Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 06:55:43 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sông Côn mùa lũ  (Đọc 78077 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Trịnh Thanh Nhi
Thành viên
*
Bài viết: 305



« Trả lời #130 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 08:40:34 pm »

Vì vậy, sau khi nhắc nhở Huệ và Châu Văn Tiếp luôn luôn cảnh giác đề phòng mặt nam, Nhạc kéo gần như toàn bộ quân chủ lực ra phía bắc. Bằng bất cứ giá nào, ông cũng phải “rước” cho được Đông cung về Qui Nhơn.

Ông chia quân làm ba đạo: thống suất Diệu, tiền phong Chính, thống bộ Tường chỉ huy hai nghìn quân ở Túy Loan bồ bạn làm thượng đạo, Tập Đình, Lý Tài với hai nghìn quân ở Ba Độ làm trung đạo; Đốc chiến Phong, hổ tướng Hãn với hai nghìn quân ở Hà Thân làm hạ đạo. Để kích thích tinh thần tướng sĩ, Nhạc hẹn ai “rước” được Đông cung sẽ trọng thưởng.

Đông cung thấy mình ở thế nguy khốn, sai một mưu sĩ tên Quí lên thượng đạo liên lạc với Thống Suất Diệu và Thống bộ Tường. Mưu sĩ bảo họ:

- Tuy Tây Sơn hiện nay thắng thế, nhưng các ông nghĩ lại coi: phía bắc có quân họ Trịnh, phía nam có đại binh Gia Định sắp kéo ra, trước mặt sau lưng đều có địch, liệu các ông có giữ được Qui Nhơn không? Nếu các ông không sớm liệu đường, sau này thế nào cũng mang tiếng là quân trộm cướp. Chi bằng nhân cơ hội may mắn này, các ông hãy theo chúng tôi vào nam, liên kết với quân Gia Định để cùng lo việc khôi phục, để tiếng thơm lại cho sử sách. Như thế không phải là bậc quân tử thức thời hay sao?

Cả bọn đều nghe theo. Đông cung vui mừng theo đường thượng đạo bỏ Câu Đê vào nam. Các tướng Tàu Tập Đình, Lý Tài nghe tin cho quân đuổi theo, diệt được bọn phản bội và bắt Đông cung ở Ô Nha. Tập Đình vốn không ưa tất cả những ai liên hệ xa gần với bọn vua chúa, đòi đem Đông cung ra chém ngay. Lý Tài can gián mãi mới cứu được Đông cung. Nhờ thế, Nhạc mới chuẩn bị đầy đủ cờ xí võng lọng đến Hội An “rước” Đông cung về Qui Nhơn.
 
*

*     *


Dân phủ Qui Nhơn được tận mắt trông thấy một ông hoàng bằng xương bằng thịt vào một sáng tháng Tư. Cuộc tiếp đón diễn ra hết sức long trọng. Cờ đỏ phấp phới, rực cả một góc trời. Quân sĩ ăn mặc tề chỉnh, xếp hai hàng ngay ngắn làm hàng rào danh dự từ cửa thành ra đến chùa Thập Tháp. Mũi giáo sáng quắc phản chiếu ánh mặt trời chói chang. Mặt đường được quét dọn từ đêm hôm trước, quân sĩ dàn chào có trách nhiệm lượm hết những lá tre rụng trước mặt mình nên dù ông thầy cúng Chỉ có đi đi lại lại xoi mói kiểm soát nhiều lần cũng không tìm đâu ra một cái rác.

Từ dân cho đến lính bồn chồn, nơm nớp chờ đợi trong im lặng. Không ai dám xì xào một tiếng nhỏ. Sắc cờ đỏ che bớt vẻ sợ hãi trên các khuôn mặt xanh tái, do ám ảnh cuộc hành quyết hôm trước. Chỉ đã cho diễn tập nhiều lần để các nghĩa quân lâu nay quen sống tự do thoải mái chịu đựng được sự câu thúc của nghi lễ. Nhất là những người được lựa chọn sung vào toán dàn chào. Ông buộc họ tập đứng thẳng lưng, mắt nhìn tới trước không được chớp. Tay cầm giáo đưa ngang song song với mặt đất. Môi trên hơi mím xuống môi dưới, vừa để che bớt những hàm răng hô cáu bẩn, vừa đề phòng những nụ cười vô lễ. Cuộc tập luyện căng thẳng quá nên trong lúc tạm nghỉ, một anh lính trẻ tuổi lí lắc đã dại dột nghĩ ra một trò đùa. Lợi dụng lúc các bạn bè còn đứng xếp hàng hai bên đường chưa kịp giải tán, anh quẹt bùn lên mép giả làm râu, choàng lá cờ đỏ lên vai làm áo bào (anh chẳng biết các ông hoàng bà chúa ăn mặc thế nào, chỉ biết một điều là họ không thể mặc quần áo vải xấu màu đen mốc đôi chỗ đã rách mục như anh), đi khệnh khạng trên đường như một thế tử hống hách. Cả đám quân sĩ sau bao ngày dồn nén ồ lên cười đùa như ong vỡ. Anh lính trẻ thích chí, mặt ngếch cao hơn, bộ đi khệnh khạng hơn. Ông thầy cúng Chỉ cưỡi ngựa đến đúng vào lúc anh dùng tay trái che lấy hạ bộ, tay phải đưa lên cao làm dấu phủ nhận, miệng la bai bải: “Không. Không. Ta có cu mà. Ta có cu mà”. Chung quanh anh không còn tiếng cười nói ồn ào! Anh kinh ngạc ngước lên, bắt gặp cái nhìn rắn lục của Chỉ. Anh hãi hùng, miệng há hốc đôi mắt giống y đôi mắt con bò trước khi bị cắt tiết. Chỉ không cần chờ lệnh Nhạc, ra lệnh chém anh lính trẻ ngay tại chỗ để răn chúng. Ông bạo tay như vậy vì hai lý do: thứ nhất, ông không bao giờ cho phép bất cứ ai dám đem chuyện nghi lễ, chỗ dựa êm ái vững chắc của cả cuộc đời ông, ra làm trò đùa trước đám đông; thứ hai, ông có đủ thông minh nhọn bén để biết rằng Nhạc đã dốc hết túi để đặt vào con bài Đông cung, hành quyết tên lính vô phép láo xược sẽ hợp ý Nhạc. Tiếng khóc, tiếng van xin, tiếng rú đau đớn của nạn nhân làm cho mọi người nổi gai ốc. Cảm giác bàng hoàng hãi hùng loang rộng ra, vất vưởng ám ảnh tâm trí từ dân đến lính. Do đó cuộc tiếp đón Đông cung long trọng nghiêm chỉnh quá sức tưởng tượng của Nhạc.

Hai bên đường, tất cả mọi người tò mò mà không vồ vập, tuyệt đối trật tự trong lặng lẽ. Nhạc cưỡi ngựa vào thành trước để chuẩn bị đón rước Đông cung, không tiếc lời ca ngợi Chỉ.

Ông kiểm soát lần chót cách trang hoàng ở chính dinh, lưu ý đám hầu cận một vài lá cờ bị gió quấn vào cột tre, thân ái sửa khăn bịt đầu và cổ áo cho một tên lính gác, vỗ vai chào hỏi một bô lão, rồi cùng với thầy giáo Hiến, Châu Văn Tiếp, Chỉ, Năm Ngạn đi bộ ra cổng thành chờ đón Đông cung Dương.

Đám rước Đông cung đến trước chùa Thập Tháp vào đầu giò tỵ. Đi đầu là tên lính cầm lá cờ đỏ. Đến hai tên lính khiêng trống, người đi sau theo nhịp bước lâu lâu giơ dùi đánh mạnh vào mặt da. Tiếp theo là bốn viên tướng Tây Sơn cưỡi bốn con ngựa ô cao lớn, lưng đeo gươm hông thắt khăn đỏ. Chiếc võng cán chạm trổ phủ màu điều của Đông cung đi sau bốn viên tướng cưỡi ngựa, và đi trước bốn viên tướng khác cũng cưỡi ngựa ô hộ tống. Cuối cùng là toán Hòa nghĩa quân oai vệ cao lớn của Lý Tài.

Đoàn rước vừa bước vào hai hàng quân dàn chào, trống chiêng đua nhau nổi dậy. Cờ đỏ phất cao như đột nhiên có bão nổi. Đặc biệt ngoài tiếng chiêng trống và tiếng cờ phất hoàn toàn không có tiếng cười nói ồn ào hoặc tiếng tung hô tở mở. Đó là điểm thiếu sót duy nhất của cuộc lễ rước, vì do sợ hãi và tò mò, mọi người đã quên lời căn dặn của Chỉ.

Nhưng toán lính dàn chào ngay chỗ cửa thành thì nhớ. Khi chiếc võng của Đông cung dừng lại, tiếng hô “Vạn vạn tuế” vang lên từng đợt. Chiêng trống dồn dập dội đi dội lại quanh mấy lớp thành. Nhạc đến đón Đông cung tận võng. Đông cung xốc lại quần áo, đội lại khăn cho ngay ngắn, dáo dác nhìn quanh như muốn tìm ai đó. Bước chân do dự chưa dám tiến về phía Nhạc. Đông cung tươi ngay nét mặt khi thấy Lý Tài đến gần. Hai người nói với nhau vài câu ngắn, từ xa không ai biết họ nói gì, chỉ thấy Đông cung có vẻ lo âu, còn Lý Tài thì lắng nghe rồi gật gật đầu. Lý Tài dợm bước về phía Nhạc, nhưng kịp ngưng lại, nghiêng người chờ Đông cung đi trước. Nhạc tươi cười nhìn Đông cung tới gần, nụ cười bao dung và thỏa mãn. Sau khi hạ thấp người vái lạy Đông cung, Nhạc lần lượt giới thiệu ông giáo, Năm Ngạn, Chỉ và Châu Văn Tiếp với vị khách quí. Đông cung bẽn lẽn vái chào trả từng người. Châu Văn Tiếp định sụp xuống lạy. Đông cung ngỡ ngàng, nhưng cũng kịp đưa tay ngăn Châu Văn Tiếp, miệng lí nhí cảm ơn. Cuối cùng, Nhạc đưa Đông cung duyệt đoàn lính hầu, rồi vào chính dinh.
Logged
Trịnh Thanh Nhi
Thành viên
*
Bài viết: 305



« Trả lời #131 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 08:42:03 pm »

Sau khi đoàn rước Đông cung đã vào hết trong dinh phủ, tiếng bàn tán cười nói tự nhiên mới òa vỡ ồn ào. Mạnh ai nấy nói, nhất là đám đàn bà con nít. Hầu như đa số gia đình các chức việc cùng lính tráng ở trong phủ được xem mặt một ông hoàng lần này là lần đầu. Cảm tưởng chung của họ là thất vọng. Họ chờ đợi nhiều hơn nữa cơ! Trí tưởng tượng của họ phong phú hơn thực tế nhiều lắm. Những chuyện đời xưa ươm mơ cho họ, vẽ trước cho họ hình dáng một ông hoàng đẹp đẽ mắt phượng mày ngài, hào hoa phong nhã, mặc cái áo bào đỏ cưỡi con ngựa trắng thơ thẩn đi tìm một cô Tấm người Qui Nhơn. Những tin đồn kinh đô thất thủ gần đây điểm thêm cho ông hoàng tưởng tượng ấy nét lạc loài cô độc để làm mủi lòng những tâm hồn phụ nữ đa cảm.

Buổi sáng tháng Tư hôm ấy, sau khi đám rước giải tán, An và Thọ Hương thất thểu ra về, lòng hối tiếc vu vơ. Họ hụt hẫng lâng lâng buồn, như vừa đánh mất một cái gì. Hai người đi bên nhau, chưa ai nói với ai lời nào. Một lúc sau, Thọ Hương mới rụt rè hỏi:

- Chị có mệt không? Trời nắng quá đi mất. Em lại quên đem nón. Biết thế hai chị em mình ở nhà quách!

An thở dài đáp:

- Ừ nhỉ! Đã nóng chết người còn cố chen nhau đến nỗi mồ hôi mồ kê ướt đẫm. Thiên hạ tưởng một ông hoàng phải khác thường lắm hay sao ấy!
Thọ Hương cười, rồi cắn nhẹ vào môi dưới, liếc nhìn An. An bắt gặp nụ cười ranh mãnh của Thọ Hương, đột nhiên cả hai cùng cười xòa,Thọ Hương nói:

- Chị làm như chúng ta không tò mò như thiên hạ. Quần áo chị bèo nhèo thế kia! Có khác ai đâu?

An cãi lại:

- Còn Thọ Hương tóc tai dã dượi, lưng áo ướt cả, cũng như chị mà thôi.
Thọ Hương cười to hơn, rồi bảo An:

- Nghĩa là hai đứa mình cũng là chúa tò mò. Chị An này!

Nói xong, cô do dự, hình như suy nghĩ chưa biết nên nói hay không nên nói. An hỏi:

- Hương định nói gì vậy?

- Em thấy Đông cung sao sao ấy! An cắc cớ hỏi:

- Sao sao là sao?

- Là... là... em cảm thấy, nhưng không diễn tả được. Nghĩa là... nghĩa là không giống như em nghĩ.

- Thế thì dễ. Hương cứ nói em nghĩ gì, rồi đảo ngược lại, tức nhiên thành cái “sao sao” của Hương. Nào, em nói đi.

- Khi rủ chị đi xem rước, em nghĩ Đông cung phải oai vệ rắn rỏi một chút. Sắp làm vua một nước, yếu đuối ai người ta sợ. Phải rắn rỏi như ... như... em chịu, không tìm ra người nào để so sánh cả!
 
- Như cha em được không?

Thọ Hương lắc đầu:

- Không. Cha em lớn tuổi quá rồi, đóng vai thái thượng hoàng hay vai đại thần thì được, chứ vai thế tử phải trẻ hơn kia. Trẻ như chú Tám Thơm chẳng hạn. À, phải rồi, em nghĩ ít ra Đông cung phải rắn rỏi như chú Huệ vậy, nhưng không được. Da chú Huệ hơi ngâm ngâm. Em tưởng tượng Đông cung trắng hơn, vì ở lầu rồng gác phượng, nhưng mạnh bạo cương quyết như chú Tám vậy.

An vội hỏi:

- Sao hôm trước Hương chạy về tìm cuốn thơ cho chị mà không trở lại. Báo hại chị chờ mãi. Mấy hôm sau chị ngại, không dám hỏi. Mà Hương cũng quên luôn!

- Em về lục tìm mãi không thấy đâu. Em chạy hỏi mẹ. Mẹ em nói nhiều điều kỳ lắm kia. Em giận dỗi bỏ không ăn cơm.

An lo lắng hỏi:

- Mẹ em nói gì thế?

Thọ Hương biết mình nói hớ, nên tìm cách trả lời sai sự thực cho khỏi xúc phạm An:

- Mẹ em... mẹ em rầy bảo không được lục lạo đồ đạc của cha. Mẹ em còn bảo quí gì ba quyển giấy cũ mà ồn ào cả lên!

An thấy đau nhói trong lòng, mắt cay cay vì hối tiếc. Cô muốn tránh chuyện đau lòng, cố mỉm cười thật lớn hỏi Thọ Hương:

- Nhưng em đi lạc rồi. Lúc nãy ta đang nói chuyện Đông cung cơ mà!

Hương nghĩ Đông cung phải rắn rỏi oai vệ, nghĩa là Hương thấy Đông cung yếu ớt bạc nhược quá. Phải thế không?

Thọ Hương ngần ngừ:

- Không hẳn thế. Ông ta cũng có vẻ chững chạc đấy chứ! Nhưng lúc bước xuống võng, ông ta háy háy cặp mắt thế này này, rồi lơ láo nhìn quanh như người vừa ngủ dậy. Ông ta không mạnh bạo bước về phía cha em ngay, mà phải chờ đi với Lý tiên sinh. Cách đi lại hơi... hơi thế nào nhỉ?

- Hơi giống như đàn bà đi chợ, đánh hàng xa như thế này này, chân bước xiêu xiêu khi ngả phía này khi ngả phía kia như thế này này, đúng không?
Thọ Hương thích chí vỗ tay khen:

- Đúng lắm. Chị có tài bắt chước thật.
Logged
Trịnh Thanh Nhi
Thành viên
*
Bài viết: 305



« Trả lời #132 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 08:42:58 pm »

- Em nhận xét cũng đúng. Nhất là em bảo Đông cung hấp háy mắt dáo dác nhìn quanh như người vừa thức dậy.

Về phần ông giáo, ông cũng hơi thất vọng khi gặp hoàng tôn như An và Thọ Hương, nhưng tính chất của thất vọng khác đi. Gần mười năm ông mới gặp lại hoàng tôn Dương. Lúc còn là bạn của quan nội hữu Trương Văn Hạnh ở kinh đô, hoàng tôn Dương chỉ mới là một đứa bé chưa có cá tính riêng, chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ tư chất đặc biệt của một nhân tài. Có thể nếu chú ý quan sát, ông đã thấy Phúc Dương khác với những ông hoàng bé trong cung. Nhưng hồi đó ông và Y đức hầu dồn hết sức xây dựng cho Chương Võ, đặt hết hy vọng cải cách triều chính vào ông hoàng trên hai mươi tuổi ấy. Bạn ông bị tên Trương quốc phó hãm hại, gia đình ông lánh nạn vào Qui Nhơn, thì những lời đồn đãi tán tụng về đức thuần hậu của hoàng tôn mới được lưu truyền trong giới kẻ sĩ. Sự bất mãn đối với tên gian thần càng tăng, thì hình ảnh hoàng tôn càng được tô vẽ, trau chuốt đẹp đẽ. Lâu ngày lời đồn trở nên huyền thoại, trở nên một niềm mơ ước vô vọng và một lần nữa thêm đẹp đẽ nhờ sự vô vọng ấy. Trường hợp ông giáo cũng đặc biệt: giới sĩ phu thù ghét Trương Phúc Loan do những ý niệm trừu tượng như nhân nghĩa, trung quân, thành tín, liêm khiết v.v... còn ông thì ghét sâu cay vì là nạn nhân trực tiếp của Quốc phó.

Căn dễ của lòng căm thù không là ý niệm mơ hồ, mà là sự đe dọa đến chính mạng sống, cuộc đời lánh nạn cay cực lưu lạc, cái chết của vợ, số phận chìm nổi của các con. Ông nuôi huyền thoại hoàng tôn thành ý nghĩa của đời ông, mục đích tối thượng của sự sống. Hằng đêm ông thấy hoàng tôn lớn lên, trưởng thành trong đau khổ như ông, rắn rỏi mạnh mẽ nhờ dày dạn trường đời. Ông cho hoàng tôn nói, cười, đi đứng, suy nghĩ y như cái hình mẫu đấng minh quân trong sách nho, đầy đủ các đức độ tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Lo trước cái lo của mọi người, vui sau cái vui của mọi người... ngày đêm chăm chắm lo âu làm sao cho sáng cái đức sáng, thương yêu dân và biết dừng ở nơi toàn thiện...

Mười năm lưu lạc và mơ ước trôi qua, giờ đây ông gặp lại mẫu người lý tưởng của đời ông, thấy huyền thoại sống động đầy đủ mặt mũi da thịt. ông giáo đã thấy gì vào sáng tháng Tư? Ông đã thấy một con người bình thường!

Vâng, rất bình thường. Trắng trẻo như bao nhiêu người quen sống ở nơi nhung lụa, dáng điệu chậm rãi kiểu cách theo lối các ông hoàng, ngơ ngác trước hoàn cảnh xa lạ bất trắc; uể oải sau một chặng đường vất vả! Một người lâu nay giới sĩ phu đặt hết niềm tin tưởng hy vọng, bây giờ ông giáo đã thấy vẫn là một người bình thường. Nhưng cái khác thường chỉ do ông tô vẽ trong tâm tưởng mà thôi!

Ông giáo được Nhạc giới thiệu một cách hết sức trân trọng với Đông cung. Nhạc trỏ ông giáo, tươi cười nói:

- Đây là thầy giáo Hiến, bạn thân của quan nội hữu Ý đức hầu, kẻ thù của Trương Tần Cối, vị cố vấn tài ba của chúng tôi. Chính thầy giáo là người đã dùng cả mạng sống của mình để thuyết phục tôi, kiên nhẫn ca tụng các đức độ của Ngài với bất cứ ai, ở bất cứ chỗ nào. Chưa có ai say mê Ngài cho bằng thầy giáo. Và bây giờ, tôi mới thấy thầy giáo có lý.

Ông giáo rùng mình vì những lời ca tụng đó, vì thấy trong nhận định của Nhạc, số phận của ông cột chặt với số phận của Đông cung. Nhưng rồi đây cuộc đời Đông cung sẽ đi về đâu? Đông cung có vượt lên khỏi được cơn bão đang và sắp làm rung chuyển cả đất nước này không? Khoảng thời gian ngắn quan sát Đông cung từ lúc bước xuống võng đến lúc đứng trước mặt ông, đã quá đủ để thầy giáo đo lường chiều cao nhân vật lịch sử này. Một người bình thường. Như mọi người. Đông cung nghe Nhạc nói mà nét mặt không xúc động, cười cảm ơn tri ngộ mà không vui, đôi mắt lơ láo ngỡ ngàng lâu lâu lại nhìn về phía Lý Tài để lấy thêm tự tin. Ông giáo ghi nhận thêm nước da tái xanh, và cái tật hay chớp chớp con mắt phải. Không hẳn là con người bình thường. Ai chẳng là người bình thường! Ông giáo cảm thấy ngao ngán lòng khi tìm đúng được thuộc từ cần thiết: “tầm thường”. Phải, chỉ là một người tầm thường mà thôi!

*

*     *


Sau buổi lễ long trọng tổ chức tại sân tập trong vòng thành phủ để Đông cung chính thức ra mắt trước công chúng, Nhạc mời Đông cung về chính dinh để bàn về một “quốc sự” khẩn cấp.

Một lần nữa, ông giáo thất vọng vì Đông cung!

Trong cuộc hội kiến, Nhạc dùng giọng đanh thép giận dữ bảo Dương:

- Xin báo cho Ngài một tin quan trọng, đáng mừng hay đáng buồn là tùy ở Ngài: Chúng tôi vừa nhận được tin Tống Phúc Hợp đã chiếm Xuân Đài.

Nhạc dừng lại, nhìn chăm chăm vào Dương để dò phản ứng, Dương bối rối tránh nhìn Nhạc,từ đó đến cuối cuộc hội kiến cứ ngước nhìn lên trần dinh, nét mặt chán chường bất động.

Nhạc tằng hắng rồi nói tiếp:

- Tôi nghĩ Ngài có đủ chín chắn để không vội mừng. Ngược lại, đây là một tin buồn cho Ngài. Duệ Tôn đối với Ngài thế nào, Ngài đã rõ. Không phải vô cớ mà Duệ Tôn nổi lòng hào hiệp nâng Ngài lên làm thế tử, và giao hết binh quyền, trách nhiệm phủ Quảng Nam cho Ngài. Tôi biết rõ, và Ngài cũng biết rõ, là cây cột đủ sức chống đỡ cho dinh Chàm khỏi đổ không ai khác ngoài Nguyễn Cửu Dật. Hắn có nhiều kinh nghiệm chiến trận, lại quen địa thế Quảng Nam. Không biết Duệ Tôn đã giải thích với Ngài thế nào để đem Nguyễn Cửu Dật vào Gia Định, thay vào đó là tên bại tướng Nguyễn Cửu Chấn. Dật vào đó để đem quân ngũ dinh ra tấn công Qui Nhơn ư? Gia Định thiếu gì tướng tá. Vả lại đại quân của Tống Phúc Hợp đã đóng ở Hòn Khói rồi. Chẳng lẽ giật chức của Hợp để giao cho Dật! Chọn một viên tướng tài theo hộ giá ư? Tạm cho như vậy đi. Nhưng tại sao Nguyễn Cửu Dật và Nguyễn Phúc Kính lại không vào nam trên cùng một thuyền với Chúa, hoặc thuyền trước thuyền sau khởi hành cùng một ngày? Chắc Ngài chưa biết điều quan trọng này? Đó là Nguyễn Cửu Dật và Nguyễn Phúc Kính đã bị bão vùi thây trong bụng cá hôm 18 tháng Hai, lúc đó Duệ Tôn đang ghé Hòn Khói để phong cho Tống Phúc Hợp làm Tiết chế Kinh quận công, Nguyễn Khoa Toàn làm tham chính. Giao cho Ngài và cái dinh Chàm sắp nát sau khi đã chặt lìa cây cột chống Nguyễn Cửu Dật đi, ghé Hòn Khói phong Tiết chế cho Tống Phúc Hợp đồng thời dìm Dật và Kính xuống biển đông, Ngài xem, Trương Phúc Loan lập Duệ Tôn làm chúa ít ra cũng biết chắc Chúa là người đồng tâm đồng khí. Tôi không hiểu thái độ của Chúa lúc Dật và đám quần thần lưu vong ép Chúa phong cho Ngài làm Đông cung ra sao? Chắc chắn Ngài còn nhớ. Tôi cũng đủ trí khôn để đoán được! Tống Phúc Hợp đã từ Hòn Khói kéo ra Xuân Đài. Ngài nên vui hay nên buồn là tùy Ngài. Không ai cho không chức Tiết chế mà chẳng đòi hỏi thứ gì! Với Dật thì đích thân Chúa ra tay, nhưng với Ngài thì...
Logged
Trịnh Thanh Nhi
Thành viên
*
Bài viết: 305



« Trả lời #133 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 08:43:41 pm »

Nhạc cười nhỏ, không nói tiếp:

Đông cung không thể giả vờ thản nhiên được nữa. Dương sợ hãi nhìn quanh, giống y vẻ mặt một kẻ phạm tội trước giờ hành hình muốn tìm chỗ trốn. Nhạc thỏa mãn ngắm Dương lo sợ. Ông cười lần nữa, hỏi Dương:

- Ngài muốn tìm Lý tiên sinh ư? Tiếc quá, ông ấy đã được lệnh về gấp Quảng Nam. Quân Trịnh đã rục rịch vượt qua đèo Hải Vân. Chỗ của ông ấy không phải ở đây. Nghề của Lý tiên sinh là đánh giặc chứ không phải làm vú em.

Đông cung xanh xám nét mặt, không hiểu do giận dữ hay sợ hãi. Ông giáo bất nhẫn không dám nhìn khuôn mặt bạc nhược thất thần như mặt tử thi ấy!

*

*     *


Nửa tháng sau lại có tin quân Tống Phúc Hợp bắt đầu rời Xuân Đài tiến ra phủ Phú Yên (bấy giờ đóng tại sông Cầu). Nhạc vừa lo âu vừa tức giận, hỏi ông giáo:

- Sao lạ thế? Ông Tiếp với thằng Huệ làm ăn cái gì mà cứ lùi, lùi, lùi. Ông Huyền Khê coi như mất tích, không biết sống chết thế nào. Trạm đèo Cả vỡ tôi không ngạc nhiên. Nhưng phía ngoài này có ông Tiếp và Huệ án ngữ. Tại sao thế?

Ông giáo lo cho Lãng và huệ, vội vã hỏi:
 
- Có tin gì của anh Huệ không?

Nhạc ray rứt bực dọc, đưa ngón tay lên quệt mũi, trả lời:

- Không. Tôi chắc bên trong có trục trặc gì đó mà ta chưa hiểu. Cũng do mình không cương quyết ngay từ đầu. Mình không có lực lượng ở Phú Yên, giao hết trong đó cho ông Tiếp. Chuyện trên trời dưới biển gì ông Nhật cũng biết cả, ngoài chuyện nội bộ của căn cứ Trà Lạng (căn cứ của Châu Văn Tiếp). Nếu ta mạnh tay ngay từ đầu như đối với Nguyễn Thung, chắc bây giờ đỡ phải rắc rối.

Ông giáo nhớ đến thái độ Châu Văn Tiếp hôm hội kiến căng thẳng, nói với Nhạc:

- Hôm trước ông hơi nặng lời với Đông cung. Đã đành phải nói như vậy để Đông cung dứt khoát về phe mình, nhưng cách nói có vẻ... có vẻ.

Nhạc cắt lời ông giáo:

- Có vẻ đốp chát chứ gì. Tôi cố ý như vậy. Không thể để cho anh ta ôm mộng trông chờ quân ngũ dinh được.

Ông giáo nói tiếp:

- Nhưng thang thuốc công phạt thường tạo các dị ứng. Tôi chú ý đến nét mặt Châu Văn Tiếp hôm ấy, thấy ông ta hầm hầm giận dữ. Ông có thấy Tiếp định sụp xuống lạy Đông cung hôm đám rước không?

Nhạc ngạc nhiên hỏi:

- Thật thế à?

- Đúng thế. Sở dĩ Tiếp thuận đưa quân trà Lạng ra tăng cường cho Quảng Nam chỉ vì nghe trại chủ bảo cần lực lượng lớn để đi rước Đông cung. Sau cuộc hội kiến hôm trước, ông Tiếp lặng lẽ về Phú Yên không chào ai cả. Có thể vì vậy mà quân Tống Phúc Hợp cứ tiến, tiến, tiến, gặp rất ít trở ngại.

- Còn đạo quân của thằng Huệ đó làm gì?

- Một mình anh Huệ không thể cự nổi Tống Phức hợp. Địa thế Phú Yên, nhất là đường thượng đạo, Chầu văn Tiếp còn đám bộ hạ người Đồng Xuân của ông thuộc lòng như kẽ bàn tay. Thiếu phối hợp giữa ông Tiếp với anh Huệ, thì tuyến phòng vệ trở nên lỏng lẻo.

Nhạc đột nhiên nổi giận. Mặt ông xám thêm. Nhạc nói:

- Thầy quanh co một hồi, cuối cùng cũng đổ trách nhiệm mất Phú Yên lên đầu tôi. Thầy bảo chỉ vì tôi không tôn kính Đông cung thành thật nên Châu Văn Tiếp bất mãn, từ đó phối hợp mặt trận phía nam lỏng lẻo, đưa hết thất bại này đến thất bại khác. Tôi hiểu thầy chăm chắm đến sự tôn phò. Thầy là nhà nho đầu óc lúc nào cũng lo lắng chữ trung. Nhưng thầy nghĩ lại coi, cả Duệ Tôn lẫn Đông cung ngoài mặt thân thuộc nhưng bên trong thù hận nhau đến mức nào! Mà cả hai có đáng gì đâu! Tôi nhún mình vái lạy mà xương sống nhất định không thèm cong, đầu gối không chịu quì, là vì anh ta chẳng đáng gì. Chẳng lẽ đến phút này mà tôi còn dấu sự thực với thầy! Cái thằng lính lí lắc bị ông Chỉ chém oan đó, ta nên lập miếu thờ cho nó. Nó trẻ tuổi thấy sự thật, không quen nói ngược nói dối. Phải, nó giễu cợt cái thằng không có cu” là có lý!

Ông giáo vội thanh minh:

- Ông cả, xin lỗi tôi không gọi trại chủ mà gọi ông cả là vì hai ta thân tình với nhau từ lâu rồi, không nên khách sáo e ngại lẫn nhau. Ông hiểu lầm tôi rồi. Tôi không mù quáng như Châu Văn Tiếp đâu. Tôi cũng hiểu giá trị bọn vương hầu, ai xứng đáng, ai không xứng đáng. Ông thấy đấy, tuy lúc nào tôi cũng nhắc nhở ông chuyện tôn phù, nhưng hôm đám rước, tôi không định sụp lạy như Tiếp. Đông cung Dương là một người hiền đức lời đồn đãi có lẽ đúng. Nhưng muốn lái con thuyền vượt qua cơn sóng gió dữ dội này thì hiền đức chưa đủ. Phải có tài năng quyền biến, chí khí cao, nhẫn nại lớn. Những cái đó ông có thừa. Hiện nay Đông cung không thể thiếu ông, mà ông cũng phải cần đến Đông cung. Đã cần, thì phải đối xử như khách quí chứ đừng đối xử như thằng tù. Ít được cơ hội nói thẳng nói hết với ông như hôm nay, nên chắc tôi có quá lời. Xin đừng giận tôi, ông cả!

Nhạc hơi nguôi giận, nhưng nét mặt vẫn giữ vẻ đăm chiêu. Ông giáo yên lặng chờ lời giải hòa của Nhạc, để xóa tan nỗi nghi ngại nguy hiểm trong các cuộc giao tiếp sau này. Nhạc suy nghĩ lung lắm, cuối cùng ngước nhìn ông giáo, nói nhỏ nhẹ:

- Tôi xin lỗi thầy. Chỉ vì tôi lo cho thằng Huệ quá, mất cả bình tĩnh. Lâu nay tôi dồn hết lực lượng ra mặt bắc, phía nam chỉ có một mình nó cáng đáng. Trách nhiệm lớn, nó lại không được toàn quyền quyết định vì là đất của ông Tiếp. Không hiểu có việc gì không?
Logged
Trịnh Thanh Nhi
Thành viên
*
Bài viết: 305



« Trả lời #134 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 08:44:23 pm »

Nỗi lo lắng cho Huệ khiến ông giáo và nhạc gần gũi nhau hơn. Ông giáo cảm động, nói với Nhạc:

- Ông đừng quá lo. Tôi dạy anh Huệ bao năm, tôi biết. Anh ấy không phải là kẻ dễ dàng chịu thua cuộc. Trí thông minh và ý chí anh ấy thật khác thường. Rồi ông cả xem, mặt trận phía nam còn yên tĩnh hơn cả phía bắc là nhờ anh Huệ. Tôi đoán người ít khi lầm!

Nhạc chợt nhớ đến Lãng, hỏi ông giáo:

- À, tôi quên khuấy đi mất. Lãng nó ở chung với Huệ mà! Tôi vô ý chỉ lo cho thằng Huệ mà không nhắc đến thằng Lãng. Lâu nay nó có viết thư về không, thầy?
 
- Ít lắm. Viết vài dòng cho biết vẫn thường, thế thôi!

*

*    *


Tình thế ở phía nam càng ngày càng xấu. Quân bộ của Hợp ở Xuân Đài, quân thủy ở vũng Lấm cứ lấn dần ra phía Qui Nhơn, uy hiếp phủ Phú Yên tại sông Cầu. Có lẽ để uy hiếp tinh thần phe địch nên tháng Năm Ất Tỵ,Tống Phúc Hợp sai viên tri huyện Đồng Xuân là Bạch Doãn Triêu và cai đội Thạc ra hỏi tội Nhạc, đòi Nhạc phải trả lại Đông cung.

Sứ giả đến vào lúc Nhạc chuẩn bị đem thêm quân ra Quảng Nam tiếp ứng cho Tập Đình, Lý Tài chống lại quân Trịnh. Nhạc bối rối chưa biết phải xử trí thế nào. Ông biết đây chỉ là cớ để Hợp khiêu chiến. Hắn muốn đánh nhau hả? Ta đã sẵn đây! Việc gì phải tìm cớ! Muốn tìm hả? ta chém quách tên tri huyện và gửi trả đầu cho Xuân Đài! Nhưng cái khó ở đây là Đông cung. Hợp đòi Đông cung, ở chỗ thiên hạ bốn phương chăm chăm nhìn vào, một cái gật đầu lắc đầu của Đông cung cũng đủ tạo ra nhiều hậu quả lớn. Nhạc vội sai lính mời ông Chỉ lên căn dặn cách bố trí dinh tiếp sứ, rồi mời ông giáo lên hỏi:

- Những điều chúng ta đoán trước đều đúng cả. Hợp vừa cho người ra đòi trả Đông cung. Ta phải làm gì đây?

Ông giáo hỏi lại:

- Trại chủ có định trả không?

Nhạc cười gằn, đáp:

- Sao thầy hỏi thế! Trả sao được!

Ông giáo lại hỏi:

- Theo ông thì Đông cung có muốn về với Hợp không? Nhạc do dự, rồi đáp:
 
- Cái đó tôi không biết chắc. Hôm trước nghe tôi nói, anh ta có vẻ sợ. Nhưng những người ba chìm bảy nổi thường kín đáo, dè dặt, khó lường trước hành động của họ lắm.

- Như vậy ngay tối nay, phải làm thế nào để Đông cung sợ không dám công khai đòi về với Tống Phúc Hợp.

- Việc này khó khăn và tế nhị. Tôi xin nhờ thầy giúp cho. Tôi nói không tiện.
Ông giáo vui lòng đến gặp Đông cung. Cùng dùng một lập luận với Nhạc hôm hội kiến, nhưng ông giáo nói khéo hơn, dẫn dụ cho Dương tự mình thấy được thế nguy hiểm của mình. Ông thêm thắt sự hống hách láo xược của viên tri huyện, không chút do dự, vì biết trước thế nào ngày mai hắn cũng tỏ ra hống hách láo xược. Ông lưu ý vai vế thấp kém của sứ giả, điều đó chứng tỏ trước mắt Hợp, ông hoàng bị cầm tù chỉ đáng tương xứng với viên tri huyện của một vùng đất thưa dân, nghèo của. Ông nhắc lại nhiều lần thâm ý của Duệ Tôn, giao phủ Quảng Nam bị vây khốn tứ phía cho Đông cung, sau khi đã đem đi viên tướng giỏi nhất. Nhắc lại cuộc hội kiến đáng ngờ giữa Duệ Tôn và Tống Phúc Hợp ở Hòn Khói.

Ông giáo đã hoàn thành công việc Nhạc giao phó.

Sáng hôm sau Nhạc tiếp sứ giả ngay tại chính dinh. Chỉ đã vâng ý Nhạc đặt ngay giữa phòng một cái bệ cao dành riêng cho Đông cung, mặt quay về hướng nam. Nhạc và Chỉ, Năm Ngạn, Nhật, ông giáo đứng hầu bên trái; Nguyễn Phúc Chất, Nguyễn Phúc Tịnh theo hầu Đông cung từ hồi ở Câu Đê đến nay thì đứng bên phải. Sau vài lời xã giao nhạt nhẽo, tri huyện Bạch Doãn Triêu lớn tiếng nói:

- Hai chúng tôi vâng lệnh quan Tiết chế ra đây có nhiều việc phải bàn với các ông. Không có thì giờ đãi bôi chuyện mưa nắng nữa. Quan Tiết chế truyền...

Nhạc giơ tay cắt lời viên tri huyện láo xược, dằn cơn giận, chậm rãi đĩnh đạc nói:

- Tướng sĩ ngũ dinh ngàn dặm đến lo việc cần vương, thật là trung nghĩa lắm. Nay chúng ta đã trừ được tên Quốc phó Trương Phúc Loan. Việc lớn còn lại là rước lập hoàng tôn, công việc này quá trọng đại, một mình chúng tôi sức yếu, hiểu biết ít, chắc chắn không thể kham nổi. Sẵn có quí vị cất công ra đây, chúng tôi xin bàn với tướng sĩ.

Bạch Doãn Triêu thấy Đông cung ngồi chễm chệ trên bệ cao, Nhạc và bộ hạ đứng thấp khép nép bên trái, hai quan lớn thân cận hộ vệ bên phải, hoang mang chưa biết phải xử trí thế nào. Chợt nhớ lời căn dặn của Tiết chế, viên tri huyện bạo dạn hơn, mỉm cười hỏi Nhạc:

- Minh công có lòng lo lắng như vậy, nghe rồi mới đến đây, sao lại không vâng. Nhưng nếu quân của ngũ dinh kéo ra, minh công sẽ cho trốn ở đâu?
Nhạc mím môi suy nghĩ, rồi quay về phía bệ Đông cung lễ phép thưa:

- Lệnh trên ban xuống thế nào, chúng tôi xin răm rắp tuân theo. Bấy giờ Đông cung mới hốt hoảng, hai đầu gối khép lại, thu nhỏ người vào một góc bệ. Dương chồm ra phía trước, hết nhìn Bạch Doãn Triêu lại nhìn Nhạc, như trách móc tại sao hai bên đôi co sinh chuyện làm gì để buộc Đông cung phải phân xử. Mà phân xử thế nào đây? Đông cung nhìn Nguyễn Phúc Tịnh cầu cứu. Rồi đến Nguyễn Phúc Chất. Hai viên đại thần quá quen với cách xử trí khôn ngoan vào những lúc phế hưng bất trắc, nên làm ngơ như không hiểu Đông cung muốn gì. Vô vọng, bực dọc, cuối cùng Đông cung nói:

- Các khanh tùy đó mà liệu với nhau!

Màn kịch bất đắc dĩ kết cuộc. Nhạc lại phải đi ngay ra Quảng Nam cho kịp đúng đường trạm.
Logged
Trịnh Thanh Nhi
Thành viên
*
Bài viết: 305



« Trả lời #135 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 08:53:25 pm »


Chương 30

Thọ Hương hí hửng tìm An, đưa một gói giấy ra, nói:

- Đố chị thứ gì trong này?

An định chụp cái gói giấy nhưng Thọ Hương cười to, chạy ra xa, gói giấy đưa lên quá tầm cao của An. An thấy lòng vui vui, hy vọng vu vơ e dè. Cô làm mặt tỉnh, nói với Thọ Hương:

- Thứ gì thì mở ra khắc biết ngay. Chị có nói đúng cũng chỉ do may rủi, chứ được gì đâu!

Thọ Hương nghiêm nét mặt, đưa gói giấy cho An:

- Của chị đấy!

Bấy giờ lòng An mới nổi lên rộn rã. Có lẽ mình đoán đúng. Nhưng biết đâu! Nếu đoán sai có phải tẽn tò với con bé không! An làm ra vẻ thờ ơ, lãnh đạm bảo Hương:

- Thọ Hương đừng đùa tội nghiệp chị. Có ai gửi quà cho chị đâu!

Thọ Hương thất vọng vì vẻ lãnh đạm bất ngờ của An, giận dỗi nói:

- Của chị em mới đưa chứ! Của chú Tám gửi chị mà!

An nghẹn lời, muốn ngộp thở. Cô không ngờ tuy đã đoán trước được một lần, lúc biết chắc sự thực, cô có thể xúc động đến độ ấy. Vẫn còn chưa dám tin trước một hạnh phúc quá lớn. An hỏi:

- Có thật của chú Tám Hương không? Ai đem về đấy!

Hương đáp:

- Quyển sách hôm trước chú gửi cho chị đấy. Hôm qua em chờ cha lên ngựa xong, lấy bạo vào phòng cha lục một lần nữa. tìm kiếm cả buổi không thấy gì. Chị biết không, em áy náy chưa tìm ra cho chị thì mỗi lần gặp chị, em có cảm tưởng mình còn mắc nợ chị. Cho nên em quyết tìm cho ra. Cuối cùng, chị biết em tìm thấy nó ở đâu không? Trên đầu tủ chè. Cha em vất trên đó. Í, em quên, có cha em cất trên đó để lại cho thầy nhưng quên đi. Em tìm lá thư ngắn kèm theo cuốn sách mà không thấy. Kìa, chị mở dây ra đi. Làm gì như người mất hồn thế!

An suy nghĩ về mấy lời nói hớ của Thọ Hương “Cha em vất trên đó”, lo âu đau xót cho những trở ngại, những dang dở, những tuyệt vọng có thể đến sau này. Thọ Hương nhắc, An mới giật mình nhớ đến gói quà. Cô mở sợi dây chỉ điều. Bên trong, là một tập thơ Đỗ Phủ in trên giấy hồng đào, bìa bọc gấm. Trên trang đầu có in tên một thư các bên Trung Hoa, và triện của Trần Vũ Bình Khang đóng đỏ chói.

Thọ Hương líu tíu hỏi:

- Đẹp quá hả chị! Chắc là quí lắm hả chị. Coi thứ giấy họ dùng kìa! Mịn và dai quá đi mất! Họ có đề giá tiền không chị.

An xem kỹ hai bìa, rồi đáp:

- Không. Vì đây là ấn bản cho thư các một dòng họ quí tộc bên Trung Hoa, nên không đề giá bán. Họ cần gì tiền mà bán sách. Không hiểu vì sao tên tuần phủ Bình Khang kiếm được quyển sách này!

Thọ Hương có vẻ thất vọng:

- Thế thì trị giá của nó là bao nhiêu?

An thương hại nhìn Hương, chậm rãi đáp:

- Khó mà nói cho trị giá của nó. Những dòng thơ này là máu, là nước mắt, suốt cả đời chìm nổi của Đỗ Thiếu Lăng. Đối với một người hiểu thơ thì cuốn sách không lấy gì định giá được, vì nó còn quí hơn cả một đời người. Đỗ Thiếu Lăng chết lạnh trong một chiếc thuyền rách trên quãng đường từ Đàm Châu đến Nhạc Dương, thân xác rữa nát mà đời vẫn còn biết tên là nhờ cuốn thơ này. Nhưng đối với những kẻ ngu phu thì không đáng một thanh gỗ thông nhen lửa. Thật vậy, vì đem nhen lửa loại giấy này cháy không tốt bằng gỗ thông.

- Chị nói em chẳng hiểu gì cả. Nào “thiếu lăng” với lại “đủ lăng”. Chị nói gọn cho em biết đi. Nếu gặp lúc túng đói, đem cuốn sách này ra đổi được mấy bát gạo?

An cả quyết đáp:

- Không đổi được bát gạo nào đâu!

- Trời ơi! Vậy thì chú Tám lẩn thẩn quá. Để vài bữa chú về, em phải trách chú mới được!

An hồi hộp đáp:

- Vài bữa nữa chú về? Ai bảo em thế?

Thọ Hương ngạc nhiên hỏi lại:

- Thế chị chưa biết sao?

- Biết cái gì?

- Chú Tám Thơm với cậu Lãng sắp về đây. Lính trạm chạy về báo trước tối hôm qua..

An sung sướng đến nóng ran cả mặt. Cô thắc mắc tự hỏi tại sao những việc tối quan trọng như vậy mà không ai cho An biết cả, An chỉ biết qua những dịp vô tình. An quên rằng so với tin tức quân Trịnh đã vượt qua đèo Hải Vân và quân Tống Phúc Hợp đã ra quá Xuân Đài, thì cái tin Huệ về hay không về chỉ là hạt bụi. Thọ Hương mãi suy nghĩ chuyện riêng, không chú ý đến nét xúc động của An. Chờ không thấy An nói gì, Hương tưởng cái tin Huệ về không có gì đáng nói, bèn quay sang chuyện khác. Hương cắn lấy môi dưới, bẽn lẽn liếc An, định nói điều gì nhưng còn xấu hổ do dự. An ngước lên hỏi:
- Em định nói gì mà ấp a ấp úng thế?
Logged
Trịnh Thanh Nhi
Thành viên
*
Bài viết: 305



« Trả lời #136 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 08:54:29 pm »

Thọ Hương chối:

- Có gì đâu!

- Thế tại sao em lại đỏ mặt?

- Em đỏ mặt hồi nào. Em chỉ tức cười thôi. Chị An này!

- Cái gì?

- Chiều hôm qua em thấy Đông Cung đi rửa mặt.

An bật cười:

- Tưởng chuyện gì lạ. Đông Cung đi rửa mặt mà em kể như chuyện trời sập.

Thọ Hương cãi lại:

- Em thấy là lạ sao đấy. Đầu tiên em nghe Đông Cung gọi thằng lính hầu, giọng trọ trẹ như giọng của cha chị vậy. Dĩ nhiên là thanh và mạnh hơn. Gọi hai ba lần không thấy ai thưa cả. Có lẽ thằng lính hầu bận việc gì đó. Em lén nhìn, thấy cửa sau xịch mở, rồi Đông Cung cầm cái thau ra phía chỗ ang nước. Lúc rửa mặt, Đông Cung vừa dùng cả hai tay vốc nước lên vuốt vào mặt vừa thở phì phò. Trông lạ lắm. Em cứ ngỡ các ông hoàng bà chúa phải có gì khác thường chứ!

An tinh nghịch nói:
 
- Sao lại không khác thường. Thọ Hương không nghe người ta gọi Đông Cung là chị Dương sao? Hai cô gái cùng đỏ mặt, bụm miệng cười ngặt nghẽo. Thọ Hương đấm thùm thụp vào lưng An, nói:

- Chị này quỉ quái lắm! Em không nói chuyện với chị nữa.

*

*     *


Huệ và Lãng về Qui Nhơn đúng vào lúc tin thất bại ở Cẩm Sa dồn dập bay về. Cả phủ xao động, dáo dác. Những người vợ lính chạy đi hỏi tin tức thân nhân, mặt mày ai nấy đều hớt ha hớt hải. Những tin đồn thường bi thảm hóa tình hình thực tế, và những người mẹ người vợ tin những lời đồn đại đó hơn các lời trấn tĩnh của ông Vịnh, phụ trách việc quân của Tây Sơn. Một tin đồn nguy hiểm suýt làm náo động cả phủ là ông Vịnh vừa nhận được một danh sách ghi đầy đủ những người tử trận hoặc mất tích trong trận Cẩm Sa để báo tin cho gia đình, nhưng không biết vì cớ gì, Vịnh giấu đi.

Tin ấy lan nhanh như lửa gặp gió. Ban đầu chỉ cò vài người thân thuộc của Vịnh đến hỏi. Vịnh, và cả vợ nữa, giải thích, cải chính, trấn an, vỗ về, an ủi... Đưa tất cả cái gì thiêng liêng nhất đời ra thề rằng không nhận được bản danh sách đó. Họ đưa được người này ra khỏi cửa, thì người khác đến. Dần dần số người tụ tập quanh nhà mình đông thêm, Sau đó bọn tò mò hiếu kỳ, bọn ngồi lê đôi mách cũng nhập bọn. Góc phủ náo loạn. Không khí xào xáo kích động dễ dàng những tâm hồn dao động hớt hải. Những bà cụ già bắt đầu thút thít, kể lể. Vài bà vợ lính bù lu bù loa, bứt tai bứt tóc. Cơn điên loạn truyền nhiễm đám đông. Người ta xô ngã vào nhà ông Vịnh. Người ta la ó, chửi rủa, than khóc... Nếu Bùi Văn Nhật không đem đội cấm quân đến giải tán một cách cương quyết thẳng thừng, không kiêng nể ai, thì chắc “cuộc dấy loạn” nho nhỏ ấy còn lan rộng nữa. Huệ tìm gặp ông giáo giữa lúc xao xác hỗn loạn đó!

Ông giáo tìm được người tri âm, giữ Huệ lại nói hết những ray rứt lo âu của mình:

- Anh thấy không! Tại sao lại phải đến nông nổi này! Tất cả đều hỗn loạn, quay cuồng điên đảo. Tất cả đều là tiếng khóc, đều là tang thương, côi cút, góa bụa. Ta phá tan tành cái cũ mà chưa biết làm nên cái mới ra sao, nên mọi người trở thành dân xiêu dạt, trên đầu không có mái che. Dường như đất ở dưới chân ta bắt đầu lay động. Những người dân đen khốn khổ, vì họ mà ta khởi dậy, vì họ mà cực nhọc vào sinh ra tử, anh thấy đó, họ vẫn cứ khổ, mắt họ còn chan hòa nước mắt. Da họ nhăn, những đứa bé còn lơ láo đói khát. Cuộc hỗn loạn này không phải là điều vô tình. Nó là tiếng chuông cảnh tỉnh, sự nhắc nhở muộn màng nhưng nếu ta chịu khó lắng nghe, tiếng chuông đó vẫn còn có ích. Giữa anh và tôi, chắc anh không nỡ giấu làm gì. Phía bắc mặt trận Cẩm Sa đã vỡ. Tôi nghe ông Vịnh bảo dù đạo quân Tàu Ô của Tập Đình, Lý Tài có ở trần trùng trục, gióc tóc, quấn khăn đỏ, đeo giấy vàng bạc, tay cầm khiên mây, đại đao xông vào liều chết đánh nhau, cũng không ăn thua gì. Hoàng Ngũ Phúc, Hoàng Đinh Thể, Hoàng Phùng Cơ không phải là những tên lính bạc nhược như Nguyễn Cửu Chấn. Đã đành được thua trong chiến trận là việc thường. Nhưng lần này trầm trọng hơn các lần trước. Tôi được tin tức chắc chắn là Tập Đình đã trốn đi, đem theo đám bộ hạ Trung nghĩa quân và chiến thuyền. Bấy lâu nay ta mạnh là nhờ bọn vong mạng. Chúng có cướp bóc đấy, có phá làng phá xóm đấy, nhưng đánh trận, lúc nào chúng cũng xông lên hàng đầu. Tập Đình bỏ đi! Ta có thể cầm chân Lý Tài được không? Một nửa thuyền chiến đã mất, làm sao ta giữ được biển đông, trong khi quân ngũ dinh lại thạo về thủy chiến. Tôi nghe Tống Phúc Hợp đã cho thủy binh ra trận Ô Nha. Phủ Phú Yên lâm nguy! Mặt trận phía nam sao chịu thất thế hoài vậy?

Huệ cảm động nhìn nét mặt hớt hải của thầy. Sau một thời gian dài cách biệt, anh thấy ông giáo già hẳn đi. Tóc rụng nhiều. Da nhăn. Đôi mắt chuyển sang mầu đục, tuy ông giáo nói hăng hái cuồng nhiệt nhưng ánh mắt dường như vô hồn, lạc lõng. Anh cũng chú ý đến giọng nói run run và lâu lâu ông giáo đưa tay lên che miệng, húng hắng ho. Huệ bình tĩnh trả lời thầy:

- Vâng. Tống Phúc Hợp sắp đưa quân chiếm phủ Phú Yên. Con vội về đây cũng vì chuyện đó.

- Nhưng tại sao các anh cứ lùi mãi?Từ đèo Cả về Xuân Đài, rồi từ Xuân Đài còn rút về đâu nữa!

Huệ mỉm cười, chậm rãi trả lời:

- Có lẽ phải rút về đèo Cù Mông thôi, thầy ạ!

Ông giáo giật nẩy người, hỏi dồn:

- Anh nói thật hay nói đùa?

Huệ đáp:

- Thưa thầy con nói thật.
Logged
Trịnh Thanh Nhi
Thành viên
*
Bài viết: 305



« Trả lời #137 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 08:55:16 pm »

- Tại sao vậy?

Huệ sửa lại thế ngồi, chuẩn bị một cuộc nói chuyện dài dòng:

- Bao nhiêu năm nay, từ lúc con tạm bỏ sách vở của thầy để cầm kiếm, con nhận thấy nhiều lúc phải kiên nhẫn chờ đợi thôi. Nôn nóng không được. Thầy nhớ không, ngay từ thời đầu ở Tây Sơn thượng, thầy bực dọc biết bao với lời lẽ lỗ mãng, cư xử tục tằn, hành động thô bạo của bọn đầu đầu trộm đuôi cướp trốn gông cùm lên nương náu trên Tây Sơn thượng. Thầy không muốn chung chạ với bọn vong mạng đó. Sau khi xuống núi, thầy lại thấy thêm bọn cướp biển, bọn con buôn gian xảo gia nhập. Thầy thở ra thở vô. Thời đó con cũng bực dọc như thầy, nên mới xin anh con cùng với Mẫm lập riêng một toán gồm toàn những trai tráng có lý tưởng, có đức độ, hiểu rõ mình chiến đấu vì cái gì. Từ đó đến nay, chắc thầy đã thấy như con, đâu phải bọn vong mạng ấy hoàn toàn vô dụng. Chúng lập công thật nhiều, tuy phần phá phách không phải là ít. Không có chúng thì những người trầm tĩnh, những người quen tuân luật pháp, những người học rộng biết nhiều nên không thấy điều gì đáng kinh ngạc đến nỗi phải giận dữ xốc áo đứng dậy, những người cha hiền con hiếu, nói chung là những phần tử đáng tôn kính trong thời bình, không có chúng thì những người vừa kể có dám đột nhiên xắn tay, vác giáo xăm xăm phá thành hay không? Con nghĩ là thời nào cũng vậy, vào giai đoạn đầu, bọn vong mạng thật cần thiết. Điều quan trọng là chiều hướng sau đó của cuộc khởi loạn. Nếu như bọn vong mạng tiếp tục đi hàng đầu, chiếm lĩnh tất cả quyền điều khiển, thì cuộc khởi nghĩa dấy trước sau chỉ là một vụ cướp lớn. Ngược lại nếu ta vững tay lái, đếm một lúc bọn vong mạng ngỡ ngàng nhận thấy rằng đây không phải là một đám cướp, và chúng phải buộc phải bỏ đi, thì rõ ràng hàng ngũ chúng ta được thanh lọc. Tập Đình trốn đi mang theo bọn trộm cướp dưới tay, con nghĩ đó là tin mừng. Ta được lần lần thanh lọc, loại bớt những rác rưởi.

Ông giáo vội hỏi:

- Sau bọn trộm cắp, đến lượt bọn nào đào thải?

Huệ ngần ngừ không muốn nói. Ánh nhìn cầu khẩn của ông giáo khiến anh bối rối, thấy không thể giữ im lặng được. Anh nói, với một giọng dè dặt:

- Con chưa lấy làm gì chắc. Sau bọn vong mạng, có lẽ đến bọn cố chấp, rồi đến bọn cơ hội. Bọn cố chấp bị đào thải vì không theo kịp các biến động quá nhanh xảy ra trước mắt. Điều đó dễ hiểu. Khó nhất, chậm nhất, gay go nguy hiểm nhất là cuộc đào thải bọn cơ hội. Chúng nó là con tắc kè thay màu mau chóng, khó lòng biết đâu là người thiện chí đâu là tên cơ hội.

Ông giáo càng nghe Huệ nói càng dao động. Ông không ngờ Huệ đã lớn mau như vậy. Một cảm giác kiêng nể, sợ hãi xâm chiếm hồn ông. Ông liếc mắt nhìn Huệ, bắt gặp đôi mắt cười giễu cợt quen thuộc của học trò. Ông muốn hỏi Huệ:”Tôi thuộc vào hạng nào trong quá trình thanh lọc của anh?” nhưng thật nực cười, ông đâm sợ người học trò ấy. Thật ra ông sợ chính sự lạc lõng của mình, sự yếu đuối chậm chân không theo kịp đà lịch sử nên trở thành cố chấp. Đã có nhiều dấu hiệu đáng sợ báo trước giờ đào thải của ông: tâm hồn hoang mang, xúc động thái quá đến độ bi quan trước cái tổn thất, những đêm không chợp mắt vì lo âu vu vơ, thái độ lạnh nhạt của Nhật, của Chỉ, của trại chủ, những câu hỏi khó hiểu của Thọ Hương... Ông giáo sợ hãi nhìn chính mình! Ông muốn vào phòng riêng để tự do suy nghĩ, nên bảo Huệ:

- Con An nó mong gặp anh lắm. Hai chị em nói gì với nhau mà suốt đêm qua không chịu ngủ. An ơi!

*

*     *


Chỉ có An và Huệ ở phòng trước. Bên ngoài trời tối. Ánh sáng ngọn đèn dầu thu hẹp không gian cho thêm ấm cúng. Và như sợ làm động đến bầu ánh sáng huyền hoặc mong manh đang mơn trớn ôm ấp hai người, cả An lẫn Huệ đều nói nhỏ, gần như thì thào. An run run thú nhận:

- Bấy lâu nay em sợ quá!

Huệ cố hiểu sai ý An, cười nhẹ nói:

- Lãng ở với tôi, An còn sợ gì nữa.

An vội bảo:

- Không phải thế. Em định bảo… định bảo. Nhưng thôi, có nói anh cũng không hiểu đâu!

- An chê tôi chậm hiểu à?

- Anh cứ quen thói ưa bắt bẻ!Được rồi, anh chậm hiểu lắm. Anh nhanh trí cái gì không biết, nhưng có chuyện anh rất chậm hiểu. Anh chỉ biết có anh.

Huệ hơi ngỡ ngàng, thích thú trước câu trách móc bất ngờ, cười nhẹ, rồi hỏi:

- Chẳng hạn An thấy tôi chậm hiểu việc gì nào?

An ấp úng, rồi đáp bừa:

- Như chuyện anh không thư từ liên lạc gì cả. Báo hại bên gia đình anh, ai cũng sốt ruột. Con bé Thọ Hương ngày nào cũng lo không biết chú Tám ra thế nào. Phần cha em thì lo cho thằng Lãng.

Huệ cảm động, ngước lên nhìn An. Cây đèn dầu chiếu một bên mặt An, viền đậm hàng mi dài, cái mũi thanh tú và đôi môi mím, môi dưới hơi trề ra trông dáng hờn dỗi. Lòng Huệ rộn rã. Anh muốn tìm câu chuyện nào vui vui để chuyển đề tài, cho An mỉm cười đôn hậu, mắt lóng lánh dưới ánh đèn. Biết bao lần anh mơ tưởng đến khuôn mặt này, đến mái tóc phủ lên chiếc cổ trắng, đến chiếc mũi thanh tú, đến vẻ hờn dỗi hay hân hoan thay đổi tùy theo cách mím môi, đến… đến tất cả kỷ niệm về một đoạn đường chung. Huệ lấy giọng nghiêm chỉnh hỏi:

- Mới đây mà An dời xuống đây hơn một năm rồi, phải không?

An nhỏ nhẹ đáp:

- Dạ. Hơn một năm rồi.

- Lâu nay An có trở về An Thái không?

- Không. Anh biết chuyện cậu Hai Nhiều rồi chứ!

- Biết. Bây giờ bà Hai sống với ai? ở đâu?

- Thế anh chưa biết gì à?
Logged
Trịnh Thanh Nhi
Thành viên
*
Bài viết: 305



« Trả lời #138 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 08:56:50 pm »

- Biết cái gì?

- Mợ Hai không thể ở lại nhà viên chánh tổng được, dời về nhà cũ. Thế mới khổ. Tức cười lắm, anh biết không, tại anh mà em bị mợ Hai rầy rà mấy ngày!

- Tại sao? Sao vậy?

- Hôm anh cho lính đến sửa khuôn cửa nhà cậu Hai, anh nhớ không? Anh có bảo họ là xem nhà vô chủ nào đó có khuôn cửa tốt cứ tháo gỡ ra, đem lắp nhà cậu mợ. Em nhất định không chịu, lấy tre và đất sét cho họ trám tạm. Mợ Hai về trông thấy vách nhà tèm lem, nổi cơn lên.

- Như vậy đâu phải lỗi tại tôi! Tại An gàn dở đấy chứ!
 
An bĩu môi:

- Gàn dở! Nếu anh chịu khó hơn, tìm đâu sẵn khuôn cửa rồi sai mang tới lắp, thì đâu có sinh chuyện. Em khỏi sợ mang tiếng đạo tặc!

Huệ cười to, rồi nói:

- An lẩn quẩn trong vòng đạo đức giả mất rồi! An không dính dấp vào, nhưng sẵn lòng thụ hưởng. Tội nặng hơn nhiều nghe!

Cả hai cùng bật cười. Huệ lại hỏi:

- Sao bà Hai Nhiều về nhà cũ thì An phải đi?

- Ở sao nổi. Mợ ấy đay nghiến, tìm cớ sanh sự hoài. Bất đắc dĩ em với chị vợ anh Kiên phải đi. - Vợ anh Kiên? À, anh có nghe chuyện đó, nhưng tưởng tụi nó nói đùa cho vui chứ!

- Cha em buồn về việc đó lắm. Ảnh biến thành ông chủ quán rượu, chuyên bán cho bọn mã phu. Thôi, đừng nhắc đến nữa!

- An về đây là phải. Gia đình đã đi xa cả, chẳng lẽ An ở một mình tại An Thái!

- Em không muốn xa mẹ. Trước hôm đi, em ra khóc với mẹ cả buổi chiều. Em… nói… với mẹ…

Xúc động khiến An không nói được nữa. Cô nhớ nỗi tuyệt vọng chua chát của cô chiều hôm ấy, hơn một năm qua vẫn còn mủi lòng. An thút thít khóc, rồi đưa ống tay áo lên gạt khô nước mắt. Huệ ngồi bàng hoàng không hiểu sao đột nhiên An khóc, không dám thốt lời nào. An khóc một lúc, gượng cười chữa thẹn:

- Em con nít quá. Cười đó rồi khóc đó! Chẳng ra làm sao cả! Anh biết không (An lại thút thít, và cười gượng) vòng về em có ghé lại Gò Miễu.

Huệ tò mò hỏi:

- An ghé chi vậy?

An hơi giận, đáp cộc lốc:

- Tại đi theo đường đó về nhà gần hơn!

Huệ biết mình lỡ lời, cố lấy giọng âu yếm hỏi:

- An có đến chỗ trước kia chúng tôi đóng trại không? Có tìm thấy thứ gì còn bỏ sót lại không?

An bĩu môi nói:

- Bỏ sót. Các anh vô ý thì dân An Thái đã nhờ! Chỉ còn mấy cái hố chốn cột trại trên đám cỏ ấy. Em nhìn, thấy buồn chi lạ!

Huệ cảm động trở nên lúng túng. Anh không thể tìm được câu nào ý nghĩa hơn, sâu sắc hơn câu vừa rồi của An, để trình bày nỗi lòng mình. Anh nhìn An, rồi liếc nhìn lần nữa, không tìm ra ý cần. Huệ đành phải hoãn binh bằng cách cầm chén nước lên uống. Cái chén đồ sứ Giang Tây chỉ có thể mua được ở các thuyền buôn Hội An thôi. Huệ tò mò hỏi:

- Bộ chén trà ở đâu đẹp quá?

An đỏ mặt, lí nhí đáp:

- Của người ta biếu cha em. Anh xơi thêm nước!

Huệ lắc đầu:

- Thôi. Cảm ơn An.

Trong khi lòng đau nhói vì nhớ chuyện người ta kháo nhau rằng lâu nay Lợi lấy của kho mang tới cho An không thiếu thứ gì, từ đồ sứ Tàu cho đến hạt tiêu, cây tăm. Trước khi đến đây, Huệ đã nghe chị dâu nói mãi nói mãi về chuyện đó. Có đúng thế không? Tại sao nàng nhận của hắn? Của hắn? Có phải của hắn đâu? Hắn lấy của làng làm ơn cho xã, nàng không biết sao? An không nhận ra biến chuyển trên nét mặt Huệ, vui vẻ nói:

- À quên, em cảm ơn anh. Quyển sách đẹp lắm. Anh biết không, Thọ Hương hỏi em nếu đói thì đổi được mấy bát gạo.

Huệ hỏi hơi xẵng:

- Rồi cô trả lời sao?

An cười đáp:

- Em bảo chẳng được bát nào cả.

- An nói đúng. Quí giá gì đâu. Gửi An làm kỷ niệm cho vui thôi.

- Không phải thế. Em quí nó lắm chứ. Em đọc mà cứ sợ bụi bám vào, giở hé rồi cất đi. Anh sao thế?
Logged
Trịnh Thanh Nhi
Thành viên
*
Bài viết: 305



« Trả lời #139 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 08:57:33 pm »

Buổi sáng, An đưa Lãng về Cù Mông xong mới xách rổ đi chợ. Hôm nay là chợ phiên chính, nhưng cô ngạc nhiên thấy chợ vắng vẻ như vừa trải qua một cơn bảo. Hàng hóa đã hiếm, mà kẻ bán người mua dường như không chú ý mấy đến công việc của mình. Từng tụm năm tụm ba châu đầu vào nhau xì xầm bàn tán, nét mặt người nào cũng dáo dác, hớt hải. Lều bán tôm cá vắng hoe vì biển động. Điều đó dễ hiểu. Ngay cả hàng rau và hàng gạo cũng lơ thơ. An ghé lại bà cụ thường bán nếp mua về nấu xôi sáng cho ông giáo. Thúng nếp còn đầy, nhưng bà giáo lắc đầu bảo:

- Cô ra trễ quá. Đã có người mua hết rồi cô ơi.

An nài nỉ:

- Cụ để cho con một ít cũng được. Chừng hai bát thôi.

- Người ta đã đưa tiền rồi, cô cảm phiền. Bạn hàng quen tôi không nói dối với cô đâu. Tôi lỡ nhận tiền trước, chứ nếu không, tôi đã mang về ăn không dám bán nữa. Thời buổi này, cô tính...

An vội hỏi:

- Có chuyện gì mà chợ vắng thế cụ?

Bà cụ hàng gạo nhìn trước nhìn sau, rồi ghé sát tai An thì thào:

- Cô chưa biết gì sao?

- Biết chuyện gì cơ?

- Lại sắp chạy giặc rồi.

- Ai bảo cụ thế?

- Ấy, cô đừng nói lớn, lỡ tai vách mạch rừng. Thì tôi nghe người ta đồn thế. Không biết hư thực thế nào, nhưng thiên hạ đổ dồn đi mua gạo. Nghe nói ở phía bắc... Thôi, tôi chắc họ lại đồn nhảm như mọi khi.

- Cụ nghe thế nào, cho con biết với.

- Tôi nói, cô đừng cho ai biết là do tôi kể nhé. Sáng nay có ông trương tuần đi loa khắp chợ là sẽ bắt đóng gông những ai loan tin đồn nhảm. Cô không kín miệng, tội nghiệp thân già này.
 
- Không. Cụ cứ yên tâm. Con không mách lẻo với ai đâu.

Bà hàng gạo nói thật nhỏ, mắt vẫn lấm lét nhìn quanh:

- Giặc đã vào tới Quãng Ngãi rồi đấy, cô biết chưa. Quân của mình bị thua nặng, chạy tan tác cả. Nghe nói lớp chết, lớp bị bắt. Mấy bà vợ lính trong phủ khóc như ri. Nhiều người chạy bộ ra tìm xác chồng. Kiếp lắm! Thảm lắm! Suỵt, cô xem kìa! Ấy, đừng quay lại. Mình làm như không thấy để khỏi sinh chuyện. Cô liếc nhìn về đầu phố kìa.

An kín đáo nhìn về phía bà hàng chỉ. Hai người lính An nhận ra ngay là thuộc đạo quân Tàu ô của Lý Tài, đầu thắt bím, đi chân đất, mình khoác một cái áo bẩn thỉu rách rưới đang thất thểu bước trước dãy quán ăn. Nhiều cửa hiệu gần đấy vội đóng cửa lại. Hai người lính có vẻ do dự một lát, đứng lại nói với nhau điều gì không rõ. Rồi cả hai tiến về phía một quán cơm chưa kịp đóng cửa. Bà cụ thở dài bảo:

- Kể cũng tội nghiệp. Nhưng cho họ ăn, thì cụt vốn mất. Không cho cũng không được. Ngay sáng nay, có một chú lính ngang ngược cầm đuốc dọa đốt cái quán tranh của chị hàng cháo, nếu không đưa cho hắn nguyên cả con gà luộc. Cô coi, buôn bán như thế thì còn ai dám mang hàng ra đây nữa. Chợ vắng vì thế. Lạ quá, sao cái chị mua nếp không trở lại! Tôi nóng ruột quá, phải về xem lũ nhỏ nó lo gạo thóc như thế nào! May tôi đã giữ kỹ mấy cái ruột tượng, không thì...

- Ruột tượng? Để làm gì thế cụ?

- Cô này như người trên trăng ấy! Cô không thấy người ta vét sạch gạo đem về cho vào ruột tượng lo chạy giặc ư?

An cười bảo bà cụ:

- Chỉ lo hão! Năm ngoái giặc cũng vào tận Bích Khê nhưng chúng có làm nên cơm nên cháo gì đâu!

Bà hàng cãi lại:

- Năm ngoái khác, năm nay khác. Năm nay là giặc tận ngoài bắc vào, chúng nó mạnh lắm! Kinh đô chúng nó còn lấy được, huống chi... Này này, cô xem. Lại bọn lính đói. Tốp này đông quá. Những sáu thằng. Không bẩy thằng chứ không phải sáu. Coi cách chúng nó ăn mặc kìa! Chúng nó dừng chỗ quán rượu. Thôi xong rồi, gia tài lão Chín. Cô ngồi dịch lại đây che giùm cái thúng nếp cho già chút!

An tức bực hỏi:

- Bọn lính tuần đâu mà để chúng phá phách phố xá thế?

Bà cụ cười đáp:

- Thôi, cô ơi! Ông vua cũng thua thằng liều. Chúng nó vừa thoát chết về, hỏi còn gì nữa mà sợ! Cô không ra đây sớm để nhìn bọn lính tuần. Thấy bọn lính đói, chúng nó biến nhanh như là ma vậy! Chả bù với ngày thường, lỡ già này ngồi lấn ra lòng đường một chút, phải biết! May quá, chị mua nếp trở lại rồi. Dữ ác! Tao tưởng mày đi luôn chứ. Cô này xin nhường lại hai bát, mày có chịu không?

Chị đàn bà mua nếp nhất định không chịu bán lại nếp cho An. Mà thực ra, An cũng không còn thiết gì nữa. Lòng cô rối bời. An đến hàng mắm mua vội một tí mắm cơm, và một ít ớt tỏi, rồi tất cả về phủ.

Cô hoảng sợ đến lạnh người khi thấy trong phủ Qui Nhơn cũng bắt đầu cảnh dáo dác hoảng loạn. Từ những chức việc quen chậm chạp cho đến quân lính, gai đình vợ con họ, ai nấy đều tất bật chạy đi chạy lại, gương mặt lo âu.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM