Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 03:05:38 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc đời tôi - Một trăm giờ với Fidel Castro  (Đọc 92212 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #50 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2013, 10:50:18 am »

Ông có nghĩ rằng chính trong giai đoạn nhũng ngày tháng học tập và tìm hiểu về chính trị kết thúc là khi ông đã có đủ kiến thức cũng như những hành trang cần thiết để bắt đầu một cuộc sống hoạt động chính trị thực thụ?

Phải nói là tôi đã tiến bộ rất nhiều so với ngày đầu tiên tôi vào đại học vài năm trước đó, nhưng ngay cả sau khi tốt nghiệp vẫn còn nhiều điều cần học hỏi - thậm chí ngay bây giờ cũng vậy.

Tôi đã học được những điều tinh túy gì từ các nhà Tư tưởng Cách mạng vĩ đại ư? Nếu từ Marti thì đó là cảm hứng và lòng nhiệt huyết, là tấm gương xả thân vì lý tưởng của ông cũng như nhiều phẩm chất khác, nhưng quan trọng nhất là đạo đức, trên tất cả là đạo đức. Có một câu ông nói mà mãi mãi tôi không bao giờ quên được - “Tất cả vinh quang trên thế gian cũng chỉ nằm gọn trong một hạt ngô!” - tôi thấy cách diễn giải như vậy đẹp đến ngỡ ngàng, vượt trên mọi sự phù phiếm và giả tạo cũng như tham vọng điên cuồng của con người, như một lời cảnh tỉnh đối với bả hư danh mà tất cả những người cách mạng như chúng tôi lúc nào cũng phải cảnh giác. Với những giá trị đạo đức đó tôi chẳng khác nào người chết đuối vớ được cọc. Đạo đức, những giá trị chi phối hành vi của mỗi con người, là điều tinh túy nhất, quan trọng nhất, một kho báu vô giá.

Từ Mác, tôi nhận được cơ sở đánh giá và phân tích về xã hội loài người; nếu không, một người chưa từng đọc những lý giải và phân tích của ông hoặc chưa được giảng giải, sẽ chẳng khác gì bị quẳng giữa một khu rừng rậm rạp lúc đêm đen, hoàn toàn không biết gì về phương hướng, đông, tây, nam, bắc. Mác cho chúng ta biết xã hội là gì và lịch sử phát triển của xã hội. Nếu không có Mác, chúng ta không thể có cơ sở lý luận để diễn giải và phân tích các sự kiện lịch sử - những quy luật phát triển và vận động của xã hội cùng xu hướng trong tương lai của một nhân loại đang còn trong giai đoạn tiến hóa và hoàn thiện.

Ông và tôi cũng như hầu hết mọi người trên thế giới đều lo lắng trước những Học thuyết và Tư tưởng về toàn cầu hóa tân tự do đang hết sức thịnh hành hiện nay, còn đối với một người sống trong thời thực dân thì có lẽ ông ta sẽ phải chết khiếp với những tư tưởng này; ngay cả Marti chắc cũng phải choáng váng, trong cái thời Cuba còn là thuộc địa của Tây Ban Nha; nói chung chỉ cần ba mươi năm trước đây thôi chắc con người ta sẽ phải bàng hoàng vì chúng. Có quá nhiều biến cố to lớn, và nhận thức của con người ta cứ thế dầy dặn cũng như từng trải hơn. Cả lịch sử loài người cũng không ngừng biến đổi...

Và ngay chính lịch sử bản thân ông nữa chứ?

Tôi đã nói với ông rằng một yếu tố có vai trò vô cùng to lớn là tôi sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, và tôi là con trai chứ không phải cháu nội của một đại địa chủ sở hữu rất nhiều đất đai. Tôi đã sống và trải qua mọi khía cạnh của cuộc sống, vì vậy tôi đã trở nên quen thuộc với tất cả từ trước khi tôi đọc Mác, bởi vì tôi đã tận mắt chứng kiến cuộc sống trong những latifundios đó là như thế nào. Phải công nhận rằng latifundios của cha tôi có lẽ là đồn điền nhân đạo nhất, tôi nói vậy không phải vì đó là cha tôi. Lúc nào ông cũng có mặt bên người làm của mình, ông nói chuyện và chia sẻ với họ, ông thấu hiểu những gì họ phải chịu đựng mỗi khi họ đến cầu xin ông điều gì đó, mong được ông giúp đỡ, ban ơn - và bao giờ ông cũng nhanh chóng đưa ra quyết định cần thiết.

Ở Birán còn nhiều latifundios khác thuộc sở hữu của các Công ty Mỹ, trong khi các cổ đông toàn sống ở New York, còn ở đây (tức là ở Cuba, và cụ thể là trên các đồn điền), chỉ có người quản lý và đốc công, những người không hề có đủ thẩm quyền hay khả năng để giúp đỡ người khác. Họ chỉ có một khoản, ngân sách nhất định và bắt buộc phải chi tiêu trong khoản đó. Che Guevara đã nghiên cứu và tìm tòi rất nhiều tài liệu, về cách thức những đồn điền khổng lồ thuộc các công ty lớn được quản lý và điều hành như thế nào - tôi biết là ông rất quan tâm đến Che - anh ấy đã nghiên cứu và nghiệm ra rằng: “Hoàn toàn không có một xu nào dành cho việc giúp đỡ bất kỳ ai cả”. Cha tôi - tôi đã kể với ông là mặc dù cha tôi sở hữu bao nhiêu đất đai -   nhưng lúc nào ông cũng ở trên cánh đồng; ông thường xuyên ra ngoài và gặp gỡ người làm thuê cho mình; nếu không thì họ lại đến gặp ông, xung quanh cha tôi không bao giờ có vệ sĩ hay bất kỳ phụ tá hoặc thư ký nào đi cùng ông tới chỗ này, chỗ kia; bao giờ ông cũng ra ngoài một mình, tự ông đi, ông thường cưõi ngựa hàng cây số mỗi ngày, và thế là người làm có thể gặp ông rất dễ dàng. Trong khi đó, họ hoàn toàn không có điều kiện tiếp cận Chủ tịch của một công ty như Công ty Hoa quả Mỹ hoặc những công ty khác ở New York, đó là lý do tại sao tôi khẳng định rằng ở đồn điền của bố tôi thể hiện tính nhân văn nhiều hơn. Tôi đã chứng kiến tất cả những điều đó ớ Birán và chúng đã giúp tôi rất nhiều - có thể coi đó là những nguyên liệu thô giúp tôi hình thành nên quan điểm sống giúp đỡ những người cùng khổ và tay trắng.

Tôi cũng đã kể với ông rằng nhiều lúc tôi cũng bị bỏ đói khát; tôi đã kể cho ông nghe rất nhiều chuyện, những gì tôi đã trải qua. Hồi đó tất cả thật dễ dàng cho tôi hiểu một điều rằng chúng tôi sống trong một xã hội tràn ngập những bất công và áp bức.

Vậy khi nào thì ông quyết định chuyển từ lý thuyết sang hành động?

Cần nhớ là tôi đã gần như trở thành một người Cộng sản quốc tế; tôi đã từng ở Bogota năm 1948, tôi tham gia cùng những sinh viên ở đó. Chúng tôi có hẳn một Chương trình hành động, trong đó bàn đến rất nhiều mục tiêu đấu tranh, có thể kể ra đây như cuộc đấu tranh đòi lại chủ quyền quần đảo Malvinas cho Argentina, đòi Mỹ trao trả kênh đào Panama. Tôi từng tham gia cuộc viễn chinh Cayo Confites và nhiều sứ mệnh quan trọng khác. Nhưng quan trọng hơn hết là cho đến ngày 10 tháng 3 năm 1952, ngày Batista tiến hành đảo chính, tôi đã hoàn toàn trở thành một người Mác xít-Lêninít từ trước đó nhiều năm. Tôi nói như vậy vì những giá trị to lớn mà tôi thu lượm và tích lũy được từ đó, vì những gì tôi học được trong suốt những năm theo học ở trường đại học. Nếu không có những bài học cực kỳ quý giá đó, chắc chắn tôi đã không thể nào đảm nhiệm được bất kỳ vai trò nào.

Nếu như Christopher Columbus không có kim chỉ nam, chắc chắn ông ấy cũng không thể đi đâu xa và phát hiện ra châu Mỹ. Nhưng điều quan trọng là chúng ta đã có kim chỉ nam. Bản thân tôi cũng có một chiếc kim chỉ nam mà tôi tìm thấy trong Học thuyết của Mác và Lênin. Và còn phải nhắc đến những giá trị đạo đức - tôi xin nhấn mạnh lại một lần nữa - mà tôi tìm thấy ở Marti. Tất nhiên là những yếu tố khác cũng có vai trò nhất định - hồi còn thanh niên tôi rất say mê các môn thể thao nói chung và đặc biệt là môn leo núi nói riêng. Mọi điều kiện hoàn cảnh đều ít nhiều có dấu ấn trong cuộc đời mỗi con người; cuộc đời đã giúp tôi rất nhiều.

Khi cuộc đảo chính năm 1952 của Batista diễn ra, tôi đã hình thành sẵn cho mình một kế hoạch trong tương lai. Tôi đã quyết tâm phát động một cuộc đấu tranh cách mạng và tổ chức một cuộc nổi dậy sâu rộng. Từ giây phút đó trở đi, tôi hình thành ý niệm rất rõ ràng về cuộc đấu tranh phía trước và những tư tưởng cách mạng nền tảng tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh đó, những ý tưởng mà tôi đã trình bày trong Lịch sử sẽ bào chữa cho tôi 1. Tôi tự ý thức được rằng một cuộc đảo chính cách mạng giành chính quyền là hết sức cần thiết. Tất cả đều bắt nguồn từ những gì sắp xảy ra sau cuộc Tổng tuyển cử ngày 1 tháng 6 năm ấy. Vẫn sẽ không có gì thay đổi cả. Vẫn sẽ là nỗi thất vọng và vỡ mộng của đông đảo quần chúng nhân dân ở mọi tầng lớp. Lúc bấy giờ tôi nhận ra một điều rõ ràng rằng không được phép quay lại, quay lại những con đường mà chúng tôi vẫn mù quáng đi theo để rồi lại sa vào ngõ cụt không lối thoát.


----------------------------------------------------------
1.  Sau vụ tấn công vào trại lính Moncada ngày 26 tháng 7 năm 1953, Castro bị bắt và bị xét xử. Ông tự làm luật sư bảo vệ cho mình, và bài nói ngắn của ông chẳng bao lâu đã trở nên nổi tiếng với tiêu đề “Lịch sử sẽ bào chữa cho tôi”. (Bản tiếng Anh đầy đủ đó là: Lịch sử sẽ bào chữa cho tôi: Bài nói bào chữa trong vụ xét xử tấn công trại lính Moncada, Santiago de Cuba, 16 tháng 10 năm 1953, Luân Đôn: Jonathan Cape, 1967). Bài nói này từng được dùng làm bằng chứng chống lại Batista và những tội ác của ông ta, một lập luận có tính triết lý, pháp lý và đạo đức bảo vệ tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh chống lại ché độ độc tài Batista, và giải thích cho cương lĩnh của Castro về việc thay đổi căn bản nền kinh tế và xã hội Cuba, (xem thêm chương 6).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #51 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 10:44:16 am »

4

TẤN CÔNG TRẠI LÍNH MONCADA


Quá trình chuẩn bị - Con người
- Vũ khí - Chiến luợc - Trang trại ở Siboney
- Tấn công - Rút lui


Ông quyết định tấn công trại lính Moncada vào thời điểm nào?

Khi đó tôi đã nghi ngờ - qua nhiều dấu hiệu - là Batista đang âm mưu tiến hành đảo chính: Tôi báo cáo lại những điều nghi ngờ của mình cho lãnh đạo Đảng Chính thống và họ hỏi những người mà họ tin cậy để kiểm chứng lại thông tin. Đúng là những người có cho kiểm tra, nhưng rồi họ quay lại và báo lên Ban lãnh đạo, mà tôi không phải là thành viên, rằng hoàn toàn không có mối nguy hiểm nào, tất cả đều yên tĩnh. Chuyện này tôi đã kể với ông rồi.

Còn chúng tôi quyết định tấn công trại lính Moncada vào thời điểm nào ư? Khi chúng tôi đã tin chắc rằng sẽ không có ai làm bất kỳ điều gì hết, và chắc chắn sẽ không có cuộc đấu tranh nào chống lại Batista, và đa số trong rất nhiều các nhóm chính trị khi đó - thật ra trong đó có nhiều người đồng thời là thành viên của các nhóm khác nhau - đều không được chuẩn bị, thiếu tổ chức, không đủ khả năng thực hiện cuộc đấu tranh vũ trang mà tôi đang kỳ vọng.

Ví dụ như trường hợp một Giáo sư Đại học, Rafael García Barcena đã đến nói chuyện với tôi, vì ông ấy muốn đánh chiếm căn cứ quân sự Columbia ở Havana, một trong những thành lũy quan trọng nhất của chế độ độc tài Batista, ông ấy bảo tôi, “Tôi có rất nhiều người bên trong căn cứ đó sẵn sàng làm nội ứng để yểm trợ chúng ta”.

“Ông muốn chiếm Columbia”, tôi nói, “và những người đó sẽ chuẩn bị sẵn cho ông đúng không? Nếu vậy thì đừng liên hệ với bất kỳ ai nữa - chúng tôi có đủ lực lượng cần thiết và chúng tôi có thể giữ bí mật tuyệt đối chuyện này”. Vậy mà cuối cùng ông ta lại làm ngược lại! Ông ta liên hệ tiếp với khoảng hai chục tổ chức khác, và chỉ trong vòng vài ngày sau, cả Havana, và đương nhiên là cả quân đội nữa, đều biết kế hoạch của vị Giáo sư này - một người tốt, đầy nhiệt huyết, ông ta từng giảng bài cho quan chức quân sự cấp cao của Chính phủ Batista. Barcena là một trong những Giáo sư có hợp đồng bồi dưỡng kiến thức cho sĩ quan quân đội Chính phủ. Chắc ông cũng có thể hình dung ra kết cục là tất cả những người can dự đều bị tống vào tù, kể cả vị Giáo sư đó.

Nhưng ngay từ trước khi diễn ra cái kết cục không thể khác đó, tức là vài tuần sau khi tôi nói chuyện với Barcena, sau khi chúng tôi đã phát hiện ra rằng bây giờ hóa ra ai cũng biết đến kế hoạch tấn công căn cứ Columbia, chúng tôi đã quyết định hành động ngay, bằng chính lực lượng hiện có của mình, đông hơn về số lượng, lại được huấn luyện bài bản và có tinh thần kỷ luật hơn các nhóm khác. Thật đau đớn khi nói vậy, nhưng đó là sự thật. Trong số những nhóm kia, nếu nói đến một nhóm hoạt động nghiêm túc và mạnh mẽ nhất thì đó là Liên đoàn Sinh viên Đại học, FEU. Nhưng khi ấy những trang huy hoàng nhất trong lịch sử đấu tranh của FEU, dưới sự lãnh đạo của Jose Antonio Echeverría  , người vừa mới vào Trường đại học và tham gia vào Tổng bộ lãnh đạo Cách mạng, do chính anh ấy thành lập nên năm 1956, vấn còn chưa được viết lên.

Chúng tôi đã phân tích kỹ lưỡng tình hình và lên kế hoạch chi tiết. Chúng tôi chọn Santiago de Cuba làm nơi bắt đầu cuộc đấu tranh.

Tôi không bao giờ nói chuyện và Barcena nữa. Một hôm trên đường lái xe từ Santiago quay về, tôi đang nghe đài thì biết được tin ông ấy và một vài nhóm dân sự khác đã bị bắt ngay trên những góc phố gần căn cứ quân sự Columbia.

Ông đã làm cách não để tập hợp được các nhóm vũ trang chuẩn bị tấn công trại lính Moncada?

Trước đó tôi đã nghiên cứu và thục luyện nhiều về nghệ thuật hùng biện và lôi cuốn người khác - vì tôi đã nhận thức rất rõ ràng về phương thức tiến hành cách mạng - hơn nữa, tôi cũng có thói quen tìm hiểu và nghiên cứu trực tiếp từng thành viên tình nguyện tham gia, từ đó xác định rõ động cơ của người này để bảo đảm rằng anh ta hiểu rõ những quy định và kỷ luật của tổ chức, giải thích cho anh ta nắm chắc các mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của chúng tôi, nói chung là giải thích trong khuôn khổ khả năng và chức trách của tôi. Nếu không có cách tiếp cận như vậy, chắc chắn chúng tôi không thể nào hình thành lên kế hoạch tấn công vào trại lính Moncada. Trên cơ sở nào à? Trước hết phải xác định rõ anh có những lực lưọng như thế nào? Những người trực tiếp tham gia chiến đấu của anh là ai? Động cơ của họ là gì, lý lịch gia đình và bản thân họ, và quan trọng nhất là số lượng cụ thể là bao nhiêu? Nếu như anh không thể trông cậy vào giai cấp công nhân, những người campesinos, những người dưới đáy xã hội, những người cùng khổ và nghèo đói, trong một đất nước bị bóc lột tàn tệ, thì tất cả sẽ chẳng còn ý nghĩa gì hết. Ở Cuba khi ấy hoàn toàn chưa có ý thức về giai cấp, trừ các thành viên của Đảng Xã hội Chủ nghĩa bình dân, vốn là những người được giáo dục khá bài bản về mặt chính trị; tuy nhiên cũng vẫn có khoảng cách rõ rệt về giai cấp. Tôi muốn nhắc đến Mella, một lãnh đạo sinh viên trẻ tuổi và năng nổ, ông ấy đã cùng với một người cựu chiến binh từ thời Chiến tranh Độc lập sáng lập lên Đảng Cộng sản Cuba năm 1925. Tôi đã đề cập đến ông ấy nhiều lần. Nhưng đến năm 1952 thì Đảng này đã bị cô lập về mặt chính trị - hãy hình dung xem, đó là thời kỳ ác liệt nhất của Chủ nghĩa bài Cộng sản McCarthy và Cuba đang chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến dịch tuyên truyền tàn bạo do Chủ nghĩa Đế quốc phát động, với tất cả những nguồn lực hùng hậu nhất đều được đưa ra sử dụng, sẵn sàng đả kích và bài xích bất kỳ thứ gì có hơi hướng Cộng sản. Khi ấy hoàn toàn thiếu một cái gọi là văn hóa chính trị.

Ông có mất nhiều thời gian cho việc tập hợp lực lượng không?

Mọi việc diễn ra tương đối nhanh. Tôi cũng thấy ngỡ ngàng trước việc chỉ cần dùng những lập luận thích đáng và một vài tấm gương tiêu biểu là chỉ trong một thời gian rất ngắn anh đã có thể thuyết phục một ai rằng cái xã hội mà chúng ta đang sống là một điều phi lý và cần phải được thay đổi. Ban đầu tôi bắt đầu công việc với một vài đội tình nguyện. Có rất nhiều người muốn đấu tranh chống lại nạn tham nhũng, biển thủ và trộm cắp trong Chính phủ, phản đối tình trạng tham nhũng, lạm dụng, bất công, bóc lột lan tràn, nhưng họ nghĩ nguyên nhân là do các chính trị gia tha hóa và thiếu năng lực. Họ không nhận ra một điều rằng nguyên nhân bao trùm nhất là cả Hệ thống chính trị thối nát đó.

Giờ đây chúng ta đã biết một điều mà trước đây đại đa số quần chúng không biết rằng Chủ nghĩa Tư bản tác động đến hành vi và suy nghĩ của từng cá nhân một cách hoàn toàn vô hình mà ngay cả cá nhân đó cũng không nhận ra. Rất nhiều người tưởng rằng chỉ cần mời được một Tổng thiên thần từ thiên đường xuống hạ giới, thậm chí là thiên thần giỏi giang và nhiều phép màu nhất, giao cho ông ta công việc điều hành Nhà nước Cộng hòa, là sẽ tạo nên một Chính phủ trong sạch - là sẽ có thêm nhiều trường học, không ai còn tham nhũng và ăn cắp tiền nhà nước lẽ ra phải được dùng chi cho y tế và các nhu cầu quan trọng khác. Họ không nhận ra một điều là thất nghiệp, nghèo đói, thiếu đất canh tác - tất cả những vấn nạn đó đều không thể chí được giải quyết bằng một Tổng thiên thần, bởi vì những dải đất mênh mông nhất, màu mỡ nhất, những latifundio đã thuộc về sở hữu của một nhúm người, và tất cả sẽ chẳng bao giờ thay đổi gì hết. Tôi hoàn toàn tin rằng hệ thống thối nát và bất công đó phải bị phá hủy vĩnh viễn.

Những thanh niên mà tôi tuyển mộ đều là những người ủng hộ Đảng Chính thống, có tư tưởng chống Batista - những thanh niên rất nhiệt thành và chính trực, nhưng họ hoàn toàn thiếu sự giáo dục về chính trị. Tôi thừa nhận rằng họ có bản năng về giai cấp, nhưng đó chưa phải là ý thức giai cấp một cách chủ động.

Như tôi đã giải thích lúc đầu, chúng tôi bắt đầu tuyển mộ và huấn luyện các thanh niên, không phải để làm một cuộc cách mạng nhất thời, mà là để tham gia - ở mức độ hết sức sơ khai thôi - một cuộc đấu tranh trường kỳ, cùng với nhiều lực lượng khác, nhằm khôi phục tình hình theo đúng Hiến pháp trước năm 1952, sau khi chỉ hai tháng hai mươi ngày trước ngày diễn ra Tổng tuyển cử, Fulgencio Batista, một kẻ có ảnh hưởng và quyền lực trong một đội quân thối nát gồm toàn những tay chân cũ của hắn, đã tiến hành đảo chính một cách hèn hạ và hủy bỏ Hiến pháp cũ vì hấn biết chắc rằng mình hoàn toàn không có cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Chúng tôi đã tổ chức một lực lượng chiến đấu - tôi phải khẳng định rằng không phải để tiến hành một cuộc cách mạng tự phát mà là để liên kết những lực lượng khác cùng chung mục tiêu đấu tranh chống Batista, bởi vì sau khi ông ta tiến hành đảo chính ngày 10 tháng 3 năm 1952, ai cũng thấy một nhu cầu cấp thiết là phải thống nhất các lực lượng. Đảng Chính trị đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 1948, Đảng Chân chính, khi ấy đang nắm quyền và đã rất thối nát, nhưng Batista còn tệ hơn thế nhiều. Cuba khi đó có Hiến pháp hẳn hoi và một cuộc Tổng tuyển cử mới đang được gấp rút chuẩn bị, vậy mà chỉ tám mươi ngày trước khi cuộc Tổng tuyển cử ngày 1 tháng 6 diễn ra thì đúng vào ngày 10 tháng 3 năm 1952, Batista đã tiến hành đảo chính.

Lẽ ra cuộc Tổng tuyển cử được tổ chức vào ngày 1 tháng 6. Batista là ứng cử viên của đảng mình, nhưng những cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông ta hoàn toàn không có cơ hội trúng cử; một điều hiển nhiên là đảng do Chibas sáng lập, Đảng Chính thống, sẽ giành đại đa số phiếu bầu. Và do đó Batista đã phát động một cuộc đảo chính quân sự. Gần như ngay lập tức, tất cả các lực lượng đều tổ chức liên kết với nhau nhằm lên kế hoạch lật đổ Chính phủ bất hợp pháp và độc tài đó.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #52 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 10:47:12 am »

Nhóm của ông có bao nhiêu người?

