Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Năm, 2024, 05:53:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích (phần II)  (Đọc 311182 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
CaoBaLanh
Thành viên
*
Bài viết: 12


« Trả lời #170 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2013, 02:45:06 pm »

Cùng các bác

Hôm vừa rồi tôi đi cùng anh em CCB của cơ quan cũ vào Phong Nha và đi qua sân bay Gát. Thật đáng buồn họ phục dựng lại sân bay này không đúng nguyên bản. Theo tôi được biết những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ đây là sân bay đất nện và ngày 17/4/1972 tại đây MiG 17 của ta đã cất cánh đánh tầu khu trục Mỹ trên biển Đồng Hới. Thật là 1 chiến công phi thường.

Với việc là sân bay đổ bê tông như thế này là phản lại việc khôi phục di tích lịch sử. Đây là họ là đường băng cho Boeing thì đứng hơn Angry. Đi đâu cũng thấy di tích lịch sử được là mới như thành cổ Sơn Tây, thành nhà Mạc tại Tuyên Quang chẳng khác gì 1 cái lò gạch.


Di tích lịch sử sân bay Khe Gát sau khi phục chế để trở thành đường băng cho AirBus và Boeng Angry

Em tưởng cái này là mặt đường bê tông của đường Hồ Chí Minh chứ, có cọc tiêu hai bên mà các bác?
Lần em đi qua đấy thấy dải đất bên đương có tấm biển di tích lịch sử nhưng không kịp đọc, nghĩ quái lạ nhìn mãi chả thấy cái di tích nào, về nhà tìm hiểu mới biết di tích chính là bãi cỏ đó hehe.
Logged
huyphongssi
Thành viên
*
Bài viết: 1515



« Trả lời #171 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2013, 08:13:36 pm »

Đó cũng chính là đường băng dự phòng dài gần 2000 mét, đủ cho Mig-21, Su-A/B và Su-C/D cất hạ cánh khi cần thiết.
Logged

Nhằm thẳng quân thù, Bắn!
jasmine2011
Thành viên
*
Bài viết: 170


« Trả lời #172 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2013, 10:47:07 am »

Anh huyphongssi ơi, Su A/B với C/D là thế nào đấy ạ?
Logged
huyphongssi
Thành viên
*
Bài viết: 1515



« Trả lời #173 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2013, 06:08:26 pm »

Anh huyphongssi ơi, Su A/B với C/D là thế nào đấy ạ?
A = Su-22M/M3
B = Su-22M4
C = Su-27
D = Su-30
Logged

Nhằm thẳng quân thù, Bắn!
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #174 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2013, 11:06:10 pm »

.
     Mời các bác xem cái clip 3D này nha !

http://vnexpress.net/video/xa-hoi/clip-3d-dien-bien-phu-tren-khong/2/81658/
Logged

Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #175 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2013, 09:36:29 am »

 Trở lại cái vụ tôi ngược Yên Bái : sau ngày xuất quân thắng lợi của lực lượng MiG-19, mấy ngày sau, bọn Mỹ liền thay đổi cách đánh dùng lực lượng tiêm kích khống chế sân bay và dùng lực lượng cường kích ném bom đánh phá sân bay nhằm không cho lực lượng trực ban chiến đấu tại sân bay cất cánh lên được, nhưng chúng không thể thực hiện được cái ý đồ đen tối đó. Ngày ấy, trực ban chiến đấu tại đầu Bắc sân bay là biên đội Tâm, Long ( Phạm Ngọc Tâm và Nguyễn Thăng Long ), biên đội trực ở đầu Nam sân bay là Sơn A, Tản ( Nguyễn Hồng Sơn và Vũ Viết Tản ). Biên đội của Tâm, Long cất cánh lên giao chiến với bọn F-4, bất phân thắng bại. Sau trận không chiến, biên đội phải về sân bay Đa Phúc hạ cánh. Rồi biên đội Sơn A, Tản tiếp tục cất cánh. Vừa cất cánh lên thì các anh gặp ngay một tốp F-4 bay từ phía Tây Bắc vào đầu Bắc sân bay. Các anh vứt thùng dầu phụ và lao vào cuộc chiến. Tiếng gầm rú của các loại máy bay cùng tiếng nổ của các loại vũ khí trên máy bay bắn ra trong quá trình không chiến khuấy động cả vùng trời Tây Bắc... Đấy mới chỉ là kể sơ qua vài trận không chiến trong rất nhiều trận không chiến của Trung đoàn 925 mà thôi. Thời gian đó, tại sân bay Yên Bái không chỉ có lực lượng MiG-19 mà còn có cả lực lượng MiG-21 cơ động lên đó nữa. Hai loại máy bay đã hiệp đồng tác chiến chặt chẽ với nhau suốt giai đoạn dài của cuộc chiến tranh. Vậy là, ở khu vực Đồi Cọ các phi công tiêm kíchMiG-19 và MiG-21 đã cùng sát cánh trong chiến đấu và trong cuộc sống thường nhật. Tôi cũng đã từng nhận nhiệm vụ cơ động lên sân bay Yên Bái trực chiến, từng chung sống với các phi công MiG-19, hòa nhập với nếp sinh hoạt chung của các anh ấy, cùng hiệp đồng chiến đấu, cùng sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn với các anh ấy suốt thời gian chiến tranh. Sân bay Yên Bái đã để lại trong tôi những dấu ấn sâu đậm, những kỷ niệm thật khó quên trong những tháng năm chống Mỹ.
 Vậy là bây giờ tôi lại lên Yên Bái nhận nhiệm vụ cho một Trung đoàn mới.
 Con đường lên Yên Bái vào cái năm 1979 khác xa so với con đường thời bây giờ. Nếu bây giờ xe chạy từ Hà Nội lên Yên Bái chỉ mất vài tiếng đồng hồ thôi thì vào hồi đó, từ Sư đoàn lên cũng đã mất cả ngày giời. Thưở ấy, cây cối còn um tùm, những bụi tre bụi nứa mọc sít nhau, xòa ra gần như che kín đường. Đường thì nhỏ, quanh co, đầy những "ổ trâu, ổ gà, ổ voi"... Lâu lắm mới gặp được một nhà dân nép ở ven đường, khuất dưới những lùm cây, cảnh như trong những bức tranh cổ. Sau này, khi về Sư đoàn họp, có anh hỏi tôi :
   - Đường lên Yên Bái thế nào ?
   - Anh cứ tưởng tượng cái mồm con khủng long nó há ra với những hàm răng lởm chởm như thế nào thì con đường lên Trung đoàn của tôi đúng hệt như thế ! - tôi minh họa.
   - Thế thì khủng khiếp thật !
 Mà đúng là khủng khiếp thật ! Từ hồi còn nhỏ, tôi đã được nghe những câu :
   "Lại nghe nói Lào Cai, Yên Bái
    Mấy muôn người xẻ núi, khơi sông
    Độc thay lam chướng ngàn trùng
    Sông sâu bỏ xác, hang cùng chất xương..."
 Những câu thơ xưa làm ta cảm thấy rùng mình và nghĩ đâu hai địa danh đó ở rất gần nhau. Những địa danh đó luôn gắn với rừng thiêng, nước độc, với những sự huyền bí của nơi thâm sơn cùng cốc, với những bệnh sốt rét, vàng da, ma xó, bùa ngải... và bao nhiêu thứ khác nữa.
 Xe chở mấy anh em chúng tôi cứ đi mãi, đi mãi ... càng đi càng thấy heo hút. Đầu tiên thì mọi người còn hăng hái cười đùa, chuyện trò nhưng càng về sau thì càng thấy im dần, im dần, chẳng thấy sôi nổi như lúc mới xuất phát nữa. Không ai nói với ai câu nào, phần vì đường xa mệt mỏi, phần vì mỗi người đều theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Riêng tôi khi ngồi lắc ngang lắc dọc theo nhịp xe thì tôi cứ mường tượng ra cảnh trong truyện "Thủy hử" với các hảo hán của Lương Sơn Bạc khi chưa đến với Lương Sơn thì đều bị thích chữ vào mặt giải đi xuyên rừng xuyên núi, có lẽ con đường chắc cũng cô quạnh như thế này ... Rồi lại cảnh thày trò Đường Tam Tạng đi lấy kinh trong "Tây du ký" nữa, cũng con đường dài heo hút thế mà thôi, yêu quái sẽ xuất hiện ở đoạn đường nào nhỉ ... Kia có phải là động Bàn Tơ với lũ yêu nhền nhện không ? ... Rồi nghĩa quân của Việt Nam Quốc Dân Đảng mà lãnh tụ là Nguyễn Thái Học đã chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Yên Bái sau bao nhiêu ngày vất vả gian nan... Như nghe được cả tiếng súng, tiếng bom khi nghĩa quân đánh đồn Yên Bái vào hôm mồng 10 tháng Hai năm 1930, rồi thấy được cả cảnh tượng 17 nghĩa quân bị hành hình trên máy chém, nối nhau ra pháp trường. Nghe được cả tiếng hô : "Việt Nam vạn tuế !" của những người anh hùng còn vang đâu đây. Rồi như nghe được cả tiếng của Nguyễn Thái Học sang sảng đọc thơ trước khi lên máy chém và câu nói bất hủ của ông từng tồn tại qua bao thế hệ : "Không thành công cũng thành nhân !"... Rồi lại nhớ đến mối tình của Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang ... Rồi bỗng những câu thơ trong bài "Tây tiến" lại vẳng bên tai tôi :
   "Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
    Quân xanh màu lá dữ oai hùm
    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm ..."
 Thế hệ của nhà thơ Quang Dũng đã chinh chiến vượt "sông Mã gầm lên khúc độc hành" để lại bao dấu ấn chói lọi cho bao thế hệ phải noi theo, còn mấy anh em chúng tôi thì bây giờ lại đang "Tây Bắc tiến" theo đường số 2 chạy ngược ven sông Hồng. Con sông nào thì cũng ghê gớm, kinh khủng khi vào mùa mưa lũ... Ờ, mà làm sao khi chảy qua đoạn ở Phú Thọ thì sông Hồng lại được gọi là sông Thao nhỉ ? "Sông Thao nước đục người đen/Ai lên Vũ Ẻn thì quên đường về"... thế là thế nào nhỉ ?
 Tất cả cứ như những thước phim được tua nhanh, đi ngược thời gian vậy. Tôi lẩm nhẩm câu hát của nhạc sĩ Văn Cao "Ôi còn đâu đây sắc chàm pha màu gió ...". Càng về chiều thì trời càng âm u, cảnh vật cũng sẫm dần. Lâu lâu mới thấy vài sợi nắng nhàn nhạt chiếu qua các kẽ lá. Đã thấy những vạt sương mỏng manh giăng ngang các rừng cây, bay bay nhẹ như tơ. Những làn gió bất chợt đến làm cho cây rừng nghiêng ngả, các khóm tre khóm nứa, những bụi lau sậy xòa xuống che kín mặt đường. Thảng hoặc, một tiếng chim "bắt cô trói cột" vang lên phía bìa rừng xóa tan không khí lặng lẽ của chốn sơn lâm. Mấy con khướu nô đùa quanh các lùm cây ồn ã một lúc rồi im bặt, kết thúc bản hòa tấu của miền sơn cước. Rừng lại lặng lẽ với chiều sâu bí hiểm của mình...
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #176 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2013, 08:42:31 pm »

Xuanv338 ơi ! Vừa rồi tôi tình cờ gặp được một người từng ở Tiểu đoàn 152 - Tiểu đoàn bắn rơi máy bay Mỹ ở núi Nưa vào tháng Bảy  năm 1972 ấy. Đúng như Xuanv338 nói đấy, bọn Mỹ đã tổ chức cứu được tên phi công ấy và đã ném bm, bắn phá khu vực núi Nưa. Chừng 5 ngày sau thì chúng thả rất nhiều đài bán dẫn con con mà ta vẫn gọi là "đài tâm lí chiến" xuống khu vực núi Nưa. Không biết Xuanv338 có biết cái chi tiết này không ?

 Lại trở lại chuyến đi Yên Bái của tôi. Xe xóc nảy bao nhiêu, chồm chồm bao nhiêu thì mọi ý nghĩ của tôi cũng nhảy nhót bấy nhiêu. Sân bay Yên Bái thì tôi đã từng cơ động lên đó để trực ban chiến đấu rồi, đã từng ăn một cái Tết trong thời gian cơ động ở đó rồi và từng đi bắn chim, bắn cả quạ về nướng rồi. Nhắc đến quạ thì phải nói là vào những năm 60, 70 quạ đen, quạ khoang ở sân bay Yên Bái nhều vô kể. Chúng đỗ hàng đàn đen ngòm cả một khu vực trên đường băng và tiếng kêu của chúng khi chúng cất cánh bay lên thì ầm ỹ cả một vùng trời, nhưng mà đến bây giờ thì chúng biến đi đâu hết cả không ai biết nữa. Chúng đã bị tiêu diệt hết trong những năm tháng chiến tranh hay đã được "điều động" lên bắc cầu qua dải sông Ngân Hà giúp cho vợ chồng Ngâu gặp nhau ?. Thực ra, đi đường bộ từ Sư đoàn lên Yên Bái thì tôi mới đi đây là lần đầu. Không, là lần thứ hai thì đúng hơn ! Lần đầu tiên là sau khi tôi nhảy dù trong chiến đấu trong trận không chiến ngày 12 tháng 8 năm 1972 xuống xã Liên Hoa, Phù Ninh, xe ô-tô của Trung đoàn 925 đã về đón tôi từ Phú Thọ lên Yên Bái để rồi từ đó hôm sau trực thăng lên đưa tôi về Gia lâm. Ngày đó tôi không quan sát được gì cả vì các anh ấy bắt tôi nằm bất động trên cáng cứu thương ( sợ sau nhảy dù bị chấn động cột sống ) thì lần này cứ coi là lần đầu cũng được.
 Sẩm tối thì chúng tôi đến Trung đoàn. Thật ngao ngán khi nhìn thấy những gì trước mắt mình. Trước đó 2 ngày, một cơn lốc tố đã quét đúng qua nơi Trung đoàn đóng quân. Sức mạnh của Mẹ Thiên Nhiên, của lốc tố thì thực sự là kinh khủng. Cái "vòi rồng" ấy xoáy đến đâu là tất cả tơi bời đến đấy. Nhà cửa của Trung đoàn thì chỉ là nhà tranh vách liếp thôi. Thế là kèo cột, vách liếp văng tứ tung, những mái nhà bị tốc mái thì giơ những đòn tay khẳng khiu lên trời như người sắp chết đuối vẫy gọi kêu cứu. Hệt như một trận càn mà giặc vừa đi qua.
 Ngay từ sáng sớm hôm sau chúng tôi đã phải tổ chức khắc phục hậu quả. Tất cả xoay trần ra làm, hò hét nhau ầm ầm. Nhộn nhịp, náo động !
 Chừng một tuần lễ sau thì Trung đoàn đã ra dáng một doanh trại quân đội và cũng sau đó một tuần kể từ khi thành lập Trung đoàn, chúng tôi đã tổ chức trực ban chiến đấu và bay huấn luyện ban bay đầu tiên.
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #177 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2013, 01:57:03 pm »

   xuanv338 xin chào anh phicôngtiemkich. Cảm ơn anh đã cho em biết thêm chi tiết  về chuyện phi công Mỹ nhảy dù xuống núi Ngàn Nưa tháng 7 năm 1972 và những cái đài bán dẫn đã được Mỹ ném xuống vùng quê này ở nhữn ngày sau. Đợt đó em có nghe đại trưởng của em nói rằng. Bọn Mỹ đã thả cây nhiệt đới để theo dõi các đoàn quân và xe chở hàng vào chiến trường.

    Còn chuyện hai tên phi công đã nhảy dù xuống đỉnh Ngàn Nưa. Lúc đầu dân và bộ đội không biết là trên đỉnh núi có phi công đâu anh ạ. Nhưng khi phát hiện được thì thật là khó. Đường lên núi Nưa đâu như bây giờ mà máy bay chiến đấu của Mỹ thì yểm trợ cho trực thăng đến cứu phi công nhiều lắm. Đơn vị của anh Tranphú341 lúc đó chưa phải là 341 mà là D36.F308B đóng quân ở phía bên Như Xuân. Đơn vị anh Tranphu đã có người hy sinh trong trận đánh đó.

    xuanv338 cảm ơn bác phicongtiemkích rất nhiều. bác vẫn nhớ chuyện em nhờ bác đã lâu. Bác cũng nhớ dai còn hơn cả em đấy. xuanv338 vẫn thường xuyên theo dõi và đọc bài của bác. xuanv338 một lần nữa cảm ơn và kính chúc bác cùng gia đình mạnh khỏe. Tiếp tục kể những câu chuyện hay từ trong hồi ức của những ngày mà khi trên bầu trời không được bình yên và mọi người được hiểu sâu hơn những trận không chiến đầy nguy hiểm không lường của những anh phi công dũng cảm mà lính gái quân y bọn em thời ấy vô cùng ngưỡng mộ. Grin. Em kính bác.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Năm, 2013, 03:07:00 pm gửi bởi xuanv338 » Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #178 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2013, 03:49:56 pm »

 Tuy vùng biên giới phía Lạng Sơn đã yên ổn, nhưng ở phía Tây Bắc này : vùng Thanh Thủy, Mường Khương, Xín Mần ... vẫn còn rất căng thẳng. Súng vẫn nổ, chiến sự vẫn còn tiếp diễn với quy mô nhỏ lẻ. Người dân vùng biên ải vẫn phải đi sơ tán. Chúng tôi vẫn phải tổ chức bay tuần tiễu trên không. Dưới đát thì tổ chức tuần tra canh gác nghiêm ngặt, ngay cả các cán bộ Trung đoàn cũng phải phân công nhau đi tuần tra cùng với một số tổ tuần tra hoặc bất ngờ đi kiểm tra riêng ... Nghĩa là không khí sẵn sàng chiến đấu vẫn phải ở mức độ cao nhất.
 Tôi nhớ, có một đêm, khi nhận được điện của công an Yên Bái thông báo rằng có khả năng trong đêm ấy địch sẽ đột nhập vào khu sân đỗ máy bay, khu trực chiến và kho bom để phá hoại. Thế là các cán bộ lập tức hội ý, giao nhiệm vụ cho các đơn vị tăng cường lực lượng canh gác và tôi cũng được đi kiểm tra luôn. Đi cùng với tôi có một trợ lí tác chiến, một chiến sĩ cảnh vệ và cậu công vụ của Trung đoàn. Cậu công vụ của Trung đoàn bấy giờ còn quá trẻ, chỉ mới vừa chớm bước vào tuổi 18, lại chưa bao giờ tiếp xúc với rừng núi, hơn nữa lại đi vào ban đêm, nên cậu ta cứ "co rúm người" lại. Về sau tôi còn biết thêm một chi tiết nữa là cậu ta rất sợ ... ma !.
 Tôi thì đâu có để ý đến cái chi tiết ấy, cứ dẫn quân đi ào ào. Hành trình hôm ấy tôi được chủ động tự chọn. Thế là tôi dẫn đầu tốp quân thẳng tiến !. Cậu ta vốn nhát, lại sợ ma nên cứ dần dần len lén tụt hậu, dần xuống cuối tốp. Tôi lại vốn quen đi nhanh, bước nhanh, chân này chưa chạm đất chân kia đã nhấc rồi nên cậu ta ở cuối hàng chỉ còn có nước là ... chạy gằn !
 Từ Đồi Cọ, tôi dẫn cả tốp đi theo con đường tắt ra đầu Bắc sân bay, ra khu sân đỗ máy bay. Con đường đi thì hẹp lại quanh co, cây cối um tùm, nhiều lúc phải cúi rạp xuống để gạt các cành nứa ra thì mới đi nổi. Đêm tĩnh mịch, vắng lặng như tờ, lâu lâu lại nghe tiếng cú rúc vang vọng giữa khung cảnh hoang vắng, lạnh lẽo ... Càng ngày mức độ sợ hãi của cậu ta càng tăng, cho tới lúc đi qua bãi tha ma ( gọi là bãi tha ma thì có vẻ ghê chứ thực chất đấy chỉ là một vạt đất rộng, có dăm ngôi mộ chôn ở đấy thôi ) thì nỗi sợ của cậu ta đã lên đến đỉnh điểm. Cậu ta như bị cứng hàm, không thể nói, không thể rên được lấy một tiếng. Và rồi, cái nỗi sợ hãi ấy cũng phải tự động chọn lấy phương pháp "hạ nhiệt" cho mình bằng cách ... "ướt một tí !".
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #179 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2013, 08:57:05 pm »

 Lúc về đến Trung đoàn, cậu ta đến gặp tôi với bộ mặt lúc thì đỏ tía, lúc thì xanh nhợt, giọng ấp úng :
   -  Báo cáo !...
   -  Có gì thế ? - tôi ôn tồn hỏi
   -  Dạ...dạ...
 Thấy thái độ lúng túng của cậu ta, tôi đoán ngay là có gì đó bất bình thường xảy ra với cậu ta rồi nên tôi nhẹ nhàng :
   -  Nào, ngồi xuống đây. Có gì không, nói cho tớ nghe nào !
   -  Dạ, xin ngày mai đừng cho con đi tuần tra vào ban đêm nữa ạ !
   -  Sao thế ?
   -  Con nói ra ngại lắm ! - cậu ta chuyển sang xưng con như thói quen thường ngày vì bố cậu ta cũng còn trẻ lắm.
   -  Cậu nói ra thì có gì mà ngại ? Nào, mạnh dạn nói cho tớ nghe xem nào !
   -  Dạ, lúc đi qua bãi tha ma, con đã ... đái ra quần ạ !
 Tôi bật cười làm cậu ta ngượng đến chín người, rồi sau đó chính cậu ta cũng phì cười.
 Cậu ấy là một chiến sĩ tốt, tính tình chất phác, hiền lành, thật thà, ngoan ngoãn và anh em tôi ai cũng quý cậu ấy. Qua cái lần "xưng tội" này, tôi lại càng thấy quý, thấy thương cậu ta quá, rồi tôi lại tự trách tôi : lỡ đêm ấy có chuyện gì xảy ra, phải nổ súng thì không biết cậu ấy sẽ xoay sở thế nào và rồi nhỡ có chuyện gì xảy ra với cậu ta thì tôi biết ăn nói với bố mẹ cậu ta ra làm sao đây.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM