Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 05:56:59 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc đời tôi - Một trăm giờ với Fidel Castro  (Đọc 92202 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #170 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2013, 09:15:04 am »

17

SỰ SỤP ĐỔ CỦA LIÊN XÔ


Thảm họa sinh thái - Hạ tầng cơ sở
-Sự tầm thường của máy vi tính - Mafia
-Cuộc sống không cần Liên Xô


Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, kéo theo sự sụp đổ của khối các nước Đông Âu, nhiều sự thực khủng khiếp được phơi bày: Thảm họa sinh thái, hạ tầng cơ sở trong tình trạng thảm hại. Chính ông nói với tôi rằng việc chăm sóc sức khỏe không được quan tâm...

Đúng là hệ thống Liên Xô có nhiều vấn đề - nhưng còn tốt hơn gấp nhiều lần những gì đang diễn ra hiện nay.

Người ta phát hiện ra rằng cuộc sống trở nên vô cùng khó khăn, sự trỗi dậy của mafia, tham nhũng quá lớn. Sự thực là, bảy mươi năm tồn tại của Liên Xô xã hội chủ nghĩa đã không tạo ra “con người mới đó”. Những phát hiện đó: Thứ nhất - ông có cảm thấy nghi ngờ gì không? Và thứ hai, nó có làm thay đổi nhận thức của ông không?

Tôi sẽ trả lời câu hỏi đó. Ông đã chỉ ra rất nhiều vấn đề - có những vấn đề người ta đã biết đến rồi, nhưng còn nhièu vấn đề khác thì phải mãi sau này mới được phát hiện, ông phải phân tích, lý giải chúng...

Tôi không hài lòng với nhiều chuyện. Ví dụ như, khi đến Mát-xcơ-va tôi không bằng lòng khi đi đâu cũng có hàng đoàn đi theo. Tôi cũng thấy đó là sự bẽ mặt, ghen ghét, đố ky... Có tất cả những chuyện đó, nhưng ngày nay thì ở đâu ông cũng có thể chứng kiến điều tương tự, thậm chí còn tồi tệ hơn nhiều trong xã hội tư bản, vì vậy... tôi sẽ phải khẳng định với ông rằng có tất cả những chuyện đó nhưng ở mức độ và phạm vi nhỏ hơn rất nhiều những nơi khác.

Chúng ta sẽ cùng xem xét từng vấn đề một. Trước tiên là gì?

Thảm họa môi trường.

Đúng. Trước đây người ta không biết rằng có thảm họa môi trường trên thế giới này, và có người còn nói phương Tây mới là người phát hiện ra điều này. Mác cho rằng giới hạn gia tăng của cải được quyết định bải hệ thống xã hội chứ khõng phải tài nguyên thiên nhiên, điều này thì ngày nay chúng ta đã thấy.

Liên Xô đã không nhận thức hết được những mối nguy hại tới môi trường, mà ở một đất nước rộng lớn như Liên Xô để nhận ra điều đó không hề đơn giản, tuy nhiên, những thảm họa sinh thái mà chúng ta biết đến ở đó cũng chả khác gì chuyện xảy ra ở Mỹ hay châu Âu.

Còn thảm họa Chernobyl...?1 

Tai nạn Chernobyl, thảm họa duy nhất xảy ra với loại lò phản ứng không được làm mát bằng nước mà bằng than chì, thực sự đã gây ra những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Nhưng trước đó đã có những thảm họa môi trường khác: Sự phá hủy môi trường ở Mê-hi-cô, Trung Mỹ, Nam Mỹ, rừng nguyên sinh Amazon... người ta đã từng tranh cãi tìm giải pháp bảo vệ nó nếu còn có thể. Phá hủy môi trường sinh thái là vấn đề của toàn thế giới, không thể đổ lỗi riêng cho Liên Xô được.

Nhưng cũng có trường hợp như biển Aral 2: Liên Xô quyết định làm thay đổi dòng chảy của một vài con sông dẫn đến việc biển Aral bị biến mất, và đó là hệ quả của chính sách đẩy mạnh sản xuất - thực ra là đẩy mạnh một cách thái quá.

Tuy nhiên, vấn đề này cũng không phải lỗi của riêng Liên Xô. Khi thực hiện chính sách này, Khrushchev, Brezhnev và nhiều nhà lãnh đạo khác đã thảo luận rất nhiều. Họ muốn đẩy mạnh sản xuất, sản xuất, và sản xuất... Chẳng hạn như trường hợp ở Ca-dắc-xtan người ta bắt đầu thúc đẩy sản xuất lúa mỳ, vì vậy, mỗi người dân, mỗi nhà sản xuất đều muốn tăng nhanh sản lượng của mình. Họ muốn đưa vào sản xuất cả những nơi được coi là “thảo nguyên nghèo đói” - những cánh đồng muối - ở U-dơ-bê-ki-xtan, tôi đã từng ở đó và chứng kiến họ lấy nước từ những con sông chảy từ trên núi xuống. Họ sản xuất hàng triệu tấn bông. Theo tôi, đó là sự áp dụng công nghệ không phù hợp. Họ không biết - thậm chí chả bao giờ đặt câu hỏi, mà chỉ nghĩ rằng mình đang làm những công việc thật tuyệt vời nhưng chính việc đó lại gây ra thảm họa môi trường. Tôi còn nhớ đã có lần Khrushchev nói với tôi về chính sách đó, họ gọi là chính sách khai hoang các vùng đất mới, chính sách siêu sản xuất. Họ đã làm những công việc mà ngày nay nước Mỹ vẫn đang làm. Và như vậy, sản xuất nông nghiệp vô cùng phát triển, cây cối có nước tưới, nhưng cặn muối còn lại thì ngày càng tồi tệ thêm.

Về phần chúng tôi, chúng tôi cũng đã phát hiện ra điều đó. Cách mạng sử dụng thuốc trừ cỏ. Khi sản xuất đường đạt mức 8 triệu tấn, nếu không sử dụng các sản phẩm hóa chất ở một vài công đoạn (theo chu kỳ tăng dần) thì sẽ không có được một ngành công nghiệp nông nghiệp. Chẳng hạn như phân bón, ở một chừng mực nào đó có thế nói phân bón đã cứu sống cuộc sống của cả nhân loại, nhưng nhân loại thì lại chẳng bao giờ nghĩ đến việc nuôi ăn đầy đủ cho 6,5 tỷ người, trong đó phần lớn những người thuộc thế giới thứ ba thì đang bị suy dinh dưỡng, đang chết đói.

Mặt khác, tôi còn nhớ cuốn Đất, cỏ và căn bệnh ung thư của André Voisin 3 trong đó có phân tích những tác động của kali đến sự phát triển một vài loại ung thư - tôi đã đọc rất nhiều các loại sách như thế; tôi rất quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp - mối hiểm họa của việc lợi dụng phân kali. Các loại cây thân củ rất cần loại phân này, nhưng chuối và mía thì lại cần nitơ, phốt-pho, tất nhiên là cả kali... Ngoài ra còn có rất nhiều các loại cây trồng khác thuộc loài ngũ cốc cần đến cả ba yếu tố trên.

Ngày nay, chúng ta đã biết đến rất nhiều những tác động xấu của việc lạm dụng phân bón và thuốc diệt cỏ. Rachel Carson viết cuốn Mùa xuân im lặng và đã dạy cho tôi rất nhiều điều. Ngày nay, người ta nghiên cứu về gien, nhưng hai mươi năm trước chả mấy ai biết gien là gì - di truyền học tuân thủ quy luật do Mendel phát hiện ra. Nhưng phát hiện được rút ra từ cây đậu Hà Lan đã giúp làm thay đổi căn bản quan niệm về di truyền học truyền thông qua (phát hiện quy luật hoạt động) của nhiễm sắc thể và gien. Nhưng trước đây không ai biết gì về công nghệ gien, không ai biết cách cấy gien từ tế bào này vào tế bào khác. Chúng ta đã nghiên cứu rất nhiều từ di truyền học truyền thống, sau đó chúng ta phát hiện ra các khả năng thực hiện công nghệ gien và bắt đầu áp dụng. Ngày nay, người ta có các loại thuốc được sản xuất bằng công nghệ gien, vắc-xin và các loại dược phẩm không phải có nguồn gốc từ thiên nhiên. Các loại dược phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên kết hợp với một số yếu tố khác đế sản xuất ra vắc-xin tổng họp an toàn và hiệu quả hơn các loại vắc-xin truyền thống rất nhiều.

Đã có thời người ta cho rằng, khoa học có thế giải quyết được tất cả các vấn đề của nhân loại. Nhưng ngày nay thì chúng ta thấy rằng điều đó là không đúng. Khó khăn lại càng lớn hơn vì chúng ta buộc phải thử rất nhiều cách. Khoa học phải giải quyết rất nhiều vấn đề do chính nó đặt ra. Cứu sống các loài là việc làm vô cùng khó khăn trong khi lại không thể làm được thông qua hệ thống kinh tế xã hội vốn chỉ quan tâm đến lợi nhuận và quảng cáo.

Đó là những vấn đề vô cùng phức tạp, nan giải mà con người chưa giải quyết được và cũng không thể đổ lỗi tất cả cho Liên Xô.

----------------------------------------------------------
1. Vào ngày 25-26 tháng 4 năm 1986, tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl nằm ở phía Bắc U-krai-na, cách biên giói Bê-la-rút chỉ khoảng 12 km, và cách thủ đô Kiev khoảng 125 km, vụ tai nạn nguyên tử lớn nhất trong lịch sử xảy ra. Ban đầu chính quyền địa phương che giấu công luận và thế giới, lý do thực sự của vụ tai nạn đã giết chết hàng trăm người và hàng chục nghìn người bị ô nhiễm chất phóng xạ.

2. Biển trên đất liền, là một trong bốn hồ lớn nhất thế giới, biển Aral nằm ở phía Đông biển Caspi thuộc khu vực Trung Á. Phía Bắc của biển lên tới biên giới Ca-dắc-xtan, chiều dài của biển là 420 km, chiều rộng là 280 km, diện tích 67.340 km2.

3. André Voisin (1903-1964), nhà nông học, sinh hóa và là tác giả cuốn ‘Đất, cỏ và căn bệnh ung thư”. Bản mà Fidel đọc được xuất bản ở Tecnos, Mandrid năm 1961.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #171 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2013, 09:20:05 am »

Tình trạng thảm hại của hạ tầng cơ sở, phương tiện giao thông - tàu hỏa, đuờng cao tốc - điện thoại, điện, tất cả đều trong tình trạng tồi tệ.

Trước tiên tôi phải khẳng định với ông là tôi không cố ý bao biện cho việc làm sai trái mà Liên Xô gây ra trước đây. Tôi sẽ làm sáng tỏ chuyện đó. Trước đây tôi đã suy nghĩ và cho đến bây giờ tôi vẫn cho rằng nếu không có thời kỳ đẩy mạnh sản xuất công nghiệp ấy trong bối cảnh bị phương Tây phong tỏa, xâm chiếm, gây chiến tranh phá hoại, thì Liên Xô sẽ không chiến thắng được bọn Đức Quốc xã; họ đã bị đánh bại. Thời kỳ giữa cuộc chiến, Liên Xô có thể đưa các nhà máy ra chiến trường, đặt dưói tuyết để sản xuất mà không cần phải xây dựng nhà xưởng. Đó là một kỳ công, có thể coi là một trong những kỳ công vĩ đại của cuộc chiến bên cạnh rất nhiều những quyết định sai lầm về chính trị khác. Đó là lý do (phương diện chính trị) tôi có thái độ gay gắt với họ vì những quyết định sai lầm về chính trị mà họ đưa ra.

Nhìn lại quan hệ của chúng tôi với họ, mối quan hệ kéo dài hơn ba mươi năm cho đến khi họ sụp đổ, tôi nghĩ Liên Xô quá phung phí dầu mỏ trong khi đó dầu mỏ lại chính là thứ dùng để sản xuất ra xăng, dầu diesel, và các sản phẩm phục vụ công nghiệp và nông nghiệp. Họ đã không phát triển các hiệp hội tiêu dùng trong khi lượng xe hơi sở hữu tư nhân lại vô cùng lớn và là nguồn tiêu thụ chính của dầu mỏ, ở Mỹ và châu Âu người ta làm được điều này. Tôi nghĩ người ta đã làm đúng. Dầu mỏ thì thừa thãi trong khi đó vào những năm 1960, Liên Xô lại không tìm được thị trường. Liên Xô sản xuất các loại phương tiện tiêu tốn nhiên liệu khổng lồ (nhưng kém hiệu quả) như xe tải Liên Xô, xe Jeep, và xe hơi. Chúng tôi là người biết rõ nhất điều này, chúng tôi mua của Liên Xô hàng chục nghìn các loại xe và trong ba mươi năm không hề thiếu chuyến tàu chở dầu nào của Liên Xô cung cấp. Cũng không hề có chuyến tàu nào chở dầu thô, xăng, hay dầu diesel bị lỡ chuyến. Tàu được trang bị động cơ diesel hiệu quả hơn rất nhiều.

Vấn đề là Liên Xô bị tụt hậu về công nghệ trên một số lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế, và vì vậy họ phải trả giá trong cuộc chiến của chủ nghĩa xã hội chống lại chủ nghĩa tư bản và đồng minh. Trong khi đó Liên Xô lại có nhiều trung tâm nghiên cứu hơn bất kỳ nước nào, thực hiện vô vàn các dự án nghiên cứu, nhưng ngoại trừ lĩnh vực quân sự, thì rất ít các dự án được áp dụng vào sản xuất phục vụ nền kinh tế.

Đường sá của họ chật hẹp. Có thể vì lý do an ninh mà họ không xây những tuyến đường cao tốc lớn nhiều làn. Vì lý do an ninh mà hệ thống đường sắt của họ có khổ rộng khác hoàn toàn với của Mỹ và châu Âu. Với cách làm đó, họ cũng đạt được những tiến bộ đáng kể. Các toa xe của họ không sang trọng nhưng họ có những tuyến đường sắt dài hàng nghìn dặm tới tận vùng Xi-bê-ri, và rõ ràng là việc vận tải hàng hóa và người bằng đường sắt đến những vùng xa xôi như vậy rẻ hơn rất nhiều so với đường bộ. Đường sắt vươn tới mọi ngõ ngách của đất nước khổng lồ đó. Ngày nay các loại xe thuộc sở hữu tư nhân tiêu thụ phần lớn lượng nhiên liệu mà các nhà máy lọc dầu của thế giới sản xuất ra. Ở Mỹ, lượng dầu tiêu thụ là hơn 8,5 triệu thùng một ngày - thực tế có thể còn cao hơn - và với lượng tiêu thụ đó thì chả mấy chốc mà trữ lượng dầu mỏ trên thế giới bị cạn kiệt.

Họ cũng không phát triển máy vi tính mặc dù Liên Xô có hàng nghìn các kỹ sư; họ có khả năng, chắc chắn là như vậy. Ông giải thích điều đó như thế nào?

Không thể bao biện cho việc này; nó thể hiện sự thiếu tầm nhìn. Thật đáng buồn và đáng kinh ngạc, trong khi người Mỹ thì tập trung phát triển công nghệ vi tinh với tất cả khả năng có thể. Về điều này có thể nói người Liên Xô lập dị. Nhưng không phải do nghiên cứu mà vấn đề nằm ở việc áp dụng những nghiên cứu đó vào thực tế. Họ có nhiều nghiên cứu hơn... họ đi vào vũ trụ trước nhưng rõ ràng là người ta không thể đi vào vũ trụ mà không có máy vi tính.

Ở Cuba, các ông đã tránh được sai lầm đó? Có phải Cuba cũng đang nỗ lực phát triển công nghệ vi tính?

Ở đất nước chúng tôi, đã có thời gian vi tính không được giảng dạy ngay cả ở các trường đại học. Chúng tôi đã thay đổi dần dần và bắt đầu với các trường đại học. Sau đó, chúng tôi thành lập tới 170 Câu lạc bộ Trẻ về máy vi tính, và mới đây thì con số này đã là 300, lượng máy tính ở mỗi câu lạc bộ cũng tăng lên gấp đôi. Điều quan trọng là ở nước tôi hiện nay, vi tính được giảng dạy từ cấp mầm non. Một trăm phần trăm các cháu từ bậc mầm non đến đại học có phòng học vi tính, và chúng tôi đã phát hiện ra những tiềm năng rất lớn mà việc làm này mang lại. Chúng tôi còn áp dụng cả phương pháp nghe nhìn trong giảng dạy các cháu thiếu niên, vị thành niên, giới trẻ và cả xã hội. Để sử dụng được công nghệ này, chúng tôi trang bị pin mặt trời chi phí rẻ và hoạt động ốn định cung cấp điện cho 100% các trường học ở khu vực nông thôn trước đây từng thiếu điện.

Hiện nay, chúng tôi đã bước vào giai đoạn phổ cập các ứng dụng cao hơn của khoa học thông tin; chúng tôi đang đào tạo hàng chục nghìn các lập trình viên và các nhà thiết kế chương trình. Năm năm trước, chúng tôi đã thành lập trường đại học về khoa học vi tính chọn lọc các cháu sinh viên giỏi nhất trong cả nước cho theo học. Mỗi năm có thêm hai nghìn cháu được tuyển vào đào tạo.

Chúng ta sẽ quay lại với Liên Xô. Khi Liên Xô sụp đổ, mafia trỗi dậy trên cả nước. Người ta phát hiện ra rằng nạn tham nhũng vô cũng khủng khiếp; Liên Xô đã không chú ý giáo dục đạo đức - mà ngược lại, cái mà họ tạo ra là nạn tham nhũng tràn lan.

Tôi cũng đang muốn nói chuyện đó. Chủ nghĩa tư bản tạo ra tất cả các loại bệnh hoạn; chủ nghĩa tư bản cũng tạo ra cái gọi là mafia 1. Tất cả các hình thái của nạn tham nhũng hiện hình. Chủ nghĩa xã hội cũng có vấn nạn này bởi vì đã là con người thì ai cũng có nhu cầu - những gì chúng ta cần làm là phải gieo trồng các giá trị và phát huy chúng. Chúng tôi đã đấu tranh - và hiện nay chúng tôi vẫn đang đấu tranh rất mạnh - vì một cuộc cách mạng bao giờ cũng bắt đầu bằng việc bãi bỏ tất cả các luật lệ trước đó. Tôi còn nhớ chúng tôi đã phat hiện ra thứ văn hóa của người giàu và thứ văn hóa của kẻ nghèo. Văn hóa của người giàu, rất trung thực: Tôi mua, tôi trả tiền. Văn hóa của kẻ nghèo: Làm thế nào tôi có được cái này (ở Cuba)? Làm thế nào tôi ăn cắp được cái này của người giàu hay bất kỳ người nào khác?

Có rất nhiều những gia đình khiêm tốn yêu nước nhưng vẫn nói với đứa con làm việc ở khách sạn: “Nghe này, con phải mang về nhà khăn trải giường, gối, mang cho bố cái này, mang cho mẹ cái kia”. Cách nghĩ đó là hệ quả của thứ văn hóa người nghèo và để thay đổi được thói quen cũ lạc hậu đó phải có thời gian dài.

Nếu chế độ xã hội chủ nghĩa này không còn ở Cuba, nếu chúng tôi theo lời khuyên của Felipe González 2 và đám người kia thì bọn mafia đó cũng đã mọc nên như nấm ở đất nước này, thậm chí với mức độ còn nghiêm trọng hơn cả những nơi tồi tệ nhất của chủ nghĩa tư bản cùng với nạn ma túy và tội phạm hình sự. Có những vấn đề xã hội mà chúng tôi chưa thay đổi được nhưng với nỗ lực của mình, chúng tôi đã chứng kiến những tiến bộ rõ ràng thông qua việc cải cách hệ thống giáo dục.

Tôi nghĩ, ở Liên Xô họ cũng đã làm như vậy; không biết mức độ họ thực hiện đến đâu, vì ở Liên Xô tôi thấy cũng có rất nhiều trường học, họ cũng tiến hành rất nhiều nghiên cứu và các trường đại học của họ cũng rất tốt.

Nhưng cho dù thế nào thì con người cũng vẫn là con người chúng ta không thể lý tưởng hóa người ta. Rất may là tôi có đủ tự tin cho rằng loài người chúng ta, mặc dù còn nhiều thiếu sót, hạn chế, vẫn có đủ nghị lực, nếu họ muốn, để bảo vệ mình, và đủ trí thông minh đế chứng tỏ mình. Nếu tôi không có được niềm tin đó thì tôi khõng thể chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Chính tôi cũng đã từng nói, “Chả còn hy vọng gì cả; việc này sẽ chả đi đến đâu cho dù có có gắng”. Vì vậy, cứ đưa ra tất cả những so sánh mà ông có thể, và rồi ông sẽ tìm ra lời giái thích; có những hiện tượng bản chất khác hoàn toàn.

----------------------------------------------------------
1. Được sử dụng ở đây theo nghĩa chung là bọn tội phạm có tổ chức và nạn tham nhũng chứ không ám chỉ bọn mafia ở đảo Sicilian nước Ý

2. Felipe Gonzalez (sinh năm 1942), nhà lãnh đạo của Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Tây Ban Nha, là người đứng đầu chính phủ Tây Ban Nha từ năm 1982-1996. (Xem thêm chương 23).


Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #172 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2013, 09:22:20 am »

Ở Cuba không trải qua giai đoạn mà thời Gorbachev gọi là cuộc cải tổ vể kinh tế, chính trị. Ông có cho rằng việc đó là không cần thiết ở đất nước này, và chính vì không trải qua giai đoạn đó mà Cách mạng tồn tại đến ngày nay?

Cho đến bây giờ tôi có thể khẳng định, hiện tượng lịch sử xảy ra ở Liên Xô chưa hề xảy ra ở đây. Chủ nghĩa Stalin không xuất hiện ở đây, đất nước chúng tôi không có những hiện tượng mang bản chất đó - việc lạm dụng quyền lực, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, thần tượng... Ở đất nước chúng tôi, ngay từ những ngày đầu của Cách mạng đã có luật cấm đặt tên đường, công trình công cộng, cầu cống hay tượng đài theo tên các nhà lãnh đạo còn sống, ở đây không hề có chân dung các nhà lãnh đạo treo trong công sở; chúng tôi cấm tôn thờ chủ nghĩa cá nhân. Việc đó đã không xảy ra ở đây.

Chả có lý do gì chúng tôi phải lặp lại sai lầm đã xảy ra ở nơi khác, ở đất nước tôi không hề có việc ép buộc phải theo tập thể - chuyện đó chưa bao giờ xảy ra ở đây. Chúng tôi luôn tôn trọng một nguyên tắc: Chủ nghĩa xã hội được xây dựng bởi những con người tự do muốn tạo ra một xã hội mới. Chúng tôi không muốn phạm những sai lầm không đáng có.

Nếu chúng tôi thực hiện cải tổ về kinh tế, chính trị như ông vừa nói thì người Mỹ sẽ rất vui mừng, vì như ông biết đấy, người Liên Xô đã làm hại chính họ. Nếu chúng tôi bị chia cắt thành nhiều mảng thì chắc chắn một cuộc tranh giành quyền lực lớn sẽ diễn ra, người Mỹ sẽ là những người thỏa mãn nhất; họ đã từng nói, “Cuối cùng thì chúng ta cũng sắp loại bỏ được cuộc Cách mạng Cuba ở đất nước này”. Nếu chúng tôi cải tổ theo kiểu đó, điều mà không phù hợp chút nào với điều kiện ở Cuba, thì chúng tôi đã tự làm hại mình. Nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ tự làm hại mình - đó là điều tôi có thể khẳng định chắc chắn.

Ông có tâm đắc với nỗ lực nào của Gorbachev khi cải tổ Liên Xô không?

Ông nghe này, có những thời điểm khi Gorbachev làm lãnh đạo tôi không đồng tình với những việc ông ấy làm. Vào thời kỳ đầu, tôi đồng tình với quan điểm áp dụng khoa học vào sản xuất của ông ấy theo phương châm nâng cao năng lực sản xuất chuyên sâu ở các công xưởng chứ không phải tập trung phát triển ào ào số lượng các nhà máy - quan điểm này đã được thử nghiệm; đã cho kết quả; người ta phải phát triển trên cơ sở sản xuất chuyên sâu. Càng áp dụng công nghệ chuyên sâu thì năng lực sản xuất càng gia tăng ngày càng mạnh - không ai có thể phủ nhận điều này. Ông ấy cũng phản đối những nguồn thu không có nguồn gốc từ lao động. Đó là những lời lẽ của một nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa chân chính.

Đó là những phát biểu đầu tiên của Gorbachev, và lúc đầu chúng tôi thấy ông ấy là con người tốt - ông ấy còn phản đối thói nghiện rượu và tôi cho rằng việc đó là đúng. Ý tôi muốn nói rằng, đó là việc làm không hề dễ dàng và sẽ phải mất một thời gian dài vì người Nga từ lâu đã sản xuất rượu vodka. Tôi đã nói thẳng điều này với ông ấy. Đó là những việc làm tôi ủng hộ.

Tôi còn giải thích với ông ấy rằng Liên Xô cần mở rộng quan hệ với các đảng khác - cần cho họ thoải mái lên tiếng hơn - không chỉ giới hạn ở các đảng cộng sản (ở các nước khác nhau) mà cần phải quan hệ cả với các phong trào cánh tả, các phong trào tiến bộ.

Có phải họ có thái độ bá chủ với các đảng ủng hộ Chủ nghĩa cộng sản Xô viết?

Tôi không muốn chỉ trích những người đã thuộc về quá khứ lịch sử để làm vui lòng giai cấp tư sản hay chủ nghĩa đế quốc. Nhưng cũng thật ngớ ngẩn nếu tôi không nói ra những điều mà mình có quyền được nói. Đúng vậy, ở Liên Xô có truyền thống lãnh đạo chuyên chế, tôn sùng yếu tố tinh thần, tư tưởng phong kiến thích lạm dụng quyền lực nhất là thói quen áp đặt với các nước khác và các đảng khác.

Hơn bốn mươi năm chúng tôi duy trì quan hệ với các phong trào cách mạng ở châu Mỹ La-tinh - quan hệ rất gần gũi. Trong đầu chúng tôi chưa bao giờ xuất hiện ý tưởng bắt họ phải làm cái này, phải làm cái kia. Và rồi, thời gian trôi đi chúng tôi nhận thấy rằng các phong trào cách mạng đó cũng rất sốt sắng muốn bảo vệ đặc quyền, đặc lợi của họ. Tôi còn nhớ những thời khắc vô cùng quan trọng: Khi Liên Xô sụp đổ, rất nhiều người cảm thấy hoang mang, chúng tôi - những người cách mạng Cuba cũng vậy. Nhưng chúng tôi biết mình phải làm gì. Các phong trào cách mạng khác cũng phải tập trung sức lực cho cuộc chiến đấu của họ. Tôi không muốn nói cụ thể ai, người nào mà chúng ta chỉ đang nói chuyện về những phong trào hết sức nghiêm túc. Trong tình thế tuyệt vọng đó, trước sự sụp đổ của Liên Xô, chúng tôi tự hỏi mình liệu nên tiếp tục chiến đấu hay thỏa hiệp với các lực lượng đối lập để tìm kiếm một nền hòa bình mặc dù biết rõ nền hòa bình đó sẽ đi đến đâu.

Tôi đã từng nói (với những phong trào đó), “Các anh không nên hỏi ý kiến chúng tôi; chính các anh mới là người phải tiếp tục chiến đấu hay phải chết chứ không phải chúng tôi. Chúng tôi biết các anh chuẩn bị làm gì, nhưng các anh phải tự quyết định cho mình. Chúng tôi ủng hộ quyết định các anh đưa ra”. Sự tôn trọng các phong trào khác thể hiện rõ nét nhất ở đất nước chúng tôi. Không hề có sự áp đặt - trên cơ sở kiến thức, kinh nghiệm và sự tôn trọng hết mức của chúng tôi đối với Cách mạng - quan điểm và ý kiến chủ quan của chúng tôi. Lúc đó, chúng tôi không hề nghĩ đến những cái lợi và cái hại mà quyết định của họ mang lại đối với cách mạng Cuba: “Các anh tự quyết định”, chúng tôi nói như vậy. Và họ đã làm như vậy - mỗi người, vào thời điểm quyết định đều phải lựa chọn con đường riêng cho mình.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #173 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2013, 09:24:33 am »

Ông có biết Boris Yeltsin không?

Có. Tôi đã từng gặp Boris Yeltsin, ông ấy là bí thư xuất sắc của Mát-xcơ-va, đã đưa ra được rất nhiều những ý tưởng hay: Dự định giải quyết nhu cầu của người dân thành thị, sự phát triển thành phố này. Ông ấy rất nhấn mạnh việc gìn giữ các di tích lịch sử của thành phố - tôi khuyên ông ấy không nên phá hủy những di tích đó. Yeltsin có ý tưởng tạo ra nhà kính đáp ứng nhu cầu của người dân Mát-xcơ-va; ông ấy rất nghiêm khắc và yêu cầu cao với các thành viên ban lãnh đạo của Đảng, chúng tôi in tất cả các bài phát biểu của ông ấy vì ông ấy phê bình rất mạnh mẽ những khuyết điểm, thất bại và những vấn đề rắc rối. Khi đến đó tôi từng nói với ông ấy, “Hãy chú ý đến những tòa nhà lịch sử, bởi vì người dân của ông đang dần làm biến mất thành phố Mát-xcơ-va cổ đấy; ông đang xây dựng một thành phố hoàn toàn khác”. Có lần ông ấy đã dừng chân ở đây trên đường sang Nicaragua; ông ấy đã nói chuyện rất nhiều với chúng tôi.

Một lần, tôi sang thăm Mát-xcơ-va và Yeltsin được phân công đặc trách tiếp đón tôi, và tôi cũng đã nói chuyện với ông ấy về một vài chuyện, chẳng hạn như tôi không hiểu sao có những sản phẩm đến bốn mươi năm nay vẫn bán ở mức giá cũ, vì vậy chắc chắn là có sự khan hiếm nào đó và điều đó có thể gây rắc rối. Chẳng hạn như trứng cá muối vẫn được bán với giá từ thời của Stalin. Vì vậy tôi nói với ông ấy: “Các ông duy trì mức giá rẻ quá thế này sẽ dẫn đến lãng phí. Bánh mỳ cũng quá rẻ. Rất nhiều người mua bánh mỳ để nuôi gà sau đó lại bán gà ở “chợ quê” ”. Ý tôi muốn nói là tôi chứng kiến rất nhiều các khoản chi phí, rất nhiều các sản phẩm siêu rẻ gây hại cho nền kinh tế, trong khi rất nhiều thay đổi đang diễn ra ở nước họ và trên thế giới - lượng tiền đã tăng lên rất mạnh thì chính sách kiểm soát giá cả hàng hóa không còn phù hợp nữa. Chính sách đó gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực.

Có một sự mâu thuẫn tồn tại ở đó: Có cả thị trường mở, thị trường tự do bán hàng hóa theo mức giá riêng của nó, nhưng cũng có cả lý thuyết - người Mỹ sử dụng lập luận này để bảo vệ tài sản tư nhân của họ - mà tôi không hiểu nổi làm thế nào các nông trường có thể sản xuất được một lượng lớn khoai tây chỉ trên một khoảnh đất nhỏ; tôi không biết tỷ lệ trứng là bao nhiêu, hay rất nhiều chuyện khác, nhưng có một điều mà họ không nói ra đó là các nông trường có thể làm ra những quả trứng rẻ là bởi vì họ sử dụng ngũ cốc do những nhà máy của nhà nước sản xuất ra được bán với giá rất rẻ và trong một khu vực mỗi chiều chỉ rộng khoảng mười lăm mét, người ta có thể nuôi tới 2000 con gà, 3000 con gà, thậm chí là 5000 con gà hay rất nhiều bò cao sản.

Người dân Cuba đã thử làm như vậy chưa?

Ồ, có chứ. Có lần chúng tôi đã làm thí nghiệm trong một phòng nhỏ sử dụng ánh sáng điện xem có thể sản xuất bao nhiêu sữa trên một mét vuông sử dụng phương pháp agriponic - khối lượng nhiên liệu sinh học mà một mét vuông có thể sản xuất ra được bằng phương pháp đó. Chúng tôi làm thí nghiệm đó vì muốn tìm hiểu xem sẽ tiêu tốn bao nhiêu năng lượng cho một hécta. Về lý thuyết, người ta có thể xây được ngôi nhà hai mươi tầng trong thành phố và như vậy một hécta đó cũng có thể biến thành hai mươi hécta và có thể sản xuất tương đương với mức sản lượng của một diện tích là năm mươi hécta nếu có đủ ánh sáng, nước, phân bón và bò cao sản. Không ai biết một con bò sẽ sản xuất ra cái gì! Bò là loài ăn cỏ - nó có thể sống mà không cần đến những loại ngũ cốc có thể nở ra những chồi non xanh mượt giàu protein khi được bón phân. Chúng tôi phải làm rất nhiều nghiên cứu trong những năm đầu của Cách mạng. Yeltsin và tôi cùng nói chuyện đó. Vào thời điểm đó, ông ấy chưa phải là tổng thống Nga.

Các ông nói chuyện về những gì diễn ra ở Liên Xô?

Ông nên nhớ rằng giá xe điện chỉ có bốn xen, tàu điện ngầm khoảng năm xen - có nghĩa là người dân đi lại quá nhiều. Tôi giải thích với Yeltsin những gì đã xảy ra với chúng tôi liên quan đến việc đó vì có lần ông ấy đã nói với tôi, “Tôi nghĩ giao thông công cộng nên được miễn phí”. Tôi nói với ông ta nên duy trì mức giá vừa phải để hạn chế những chuyến đi không cần thiết của người dân khi được miễn phí, bởi vì ở Cuba đã có thời một bí thư đảng ở một khu vực - khi chúng tôi còn duy trì các khu vực nhỏ hơn cấp tỉnh nhưng lại lớn hơn cấp thành phố - được giao xe buýt phục vụ cho khu vực và anh này đã ra quyết định miễn phí đi lại bằng những xe đó.

Giao thông ở đây gần như miễn phí, thay vì đi bộ vài dãy nhà thì người dân lại đi xe buýt - họ thậm chí còn không trả tiền vì không có thời gian và nếu có trả thì cũng chỉ trả cho đoạn đường khoảng nửa dặm, chính điều này đã làm cho người dân lạm dụng giao thông công cộng một cách không cần thiết. Và rồi lại đến lượt Yeltsin nói giao thông công cộng phải được miễn phí, tôi lại khuyên ông ta không nên thực hiện chính sách giao thông và các dịch vụ tương tự khác miễn phí - tất nhiên là ngoại trừ y tế và giáo dục - và rằng ở đất nước họ thực ra đã có rất nhiều thứ gần như là miễn phí khi chính sách giá cả được cố định, điều này hầu như không xảy ra ở Cuba. Trong chuyến thăm đó tôi có gặp Yeltsin vài lần và thực sự là vào thời điểm đó chúng tôi đánh giá rất cao tư tưởng tiến bộ của ông ấy. Việc này diễn ra trước thảm họa (Liên Xô) tan rã.

Quan hệ của ông với Gorbachev thế nào?

Cũng tương tự như trường hợp với Yeltsin. Quan hệ của chúng tôi với Gorbachev rất tốt. Raul biết ông ấy từ nhiều năm trước; cậu ấy gặp Gorbachev khi sang thăm Liên Xô và có quan hệ rất thân tình với ông ấy. Tôi cũng nói chuyện với Gorbachev vài lần và đã từng gặp mặt ông ấy. Gorbachev rất thông minh, đó là một trong những tính cách của ông ấy. Với chúng tôi, ông ấy rất thân thiện, cư xử như những người bạn, và thực sự là ông ấy rất tôn trọng Cách mạng Cuba. Trong thời gian ông ấy nắm quyền ở Liên Xô, Gorbachev đã làm tất cả những gì có thể vì lợi ích của Cuba và không hề làm tổn hại đến quan hệ của chúng tôi. Một con người rất tài ba, có những dự định rất hay bởi vì tôi cho rằng Gorbachev chỉ muốn nỗ lực để hoàn thiện chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô - thực sự tôi không hề nghi ngờ gì điều đó.

Nhưng ông ấy không tìm được lời giải cho những vấn đề lớn của đất nước. Rõ ràng là ông ấy có vai trò rất quan trọng trong sự kiện Liên Xô tan rã, và sự tan rã dây chuyền sau đó. Ông ấy không thể ngăn chặn được nó; không biết phải làm thế nào để bảo vệ Liên Xô, duy trì một đất nước khổng lồ, quyền lực khổng lồ. Ngược lại, chính những sai lầm và yếu kém của ông ấy sau này đã góp phần làm cho Liên Xô sụp đổ. Như tôi đã nói, chúng tôi khuyên ông ấy nên mời đảng cộng sản các nước và các phong trào cánh tả, phong trào tiến bộ trên thế giới tham gia Đại hội đảng và các dịp kỷ niệm của họ. Khi thiên tai hoành hành, ông ấy gọi điện và trợ giúp chúng tôi - hành động rất cao thượng. Họ thực hiện chính sách, như tôi đã nói trên cơ sở tập trung cho sản xuất chuyên sâu.

Họ bắt đầu nhượng bộ các vấn đề chính trị quốc tế, nhượng bộ về chiến lược, mọi thứ, và rồi một ngày, Gorbachev hói ý kiến Feliple Gonzalez và Đảng công nhân xã hội Tây Ban Nha xin lời khuyên. Chính ông ấy nói với tôi điều này trong một lá thư. Vào thời điểm đó tình hình của ông ấy rất phức tạp. Ông ấy rất kinh ngạc khi nhận ra điều này nhưng tôi thì không hề ngạc nhiên. Tôi nhận ra ngay, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã bị thụt lùi 100 năm.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #174 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2013, 09:27:52 am »

Có khi nào người Cuba cho rằng an ninh của mình đuợc sức mạnh quân sự của Liên Xô đảm bảo?

Không bao giờ. Thậm chí có những lúc chúng tôi còn cho rằng nếu chúng tôi bị Mỹ tấn công, Liên Xô sẽ không bao giờ đứng ra bảo vệ và chúng tôi cũng không thể cầu cứu họ được. Với sự phát triển của công nghệ, thật ngớ ngẩn khi nghĩ, kêu gọi, hay hy vọng Liên Xô đứng ra chống lại Mỹ trong trường hợp Mỹ xâm lược hòn đảo chỉ cách họ có 90 dặm đường này.

Chúng tôi biết rất rõ rằng, sẽ không bao giờ có sự hỗ trợ nào cả. Hơn nữa, có lần chúng tôi đã thẳng thắn kêu gọi Liên Xô, lúc đó khoảng vài năm trước khi họ sụp đổ: “Cứ nói sự thực với chúng tôi đi”, và câu trả lời là, “Không”. Thực ra chúng tôi đã đoán trước được câu trả lời đó. Kể từ đó, chúng tôi đẩy mạnh và hoàn thiện kế hoạch chiến lược và chiến thuật đảm bảo cho thắng lợi của Cách mạng, thắng lợi về quân sự trước một đội quân mạnh hơn gấp hàng trăm lần. Sau câu trả lời đó, chúng tôi hoàn toàn dựa vào các kế hoạch và triết lý quân sự của mình, chúng tôi tự củng cố sức mạnh cho mình và cho đến hiện tại thì tôi có thể khẳng định chúng tôi đã có một đội quân bất khả chiến bại nhưng không phải vì chúng tôi sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Khi Liên Xô sụp đổ, rất nhiều người cho rằng Cách mạng Cuba cũng sẽ sụp đổ. Làm thế nào mà người Cuba vượt qua đuợc giai đoạn khó khăn đó?

Khi Liên Xô và thành trì của chủ nghĩa xã hội biến mất, không ai cho rằng Cách mạng Cuba có thể tồn tại.

Chúng tôi bị tác động vô cùng mạnh, một cường quốc như thế tan rã khiến chúng tôi bị bơ vơ, phải tự lo cho chính mình, không còn thị trường tiêu thụ đường, không còn nguồn cung cấp thực phẩm nhiên liệu, thậm chí cả củi để đốt xác chết. Ngày qua ngày, chúng tôi không có nhiên liệu, không còn nguyên liệu thô, không có thực phẩm, xà phòng, không có mọi thứ 1. Và mọi người đều nghĩ cuộc cách mạng này rồi cũng đến lúc sụp đổ, cho đến hiện tại vẫn còn những kẻ ngốc cho rằng nếu bây giờ Cách mạng chưa đổ thì sau này sẽ đổ. Họ càng vui vẻ với ý nghĩ đó, họ càng nghĩ nhiều về viễn cảnh đó thì chúng tôi càng phải suy nghĩ nhiều, chúng tôi càng rút ra nhiều kết luận để thất bại sẽ không bao giờ diễn ra trên đất nước tươi đẹp này.

Người Mỹ tăng cường cấm vận. Đạo luật Torricelli 2 và đạo luật Helms Burton 3 được thông qua. Cả thị trường xuất khẩu và nguồn cung cấp hàng hóa bị cấm vận. Lượng tiêu thụ ca-lo và protein giảm một nửa. Đất nước này đã phải chống chọi lại và chúng tôi đã đạt được những tiến bộ đáng kể trên mặt trận xã hội. Ngày nay, chúng tôi đã giải quyết được vấn đề thực phẩm chất dinh dưỡng và đang tiếp tục tiến lên trên những mặt trận khác. Chúng tôi vẫn làm việc và ý thức cảnh giác được tạo ra từ rất nhiều năm nay đã mang đến điều kỳ diệu. Tại sao chúng tôi chống chọi được? Bởi vì Cách mạng đã và đang được sự ủng hộ của cả nước, của những con người thông minh ngày càng đoàn kết, trình độ học vấn và tinh thần chiến đấu ngày càng cao.


----------------------------------------------------------
1. Giai đoạn này được coi là giai đoạn khó khăn đặc biệt của Cuba khi người dân thiếu lương thực trầm trọng, giao thông đình trệ, các nhu yếu phẩm cần thiết đều thiếu. Chỉ có tinh thần của dân chúng là không bị suy sụp, tình hình thực sự tồi tệ.

2. Đạo luật Torricelli, chính thức trở thành Đạo luật dân chủ Cuba năm 1992 với hai điều cấm cơ bản: (I) Cấm tất cả các công ty chi nhánh của Mỹ hoạt động làm ăn ở nước thứ ba bán hàng hóa vào Cuba, và (II) cấm tất cả các tàu đã qua lãnh hải Cuba vào các cảng của Mỹ hoặc thuộc sở hữu của Mỹ trong vòng 180 ngầy kể từ khi rời khỏi cảng của Cuba.

3. Jesse Helms, thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa của bang North Carolina, sau đó là Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện, và thượng nghị sỹ Dan Burton của bang Indiana đệ trình dự luật này, sau đó được ký ban hành thành luật bởi Tổng thống Bill Clinton vào ngày 12-3-1996, theo đó cho phép người dân Mỹ được kiện ra tòa đòi đền bù những khoản thiệt hại về tài chính mà họ mất cho cuộc cách mạng và cấm các công ty nước ngoài giao dịch với Cuba thông qua việc áp dụng lệnh cấm các công ty này hoạt động ở Mỹ.


Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #175 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2013, 02:44:03 pm »

18

VỤ OCHOA VÀ ÁN TỬ HÌNH


Tiết lộ của Navarro Wolf - Hoạt động của MC - Ma túy và những đồng đô la
- Mối liên hệ với Colombia - Xét xử vụ Ochoa
- Cách mạng Cuba và án tử hình - Việc trì hoãn nợ trên thực tế


Vụ Ochoa 1 năm 1989 gây tranh cãi không ngừng. Hồi đó chính người Cuba kết án tử hình và tạo ra làn sóng phẫn nộ trên quốc tế, bản thân tôi cũng nghĩ như vậy.

Ông nói đúng. Chúng tôi phải thành lập một đội thi hành án riêng khi phát hiện ra những hành động phản bội nghiêm trọng trong quá trình thực hiện Lần buộc tội thứ nhất. Tôi sẽ giải thích, chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác, đất nước đang nằm trong tình thế nguy hiểm, chúng tôi buộc phải cứng rắn, thậm chí phải cứng rắn hơn nếu những người cùng đội ngũ với chúng tôi mà lại hành động với đất nước, với Cách mạng như vậy. Với tư cách là bộ trưởng nội vụ, việc chứng minh cậu ấy có liên quan dễ dàng hơn chứng minh vô tội rất nhiều. Tôi hiểu cậu ấy rất rõ và tôi biết vì sao cậu ta hành động lạ lùng như vậy.

Có phải ông đang nói đến Abrantes không?

Đúng. Tôi gặp Abrantes khi cậu ấy còn là thành viên đội bảo vệ sau đó được lên làm đội trưởng, rồi được giao nắm chức vụ quan trọng. Nhưng quyền lực là quyền lực. Điều khó khăn nhất và cũng quan trọng nhất mà người ta phải vượt qua khi có quyền lực trong tay đó là chính mình, đó là cuộc chiến tự kiềm chế mình. Đó là cuộc chiến khốc liệt nhất.

Có thể dùng quyền lực để chống lại tham nhũng không?

Chống lại tham nhũng thậm chí là chống lại cả việc lạm dụng đặc quyền đặc lợi. Người ta phải được đào tạo rất kỹ, ý thức sâu sắc, giác ngộ cao. Tôi đã chứng kiến rất nhiều người tự cao tự mãn với chính mình, sử dụng quyền lực vào những việc ngoài phạm vi cho phép: Áp dụng sai quyền lực là điều mà người ta phải luôn luôn chú ý. Tôi biết người đồng chí đó rất rõ nhưng khi điều tra xem xét kỹ thì đúng là cậu ấy có sai lầm.

Ông đang nhắc đến ai?

Tôi vẫn đang nói đến vụ này, nói đến con người từng là bộ trưởng...

Như vậy là Abrantes.

Đúng, Abrantes. Tôi yêu cầu tiến hành điều tra vì nghe được rất nhiều thông tin làm tôi phật lòng... Tôi yêu cầu Abrantes mở cuộc điều tra các báo cáo gửi đến cho tôi bằng điện tín - máy bay hạ cánh ở Varadero - và mặc dù tôi không tin đó là sự thực nhưng tôi vẫn nói, “Điều tra việc này đi - Tôi muốn biết chuyện gì đang xảy ra vì báo cáo vẫn liên tục được gửi đến tay tôi”.

Tôi cho mời một người đến từ Colombia tên là Navarro Wolf 2 - anh ta vẫn còn sống, từng là thành viên phong trào du kích cách mạng Colombia M-19, Navarro bị thương trong một vụ đánh bom ở Colombia và được điều trị ở đây. Cậu ấy có đến. Nhưng tôi không đích thân gặp được bởi vì tôi rất bận, tôi thường xuyên có những công việc quan trọng và đôi khi những việc quan trọng đó không có phép tôi giải quyết những việc quan trọng khác. Navarro Wolf chỉ nói chuyện với các đồng chí của tôi sau đó quay về Colombia. Abrantes cũng không hề thông báo với tôi là Navarro chuẩn bị về nước.

Hầu như ngày nào Abrantes cũng vào văn phòng tôi, cậu ấy rất thường xuyên liên hệ với chúng tôi. Cậu ấy đã làm rất tốt, rất hiệu quả công việc của một người chống lại bọn phản cách mạng. Nhưng thật đáng buồn là cậu ta lại quá tham vọng. Tôi không muốn nhắc đến chuyện này. Nhưng ngày nào cậu ta cũng vào đây, cũng đợi chúng tôi; cậu ta có những tin tức, có những công việc cần phải bàn bạc với chúng tôi, kể cả những việc nhỏ nhất bởi vì Abrantes có thói quen xin ý kiến của tôi cả việc lớn lẫn việc nhỏ. Có những lúc cậu ta còn chiếm cả thời gian của người khác, vì thời gian đối với tôi không bao giờ đủ cả.

Nhưng chuyện xảy ra khi Navarro quay lại đây, tôi hỏi Abrantes, “Cậu hoặc cấp dưới của cậu có gặp Navarro Wolf không? Cậu ấy có tin gì quan trọng cần nói với chúng ta không?”. Abrantes nói, “Không, không có gì quan trọng cả”. Tôi quyết định sẽ tìm hiểu xem sự thực có đúng như vậy không. Vào thời điểm đó, chúng tôi đang giải quyết vụ rắc rối Ochoa, một sỹ quan đáng được lịch sử ca ngợi, một “Anh hùng của nước cộng hòa Cuba”, người đã từng chung vai sát cánh chiến đấu với Camilo Cienfuegos... Ôi, nhưng rồi cậu ta có quyền lực... Cậu ta thu vén. Tôi không hoàn toàn ám chỉ Ochoa ăn cắp tiền của đất nước.

Có phải Ochoa thu vén làm giàu cho bản thân?

Không thể tin được là những người được giao làm nhiệm vụ đó lại nghĩ rằng họ làm những việc như vậy là để giúp cho nền cộng hòa này. Chúng tôi bị cấm vận nhưng hàng ngày vẫn phải mua những thiết bị thay thế bị cấm, vì vậy có những công ty thuộc Bộ nội vụ tìm cách thoát khỏi lệnh cấm vận này, họ mua những thiết bị đó mang về nước nhưng không phải làm thủ tục hải quan. Đúng, chúng tôi không chấp hành lệnh cấm vận - bởi vì lệnh đó là không hợp pháp, là giết chết cả dân tộc tôi. Vì vậy, những người đồng chí này bán xì gà và những sản phẩm khác của Cuba lấy tiền trả cho những thiết bị kia. Họ trả tiền mua thiết bị về, sau đó bán cho các công ty lấy lãi; tiền lãi đó sẽ được Bộ nội vụ sử dụng cho các thiết bị liên lạc, giao thông. Đất nước chúng tôi lúc nào cũng hạn hẹp về nguồn lực, nhưng họ có những công ty nhỏ với mục đích đó, mặc dù chúng tôi đã cấm họ quá chú trọng mục đích kiếm lời; họ phải phối hợp với các công ty đang hoạt động vì những công ty này có kinh nghiệm.

-----------------------------------------------------------
1. Tháng 6 năm 1989, chính quyền Cuba bắt tướng ba sao Arnaldo Ochoa, 49 tuổi, vì tội buôn lậu ma tuý và rất nhiều tội khác. Ochoa từng là “vị anh hùng của Cách mạng” đã từng tham gia chiến đấu cùng với Fidel Castro và Camilo Cienfuegos ở Sierra Maestra; sau đó ông ta còn tham gia vào lực lượng du kích ở Venezuela, Nicaragua và cuộc chiến của lực lượng vũ trang Cuba ở Ethiopia và Angola. Cùng với Ochoa, nhiều quan chức cao cấp khác của Bộ nội vụ cũng bị bắt vì tội tham nhũng và buôn lậu ma tuý. Những người này bị xét xử bởi một toà án quân sự trong vụ xét xử thường được gọi là Đợt xét xử thứ nhất, và đều bị kết tội; 4 người bị kết án tử hình và bị xử tử vì tội “phản bội tổ quốc”, còn những người khác thì bị phạt tù. Ngày 9-7, Hội đồng Nhà nước thông qua các bản án tử hình, và 4 ngày sau, ngày 13-7, tướng Ochoa, đại tá Tony de la Guardia, đại uý Jorge Martinez và thiếu tá Amado Padron bị xử tử. Bị buộc tội liên quan đến buôn lậu ma tuý, Bộ trưởng nội vụ Jose Abrantes và một vài quan chức khác bị bắt, bị xét xử (Đợt xét xử thứ hai, 1989), và bị phạt tù. Abrantes bị kết án 21 năm tù và chết trong tù vào ngày 21-1-1991.

2. Antonio Navarro Wolf, cựu lãnh đạo của phong trào du kích M-19 và hiện là thượng nghị sĩ độc lập trong Thượng nghị viện Colombia.


Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #176 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2013, 02:48:50 pm »

Họ có những công ty kiểu đó ở Panama không?

Có thể. Tôi không nắm hết được. Họ có quan hệ với bên Bảo vệ bờ biển, hải quan và các cơ quan khác.

Và rồi họ nảy ra ý tưởng điên rồ ký hợp đồng làm ăn với bọn buôn lậu ma túy.

Bọn buôn ma túy?

Tôi không biết sự việc bắt đầu từ khi nào - có những báo cáo được đưa ra, có thông tin về hoạt động buôn lậu đó và tiền được nộp về Bộ nội vụ. Bộ nội vụ quản lý số tiền đó, đầu tư vào mua phụ tùng, thiết bị thay thế. Nhưng khi người ta kiếm tiền bằng cách đó thì những điểm yếu cũng bắt đầu xuất hiện - lắp những loại cửa kính đặc biệt cho xe, lốp cũng vào loại đặc biệt, có cả máy nghe nhạc trên xe; người ta lắp những thiết bị xa hoa cho chiếc lada của mình, ăn mặc đẹp hơn... nhưng không gửi tiền vào ngân hàng.

Ochoa có tài khoản ở nước ngoài để những người thuộc phong trào xã hội chủ nghĩa ở Nicaragua gửi tiền vào đó nhờ mua những loại vũ khí, thiết bị liên lạc mà họ không thể mua được. Cậu ta từng là cố vấn ở Nicaragua.

Cậu ấy có tham gia phong trào xã hội chủ nghĩa lật đổ Tổng thống Somoza không?

Phong trào xã hội chủ nghĩa đã chiến thắng. Cậu ta đến đó giúp họ chống lại những hành động phi nghĩa. Nhưng tôi sẽ phải nói với ông điều này trước - tôi vừa nhắc đến Navarro Wolf...

Phải rồi, Navarro, người Colombia, từng là thành viên phong trào du kích M-19.

Cậu ấy là người Colombia, là thành viên của phong trào M-19 đã ký hiệp định hòa bình. Nhưng tôi sẽ không nói với ông những gì cậu ấy báo cho chúng tôi. Khi Abrantes nói với tôi, “Không có gì quan trọng cả”, đó là thời gian khi chúng tôi đang điều tra những sai phạm của Ochoa, người có tài khoản ở nước ngoài nhưng mục đích sử dụng lại không rõ ràng, ngoài ra còn rất nhiều việc cần làm sáng tỏ trong thời gian cậu ta dẫn đầu phái đoàn quân sự của Cuba đến Angola; chúng tôi thuyết phục cậu ta tự nhận mọi việc để tránh phải sử dụng biện pháp khắt khe nhất vì dù sao Ochoa cũng đã có cống hiến lớn cho Cách mạng. Cậu ta không chịu thú nhận nên công việc điều tra của chúng tôi làm đến đâu hầu như cậu ta đều biết. Chúng tôi cần sự giúp đỡ, và công việc điều tra không thể tiến hành hoàn toàn bí mật được. Nhưng thực sự việc điều tra khi đó không hề liên quan đến vấn đề ma túy; mà đó là (những việc bất thường liên quan đến tài khoản ngân hàng, những việc cậu ta làm lợi dụng danh nghĩa giúp đỡ quân đội ở Angola) những sai lầm mà tôi vừa đề cập.

Ở Angola phải không?

Đúng, ở Angola, cậu ta được bổ nhiệm làm trưởng phái đoàn quân sự. Nhưng cậu ta không chịu thú nhận cho dù Bộ trưởng Quốc phòng Raul đã nói chuyện với cậu ta mấy lần.

Nói chuyện riêng phải không?

Đúng vậy, nhưng rất cẩn trọng, và Raul cũng không thuyết phục được cậu ta thú nhận. Sẽ không thể tiến hành điều tra một nhà lãnh đạo quan trọng mà chính bản thân mình cũng muốn tìm cách giúp đỡ, nếu không áp dụng biện pháp mạnh, trong khi đó chúng tôi lại có thông tin và số liệu trong tay.

Cậu ta có tham vọng chính trị không? Có tin đồn có sự thông đồng; nguời ta nói rằng cậu ta muốn chống lại các ông?

Không, không có chuyện đó. Không hề có sự đe dọa nào về chính trị. Tính kỷ luật, ý thức, và việc sử dụng lực lượng vũ trang của chúng tôi không phải dựa theo kiểu caudillismo 1, hay các yếu tố cá nhân mà trên cơ sở sự giáo dục kỹ lưỡng về chính trị.

Đó không phải là kiểu tội phạm về chính trị vì Ochoa không bao giờ có biểu hiện về chính trị chống lại Cách mạng. Khi bị bắt, vì cậu ta không thú nhận nên chúng tôi phải điều tra và cũng nhờ đó chúng tôi phát hiện ra một viên đại úy tên là Jorge Martinez đã tùng trợ giúp cho Ochoa trong thời gian cậu ta ở Nicaragua, chúng tôi (khi điều tra thêm về cậu đại úy này) còn phát hiện ra một tấm thẻ ở một khách sạn thuộc thành phố Medellin.

Thành phố Medellin ở Colombia.

Trong khi điều tra vẻ viên đại úy này, chúng tôi hỏi cậu ta, “Đây là cái gì? Nó có ý nghĩa gì?”. Và cậu ta nói nhận lệnh từ Ochoa đến Medellin liên lạc với Pablo Escobar.

Một trong những thủ lĩnh của đường dây ma túy (thành phố) Medellin.

Tay buôn lậu ma túy khét tiếng thế giới. Lúc này thì vấn đề trở nên cực kỳ nghiêm trọng. Đất nước chúng tôi lâm vào tình thế bị lên án có liên quan đến việc buôn bán ma túy. Càng nghiêm trọng hơn khi một sỹ quan của Cuba lại tiếp xúc với con người như vậy.

Tại sao chuyện này xảy ra? Đó là bởi vì, khi còn ở Angola, Ochoa trở thành bạn thân với một quan chức cao cấp của Bộ nội vụ (Cuba), người đại diện của Bộ này ở Angola, vì vậy cậu ta phát hiện ra một vài hoạt động mà anh trai của cậu quan chức bên Bộ nội vụ kia tiến hành. Ai là người anh trai đó? Chính là người anh em sinh đôi với cậu quan chức kia. Hai anh em nhà họ đã làm rất nhiều việc cho Cách mạng trong nhiều năm, cả ở trong nước và ngoài nước.

---------------------------------------------------------
1. Việc tôn thờ chủ nghĩa cá nhân bởi vì có liên quan đến caudillo, chủ soái về chính trị của châu Mỹ La-tinh, hay còn gọi là “lực sĩ”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #177 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2013, 02:54:16 pm »

Anh em Patricio và Tony de la Guardia?

Hoàn toàn chính xác. Sau vài năm họ trở thành những người bạn rất thân của Ochoa; một người là người đứng đầu bộ phụ trách công việc mà tôi đang nói với ông - bộ đó được gọi là MC (Bộ thương mại) - phụ trách các hoạt động đó.

Có phải để kiếm tiền không?

Không, để mua thiết bị, phụ tùng thông qua việc bán một vài loại hàng hóa bị cấm vận. Bọn họ là bạn rất thân của Abrantes. Abrantes không chỉ muốn bảo vệ bạn mình mà còn muốn không ai phát hiện ra những việc sai trái mà họ đang làm.

Khi tôi yêu cầu điều tra những tin tức liên quan đến việc buôn lậu ma túy qua Varadero thì Navarro Wolf xuất hiện - chúng tôi hỏi cậu ấy thông tin về những chuyện đang đồn đại bên Colombia. Còn Abrantes thì nói với tôi rằng những thông tin của cậu ấy không quan trọng. Ochoa đã bị bắt, vào ngày 12-6, và phải mãi đến khi cậu ta bị bắt chúng tôi mới phát hiện ra chuyện liên quan đến ma túy thông qua viên đại úy Martinez kia.

Ông có ngạc nhiên khi phát hiện ra điều đó không?

Chúng tôi ngạc nhiên là vì chuyện như vậy lại có thể xảy ra... Ochoa để trợ lý của mình phạm tội nghiêm trọng, trong khi người phụ trách thương mại liên quan đến ma túy ở Varadero lại chính là Tony de la Guardia. Mặc dù, như tôi vừa nói, không có chứng cớ mấy người liên quan đến vụ này ăn cắp tiền - họ vẫn được giao làm nhiệm vụ mua phụ tùng, tránh lệnh cấm vận. Tuy nhiên, bọn họ lãng phí - thậm chí còn có khoản làm mất không vì có những vụ làm ăn bên đối tác nước ngoài yêu cầu phải trả tiền đúng thời gian, và số tiền đó chuyển đi vài ngày thì vụ bắt giữ xảy ra.

Nhưng điều quyết định trong vụ này là gì? Đó chính là việc Navarro Wolf nói với một đồng chí của chúng tôi rằng có tin đồn bên Colombia cho rằng người của Pablo Escobar liên lạc với Tony de la Guardia, người phụ trách công việc đó.

Công việc bên MC...

Đúng. Chúng tôi biết anh em nhà de la Guardia đã lâu rồi - họ rất có uy tín và quyền lực. Vì vậy, khi tiến hành cuộc điều tra này, chúng tôi phát hiện ra một vấn đề còn nghiêm trọng hơn thế, chúng tôi phải bắt các sỹ quan cao cấp quan trọng và nhiều người khác ngay lập tức.

Ý tôi muốn nói, có tiền mới nhận và được giấu ở nhà bạn bè họ. Có một nhà văn đã từng viết một tác phẩm về Hemingway tên là Norberto Fuentes 1, cậu này đã từng ở Angola, và ở nhà Norberto Fuentes có giấu một khoản tiền là 200.000 đô la Mỹ. Ở những nơi khác cũng có tiền. Đó là những khoản tiền mà họ mới nhận gần đây. Bọn buôn ma túy trả cho họ 1.000 đô la cho mỗi kg côcain mà họ vận chuyển được. Vì vậy, nếu họ vận chuyển được 500 kg có nghĩa là họ được trả 500.000 đô la; và 500.000 đô la là khoản tiền không nhỏ.

Họ làm thế nào? Họ hoạt động thế nào?

Cánh phi công máy bay vận tải bị nguy hiểm đến tính mạng. Họ phải bay rất thấp, chỉ ngang đầu ngọn cây, thậm chí cả ban đêm nếu bị đuổi - Họ chả bao giờ để ý đến cảnh báo từ đất liền. Cánh phi công này sẽ “đánh bom” ở một vài địa điểm, có nghĩa là họ ném các kiện hàng xuống khu vực cách bờ biển khoảng vài dặm. Chuyện gì sẽ xảy ra? Sẽ có người đi thuyền ra ngoài đó vớt hàng. Có một cách khác mà các phi công không cần phải “đánh bom”. Một máy bay nhỏ sẽ bay từ Colombia vào, hạ cánh ở Varadero, và từ đó những người của MC sẽ đưa ma túy lên các tàu được dùng để chở hàng của chúng tôi đi. Người của bên MC mang đến rồi bỏ đi, họ có quyền rất lớn bởi vì họ có quan hệ với bên Bộ nội vụ.

Sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu các máy bay kia hạ cánh được trên đất liền sau đó vận chuyển số ma túy kia ra tàu bằng các thuyền nhỏ. Thế là cuộc điều tra thứ nhất diễn ra.

Nhưng Abrantes vẫn không thú nhận hết mọi việc với tôi và đó là vấn đề mấu chốt. Nếu cậu ta nói hết sự thực vào thời điểm đó thì đã không xảy ra vụ thứ hai - đó là việc điều tra về Ochoa và hoạt động vận chuyển ma túy. Do tôi đã ra lệnh điều tra về việc vận chuyển ma túy; nên tôi đã cảm thấy có sự liên quan gì đó. Ông giỏi đọc linh cảm của người khác, chắc ông sẽ nhận ra khi nào thì người ta nói thật, khi nào thì người ta bịa chuyện... Đó là lý do tôi yêu cầu điều tra.

Chúng tôi phát hiện ra hiện tượng lạ này khoảng hai tháng trước, đã có tin về những chuyến bay kiểu đó, những lần hạ cánh ở Varadero, và sau đó khi đang điều tra về Ochoa thì chúng tôi phát hiện ra chuyến đi của đại úy Martinez đến Medellin.

Một buổi chiều, trong khi đang dự cuộc họp hàng ngày với Bộ quốc phòng tôi tình cờ gặp một cậu sỹ quan trẻ tên là Alejandro Ronda Merrero; cậu này giữ vị trí khá quan trọng trong lực lượng đặc biệt, chính cậu ấy đã từng gặp Navarro Wolf. Tôi biết rõ cậu sỹ quan này, cậu ta là người tốt, và tôi hỏi, “Cậu và Navarro Wolf đã nói chuyện gì?”. Cậu sỹ quan hỏi lại, “Chủ tịch chưa nhận được báo cáo mà tôi nộp cho Abrantes sao?”, “Chưa”, Tôi nói, “Cậu có giữ bản sao nào không?” Cậu sỹ quan trả lời là có. Rất may là cậu ấy để trong máy vi tính. Sau cuộc họp, chúng tôi cùng quay về văn phòng và cậu ta lấy báo cáo trong máy vi tính ra cho tôi. Đó là tất cả những gì mà Navarro Wolf đã báo cáo. Abrantes cũng tham gia tất cả các cuộc họp của Đại hội đồng các lực lượng vũ trang cách mạng hàng ngày để phân tích tình hình.

---------------------------------------------------------
1. Norberto Fuentes (sinh năm 1943), tác giả của cuốn sách Hemingway ở Cuba (với lời giới thiệu của Garcia Marquez; Havana: Xã luận Letras Cubanas, 1985), hiện đang sống ở Miami. Fuentes xuất bản tập tài liệu cá nhân của ông ta về vụ Ochoa ở Madrid năm 1999 và năm 2004 xuất bản cuốn tự truyện của Fidel Castro ở Barcelona.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #178 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2013, 02:58:13 pm »

Có phải cậu sỹ quan nộp báo cáo cho Abrantes để chuyển lên cho ông không?

Cậu ấy nộp cho Abrantes, còn Abrantes, người thường hỏi ý kiến tôi cả những việc nhỏ nhất...

Thì lại không đưa bản báo cáo đó cho ông?

Cậu ta không hề đả động gì trong khi toàn bộ hoạt động điều tra cậu ta bàn bạc với tôi, cả công việc điều tra liên quan đến ma túy mà một số nhân viên dưới quyền của cậu ta có liên quan. Ngay buổi chiều hôm đó tôi gọi cậu ta lên và nói, “Nghe này, Abrantes. Tôi có bản báo cáo về những gì mà Navarro Wolf nói rồi - cậu đã làm gì? Cậu có bản sao đó chưa?”. Tôi nhắc lại câu hỏi: “Cậu có bản sao đó chưa?”. Tôi yêu cầu nộp bản báo cáo đó nhưng cậu ta không tìm thấy. “Tại sao cậu không nộp bản báo cáo này lên cho tôi, Abrantes?”. Không hề có lời giải thích nào.

Còn một vấn đề nữa mà tôi cần nói thêm - dường như cậu ta không hề nhớ gì đến bản báo cáo này. “Tại sao cậu không hề đả động gì đến bản báo cáo đó?”. Sau đó tôi ra lệnh, “Đi tìm lại nó ngay!”. Nhưng Abrantes không tìm thấy. Trong báo cáo đó Navarro Wolf có đề cập việc Tony de la Guardia có quan hệ với Pablo Escobar theo những tin đồn mà Navarro Wolf nghe được.

Không thể cho rằng lý do của hành động đó là vì viên bộ trưởng này đãng trí. Trong báo cáo có tên những người rất thân cận và cậu ta rất tin tưởng, những người có thể ví như những nhà vô địch Olympic trên lĩnh vực thương mại. Tôi không dám chắc liệu George Soros, thậm chí là cả Bill Gates có thông minh hơn những người này trong việc mua thiết bị và bán xì gà... hay không. Nhưng đáng buồn là những người này lại tự bán mất danh hiệu những người có mánh khóe làm ăn giỏi nhất thế giới. Tiền kiếm được họ giấu đi để hợp thức hóa dần dần, họ không phô trương ra một lúc tránh gây chú ý.

Với các phi vụ làm ăn kiểu đó, họ thu được khoảng 3-4 triệu đô la, thậm chí có thể nhiều hơn. Nhưng họ không hề ăn cắp tiền của nhà nước. Tôi theo sát vụ điều tra và nếu họ ăn cắp tiền tôi sẽ phát hiện ra ngay. Nhưng hành động của bọn họ thật điên rồ, không thể chấp nhận được, và nếu không bị phát hiện (bởi một người ở ngoài lãnh thổ Cuba) nó sẽ gây hại khủng khiếp, thậm chí đe dọa an ninh của đất nước - món quà của Thượng đế nhưng lại trao vào tay những kẻ ác phản bội.

Có rất nhiều người liên quan, trong đó có Norberto Fuentes và vài người khác nữa. Nhưng không phải ai cũng liên quan đến vụ điều tra thứ nhất này. Ví dụ như Norberto, cậu ta là nhà văn, đã từng viết sách về Hemingway, cậu ta đến Angola cũng chỉ với tư cách là một nhà văn; Cũng có người không liên quan đến vụ điều tra thứ nhất nhưng lại là kẻ giữ tiền (cho những người khác); có thể ví bọn họ như những ngân hàng của MC, chỉ làm nhiệm vụ giữ tiền. Cũng có những người không hề liên quan gì. Những nhân vật chính bị lôi kéo vào vụ án này quan hệ rất mật thiết và chặt chẽ với nhau. Đó là toàn bộ vụ điều tra lần thứ nhất.

Còn điều này nữa, Ochoa còn có ý tưởng rất hay là xếp những túi đó (ma túy) lên thuyền to. Như vậy là thế nào? Escobar sẽ cử đi một thuyền to chứa sáu tấn ma túy, sau đó các thuyền cao tốc sẽ đến đây lấy hàng ở miền Nam Cuba này và chở sang Mỹ. Đúng là ý tưởng điên rồ, nhưng bọn họ lại cho rằng làm như thế là giúp ích cho đất nước...

Làm như vậy có nghĩa là Cuba liên quan đến buôn bán ma túy.

Ông nghe này, một đất nước có giá trị xuất khẩu lên đến hàng tỷ đô la, giá trị nhập khẩu còn cao hơn thế, cứ cho là ông vận chuyến được 50.000 kg ma túy đi, ông sẽ được bao nhiêu? Năm mươi triệu đúng không? Ông nghĩ là một đất nước có thể giải quyết được vấn đề kinh tế của mình với khoản tiền năm mươi triệu đó sao? Liệu đó có phải là những gì mà đám người kia muốn làm không? Nhưng không chỉ ở mức độ đó, MC có thể đã vận chuyển từ bốn đến sáu tấn. Họ đã hoạt động được một thời gian rồi. Đó là toàn bộ lý do vì sao chúng tôi tiến hành điều tra.

Nhưng còn những bản án - ông có cho rằng như thế là quá khắt khe không?

Đã rất nhiều năm rồi án tử hình mới được áp dụng nghiêm khắc như vậy với những hành động chống lại cách mạng, hành động mang bản chất chính trị, phản cách mạng. Trước đây chúng tôi cũng đã từng áp dụng với các trường hợp tội phạm thông thường, tội phạm nghiêm trọng giết người. Nhưng kiểu tội phạm như vậy thì chưa. Vụ điều tra thứ nhất là kiểu tội phạm kết hợp - đó là năm 1989.

Với cá nhân ông, việc ra quyết định xử bắn những người đồng chí của mình quả là rất khó khăn phải không?

Đúng, nhưng đó không phải là quyết định của cá nhân tôi. Đó là quyết định thống nhất của cả Hội đồng nhà nước với 31 thành viên. Tôi sẽ giải thích với ông cách thức làm việc của chúng tôi. Hoạt động của nó như một phiên toà, rất có quyền lực và uy tín, và điều quan trọng nhất đó là phải làm thế nào để tất cả các quyết định đều phải được mọi thành viên nhất trí thông qua. Nếu có ai đó không đồng ý, chúng tôi sẽ lại thảo luận, thảo luận rất kỹ, những đồng chí này đều là người có học thức, rất nghiêm túc và quan tâm đến mọi vấn đề. Thường thì chúng tôi đi đến thống nhất và cần phải có sự thống nhất. Bởi vì khi có ý kiến phản đối, hai, hoặc ba, hoặc thậm chí là một ý kiến chúng tôi cũng thảo luận lại để giải quyết vấn đề đó nếu không sẽ không áp dụng án tử hình. Cuộc họp của Hội đồng nhà nước quyết định Vụ điều tra thứ nhất hoàn toàn công khai và được truyền hình trực tiếp.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #179 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2013, 03:11:12 pm »

Có phải liên quan đến buôn lậu ma túy là có thể áp dụng án phạt tử hình không?

Khi liên quan đến ma túy, những điều khủng khiếp sẽ xảy ra. Ví dụ như trường hợp một người Tây Ban Nha, cậu ta đến đây lập công ty làm ăn trên rất nhiều lĩnh vực, tìm kiếm thị trường. Cậu ta có công nghệ, vốn... sản xuất những bức tượng nhỏ. Cậu ta mua nguyên liệu thô từ Colombia - khoảng một tấn đựng trong các kiện hàng. Cậu ta đến đây - có vẻ là một thương gia rất chịu khó làm ăn - lấy nguyên liệu thô đó ra, chất vào đó những sản phẩm đã hoàn thiện và gửi sang Tây Ban Nha. Thế rồi một ngày tôi đọc bài báo, “Bắt giữ - công-ten-nơ chở côcain từ Colombia vào Cuba”. Tôi không biết khối lượng là hai hay ba tấn nhìn giống như sữa bột nhập khẩu từ Colombia. Chuyện gì xảy ra? Đó là lỗi của người phụ trách cảnh sát bên Colombia. Cậu ta không báo cáo vụ bắt giữ. Cậu ta không nói với chúng tôi bất cứ điều gì liên quan đến vụ đó. Nếu cậu ta thông báo thì chúng tôi đã bắt được bọn chúng rồi, nhưng rất tiếc là bọn chúng đã trốn thoát. Và ông có biết là bọn chúng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật không?

Chúng tôi đã gửi rất nhiều thông báo sang Tây Ban Nha, chúng tôi kiểm tra tất các con-ten-nơ đó, có vài con-ten-nơ chứa đầy chất đó, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy chứng cớ. Nhưng xin thông báo với ông là bọn chúng vẫn tự do.

Ở Tây Ban Nha?

Đúng - Bọn chúng không hề bị trừng phạt, có khoảng mười hai hay mười bốn tên gì đó, bọn chúng cho rằng chúng tôi vu khống chuyện đó (có nghĩa là chúng tôi tạo dựng lên vụ án đó). Tóm lại là bọn chúng thoát tội. Tôi sẽ giải thích với ông.

Chuyện đó khiến người ta thất vọng, phật ý. Chúng tôi nói “Làm thế nào bọn chúng có thể sử dụng danh nghĩa của một doanh nghiệp kinh doanh tổng hợp để buôn ma túy với số lượng lớn?”. Chúng tôi kêu gọi họ họp Quốc hội để thông qua lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn trong đó có cả án tử hình cho tội sử dụng lãnh thổ quốc gia để buôn ma túy với quy mô lớn. Lệnh đó không hề được thông qua, và chỉ có án chung thân cho những tội như vậy.

Có nhiều vụ buôn lậu ma túy ở Cuba không?

Hầu hết các vụ đều là vụ nhỏ. Có người nuốt ma túy vào dạ dày, hoặc giấu ở đâu đó trong người để mang vào, có một số vì thế mà thiệt mạng - chó nghiệp vụ không thể phát hiện ra ma túy trong ruột người ta. Nhưng những người chống loại tội phạm này cũng ngày càng có kinh nghiệm - thường thì bọn buôn ma túy có biểu hiện đáng ngờ, hồi hộp... Có những tên còn làm cả phẫu thuật trên người để mang tới hàng kg. Ông có biết một kg ma túy trị giá bao nhiêu không? Năm mươi ngàn đô la Mỹ - còn bọn chúng bán cho các đại lý bán lẻ ở châu Âu và những nơi khác thì không biết là bao nhiêu.

Có lần, một nhóm người - có vài người là người Anh, vài người là người Canada - mang theo tới 7 kg ma túy nhét trong viền áo khoác. Có những việc thặt khó tin, có người chết vì vận chuyển ma túy, có người giấu ma túy trong thùng hai đáy - liên tục có những mánh khóe mới. Chúng tôi đang bắt giam khoảng 150 người nước ngoài vì tội vận chuyển ma túy. Rất nhiều người mang vào đây làm trạm trung chuyển sang châu Âu, nhưng cũng có trường hợp phục vụ bọn nghiện trong nước.

Bọn chúng lấy ma túy ở đâu?

Chủ yếu là từ những “quả bom” mà tôi vừa nói. Kênh Bahamas rất gần Cuba.

Bọn chúng ném ma túy xuống biển phải không?

Lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ thường xuyên tuần tra, họ có máy bay và cố thiết bị tình báo; cũng có vài hoạt động phối họp với chúng tôi nhưng họ không muốn ký thỏa thuận chống vận chuyển trái phép ma túy mà chúng tôi đề nghị từ năm 2001, cùng với thỏa thuận chống khủng bố và thỏa thuận về vấn đề di cư. Thuyền của bọn buôn lậu chạy sát vào bờ, và khi gặp rắc rối, chúng ném ma túy xuống biển.

Ở tỉnh Holguín, đôi khi người ta thông báo với tôi, “Hai tàu đã vào cảng”. Có nghĩa là gì? Có nghĩa là hai tàu chở ma túy đã xuất hiện. Bọn chúng vận chuyển chủ yếu là các bao cần sa, nhưng “vào cảng” cũng có nghĩa là bọn chúng đã ném vài chục bao xuống biển.

Nếu bị rượt đuổi.

Đúng thế - nếu bị đuổi bọn chúng sẽ ném ma túy xuống biển phi tang, ở Holguín rất hay xảy ra chuyện này.

Còn một cách vận chuyển khác: Một tàu buôn cỡ lớn đến phát tín hiệu... Tất cả các tàu này đều có tín hiệu liên lạc với tàu cao tốc bên Mỹ, đội tàu cao tốc này sẽ chạy ra nhận các túi hàng mà tàu to chở vào hoặc được máy bay ném xuống biển. Tất nhiên, nếu những tàu này cập cảng an toàn thì đó sẽ là nguồn cung chính cho nhu cầu trong nước nhất là khi lượng khách du lịch tăng cao. Mỗi năm, hơn 100.000 người từ Mỹ trở về, họ được phép quay về; hầu hết đều là những người rất tốt nhưng cũng có những người mang theo cả ma túy về, ngoài ra còn có khách du lịch mang theo phục vụ nhu cầu cá nhân của họ cho dù ngành du lịch của chúng tôi hoàn toàn không cho phép điều này.

Cũng có trường hợp ma tuý được chở trên các thuyền buồm nhẹ. Hàng nghìn thuyền du lịch hoạt động quanh bờ biển đan xen với các thuyền của tư nhân, trong đó một số thuyền có vận chuyển ma túy. Nhưng với nhu cầu ma túy ngày càng tăng thì đây không phải là nguồn cung chính. Bọn vận chuyển ma túy cảnh giác rất cao và chúng được tổ chức rất chặt. Nguồn cung chính vẫn là những “người nhâp cảnh” và “những tàu cập bến”, đôi khi là “bến cảng” như bọn chúng đôi khi thường gọi. Chúng tôi đã đấu tranh chống loại tội phạm này rất hiệu quả và chúng tôi phải loại bỏ hoàn toàn nó vì ma túy sẽ phá hoạt đầu óc con người, đó là điều tệ hại nhất. Nó gây ra những căn bệnh vô cùng nguy hiểm về đạo đức và tinh thần.

Bọn buôn ma túy kiếm lời thường rất thận trọng, biết “sờ gáy mình” như cách bọn chúng nói, bởi vì chúng ta có hình phạt để ngăn ngừa. Tôi nghĩ việc dùng hình phạt tử hình cũng rất khó có thế ngăn chặn hiệu quả tội buôn lậu ma túy vốn rất nghiêm trọng vì nó đe doạ tính mạng con người, và chúng ta phải ngăn chặn hiểm họa ma túy gây hậu quả xã hội nghiêm trọng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM