từ giữa năm 1964, cách mạng miền Nam chuyển sang thế tiến công và liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn, đẩy chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn. Để cứu vãn thất bại, đế quốc Mỹ quyết định tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc nhằm phá hoại tiềm lực kinh tế - quốc phòng, cắt đứt sự chi viện của quốc tế cho Việt Nam, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, làm lay chuyển quyết tâm đánh Mỹ của nhân dân Việt Nam, hỗ trợ các chiến lược chiến tranh của Mỹ và cứu nguy cho sự sụp đổ của quân đội Sài Gòn ở miền Nam.

Sau khi tiến hành các hoạt động khiêu khích và dựng lên Sự kiện vịnh Bắc Bộ để đánh lừa dư luận quốc tế và gây áp lực trước Quốc hội Mỹ, ngày 5 tháng 8 năm 1964, Mỹ huy động 64 lần các máy bay A1, A4, F4, F8 đánh phá vào hàng loạt các mục tiêu quân sự và dân sự ở một số vùng ven biển miền Bắc Việt Nam, như cửa sông Gianh, Vinh, Bến Thuỷ, Lạch Trường (Thanh Hoá) và thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh). Do có sự chuẩn bị từ trước và với tinh thần cảnh giác cao, quân dân miền Bắc đã ngoan cường đánh trả, bắn rơi tám máy bay, bắn hỏng nhiều chiếc khác, bắt sống một phi công. Cuộc tiến công đầu tiên của Mỹ bằng không quân đã bị thất bại.

Sau thất bại, ngày 5 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ liên tục cho tàu chiến và máy bay khiêu khích, bắn phá các vị trí từ nam sông Gianh trở vào. Tại Lào, Mỹ thực hiện kế hoạch bí mật do Lêônaongơ, Đại sứ Mỹ ở Lào trực tiếp chỉ huy. Chúng sử dụng 25 - 40 máy bay mang nhãn hiệu không quân Hoàng gia Lào nhưng do phi công Mỹ và Thái Lan điều khiển, thực hiện các phi vụ ném bom một số vị trí trên tuyến hành lang tây Trường Sơn, như: Mương Phin, Xê Pôn, Cha Ky, Mương Noòng, Cù Bai, Lằng Khằng, Xẻng Phăn, Ta Long, Ca Vát... Bộ binh địch nống ra Na Bò, Noỏng Bua, Đoông Mốt, Xê Kuncam (khu vực đường 9) và thọc sâu vào một số điểm trên tuyến hành lang.

Địch đánh phá ác liệt, thời tiết phức tạp, khiến cho việc vận chuyển hàng hoá và dẫn quân của Đoàn 559 trên tuyến tây Trường Sơn gặp rất nhiều khó khăn. Trong quý III năm 1964, chỉ có 1.065 cán bộ, chiến sĩ hành quân vào Nam, 336 người hành quân ra Bắc. Có thời điểm đường tắc, khách qua tuyến dồn ứ hàng nghìn người ở các trạm giao liên gần một tháng. Tình hình bảo đảm lương thực, thực phẩm cho bộ đội trở thành vấn đề “nước sôi, lửa bỏng”.

Trước tình hình đó, chỉ huy Đoàn 559 cùng Đoàn chuyên gia 763 ở Hạ Lào trực tiếp đề xuất với Tỉnh uỷ Távên Oọc của Lào vận động nhân dân địa phương giúp đỡ. Với tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, nhân dân tỉnh Távên Oọc, đặc biệt là các huyện Cà Lươn, Xê Camản... đã nhanh chóng thu gom thóc, giã gạo phục vụ bộ đội Việt Nam. Mặc dù là địa phương nghèo, nhân dân sống phân tán, nhưng chỉ trong thời gian nửa tháng, bạn đã huy động được hơn 30 tấn lương thực, góp phần giải quyết khó khăn trước mắt cho Đoàn 559.

Cũng trong năm 1964, quân dân tỉnh Távên Oọc còn tạo điều kiện và giúp Đoàn 559 khai thác tuyến vận tải đường sông từ Bạc đi Pạc Káđin. Tuyến đường sông này hiểm trở, nhiều ghềnh thác, vận chuyển vào ban đêm rất khó khăn. Nhưng để vận chuyển được ban ngày thì ta phải nhổ được đồn Phu Lakay do quân nguỵ Lào chiếm giữ ở bờ tây sông Xê Coong.

Được sự đồng ý của Tỉnh uỷ Távên Oọc, một trung đội của Trung đoàn 70 thuộc Đoàn 559 phối hợp với bộ đội địa phương tỉnh vừa dùng tiếng nổ uy hiếp, vừa tuyên truyền địch vận, đã nhanh chóng đánh chiếm đồn, khai thông tuyến đường sông, bảo đảm vận chuyển bằng thuyền ban ngày, tạo nguồn hàng để vận chuyển tiếp vào tàxẻng thuộc tỉnh Áttapư (khu vực ngã ba biên giới).




----------------------------------------------------------------
1. Gồm: 13 tiểu đoàn bộ binh thuộc GM13 và GM17, cùng 3 tiểu đoàn hỗn hợp, 54 đại đội phỉ, 2 tiểu đoàn pháo 105 ly và 85 ly, 2 đại đội súng cối 120 ly và 106,7 ly, một đại đội súng máy phòng không 12,7 ly, 37 xe tăng và thiết giáp.

2. Lực lượng tham gia chiến dịch có Lữ đoàn 316 và Lữ đoàn 335 (Quân khu Tây Bắc), Tiểu đoàn 8 (Sư đoàn 304), Tiểu đoàn 925 (Quân khu 4), 14 đại đội biên phòng; phía Lào có 7 tiểu đoàn Pathết Lào và trung lập yêu nước (13, 1, 2, 15, Pắtchây, 701, 500).


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 07 Tháng Mười Một, 2021, 10:37:40 am
Giữa năm 1964, trước tình hình chiến tranh ở Lào có nhiều khả năng lan rộng, hai Đảng chủ trương củng cố tổ chức chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Ngày 30 tháng 6 năm 1964, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ra quyết định thành lập Đoàn chuyên gia quân sự giúp Lào, lấy phiên hiệu là Đoàn 664. Theo quyết định, Đoàn 664 là một bộ phận của cơ quan Tổng Cố vấn và là một đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam. Đoàn có hệ thống tổ chức từ trên xuống dưới, gồm: đoàn chuyên gia bên cạnh cơ quan Tổng Tư lệnh Lào; tổ (hoặc đoàn) chuyên gia bên cạnh Bộ Tư lệnh các quân khu và tỉnh đội; tổ chuyên gia ở các đơn vị từ cấp tiểu đoàn và tương đương trở lên... Đoàn 664 có nhiệm vụ giúp Lào nghiên cứu toàn diện kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang; giúp xây dựng kế hoạch tác chiến, xây dựng và củng cố các vùng căn cứ...

Tiếp đó, trong những tháng cuối năm 1964, Thường trực Quân uỷ và Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã có các quyết định kiện toàn tổ chức Đoàn chuyên gia quân sự ở Lào, như: ngày 21 tháng 10, ra quyết định cử Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị làm trưởng đoàn kiêm bí thư Đảng uỷ Đoàn 664; ngày 27 tháng 11, Tổng Tham mưu trưởng ký quyết định thay phiên hiệu Đoàn 664 thành Đoàn 959.

Trong tháng 8 năm 1964, cán bộ chuyên gia và nhân viên kỹ thuật của Việt Nam đã giúp Lào xây dựng mới ba tiểu đoàn pháo phòng không 37 mm và năm đại đội súng máy phòng không 12,7 mm, bố trí ở ba khu vực trọng điểm là Sầm Nưa, Cánh đồng Chum và Trung Lào. Đầu tháng 9 năm 1964, Việt Nam giúp Lào huấn luyện 1.450 chiến sĩ mới ở Quân khu 4 và Quân khu Tây Bắc, sau đó đưa sang bàn giao ở Sầm Nưa và Khăng Khay.

Trong hai ngày 17 và 18 tháng 10 năm 1964, Đoàn đại biểu quân sự Việt Nam và Đoàn đại biểu Quân giải phóng nhân dân Lào đã có cuộc hội đàm để kiểm điểm tình hình và bàn chủ trương hoạt động trong mùa khô tới. Phía Việt Nam có đồng chí Trần Quý Hai, Tổng Tham mưu phó làm trưởng đoàn. Phía Lào, đồng chí Khăm Tày Xiphănđon làm trưởng đoàn. Hai đoàn đã thống nhất kết luận: để củng cố thắng lợi của cách mạng Lào, phải củng cố toàn diện vùng giải phóng Lào, kiên quyết đánh địch lấn chiếm, truy quét phỉ; tăng cường đoàn kết dân tộc, tranh thủ lực lượng trung lập tiến bộ... Phía Lào đề nghị Việt Nam đưa quân tình nguyện và chuyên gia sang giúp lâu dài, ở Lào ít nhất là ba năm, không nên vừa đưa sang lại chuyển về ngay.

Mùa mưa năm 1964, Quân uỷ và Bộ Tổng Tư lệnh quân giải phóng Lào quyết định tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng nhằm nâng cao ý chí chiến đấu và năng lực lãnh đạo, chỉ huy cho cán bộ cơ sở. Đội ngũ chuyên gia các cấp đã cùng các cán bộ Lào tổ chức quán triệt các nghị quyết 10, 11, 12 của Trung ương Đảng Nhân dân Lào; tổ chức triển khai cuộc vận động “xây dựng chi bộ bốn biết”; triển khai chế độ đại hội ở các chi bộ, xây dựng các tổ chức quần chúng, các chế độ sinh hoạt ở đơn vị... Đợt sinh hoạt chính trị này đã góp phần nâng cao một bước chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, từ đó nâng cao một bước hiệu quả chiến đấu ở các đơn vị bộ đội Lào.

Cùng với tổ chức sinh hoạt chính trị, bộ đội Lào đã cùng bộ đội tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đánh bại nhiều cuộc tấn công lấn chiếm của địch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng. Ở Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, ta đã bẻ gãy cuộc hành quân Xảm Xỏn của hơn bốn binh đoàn (từ ngày 25 tháng 7 đến 26 tháng 10 năm 1964); ở Trung Lào, ta đánh bại các cuộc hành quân Xỏn Xây I, Xỏn Xây II (từ tháng 10 năm 1964 đến tháng 3 năm 1965), diệt hơn 500 tên địch...

Cuối năm 1964, Trung ương Đảng Nhân dân Lào mở “cuộc vận động thu phục phỉ” nhằm ổn định vùng giải phóng. Để giúp Lào thực hiện “cuộc vận động thu phục phỉ”, Việt Nam đã giúp Lào các sản phẩm thiết yếu như muối, vải, quần áo, thuốc men..., đồng thời tại Lào, các đơn vị quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã sát cánh cùng quân dân Lào triển khai có hiệu quả cuộc vận động nêu trên. Do có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt và làm thí điểm ở Sầm Nưa trước, sau đó mới triển khai trên toàn quốc nên Lào đã giải quyết được nhiều ổ phỉ lâu đời1 như Thặm La, Na Khằng, Hủa Mường, Mương Hiềm, Phả Thí, Giang Tơi, Khoa Phát, Chòm Văn, Thà Teng, Nha Hớn..., tạo được sự ổn định mọi mặt cho các vùng giải phóng.

Như vậy, sau khi Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào được ký kết, Việt Nam đã rút toàn bộ chuyên gia và quân tình nguyện về nước. Nhưng đến cuối tháng 4 năm 1963, theo yêu cầu của cách mạng Lào, Việt Nam lại cử chuyên gia cố vấn giúp từ trung ương đến tỉnh đội, tiểu đoàn và một số đại đội. Trong năm 1964, Việt Nam đã cử nhiều đơn vị tình nguyện sang phối hợp tác chiến cùng với bộ đội Lào. Quân khu 4 là đơn vị có lực lượng quân tình nguyện sang giúp Lào nhiều nhất, gồm 4 tiểu đoàn biên phòng, một trung đoàn bộ binh của Sư đoàn 325 và một số đơn vị phòng không. Quân khu 3 có 2 trung đoàn của Sư đoàn 304 và Tiểu đoàn bộ binh 923. Quân khu Tây Bắc có Lữ đoàn 316 và Tiểu đoàn 325... Chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam đã cùng quân dân Lào chiến đấu giữ vững vùng giải phóng, xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang Lào và chiến đấu bảo vệ thông suốt tuyến vận tải chiến lược tây Trường Sơn, góp phần đẩy mạnh cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam.




----------------------------------------------------------------
1. Từ năm 1965 đến 1969, chúng ta đã thu phục được 5.138 tên phỉ.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 07 Tháng Mười Một, 2021, 10:48:52 am
 2. Xây dựng vùng giải phóng Lào về mọi mặt theo quy mô một quốc gia, phát triển, bảo vệ tuyến vận tải tây Trường Sơn, góp phần đánh bại bước đầu chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ ở chiến trường miền Nam Việt Nam

Bước vào năm 1965, tình hình Đông Dương đã có những chuyển biến mới. Nhân dân Việt Nam giành được nhiều thắng lợi trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam. Chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở miền Nam Việt Nam bị thất bại nặng nề, nguỵ quyền Sài Gòn lâm vào cuộc khủng hoảng triền miên. Ở Lào, vùng giải phóng đã chiếm 2/3 đất đai và 1/2 dân số, nối liền với miền Bắc Việt Nam và vùng căn cứ phía tây miền Nam, tạo ra hành lang chiến lược tây Trường Sơn của cách mạng Đông Dương.

Để cứu vãn thất bại ở miền Nam Việt Nam, từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ đã thực hiện bước leo thang chiến tranh, tiến hành chiến lược Chiến tranh cục bộ, ồ ạt đưa quân vào miền Nam, đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc.

Nhằm phối hợp với chiến lược Chiến tranh cục bộ ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở Lào, tăng cường Chiến tranh đặc biệt, phát triển các binh đoàn cơ động, thúc quân phái hữu tiến công vùng giải phóng Lào. Địch chủ trương biến cuộc chiến tranh ở Lào diễn biến ngày càng ác liệt hơn bằng những phương thức tác chiến mới, dùng lực lượng cơ động kết hợp với lực lượng đặc biệt tiến công quy mô lớn, hiệp đồng binh chủng, lấn chiếm vùng giải phóng. Mỹ còn lập ra Trung tâm hành quân liên hợp do Mỹ trực tiếp nắm, tăng cường hoạt động của không quân Mỹ1 nhằm tăng hiệu quả các cuộc hành quân quy mô lớn của quân nguỵ.

Trước các hành động của Mỹ và tay sai, Việt Nam và Lào đã phối hợp đấu tranh mạnh mẽ trên mặt trận ngoại giao. Đoàn đại biểu của hai nước đã tham dự Hội nghị nhân dân Đông Dương họp tại Phnôm Pênh từ ngày 1 đến 9 tháng 3 năm 1965 và thống nhất ra nghị quyết về vấn đề Lào, khẳng định tình hình căng thẳng tại Lào là do đế quốc Mỹ gây ra; nghiêm khắc lên án Mỹ và quân đội thân Mỹ đã dùng máy bay đánh phá và tiến công vùng giải phóng Lào; đòi Mỹ chấm dứt việc sử dụng lãnh thổ của Lào để tiến công Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chấm dứt các hành động khiêu khích và xâm lược Việt Nam.

Tại Lào, tháng 5 năm 1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào họp Hội nghị lần thứ 13, ra nghị quyết về tình hình cách mạng Lào , đề ra sáu nhiệm vụ lớn: “Phát triển chiến tranh nhân dân, ra sức xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân; củng cố và phát triển các tổ chức cách mạng, cố gắng giải quyết đời sống cho nhân dân; ra sức củng cố phát triển vùng giải phóng toàn diện theo quy mô một quốc gia, làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh của nhân dân; đẩy mạnh hoạt động trong vùng địch tạm chiếm; tăng cường đấu tranh chính trị, tranh thủ sự ủng hộ của các nước anh em...; ra sức bồi dưỡng cán bộ, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng”.

Về quân sự, Hội nghị Trung ương lần thứ 13 chỉ rõ: phải đẩy mạnh hoạt động quân sự, phát động chiến tranh nhân dân sâu rộng, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng; ra sức củng cố và tăng cường lực lượng vũ trang, nhanh chóng giải quyết tình trạng mất cân đối giữa ba thứ quân trong lực lượng vũ trang.

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 13 của Đảng Nhân dân Lào, từ ngày 22 đến 29 tháng 6 năm 1965, tại Hà Nội diễn ra cuộc hội đàm giữa đại diện Đảng Lao động Việt Nam với đại diện Đảng Nhân dân Lào. Phía Việt Nam có đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Bộ Chính trị, và một số đồng chí uỷ viên Trung ương khác. Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Lào gồm các đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nủhắc Phumxavẳn, Hoàng thân Xuphanuvông, Phumi Vôngvichít, Khăm Tày Xiphănđon, Uỷ viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trong cuộc hội đàm, đồng chí Cayxỏn nhấn mạnh: xuất phát từ đặc điểm riêng của Lào, nhiệm vụ dân tộc hiện nay của cách mạng Lào là giành độc lập dân tộc, thực hiện sự thống nhất quốc gia, củng cố ý thức quốc gia dân tộc; nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào là bảo vệ vững chắc khu giải phóng và mở rộng có trọng điểm; xây dựng khu giải phóng một cách toàn diện về chính trị, kinh tế, quân sự... với quy mô một quốc gia để làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh lâu dài, đồng thời để phát huy ảnh hưởng chính trị của Neo Lào Hắc Xạt trong cả nước và trên thế giới.

Đồng chí Lê Duẩn nhất trí với những ý kiến do đồng chí Cayxỏn Phômvihản trình bày, đồng thời nhấn mạnh: Lào là tiền đồn của phong trào giải phóng dân tộc và xã hội chủ nghĩa; cách mạng Lào không chỉ là cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược, mà còn thể hiện cả cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai phe. Vì vậy, cách mạng Lào còn phải đấu tranh lâu dài và không thể tách khỏi nhân tố xã hội chủ nghĩa. Về mối quan hệ giữa cách mạng ba nước Đông Dương, chủ yếu là cách mạng Việt Nam và Lào, đồng chí Lê Duẩn phân tích: do tình hình cụ thể của mỗi nước cho nên hình thức tiến lên có khác nhau, nhưng có những vấn đề khách quan ràng buộc ba nước với nhau, không thể tách rời nhau được. Đối với hai nước Việt Nam và Lào, càng có mối quan hệ chặt chẽ hơn. Tuy là hai dân tộc, hai quốc gia nhưng cùng một mục tiêu cách mạng, cùng kẻ thù, cùng trận tuyến chống Mỹ xâm lược2.

Sau khi thống nhất với nhau về tình hình cách mạng Lào, đại diện hai Đảng đã xác định những nội dung cần giúp Lào trong thời gian tới, trong đó tập trung giúp xây dựng vùng giải phóng về mọi mặt với quy mô một quốc gia và giúp xây dựng lực lượng vũ trang.

Sau cuộc hội đàm giữa hai Đảng, ngày 3 tháng 7 năm 1965, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết về giúp đỡ cách mạng Lào và đẩy mạnh hoạt động trong thời gian tới. Nghị quyết nhấn mạnh: “Hiện nay, trước âm mưu đẩy mạnh chiến tranh xâm lược của Mỹ và tay sai, vận mệnh của hai dân tộc và sự nghiệp cách mạng của hai nước đang đứng trước những thử thách nghiêm trọng, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cách mạng hai nước và sự giúp đỡ tích cực hơn nữa của Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân ta đối với cách mạng Lào. Ta cần phải nỗ lực đáp ứng đến mức cao nhất mọi yêu cầu đối với công cuộc phát triển cách mạng của bạn”.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng Việt Nam khẩn trương tăng cường lực lượng sang giúp Lào đẩy mạnh hoạt động tác chiến, củng cố, mở rộng vùng giải phóng. Chỉ trong mấy tháng đầu năm 1965, Bộ Tổng Tham mưu đã cử hơn 100 trinh sát đặc công thuộc Cục Tình báo, theo chế độ tình nguyện sang tăng cường cho Đoàn 559 và Đoàn 763; cử một bộ phận Trung đoàn 203 thuộc Quân khu 3 (gồm ba đại đội cao xạ 37 mm và một đại đội 14,5 mm) sang tăng cường cho khu vực Sầm Nưa, Mương Hùn và Xa Lới; cử nhiều đơn vị bộ binh, phòng không tăng cường cho Đoàn 559 làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến vận tải tây Trường Sơn trên đất Trung và Hạ Lào.

Về lực lượng chuyên gia, Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ trương tăng thêm chuyên gia về công tác chính trị, công tác dân quân, công tác hậu cần và chuyên gia giúp một số huyện trọng điểm. Tổng số chuyên gia trong vài năm lên tới 8.500 người, trong đó đội ngũ chuyên gia quân sự và nhân viên kỹ thuật khoảng 2.000 người. Về tổ chức, Đoàn chuyên gia quân sự 959 tiếp tục giúp ba cơ quan của quân giải phóng nhân dân Lào, đồng thời thành lập thêm đoàn chuyên gia quân sự và quân tình nguyện ở khu vực Nam Lào.




-----------------------------------------------------------------
1. Hãng thông tấn AFP ngày 6 tháng 1 năm 1966 cho biết: mỗi ngày có tới 300 lượt máy bay ném gần 1.000 tấn bom, rốckét xuống vùng giải phóng Lào. Dẫn theo Lịch sử Lào, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.201.

2. Vào thời điểm này, đồng chí Lê Duẩn nhận định về cách mạng Lào như sau: cách mạng Lào liên hệ chặt chẽ với cách mạng miền Nam. Hạ Lào là con đường đi vào miền Nam, sống chết Mỹ cũng phải cố giữ cho được... Nếu Việt Nam đánh thắng Mỹ trong Chiến tranh đặc biệt thì cách mạng Lào có thể vừa giữ vững và phát triển lực lượng, vừa đấu tranh hoà bình trong Chính phủ liên hiệp. Còn nếu xảy ra Chiến tranh cục bộ thì Hạ Lào và miền Nam trở thành chiến trường chung. Thông báo tình hình Lào, tháng 7 năm 1965, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương, phông 82, đơn vị bảo quản 1058.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 07 Tháng Mười Một, 2021, 10:52:33 am
Thực hiện chủ trương trên, ngày 19 tháng 5 năm 1965, tại xã Đức Lạc, Đức Thọ, Hà Tĩnh (thuộc Quân khu 4), Đoàn chuyên gia quân sự và quân tình nguyện Việt Nam mang phiên hiệu Đoàn 565  được thành lập với hai nhiệm vụ chủ yếu: chuyên gia giúp địa phương xây dựng lực lượng từ tỉnh đến các đại đội, cùng các địa phương trên địa bàn phát triển quần chúng xây dựng cơ sở cách mạng ở vùng giải phóng, trong vùng địch hậu; bộ đội tình nguyện phối hợp với lực lượng địa phương đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng, diệt phỉ, bảo vệ và mở rộng địa bàn, bảo vệ tuyến hành lang 559...

 Đoàn 565 được tổ chức trên cơ sở lực lượng chuyên gia và quân tình nguyện đang hoạt động tại Nam Lào, có tăng cường đội ngũ chuyên gia, một số đơn vị tình nguyện và Đoàn 763 (Hạ Lào) đang hoạt động tại huyện Đắc Chưng, tỉnh Távên Oọc (nay là tỉnh Xê Coong).

Cùng với việc tăng cường đội ngũ chuyên gia và quân tình nguyện sang Lào, ngày 17 tháng 9 năm 1965, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ra chỉ thị về nhiệm vụ công tác đảng, công tác chính trị đối với bộ đội đang phối hợp chiến đấu với lực lượng vũ trang cách mạng Lào, nhấn mạnh: phải làm cho cán bộ, đảng viên thông suốt và nhất trí cao với mọi chủ trương, nhiệm vụ giúp Lào, coi sự nghiệp cách mạng của nước Lào như sự nghiệp cách mạng của Việt Nam; “Thực sự khiêm tốn, tôn trọng bạn, kiên nhẫn, tận tình hướng dẫn giúp đỡ bạn tiến bộ, thực hiện miệng nói tay làm, đồng cam cộng khổ cùng với quân và dân bạn chiến đấu, công tác và sản xuất. Kiên quyết chống mọi biểu hiện tư tưởng nước lớn, ban ơn, xem thường bạn, tạm bợ, ngại khó ngại khổ, thiếu an tâm làm nhiệm vụ giúp bạn” .

Tại Lào, cán bộ chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam đã cùng cán bộ, chiến sĩ Lào triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Hội nghị Trung ương lần thứ 13 Đảng Nhân dân Lào đề ra. Chuyên gia Việt Nam cùng các cơ quan trung ương Lào tổ chức Hội nghị chính trị liên hiệp toàn quốc giữa Neo Lào Hắc Xạt và các lực lượng trung lập yêu nước tại Sầm Nưa từ ngày 3 đến 13 tháng 10 năm 1965. Hội nghị đã đưa ra Tuyên bố chung về “lập trường bốn điểm và giải pháp năm điểm” của nhân dân Lào; khẳng định mục tiêu của Mặt trận Lào yêu nước và lực lượng trung lập là đấu tranh cho một nước Lào hoà bình, trung lập, độc lập, tự do và thịnh vượng; kêu gọi toàn thể nhân dân Lào mang hết sức mình, không ngại hy sinh, cùng với nhân dân Việt Nam và Campuchia anh em đứng vững trên trận tuyến chống Mỹ ở Đông Dương; ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoà bình, thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam ...

Thành công của Hội nghị chính trị liên hiệp toàn quốc là một thắng lợi lớn của khối đại đoàn kết các bộ tộc Lào trên mặt trận chống Mỹ, đồng thời cũng khẳng định sự ủng hộ tinh thần to lớn của nhân dân Lào đối với cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam.

Để thực hiện chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng Nhân dân Lào, cuối năm 1965, chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam đã giúp Tổng Quân uỷ, Trung ương Lào tiến hành cuộc vận động “Toàn dân tham gia xây dựng lực lượng vũ trang”. Chuyên gia quân sự đã phối hợp với chuyên gia dân chính xuống từng địa phương giúp tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong nhân dân; phân công cán bộ, đảng viên ở từng địa phương cùng bộ đội thâm nhập, vận động từng gia đình động viên con em đi bộ đội, tham gia du kích.

Do làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nên cuộc vận động thu được kết quả tốt. Ngay trong vùng tạm chiếm cũng có nhiều thanh niên bí mật ra vùng giải phóng xin nhập ngũ. Trong đợt vận động đã có 5.000 thanh niên vào bộ đội và 2 vạn người tham gia du kích, đưa tổng số quân của Lào trong năm 1966 lên 22.500 người và 44.000 du kích (trong đó có 8.700 du kích nữ). Việt Nam đã giúp Lào xây dựng thêm năm tiểu đoàn bộ binh, nâng số đơn vị chủ lực lên 22 tiểu đoàn; thành lập thêm một tiểu đoàn cao xạ 37 ly và một số đại đội súng máy cao xạ 12,8 ly..., giúp Lào bố trí các tiểu đoàn chủ lực cho từng khu vực để tạo thế trận tại chỗ: Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng bố trí 10 tiểu đoàn (có ba tiểu đoàn binh chủng); Nam Lào tám tiểu đoàn; Sầm Nưa ba tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn cao xạ 37 ly; Bắc Lào hai tiểu đoàn; giúp Lào kiện toàn các đơn vị pháo mặt đất, tổ chức thêm một đại đội công binh, đại đội hoá học và đặc biệt là thành lập đơn vị pháo binh nữ ở Cánh đồng Chum; giúp tổ chức mỗi tiểu đoàn có một đại đội tinh nhuệ, biết đánh theo kiểu đặc công, mỗi xã, mỗi huyện có một tiểu đội hoặc trung đội du kích nòng cốt, cơ động chiến đấu trong khu vực.

Cùng với tăng cường đội ngũ chuyên gia quân sự, Việt Nam cũng từng bước tăng cường đội ngũ chuyên gia chính trị, kinh tế và văn hoá để giúp Lào xây dựng vùng giải phóng. Sau khi Hiệp định Giơnevơ về Lào được ký kết năm 1962, Việt Nam đã rút phần lớn đội ngũ chuyên gia về nước, chỉ để lại một bộ phận nhỏ ở Trung ương và các tỉnh. Từ năm 1964, trước tình hình mới, theo yêu cầu của Lào, Việt Nam đã tăng cường thêm lực lượng chuyên gia chính trị, kinh tế và văn hoá (nhất là chuyên gia kinh tế và văn hoá) để giúp Lào một cách toàn diện, mà trước mắt là giúp xây dựng vùng giải phóng về mọi mặt như quy mô một quốc gia. Năm 1964, tổng số chuyên gia chính trị, kinh tế và văn hoá Việt Nam hỗ trợ cho Lào là 279 người.

Nhiệm vụ của Đoàn chuyên gia chính trị, kinh tế và văn hoá được Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quy định là: “Thực hiện đường lối, chủ trương giúp bạn của Trung ương Đảng ta, theo dõi, nghiên cứu giúp ý kiến với Trung ương bạn trong các chủ trương, chính sách và kế hoạch công tác theo tình hình, đường lối, phương châm của Đảng bạn” . Nhiệm vụ này được xác định từ tình hình cách mạng Lào và đề nghị của Trung ương Đảng Nhân dân Lào trong thư của đồng chí Cayxỏn Phômvihản gửi Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ngày 20 tháng 7 năm 1963: “Xây dựng đảng, đào tạo cán bộ, đặc biệt là củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức lãnh đạo của Đảng; nghiên cứu một số chính sách cụ thể, tổng kết một số kinh nghiệm; xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị, tư tưởng, đặc biệt là lực lượng du kích; củng cố, phát triển phong trào du kích chiến tranh trong toàn quốc; giúp tổ chức thực hiện xây dựng thí điểm, tổ chức các hội nghị chuyên đề rút kinh nghiệm”.

Về phạm vi và phương pháp giúp, Trung ương Đảng Nhân dân Lào xác định: giúp Trung ương, khu, tỉnh và một số huyện quan trọng; giúp các ngành xung quanh Trung ương như Tuyên huấn, Tổ chức, Dân vận, Quân sự, Kinh tế, Văn hoá, Công an...; “trường hợp Lào chưa có người thì Việt Nam làm giúp, đồng thời cùng nhau ra sức đào tạo cán bộ Lào”.

Từ năm 1964, Việt Nam đã cố gắng bố trí chuyên gia theo yêu cầu trên của Lào. Để tăng cường hiệu lực giúp Lào, tháng 7 năm 1966, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết về chấn chỉnh và kiện toàn tổ chức giúp Lào, nhằm tập trung các mặt công tác lớn giúp Lào thành một mối, trong đó giao cho Ban Công tác miền Tây vừa nghiên cứu công tác Lào, vừa làm chuyên gia giúp Đảng Nhân dân Lào. Về mặt chuyên gia, Ban Công tác miền Tây cử một đoàn chuyên gia giúp Trung ương Lào, đồng thời chịu trách nhiệm chỉ đạo lực lượng chuyên gia Việt Nam ở các khu, tỉnh...

Để đảm bảo nguyên tắc về mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào, Nghị quyết xác định một trong những yêu cầu về kiện toàn tổ chức là: “tổ chức giúp bạn của ta phải đảm bảo sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Trung ương ta trong công tác giúp bạn, đồng thời bảo đảm cho các bộ phận chuyên gia của ta trực tiếp giúp bạn, tôn trọng sự lãnh đạo độc lập và chủ quyền của bạn ở các cấp cũng như hệ thống lãnh đạo của bạn từ trung ương đến các cấp” .

Cùng với việc cử chuyên gia, Việt Nam còn giúp Lào về mọi mặt để bạn có điều kiện vừa đánh địch, vừa phát triển vùng giải phóng, đồng thời quy định trách nhiệm của các tỉnh thực hiện kế hoạch giúp đỡ các tỉnh thuộc vùng giải phóng Lào xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá .
Năm 1965, Việt Nam đã giúp Lào xây dựng đài phát thanh tại Hoà Bình, đồng thời cải tiến bộ phận kỹ thuật của Đài Tiếng nói Pathết Lào đang đặt tại Hà Nội. Bộ Thuỷ lợi đề ra phương hướng viện trợ cho vùng giải phóng Lào trong hai năm 1966 - 1967, đó là: nghiên cứu, khảo sát và xây dựng các đập nước nhỏ; nghiên cứu xây dựng những trạm thuỷ điện nhỏ; cử các đoàn cán bộ khảo sát thống kê các công trình tại các tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Khăm Muộn, Xavẳnnakhệt, Xalavăn, Áttapư...; triển khai xây dựng các công trình có yêu cầu vật tư, cán bộ kỹ thuật viện trợ từ Việt Nam sang; tích cực đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật cho Lào...

Ngay trong quý I năm 1966, ngành thuỷ lợi cùng cán bộ, công nhân Lào khởi công xây dựng 10 công trình thuỷ lợi nhỏ ở các vùng thuộc ba tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng và Khăm Muộn để bước đầu có thể tưới cho 2.500 ha ruộng. Đến cuối năm 1967, số cán bộ ngành thuỷ lợi Việt Nam được điều sang giúp vùng giải phóng Lào lên tới 339 người (không kể số công nhân được tạm điều chuyển sang giúp xây dựng các công trình lớn).

Cũng trong ba tháng đầu năm 1966, ngành thương nghiệp, nông nghiệp Việt Nam có năm đoàn cán bộ kỹ thuật sang vùng giải phóng thuộc các tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng giúp phát triển các ngành chăn nuôi, may mặc và sản xuất bánh kẹo. Bộ Giao thông đã cử cán bộ, công nhân sang xây dựng quãng đường từ Sầm Nưa đi Bạn Ban. Tháng 7 năm 1966, Việt Nam còn cử đoàn cán bộ tài chính, thương nghiệp gồm sáu đồng chí, đi theo tuyến đường Vân Nam - Trung Quốc để sang giúp các tỉnh Bắc Lào.

Đáp ứng yêu cầu của Lào, số chuyên gia các ngành của Việt Nam được điều sang công tác ở Lào ngày càng tăng. Giữa năm 1965, tổng số chuyên gia Việt Nam ở Lào là 1.298 người; đến tháng 6 năm 1966, số chuyên gia tăng lên 2.705 người2. Ngoài ra, còn có khoảng 22.000 người thuộc các đơn vị chủ lực, tình nguyện, công binh và hậu cần, cùng xấp xỉ 1.800 người thuộc các đội công tác và các đội công nhân làm đường 42 (Phôngxalỳ), bảo dưỡng đường 217 (Na Mèo - Sầm Nưa).

Trong kế hoạch hai năm 1966 - 1967, Việt Nam giúp đỡ Lào xây dựng kinh tế, văn hoá trong vùng giải phóng, cụ thể là: xây dựng trên 100 công trình lớn, nhỏ thuộc 15 ngành như nông nghiệp, thuỷ lợi, giao thông, bưu điện, y tế, giáo dục, địa chất, tuyên huấn, dệt; ngân sách dự chi trong hai năm 1966 - 1967 là 90 triệu đồng (trong đó, sáu tháng đầu năm 1966 đã chi hết 20 - 25 triệu đồng); lực lượng cán bộ, công nhân được điều sang xây dựng các ngành kinh tế, văn hoá ở Lào tính đến cuối năm 1967 lên tới 15.000 người (kể cả công binh).




-----------------------------------------------------------------
1. Đại tá Đồng Sĩ Nguyên (nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4), Tư lệnh kiêm Chính uỷ; Thượng tá Lê Kích (nguyên Đoàn trưởng Đoàn 763), Phó Tư lệnh Đoàn 565.

2. Cụ thể, gồm: dân - chính - đảng là 463 người; quân sự và nhân viên kỹ thuật quân sự là 1.513 người; kinh tế, văn hoá là 466 người; phục vụ là 263 người.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 07 Tháng Mười Một, 2021, 10:55:41 am
Dưới ánh sáng Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào về xây dựng vùng giải phóng toàn diện theo mô hình một quốc gia, được sự giúp đỡ về mọi mặt của Việt Nam, quân dân Lào đã xây dựng vùng giải phóng Lào không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Lào.

Việc cấp thiết đầu tiên trong xây dựng vùng giải phóng là xây dựng chính quyền cách mạng và cơ quan Neo Lào Hắc Xạt các cấp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đấu tranh thành lập Chính phủ liên hiệp, Trung ương Đảng Nhân dân Lào chủ trương không xây dựng chính quyền ở cấp trung ương, mà chỉ xây dựng chính quyền ở cấp tỉnh trở xuống. Uỷ ban Trung ương Neo Lào Hắc Xạt vừa lãnh đạo công tác mặt trận, vừa quản lý điều hành các hoạt động của đất nước. Chính quyền trong vùng giải phóng phải là chính quyền đại diện cho nhân dân. Tháng 7 năm 1970, Trung ương Neo Lào Hắc Xạt ra Chỉ thị về công tác bầu cử chính quyền cơ sở trong vùng giải phóng, xác định: “Chính quyền trong khu giải phóng phải do dân trong tàxẻng, bản bầu ra bằng phiếu bầu phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và phiếu kín. Mọi công dân Lào từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và từ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử”. Đây là bước tiến quan trọng của Lào trong công cuộc xây dựng vùng giải phóng, thể hiện tính hơn hẳn của vùng giải phóng Lào, góp phần tạo uy tín chính trị của Neo Lào Hắc Xạt đối với nhân dân Lào và nhân dân thế giới.

Bên cạnh việc thiết lập chính quyền cách mạng, về chính trị, Đảng Nhân dân Lào hết sức quan tâm xây dựng ý thức quốc gia, dân tộc thống nhất, tinh thần đoàn kết giữa các bộ tộc; chú trọng giáo dục quan điểm giai cấp đúng đắn để xoá dần sự cách biệt giữa các bộ tộc, thực hiện quyền bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau; quan tâm xoá bỏ mọi hình thức áp bức, bóc lột trong các nhóm dân tộc ít người, đưa nhiều tù trưởng, tộc trưởng có năng lực, uy tín vào cơ quan Neo Lào Hắc Xạt các cấp.

Cùng với việc chăm lo xây dựng đội ngũ đảng viên , Đảng Nhân dân Lào hết sức chú trọng củng cố, phát triển khối đoàn kết liên minh công nông, chú trọng xây dựng các tổ chức quần chúng nhằm vận động mọi tầng lớp thanh niên, phụ nữ, sư sãi... tham gia kháng chiến. Thông qua chính quyền cách mạng và các tổ chức quần chúng, nhân dân các bộ tộc Lào ngày càng tham gia tích cực vào việc xây dựng vùng giải phóng. Phong trào du kích được đẩy mạnh, mạng lưới du kích phát triển rộng, lực lượng phụ nữ tham gia du kích ngày càng đông. Nhân dân các bộ tộc Lào đóng góp hàng chục vạn ngày công để phục vụ các chiến dịch. Du kích trở thành lực lượng quan trọng bảo vệ làng bản, bảo vệ vùng giải phóng. Nhiều khu du kích liên hoàn ra đời, như ở Xiêng Khoảng, Sầm Nưa, Phôngxalỳ, Áttapư, Xalavăn, Viêng Chăn Tây, Viêng Chăn Đông, Uđômxay ..., hình thành thế cài răng lược, liên kết chặt chẽ với nhau, tạo thế vững chắc cho căn cứ Trung ương.

Về kinh tế, Đảng Nhân dân Lào chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng giải phóng. Chuyên gia Việt Nam cùng cán bộ Lào đi vào từng bản làng phát động nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đồng thời tích cực đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện nhỏ, các phòng thí nghiệm phục vụ sản xuất và hướng dẫn nhân dân áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp. Trong hai năm 1966 - 1967, vùng giải phóng Lào đã xây dựng được 25 công trình thuỷ điện, thuỷ lợi nhỏ ở các tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Khăm Muộn, Xavẳnnakhệt, Xalavăn, Áttapư, bảo đảm tưới cho 3.452 ha ruộng, đồng thời còn vận động nhân dân làm thuỷ lợi nhỏ nhằm đảm bảo nước cho những vùng đồng ruộng nhỏ hẹp.

Do có sự quan tâm thích đáng cho sản xuất nông nghiệp, diện tích trồng trọt và năng suất lúa, cây hoa màu ở vùng giải phóng Lào tăng lên đáng kể, đời sống nhân dân được cải thiện, sự đóng góp của nhân dân cho cách mạng cũng tăng lên. Trong hai năm 1966 - 1967, nhân dân tại chín tỉnh trong vùng giải phóng đã đóng góp 5.472 tấn thóc (đạt 99,8% kế hoạch), bán cho chính quyền 2.883 tấn lương thực (đạt 64,9% kế hoạch). Việc đóng góp thóc cứu nước là một thành công bước đầu của đường lối xây dựng kinh tế trong vùng giải phóng của Đảng Nhân dân Lào, đồng thời cũng thể hiện tính ưu việt của chế độ mới ở vùng giải phóng.

Cùng với nông nghiệp, Việt Nam còn giúp Lào phục hồi phát triển tiểu thủ công nghiệp để đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất, chiến đấu; xây dựng một số cơ sở công nghiệp nhẹ, như xí nghiệp dệt vải, dệt kim, may mặc, sửa chữa ôtô, chế biến gỗ, luyện thép, sản xuất bánh kẹo, dược phẩm...; giúp tổ chức mạng lưới thương nghiệp từ trung ương đến địa phương. Nhiều mặt hàng lâm - thổ sản truyền thống được khuyến khích khai thác để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, trao đổi các mặt hàng công nghiệp cần thiết. Nhiều cửa hàng của nhà nước được xây dựng, mậu dịch biên giới với Việt Nam không ngừng phát triển.

Về giao thông, được sự giúp đỡ của Việt Nam, nhân dân Lào đã xây dựng xong tuyến đường Sầm Nưa đi Bạn Ban, dài 158 km. Tuyến đường này không chỉ phục vụ công tác vận chuyển cho chiến trường Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, mà còn thỏa mãn nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế ở vùng giải phóng.

Trên lĩnh vực văn hoá - giáo dục, Đảng Nhân dân Lào đã ban hành nghị quyết về chuyển hướng giáo dục (tháng 5 năm 1967), trong đó chỉ ra vị trí, chức năng quan trọng của công tác giáo dục trong sự nghiệp cách mạng, đồng thời xác định: công tác giáo dục - đào tạo phải góp phần bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, cán bộ khoa học, nâng cao nhận thức cho thanh niên, đào tạo họ trở thành các cán bộ, chiến sĩ cách mạng; giáo dục còn là công cụ nâng cao giác ngộ cách mạng cho quần chúng, góp phần đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống của toàn xã hội; văn hoá cánh mạng là công cụ đấu tranh chống lại nền giáo dục nô dịch của đế quốc, phong kiến.

Mặc dù điều kiện chiến tranh hết sức ác liệt, nhưng do có sự quan tâm lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào và sự giúp đỡ của Việt Nam mà trực tiếp là đội ngũ chuyên gia giáo dục, sự nghiệp văn hoá - giáo dục ở vùng giải phóng Lào không ngừng phát triển. Số trường phổ thông và bổ túc được tăng lên, từng bước xoá bỏ nạn mù chữ. Tính đến năm 1967, vùng giải phóng đã có 400 trường cấp I, cấp II với 36.000 học sinh và khoảng 1.500 giáo viên, gồm đủ các dân tộc.

Việt Nam còn giúp Lào xây dựng một số trường dạy nghề sơ cấp và trung cấp, đào tạo dạy nghề, trung học và đại học nhằm tạo nguồn cán bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và quản lý đất nước sau này. Tính đến tháng 8 năm 1966, Việt Nam đã giúp đào tạo tại Việt Nam 2.520 học sinh, sinh viên Lào, trong đó có 1.200 người được đào tạo kiến thức quân sự; 640 học sinh phổ thông (cấp I, II và III); 215 sơ cấp chuyên nghiệp, 372 trung cấp chuyên nghiệp; 82 học sinh ngành nghệ thuật; 11 sinh viên đại học các ngành. Đây là sự giúp đỡ hết sức quý báu của Việt Nam, đồng thời là nỗ lực to lớn của Đảng Nhân dân Lào trong thực hiện chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ phục vụ cho việc xây dựng, củng cố vùng giải phóng.

Việt Nam cũng giúp Lào trong phát triển văn hoá, văn nghệ cách mạng. Trên cơ sở phát huy tinh hoa văn hoá dân tộc, đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng Lào đã phát huy sáng tạo, phản ánh sinh động hoạt động sản xuất và chiến đấu của quân dân bằng nhiều hình thức phong phú, góp phần tích cực tuyên truyền giác ngộ, cổ vũ nhân dân. Nhiều tác phẩm văn hoá - văn nghệ xuất sắc ra đời, sống mãi trong tâm trí nhiều thế hệ. Từ năm 1965 đến 1968, Nhà xuất bản Neo Lào Hắc Xạt đã phát hành hàng trăm tác phẩm lý luận, chính trị, thơ ca, truyện ký, phổ biến khoa học kỹ thuật... Báo chí, đài phát thanh hoạt động thường xuyên và có hiệu quả.

Về y tế, Việt Nam giúp Lào tổ chức mạng lưới y tế từ trung ương xuống đến xã, vừa làm nhiệm vụ chữa bệnh vừa hướng dẫn nhân dân phòng bệnh có kết quả. Nhiều bệnh viện, trạm xá được xây dựng; nhiều xã đã có trạm xá, nhiều bản có tủ thuốc chữa bệnh và y tá tại chỗ.
Những thành tựu về xây dựng kinh tế, văn hoá - xã hội và xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân trong vùng giải phóng đã góp phần nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho nhân dân các bộ tộc Lào, tạo ra những biến đổi sâu sắc trong quan hệ xã hội: nhân dân đã bước đầu ý thức được mình là người làm chủ đất nước, làm chủ bản làng, đặc biệt là ý thức dân tộc, ý thức quốc gia ngày càng được củng cố vững chắc, chính vấn đề đó đã góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết các bộ tộc Lào. Nhân dân Lào đã ý thức được phải có trách nhiệm với cuộc đấu tranh chung của cả dân tộc. Thắng lợi của việc xây dựng chế độ mới của Đảng Nhân dân Lào đã củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.




------------------------------------------------------------------
1. Lực lượng đảng viên cũng phát triển không ngừng: từ năm 1959 đến 1965, Lào đã phát triển được hàng ngàn đảng viên, cơ sở đảng ở căn cứ được củng cố. Trong số 5.681 bản ở Nam Lào, có 2.082 bản được giải phóng; 3.343 bản có cơ sở, chiếm 58,8%; số bản có đảng viên là 1.925, chiếm 22,79%.

2. Đến năm 1968, ta đã có 44.313 du kích, trong đó có 8.350 nữ du kích. Du kích đã phối hợp với bộ đội địa phương đánh 1.052 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 5.149 tên địch. Dẫn theo Biên niên sự kiện Lào, lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-937, tr.228.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 07 Tháng Mười Một, 2021, 10:57:19 am
Phát triển mạng lưới đường tây Trường Sơn góp phần đánh bại chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ ở miền Nam Việt Nam

Từ sau khi chuyển toàn bộ hoạt động sang tuyến tây Trường Sơn trên đất Lào (tháng 1 năm 1964), Đoàn 559 đã tổ chức nghiên cứu, phát triển mạng lưới đường cơ giới nhằm tăng cường xe hoạt động trên tuyến, bảo đảm vận chuyển một khối lượng hàng lớn gấp ba lần năm 1963 và bảo đảm cho bộ đội hành quân vào chiến trường tăng gấp hai lần. Đoàn đã tổ chức được đội vận tải ôtô 264 chạy cung Mương Phin - Xê Pôn; bắt đầu mở đường vận tải cơ giới từ Mương Noòng đi Bạc. Việc vận chuyển cho miền Nam có điều kiện thuận lợi hơn, các trung đoàn chủ lực có thể hành quân theo đường tây Trường Sơn vào chiến trường Tây Nguyên, rồi tiến sâu vào các chiến trường khác để chiến đấu dài ngày.

Đến giữa tháng 3 năm 1965, Đoàn 559 được tăng cường khá toàn diện cả về lực lượng, phương tiện vận tải cơ giới và phương tiện thi công cầu đường. Được sự giúp đỡ của quân và dân Lào, đường 559 từ tây Trường Sơn đến Tây Nguyên được củng cố và thường xuyên thông suốt. Đa phần việc vận tải hàng qua đường tây Trường Sơn trên đất Lào vào đến Tây Nguyên đã sử dụng phương tiện cơ giới. Đầu năm 1966, Tổng cục Hậu cần tổ chức hai đoàn xe chở 1.000 tấn đạn từ Hà Nội vào tàxẻng Hạ Lào (khu vực ngã ba biên giới). Chuyến vận tải này khẳng định rằng việc vận chuyển hàng hoá từ miền Bắc theo đường tây Trường Sơn trên đất Lào đến cửa ngõ Tây Nguyên đã có thể thực hiện hoàn toàn bằng phương tiện cơ giới. Không dừng lại ở đây, bộ đội Đoàn 559 còn mở đường 128 vận chuyển cơ giới từ tàxẻng vào nam đường 19 và các đường hành lang chạy xuống phía đông. Đây là những điều kiện quyết định đối với hoạt động tác chiến lớn ở chiến trường Tây Nguyên và chiến trường Khu 5 Việt Nam.

Do có sự chi viện mạnh mẽ của miền Bắc, lực lượng vũ trang ba thứ quân Việt Nam ở chiến trường Khu 5, Nam Bộ và đặc biệt là Tây Nguyên đã có bước phát triển hơn hẳn. Các căn cứ kháng chiến của hai nước Việt Nam, Lào dọc hành lang chiến lược tây Trường Sơn phát triển mạnh. Riêng ở Tây Nguyên, lực lượng chủ lực đã có bốn trung đoàn bộ binh, một tiểu đoàn đặc công, một tiểu đoàn pháo cối, một tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7 mm.

Do có lực lượng lớn mạnh và có căn cứ đứng chân trên đất Lào nên ngay khi quân Mỹ vừa nhảy vào miền Nam, Mặt trận Tây Nguyên đã quyết định mở chiến dịch Plâyme (từ ngày 19 tháng 10 đến 26 tháng 11 năm 1965), ở khu vực từ Bầu Cạn - Plâyme đến Đức Cơ - Ia Đrăng, vùng rừng núi gần ngã ba biên giới, nhằm đánh đòn phủ đầu quân chủ lực Mỹ. Lực lượng tham gia chiến dịch có bốn trung đoàn bộ binh cùng một số tiểu đoàn hoả lực, đặc công, trong đó có trung đoàn được huấn luyện cơ bản ở miền Bắc, vừa hành quân theo đường tây Trường Sơn vào đến vùng căn cứ ngã ba biên giới. Trong chiến dịch, bộ đội Việt Nam, với cách đánh thông minh, sáng tạo, qua 38 ngày đêm chiến đấu, đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 2.900 tên địch (trong đó có 1.700 tên Mỹ), phá huỷ 88 xe quân sự, 5 pháo, bắn rơi 59 máy bay.

Chiến dịch Plâyme là chiến dịch đánh Mỹ đầu tiên của Mặt trận Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ. Chiến dịch thể hiện trình độ, khả năng đánh lớn của bộ đội Tây Nguyên đã có bước phát triển mới, đồng thời cũng thể hiện sự chi viện lớn của miền Bắc đối với Tây Nguyên và miền Nam, cũng như sự giúp đỡ vô giá của nhân dân Lào đối với cuộc chiến đấu ở vùng rừng núi Tây Nguyên (bộ đội Việt Nam sau khi đánh địch đã rút quân an toàn về căn cứ ở vùng rừng núi Hạ Lào, trước sự truy quét điên cuồng của Sư đoàn kỵ binh bay Mỹ).

Cay cú vì với lực lượng quân sự hùng hậu, phương tiện hiện đại nhưng không thể “tìm diệt” được bộ đội chủ lực Việt Nam ở vùng ngã ba biên giới, đế quốc Mỹ đã sử dụng máy bay B52 oanh tạc vùng giải phóng Lào và trắng trợn tuyên bố: quân đội Mỹ từ miền Nam Việt Nam có quyền bất cứ lúc nào cũng có thể bắn phá và xâm phạm lãnh thổ Lào với lý do là để “tự vệ” và “truy kích Việt cộng”.

Trước hành động trên của Mỹ, ngày 17 tháng 1 năm 1966, Trung ương Neo Lào Hắc Xạt ra tuyên bố cực lực lên án âm mưu và hành động của Mỹ. Yêu cầu Mỹ phải từ bỏ âm mưu đưa lục quân Mỹ vào Lào và chấm dứt các hành động ném bom bắn phá vùng giải phóng Lào. Đồng thời, Trung ương Neo Lào Hắc Xạt cũng đòi chính quyền Viêng Chăn phải ngừng chiến dịch vu khống Neo Lào Hắc Xạt và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà .

Sau chiến thắng Plâyme, từ cuối năm 1965, Mặt trận Tây Nguyên Việt Nam thành lập Sư đoàn bộ binh 1. Đến năm 1967, khối chủ lực của Tây Nguyên tổ chức thành một sư đoàn và bốn trung đoàn bộ binh, một trung đoàn pháo binh hỗn hợp. Do có sự chi viện lớn của miền Bắc và căn cứ đứng chân ở Hạ Lào, trong giai đoạn này, Tây Nguyên đã tổ chức nhiều chiến dịch quy mô từ một sư đoàn đến gần hai sư đoàn, như: chiến dịch Sa Thầy 1 (năm 1966), quy mô một sư đoàn tăng cường; chiến dịch Sa Thầy 2 (năm 1967), lực lượng gồm một sư đoàn và hai trung đoàn bộ binh cùng trung đoàn pháo binh; chiến dịch Đắc Tô (năm 1967), quy mô một sư đoàn và hai trung đoàn bộ binh... Các chiến dịch này đều đã giành thắng lợi vang dội, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, đồng thời góp phần nâng cao khả năng tác chiến hiệp đồng binh chủng của bộ đội chủ lực trên chiến trường Tây Nguyên.

Tại Lào, năm 1965, Pathết Lào và quân tình nguyện Việt Nam đã đánh 1.840 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 9.277 tên, trong đó bắt 2.662 tên, thu 2.566 súng các loại, phá 7 xe, 108 máy vô tuyến điện, bắn rơi 218 máy bay các loại. Đặc biệt, từ tháng 7 đến tháng 12 năm 1965, các chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam cùng bộ đội và nhân dân các tỉnh Xalavăn, Xavẳnnakhệt, Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Phôngxalỳ, Luổng Phạbang, Uđômxay đã tuyên truyền, vận động được hàng trăm phỉ, giải phóng 16.000 dân khỏi sự kìm kẹp của địch. Những tháng cuối năm 1965, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 Việt Nam đã điều Tiểu đoàn 3 thuộc Sư đoàn 341 sang tỉnh Áttapư (Hạ Lào), Tiểu đoàn 4 sang Trung Lào phối hợp với Đoàn chuyên gia quân sự và quân tình nguyện 565 giúp xây dựng, bảo vệ vùng giải phóng, xây dựng lực lượng vũ trang.

   Tháng 7 năm 1966, trước tình hình địch tăng cường các hoạt động quân sự uy hiếp căn cứ địa Sầm Nưa, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cử hai trung đoàn quân tình nguyện sang Sầm Nưa và Xiêng Khoảng làm nhiệm vụ giúp Lào tổ chức lực lượng phòng thủ dài ngày, bảo vệ vững chắc và mở rộng vành đai vùng giải phóng Sầm Nưa. Đoàn 766 gồm hai tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo phòng không 37 mm, đặt dưới sự chỉ đạo, chỉ huy của Bộ Chỉ huy tối cao Quân giải phóng nhân dân Lào, có nhiệm vụ cùng lực lượng vũ trang Lào đánh địch lấn chiếm Sầm Nưa, chống không quân địch oanh tạc, truy quét phỉ, trừ gian, củng cố cơ sở, bảo vệ căn cứ địa cách mạng ở khu vực Viêng Xây, Na Kay. Đoàn 866 gồm hai tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo cao xạ 37 mm và hai đội công tác, có nhiệm vụ bảo vệ hành lang đường 6 và đường 4.

   Cũng trong năm 1966, Bộ Tổng Tham mưu còn cử Trung đoàn công binh 217 sang giúp Lào bảo đảm giao thông, mở đường mới và xây dựng các công trình bảo đảm an toàn cho các lãnh tụ và các cơ quan trung ương Lào tại căn cứ Na Kay. Với lực lượng gồm tám tiểu đoàn (hơn 5.000 người), trong điều kiện địch thường xuyên ném bom đánh phá và sử dụng lực lượng phỉ, biệt kích đến phá hoại, trung đoàn đã xây dựng, sửa chữa, bảo đảm giao thông trên tám tuyến đường với chiều dài 647 km, thuộc hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng, Tiểu đoàn 6 của trung đoàn được giao nhiệm vụ xây dựng các công trình phòng thủ vĩnh cửu của trung ương. Trong suốt sáu năm khoét núi, xây hầm, tiểu đoàn đã xây dựng được 51 công trình lớn nhỏ, cải tạo nhiều hang động, bảo đảm an toàn cho hoạt động của các đồng chí lãnh đạo và cơ quan trung ương.

Về tác chiến, đầu năm 1966, quân tình nguyện Việt Nam cùng bộ đội Lào đã đánh lui cuộc hành quân “In Ta” của địch càn vào khu vực Lao Ngam - Thà Teng và bắc cao nguyên Bôlavên; đánh bại cuộc càn của địch vào khu vực Phu Văng, tỉnh Khăm Muộn. Tại mặt trận Phu Cút, lực lượng vũ trang hai nước đã đẩy lùi nhiều cuộc tiến công của địch, diệt gần 600 tên, giữ vững điểm cao Phu Cút, cánh cửa phía tây của Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Từ ngày 4 tháng 2 đến 24 tháng 4 năm 1966, quân giải phóng nhân dân Lào phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn của ba binh đoàn quân Phumi Nòxavẳn cấu kết với quân Koongle, giữ vững được khu chiến lược Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 07 Tháng Mười Một, 2021, 11:04:39 am
3. Cùng quân dân Lào phát triển lực lượng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh về mọi mặt

Nhằm thắt chặt quan hệ giữa hai Đảng hơn nữa, tháng 8 năm 1967, Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào do đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Cayxỏn Phômvihản dẫn đầu, đã tiến hành hội đàm tại Hà Nội. Trong cuộc hội đàm, Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Lào khẳng định: từ sau cuộc hội đàm giữa hai Đảng (năm 1965), mặc dù Việt Nam có nhiều khó khăn do Mỹ tăng cường chiến tranh ở miền Nam, đánh phá ác liệt ở miền Bắc, nhưng Đảng và nhân dân Việt Nam đã cố gắng rất lớn để giúp Đảng và nhân dân Lào xây dựng, củng cố vùng giải phóng, chống các cuộc tấn công lấn chiếm của địch... Về phương pháp giúp trong hai năm cũng có nhiều tiến bộ.

Để thực hiện nhiệm vụ trong ba năm tới, hai Đảng thống nhất cần tiếp tục giúp đỡ Lào đẩy mạnh tiến công cả về quân sự, chính trị và xây dựng kinh tế, văn hoá. Trong quân sự, chú trọng giúp Lào xây dựng bộ đội đặc công, bộ đội địa phương, dân quân du kích, xây dựng tổ tình báo chiến lược. Trong kinh tế, giúp xây dựng thêm một số công trình thuỷ lợi, chăn nuôi, phát triển cây công nghiệp, một số cơ sở công nghiệp địa phương như dệt, rèn, cơ khí... Việt Nam sẽ nỗ lực tối đa để đáp ứng các yêu cầu của cách mạng Lào.

Sau cuộc hội đàm, ngày 10 tháng 10 năm 1967, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết tăng cường giúp đỡ cách mạng Lào. Sau khi phân tích vị trí chiến lược của Lào, mối quan hệ láng giềng gắn bó về nhiều mặt giữa hai dân tộc trong lịch sử, trong cuộc chiến đấu chống đế quốc xâm lược, Bộ Chính trị xác định: nhiệm vụ giúp cách mạng Lào là nhiệm vụ quốc tế quan trọng nhất của Đảng; cán bộ, chiến sĩ Việt Nam sang trực tiếp giúp cách mạng Lào đã được Đảng và nhân dân Lào đánh giá cao, đã góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa hai dân tộc; tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, cũng có một số nhược điểm như sự giúp đỡ chưa đầy đủ về các mặt, quân số lớn nhưng chất lượng không đều, giúp xây dựng kinh tế, văn hoá còn chậm.

Trước sự phát triển của tình hình, Bộ Chính trị chủ trương kiên quyết huy động thêm lực lượng để đẩy mạnh công tác giúp cách mạng Lào nhằm giúp Đảng Nhân dân Lào phát triển lực lượng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh về mọi mặt một cách mạnh mẽ và đều khắp. Bộ Chính trị đã xác định một số việc trước mắt cần giải quyết là: phát huy đến mức cao nhất khả năng của đội ngũ chuyên gia; tích cực giúp Lào phát triển kinh tế, văn hoá, coi đó là khâu đòn bẩy quan trọng nhất trong việc xây dựng vùng giải phóng, củng cố, tăng cường lực lượng cách mạng Lào về mọi mặt; cải tiến hơn nữa các tổ chức giúp Lào nhằm giúp Trung ương và Quân uỷ Trung ương chỉ đạo công tác, phát huy được hiệu lực của các lực lượng sang giúp Lào.

Tại Lào, trong năm 1967, Đoàn chuyên gia quân sự 959 đã giúp Tổng Quân uỷ và Bộ Chỉ huy tối cao Lào triệu tập Hội nghị cán bộ quân chính trong toàn quân tại Na Kay - Sầm Nưa (từ ngày 20 đến 30 tháng 7 năm 1967). Đồng chí Cayxỏn Phômvihản và đồng chí Khăm Tày Xiphănđon chủ trì hội nghị. Trong hội nghị, Tổng Quân uỷ và Bộ Chỉ huy tối cao Lào chủ trương phải hết sức coi trọng xây dựng chất lượng chính trị, nâng cao bản chất của quân đội cách mạng, nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, phấn đấu trở thành “Đơn vị ba giỏi”, “Chiến sĩ ba giỏi”1. Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện của Đảng đối với quân đội. Trước yêu cầu phát triển lực lượng vũ trang cách mạng trong giai đoạn mới, hội nghị thống nhất đổi tên bộ đội Pathết Lào thành Quân đội giải phóng nhân dân Lào. Đồng chí Khăm Tày Xiphănđon được cử làm tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang.

Sau hội nghị, Đoàn chuyên gia quân sự 959 tiếp tục cử một số chuyên gia cùng cán bộ Lào xuống các đơn vị giúp Lào nghiên cứu chiến trường, chuẩn bị các phương án tác chiến và bố trí lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Các đoàn chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam, theo địa bàn và nhiệm vụ được giao, tiếp tục giúp Lào tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang, đánh địch bảo vệ vùng giải phóng, củng cố chính quyền cách mạng.

Về phía địch, bị thất bại liên tiếp trong mùa khô 1965 - 1966, đế quốc Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu xâm lược Lào. Chúng tăng cường viện trợ quân sự và hối thúc bọn tay sai tiếp tục mở các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng. Từ tháng 8 năm 1967, dưới sự hối thúc của Mỹ, quân nguỵ Lào đã mở cuộc tiến công lấn chiếm Nặm Bạc, một vùng đất đông dân, có vị trí chiến lược, nằm dọc sông Nặm U, thuộc tỉnh Luổng Phạbang, nhằm biến nơi đây thành căn cứ lâu dài, bảo vệ Luổng Phạbang, mở rộng và phát triển vùng hoạt động của bọn phỉ, thu hẹp, chia cắt vùng giải phóng Thượng Lào và uy hiếp vùng Tây Bắc Việt Nam. Địch đã thể nghiệm phương thức tác chiến mới: tập trung các binh đoàn quân nguỵ Viêng Chăn làm lực lượng tiến công và chiếm đóng, kết hợp với “lực lượng đặc biệt” của Vàng Pao đóng chốt trên các điểm cao, cắm sâu vào vùng giải phóng. Công thức này đã được thể hiện trong các cuộc hành quân Thêvađa I, II ở Hạ Lào nhưng với quy mô nhỏ, nên Mỹ coi Nặm Bạc là chiến trường thể nghiệm quan trọng. Sau khi chiếm được Nặm Bạc, quân địch tổ chức nống ra xung quanh để mở rộng phạm vi kiểm soát. Chúng tập trung ở đây 10 tiểu đoàn bộ binh của các binh đoàn 11, 12, 15, 23 và Tiểu đoàn dù 99. Trước khi ta tiến công, địch còn tăng thêm hai binh đoàn và một số đơn vị pháo binh.

Nhận thấy đây là cơ hội diệt quân chủ lực địch, tạo điều kiện giúp Lào mở rộng vùng giải phóng, xây dựng và phát triển lực lượng, đồng thời để nghi binh tạo điều kiện cho chiến trường miền Nam Việt Nam chuẩn bị Tổng tiến công Mậu Thân 1968 và đẩy địch ra xa vùng biên giới Tây Bắc Việt Nam, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Chỉ huy quân giải phóng Lào quyết định mở chiến dịch tiến công giải phóng Nặm Bạc. Bộ Chỉ huy chiến dịch gồm: đồng chí Vũ Lập, Tư lệnh Quân khu Tây Bắc làm tư lệnh; đồng chí Huỳnh Đắc Hương, Phó Chính uỷ Quân khu làm chính uỷ. Phía Lào có đồng chí Xỉxổmphon Lòvănxay, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Lào, thay mặt Quân uỷ tham gia Bộ Tư lệnh chiến dịch.

Ngày 12 tháng 1 năm 1968, bộ đội Việt - Lào2 bắt đầu tiến công vào tập đoàn cứ điểm Nặm Bạc. Sau 10 ngày chiến đấu, chiến dịch Nặm Bạc toàn thắng, loại khỏi vòng chiến đấu 3.200 tên, trong đó bắt sống 2.000 tên (có 84 sĩ quan, 335 hạ sĩ quan); đánh thiệt hại nhiều binh đoàn; bắn rơi, phá huỷ 14 máy bay, thu nhiều vũ khí; giải phóng hoàn toàn khu vực Nặm Bạc - Khăm Đeng với trên một vạn dân, nối liền vùng giải phóng Thượng Lào thành khu vực liên hoàn, tạo thế vững chắc cho hậu phương cách mạng Lào. Cũng trong thời gian này, bộ đội Lào - Việt Nam còn tiến công giải quyết xong ổ phỉ lâu đời ở Phả Thí, loại khỏi vòng chiến đấu 812 tên (cả đợt), diệt đài rađa dẫn đường cho máy bay Mỹ ném bom vùng giải phóng Lào và miền Bắc Việt Nam (đài TACAN).

Chiến thắng Nặm Bạc đã phá tan căn cứ chiến lược và kế hoạch tiến công vùng giải phóng của quân nguỵ Lào, đánh dấu sự lớn mạnh về trình độ tác chiến của quân đội giải phóng nhân dân Lào, góp phần làm thay đổi một bước quan trọng tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng Lào, đồng thời còn có ý nghĩa nghi binh, phối hợp với chiến trường miền Nam Việt Nam trong Tổng tiến công Mậu Thân 1968.

Sau Tổng tiến công Mậu Thân 1968 ở Việt Nam, trước những yêu cầu mới trên chiến trường ba nước Đông Dương, để đáp ứng nhiệm vụ tác chiến trên địa bàn Trung - Hạ Lào, cũng như nhiệm vụ bảo vệ vững chắc tuyến vận tải chiến lược tây Trường Sơn, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam - Lào thống nhất chủ trương kiện toàn các lực lượng chuyên gia quân sự và quân tình nguyện Việt Nam ở Nam Lào, phát triển lên một bước mới để đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ chiến lược đang đặt ra.

Theo chủ trương đó, ngày 28 tháng 6 năm 1968, Bộ Tổng Tham mưu ra Quyết định số 98/TM-QĐ tách Đoàn chuyên gia quân sự và quân tình nguyện Việt Nam 565 tại Nam Lào thành hai lực lượng: lực lượng chuyên gia quân sự mang phiên hiệu Đoàn 565 trực thuộc Đoàn chuyên gia quân sự 959 (Lào) và lực lượng quân tình nguyện Nam Lào mang phiên hiệu Đoàn 968 trực thuộc Quân khu 4 (Việt Nam). Biên chế các cơ quan Đoàn 565 cơ bản vẫn giữ nguyên các phòng ban. Bộ Chỉ huy Đoàn 968 ban đầu có các đồng chí: Thượng tá Hà Tuấn Khanh (phụ trách Tư lệnh), Thượng tá Phạm Sinh (Chính uỷ). Các đơn vị tình nguyện thuộc Bộ Tư lệnh Đoàn 968 gồm năm tiểu đoàn bộ binh (1, 2, 3, 4, 5), Đại đội S4 đặc công, Đại đội 5 cao xạ, Đại đội 6 pháo hỗn hợp... và Đội điều trị 49 quân y.

Về phía Lào, ngày 3 tháng 8 năm 1968, Trung ương Đảng Nhân dân Lào họp Hội nghị lần thứ 16 đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh kháng chiến trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh: quân và dân Lào phải tiếp tục tấn công địch, ra sức xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh ở vùng địch hậu, mở rộng đấu tranh cả ba mặt quân sự, chính trị, ngoại giao để củng cố thắng lợi đã giành được, nỗ lực vươn lên giành thắng lợi có tính chất quyết định...

Trên chiến trường, phối hợp với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, Xuân Hè 1968 ở miền Nam Việt Nam, quân và dân Lào cũng giành được thắng lợi to lớn, toàn diện, làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo ra một tình thế mới có lợi cho cách mạng Lào. Trên địa bàn Nam Lào, vùng giải phóng dọc tuyến hành lang chiến lược được giữ vững và mở rộng, nối thông với các vùng giải phóng của Việt Nam ở Quảng Trị, Thừa Thiên, tạo điều kiện cho công tác vận chuyển phát triển sâu vào các chiến trường. Tại Xiêng Khoảng, địch bị mất Thà Thôm, Thà Viêng. Trên bốn tỉnh Bắc Lào, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân dân Lào tiễu phỉ, bảo vệ vùng giải phóng, đồng thời tiến hành đánh giao thông trên sông Mê Công.

Năm 1968 kết thúc bằng cuộc hội đàm giữa hai Đảng tại Hà Nội vào tháng 12. Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Lào gồm các đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Nủhắc Phumxavẳn, Xuphanuvông, Khăm Tày Xiphănđon và Phumi Vôngvichít; Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam gồm các đồng chí Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh và Lê Văn Lương. Trong cuộc hội đàm, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã khẳng định sự lớn mạnh của cách mạng Lào, đồng thời cảm ơn sự giúp đỡ chân thành của Việt Nam. Đồng chí nêu rõ: đây là lần thứ ba hai Đảng tiến hành hội đàm. Cứ mỗi lần hội đàm, càng làm sáng tỏ mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, về mối quan hệ của hai dân tộc và vận mệnh hai nước. Sự giúp đỡ của Việt Nam cho cách mạng Lào hết sức tận tình và vô tư. Các đồng chí đã giúp chúng tôi cả vật chất và xương máu. Xương máu của nhân dân Việt Nam đã nhuộm đỏ khắp nơi trên đất nước Lào và nền độc lập của Lào... Sự giúp đỡ của Việt Nam đối với Lào đã xây dựng nên mối quan hệ đặc biệt, thực tế đó cũng là sự vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Giai đoạn 1963 - 1968 đối với cách mạng Lào là giai đoạn đầy thử thách, hy sinh, gian khổ. Đế quốc Mỹ và tay sai ký Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào không phải để chấm dứt chiến tranh ở Lào mà là để thực hiện âm mưu tách Việt Nam ra khỏi Lào, chia rẽ các lực lượng kháng chiến Lào. Khi không thực hiện được âm mưu trên, chúng đã ngang nhiên phá hoại Hiệp định, tiến hành lấn chiếm vùng giải phóng Lào, làm chiến tranh lan rộng ra khắp đất nước Lào.

Được sự giúp đỡ về mọi mặt của Việt Nam, quân và dân Lào đã đẩy nhanh quá trình xây dựng lực lượng, kiên quyết đánh địch, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng. Được chăm lo xây dựng, lực lượng vũ trang Lào đã không ngừng lớn mạnh, trở thành lực lượng nòng cốt đập tan các cuộc tiến công lấn chiếm của địch, tiến hành các chiến dịch thu phục phỉ, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng, làm cho hậu phương cách mạng ngày càng lớn mạnh. Tính đến cuối năm 1967 và đầu năm 1968, vùng giải phóng của Lào trải rộng trên 68 huyện, chiếm 58%, với 667 tàxẻng cùng 909.290 dân3. Vùng tranh chấp giữa ta và địch là 71 tàxẻng, trong đó chúng ta đã xây dựng căn cứ du kích ở 35 tàxẻng, còn lại 36 tàxẻng đều có du kích của ta hoạt động.

Đặc biệt, dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 13 của Đảng Nhân dân Lào, quân dân Lào được sự giúp đỡ của Việt Nam đã ra sức xây dựng vùng giải phóng về mọi mặt với quy mô một quốc gia. Những thành tựu về xây dựng kinh tế, văn hoá - xã hội và xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân trong vùng giải phóng đã góp phần nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho nhân dân các bộ tộc Lào, tạo ra những biến đổi sâu sắc trong quan hệ xã hội, tạo nên sức mạnh đoàn kết các bộ tộc Lào. Vùng giải phóng Lào ngày càng được mở rộng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho cuộc kháng chiến của nhân dân Lào và hỗ trợ thiết thực cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và Campuchia.

Cách mạng Lào phát triển, vùng giải phóng Lào vững mạnh chính là những điều kiện tiên quyết để quân dân Lào tạo điều kiện và cùng góp công sức xây dựng tuyến đường chiến lược tây Trường Sơn và các căn cứ đứng chân của bộ đội chủ lực ở khu vực biên giới, góp phần quan trọng tạo điều kiện cho Việt Nam đánh thắng Chiến tranh cục bộ ở miền Nam và chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc, đồng thời cũng góp phần trực tiếp cho việc xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng Lào và Campuchia.





------------------------------------------------------------------
1. Tiêu chuẩn “Đơn vị ba giỏi” và “Chiến sĩ ba giỏi”: chiến đấu giỏi, xây dựng cơ sở giỏi và tăng gia sản xuất giỏi.

2. Phía Lào có Tiểu đoàn 409 và đại đội địa phương Luổng Phạbang; phía Việt Nam có Sư đoàn 316, Trung đoàn 5, Trung đoàn 335.

3. Toàn bộ nước Lào thời gian này có 18 tỉnh, 117 huyện, 1.077 xã với dân số khoảng 2.804.290 người.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 07 Tháng Mười Một, 2021, 11:12:52 am
II. LIÊN MINH CHIẾN ĐẤU ĐÁNH THẮNG CHIẾN LƯỢC VIỆT NAM HOÁ CHIẾN TRANH CỦA MỸ Ở MIỀN NAM VIỆT NAM
VÀ CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT TĂNG CƯỜNG Ở LÀO (1969 - 1973)



1. Bước đầu đánh bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt tăng cường của Mỹ ở Lào

Cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam Việt Nam trong năm 1968 đã giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược, làm phá sản chiến lược Chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ, đồng thời tác động mạnh mẽ đến tình hình và chính sách của nước Mỹ, làm dấy lên phong trào chống chiến tranh ở Mỹ cũng như trên thế giới. Đế quốc Mỹ buộc phải từ bỏ chiến lược Chiến tranh cục bộ, tuyên bố ngừng bắn phá miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận đàm phán với Việt Nam tại Hội nghị Pari và rút dần quân Mỹ, thực hiện “phi Mỹ hoá” cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 tạo bước ngoặt lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, làm thay đổi thế trận có lợi cho cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào.

Trước tình hình thế giới và chiến tranh ở Việt Nam có những biến động không có lợi cho Mỹ, khi Níchxơn (R.Nixon) chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ (ngày 20 tháng 1 năm 1969), giới cầm quyền Mỹ đã đưa ra chiến lược toàn cầu mới mang tên “Học thuyết Níchxơn” dựa trên ba nguyên tắc: “Sức mạnh của Mỹ, chia sẻ trách nhiệm và thương lượng trên thế mạnh” nhằm tiếp tục thực hiện chính sách bá chủ toàn cầu. Ở Đông Dương, cái gọi là “chia sẻ trách nhiệm” của Níchxơn thực chất là nhằm huy động sự tham gia tập thể của các lực lượng tay sai ở Đông Dương và Đông Nam Á vào việc thực hiện chính sách “dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương”, “dùng người châu Á đánh người châu Á”. Chính quyền Níchxơn đã dựng lên một liên minh quân sự khu vực Băng Cốc - Viêng Chăn - Phnôm Pênh - Sài Gòn, trong đó Thái Lan nổi lên như một tên lính xung kích của Mỹ.

Đối với Việt Nam, Mỹ điều chỉnh chủ trương “phi Mỹ hoá” thành chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh nhằm tiếp tục âm mưu bám giữ miền Nam, từng bước giảm bớt sự dính líu trực tiếp nhưng vẫn phải giành thế mạnh trên chiến trường để ép đối phương ở bàn hội nghị theo những điều kiện của Mỹ. Mỹ đã đẩy mạnh viện trợ vũ khí, trang bị để hiện đại hoá, tăng cường sức chiến đấu cho nguỵ quân. Mỹ cũng rất chú trọng kế hoạch bình định, coi đây là “mục tiêu của Việt Nam hoá chiến tranh”, “xác định sự tồn vong của chế độ Việt Nam cộng hoà”. Chúng chủ trương: bước một, từ đầu năm 1969 đến giữa năm 1970, tranh thủ thời gian đồng loạt phản kích, truy quét, bình định để lực lượng kháng chiến không kịp trở tay đối phó; bước hai, từ giữa năm 1970 đến hết tháng 6 năm 1971, bình định được tất cả các vùng đông dân quan trọng, làm cho lực lượng chủ lực và địa phương của Việt Nam suy yếu, quân Mỹ rút được một phần lực lượng chiến đấu; bước ba, đến ngày 30 tháng 6 năm 1972, cơ bản bình định được miền Nam Việt Nam. Các căn cứ của Việt Nam ở Lào, Campuchia hoàn toàn bị xoá bỏ. Quân nguỵ đủ sức ngăn chặn được “xâm lăng từ bên ngoài vào” và bảo đảm an ninh bên trong. Mỹ sẽ rút hết lực lượng chiến đấu ra khỏi miền Nam.

Ở Lào, thông qua việc nắm Phuma và chính phủ tay sai dưới cái mác “liên hiệp trung lập”, đế quốc Mỹ chủ trương đẩy cuộc chiến tranh lên mức độ cao hơn bằng chiến lược Chiến tranh đặc biệt tăng cường. Thực chất của chiến lược này là “dùng người Lào đánh người Lào” bằng vũ khí của Mỹ và có sự tham gia của một bộ phận không quân Mỹ cùng đội quân tay sai chư hầu. Chúng đã tăng cường viện trợ quân sự cho các lực lượng tay sai thân Mỹ, tích cực phát triển quân nguỵ Lào, nhất là lực lượng đặc biệt của Vàng Pao. Tăng cường không quân đánh phá tuyến vận tải chiến lược và trực tiếp chi viện cho quân nguỵ Lào trong các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng. Công khai đưa quân Thái Lan và quân nguỵ Sài Gòn vào chiến đấu ở chiến trường Lào1.

Sau khi dừng ném bom miền Bắc Việt Nam, Mỹ đã tăng cường không quân ném bom, đánh phá có tính huỷ diệt vùng giải phóng Lào, trực tiếp chi viện cho quân nguỵ và quân Vàng Pao chiến đấu. Chúng không phân biệt mục tiêu chính trị, văn hoá, xã hội. Hàng trăm chùa chiền, bệnh viện, trường học, nhà ở cùng hàng ngàn người dân vô tội đã bị bom đạn Mỹ đốt phá, giết hại. Từ năm 1964 đến 1971, máy bay Mỹ ném trung bình 3.000 tấn bom/ngày xuống các làng bản; theo ước tính sơ bộ, mỗi năm Mỹ cũng phải chi khoảng 2 tỷ USD cho hoạt động này, chưa kể đến việc phải chi cho 50.000 nhân viên tham gia vào cuộc chiến tranh này . Cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ đã làm cho hàng ngàn người dân phải rời bỏ nơi chôn nhau, cắt rốn của mình để sống trong các hang hốc hoặc di tản về đồng bằng dọc sông Mê Công. Trong các vụ ném bom nói trên, điển hình là vụ không quân Mỹ bắn tên lửa vào hang Thặm Piu (Xiêng Khoảng), làm chết hơn 370 người dân vô tội đang lánh nạn trong hang, mà phần lớn là người già và trẻ em.

Ý đồ của chính quyền Níchxơn đối với Lào là: đánh chiếm, thu hẹp vùng giải phóng, chiếm lại một số địa bàn chiến lược trọng yếu để thoát khỏi thế bị động cố thủ, phá hoại hậu phương cách mạng, đồng thời chia cắt chiến trường Đông Dương nhằm ngăn chặn sự chi viện, giúp đỡ lẫn nhau của cách mạng ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Chúng tăng cường bình định vùng kiểm soát, nối vùng chúng kiểm soát với Thái Lan tạo thành tuyến phòng thủ sông Mê Công, đồng thời làm bàn đạp tiêu diệt cách mạng Lào và cách mạng ba nước Đông Dương. Đầu năm 1969, ngoài việc tăng cường đánh phá bằng không quân vào vùng giải phóng Lào, địch liên tiếp mở các cuộc hành quân mang tên Xámắckhi 1, 2, 3 với lực lượng 22 tiểu đoàn bộ binh, chủ yếu là quân Vàng Pao, có sự tham gia của hai tiểu đoàn pháo binh Thái Lan và được máy bay Mỹ chi viện đánh ra khu vực Phả Thí, Na Khằng - Thặm La (Hủa Phăn) và Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.

Chiến trường Lào từ trước đến nay luôn có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng đối với chiến trường ba nước Đông Dương. Trong bối cảnh đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược ra toàn bán đảo Đông Dương, vị trí của Lào càng trở nên đặc biệt quan trọng, nhất là đối với Việt Nam.

   Trước tình hình Mỹ thực hiện Chiến tranh đặc biệt tăng cường ở Lào, Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã xác định: tiếp tục thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Trung ương 15 và 16, quyết tâm đánh bại các bước leo thang của Mỹ và bè lũ tay sai trong bất kỳ tình huống nào; phát động toàn Đảng, toàn quân và toàn dân quyết tâm vượt qua mọi gian lao, thử thách, kiên cường đánh giặc, xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng, đẩy mạnh hoạt động ở vùng sau lưng địch. Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã đề ra nhiều chính sách cụ thể về xây dựng hậu phương, chính sách đối với cán bộ hoạt động trong vùng địch chiếm đóng nhằm huy động sức người, sức của cho cuộc chiến đấu chống xâm lược; công bố 10 điểm lập lại hoà bình ở Lào (ngày 8 tháng 3 năm 1969), đồng thời đẩy mạnh hoạt động quân sự trên khắp chiến trường.

Xác định đúng tầm quan trọng của chiến trường Lào, trên cơ sở Nghị quyết 16 của Trung ương Đảng Nhân dân Lào, cuối năm 1968 đầu năm 1969, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có một số cuộc gặp gỡ trao đổi với Quân uỷ Trung ương và Bộ Chỉ huy tối cao Lào. Sau khi thống nhất các nội dung giúp Lào trên lĩnh vực quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chỉ thị cho các đoàn chuyên gia quân sự và quân tình nguyện thực hiện tốt các chủ trương giúp Lào, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu là: đẩy mạnh đấu tranh ở cả hai vùng (nông thôn và thành thị), trên cả ba mặt quân sự, chính trị, ngoại giao; củng cố vững chắc các địa bàn đứng chân, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng; tập trung đánh mạnh vào hai lực lượng chiến lược của địch (lực lượng đặc biệt Vàng Pao và quân chủ lực Viêng Chăn), giải phóng thêm một số vùng trọng điểm, tạo điều kiện mở rộng vùng giải phóng, tạo thành thế liên hoàn...

Trong thời gian này, Đoàn 959 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đoàn chuyên gia quân sự giúp Trung ương Đảng, cơ quan Quân uỷ Trung ương và Bộ Chỉ huy tối cao Quân giải phóng nhân dân Lào; Đoàn 463 giúp cơ quan và các đơn vị thuộc Quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng; Đoàn 565 giúp Nam Lào; các đoàn quân tình nguyện 766 chiến đấu ở căn cứ địa Sầm Nưa, 866 ở Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, 335 ở Bắc Lào, 968 ở Nam Lào. Ngoài ra, còn có các đơn vị chủ lực như Sư đoàn 316, Sư đoàn 312, Sư đoàn 338 và một số đơn vị binh chủng sang từng thời gian theo yêu cầu của Lào.



------------------------------------------------------------------
1. Mỹ đã tăng số tiền viện trợ cho quân sự Lào lên gấp hai lần so với trước (dưới thời Giônxơn mỗi năm khoảng 60 - 70 triệu USD, thời Níchxơn mỗi năm là 146 - 255 triệu USD, tài khoá 1970 - 1971 Mỹ đã chi 350 triệu USD), phát triển quân nguỵ Lào từ 130 lên 150 tiểu đoàn, “lực lượng đặc biệt” Vàng Pao tăng từ 64 lên 86 tiểu đoàn. Số cố vấn Mỹ tăng tới 12.000 tên. Từ năm 1969, lính Thái Lan chính thức tham chiến ở Lào và đến năm 1972 đã lên tới 40.000 tên. Dẫn theo Lược sử Lào, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.209.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 07 Tháng Mười Một, 2021, 02:55:57 pm
Ở Bắc Lào, Đoàn 335 (gồm hai tiểu đoàn) tích cực giúp triển khai các kế hoạch chiến đấu chống địch lấn chiếm, tiễu phỉ và củng cố các đơn vị vũ trang. Đoàn đã giúp Bắc Lào xây dựng thêm một số đơn vị chủ lực, khẩn trương huấn luyện nâng cao sức mạnh chiến đấu của ba thứ quân; giúp đưa lực lượng lớn vào vùng địch hậu, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch. Những tháng đầu năm 1969, Đoàn 335 sử dụng lực lượng nhỏ, cùng các tiểu đoàn, đại đội địa phương Lào tổ chức các đội công tác, các đội vũ trang tuyên truyền phát động nhân dân thu phục phỉ, truy quét lực lượng phản động ngầm hoạt động ở khu vực giáp ranh ba tỉnh Bắc Lào; triệt phá hang ổ quan trọng của bọn phỉ ở Nặm Miệng, Pa Mao, Khăm Ngừm; cử cán bộ, chiến sĩ giúp tuyển quân, huấn luyện lực lượng vũ trang, xây dựng chính quyền cơ sở; tổ chức một số trận đánh vào các kho tàng, sân bay Luổng Phạbang, phá huỷ hai kho đạn, một kho xăng và bốn máy bay T28 của địch.

   Tại tỉnh Hủa Phăn, khi địch đánh ra Phả Thí, bộ đội tình nguyện Việt Nam1 đã cùng quân giải phóng Lào mở chiến dịch phản công Phả Thí (bắt đầu từ giữa tháng 3 năm 1969), đánh bật địch khỏi khu vực này, sau đó tiếp tục tiến công phỉ ở Mương Hiềm - Na Khằng, loại khỏi vòng chiến đấu 507 tên, thu 165 súng các loại, bắn rơi hai máy bay, giải phóng toàn bộ khu vực Mương Hiềm, Na Khằng, Hỉn Đa với trên 5.000 dân.

   Khi địch mở các cuộc hành quân Xámắckhi đánh chiếm khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Bộ Chỉ huy tối cao Lào quyết định phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam mở tiếp chiến dịch tiến công Mương Xủi2  nhằm thu hồi lại khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Đồng chí Khăm Tày Xiphănđon, Tổng Chỉ huy Quân giải phóng nhân dân Lào, trực tiếp tham gia chỉ huy chiến dịch. Qua 20 ngày chiến đấu (từ ngày 14 tháng 6 đến 4 tháng 7 năm 1969), ta tiêu diệt được một lực lượng quan trọng địch lấn chiếm, loại khỏi vòng chiến đấu 1.312 tên địch, đánh tan rã sáu tiểu đoàn bộ binh, diệt một tiểu đoàn pháo binh Thái Lan, bắn rơi tám máy bay, thu nhiều súng, pháo; thu hồi vùng nam Cánh đồng Chum và thị xã Xiêng Khoảng, giải phóng thêm Mương Xủi, vùng giải phóng Lào mở rộng đến Xála Phu Khun.
 
   Ngay sau chiến dịch Mương Xủi, đầu tháng 7 năm 1969, Đoàn chuyên gia quân sự 959 giúp Tổng Quân uỷ và Bộ Chỉ huy tối cao Lào tổ chức Hội nghị quân sự toàn quân để bàn về cách đánh của lực lượng vũ trang. Hội nghị đã tổng kết kinh nghiệm và rút ra những kết luận về nguyên tắc xây dựng, phương thức tác chiến của quân đội, về phương hướng, nhiệm vụ của quân đội Lào trong thời gian tới. Sau Hội nghị, chuyên gia còn giúp tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho cán bộ và bộ đội theo nội dung mà Hội nghị đã đề ra, đồng thời giúp tuyển chọn cán bộ đi học để nâng cao khả năng chiến đấu của bộ đội.

   Ngày 18 tháng 7 năm 1969, tại Hà Nội, Đoàn cán bộ đại diện Quân uỷ Trung ương Việt Nam, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu, hội đàm với Đoàn cán bộ Quân uỷ Trung ương Lào, do đồng chí Khăm Tày Xiphănđon dẫn đầu. Hai đoàn đã thông báo về nhận định tình hình cuộc kháng chiến chống Mỹ trên các chiến trường, đề ra chủ trương chiến lược và biện pháp hoạt động cụ thể trong mùa khô 1969 - 1970 và những năm tiếp theo. Hai đoàn đã thống nhất đánh giá: địch thua phải xuống thang, rút dần quân Mỹ, nhưng chúng còn ngoan cố kéo dài chiến tranh. Vì vậy, phải chuẩn bị tư tưởng kiên trì đánh lâu dài, trên cơ sở đánh lâu dài mà tranh thủ xây dựng, củng cố lực lượng ta, phải nâng cao chất lượng ba thứ quân, coi trọng đấu tranh chính trị ở cả nông thôn và đô thị, chú trọng xây dựng vùng giải phóng, vùng căn cứ nông thôn và đô thị, chú trọng sản xuất, bồi dưỡng sức dân.

   Trên cơ sở đánh giá, dự kiến những âm mưu lâu dài của Mỹ trên chiến trường ba nước Đông Dương, trong đó có chiến trường Lào, hai đoàn đã xác định bốn vấn đề tác chiến lớn: quét phỉ ở vùng giải phóng; đánh địch lấn chiếm; đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch hậu; tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng. Trong đó, ở Nam Lào, nhiệm vụ tăng cường lực lượng bảo vệ tuyến hành lang vận chuyển, bảo đảm việc chi viện cho chiến trường thông suốt trong mọi tình huống được xác định là nhiệm vụ hàng đầu của chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam và các đơn vị quân giải phóng nhân dân Lào.

   Cuối tháng 7 năm 1969, lợi dụng thời tiết đang giữa mùa mưa và các đơn vị bộ đội Việt Nam - Lào đang tập trung về Mương Khăm để củng cố, Mỹ - nguỵ sử dụng 18 tiểu đoàn và 52 đại đội thuộc lực lượng đặc biệt Vàng Pao cùng 5.000 quân Thái Lan, dưới sự chỉ huy của hàng trăm cố vấn Mỹ, mở cuộc hành quân Cù Kiệt đánh ra Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Trong cuộc hành quân này, Mỹ đã huy động từ 100 đến 150 lượt máy bay mỗi ngày, chi viện trực tiếp cho quân ngụy Lào và tổ chức từng đợt oanh tạc, tập trung đánh phá có tính huỷ diệt vùng giải phóng Cánh đồng Chum và Sầm Nưa. Quân địch đi đến đâu cũng thực hiện “đốt sạch, giết sạch”, gây nhiều thiệt hại về người và của cho nhân dân Mương Pẹc, Mương Khun, Mương Khăm. Cù Kiệt là cuộc hành quân lớn điển hình của Học thuyết Níchxơn ở Lào theo công thức quân nguỵ Lào + quân Thái Lan + hậu cần và hoả lực tối đa của không quân Mỹ.

   Cùng phối hợp với cuộc hành quân Cù Kiệt, trên hướng Nam Lào, chúng còn huy động năm tiểu đoàn đánh ra thị trấn Mương Phin, đồng thời đẩy mạnh hoạt động của các toán phỉ ở Hủa Phăn, Bolikhămxay, Luổng Nặm Thà; dùng máy bay rải chất độc xuống vùng căn cứ Nhọt Ngừm, Phu Phalavẹc (tỉnh Viêng Chăn Đông)...

   Trước cuộc tiến công lớn của địch, Bộ Tư lệnh Quân khu Cánh đồng Chum (do đồng chí Xỉ Phon làm tư lệnh, đồng chí Xámản Vinhakệt làm chính uỷ) quyết định đưa toàn bộ cơ quan, cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân Xiêng Khoảng ra phía Bạn Ban - Noỏng Pết để bảo đảm an toàn; các đơn vị còn lại tổ chức gọn nhẹ, sát cánh cùng quân tình nguyện Việt Nam kiên quyết chiến đấu để chặn địch, bảo vệ nhân dân, đồng thời tạo điều kiện mở chiến dịch phản công tiêu diệt địch.

   Ở hướng nam, sau khi bị Trung đoàn 174 ngăn chặn, địch tăng cường quân đánh phá ra đường 7B. Phát hiện ý đồ chiếm các điểm cao ở Phu Nốc Cốc (núi chim đầu đàn) để cắt đường vận chuyển của ta từ Mường Xén (Việt Nam) sang Xiêng Khoảng, Trung đoàn 866 đã triển khai lực lượng bảo vệ các kho trạm ở khu vực Na Đu, Bạn Thặm; tiếp đó, triển khai bảo vệ kho tàng và Viện 952 của mặt trận ở khu vực Phu Hoọc, Noỏng Pết. Cuộc chiến đấu cầm chân địch có hiệu quả của các đơn vị trong trung đoàn đã tạo điều kiện để nhân dân các bản của huyện Mương Pẹc sơ tán về phía Bạn Xon để đi Then Phun, ra đường 7B rồi sang Nghệ An.

   Tại khu vực điểm cao 1505, Lạt Huồng, sau khi địch dùng trực thăng đổ quân xuống chiếm Phu Tôn, Cang Xẻng - Phu Hủa Xàng, chúng dùng cối 106,7 ly và pháo 105 mm từ trung tâm Cánh đồng Chum bắn phá rất ác liệt các điểm cao xung quanh. Tiểu đoàn 924 thuộc Trung đoàn 866 đã kiên quyết giữ vững điểm cao 1505, Bạn Thặm, đồng thời giúp nhân dân và cơ quan bạn sơ tán khỏi khu vực. Tuy lực lượng chiến đấu có hạn nhưng các đại đội vẫn cử ra một số tổ công tác để hướng dẫn và giúp dân sơ tán. Trong bom đạn ác liệt, bộ đội tình nguyện đã chiến đấu quên mình, giúp đỡ nhân dân, nhường cơm sẻ áo hoặc sẵn sàng xông pha vào những nơi nguy hiểm để bảo vệ nhân dân. Ở xưởng may của tỉnh Xiêng Khoảng, khi địch càn đến gần, anh chị em công nhân được lệnh di chuyển nhưng có một chị tàn tật không đi được phải bò vào rừng lánh nạn. Biết tin đó, tổ công tác của trung đoàn đã vào rừng tìm kiếm, cứu được chị đưa về nơi sơ tán an toàn. Trong những ngày ác liệt này, bộ đội Việt Nam đã phối hợp với các cơ sở đảng, chính quyền đưa hơn 16.000 dân và gia đình cán bộ đi sơ tán ở Mường Xén, Kỳ Sơn (Nghệ An). Nhân dân Nghệ An đã nhiệt tình đón tiếp, nhường cơm sẻ áo, cùng nhân dân Lào xây dựng nhà cửa, bệnh xá, trường học, ổn định cuộc sống nơi sơ tán. Những tấm gương trong sáng, quên mình của bộ đội tình nguyện, sự đón tiếp tận tình của nhân dân Nghệ An trong những ngày gian khó này đã góp phần làm cho tình đoàn kết chiến đấu của quân dân Việt Nam - Lào càng thêm keo sơn, gắn bó.

   Trước hành động lấn chiếm quy mô lớn của địch, mặc dù quân dân hai nước đang rất đau buồn khi nghe tin “Bác Hồ kính yêu đã từ trần”, song Quân uỷ Trung ương hai Đảng đã thống nhất mở chiến dịch phản công Toàn Thắng, nhằm đánh bại cuộc hành quân Cù Kiệt, khôi phục, mở rộng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, tạo thế và lực mới cho cách mạng Lào. Ngày 13 tháng 9, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ và chỉ thị cho các đơn vị quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tham gia chiến dịch3 (chiến dịch có mật danh 139, là số ghép của ngày 13 tháng 9). Bộ Tư lệnh chiến dịch gồm: đồng chí Vũ Lập làm tư lệnh, đồng chí Huỳnh Đắc Hương làm chính uỷ; phía Lào có đồng chí Xỉ Phon, Tư lệnh Quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, làm phó tư lệnh về quân sự.

   Sau sáu tháng chiến đấu liên tục (từ ngày 25 tháng 10 năm 1969 đến 25 tháng 4 năm 1970), các lực lượng tham gia chiến dịch đã đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công lấn chiếm của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 6.668 tên, bắn rơi và phá huỷ 117 máy bay, thu 597 súng các loại và nhiều phương tiện chiến tranh, giải phóng một vùng rộng khoảng 6.000 km2 với hơn 16.000 dân, nối liền vùng giải phóng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Mương Xủi, Xảm Thông, nam Cang Xẻng - Xen Chồ với Sầm Nưa và bốn tỉnh Bắc Lào.

   Thắng lợi của chiến dịch 139 đánh bại cuộc hành quân Cù Kiệt có ý nghĩa rất to lớn. Ta đã giữ vững và mở rộng được vùng chiến lược Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, giáng một đòn đau vào lực lượng đặc biệt Vàng Pao và quân Thái Lan, bước đầu đánh bại Học thuyết Níchxơn ở Lào, tạo chuyển biến mới về tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng Lào, mở ra triển vọng cho cuộc đấu tranh của Lào trên cả ba lĩnh vực quân sự, chính trị và ngoại giao; đồng thời, thắng lợi này cũng thể hiện tinh thần đoàn kết, chiến đấu ngoan cường của quân dân hai nước. Trong Hội nghị tổng kết chiến dịch, đồng chí Khăm Tày Xiphănđon đã khẳng định: “Sự hy sinh chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam là vô cùng to lớn... Chúng ta phải luôn ghi nhớ mối tình ruột thịt Lào - Việt Nam, ghi nhớ công ơn Bác Hồ”.




------------------------------------------------------------------
1. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: Đại đoàn 316, các trung đoàn bộ binh 766 và 866 của Việt Nam; các tiểu đoàn 613, 705 và 585, bộ đội địa phương, dân quân du kích tỉnh Sầm Nưa.

2. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: Tiểu đoàn 1, 2, 13, tiểu đoàn pháo binh, đại đội xe tăng, đại đội cao xạ Pathết Lào. Tiểu đoàn 4, 5, 6 bộ đội trung lập Lào cùng Sư đoàn 316 quân tình nguyện Việt Nam. Dẫn theo Lịch sử Quân đội nhân dân Lào (1945 - 1975), bản dịch tiếng Việt, tr.198.

3. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: quân tình nguyện Việt Nam có hai sư đoàn bộ binh (312 và 316), Đoàn 866, Trung đoàn pháo binh 16, một đại đội xe tăng, Trung đoàn công binh 45, 12 đội đặc công, 5 tiểu đoàn phòng không; quân giải phóng nhân dân Lào có các tiểu đoàn 1, 2, 13, 24, 701, Pắtchây, đơn vị pháo mặt đất, đại đội xe tăng, đại đội đặc công, các đơn vị bảo đảm (công binh, thông tin, vận tải, quân y); lực lượng trung lập yêu nước có các tiểu đoàn 15, 16, 46, 48, Tiểu đoàn dù 1 và một số đơn vị bảo đảm chiến đấu.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 07 Tháng Mười Một, 2021, 03:01:16 pm
Ở Nam Lào, từ đầu năm 1969, địch cũng tăng cường các cuộc hành quân đánh chiếm vùng giải phóng. Do Nam Lào có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nơi có tuyến vận tải chiến lược tây Trường Sơn, nên sau khi ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam, địch đã tập trung phần lớn bom đạn đánh phá tuyến vận chuyển, đồng thời mở nhiều cuộc hành quân lấn chiếm ra khu vực này hòng phá các kho tàng, cơ sở hậu cần của ta. Sự đánh phá điên cuồng của địch đã gây cho Việt Nam và Lào nhiều khó khăn. Ở nhiều nơi, bộ đội Lào, Việt Nam bị bật ra khỏi dân. Tình hình vận chuyển vào Nam cuối năm 1968 đầu năm 1969 đạt hiệu quả thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến các kế hoạch tác chiến của bộ đội Việt Nam trên các chiến trường, bộ đội nhiều nơi thiếu gạo, thiếu đạn trầm trọng.

Trước tình hình đó, cuối năm 1968 đầu năm 1969, được sự uỷ nhiệm của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Trần Quý Hai, Phó Tổng Tham mưu trưởng đã vào Quân khu 4 cùng với Bộ Tư lệnh Quân khu giao nhiệm vụ cho lực lượng chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam ở Nam Lào: 1) Giữ vững và mở rộng tuyến vận tải chiến lược, cùng lực lượng vũ trang Lào tiến công có trọng điểm, bằng những phương thức thích hợp để tạo bàn đạp đưa lực lượng áp sát các căn cứ lớn, tạo điều kiện giải phóng một loạt vị trí dọc hành lang, đánh thông đường vận chuyển từ Trung Lào vào nam đường 9 và đi suốt vào Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; 2) Tích cực giúp Lào củng cố vùng giải phóng, chống lấn chiếm, ra sức tiễu phỉ, thu phục phỉ; 3) Đẩy mạnh xây dựng căn cứ kháng chiến ở Nam Lào, tiến lên giải phóng cao nguyên Bôlavên, tạo thời cơ để giành thắng lợi quyết định.

Thực hiện chủ trương trên, mùa khô 1968 - 1969, Đoàn chuyên gia quân sự 565 và Đoàn quân tình nguyện 968 đã phối hợp với Quân khu Nam Lào mở chiến dịch tiến công giải phóng thị trấn Thà Teng thuộc tỉnh Xalavăn, nhằm tạo thế tiến công giải phóng thị xã Pạc Xoòng, thị xã Áttapư khi có thời cơ. Trong gần bốn tháng đầu năm 1969 đánh địch tại mặt trận Thà Teng, Đoàn chuyên gia quân sự 565 đã phối hợp với quân dân Lào và các đơn vị quân tình nguyện trên địa bàn tác chiến loại khỏi vòng chiến đấu 1.022 tên địch, bắn cháy 13 máy bay, phá huỷ 32 xe quân sự, thu hàng trăm khẩu súng và nhiều phương tiện chiến tranh của địch, giải phóng gần một vạn dân ở 537 bản, mở rộng vùng giải phóng Nam Lào liên hoàn từ đông đường 9 xuống tỉnh Áttapư. Tạo điều kiện uy hiếp địch trên các thị xã Pạc Xoòng, Xalavăn, Áttapư, góp phần bảo vệ, giữ vững hành lang tuyến vận tải chiến lược tây Trường Sơn qua địa bàn Trung - Hạ Lào.

Trong sáu tháng đầu năm 1969, với sự giúp đỡ của chuyên gia Việt Nam, lực lượng vũ trang ba thứ quân trên chiến trường Nam Lào đã có bước phát triển vững chắc, toàn diện. Quân chủ lực phát triển thêm được một tiểu đoàn, du kích phát triển được hơn 1.000 người. Đặc biệt, do làm tốt công tác tuyên truyền giác ngộ, nhân dân hăng hái tăng gia sản xuất ủng hộ kháng chiến, đã có gần 2.000 người tình nguyện đi dân công phục vụ hoả tuyến, nhiều người trực tiếp cùng bộ đội chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng. Sau Hội nghị quân chính toàn quân (tháng 7 năm 1969), để giúp triển khai các nhiệm vụ đã được Tổng Quân uỷ và Bộ Chỉ huy tối cao Lào xác định, Đoàn chuyên gia 565 đã cử một số cán bộ xuống các tỉnh đội giúp mở các lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày cho cán bộ chỉ huy các đơn vị ở Nam Lào. Các lớp bồi dưỡng đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kịp thời đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ huấn luyện và đánh địch bảo vệ vùng giải phóng.

Phối hợp chặt chẽ với chiến trường Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng trong chiến dịch 139, ở Nam Lào, các chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam cũng tích cực đẩy mạnh các hoạt động giúp bộ đội Lào đánh địch, giành nhiều thắng lợi. Khi địch tập trung quân đánh ra Mương Phin (Xavẳnnakhệt), Đoàn 565 cùng Đoàn 968 quân tình nguyện, Tiểu đoàn 46 địa phương Quảng Bình đã phối hợp chặt chẽ với quân giải phóng Lào giải phóng thị trấn Mương Phin, giữ thông hành lang Mương Phin - Na Khao - Tăng Vải - Bun Xạng chạy dọc tỉnh lộ 11, phía nam đường 9 với chiều dài khoảng 70 km.

Tháng 3 năm 1970, Việt Nam và Lào thành lập Mặt trận X để thực hiện nhiệm vụ tiến công giải phóng thị xã Áttapư, tiến tới giải phóng thị xã Xalavăn, mở rộng vùng giải phóng Hạ Lào. Đại tá Hoàng Kiện, Phó Tư lệnh Quân khu 4 được cử làm tư lệnh, kiêm chính uỷ mặt trận. Sau một thời gian ngắn đánh địch, ngày 29 tháng 4 năm 1970, các đơn vị tham gia chiến dịch1 đã giải phóng thị xã Áttapư, loại khỏi vòng chiến đấu một tiểu đoàn, năm đại đội địch, diệt 200 tên, bắt hơn 700 tên, bắn rơi hai trực thăng, thu hàng trăm súng các loại. Áttapư giải phóng đã tạo thế liên hoàn cho hành lang chiến lược tây Trường Sơn đến vùng Đông Bắc Campuchia. Sau thắng lợi này, Bộ Tư lệnh 559 đã mở thêm tuyến đường dọc theo sông Xê Xan, từ Nặm Bạc - Áttapư - S’tung T’reng - Cratié - Tây Ninh để chi viện cho Nam Bộ, với cự ly và thời gian rút ngắn gần một nửa.

Cùng với tiến công địch về quân sự, Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã chủ trương đẩy mạnh tiến công về chính trị và ngoại giao. Ngày 6 tháng 3 năm 1970, Neo Lào Hắc Xạt đưa ra giải pháp năm điểm để giải quyết vấn đề Lào và cử phái viên đến Viêng Chăn trao công hàm về giải pháp năm điểm đó cho chính phủ của Phuma. Giải pháp của Lào đã nhận được sự ủng hộ của dư luận trong nước cũng như quốc tế. Đây là đòn tiến công ngoại giao sắc bén và kịp thời, làm cho địch ngày càng lún sâu vào tình thế bị động, lúng túng.

Tiếp đó, Lào và Việt Nam đã tích cực đóng góp cho thành công của Hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương họp từ ngày 24 đến 25 tháng 4 năm 1970. Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận thống nhất chống Mỹ, khẳng định lập trường đoàn kết chống Mỹ của ba dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia.

Tháng 4 năm 1970, sau khi Hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương thống nhất cương lĩnh đấu tranh, chuyên gia Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Lào kịp thời soạn thảo các tài liệu giáo dục và đi xuống cơ sở giáo dục, vận động bộ đội, nhân dân nâng cao nhận thức chính trị, đoàn kết hiệp đồng chiến đấu chống các âm mưu xuyên tạc, chia rẽ của kẻ thù.

Mặc dù bị tổn thất nặng nề, nhưng được Mỹ tiếp tay, quân nguỵ Lào tiếp tục mở các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng của các lực lượng vũ trang yêu nước Lào, đồng thời Mỹ tiếp tục dùng không quân mở nhiều đợt đánh phá tuyến hành lang vận chuyển chiến lược tây Trường Sơn.

Trước âm mưu, thủ đoạn chiến tranh mới của địch, ngày 7 tháng 5 năm 1970, Thường trực Quân uỷ Trung ương Việt Nam ra nghị quyết xác định phương hướng giúp đỡ cách mạng Lào, trong đó nhấn mạnh: phải tiếp tục hoàn chỉnh thế trận liên hoàn vùng giải phóng Bắc Lào, mở rộng vùng giải phóng Trung, Hạ Lào, xây dựng thành căn cứ địa vững chắc, đồng thời chuẩn bị tốt mọi mặt sẵn sàng đánh bại các âm mưu của địch tiến công ra hành lang vận chuyển chiến lược, bảo vệ vững chắc cơ sở vật chất - kỹ thuật, kho tàng của ta ở khu vực này. Đi đôi với sẵn sàng chiến đấu, đập tan các hành động tiến công của địch ra khu vực hành lang vận chuyển chiến lược, phải đẩy mạnh mọi hoạt động nhằm giải phóng khu vực Xalavăn, tiến tới làm chủ hoàn toàn cao nguyên Bôlavên. Đẩy mạnh mọi mặt hoạt động ra giáp sông Mê Công với phương thức thích hợp nhằm mở rộng quyền làm chủ vùng nông thôn. Trên cơ sở xác định chiến trường Trung, Hạ Lào sắp tới sẽ là chiến trường trọng điểm, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Đoàn chuyên gia 565 và Bộ Tư lệnh quân tình nguyện 968 phải nhanh chóng cùng Lào giải phóng thị xã Xalavăn, Noỏng Bua, Bạn Khoộc.

Thực hiện chủ trương trên, ngày 19 tháng 5 năm 1970, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thành lập Mặt trận Z, do đồng chí Hoàng Biền Sơn, Đoàn trưởng 968, làm tư lệnh, để cùng các lực lượng Lào tiến công giải phóng thị xã Xalavăn. Từ ngày 9 đến 25 tháng 6, các đơn vị của Mặt trận Z (bốn tiểu đoàn bộ binh, một đại đội đặc công) cùng Tiểu đoàn 12 quân giải phóng Lào và lực lượng vũ trang tỉnh Xalavăn đã tiến công giải phóng thị xã và các căn cứ Bạn Khoộc, Noỏng Bua, đập tan các đợt phản kích của địch hòng chiếm lại thị xã2.

Sau Áttapư, Xalavăn là thị xã thứ hai ở Hạ Lào được giải phóng. Đây là thắng lợi to lớn, tạo điều kiện cho cách mạng Lào đẩy mạnh hoạt động ra giáp sông Mê Công, mở rộng quyền làm chủ vùng đồng bằng rộng lớn, đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ hành lang vận chuyển chiến lược tây Trường Sơn, bảo vệ vững chắc cơ sở vật chất - kỹ thuật, kho tàng của hai nước ở khu vực này.

 Sau chiến thắng mùa khô 1969 - 1970, ngày 25 tháng 6 năm 1970, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Lào họp nhận định tình hình và xác định nhiệm vụ trong hai năm tới của cách mạng Lào là: tiếp tục động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đấu tranh bền bỉ lâu dài, phát huy thắng lợi đã giành được, chủ động tấn công địch về mọi mặt; tăng cường đoàn kết với nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia anh em... Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào cũng nhấn mạnh hướng Trung, Hạ Lào trong hai năm tới sẽ càng trở nên đặc biệt quan trọng vì liên quan trực tiếp đến tuyến vận tải chiến lược 559 của Việt Nam.

Để kịp thời giúp Lào triển khai các chủ trương mà Nghị quyết Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào đề ra, ngày 15 tháng 7 năm 1970, Bộ Quốc phòng Việt Nam ra quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (trên cơ sở biên chế tổ chức của Đoàn chuyên gia quân sự 959 có bổ sung một số lực lượng), gọi tắt là Bộ Tư lệnh 959, trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Tiếp đó, ngày 29 tháng 7 năm 1970, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 119/QĐ chuyển giao lực lượng tình nguyện Nam Lào (Đoàn 968), trước đây do Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chỉ huy, nay thuộc quyền lãnh đạo chỉ huy của Bộ Tư lệnh 559 (Binh đoàn Trường Sơn) và điều động một số lực lượng tăng cường cho Đoàn chuyên gia quân sự 565 để đáp ứng tình hình mới ở Nam Lào.

Theo yêu cầu của Lào, Quân uỷ Trung ương Việt Nam chủ trương tăng cường cán bộ cho các đoàn chuyên gia quân sự ở Lào có đủ số lượng và chất lượng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu giúp Lào từ trung ương đến tỉnh, trong đó chú trọng tăng cường chuyên gia các tỉnh đội, giúp Lào đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, công tác quân sự địa phương. Tổ chức một số đơn vị độc lập, kết hợp với các đội công tác cơ sở ở các vùng mới giải phóng để trong một thời gian nhất định giúp truy quét phỉ, phá các cơ sở ngầm của địch, xây dựng và củng cố vững chắc cơ sở cách mạng ở các vùng mới giải phóng. Ở Nam Lào, sau khi Quân uỷ Trung ương quyết định Đoàn quân tình nguyện 968 và Đoàn chuyên gia quân sự 565 cùng thuộc quyền lãnh đạo, chỉ huy của Đoàn 5593, đồng chí Hà Tuấn Khanh được bổ nhiệm làm phó tư lệnh Đoàn 559, phụ trách khối chuyên gia. Về tổ chức, Đoàn 565 giữ nguyên các tổ chuyên gia ở Nam Lào. Riêng 11 huyện trên đường Trường Sơn do các binh trạm sư đoàn khu vực phụ trách. Ngoài nhiệm vụ chuyên gia giúp quân khu và các tỉnh Nam Lào, Đoàn 565 còn hình thành khung chuyên gia giúp tổ chức hai cụm chủ lực ở đường 9 và Hạ Lào.

Bước vào mùa khô năm 1970, quân nguỵ Viêng Chăn phối hợp với quân Thái Lan tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét các căn cứ du kích của ta, như: cuộc hành quân Kăn Nha Kiệt đánh vào hành lang Tạt Hây, Mương Noòng, Mương Phin (Xavẳnnakhệt); cuộc hành quân Thánôngkiệt với lực lượng 17 tiểu đoàn đánh vào Thà Thôm, Thà Viêng, hòng chiếm lại vùng Xiêng Khoảng - Cánh đồng Chum; đưa Trung đoàn 3 quân Thái Lan vào cao nguyên Bôlavên hỗ trợ cho các lực lượng ở Xalavăn. Các cuộc hành quân càn quét, lấn chiếm của địch đều bị lực lượng bộ đội địa phương, du kích và chủ lực Lào kết hợp với quân tình nguyện Việt Nam ngăn chặn và đánh thiệt hại nặng. Gần 4.500 tên địch bị diệt, 30 máy bay bị bắn rơi, trong đó riêng ở khu vực nam Xiêng Khoảng, ta đã diệt hơn 3.000 tên địch, bắn rơi 24 máy bay.




-----------------------------------------------------------------
1. Lực lượng thuộc Mặt trận X có hai tiểu đoàn bộ binh (2 và 3), Đại đội đặc công S4 của Đoàn 968; Trung đoàn 24 Mặt trận B3 (Tây Nguyên - Việt Nam); lực lượng vũ trang của Lào và chuyên gia quân sự sang hoạt động ở Hạ Lào.

2. Trong chiến dịch này, bộ đội Việt Nam - Lào đã loại khỏi vòng chiến đấu 657 tên nguỵ Lào, gọi hàng 250 tên, bắn rơi hai máy bay, thu và phá huỷ hơn 700 súng các loại, 187 ôtô và nhiều phương tiện chiến tranh khác của địch; giải phóng một khu vực rộng khoảng 3.600 km2 với 80 bản và trên một vạn dân.

3. Trước đó, Đoàn chuyên gia 565 thuộc quyền lãnh đạo chỉ huy của Bộ Tư lệnh 559, Đoàn 968 thuộc quyền lãnh đạo chỉ huy của Quân khu 4. Đến tháng 10 năm 1970, cả hai đoàn về đội hình Đoàn 559.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 07 Tháng Mười Một, 2021, 03:07:15 pm
2. Chiến thắng đường 9 - Nam Lào và Đại hội lần thứ II Đảng Nhân dân Lào

Sau hai năm thực hiện Học thuyết Níchxơn, với nguồn viện trợ quân sự lớn1, Mỹ đã xây dựng ở ba nước Đông Dương một đội quân tay sai có số lượng đông và trang bị mạnh hơn nhiều so với trước đây2 . Để thực hiện ý đồ rút quân Mỹ về nước nhằm xoa dịu dư luận và phong trào chống chiến tranh đang bùng phát mạnh mẽ trong lòng nước Mỹ, đồng thời tạo một tình thế chiến lược có lợi cho Mỹ - ngụy trên chiến trường Đông Dương, đế quốc Mỹ quyết định mở ba cuộc hành quân lớn: cuộc hành quân Lam Sơn 719, đánh sang đường 9 - Nam Lào; cuộc hành quân Toàn Thắng 171 đánh sang Đông Bắc Campuchia; và cuộc hành quân Quang Trung 4 đánh vào vùng ngã ba biên giới Tây Nguyên Việt Nam - Nam Lào - Campuchia. Trong đó, hướng đường 9 - Nam Lào là hướng tiến công chủ yếu của địch.

 Cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh ra đường 9 - Nam Lào là cuộc hành quân có quy mô lớn nhất trong ba cuộc hành quân trong năm 1971 đánh phá tuyến vận tải chiến lược của ba nước Đông Dương3 . Trong cuộc hành quân này, đế quốc Mỹ dự định sử dụng một khối lượng lớn máy bay trực thăng đổ quân chốt giữ các điểm cao dọc theo nam - bắc đường 9, đồng thời sử dụng bộ binh cơ động dọc theo đường 9, thọc lên Xê Pôn, hợp điểm với quân nguỵ Lào và quân Thái Lan từ Mương Phin sang chốt chặn lâu dài, hình thành hàng rào Mắc Namara kiểu mới, cắt đứt tuyến chi viện chiến lược tây Trường Sơn, phá huỷ kho tàng, căn cứ chiến lược ba nước Đông Dương, đe dọa miền Bắc Việt Nam, uy hiếp cách mạng Lào.

Ngày 31 tháng 1 năm 1971, Mỹ và quân nguỵ Sài Gòn bắt đầu cuộc hành quân. Chúng đã huy động một lực lượng khổng lồ gồm hơn 40.000 quân nguỵ Sài Gòn, trên 6.000 quân Mỹ, với một lực lượng lớn không quân, xe tăng, thiết giáp, pháo binh yểm trợ4 . Trong khi bộ binh, cơ giới địch tiến chậm chạp theo đường 9 về phía tây, thì một lực lượng lớn trực thăng đổ quân đánh chiếm các điểm cao dọc theo đường 9. Quân nguỵ Lào phối hợp hoạt động ở phía tây đường 9, sử dụng hai binh đoàn cơ động (GM) đánh ra Mương Noòng, Mương Phin. Mục tiêu đầu tiên của địch trong cuộc hành quân này là nhanh chóng đánh chiếm Xê Pôn, chiếm giữ đường 9 đoạn Bạn Đông - Xê Pôn lập thành tuyến ngăn chặn cắt đôi Đông Dương, lùng sục đánh phá kho tàng, đường sá xung quanh Xê Pôn, tiếp đó chuyển xuống đánh phá kho tàng khu vực Sa Đi - Mương Noòng đến A Túc, A Sầu, A Lưới.

Trước âm mưu của địch, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương Việt Nam quyết định mở chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào5 để đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719. Ngày 4 tháng 2 năm 1971, Bộ Chỉ huy chiến dịch đường 9 - Nam Lào được thành lập, do đồng chí Lê Trọng Tấn, Tổng Tham mưu phó làm tư lệnh và đồng chí Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm chính uỷ. Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam còn cử Thượng tư¬ớng Văn Tiến Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng vào chiến trường làm đại diện của Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh tại mặt trận.

Với phương châm chỉ đạo đúng đắn, kế hoạch tác chiến được chuẩn bị kỹ càng, bộ đội Việt Nam đã chủ động đón đánh từng cánh quân địch, kết hợp với lực lượng phòng không tại chỗ được tổ chức rộng khắp và bố trí dày đặc ở những nơi dự kiến địch sẽ đổ quân, bắn rơi nhiều máy bay lên thẳng của địch, tạo thời cơ đánh những trận hiệp đồng binh chủng lớn, tiêu diệt từng trung đoàn, lữ đoàn địch. Từ ngày 12 tháng 2 đến 3 tháng 3 năm 1971, lực lượng chủ lực Việt Nam tiến công dồn dập, bẻ gãy cánh quân chủ lực phía bắc đường 9 của địch, tiêu diệt những cụm cứ điểm then chốt ở các điểm cao 500, 543, đập tan cuộc phản kích lớn của Lữ đoàn dù số 3 và Trung đoàn thiết giáp số 17 quân nguỵ Sài Gòn, bắt sống Đại tá Nguyễn Văn Thọ cùng Ban Tham mưu lữ đoàn, đánh thiệt hại nặng Liên đoàn biệt động quân số 1.




-------------------------------------------------------------------
1. Dưới thời Giônxơn, viện trợ quân sự hàng năm của Mỹ cho quân nguỵ Lào khoảng 60 - 70 triệu USD, thời Níchxơn tăng lên 350 triệu USD trong tài khoá 1970 - 1971.

2. Năm 1968, quân nguỵ Lào mới có gần 30 vạn tên. Năm 1970 tăng lên 60 vạn, đầu năm 1970 là 63 vạn tên được tổ chức thành 183 tiểu đoàn, trong đó có 113 tiểu đoàn đặc biệt. Thành phần binh chủng kỹ thuật (xe tăng, pháo binh, không quân, công binh) trong các đơn vị chiến đấu tăng 2,5 lần so với năm 1968.

3. Ngay từ giữa năm 1964, đế quốc Mỹ đã sử dụng không quân đánh phá nhằm ngăn chặn hoạt động vận chuyển của ta trên tuyến đường chiến lược tây Trường Sơn. Từ năm 1966 đến 1971, số máy bay Mỹ đánh phá ở Lào đã lên tới 531.000 lượt chiếc, trong đó 388.000 lượt chiếc đánh vào tuyến đường chiến lược và 143.000 lượt chiếc đánh ở Bắc Lào. Số bom đạn Mỹ ném xuống đất Lào từ năm 1965 đến 1971 lên tới 1.644.000 tấn. Vào từng thời điểm, từng địa bàn, đế quốc Mỹ và tay sai còn tiến hành nhiều cuộc hành quân với mọi quy mô để chặn bằng được tuyến chi viện chiến lược. Từ khi Lon Non lên nắm chính quyền ở Campuchia (tháng 3 năm 1970), cảng Xihanúc Vin bị khoá chặt, các đoàn hậu cần của Việt Nam đứng chân trên đất Campuchia gặp khó khăn, tuyến vận tải chiến lược tây Trường Sơn của Đoàn 559 trở thành tuyến vận chuyển chi viện chiến lược duy nhất của ba nước Đông Dương; do vậy, ngăn chặn bằng được tuyến 559 tây Trường Sơn đã trở thành một mục tiêu chiến lược của đế quốc Mỹ.

4. Lực lượng địch trên địa bàn chiến dịch lúc cao nhất là 55.000 quân, gồm 15 trung đoàn bộ binh, 3 thiết đoàn thiết giáp, 578 xe tăng, xe bọc thép, 318 pháo, 700 máy bay các loại. Ngoài ra, còn có 2 binh đoàn quân nguỵ Lào.

5. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: 5 sư đoàn bộ binh; 4 tiểu đoàn xe tăng, xe thiết giáp; 4 trung đoàn pháo binh; 4 trung đoàn phòng không; 3 trung đoàn công binh; một số tiểu đoàn đặc công và lực lượng chiến đấu tại chỗ của các mặt trận B4, B5, Đoàn 559, các đơn vị bộ đội tình nguyện và bộ đội Trung - Hạ Lào, tổng số khoảng 60.000 quân chiến đấu và phục vụ chiến đấu.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 07 Tháng Mười Một, 2021, 03:11:54 pm
Về phía Lào, tháng 6 năm 1970, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã họp và đưa ra nhận định: hướng Trung, Hạ Lào trong hai năm tới sẽ càng trở nên đặc biệt quan trọng vì liên quan trực tiếp đến tuyến vận tải chiến l¬ược 559 của Việt Nam. Tiếp đó, tháng 10 năm 1970, Quân uỷ Trung ương Lào đã ra nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ, kế hoạch quân sự mùa khô 1970 - 1971, trong đó xác định: “Phải chuẩn bị sẵn sàng đánh bại mọi cuộc tiến công quy mô lớn của quân nguỵ Sài Gòn và một số quân Mỹ, quân Thái Lan vào Trung, Hạ Lào và Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng... phải phối hợp chặt chẽ với chiến trường miền Nam Việt Nam và Campuchia sẵn sàng đón thời cơ giành thắng lợi lớn hơn...” . Đồng thời, Tổng Quân uỷ và Bộ Chỉ huy tối cao Lào quyết định thành lập năm cụm chiến đấu (tương đương trung đoàn) bố trí sẵn ở những khu vực quan trọng, trong đó hướng Nam Lào bố trí hai cụm.

Dự đoán trước âm mưu của địch ở khu vực đường 9 - Nam Lào, đầu mùa khô 1970 - 1971, Đoàn chuyên gia quân sự 565 và quân tình nguyện ở Hạ Lào tổ chức các lực lượng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với bộ đội Lào nắm chắc địch, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động sau lưng địch, phá bước chuẩn bị chiến trường của chúng. Ngày 20 tháng 11 năm 1970, lực lượng tình nguyện Đoàn 968 đã phối hợp với bộ đội Lào mở đợt tiến công dãy điểm cao phía đông Bôlavên, các cứ điểm PS38, LS165, Phu Lẳng Kẹo. Sau khi làm chủ ba căn cứ phía đông Bôlavên, đầu tháng 1 năm 1971, Đoàn 968 tiếp tục tiến công tiêu diệt căn cứ Huội Xài, đồng thời cùng các đơn vị Lào khẩn trương chuẩn bị chiến trường, tổ chức các lực lượng chiến đấu sẵn sàng phối hợp với bộ đội chủ lực Việt Nam, tiến hành sơ tán nhân dân và kho tàng. Những hoạt động này đã góp phần tích cực tạo nên sức mạnh để bộ đội hai nước bước vào cuộc đọ sức quyết liệt với kẻ thù khi chúng mở cuộc hành quân lớn đánh ra đường 9 - Nam Lào.

Phối hợp với bộ đội chủ lực ở hướng chính, ở phía nam, từ ngày 7 tháng 3 năm 1971, bộ đội tình nguyện thuộc Đoàn 968 cùng bộ đội Lào tiến công căn cứ LS165 (Nặm Tiêng), căn cứ PS22 (Nặm Lực), bao vây căn cứ PS38 (In Thi). Ở phía tây đường 9, các tổ công tác của Đoàn chuyên gia quân sự 565 đã cùng các đại đội 91, 93 quân giải phóng nhân dân Lào và du kích chặn đánh tiêu diệt nhiều sinh lực của GM33 khi chúng từ Huội Mừn, Tùm Lan tiến ra hỗ trợ cho cánh quân nguỵ Sài Gòn đánh vào Mương Noòng. Một tổ chuyên gia khác cùng Tiểu đoàn 14 Quân khu Trung Lào tổ chức các trận phục kích GM31 ở khu vực Đoông Mốt, Huội Xála, đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn và sở chỉ huy GM31... Các hoạt động của bộ đội Lào và quân tình nguyện Việt Nam ở Lào đã góp phần phân tán sự đối phó của địch, tạo điều kiện để bộ đội chủ lực Việt Nam đánh những trận tiêu diệt lớn, giành thắng lợi cho chiến dịch.

Ngày 23 tháng 3 năm 1971, sau khi giải phóng Bạn Đông, chiến dịch phản công đư¬ờng 9 - Nam Lào kết thúc. Kết quả, quân dân Việt Nam - Lào đã tiêu diệt và làm bị thương 19.960 tên, bắt 1.142 tù binh, bắn rơi, phá huỷ 556 máy bay, 1.138 xe quân sự, 112 khẩu pháo cối, thu 2 máy bay trực thăng và nhiều vũ khí, phương tiện quân sự.

Chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào toàn thắng. Cuộc hành quân Lam Sơn 719, cố gắng cuối cùng trong cơn “giãy chết” trong chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh của Mỹ đã thất bại thảm hại. Âm mưu cắt đứt tuyến đường Trường Sơn bằng sức mạnh tổng lực trong tổng thể chiến lược chiến tranh ngăn chặn của Mỹ hoàn toàn thất bại. Địch hy vọng làm chủ và biến đường 9 thành “lưỡi dao” cắt ngang tuyến vận tải quân sự Trường Sơn, song ta đã làm chủ con đường này từ Bạn Đông đến Mương Phin. Bộ Chỉ huy tiền phương Trường Sơn vẫn trụ vững tại huyện lỵ Xê Pôn, sát cánh cùng các cấp uỷ và chính quyền địa phương Lào trong suốt chiến dịch.

Thắng lợi ở đường 9 - Nam Lào đã đánh gục vai trò nòng cốt của quân nguỵ Sài Gòn trong âm mưu “dùng người Đông Dương, đánh người Đông Dương” của Mỹ, mở ra triển vọng mới cho cách mạng Lào và toàn bộ chiến trường Đông Dương. Chiến thắng đường 9 - Nam Lào không chỉ khẳng định sức mạnh to lớn của quân đội và nhân dân Việt Nam, mà còn là sự khẳng định sức mạnh vĩ đại của tình đoàn kết Việt Nam - Lào trong suốt cuộc kháng chiến.

Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Đoàn 559 đã có những lời nói cảm động về sự ác liệt và hình ảnh những người chiến sĩ Việt Nam - Lào trong chiến dịch này: “Trong cuộc chiến này, khi mà đối phương huy động tối đa sức mạnh tổng lực hòng xoá con đường Trường Sơn; khi mà biết bao đồng chí, đồng bào ngã xuống, nằm lại vĩnh viễn với những đồi lau xơ xác, những bìa rừng khuất nẻo... vì sự sống của con đường, vì sự toàn thắng của chiến dịch, nếu như ai đó thi vị hoá hết thảy sẽ là tội lỗi. Nhưng nếu không tìm thấy cội nguồn chiến thắng từ những bước chân nhún nhảy của những chàng trai, cô gái Pa Cô trên đường tải đạn, trong âm vang réo rắt tiếng đàn ta lư, hay điệu lăm vông của những nam nữ chiến sĩ quân giải phóng Lào sau từng trận đánh..., thì cũng khó lý giải hết tầm thế của chiến công này..., và vì sao ta chiến thắng!” .

Tại Mặt trận Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, trong thời gian diễn ra chiến dịch phản công ở đường 9 - Nam Lào, Quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng phối hợp cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam mở chiến dịch 74B (từ ngày 21 tháng 2 đến 30 tháng 4 năm 1971), giải phóng được Mương Xủi, Buôm Loộng, loại khỏi vòng chiến đấu 2.800 tên.

Phối hợp với đấu tranh quân sự trên mặt trận đường 9, quân dân Lào đã đẩy mạnh đấu tranh chính trị, ngoại giao và xây dựng cơ sở ở vùng địch tạm chiếm. Phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Lào đòi chấm dứt chiến tranh, thực hiện hoà hợp dân tộc phát triển rộng rãi trong các đô thị. Trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, ngay sau chiến thắng đường 9 - Nam Lào, ngày 27 tháng 3 năm 1971, Trung ương Neo Lào Hắc Xạt đã đưa ra sáng kiến hoà bình mới, bổ sung cho giải pháp chính trị năm điểm (đưa ra ngày 26 tháng 3 năm 1970), đòi Mỹ phải chấm dứt ném bom hoàn toàn và không điều kiện ở Lào thì mới có ngừng bắn và thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc lâm thời. Những hoạt động mạnh mẽ của quân dân Lào đã đẩy quân ngụy Lào vào thế bị động, lúng túng.

Tháng 7 năm 1971, lợi dụng mùa mưa, địch huy động 21 tiểu đoàn quân đặc biệt Vàng Pao, 10 tiểu đoàn lính Thái Lan (sau đó tăng lên 33 tiểu đoàn) lấn chiếm tây nam Cánh đồng Chum, đồng thời sử dụng hai trung đoàn của Sư đoàn 1 ngụy Viêng Chăn (thời gian này địch thành lập hai sư đoàn làm thí điểm) từ Xála Phu Khun tiến đánh Mương Xủi. Mục tiêu của chúng là chiếm lại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, tiến sát biên giới Lào - Việt Nam, uy hiếp Sầm Nưa và miền Bắc Việt Nam. Sau cuộc hành quân Cù Kiệt thì cuộc hành quân này được coi là thử nghiệm lớn thứ hai nhằm kiểm chứng sức mạnh và vai trò của “lực lượng đặc biệt” trong chiến lược mới Chiến tranh đặc biệt tăng cường. Tuy nhiên, các cánh quân của chúng đã bị các lực lượng thuộc Quân khu Cánh đồng Chum, lực lượng trung lập và dân quân du kích địa phương Lào phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam chặn đánh quyết liệt, loại khỏi vòng chiến đấu 7.118 tên, buộc phải dừng lại phòng ngự trước sân bay Cánh đồng Chum.

Kiên quyết không để địch lấn sâu vào vùng Xiêng Khoảng, Quân uỷ Trung ương Lào và Việt Nam đã thống nhất tập trung lực lượng để bảo vệ và củng cố khu vực chiến lược trọng yếu này. Hai bên đã quyết định mở chiến dịch tiến công mùa khô 1971 - 1972 (chiến dịch mang mật danh Z) nhằm giải phóng Xảm Thông - Loòng Chẹng, đập tan hệ thống phòng ngự của địch ở tuyến ngoài, phát triển vào hậu cứ Na Xịa của Quân khu 2 Vàng Pao; trên cơ sở đó, tổ chức phòng thủ vững chắc và lâu dài khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng - Mương Xủi 1.

Ngày 18 tháng 12 năm 1971, chiến dịch mở màn. Qua hơn 110 ngày đêm (từ ngày 18 tháng 12 năm 1971 đến 5 tháng 4 năm 1972) chiến đấu quyết liệt, gian khổ, bộ đội Lào - Việt Nam đã đập tan tập đoàn phòng ngự lớn nhất từ trước tới nay của địch từ Cánh đồng Chum đến Mương Xủi, uy hiếp “thủ đô Loòng Chẹng” của Vàng Pao, buộc địch phải dùng 18 tiểu đoàn để giữ Loòng Chẹng. Chiến dịch đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên, trong đó có 3.532 lính Thái Lan; giải phóng một vùng rộng lớn với hơn 1 vạn dân từ Ka Xỷ đến Xála Phu Khun, Kìu Kachăm, Bạn Na, Thặm Lửng, Phu Phả Xây; đánh bại nỗ lực lớn nhất của Mỹ trong việc áp dụng công thức “quân Thái Lan làm nòng cốt phối hợp với quân Vàng Pao dưới sự chi viện của không quân Mỹ”.

Ở Hạ Lào, mùa mưa năm 1971, địch huy động các binh đoàn 30, 33, 40, 42 quân phái hữu, 11 tiểu đoàn quân đặc biệt Vàng Pao và bốn tiểu đoàn quân Thái Lan, được sự chi viện của không quân Mỹ, tiến công chiếm lại Xalavăn, Pạc Xoòng, Lao Ngam, Bạn Phôn, Thà Teng và có ý định tiến công chiếm lại Áttapư. Trước tình hình trên, cuối tháng 11 năm 1971, Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam đã điều Trung đoàn 141 (Sư đoàn 2 Quân khu 5) tăng cường cho Hạ Lào, đồng thời giao nhiệm vụ cho các lực lượng quân tình nguyện Đoàn 968 phối hợp với chuyên gia quân sự và quân dân Hạ Lào thực hiện tốt các nhiệm vụ: kiên quyết bảo đảm và giữ vững tuyến chi viện chiến lược Đoàn 559; giải phóng và giữ vững những khu vực then chốt ở Hạ Lào; chuẩn bị tốt mọi mặt, giữ vững thắng lợi để tiếp tục phát triển tiến công...

Từ ngày 6 tháng 12, các đơn vị của Đoàn 968 quân tình nguyện Việt Nam phối hợp cùng Tiểu đoàn 11, Đại đội 26 của tỉnh Xalavăn nổ súng tiến công Xalavăn, Thà Teng, Pạc Xoòng. Kết quả, ta tiêu diệt và bắt sống 2.400 tên địch (trong đó có 300 lính Thái Lan), bắn rơi tám máy bay Mỹ, thu hồi toàn bộ khu vực cao nguyên Bôlavên, Xalavăn.

Đầu năm 1972, cùng với chiến dịch phản công đánh bại cuộc phản kích quy mô lớn của địch ra khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, dồn chúng vào Loòng Chẹng, bộ đội Lào - Việt Nam còn quét và thu phục phỉ ở Luổng Phạbang, Luổng Nặm Thà; đánh bại cuộc hành quân của quân nguỵ Lào phối hợp với quân Thái Lan ra vùng Xalavăn, Mương Pha Lan, Pạc Xoòng, dồn địch ra bờ sông Mê Công. Đây là những thắng lợi có tầm quan trọng chiến lược, làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng Lào.



------------------------------------------------------------------
1. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: 2 sư đoàn bộ binh (316, 312), 2 trung đoàn quân tình nguyện (335, 866), 2 tiểu đoàn pháo binh (42, 16), 4 tiểu đoàn phòng không, 2 tiểu đoàn trinh sát đặc công, 1 tiểu đoàn tăng thiết giáp, 3 tiểu đoàn công binh. Phía Lào có: các tiểu đoàn 1, 2, 13, Pắtchây, tiểu đoàn pháo binh, Đại đội nữ pháo binh 769, đại đội xe tăng, các tiểu đoàn 15, 48, 116 trung lập, 3 đại đội địa phương, 1 đại đội pháo binh, lực lượng dân quân du kích địa phương. Bộ Tư lệnh chiến dịch do đồng chí Vũ Lập làm tư lệnh, đồng chí Huỳnh Đắc Hương làm chính uỷ. Đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng, đại diện Bộ Quốc phòng và Quân uỷ Trung ương đi cùng trực tiếp chỉ đạo chiến dịch.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 07 Tháng Mười Một, 2021, 03:15:29 pm
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Nhân dân Lào

Nhận thức rõ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân các bộ tộc Lào đang ở giai đoạn bước ngoặt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II để xác định đường lối đưa cách mạng tiến nhanh trong giai đoạn mới. Sau một thời gian họp trù bị, Đại hội chính thức khai mạc ngày 3 tháng 2 và kết thúc ngày 6 tháng 2 năm 1972 tại Viêng Xây, tỉnh Hủa Phăn. Về dự Đại hội lần này có 125 đại biểu đại diện cho hàng vạn đảng viên trong cả nước. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã trình bày báo cáo chính trị, tổng kết công tác lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào trong 26 năm qua và khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Lào.

Đại hội đã phân tích tình hình thế giới và tình hình trong nước, tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo trong nhiệm kỳ qua và đề ra nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới là: “Đoàn kết nhân dân các bộ tộc, đánh đổ đế quốc xâm lược, tập đoàn tư sản mại bản quan liêu, quân phiệt và giai cấp phong kiến, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không qua con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, làm cho nước Lào thành một nước hoà bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng, tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới”.

Đại hội đã thông qua bản sửa đổi điều lệ Đảng và quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Đại hội đã nhất trí suy tôn đồng chí Hồ Chí Minh là lãnh tụ của Đảng và quyết định đặt tượng của Người ở vị trí trang nghiêm của Đại hội. Đại hội còn thông qua bản Nghị quyết “Tăng cường đoàn kết Lào - Việt Nam”, trong đó xác định tình đoàn kết Lào - Việt Nam trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tinh thần quốc tế vô sản, là mối quan hệ đặc biệt. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 23 ủy viên chính thức và sáu ủy viên dự khuyết. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản được Trung ương bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

 Đại hội II của Đảng là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, có tầm quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân các bộ tộc Lào; đánh dấu sự trưởng thành về chính trị và tổ chức của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Lào. Nghị quyết của Đại hội là bó đuốc soi đường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Lào vững bước tiến lên chiến thắng kẻ thù, đưa cách mạng Lào tiến lên giai đoạn mới.

Trong quá trình Lào chuẩn bị Đại hội, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, mà trực tiếp là các đồng chí chuyên gia, đã góp phần cùng Trung ương Lào nghiên cứu đường lối cách mạng Lào, đề ra cương lĩnh chính trị và điều lệ sửa đổi. Ngay từ năm 1970, đại diện Đảng Nhân dân Lào và đại diện Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là các đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Lê Duẩn, đã tiến hành hội đàm để trao đổi về bản dự thảo cương lĩnh chính trị của Đảng Nhân dân Lào. Chuyên gia Việt Nam cũng đã cử nhiều tổ công tác xuống cơ sở nghiên cứu các mặt kinh tế, xã hội Lào làm cơ sở để Trung ương Lào xây dựng cương lĩnh. Chuyên gia còn góp phần cùng các cơ quan trung ương và địa phương Lào tổ chức đại hội các cấp và tổ chức đại hội thành công, an toàn. Trong điều kiện vùng giải phóng Lào phân tán, giao thông khó khăn, chiến tranh ác liệt, việc tổ chức Đại hội lần thứ II Đảng Nhân dân Lào là một cố gắng rất lớn của toàn quân, toàn dân Lào, cũng như đội ngũ chuyên gia Việt Nam.

Đảng Lao động Việt Nam đã cử một đoàn đại biểu, do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị dẫn đầu, đến dự Đại hội Đảng Nhân dân Lào. Sau thời gian tham dự Đại hội, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã dành thời gian thăm hỏi, trao đổi với các đồng chí lãnh đạo đoàn chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam về tình hình bộ đội Việt Nam ở Lào thời gian qua và nhiệm vụ trong thời gian tới. Đồng chí căn dặn cán bộ các đoàn chuyên gia và quân tình nguyện tập trung mọi nỗ lực giúp Lào tốt hơn nữa, làm cho mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào ngày càng thêm keo sơn, gắn bó.

 Sau Đại hội, Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào chủ trương tiến hành chỉnh huấn Đảng lần thứ ba. Đội ngũ chuyên gia Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan giáo dục, tuyên truyền của Trung ương Lào biên soạn tài liệu, cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng; tiếp đó cùng các cơ quan tổ chức tiến hành chỉnh huấn sâu rộng trong toàn Đảng. Nhiệm vụ chỉnh huấn Đảng trong quân đội được Tổng Quân uỷ Lào xác định vào đầu mùa mưa năm 1972. Để kịp thời giúp triển khai đợt chỉnh huấn Đảng trong các lực lượng vũ trang Lào, chuyên gia quân sự đã phối hợp với các cơ quan chức năng xuống các đơn vị cơ sở tổ chức sinh hoạt chính trị, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng, nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang.    


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 07 Tháng Mười Một, 2021, 03:21:22 pm
3. Phối hợp đẩy mạnh tiến công, buộc Mỹ và tay sai phải ký Hiệp định Pari và Hiệp định Viêng Chăn

Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của lực lượng cách mạng Đông Dương, mà đặc biệt là các chiến trường đường 9 - Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Tây Nguyên trong Xuân - Hè 1971 đã làm thất bại nặng nề chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh của Mỹ. Trên chiến trường miền Nam, địch phải chuyển hẳn vào thế phòng ngự, quân Mỹ tiếp tục rút khỏi chiến trường, quân nguỵ bị sa sút về tinh thần, thiếu quân cơ động, sức chiến đấu giảm.

Để thúc đẩy chiều hướng phát triển của tình hình có lợi cho cách mạng, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tháng 5 năm 1971, chủ trương: phát triển thế tiến công chiến lược trên toàn chiến trường, đánh bại chiến lược Đông Dương hoá chiến tranh của đế quốc Mỹ, giành thắng lợi có tính quyết định trong năm 1972, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua; trước mắt, mở các chiến dịch tiến công lớn của bộ đội chủ lực trên các hướng chiến lược quan trọng là miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Trị - Thiên, đồng thời đẩy mạnh tiến công quân sự rộng khắp, kết hợp với quần chúng nổi dậy phá kế hoạch “bình định” của chúng ở nông thôn rừng núi và nông thôn đồng bằng, thúc đẩy phong trào đấu tranh của quần chúng ở các đô thị, làm thay đổi cục diện chiến tranh.

Công tác chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược được tiến hành khẩn trương. Từ giữa năm 1971, toàn bộ lực lượng trên toàn tuyến 559 tập trung xây dựng, cải tạo hệ thống cầu đường nhằm tạo ra một thế trận mới có chính diện vượt khẩu, kéo dài 250 km, với sáu tuyến cắt ngang dãy Trường Sơn, nối mạng tây Trường Sơn với tuyến đông Trường Sơn chạy sát sườn địch, nhanh chóng tiếp cận chiến trường, đồng thời lợi dụng sự trái ngược thời tiết đông và tây Trường Sơn để vận chuyển cả hai mùa; có tuyến đường kín mang ý nghĩa chiến lược, gây cho địch bất ngờ, có khả năng vô hiệu hoá đối tượng cực kỳ nguy hiểm là máy bay AC130; đồng thời cho phép vận tải ban ngày theo đội hình lớn, chạy thẳng cung dài từ đầu tuyến theo đường tây Trường Sơn trên đất Lào đến vùng ngã ba biên giới (Tây Nguyên).

Từ ngày 20 tháng 10 đến 15 tháng 11 năm 1971, trên 20.000 bộ đội cùng 1.200 xe, 250 khẩu pháo và hàng trăm tấn khí tài công binh, thông tin nhập tuyến, vượt cửa khẩu sang Lào, hành quân vào các chiến trường chuẩn bị cho cuộc tiến công. Đường ống xăng dầu của Việt Nam cũng dẫn được hơn 1 vạn tấn vào miền Nam. Các đơn vị: Sư đoàn 320, các trung đoàn 24B, 27, 271; 20 tiểu đoàn xe tăng, xe thiết giáp, pháo binh, cao xạ, vận tải cơ giới; 9 tiểu đoàn và 44 đại đội bộ đội địa phương lần lượt hành quân vào chiến trường. Đến đầu năm 1972, các khối chủ lực của các mặt trận Trị -  Thiên, Khu 5, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ đã được bổ sung nhiều đơn vị binh chủng kỹ thuật, như súng cối 160 mm, pháo nòng dài 122 mm và 130 mm, tên lửa B72, tên lửa A72. Ở miền Đông Nam Bộ đã thành lập Đoàn pháo binh 75, Trung đoàn thiết giáp 26, bảo đảm đủ lương thực cho bộ đội cả năm 1972. Vùng ngã ba biên giới như bừng lên một sức sống mới. Bộ đội đi lại nhộn nhịp, nhiều khu trú quân mới mọc lên và từ hành lang chiến lược, những chiếc xe tăng, xe kéo pháo, xe vận tải nối đuôi nhau rẽ vào chiến trường. Đường tây Trường Sơn và quân, dân Lào trên tuyến đường đã góp phần không nhỏ trong việc chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam.

Ngày 30 tháng 3 năm 1972, cuộc tiến công chiến lược mở màn. Trên hướng chủ yếu Trị - Thiên, trong năm ngày đầu chiến dịch, bộ đội Việt Nam đã phá vỡ tuyến phòng thủ cơ bản của địch; giải phóng hoàn toàn hai huyện Gio Linh và Cam Lộ; diệt và bắt toàn bộ Trung đoàn 56 địch. Tiếp đó, tiến công tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Đông Hà - Lai Phước, các cụm quân địch ở Ái Tử, La Vang, thị xã Quảng Trị, giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị (tỉnh đầu tiên được giải phóng ở miền Nam). Trên hướng Tây Nguyên, các sư đoàn chủ lực Việt Nam có xe tăng và pháo binh hạng nặng đã tiến công giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh và vùng đất đai rộng lớn, áp sát thị xã Kon Tum. Trên hướng miền Đông Nam Bộ, chiến trường sát nách Sài Gòn, bộ binh và xe tăng Việt Nam cũng dồn dập tiến công giải phóng thị xã Lộc Ninh, đập tan toàn bộ hệ thống phòng thủ phía trước trên vòng cung phía bắc Sài Gòn của địch. Trên cả ba hướng, bộ đội Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 10 vạn tên địch, đẩy quân nguỵ trước nguy cơ sụp đổ nghiêm trọng.

Phối hợp với chiến trường Việt Nam, lực lượng vũ trang của Lào đẩy mạnh hoạt động trên các chiến trường. Tại Hạ Lào, Tiểu đoàn 11 và các đơn vị địa phương phối hợp với Đoàn 968 quân tình nguyện Việt Nam giải phóng Pạc Xoòng, Huội Coòng, đánh thiệt hại bốn tiểu đoàn của quân phái hữu và hai tiểu đoàn quân Thái Lan. Đại đội 26 và bộ đội huyện đã tập kích và giải phóng thị trấn Khôngxêđôn (phía bắc Pạc Xê 50 km). Tiểu đoàn địa phương Chămpaxắc chiếm thị trấn Phia Phay (nam Pạc Xê 45 km). Tại Trung Lào, quân giải phóng Lào cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam đánh bại nhiều cuộc tiến công lấn chiếm của địch, bảo vệ được vùng giải phóng, đồng thời liên tục tổ chức tiến công địch ở Xê Nô, Thà Khẹc, Mương Pha Lan, Đồng Hến... Tại Bắc Lào, bộ đội Lào, Việt Nam tiến công giải phóng Pạc U, Pạc Xương, tập kích địch ở Xiêng Ngân và sân bay Luổng Phạbang...

Trên chiến trường trọng điểm Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, sau chiến dịch phản công thắng lợi, Bộ Chỉ huy tối cao Quân giải phóng nhân dân Lào cùng Quân uỷ Trung ương Việt Nam quyết định tổ chức chiến dịch phòng ngự nhằm đánh bại âm mưu giành lại địa bàn quan trọng này trong mùa mưa của địch, đồng thời góp phần bảo vệ sườn phải cho cuộc tiến công chiến lược của Việt Nam ở Trị - Thiên, Tây Nguyên. Phạm vi phòng ngự nằm trong tứ giác Mương Xủi - Noỏng Pết - Thặm Lửng - Xiêng Khoảng.

Đây là chiến dịch phòng ngự có quy mô lớn nhất1 và diễn ra trong thời gian dài nhất trên chiến trường Lào (từ ngày 20 tháng 5 đến 15 tháng 11 năm 1972). Với nhiều cách đánh linh hoạt, sáng tạo và tinh thần chiến đấu kiên cường dũng cảm, quân tình nguyện Việt Nam cùng quân dân Lào đã đánh bại các đợt tiến công của 8 binh đoàn cơ động của Vàng Pao, 9 tiểu đoàn đặc biệt (BS), 4 tiểu đoàn tình nguyện (BV), 18 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn pháo binh của Thái Lan, 2 binh đoàn, 2 lữ đoàn bộ binh nguỵ và có sự chi viện tối đa của không quân Mỹ; loại khỏi vòng chiến đấu 5.631 tên địch, bắn rơi 38 máy bay, đánh thiệt hại nặng 3 binh đoàn nguỵ và 3 tiểu đoàn lính Thái Lan.

Thắng lợi của chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1972 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ta đã đánh bại cố gắng cao nhất của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai muốn chiếm địa bàn chiến lược để giành thế có lợi cho giải pháp chính trị của chúng. Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng góp phần tạo thế hơn hẳn của cách mạng Lào trong đàm phán tìm giải pháp chính trị.

Phối hợp chặt chẽ với quân, dân Cánh đồng Chum, ở Hạ Lào mùa mưa năm 1972, quân tình nguyện Việt Nam cùng các đơn vị quân giải phóng nhân dân Lào đã đập tan cuộc hành quân Sư tử đen của quân phái hữu Viêng Chăn vào khu vực Khôngxêđôn, đường 23, Pạc Xoòng, Xalavăn, Thà Teng, Bôlavên, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều đơn vị của các binh đoàn 32, 41, 42, bảo vệ được vùng giải phóng và tuyến vận tải chiến lược 559. Bước vào mùa khô 1972 - 1973, địch tăng cường quân ở Hạ Lào lên 35 tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn cơ giới, một trung đoàn và 11 tiểu đoàn quân Thái Lan, tổ chức phòng thủ trên cả hai hướng Pạc Xê, Khôngxêđôn, đồng thời mở một số cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng và phá tuyến vận chuyển chiến lược 559.

Theo dõi các diễn biến về địch, sáng ngày 18 tháng 10 năm 1972, Trung đoàn 9 nổ súng tấn công ngã ba Lao Ngam. Trung đoàn 39 tiến công Lữ đoàn 22 ở Cút Ta Bèng, Cút Nặm Ly, Na Káxao, Phu Khoổng. Ở hướng Xalavăn, ngày 19 và 20 tháng 10, địch dùng trực thăng đổ GM41, GM42 xuống tây nam thị xã. Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 19 chiến đấu ngoan cường, song đến chiều ngày 26 tháng 10, địch vẫn chiếm được thị xã. Do yêu cầu hỗ trợ cho đấu tranh chính trị và ngoại giao trên bàn đàm phán của bạn, quân tình nguyện Việt Nam cùng các đơn vị quân giải phóng Lào đã tập trung lực lượng giải phóng thị xã Xalavăn vào ngày 15 tháng 11. Những ngày cuối năm 1972 đầu năm 1973, địch tập trung quân hai lần đánh chiếm lại thị xã Xalavăn nhưng đều bị thất bại. Đầu tháng 1 năm 1973, địch lại tập trung quân ở Pạc Xê theo đường 23 đánh chiếm lại thị xã Pạc Xoòng. Trong thời điểm chuẩn bị có giải pháp chính trị về Lào, theo yêu cầu của Bộ Chỉ huy tối cao Lào, quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Lào đã kiên quyết tiến công đẩy địch ra khỏi thị xã Pạc Xoòng, giữ vững thị xã Xalavăn.




----------------------------------------------------------------
1. Lực lượng Việt Nam tham gia chiến dịch gồm Sư đoàn 316 (có 2 trung đoàn 174 và 149), 2 trung đoàn độc lập (335 và 866), 2 tiểu đoàn đặc công (27, 41), 1 tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp, 2 tiểu đoàn cao xạ 37 ly, 2 tiểu đoàn súng phòng không 14,5 mm và 12,7 mm, Tiểu đoàn pháo binh 42... (đến tháng 10 năm 1972, Bộ Tổng Tham mưu tăng cường thêm Trung đoàn 88 thuộc Sư đoàn 308C). Lực lượng của Lào có 7 tiểu đoàn bộ binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội pháo xe kéo, 1 đại đội pháo mang vác, 2 đại đội cao xạ, 1 đại đội công binh, cùng 1 đại đội (Quân khu), 1 đại đội của tỉnh và 8 trung đội của hai huyện Mương Pẹc và Mương Khăm.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 07 Tháng Mười Một, 2021, 03:26:10 pm
Trong thời điểm chuẩn bị có hiệp định ngừng bắn, diễn biến tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ có nhiều phức tạp, công tác chính trị đã được các chuyên gia Việt Nam đặc biệt coi trọng. Chuyên gia đã giúp tổ chức các đội công tác bám sát từng đơn vị, nhất là ở những địa bàn quan trọng, tiến hành giáo dục để bộ đội thấy rõ âm mưu thủ đoạn của kẻ thù; quán triệt và tổ chức tốt công tác xây dựng cơ sở quần chúng cách mạng trong nhân dân, công tác binh vận, địch vận... Đặc biệt, về công tác xây dựng đảng trong lực lượng vũ trang, chuyên gia Việt Nam đã giúp kiện toàn tổ chức các cấp uỷ, phát triển đảng viên có đủ số lượng, bảo đảm chất lượng. Số lượng đảng viên của Lào năm 1972 so với năm 1962 tăng lên 7,15 lần. Tỷ lệ lãnh đạo trong quân đội đạt 20 - 21%.

Trên lĩnh vực xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá, tháng 6 năm 1969, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã ra nghị quyết giúp Lào phát triển kinh tế, văn hoá ở vùng giải phóng, xác định: giúp Lào xây dựng nền kinh tế dân chủ nhân dân, phát triển văn hoá dân tộc trong vùng giải phóng là một nội dung hết sức quan trọng trong công tác chi viện cho cách mạng Lào hiện nay; nội dung giúp Lào xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá bao gồm các mặt như giúp ý kiến, kinh nghiệm, đường lối, phương châm, chính sách, kế hoạch và chuyên gia; phương châm giúp là toàn diện, cơ bản, liên tục, lâu dài, lấy việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân kỹ thuật và xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật làm khâu quan trọng nhất để tạo điều kiện cho bạn ngày càng phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, tiến lên một cách vững chắc; trực tiếp xây dựng một số công trình kinh tế, văn hoá để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân ở các vùng giải phóng...

Sau khi có nghị quyết của Bộ Chính trị, các bộ, ngành của Việt Nam đã chú trọng tăng cường đội ngũ chuyên gia cũng như cơ sở vật chất giúp Lào. Một số địa phương giáp biên giới cũng mở rộng quan hệ giúp đỡ bạn. Ngay từ tháng 5 năm 1967, tỉnh Thanh Hoá đã ký kết hiệp định giúp tỉnh Hủa Phăn phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội. Tiếp đó, tháng 6 năm 1967, tỉnh đã cử đoàn cán bộ đầu tiên sang giúp Lào. Cuối năm 1969, hai đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hoá và Hủa Phăn tiến hành hội đàm để nhận định về sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá trong ba năm qua, đồng thời ký hiệp định tiếp tục hợp tác giúp đỡ nhau về mọi mặt trong hai năm 1970 - 1971. Theo hiệp định, trong hai năm 1970 - 1971, Thanh Hoá sẽ giúp Hủa Phăn đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là trọng tâm, nhằm nhanh chóng tự túc được lương thực - thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu chiến đấu, sản xuất và đời sống nhân dân.

Tiếp tục giúp Lào xây dựng vùng giải phóng vững mạnh, chuyên gia chính trị đã cùng các cơ quan của Lào nghiên cứu, tham mưu để Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đề ra nghị quyết (tháng 8 năm 1971) phát triển kinh tế trong ba năm (1971 - 1973). Nội dung chính của nghị quyết là tập trung mọi lực lượng cán bộ, bộ đội, nhân dân đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu chiến đấu và đời sống của nhân dân về lương thực, thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt; tạo tiền đề để xây dựng nền kinh tế vững mạnh khi có điều kiện. Chú ý phát triển toàn diện nông nghiệp, thủ công nghiệp nhưng nông nghiệp là chủ yếu...

Sau Đại hội lần thứ II Đảng Nhân dân cách mạng Lào, các bộ, ngành của Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác, giúp đỡ với các bộ, ngành của Lào như lâm nghiệp, công nghiệp nhẹ, thủ công nghiệp và địa chất (tháng 2 năm 1972), giao thông vận tải (tháng 4 năm 1972) và thuỷ lợi (tháng 5 năm 1972), nhằm nâng cao tốc độ phát triển kinh tế trong vùng giải phóng Lào.

Được sự giúp đỡ của Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa, đến cuối năm 1972, vùng giải phóng Lào chẳng những được giữ vững mà còn được mở rộng và củng cố, đã nối liền từ Bắc đến Nam và từng bước xây dựng theo quy mô một quốc gia. Nhân dân các bộ tộc Lào trong vùng giải phóng từ địa vị nô lệ trở thành người làm chủ đất nước và đang tích cực tham gia xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng cuộc đời mới của mình. Sản xuất phát triển, mạng lưới giao thông và lưu thông phân phối ngày càng mở rộng. Mặc dù chiến tranh ác liệt nhưng đời sống nhân dân trong vùng giải phóng cơ bản được giữ vững. Vùng giải phóng đã có nền tài chính riêng, có một số xí nghiệp công nghiệp nhỏ, có thương nghiệp quốc doanh, nhiều tỉnh đã bước đầu tự túc được lương thực...

Trước những thắng lợi to lớn về mọi mặt của cách mạng ba nước Đông Dương, tháng 10 năm 1972, trên bàn Hội nghị Pari, Mỹ đã nhất trí với dự thảo văn bản “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”. Nhưng với bản chất hiếu chiến và ngoan cố, ngày 18 tháng 12 năm 1972, đế quốc Mỹ đã mở cuộc tập kích lớn1 bằng không quân chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và một số cơ sở công nghiệp ở miền Bắc Việt Nam, hòng bắt nhân dân Việt Nam phải khuất phục và ký Hiệp định Pari có lợi cho Mỹ - ngụy.

Dự đoán trước âm mưu của Mỹ, nhân dân Việt Nam anh hùng trong 12 ngày đêm đánh trả cuộc tập kích đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 pháo đài bay B52, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt. Chiến dịch phòng không đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ trong tháng 12 năm 1972 ở Hà Nội, Hải Phòng là chiến dịch đầu tiên trên thế giới bắn rơi nhiều máy bay B52, giáng cho không quân Mỹ đòn thất bại nặng nề nhất trong lịch sử, đánh bại cố gắng cuối cùng của đế quốc Mỹ trong năm 1972.

Nỗ lực cuối cùng của Mỹ ở Việt Nam bị thất bại, buộc chúng phải ký Hiệp định Pari (ngày 27 tháng 1 năm 1973) chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Hiệp định này buộc Mỹ và chư hầu không những phải rút khỏi Đông Dương, mà còn phải cam kết tôn trọng chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia, mở ra cục diện mới cho cuộc đấu tranh cách mạng trên toàn bộ bán đảo Đông Dương.

Trước khi chính thức ký kết Hiệp định Pari, ngày 20 tháng 1 năm 1973, Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam, do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất dẫn đầu, và Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân cách mạng Lào, do đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào làm trưởng đoàn, đã tiến hành hội đàm tại Hà Nội, thông báo về việc ký kết Hiệp định Pari và phương hướng đấu tranh trong hội đàm ký kết Hiệp định Viêng Chăn của Lào. Đồng chí Lê Duẩn đã thông báo cho Đoàn đại biểu Lào về việc Việt Nam và Mỹ sắp ký kết các hiệp định và khẳng định đây là một thắng lợi rất to lớn và quan trọng của cách mạng Việt Nam cũng như ba nước Đông Dương.

Về tình hình Lào, đồng chí Lê Duẩn cho rằng: các vấn đề cơ bản giữa Lào và Việt Nam đều giống nhau. Tuy nhiên, ở Lào, phía Phuma và bọn phản động muốn hoà bình, còn Thiệu thì lại không muốn; Lào có vùng giải phóng rộng lớn, có tiền lệ là đã thành lập Chính phủ liên hiệp từ năm 1957, mà miền Nam Việt Nam không có. Với những đặc điểm trên, ta phải tranh thủ hoà bình, giữ cho được hoà bình lâu dài. Có hoà bình ta sẽ tranh thủ được nhân dân. Tiếp theo, đồng chí Cayxỏn khẳng định, thắng lợi của Việt Nam đã tạo sức ép rất lớn đối với quân ngụy Lào, đồng thời cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân Lào đi theo cách mạng. Nếu Mỹ chịu ký Hiệp định Pari về Việt Nam, sẽ có tác động đưa cuộc đấu tranh trên bàn Hội nghị Viêng Chăn ở Lào đi đến thắng lợi. Trong hội đàm, hai bên cũng đã trao đổi về tình hình quân sự, xác định yêu cầu phải đạt được khi ký Hiệp định Viêng Chăn .

Trên chiến trường Lào, thất bại của đế quốc Mỹ ở Việt Nam đã tác động sâu sắc đến tinh thần quân ngụy Lào, buộc chúng phải ngồi vào đàm phán với đại diện Mặt trận Lào yêu nước và chấp nhận giải pháp năm điểm của Mặt trận. Để hỗ trợ cho cuộc đấu tranh trên bàn hội nghị, chuyên gia quân sự Việt Nam đã giúp Quân khu Cánh đồng Chum tổ chức tiến công giải phóng Xála Phu Khun, truy kích địch đến Kìu Kachăm, Ka Xỷ. Những chiến thắng về quân sự của quân tình nguyện Việt Nam và quân giải phóng nhân dân Lào cuối năm 1972 đầu năm 1973 đã trực tiếp góp phần quan trọng buộc chính quyền Viêng Chăn phải nhanh chóng ký kết hiệp định ngừng bắn với những điều khoản có lợi cho cách mạng Lào.

Ngày 21 tháng 2 năm 1973, Hiệp định Viêng Chăn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Lào được ký kết. Mỹ và ngụy quyền Lào phải công nhận quyền dân tộc cơ bản, quyền tự do dân chủ của nhân dân các bộ tộc Lào, công nhận vùng giải phóng của Mặt trận Lào yêu nước, trung lập hoá hai thành phố Viêng Chăn và Luổng Phạbang, thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc lâm thời và Hội đồng Tư vấn liên hiệp chính trị quốc gia. Đây là một thắng lợi to lớn, toàn diện, vững chắc, có ý nghĩa chiến l¬ược không những trên chiến trường Lào, chiến trường Đông Dương, mà còn là thất bại của chiến l¬ược toàn cầu của đế quốc Mỹ. Thắng lợi này tạo ra những điều kiện mới hết sức cơ bản để đưa cách mạng Lào tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Từ năm 1969 đến đầu năm 1973 là giai đoạn cực kỳ khó khăn và cũng là giai đoạn giành thắng lợi quyết định của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào. Trước thất bại nặng nề của Mỹ trong chiến lược Chiến tranh cục bộ ở miền Nam, đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh, đồng thời mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương, tiến hành một loạt các biện pháp tàn bạo và thâm độc về quân sự, chính trị, ngoại giao. Chúng vừa từng bước rút quân Mỹ, vừa ra sức củng cố và tăng cường ngụy quân, ngụy quyền; vừa xuống thang chiến tranh, vừa phản công và tiến công rất quyết liệt hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng. Những âm mưu, thủ đoạn và hành động chiến tranh mới của Mỹ, ngụy đặt sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam trước tình thế mới, vừa thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn, phức tạp. Song, trong khó khăn ác liệt, quân và dân Việt Nam ở cả hai miền Nam - Bắc vẫn giữ vững ý chí quyết tâm, kiên cường và bền bỉ kháng chiến, từng bước khôi phục lại thế liên hoàn làm chủ và tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược; từ đó, tổ chức phản công và tiến công địch, giành thắng lợi ngày một to lớn, toàn diện, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, rút hết quân Mỹ về nước.

Tại Lào, Mỹ tiến hành Chiến tranh đặc biệt tăng cường với sự tham gia ngày càng nhiều của không quân Mỹ, quân đánh thuê Thái Lan và quân ngụy Sài Gòn, hòng thu hẹp vùng giải phóng, tiêu diệt lực lượng cách mạng Lào, chia cắt Đông Dương, chia cắt hành lang vận chuyển chiến lược tây Trường Sơn. Trước âm mưu thủ đoạn mới của kẻ thù, Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên quyết đánh bại các cuộc hành quân của địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, đặc biệt là vùng đất chiến lược Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng và khu vực hành lang tây Trường Sơn. Vừa đánh địch, bảo vệ vùng giải phóng, quân và dân Lào tiếp tục xây dựng vùng giải phóng theo quy mô một quốc gia; xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân lớn mạnh; đồng thời đẩy mạnh đấu tranh chính trị và ngoại giao, dồn địch vào thế bất lợi, buộc địch phải ký Hiệp định Viêng Chăn với những điều khoản có lợi cho cách mạng Lào.

Trong giai đoạn này, hai Đảng tiếp tục có những cuộc hội đàm thường kỳ nhằm phối hợp hành động trên các mặt đấu tranh, tạo sức mạnh tổng hợp đánh thắng Mỹ. Hai Đảng đã tăng cường phối hợp, mở rộng liên minh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, trong đó liên minh chiến đấu giữa quân và dân hai nước trong giai đoạn này là yếu tố quyết định nhất tạo nên thắng lợi của cách mạng hai nước. Quân và dân hai nước đã cùng chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng Lào, đặc biệt là cùng chiến đấu đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở khu vực đường 9 - Nam Lào, bảo vệ hành lang chiến lược tây Trường Sơn, góp phần vào sự phát triển thế và lực của cách mạng Việt Nam cũng như cách mạng Lào. Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đã góp phần quan trọng tạo điều kiện cho quân và dân hai nước vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, thử thách, giành thắng lợi quyết định, đưa cách mạng hai nước bước vào giai đoạn mới với những thuận lợi rất cơ bản.




------------------------------------------------------------------
1. Cuộc tập kích mang mật danh cuộc hành quân Lainơbếchcơ II. Trong cuộc tập kích, Mỹ sử dụng hầu hết số máy bay của Tập đoàn Không quân số 8, gồm: Liên đội 43 và 76 ở Guyam; Liên đội 307 ở Utapao (Thái Lan), với 193 chiếc B52, chiếm 50% số máy bay B52 hiện có của Mỹ; hai đại đội F111A gồm 48 chiếc, cùng 999 máy bay chiến đấu các loại bố trí ở Thái Lan, miền Nam Việt Nam và trên 6 tàu sân bay ở biển Đông. Ngoài ra, còn có một số máy bay tiếp dầu KC135 và các máy bay bảo đảm khác. Số tàu chiến ở vịnh Bắc Bộ tăng từ 18 lên 66 tàu, chiếm 60% tổng số tàu chiến đấu và tàu đổ bộ của Hạm đội 7. Toàn bộ lực lượng này được đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Chỉ huy Tập đoàn Không quân chiến lược lâm thời số 57, sở chỉ huy đặt tại Guyam.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 10 Tháng Mười Một, 2021, 10:26:32 am
III. GIỮ VỮNG LIÊN MINH VIỆT NAM - LÀO, PHỐI HỢP ĐẨY MẠNH ĐẤU TRANH GIÀNH THẮNG LỢI HOÀN TOÀN (1973 - 1975)


1. Tiếp tục giữ vững liên minh Việt Nam - Lào trong tình hình mới

Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết (tháng 1 năm 1973), đế quốc Mỹ buộc phải rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam, cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, chấm dứt mọi dính líu quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.

Tuy vậy, đế quốc Mỹ và ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn vẫn âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam, tiếp tục thực hiện chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh, dưới hình thức mới “quân ngụy cộng viện trợ kinh tế, quân sự và cố vấn Mỹ”. Đế quốc Mỹ đã tăng cường viện trợ cho Sài Gòn1, tiếp tục dùng ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn làm công cụ thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam. Mỹ còn tiếp tục duy trì lực lượng không quân, hải quân Mỹ ở các vùng phụ cận Việt Nam làm “lực lượng răn đe” để hỗ trợ cho quân nguỵ, đồng thời tiếp tục tăng cường các hoạt động ngoại giao xảo quyệt để ngăn chặn sự phát triển của cách mạng Việt Nam.

Được sự hậu thuẫn của Mỹ, quân nguỵ Sài Gòn ra sức phá hoại Hiệp định Pari, liên tục mở các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng. Địch tập trung lực lượng lớn tiến công có trọng điểm các vùng giải phóng quan trọng của Việt Nam ở Cửa Việt (Quảng Trị), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Đại Lộc (tây Quảng Nam), bắc Kon Tum, nam - bắc đường 4, Chương Thiện (Nam Bộ)...

Trước tình hình trên, tháng 7 năm 1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam xác định: cách mạng miền Nam chỉ có thể giành được thắng lợi bằng con đường bạo lực cách mạng; nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là tiếp tục thực hiện chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; nhiệm vụ trước mắt là đấu tranh trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao..., phải kiên quyết phản công và tiến công địch.

Dưới ánh sáng Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng, từ cuối năm 1973, bộ đội Việt Nam đã kiên quyết phản công và tiến công địch, giành được những thắng lợi to lớn trên khắp các chiến trường. Khu 9: đánh bại nhiều cuộc hành quân lấn chiếm của địch, xoá bỏ nhiều đồn bốt, giải phóng hơn 400 ấp với gần 80 vạn dân. Khu 8: vượt qua thời kỳ khó khăn, chuyển sang tiến công tiêu diệt nhiều đồn bốt địch, giải phóng thêm 200 ấp với trên 10 vạn dân. Khu 7: tiếp tục duy trì thế tiến công, đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm giải toả của địch, giữ vững các lõm giải phóng, bàn đạp ở vùng ven và phía bắc Sài Gòn. Ở Tây Nguyên, sau trận tiến công Chư Nghé (tháng 9 năm 1973), bộ đội tiếp tục tiến công đánh chiếm Đắc Pét, Măng Bút, Măng Đen, Iaxúp, mở rộng thêm được vùng giải phóng và hành lang chiến lược. Ở Trị - Thiên, bộ đội tiêu diệt lớn quân địch lấn chiếm Cửa Việt, áp sát vùng giáp ranh, uy hiếp địch ở nông thôn, đồng bằng. Khu 5: tiến hành tổ chức các chiến dịch tiến công tiêu diệt các chi khu, quận lỵ của địch như Nông Sơn, Trung Phước, Thượng Đức, mở rộng bàn đạp ở vùng giáp ranh và đồng bằng...

Cùng với việc kiên quyết phản công, tiến công địch, từ sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Việt Nam tranh thủ tận dụng những điều kiện có lợi để củng cố và xây dựng lực lượng về mọi mặt. Các quân đoàn chủ lực được thành lập trên cơ sở các đơn vị quân binh chủng hợp thành, đứng chân trên các địa bàn chiến lược 2, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng binh chủng tiêu diệt lớn quân địch.

Việt Nam cũng tập trung mở rộng, nâng cấp đường Trường Sơn, bảo đảm cho tác chiến lớn. Trên toàn tuyến, các đơn vị đã mở mới 5.560 km đường, đưa tổng số chiều dài tuyến đường này lên đến 16.790 km. Tại các chiến trường, các quân khu, địa phương đã mở mới và nâng cấp 6.000 km đường chiến dịch, nối thông hệ thống đường này với đường chiến lược Trường Sơn. Đường ống dẫn dầu đi theo đường Trường Sơn cũng vươn tới Bù Gia Mập, Nam Bộ. Lượng dự trữ vật chất của Việt Nam ở chiến trường miền Nam đã có 700.000 tấn đạn, 107.000 tấn xăng dầu, 80.000 tấn lương thực - thực phẩm, 2.400 tấn thuốc và 5.400 tấn vật chất khác. Đến mùa Hè năm 1974, đường đông và tây Trường Sơn hình thành một hệ thống liên hoàn, vững chắc. Đồng thời, tuyến hành lang Đông - Tây Trường Sơn hình thành một căn cứ hậu cần chiến lược, chiến dịch rộng trên 130.000 km2, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với các chiến trường.

 Tại Lào, theo Hiệp định Viêng Chăn (tháng 2 năm 1973), cục diện nước Lào sẽ hình thành ba vùng với hai chính quyền song song tồn tại, đó là: vùng giải phóng với 4/5 đất đai và hơn một nửa số dân do Pathết Lào quản lý; vùng do chính quyền phái hữu chiếm đóng; vùng thứ ba là vùng “trung lập hoá” gồm hai đô thị Viêng Chăn và Luổng Phạbang, có lực lượng của cả hai bên cùng tham gia quản lý, bảo vệ; Chính phủ liên hiệp lâm thời lần thứ ba và Hội đồng Chính trị hiệp thương được thành lập với thành phần đại biểu của hai bên ngang nhau.

Với Hiệp định Viêng Chăn, cách mạng Lào bước vào thời kỳ mới với thế và lực lớn hơn hẳn so với hai lần hoà hợp trước. Lực lượng vũ trang với hơn 3 vạn quân tập trung cùng hơn 5 vạn dân quân du kích trên khắp mọi miền của đất nước đã vượt qua gian lao, thử thách, hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề, chiến thắng địch trong những trận đọ sức quyết định. Hiệp định Viêng Chăn lại tạo ra cơ sở chính trị, pháp lý để nhân dân Lào thực hiện hoà hợp dân tộc và hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước. Mặt khác, sau khi Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam (ngày 2 tháng 3 năm 1973), cục diện trên chiến trường Đông Dương đã có sự thay đổi lớn có lợi cho các lực lượng cách mạng, làm cho chính quyền nguỵ Lào hoang mang, lo sợ.

Tuy vậy, đế quốc Mỹ vẫn chưa từ bỏ âm mưu thôn tính Lào. Chúng khai thác triệt để những điều khoản có lợi của Hiệp định, cố tách quân tình nguyện Việt Nam ra khỏi Lào và ngăn cản sự chi viện của nhân dân Việt Nam đối với cách mạng Lào. Mặt khác, chúng ra sức phá hoại, gây trở ngại cho việc thi hành Hiệp định. Trong tài khoá 1973 - 1974, đế quốc Mỹ viện trợ cho chính quyền Viêng Chăn 310 triệu USD và để ở Lào 2.000 nhân viên CIA, cố vấn quân sự đội lốt dân sự, duy trì 10 vạn quân nguỵ tiếp tục đánh phá cách mạng Lào. Chúng vẫn ngang nhiên giữ lại 20 tiểu đoàn quân Thái Lan ở Lào, dùng quân Thái Lan thay thế cho quân nguỵ Lào trong nhiệm vụ chiếm đóng, thúc ép quân nguỵ Lào, phối hợp với quân Thái Lan mở nhiều cuộc càn quét, hòng chiếm lại nhiều vị trí chiến lược trong vùng giải phóng như Thà Thôm, Thà Viêng (nam Xiêng Khoảng), Na Xê, Thặm La (Thà Khẹc), Pạc Thà (Xaynhabuli). Mỹ còn chỉ đạo lực lượng Vàng Pao sáp nhập vào quân phái hữu để tránh phải giải thể “lực lượng đặc biệt”; tổ chức “lực lượng phát triển nông thôn” nhằm khống chế vùng nông thôn do chúng kiểm soát; xúi giục một số sĩ quan phản động do tướng Thạo Ma cầm đầu, phối hợp với Phủi Xánánicon làm đảo chính ở Viêng Chăn (ngày 20 tháng 8 năm 1973) nhằm ngăn cản việc thi hành Hiệp định, gây lại tình hình căng thẳng ở Lào.

Để đánh bại các âm mưu thủ đoạn của địch và xây dựng vùng giải phóng trong điều kiện mới, ngay sau khi Hiệp định Viêng Chăn được ký kết (tháng 4 năm 1973), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã gửi điện tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam yêu cầu Việt Nam tiếp tục viện trợ cho Lào trong năm 1973, cụ thể: tiếp tục cử chuyên gia giúp các ngành hành chính sự nghiệp, kinh tế, văn hoá...; giúp cơ quan đại diện Neo Lào Hắc Xạt tại Hà Nội; tiếp tục giúp tiếp nhận, bảo quản, đóng gói và vận chuyển các thiết bị vật tư hàng hoá của các nước anh em gửi giúp Lào và vận chuyển hàng hoá của Lào trao đổi với các nước bạn; tiếp tục tiếp nhận đào tạo học sinh, thực tập sinh và nghiên cứu sinh Lào; tiếp tục giúp đỡ một số vật tư thiết bị, lương thực - thực phẩm, giúp xây dựng một số cơ sở kinh tế, văn hoá trong vùng giải phóng; giúp xây dựng một số sân bay ở Thà Khoổng, Xalavăn, Mương Mày... và xây dựng hai thị trấn Sầm Nưa và Na Kay; giúp khai thác mỏ mănggan ở Na Kay; giúp xây dựng một số cơ sở chăn nuôi.

Về phía Việt Nam, để đáp ứng tình hình mới ở cả hai nước, ngày 21 tháng 4 năm 1973, Bộ Quốc phòng ra quyết định chuyển Bộ Tư¬ lệnh Mặt trận 316 thành Bộ T¬ư lệnh Mặt trận 31 và Sư đoàn 316 trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh. Mặt trận 31 (có Trung đoàn 335 ở Bắc Lào và Trung đoàn 866 ở khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng) có nhiệm vụ: giữ vững vùng giải phóng, làm hậu thuẫn vững chắc cho đấu tranh chính trị của Lào, tham gia công tác vận động quần chúng, vận động binh lính địch... Sư đoàn 316 được tăng cường thêm một số đơn vị, trở thành sư đoàn chủ lực của Bộ. Sau khi tái lập lại (tháng 5 năm 1973), sư đoàn vừa củng cố, huấn luyện, vừa tham gia bảo vệ vùng giải phóng Lào, tạo áp lực cho nhân dân đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở vùng địch tạm chiếm. Tháng 12 năm 1973, sư đoàn được lệnh hành quân về nước nhận nhiệm vụ mới. Riêng Trung đoàn 174, theo yêu cầu của Lào, ở lại thêm sáu tháng nữa, giúp gây áp lực cho đấu tranh thi hành Hiệp định Viêng Chăn.

Do Nam Lào có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với cả hai nước, nên Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam giao nhiệm vụ cho Đoàn 565: “Chuyên gia giúp địa phương, cụ thể là vùng Nam Lào xây dựng lực lượng từ tỉnh xuống các đại đội, cùng các địa phương phát động quần chúng xây dựng cơ sở cách mạng ở vùng giải phóng, trong vùng địch hậu. Ngoài ra, Đoàn chuyên gia 565 còn giúp vận chuyển hàng hoá, phục vụ các chiến trường Nam Lào, xây dựng cơ sở vững chắc ở vùng giải phóng và vùng địch hậu, phối hợp với bộ đội địa phương, bảo vệ tuyến vận tải hành lang 559” . Đoàn 968 quân tình nguyện được bổ sung thêm một số trung đoàn bộ binh và đơn vị binh chủng để chuyển thành Sư đoàn 968 , giúp bạn bố trí lực lượng, huấn luyện quân sự, tổ chức, lãnh đạo nhân dân đấu tranh buộc địch phải thi hành Hiệp định Viêng Chăn.



--------------------------------------------------------------------
1. Mỹ viện trợ cho chính quyền nguỵ Sài Gòn sau Hiệp định Pari: 652 máy bay các loại, 70 khẩu pháo mặt đất và pháo phòng không các loại, 220 xe tăng, xe thiết giáp cùng nhiều khí tài, vật chất khác. Hồ sơ TK-19, lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

2. Quân đoàn 1 được thành lập tháng 10 năm 1973 ở miền Bắc, Quân đoàn 2 được thành lập tháng 5 năm 1974 ở Trị - Thiên, Quân đoàn 4 được thành lập tháng 7 năm 1974 ở Đông Nam Bộ.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 11 Tháng Mười Một, 2021, 09:57:38 am
Trước sự phát triển nhanh chóng của cách mạng ba nước Đông Dương và yêu cầu của cách mạng Lào, trong Hội nghị lần thứ 21 (tháng 7 năm 1973), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tiếp tục xác định: “Đoàn kết ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia là vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với ba nước Đông Dương. Lợi ích dân tộc chân chính của mỗi nước gắn bó chặt chẽ với nhau trong cuộc đấu tranh chung cho hoà bình và độc lập dân tộc không những trước mắt mà cả lâu dài về sau. Đoàn kết, hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng và giúp đỡ nhau trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ và xây dựng đất nước theo con đường của mỗi nước là nguyên tắc chỉ đạo mối quan hệ giữa nhân dân ta với nhân dân hai nước Lào và Campuchia theo tinh thần quốc tế vô sản chân chính” .

Trên tinh thần đó, trong giai đoạn cách mạng mới, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam chủ trương giúp Lào phát huy thắng lợi đã đạt được, củng cố và đẩy mạnh các hoạt động buộc đế quốc Mỹ phải thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Viêng Chăn. Trung ương đã chỉ thị cho các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia sang giúp Lào: “Phải tăng cường đội ngũ cán bộ, chuyên gia nhằm thực hiện tốt việc tiếp quản hai thành phố Viêng Chăn, Luổng Phạbang... Hướng dẫn bạn ra sức phát động quần chúng đấu tranh với ba hình thức. Mở cấp tốc các lớp, các đợt huấn luyện ngắn hạn, đào tạo cho bạn những kiến thức cơ bản về quân sự, chính trị, kinh nghiệm đấu tranh binh vận... Củng cố hệ thống tổ chức từ tỉnh đến các huyện” .

Với tinh thần cảnh giác cao độ, đồng thời được sự giúp đỡ tận tình của Việt Nam, quân và dân Lào đã đánh bại mọi thủ đoạn phá hoại việc thi hành Hiệp định Viêng Chăn của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, buộc chúng phải ký Nghị định thư, giải quyết những vấn đề cụ thể về chính trị và quân sự để thi hành Hiệp định Viêng Chăn vào ngày 14 tháng 9 năm 19731, tạo điều kiện thuận lợi để quân dân Lào đẩy mạnh cuộc đấu tranh đi đến thắng lợi trọn vẹn.

Trước tình hình mới, ngày 4 tháng 10 năm 1973, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào họp, xác định: tiếp tục giương cao ngọn cờ hoà bình, độc lập, hoà hợp dân tộc..., đoàn kết nhân dân cả nước, phát huy thắng lợi đã giành được..., dựa trên cơ sở pháp lý của Hiệp định và Nghị định thư Viêng Chăn, đấu tranh buộc đối phương phải thi hành nghiêm chỉnh và đầy đủ mọi điều kiện đã ký; tiếp tục nâng cao cảnh giác, đánh bại mọi âm mưu phá hoại của bọn tay sai cực đoan, duy trì hoà bình lâu dài, tạo điều kiện tăng cường củng cố cách mạng về mọi mặt, tiến lên giành những thắng lợi to lớn trong việc xây dựng một nước Lào độc lập, dân chủ, trung lập thống nhất và thịnh vượng.

Sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào (tháng 10 năm 1973), theo yêu cầu của Lào, chuyên gia Việt Nam giúp Quân uỷ Trung ương Lào lập kế hoạch đưa toàn bộ đơn vị bộ đội chủ lực và các tiểu đoàn tập trung của các quân khu, tỉnh lên phía trước tiếp cận với đối phương. Nhanh chóng triển khai thế trận, gây áp lực hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh, đồng thời nắm chắc tình hình đối phương, sẵn sàng chiến đấu, đánh bại các âm mưu lấn chiếm của địch.

Đoàn 959 giúp Quân uỷ Lào xây dựng kế hoạch phân chia chiến trường từ Bắc xuống Nam Lào thành bốn khu vực: khu vực Hạ Lào đối tượng là Quân khu 4 của địch, thành phố Xalavăn và Pạc Xê; Trung Lào đối tượng là Quân khu 3 của địch, thành phố Xavẳnnakhệt và Thà Khẹc; Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng đối tượng là Quân khu 2 và Quân khu 5 của địch, hướng hoạt động là Xảm Thông, Loòng Chẹng và Thủ đô Viêng Chăn; Bắc Lào trọng tâm hoạt động hướng vào Quân khu 1 của địch và thành phố Luổng Phạbang. Đoàn đã xây dựng kế hoạch giúp Bộ Tổng Tham mưu Lào thành lập các Ban Chỉ huy Mặt trận thống nhất ở từng khu vực, tổ chức hệ thống thông tin liên lạc từ Bộ đến thẳng Mặt trận và xây dựng mạng lưới hậu cần riêng cho từng khu vực; cử một số cán bộ xuống các mặt trận giúp triển khai lực lượng, đưa cán bộ có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vào thành phố Viêng Chăn, dựa vào Đại sứ quán Việt Nam, giúp bộ phận hoạt động nội thành của Lào chỉ đạo công tác vận động binh lính địch và đấu tranh thi hành các điều khoản của Hiệp định Viêng Chăn.

Đoàn còn phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô, Quân khu Tây Bắc, Quân khu 3 và Tổng cục Hậu cần giúp Lào chuẩn bị và đưa các tiểu đoàn quân giải phóng nhân dân Lào vào làm nhiệm vụ cảnh vệ và cảnh sát liên hiệp ở hai thành phố Viêng Chăn và Luổng Phạbang theo quy định của Nghị định thư. Chỉ trong ba tháng, các đơn vị trong nước cùng Tổng cục Hậu cần và Đoàn 959 đã giúp Lào xây dựng hoàn chỉnh hai đơn vị làm nhiệm vụ cảnh sát liên hiệp, hai đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ; đưa các đơn vị này cùng hàng nghìn tấn hàng hoá, trang bị vào hai thành phố Viêng Chăn và Luổng Phạbang an toàn, tạo điều kiện cho Hoàng thân Xuphanuvông và đoàn cán bộ Neo Lào Hắc Xạt tham gia thành lập Chính phủ liên hiệp.

Theo quy định của Nghị định thư, tháng 1 năm 1974, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 15 vào thành phố Viêng Chăn và hai tiểu đoàn (406 và 409) vào Luổng Phạbang. Các đơn vị của Pathết Lào vào Viêng Chăn và Luổng Phạbang đã được nhân dân chào đón nồng nhiệt. Quân phái hữu đã đưa ra những điều kiện vô lý để ngăn cản các tiểu đoàn này vào hai thành phố trung lập. Nhưng trước sự kiên trì đấu tranh của phái đoàn Neo Lào Hắc Xạt trong các tổ chức liên hợp, cuối cùng lực lượng phái hữu cũng phải để cho các tiểu đoàn vào hai thành phố như đã thoả thuận ở Nghị định thư.

Song song với việc đưa quân vào bảo vệ an ninh hai thành phố trên, bộ đội tình nguyện Việt Nam và bộ đội Lào đã cảnh giác đập tan các cuộc hành quân lấn chiếm của địch ra các vùng giải phóng ở Luổng Phạbang, tây Mương Xủi - Xála Phu Khun, đông và nam Thà Khẹc, nam đường 9, nam Pạc Xê, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng và hỗ trợ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của nhân dân ở vùng địch tạm chiếm.

Tại khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, đầu năm 1974, Mặt trận 31 cử nhiều tổ công tác cùng các cán bộ Lào làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở, củng cố các đội du kích trong các bản làng. Mặc dù hoạt động sâu trong vùng địch, kẻ thù ráo riết cản phá, đời sống khó khăn, thiếu thốn nhưng cán bộ, chiến sĩ của Mặt trận luôn kiên trì bám dân tuyên truyền vận động, gây dựng được nhiều cơ sở trong quần chúng, dìu dắt nhiều tổ du kích trong các bản làng ngư¬ời Lào Xủng, tạo ra lực l-ượng tại chỗ để giành chính quyền khi thời cơ đến.

Tại Nam Lào, trên cơ sở lực lượng chuyên gia đã có tại các tỉnh, Đoàn chuyên gia quân sự 565 khẩn trương giúp các địa phương xây dựng lực lượng, tiến công địch bằng ba mũi giáp công (nổi dậy của quần chúng, binh biến trong quân nguỵ, hậu thuẫn của lực lượng vũ trang cách mạng). Theo yêu cầu của Lào, ở bảy tỉnh thuộc Nam Lào (Khăm Muộn, Xavẳnnakhệt, Xalavăn, Áttapư, Chămpaxắc, Távên Oọc và Xiphănđon), Trường Quân chính Quân khu và Đặc khu Bôlavên đều bố trí các tổ chuyên gia Việt Nam có cấp tương đương cán bộ Lào. Ở các đơn vị, vẫn duy trì chuyên gia ở cấp tiểu đoàn. Ngoài công tác huấn luyện và chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, Đoàn chuyên gia quân sự 565 còn giúp Nam Lào điều chỉnh một bước về tổ chức lực lượng, trong đó tập trung kiện toàn hai cụm chủ lực ở Hạ Lào và Trung Lào (phát triển lực lượng mỗi cụm lên tương đương một lữ đoàn). Tiếp đó, xây dựng lực lượng, tạo thế vững chắc cho các tỉnh thuộc trung ương để tiến tới giải thể Quân khu Nam Lào. Ở tất cả các đơn vị của Nam Lào, việc phối hợp làm việc của chuyên gia ta với chỉ huy của các đơn vị ngày càng có hiệu quả. Tuy địch vẫn duy trì bọn phỉ hoạt động quấy rối, ra sức tuyên truyền chia rẽ tình hữu nghị Việt Nam - Lào, nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, nên cán bộ, nhân dân Lào ngày càng tin tưởng ở chuyên gia quân sự Việt Nam, khắc phục được các biểu hiện mất đoàn kết chia rẽ trong nội bộ một vài đơn vị Lào. Về xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng, chuyên gia Việt Nam đã giúp tổ chức phòng ngự vững chắc các vị trí quan trọng như: Mương Pha Lan, Đồng Hến, Kẹng Koọc, Khôngxêđôn, Pạc Xoòng, Bôlavên. Đoàn cũng đã giúp Tiểu đoàn 11 thuộc vùng Nam Lào và bộ đội tỉnh Khăm Muộn thực hiện tốt công tác binh vận đối với quân nguỵ Lào2; triển khai nhiều đợt hoạt động kết hợp phong trào đấu tranh của quần chúng với sử dụng lực lượng vũ trang, giải phóng vùng Khăm Muộn và bắc Xavẳnnakhệt... Những hoạt động này đã thiết thực góp phần củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng và mở rộng vùng giải phóng.

 Trên mặt trận đối ngoại, từ cuối năm 1973, Đảng Lao động Việt Nam đã tổ chức các đoàn đại biểu đại diện cho Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức vùng giải phóng Lào, như: chuyến thăm của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ, do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương dẫn dầu, từ ngày 2 đến 6 tháng 11 năm 1973; chuyến thăm của Đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu (tháng 1 năm 1974); chuyến thăm của Đoàn đại biểu phụ nữ giải phóng miền Nam, do bà Nguyễn Thị Định dẫn đầu (tháng 4 năm 1974)...

Việt Nam cũng giúp Lào đón nhiều đoàn đại biểu của các nước đến thăm vùng giải phóng Lào, như: Đoàn đại biểu Quốc hội Thuỵ Điển, Đoàn đại biểu kinh tế Cuba (tháng 1 năm 1974); Đoàn đại biểu Đảng Công nhân xã hội thống nhất Hunggari, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Bungari (tháng 2 năm 1974); Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba (tháng 2 năm 1974)...

Các chuyến thăm chính thức của Việt Nam cũng như việc giúp Lào đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao, không chỉ có ý nghĩa thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, mà còn góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Lào trên trường quốc tế, tạo thế và lực cho cuộc đấu tranh ở trong nước.

Sau gần một năm lãnh đạo cách mạng trong điều kiện hoà bình, trong các ngày 10 và 11 tháng 12 năm 1973, Đoàn đại biểu cấp cao hai Đảng đã có cuộc hội đàm tại Đồ Sơn bàn về tình hình cách mạng hai nước và phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Đoàn Việt Nam có các đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương; Nguyễn Duy Trinh, Uỷ viên Bộ Chính trị; Hoàng Anh, Bí thư Ban Bí thư; Nguyễn Đôn, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương. Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân cách mạng Lào gồm các đồng chí: Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư; Xuphanuvông, Nủhắc Phumxavẳn, Phumi Vôngvichít, Khăm Tày Xiphănđon, Xỉxổmphon Lòvănxay, Uỷ viên Bộ Chính trị. Tham dự hội đàm còn có các đồng chí Đặng Thí, Bộ trưởng; Đào Việt Hưng và Nguyễn Chính Giao, Uỷ viên Ban Công tác miền Tây.

Trong cuộc hội đàm, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã trình bày hai vấn đề: tình hình nhiệm vụ, phương hướng công tác lớn của cách mạng Lào và làm thế nào để Đảng Lao động Việt Nam giúp cách mạng Lào có hiệu quả hơn trong thời kỳ mới. Đồng chí đã khái quát quá trình phát triển của cách mạng Lào và khẳng định sự giúp đỡ to lớn của Việt Nam cũng như những cống hiến to lớn của đội ngũ chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Lào. Về vấn đề chuyên gia trong thời kỳ mới, đồng chí nói: “hiện nay tổ chức chuyên gia ở Lào, trên Trung ương có Đoàn chuyên gia, Đoàn 959, ở các tỉnh uỷ, huyện uỷ, một số xã, một số tiểu đoàn đều có tổ chuyên gia; các cơ quan trung ương như: Tuyên giáo, Tổ chức, Kinh tế, Tài chính... đều có tổ chuyên gia... Vì vậy, nảy sinh tình trạng ỷ vào chuyên gia Việt Nam của cán bộ Lào. Thêm nữa, trong thời gian qua, do yêu cầu của phía Lào, số lượng chuyên gia Việt Nam tăng nhiều, nên một số chuyên gia không đáp ứng được yêu cầu, kinh nghiệm công tác không phù hợp với đặc điểm của Lào.

Phương hướng thời gian tới nên: tập trung vào giúp những vấn đề cơ bản nhất, những khâu then chốt nhất, tạo điều kiện cho Lào nhanh chóng đảm đương công việc một cách độc lập, tự chủ; hai Đảng trao đổi với nhau toàn diện về các vấn đề quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, nhưng chuyên gia thì không nên giúp toàn diện nữa. Về kinh tế, văn hoá nên tăng cường giúp, nhưng chính trị, quân sự thì từng bước giảm bớt, đi đến bỏ hẳn chuyên gia; yêu cầu Việt Nam giúp một số chuyên gia nghiên cứu cơ bản cho trung ương về kinh tế và quân sự; cần bỏ hệ thống dọc của chuyên gia, bỏ các đoàn chuyên gia ở trung ương cũng như các địa phương. Tất cả chuyên gia do phía Lào trực tiếp chỉ đạo, giao công tác” .

Riêng về quân sự, đồng chí Khăm Tày đề nghị: quân tình nguyện cần ở lại chiến đấu với Lào, lực lượng này bố trí ở các khu vực chiến lược như Luổng Phạbang, Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, cao nguyên Bôlavên và vùng bắc Hỉn Hợp; cần có tổ chuyên gia quân sự giúp công tác tổng kết, tổng hợp tình hình và tổ chuyên gia giúp các cụm chủ lực cần thiết.

Hai đoàn thống nhất xác định: vấn đề quan trọng quyết định nhất trong tình hình hiện nay để đưa cách mạng Lào tiến lên là phải củng cố, xây dựng vùng giải phóng, nắm chắc lực lượng vũ trang, đi đôi với việc sử dụng Chính phủ liên hiệp, đẩy mạnh đấu tranh chính trị trong hai thành phố trung lập và trong vùng đối phương quản lý. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Hiệp định và Nghị định thư Viêng Chăn, cần phải bố trí lại lực lượng, đưa các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam đứng chân ở tuyến sau, giúp bảo vệ, giữ vững vùng giải phóng, đề phòng địch bất ngờ tiến công lấn chiếm; đưa bộ đội giải phóng Lào lên phía trước, trực tiếp tiếp xúc với địch, gây áp lực, làm chỗ dựa cho quần chúng đấu tranh và sẵn sàng tiến công địch khi cần thiết.

Về vấn đề chuyên gia, hai bên nhất trí rút phần lớn chuyên gia Việt Nam về nước, nhưng phải bàn bạc cụ thể, làm từng bước thận trọng.




-----------------------------------------------------------------
1. Nghị định thư quy định: việc tổ chức Chính phủ lâm thời, tỷ lệ phân phối các bộ; việc thành lập Hội đồng Chính trị liên hiệp, các nguyên tắc, lề lối làm việc; quy định về cơ cấu chính quyền và lực lượng hỗn hợp hai bên đưa vào hai thành phố trung lập; quy định kế hoạch cụ thể về việc rút hết quân đội nước ngoài...

2. Sáu tháng đầu năm 1973, tỉnh Khăm Muộn đã vận động được hàng trăm binh sĩ địch bỏ ngũ, trong đó có hơn 50 người chạy sang hàng ngũ quân giải phóng.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 11 Tháng Mười Một, 2021, 10:00:00 am
Thực hiện chủ trương của hai Đảng trong cuộc hội đàm tháng 12 năm 1973, Việt Nam từng bước rút chuyên gia ở tỉnh và huyện về nước (rút trước tháng 5 năm 1974), đồng thời điều chỉnh lại các lực lượng chuyên gia và quân tình nguyện còn lại để giúp Lào thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Đoàn chuyên gia quân sự 959 rút phần lớn cán bộ về nước, chỉ còn lại 100 đồng chí. Đoàn không còn hệ thống tổ chức giúp từ trung ương đến các đơn vị cơ sở nữa, mà chỉ hình thành các bộ phận nghiên cứu giúp Quân uỷ Trung ương và Bộ Chỉ huy tối cao Lào những vấn đề cơ bản về chủ trương, chính sách và sau đó giúp tổ chức thực hiện, rút kinh nghiệm để chỉ đạo chung.

Cũng trên tinh thần cuộc hội đàm giữa hai Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Lao động Việt Nam (tháng 12 năm 1973), tháng 4 năm 1974, tại Mương Viêng Xây (Sầm Nưa), Đoàn đại biểu Neo Lào Hắc Xạt và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tiến hành hội đàm để giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước. Hai bên đã thống nhất nhận định: do quyền lợi thiết thân trong đời sống hằng ngày, cán bộ, bộ đội và nhân dân ở dọc biên giới hai nước có khi còn hiểu lầm hoặc chưa hiểu sâu sắc về nhau. Trong lúc đó, một số kẻ có ý đồ xấu, nhất là do âm mưu chia rẽ của địch, nên đã có dư luận không tốt làm tổn thương đến tình đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng và nhân dân hai nước.

Hai bên nhất trí rằng việc giải quyết vấn đề biên giới nhằm mục đích: bảo vệ, củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị anh em đặc biệt vốn có từ lâu đời giữa nhân dân hai nước, để cùng nhau tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn nữa cho cách mạng của hai nước; để cho nhân dân dọc biên giới hai nước có trách nhiệm cùng nhau bảo vệ biên giới, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc qua lại, làm ăn của nhân dân dọc biên giới hai nước được ổn định, góp phần đập tan âm mưu chia rẽ và phá hoại của địch. Cuối cùng, hai bên thống nhất đề ra những nguyên tắc cần thiết để giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước một cách công bằng và bình đẳng.

Tháng 2 năm 19741, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào tiến hành Hội nghị toàn thể lần thứ hai để xác định nhiệm vụ trong tình hình mới. Hội nghị đã cụ thể hoá đường lối của Đại hội Đảng lần thứ II (năm 1972), nhằm hoàn thành thắng lợi cách mạng dân chủ nhân dân trong cả nước. Hội nghị cũng phổ biến về nội dung cuộc hội đàm tháng 12 năm 1973 giữa hai Đảng và bàn những nội dung cần tiến hành để thực hiện các thoả thuận giữa hai Đảng.

Nhằm quán triệt Nghị quyết Trung ương tháng 2 năm 1974 và nội dung hội đàm giữa hai Đảng, Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc từ ngày 18 tháng 3 đến 8 tháng 5 năm 1974  (có tài liệu nói ngày 13 tháng 5 năm 1974). Về dự Hội nghị có 145 đại biểu, gồm các đồng chí thường vụ tỉnh uỷ, trưởng, phó ban, ngành trung ương trở lên. Hội nghị đã dành nhiều thời gian để các đại biểu bộc lộ tâm tư nhằm củng cố tình cảm đặc biệt Việt Nam - Lào. Hội nghị đã thống nhất đánh giá những thành tích, ưu điểm to lớn của Việt Nam trong việc giúp đỡ cách mạng Lào, đồng thời cũng chỉ ra những thiếu sót cần khắc phục trong thời gian tới. Tại Hội nghị, đồng chí Cayxỏn Phômvihản phát biểu một số nội dung xoay quanh vấn đề quan điểm của Đảng Nhân dân cách mạng Lào về mối quan hệ Lào - Việt Nam.

Đồng chí khẳng định: mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam được hình thành, vun đắp và thử thách trong quá trình cách mạng. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gay go ác liệt chống đế quốc Mỹ, mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam không những được củng cố, tăng cường mà còn tạo một sức mạnh và niềm tin vào chiến thắng. Mỗi bước đi đến thắng lợi của cách mạng Lào đều kết hợp chặt chẽ giữa sự nỗ lực chủ quan của Đảng ta, dân tộc ta với sự giúp đỡ của phe xã hội chủ nghĩa, phong trào cách mạng dân tộc dân chủ và hoà bình thế giới, trong đó liên minh chiến đấu giữa Đảng ta, nhân dân ta với Đảng Lao động Việt Nam, nhân dân Việt Nam là điều kiện cơ bản mà chúng ta coi trọng như một yếu tố của thắng lợi. Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào không những do yêu cầu khách quan, mà còn do lợi ích gắn bó với nhau bởi truyền thống tốt đẹp hiếm có trong lịch sử đấu tranh cách mạng lâu dài từ trước đến nay, cũng như từ nay về sau, vẫn còn là một yêu cầu thiết thân sống còn của mỗi nước. Thái độ của Đảng Nhân dân cách mạng Lào đối với quan hệ Lào - Việt Nam là: chân thành, trung thực, không ích kỷ; tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau; thông cảm và thương yêu nhau; tự phê bình và phê bình đúng đắn; chủ động lãnh đạo quần chúng.

 Về mối quan hệ giữa tự lực cánh sinh với sự giúp đỡ của Việt Nam, phải tự lực cánh sinh như thế nào trước sự cải tiến cách giúp của chuyên gia Việt Nam, đồng chí nhấn mạnh mặt nhận thức tư tưởng: phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục hạn chế tư tưởng tự ty, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nước ngoài; có ý thức phấn đấu vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, bi quan, dao động, đa nghi khi gặp khó khăn; nâng cao tinh thần chủ động, tích cực, tinh thần dám nghĩ dám làm...

Cuối cùng, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đề ra một số công tác trước mắt cho các ngành, các địa phương phải tiến hành một cách khẩn trương trước tình hình đang thay đổi hiện nay.

Sau khi các tiểu đoàn quân giải phóng Lào vào hai thành phố trung lập bảo đảm an ninh, ngày 3 tháng 4 năm 1974, Hoàng thân Xuphanuvông, Chủ tịch Neo Lào Hắc Xạt và đoàn cán bộ Lào vào Viêng Chăn xúc tiến việc thành lập Chính phủ liên hiệp và Hội đồng quốc gia chính trị liên hiệp Lào. Ngày 5 tháng 4, Chính phủ liên hiệp do Hoàng thân Xuvănna Phuma làm thủ tướng, Hội đồng quốc gia chính trị liên hiệp do Hoàng thân Xuphanuvông làm chủ tịch chính thức ra mắt nhân dân cả nước. Các bộ chủ chốt được chia đều cho các bên, các thứ trưởng đều là người của phía bên kia tham gia. Quá trình thực hiện các điều khoản chủ yếu được diễn ra theo đúng tinh thần Hiệp định. Tháng 5 năm 1974, Hội đồng quốc gia chính trị liên hiệp thông qua báo cáo chính trị khẳng định: việc ký kết văn bản Hiệp định Viêng Chăn thành lập Hội đồng quốc gia chính trị liên hiệp và Chính phủ liên hiệp lâm thời là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử quan trọng, tạo ra bước ngoặt lớn trên con đường tiến lên của dân tộc Lào; phải tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ và những phần tử phản động... Tiếp đó, ngày 25 tháng 5 năm 1974, Hội đồng quốc gia chính trị liên hiệp thông qua Cương lĩnh chính trị 18 điểm do Neo Lào Hắc Xạt đưa ra nhằm xây dựng một nước Lào hoà bình, trung lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng.

Trước sự đấu tranh kiên quyết và mạnh mẽ của nhân dân Lào, tháng 5 năm 1974, Mỹ và Thái Lan đã phải rút hết quân ra khỏi lãnh thổ Lào. Sự kiện này làm cho quân phái hữu vốn đã yếu nay lại càng suy yếu hơn. Trong khi đó, phong trào đấu tranh của nhân dân và sinh viên ngày càng phát triển, tạo thành cao trào trong toàn quốc. Ngày 9 tháng 7, học sinh, sinh viên và quần chúng cách mạng ở Thủ đô Viêng Chăn mít tinh trước trụ sở “Quốc hội Viêng Chăn”, đốt các biểu ngữ và áp phích phản động của bọn cực hữu. Sĩ quan và binh lính ở Phôn Khêng chống lại lệnh, không đi đàn áp cuộc biểu tình của nhân dân. Ngày 10 tháng 7, Chính phủ liên hiệp ra một quyết định quan trọng: giải tán “Quốc hội Viêng Chăn” - thành luỹ chính trị của giai cấp tư sản phản động thân Mỹ.

Ngoài việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Lào về quân sự, chính trị, sau ngày ký kết các hiệp định hoà bình, Việt Nam đã tập trung cùng Lào giải quyết những yêu cầu cấp bách để mau chóng ổn định sản xuất, đời sống của nhân dân, đồng thời xúc tiến công tác điều tra cơ bản để chuẩn bị các mặt cho việc phát huy kinh tế của vùng giải phóng trong những năm tới.

Trong nông nghiệp, Việt Nam đã giúp đẩy mạnh sản xuất ở vùng giải phóng lên một bước. Ở Sầm Nưa, Phôngxalỳ, nhân dân Lào đã làm vụ chiêm, làm ruộng nương bậc thang, định canh định cư, giảm bớt tình trạng phá rừng. Chuyên gia Việt Nam giúp xây dựng được 20 tổ nông nghiệp cơ sở để xây dựng xã, bản có sản xuất khá và vững mạnh về các mặt; giúp tổ chức mạng lưới thú y, giúp một trại sản xuất tổng hợp nuôi lợn, bò, gà, cá và trồng rau, cây ăn quả; giúp khảo sát vùng cao nguyên Bôlavên...

Về thuỷ lợi, đã giúp phát triển mạng lưới thuỷ lợi nhỏ ở các địa phương, xây dựng 131 cơ sở thuỷ lợi nhỏ, tưới được 16.000 ha, trên tổng số 40.000 ha ruộng nước, xây dựng ba trạm thuỷ điện nhỏ.

Về lâm nghiệp, xây dựng một số lâm trường khai thác gỗ ở Sầm Nưa, mỗi năm khai thác từ 700 - 800 m3. Mở rộng cơ sở nghiên cứu kiến đỏ ở Sầm Nưa, xây dựng một cơ sở xẻ gỗ 1.000m3/năm ở Mương Xôi. Tiến hành nghiên cứu điều tra để tổ chức khai thác, chế biến gỗ ở Trung Lào.

Về công nghiệp và thủ công nghiệp, khôi phục một số nghề truyền thống trong nhân dân như dệt, rèn, gốm, cải tiến kỹ thuật nấu đường mía, nấu muối... Trong khu vực quốc doanh, giúp xây dựng được 26 cơ sở rèn, ba xưởng cơ khí thông dụng từ 20 - 50 tấn/năm, một xưởng trùng tu xe ôtô 50 xe/năm, một xưởng bảo dưỡng xe cấp ba, một xưởng mộc 300 m3/năm, một xưởng dệt có phân xưởng dệt kim (24 máy), 10 cơ sở dệt cải tiến (quy mô 10 - 20 khung cửi dệt), hai cơ sở may mặc (10 - 40 máy), tám cơ sở xay xát gạo (34 máy), ba cơ sở sản xuất bánh kẹo, một cơ sở sản xuất bánh mì nhỏ.

Về thăm dò địa chất, Việt Nam giúp điều tra phát hiện được 200 điểm báo quặng trong vùng giải phóng; giúp tìm nguồn nước ngầm phục vụ khu trung ương, điều tra quặng sắt vùng Xiêng Khoảng, fêrít sắt vùng Sầm Nưa, than đá vùng Xalavăn.

Về giao thông vận tải, phía Việt Nam giúp bảo đảm giao thông vận tải trên các đường chiến lược, giúp Lào thêm 1.240 km đường mới bảo đảm chạy vào mùa khô và đang giúp rải nhựa nâng cấp đường 6 và 17B. Ngoài ra, còn giúp công cụ, kỹ thuật để nhân dân vùng giải phóng tự làm khoảng 2.000 km đường nhỏ ngắn đi lại giữa các địa phương. Từ năm 1971 trở về trước, ngành vận tải Việt Nam vận chuyển khoảng 13 - 18 ngàn tấn hàng hoá, vũ khí đạn dược phục vụ kịp thời cho sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Lào. Sang năm 1972 - 1973, khối lượng vận chuyển được tăng dần. Riêng mùa khô 1972 - 1973 đã chuyển được 28.000 tấn, mùa khô 1973 - 1974 tăng lên 340 tấn và 300 tấn hàng theo yêu cầu đột xuất cho các tỉnh phía Bắc.

Về bưu điện, giúp xây dựng xong đường tải ba Na Mèo - Sầm Nưa - Hà Nội, giúp công tác bưu chính, điện báo bảo đảm liên lạc từ trung ương xuống các tỉnh, giữa tỉnh tới huyện, giữa Viêng Chăn tới trung ương.

Về xây dựng cơ bản, giúp xây cất được khoảng 57.400 m2 nhà các loại. Giúp cải tạo và xây dựng 7.000 m2 hang đá làm bệnh viện và cơ quan của Đảng, Mặt trận ở Sầm Nưa.

Về tài mậu, giúp xây dựng các ngành tài chính, ngân hàng, thương nghiệp từ trung ương xuống các tỉnh, hình thành mạng lưới thương nghiệp trong toàn vùng giải phóng. Giúp hình thành một số chế độ, thể lệ đưa dần công tác tài mậu vào nền nếp. Giúp phát hành đồng kíp mới (đồng kíp giải phóng), giữ vật giá tương đối ổn định, doanh số hàng năm đều tăng góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.

Về văn hoá, giáo dục, y tế, dù trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt gặp nhiều khó khăn, ngành giáo dục Việt Nam vẫn giúp vùng giải phóng Lào duy trì và phát triển giáo dục cả ba hệ thống phổ thông, bổ túc và bình dân. Số học sinh chiếm 8% số dân trong vùng giải phóng. Ngoài ra, còn giúp xây dựng một số trường chuyên nghiệp trung cấp, sơ cấp như giao thông, bưu điện, nông nghiệp, thương nghiệp, y tế, sư phạm. Đặc biệt trong thời gian này, Việt Nam đã giúp Lào mở Trường Đại học Sư phạm Viêng Xây - trường đại học đầu tiên trong vùng giải phóng Lào. Một mạng lưới y tế được hình thành và hoạt động đều từ trung ương xuống đến xã. Trong toàn vùng giải phóng đã xây dựng 20 bệnh viện, 76 bệnh xá (với 1.949 giường bệnh), 2/3 số xã có trạm xá, 1/2 số bản có tủ thuốc, thành lập 11 trại chữa bệnh hủi, một xưởng sản xuất thuốc chữa bệnh ở trung ương.

Bộ Văn hoá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà giúp xây dựng Đoàn văn công ở trung ương và một số tỉnh, một đoàn xiếc trung ương, xây dựng ngành điện ảnh và đã quay được một số bộ phim thời sự, tài liệu phục vụ kịp thời cho công tác tuyên truyền, giáo dục; giúp công tác sáng tác văn học, âm nhạc, xuất bản, in các tài liệu tuyên truyền, giáo dục, sách giáo khoa... giúp xây dựng Đài Phát thanh Pathết Lào và đài trung lập, đảm bảo hoạt động liên tục trong mọi tình huống.

Công tác đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật: từ năm 1960, Lào bắt đầu gửi học sinh sang học tập ở Việt Nam. Các trường chuyên nghiệp Việt Nam (trừ các trường quân sự, công an) đã đào tạo hàng nghìn cán bộ thuộc đủ mọi ngành, nghề thuộc lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục. Số học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam có 1.917 người thuộc các trường chuyên nghiệp, 4.318 học sinh phổ thông các cấp.
Ngoài ra, từ năm 1968, các tỉnh có biên giới với Lào cũng được Trung ương Đảng Lao động Việt Nam giao nhiệm vụ trực tiếp giúp các tỉnh thuộc vùng giải phóng Lào có chung biên giới với Việt Nam. Riêng Đoàn 559 có nhiệm vụ giúp đỡ toàn diện 14 huyện dọc tuyến đường miền Nam Lào.

Tại Việt Nam, cuối năm 1974, trước tình hình nhiệm vụ chuyên gia giúp Lào có sự thay đổi, từ ngày 5 đến 17 tháng 12, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã tổ chức Hội nghị chuyên gia chính trị, kinh tế, văn hoá để tổng kết, đánh giá sự đóng góp của chuyên gia Việt Nam trong 10 năm qua đối với cách mạng Lào (1964 - 1974), bàn phương hướng, nội dung giúp cách mạng Lào trong tình hình mới. Hơn 100 đại biểu thuộc các ngành công tác ở các địa phương của Lào đã về họp. Đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã đến thăm và nói chuyện với Hội nghị.

Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề như: cuộc chiến tranh xâm lược Lào của đế quốc Mỹ trong 10 năm qua (1964 - 1974); sự giúp đỡ của chuyên gia, ưu khuyết điểm và những bài học kinh nghiệm. Hội nghị thống nhất nhận định: trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vừa qua, ngoài sự nỗ lực vượt bậc của quân dân Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Neo Lào Hắc Xạt, còn có lực lượng chuyên gia Việt Nam được Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, cử sang sát cánh cùng quân dân Lào trong cuộc đấu tranh kiên cường chống kẻ thù chung. Phong trào cách mạng Lào càng phát triển mạnh mẽ, do yêu cầu của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, số lượng chuyên gia Việt Nam thuộc các ngành chính trị, kinh tế, văn hoá ngày càng tăng, nhất là từ năm 1964 đến 1972.

Đánh giá về thành tựu của chuyên gia, báo cáo tổng kết nhắc lại nhận định của đồng chí Cayxỏn tại cuộc hội đàm hai Đảng tháng 12 năm 1973: “Chuyên gia đã giúp tạo cho Lào những nhân tố quyết định để đảm bảo đi tới thắng lợi cuối cùng; giúp hình thành lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, mặt trận dân tộc thống nhất; giúp giành, giữ và xây dựng vùng giải phóng... Quan trọng và quyết định nhất là đã giúp xây dựng đảng Mác - Lênin chân chính, đội ngũ cán bộ, đảng viên từ ít đến nhiều, đã tiến bộ một bước khá dài, tự đảm đương được nhiều mặt công tác, tinh thần tự lực, tự cường tiến lên từng bước sâu hơn” .

Hội nghị xác định: có được những thành tựu trên của đội ngũ chuyên gia, trước hết là nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng ta, sự tin cậy và giúp đỡ tận tình của các cấp ủy đảng, cán bộ và nhân dân Lào; đa số chuyên gia đã nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng, kiên định lập trường chiến đấu, nhiệt tình cách mạng, chân thành, thuỷ chung, chí tình, chí nghĩa với bạn, coi sự nghiệp cách mạng của bạn như sự nghiệp của mình; có phẩm chất, năng lực và kinh nghiệm công tác, nhiều đồng chí lăn lộn nhiều năm với phong trào cách mạng Lào...

Hội nghị cũng thẳng thắn nêu ra các khuyết điểm của đội ngũ chuyên gia, đó là: trong giữ nguyên tắc, một số chuyên gia đã không thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ trong cuộc hội đàm giữa hai Đảng năm 1961 là “Chuyên gia phải đặt dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng bạn”, nên có đồng chí coi nhẹ sự chỉ đạo của cấp trên bạn, ít lắng nghe bạn, gò ép bạn theo ý định có sẵn của mình. Một số chuyên gia rập khuôn máy móc, thường đem kinh nghiệm, kiểu cách Việt Nam áp dụng máy móc vào Lào, không chịu khó nghiên cứu đặc điểm Lào, kể cả đặc điểm từng địa phương, từng dân tộc để vận dụng cho phù hợp; chưa làm tốt công tác điều tra, nghiên cứu, tổng kết rút kinh nghiệm.
Về bộ máy tổ chức, lẽ ra chuyên gia phải thu hẹp từng bước theo sự trưởng thành của bạn như đồng chí Lê Duẩn đã chỉ đạo: “Bộ máy của bạn càng được kiện toàn bao nhiêu thì bộ máy của ta càng phải nhỏ bấy nhiêu”, nhưng chúng ta đã tính toán chủ quan, theo ý muốn được việc, không ngừng tăng cường đội ngũ chuyên gia, bố trí còn dàn trải, chưa tập trung vào những khâu cơ bản...

Về nguyên nhân của những khuyết điểm trên, Hội nghị xác định: nguyên nhân cơ bản là một số chuyên gia chưa quán triệt đầy đủ tính chất đặc biệt và những nguyên tắc trong quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Nhiều đồng chí thường nhấn mạnh tính đặc biệt mà lãng quên mặt nguyên tắc của quan hệ.  

Cuối cùng, Hội nghị xác định: cách mạng Lào đã giành được thắng lợi to lớn, vượt bậc toàn diện, có cơ sở vững chắc, có ý nghĩa chiến lược, lịch sử và tính thời đại (năm 1973), nhiệm vụ của chuyên gia Việt Nam cũng góp phần kết thúc một giai đoạn lịch sử. Nhưng cuộc đấu tranh của nhân dân Lào còn đang tiếp diễn, ta còn phải tiếp tục giúp đỡ. Chúng ta cần khắc phục thiếu sót, tìm những hình thức mới cho phù hợp với bước ngoặt của cách mạng Lào nhằm đạt những thành tích cao hơn nữa.

Hội nghị chuyên gia chính trị, kinh tế, văn hoá là một dịp quan trọng để tổng kết, đánh giá sự đóng góp của chuyên gia Việt Nam trong 10 năm qua đối với cách mạng Lào. Tuy còn có những khuyết điểm, nhưng thành tích và ưu điểm của chuyên gia Việt Nam vẫn là mặt cơ bản. Đội ngũ chuyên gia đã không phụ lòng tin của Trung ương Đảng Nhân dân Lào, hoàn thành tốt nhiệm vụ của hai Đảng giao phó, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh của nhân dân các bộ tộc Lào, góp phần vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 11 Tháng Mười Một, 2021, 02:55:04 pm
2. Phối hợp đẩy mạnh đấu tranh giành thắng lợi hoàn toàn năm 1975

Tại Lào, trước những thắng lợi cơ bản của cách mạng, tháng 11 năm 1974, Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã họp đánh giá thắng lợi của hơn một năm thực hiện Hiệp định và đề ra nhiệm vụ của cách mạng Lào trong thời gian tới. Hội nghị đánh giá: phong trào cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, công nhân, sinh viên, công chức và một bộ phận quân đội, cảnh sát thuộc phái hữu được cách mạng giác ngộ ngày càng lên cao. Phạm vi kiểm soát tạm thời của phái Viêng Chăn bị thu hẹp (chỉ còn dọc bờ sông Mê Công), nhưng lại bị chia thành hai khu (khu trung lập và khu chính quyền Viêng Chăn quản lý) và cả hai khu đều có cơ sở của cách mạng.

Trên cơ sở phân tích, nhận định, đánh giá đầy đủ tình hình, Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đề ra nhiệm vụ và mục tiêu trước mắt là: “Phải kiên quyết đấu tranh xoá bỏ sự thao túng và khống chế của đế quốc Mỹ; tranh thủ phân hoá lực lượng phái hữu làm cho chúng bị cô lập... kiên quyết không để cho bọn phản động lật đổ Chính phủ liên hiệp và gây lại xung đột vũ trang. Đấu tranh làm cho bộ máy chính quyền Viêng Chăn từ trung ương tới cơ sở bị tê liệt, không có điều kiện thực hiện các chủ trương phản động. Tranh thủ sự viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa, từng bước cải tiến cơ cấu kinh tế, tài chính ngày càng có lợi cho sự phát triển kinh tế của cả nước...”.
Phương châm hành động trong giai đoạn tới được xác định là: giương cao ngọn cờ hoà bình, độc lập, dân chủ, hoà hợp dân tộc, thống nhất quốc gia. Tranh thủ tiến công địch nhưng phải biết nhân nhượng, nhằm tranh thủ mọi lực lượng (có thể được), trung lập hoá mọi lực lượng, kể cả tranh thủ Nhà vua và Hoàng tộc...

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng lan rộng và sôi nổi. Từ cuộc đấu tranh vì sự công bằng, đòi quyền sống trong hoà bình, quyền dân chủ tiến tới cuộc nổi dậy giành chính quyền từng phần.
Ở Viêng Chăn, sau nhiều phiên họp, cuối tháng 12 năm 1974, Chính phủ liên hiệp và Hội đồng quốc gia chính trị liên hiệp buộc phải chấp nhận Cương lĩnh chính trị 18 điểm và Chương trình hành động 10 điểm của phía cách mạng đưa ra và coi Cương lĩnh 18 điểm là nguyên tắc hoạt động đối nội, đối ngoại của Chính phủ liên hiệp lần này.

Những thành công của Lào trên mặt trận đấu tranh pháp lý và sự có mặt của lực lượng vũ trang cách mạng ở hai thành phố trung lập đã làm hậu thuẫn cho nhân dân sôi nổi đứng lên đấu tranh. Ngụy quân, ngụy quyền hoang mang dao động và xuất hiện sự phân hoá sâu sắc. Nội bộ địch vốn đã có nhiều mâu thuẫn, nay những mẫu thuẫn đó lại càng sâu thêm, nhiều nơi chúng đã dùng lực lượng quân sự để tranh giành quyền lực, đem quân thanh toán lẫn nhau, như ở bắc và nam Thà Khẹc.

Tháng 12 năm 1974, binh lính và sĩ quan tiến bộ của Tiểu đoàn BC102 ở Huội Xài do Chăn Xúc chỉ huy đã nổi dậy đấu tranh chống các phần tử thân Mỹ, đòi thi hành Hiệp định và Nghị định thư, đòi trừng trị bọn phá hoại Hiệp định và bọn tham nhũng. Được sự phối hợp của lực lượng cách mạng, lực lượng này đã ly khai khỏi sự điều hành của Phân khu Huội Xài và xin được hợp tác với Neo Lào Hắc Xạt. Quân dân Huội Xài đã nhanh chóng kết hợp cùng lực lượng binh biến nổi dậy giành chính quyền huyện và tỉnh. Bọn địch ở đây bị bất ngờ, tháo chạy, lực lượng cách mạng làm chủ toàn bộ khu vực Huội Xài. Tại Quân khu 1, quân nguỵ đưa lực lượng từ Luổng Phạbang đến để phản kích. Neo Lao Hắc Xạt sử dụng thế hợp pháp của Chính phủ liên hiệp yêu cầu địch phải rút về, tình hình trở lại ổn định.

Từ thắng lợi Huội Xài, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào rút ra kết luận: với tình thế cách mạng hiện nay, chủ trương kết hợp tiến công địch bằng ba đòn chiến lược (nổi dậy của quần chúng, binh biến ly khai trong binh lính địch, áp lực quân sự của các lực lượng vũ trang cách mạng) và mũi đấu tranh pháp lý để giành chính quyền từng khu vực là đúng đắn và sáng tạo. Bộ Chính trị quyết định phổ biến kịp thời kinh nghiệm Huội Xài cho các địa phương trong cả nước, yêu cầu các địa phương học tập để đẩy mạnh đấu tranh.

Tại Việt Nam, vào nửa cuối năm 1974, thế và lực cách mạng ở miền Nam đã mạnh hơn hẳn, quân nguỵ ngày càng suy yếu rõ rệt, nội bộ nước Mỹ đang khủng hoảng nghiêm trọng. Tuy nhiên, về điều kiện quốc tế, Việt Nam có những khó khăn mới: cả Liên Xô và Trung Quốc đều chấm dứt viện trợ quân sự cho Việt Nam.

Căn cứ vào tình hình trong nước và quốc tế, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương Đảng Lao động Việt Nam hạ quyết tâm: phải nhanh chóng giải phóng miền Nam với thời gian nhanh nhất có thể. Từ ngày 18 tháng 12 năm 1974 đến 8 tháng 1 năm 1975, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã xác định: giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976 và nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Sau khi hoàn thành các mặt chuẩn bị cả về thế và lực, đầu tháng 3, Việt Nam bắt đầu tiến hành cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975. Mở đầu là chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4 tháng 3 đến 3 tháng 4 năm 1975), tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2 - Quân khu 2 nguỵ, giải phóng Tây Nguyên, tạo sự thay đổi cơ bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược, dẫn tới sự sụp đổ về chiến lược và tinh thần của địch. Đồng thời với hướng Tây Nguyên, tại Quân khu Trị - Thiên và Quân khu 5, quân dân Việt Nam mở chiến dịch Trị - Thiên - Huế (từ ngày 5 đến 26 tháng 3), chiến dịch Đà Nẵng (từ ngày 26 đến 29 tháng 3), diệt và làm tan rã phần lớn Quân đoàn 1 - Quân khu 1, giải phóng năm tỉnh miền Trung, trong đó có hai thành phố lớn là Huế và Đà Nẵng, đập tan âm mưu co cụm chiến lược của địch, tạo bước phát triển nhảy vọt về cục diện chiến tranh. Tiếp đó, sau khi quét sạch địch ở Phan Rang (ngày 16 tháng 4), Xuân Lộc (ngày 21 tháng 4), các quân đoàn chủ lực Việt Nam từ nhiều hướng tiến về tập trung mở chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26 đến 30 tháng 4), tiến công giải phóng Sài Gòn. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã tung bay trên nóc Dinh Độc lập. Chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam toàn thắng.

Trải qua cuộc trường chinh 30 năm với ba mốc son chói lọi: Cách mạng tháng Tám 1945, Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 và Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975 toàn thắng, dân tộc Việt Nam đã hoàn thành vẻ vang sự nghiệp cứu nước. Ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới kéo dài hơn một thế kỷ trên đất nước Việt Nam đã vĩnh viễn chấm dứt. Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trên thế giới, đây là lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh của các dân tộc nhỏ, vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển đã vùng lên tự giải phóng và liên tiếp đánh thắng những cường quốc đế quốc chủ nghĩa, chủ yếu bằng sức của chính mình, nêu một tấm gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ, tài năng trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Cụm từ “Việt Nam - Hồ Chí Minh” đi vào ngôn ngữ các dân tộc, đồng nghĩa với lương tri và phẩm giá con người, với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

   Tại Lào, bước sang năm 1975, khí thế đấu tranh chính trị của quần chúng ngày càng lên cao, mở đầu là cuộc biểu tình của 300 học sinh Pạc Xê diễn ra trong nhiều tuần lễ. Tiếp đến là cuộc đấu tranh của nhân dân mường Noỏng Bốc từ ngày 4 tháng 1 đến ngày 21 tháng 2 năm 1975, dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng ở địa phương. Trước sự đàn áp của địch, nhiều đảng viên đã anh dũng hy sinh, nhưng cuộc đấu tranh vẫn được giữ vững. Chính phủ liên hiệp phải chấp nhận giải quyết mọi yêu sách của quần chúng. Cuộc nổi dậy của nhân dân Noỏng Bốc đã châm ngòi nổ cho một cao trào mới của cách mạng Lào.

Trước thắng lợi dồn dập to lớn của nhân dân Việt Nam, Campuchia trong tháng 4 năm 1975 và tình hình thuận lợi của cách mạng Lào, sau khi tới Hà Nội trao đổi với đồng chí Lê Duẩn về vấn đề tiến hành khởi nghĩa ở Lào và hành động phối hợp của Việt Nam, đồng chí Cayxỏn Phômvihản triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị vào tháng 4 năm 1975, quyết định đẩy mạnh công tác chuẩn bị mọi mặt để tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, dự kiến vào mùa khô 1975 - 1976.

   Thắng lợi của hai nước Việt Nam và Campuchia, đặc biệt là thắng lợi ngày 30 tháng 4 năm 1975 của nhân dân Việt Nam đã cổ vũ to lớn đối với quân, dân Lào, đồng thời làm cho bọn phái hữu ngày càng hoang mang lo sợ. Ngày 1 tháng 5, hàng vạn công nhân viên chức, học sinh, sinh viên cùng các tầng lớp nhân dân ở Viêng Chăn xuống đường biểu tình, thị uy đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định, yêu cầu bọn cực hữu ra khỏi Chính phủ liên hiệp. Khí thế đấu tranh cách mạng sục sôi lan rộng khắp mọi miền đất nước Lào.

   Trước thời cơ cách mạng đang chín muồi, ngày 5 tháng 5 năm 1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào tổ chức Hội nghị mở rộng. Hội nghị đã nhất trí hoàn toàn với nhận định của đồng chí Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản: “Cách mạng Lào đang đứng trước thời cơ thuận lợi; vấn đề giành chính quyền về tay nhân dân cần được tiến hành gấp rút. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, chúng ta có đủ khả năng hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trên phạm vi toàn quốc chỉ trong thời gian ngắn”. Bộ Chính trị đã thống nhất kế hoạch giành chính quyền trên toàn quốc và kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên cả ba vùng chiến lược nắm vững thời cơ ngàn năm có một “nổi dậy đồng loạt và tiến công toàn diện, liên tục, mạnh mẽ giành chính quyền về tay nhân dân trong thời gian ngắn nhất bằng ba đòn chiến lược và một mũi đấu tranh pháp lý” .

   Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về việc giành chính quyền, các cấp uỷ đảng đã lãnh đạo các cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân dưới mọi hình thức, như: mít tinh, tuần hành biểu dương lực lượng, đưa kiến nghị... làm cho bộ máy nguỵ quân, nguỵ quyền bị uy hiếp. Về quân sự, ngày 6 tháng 5, một cánh quân lớn quân giải phóng nhân dân Lào, gồm các tiểu đoàn 1, 2, 13, 701 và 705 cùng các đại đội pháo binh, xe tăng do các đồng chí Chummaly Xaynhaxỏn và Khẻm Phon chỉ huy, đã đập tan cụm phòng ngự của Lữ đoàn 2 quân đặc biệt Vàng Pao ở ngã ba Xála Phu Khun, sau đó phát triển lực lượng về hai hướng Viêng Chăn và Luổng Phạbang. Nguỵ quyền Viêng Chăn lâm vào tình trạng hoang mang, dao động đến cực điểm.

   Đêm 7 tháng 5 năm 1975, Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào họp khẩn cấp xem xét tình hình, hạ quyết tâm: “đưa toàn bộ lực lượng vũ trang ở các hướng nhanh chóng tràn vào vùng đối phương đang kiểm soát”, kiềm chế địch, hỗ trợ phong trào nổi dậy của quần chúng, phong trào binh biến của binh lính địch, giành chính quyền tại chỗ. Thường vụ Bộ Chính trị cũng có kế hoạch hiệp đồng với phía Việt Nam, nhờ Việt Nam làm hậu thuẫn bảo vệ vùng giải phóng và hỗ trợ khi cần thiết.

   Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 8 tháng 5, Bộ Chỉ huy tối cao Lào ra lệnh cho các hướng đưa bộ đội nhanh chóng áp sát địch, chiếm lĩnh các vị trí xung yếu trong thành phố, thị xã. Trên hướng đường 13 - Xála Phu Khun, sau khi chiếm Phôn Xỉ Đa, quân giải phóng nhân dân Lào thọc xuống thị trấn Ka Xỷ và ngày 8 tháng 5, chiếm Phả Hom, truy kích địch về Văng Viêng. Hướng lên Luổng Phạbang, Tiểu đoàn 13 chiếm Phả Đeng, Phả Khêm, sau đó phối hợp với lực lượng trong thành phố, vận động Tiểu đoàn (BI) 106 của nguỵ nổi dậy làm nội ứng, cùng bộ đội chiếm thị trấn Xiêng Ngân, cắt đứt con đường chiến lược nối hai thành phố lớn Viêng Chăn và Luổng Phạbang. Cánh quân thứ hai của Quân khu Xiêng Khoảng, gồm các tiểu đoàn 24, 15, 16, 48 và Pắtchây do đồng chí Koong Xỉ chỉ huy, tiến vào áp sát Xảm Thông - Loòng Chẹng, Xa Nu. Cánh quân thứ ba, gồm Tiểu đoàn 613 cùng đại đội đặc công và các đơn vị địa phương, do đồng chí Khăm Pha chỉ huy tiến qua khu du kích Phu Phalavẹc - Loọng Xan vào chiếm Phu Khẩu Khoai - một vị trí quan trọng trong tuyến phòng thủ vòng ngoài của Thủ đô Viêng Chăn. Cánh quân thứ tư gồm các đơn vị đặc công, một số đơn vị địa phương do đồng chí Xa Thiến chỉ huy tiến qua Thà Thôm, xuống Mương Cầu vào chiếm thị xã Pạc Xan (tỉnh lỵ Bolikhămxay và là sở chỉ huy Phân khu nam Viêng Chăn thuộc Quân khu 5 của địch).

   Sau khoảng hơn 10 ngày thực hiện mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy tối cao, các lực lượng vũ trang quân giải phóng nhân dân Lào đã triển khai xong lực lượng tạo thế bao vây, chia cắt trên chiến trường cả nước, từng khu vực và cả ở các thành phố, thị xã. Việc triển khai lực lượng vũ trang đã tạo ra sự áp đảo đối với địch ở vùng chúng kiểm soát, có tác dụng to lớn thúc đẩy khí thế của quần chúng thành cao trào cách mạng, làm chỗ dựa cho phong trào binh biến nổi dậy của binh lính địch.

Để đối phó với tình hình, đế quốc Mỹ âm mưu lùi một bước để bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ phản kích lại bằng cách cho bọn tay sai đầu sỏ như Xỉ Xúc Ná Chămpaxắc, Ngồn Xánánicon, Vàng Pao xin từ chức, đồng thời cho bọn tay sai trong quân đội làm binh biến giả, tuyên bố ly khai, xin trực thuộc Chính phủ liên hiệp và hợp tác với các lực lượng Pathết Lào.

Nhưng trước cao trào đấu tranh sôi sục của quần chúng, sau thất bại của bọn tay sai ở Sài Gòn, Phnôm Pênh, bọn phái hữu vô cùng hoang mang, dao động. Từ ngày 9 tháng 5, nhiều tên phản động đầu sỏ trong bộ máy nguỵ quân, nguỵ quyền bỏ trốn sang Thái Lan, nên bọn phản động còn lại như rắn mất đầu, bị tan rã từng mảng.

Nắm vững thời cơ, Đảng Nhân dân cách mạng Lào, một mặt, lãnh đạo nhân dân đưa kiến nghị yêu cầu quân giải phóng nhân dân Lào vào bảo vệ các thành phố, đồng thời ép Phuma chấp nhận yêu sách trên của quần chúng và giao cho tướng Khăm Uộn Búpphả (thuộc lực lượng Trung lập yêu nước, ở Phôngxalỳ) giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (bộ trưởng là Xixúc đã bỏ chạy) phụ trách trực tiếp và toàn diện quân đội phía Viêng Chăn.

   Ngày 13 tháng 5, Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 1 quân giải phóng nhân dân Lào chiếm trại lính Chinaimô, một trung tâm quân sự lớn nhất ở Viêng Chăn. Ngày 14 tháng 5, nhân dân, học sinh và binh lính cùng cảnh sát, gồm hơn 1 vạn người đã tuần hành lên án chính quyền phản động, đòi cơ quan USAID của Mỹ phải chấm dứt hoạt động. Cùng ngày, Tiểu đoàn 1 tiếp tục chiếm cơ quan và trường hiến binh ở Km 5.

    Ở Xavẳnnakhệt, trên 4.000 học sinh, sinh viên cùng nhân dân và binh lính đã biểu tình thị uy đòi cơ quan USAID của Mỹ phải cút về nước. Ngày 15 tháng 5, hàng ngàn nhân dân thị xã Văng Viêng, đã nổi dậy lật đổ chính quyền cũ. Bộ đội địa phương Viêng Chăn chiếm được thị trấn Phôn Hoộng. Cùng ngày, quân và dân Chămpaxắc nổi dậy làm chủ Pạc Xê, trung tâm của Quân khu 4.

   Đến giữa tháng 5, lực lượng vũ trang cách mạng Lào đã hình thành thế bao vây, chia cắt chiến lược đối với hai phân khu xung yếu của địch. Bọn đầu sỏ và bọn ác ôn tìm cách bỏ chạy sang Thái Lan. Ngày 16 tháng 5, các tiểu đoàn 24, 46, Pắtchây đánh chiếm căn cứ Xảm Thông - Loòng Chẹng sào huyệt cuối cùng của lực lượng đặc biệt Vàng Pao. Ngày 17 tháng 5, nhân dân, học sinh biểu tình thị uy ở thị xã Thà Khẹc và Noỏng Bốc... Cùng ngày, các tiểu đoàn 407, 406, 409 chiếm một số mục tiêu quan trọng ở Luổng Phạbang. Ngày 18 tháng 5, các tiểu đoàn 705, 701, 586, có pháo binh, xe tăng đi cùng đã tiến vào nội đô Viêng Chăn. Ngày 19, quân và dân Lào làm chủ Thà Khẹc; ngày 21, làm chủ Xavẳnnakhệt - trung tâm của Quân khu 3. Trước áp lực đang gia tăng của cách mạng, ngày 22 tháng 5, Chính phủ liên hiệp ra quyết định giải tán cơ quan USAID và ngày 27 tháng 5, đại diện Mỹ tại Lào phải ký Văn bản bảy điểm, chấp nhận rút toàn bộ cơ quan USAID ra khỏi Lào. Bộ máy thực dân kiểu mới của Mỹ ở Lào bị xoá bỏ hoàn toàn.

   Cũng trong thời gian này, trên hướng đường 23 (Hạ Lào), các đơn vị thuộc Mặt trận 23 gồm: ba tiểu đoàn chủ lực số 10, 11, 12; tiểu đoàn pháo binh, đại đội xe tăng và các đại đội địa phương của các tỉnh Chămpaxắc, Xalavăn, Áttapư... đã phối hợp với lực lượng thanh niên và hàng chục ngàn nhân dân địa phương nổi dậy giải phóng các tỉnh ở Hạ Lào.

   Dựa vào áp lực quân sự, cao trào đấu tranh giành chính quyền của quần chúng diễn ra bằng “ba đòn chiến lược” tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở nhiều nơi. Phong trào binh biến cũng diễn ra ở nhiều đơn vị, tính đến ngày 31 tháng 5, đã có 45 nơi có binh lính nguỵ nổi dậy ly khai quân đội Vương quốc, trở về hợp tác với chính quyền cách mạng. Làn sóng đấu tranh của quần chúng trong tháng 5 đã có tới hàng vạn lượt người tham gia. Tính đến 28 tháng 5, lực lượng cách mạng Lào đã thành lập chính quyền ở 15 tỉnh, thành và 67 huyện, thị.

   Phối hợp với phong trào nổi dậy của quần chúng, Neo Lào Hắc Xạt đã tận dụng cơ sở pháp lý, cách chức bọn chỉ huy phái hữu phản động, tạm giữ một số sĩ quan cao cấp, tập trung vũ khí, không cho địch điều động lực lượng, đồng thời mở phiên toà xét xử bọn phản động. Đến thời điểm này, lực lượng cảnh sát, quân đội Viêng Chăn gần như đã bị xoá bỏ, vũ khí, phương tiện kỹ thuật của chúng đã thuộc lực lượng yêu nước quản lý. Chính quyền Viêng Chăn cùng quan thầy Mỹ lâm vào tình thế bế tắc hoàn toàn.

 Ngày 7 và 8 tháng 7, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào ra chỉ thị xoá bỏ hoàn toàn chính quyền và quân đội của địch, đồng thời thành lập chính quyền cách mạng trong cả nước. Sau khi họp Bộ Chính trị, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã có cuộc hội đàm với đồng chí Lê Duẩn tại thành phố Hồ Chí Minh, trong hai ngày 10 và 11 tháng 7 năm 1975. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã thông báo về diễn biến của cuộc nổi dậy đầy mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân Lào và một số chủ trương của Bộ Chính trị, như: sau khi cải tổ Chính phủ liên hiệp xong (tháng 10 năm 1975), Đảng Nhân dân cách mạng Lào dự định phát động một phong trào dân chủ trong cả nước để bầu ra các cơ quan chính quyền địa phương, rồi tiến tới tổ chức tổng tuyển cử vào năm 1976, lập một chính phủ chính thức do người của Đảng làm thủ tướng, Phuma thôi giữ chức thủ tướng; Trong Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào có một số đồng chí chủ trương duy trì Chính phủ liên hiệp vì cho rằng Phuma từ chức, Mỹ sẽ cắt viện trợ. Nhưng Bộ Chính trị đã họp thảo luận đi đến kết luận phải làm triệt để; Bộ Chính trị dự định khoảng từ tháng 3 hoặc tháng 4 năm 1976, sẽ tiến hành bầu cử quốc hội và lập chính phủ do cách mạng nắm hoàn toàn.

Đồng chí Lê Duẩn thay mặt Đoàn đại biểu Việt Nam nhất trí với chủ trương của Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Đồng chí nêu một số vấn đề cần nghiên cứu quyết định cho phù hợp, đó là: ta nắm được chính quyền các tỉnh, quân đội phái hữu không còn nữa, vậy ta có thể không cần cải tổ chính phủ mà Hội đồng chính phủ do ta làm thủ tướng, còn ông Phuma làm chủ tịch hội đồng; dự định tiến hành tổng tuyển cử vào đầu năm 1976 có chậm không; phải đề phòng họ phản kích ta, phá ta.

   Sau cuộc hội đàm, Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã đẩy nhanh tiến trình giành chính quyền ở Lào. Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1975, nhân dân ở các tỉnh Bolịkhăn (Bolikhămxay), Xiêng Khoảng, Chămpaxắc, Xaynhabuli, Luổng Phạbang dưới sự lãnh đạo của đảng bộ cơ sở đã lần lượt nổi dậy giành chính quyền. Ngày 23 tháng 8, hàng vạn nhân dân Thủ đô Viêng Chăn mít tinh trọng thể tại quảng trường Thạt Luổng đón nhận sự ra đời của chính quyền thủ đô. Ngay sau khi giành được chính quyền ở Viêng Chăn, Trung ương Đảng Lào chỉ đạo các địa phương tiến hành vận động bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 01 Tháng Giêng, 2022, 03:12:32 pm
   Trước sức mạnh đấu tranh của “ba đòn chiến lược”, ngày 25 tháng 11 năm 1975, tại Thủ đô Viêng Chăn, Hội đồng quốc gia chính trị liên hiệp đã họp và đi đến quyết định chấp nhận yêu cầu chính đáng của nhân dân là xoá bỏ chế độ quân chủ, giải tán Chính phủ liên hiệp, triệu tập Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, thành lập chính quyền dân chủ nhân dân. Ngày 29 tháng 11 năm 1975, Vua Xỉxávàng Vắtthana tuyên bố thoái vị, trao lại toàn bộ quyền hành cho nhân dân, chấm dứt chế độ quân chủ tồn tại hàng trăm năm ở nước Lào.

   Trong không khí tưng bừng của những ngày chiến thắng, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Lào được tổ chức tại Thủ đô Viêng Chăn (ngày 1 và 2 tháng 12 năm 1975), với sự tham gia của 264 đại biểu đại diện cho các tầng lớp của nhân dân các bộ tộc, các tôn giáo, các tổ chức quần chúng, các vị lão thành, trí thức và lực lượng vũ trang, trong đó phần lớn là đại biểu của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân, Mặt trận Lào yêu nước và liên minh các lực lượng trung lập yêu nước. Đại hội đã quyết định xoá bỏ chế độ quân chủ và thiết lập chế độ cộng hoà dân chủ nhân dân. Nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào ra đời, Hoàng thân Xuphanuvông được cử giữ chức chủ tịch nước, đồng chí Cayxỏn Phômvihản được cử làm thủ tướng. Cuộc đấu tranh gian khổ, kéo dài suốt 30 năm liên tục của nhân dân các bộ tộc Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã giành thắng lợi trọn vẹn.

   Đây là thắng lợi trọn vẹn và triệt để nhất của dân tộc Lào từ trước đến nay, chẳng những đã khôi phục nền độc lập của Tổ quốc bị chà đạp trên hai thế kỷ, mà lần đầu tiên nhân dân Lào có một nền dân chủ thực sự. Chính quyền cách mạng được thiết lập trên phạm vi cả nước, chế độ mới, chế độ dân chủ nhân dân được xây dựng và kiện toàn, các quyền lợi cơ bản của người dân về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá được bảo đảm. Thắng lợi của 30 năm chiến tranh giải phóng thực sự “đã làm cho vận mệnh dân tộc và xã hội Lào thay đổi sâu sắc, mở ra một kỷ nguyên mới cho công cuộc xây dựng Tổ quốc Lào muôn vàn yêu quý của chúng ta tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường độc lập, tự chủ, thống nhất và phồn vinh, bảo đảm vĩnh viễn cho nhân dân các dân tộc Lào cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc” . Thắng lợi này còn nâng cao uy tín và vị trí của nước Lào trên trường quốc tế...

Sau khi Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam (tháng 1 năm 1973) và Hiệp định Viêng Chăn về Lào (tháng 2 năm 1973) được ký kết, cục diện quân sự và chính trị trên chiến trường Đông Dương đã có sự thay đổi cơ bản. Xu thế tất thắng của cách mạng Đông Dương đã trở nên rõ rệt, không thể nào đảo ngược. Trước tình hình và vận hội mới, quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển. Vùng giải phóng hai nước, hành lang chiến lược Đông - Tây Trường Sơn tiếp tục mở rộng, hoàn chỉnh vẫn là cơ sở quan trọng giúp cho cách mạng hai nước đi tới ngày toàn thắng.

Một điểm nổi bật trong quan hệ của hai Đảng trong giai đoạn này là mặc dù trong điều kiện hoà bình nhưng hai Đảng vẫn thường xuyên có các cuộc hội đàm để thống nhất những chủ trương phương pháp giúp nhau hiệu quả, đưa cách mạng Lào ngày một phát triển. Hai Đảng đã có sự thống nhất về quan điểm chính trị, về phương thức giành thắng lợi của cách mạng mỗi nước. Hai Đảng cũng rất thẳng thắn nêu những ưu, khuyết điểm trong quá trình giúp nhau và cùng nhau bàn cách khắc phục để quan hệ Việt Nam - Lào ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn.
Mặc dù đất nước Lào chuyển từ chiến tranh sang hoà bình, song âm mưu của Mỹ và phái hữu vẫn không thay đổi. Vì vậy, theo yêu cầu của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, chuyên gia quân sự và lực lượng quân tình nguyện Việt Nam vẫn tiếp tục ở lại Lào giúp đỡ việc xây dựng, bảo vệ vùng giải phóng, đồng thời sẵn sàng đối phó với mọi tình huống khi có chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên, khác với giai đoạn trước, việc bố trí chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam ở giai đoạn này đã giảm đi nhiều và đòi hỏi phải phù hợp với tình hình chính trị mới cũng như phù hợp với sự phát triển của Lào.

Quan hệ về kinh tế và văn hoá giữa hai nước cũng tiếp tục phát triển. Việt Nam vẫn tiếp tục chi viện về vật chất cho cách mạng Lào. Hai bên đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác trao đổi và tương trợ kinh tế, văn hoá. Nhiều đoàn chuyên gia kinh tế, văn hoá thuộc nhiều cấp bộ, ngành của Việt Nam sang Lào triển khai thực hiện các hiệp định, nghị định thư đã ký kết. Trong lĩnh vực đào tạo, giáo dục Việt Nam đã giúp Lào có hiệu quả hơn.

*
*     *

Giai đoạn 1963 - 1975, Việt Nam và Lào tiếp tục kháng chiến chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược. Quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong giai đoạn này thực sự là liên minh chiến đấu toàn diện, vững chắc, đặc biệt trong sáng và đóng vai trò hết sức quan trọng và có tính quy luật trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của mỗi nước.

Hai Đảng đã xác định Đông Dương là một chiến trường thống nhất để phát huy sức mạnh đoàn kết liên minh, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với nhau trên mọi chủ trương, hành động chiến lược và trên tất cả các lĩnh vực nhằm tạo ra thế chiến lược tiến công chung cho cả ba nước, đánh bại từng kế hoạch, từng biện pháp chiến lược lớn của địch ở Đông Dương.

Trong lĩnh vực đấu tranh chính trị, ngoại giao, Lào và Việt Nam đã vạch mặt đế quốc Mỹ chính là kẻ thù xâm lược, là nguồn gốc gây ra chiến tranh ở Lào và Việt Nam, từ đó, động viên nhân dân hai nước Lào, Việt đoàn kết đứng lên đánh đuổi xâm lược, và thúc đẩy nhân dân tiến bộ thế giới đứng về phía cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân hai nước Lào, Việt Nam.

Trên lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục, giao thông vận tải... nhân dân hai nước đã mang hết sức mình xây dựng hậu phương chiến lược của từng nước liên kết với nhau hình thành hậu phương chiến lược chung của cả Đông Dương. Dưới ánh sáng Nghị quyết Trung ương 13 Đảng Nhân dân Lào, quân dân Lào được sự giúp đỡ của Việt Nam đã ra sức xây dựng vùng giải phóng về mọi mặt với quy mô như một quốc gia, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các bộ tộc Lào, tạo ra những biến đổi sâu sắc trong quan hệ xã hội và sức mạnh đoàn kết các bộ tộc Lào. Vùng giải phóng Lào ngày càng được mở rộng đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho cuộc kháng chiến của nhân dân Lào và hỗ trợ thiết thực cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và Campuchia.

Cách mạng Lào phát triển, vùng giải phóng Lào vững mạnh chính là những điều kiện tiên quyết để quân dân Lào tạo điều kiện và cùng góp công sức xây dựng tuyến đường chiến lược tây Trường Sơn và các căn cứ đứng chân của bộ đội chủ lực ở khu vực biên giới, góp phần quan trọng tạo điều kiện cho Việt Nam đánh thắng các chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ ở miền Nam và chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc; đồng thời cũng góp phần trực tiếp cho việc xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng Lào và Campuchia. Nói về sự đóng góp của nhân dân các bộ tộc Lào đối với đường Trường Sơn và sự nghiệp chống Mỹ của dân tộc Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Cayxỏn Phômvihản khẳng định: “Do có đường mòn Hồ Chí Minh qua đất Lào và nhân dân Lào đã hy sinh chịu đựng với 3 triệu tấn bom của giặc Mỹ, đã góp phần làm cho Việt Nam có điều kiện thuận lợi trong việc giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam” .

Có thể khẳng định: nhân dân Lào đã góp phần xứng đáng vào việc xây dựng, phát triển tuyến đường Hồ Chí Minh - tây Trường Sơn, một căn cứ kháng chiến hết sức quan trọng, một hậu phương chiến lược vĩ đại của ba nước Đông Dương. Tuyến đường đã trực tiếp gắn bó các chiến trường ba nước bằng hệ thống đường huyết mạch và hệ thống kho tàng, căn cứ vận chuyển từ hậu phương lớn miền Bắc Việt Nam vào. Trên tuyến đường Trường Sơn, bộ đội Lào cùng bộ đội Việt Nam liên minh chiến đấu, phân công phối hợp giữ vững vùng trời, vùng đất cho hệ thống giao thông thông suốt liên tục. “Tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn là biểu tượng trong sáng mối tình đoàn kết, gắn bó liên minh giữa ba nước trong cuộc chiến đấu chung trên một chiến trường thống nhất. Ở đó vừa thể hiện sự chi viện giữa hậu phương lớn với các chiến trường, vừa biểu hiện sự hy sinh cao cả của ba dân tộc dựa lưng vào nhau chống kẻ thù chung” .

Trên lĩnh vực quân sự, Việt Nam với tinh thần quốc tế vô sản và phương châm “giúp bạn là mình tự giúp mình”, tiếp tục đáp ứng những yêu cầu cơ bản của Lào, mang hết khả năng giúp Lào xây dựng, phát triển lực lượng. Đặc biệt, trong xây dựng lực lượng vũ trang, đã giúp cả về cơ sở vật chất, về xây dựng tổ chức ba thứ quân và về nghệ thuật quân sự; giúp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến.

Quân tình nguyện Việt Nam đã cùng quân giải phóng nhân dân Lào mở nhiều chiến dịch cùng hàng loạt trận chiến đấu đánh bại từng bước cuộc “Chiến tranh đặc biệt” rồi “Đặc biệt tăng cường” của Mỹ ở Lào, làm cho đế quốc Mỹ phải phân tán lực lượng đối phó, góp phần hỗ trợ đắc lực, tạo thời cơ thuận lợi cho các bước chuyển biến của chiến tranh cách mạng ở Việt Nam và tạo đà phát triển đi lên của cách mạng Campuchia.

Đúng như đồng chí Đại tướng Khăm Tày Xiphănđon, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào đã khẳng định: Nhân dân Lào sẽ không bao giờ quên hình ảnh của các chiến sĩ quốc tế Việt Nam vượt qua sự vây chặn dày đặc của quân thù đến với Lào khi cách mạng hãy còn trong trứng nước, chịu đựng đói rét bệnh tật, âm thầm len lỏi đi sâu vào quần chúng giúp Lào xây dựng cơ sở chính trị, phát triển lực lượng vũ trang... Từ rừng núi đến đồng bằng, từ vùng giải phóng đến vùng địch hậu, biết bao chiến sĩ quốc tế Việt Nam đã đem máu xương của mình hoà với máu xương chiến sĩ và nhân dân Lào, trở thành những người con bất tử của dân tộc Lào, làm rạng rỡ thêm non sông đất nước Lào thân yêu .

Thành công của quân tình nguyện Việt Nam tại Lào là thành quả của sự giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai quân đội Việt Nam - Lào. Đây là một điển hình mẫu mực về quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu và hợp tác giữa quân đội hai nước độc lập, có chủ quyền, tôn trọng, tin cậy lẫn nhau trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung. Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại Lào đã góp phần quan trọng tạo nên mối quan hệ giữa hai dân tộc và thực sự là biểu tượng sinh động nhất cho tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.

Như vậy, sau 30 năm đấu tranh đầy hy sinh gian khổ dưới sự lãnh đạo của đảng Mác - Lênin chân chính, nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào đã cùng nhau đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành thắng lợi trọn vẹn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của hai nước. Thắng lợi trọn vẹn của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào thực sự là thắng lợi của 30 năm liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.



Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 01 Tháng Giêng, 2022, 03:30:04 pm
PHẦN THỨ BA
QUAN HỆ ĐOÀN KẾT ĐẶC BIỆT, HỢP TÁC TOÀN DIỆN
VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM TỪ NĂM 1976 ĐẾN 2007

 

 
Chương VII
QUAN HỆ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN KHẢO NGHIỆM,
MỞ ĐƯỜNG ĐỔI MỚI (1976 - 1986)



I. QUAN HỆ VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH, ỔN ĐỊNH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC (1976-1981)


1. Bối cảnh lịch sử và những yêu cầu mới đặt ra trong quan hệ giữa Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam sau năm 1975

Từ sau năm 1975, quan hệ giữa Việt Nam và Lào bước sang một thời kỳ mới - thời kỳ từ quan hệ chủ yếu giữa hai Đảng và nhân dân hai nước, chuyển sang quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Đảng cầm quyền, hai Nhà nước và hai quốc gia độc lập, có chủ quyền, cùng khảo nghiệm, tìm tòi từng bước đổi mới để đưa đất nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là thời kỳ Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã lớn mạnh thật sự, vươn lên làm chủ sự nghiệp cách mạng và vận mệnh của đất nước mình. Do vậy, cả hai nước tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp đã từng gắn bó keo sơn trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, xây dựng và tăng cường quan hệ liên minh, liên kết và hợp tác toàn diện cả chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hoá, giáo dục... Đây là đặc điểm quan trọng nhất, chi phối dẫn tới sự thay đổi về chất trong nội dung, phương thức và các nguyên tắc quan hệ giữa hai quốc gia - dân tộc, nâng quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới.

Nhân dân hai nước bước vào thời kỳ mới với hào khí của những người chiến thắng, nô nức phấn khởi bắt tay vào xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của hai Đảng cùng chung mục tiêu, lý tưởng, được rèn luyện qua quá trình đấu tranh cách mạng đầy cam go, thử thách chống giặc ngoại xâm, khối đoàn kết dân tộc thống nhất của hai nước ngày càng được củng cố và mở rộng. Đó là những tiền đề thuận lợi, mở đường cho hai nước thực hiện mục tiêu chiến lược tiếp theo: xây dựng và bảo vệ đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Với những thuận lợi cơ bản kể trên, từ năm 1975, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của cả Việt Nam và Lào cũng đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn. Những năm tháng đầu tiên sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với niềm hạnh phúc được sống trong hoà bình, độc lập, tự do, đất nước thống nhất, nhân dân hai nước Việt Nam và Lào đều phải đương đầu với hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh kéo dài. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình khôi phục và phát triển đất nước sau chiến tranh đòi hỏi hai nước cần phải giải quyết kịp thời. Đặc biệt là nền kinh tế nông nghiệp của hai nước đều lạc hậu, trình độ canh tác, năng suất, sản lượng thấp...

Ở Việt Nam, hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh vô cùng ác liệt đã tác động sâu sắc đến nhiều mặt của đời sống xã hội 1.

Việt Nam là một nước kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, nhưng từ sau năm 1975 đến giữa những năm 1980, sản xuất lương thực không đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu trong nước. Đời sống nhân dân rất khó khăn... Nhiều vấn đề kinh tế - xã hội cấp thiết đòi hỏi phải giải quyết.
Thêm vào đó, tuy bị thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhưng đế quốc Mỹ và các thế lực phản động vẫn không từ bỏ chính sách chống phá cách mạng Việt Nam. Ngày 16 tháng 5 năm 1975, Chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố cấm vận đối với Việt Nam hòng ngăn cản quá trình khôi phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế và xây dựng đất nước của Việt Nam. Chúng sử dụng bọn phản động, lực lượng tham gia trong quân đội và chính quyền Sài Gòn còn ngoan cố, tiến hành các vụ khiêu khích phá hoại, tác động đến tâm lý người dân, hòng gây ra các cuộc bạo loạn phản cách mạng ở miền Nam...

Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào sau khi ra đời cũng phải đương đầu với bộn bề những khó khăn, thách thức to lớn. Cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm đã để lại hậu quả thật nặng nề 2.

Về kinh tế, thời gian này Lào vẫn là nước chậm phát triển, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất đều lạc hậu. Một bộ phận không nhỏ dân cư sống du canh, du cư, làm nương rẫy. Hàng năm, Lào phải nhập 30 vạn tấn lương thực. Thu nhập bình quân đầu người thuộc loại thấp nhất thế giới - khoảng 130 USD/người; 85% dân số Lào sản xuất tiểu nông, với nền kinh tế tự nhiên và nửa tự nhiên. Tỷ lệ người mù chữ cao...

 Sau năm 1975, Mỹ triển khai mạnh chiến lược diễn biến hòa bình, gây bạo loạn lật đổ ở Lào. Chúng sử dụng Thái Lan làm bàn đạp tập hợp các lực lượng phản động lưu vong Lào, nhằm nhanh chóng đảo ngược tình thế ở Lào bằng các biện pháp tổng hợp: đóng cửa biên giới, bao vây cấm vận, nuôi dưỡng và chỉ đạo lực lượng Vàng Pao từ đất Thái trở về xây dựng căn cứ phỉ, chuẩn bị lực lượng ngầm gây bạo loạn, lật đổ; đồng thời tăng cường câu kết với các thế lực phản động nằm vùng hoạt động chống phá cách mạng Lào. Tính đến năm 1976, lực lượng này có khoảng 25.000 tên, lập các đảng phái chính trị phản động như “Chính phủ hoàng gia Lào” do Phủi Xánánicon làm thủ tướng; lập Bộ Chỉ huy của “Mặt trận cứu quốc Lào” do Phumi Nòxavẳn và Vàng Pao đứng đầu; lập “Mặt trận cứu nước trung lập” do Koongle nắm. Chúng nhiều lần dùng tàn quân phái hữu kết hợp với các nhóm phản động nằm vùng gây bạo loạn ở những nơi chính quyền cách mạng còn non yếu; lôi kéo hàng vạn người Lào di tản, tổ chức mạng lưới gián điệp, lực lượng ngầm, xây dựng cơ sở chính trị phản động ở nội địa Lào, đưa lực lượng người Lào lưu vong tổ chức các đơn vị vũ trang vào hoạt động chiếm một số vùng quan trọng nhằm lật đổ chế độ mới ở Lào và ám hại cán bộ lãnh đạo ngay tại Thủ đô Viêng Chăn; mua chuộc, lôi kéo cán bộ, đảng viên, chia rẽ hàng ngũ Đảng Nhân dân cách mạng Lào, chia rẽ Lào với Việt Nam để tách Lào khỏi mối quan hệ với Việt Nam.

Chính quyền cách mạng Lào còn non trẻ, nhưng phải gánh vác nhiệm vụ nặng nề: củng cố độc lập, chủ quyền mới giành được, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng và phát triển nền kinh tế của đất nước, cải thiện đời sống của nhân dân, tăng cường lực lượng cách mạng.

Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam từ sau năm 1975 được thực hiện trong tình hình mỗi nước đều có những khó khăn chồng chất và những thuận lợi cơ bản như đã đề cập ở phần trên, đồng thời mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam cũng chịu tác động mạnh mẽ bởi những thay đổi của bối cảnh quốc tế và khu vực.

Trước hết, đó là quan hệ hợp tác của hai nước được mở rộng trong bối cảnh dư luận quốc tế và lực lượng tiến bộ trên thế giới ủng hộ các nước mới giành được độc lập, trong đó có Việt Nam và Lào; có hậu thuẫn là hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ, chi viện. Vì thế, cũng như Việt Nam, Lào đưa ra quan điểm “Tranh thủ được sự viện trợ quốc tế to lớn, nhất là của các nước xã hội chủ nghĩa anh em” . Việt Nam và Lào ký với các nước xã hội chủ nghĩa nhiều hiệp ước hoà bình, hữu nghị và hợp tác, nhiều hiệp định, hiệp nghị kinh tế, văn hoá để tăng cường, mở rộng quan hệ với các nước. Đồng thời trong bối cảnh trên thế giới, cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang diễn ra như vũ bão, đẩy nhanh xu thế quốc tế hoá, toàn cầu hoá trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và Lào, có cơ hội và điều kiện để thu hút vốn đầu tư, kinh nghiệm quản lý, sử dụng các thành tựu khoa học công nghệ của thế giới để có thể đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Tuy nhiên, đi cùng với nó là sự cạnh tranh gay gắt dẫn tới nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, là sự lợi dụng việc đầu tư vào các nước đang phát triển để thực hiện mục tiêu chính trị, làm cho các nước này phụ thuộc về kinh tế, dẫn đến phụ thuộc về chính trị.

Sau năm 1975, cục diện mới trong khu vực đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nước ASEAN có khả năng độc lập, tự chủ hơn trong chính sách, chiến lược đối ngoại. Từ tháng 2 năm 1976, tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất của ASEAN, các nước ASEAN đã ký kết Hiệp ước thân thiện và hợp tác (Hiệp ước Bali) nhằm xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hoà bình, ổn định, thể hiện xu hướng mong muốn cải thiện quan hệ với các nước Đông Dương. Tháng 6 năm 1976, khối quân sự SEATO đã giải thể theo đề nghị của các nước ASEAN. Để góp phần giữ gìn hoà bình, ổn định xây dựng đất nước, Việt Nam chủ trương sẵn sàng thiết lập và phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước trong khu vực trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, cùng tồn tại hoà bình 3. Ngày 5 tháng 7 năm 1976, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh công bố Chính sách 4 điểm của Việt Nam đối với khu vực, trong đó khẳng định những nguyên tắc cơ bản cho việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước Đông Nam Á. Quan hệ song phương được chính thức thiết lập giữa Việt Nam với Philíppin (tháng 7 năm 1976) và Thái Lan (tháng 8 năm 1976). Đến thời điểm này, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với năm nước thành viên ASEAN. Trong những năm 1977 - 1978, quan hệ Việt Nam với từng nước thành viên ASEAN phát triển mạnh mẽ, hàng loạt các hiệp định hợp tác kinh tế - thương mại được ký kết. Thiện chí của Việt Nam cùng với những cố gắng của các nước ASEAN đã tạo ra những cơ sở đầu tiên cho việc xây dựng một Đông Nam Á hoà bình, ổn định và hợp tác.

Trong khi đó, chính sách cấm vận của Mỹ cùng với những hoạt động của các lực lượng chống đối mặc dù bị thất bại nhưng vẫn nuôi dưỡng mưu đồ và tìm cách chống phá, lật đổ chính quyền mới, chia rẽ mối quan hệ Việt - Lào. Trong thời kỳ này, quan hệ hợp tác giữa hai nước gặp phải không ít khó khăn do sự tiếp tục chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, bị bao vây, cấm vận về kinh tế và những diễn biến phức tạp trong khu vực. Sự tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn đối với khu vực Đông Nam Á đã trở thành một trong những lý do để khu vực này lại trở thành điểm nóng vào cuối thập niên 70 và thập niên 80 thế kỷ XX. Các lực lượng thù địch trong khu vực và trên thế giới cũng tăng cường các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Sau khi Campuchia giành được độc lập, lực lượng Khơme đỏ đã thực hiện chính sách diệt chủng đối với nhân dân trong nước và tiến hành khiêu khích, xâm phạm biên giới Việt Nam, Thái Lan và Lào, đặc biệt là biên giới Tây Nam Việt Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, ngày 7 tháng 1 năm 1979, quân đội Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Campuchia đánh đổ lực lượng Khơme đỏ, giúp Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, xây dựng cuộc sống mới, hồi sinh đất nước. Trong bối cảnh đầy khó khăn phức tạp, Việt Nam vừa triển khai các hoạt động ngoại giao gắn việc giải quyết vấn đề Campuchia với xây dựng hoà bình, ổn định ở Đông Nam Á, vừa thúc đẩy đối thoại giữa hai nhóm nước Đông Dương và ASEAN, đẩy lùi đối đầu, phân hoá liên minh chống Việt Nam, chia rẽ đoàn kết Việt - Lào.

Cùng với những diễn biến phức tạp trên, quan hệ Việt Nam - Lào sau năm 1975 diễn ra trong điều kiện chủ nghĩa xã hội thế giới, đặc biệt là ở Liên Xô và các nước Đông Âu dần lâm vào tình trạng trì trệ dẫn đến khủng hoảng vào những năm 1980. Trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do cho dân tộc, cách mạng Việt Nam và Lào đã nhận được sự giúp đỡ to lớn và có hiệu quả về cả vật chất và tinh thần từ các nước xã hội chủ nghĩa. Bước vào công cuộc xây dựng đất nước, cả hai dân tộc đi lên từ điểm xuất phát thấp, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, do vậy, sự trì trệ, khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội thế giới, đặc biệt là ở Liên Xô và Đông Âu, đã tác động không nhỏ tới sự phát triển của cả Việt Nam và Lào trong điều kiện lịch sử mới.




-----------------------------------------------------------------
1. Bom đạn Mỹ đã giết hại gần 2 triệu người, làm 2 triệu người bị tàn tật và 2 triệu người bị nhiễm chất độc hóa học, trong đó có khoảng 5 vạn trẻ em bị dị dạng. Sau ngày giải phóng, 3 triệu người ở thành thị và nông thôn miền Nam không có việc làm; hàng chục vạn dân nghèo, thiếu đói và 27 vạn thương, bệnh binh cần được giúp đỡ ổn định cuộc sống;...

2. Hầu hết các thị xã, thị trấn, 40% bản, mường trong vùng giải phóng cũ, các trường học, bệnh viện, nhiều tuyến đường giao thông, các kênh mương thuỷ lợi... bị tàn phá nặng nề. Số trâu, bò chỉ còn một nửa so với thời kỳ trước chiến tranh, 10 vạn ha trên tổng số 50 vạn ha ruộng bị bỏ hoang...

3. Ngay sau khi ký Hiệp định Pari (tháng 1 năm 1973), Việt Nam đã bắt đầu triển khai chính sách khu vực, đẩy mạnh quan hệ song ph¬ương với các nư¬ớc ASEAN. Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Malaixia vào tháng 3 năm 1973 và Xingapo vào tháng 8 năm 1973.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 01 Tháng Giêng, 2022, 03:37:42 pm
2. Việt Nam và Lào chủ trương từng bước mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện (1976 - 1981)

a) Quan hệ hai nước trong thời gian đầu khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định xây dựng đất nước (từ năm 1976 đến tháng 7 năm 1977)


Trong cuộc đấu tranh lâu dài chống kẻ thù chung là đế quốc Pháp, Mỹ và bọn phản động tay sai giành độc lập, tự do cho dân tộc, mối quan hệ giữa hai Đảng, quân đội và nhân dân hai nước dựa trên truyền thống đoàn kết giữa hai dân tộc, tinh thần quốc tế vô sản được hai Đảng và lãnh tụ hai nước dày công vun đắp, đã trở thành mối quan hệ đặc biệt thuỷ chung, trong sáng, mẫu mực, hiếm có và là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cách mạng mỗi nước. Bước sang giai đoạn cách mạng mới, cả hai nước đều lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, cùng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng và củng cố chế độ mới, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần cho nhân dân, nhanh chóng đuổi kịp trình độ phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc điểm này chi phối mạnh mẽ, sâu sắc mối quan hệ Việt - Lào, Lào - Việt Nam cũng như yêu cầu khách quan tất yếu đòi hỏi phải củng cố, mở rộng và phát triển một cách toàn diện mối quan hệ Việt - Lào trong thời kỳ mới.

Đảng và Nhà nước Việt Nam sau khi thống nhất đất nước, đã thực hiện chính sách đối ngoại nhằm góp phần cùng các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, củng cố khối đoàn kết, tăng cường giúp đỡ lẫn nhau. Ở Lào, ngay trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc của Lào ngày 1 tháng 12 năm 1975 tại Thủ đô Viêng Chăn, đồng chí Cayxỏn Phômvihản khẳng định: “Thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, hòa bình, hữu nghị và không liên kết nhằm xây dựng thành công một nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất, phồn vinh, tiến bộ xã hội”; “xây dựng mối quan hệ hoà bình, hữu nghị với các nước láng giềng”, “đoàn kết và hợp tác với nhân dân Việt Nam và Campuchia anh em để bảo vệ mọi thành quả của cách mạng và xây dựng đất nước cho phù hợp với nguyện vọng của nhân dân ta” .

 Hơn một tháng sau khi cách mạng Lào thắng lợi, ngày 5 tháng 2 năm 1976, Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào do đồng chí Cayxỏn Phômvihản - Tổng Bí thư Đảng, Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu sang thăm chính thức Việt Nam. Thành viên của Đoàn gồm các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào nắm giữ các vị trí quan trọng trong Chính phủ Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào: hai Phó Thủ tướng và nhiều Bộ trưởng: Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương nghiệp, Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông, văn hoá và du lịch, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Đây là lần đầu tiên đoàn đại biểu cấp cao nhất của Lào đi thăm nước ngoài sau thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc.

Tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ Lào, thay mặt Đảng và Chính phủ Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam bày tỏ quan điểm rằng: nhân dân Việt Nam đời đời ghi lòng tạc dạ sự giúp đỡ vô giá, tình nghĩa thuỷ chung của cách mạng Lào, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi hoàn toàn của cách mạng Việt Nam. Đồng chí khẳng định, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam nguyện làm hết sức mình ủng hộ Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào xây dựng thành công một nước Lào hoà bình, độc lập, dân chủ, thống nhất, thịnh vượng và tiến lên chủ nghĩa xã hội, nguyện góp phần công sức cùng nhân dân Lào khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước sẽ gắng sức vun đắp cho tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác anh em mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, đưa Việt Nam và Lào vững bước tiến lên giành thắng lợi mới cho cách mạng hai nước. Trong dịp này, hai đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng và Nhà nước của hai nước đã tiến hành hội đàm trao đổi các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, ra Tuyên bố chung Việt Nam - Lào ngày 11 tháng 2 năm 1976. Tuyên bố chung khẳng định hai nước bước sang giai đoạn cách mạng mới, nhân dân hai nước quyết tâm phấn đấu củng cố độc lập dân tộc và xây dựng đất nước phồn vinh, phù hợp với điều kiện và đặc điểm riêng của mỗi nước.

Trên tinh thần đó, ngày 30 tháng 4 năm 1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết số 251-NQ/TW về tăng cường giúp đỡ và hợp tác với cách mạng Lào trong giai đoạn mới. Nghị quyết nêu rõ: “Đảng ta khẳng định phương châm nỗ lực đáp ứng cao nhất các yêu cầu khách quan của cách mạng Lào với hết khả năng của mình và tiếp tục vận dụng tinh thần nghị quyết đã đề ra trước đây là giúp cơ bản, toàn diện, liên tục, lâu dài, một cách thích hợp với điều kiện mới và làm cho việc giúp đỡ có hiệu quả cao”. Nghị quyết khẳng định: trong tình hình mới, hai Đảng đều đã nắm chính quyền trong cả nước, mối quan hệ giữa Việt Nam với Lào có điều kiện phát triển và được triển khai toàn diện, giữa các tổ chức, các ngành và các cấp tương đương, thông qua các hình thức hoạt động đối ngoại giữa Đảng với Đảng, Nhà nước với Nhà nước và giữa các đoàn thể nhân dân với nhau...

Chính phủ Việt Nam sẽ hết sức giúp Lào về vốn, về chuyên gia, kỹ thuật và lực lượng lao động, tranh thủ hợp tác về kinh tế, văn hoá, quân sự, xây dựng đường sá, sân bay, cơ sở quốc phòng, khai thác tài nguyên đất nước, trao đổi hàng hoá, văn hoá phẩm... Phối hợp với Lào trong các hoạt động quốc tế, đấu tranh ngoại giao, bảo vệ độc lập chủ quyền của nhau: “Bộ Chính trị yêu cầu toàn thể cán bộ, đảng viên và quân, dân cả nước phải nâng cao tinh thần quốc tế vô sản, quán triệt sâu sắc và ra sức phấn đấu thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với cách mạng Lào, coi đó là một bộ phận khăng khít và hết sức quan trọng gắn chặt với nhiệm vụ đối với Tổ quốc và cách mạng nước ta” .

Ba tháng sau khi Nghị quyết của Bộ Chính trị về tăng cường quan hệ đặc biệt Việt - Lào ra đời, ngày 5 tháng 7 năm 1976, Việt Nam công bố chính sách 4 điểm đối với các nước Đông Nam Á, trong đó có Lào, khẳng định những nguyên tắc cơ bản cho việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước Đông Nam Á. Chính sách này có tác dụng tích cực đến tình hình Đông Nam Á.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 251 của Bộ Chính trị, từ ngày 29 tháng 8 đến 1 tháng 9 năm 1976, Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do đồng chí Lê Thanh Nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đã sang thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Đây là đoàn đại biểu Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đầu tiên đến thăm Lào sau khi Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời. Trong quá trình thăm đất nước Lào, Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đã làm việc với Đoàn đại biểu Chính phủ Lào do đồng chí Nủhắc Phumxavẳn làm trưởng đoàn. Hai bên thông báo cho nhau rất nhiều vấn đề về tình hình hai nước. Những ý kiến mà Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đưa ra được Lào đánh giá cao, thể hiện được quan điểm, lập trường rõ ràng của Việt Nam trong việc ủng hộ về chính trị, giúp đỡ về kinh tế một cách vô tư đối với cách mạng Lào. Trong chuyến làm việc này, Lào đã thể hiện sự tin tưởng đối với Việt Nam qua việc trao đổi bàn bạc với Việt Nam trước khi tuyên bố lập trường của Lào về vấn đề hợp tác với nước ngoài.

Kết quả đáng ghi nhận của chuyến làm việc này là một loạt hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã được ký kết (ngày 31 tháng 8 năm 1976): Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật; Hiệp định về thành lập Uỷ ban Hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật; Hiệp định về liên vận và quá cảnh hàng hoá, hành khách, hành lý; Hiệp định về thương mại; Hiệp định viện trợ và cho vay 1976 - 1977 1. Các hiệp định được ký kết nhằm mục tiêu tăng cường mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào, phát triển sự hợp tác toàn diện về mọi mặt giữa hai nước.

Để bảo đảm thực hiện có hiệu quả Hiệp định, hai Chính phủ đã ký Hiệp định thành lập Uỷ ban Hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật hoạt động thường xuyên giữa hai Chính phủ. Uỷ ban này có nhiệm vụ xem xét những vấn đề phát triển, mở rộng và làm tốt đẹp thêm các mối quan hệ kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước, đồng thời xem xét quá trình thực hiện và đề ra các biện pháp để thực hiện tốt Hiệp định... 2.

Chuyến thăm Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Đoàn đại biểu Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và việc hai nước ký một loạt các hiệp định đã tạo cơ sở pháp lý, tăng cường tình đoàn kết chiến đấu, tin cậy, hợp tác lâu dài, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt giữa hai nước.

Cuối năm 1976, từ ngày 14 đến 20 tháng 12 năm 1976 diễn ra một sự kiện trọng đại đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam. Đó là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Đảng Lao động Việt Nam - Đại hội đầu tiên sau ngày đất nước Việt Nam thống nhất. Đại hội đã quyết định đưa cả nước tiến lên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội cũng quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Về mối quan hệ với Lào và Campuchia, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội nêu rõ: “Ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia, tăng cường tình đoàn kết chiến đấu, lòng tin cậy, sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt giữa nước ta với hai nước anh em trên nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, làm cho ba nước vốn đã gắn bó với nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sẽ mãi mãi gắn bó với nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, vì độc lập và phồn vinh của mỗi nước” .

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam được ghi trong Báo cáo chính trị tại Đại hội IV của Đảng một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiếp tục củng cố, tăng cường hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.

Dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân cách mạng Lào sang dự Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản trong bài phát biểu chào mừng Đại hội, đã nhấn mạnh: “... Tôi xin thành thật nói rằng, trong mọi thành công của cách mạng Lào đều có sự đóng góp trực tiếp của cách mạng Việt Nam; trên mọi chiến trường của Tổ quốc thân yêu của chúng tôi đều có xương máu của các chiến sĩ quốc tế Việt Nam hoà lẫn với xương máu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Lào chúng tôi. Trong sự trưởng thành mọi mặt nhanh chóng và vững chắc của cách mạng Lào hiện nay đều có sự giúp đỡ lớn lao, vô giá của cách mạng Việt Nam”.

Đồng chí khẳng định, Đảng Nhân dân cách mạng Lào và nhân dân các dân tộc Lào: “... nguyện ra sức củng cố và tăng cường mối quan hệ đặc biệt đó, bảo vệ tình đoàn kết Lào - Việt như bảo vệ con ngươi của mắt mình, đồng thời ra sức xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau một cách toàn diện, lâu dài mãi mãi, để cùng nhau bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng đất nước giàu mạnh...” .
Sự kiện Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân cách mạng Lào sang dự Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng với bài phát biểu của Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đã có tác động tích cực trong việc tăng cường quan hệ Việt - Lào trong giai đoạn cách mạng mới. Từ tháng 5 năm 1976 đến tháng 12 năm 1976, diễn ra các cuộc gặp gỡ và hội đàm giữa Tổng Bí thư, Bộ Chính trị của hai Đảng.

Nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 251 của Bộ Chính trị, căn cứ vào tình hình thực tế ở Lào và quan hệ Việt Nam - Lào, ngày 30 tháng 12 năm 1976, Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ra Thông báo số 03-TB/TW: Quyết định của Bộ Chính trị về việc phân công trong nhiệm vụ tăng cường giúp đỡ cách mạng Lào đối với một số ban chuyên môn của Trung ương Đảng: Ban Đối ngoại, Ban Tuyên huấn, Ban Cán sự Đảng ngoài nước, Ban Công tác miền Tây. Theo đó, Ban Đối ngoại Trung ương có nhiệm vụ giúp Trung ương theo dõi tình hình mọi mặt ở Lào; nghiên cứu đề xuất các vấn đề thuộc về chủ trương, đường lối để Trung ương góp ý với Lào; trực tiếp nghiên cứu giúp Lào một số vấn đề về chính trị theo yêu cầu; giúp Trung ương theo dõi các ngành, các địa phương thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Lào đảm bảo cho mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường.

Ban Tuyên huấn Trung ương trực tiếp quản lý và chỉ đạo các trường Đảng miền Tây đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng Lào. Ban Cán sự Đảng ngoài nước có nhiệm vụ quản lý toàn bộ đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam giúp Lào trên đất Lào. Ban Công tác miền Tây sẽ tập trung tổng kết công tác giúp Lào trong hai cuộc kháng chiến và sẽ giải thể sau khi hoàn thành một số việc còn lại.

Ngày 10 tháng 5 năm 1977, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Chỉ thị về tăng cường quan hệ Việt Nam - Lào và công tác giúp Đảng Lào (1977 - 1980). Cùng ngày, Ban Bí thư ra Thông tư số 13-TT/TW về việc chọn cán bộ sang giúp Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Thông tư nêu rõ, theo yêu cầu của Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định cử một số cán bộ các ngành công tác Đảng và Chính phủ Việt Nam sang giúp các ngành của Trung ương và Chính phủ Lào, với tổng số khoảng 70 đồng chí và phải đảm bảo chất lượng và đủ số lượng. Theo đúng thời gian đã được thoả thuận, số cán bộ này sẽ sang nước Lào trước tháng 7 năm 1977.

Để đảm bảo thống nhất quản lý việc giúp đỡ, hợp tác các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá với Lào, ngày 16 tháng 5 năm 1977, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Quyết định số 02-QĐ/TW về tổ chức và nhân sự Ban Cán sự Đảng về công tác giúp Lào (Ban Cán sự Đảng về công tác C), do đồng chí Đặng Thí làm bí thư, đồng chí Nguyễn Chính Giao và đồng chí Phan Hiền, uỷ viên. Ban Cán sự Đảng về công tác giúp Lào có nhiệm vụ, theo yêu cầu của Lào, phối hợp với các ban của Trung ương Đảng và các cơ quan nhà nước tổ chức nghiên cứu các vấn đề thuộc đường lối, chủ trương để Trung ương gợi ý với Lào; hướng dẫn các ngành, địa phương trong công tác giúp đỡ và hợp tác với Lào, tổng hợp tình hình để báo cáo lên Trung ương; quản lý, chỉ đạo đội ngũ cán bộ được cử sang giúp các cơ quan lãnh đạo và cùng Ban Cán sự Đảng ngoài nước làm công tác chính trị, tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên được cử sang giúp Lào.

Hợp tác quốc phòng, an ninh trong bối cảnh tình hình Lào có biến động, an ninh chính trị, chủ quyền lãnh thổ đứng trước sức ép từ phía các thế lực phản động trong nước, khu vực và quốc tế vào cuối năm 1976 đầu năm 1977.

 Là một nước có đường biên giới dài 1.650 km với Thái Lan, trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân các dân tộc Lào vì độc lập, tự do của dân tộc, Thái Lan luôn thi hành chính sách thù địch, cấu kết với các thế lực đế quốc phản động ngăn cản bước tiến của cách mạng Lào. Khi cách mạng Lào thắng lợi, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời, Thái Lan lại mở cửa đón bọn phản động Lào. Thái Lan trở thành nơi chứa chấp, nuôi dưỡng, giúp chúng thành lập Chính phủ Lào lưu vong. Cùng với Mỹ, Thái Lan trực tiếp huấn luyện, trang bị vũ khí và đưa chúng trở lại phá Lào từ bên trong. Ngày 20 tháng 9 năm 1976, theo Đài BBC, một số lớn quân đội phái hữu Lào đã vượt sang Thái nay trở về mang theo súng, đạn mưu toan gây bạo loạn ở một số nơi như Luổng Phạbang, Viêng Phu Kha, Chămpaxắc. Phối hợp với hoạt động của bọn phản động Lào, Thái Lan tăng cường các hoạt động khiêu khích, cho máy bay, thuyền chiến xâm phạm lãnh thổ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào... Về kinh tế, cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm 1976, Thái Lan đã chi hàng tỷ kíp để rút hàng hoá ở các thành phố mới giải phóng của Lào, ngăn không cho Lào xuất khẩu gỗ qua Thái Lan; ra lệnh ngừng chở dầu quá cảnh sang Lào; cấm đưa vào Lào các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân như thóc giống, sữa bột, thuốc chữa bệnh, dụng cụ y tế... .

Trước tình hình đó, đáp ứng yêu cầu của cách mạng Lào, quân tình nguyện Việt Nam trở lại Lào vào cuối năm 1976. Tháng 1 và tháng 4 năm 1977, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Lào gặp nhau ở Viêng Chăn để bàn việc đưa quân tình nguyện Việt Nam trở lại Lào. Hai bên nhất trí triển khai bố trí lực lượng cụ thể trên một số địa bàn trọng yếu. Cùng với quân tình nguyện, theo yêu cầu của bạn, các tổng cục tổ chức các đoàn chuyên gia chuyên ngành và một số đơn vị chuyên môn sang giúp bạn xây dựng cơ sở hạ tầng và dự trữ lương thực ở hai khu căn cứ hậu cần chiến lược (Cánh đồng Chum và Mương Phin). Đây không chỉ là biểu hiện của tinh thần sẵn sàng giúp đỡ cách mạng Lào của quân và dân Việt Nam, mà còn chính là sự tiếp tục thực hiện theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp bạn là mình tự giúp mình” trong điều kiện lịch sử mới, đầy khó khăn thách thức của cách mạng hai nước. Trong bối cảnh chịu nhiều tác động trong quan hệ quốc tế sau chiến tranh, Việt Nam bị bao vây, cấm vận trên trường quốc tế, chính sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào đối với Việt Nam trong những năm tháng đầy khó khăn này, không chỉ góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực để cùng phát triển, mà còn góp phần rất quan trọng củng cố niềm tin vào con đường mà hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai quốc gia đã lựa chọn, động viên, khích lệ, giúp nhân dân Việt Nam vững tin vượt qua chặng đường gian nan sau chiến tranh để từng bước ổn định và phát triển.

Tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác toàn diện giữa hai nước, ngày 17 tháng 7 năm 1977, Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Hiệp định thị thực xuất nhập cảnh và quá cảnh cho công dân hai nước mang hộ chiếu công vụ và ngoại giao.

Căn cứ vào Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật và Hiệp định về liên vận quá cảnh hàng hoá, hành khách, hành lý giữa hai nước, để giúp Lào giải quyết vấn đề mà Thái Lan sử dụng để gây sức ép đối với Lào, đó là vấn đề hàng hoá của Lào xuất khẩu, nhập khẩu quá cảnh qua Thái Lan, ngày 13 tháng 7 năm 1977, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông công chính vận tải Lào ký Thoả thuận về việc hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của Lào quá cảnh qua cảng Đà Nẵng của Việt Nam. Theo đó, phía Việt Nam cam kết hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của Lào quá cảnh qua cảng Đà Nẵng sẽ được tạo điều kiện dễ dàng và thuận lợi nhất, được ưu tiên bốc xếp, các tàu đến giao nhận hàng được hưởng quyền lợi như các tàu đến giao nhận hàng của Việt Nam, được dành riêng một khu vực kho bãi không phải trả tiền thuê và phía Lào tự quản lý, được miễn thuế hải quan. Thoả thuận có hiệu lực ngay sau khi hai bên ký kết.

Bước sang thời kỳ mới, công tác đối ngoại nhân dân được hai Đảng và hai Nhà nước quan tâm, coi trọng. Mục đích là tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, xây dựng quan hệ quần chúng, nền tảng nhân dân cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước trong bối cảnh lịch sử mới. Hoạt động của các tổ chức quần chúng ở hai nước thể hiện sinh động, dưới nhiều hình thức phong phú. Hội Hữu nghị Việt - Lào  có mối quan hệ gắn bó với Hội Hữu nghị Lào - Việt , Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam  và Uỷ ban Hoà bình và đoàn kết Lào, cùng các tổ chức hoà bình, đoàn kết, hữu nghị của hai nước từng bước được củng cố, kiện toàn về tổ chức, bổ sung hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ cách mạng mới. Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt - Lào cùng nhiều tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Tổng Liên đoàn lao động... của Việt Nam và những tổ chức tương ứng của Lào tham gia tích cực vào việc củng cố, tăng cường quan hệ nhân dân hai nước.




------------------------------------------------------------------
1. Trước đó, ngày 25 tháng 1 năm 1976, Chính phủ hai n¬ước đã ký Hiệp định vận chuyển hàng không dân dụng.

2. Ngày 7 tháng 3 năm 1977, Uỷ ban Hợp tác kinh tế Lào - Việt Nam họp phiên thứ nhất. Trong phiên họp này hai đoàn thoả thuận ký kết một số vấn đề cụ thể về viện trợ cho Lào năm 1977, về hợp tác kinh tế, về khoa học - kỹ thuật, về việc Việt Nam để Lào sử dụng cảng Đà Nẵng.



Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 01 Tháng Giêng, 2022, 03:42:17 pm
b) Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (tháng 7 năm 1977) - cơ sở pháp lý vững chắc, lâu dài cho quan hệ hai nước trong thời kỳ mới

Trước yêu cầu khách quan của cách mạng hai nước trước tình hình mới, từ ngày 15 đến 18 tháng 7 năm 1977, Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiến hành hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào do đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư - Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu. Trong bầu không khí hữu nghị, thắm thiết tình đồng chí anh em, hai bên đã trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế quan trọng, các vấn đề hai bên cùng quan tâm cũng như các vấn đề nhằm phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước trên cơ sở đáp ứng nguyện vọng thiết tha và lợi ích sống còn của hai dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, tăng cường sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt vì lợi ích bảo vệ và xây dựng đất nước của nhân dân mỗi nước, đồng thời thúc đẩy xu thế độc lập, hoà bình và trung lập thật sự ở Đông Nam Á, góp phần xây dựng mối quan hệ đúng đắn giữa các Đảng, các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Ngày 18 tháng 7 năm 1977, hai nước đã thoả thuận ký kết các Hiệp ước và ra Tuyên bố chung, tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước: Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Hiệp ước về Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam viện trợ không hoàn lại và cho vay không lấy lãi trong ba năm (1978 - 1980).

Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (tháng 7 năm 1977)1 là Hiệp ước toàn diện đặc biệt quan trọng mang tính chiến lược lâu dài, là cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng để củng cố và tăng cường lâu dài tình đoàn kết, mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào. Hiệp ước nêu rõ: hai bên cam kết ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, không ngừng tăng cường tình đoàn kết và tin cậy lẫn nhau, sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt trên tinh thần của chủ nghĩa quốc tế vô sản và theo nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Hiệp ước khẳng định mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, liên minh đoàn kết chiến đấu và hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc không chỉ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mà còn cả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau chiến tranh. Đây là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước. Việc ký kết hiệp ước đó còn có ý nghĩa quốc tế quan trọng, nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng giữa hai nước đang cùng hướng tới mục tiêu chủ nghĩa xã hội và phát huy ảnh hưởng tích cực trong khu vực.

 Theo tinh thần của nội dung Hiệp ước, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước tăng cường phối hợp chặt chẽ về đường lối hoạt động đối ngoại. Các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao cùng với những hoạt động ngoại giao phát huy hiệu quả công tác đối ngoại mỗi nước và sức mạnh của ba nước Đông Dương trên trường quốc tế, góp phần làm cho môi trường an ninh chính trị Đông Nam Á đi dần vào ổn định, thể hiện thiện chí của các nước Đông Dương xây dựng khu vực hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Hai bên cam kết sẽ tăng cường quan hệ hợp tác xã hội chủ nghĩa, hai bên cùng có lợi về nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, khai thác tài nguyên thiên nhiên và về các lĩnh vực khác; hết lòng viện trợ cho nhau về kinh tế và kỹ thuật; giúp nhau đào tạo cán bộ; trao đổi chuyên gia các ngành kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật; mở rộng quan hệ mậu dịch theo chế độ ưu đãi đặc biệt.

Hai bên sẽ mở rộng trao đổi khoa học - kỹ thuật, hợp tác về văn hoá, nghệ thuật, giáo dục, y tế, thông tấn, báo chí..., tăng cường tiếp xúc giữa các ngành hữu quan. Hai bên cam kết quyết tâm xây dựng biên giới Việt - Lào thành biên giới hữu nghị anh em trên cơ sở Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước; cam kết hoàn toàn tôn trọng và ủng hộ đường lối quốc tế độc lập, tự chủ của nhau....

Sau khi Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào được ký kết, Đảng và Nhà nước Việt Nam liên tục đẩy mạnh và mở rộng công tác tuyên truyền, giáo dục về quan hệ đặc biệt Việt - Lào, đấu tranh chống các quan điểm sai trái về mối quan hệ Việt - Lào, bảo vệ tình đoàn kết Việt - Lào. Đảng, Nhà nước Lào tổ chức nhiều đợt học tập, chỉnh huấn về tình hình nhiệm vụ và quan hệ Lào - Việt từ trung ương xuống tận cơ sở, tạo bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các bộ tộc Lào về quan hệ đặc biệt Lào - Việt.

Về phía Việt Nam, để thực hiện tốt các hiệp ước vừa được ký kết giữa hai nước, đồng thời tiếp tục quán triệt Nghị quyết 251 của Bộ Chính trị, ngày 18 tháng 10 năm 1977, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 21-CT/TW về tăng cường quan hệ đặc biệt Việt - Lào. Chỉ thị nêu rõ, Đảng và Chính phủ Việt Nam coi việc ký kết và thực hiện Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước vừa là nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào, vừa là lợi ích thiết thực trước mắt và lâu dài của cách mạng Việt Nam. Độc lập, tự do và hạnh phúc của hai dân tộc gắn bó chặt chẽ với nhau. Thắng lợi và sự phát triển cách mạng hai nước hiện nay và sau này không thể tách rời nhau .

Về xây dựng biên giới hữu nghị lâu dài, Ban Bí thư giao cho Ban Biên giới Trung ương, các ngành, các địa phương có nhiệm vụ giúp Lào và cùng phía Lào thực hiện tốt việc phân định ranh giới trên thực địa, cắm mốc, xác định cửa khẩu qua lại giữa hai nước, sớm ban hành quy chế biên giới hữu nghị Việt - Lào, đồng thời tăng cường giáo dục cán bộ, chiến sĩ, nhân dân sống dọc biên giới tôn trọng và thực hiện nghiêm túc quy chế.

Để thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia, ngày 11 tháng 11 năm 1977, Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Chỉ thị về công tác phân giới và cắm mốc đường biên giới Việt - Lào. Từ ngày 17 đến 19 tháng 11 năm 1977, Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức hội nghị đại biểu các ngành, các địa phương có liên quan đến công tác giúp đỡ và hợp tác với Lào để phổ biến Nghị quyết số 251 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư. Tiếp đó, ngày 7 tháng 1 năm 1978, Phủ Thủ tướng ra Chỉ thị số 316-TTg về việc giải quyết một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới Việt - Lào. Chỉ thị nêu phương hướng, biện pháp cần thiết để giải quyết tốt, đúng thời gian quy định công tác phân giới và cắm mốc đúng biên giới Việt - Lào; các vấn đề liên quan đến việc chuyển giao cho Lào một số vùng theo thoả thuận điều chỉnh đường biên giữa hai nước nhằm thực hiện nghiêm Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt - Lào, góp phần củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa hai nước.

Cuối năm 1978, Chính phủ hai nước ký Nghị định thư về trao đổi hàng hoá và trả tiền năm 1979. Hai bên thoả thuận sẽ trao đổi hàng hoá trị giá khoảng 10 triệu USD theo nguyên tắc cân bằng.

Vấn đề cử chuyên gia sang giúp Lào tiếp tục được Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đạo sát sao. Ngày 21 tháng 12 năm 1977, Ban Bí thư ra Thông tri số 25-TT/TW cho các đảng đoàn các bộ, ngành thi hành một số công việc cụ thể: nghiên cứu yêu cầu của Lào về chuyên gia, nhất là chuyên gia giúp cho lãnh đạo các ngành; lựa chọn những cán bộ có phẩm chất tốt, có khả năng phù hợp với yêu cầu cụ thể để cử sang Lào, bồi dưỡng trước khi cử sang để các chuyên gia nắm được tình hình, đường lối của Đảng, nắm được phương châm, thái độ, phương pháp giúp đỡ, Ban Bí thư giao cho Ban Cán sự Đảng về công tác giúp Lào phối hợp với cán bộ, ngành trao đổi ý kiến với lãnh đạo các ngành và trung ương của Lào về nội dung, chương trình công tác, thời gian.

Công tác tuyên huấn đóng vai trò rất quan trọng trong việc củng cố, tăng cường quan hệ đặc biệt Việt - Lào, căn cứ vào thoả thuận giữa Trung ương hai Đảng, căn cứ vào yêu cầu của Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, ngày 28 tháng 10 năm 1978, Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ra Quyết định số 30-QĐ/TW Thành lập Đoàn cán bộ tuyên huấn giúp Lào bên cạnh Trung ương Đảng Lào. Nhiệm vụ của Đoàn là nghiên cứu giúp Lào toàn diện về công tác tuyên truyền - huấn luyện, báo chí xuất bản, thông tin văn hoá, đề xuất kiến nghị với Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác tuyên truyền - huấn luyện, văn hoá nhằm tăng cường tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng và nhân dân hai nước. Đồng chí Phan Hiền, trợ lý đặc biệt công tác giúp Lào của Ban Tuyên huấn Trung ương được chỉ định làm trưởng đoàn.

Trực tiếp chỉ đạo thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, thực hiện các hiệp ước vừa được ký kết giữa hai nước, Chỉ thị 21-CT/TW (tháng 10 năm 1977) của Ban Bí thư về tăng cường quan hệ đặc biệt Việt - Lào, ngày 15 tháng 4 năm 1978, Ban Bí thư ra thông tư nêu một số nhiệm vụ cụ thể cần làm trong các công tác như công tác biên giới, công tác Việt kiều, công tác viện trợ và hợp tác kinh tế, công tác giúp Lào, công tác mở rộng quan hệ giữa các địa phương của hai nước.

Quan hệ Việt Nam và Lào được triển khai thông qua các tổ chức đoàn thể nhân dân và các ban, ngành, địa phương. Quán triệt Chỉ thị 21 (tháng 10 năm 1977) của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về tăng cường quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, các tổ chức đoàn thể nhân dân, các ngành, các cấp, các địa phương, các đơn vị đã chủ động phát triển những hình thức tổ chức và hoạt động đoàn kết hữu nghị với Lào. Thành lập các chi hội hữu nghị Việt - Lào ở các tỉnh, thành phố như: Lai Châu, Quảng Nam - Đà Nẵng, Hà Nội... Tổ chức kết nghĩa giữa một số tỉnh, thành phố của hai nước: Hà Nội - Viêng Chăn, Hà Nam Ninh - Uđômxay, Vĩnh Phúc - Luổng Nặm Thà, Hà Sơn Bình - Luổng Phạbang... Các bộ, ngành, địa phương mời các bộ, ngành, địa phương hai nước sang thăm, trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu tìm các hình thức, nội dung hợp tác phù hợp.

Ngành thông tin tuyên truyền, báo chí xuất bản của hai nước tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhân những ngày lễ trọng đại của hai dân tộc như Quốc khánh, ngày thành lập Đảng, thành lập quân đội, kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; xuất bản tác phẩm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai nước... Kỷ niệm lần thứ nhất ngày ký Tuyên bố chung Việt - Lào, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt - Lào (18 tháng 7 năm 1977 - 18 tháng 7 năm 1978, tại Việt Nam, thực hiện Thông tư số 47-TT/TW của Ban Bí thư với mục đích làm cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng, nội dung mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào trong giai đoạn mới của cách mạng, nhiều hình thức hoạt động được tổ chức: trao đổi điện mừng giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội hai nước, Hội Hữu nghị Việt - Lào và Hội Hữu nghị Lào - Việt; tổ chức mít tinh quần chúng ở thủ đô, ở các tỉnh biên giới với Lào, trao đổi các đoàn thăm hữu nghị giữa các tỉnh biên giới; mở đợt tuyên truyền rộng rãi về tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào trên các báo, đài phát thanh và truyền hình, trưng bày một số tranh ảnh về thành tựu xây dựng đất nước Lào...

Cùng với các hoạt động trên, một đợt sinh hoạt chính trị chủ đề “đoàn kết hữu nghị và hợp tác Việt - Lào” được tổ chức ở các cấp, các ngành, các đảng bộ nhằm quán triệt những văn kiện như Nghị quyết 251 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 21 của Ban Bí thư, Tuyên bố chung, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt - Lào nhằm tạo sự thông suốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt - Lào.

Trước thực tiễn sinh động một lần nữa chứng tỏ mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào, quan hệ đoàn kết giữa ba nước Đông Dương là sức mạnh vô địch, là quy luật phát triển của mỗi nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam - Lào càng khẳng định mạnh mẽ hơn tầm quan trọng của việc củng cố, phát triển mối quan hệ đặc biệt đó trong bối cảnh phải đối phó với chiến tranh tâm lý, diễn biến hoà bình, những âm mưu của các thế lực thù địch phản động câu kết với nhau hòng chống phá, kìm hãm bước tiến của cách mạng mỗi nước. Trong điện mừng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định, Đảng Nhân dân cách mạng Lào sẽ tiếp tục truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Đông Dương, luôn luôn tăng cường bồi đắp cho tình đoàn kết vĩ đại giữa Đảng và nhân dân hai nước, coi đó là cột trụ bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của mình, làm cho mối quan hệ hai nước mãi mãi phát triển tốt đẹp, không thế lực phản động nào có thể phá vỡ nổi.

Tháng 4 năm 1980, Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào ra Nghị quyết về kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; xác định đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân Lào nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân Lào về cuộc đời hoạt động, những cống hiến của Người với cách mạng Lào, rèn luyện học tập đạo đức cách mạng cao đẹp của Người, tinh thần yêu nước nồng nàn, chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để từ đó tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam.

Trên các diễn đàn quốc tế, hai nước đoàn kết nhất trí, phối hợp đấu tranh vạch trần những luận điệu xuyên tạc sự thật, những thủ đoạn chiến tranh tâm lý chia rẽ ba nước Đông Dương, chia rẽ Lào với Việt Nam, chia rẽ nội bộ mỗi nước, cô lập Việt Nam. Chính Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, bằng thực tế của đất nước mình, bằng những lý lẽ chân thành, có sức thuyết phục đã phản bác luận điệu vu cáo Việt Nam như “Việt Nam muốn lập Liên bang Đông Dương”, “Việt Nam thôn tính Lào, Campuchia”, “Việt Nam sẽ tiến công các nước ASEAN”..., làm cho thế giới thấy rõ những hy sinh to lớn của nhân dân Việt Nam, quân đội Việt Nam nhằm giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng, giúp Lào bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững hoà bình trong khu vực và thế giới bằng chủ nghĩa quốc tế chân chính, trong sáng.




-----------------------------------------------------------------
1. Hiệp ước có giá trị trong 25 năm và sẽ được mặc nhiên gia hạn thêm từng 10 năm nếu một trong hai bên không thông báo cho bên kia ý định huỷ bỏ Hiệp ước ít nhất là một năm trước khi hết hạn.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 01 Tháng Giêng, 2022, 03:49:20 pm
3. Triển khai quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trên các lĩnh vực (1976 - 1981)

Những năm 1976 - 1981, tuy Việt Nam cũng như Lào khó khăn còn chồng chất, nhưng hai nước luôn nhận thức rất rõ rằng tình đoàn kết chiến đấu giữa hai Đảng và nhân dân hai nước là quy luật tồn tại và phát triển của cách mạng mỗi nước, là sức mạnh vô địch giúp hai dân tộc Việt Nam, Lào chiến thắng mọi kẻ thù. Vì vậy bước vào giai đoạn cách mạng mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Nghị quyết số 251-NQ/TW về việc tăng cường đoàn kết, giúp đỡ và hợp tác với cách mạng Lào trong giai đoạn mới, đề ra phương hướng, nhiệm vụ đoàn kết, giúp đỡ và hợp tác với Lào trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, trên tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” với cách mạng Lào trong những năm tháng đầu tiên của chế độ xã hội mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Về phía Lào, Đảng Nhân dân cách mạng Lào cũng xác định rất rõ liên minh, đoàn kết hợp tác với Việt Nam là một quy luật phát triển của cách mạng Lào và nguyện ra sức củng cố, tăng cường mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt, bảo vệ tình đoàn kết Lào - Việt như bảo vệ con ngươi của mắt mình, đồng thời ra sức phát triển mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau một cách toàn diện, lâu dài, mãi mãi để cùng nhau bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng đất nước giàu mạnh.

Từ khi hoà bình lập lại, theo yêu cầu của Lào, Việt Nam đã giúp giải quyết một số yêu cầu cấp bách mau chóng ổn định sản xuất và đời sống. Đồng thời, xúc tiến điều tra cơ bản các mặt nhằm phát huy khả năng phát triển kinh tế sau giải phóng của Lào. Thời kỳ này mối quan hệ đoàn kết giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước được tăng cường và mở rộng toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam được khẳng định là nhiệm vụ chiến lược, thiết thân phục vụ lợi ích, bảo đảm an ninh, chính trị, phát triển của mỗi nước.

Hợp tác chính trị: Trong những năm 1976 - 1981, quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước được tăng cường, gắn bó chặt chẽ, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau thông qua các chuyến thăm, làm việc giữa các đoàn đại biểu cấp cao của hai Đảng, Chính phủ hai nước; các cuộc hội đàm giữa hai Bộ Chính trị thường niên về những vấn đề trong nước và thế giới mà hai bên cùng quan tâm như các Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước.

Các cuộc trao đổi, gặp gỡ, hội đàm... giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước góp phần rất quan trọng củng cố, tăng cường tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào và là cơ sở nền tảng để phát triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Đảng và nhân dân hai nước trong giai đoạn cách mạng mới.

Do có sự gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi thông báo thường xuyên cho nhau về tình hình mọi mặt giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội hai nước một cách thẳng thắn, chân thành như tình hình xung đột biên giới Tây Nam Việt Nam do tập đoàn Pôn Pốt - Iêngxari gây ra; những âm mưu, hành động đe doạ gây sức ép, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ ở vùng biên giới phía Bắc Lào, hai bên ngày càng hiểu, tin cậy lẫn nhau, nhất trí cao trong các vấn đề đối ngoại, ủng hộ nhau mạnh mẽ trên mặt trận đối ngoại, trên các diễn đàn quốc tế. Ngày 21 tháng 10 năm 1978, phát biểu tại khoá họp lần thứ 33 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Lào lên tiếng ủng hộ đề nghị của Việt Nam nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột biên giới Việt Nam - Campuchia bằng con đường thương lượng hoà bình, trên cơ sở thiện chí, chân thành, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đồng thời lên án chính sách của các nước lớn can thiệp vào công việc nội bộ, gây chia rẽ giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Những quan điểm của Đảng, Nhà nước Lào trong quan hệ đối ngoại thời gian này đã trực tiếp góp phần quan trọng giúp đỡ Việt Nam: ủng hộ, phối hợp với Việt Nam trong vấn đề Campuchia trên diễn đàn quốc tế, giúp Việt Nam trong quan hệ của Đảng Việt Nam với Đảng Campuchia, thông báo thông tin tình hình nội bộ Campuchia và nước ngoài ở Campuchia... Ngày 23 và 24 tháng 3 năm 1979, Bộ Chính trị của hai Đảng đã tiến hành hội đàm về nhiều vấn đề. Riêng đối với quan hệ Việt - Lào, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam - Lê Duẩn nói: “Thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt cảm ơn Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào anh em đã tận tình ủng hộ, giúp đỡ chúng tôi trong những cuộc chiến tranh vừa qua, thể hiện đầy đủ mối quan hệ đặc biệt giữa chúng ta mà trong lịch sử chưa từng có. Trong những khi có tình hình gay go ở Việt Nam thì các đồng chí Lào là người thông cảm với chúng tôi hơn ai hết. Các đồng chí vui mừng trước thắng lợi của Việt Nam, coi như thắng lợi của chính mình” . Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã khẳng định quan điểm lập trường trước sau như một ủng hộ Việt Nam của Lào: Lào vững mạnh, độc lập thì Việt Nam ổn định, phồn vinh.

Nhằm tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Cộng hòa Nhân dân Campuchia, từ năm 1980, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ba nước thường xuyên được tổ chức. Hội nghị nhằm trao đổi tình hình ba nước và những vấn đề quốc tế mà các bên quan tâm, bàn những biện pháp tăng cường đoàn kết, hợp tác giữa ba nước. Hội nghị năm 1980 đã ra thông cáo chung chào mừng thành tích về mọi mặt của nhân dân ba nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, chào mừng sự hồi sinh nhanh chóng của nhân dân Campuchia trong hai năm 1979 - 1980 với những tiến bộ trong sản xuất, đẩy lùi nạn đói, ổn định đời sống, xoá bỏ hậu quả nặng nề của chế độ diệt chủng, xây dựng cuộc sống mới. Thông cáo nêu rõ sự giúp đỡ của nhân dân Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa, các nước không liên kết và nhân dân thế giới. Nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia đang ra sức khắc phục mọi khó khăn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực thù địch phản động chống ba nước Đông Dương. Việt Nam, Lào, Campuchia ngày càng trở thành nhân tố quan trọng bảo đảm hoà bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á.

Các bộ trưởng đã trao đổi ý kiến về việc chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ba nước sẽ họp vào những thời điểm thích hợp, với các biện pháp trước mắt nhằm tăng cường sự hợp tác mọi mặt giữa ba nước.

Trên tinh thần đó Hội nghị lần thứ IV Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Lào, Campuchia diễn ra từ ngày 13 đến 14 tháng 6 năm 1981. Ba bộ trưởng tiếp tục trao đổi với nhau về tình hình quốc tế và khu vực, bàn các biện pháp nhằm tăng cường tình đoàn kết và sự hợp tác về mọi mặt giữa ba nước; trao đổi ý kiến về việc chuẩn bị cho hội nghị cấp cao giữa ba nước. Ba bộ trưởng nhất trí nhận định tình đoàn kết chiến đấu hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa ba nước không ngừng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, các kế hoạch hợp tác kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học - kỹ thuật được thực hiện có hiệu quả góp phần nâng cao tiềm lực của mỗi nước. Việc tăng cường trao đổi các đoàn Đảng, Chính phủ và nhân dân ba nước cũng như phong trào kết nghĩa anh em giữa các địa phương của ba nước đã góp phần quan trọng làm sâu sắc thêm sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa ba dân tộc.

Song song với việc tăng cường quan hệ ba bên, quan hệ đặc biệt Việt - Lào tiếp tục được Đảng, Nhà nước hai nước quan tâm phát triển. Các hiệp định, nghị định thư, kế hoạch hợp tác được ký kết trước đây giữa hai Chính phủ, giữa các bộ, ngành tiếp tục được triển khai bằng nỗ lực quyết tâm của cả hai bên. Sự hợp tác Việt - Lào đã mở rộng sang một số lĩnh vực khác như hợp tác về vấn đề dân tộc giữa Ban Dân tộc Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Dân tộc Trung ương của Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Ngày 30 tháng 5 năm 1979, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã ký Hiệp định về thanh toán phi mậu dịch.

Việc trao đổi các đoàn Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành để nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, bàn thảo các kế hoạch hợp tác, các hoạt động giao lưu giữa các địa phương, đơn vị kết nghĩa, các đoàn thể quần chúng diễn ra thường xuyên hơn. Năm 1979, Việt Nam đón một đoàn 250 cán bộ cao cấp, trung cấp đang học lý luận tại Trường Đảng cao cấp Lào sang tham quan thực tế, một số đoàn của Bộ Tài chính, của báo Tiếng nói nhân dân Lào... Phía Việt Nam cũng cử nhiều đoàn sang Lào trao đổi kinh nghiệm hợp tác như đoàn của Ban Tuyên huấn Trung ương, Ban Nông nghiệp Trung ương, báo Nhân dân, Tổng cục Khí tượng - Thuỷ văn, v.v..

Ghi nhận sự hợp tác giúp đỡ và tin cậy lẫn nhau giữa hai Đảng và hai Nhà nước trong tiến trình cách mạng, tháng 5 năm 1981, Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta do Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu sang thăm Lào. Thay mặt Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Thủ tướng đã trao Huân chương Sao vàng - huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam tặng Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Cayxỏn Phômvihản. Trong diễn văn đọc tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Trao tặng đồng chí Huân chương cao quý nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với đồng chí, đối với Đảng, Chính phủ và nhân dân các dân tộc Lào anh em đã hết lòng ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam”. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản khẳng định: “Sự kiện này tượng trưng cho tình đoàn kết hữu nghị thắm thiết, sắt son, đồng cam cộng khổ, giúp đỡ lẫn nhau và động viên cổ vũ nhau cùng tiến lên trong lúc khó khăn cũng như khi thuận lợi”. Báo Xiểng Páxaxon, ngày 4 tháng 5 năm 1981, viết: “Nhân dân các dân tộc Lào vô cùng cảm kích thấy rằng trong năm năm qua, mặc dù nước Việt Nam phải trải qua biết bao thử thách lớn lao,... lại liên tiếp gặp phải thiên tai nghiêm trọng, nhưng nhân dân Việt Nam vẫn kiên quyết thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của mình, dành sự giúp đỡ to lớn, toàn diện cho Lào trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Nhân dịp này, nhân dân các dân tộc Lào xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự giúp đỡ quý báu và đầy tình cảm anh em đó” . Tháng 11 năm 1981, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định nhân dịp Quốc khánh Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trao tặng Huân chương Sao vàng cho đồng chí Xuphanuvông - Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận xây dựng Tổ quốc Lào. Trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Phó Thủ tướng Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào: Nủhắc Phumxavẳn, Phumi Vôngvichít, Khăm Tày Xiphănđon, Phun Xipaxợt và đồng chí Xỉxổmphon Lòvănxay, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Ngày 2 tháng 12 năm 1981, thay mặt Đảng, Nhà nước, Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí Chu Huy Mân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam sang Lào trao Huân chương Sao vàng - huân chương cao quý nhất của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng đồng chí Xuphanuvông.

 Nhân dịp kỷ niệm bốn năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Lào - Việt Nam, ngày 22 tháng 8 năm 1981, Đảng và Nhà nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào quyết định tặng đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam - Huân chương Vàng quốc gia. Trong buổi lễ, đồng chí Nủhắc Phumxavẳn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã phát biểu: “Những người cách mạng Lào vô cùng tự hào và quý trọng đồng chí, đánh giá cao sự quan tâm đặc biệt của đồng chí đối với việc củng cố và tăng cường sự liên minh chiến đấu, sự đoàn kết và hợp tác giữa hai Đảng, hai nước và hai dân tộc chúng ta, sự cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp chung của nhân dân ba nước Đông Dương”.

Những sự kiện trên là biểu hiện rực rỡ của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt, tình hữu nghị vĩ đại, sự hợp tác và mối quan hệ gắn bó chặt chẽ keo sơn giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt - Lào.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 01 Tháng Giêng, 2022, 03:56:48 pm
Hợp tác quốc phòng - an ninh: Bên cạnh quan hệ chặt chẽ về chính trị giữa hai nước, những năm 1976 - 1981, hợp tác quốc phòng - an ninh đi vào chiều sâu trên tinh thần mối quan hệ đoàn kết liên minh chiến đấu phù hợp với tình hình mới, góp phần tích cực bảo đảm củng cố quốc phòng - an ninh, ổn định xây dựng đất nước.

Do tình hình phức tạp trong nước và khu vực, trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ của Lào, tháng 12 năm 1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào ra quyết nghị: tiếp tục đề nghị Việt Nam đưa lực lượng quân đội sang hỗ trợ quân đội Lào nhằm ổn định tình hình, ngăn ngừa các nguy cơ chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước. Trước yêu cầu đề nghị của Lào, Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẩn trương thành lập các đơn vị sang giúp cách mạng Lào. Từ “giữa năm 1976, Việt Nam đã cử hàng trăm chuyên gia sang làm việc tại Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, các quân binh chủng, ở các tỉnh trọng điểm của Lào; đã đưa một sư đoàn quân tình nguyện Việt Nam đến các địa bàn xung yếu cùng với các đơn vị quân đội Lào đập tan các âm mưu, ý đồ chống phá, gây bạo loạn của Mỹ và các thế lực thù địch, thu hồi lại nhiều địa bàn quan trọng ở vùng rừng núi của Lào, nhất là ở các tỉnh: Xiêng Khoảng, Bolikhămxay, Luổng Phạbang, Viêng Chăn, khu vực biên giới giáp một số tỉnh miền Trung Việt Nam (Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh...); bảo đảm được an ninh trên các trục đường giao thông chiến lược như các đường 7, 9, 13...; hạn chế được các hoạt động thâm nhập từ bên ngoài, ngăn chặn kịp thời một số vụ âm mưu kích động bạo loạn ở vùng dân tộc, nhất là vùng đông người Mông, góp phần tích cực bảo đảm và củng cố an ninh, quốc phòng, ổn định cuộc sống của nhân dân, xây dựng đất nước Lào” .

Cùng với các bộ, ban, ngành khác của trung ương và địa phương, trên cơ sở pháp lý những hiệp định, hiệp ước đã ký kết với Chính phủ Lào, Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hợp tác mọi mặt với Bộ Quốc phòng Lào. Ngày 22 tháng 7 năm 1977, ký Hiệp định hợp tác quân sự giữa Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tháng 7 năm 1977, hai đoàn đại biểu Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam - Lào đã tổ chức hội đàm tại Viêng Chăn thống nhất kế hoạch hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong ba năm (1978 - 1980), bàn kế hoạch năm 1978 về xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng cơ sở quốc phòng và kế hoạch phòng thủ chung, thống nhất phân công trách nhiệm và mọi quan hệ hiệp đồng chiến đấu. Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã phối hợp về mặt tác chiến, giúp toàn diện theo những điều đã thoả thuận giữa hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng và hai Quân uỷ Trung ương.

Từ ngày 12 đến 22 tháng 9 năm 1977, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào do đồng chí Khăm Tày Xiphănđon, Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Quân uỷ Trung ương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chỉ huy tối cao Quân đội giải phóng nhân dân Lào sang thăm và làm việc với Bộ Quốc phòng Việt Nam, hai bên đã ký Hiệp ước phòng thủ (ngày 22 tháng 9 năm 1977).

 Ngày 28 tháng 6 năm 1978, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Sắc lệnh số 63/SCT thành lập Binh đoàn 678 trực thuộc Bộ Quốc phòng. Binh đoàn 678 do Trung tướng Trần Văn Quang làm tư lệnh kiêm chính uỷ, gồm ba sư đoàn bộ binh (324, 968, 337), một số phân đội binh chủng làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Binh đoàn 678 có nhiệm vụ cùng bạn xây dựng nền kinh tế và nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trong cả nước Lào. Tăng cường và bảo vệ khối liên minh Việt - Lào, không ngừng củng cố và phát triển tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc...

Khi cách mạng Lào bị lực lượng phỉ gây rối, Sư đoàn 324 thuộc Quân khu 4 Việt Nam đã cùng lực lượng vũ trang Lào tiến hành tiễu phỉ, giành dân. Trận tiễu phỉ điển hình nhất diễn ra tại Phu Bia. Lào có lực lượng của Mặt trận 1A, Tiểu đoàn 24, Tiểu đoàn 467, một phần lực lượng pháo binh và dân quân du kích trong khu vực. Phía Việt Nam, quân tình nguyện Việt Nam gồm có Trung đoàn bộ binh 335, Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 3) và Tiểu đoàn thiết giáp thuộc Sư đoàn bộ binh 324 - Quân khu 4. Trong hơn một năm (tháng 8 năm 1977 đến ngày 13 tháng 11 năm 1978), hoạt động phối hợp với lực lượng quân sự Lào và Sư đoàn bộ binh 324 1, là đợt hoạt động giành thắng lợi lớn nhất kể từ sau năm 1975, thể hiện tính hiệp đồng tác chiến cao và chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang hai nước Lào - Việt, mở ra một địa bàn chiến lược cho cách mạng Lào, giải phóng nhiều dân bị kìm kẹp trở về với cách mạng. Đánh giá những thành tựu trong công cuộc bảo vệ đất nước, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào lần thứ sáu khóa II (năm 1979) đã ghi rõ: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các lực lượng quốc phòng - an ninh của ta đã cùng với nhân dân các bộ tộc và có sự hỗ trợ của lực lượng Lào (quân tình nguyện Việt Nam) ở một số địa bàn, đã liên tục chiến đấu, ngăn chặn và đập tan hầu hết các vụ gây rối, bạo loạn, phá được nhiều ổ thám báo và lực lượng của chúng, quét được nhiều cụm phỉ trong các vùng miền núi bộ tộc, nhất là đã phá tan cụm phỉ Phu Bia - căn cứ mà đế quốc Mỹ và bọn phản động hy vọng duy trì để chống phá cách mạng Lào lâu dài, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, đồng thời các lực lượng quốc phòng - an ninh đã tích cực tham gia phát động quần chúng xây dựng cơ sở chính trị, làm cho tình hình an ninh, trật tự trong cả nước ngày càng tốt hơn” . Ghi nhận công lao to lớn của quân tình nguyện Việt Nam trong chiến thắng Phu Bia, Trung tướng Xámản Vinhakệt - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Lào, thay mặt Đảng, Nhà nước và quân đội Lào long trọng gắn Huân chương Ítxalạ hạng Nhất lên Quân kỳ Quyết thắng của Sư đoàn 324.

Trong các năm 1980 - 1982, lực lượng tình nguyện Việt Nam cùng với Lào truy quét các toán biệt kích xâm nhập vũ trang nằm vùng, phá các ổ phản động ở Thủ đô Viêng Chăn, các thị xã, làm thất bại âm mưu bạo loạn lật đổ và gây phỉ của địch, bảo vệ được các mục tiêu trọng yếu 2. Tháng 2 năm 1980, Quân uỷ Trung ương họp ra Nghị quyết số 32/QUTƯ, nêu rõ: tiếp tục cùng bạn Lào đẩy mạnh các mặt công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, kịp thời đập tan mọi âm mưu gây bạo loạn và đánh trả có hiệu quả các cuộc tiến công của bọn phản động ở Lào hoặc quân xâm lược nước ngoài; đánh bại âm mưu diễn biến hoà bình và các hoạt động phá hoại gây rối ở Trung - Hạ Lào, đồng thời tiếp tục quét phỉ và các lực lượng phản động khác.

Với sự hoạt động tích cực của các đơn vị thuộc Binh đoàn 678 và một số quân khu có đường biên giới tiếp giáp với Lào, đã phá tan nhiều ổ nhóm phản động, làm cho an ninh chính trị của Lào ngày càng đi dần vào thế ổn định, góp phần bảo vệ Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương, diễn tập liên minh Việt - Lào (HN83) đạt kết quả tốt.

Ngoài việc hợp tác giúp đỡ nhau trong giữ gìn an ninh trật tự của mỗi nước, trong những năm này, quân đội hai nước Việt - Lào còn giúp nhau xây dựng kinh tế, cơ sở hậu cần kỹ thuật 3. Từ năm 1979, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam giao nhiệm vụ cho Binh đoàn 678 trực tiếp chỉ huy các lực lượng làm kinh tế trên đất Lào tăng cường hơn nữa sự giúp đỡ hợp tác giữa quân đội hai nước. Đầu năm 1980, theo đề nghị của Lào, Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia, cán bộ kỹ thuật và thành lập các đơn vị kinh tế chuyên nghiệp sang giúp Lào. Tiêu biểu như giúp xây dựng Nhà máy quốc phòng 7701 (Viêng Chăn); xưởng nấu thép, sửa xe các loại, sửa chữa súng...

Cùng với các đơn vị của Bộ Quốc phòng trực tiếp sang giúp Lào, các đơn vị trong toàn quân cũng đẩy mạnh việc hợp tác với các đơn vị Bộ Quốc phòng Lào. Quân khu 4 đã hỗ trợ phía Lào thực hiện nhiệm vụ Mở cửa ra hướng đông. Từ đó, các đơn vị kinh tế thuộc Quân đội nhân dân Lào đã có sự trưởng thành và phát triển nhanh chóng. Công ty Phát triển miền núi Bộ Quốc phòng Lào từ chỗ gặp nhiều khó khăn do thiếu phương tiện, kỹ thuật đã vươn lên làm chủ tình hình, đặc biệt là đã đưa Lắc Xao (Khăm Muộn) từ một vùng rừng núi hẻo lánh trở thành một trung tâm có nhiều xưởng máy, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân.

Về hợp tác trên lĩnh vực an ninh: Từ ngày 8 đến 17 tháng 3 năm 1977, Bộ Nội vụ Việt Nam tiếp Đoàn đại biểu Bộ Nội vụ - Thương binh và Xã hội Lào do đồng chí Bộ trưởng dẫn đầu sang thăm và làm việc. Trong quá trình hội đàm, Đoàn đã thông báo tình hình an ninh, trật tự xã hội, hoạt động của địch ở Lào; đề nghị Bộ Nội vụ Việt Nam cử chuyên gia (11 loại) sang giúp các ngành thuộc cơ quan và lực lượng an ninh của Lào, giúp đào tạo 150 sĩ quan an ninh, huấn luyện, bổ túc mỗi năm 150 cán bộ các ngành an ninh, cảnh sát, biên phòng. Theo thoả thuận giữa Ban Bí thư Trung ương của hai Đảng trong năm 1976, ngày 17 tháng 3 năm 1977, hai Bộ Nội vụ của Việt Nam và Lào ký Bản thoả thuận riêng về việc Bộ Nội vụ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giúp đỡ kỹ thuật Bộ Nội vụ - Thương binh và Xã hội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Trong Bản thoả thuận xác định: Bộ Nội vụ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ cố gắng hết sức đáp ứng yêu cầu của Bộ Nội vụ Lào, giúp Bộ Nội vụ Lào về mặt khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ theo hai hướng: Một là, đưa cán bộ, phương tiện sang trực tiếp làm các công việc kỹ thuật cần thiết tại chỗ để giúp Bộ Nội vụ Lào giải quyết các yêu cầu chiến đấu cấp thiết trước mắt. Hai là, Bộ Nội vụ Việt Nam sẽ đào tạo cán bộ kỹ thuật do Bộ Nội vụ Lào gửi sang và dần cung cấp thiết bị để Bộ Nội vụ Lào từng bước xây dựng và tự đảm nhiệm được các mặt công tác kỹ thuật.

Theo hai hướng đó, hai bên đã thoả thuận các vấn đề cụ thể về thông tin liên lạc và vô tuyến điện, về công tác thu tin đặc biệt, về công tác phát hiện và định hướng vô tuyến điện - là những vấn đề kỹ thuật quan trọng có tính chuyên sâu cao liên quan mật thiết đến bảo vệ an ninh quốc gia. Lực lượng an ninh Lào được xây dựng trưởng thành đã góp phần to lớn trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền non trẻ, giữ vững trật tự xã hội trên đất nước Lào.

Với sự hợp tác và giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, lực lượng quân đội, an ninh của Lào đã làm thất bại những âm mưu của bọn phản động nhằm phục hồi lực lượng, chặn đứng được các cuộc phiến loạn của bọn phản động trong nước được các thế lực nước ngoài bảo trợ. Lào tăng cường quốc phòng, xây dựng một số cơ sở vật chất, kỹ thuật về quân sự, trang bị hậu cần, đào tạo cán bộ quân sự..., giữ vững và ổn định biên giới, giữ vững độc lập chủ quyền, bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng non trẻ, chế độ Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Thành quả đó đã góp phần quan trọng ổn định an ninh, đảm bảo vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia cho Việt Nam khi mà các thế lực phản động trong khu vực và thế giới đang quyết liệt chống phá cách mạng Việt Nam sau năm 1975.




-----------------------------------------------------------------
1. Đánh 27 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 210 tên, bắt và gọi hàng 856 tên, làm bị thương 50 tên, thu 350 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng khác; đưa 31.913 người dân ra vùng giải phóng, mở rộng địa bàn chiến lược gần 750 km2.

2. Sáu tháng đầu năm 1983, đã tiêu diệt 258 tên địch, bắt 96 tên, bức hàng 126 tên, thu 123 súng. Cùng với Lào, lực lượng tình nguyện Việt Nam giúp củng cố chính quyền ở 258 bản, bồi dưỡng 3.158 cán bộ xã, huấn luyện 5.500 lượt dân quân du kích.

3. Trong năm 1976, Việt Nam đã giúp Lào 42 tấn đạn, 24 xe M113, lắp ráp một số máy bay và vận chuyển hàng từ Đà Nẵng sang Lào.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 01 Tháng Giêng, 2022, 04:05:17 pm
Hợp tác trên lĩnh vực kinh tế: Đây là những năm cực kỳ khó khăn của cả hai nước vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh giữ nước, lại phải đối mặt với sự phá hoại trên nhiều lĩnh vực của các thế lực thù địch. Hai nước đã nỗ lực tiếp tục sát cánh bên nhau giúp nhau vượt qua khó khăn, thách thức, giữ vững chủ quyền lãnh thổ của mỗi nước, từng bước duy trì ổn định đời sống của nhân dân.

Khi Thủ đô Viêng Chăn vừa giải phóng, trước khó khăn do hậu quả chiến tranh, thiên tai, lụt lội mất mùa, lại bị Thái Lan cấm vận, Việt Nam mặc dù trước bộn bề khó khăn của tình hình trong nước, nhưng đã kịp thời viện trợ gạo cứu đói cho nhân dân Viêng Chăn ổn định cuộc sống.
 Nhu cầu hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau về kinh tế xuất phát từ những khó khăn và thuận lợi của cả hai nước. Ở Lào, kỹ thuật canh tác nông nghiệp còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên; giao thông chưa phát triển, chưa có đường sắt, không có biển để thông thương trực tiếp với bên ngoài; dân số ít, phân bố thưa; thiếu cán bộ khoa học - kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân lành nghề... Ở Việt Nam, mật độ dân số đông, phân bố tập trung ở đồng bằng; đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật chưa mạnh; có những hạn chế, lúng túng trong vận dụng cách làm ăn mới... Bên cạnh đó, tiềm năng của Lào lớn, có hơn 70% đất đai là rừng núi, đất rộng, người thưa, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Việt Nam có hàng ngàn kilômét bờ biển, có đường biên giới khá dài tiếp giáp với Lào, là nước có thể giúp Lào tiếp xúc với cảng biển một cách ngắn nhất. Đây là khả năng có thể hợp tác, bổ sung cho nhau nhằm phát huy ưu thế của ở từng nước.

Từ năm 1977, hợp tác kinh tế được thực hiện tập trung chủ yếu dưới hình thức viện trợ và cử chuyên gia giúp Lào thông qua các bộ, ngành theo từng vụ việc, từng công trình tiến lên phối hợp theo kế hoạch, thực hiện sự phân công, hợp tác toàn diện cùng có lợi.

 Thời kỳ này hợp tác kinh tế Việt - Lào tập trung vào các vấn đề như Việt Nam giúp Lào phát triển các vùng kinh tế mới sản xuất lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, chăn nuôi, khai thác lâm sản vùng cao nguyên Na Kay (Khăm Muộn), vùng lâm nghiệp Trung Lào, vùng cao nguyên Bôlavên. Khai thác quặng potasse ở Viêng Chăn, thạch cao ở Đồng Hến, thiếc ở Khăm Muộn, quặng sắt ở Xiêng Khoảng; tiến tới xây dựng các cơ sở luyện thép, luyện kim, xây dựng các công trình thuỷ điện Nặm Thơn.

Trong nông nghiệp, hai nước đã hợp tác giúp nhau cải tạo và xây dựng hệ thống thuỷ lợi, chăm sóc các loại giống mới, phòng dịch cho gia súc. Việt Nam giúp Lào khảo sát quy hoạch thuỷ lợi vùng Huội Xết, Xalavăn (năm 1977); khôi phục các công trình thuỷ lợi của tỉnh Hủa Phăn; xây dựng trại sản xuất Viêng Xây để chăn nuôi bò, lợn, gà, cá (năm 1977); xây dựng và giúp kỹ thuật cho xưởng cơ khí Sầm Nưa.

Về công nghiệp, Việt Nam giúp Lào khảo sát trữ lượng và lập kế hoạch khai thác các vùng có khoáng sản của Lào 1; khai thác lâm sản, chủ yếu là gỗ quý; năm 1980 hoàn thành lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1/200.000 vùng Khăng Khay (Xiêng Khoảng), Sầm Nưa; khảo sát xây dựng cầu bêtông cốt thép trên đường 13 (năm 1977); khảo sát thiết kế tuyến đường 7 (Xiêng Khoảng) năm 1978; khảo sát thẩm tra trữ lượng gỗ đường 9 và lập quy hoạch thiết kế khai thác, chế biến với công suất từ 5 - 6 vạn m3/năm (năm 1977); nghiên cứu, điều tra khảo sát tuyến đường sắt từ Lào ra bờ biển Việt Nam; hoàn thành đường ống dẫn dầu từ Keo Nửa ra đường 13 (năm 1977) .

Thời kỳ này, Việt Nam còn giúp Lào xây dựng một số công trình thuỷ điện vừa và nhỏ, cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt; giúp Lào xây dựng và trang bị xí nghiệp gạch ngói theo Hiệp định đã ký năm 1980. Cùng với hợp tác ở Trung ương, quan hệ hợp tác giữa các địa phương cũng được đẩy mạnh. Thành phố Hà Nội đã cử 7 chuyên gia và 70 công nhân xây dựng cùng 80 thanh niên Lào đến Na Hảy xây dựng xí nghiệp sản xuất gạch ngói với công suất 5 triệu viên gạch và 2 triệu viên ngói.

Trong công nghiệp nhẹ, hai nước hợp tác giúp nhau đóng khung dệt cải tiến, khung dệt vải hoa, giúp Lào sản xuất phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Trong ngành may mặc, Xí nghiệp may 20 thuộc Tổng cục Hậu cần Việt Nam đã sản xuất giúp quân đội Lào về trang phục; cử cán bộ kỹ thuật để đào tạo hàng trăm cán bộ, công nhân may cho quân đội nhân dân Lào. Việt Nam cũng giúp đỡ khôi phục đưa vào sản xuất một số máy ép nhựa, kỹ thuật làm lọ sành, chế biến rượu ở Viêng Chăn.

Nhiều chuyên gia Việt Nam đã được cử sang giúp Lào khảo sát, thiết kế các công trình hữu nghị Hà Nội - Viêng Chăn, được coi là trọng điểm của thành phố như Xí nghiệp sản xuất đường huyện Hạtxaiphoong. Một số công trình được xây dựng trong hai năm 1977 - 1978 phục vụ công cộng và cơ quan 2.

Về giao thông vận tải: Đặc điểm của Lào là không có đường ra biển, chưa có hệ thống đường sắt, đường sông và hàng không chỉ hoạt động ở một số vùng và trong điều kiện thời tiết cho phép, việc đi lại giữa các vùng khó khăn và chủ yếu là bằng đường bộ, nhưng ngay cả mùa khô hệ thống đường bộ nhiều nơi cũng không bảo đảm. Chính vì vậy, Lào rất quan tâm đến việc sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới hệ thống giao thông, chú trọng hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực giao thông vận tải. Trong năm 1977 - 1978, Việt Nam giúp Lào xây dựng đường 7 từ Nặm Cắn đi Phiêng Luông; xây dựng đường 6 từ Nặm Nơn đi Bạn Ban với hệ thống cầu cống làm theo đường cấp 4, nền và mặt đường rải nhựa theo tiêu chuẩn đường cấp 5; giúp Lào bảo đảm giao thông trong suốt tháng 4 năm 1977 ở đường 42 từ Tây Trang đến Mương Khỏa, đường 7 từ Nặm Cắn đến Phôn Xávẳn, đường 8 từ Keo Nửa đến đường 13, đường 9 từ Lao Bảo đến Thà Khoổng; xây dựng cầu phao Nặm Thơn, Thà Khoổng . Đây cũng là thời điểm Lào “coi đường 9 là con đường chiến lược và coi tỉnh Quảng Trị, cảng Đà Nẵng là đường quá cảnh. Mối quan hệ tỉnh Xavẳnnakhệt - Quảng Trị giai đoạn này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng” ...

Về xây dựng sửa chữa cầu đường, đã có sự phối hợp ngay từ thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, đảm bảo huyết mạch giao thông 3.

Trên lĩnh vực hàng không, từ năm 1974, hai nước hợp tác khôi phục duy trì đường bay Hà Nội - Viêng Chăn; từ năm 1977, Việt Nam giúp Lào sửa chữa, mở rộng sân bay dã chiến ở Bạn Áng (Cánh đồng Chum); hai bên nghiên cứu xây dựng sân bay ở Lào. Việt Nam giúp Lào xây dựng các sân bay Lắc Xao, Sầm Nưa.

Ngày 13 tháng 7 năm 1977, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính và vận tải Lào đã ký Bản thoả thuận về hàng xuất khẩu, nhập khẩu của Lào quá cảnh cảng Đà Nẵng của Việt Nam. Việt Nam dành cho Lào những điều kiện thuận lợi trong việc xuất nhập khẩu hàng hoá qua cảng: ưu tiên trong việc bốc xếp hàng hoá nhằm giải phóng tàu nhanh, dành cho Lào một khu kho bãi để chứa hàng không lấy tiền thuê do Lào quản lý, hàng hoá quá cảnh được miễn thuế hải quan.

Giai đoạn này Việt Nam viện trợ hàng hoá theo phương thức hàng đổi hàng một cách cân bằng giữa hai bên và có ưu đãi đặc biệt. Hàng hoá của Việt Nam chuyển sang Lào thường là những vật tư, vật liệu như sắt, thép, xi măng, xăng dầu; những mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, đường, sữa, thuốc chữa bệnh, vải vóc quần áo, hàng tiêu dùng. Việt Nam nhập của Lào các sản phẩm như cà phê, sa nhân, cánh kiến, gỗ tròn, gỗ dán, thạch cao. Quan hệ ngoại thương thời kỳ này là quan hệ kinh tế có hiệu quả, thiết thực vì nó đáp ứng yêu cầu khôi phục, ổn định và phát triển của Lào sau chiến tranh.

Nhằm giúp Lào khắc phục khó khăn do lụt lội lớn, Việt Nam đã cho Lào vay và viện trợ không hoàn lại 4.

Việt Nam còn giúp Lào trong công tác chuyên gia, xây dựng cơ bản, điều tra khảo sát tài nguyên. Đáp ứng kịp thời cho Lào những yêu cầu đột xuất cấp bách nhằm phục vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế, Việt Nam đã đưa sang Lào hàng trăm xe vận tải suốt ngày đêm trên trục giao thông đi lại khó khăn, an ninh chưa bảo đảm để xây dựng vật chất kỹ thuật ban đầu cho Lào. Các công trình xây dựng thời kỳ này chủ yếu gồm cầu đường, công trình thuỷ lợi, trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan, cơ sở sản xuất, sửa chữa cơ khí, chế biến nông - lâm sản ở địa phương. Tính chất hợp tác thời kỳ này là vẫn nặng về bao cấp... Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể và khách quan, hai nước Việt Nam và Lào đều đã có sự nỗ lực cố gắng cao độ trong quá trình tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện khi bước sang giai đoạn chuyển đổi. Trong bộn bề khó khăn thách thức của cách mạng, Việt Nam đã chia sẻ với bạn Lào, phần nào giúp Lào giải quyết khó khăn trước mắt, từng bước ổn định để phát triển, đồng thời về phía Lào đã tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong môi trường đầu tư, mở rộng thị trường trao đổi, tạo thị trường lao động cho nguồn nhân lực dồi dào, góp phần giải quyết khó khăn của Việt Nam trong những năm đầu sau chiến tranh. Mặt khác, qua việc đội ngũ chuyên gia Việt Nam giúp Lào khảo sát, tư vấn... xây dựng kinh tế cũng là một phương thức góp phần nâng cao trình độ, nhận thức của đội ngũ cán bộ chuyên gia, cán bộ lãnh đạo và quản lý của Việt Nam sang giúp Lào học hỏi được những kinh nghiệm từ phía bạn Lào và được trải nghiệm qua thực tế với nhiều mô hình, phương thức linh hoạt khác nhau. Những nhận thức và trải nghiệm đó, không chỉ có hiệu quả trong giúp Lào mà còn có ý nghĩa đối với quá trình lãnh đạo, thực hiện công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam trong chặng đường Việt Nam đang tìm tòi khảo nghiệm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội khi đất nước hòa bình, thống nhất.

Đây cũng là giai đoạn cả Việt Nam và Lào đang đối mặt với muôn vàn khó khăn bởi tác động không thuận chiều của diễn biến phức tạp trong khu vực, cùng với sự trì trệ yếu kém của nền kinh tế vận hành theo cơ chế cũ, do vậy đang nỗ lực từng bước tìm tòi, khảo nghiệm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tiễn của hai quốc gia dân tộc. Ở Lào, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Đảng Nhân dân cách mạng Lào cũng trong năm 1979 với tựa đề ý tưởng khởi đầu về sự đổi mới (nội dung chính là: chuyển sang cơ chế mới có hiệu quả hơn; nắm vững tính khách quan của quy luật kinh tế; có sự buôn bán và làm cho thương mại trở thành mắt xích cơ bản để mở rộng sản xuất; vận dụng kế hoạch để xây dựng - mở rộng thị trường và phối hợp giữa kế hoạch và thị trường...) đã trở thành nhân tố khởi điểm, cho thấy ý tưởng khởi đầu trong việc kiện toàn đường lối, chủ trương của Đảng . Cũng thời điểm đó, ở Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (khóa IV) của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 8 năm 1979) chủ trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản trong sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước, khuyến khích sản xuất để từng bước ổn định đời sống , được coi là tín hiệu đầu tiên của tư duy tìm tòi đổi mới về kinh tế. Đầu năm 1981, Nghị quyết đó được cụ thể hóa bằng Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về khoán trong nông nghiệp và Quyết định số 25-CP và 26-CP trong công thương nghiệp làm biến chuyển từng bước về cơ chế quản lý kinh tế ở Việt Nam. Những chuyển biến đó, đều có ý nghĩa tác động cả hai nước Việt Nam và Lào, được cán bộ và lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước thường xuyên trao đổi, bàn bạc thông qua những cuộc họp cấp cao của lãnh đạo hai nước, thông qua những cuộc hội thảo giữa các nhà khoa học, các giáo trình, bài giảng cho cán bộ của Đảng và Nhà nước Lào học tập ở Việt Nam trong thời gian này.




------------------------------------------------------------------
1. Như: mỏ ở Sầm Nưa (năm 1977); khảo sát trữ lượng và lập quy hoạch, hợp tác cùng khai thác mỏ thạch cao Đồng Hến, trữ lượng mỗi năm khoảng 40.000 tấn (Xavẳnnakhệt - từ năm 1977); khảo sát trữ lượng mỏ sắt Phu Nhôm và lập kế hoạch khai thác (năm 1980).

2. Như: Nhà làm việc của cơ quan tỉnh uỷ tại Sầm Nưa; cơ quan, cửa hàng mậu dịch, trường học của Xiêng Khoảng; cửa hàng thương nghiệp tại Phôngxalỳ, Xê Pôn; trường học, bệnh viện ở Xê Pôn; xây dựng kho xăng (Xiêng Khoảng, Xavẳnnakhệt), kho chứa hàng (Xiêng Khoảng, Mương Phin), các kho đầu mối, trạm trung chuyển phục vụ cho vận chuyển hàng như kho Đông Hà, Đà Nẵng, Diễn Châu, Thanh Hoá (trên đất Việt Nam). Theo: Khóa họp I Ủy ban Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa Việt Nam - Lào, hồ sơ Q9-6, phông Lưu trữ Bộ Ngoại giao.

3. Đơn vị Việt Nam đầu tiên làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào về giao thông đ¬ược thành lập từ ngày 23 tháng 7 năm 1965. Trong suốt giai đoạn 1965 - 1975, đơn vị bảo đảm giao thông cho hơn 600 km đường của Lào tại khu căn cứ cách mạng và vùng giải phóng, đã góp phần vào thắng lợi trọn vẹn của Lào năm 1975. Sau giải phóng, đơn vị này đã chuyển sang đảm trách nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cầu đường phục vụ công cuộc xây dựng đất n¬ước và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Lào, đã trở thành Liên hiệp Các xí nghiệp giao thông 8, thuộc Bộ Giao thông vận tải.

4 . Năm 1976 là 132 triệu đồng Việt Nam, vay không lãi là 15 triệu đồng Việt Nam và 3 triệu USD; năm 1977 là 130 triệu đồng Việt Nam, trong đó 1/2 là viện trợ không hoàn lại và 1/2 là vay không lãi; năm 1978 khoảng 130 triệu, trong đó hàng viện trợ chủ yếu là tiêu dùng và nguyên vật liệu, trị giá khoảng 50 triệu đồng.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 08 Tháng Giêng, 2022, 10:22:18 am
Hợp tác trong lĩnh vực văn hoá - giáo dục - y tế: Nhiệm vụ đặt ra đối với Việt Nam và Lào sau khi giải phóng là khắc phục hậu quả của chế độ cũ để lại, lĩnh vực văn hoá cần được coi trọng, sự nghiệp giáo dục đào tạo được chú ý hàng đầu, vấn đề y tế, chăm sóc nâng cao sức khoẻ nhân dân cần được quan tâm.

Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Lào ngày 18 tháng 7 năm 1977 nêu rõ: về hợp tác văn hoá, “Hai bên mở rộng trao đổi khoa học, kỹ thuật, hợp tác về văn hoá, nghệ thuật, giáo dục, y tế, thông tấn, báo chí, phát thanh, điện ảnh, thể dục thể thao và các lĩnh vực văn hoá khác”. Để triển khai nội dung Hiệp ước, hằng năm hai nước đã ký các “Nghị định thư về hợp tác và trao đổi văn hoá giữa Việt Nam và Lào”. Bộ Thông tin, Tuyên truyền, Văn hoá và Du lịch của Lào đã hợp tác với Bộ Văn hoá Việt Nam, trong năm 1982 - 1983 hoàn thành bộ phim truyện “Tiếng súng Cánh đồng Chum”. Kinh phí do Việt Nam giúp Lào. Để thực hiện bộ phim này, Việt Nam đã cử đoàn cán bộ khoảng 40 người sang Lào để tiến hành các công đoạn phần quay trên đất Lào. Quan hệ trong lĩnh vực hợp tác về thông tin tuyên truyền giữa hai nước được đẩy mạnh: ngày 23 tháng 4 năm 1977, Đoàn đại biểu Đài Phát thanh quốc gia Lào đã sang thăm, làm việc với Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong quá trình làm việc tại Việt Nam, hai bên đã thoả thuận các vấn đề về việc Đài Tiếng nói Việt Nam giúp đỡ, hợp tác với Đài Phát thanh quốc gia Lào chuyển giao cho phía Lào máy phát sóng, các phương tiện, vật tư kỹ thuật; cử chuyên gia, cán bộ kỹ thuật sang nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, lắp đặt các phương tiện kỹ thuật; đào tạo cán bộ cho Lào; cử chuyên gia biên tập sang giúp kinh nghiệm biên tập các vấn đề về đối ngoại... Việc hợp tác, giúp đỡ là rất cần thiết trong quá trình xây dựng và phát triển của Đài Phát thanh quốc gia Lào.

Về hợp tác y tế, với quan điểm thống nhất không ngừng hợp tác, chăm lo, nâng cao sức khoẻ cho nhân dân, ngăn chặn và phòng trừ dịch bệnh, hai bên giúp đỡ nhau tổ chức mạng lưới y tế từ trung ương đến cơ sở và trao đổi kinh nghiệm công tác vệ sinh phòng bệnh, nhất là chống các bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, phong, lao và bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em. Lào là xứ nhiệt đới nóng ẩm, hơn 70% diện tích là rừng núi, vừa trải qua thời kỳ chiến tranh kéo dài, dễ phát sinh dịch bệnh lây truyền trong nhân dân. Do vậy, hàng năm Lào đã đề nghị Việt Nam giúp đỡ không hoàn lại vài chục tấn thuốc DDT303, máy bơm DDT, hàng triệu viên thuốc chống sốt rét, vài triệu liều tả TAB, đậu mùa, bại liệt. Phía Việt Nam còn cử nhiều đoàn cán bộ, chuyên gia sang Lào bồi dưỡng cán bộ y tế, tham gia công tác phòng chữa bệnh cho nhân dân các bộ tộc Lào. Phía Lào đã gửi nhiều cán bộ, học sinh sang đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về y dược tại Việt Nam để nâng cao công tác chuyên môn. Hai nước hợp tác phát triển các biện pháp chữa bệnh y học cổ truyền, giúp nhau trong xây dựng cơ sở vật chất, trong sản xuất dược phẩm như Xí nghiệp Dược phẩm II Hà Nội và Xí nghiệp Dược phẩm II Viêng Chăn.

Trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo: Sau năm 1975, nhiệm vụ cấp bách của Đảng và Nhà nước Lào là thiết lập bộ máy chính quyền cách mạng, ổn định kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và xây dựng nền giáo dục mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tại Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào họp tháng 12 năm 1978, đã xác định rõ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ lý luận chính trị của Đảng là một nhiệm vụ chiến lược cơ bản thường xuyên của Đảng, Nhà nước của cả hai nước. Đào tạo cán bộ chủ chốt cho Đảng và Nhà nước Lào ngày càng trở thành một lĩnh vực hợp tác quan trọng của hai nước Việt - Lào 1.

 Những năm đầu mới trở thành đảng cầm quyền, bộ máy nhà nước mới được thiết lập, cán bộ vừa thiếu vừa chưa kinh qua công tác lãnh đạo, quản lý là một khó khăn rất lớn đối với Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Trong điều kiện đó, một mặt, Việt Nam cử chuyên gia sang giúp theo yêu cầu của Lào; mặt khác, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ giúp Lào. Nhiệm vụ cách mạng mới đặt ra vấn đề cấp bách phải đào tạo gấp nguồn cán bộ lớn có trình độ lý luận chính trị cao cho bộ máy của Đảng và Nhà nước, các tổ chức quần chúng nhân dân từ trung ương tới địa phương. Theo yêu cầu của Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào về việc cử các đoàn cán bộ cao cấp sang nghiên cứu dài hạn về kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam, tháng 4 năm 1978, Trung ương Đảng quyết định thành lập Trường Nguyễn Ái Quốc đặc biệt trực thuộc Ban Bí thư Trung ương và giao cho Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên huấn Trung ương, Ban Cán sự Đảng về công tác C phối hợp phụ trách, chuyên bồi dưỡng cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước Lào từ cấp phó bí thư tỉnh uỷ trở lên. Khoá học đầu tiên của trường có khoảng 35 cán bộ lãnh đạo của Lào tham dự, thời hạn học tập trong hai năm và do đồng chí Xuân Thuỷ - Bí thư Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo.

Đối với số cán bộ Lào thời điểm này đang học tại Trường Nguyễn Ái Quốc, Ban Bí thư chỉ đạo nhà trường và các cơ quan hữu quan tăng cường chăm lo chu đáo việc học tập và mọi mặt sinh hoạt để cán bộ Lào hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập. Đối với số cán bộ, công nhân, sinh viên, học sinh Lào gửi sang đào tạo tại Việt Nam với số lượng ngày càng tăng, Thủ tướng có Chỉ thị 495-TTg về chấn chỉnh công tác nuôi dưỡng và giảng dạy đối với học sinh Lào, yêu cầu các bộ, tổng cục, chính quyền các địa phương nơi có các trường học được giao nhiệm vụ đào tạo, nuôi dưỡng học sinh Lào phải quan tâm hơn nữa đến công tác này; phải thực hiện đúng các chế độ, chính sách đối với học sinh Lào được quy định trong các văn bản của Nhà nước, phải cải tiến nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy cho sát hợp với yêu cầu của nước Lào, đảm bảo kết quả học tập của học sinh Lào ngày càng tốt hơn.

 Tính đến cuối năm 1975, Trường Nguyễn Ái Quốc 10 đã mở chín khoá bồi dưỡng lý luận cho khoảng 500 cán bộ trung và cao cấp của Lào, góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nguồn cán bộ cho Lào, là lực lượng nòng cốt lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Lào đi đến thành công .

Từ năm 1980, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam giao cho Trường Nguyễn Ái Quốc mở lớp đào tạo 24 cán bộ lý luận chương trình cao cấp thời gian hai năm rưỡi. Trường Nguyễn Ái Quốc 10, đào tạo 120 cán bộ tuyên huấn theo chương trình trung cấp về lý luận cơ bản cũng trong thời gian hai năm rưỡi. Đồng thời, Việt Nam cử nhiều chuyên gia đầu ngành có kinh nghiệm sang giúp Lào xây dựng chương trình giảng dạy cho Trường Đảng cao cấp của Đảng và Nhà nước Lào ở Thà Ngòn; giúp Lào củng cố và phát triển hệ thống trường Đảng ở Trung ương và các tỉnh để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ tuyên huấn.

Công tác giúp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ những năm đầu sau khi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời, của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các cấp, các ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng Lào.

Ghi nhận kết quả của sự hợp tác giúp Lào từ năm 1976 đến 1980, Đảng và Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã tặng thưởng Huân chương Tự do cho cán bộ các cơ quan trực tiếp hợp tác và giúp Lào.

Hợp tác giữa hai ngành giáo dục Việt - Lào thời kỳ này được phát triển theo hướng trao đổi chuyên gia, trao đổi các đoàn tham quan, nghiên cứu chuyên đề, đặc biệt là giúp nhau trong việc mở trường, biên soạn nội dung chương trình và công tác giảng dạy. Việt Nam cử các đoàn nghiên cứu về công tác giáo dục Lào trong giai đoạn mới, nghiên cứu chiến lược dài hạn, khảo sát, tổng kết hiệu quả công tác đào tạo lưu học sinh ở Việt Nam, nghiên cứu xây dựng các trường học dân tộc nội trú, chương trình học và vấn đề biên soạn sách giáo khoa các cấp. Về phía Lào, đưa các đoàn lãnh đạo giáo dục các tỉnh sang Việt Nam tham quan, trao đổi kinh nghiệm, đoàn trí thức Lào, đoàn Bộ Giáo dục Lào thăm các trường hữu nghị, đi sâu vào các ngành học, đào tạo học sinh giỏi. Hệ thống các trường đại học, trung cấp kỹ thuật của Việt Nam giúp đào tạo hàng nghìn kỹ sư, cán bộ, công nhân các ngành kinh tế kỹ thuật góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước Lào. Số cán bộ, học sinh Lào học tập tại Việt Nam tính đến năm 1976 lên tới 6.492 người.

Trong những năm 1976 - 1981, tuy cả hai nước còn phải đương đầu với nhiều khó khăn về đối nội và đối ngoại, nhưng với tinh thần và quyết tâm củng cố, tăng cường mối quan hệ đặc biệt, tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc. Về phía Việt Nam, với phương châm nỗ lực đáp ứng cao nhất các yêu cầu khách quan của cách mạng Lào, với hết khả năng của mình, giúp cơ bản, toàn diện, lâu dài, một cách thích hợp với điều kiện mới, sự hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước đã mở rộng, phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Về phía Lào, đã nỗ lực cố gắng phát huy nội lực, tự lập, tự cường để tiếp thu sự giúp đỡ của Việt Nam và một số nước anh em, vượt khó khăn, từng bước vươn lên tự đảm đương công việc của mình trong ổn định kinh tế - xã hội thời kỳ sau chiến tranh. Đồng thời Đảng Nhân dân cách mạng Lào và nhân dân các bộ tộc Lào đã tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống đoàn kết thuỷ chung giữa hai dân tộc, củng cố lòng tin vào Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam, từng bước làm thất bại âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của cả hai nước, thắt chặt thêm tình đoàn kết Lào - Việt Nam trong điều kiện mới.




------------------------------------------------------------------
1. Ngay từ năm 1962, theo đề nghị của Đảng Nhân dân Lào, hệ thống Trường Đảng ở Việt Nam được giao thêm nhiệm vụ quốc tế quan trọng là đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt và cán bộ lý luận chính trị cho Đảng Nhân dân Lào.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 08 Tháng Giêng, 2022, 10:29:10 am
II. QUAN HỆ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU TÌM TÒI,
KHẢO NGHIỆM CON ĐƯỜNG ĐỔI MỚI (1982 - 1986)


1. Quan điểm và chủ trương của hai Đảng, hai Nhà nước tăng cường đoàn kết, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong tình hình mới

Những năm đầu thập niên 1980, sau chiến sự biên giới, Việt Nam ở trong tình trạng phải đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch hòng gây hoang mang trong nhân dân, làm giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước. Lợi dụng vấn đề Campuchia, các thế lực thù địch, phản cách mạng trên thế giới tìm mọi cách bao vây, cô lập Việt Nam trên trường quốc tế. Mỹ vẫn tiếp tục thi hành chính sách bao vây cấm vận. Tình hình trong khu vực vẫn diễn biến phức tạp, bất lợi cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước. 

Đây là những khó khăn, thách thức thu hút phần lớn nhân lực và vật lực của Việt Nam trong thời điểm này.

Ở trong nước, Việt Nam cũng đứng trước những khó khăn gay gắt. Những năm 1976 - 1980, Việt Nam đẩy mạnh chủ trương công nghiệp hoá trong khi chưa có đủ tiền đề cần thiết. Đặc biệt là quá trình lãnh đạo đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội sau chiến tranh đã phạm phải một số sai lầm, hạn chế, vừa nóng vội, vừa buông lỏng trong công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa, chậm đổi mới cơ chế quản lý kinh tế khi không còn phù hợp. Từ cuối thập niên 1970 trở đi, quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa dần bị thu hẹp, viện trợ bị cắt giảm và đến giữa thập niên 1980 thì hầu như không còn. Cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp tuy có tác dụng và cần thiết trong thời chiến, nhưng do duy trì quá lâu nên đã bộc lộ sự trì trệ ngày càng trầm trọng. Sản xuất nông nghiệp giảm sút, sản xuất công nghiệp trì trệ, năng suất, chất lượng thấp; lưu thông phân phối rối ren. Đời sống nhân dân ngày càng lâm vào khó khăn. Năng lực hiệu quả lãnh đạo, quản lý kinh tế yếu kém...

Trên đất nước Lào anh em, đến đầu những năm 80 thế kỷ XX, với sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, sự giúp đỡ và hợp tác đoàn kết chặt chẽ với Việt Nam, tình hình kinh tế - xã hội đang dần đi vào ổn định. Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã hoàn thành kế hoạch ba năm (1978 - 1980) khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Âm mưu và hoạt động phiến loạn của bọn phản động trong nước được các thế lực phản động nước ngoài bảo trợ bị chặn đứng, độc lập chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự xã hội được giữ vững; chế độ dân chủ nhân dân, chính quyền cách mạng non trẻ được bảo vệ.

Tuy nhiên, cho đến những năm đầu thập niên 1980, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vẫn phải đối phó với chính sách thù địch của lực lượng phản động ở Thái Lan luôn muốn phá hoại cách mạng Lào, kìm hãm Lào trong thế yếu. Tháng 7 năm 1982, Thái Lan trực tiếp hỗ trợ cho lực lượng phản động Phumi Nòxavẳn lập cái gọi là “Chính phủ liên minh giải phóng dân tộc”; không ngừng dùng sức ép chính trị, kinh tế, quân sự đòi sửa đổi lại đường biên giới hiện tại. Trong hai năm 1983, 1984, Thái Lan liên tục tập trung nhiều lực lượng quân sự ở biên giới với Lào, tiến hành tập trận với mục tiêu giả định là Viêng Chăn, tiến hành các hành động xâm phạm lãnh thổ Lào. Tháng 6 năm 1984, Thái Lan đã đưa quân đội mở đợt tấn công chiếm ba bản của Lào là Bạn Mầy, Bạn Cang và Bạn Xávàng thuộc huyện Pạc Lai, tỉnh Xaynhabuli  và duy trì sự chiếm đóng ở đó đến năm 1985 vẫn chưa rút quân. Cũng như Việt Nam, Lào phải đối mặt với các kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực phản động khu vực và quốc tế, tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế - xã hội, mặt khác tạo sức ép nhằm tách Lào ra khỏi Việt Nam, khỏi quỹ đạo xã hội chủ nghĩa, chia rẽ sự đoàn kết giữa ba nước Đông Dương.

Về kinh tế, Thái Lan gây khó khăn cho Lào bằng việc tuỳ tiện đóng mốc biên giới; đưa ra những hạn chế đơn phương về các loại hàng quá cảnh, giữ lại hàng viện trợ của các nước giúp Lào; gây rối loạn thị trường bằng việc in tiền giả tung sang phá kinh tế Lào.

Cũng như Việt Nam, thời gian này Lào rất cần sự giúp đỡ, viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa, nhưng thời điểm này các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới thực hiện cơ chế cũ cũng đang lâm vào trì trệ, khủng hoảng. Tác động tiêu cực của phong trào cách mạng thế giới nói chung và của các nước xã hội chủ nghĩa nói riêng đã trở thành yếu tố bất lợi cho cách mạng Lào. Đứng trước tình hình ấy, từ những năm cuối thập niên 70 thế kỷ XX, Lào đề ra đường lối chuyển từ nền kinh tế tự nhiên và nửa tự nhiên sang kinh tế sản xuất hàng hoá, khuyến khích sản xuất, lưu thông nên đã hạn chế tình trạng cấm chợ, ngăn sông, mở rộng thương mại khắc phục sự khan hiếm hàng hoá. Đây là giai đoạn Lào từng bước thử nghiệm cơ chế quản lý kinh tế mới ở một số cơ sở quốc doanh. Việt Nam cũng đang trong quá trình từng bước nghiên cứu tìm tòi, khảo nghiệm để đổi mới cơ chế quản lý từ quan liêu bao cấp sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa: thực hiện khoán trong nông nghiệp, giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong công nghiệp, v.v. nhằm giải quyết những khó khăn về kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, tiếp tục tìm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với đặc điểm của dân tộc Việt Nam và xu thế chung của thế giới. Tình hình phát triển của mỗi nước tác động tới mối quan hệ hợp tác trong điều kiện mới.

Quan hệ hợp tác giữa hai nước trước yêu cầu mới của sự phát triển trong từng nước đã từng bước chuyển dần từ hợp tác từng vụ việc theo yêu cầu của Lào sang hợp tác theo chương trình kế hoạch hàng năm giữa hai Chính phủ, bước đầu nghiên cứu kế hoạch hợp tác dài hạn giữa hai nước. Chính vì vậy, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước bắt đầu có sự thay đổi: từ viện trợ và cho vay là chủ yếu sang giảm dần viện trợ và cho vay, hai nước đẩy mạnh hợp tác sản xuất và kinh doanh bình đẳng cùng có lợi. Thời gian này, Lào đề ra công thức hợp tác: Tài nguyên Lào, lao động kỹ thuật Việt Nam, vốn hợp tác hoặc vay của nước thứ ba. Trong bối cảnh đó, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam chuyển sang một nấc thang mới, có sự thay đổi dần về chất phù hợp với tình hình mới.

Bước sang năm 1982, một sự kiện quan trọng đã diễn ra trong đời sống xã hội Việt Nam. Đó là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 3 năm 1982). Đại hội xác định phương hướng, nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam trong kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội tiếp theo. Trong đó đã bắt đầu điều chỉnh quy mô, tốc độ, chặng đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là xác định chặng đường đầu tiên quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với những nhiệm vụ cơ bản, trước mắt phù hợp với đặc điểm xuất phát của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, xác định đối với Việt Nam phải coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu. Về đường lối đối ngoại: trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và nhìn lại chính sách đối ngoại trong thời gian trước 1982, Đại hội xác định đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong thời gian tới là: Đoàn kết và hợp tác toàn diện với Liên Xô; quan hệ đặc biệt với Lào, Campuchia; thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa; chủ trương quan hệ bình thường với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị - xã hội trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.

 Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Lào do Tổng Bí thư, Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Cayxỏn Phômvihản dẫn đầu sang dự Đại hội lần thứ V Đảng Cộng sản Việt Nam, đã có cuộc hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 26 tháng 3 năm 1982). Hai bên đã thông báo cho nhau tình hình mỗi nước, trao đổi các vấn đề mà hai Đảng cùng quan tâm. Hai bên hoàn toàn nhất trí về các vấn đề được nêu trong cuộc hội đàm và nhất trí rằng tình đoàn kết chiến đấu và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng và nhân dân hai nước đang không ngừng được củng cố và phát triển 1.

Một tháng sau (tháng 4 năm 1982), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Nhân dân cách mạng Lào được triển khai tại Thủ đô Viêng Chăn. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Trường Chinh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam dẫn đầu sang dự Đại hội.

Báo cáo chính trị của Đại hội do đồng chí Cayxỏn Phômvihản trình bày đã nêu rõ đặc điểm của cách mạng Lào trong giai đoạn tới là: “Lào cùng với Việt Nam và Campuchia đã trở thành tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á, vì vậy cuộc đấu tranh để bảo vệ độc lập, chủ quyền và xây dựng chế độ mới là rất quyết liệt và lâu dài” .

Về quan hệ với Việt Nam, Báo cáo chính trị chỉ rõ: “Trước sau như một, chúng ta làm hết sức mình để củng cố và tăng cường tình đoàn kết chiến đấu, mối quan hệ đặc biệt, sự hợp tác toàn diện Việt - Lào, Việt - Lào - Campuchia trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, bình đẳng tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau trên tình đồng chí”. Báo cáo khẳng định phải tiếp tục phát triển mối quan hệ Lào - Việt lên một bước mới vì lợi ích sống còn của mỗi nước.

Đường lối đối ngoại của hai Đảng được khẳng định trong Báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội III Đảng Nhân dân cách mạng Lào, một lần nữa khẳng định sự tất yếu khách quan phải tăng cường quan hệ đoàn kết đặc biệt, hữu nghị hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước trong giai đoạn cách mạng mới.

Tiếp tục tăng cường phối hợp trên lĩnh vực đối ngoại, để có sự nhất trí trong lập trường quan điểm về vấn đề này, trong năm 1982, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia được tổ chức thường kỳ như đã thoả thuận. Hội nghị lần thứ năm họp ngày 16 và 17 tháng 2 năm 1982 tại Phnôm Pênh và Hội nghị lần thứ sáu họp ngày 6 và 7 tháng 7 năm 1982 tại thành phố Hồ Chí Minh. Tại các hội nghị này, ba bộ trưởng đã thảo luận và nhất trí quan điểm đối với một số vấn đề quan trọng về tình hình thế giới và khu vực.

Để đáp ứng yêu cầu giúp Lào trong tình hình mới, Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ra Quyết định số 08-QĐ/TW ngày 22 tháng 10 năm 1982 về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác giúp Lào, trong đó quyết định chuyển Ban Cán sự Đảng về công tác giúp Lào thành Ban Công tác giúp Lào, cũng như về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Ban. Tiếp đó, ngày 25 tháng 10 năm 1982, Ban Bí thư có Quyết định 09-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Uỷ ban Hợp tác kinh tế, văn hoá Việt Nam - Lào - Campuchia được hình thành từ Uỷ ban Liên lạc kinh tế, văn hoá với nước ngoài.

Sau một thời gian chuẩn bị, trong hai ngày 22 và 23 tháng 2 năm 1983, Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương đã diễn ra tại Thủ đô Viêng Chăn. Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo cấp cao của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Hội nghị tập trung thảo luận về tình hình ba nước Đông Dương, tình hình quốc tế và khu vực; xem xét đề ra những nguyên tắc, phương hướng, biện pháp nhằm tăng cường đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa ba nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của mỗi nước, tạo nhân tố quan trọng đối với hoà bình và ổn định ở Đông Nam Á và thế giới; vấn đề quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia.

 Hội nghị đã nhất trí đề ra bốn nguyên tắc cơ bản chỉ đạo mối quan hệ giữa ba nước 2.

Hội nghị đã đưa ra hai bản tuyên bố: Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ba nước, khẳng định mối quan hệ hữu nghị giữa ba nước trong lịch sử hoàn toàn tốt đẹp, và trong những năm gần đây ngày càng được củng cố; Tuyên bố về vấn đề quân tình nguyện ở Campuchia nêu rõ chính sách của Campuchia và Việt Nam quyết bảo vệ công cuộc hồi sinh của nhân dân Campuchia, mong muốn của hai nước góp phần vào sự nghiệp hoà bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á.

Những nguyên tắc và các bản tuyên bố được Hội nghị thông qua đã đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa ba nước, qua đó tăng cường đoàn kết với Liên Xô và các nước trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, với các lực lượng cách mạng và tiến bộ, cùng đấu tranh vì mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Để phù hợp với tình hình đã thay đổi, ngày 11 tháng 4 năm 1983, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về tăng cường đoàn kết, hợp tác toàn diện với Lào và Campuchia trong giai đoạn mới.

Nghị quyết xác định đoàn kết với cách mạng Lào, Campuchia là đường lối đối ngoại nhất quán, là nghĩa vụ quốc tế hàng đầu của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Đối với nhiệm vụ đoàn kết, hợp tác cách mạng Lào, Campuchia, tư tưởng chủ đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam là: luôn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, coi sự nghiệp cách mạng của Lào như của chính mình; tự nguyện hết lòng gánh vác phần trách nhiệm của mình; có sự phối hợp chặt chẽ về đường lối, chiến lược với Đảng Lào, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của Lào; giúp Lào tăng cường thực lực cách mạng về mọi mặt mà trước hết là về xây dựng đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ; phát triển sự hợp tác một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực, trong đó coi trọng hợp tác kinh tế và văn hoá, tạo nền tảng để củng cố liên minh ba nước.

Song song với hợp tác ba bên, hợp tác hai bên Việt - Lào vẫn luôn được lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm. Tháng 7 năm 1983, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã tiến hành hội đàm, thông báo tình hình của mỗi nước; trao đổi về tình hình thế giới và khu vực; xem xét kết quả hợp tác về các mặt giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian qua; thống nhất cần tăng cường và mở rộng hơn nữa hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Cùng chung nguyện vọng và quan điểm với Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 4 tháng 9 năm 1983, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào ra Nghị quyết số 33 về tăng cường đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam - Campuchia và đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc nghiên cứu quán triệt Nghị quyết này.

Cuối tháng 1 năm 1984, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của hai nước trong giai đoạn hiện tại, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị của Đảng Nhân dân cách mạng Lào tiến hành hội đàm, hoàn toàn nhất trí rằng cần phải tăng cường và mở rộng hơn nữa hợp tác toàn diện giữa hai nước, nhất là hợp tác kinh tế, văn hoá; cùng xác định phương hướng, nội dung hợp tác về mọi mặt giữa hai nước, đặc biệt là các vấn đề có tính chất chiến lược về kinh tế.

Những quyết định mà cuộc hội đàm giữa hai Bộ Chính trị đưa ra sẽ có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế của mỗi nước trong kế hoạch năm năm 1985 - 1990 cũng như về lâu dài và phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 9 tháng 2 năm 1984, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Chỉ thị số 37-CT/TW về việc tổ chức thực hiện những thoả thuận giữa hai Bộ Chính trị.

Chỉ thị lưu ý các ngành, các địa phương cần quán triệt tư tưởng chỉ đạo và tổ chức thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ mà Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra, đồng thời nhấn mạnh: phương thức hợp tác và giúp đỡ giữa hai nước chủ yếu vẫn là ngành hợp tác và giúp đỡ ngành, địa phương hợp tác và giúp đỡ địa phương, do đó lãnh đạo các ngành, các địa phương, các địa phương kết nghĩa với các tỉnh Lào phải coi trọng nhiệm vụ giúp Lào, có kế hoạch mở rộng hợp tác tiến đến liên kết hợp tác chặt chẽ với nhau một cách hiệu quả, thiết thực. Ban Bí thư giao cho Ban Công tác giúp Lào, Uỷ ban Hợp tác kinh tế và văn hoá với Lào và Campuchia những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện tốt thoả thuận giữa hai Bộ Chính trị; giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ nghiên cứu, triển khai các vấn đề hợp tác về an ninh và phòng thủ giữa hai nước - xây dựng kế hoạch bảo vệ đất nước, bảo vệ an ninh chung... Để xúc tiến thực hiện Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và thoả thuận giữa ba Đảng, ba nước tại Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương, ngày 28 tháng 5 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị quyết số 80-HĐBT về việc tăng cường hợp tác kinh tế, văn hoá với Lào, Campuchia trong giai đoạn mới. Về hình thức có hợp tác ba bên, có hợp tác hai bên, từ hợp tác từng việc tiến tới phối hợp kế hoạch và liên kết kinh tế, kết hợp xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá với củng cố quốc phòng và an ninh.

Theo tinh thần Nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng, ngay trong tháng 6 năm 1984, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng hòa Nhân dân Campuchia đã ký thoả thuận hợp tác trên lĩnh vực ngoại thương.

Xác định quan hệ hợp tác giữa ngành với ngành, địa phương với địa phương là phương thức chủ yếu trong quan hệ hợp tác giữa ba nước cũng như giữa Việt Nam - Lào, ngày 20 tháng 6 năm 1984, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 45-CT/TW về tăng cường quan hệ hợp tác giữa các ngành và địa phương của ta với các ngành và địa phương của Lào, Campuchia. Chỉ thị nêu ra những yêu cầu trong quan hệ hợp tác; những nội dung trong quan hệ hợp tác; về tổ chức thực hiện và một số quy định trong quan hệ công tác nhằm giúp cho các ngành, các địa phương làm tốt nhiệm vụ hợp tác, giúp đỡ các ngành và địa phương Lào.

Riêng đối với các địa phương có chung biên giới cần thực hiện tốt Hiệp định về quy chế biên giới, cùng nhau củng cố cơ sở chính trị, bảo đảm an ninh, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị.

Về việc tổ chức thực hiện, Chỉ thị lưu ý các ngành, địa phương phải căn cứ vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phải nghiên cứu các vấn đề mà Lào đề ra để có chương trình, nội dung hợp tác và biện pháp thực hiện cho sát với khả năng và điều kiện của Việt Nam và Lào; phải chủ động phối hợp chặt chẽ với phía Lào để theo dõi việc thực hiện các vấn đề đã ký kết, có tổng kết, rút kinh nghiệm và phải xem việc hợp tác với Lào là một bộ phận quan trọng thường xuyên trong nhiệm vụ chính trị của ngành, của địa phương.

Cuối tháng 1 năm 1985, diễn ra cuộc  hội đàm giữa Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, mà một phần việc là đánh giá kết quả thực hiện thoả thuận giữa hai Bộ Chính trị tháng 1 năm 1984. Đồng thời, hai bên đã bàn thảo và nhất trí những công việc chính cần làm trong những năm trước mắt nhằm tăng cường liên minh, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai nước. Ngày 20 tháng 5 năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam ra Nghị quyết số 138-HĐBT về tổ chức và phân công nhằm thực hiện các nhiệm vụ về liên kết, hợp tác kinh tế trong năm 1985 và những năm tới theo thoả thuận giữa hai Bộ Chính trị hai Đảng (tháng 1 năm 1985).

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả thoả thuận giữa hai Bộ Chính trị và Nghị quyết số 138-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 63-CT/TW ngày 1 tháng 6 năm 1985 về việc thực hiện các thoả thuận giữa Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào, tháng 1 năm 1985, trong đó Ban Bí thư yêu cầu các địa phương, các ngành có liên quan có kế hoạch, biện pháp cụ thể để thực hiện Nghị quyết số 138-HĐBT một cách khẩn trương. Các cấp uỷ địa phương tăng cường lãnh đạo công tác kết nghĩa, phát huy nỗ lực, sáng tạo của địa phương để giúp Lào đạt hiệu quả cao nhất.




-------------------------------------------------------------------
1. Tại Lào, một cuộc mít tinh được Hội Hữu nghị Lào - Việt tổ chức tại Thủ đô Viêng Chăn (ngày 1 tháng 4 năm 1982), nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Lào đã tới dự để chào mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. Một là, đoàn kết hợp tác giữa ba nước nhằm giúp đỡ nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ đất nước, góp phần bảo vệ hoà bình và ổn định ở Đông Nam Á và trên thế giới.

Hai là, tăng cường tình đoàn kết và sự hợp tác trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa. Mọi vấn đề thuộc quan hệ giữa ba nước sẽ được giải quyết bằng thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, với tinh thần hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của mỗi nước và vì lợi ích chung của ba dân tộc.

Ba là, phát triển sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau giữa hai bên hoặc ba bên về mọi mặt trên tinh thần hữu nghị anh em, hoàn toàn tự nguyện, bình đẳng cùng có lợi.

Bốn là, tăng cường tình đoàn kết giữa ba dân tộc, chống mọi âm mưu chia rẽ của kẻ thù, mọi biểu hiện của tư tưởng dân tộc nước lớn và dân tộc hẹp hòi. Không ngừng giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ba nước về tình hữu nghị truyền thống và quan hệ đặc biệt giữa nhân dân ba nước, chống mọi hành động có hại cho tình hữu nghị giữa nhân dân ba nước.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 08 Tháng Giêng, 2022, 10:34:19 am
2. Hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trên các lĩnh vực được triển khai trong bối cảnh tìm tòi, khảo nghiệm, từng bước đổi mới (1982 - 1986)

Từ năm 1982, nền kinh tế Việt Nam và Lào đã bắt đầu có sự chuyển biến đổi mới từng bước; tình hình chính trị - kinh tế - xã hội của hai nước bắt đầu ổn định, công tác khôi phục kinh tế sau chiến tranh căn bản đã hoàn thành. Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 3 năm 1982) và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Nhân dân cách mạng Lào (tháng 4 năm 1982), cả hai nước từng bước chuyển mạnh sang trọng tâm phát triển sản xuất nông nghiệp, đổi mới từng bước các thành phần kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế, nhằm xây dựng kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, văn hoá cho nhân dân, thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực. Cùng với sự chuyển biến đổi mới từng phần về cơ chế quản lý kinh tế, quan hệ hợp tác giữa hai nước cũng bắt đầu có sự thay đổi: từ viện trợ và cho vay là chủ yếu sang giảm dần viện trợ và cho vay, đẩy mạnh hợp tác sản xuất và kinh doanh bình đẳng cùng có lợi.

Hợp tác về chính trị: Hai Đảng, hai Nhà nước khẳng định sự tất yếu khách quan tăng cường mối quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện trong giai đoạn mới, có sự đồng thuận, phối hợp tổ chức thực hiện các đường lối, chủ trương hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước, có sự tổng kết, đánh giá thường niên kết quả thực hiện.

Sau 10 năm giành được độc lập tự do cho dân tộc, chế độ dân chủ nhân dân được thiết lập và ngày càng chứng tỏ sức sống của mình trên đất nước Lào anh em, cũng là năm Đảng Nhân dân cách mạng Lào tròn 30 tuổi, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Việt - Lào ngày càng gắn bó khăng khít. Nhiều hoạt động do các tổ chức Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân tổ chức đã diễn ra rất sôi nổi ở Việt Nam. Các cuộc mít tinh kỷ niệm được tổ chức trọng thể tại thủ đô, ở các tỉnh kết nghĩa với các tỉnh Lào... Các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, đài phát thanh và truyền hình tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng khắp nơi về Đảng Nhân dân cách mạng Lào, về những thắng lợi to lớn của nhân dân Lào trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, về những thành tựu 10 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và nhân dân Lào, về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Đảng và quân đội, nhân dân hai nước, về đất nước và con người Lào... góp phần nâng cao sự hiểu biết, tình đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau giữa cán bộ, nhân dân hai nước. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và Hà Nội, đại biểu các lực lượng vũ trang và nhân dân thủ đô, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam đến dự các cuộc mít tinh kỷ niệm và chúc mừng toàn thể đảng viên và nhân dân các dân tộc Lào anh em nhân ngày lịch sử vẻ vang này của Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Trong bức điện mừng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, có đoạn viết: “Mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng đầu tiên và dày công vun đắp ngày càng không ngừng được củng cố tăng cường và trở thành sức mạnh vô địch, không kẻ thù nào phá vỡ nổi. Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương và những nghị quyết của hai Đảng về tăng cường quan hệ Việt Nam - Lào gần đây có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới của sự liên minh chiến đấu và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào... Chúc tình đoàn kết chiến đấu, tình hữu nghị vĩ đại và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng và nhân dân hai nước chúng ta đời đời bền vững” .

Để giáo dục, quán triệt sâu sắc về quan hệ Lào - Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Lào có Nghị quyết chuyên đề về tăng cường, bảo vệ mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, coi quan hệ Lào - Việt là một tiêu chuẩn về đạo đức của cán bộ, đảng viên. Các tổ chức đoàn thể giữa hai nước đã tổ chức nhiều hình thức thể hiện quyết tâm cao của đường lối đối ngoại hai nước trong điều kiện lịch sử mới, vì lợi ích của hai quốc gia và vì sự ổn định phát triển của khu vực.

Nhiều cuộc trao đổi, toạ đàm các đoàn cấp cao hai Đảng và hai Nhà nước được tổ chức, nhằm thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước; trao đổi ý kiến tiếp tục phát triển và củng cố mối quan hệ giữa hai nước; trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào Xuphanuvông luôn nêu những thành tựu đạt được từ sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào, và khẳng định đoàn kết, hợp tác tạo nên sức mạnh to lớn để hai dân tộc vượt qua mọi trở ngại, đánh thắng mọi kẻ thù. Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào làm hết sức mình để không ngừng củng cố và tăng cường mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào.

Năm 1985, nhân dịp thăm hữu nghị chính thức Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào của Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Lào, khẳng định quyết tâm củng cố hơn nữa tình hữu nghị vĩ đại và tình đoàn kết chiến đấu truyền thống, đồng thời hai bên cho rằng cần mở rộng quy mô và nâng cao tính hiệu quả của sự hợp tác nhằm đáp ứng tốt hơn nữa những yêu cầu phát triển kinh tế của hai nước.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của mỗi nước, sự hợp tác, sự nhất trí cao về lập trường, quan điểm giữa ba nước cũng như giữa Việt Nam và Lào trên lĩnh vực đối ngoại ngày càng được củng cố, tăng cường thông qua các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Lào - Campuchia được tiến hành mỗi năm hai lần: Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ba nước lần thứ 10 (tháng 1 năm 1985), lần thứ 11 (tháng 8 năm 1985), lần thứ 12 (tháng 1 năm 1986) và lần thứ 13 (tháng 8 năm 1986).

Đối với vấn đề Campuchia, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Campuchia khẳng định tiếp tục rút quân tình nguyện trong năm 1986 và hoàn thành vào năm 1990. Ba nước tiếp tục khẳng định lập trường năm điểm và các đề nghị đã nêu trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ba nước Đông Dương lần thứ 10 và 11. Hội nghị đi đến thống nhất cần phân biệt hai mặt của một giải pháp chính trị về vấn đề Campuchia: mặt nội bộ và mặt quốc tế. Việc giải quyết vấn đề nội bộ của Campuchia do nhân dân Campuchia tự giải quyết, không có sự giải quyết từ bên ngoài. Việc giải quyết mặt quốc tế của vấn đề Campuchia bao gồm thoả thuận về việc rút quân tình nguyện Việt Nam đi đôi với việc chấm dứt viện trợ, vũ khí và dùng lãnh thổ Thái Lan làm “đất thánh” cho bọn Pôn Pốt và các lực lượng Khơme phản động khác, chấm dứt sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của Campuchia. Chấm dứt các hoạt động quân sự thù địch của nước ngoài chống Cộng hoà Nhân dân Campuchia.

Đi đôi với giải pháp hoà bình cho vấn đề Campuchia, ba nước thoả thuận lập một khu vực hoà bình, ổn định ở Đông Nam Á trong đó các nước có chế độ xã hội khác nhau cùng tồn tại hoà bình. Đối với Thái Lan, ba nước mong muốn và sẵn sàng đàm phán để giải quyết các vấn đề tồn tại giữa các bên vì hoà bình và ổn định ở Đông Nam Á.

Sự thoả thuận các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ba nước trong bốn kỳ họp liên tiếp trong hai năm (1985 - 1986) đã thể hiện sự nhất trí cao về lập trường, quan điểm giữa ba nước cũng như giữa Việt Nam và Lào trên lĩnh vực đối ngoại ngày càng được củng cố, tăng cường.
Mối quan hệ hợp tác về chính trị trong giai đoạn này thể hiện ở sự nỗ lực vươn lên của Lào để cùng Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu mà cả hai nước cùng lựa chọn: con đường xã hội chủ nghĩa. Hai nước cùng nhau học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của quá trình tìm tòi khảo nghiệm các bước đi, giải pháp đổi mới từng phần về cơ chế quản lý kinh tế, cơ cấu các thành phần kinh tế, cơ cấu các ngành kinh tế, vấn đề lưu thông phân phối, vấn đề khoán... phù hợp với đặc điểm cụ thể của mỗi nước. Lào trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam về chủ trương từng bước xóa bỏ tình trạng cấm chợ, ngăn sông, mở rộng thương mại khắc phục sự khan hiếm hàng hoá, về lưu thông phân phối...

Đối với Việt Nam, đây là thời điểm cả nước sôi động tìm tòi cơ chế mới trong quản lý kinh tế. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 (khóa V) tháng 6 năm 1985 quyết định xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, lấy giá - lương - tiền làm khâu đột phá; và Kết luận đối với một số vấn đề thuộc về quan điểm kinh tế của Bộ Chính trị (tháng 8 năm 1986)1  là kết quả của quá trình đổi mới từng phần trong tư duy kinh tế ở Việt Nam. Những kết quả đó cũng tác động đến quá trình tìm tòi, khảo nghiệm con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Các đồng chí trong Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào tích cực cố gắng tìm tòi học hỏi về kinh nghiệm, nghiên cứu lý luận để hoàn thiện chế độ dân chủ nhân dân, tạo tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cụ thể của Lào. Các ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Nhân dân cách mạng Lào thường xuyên sang nghiên cứu thực tiễn tìm tòi khảo nghiệm của Việt Nam. Đây cũng là thời điểm Lào tăng cường số lượng đội ngũ cán bộ lý luận sang đào tạo, bồi dưỡng ở Việt Nam. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản tự mình hướng dẫn chuyên gia chọn lọc dịch những phần cần thiết trong “Tuyển tập Mác - Lênin” để nghiên cứu. Mỗi dịp đi nghỉ hè hằng năm, ngoài việc đề nghị Liên Xô giới thiệu những giáo sư, những nhà lý luận giỏi, giới thiệu cho một số chuyên đề, đồng chí còn đề nghị Trường Nguyễn Ái Quốc Việt Nam gửi các bài giảng của các lớp cao cấp sang để đọc, nghiên cứu. Khi có điều kiện, đồng chí đề nghị Việt Nam cử chuyên gia sang trực tiếp giới thiệu một số chuyên đề mà đồng chí cần nghiên cứu sâu để vận dụng vào thực tiễn Lào. Vấn đề nào thấy cần thiết đồng chí đề nghị mở tập huấn giới thiệu cho Ban Chấp hành Trung ương mở rộng cùng nghe. Qua đó Lào chủ trương phải học tập và đổi mới tư duy trong hàng ngũ cán bộ trên các lĩnh vực, trong lãnh đạo, trong lề lối làm việc. Bản thân đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã đọc đi đọc lại tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để vận dụng vào công tác xây dựng đảng ở Lào.

Khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Đài Phát thanh, Đài Truyền hình Việt Nam thường trú tại Lào, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Cayxỏn Phômvihản nhấn mạnh: “Những năm qua, sự hợp tác đầy tình anh em, tình đồng chí giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đã phát triển trên mọi lĩnh vực, với nhiều hình thức phong phú và có hiệu quả. Ngoài việc cử chuyên gia và quân tình nguyện sang giúp cách mạng Lào, Việt Nam còn đẩy mạnh hợp tác về lao động và kỹ thuật giúp Lào khai thác tiềm năng của mình; mở rộng quan hệ kết nghĩa giữa các địa phương của hai nước, lấy hợp tác về kinh tế và văn hoá làm cơ sở cho các mặt hợp tác khác. Sự hợp tác và giúp đỡ to lớn của Việt Nam góp phần rất quan trọng tạo thế chiến lược vững chắc cho sự phát triển của cách mạng Lào.

Đoàn kết liên minh hợp tác Lào - Việt Nam đã trở thành đường lối chiến lược, tình cảm thiêng liêng và nghĩa vụ quốc tế của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, là một trong những tiêu chuẩn rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân Lào”.




------------------------------------------------------------------
1. Tổng kết 20 năm đổi mới, Việt Nam coi Hội nghị Trung ương 8 khóa V (tháng 6 năm 1985) là bước đột phá thứ hai đổi mới tư duy lý luận; Kết luận của Bộ Chính trị tháng 8 năm 1986 là bước đột phá thứ ba trong đổi mới tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 08 Tháng Giêng, 2022, 10:42:58 am
Hợp tác quốc phòng - an ninh: Mối quan hệ, hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, nhằm bồi dưỡng, xây dựng lực lượng, tập trung giải quyết vấn đề biên giới thành đường biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định và phát triển lâu dài giữa hai nước.

Thực hiện Hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam ký ngày 18 tháng 7 năm 1977, ngày 29 tháng 3 năm 1981, Bộ Nội vụ Lào và Bộ Nội vụ Việt Nam đã ký Hiệp định hợp tác toàn diện giữa hai Bộ. Phía Lào do Đại tướng Xỉxávạt Kẹo Bunphăn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm trưởng đoàn. Phía Việt Nam do đồng chí Phạm Hùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm trưởng đoàn. Nội dung của Hiệp định cho phép lực lượng an ninh của hai nước, ở cả Trung ương và các địa phương, quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, trao đổi các đoàn đại biểu, các đoàn cán bộ lão thành...

Ngày 23 tháng 6 năm 1984, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ra Quyết định số 932-QĐ/QP giao cho Quân khu 5 có nhiệm vụ liên minh chiến đấu với lực lượng vũ trang và nhân dân Lào trên địa bàn các tỉnh Xalavăn, Chămpaxắc, Áttapư và tỉnh mới tách ra từ Xalavăn, tăng cường khả năng phòng thủ bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ địa bàn Nam Lào.

Tháng 4 năm 1985, các thế lực phản động nước ngoài chỉ huy tiếp tế cho Chư Pao Mùa thu gom được khoảng 1.200 tên phỉ hoạt động quấy phá ở khu vực Buôm Loộng. Trước yêu cầu cấp bách phải tiêu diệt cụm phỉ ở Buôm Loộng để ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Tỉnh uỷ Xiêng Khoảng đã đề nghị cấp trên tăng cường lực lượng cùng tỉnh giải phóng vùng đất bị Chư Pao Mùa chiếm đóng. Bộ chỉ huy liên quân do đồng chí Uđôm Khắttinhạ, Uỷ viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh uỷ Xiêng Khoảng làm chỉ huy trưởng. Theo yêu cầu của Lào, từ ngày 13 đến 15 tháng 5 năm 1985, Quân khu 4 Việt Nam đã sử dụng Tiểu đoàn 31 đặc công quân khu và một số đơn vị bộ binh cùng các đơn vị bạn tiêu diệt quân phỉ ở Buôm Loộng, phá tan sào huyệt phỉ lớn nhất của địch, góp phần ổn định tình hình an ninh của Lào.

Để tiếp tục giúp Lào về các mặt xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị, đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và xây dựng kinh tế, năm 1984, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Lào đã thống nhất kế hoạch chiến lược phòng thủ đối phó với các tình huống chiến tranh và triển khai kế hoạch chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch... Hai Bộ Quốc phòng và hai Bộ Tổng Tham mưu còn tiến hành hội đàm để giải quyết những vấn đề cơ bản về quân sự. Trong kế hoạch phát động quần chúng, củng cố cơ sở chính trị, Lào và Việt Nam ngày càng phối hợp chặt chẽ. Lào đã củng cố ban lãnh đạo và chính quyền ở các tỉnh trọng điểm. Việt Nam cũng kiện toàn 60 đội công tác ở cơ sở (trong đội hình quân tình nguyện) với hơn 1.500 cán bộ phối hợp với bạn về các mặt khác, chỉ đạo công tác vận động quần chúng xây dựng cơ sở, củng cố quốc phòng - an ninh.

Tính riêng trong năm 1984, Việt Nam đã giúp Lào hoàn thành đào tạo 407 cán bộ, 1.381 cán bộ và nhân viên kỹ thuật được đào tạo tại 28 trường; 32 chuyên gia thường trú ở cơ quan Bộ Quốc phòng trong đó có công tác quân sự địa phương, 350 chuyên gia kỹ thuật về các xí nghiệp quốc phòng và các nông trường. Ngày 25 tháng 12 năm 1985, Trường Trung cấp An ninh được thành lập. Sau đó, Trường Đại học An ninh và Trường Đại học Công an nhân dân của Việt Nam đã cử nhiều cán bộ, giảng viên sang giúp giảng dạy, chuyển giao kiến thức cho cán bộ, học viên Lào. Nhờ đó, hàng năm Lào đã đào tạo được một lực lượng lớn cán bộ, chiến sĩ làm công tác an ninh.

Nét nổi bật của hợp tác quốc phòng, an ninh giai đoạn này là hợp tác giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước. Đường biên giới Việt - Lào được hình thành từ khá sớm trong lịch sử 1. Tuy nhiên, sau này do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, được sự đồng ý của Lào, Việt Nam đã mở tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn, phần phía tây chạy trên đất Lào, vì vậy việc hoạch định, phân chia biên giới trong giai đoạn này bị gián đoạn. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, hai nước lại tiếp tục bắt tay vào việc hoạch định, phân chia lại đường biên giới. Xuất phát từ tình đồng chí anh em, hai nước đã thoả thuận lấy đường biên giới mà Pháp vẽ trên bản đồ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương làm cơ sở đối chiếu, so sánh cho việc phân chia biên giới trên thực địa. Theo Hiệp định hai nước ký kết năm 1977, từ ngày 25 tháng 7 năm 1978 - ngày cắm mốc đầu tiên - đến ngày 24 tháng 8 năm 1984 đã cơ bản hoàn thành hệ thống quốc mốc. Sau tám năm tiến hành, đến ngày 24 tháng 1 năm 1986, việc phân vạch và cắm mốc trên thực địa toàn tuyến biên giới Việt - Lào dài 2.067 km đã hoàn thành. Những điểm mới được hai bên nhất trí điều chỉnh đã được ghi nhận trong Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới. Cũng với Hiệp ước bổ sung, Nghị định thư về việc phân giới trên thực địa và cắm mốc toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào đã được hai nước ký ngày 24 tháng 1 năm 1986. Hai nước khẳng định: “Xác định chính thức đường biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào nhằm xây dựng đường biên giới hữu nghị anh em lâu dài giữa hai nước” .

Hai nước đưa ra quan điểm giải quyết vấn đề biên giới ở những điểm khó khăn: “ở những nơi nào cả hai bên đều thấy cần thiết phải điều chỉnh đường biên giới và ở những nơi đường biên giới chưa được vẽ trên các bản đồ Pháp nói ở đoạn trên, hai bên đã hoạch định đường biên giới trên cơ sở hoàn toàn nhất trí, tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào”.

Từ thời điểm này, giữa hai nước đã có đường biên giới chính thức, được hoạch định bằng Hiệp ước, phân vạch trên thực địa và đánh dấu bằng một hệ thống mốc chính quy.

Việc phân định chính thức đường biên giới quốc gia giữa hai nước thể hiện nguyên tắc trong quan hệ hai nước: tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như lợi ích chính đáng của mỗi bên phù hợp với luật pháp quốc tế và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước muốn có một đường biên giới hữu nghị lâu dài. Đồng thời cũng là một biểu hiện của mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào, góp phần tích cực vào việc củng cố và tăng cường tình đoàn kết chiến đấu, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Sự kiện này đã mở ra cho hai nước sớm đi đến ký kết quy chế biên giới bao gồm việc đi lại của nhân dân, quy định các cửa khẩu qua lại... nhằm bảo đảm chủ quyền của mỗi nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm ăn, sinh sống của nhân dân hai bên và việc hợp tác mọi mặt giữa hai nước.

 Mười năm sau giải phóng, Quân đội nhân dân Lào và Quân đội nhân dân Việt Nam đã đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với nhau trong nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Căn cứ vào yêu cầu của Lào, theo tinh thần ngành giúp ngành, địa phương giúp địa phương, ngày 24 tháng 6 năm 1985, Bộ Quốc phòng ra Chỉ thị về việc cử chuyên gia chính trị, kinh tế, chuyên môn, kỹ thuật quân sự, an ninh từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở, chuyên gia giúp lãnh đạo các bộ, ngành Lào nhanh chóng nắm bắt công việc. Bên cạnh đó Việt Nam còn cử cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề sang giúp Lào khảo sát, lập quy hoạch, thiết kế, thi công một số công trình trọng điểm...

Ghi nhận sự giúp đỡ to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam đối với cách mạng Lào nói chung và Quân đội nhân dân Lào nói riêng trong suốt những năm tháng chiến tranh trước đây cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 18 tháng 12 năm 1984, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào  Xuphanuvông đã ký quyết định tặng Huân chương Vàng quốc gia, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước Lào cho Quân đội nhân dân Việt Nam.




-----------------------------------------------------------------
1. Đến thời thuộc Pháp, đường biên giới này trở thành biên giới hành chính trong Đông Dương thuộc Pháp. Tuy nhiên, nó không phải là quốc giới do hai nước hoạch định. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, nhận thức sâu sắc việc phân định và cắm mốc biên giới giữa hai nước có liên quan trực tiếp đến sự hòa bình, ổn định của mỗi nước và trong khu vực, từ ngày 25 tháng 9 đến 10 tháng 11 năm 1955, được sự ủy nhiệm của Chính phủ Việt Nam, Bộ Nội vụ đã tiến hành điều tra biên giới Việt - Lào trên thực địa. Tháng 9 năm 1956, theo thư mời của Chính phủ Vương quốc Lào và theo tinh thần hội đàm giữa phái đoàn Chính phủ hai nước, Việt Nam đã cử một phái đoàn sang Lào điều tra biên giới vùng Mương Sốc, Nặm Cắn (phần nằm giữa hai tỉnh Nghệ An và Xiêng Khoảng).


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 08 Tháng Giêng, 2022, 10:46:33 am
Hợp tác kinh tế: Thời kỳ này, ngoài sự trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, tri thức về đổi mới từng phần trong cơ chế quản lý kinh tế (thông qua trao đổi, làm việc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, chuyên gia, đào tạo cán bộ), quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước đã từng bước chuyển dần từ viện trợ và cho vay là chủ yếu sang hợp tác sản xuất kinh doanh cùng có lợi, đồng thời giúp nhau phát huy khả năng và tiềm năng của mỗi nước để giải quyết những nhu cầu cấp bách về đời sống và sản xuất. Đây là những định hướng phù hợp với điều kiện hai nước trong những năm đầu chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế.

Chính phủ Việt Nam đã viện trợ không hoàn lại và cho vay không trả lãi giúp Lào về: khảo sát, thiết kế 17 công trình thuỷ lợi, trong đó xây dựng 7 công trình loại vừa; lập luận chứng kỹ thuật xây dựng 12 trạm thuỷ điện và xây dựng 4 trạm; thiết kế, xây dựng 11 bệnh viện, bệnh xá, 6 cửa hàng và nhà làm việc, 8 trường học các cấp; khảo sát thiết kế đường ôtô, xây dựng đường nhựa, đường cấp phối; gia công đóng tàu hàng, tàu chở khách; giúp vận tải hàng trăm tấn hàng hoá quá cảnh .

Chỉ tính riêng hai năm 1984 - 1985, trên lĩnh vực công nghiệp, Việt Nam đã giúp đỡ Viêng Chăn khảo sát xây dựng 18 công trình. Ngoài ra còn cử chuyên gia, giúp thiết bị và hoàn thành lắp đặt hệ thống 400 loa truyền thanh và 41 km đường dây. Đến năm 1986, Liên hiệp Các xí nghiệp giao thông 8 thuộc Bộ Giao thông vận tải đã khảo sát gần 2.000 km đường, xây dựng gần 300 km đường nhựa, 40 cầu vĩnh cửu dài 1.778 m trên tuyến đường 217, đường 6, đường 7, đường 8..., 16.000 m cống bêtông các loại cùng nhiều khu công nghiệp khác.

Ngoài những công trình xây dựng theo Hiệp định giữa hai Chính phủ trong những năm 1976 - 1986 theo yêu cầu của ngành giao thông Lào và các địa phương cơ sở, Liên hiệp Các xí nghiệp giao thông 8 còn thiết kế cho Lào 50 km đường 10, xây dựng một số cầu tại các tỉnh, xây dựng trạm trộn bêtông để rải nhựa đường Viêng Chăn, xây dựng xưởng sản xuất đất đèn, cử nhiều chuyên gia giúp về tổ chức sản xuất và phối hợp quản lý các công trình quan trọng . Liên hiệp Các xí nghiệp giao thông 8, thuộc Bộ Giao thông vận tải - tiền thân là đơn vị Việt Nam đầu tiên làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào về giao thông - được thành lập từ ngày 23 tháng 7 năm 1965, sau giải phóng, đơn vị này đã chuyển sang trọng tâm xây dựng cầu đường phục vụ công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Lào. Từ năm 1982, khi nền kinh tế Việt Nam bắt đầu có sự chuyển hướng sang hạch toán kinh doanh mới, Liên hiệp đã luôn hoàn thành kế hoạch nhà nước giao, nhận được những phần thưởng cao quý hai bên trao tặng. Đây là đơn vị làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào thực sự có uy tín, luôn đạt chất lượng, hiệu quả cao trên lĩnh vực giao thông vận tải, góp phần tô thắm mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào không chỉ trong kháng chiến mà cả trong xây dựng đất nước. Đồng thời, qua các công trình, dự án hợp tác cụ thể giữa Việt Nam và Lào, phía Lào đã góp phần hết sức quan trọng tạo điều kiện cho đội ngũ công nhân có việc làm trong bối cảnh kinh tế trong nước đang còn nhiều khó khăn, góp phần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ kỹ sư, cán bộ chuyên môn của Việt Nam toàn diện hơn trên các lĩnh vực thiết kế, thi công, xây dựng....

Hợp tác thương mại: Nhờ vào vị trí tiếp nối tự nhiên, quan hệ buôn bán giữa Lào và Việt Nam được hình thành khá sớm 1. Từ năm 1976 - 1981, trao đổi hàng hoá chính ngạch được bắt đầu theo phương thức bao cấp bằng ngân sách nhà nước mỗi bên. Từ năm 1981 - 1985: kim ngạch tăng nhanh hơn (do Thái Lan bao vây cấm vận Lào 273 mặt hàng, nên Lào chuyển hướng sang phía đông). Hàng hoá chủ yếu là nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân. Hiệp định thương mại Việt - Lào năm năm được ký kết và Nghị định thư thương mại hàng năm đã tạo hành lang pháp lý cho việc trao đổi buôn bán giữa hai nước... Trước năm 1986, Việt Nam và Lào chủ yếu có quan hệ thương mại với các nước xã hội chủ nghĩa, các nước láng giềng Đông Nam Á và Nhật Bản. Lào nhập khẩu chủ yếu là thiết bị công nghiệp, sản phẩm dầu mỏ, lương thực, phương tiện giao thông, xi măng, sắt, thép, hàng dệt... Hàng xuất của Lào chủ yếu là gỗ xẻ, điện, thiếc, cà phê, thuốc lá. Việt Nam nhập chủ yếu gồm: máy móc, thiết bị giao thông, xăng dầu, phân bón, sắt thép, bông, sợi dệt, hàng tiêu dùng.

Việt Nam giúp Lào vận tải quá cảnh đại bộ phận hàng hoá xuất nhập của Lào theo sự thoả thuận ký kết giữa các nước có hàng viện trợ với Việt Nam, bảo đảm cho Lào con đường thông thương ra biển, đồng thời bảo đảm cung cấp qua đường ngoại thương những hàng tiêu dùng Lào còn chưa sản xuất được, nhất là một số vùng có tính chất chiến lược và các ngành liên quan đến kinh tế hai nước.

Ngoài ra, Việt Nam còn hỗ trợ Lào sử dụng các nguồn viện trợ chủ yếu từ các nước xã hội chủ nghĩa và các tổ chức quốc tế 2. Theo thoả thuận của hai nước, Việt Nam cử chuyên gia cao cấp có kinh nghiệm của Uỷ ban Kế hoạch nhà nước sang nghiên cứu, giúp Lào bố trí kế hoạch tiếp nhận, phân phối sử dụng các nguồn viện trợ, nhất là vật tư thiết bị của Liên Xô một cách kịp thời, có hiệu quả, xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng.

Qua đó, chứng tỏ sự tin cậy một cách đặc biệt của Lào đối với Việt Nam và đáp lại Việt Nam cũng chứng tỏ sự hết lòng của mình với Lào - nước láng giềng gần gũi thân thiện, đồng thời luôn bảo đảm nguyên tắc tôn trọng độc lập, tự chủ và quyền tự quyết của Lào 3.




-----------------------------------------------------------------
1. Trước năm 1975, Việt Nam - Lào có hiệp định trao đổi thương mại nhưng mới chỉ dừng lại ở quy định một số nguyên tắc, thể lệ và danh mục chung, không quy định kim ngạch. Trao đổi chủ yếu diễn ra giữa các địa phương và các tỉnh của Việt Nam với vùng giải phóng Lào. Tổng kim ngạch hai chiều từ năm 1961 - 1975 đạt khoảng 67 triệu đồng Việt Nam.

2. Từ năm 1976 đến 1985, các nước và các tổ chức này đã viện trợ không hoàn lại cho Lào 547,89 triệu rúp, 126,57 triệu USD và cho vay 594,583 triệu rúp.

3. Tổng kết thành quả kinh tế trong hơn 10 năm (1975 - 1986) của Lào đã khẳng định: tổng sản phẩm trong nước tăng gấp đôi và thu nhập tính trung bình đầu người tăng 60%. Nông nghiệp: sản lượng thóc của năm 1985 tăng gấp đôi so với năm 1976 và về cơ bản tự túc được lương thực. Về chăn nuôi, số lượng trâu, bò tăng 60% so với thời kỳ mới giải phóng. Về việc trồng cây công nghiệp: so với năm 1976 sản lượng cà phê năm 1985 tăng gấp đôi, thuốc lá tăng lên ba lần. Công nghiệp: trong 10 năm sản lượng công nghiệp tăng 4,4%, có nhiều sản phẩm mới và có loại hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài. Giao thông vận tải: đã có con đường thông 80% các huyện trên toàn quốc, khả năng chuyên chở hàng hóa nội bộ và quá cảnh tăng nhiều lần. Đối với kinh tế đối ngoại: nước ta nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ và hợp tác ngày càng nhiều hơn từ các nước anh em và bạn bè trên thế giới. Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng gấp 5 lần so với năm 1976.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 08 Tháng Giêng, 2022, 10:51:40 am
Trên lĩnh vực văn hoá - giáo dục: Hai nước luôn hợp tác trong chương trình trao đổi giao lưu văn hoá nghệ thuật với các loại hình trao đổi đoàn biểu diễn, tổ chức sáng tác mỹ thuật, tìm hiểu về chủ đề đất nước và con người, hợp tác xuất bản, in và phát hành sách báo, văn hoá phẩm, phim ảnh. Đồng thời phối hợp tuyên truyền giáo dục nhân dân hai nước về mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào 1. Việt Nam giúp Lào một số chương trình, giáo trình giảng dạy của một số trường nghệ thuật của Việt Nam để Lào làm tài liệu nghiên cứu tham khảo; cử chuyên gia giúp về kinh nghiệm làm quy hoạch, kế hoạch đào tạo cán bộ; xây dựng giáo trình giảng dạy văn hoá nghệ thuật của Lào; cử chuyên gia giúp Lào xây dựng phim tài liệu, thời sự và sửa chữa các loại máy móc thiết bị; cử chuyên gia giúp Lào về phương pháp chuyển từ phòng trưng bày truyền thống thành Viện Bảo tàng cách mạng. Việt Nam giúp Lào xây dựng Viện Bảo tàng cách mạng, hoàn thành trước ngày Quốc khánh 2 tháng 12 năm 1985 tại Viêng Chăn. Bộ Văn hoá Lào cử đoàn cán bộ sang Việt Nam nghiên cứu, khảo sát tìm hiểu về tổ chức, nghiệp vụ, trang bị vật tư về kịch nói để về xây dựng Đoàn kịch nói Lào. Việt Nam còn hợp tác giúp Lào khảo sát tình hình Đoàn xiếc quốc gia; xây dựng kế hoạch củng cố, quản lý điều hành theo tình hình mới; giúp Lào giảng dạy một số bộ môn tại Trường Nghệ thuật và Mỹ thuật Viêng Chăn; nâng cao chất lượng nghệ thuật Đoàn ca múa Trung ương Lào. Ngoài ra, công tác hoạt động văn hoá của hai nước còn diễn ra sôi nổi ở nhiều địa phương kết nghĩa có chung biên giới hữu nghị với nhau .

Về nghiên cứu khoa học, đây là cũng là giai đoạn thực hiện chủ trương hai nước tăng cường trao đổi, hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam và Lào. Đặc biệt trên lĩnh vực khoa học xã hội, từ khi thành lập Ban Đông Nam Á - tiền thân của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, các nhà khoa học xã hội giữa hai nước càng có điều kiện gặp gỡ, trao đổi những thành quả nghiên cứu toàn diện hơn. Kết quả cụ thể hợp tác của các nhà khoa học trong thời gian này là triển khai nghiên cứu Lịch sử Lào, Văn học Lào, Địa lý Lào. Ba công trình này đã được xuất bản ở Lào, bằng tiếng Lào. Riêng công trình Lịch sử Lào đã được xuất bản bằng tiếng Việt .

Về giáo dục - đào tạo: Hằng năm, Bộ Giáo dục hai nước ký kết các văn bản hợp tác, đã tổ chức hai lần Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục của ba nước Lào, Campuchia, Việt Nam họp tại Hà Nội và Viêng Chăn. Hàng loạt hệ thống trường lớp ở Lào với sự giúp đỡ của Việt Nam đã được xây dựng: các trường phổ thông, trung cấp sư phạm, Đại học Sư phạm Viêng Chăn. Hàng loạt lưu học sinh Lào, chủ yếu là sinh viên đại học, thực tập sinh, nghiên cứu sinh trên đại học liên tục có mặt ở 36 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp ở Việt Nam như Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Bách khoa, Đại học Y, Đại học Quân sự, Đại học Sư phạm,... Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn tiếp tục đào tạo một số học sinh phổ thông cho Lào. Riêng “Trường Bổ túc hữu nghị Việt - Lào” được thành lập từ năm 1980 với nhiệm vụ đào tạo con em nhân dân các bộ tộc Lào gửi sang từ phổ thông cơ sở đến phổ thông trung học. Năm học 1980 - 1981 có 191 học sinh Lào tốt nghiệp cấp III (đạt 100%). Số lượng học sinh Lào được đào tạo tại Việt Nam ở các loại trường kể cả phổ thông, trung học chuyên nghiệp, đại học các ngành kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự, an ninh thời kỳ này rất đông, chiếm khoảng 50% số người được gửi ra nước ngoài. Năm 1983 - 1984 có 206 học sinh tốt nghiệp cấp II, III (100%); năm học 1985 - 1986 có gần 200 học sinh tốt nghiệp (trong đó 95% tốt nghiệp cấp III và 70% đạt loại khá, giỏi) . Kết quả này là sự nỗ lực cao độ của cả hai phía, mặc dù chất lượng đào tạo chưa cao, nhưng đã góp phần thanh toán dần nạn mù chữ, nâng cao trình độ dân trí ở một mức độ nhất định, hình thành đội ngũ cán bộ, trí thức đặt nền móng khoa học - kỹ thuật cho đất nước Lào phát triển 2.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ lý luận chính trị của Đảng là một nhiệm vụ chiến lược cơ bản thường xuyên của Đảng, Nhà nước của cả hai nước. Mặc dù các thế lực thù địch chống phá cách mạng hai nước tìm mọi cách chia rẽ, phá hoại tình đoàn kết giữa hai nước, nhưng với sự tin cậy trong quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam, Lào vẫn tiếp tục tăng cường việc gửi cán bộ sang đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn ở Việt Nam. Các đồng chí từ Thường vụ Tỉnh uỷ đến Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, sĩ quan cấp tướng, bộ trưởng, thứ trưởng sang học ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc; các đồng chí cán bộ Tỉnh uỷ, Huyện uỷ sang học Trường Nguyễn Ái Quốc 10.

Đối với đối tượng cán bộ cần bồi dưỡng nâng cao trình độ tại chỗ, Lào mời chuyên gia Việt Nam sang giảng dạy ở Trường Lý luận Trung ương. Trong các hội nghị Trung ương, nhất là các hội nghị bàn về các vấn đề chuyên đề như: cải tiến cơ chế quản lý tài chính, ngân hàng, nông lâm nghiệp, giao thông vận tải, Lào đều mở rộng, biến hội nghị thành một lớp vừa tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, vừa quán triệt nghị quyết.

Việt Nam còn cử nhiều chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm sang giúp Lào xây dựng chương trình giảng dạy cho Trường Đảng cao cấp của Đảng và Nhà nước Lào. Tính riêng về đào tạo cán bộ giúp Đảng và Nhà nước Lào, từ năm 1977 - 1989, Trường Nguyễn Ái Quốc 10 và Trường Nguyễn Ái Quốc đặc biệt (Việt Nam) đã phối hợp cùng các cơ quan của hai nước đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyên môn cho khoảng 1.000 cán bộ trung, cao cấp; cán bộ các ngành tuyên huấn, tổ chức, kiểm tra; phóng viên; giảng viên Trường Đảng của Lào .

Việt Nam giúp Lào về chuyên gia, cán bộ, công nhân kỹ thuật, đào tạo cán bộ, công nhân cho Lào, giúp Lào tiến lên tự đào tạo một phần. Theo số liệu của Lào thì tính trong sáu năm, từ khi hai nước ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, trung bình mỗi năm Việt Nam cử 900 chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau sang giúp Lào và đã đào tạo 1/2 tổng số cán bộ của Lào được đào tạo ở nước ngoài. Thời kỳ 1976 - 1985, Việt Nam cử 5.957 chuyên gia các lĩnh vực giúp Lào .

 Đi đôi với quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước, các bộ, ngành trung ương, giữa các tỉnh Việt Nam với 12 tỉnh và thành phố của Lào cũng có nhiều hình thức hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau phong phú và có hiệu quả.

 Uỷ ban Trung ương Mặt trận, Ban Chấp hành Trung ương Hội của hai nước gồm đại diện của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và đại diện các địa phương, cơ sở có quan hệ chặt chẽ với nhau. Đã có nhiều chi hội như Chi hội Cựu chuyên gia quân sự và quân tình nguyện Việt - Lào, Chi hội Mỹ thuật Việt - Lào, Chi hội Nghệ sĩ tạo hình Việt - Lào, Chi hội Tuyên - Văn - Giáo - Huấn Việt - Lào, 16 hội ở các tỉnh, thành phố của Nghệ An, Quảng Nam, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Sơn La, Hải Dương, Cần Thơ, Bắc Giang... Trong đó, mỗi hội địa phương lại thành lập hàng chục chi hội hữu nghị Việt - Lào ở huyện hoặc cơ sở. Có hàng trăm chi hội hoạt động với hàng nghìn hội viên, nhiệm vụ chủ yếu là giới thiệu, thông tin cho các tầng lớp nhân dân hai nước về lịch sử đất nước, con người, nền văn hoá, thành tựu xây dựng và bảo vệ đất nước; làm cầu nối vận động và thúc đẩy các hoạt động hữu nghị và hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật một cách có hiệu quả, thiết thực; tổ chức các đoàn hữu nghị, giao lưu trao đổi thông tin với các tổ chức xã hội - kinh tế - văn hoá của hai nước.

Với sự giúp đỡ tận tình, toàn diện của Việt Nam, đặc biệt là với sự nỗ lực phát huy nội lực, tìm tòi sáng tạo, sau 10 năm thắng lợi của cách mạng Lào, Việt Nam đã lần lượt rút hết chuyên gia thường trú, chuyển sang chuyên gia vụ việc ngắn hạn. Điều này chứng minh cho sự trưởng thành vượt bậc của Lào và kết quả sự giúp đỡ của Việt Nam trong những năm đầu thực hiện Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, trong đó quan trọng là qua thực tiễn Lào đã từng bước tìm tòi, sáng tạo và mạnh dạn thực hiện đường lối đổi mới có nguyên tắc dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào để tiếp tục hoàn thành chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sự trưởng thành về mọi mặt của Lào đã thể hiện sự tin cậy của Lào đối với Việt Nam và hiệu quả của mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Lào. Đó chính là kết quả của sự nỗ lực phi thường của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai quốc gia, đưa quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam không những đã vượt qua được các thử thách khó khăn chồng chất sau chiến tranh, mà còn giữ vững, mở rộng và nâng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam lên một tầm cao mới, phù hợp với thời kỳ mới. Hai nước không chỉ tiếp tục giúp nhau giữ vững được chủ quyền lãnh thổ mỗi nước trong những năm đầu mới giải phóng, mà còn giữ vững được chế độ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, từng bước duy trì ổn định đời sống nhân dân, tìm tòi con đường xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, không lệ thuộc nước ngoài, chuẩn bị tiền đề cho những bước đổi mới tiếp theo. Đó cũng chính là cơ sở lịch sử để tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong điều kiện lịch sử mới.




-----------------------------------------------------------------
1. Việt Nam giúp Lào làm phim về Đại hội Phụ nữ Lào lần thứ nhất (1984), phim 10 năm nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (thực hiện từ năm 1984), phim về thành tựu 16 năm của cách mạng Lào phát hành vào dịp Quốc khánh lần thứ 10 (ngày 2 tháng 12 năm 1985).

2. Tổng kết giáo dục của Lào đến năm 1985 nhận định về cơ bản đã hoàn thành việc xóa nạn mù chữ, số học sinh, sinh viên các cấp đều tăng, số sinh viên đi du học nước ngoài ngày càng nhiều. Cho đến nay, cứ bốn người thì có một người được vào học, đến cuối năm 1985 Lào có 6.000 cán bộ tốt nghiệp đại học, trung học dạy nghề 22.200 người, con em các dân tộc tốt nghiệp phổ thông cơ sở, trường dạy nghề và đại học ngày càng nhiều.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 08 Tháng Giêng, 2022, 10:55:10 am
*
*     *

Những thành tựu to lớn đạt được trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước ở Việt Nam và Lào thời kỳ 1976-1986 đánh dấu sự nỗ lực phi thường của cả hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào để vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách của đất nước sau 30 năm chiến tranh. Trong đó, trước hết là sự nhận thức sâu sắc của cả hai nước về việc không ngừng tăng cường liên minh và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, coi đó là nhiệm vụ chiến lược sống còn, quy luật tồn tại và phát triển của cách mạng mỗi nước. Việc ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (năm 1977) là bước phát triển có ý nghĩa lịch sử, mang tầm chiến lược, là cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng để củng cố và tăng cường tình đoàn kết, mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào một cách bền vững, toàn diện trong giai đoạn mới. Đồng thời, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác là động lực và tạo điều kiện để Lào vươn lên tự lực một cách mạnh mẽ về mọi mặt, cả về mặt tư tưởng, tổ chức cũng như về nhân lực, cơ sở vật chất, tạo tiền đề để bước vào công cuộc đổi mới. Tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác giữa hai nước thể hiện nổi bật ở thời kỳ này là việc ký và cùng nhau thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia, xây dựng đường biên giới hữu nghị lâu dài giữa hai nước - một văn bản pháp lý nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ giữa hai nhà nước độc lập có chung đường biên giới và cũng là một sự kiện chính trị lịch sử với nội dung phù hợp với lợi ích trước mắt và lâu dài của nhân dân hai nước. Đây là một biểu hiện tốt đẹp của việc giải quyết lợi ích dân tộc trên tinh thần kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.

Trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời kỳ chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, hai bên đã từng bước thay đổi cả nội dung và phương thức hợp tác cho phù hợp với tình hình mới. Đây là thời kỳ quan hệ giữa hai nước chuyển dần từ hợp tác vụ việc theo yêu cầu của Lào (trong những năm đầu sau chiến tranh) sang hợp tác theo chương trình, kế hoạch hàng năm giữa hai Chính phủ, gắn với kế hoạch phát triển năm năm và hàng năm của mỗi nước và bước đầu nghiên cứu kế hoạch hợp tác dài hạn giữa hai nước. Quan hệ hợp tác về chính trị được tăng cường, có sự đồng thuận, phối hợp thực hiện về chủ trương, đường lối, gắn bó chặt chẽ, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Quan hệ hợp tác ngoại giao từng bước được mở rộng trong khuôn khổ hợp tác đa chiều, trong đó hợp tác giữa Việt Nam - Lào với Campuchia trở thành nhân tố quan trọng góp phần vào sự ổn định, hoà bình và hợp tác ở Đông Nam Á. Hợp tác quốc phòng, an ninh ngày càng đi vào chiều sâu trên tinh thần đoàn kết liên minh chiến đấu phù hợp với tình hình mới, tập trung giải quyết bồi dưỡng, xây dựng lực lượng của mỗi nước và vấn đề biên giới giữa hai nước, góp phần tích cực bảo đảm quốc phòng, an ninh ổn định cho mỗi nước. Hợp tác giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là một trong những thành tựu đặc biệt, không có nơi nào trên thế giới có được - đó là sự tin cậy lẫn nhau, cùng giúp nhau xây dựng, củng cố nhân tố bên trong hết sức cần thiết cho công cuộc xây dựng và bảo vệ của mỗi nước. Hợp tác kinh tế giữa hai nước trong thời kỳ này đã chuyển dần từng bước từ viện trợ và cho vay là chủ yếu, sang hợp tác sản xuất kinh doanh cùng có lợi, đồng thời giúp nhau phát huy khả năng và tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước để giải quyết những nhu cầu cấp bách về đời sống và sản xuất. Đây là những định hướng phù hợp với điều kiện hai nước trong những năm đầu chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác giai đoạn này trên cơ sở tinh thần quốc tế vô sản, với phương thức chủ yếu là viện trợ và cho vay theo cơ chế tập trung bao cấp, chưa tương xứng với yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân hai nước và tầm cao của quan hệ chính trị giữa hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam và Lào. Hiệu quả hợp tác thời kỳ này tuy chưa cao, chưa sát thực tế, mang nặng tính bao cấp, tương trợ, giúp đỡ hơn là hợp tác cùng có lợi, nhưng là sự nỗ lực cố gắng theo khả năng có thể cho nhau.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 08 Tháng Giêng, 2022, 11:03:28 am
Chương VIII
QUAN HỆ ĐOÀN KẾT ĐẶC BIỆT, HỢP TÁC TOÀN DIỆN VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM
 THỜI KỲ ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ (1986 - 2007)



I. CỦNG CỐ VÀ TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ HỢP TÁC TOÀN DIỆN VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM
TRONG GIAI ĐOẠN ĐẦU CỦA CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI (1986 - 1996)


1. Bối cảnh quốc tế và khu vực tác động đến quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam

Từ giữa những năm 80 đến đầu những năm 90 thế kỷ XX, thời kỳ Chiến tranh lạnh với tư cách là một cuộc tranh đua, đối đầu về ý thức hệ chính trị, đứng đầu bởi hai siêu cường Liên Xô và Mỹ đã đến hồi kết thúc. Liên Xô và các nước Đông Âu đã không cứu vãn nổi sự trì trệ và bất cập của mô hình phát triển chủ nghĩa xã hội ở các nước này. Từ cuối những năm 80 thế kỷ XX đến tháng 12 năm 1991 đã chứng kiến sự khủng hoảng, tan rã của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô, từ đây trật tự quốc tế hai cực không còn cơ sở để tồn tại nữa. Tương quan lực lượng và cơ cấu địa - chính trị toàn cầu hoàn toàn bị đảo lộn. Chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào. Chủ nghĩa tư bản, đứng đầu là Mỹ lợi dụng ưu thế về so sánh lực lượng, đẩy mạnh âm mưu thao túng thế giới trong quỹ đạo của mình.

Trên bình diện an ninh - chính trị, xu thế hoà dịu, đối thoại và hợp tác tỏ ra chiếm ưu thế trong các quan hệ quốc tế. Quá trình toàn cầu hoá được xúc tiến mạnh mẽ, đan xen cùng với quá trình khu vực hoá, hình thành nhiều mối quan hệ hợp tác, liên kết mới trên các lĩnh vực theo xu hướng chú trọng đến các mục tiêu phát triển. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, thế giới vẫn luôn bị chấn động bởi các cuộc xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, xung đột về dân tộc, sắc tộc và tôn giáo... Chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn xảy ra ở khắp nơi.

Cùng với những biến đổi nhạy cảm về an ninh - chính trị, thế giới cũng trở nên sôi động trên bình diện kinh tế. Dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ lần thứ ba, nền kinh tế thế giới đạt tốc độ và quy mô thay đổi nhanh chóng chưa từng thấy. Cách mạng khoa học - công nghệ trở thành tác nhân chủ yếu thúc đẩy nhanh chóng quốc tế hoá sản xuất và tư bản, làm xuất hiện những hình thức chuyên môn hoá cao, gắn liền với các hình thức hợp tác đa dạng, vượt qua khuôn khổ biên giới quốc gia dân tộc. Đồng thời, chưa bao giờ kinh tế trở thành yếu tố có tỷ trọng lớn và có ý nghĩa chi phối mạnh các quan hệ quốc tế trên nhiều cấp độ như hiện nay. Để tiếp tục phát triển và giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế thế giới, Mỹ, EU, Nhật Bản... đã quyết định cải cách cơ cấu kinh tế, vốn vẫn dựa vào các ngành công nghiệp tập trung lao động, chuyển sang phát triển các ngành kinh tế tri thức, nhằm khai thác các thành quả của cách mạng khoa học - công nghệ. Do vậy, các trung tâm kinh tế lớn trên đều có nhu cầu chuyển giao những ngành tập trung lao động sang các nước đang phát triển. Ngược lại, các nước đang phát triển với các lợi thế so sánh về giá tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động dồi dào và khả năng tiếp thu công nghệ còn hạn chế, đã xem sự chuyển giao những ngành công nghiệp trên là cơ hội phát triển của mình.

Bước vào thế kỷ XXI, trung tâm kinh tế thế giới đang có sự dịch chuyển từ châu Âu - Đại Tây Dương sang châu Á - Thái Bình Dương. Dưới tác động của toàn cầu hoá, hợp tác về kinh tế để cùng phát triển đã trở thành một xu thế tất yếu khách quan trong nền kinh tế thế giới. Xu thế này tạo cơ hội cho các nước đang phát triển, trong đó có các nước Đông Nam Á, nâng cao vị thế kinh tế của mình trong quan hệ với các nước lớn. Tính chất của mối quan hệ giữa các nước đang phát triển và các cường quốc kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản... đã thay đổi từ quan hệ phụ thuộc sang quan hệ tùy thuộc lẫn nhau.

Vốn từng chịu ảnh hưởng trực tiếp của cuộc đối đầu Đông - Tây, khi Chiến tranh lạnh kết thúc, vị trí chiến lược của Đông Nam Á cũng có những thay đổi nhất định. Cùng với thắng lợi vẻ vang của quân và dân Lào chống lại hai cuộc xung đột vũ trang lấn chiếm biên giới tại Xaynhabuli; quyết định thiện chí của Việt Nam hoàn thành rút hết quân khỏi Campuchia vào ngày 26 tháng 9 năm 1989; cũng như những hoạt động phối hợp ngoại giao bền bỉ và tích cực giữa các nước Đông Dương với các nước Đông Nam Á trong việc tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia, buộc chính giới Thái Lan phải cam kết tôn trọng chủ quyền của Lào và chuyển hướng chiến lược nhằm “biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường”. Trong khi lợi ích chiến lược bị suy giảm ở Đông Nam Á, Mỹ vẫn tiếp tục gây sức ép và thực hiện chính sách bao vây cấm vận với các nước Đông Dương kể từ năm 1975. Hành động này của Mỹ khiến Việt Nam không thể tiếp cận được các nguồn lực bên ngoài và khai thác làn sóng đầu tư từ Đông Á đang tràn vào Đông Nam Á 1. Trung Quốc là nước xã hội chủ nghĩa lớn nhất châu Á đang trỗi dậy thành công như một công xưởng của nền kinh tế thế giới bằng chính sách mở cửa với bên ngoài. Trên tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai,” Trung Quốc và Việt Nam đang nỗ lực giảm căng thẳng, tiến tới bình thường hoá và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhau.

Nhờ những thuận lợi trong môi trường kinh tế thế giới, sự giúp đỡ của các nước lớn và nhất là bản thân những nỗ lực của chính phủ và nhân dân các nước ASEAN, khi bước vào thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, Malaixia, Thái Lan, Inđônêxia, Philíppin đã tiến sát trình độ của một nước công nghiệp hoá mới (NICs). Mặt khác, vị trí của Đông Nam Á trong chính sách của các nước lớn đã hoàn toàn thay đổi, những ưu đãi mà các nước lớn dành cho các nước Đông Nam Á đã giảm mạnh, thậm chí không còn nữa. Vì thế, các nước Đông Nam Á đứng trước nhiều khó khăn hơn trong quá trình phát triển kinh tế. Tuy việc tiếp cận với các nguồn lực bên ngoài có vẻ dễ dàng hơn dưới tác động của toàn cầu hoá, nhưng trong thực tế, các quốc gia ở khu vực này lại không mấy dễ tiếp cận được với FDI, thị trường và kỹ năng quản lý.

Về phía các nước ASEAN, nguyên nhân chính là do các nước này đã mất các lợi thế so sánh trong các ngành công nghiệp tập trung lao động, nhưng lại chưa tạo ra được những lợi thế trong các ngành tập trung tư bản. Vì thế, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu tìm cách chuyển vốn đầu tư sang Trung Quốc, Ấn Độ hoặc sang các thị trường Âu, Mỹ, nơi có thể giúp vốn đầu tư của họ sinh lời nhiều hơn, nhanh hơn. Về phía các nước Đông Dương, nguyên nhân chủ yếu là do chính sách cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam, hoặc do mức độ chưa sẵn sàng đối với đầu tư nước ngoài của Lào, Campuchia và Mianma.

 Như vậy, khi các nước lớn điều chỉnh quan hệ với nhau trong khu vực và điều chỉnh chính sách đối với Đông Nam Á, các nước ASEAN và các nước Đông Dương đã có thể cùng tồn tại hoà bình với nhau. Trong bối cảnh khu vực trên, các mong muốn hợp tác giữa hai nhóm nước ở Đông Nam Á vì hoà bình, an ninh và phát triển đã có cơ hội hồi sinh. Việc Trung Quốc, Nga xích lại gần ASEAN; Nhật Bản, EU hợp tác với Đông Dương cho thấy sự trùng hợp lợi ích giữa Đông Nam Á và các nước lớn trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực ở Đông Nam Á.

Một sự kiện quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình hội nhập khu vực Đông Nam Á là việc Hội nghị thường niên của Ngoại trưởng ASEAN tổ chức tại Brunây tháng 7 năm 1995 tuyên bố tiếp nhận Việt Nam chính thức là thành viên thứ bảy của Hiệp hội. Sự kiện trọng đại này không những đánh dấu kết thúc sự đối đầu ý thức hệ tư tưởng chính trị - quân sự giữa hai nhóm nước ở Đông Nam Á là ASEAN và ba nước Đông Dương, mà còn mở ra trang sử mới của ASEAN với tư cách là tổ chức của tất cả 10 nước trong khu vực.

Trong không khí hội nhập và cởi mở của khu vực, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ V tổ chức tại Băng Cốc (Thái Lan) trong hai ngày 14 và 15 tháng 12 năm 1995 đã thông qua hai văn kiện quan trọng là Tuyên bố Hội nghị Thượng đỉnh Băng Cốc và Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). Điều đáng lưu ý là Tuyên bố này chú trọng đến hợp tác giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và hiện thực hoá Hiệp ước Khu vực hoà bình, tự do và trung lập (ZOPFAN). Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Hiệp hội kêu gọi các nước nằm ngoài khu vực Đông Nam Á tham gia ký Hiệp định Bali 1976 về thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á. Về kinh tế, Tuyên bố Băng Cốc nhấn mạnh đến việc khẩn trương thực hiện Hiệp định về thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) được ký từ năm 1992, để tiến trình AFTA nhanh trở thành hiện thực 2, đồng thời đưa ra lộ trình thực hiện các hợp tác chuyên ngành. Về quan hệ đối ngoại, Tuyên bố Băng Cốc tiếp tục khẳng định chính sách mở cửa, hợp tác và hội nhập quốc tế của ASEAN trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.

Bối cảnh quốc tế và khu vực thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh vận động hết sức phức tạp và nhanh chóng đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Một mặt, nó mở ra những cơ hội và điều kiện thuận lợi chưa từng có để thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam tiếp tục phát triển; mặt khác, nó cũng đặt ra không ít những thách thức, khó khăn đối với quan hệ hai nước trong thời gian này.

Thuận lợi cơ bản nhất đối với việc củng cố và tăng cường quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là hai nước có nhiều lợi ích chiến lược và thể chế chính trị - xã hội tương đồng. Hai nước gắn bó chặt chẽ với nhau về chính trị; hợp tác mật thiết, với độ tin cậy cao trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng; chi viện rất to lớn giúp nhau bảo vệ và giữ vững an ninh chính trị, an toàn và trật tự xã hội, quản lý đường biên giới. Cả Việt Nam và Lào đều coi nhau thuộc ưu tiên số một trong chính sách đối ngoại của mỗi nước. Quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước được triển khai đều khắp, ngày càng sâu rộng và khăng khít trên cả ba kênh Đảng, Nhà nước, đoàn thể nhân dân, từ Trung ương tới các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới. Hai nước luôn luôn coi trọng, dành ưu tiên cho nhau và đang tìm cách khắc phục mọi khó khăn, yếu kém trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Đây chính là yếu tố tiên quyết, là lợi thế riêng cho việc triển khai toàn diện quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Dựa vào Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (ngày 18 tháng 7 năm 1977), hằng năm, Chính phủ hai nước đều ký Hiệp định hợp tác kinh tế, làm cơ sở pháp lý cho các ngành và địa phương hai nước triển khai thực hiện hợp tác trong từng lĩnh vực. Trong điều kiện toàn cầu hoá kinh tế, hai nước không những phải đối mặt với những vấn đề bao trùm mang tính toàn cầu trong bối cảnh khu vực hoá và quốc tế hoá, mà còn phải vượt qua những cạnh tranh, thách thức từ các nước láng giềng có quan hệ gắn bó với Lào và Việt Nam, từ các chương trình hợp tác đa phương mà cả Việt Nam và Lào đều là thành viên.

Tuy nhiên, các thách thức đến từ bên trong đối với quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam nhiều khi còn lớn hơn, khó giải quyết hơn các thách thức đến từ bên ngoài. Bởi vì đây là những khó khăn, thách thức mang tính chất chủ quan, bắt nguồn từ hạ tầng cơ sở, trình độ và cơ chế của nền kinh tế hai nước. Trước hết, khó khăn, thách thức có tính chất bao trùm và cơ bản là Việt Nam và Lào vừa mới bắt tay xây dựng lại đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, cả hai nước đều đứng trong danh sách những nước nghèo nhất thế giới, lực lượng sản xuất chưa phát triển, hạ tầng cơ sở rất yếu kém, vốn đầu tư sản xuất và kinh doanh đều thiếu nghiêm trọng, trình độ khoa học - kỹ thuật và công nghệ còn rất thấp.

Trước lúc hội nhập được với khu vực và thế giới, Việt Nam và Lào đã trải qua 15 năm bị bao vây, cô lập (1975 - 1990) do Mỹ đứng đầu, luôn phải đối phó với thù trong và giặc ngoài. Trong khi đó, mô hình chủ nghĩa xã hội của các nước nguyên là xã hội chủ nghĩa được áp dụng vào hai nước một cách máy móc; nội dung của nó lại không công nhận sản xuất hàng hoá và thị trường, coi kế hoạch là biểu tượng quan trọng nhất của kinh tế xã hội chủ nghĩa. Việc phân phối mọi nguồn lực lao động theo kế hoạch là chính, coi thị trường chỉ là công cụ bổ trợ cho kế hoạch. Muốn xoá bỏ ngay các thành phần kinh tế không phải của chủ nghĩa xã hội, coi kinh tế nhà nước và tập thể là chủ đạo, muốn xoá bỏ ngay sở hữu tư nhân. Xây dựng kinh tế kiểu đóng cửa, theo hướng phục vụ trong nước là chủ yếu bằng cách dựa vào thế mạnh về lao động, tài nguyên, đất đai và sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa đi trước. Tiến hành chế độ phân phối sản phẩm theo lao động trừu tượng, nhưng trên thực tế là chia theo kiểu bình quân, không quan tâm tới các lợi ích cá nhân. Thực hiện chế độ bao cấp tràn lan, gây tâm lý ỷ lại, trông chờ vào nhà nước, không phát huy được tính chịu thương, chịu khó và sáng kiến của người lao động.

Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã dũng cảm thừa nhận những sai lầm chủ quan “là những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện3.
 
Đồng thời với Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã phê phán nghiêm khắc và tìm cách khắc phục những tư tưởng nóng vội, chủ quan duy ý chí trong Đảng, kiên quyết thay đổi bằng tư duy mới. Nền tảng của tư duy mới này là phải xây dựng xã hội về mọi mặt, chứ không phải chỉ chú ý xây dựng quan hệ sản xuất; cải biến xã hội cũ lạc hậu thành xã hội mới, chứ không phải xoá sạch xã hội cũ, xây dựng xã hội mới thuần khiết. Đi từ kinh tế tự nhiên lên kinh tế hàng hoá nhỏ, nước Lào phải chấp nhận xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần bao gồm: thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa, thành phần kinh tế tư bản nhà nước, thành phần kinh tế tư bản tư nhân, thành phần kinh tế sản xuất hàng hoá nhỏ, thành phần kinh tế tự nhiên. Trong đó, các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa vẫn còn phát huy tác dụng trong một thời gian dài nữa.

Việc thay đổi mô hình kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp ở Việt Nam và Lào là một yêu cầu cấp bách đặt ra với cả hai nước. Do thiếu khuyến khích lợi ích vật chất đối với người lao động, chậm đổi mới về khoa học - công nghệ, trình độ quản lý và năng lực điều hành sản xuất kém, dẫn đến năng suất lao động xã hội của Việt Nam và Lào đều rất thấp. Hơn nữa, khi Liên Xô và Đông Âu khủng hoảng và sụp đổ, Việt Nam và Lào đã mất đi các nguồn lực quan trọng. Các nguyên nhân chủ quan và khách quan trên đã dẫn đến sản xuất xã hội ở hai nước bị đình trệ, đời sống của nhân dân không được cải thiện, cả Việt Nam và Lào đều đứng trước tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng.

Đây là lúc quá trình hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam bộc lộ tình trạng trì trệ, yếu kém, đòi hỏi phải đổi mới tư duy, đổi mới cơ chế, phương châm, phương thức hợp tác thì mới có thể tiếp tục tiến lên được. Hơn nữa, trong thời kỳ quá độ hình thành trật tự thế giới mới, các nước đều có lợi ích đan xen và phụ thuộc lẫn nhau. Vì vậy, việc lựa chọn nội dung hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Lào sao cho phù hợp, có hiệu quả và không chồng chéo với các chương trình hợp tác của các nước khác và mang dấu ấn của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là vấn đề đòi hỏi phải cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là trong điều kiện cả Việt Nam và Lào đều đang gặp khó khăn lớn về vốn và công nghệ.

Trong khi Việt Nam và Lào bắt tay vào công cuộc đổi mới, các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước đã ra sức lợi dụng sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, tăng cường gây sức ép, áp đặt điều kiện, thậm chí can thiệp vào công việc nội bộ của hai nước. Mưu đồ của chúng là theo đuổi chiến lược “diễn biến hoà bình” nhằm thay đổi thể chế chính trị, ngăn cản khả năng của Việt Nam và Lào huy động mọi nguồn lực ở trong và ngoài nước phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, chúng ráo riết chia rẽ và phá hoại mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, tạo sự bất ổn định ở mỗi nước để dễ bề thâu tóm, khống chế. Thực tế chỉ rõ: Việt Nam có hòa bình, ổn định thì Lào mới có hòa bình, ổn định, và ngược lại, Lào có hoà bình, ổn định thì Việt Nam mới có hòa bình, ổn định vững chắc. Vì thế, việc bảo vệ và phát triển quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam luôn là hai mặt sống còn của một vấn đề, đòi hỏi hai nước phải kiên định quán triệt trong nhận thức và hành động của mình.




-------------------------------------------------------------------
1. Tới tháng 1 năm 1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton mới gỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế và thương mại đối với Việt Nam.

2. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ V này, các nhà lãnh đạo ASEAN đã quyết định đẩy nhanh tiến trình AFTA để có thể hoàn tất trước năm 2003, tức là rút ngắn thời hạn lại chỉ còn 10 năm, riêng các thành viên mới như Việt Nam được gia hạn đến năm 2006, Lào đến năm 2008.

3. Báo cáo chính trị do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước trình bày ngày 15 tháng 12 năm 1986 tại Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.47, tr.360.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 10 Tháng Giêng, 2022, 10:20:40 am
2. Đường lối và chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào về đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới (1986 - 1996)

Từ ngày 15 đến 18 tháng 12 năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định tiến hành công cuộc đổi mới một cách toàn diện từ kinh tế, chính trị đến văn hoá - xã hội, khoa học - kỹ thuật, đối ngoại và an ninh - quốc phòng. Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư Trường Chinh đọc tại Đại hội đã xác định nhiệm vụ đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, giải quyết cho được những vấn đề cấp bách về phân phối lưu thông; tăng cường hoạt động trên lĩnh vực đối ngoại là những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Về quan hệ hợp tác với Lào và Campuchia, Báo cáo chính trị chỉ rõ: “Chúng ta đặc biệt chú trọng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, văn hoá giữa nước ta và hai nước láng giềng anh em Lào, Campuchia, nhằm khai thác khả năng của mỗi nước bổ sung cho nhau, làm cho mỗi nước và ba nước ngày càng phát triển và vững mạnh. Căn cứ vào mục tiêu chiến lược của mỗi đảng, phối hợp xây dựng các chương trình hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, tiến tới có sự liên kết kinh tế theo một chiến lược chung. Việc hợp tác kinh tế giữa ba nước phải theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, có ưu tiên ưu đãi cho nhau, và phải có những chính sách, phương thức thích hợp, bảo đảm hiệu quả thiết thực”.

Trong hai ngày từ 9 đến 10 tháng 5 năm 1987, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã tổ chức cuộc hội đàm theo truyền thống hàng năm, đánh dấu giai đoạn mới của mối quan hệ đặc biệt, liên minh, hợp tác toàn diện giữa Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào kể từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội lần thứ IV của Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Ngay sau đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 3 tháng 7 năm 1987 xác định rõ thêm một số quan điểm và nguyên tắc lớn chỉ đạo mối quan hệ giữa hai nước và ba nước Đông Dương. Cụ thể là:

“1. Liên minh trên bán đảo Đông Dương là liên minh chiến lược, toàn diện, có ý nghĩa sống còn. Hợp tác kinh tế, văn hoá ngày càng có vị trí quan trọng, tạo cơ sở vật chất cho liên minh và hợp tác toàn diện giữa các bên, nhằm phát huy mạnh mẽ tiềm năng và thế mạnh kinh tế của mỗi nước và của ba nước, khai thác tốt nhất lao động, đất đai, tài nguyên và năng lực sản xuất hiện có bằng những hình thức hợp tác thích hợp. Đồng thời, coi trọng tranh thủ sự hợp tác chặt chẽ và sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

2. Trong hợp tác kinh tế, văn hoá... cần chuyển mạnh từ giúp đỡ, viện trợ và cho vay là chủ yếu sang hợp tác sản xuất, kinh doanh theo phương châm hai bên cùng có lợi, coi đó là hướng hợp tác cơ bản, lâu dài, tạo tiền đề và điều kiện tiến tới phân công lao động, chuyên môn hoá và hợp tác hoá sản xuất, phối hợp kế hoạch kinh tế quốc dân, phối hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

3. Trong quan hệ tay đôi, phải lấy nâng cao chất lượng và hiệu quả làm phương châm chỉ đạo chủ yếu cho mọi hoạt động hợp tác...

4. Quan hệ giữa các bên là quan hệ giữa những quốc gia độc lập, có chủ quyền... Phải thể hiện được tinh thần bình đẳng, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, đồng thời phải bảo đảm lợi ích cơ bản và lâu dài của liên minh”.

Ở Lào, sau hàng loạt tìm tòi, thử nghiệm, được thực tiễn và lý luận cách mạng kiểm chứng, như xoá bỏ hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình, mở thêm chợ, khuyến khích phát triển kinh tế hàng hoá... để phá vỡ kinh tế tự nhiên và bán tự nhiên, Đại hội lần thứ IV của Đảng Nhân dân cách mạng Lào được tiến hành gần như đồng thời với Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, họp từ ngày 13 đến 15 tháng 11 năm 1986 tại Thủ đô Viêng Chăn. Báo cáo chính trị, do Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản trình bày tại Đại hội IV, khẳng định: “chính tính chất khó khăn, phức tạp và lâu dài của thời kỳ quá độ ở nước ta đòi hỏi Đảng ta phải phân chia thời kỳ quá độ ra nhiều thời đoạn, và phải vạch ra phương hướng, nhiệm vụ cho từng thời đoạn cụ thể phù hợp với đặc điểm mỗi thời đoạn” . Công cuộc đổi mới toàn diện có nguyên tắc ở nước Lào do Đảng Nhân dân cách mạng Lào khởi xướng được xác định trước hết là việc đổi mới về kinh tế, bằng việc thực hiện cơ chế kinh tế mới, nhằm thoát khỏi kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu bao cấp, chuyển hẳn sang kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Nhận thức sâu sắc công cuộc đổi mới toàn diện ở Lào có mối quan hệ hữu cơ thúc đẩy lẫn nhau với công cuộc đổi mới ở Việt Nam và cách mạng Campuchia, Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào ra chỉ thị số 24/BBT ngày 20 tháng 5 năm 1987, khẳng định: “Xuất phát từ truyền thống lịch sử và tình hình, nhiệm vụ chiến lược của cách mạng ba nước, sự tăng cường liên minh hợp tác toàn diện giữa ba Đảng, ba nước Lào - Việt Nam - Campuchia mới trở thành nhiệm vụ chiến lược số một, là nguyên tắc cách mạng bất di bất dịch của mỗi nước, là vấn đề sống còn của mỗi nước”. Đặc biệt, Chỉ thị yêu cầu các cấp, các ngành và các địa phương phải quán triệt và nắm chắc hai quan điểm chính ở trong mọi hoạt động hợp tác liên minh với Việt Nam:

“a) Độc lập tự chủ của mỗi nước phải gắn chặt với việc liên minh, đó là hai mặt của một vấn đề có tính nguyên tắc. Độc lập tự chủ càng cao bao nhiêu, việc liên minh càng vững chắc bấy nhiêu...

b) Nâng cao hiệu quả và chất lượng của mọi sự hợp tác, liên minh là phương châm trong mọi chỉ đạo hoạt động ở mọi lĩnh vực hợp tác liên minh. Nhất là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế...” .

Về phần mình, thực hiện thoả thuận cấp cao giữa hai Đảng, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 35-QĐ/TW ngày 30 tháng 12 năm 1987, trong đó quy định: “Hợp tác, giúp đỡ nhau về chính trị, văn hoá, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng là hoàn toàn tự nguyện, trên cơ sở nhất trí thoả thuận giữa Đảng với Đảng”.

Trong thực tế, cuối những năm 80 của thế kỷ trước là thời điểm khó khăn nhất do Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu lâm vào khủng hoảng tan rã, Việt Nam và Lào bị mất nguồn viện trợ chủ yếu. Hai nước lại vừa mới mở cửa, vì thế chịu không ít tác động tiêu cực của kinh tế thị trường. Việc triển khai hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đã có lúc, có nơi, gặp không ít khó khăn, sóng gió, thậm chí thiếu hiệu quả bởi trình độ nhận thức của một bộ phận nhỏ cán bộ và nhân dân không đầy đủ, thậm chí có biểu hiện dao động về tính chất của mối quan hệ đặc biệt. Song những biểu hiện lệch lạc trên chỉ mang tính cục bộ, nhất thời và đã được hai Trung ương Đảng cũng như đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hai nước uốn nắn, sửa chữa kịp thời. Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào ngày 20 tháng 5 năm 1987 ghi rõ: “hai bên nhất trí phải tăng cường giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ quan hệ đoàn kết sống còn và lâu dài, quán triệt quan điểm, phương châm nguyên tắc của mối quan hệ trong giai đoạn cách mạng mới, uốn nắn tư tưởng và tác phong làm việc mới, tránh những bảo thủ, chủ quan, chống mọi hiện tượng lơ là mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi” . Trong hoạt động thực tiễn, từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở, việc bảo vệ quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam được xem là một trong những tiêu chuẩn rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân Lào. Từ những trải nghiệm thực tiễn, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào lần thứ 8 (khóa IV) tháng 12 năm 1989 đã đúc kết thành sáu nguyên tắc cơ bản có giá trị chỉ đạo toàn bộ công cuộc đổi mới ở Lào 1.

Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng ra Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 3 tháng 7 năm 1987, nhấn mạnh: “Trên cơ sở quán triệt đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, các Nghị quyết 10 và 11 của Bộ Chính trị về tăng cường đoàn kết, hợp tác toàn diện với Lào và Campuchia và nội dung thoả thuận trong các cuộc hội đàm lần này, các bộ, ban, ngành và các tỉnh trực tiếp làm nhiệm vụ hợp tác với bạn cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm, kiên quyết xử lý và có biện pháp chấm dứt các hiện tượng tiêu cực, các quan điểm, nhận thức và hành động sai trái gây phương hại cho quan hệ đặc biệt giữa ta với Lào” .

Từ ngày 24 đến 27 tháng 6 năm 1991, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành Đại hội VII, tổng kết năm năm đổi mới, thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chỉ ra phương hướng tiến hành công cuộc đổi mới sâu rộng và đồng bộ.

Cùng với việc xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 của Việt Nam, căn cứ vào thoả thuận giữa Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào tháng 10 năm 1991 và thực hiện Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ ký ngày 15 tháng 2 năm 1992, Ủy ban Kế hoạch nhà nước Việt Nam và Ủy ban Kế hoạch và Hợp tác Lào cùng phối hợp đề ra Chiến lược hợp tác về kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Việt Nam và Lào. Chiến lược này là cơ sở để hai bên phối hợp xây dựng và quyết định các chương trình và dự án kế hoạch hợp tác trong thời gian tiếp theo.

Do có đường lối đổi mới đúng đắn nhằm giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có, khai thác mọi khả năng tiềm tàng của đất nước và sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, đi đôi với xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế Việt Nam từ năm 1986 đến 1996 đã đạt được những thành tựu to lớn; vượt qua khủng hoảng, tuy còn một số mặt chưa vững chắc, và bước vào giai đoạn phát triển ổn định. GDP thời kỳ 1991 - 1995 đạt trung bình 8,2%/năm (mức đề ra cho năm năm 1991 - 1995 là 5,5-6%), lạm phát đã được ngăn chặn, từ 74,7%/năm giảm xuống còn 67,4% năm 1990, 67% năm 1991, 17,5% năm 1992, 5,2% năm 1993, 12,7% năm 1995 và luôn giữ ở mức dưới 10% những năm sau. Kể từ năm 1996 trở đi, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện rõ rệt.

Kế hoạch năm năm lần thứ hai (1986 - 1990) ở Lào là giai đoạn áp dụng cơ chế kinh tế mới, sử dụng quan hệ hàng hoá tiền tệ, sử dụng cơ chế thị trường, thực hiện chế độ một giá, từ chỗ quen tiến hành sản xuất theo chỉ tiêu pháp lệnh, theo cơ chế bao cấp chuyển sang tự chủ về tài chính và kế hoạch sản xuất. Bất chấp việc chủ nghĩa xã hội thế giới lâm vào thoái trào, Đại hội V của Đảng Nhân dân cách mạng Lào họp từ ngày 27 đến 29 tháng 3 năm 1991 khẳng định lại tính chất và giai đoạn của cách mạng Lào hiện nay: “đang ở trong giai đoạn tiếp tục xây dựng và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tạo ra các tiền đề để từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội” . Bước vào kế hoạch năm năm lần thứ ba (1991 - 1995), Đại hội V Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã xác định xây dựng cơ cấu nông nghiệp - lâm nghiệp gắn với công nghiệp và dịch vụ bắt đầu từ cơ sở, nhằm phát triển sản xuất hàng hoá, tạo bước chuyển mới rõ rệt về kinh tế bằng hình thức huy động vốn trong nước, làm cho nền tài chính quốc gia vững chắc và tiến tới tự chủ. Đồng thời mở rộng hợp tác với nước ngoài, đề ra chính sách thích hợp nhằm thu hút đầu tư với nước ngoài để xây dựng công nghiệp với quy mô vừa và lớn như điện lực, nhiên liệu, khai khoáng, v.v..

Đại hội lần này đặc biệt coi trọng việc đổi mới hệ thống chính trị: “Việc đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta không có nghĩa là thay đổi chế độ chính trị hiện nay bằng một chế độ chính trị khác mà là củng cố về mặt tổ chức của hệ thống chính trị dân chủ nhân dân và đổi mới phương thức hoạt động của nó trên cơ sở quy định chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức cho rõ ràng” . Sự kiện chính trị lớn sau Đại hội V là ngày 14 tháng 8 năm 1991, Hội đồng Nhân dân tối cao Lào khoá II (nhiệm kỳ 1989 - 1991) đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên 2, chấm dứt thời kỳ 17 năm liền (1975 - 1991), mọi hoạt động quản lý, điều hành ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào không có hiến pháp, mà chủ yếu thông qua các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Và Quốc hội Lào khoá III thay thế cho Hội đồng Nhân dân tối cao khoá II, chính thức ra mắt tại phiên họp đầu tiên từ ngày 20 đến 25 tháng 2 năm 1993.

Ngày 18 tháng 2 năm 1993, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào khoá V khai mạc Hội nghị toàn thể lần thứ sáu nhằm tổng kết về những thành công ban đầu, những hạn chế, tồn tại của công cuộc đổi mới. Lần đầu tiên Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ chung, mục tiêu và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của cả nước từ năm 1993 đến 2000. Ngày 8 tháng 5 năm 1993, Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa V đã ra Nghị quyết số 21 về chuyển đổi quản lý kinh tế, từ phân cấp quản lý (trung ương, địa phương, cơ sở) thành quản lý theo hệ thống tập trung, phân công trách nhiệm theo ngành (hệ thống tập trung phân quyền). Đồng thời, về phía Chính phủ cũng chuyển sang có kế hoạch dài hạn từ năm 1993 đến 2000, với ưu tiên cho tám chương trình lớn 3.

Như vậy, Đại hội IV của Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam trong năm 1986 đã đồng loạt tạo ra bước ngoặt lịch sử ở hai nước Lào và Việt Nam. Chỉ trong vòng hai kế hoạch năm năm 1986 - 1990 và 1991 - 1995, với đường lối đổi mới toàn diện, bắt đầu bằng đổi mới về kinh tế, Việt Nam và Lào đã thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững và tạo được thế ổn định. Tuy nhiên, sau 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới (1986 - 1996), Việt Nam đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hoá thì Lào mới bắt đầu bước vào chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ với mục tiêu đưa đất nước mau chóng thoát nghèo (mục tiêu là năm 2015), ra khỏi tình trạng kém phát triển (mục tiêu là năm 2020) và chuẩn bị những nhân tố cơ bản để công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Sự phát triển không đồng đều về quy mô và trình độ của lực lượng sản xuất của hai đất nước cũng như của các vùng miền là một đặc điểm lớn cần được tính đến trong các chiến lược và kế hoạch phát triển quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.




-------------------------------------------------------------------
1. Đó là các nguyên tắc sau: “Nguyên tắc thứ nhất: Kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa, nắm vững tính chất của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới.

Nguyên tắc thứ hai: Chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng ta, chỉ đạo mọi sự nghiệp của nhân dân ta.

Nguyên tắc thứ ba: Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Nguyên tắc thứ tư: Nâng cao và phát huy dân chủ trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy dân làm gốc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nguyên tắc thứ năm: Tăng cường sức mạnh và hiệu lực của chuyên chính dân chủ nhân dân.

Nguyên tắc thứ sáu: Kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản và quốc tế xã hội chủ nghĩa. Kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại.” (Xem: Ban Chỉ đạo nghiên cứu lý luận và thực tiễn Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Lịch sử Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.238 - 239).

2. Ngày 15 tháng 8 năm 1991, Chủ tịch nước Cayxỏn Phômvihản đã chính thức ký sắc lệnh ban bố Hiến pháp đầu tiên này. Đến năm 2003, nước Lào lại thông qua Hiến pháp sửa đổi.

3. Đó là: chương trình sản xuất lương thực; chương trình sản xuất hàng hoá; chương trình chấm dứt phá rừng làm rẫy; chương trình phát triển nông thôn; chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng; chương trình quan hệ kinh tế đối ngoại; chương trình phát triển nguồn nhân lực; chương trình khuyến khích phát triển dịch vụ.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 10 Tháng Giêng, 2022, 04:05:58 pm
3. Quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam giai đoạn 1986 - 1996

a) Hợp tác trong lĩnh vực chính trị và đối ngoại

Có thể thấy những hoạt động chính trị, ngoại giao của Việt Nam và Lào trong giai đoạn cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỷ XX đã góp phần giúp cách mạng hai nước từng bước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khẳng định vị trí của hai nước trong khu vực và trên thế giới. Quan hệ Việt Nam - Lào - Campuchia và Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam không ngừng được củng cố và phát triển. Những sáng kiến hoà bình của các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ba nước Đông Dương đều phản ánh một lập trường chung, đó là kiên quyết đòi loại trừ bọn phản động Pôn Pốt và việc tuyên bố về thời hạn rút quân đội Việt Nam ra khỏi Campuchia 1. Ngày 20 tháng 5 năm 1988, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết số 13, chủ trương giải quyết vấn đề Campuchia trước năm 1990.

Tích cực góp phần vào việc giải quyết mặt quốc tế của vấn đề Campuchia, tháng 7 năm 1988, tại Inđônêxia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã tham dự cuộc gặp gỡ không chính thức Giacácta (JIM) và chủ động đưa ra đề nghị bảy điểm về những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ giữa các nước Đông Nam Á, làm cho lập trường của các nước ASEAN và các nước Đông Dương thêm một bước xích lại gần nhau, được dư luận thế giới ủng hộ, đánh giá cao.

Một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào giữa lúc chủ nghĩa xã hội thế giới xuất hiện những dấu hiệu khủng hoảng trầm trọng là chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dẫn đầu, từ ngày 2 đến 4 tháng 7 năm 1989. Đây là chuyến thăm Lào chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam từ sau Đại hội IV Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Có thể nói, quan hệ hợp tác chính trị là điều kiện tiên quyết, mở đường cho việc phát triển quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Thành tựu nổi bật nhất của quan hệ hợp tác chính trị Việt Nam - Lào, hay có thể nói là thành tựu của mọi thành tựu trong giai đoạn này, đó là hai nước chúng ta vẫn giữ được định hướng chính trị theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm qua, hai bên tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực chính trị, duy trì cuộc gặp hàng năm giữa hai Bộ Chính trị, như một cơ chế hoạt động chính thức.

Đánh giá công lao đóng góp của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong việc vun đắp và phát triển không ngừng mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, Đảng và Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã quyết định trao tặng Huân chương Vàng quốc gia cho các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Đỗ Mười, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Viêng Chăn vào ngày 2 tháng 7 năm 1989.

Cùng với việc xúc tiến quá trình bình thường hoá quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Dương từ cuối thập niên 1980, những hoạt động phối hợp ngoại giao giữa Việt Nam, Lào và Campuchia, kết hợp với những nỗ lực lớn của cộng đồng quốc tế đi đến ký kết Hiệp định Pari về Campuchia ngày 23 tháng 10 năm 1991, tiếp đó là sự kiện sụp đổ của Liên Xô vào tháng 12 năm 1991, đều là những tác nhân lớn góp phần làm cho các nước ASEAN thay đổi nhận thức và hành động về môi trường an ninh khu vực.

Đến tham dự Đại hội lần thứ VII Đảng Cộng sản Việt Nam (từ ngày 24 đến 27 tháng 6 năm 1991) trên cương vị Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đặc biệt nhấn mạnh tới việc phát triển quan hệ hợp tác giữa hai Đảng trong điều kiện lịch sử mới: “Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào cùng sinh ra từ một cội nguồn, cùng chung mục tiêu, lý tưởng. Tuy mỗi Đảng có phương pháp và bước đi khác nhau do đặc điểm của mỗi nước, nhưng giữa hai Đảng chúng ta luôn luôn có sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau rất chặt chẽ, hài hoà, luôn luôn trao đổi, bổ sung kinh nghiệm cho nhau, giúp cho hai Đảng chúng ta ngày càng trưởng thành, vững mạnh và không ngừng nâng cao khả năng lãnh đạo của mỗi Đảng ngang tầm với các giai đoạn cách mạng”.

Ngay sau Đại hội Đảng Nhân dân cách mạng Lào lần thứ V, theo truyền thống quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, ngày 10 tháng 10 năm 1991, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Cayxỏn Phômvihản đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên để sang thăm chính thức. Nhân dịp này, hai bên khẳng định quyết tâm trước sau như một tăng cường củng cố và nâng cao quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, định kỳ trao đổi cấp Thứ trưởng Ngoại giao giữa hai nước nhằm phối hợp chặt chẽ những hoạt động ngoại giao trên các diễn đàn quốc tế. Sự kiện Liên Xô tan rã vào tháng 12 năm 1991 đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ hoạt động đối ngoại của cả hai nước, đòi hỏi Việt Nam và Lào phải bổ sung và hoàn chỉnh chính sách đối ngoại trong tình hình mới.

Hội nghị Trung ương lần thứ ba khoá VII của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 6 năm 1992) xác định bốn phương châm trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam, trong đó nổi bật phương châm đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại; tích cực tham gia hợp tác khu vực, đồng thời mở rộng quan hệ với tất cả các nước2.  Từ đây, Việt Nam đã xác lập vị thế mới trong hệ thống quan hệ quốc tế, một bước chuẩn bị căn bản để gia nhập ASEAN sau đó.

Nhờ có sự phối hợp và điều chỉnh chiến lược đối ngoại theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá, quan hệ ngoại giao của Việt Nam và Lào với các nước trong và ngoài ASEAN đều được cải thiện vững chắc. Đặc biệt, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ IV họp tại Xingapo ngày 17 tháng 1 năm 1992, các nước ASEAN đã mời Việt Nam và Lào tham gia ký Hiệp ước Bali, mở đường cho Việt Nam và Lào tham gia các hội nghị của ASEAN với tư cách là quan sát viên và chính thức gia nhập Hiệp hội ASEAN sau đó.

Sự kiện quan trọng - Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội ASEAN ngày 28 tháng 7 năm 1995, và hai năm sau, ngày 23 tháng 7 năm 1997, Lào cũng chính thức gia nhập ASEAN - đánh dấu sự hội nhập hoàn toàn của Việt Nam và Lào với các nước trong khu vực. Đúng như tuyên bố của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 6 năm 1991, khẳng định: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.

Năm 1992 là năm đột phá trong hoạt động đối ngoại của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với các nước láng giềng. Những chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào đến Thái Lan, Trung Quốc đã mở ra một bước phát triển mới nhằm củng cố các mối quan hệ và tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Ngay từ đầu năm, từ ngày 13 đến 15 tháng 2 năm 1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam Võ Văn Kiệt đã đến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào để ký kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giai đoạn 1992 - 1995 và năm 1992. Từ ngày 12 đến 16 tháng 8 năm 1992, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười cũng đi thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Tại cuộc hội đàm, Tuyên bố chung cấp cao Việt Nam - Lào khẳng định: “quyết tâm phấn đấu không mệt mỏi nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào; tiếp tục đổi mới phương thức hợp tác nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thiết thực, phù hợp với khả năng của mỗi nước theo các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, bình đẳng cùng có lợi, chân thành giúp đỡ lẫn nhau trên tình đồng chí, anh em. Điều đó phù hợp với đường lối đổi mới của hai Đảng, đáp ứng lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước, phù hợp với lợi ích của hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Nam châu Á”.

Bước sang năm 1993, mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam tiếp tục được củng cố và phát triển. Sau khi Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản - lãnh tụ kiệt xuất và kính mến của nhân dân các bộ tộc Lào qua đời (ngày 21 tháng 11 năm 1992), lãnh đạo cấp cao hai Đảng và hai Nhà nước vẫn duy trì và phát triển tốt mối quan hệ truyền thống vốn có, các cuộc viếng thăm chính thức cấp cao giữa hai bên tiếp tục diễn ra. Nổi bật là chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của đồng chí Khăm Tày Xiphănđon, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 1 đến 4 tháng 4 năm 1993. Trong cuộc hội đàm thân mật, hai bên đã ra thông cáo chung khẳng định quyết tâm phát triển mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Đánh giá cao công lao góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam trong thời gian qua, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã trao tặng đồng chí Khăm Tày Xiphănđon Huân chương Sao vàng - huân chương cao quý nhất của Việt Nam. Cùng năm đó, tháng 11 năm 1993, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lê Đức Anh đã có chuyến thăm đáp lễ chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Tháng 8 năm 1993, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nông Đức Mạnh thăm Lào, và tháng 11 năm 1993, Chủ tịch Quốc hội Lào Xámản Vinhakệt thăm Việt Nam. Tháng 8 năm 1994, Chủ tịch nước Lào Nủhắc Phumxavẳn sang thăm Việt Nam... Ngoài ra còn có các cuộc thăm và làm việc không chính thức của lãnh đạo cấp cao hai nước. Trong các cuộc hội đàm hàng năm giữa hai Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã trao đổi ý kiến về tình hình mọi mặt, đi tới những thoả thuận quan trọng về chủ trương, biện pháp tăng cường quan hệ và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước. Đây là nhân tố quan trọng làm cơ sở cho việc hai nước cụ thể hoá các kế hoạch hợp tác hàng năm.

Trong hai năm 1994 - 1995, đáp ứng yêu cầu của phía Lào, Đảng Cộng sản Việt Nam đã cử nhiều cán bộ cấp cao, kể cả các uỷ viên Bộ Chính trị sang giới thiệu kinh nghiệm tại các Hội nghị Trung ương 8, 9, 10 của Đảng Nhân dân cách mạng Lào và các cuộc tập huấn cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước Lào tại Viêng Chăn. Hình thức đào tạo này được phía Lào đánh giá cao, thiết thực, hiệu quả, nhất là đáp ứng được yêu cầu cấp bách trước mắt của Lào.

Để tạo ra môi trường thuận lợi cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đường lối đối ngoại của mình, cả Việt Nam và Lào đều xác định rõ chủ trương đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế. Từ định hướng trên, bên cạnh việc đẩy mạnh mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới, quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trên lĩnh vực ngoại giao cũng được đẩy mạnh trên ba phương diện: Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân.

Về quan hệ giữa hai Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào trong thời kỳ đổi mới ngày càng thêm khăng khít, thắm tình đồng chí, anh em. Trung bình mỗi năm, hai Đảng trao đổi trên 30 đoàn từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh uỷ... những kinh nghiệm về giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, về công tác tư tưởng, lý luận, công tác dân vận, Đảng lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước luôn là những đề tài trọng tâm cho các cuộc trao đổi giữa hai Đảng.

Quan hệ giữa hai Nhà nước cũng được đẩy mạnh trong thời gian này. Hai nước tăng cường trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến của nhau về các vấn đề hợp tác khu vực và quốc tế có liên quan đến quyền lợi của mỗi nước. Ngay từ năm 1992, giữa hai Nhà nước đã thành lập Ủy ban liên Chính phủ. Hàng năm, Uỷ ban liên Chính phủ đều có đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm, giúp cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào không ngừng phát triển.

Hoạt động ngoại giao nhân dân cũng đạt được nhiều thành tích đáng kể. Hàng năm, quan hệ giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể địa phương, các công ty, nhất là các tỉnh biên giới kết nghĩa đều có những trao đổi hợp tác và mối quan hệ đó ngày càng đi vào chiều sâu với nội dung thiết thực và có hiệu quả.




-----------------------------------------------------------------
1. Từ tháng 1 năm 1980 đến tháng 7 năm 1986 đã diễn ra 13 hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ba nước Đông Dương (mỗi năm hai lần). Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ba nước Đông Dương lần thứ 12 họp ngày 24 tháng 1 năm 1986, ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia một lần nữa nhắc lại đề nghị năm điểm của mình được đưa ra trong kỳ họp ngày 12 tháng 8 năm 1985 và nhấn mạnh hai mặt quốc tế và nội bộ của vấn đề Campuchia, trong đó về mặt quốc tế, Việt Nam cam kết sẽ rút hết quân khỏi Campuchia, đồng thời chấm dứt viện trợ quân sự và can thiệp của nước ngoài vào Campuchia; về mặt nội bộ, công việc nội bộ của Campuchia sẽ do các bên Campuchia tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài.

2. Bốn phương châm đó là: 1. Bảo đảm lợi ích dân tộc chân chính, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản của giai cấp công nhân. 2. Giữ vững độc lập, tự chủ, tự cường trong khi đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. 3. Nắm vững hai mặt hợp tác và đấu tranh trong quan hệ với mọi đối tượng. 4. Tham gia hợp tác khu vực đồng thời mở rộng quan hệ với tất cả các nước. Xem: Vũ Dương Huân (Chủ biên): Ngoại giao Việt Nam hiện đại vì sự nghiệp giành độc lập tự do, Học viện Quan hệ quốc tế, Hà Nội, 2002, t.2, tr.89-91.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 10 Tháng Giêng, 2022, 04:31:09 pm
b) Hợp tác trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng

Chuyển sang giai đoạn đổi mới, cả Việt Nam và Lào vẫn luôn bị các thế lực thù địch tìm mọi cách chống phá. Ở Việt Nam, các thế lực thù địch, đặc biệt là lực lượng phản động trong số người Việt lưu vong ở nước ngoài thường xuyên tìm mọi cách “chuyển lửa về quê hương”, hoạt động mạnh nhất là tổ chức các nhóm vũ trang về nước, trong đó có con đường qua biên giới Việt - Lào. Tại Lào, các thế lực thù địch tiếp tục hoạt động diễn biến hoà bình chống phá Lào; lợi dụng hợp tác đầu tư về kinh tế để lôi kéo, chuyển hoá, kích động số tiêu cực trong học sinh, sinh viên, trí thức và cán bộ Lào. Bọn Vàng Pao và Thong Lít chủ trương thành lập Hội Phật giáo mới, từ đó tổ chức tuyên truyền, kích động chia rẽ các bộ tộc Lào, kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức tôn giáo quốc tế và tìm kiếm sự can thiệp quốc tế, v.v..

Trước tình hình đó, hai nước xác định, hợp tác an ninh - quốc phòng giữa Việt Nam và Lào là nhiệm vụ rất cấp bách và quan trọng hàng đầu. Ngay từ những năm đầu của thập niên 1990, giữa hai Chính phủ, giữa hai bộ chức năng là Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng của hai nước đều đã ký những hiệp định, nghị định về hợp tác, hỗ trợ nhau trong công tác bảo vệ an ninh và củng cố quốc phòng. Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng của cả hai nước đều rất coi trọng việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm xây dựng lực lượng, chống xâm nhập, chống bạo loạn và vô hiệu hoá các hoạt động diễn biến hoà bình của kẻ địch. Trong mối quan hệ này, phía Việt Nam luôn chủ động và đảm nhiệm gánh vác các công việc khó khăn nhất với phương châm “giúp bạn là mình tự giúp mình”, “an ninh của bạn cũng chính là an ninh của mình”... Việt Nam đã giúp Lào củng cố và xây dựng được một lực lượng an ninh có chất lượng cao và đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Trên lĩnh vực hợp tác an ninh - quốc phòng với Lào, Bộ Quốc phòng Việt Nam chú trọng giúp Lào xây dựng một chiến lược quốc phòng dài hạn, một đường lối quốc phòng toàn dân, toàn diện. Thông qua đội ngũ chuyên gia, Việt Nam đã giúp Lào xây dựng quân đội của mình trở thành một đội quân vững mạnh về chính trị tư tưởng, tổ chức và chuyên môn. Quân đội nhân dân Lào được xây dựng theo hướng chính quy và hiện đại, có sức chiến đấu cao, đủ khả năng làm chỗ dựa cho thế trận chiến tranh nhân dân. Các lực lượng bộ đội địa phương, dân quân ở cấp bản, lực lượng dự bị động viên, v.v. đều được chú ý xây dựng, củng cố và luyện tập thường xuyên để khi cần có thể huy động được kịp thời. Các phương án tác chiến được Bộ Quốc phòng của hai nước chuẩn bị công phu, trong đó nhiều phương án phối hợp tác chiến giữa quân đội hai nước được soạn thảo và đưa ra tập huấn đến cấp sư đoàn, trung đoàn. Chiến công chung nổi bật về hợp tác an ninh - quốc phòng giai đoạn này là việc quân và dân Lào chủ động phối hợp chặt chẽ với quân đội Việt Nam chặn đánh cuộc hành quân “Đông tiến I” và “Đông tiến II” của các lực lượng phản động lưu vong do Hoàng Cơ Minh cầm đầu vào Việt Nam qua con đường Lào trong hai năm 1986 - 1987.

Là hai nước láng giềng có 10 tỉnh giáp biên nên vấn đề trật tự an ninh biên giới giữa hai nước đều rất phức tạp. Trong giai đoạn này, thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào, ký kết tại Viêng Chăn ngày 18 tháng 7 năm 1977, Ban Biên giới hai bên đã gặp nhau giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng trong lịch sử và đi đến hoàn thành phân giới cắm mốc vào ngày 24 tháng 8 năm 1984. Ngày 24 tháng 1 năm 1986, hai bên đã ký kết Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới và Nghị định thư về việc phân giới cắm mốc toàn bộ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tại Viêng Chăn. Ngày 16 tháng 10 năm 1987, hai bên ký Nghị định thư bổ sung Nghị định thư về phân giới cắm mốc tại Viêng Chăn. Ngày 1 tháng 3 năm 1990, hai bên ký Hiệp định về Quy chế biên giới tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong hai năm 1994 - 1995, phía Việt Nam đã triển khai giúp Lào hiệu chỉnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000 cho bốn tỉnh Nam Lào; lập bộ bản đồ Atlas địa lý Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và Atlas địa lý thế giới, phục vụ cho công tác giáo dục của Lào. Hai bên đã xúc tiến để tiến tới hoàn thành bản đồ quốc giới Việt Nam - Lào, làm cơ sở pháp lý vững chắc cho mối quan hệ Việt Nam - Lào.

Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và các hiệp định, nghị định thư liên quan được hai bên ký kết và thực hiện đã xác lập đường biên giới chính thức, ổn định lâu dài, có hệ thống quốc giới được hai Nhà nước độc lập, có chủ quyền cùng nhau giải quyết. Đây chính là sự thay đổi về chất của đường biên giới và cũng mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ hai nước; góp phần cực kỳ quan trọng vào việc củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, hết lòng hết sức ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau. Đây là thành quả của truyền thống hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước; của sự hiểu biết, tôn trọng và cảm thông giữa những người đồng chí anh em thân thiết, sướng khổ có nhau, sống chết có nhau. Kết quả này là một biểu hiện tốt đẹp của việc giải quyết vấn đề lợi ích dân tộc trên tinh thần kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng, là mẫu mực về chính sách láng giềng hữu nghị của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.

c) Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hoá, khoa học - kỹ thuật

Trong quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, hợp tác kinh tế trong thời kỳ đổi mới luôn chiếm vị trí quan trọng, với mong muốn là động lực thúc đẩy sự phát triển của các quan hệ hợp tác khác.

Sau khi tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở hai nước bắt đầu ổn định, công cuộc khắc phục kinh tế cơ bản đã hoàn thành, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước dần có sự thay đổi theo hướng phát triển từ viện trợ không hoàn lại, cho vay là chủ yếu sang giảm dần viện trợ và cho vay, bước đầu đẩy mạnh hợp tác sản xuất kinh doanh bình đẳng cùng có lợi. Đồng thời, trong hợp tác đã chuyển dần từ hợp tác từng vụ việc theo yêu cầu của bạn sang hợp tác theo chương trình, kế hoạch được ký kết giữa hai Chính phủ.

Thực hiện thoả thuận tháng 10 năm 1991 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào nhằm tiếp tục đưa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, lên ngang tầm với quan hệ chính trị, Ủy ban Kế hoạch nhà nước Việt Nam và Ủy ban Kế hoạch và Hợp tác Lào đã cùng phối hợp đề ra chiến lược hợp tác về kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật. Chiến lược này là cơ sở để hai bên phối hợp xây dựng và quyết định các chương trình và dự án kế hoạch hợp tác trong thời gian tới.

Ngày 15 tháng 2 năm 1992, tại Viêng Chăn, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật thời kỳ 1992 - 1995 và năm 1992. Để hiện thực hoá Hiệp định khung này, Chính phủ hai nước đã tiến thêm một bước trong việc thống nhất cơ chế chung về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật. Điều II của Cơ chế này quy định rõ: “Cơ chế chung hợp tác Việt Nam - Lào được kết hợp chặt chẽ tính đặc thù của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào với thông lệ quốc tế: tự nguyện, bình đẳng; hai bên cùng có lợi; có ưu tiên, ưu đãi cho nhau; tôn trọng luật pháp, độc lập chủ quyền của nhau; nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa hai dân tộc và phù hợp với tình hình thực tế của việc phát triển kinh tế - xã hội của hai nước trong từng thời kỳ” .

 Thực hiện các thoả thuận quan trọng giữa hai Bộ Chính trị (tháng 10 năm 1991, tháng 3 năm 1993, tháng 3 năm 1994, tháng 1 năm 1995) về chủ trương, biện pháp tăng cường quan hệ và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước, mỗi bên đã quán triệt rõ cho các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, tư tưởng chỉ đạo hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước là: “giữ vững và phát huy truyền thống quan hệ đoàn kết giữa hai Đảng và hai dân tộc láng giềng anh em. Phát triển cả chiều rộng và chiều sâu quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm khai thác và phát huy tối đa tiềm năng của mỗi nước, phục vụ có hiệu quả nhất cho công cuộc phát triển, giữ vững an ninh chính trị và an toàn xã hội” .

Trên cơ sở của tư tưởng chỉ đạo nêu trên, ngày 15 tháng 3 năm 1995, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Phân ban Hợp tác Việt Nam - Lào Phan Văn Khải, thay mặt Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Phó Thủ tướng, Chủ tịch Phân ban Hợp tác Lào - Việt Nam Khăm Phủi Kẹobualapha, thay mặt Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào đã ký Thoả thuận chiến lược hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật đến năm 2000. Sau đó, Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giai đoạn 1996 - 2000 giữa hai nước Việt Nam và Lào cũng được ký kết. Ngoài các hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật ký kết hàng năm giữa hai Chính phủ, trong giai đoạn này, Việt Nam - Lào cũng đã ký kết hàng loạt hiệp định và nghị định thư quan trọng nhằm thúc đẩy việc triển khai quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước như: Nghị định thư về hợp tác đào tạo cán bộ Lào tại Việt Nam (ngày 15 tháng 12 năm 1992), Hiệp định kiều dân giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (ngày 3 tháng 4 năm 1993), Hiệp định thanh toán xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào thời kỳ 1993 - 1995 (ngày 7 tháng 1 năm 1993), Quy chế về quản lý khách du lịch qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Huội Ka Ki giữa Tổng cục Du lịch Việt Nam và Cơ quan Du lịch quốc gia Lào (ngày 4 tháng 11 năm 1993), Hiệp định sửa đổi Hiệp định thương mại thời kỳ 1991 - 1995 (ngày 30 tháng 6 năm 1993), Bản thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về việc cử và tiếp nhận chuyên gia Việt Nam đi làm việc tại Lào (ngày 7 tháng 4 năm 1994), Cơ chế chung về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào (ngày 7 tháng 4 năm 1994), Cơ chế thanh toán giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào (ngày 7 tháng 4 năm 1994), Hiệp định về quá cảnh hàng hoá giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào (ngày 23 tháng 4 năm 1994), Thoả thuận chiến lược hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào (ngày 15 tháng 3 năm 1995), Hiệp định về hợp tác lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào (ngày 29 tháng 6 năm 1995), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn thu thuế các loại đánh vào thu nhập giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào (ngày 14 tháng 1 năm 1996), Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào (ngày 14 tháng 1 năm 1996), Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào (ngày 1 tháng 5 năm 1996).

Trong chiến lược phát triển kinh tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn là lĩnh vực kinh tế, xã hội quan trọng được Đảng, Nhà nước hai nước ưu tiên phát triển hàng đầu. Bởi vì nó không chỉ là thế mạnh tiềm năng sẵn có của Việt Nam và Lào, mà còn có ý nghĩa then chốt đối với nền kinh tế của Lào. Lĩnh vực hợp tác này không chỉ góp phần đổi mới nông thôn Lào mà còn gắn liền với chủ trương đảm bảo an ninh lương thực vào năm 2000 của Lào.

Lào có khoảng 4 triệu hécta đất canh tác nông nghiệp, đó chính là thế mạnh kinh tế của Lào. Tuy nhiên, hệ thống thuỷ lợi nhân tạo của Lào kém phát triển nên năng suất cây trồng còn rất thấp. Dựa trên cơ sở các hiệp định đã ký kết giữa hai nước, đáp ứng yêu cầu của Lào, Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp và thuỷ lợi sang giúp Lào nghiên cứu, thu thập tài liệu, khảo sát phân tích đất, thiết kế hệ thống thuỷ lợi, tiến hành lập luận chứng kinh tế, kỹ thuật cho các dự án về nông nghiệp cũng như trực tiếp xuống tận các bản làng để giúp đỡ nông dân Lào canh tác, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng hệ thống thuỷ lợi, phát triển kỹ thuật chăn nuôi theo phương pháp khoa học. Cùng với việc giúp Lào xây dựng các văn phòng điều hành chương trình dự án, tổ chức các vườn cây giống, xây dựng các trạm thú y, các hệ thống thuỷ lợi, tập huấn cán bộ trồng trọt, chăn nuôi..., Việt Nam còn trang bị cho Lào những công cụ, máy móc, áp dụng kỹ thuật trồng lúa bằng nhiều hình thức, phương pháp.

Từ năm 1992 đến 1997, Việt Nam phối hợp giúp Lào xây dựng mô hình thí điểm phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại bốn điểm, tập trung vào bốn khu vực do Nhà nước Lào chọn:

1. Điểm Phôn Sủng, huyện Phôn Hoộng, tỉnh Viêng Chăn (đại diện vùng trung du).

2. Điểm Hạt Siều là điểm Phôn Sủng mở rộng.

3. Điểm Lắc Xao, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bolikhămxay (đại diện vùng núi tập trung bà con Lào Xủng).

4. Điểm huyện Chămpaxắc, tỉnh Chămpaxắc (đại diện vùng đồng bằng) .

Kết quả là mô hình này đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực và được nhân rộng ra toàn quốc, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong các vùng nông thôn của Lào. Có thể thấy, các dự án sản xuất lương thực, những vấn đề an ninh lương thực do Việt Nam giúp Lào được phía Lào đánh giá là có chất lượng và thực tiễn cao, phù hợp với điều kiện tập quán canh tác của Lào. Cụ thể là:

- Về trồng trọt: đã gieo trồng thí điểm hàng chục loại giống lúa mới như: Chăm con, N28, N119, C70, DT11... là những giống lúa chịu hạn tốt, có năng suất 5-8 tấn/ha, cũng như một số giống lúa Nhật (IPS, IPS2), ngô, cây ăn quả và cây lâm nghiệp khác. Đã hướng dẫn kỹ thuật thâm canh và lựa chọn thời vụ thích hợp cho cả giống lúa nước, lúa cạn, bước đầu được nhân dân địa phương học tập và ứng dụng. Đồng thời đã xây dựng một số hệ thống thuỷ lợi nhỏ để đủ nước canh tác cho vùng đất thí điểm.

- Về vật nuôi: những giống mới như gà Tam Hoàng, vịt siêu trứng Khakicampel, ngan Việt Nam, ngỗng Rheinland, lợn lai, dê... đã được nuôi thí điểm ở một số hộ nông dân và từng bước được nhân ra diện rộng. Một số nơi thí điểm nuôi cá lồng (ở hồ Nặm Suang) đã có kết quả tốt.

- Áp dụng việc dùng nước sạch (giếng khoan) chăm sóc sức khoẻ, phòng bệnh, làm một số đường giao thông nông thôn, sửa sang một số trường học, trạm xá ở những nơi thí điểm.

Qua năm năm (1992 - 1997) phối hợp với phía Lào triển khai các hoạt động dự án nêu trên, đã giới thiệu cho nông dân Lào làm quen và thấy rõ lợi ích của kỹ thuật canh tác, lựa chọn giống thích hợp, sự cần thiết phải đầu tư xây dựng thuỷ lợi, định canh định cư, nhằm phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và khắc phục nạn phá rừng làm nương. Mặt khác, thông qua dự án, các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam đã bồi dưỡng đào tạo cho nhiều người, cả cán bộ quản lý và bà con nông dân Lào, những kiến thức mới về nông nghiệp và phát triển nông thôn. Lăn lộn vào đời sống của bà con nông dân Lào như tinh thần của các chiến sĩ tình nguyện quân năm xưa, cùng với việc truyền đạt tri thức khoa học và chuyển giao công nghệ mới cho Lào, nhiều chuyên gia nông nghiệp Việt Nam đã thực sự trở thành những người con thân thiết của các bản làng Lào, được nhân dân Lào tin yêu, mến phục.

Để tiến hành sản xuất nông nghiệp được thuận lợi, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Lào, trên cơ sở tiến hành điều tra, khảo sát địa chất và địa hình, các chuyên gia Việt Nam đã giúp Lào xây dựng hàng loạt dự án thuỷ điện nhỏ và vừa, trong đó, đáng chú ý là các dự án Nặm Thơn I, Nặm Thơn II, Nặm Soong, Nặm Mang, Huội Kho, hoàn thành công trình thuỷ điện Lắc Xao (Bolikhămxay) với trị giá trên 1 triệu USD.
 
Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng đem lại những hiệu quả thiết thực như tiến hành khảo sát, điều tra, phân bố rừng, phân chia các vùng khai thác, lập các quy hoạch, kế hoạch giao đất, giao rừng, giúp Lào đào tạo cán bộ quản lý, thu thập thống kê số liệu, hợp tác kinh doanh khai thác gỗ, lập mô hình nông lâm kết hợp,... Phía Lào đã cử nhiều đoàn sang Việt Nam học tập và trao đổi kinh nghiệm về phát triển nông - lâm nghiệp, trồng rừng qua dự án PAM. Nhìn chung, các hình thức hợp tác đó đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai phía.

 Những thành tựu đạt được thông qua các dự án hợp tác giữa hai nước được phía Lào đánh giá cao, vì nó đã phát huy được tác dụng, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển, tạo ra sự ổn định và cải thiện một bước đời sống của người nông dân, giảm bớt tình trạng du canh, du cư của Lào, hạn chế được nạn phá rừng, đặc biệt tác động tích cực đến nếp nghĩ và tập quán của nhiều bộ tộc Lào. Các dự án hợp tác nông nghiệp cũng góp phần giúp cho các cơ quan quản lý và một số địa phương hoạch định chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp của mình. Kết quả chung lớn nhất là ngay từ năm 1999, Lào đã thực hiện được mục tiêu tự túc lương thực và có một phần lương thực dự trữ.

Trong chiến lược hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào, lĩnh vực hợp tác về giao thông vận tải giữa hai nước chiếm vị trí quan trọng, được Đảng và Nhà nước hai nước xếp vào hàng ưu tiên thứ hai, góp phần giúp Lào thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và củng cố mối quan hệ giữa hai nước. Việc hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải ngày càng được tăng cường và mở rộng, đã tạo điều kiện thuận lợi giúp Lào vận chuyển hàng hoá quá cảnh thông thương ra các cảng biển Việt Nam. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển xăng dầu cấp bách của Lào, ngày 25 tháng 9 năm 1989, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã ký Hiệp định về việc nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào xây dựng và sử dụng hệ thống đường ống dẫn dầu của Lào tại Việt Nam (tại một vùng biển, vùng đất thuộc khu vực Cửa Lò, tỉnh Nghệ Tĩnh, nay là tỉnh Nghệ An). Các tuyến đường ngang trên lãnh thổ Việt Nam phục vụ cho quan hệ hợp tác giữa hai nước bao gồm:

- Đường 8A dài 85,3 km được nâng cấp sửa chữa, rải nhựa toàn tuyến hoàn thành vào cuối quý IV năm 1995, tổng vốn đầu tư là 170 tỷ đồng. Nâng cấp các đoạn đường: Gia Lách - Xuân Hải, Quán Bánh - Cửa Lò và cùng với các kho bãi tại cảng Cửa Lò, Xuân Hải được xây dựng và hoàn thiện đã tạo điều kiện giúp Lào xuất khẩu gỗ và hàng hoá, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung Lào và miền núi của tỉnh Hà Tĩnh (Việt Nam).

- Một số tuyến đường khác thuộc hành lang vận tải Đông - Tây (18B, 9, 217, 42) nối với các cảng miền Trung của Việt Nam (Cửa Lò, Xuân Hải, Cửa Việt, Đà Nẵng, Quy Nhơn...) cũng được phía Việt Nam lập đề cương nghiên cứu khả thi và dự kiến khảo sát vào mùa khô 1994 - 1995 cũng như nâng cấp, bảo dưỡng nhằm giúp Lào phát triển kinh tế các vùng Trung và Nam Lào, giúp cho việc thông thương giữa các vùng này với tiểu vùng sông Mê Công ngày càng thuận lợi hơn.

Năm 1992, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 kết hợp với Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 thành lập Tổng công ty liên doanh Xây dựng công trình giao thông 18 (CIE18) đã tham gia đấu thầu và thắng thầu quốc tế xây dựng đường 13 khu vực Bắc Lào trước 29 hãng thầu quốc tế. Tuyến đường này dài 162 km đường bộ với 12 cây cầu, được thi công dưới sự giám sát của tư vấn quốc tế với giá trị 25,5 triệu USD, hoàn thành vào tháng 5 năm 1996. Sau khi đường 13 được đưa vào sử dụng, mức độ hoạt động của tàn quân phỉ ở Lào giảm đi khá nhiều, đời sống kinh tế và dân trí của cư dân sống hai bên đường tăng lên rõ rệt. Một số dự án giao thông khác trên đất Lào cũng đang được xúc tiến tốt và đem lại lợi ích cho cả hai phía như: sân bay Lắc Xao, đường Tây Trang - Mương Khỏa, đường 8A (phía Lào).
 
Lào có chung đường biên giới tiếp giáp với 10 tỉnh của Việt Nam từ Lai Châu đến Kon Tum (Tây Nguyên). Trên biên giới hai nước, đến đầu những năm 1990, đã mở 15 cửa khẩu trong đó mới có hai cửa khẩu quốc tế là cửa khẩu Lao Bảo - Đen Xávẳn và cửa khẩu Cầu Treo - Nặm Phao. Trong số 13 cửa khẩu còn lại, gồm có: 7 cửa chính, 6 cửa phụ và 27 đường mòn qua lại giữa các tỉnh, huyện, xã.

Trong giai đoạn 1986 - 1996, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều có xu hướng tăng, bình quân đạt khoảng 70 triệu USD/năm (không kể lượng xe máy Việt Nam mua của Lào). Trong đó 3/4 là số lượng hàng hoá của Việt Nam sang Lào. Các mặt hàng của Việt Nam trên thị trường Lào là sắt thép xây dựng, đá ốp lát, hàng tiêu dùng may mặc, đồ nhựa, gốm sứ mỹ nghệ. Hàng hoá Lào bán sang Việt Nam là thạch cao, song mây... và một số hàng tái xuất sang Việt Nam như: quạt điện, hàng điện tử...

Đến năm 1987, hàng xuất của Lào sang Việt Nam đạt khoảng 2,9 triệu rúp. Nguyên nhân của tình trạng này là do phía Lào thay đổi cơ chế ngoại thương. Chính phủ Lào cho phép các ngành, xí nghiệp các địa phương được quyền hạch toán, được trực tiếp kinh doanh xuất, nhập khẩu, trung ương không bù lỗ, nên không tập trung được hàng để làm nghĩa vụ. Vào thời điểm này, Thái Lan bỏ cấm vận, Trung Quốc mở cửa biên giới Lào - Trung nên hàng hoá của Thái Lan tràn ngập lãnh thổ Lào và tại các tỉnh giáp với biên giới Trung Quốc, hàng Trung Quốc cũng bắt đầu chiếm lĩnh thị trường Lào.

Bước vào thập niên 1990, quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Lào đã diễn ra trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động phức tạp. Sự kiện các nước Đông Âu sụp đổ (năm 1990) và Liên Xô tan rã (năm 1991) đã gây ra những ảnh hưởng khá lớn tới nền kinh tế Việt Nam và Lào. Trước tình hình đó, tháng 2 năm 1991, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định thương mại thời kỳ 1991 - 1995, đồng thời thoả thuận chấm dứt hình thức ký nghị định thư trao đổi hàng hoá hàng năm, xoá bỏ tình trạng bao cấp của Nhà nước. Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào (1991 - 1995) cho phép mở rộng đối tượng trao đổi hàng hoá hàng năm, không hạn chế tổng kim ngạch trao đổi (gồm 22 mặt hàng xuất khẩu của Lào sang Việt Nam và 39 mặt hàng Việt Nam sang Lào), đồng thời mở rộng danh mục mặt hàng trao đổi (trừ các mặt hàng cấm xuất, nhập khẩu). Cơ chế này đã phù hợp với tình hình mới, thúc đẩy đáng kể kim ngạch trao đổi hàng hoá hai chiều giữa hai nước tăng nhanh: 45 triệu USD năm 1991; 73 triệu USD năm 1992; 56,3 triệu USD năm 1993; 138,2 triệu USD năm 1994; 80 triệu USD năm 1995; 188 triệu USD năm 1996 .

Nói đến hoạt động xuất, nhập khẩu giữa hai nước, ngoài hoạt động xuất, nhập khẩu chính ngạch, không thể không đề cập quan hệ trao đổi giữa các địa phương, trong đó có xuất, nhập khẩu tiểu ngạch. Có thể thấy từ sau giải phóng, trao đổi giữa các địa phương hai nước đã phát triển, nếu không muốn so sánh là còn mạnh hơn cả cấp trung ương giữa hai bên. Nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi của nhân dân trên dọc tuyến biên giới, ngày 1 tháng 3 năm 1990, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và ban hành quy chế về hàng hoá của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam.

So với kim ngạch xuất, nhập khẩu chính ngạch, kim ngạch xuất, nhập khẩu tiểu ngạch tuy không lớn, nhưng đã góp phần giúp cho đời sống nhân dân hai nước, nhất là cư dân trên các vùng biên cải thiện một bước đáng kể. Do mặt hàng trao đổi tiểu ngạch của hai nước phong phú nên phía Lào có thể tiếp tục xuất khẩu sang thị trường Thái Lan và Trung Quốc. Ngược lại, phía Lào có thể tiếp nhận hàng hoá của Thái Lan và Trung Quốc xuất sang Việt Nam gồm các mặt hàng như xe gắn máy CKD, IKD, SKD, quần áo, mỳ chính, v.v.. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tiểu ngạch qua các cửa khẩu biên giới Lào - Việt Nam tăng khá nhanh: 31,94 triệu USD năm 1992; 30,25 triệu USD năm 1993; 37,61 triệu USD năm 1994; 43,54 triệu USD năm 1995; 53,88 triệu USD năm 1996 .

Ngành thương mại hai nước đang chủ trì và xúc tiến nghiên cứu, xây dựng đề án, tiến tới đầu tư xây dựng khu thương mại tự do Lao Bảo - Đen Xávẳn, đã phê duyệt dự án và chuẩn bị xây dựng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - Na Pê, mở cửa khẩu phụ và 11 điểm chợ biên giới để thúc đẩy sản xuất và giao lưu, trao đổi hàng hoá giữa hai nước, đặc biệt là các vùng biên giới Việt Nam - Lào.

Nhìn chung, trong giai đoạn này quan hệ thương mại Việt Nam - Lào nói chung, hoạt động kinh tế biên giới nói riêng, đã có tiến bộ rõ rệt, phản ánh sự nỗ lực của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế và kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển của mỗi nước. Những số liệu trong quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam - Lào cho thấy, tốc độ tăng trưởng không ổn định, có lúc lên xuống thất thường. Cán cân thương mại giữa Lào - Việt Nam phổ biến là xuất siêu. Đáng chú ý là Lào xuất siêu ở phần chính ngạch, nhưng lại nhập siêu ở phần tiểu ngạch. Buôn bán tiểu ngạch tăng sẽ dẫn đến việc thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng nhà nước chiếm tỷ lệ rất thấp.

Hợp tác về đầu tư cũng là một trong những lĩnh vực quan trọng được hai Đảng, hai Nhà nước đặc biệt quan tâm và cùng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Lào đầu tư sang Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào. Quan hệ đầu tư trực tiếp, tuy chưa trở thành lĩnh vực hợp tác lớn, nhưng đã có những ngành và doanh nghiệp có quan hệ hợp tác trực tiếp và đã thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Việt Nam vào năm 1987 và Lào năm 1988 đã công bố Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài. Về pháp lý, hợp tác về đầu tư - liên doanh Việt Nam - Lào được thể hiện rõ trong Điều 7 của Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Lào thời kỳ 1992 - 1995  và trong Điều 4 của Bản thoả thuận chiến lược hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Lào giai đoạn từ nay đến năm 2000, được ký vào ngày 15 tháng 3 năm 1995 tại Hà Nội .

Ngày 14 tháng 1 năm 1996, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Về số dự án, nếu trước năm 1995, Việt Nam chỉ có ba dự án đầu tư vào Lào, thì tính đến ngày 30 tháng 6 năm 1996, Việt Nam đã có 10 dự án với tổng số vốn đăng ký là 2.724.080 USD, đứng thứ 20 trong tổng số 31 nước đầu tư vào Lào.

Trong số các dự án trên, đầu tư trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất chiếm khoảng 60% vốn đăng ký, riêng lĩnh vực xây dựng chiếm gần 50%; dịch vụ các loại chiếm 20%. Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trên lãnh thổ Lào theo các hình thức liên doanh, nhận thầu công trình; tập trung vào các hoạt động thương mại, xây dựng, giao thông, khai thác chế biến lâm sản. Ngoài ra còn rất nhiều doanh nghiệp tư nhân nhỏ và lao động tự do khác hoạt động ở Lào, tập trung chủ yếu là thương mại và xây dựng dân dụng.

Tổng công ty Xuất nhập khẩu với Lào (VILEXIM) trong bốn năm (1992 - 1995) đã thực hiện giá trị xuất nhập khẩu với Lào đạt trên 6 triệu USD. Công ty Quân khu 4, Tổng công ty 11, Tổng công ty 12 và một số đơn vị khác của quân đội đã liên doanh nhận thầu, khai thác vận chuyển gỗ, trồng và chăm sóc rừng, xây dựng sửa chữa đường giao thông, sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng trạm thuỷ điện nhỏ, v.v. tính chung trong bốn năm 1992 - 1995 đã đạt được doanh số là 60.540 triệu đồng.

Hai doanh nghiệp của Bình Định là liên doanh gốm sứ giữa Công ty Phát triển kinh tế thanh niên xung phong Bình Định và Sở Công nghiệp Chămpaxắc sản xuất gốm sứ có tổng vốn 147.328 USD và liên doanh giữa Xí nghiệp Dược phẩm Bình Định với Xí nghiệp Dược phẩm Chămpaxắc sản xuất dược liệu, thuốc chữa bệnh có vốn liên doanh giai đoạn 1 là 306.811 USD. Hai liên doanh này bước đầu đã cho kết quả và hiệu quả: khai thác được nguồn nguyên liệu, dược liệu tại Lào, tiếp cận được thị trường Nam Lào và có khả năng xuất khẩu.

Một số doanh nghiệp khác của Hà Nội, Hải Hưng , Thái Bình, Vĩnh Phú , Nghệ An, Hà Tĩnh... đã làm quen và bước đầu xác định được chỗ đứng của mình trên đất Lào.

Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Lào và ngược lại còn nhiều hạn chế, không ổn định. Các dự án của Việt Nam đầu tư vào Lào thời kỳ này có quy mô nhỏ, số vốn thấp, nhiều ngành chưa được quan tâm đầu tư đúng mức như đầu tư sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị bưu chính viễn thông...

Về phía Lào, đến những năm 1990, Lào có bốn dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn là 11,5 triệu USD. Tuy số dự án của Lào không nhiều, nhưng về vốn đã đứng trên sáu nước (43/57 nước) có dự án đầu tư vào Việt Nam. Dự án liên doanh ba bên giữa Lào với Việt Nam và Thái Lan lắp ráp xe máy đặt tại Hưng Yên từ năm 1995 là một trong số các dự án ba bên có hiệu quả. Còn lại các dự án khác mặc dù đã được cấp phép, nhưng do khâu chuẩn bị còn thiếu đồng bộ nên vẫn chưa triển khai được .

Trong lĩnh vực năng lượng, điểm nổi bật trong giai đoạn này là hai bên đã phối hợp chặt chẽ, khẩn trương thiết kế và thi công một số tuyến đường dây tải điện 35 KV từ Việt Nam qua Lào. Theo đề nghị của Lào, trước mắt cần giải quyết cung cấp điện cho tỉnh Hủa Phăn. Đường dây Mai Châu - Sầm Nưa dài 192 km (hoàn thành vào tháng 5 năm 1995), đường dây Kim Sơn - Lắc Xao dài 30 km, đường dây Khe Sanh - Lao Bảo - Xê Pôn dài 60km trên nguyên tắc phần đường dây trên lãnh thổ nước nào do nước đó bỏ vốn đầu tư. Đồng thời, ngành năng lượng hai nước cũng gặp nhau trao đổi lần đầu về việc Việt Nam mua điện từ các nguồn miền Trung và miền Nam của Lào.

Công tác giáo dục và đào tạo luôn được hai Đảng, hai Nhà nước xác định là một nhiệm vụ quan trọng, là lĩnh vực hợp tác chiến lược và là biểu hiện của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Việt Nam coi việc đào tạo cho Lào một nguồn nhân lực có trình độ là nhu cầu mang tính chiến lược lâu dài, không những của Lào mà còn phục vụ cho quá trình hợp tác của Việt Nam với Lào.

Trong những năm đầu đổi mới (1986 - 1992), phát huy kinh nghiệm truyền thống giữa hai nước về hợp tác giáo dục và đào tạo đi trước một bước, Việt Nam đã đào tạo cho Lào 537 cử nhân của các ngành và 252 lưu học sinh trung học chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cũng từ năm 1986, Việt Nam và Lào thống nhất không gửi lưu học sinh Lào sang Việt Nam đào tạo bậc phổ thông và hạn chế đào tạo bậc trung học chuyên nghiệp, mà yêu cầu Việt Nam tăng cường đào tạo giúp Lào bậc sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ), chú trọng vào các ngành mũi nhọn về kinh tế, khoa học - kỹ thuật. Đồng thời, phía Lào còn yêu cầu Việt Nam cử các chuyên gia sang giúp xây dựng chương trình giảng dạy, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp... Kể từ năm 1992, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã ký kết Hiệp định về đào tạo cán bộ Lào tại Việt Nam và hàng năm hiệp định này đều được bổ sung sửa đổi cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới. Trong thời kỳ 1991 - 1995, hai bên đã thống nhất dành 69% số vốn để đào tạo 1.458 học sinh dài hạn ở các bậc trung học, đại học và trên đại học của Lào học tập tại các trường Việt Nam.

Về kinh phí đầu tư, từ năm 1981 đến 1996, số kinh phí Việt Nam giúp Lào chi cho giáo dục và đào tạo là 224,013 triệu USD (quy theo tỷ giá hàng năm).

Chất lượng đào tạo đầu vào cũng được hai bên quan tâm, thời gian học tiếng Việt dự bị tại Lào đến nay được thay thế bằng học tại Việt Nam ngay từ năm đầu tuyển chọn. Bên cạnh việc đào tạo cán bộ, học sinh Lào tại Việt Nam, hàng năm phía Việt Nam còn cử chuyên gia giáo dục sang Lào giúp biên soạn chương trình giảng dạy, giúp mở những lớp học tại chỗ tại Lào. Đặc biệt, trong giai đoạn này, Việt Nam còn cấp kinh phí giúp Lào xây dựng và hoàn thành bốn trường phổ thông dân tộc nội trú: Uđômxay, Xavẳnnakhệt, Chămpaxắc và Xê Coong. Những trường nội trú này góp phần đáng kể cho các con em dân tộc miền núi của Lào nâng cao trình độ văn hoá và đào tạo cán bộ nguồn, phục vụ kịp thời cho công cuộc xây dựng và phát triển ở bốn tỉnh của Lào nói riêng và nước Lào nói chung. Với những trang thiết bị và phương tiện đầy đủ, thiết kế đảm bảo hài hoà mang tính chất văn hoá, dân tộc, các trường phổ thông nội trú trên được nhân dân Lào ở các địa phương đánh giá cao, đem lại niềm vui lớn cho nhân dân Lào.

Ngoài việc giúp Lào xây dựng bốn trường nội trú trên, Việt Nam còn tiếp tục triển khai giúp Lào xây dựng khu ký túc xá cao tầng khép kín cho lưu học sinh và chuyên gia các nước đến học tập, nghiên cứu và công tác tại Đại học Quốc gia Lào.

Về công tác đào tạo các lưu học sinh Việt Nam tại Lào, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hàng năm phía Lào vẫn nhận từ 10 đến 15 sinh viên Việt Nam sang học tập tại Trường Đại học Quốc gia Lào bằng nguồn kinh phí của Lào. Từ năm 1992 đến nay, đã có khoảng 151 sinh viên Việt Nam học tại Lào . Số sinh viên trên, sau khi ra trường đã phát huy tốt khả năng phục vụ kịp thời cho sự nghiệp hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Hợp tác giáo dục và đào tạo Việt Nam - Lào trong thời kỳ 1986 - 1996 được đánh giá là lĩnh vực hợp tác thành công nhất. Có thể thấy rằng, do có sự quan tâm thường xuyên của hai Đảng, hai Nhà nước, quan hệ hợp tác trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo đã được chú trọng và phát triển cả về quy mô và hình thức. Hai nước thường xuyên phối hợp kịp thời, cùng tháo gỡ những khó khăn, yếu kém và cùng phấn đấu nhằm đạt được những mục tiêu đề ra.

Trong lĩnh vực y tế, ngoài việc giúp đào tạo nâng cao trình độ cán bộ y tế cho Lào, hai bên đã giúp nhau trao đổi kinh nghiệm, thông tin về xây dựng và phát triển ngành y tế mỗi nước, tổ chức mạng lưới y tế từ trung ương đến cơ sở; những biện pháp phòng chống các dịch bệnh: sốt rét, dịch tả, các bệnh nhiễm khuẩn, bướu cổ, tiêm chủng mở rộng, bảo hiểm y tế, hành nghề y dược tư nhân, thu một phần viện phí, hợp tác liên doanh sản xuất và kinh doanh thuốc.

 Viện Hoá học thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia đã phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu cây thuốc của Bộ Y tế Lào trong việc thực hiện đề án “Xây dựng dây chuyền chuyển giao công nghệ chiết xuất artemisinin từ lá cây thanh hao làm thuốc chữa bệnh sốt rét. Tạo vùng trồng, cung cấp kỹ thuật gieo trồng cây thanh hao nhằm đáp ứng nguồn nguyên liệu thanh hao cho dây chuyền chiết xuất artemisinin tại Lào”. Tháng 2 năm 1996, dây chuyền chiết xuất artemisinin tại Lào bằng vốn viện trợ của Việt Nam đã hoàn thành, tuy nhiên chưa đi vào hoạt động do thiếu nguồn nguyên liệu tại chỗ.

Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng Việt Nam và Viện Sốt rét Lào đã trao đổi kinh nghiệm về tổ chức phòng, chữa bệnh sốt rét; đồng thời phía Việt Nam tổ chức cho các cán bộ Lào sang khảo sát thực tế ở Việt Nam và trao tặng thuốc chữa bệnh sốt rét artemisinin cho Lào.

Về hợp tác văn hoá - thông tin, Trung tâm văn hoá - thông tin Việt Nam tại Thủ đô Viêng Chăn đã được khai trương ngày 31 tháng 8 năm 1995 nhân dịp kỷ niệm 50 năm Quốc khánh Việt Nam và có kế hoạch xây dựng lại trong hai năm 1995 - 1996 để trở thành nơi giới thiệu các hoạt động văn hoá dân tộc Việt Nam với nhân dân Lào và khách quốc tế.

Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phối hợp và giúp Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản tài liệu, kinh nghiệm xây dựng viện bảo tàng, sưu tầm hiện vật về kỷ niệm cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản có ở Việt Nam, đào tạo bồi dưỡng cán bộ bảo tàng, phối hợp chuẩn bị giúp xây dựng Viện Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản theo thiết kế của Lào và vốn viện trợ không hoàn lại của Việt Nam. Ngoài ra, ngành thông tin - văn hoá hai bên cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và chuyên gia để hỗ trợ cho việc phát triển của ngành; hàng năm, hai nước vẫn duy trì trao đổi một số đoàn nghệ thuật sang giao lưu, biểu diễn nhằm giới thiệu nền văn hoá của nhau và thắt chặt quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Hàng năm, phía Việt Nam đều đáp ứng yêu cầu của phía Lào về chuyên gia các ngành kinh tế, kỹ thuật, quốc phòng, an ninh. Phía Lào đánh giá cao sự giúp đỡ có hiệu quả của đội ngũ chuyên gia Việt Nam. Chính phủ Lào cũng đã quyết định và thực hiện chế độ tiền lương mới đối với chuyên gia Việt Nam từ cuối tháng 7 năm 1993. Bản thỏa thuận về hợp tác chuyên gia giữa hai bên được ký kết vào tháng 4 năm 1994 tại Viêng Chăn, tạo cơ chế thuận lợi cho việc mở rộng quan hệ hợp tác chuyên gia giữa hai nước. Riêng đối với chuyên gia quân sự, theo sáng kiến chủ động của Bộ Quốc phòng Việt Nam, lương của chuyên gia quân sự không thực hiện theo văn bản thoả thuận trên. Phía Việt Nam đã đáp ứng tích cực việc cử chuyên gia theo yêu cầu của phía Lào, kể cả những trường hợp đột xuất không ghi trong Hiệp định. Phía Lào đánh giá cao về kết quả công tác của chuyên gia Việt Nam, nhất là về việc giúp Lào kinh nghiệm soạn thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 và lĩnh vực tài chính - tiền tệ, đặc biệt bày tỏ sự tin cậy đối với chuyên gia quốc phòng và nội vụ. Tuy vậy, kế hoạch chuyên gia năm 1995 đạt thấp do phía Lào chưa xác định rõ nội dung công việc cho chuyên gia, nhất là các chuyên gia địa phương.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 10 Tháng Giêng, 2022, 04:35:37 pm
d) Hợp tác giữa các tỉnh kết nghĩa

Quan hệ giữa các tỉnh kết nghĩa không chỉ dừng lại ở 10 tỉnh có đường biên giới quốc gia với nhau mà còn mở rộng ra các tỉnh không có chung đường biên giới quốc gia như Thủ đô Hà Nội với Thủ đô Viêng Chăn, thành phố Hồ Chí Minh với Thủ đô Viêng Chăn, hay Chămpaxắc, Hải Dương với tỉnh Viêng Chăn... Thành quả của hợp tác giữa các địa phương kết nghĩa của hai nước trong giai đoạn 1986 - 1996 tuy khiêm tốn nhưng ý nghĩa đạt được thì vô cùng sâu sắc, vượt ra ngoài hiệu quả kinh tế.

Quan hệ hợp tác giữa các tỉnh kết nghĩa không chỉ đơn thuần là mối quan hệ có tính chất địa phương mà là một bộ phận quan trọng, góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Nhìn chung, trong giai đoạn này, quan hệ hợp tác giữa các tỉnh kết nghĩa được mở rộng trên nhiều mặt, đánh dấu sự chuyển biến về chất so với giai đoạn trước: từ viện trợ không hoàn lại sang việc cùng nhau đầu tư xây dựng các công trình và công việc được hạch toán. Vì thế, đã động viên khai thác có hiệu quả trí tuệ của mỗi cán bộ, chuyên gia, người lao động, thúc đẩy sản xuất, khai thác tiềm năng lao động, tiềm lực kinh tế của mỗi bên, thế mạnh và nội lực của mỗi địa phương, hạn chế những lãng phí không cần thiết.

Quan hệ hợp tác giữa các tỉnh kết nghĩa của hai nước thực chất là hợp tác toàn diện. Về chính trị, cùng với hoạt động của các địa phương kết nghĩa khác, tỉnh Điện Biên của Việt Nam và các tỉnh Bắc Lào đã cử nhiều đoàn đại biểu Đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh và các ngành, các cấp... duy trì các hoạt động đối ngoại chính thức hoặc trao đổi kinh nghiệm, thống nhất quan hệ hợp tác, giúp đỡ nhau trên các lĩnh vực. Công tác đối ngoại nhân dân được chú trọng đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, cùng vun đắp xây dựng mối quan hệ đoàn kết đặc biệt có chiều sâu, thêm bền chặt. Hai bên luôn quan tâm và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên được tham gia các hoạt động giao lưu, trao đổi để lớp lớp thế hệ mai sau luôn giữ gìn, bảo vệ, phát triển tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, coi đó là quy luật tồn tại, phát triển của hai nước.

Về quốc phòng, an ninh, cũng như các địa phương có chung đường biên giới quốc gia với nhau, tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào gồm Hủa Phăn, Uđômxay, Bò Kẹo, Luổng Nặm Thà, Luổng Phạbang, Phôngxalỳ, Xaynhabuli thường xuyên trao đổi công tác thông tin, phối hợp xử lý kịp thời những vụ việc phát sinh liên quan đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của mỗi bên. Hai bên duy trì đều đặn giao ban công tác biên giới, tổ chức tuần tra song phương và sửa chữa mốc giới trên tuyến biên giới giáp hai tỉnh Hủa Phăn và Luổng Phạbang. Xây dựng khu vực biên giới ổn định và phát triển bền vững, góp phần xây dựng biên giới hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Nhân dân vùng biên giới tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào ngày càng tăng cường đoàn kết, thực hiện tốt quy chế biên giới, giúp đỡ nhau vượt mọi khó khăn để ổn định và phát triển.

Một nội dung ấn tượng khác trong hoạt động hợp tác giữa các tỉnh kết nghĩa, thắm đượm tình nghĩa Việt - Lào, Lào - Việt là việc quy tập hài cốt quân tình nguyện và các chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào. Trong ba năm (1994 - 1997), được sự giúp đỡ chu đáo của Chính phủ, các cấp chính quyền và nhân dân Lào và sự tổ chức, chỉ đạo chặt chẽ của phía Việt Nam, 5.771 mộ liệt sĩ đã được phát hiện, ngoài 1.499 mộ chỉ còn di vật, đã đưa về nước 4.274 bộ hài cốt. Riêng mùa khô 1996 - 1997, đã phát hiện được 1.860 mộ và đưa về nước 1.407 hài cốt. Theo thoả thuận giữa hai nước tại Biên bản kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ lần thứ 16 tại Viêng Chăn, 1994, nhiệm vụ này theo đó sẽ được kết thúc trong năm 1997, nhưng trên thực tế còn khoảng trên 9.000 ngôi mộ cần xác minh kết luận, nên chương trình này dự kiến còn phải kéo dài hợp tác thực hiện đến những năm về sau.

Về phía Lào, Đảng, chính quyền, quân đội và nhân dân các địa phương Lào đã phối hợp tổ chức trọng thể nhiều đợt lễ tiễn đưa hài cốt liệt sĩ trở về Việt Nam. Cùng nằm trong những hoạt động “Uống nước nhớ nguồn” trên, Lào đã triển khai kế hoạch xây dựng ba tượng đài “Tình đoàn kết chiến đấu Lào - Việt Nam” đầu tiên, đặt tại ba địa điểm là Mương Xài, Cánh đồng Chum (thuộc Bắc Lào) và Áttapư (thuộc Nam Lào) .

 Lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa các địa phương kết nghĩa đã thu được những kết quả sâu rộng và thiết thực. Hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy lợi, qua đó tác động rõ rệt đến quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội của Lào, nhất là các vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng cũ. Việc xây dựng các mô hình điển hình về nông nghiệp, trồng rừng, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc và thủy sản gắn với việc chuyển giao công nghệ đã đem lại những hiệu quả kinh tế thiết thực trong việc cùng nhau xóa nghèo, cải thiện đời sống và phát triển kinh tế. Hoạt động thương mại, đầu tư và du lịch cũng được đẩy mạnh, Lào đã giúp hàng hóa Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Lào, từ đó còn mở rộng sang các thị trường nước thứ ba, trước hết là các nước trong tiểu vùng Mê Công, cũng như giải quyết việc làm cho lao động Việt Nam. Các tỉnh Việt Nam giúp Lào trao đổi và vận chuyển hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là giúp kho bãi và đường ra biển. Các doanh nghiệp địa phương của Việt Nam đã bắt đầu chú ý đầu tư vào các ngành khai khoáng, thủy điện, công nghiệp chế biến gỗ, phân bón, dược phẩm, trồng cao su... kết hợp với việc đào tạo nhân lực cho Lào, theo hướng đáp ứng nhu cầu phát triển nội tại và hội nhập quốc tế của Lào.

Thành lập vào tháng 5 năm 1991, Trung tâm liên doanh Viêng Chăn - Hải Dương có trụ sở chính ở tỉnh Viêng Chăn, một chi nhánh tại Hải Dương và một văn phòng đại diện tại thành phố Vinh (Nghệ An). Trung tâm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nên cán bộ, nhân viên của Trung tâm có 45 người, gồm 15 người Việt Nam và 30 người Lào. Trung tâm đang phấn đấu trở thành đơn vị vững mạnh về uy tín chính trị, giàu về kinh tế, tạo cơ sở niềm tin, giới thiệu cho các doanh nghiệp tại tỉnh Hải Dương các khả năng hợp tác sản xuất kinh doanh trên đất Lào.

Ở Bình - Trị - Thiên, từ Ban Hợp tác kinh tế - văn hóa với Lào và Campuchia và Công ty Hợp tác liên doanh miền núi được thành lập vào ngày 14 tháng 6 năm 1985, sau đổi thành Công ty Hợp tác lâm nghiệp Việt - Lào, các đơn vị này đã chủ động hợp tác với các tỉnh kết nghĩa của Lào là Xavẳnnakhệt, Khăm Muộn. Đáng chú ý là mục tiêu của Công ty được đặt ra rất thực tế: hai bên đều có lợi, hai bên đều mạnh lên. Qua ba năm hoạt động, từ chỗ chưa đầy 10 cán bộ, công nhân viên, Công ty đã có 400 cán bộ, công nhân viên với năm đơn vị trực thuộc.

Quan hệ kết nghĩa giữa các tỉnh còn để lại những dấu ấn hàng ngày trong lòng nhân dân hai nước. Sau cơn bão số 8 năm 1985, Đoàn đại biểu Đảng, chính quyền và đoàn thể tỉnh Khăm Muộn đã đến thăm tỉnh Bình - Trị - Thiên và ủng hộ lương thực, hàng hóa, trị giá 215.700 kíp, tỉnh Xavẳnnakhệt giúp 220 m3 gỗ và 10.000 cây tre . Đó thực sự là món quà sâu nặng nghĩa tình giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh kết nghĩa của Lào đối với Bình - Trị - Thiên.

Năm 1989, biết tình hình cơn bão số 9 đã gây thiệt hại một số nơi thuộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum, Tỉnh ủy và Ủy ban chính quyền Áttapư đã kịp thời gửi tặng nhân dân Gia Lai - Kon Tum 2.000 tấn thóc để cứu trợ cho những vùng bị thiên tai khắc phục hậu quả. Đó là những món quà sâu đậm nghĩa tình, thể hiện truyền thống đoàn kết gắn bó “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” giữa nhân dân hai nước Lào và Việt Nam .

Đặc biệt, các địa phương kết nghĩa đều dành sự quan tâm lớn đến hợp tác giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, cũng như những hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục thể thao.

Quan hệ hợp tác toàn diện và đa dạng giữa nhân dân các tỉnh kết nghĩa thực sự là nét mới của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Đây không phải là mối quan hệ của một nước giàu đối với một nước nghèo, của một nước đã thành công với một nước mới tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mà ngược lại, đây là sự giúp đỡ lẫn nhau, nương tựa vào nhau của hai nước cùng hoàn cảnh vừa ra khỏi chiến tranh với hậu quả nặng nề của sự tàn phá khốc liệt. Đây là sự chia sẻ lẫn nhau những kinh nghiệm trong bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội với nhiều khó khăn, lúng túng. Đây là sự tương trợ lẫn nhau nhằm khắc phục tình trạng thiếu thốn từ cái ăn, cái mặc, đến cả những nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Và đây cũng là sự phối hợp trên mặt trận ngoại giao để cùng vượt qua những thách thức do các mối quan hệ khu vực và quốc tế tạo nên, hình thành môi trường quốc tế thuận lợi để hai nước cùng hỗ trợ nhau hội nhập và phát triển bền vững.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 10 Tháng Giêng, 2022, 04:44:39 pm
4. Tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam giai đoạn đẩy mạnh công cuộc đổi mới (1996 - 2007)

a) Yêu cầu mới của sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam

Từ năm 1996, cả hai nước Việt Nam và Lào đều bước vào thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước bằng việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam và Nghị quyết Đại hội lần thứ VI Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Công cuộc xây dựng đất nước của cả hai nước Việt Nam và Lào trong thời kỳ này diễn ra trong một bối cảnh quốc tế và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp và chứa đựng những yếu tố khó lường.

Đặc điểm nổi bật của cục diện chính trị Đông Nam Á thời kỳ này là sự phát triển tích cực của các nỗ lực hợp tác và liên kết khu vực và bước đầu giành được những kết quả đáng khích lệ. Từ việc thành lập Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN với sự tham gia của các nước ASEAN và các nước hữu quan chủ chốt như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, EU, Ôxtrâylia đến việc xây dựng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) 1 đã mở ra một giai đoạn mới trên lộ trình liên kết kinh tế khu vực.

Ngoài sự hình thành các tam giác tăng trưởng ở khu vực Đông Nam Á, từ năm 1992 tổ chức Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS -  Greater Mekong Subregion) cũng được thành lập gồm sáu nước Campuchia, Lào, Mianma, Thái Lan, Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. GMS rộng 2,6 triệu km2 với gần 300 triệu dân.

Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 2, sáu nước trong GMS đã khởi động chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng để đẩy mạnh quan hệ kinh tế dựa trên nền văn hoá và lịch sử chung. Chương trình bao gồm bảy lĩnh vực ưu tiên: giao thông vận tải, điện lực, viễn thông, môi trường, phát triển nguồn nhân lực, mậu dịch, đầu tư và du lịch.

Chương trình GMS xây dựng chiến lược ba mũi nhọn để đạt được tầm nhìn về một tiểu vùng thịnh vượng, hội nhập và đoàn kết. Nghĩa là: tăng cường tính kết nối, nâng cao tính cạnh tranh và xây dựng tính cộng đồng. Sự xuất hiện của chương trình hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng tạo điều kiện rất thuận lợi cho Việt Nam và Lào mở rộng quan hệ và hợp tác phát triển kinh tế với các quốc gia trong khu vực.
Thuận lợi cơ bản nhất đối với việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào là hai nước có nhiều lợi ích chiến lược và thể chế xã hội tương đồng. Công cuộc xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam và Lào đều đặt dưới sự lãnh đạo của các chính đảng mácxít. Do vậy nhu cầu đoàn kết, phối hợp hành động quốc tế và hợp tác toàn diện trong tình hình mới đòi hỏi cả hai nước cần tăng cường củng cố và phát triển quan hệ với nhau. Quan hệ Việt Nam - Lào thời kỳ này vận động trong điều kiện hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển đang trở thành xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế, là đòi hỏi bức xúc của mọi quốc gia dân tộc. Phát triển kinh tế trở thành ưu tiên hàng đầu của mọi quốc gia và xu hướng bình thường hoá, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế diễn ra phổ biến. Như vậy, tăng cường củng cố và phát triển quan hệ Việt Nam - Lào không chỉ đáp ứng lợi ích của hai nước mà còn phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới và khu vực.

Với hoạt động đối ngoại tích cực và năng động, Việt Nam và Lào đã khai thác được những nhân tố thuận lợi của tình hình chính trị quốc tế, phá thế bao vây cấm vận của các thế lực thù địch, cải thiện và nâng cao vị thế của hai nước trên trường quốc tế. Đặc biệt là từ sau khi hai nước Việt Nam và Lào tham gia vào cộng đồng các quốc gia ASEAN, Việt Nam bình thường hoá quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam và Lào tham gia vào AFTA, GMS... đã tạo lập được một môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung và phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá nói riêng.

Trong bối cảnh chung của khu vực, việc đẩy nhanh quá trình tự do thương mại với AFTA và APEC đã tạo điều kiện thuận lợi nhất định cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và Lào. Một khi AFTA đi vào hoạt động, sự phân công lao động quốc tế trong nội bộ các nước ASEAN sẽ được đẩy mạnh. Theo đó, Việt Nam và Lào sẽ tập trung sản xuất và xuất khẩu một số mặt hàng có thế mạnh, vì vậy hai nước có khả năng thu hút được nguồn vốn đầu tư từ nhiều nước vào các ngành, các lĩnh vực mà hai nước có lợi thế so sánh so với các nước ASEAN khác. Mặt khác, sự tăng cường quan hệ Việt Nam - Lào góp phần củng cố và đẩy nhanh xu thế hợp tác khu vực, đóng góp vào sự ổn định khu vực, nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.

Cùng với những tác động tích cực, các biến động của tình hình thế giới thời kỳ này cũng có những ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội và quan hệ Việt Nam - Lào. Tuy nhiên, nhân tố tác động có ý nghĩa quyết định đến quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào là tình hữu nghị truyền thống, mối quan hệ đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã trải qua thử thách và đang giành được những thắng lợi to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước.

Tại Việt Nam, sau 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, nhất là sau năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 6 năm 1996) khẳng định, Việt Nam đã chuyển sang thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Mục tiêu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá là xây dựng Việt Nam thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Đại hội chủ trương kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm; đồng thời từng bước đổi mới chính trị. Xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước, vì hoà bình, độc lập và phát triển, tạo môi trường quốc tế thuận lợi. Mở rộng quan hệ quốc tế trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ, bình đẳng và cùng có lợi, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thực hiện đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại. Coi trọng và tiếp tục phát huy những quan hệ truyền thống. Tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong tổ chức ASEAN...

Tuy nhiên, là một nước đang phát triển, Việt Nam cũng đứng trước hàng loạt những khó khăn thách thức, đó là phải đối diện với bốn nguy cơ, trong đó nguy cơ lớn nhất là thách thức của sự tụt hậu về trình độ phát triển. Trong điều kiện cơ sở vật chất, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, năng lực khoa học - công nghệ còn thấp, trình độ quản lý còn yếu kém, sự hiểu biết và kinh nghiệm hợp tác với nước ngoài còn ít, những thách thức về cạnh tranh trong kinh tế thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam phải đối diện ngày càng khốc liệt.

Là một nước kiên trì mục tiêu xã hội chủ nghĩa, Việt Nam tiếp tục là mục tiêu chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch bằng “diễn biến hoà bình” với những âm mưu ngày càng nham hiểm và xảo quyệt.

Vì vậy, muốn đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII, toàn Đảng, toàn dân Việt Nam phải vượt qua khó khăn, phát huy nội lực, từng bước nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đó có sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Tại Lào, đến năm 1996, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã thu được nhiều kết quả mới, đất nước có chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Điểm nổi bật là việc ban hành Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ năm 1993 đến 2000. Hệ thống chính trị dân chủ nhân dân được củng cố, ổn định vững chắc, trật tự trị an xã hội về cơ bản được giữ vững; kinh tế - xã hội phát triển rõ rệt, kinh tế quốc dân liên tục phát triển với tốc độ khá cao (bình quân 6,4%/năm). Chủ trương chuyển nền kinh tế tự nhiên sang nền kinh tế hàng hóa, lấy hộ gia đình làm xuất phát điểm và là đơn vị chủ yếu được thực hiện nghiêm túc và bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt. Bước đầu đã có những yếu tố phát triển công nghiệp năng lượng, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. “Đạt được những thành quả đó là do Lào đã xây dựng được kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội dài hạn và ngắn hạn, tích cực điều chỉnh cơ cấu và chính sách phù hợp với kinh tế thị trường. Quan hệ quốc tế được mở rộng nhiều mặt với mức độ khác nhau, uy tín và địa vị của Lào trong khu vực và trên trường quốc tế ngày càng được đề cao. Chúng ta vui mừng thấy rằng mối quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam không ngừng được tăng cường theo hướng thiết thực và hiệu quả, phù hợp với công cuộc đổi mới của mỗi nước và đặc điểm của tình hình quốc tế” .

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội cũng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là an ninh chính trị và an toàn xã hội. Các thế lực thù địch tiếp tục thông qua viện trợ, hợp tác, tổ chức tôn giáo và các lực lượng lưu vong... tranh thủ lôi kéo cán bộ, sinh viên nhằm làm chuyển hướng đi của cách mạng Lào. Các lực lượng phản động người Lào đẩy mạnh hoạt động tình báo, cho lực lượng xâm nhập nội địa Lào dưới nhiều hình thức để nắm tình hình, hoạt động gây rối, nhất là trong thời gian diễn ra Đại hội VI Đảng Nhân dân cách mạng Lào.

Đặc biệt, từ năm 1997, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ trong khu vực, tình hình kinh tế Lào đã có diễn biến không lành mạnh. Tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng chậm lại và giảm dần (năm 1998 chỉ tăng 5,6%). Đáng chú ý là xuất khẩu, đầu tư trực tiếp và vay nợ, viện trợ nước ngoài giảm mạnh. Cán cân thanh toán quốc tế bội chi lớn và tỷ giá hối đoái biến động không bình thường (ba năm tăng 10 lần).

Ngân sách bội chi tới 11 - 12% so với GDP, đặc biệt lạm phát phi mã đã có xu hướng tăng cao, không kiềm chế được đã làm cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ nặng, các nhà đầu tư nản lòng. Tình trạng mua vét ngoại tệ để thanh toán khá phổ biến, ngoại tệ chảy ra bên ngoài ngày càng nhiều. Các công trình đầu tư kém hiệu quả, người hưởng lương gặp khó khăn. Ngân hàng thương mại thiếu tiền mặt, dư nợ quá hạn cao đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ .
 
Trong bối cảnh đó, tháng 3 năm 1996, Đảng Nhân dân cách mạng Lào tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Đại hội khẳng định nhân dân các bộ tộc Lào có đầy đủ khả năng xây dựng đất nước phồn vinh, tiến bộ; đồng thời xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa đất nước Lào thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Đại hội cũng xác định mục tiêu của năm năm trước mắt (1996 - 2000): phấn đấu đưa nền kinh tế phát triển liên tục ở mức độ cao (8 - 8,5%/năm). Phát triển nông thôn toàn diện, xây dựng một số công trình cơ bản làm tiền đề cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Về công tác đối ngoại, Đảng và Nhà nước Lào tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá, tăng cường quan hệ ngoại giao hoà bình, hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị, bình đẳng, hai bên cùng có lợi, góp phần cùng các dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong giai đoạn này, Đảng Nhân dân cách mạng Lào chủ trương đổi mới chính sách đối ngoại nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Việt Nam và Campuchia, phối hợp với nhau để cải tiến hình thức và phương thức hợp tác cho ngày càng phù hợp và có hiệu quả hơn, vì lợi ích chung cũng như lợi ích của mỗi bên cả trước mắt và lâu dài.

Đảng và Nhà nước Lào cũng chủ trương làm hết sức mình để vun đắp mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc và các nước anh em trên thế giới. Tiếp tục thực hiện chính sách cũng tồn tại hoà bình trên tình nghĩa láng giềng trước sau như một với Vương quốc Thái Lan và các nước trong khu vực.

Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, khoá VI (tháng 9 năm 1996) đã làm rõ thêm về chính sách đối ngoại. Nâng cao ý thức độc lập, tự chủ và tự hào dân tộc hơn nữa để chủ động trong quan hệ hợp tác và tranh thủ viện trợ của nước ngoài trên cơ sở vững vàng trong chiến lược, mềm dẻo linh hoạt trong sách lược, thực hiện phương châm tăng bạn bớt thù, mở rộng quan hệ hợp tác với bên ngoài theo hướng quan hệ đa phương, nhiều mức độ nhưng có trọng tâm, có quan điểm bạn, thù rõ ràng, kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động đối ngoại chính trị, ngoại giao với kinh tế nhằm tạo ra môi trường thuận lợi và thời cơ cho công cuộc phát triển đất nước.

Với chính sách đối ngoại rộng mở như vậy, đến đầu năm 1996, Lào đã có quan hệ với gần 100 nước, có hơn 30 nước đầu tư trực tiếp vào Lào, trong đó đáng chú ý là Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Malaixia.

Mặc dù vậy, quan hệ với Việt Nam vẫn được Đảng và Nhà nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào xác định là mối quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển và thắng lợi của cách mạng mỗi nước. Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu phát triển của mỗi nước thì hợp tác về kinh tế và văn hoá vẫn là khâu yếu nhất, cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ và chưa hợp lý, do vậy việc mở rộng đầu tư trực tiếp, liên doanh tại Lào còn chậm và hiệu quả thấp. Vì vậy, trong bối cảnh mới càng đòi hỏi hai bên nêu cao tinh thần độc lập tự chủ và phát huy nội lực của mỗi nước, tăng cường hơn nữa sự hợp tác toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn.




-------------------------------------------------------------------
1. AFTA (ASEAN Free Trade Area) là Hiệp định thương mại tự do đa phương giữa các nước trong khối ASEAN. Theo đó sẽ thực hiện tiến trình giảm dần thuế quan xuống 0 - 5%, loại bỏ dần các hàng rào phi thuế quan đối với đa phần các nhóm hàng và hài hoà hoá các thủ tục hải quan giữa các nước.

Mục đích cơ bản của AFTA là Hiệp định thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT - Common Effective Preferential Tariff). Việt Nam tham gia AFTA từ năm 1996.

2. Năm 1992, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã viện trợ cho chương trình 280 triệu USD dành cho các dự án được ưu tiên và viện trợ kỹ thuật cho công tác nghiên cứu và các chương trình dự án thúc đẩy việc phát triển về tư vấn dự án.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 10 Tháng Giêng, 2022, 04:52:35 pm
b) Hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam giai đoạn 1996 - 2007

* Hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam  trong lĩnh vực chính trị, đối ngoại

Quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong lĩnh vực chính trị ngày càng được tăng cường. Từ năm 1988, cuộc gặp hàng năm giữa hai Bộ Chính trị đã trở thành một cơ chế hoạt động chính thức giữa hai Đảng và hai Nhà nước. Biên bản thoả thuận giữa hai Bộ Chính trị là văn kiện quan trọng quyết định những phương hướng lớn của quan hệ và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong từng thời kỳ và hàng năm.

Mở đầu cho thời kỳ 1996 - 2007 là cuộc gặp cấp cao giữa hai Đảng vào tháng 1 năm 1996 tại Viêng Chăn. Hai bên đã thống nhất những định hướng lớn cho sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào giai đoạn 1996 - 2000. Trên cơ sở đó, ngày 14 tháng 1 năm 1996, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Lào giai đoạn 1996 - 2000 và kế hoạch hợp tác năm 1996. Hai bên cũng đã ký Hiệp định bảo hộ đầu tư và tránh đánh thuế hai lần; Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa hai Chính phủ. Đầu tháng 1 năm 1997, đoàn cán bộ cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã tiến hành hội đàm, trao đổi và nhất trí cao nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa hai Đảng và hai nước. Hai bên đánh giá cao kết quả hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trong năm 1996; đồng thời cũng xác định những mặt yếu kém và các nguyên nhân của nó.

Trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, hai bên đã thống nhất phương hướng hợp tác trong năm 1997 với những nội dung cơ bản sau:

Tăng cường hợp tác về chính trị, duy trì cuộc gặp hàng năm giữa hai Bộ Chính trị, tăng cường hợp tác giữa hai Ban Đối ngoại, hai Bộ Ngoại giao, nhất là khi hai nước cùng tham gia ASEAN và AFTA; tăng cường phối hợp chống vận chuyển ma tuý qua biên giới; tăng cường hợp tác giữa các tỉnh có chung biên giới, cho phép mở chợ đường biên, khuyến khích trao đổi hàng hoá, giao lưu buôn bán, hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng; hai bên thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật theo hướng lựa chọn các công trình, dự án phù hợp với khả năng và điều kiện của mỗi nước.

Về đầu tư, hai Bộ Chính trị nhất trí yêu cầu hai Chính phủ cần có một số giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy đầu tư của Việt Nam vào Lào bằng các hình thức: hai nước liên doanh cùng góp vốn; Việt Nam đầu tư 100% vốn; Việt Nam đấu thầu xây dựng kết cấu hạ tầng bằng vốn của Lào hoặc vốn của nước thứ ba. Coi đây là vấn đề trọng điểm của hợp tác Việt Nam - Lào trong năm 1997 và những năm tiếp theo .

Bộ Chính trị hai Đảng cũng nhất trí giao cho Chính phủ và Uỷ ban Hợp tác hai nước phối hợp nghiên cứu và sớm ban hành các cơ chế, chính sách về: vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế, hỗ trợ chi phí nghiên cứu cho một số dự án... nhằm tạo môi trường pháp lý và động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.

Phía Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho Lào sử dụng các tuyến đường ra biển và cảng biển của Việt Nam. Hai bên sẽ nghiên cứu xây dựng tuyến đường ra cảng Vũng Áng và đường ống dẫn dầu thuận lợi nhất.

Việt Nam tiếp tục giúp Lào đào tạo và bồi dưỡng cán bộ theo khả năng của mình. Ngoài việc đào tạo cán bộ có trình độ đại học và trên đại học ở các trường đại học Việt Nam, Việt Nam sẽ giúp Lào bồi dưỡng ngắn hạn nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ chính trị, cán bộ quản lý kinh tế, cán bộ đoàn thể ở Việt Nam hoặc ở Lào. Đào tạo có hệ thống để hình thành khung cán bộ đồng bộ cho các ngành của Lào. Việt Nam sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Lào về chuyên gia, tiếp tục khuyến khích hợp tác giữa hai bên về lao động.

Hai Bộ Chính trị cũng đã thống nhất chủ trương tăng cường bộ phận thường trực Phân ban Hợp tác Việt Nam - Lào.

Trong năm 1997, nhiều đoàn cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và các ban, ngành trung ương và địa phương hai nước đã thăm viếng, trao đổi, giới thiệu những kinh nghiệm quý báu của mỗi bên trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước, tạo bầu không khí hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, mở ra nhiều hướng hợp tác mới với nội dung phong phú, giúp nhau giải quyết những vấn đề thiết thực trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Tháng 6 năm 1997, đồng chí Nủhắc Phumxavẳn, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào thăm Việt Nam; tháng 8 năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm chính thức nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào...

Năm 1997, Việt Nam và Lào đã long trọng kỷ niệm hai sự kiện lớn có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, đó là: 20 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào và 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Mặc dù bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế - tài chính và thiên tai, nhưng sự nghiệp đổi mới đất nước của Việt Nam và Lào tiếp tục giành được những thành tựu quan trọng. Quan hệ Việt Nam - Lào có bước phát triển mới, thoả thuận của hai Bộ Chính trị (tại Viêng Chăn, tháng 3 năm 1998) được tích cực triển khai và kết quả tốt hơn các năm trước trên tất cả các lĩnh vực.

Tháng 1 năm 1999, hai Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào hội đàm tại Hà Nội. Hai bên thống nhất: “Trong bối cảnh mới của tình hình quốc tế, quan hệ Việt Nam - Lào tiếp tục phát triển trên cơ sở nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ và phát huy cao nhất nội lực của mỗi nước, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, kết hợp thỏa đáng tính chất quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào với thông lệ quốc tế, ưu tiên ưu đãi hợp lý cho nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước khắc phục hậu quả của khủng hoảng kinh tế - tài chính, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, từng bước hội nhập khu vực và quốc tế” .

Hai bên chủ trương tăng cường quan hệ hợp tác về chính trị, duy trì cuộc gặp hàng năm giữa hai Bộ Chính trị; tăng cường hợp tác giữa hai Ban Đối ngoại, Bộ Ngoại giao phối hợp hành động trong quan hệ với ASEAN, AFTA (Khu vực mậu dịch tự do ASEAN), ARF (Diễn đàn khu vực ASEAN).

Hai bên thống nhất khẩn trương xây dựng định hướng chiến lược hợp tác đến năm 2020 và chương trình hợp tác từ năm 2001 đến 2010. Tiếp tục hợp tác toàn diện, tập trung ưu tiên cho các lĩnh vực quan trọng, có hiệu quả cao, trước hết tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ lợi để từng bước giúp Lào giải quyết vấn đề an ninh lương thực. Chính phủ hai nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ giữa hai nước, coi đây là trọng điểm hợp tác Việt Nam - Lào trong năm 1999 và những năm tiếp theo.

Tại cuộc gặp giữa hai Bộ Chính trị diễn ra hồi tháng 1 năm 2000 tại Viêng Chăn, hai bên nhất trí đánh giá cao kết quả thực hiện thoả thuận tháng 1 năm 1999. Mặc dù bị tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính châu Á và thiên tai nặng nề, công cuộc đổi mới của cả hai nước vẫn giành được những thành tựu quan trọng, tạo điều kiện cho quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày càng được củng cố và phát triển. Trong năm 1999, các cuộc gặp gỡ truyền thống giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào lên một bước mới.

Về phương hướng hợp tác năm 2000, hai bên khẳng định: “Tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản dày công vun đắp và trải qua thử thách lâu dài 70 năm qua, là tài sản quý báu của hai dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của nhân dân hai nước. Ngày nay, trước thềm của thiên niên kỷ mới, mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt đó lại càng cần phải được củng cố và tăng cường hơn nữa để truyền tiếp cho muôn đời con cháu mai sau” .

Hai bên khẳng định tiếp tục thực hiện có hiệu quả tuyên bố chung Việt Nam - Lào tháng 3 năm 1998, tháng 1 năm 1999 và các thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, trong đó có thoả thuận của hai Phân ban Hợp tác Việt Nam - Lào tại Cửa Lò. Hai bên phối hợp tổng kết bước đầu về quan hệ 70 năm qua, phối hợp tổng kết và biên soạn tài liệu về truyền thống quan hệ Việt Nam - Lào.

Nhìn chung, quan hệ chính trị Việt Nam - Lào trong năm năm (1996 - 2000) đã diễn ra sôi động với nội dung phong phú và quy mô lớn hơn các năm trước. Hai bên đã thoả thuận được những chủ trương, biện pháp tăng cường quan hệ và nâng cao hiệu quả hợp tác; khẳng định và khai thông những vấn đề còn tồn đọng và ký kết được nhiều văn kiện quan trọng qua các cuộc gặp gỡ truyền thống hàng năm giữa hai Bộ Chính trị và các chuyến thăm, làm việc của các đoàn cấp cao Đảng và Nhà nước hai nước. Kết quả này ngày càng khẳng định mối quan hệ đặc biệt, toàn diện có ý nghĩa chiến lược giữa hai nước và củng cố tình đoàn kết, gắn bó, tin tưởng lẫn nhau; mở ra nhiều nội dung phong phú, giải quyết kịp thời được nhiều vấn đề thiết thực, mang lại những hiệu quả cao trong quan hệ hợp tác giữa hai nước và tạo nên bầu không khí hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác đặc biệt giữa hai nước, tạo tiền đề cho phát triển hợp tác giai đoạn sau.

Cuộc gặp giữa hai Bộ Chính trị tháng 2 năm 2001 mở đầu cho thời kỳ mới 2001 - 2005 được tiến hành tại Hà Nội. Hai Bộ Chính trị thống nhất định hướng chiến lược hợp tác thời kỳ 2001 - 2010 và chương trình hợp tác năm năm 2001 - 2005. Hai bên cho rằng: “Dù trong hoàn cảnh nào cũng cần tiếp tục thực hiện những phương hướng và nguyên tắc lớn mà hai Bộ Chính trị đã thoả thuận nhằm củng cố và phát triển sâu rộng hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước”... .

Hai bên chủ trương tiếp tục hoàn thành các dự án đã thoả thuận: dự án bảo đảm an ninh lương thực của Lào; dự án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn quốc Lào đến năm 2020; dự án lập bản đồ biên giới quốc gia Việt Nam - Lào. Tiếp tục mở rộng hợp tác toàn diện, dành ưu tiên, ưu đãi cho nhau; phối hợp, tiến tới hoà mạng trên các lĩnh vực giao thông, điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông và du lịch.
Sử dụng tập trung và có hiệu quả hơn nguồn viện trợ phát triển và hợp tác giữa hai nước; tập trung vào việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và những công trình trọng điểm có ý nghĩa chiến lược đối với nền kinh tế của Lào và những công trình thể hiện quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào. Hai bên tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách, đẩy mạnh đầu tư liên doanh sản xuất phù hợp với điều kiện, khả năng, thế mạnh của mỗi nước. Trước mắt tập trung vào những sản phẩm có thị trường tiêu thụ và sử dụng nguyên liệu tại chỗ; mở rộng hoạt động thương mại trên cơ sở đã được hai bên thỏa thuận trong hiệp định thương mại.

Thời kỳ 2001 - 2005 và đến 2007, những cuộc gặp cấp cao giữa hai Đảng (Bộ Chính trị) được duy trì thường xuyên vào đầu năm, tiếp sau đó là các cuộc gặp của các đoàn Nhà nước và các bộ, ban, ngành và các địa phương, đơn vị hai bên Việt - Lào. Trung bình mỗi năm có khoảng hơn 200 đoàn ở tất cả các cấp của hai bên qua lại trao đổi, thăm viếng lẫn nhau, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, góp phần củng cố khối đoàn kết, hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc.

Đặc biệt là trong cuộc thăm chính thức Lào của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh tháng 7 năm 2001, hai bên đã ra Tuyên bố chung - một văn kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - Lào khi bước vào thế kỷ XXI. Trong lần viếng thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Bun Nhăng Volachít, tháng 7 năm 2001, hai bên đã ký Hiệp định tín dụng xây dựng đường 18B và Thỏa thuận về quy chế sử dụng cảng Vũng Áng. Trong chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch nước Khăm Tày Xiphănđon, tháng 5 năm 2002, hai bên ký nhiều thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, giáo dục và đào tạo trên cơ sở định hướng chiến lược hợp tác giữa Việt Nam và Lào giai đoạn 2001 - 2010.

Từ thực tế của sự phát triển kinh tế - xã hội mỗi nước với những tác động của bối cảnh khu vực và quốc tế, tại cuộc hội đàm tháng 1 năm 2006, hai Bộ Chính trị đã thống nhất định hướng chương trình, kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2006 - 2010. Tư tưởng chỉ đạo trong chương trình hợp tác giai đoạn 2006 - 2010 là: tiếp tục phát huy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, có hiệu quả trong mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Kết hợp chặt chẽ giữa hợp tác kinh tế với chính trị, an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Lấy mục tiêu chính trị làm cơ sở để xem xét hiệu quả của các hoạt động hợp tác kinh tế, trên cơ sở phát huy và duy trì các kết quả hợp tác đã đạt được; sử dụng tốt tiềm năng, thế mạnh và bảo đảm sự phát triển bền vững môi trường sinh thái của mỗi nước; nâng cao hiệu quả và tăng cường ảnh hưởng thông qua hợp tác kinh tế; đồng thời có cơ chế hỗ trợ thông thoáng, tạo sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư, thương mại trên thị trường hai bên.

Thông qua các cuộc thăm chính thức của lãnh đạo cấp cao hai nước, nhiều vấn đề cụ thể của chiến lược hợp tác 2001 - 2010 và kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2006 - 2010 đã được thống nhất. Đó là: chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Chummaly Xaynhaxỏn, tháng 10 năm 2006; chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh, tháng 10 năm 2006; chuyến thăm chính thức Lào của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tháng 12 năm 2006; các chuyến viếng thăm chính thức Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 2 năm 2007) và của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (tháng 6 năm 2007).

Trong các cuộc viếng thăm của các đoàn cấp cao, hai bên đã tiến hành trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong nhiều lĩnh vực về lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, về quản lý nhà nước, xây dựng đảng, về các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực là rất cần thiết và đem lại hiệu quả thiết thực cho cả hai bên, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển của cả hai dân tộc.

Hai bên nhất trí phối hợp nghiên cứu, biên soạn công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam giai đoạn 1930 - 2007 nhằm tổng kết quá trình liên minh chiến đấu và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, đúc kết những bài học kinh nghiệm, phục vụ cho việc tiếp tục xây dựng và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào lên một tầm cao mới.

Lĩnh vực hợp tác về đối ngoại từ sau năm 1996 tiếp tục được tăng cường cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đem lại nhiều kết quả khả quan. Trong bối cảnh quốc tế mới, Việt Nam và Lào đẩy mạnh triển khai đường lối độc lập tự chủ, chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Trong chính sách đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại Việt Nam và Lào đều tiếp tục hết sức coi trọng quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, cam kết quyết tâm giữ gìn và không ngừng phát triển truyền thống quý báu đó như một quy luật phát triển và là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước . Hợp tác trong lĩnh vực đối ngoại được thể hiện trên phạm vi quốc gia và giữa hai Ban Đối ngoại, hai Bộ Ngoại giao, ngoài ra còn có quan hệ giữa các địa phương, trong đó các tổ chức chính trị, xã hội giữ một vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường các mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Hợp tác đối ngoại Việt Nam - Lào giai đoạn 1996 - 2007 bao gồm những nội dung sau:

Trao đổi thông tin được tiến hành thường xuyên, đặc biệt là trong các cuộc gặp gỡ, nhất là các cuộc gặp cấp cao giữa hai Đảng và hai Nhà nước và các cuộc gặp của hai Ban Đối ngoại, hai Bộ Ngoại giao. Trong các cuộc gặp gỡ, hai bên thông báo cho nhau về tình hình nước mình, về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên đều quan tâm; trao đổi ý kiến, quan điểm về các vấn đề bức xúc như: khủng hoảng kinh tế - tài chính 1997 - 1999, tình hình Trung Đông, tình hình Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt là từ khi hai bên quyết định thực hiện trao đổi thông tin (Tuyên bố chung Việt Nam - Lào trong chuyến thăm chính thức Lào, tháng 7 năm 2001 của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh) và kênh giao lưu giữa hai Bộ Ngoại giao được thiết lập (năm 2003) thì việc trao đổi thông tin giữa hai bên ngày càng được tăng cường và có hiệu quả.

Phối hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực: Việt Nam và Lào đều là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt là từ sau khi Việt Nam và Lào tham gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Việt Nam năm 1995 và Lào năm 1997) 1.

Nội dung hợp tác cụ thể giữa Việt Nam và Lào trong các tổ chức và diễn đàn bao gồm: trao đổi thông tin, trao đổi đánh giá tình hình về các vấn đề liên quan; phối hợp lập trường, quan điểm, đặc biệt là những vấn đề có tính nguyên tắc và nhạy cảm như Hiệp ước chống khủng bố, cải tổ Liên hợp quốc, tình hình bán đảo Triều Tiên, các nguyên tắc của ASEAN, vấn đề dân chủ, nhân quyền, sử dụng nguồn nước sông Mê Công, vận chuyển hàng hoá và người qua biên giới; trao đổi kinh nghiệm về tổ chức hội nghị quốc tế, vận động ODA; ủng hộ Lào trong việc xây dựng dự án và vận động tài trợ trong hợp tác tiểu vùng...

Hợp tác giữa hai Ban Đối ngoại, hai Bộ Ngoại giao: trong thời kỳ 1996 - 2007, hợp tác giữa hai Ban Đối ngoại, hai Bộ Ngoại giao ngày càng được tăng cường với những nội dung và hình thức mới. Đó là các hiệp định hợp tác dài hạn, tổ chức giao lưu luân phiên giữa hai Ban Đối ngoại và hai Bộ Ngoại giao, các thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị thuộc Ban Đối ngoại và Bộ Ngoại giao hai nước. Hai bên giúp đỡ nhau tổ chức thành công nhiều hội nghị và diễn đàn lớn trong khu vực như: hỗ trợ Lào tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10 tại Viêng Chăn (năm 2004), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (năm 2005) tại Viêng Chăn.

Hai bên phối hợp trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại. Việc Việt Nam giúp Lào đào tạo cán bộ đối ngoại đã được tiến hành từ lâu. Đặc biệt từ năm 1997 đến nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Quan hệ quốc tế của Việt Nam đã mở nhiều lớp đào tạo cán bộ cho Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bộ Ngoại giao Lào. Từ năm 1997 đến 2007, Học viện Quan hệ quốc tế Việt Nam đào tạo cho Lào 169 cán bộ bậc đại học, tám học viên cao học chuyên ngành ngoại giao.

Trong quan hệ đối ngoại Việt Nam - Lào, việc hợp tác đối ngoại nhân dân giữa hai bên cũng được đặc biệt chú trọng và có những bước phát triển mới, góp phần quan trọng vào việc củng cố và phát triển mối quan hệ đặc biệt, thủy chung, trong sáng Việt Nam - Lào. Trong kết quả chung đó phải kể đến sự đóng góp to lớn của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào, Hội Hữu nghị Lào - Việt Nam.

Trong thời kỳ 1996 - 2007, các hội hữu nghị hai nước đã tích cực giới thiệu, giúp đỡ doanh nghiệp hai nước xúc tiến hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên, trợ giúp các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức những đoàn du lịch thăm chiến trường xưa, du lịch tìm cơ hội hợp tác kinh doanh. Các địa phương biên giới giúp nhau kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ cây, con giống, duy trì an ninh biên giới. Các hoạt động hữu nghị được tổ chức với quy mô và mức độ ngày càng cao, nổi bật là Liên hoan hữu nghị nhân dân biên giới hai nước năm 2002; Kỷ niệm 30 năm Quốc khánh Lào tại Việt Nam; các hoạt động Kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào và 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2007 diễn ra tại hai nước; Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Lào là một hình thức giao lưu hữu nghị nhân dân rất thiết thực và hiệu quả đối với việc củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam - Lào.




-----------------------------------------------------------------
1. Liên hợp quốc (UN), Hội đồng kinh tế - xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAD), Phong trào Không liên kết (NAM), Tổ chức Cộng đồng Pháp ngữ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Uỷ ban Mê Công (MRC), Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), Hợp tác Campuchia - Lào - Việt Nam với Nhật Bản (CLV+J), Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), Tổ chức chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công (ACMECS), Hợp tác Campuchia - Lào - Mianma - Việt Nam (CLMV), Hợp tác sông Mê Công - sông Hằng (MGC).


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 11 Tháng Giêng, 2022, 04:56:42 pm
* Hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh

Đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh luôn luôn là một trong hai nhiệm vụ chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 6 năm 1996) chỉ rõ: trong khi đặt trọng tâm vào nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta không chút lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, luôn luôn coi trọng quốc phòng, an ninh, coi đó là hai nhiệm vụ chiến lược gắn bó chặt chẽ. Kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế. Gắn chặt nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ an ninh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ trong tình hình mới. Phối hợp chặt chẽ hoạt động quốc phòng, an ninh với hoạt động đối ngoại.

Đại hội lần thứ VI Đảng Nhân dân cách mạng Lào (tháng 3 năm 1996) cũng tiếp tục khẳng định: để làm nòng cốt cho sự nghiệp quốc phòng toàn dân phải chú trọng xây dựng và củng cố quân đội nhân dân về mọi mặt..., coi trọng hơn nữa việc xây dựng thế trận quốc phòng nhân dân ở cơ sở, gắn với việc phát triển nông thôn toàn diện, kết hợp chặt chẽ công tác quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội.

Từ những quan điểm chỉ đạo trên, trong các cuộc gặp hai Bộ Chính trị hàng năm, vấn đề hợp tác về quốc phòng, an ninh giữa hai nước luôn luôn được đặt ở vị trí thứ hai (chỉ sau lĩnh vực hợp tác về chính trị). Điều đó nói lên tầm quan trọng đặc biệt của việc hợp tác về quốc phòng, an ninh trong mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.

Đối với lĩnh vực quốc phòng, sự hợp tác trước hết được thực hiện thông qua các cuộc gặp cấp cao. Trên cơ sở định hướng của thỏa thuận giữa hai Bộ Chính trị về quốc phòng, an ninh, hai Bộ Quốc phòng Việt Nam và Lào tiến hành các cuộc gặp trao đổi, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau về xây dựng chiến lược bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và chuyên môn. Hàng năm, Việt Nam đều cử chuyên gia sang giúp Bộ Quốc phòng Lào. Các quân khu 2, 4, 5 cử chuyên gia sang giúp các sư đoàn, tỉnh đội các tỉnh của Lào. Từ năm 2001 đến 2006, Việt Nam đã cử 167 chuyên gia quân sự sang giúp Lào xây dựng các kế hoạch và lập phương án tác chiến. Các quân khu, các tỉnh có chung biên giới thì xúc tiến chương trình hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ lẫn nhau về xây dựng thế trận cụm chiến đấu liên hoàn và củng cố các lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương để đẩy mạnh sản xuất, kết hợp với bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Việt Nam trực tiếp phối hợp nghiên cứu, hướng dẫn nghiệp vụ về kinh tế - quốc phòng, thúc đẩy hợp tác trên tất cả các mặt với quân đội nhân dân Lào như: góp vốn cho các công ty liên doanh Lào - Việt; xây dựng mô hình hợp tác kinh tế - quốc phòng theo hướng chỉ đạo của hai nước; tạo thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng cũng như các trang thiết bị, phương tiện quân sự qua lại biên giới; phối hợp và hợp tác chặt chẽ trong việc vận tải quá cảnh giữa hai nước, đặc biệt là vấn đề mua sắm hàng hoá, vật tư, trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí, khí tài quân sự sau khi được Chính phủ hai nước cho phép . Năm 2004, hai Bộ Quốc phòng Việt Nam và Lào phối hợp xây dựng dự án phát triển kinh tế - quốc phòng tại huyện Viêng Thoong (tỉnh Bolikhămxay). Công ty 32 Bộ Quốc phòng Việt Nam viện trợ không hoàn lại cho Bộ Quốc phòng Lào 599.177 USD để nâng cấp Nhà máy Sản xuất giày dép Thà Ngòn (Viêng Chăn); Công ty 85 Quân khu 4 thực hiện các dự án trồng rừng, khai khoáng phục vụ nhiệm vụ kinh tế và quốc phòng; Quân khu 5 (Việt Nam) xây dựng hệ thống thoát nước và nâng cấp đường bộ từ biên giới Việt Nam đến bản Nặm Tạc (tỉnh Bolikhămxay)...

Một trong những nội dung hợp tác về quốc phòng giữa hai nước là sự giúp đỡ về phương tiện hậu cần kỹ thuật. Năm 2002, Việt Nam giúp xây dựng một hội trường cho Sư đoàn 4, tỉnh Xavẳnnakhệt (trị giá 160.000 USD)... Năm 2003, Việt Nam viện trợ cho Lào một số bản đồ, trang thiết bị quân sự; giúp Lào xây dựng Trường Hạ sĩ quan cho sáu tỉnh Bắc Lào (trị giá 13,5 tỷ VNĐ). Năm 2004, Việt Nam viện trợ cho Lào 120 tấn xăng, nhiều trang thiết bị quân sự (mạng thông tin, điện thoại, máy phát điện, thiết bị phục vụ các học viện, nhà trường). Giúp sửa chữa vũ khí, phương tiện kỹ thuật: Việt Nam và Lào đã phối hợp xây dựng Xưởng sửa chữa cơ khí ôtô Lào - Việt tại Lào, trị giá 400.000 USD, vốn do hai bên góp chung. Năm 2005, giúp xây dựng bệnh xá 30 giường cho Sư đoàn 5, giúp 600 tấn xăng phục vụ huấn luyện máy bay, 10 xe ôtô GAT... Trong hai năm 2006 và 2007, Bộ Quốc phòng Việt Nam hỗ trợ thiết bị quân sự cho Lào trị giá gần 50 tỷ VNĐ.

Về đào tạo cán bộ, ngoài chương trình đào tạo dài hạn, Bộ Quốc phòng Việt Nam còn thường xuyên tổ chức các lớp học ngắn hạn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đơn vị của quân đội Lào. Từ năm 2000 đến 2005, Việt Nam nhận đào tạo dài hạn cán bộ cho quân đội Lào gồm hơn 600 người .

Việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam trên đất Lào cũng được hai bên quan tâm, tích cực phối hợp và đạt được kết quả tốt, đặc biệt là sự giúp đỡ to lớn của chính quyền và nhân dân các địa phương trên đất Lào. Tính đến hết năm 2007 đã tìm kiếm và đưa về Việt Nam hơn 12.000 hài cốt liệt sĩ.

Điểm nổi bật trong việc hợp tác về an ninh là hợp tác chống lại các lực lượng phản động lưu vong đang tìm cách chống phá cách mạng Lào và Việt Nam. Điển hình là trong những năm 2002 - 2003, một số phần tử phản động trong nước Lào được các thế lực thù địch bên ngoài hỗ trợ đã gây ra một vài vụ nổ, phục kích ở một số địa phương như: đánh cửa khẩu Văng Tầu (Chămpaxắc, tháng 7 năm 2000); gây rối mất trật tự an ninh ở Viêng Chăn (tháng 7 năm 2000); bạo loạn vũ trang ở Hủa Phăn (năm 2003); gây rối ở Bò Kẹo (tháng 7 năm 2007).

Để chia rẽ và phá hoại mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào, bọn phản động còn lôi kéo một số tù trưởng, tộc trưởng, cán bộ thoái hoá biến chất từ Việt Nam sang tham gia hoạt động chống phá cách mạng Lào (chúng đã lôi kéo được hơn 1.000 người Mông ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An di cư tự do sang Lào). Trước những hành động chống phá của các thế lực thù địch, lực lượng an ninh hai nước đã phối hợp hiệu quả, ngăn chặn kịp thời và làm thất bại mọi mưu đồ của chúng, giữ vững sự ổn định và an ninh quốc gia của mỗi nước .

Trong đào tạo cán bộ, Việt Nam đã cử chuyên gia giúp Lào biên soạn giáo trình, giáo án để giảng dạy. Trong 10 năm từ 1997 đến 2007, Bộ Công an Việt Nam đã cử hơn 60 cán bộ, chuyên gia và giảng viên giúp Đại học An ninh Lào. Hàng năm Việt Nam giúp Lào đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho nhiều cán bộ thuộc Bộ An ninh Lào và hàng chục nghiên cứu sinh, cao học của Lào. Trong lĩnh vực an ninh, hai bên còn hợp tác trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp cho Lào nhiều máy móc, thiết bị phục vụ nghiên cứu, giảng dạy. Năm 2003, Trung tâm nghiên cứu khoa học thuộc Bộ An ninh Lào thăm và làm việc với các cơ quan nghiên cứu khoa học của Bộ Công an Việt Nam... Với sự phối hợp, hợp tác và giúp đỡ của Bộ Công an Việt Nam, lực lượng an ninh Lào đã từng bước trưởng thành và phát triển, vươn lên làm chủ tình hình, góp phần quan trọng cùng quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ gìn mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam.

Với những kết quả to lớn trong sự hợp tác giữa lực lượng an ninh hai nước, năm 2005, Đảng và Nhà nước Lào đã trao tặng Bộ Công an Việt Nam Huân chương Ítxalạ hạng Nhất và Huân chương Ítxalạ hạng Nhì cho 11 đơn vị thuộc lực lượng an ninh Việt Nam.

Kết quả của sự hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam và Lào trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh là một trong những nhân tố quan trọng không chỉ tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh hai nước, mà còn làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch; đồng thời góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới ở mỗi nước. Đồng chí Chummaly Xaynhaxỏn, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào đã khẳng định: “Mối quan hệ quốc phòng, an ninh giữa hai nước Việt - Lào, Lào - Việt được hình thành và phát triển không phải do ý muốn chủ quan của bất kỳ bên nào, mà là do yêu cầu khách quan của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do chống kẻ thù chung, từ yêu cầu xây dựng đất nước của hai dân tộc qua các giai đoạn lịch sử... Như vậy, chính do yêu cầu khách quan của hai dân tộc mà Việt Nam và Lào đã liên kết với nhau. Đó là quy luật cho sự tồn tại và phát triển của hai dân tộc, là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Lào cũng như Việt Nam” .




Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 11 Tháng Giêng, 2022, 05:12:15 pm
* Hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trên lĩnh vực kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật

Thực hiện thỏa thuận giữa Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, tháng 10 năm 1991 và “Thỏa thuận chiến lược hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước đến năm 2000” ngày 15 tháng 3 năm 1995, tháng 1 năm 1996, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Lào giai đoạn 1996 - 2000.

Quan điểm cơ bản hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn này là:

- Bảo vệ tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt và tăng cường sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào như là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng của hai nước.

- Hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền, pháp luật của nhau. Xoá bỏ cơ chế bao cấp, cải tiến cơ chế hợp tác trong giai đoạn mới phù hợp với cơ chế quản lý của mỗi nước và thông lệ quốc tế, vừa bảo đảm lợi ích chính đáng của mỗi bên, vừa ưu tiên giúp đỡ lẫn nhau. Phát huy thế mạnh tiềm năng của mỗi bên, kết hợp với việc thu hút nguồn lực của mỗi nước và tổ chức quốc tế. Mở rộng quan hệ hợp tác nhiều bên; đồng thời đề cao sự phối hợp bảo vệ lợi ích hai nước trước sự cạnh tranh của nước khác.

- Hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực, ngành, địa phương, mọi thành phần kinh tế. Thúc đẩy hợp tác kinh doanh phát triển để tạo cơ sở cho việc khai thác tiềm năng của mỗi bên, bảo đảm tính thiết thực, vững chắc và có hiệu quả. Gắn hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật với quốc phòng, an ninh.

Trên cơ sở quan điểm cơ bản, hai bên cam kết cùng nhau hợp tác toàn diện, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn mới ở các huyện dọc biên giới Việt Nam - Lào và các vùng khác có điều kiện. Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải, tạo điều kiện thuận lợi cho Lào vận tải quá cảnh qua lãnh thổ và sử dụng các cảng biển của Việt Nam. Coi trọng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cho Lào. Mở rộng hợp tác sản xuất hàng hoá (kể cả sản xuất điện năng) nhằm phát triển hợp tác lao động, du lịch, ngân hàng, tài chính, khoa học - công nghệ. Tạo điều kiện thầu xây dựng ở mỗi nước nhằm góp phần thúc đẩy đầu tư của nước ngoài vào Lào và Việt Nam.

Với truyền thống quan hệ hợp tác lâu đời của hai nước; đồng thời để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam và Lào, hai Đảng và hai Nhà nước đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo và tạo nhiều điều kiện thuận lợi, ưu đãi cả về cơ chế, chính sách. Nhờ vậy quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giai đoạn 1996 - 2000 không ngừng phát triển cả về quy mô và hình thức, thu được nhiều kết quả khả quan trên mọi lĩnh vực.

Hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giai đoạn này đã có sự chuyển biến rõ rệt. Định hướng hợp tác kinh tế đã được điều chỉnh căn bản từ quan điểm “tài nguyên của Lào, kỹ thuật và lao động của Việt Nam và vốn của nước thứ ba” sang nguyên tắc “hợp tác bình đẳng cùng có lợi, kết hợp thoả đáng tính chất quan hệ đặc biệt với thông lệ quốc tế, ưu tiên, ưu đãi hợp lý cho nhau”, kết hợp giữa các hình thức hợp tác truyền thống với các hình thức hợp tác trong điều kiện hai nước chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường và bước đầu tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Quan hệ kinh tế từng bước tương xứng với quan hệ truyền thống đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và tiềm năng của hai nước.

Về hợp tác phát triển (viện trợ không hoàn lại của Việt Nam dành cho Lào)

 Trong năm năm 1996 - 2000, Việt Nam đã dành cho Lào khoản viện trợ không hoàn lại là 346.570 triệu VNĐ (tương đương 26,6 triệu USD) để thực hiện 36 dự án trong các lĩnh vực như: giáo dục - đào tạo, nông nghiệp và phát triển nông thôn mới và một số lĩnh vực khác.

Đặc biệt, giai đoạn này hai bên đã có những chuyển hướng trong việc sử dụng nguồn vốn viện trợ vào công tác điều tra cơ bản và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng lãnh thổ cũng như các ngành, lĩnh vực của Lào (chiếm 33,57% vốn viện trợ). Việc tập trung trên 1/3 vốn viện trợ vào các dự án này là rất cần thiết, là cơ sở giúp Lào phát triển các ngành, lĩnh vực cũng như các mục đích an ninh, quốc phòng và kinh tế; đồng thời tạo ra những tiền đề trong nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai bên.

Với sự nỗ lực của cả hai bên, bằng nguồn vốn viện trợ này, hợp tác hai nước đạt được những kết quả đáng khích lệ:

Hợp tác giáo dục - đào tạo là nội dung quan trọng có tính chiến lược vì lợi ích lâu dài của hai nước. Gần một nửa số viện trợ đã được dành cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Nhiều hình thức đào tạo mới đã được thực hiện và đạt kết quả tốt. Từ năm 1997, hai bên đã nhanh chóng chuyển hướng kết hợp đào tạo dài hạn, chính quy với tăng cường bồi dưỡng và đào tạo lại cán bộ hệ ngắn hạn trên các lĩnh vực quản lý; kết hợp cử chuyên gia đào tạo tại Lào với việc mở rộng hình thức đào tạo tại chức cho Lào tại Việt Nam. Số học sinh Lào được tiếp nhận hàng năm tăng từ 300 - 350 người (theo Hiệp định) lên tới 500 - 550 người năm 2000. Trong năm năm phía Việt Nam đã tiếp nhận 2.184 cán bộ, học sinh Lào. Số lượng cán bộ, học sinh Việt Nam được tiếp nhận sang học tập tại Lào cũng tăng từ 15 lên 25 người/năm.

Hai bên đã hoàn thành cam kết việc xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú cấp vùng tại Uđômxay, Xavẳnakhệt, Chămpaxắc, trường dân tộc nội trú cấp tỉnh ở Xê Coong .

Hợp tác về nông nghiệp và thủy lợi giai đoạn 1996 - 2000 đã có những chuyển hướng cơ bản. Từ hình thức hợp tác hỗ trợ, phát triển nông nghiệp và nông thôn ở một số vùng cụ thể là chủ yếu đã chuyển sang kết hợp giữa hoạch định chiến lược phát triển nông nghiệp với quy hoạch sản xuất lương thực và thủy lợi trên các cánh đồng lớn của Lào, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, hỗ trợ trực tiếp để phát triển nông thôn một số vùng biên giới Lào - Việt Nam.

Tiếp tục thực hiện thỏa thuận giữa hai bên về phối hợp xây dựng mô hình thí điểm phát triển nông nghiệp gắn với nông thôn mới tại ba vùng đặc trưng: Lắc Xao (miền núi), Phôn Sủng và Hạt Siều (bán sơn địa), và Chămpaxắc (đồng bằng). Trong ba năm 1996 - 1998, Việt Nam đã giúp Lào 14,1 tỷ VNĐ và đã hoàn thành dự án này trong năm 1998. Các chương trình, dự án này hoàn thành đã đóng góp đáng kể cho phát triển nông nghiệp của Lào, làm tăng diện tích canh tác và năng suất lúa. Ở Phôn Sủng, diện tích canh tác tăng 360 ha, năng suất lúa tăng từ 1,6 tấn/ha/năm lên 3,4 tấn/ha/năm vào năm 1998. Tại Lắc Xao, với 10 công trình thủy lợi nhỏ đã đảm bảo nước tưới tiêu cho 200 ha vụ mùa và 1.000 ha vụ chiêm, làm tăng gần 1.000 tấn thóc. Tại Chămpaxắc, diện tích tăng từ 12 ha lên 1.000 ha, năng suất lúa tăng 1,5 tấn/ha/năm (năm 1993) lên 4,5 tấn/ha/năm (năm 1998). Nhiều giống lúa có năng suất cao, các giống cây ăn quả và vật nuôi có giá trị cao đã được chuyển giao cho phía Lào (gà Tam Hoàng, nhãn Hưng Yên, vải thiều, mận...) .

Việt Nam đã giúp Lào quy hoạch sản xuất lương thực, quy hoạch thủy lợi các đồng bằng trọng điểm với tổng số viện trợ không hoàn lại là 36 tỷ VNĐ. Những quy hoạch này tập trung vào việc phát triển nông, lâm nghiệp một số huyện thuộc các tỉnh có chung biên giới với Việt Nam như: Noỏng Hét (Xiêng Khoảng), Xiêng Khọ (Hủa Phăn), Viêng Khăm (Luổng Phạbang); quy hoạch sản xuất lương thực bảy cánh đồng lớn: Viêng Chăn, Chămpaxắc, Khăm Muộn, Xavẳnnakhệt, Xê Đôn, Áttapư, Bolikhămxay; lập dự án khả thi hệ thống thủy lợi tả ngạn sông Nặm Ngừm (Viêng Chăn)...

Hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp và thủy lợi giai đoạn 1996 - 2000 được hai bên rất coi trọng, đã dành 22,35% tổng số vốn viện trợ tập trung cho lĩnh vực này. Các dự án nông nghiệp bước đầu phát huy tác dụng, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo sự ổn định cuộc sống cho nông dân, giảm bớt tình trạng du canh, du cư, bảo đảm an ninh vùng biên giới hai nước. Các mô hình phát triển nông nghiệp và nông thôn được phía Lào đánh giá cao. Các dự án nông nghiệp đã góp phần giúp Bộ Nông -Lâm nghiệp Lào và một số địa phương hoạch định chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương mình. Các chuyên gia Việt Nam đã thâm nhập từng làng, bản dân tộc của Lào để giúp nông dân canh tác, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, thuỷ nông, thủy lợi tiên tiến, phát triển kỹ thuật chăn nuôi khoa học... Sự hợp tác chân thành này chỉ có trong mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, khác hẳn với nội dung và hình thức của các loại hợp tác khác.

Tuy nhiên, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp còn có những nội dung chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Đầu tư thiếu đồng bộ, còn mang nặng tính chất giải pháp tình thế; việc tổ chức quản lý các dự án còn hạn chế, việc đào tạo cán bộ tại chỗ để tiếp thu dự án còn chậm...

Trong việc sử dụng vốn viện trợ, ngoài hai lĩnh vực chủ yếu, hai bên cũng đã quan tâm hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật như:

- Hợp tác trong lĩnh vực bản đồ: Việt Nam giúp hiệu chỉnh hệ tọa độ bản đồ bốn tỉnh Nam Lào, xây dựng mạng lưới cao độ tám tỉnh Bắc Lào.

- Trong lĩnh vực khí tượng, thuỷ văn: Việt Nam giúp và chuyển giao công nghệ cho Lào hệ thống thông tin phục vụ khí tượng thủy văn giữa hai nước và phục vụ trực tiếp cho đời sống và phát triển kinh tế của nhân dân Lào. Kết quả hợp tác này đã tạo ra các tiền đề cho nhiều lĩnh vực hợp tác những năm sau như nông nghiệp, thủy lợi, hàng không...

- Hợp tác trong việc xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước Lào đến năm 2020 và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khăm Muộn đến năm 2010.

Trong giai đoạn 1996 - 2000, các bộ, ngành và địa phương hai nước đã phối hợp chặt chẽ, tích cực triển khai đồng bộ các dự án viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào. Những ưu tiên dành cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nông nghiệp, thủy lợi và phát triển nông thôn mới của Lào thời kỳ này đã để lại dấu ấn đậm nét cho mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước. Tuy nhiên, cũng còn những vấn đề cần phải xem xét, điều chỉnh: còn lúng túng trong cơ chế phối hợp, thủ tục xem xét, điều chỉnh nội dung; các dự án về điều tra cơ bản, về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chậm được thực hiện; nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật như phòng chống sốt rét cho các huyện biên giới, xây dựng mạng lưới lưu trữ quốc gia, hỗ trợ máy mã cơ yếu... triển khai chậm và hiệu quả thấp...

Hợp tác thực hiện các cam kết

Về giao thông vận tải giai đoạn 1996 - 2000, hai bên đã cùng nhau tìm nguồn đầu tư nâng cấp hệ thống đường thông thương nối liền hai nước, tạo điều kiện cho Lào thông thương qua lãnh thổ và cảng biển Việt Nam ra các nước. Hai bên đã đầu tư quốc lộ 43 (Mộc Châu - cửa khẩu Pa Háng), 6B (Hủa Phăn), chuẩn bị đầu tư cửa khẩu Chiềng Khương (Sơn La) phía Việt Nam và đầu tư quốc lộ 42 (Lai Châu - Tây Trang - Phôngxalỳ). Cải tạo nâng cấp quốc lộ 9A đi cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) - Xavẳnnakhệt; quốc lộ 8 đi cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) - Bolikhămxay; quốc lộ 7 đi cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An) - Xiêng Khoảng; quốc lộ 217 đi cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) và 6A (Hủa Phăn); quốc lộ 12A đi cửa khẩu Chalo (Quảng Bình) - Khăm Muộn. Cải tạo nâng cấp cảng Đà Nẵng, cảng Xuân Hải và hoàn thành bến I cảng Vũng Áng để phía Lào sử dụng. Hai bên phối hợp hoàn thành xây dựng cửa khẩu Cầu Treo và Nặm Phạo. Hai bên đã ký thỏa thuận về nguyên tắc Việt Nam cho Lào vay ưu đãi xây dựng đường 18B phía Lào .

Kết quả đầu tư trong lĩnh vực giao thông vận tải không những tạo điều kiện thông thương giữa hai nước, tạo điều kiện cho Lào có đường ra biển mà còn làm thay đổi bộ mặt kinh tế của nhiều khu vực và góp phần nâng cao đời sống, trình độ dân trí của các xã vùng cao trên dọc các tuyến thông qua Lào. Nhiều khu kinh tế cửa khẩu đã được hình thành, giao lưu thương mại các chợ biên giới giữa hai nước ngày càng phát triển. Tuy nhiên, việc hợp tác xây dựng các tuyến giao thông qua hai nước còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu giao lưu kinh tế giữa hai nước.

Hợp tác về năng lượng - điện: tháng 7 năm 1998, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định hợp tác năng lượng - điện. Hai bên đã trao đổi, bổ sung và thống nhất dự án quy hoạch hệ thống đầu nối điện giữa hai nước. Hai bên xác định cụ thể công trình thủy điện hợp tác, phương thức mua, bán điện và giá điện làm cơ sở để phía Lào đưa vào tiến độ xây dựng và phía Việt Nam đưa vào tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn 2001 - 2005.

Đến năm 2000, quan hệ hợp tác về tài chính, tiền tệ Việt Nam -Lào đã có bước chuyển biến mới, đồng Việt Nam và kíp Lào đang từng bước trở thành đồng tiền chủ yếu trong thanh toán giữa hai nước, thay thế việc chuyển tiền tự do bằng ngoại tệ chuyển đổi tồn tại trong nhiều năm trước đây.

Thoả thuận về quy chế tài chính và quản lý dự án viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào ký ngày 9 tháng 2 năm 1998 và hoạt động của Ngân hàng liên doanh Lào - Việt (LVB) tại Viêng Chăn và chi nhánh tại Hà Nội đã khai thông mối quan hệ về tiền tệ và tạo cơ hội đầu tư, kinh doanh giữa hai bên, giải quyết được những khó khăn trong thanh toán và chuyển tiền giữa các doanh nghiệp hai nước. Ngân hàng liên doanh Lào - Việt đã không ngừng mở rộng hoạt động trên các lĩnh vực dịch vụ cung ứng tín dụng, chuyển tiền, thanh toán quốc tế, huy động vốn, thu đổi tiền và đã thu hút được 396 khách hàng mở tài khoản, trong đó có gần 100 tài khoản của Việt Nam.

Tháng 8 năm 2000, phía Việt Nam quyết định cho thực hiện thí điểm cơ chế thanh toán, chuyển tiền đối với các nguồn tài chính của các doanh nghiệp hoạt động tại Lào, các nguồn tiền bằng vốn vay và viện trợ dành cho Lào thực hiện tại Lào. Cũng trong thời kỳ này, hai bên đã phối hợp tốt để phía Lào giải quyết nhanh, dứt điểm khoản nợ 11,480 triệu USD chênh lệch mậu dịch nhập siêu của Lào từ thời kỳ 1976 - 1981.

Hợp tác chuyên gia giai đoạn 1996 - 2000 không ngừng được củng cố, đổi mới và hoàn thiện cả về cơ chế lẫn hình thức hợp tác. Trong năm năm, theo yêu cầu của phía Lào, Việt Nam đã cử 475 lượt chuyên gia, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế (63%), quốc phòng, an ninh (28%) và các lĩnh vực khác. Trong những năm này, nhiều đoàn chuyên gia vụ việc quan trọng của Việt Nam được cử sang Lào trao đổi và xử lý các vấn đề về quản lý vĩ mô (năm 1996), đổi mới doanh nghiệp (năm 1998), tiếp nhận viện trợ (năm 1999)... Đặc biệt là đoàn chuyên gia cao cấp Việt Nam giúp Lào chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô năm 1999.

Từ cuối năm 1997, nền kinh tế Lào gặp rất nhiều khó khăn do lạm phát ngày càng trầm trọng không kiềm chế được (hậu quả của cuộc khủng hoàng tài chính, tiền tệ trong khu vực). Nếu năm 1997 lạm phát ở mức 26,6% thì đến năm 1998 tăng tới 142%, chín tháng đầu năm 1999 khoảng 150%; nền kinh tế lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Thể theo yêu cầu của phía Lào, tháng 8 năm 1999, Việt Nam đã cử đoàn chuyên gia cao cấp sang nghiên cứu và đề xuất giải pháp chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tại Lào. Kết quả là đến cuối năm 1999 và các năm sau đó, lạm phát đã được đẩy lùi, kinh tế Lào phát triển trở lại với tốc độ tăng trưởng cao hơn những năm trước đó. Hoạt động của các đoàn chuyên gia Việt Nam đã thực sự mang lại hiệu quả và được phía Lào đánh giá cao.

Hiệp định hợp tác lao động Việt Nam - Lào được ký kết sửa đổi, bổ sung, ngày 8 tháng 4 năm 1999 đã tạo điều kiện thông thoáng, đơn giản hoá thủ tục cho các đơn vị cung ứng lao động cũng như tăng cường quyền hạn phân cấp quản lý cho các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới. Trong “Thoả thuận Cửa Lò 1999” hai bên đã bàn và tháo gỡ nhiều vướng mắc về thủ tục xuất, nhập cảnh, cư trú cho người lao động, quá cảnh trang thiết bị... thực sự thúc đẩy sự hợp tác nói chung và hợp tác lao động nói riêng của hai nước, tạo điều kiện đáp ứng kịp thời cho nhau về nguồn lao động, quản lý được chặt chẽ hơn, giảm đáng kể lao động tự do sang Lào.

Với các chính sách khuyến khích thúc đẩy đầu tư, liên doanh, liên kết và ưu tiên, ưu đãi cho nhau trong xây dựng và thực tế nhu cầu hợp tác phát triển kinh tế của các địa phương có chung đường biên giới, hợp tác lao động giai đoạn 1996 - 2000 tăng nhanh về số lượng, phong phú về hình thức. Có khoảng 15 - 20 nghìn lao động Việt Nam được đưa sang Lào theo các hình thức: hợp đồng nhà nước; thỏa thuận của các địa phương; cung ứng của các công ty dịch vụ lao động của Việt Nam và lao động tự do.

Kết quả cho thấy cùng với những cơ chế, chính sách được tháo gỡ, phía Việt Nam đã thực hiện các biện pháp đơn giản hoá thủ tục hành chính, bỏ thủ tục cấp giấy phép thực hiện hợp đồng, tăng cường hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế, có chính sách hỗ trợ người lao động nghèo, người lao động thuộc diện chính sách.

Tuy nhiên, sự phối hợp giữa hai bên còn thiếu đồng bộ trong quá trình quản lý và cung ứng lao động; các thủ tục còn phiền hà, chậm sửa đổi. Vì vậy, những năm 1996 - 1998, lao động tự do còn chiếm tới 2/3 số lao động ở Lào và đã gây ảnh hưởng nhất định đến quan hệ hợp tác giữa hai bên và quyền lợi của người lao động Việt Nam tại Lào.

Hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực thương mại, đầu tư

Hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, liên doanh liên kết sản xuất là đặc trưng của mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào trong điều kiện hai nước thực hiện công cuộc đổi mới nền kinh tế theo hướng kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Cùng với chính sách đa dạng hoá, đa phương hoá các mối quan hệ kinh tế đối ngoại, thúc đẩy đầu tư nước ngoài và thương mại quốc tế, trong năm năm (1996 - 2000) Chính phủ hai nước đã đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Hợp tác về thương mại: nhờ có cơ chế phù hợp, kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều giữa hai nước năm 1998 tăng 196% so với năm 1997. Trước ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực những năm 1998 - 1999, hai bên đã có chủ trương đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa hai nước, đưa nhanh hàng hoá của Việt Nam vào Lào, khuyến khích các doanh nghiệp hai nước buôn bán, trao đổi hàng hoá với nhau. Chính phủ hai nước đã giảm 50% thuế những mặt hàng nhập vào mỗi nước có xuất xứ từ Việt Nam và từ Lào (Văn bản số 1577/TT ngày 18 tháng 9 năm 1997 của Lào và Văn bản số 181/1998/QĐ-TTg ngày 21 tháng 9 năm 1998 của Việt Nam); đồng thời cho phép các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang Lào được thanh toán bằng hàng của Lào (Văn bản số 964/CP-KTTH ngày 17 tháng 8 năm 1998 và Văn bản số 01/CP-KTTH ngày 19 tháng 1 năm 1999). Hai Chính phủ đã có cuộc gặp và ký thỏa thuận tháo gỡ những khó khăn cho người và hàng hoá qua lại giữa hai nước (Thoả thuận Cửa Lò, tháng 8 năm 1999).

Nhờ có những chủ trương và chính sách kịp thời của hai Nhà nước, hàng hoá Việt Nam đã chiếm tới 25 - 30% thị phần tại một số tỉnh Trung và Nam Lào. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng từ 1,5 - 2 lần; hoạt động thương mại với Lào trở nên sôi động hơn, bốn siêu thị liên doanh tại Trung, Nam Lào và Viêng Chăn được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, trong lĩnh vực hợp tác thương mại còn nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh, bổ sung về chính sách và cơ chế hợp tác.

Từ khi có quy chế chợ biên giới, việc buôn bán của một số điểm chợ biên giới đã đi vào nền nếp (tính đến năm 2000 có 11 chợ biên giới của hai bên). Ước tính trao đổi hàng hoá hàng năm giữa dân cư hai nước khoảng 100 - 120 triệu USD.

Hợp tác về đầu tư: sau khi có Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương giữa hai nước (ký ngày 14 tháng 1 năm 1996) và các quy định về đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài (năm 1999), cùng các thỏa thuận của hai Đảng, hai Nhà nước, hai bên đã có nhiều cố gắng chỉ đạo triển khai tới các ngành, địa phương, cơ sở nhằm đẩy mạnh hợp tác đầu tư liên doanh trên lãnh thổ của nhau, tạo nhiều điều kiện để trao đổi tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp hai bên. Những cuộc viếng thăm và làm việc của các đoàn cấp cao Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành hai nước, những cuộc hội thảo giữa các doanh nghiệp hai nước do phía Lào tổ chức (tháng 10 năm 1998) và Sứ quán Việt Nam tổ chức (tháng 6 năm 2000); các hội chợ hàng hoá tại Lào đã không ngừng thúc đẩy những cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này. Về phía Việt Nam, Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào.

Đây cũng là giai đoạn hầu hết các cơ chế hợp tác đã được ký kết tạo ra khung pháp lý quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Các văn bản này thể hiện sự quyết tâm của hai bên nhằm nâng cao chất lượng hợp tác, dành ưu tiên, ưu đãi cho nhau trên cơ sở thông lệ quốc tế và quan hệ đặc biệt giữa hai nước như: Thỏa thuận về tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hoá qua lại giữa hai nước (Thỏa thuận Cửa Lò 1999), Quy chế tài chính và quản lý dự án sử dụng vốn viện trợ của Việt Nam dành cho Lào.

Đến năm 2000, có trên 30 doanh nghiệp Việt Nam có trụ sở và đăng ký hoạt động tại Lào, với vốn đăng ký trên 100 triệu USD, gồm 13 doanh nghiệp đầu tư sản xuất và chuyển giao công nghệ như chăn nuôi, gốm, dược phẩm, thạch cao...; 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ (trong đó có bốn liên doanh thương mại); 12 doanh nghiệp trong lĩnh vực nhận thầu xây dựng các công trình. Nhiều doanh nghiệp đã trúng thầu quốc tế tại Lào, được phía Lào tin tưởng và đánh giá cao. Tổng công ty liên doanh 18 (CIE18) trúng thầu quốc tế sáu dự án về giao thông, tổng chiều dài 250km, với doanh số 82 triệu USD; thu hút hơn 3.000 lao động Việt Nam làm việc tại Lào .

Các hoạt động đầu tư liên doanh hai nước đã phát triển hơn hẳn những giai đoạn trước đây. Lào dần dần trở thành thị trường thu hút các doanh nghiệp Việt Nam sang khảo sát và đầu tư. Tuy nhiên, cũng mới có 22 dự án đầu tư vào Lào với số vốn đăng ký 13,9 triệu USD, Việt Nam là đối tác đứng thứ 14 trong tổng số 36 nước đầu tư vào Lào . Nguyên nhân cơ bản là thiếu vốn và công nghệ trong khi thị trường mỗi nước đang đòi hỏi các nhà đầu tư của nước mình khai thác triệt để những khả năng sẵn có. Bên cạnh đó, hệ thống luật và văn bản dưới luật của cả hai nước còn chưa đầy đủ và chưa đồng bộ. Sự hạn chế về thị trường và sức mua của Lào phần nào thiếu hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Về cơ chế hợp tác: trên cơ sở quan điểm hợp tác mới là “Hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, kết hợp thoả đáng tính chất quan hệ đặc biệt với thông lệ quốc tế, ưu tiên, ưu đãi hợp lý cho nhau”, Chính phủ hai nước đã quan tâm đặc biệt đến việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hợp tác giữa hai nước. Ngoài Hiệp định khung hợp tác thời kỳ 1996 - 2000 và Hiệp định hợp tác hàng năm, trên cơ sở thông lệ quốc tế và có tính tới mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa hai nước, hai Chính phủ đã ký 12 văn bản và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản hợp tác khác, kịp thời đáp ứng yêu cầu hợp tác hai nước trong tình hình mới. Đó là: sửa đổi bổ sung Hiệp định về biên giới (năm 1997); bổ sung Hiệp định hợp tác lao động (năm 1999); sửa đổi, bổ sung Hiệp định quá cảnh hàng hoá (năm 2000)... .

Hai bên đã có các cuộc gặp trao đổi bất thường và ký kết những văn bản quan trọng, giải quyết nhiều vấn đề thực tế đặt ra, góp phần tăng cường thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Đó là: Thoả thuận về tài chính và quản lý dự án sử dụng vốn viện trợ của Việt Nam dành cho Lào (năm 1998), Hiệp định thanh toán (năm 1998), Thỏa thuận về việc tạo điều kiện cho người và hàng hoá qua lại biên giới hai nước (năm 1999)...

Cùng với các văn bản ký kết giữa Chính phủ hai nước, hệ thống các văn bản thỏa thuận giữa các bộ, ngành, địa phương về chương trình hợp tác song phương cũng đã đáp ứng kịp thời và góp phần quan trọng trong việc quản lý, định hướng, khuyến khích, tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy quan hệ hợp tác hai bên.

Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách của cả hai bên còn nặng về thông lệ, ít tính tới những đặc thù riêng và những điều kiện bên ngoài tác động đến quan hệ hai nước. Việc phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách hợp tác giữa hai bên còn chậm, thiếu đồng bộ.

Hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Lào giai đoạn 1996 - 2000 về cơ bản đã thực hiện được mục tiêu chiến lược là ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nông nghiệp và phát triển nông thôn của Lào. Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo được chú trọng mở rộng cả về quy mô và hình thức. Hợp tác nông nghiệp đã tập trung vào việc triển khai quy hoạch phát triển lương thực và thủy lợi cho các cánh đồng lớn của Lào nhằm đảm bảo an ninh lương thực, đã hỗ trợ trực tiếp cho việc phát triển nông nghiệp và nông thôn một số vùng biên giới, góp phần đào tạo ngành nghề và định canh định cư, thực hiện tốt cam kết trong lĩnh vực giao thông, các tuyến đường nối hai nước và thông ra các cảng biển Việt Nam đã được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải quá cảnh của hai nước, đặc biệt là giúp Lào có điều kiện trao đổi hàng hoá với bên ngoài qua cảng biển Việt Nam. Hợp tác thương mại, đầu tư đã được đặc biệt quan tâm và được coi là mục tiêu quan trọng của hợp tác kinh tế giữa hai nước trong điều kiện hai nước đang tiến hành mở cửa nền kinh tế, hội nhập quốc tế và khu vực.

Những kết quả hợp tác kinh tế giai đoạn này đã đóng góp đáng kể cho nhu cầu phát triển kinh tế của hai nước, nâng cao đời sống nhân dân các bộ tộc Lào, thúc đẩy hai nước tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

Kết thúc thế kỷ XX, công cuộc đổi mới ở Việt Nam và Lào đã giành được những thành quả to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tháng 4 năm 2001, Đại hội lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với chủ trương thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và coi đó là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Về đường lối đối ngoại, Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng; nâng cao hiệu quả và chất lượng hợp tác với các nước ASEAN... Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường.

Đại hội lần thứ VII Đảng Nhân dân cách mạng Lào (tháng 3 năm 2001) tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tạo tiền đề cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Lào. Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại hoà bình, độc lập và hữu nghị, hợp tác với các nước, nhất là các nước trong khu vực. Củng cố và phát triển tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt với Việt Nam...

Trên cơ sở kết quả hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Lào giai đoạn 1996 - 2000, xuất phát từ yêu cầu của hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn mới, tại cuộc gặp ngày 6 tháng 2 năm 2001 tại Hà Nội, hai Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào chủ trương: dù trong hoàn cảnh nào cũng cần tiếp tục thực hiện những phương hướng và nguyên tắc lớn mà hai Bộ Chính trị đã thỏa thuận, nhằm củng cố và phát triển sâu rộng hơn nữa quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước.

Căn cứ vào thoả thuận của hai Bộ Chính trị và căn cứ vào nội dung Bản thỏa thuận chiến lược hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào giai đoạn 2001 - 2010, ngày 6 tháng 2 năm 2001, tại Hà Nội, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Lào giai đoạn 2001 - 2005.

Hiệp định hợp tác giai đoạn 2001 - 2005 được thực hiện trong bối cảnh hai nước đều có mức tăng trưởng khá và ổn định. Song, cả hai vẫn còn là những nước chậm phát triển so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Trong điều kiện hội nhập với những ảnh hưởng phức tạp về tình hình kinh tế, chính trị, an ninh trên thế giới và tiến trình thực hiện các cam kết ASEAN trong khu vực, các hoạt động liên kết và tăng cường hợp tác giữa một số nước đang được hình thành đã có những tác động tích cực thúc đẩy hợp tác song phương, gắn kết giữa hai nước và với các nước láng giềng và khu vực, nhưng cũng là những thách thức của quan hệ hợp tác giữa hai nước trong điều kiện cạnh tranh và tranh thủ ảnh hưởng giữa các nước. Các hoạt động gây rối của các thế lực thù địch ở vùng biên giới hai nước cũng là những thách thức và trực tiếp ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng hai bên đã có nhiều cố gắng thực hiện các nội dung đã thỏa thuận, cùng nhau điều chỉnh và giải quyết các vấn đề nảy sinh, tạo điều kiện hỗ trợ thiết thực trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Vì vậy, hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước giai đoạn 2001 - 2007 đã có bước phát triển mới, đạt được những mục tiêu cơ bản đã được thỏa thuận giữa hai bên.

Kết quả sử dụng vốn viện trợ

Vốn viện trợ không hoàn lại giai đoạn 2001 - 2005 được thực hiện là 590 tỷ VNĐ (Hiệp định khung là 560 tỷ VNĐ). Bao gồm các lĩnh vực dưới đây:

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực: giáo dục, đào tạo là lĩnh vực hợp tác chiến lược lâu dài và được sự quan tâm thường xuyên của Đảng và Nhà nước hai bên, đáp ứng tích cực và kịp thời nhu cầu mỗi bên, chiếm 49,05% nguồn vốn viện trợ (289,4 tỷ VNĐ), để chi cho 1.884 cán bộ, học sinh Lào có mặt ở Việt Nam và đầu tư vào các cơ sở đào tạo tại Lào.

- Hai bên đã tập trung ưu tiên đào tạo và bồi dưỡng cán bộ chính trị và quản lý của Đảng và Nhà nước Lào, với số lượng tăng từ 130 người năm 2001 lên 225 người năm 2005 và hàng nghìn cán bộ, học sinh tốt nghiệp các bậc đại học và cao đẳng trong năm năm 2001 - 2005. Kết quả này đã tạo cho Lào một nguồn nhân lực trên hầu hết các lĩnh vực quản lý, kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật.

 - Về phía Lào, số cán bộ, học sinh Việt Nam học tại Lào có mặt 122 người, hai bên đã dành vốn viện trợ xây dựng ký túc xá học sinh nước ngoài tại Đại học Quốc gia Viêng Chăn để phục vụ cho cán bộ, học sinh Việt Nam học tập tại Lào.

Hai bên đã phối hợp hoàn thành Trung tâm bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế, kế hoạch Viêng Chăn; xây dựng Trường Năng khiếu và dự bị đại học Viêng Chăn, trị giá hơn 80 tỷ VNĐ; Khoa Tiếng Việt Trường Đại học Quốc gia Lào; nâng cấp, cải tạo Trường Chính trị - Hành chính quốc gia Thà Ngòn, để phục vụ tại chỗ cho Lào.

Tuy nhiên, chất lượng trong hợp tác đào tạo chưa được như mong muốn, nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách, sự phối hợp giữa hai bên cần phải được bổ sung, điều chỉnh.

Thực hiện các chương trình hợp tác

Về nông nghiệp: gần 1/4 số vốn viện trợ đã được triển khai cho chương trình an ninh lương thực quốc gia của Lào, trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất lương thực trên bảy cánh đồng: Viêng Chăn, Chămpaxắc, Áttapư, Khăm Muộn, Bôlikhămxay, Xavẳnnakhệt, Xê Đôn. Đầu tư ba hệ thống thủy lợi lớn Đoông Phu Xỉ, Thà Phanoọng (Viêng Chăn) và Nặm Long (Hủa Phăn) với số vốn đầu tư trong 5 năm là hơn 87 tỷ VNĐ; cung cấp 26 tỷ VNĐ thiết bị bơm để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hệ thống thủy lợi Đoông Phu Xỉ và Thà Phanoọng . Những công trình này đang được hoàn thành và đưa vào sử dụng, được phía Lào đánh giá cao trong việc góp phần tăng trưởng nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông thôn và sản xuất hàng hoá của Lào.

Hợp tác giao thông: các tuyến đường và cửa khẩu qua biên giới hai nước được đầu tư, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho việc qua lại và phát triển kinh tế giữa hai nước. Một phần vốn viện trợ dành cho việc khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi và xây dựng một số tuyến đường và cầu lớn theo yêu cầu của phía Lào.

Lĩnh vực điều tra cơ bản: một số vốn viện trợ (11%) được dành cho các dự án: tăng cường năng lực cho Cục Đo đạc quốc gia Lào bằng công nghệ bản đồ kỹ thuật số. Khảo sát lập bản đồ địa chất 1/200.000 Bắc Lào; thăm dò muối mỏ Potát, thạch cao ở Trung Lào; điều tra khoáng sản và bôxít ở Nam Lào.

Một số vốn viện trợ còn được sử dụng cho việc duy trì hoạt động của dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Chămpaxắc, duy trì hoạt động của các trạm thủy văn...


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 11 Tháng Giêng, 2022, 05:15:41 pm
Hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, thương mại

Thương mại: kim ngạch xuất nhập khẩu giai đoạn 2001 - 2005 đạt 687,8 triệu USD, tuy có giảm so với giai đoạn 1996 - 2000, nhưng đã khai thác được các mặt hàng có thế mạnh và góp phần thúc đẩy sản xuất của mỗi nước.

Các chính sách kinh tế đã thực sự có tác động tích cực tới kim ngạch thương mại hai nước. Những điều chỉnh của thỏa thuận Viêng Chăn năm 2002 về giảm 50% thuế suất thuế nhập khẩu cho hàng hoá có xuất xứ từ mỗi nước như bổ sung 12 mặt hàng có xuất xứ từ Lào nhập khẩu vào Việt Nam năm 2003; xoá bỏ danh mục, số lượng, giá trị và mở rộng cho tất cả hàng hoá có xuất xứ từ mỗi nước năm 2004 và thống nhất danh mục hàng hoá giảm 0% thuế suất thuế nhập khẩu để áp dụng trong năm 2005..., kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước vào các năm 2004, 2005 đã được cải thiện, tăng bình quân 26%/năm .

Các hoạt động xúc tiến thương mại được tăng cường và duy trì thường xuyên nhân dịp các ngày lễ lớn hàng năm của hai nước, với cơ chế miễn thuế hàng hoá và hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm. Việc thông quan hàng hoá và hoạt động của các chợ cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt - Lào đã góp phần quan trọng tăng dần thị phần và uy tín của hàng hoá Việt Nam trên thị trường Lào, tăng cường giao lưu kinh tế, thương mại biên giới, nâng cao đời sống của cư dân vùng biên.

Hạn chế của quan hệ thương mại giữa hai nước giai đoạn 2001 - 2005 là tuy các chính sách được đưa ra điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tế, nhưng việc triển khai của một số cơ quan chức năng còn chậm, các giải pháp chưa thông thoáng kịp thời, thiếu nhạy bén so với các nước láng giềng.

Hợp tác về đầu tư: từ sau Nghị định số 22/1999/NĐ-CP tháng 4 năm 1999 của Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài được ban hành và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam có quy định về quản lý và triển khai các dự án hợp tác với Lào (ngày 16 tháng 7 năm 1999), số dự án đầu tư vào Lào tăng lên đáng kể. Từ năm 2001 đến 2005 có 18 dự án, chiếm 52,9% số dự án đầu tư vào Lào từ trước đến lúc này. Với sự quan tâm thích đáng của Chính phủ hai nước, công tác xúc tiến đầu tư giữa hai nước đã có những bước chuyển biến đáng kể.

Đầu tư trực tiếp của Lào vào Việt Nam tính đến năm 2005 có sáu dự án với số vốn đóng góp của Lào là 4,3 triệu USD, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực giao thông vận tải, bưu điện, tài chính, ngân hàng...

Nhiều dự án đầu tư sản xuất hàng hoá tiêu dùng bằng nhựa, dệt kim, bột giấy, vật liệu xây dựng nhằm tận dụng thế mạnh nguyên liệu và nhân lực sẵn có của Lào đã được đưa vào hoạt động. Các dự án với quy mô lớn được mở ra không những mang lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa an ninh, quốc phòng, góp phần thực hiện chủ trương tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước như: Nhà máy thủy điện Xê Camản 3 (240MW), trồng và chế biến cao su, các cây công nghiệp khác tại các tỉnh Nam Lào, khai thác và sản xuất muối mỏ kali ở Trung Lào, tổ hợp than điện Nặm Ngân... đã và đang được các tổng công ty nhà nước và các địa phương của Việt Nam triển khai .

Hạn chế trong hoạt động đầu tư của hai nước là quy mô đầu tư còn nhỏ (bình quân 0,483 triệu USD/dự án), công nghệ đơn giản, chưa mang tầm chiến lược lâu dài về sản phẩm, tạo ra những hàng hoá có khả năng cạnh tranh ra thị trường bên ngoài thông qua các dự án đầu tư vào mỗi bên. Các cơ chế, chính sách và thủ tục trong cấp phép đầu tư, hỗ trợ vay vốn, thủ tục hải quan và chính sách thuế ưu đãi cần phải được bổ sung, điều chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước trong hoạt động đầu tư.

Thực hiện các cam kết hai bên

Giai đoạn 2001 - 2005, nhiều nội dung ưu tiên, ưu đãi cho nhau đã được thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải: để tạo điều kiện cho hàng hoá của Lào quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt đối với cảng Vũng Áng, bốn loại cước phí đã được giảm; đồng thời tiếp tục nâng cấp đường 12 từ cửa khẩu Chalo (Quảng Bình) đi cảng Vũng Áng, đầu tư giai đoạn 2 cảng Vũng Áng để dành cho Lào sử dụng theo thỏa thuận.

Hiệp định tín dụng bổ sung đường 18B Nam Lào được ký ngày 16 tháng 7 năm 2004 và đang đẩy nhanh tiến độ đưa vào sử dụng vào đầu năm 2006 để thông thương với cửa khẩu Bờ Y của Việt Nam.

Thực hiện thỏa thuận về việc hai bên ưu tiên đầu tư mở các tuyến đường qua biên giới hai nước, bằng nguồn vốn ngân sách, từ năm 2001 đến 2005, phía Việt Nam đã đầu tư xây dựng các tuyến đường Nà Cài (Sơn La), Sơn Hồng, Vũ Quang (Hà Tĩnh), Thanh Thuỷ (Nghệ An) đi biên giới Việt - Lào. Hoàn thành các trạm liên kiểm cửa khẩu Chiềng Khương (Sơn La), Na Mèo (Thanh Hoá), Nậm Cắn (Nghệ An) và đang đầu tư xây dựng trạm liên kiểm cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) .

Trong lĩnh vực mua bán điện: thực hiện Hiệp định hợp tác năng lượng - điện (ngày 6 tháng 7 năm 1998), Việt Nam tiếp tục bán điện cho phía Lào tại Sầm Nưa (Hủa Phăn), Lắc Xao (Bôlikhămxay), Xê Pôn (Xavẳnnakhệt) và Samuội (Xalavăn) hàng năm khoảng 13.000 KW/h. Hiện mạng lưới điện đã đến các điểm biên giới Bờ Y (Kon Tum), Kak Tao (Quảng Nam), Hồng Vân (Thừa Thiên - Huế) và Cầu Treo (Hà Tĩnh), sẵn sàng bán điện khi phía Lào có nhu cầu.

Việt Nam hoàn thành việc giúp Lào quy hoạch đầu nối mạng điện hai nước các tuyến Nặm Mộ - Bạn Vẽ - Vinh (110 KV), Xê Camản - A Vương - Đà Nẵng (220 KV), Nam Lào - Trạm 500 KV Plâycu (500 KV) để chuẩn bị thực hiện thỏa thuận nối mạng năng lượng điện trong những năm tới.

Về cơ chế chính sách hợp tác

Để thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai nước và nhằm điều chỉnh các cơ chế, chính sách hợp tác phù hợp với tình hình thực tế của mỗi nước giai đoạn 2001 - 2005, hai bên đã phối hợp nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế hợp tác . Các cơ chế chính sách này là cơ sở cho việc quản lý, hợp tác giữa hai bên, đóng góp tích cực vào việc phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Lào những năm 2006 - 2007 tiếp tục được tăng cường. Trong cuộc gặp giữa hai Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào tại Viêng Chăn, ngày 3 tháng 1 năm 2006, hai bên tiếp tục khẳng định việc tăng cường và mở rộng hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và duy trì quan hệ truyền thống sẵn có, lâu đời là nhiệm vụ chiến lược lâu dài của hai Đảng và nhân dân hai nước. Hai bên thống nhất những định hướng lớn cho sự hợp tác toàn diện giữa hai nước giai đoạn 2006 - 2010.

Quán triệt tinh thần và nội dung cuộc hội đàm giữa hai Bộ Chính trị và nội dung bản thỏa thuận chiến lược về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào giai đoạn 2001 - 2010, ngày 4 tháng 1 năm 2006, tại Viêng Chăn, Chính phủ hai nước ký Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào giai đoạn 2006 - 2010.

Hiệp định được ký kết trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở Việt Nam và ở Lào đang đạt được những thành tựu to lớn.

Ở Việt Nam, Đại hội lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành tổng kết 20 năm đổi mới, từ đó tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối, quan điểm, định ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước năm năm 2006 - 2010 tầm nhìn đến năm 2020, thực hiện bằng được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực.

Ở Lào, Đại hội lần thứ VIII Đảng Nhân dân cách mạng Lào cũng đã tiến hành tổng kết 20 năm đổi mới và khẳng định đất nước liên tục phát triển, từng bước tiến tới mục tiêu giàu mạnh và phồn vinh. Đại hội xác định mục tiêu xây dựng đất nước thời kỳ 2006 -2010 và hướng tới năm 2020 là tăng cường đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp, tiếp tục xây dựng và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, từng bước tiến tới mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Đại hội chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế: tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó tiếp tục củng cố và phát triển tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Việt Nam.

Sau kế hoạch năm năm 2001 - 2005, nền kinh tế của hai nước đều có mức tăng trưởng khá và ổn định; năng lực và trình độ sản xuất của nhiều ngành kinh tế của Lào đã tăng lên đáng kể. Hệ thống cơ sở hạ tầng các tuyến đường 9, đường 12, đường 18B, cầu Mụcđahán qua sông Mê Công... giữa hai nước với khu vực được hoàn thành đầu tư nâng cấp sẽ là cơ sở thuận lợi để phát triển giao lưu du lịch, thương mại giữa các nước và khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng còn nhiều hạn chế tác động đến quan hệ hợp tác, đó là: xuất phát điểm kinh tế của hai nước còn thấp; khả năng hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực của các doanh ngiệp hai nước chưa đáp ứng so với yêu cầu, trong khi lộ trình thực hiện đầy đủ các cam kết AFTA, WTO và các hiệp định quốc tế khác đang và sẽ tạo ra những sức ép cạnh tranh rất lớn đối với doanh nghiệp hai nước.

Về khách quan, sự ảnh hưởng của các nước láng giềng trong khu vực thông qua viện trợ, đầu tư, hợp tác kinh tế vì lợi ích và quyền lợi của mỗi nước ngày càng rõ nét. Các thế lực phản động trong và ngoài nước vẫn còn ý đồ ngăn cản sự phát triển và hợp tác an ninh biên giới giữa hai nước...

Hai bên xác định quan điểm hợp tác trong giai đoạn 2006 -  2010 là tiếp tục phát huy quan hệ truyền thống tốt đẹp, có hiệu quả trong mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, kết hợp chặt chẽ giữa hợp tác kinh tế với chính trị, an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Lấy mục tiêu chính trị làm cơ sở xem xét hiệu quả cho các hoạt động hợp tác kinh tế trên cơ sở phát huy và duy trì các kết quả hợp tác đã đạt được; sử dụng tốt tiềm năng, thế mạnh và bảo đảm sự phát triển bền vững môi trường sinh thái của mỗi nước; nâng cao hiệu quả và tăng cường ảnh hưởng thông qua hợp tác kinh tế; đồng thời có cơ chế hỗ trợ thông thoáng, tạo sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư, thương mại trên thị trường hai bên.

Hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giai đoạn 2006 - 2010 tiếp tục hướng vào mục tiêu ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo; tăng cường hợp tác phát triển bền vững vùng biên giới hai nước; quan tâm thích đáng hợp tác trên lĩnh vực văn hoá; khuyến khích và tạo điều kiện cho các địa phương hợp tác trên cơ sở quản lý thống nhất thông qua các chương trình hợp tác.

Nội dung của Hiệp định bao gồm sáu chương trình mục tiêu sau đây:

- Chương trình 1: Hợp tác giáo dục - đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
- Chương trình 2: Hợp tác phát triển bền vững vùng biên hai nước.
- Chương trình 3: Hợp tác thông tin, văn hoá, tư tưởng.
- Chương trình 4: Phát triển thương mại, đầu tư.
- Chương trình 5: Hợp tác kết nối mạng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, du lịch giữa hai nước.
- Chương trình 6: Duy trì hoạt động và nâng cao năng lực các chương trình, dự án phục vụ hợp tác giữa hai nước.

Hai bên thống nhất cam kết cùng phối hợp với Campuchia đẩy mạnh hợp tác xây dựng Tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia (CLV), trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển đã được Thủ tướng ba nước thông qua tại Viêng Chăn, ngày 28 tháng 11 năm 2004. Cung cấp thông tin và tham khảo ý kiến lẫn nhau trong các chương trình hợp tác đa phương và hợp tác liên kết kinh tế bốn nước Campuchia - Lào - Mianma - Việt Nam (CLMV), chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công (ACMECS) và hợp tác Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Tăng cường hợp tác chặt chẽ để phối hợp với các quốc gia khác trong lưu vực sông Mê Công nhằm phát triển và quản lý bền vững tài nguyên nước trong khu vực sông Mê Công và thực hiện tốt Hiệp định sông Mê Công năm 1995.

Trong hai năm 2006 - 2007, với sự nỗ lực của cả hai bên, quan hệ hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước Việt Nam - Lào đã chuyển biến tốt.

Hợp tác giáo dục - đào tạo được mở rộng bằng nhiều hình thức, đáp ứng nhu cầu đào tạo của mỗi bên. Hai bên phối hợp xây dựng bộ từ điển Việt - Lào, Lào - Việt; đưa vào sử dụng Trường Năng khiếu và dự bị đại học Viêng Chăn; tiến hành xây dựng Trường Tài chính Đông Khăm Xạng; tiếp tục xây dựng Trường Dạy nghề tỉnh Bò Kẹo; cử giáo viên dạy tiếng Việt tại các trường dân tộc nội trú tại Lào.

Trong lĩnh vực kinh tế, hai bên đã khánh thành đường 18B từ tỉnh Áttapư đến biên giới hai nước; tiếp tục xây dựng Nhà máy thủy điện Xê Camản 3, chuẩn bị đầu tư cụm dự án thuỷ điện Xê Camản 1, bao gồm cả dự án Xê Camản Xanxay (Xê Camản 0) và các dự án thủy điện Nặm Cắn, Xê Camản 4, Đắc Ymơn, Xê Coong 3 (thượng lưu và hạ lưu) để phục vụ kết nối hệ thống điện giữa hai nước.

Hoạt động thương mại tiếp tục tăng, kim ngạch hai chiều năm 2006 đạt 240 triệu USD, tăng 48% so với năm 2005, năm 2007 (tính đến tháng 11) đạt 289 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2006.

Hoạt động đầu tư được duy trì và đạt những kết quả tốt. Năm 2006, hai bên đã cấp phép cho 52 dự án đầu tư vào Lào với số vốn đăng ký đạt 368,6 triệu USD. Năm 2007, phía Việt Nam có 87 dự án được cấp phép đầu tư vào Lào với tổng số vốn đăng ký là 1.020 triệu USD, xếp thứ ba trong tổng số 30 nước và khu vực đầu tư vào Lào.

Để thúc đẩy hợp tác đầu tư có hiệu quả trong những năm 2006 - 2008, hai bên đã tổ chức Hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm về hoạt động đầu tư giữa hai nước tại Lao Bảo (Quảng Trị) vào tháng 6 năm 2007, Hội nghị sửa đổi, bổ sung “Thoả thuận Viêng Chăn 2002” và thay bằng “Thoả thuận Hà Nội 2007”.

Với sự quan tâm của hai bên, hợp tác đầu tư ngày càng đạt được những kết quả cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Từ năm 2000 đến hết năm 2007 có 37 nước đầu tư vào Lào với tổng số vốn đầu tư đạt 6.461,6 triệu USD. Việt Nam đứng thứ ba với 129 dự án và tổng số vốn 574,7 triệu USD. Về thủy điện, theo kế hoạch phát triển điện dài hạn của Lào có 74 dự án, với tổng công suất 15.895 MW, Việt Nam đầu tư 30 dự án với tổng công suất 5.089 MW, chiếm 45,5% số dự án và 32% tổng công suất.

Trong lĩnh vực thăm dò khai thác khoáng sản, tính đến tháng 8 năm 2007, Lào đã cấp phép 100 dự án khai thác khoáng sản, trong đó Việt Nam có chín dự án với vốn đầu tư là 52 triệu USD. Tới cuối năm 2007, Việt Nam có 18 doanh nghiệp xin phép đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản tại Lào, bao gồm khai thác sắt (Hủa Phăn), thạch cao (Khăm Muộn), tìm kiếm muối mỏ kali (Khăm Muộn), sắt (Xê Coong), kẽm - chì (Hủa Phăn và Bolikhămxay) và 12 doanh nghiệp đang đề nghị khai thác bôxít, than, sắt, khoáng sản kim loại màu khác .

Trên diện tích 178.943 ha đã được phía Lào cấp phép để đầu tư trồng cao su trên 10 tỉnh với số vốn 245 triệu USD, Việt Nam đang đầu tư 21 dự án tại năm tỉnh Trung và Nam Lào là Xavẳnnakhệt, Chămpaxắc, Xalavăn, Xê Coong và Áttapư với diện tích 46.609 ha và vốn đầu tư 138,9 triệu USD, theo hình thức thuê dài hạn 10 - 50 năm. Tính đến cuối năm 2007, Việt Nam đã trồng được 21.200 ha, bằng 45,06% diện tích được cấp phép.

Bước vào giai đoạn 2006 - 2010, hai bên nhất trí thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước trên tinh thần tôn trọng thông lệ quốc tế, có sự quan tâm, ưu tiên, ưu đãi cho nhau nhằm phát huy cao nhất khả năng, tiềm năng của mỗi nước, trên cơ sở quan hệ đặc biệt sẵn có. Tạo điều kiện cho nhau mở rộng thị trường ở mỗi bên và ra bên ngoài. Thúc đẩy nhanh và dành ưu tiên đầu tư một số dự án thủy điện, khai khoáng, trồng cây công nghiệp tại Lào, mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi bên và đáp ứng nhu cầu về các nguồn lực cho phát triển kinh tế của mỗi nước; đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế của Lào và Việt Nam đầu tư kinh doanh ổn định và lâu dài vào mỗi bên.

Hợp tác về bưu chính viễn thông cũng được hai bên quan tâm, hai nước đã thoả thuận xây dựng tuyến cáp quang nối Việt Nam với Lào; đồng thời phối hợp lập dự án kinh doanh tuyến cáp quang quốc tế sáu nước.

Hợp tác du lịch ngày càng phát triển, số khách tham quan du lịch Lào và Việt Nam ngày một tăng. Năm 2006, số du khách Lào vào Việt Nam đạt 33.980 người và khách Việt Nam sang Lào là 141.653 người. Du lịch hai bên đã có những hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo cán bộ du lịch Lào, cùng với Lào trao đổi kinh nghiệm, xây dựng Luật Du lịch, phân hạng khách sạn, quản lý hướng dẫn viên và quy hoạch du lịch.
Về văn hoá thông tin, hai năm 2006 - 2007, phía Việt Nam tiếp tục hoàn thành hệ thống các đài chuyển tiếp phát thanh, truyền hình Lào tại các điểm Chămpaxắc, Xavẳnnakhệt, Uđômxay và Luổng Phạbang. Duy trì và mở rộng nội dung phụ đề tiếng Lào trong các chương trình chuyển tiếp Đài Truyền hình Việt Nam tại Lào. Tiếp tục hỗ trợ củng cố, nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ thuộc lĩnh vực văn hoá thông tin, phát thanh, truyền hình, báo chí của Lào. Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản. Đặc biệt, trong lĩnh vực viễn thông, tháng 11 năm 2007, Tổng công ty Viễn thông quân đội Việt Nam (Viettel) và Công ty Viễn thông quân đội Lào đã ký kết hợp đồng liên doanh thành lập Công ty Star Telecom với vốn đầu tư 60 triệu USD để cung cấp dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin tại Lào, góp phần hiện đại hoá hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin, tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp viễn thông Lào.

Về khoa học, công nghệ, Việt Nam đang giúp Lào về công nghệ sinh học, công tác quản lý môi trường, lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đo lường. Các cơ quan khoa học lớn của hai bên đã có những hoạt động phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau tiến hành nghiên cứu một số vấn đề hai bên cùng quan tâm. Từ năm 2004, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Lào nghiên cứu đề tài khoa học “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và Lào hiện nay”. Hiện nay, hai bên đang phối hợp nghiên cứu đề tài “Xây dựng Đảng cầm quyền trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và ở Lào”, tổ chức các hội thảo, phối hợp nghiên cứu lịch sử, địa lý... Hai bên bắt đầu phối hợp nghiên cứu biên soạn công trình lịch sử “Quan hệ đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930 - 2007)”.

Trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế Việt Nam đang giúp Lào xây dựng đề án Trường Đại học Y - Dược Viêng Chăn. Đang triển khai xây dựng khu nhà chính, phòng thí nghiệm và một số phòng học với vốn viện trợ khoảng 5 triệu USD .

Các cơ chế, chính sách được xem xét điều chỉnh; các thỏa thuận hợp tác về thực hiện ưu đãi giảm 50% thuế suất và một số mặt hàng được hưởng 0% thuế suất thuế dịch vụ lao động và cấp thẻ theo thời hạn hợp đồng và cư trú của người lao động Việt Nam tại Lào đã và đang tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, thương mại giữa hai nước.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 11 Tháng Giêng, 2022, 05:16:44 pm
* Hợp tác giữa các địa phương và hợp tác biên giới

Việt Nam và Lào có đường biên giới đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào, ngoài ra còn có các tỉnh, thành phố kết nghĩa, vì vậy mà hợp tác giữa các địa phương hai bên Việt Nam - Lào phát triển rất nhanh và ngày càng có hiệu quả. Quan hệ hữu nghị truyền thống đã có từ lâu, nhưng quan hệ hợp tác toàn diện thì mới chỉ có từ khi hai nước giành được độc lập và xây dựng đất nước (1975). Riêng hợp tác về kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật chủ yếu là trong giai đoạn từ năm 1996 đến nay. Tại cuộc hội đàm đầu năm 1996, hai Bộ Chính trị đã đồng ý cho các địa phương có chung biên giới ký kết hợp tác trực tiếp với nhau. Đến cuộc gặp tháng 1 năm 1997, hai Bộ Chính trị chủ trương tăng cường quan hệ hợp tác giữa các tỉnh có chung biên giới và cho phép mở chợ đường biên, khuyến khích việc trao đổi hàng hoá, giao lưu buôn bán, hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng. Thực hiện miễn, giảm thuế đối với hàng hoá mua bán tại các vùng biên giới, sớm hoàn tất quy chế chợ đường biên và khu vực thương mại tự do Lao Bảo.

Trên cơ sở định hướng của hai Bộ Chính trị và thông qua các hiệp định hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Lào qua từng giai đoạn và hàng năm, hai bên đã phối hợp triển khai việc hợp tác trực tiếp giữa các địa phương hai nước và ngày càng đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Giai đoạn 1996 - 2000, hợp tác giữa các địa phương, đặc biệt là các tỉnh biên giới hai nước đã được mở rộng và ngày càng có hiệu quả tốt, đã đóng góp vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc của cả hai bên. Nhiều tỉnh biên giới đã liên doanh liên kết phát triển các lĩnh vực kinh tế như: hợp tác liên doanh khai thác gỗ giữa Nam Định với Uđômxay, Nghệ An với Xiêng Khoảng, Quảng Nam với Xalavăn, Quảng Bình với Khăm Muộn, Lai Châu với Phôngxalỳ. Nhiều dự án hợp tác sản xuất hàng thủ công, sành sứ và thuốc chữa bệnh... giữa các tỉnh của hai nước đã đi vào hoạt động. Hầu hết các địa phương giáp biên giới phía Việt Nam đã sang điều tra, khảo sát giúp các địa phương phía Lào xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện. Tỉnh Quảng Nam giúp huyện Samuội, tỉnh Xalavăn; Hà Tĩnh giúp huyện Khăm Cợt, tỉnh Bolikhămxay; Lai Châu giúp huyện Phôngxalỳ... Tỉnh Thanh Hoá đã đào tạo cho tỉnh Hủa Phăn giáo viên cao đẳng tiếng Anh, phiên dịch tiếng Việt... Quan hệ hợp tác giữa các tỉnh đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế của các địa phương dọc biên giới, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước và củng cố vành đai biên giới hoà bình, hữu nghị.

Hợp tác trong lĩnh vực xây dựng quy hoạch phát triển ngành, lãnh thổ là một trong những nội dung được các tỉnh biên giới hai nước quan tâm. Những dự án hợp tác này cùng với các chương trình dự án quy hoạch chung giữa hai nước là những tiền đề quan trọng để phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, tạo điều kiện giúp đỡ nhau sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bảo vệ môi trường và tận dụng những cơ hội phát triển của các địa phương phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế giữa hai nước với khu vực. Tuy nhiên, quy hoạch của các tỉnh cũng còn chậm đi vào cuộc sống, do những khả năng hạn chế về vốn của cả hai bên.

Bước sang giai đoạn 2001 - 2007, các địa phương hai bên đã phát huy và duy trì thường xuyên mối quan hệ đoàn kết, hợp tác truyền thống láng giềng tốt đẹp, bảo đảm an ninh xã hội vùng biên, giải quyết tốt những việc phát sinh; đồng thời tiếp tục chủ động phối hợp tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên đất Lào.

Các địa phương thường xuyên trao đổi đoàn, trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, du lịch, đầu tư, đào tạo, y tế. Đi đầu trong hợp tác giữa các địa phương là thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với Thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Chămpaxắc. Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ kỹ thuật trồng giống ngô lai, kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp bò giống, phân bón, thuốc trừ sâu; tổ chức nhiều đợt tập huấn cho cán bộ nông nghiệp và nông dân Thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Chămpaxắc. Công ty Nhựa Sài Gòn đầu tư xây dựng nhà máy nhựa tại Viêng Chăn. Lực lượng thanh niên xung phong thành phố có dự án trồng cao su tại Nam Lào; chuẩn bị xây dựng siêu thị tại Viêng Chăn. Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố triển khai chương trình mổ mắt đem lại ánh sáng cho 3.000 bệnh nhân nghèo khiếm thị ở Viêng Chăn và Chămpaxắc. Về giáo dục, thành phố Hồ Chí Minh cung cấp cho hai địa phương kết nghĩa 100 suất học bổng đại học, xây dựng tặng thành phố Viêng Chăn Trường Hữu nghị Viêng Chăn - thành phố Hồ Chí Minh cùng các trang thiết bị và xây dựng tặng tỉnh Chămpaxắc một trung tâm văn hóa.

Một số địa phương đã triển khai hợp tác có hiệu quả tốt với các địa phương của Lào như: Sơn La hợp tác với sáu tỉnh Bắc Lào, đặc biệt là với hai tỉnh Hủa Phăn và Luổng Phạbang; Hà Tĩnh với tỉnh Bolikhămxay; Quảng Bình với tỉnh Khăm Muộn; Quảng Trị với Xavẳnnakhệt; Nghệ An với Xiêng Khoảng; Kon Tum với Áttapư...

Các địa phương không chỉ hỗ trợ giúp đỡ nhau một cách thiết thực bằng kinh nghiệm, khả năng sẵn có theo truyền thống trước đây, mà đã có sự chuyển hướng tích cực trong việc hợp tác cùng phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế.

Hoạt động đầu tư thương mại của các doanh nghiệp có sự chỉ đạo của các cấp, ngành địa phương đã đi dần vào nền nếp, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng được nhu cầu phát triển, khai thác được tiềm năng, thế mạnh sẵn có về đất đai và nguồn tài nguyên, nhân lực của mỗi bên.

Các chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực có tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế giữa các địa phương hai nước đã được quan tâm như: chuyển giao công nghệ sinh học, nuôi cấy mô tế bào thực vật, sản xuất giống cây có giá trị kinh tế cao, phối hợp hình thức gieo giống, cung cấp nguyên liệu chiết xuất cây trầm gió của tỉnh Hà Tĩnh; chuyển giao kỹ thuật và công nghệ chế biến thức ăn viên cho cá của thành phố Hồ Chí Minh; lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2010 - 2020 tỉnh Xiêng Khoảng của tỉnh Nghệ An; nâng cao năng lực các trạm thu phát truyền hình các huyện tỉnh Hủa Phăn của tỉnh Thanh Hóa... với số vốn hàng chục tỷ đồng.

Hợp tác giáo dục, đào tạo ở các địa phương được mở ra và tăng lên nhanh chóng. Tính đến cuối năm 2006, có 1.046 học sinh tại 12 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó có 383 cán bộ, học sinh ở các bậc học, được đào tạo bằng nguồn ngân sách của các địa phương.
Các địa phương cũng đã giúp Lào nhiều cơ sở đào tạo tại Lào như: Quảng Bình xây dựng Trường Phổ thông Khăm Muộn; Hà Nội xây dựng Trường Trung cấp kỹ thuật chăn nuôi ở Viêng Chăn; thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Trường Trung học phổ thông Xìkhốt ở Viêng Chăn.
Thành phố Hà Nội, các tỉnh Hải Dương, Điện Biên... cũng có một số dự án hợp tác với phía Lào, từng bước đạt được kết quả tốt.

Trong những năm 2001 - 2007, hai bên đã phối hợp thực hiện tốt Hiệp định về quy chế biên giới, kịp thời phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh, đặc biệt là phối hợp hai bên trong việc phòng và chống vận chuyển và mua bán ma túy qua biên giới, góp phần xây dựng biên giới hai nước là đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển. Tổ chức khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Thanh Hóa) - Nặm Xôi (Hủa Phăn), ba cặp cửa khẩu phụ: Huội Puốc (Điện Biên) - Na Xon (Luổng Phạbang), Hồng Vân (Thừa Thiên - Huế) - Cutai (Xalavăn), AĐốt (Thừa Thiên - Huế) -  Tavang (Xê Coong). Hoàn thành các thủ tục cần thiết nâng cấp cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam)- Đắc Tà óc (Xê Coong) thành cửa khẩu chính. Xây dựng cầu Xả Ớt khu vực Lao Bảo (Quảng Trị) - Đen Xávẳn (Xavẳnnakhệt)... phục vụ đi lại thông thường, hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Để thúc đẩy hợp tác phát triển toàn diện và ổn định vùng biên giới hai nước, hai bên đã ký kết “Thỏa thuận Hà Nội 2007” nhằm cải tiến thủ tục kiểm tra, kiểm soát qua lại giữa hai bên, tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện và hàng hóa qua lại biên giới giữa hai nước; triển khai dự án tăng dày và tôn tạo cột mốc quốc giới Việt Nam - Lào để thực hiện vào năm 2008. Hai bên đã phối hợp và bố trí kinh phí đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng, giao thông, nông nghiệp, thủy lợi, y tế, các cụm bản nhằm đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng.

Tuy nhiên, hợp tác giữa các địa phương cũng còn nhiều khó khăn, tồn tại. Nhiều chương trình, dự án sau khi hoàn thành chậm được thanh toán gây nợ đọng kéo dài. Trong thương mại, việc thực hiện các cam kết tạo điều kiện cho người, hàng hóa qua lại chưa được thống nhất ở một số địa phương...


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 12 Tháng Giêng, 2022, 08:45:59 am
*
*     *

Quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trong thời kỳ đổi mới 1986 - 2007 đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với sự quyết tâm của hai Đảng, hai Nhà nước và sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp hai nước, quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào đã ngày càng được đẩy mạnh và khuyến khích phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, từ hợp tác về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh đến hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, hợp tác giữa các địa phương và đạt được những kết quả ngày càng to lớn hơn, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới và phát triển của mỗi nước.

Trong chặng đường 10 năm đầu đổi mới (1986 - 1996) bao gồm hai giai đoạn phát triển rõ rệt trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Giai đoạn đầu (1986 - 1990) gắn với chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, điều chỉnh cơ cấu kinh tế và quan hệ kinh tế đối ngoại, hai nước chuyển dần sang cơ chế và phương thức hợp tác mới nên hiệu quả hợp tác còn chưa cao. Thời kỳ mới chuyển đổi đánh dấu bằng việc giảm dần tính tập trung, bao cấp chuyển sang hạch toán kinh doanh cùng có lợi, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào vẫn mang tinh thần giúp đỡ lẫn nhau, giải quyết vấn đề tình thế theo vụ việc, đáp ứng yêu cầu cấp bách để ổn định và phát triển kinh tế. Trong giai đoạn này, công thức hợp tác của hai nước vẫn là 2 + 1, tức là tài nguyên Lào; lao động, kỹ thuật Việt Nam và vốn do hai nước góp chung hoặc từ một nước thứ ba. Tuy nhiên, cả hai nước mới tiến hành công cuộc đổi mới, tiềm lực ban đầu chưa có, do vậy sự hợp tác giữa hai nước chưa có những chuyển biến đáng kể. Thực tiễn đã chỉ ra rằng trong nền kinh tế thị trường không có nước thứ ba nào bỏ vốn ra cho hai nước Việt Nam - Lào xây dựng, phát triển mà lại không có những toan tính khác. Mặt khác, nếu chỉ chú ý đến lợi ích kinh tế mà không tính đến lợi ích toàn diện của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào thì không tránh khỏi làm cho cả Việt Nam và Lào đều yếu đi.

Giai đoạn sau (kể từ năm 1992 trở đi), khi hai nước ký Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật thời kỳ 1992 - 1995 (còn gọi là Hiệp định hợp tác khung, ngày 15 tháng 2 năm 1992), hằng năm có Hội nghị Ủy ban liên Chính phủ giữa hai nước họp để đánh giá kết quả thực hiện Hiệp định trong năm và ký kết Hiệp định hợp tác cho năm sau; đồng thời, để sự hợp tác hai nước đi vào ổn định, Việt Nam - Lào đã đạt được thỏa thuận xây dựng cơ chế chung về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật bằng Hiệp định ký ngày 7 tháng 4 năm 1994. Trên cơ sở mục tiêu tổng quát và tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao Đảng và Chính phủ hai nước, ngày 15 tháng 3 năm 1995, Việt Nam và Lào đã nâng quan hệ hợp tác toàn diện lên một tầm cao mới bằng việc ký kết Thỏa thuận chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giai đoạn 1996-2000, một sự chuẩn bị cho hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng hơn ở giai đoạn tiếp theo.

 Như vậy, trong những năm đầu của công cuộc đổi mới của cả hai nước, quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào cũng có sự đổi mới về mục tiêu, phương thức hợp tác nhằm đưa quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào theo tầm chiến lược, thực sự có hiệu quả cả về chiều rộng và chiều sâu. Phương thức hợp tác đã chuyển từ: hợp tác từng vụ việc theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước Lào sang hợp tác theo chương trình, kế hoạch hàng năm giữa hai Chính phủ và bước đầu nghiên cứu kế hoạch và xây dựng chiến lược hợp tác dài hạn giữa hai nước. Quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào giảm dần tính bao cấp, tập trung chuyển sang sản xuất, kinh doanh cùng có lợi. Tất nhiên, hai nước vẫn tiếp tục dành cho nhau những ưu tiên, ưu đãi, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước. Từ công thức 2 + 1, hợp tác Việt Nam - Lào chuyển sang công thức 3 + 2, với nội dung là: vốn, công nghệ - kỹ thuật, thị trường của Việt Nam; lao động, tiềm năng thiên nhiên của Lào. Bằng công thức này, Việt Nam và Lào tỏ rõ quyết tâm hợp tác với nhau trên tất cả các lĩnh vực nhằm phát huy nội lực, tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức trên con đường xóa bỏ khoảng cách phát triển, hướng đến phát triển đồng đều và bền vững ở mỗi nước.

Giai đoạn 1996 - 2000, hai bên đã quyết tâm xóa bỏ cơ chế bao cấp, cải tiến cơ chế hợp tác phù hợp với thông lệ quốc tế, với định hướng là “hợp tác bình đẳng cùng có lợi, kết hợp thỏa đáng tính chất quan hệ đặc biệt với thông lệ quốc tế, ưu tiên, ưu đãi hợp lý cho nhau”. Từ đây, hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước được đưa vào kế hoạch hàng năm, khuyến khích mở rộng hợp tác trao đổi giữa các ngành, các địa phương và giữa các cơ sở, doanh nghiệp; thay dần cơ chế hợp tác giữa Nhà nước với Nhà nước của những năm trước đây bằng nhiều hình thức mới như: hợp đồng, trao đổi hàng hóa hai bên cùng có lợi, mua và bán hộ, giao nhận đấu thầu xây dựng...

Trong giai đoạn này, hai nước đã quyết định tập trung vào việc thực hiện Thỏa thuận chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giai đoạn 1996 - 2000. Lần đầu tiên các nội dung hợp tác mang tính chiến lược tạo tiền đề cho việc triển khai hợp tác những năm sau này đã được đặt ra. Nhiều chương trình, dự án hợp tác tạm đình hoãn của giai đoạn 1985 - 1990 được tiếp tục thực hiện trong giai đoạn này.
Từ năm 1999, sau khi có các quy định về đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư vào Lào. Đây cũng là giai đoạn hầu hết các cơ chế hợp tác đã được ký kết, tạo ra khung pháp lý quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Trọng tâm hợp tác kinh tế của giai đoạn này là giáo dục, đào tạo, nông nghiệp và phát triển nông thôn, điều tra khảo sát xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tại Lào.

Từ năm 2001 đến 2007, hai nước đã xây dựng các thỏa thuận chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật cho các giai đoạn năm năm (2001 - 2005, 2006 - 2010), 10 năm (2001 - 2010), sau đó là hàng loạt các hiệp định, nghị định thư và các thỏa thuận hợp tác  cũng được ký kết, tạo thành một hệ thống các cơ chế hợp tác để các bộ, ngành hai bên áp dụng. Nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư và thương mại vào Lào đã được tổ chức tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (tháng 5 năm 2004), thành phố Vinh (tháng 12 năm 2004), Đắc Lắc và Đà Nẵng (tháng 6 năm 2005).

Do có chính sách ưu tiên, ưu đãi cho nhau, nên việc hợp tác kinh tế, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Đầu tư của Việt Nam vào Lào gia tăng nhanh chóng; đồng thời đầu tư của Lào vào Việt Nam cũng được ngày càng mở rộng, tập trung vào các lĩnh vực: giao thông vận tải, bưu điện, tài chính, ngân hàng... và đang thu được những kết quả bước đầu.

Cũng trong giai đoạn này, hai bên còn phối hợp tham gia có hiệu quả các chương trình, dự án quốc tế và khu vực như: hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), dự án kết nối giao thông khu vực trong dự án Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC)...

Với những thành quả to lớn của giai đoạn 1986 - 2007, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước đang trở thành yếu tố quyết định trong việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào , tạo tiền đề cho việc tăng cường và mở rộng hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong giai đoạn mới.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 12 Tháng Giêng, 2022, 09:16:28 am
PHẦN THỨ TƯ
THÀNH QUẢ, BÀI HỌC VÀ TRIỂN VỌNG

 
 
Chương IX
THÀNH QUẢ, Ý NGHĨA VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ
CỦA QUAN HỆ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM



I. QUAN HỆ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM - TÀI SẢN QUÝ GIÁ NHẤT VÀ QUY LUẬT GIÀNH THẮNG LỢI CỦA HAI DÂN TỘC VIỆT NAM, LÀO TRONG TIẾN TRÌNH CÁCH MẠNG


1. Sự thành hình quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam - bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam, Lào

Vị trí địa - chiến lược của Việt Nam và Lào ở vùng Đông Nam Á  đặt ra yêu cầu tất yếu về sự hợp tác hỗ trợ lẫn nhau giữa hai dân tộc trong lịch sử chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ đất nước. Yêu cầu đó càng trở nên cấp bách khi nhân dân hai nước đều bị đặt dưới ách thống trị của thực dân Pháp từ cuối thế kỷ XIX. Từ lúc bấy giờ, các phong trào yêu nước bùng nổ liên tục ở Việt Nam, Lào và xuất hiện nhiều hoạt động phối hợp giữa nghĩa quân và nhân dân hai bên đường biên giới kéo dài trong 20 năm đầu thế kỷ XX.

Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp đó, trong thập niên 20 thế kỷ trước, Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và luận điểm cách mạng của Người, đồng thời lãnh đạo xây dựng tổ chức cách mạng tại Việt Nam và Lào, mở đường tạo lập quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc được thể hiện trên các lĩnh vực sau:

a) Khẳng định con đường cách mạng vô sản là con đường giải phóng và phát triển của Đông Dương, là cơ sở bền vững của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam

Đáp ứng nguyện vọng thiết tha của nhân dân Đông Dương là trút bỏ gông cùm nô lệ của tư bản Pháp, được sống trong độc lập, tự do, Nguyễn Ái Quốc đưa ra luận điểm quan trọng nhất về giải phóng Đông Dương, đó là con đường cách mạng vô sản. Chỉ trên cơ sở đó hai dân tộc Việt Nam, Lào mới xây dựng được mối quan hệ bình đẳng, chân thành, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do.

Từ năm 1921, trong bài “Đông Dương” đăng trên La Revue Comuniste (Tạp chí Cộng sản), số 15, Nguyễn Ái Quốc dựa trên cứ liệu lịch sử để khẳng định rằng chủ nghĩa cộng sản thâm nhập dễ dàng vào châu Á hơn là châu Âu. Theo dòng tư duy đó, trong cụm bài viết về chủ đề Đông Dương (1923 - 1924), Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: sự nghiệp giải phóng các dân tộc ở Đông Dương gắn liền với giải phóng xã hội và giải phóng con người theo quỹ đạo của cách mạng vô sản. Nhưng lúc ấy, cách mạng Đông Dương chưa đến độ chín muồi để bùng nổ và giành thắng lợi.

Sự thật là tuy người Đông Dương chưa có những điều kiện cần thiết để hiểu biết lý luận, lại bị đầu độc và giam hãm trong tình trạng lạc hậu, nhưng Nguyễn Ái Quốc đã thấy rõ sức sống mãnh liệt của người Đông Dương. Từ đó, Người đề nghị Quốc tế Cộng sản tăng cường giúp đỡ cách mạng Đông Dương về đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức cách mạng.

b) Tuyên truyền, giảng giải lý luận cho dân hiểu, để dân đoàn kết và đấu tranh

Đầu những năm 20 thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc ra sức tuyên truyền để nhân dân Pháp hiểu rõ bản chất xấu xa của chế độ thuộc địa mà ủng hộ sự nghiệp giải phóng dân tộc bị áp bức; đồng thời, Người tham gia sáng lập và phát hành báo Le Paria  (Người cùng khổ), một công cụ tuyên truyền, giác ngộ nhân dân các nước thuộc địa Pháp. Đông Dương là một địa chỉ tiếp nhận và lưu hành tờ báo này.

Trước khi rời nước Pháp lên đường về nước, Người đặt câu hỏi cho các bạn cùng hoạt động và tự nêu câu trả lời cho riêng mình:

“Chúng ta phải làm gì?
Chúng ta không thể đặt vấn đề ấy một cách máy móc...
Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”  (BBS nhấn mạnh).

Ở thời điểm khơi nguồn cho chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cách mạng Nguyễn Ái Quốc đến với nhân dân Đông Dương, cuốn sách “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc (xuất bản năm 1925 tại Pari), được chuyển tới nhiều thuộc địa Pháp, giác ngộ dân chúng tư tưởng cách mạng giải phóng thuộc địa và xây dựng xã hội mới theo gương Cách mạng tháng Mười Nga.

Nguyễn Ái Quốc đưa ra luận điểm mới của mình về phương pháp đấu tranh, thủ tiêu chế độ tư bản bằng sự hợp lực giữa giai cấp vô sản ở chính quốc và giai cấp vô sản thuộc địa như muốn giết một con đỉa, thì phải đồng thời cắt cả hai vòi của nó. Hình tượng trên giúp người đọc thấu hiểu cách mạng thuộc địa là một bộ phận hữu cơ của cách mạng vô sản thế giới, như Nguyễn Ái Quốc đã viết: “... khối liên minh này sẽ là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản” .

Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu (Trung Quốc), tháng 11 năm 1924. Đầu năm 1925, Người mở lớp huấn luyện cho những thanh niên Việt Nam yêu nước đang ham muốn tiếp nhận lý luận chính trị. Dựa trên cơ sở các bài giảng tại lớp huấn luyện, Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm “Đường cách mệnh” nêu bật giá trị của lý luận cách mạng đối với sự thành công của cách mạng.

Đường cách mệnh” rất xứng đáng là cuốn sách giáo khoa lý luận, chính trị và phương pháp hoạt động cách mạng; là tác phẩm giáo dục đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng, ý chí đấu tranh cho cán bộ và quần chúng nhân dân Việt Nam, Lào - những địa bàn mà Nguyễn Ái Quốc đang dốc lòng, dốc sức gieo mầm cách mạng .

Giữa năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và sáng lập báo Thanh niên - tờ báo cách mạng đầu tiên bằng chữ quốc ngữ, thực hiện chức năng giáo dục, tập hợp và thống nhất tư tưởng, hành động của các chiến sĩ cách mạng và trang bị kiến thức chính trị cho đội ngũ cán bộ vận động quần chúng.

Thời gian hoạt động tại Xiêm, Nguyễn Ái Quốc sinh sống, lao động chan hoà và giáo dục tinh thần yêu nước, cách mạng cho đồng bào Việt kiều tại các địa bàn này. Đặc biệt, Người đến Noỏng Khai gặp gỡ một số cán bộ hoạt động từ Viêng Chăn sang để nắm tình hình cách mạng Lào. Năm 1928, Người tới lãnh thổ Lào để tuyên truyền trong người Việt về chính trị, tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc...

Kết quả dân vận của Nguyễn Ái Quốc tại Xiêm và Lào là nhân tố quan trọng tạo dựng nền móng bền chắc của lực lượng hậu thuẫn cho cách mạng Việt Nam và Lào.

c) Đề xuất chủ trương cách mạng Đông Dương do nhân dân Đông Dương tự tiến hành, kết hợp với sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế

Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nhân dân Đông Dương bị đầu độc và áp bức, bóc lột nặng nề nhưng không phải vì thế mà tiềm năng cách mạng của họ bị vơi cạn. Làm sáng tỏ vấn đề đó, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Không: người Đông Dương không chết, người Đông Dương vẫn sống, sống mãi mãi” .

Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: sức mạnh cách mạng to lớn của người Đông Dương hiện chưa bộc lộ, sẽ bùng nổ khi thời cơ xuất hiện. Trách nhiệm của bộ phận ưu tú phải thúc đẩy cho thời cơ chóng tới.

Ý thức rõ sức mạnh của thế hệ thanh niên đối với sự thay đổi vận mệnh các dân tộc Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”.

Để khắc phục sự biệt lập và khơi dậy tình đoàn kết của các nước châu Á, tháng 7 năm 1925, nối tiếp nhiều hoạt động của Hội Liên hiệp thuộc địa (1921 - 1926), Nguyễn Ái Quốc chủ động phối hợp với một số nhà cách mạng Trung Quốc thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức, một tổ chức quốc tế đoàn kết nhiều dân tộc thuộc địa, nửa thuộc địa như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Inđônêxia. Tuyên ngôn của Đại hội thành lập Hội nêu rõ: “con đường thoát duy nhất để xoá bỏ sự áp bức chỉ có thể là liên hiệp các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản toàn thế giới áp dụng những phương pháp cách mạng để lật đổ về căn bản chủ nghĩa tư bản đế quốc cực kỳ hung ác” .

Về sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng Đông Dương, tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản năm 1924, Nguyễn Ái Quốc nêu lên những thủ đoạn cướp đoạt ruộng đất và nhiều loại thuế đánh vào nông dân Việt Nam và các thuộc địa ở châu Phi, gây nên nạn bần cùng, nỗi phẫn uất cao độ và đương nhiên những phản ứng quyết liệt của họ với chế độ thuộc địa đã diễn ra. Song họ đều bị đàn áp khốc liệt. Đó là do nông dân thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Người đề nghị “Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng” .

Trên diễn đàn Đại hội III Quốc tế Công hội đỏ, Nguyễn Ái Quốc cho rằng, ở Đông Dương, thực dân Pháp đã phục hồi chế độ nô lệ. Nhưng giai cấp vô sản Đông Dương chưa thể làm gì được để chống lại chế độ bóc lột đó, vì chưa xây dựng được tổ chức nào của họ. Người đã chỉ ra lối thoát: “... với sự giúp đỡ của các tổ chức cách mạng gần gũi với Quốc tế Công hội đỏ, chúng tôi quyết đập tan lực lượng của chủ nghĩa đế quốc châu Âu áp bức chúng tôi”3. Tiếp theo, Người kiến nghị: “... các đồng chí chúng ta trong các tổ chức công nhân cách mạng Pháp phải tích cực giúp đỡ chúng tôi trong cuộc đấu tranh giải phóng của chúng tôi”.

Một kết quả hoạt động kịp thời của Nguyễn Ái Quốc là Tổng Công hội thống nhất (Pháp) kiến nghị đưa vào Nghị quyết của Đại hội những nhiệm vụ trước mắt:

“1- Tổ chức những người Đông Dương hiện làm việc ở Pháp.
2- Tiến hành một chiến dịch mạnh mẽ vì quyền công đoàn của người bản xứ song song với chiến dịch cho công chức.
3- Cử những đại biểu thường trực (ít ra là 2) sang Đông Dương với sứ mệnh là tuyên truyền trong dân bản xứ và tổ chức họ” .

d) Chủ động sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam - tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương. Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam thành hình

Nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng đã được Nguyễn Ái Quốc luận định sáng rõ trong tác phẩm “Đường cách mệnh”. Đó là đảng cách mạng phải nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin mới có thể lãnh đạo dân chúng trong nước và đoàn kết với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới. Theo đó, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên với hy vọng: nó là quả trứng, sẽ nở ra con chim non cộng sản.

Tổ chức và hoạt động của Hội phát triển rộng khắp toàn Đông Dương. Riêng tại Lào, từ năm 1928 tổ chức Hội đã được thành lập tại Viêng Chăn, Thà Khẹc, Phôn Tịu, Xavẳnnakhệt, qua đó “Đường cách mệnh”, báo Thanh niên và nhiều tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc cũng được truyền bá tại Lào.

Những hoạt động trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, đào tạo cán bộ, xây dựng Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc tiến hành sâu rộng, đã tác động trực tiếp tới sự chuyển biến của cách mạng Việt Nam và Lào, đưa tới sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng (tháng 6 năm 1929), An Nam Cộng sản Đảng (tháng 11 năm 1929), Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (cuối tháng 12 năm 1929), xuất hiện một yêu cầu cấp bách là thành lập một Đảng Cộng sản.

Trước tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc chủ động tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hồng Công vào đầu năm 1930 và đến tháng 10 cùng năm, đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Những sự kiện trên đánh dấu năm 1930 quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam thành hình. Từ đây, cách mạng Việt Nam và Lào mở ra hướng đi mới dẫn tới thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do và phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa của hai dân tộc Việt Nam, Lào.

Nội dung văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo thể hiện rõ bản chất của Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành cách mạng ruộng đất giải phóng nông dân khỏi ách bóc lột phong kiến... để đi tới xã hội cộng sản. Trong hai nhiệm vụ đó, cách mạng giải phóng dân tộc giữ vai trò quan trọng nhất và được tiến hành bằng sức mạnh đại đoàn kết các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các đảng phái yêu nước. Những luận điểm trên có giá trị phổ biến đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào.

Quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trải qua quá trình đoàn kết đấu tranh của hai dân tộc đã tích tụ, toả sáng nhiều giá trị và công tích giàu ý nghĩa cách mạng và văn hoá, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản nhất trí đặt tên là quan hệ đặc biệt. Trong bài trả lời phóng viên báo Nhân dân, ngày 4 tháng 7 năm 1989, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản cho biết:

“Khi thảo luận về mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và giữa nhân dân hai nước, Bác Hồ và chúng tôi đều thấy rằng, ngoài mối quan hệ giữa hai Đảng cùng chung lý tưởng cộng sản, giữa hai nước xã hội chủ nghĩa láng giềng thì mối quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản, giữa nhân dân hai nước chúng ta còn có sự gắn bó thân thiết không giống bất cứ nước nào. Bác Hồ và chúng tôi cùng suy nghĩ.

Bác Hồ tay gõ lên trán và nói: “chúng ta phải gọi là quan hệ đặc biệt”.

Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với Bác vì đó là sự thật lịch sử”.

Lịch sử đấu tranh lâu dài, anh dũng và sáng tạo của hai dân tộc Việt Nam, Lào trải qua các chặng đường cách mạng giành độc lập dân tộc, kháng chiến đánh thắng các cuộc xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tìm đường đổi mới và hội nhập quốc tế, thu được nhiều thành quả quan trọng có ý nghĩa lịch sử. Tất cả đều hiện rõ nét đặc sắc nhất của nó, đó là quy luật giành thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Lào.

Bằng cách nhìn tổng quát cuộc kháng chiến của ba dân tộc Việt, Miên, Lào chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên nhận xét về tác động khách quan, tất yếu giữa các cuộc kháng chiến của ba dân tộc: “kháng chiến Việt - Miên - Lào là chung của chúng ta, là bổn phận của chúng ta”  không một nước nào tách khỏi hai nước kia mà giành được thắng lợi. Luận điểm này cũng khẳng định quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào là quy luật giành thắng lợi của cách mạng hai nước Việt Nam, Lào.

Xuất phát từ quan điểm chung đó, Người tuyên bố: “Chính phủ, Mặt trận và nhân dân Việt Nam ra sức hết lòng thành thực giúp Mặt trận, nhân dân Lào một cách không có điều kiện” (BBS nhấn mạnh).

Về quy luật của quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản dựa trên thực tiễn lịch sử cách mạng của hai dân tộc Lào, Việt Nam đã nhận định: “Trong quá trình vận động cách mạng của hai nước anh em, mối quan hệ đặc biệt đã được xây dựng và không ngừng được vun đắp.

Qua những thử thách trong sóng gió quyết liệt của thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ hung ác nhất của nhân loại, mối quan hệ đặc biệt giữa Lào và Việt Nam chẳng những không ngừng được củng cố, tăng cường mà còn tạo thành sức mạnh không gì lay chuyển được.

Trong thực tiễn đấu tranh lâu dài ấy, Đảng ta đã xác định điều đó như một quy luật của cách mạng nước ta”  (BBS nhấn mạnh).

Quy luật của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Cayxỏn Phômvihản phát hiện là kết quả vận dụng sáng tạo sức mạnh to lớn của cách mạng vô sản, bao gồm trong đó cách mạng giải phóng dân tộc, mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã tổng kết trong khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!” vào điều kiện cụ thể của hai dân tộc Việt Nam, Lào. Đồng thời, theo dòng tư duy của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao khẩu hiệu: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” dành cho dân tộc Việt Nam và quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Tinh thần ấy được thể hiện trong nhiều tác phẩm và hoạt động thực tiễn của Người.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 12 Tháng Giêng, 2022, 09:37:59 am
2. Quan điểm, nguyên tắc và phương pháp xây dựng, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam

Trong quá trình xây dựng, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam hai dân tộc Việt Nam, Lào đều quán triệt và thực hiện quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp bạn là mình tự giúp mình”, một quan điểm thể hiện cô đọng, hài hoà, đúng đắn lợi ích dân tộc và lợi ích quốc tế trong hành động của mỗi người, mỗi tổ chức được giao trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đó.

Quan điểm “giúp bạn là mình tự giúp mình” có tác dụng giáo dục tư tưởng, cổ vũ, khích lệ và tạo động lực cho hai dân tộc Việt Nam, Lào giúp nhau giành thắng lợi trong mọi chặng đường cách mạng dù phải hy sinh tài sản và tính mạng. Mặt khác, nó bác bỏ ý nghĩ sai lầm cho rằng giúp bạn là ban ơn.

Quan điểm “giúp bạn là mình tự giúp mình” còn bao hàm ý thức tự giác, tự nguyện của nhân dân hai nước dành cho nhau ở mức độ tối đa về tinh thần và lực lượng, tính mạng và tài sản, được thấm sâu vào ý nghĩ và hành động từ các cơ quan lãnh đạo tối cao đến quần chúng nhân dân các địa phương; từ cán bộ, chiến sĩ hoạt động trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, giáo dục; từ nhiều gia đình đến các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội trên các chặng đường cách mạng.

Nhiệm vụ giúp bạn cần phải tiến hành theo phương pháp giúp bạn để nâng cao năng lực từ thấp lên cao, tiến tới tự giải quyết các nhiệm vụ cách mạng của dân tộc mình, vì cách mạng nước nào phải do nhân dân nước ấy tự làm, kết hợp với sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Thực hiện nhiệm vụ vun đắp quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đều rất coi trọng thực hiện nguyên tắc tôn trọng quyền độc lập, tự chủ, bình đẳng và dân chủ của hai bên, được thể hiện rất rõ ràng trong các lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản.

Tháng 9 năm 1952, tại Hội nghị cán bộ Liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Cán bộ Việt Nam sang công tác ở Lào phải hoàn toàn ở dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Trung ương Lào, nhất là của Thủ tướng Xuphanuvông. Tuyệt đối không được tự cao, tự đại, không được bao biện. Bất kỳ việc gì phải nghe Chính phủ Lào, cán bộ Việt Nam phải đoàn kết tinh thần, đoàn kết công tác với cán bộ và nhân dân Lào. Đây là mệnh lệnh của Chính phủ Trung ương Việt Nam cho cán bộ tình nguyện Việt Nam đi công tác ở Lào .

Giải thích rõ nguyên tắc độc lập, tự chủ và giá trị của nó, trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc (Lào), ngày 13 tháng 5 năm 1974, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản nói: “Sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta phải do nhân dân ta tự làm lấy.

Đảng ta là một đảng lãnh đạo cách mạng thực sự, do đó phải giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ, mỗi một dân tộc có độc lập tự chủ, mỗi một đảng có độc lập, tự chủ thì mới chứng minh một cách đầy đủ chủ nghĩa yêu nước nồng nàn kết hợp với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng” .

Trong quan hệ công tác giữa hai Đảng, cần coi trọng thực hành dân chủ và thành khẩn tự phê bình và phê bình, coi đó là những biện pháp tăng cường đoàn kết chặt chẽ vì mục tiêu giành thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Lào và toàn Đông Dương mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: “Mong cán bộ Việt Nam làm việc ở Lào thành khẩn, thật thà tự phê bình và mong các đồng chí Lào cũng phê bình anh em Việt Nam thật thà không nể nả. Mục đích là thật thà với nhau, giúp nhau tiến bộ và do đó đoàn kết chặt chẽ hơn, nể nả là sai. Vì cách mạng, vì đoàn kết ba dân tộc mà phê bình”.

Gắn liền với phương pháp trên, Người còn nhấn mạnh lề lối làm việc dân chủ trong sự phối hợp hoạt động của hai Đảng và theo lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại cuộc hội đàm giữa cán bộ lãnh đạo của hai Đảng năm 1961: (Hai bên) nhất trí nhưng không miễn cưỡng, phải bàn bạc phân minh, nêu cho hết ý kiến nhưng quyết định là Đảng Lào, vì cách mạng Lào do người Lào làm lấy.

Tại cuộc hội đàm với Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Nhân dân Lào, ngày 9 tháng 7 năm 1961, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trình bày về một số nguyên tắc lớn và lề lối làm việc giữa hai Đảng, bao gồm những nội dung:
“Mọi công việc ở Lào đều do Đảng Lào phụ trách. Cách mạng Lào do đồng chí Lào lãnh đạo. Đường lối, chủ trương do Đảng Lào đề ra, Việt Nam góp ý kiến. Cũng có lúc Việt Nam thấy vấn đề trước thì Việt Nam sẽ đề xuất ý kiến trước nhưng quyền quyết định vẫn do Đảng Lào” .
Ở phạm vi quan hệ giữa Đảng Lào với các đảng anh em khác thì “Đảng Lào tự mình bàn bạc thương lượng với các đảng anh em trong mọi vấn đề có liên quan. Trong phạm vi nào đó, theo yêu cầu của các đảng anh em và với sự thoả thuận của Đảng Lào, Việt Nam có thể làm trung gian giúp đỡ”.

Về quan hệ giữa hai nước, hai Chính phủ, đồng chí Lê Duẩn cho rằng: “tất nhiên có những quan hệ khác hơn quan hệ hai Đảng. Những vấn đề lớn trong quan hệ giữa hai Chính phủ thì hai Đảng cũng cần có sự trao đổi ý kiến trước với nhau”.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Lào, biểu thị sự nhất trí với những nguyên tắc và lề lối làm việc giữa hai Đảng do đồng chí Lê Duẩn nêu ra. Tiếp đó, đồng chí nói rõ những nhiệm vụ cần Việt Nam giúp đỡ: “Giúp về đường lối, chính sách, nhưng giúp đào tạo cán bộ là vấn đề mấu chốt.

Giúp củng cố và mở rộng cơ sở đảng. Trong lực lượng vũ trang cũng giúp bồi dưỡng cán bộ và phát triển cơ sở đảng. Kinh tế là vấn đề mới, cần có sự giúp đỡ, nhất là trong vùng căn cứ, cả trước mắt và lâu dài, làm thế nào để vùng căn cứ trở thành một tấm gương mẫu mực cho các vùng khác” .

Những quan điểm, nguyên tắc và phương pháp xây dựng, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam do lãnh đạo của Việt Nam và Lào nhất trí đề ra, được cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang các ngành, các đoàn thể, doanh nghiệp, địa phương,... của hai nước quán triệt và thực hiện trong thời chiến và thời hoà bình xây dựng đất nước, nhờ vậy đã góp phần rất quan trọng vào sự thành công của cách mạng hai nước Việt Nam, Lào.

Tất cả giá trị của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đều hiển hiện đậm nét đặc trưng mẫu mực, thuỷ chung, trong sáng, bền vững, chưa từng có trong lịch sử quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 12 Tháng Giêng, 2022, 11:10:11 am
II. NHỮNG THÀNH QUẢ CƠ BẢN VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA QUAN HỆ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM


1. Hai dân tộc Việt Nam, Lào sát cánh bên nhau cùng tiến hành khởi nghĩa tháng Tám 1945, giành độc lập dân tộc


Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (tháng 9 năm 1939), từ tháng 11 năm 1939 đến tháng 5 năm 1941, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã sớm đưa ra những luận điểm và chủ trương quan trọng chuẩn bị cho công cuộc khởi nghĩa giành độc lập, tự do cho các dân tộc Việt Nam, Lào, Miên. Do điều kiện cụ thể khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, chỉ có hai nước Việt Nam, Lào tiến hành khởi nghĩa giành được quyền độc lập.

Các luận điểm và chủ trương của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương được thể hiện ở các vấn đề sau:

a) Đánh giá xác đáng tình hình chính trị, xã hội Đông Dương và chỉ rõ mâu thuẫn cần giải quyết

Bằng cách nhìn nhận khách quan và cách mạng, tháng 11 năm 1939, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho rằng, Chiến tranh thế giới thứ hai làm cho mâu thuẫn giữa các nước đế quốc và các dân tộc thuộc địa càng phát triển gay gắt, các dân tộc bị áp bức sẽ vùng dậy đấu tranh chống đế quốc xâm lược để trút bỏ ách tôi đòi: “cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị gây nên bởi đế quốc chiến tranh lần này sẽ nung nấu cách mệnh Đông Dương nổ bùng và tiền đồ cách mệnh giải phóng Đông Dương nhất định sẽ quang minh rực rỡ” .

Lúc bấy giờ, thực dân Pháp thi hành ở Đông Dương chính sách phát xít. Bọn phong kiến Việt, Miên, Lào cam tâm làm tay sai cho đế quốc Pháp, hô hào thanh niên đi lính, vơ vét tài sản của nhân dân Đông Dương để cung phụng cho “mẫu quốc” khiến: “ai cũng chán ghét cuộc đời nô lệ, ai cũng mong muốn độc lập, tự do, và đang trong tư thế một người lên tiếng vạn người ủng hộ” .

Tháng 9 năm 1940, quân Nhật kéo vào chiếm Đông Dương, tròng thêm vào cổ nhân dân Đông Dương một ách thống trị, đẩy mâu thuẫn giữa các đế quốc Pháp, Nhật với các dân tộc, các giai cấp tại Việt Nam, Lào, Miên lên tới mức độ rất quyết liệt, đúng như nhận định của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháng 5 năm 1941: “Quyền lợi tất cả các giai cấp bị cướp giật, vận mạng dân tộc nguy vong không lúc nào bằng” . Đó chính là mâu thuẫn cơ bản và cũng là mâu thuẫn chủ yếu đòi hỏi cách mạng Đông Dương phải giải quyết. Quan điểm trên sẽ chi phối nhiều quyết định quan trọng của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong tiến trình lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành quyền độc lập, tự do của các dân tộc Việt Nam, Lào.

b) Xác lập các luận điểm về vấn đề dân tộc ở Đông Dương

Trong hoàn cảnh các dân tộc Đông Dương đang bị giam hãm trong ngục tù nô lệ của chế độ thuộc địa, bị tước bỏ mọi quyền tự do, dân chủ, một ước nguyện tha thiết nhất của nhân dân các dân tộc Đông Dương là đánh đổ chế độ thực dân, giành lại chủ quyền dân tộc. Do vậy, tại Hội nghị lần thứ sáu, tháng 11 năm 1939 và Hội nghị lần thứ tám, tháng 5 năm 1941, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều quan niệm:

Một là, vấn đề giải phóng dân tộc là vấn đề hàng đầu trong hệ thống luận điểm vấn đề dân tộc ở Đông Dương. Nó phải được đặt ở vị trí cao nhất, bức thiết nhất; tất cả quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phương hại lợi ích dân tộc, thì phải gác lại giải quyết sau.

Hai là, giải quyết đúng quyền “dân tộc tự quyết” cho các dân tộc ở Đông Dương. Ngay từ tháng 11 năm 1939, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã chủ trương sau khi độc lập: “Mỗi dân tộc có quyền giải quyết vận mệnh theo ý muốn của mình, song sự tự quyết cũng không nhất định nghĩa là rời hẳn nhau ra” .

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh và mở rộng thêm: Quyền tự do, độc lập của mỗi dân tộc được thừa nhận và tôn trọng. Mỗi dân tộc đều có quyền bảo tồn, phát triển văn hoá của dân tộc mình. Đối với các dân tộc Lào, Miên, dân tộc Việt Nam có nghĩa vụ giúp đỡ trên bước đường đấu tranh vì độc lập, tự do.

Ba là, cần xây dựng khối đoàn kết của các dân tộc ở Đông Dương mới có đủ sức mạnh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Pháp, Nhật; đồng thời, cần mở rộng quan hệ đoàn kết với các lực lượng cách mạng và dân chủ chống phát xít trên thế giới.

Thực dân Pháp và quân phiệt Nhật dùng chính sách chia để trị giữa các dân tộc Việt, Miên, Lào, và nội bộ từng dân tộc. Mặt khác, ba dân tộc này ở Đông Dương đều nằm dưới ách thống trị của Pháp và Nhật. Vì thế, muốn đánh đổ ách thống trị đó, cần huy động lực lượng đoàn kết, thống nhất của ba dân tộc.

Nhìn rộng ra thế giới, cách mạng Đông Dương là một bộ phận của cách mạng thế giới, đứng trong phe dân chủ chống phát xít và gắn bó chặt chẽ với cách mạng Trung Quốc 1, Liên Xô.

c) Quyết định thực hiện một nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc

Căn cứ vào sự chuyển biến tình hình thế giới và Đông Dương, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương xác định rõ: Đảng phải thay đổi chính sách, để đánh đổ chế độ thuộc địa giành quyền sống cho ba dân tộc Việt, Miên, Lào.

Nếu như Luận cương chính trị của Đảng tháng 10 năm 1930 cho rằng, trong cách mạng tư sản dân quyền (Đại hội II của Đảng gọi là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân) phải thi hành triệt để cách mạng ruộng đất và đánh đổ chủ nghĩa đế quốc làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập, thì đến tháng 11 năm 1939, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đề xuất chủ trương mới: “Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao... cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết. Vì vậy,... trong lúc này chỉ mới tịch ký ruộng đất của những địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc”  (BBS nhấn mạnh).

Tiến thêm một bước mới, tại Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đưa ra một quyết định quan trọng là thay đổi chiến lược cách mạng với hàm nghĩa “cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”” (BBS nhấn mạnh). Vì thế cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

d) Xúc tiến công tác xây dựng đảng và lực lượng cách mạng

Trong khi xác định các chủ trương mới của Đảng nhằm “dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mệnh giải phóng”  (BBS nhấn mạnh), Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng đảng với trọng tâm là thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng; thắt chặt quan hệ Đảng với quần chúng; nâng cao trình độ lý luận và lựa chọn cán bộ để chỉ đạo thực hiện đường lối của Đảng; khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng và mối liên hệ của các cấp bộ đảng từ chi bộ tới Trung ương; cần củng cố, mở rộng cơ sở đảng tại thành thị và trung tâm công nghiệp, đồn điền. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặc biệt chú trọng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ gây dựng cơ sở đảng ở Miên, Lào.

Giải thích nguyên do dẫn tới khó khăn lớn của cách mạng Đông Dương, trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản tháng 7 năm 1940, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho biết Đảng còn quá yếu, vì phần lớn số cán bộ có kinh nghiệm đấu tranh hiện đang bị giam giữ trong nhà tù đế quốc.
Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương kiểm điểm công tác xây dựng đảng từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ ở châu Âu và cho rằng: tình hình Đông Dương biến đổi nhiều, Đảng đã lãnh đạo được nhiều cuộc đấu tranh nhưng cũng bỏ lỡ nhiều cơ hội lãnh đạo phong trào quần chúng phát triển để có thể đáp ứng kịp thời yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng. Hội nghị nhấn mạnh các công tác trọng tâm:

Công tác đào tạo cán bộ là công tác rất cấp bách và phải thực hiện bằng nhiều phương pháp như giáo dục lý luận, đào luyện trong công tác thực tiễn và trao đổi kinh nghiệm hoạt động trong các tầng lớp xã hội như công nhân, binh lính; phải nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng của giai cấp vô sản và kết nạp họ vào Đảng. Cần phát triển phong trào đấu tranh tại đô thị, nhà máy, hầm mỏ, lấy đó làm đầu tàu lôi kéo phong trào các nơi khác.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng phân công Đảng bộ Trung Kỳ chịu trách nhiệm tổ chức, gây cơ sở đảng ở Lào, Đảng bộ Nam Kỳ thực hiện nhiệm vụ đó tại Cao Miên. Đồng thời, phải lập những uỷ ban chuyên môn vận động các dân tộc thiểu số, làm cho họ trở thành lực lượng hậu thuẫn của cách mạng.

Cùng với các nhiệm vụ trên, Đảng phải chú trọng tổ chức hệ thống giao thông, liên lạc vững chắc, đa dạng giữa các cấp.

Trên bước đường hướng tới thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho các dân tộc Việt, Miên, Lào, lãnh tụ Hồ Chí Minh hướng dẫn các đảng bộ: “phải biết nhằm vào các công tác trung tâm mà tiến tới, phải nắm lấy thời cơ thuận lợi mà làm việc. Làm sao cho đủ năng lực lãnh đạo cuộc cách mạng Đông Dương đi đến toàn thắng” .

Trong công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị, Mặt trận thống nhất dân tộc giữ một vị trí rất quan trọng. Theo quan điểm của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, để tiến hành giải phóng dân tộc, tự cứu sống mình, trước hết phải thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương nhằm đoàn kết các dân tộc, các giai cấp, các đảng phái và phần tử phản đế theo tinh thần: “Công nông phải đưa cao cây cờ dân tộc lên, vì quyền lợi sinh tồn của dân tộc mà sẵn sàng bắt tay với tiểu tư sản và những tầng lớp tư sản bổn xứ, trung tiểu địa chủ còn có căm tức đế quốc, vì sự căm tức ấy có thể làm cho họ có ít nhiều tinh thần chống đế quốc” .

Đến tháng 5 năm 1941, quán triệt luận điểm đại đoàn kết dân tộc của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định xây dựng tại mỗi quốc gia một mặt trận thống nhất dân tộc và mang “cái tên khác (tức Mặt trận thống nhất dân tộc - BBS) cho có tính chất dân tộc hơn, cho có một mãnh lực dễ hiệu triệu hơn và nhất là có thể thực hiện được trong tình thế hiện tại”. Theo đó, sẽ thành lập Mặt trận Việt Minh tại Việt Nam. Đồng thời, Đảng và Việt Minh phải hết sức giúp đỡ các dân tộc Lào, Miên thành lập Ai Lao độc lập đồng minhCao Miên độc lập đồng minh. Sau đó, lập ra Đông Dương độc lập đồng minh. Từ đây, bắt đầu xuất hiện ý tưởng hình thành tại ba dân tộc Việt Nam, Lào, Miên tầng Mặt trận thống nhất dân tộc trong mỗi quốc gia và tầng Mặt trận các dân tộc Đông Dương. Đó chính là lực lượng chính trị cơ bản nhất cùng với lực lượng vũ trang làm nòng cốt, tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng giải phóng của mỗi dân tộc và cả ba dân tộc ở Đông Dương.

Xây dựng lực lượng vũ trang, căn cứ địa và chiến khu cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

e) Chỉ đạo phương pháp đấu tranh giành chính quyền

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang khi đã có đủ các điều kiện chủ quan và khách quan.

Khởi nghĩa sẽ diễn ra theo quy trình khởi nghĩa từng phần ở từng địa phương mở đường tiến tới tổng khởi nghĩa.

Trong thời gian từ cuối năm 1939 đến tháng 8 năm 1945, tuy cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào bị chính quyền Pháp - Nhật đàn áp, khủng bố rất khốc liệt, nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và đảng viên bị cầm tù và hy sinh, nhưng dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương, công tác chuẩn bị về nhiều mặt cho công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vẫn được xúc tiến.

Tại Việt Nam, căn cứ địa Việt Bắc, Mặt trận Việt Minh và nhiều tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo được thành lập; nhiều đơn vị vũ trang như Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân lần lượt ra đời. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (ngày 9 tháng 3 năm 1945), Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, nhiều chiến khu xuất hiện, khởi nghĩa từng phần ở nhiều địa phương miền Bắc và miền Trung nổ ra thắng lợi.

Ở Lào, chính quyền thuộc địa Pháp - Nhật cũng khủng bố ráo riết các tổ chức cộng sản. Cuối năm 1943, Đảng bộ Trung Lào nhận được Nghị quyết lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tiếp sau là Chương trình, Điều lệ Việt Minh. Giữa lúc đó, số đảng viên hoạt động tại biên giới Lào - Thái chủ động thành lập Đội Tiên phong 2, nhằm chuẩn bị lập lại Xứ uỷ Lào. Tháng 2 năm 1945, “Hội Việt kiều cứu quốc”, một loại hình mặt trận thống nhất dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đội Tiên phong được thành lập. Hội chủ trương đoàn kết các tầng lớp nhân dân, công chức, binh lính, cảnh sát có tinh thần yêu nước, chuẩn bị xây dựng căn cứ địa trên đất Thái Lan.

Sau đó, Xứ uỷ Lào được lập lại lần thứ tư và xác định các đô thị lớn như Viêng Chăn, Thà Khẹc, Xavẳnnakhệt là địa bàn hoạt động chính. Sau ngày quân phiệt Nhật đảo chính Pháp, phong trào cứu nước càng phát triển mạnh mẽ. Tổ chức Lào Ítxalạ bao gồm công chức, học sinh có tinh thần yêu nước, chịu ảnh hưởng đường lối cứu nước của Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, nhiều căn cứ cách mạng xuất hiện. Tháng 6 năm 1945, đơn vị Việt Nam Độc lập quân được thành lập ở chiến khu trên đất Thái Lan.

Trung tuần tháng 8 năm 1945, thời cơ giành độc lập cho Đông Dương xuất hiện, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định Tổng khởi nghĩa và tiến hành Hội nghị toàn Đảng tại Tân Trào, Tuyên Quang (ngày 14, 15 tháng 8 năm 1945). Nghị quyết của Hội nghị nêu rõ: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương như đã chín muồi; cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới” . Vào thời điểm này, Bác Hồ gặp các đồng chí đại biểu Xứ uỷ Lào, Người dặn: thời cơ rất thuận lợi cho nhân dân Đông Dương, ở đâu có điều kiện, phải giành được chính quyền trước khi Đồng minh vào. Pháp và Đồng minh Anh, Mỹ gắn bó với nhau. Pháp sẽ núp sau lưng Đồng minh để trở lại xâm lược Việt Nam, Lào, Miên, chúng ta phải đoàn kết để đánh kẻ thù chung.

Nhân dân hai nước Việt, Lào chớp thời cơ, tiến hành khởi nghĩa thành công tháng 8 năm 1945.

Đó là kỳ tích đầu tiên của hai nước Việt Nam - Lào, của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.




-------------------------------------------------------------------
1. Báo cáo của Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản, tháng 7 năm 1939, cho biết: Dân chúng đã thấm nhuần tinh thần khẩu hiệu “Giúp đỡ Trung Quốc” và bằng chứng là, dù đói khổ, từ tháng 3 năm 1938 đến tháng 2 năm 1939, họ đã quyên góp 579 đồng vào cuộc lạc quyên ủng hộ các chiến sĩ Trung Quốc, do các báo cộng sản ở Bắc Kỳ tổ chức. Người còn cho biết thêm: những người cộng sản Đông Dương đã sáng tác bài hát “Giúp Trung Quốc tức là giúp mình”, bài hát này được phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Nhiều nơi đã tổ chức biểu diễn ban đêm và người biểu diễn là công nhân, nông dân, nhất là thanh niên. Họ thường phối hợp với thanh niên Trung Quốc để tiến hành. (Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.158).

2. Đội Tiên phong do đồng chí Chấn làm đội trưởng. Các đồng chí Long, Vịnh, Khanh, Khiếu là uỷ viên sinh hoạt gần như một cấp uỷ. Tài liệu do đồng chí Đinh Văn Khanh, Uỷ viên Xứ uỷ Ai Lao, Uỷ viên thường trực Ban Công tác miền Tây (CP38) cung cấp.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 15 Tháng Ba, 2022, 04:30:44 pm
2. Việt Nam, Lào đoàn kết, liên minh chiến đấu chống đế quốc xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc

Vượt qua khó khăn, thử thách, tạo dựng thực lực của liên minh chiến đấu chống thực dân Pháp

Hai dân tộc Việt Nam, Lào vừa giành được quyền độc lập, đã phải đối phó ngay với thực dân Pháp quay trở lại xâm lược.

Ở Lào, từ khi cuộc kháng chiến bùng nổ đến giữa năm 1950, cách mạng gặp rất nhiều khó khăn, lực lượng liên quân Lào - Việt mới được tổ chức, phong trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân chỉ mới xuất hiện tại các đô thị lại phải chống chọi với đội quân xâm lược nhà nghề được trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại. Dù tinh thần chiến đấu của liên quân và nhân dân rất cao, nhưng vẫn không thể cản nổi các cuộc hành quân xâm lược của kẻ thù.

Chính phủ Lào Ítxalạ trong tình thế khó khăn của cuộc chiến, phải chuyển sang Thái Lan và dần dần đã diễn ra sự phân hoá, bộ phận tích cực, đứng đầu là Hoàng thân Xuphanuvông, vẫn kiên định lập trường đoàn kết với Việt Nam tiến hành kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Bộ phận khác thoái chí, rời bỏ hàng ngũ kháng chiến hoặc cộng tác với đối phương.

Trên chiến trường Việt Nam, vận mệnh dân tộc đứng trước tình thế hiểm nghèo. Song Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc cao hơn hết thảy và thực thi những phương sách nội trị, ngoại giao hữu hiệu, đưa cách mạng vượt qua thác ghềnh, bảo vệ được thành quả Cách mạng tháng Tám 1945, bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào.

Ở đây cũng cần nói thêm rằng, vào thời điểm cuối năm 1945 đầu năm 1946, do những khó khăn vô cùng gay gắt của mình, Nhà nước và nhân dân Việt Nam chưa thể chi viện kịp thời, đầy đủ sức người, sức của cho cách mạng Lào. Dù vậy, những bước khởi đầu quan trọng cũng đã được tiến hành với tầm nhìn thiết thực, cơ bản cho trước mắt và tương lai lâu bền của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.

Một là, ngay từ khi mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến trường Việt Nam, Lào đã bị các thế lực đế quốc vây hãm trên biển Đông và lục địa, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương xác định nhiệm vụ “phải liên minh với các dân tộc bị áp bức và vô sản thế giới, đặc biệt với các nước lân cận để củng cố công cuộc cách mạng của mình” . Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam chỉ đạo các cơ quan ngoại giao mở một con đường ngoại giao ở hướng tây nam từ Việt Nam qua Lào tới Thái Lan từ giữa năm 1946 đến giữa năm 1951. Được sự ủng hộ của Chính phủ dân tộc tiến bộ Thái Lan lúc bấy giờ, Chính phủ Việt Nam thành lập một cơ quan ngoại giao tại Băng Cốc gọi là Phái viên quán, nhằm từ đây mở rộng quan hệ ngoại giao với một số nước Đông Nam Á và tuyên truyền quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của các nước và các lực lượng cách mạng, tiến bộ trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào. Chính cơ quan này cũng là nơi tiếp xúc giữa phái viên Việt Nam với Hoàng thân Xuphanuvông và nhiều cán bộ yêu nước và tiến bộ của Lào. Nhờ vậy, hoạt động của Việt kiều và nhân dân, cán bộ, lực lượng vũ trang Lào tạm lánh sang Thái Lan hoạt động khá thuận lợi như lập chiến khu để huấn luyện quân sự, mở xưởng sản xuất, sửa chữa vũ khí chi viện cho chiến trường Lào và Việt Nam. Bằng con đường này, nhiều đoàn cán bộ, quân đội Việt Nam và Lào qua lại, trong đó có Hoàng thân Xuphanuvông, được đưa từ Thái Lan sang Việt Bắc.

Tháng 1 năm 1948, vào dịp Miến Điện tuyên bố độc lập, Chính phủ Việt Nam cử bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm phái viên của Chính phủ sang dự lễ độc lập của Miến Điện. Một tháng sau đó, Chính phủ Miến Điện đồng ý để Việt Nam lập cơ quan đại diện tại Rănggun và giúp đỡ cơ sở vật chất cho cơ quan này hoạt động. Cũng như tại Thái Lan, ở đây cơ quan ngoại giao Việt Nam lập phòng thông tin liên lạc với Việt Bắc bằng điện đài, cung cấp tin tức về tình hình quốc tế. Chính phủ Miến Điện cho phép kiều bào Việt Nam và lực lượng kháng chiến Lào cư trú và hoạt động chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ xây dựng khu kháng chiến tại Lào, cung cấp cho Việt Nam, Lào 500 khẩu súng và nhiều đạn dược để chuyển sang xây dựng chiến khu Tây Bắc Lào.

Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Rănggun hoạt động đến năm 1959 thì chuyển thành Tổng lãnh sự quán .

Các hoạt động ngoại giao trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp đã hỗ trợ về nhiều mặt cho cuộc kháng chiến của hai dân tộc Việt Nam, Lào và ươm mầm cho sự phát triển của phong trào ủng hộ cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam, Lào ở những chặng đường nối tiếp.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt đầu tiên của quan hệ Việt Nam - Lào.

Quá trình tạo lập quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào về tổ chức, cán bộ ngay từ khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời và Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, công tác xây dựng các tổ chức quần chúng cách mạng và chi bộ đảng tại Lào đã được tiến hành với sự tham gia của người Lào và người Việt, nhằm mục tiêu đấu tranh giành độc lập, tự do cho nhân dân Lào mà thắng lợi của khởi nghĩa tháng Tám là một minh chứng hùng hồn. Đến khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược, quân và dân Lào, Việt Nam cùng chung sức chống ngoại xâm là bước phát triển của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong thực tiễn của chiến tranh cách mạng trên quy mô rộng lớn.

Song hành với những hoạt động trên, việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt đầu tiên cho nhiệm vụ tăng cường quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trở nên rất cấp bách. Phía Việt Nam, Đảng, Nhà nước và quân đội vừa sử dụng những cán bộ, đảng viên cộng sản từng hoạt động tại Lào, Thái Lan, vừa tiếp tục điều động nhiều cán bộ chính trị, quân sự bổ sung cho đội ngũ này. Đồng thời, trong phong trào cách mạng của dân tộc Lào cũng xuất hiện nhiều cán bộ lãnh đạo xuất sắc, chủ chốt đầu tiên mà tiêu biểu là đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Hoàng thân Xuphanuvông và một đội ngũ cán bộ tiếp nối giàu tài năng, đạo đức cách mạng.

Con đường đồng chí Cayxỏn Phômvihản hoà nhập phong trào cách mạng và tổ chức cách mạng đến với đồng chí diễn ra tại Hà Nội, một địa bàn đấu tranh rất sôi nổi trong giai đoạn chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh đế quốc, đòi quyền tự do dân chủ, cơm áo và hoà bình những năm 1936 - 1939 và tiếp nối sau đó là cuộc vận động tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (tháng 11 năm 1939) đến Cách mạng tháng Tám 1945.

Vốn là một thanh niên yêu nước, tiến bộ, đồng chí Cayxỏn Phômvihản lại sớm được tiếp xúc với nhiều bạn bè cùng chí hướng tại trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An, Hà Nội) và trường Đại học Luật Hà Nội. Được đọc nhiều sách, báo, văn kiện của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Cayxỏn Phômvihản sớm giác ngộ cách mạng, tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cách mạng giải phóng Đông Dương do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương vạch ra. Tiến bước theo hướng đó, trong cao trào kháng Nhật, cứu nước, cuối năm 1944, đồng chí được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu (Hà Nội).

Trong các chặng đường cách mạng tiếp theo, với trọng trách của người lãnh đạo cách mạng Lào và chung sức với các đồng chí lãnh đạo cách mạng Việt Nam vun đắp, phát triển quan hệ Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã đảm đương xuất sắc hai sứ mệnh đó.

Cuộc gặp gỡ thân tình giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông diễn ra gần trọn tháng 9 năm 1945, tại Hà Nội, đã tác động tích cực tới sự phát triển sâu rộng, vững bền của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Chúng ta có thể biết giá trị của những ý kiến mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi với Hoàng thân và nhận thức của ông về cuộc khởi nghĩa tháng Tám 1945 của nhân dân Việt Nam do chính ông thuật lại cho nhà văn, nhà báo Ba Lan Vôixếch Xúcrauxki:

“Tôi bắt đầu sự nghiệp đấu tranh vào năm 1945... Nhờ có dịp được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, tôi đã học được rất nhiều điều bổ ích. Tôi tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám chống bọn phát xít Nhật và nhận thấy rằng người Việt Nam đã dựa hẳn vào phong trào toàn dân mà giành được thắng lợi về cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Mọi vấn đề đã trở nên rất dễ hiểu đối với tôi. Sau đó tôi về nước để lãnh đạo đấu tranh giải phóng cho nhân dân Lào” .

Ngoài những điều trên, những ngày ở Hà Nội cũng là dịp Hoàng thân Xuphanuvông và phu nhân được sống trong tình cảm đầm ấm, thân tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho ông bà, đồng thời cũng được chứng kiến những hành vi đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư của Người.

Hai ông bà Hoàng thân cùng có chung một ý nghĩ: “Và chính mình quan sát được từng bữa cơm ăn, cái áo mặc, và chỗ ngủ của Bác Hồ, thấy Bác sống giản dị chẳng khác người dân thường mà chúng tôi càng gần gũi kính yêu Người, giống như người thân trong gia đình mình vậy” .

Với những tố chất yêu nước, thương dân và lòng mong muốn làm thay đổi vận mệnh của dân tộc Lào, từ nô lệ sang độc lập, tự do và thịnh vượng, Hoàng thân Xuphanuvông tiếp nhận rất nhanh chóng tư tưởng Hồ Chí Minh và noi theo tấm gương đạo đức cách mạng cao cả của Người. Điều đó đã tạo nên sự chuyển biến tất yếu từ vị Hoàng thân trở thành nhà cách mạng chân chính trong các lãnh tụ nổi bật nhất của nhân dân Lào và là người có nhiều cống hiến to lớn cho quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam. Về sự biến đổi quan trọng đó, kỹ sư Xinava Xuphanuvông, con trai út của Hoàng thân, cho biết trong Hồi ký của mình: “Cha tôi luôn luôn kể cho chúng tôi nghe về những ngày hệ trọng trong cuộc đời ông, trong đó ông nhớ nhất lần đầu gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính cuộc gặp gỡ đó đã biến ông từ một Thái tử của Hoàng gia Lào thành người chiến sĩ cách mạng”.

Từ tháng 10 năm 1945, thời điểm mở đầu quan hệ liên minh chiến đấu Lào - Việt, tại Xê Pôn, sau khi kêu gọi nhân dân Lào đoàn kết cứu nước, Hoàng thân Xuphanuvông đề cập ngay quan hệ Lào - Việt Nam: “Lào và Việt Nam cùng chung một nguyện vọng duy nhất là có nền độc lập dân tộc và quyền dân chủ thực sự, cùng chung kẻ thù là thực dân Pháp muốn trở lại thống trị hai nước chúng ta. Do đó, nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam anh em phải đoàn kết nhau lại tiếp tục chiến đấu. Nền độc lập của Lào muôn năm! Tình đoàn kết Lào - Việt Nam muôn năm!” .

Tiếp tục bồi dưỡng lý luận chính trị, phương pháp công tác cho đội ngũ cán bộ cách mạng Lào là một nhiệm vụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, mỗi khi có dịp là Người khẩn trương tổ chức thực hiện. Đồng chí Phumi Vôngvichít cho biết, sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc Neo Lào Ítxalạ bế mạc tại chiến khu Việt Bắc, tháng 8 năm 1950: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành bốn ngày đêm liền để nói chuyện với đoàn đại biểu chúng tôi. Người giảng giải chủ nghĩa Mác - Lênin cho chúng tôi nghe rất dễ hiểu, rõ ràng, giúp cho chúng tôi thấy rõ hơn con đường mình đi và tin tưởng vào thắng lợi một cách vững chắc hơn trước. Càng nghe càng thấy hấp dẫn, phấn khởi, đến nỗi ngồi nghe đến khuya cũng không buồn ngủ. Hết hạn ở thăm, chúng tôi không muốn xa Người. Chúng tôi được dự hội nghị bồi dưỡng chính trị cho cán bộ Việt Nam, lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện, làm cho chúng tôi càng hiểu rõ thêm lý luận cách mạng và nhiệm vụ cách mạng của mình. Sau đó, chúng tôi lại được gặp Chủ tịch ở Hội nghị nông dân. Những lời Người nói đã giúp chúng tôi biết cách vận động nhân dân đoàn kết để đấu tranh cứu nước”.

... “Tôi rất sung sướng được Chủ tịch Hồ Chí Minh giảng giải về lý luận chính trị, rất hấp dẫn và rất sáng. Tôi cũng học được ở Người về cách nói giản dị, sát thực tế, đầy sức thuyết phục và sự kiên trì giáo dục không biết mệt mỏi của Chủ tịch”.

Cùng với những bài giảng về lý luận cách mạng, lối sống và đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là những bài học lớn của đội ngũ cán bộ cách mạng Lào: “Tôi thích nhất lối sống, sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người rất giản dị, cởi mở, chân tình, rất thân mật nên rất dễ hoà nhập vào dân chúng...”. “Từ biệt Người, tôi trở về, nhưng thái độ cử chỉ, lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi không bao giờ quên được. Người thật sự là người thầy vĩ đại kính yêu, là kho lý luận cách mạng không bao giờ cạn, là tấm gương sáng, là vị lãnh đạo kính yêu không những của nhân dân Việt Nam anh hùng, mà còn của nhân dân Lào, nhân dân Khơme và các dân tộc khác nữa.

Khi chúng tôi trở về nơi họp đại hội gặp anh em đang nghiên cứu đường lối, chủ trương cách mạng Lào, chúng tôi đã kể lại những bài học vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chúng tôi đã thu nhận được. Tất cả mọi người đều rất phấn khởi và thêm tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng Lào chúng tôi” .


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 15 Tháng Ba, 2022, 04:45:59 pm
Ba là, gây dựng cơ sở chính trị, phát triển chiến tranh du kích và thắt chặt quan hệ đoàn kết Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào.

Đây là một nhiệm vụ cơ bản, rất quan trọng của cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc Lào và cũng là một nhiệm vụ trọng yếu của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào mà phía Việt Nam tự nguyện góp phần thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả đó.

Tư tưởng chủ đạo mở hướng thực hiện nhiệm vụ trên được nêu ra rất sớm tại Chỉ thị Về kháng chiến kiến quốc của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 11 năm 1945. Trong đó chỉ rõ cần vận động nhân dân ở vùng nông thôn Lào tiến hành chiến tranh du kích.

Đến cuối năm 1947, chiến thắng của quân và dân Việt Nam tại chiến dịch Việt Bắc kéo theo sự phá sản kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp. Để tạo thêm thế và lực cho sự phát triển cuộc kháng chiến trong giai đoạn mới trên chiến trường Việt Nam và Lào, cuối tháng 2 năm 1948, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Đội xung phong Lào Bắc, làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở chính trị, tổ chức lực lượng vũ trang, xây dựng khu căn cứ Bắc Lào. Tháng 3 cùng năm, Bộ Tổng chỉ huy ra Chỉ thị Về phương châm, phương hướng hoạt động trên các mặt trận Lào, Miên, xác định nhiệm vụ giúp đỡ bạn xây dựng cơ sở chính trị là việc cần trước nhất. Nhiệm vụ đó cần thực hiện bằng cách chọn cử cán bộ chính trị hoặc sử dụng lực lượng vũ trang tuyên truyền.

Giữa năm 1948, đồng chí Võ Nguyên Giáp - được Thường vụ Trung ương phân công chỉ đạo giúp cách mạng Lào và theo dõi việc giúp cách mạng Miên - gặp đồng chí Cayxỏn Phômvihản để trình bày một số kinh nghiệm vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, tổ chức dân quân, đào tạo cán bộ, xây dựng lực lượng vũ trang và vùng giải phóng.

Sau đó một thời gian, theo quyết định của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Cayxỏn Phômvihản cùng đồng chí Ma Khảy Khămphithun lãnh đạo một đội vũ trang tuyên truyền gồm mấy chục chiến sĩ người Lào từ Tây Bắc Việt Nam vào Thượng Lào hoạt động, gây dựng cơ sở của khu kháng chiến.

Tại Thái Lan năm 1947, phái cực hữu lên nắm quyền, thi hành chính sách chống phá lực lượng kháng chiến Lào đang hoạt động tại đây. Các nhà lãnh đạo cuộc kháng chiến Lào tổ chức Hội nghị tại Băng Cốc với sự tham dự của Hoàng thân Xuphanuvông và các đồng chí Phumi Vôngvichít, Khăm Tày Xiphănđon,... bàn việc giải quyết những khó khăn và mở hướng phát triển cho cuộc kháng chiến của nhân dân Lào. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Khăm Tày Xiphănđon đưa ra giải pháp: “Hoạt động của chúng ta nếu dựa vào đất Thái để hoạt động như thời gian qua sẽ tiếp tục gặp khó khăn, do đó chúng ta phải đưa lực lượng vào hoạt động xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng căn cứ địa ở trong đất Lào mà nắm lấy dân, dựa vào dân để tiến hành kháng chiến mới làm cho phong trào kháng chiến càng lớn mạnh, phát triển và giành thắng lợi” .

Tháng 2 năm 1949, Chính phủ Lào độc lập đưa một số cán bộ cấp cao và một đơn vị liên quân Lào - Việt mang thư của Hoàng thân Xuphanuvông sang Liên khu 5 đề nghị Việt Nam giúp đỡ thành lập khu kháng chiến Hạ Lào.

Đồng chí Phạm Văn Đồng và đại diện Chính phủ Lào độc lập tiến hành thảo luận, thống nhất ý kiến về phương án thực hiện đề nghị trên của Hoàng thân Xuphanuvông.

Khu kháng chiến Tây Bắc Lào cũng được ra đời trong quá trình thành lập hệ thống khu kháng chiến của nhân dân Lào .

Trong quá trình thành lập các khu kháng chiến, lãnh đạo hai dân tộc Lào và Việt Nam đã huy động nhiều lực lượng cán bộ Lào, Việt Nam, bao gồm cả một số lượng khá đông Việt kiều ở Thái Lan, thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, mà công tác vận động quần chúng được đặt ở vị trí hàng đầu, như đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện của Trung ương và Chính phủ tại Nam Trung Bộ đã nói với các đồng chí cán bộ Việt Nam sang Lào làm nghĩa vụ quốc tế: “chỉ có vận động nhân dân Lào kháng chiến, thì ta mới có thể đánh Pháp”.

Phương pháp vận động quần chúng phổ biến nhất được áp dụng là cán bộ, chiến sĩ thực hiện “ba cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, và cao hơn nữa là nhiều đồng chí đã tự thay đổi màu da, mái tóc, luyện tiếng nói như người Lào, mặc quần áo không khác gì dân bản địa, khiến binh lính đối phương không thể phát hiện được họ là người Việt Nam. Bằng cách đó, đội quân dân vận đi vào các vùng bị địch kiểm soát tiến hành tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu rõ thực dân Pháp là kẻ thù xâm lược, chúng đến Lào để chém giết, cướp bóc và cai trị người Lào, đồng thời chỉ rõ cho dân thấy con đường giải phóng là đoàn kết tất cả người Lào yêu nước, không phân biệt bộ tộc, tôn giáo, giàu nghèo, người có chức quyền hay dân nghèo, đoàn kết quân dân Lào, Việt mới có thể đánh đuổi được thực dân Pháp xâm lược. Từ chỗ giác ngộ từng người dân, từng vị sư sãi đến giác ngộ những người trưởng tộc, những người nắm giữ quyền hành tại bản, tàxẻng (tổng), huyện và các sư sãi, nhân sĩ, các tầng lớp trung gian 1, cô lập bọn tề phản động.

Hiệu quả rất quan trọng và cơ bản của công tác vận động quần chúng ở nhiều nơi là đã xoá bỏ được những mối bất hoà, hiềm khích giữa các nhóm người Lào Lùm và Lào Thơng, giữa các bộ tộc, thay vào đó là tình thương yêu, đoàn kết 2.

Gắn liền với hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị, xây dựng khối đoàn kết các bộ tộc, công tác dân vận còn hướng vào thực hiện nhiệm vụ cải thiện đời sống kinh tế, văn hoá của cư dân, trước hết là đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm như: hướng dẫn cải tiến phương pháp canh tác lương thực, hoa màu và cách chăn nuôi gia súc, gia cầm cho năng suất cao hơn. Tại những vùng có muối mỏ, cán bộ kỹ thuật chỉ dẫn cho dân cách nấu muối mỏ đạt chất lượng cao hơn, kết hợp với muối từ Việt Nam đưa sang, giúp khắc phục nạn khan hiếm muối. Đồng thời, nhân viên kỹ thuật còn phổ biến cách sản xuất giấy, cách rèn nông cụ và cải tiến phương pháp dệt vải...

Các lớp học chữ Lào và phổ biến kiến thức văn hoá, chính trị được mở ra tại bản làng thu hút nhiều thanh niên, thiếu niên học tập, là một nét sinh hoạt mới của vùng giải phóng. Đời sống văn hoá và nếp sống mới tại nhiều bản làng như vệ sinh nhà cửa, thân thể, chữa bệnh bằng thuốc, hạn chế những hủ tục, tập quán có hại cho đời sống vật chất và tinh thần đều được cán bộ dân vận và bộ đội chú trọng hướng dẫn cho dân thực hiện.

Hệ thống chính quyền từ cấp cơ sở đến cấp khu được thành lập. Nhiều đoàn thể quần chúng và tổ chức Neo Lào Ítxalạ ra đời. Trên đà phát triển đó, các khu du kích liên hoàn xuất hiện với quy mô rộng lớn, lấy nhân dân và lực lượng dân quân, du kích, các đơn vị vũ trang địa phương làm nền tảng. Các phương pháp đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang và binh vận được sử dụng khá rộng rãi và đem lại nhiều hiệu quả.

Cũng trong quá trình tạo dựng cơ sở chính trị, phát triển chiến tranh du kích, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, ngày 20 tháng 1 năm 1949, tại đơn vị Látxavông ở Xiêng Khọ (Sầm Nưa), đồng chí Cayxỏn Phômvihản tuyên bố thành lập Quân đội Lào Ítxalạ, tiền thân của Quân đội nhân dân Lào.

Bốn là, xây dựng tại mỗi nước Việt, Miên, Lào một đảng mácxít - lêninnít và thành lập Mặt trận liên minh Việt - Miên - Lào để nâng cao sức mạnh quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam  trong quan hệ đoàn kết Việt - Miên - Lào.

Đến năm 1951, Đảng Cộng sản Đông Dương đã trải qua 21 năm xây dựng và phát triển, lãnh đạo nhân dân Đông Dương đấu tranh chống chế độ thuộc địa của đế quốc Pháp, phát xít Nhật, tiến hành khởi nghĩa giành độc lập cho hai dân tộc Việt Nam, Lào và tổ chức cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đánh chiếm Đông Dương lần thứ hai, làm thất bại nhiều kế hoạch xâm lược của chúng.

Trong thời gian chuẩn bị tiến tới Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nghiên cứu thấy rằng việc xây dựng ở mỗi nước Việt Nam, Lào và Campuchia một đảng mácxít - lêninnít trên cơ sở kế thừa bản chất và năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đã có đủ điều kiện thực hiện.

Tại Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 2 năm 1951, đồng chí Hồ Chí Minh đề nghị thành lập tại mỗi nước Đông Dương một Đảng Cộng sản.

Về chủ trương này, đồng chí Cayxỏn Phômvihản phát biểu: “Tôi thấy từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập đến nay đã được 21 tuổi, Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thành công và đưa cách mạng Miên, Lào tiến mạnh trên con đường thắng lợi.

Đến nay, tình hình ngoài nước cũng như trong ba nước Việt, Miên, Lào đã thay đổi, chứng tỏ Đảng Cộng sản Đông Dương đã làm tròn nhiệm vụ do ba dân tộc và giai cấp giao phó cho.

... Như vậy là đề nghị của Hồ Chủ tịch tách Đảng Cộng sản Đông Dương ra Đảng Lao động Việt Nam và ở Miên, Lào có hai tổ chức khác là rất đúng và thích hợp với tình hình mới, ba dân tộc có ba quốc gia rõ rệt.

... Chúng tôi, người cộng sản Lào hiểu rõ và tán thành đề nghị đó không chút thắc mắc” .

Đại biểu Đảng bộ Campuchia phát biểu: “Tôi nhận thấy rằng từ trước tới nay, Đảng Cộng sản Đông Dương rất có thành tích trong lãnh đạo cách mạng Việt, Miên, Lào. Nhưng nay cách mạng ba nước đã có đặc tính riêng khác nhau, không thể có một Đảng bao trùm được mà Miên, Lào sẽ lập hai Đảng khác nhau. Vì thế chúng tôi rất hoan nghênh đề nghị sáng suốt của Báo cáo chính trị”.

Đồng chí Hồ Chí Minh nói: “Sau khi nghe các đồng chí Miên, Lào phát biểu ý kiến, chắc Đại hội cũng như tôi, chúng ta rất cảm động. Nhưng cảm động đây không phải là buồn, trái lại là cảm động vui. Vì chúng ta như con một nhà, một nhà cộng sản, một nhà cách mạng. Bây giờ con cái đã khôn lớn rồi phải chia nhà, chia cửa ở riêng. Con trai có vợ, con gái có chồng (vỗ tay), sau này đẻ con, đẻ cháu đông đúc, từ gia đình nhỏ tiến lên gia đình lớn rất mạnh, từ gia đình lớn đến họ hàng, họ hàng càng to, càng mạnh, đông người nhiều việc, nhất định thành công”.

Theo Nghị quyết Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Cộng sản ở Việt Nam lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam; Ban Vận động thành lập Đảng Nhân dân Lào có sự giúp đỡ của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, tiến hành những công tác chuẩn bị các văn kiện và nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Thực hiện Nghị quyết trên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết số 19/NQTƯ, ngày 22 tháng 3 năm 1953, điều động đồng chí Nguyễn Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, đi phụ trách công tác Lào với các nhiệm vụ: chịu trách nhiệm trước Trung ương về việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng trong việc giúp đỡ cách mạng và kháng chiến Lào; về mặt công khai, đồng chí là cố vấn của Việt Nam, giúp Chính phủ Kháng chiến và Mặt trận Ítxalạ Lào; về mặt nội bộ, đồng chí phụ trách công tác đảng ở toàn Lào, kiêm Bí thư Ban Cán sự Thượng Lào... . Từ đó, các hoạt động của Việt Nam giúp bạn Lào chuẩn bị thành lập Đảng Nhân dân Lào do đồng chí Nguyễn Khang chỉ đạo thực hiện.

Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam, ngày 19 tháng 10 năm 1953, đã thảo luận và nêu ý kiến cần xúc tiến thành lập Đảng và gợi ý xác định các tiêu chuẩn của đảng viên Lào, chú trọng tiêu chuẩn trung thành với kháng chiến và tinh thần phục vụ nhân dân. Tiến tới thành lập Đảng, trước hết nên tổ chức chi bộ ở cơ sở; nên mạnh dạn đề bạt cả những đảng viên thường nhưng vững vàng vào Ban Trù bị (tên gọi này ghi tại biên bản Hội nghị) thành lập Đảng; tiến hành Hội nghị cán bộ trước Đại hội thành lập Đảng .

Từ ngày 22 tháng 3 đến 6 tháng 4 năm 1955, tiến hành Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào. Đây là đảng mácxít - lêninnít kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương, phấn đấu vì độc lập và phồn vinh của nước Lào, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân Lào, là thành quả chính trị của quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào, là một nhân tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy sự phát triển của quan hệ đó. Từ đây, trên bán đảo Đông Dương, mỗi dân tộc có một đảng mácxít - lêninnít, đảm đương vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc mình và thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế.

Nối tiếp quyết định của Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương về việc thành lập tại mỗi nước Việt, Miên, Lào một đảng mácxít - lêninnít, cũng tại Việt Bắc, diễn ra Hội nghị thành lập Mặt trận liên minh Việt - Miên - Lào. Trước đó không lâu, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ đạo thành lập Chính phủ Lào kháng chiến và Mặt trận dân tộc thống nhất Lào (lấy tên là Neo Lào Ítxalạ); đồng thời, tổ chức một đơn vị cán bộ, chiến sĩ sang Thái Lan và Lào đón Hoàng thân Xuphanuvông và các nhà lãnh đạo cách mạng Lào tới Việt Bắc để thực hiện chủ trương trên.

Giữa tháng 8 năm 1950, tại tỉnh Tuyên Quang (Việt Nam), Đại hội quốc dân Lào quyết định những vấn đề quan trọng về đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc, thành lập nước Lào độc lập, thống nhất và Chính phủ liên hiệp quốc gia; phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh; thực hiện các quyền dân chủ về chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, bình đẳng dân tộc... cho nhân dân; thắt chặt tình đoàn kết với Việt Nam và Khơme. Đại hội thành lập Neo Lào Ítxalạ và Chính phủ Kháng chiến.

Sự kiện đó không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với bước chuyển biến mới trong sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Lào, mà còn là sự kiện lớn thúc đẩy sự phát triển liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam. Đây cũng là một hoạt động tích cực chuẩn bị thực hiện chủ trương thành lập Mặt trận liên minh Việt - Miên - Lào vào tháng 3 năm 1951, tại Việt Bắc (Việt Nam).

Việc thành lập Mặt trận liên minh Việt - Miên - Lào dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, thực hiện nhiệm vụ chung đã nêu trên; tăng cường khối liên minh, chống lại âm mưu chia rẽ của địch, làm cho ba dân tộc hiểu nhau, đoàn kết chặt chẽ với nhau; hết sức giúp nhau về mọi mặt; giúp nhau thiết lập và tăng cường mối liên hệ với các nước dân chủ, làm cho thế giới hiểu rõ và ủng hộ cuộc kháng chiến của ba dân tộc.

Sự kiện này ghi nhận sự phát triển trong quan hệ đoàn kết của nhân dân ba nước để nâng cao hơn nữa sức mạnh chiến đấu chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Sự thống nhất ý chí của Hội nghị đã biểu thị rõ trong bản nghị quyết: ba nước Việt Nam - Miên - Lào đều có kẻ thù chung là thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng ba nước là đánh đuổi xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ, làm cho ba nước Việt Nam, Cao Miên, Lào hoàn toàn độc lập; xây dựng ba quốc gia mới, làm cho nhân dân ba nước được tự do, sung sướng và tiến bộ.




-----------------------------------------------------------------
1. Ạt nha Xỏn đã làm chạu mường, tri huyện, thời thuộc Pháp trở thành chủ tịch huyện Xánẳmxay. Nhiều chủ tịch xã, bản ở Xánẳmxay là nại bản cũ. Một người anh em họ gần của Bun Ùm là Chao Xíxảy đi vào vùng kháng chiến, làm cho bè lũ Bun Ùm hoảng sợ phải bỏ chạy vào Pạc Xê.

2. Ở Hạ Lào, nhóm Lào Lùm ở vùng thấp, trình độ kinh tế phát triển hơn, chủ yếu làm ruộng nước, trồng cà phê và buôn bán ở thị trấn. Còn nhóm người Lào Thơng trình độ kinh tế, dân trí chậm phát triển hơn. Các chúa đất thống trị hai nhóm người đó thường khiến họ xung đột với nhau, dẫn tới những mâu thuẫn gay gắt. Giải quyết tình trạng trên, chính quyền địa phương và cán bộ Lào, Việt tiến hành vận động nhóm Lào Lùm nhường ruộng đất, giúp người dân Lào Thơng làm ruộng, dạy họ dệt vải, xoá, giảm nợ cho họ, làm cho quan hệ giữa người Lào Lùm và Lào Thơng được cải thiện rõ rệt.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 16 Tháng Ba, 2022, 07:47:59 am
Năm là, Việt Nam, Lào đồng tâm, hiệp lực giúp nhau trong chiến đấu, lập nhiều chiến công.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp:


Cuộc chiến tranh xâm lược do thực dân Pháp tiến hành hòng đặt ách thống trị của chúng lên toàn cõi Đông Dương, bằng thủ đoạn chia cắt, cô lập từng nước, dùng địa bàn, nhân lực, của cải của nước này để đánh chiếm nước kia. Khi phải đối đầu với mưu đồ và hành động xâm lược của thực dân Pháp, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã đưa ra một quyết định quan trọng: “Về quân sự, Việt Nam, Cao Miên, Ai Lao là một chiến trường, phải đánh theo một chiến lược chung” . Đối sách đó tạo cơ sở cho khối đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc càng thêm củng cố và tăng cường trên cùng một trận tuyến chống kẻ thù chung, thực hiện những mục tiêu chiến lược và kế hoạch tác chiến trên các chiến trường Đông Dương.

Quán triệt và thực hiện quyết định đó, tại chiến trường Việt Nam và Lào, xuất hiện liên minh chiến đấu giữa các đơn vị vũ trang Lào - Việt, các mặt trận phối hợp giữa các địa phương Việt Nam, Lào như Liên khu 10 với Thượng Lào, Liên khu 4 với Trung Lào, Liên khu 5 với Hạ Lào, tiến tới quy mô phối hợp lớn hơn về mặt chiến lược, về tổ chức chiến trường, bố trí lực lượng tác chiến và sử dụng các phương pháp đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận buộc địch phải bị động đối phó. Còn ta thì giành quyền chủ động chiến lược.

Chiến dịch Thượng Lào diễn ra từ nửa sau tháng 4 đến giữa tháng 5 năm 1953 do các cơ quan lãnh đạo và chỉ huy Việt Nam, Lào chỉ đạo thực hiện giành thắng lợi lớn: giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và Phôngxalỳ, mở rộng căn cứ địa của cách mạng Lào. Đối với Việt Nam, chiến dịch Thượng Lào đã góp phần phân tán lực lượng địch, phá âm mưu củng cố vùng Tây Bắc và bình định đồng bằng Bắc Bộ của chúng.

Sau chiến dịch Thượng Lào, liên quân Lào - Việt mở chiến dịch Trung - Hạ Lào (diễn ra từ ngày 21 tháng 12 năm 1953 đến tháng 5 năm 1954). Thắng lợi của chiến dịch này thực hiện được một yêu cầu chiến lược hàng đầu là buộc Nava phải tiếp tục phân tán khối cơ động chiến lược của chúng, góp phần làm giảm khối chủ lực của địch trên chiến trường chính Bắc Bộ, nhất là đối với hướng chính Điện Biên Phủ. Đó cũng là minh chứng về giá trị đặc sắc của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh được thể hiện trong kế sách tiến công làm thất bại kế hoạch Nava, theo cách diễn đạt độc đáo của Người, tại Hội nghị Bộ Chính trị ở Tỉn Keo (Thái Nguyên), tháng 10 năm 1953. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết:

“Bác ngồi họp, thái độ bình thản, điếu thuốc lá kẹp giữa hai ngón tay. Đôi mắt Người chợt lộ vẻ chăm chú. Bàn tay Bác đặt trên bàn bỗng giơ lên và nắm lại. Người nói:

Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn.

Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón tay trỏ về một hướng” .

Thắng lợi của các chiến dịch Thượng Lào, Trung - Hạ Lào là thắng lợi rất to lớn của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam dưới sự chỉ huy của Bộ Tổng Tư lệnh quân đội hai nước và nhiều tướng lĩnh cấp cao; tập hợp nhiều đơn vị quân đội Việt Nam, Lào cùng tham gia chiến đấu, được hậu phương hai nước Việt Nam, Lào cung cấp một khối lượng lớn lương thực, thực phẩm. Điều đó thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân hai nước trong công cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược.

Hạ tuần tháng 1 năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy chiến dịch và Đảng uỷ chiến dịch Điện Biên Phủ quyết định thay đổi phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đồng thời, Đảng uỷ chiến dịch quyết định đưa Đại đoàn 308 tiến công sang hướng Thượng Lào , nhằm cô lập hơn nữa địch ở Điện Biên Phủ, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, không cho địch đánh vào sau lưng, vừa nghi binh thu hút sự chú ý của chúng, bảo đảm cho bộ đội ở Điện Biên Phủ rút ra tập kết an toàn.

Một đặc điểm của chiến dịch này là thời gian chuẩn bị gấp, nên khó khăn lớn nhất là thiếu thuốc men và lương thực. Với sự giúp đỡ của nhân dân vùng Thượng Lào, trong hơn 10 ngày tiến công, truy kích địch trên chặng đường dài 200 km, Đại đoàn 308 phối hợp chiến đấu cùng bộ đội Lào Ítxalạ, dân quân du kích và nhân dân địa phương đánh bại đội quân địch tại phòng tuyến này. Toàn bộ phòng tuyến sông Nặm U của địch bảo vệ cứ điểm Điện Biên Phủ bị phá vỡ. Một vùng rộng lớn lưu vực sông Nặm U được giải phóng, thắng lợi này đẩy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào thế hoàn toàn bị cô lập.

Ngày 13 tháng 3 năm 1954, quân và dân Việt Nam mở màn cuộc quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ, cũng là mở đầu đợt ba của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 trên chiến trường Đông Dương. Quân và dân Lào đã anh dũng chiến đấu, chặt đứt con đường chiến lược của địch chi viện cho Điện Biên Phủ, góp phần cô lập Điện Biên Phủ, tạo thuận lợi cho quân và dân Việt Nam giành thế chủ động tấn công địch. Ngày 7 tháng 5 năm 1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân đội viễn chinh Pháp bị tiêu diệt. Nói về sự phối hợp hành động trong chiến dịch này, đồng chí Cayxỏn Phômvihản khẳng định: “Các hoạt động quân sự trên chiến trường Lào đã phối hợp nhịp nhàng với chiến dịch Tây Bắc Việt Nam tiêu diệt địch tại Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chung của nhân dân ba nước Đông Dương chống đế quốc Pháp” . Ngày 21 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết. Tuy chưa phản ảnh đầy đủ thắng lợi của quân và dân ba nước, song Hiệp định Giơnevơ đã công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược:

Đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, hai dân tộc Việt Nam, Lào đã có nhiều thay đổi so với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau Hiệp định Giơnevơ, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội khác nhau. Miền Bắc xã hội chủ nghĩa là hậu phương của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và chiến trường Lào, Campuchia; có quan hệ rộng rãi với các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc, hoà bình và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Pathết Lào có vùng tập kết, có Đảng, Mặt trận, lực lượng vũ trang và các đoàn thể cách mạng. Ở Lào tồn tại chính quyền Vương quốc.
Đông Dương trở thành chiến trường chống Mỹ; miền Nam Việt Nam là chiến trường chính.

Nhiệm vụ chiến lược quan trọng nhất của hai nước là đoàn kết rộng rãi tất cả các lực lượng yêu nước, yêu hoà bình và thắt chặt hơn nữa quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu, đáp ứng cao nhất, hữu hiệu nhất yêu cầu cách mạng và kháng chiến của mỗi bên và tăng cường sức mạnh đoàn kết đặc biệt của hai dân tộc để đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Hai mươi mốt năm chống đế quốc Mỹ là một chặng đường kế tục, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đã trở thành giá trị thiêng liêng của hai dân tộc. Hoạt động phối hợp đấu tranh của các cơ quan lãnh đạo cùng quân và dân Việt Nam, Lào đều xuất phát từ tình cảm sâu đậm, trách nhiệm cao cả của hai phía Việt Nam, Lào dành cho nhau, tạo nên những nguồn lực mới, những nấc thang phát triển mới của nội lực từng dân tộc, của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong cuộc chiến chống kẻ thù chung và mở đường đi tới toàn thắng. Trong đó, nổi bật lên những hoạt động tiêu biểu, điển hình.

Một là, sự phối hợp giữa lãnh đạo, quân và dân hai nước Việt Nam, Lào phá vỡ mưu đồ tiêu diệt lực lượng vũ trang nòng cốt Pathết Lào và hãm hại bộ phận đầu não cơ quan lãnh đạo cách mạng Lào do đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai tiến hành.

Sau một thời gian đàm phán, đến cuối năm 1957, Chính phủ Vương quốc và Pathết Lào thoả thuận thành lập Chính phủ liên hiệp quốc gia, trong đó có hai đại biểu Pathết Lào làm bộ trưởng, tiến hành Tổng tuyển cử bầu bổ sung đại biểu Quốc hội, Neo Lào Hắc Xạt ra hoạt động công khai, hai tiểu đoàn Pathết Lào gia nhập quân đội quốc gia, hai tỉnh tập kết của Pathết Lào là Hủa Phăn và Phôngxalỳ đặt dưới quyền kiểm soát của Chính phủ Vương quốc.

Ngay sau khi nghe báo cáo tình hình trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao những kết quả mà Pathết Lào giành được. Mặt khác, Người chỉ rõ: việc đưa hai tỉnh tập kết của Pathết Lào vào Vương quốc là âm mưu của Mỹ “điệu hổ ly sơn” để đi đến tiêu diệt lực lượng Pathết Lào. Không thể xem thường âm mưu đó được. Lực lượng Pathết Lào bị thôn tính thì phong trào đấu tranh của nhân dân khó giữ vững được. Người chỉ dẫn phương pháp hoạt động mới và cách đối phó với địch. Phải làm cho bạn thấy rõ âm mưu của Mỹ và tay sai để khỏi chủ quan. Neo Lào Hắc Xạt ra công khai, chỉ nên đưa vài người tượng trưng ở cấp trung ương thôi. Phần lớn lực lượng phải rút vào bí mật, bộ đội Pathết Lào phải phục viên tại hai tỉnh và cất giấu vũ khí tại đó, phải đấu tranh giữ vững hai tỉnh...

Người dự báo tình hình sắp tới của cách mạng Lào: “Cuộc đấu tranh sắp tới sẽ quyết liệt đấy. Mỹ còn cố giữ miền Nam Việt Nam thì chúng chưa bỏ Lào đâu. Dùng bánh vẽ để đưa hai ông vào Viêng Chăn rồi tăng cường đàn áp, khủng bố cán bộ ở các tỉnh. Chúng sẽ phá tan phong trào quần chúng ở 10 tỉnh, nếu ta buông lỏng hai tỉnh thì nó sẽ thôn tính ngay và lực lượng Pathết Lào tan rã thì sẽ dùng đất Lào để uy hiếp miền Bắc và phối hợp với cuộc chiến chiếm đóng miền Nam nước ta” .

Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp bố trí ngay một tổ quân báo theo dõi tình hình hoạt động của bạn và đối phương để xử lý kịp thời, khi lãnh đạo bạn cần thì giúp đưa họ sang Việt Nam an toàn.

Những lời phát biểu chân tình và quý báu, kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được các cơ quan có trách nhiệm của hai nước lĩnh hội và thực hiện.

Do sự phối hợp giữa hai phía Lào, Việt Nam, Tiểu đoàn 2 Pathết Lào đã mưu trí, anh dũng chiến đấu thoát khỏi vòng vây của địch tại Xiêng Khoảng vào tháng 5 năm 1959, sau 15 ngày trở về căn cứ an toàn.

Cũng vào thời điểm đó, nhiệm vụ giải thoát cho Hoàng thân Xuphanuvông và nhiều nhà lãnh đạo cao cấp chủ chốt của cách mạng Lào khỏi trại giam cũng được xúc tiến chuẩn bị, có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều lực lượng phía Lào và phía Việt Nam.

Cuối cùng, đêm 23 rạng ngày 24 tháng 5 năm 1960, các đồng chí lãnh đạo Lào và cán bộ bị bắt vượt khỏi trại giam Phôn Khêng tại Viêng Chăn, ghi nhận thêm một thắng lợi mới trong cuộc đấu tranh phá vỡ mưu đồ xảo quyệt, nguy hiểm của Mỹ và tay sai của chúng. Đánh giá sự kiện lịch sử này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người trực tiếp chỉ đạo tổ công tác đặc biệt từ Việt Nam sang Viêng Chăn, phối hợp với cán bộ và quân đội Pathết Lào thực hiện nhiệm vụ này, viết:

“Cuộc giải thoát Chủ tịch Xuphanuvông là một chiến công đặc biệt, tiêu biểu cho tình hữu nghị anh em giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào. Chúng ta hãy giữ vững và phát triển tình hữu nghị đặc biệt ấy” .

Hai là, sự hợp lực giữa lãnh đạo Đảng Nhân dân Lào và Đảng Lao động Việt Nam trong quá trình xác định phương pháp đấu tranh vũ trang là chủ yếu kết hợp với đấu tranh chính trị chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở Lào.

Từ đầu năm 1958, xu thế phát triển của tình hình Lào ngày càng thể hiện rõ sự can thiệp, xâm nhập mạnh mẽ và toàn diện của Mỹ.

Được chính quyền Ngô Đình Diệm giúp đỡ, bọn Xánánicon tăng cường khủng bố lực lượng cách mạng, gây căng thẳng tại nhiều vùng biên giới Lào và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Điều đó đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh dự đoán vào tháng 3 năm 1958, khi Người đến thăm chuyên gia Việt Nam từ Lào về Hà Nội: “Tình hình Lào sắp tới sẽ trở lại phức tạp và căng thẳng hơn trước. Các chú tập kết về thì nghỉ ngơi, bồi dưỡng về vật chất và tinh thần, khi bạn yêu cầu, Ban Bí thư sẽ điều động trở lại giúp bạn, vì hoạt động ở nước bạn phải biết tiếng, biết tình hình, biết cán bộ bạn, điều người mới sang thì không kịp đối phó với âm mưu của địch... Các chú là vốn quý để giúp cách mạng Lào” .

Trước tình hình đó, ngày 30 tháng 1 năm 1959, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam gửi thư cho Trung ương Đảng Nhân dân Lào trao đổi ý kiến về phương hướng và phương pháp đấu tranh:

- Cần tổ chức ngay một bộ phận bí mật chuyển ra vùng cơ sở vững hoặc vùng căn cứ để lãnh đạo phong trào đấu tranh; nhanh chóng khôi phục, củng cố phong trào ở cơ sở; kiên quyết bảo vệ lực lượng cách mạng.

- Trong bộ phận hoạt động công khai, đồng chí nào có điều kiện thì ở lại đấu tranh cho đến cùng để giữ vững địa vị hợp pháp, nhưng phải luôn luôn cảnh giác.

- Nên tăng cường cho bộ phận trung ương bí mật lãnh đạo. Nếu chuẩn bị đầy đủ và nội bộ nhất trí thì rút anh Viêngxay (đồng chí Cayxỏn Phômvihản) ra vùng căn cứ, bổ sung cho bộ phận bí mật này .

Khoảng tháng 5 năm 1959, đáp ứng yêu cầu của đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Lào, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cử đoàn cán bộ tham gia chuẩn bị nội dung và công tác tổ chức Hội nghị lần thứ nhất (khoá I) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào vào ngày 3 tháng 6 năm 1959. Đánh giá tình hình Lào lúc bấy giờ, Hội nghị nhận định: đế quốc Mỹ và tay sai đã xoá bỏ Hiệp định Giơnevơ năm 1954 và các hiệp nghị Viêng Chăn, xoá bỏ chính phủ liên hiệp..., gây nội chiến, làm cho đời sống chính trị nước Lào mất khả năng phát triển hoà bình.

Hội nghị vạch rõ phương pháp đấu tranh mới: “Trong phạm vi cả nước, trong giai đoạn mới, từ hình thức đấu tranh công khai hợp pháp là chủ yếu chuyển sang hình thức đấu tranh vũ trang là chủ yếu (BBS nhấn mạnh), đồng thời kết hợp vận dụng hình thức đấu tranh chính trị hợp pháp trong phạm vi nhất định” .

Cũng đúng ngày 3 tháng 6 năm 1959, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp bàn về vấn đề Lào. Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên những quan điểm hướng dẫn phương pháp đánh giá tình hình toàn diện và vạch rõ các khuyết điểm cần sửa chữa như nóng vội, thấy thắng lợi nhưng không nhìn hết khó khăn. Người cho rằng: ta phải hết sức giúp cách mạng Lào; giúp xây dựng kinh tế và nhấn mạnh vấn đề sản xuất lương thực; giúp bạn theo kế hoạch lâu dài. Về phương pháp đấu tranh chống địch, Người chỉ dẫn: “Phải dùng du kích (BBS nhấn mạnh) phong trào sẽ lan rộng”... “Phải trường kỳ gian khổ, phải chú ý dân vận, địch vận”.

Tiếp sau đó, đầu tháng 7 năm 1959, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam đề xuất sách lược đấu tranh “cần chuyển từ hình thức đấu tranh công khai hợp pháp là chủ yếu sang hình thức đấu tranh vũ trang là chủ yếu, đồng thời kết hợp với hình thức đấu tranh khác” .

Sau quá trình nghiên cứu, trao đổi ý kiến, tại cuộc hội đàm tháng 7 năm 1959, hai Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào quyết định phát động cuộc đấu tranh vũ trang trong mùa mưa năm 1959 nhằm:

- Phát lệnh chiến đấu trong toàn quốc, chuyển từ đấu tranh công khai hợp pháp sang đấu tranh vũ trang, lấy trọng tâm là chiến tranh du kích, phát động phong trào quần chúng nổi dậy, giành chính quyền tại thôn xã.

- Phục hồi và củng cố các căn cứ kháng chiến và lực lượng du kích cũ.

- Vận động thanh niên tham gia dân quân, du kích và bộ đội địa phương và chủ lực .

Phía Việt Nam, Quân uỷ Trung ương chỉ thị cho Quân khu Tây Bắc và Quân khu 4 điều động một số đại đội, tiểu đoàn phối hợp với quân đội Lào tiến công một số cứ điểm của địch ở sát biên giới, vừa vận động quần chúng, vừa khôi phục cơ sở.

Tiếp đó, trung tuần tháng 7 năm 1959, bộ đội Lào mở ba hướng tấn công, hướng chính từ đông nam Sầm Nưa tới đông nam Xiêng Khoảng với lực lượng chiến đấu là Tiểu đoàn 2 do đồng chí Cayxỏn Phômvihản chỉ huy, có sự hỗ trợ của đồng chí Lê Chưởng, Đoàn trưởng giúp Lào. Hướng thứ hai do đồng chí Khăm Tày Xiphănđon chỉ huy một tiểu đoàn, hoạt động chủ yếu tại vùng Mương Xon - bắc Sầm Nưa đến Phôngxalỳ, Luổng Phạbang đến Xiêng Ngân. Hướng thứ ba có nhiệm vụ phối hợp, do một đại đội đảm nhiệm, tại địa bàn từ bắc đường 8 đến đường 12 Khăm Muộn.

Các đòn tấn công đó là những đòn bất ngờ khiến chúng không kịp đối phó, sa vào tình trạng hoảng loạn, rã ngũ hoặc gây binh biến; cổ vũ, hỗ trợ nhân dân trong vùng nổi dậy cùng phối hợp với bộ đội tấn công giải phóng nhiều huyện, xã tại các tỉnh Hủa Phăn, Phôngxalỳ, Xiêng Khoảng, Luổng Phạbang, Khăm Muộn.

Những thắng lợi trên là minh chứng về hiệu quả thực tiễn của phương pháp đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị chống chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 16 Tháng Ba, 2022, 07:49:36 am
Ba là, tuyến đường chiến lược Trường Sơn, một công trình vĩ đại của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Năm 1959, lịch sử cuộc kháng chiến của nhân dân Đông Dương chống đế quốc Mỹ ghi nhận hai sự kiện quan trọng. Đó là sự ra đời của Nghị quyết lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khoá II) về đường lối đấu tranh giải phóng miền Nam Việt Nam, chiến trường chính chống Mỹ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, và mở tuyến đường chiến lược Trường Sơn nối liền hậu phương miền Bắc với các chiến trường Việt Nam, Lào và Campuchia.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là giải phóng miền Nam; nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ; phương pháp đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang; dự kiến cũng có thể phát triển theo xu hướng từ khởi nghĩa tiến lên đấu tranh vũ trang trường kỳ.

Sự chuyển hướng từ đấu tranh công khai hợp pháp sang đấu tranh vũ trang mà lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào đã nhất trí thực hiện tại Lào cũng thể hiện sự đồng thuận cao về phương pháp đấu tranh chống Mỹ xâm lược Việt Nam và Lào.
Một yêu cầu cơ bản cần phải giải quyết để thực hiện nhiệm vụ trên là mở tuyến đường chiến lược xuyên Trường Sơn, chi viện sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc vào miền Nam và Lào. Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Trung ương Đảng Nhân dân Lào đều nhất trí mở con đường đó.

Tuyến đường Trường Sơn xuyên qua triền phía đông và phía tây dãy Trường Sơn. Công trình này được tiến hành từ những tháng cuối năm 1959, đến tháng 1 năm 1964 thì chuyển hẳn sang phía tây Trường Sơn. Nơi đây cũng là khu căn cứ hậu cần của chiến trường Nam Việt Nam, Lào và Campuchia.

Ngay từ khi khởi đầu, cũng là lúc kết hợp chặt chẽ giữa đội ngũ cán bộ, quân đội Việt Nam và Lào nhằm tiến hành xây dựng cơ sở về chính trị và tổ chức đấu tranh chống chính quyền và quân đội Vương quốc Lào đàn áp, khủng bố những người yêu nước và cách mạng tại tỉnh Xavẳnnakhệt.

Tổ chuyên gia Việt Nam và Tỉnh uỷ Xavẳnnakhệt đã nhất trí phát động nhân dân nổi dậy đấu tranh với nhiều hình thức như mít tinh, biểu tình tuần hành, trừ diệt ác ôn, rải truyền đơn; xúc tiến khôi phục các tổ chức quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang: dân quân du kích, bộ đội địa phương huyện, tỉnh; vừa tấn công địch vừa tiến hành địch vận.

Cũng vào lúc này, Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam lập nhiều kho vũ khí dọc biên giới Việt Nam để chi viện cho cách mạng Lào.

Cùng với hoạt động trên, các đồng chí lãnh đạo của Tỉnh uỷ Xavẳnnakhệt còn lấy danh nghĩa cán bộ chỉ huy Tiểu đoàn 2 Pathết Lào kêu gọi các trưởng đồn chấp nhận đàm phán với lực lượng vũ trang Pathết Lào. Một điển hình tiêu biểu đạt hiệu quả của hoạt động này là viên thiếu tá chỉ huy trưởng đồn Nặm Cha Lộ, một đồn lớn trong vùng, đã nhận lời tới đàm phán và cam kết không bắn bừa bãi, không bắt bớ nhân dân; không được ra khỏi đồn mười cây số... Do áp lực đấu tranh của lực lượng vũ trang và quần chúng, nhiều đồn bốt của đối phương cũng phải chấp nhận những yêu cầu của cách mạng. Ảnh hưởng của những thắng lợi đó lan rộng nhanh chóng tới các tỉnh khác vùng tây Trường Sơn.

Để tiếp tục tấn công địch và mở rộng hành lang tuyến đường tây Trường Sơn, Bộ Chỉ huy tối cao quân đội Lào và Bộ Chỉ huy Quân khu 4 quyết định mở chiến dịch giải phóng đường 9 - Nam Lào vào đầu mùa khô năm 1961 do lực lượng của Việt Nam và Lào phối hợp thực hiện, tiến công giải phóng vùng ven đường 9 dài khoảng 70 km, tạo thế an toàn cho đoạn đường chiến lược này tại hai phía đông và tây Trường Sơn. Chính quyền và các lực lượng vũ trang nhanh chóng được thiết lập trong vùng giải phóng. Hoạt động tiếp tế hàng hoá của Việt Nam bằng máy bay tới sân bay dã chiến Xê Pôn để cung cấp cho cán bộ, bộ đội hành quân đến các chiến trường miền Nam khá nhộn nhịp .
Những phương pháp đầu tiên mở đường Trường Sơn nhanh chóng được nhân rộng và phát triển khi chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia đòi hỏi sự chi viện ngày càng lớn để đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. Địa bàn tuyến đường này đi qua bị đế quốc Mỹ coi là trọng điểm đánh phá, hòng ngăn chặn, cắt đứt nguồn chi viện từ hậu phương miền Bắc chuyển vào chiến trường. Từ mặt đất đến trên không, quân đội Việt Nam và Lào sát cánh bên nhau chiến đấu bảo vệ tuyến đường, kho tàng vũ khí, lương thực, thực phẩm và nhiều loại hàng hoá khác, trong đó có nhiều chiến dịch lớn như giải phóng và bảo vệ Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (trong các năm 1964, 1969, 1970, 1972), đặc biệt là chiến dịch phản công cuộc hành quân “Lam Sơn 719” năm 1971 của Mỹ - nguỵ... Dù đối phương tập trung ở đó nhiều lực lượng tinh nhuệ và vũ khí hiện đại, nhưng cũng phải cam chịu thất bại.

Nhân dân Lào đã phải chịu đựng biết bao hy sinh, mất mát do kẻ thù xâm lược gây ra. Trong cuộc chiến tranh đó, những tình cảm thân thương, quý mến của nhân dân Lào dành cho cán bộ, chiến sĩ Việt Nam không sao kể xiết.

Tuyến đường chiến lược Trường Sơn được xây dựng, bảo vệ và khai thác, sử dụng kéo dài trong 16 năm chiến tranh chống đế quốc xâm lược là sản phẩm của sự đồng thuận sâu sắc, sự hy sinh lớn lao vì nghĩa tình quốc tế cao cả của hai dân tộc Lào, Việt Nam; là minh chứng hùng hồn của văn minh, nhân nghĩa chiến thắng xâm lược, bạo tàn.

Có thể nói, trong suốt 21 năm chống Mỹ, Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Lào luôn hết lòng giúp đỡ, ủng hộ nhân dân Việt Nam. Đáp lại, Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam cũng dốc hết sức vì sự nghiệp cách mạng Lào. Trên tinh thần “giúp bạn là mình tự giúp mình”, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã có mặt ở hầu hết mọi nơi trên chiến trường Lào, cùng nhân dân và quân đội Lào đánh địch.

Thắng lợi vĩ đại của hai dân tộc Việt Nam, Lào diễn ra năm 1975 đã kết thúc 30 năm chiến tranh cách mạng, lập hai kỳ tích chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Thắng lợi đó đánh dấu sự tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ và sự thất bại của chủ nghĩa thực dân mới dù thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã gắng hết sức nhưng không thể nào cứu vãn nổi.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 16 Tháng Ba, 2022, 08:00:32 am
3. Quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam tiếp tục phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai dân tộc Việt Nam, Lào (1976 - 2007)

a) Trên lĩnh vực chính trị

Sự kiện mở đầu sự phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam sau khi hai dân tộc kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, được đánh dấu bằng Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, ngày 18 tháng 7 năm 1977, mang tính chính trị, pháp lý cơ bản, bền vững lâu dài trên nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Từng trải qua những thử thách, biến động của thời cuộc trong hơn 30 năm, tinh thần và nội dung của Hiệp ước ấy vẫn được tôn trọng, thực hiện với nhiều sáng tạo, đáp ứng yêu cầu cách mạng của mỗi nước và nâng cao thêm giá trị của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong những hoàn cảnh và điều kiện mới.

Tinh thần đó chỉ đạo sự hợp tác, liên minh Việt Nam, Lào trong việc giải quyết nhiều vấn đề, điển hình là việc Việt Nam giúp cách mạng Campuchia xoá bỏ chế độ diệt chủng của Khơme đỏ và hồi sinh dân tộc, nhưng lại bị các thế lực thù địch bóp méo sự thật, chống đối quyết liệt. Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Chính phủ Lào hết lòng ủng hộ lập trường đúng đắn và thiện chí của Việt Nam, góp phần tích cực cùng Việt Nam đấu tranh, thuyết phục tại nhiều diễn đàn quốc tế và khu vực để giải quyết thoả đáng vấn đề Campuchia, tạo sự ổn định và hợp tác giữa các nước Đông Nam Á và mở ra thuận lợi cho việc bình thường hoá quan hệ với nhiều quốc gia khác.

Khi Lào bị đóng cửa biên giới phía tây không bao lâu, lương thực và một số mặt hàng trở nên khan hiếm, theo yêu cầu của Chính phủ Lào, Việt Nam đã đưa lương thực sang giúp kịp thời, góp phần ổn định tình hình xã hội, hạn chế số người Lào di cư ra nước ngoài.

Việc ký kết Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Lào và hoàn thành hoạch định, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới cùng với hoạt động của các tỉnh hai bên đường biên giới trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế, giao lưu văn hoá đã xây dựng nên một biên giới hoà bình, hợp tác và phát triển Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Trong quá trình nghiên cứu lý luận và chỉ đạo thực tiễn sự nghiệp xây dựng đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và Lào, hai bên thường xuyên hợp tác trao đổi ý kiến về nhiều vấn đề qua đội ngũ chuyên gia và hội đàm, hội thảo giữa lãnh đạo của hai Đảng như: về mô hình chủ nghĩa xã hội; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội... và những chuyên đề cụ thể trên từng lĩnh vực. Kết quả của những hoạt động đó được vận dụng thực hiện ở mỗi nước đã đưa đến công cuộc đổi mới toàn diện, có nguyên tắc, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo của nhân dân, khai thác đạt hiệu quả tốt nhiều tiềm năng của đất nước và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Nhờ vậy, thành quả cách mạng của mỗi nước và quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam được bảo vệ vững chắc và phát triển trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội trên thế giới lâm vào thoái trào. Hai nước thoát khỏi những khó khăn gay gắt về kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, quốc phòng, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.

b) Về quốc phòng, an ninh

Từ năm 1976 đến những năm đầu thế kỷ XXI, Việt Nam và Lào bị nhiều thế lực thù địch từ bên ngoài vừa tấn công, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, vừa sử dụng những phần tử phản động lưu vong quay trở về phá hoại an ninh quốc gia. Một lần nữa, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho ngành quốc phòng, an ninh và nhân dân hai nước Việt Nam, Lào nhiều nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải nâng cao bản lĩnh và năng lực trong thế trận đấu tranh mới, đánh bại mọi âm mưu, hành động xâm lược và phá hoại của kẻ thù. Hiện thực lịch sử đấu tranh trong mấy chục năm qua sau khi kết thúc cuộc kháng chiến của hai dân tộc chống đế quốc xâm lược cho thấy, lực lượng vũ trang và nhân dân Lào đã đứng vững ở vị trí tiền tiêu đánh bại các cuộc xâm nhập vũ trang qua lãnh thổ Lào để vào Việt Nam.

Theo tinh thần các văn bản đã ký kết giữa hai chính phủ, lực lượng vũ trang và lực lượng an ninh Lào, Việt Nam phối hợp chặt chẽ thực hiện các nhiệm vụ được giao trên mặt trận chống ngoại xâm, chống phỉ, dẹp bạo loạn, trừ diệt bọn phản động vượt qua lãnh thổ Lào xâm nhập lãnh thổ Việt Nam...

Sự phối hợp hoạt động của hai bên trong chiến đấu đã đưa lại nhiều chiến công lớn. Chiến dịch truy quét, phá tan trung tâm phỉ tại Phu Bia (năm 1977 - 1978) và trận tiêu diệt nhóm phản động Võ Đại Tôn và Hoàng Cơ Minh (năm 1987) khi chúng đang xuyên qua đất Lào để vào Việt Nam là những chiến công tiêu biểu của sự hợp tác Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, góp phần quyết định triệt phá các mưu đồ và thủ đoạn của kẻ thù chống phá chủ quyền quốc gia và an ninh của hai nước Lào, Việt Nam, làm thất bại các thủ đoạn của chúng, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước.

Thời kỳ này, ngoài việc phối hợp giúp nhau chống phá các thế lực thù địch, các cơ quan quốc phòng và an ninh của hai nước còn phối hợp chặt chẽ trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; giúp đỡ nhau về hậu cần - kỹ thuật; giúp nhau biên soạn giáo trình, giáo án trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh; đặc biệt là việc tìm kiếm các hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất Lào.

Tầm quan trọng của mối quan hệ trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh còn được thể hiện qua các cuộc gặp gỡ đoàn cấp cao giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hai nước. Trong tất cả các chuyến thăm viếng lẫn nhau, hai nước đều thể hiện nhất quán quan điểm tiếp tục hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, trong các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, vấn đề hợp tác quốc phòng, an ninh giữa hai nước cũng luôn được đề cập, coi hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh là một trong những điểm mấu chốt của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

c) Hợp tác phát triển kinh tế, giáo dục, đào tạo cán bộ

Lãnh đạo hai nước Việt Nam, Lào đều nhất trí coi trọng sự hợp tác kinh tế, văn hoá và đào tạo cán bộ.

Trên lĩnh vực kinh tế, hai bên cũng chấp hành nguyên tắc hợp tác là bình đẳng, tôn trọng chủ quyền quốc gia, cùng có lợi và hết lòng giúp đỡ nhau; mặt khác, còn căn cứ vào tình hình cụ thể của mỗi nước mà dành ưu tiên, ưu đãi cho nhau.

Phương thức hợp tác ngày càng được mở rộng và nâng cao về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Có thể thấy điều đó qua các cuộc hội đàm và gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước về những quan điểm kinh tế xoay quanh các chủ đề: thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, Lào và các vấn đề như cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư và các thành phần kinh tế; cơ chế quản lý kinh tế; kinh tế thị trường; những kinh nghiệm chỉ đạo thực hiện tại hai nước. Trên thực tế, sự hợp tác của hai nước diễn ra từ trung ương đến tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, công thương, nông nghiệp...

Nội dung hợp tác kinh tế được chuyển dần theo cấp độ từ thấp lên cao: ban đầu là viện trợ, cho vay, tiến đến hợp tác sản xuất; kinh doanh phù hợp công thức: tài nguyên Lào, lao động kỹ thuật Việt Nam, vốn hợp tác hoặc vay của nước thứ ba. Tiếp đó, từ năm 1996 trở đi, một công thức hợp tác mới được áp dụng, đó là hợp tác hai bên cùng có lợi theo thông lệ quốc tế, ưu tiên, ưu đãi cho nhau.

Điều đặc sắc nổi bật trong quan hệ hợp tác kinh tế Lào - Việt Nam là tinh thần giúp đỡ nhau mỗi khi nước bạn gặp khó khăn mà không thể tự giải quyết được. Hành động Việt Nam giúp Lào chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô năm 1999 là một mẫu hình tiêu biểu.

Năm 1999, tình hình kinh tế Lào rất khó khăn do tỷ lệ lạm phát cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, đầu tư kém hiệu quả, nhập siêu cao, đời sống của nhân dân, nhất là công nhân, viên chức giảm đến 50 - 60%. Trước tình hình đó, theo đề nghị của lãnh đạo Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Nhà nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cử một đoàn chuyên gia cấp cao sang giúp Lào với quyết tâm giúp bạn ngăn chặn được lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của Lào trong thời gian sớm nhất.

Trong thời gian làm việc, Đoàn chuyên gia Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia Lào để có thể biến đề án của Đoàn chuyên gia Việt Nam thành đề án của Lào và đưa vào thực tiễn chống lạm phát, ổn định tình hình kinh tế vĩ mô của Lào. Kết quả hoạt động của Đoàn chuyên gia Việt Nam kết hợp với sự nỗ lực cộng tác của các chuyên gia Lào đã cải thiện được tình hình kinh tế - xã hội Lào, lạm phát được ngăn chặn. Từ sau năm 1999, nền kinh tế Lào đã phát triển theo chiều hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng cao, giá cả và tỷ giá hối đoái được kiểm soát và ổn định, giá trị đồng Kíp được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện ngày càng tốt hơn.

Lời đánh giá của đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào Xỉxávạt Kẹo Bunphăn trong thư gửi Thủ tướng Phan Văn Khải, ngày 16 tháng 11 năm 1999, thể hiện rõ tinh thần làm việc của Đoàn chuyên gia Việt Nam và sự hợp tác giữa chuyên gia Việt Nam với chuyên gia Lào trong nhiệm vụ chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô Lào:

“Đoàn chuyên gia đã làm việc với trách nhiệm cao, thật sự quan tâm đến tình hình đang khó khăn của kinh tế Lào và hợp tác chặt chẽ với chúng tôi trong việc nghiên cứu và giải quyết các vấn đề có liên quan, đã đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ.

Qua công tác với nhau, Đoàn chuyên gia đã cùng với chúng tôi nghiên cứu sâu thêm trong việc tìm ra nguyên nhân lạm phát, cũng như trong việc đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề lạm phát trong thời gian trước mắt và lâu dài tại Lào. Đoàn chuyên gia đã giúp chúng tôi củng cố việc quản lý kinh tế vĩ mô, giúp các ngành hữu quan tu sửa, chỉnh lý và đề ra các chế độ, quy chế cần thiết.

Đến nay, kinh tế Lào rõ ràng có phần tốt lên, nhất là tỷ giá hối đoái có sự ổn định, tỷ số lạm phát giảm, sự linh hoạt trong hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng được củng cố, kinh tế vĩ mô bước đầu có sự ổn định.

Kết quả đạt được đó có sự đóng góp của Đoàn chuyên gia kinh tế cao cấp của Việt Nam. Thay mặt Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, tôi xin biểu dương tất cả các đồng chí trong Đoàn và xin đánh giá cao sự đóng góp của Đoàn chuyên gia trong việc cùng chúng tôi giải quyết lạm phát tại Lào đợt này.

Chúng tôi thấy rằng, kết quả trên đây còn có sự thể hiện mối tình trong sáng, thuỷ chung của tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt, thể hiện sự quan tâm tận tình, tinh thần quốc tế cao cả của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam anh em một mực thuỷ chung lúc nào cũng sẵn sàng hợp tác, tương trợ, giúp đỡ sự nghiệp cách mạng Lào chúng tôi”
.

Sự hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo cán bộ được đặt ở tầm chiến lược, tác động trực tiếp tới sự phát triển của quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc, được mở đầu từ thập niên 1950.

Ngay từ năm 1955, Lào đã gửi sang Việt Nam 150 học sinh phổ thông cấp I, cấp II để đào tạo trở thành lực lượng cán bộ mà cách mạng Lào đang đòi hỏi phải đáp ứng. Từ đó, cũng bắt đầu xây dựng hệ thống trường đào tạo cán bộ Lào tại Việt Nam với nhiều cấp học, nhiều chuyên ngành và số lượng người học ngày càng tăng. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, có tới hàng vạn lưu học sinh Lào được đào tạo và sinh sống trong sự chăm sóc rất tận tình của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam 1.

Sự hợp tác giữa hai dân tộc trong công tác giáo dục còn diễn ra dưới hình thức Việt Nam gửi chuyên gia giáo dục sang giúp Lào xây dựng nền giáo dục mới theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước Lào. Từ năm 1961, vùng giải phóng Lào mở rộng đến mức 2/3 rồi 3/4 lãnh thổ quốc gia. Cũng từ đó, những vấn đề cơ bản của nền giáo dục cách mạng Lào được đặt ra, và năm 1962 Việt Nam gửi sang Lào gần 400 chuyên gia để hợp tác với bạn.

Quan hệ hợp tác giáo dục, đào tạo cán bộ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam sau năm 1975 phát triển theo hướng đào tạo cán bộ đạt trình độ đại học, trên đại học. Theo đó, hàng năm có hơn 1.000 cán bộ, sinh viên Lào được bồi dưỡng, học tập tại nhiều học viện, trường đại học Việt Nam. Về phía Việt Nam, hàng năm có từ 15 - 20 lưu học sinh sang học tại Đại học Quốc gia Lào.

Bên cạnh đó, hình thức hợp tác Việt Nam - Lào thực hiện nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Từ năm 1963, hệ thống trường Đảng Việt Nam được giao trọng trách này 2. Đến sau năm 1990, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (nay là Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh - BT) theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước Lào nâng cấp độ đào tạo lên bậc thạc sĩ, tiến sĩ và mở thêm nhiều chuyên ngành đào tạo cử nhân chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các chuyên ngành công tác đảng.

Ngoài hình thức đào tạo cán bộ như đã trình bày trên, trong những năm sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, đội ngũ chuyên gia Việt Nam hoạt động tại Lào trên các lĩnh vực cũng là những người trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ nhiều cán bộ Lào nắm bắt kiến thức và phương pháp công tác trong các lĩnh vực hoạt động của họ, góp phần khắc phục ở mức độ nhất định tình trạng thiếu cán bộ lúc bấy giờ.

Cần nhấn mạnh rằng, đội ngũ chuyên gia Việt Nam trong nhiều giai đoạn, ở nhiều lĩnh vực đã trở thành những người bạn tin cậy của các cấp lãnh đạo Lào tại trung ương cũng như địa phương và các ngành, trở thành bộ phận nòng cốt trong quá trình xây dựng, củng cố mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.

d) Hợp tác trong lĩnh vực ngoại giao

Căn cứ vào sự phát triển của ngoại giao Việt Nam - Lào trong tình hình mới sau khi hai dân tộc hoàn toàn độc lập, thống nhất, có thể phân định quan hệ hợp tác trong hoạt động ngoại giao Việt Nam - Lào thành hai giai đoạn: 1976 - 1991 và 1992 - 2007.

Giai đoạn 1976 - 1991, năm 1975 đánh dấu kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm của hai dân tộc Việt Nam, Lào chống thực dân, đế quốc xâm lược, mở ra thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, hai nước cũng biểu thị mong muốn góp phần xây dựng Đông Nam Á trở thành khu vực hoà bình, tự do và trung lập.

Đặt cơ sở pháp lý cho sự phát triển thuận lợi, vững chắc của quan hệ Việt Nam - Lào khi ở mỗi nước đã thiết lập hoàn chỉnh một nhà nước độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ do nhân dân làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, ngày 18 tháng 7 năm 1977, hai Nhà nước Việt Nam và Lào ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác. Cùng ngày, Hiệp ước về hoạch định biên giới cũng được ký kết như trên đã viết.

Trong khi quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đang diễn ra suôn sẻ thì tập đoàn Pôn Pốt cầm quyền tại Campuchia lại thi hành chính sách cực kỳ phản động, tàn bạo: diệt chủng đồng bào của mình và đưa quân sang xâm lược Việt Nam, phá vỡ quan hệ đoàn kết của nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Cuối tháng 12 năm 1978, Bộ Chỉ huy quân đội cách mạng Campuchia phát động phong trào nổi dậy của quần chúng và kêu gọi quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia lật đổ chính quyền diệt chủng của bè lũ Pôn Pốt - Iêngxari. Đáp lại nguyện vọng chính đáng đó, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với nhân dân Campuchia nổi dậy đánh đổ chế độ diệt chủng và giúp cách mạng Campuchia hồi sinh dân tộc.

Viện cớ Việt Nam đưa quân vào Campuchia, phương Tây và một số quốc gia khác thi hành chính sách bao vây, cấm vận Việt Nam. Đây là thời điểm quan hệ đoàn kết Việt Nam - Lào - Campuchia được khôi phục và cơ quan ngoại giao ba nước thiết lập được cơ chế phối hợp hoạt động hợp lý với nhiều sáng kiến đấu tranh đạt hiệu quả cao trong việc giải quyết xong vấn đề Campuchia, tháng 10 năm 1991. Kết quả đó có phần đóng góp xứng đáng của sự phối hợp đấu tranh ngoại giao của ba nước Đông Dương.

Bước đột phá vấn đề Campuchia kéo theo sự tháo gỡ bao vây, cấm vận, tạo điều kiện cho ba nước Đông Dương cải thiện quan hệ với ASEAN và nhiều quốc gia khác.

Giai đoạn 1992 - 2007, thế giới có nhiều biến động lớn. Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã, Chiến tranh lạnh kết thúc, xu thế hoà bình, hợp tác và phát triển chiếm vị trí ưu thế. Cách mạng khoa học và công nghệ phát triển rất mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất, toàn cầu hoá trên nhiều lĩnh vực trở thành xu thế tất yếu khách quan. Mặt khác, tình hình thế giới vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp, khó lường như xung đột lợi ích, ảnh hưởng của nhiều quốc gia dân tộc, chiến tranh cục bộ, khủng bố quốc tế,... Khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương là nơi ổn định và phát triển nhanh về kinh tế, song vẫn tồn tại những vụ tranh chấp lãnh thổ, nhất là biển đảo, khủng hoảng tài chính...

Trước tình hình đó, Việt Nam, Lào vẫn rất coi trọng, bảo vệ và phát triển quan hệ đặc biệt giữa hai nước; đồng thời đổi mới quan hệ ngoại giao: giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, tích cực hội nhập quốc tế và khu vực.

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam tiếp tục phát triển sâu rộng, được thể hiện ở những cuộc thăm viếng, thông báo cho nhau tình hình nước mình, trao đổi ý kiến giữa các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, trong đó có nhiều nội dung thuộc lĩnh vực ngoại giao, góp phần định hướng cho ngành ngoại giao hai nước triển khai các hoạt động của mình. Hai bên phối hợp với nhau và trao đổi thông tin, kinh nghiệm về hoạt động quốc tế và khu vực. Cũng trong giai đoạn này, hai Bộ Ngoại giao đã tiến hành ký kết các hiệp định hợp tác dài hạn, tổ chức giao lưu và ký thoả thuận phối hợp hoạt động giữa hai bên; hỗ trợ nhau tổ chức các hội nghị cấp cao ASEAN tại Viêng Chăn.

Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại giao, Việt Nam và Lào đã tiến hành từ nhiều năm trước đổi mới tại hai nước. Đến thời kỳ đổi mới, công tác này càng được mở rộng và nâng cao ở trình độ đại học và trên đại học.

Các hoạt động nói trên đều đạt hiệu quả tốt, tác động tích cực đối với sự phát triển của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.



------------------------------------------------------------------
1. Em Balia, 17 tuổi, quê ở Xiêng Khoảng, học sinh lớp 6, trường T1 Vĩnh Phúc, ngày 7 tháng 6 năm 1976, khi từ giã trường về nước, đã nói những lời sau đây: “Tuy phải sống xa cha mẹ, quê hương nhưng em đã được người cha, người mẹ thứ hai chăm sóc và dạy dỗ. Trở về Tổ quốc, chúng em luôn nhớ nơi đây, nơi đã chắp cánh cho chúng em. Nơi đây chúng em từ những đứa trẻ đến việc ăn ngủ còn lúng túng... nay đã khôn lớn cả về thể lực lẫn tâm hồn, trí tuệ. Nơi đây em đã từng sống trong tình thương bao la... Mai đây chúng em trở thành những cán bộ tốt của đất nước Lào anh hùng thì nhân dân Lào sẽ nói rằng: “Đó là công ơn của nhân dân Việt Nam””.

2. Từ năm 1977 đến 1989, là Trường Nguyễn Ái Quốc 10, Trường Nguyễn Ái Quốc đặc biệt, và từ năm 1990 trở đi Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ này.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 16 Tháng Ba, 2022, 08:08:36 am
4. Đặc điểm của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam

a) Quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam phát triển từ quan hệ truyền thống lên quan hệ đặc biệt

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng. Trong lịch sử chế độ phong kiến, điểm nổi bật về quan hệ giữa hai dân tộc và mối bang giao giữa các triều đại là thân thiện, hữu hảo; không có sự áp bức và nô dịch nhau, không có hiềm khích dân tộc, mặt khác, lại đã từng giúp đỡ nhau trong nhiều cuộc đấu tranh chống xâm lược. Nhân dân cư trú tại hai bên biên giới Việt Nam, Lào thường qua lại trao đổi sản vật hàng hoá và giao lưu, thăm viếng, do họ là những người cùng dòng họ.

Từ nửa sau thế kỷ XIX, hai nước đều bị thực dân Pháp xâm lược và đặt dưới sự thống trị của chế độ thuộc địa. Chúng thi hành chính sách bóc lột rất nặng nề bằng thuế khoá, kể cả thuế thân thời phong kiến mà cách mạng Pháp đã xoá bỏ, nhưng chúng vẫn áp dụng tại Đông Dương 1.

Thực dân Pháp còn ra sức vơ vét tài nguyên khoáng sản, nông sản, lâm sản; độc chiếm thị trường mua bán hàng hoá, cướp đoạt ruộng đất của nông dân, chiếm đoạt nguồn nhân công rẻ mạt. Đồng thời, chúng chèn ép sự phát triển kinh tế của các dân tộc tại Đông Dương. Bên cạnh đó, chúng thi hành chính sách đầu độc người Đông Dương bằng rượu cồn, thuốc phiện đi liền với thủ đoạn làm ngu dân và đàn áp khốc liệt những người yêu nước đấu tranh chống chế độ thuộc địa hà khắc, khiến “nhà tù nhiều hơn trường học”.

Nhân dân hai nước Việt Nam, Lào vốn có truyền thống yêu nước, kiên cường chống ngoại xâm, căm ghét chế độ thuộc địa đã liên tục nổi dậy và ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau để cùng chống kẻ thù chung.

Từ khi phong trào Cần Vương bùng nổ dưới ngọn cờ yêu nước của Vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết (tháng 7 năm 1885) đến những năm 20 thế kỷ XX, diễn ra nhiều cuộc khởi nghĩa và các hoạt động đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Nhiều phong trào trong số đó nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân Lào tại vùng sát biên giới Lào - Việt chạy dài từ Hạ Lào, Trung Lào lên Thượng Lào. Đặc biệt, trong những năm đầu thế kỷ XX, cuộc khởi nghĩa của người Lào do ông Kẹo và ông Cômmađăm lãnh đạo (kéo dài từ năm 1901 đến 1937) đã phối hợp với nghĩa quân dân tộc Xơđăng ở Tây Nguyên (Việt Nam) do tù trưởng Irê lãnh đạo cùng tấn công phá vỡ đồn canh Công cơ tu của thực dân Pháp (ngày 27 tháng 5 năm 1901).

Các phong trào đó bị chính quyền thực dân đàn áp, dập tắt. Song mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào trong những năm đầu chống sự xâm lược và ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp cũng cho thấy nhận thức của hai dân tộc về xây dựng khối đoàn kết đấu tranh đã trở thành một nhu cầu khách quan cấp bách. Việc xác định con đường cứu nước đúng đắn và mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc trên bán đảo Đông Dương vẫn là những nhiệm vụ đặt ra cho các nhà lãnh đạo phong trào yêu nước và cách mạng tại xứ này.

Chính Nguyễn Ái Quốc, với lòng yêu nước nồng nàn và nghị lực phi thường vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, đã tự mình khám phá thế giới tư bản chủ nghĩa và các dân tộc thuộc địa, nhằm phát hiện chân lý cứu nước. Bằng cách đó, Người tiếp nhận và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Đông Dương để xác định con đường giải phóng các dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia theo quỹ đạo cách mạng vô sản. Người chỉ đạo Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930, đến tháng 10 cùng năm đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, lãnh đạo cách mạng Đông Dương. Những sự kiện trên đưa quan hệ đoàn kết Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam từ truyền thống lên quan hệ đặc biệt.

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam gắn kết bền chặt, thuỷ chung, trong sáng hai dân tộc Việt Nam, Lào, trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt, đầy hy sinh gian khổ vì độc lập, tự do, hạnh phúc của hai dân tộc và nhân dân hai nước, đã trở thành quy luật sống còn và sức mạnh kỳ diệu đưa tới nhiều thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và Lào trong đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và tiến hành thành công sự nghiệp đổi mới đưa hai nước cùng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

b) Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng và chính Người cùng đồng chí Cayxỏn Phômvihản, đồng chí Xuphanuvông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước dày công vun đắp; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam

Vào nửa sau những năm 20 thế kỷ XX, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phát hiện tính tất yếu và phương pháp hữu hiệu để nhân dân Đông Dương lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp, giành độc lập, tự do như trên đã viết. Trên các chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp tục đưa ra những quyết định quan trọng nhằm thắt chặt quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và dẫn đường cho khởi nghĩa tháng Tám 1945, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược thu được thắng lợi.

Những quan điểm và chủ trương của Người được lãnh đạo và nhân dân Việt Nam, Lào lĩnh hội, thực hiện như: giúp bạn là mình tự giúp mình; đem sức ta mà tự giải phóng cho ta; Việt, Lào đoàn kết, trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh; thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ; không có gì quý hơn độc lập tự do... đã là ánh sáng và nguồn cổ vũ nhân dân Việt Nam, Lào chiến đấu và chiến thắng. Trong thời kỳ đổi mới, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên những giá trị cao quý, chỉ đường cho hai Đảng và hai dân tộc Việt Nam, Lào tiến bước.

Trong tư tưởng, tình cảm của mình, lãnh tụ Hồ Chí Minh coi nhân dân Lào cũng như đồng bào của mình. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, tháng 6 năm 1959, Người nói: Đồng bào (tức nhân dân Lào - BBS) đói, ta phải giải quyết sớm hơn. Phải săn sóc chu đáo... Trước mắt chú ý gạo, muối. Lãnh tụ Hồ Chí Minh rất chú trọng những vấn đề cơ bản của cách mạng Lào như: công tác xây dựng đảng về tư tưởng, tổ chức và cán bộ. Người vừa góp ý kiến, vừa trực tiếp chỉ đạo nhiều hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào để cùng thực hiện... Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã từng trân trọng viết về công lao của Người đối với cách mạng Lào: “Tư tưởng và tình cảm của Bác là ngọn đuốc soi đường, là nguồn cổ vũ sức mạnh đoàn kết đấu tranh của nhân dân các bộ tộc Lào chúng tôi. Từ ngày cách mạng Lào còn trứng nước cho đến lúc đã trưởng thành, Bác Hồ luôn quan tâm dẫn đường chỉ lối” .

Tiếp thụ ý kiến chỉ đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đội ngũ cán bộ Đảng, Mặt trận, Chính phủ kháng chiến của Lào và Việt Nam luôn luôn sát cánh bên nhau trao đổi ý kiến, xác lập chủ trương, biện pháp tiến hành các nhiệm vụ chung của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Phương pháp hoạt động đó ngày càng được phát huy, cải tiến và phát triển, nhất là khi thực hiện những nhiệm vụ lịch sử quan trọng như: khởi nghĩa tháng 8 năm 1945; xây dựng khu kháng chiến trong kháng chiến chống Pháp; xây dựng căn cứ địa trung ương của cách mạng Lào trong giai đoạn chống Mỹ; những chiến dịch lớn diễn ra trên đất Lào có tác động tích cực trực tiếp tới chiến trường Việt Nam; Hội nghị thành lập Mặt trận Lào Ítxalạ và Chính phủ kháng chiến Lào Ítxalạ... Khi Đảng Cộng sản Đông Dương phát triển thành ba đảng từ sau Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục thắt chặt và mở rộng quan hệ đặc biệt trong quá trình lãnh đạo hai dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược lâu dài (21 năm), ác liệt. Mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam được thể hiện ở các lĩnh vực thống nhất chủ trương chiến lược, sách lược đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị, binh vận, ngoại giao, xây dựng lực lượng kháng chiến; giúp đỡ lẫn nhau trong tác chiến, giao thông vận tải, trong kinh tế, văn hoá, giáo dục, đào tạo cán bộ...

Thời kỳ hai nước Việt Nam, Lào sau khi hoàn thành thắng lợi sự nghiệp chống ngoại xâm, những bản chất tốt đẹp của quan hệ đặc biệt lại được mở rộng và phát triển lên tầm cao mới, bên cạnh lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các lĩnh vực khác như kinh tế, tài chính, đào tạo cán bộ, nhân lực, hợp tác ngoại giao theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá, hội nhập khu vực và quốc tế, hợp tác nghiên cứu khoa học và lý luận chính trị... càng phát triển.




-----------------------------------------------------------------
1. Riêng ở Việt Nam, thời nhà Nguyễn, trước khi bị Pháp chiếm, số tiền thuế mỗi năm khoảng 30 triệu phơrăng, đến thời Toàn quyền Đume (những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX) đã tăng lên 90 triệu phơrăng. Xem Viện Khoa học xã hội Việt Nam: Lịch sử Việt Nam, 1858 - 1945, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, t.II, tr.129.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 16 Tháng Ba, 2022, 08:17:34 am
c) Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là sự nghiệp của nhân dân Việt Nam, Lào

Hoạt động lý luận và tổ chức thực tiễn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ những năm 20 thế kỷ XX đã mở đường tiến tới hình thành quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, lấy nền tảng là sức mạnh đoàn kết to lớn của nhân dân hai nước được khơi dậy như Người đã chỉ dẫn trong tác phẩm “Đường cách mệnh”: “Dân khí mạnh, thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại” .

Ý nghĩa và giá trị quý báu của luận điểm ấy đã được đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào khẳng định trong Điếu văn truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù ở đâu và lúc nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn luôn nhắc nhở những người cách mạng là muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải đoàn kết trong nội bộ Đảng, phải đoàn kết toàn dân. Đồng chí đã nói là ba dân tộc Việt Nam, Khơme, Lào phải đoàn kết để cùng nhau đấu tranh, đồng thời phải đoàn kết rộng rãi với các dân tộc bị áp bức trên thế giới, kết hợp chặt chẽ tinh thần yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế vô sản, đó là sức mạnh hùng hậu để đấu tranh với địch, đưa thắng lợi lại cho cách mạng. Đây là lời giáo huấn rất quý báu mà những người cộng sản chúng ta phải ghi nhớ và thực hiện thật đúng đắn” .
Những mục tiêu phấn đấu của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam bao quát những nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam và Lào. Đó là đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng chống kẻ thù đế quốc xâm lược và tay sai của chúng, giành độc lập, tự do cho dân tộc và nhân dân hai nước, xây dựng quan hệ bình đẳng, tự chủ, hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia.

Nhân dân hai nước cũng hiểu rằng chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, chỉ có Đảng Cộng sản chân chính với đường lối cách mạng và phương pháp đoàn kết chân thành, tôn trọng quyền độc lập, tự chủ của mỗi quốc gia, dân tộc mới có thể thực hiện những nguyện vọng đó.

Xuất phát từ nhận thức chính trị và niềm tin ấy mà nhân dân hai nước đã không quản gian khổ, hy sinh, đóng góp sức người, sức của để thực hiện những mục tiêu của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Trong gần một thế kỷ qua, họ chung sức, chung lòng, vừa xây dựng lực lượng, vừa anh dũng, sáng tạo, giữ vững mục tiêu cách mạng, đương đầu với nhiều kẻ thù hùng mạnh và giành thắng lợi hoàn toàn, mà không tính thiệt hơn, chỉ dành cho nhau sự quý mến, trân trọng và biết ơn sâu nặng.

Truyền thống tốt đẹp đó tiếp tục được phát huy trên trận tuyến bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trên con đường đổi mới của hai nước.

d) Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mang tính xuyên suốt, toàn diện và bền vững

Dân tộc độc lập, nhân dân được hưởng quyền tự do, hạnh phúc, đất nước giàu mạnh theo định hướng xã hội chủ nghĩa là mục tiêu song trùng của hai dân tộc Việt Nam, Lào. Đó cũng là phương hướng, là động lực xây dựng và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Trong sự nghiệp đấu tranh lâu dài của hai dân tộc, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là nhân tố xuyên suốt các chặng đường, bước trước chuẩn bị cho bước sau nối tiếp phát triển, từ đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược đến bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước với nhiều gian khổ và hy sinh để đi tới những kỳ tích lịch sử của hai nước Việt Nam, Lào.

Mỗi thời kỳ lịch sử tương ứng với một nhiệm vụ chiến lược cách mạng của hai nước và gắn bó chặt chẽ với sự vận động của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trên các lĩnh vực tư tưởng, đường lối, chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hoá. Tuy mỗi thời kỳ có những nhiệm vụ trọng tâm, song nhìn tổng thể, vẫn nhận rõ tính toàn diện, phong phú mang bản chất cách mạng, nhân văn trong tư tưởng và hoạt động thực tiễn, trong lý trí và tình cảm thắm thiết của hai dân tộc.

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trải qua nhiều thay đổi của lịch sử và những mưu đồ phá hoại của nhiều thế lực thù địch từ bên trong và bên ngoài, vẫn giữ nguyên tính bền vững và sức mạnh phi thường của nó. Các kỳ tích do hai dân tộc lập nên trong Cách mạng tháng Tám 1945, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cùng thành tựu có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới đều là minh chứng hùng hồn về độ bền vững của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Tất cả các nhân tố ấy đều lắng đọng, kết tinh và qua kiểm nghiệm trên nhiều bước đường gian khó, hiểm nghèo để biến quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam thành giá trị văn hoá nhân văn trường tồn và phát triển cùng thời gian, là tài sản thiêng liêng, cao quý nhất cho mọi thế hệ nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào.

Ngọn nguồn giá trị đó là do nhận thức của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước về quy luật sống còn của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đối với vận mệnh hai dân tộc; về những quan điểm lý luận, tư tưởng và phương pháp xây dựng, phát triển quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam dựa trên nguyên tắc dân tộc tự quyết được thể hiện ở lời dạy của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Giúp bạn là mình tự giúp mình”, tuyệt đối tôn trọng chủ quyền của bạn, giúp bạn để bạn mạnh lên và tự giải quyết các nhiệm vụ cách mạng của dân tộc mình, không được áp đặt, làm thay... Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào, cán bộ và nhân dân hai nước đều chấp hành đúng tư tưởng chỉ đạo và nguyên tắc hoạt động đó trong quan hệ hai nước. Căn cứ vào thực tế lịch sử lâu dài của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Cayxỏn Phômvihản đã phân tích, đánh giá và khắc hoạ sâu sắc những nét tiêu biểu, điển hình về tính toàn diện, xuyên suốt, bền vững của mối quan hệ đó: “Việt Nam đã giúp Lào từ khi có Đảng Cộng sản Đông Dương, nhất là từ năm 1945, Việt Nam đã có quân tình nguyện ở Lào và liên tục giúp Lào tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đến thắng lợi ngày nay. Có thể nói không lúc nào các đồng chí không ở bên cạnh chúng tôi, những lúc cách mạng gặp khó khăn, gay go nhất, đều có mặt các đồng chí. Các đồng chí đã giúp tận tình không nề hà gì, không tiếc xương máu con em mình. Như Bác Hồ đã nói giúp Lào là vì nghĩa vụ đối với dân tộc mình và nhiệm vụ quốc tế, các đồng chí đã làm được cả hai việc. Điều quý báu nhất, thành công lớn nhất của các đồng chí là đã giúp cho Lào, tạo cho Lào những nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Đó là các đồng chí giúp hình thành nên lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, hình thành nên Mặt trận dân tộc thống nhất, giúp giành, giữ và xây dựng khu giải phóng. Nhưng điều quan trọng nhất là các đồng chí đã giúp xây dựng đảng Mác - Lênin chân chính. Trong tình hình phức tạp hiện nay không có đảng Mác - Lênin thì cách mạng không thể thắng lợi được. Nhờ sự giúp đỡ của các đồng chí mà đội ngũ cán bộ, đảng viên chúng tôi đã phát triển từ ít đến nhiều. Đến nay, cán bộ chúng tôi đã tiến bộ một bước dài, tự đảm đương được nhiều mặt công việc so với trước. Tinh thần tự lực, tự cường tiến lên một bước sâu hơn. Các đồng chí cũng giúp chúng tôi đặt quan hệ với các đảng anh em, mở rộng quan hệ quốc tế của Đảng, và do đó, địa vị quốc tế của Đảng chúng tôi được nâng cao” .

Về phía Việt Nam, tại cuộc mít tinh kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 30 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nói: “Trong quá trình cùng nhân dân các bộ tộc Lào sát cánh bên nhau, chia ngọt sẻ bùi, đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, nhân dân Việt Nam luôn luôn nhận thức sâu sắc rằng, mỗi thắng lợi của Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay đều gắn liền với tinh thần đoàn kết, sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình của nhân dân các bộ tộc Lào anh em. Nhân dịp này, thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào anh em về sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu đó” .

Với niềm tin sắt đá ở sự phát triển bền vững của quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào đồng chí Chummaly Xaynhaxỏn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào đã phát biểu tại cuộc mít tinh trọng thể kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào và 30 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Trên cơ sở các nguyên tắc và kinh nghiệm cũng như truyền thống đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam, chúng ta sẽ tăng cường hợp tác mọi mặt, khuyến khích các tổ chức Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, địa phương, tổ chức quần chúng và các đơn vị kinh tế - doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ, làm cho quan hệ hợp tác Lào và Việt Nam đi vào thực chất, phù hợp với đường lối đổi mới và vì sự phát triển phồn vinh của cả hai nước, vì sự nghiệp hoà bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới” .


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 16 Tháng Ba, 2022, 08:24:44 am
III. Ý NGHĨA LỊCH SỬ

1. Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh vô địch của hai dân tộc Việt Nam, Lào

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và hoạt động thực tiễn của các lực lượng cách mạng, quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam từng bước được xây dựng và phát triển, là nhân tố cơ bản gắn bó hai dân tộc, tạo nên sức mạnh vô địch chiến thắng mọi kẻ thù, khắc phục nhiều khó khăn, trở lực trên con đường cách mạng. Đó là quá trình hai dân tộc tự nguyện đến với nhau trên cơ sở cùng giác ngộ lý tưởng cách mạng giải phóng dân tộc, giành tự do, hạnh phúc cho nhân dân, xác lập quyền bình đẳng dân tộc, giúp đỡ lẫn nhau tự vươn lên và trưởng thành. Đó cũng là những chặng đường nhân dân hai nước vượt qua nhiều khác biệt về phong tục tập quán và những hậu quả chia rẽ Việt Nam, Lào do kẻ thù gây ra, để đi tới đồng tâm nhất trí, kề vai sát cánh cùng chống kẻ thù chung.

Biết bao tấm gương chịu đựng khó khăn, gian khổ và tự nguyện hy sinh cho nhau của cán bộ, bộ đội và nhân dân hai nước để sự nghiệp cách mạng của hai dân tộc Việt Nam, Lào giành thắng lợi đã diễn ra và trở thành lẽ sống của họ. Đây là một nhân tố cơ bản tạo nên mọi thắng lợi của những mục tiêu đấu tranh cách mạng mà hai dân tộc cùng hợp sức thực hiện.

Nét nổi bật có tác dụng giáo dục nhân dân hai nước là lòng trung thành của các nhà lãnh đạo Việt Nam, Lào đối với quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào và quan hệ Việt Nam, Lào và Campuchia mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta kháng chiến, dân tộc bạn Miên, Lào cùng kháng chiến. Bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ là kẻ thù của ta và của dân tộc Miên, Lào. Vì vậy, ta phải ra sức giúp đỡ anh em Miên, Lào, giúp đỡ kháng chiến Miên, Lào; và tiến đến thành lập Mặt trận thống nhất các dân tộc Việt - Miên - Lào” .

Về phía Lào, trong những tình huống rất khó khăn và phức tạp của cách mạng, các nhà lãnh đạo, đại biểu cho ý chí của nhân dân Lào, đã thể hiện rõ sự kiên định của mình đối với quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào. Hai sự kiện sau đây đã biểu thị phẩm chất, bản lĩnh ấy của họ.

Một là, cuối năm 1949, Chính phủ Khăm Mạo đầu hàng thực dân Pháp, chỉ còn Hoàng thân Phếtxarạt và Hoàng thân Xuphanuvông vẫn giữ lập trường chống đế quốc Pháp xâm lược. Lúc bấy giờ Hoàng thân Xuphanuvông tổ chức cuộc họp báo, ra tuyên bố: “Tôi không đồng tình với những người trong Chính phủ trở về đầu hàng kẻ thù. Tôi sẽ cùng với nhân dân Lào, nhân dân Việt Nam, nhân dân Campuchia tiến hành cuộc đấu tranh cứu nước cho đến thắng lợi hoàn toàn” .

Hai là, cũng vào khoảng thời gian đó, Khăm Mạo lôi kéo đồng chí Phumi Vôngvichít đang làm chủ tịch Khu 1, Khu 2 của khu kháng chiến Tây Bắc Lào theo chúng đầu hàng Pháp. Đồng chí trả lời: “Chúng tôi không đồng ý về với Pháp, vì làm như thế là đầu hàng kẻ thù và Tổ quốc ta sẽ không bao giờ giành được độc lập”2. Đồng thời, đồng chí cũng kịch liệt bác bỏ những luận điệu của chúng - đòi không hợp tác với Việt Nam: “Nếu như vậy thì các anh nhất định không bao giờ thắng lợi. Vì các anh lấy tiền của, vũ khí, trang bị, kinh nghiệm ở đâu ra để chống Pháp? Nếu các anh không hợp tác với nước đang đánh kẻ thù chung thì các anh không bao giờ thắng lợi và không bao giờ độc lập. Như vậy tôi thấy con đường các anh đi là tách khỏi Việt Nam để đi đầu hàng thực dân Pháp, do đó tôi không đi theo cùng đường với các anh”.

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam nảy sinh, phát triển trong sự trùng hợp mục tiêu cách mạng và tình nghĩa của hai dân tộc láng giềng ruột thịt là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; bình đẳng, hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau. Điều đó đã trở thành động lực mạnh mẽ, vượt lên mọi thử thách trên các chặng đường cách mạng, là cội nguồn sáng tạo trong chiến đấu và lao động, nhân lên sức mạnh đoàn kết, hợp tác giữa hai bên để chiến thắng các kẻ thù lớn mạnh, hung bạo; phá vỡ những mưu đồ chia rẽ, phá hoại của các thế lực xâm lược, thù địch, phát hiện con đường đổi mới thích hợp cho hai nước. Do vậy, những thắng lợi quan trọng nhất của hai dân tộc đánh dấu những bước ngoặt lịch sử của mình như Cách mạng tháng Tám 1945; kháng chiến chống Pháp, tháng 7 năm 1954; chống Mỹ năm 1975 và mở đầu sự nghiệp đổi mới năm 1986, hầu như diễn ra song hành.

2. Đứng ở vị trí chiến lược của vùng Đông Nam Á, nơi đối đầu quyết liệt giữa phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, hoà bình và tiến bộ xã hội với các thế lực xâm lược, khối đại đoàn kết Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trở thành lực lượng nòng cốt, chặn đứng, làm thất bại những mưu đồ và hành động của kẻ thù, góp phần quan trọng tạo dựng môi trường hoà bình, hợp tác, hữu nghị giữa các quốc gia Đông Nam Á

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa vùng Đông Nam Á phát triển mạnh. Nhiều nước đã giành được độc lập, bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Nam và Lào tuy đã giành được độc lập, nhưng ngay sau đó, bị quân đội Pháp kéo tới xâm lược. Chúng đã vấp phải sự chiến đấu kiên cường của nhân dân Việt Nam và Lào cùng đứng trên một trận tuyến. Chiến tranh xâm lược kéo dài và hiện rõ sự thất bại của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ tìm cách can thiệp và thay chân Pháp hòng áp đặt chủ nghĩa thực dân mới tại miền Nam Việt Nam và Lào từ sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (tháng 7 năm 1954). Mỹ tìm mọi cách lôi kéo nhiều nước đồng minh của họ để thành lập liên minh quân sự chống phe xã hội chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc. Tại châu Á, ngày 8 tháng 9 năm 1954, Mỹ thành lập “tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á” (SEATO) nhằm ngăn chặn chủ nghĩa xã hội tràn qua vĩ tuyến 17 xuống Đông Nam Á, đặt miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia nằm trong phạm vi bảo hộ của Mỹ.

Ở miền Nam Việt Nam, trong thập niên 1960, Mỹ áp dụng từ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đến chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, trực tiếp đưa quân vào miền Nam Việt Nam và đánh phá miền Bắc, một thành viên của phe xã hội chủ nghĩa, bằng không quân và hải quân. Tại Lào, Mỹ cũng thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” và “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” với cường độ ác liệt ngày càng gia tăng. Bằng những hành động đó, đế quốc Mỹ biến cuộc chiến tranh này thành cuộc “đối đầu lịch sử” giữa họ với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, phong trào xã hội chủ nghĩa và phong trào hoà bình, tiến bộ xã hội.

Với sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và ý chí đấu tranh kiên cường, sáng tạo, quân dân Việt Nam, Lào đã đánh bại các chiến lược chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; đồng thời cũng làm thất bại những mưu đồ của các thế lực thù địch gây chia rẽ, đối địch giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; góp phần tạo lập môi trường hoà bình, hợp tác, hữu nghị giữa các quốc gia Đông Nam Á.

3. Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là một tấm gương mẫu mực, thuỷ chung, trong sáng, vững bền, chưa từng có trong quan hệ giữa các dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hoà bình và tiến bộ xã hội

Trong lịch sử thế giới từ xưa tới nay, đã xuất hiện nhiều hình thức liên minh, đồng minh, hợp tác hoặc hình thành các cộng động quốc gia với nhiều thể chế đa dạng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Riêng quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam được gọi là quan hệ đặc biệt bởi khái niệm đó là sự tổng hợp, khái quát đúng đắn về truyền thống lịch sử, địa lý, về lý luận và thực tiễn của sự kết hợp nguyên tắc dân tộc tự quyết và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, chủ nghĩa nhân văn cao cả, tính tất yếu và quy luật dẫn tới thắng lợi và thành công của hai dân tộc Việt Nam, Lào.

Nói cách khác, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là khối đoàn kết chặt chẽ của hai dân tộc phấn đấu cho những lợi ích cơ bản và nguyện vọng chính đáng thiết tha nhất của nhân dân hai nước như trên đã viết, đó là niềm tin tất thắng của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam thấm sâu vào lòng nhân dân hai nước.

Cảm nhận của đồng chí Phumi Vôngvichít sau khi đi khảo sát nhiều vùng ở Thái Lan, nơi người Lào và người Việt cùng tản cư sang để tránh sự tàn sát của quân đội Pháp và xây dựng lực lượng kháng chiến đầu năm 1946, cho chúng ta hiểu rõ điều đó: “Để thực hiện nhiệm vụ, tôi đề ra chương trình đi những nơi cần thiết... Tôi đến Băng Cốc để gặp Chính phủ Lào độc lập sang tạm lánh ở đây và gặp đại biểu Việt Nam nhằm tìm hiểu cách thức tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng đất nước Lào...”. Sau khi đi xem xét tình hình tại nhiều nơi khác, đồng chí nhận xét: “Chuyến đi lần này đã giúp tôi có những nhận thức mới, mở tầm nhìn cho tôi vào con đường cách mạng của dân tộc. Nó còn cho thấy nhân dân Lào ở khắp các miền đều đứng dậy đấu tranh chống bọn thực dân Pháp để giải phóng Tổ quốc khỏi ách thống trị thực dân và phong kiến thống trị thối nát. Một điều nữa mà tôi cũng thấy là khắp mọi nơi ở Campuchia hay ở Lào nếu có người Việt Nam thì họ đều hợp tác chiến đấu với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia chống kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược”... “Nhận thức rõ nhất là muốn làm cuộc kháng chiến chống quân thù ở Lào, chúng tôi phải hợp tác với người Việt Nam, đang thực hiện nhiệm vụ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh” .

Đối với hai dân tộc Việt Nam, Lào, quan hệ đặc biệt được coi là lẽ sống, là tình nghĩa ruột thịt thân thiết, trước sau như một, dù gian nan nguy hiểm đến chừng nào cũng không thể chia tách được. Nó vượt lên mọi thử thách để giữ trọn “Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” như Bác Hồ đã viết. Cùng mạch nguồn của tư duy trên, đồng chí Cayxỏn Phômvihản cho rằng, quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam “quý hơn ngọc quý nhất”, cần phải bảo vệ và phát huy mãi mãi.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 16 Tháng Ba, 2022, 08:51:12 am
IV. BÀI HỌC LỊCH SỬ

1. Xác định đúng đắn hệ thống quan điểm lý luận về mối quan hệ dân tộc và quốc tế trong thời đại mới giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong quá trình xây dựng, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam

Trên con đường khám phá chân lý cứu nước, cứu dân, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từng biết quan điểm giải quyết vấn đề dân tộc thuộc địa do Tổng thống Mỹ Uynxơn (Wilson) nêu ra tại điểm 5 Chương trình 14 điểm, công bố đầu năm 1918: “Giải quyết công tâm những vấn đề thuộc địa, chiếu cố các dân tộc bản xứ và các chính phủ”. Chương trình đó được coi là nguyên tắc thảo luận tại Hội nghị hoà bình Vécxây (Pháp), năm 1919, của các nước đế quốc chiến thắng đế quốc Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) với mục tiêu của Mỹ là tranh giành thuộc địa với các nước đế quốc khác, tấn công nước Nga Xôviết và nêu cao vai trò của Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Nhân dịp đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thay mặt Nhóm những người Việt Nam yêu nước gửi tới Hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm:

“1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;

2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;

3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;

4. Tự do lập hộihội họp;

5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;

6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;

7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;

8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ” .

Người viết rõ, đây chỉ là những yêu sách khiêm tốn trong khi chờ nguyên tắc dân tộc được hiện thực hoá, quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thực sự. Người mong những yêu sách đó được các nước Đồng minh, trong đó có Chính phủ Mỹ, ủng hộ nhưng không nhận được ý kiến trả lời. Từ hiện tượng ấy, Người nêu rõ bản chất của chủ nghĩa Uynxơn về quyền dân tộc tự quyết trong bài “Cuộc kháng chiến” thuộc chủ đề Đông Dương (1923 - 1924): “Nhưng sau một thời gian nghiên cứu và theo dõi, chúng tôi nhận thấy rằng “chủ nghĩa Uynxơn” chỉ là một trò bịp bợm lớn. Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới”. Điều cốt yếu của luận điểm này là sự nghiệp giải phóng dân tộc gắn liền với sự nghiệp giải phóng xã hội và giải phóng con người theo quy luật phát triển của xã hội loài người để đi tới chỗ “xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”  như Mác - Ăngghen viết trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Đó chính là định hướng phát triển của cách mạng Đông Dương theo tinh thần cách mạng triệt để mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xác định.

Từ khi bị thực dân Pháp xâm lược và thiết lập chế độ thuộc địa tại Việt Nam và Lào, nhân dân hai nước đã giúp đỡ nhau chống kẻ thù chung. Song do chưa xác định được những luận điểm cách mạng đúng đắn về mối quan hệ dân tộc và quốc tế, làm cơ sở xây dựng quan hệ đoàn kết Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, nên mối quan hệ đó vẫn là quan hệ truyền thống.

Với trách nhiệm cao đối với cách mạng Đông Dương và năng lực sáng tạo lý luận cách mạng kiệt xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất những quan điểm cơ bản về cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, Miên, Lào. Trong đó, bao hàm cả nội dung quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam:

Cách mạng Đông Dương là cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Sự nghiệp cách mạng của ba nước Đông Dương phải do nhân dân ba nước Đông Dương cùng đồng tâm, nhất trí tiến hành. Thắng lợi của sự nghiệp cách mạng đó sẽ hỗ trợ đắc lực cho công cuộc cách mạng của giai cấp vô sản Pháp.

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập đã thể hiện mối quan hệ dân tộc và quốc tế đúng đắn trong Sách lược vắn tắt: “trong khi tuyên truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là vô sản giai cấp Pháp” .

Tiếp tục phát triển dòng tư duy về vấn đề trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến thêm cho nhân dân ba nước Đông Dương một quan điểm mới, thống nhất với quan điểm của Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ tám, tháng 5 năm 1941: các dân tộc Đông Dương đều phải chịu chung một ách thống trị của phát xít Pháp - Nhật, cho nên phải đoàn kết lại đánh đuổi kẻ thù chung. Song Đảng phải hết sức tôn trọng và thi hành đúng quyền “dân tộc tự quyết” đối với các nước ở Đông Dương. Sau khi giành được độc lập: “Sự tự do độc lập của các dân tộc sẽ được thừa nhận và coi trọng” .

Việt Nam giúp bạn Lào là thực hiện nghĩa vụ quốc tế với tinh thần “giúp bạn là mình tự giúp mình”.

Những quan điểm trên thể hiện rõ ràng, đúng đắn nguyên tắc dân tộc tự quyết và chủ nghĩa quốc tế trong sáng mà nội dung chính yếu là mỗi dân tộc ở Đông Dương có quyền tiến hành công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tự quyết định chế độ chính trị của quốc gia; có quyền lựa chọn con đường xây dựng, phát triển đất nước; có quyền bình đẳng, hợp tác với các dân tộc khác vì mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội; đồng thời tôn trọng độc lập, chủ quyền và an ninh của các dân tộc; ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau và đoàn kết chặt chẽ trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước... Tất cả đều thể hiện rõ sự gắn kết và tác động tích cực giữa chủ nghĩa quốc tế trong sáng và chủ nghĩa yêu nước chân chính trong tiến trình cách mạng của ba dân tộc; hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa sôvanh, dân tộc vị kỷ.

Điều rất đáng trân trọng nữa là những quan điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương được các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước của hai dân tộc Việt, Lào quán triệt và vận dụng trong quá trình tạo dựng và phát huy sức mạnh của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Về phía Lào, Nghị quyết Đại hội lần thứ II Đảng Nhân dân cách mạng Lào nhất trí khẳng định:

“Sự thật đã chứng minh mỗi bước đi đến thắng lợi của cách mạng Lào đều kết hợp chặt chẽ giữa sự nỗ lực cố gắng chủ quan của Đảng ta, của dân tộc ta với sự giúp đỡ của phe xã hội chủ nghĩa, của mọi phong trào cách mạng dân tộc dân chủ và hoà bình thế giới, trong đó khối lực lượng liên minh chiến đấu giữa Đảng ta với Đảng Lao động Việt Nam luôn luôn là điều kiện cơ bản mà chúng ta rất coi trọng như một yếu tố thắng lợi” .

Nhấn mạnh giá trị của chủ nghĩa yêu nước kết hợp với tinh thần quốc tế vô sản qua thực tiễn cách mạng Lào, đồng chí Cayxỏn Phônvihản nói: “Sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta phải do nhân dân ta tự làm lấy.

Đảng ta là một Đảng lãnh đạo cách mạng thực sự, do đó phải giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ, mỗi một đảng có độc lập, tự chủ thì mới chứng minh một cách đầy đủ chủ nghĩa yêu nước nồng nàn, kết hợp với tinh thần quốc tế vô sản chân chính.

Căn cứ vào những điều nói trên, chúng ta mới vững vàng có đầy đủ tinh thần quyết chiến, quyết thắng” .

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và thấu hiểu bản chất hai dân tộc Việt Nam, Lào, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam đã giải quyết hợp lý, hài hoà nguyên tắc dân tộc tự quyết và quan hệ quốc tế vô sản trong sáng, biến nó thành nền tảng tư tưởng đúng đắn của hai dân tộc. Điều đó vừa là kinh nghiệm, vừa là lý luận của lãnh tụ Hồ Chí Minh, của hai Đảng, hai dân tộc Việt Nam, Lào cống hiến cho các dòng thác cách mạng thế giới.

Từ đầu thập niên 90 thế kỷ XX, hai nước Việt Nam và Lào đều thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn và đối tác tin cậy của các nước, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trên mọi lĩnh vực, giữ vững các quan điểm và nguyên tắc hợp tác mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra, coi đó là nhân tố bất biến trong ứng xử với mọi đổi thay, biến động của thế giới và khu vực.

2. Xác định nội dung, phương thức xây dựng quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là cụ thể hoá hệ thống quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về quan hệ quốc gia và quốc tế trong điều kiện cụ thể của hai nước để hướng dẫn hoạt động của Đảng, của hệ thống chính trị và quân, dân hai nước Việt Nam, Lào nhằm đạt tới mục tiêu cách mạng do hai bên xác lập

Trên lĩnh vực này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương, kế tiếp là Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đề xuất và lãnh đạo các cấp bộ đảng, hệ thống chính trị và nhân dân Việt Nam thực hiện nghĩa vụ xây dựng và phát triển quan hệ đặc biệt hai nước Việt Nam, Lào theo tinh thần:

Giúp bạn một cách vô tư, với cố gắng cao nhất của mình.

Không được áp đặt, rập khuôn máy móc những kinh nghiệm và cách làm ở Việt Nam, không phù hợp với điều kiện cụ thể của bạn.
Tháng 9 năm 1953, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam phê bình một đồng chí phụ trách cơ quan của Việt Nam giúp Lào đã tự ý đề ra kế hoạch và phổ biến xuống các cấp về phát động quần chúng đấu tranh xoá bỏ chế độ cuông, lam . Làm như vậy là không đúng với hoàn cảnh, điều kiện của bạn Lào và mang tính chất bao biện. Bộ Chính trị chỉ thị: đã sai thì phải kịp thời sửa sai, thu ngay chỉ thị và kế hoạch đã phổ biến.

Giúp bạn để bạn tiến bộ và có thể tự làm lấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn cán bộ Việt Nam đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào: giúp nhiều nhất cũng chỉ được 1/10, còn tự lực là 9/10.

Về sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam, Lào, các đồng chí lãnh đạo hai nước đã nhiều lần khẳng định giá trị đặc biệt của mối quan hệ đó. Trong cuộc hội đàm giữa đại diện hai Trung ương Đảng năm 1971, đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói: “Sự giúp đỡ của Việt Nam ba năm qua là hết lòng hết sức, trong hoàn cảnh khó khăn nhưng đã hết sức giúp đỡ, không tiếc xương máu. Đó là điều rất quý, đã làm cho Đảng Lào, cách mạng Lào trưởng thành, đặc biệt nhất là sự giúp đỡ về kinh nghiệm, đường lối. Về mặt này, giữa hai Đảng ta sự nhất trí ngày càng cao chẳng những chiến lược mà cả sách lược nữa. Thay mặt Đảng Nhân dân Lào, tôi xin gửi lời biết ơn sâu sắc đến Đảng và nhân dân Việt Nam.

Các đồng chí sang giúp, đã giữ được phương châm hai Trung ương đã bàn bạc với nhau, phương pháp giúp nói chung cũng tốt.

Tóm lại, trong việc giúp đỡ mặt tốt là cơ bản, tận tình, tuy Việt Nam có khó khăn nhưng đã không tiếc gì với Lào, chính cái đó đã góp phần tăng cường đoàn kết giữa hai Đảng. Đây là quan hệ đặc biệt trên thế giới không đâu có”  (BBS nhấn mạnh).

Cũng tại cuộc hội đàm này, đồng chí Lê Duẩn phát biểu: “Thay mặt Đảng Lao động Việt Nam, chúng tôi xin cảm ơn sự giúp đỡ của Đảng Nhân dân Lào và của nhân dân Lào anh em đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân chúng tôi. Đây là những lời nói chân thật tự đáy lòng. Chúng tôi xin cảm ơn các đồng chí với sự hiểu biết sâu sắc mối quan hệ đặc biệt đã gắn bó hai Đảng, hai dân tộc Lào, Việt Nam chúng ta suốt 25 năm chiến đấu sống chết có nhau chống kẻ thù chung. Nhân dân Việt Nam hy sinh xương máu cho cách mạng Lào, nhân dân Lào cũng hy sinh tính mạng và của cải để giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Hai Đảng, hai dân tộc chúng ta giúp đỡ lẫn nhau, nếu chỉ thấy sự giúp đỡ của một bên là không đúng (BBS nhấn mạnh). Đảng chúng tôi luôn luôn giáo dục cho cán bộ, đảng viên Việt Nam hiểu rõ điều đó” .

Trong mối quan hệ công tác giữa cán bộ Việt Nam và cán bộ Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn:

“Thật thà đoàn kết về tinh thần và trong công tác;
Thật thà tự phê bình và phê bình lẫn nhau;
Cán bộ Việt Nam tuyệt đối tránh bao biện;
Cán bộ Lào thì nên tránh khách khí”

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, Người thường xuyên nhấn mạnh việc thực hiện tự phê bình của các tổ chức và cán bộ Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào.

Tại Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam, ngày 3 tháng 6 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Về Lào, ta phải thấy phe đế quốc nó có cả một kế hoạch. Viện trợ Mỹ (cho phe hữu ở Lào - BBS) tính theo đầu người là cao nhất.

Ta giúp (bạn Lào - BBS) không quán xuyến, thiếu liên tục phải giúp có tổ chức, giúp hết sức chặt chẽ, phải có kế hoạch giúp trước mắt và giúp lâu dài.

Đối với Lào, ta còn nóng vội, thấy thắng lớn, không nhìn hết khó khăn”.

Thực hiện lời chỉ giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, noi theo tấm gương tự phê bình, phê bình của Người, cơ quan lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã nhiều lần nêu ý kiến tự phê bình và phê bình trong hội đàm giữa hai bên về những khuyết điểm của mình, của bạn; đồng thời trình bày phương pháp khắc phục. Tại cuộc hội đàm năm 1971, đồng chí Cayxỏn Phômvihản sau khi nói về sự giúp đỡ hết lòng, hết sức của Việt Nam đối với Lào, đã nêu lên những nhận xét về sự giúp đỡ của Việt Nam trong công tác đào tạo cán bộ và hoạt động của đội ngũ chuyên gia: “Giúp xây dựng, đào tạo cán bộ về chính trị tương đối được nhưng chuyên môn chưa được sâu, còn nặng bồi dưỡng về những vấn đề trước mắt, chưa chú trọng đi vào bồi dưỡng cơ bản, toàn diện để từng bước anh em Lào tự làm chủ lấy. Còn coi nhẹ giúp xây dựng cán bộ chủ trì, cán bộ quản lý, chỉ đạo kinh tế. Giúp xây dựng cơ quan mới được phần giải quyết việc trước mắt, chưa đi sâu bồi dưỡng cho anh em nắm được công việc một cách cơ bản, lâu dài, đủ sức làm tham mưu cho Trung ương...”.

Về hoạt động của chuyên gia Việt Nam, đồng chí Cayxỏn cho rằng: “Đội ngũ chuyên gia sang giúp có hai loại: loại cũ đã 5, 7, 10 năm trở lên, nhiệt tình rất cao, gắn bó với cách mạng Lào, tin tưởng vào khả năng cách mạng của nhân dân Lào, cán bộ Lào, hiểu biết tình hình, tâm lý của anh em Lào, phương pháp cũng tốt, dễ thâm nhập, đoàn kết Lào - Việt tốt. Nhưng bên cạnh đó có chỗ yếu là sức khoẻ kém... nhiều người không học tập được những vấn đề lý luận cơ bản, công tác chuyên môn... nên hạn chế việc giúp. Anh em mới sang thì nhiệt tình cũng có, tốt, sức khoẻ đỡ hơn, được học tập bên nước, nhưng bên cạnh đó, có những chỗ yếu như chưa hiểu nhiều tình hình Lào, có số chỉ biết kỹ thuật đơn thuần, tâm tư tình cảm anh em Lào không rõ. Đáng chú ý là về tư tưởng có khi chưa thật sự tin vào khả năng cán bộ và nhân dân Lào...”.

“... Về phía chúng tôi, nói chung tin tưởng sự giúp đỡ của Việt Nam, tin tưởng các đồng chí Việt Nam, tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của các đồng chí, học hỏi các đồng chí, do đó đã từng bước trưởng thành lên, đoàn kết với anh em Việt Nam tốt. Bên cạnh những ưu điểm cũng có một số khuyết điểm:

Khuyết điểm chính là còn ỷ lại, chưa tích cực vươn lên, thực sự tự lực, làm chủ, có những bộ phận, những đồng chí chưa thực sự tranh thủ sự giúp đỡ của các đồng chí Việt Nam. Chủ quan, nghĩ là đoàn kết Việt - Lào đã có sẵn từ lâu rồi, coi thường chia rẽ của địch, không thường xuyên giáo dục nội bộ nên có nơi đã xảy ra vấn đề. Mặt khác cũng chưa tích cực giúp đỡ các đồng chí Việt Nam mọi điều kiện thuận lợi để làm nhiệm vụ” .

Theo ý kiến của đồng chí Cayxỏn Phômvihản, đề cập những ưu, khuyết điểm trên là để đúc kết kinh nghiệm trong thời gian tới Việt Nam giúp Lào đạt hiệu quả cao hơn.

Tiếp đó, đồng chí nêu ra cách giúp, đại ý: vấn đề vừa cơ bản, vừa lâu dài là Việt Nam giúp cho lực lượng cách mạng Lào trưởng thành để người Lào có thể tự lực được, làm chủ được; giúp thế nào để củng cố, tăng cường tình đoàn kết chiến đấu giữa hai Đảng, quân đội và nhân dân hai nước ngày càng chặt chẽ.

Nguyên tắc giúp là theo yêu cầu của Lào và khả năng của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Lào, tạo điều kiện để Lào tự quyết định lấy, giúp toàn diện và có trọng điểm, giúp trước mắt và lâu dài, giúp xây dựng đảng và đào tạo cán bộ...

Đối với chuyên gia sang giúp, cần chất lượng là chính, số lượng vừa phải và làm thế nào giáo dục anh em như lời Bác Hồ: anh em chuyên gia sang bên đó phải tin tưởng nhân dân Lào, tin tưởng khả năng cán bộ Lào, tôn trọng chủ quyền của Lào...

Cần giúp theo phương pháp, cán bộ Lào nêu vấn đề trước, hay cán bộ Việt Nam nêu vấn đề trước, vừa gợi mở, vừa bồi dưỡng từng bước, từ những vấn đề trước mắt đến những vấn đề lâu dài, từ đơn giản đến phức tạp một cách thoải mái nhằm phát huy tinh thần cố gắng suy nghĩ và nêu ý kiến của mình, qua đó mà bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ Lào. Như vậy, vừa được việc, vừa được con người.

Đáp lời đồng chí Cayxỏn Phômvihản, đồng chí Lê Duẩn nói: “Làm cách mạng ở Lào cũng như làm cách mạng ở Việt Nam, chỉ sợ anh em làm sai. Trong Đảng, trong nước chúng tôi, có làm sai cũng là việc nội bộ, sang Lào làm sai là người Việt Nam làm sai. Điều rất tốt, rất quý là các đồng chí Lào đã bỏ qua cho nhiều lắm. Nhưng về phía mình, chúng tôi cũng cần soát xét lại, ai tốt, tình nguyện thì để ở lại, ai không tốt, không tình nguyện thì cho về chiến đấu tại Việt Nam, đã tình nguyện thì nhất thiết phải làm cho tốt...”.

“Hai Đảng chúng ta rất thực tình với nhau, chúng ta hiểu nhau, có gì nói hết, nói với nhau như trong một nhà. Đây là điều rất đáng mừng. Trên thế giới ít có những đảng hiểu nhau sâu sắc, đoàn kết với nhau chặt chẽ, ruột thịt như hai Đảng chúng ta. Có thể nói đây là một mẫu mực trong quan hệ giữa các đảng anh em” .

Những ý kiến tự phê bình và phê bình của hai đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng Nhân dân Lào và Đảng Lao động Việt Nam bao hàm nội dung và phương pháp tự phê bình và phê bình mẫu mực, chân tình, hướng vào những vấn đề cơ bản của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; nêu ra các biện pháp thiết thực sát hợp với trình độ nhận thức và năng lực của cán bộ hai nước Lào, Việt Nam lúc bấy giờ. Đây là một kinh nghiệm quý báu được tạo nên trong môi trường quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, gây tác động tích cực đến sự phát triển của mối quan hệ đó.

Một hoạt động rất hữu ích nữa mà hai Đảng thường xuyên tiến hành là trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng từ trong kháng chiến chống đế quốc xâm lược ngay trên chiến trường hoặc trong các cuộc hội đàm giữa các cấp lãnh đạo đảng và quân đội. Vận dụng kinh nghiệm ấy vào thời điểm hai Đảng đang tiến tới đại hội đề xướng chủ trương đổi mới: Đại hội IV Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 27 tháng 9 năm 1986, diễn ra buổi gặp và làm việc giữa Tổng Bí thư Trường Chinh và Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản tập trung vào chủ đề quan trọng đó.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản thông báo ngắn gọn, súc tích tinh thần, nội dung cơ bản Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào sẽ trình bày tại Đại hội lần thứ IV của Đảng.

Trong bài phát biểu của mình, đồng chí Trường Chinh biểu thị sự tán thành đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, đường lối quốc tế của Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Tiếp đó, đồng chí trình bày những quan điểm đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam trong chặng đường đầu tiên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Về kinh tế, điều then chốt là phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; từng bước xoá bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa trên cơ sở kế hoạch hoá.

Về công tác xây dựng đảng và công tác cán bộ, đồng chí nhấn mạnh, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đều xuất thân từ Đảng Cộng sản Đông Dương do Bác Hồ sáng lập. Hai Đảng đã gắn bó chặt chẽ với nhau trải qua mấy chục năm đấu tranh kiên cường, vững vàng về chính trị. Đó là truyền thống cực kỳ quý báu và là bản chất của hai Đảng.

Để nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới của cách mạng, đồng chí nêu rõ: “Đảng chúng tôi xác định phải đổi mới công tác của Đảng về nhiều mặt: đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới bộ máy và hình thức tổ chức, đổi mới việc đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn và bố trí cán bộ, đổi mới phong cách và lề lối làm việc” .

Nói về sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đồng chí nói: Đảng phải hết sức quan tâm xây dựng, củng cố sự điều hành của bộ máy nhà nước, nâng cao vai trò, vị trí của các đoàn thể quần chúng, tăng cường sức mạnh của toàn hệ thống chính trị mà Đảng là hạt nhân lãnh đạo.

Việc trao đổi ý kiến về những vấn đề cơ bản mở đường cho công cuộc đổi mới tại Lào và Việt Nam là một hoạt động rất quan trọng, vừa có lợi cho sự tăng cường vai trò lãnh đạo của hai Đảng, vừa góp phần củng cố, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam tiến bước trên con đường cách mạng mà Bác Hồ và Đảng Cộng sản Đông Dương đã lựa chọn cho hai dân tộc Việt Nam, Lào, dù cho trong hơn 10 năm cuối thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ. Hoạt động này làm phong phú thêm kinh nghiệm của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 26 Tháng Ba, 2022, 07:44:09 am
3. Tình cảm cách mạng thủy chung, trong sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào là một nhân tố trọng yếu tạo nên độ bền vững và phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã dành nhiều năm nghiên cứu lý luận cách mạng và thực tiễn xã hội của các nước đế quốc và thuộc địa. Bằng phương pháp tư duy độc lập của mình, Người đã nhận xét về cuộc cách mạng tư sản Pháp và cách mạng tư sản Mỹ là những cuộc cách mạng không đến nơi, tiếng là cộng hoà, dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục (tước đoạt) công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cuối cùng, Người cho rằng chỉ có cách mạng Nga là đã thành công, nghĩa là dân chúng được hưởng tự do, hạnh phúc thật, không phải tự do giả dối như chủ nghĩa đế quốc Pháp khoe khoang bên An Nam. Từ đó, Người kết luận: muốn cách mạng thành công phải có công nông làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất.

Viết về Tư cách của một đảng chân chính cách mạng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người nêu rõ: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” .

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại lời căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” .

Những luận điểm nhất quán về bản chất và nhiệm vụ cơ bản của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là cơ sở vững chắc của tình cảm thuỷ chung, trong sáng, của tư duy chính trị và trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Lào được áp dụng đối với cả hai dân tộc và nhân dân hai nước Việt Nam, Lào trong quá trình hai Đảng lãnh đạo vun đắp, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Sự nghiệp cách mạng của hai dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào lãnh đạo gắn bó chặt chẽ với nhau như một quy luật sống còn và được thực hiện bằng trách nhiệm giúp bạn là mình tự giúp mình.

Tuân theo quy luật ấy và thấm nhuần, giữ vững các nguyên tắc hoạt động do hai Đảng nhất trí đề ra và thực hiện như đã viết, công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm lâu dài, gian khổ và ác liệt đã thành công. Trên chặng đường xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, công cuộc đổi mới tại Lào và Việt Nam đã giành được thắng lợi có ý nghĩa lịch sử, đó cũng là thành quả của quan hệ đoàn kết, hợp tác toàn diện giữa hai nước; cũng là kinh nghiệm quý báu cho sự phát triển bền vững của mối quan hệ đó.

Trước sự biến đổi nhanh chóng của thời cuộc, của tính chất đa phương, đa dạng trong quan hệ quốc tế, trong công tác xây dựng đảng của hai Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn cho hai dân tộc càng cần thường xuyên quan tâm giữ vững, nâng cao tình cảm cách mạng thuỷ chung, trong sáng của hai Đảng, một nhân tố trọng yếu tạo nên độ bền vững và phát triển của quan hệ Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào.

Hơn thế nữa, tình cảm cao quý đó cần được gắn kết chặt chẽ với những quan điểm, nguyên tắc đoàn kết, hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong tư duy và hành động của hệ thống tổ chức đảng từ trung ương đến các cấp bộ đảng và tỏa rộng trong nhân dân, từ thế hệ trước qua thế hệ sau để bảo vệ, phát triển mối quan hệ đặc biệt này lên tầm phong phú hơn, đạt hiệu quả cao hơn.

4. Khai thác, phát huy các nhân tố, điều kiện cần thiết để xây dựng, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam

Việt Nam và Lào sống bên nhau tại hai triền Đông, Tây dãy Trường Sơn hùng vĩ, là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loài động vật, thực vật có giá trị kinh tế cao và quý hiếm, là địa bàn có nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh tự nhiên như hang động kỳ thú, rừng nguyên sinh hoang sơ và nhiều địa điểm thích hợp với du lịch, nghỉ dưỡng.

Đây cũng là nơi có nhiều dòng sông chảy qua với độ dốc lớn, là lợi thế xây dựng nhiều nhà máy thuỷ điện, cung cấp điện cho sản xuất, đời sống của nội địa và xuất khẩu.

Về mặt địa - quân sự và địa - kinh tế, dãy Trường Sơn là một tường thành hiểm yếu, vững chắc với núi rừng bao la kín đáo che khuất, tạo thuận lợi cho hai nước tựa lưng vào nhau trong chiến tranh bảo vệ nền độc lập của đất nước. Tại đây, có nhiều vị trí thuận lợi khống chế một địa bàn rộng lớn của hai nước.

Về hoạt động kinh tế, hai nước bổ sung cho nhau bằng thế mạnh của mỗi nước là rất hợp lý. Việt Nam có bờ biển dài, nhiều cảng biển rất gần Lào, có thể ưu tiên cho Lào sử dụng xuất nhập khẩu hàng hoá, tạo thuận lợi cho nước bạn phát triển kinh tế và mở rộng giao lưu quốc tế. Còn Lào thì giúp Việt Nam qua đường bộ, đi về phía Tây vào sâu lục địa châu Á.

Trong hai nước, Lào có nhiều đất đai chưa khai thác và nguồn tài nguyên rừng, khoáng sản phong phú, Việt Nam có nguồn nhân công lớn, trên cơ sở đó, hai nước cần tăng cường hợp tác về nông nghiệp, lâm nghiệp nhằm bổ sung, tạo thế mạnh cho mỗi bên và gia tăng hiệu quả hợp tác.

Các điều kiện đó cần được khảo sát, đánh giá một cách tổng thể và lập quy hoạch cho việc khai thác giá trị kinh tế, văn hoá có lợi nhất cho hai nước theo hướng vừa sử dụng, khai thác vừa bảo vệ và nâng cao giá trị lâu bền của nó.

Ngoài những điều kiện trên, hai nước Việt Nam, Lào còn có một ưu thế nổi trội vô cùng quý giá là quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mà hai Đảng, hai dân tộc cần luôn luôn vun đắp, bảo vệ và phát huy trong mọi hoạt động chính trị, tư tưởng, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, văn hoá, giáo dục, đào tạo nhân lực, nhân tài.

Trước hết, nhiều giá trị lý luận và hoạt động thực tiễn trong các lĩnh vực trên cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thấu đáo và đề xuất các phương án vận dụng, phát triển trong hiện tại và tương lai. Trong đó, đặc biệt chú trọng đầu tư nghiên cứu tư tưởng và phương pháp Hồ Chí Minh, các luận điểm và hoạt động thực tiễn của đồng chí Cayxỏn Phômvihản và các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các hoạt động của các cấp bộ đảng, lực lượng vũ trang, các ngành, các cấp địa phương, các tầng lớp nhân dân trong quá trình phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Qua đó, tổng kết, phân tích, đánh giá nội hàm của quy luật hình thành, phát triển và giá trị thời đại của nó; các quan điểm, nguyên tắc và phương pháp xây dựng, bảo vệ và vun đắp mối quan hệ đó ở cấp độ vĩ mô và vi mô trong mọi lĩnh vực của đời sống...

Để có thể thực hiện đạt kết quả tốt công tác nghiên cứu chủ đề quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, cần củng cố các đơn vị nghiên cứu và đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên ngành về kiến thức, phương pháp nghiên cứu, ngoại ngữ.

Nên tổ chức biên soạn các loại bài giảng chuyên đề cho những đơn vị đào tạo, cán bộ lãnh đạo, quản lý, các trường đại học, cao đẳng và sách giáo khoa phổ thông với hình thức và mức độ thích hợp. Cũng cần khuyến khích, động viên các ngành văn hoá, nghệ thuật sáng tác, biểu diễn rộng rãi các tác phẩm thuộc đề tài quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Nhân tố quan trọng nhất là giữ gìn sự trong sáng của hai đảng mácxít - lênninnít vốn cùng một gốc là Đảng Cộng sản Đông Dương do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, rồi phát triển thành Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Các Đảng đó đều được trưởng thành vững vàng qua đấu tranh gian khổ và hy sinh, qua biết bao thử thách khắc nghiệt chống kẻ thù chung và đối phó với các mưu đồ, thủ đoạn chia rẽ, phá hoại tình đoàn kết Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam do các thế lực thù địch gây ra. Hai Đảng đã đảm đương xuất sắc vai trò lãnh đạo hai nước, làm nên nhiều kỳ tích trong lịch sử của hai dân tộc Việt Nam, Lào.
Hiện thực lịch sử đó càng cho chúng ta thấy rõ yêu cầu nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào là nhiệm vụ then chốt cho sự phát triển của hai nước Việt Nam, Lào, cho quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Đồng thời, cần mở rộng và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hệ thống chính trị, doanh nghiệp và các ngành, các địa phương của hai nước Việt Nam, Lào, nhất là các tỉnh tại địa bàn biên giới hai nước, nơi thường xuyên và trực tiếp giao lưu, phối hợp với chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ do Trung ương Đảng, Nhà nước của nước sở tại giao cho trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa... Cần phát triển công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý chuyên môn nghiệp vụ của các ngành, các cấp phục vụ nhiệm vụ cách mạng của hai nước và thắt chặt hơn nữa quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Mặt khác, cũng cần thực hiện những chủ trương, biện pháp đấu tranh hữu hiệu chống các thủ đoạn chia rẽ dân tộc và phá vỡ quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam do các thế lực thù địch gây ra.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 26 Tháng Ba, 2022, 01:58:20 pm
Chương X
PHẤN ĐẤU ĐƯA QUAN HỆ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM LÊN TẦM CAO MỚI


I. QUAN HỆ VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI


1. Các nước lớn và các nước phát triển tăng cường hợp tác với ASEAN và các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra với tốc độ nhanh và ngày càng sâu sắc

Bước sang thế kỷ XXI, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc trong thế giới hiện đại trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, khoa học, công nghệ, thương mại... Đó là một xu thế khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia, vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác vừa có đấu tranh. Toàn cầu hóa vừa có thời cơ cho sự hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời cũng là những thách thức to lớn, nhiều khi hoàn toàn mới mẻ đối với các nước còn đang ở tình trạng chậm phát triển. Thế giới đứng trước nhiều vấn đề toàn cầu mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết nếu không có sự hợp tác đa phương.

Ở Việt Nam, đứng trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, từ Đại hội lần thứ IX (tháng 4 năm 2001), Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường” . Tới Đại hội X Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 4 năm 2006), quan điểm này được làm rõ hơn: “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực” ...

Ở Lào, trên cơ sở nhận thức quá trình toàn cầu hóa và sự hội nhập giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á diễn ra vừa hợp tác, vừa ganh đua khốc liệt, Đại hội lần thứ VIII Đảng Nhân dân cách mạng Lào (tháng 3 năm 2006) chủ trương: “Kiên định quan điểm chủ động và thái độ tích cực trong hội nhập quốc tế và khu vực bằng việc phát huy cao độ sức mạnh của dân tộc và tiềm năng của đất nước, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước nhằm đảm bảo lợi ích chung và lợi ích riêng của mỗi bên” .

Từ giữa thập niên 90 của thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, đặc biệt là từ sau Đại hội lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội lần thứ VIII Đảng Nhân dân cách mạng Lào, hai nước đã chủ động và tích cực tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, từng bước đạt được những kết quả đáng khích lệ. Những kết quả bước đầu đó đã góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới ở mỗi nước; đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng có hiệu quả hơn, tạo nên vị thế chiến lược rất quan trọng cho cả hai nước trong khu vực.

Đến cuối năm 2007, Việt Nam và Lào cùng là thành viên đầy đủ của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), tổ chức Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV)... Như vậy, cả Việt Nam và Lào đã không thể tách rời và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các chuyển biến ngày càng sôi động của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Nhiều cơ hội đang mở ra cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; đồng thời mối quan hệ này cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn, nhất là khi có các đối tác mạnh, nhiều tiềm năng tham gia trực tiếp và ngày càng gia tăng vào tiến trình hội nhập của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ASEAN...

Trước hết, quan hệ hợp tác đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong giai đoạn mới chịu sự tác động trực tiếp của quá trình hội nhập quốc tế và khu vực đang diễn ra ngày càng sôi động với tốc độ nhanh và ngày càng sâu sắc. Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực đang là xu thế phổ biến hiện nay và trụ lực chính của tiến trình này là tự do hóa thương mại. Khu vực Đông Nam Á nói chung và Tiểu vùng Mê Công nói riêng đang gia tăng mạnh mẽ các lộ trình hội nhập trên nhiều cấp độ. Mặc dù thuộc nhóm các nước thành viên mới của ASEAN và cũng là các đối tác yếu trong hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), nhưng các nước này cũng đang cam kết mạnh mẽ việc thúc đẩy Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) phấn đấu đạt đến mức thuế 0% vào năm 2012 trên 12 lĩnh vực ưu tiên đã được tuyên bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10 tại Viêng Chăn (tháng 10 năm 2004). Thông qua tiếp cận của toàn ASEAN như là một đầu mối phối hợp cho các sáng kiến hợp tác Đông Á và ý tưởng về cộng đồng Đông Á, Việt Nam và Lào cũng đã và đang thể hiện sự tham gia tích cực vào các chương trình hợp tác Đông Á. Trên cơ sở mở rộng khuôn khổ của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), các phương thức hợp tác ASEAN+1, ASEAN+3... đã được Việt Nam và Lào tích cực hưởng ứng.

ASEAN là một trong những khu vực có nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất thế giới và ngày càng khẳng định vai trò trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không ngừng thu hút, mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại với nhiều đối tác quan trọng trên thế giới, từng bước khẳng định vị thế quốc tế của mình.

Vị trí địa - chiến lược của Đông Nam Á ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ lâu đã trở thành địa bàn tranh chấp ảnh hưởng và quyền lực giữa các nước lớn trên thế giới. Cùng với sự phát triển như vũ bão của quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa, Đông Nam Á ngày càng trở nên sống động không chỉ bởi sự gia tăng hợp tác và liên kết nội khối, mà còn trở thành nơi hội tụ của các sáng kiến mới thúc đẩy quan hệ hợp tác ASEAN với các đối tác bên ngoài, đặc biệt là đối với các nước lớn và các nước phát triển. Trước xu thế đó, các nhà lãnh đạo ASEAN càng nhận thức rõ hơn tính bức thiết trong việc đẩy nhanh tiến trình hội nhập trong nội khối cũng như ngoài khu vực. Chính vì vậy, việc hướng tới một cộng đồng ASEAN (AC) bền chặt, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, là phương cách giúp khối liên kết chặt chẽ, xích lại gần nhau hơn vì một hiệp hội thống nhất; đồng thời mở rộng quan hệ đối tác, đối thoại chiến lược với các nước, các tổ chức quốc tế; gia tăng vị thế và sức hấp dẫn của ASEAN trên trường quốc tế.

Những năm qua, ASEAN từng bước tạo được quan hệ khá sâu rộng với nhiều đối tác quan trọng, đạt được nhiều thỏa thuận với hầu hết các bên đối thoại trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược hoặc toàn cầu. Thúc đẩy nhanh tiến trình hoàn tất việc xây dựng các khu vực mậu dịch tự do (FTA) với mục tiêu rõ ràng. Trước mắt là tiến hành các cuộc đàm phán tự do hóa thương mại với Hàn Quốc năm 2008, Ôxtrâylia và Niu Dilân năm 2009, Trung Quốc năm 2010, Ấn Độ năm 2011, Nhật Bản năm 2012.

Với sự phát triển ngày càng lớn mạnh và vị trí quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới của các nước ASEAN, các nước lớn và phát triển ngày càng quan tâm và tăng cường mở rộng quan hệ, đặc biệt là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư vào khu vực này, góp phần tạo ra một diện mạo mới cho khu vực - một vùng đệm năng động nằm giữa hai trung tâm tăng trưởng mạnh là Trung Quốc và Ấn Độ; đồng thời đã và đang lôi cuốn sự tham gia của hầu hết các nước lớn vào tiến trình này.

Trước hết phải kể đến Trung Quốc, một quốc gia rộng lớn với hơn 1,3 tỷ dân, có chung đường biên giới với ba quốc gia (Việt Nam, Lào, Mianma) và lợi ích trên biển Đông với 9/10 quốc gia Đông Nam Á. Tháng 11 năm 2002, Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc được ký kết tại Phnôm Pênh tạo nền tảng pháp lý quan trọng để tăng cường hợp tác kinh tế nhiều mặt giữa ASEAN và Trung Quốc, trong đó quan trọng nhất là việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) trong vòng 10 năm 1.

Những năm gần đây, hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN không ngừng được mở rộng và phát triển theo hướng quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và thịnh vượng. Kim ngạch trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN năm 2005 đạt 130,4 tỷ USD, trong đó trao đổi buôn bán với Việt Nam, Lào, Thái Lan, Mianma, Campuchia đạt 32 tỷ USD (theo nguồn của NCIEC); riêng với Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại năm 2007 đạt gần 17 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2009, vốn đầu tư của Trung Quốc vào các nước ASEAN sẽ đạt 150 tỷ USD. Với lợi thế 1,9 tỷ dân (chiếm 1/3 dân số thế giới), tổng quy mô kinh tế khoảng 6.000 tỷ USD, Khu vực mậu dịch Trung Quốc - ASEAN được đánh giá là thị trường lớn nhất, là hành lang kinh tế quan trọng của thế giới. Từ tháng 1 năm 2010, Trung Quốc và ASEAN sẽ có khu vực mậu dịch tự do, từ đây 90% các mặt hàng giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ có thuế suất bằng 0, mở cửa thực chất về thị trường, thể hiện thiện chí của ASEAN và Trung Quốc trong việc tự do hóa, đẩy mạnh việc thực hiện những biện pháp tích cực giúp nền kinh tế toàn cầu sớm ổn định và phát triển.

Như vậy, những dự án hợp tác mới của Trung Quốc sẽ tác động rất lớn đến các chiều hướng phát triển của toàn ASEAN và các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS).

Mỹ và ASEAN có quan hệ từ lâu. Những năm gần đây, Mỹ dành viện trợ giúp ASEAN thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, môi trường. Mỹ đánh giá cao vai trò của ASEAN trong việc phát huy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giữ vị trí trung tâm trong tiến trình xây dựng các cơ chế liên kết toàn vùng. Tháng 6 năm 2007, Mỹ đã ký Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA) với ASEAN (tiền thân của Hiệp định tự do thương mại đầy đủ). Ngày 22 tháng 6 năm 2007, Hiệp định khung về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ đã được ký kết trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Tháng 7 năm 2009, Mỹ đã ký với ASEAN Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC), hứa hẹn mang lại cho hiệp hội ASEAN nhiều cơ hội thu hút đầu tư và phát triển. Từ tháng 9 năm 2010, Mỹ và ASEAN tuyên bố xây dựng quan hệ đối tác tăng cường,...

Nhật Bản cũng là nước sớm có quan hệ với các nước ASEAN, đặc biệt là những năm gần đây phát triển theo hướng đối tác chiến lược.
Đối với dự án phát triển tam giác Lào - Campuchia - Việt Nam, Nhật Bản đã tiến hành tài trợ và đầu tư vào khu vực này với cơ chế hợp tác Lào - Campuchia - Việt Nam + Nhật Bản (LCV+J). Từ sau Hội nghị cấp cao lần thứ nhất tại Viêng Chăn (tháng 11 năm 2004), Nhật Bản đã viện trợ không hoàn lại cho ba nước thông qua việc hỗ trợ các dự án nhỏ trong lĩnh vực phát triển nông thôn và an sinh xã hội. Tại Hội nghị cấp cao lần thứ hai tại Malaixia (tháng 12 năm 2005), Nhật Bản cam kết hỗ trợ 2 tỷ yên cho 16 dự án của ba nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, dân sinh... Tại Hội nghị cấp cao lần thứ ba tại Philíppin (tháng 1 năm 2007), Nhật Bản hỗ trợ ba nước 20 triệu USD trong khoản hỗ trợ 52 triệu USD cho thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN - Nhật Bản. Cũng trong năm 2007, ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đề nghị Nhật Bản hỗ trợ 12 dự án hạ tầng. Nhật Bản cũng đang tích cực đàm phán để xây dựng khu vực mậu dịch tự do giữa Nhật Bản và ASEAN vào năm 2012 và đến giữa năm 2008, Nhật Bản tiến hành bãi bỏ thuế quan đánh vào 90% lượng hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN.

Hàn Quốc trở thành bên đối thoại chính thức của ASEAN từ năm 1991. Năm 2005, hai bên đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện. ASEAN - Hàn Quốc, hình thành khu vực mậu dịch tự do song phương vào năm 2009. Kim ngạch thương mại và đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào ASEAN ngày càng được mở rộng và tăng cường theo hướng đối tác chiến lược.

Ấn Độ trở thành bên đối thoại đầy đủ của ASEAN năm 1995, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ cũng đang được xúc tiến, tạo nền tảng quan trọng cho gia tăng thương mại hai chiều, với mục tiêu phấn đấu đạt 70 tỷ USD vào hai năm 2010 - 2011. Hai bên đưa ra đề xuất khởi động lại Hội đồng kinh doanh ASEAN - Ấn Độ. Ấn Độ cũng đã khẳng định tiếp tục hợp tác và hỗ trợ cho ASEAN về khoa học - công nghệ và quyết tâm phát triển quan hệ Ấn Độ - ASEAN lên tầm cao mới trở thành quan hệ đối tác vì hoà bình, phát triển và thịnh vượng.

Ôxtrâylia là nước công nghiệp đầu tiên thiết lập quan hệ đối thoại chính thức với ASEAN. Dự kiến đến đầu năm 2009 hai bên sẽ ký Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN - Ôxtrâylia - Niu Dilân (AANZFTA). Hiệp định này sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác và đầu tư cho cả hai bên. Trong đó kim ngạch thương mại Ôxtrâylia - ASEAN đến năm 2008 đạt hơn 100 tỷ AUD. Riêng đối với Việt Nam, đến năm 2007, Ôxtrâylia là đối tác thương mại lớn thứ bảy và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam. Kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng đều và khá cao, từ mức 32 triệu USD năm 1990 lên 4,56 tỷ USD năm 2007, dự kiến năm 2008 đạt 7 tỷ USD.

Về đầu tư, tính đến hết năm 2007, Ôxtrâylia có gần 200 dự án đầu tư vào Việt Nam với số vốn đạt hơn 1 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ, giáo dục, công nghiệp chế biến, nông - lâm - ngư nghiệp; đứng thứ 20 trong tổng số 81 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Ôxtrâylia những năm qua phát triển mạnh. Đến hết năm 2007 đã có hơn 15.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Ôxtrâylia, ngoài ra còn có hơn 5.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Học viện Hoàng gia Menbơn (Melbourne-RMIT) tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Hợp tác và đầu tư của Ôxtrâylia vào Việt Nam trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, lao động, viễn thông, nông nghiệp, giao thông vận tải, công nghiệp, du lịch, thể thao... ngày càng phát triển và với quy mô ngày càng lớn.

Liên bang Nga luôn coi ASEAN như một đối tác ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình và gần đây đang tăng cường và mở rộng chương trình phát triển hợp tác với ASEAN đến năm 2015 theo hướng quan hệ đối tác toàn diện. Đặc biệt, Việt Nam và Lào là những quốc gia có quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống nên Nga rất chú ý và xúc tiến chuẩn bị những chương trình hợp tác rộng lớn trên nhiều lĩnh vực: chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, giáo dục đào tạo...

Liên minh châu Âu (EU) cùng với ASEAN đã thỏa thuận nhất trí tái khởi động đàm phán về xây dựng khu vực mậu dịch tự do bao gồm 37 nền kinh tế với hơn 1 tỷ người tiêu dùng. Với EU, ASEAN là một tổ chức quan trọng giúp thúc đẩy việc hội nhập giữa EU với châu Á.

Đối với EU, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ năm của EU. EU đánh giá cao sự năng động và tốc độ phát triển nhanh của kinh tế Việt Nam và ngày càng tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam. Đến hết năm 2007, kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt gần 12 tỷ euro. Quan hệ ASEAN - EU đang được xây dựng theo hướng đối tác tăng cường.

Như vậy là sự gia tăng điều chỉnh chiến lược hợp tác của các nước lớn và các nước phát triển đối với ASEAN nói chung và các nước thuộc Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) nói riêng sẽ tác động rất lớn đến các chiều hướng phát triển của toàn ASEAN và GMS. Hội nhập khu vực rõ ràng đã tạo ra cho Việt Nam và Lào những vị thế địa - chính trị mới. Các nước lớn và phát triển quan tâm đến khu vực này là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của mỗi nước GMS, trong đó có Việt Nam và Lào.

Tuy nhiên, đây cũng sẽ là tâm điểm của sự tranh giành quyền lực và ảnh hưởng của các nước lớn và các nền kinh tế phát triển, tác động tiêu cực đến các nước ASEAN và GMS, trong đó có Việt Nam và Lào. Mặt khác, vượt ra ngoài những nội dung hội nhập kinh tế, các vấn đề về chính trị và an ninh nảy sinh trong sự tương tác về quan hệ lợi ích chiến lược giữa các nước lớn với nhau và những tham vọng của các nước này đối với khu vực rất có thể sẽ đẩy các nước trong khu vực tới những bất ổn khó lường. Đặc biệt là các hiệu ứng khủng hoảng chính trị, các vấn đề về xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp chủ quyền ở biển Đông... sẽ có tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, an ninh nội bộ mỗi nước trong khu vực. Nói tóm lại, bên cạnh những cơ hội lớn của các quá trình hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu sắc, các nước trong khu vực (ASEAN), trong đó có Việt Nam và Lào, cũng phải đối mặt với những thách thức, bất lợi vô cùng to lớn. Để ổn định và phát triển, đặc biệt là trong sự hợp tác, các nước này phải tính đến những thực tế đó.




-----------------------------------------------------------------
1. Thực hiện Hiệp định khung, các nước ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành Chương trình thu hoạch sớm để cùng cắt giảm thuế quan nhanh đối với các mặt hàng nông sản. Các nước ASEAN cũ (sáu nước) và Trung Quốc thực hiện cắt giảm thuế quan xuống 0% từ tháng 1 năm 2004 đến tháng 1 năm 2006. Đối với Việt Nam và Lào thì được ưu tiên kéo dài hơn (Việt Nam từ tháng 1 năm 2004 đến tháng 1 năm 2008, Lào từ tháng 1 năm 2006 đến tháng 1 năm 2009). Tháng 11 năm 2004, hai bên đã ký Hiệp định về cơ chế giải quyết tranh chấp (dự kiến đến tháng 1 năm 2010 chính thức thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc).

Dựa trên trụ chính là Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Trung Quốc đã và đang triển khai mạnh chiến lược “một trục, hai cánh” với khu vực ASEAN. Nghĩa là chủ động xây dựng: Hành lang kinh tế Côn Minh - Madawy (Mianma) để thông ra Ấn Độ Dương; hành lang kinh tế xuyên Á, bắt đầu từ Nam Ninh vào Việt Nam rẽ sang Lào qua Thái Lan, Malaixia, sang Xingapo và Hành lang kinh tế trên biển nối từ Hải Nam (Trung Quốc) xuống Malaixia.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 26 Tháng Ba, 2022, 02:04:36 pm
2. Hợp tác giữa các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) diễn ra mạnh mẽ và ngày càng có hiệu quả

Chương trình hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) được thành lập năm 1992 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ, bao gồm các nước: Thái Lan, Mianma, Lào, Campuchia, Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đến năm 2005, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) cũng tham gia vào tổ chức này.

Các bên đã triển khai hợp tác trên chín lĩnh vực trọng điểm gồm: giao thông vận tải, năng lượng, bưu chính viễn thông, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, thương mại, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và du lịch. Mục đích của chương trình là đẩy mạnh quan hệ kinh tế dựa trên nền văn hóa và lịch sử chung. Chương trình GMS xây dựng chiến lược ba mũi nhọn để đạt được tầm nhìn về một tiểu vùng thịnh vượng, hội nhập và đoàn kết. Nghĩa là: tăng cường tính kết nối thông qua phát triển bền vững cơ sở hạ tầng và hành lang kinh tế xuyên quốc gia; nâng cao tính cạnh tranh thông qua giao thương hàng hóa và đi lại qua biên giới của người dân, các thị trường hội nhập và quy trình sản xuất, do đó tạo điều kiện dễ dàng cho tiểu vùng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu; xây dựng tính cộng đồng vững mạnh hơn thông qua những chương trình giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội chung.

GMS đã trải qua Hội nghị cấp cao lần thứ nhất tại Phnôm Pênh vào năm 2002. Tại đây, các nhà lãnh đạo các nước GMS đưa ra cam kết chung về thúc đẩy hợp tác trong Tiểu vùng Mê Công mở rộng. Lần thứ hai vào tháng 7 năm 2005, tại Côn Minh (Trung Quốc), Hội nghị ra tuyên bố chung tái khẳng định cam kết thực hiện tầm nhìn của hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng nhằm phát huy hết tiềm năng to lớn tạo ra sự phát triển bền vững cho tất cả các nước trong khu vực. Tăng cường hơn nữa tính liên kết, khả năng cạnh tranh, tính cộng đồng để tăng cường quan hệ đối tác vì sự phồn vinh và thịnh vượng chung. Các nước trong tiểu vùng đã ký kết các văn kiện hợp tác về giao thông vận tải, mua bán điện, phối hợp kiểm soát bệnh dịch động vật, xây dựng siêu xa lộ thông tin các nước GMS.

Tính đến hết năm 2007, hơn 100 dự án phát triển ở tất cả các lĩnh vực như: phát triển hạ tầng, môi trường, giải quyết các vấn đề đầu tư cũng như sáng kiến hỗ trợ về thể chế... đã được triển khai và ngày càng phát huy tác dụng, nhất là đối với các vấn đề tăng trưởng, giảm nghèo và hội nhập khu vực của GMS. Bên cạnh sáng kiến của ADB là các sáng kiến ACMECS (Tổ chức chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công) 1, Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam 2 do chính các nước này đề xuất. Ngoài ra còn một số chương trình lớn khác về thu hẹp chênh lệch phát triển cho các thành viên mới của ASEAN (trong đó có Việt Nam và Lào) do các tổ chức quốc tế như UNDP, UNESCAP và WB đề xuất và cung cấp tài chính. Ngoài các chương trình hợp tác khu vực mang tính chính thống, nhiều chương trình song phương giữa các nước tiểu vùng với các nước bên ngoài, nhất là từ các nước phát triển, cũng nhằm mục đích hỗ trợ hội nhập khu vực.

Chiến lược hợp tác mới của GMS do ADB đề xuất và hỗ trợ giai đoạn 2004 - 2008 tập trung vào bốn lĩnh vực: tăng cường mối liên kết và triển khai các hoạt động du lịch xuyên quốc gia; hội nhập thị trường quốc gia để tăng hiệu quả kinh tế và phát triển khu vực tư nhân, nhất là phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ; giải quyết vấn đề phát triển nguồn nhân lực thông qua y tế, các vấn đề kinh tế - xã hội và xây dựng năng lực cùng các mối liên kết khu vực; quản lý môi trường và các nguồn tài nguyên chung nhằm giúp bảo đảm phát triển bền vững và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Tổng số vốn chương trình cho vay là 725 triệu USD và chương trình hỗ trợ kỹ thuật trong các năm 2004 - 2006 là 25,5 triệu USD. Điểm đặc biệt là chương trình hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ là nền tảng của đối thoại và tham vấn khu vực, sẽ ngày càng trở nên quan trọng để hỗ trợ các hoạt động cần thiết nhằm thiết thực điều phối và hài hòa hóa về thể chế và chính sách. Chiến lược này sẽ được thực hiện thông qua 11 chương trình ưu tiên, trong đó ba chương trình là phát triển các hành lang kinh tế với việc phát triển cơ sở hạ tầng theo khu vực địa lý gắn trực tiếp với thương mại, đầu tư và cơ hội sản xuất, tám chương trình khác có liên quan đến viễn thông, thương mại, điện, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, phát triển nguồn nhân lực, kiểm soát và bảo vệ nguồn nước, phát triển du lịch.

Cho đến nay, chương trình hợp tác GMS với sự hỗ trợ và tham gia của ADB vẫn là trụ lực chính trong tiến trình hợp tác của tiểu khu vực này. Đây sẽ là cơ hội lớn và là điều kiện quan trọng để các nước GMS nâng cao năng lực phát triển toàn diện; đồng thời nó cũng đặt ra một thực tế là các nước GMS sẽ không thể phát triển đơn lẻ, biệt lập mà luôn phải gắn kết trong chương trình phát triển tổng thể của GMS, gia tăng hơn nữa sự phối hợp giữa chính sách quốc gia và chính sách khu vực.

Hiện nay, các nước GMS đã có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt được nhiều thành tựu đáng kể về kinh tế, xã hội, nhất là đã tiến một bước dài trong vấn đề xóa đói giảm nghèo, ngày càng tạo ra nhiều điều kiện để thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước trong tiểu vùng và các nước ngoài khu vực.

Từ một khu vực đói nghèo, chậm phát triển, song nhờ tích cực mở cửa, hội nhập và phát triển kinh tế thị trường, khu vực GMS với tiềm năng to lớn của mình đã bắt đầu trở thành một khu vực có tốc độ tăng trưởng cao và năng động.

Đặc biệt, từ năm 2005, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) tham gia vào chương trình hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) thì những hoạt động hợp tác của Tiểu vùng ngày càng sôi động và mở rộng. Từ năm 2006, tổng kim ngạch mậu dịch giữa Quảng Tây và GMS đạt 1,55 tỷ USD; 80% các dự án của Quảng Tây đầu tư vào ASEAN là đầu tư vào GMS; đồng thời các nước GMS cũng là các nhà đầu tư quan trọng vào Quảng Tây. Quảng Tây luôn coi việc nhanh chóng hội nhập và hợp tác với GMS là một bộ phận quan trọng trong chính sách mở rộng cửa với nước ngoài của mình và đã đạt được những kết quả tốt.

Từ năm 2005 đến nay, hợp tác GMS không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ năm quốc gia và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) mà đã được mở rộng rất nhiều (hình thành cơ cấu 5 + 2, nghĩa là: Thái Lan, Lào, Campuchia, Mianma, Việt Nam và Vân Nam, Quảng Tây), gắn liền với chương trình xây dựng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc sẽ hoàn thành vào năm 2010. Nghĩa là hợp tác GMS chỉ là một bộ phận của chương trình xây dựng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Bởi lẽ, cùng với GMS còn có chương trình hợp tác kinh tế khu vực vịnh Bắc Bộ 3 mới bắt đầu được bàn thảo và triển khai.

Trải qua hơn 15 năm (1992 - 2007), hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) đã có được những kết quả bước đầu làm tiền đề cho các bước mở rộng hợp tác tiếp theo. Đã tiến hành xây dựng Hành lang Đông - Tây xuyên suốt bốn nước Việt Nam, Lào, Thái Lan và Mianma (dự kiến năm 2009 sẽ thông xe toàn tuyến, lúc đó các phương tiện vận tải của bốn nước đi trên hành lang này sẽ không phải chuyển tải) và Hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng. Xây dựng đường cao tốc từ Côn Minh qua Tây Bắc Lào tới Băng Cốc (dự kiến năm 2010 sẽ thông xe toàn tuyến). Các nước Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Mianma đã ký Hiệp định thông tàu thương mại sông Lan Thương - Mê Công. Tàu thuyền của bốn nước đều có thể tự do đi lại trên đoạn sông dài 886 km giữa cảng Tư Mao (Trung Quốc) và cảng Luổng Phạbang (Lào). Ngoài ra, một số hành lang kinh tế khác cũng bắt đầu được xây dựng như: Hành lang kinh tế Bắc - Nam (Côn Minh - Băng Cốc); Hành lang kinh tế phía Nam gồm Thái Lan - Campuchia - Việt Nam cũng chuẩn bị được khởi công...

Có thể khẳng định rằng, những thành tựu kinh tế, xã hội của các nước GMS đang tạo ra nền tảng mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo của toàn khu vực cũng như của từng nước thành viên. Cùng với Thái Lan và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc, Việt Nam cũng đã phối hợp với Lào tham gia ngày càng sâu vào các chương trình hợp tác của GMS và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Sau khi gia nhập WTO (tháng 1 năm 2007), Việt Nam đang hướng tới một chiến lược tăng tốc phát triển để phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Campuchia cũng đã sớm ổn định chính trị, xã hội và bắt đầu bứt phá phát triển nhờ vị thế mới sau khi gia nhập WTO (năm 2004). Với mục tiêu thoát ra khỏi danh sách các nước chưa phát triển vào năm 2020, đã được Đại hội lần thứ VIII Đảng Nhân dân cách mạng Lào thông qua (tháng 3 năm 2006), Lào đang có một quyết tâm chính trị lớn là nhanh chóng gia nhập WTO, phát huy lợi thế so sánh để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy cùng với sự khởi sắc của các nước GMS và trên đà tiếp tục triển khai các sáng kiến trong Hội nghị cấp cao GMS lần thứ hai, Lào và các nước trong khu vực đang nỗ lực xây dựng các chương trình hợp tác mới một cách thực chất và hiệu quả hơn. Những chương trình đó sẽ được bàn thảo và thông qua tại Hội nghị cấp cao lần thứ ba tại Viêng Chăn vào tháng 3 năm 2008. Đó là các vấn đề: tăng cường kết nối giao thông; tạo thuận lợi cho thương mại và giao thông tiểu vùng; hợp tác công - tư để tăng cường đầu tư và thương mại; phát triển nguồn nhân lực; quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; hợp tác phát triển GMS nhằm tiếp tục tăng cường kết nối, đặc biệt là kết nối giao thông, thông tin, truyền thông... đi đôi với hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch... tại Tiểu vùng. Hội nghị cũng sẽ thông qua Chương trình hành động Viêng Chăn để phát triển GMS giai đoạn 2008 - 2012.

Đây sẽ là một dấu mốc quan trọng để các nước GMS tận dụng tốt hơn vị thế địa - chiến lược và tác động tích cực của các chuyển động hội nhập đã và đang được triển khai mạnh mẽ trong khu vực.



----------------------------------------------------------------
1. ACMECS được thành lập tháng 11 năm 2003 nhằm mục đích tăng cường hoạt động hợp tác kinh tế giữa các nước ở khu vực Đông Nam Á lục địa bao gồm Thái Lan, Mianma, Campuchia, Lào, Việt Nam (năm 2004). Đến nay, Hội nghị cấp cao lần thứ nhất đã tổ chức tại Mianma (năm 2003), lần thứ hai tại Thái Lan (năm 2005) và lần thứ ba tại Việt Nam (năm 2008).

2. Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam được đưa ra tại cuộc gặp của Thủ tướng ba nước tại Viêng Chăn (tháng 10 năm 1999) nhằm tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước để đưa khu vực trở thành khu vực ổn định về chính trị, vững chắc về an ninh, phát triển mạnh về kinh tế. Cuộc gặp lần thứ hai tại thành phố Hồ Chí Minh (năm 2002) tiến hành hợp tác trên các lĩnh vực giao thông vận tải, thương mại, điện lực, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực... Cuộc gặp lần thứ ba tại Campuchia (năm 2004) khẳng định vai trò của tam giác phối hợp với phát triển cơ sở hạ tầng đường giao thông, xúc tiến hàng loạt dự án... Cuộc gặp lần thứ tư tại Đà Lạt (năm 2006) chủ trương mở rộng việc huy động nguồn lực từ bên ngoài (Nhật Bản).

3. Chương trình này do Trung Quốc đề xuất năm 2006, ban đầu gồm bảy nước là Trung Quốc, Brunây, Inđônêxia, Malaixia, Philíppin, Xingapo và Việt Nam, sau đó thêm Thái Lan. Hợp tác kinh tế khu vực vịnh Bắc Bộ là một loại hình hợp tác kinh tế tiểu vùng trên biển. Hợp tác trên biển cũng bao gồm hợp tác ven biển từ Quảng Đông, Quảng Tây, ven bờ phía bắc vịnh Bắc Bộ cho tới bờ tây Thái Bình Dương về phía nam, qua Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Xingapo.

Hợp tác kinh tế vịnh Bắc Bộ gồm hai bộ phận là toàn vịnh Bắc Bộ và vành đai vịnh Bắc Bộ, tức là vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ, đây vừa là khu vực trọng điểm của hợp tác kinh tế vịnh Bắc Bộ, vừa là bộ phận quan trọng của “Hai hành lang, một vành đai” giữa Trung Quốc và Việt Nam.
(Nguồn: Tạp chí Châu Á - Thái Bình Dương đương đại, Trung Quốc, số 3-2009. Dẫn từ tạp chí Các vấn đề quốc tế, số 1 - 2010).



Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 26 Tháng Ba, 2022, 02:08:47 pm
3. Công cuộc đổi mới và kết quả hợp tác Việt Nam và Lào đòi hỏi phải tăng cường hợp tác toàn diện trong giai đoạn mới

Các nước Việt Nam và Lào đang trên đường đổi mới đất nước, phát triển với tốc độ ngày càng nhanh và bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai bên.

Việt Nam sau Đại hội lần thứ X của Đảng (tháng 4 năm 2006) đang tập trung sức đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với mục tiêu: đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt được bước chuyển quan trọng về nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển; giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia.

Để đạt được mục tiêu do Đại hội lần thứ X đề ra, cả nước tập trung mọi nỗ lực theo hướng giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất; chuyển mạnh sang kinh tế thị trường; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng kinh tế đối ngoại; phát triển mạnh khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng văn hóa, đạo đức và lối sống; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ, nâng cao hiệu lực của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tăng cường quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị - xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, giữ vững môi trường hòa bình và ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, đến hết năm 2007, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Năm 2007 là năm đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO và thực hiện cam kết PNTR với Mỹ (quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn), do đó, thị trường xuất khẩu mở rộng, các rào cản thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên WTO được dỡ bỏ hoặc hạn chế. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Quan hệ ngoại giao, các hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu được củng cố và tăng cường thông qua các cuộc thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng với sự tham gia ngày càng rộng rãi của các doanh nghiệp. Tình hình chính trị ổn định, an ninh - quốc phòng bảo đảm đã tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước.

Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam năm 2007 vẫn tiếp tục phát triển toàn diện và hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Thành tựu lớn nhất năm 2007 của nền kinh tế Việt Nam là các dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của các dự án đạt 20,3 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến thời điểm này. Kinh tế tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ là thành tựu nổi bật nhất, cơ bản nhất của nền kinh tế Việt Nam. Tổng sản phẩm trong nước tăng 8,44% (kế hoạch 8 - 8,5%). Việt Nam đứng vị trí thứ ba về tốc độ tăng GDP năm 2007 của các nước châu Á (sau Trung Quốc và Ấn Độ) và cao nhất trong các nước ASEAN1.
Do kinh tế tăng trưởng cao nên tình hình tài chính lành mạnh, thu chi ngân sách nhà nước cân đối. Các ngành sản xuất và dịch vụ tiếp tục phát triển và có mức tăng trưởng cao: sản xuất công nghiệp tăng trưởng đạt 17%; khu vực ngoài nhà nước tăng 20,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18%.

Trong năm 2007, cả nước đã thu hút 350 lượt dự án, đặc biệt là đã có 52 địa phương thu hút vốn FDI. Xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước đến thời điểm này, đạt 47,7 tỷ USD, và tăng trưởng với tốc độ cao, tăng 21% so với năm 2006. Du lịch phát triển mạnh, cả nước đón 4,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 19% so với năm 2006 và cũng là mức cao nhất từ trước đến lúc này.

Những thành tựu trên đây đã nâng vị thế của Việt Nam lên tầm cao mới: quy mô nền kinh tế đã lớn mạnh hơn rất nhiều, thu nhập quốc dân theo GDP tính trên đầu người đạt 835 USD năm 2007.

Ở Lào, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII (năm 2001) và Đại hội lần thứ VIII (tháng 3 năm 2006) Đảng Nhân dân cách mạng Lào, trong năm 2007, cả nước tập trung sức tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới và đạt được những thành tựu khả quan. Nền kinh tế Lào tiếp tục phát triển và đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao, gần 7,5%. Ngành công nghiệp có bước phát triển nhanh, chiếm tỷ trọng 27% GDP và có nhiều ngành mũi nhọn. Về năng lượng, Lào có 11 nhà máy thủy điện với sản lượng 1.541 triệu kW/h. Ngành công nghiệp khai khoáng cũng phát triển mạnh. Trước đây Lào chỉ khai thác than, muối mỏ, thiếc, sắt..., nay đã có ngành khai thác vàng, kali, đồng, bôxít.

Về nông nghiệp, từ một nước thiếu lương thực (có năm phải nhập tới 1 triệu tấn lương thực), đến năm 2007 đã đạt bình quân đầu người 472 kg/người (tương đương với Việt Nam).

Giao thông vận tải cũng có những bước tiến vượt bậc. Các tuyến giao thông huyết mạch đã được nâng cấp. Đường 13 từ Viêng Chăn đi Nam Lào đã được mở rộng và hiện đại hóa. Các tuyến đường nối với Việt Nam, Thái Lan và ra biển đều được nâng cấp, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng đất nước và hội nhập với khu vực. Xuất khẩu của Lào năm 2007 cũng được đẩy mạnh. Ngoài những mặt hàng chủ yếu như điện, dệt may, gỗ và khoáng sản, Lào cũng đã mở rộng việc xuất khẩu gạo, ngô, cà phê, chuối, thuốc lá... Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1 tỷ USD. Các ngành du lịch, văn hóa, xã hội cũng có những bước tiến quan trọng.

Cùng với những thành quả to lớn trong công cuộc đổi mới ở mỗi nước những năm qua, quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào cũng đạt được những kết quả rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Về chính trị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam cơ bản đã quán triệt và thể hiện được tinh thần nội dung thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Nhìn chung, hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước đến năm 2007 có nhiều chuyển biến tích cực, về cơ bản đã đạt được mục tiêu chiến lược đề ra. Tuy nhiên, mối quan hệ đoàn kết đặc biệt được hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp đã trở thành nguồn sức mạnh dẫn đến thành công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của hai nước, song chưa trở thành động lực để thúc đẩy hợp tác toàn diện trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của mỗi nước. Trên một số lĩnh vực còn có những tồn tại cần tiếp tục khắc phục: hợp tác đào tạo đáp ứng được nhu cầu về số lượng nhưng chất lượng chưa thực sự chuyển biến như mong muốn; hợp tác thương mại chưa vững chắc, thị phần và sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường mỗi bên còn thấp; hợp tác đầu tư sôi động nhưng tổ chức triển khai một số dự án còn chậm; hợp tác trong lĩnh vực giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu, tiềm năng về giao lưu kinh tế và sự gia tăng các dự án đầu tư giữa hai nước; cơ chế, chính sách trong hợp tác có thông thoáng hơn nhưng việc điều chỉnh bổ sung cơ chế, chính sách hợp tác còn chậm, chưa đồng bộ; hợp tác giữa các địa phương được mở rộng nhưng hạn chế về nguồn lực...

Những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội sau hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới và những chuyển biến quan trọng trong mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam và Lào trong những năm qua đã tạo nên những điều kiện vật chất to lớn thúc đẩy việc tiếp tục tăng cường sự hợp tác Việt Nam - Lào trong giai đoạn mới. Mặt khác, bối cảnh quốc tế, khu vực cũng như tình hình phát triển hiện nay của các nước GMS đang mang lại cơ hội lớn và nhiều yêu cầu mới cho sự phát triển hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mà hai bên cần phải tính đến.
Trong bối cảnh mới, trên quan điểm bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, Việt Nam cũng như Lào phải thực hiện chiến lược đối ngoại đa phương, rộng mở, tiếp cận với mọi quan hệ đối tác và các điều kiện bên ngoài nhằm phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước. Do đó, trong khi duy trì quan hệ đặc biệt với nhau, cả Việt Nam và Lào đều đang nỗ lực xây dựng các quan hệ đối tác chiến lược mới. Ngày nay, trong quan hệ quốc tế, quan hệ đa phương đang trở thành xu thế chủ đạo, là điều kiện để thúc đẩy các quan hệ song phương. Đi theo đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam đã và đang lấy thị trường của các nền kinh tế lớn và phát triển như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... làm điều kiện cho sự tăng trưởng và phát triển của mình. Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam với các đối tác này chiếm trên 70% và theo đó mức xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN chỉ chiếm 20%. Điều này cho thấy rằng mối quan tâm của Việt Nam với thị trường khu vực không hoàn toàn là vì mục đích kinh tế. Cũng như vậy, với 2/3 tổng chu chuyển thương mại mà Lào thực hiện với các nước láng giềng, Lào sẽ phải tìm kiếm các ưu tiên mới để huy động và phân bổ nguồn lực tốt hơn cho mục tiêu thoát khỏi nhóm các nước nghèo (chậm phát triển) vào năm 2020.

Như vậy, điều kiện mới của quốc tế và khu vực đang làm thay đổi mạnh tư duy phát triển nói chung, tư duy đối ngoại nói riêng ở các nước đi sau. Một mặt, thực hiện quan hệ song phương tốt với các nước láng giềng là nhằm tạo ra một môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển của các bên, nghĩa là phải đứng trên quan điểm tổng thể về lợi ích kinh tế, chính trị, an ninh, xã hội... trong tiếp cận phát triển. Mặt khác, chú trọng quan hệ rộng mở với các đối tác giàu tiềm năng và sức mạnh kinh tế, công nghệ là điều kiện quan trọng nhằm tạo ra bứt phá và vượt trước trong phát triển ở các nước này. Trong thực tế, quan hệ với các đối tác lớn, các nước nhỏ đi sau thường gặp nhiều bất lợi, hay bị gây sức ép và dễ bị cuốn vào tính toán lợi ích của các nước phát triển và các nước lớn. Do đó, các nước này cần ưu tiên đẩy mạnh các lộ trình hội nhập đa phương quốc tế và khu vực. Ví dụ, Việt Nam và Lào là thành viên đầy đủ của ASEAN, sẽ gia tăng vị thế của các nước này trong quan hệ với các nước lớn. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với các chiều hướng phát triển của khu vực, nghĩa là phải được đặt trong tổng thể của các lộ trình hội nhập đa phương khu vực đã và đang phát huy hiệu quả tốt hiện nay trong ASEAN nói chung và GMS nói riêng.

Trong chương trình hợp tác GMS thì quan hệ Việt Nam - Lào với Trung Quốc và Thái Lan là quan trọng nhất, tác động trực tiếp tới quá trình hội nhập khu vực nói chung và GMS nói riêng của cả Việt Nam và Lào, đặc biệt là trong mối quan hệ song phương Lào - Thái Lan và Lào - Trung Quốc.

Lào và Thái Lan gần gũi về địa lý, văn hóa và quan hệ huyết thống có nhiều thuận lợi trong giao lưu kinh tế, văn hóa. Với chi phí thấp trong lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư giữa hai bên và đặc biệt không bị ngăn trở bởi rào cản ngôn ngữ, quan hệ kinh tế Lào - Thái những năm gần đây có những bước phát triển tốt và đang có sức thuyết phục đối với một bộ phận đáng kể nhân dân các bộ tộc Lào. Trong điều kiện các xung đột lịch sử sắc tộc... không còn nổi cộm như trước kia, nhờ các tiến trình mở cửa và hội nhập sâu rộng giữa hai bên nên đã mở ra một cửa ngõ nối thông nền kinh tế Lào với các nền kinh tế ASEAN hải đảo. Cùng với Hành lang kinh tế Đông - Tây và Bắc - Nam dưới sự tài trợ của ADB đang triển khai tích cực hiện nay, Thái Lan là một phần quan trọng để Lào thực thi chiến lược hội nhập và phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, quan hệ Lào - Thái cũng có những khó khăn do tình hình bất ổn về chính trị, an ninh từ phía Thái Lan.

Quan hệ song phương Lào - Trung Quốc có nhiều thuận lợi hơn. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh, tiềm lực mạnh và đang bắt đầu thể hiện vai trò dẫn dắt và chi phối các tiến trình phát triển ở Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, đặc biệt là sau khi xây dựng xong Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN vào đầu năm 2010, với chiến lược “một trục, hai cánh” đang được tích cực triển khai.

Hiện nay, Lào và Trung Quốc đang cùng nhau xây dựng quan hệ đối tác chiến lược hợp tác toàn diện, không chỉ thúc đẩy thương mại, dành các điều kiện ưu đãi nhất cho xuất khẩu của Lào sang Trung Quốc, mà Trung Quốc còn đang đẩy nhanh việc đầu tư vào Lào. Năm 2005, Trung Quốc phê duyệt 33 dự án đầu tư vào Lào; tám tháng năm 2006, Trung Quốc đã phê duyệt thêm 39 dự án trong đó tập trung vào các ngành mỏ và thủy điện. Đến cuối năm 2007, Trung Quốc đã đầu tư 23 dự án trồng cao su vào năm tỉnh Bắc Lào với diện tích 122.000 ha.
Sự liên kết mật thiết giữa kinh tế Trung Quốc với kinh tế Lào đang làm cho quan hệ song phương Lào - Trung Quốc trở nên nổi trội trong hệ thống các quan hệ của Lào với bên ngoài. Với Hành lang kinh tế xuyên Á và Hành lang kinh tế Đông - Tây từ Nam Ninh (Trung Quốc) đi Hà Nội qua Hà Tĩnh (đường 8 ) và Quảng Trị (đường 9) sang Lào - Thái Lan - Malaixia - Xingapo, cùng với Hành lang kinh tế Côn Minh qua chín tỉnh Tây Bắc của Lào đến Băng Cốc (chưa kể Hiệp định thông tàu thương mại sông Lan Thương - Mê Công từ cảng Tư Mao (Trung Quốc) đến cảng Luổng Phạbang) đã tạo nên một môi trường rất thuận lợi cho sự phát triển của Lào. Lào đang đứng trước những cơ hội to lớn do sự phát triển của Trung Quốc và chiến lược khu vực của Trung Quốc mang lại.

So với quan hệ Lào - Thái Lan và Lào - Trung Quốc thì quan hệ Lào - Việt Nam mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng cũng có những ưu thế và thuận lợi rất cơ bản. Trước hết, quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt đã được hai Đảng và nhân dân mỗi nước dày công vun đắp, trở thành quy luật phát triển và nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng hai nước. Quan hệ đặc biệt đó vượt lên khỏi các lợi ích kinh tế thông thường và được nhân dân hai nước đồng tình, ủng hộ.

Thứ hai, theo tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, con đường tiến ra biển qua Việt Nam là con đường ngắn nhất, ít tốn kém nhất để Lào nối thông với thế giới, tiếp cận các đối tác lớn bên ngoài Đông Á như Mỹ, Nhật Bản, EU... để cân bằng quan hệ và đẩy mạnh chiến lược phát triển của mình.

Thứ ba, nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo và chủ chốt của Lào được đào tạo tại Việt Nam. Sự hiểu biết và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, nhất là trong điều kiện Việt Nam là nước đã thành công trong đổi mới và phát triển, sẽ rất hữu ích cho công cuộc phát triển của Lào.

Thứ tư, mô hình phát triển của Lào và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Để thoát nghèo và phát triển, đồng thời đảm bảo được chính sách phát triển toàn diện cho nhân dân các bộ tộc Lào, phía Lào rất cần nghiên cứu kinh nghiệm bổ ích từ Việt Nam về phát triển và xóa đói giảm nghèo (ở Lào không có mục tiêu xóa đói) trong khi vẫn giữ được ổn định chính trị - xã hội.

Hiện nay, trong bối cảnh quốc tế, khu vực cũng như sự phát triển của các nước GMS, mối quan hệ song phương Lào - Thái Lan, Lào - Trung Quốc, Lào - Việt Nam đang mang lại cơ hội lớn và nhiều yêu cầu mới, trong đó chứa đựng những yếu tố ngoài kinh tế diễn ra nhanh chóng, phức tạp và khó lường.

Vì vậy, trong thời gian tới cả Việt Nam và Lào phải có sự phối hợp nhịp nhàng, đổi mới quan hệ hợp tác toàn diện phù hợp với bối cảnh đã trình bày ở trên.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 26 Tháng Ba, 2022, 02:12:38 pm
II. TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC TOÀN DIỆN, ĐƯA QUAN HỆ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM LÊN TẦM CAO MỚI


1. Bổ sung và điều chỉnh cơ chế, chính sách, chương trình và tổ chức chỉ đạo hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong giai đoạn mới

Trong thời gian qua, việc bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách hợp tác giữa hai nước còn chậm, thiếu đồng bộ. Các bộ, ban, ngành, địa phương mỗi bên còn thiếu hướng dẫn, đôn đốc thực hiện và chưa cùng nhau tổng kết rút kinh nghiệm kịp thời nên tính cập nhật và hiệu quả của cơ chế, chính sách còn thấp... Vì vậy, trong thời gian tới hai bên cần sớm cùng nhau rà soát lại tổng thể các cơ chế, chính sách chương trình và tổ chức thực hiện để bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và những đòi hỏi mới của sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực hiện nay và những năm tới, càng cần phải đẩy nhanh việc điều chỉnh kịp thời, linh hoạt những nội dung đã thỏa thuận bằng các văn bản hợp tác nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, đơn vị thực hiện có hiệu quả những mục tiêu chiến lược hợp tác đã đặt ra.

Khắc phục ngay những yếu kém trong hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước trong những năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý và quy trình cấp phát ODA giữa hai nước nhằm nâng cao hiệu quả, tránh dàn trải và kéo dài dự án, không phục vụ kịp thời cho nhu cầu, mục tiêu hợp tác đã được thỏa thuận giữa hai bên.

Cùng với việc khuyến khích các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội hai bên hợp tác bằng khả năng của mình, cần quản lý và thực hiện thống nhất các chương trình hợp tác đã ký kết giữa hai Chính phủ. Tránh những thỏa thuận riêng giữa các bộ, ban, ngành, địa phương và các tổ chức hai bên vượt quá khả năng của mình, làm ảnh hưởng tới kế hoạch hợp tác giữa hai Chính phủ đã ký kết.

Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay cũng như những năm trước mắt, cần có những điều chỉnh thích hợp trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Trước hết là tăng cường hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào theo hướng hai nước phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn trong các chương trình, dự án hợp tác giữa hai nước, với khu vực và đa phương khác.

Vị thế của Việt Nam ngày càng có trọng lượng trong ASEAN và cũng đã có sự phát triển đi trước một bước so với Lào trong tiến trình thực hiện các cam kết AFTA/AEC và WTO. Việt Nam có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho Lào trong việc điều chỉnh chính sách và thể chế kinh tế nhằm thực hiện các cam kết quốc tế và khu vực. Ví dụ, Việt Nam cần ủng hộ mạnh mẽ tiến trình gia nhập WTO của Lào. Với việc Việt Nam giúp Lào tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10 (tháng 10 năm 2004) và Hội nghị cấp cao GMS lần thứ ba (tháng 3 năm 2008), quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam sẽ ngày càng được mở rộng và hiệu quả hơn trước các yêu cầu hợp tác hiện nay và do vậy, vai trò của cả Việt Nam và Lào trong quan hệ đa phương và song phương trong khu vực cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn, đặc biệt là quan hệ với các nước lớn ngoài khu vực ASEAN.

Trong quá trình tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện, Việt Nam - Lào luôn luôn tôn trọng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại của nhau. Như đã trình bày ở trên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực đang diễn ra nhanh chóng và ngày càng sâu sắc, ngoài quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, mỗi nước đều có những quan hệ đa phương và song phương khác trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Mỗi bên cần ủng hộ và phối hợp với nhau để tận dụng mọi mối quan hệ này phục vụ lợi ích cho tất cả các bên.

Hiện nay, việc phát triển bất kỳ một tuyến hành lang kinh tế nào trong khu vực cũng luôn phải đặt trong mạng lưới của tất cả các hành lang kinh tế đã được ADB đề xuất và hỗ trợ, cũng như được các nước thành viên GMS hưởng ứng. Do đó, Việt Nam sẽ là con đường ngắn nhất để Lào tiếp cận một số thị trường phía Đông Nam của Trung Quốc thông qua chiến lược “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” 1. Và cũng tương tự như vậy, Lào sẽ là nơi trung chuyển quan trọng cho Việt Nam trong việc tiếp cận với thị trường Đông Bắc Thái Lan và Mianma. Như vậy, tính đa dạng trong tiếp cận đa phương về quan hệ đối ngoại không cản trở quan hệ song phương; trái lại nó sẽ làm cho quan hệ song phương Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam ngày càng hiệu quả và trở nên đặc biệt có ý nghĩa hơn trong sự nghiệp phát triển của mỗi nước.

Trong quan hệ hợp tác, nhất là hợp tác kinh tế trong thời gian tới, cần phải chú trọng tính thực chất, hiệu quả và chất lượng. Có nghĩa là, các chương trình hợp tác, nhất là từ phía Việt Nam (các dự án của Việt Nam đầu tư vào Lào) phải phù hợp với yêu cầu của công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của Lào. Việt Nam là chỗ dựa tin cậy của Lào trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và cho đến nay, các chương trình hợp tác về quốc phòng, an ninh giữa hai nước luôn đem lại hiệu quả, góp phần quan trọng đối với việc tạo ra môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào. Tuy nhiên, trong lĩnh vực hợp tác kinh tế những năm qua, một số dự án triển khai chậm, chưa bảo đảm chất lượng như yêu cầu đặt ra... Do vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần ưu tiên những dự án hợp tác với Lào phù hợp với các quy hoạch và kế hoạch phát triển của Lào đã được vạch ra tại kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 và tầm nhìn đến 2020 của Lào. Đó là các dự án hợp tác về phát triển thủy điện với Lào, các dự án xây dựng tuyến đường giao thông hướng ra biển nhằm tận dụng tối đa các cảng biển Việt Nam để phát triển dịch vụ du lịch, vận tải..., các dự án hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực...

Đặc biệt, Việt Nam nên lựa chọn những lĩnh vực mà mình có thế mạnh để đầu tư vào Lào. Đó là các dự án mà Việt Nam có lợi thế về kỹ thuật và nguồn nhân lực, có kinh nghiệm tổ chức thực hiện tốt hơn các đối tác khác và luôn được phía Lào tin cậy (thủy điện, cầu, cống, đường giao thông, nông, lâm nghiệp...). Có như vậy mới mang lại hiệu quả thiết thực và chất lượng. Nhân dân các bộ tộc Lào đã từng kề vai sát cánh, thủy chung gắn bó với Việt Nam suốt mấy chục năm qua sẽ luôn hy vọng, vững tin và mong muốn có được những kết quả hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả, nhất là về hợp tác kinh tế với Việt Nam, giữ mãi tình cảm thủy chung, trong sáng và sự giúp đỡ chí tình của Việt Nam trong mỗi bước đường phát triển đi lên của Lào.

Trong sự phát triển chung của các quan hệ đa phương trong khuôn khổ ASEAN, GMS, và yêu cầu của việc tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai nước, Việt Nam và Lào cần phải phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt, tạo động lực thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ hợp tác toàn diện, đặc biệt là hợp tác kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển của mỗi nước, đưa hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong thời gian tới ngang tầm với quan hệ hữu nghị truyền thống và đoàn kết đặc biệt giữa hai nước chúng ta.

Tính chất đặc biệt được thể hiện ở điểm khác căn bản với các quan hệ đối tác thông thường khác, nó là quan hệ hợp tác toàn diện bao gồm cả chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa... và ưu tiên, ưu đãi cho nhau cao hơn cả quan hệ song phương theo khuôn khổ FTA, tức là đã dành ưu đãi cao nhất cho nhau ngay cả khi hai bên đều chưa phải là thành viên của WTO. Quan hệ này cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa cho dù mức độ phát triển của Lào chưa cao, Lào chưa phải là thành viên của WTO và Việt Nam không có nhiều nguồn lực như các nước láng giềng khác. Cần có một nhận thức thống nhất trong cán bộ và nhân dân hai nước về tính chất đặc biệt này. Cả hai bên cần có tầm nhìn rộng hơn, toàn diện và lâu dài hơn chứ không chỉ ở các lợi ích kinh tế thuần túy và ngắn hạn, nhất là các nỗ lực của Việt Nam đang sánh bước cùng với Lào trên các cấp độ hội nhập, từ ASEAN/AEC đến GMS, từ Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) đến khuôn khổ hợp tác Đông Á, WTO. Quan hệ với Việt Nam, Lào có điều kiện vươn ra phía biển, tức là vươn ra thế giới, tiếp cận với các nền kinh tế lớn và phát triển vì mục tiêu nhanh chóng thoát nghèo và sánh bước phát triển cùng các nước trong khu vực.

Để tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai nước, phía Lào cần tích cực, chủ động hơn nữa đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Việt Nam. Nghị quyết Đại hội VIII Đảng Nhân dân cách mạng Lào cũng đã khẳng định: “Chú trọng đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam và Trung Quốc”. Phía Lào cần chủ động lựa chọn các hạng mục có nhu cầu đầu tư và phát triển đáp ứng được yêu cầu của công cuộc xây dựng đất nước; đồng thời cũng là những dự án mà phía đối tác Việt Nam và Trung Quốc có tiềm năng và thế mạnh. Riêng với Việt Nam, phía Lào cần thống nhất nhận thức và hành động trên quan điểm tiếp cận tổng thể về lợi ích trong quan hệ hợp tác đặc biệt với Việt Nam. Có thể lợi ích trước mắt trong quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam không lớn bằng quan hệ với các nước khác, nhưng xét theo mục tiêu tổng thể (toàn diện) giữ vững an ninh và phát triển bền vững trong tương lai, quan hệ đối tác đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam sẽ là trụ cột chính để bứt phá và phát triển.




-----------------------------------------------------------------
1. Hai hành lang kinh tế:   
- Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
- Hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Quảng Ninh.
Vành đai kinh tế vùng vịnh Bắc Bộ đã được Chính phủ hai nước Việt Nam, Trung Quốc cam kết thực hiện (tháng 7 năm 2004).



Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 26 Tháng Ba, 2022, 02:14:18 pm
2. Tiếp tục thực hiện những chương trình hợp tác đã ký kết và chuẩn bị xây dựng chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020

Hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong những năm qua đã được lãnh đạo cấp cao hai nước đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực nhưng cũng còn nhiều tồn tại cần khắc phục: hợp tác giáo dục, đào tạo đáp ứng được nhu cầu về số lượng, nhưng chất lượng còn có vấn đề, còn thiếu một kế hoạch cụ thể; hợp tác thương mại chưa vững chắc, thị phần và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Lào còn thấp; hợp tác đầu tư sôi động và đạt mức vốn đăng ký cao, nhưng vốn thực hiện còn thấp và chậm, còn để mất thời cơ; vốn viện trợ triển khai chậm, dàn trải; cơ chế chính sách đã thông thoáng hơn, nhưng việc thực hiện chưa thống nhất (giữa mong muốn của hai Chính phủ và việc thi hành của các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương hai bên); việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện những hiệp ước hợp tác đã được ký kết giữa hai bên chưa thường xuyên; hợp tác giữa các địa phương và doanh nghiệp được mở rộng, nhưng hạn chế về nguồn lực nên chưa đáp ứng được mong muốn giữa các địa phương và doanh nghiệp hai nước... Đây là những vấn đề được đặt ra trong quá trình xây dựng chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam thời gian tới.

Để tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong giai đoạn mới, trước mắt cần tập trung tiếp tục thực hiện những định hướng lớn đã được thỏa thuận giữa hai Bộ Chính trị, tháng 1 năm 2008 tại Viêng Chăn và tiếp tục thực hiện sáu chương trình mục tiêu đã được thỏa thuận tại Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ giai đoạn 2006 - 2010.

Chính phủ Việt Nam cũng đã đề ra những giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu trong kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010. Theo đó, yêu cầu các chương trình hợp tác phát triển với Lào giai đoạn này phải được triển khai theo nguyên tắc quản lý tập trung thống nhất trên cơ sở Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa hai Chính phủ giai đoạn 2006 - 2010 và Hiệp định hợp tác hằng năm. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào các chương trình hợp tác trong Hiệp định với Lào phù hợp với điều kiện của các bộ, ngành, địa phương mình. Việc ký kết các nội dung hợp tác với Lào không nằm trong các chương trình mục tiêu của Hiệp định phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Các chương trình dự án sử dụng vốn viện trợ phải được thực hiện theo “Quy chế tài chính và quản lý các dự án sử dụng vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào”... Với tinh thần đó, năm 2007 hai bên đã triển khai thực hiện nhiều thỏa thuận, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh, các bộ, ban, ngành, địa phương hai bên đã có nhiều hoạt động giúp đỡ lẫn nhau và có kết quả tốt. Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước có chuyển biến tích cực. Những năm còn lại của giai đoạn 2006 - 2010 hy vọng sự hợp tác toàn diện giữa hai bên sẽ được tăng cường, ngày càng đi vào chiều sâu, tạo những tiền đề vật chất cần thiết cho việc xây dựng chiến lược hợp tác giữa hai nước giai đoạn 2011 - 2020.

Chiến lược hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong thời gian tới (2011 - 2015 và tầm nhìn đến 2020) được xây dựng và thực hiện trong bối cảnh quốc tế, khu vực và ở từng nước có những thuận lợi và khó khăn đan xen cùng những chuyển biến rất mau lẹ, tác động trực tiếp đến quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Thuận lợi cơ bản trong quan hệ hợp tác là sự ổn định về chính trị của hai bên, kinh tế cũng có những bước phát triển khả quan trước sự điều hành có hiệu quả của Chính phủ mỗi nước, đây là nhân tố quyết định tới quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực giữa hai nước được hai bên đánh giá là ngày càng được củng cố và phát triển tốt đẹp.

Trong những năm qua, quan hệ chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại được tăng cường; hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật có nhiều chuyển biến tích cực. Mặc dù kinh tế thế giới từ cuối năm 2007 bắt đầu có nhiều biến động lớn, phức tạp; giá cả nhiên liệu, vật tư, xăng dầu, phôi thép... tăng liên tục chưa có điểm dừng, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam và Lào. Tuy nhiên, nền kinh tế của cả hai nước vẫn có tốc độ tăng trưởng tương đối khá so với các nước trong khu vực (năm 2007 ở Việt Nam là 8,4% và Lào là 7,5%). Đây là một lợi thế để Việt Nam và Lào khẳng định vai trò của mình trong các hoạt động của tổ chức hợp tác khu vực như ASEAN, GMS, CLV, CLVM... Trong quan hệ hợp tác, hai nước đã và đang nhận được sự ủng hộ của các nước và các tổ chức kinh tế thế giới trên nhiều lĩnh vực, góp phần củng cố và thúc đẩy nền kinh tế của mỗi nước, trong đó chủ yếu là Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Do ảnh hưởng của suy thoái chung toàn cầu, trong thời gian tới thị trường xuất khẩu của mỗi nước còn bị thu hẹp, do đó ảnh hưởng lớn tới việc làm của người lao động, lao động dư thừa ở mỗi nước sẽ tăng lên. Hợp tác hai nước sẽ được đặt ra trước bối cảnh cần phải tăng cường, dành ưu tiên, ưu đãi cho đầu tư vào mỗi nước. Trước hết là các dự án thủy điện và trồng cây công nghiệp, nhằm giải quyết việc làm cho người lao động và tạo nguồn lực bổ sung cho nhau phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế của mỗi nước trong giai đoạn trước mắt (2011 - 2015); đồng thời tạo điều kiện để hội nhập kinh tế thế giới của những năm sau này. Như vậy, hợp tác toàn diện giữa hai nước giai đoạn 2011 - 2020 trước bối cảnh quốc tế, khu vực và tình hình thực tế của mỗi nước vừa là cơ hội vừa là thách thức.

Nhằm tăng cường, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước, định hướng cơ bản hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đặt ra trong giai đoạn 2011 - 2020 là: “Phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trở thành động lực tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của mỗi nước”. Trong đó, không ngừng nâng cao nhận thức và làm sâu sắc thêm quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thúc đẩy hợp tác kinh tế ngang tầm với quan hệ truyền thống giữa hai nước. Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo “Coi trọng, phát triển và củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước và coi đây là nhiệm vụ có tầm chiến lược to lớn, thiết thực phục vụ cho lợi ích đảm bảo ổn định an ninh, chính trị và phát triển của mỗi nước”. Đồng thời, coi hợp tác và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ chiến lược lâu dài giữa hai nước nhằm hình thành một thế hệ mới kế cận có đầy đủ năng lực và nhận thức một cách sâu sắc về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước, tạo lòng tin vững chắc lâu dài lẫn nhau, góp phần tăng cường mối quan hệ bền vững giữa hai Đảng và hai Nhà nước. Đặc biệt coi trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị, trước hết là đội ngũ cán bộ các cấp của các địa phương Lào, cán bộ làm việc ở các dự án giữa hai nước; kết hợp hài hòa giữa đào tạo và bồi dưỡng, giữa số lượng và chất lượng đào tạo, giữa đào tạo chính quy các bậc học với đào tạo nghề.

Thường xuyên phối hợp và cụ thể hóa quan điểm về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trên tinh thần các tuyên bố chung và thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước vào nội dung hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước. Từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và tinh thần quan hệ đặc biệt theo luật pháp của mỗi nước nhằm tạo sự chuyển biến trong hợp tác kinh tế giữa hai nước, trên cơ sở:

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư đã ký kết. Đồng thời tiếp tục đầu tư phát huy những tiềm năng, lợi thế của hai nước nhằm bổ sung nguồn lực cho nhau, phù hợp với mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước theo từng giai đoạn, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của mỗi nước, trong đó đối với Lào là đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển vào năm 2020.

Trước mắt, ưu tiên và có cơ chế đặc biệt để doanh nghiệp hai nước có điều kiện triển khai các dự án trực tiếp bổ sung, khuyến khích hỗ trợ nguồn lực phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế mỗi nước; các dự án trực tiếp giải quyết việc làm; các dự án có ảnh hưởng tích cực đến việc cải thiện đời sống dân cư trong khu vực dự án, các dự án phục vụ giảm nghèo và các dự án có đóng góp thiết thực vào việc tăng cường mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

- Phấn đấu tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 2 tỷ USD vào năm 2015 và 5 tỷ USD năm 2020. Quan tâm đặc biệt, bảo đảm kết nối giao thông đường bộ trên các trục huyết mạch và các tuyến kết nối qua biên giới với các cảng biển của Việt Nam để phục vụ đầu tư, thương mại và hội nhập giữa hai nước, trên nguyên tắc đầu tư đồng bộ và đồng thời giữa hai bên.

- Tăng cường và nâng cao vai trò hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa các bộ, ngành, tổ chức, địa phương và doanh nghiệp hai nước, gắn phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh, đặc biệt là các địa phương có chung đường biên giới giữa hai nước nhằm phát triển các địa phương khu vực biên giới trở thành hậu phương chiến lược vững chắc, ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác lâu dài, tạo sự gắn bó, tin tưởng lẫn nhau, góp phần củng cố ngày càng vững chắc mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa các dân tộc và nhân dân hai nước.

- Nâng cao chất lượng hợp tác và sử dụng có hiệu quả các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ của Việt Nam dành cho Lào. Tránh dàn trải, tập trung có trọng tâm, trọng điểm vào các chương trình, dự án phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài của Lào nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước. Các chương trình, dự án mang tính xã hội có tác động trực tiếp vào việc tăng cường quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, hai bên phối hợp chặt chẽ việc rà soát bổ sung, sửa đổi các văn bản thỏa thuận, phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách mới phù hợp với luật pháp và tình hình thực tế của mỗi nước, thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước và thông lệ quốc tế, tạo sự chuyển biến trong hợp tác kinh tế cũng như hội nhập quốc tế và khu vực của mỗi nước.

Thường xuyên trao đổi thông tin và phản ánh những bất cập trong quá trình thực hiện những thỏa thuận song phương; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời việc thực hiện những nội dung thỏa thuận hợp tác mà hai bên đã ký kết. Điều chỉnh linh hoạt các nội dung đã cam kết phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời điểm.

Phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các cam kết và có sự đồng thuận trong các khuôn khổ hợp tác đa phương đối với những vấn đề có liên quan đến hai nước nhằm tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ của các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế vào mục tiêu thúc đẩy, tạo sự chuyển biến trong hợp tác kinh tế giữa hai nước.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 26 Tháng Ba, 2022, 02:17:42 pm
3. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam

Trước những biến động phức tạp và khó lường của tình hình thế giới và yêu cầu phát triển của mỗi nước, trên cơ sở những kết quả to lớn của sự hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam những năm qua, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước thống nhất đặt ưu tiên cao nhất là cùng phấn đấu nâng quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam lên tầm cao mới, theo phương châm chất lượng và hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh, chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, hội nhập ngày càng sâu rộng và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí trước hết tiếp tục củng cố, tăng cường sự gắn bó, tin cậy và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong những vấn đề có tính chiến lược giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Duy trì các cuộc gặp cấp cao truyền thống. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả và thiết thực về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam cho toàn thể cán bộ đảng viên và nhân dân hai nước.

Đồng chí Chummaly Xaynhaxỏn, Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã nói rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước Lào về vấn đề này: “Trong điều kiện mới, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam ngày càng tăng cường và phát triển, nở hoa, kết trái và cùng tồn tại mãi mãi với sự phát triển của hai nước chúng ta.

Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào sẽ làm hết sức mình để cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em nâng niu, gìn giữ và vun đắp mối quan hệ truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam, để cho mối quan hệ đó trở thành tài sản vô giá cho con cháu mai sau.

Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào coi đó vừa là nghĩa vụ quan trọng, vừa là vinh dự cao cả của mình, khẳng định chắc chắn rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẽ cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tăng cường tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các bộ tộc, mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ của hai nước có sự hiểu biết sâu sắc về tầm quan trọng, tính quy luật của tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam cũng như nghĩa vụ cần phải vun đắp và xây dựng tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững
”. Đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng nhấn mạnh: Tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú và thiết thực về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, trước mắt, sớm hoàn thành công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào để làm tài liệu giáo dục cho nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ thanh, thiếu niên hôm nay và mai sau . Như vậy là, lãnh đạo cấp cao hai nước đều khẳng định sự cần thiết phải tăng cường hợp tác toàn diện, đưa quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam lên tầm cao mới, mà nhiệm vụ trước tiên là tuyên truyền, giáo dục về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Đối tượng của việc tuyên truyền, giáo dục là hết thảy cán bộ, đảng viên, nhân dân và đặc biệt là thế hệ trẻ; từ cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội, mặt trận đến những người dân bình thường của hai nước... từ trung ương đến địa phương, bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp.

Về nội dung, phải làm cho mọi người hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, Chủ tịch Xuphanuvông kính yêu xây dựng, vun đắp và đã được các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, nhân dân hai nước tiếp tục củng cố, phát triển trong gần 80 năm qua. Mối quan hệ đặc biệt đó đã trở thành tài sản vô cùng quý báu của hai dân tộc, là quy luật tồn tại và phát triển, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng mỗi nước trước đây và ngày nay. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhiều lần khẳng định quyết tâm và coi đây là nhiệm vụ, trách nhiệm cùng nhau tiếp tục bảo vệ, phát triển và nâng lên tầm cao mới mối quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trên tinh thần độc lập, tự chủ và ý chí tự lực, tự cường, phát huy thế mạnh và khả năng của mỗi bên, bổ sung cho nhau; đồng thời dành cho nhau ưu tiên, ưu đãi hợp lý, không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng hợp tác vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Việc tuyên truyền, giáo dục phải được tiến hành bằng nhiều hình thức phong phú và thiết thực, hiệu quả. Trước mắt cần dựa trên kết quả của công trình “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930 - 2007)” để làm cơ sở cho công tác tuyên truyền, giáo dục. Đây là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi vì, cùng với bộ sách lịch sử là những bộ sách hồi ký, văn kiện, sách ảnh, biên niên sự kiện, những cuốn phim tư liệu mà sau khi hoàn thành không chỉ là những công trình tổng kết có giá trị lịch sử về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng và cũng chính Người cùng với Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, Chủ tịch Xuphanuvông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, hai Mặt trận, nhân dân và quân đội hai nước không ngừng củng cố và phát triển, mà còn là những công trình đáp ứng công tác tuyên truyền, giáo dục lâu dài hết sức có ý nghĩa đối với thế hệ hôm nay và các thế hệ con em hai nước Việt Nam và Lào mai sau.

Các công trình khoa học về lịch sử quan hệ đặc biệt giữa hai nước càng có tác dụng tuyên truyền và giáo dục hơn, bởi nó dựng lại bức tranh lịch sử sinh động những chặng đường cách mạng vẻ vang mà các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào đã đi suốt chiều dài lịch sử mấy chục năm qua; thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn và chủ nghĩa quốc tế cao cả, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt thủy chung, trong sáng, chí nghĩa, chí tình luôn luôn kề vai sát cánh trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho đến những ngày xây dựng đất nước trong hòa bình.

Lịch sử hình thành và phát triển của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam cũng sẽ được tái hiện một cách rõ ràng, sinh động và quan trọng hơn, từ thực tiễn lịch sử đúc kết những bài học quý giá trong gần 80 năm xây dựng và phát triển mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mẫu mực, hiếm có trong lịch sử nhân loại.

Lịch sử về quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng và quân dân hai nước chúng ta là sự thật đầy sức thuyết phục không một ai và mãi mãi không bao giờ phủ nhận được, bởi vì, đó là thành quả kết tinh từ xương máu hy sinh, từ lao động sáng tạo, từ niềm tin không gì lay chuyển nổi, từ sự chia ngọt sẻ bùi, chung lưng đấu cật, gắn bó keo sơn như anh em ruột thịt của các thế hệ chiến sĩ cách mạng và quân dân hai nước .
Các công trình khoa học về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam sẽ là tài liệu rất quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi người, từ cán bộ, đảng viên đến người dân thường của hai nước chúng ta càng thêm tự hào, trân trọng về tầm vóc vĩ đại, ý nghĩa lớn lao của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam để mãi mãi biết ơn những chiến sĩ cách mạng tiền bối và các thế hệ anh hùng liệt sĩ cùng đồng bào, chiến sĩ hai nước đã chiến đấu hy sinh, lao động sáng tạo, xây dựng, bồi đắp, bảo vệ tình đoàn kết, quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai nước chúng ta; phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trở thành động lực thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa hai nước trong giai đoạn mới.

Để tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, cả hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thông tin, phát thanh truyền hình... Phối hợp tổ chức trọng thể hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của hai nước; duy trì các cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa các địa phương, ban, ngành, đơn vị... đặc biệt là thế hệ trẻ của hai nước.

Trong bối cảnh hiện nay và tương lai gần, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chủ yếu, nhưng xung đột dân tộc, tôn giáo, tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, khủng bố... vẫn diễn ra ở nhiều nơi với tính chất rất phức tạp. Các thế lực thù địch vẫn đẩy mạnh việc thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” mà mũi nhọn là tư tưởng, văn hóa nhằm lật đổ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và chế độ dân chủ nhân dân ở Lào, phá hoại mối quan hệ đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào. Vì vậy, hai bên cần tăng cường hợp tác trong công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, thiết thực... kể cả việc phối hợp và trao đổi kinh nghiệm đấu tranh chống các tư tưởng sai trái, phản động trong cuộc đấu tranh chống âm mưu và hành động của các thế lực thù địch nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam và Lào; đồng thời đấu tranh với những luận điệu nhằm xuyên tạc quan hệ Việt Nam - Lào, bảo vệ sự trong sáng của mối quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam hiện nay.

Với mong muốn và quyết tâm của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam sẽ được đẩy mạnh trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ và ý chí tự lực, tự cường, phát huy thế mạnh và khả năng của mỗi nước trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi; đồng thời dành ưu tiên, ưu đãi cho nhau phù hợp với tính chất của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác, đưa quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam lên một tầm cao mới vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 26 Tháng Ba, 2022, 02:24:23 pm
KẾT LUẬN


Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng của Người về con đường cách mạng giải phóng dân tộc theo quỹ đạo của cách mạng vô sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, là thời điểm xuất hiện quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Cũng từ đây, cuộc đấu tranh của hai dân tộc chống chế độ thuộc địa, từng bước tiến triển trong quan hệ đoàn kết đặc biệt giành được nhiều thắng lợi quan trọng.

Các chặng đường thắng lợi của hai dân tộc diễn ra nối tiếp nhau như Cách mạng tháng Tám 1945, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược kết thúc bằng thắng lợi hoàn toàn năm 1975, tiếp đó là quá trình tìm tòi, thử nghiệm để đi tới quyết định đổi mới con đường xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vào cuối năm 1986. Đường lối đổi mới khơi dậy nguồn lực lao động sáng tạo, đẩy mạnh sản xuất phát triển, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý, mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập tổ chức ASEAN và nhiều tổ chức quốc tế khác, đưa tới sự tăng trưởng nhanh về năng suất lao động, của cải xã hội, ổn định chính trị trong sự biến động hiểm nghèo của chủ nghĩa xã hội với sự đổ vỡ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Sự kiểm nghiệm khách quan đó của lịch sử càng làm sáng tỏ giá trị cao quý của tư tưởng Hồ Chí Minh và năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sự thiết lập quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là một sáng tạo lý luận cách mạng giải phóng dân tộc

Hầu hết các nước châu Á, đến những năm đầu thập  niên 20 thế kỷ XX, sống trong tình trạng biệt lập, không tự biết sức mạnh vốn có của mình, càng không biết đoàn kết với các dân tộc khác để tạo ra sức mạnh chiến thắng chủ nghĩa thực dân phương Tây. Do vậy, sự thiết lập quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trở thành một giải pháp có ý nghĩa lịch sử của nhân dân châu Á trong sự nghiệp đấu tranh lật đổ chế độ thuộc địa. Điều đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho biết, sau nhiều năm ngẫm nghĩ, Người tìm thấy “nguyên nhân đầu tiên đã gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là SỰ BIỆT LẬP... do đó họ THIẾU SỰ TIN CẬY LẪN NHAU, SỰ PHỐI HỢP HÀNH ĐỘNG VÀ SỰ CỔ VŨ LẪN NHAU” .

Nguyễn Ái Quốc còn phân tích làm sáng tỏ thêm mối quan hệ giữa việc tìm kiếm con đường tự giải phóng và nhận thức về tầm quan trọng của đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Người viết: “Miền Cận Đông và miền Viễn Đông, từ Xyri tới Triều Tiên - chúng tôi chỉ nói đến những nước thuộc địa và nửa thuộc địa có một diện tích rộng hơn 15 triệu km2, với số dân hơn 1.200 triệu người, tất cả những nước rộng lớn ấy ngày nay đều đang ở dưới ách của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc. Và mặc dù số lượng của họ đáng lẽ phải làm cho họ có sức mạnh, các dân tộc bị áp bức đó vẫn chưa thực sự mưu đồ tự giải phóng khỏi ách đó, và vì họ chưa hiểu giá trị của sự đoàn kết quốc tế, nên họ chưa biết đoàn kết nhau lại để đấu tranh... Họ có sẵn một sức mạnh to lớn mà họ chưa biết!” .

Nét đặc sắc của quan hệ giúp nhau giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là sự thực hiện quan điểm, nguyên tắc và trách nhiệm do lãnh đạo hai Đảng, hai nước nhất trí.

Trong quá trình xây dựng và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam cả hai Đảng và hai dân tộc đều nhất trí thực hiện lời chỉ dẫn của lãnh tụ Hồ Chí Minh “giúp bạn là mình tự giúp mình”, và thực hiện các nguyên tắc như trên đã viết. Nhân dân hai nước cùng sát cánh bên nhau chiến đấu, công tác và do vậy, thắng lợi của mình, có phần đóng góp của bạn. Tại cuộc hội đàm giữa Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam và Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân cách mạng Lào, tháng 12 năm 1973. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản thể hiện rõ tinh thần ấy: “Đặc biệt trong quá trình giúp đỡ, ta đã xây dựng tình đoàn kết hiếm có trong lịch sử”. Sự đoàn kết vì tình, vì nghĩa, vì dân tộc, vì quốc tế cho nên đoàn kết trở thành truyền thống, thành mẫu mực.

Trong tình hình quốc tế, trong tình hình quan hệ của đảng, các nước đều có vấn đề phức tạp, mà giữa hai Đảng chúng ta đến nay đều thuỷ chung gắn bó là một điều vô cùng quý báu.

Nhân dịp kết thúc một giai đoạn cách mạng, thay mặt Đảng Nhân dân cách mạng Lào, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thay mặt toàn thể nhân dân Lào, chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng Lao động Việt Nam, với Ban Chấp hành Trung ương Đảng và với tất cả cán bộ, chuyên gia, bộ đội, công nhân đã và đang công tác ở Lào, có những người đã lăn lộn 10, 20 năm xa quê hương, xa gia đình, tận tuỵ hy sinh vì cách mạng Lào. Lịch sử hai Đảng, hai nước sẽ ghi mãi mãi công ơn to lớn này. Đây không những là một tấm gương lớn cho hai Đảng, hai nước chúng ta, mà còn là một gương, một kinh nghiệm quý báu cho mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng. Nó Mác - Lênin lắm, nó rất chân chính, nó rất đúng nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế vô sản. Tôi nghĩ không có lời văn, không có báo chí nào có thể nói hết.
Có thể nói đây là những điểm rất cơ bản. Chỉ có hai Đảng, hai dân tộc cùng một cảnh ngộ chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ, cùng một vận mệnh gắn bó với nhau mới hiểu hết tình nghĩa này” .

Về phía Việt Nam, Trung ương Đảng nhiều lần tự xác định trách nhiệm của mình đối với cách mạng Lào và điều đó cũng là trách nhiệm đối với quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị Bộ Chính trị ngày 21, 22 tháng 4 năm 1967 viết: “Vị trí cách mạng Lào rất quan trọng và gắn liền với Việt Nam, quan hệ giữa ta và Lào là quan hệ đặc biệt. Quan hệ giữa ta và Lào khác với quan hệ giữa ta với các nước khác. Đối với Lào không phải là giúp mà thôi, mà ta phải xem mình có nhiệm vụ tham gia làm cách mạng ở Lào” .

Bộ Chính trị chủ trương quán triệt trong toàn thể cán bộ, chiến sĩ sang giúp Lào và các ngành, các địa phương có quan hệ về ý nghĩa, nhiệm vụ giúp cách mạng Lào, tham gia cách mạng Lào.

Trong quá trình giúp đỡ nhau, mỗi bên đều dốc hết sức của mình, giúp toàn diện, nhưng không dàn đều, mà chú trọng tập trung vào những vấn đề cơ bản nhất. Theo ý kiến của Bác Hồ, trong những năm đầu thập niên 60 thế kỷ XX, Việt Nam cần chú trọng tập trung giúp Đảng Lào xây dựng đường lối, cương lĩnh, đào tạo cán bộ. Người chỉ đạo thành lập một tổ cán bộ Việt Nam cùng bạn nghiên cứu, đi khảo sát thực tế ở nhiều tỉnh, kể cả ở vùng địch hậu Viêng Chăn. Kết quả nghiên cứu đã giúp Trung ương Đảng Nhân dân Lào ra Nghị quyết xây dựng vùng giải phóng như quy mô quốc gia được ghi trong kế hoạch ba năm từ 1968 đến 1970; năm 1972, Đại hội II Đảng Nhân dân cách mạng Lào công bố Cương lĩnh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng Nhân dân Lào và nhân dân Lào giúp Nam mở tuyến đường vận tải chiến lược, cung cấp sức người, sức của cho chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia.

Đây không chỉ là con đường vận chuyển vũ khí, quân trang, quân dụng, lương thực, xăng dầu và bộ đội, cán bộ từ hậu phương miền Bắc vào miền Nam đến Lào, Campuchia mà còn là chiến trường đọ sức ác liệt, nơi thử thách ý chí và bản lĩnh cách mạng của lực lượng vũ trang và nhân dân hai nước vì độc lập, tự do, chống các mưu đồ, kế hoạch nham hiểm, tàn bạo và các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất của đế quốc Mỹ.

Trong chiến tranh chống Mỹ, nhiều chiến dịch lớn do quân đội, nhân dân Việt Nam và quân đội Lào tiến hành như chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của Mỹ - nguỵ hòng ngăn chặn đường tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam, triệt phá hoàn toàn hệ thống hậu cần của ta tại Nam Lào. Chúng đã bị thất bại thảm hại trước sức phối hợp chiến đấu của bộ đội Việt Nam và quân, dân Lào. Tiếp đó, quân đội Việt Nam, Lào còn mở nhiều chiến dịch tiêu hao tiêu diệt địch, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng của cách mạng Lào, giữ vững mạch máu giao thông trên đường Hồ Chí Minh, khẩn trương chuẩn bị lực lượng đón thời cơ giải phóng miền Nam Việt Nam.

Từ thực tế của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta càng thấu hiểu, Đảng Nhân dân cách mạng Lào và nhân dân Lào đã chấp nhận những hy sinh to lớn khi giúp Việt Nam mở đường tây Trường Sơn, tận dụng lợi thế thiên nhiên và vị thế địa - quân sự của dãy Trường Sơn. Và chỉ có quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào mới đáp ứng được yêu cầu đó của bạn bè, đồng chí.

Hai bên thường xuyên quan tâm học hỏi lẫn nhau, cổ vũ những sáng tạo và thành công của bạn. Tại cuộc hội đàm giữa Đoàn đại biểu Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Đoàn đại biểu Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, tháng 12 năm 1973, đồng chí Lê Duẩn nói: “Đảng chúng tôi đánh giá rất cao thắng lợi mà Đảng và nhân dân Lào vừa giành được. Thắng lợi của các đồng chí đưa đất nước Lào phát triển một bước nhảy vọt chưa từng có trong lịch sử đất nước Lào, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cách mạng ở Đông Dương và ảnh hưởng tốt đến phong trào của nhân dân các nước trên thế giới. Đảng Lào và nhân dân Lào đã làm được một việc vĩ đại trong hoàn cảnh hết sức khó khăn phức tạp” .

Những kỳ tích của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là sự thể hiện thành công đạt tới trình độ mẫu mực, đúng đắn, hài hoà mối quan hệ dân tộc và quốc tế; tạo thuận lợi cho hai bên tự chủ phát triển nội lực của mình và chung sức nhân lên sức mạnh của khối liên minh, hợp tác của hai dân tộc. Đó chính là di sản văn hoá phi vật thể của hai dân tộc Việt Nam, Lào như Chủ tịch Xuphanuvông đánh giá trong diễn văn đọc tại cuộc míttinh trọng thể chào mừng Đoàn đại biểu nhân dân Lào tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội ngày 25 tháng 5 năm 1971: “Tình hữu nghị anh em giữa nhân dân Lào và Việt Nam thật là vĩ đại mà bất cứ bài ca, bản nhạc nào, bất cứ bài thơ nào hay nhất cũng không sao diễn tả trọn vẹn được. Tình hữu nghị đó cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát thơm hơn bất cứ đoá hoa nào thơm nhất. Tình hữu nghị cao đẹp đó đã được vun trồng, xây đắp lên với tất cả tấm lòng thành thật của chúng ta. Do đó, không thể có hung thần nào, không thể có kẻ thù nào phá vỡ nổi” .

Trong tình hình đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế, cần ra sức bảo vệ, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là sự tổng hợp phẩm chất cách mạng trong sáng, trách nhiệm cao cả và tình cảm sắt son, nồng thắm mà hai dân tộc Việt Nam, Lào dành cho nhau, gắn bó bền chặt với nhau, chiến đấu, hy sinh, lao động sáng tạo vì độc lập, tự do, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quan hệ đó trải qua nhiều chặng đường gian nan, ác liệt do chủ nghĩa đế quốc xâm lược gây ra. Trong chín năm (1945 - 1954), đế quốc Pháp sử dụng các kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh”, “dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương”, chia cắt, bao vây chiến trường Việt Nam, Lào trong nhiều năm (1945 - 1949)... nhưng chúng đều bị nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia đoàn kết chiến đấu và đánh bại.
Đế quốc Mỹ không rút kinh nghiệm thất bại của thực dân Pháp, liều lĩnh lao vào cuộc chiến xâm lược Đông Dương kéo dài hơn 20 năm với cường độ gia tăng gấp bội. Chúng sử dụng nhiều chiến lược chiến tranh và chủ nghĩa thực dân mới; đánh phá dữ dội lãnh thổ Việt Nam và Lào, nhất là đường Hồ Chí Minh, hòng bóp nghẹt con đường chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia. Song chúng càng bị thất bại thảm hại.

Sau chiến thắng chống ngoại xâm, quan hệ Việt Nam - Lào vẫn phải đối đầu với nhiều thách thức mới do nhiều kẻ thù gây ra và do hậu quả chiến tranh. Đồng thời, lúc bấy giờ, tại Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đã phạm phải “những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện.

Khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm ấy, đặc biệt là những sai lầm về chính sách kinh tế, là bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan, là khuynh hướng buông lỏng trong quản lý kinh tế, xã hội, không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và nguyên tắc của Đảng. Đó là tư tưởng tiểu tư sản, vừa “tả” khuynh vừa hữu khuynh” .

Về phía Lào, Đảng và Nhà nước cũng mắc phải những nhược điểm mà Đại hội IV Đảng Nhân dân cách mạng Lào chỉ rõ: đó là tư tưởng chủ quan, nóng vội trong việc cải tạo xã hội chủ nghĩa như muốn xoá bỏ ngay các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa; vội vàng chuyển các nhà máy, xí nghiệp không cần thiết sang sở hữu nhà nước; nóng vội đưa nông dân vào làm ăn tập thể mà không xem xét các điều kiện, nguyên tắc và năng lực tổ chức, quản lý, đi đôi với việc chậm giải quyết cơ chế quản lý tập trung quan liêu, hành chính bao cấp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh .

Trước những sai lầm, nhược điểm trong công cuộc xây dựng đất nước, hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam, Lào đã hợp tác trao đổi kết quả nghiên cứu lý luận, thực tiễn để xác định chủ trương, chính sách khắc phục khó khăn, mở đường đổi mới, đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trên các chặng đường cách mạng đầy gian khổ, phức tạp và thắng lợi vẻ vang của hai dân tộc Việt Nam, Lào đều hiện rõ vai trò quan trọng, giá trị cách mạng, nhân văn và hiệu quả to lớn của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Nhìn về tương lai, chúng ta càng thấy rõ sự cần thiết phải ra sức bảo vệ, phát triển quan hệ đặc biệt đó - tài sản quý giá nhất của hai dân tộc Việt Nam, Lào. Trước hết cần học tập, thấm nhuần những quan điểm, nguyên tắc và phương pháp xây dựng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và vận dụng trong mọi hoạt động liên quan với mối quan hệ đó. Đồng thời, cần cảnh giác và đấu tranh không khoan nhượng chống các quan điểm, thủ đoạn hạ thấp hoặc phá hoại quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Lời phát biểu sau đây của đồng chí Cayxỏn Phômvihản chính là lời chỉ dẫn cho phương hướng suy nghĩ và hành động của chúng ta: “chúng ta phải nhận thức rằng mối quan hệ giữa Lào và Việt Nam tuy là quý hơn ngọc quý nhất, song cũng phải thường xuyên chăm lo vun đắp cho trong sáng hơn nữa.

Để tăng cường củng cố mối quan hệ đoàn kết Lào - Việt trong hoàn cảnh mới, cán bộ đảng viên cần nhận thức, quán triệt quan điểm, thái độ cũng như phương pháp nhận xét và giải quyết đúng đắn những vấn đề thực tế thường xảy ra” .



Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 26 Tháng Ba, 2022, 02:45:23 pm
TÀI LIỆU THAM KHẢO



1. Tài liệu tiếng Việt

1.      Ai Minh: “Công việc vận động cách mạng Ai-Lao”, Tạp chí Quân sự tập san (2), 1948, tr. 8-9.

2.      Bài nói của đồng chí Viêng Xay trước Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 13 tháng 4 năm 1974. Thư viện Viện lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4829.

3.      Bài phát biểu của đồng chí Xỉxávạt Kẹo Bunphăn nói về chuyên gia. Thư viện Viện lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4300.

4.      Bài phát biểu của anh Văn với cán bộ chuyên gia ở Lào. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4550.

5.      Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 - 1975 - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

6.      Ban Chỉ đạo nghiên cứu lý luận và thực tiễn Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Lịch sử Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.

7.      Ban Công tác miền Tây (CP38): Biên niên những sự kiện lịch sử Lào (lưu tại Viện Lịch sử Đảng).

8.      Ban Công tác miền Tây: Biên niên sử Lào 1921 - 1954, Tài liệu lưu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (bản đánh máy 78 trang), số ký hiệu: TL-809.

9.      Ban Liên lạc quân tình nguyện Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia: Quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia (1948 - 1954), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998.

10.      Ban Nghiên cứu lịch sử quân sự: Chủ trương công tác cho Ban xung phong Lào Bắc năm 1948, Hà Nội, 1997, Tài liệu lưu tại Thư viện Quân đội (bản đánh máy 4 trang), số ký hiệu: 355(V09)/4.T.3305.

11.      Ban Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.

12.      Ban Tổng kết Lào - Học viện Quân sự cao cấp: Kế hoạch tổng kết hoạt động và tác chiến của các lực lượng vũ trang tình nguyện Việt Nam thực hiện sự liên minh chiến đấu Việt - Lào trong chiến tranh giải phóng trên chiến trường Lào từ 1945 đến 1975, 1979, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (bản đánh máy 6 trang), số ký hiệu: TK-629.

13.      Ban Tuyên giáo Trung ương - Tỉnh ủy Thanh Hóa: Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào tại các tỉnh biên giới và một số địa phương, Hà Nội, 2009.

14.      Ban Tuyên giáo Trung ương: Hội thảo quốc tế Việt Nam - Lào về Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới, phát triển đất nước: Kinh nghiệm của Việt Nam, kinh nghiệm của Lào (kỷ yếu), Hà Nội, tháng 8 năm 2007.

15.      Bản thoả thuận chiến lược hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào giai đoạn từ nay đến năm 2000, Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 1995.

16.      Bản thoả thuận chiến lược hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào giai đoạn từ năm 2001 đến 2010, Hà Nội, ngày 6 tháng 2 năm 2001.

17.      Bảo tàng Hồ Chí Minh: Tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, truyền thống và triển vọng (Kỷ yếu Hội thảo khoa học), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.

18.      Báo cáo tổng hợp của thời kỳ 1946 - 1954, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đấu tranh giành, giữ độc lập dân tộc của nhân dân Lào, Tài liệu lưu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (bản đánh máy 96 trang), số ký hiệu: TL-1017.

19.      Báo cáo tổng kết thời kỳ 1930 - 1946 ở Lào, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (bản đánh máy 67 trang), số ký hiệu: TK-616.

20.      Báo cáo tổng kết phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Lào từ 1945 đến nay, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (bản đánh máy), số ký hiệu: TK-620.

21.      Báo cáo tổng kết 10 năm làm công tác chuyên gia giúp cách mạng Lào. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-636.

22.      Báo cáo tổng kết của lực lượng trung lập ở Lào 1963 - 1971. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4269.

23.      Báo cáo thực hiện kế hoạch hợp tác văn hóa với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào năm 1984, Hồ sơ số 520, Vụ châu Á 2, Phông Lưu trữ Bộ Ngoại giao.

24.      Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2002 - 2003 của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Đoàn chuyên gia cao cấp Chính phủ Lào - Đoàn chuyên gia cao cấp Chính phủ Việt Nam (2004), Viêng Chăn, ngày 21 tháng 2 năm 2004.

25.      Báo cáo tình hình thực hiện một số nội dung hợp tác với Lào năm 2004, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thường trực Phân ban hợp tác Việt Nam - Lào, Hà Nội, ngày 5 tháng 10 năm 2004.

26.      Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư của Việt Nam sang Lào, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ Quản lý dự án đầu tư nước ngoài, Hà Nội, 2002.

27.      Báo cáo tổng kết ba năm hoạt động từ 1992 - 1995 và phương hướng hợp tác từ 1996 - 2000 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào về chương trình phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 12 năm 1995.

28.      “Báo cáo tổng kết 10 năm hợp tác giáo dục và đào tạo với Việt Nam của Bộ Giáo dục Lào” trong Kỷ yếu Hội nghị tổng kết 10 năm hợp tác giáo dục và đào tạo Việt Nam - Lào tại Cửa Lò, Nghệ An, Hà Nội, tháng 8 năm 2002, tr. 69.

29.      Báo cáo tổng kết quan hệ hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Lào thời kỳ 1996 - 2000 và năm 1996, tài liệu lưu tại Vụ châu Á 2, Bộ Ngoại giao.

30.      Báo cáo về hợp tác Lào và Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp năm 1999 - 2000 và giai đoạn 2001 - 2005, Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.

31.      Báo Cứu quốc (cơ quan của Tổng bộ Việt Minh - Việt Nam) số 68 (16 tháng 10 năm 1945), số 131 (ngày 2 tháng 1 năm 1946).

32.      Biên bản hội đàm giữa hai Đảng Việt Nam - Lào (8.61). Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4286- 4291.

33.      Biên bản hội đàm giữa hai Đảng Việt Nam - Lào (1.73). Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4556-4557.

34.      Biên bản hội đàm giữa hai Đảng (12.73). Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4565-4567.

35.      Biên bản trao đổi ý kiến giữa Trung ương Đảng Lào - Việt Nam (5.67). Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-  4568-4571.

36.      Biên bản kỳ họp lần thứ 18 Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Viêng Chăn, ngày 14 tháng 1 năm 1996.

37.      Biên bản làm việc một số nội dung về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Lào năm 2004, Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2004.

38.      Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Lào (1945 - 1954), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002.

39.      Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, t. 1, 2.

40.      Bộ Tổng Tham mưu - Ban Tổng kết biên soạn lịch sử: Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), Ban Tổng kết Bộ Tổng tham mưu xuất bản, 1991.

41.      Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, 2003, t. 3, 6.

42.      Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào 1945 - 1975 (Đoàn 100, Đoàn 959), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998.

43.      Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào (sách ảnh bằng ba thứ tiếng Việt Nam, Lào, Anh), Hà Nội, 2007.

44.      Bộ Giáo dục và Đào tạo: Kỷ yếu Hội nghị tổng kết 10 năm hợp tác giáo dục và đào tạo Việt Nam - Lào, Cửa Lò, Nghệ An, tháng 8 năm 2002.

45.      Bua Khăm Thípphavong: Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong việc phát triển kinh tế ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Luận án Tiến sĩ kinh tế học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2001.

46.      Bùi Văn Vân: “Vài nét về thành tích tự túc của Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (1945 - 1954)”, Tạp chí Lịch sử quân sự (4), 1987, tr. 29-32.

47.      Chỉ thị của Ban Bí thư số 21-CT/TW ngày 18 tháng 10 năm 1977 về việc tăng cường quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương, Phông lưu trữ Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Phông số 82, Đơn vị bảo quản 2375.

48.      Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam số 09-CT/TW ngày 3 tháng 7 năm 1987 về việc quan hệ Đảng ta với Đảng Lào và Đảng Campuchia, Tài liệu lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

49.      Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào số 24/BBT, ngày 20 tháng 5 năm 1987 về việc triển khai kết quả của cuộc hội đàm giữa Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào với Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Tài liệu lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

50.      Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào: Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đến năm 2000 (Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam).

51.      Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào: Hiệp định hàng năm về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, từ 1996 đến 2007 (Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam).

52.      Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào: Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, thời kỳ 2006 - 2010 (Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam).

53.      Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào: Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào giai đoạn 2001 - 2010 (Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam).

54.      Chu Huy Mân: “Liên minh ba nước không ngừng lớn mạnh”, Tạp chí Cộng sản (8 ), 1985, tr. 12-18.

55.      Chu Huy Mân: Trên chiến trường Lào, giúp bạn là tự giúp mình (Hồi ký).

56.      Chủ tịch Hồ Chí Minh và vấn đề đoàn kết hợp tác ba nước Đông Dương (Trích các bài nói và viết 1920 - 1969), Tài liệu lưu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, số ký hiệu: TL-9.

57.      Chương Sổm Bun Khăn: “Thành tựu của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trong đổi mới” trong Hội thảo khoa học quốc tế về mối quan hệ Việt Nam - Lào, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, tr. 586-592.

58.      Con đường tình nghĩa - từ công trường Lào Cai 114 đến Công ty đường 126, Nxb. Giao thông vận tải, Hà Nội, 2001.

59.      Công tác hậu cần, vận tải sáu tháng năm 1967 ở Xiêng Khoảng. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-618.

60.      Cơ chế chung về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Viêng Chăn, ngày 7 tháng 4 năm 1994.

61.      Cờ giải phóng, số 11 (ngày 25 tháng 3 năm 1945), số 27 (ngày 21 tháng 10 năm 1945).

62.      Cục Chính trị - Quân khu Tây Bắc: Tổng kết công tác giúp bạn ở bốn tỉnh Bắc Lào của Quân khu Tây Bắc, 1996, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (bản đánh máy), số ký hiệu: TK-677.

63.      Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Lào, Tài liệu lưu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (bản đánh máy), TL-281.

64.      “Diễn văn chào mừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi đón tiếp Quốc vương Lào đến thăm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 10 tháng 3 năm 1963”. Báo Nhân dân, ngày 11 tháng 3 năm 1963, tr.1.

65.      Diễn văn của Hoàng thân Chủ tịch Xuphanuvông tại buổi mít tinh trọng thể chào mừng Đoàn đại biểu nhân dân Lào tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội, tối 25 tháng 5 năm 1971”. Báo Nhân dân, ngày 2 tháng 6 năm 1971, tr.4.

66.      Dương Phú Hiệp: “Việc lựa chọn con đường phát triển trong tiến trình đổi mới ở nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào”, trong Tìm hiểu lịch sử văn hóa Lào, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, t.3, tr.341-353.

67.      Đại hội IV Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987.

68.      Đại hội V Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991.

69.      Đảng Nhân dân cách mạng Lào (1972), Cương lĩnh của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb. Neo Lào Hắc Xạt. (Bản dịch của Nguyễn Văn Vinh).

70.      Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Văn kiện Đại hội lần thứ VI Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb. Chính trị quốc gia và Nhà xuất bản và phát hành sách Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Hà Nội, 1996.

71.      Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội VII Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Bản tiếng Việt lưu tại Viện Đông Nam Á, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

72.      Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội VIII Đảng Nhân dân cách mạng Lào (Tài liệu nội bộ).

73.      Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Thỏa thuận hàng năm giữa Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào từ 1996 - 2002. Lưu tại Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

74.      Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987.

75.      Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991.

76.      Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.

77.      Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

78.      Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

79.      Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, từ tập 1 đến tập 54.

80.      Đặng Thanh Toán - Nguyễn Thị Phương Nam: “Bước đầu tìm hiểu quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào trong thời kỳ đổi mới”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2 (41)/ 2000, tr.43-51.

81.      Đề cương báo cáo về tình hình Lào, đường lối, chủ trương của Đảng bạn và sự phân công tổ chức giúp bạn của Đảng ta. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4388.

82.      Đề cương tổng kết sự thực hiện nghĩa vụ quốc tế của Đảng ta về mặt quân sự đối với chiến tranh cách mạng Lào 45 - 75. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4405.

83.      Đinh Xuân Lâm: “Đường biên giới Việt - Lào ngày nay - sản phẩm của truyền thống hữu nghị giữa hai dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 6 (51)/ 2001, tr.70-76.

84.      Đinh Ngọc Bảo - Viêngvichít Xútthiđệt: “Những thành tựu trong công tác đào tạo sinh viên và nghiên cứu sinh Lào ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội 25 năm qua”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4 (55)/ 2002, tr.30-37.

85.      Đỗ Đình Hãng: Quan hệ Việt Nam - Lào - Campuchia trong kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954, Luận án Phó tiến sĩ khoa học lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1993.

86.      Đồng chí Cayxỏn Phômvihản trả lời phỏng vấn của báo Nhân dân: “Lúc này hơn lúc nào khác càng phải tăng cường mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Lào - Việt”, do nhà báo Hữu Thọ thực hiện ngày 4 tháng 7 năm 1989, tại Viêng Chăn, Báo Nhân dân, ngày 5 tháng 7 năm 1989, tr.3.

87.      Hà Minh Tân: “Cơ sở khách quan bền vững của mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào”, Tạp chí Cộng sản, số 18, tháng 12 năm 1995, tr.56-57.

88.      Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ký ngày 18 tháng 7 năm 1977, Hồ sơ số 514/3, Vụ Á châu 2, Bộ Ngoại giao.

89.      Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Viêng Chăn, ngày 14 tháng 1 năm 1996.

90.      Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Viêng Chăn, ngày 9 tháng 3 năm 1998.

91.      Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Hà Nội, ngày 24 tháng 5 năm 1996.

92.      Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào thời kỳ 1992 - 1995, Viêng Chăn, ngày 15 tháng 2 năm 1992.

93.      Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào năm 1993, Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 1993.

94.      Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào năm 1994, Viêng Chăn, ngày 7 tháng 4 năm 1994.

95.      Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào năm 1995, Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 1995.

96.      Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào năm 1996, Viêng Chăn, ngày 14 tháng 1 năm 1996.

97.      Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào năm 1997, Hà Nội, ngày 11 tháng 1 năm 1997.

98.      Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào năm 1998, Viêng Chăn, ngày 9 tháng 3 năm 1998.

99.      Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào năm 1999, Hà Nội, tháng 1 năm 1999.

100.      Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào năm 2002, Viêng Chăn, ngày 15 tháng 1 năm 2002.

101.      Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2003, Hà Nội, ngày 9 tháng 1 năm 2003.

102.      Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng - điện giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Hà Nội, tháng 7 năm 1998.

103.      Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Viêng Chăn, ngày 18 tháng 7 năm 1977.

104.      Hoàng Văn Thái: Liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1983.

105.      Hoàng Thị Minh Hoa - Nguyễn Văn Cường: “Khái quát về quan hệ kinh tế, thương mại với Lào và Campuchia giai đoạn 1991 - 2005”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2 (107)/2009, tr.21-28.

106.      Hoạt động cách mạng của Chủ tịch Khăm Tày Xiphănđon (Tóm tắt), Viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, 1999.

107.      Học viện Quan hệ quốc tế: Hội thảo khoa học “40 năm quan hệ đặc biệt Việt - Lào Thành tựu và triển vọng”, Hà Nội, 2002, 112 trang.

108.      Houmphanh Rattanavong: “Na Kay - Quy Hợp một con đường lịch sử của mối quan hệ Lào - Việt Nam” trong Viện Nghiên cứu văn hóa Lào - Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Quan hệ lịch sử Việt - Lào qua tư liệu Quy Hợp (TK. XVII-XIX), The Toyota Foudation tài trợ, Vientiane, 2000.

109.      Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 12 tập, xuất bản lần thứ hai, 2009.

110.      Hồ Chí Minh: Thiếp gửi Ban xung phong Lào Bắc, Tài liệu lưu tại Thư viện Quân đội, Hà Nội.

111.      Hồi ức của đồng chí Vũ Hữu Bỉnh, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

112.      Hồi ký của đồng chí Nguyễn Tam Khôi kể về hoạt động tại Trung Lào từ 1945 - 1954, Tài liệu lưu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (bản đánh máy 15 trang), số ký hiệu: TL324.

113.      Hồi ký Nguyễn Đình Hin về hoạt động ở Lào, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

114.      Hội đàm giữa Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân Lào, tháng 4 năm 1963, Tài liệu lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

115.      Hội đàm giữa đồng chí Văn Tiến Dũng và đồng chí Xỉxávạt 14.5.74. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4831.

116.      Huỳnh Đắc Hương: Chung một chiến hào, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1972.

117.      Cayxỏn Phômvihản: Mãi mãi đứng bên cạnh nhân dân Việt Nam anh hùng, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1982.

118.      Cayxỏn Phômvihản: “Sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vĩ đại”, Báo Nhân dân, ngày 15 tháng 5 năm 1990, tr.1, 4.

119.      Cayxỏn Phômvihản: “Diễn văn chào mừng Đại hội IV Đảng Cộng sản Việt Nam của Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản” đọc ngày 15 tháng 12 năm 1976, tại Hà Nội. Báo Nhân dân, ngày 16 tháng 12 năm 1976, tr. 8.

120.      Cayxỏn Phômvihản: 25 năm chiến đấu và thắng lợi của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980.

121.      Cayxỏn Phômvihản - Người con của nhân dân, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993.

122.      Cayxỏn Phômvihản: 30 năm Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985.

123.      Cayxỏn Phômvihản: Xây dựng một nước Lào hoà bình, độc lập vì chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1978.

124.      Cayxỏn Phômvihản: Một vài kinh nghiệm chính trị và một số vấn đề về phương hướng mới của cách mạng Lào, Nxb. Sự thật, 1979.

125.      Cayxỏn Phômvihản: Cương lĩnh chính trị của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb. Neo Lào Hắc Xạt, Viêng Chăn (tiếng Lào).

126.      Cayxỏn Phômvihản: Mười năm xây dựng đảng và hai mươi năm đấu tranh cách mạng, Nxb. Neo Lào Hắc Xạt, Viêng Chăn, 1965 (tiếng Lào).

127.      Cayxỏn Phômvihản: Bước ngoặt lịch sử, Nxb. Neo Lào Hắc Xạt, Viêng Chăn, 1972 (tiếng Lào).

128.      Cayxỏn Phômvihản: Một vài kinh nghiệm chính và một số vấn đề về kinh nghiệm mới của cách mạng Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1979.

129.      Cayxỏn Phômvihản: Một số vấn đề quản lý kinh tế hiện nay ở Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1990.

130.      Cayxỏn Phômvihản: Về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986.



Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 26 Tháng Ba, 2022, 03:04:26 pm
131.      Kế hoạch hợp tác năm 1996 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Bộ Giáo dục nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 1995.

132.      Kết luận của Chủ tịch đoàn tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Nặm Bạc. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4368.

133.      Khay Kham Van Na Vong Sy: Mở rộng quan hệ kinh tế giữa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với các nước láng giềng trong giai đoạn hiện nay, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2002.

134.      Khăm Pheng Thip Muntaly: “Các tộc người Lào hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3 (60), 2003, tr.45-51.

135.      Khóa họp I Ủy ban hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa Việt Nam - Lào, Hồ sơ Q9-6. Phông Lưu trữ Bộ Ngoại giao.

136.      Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Thực tiễn tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, truyền thống và triển vọng, Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2002.

137.      Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Các sự kiện lịch sử Trung Lào trong quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lao Bảo, ngày 8 và 9 tháng 9 năm 2009.
138.      Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Căn cứ địa Sầm Nưa - biểu tượng đoàn kết đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2008.

139.      Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Đoàn kết liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào đánh bại chiến dịch Cù Kiệt của đế quốc Mỹ tại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Xiêng Khoảng, ngày 13 và 14 tháng 9 năm 2010.

140.      Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới, phát triển đất nước: Kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Lào, Hà Nội, tháng 8 năm 2007, 344 trang.

141.      Leebouapao Leeber: “Phát triển kinh tế Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào: thách thức và triển vọng” trong Hội thảo hợp tác kinh tế các nước Đông Dương trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực, Hà Nội, ngày 11 và 12 tháng 7 năm 2001.

142.      Lê Quý Đôn Toàn tập, Bản dịch, Nxb. Khoa học, Hà Nội, 1978.

143.      Lê Mạnh Trinh: Cuộc sống chung và riêng của cuộc đời tôi 50 năm đầu thế kỷ XX. Lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

144.      Lê Ngôn, tức Tài: Hồi ký về phong trào cách mạng ở Lào. Lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

145.      Lê Trọng Khánh: “Nhân dân chiến tranh ở Hạ Lào và Đông Miên”, Tạp chí Quân chính tập san (30), 1952, tr. 55-64.

146.      Lê Duẩn: Về chiến tranh nhân dân Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993.

147.      Lê Đình Chỉnh: Quan hệ đặc biệt hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trong giai đoạn 1954 - 2000, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.

148.      V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t. 39.

149.      V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t. 41.

150.      Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu IV (1945 - 1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.

151.      Lịch sử Quân đội nhân dân Lào 1945 - 1995, Cục Nghiên cứu lịch sử Bộ Quốc phòng Lào ấn hành, 1998.

152.      Lịch sử Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.

153.      Liên minh đoàn kết chiến đấu đời đời bền vững, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984.

154.      Lực lượng vũ trang ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1955 đến 1975, Bản số 1, tập thống kê số liệu về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Quốc phòng Quân đội nhân dân Việt Nam, tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

155.      Lược ghi bài nói chuyện của đồng chí Kỷ, Vụ Nghiên cứu cơ bản/CP về phương hướng phát triển kinh tế ở Lào (72). Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4549.

156.      Lược ghi ý kiến trao đổi giữa đồng chí Cayxỏn và một số đồng chí lãnh đạo Việt Nam tại Sài Gòn (7.75). Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4562-4564.

157.      Lương Ninh - Nguyễn Lệ Thi: “Mối quan hệ Việt Nam - Lào những năm đầu thế kỷ XIX”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4 (73)/2005, tr.39-45.

158.      Lưu Văn Lợi: Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam 1945 -1995, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1996, t.1.

159.      Mahả Xila Viravông: Lịch sử Lào từ thượng cổ đến giữa thế kỷ XIX, Nxb. Bộ Giáo dục, Viêng Chăn, 1957 (Bản dịch lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Đông Nam Á).

160.      Một số vấn đề về tổ chức chỉ huy và xây dựng lực lượng quân tình nguyện Việt Nam hoạt động trên đất bạn. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4400-4401.

161.      Một số nội dung chủ yếu của khung định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2006 - 2010 của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (2005), Đoàn chuyên gia cao cấp Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đoàn chuyên gia cao cấp Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Viêng Chăn, ngày 20 tháng 1 năm 2005.

162.      Nghị quyết Trung ương Đảng Nhân dân Lào từ Nghị quyết 1 đến Nghị quyết 17 (Phần chủ trương, phương châm, nhiệm vụ 1959 - 1968). Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4280.

163.      Nghị quyết Trung ương Đảng Nhân dân Lào 3.8.68 và một số chỉ thị, nghị quyết khác. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4299.

164.      Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Viêng Chăn, ngày 1 tháng 5 năm 1996.

165.      Nghiêm Thị Hải Yến: Quá trình xâm lược và chính sách cai trị của Pháp ở Lào (1885 - 1945) - Đặc điểm và hệ quả, Luận án Tiến sĩ lịch sử chuyên ngành Lịch sử thế giới cận và hiện đại, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội, 2009.

166.      Ngô Đăng Tri: “Mối quan hệ giữa Thanh - Nghệ - Tĩnh với Lào trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á (2), 1994, tr.87-94.

167.      Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, Bản dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972.

168.      Nguyễn Chính Giao: Nhớ lại quãng đời 50 năm hoạt động cách mạng (1929 - 1979), Hà Nội, 2001, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng.
169.      Nguyễn Hào Hùng: “Tình đoàn kết truyền thống Việt Nam - Lào trong lịch sử”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 9 (102)/2008, tr.24-34.

170.      Nguyễn Tài kể, Thế Tập ghi: “Nhớ lại ngày đưa Bác Hồ từ Thái Lan sang gây dựng cơ sở cách mạng ở Lào”, Tạp chí Cộng sản, số 372, tháng 12 năm 1986.

171.      Nguyễn Văn Khoan (sưu tầm và biên soạn): Việt - Lào hai nước chúng ta, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.

172.      Nguyễn Văn Vinh: Những sự kiện lịch sử ở Lào 1353 - 1975, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2008.

173.      Nguyễn Hùng Phi - Bua Xỉ Chalơnxúc: Lịch sử Lào hiện đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.I, II.

174.      Nguyễn Thị Thu Hà: Hồ Chí Minh và Xuphanuvông - Cuộc gặp lịch sử tháng 9 năm 1945, Tài liệu lưu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, số ký hiệu: TL-1203(22).

175.      Nguyễn Bá Linh, Phạm Sang, Bua Khăm: Hồ Chí Minh với nhân dân Lào. Nhân dân Lào với Hồ Chí Minh, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2004.

176.      Nguyễn Văn Nhật: “Mấy nét về tình đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù của nhân dân ba nước Đông Dương từ 1945 đến nay”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 1, 1981, tr.45-56.

177.      Nguyễn Tiến Ngọc: “Tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu và hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào là tất yếu khách quan, là nhân tố đảm bảo thắng lợi của cách mạng hai nước”, Hội thảo khoa học quốc tế về quan hệ Việt Nam - Lào, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007.

178.      Nguyễn Đình Bá: “Hợp tác đầu tư Việt Nam và Lào, thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4 (55)/2002, tr.44-47.

179.      Ngoại giao Việt Nam 1945 - 2000, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005 (tái bản có chỉnh lý và bổ sung).

180.      Nguyễn Hoàng Giáp: “Tổng quan 10 năm hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Lào (1991 - 2001)”, Tạp chí Những vấn đề kinh tế thế giới, số 1/2002, tr.42-47.

181.      Nguyễn Ngọc Lan: “Hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giao thông vận tải”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2 (59)/2003, tr.63-66.

182.      Nguyễn Xuân Thắng: “Hợp tác Việt - Lào trong bối cảnh quốc tế mới”, trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế về mối quan hệ Việt Nam - Lào, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr.593-610.

183.      Nguyễn Sỹ Tuấn: “Hợp tác giáo dục và khoa học Việt Nam - Lào vì mục tiêu phát triển nguồn nhân lực”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3 (66)/2004, tr.11-18.

184.      Nguyễn Trãi Toàn tập, Bản dịch, in lần thứ hai, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976.

185.      Những tài liệu chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang của Trung ương Đảng và Tổng Quân uỷ (từ năm 1945 đến năm 1954), Tập II (1949-1950), Bộ Tổng Tham mưu xuất bản, 1995, Tài liệu lưu tại Thư viện Quân đội, số ký hiệu: K355(V)/24819.

186.      Những sự kiện chính về thực hiện nhiệm vụ quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Lào về quân sự trong 25 năm qua. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4890.

187.      Nou Hak: “Tình hình kháng chiến Lào trong năm vừa qua”, Báo Nhân dân, ngày 11-15 tháng 3 năm 1953, tr.2.

188.      Núphon Khemmalay: Cuộc liên minh chiến đấu Lào - Việt 1930-1954, Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1980.

189.      Ông Hoàng đỏ kiên cường, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1992.

190.      Ôxácăn Thămmạthêva (Chủ biên): Lịch sử Lào từ thượng cổ đến nay, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Viêng Chăn, 2000, Bản dịch lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.

191.      V. Pavlopxki: Lào trong cuộc đấu tranh vì tự do, 1974 (bản dịch của Viện Sử học Việt Nam).

192.      Phạm Đức Dương: “Quan hệ đặc biệt Việt - Lào, Lào - Việt từ cảm nhận đến nhận thức” trong Kỷ yếu Hội thảo quốc tế các sự kiện lịch sử Trung Lào trong quan hệ đặc biệt Việt - Lào, Lao Bảo, ngày 8, 9 tháng 9 năm 2009.

193.      Phạm Đức Thành (Chủ biên): Cộng đồng người Việt ở Lào, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008.

194.      Phạm Văn Đồng: “Ba dân tộc Việt - Miên - Lào đoàn kết đấu tranh đến cùng”, Báo Nhân dân, ngày 7 tháng 4 năm 1951, tr.1.

195.      Phạm Nguyên Long: Một số vấn đề về liên minh ba nước Đông Dương, Tài liệu lưu tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (bản đánh máy), số ký hiệu: TL-493.

196.      Phạm Sang: Hồ Chí Minh với cách mạng giải phóng dân tộc ở Lào, Luận án Phó tiến sĩ khoa học lịch sử, Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, 1994.

197.      Phạm Thị Hồng Thanh: “Quan hệ thương mại Việt Nam - Lào”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 46/2002, tr.30-35.

198.      Phạm Đức Thành: “Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3 (66)/2004, tr.3-10.

199.      Phan Linh (tức Phan Dị): Hồi ký về phong trào cách mạng ở Lào. Lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

200.      Phan Dĩnh: Cuộc vượt ngục kỳ diệu, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009.

201.      Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Bản dịch, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1960 - 1964.

202.      Phan Thượng Hiền: “Về quy luật liên minh ba nước Đông Dương”, Tạp chí Cộng sản, số 2, 1987, tr.97-102.

203.      Phăn Khăm Vi Pha Vanh: “Nhân dân Lào coi cán bộ chiến sĩ tình nguyện Việt Nam như người con ưu tú của mình” trong Hội thảo Khoa học quốc tế “Tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào”, Viêng Chăn, tháng 7 năm 2007, tr.1-4.

204.      Phòng tổng kết chiến tranh - Bộ Quốc phòng nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào: Ghi chép những sự kiện lịch sử cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, quyển 1 (1945 - 1954), Tài liệu lưu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (bản đánh máy), số ký hiệu: TL-1045.

205.      Phumi Vôngvichít: Nhớ lại đời tôi trong quá trình lịch sử đất nước Lào (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993.

206.      Quan hệ Việt - Lào, Lào - Việt, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993.

207.      Quân khu IV - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990.

208.      Quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia 1948 - 1954, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998.

209.      Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (1954 - 1975), Hồ sơ 781, TK-937, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

210.      Quốc dân Đại hội Lào, một thắng lợi chung của ba dân tộc Việt - Miên - Lào, Liên minh đoàn kết chiến đấu đời đời bền vững, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984.

211.      Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục chính biên, Bản dịch, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1963.

212.      Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục tiền biên, Bản dịch, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1962.

213.      Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch, Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957.

214.      Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch của Bộ Giáo dục, Sài Gòn, 1965.

215.      Quyết định của Bộ Chính trị số 35 QĐ/TW, ngày 30 tháng 12 năm 1987 Về đổi mới phương thức quan hệ giữa Đảng ta với Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, Tài liệu lưu tại kho Lưu trữ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

216.      Xômsỉxayvang: Mối quan hệ giữa hai mặt trận - một nhân tố lớn thắt chặt hai Đảng, hai dân tộc và nhân dân hai nước Việt - Lào, Tài liệu lưu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (bản đánh máy 9 trang), số ký hiệu: TL-1203(8 ).

217.      Sự kiện về quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Lào từ cuối năm 1954 đến năm 1964, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

218.      Sự kiện quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường 65 - 75. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-934.

219.      Thoả thuận giữa Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện và hàng hoá qua lại biên giới giữa hai nước, Cửa Lò, Nghệ An, ngày 23 tháng 8 năm 1999.

220.      Thoả thuận giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hoá qua lại biên giới và khuyến khích phát triển hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Lào, Viêng Chăn, ngày 13 tháng 8 năm 2002.

221.      Thoả thuận về quy chế tài chính và quản lý các dự án sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam dành cho Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Viêng Chăn, ngày 9 tháng 3 năm 1998.

222.      Tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào. Truyền thống và triển vọng (Kỷ yếu Hội thảo khoa học), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.

223.      Tình hình, chủ trương, phương hướng của cách mạng Lào. Nội dung cách giúp Lào của chuyên gia ta. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4380.

224.      Tóm tắt những ý kiến đã nhất trí giữa hai Đảng Việt Nam - Lào (5.67). Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4560.

225.      Tổ chức và xây dựng các lực lượng tình nguyện Việt Nam hoạt động chiến đấu ở Lào (1945 - 1954), Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, số ký hiệu: TK-4410.

226.      Tổng kết chiến tranh nhân dân ở Lào chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đảng (1945 -1975), Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

227.      Tổng kết lực lượng vũ trang Việt Nam chiến đấu ở Lào trong chiến tranh giải phóng (45 - 75). Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-775.

228.      Tổng kết về việc thực hiện kế hoạch hợp tác và giúp đỡ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho Lào trong năm 2001 - 2002 và kế hoạch hợp tác nông nghiệp và lâm nghiệp với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2003, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.

229.      Trao đổi ý kiến giữa đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Cayxỏn ngày 3.4.73. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4828.

230.      Trần Văn Quý: “Tư liệu lịch sử về quan hệ Việt - Lào mới phát hiện ở Quy Hợp, Hương Khê, Nghệ Tĩnh” trong Viện Nghiên cứu văn hóa Lào - Viện Nghiên cứu Đông Nam Á: Quan hệ lịch sử Việt - Lào qua tư liệu Quy Hợp (TK. XVII-XIX), (bằng ba ngữ: Hán Nôm, Việt và Lào), The Toyota Foundation tài trợ, Viêng Chăn, 2000.

231.      Trần Xuân Cầu: “Cách mạng tháng Tám ở Lào 1945”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 4, 1975, tr. 15-20.

232.      Trần Công Hàm: Quan hệ đoàn kết, hợp tác liên minh chiến đấu Việt - Lào trong thế kỷ XX, Tài liệu lưu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, số ký hiệu: TL-1203(7).

233.      Trần Bảo Minh: Thuỷ điện Lào - Tiềm năng và triển vọng hợp tác, Tư liệu Uỷ ban Kế hoạch nhà nước, Hà Nội, 1995.

234.      Trần Bảo Minh: “Thực hiện hợp tác giúp đỡ của Việt Nam dành cho Lào”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4 (55)/2002, tr.38-43.
235.      Trần Công Tấn: Hoàng thân Xuphanuvông và đất nước Triệu voi, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1995.

236.      Trần Cao Thành: “Quan hệ Việt Nam - Lào” trong Vũ Dương Ninh (chủ biên): Việt Nam - ASEAN – Quan hệ đa phương và song phương, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.193-244.

237.      Trung tướng Doãn Tuế: Kể về đồng đội, Hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995.

238.      Từ Thanh Thuỷ: “Tình hình trao đổi hàng hoá của Việt Nam qua các cửa khẩu và biên giới Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào”, Tạp chí Những vấn đề kinh tế thế giới, số 5/1998, tr.67-70.

239.      Tự kiểm thảo của Ban Cán sự miền Tây qua hai năm giúp bạn. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4449.

240.      Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào: Biên bản kỳ họp hàng năm từ 1996 đến 2007 (Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam).

241.      Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Kinh tế thế giới: Vấn đề hợp tác kinh tế giữa các nước Đông Dương và cộng đồng xã hội chủ nghĩa, Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội, 1988.

242.      Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào - Viện Khoa học xã hội Việt Nam: Liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam trên chiến trường Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009.

243.      Viện Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào: Hội thảo khoa học quốc tế về mối quan hệ Việt Nam - Lào, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007.

244.      Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (1945 - 1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.

245.      Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Bộ Thông tin Văn hoá Lào: Hội thảo khoa học “Quan hệ Việt Nam - Lào. Hiện trạng và triển vọng”, 2004, Tài liệu lưu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.

246.      Viện Nghiên cứu Đông Nam Á: “Cộng đồng người Việt ở Lào”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2, số đặc biệt, 2007.

247.      Viện Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào: Hội thảo khoa học quốc tế về mối quan hệ Việt Nam - Lào, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007.

248.      Viện Quan hệ quốc tế - Bộ Ngoại giao Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào: Kỷ yếu Hội thảo quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác giữa Lào và Việt Nam, (Bản dịch tiếng Việt), Viêng Chăn, 2002.

249.      Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long, Sở Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1987.

250.      Võ Nguyên Giáp: Đường tới Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.

251.      Võ Bẩm: Những nẻo đường kháng chiến, Hồi ức, Duy Tường thể hiện, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001.

252.      Vũ Dương Huân (Chủ biên), Nguyễn Đình Thụ, Mai Sĩ Hùng: Quan hệ đặc biệt Việt - Lào, Hà Nội, 2003, 131 trang.

253.      Xỉlửa Bun Khăm: Xây dựng và phát triển nền văn hóa thẩm mỹ ở Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.

254.      Xỉngcapô Xỉkhốt Chunlamany, Khăm Ma Phôm Coong…: Chiến đấu bảo vệ Thà Khẹc, Tập truyện và ký, (Người dịch Hùng Phi), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1980.

255.      Sỉng Thoong Sỉnghảpănnha: Sự giúp đỡ của Việt Nam đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Lào (1945 - 1954), Luận án Phó tiến sĩ lịch sử, Thư viện Quốc gia, Hà Nội, 1991, số ký hiệu: L-3587.


Tiêu đề: Re: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007
Gửi bởi: hoi_ls trong 26 Tháng Ba, 2022, 03:12:27 pm
2. Tài liệu tiếng nước ngoài

256.      Adams, Nina S., McCoy, Alfred W., eds. (1970): Laos: War and Revolution, Harper Colophon Book Series, CN 221, New York, Harper and Row.

257.      Brown, MacAlister, Zasloff, Joseph J. (1986): Apprentice Revolutionaries: The Communist Movement in Laos 1930 - 1985, Hoover Institution Press, Stanford University, Stanford California.

258.      C. Gunn Geoffrey: Political Struggle in Laos (1930 - 1954) Vietnamese Communist Power and the Lao Struggle for National Independence, Editions Duang Kamol, Siam Square, Bangkok, Thailand, 1988.

259.      Centre d’Histoire et Civilisation de la Péninsule Indochinoise (1994): Les Recherches en Sciences Humaines sur le Laos, Actes de la Conférence Internationale organisée à Vientiane, Paris, 7 - 10 Décembre 1993.

260.      Chi Do Pham (ed.): Economic Reform in the Lao PDR: Current Trends and Perspectives, IMF Resident Representative Office in Vientiane, 1992.

261.      Evans, Grant: Lao Peasants under Socialism, Yale University Press, New Heaven and London, 1990.

262.      Evans, Grant (ed.): Laos Culture and Society, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, 2000.

263.      Geoffrey C. Gun: Political Struggles in Laos (1936 - 1954), Edition Duang Kamol, Siam Square, Bangkok, Thailand, 1988.

264.      Goscha Christopher E: “Vietnam and the world outside the case of Vietnamese communist advisers in Laos (1948 - 1962)”, South East Asia Research, London, Volume 12, Number 2, July 2004, pp. 141-185.

265.      Grant Evans: A Short History of Laos: the Land in between, Silkworm Books, Thailand, 2002.

266.      Langer, Paul F. and Zasloff, Joseph J.: North Vietnam and the Pathet Lao: Partners in the Struggle for Laos, Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1970.

267.      Lao National Front for Construction: The Ethnic Groups in Lao PDR, Vientiane, Printed by Department of Ethnics; Sponsored by Canada Fund for Local Initiatives, 2005.

268.      Le Résident Supérieur au Tonkin (1930): Note No 126-SCB, A.S manifestations communistes pour le 1er Mai 1930, Hanoi, Lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

269.      Mission Pavie: Histoire du pays de Lan Chang Hom Khao, Études diverses, Paris, 1898, t. 2.

270.      Savèng Phinith (ed.): Histoire du pays Lao, de la Préhistoire à la Republique, L'Harmattan, Paris, 1998.

271.      Taillard, Christian: Le Laos, Stratégies d'un état-tampon, G.I.P. RECLUS, Montpellier, 1989.

272.      Toye, Hugh : Laos: Buffer State or Battleground?, London, Oxford University Press, 1968.

273.      Vatthana Pholsena: Post-war Laos the Politics of Culture, History and Identity, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, 2006.

274.      Zasloff, Joseph J.: Unger Leonard, Laos: Beyond the Revolution, MacMillan Academic and Professional Ltd, Hong Kong, 1991.




Hết