Chúng tôi chẳng có một xu nào, mà nói chung là chẳng có gì cả. Những gì tôi có là mối quan hệ với một đảng chính trị, Đảng Chính thống, với rất nhiều thành viên tích cực là thanh niên, tất cả đều là những người mang tư tưởng chống Batista rất mạnh mẽ - có thể gọi họ là sự đối chọi với chế độ của Batista. Xét theo góc độ này, trong cả nước cũng không có tổ chức nào sánh được với Đảng Chính thống. Tinh thần chính trị và phẩm chất đạo đức của lực lưọng thanh niên trong Đảng là rất cao. Tất nhiên như tôi đã đề cập lúc đầu, tôi chưa thể nói rằng họ có ý thức giác ngộ chính trị, tinh thần giác ngộ, ý thức giai cấp cao, bởi xét cho cùng thì đội ngũ lãnh đạo của Đảng này, bao giờ cũng vậy, trừ trường hợp ở Havana nơi tập trung đông đảo những nhóm trí thức và chính trị gia tên tuổi, đều chỉ dần dần tập trung vào tay của những người xuất thân từ tầng lớp đại địa chủ và tư sản giàu có.

Nhưng đại đa số thành viên trong Đảng là người tốt, những người trung thực và chăm chỉ, nhiều người thậm chí còn xuất thân từ tầng lớp trung lưu - cho dù họ không hoàn toàn là những người có tinh thần chống Chủ nghĩa Đế quốc, vì đon giản là vấn đề Chủ nghĩa Đế quốc không được đề cập đến. Nó chỉ được đề cập trong nội bộ các thành viên của Đảng Cộng sản - đó là lý do tại sao tinh thần cách mạng của nhân dân Cuba sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 lại xuống thấp đến vậy; tinh thần đó đã bị hủy hoại gần như hoàn toàn dưói sức nặng áp đảo của bộ máy truyền thông kiểu nhồi sọ về ý thức hệ của Đế quốc Mỹ.

Ông đã huấn luyện bao nhiêu người chuẩn bị cho cuộc tấn công?

Chúng tôi huấn luyện cho tất cả là 1200 thanh niên. Chính xác là tròn 1200 vì khi đạt được con số đó là chúng tôi ngừng lại, về sau không tuyển thêm các thành viên vũ trang nào khác. Chúng tôi đã xây dựng được một đội quân nhỏ. Tôi nói chuyện trực tiếp với từng thành viên; tôi cố gắng tranh thủ từng giây từng phút để làm việc đó thật tỉ mỉ - nhiều giờ liền mỗi ngày. Nội dung việc trao đổi và huấn luyện của tôi đối với họ về cơ bản là những vấn đề chính trị - cho họ hiểu rằng chúng tôi cần được tổ chức chặt chẽ và huấn luyện sẵn sàng. Ý định của chúng tôi là rất rõ ràng, nhưng tất nhiên là chúng tôi không bao giờ đề cập đến những kế hoạch chi tiết. Nguyên tắc và kỷ luật được chấp hành tuyệt đối nghiêm túc.

Chỉ trong vòng vài tháng chúng tôi đã tuyển mộ được 1200 thanh niên, như tôi vừa nói. Tôi đã đi hết chặng đường 50 nghìn cây số tức là hơn 30 nghìn dặm, trên chiếc ô tô đó! Đến nỗi mà chỉ vài ngày nổ ra cuộc tấn công vào trại lính Moncada, động cơ của chiếc xe đã chịu không nổi và nổ tung - đó là một chiếc Chevrolet mầu be, biển số là 50315. Tôi còn nhớ chính xác. Vì vậy tôi phải đổi sang một chiếc xe khác, chiếc xe mà chúng tôi thuê vài hôm trước ngày 26 tháng 7.

Chúng tôi xâm nhập vào các tổ chức khác. Có một nhóm trong đó thuộc đảng cầm quyền thối nát (Đảng Chân chính) đã bị lật đổ ngày 10 tháng 3 năm đó cũng đang có âm mưu nổi dậy chống Batista. Nhóm này có một lượng vũ khí khổng lồ, nói chung là mỗi thứ một tí - cái mà họ thiếu chính là con người. Các lãnh đạo quân sự cũ của Chính quyền bị lật đổ cũng đang tổ chức lại binh lính của mình trước kia, và tất nhiên là còn muốn bổ sung thêm người. Nhờ vào tính cách năng nổ cùng khả năng thuyết phục người khác và sự nhanh nhạy của Abel, chúng tôi đã thuyết phục được tổ chức kia rằng họ có thể trông cậy vào 1200 thanh niên chia làm ba nhóm, tất cả đều được huấn luyện bài bản và được chia lẻ tiếp rồi bố trí khắp Havana. Điều đó đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho nhóm kia. Đó là tất cả những gì họ đang cần. Phải nói rằng như thế là quá nhiều rồi. Nhưng chúng tôi đã quá tham vọng. Thái độ nôn nóng của chúng tôi khiến họ thấy nghi ngờ và cắt mất liên lạc. Tất cả những thanh niên và các nhà lãnh đạo của họ đều còn rất trẻ. Chắc hẳn họ đã lờ mờ đoán ra chiến lược của chúng tôi. (Nếu bọn họ phát hiện ra chính tôi, Fidel Castro, đang đứng đằng sau vụ thâm nhập này, chắc chắn họ sẽ bỏ rơi chúng tôi như bỏ một củ khoai tây nóng bỏng tay), do vậy điều tối kỵ là không được nhắc tên tôi trước mặt họ. Trước đó tôi đã viết một số bài báo lên án Chính phủ kia (tức là Chính phủ của Đảng Chân chính đã tha hóa với rất nhiều hành động sai lầm, và Alerta, tờ nhật báo có lượng phát hành lớn nhất nước, đã lần lượt đăng tải các bài viết đó, tất cả đều có bằng chứng không thể chối cãi, trong các số phát hành thứ hai hàng tuần. Việc này xảy ra vài tháng sau cái chết của Chibas và chỉ vài tuần trước khi có đảo chính, nên họ đã tố cáo tôi phá hoại Chính phủ, tạo điều kiện cho cuộc đảo chính của Batista nổ ra.

Như tôi đang nói, chúng tôi tuyển mộ và huấn luyện tất cả 1200 thanh niên, trong vòng chưa tới một năm, một con số quả là ấn tượng. Hầu như tất cả đều là thành viên của Đoàn Thanh niên Chính thống, và chúng tôi đã thiết lập được ý thức tổ chức kỷ luật chặt chẽ và sự thống nhất cả trong tư tưởng lẫn hành động. Họ tin tưởng vào những nỗ lực của chúng tôi, họ tin tưởng vào những quan điểm mà chúng tôi truyền đạt, và chính họ đã góp phần nuôi dưỡng hy vọng của chúng tôi.

Vậy tất cả khi ấy đều còn là thanh niên.

Đúng vậy, tất cả, không trừ một ai. Họ đều là những thanh niên trẻ tuổi - đa số là ở độ tuổi hai mươi, hai mươi hai, hai mươi ba, hai mươi tư. Có lẽ là chỉ có hai người ngoài ba mươi: Bác sĩ Mario Munoz, một Bác sĩ quân y, và Gildo Fleitas, người làm việc trong Văn phòng Trường Trung học Belén, vì tôi đã biết ông ấy từ hồi đó. Tính đến năm ấy thì tôi đã tốt nghiệp trung học được bảy năm (từ năm 1945). Những người khác đến từ các Chi bộ mà chúng tôi tổ chức trong nhiều thành phố trên cả nước, tất cả đều là những thanh niên ưu tú nhất về đạo đức và phẩm chất cách mạng. Trên cả đất nước Cuba có rất nhiều thanh niên như vậy. Thành phố cung cấp cho chúng tôi nhiều thanh niên ưu tú nhất là Artemisa, khi ấy còn thuộc tỉnh Pinar del Río -thành phố Artemisa cung cấp khoảng hai mươi hay ba mươi chiến sĩ tương lai gì đó, họ là một nhóm tuyệt vời. Ngoài ra còn những người khác đến từ vùng xung quanh Havana và một số thành phố thuộc tỉnh Havana cũ, bao gồm cả vùng đất hiện nay thuộc hai tỉnh.

Vào thời điểm đó có không biết bao nhiêu là tổ chức và phe phái đủ loại, và rất nhiều thanh niên là thành viên của tổ chức này hoặc tổ chức khác, thậm chí là thành viên của vài tổ chức cùng một lúc.

Tôi tuyển mộ một số thành viên mà tôi biết từ trước, nhưng đa phần là tôi không biết, bởi vì hồi đó tôi không thường xuyên gần gũi với đội ngũ lãnh đạo của Đảng Chính thống... Ý tôi là tôi chỉ gần gũi với một vài người, trong đó phải kể đến Max Lesnik, người được cả dân tộc chúng tôi biết và ngưỡng mộ vì hiện tại ông ấy đang làm những việc cực kỳ dũng cảm tại Florida, đấu tranh chống lại những kẻ thù vô lương tâm ở đó, rồi còn phải nhắc đến Ribadulla và thậm chí là một lãnh tụ Thanh niên của Đảng Chính thống, một anh chàng tên là Orlando Castro, người đã chạy đua vào Hạ viện trước vụ đảo chính và sau này chuyển tới Venezuela rồi trở thành một triệu phú tên tuổi ở đó. Ban đầu có thể nói đa phần họ chỉ nhóm họp cũng nhau và bàn luận chuyện chính trị, chứ chưa có hành động hoặc phương hướng nào cụ thể.

Tôi sử dụng trụ sở của Đảng Chính thống ở Havana, tại số 109 Calle Prado, vì hàng ngày có rất nhiều người tới đó để nói chuyện và trao đổi thông tin. Điều này rất có ích cho mục đích của tôi - ngụy trang ý đồ và tung tin đánh lạc hưóng. Ở đây không có lãnh đạo nào của Đảng, chỉ có các nhân viên giúp việc. Tôi thường họp trong một căn phòng nhỏ với nhóm năm hay sáu thanh niên khác. Tôi đã kể cho ông về công tác tuyển mộ lực lượng của chúng tôi. Những gì chúng tôi đang làm khi đó là thuyết phục, truyền bá các Tư tưởng, Học thuyết cách mạng, cũng như tiến hành công tác tổ chức ban đầu. Chúng tôi vừa phải nghiên cứu và tìm hiểu họ, nhưng lại không được tiết lộ kế hoạch của mình. Đảng Chính thống là một đảng của tầng lớp trung lưu, người nghèo, giai cấp công nhân, campesinos, nhân viên văn phòng, chuyên viên, sinh viên... Thậm chí có cả một số người thất nghiệp. Nhiều thanh niên mà tôi phỏng vấn đang làm việc trong các cửa hàng, những người khác làm việc trong các nhà máy, ví dụ như Pedro Marrero, hoặc là làm những công việc độc lập, như Fernando Chenard, một nhiếp ảnh gia. Và còn nhiều người khác, như anh em nhà Gomez, những người làm bếp tại Trường Belén mà tôi đã biết từ trước, cùng với Gildo Fleitas - những người thật tuyệt vời!

Tôi còn nhớ là những ngày sau khi xảy ra cuộc đảo chính ngày 10 tháng 3 năm 1952, trong số những người đầu tiên tham gia vào lực lượng của chúng tôi là Jesus Montané và Abel Santamaría. Tôi tổ chức một khóa học nhỏ để truyền bá về Chủ nghĩa Mác ở Guanabo, tại đó có người cho tôi mượn địa điểm, và giáo trình mà tôi sử dụng là Tiểu sử của Mác do Mehring viết ; tôi rất thích cuốn sách này với câu chuyện tuyệt đẹp trong đó. Abel và Montané cũng tham gia khóa học. Tôi đã phát hiệu ra một điều: công việc dễ dàng nhất trên đời này, trong hoàn cảnh khi đó, là biến một ai đó thành người đi theo Chủ nghĩa Mác. Trong khi đó tôi không phải là tay hùng biện xoàng, nên việc giảng bài cũng gặp nhiều thuận lợi.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #53 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 10:52:39 am »

Chắc chắn phần nào cũng là nhờ nền tảng giáo dục Thiên Chúa giáo của ông.

Có thể. Đến lúc đó tôi đã qua giai đoạn là một người theo Chủ nghĩa Cộng sản không tưởng, cho dù tôi chưa chính thức nghiên cứu sâu về Mác cùng các tác giả kinh điển khác của Chủ nghĩa Xã hội. Như tôi đã kể, trong giai đoạn giáo dục chính trị đầu tiên của mình, thì noi tôi sinh ra và lớn lên, cùng với những trải nghiệm cụ thể mà tôi trải qua đã giúp ích cho tôi rất nhiều.

Xã hội Cuba khi đó là cả một mớ hỗn độn, hoàn toàn không có gì là Công lý và Lẽ phải.

Và trong thời gian đó ông là một Luật sư, vậy thực tế thì ông có hành nghề không?

Tôi là nhà cách mạng chuyên nghiệp đầu tiên của Phong trào - trong hoàn cảnh đó, tôi có được sự hậu thuẫn (về nhiều mặt) của những thành viên vũ trang. Họ đều có công việc, tôi là một nhà cách mạng chuyên nghiệp, vì với tư cách một Luật sư, tôi bảo vệ những người cùng khổ - tôi không bao giờ lấy tiền công trong khi tôi cũng chẳng có công việc nào khác. Vả lại, tôi dồn toàn bộ thời gian và công sức của mình cho Cách mạng.

Montané có một tài khoản ngân hàng, cũng không lớn lắm, có lẽ chỉ khoảng hai hay ba nghìn pê xô gì đó, và một công việc có thu nhập cũng tương đối khá, còn về phần mình thì Abel có công việc với mức lương rất cao trong thời điểm đó. Anh ấy còn có cả một căn hộ trong tòa nhà ở El Vedado; Haydée 1, chị gái anh ấy, cũng sống ở đó. Tôi gặp cả ba người này sau cuộc đảo chính của Batista.

Tiền của tôi chỉ đủ mua xăng xe, trả tiền thuê nhà, và những chi phí sinh hoạt hết sức cơ bản khác. Có lẽ cũng phải nói thêm rằng chiếc xe với biển số 50315 mà tôi nói ở trên cũng không hoàn toàn là của tôi - tôi thuê dài hạn, hoặc đúng hơn là mua trả góp. Mỗi tháng tôi phải dành một khoản nhất định để thanh toán tiền xe nếu không nó sẽ thuộc sở hữu của Công ty tín dụng ngay phố bên. Đã hơn một lần Montané và Abel phải đứng ra cứu nguy bằng cách trả tiền thay tôi.

Một số nhà sử học đã nhận xét rằng nhiều người tham gia cuộc tấn công vào trại lính Moncada là con trai của những người Tây Ban Nha, đặc biệt là những người xứ Galicia, ông có thể khẳng định điều này không?

Đúng là như vậy, đến tôi cũng phải ngỡ ngàng. Một hôm tôi tình cờ xem qua danh sách những người tổ chức và lãnh đạo chủ chốt của cuộc tấn công vào trại lính Moncada, và tôi sững sờ nhận thấy rằng có rất nhiều người là con cái của những người Tây Ban Nha. Trước đó thì chúng ta phải nhắc đến vì trường hợp của José Marti, người anh hùng giải phóng dân tộc của chúng tôi, cả bố và mẹ ông đều là người Tây Ban Nha chính gốc. Và tôi cần nói thêm rằng xuyên suốt những cuộc đấu tranh giành độc lập trong lịch sử Cuba có sự đóng góp đáng kể của nhiều người Tây Ban Nha. Theo tôi có khoảng hơn 100 người xứ Galicia, nhiều người đặc biệt xuất sắc, đã tham gia vào sự nghiệp cách mạng chung của Cuba.

Trong Phong trào ngày 26 tháng 7 của chúng tôi, người chỉ huy thứ hai, Abel Santamaría - một người companero cam đảm và xuất chúng - cũng là con trai một người xứ Galicia. Cả hai lãnh đạo chủ chốt khác cũng là người gốc xứ Galicia. Và tất nhiên là phải nhắc đến Raul, người đã đóng vai trò hết sức quan trọng, cũng có nguồn gốc xuất thân xứ Galicia.

Những lãnh tụ lịch sử khác của Phong trào ngày 26 tháng 7, như Frank Pais và người em trai là Josúe, cũng là con trai của những người gốc Galicia - những người xứ Galicia nhập cư vào Cuba từ lâu, và tôi nhấn mạnh điều đó bởi vì ở Cuba, tất cả người Tây Ban Nha đều được gọi là người xứ Galicia, hơi mang nghĩa miệt thị một chút. Trong quá trình cách mạng của chúng tôi, trong cuộc đấu tranh ở vùng núi Sierra Maestra, nhiều con cháu và hậu duệ của những người xứ Galicia, như Camilo Cienfuegos, đã trở thành những chỉ huy quân sự xuất sắc, vậy mà chúng tôi không hề gặp nhau trong một Câu lạc bộ Xã hội   nào cả, chỉ là gặp nhau trên phố, trong quá trình đấu tranh.

Và tất cả đều lả những người đi theo Chủ nghĩa Mác?

Vào thời điểm đó, tất cả những nhà lãnh đạo chủ chốt đều nghĩ như vậy: Abel, Montané và tôi. Raul thì chưa phải là lãnh đạo, lúc đó em trai tôi còn rất trẻ. Cậu ấy đang theo học đại học chưa tham gia hoạt động được bao nhiêu. Còn có nhà lãnh đạo thứ tư Martinez Araras  , một người rất có năng lực và là nhà tổ chức đại tài, nhưng anh ấy thích hành động hơn; anh ấy không mấy khi bận tâm tới việc nghiên cứu lý thuyết. Martinez được giao nhiệm vụ chỉ huy được tấn công vào trại lính ở Bayamo; anh ấy là chỉ huy lực lượng độc lập được phái đi để tấn công nhóm lính đóng trong thành phố đó.

Giả sử chúng tôi chưa hề nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - đây là một câu chuyện dài nên tôi sẽ chỉ ví dụ qua thế thôi - giả sử chúng tôi chưa đọc những tác phẩm của Mác về các Học thuyết chính trị, và nếu chúng tôi không được truyền nguồn cảm hứng từ Marti, Mác và Lênin, có lẽ chúng tôi đã không thể nào hình thành nên đường lối cho một cuộc cách mạng ở Cuba, bởi vì với một nhúm người, trong đó không có ai từng được trải qua một Học viện Quân sự chính quy, anh không thể nghĩ tới việc phát động chiến tranh chống lại một đội quân được tổ chức tốt, huấn luyện tốt và trang bị tốt, để giành chiến thắng từ con số không tròn trĩnh. Chính những tư tưởng đó là nền tảng quan trọng nhất cho cuộc cách mạng sau này.



------------------------------------------------------------
1. Haydee Santamaria Cuadrado (1922-1980) cũng như ngưòi anh trai của bà, là du kích quân trong phong trào Thanh niên Chính thống và sau đó là phong trào 26/7 do Castro thành lập. Bà là một trong hai phụ nữ tham gia vụ tấn công trại lính Moncada, bị bắt và cầm tù. Bà có vai trò quan trọng trong việc in ấn và phát hành bài nói Lịch sử sẽ bào chữa cho tôi (bằng tiếng Tây Ban Nha), và là thành viên Ban lãnh đạo Quốc gia phong trào 26/7 chiến đấu chống lại Batista. Bà là người sáng lập thể chế văn hoá quan trọng Cusa de las Americas và là Giám đốc của tổ chức này cho đến khi qua đời.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #54 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 10:59:44 am »

Vào thời gian đó, em trai ông Raul là một thanh viên của Đoàn Thanh niên Xả hội Chủ nghĩa, thuộc Đảng cộng sản, đúng không?

Có thể nói khi ấy Raul đã là một người có thiên hướng cánh Tả, nhưng thực sự thì chính tôi là người giới thiệu em mình đến với những Tư tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Raul đến Havana cùng với tôi, và thậm chí còn sống cùng tôi trong một ngôi nhà nhỏ trên gác, đối diện với trại lính bên kia phố, đúng vào chỗ bây giờ là Khách sạn Cohíba nổi tiếng 1.

Tức là khách sạn Melía Cohíba?

Đúng vậy, khách sạn Melía Cohíba, nhưng là do Cuba bỏ tiền ra xây dựng hoàn toàn, tập đoàn Melía chỉ đứng tên kinh doanh và quản lý theo thỏa thuận được ký kết giữa hai bên. Trước kia trên khoảnh đất đó là một tổ hợp quân sự lớn; nhưng những tòa nhà ở đây củng không cao lắm - thật ra xung quanh bờ biển hầu như không có tòa nhà cao tầng nào. Những gì Raul làm, theo đúng cách lý giải của cậu ta về Học thuyết của Mác, là tham gia vào Đoàn Thanh niên do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Ông ấy đã tự mình tham gia?

Đúng vậy, em trai tôi bao giờ cũng tự mình quyết định tất cả.

Ông chưa bao giờ tham gia Đảng Cộng sản?

Thật sự là chưa. Toàn bộ việc đó đều được suy nghĩ và tính toán rất chu đáo. Nhưng đó là một câu chuyện hoàn toàn khác. Sẽ đến lúc tôi kể cho ông nghe tất cả.

Ông và những người khác đã huấn luyện ở đâu để chuẩn bị cho cuộc tấn công?

Chúng tôi huấn luyện cho người của mình ngay tại Trường Đại học. Thậm chí chúng tôi còn tổ chức và huấn luyện một số nhóm đặc nhiệm. Chúng tôi có được sự giúp đỡ của một người khá chuyên nghiệp, ông ta giao du thường xuyên với nhiều nhóm cách mạng khác nhau - hành tung của ông ta lạ lùng đến nỗi làm chúng tôi thấy nghi ngờ hơn là nhiệt tình. Nhưng thật ra ông ta hoàn toàn không biết gì về kế hoạch của chúng tôi, và ông ta không bao giờ nhìn thấy vũ khí. Những gì chúng tôi làm khi đó trông chẳng khác gì một hoạt động thể thao vô hại.

Ngay tại trường Đại học Havana?

Đúng là ngay trong trường Đại học Havana. Pedrito Miret 2 cũng tham gia - anh ấy là Huấn luyện viên.

Các ông có tập bắn trong trường không?

Không, tất nhiên là không rồi, chúng tôi phải tập ở chỗ khác. Tại trường Đại học Havana, chúng tôi chỉ tập tháo, lắp súng, tập ngắm vào bia bằng súng không có đạn, dưới sự hướng dẫn của Pedrito Miret. Pedrito lập ngay Trung tâm huấn luyện của mình tại Đài Liệt sĩ. Trường Đại học khi ấy khá độc lập, và việc tập hợp sinh viên cũng không có gì khó khăn. Trong suốt một thời gian dài, có thể nói suốt cả giai đoạn đầu, cả khu Đồi Đại học đó khá an toàn, nên đó là nơi mọi người cùng tới để bày tỏ sự phản đối. Chắc hẳn Batista và quân đội của ông ta đã phải cười rất hả hê với các hoạt động “huấn luyện” của chúng tôi.

Miret là một sinh viên Khoa Cơ khí. Tại trường Đại học tôi có rất nhiều bạn bè, và tôi đã gặp Miret. Tôi bắt đầu tổ chức các thành viên trong lực lượng của mình thành các tổ nhỏ sáu, tám, mười, mười hai người, và huấn luyện cho từng tổ một; mỗi tổ đều có một người phụ trách. Tôi đảm nhiệm công tác chính trị và công tác tổ chức. Tôi không bao giờ xuất hiện quanh những địa điểm huấn luyện ở trường Đại học. Về cơ bản là tôi hoạt động bí mật, để đề phòng sự nghi ngờ theo dõi của Batista và cả các tổ chức khác.

Miret có kinh nghiệm quân sự thực tế nào không?

Không, hoàn toàn không. Trong chúng tôi không có ai từng trải qua trường lớp chính quy về quân sự. Nói thực là không một ai tham gia cuộc đấu tranh khi ấy từng có chút kinh nghiệm thực tiễn nào. Ý tôi là chỉ trừ đúng một người lính mà chúng tôi đã tuyển vào lực lượng của mình - nhân tiện cũng phải nói rằng anh ấy thuộc quân số một trong các trại lính ở Havana... ông có biết chúng tôi huấn luyện bắn súng trường ở đâu không?

Chắc đâu đó trong vùng ngoại ô của Havana?

Không, ở ngay các trường bắn trong thành phố Havana. Chúng tôi cử một số người campaneros của mình cải trang làm những nhà tư sản lớn - những ông chủ, dân kinh doanh buôn bán, tóm lại là bất kỳ vỏ bọc nào phù hợp với khả năng và điều kiện cũng như tính cách của từng người. Ví dụ, đầu tiên chúng tôi sẽ đăng ký cho họ tham gia những câu lạc bộ săn bắn, sau đó họ sẽ mời chúng tôi câu lạc bộ của mình để tham gia tập bắn chim bồ câu bằng đất sét. Trong thực tế, chúng tôi đã huấn luyện cho 1200 người một cách hoàn toàn hợp pháp và công khai, mặc dù chỉ có rất ít người được tập bắn đạn thật. Lực lượng đàn áp của Batista không hề mảy may nghi ngờ, vì họ biết chúng tôi hoàn toàn chẳng có một xu dính túi, mà nói chung là chúng tôi chẳng có gì hết. Tất nhiên là tôi cực kỳ hạn chế lộ mặt tại tất cả những địa điểm này.

Chỉ những người từng là thành viên của Chính phủ cũ mới có nhiều tiền. Họ còn có rất nhiều vũ khí; tất cả đều được họ đặt mua về từ nước ngoài - về cơ bản họ có mạng lưới cơ sở rộng khắp và những nguồn lực dồi dào.



----------------------------------------------------------
1. Đây là toà nhà trước đây của Ngành cơ khí quân đội. (Chú thích của Biên tập viên Cuba).

2. Pedro Miret Prieto, sinh năm 1927 là một trong những người hoạch định chi tiét vụ tấn công trại lính Moncada. Ông bị thương trong vụ tấn công này và bị bắt làm tù binh. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.


Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #55 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 01:53:23 pm »

Nhưng ông đã có chút kinh nghiệm quân sự khi tham gia “Bogotazo”.

Tất nhiên là đúng vậy, tôi đã tham gla sự kiện “Bogotazo”, nhưng quan trọng nhất là thời gian ở nhà ở Birán ngay từ khi tôi mới lên mười hay mười một tuổi gì đó, lúc nào tôi cũng lang thang khắp nơi với một khẩu súng nào đó, và ngay từ hồi ấy tôi đã là một tay thiện xạ.

Ông cũng được huấn luyện ít nhiều trong thời gian tham gia cuộc viễn chinh Cayo Confites, đúng không?

Đó là sự thật. Thậm chí tôi còn được huấn luyện bắn súng cối và một số loại hỏa lực mạnh nữa. Thực tế là tôi đã tham gia vào đoàn Cayo Confites và gần như tham chiến thực sự. Cần nhớ là trong đoàn viễn chinh khi ấy có rất nhiều kẻ thù của tôi, mặc dù vậy tôi vẫn đăng ký tham gia - đơn giản là vì tôi là Chủ tịch Ủy ban Dân chủ cho Dominica. Chúng ta đã nói qua chút ít về chuyện này. Đằng sau đó là cả một câu chuyện dài, về Cuộc viễn chinh được tổ chức và vũ trang như thế nào, ai đứng ra tổ chức, và khi nào thì tất cả những công việc đó được hoàn thành. Thời điểm là năm 1947. Chiến tranh thế giới thứ 2 vừa kết thúc; Trujillo đã nắm quyền được vài năm, và các sinh viên Cuba đều hết sức căm phẫn ông ta.

Vậy từ chuyến phiêu lưu đó ông có rút ra được chút kinh nghiệm quân sự nào không?

Tuyệt đối không có gì đáng gọi là giá trị về mặt chiến thuật hay chiến lược cả.

Đó là chưa kể cuộc viễn chinh hoàn toàn không đi đến đâu.

Chuyện cũng khá dài. Ông có biết họ đã tuyển mộ 1000 người như thế nào không? Họ cứ chọn bừa trên phố.

Những người đó là vô sản lưu manh à?

Hừm, thật ra nếu là vô sản lưu manh nhưng được tổ chức và huấn luyện bài bản thì đã tốt. Tôi không muốn dùng từ này một cách miệt thị 1. Nhưng quả thật họ thiếu sự chuẩn bị về chính trị tư tưởng, nói chung là hoàn toàn mù tịt về động cơ chính trị. Bài học quan trọng nhất mà tôi rút ra từ cuộc Viễn chinh Cayo Confites là làm thế nào để tránh tổ chức lên một lực lượng như vậy, cùng với đó là cách lựa chọn người.

Ít nhất thì điều đó cũng giúp ông tránh được những sai lầm về sau.

Ngay từ hồi ấy tôi đã suy nghĩ về một cuộc chiến tranh du kích như tôi đã đề cập, còn trong đoàn Viễn chinh Cayo Confites của chúng tôi khi đó là một đội quân bát nháo, không thể gọi là một đội quân đúng nghĩa. Trong khi đối phương thậm chí còn có cả máy bay chiến đấu phản lực, vậy mà những người lãnh đạo cuộc viễn chinh lại nghĩ, “Chà, chúng ta sẽ đổ quân lên bờ biển Santo Domingo (tức là Thủ đô của Cộng hòa Dominica)”, có nghĩa là họ sẽ tấn công trực diện với một quân đội hàng nghìn binh lính, được huấn luyện, tổ chức rất tốt, đồng thời còn được chính Đế quốc Mỹ trang bị vũ khí - thậm chí quân đội của Chính phủ độc tàì khi ấy còn có cả tầu chiến và máy bay quân sự. Nói chung toàn bộ cuộc Viễn chinh là một màn bát nháo chẳng đâu vào đâu. Các mệnh lệnh được đưa ra trên cơ sở thuần túy chính trị; cuối cùng cũng chẳng biết ai là chỉ huy cao nhất, mỗi người một phách. Trong đó phải kể đến một tay đại bịp, Rolando Masferrer, khi ấy ông ta là một người cánh Tả, ông ta là Đảng viên Đảng Cộng sản và đã từng tham gia Nội chiến Tây Ban Nha, và ít nhiều ông ta cũng được học hành khá chu đáo, nhưng sau này ông ta trở thành một tên tay sai ác ôn nhất của Batista, một kẻ chuyên tổ chức các nhóm bán quân sự lộng hành và gây ra không biết bao nhiêu tội ác. Tôi phải khẳng định là quân đội Dominica khi ấy chỉ cần mất vài giờ là có thể đập tan cả đoàn viễn chinh - ngay cả trước khi đoàn viễn chinh kịp đổ bộ.

Hãy quay lại với cuộc tấn công vào trại lính ở Moncada. Ông có cho rằng cuộc tấn công đó hiển nhiên là một thất bại?

Lẽ ra chúng tôi đã có thể chiếm được trại lính Moncada, và một khi đã chiếm được Moncada, chúng tôi hẳn sẽ có thể lật đổ Batista, đó là điều hiển nhiên. Chúng tôi đã thu được hàng nghìn loại vũ khí. Chúng tôi đã hành động hoàn toàn bất ngờ, và đã xỏ mũi kẻ thù một cách ngoạn mục. Tất cả chúng tôi đều ăn mặc như những Hạ sĩ quan, bắt chước sự kiện trước đó, tức là “Cuộc binh biến Hạ sĩ quan” do chính Batista lãnh đạo hồi năm 1933. Trong sự kiến đó ông ta cũng không phải là người tổ chức chính, nhưng vì ông ta là người có bằng cấp, lại thông minh và là nhân viên ghi tốc ký cho Tổng Tư lệnh quân đội nên ông ta đã được chọn làm người Chỉ huy lực lượng Hạ sĩ quan. Sau khi chúng tôi hành động, tại Santiago de Cuba, sẽ phải mất nhiều giờ liền Chính phủ độc tài ổn định tình hình lộn xộn, và chừng đó là quá đủ thời gian cho chúng tôi tiến hành các bước tiếp theo.

Vậy ông có nghĩ kế hoạch tấn công được xây dựng một cách đúng đắn?

Giả sử tôi lại được tổ chức kế hoạch tấn công trại lính Moncada một lần nữa, chắc chắn tôi cũng sẽ làm giống hệt trước kia. Tôi sẽ không thay đổi bất kỳ điều gì. Nguyên nhân thất bại là vì chúng tôi thiếu kinh nghiệm chiến đấu thực tiễn. Sau này, chúng tồi đã dần khắc phục điểm yếu này...

May mắn, thời cơ, cũng có ảnh hưởng quyết định trong việc thực hiện kế hoạch. Tỏi cho rằng đó là một kế hoạch hoàn toàn đúng đắn xét trên tiêu chí ý tưởng, công tác tổ chức, bảo đảm bí mật và nhiều yếu tố khác. Nhưng cuộc tấn công đã thất bại chỉ vì một chi tiết nhỏ mà lẽ ra chúng tôi đã có thể vượt qua một cách dễ dàng. Nếu như ngày hôm nay tôi được hỏi, “Lẽ ra đã có thể làm gì cải thiện tình hĩnh?”, thì chắc chắn tôi sẽ nói về một công thức dự phòng, (rõ ràng là ở đây Castro đã tỏ ra mâu thuẫn trong lập luận, nhưng có thể ông muốn nói rằng không phải ông muốn thay đổi kế hoạch tấn công, mà chỉ là ông muốn xây dựng một phương án hành động tiếp theo sau khi đã chiếm được mục tiêu), bởi vì giả sử chúng tôi mà chiến thắng ở trại lính Moncada, thì chắc chắn cuộc đấu tranh của chúng tôi sẽ còn thắng lại sớm hơn thế. Hồi Cách mạng thành công năm 1959, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ cực kỳ quan trọng của Liên Xô, mặc dù đây là chuyện khá bất ngờ. Nếu là năm 1953 chắc chắn chúng tôi sẽ không có được sử ủng hộ như vậy. Hồi năm 1953, tinh thần và chính sách của Stalin vẫn bao trùm lên toàn bộ Liên Xô. Mặc dù Stalin đã qua đời trước đó vài tháng, từ tháng 3 năm 1953 nhưng đến tháng 7 năm đó vẫn là trong “Kỷ nguyên Stalin”. Và Khrushchev không phải là Stalin.

Vào thời điểm ấy, tôi chưa hề đọc bất kỳ thứ gì nói về những chiến dịch táo bạo được thực hiện hồi Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy vậy, tôi cũng đã đọc khá nhiều về các sự kiện quân sự trong lịch sử của chúng tôi. Tôi có thể cho ông biết những yếu tố đã tác động đến chiến thuật du kích và phương thức chúng tôi sử dụng trong cuộc đấu tranh. Chắc có nhiều chuyện sẽ khiến ông ngạc nhiên. Ví dụ như khi ấy thậm chí tôi còn chưa đọc lịch sử chiến dịch mà Skorzeny thực hiện để giải cứu Mussolini khi chế độ phát xít ở Italia sụp đổ  . Một điều tất nhiên là tôi đọc tất cả những gì lọt vào tay mình liên quan đến Chiến tranh thế giới thứ hai do những người Xô viết và người Đức viết, đặc biệt là sau khi Cách mạng Cuba thành công.

Có những nguyên tắc cơ bản về những gì con người ta nên hoặc có thể làm trong các hoàn cảnh cụ thể. Giả sử như chúng tôi mà vượt qua được một trở ngại tưởng chừng như rất đơn giản khi ấy, chắc chấn trại lính Moncada đã sụp đổ rồi.


----------------------------------------------------------
1. Tuy nhiên, trong suốt cuốn sách này, Castro dùng từ đó với ý khinh miệt, thường có ý chỉ “kẻ phạm tội”, “thành viên của một nhóm tội phạm”...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #56 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 02:00:10 pm »

Các ông chỉ tấn công vào Moncada hay còn đồng thời nhắm tới những mục tiêu khác?

Chúng tôi tấn công vào hai khu trại lính cùng một lúc. Ngoài Moncada, còn có cả trại lính Bayamo, làm nơi ngăn chặn trong trường hợp kẻ thù phản công. Chúng tôi đã dự định cho nổ tung hoặc ít ra cũng làm ngưng trệ hoạt động của cây cầu trên quốc lộ trung tâm bắc qua sông Cauto, nằm cách Bayamo vài cây số về phía bắc, vì nhiều khả năng địch sẽ huy động lực lượng tăng viện từ một trung đoàn ở Holgúin đến qua đường này, trước khỉ huy động các lực lượng khác trong nước tới đây. Đường không thì chúng chưa có đủ lực lượng, còn đường sắt nữa, nhưng như thế thì chúng tôi phòng ngự cũng đỡ khó khăn hơn. Chỉ cần làm trệch bánh đoàn tầu hoặc phá một đoạn đường ray là xong - dễ hơn nhiều so với việc vô hiệu hóa một cây cầu vững chãi làm bằng bê tông cốt thép. Chúng tôi cử một lực lượng gồm bốn mươi người tấn công vào trại lính Bayamo; với ý đồ là để có vị trí phòng ngự chống lại cuộc phản công có thể thấy trước của kẻ thù dọc theo quốc lộ trung tâm nằm cách Santiago khoảng 200 cây số.

Cuộc phản công của kẻ thù sẽ diễn ra bằng đường bộ. Để tránh nguy cơ bị ném bom hủy diệt, chúng tôi dự kiến thoát ra khỏi khu trại lính ngay lập tức và cất giấu vũ khí vào nhiều địa điểm khác nhau quanh Santiago, để sau này có thể phát cho quần chúng nhân dân, trên cơ sở khơi dậy truyền thống đấu tranh cho độc lập, tự do, của họ. Ngày 10 tháng 3 năm 1952, khi Trung đoàn của thành phố không tham gia cuộc đảo chính ngay lập tức - một số sĩ quan của Trung đoàn phản đối cuộc đảo chính - thành phố Santiago đã vận động ủng hộ Trung đoàn. Cả thành phố hoàn toàn lên án và căm thù cuộc đảo chính đó.

Vậy là các ông đã lên kế hoạch tấn công rất chi tiết và tỉ mỉ. Vào ngày truớc khi diễn ra cuộc tấn công, tất cả những người chuẩn bị tham gia đều bắt đầu bí mật tập trung thành từng nhóm nhỏ, tại một nơi bên ngoài Santiago, mang tên là trang trại Siboney.    

Tất cả chúng tôi đều từ Havana đến đó trước một ngày, trước cuộc tấn công nhiều giờ liền. Sau đó chúng tôi xuất phát từ trang trại mía hướng về phía Moncada.

Khi các ông tới trang trại đó, hầu hết các thánh viên vẫn chua đuợc biết mục tiêu tấn công là gì, đúng không?

Vâng, khi ấy họ vừa mói từ Havana xuống tập trung ở trang trại, mỗi nhóm đều có người chỉ huy... Tôi xuống sau cùng, lúc 2 giờ 40 phút sáng, thứ bảy ngày 25, tôi đã không hề chợp mắt suốt bốn mươi tám giờ đồng hồ trước khi cuộc tấn công nổ ra. Tôi tới trang trại lúc nửa đêm ngày 25. Abel Santamaria đã ở đó đợi tôi, còn những người khác ở rải rác trong các nhà trọ thuê trong thành phố, và các nhóm đều có xe ô tô của mình để sẵn sàng cơ động khi có mệnh lệnh... Không ai biết gì về trang trại này trước đó; những người duy nhất biết là Abel, Renato Guitart 1, và tôi. À, còn có cả Elpidio Sosa và Melba 2 - và sau này là cả Haydee.

Trang trại được thuê từ tháng 4 năm 1953, ba tháng trước khi tiến hành cuộc tấn công. Mọi chi tiết đều được giải quyết bởi Renato, một thanh niên quê gốc Santiago, anh ấy cũng là người duy nhất biết mục tiêu. Một anh chàng cực kỳ thông minh - rất tốt bụng, can đảm và quyết đoán. Anh ấy biết thành phồ Santiago và những vùng lân cận của nó rõ như lòng bàn tay. Có thể nói anh ấy là người nắm giữ một bí mật vô cùng quan trọng, và cũng là người duy nhất biết mục tiêu của cuộc tấn công vũ trang sắp tới là gì.

Trong số những người đến từ tỉnh Oriente, Abel là người đầu tiên tới trang trại và biết về cuộc tấn công; sau đó đến lượt Elpidio Sosa. Các chiến sĩ của chúng tôi đều rất sẵn sàng về mặt tư tưởng; họ được thông báo tình hình và tinh thần chỉ đạo là hành động một cách bất ngờ nhất. Trước đó chúng tôi đã huy động họ tới một vài nơi để tập dượt, lập ra các tình huống giả định, sau đó lại để mọi người ai về nhà nấy. Tuy nhiên, lần này sẽ là hành động thực sự; chúng tôi đã hiểu rõ từng người. Mỗi tổ đều đã phân công người phụ trách. Chúng tôi thuê xe để đưa họ từ Havana, qua chặng đường gần 1000 cây số tức là khoảng 600 dặm.

Tức là thuê xe ở Santiago?

Không, thuê ở Havana chứ, để chúng tôi di chuyển qua chặng đường dài 1000 cây số xuống Santiago - chúng tôi xuất phát từ Havana mà. Cuộc tấn công nổ ra sáng sớm ngày 26 tháng 7, và tôi khỏi hành từ Havana sáng ngày 25, như tôi đã nói ở trên. Tôi đi qua đường Santa Clara. Tôi mua một vài cặp kính, tức là kính đeo mắt ấy. Vâng, vì tôi bị cận thị mà - càng cao tuổi mắt càng nhìn kém.

Ông bỏ quên kính ở Havana?

Không, không, tôi có quên kính đâu; làm sao mà có thể quên kính khi anh bị cận thị, nhưng thật ra tôi cũng không nhớ nữa - chẳng biết là chúng bị trục trặc gì đó hay đơn giản là vì tôi muốn mua một cặp kính mới. Vấn đề là ở chỗ đó, tôi lái xe qua một hiệu kính ở Santa Clara, tôi ghé vào và hỏi mua một cặp kính. Sau đó tôi lại lên đường, có dừng lại ở Bayamo, tôi ghé vào thăm những người sắp thực hiện cuộc tấn công vào trại lính ở thành phố lịch sử đó, rồi dừng lại ở Palma Soriano để liên lạc với Aguilerita, một thành viên trung kiên khác đến từ tỉnh Oriente, cuối cùng tôi cũng tới trang trại Siboney, nằm ở vùng ngoại ô của Santiago, vào lúc nửa đêm ngày 25. Chỉ vài giờ trước khi cuộc tấn công nổ ra. Hầu như tất cả những người khác đều đã lái xe từ Havana xuống tới nơi, họ đi theo đường Quốc lộ trung tâm. Một số chiếc xe còn phấp phới lá cờ nhỏ của những người trung thành với Batista, tức là những chiến binh của ngày 4 tháng 9. Tất nhiên là không phải tôi - tôi thì nhiều người biết, và nếu chẳng may ai đó trông thấy tôi với một lá cờ ngày 4 tháng 9 chắc hẳn anh ta sẽ phải sửng sốt, “Chuyện quái gì đang diễn ra thế này?”

Vậy là cuối cùng chúng tôi đã chọn trang trại Siboney vì vị trí cực kỳ chiến lược của nó. Nó nằm ở một noi hoàn toàn cô lập và ít người qua lại, quá thuận tiện cho việc tập trung đông người. Dọc đường quốc lộ chạy qua trước cửa trang trại, ta có thể nhìn thấy Santiago từ phía xa xa nằm trải dài bên bờ Đại dương, chính xác là đúng vị trí người Mỹ đã đổ bộ xuống hồi năm 1898, trong cuộc Chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha. Đó là Siboney, và ngày nay từ chỗ đó có một đường cao tốc chạy dọc theo bờ biển tới Guantánamo. Đó là vị trí lý tưởng cho kế hoạch của chúng tôi. Có rất nhiều cây cối, trong đó phải kể đến những cây xoài cổ thụ có tán lá rậm rạp. Chúng tôi làm ra vẻ xây dựng một trang trại gà ở đây, với đủ các lồng ấp và những thiết bị chuyên dụng. Chúng tôi giấu một lượng vũ khí dưói cái giếng gần nhà. Nhưng phần lớn vũ khí cũng được tập kết cùng lúc với thời điểm chúng tôi tới nơi. Tôi đã nói với ông rằng trong chúng tôi chỉ có đúng một người quê gốc ở Santiago, Renato Guitart; còn tất cả những người khác đều từ Oriente tới, để tránh gây nghi ngờ.


----------------------------------------------------------
1. Renato Guitart Rosell sinh ra ở Santiago de Cuba tháng 11 năm 1930. Ông là người duy nhất ở Santiago de Cuba biết trước kế hoạch hành động ngày 26/7, và ông có vai trò quan trọng quyết định trong việc hoạch định các hành động trong vụ này. Ông tham gia đội quân chiếm vị trí 3 ở Moncada mặc dù ông bị giết trong khi đang chiến đấu.

2. Melba Hernandez Rodriguez de Rey sinh năm 1921, làm nghề Luật sư, và bà là một trong hai phụ nữ, cùng với Haydee Santamaria, tham gia vào các hành động ngày 26 tháng 7 năm 1953. Bà bị bắt sống và bị cầm tù. Bà cũng là người có vai trò quyết định trong việc in ấn và phát hành bài nói Lịch sử sẽ bào chữa cho tôi. Trong chiến tranh, bà tham gia Mặt trận thứ ba của quân nổi dậy. Từ khi Cách mạng giành thắng lọi, bà nắm giữ những vị trí quan trọng, trong đó có chức Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Cuba với Việt Nam và là Đại sứ của Cuba ở Việt Nam và Campuchia. Bà được phong danh hiệu “Anh hùng Cuba”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #57 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 02:03:39 pm »

Nhưng người lái xe cho ông cũng quê ở Santiago, đúng không?

Không, anh ta lái xe từ Havana xuống.

Khi ông từ Havana xuống?

Đúng, khi tôi từ Havana xuống Santiago. Tên người lái xe là Mitchell, Teodulio Mitchell. Tóm lại là chúng tôi tới trang trại lúc trời nửa đêm. Khi chúng tôi xuống tới thành phố thì trời đã nhập nhoạng tối rồi. Tôi liên lạc ngay lập tức với Abel Santamaría, mỗi nhóm đều tập trung ở một trong rất nhiều nhà trọ mà họ đã thuê ngay khi xuống tới nơi.

Khi ấy đang là mùa lễ hội; chúng tôi chọn thời điểm tấn công đúng vào ngày đó cũng là vì lý do này, bởi vì sẽ có rất nhiều người tới Santiago và không khí sẽ rất náo nhiệt, tiếng nhạc ầm ĩ và đủ mọi loại hoạt động ồn ào. Không khí của lễ hội hóa trang nổi tiếng sẽ rất có lợi cho chúng tôi, nhưng đột nhiên mọi chuyện lại chuyển sang hướng bất lợi, vì nó khiến cho kẻ thù cũng đề phòng và tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn tại khu trại lính, đây chính là nguyên nhân gây nên những khó khăn sau này. Từ trang trại, chúng tôi đi xe tới trại lính - tất cả đều được chuẩn bị sẵn sàng, những chiếc xe được giấu kín trong trang trại.

Các ông đã giấu xe như thế nào?

Đoàn xe được lái vào trong những nhà kho dựng tạm, vả lại cũng không có nhiều xe lắm. Tất cả chỉ có mười sáu chiếc, và chúng tôi đã trồng thêm rất nhiều cây cối xung quanh để ngụy trang và không ai có thể biết chính xác có bao nhiêu xe bên trong. Tất cả những người đi ngang qua chắc chắn sẽ chỉ nhìn thấy những dãy chuồng gà và lò ấp trứng.

Vậy các ông giấu vũ khí ở đâu?

Trong một cái giếng ngay gần nhà chính, cái giếng đã bỏ không dùng từ lâu, vì chúng tôi còn trồng tạm một cái cây nhỏ lên trên. Hầu hết số vũ khí của chúng tôi đều được giấu ở đây. Số vũ khí còn lại được chuyển tới vào phút chót. Có nhiều vũ khí được mua hôm thứ sáu ở Havana và được chuyển tới trang trại chỉ vài tiếng trước khi bắt đầu cuộc tấn công. Chúng tôi đã lên kế hoạch mọi việc rất tỉ mỉ.

Cho cuộc tấn công sẽ diễn ra vào chủ nhật, ngày 26?

Một phần đáng kể số vũ khí được sử dụng trong cuộc tấn công lúc 5 giờ 15 phút sáng ngày chủ nhật chỉ vừa được mua chiều thứ sáu ngày 24 ở Havana. Chúng tôi cũng mua thêm một số ở Santiago, trong những cửa hàng bình thường, nơi chúng được bày bán công khai, nên khi chũng được chuyển tới, chẳng có lý do gì mà phải mang giấu vào giếng cả. Những khẩu súng từ Havana chuyển xuống hôm thứ bảy thì được chia nhỏ và giấu rải rác ở nhiều nơi trong nhà.

Về cơ bản đều là vũ khí hạng nhẹ?

Để tôi kể cho ông biết nhé. Loại vũ khí tốt nhất mà chúng tôi có khi ấy là một khẩu súng bắn đạn ghém, loại để đi săn, một khẩu súng săn của Bỉ. Tôi rất quen với loại súng này vì cha tôi cũng có một khẩu trong nhà ở Birán, như tôi đã kể. Ngoài ra còn có một khẩu súng trường bán tự động M-I hạng nhẹ của Mỹ sản xuất và một khẩu súng trường bắn phát một, hiệu Springfield, cũng do Mỹ sản xuất; một khẩu tiểu liên cỡ 45 hiệu Thompson, với băng đạn gắn phía dưới - có thể dùng băng đạn dạng trống hoặc dạng hộp. Và về sau lại có thêm những khẩu M-I bán tự động, loại nhẹ do Mỹ sản xuất. M-I là loại súng trường mà ai cũng ưa thích - rất nhẹ, nhỏ, hiệu quả, bán tự động. Nhưng loại vũ khí hiệu quả nhất cho cuộc tấn công mà chúng tôi đang trù tính là những khẩu súng săn của Bỉ cỡ 12, với những viên đạn ghém chín mảnh, có thể bắn năm phát liền một mạch trong vài giây. Khi ấy tôi cũng mang một khẩu như vậy. Khi chiến đấu ở cự li gần, những khẩu súng săn đó có khi còn hiệu quả hơn một khẩu tiểu liên vì bằng một phát bắn cũng có tới 9 mảnh đạn văng ra, bất kỳ mảnh nào cũng có thể gây sát thương. Chúng tôi có khoảng vài chục khẩu như vậy. Tất cả đều còn nguyên vẹn, không bị cưa nòng.

Các ông không hề có khẩu nào bị cưa nòng sao?

Thông thường thì trong lịch sử của những phong trào chính trị, và ngay cả ở Cuba, một khẩu súng săn cua nòng vẫn luôn là thứ vũ khí được ưa thích nhất. Nhưng chúng tôi không cần tới một khẩu súng săn cưa nòng làm gì. Vài khẩu là những loại bắn phát một, chuyên dùng để săn thú lớn, nhưng chỉ có rất ít thôi.

Chúng tôi còn có những khẩu súng trường cỡ 22. Loại súng trường cỡ 22 là một vũ khí tốt trong những điều kiện nhất định. Nhưng trong những điều kiện khác thì súng trường cỡ 22 cũng vô tác dụng, ví dụ như khi đối đầu với một khẩu .30-06. ở khoảng cách ngoài 100m.

Chúng sẽ không còn hiệu quả.

Nếu như mục tiêu ở xa như vậy thì chúng sẽ không còn hiệu quả nữa. Súng săn lại càng không ăn thua trong trường hợp này.

Vì tầm bắn không đủ?

Khi giao tranh ở cự li xa hơn một chút, ta có thể sử dụng một khẩu súng trường .22, nhưng để tấn công trại lính, vũ khí lý tưởng sẽ là một khẩu súng săn. Và loại tiểu liên cỡ nòng .45, một loại vũ khí tự động, nhưng chúng tôi chỉ có vài khẩu như vậy thôi, hình như hai khẩu thì phải. Loại súng trường bán tự động .22 có tầm bắn khá tốt, và có thể sử dụng đạn kim loại. Chúng tôi cố gắng chọn mua loại ít nhiều sẽ phát huy hiệu quả nhất cho mình, và đành cố vừa lòng với những gì mình có.

Vậy các ông kiếm vũ khí ở đâu ra?

Chúng tôi mua những khẩu súng săn cỡ 12 bán tự động trong một cửa hàng bán súng. Bầu không khí ở Cuba trở nên rất lặng lẽ sau cuộc đảo chính của Batista; những kẻ lãnh đạo cuộc đảo chính cảm thấy quá an toàn và yên tâm đến nỗi bạn có thể mua vũ khí ở bất kỳ cửa hàng bán súng nào. Tôi phụ trách việc tổ chức mua hầu như toàn bộ số vũ khí cho cả đoàn, lần lượt từng khẩu một, và tất nhiên là cả việc kiếm tiền mua súng. Nhiều khi chúng tôi phải giả dạng làm dân tư sản chịu chơi, những tay thợ săn lắm tiền, nói chung hồi đó chúng tôi đã rất ma mãnh và khôn ngoan khi tiếp xúc với những người bán súng, phải làm ra vẻ mục đích của việc mua bán này là hoàn toàn vì vấn đề thương mại. Như tôi đã nói, thậm chí chúng tôi còn mua vài khẩu súng ở một cửa hàng,bán vũ khí tại Santiago de Cuba.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #58 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 02:10:50 pm »

Bản thân ông sử dụng loại vũ khí gì?

Như tôi vừa nói ở trên, tôi mang một khẩu súng săn cỡ 12 của Bỉ. Đó là loại súng săn có thể nạp liền lúc vài viên đạn. Một loại vũ khí rất hiệu quả. Khẩu súng trường M-I duy nhất mà chúng tôi có thuộc về Pedrito Miret. Chúng tôi có một hay khẩu tiểu liên Thompson gì đó, một khẩu Springfield, và hai khẩu súng trường Winchester có buồng đạn mở ra bên thân súng và sử dụng cùng một loại đạn như khẩu Springfield, .30-06. Những khẩu Winchester này là do tôi mang từ nhà mình ở Birán đến. Trong nhà bó mẹ tôi hồi đó có mấy khẩu súng săn, cả thảy có bốn năm khẩu gì đó, lúc nào cũng để trong nhà. Tôi biết là ở Birán có súng, và thế là khi thiếu vũ khí trầm trọng, tôi phải tìm cách bổ sung từ mọi nguồn có thể...

Raul cũng đã biết cách tháo lắp khẩu Winchester, dưới sự hướng dẫn của Pedro Lago, một người làm nhiệm bảo vệ và canh gác trong trang trại của gia đình tôi. Em tôi đã lấy hai khẩu ra khỏi giá súng trong nhà và lên đường đi Marcané - từ đây cậu ta đi tiếp đến Holgúin, sau đó gửi một khẩu súng này qua đường bưu điện tới Havana. Khẩu còn lại được cậu ta mang theo mình đi bằng xe khách từ Santiago lên Havana. Cậu ấy dựng khẩu súng đứng thẳng ngay trước mặt, ở hàng ghế trước, còn cậu ấy ngồi phía sau, để nếu chiếc xe bị kiểm tra cậu ấy có thể quyết định phải làm gì.

Em trai Raul của ông nói rằng ông còn có một khẩu tiểu liên Browning; cỡ nòng .45.

Có một hai khẩu tiểu liên Thompson với cỡ nòng đó thôi. Tôi nghĩ là tôi nhớ rõ rằng chỉ có một khẩu thì đúng hơn, mà tôi mang từ Trường Đại học xuống. Chẳng có khẩu tiểu liên Browning cỡ nòng .45 nào cả. Loại vũ khí tự động duy nhất mà tôi nhớ là loại được nhà sản xuất kèm luôn cả kẹp nạp đạn, đó là một khẩu có cỡ nòng .30-06. Quân đội của Chính phủ được trang bị loại súng này. Chúng tôi không có khẩu nào như vậy.

Tổng kết lại, chúng tôi chỉ có một khẩu M-I, một khẩu Thompson, một khẩu Springfield, hai khẩu Winchester. Còn lại là những khẩu súng trường .22, loại bán tự động hoặc bắn phát một, và tất nhiên là những khẩu súng săn cỡ 12. Tôi còn nhớ là có cả vài khẩu súng ngắn mà các cá nhân mang theo trong mình. Như tôi đã nói, loại vũ khí đáng sợ nhất mà chúng tôi có khi ấy là khẩu súng săn bán tự động cỡ 12 với bốn viên đạn chín mảnh trong băng và một viên trong buồng đạn 1. Chỉ trong vòng vài giây, người sử dụng có thể bắn ra năm phát với bốn rnươi lăm mảnh đạn có khả năng gây sát thương. Với khẩu súng như vậy ta hoàn toàn có thể loại bỏ bất kỳ đối thủ nào ra khỏi vòng chiến đấu, nhất là khi chiến đấu ở cự li gần, kiểu giáp lá cà, mà đây chính là những gì chúng tôi dự tính, vì chúng tôi sẽ thâm nhập và áp sát vào bên trong khu trại lính. Phải nói đó là loại vũ khí hủy diệt.

Ông cũng thấy là với những con người và vũ khí mà chúng tôi có khi đó, lẽ ra chúng tôi đã chiếm được Moncada; hầu như không có khó khăn nào - thậm chí có lẽ chỉ cần ít người hơn chúng tôi cũng đã chiếm được mục tiêu đề ra. Đỏ là điều hoàn toàn rõ ràng theo những gì chúng tôi đã tính toán. Tất cả là có một Trung đoàn lính và một đội Vệ binh Nông thôn: xấp xỉ 1500 người cả thảy, được bố trí rải rác trong các vị trí chốt và bót gác cũng như quanh khu nhà ngủ. Chúng tôi dự kiến sẽ đánh chiếm thật bất ngờ khi trời sáng.

Khẩu súng trường bán tự động loại nhẹ .22 là một thứ vũ khí tầm trung trong chiến tranh, rất phù hợp với mục đích của chúng tôi, là đánh chiếm trại lính và thu giữ tất cả vũ khí bên trong. Những vũ khí chiến tranh thực thụ đang nằm trong tay kẻ thù, tức là những người lính đồn trũ bên trong. Mục đích của chúng tôi là phải thu giữ được kho vũ khí - nếu không thì còn tấn công trại lính làm gì? Một khi đã chiếm được khu trại lính Moncada, chúng tôi sẽ có trong tay hàng nghìn khẩu súng, vì ngoài những vũ khí được trang bị cho từng người lính, chúng tôi còn có thể tịch thu được những vũ khí thuộc lực lượng dự bị, Hải quân và Cảnh sát, vốn là những lực lượng yếu hơn và chắc chắn sẽ không đời nào dám chống cự một khi trung đoàn chủ lực kia đã đầu hàng.

Những người lính ở Moncada được trang bị vũ khí gì?

Mỗi thứ một ít. Họ có rất nhiều loại: những khẩu Springfield ổ năm viên, những khẩu bán tự động Garand và M-I, tiểu liên Thompson, súng trường tự động và loại súng máy kèm giá ba chân bắn đạn cỡ .30-06 và .50, cả súng cối và một số hỏa lực mạnh khác.

Vậy tất cả có bao nhiêu chiến sĩ tham gia vào cuộc tấn công?

Một trăm sáu mươi người. Bốn mươi người đã được chúng tôi huy động để đánh chiếm trại lính ở Bayamo nhằm ngăn địch phản công từ hướng quốc lộ Trung tâm, một trăm hai mươi người còn lại tấn công trại lính Moncada. Theo kế hoạch tôi tham gia cùng với chín mươi người khác có nhiệm vụ thâm nhập vào trong trại lính.

Tất cả đều được vũ trang chứ?

Tất nhiên, tất cả, không trừ một ai.

Các ông kiếm quân phục bằng cách nào?

Chúng tôi cho may ở Havana, trong nhà của Melba Hernandez - bà ấy vẫn còn sống đấy - và cả nhà của Yeye nữa (tức là Haydee Santamaría). Mỗi người một chân một tay. Như tôi đã kể ở trên, chúng tôi còn có một người làm nội ứng bên trong trại lính, một người của chúng tôi đã thâm nhập vào trong trại lính chủ lực ở Havana, chính người này đã mua hầu hết quân phục cho cả đoàn - tôi không bao giờ biết là anh ấy đã làm như thế nào! Anh chàng đó là người rất tốt, tháo vát. Một khi anh bắt đầu tìm kiếm người phù hợp cho một công việc nào đó, kiểu gì anh cũng sẽ tìm được. Anh ấy giúp chúng tôi rất nhiều trong việc kiếm mũ, phù hiệu và một số bộ quân phục được may sẵn.

Và làm thế nào các ông có thể nhận ra nhau giữa tất cả những nguời lính khác đang đóng trong đồn?

Ông biết chúng tôi đã nhận ra nhau bằng cách nào không? Ngoài loại vũ khí ra, những loại súng không thể lẫn vào đâu được còn gì? Bằng giầy! Giầy của chúng tôi không phải loại dành cho quân đội. Tất cả đều đi giầy bình thường cổ thấp - còn toàn bộ những chi tiết khác, như mũ, quần áo đều đúng theo tiêu chuẩn, ông phải hình dung đó là một công việc vất vả dường nào khi phải lo ngần ấy quân phục, mũ mão. Gia đình của Melba Hernandez đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều, và cả Yeye nữa, khi đó cô ấy còn rất trẻ tuổi. Họ khộng phải họ hàng máu mủ gì cả, mà chỉ là bạn bè bình thường. Yeye đến từ vùng Trung tâm của hòn đảo, thuộc tỉnh Las Villas, cô ấy cùng anh trai mình sống ở Havana vì anh ấy là người quản lý sổ sách cho một trong những doanh nghiệp ở đó, chuyên về kinh doanh ô tô. Lương của anh ấy ít nhất cũng phải là 300 pê xô, khoảng đó. Montané cũng có một công việc kha khá.


----------------------------------------------------------
1. Có nghĩa là có 5 viên đạn, bốn viên trong băng và 1 viên trong nòng súng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #59 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 02:33:51 pm »

Còn cái trang trại nhỏ kia, có đủ chỗ ngủ cho 120 nguời không?

Không, lấy đâu ra, chúng tôi chỉ tập trung toàn bộ ở đó thôi, nhưng không có thời gian mà ngủ nữa.

Vậy trước đó họ ngủ ở đâu?

Khi xuống đến Santiago, họ tới luôn những nhà trọ rải rác trong thành phố được thuê từ trước. Tất cả những khâu bảo đảm này đều đã được Abel lo liệu. Có một số nhà trọ, mà mỗi người tới ngủ trong nhà trọ được phân công cho nhóm của mình. Thời điểm được bố trí trùng với lễ hội hóa trang với rất nhiều du khách từ khắp nơi đổ về, khiến cho công việc ngụy trang của chúng tôi cũng dễ dàng hơn.

Họ tới nơi, nghỉ ngơi một lát. Rồi đến khi trời tối họ bắt đầu tập trung về Siboney, trong khoảng mười hay mười một giờ đêm gì đó. Vì cuộc tấn công sẽ được tiến hành vào năm giờ sáng hôm sau, nên chẳng có lý do gì để giữ họ ở lại đó qua đêm cho lích kích. Tất cả chỉ tập trung ở trang trại để nghe phổ biến mệnh lệnh.

Vậy là khi ông tới trang trại ở Siboney thì chi tiết của cuộc tấn công mới được tiết lộ cho các đồng chí khác. Còn trước đó họ chưa biết gì về mục tiêu?

Họ đều được chuẩn bị về mặt tinh thần - như tôi đã nói, chúng tôi đã huy động họ vài lần rồi, như kiểu diễn tập, để tập bắn với súng trường .22 hoặc các tình huống giả định khác.

Họ có biết là họ sẽ tấn công trại lính Moncada không?

Không. Họ tới trang trại mói biết mục tiêu tấn công là gì, vì khi huấn luyện họ hoàn toàn chưa biết gì, chỉ biết là mình được huy động thôi. Vài lần trước họ đều đã được huy động cho những tình huống giả định khác nhau.

Nhưng lúc này mới phát sinh một vấn đề. Có một tổ gồm năm sinh viên đại học, toàn là những tay ăn lửa - chúng tôi gọi họ như vậy vì họ đều là những thanh niên quá hăng hái và xốc nổi, lúc nào họ cũng tưởng mình là những người can đảm nhất trong cả đoàn nhưng khi biết mục tiêu là trại lính Moncada họ đã thoái lui. Thật ra chúng tôi mời họ tham gia cũng chỉ là vì lịch sự. Bởi vì Pedrito Miret đã huấn luyện cho vài trăm sinh viên tất cả, và một vài sinh viên đã phong thanh biết được hoạt động của chúng tôi. Họ không thuộc về tổ chức chủ chốt của trường đại học, mà chỉ là một nhóm chiến sĩ tự do - nhưng lại rất sốt sắng, ông biết đấy, lúc nào họ cũng làm ra vẻ sẵn sàng làm gỏi cả thế giới vậy. Để tránh gây ra những chuyện phiền phức vì họ, chúng tôi buộc phải hứa mời họ tham gia khi có hoạt động tấn công thật sự.

Vậy là họ đã tham gia và cùng xuống Santiago. Thật ra quan hệ của chúng tôi với nhóm này chỉ như kiểu một liên minh, một liên minh lỏng lẻo và tạm thời. Họ là những người rất căm ghét Batista và đã luôn thể hiện rằng họ muốn tham gia hành động. Đó là lý do tại sao chúng tôi lại huy động cả cái nhóm nhỏ của họ - những anh chàng “hăng hái” đó, hay nói đúng hơn là có vẻ hăng hái, vì nói chung sinh viên đều là những người đầy nhiệt huyết.

Và khi đến trang trại, khi biết rằng mục tiểu là tấn công vào trại lính Moncada, họ đã không chịu tham gia cùng?

Họ không dám tham gia. Khi họ chứng kiến công tác chuẩn bị và tất cả mọi thứ, nhìn thấy các chiến sĩ lần lượt đến tập trung - vì suốt thời gian đó các chiến sĩ của chúng tôi cứ từng đội từng đội lần lượt có mặt tại trang trại, tất cả đều được huấn luyện sẵn sàng chiến đấu... Ngay trước khi trời sáng họ biết kế hoạch là gì, và khi chúng tôi bắt đầu phát quân phục, vũ khí và những thứ khác thì họ lại chùn chân... Cái nhóm gồm những sinh viên tưởng chừng như gan dạ, năng nổ ấy lại đòi bỏ cuộc.

Vì vậy tôi đã phải bảo họ, “Được rồi, cứ ở lại phía sau và chỉ lên đường sau khi tất cả chúng tôi đã đi trước, các anh sẽ đi cuối đoàn, bám sau chúng tôi - chúng tôi sẽ không bắt các anh phải chiến đấu”.

Vậy kế hoạch tấn công như thế nào?

Nhiệm vụ của nhóm chúng tôi là chiếm sở chỉ huy của căn cứ, và việc đó sẽ không có gì khó khăn. Cho dù chúng tôi phái người tới mục tiêu nào thì nguyên tắc hàng đầu cũng là phải tấn công bất ngờ, hoàn toàn bất. ngờ. Ngày chúng tôi chọn, ngày 26 tháng 7, là thời điểm rất quan trọng, vì ngày lễ hội hóa trang của Santiago diễn ra trước đó một hôm - ngày 25 tháng 7.

Tôi có 120 chiến sĩ, được chia thành ba nhóm - một nhóm đi đầu để chiếm một bệnh viện dân sự nằm sát phía sau khu trại lính. Đó là mục tiêu an toàn nhất, và đó là nơi tôi cử người chỉ huy thứ hai trong tổ chức đi phụ trách, đó là Abel, một thanh niên tuyệt vời, rất thông minh, tháo vát và cực kỳ táo bạo. Hai cô gái, Haydee và Melba cũng đi cùng anh ấy, cả ông Bác sĩ quân y, Bác sĩ Mario Munoz, cũng đi theo, với nhiệm vụ là chăm sóc những người bị thương được đưa tới chỗ ông ấy. Phía sau bệnh viện có một bức tường rất tiện lợi vì nó thông thẳng sang phía sau khu nhà ngủ của trại lính.

Nhóm thứ hai có nhiệm vụ đánh chiếm tòa nhà Audiencia, hay còn gọi là Palacio de Justicia, cao vài tầng, dưới sự chỉ huy của một thanh niên mới được cử làm người phụ trách. Raul, em trai tôi, cũng đi cùng với nhóm này - chúng tôi cho cậu ấy tham gia cùng với tư cách một thành viên bình thường.

Tôi chỉ huy nhóm thứ ba, gồm 90 người - với nhiệm vụ là chiếm bốt gác và Văn phòng Ban Tham mưu với tám hoặc chín người trong khi số còn lại chiếm toàn bộ trại lính. Khi tôi dừng lại, những chiếc xe khác cũng dừng ngay trước cổng trại lính. Theo dự tính thì giờ này các binh sĩ trong trại vẫn còn đang ngủ và họ sẽ bị đẩy ra khỏi khu phòng ngủ của trại vào một khoảnh sân phía sau - trông xuống khoảnh sân đó, từ trên cao, sẽ là Abel và những người đã đánh chiếm tòa nhà Audiencia. Các binh sĩ sẽ chỉ được mặc đồ lót trên người, vì theo kế hoạch chúng tôi sẽ ra tay thật bất ngờ để họ không có thời gian lấy vũ khí hoặc mặc quần áo. Họ sẽ không kịp trở tay, vì chúng tôi ăn mặc như những Hạ sĩ quan thực thụ, cùng với dấu hiệu nhận biết riêng của mình.

Về lý thuyết thì dường như không có gì rủi ro cả.

Abel ở phía sau sẽ ít gặp nguy hiểm nhất. Những người được phân công chiếm tòa nhà Audiencia cũng vậy. Vì biết rằng tất nhiên Abel sẽ đảm nhiệm vị trí của mình trong trường hợp tôi bị giết, nên tôi đã cử anh ấy phụ trách mục tiêu có vẻ tương đối an toàn đó. Tôi cử Raul, thành viên mói được tuyển vào lực lượng, đi cùng nhóm thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm hơn một chút, nhưng cũng không kém phần quan trọng, và theo suy nghĩ của tôi thì thật ra cũng không có gì quá phức tạp. Trong thâm tâm tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm với cha mẹ tôi về sự an nguy của Raul, khi em trai tôi còn rất trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm. Theo đúng yêu cầu nhiệm vụ và chức trách của mình, tôi tự mình thực hiện nhiệm vụ phức tạp nhất, đi phía sau một nhóm bao gồm Jesus Montané, Ramirito Valdes, Guitart và một số thanh niên người Artemisa với nhiệm vụ chiếm cổng vào và tháo bỏ sợi dây xích có tác dụng ngăn đường xe vào trong doanh trại. Tôi có những chiến sĩ thật tuyệt vời cho cuộc tấn công đó.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM