Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 05:04:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân trung từ mệnh tập  (Đọc 83449 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2011, 08:14:37 pm »

40. THƯ DỤ CÁC THÀNH THANH-HÓA, NGHỆ-AN(1)

Bảo cho các tướng hiệu quân nhân ở các thành Thanh-hóa, Nghệ-an biết: Xưa nay bỏ mình báo nước là đại tiết của bề tôi; định công ban thưởng là thường điển của nhà nước. Nay bọn ngươi lấy lòng trung nghĩa, lấy khí dũng cảm, đánh kẻ vua ghét, nhiều lần rạng công. Xưa bản triều ta(2), đương buổi hưng thịnh đời tiên hoàng, Chiêm-thành trái mệnh, xâm lấn biên ấp nước ta(3), ông cha các ngươi đã hết lòng gắng sức lo báo nước nhà, đánh đuổi giặc Chiêm, thu về bờ cõi, tiếng thơm công lớn, sử sách lưu truyền. Nay giặc Minh bất đạo, trái với lòng trời, độc vũ cùng binh, mưu mở rộng đất, sinh dân khổ sở, hơn hai mươi năm. Song, vận trời tuần hoàn, đi rồi lại lại. Nghĩa binh nổi dậy, cuốn đất đuổi tràn, trong mấy tháng trời, khôi phục đất cũ. Duy một thành Đông-quan, tướng giặc Vương Thông, hồn đã lìa xa, còn chút hơi tàn, mà chỉ chực lại hung hăng dương cánh. Ta xem các quân ở Kinh lộ(4) cùng là các quân Dực-thánh tả hữu Thiên Trường, Thiên-cương(5) ngày trước, hoặc là đứng đầu Nam ban Bắc ban, hoặc là tình thân hoàng tộc ngoại thích, song vẫn chưa thấy mấy người hết lòng gắng sức, dựng được công to. Thế mà bọn người lấy chức phận phiên thần, biết nghĩ đến công nghiệp của ông cha ngày trước, hết trung với nước, cùng lòng hợp sức, mưu rửa quốc sỉ, đánh hơn lấy được, đến đâu cũng là lập được công, trung thành như thế, thực đáng thưởng khen. Vậy sai ban thưởng để đền công lao. Các người cố đi!


(1) Thanh-hóa, Nghệ-an là những căn cứ địa đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Lam-sơn, nhân dân và nghĩa binh ở Thanh - Nghệ đã có nhiều cống hiến quan trọng vào thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Bức thư này, Lê Lợi biểu dương và khuyến khích tinh thần chiến đấu của nghĩa binh vùng Thanh, Nghệ. Toàn thư (1.10, 38a) có trích lược một đoạn bài này, nhưng lại đề là “Dụ tướng hiệu quân nhân Tân-bình, Thuận-hóa”. Theo Toàn thư, bài này ban bố vào tháng 8 năm Đinh mùi (1427).
(2) Bản triều ở đây chỉ nhà Trần.
(3) Vào cuối thời Trần, trong khoảng năm 1371-1390, Quân Chiêm nhiều lần tấn công ra vùng Thanh-hóa, Nghệ-an và tiến đánh cả kinh thành Thăng-long, gây ra rất nhiều thiệt hại, nhưng cuối cùng đều bị đánh lui.
(4) Nhà Trần đổi 24 lộ đời Lý làm 12 lộ. Kinh lộ là lộ thuộc về Kinh đô.
(5) Dực-thánh, Thiên-trường, Thiên-cương là tên gọi những tổ chức quân đội thời nhà Trần.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Hai, 2011, 08:42:58 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2011, 08:17:27 pm »

41. LỆNH DỤ CÁC TƯỚNG HIỆU QUÂN NHÂN
Ở NGHỆ-AN, TÂN-BÌNH, THUẬN-HÓA
(3)

Ta khởi nghĩa ở đất các ngươi, nay muốn thành công, mong các ngươi giữ chung thủy một lòng, đá vàng một tiết, để toàn các nghĩa quân thần phụ tử. Ta biết các người đều là người tài trong nước, nhưng ngày trước về thời Hưng-khánh(2) Trùng-quang(3), chỉ uổng hư danh, không nên sự nghiệp, đó là vì nhiều người nắm quyền, đại thần không biết, nên các ngươi chỉ phí sức thôi. Nay thiên hạ đã nhất thống, ta cùng các ngươi, nghĩa như cha con, mong hết một lòng, thu lại bờ cõi. Xưa nay khanh tướng phong hầu tưởng cũng như các ngươi chẳng khác. Hãy chỉnh đội ngũ của các ngươi, hãy luyện quân lính của các ngươi. Dẹp xong quân tàn khấu, sẽ chia nửa quân cho về làm ruộng. Nay trời mượn tay ta, việc không dừng được. Ai theo mệnh tha thì phá giặc, sống mà có công; ai không theo mệnh ta thì chết, chẳng được việc gì. Mỗi đội đều sao viết lệnh này ra một bản, ngày đọc ba lần cho quân nhân đều biết.


(1) Theo Toàn thư (1.10, 32b-33a), lệnh dụ này gửi vào tháng 4 năm Đinh mùi (17-4 đến 25-5-1427). Bài này không có trong phần Quân trung từ mệnh tập của bộ Ức-trai di tập do Dương Bá Cung biên tập. Tác giả xếp vào phần Văn loại, nhưng chúng tôi thấy không hợp lý nên đưa vào phần Quân trung từ mệnh tập.
(2) Hưng-khánh là niên hiệu của Giản-định đế Trần Ngỗi (1407-1408).
(3) Trùng-quang là niên hiệu của Trùng-quang đế Trần Quý Khoảng (1409-1413).
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Hai, 2011, 08:42:34 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2011, 08:19:47 pm »

42. THƯ CHO VƯƠNG THÔNG(1)

Kể ra, nhà lớn gần xiêu, một cây gỗ khôn hay chống đỡ; đê dài sắp vỡ, một vốc đất khó thể chi trì. Nếu không biết lượng sức mà cứ cưỡng làm, thì ít khi không thất bại. Việc ngày trước bất tất bàn nữa. Lấy sự thể ngày nay mà nói, chỗ trông cậy của các ông chỉ là quân cứu viện mà thôi. Ngày tháng giêng năm nay, có sắc cho bọn An-viễn hầu, Bảo-định bá, Thôi đô đốc, Hoàng thượng thư, Lý ngự sử(2) cùng thổ quan là Nguyễn Huân(3) đem quân sang, hẹn trong tháng 4 tiến binh vào cõi Giao-chỉ. Rồi trong một tháng(4) quân đến cửa ải của ta. Quân sĩ ở biên giới của ta dụ quân ấy đến ải Chi-lăng(5). Ngày tháng 2(6) năm nay quân ta đánh một trận mà tan vỡ, binh mã quân tiên phong nhất thời quét sạch, mà tổng binh An-viễn hầu thì chết ở trận tiền(7). Đến ngày 25(8), quân ta lại đánh trận nữa, mà toàn quân tan hết; Bảo-định bá thì tử trận, còn bại quân chạy tản vào rừng đều bị quân ta bắt được. Việc đến như thế, cũng không phải là ý ta muốn, mà do tướng sĩ thủ biên của tôi làm thôi, khiên tôi lại thêm nặng lỗi. Ngài cầm quân nhân nghĩa, khi tới cõi Giao-chỉ đã biết lấy cái họa cùng binh độc vũ làm răn, xem bức thư ngài tâu xin lập họ Trần thì ân ý của ngài không nỡ phụ. Nay lấy một thành Đông-quan cỏn con, đem cả nước lại vây mà đánh, vẫn là rất dễ, song tôi sở dĩ làm như thế này, chính là cảm cái ơn ngày trước của ngài, lại để trọn cái lễ nước nhỏ thờ nước lớn. Nếu ngài biết chỉnh đốn quân sĩ, cởi giáp mở thành, lại theo lời ước trước, thì ngài có thể toàn quân về nước, mà cái tệ hiếu đại hí công(i) của Hán Đường, từ đây chấm dứt, và cái đạo hưng diệt kế tuyệt(10) của Thang Vũ lại thấy cử hành. Thế chẳng tốt đẹp hay sao? Nếu còn do dự chưa quyết, tôi tướng sĩ của tôi nhọc về chinh chiến, bỏ cả nông tang, quyết tâm đánh gấp, thế không thể ngăn. Đến lúc bấy giờ thì làm sao được nữa. Như thế lại càng thêm nặng lỗi cho tôi thôi. Thư này tới nơi, cúi xin trả lời cho biết.


(1) Tháng 9 năm Đinh mùi, 15 vạn viện binh nhà Minh do Liễu Thăng chỉ huy, theo hai đường tiến vào nước ta: đạo quân chủ yếu do Liễu Thăng trực tiếp chỉ huy gồm 10 vạn quân từ Quảng-tây sang, đạo quân thứ hai do Mộc Thạnh chỉ huy gồm 5 vạn quân từ Vân-nam sang. Theo kế hoạch “vây thành diệt viện” đã chuẩn bị trước, quân ta vừa tiếp tục vây hãm thành Đông-quan, vừa tập trung lực lượng đánh tan viện binh của địch, tiêu diệt đạo quân Liễu Thăng. Chiến dịch Chi-lăng - Xương-giang bắt đầu ngày 18 tháng 9 (ngày 8-10-1427) khi quân Liễu Thăng tiến vào biên giới nước ta và kết thúc thắng lợi vào ngày 15 tháng 10 (ngày 3-11-19427). Bức thư này gửi cho Vương Thông khi chiến dịch lịch sử đó chưa kết thúc nhưng đã giành được những thắng lợi oanh liệt: ngày 20 tháng 9 (ngày 10-10-1427) tiêu diệt đội quân tiên phong và giết chết Liễu Thăng tại Chi Lăng, ngày 25-9 (ngày 15-10-1427) giết chết phó tổng binh Lương Minh và giết chết hàng vạn quân địch ở Cần-trạm.
Trong Ức-trai di tập do Dương Bá Cung biên tập, bức thư này xếp vào phần Văn loại, quển 3. Căn cứ vào nội dung bức thư, chúng tôi đưa vào phần Quân trung từ mệnh tập cho hợp lý hơn.
(2) An-viễn hầu Liễu Thăng được nhà minh phong làm tổng binh, mang ấn Chinh lỗ phó tướng quân, chỉ huy đạo viện binh 10 vạn quân tiến sang theo đường Lạng-sơn. Dưới Liễu Thăng có Bảo-đinh bá Lương Minh là Tả phó tổng binh, đô đốc Thôi Tụ là Hữu tham tướng. Ngoài ra, nhà Minh lại cử thêm Công bộ thượng thư Hoàng Phúc sang trấn thủ và Binh bộ thượng thư Lý Khánh phụ trách quân vụ. Trong bức thư này chép Lý ngự sử, vậy có lẽ Lý Khánh kiêm cả chức ngự sử.
(3) Nguyễn Huân hay Nguyễn Đức Huân là một tên Việt gian làm quan cho quân Minh đến chữ Hữu bố chính sứ.
(4) Theo Toàn thư thì đến ngày 18 tháng 9 (ngày 8 tháng 10-1427) viện binh của nhà minh mới kéo đến biên giới nước ta.
(5) Ải Chi-lăng nay thuộc xã Chi-lăng, huyện Chi-lăng tỉnh Lạng-sơn.
(6) Theo Toàn thư thì ngày 20 tháng 9 (ngày 10 tháng 10-1427), cánh quân tiền phong do Liễu Thăng chỉ huy tiến vào cửa ải Chi-lăng bị phục binh của ta tiêu diệt hoàn toàn. Trong thư chép tháng 2 là không đúng, vì từ lúc bấy giờ viện binh của giặc chưa vào đến biên giới nước ta, và có lẽ là nhầm ngày 20.
(7) Liễu Thăng bị giết ở núi Mã-yên trong ải Chi-lăng.
(8) Ngày 25 tháng 9 (ngày 15-10-1427).
(9) Hiếu đại hí công 好大喜攻: thích khoe khoang uy lực, hàm lập vũ công.
(10) Hưng diệt kế tuyệt 興滅繼絕: làm cho nước đã diệt được phục hưng, làm cho dòng họ đã tuyệt có kế tục.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Hai, 2011, 08:40:13 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2011, 08:24:11 pm »

43. LẠI THƯ CHO VƯƠNG THÔNG(1)

Tri phủ phủ Thanh-hóa Lê Mỗ phúc thư gửi Tổng binh đại nhân cùng liệt vị đại nhân: Mới rồi tôi gửi thư sang, chưa được hồi đáp. Người thông sự sai đến thì khẩu thuyết vô bằng. Song việc trước đã qua, nói không kịp nữa. Từ nay về sau, đứng nên lại thế. Ngài nếu biết nghĩ đến dân nước An-nam như con trẻ không biết gì, không nỡ để họ vô tội mà chịu chết, thì lời ngài nói trước khả dĩ không phụ vậy.


(1) Nhận được thư 42 biết tin viện binh thất bại, Liễu Thăng, Lương Minh tử trận, Vương Thông rất lo sợ nhưng còn dùng dằng, hoài nghi và chưa trả lời thư của Lê Lợi. Nguyễn Trãi viết thư này gửi cho Vương Thông.
Đây là búc thư cuối cùng gửi cho quân Minh được sưu tập trong Ức-trai di tập do Dương Bá Cung biên tập. Trong Ức-Trai di tập, bức thư chấm dứt ở đây. Nhưng theo những văn kiện mới của Nguyễn Trãi do ông Trần Văn Giáp phát hiện, xác minh và công bố gầy đây thì thư 43 trên chỉ mới là đoạn đầu bức thư dài hơn của Nguyễn Trãi gửi cho Vương Thông. Xem thêm toàn bộ bức thư ở mục “những văn kiện mới tìm thấy”.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Hai, 2011, 08:39:36 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2011, 08:25:43 pm »

44. TỜ TẤU CẦU PHONG(1)

(Năm Đinh vị là năm thứ 3 niên hiệu Thiên-khánh, tức là năm thứ 2 niên hiệu Tuyên-đức, nhà Minh (1427), từ tháng tám, nhân Lê Thái tổ đã tìm được Hồ Ông ở nước Lão-qua, tên là Trần Cảo(2), nói là con cháu họ Trần, quyền lập làm vua, đặt niên hiệu là Thiên-khánh sai sứ sang nước Minh xin phong).

Cháu ba đời của tiên Trần chúa là Trần Cảo cùng đại đầu mục là Lê Lợi ở nước An-nam, kính cẩn tâu về việc cầu phong.

Thần trộm nghĩ: Nước thần ở lánh tại miền xa vắng, xa cách phong hóa Trung-hoa. Khi Thái tổ Cao hoàng đế(3) mới lên ngôi, trước các nước tổ tiên thần đã vào cống. Đặc ân khen ngợi, phong cho tước vương. Từ đấy đời đời giữ cõi bờ, thường không thiếu triều cống. Mới rồi họ Hồ cướp nước, lật đổ tòng tự nhà thần; trên dối triều đình, dưới khổ dân chúng; trời giáng tai vạ, quan dân lìa lòng. Thái tôn hoàng đế(4) không nỡ để dân một phương khổ sở, liền dấy quân hỏi tội. Sau khi dẹp yên, lại xuống chiếu tìm con cháu họ Trần. Bảo rằng con cháu họ Trần đều đã chết hết, không còn ai có thể kế tập, bèn lại xin đặt quận huyện, rồi đem con cháu họ Trần là bọn Trần Nguyên Hy, Trần Sư Tích, Trần Quang Chỉ, vài chục người đưa về Kinh sư để ai trí. Lại mở đặt ba ty Đô Bố Án cùng các nha môn phủ huyện vệ sở(5), và đặt quan cai trị. Song các quan đặt ra không thể theo ý của Triều đình yên vỗ người xa, lại chỉ chăm bóc lột dân để sung sướng một mình. Người giữ trách nhiệm địa phương thì không biết đại thể, tối đường thừa tuyên(6); kẻ ở đài Ngự sử thì ngậm miệng làm thinh, ngồi nhìn dân khổ; quan chăm dân thì không lo nuôi nấng, chỉ vu vét vơ; tôi làm tướng thì không để lòng vệ dân, hoành hành tàn ngược. Còn như bọn hoạn quan thì chuyên mặt thu lượm, bóc lột lương dân, bắt kiếm ngọc tìm vàng, kiệt chằm trơ núi, đòi hỏi nhặt nhạnh, không còn sót gì. Muốn tiền của có nhiều, thì đục khoét của dân mà lấp hố dục; muốn nhà cao cửa đẹp, thì cướp việc mùa màng mà bắt dựng xây. Thuế công thu vào một phần, giám lâm(7) ăn ngoài quá nửa. Quan lại thương dân chúng thì tuyệt không có ai, mà xem dân như cừu thù, thì đều như thế cả. Càng ngày càng tệ, dân sống không yên, như đắm nước sâu, như thui lửa nóng. Khốn nỗi trời thì cao, mà Triều đình xa, tình dưới không kêu thấu được. Song đói rét thiết thân thì không còn đoái gì lễ nghĩa, bèn đem nhau để giết quan lại, đó là thế bất đắc dĩ trong nhất thời, để mong bớt chút khổ cực ở trong nước lửa mà thôi. Thần lánh mình ở nước Lão-qua hơn mười năm, đến giờ người cả nước không bảo nhau mà cùng một lời tự ý mời xin nài ép. Trong lúc thảng thốt, thần không kịp kén chọn, đã phải thuận lòng dân chủ để chờ mệnh Triều-đình. Ngày 11tháng 11 năm Tuyên-đức thứ 1, thần về đến bản quốc, thấy người trong nước đã thu phục được hết bờ cõi đất đai của tổ phụ thần. Các thành trì Tân-bình, Thuận-hóa, Nghệ-an, Diễn-châu, Thanh-hóa, Tiền-vệ, Xương-giang, Trấn-di, Thị-cầu, Tam-giang đều đã mở cửa cởi giáp để giảng hòa. Các quan vệ sở châu huuyện cùng tất cả quan quân, thần đều thu nuôi hết cả, không xâm phạm mảy may. Còn bọn Tổng binh Vương Thông, cùng Trần Trí, Lý An, Mã Anh, Phương Chính, nội quan Sơn Thọ, Mã Kỳ cũng đã cùng thần hòa giải. Thần đã xin bọn Vương Thông sai người đem thư về tâu. Nhưng bọn ấy vừa sợ tôi, vừa hoài nghi, nên không dám sai đi. Bọn thần tự biết mang tội rất nặng, không biết tiến hoái đường nào. Song thần trộm nghĩ từ xưa thánh nhân như Thang Võ đánh kẻ có tội mà cứu dân, hết thảy đều xuất tự lẽ trời chí công, không thể có chút tư ý ở trong. Vì thế nên nhà Hạ, nhà Thương tuy đã mất, mà con cháu còn được phong ở nước Kỷ nước Tống. Việc đánh việc phong, chưa từng không theo ý trời. Đến sau như nhà Hán, nhà Đường thích lớn ham công, mà cũng chỉ ky my nước thần mà không để ý. Huống chi điều chương của Thái-tổ Cao hoàng đế để lại đời sau rành rành ở đó, chiếu lập con cháu họ Trần của Thái-tôn Văn hoàng đế mực vẫn chưa khô. Cúi nghĩ Hoàng đế bệ hạ là bực thánh thần văn võ, trí tuệ thông minh, đức hiếu sinh(8) đây đó thấm đều, lòng nhất thị(9) xa gần không khác. Tất như Hán Võ hạ chiếu bỏ Luân-đài, tất như Đường Thái rút quân ở Tân-thị, tất tuân theo điều chương của Thái-tổ, tất thi hành chiếu thư của Thái-tôn, tất xá cho thần tội lỗi như núi gò, tất tha cho thần hình phạt bằng phủ việt, khiến thần được giữ đất cõi Nam, nộp cống cửa khuyết. Nếu thế thì không những may mắn cho một mình thần mà dân cả nước thần, không ai là chẳng vui mừng nhảy nhót, cảm đội ơn đức Triều đình, không khác gì khí xuân làm tươi cỏ héo, gió ấm làm tan nước đông vậy. Thần xin ghi dạ khắc xương, hết lòng trung thận, tâu biểu xưng thần, tiến cống không thiếu. Ngoài ra việc sai người dâng biết tiến cống thì thần chưa dám tự chuyên. Vậy kính cẩn tâu bày, cúi chờ sắc chỉ.


(1) Cương mục (q. 14, 2b-23b) có trích lược bài biểu này và cho rằng bài biểu này do sứ bộ gồm có Hàn lâm đãi chế Lê Thiếu Dĩnh và Chủ thủ sứ Lê Quang Cảnh làm Thầm hình viện sứ, Quốc tử bác sĩ Lê Đức Huy làm Thầm hình viện phó sử sang Yên-kinh trong khoảng tháng 11 năm Đinh mùi (1427). Nhưng theo Toàn thư (1. 10, 44b-46b) thì sứ bộ Lê Thiếu Dĩnh, Lê Quang Cảnh ra đi ngày 29 tháng 11 năm Đinh mùi (ngày 17-12-1427) để sang trần tình với nhà Minh”. Sứ bộ này mang tờ biểu và sản vật địa phương cùng bản danh sách số tù binh trao trả. Trong số văn kiện của Nguyễn Trãi mới được phát hiện, có “bài biểu tiến công, tâu trình tạ tội”, kém theo danh sách cống phẩm, sản phẩm địa phương và số tù binh trao trả đúng như Toàn thư đã chép. Đó chính là tờ biểu do sứ bộ Lê Thiếu Dĩnh, Lê Quang Cảnh mang sang Yên-kinh. Xem bài 22 Trước đó, cũng trong tháng 11, nhưng trước ngày 29, Toàn thư có chép: Lê Lợi “sai người dâng biểu của Cảo xin lập dòng dõi họ Trần” (1. 10, 44b). Tờ biểu này chuyển sang Quảng-tây, Vân-nam, mỗi nơi một bản, và bản gửi sang Vân-nam được Mộc Thạnh gửi ngay về kinh. “Tờ tấu cầu phong” đứng tên Trần Cảo chính là tờ biểu này. Lời Tiểu dẫn của Ức-trai di tập cũng cho tờ biểu này gửi sang nhà Minh vào tháng 8 năm Đinh mùi (1427). Theo Toàn thư (q. 10, 57a), người chuyển tờ biểu này cũng là Lê Thiếu Dĩnh. Cương mục đã lẫn lộn và ghép hai sự kiện, hai văn bản ngoại giao làm một. Tờ tấu cầu phong do Lê Thiếu Dĩnh gửi sang nhà Minh vào tháng 8, đến tháng 11 sứ bộ Lê Thiếu Dĩnh, Lê Quang Cảnh lại mang “biểu tiến công và tâu trình tạ tội” sang Yên-kinh.
(2) Xem chủ thích (5) bài 21. Bản chữ Hán chép nhầm là Trần Địch ; chữ Địch có lẽ là do chữ Phủ viết nhầm ra. Trần Phủ là tên Trần Nghệ tông, mà Trần Cảo xưng mình là cháu ba đời. Như vậy là bản in viết nhầm tên cháu thành tên ông.
(3) Tức là Minh Thái tổ.
(4) Tức là Minh Thành tổ (1403-1424).
(5) Sau khi chiếm nước ta, nhà Minh đổi tên là quận Giao-chỉ, chia làm 15 phủ, phủ chia làm nhiều huyện (tổng cộng 191 huyện). Vệ, sở là những tổ chức quân đội nhà Minh đặt ra để trấn giữ các phủ, huyện và những nơi hiểm yếu.
(6) Thừa tuyên là vâng mệnh đi tuyên bố đức hóa của triều đình.
(7) Giám lâm là chức quan bất thần mới được đặt ra để trông coi.
(8) Hiếu sinh: Yêu tiếc những sinh mệnh. Kinh thư có câu: “Hiếu sinh chi đức - hiệp vu dân tâm” (好生之德洽于民心 đức hiếu sin thấm khắp lòng dân).
(9) Nhất thị: coi như một. Bải “Nguyên nhân” của Hàn Dũ có câu: “Thánh nhân nhất thị nhi đồng nhân” (聖人一視而同仁 đấng thánh nhân coi mọi người như nhau mà cùng một lòng nhân ái đối đãi).
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Hai, 2011, 08:38:40 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2011, 08:37:52 pm »

45. CHIẾU KHUYẾN DỤ HÀO KIỆT(1)

(Năm Đinh vị (1427), Lê Thái tổ ở dinh Bồ-đề trên sông Lô. Xuất tự sử ký).

Hiện nay các thành đã phá, duy còn thành Đông-quan là chưa hạ. Vì thế ta nằm không yên chiếu, ăn không ngon miệng, sớm hôm lo lắng. Vả bên cạnh ta chưa có được người tài. Ta tuy làm chủ tướng, nhưng một thì già yếu bất tài, hai thì học ít biết nông, ba thì nhiệm vụ nặng nề khó gánh vác nổi, mà tướng quốc, thái bảo, thái phó chưa đặt, thái úy, đô nguyên súy còn khuyết, hành khiển các quan khác mười phần mới đươc một hai. Vì thế ta nhún mình tỏ lòng thành thực, khuyên các bực hào kiệt đều nên cùng nhau gắng sức, cứu đỡ muôn dân, đừng có kín tiếng giấu tài, khiến thiên hạ phải hãm trong lầm than mãi mãi. Hoặc có người cao tiết như Tứ hạo(2) gia độn(3) như Tử Phòng(4), cũng hãy nên vì dân cứu nạn, đợi khi thành công rồi có muốn được thỏa chí xưa, lại về rừng núi thì ta cũng không ngăn giữ.


(1) Toàn thư (1. 10, 34) chép bài Chiếu khuyến dụ hào kiệt này vào tháng 4 năm Đinh mùi (27-4 đến 25-5-1427). Nếu sắp xếp các bài trong Quân trung từ mệnh tập theo trình tự thời gian thì, theo Toàn thư, phải điều chính lại thứ tự các bài 40, 41, 44, 45.
Bài 41 và 45 ban bố vào tháng 4 năm Đinh mùi (1427).
Bài 40 ban bố vào tháng 8 năm Đinh mùi.
Bài 44 gửi sang nhà Minh vào tháng 8 năm Đinh mùi.
(2) Tứ Hạo: bốn ông già ở cuối đời Tần là Đông Viên công, Lộc Lý tiên sinh, Lý Quý, Hạ Hoàng công, tránh loạn ẩn ở núi Trường-sơn. Hán Cao tổ muốn mời ra không được.
(3) Gia độn: Gia là tốt, độn là lui ẩn. Chữ ở quẻ Độn Kinh dịch. Ý nói là sự thoái ẩn hợp với chính đạo.
(4) Tử Phòng: Trương Lương tự là Tử Phòng, giúp Hán Cao tổ đánh thiên hạ. Khi công thành được phong Lưu hầu rồi ông lui về theo học thuật thần tiên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2011, 10:02:16 am »

46. TỜ TÂU VỀ VIỆC TÌM HỎI CON CHÁU HỌ TRẦN(1)

(Bấy giờ báo tang Trần Cảo, nhà Minh sai sứ sang dụ, khiến tìm con cháu họ Trần tâu lên để ban mệnh kế lập).

Thân tộc họ Trần, trước bị Hồ Quí Ly giết hết, không thấy một ai. Năm Tuyên Đứcthứ 1 (1426) mới tìm được ở đất Lão-qua Trần Cảo xưng là con cháu họ Trần. Năm Tuyên-đức thứ 2 (1427), Trần Cảo về nước, thì người cả nước đều qui phụ, đã sai thần Lê Lợi cùng các đầu mục gửi thư cho quan Tổng binh xin rút quân; năm Tuyên-đức thứ 2 đã sai Lê Thiếu Dĩnh dâng biểu trần tình tạ tội, không ngờ thấm thoát mấy ngày, Trần Cảo ốm chết. Con cháu họ Trần hiện nay thực không còn ai. Nếu quả có còn ai, bọn thần tuy chưa phụng sắc, cũng đã phải gõ cửa quan mà xin mệnh, lẽ nào ân chiếu như thế mà thần lại mang lòng khác, việc đó tất nhiên không có. Lại trong sắc có truyền phải trả về hết những quan lại quân nhân còn giữ lại. Thần lấy làm lo sợ, không dám yên lòng. Đó là khi trước quan quân sang chinh thảo, người nước thần sợ bị giết chóc, liền đem nhau ra giữ gìn phong bị, làm kế tự vệ, không khác gì chim cùng thì mổ, thú cùng thì vồ. Trừ những người đã tử thương ở trước lưỡi gươm mũi giáo ra, những quân nhân hiện còn, thần đã sai Thiếu Dĩnh dâng danh sách. Thần lại hết sức tìm tòi, nay theo lời những người đầu mục kỳ lão trong nước thì những hạng người nói trên thực không còn ai cả.


(1) Sau khi quân Minh rút khỏi nước ta, ông vua bù nhìn Trần Cảo biết vai trò của mình không còn nữa, nên lo sợ bỏ trốn vào châu Ngọc-ma; nhưng rồi bị bắt vào thành Đông-quan và uống thuốc độc chết ngày 10 tháng 1 năm Mậu thân (ngày 26-1-1428). Ngày 15 tháng 3 (ngày 30-3-1428), Lê Lợi chính thức lên ngôi hoàng đế và sai sứ sang cầu phong nhà Minh. Nhưng nhà Minh vẫn bắt Lê Lợi phải tìm con cháu nhà Trần lập nên làm vua. Đây là tờ tâu của Lê Lợi về việc tìm kiếm con cháu họ Trân. Theo Toàn thư (q. 10, 61b), ngày 19 tháng 10 (ngày 25-11-19428) Lê Lợi phái Hà Lật sang Minh cống sản vật và tâu về việc tìm kiếm con cháu họ Trần. Tờ tâu này có lẽ do Hà Lật đem sang.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2011, 10:03:46 am »

NHỮNG VĂN KIỆN MỚI TÌM THẤY

1. LẠI GỬI THƯ TRẢ LỜI CHO VƯƠNG THÔNG(1)

(Tháng ba Vương Thông nhận được thư của ta, nói ra nhiều câu hỗn xược; lại dụ dỗ dân cho làm quan chức (ngụy) để cho nhân dân phản bọn ta. (Cho nên) vua sai viết thư đáp lại, tùy theo từng việc mà trả lời).

Kể ra, người khéo dụng binh, đem quân yếu mà chống chế quân mạnh, lấy ít người mà đối phó với quân dịch nhiều người, biến khối nhỏ thảnh khối lớn, xoay thế nguy thành thế vững. Chỉ có mấy điều ấy thôi. Nay tôi hãy tính cho các ông nghe, các ông có sáu điều phải thua:

1. Trời và người không ưa, vận hưng thịnh gần hết, là một điều đáng thua.

2. Đóng quân ngồi giữ thành trơ trọi, thế đã cùng quẫn, quân cứu viện không đến được, là hai điều đáng thua.

3. Khí thế của quân lính nhụt kém, không chịu theo lệnh sai bảo, là ba điều đáng thua.

4. Hết đường kiếm củi, cắt cỏ, lương cỏ túng thiếu, là bốn điều đáng thua.

5. Nước lụt màu hè tràn ngập, tường và cừ sách sạt đổ, là năm điều đáng thua.

6. Người nước tôi đã bị hãm lâu ở trong thành, bị cùng khốn, muốn được về nhà, tất có nội biến xảy ra, là sáu điều đáng thua.

Đã mắc vào trong sáu điều đáng thua ấy mà không tỉnh ngộ, người khéo dụng binh có làm thế đâu.


(1) Thư này tóm lược hơn nhiều nhưng có một số ý và lời gần như thư số 35 (phần Quân trung từ mệnh tập trong Ức-trai di tập). Nhưng theo lời tiểu dẫn thì thư này gửi cho Vương Thông hồi tháng 3 năm Đinh mùi (1427): “Tháng 3, Vương Thông nhận được thư của ta,nói ra nhiều câu hỗn xược, lại dụ dỗ dân theo làm quan chức để cho nhân dân phản bọn ta”. Điều đó có phần phù hợp với một đoạn trong Toàn thư (q. 10, 30b): tháng 3 năm Đinh mùi… “Hạ lệnh cho các tướng hiệu quân nhân các lộ Quốc-oai, Tám-đái: phàm thấy thư của giặc lừa dối dụ dỗ, đe dọa huyễn hoặc nhân tâm mà trình riêng với tướng của mình thì bị chém”. Vì vậy, tuy có những ý và lời giống nhau, thư này không phải là bản tóm lược thư số 35, mà có thể là một bức thư khác gửi cho Vương Thông vào tháng 3 năm Đinh mùi (28-3 đến 26-4-1427).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2011, 10:05:11 am »

2. THƯ GỬI CHO VƯƠNG THÔNG(1)

Ta thường nghe, người chuyên giữ công việc từ ngoài cửa thành trở ra mà làm việc tùy tiện, là trách nhiệm của tướng soái; thờ nước lớn mà biết đạo sợ trời, là lòng thành của nước nhỏ. Nếu có thể đều làm được hết phận sự, thì lòng người lẽ trời cũng cùng thân với mình. Trước đây ta nhiều lần gửi thư đến ông, không ngại tần phiền, thực lòng cho là: đồ binh là thứ hung bạo, đánh nhau là việc nguy hiểm, việc hưng thịnh bại vong của một nước, nhân dân sống hay chết đều quan hệ ở điều đó. Thế mà ông vẫn lơ là không nghĩ, lại không có một lời nào nói đến,thế là không biết xử trí thế chăng? Hoặc không rõ sự thế mà thế chăng? Người trong cả nước tôi lâu ngày bị dãi dầu khổ vì đánh dẹp, bỏ nghề chăn tằm, làm ruộng, không được sinh đẻ, mọi người đều nghiến răng, giơ cánh tay, đều muốn liều chết, quyết đánh một trận, thế không thể nào hoãn được.

Nhưng, ta vẫn nghĩ đến nhân dân sinh sống trong một thành, không nỡ để cho người không có tội mà phải giết chết. Dù có muốn là cho hả cơn giận trong chốc lát, nhưng đối với lòng người, lẽ trời thực chưa yên tâm. Nay ông một mình giữ thành trơ troi, đã trải bao năm tháng, mà quân cứu viện lại không đến được. Muốn đánh thì không đánh nổi, muốn giữ thì không giữ vững, lại câu nệ về ý riêng của mình, xua mạng người vào trong đám giáo mác, ta sợ rằng lòng hiếu sinh của thượng đế, tất không để cho làm thế đâu.

Nếu ông lại theo lời bàn trước, lấy việc giảng hòa làm quý, thì việc mà ông xử trí ở bên ngoài, ai dám bảo là không phải, mà người của Trung-quốc cũng được khỏi khổ về đánh dẹp, nhân dân của nước tôi cũng may mà thót mình khỏi chỗ nước sôi lửa bỏng. Có thể Nam, Bắc từ đây không có việc gì, há chẳng hay lắm sao. Cớ gì hàng ngày lấy giáo mác cùng đánh nhau chuyên việc giết chết lẫn nhau. Nhẫn lòng làm cho con người ta phải bồ côi cha, vợ người ta phải góa chồng, lòng của người nhân đức, có ai chịu làm như thế không?

Thư này gửi đến, kính xin trả lời cho biết.


(1) Căn cứ vào nội dung bức thư, nhất là câu “nay ông một người giữ thành trơ trọi, đã trải bao năm tháng, mà quân cứu viện lại không đến được”, thì có thể đoán định thư này gửi cho Vương Thông vào khoảng thời gian trước khi viện binh của địch kéo sang, nghĩa là trước tháng 9 năm Đinh mùi (1427).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2011, 10:10:15 am »

3. THƯ DỤ HÀNG (CÁC TƯỚNG SĨ TRONG)
THÀNH BÌNH-THAN
(1)

Thư gửi chỉ huy sứ vệ Trấn-di(2) là ông họ An và các quan ở trong thành.

Ta nghe: đại đức thích cho người ta sống, thần vũ không hay giết người, đem quân nhân nghĩa đi đánh dẹp cốt để yên dân. Người nào theo đúng lẽ ấy thì phúc nào cũng đem lại, làm trái lẽ ấy thì họa nào cũng đưa đến. Xem như (xưa kia), Đặng vũ không giết càn, Tào Bân giả cách ốm(*) so với việc Bạch Khởi, Lý Quảng(**) thỏa ý giết người qui hàng, đối với lẽ báo ứng: làm lành gặp lành, làm ác gặp ác, có thể lấy đó làm gương. Ta từ khi dấy nghĩa đến giờ, về việc thuận đức, trái đức, tuy đối với lẽ phải, cố nhiên có sự thỏa đáng, nhưng giữa (những điều đối xử) nghiệt hay khoan, cho hay lấy, không bao giờ là không thể theo đức hiếu sinh của trời đất và lòng (đại lượng) của thánh nhân: Thà bỏ sót một người mắc tội phi thường.

Nay các ngươi bằng số quân không đầy một ngàn mà còn giữ lấy một thành trơ trọi, ròng rã hàng năm, tin tức không thông, cái ngày mà thành bị hãm mất, chẳng sớm thì chiều. Ta sở dĩ để hoãn lại không kịp đánh ngay là có ý muốn bọn các ngươi xét rõ về cơ nghi của sự thế, hiểu rõ về lẽ thành bại, hoặc may trời nhủ bảo trong lòng, có thể chuyển họa làm phúc để toàn được tính mệnh cho (nhân dân) cả một thành. Về lẽ họa phúc, chính ngay trước mắt, về cơ thuận nghịch, không thể không xét kỹ. Ngay như các thành Tân-bình, Thuận-hóa, Diễn-châu, Nghệ-an, Tiều Hậu vệ Tâm-giang Thị-kiều, mà đô đốc Thái và 2 quán đô ti họ Chu, họ Tiết, quan bố chánh họ Kim, án sát họ Trương (phụ trách)(3) cùng các quan chỉ huy các thành, thiên lộ phủ, huyện đều biết thời thông biến; cùng ta hòa giải để cho nhân dân các thành ấy đều được sống cả. Ngày mà quân ta kéo vào thành, tịnh không xâm phạm mảy may; người nhà vợ con đều được yên vui, thì cái lẽ trời cao ban phúc cho người thiện há có sai đâu! Còn như cái thành Xương-giang tự cho là thành cao, hào sâu, lương chứa lại nhiều, không biết tự lượng (khác nào) con bọ ngựa dám lấy càng mà chống lại xe (đang đi). Ta mỗi khi nghĩ đến nhân dân trong thành, họ không có tội gì mà phải giết chết, mới gửi thư tín không ngại phiền phức, lấy lẽ họa phúc (ân cần) nhủ bảo; lại bảo đô đốc họ Thái và các quan chỉ huy ba ti ở các phủ huyện đều đến dưới thành, hai ba lần hiểu dụ mà kẻ kia vẫn chố chấp hôn mê như người lòa không biết sợ chết. Ta bất đắc dĩ mới sai bọn tì tướng đúng hẹn tiến đánh. Ngày 18 tháng này(4), giờ ngọ trống trận mới nổi tiếng, liền bị tan vỡ. đó là lầm lỗi của bọn chỉ huy Lý Nhiệm(5) để đến nỗi người trong một thành, hóa ra máu chảy, há chẳng đáng đau sót lắm ru? Bọn các ông nên coi vào bọn họ Thái, thuận lẽ thì được hưởng phúc và bọn Lý Nhiệm trái lẽ thì bị mắc họa: ai hơn ai kém là người có ý thức, tất phải phân biệt. Nếu còn cậy thành cao, hào sâu, không răn việc xe trước đã đổ thì ta sợ thành trì của các ông không phải là nơi hiểm trở trời đặt ra mà không thể vượt qua. Vả lại, lòng người nhân đức đúng mực, không nỡ để cho một kẻ nào không được yên chốn, huống chi là người cả một thành? (Thấy) gan óc họ dày xuống đất mà không xót xa trong lòng hay sao? Ta sở dĩ luôn luôn lấy việc ấy để hiệu dụ chẳng qua là để theo đức hiếu sinh của trời để toàn vẹn cho sự sống còn của nhân dân trong một thành đó mà thôi. Bọn các ông hãy nghĩ cho kỹ, chớ để hối về sau. Thư nói không hết lời.


(1) Bình-than: Cương mục (q. 7, 28a) chú thích là xã Trần-xá, huyện Chí-linh (Hải-hưng). Nhưng theo Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Hải-dương) thì xã Bình-than thuộc huyện Quế-dương, tỉnh Bắc-ninh (Hà-bắc). Ở đó, trước đây quân Minh có lập một đồn trại. Nhưng trong số các thành quân ta bao vây và dụ hàng trong khoảng cuối năm 1426, năm 1427 chép trong chính sử của ta, không thấy thành Bình-than. Và ngay trong thư này tiếp theo đề mục lại viết: “Thư gửi chỉ huy sứ vệ Trấn-di là ông họ An và các quan ở trong thành”. Vậy thư này gửi cho thành Bình-than hay thành Trấn-di?
(2) Trấn-di là một huyện thuộc phủ Lạng-sơn, nay là huyện Chi-lăng tỉnh Lạng-sơn. Thành Trấn-di ở ải Trấn-di, là trị sở huyện Trấn-di. Ải Trấn-di tức ải Chi-lăng. Ở đó nay vẫn còn vết tích những thành vỡ. Quân Minh đắp thành lũy và đặt một vệ quân trấn giữ cửa ải quan trọng này. Chính sử không chép rõ quân ta đánh và giải phóng thành Trấn-di vào lúc nào, nhưng điều chắc chắn là trước khi viện binh của Liễu Thăng tiến vào biên giới.
(*) Tướng Tống Tào Bân tấn công nhà Nam Đường,  bao vây Kim Lăng. Bỗng ông trở bệnh, không ngó ngàng gì tới công việc  Các tướng lĩnh đến hỏi thăm bệnh tình của ông, Tào Bân nói rằng: “Bệnh của ta không thể trị bằng thuốc men được. Vào ngày các ngươi chiếm được thành, nếu các tướng lĩnh của ta có thể nghiêm túc lập lời thề rằng sẽ không giết bừa một người nào, không tham lam trộm cướp bất cứ vật gì, thì bệnh ta sẽ khỏi!”. Các tướng lĩnh đều thắp hương và thề rằng sẽ tôn trọng triệt để quân lệnh này. Nhờ vậy Hậu Chủ Lý Dục và quan tướng cùng dân chúng được bảo toàn tính mạng.
(**) Lý Quảng tướng nhà Hán, làm thái thú Lũng Tây. Người Khương làm phản, Lý Quảng dụ hàng. Người Khương hàng hơn tám trăm người, bị Quảng lừa giết cả trong một ngày.
(3) Đô đốc Thái là Thái Phúc, trấn thủ thành Nghệ-an. Hai quan đô ty họ Chu, họ Tiết là đô chỉ huy Chu Quảng va tiết Tụ ở thành Diễn-châu.
Án sát họ Trương có lẽ là Trương Lân ở thành Điêu-dêu, tức thành Tiền vệ của thành Đông-quan.
Bố chính họ Kim chưa rõ tên.
41) Theo Toàn thư (q.10, 38b), quân ta chiếm được thành Xương-giang vào ngày 8 tháng 9 năm Đinh mùi (ngày 28 tháng 9-1427). Ở đây chép ngày 18, có lẽ do sao chép sai lạc.
51) Lý Nhiệm giữ chức đô chỉ huy, là tướng Minh giữ thành Xương-giang. Lý Nhiệm ngoan cố chống cự và cuối cùng phải tự sát
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Hai, 2011, 09:03:37 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM