Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 01:07:13 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc đời tôi - Một trăm giờ với Fidel Castro  (Đọc 92212 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #10 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2013, 03:12:38 pm »

Ngoài ra cũng còn một khái niệm bất lương và hèn hạ khác coi phỏng vấn là một thể loại cho phép người phỏng vấn đâm sau lưng người được phỏng vấn, dưới chiêu bài “tự do báo chí” và “bảo đảm tính khách quan” (đại diện cho một khái niệm lệch lạc về tự do báo chí), và cho phép người phỏng vấn làm tất cả những gì anh thích với các tuyên bố của người được phỏng vấn: giữ đoạn này, cắt đoạn kia, đưa một tuyên bố nào đó ra khỏi văn cảnh ban đầu, bỏ bớt các chi tiết, cắt đi những lời giải thích bối cảnh và để lại những tuyên bố “ngang xương”, và nhất là không bao giờ cho phép người được phỏng vấn đọc lại những phát biểu của chính mình trước khi xuất bản.

Một trong các mục tiêu mà tôi đặt ra cho những cuộc trò chuyện với Fidel Castro là cho phép một trong những nhân vật bị công kích dữ dội nhất trên thế giới trong vòng nửa thế kỷ qua, và cũng là một trong những người bị kiểm duyệt chặt chẽ nhất, cất lên tiếng nói của mình, đưa ra lời phản biện của chính mình trước cả thế giới. Chắc chắn là có một số người tin rằng lòng dũng cảm báo chí là phải phục tùng theo “sự kiểm duyệt của đám đông”, nghĩa là chỉ cần cẩu thả lặp lại những “chân lý” và luận điệu mà giới truyền thông vẫn đồng thanh rêu rao suốt hơn năm mươi năm qua. Giống như phương pháp huấn luyện phản xạ có điều kiện của giáo sư sinh vật học nổi tiếng người Nga Pavlov, tại nhiều nước chỉ đơn giản là nhắc đến cái tên “Cuba” là đã gọi lên những tràng luận điệu xưa cũ, được nhai đi nhai lại, những lời lẽ được lặp lại đến mức phát ngán theo đúng nguyên tắc của Goebbel, trùm tuyên truyền của Hitler, rằng chỉ cần lặp đi lặp lại một tuyên bố nào đó là sẽ đến lúc người nghe tin vào tuyên bố đó. Không ai chịu mất công kiểm tra lại phiên bản độc nhất và một chiều đó mà nhiều kẻ vẫn rêu rao là kết quả của những “tiết lộ bí mật”, hoặc thậm chí là “quá trình điều tra”.

Một mục tiêu khác của cuốn sách này cố gắng dỡ bỏ “bức màn bí ẩn về Fidel Castro”. Làm thế nào mà cậu bé sinh ra ở vùng nông thôn hẻo lánh - trong một gia đình có bố mẹ giàu có nhưng hầu như không được học hành và bảo thủ - rồi theo học trong những trường Công giáo dành cho giới thượng lưu do các thầy giáo dòng Tên ủng hộ chế độ độc tài của Franco giảng dạy, một chàng thanh niên sánh vai cùng con cháu của giới đại tư sản trong các giảng đường trường luật, cuối cùng lại trở thành một trong những nhà cách mạng vĩ đại nhất trong nửa sau của thế kỷ 20?

Và tôi cũng muốn tìm hiểu chân dung của một Fidel giữa đời thường đằng sau tấm áo giáp là một nhà lãnh đạo với vô số trách nhiệm quốc gia đại sự - xuất phát từ niềm tin của tôi rằng một người có thể che giấu được tính cách thật sự trong một cuộc phỏng vấn kéo dài mười phút hoặc một vài giờ, nhưng trong một cuộc phỏng vấn kéo dài như cuộc phỏng vấn của chúng tôi không ai có thể làm như vậy. Trong suốt hơn một trăm giờ, đến một lúc nào đó, người được phỏng vấn, dù muốn hay không, cũng sẽ bộc lộ tâm hồn mình, đánh rơi cái mặt nạ và phơi bày bản chất và con người thực sự của mình, ở đây độc giả có thể nhận ra điều đó.

Những buổi làm việc dài đằng đẵng với Fidel Castro trong suốt tháng giêng, tháng 2, và rồi tháng 5 năm 2003 đã giúp tôi hoàn thành bản thảo đầu tiên của cuốn sách. Nhưng nhiều tháng trôi qua và cuốn sách vẫn chưa thể sẵn sàng xuất bản. Trong khi đó tại Cuba, cũng như ở khắp nơi trên thế giới, cuộc sống vẫn không ngừng diễn ra sôi động. Khoảng cách giữa những chủ đề mà chúng tôi đã thảo luận và những vấn đề mói vừa xuất hiện (cuộc chiến ở Irắc, tình hình mới ở Mỹ latinh, nạn tham nhũng lan tràn ở Cuba, việc Fidel bị gẫy xương đầu gối ở Santa Clara) ngày một rộng hơn. Do đó, mùa thu năm 2004, tôi quay lại Havana và gặp Fidel lần nữa, để chúng tôi có thể trò chuyện kỹ hơn về một số chủ đề mà chúng tôi đã đề cập đến trước đó. Sau đó, cuối cùng là cuối năm 2005, những cuộc trò chuyện bổ sung dài không kém này đã giúp chúng tôi hoàn thành cuốn sách đúng thời hạn.

Để trả lời, hay nói đúng hơn là bổ sung cho một câu trả lời, cho những câu hỏi nhất định, nhiều lần Castro đã đề nghị tôi nghiên cứu một số tuyên bố hoặc bài phát biểu mới nhất của ông, có lẽ vì cảm thấy thật vô nghĩa khi phải nhắc đi nhắc lại những gì ông đã nói. Và ông ủy quyền cho tôi, với sự giúp đỡ của Pedro Alvarez Tabío, giới thiệu những đoạn trích dẫn từ các bài phát biểu và tuyên bố này vào trong bản thảo cuốn sách về cuộc phỏng vấn của chúng tôi. Ông muốn dùng những ngôn từ của chính mình, và cũng là tự nhiên khi ông muốn thấy chúng xuất hiện lại ở đây trong cuốn sách hiển nhiên được coi là “nhìn lại” cuộc đời và tư tưởng của mình - những bổ sung này sẽ giúp cuốn sách có được sự tươi mới và theo kịp diễn biến của tình hình.

Cuối cùng, chúng tôi cùng nhất trí quyết định sẽ bổ sung những dòng chú giải để cung cấp cho người đọc những thông tin mới và diễn giải diễn tiến của một số chủ đề mà chúng tôi đã đề cập trong suốt cuộc phỏng vấn. Tôi đã giới thiệu những dòng chú giải “cập nhật” này ở những nơi tôi cảm thấy cần thiết nhất giúp độc giả hiểu được các sự kiện.

Tôi cũng xin khẳng định rằng trong thâm tâm tôi chưa bao giờ nảy ra ý nghĩ chúng tôi nên đề cập về cuộc sống riêng tư của Castro, về vợ và các con ông.

Fidel Castro đã hứa với tôi rằng ông sẽ đọc lại tất cả những câu trả lời của mình, nhưng những nhiệm vụ nặng nề của một nguyên thủ quốc gia đã khiến ông không thể làm được việc đó, vì vậy bản in đầu tiên của cuốn sách này đã được phát hành tại Tây Ban Nha vào tháng 4 năm 2006, và tại Cuba sau đó một tháng trong khi bản thân Fidel chưa có cơ hội đọc lại.

Nhưng Tư lệnh vẫn muốn giữ lời hứa của mình, vì vậy ông đã tự gánh lấy trách nhiệm đọc lại và sửa đổi những câu trả lời của mình sau khi cuốn sách đã được xuất bản - và khi đó ông quyết định, đúng như thói quen của mình, sẽ dành toàn bộ thời gian và công sức cho nhiệm vụ đó. Vậy là ông đã bổ sung việc đọc lại cuốn sạch một cách tỉ mỉ, kỹ càng vào danh sách những công việc quan trọng hàng ngày, giảm bớt thời gian nghỉ ngơi vốn đã ngắn ngủi của mình, tất cả là nhằm tăng thêm tính chính xác của cuốn sách, thêm câu này, câu kia, thay đổi lối diễn đạt sao cho phù hợp với văn viết hơn. Thậm chí ông còn liên lạc với một số nhân vật được đề cập đến trong những cuộc trò chuyện của chúng tôi để xác minh lại những gì ông nói về họ có đúng hay không. Một số nhân vật này - ví dụ như Rául Castro và Hugo Chavez - đã cung cấp thêm cho ông những thông tin và chi tiết thú vị mà ông bổ sung vào phần trả lời của mình.

Tất cả những ai tiếp xúc với Fidel Castro trong những tháng 6, tháng 7 năm 2006, và nhất là những người trợ lý gần gũi nhất của ông, đều nhấn mạnh việc ông đã toàn tâm toàn ý đến dường nào cho quá trình đọc lại này, đây là điều một lần nữa khẳng định sự cầu toàn đến mức cực đoan của ông. Thậm chí một số người còn cho rằng chính công việc bận rộn này, cùng với quá trình làm việc vất vả trước đó vài ngày - xung quanh khoảng thời gian ông tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mercosur tại Cordoba, Argentina, đã càng làm ông thêm căng thẳng và dẫn đến việc ngày 26 tháng 7 năm 2006 ông bị viêm đường ruột cấp và xuất huyết như tất cả chúng ta đều biết.

Trong những ngày đầu tiên của tháng 8, sau một ca phẫu thuật phức tạp, trên giường bệnh, Castro lại cầm cuốn sách lên và bắt đầu đọc lại những chương cuối cùng. Chính ông đã nói với nhà văn người Argentina Miguel Bonasso, “Tôi không ngừng chỉnh sửa cuốn sách này ngay cả trong những thời khắc tồi tệ nhất. Tôi muốn làm cho xong vì tôi không thể biết tôi còn bao nhiêu thời gian nữa”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #11 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2013, 03:16:12 pm »

Vì vậy ấn bản mà bạn đang cầm trên tay lúc này đã được chỉnh sửa hoàn toàn, bổ sung và do chính tay Fidel Castro hoàn thành sau khi tự mình đọc lại xong cuốn sách vào cuối tháng 11 năm 2006.

Vậy có những khác biệt gì đáng kể giữa ấn bản đầu tiên bằng tiếng Tây Ban Nha và ấn bản này (cũng bằng tiếng Tây Ban Nha)? Cả một chương mới đã được thêm vào, Chương 24, “Fidel và nước Pháp”, ban đầu chương này không có trong ấn bản đầu tiên vì khi đó nó chưa hoàn thành. Đó chính là chương cuối cùng mà Fidel đã đọc lại, sửa chữa và hoàn chỉnh. Tuyệt đại đa số những gì mà Castro chỉnh sửa - sẽ có ngày nào đó các nhà sử học liệt kê được danh sách dài bất tận đó - xoay quanh văn phong của các câu trả lời và diễn giải một cách cụ thể, chính xác hơn các chi tiết và nội dung miêu tả, đặc biệt là trong chương 8, “Trong dãy núi Sierra Maestra”, trong đó bối cảnh được làm rõ nhưng không hề làm thay đổi nội dung.

Tuy nhiên, có bốn lần Castro muốn bổ sung những nhận xét quan trọng; tôi cảm thấy những nhận xét đó đã giúp cuốn sách trở nên phong phú hơn rất nhiều. Trong chương đầu tiên, ông đã làm sâu thêm đáng kể những lời đánh giá về mẹ mình, bà Lina. Trước đó Castro, một người vô cùng khiêm tốn và dè dặt, chưa bao giờ phát biểu công khai và đầy đủ như thế về mẹ ông. Trong chương 13, ông đã bổ sung những lá thư quan trọng giữa ông và Nikita Khrushchev trong giai đoạn “Khủng hoảng tên lửa Cuba” tháng 10 năm 1962. Những lá thư này không hẳn là hoàn toàn mới, nhưng chúng cũng là những tài liệu mà chỉ có một số rất ít chuyên gia từng được xem qua. Chương 25, “Châu Mỹ Latinh”, có lẽ là phần có nhiều thay đổi nhất. Cụ thể là phần Castro nói về những hành động của mình trong khi cuộc đảo chính chống Tổng thống Hugo Chavez tại Venezuela ngày 11 tháng 4 năm 2002 đang lan rộng. Với những chi tiết đó - những chi tiết hoàn toàn mới và chưa từng được biết đến, đặc biệt là biên bản ghi lại những cuộc trò chuyện qua điện thoại với một số quan chức quân sự cao cấp trung thành với Tổng thống Hugo Chavez - chương này có thể được xem là một tài liệu lịch sử đặc biệt quan trọng.

Cuối cùng, trong chương 26 về cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, lần đầu tiên Fidel Castro đã cho công bố hai lá thư riêng ông gửi cho Saddam Hussein, thúc giục nhà lãnh đạo Irắc rút quân khỏi Cô-oét.

Có một lần, Castro đã “kiểm duyệt” tuyên bố đầu tiên của mình. Đây cũng là tuyên bố liên quan đến Saddam Hussein, và cũng ở trong chương 26. Trong ấn bản đầu tiên bằng tiếng Tây Ban Nha của cuốn sách này, trước câu hỏi “Ông nghĩ gì về Saddam Hussein?” Castro đã trả lời: “Biết nói thế nào nhỉ?... Một thảm họa. Một chiến lược gia lầm lỗi. Tàn bạo với chính người dân của mình”. Những từ này đã được xóa đi trong bản thảo mà Castro gửi đi xuất bản. Tại sao? Cá nhân tôi giải thích như thế này: khi Fidel lần đầu tiên đưa ra nhặn xét đó với tôi, tháng 5 năm 2003, sau khi quân Mỹ vào chiếm Baghdad, Saddam Hussein vẫn còn là một người tự do, và người ta thậm chí còn bắt đầu tin tưởng rằng ông ta đang lãnh đạo một cuộc kháng chiến có vũ trang. Khi phán xét một người còn nguyên vũ khí trong tay, Fidel không hè che giấu thái độ của mình đối với nhà lãnh đạo Irắc: “Một chiến lược gia lầm lỗi. Tàn bạo với chính người dân của mình”. Nhưng sau ba năm rưỡi, khi Saddam chỉ còn là một tù nhân của Mỹ, bị kết án tử hình sắp bị đưa lên giá treo cổ, Castro bèn rút lại những gì ông đã nói. Con người ta thường không bao giờ nghiêm khắc phán xét một người đang sa cơ lỡ vận, cho dù kẻ đó có gây ra những gì chăng nữa.

Sự sụp đổ của Bức tường Berlin, sự biến mất của Liên Xô và thất bại lịch sử của hệ thống xã hội chủ nghĩa dường như không làm thay đổi giấc mơ của Fidel Castro về việc xây dựng thành công ở đất nước mình một xã hội hoàn toàn mới - ít bất công hơn, y tế và giáo dục tốt hơn, không còn tư hữu và phân biệt, với một nền văn hóa tiên tiến, đại diện cho toàn thế giới. Và mối quan hệ đồng minh chặt chẽ với Venezuela và Tổng thống Hugo Chavez, Bolivia và Evo Morales, và những quốc gia Mỹ Latinh khác càng củng cố thêm niềm tin trong ông.

Trong giai đoạn mùa đông của cuộc đời và với tình trạng sức khỏe giảm sút, không còn trực, tiếp nắm giữ quyền lực, ông vẫn tràn trề quyết tâm bảo vệ cuộc cách mạng năng lượng, bảo vệ môi trường, chống toàn cầu hóa tự do mói và nạn tham nhũng trong nước, ông vẫn đứng trong chiến hào, nơi đầu chiến tuyến, chỉ huy trận chiến của những tư tưởng mà ông theo đuổi - những tư tưởng mà chắc chắn không có ai hay bất kỳ điều gì có thể làm ông từ bỏ.

Ignacio Ramonet
Paris, 31 tháng 12 năm 2005
Limeil-Brévannes, 31 tháng 12 năm 2006
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #12 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2013, 03:26:32 pm »

1

TUỔI THƠ CỦA MỘT LÃNH TỤ



Thời thơ ấu ở Birán - Don Anglel - Batey
- Mẹ của Fidel - Sống trong nhà thầy giáo
- Colegio de La Salle - Tiếng vọng của cuộc chiến ở Tây Ban Nha
- Những tu sĩ dòng Tên ở Colegio de Dolores


Gốc rễ lịch sử có vai trò rất quan trọng, và xét theo khía cạnh này, tôi muốn hỏi ông: ông sinh ra trong một gia đình khá giả, ông theo học tại những trường học tôn giáo dành cho giới thượng lưu, ông còn học luật Và với nền tảng giáo dục đó, lẽ ra ông phải là một lãnh tụ bảo thủ chứ?

Hoàn toàn đúng là có thể, bởi vì một con người không hoàn toàn làm chủ số phận của chính mình. Con người phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh, khó khăn và sự đấu tranh không ngừng nghỉ. Các vấn đề và sự việc dần dần sẽ tạc nên con người anh ta, giống như một cái máy tiện gọt một phôi kim loại. Một nhà cách mạng không phải do bẩm sinh mà thành, tôi dám nói như vậy.

Vậy nhà cách mạng trong ông đã hình thành như thế nào?

Tôi đã tự rèn luyện bản thân thành một người cách mạng. Lúc nào tôi cũng suy nghĩ về những yếu tố tác động tới điều đó. Bắt đầu là nơi tôi sinh ra, giữa một vùng quê hẻo lánh, trong một điền trang lớn.

Ông có thể tả lại nơi ông sinh ra không?

Tôi sinh ra trong một trang trại. Nằm ở phía bắc tỉnh Oriente cũ, cách không xa Vịnh Nipe, gần trung tâm trồng mía Marcané 1. Tên trang trại là Birán. Đó không hẳn là một thị trấn, thậm chí gọi là làng cũng không đúng - chỉ lèo tèo vài nóc nhà. Nhà của gia đình tôi ở đó, dọc theo Camino Real, con đường đất lầy lội chạy từ thủ phủ tỉnh về phía nam. Đưòng sá thời đó toàn là đường đất. Người ta đi lại trên lưng ngựa hoặc xe bò kéo. Chưa hề có phương tiện cơ giới, thậm chí cả điện cũng không có. Khi tôi còn nhỏ, chúng tôi thắp sáng trong nhà bằng nến sáp hoặc đèn dầu.

Ông còn nhớ ngôi nhà nơi ông sinh ra không?

Đó là một ngôi nhà được xây dựng theo phong cách kiến trúc Tây Ban Nha, hay xứ Galicia thì đúng hơn. Tôi phải nhắc lại là bố tôi là một người Tây Ban Nha, xứ Galicia, xuất thân từ làng Láncara, tỉnh Lugo, con trai của những người campesinos (nông dân) nghèo. Và ở Galicia, người dân có tập quán nhốt gia súc bên dưới nhà ở. Nhà tôi cũng mang phong cách kiến trúc Galicia đó, vì nó được xây trên những cột gỗ cao, như kiểu nhà sàn. Những chiếc cột này cao khoảng 2m, đúng như những ngôi nhà thường thấy ở Galicia. Tôi còn nhớ là năm tôi lên ba hay bốn gì đó, đã thấy lũ bò ngủ dưới sàn nhà. Chúng được nhốt vào đó khi trời tối và ngủ ở đó suốt đêm. Lũ bò cũng được buộc ở đây chờ vắt sữa. Cũng giống như ở Galicia, dưói sàn nhà còn có cả một cái chuồng nhỏ nuôi lợn và gà - hầu như lúc nào cũng có gà, vịt, gà mái Nhật, gà Tây, và thậm chí cả vài con ngỗng.

Tôi đã tới thăm Birán. Và tôi cũng đã nhìn thấy ngôi nhà nơi ông sinh ra và, đúng như ông nói, ngôi nhà có kiến trúc rất độc đáo.

Đó là một ngôi nhà gỗ. Những cây cột được làm từ gỗ rất cứng, được gọi là gỗ caguairán, sau đó sàn nhà được cất trên những cây gỗ này. Như tôi hình dung thì ban đầu ngôi nhà có hình vuông. Sau đó nó được cơi nới: thêm một phòng làm việc ở góc nhà. Rồi lại được mở rộng tiếp để làm khu nhà tắm, một phòng để thức ăn, một phòng ăn và một gian bếp. Một thời gian sau phía trên của khoảng không hình vuông của ngôi nhà ban đầu lại có thêm một tầng nữa, nhỏ hơn, mà chúng tôi gọi là “Mirado” (ban công). Và đó chính là nơi tôi đã chào đời, ngày 13 tháng 8 năm 1926, vào lúc hai giờ sáng, mọi người vẫn kể vậy.

Trong khung cảnh đó, ngay từ khi còn là một cậu bé tôi đã sống giữa cảnh sắc và công việc của vùng nông thôn - cây cối, mía, chim chóc, côn trùng...

Điều đặc biệt ở Birán là ở chỗ ai cũng cảm thấy rất rõ chất kinh doanh rất mạnh mẽ của cha ông, Don Angel.

Ông là một con người có ý chí và nghị lực rất mạnh mẽ. Ông đã phải nỗ lực rất nhiều để tự học đọc, học viết. Một điều rõ ràng là ông rất năng động - ông đi lại rất nhiều, một mẫu người hành động không mệt mỏi, và ông có tài tổ chức bẩm sinh.


----------------------------------------------------------
1. Central ở đây chỉ một khu trồng mía có cả máy móc để chế biến mía thành đường: máy xay và máy nghiền để ép chất lỏng từ cây mía, thùng nấu và bể chứa để chuyển chất lỏng thành mật đường và sau đó là đường. Không thể dùng những thiết bị đó để chế biến thứ đường vàng thành loại đường trắng mà chúng ta vẫn thường dùng ngày nay, nhưng đó là những bước đầu tiên cần phải làm ở khu central. Được gọi là central bởi vì đây là khu người dân thuờng mang mía cây đến bán; các khu trồng mía ở khu trung tâm không có trang thiết bị chế biến thường được gọi là các colonias, các khu vực này cung cấp mía tươi cho central để có nguồn nguyên liệu cho máy móc hoat động. Một central đôi khi cũng là một thành phố với hàng trăm công nhân sống và làm việc trong mua thu hoạch. Có cả khu trung tâm, đường sá, và xe cộ đi lại rất nhiều bởi vì các xe tải, xe thô sơ chở mía cây đến cho nhà máy, không giống như khu trồng trọt, chỉ có duy nhất cây mía.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #13 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2013, 03:33:41 pm »

Bố ông đã đến Cuba trong hoàn cảnh như thế nào?

Bố tôi là con trai của những người campesinos; những người cùng khổ. Khi tôi về thăm xứ Galicia năm 1992, tôi đã đến Láncara, thị trấn mà bố tôi đã từng sống, và tôi còn thấy cả ngôi nhà nơi ông đã được sinh ra. Đó là một ngôi nhà bé xíu, dài 8m, rộng khoảng 7m. Tòa nhà được xây bằng đá hộc, loại vật liệu rất sẵn có trong vùng và thường được những nông dân nghèo xứ Galicia dùng để xây nhà. Cả gia đình đã sống chen chúc trong ngôi nhà nhỏ bé và cũ kỹ đó, và tôi nghĩ chắc là cả vật nuôi nữa. Giường ngủ và bếp kê chung trong một phòng. Hoàn toàn không có vườn, cũng chẳng có sân. Các gia đình canh tác trên những mảnh đất riêng biệt nằm rải rác trên cánh đồng.

Khi bố tôi còn rất trẻ, 16 hay 17 tuổi gì đó, ông đã phải đăng lính vào quân đội Tây Ban Nha, khi ông đã hơn 20 tuổi ông đến Cuba trong Chiến tranh Độc lập lần thứ hai, bắt đầu từ năm 1895. Không ai biết chính xác ông đã tới đây như thế nào, trong những hoàn cảnh ra sao. Sau khi tôi đã đủ lớn để tìm hiểu, tôi lại không bao giờ nói về những vấn đề này với bố tôi. Thỉnh thoảng khi ngồi với bạn bè quanh bàn ăn ông hay kể chuyện này chuyện nọ, chị gái tôi, Angelita, và Ramón, người anh thứ hai - cả hai đều còn sống - có thể là họ biết gì đó, vì họ nói chuyện với ông nhiều hơn tôi. Sau này, khi tôi đến Havana học và tham gia vào các hoạt động cách mạng, tổ chức cuộc tấn công vào trại lính Moncada, vào tù, và sau đó là cuộc viễn chinh Granma, thì ở nhà các em trai và em gái tôi, như Rául, nhỏ hơn tôi khoảng gần 5 tuổi, cả Emma và Juana, cũng thỉnh thoảng nói chuyện với bố tôi, và có lẽ thời gian đó ông đã kể vài câu chuyện, nhưng tôi không có mặt ở nhà nên cũng không biết được.

Qua các em mình tôi biết vài điều, và nhiều khả năng thì bố tôi là một trong những cậu bé con nhà nghèo xứ Galicia phải nhận tiền để đi lính thay cho một người nhà giàu. Và điều rất rõ ràng là bố tôi là một trong các con em của nông dân nghèo phải đăng lính theo cách đó. Ông biết những cuộc chiến thời đó như thế nào rồi đấy.

Đăng lính bằng cách rút thăm, và người giầu có thể thuê người nghèo đi lính, hoặc ra trận, thay mình 1 .

Vâng, có lẽ đúng là như ông nói; có rất nhiều trường hợp một người nhà giàu được lệnh phải thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc phải ra trận, thế là anh ta bèn bỏ ra ít tiền thuê một người nghèo túng nào đó đi lính thay mình, một người đang phải sống lay lắt trên một mảnh đất còm hoặc làm thuê cuốc mướn.

Bố tôi được phái tới đây trên cương vị một người lính Tây Ban Nha, và ông đóng quân ở vùng đất trống mới khai phá giữa Júcaro và Moron. Những khoảng đất trống mới khai phá trong rừng nơi xây dựng căn cứ này sau này lại được chính những người Cuba khởi nghĩa sử dụng. Họ đến đó từ Oriente dưới sự chỉ huy của Maceo và Maximo Gómez 2, ngay sau khi Marti qua đời.

Mục tiêu khi đó là phải vượt qua vùng đất trống nơi xây dựng căn cứ - một nhiệm vụ rất khó khăn. Đó là một phòng tuyến chạy theo trục Bắc - Nam, ở phần hẹp nhất giữa hòn đảo, dài khoảng vài km. Có lẽ phải đến gần 100km từ Moron ở phía Bắc đến Jucaro, một thành phố cảng ở bờ biển phía Nam. Tôi biết là bố tôi đóng quân dọc theo tuyến đó, nhưng tôi không nghĩ là ông vẫn còn ở căn cứ khi Maceo đi qua. Những người Cuba đã liên tục qua đó, hoặc xa hơn về phía bắc, họ tới một nơi được gọi là Turiguanó, một hòn đảo nối với Morón bằng một vùng đầm lầy rộng mênh mông. Đấy, bố tôi đã đóng quân ở đâu đó trên tuyến đường này. Đó là tất cả những gì tôi biết; có thể các em tôi sẽ biết nhiều hơn.

Ông không còn nhớ bất kỳ cuộc trò chuyện nào với bố mình về chủ đề này sao?

Một lần tôi nghe ông nói đôi chút về chuyện này, khi tôi đang trên đường tới khu trại của các công nhân lao động ở Pinares de Mayarí, vì tôi chẳng bao giờ thích ở nhà. Nhà tượng trưng cho độc đoán, và điều đó làm tôi tức phát điên, tinh thần nổi loạn trong tôi bắt đầu trỗi dậy.

Vậy ngay từ hồi trẻ ông đã là một người nổi loạn?

Tôi có nhiều lý do để trở nên như vậy. Khi phải đối mặt với chế độ độc đoán kiểu Tây Ban Nha, và nhất là kiểu ra lệnh mang đặc nét Tây Ban Nha ấy... có thể gọi là sự khệnh khạng, quyền thế nói chung... Tôi không thích sự độc đoán, bởi vì thời đó có rất nhiều hình phạt bằng đòn roi, một cái tát vào mặt hoặc phải ăn quật bằng dây lưng - lúc nào cũng có nguy cơ phải xơi đòn nhừ tử, mặc dù dần dần chúng tôi cũng học được cách tự vệ.


----------------------------------------------------------
1. Vào thời gian đó, đây là một thực tế rất phổ biến ở các nước phương Tây; thanh niên đến tuổi đi lính có thể đóng tiền để tránh phải thực hiện nghĩa vụ; những người trả tiền thường là các gia đình nghèo. Ví dụ, ở Mỹ, hiện tượng bất công này có từ thời Chính quyền của Tổng thống Abraham Lincoln vào tháng 7 năm 1863, trong bối cảnh đang diễn ra cuộc nội chiến và hành động đàn áp bọn nổi loạn ở thành phố New York; Martin Scorsese tạo dựng lại vụ nổi loạn nay trong bộ phim Những kẻ nổi loạn ở New York (2002). (Cuốn sách mà bộ phim này lấy để xây dựng kịch bản cũng có tên Những kẻ nổi loạn ở New York của tác giả Herbert Asbury, gần đây được xuất bản khá nhiều, có lẽ là do sự nổi tiếng của cuốn phim của Scorsese. Bản gốc của cuốn sách được xuất bản bởi công ty Alfred A. Knopf năm 1927).

2. Antonio Maceo Grajales (1845-1896), được mệnh danh là “Người khổng lồ bằng đồng”, là một trong những nhân vật xuất chúng tham gia vào cuộc chiến tranh giành độc lập của Cuba. Maceo được phong hàm Trung tướng của Quân đội giái phóng và đã tham gia rất nhiều các trận chiến và mai phục trong hai cuộc chiến tranh chủ yếu, trong đó có vụ xâm lược vào miền tây hòn đảo. Một con người có trí tuệ mẫn tiệp, và ông đã ngã xuống trong khi đang chiến đấu ở San Pedro, ngày 7 tháng 12 năm 1896.

Maximo Gomez (1836-1905) sinh ra ở Santo Domingo. Năm 1865, ông đến Cuba cùng với quân đội Tây Ban Nha và năm 1868, ông thay đổi quan điểm và tham gia cuộc chiến giành độc lập cho hòn đảo. Năm 1895, ông quay lại hòn đao cùng với Jose Marti với tư cách là một vị tướng trong quân đội giải phóng. Là nhà chiến lược lừng danh, ông đã lãnh đạo cuộc chiến chiếm lĩnh miền Tây hòn đảo. Ông qua đời ở Havana.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #14 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2013, 03:43:22 pm »

Bố ông là một người độc đoán?

Ông hơi cục tính. Nhưng ông không thể nào trở thành một người giàu có và có tài sản nếu như không có cá tính mạnh mẽ - ngay từ khi còn trẻ đã phải đi lính, xa gia đình và quê hương, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng; không một xu dính túi, không gia đình, là người đầu tiên trong gia đình biết đọc, biết viết, chỉ bằng nỗ lực của bản thân. Như hầu hết những người nhập cư Galicia khác, ông là một người rất khiêm tốn và cần cù, với một tinh thần luôn nhún nhường. Tuy vậy ông vẫn rất cá tính và tràn đầy quyết tâm. Nhưng ông chưa bao giờ tỏ ra nghiệt ngã. Ông không bao giờ nói “không” với bất kỳ ai đến tìm kiếm sự giúp đỡ. Lúc nào ông cũng sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng chìa một tay với người gặp khó khăn. Bản thân ông cũng đã trải qua những ngày thiếu thốn khi còn bé. Tôi biết ông mồ côi mẹ ngay từ rất sớm - 11 tuổi; ông nội tôi lấy vợ khác và, vâng, tuổi thơ của bố tôi chỉ toàn là đau khổ và nước mắt. Nhưng ông có những phẩm chất cao quý của một người dân vùng Galicia: tốt bụng, hiếu khách và hào phóng.

Có rất nhiều câu chuyện về sự hào hiệp, cũng như lòng tốt bụng của ông. Một người với trái tim rộng lượng luôn giúp đỡ bạn bè, những người lao động, những người đang gặp khó khăn. Thỉnh thoảng ông cũng càu nhàu, rên rẩm, nhưng ông không bao giờ để ai phải ra về tay không. Trong những thời kỳ khó khăn 1 , sau khi hết mùa thu hoạch và còn rất ít việc làm, thường có người sẽ tìm đến ông và nói, “Các con tôi đang đói... chúng tôi chẳng còn gì, tôi cần công việc”. Hồi đó có một hệ thống được gọi là ajuste 2 : “Anh phát quang mảnh đất này với ngần này tiền”. Hệ thống ajuste này là một cách để các chủ đất ở Cuba giảm bớt chi phí; thực chất nó là một họp đồng với một gia đình hoặc một lao động trong việc làm sạch một cánh đồng mía, và bạn sẽ trả cho anh ta ngần đó, ngần đó cho một caballería hoặc một rozas. Họ chưa dùng đơn vị ha như bây giờ. Tôi nghĩ là một caballería tương đương khoảng 18 rozas 3 . Mỗi quốc gia Trung Mỹ và Nam Mỹ đều có đơn vị đo lường khác nhau. Thật may là sau đó xuất hiện hệ mét, hình như cùng thời với Cách mạng Pháp thì phải. Như tôi đã nói, bao giờ cũng có một hợp đồng: “Được rồi, 20 pesos, tôi sẽ ajustar  4 cái này cho anh”. Bố tôi bao giờ cũng tìm ra một cánh đồng mới nào đó cần phát quang hoặc một công việc vô thưởng, vô phạt nào đó để tạo công ăn việc làm cho người khác, kể cả khi việc đó không mang lại chút lợi ích tài chính nào cho ông. Tôi nhận ra điều đó khi tôi đã lớn hơn, và trong thời gian nghỉ hè tôi làm việc trong văn phòng. Tại đó tôi thường xuất các lệnh mua hàng cho các công nhân để họ có thể nhận hàng hóa từ các cửa hàng ngay cả khi họ thất nghiệp. Bố tôi là một người cao thượng và tốt bụng.

Sau Chiến tranh Độc lập, năm 1898, bố ông đã quyết định ở lại Cuba?

Không, ông được đưa về Tây Ban Nha sau chiến tranh, năm 1898, nhưng rõ ràng là ông thích ở Cuba hơn, vì vậy, cùng với nhiều người đồng hương Galicia khác, ông đã quay lại Cuba ngay sau đó một năm. Có tài liệu ghi rằng ông đặt chân lên cảng Havana tháng 12 năm 1899. Không một xu dính túi và hoàn toàn không có ai thân thích, ông bắt tay vào làm việc. Tôi không biết làm thế nào mà cuối cùng ông lại định cư ở những tỉnh miền đông. Đó là thời kỳ những đồn điền mênh mông của người Mỹ còn trải rộng xuyên qua các cánh rừng gỗ cứng, những cánh rừng bị triệt phá để lấy đất và làm chất đốt cho các lò nấu đường - cũng chính loại gỗ cứng tuyệt hảo dùng để xây dựng Dinh El Escorial, và nhiều công trình kiến trúc cũng như tàu thuyền khác, như chiếc Santisima Trinidad đồ sộ, chiến hạm lớn nhất và mạnh nhất thời đó đã được đóng ở Havana rồi bị đắm trong một cơn bão sau khi được người Anh sử dụng trong trận Trafalgar khét tiếng năm 1805.

Người Mỹ đã thuê nhân công chặt phá hết cây cối lấy đất mở đồn điền trồng mía. Nơi nào mà trước đó có rừng thì đất đai bao giờ cũng cực kỳ màu mỡ; những vụ thu hoạch đầu tiên đều rất bội thu.

Và bố ông cũng làm việc cho người Mỹ?

Bố tôi bắt đầu làm việc ở tỉnh Oriente như một người làm thuê bình thường cho Công ty Hoa quả Mỹ, công ty này có các đồn điền ở phía Bắc của tỉnh. Sau đó ông tổ chức ra một đội lao động và chỉ huy nhóm công nhân này làm thuê cho công ty của Mỹ. Tôi nghĩ là đã có lúc bố tôi có - tôi đã nghe nói đến chuyện này một lần - đến 300 nhân công, và nhờ thế ông bắt đầu có tiền, ông có năng khiếu tổ chức bẩm sinh. Nhưng ông không biết đọc, biết viết; ông tự học, dần dần, nhưng không hề dễ dàng chút nào. Ông khởi nghiệp với một công ty nhỏ chuyên khai phá rừng để trồng mía hoặc sản xuất củi đốt cho các lò nấu đường. Và bằng cách đó ông bắt đầu có của ăn của để nhờ việc tổ chức đội thợ làm thuê đó, tôi nghĩ hầu hết những người này là người nhập cư, chủ yếu là người Tây Ban Nha và những người ở các đảo xung quanh, như Haiti và Jamaica.


-----------------------------------------------------------
1. Thời kỳ “giáp hạt” là giai đoạn sau thu hoạch và trước thời gian gieo trồng, canh tác lần tiếp, khi không có, hoặc có rất ít công việc cho công nhân mía đường làm, và do vậy cũng không có cách gì để kiếm sống. Rất nhiều gia đình trong tình trạng tuyệt vọng vào giai đoạn này, và nạn chết đói không phái là hiếm thấy.

2. Theo nghĩa đen là “điều chỉnh”; ở đây có nghĩa rộng hơn, có thể là “quan tâm đến, giải quyết, trên cơ sở của sự đáo trả”, và ngoài ra còn có nghĩa “hợp đồng, thoả hiệp, hay ra giá”.

3.  Caballeria là đơn vị đo diện tích của Cuba tương đương 13,4 héc ta. Nếu theo trí nhớ của Castro, có 18 rozas trên một cabelleria, thì roza tương đương với 0,75 héc ta. (Từ roza nhìn chung được dùng để chỉ một cánh đồng đã được dọn dẹp, chuẩn bị cho việc gieo trồng; ở Cuba, thường được dùng để chỉ một đơn vị diện tích đất).

4. Ở đây, người được thuê sẽ nói: “Tôi sẽ đảm nhận canh tác diện tích đất này cho ông với mức đóng góp là 20 peso”.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #15 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2013, 03:49:30 pm »

Cuối cũng thì bố ông có được bao nhiêu đất cả thảy?

Cuối cùng ông mua được khoảng 900ha, tương đương với hơn 2000 acre. Ngoài diện tích đất do mình sở hữu, ông còn thuê thêm vài nghìn ha nữa của hai viên Tướng Cuba đã tham gia Chiến tranh Độc lập - giờ thì chẳng ai biết làm thế nào mà họ có ngần ấy đất. Những khu rừng thông bạt ngàn, hầu hết là rừng nguyên sinh. Vùng đất đó trải dài qua những ngọn núi và thung lũng, qua cả một bình nguyên cao khoảng 550m, một bình nguyên rộng lớn thông mọc phủ kín, một khu rừng hoàn toàn tự nhiên. Bố tôi đã cho chặt hạ những khu rừng thông ở Mayarí. 17 chiếc xe tải chất đầy gỗ thông ra khỏi rừng mỗi ngày ba chuyến. Thu nhập từ gỗ, cùng với mía và gia súc, là rất lớn, bởi vì ông còn sở hữu những mảnh đất khác, hầu hết là đồng bằng, nhưng cũng có vài mảnh đất đồi. Tóm lại tất cả là khoảng 10.000 ha.

Một diện tích đất cực kỳ rộng lớn.

Nếu tính tổng cộng lại, thì bố tôi sở hữu không dưới 11.000 ha, cả đất do ông sở hữu và đất thuê lại.

Một con số cực lớn.

Đúng là rất lớn. Tôi có thể kể với ông câu chuyện này vì thật sự là xét theo những điều kiện đó, phải nói rằng tôi sinh ra trong một gia đình còn hơn cả khá giả. Với quy mô như thế thì phải nói là cực kỳ khá giả mới đúng. Tôi muốn nói là tôi hoàn toàn không có gì tỏ ra tự kiêu vì điều đó cả, nhưng sự thật là như thế - tôi chỉ muốn diễn tả mọi việc thật chính xác.

Vậy ông là con của nhà triệu phú.

Hừm, không hẳn là một triệu phú. Chưa có ai từng nói rằng bố tôi là một triệu phú cả. Thời kỳ đó, triệu phú là một điều gì đó thật khủng khiếp - một triệu phú phải là người thực sự, thực sự, có rất nhiều tiền. Ví dụ, một triệu phú, vào thời mà một đô la là cả một khoản tiền lớn và trung bình một công nhân làm việc cật lực cũng chỉ được một đô la một ngày, phải có gấp một triệu lần mức lương trung bình đó. Tài sản của bố tôi không thể lớn tới mức đó được. Không thể gọi bố tôi là một triệu phú, mặc dù ông cũng rất giàu có và có một nền tảng tài chính vững vàng. Ngay cả trong một xã hội nghèo đói và lạc hậu như vậy mà anh em chúng tôi vẫn được chăm chút như con nhà thượng lưu. Tôi có thể bảo đảm với ông rằng hồi đó rất nhiều người cư xử lễ độ với chúng tôi, hoàn toàn chỉ vì lòng kính nể, mặc dù chúng tôi không mấy khi nhận ra điều đó.

Ở Birán, bố ông không chỉ xây một ngôi nhà, mà dần dần dọc theo đường Camino Real ấy, bố ông còn cho xây cả những ngôi nhà khác - một xưởng làm bánh, một quán trọ, một quán rượu, trường học, nhà ở cho những công nhân người Haiti... Một thị trấn nhỏ thực sự.


Thật ra thì chỗ chúng tôi sống chẳng có thị trấn nào cả, chỉ lơ thơ vài ngôi nhà. Đó có thể là nơi mà ông gọi là một batey 1. Khi tôi còn nhỏ, chuồng bò ở ngay dưới sàn nhà. Sau này, một chuồng bò mới được xây cách nhà khoảng 30m, và ngay phía trước nhà có một lò rèn chuyên bán và sửa chữa dụng cụ, lưỡi cày đủ loại. Và ngay sát đó là một lò mổ nhỏ được xây thêm. Rồi cách đó khoảng 30m nữa, theo hướng khác, là xưởng làm bánh, cách đó không xa là một trường tiểu học, một ngôi trường nhỏ của Chính phủ. Ngoài ra, bên vệ đường còn có một cửa hàng bách hóa với một nhà kho dự trữ nhu yếu phẩm, toàn những đồ khô và có thể để lâu năm, phía đối diện là bưu điện và trạm điện tín. Không xa nơi đó là vài ngôi nhà xây tạm bợ kiểu trại lính, những túp lều nền đất phủ lá dừa dành cho các công nhân là người Haiti nhập cư sống trong những hoàn cảnh hết sức tồi tàn; họ trồng rồi thu hoạch mía, công việc chủ yếu trong trang trại. Gần nhà chính là một vườn cam lớn nơi tự tay bố tôi xén tỉa với một cặp kéo xén cành to bự; một khu vườn rộng khoảng 12-14ha, trồng đủ các loại hoa quả, có khi chỉ một hai cây nhưng cũng có khi trồng thành mảng lớn; có cả chuối lá, đu đủ, dừa, mãng cầu xiêm, na 2, mỗi thứ một chút. Ngoài ra còn có cả ba vườn nuôi ong lớn với khoảng 40 tổ cho chúng tôi thu hoạch rất nhiều mật. Ngay cả bây giờ tôi cũng có thể nhắm mắt đi lại trong vườn cam đó - tôi biết tất cả các loại cây được trồng ở đó; tôi lấy móng tay bóc vỏ cam, và suốt cả mùa hè rồi lễ Giáng sinh tôi đều ở ngoài vườn suốt ngày. Không ai ăn cam nhiều bằng tôi khi đó.

Và còn có cả một sân đấu gà rất lớn. Hồi đó ở trang trại có tổ chúc đấu gà không?

Có. Cách nhà khoảng 100m, cũng nằm dọc bên đường, là sân đấu gà mà ông vừa nói tới. Đó là nơi mà chủ nhật nào trong mùa thu hoạch mía, và cả Giáng Sinh cũng như năm mới, thứ 7 và chủ nhật trong lễ Phục Sinh, sẽ có các trận đấu gà. Ở nông thôn thì chỉ có môn thể thao đó thôi.

----------------------------------------------------------
1. Batey là kiểu tổ chức làng xã của người dân bản địa trên các hòn đảo thuộc vùng Ca-ri-bê bao gồm một khu vực trung tâm xã tập trung, thường được xây bằng đất cứng, xung quanh không có các ngôi nhà khác được xây theo trật tự, thường thì đây là một gia đình lớn sống cùng với nhau. Do vậy, Castro nói, đó là một kiểu tập hợp lỏng lẻo sống quây quần trong một khu vực có đường đến.

2. Cây na hay còn gọi là anon không liên quan gì đến cây táo; tên khoa học của nó là Annona squamosa, có một loại cây ăn quả thuộc loài có liên quan là Annona reticulata cũng có quả ngọt đuợc gọi là corazon, hay na. Do tên của các loại này ở các nước rất khác nhau thuộc khu vực châu Mỹ La-tinh, nên có thế loại quả mà Castro muốn nói đến ở đây thuộc một trong những loại trên.


Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #16 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2013, 03:57:50 pm »

Một hình thức giải trí địa phương.

Đúng, bởi vì thật ra có rất ít các hoạt động giải trí. Mọi người chơi cờ domino, chơi bài; bố tôi, khi còn là một anh lính trẻ, rất mê chơi bài; và chắc chắn ông là một người chơi bài rất giỏi. Và tôi nhớ là từ năm tôi lên ba, trong nhà tôi còn có một cái máy quay đĩa quay tay, một chiếc RCA Victor (chính xác là Victorla) chơi nhạc. Thậm chí trong khi còn chưa ai có radio, thì bố tôi là người duy nhất có radio, và khi tôi đã lớn lắm rồi - khoảng 7 hay 8 tuổi gì đó. Không! Phải lớn hơn! Chắc chắn là khi đó tôi phải 12 tuổi rồi, vì đúng vào giai đoạn 1936-1937, cuộc Nội chiến Tãy Ban Nha vừa nổ ra, khi đó chúng tôi có 1 chiếc radio và một chiếc máy phát điện nhỏ, một chiếc mô tơ chạy khoảng hai tiếng mỗi ngày. Nó nạp điện cho vài “cục tích điện”, ngày đấy chúng tôi gọi là ác quy - và hầu như ngày nào cũng phải rót nước mưa cho nó.

Và tất cả những cái đó đều thuộc về bố ông?

Trừ bưu điện và ngôi trường nhỏ là của Chính phủ, còn lại đều thuộc sở hữu của gia đình tôi. Khi tôi chào đời, năm 1926, bố tôi đã tích cóp được tài sản đáng kể, và ông đã là một chủ đất khá giàu có. Don Angel, “Don Angel Castro”, mọi người đều gọi ông như vậy, người rất được trọng vọng và có quyền lực trong vùng, giữa cái thời còn gần như phong kiến đó. Đó là lý do tại sao tôi nói với ông rằng tôi thật sự là con trai của một gia đình địa chủ; bố tôi đã mua thêm đất từng chút, từng chút một trong suốt bao nhiêu năm ròng.

Hãy kể cho tôi nghe về mẹ ông.

Tên bà là Lina. Bà là người Cuba, sinh trưởng ở tỉnh Pinar del Río, ở mạn tây của hòn đảo. Gốc gia đình bà là ở quần đảo Canary. Bà cũng xuất thân từ tầng lớp campesino, gia đình bà rất nghèo khổ. Ông ngoại tôi là một người đánh xe, ông chở mía bằng xe bò kéo. Sau đó họ chuyển tới vùng Birán, mẹ tôi khi đó mới 13-14 tuổi, đã tới đây cùng bố mẹ và các anh chị em từ Camaguey, sau khi đi tàu từ Pinar del Río, để tìm kiếm vận may. Họ thực hiện hành trình rất dài bằng xe bò, đầu tiên là tới Guaro, rồi cuối cùng là Birán.

Mẹ tôi hầu như mù chữ hoàn toàn, và, cũng giống như bố tôi, sau này bà tự mình học đọc, học viết. Cũng với nỗ lực và quyết tâm rất lớn. Tôi chưa bao giờ nghe mẹ tôi kể là bà từng được đi học. Bà tự học hoàn toàn. Một người phụ nữ cực kỳ chăm chỉ, và không có gì lọt qua được mắt bà. Bà là đầu bếp, thầy thuốc, và là người chăm lo cho tất cả chúng tôi - bà làm tất cả mọi thứ khi chúng tôi cần, và lúc nào bà cũng sẵn sàng chìa một bờ vai cho chúng tôi dựa, và lắng nghe chúng tôi giãi bày những khó khăn nếu có. Tuy nhiên mẹ không bao giờ chiều hư chúng tôi; bà rất khắt khe trong chuyện dọn dẹp ngăn nắp, sạch sẽ và tiết kiệm. Có thể nói mẹ tôi là một người “lo xa” đối với tất cả những công việc hàng ngày bên trong cũng như bên ngoài ngôi nhà; bà là nhà kinh tế của gia đình. Không ai hiểu làm thế nào bà có đủ thời gian cho tất cả những gì bà làm; chẳng bao giờ thấy mẹ tôi ngồi xuống, tôi không bao giờ thấy mẹ tôi nghỉ ngơi trọn một ngày.

Bà đã sinh ra bảy người con, tất cả bảy anh chị em chúng tôi đều chào đời trong ngôi nhà đó, mặc dù lần nào cũng phải có một bà đỡ giúp bà sinh hạ chúng tôi. Hồi đó thì chẳng lấy đâu ra bác sĩ - bác sĩ hoàn toàn là một điều xa xỉ ở vùng nông thôn hẻo lánh như vậy.

Không ai làm việc vất vả bằng mẹ tôi để cho các con được đến trường; bà muốn chúng tôi có những gì mà bà chưa bao giờ có. Tôi có thể bảo đảm rằng nếu không nhờ bà thì tôi - một người rất ham mê học hỏi - cũng sẽ gần như thất học. Mặc dù rất ít khi thể hiện, nhưng mẹ tôi là người yêu thương các con hết mực. Bà là một phụ nữ mạnh mẽ, can đảm và lúc nào cũng hy sinh cho chồng con. Lúc nào bà cũng vững vàng, kiên định trước những khó khăn và cả những phiền não mà chúng tôi vô tình gây ra. Bà không bao giờ tỏ ra bất bình vì cuộc cải cách ruộng đất, việc phân chia lại đất đai mà bà yêu như máu thịt.

Mẹ tôi là người cực kỳ ngoan đạo, trung thành với niềm tin tôn giáo của mình, đây là điều mà tôi luôn tôn trọng. Bằng cách nào đó bà tìm thấy niềm an ủi trong chính nỗi vất vả của một người mẹ, và bà cũng chấp nhận vai trò của mình là người mẹ của Cách mạng mà bà đã phải chịu đựng rất nhiều khó khăn, khổ ải, cho dù, chỉ là một người nông dân nghèo, thấp kém, bà hoàn toàn chẳng biết gì về lịch sử nhân loại và những nguyên nhân sâu xa của các sự kiện mà bà đã trải qua ở Cuba cũng như trên thế giới.

Bà qua đời ngày 6 tháng 8 năm 1963, ba năm rưỡi sau khi Cách mạng thành công.

Vậy bố ông qua đời khi nào?

Bố tôi qua đời sớm hơn. Vì ông hơn mẹ tôi vài tuổi, ông qua đời ngày 21 tháng 10 năm 1956. Hai tháng sau khi tôi tròn ba mươi tuổi, và hai tháng trước khi chúng tôi từ Mêhicô trở về với đoàn viễn chinh Granma.

Bố ông có nói được thổ ngữ xứ Galicia không?

Có, nhưng ông không bao giờ dùng.

Ông có bao giờ nghe thấy bố mình dùng thổ ngữ đó không?

Vài lần tôi nghe thấy ông dùng một số từ bằng thổ ngữ Galicia. Vì trong vùng cũng có những người Galicia khác, và có thể là bó tôi đã nói chuyện với họ bằng thổ ngữ Galicia, có lẽ vậy. Nhưng cũng có những người Tây Ban Nha ở các tỉnh xung quanh; ví dụ như những người xứ Asturia chẳng hạn, họ không nói thổ ngữ Galicia. Rõ ràng là những người gốc Galicia đã điều chỉnh sang tiếng Tây Ban Nha, họ có thể nói thành thạo, tất nhiên là như thế giao tiếp sẽ dễ dàng hon, hơn nữa cũng không thể nào dùng thổ ngữ Galicia với người Cuba được, vì chẳng ai hiểu được. Với công nhân, họ phải dùng tiếng Tây Ban Nha - với tất cả mọi người, thậm chí là với người yêu hoặc vợ họ cũng phải dùng tiếng Tây Ban Nha, vì những người đó đâu có biết tiếng Galicia, vì vậy nói chung tôi hầu như không mấy khi nghe thấy bố tôi nói tiếng Galicia cả.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #17 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2013, 04:02:40 pm »

Khi cuộc Nội chiến Tây Ban Nha xảy ra thì hình như ông lên mười tuổi thì phải.

Thật ra thì cũng chưa tròn mười tuổi. Tôi sinh ngày 13 tháng 8 năm 1926, còn cuộc Nội chiến Tây Ban Nha nổ ra ngày 18 tháng 7 năm 1936. Nên chính xác thì tôi mới được chín tuổi mười một tháng; tất nhiên là khi đó tôi đã biết đọc, biết viết.

Ông có nhớ gì về việc bố ông cảm thấy lo lắng hay bất an khi nói về cuộc chiến tranh đó, hay ông ấy có nói gì về Nội chiến Tây Ban Nha không?

Nhóm 12-14 người Tây Ban Nha sống và làm việc ở Birán cũng chia làm hai phe.

Những người Tây Ban Nha mà bố ông thường gặp hay đến nhà ông à?

Những người Tây Ban Nha làm cho ông đủ các thứ việc, hoặc có khi chỉ là công nhân bình thường. Có một người gốc Asturia làm thủ thư, và được học hành rất tốt. Ông ấy thường khoe là ông ấy nói được nhiều thứ tiếng, và tôi hầu như tin ông ấy hoàn toàn, vì ông ấy... khi chúng tôi có radio trong nhà và mỗi khi có bản tin hoặc chưong trình phát bằng tiếng Anh hoặc tiếng Đức, ông ấy lại dịch ngay, ông ấy cón biết cả tiếng latinh và viết những câu chữ latinh bằng kiểu Gothic rất đẹp. Con người Asturia nhỏ bé đó - tôi nói là nhỏ bé vì ông ấy rất thấp bé - chắc chắn là thông thái hơn bất kỳ ai trong vùng, ông ấy được học hành đầy đủ và có kiến thức tổng quát hơn. Ông ấy còn biết về lịch sử Hy Lạp, ông ấy thưòng nói về Demosthenes; ông ấy là người đầu tiên nói cho tôi biết về Demosthenes, nhà hùng biện vĩ đại thời Hy Lạp cổ, và cả giai thoại Demosthenes phải ngậm sỏi để chữa tật nói lắp. Chính cái ông người Asturia đó đã kể với tôi chuyện này và nhiều chuyện khác.

Khi cuộc chiến nổ ra, nhóm người đó và còn vài người nữa, đã đứng về phe nổi loạn - hồi đó những người chống lại nền Cộng hòa được gọi là quân phiến loạn.

Tức là phe Franquistas?

Đúng. Và còn một nhóm khác ủng hộ những người Cộng hòa. Họ là những công nhân trong trang trại, nhiều người còn không biết đọc hay biết viết. Trong đó có một người Cuba tên là Valero - người phụ trách trạm điện tín và bưu điện, ông ta là một người Cộng hòa, như hầu hết người lao động khác. Trong nhóm lao động có một người làm bếp, vì trước đó công việc của ông ta trong trang trại là chăm sóc đàn gia súc, nhưng không hiểu sao cuối cùng ông ta bị thấp khớp đến nỗi hầu như không thể nào đi lại nổi, cuối cùng họ để ông ta làm người nấu ăn. Mặc dù hoàn toàn tôn trọng ông, và bản thân tôi cũng rất quý ông ấy, nhưng tôi cũng phải nói rằng ông ấy nấu ăn rất dở, ít nhất thì trong nhà tôi mọi ngưòí kêu ca rất nhiều về cấc món ăn do ông ấy nấu. Tên ông ấy là García; ông ấy hoàn toàn mù chữ.

Mù chữ?

Đúng vậy. Tôi có thể bảo đảm với ông là hồi tôi còn nhỏ ở Birán chỉ có chưa đến 20% số người dân trong vũng biết chữ, và ngay cả những người này đọc, viết cũng khó khăn. Rất hiếm người được học đến lớp sáu. Chính tại đó tôi hiểu được những khó khăn vất vả mà một người mù chữ phải chịu đựng. Không ai có thể hình dung nổi. Một người mù chữ là gì? Anh ta là người đứng dưới cùng trong bậc thang xã hội, người phải nhờ bạn viết hộ thư gửi cho người yêu. Ở Birán, những người không biết đọc, biết viết, phải nhờ những người biết chữ viết thư hộ cho người phụ nữ mà họ đang theo đuổi, đại loại như vậy. Nhưng không phải là họ đọc cho người kia viết - nói cho cô ấy thế này thế kia - hay đêm qua anh chàng mơ thấy cô nàng và rằng anh ta không ăn không ngủ được vì nhung nhớ, đại loại như vậy, mà người mù chữ sẽ bảo với người biết đọc, biết viết rằng, “Không, không, anh cứ viết tất cả những gì anh nghĩ là tôi nên viết cho cô ấy” để chiếm được cảm tình của người con gái! Tôi không hề cường điệu đâu. Tôi đã sống ở một thời kỳ mà mọi chuyện là như vậy đấy.

Cá nhân ông còn nhớ gì về những cuộc tranh luận xoay quanh Nội chiến Tây Ban Nha không?

Năm 1936, tôi được gửi vào trường học nội trú ở Santiago de Cuba, và mùa hè năm đó, khi chiến tranh nổ ra, tôi đang về nhà ở Birán nghỉ hè; và vào thời gian đó chắc tôi được khoảng, tôi cũng không biết nữa, gần mười tuổi gì đó, tôi cũng không nhớ là tôi đã học xong lớp hai chưa...

Vậy chuyện gì xảy ra ư? Khi tôi từ Santiago về Birán để nghỉ hè, vì tôi đã biết đọc biết viết, Manuel García, người đầu bếp đi tập tễnh, người đàn ông chăm chỉ đang sống ở một ngôi nhà nhỏ gần bưu điện - Manuel García chạy lại bên tôi và nhờ tôi đọc báo cho ông ta nghe. Ông ta là một người ủng hộ phe Cộng hòa cực kỳ nhiệt thành - tôi chỉ muốn cho ông biết tinh thần chung của giai cấp đó là thế, tôi cũng thường tự hỏi tại sao ông ta lại là một người Cộng hòa cuồng nhiệt như vậy, và rất phản đối giáo hội, tôi chỉ muốn trình bày sự thật - và thế là tôi đọc báo cho ông ấy nghe và nói cho ông ấy biết tình hình ở Tây Ban Nha. Chính qua đó mà tôi biết về cuộc chiến, trước khi tôi tròn mười tuổi. Tôi đọc khá nhiều báo cho ông ấy nghe. Tôi nhớ là một trong những tờ báo được chuyển về Birán khi đó có tên gọi là Information, và cả những tờ khác, như El Mundo, El Pais, và El Diario de Cuba, nhưng tờ báo chủ yếu ở vùng này là Diario de la Marina.

Đó là một tờ báo của Thủ đô Havana.

Không, không, không phải là báo Havana - nó được phát hành khắp cả nước. Ngay từ thời Chiến tranh Độc lập nó đã là một tờ báo thân Tây Ban Nha và là tờ cực hữu nhất trong số những tờ báo từng có ở Cuba trước khi Cách mạng thành công. Nó có cả một phụ trang toàn ảnh, thường phát hành vào số Chủ nhật. Một tờ báo rất nổi tiếng, vởi cơ man nào là trang quảng cáo, dày cộp, và nó được đưa đến ngôi nhà nhỏ bằng gỗ của García còn tôi thì đến đó đọc cho ông ấy nghe. Tôi đọc từ trang đầu đến trang cuối. Hồi đó quân chống Chính phủ Cộng hòa được gọi là quân “phiến loạn” - nhưng nghe như khen thì đúng hơn.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #18 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2013, 03:24:33 pm »

Đó là những kẻ đứng về phe Franco.

Và còn được gọi là phe “Quốc gia”. Phe bèn kia thì được gọi là “bọn đỏ”, hoặc một cách miệt thị là “tiểu quỷ đỏ”, nhưng đôi khi tờ báo này cũng gọi họ rất tử tế là “những người Cộng hòa”. Đó là tờ báo chủ yếu xuất hiện ở Birán - có thể nói là tờ nặng nhất, dầy nhất, với đủ các loại thông tin, giấy tốt, lại có nhiều trang quảng cáo nữa. Phải mất mấy tiếng liền tôi mới đọc xong cho García nghe. Mặc dù thỉnh thoảng cũng có vài tờ báo khác được đưa tới, nhưng tờ có nhiều tin tức về chiến tranh Tây Ban Nha nhất vẫn là tờ Diario de la Marina.

Tôi nhớ như in cuộc chiến tranh đó, ngay từ đầu. Ví dụ như tôi còn nhớ cả sự kiện những người lính Cộng hòa chiếm Teruel.

Và mặt trận Ebro?

Mặt trận Ebro là sau này, gần kết thúc.

Còn trận Madrid?

Vâng, Madrid bị phong tỏa. Những đòn chí mạng mà phe Cộng hòa giáng cho bọn lính của Mussolini tại Guadalajara khi họ tiến về Madrid, và, như tôi vừa nói, khi phe Cộng hòa tấn công và chiếm được Teruel. Và cuộc phản công của Tướng Mola để giành lại thành phố, cùng những tin khác liên quan đến người dân ở Burgos, khi đó là Thủ đô của phe Franquista. Tên của cái pháo đài mà phe Franquistas bị bao vây là gì ấy nhỉ?

Pháo đài Alcazar, ở Toledo.

Pháo đài Alcazar. Tôi đã đọc tất cả về trận đánh pháo đài Alcazar ở Toledo cho García nghe, và thực sự là tôi cũng đứng về phe ông ấy! Thậm chí tôi còn tìm đủ mọi cách để ông ấy phấn chấn hơn. Tôi thường nói, “Nhưng nghe này, nghe này, trận đánh ở Teruel đang rất thuận lợi” - tôi còn nhớ là tôi đã nói - “Không sao đâu, chú xem họ đã giành được những gì này; xem này, họ đang chiến đấu ở chỗ này, chỗ này, và cả chỗ này nữa”. Tất cả những thông tin nào có lợi cho lực lượng Cộng hòa là tôi lại đọc hết cho ông nghe. Tình hình thời đó ở Birán là như vậy, đúng như những gì tôi đang kể với ông.

Bố ông có ủng hộ bên nào không, hay ông ấy không quan tâm?

Không, bố tôi phản đối phe Cộng hòa.

Phản đối phe Cộng hòa?

Đúng vậy, và cả những người khác cũng thế - cả người thủ thư gốc Asturia và vài người khác nữa. Tôi nghĩ là đa số những người Tây Ban Nha ở Birán đều có quan điểm như vậy, chống phe Cộng hòa. Nhưng cũng còn một nhóm khác, nhóm có García và một vài người Tây Ban Nha, và Valero, cái ông người Cuba phụ trách bưu điện, tất cả đều là người ủng hộ Cộng hòa đến tận lúc chết. Và thỉnh thoảng hai nhóm lại chơi cờ domino cùng nhau - hai bên hai hệ tư tưởng đấu nhau.

Một cuộc chiến domino.

Cả những người ủng hộ và phản đối phe Cộng hòa đều ngồi lại cùng nhau. Hai bên dường như hoán đổi cho nhau trong những ván domino nảy lửa. Hơi giống như trong Don Camilo, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Gureschi 1, giữa vị linh mục và người cộng sản. Khi tôi được nghỉ, hoặc là nghỉ hè hoặc nghỉ Giáng sinh, tôi đều ở nhà khoảng hai tuần, và cả tuần nghỉ trước lễ Phục sinh nữa. Tôi không biết là khi tôi học thì ai đọc báo cho García nữa. Ông ấy lại không có radio - bố tôi là người duy nhất có một cái.

Vậy là nhờ ông Manuel Garcia đó mà chắc chắn ông đã theo dõi rất sát tình hình cuộc Nội chiến Tây Ban Nha.

Đúng vậy. Đó lã lý do tại sao tôi nhớ rõ cuộc Nội chiến đến thế, giai đoạn trước Chiến tranh thế giới thứ II, khi những tư tưởng cộng hòa và tư tưởng “dân chủ” phương Tây - tôi xin đặt từ “dân chủ” trong dấu ngoặc kép - đang phải đối mặt với những tư tưởng diệt chủng, bá quyền và đế quốc kiểu Đức Quốc xã. “(Tôi nhớ rõ) những gì xảy ra tại Tây Ban Nha khi đó và tại sao phe Cộng hòa thất bại. Tại sao những nước tự xưng là “dân chủ” phương Tây lại có thái độ “không can thiệp” trong khi Mussolini và Hitler can thiệp ngay từ đầu?”. Tất cả những điều đó nghĩa là gì? Điều đó đã góp phần dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ II.

Những trận đánh đầu tiên nổ ra chính tại Tây Ban Nha, và ở đó bạn có thể tìm thấy cả những người cánh tả và cánh hữu, được gọi là những người “Quốc gia” do Hitler và Mussolini hậu thuẫn, rồi cả những người Cộng hòa Tây Ban Nha, phe tả trộn lẫn với “chế độ dân chủ”, mặc dù đó là lực lượng tiến bộ hơn người ta hình dung lúc đó, công bằng hơn, được ủng hộ nhiều hơn, bởi vì những người Cộng hòa Tây Ban Nha đã đấu tranh để bảo vệ cho tư tưởng tiến bộ trong một xã hội còn gần như phong kiến, một xã hội hoàn toàn chưa được công nghiệp hóa, còn sống chủ yếu nhờ nguồn thu nhập bóc lột từ các thuộc địa của mình. Phải nói rằng người Tây Ban Nha là một dân tộc có tính đấu tranh rất cao.

Tại đó, hai phe đã xung đột và bắn lẫn nhau - thậm chí cả các linh mục cũng bị hành hình. Có một số linh mục ủng hộ phe Cộng hòa và một số linh mục - có lẽ là đa số - ủng hộ phe nổi loạn hoặc Quốc gia, tức là lực lượng Franquistas. Vào khi đó, các giáo viên Tây Ban Nha ở trường tôi, tại Santiago, đã nói rất nhiều về cuộc Nội chiến. Xét theo quan điểm chính trị thì họ là những người Quốc gia, chúng ta có thể gọi một cách chính xác hơn họ là những người Franquistas - tất cả họ đều thế, không hề có ngoại lệ. Họ bàn tán rất nhiều về sự khủng khiếp của chiến tranh - về những người Quốc gia, thậm chí là cả linh mục bị đưa ra xử bắn. Nhưng họ lại chẳng hề nói gì về những người Cộng hòa bị xử bắn cả. Vì cuộc Nội chiến Tây Ban Nha cực kỳ, cực kỳ đẫm máu, và cả hai phía đều áp dụng chính sách mono dura - bàn tay sắt.

-----------------------------------------------------------
1. Giovanni Guareschi, tác giả người Italia của một loạt các tiếu thuyết hài nổi tiểng trong những năm 1950 với nhân vật anh hùng là một thầy tu ở bản tên là Don Camilo đã liên tục đẩu tranh rất ác liệt nhưng lại thân thiện với Trưởng bản là người Cộng sản, Peppone. Tiểu thuyết “Don Camilo” được xây dựng thành phim với nhân vật chính được đóng bới diễn viên hài nổi tiếng người Pháp Fernandel.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #19 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2013, 03:34:34 pm »

Tôi nhớ là sau khi chiến tranh qua đi, một thầy giáo của tôi thường kể cho tôi nghe những câu chuyện rất dài về số tù nhân thuộc phe Cộng hòa bị đưa ra xử bắn tại Tây Ban Nha khi cuộc Nội chiến kết thúc. Hồi đó tôi đang học ở Colegio de Belén, một trường học cũng do những linh mục dòng Tên điều hành ở Havana, và Cha Llorente - ông đã từng làm cứu thương trong chiến tranh - đã kể cho tôi nghe về chuyện sau khi chiến tranh kết thúc hàng chục nghìn người - không ai biết chính xác là bao nhiêu - đã bị xử bắn như thế nào, và ông được phân công vào đội cứu thương với nhiệm vụ kiểm tra các nạn nhân xem họ còn sống hay đã chết trước khi mang đi chôn, ông thường kể cho tôi tất cả những chi tiết mà ông từng chứng kiến. Tất cả đã gây cho ông một ấn tượng khủng khiếp. Có một số giáo chức Công giáo và Thiên Chúa giáo nói chung đứng về phía Cộng hòa, rất ít.

Trên đây là những ký ức của tôi trong giai đoạn đó. Tất nhiên từ đó đến nay tôi đã đọc và nghiên cứu nhiều hơn về chủ đề này, nhưng tôi muốn kể cho ông nghe những gì tôi biết hồi đó.

Trận Ebro diễn ra vào năm 1938, nếu tôi nhớ không lầm. Đó là cuộc tấn công cuối cùng của phía Cộng hòa... Đã có nhiều bộ phim về sự kiện này, cả nhiều cuốn sách nữa. Nhưng từ khi tôi mới chỉ khoảng mười tuổi, qua báo chí, tôi đã tự mình thấy được mọi chuyện diễn ra như thế nào.

Ông có nghĩ rằng sự quan tâm đến cuộc Nội chiến ở Tây Ban Nha, ngay từ khi ông còn là một cậu bé như vậy, đã có ảnh hưởng đến sự phát triển của ông không?

Ồ, có chứ. Tầm quan trọng của bối cảnh quốc tế. Nhưng hồi bé con trai ai chẳng thích chiến tranh. Như tất cả mọi người, tôi cũng rất thích phim ảnh, về miền Tây, và hơn nữa tin chúng là thật.

Mặc dù hồi đó các bộ phim đều mang tính phân biệt chủng tộc, rất kỳ thị người da đỏ đúng không?

Chúng tôi tin tất cả những gì các chàng cao bồi làm trong phim. Ý tôi là khi tôi còn là một cậu bé. Sau này, khi lớn lên, gần như trưởng thành, tôi xem chúng như những bộ phim hài - gã cao bồi này giáng cho gã đứng bên kia quầy bar một cú móc nặng như búa tạ, rồi những chai rượu whisky đỏ như máu, tôi nhớ rõ tất cả những chi tiết đó. Những khẩu côn xoay không bao giờ hết đạn, trừ khi cốt truyện bắt chúng cần phải hết đạn đúng lúc đó. Hồi đó chưa có súng máy, nhưng có vô số, vô số cảnh bắn nhau như vãi đạn, và khi ai đó đang bị truy đuổi trên lưng ngựa và hết đạn để bắn trả, anh ta sẽ vươn người lên và túm lấy một cành cây trước mắt.

Bọn con trai chúng tôi đứa nào cũng xem những bộ phim đó. Thật sự thì ngay từ khi mới ra đời các cậu bé đã được làm quen với bạo lực... Do đó khi đọc những tin tức về chiến tranh - làm sao tôi có thể hình dung nổi tất cả những điều xảy ra trên thế giới sau này!

Và sau đó là Chiến tranh thế giới thứ II.

Tôi còn nhớ chính ngày chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ - ngày 1 tháng 9 năm 1939. Hồi đó tôi đã lớn hơn một chút, khoảng 13 tuổi gì đó, và tôi đã đọc tất cả những gì liên quan đến cuộc chiến này: việc chiếm lại vùng Ruhr, sáp nhập nước Áo, chiếm đóng Sudetenland, Hòa ước Molotove-Ribbentrop, xâm lược Ba Lan. Tôi chưa hoàn toàn nhận thức được ý nghĩa của các sự kiện, nhưng dần dần khi mọi chuyện diễn ra tôi đã hiểu về chúng hơn.

Tôi có thể nhớ những trận đánh quan trọng và các sự kiện xảy ra từ khi Chiến tranh Thế giới thứ II bắt đầu, từ năm 1939 đến năm 1945, khi những quả bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống Nhật Bản. Tôi có thể nói rất nhiều về chủ đề này, bởi vì tôi vẫn luôn quan tâm đến nó. Nhưng thậm chí ngay từ trước đó, đã có một cuộc chiến khác ở Ethiopia, khi tôi mới bắt đầu tới trường.

Ông còn nhớ cả cuộc chiến ở Ethiopia?

Vâng, thời ấy người ta còn mua được những cái bánh quy nhỏ có kèm theo quân bài sưu tập về cuộc chiến đó. Nó được gọi là “những người Ý ở Abyssinia”.

Nó được gọi là “Chiến tranh Abyssinia” 1.

Đúng vậy, hồi đó người ta gọi nó là “Chiến tranh Abyssinia”. Bọn tôi hay đi mua những chiếc bánh bích quy - bọn trẻ con ấy mà - có các quân bài sưu tập về chiến tranh, chỉ trừ có mười hay mười hai cái hầu như không bao giờ xuất hiện. Tôi nghĩ là những quân bài đó thật ra chẳng bao giờ được in cả, người ta cứ làm vậy để bọn trẻ con nài nỉ bố mẹ mua bích quy đến phá sản, khi nào sở hữu được những quân bài đó thì thôi.

Tôi gần như trở thành một chuyên gia về cuộc chiến ở Abyssinia thông qua việc sưu tập và chơi những quán bài đó. Khi ấy tôi đang ở Colegio de La Salle, tại Santiago de Cuba, và tôi học được cách chơi với những quân bài bán kèm với bánh quy; ta chỉ cần dựa chúng vào tường như thế này, dùng ngón tay cái giữ mép quân bài và búng mạnh để chúng liệng đi. Quân bài nào khi rơi xuống mà nằm trên quân bài khác sẽ thắng, và ta có thể giữ lại... Tôi đã học cách đánh dấu trên tường, kiểm tra gió, và tất cả các thủ thuật đại loại - nói chung là tôi chơi có kỹ thuật hẳn hoi, và hình như cũng khá là hiệu quả. Có Chúa mới biết là cuối cùng tôi có bao nhiêu quân bài.

Tôi vẫn còn nhớ màu sắc và hình ảnh trên những quân bài đó... Đứa trẻ nào cũng cố gắng sưu tập cho trọn bộ, nhưng cuối cùng chẳng ai làm được.

----------------------------------------------------------
1. Cuộc chiến Abyssinian (1935-1936). Ngày 2 tháng 10 năm 1935, độc tài phát xít Italia Benito Mussolini tiến hành phản công chiếm lĩnh Ethiopia, và ngày 2 tháng 5 năm 1936, quân đội Italia tiến vào Addis Ababa và Hoàng đế Haile Selassie bỏ chạy. Năm 1914, Anh quốc chấm dứt cuộc phiêu lưu này của người Italia và đưa Haile Selassie trở lại ngai vàng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM