Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Năm, 2024, 08:31:55 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nam Kỳ Cố Sự (Chuyện kể Nam Bộ)  (Đọc 82302 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #90 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2011, 02:19:48 pm »

XỎ CON ANH NHÀ GIÀU

Có một anh con nhà giàu, tính hay chơi bời, khi thì theo ghe chài lưới, lúc thì lại theo bạn săn bắn. Hôm đó, đi săn trong rừng gần nhà ông Ó, anh này thấy dấu heo rừng ủi, thì hỏi ông Ó rằng:

- Ai làm gì mà đào hang, đào lỗ vậy?

Anh kia lại hỏi:

- Heo rừng thì cũng như heo mình, sao đất cứng như vậy mà nó ủi được?

Nghe vậy ông Ó liền trả lời:

- Trời sanh nó có một cái mầm ở mỏ cứng như sắt để nó ủi đất kiếm ăn!

Anh con nhà giàu nghe nói heo rừng, nhưng chưa thấy bao giờ nên tưởng thiệt. Một lát, bọn thợ săn giết được một con, hắn ta mừng lắm, bèn lấy con dao trong lưng ra xẻ cái mỏ heo để kiếm cái mầm cứng như sắt đó, kiếm hoài mà không thấy gì hết, mới lại ông Ó:

- Heo rừng có cái mầm trước mỏ, sao tôi kiếm hoài không thấy?

Ông Ó trả lời:

- Người ta thường nói nhà giàu miệng có gang có thép nhưng chết thì hết. Cái mầm của heo rừng cũng vậy, trời cho nó, nay nớ chết thì cũng hết còn đâu nữa mà hỏi!...

CHUYỆN LẠ Ở HUẾ

Sau thời gian ở Huế, ông Ó về tới nhà, anh em chòm xóm mừng, tới thăm hỏi:

- Ông ra Huế, có thấy cái chi lạ không?

Ông Ó nói:

- Thiếu chi cái lạ. Tôi thấy một khẩu súng để trước điện vua lớn hết chỗ nói. Hôm ấy, có người lính quen đưa tôi đi chơi, tôi thấy súng lớn, tôi trầm trồ, người lính bèn bắc thang dắt tôi lên cây súng coi chơi. Thình lình trời đổ mưa. Chạy đâu cũng không kịp, người lính liền dắt tôi chạy theo lỗ ngòi vào trong nòng súng mà tránh mưa, tạnh mới về. Các người nghĩ coi súng lớn đến dường nào?

Một người lại hỏi:

- Cây súng lớn như vậy, dùng để bắn giặc cướp hay để làm cái chi?

Ông Ó đáp:

- Ý chừng bày ra đó, để khi đức vua và các quan đi coi chơi, lúc có mưa thì vào núp, như tôi vừa rồi cũng nên.

Họ lại hỏi ông Ó có gặp mặt đức vua lần nào không.

Ông Ó nói:

- Tôi có đi với đông cung ra chỗ vua ngự nhiều lần.

Họ lại tò mò hỏi vua ăn mặc như thế nào?

- Áo đại trào của vua như đồ hát bội, có điều bằng vàng thiệt, có cái mão của vua nhiều tiền lắm.

Họ lại hỏi:

- Làm bằng gì mà nhiều tiền?

Ông Ó trả lời:

- Làm hết hai mươi cân vàng!

- Cha chả! Hai mươi cân vàng thì vua làm sao đội nổi?

Ông Ó nói:

- Vậy chớ các người không nghe, hễ làm vua thì có quan phụ chánh, quan ấy theo đỡ mão cho vua chớ làm gì.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #91 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2011, 02:22:15 pm »

NỒI NÀO ÚP VUNG NẤY

Có một bà mai (bà mối) nổi tiếng khéo ăn khéo nói, đám nào mà phải tay bà dứng ra mai mối thì nhứt định là phải xong.

Một hôm, có gia đình nọ, có một đứa con tai đến tuổi lấy vợ, nhưng ngặt nỗi cậu ta cụt hết một chân, phải nhờ cậy bà mai này tìm nơi cưới vợ cho con. Bà mai vì đi đó đi đây nhiều, biết ở xóm trên có một gia đình khá giả còn một cô con gái đã lỡ thời do có tật sứt môi, nên bà nhận làm mai mối cho cậu con trai. Bà mai sẽ được kiếng một cái đầu heo thiệt lớn.

Bà mai xách cặp rượu của nhà trai đến nhà gái, sau khi trầu cau, chuyện trò mưa nắng một hồi, bà mai mới nói với chủ nhà:

- Có cái đám này muốn làm sui gia với nhà bà chị, nhưng kẹt một nỗi là nhà bà chị khá giả, còn ở bển(1) tôi cũng nói thiệt là có kém hơn nhà bà chị, thì khỏi phải nói, hết sức siêng năng, làm lụng giỏi giang, nhưng có điều là hơi nghèo, “không có chân đứng” mần ăn thôi!

Thấy con mình đã lỡ thời, lại có tật, nên bà mai nói vậy, nhà gái liền nói:

- Không sao đâu chị, chị cứ về nói với ảnh chỉ(2) ở bên là tôi thuận cho bước tới. Cái gì chớ cái không chân đứng, thiếu vốn liếng mần ăn thì lúc tụi nhỏ nó thành vợ thành chồng rồi tôi bao cho vợ chồng nó hết!

Thế là xong một phía, bà mai trở về nhà trai nói:

- Xong rồi bà ơi! Bên nhà gái người ta khá giả lắm, lại ít con, mấy đứa lớn đã thành thân hết rồi, còn có en ẻn(3) ta là còn son giá. Phải chi bà có qua bên đó mà coi, ẻn làm lụng đâu đó vén khéo gọn gàng, một điều cũng dạ, hai điều cũng thưa; ẻn hết sức hiền lành nhu mì, chớ “không có môi mép” như người ta.

Nhà trai nghĩ con mình cụt một chân, nay may mắn gặp được một chỗ như vậy, còn lựa chọn gì nữa, nên thuận lòng ngay.

Thế là xong cả hai phía. Nhưng còn phải tính sao để làm đám cưới ngay, cho cô cậu không kịp biết nhau.

Trước ngày đám cưới. Nghĩ vậy, bà mai liền đến nhà trai rồi sang nhà gái nói y hệt một câu, để đốc thúc hai bên làm đám cưới gấp, bỏ hết nghi lễ rườm rà, bà mai nói:

- Con của bà có tật nguyền, mà bên kia người ta chịu làm sui với mình, sao bà không chịu tính tới làm đám cưới gấp cho rồi, để lần hồi kẻ nói ra, người nói vào, ở bển người ta đổi ý làm sao. Tôi nói thiệt, chớ hụt đám này thì khó kiếm được đáp nào như vậy.

Thế là hai bên nhà trai, nhà gái qua bà mai đã ưng thuận làm đám cưới ngay không dám chần chờ.

Đến ngày rước dâu, khi thấy chàng rể chống nạng bước vào nhà, cả họ nhà gái mới bật ngửa. Bà sui gái liền sừng sộ bà mai:

- Tại sao thằng cụt hết một giò mà hồi đó bà không chịu nói? Tôi biết cơ sự như vầy, tôi đâu có chịu gả.

Bà mai trả lời:

- Tôi có nói rõ ràng chớ, tại bà không để ý đó thôi. Tôi nói rằng: “Thằng không có chân đứng để mần ăn”. Bà nhớ chưa?

Bà sui gái ra chào ba mẹ chồng. Cô dâu mắc cỡ, tay cầm chéo áo, tay cầm khăn che miệng:

- A, ưa ía, ưa ớ ới a(4)!

Bà sui trai trợn mắt, nắm tay bà mai:

- Trời ơi! Sao kỳ vậy bà mai? Môi mép gì mà bất nhơn vậy? Sao hồi đó bà không nói trước?

Bà mai bình tĩnh cười đáp:

- Bà bây giờ cũng như bà sui gái hồi nãy. Bà hãy nhớ lại coi, tôi đã nói là “ẻn không có môi mép như người ta”, bà nhớ lại chưa?

Hai họ cười ầm lên.

Lúc bấy giờ ông sui trai mới nắm tay ông sui gái nói:

- Thôi anh, con gái anh sứt môi, con trai tôi cụt giò. Như vậy cũng xứng đôi vừa lứa lắm, “nồi nào úp vung nấy” mà!


(1) bên ấy
(2) anh ấy, chị ấy.
(3) chỉ mỗi cô ta.
(4) Dạ, thưa tía, thưa má mới qua.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Tư, 2011, 09:08:24 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #92 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2011, 02:24:44 pm »

MEN CHÂY PRẠT
(Chuyện dân gian Khơ-me Nam Bộ)

Ngày xưa, một gia đình người nông dân nghèo thường phải thuê ruộng của một tên nhà giàu gần đấy để làm. Năm ấy, người đàn bà nông dân mang thai và sinh được một đứa con trai bụ bẫm thông minh. Vợ chồng người nông dân quý con như vàng, như ngọc và đặt tên con là Men Chây, có nghĩa là “được thắng lợi”.

Nhưng không bao lâu, cha Men Chây chết. Cuộc sống của hai mẹ con trở nên chật vật hơn trước. Lên tám tuổi, Men Chây thường phải đi hái rau bắt ốc, hoặc làm việc khác giúp mẹ.

Tình cờ một hôm Men Chây đi qua nhà tên nhà giàu nọ. Mụ chủ nhà đang dệt vải, bỗng đánh rơi cái thoi xuống đất. Ngại cúi xuống lượm, mụ gọi Men Chây đến lượm giùm. Men Chây đòi phải có quà mới lượm. Mụ ưng thuận. Nhưng rồi mụ đánh rơi lần thoi thứ hai, mụ lại bảo Men Chây lượn lần nữa. Men Chây đòi phải nhiều quà mới lượm. Mụ cũng ưng thuận. Sau đó Men Chây cứ đòi mãi. Cuối cùng, sốt ruột, mụ hỏi Men Chây muốn quà gì. Men Chây xin cốm giẹp.

Mụ gọi người đầy tớ biểu giã cho Men Chây một cối cốm. Men Chây chê ít, đòi thêm. Mụ đành phải biểu đầy tớ giã thêm một cối nữa. Men Chây vẫn chê ít và đòi thêm.

Giữa lúc đó tên nhà giàu đi chơi về, hắn hỏi đầu đuôi sự việc. Nghe xong hắn nghĩ ra một kế, hắn bảo Men Chây đưa thúng cốm cho hắn. Hắn đổ cốm ra một cái nia, chia làm hai phần, một phần nhiều và một phần ít. Đoạn hắn chỉ phần nhiều bảo Men Chây:

- Thiệt nhiều rồi đó, lấy đi.

Men Chây nghĩ một thúng cốm mà mình chòn chê ít, bây giờ tên nhà giàu đã lấy bót đi một phần mà lại nói nhiều. Men Chây tức bụng lắm, nhưng không biết cãi thế nào, đành mang cốm về nhà và tính chuyện sẽ tìm cách trả thù hắn.

Men Chây rất có hiếu với cha mẹ. Khi sắp đến ngày lễ thiêu xác cha, thấy mẹ than thở vì cảnh nhà nghèo túng không chạy đâu ra tiền, Men Chây nói với mẹ cho đi ở đợ tên nhà giàu, vừa lấy tiền làm ma chay cho cha, vừa thừa cơ trả thù cho hả dạ.

Lúc đầu bà mẹ không ưng, sợ tên nhà giàu đày đọa, đánh đập con mình. Nhưng Men Chây nài nỉ mãi và nó đã có trí không, không dễ để tên nhà giàu ức hiếp được, bà mẹ đành bằng lòng.

Tên nhà giàu thấy Men Chây còn nhỏ nhưng khỏe mạnh, vẻ mặt lanh lợi, có thể giúp được nhiều việc, vả lại trả công rẻ, nên hắn không trả giá nhiều. Thế là Men Chây đến làm người ở cho tên nhà giàu.

Một hôm, tên chủ bảo Men Chây nấu cơm cho những người làm khác của hắn đi đồng về ăn. Tiếng Khơ-me “đăm bai” vừa có nghĩa nấu cơm vừa có nghĩa là “chôn gạo”. Muốn chơi xỏ tên nhà giàu, Men Chây lấy gạo nhưng không nấu mà lại đào một cái hố, rồi đổ hết gạo vào hố, lấp đất lại.

Đến trưa, những người là đồng về, tên nhà giàu thấy không có cơm, định đánh Men Chây một trận nên thân. Men Chây bình tĩnh chỉ hố gạo rồi nói:

- Ông bảo tôi “chôn gạo”, tôi làm đúng theo lời ông, sao ông giận và định đánh tôi.

Thấy Men Chây có lý, tên chủ nhà đành phải bỏ qua.

Nhưng rồi Men Chây thấy những người làm đồng về đều đói, Men Chây hối hận và lấy gạo cho họ nấu cơm.

Tên nhà giàu cho rằng Men Chây không biết nấu cơm, nên hôm sau hắn cho anh đi giữ ruộng. Tiếng Khơ-me “giữ ruộng”"mối-sre-chăm-ca". Men Chây vâng dạ, nhưng khi ra đến ruộng, anh chỉ chơi, rồi tìm chỗ ngủ, bỏ mặc ruộng cho trâu bò vào ăn lúa và hoa màu. Chiều về, anh bị chủ nhà mắng chửi và dọa đánh. Men Chây bảo:

- Ông biểu tôi đi coi giữ ruộng, khi nào ruộng bị mất tôi mới có tôi, bây giờ ruộng vẫn còn đó, tôi có lỗi gì đâu.

Chủ nhà đuối lý đành lặng thinh.

Hôm sau chủ nhà biểu anh đi chăn trâu, tiếng Khơ-me là “mói kô krô-bây”. Khi lùa trâu ra đồng, Men Chây bắt tất cả buộc lại một chỗ và đến chiều lại lùa về.

Thấy trâu đói, chủ hỏi Men Chây đáp:

- Ông biểu tôi giữ trâu, nên tôi phải buộc chúng lại để khỏi mất, mà ông có biểu tôi cho chúng ăn đâu.

Chủ nhà lại thấy Men Chây có lý, đnàh phải bấm bụng, nhưng trong bụng thì căm tức lắm. Ngày khác, chủ nhà sai Men Châu dẫn trâu đi ăn. Tiếng Khơ-me “dắt trâu đi ăn”“mỏi oi kô, krô-bây xi”. Cứ theo lời chủ, Men Chây lùa trâu ra đồng, thả chúng muốn đi ăn ở đâu thì đi. Hôm trước bị đói, nay được thả rong, trâu cứ xông vào ruộng lúa ăn một bữa no nê. Những người chủ ruộng kéo nhau đến nhà chủ của Men Chây bắt đền thóc lúa và hoa màu.

Chủ nha tức giận, định đánh Men Chây và bắt anh phải bồi thường thóc lúa, hoa màu cho những người có ruộng bị trâu ăn mất. Men Chây đáp:

- Tôi không có sai gì mà phải chịu đòn và phải đền của. Ông biểu tôi giữ trâu, không để cho chúng bị mất là được. Còn chúng ăn lúa, bắp, đậu… thì chúng chịu, chứ đổ thừa cho tôi sao được.

Chủ nhà nghĩ tại mình dặn không kỹ nên Men Chây làm như vậy, hắn đành phải chịu đền cho các chủ ruộng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #93 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2011, 02:25:36 pm »

Hôm sau, chủ dặn dò kỹ Men Châu, cho trâu ăn không được thả vào ruộng rẫy của người khác và cũng không không được bỏ đói, phải lựa những đám cỏ non tốt cho chúng ăn thật no nê rồi lùa về.

Nhưng rồi tên chủ lại thấy Men Chây đi chăn trâu hay sinh sự, nên không giao việc ấy nữa, mà sai trông nom, tắm rửa con hắn. Tiếng Khơ-me “tắm rửa”“nguôi-tức”, “nguôt-phoóc”, có nghĩa là sau khi cho con hắn ăn uống. Men Chây đưa chúng đi tắm rửa sạch sẽ, rồi anh lấy bùn trét đầy mình chúng trông rất kỳ dị.

Thấy con mình bị lấm bẩn, chủ nhà cầm roi đuổi đánh Men Chây, Men Chây bình tĩnh nhìn hắn nói:

- Tôi làm theo lệnh của ông, ông không khen thì thôi còn định đánh tôi.

- Tao biểu mày chăm sóc, tắm rửa cho chúng, tại sao mầy lau trét bùn lên mình chúng.

- Tôi làm đúng theo lời ông dặn chớ có sai đâu.

Tên chủ thấy mình đuối lý đành làm thinh.

Rồi một hôm khác, chủ nhà sai Men Chây mang túi trầu cau theo hắn đi hầu vua, và bắt phải chạy theo kịp ngựa hắn, nến không sẽ bị đánh phạt.

Men Chây bỏ mặc cho tên chủ phi ngựa đi trước, còn anh thủng thỉnh đi sau, vừa đi vừa ngắm cảnh dọc đường.

Thấy Men Chây đến chậm, hắn hỏi:

- Tại sao đi chậm như rùa vậy?

- Vì sợ trầu cau trong túi rơi hết.

- Lần sau phải chạy mau cho kịp ngựa, nếu không chớ trách.

Men Chây vâng vâng dạ dạ, tỏ vẻ phục tùng.

Lần thứ hai, chủ nhà bắt Men Chây đi theo. Vừa chạy theo ngựa, anh vừa vứt dần dần trầu cau, vôi thuốc, và tất cả những gì đựng trong túi.

Thấy Men Chậy chạy kịp ngựa, tên nhà giàu gật gù tỏ vẻ hài lòng. Nhưng khi đến nơi, bảo anh đưa túi lấy trầu ăn, thì chỉ còn túi không. Hắn tức giận hỏi tại sao, Men Chây nói là vì phải chạy theo cho mau, cho kịp, nên các đồ đạc trong túi rơi rớt hết. Muốn dừng lại để lượm, nhưng sợ trễ, nên lại thôi.

Chủ nhà nghe vậy, không quở trách vào đâu được, lại ăn dặn lần sau đi dọc đường có vật gì của mình rơi, phải nhặt cho kỳ hết mới được.

Lần thứ ba, khi được lệnh phải vào kinh hầu vua, chủ nhà lại bắt Men Chây đi theo. Dọc đường thấy phân của ngựa chủ bậy ra bao nhiêu, anh đều lượm bỏ vào túi trầu hết.

Thấy Men Chây mang túi khá nặng, chủ nhà mừng thầm, đoán chắc Men Chây lượm được nhiều của cải dọc đường, có lợi cho hắn. Khi vào chầu vua và các quan trong triều, thấy đã chua miệng, chủ nhà biểu Men Chây đưa túi trầu. Men Chây rón rén lễ phép nâng hai tay đưa túi trầu cho chủ. Vì mải nói chuyện, chủ vừa nói vừa thọc tay vào túi lấy trầu cau ra mời vua và các quan cùng ăn, nhưng hại thay, khi hắn lôi ra thì trầu cau lẫn lộn với phân ngựa. Vừa sợ vua quan vừa tức đứa ở. Chủ nhà giận dữ gọi Men Chây hỏi:

- Tại sao mầy làm ăn thế này?

- Tại ông biểu dọc đường gặp cái gì của mình rơi đều phải lượm cho kỳ hết. Tôi thấy phận ngựa của ông rơi ra, tôi nghĩ đó là của ông, nên phải lượm cho ông, nếu không sợ ông đánh đòn.

Vua quan đều không nhịn được cười và cho là Men Chây có lý. Chủ nhà không dám động đến anh. Tuy rất căm giận Men Chây, nhưng chưa có cách gì để trừng phạt anh cho có lý, chủ nhà đành làm thinh và định lần sau không cho anh mang túi trầu theo hầu nữa.

Một hôm được nhà vua mời vào hầu. Chủ không cho Men Chây đi theo và dặn ở lại giữ nhà. Chủ và vợ con hắn đi khỏi, Men Chây nổi lửa đốt nhà, rồi hớt hải chạy đến cung vua, báo tin cho chủ biết là nhà đã bị cháy.

Đang mắc hầu vua, hắn không dám bỏ ra về, chỉ dặn Men Chây phải nhanh chóng về nhà khuân đồ đạc ra. Men Chây hỏi nên lấy những thứ gì. Hứn bảo cứ lấy vật nhẹ ra trước, còn những món nặng để sau.

Men Chây chạy về đám cháy, đi tìm gối, lòng gà, rổ rá… lấy ra trước, còn những thứ khác bỏ mặc. Khi chủ về đến nơi, thì thấy của cải đã cháy thành tro. Hắn vừa tiếc của vừa gức giận Men Chây, hắn hỏi anh tại sao không chạy chữa. Anh nói:

- “Tôi làm đúng lời ông dặn”.

Hắn biểu Men Chây đi tìm thủ phạm đã làm cháy nhà. Tìm mãi không ra, Men Chây bèn lấy sợi dây buộc những hòn đá kê để nấu bếp nộp cho chủ nhà và bảo thằng này là thủ phạm.

Rất căm tức Men Chây, nhưng thấy anh đối đáp có lý, chủ nhà không có cách gì trị tội anh. Hắn liền nghĩ ra một kế là mượn tay vua giết Men Chây để trả thù.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #94 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2011, 02:26:20 pm »

Một hôm hắn tâu với nhà vua là hắn có một đầy tớ rất giỏi, nhưng có tài nói láo đặc biệt, chỉ có vua mới dùng được anh ta.

Đang lúc cần người hầu hạ, vua nhận lời, bảo tên nhà giàu dẫn Men Chây vào trong cung.

Khi Men Chây đến, vua hỏi:

- Ta nghe nói nhà ngươi có tài nói láo rất giỏi, vậy nhà người muốn khỏi chết thì phải nói láo như thế nào cho ta tin được, ta sẽ tha tội chết, bằng không đừng có trách tại số phận.

- Tâu bệ hạ, thần có nói thật, nhưng nói láo phải có sách. Vì không rõ được ý vua trước, nên thần phải về lấy sách đã, xin bệ hạ cho về mang sách đến rồi mới nói láo được.

Vua nghe và ưng thuận. Men Chây lại nói:

- Bây giờ xin bệ hạ quay mặt ra phía sau thì sách đem đến mới linh nghiệm.

Vì muốn thử tài Men Chây, vua làm theo. Nhưng ngồi đợi mãi không thấy Men Chây đi đâu cả, vua quay lại nỏi:

- Tại sao nhà người chưa chạy về nhà lấy sách?

- Tâu bệ hạ, hạ thần đã nói láo và được bệ hạ tin rồi đấy, cầu mong bệ hạ giữ lời ngài đã hứa.

Nhà vua xấu hổ vì thua mưu trí một đứa trẻ con nhà nghèo. Hắn còn sợ Men Chây có tài như vậy sau này sẽ cướp ngôi của hắn, nên tìm cách trừ khử đi. Lấy cớ là Men Chây đem lừa gạt vua, tên bạo chúa ra lệnh trói Men Chây đem thả trôi sông, để làm gương cho kẻ khác. Men Chây bị lính trong triều trói bỏ nắm trên chiếc xuồng con chở đi để quăng xuống nước.

Nghĩ thương mẹ tuổi già sức yếu, nghèo khổ không ai nuôi dưỡng, Men Chây vừa khóc vừa than, vừa nguyền rủa tên bạo chúa. Tiếng khóc làm động lòng người lính. Để cứu người vô tội khỏi chết oan, lúc sửa soạn quẳng Men Chây xuống dòng sông đang chảy xiết, anh lính lấy dao cắt dây trói cho Men Chây. Nhờ vậy, khi bị quẳng xuống nước, Men Chây đã thoát chết.

Để trả thù tên vua hung ác, Men Chây không đi xa mà cất một cái lều ở gần thành vua.

Bọn tay sai của nhà vua thấy Men Chây còn sống về báo cho vua. Tên bạo chúa ra lịnh bắt và tra tấn anh lính đã đem Men Chây đi thả trôi sông hôm trước. Anh ta phận bua đưa đi có một số quan đi theo giám sát. Men Chậy bị bắt đưa đến chịu tra khảo.

Trước sau anh chỉ nói:

- Tôi sống là nhờ phước đức ông bà tôi để lại.

Vua không hiểu ý nghĩa câu nói của anh, cho thầy bói đến dò hỏi Men Chây. Men Chây trả lời:

- Các ông muốn hiểu nghĩa câu nói ấy của tôi phải chịu tối như tôi, và cho tôi quẳng vào chỗ khúc sông mà tôi đã bị quẳng xuống hôm trước.

Thầy bói làm theo lời Men Chây liền bị chết trôi mất tích.

Thấy không tìm ra manh mối, lại bị mất thêm một thầy bói, nhà vua vô cùng tức giận, liền nghĩ ra cách khác để giết Men Chây.

Một hôm hắn ra lệnh cho các quan trong triều sắp sẵn mỗi người một con ngựa, đến giờ hẹn phải cưỡi vào rừng. Khi sắp đến giờ, hắn cho người đến truyền lệnh cho Men Chây phải cưỡi ngựa vào rừng đúng hẹn, nếu không sẽ chịu tội.

Men Chây không biết tìm đâu ra ngựa, liền nghĩ ra một kế: anh lấy một “con mã” quân cờ bằng gỗ rồi chạy đến chỗ hẹn.

Nhà vua thấy Men Chây đến chậm, mà lại không có ngựa bèn quát lính chuẩn bị trói và trị tội Men Chây. Lúc đó Men Chây xòe tay đưa “con mã” quân cờ ra rồi nói:

- Vua lệnh cưỡi ngựa, nhưng không nói là ngựa gì, tôi phải dùng ngựa này, làm đúng lệnh vua, vì đi ngựa gỗ nên đi chậm, xin vua xá tội.

Thấy Men Chây có lý, tên bạo chúa đành phải chịu rồi tìm kế khác để hại anh.

Một ngày kia, hắn nẩy ra một kế mà hắn cho là đắc sách. Hắn ra lệnh cho tay sai sửa soạn đi tắm hồ. Mỗi tên giấu sẵn một hột gà, không được cho Men Chây biết, rồi ra lệnh cho Men Chây phải có mặt đúng giờ tại bờ hồ.

Khi tắm, hắn ra lệnh mỗi người phải lặn xuống nước và khi trồi lên, mỗi người phải đẻ cho được một hột gà.

Lúc này Men Chây thấy rõ mưu của nhà vua định giết mình, nhưng anh cũng nghĩ ra cách chống lại. Khi bọn tay sai của nhà vua lặn xuống nước rồi trồi lên, mỗi tên dâng một hột gà cho nhà vua, thì Men Chây cũng lặn xuống nước, nhưng khi trồi lên thì mồm cứ kêu: “Cục tác, cục tác!”.

Vua hỏi hột gà đâu. Men Chây đáp:

- Những ông kia là gà mái, nên đẻ ra trứng. Còn tôi là gá trống nên đẻ không được, nhưng nhờ có gà trống mà trứng gà mới có chất bổ.

Lần này nhà vua cũng đuối lý, không bắt tội anh được. Để trả thù hắn, Men Chây chọn một con gà nhỏ có cựa rồi buộc thêm một cây sắt nhọn đã được mài bén đem thả lẫn lộn vào đàn gà quý của vua. Khi chúng đá nhau làm cho gà của nhà vua bị cựa đâm suýt chết. Anh lại thả con nghé còn bú, bị bỏ đói mấy hôm và cạo sừng cho bén, nhọn. Thấy trâu mẹ của vua, nghé liền chạy theo bú, nghé vừa bú vừa dùng sừng húc vào vú cho sữa chảy mau nên trâu cái của nhà vua bị thương nặng. Thấy gà quý, trâu quý đều bị thương, vua đoán là Men Chây gây ra, nhưng không có tang chứng để buộc tội, đành phải chịu. Để trả thù, vua ra lệnh cho cung phi, mỹ nữ hằng ngày đến lều của Men Chây đại tiện bừa bãi. Khi họ đến làm việc bậy bạ, Men Chây cầm chổi đi quanh lều, vừa quét mạng nhện, vừa chửi rủa ầm ĩ:

- Cái bọn sống bằng trôn, không biết thân, không biết xấu mà còn vênh váo.

Khi chúng tiểu tiện, anh liền cầm chổi xông vào đập lia lịa, làm cho đám cung phi, mỹ nữ hoảng sợ, bỏ chạy hết về khóc lóc kiện với nhà vua. Vua liền sai bắt Men Chây đến hỏi duyên cớ, Men Chây đáp:

- Tôi có mắng chửi, động chạm gì đến các bà mĩ nữ đâu. Vừa quét mạng nhện tôi vừa chửi nhện sống bằng trôn vì nó giăng lưới làm bẩn nhà rồi giơ cái đít ra để bắt mồi, bao nhiêu ruồi muỗi đều chết vì nó. Còn việc tôi đánh các bà ấy là làm theo lệnh vua, vì vua bảo đại tiện chứ không cho tiểu tiện. Các bà ấy không làm như vậy, nên tôi trị cho họ phải làm đúng lệnh vua.

Thấy Men Chây có lý, vua vừa tức, nhưng không làm gì được. Hắn liền cấm anh từ đây không được nhìn mặt hắn nữa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #95 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2011, 02:27:12 pm »

Men Chây vâng dạ ra về, lòng cảm thấy vui thích, nhưng vẫn lo nhà vua còn tìm cách để trị mình.

Theo tập tục của mỗi nước, mỗi năm nhà vua phải đi xem phố xá, nhà dân mấy lần. lần này nghe tin vua sắp ra, Men Chây liền khoét vách nhà mình và lấy vôi vẽ mắt mũi, râu ria vào mông, rồi chổng mông ra chỗ lỗ vách thông ra phố. Bà con phố xá thấy lạ coi rất đông. Vua thấy đông, cũng sai quan hầu đến xem chuyện gì. Khi vỡ lẽ, hắn cho bắt Men Chây đến hỏi, anh đáp:

- Vì quá thương nhớ vua, nhưng trước đây, nhà vua đã cấm không cho tôi nhìn mặt, nên tôi phải làm như vậy để mong nhìn thấy mặt vua cho đỡ nhớ.

Vua tức giận, tuy chưa giết anh ngay được, nhưng cũng bắt đem đi đày trên một hòn đảo giữa biển, được phép thu thuế các thuyền bè qua lại để sống qua ngày. Nếu không thu được thì chịu chết đói, cấm vào đất liền.

Suy nghĩ xong, Men Chây thuê người chặt tre đặt xuống biển, ngăn thành ô vuông rồi rắc trấu vào các ô đó. Khi thuyền bè qua lại, chạm vào trấu nổi, Men Chây nói là thuyền chạm vào lúa của anh đang gieo, và bắt mỗi thuyền phải trả một bát, nhưng không phải là bát đơn vị tiền, mà là một bát đựng đầy tiền, thứ bát mà sư sãi mang đi đựng cơm khuyến giáo.

Làm như vậy, chẳng mấy chốc Men Chây trở thành giàu có. Có người đến kiện vua. Vua đòi Men Chây về trị tội, vi phạm phép vua. Men Chây đáp:

- Vua cho tôi thu thuế mỗi thuyền một bát, tôi đã làm như vậy.

Thấy Men Chây có lý, hắn đành chịu.

Một hôm, sứ nước ngoài mang đến cho vua một quả dưa hấu và hẹn năm ngày phải cho biết trong đó có bao nhiêu hạt. Nếu không nói đúng thì họ sẽ cất quân đến đánh.

Vua vô cùng lo sợ. Cả triều đình lo lắng mất ăn, mất ngủ, cuối cùng nhà vua cho mời Men Chây đến. Chỉ có 3 ngày nữa là hết hạn phải trả lời cho sứ giả, vua cũng hẹn cho Men Chây 3 ngày.

Men Chây lúng túng mãi, không nghĩ ra câu đáp cho đúng thì lần này chắc chết. Ngày thứ hai, quẫn trí chàng nhảy xuống sông định tự tử, không ngờ dòng sông chảy cuốn anh đến chỗ thuyền của sứ giả nước ngoài đang đậu. Men Chây nghe bọn quan quân nước ngoài bàn tán với nhau:

- “Chắc vua nước này phải chịu thua rồi, làm gì ổng biết được quả dưa nhỏ có một hột. Quả vừa có hai hột, quả to ba hột. Họa may có thánh mới đoán được”.

Nghe lỏm được những lời trên đây, Men Chây mừng quá, liền bơi nhè nhẹ vào bờ và về nhà.

Đúng hẹn, vua cho lính đến đón Men Chây thật long trọng. Anh ung dung lên ngựa, có trống cờ đưa đón, lính theo hầu rất oai vệ. Khi anh vào đến cửa cung điện, vua và các quan ra đón niềm nở.

Đoạn Men Chây ngồi xuống, ung dung chỉ quả dưa to có 3 hột, quả vừa vừa có 2 hột, quả nhỏ chỉ có 1 hột. Quan hầu của vua lấy dao bổ ra thì đúng y như lời Men Chây đã đoán. Sứ giả thấy vậy hoảng sợ, xuống thuyền rút êm. Không dám đòi hỏi gì cả.

Mặc dù nhờ có Men Chây cứu ngai vàng hắn khỏi sụp đổ, vua chẳng những không biết ơn mà còn tiếp tục tìm cách hãm hại anh, vì sợ anh cướp ngôi hắn. Hắn ra lệnh bắt Men Chây phải đến sống ở một vùng rừng núi khí hậu rất độc, một khi đã đi sẽ không có ngày trở về. Biết rõ dã tâm của tên vua nham hiểm, đi được một đoạn đường, Men Chây bỏ trốn về thăm người mẹ thân yêu của mình.

Sống một thời gian bên mẹ, Men Chây đoán thế nào nhà vua cũng sai người đến để giết, nên anh tìm cách trốn sang nước khác. Vua nước này cũng rất hung bạo. Hắn cấm dân trong nước không được nhìn vào mặt hắn, khi hắn đi qua đường, ai trái lệnh sẽ bị giết liền. Vốn tính tò mò, Men Chây tìm cách thấy mặt tên bạo cháu này. Anh nghĩ ra một cách, sau khi biết rằng phong tục của dân nước này là hay ăn bún sợi ngắn, những người bán bún thường bày bán dọc đường, nơi nhà vua thỉnh thoảng đi qua, anh đến làm quen với họ rồi bày cách cho họ làm bún sợi dài. Một hôm, khi biết nhà vua sắp đi qua, mọi người đều cúi rạp dầu không ai dám ngẩng đầu lên. Riêng Men Chây cứ ngồi đàng hoàng, giơ những sợi bún dài lên, ngửa mặt nuốt rỉ rả, liếc mắt nhìn mặt tên vua. Thấy có người dám nhìn mình, vua cho bắt giam ngay vào một khám độc, chỉ sau một ngày đêm người bị giam có thể chết. Men Chây nghĩ ra một cách chống khí độc, anh rủ mất người bạn cùng bị giam đánh võ suốt một ngày một đêm nên tránh được khí độc và thoát chết. Ngồi buồn anh làm diều giấy có gắn sáo thả cho bay cao. Diều càng bay cao, tiếng sáo nghe càng rõ và buồn thảm, não nuột.

Vua lấy làm lạ, cho gọi quan chuyên nghề bói toán đến bói. Sau khi bói, tên này tâu do vua bắt một người có tài đem giam trong khám dộc, nên diều thần mới báo tin không hay và kêu như vậy. Nhà vua hoảng sợ, ra lệnh thả Men Chây, rồi cho gọi đến hỏi quê quán. Thấy Men Chây có tài, liền cấp cho thuyền bè, nhiều vàng bạc và 100 lính hầu đưa về nước.

Nhờ có của cái và có quân hầu về theo, Men Chây cho xây một lâu đài gần cung điện của vua nước mình rồi mời mẹ và bà con họ hàng đến ở cùng. Men Chây vừa có thế lực, giàu có lại có quân hầu, nhà vua chưa dám làm gì để hại anh, nhưng trong lòng vẫn ngay ngáy lo sợ anh cướp ngôi vua, nên nhà vua đã tìm mọi cách cho tay sai giết anh cho kỳ được.

Một hôm nhà vua giả làm lành cho mời Men Chây đến dự tiệc, biết rằng vua muốn hại mình, nhưng Men Chây nghĩ không đến dự tiệc cũng không yên thân với hắn. Anh buộc lòng phải nhận lời. Trước khi đi anh dặn mẹ và người nhà là nếu khi anh ở cung vua về anh bị chết thì không được khóc lóc và làm đám tang, mà làm theo anh bày cho đến khi nào nhà vua cũng chết mới được làm đám tang cho anh.

Sau khi dự tiệc về, quả nhiên Men Chây chết ngay vì trúng độc, người nhà làm theo lời anh dặn, không ai khóc, họ dùng kim chống hai mí mắt của anh lên, bên ngoài đeo kiếng (kính) đặt anh nằm trên chiếc võng, tay cầm quyển sách. Đứng xa không biết là người đã chết.

Kịp đó, nhà vua cho người dò xem, khi được báo tin là Men Chây còn sống, vua lấy làm lạ, nghĩ là thuốc độc của mình không hiệu nghiệm, hắn gọi đem thuốc độc ra để hắn nếm thử, hắn vừa uống xong thì liền ngã xuống chết ngay. Thế là xong một đời tên bạo chúa, cũng chết theo Men Chây bằng chính thuốc độc của hắn.

(Theo Huỳnh Ngọc Trảng,
Truyện cổ Khơ-me Nam Bộ)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #96 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2011, 02:27:56 pm »

ÔNG CẢ LÀNG TÂN CƯƠNG

Ông Cả có mấy sở ruộng tại làng ở gần Rạch Già (Gò Công, Tiền Giang) hàng năm đến mùa nước lớn thường bị ngập, vì vậy ông rất lo việc đắp bờ ngăn nước, là ông Cả nên ông rất bận việc làng việc tổng. Nhưng mỗi ngày, khoảng 5 giờ, khi rảnh việc ông thường ghé thăm bờ đập, xem xét người làm công mà ông phải bỏ tiền ra thuê. Vốn là người “căn cơ” nên hôm nào ra đến nơi ông cũng xắn quần lồi xuống nước bùn, phụ với người làm công đến tối mịt mới về.

Hôm nọ, bốn người làm công đang đắp đập, lúc sau giờ chiều, ông Cả đi nhóm ở nhà việc về. Sẵn có người làm, ông để cây dù lên bờ rồi cởi áo xắn quần lội xuống ruộng, móc bùn đắp đập phụ như những lần trước. Thông thường, lệ làm công trong những mùa cày cấy đến lúc mặt trời chen lặn thì được về nhà nghỉ ngơi. Hôm nay, mặt trời đã sắp lặn mà ông Cả lại lò dò xuống phụ là có ý muốn kéo dài thêm giờ công cho đến tối mịt đỏ đèn mới cho người làm công về.

Trong bọn có một anh khá lanh lợi, đã nhiều lần được ông Cả “phụ giúp” kiểu này nên biết được mánh khóe cầm chân người làm công của ông Cả, anh ta lén lấy cây dù đem để ở bờ đập đang đắp, móc bùn phủ lên cây dù.

Bốn người làm công cùng ông Cả đứng khoảng cách nhau cứ lo bồi đắp bờ ruộng, đến tối mịt ông Cả bảo

- Thôi tối rồi đi về bây!

Bốn người làm công lên bờ sửa soạn đi về, riêng ông Cả còn phải lo tìm cây dù. Kiếm mãi một hồi không thấy, ông liền gọi:

- Bây thấy cây dù tao ở đây không?

Thế là bốn người làm công quay trở lại để giúp ông tìm dù. Bốn người hè nhau bới móc bờ đập để tìm. Họ bới tanh bành khắp bờ đập mà họ bỏ công đắp suốt buổi chiều hôm đó, chỉ chừa chỗ giấu cây dù lại. Ông Cả nóng ruột hối:

- Lạ quá, lúc nãy đến giờ không có ai đi ngang qua đây, tại sao cây dù lại mất đi cà!

Người chủ mưu tỉnh khô đáp:

- Bẩm ông Cả, có lẽ trời tối quá, anh em chúng tôi lui cui móc bùn thảy lên bờ, có lẽ cây dù bị bùn dập mất. Anh em tôi rảnh cào riết một lúc chắc sẽ gặp dù thôi.

Họ cào bới sắp tiêu tùng cái bờ mới gặp dây dù.

- Dù đây! Dù đây!

Vừa nói, cũng chính anh ta vừa nắm cán ngoéo cây dù giật ngược lên rất mạnh. Dù bung ra vướng phải bùn đất rách toác vải, sườn dù gãy cụp hết trơn.

Thế là ông Cả vì cầm chân người làm công thêm chút xíu mà bờ đập tan tành và cây dù thành vật vô dụng!

(Theo Huỳnh Ngọc Trảng - Sđd)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #97 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2011, 07:01:37 am »

ÔNG TÀ KIỆN ÔNG ĐỊA

Trước kia, khắp nơi chốn ở Lục tỉnh Nam Kỳ, chủ nhà đều thờ ông Tà, cúng lễ đầy đủ để được ông Tà phù hộ độ trì giữ đất đai, ruộng vườn, súc vật. Không một ai dám làm gì, nói gì xúc phạm đối với ông Tà, vì nếu không sẽ bị ông Tà quở phạt tức thì, bằng cách làm cho đau ốm, súc vật bị dịch, mất mùa, mất của, hạn hán, lut lội… Lúc bấy giờ phải cúng lễ linh đình tốn kém, ngoài gà, vịt có khi phải cúng bằng trâu, bò. Ông Tà có đủ uy quyền, nghênh ngang một cõi

Nhưng vì ngặt bản tính của ông Tà thích rong chơi đây đó, ngao sơn du thủy, ít khi để tâm tới mọi việc đổi thay biến động của đời người, nên một hôm, bỗng ông Tà thấy tại sao càng ngày dân chúng càng ít thờ mình, cúng lễ cũng thưa thớt dần, đất đai cai quản ngày càng bị thu hẹp. Ông Tà bèn lên ngựa dạo quanh một số nơi để xem cơ sự ra làm sao mà có chuyện kỳ lạ như vậy. Bấy giờ ông Tà mới bật ngửa ra, là khắp nơi dân chúng đều thờ ông Địa ở trong nhà, còn mình thì họ lập miếu thờ ở ngoài ruộng, dưới gốc cây ven đường cạnh bờ sông.

Ông Tà cho rằng ông Địa ngang nhiên chiếm đoạt quyền cai quản trên đất đai của mình, hưởng hết mọi vật cũng lễ, nên đầu đơn thưa ông địa với vị thần ở một cái đình gần đó.

Gặp ông Thần, ông Tà nói:

- Trình cùng chư thần, xứ này căn nguyên do tôi cai quản, người người đều thờ phượng, lễ cúng, đất đai từ chín sông đến bảy núi(1), từ bến Sấu(2) đến Gò Công,  đất rộng ngày dài, ngựa của Tà tôi tha hồ chạy cấn chạy giáp. Nay bỗng nhiên ông Địa từ đâu đến đây, làm thế nào không biết để được dân chúng thờ cúng và hưởng hết lộc thiệt của tôi. Nhờ thần linh phán xử.

Ông thần trả lời:

- Thôi, Tà đứng nói nhiều, mọi việc ta đã rõ mười mươi. Chắc Tà cũng biết, ai có công bồi đắp, vun vén thì sẽ được trời đất đền đáp cho; ai đào bòn xới lở thì trời đất sẽ xử phạt. Luật trời cũng như luật thế gian: ai có làm, có chịu khó thì Trời mới cho ăn không cho hưởng.

Nghe ông Thần nói như vậy, ông Địa tay xoa bụng, tay phe phẩy quạt, cười hể hả xin nói:

- Địa tôi nào dám tranh quyền cai quản đất cát cho của Tà. Tôi chỉ được cái là hay theo sát nhà người người, chịu thương chịu khó, để tâm tới mọi việc, hễ ai mất cái gì thì tôi chỉ, tôi tìm; bệnh hoạn sắp hoành hành ở đâu cho chim cú, chim heo báo trước, tôi hộ độ cho mọi người làm ruộng rẫy trúng mùa, mua may bán đắt… nên họ biết ơn, thờ cúng tôi, đền ơn tôi nải chuối, chén nước chè chớ có chi là quý báu đâu!

Sau khi nghe hết hai bên, ông Thần nói:

- Bây giờ ta phán xử thế này, chắc Tà và Địa cũng biết người ta thường nói: hùm bắt được hùm ăn, sấu bắt được sấu ăn. Bởi do trước đây, Tà mải vui ngao du rong duổi đây đó, không bận tâm tới việc dân chúng trông chờ, không làm tròn việc của mình, nay có người khác làm trót việc của Tà, có phần tốt hơn nữa là khác, nên dân chúng theo về với người ta. Giờ thì mọi sự đã an bài. Ta nên tiếp tục trông coi ruộng rẫy ở ngoài đồng. Còn Địa thì ở trong nhà giữ đồ đạc, giúp mọi người được may mắn. Thôi Tà chớ có kêu nài, đòi hỏi chi nữa.

Ông Tà buồn bã ra về, ông Địa thông xoa bụng, vỗ vai ông Tà nói:

- Tà cũng đừng buồn. Địa tôi với Tà cũng cùng màu da màu nước; dù ở trong nhà hay ngoài ruông cũng đều ở trên mảnh đất này, đều là anh em bạn bè cả. Tôi và Tày hãy hòa thuận, hãy hợp nhau giúp đỡ hộ độ dân chúng làm ăn, giữ gìn đất đai. Ta chúng sức nhau, kẻ trong người ngoài, tôi dám chắc là không kẻ nào dám chen vào đây nữa. Tà thích nay đây mai đó, lúc miền trên, khi miệt dưới, nên ở ngoài đồng tiện hơn. Tính tôi hay kim chỉ, thường để tâm tới việc, nên tôi ở trong nhà chắc Tà cũng cho là phải?

Ông Tà gật đầu, đổi giận làm vui bước ra đi. Từ đó có câu: “Ông Địa giữ nhà, ông Tà giữ ruộng”.


(1) Sông Cửu Long đến Thất Sơn.
(2) Bến Sấu: Bến Nghé (Sài Gòn)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #98 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2011, 07:04:30 am »

THƠ VỚI ĐỐI, TRƯỚNG VỚI HOÀNH

Tết đến, nhà nào cũng dán một vài câu đối vào cửa vào cột. Người có chữ có nghĩa thì viết câu đối, nói lên tâm tư, thái độ của mình đối với thời cuộc, thế thái nhân tình. Có người lại viết câu đối tán tụng mình.

Vào những năm cuối thế kỷ trước có câu chuyện về câu đối của Đỗ Hữu Phương còn truyền tụng mãi đến nay.

Phương người Chợ Lớn, xuất thân là một tên quan thượng thư. Khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, Phương trở thành tay sai đắc lực của phong trào Lang-sa sau làm đến chức Tổng đốc. Mặt khác, vào lúc ấy, Phương là một tay giàu khét tiếng, chỉ thua Huyện Sĩ: nhứt Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Định. Phương có năm con trai được thực dân Pháp cho làm quan to và ba con gái đều lấy chồng quan lớn. Do vậy, Phương rất tự phụ về gia thế của mình.

Tết năm nọ, Phương dán trước của nhà mình một câu đối:

“Đất Chợ Lớn có nhà họ Đỗ, đỗ trước cửa ngũ phúc tam đa”.

Và treo giải 10 nén bạc cho ai đối lại được. Hắn cho rằng đấy là cách đề cao uy tín của mình. Đối với nhân dân, nhà họ Đỗ tuy quyền thế, giàu sang thiệt đó, nhưng bộ mặt thiệt của hắn thì ai cũng rõ: Thời ấy đã có câu:

Việt gian có lũ thằng Tường
Thằng Lộc, thằng Tấn, thằng Phương một bầy.

Ai ai cũng đều kinh tởm bọn chúng. Bởi vậy nhân dịp đó có người gởi câu đối để đáp lại Tổng đốc:

“Cù lao Rồng có lũ thằng phung, phung một lũ cửu trùng bát nhã”

Câu đối thiệt tuyệt, thiệt chỉnh. Tất nhiên người đối lại không vì mục đích được 10 nén bạc thưởng, mà muốn cảnh cáo kẻ làm giàu trên xương máu đồng bào.

Tục truyền, nhận được câu đối ấy, Phương đỏ mặt, sượng sùng. Tuy giận đầy hông, nhưng chẳng biết làm gì để trả thù được, đành nén bụng làm thinh. Công việc mà Phương phải làm ngay sau đó là hủy câu đối đã dán trước nhà mình và từ nay xin chừa đối với điếc.

*
*   *

Thở ấy, lại có người tặng Tổng đốc Trân Bá Lộc một bài thơ cay đắng không kém:

Ấy là nước loạn biết tôi ngay
Danh tiết ngàn thu rụng xứ Tây
Danh nghĩa mấy phen oai súng nổ
Cộng hòa ba sắc ngọn cờ bay
Quê hương là chỗ sanh cha mẹ
Xương thịt đừng cho thẹn cỏ cây.
Da trước phước nhiều nòi máu đỏ
Cái thân đừng thẹn nước non này


Khốn nạn thay! Một tôi ngay trong lúc nước loạn mà danh tiết chỉ được ghi trong sử sách Tây Phú-lang-sa (chỉ bọn thực dân Pháp) thì còn gì nhục hơn.

*
*   *

Nguyễn Văn Tâm là một tên Việt gian khét tiếng tàn ác của “Nam Kỳ quốc” thời thực dân Pháp, tàn ác đến mức người đời gọi hắn là “Cọp xám Cai Lậy” Tâm lại là một tay ưa khoe chủ nghĩa. Đương thời hắn ta thương hay làm thơ với biệt hiệu là Trương Duy Chánh Đạo.

Vì hay sính làm thơ, nên khi làm Đốc phủ sứ cho chế độ thuộc địa của đế quốc Pháp, mỗi khi nhậm chức ở đây Nguyễn Văn Tâm thường hay mời các nhà thơ ca, xướng họa trong vùng đến cùng ngâm nga xướng hóa họa, vừa để tỏ ra mình cũng là bậc văn nhân, cũng có chữ nghĩa, chứ không phải dốt đặc cán mai, vừa để mua lòng sĩ phu trong nước.

Khi làm bộ trưởng trong nội các bù nhìn của Bảo Đại, một hôm, đi kinh lý Cần thơ, Tâm đem bài thơ “Táo Tháo tự thuật” để khoe mình:

Đất nước cơ trời khiến rẽ ba
Nghiêng vai nhốm thử gánh sơn hà
Cáo cầy chi xá Viên cùng Lữ
Hào kiệt ai bằng Bị với ta
Dũng dáng vào đinh đâm Đổng Trác
Nhân đành mở ải thả Quan ra
Người đời chê Tháo la tôi nịnh
Tôi nịnh như ông được mấy ma


Tâm tự ví von mình với Tào Tháo và đọc xong bài thơ lấy làm đắc ý lắm

Một nhà thơ đường thời là Lăng Ba đã họa bài thơ ấy:

Mưu đồ vương nghiệp phải bôn ba
Phạt bắc chinh đông chẳng ngại hà
Tiên bội diệt an dạ chúng
Hán hèn phế Hán toại lòng ta
Thất điên Vị Thủy khen tài Mã
Bát đảo Huê Dung phục kế gia
Thời loạn kể gì trung với nịnh
Được vua thua giặc lạ chi mà!


Bài thơ họa lại đã đồng nhất Tâm với Phụng thêm (Lữ Bố) một kẻ lừa thầy phản bạn, tàn dân hại nước cần phải diệt trừ cho an dạ chúng dân. Còn ngài “quốc trưởng” của y cũng hèn hạ không kém - phải phế bỏ đi như Hán Hiến đế mới tọa lòng.

Năm 1952, Tâm được thực dân Pháp và Bảo Đại phong làm chức thủ tướng. Một hôm đi kinh lý tại địa phương nọ, Tâm được các nhân sĩ ở đây tặng một bức hoành(1) sơn son thiếp vàng viết bốn chữ Hán:

“Đại diểm quần thần” có nghĩa là “Một bầy tôi lớn nhất, ở điểm nhất, tức có thể hiểu là thủ tướng”.

Các nhân sĩ ra về, vốn là tay hay chữ, Tâm vừa ngồi hút thuốc vừa nghĩ ngợi, chợt hắn quăng thuốc xuống đất, miệng lẩm bẩm:

- “Láo thật, quân hỗn láo thật! Dám chơi xỏ ta!”

Sự thể là ngài thủ tướng vừa hiểu ra Đại điểm là chấm to, nói lái ra là chó Tâm. Còn quân thần có nghĩa là bầy tôi, nói lái ra là bồi tây. Thật là hết chỗ nói, lại kêu đích danh quan lớn ra mà chửi.

Khôi phải nói ai cũng biết là dân chúng và các nhân sĩ tiến bộ phải khốn khổ như thế nào với cái chấm to này.

(Theo Huỳnh Ngọc Trảng - sđd)


(1) Hai chữ, ba chữ, bốn chứ lớn đề trên cổng hay treo ở phòng khách, viết ngang gọi là hoành phi gọi tắc là Hoành, viết dọc gọi là trương.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #99 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2011, 07:05:42 am »

CON CHÓ BIẾT NÓI

Ngày xưa, có một ông già giàu nhứt làng. Tiền bạc của ông kiếm được phần nhiều là do những món nợ ăn lời quá vốn, hoặc những âm mưu cướp giựt ruộng đất, nhà cửa của dân lành. Càng có nhiều tiền, lão càng cay nghiệt. Không bao giờ lão chịu bố thí, cứu giúp còm xóm. Lúc nào lão cũng lăm lăm kiếm nhiều tiền hơn nữa để trở thành phú hộ ăn trên ngồi trước thiên hạ.

Lão có nuôi một con chó mực, lão thương con chó còn hơn con ruột. Lão cho chó ăn ngon như lão, cho ngủ trên giường và chăm sóc kỹ lưỡng. Lão thường ao ước:

- Giá như con mực này biết nói tiếng người thì ta sẽ trở thành một người nổi tiếng nhứt làng. Ta sẽ làm tiền thiên hạ mỗi khi ai muốn nghe chó nói. Và nhờ vậy mà ta sẽ có nhiều tiền, ta sẽ ăn trên ngồi trước mọi người.

Một anh đày tớ biết ý lão nên nghĩ kế làm tiền chủ cho bõ ghét. Anh lựa lúc chủ vui mà nói rằng:

- Thưa ông chủ, tôi biết một vị tu sĩ ở trong núi có phép dạy chó nói tiếng người. Nếu ông cho tôi dắt chú mực đi học, chắc chắn trong ba tháng chó sẽ nói được như tôi.

Lão già khoái trá, hỏi giá bao nhiêu. Anh đày tớ tính phỏng lối năm nén bạc. Lão liền đưa cho anh 5 nén, và thêm một nén làm lộ phí.

Anh đầy tớ dắt chó ra đi. Anh không đi vào núi mà lại đưa chó về nhà cha mẹ mình ở cách đấy khá xa. Anh giao cho chó cha mẹ nuôi và trao năm nén bạc nhờ cha mau ruộng cho anh. Ở chơi vài ngày rồi anh trở lại nhà chủ, thưa rằng:

- Ông tu sĩ nhận tiền và hứa sẽ dạy chú mực biết nói trong hai tháng. Ôn ta đòi thêm ba nén bạc nữa về lớp dạy gấp rút này.

Lão già bằng lòng lắm, hy vọng sẽ có con vật đặc biệt nhứt làng. Lão đi kheo khắp nơi và hăm rằng, kẻ nào khinh lão sẽ bị chó chửi thay lão.

Thời gian trôi qua, đến ngày hẹn, lão trao ba nén bạc nữa ho anh đầy tớ và cho thêm hai nén đi đường.

Anh chàng khôn ranh ôm bạc về nhà cha mẹ cất, chờ anh về cưới vợ. Anh gọi con chó lại vuốt đầu tỏ vẻ cảm ơn ơn nó. Vài hôm sau anh trở lại nhà chủ một mình.

Lão già ngạc nhiên thấy không có con chó, lật đặt hỏi:

- Chó mực đâu? Chó mực dâu? Sao mày lại về có một mình?

Anh làm bộ âu sầu kể lại rằng:

- Thưa ông chủ, tôi không ngờ chó mực lại vô ơn bạc nghĩa đến thế. Ông tu sĩ đã dạy nó rnói được tiếng người đàng hoàng như tôi, vừa thấy tôi là chú ta kêu tên tôi ngay. Tôi hỏi thăm sức khẻo chú để thử tài ông thầy, thì chú trả lời ron rót y như tôi nói chuyện với ông chủ vậy. Chú nói rằng: “Tôi về nhà rồi chủ tôi sẽ biết, tôi sẽ kể hết tội ông chủ làm ăn lâu nay, như cho vay lấy lời cắt cổ, gạt người ta lấy của, kiện cáo đoạt nhà, cướp ruộng thiên hạ, lo lót quan trên hãm hại dân lành. Tôi sẽ tố cáo ông chủ trước mặt quan phủ để ngài bắt bỏ tù, tịch thu tài sản mới được…” Thưa ông chủ, chú còn nói nữa, nhưng tôi không dám thuật hết cho ông chủ nghe, tóm lại chú biết hết các việc ám muội của ông chủ và nhất định cho ông chủ vào tù. Tức quá tôi lấy búa chém đứt đầu nó rồi.

Lão già toát mồ hội hột. Lão đâm lo vì tội ác rành rành như thế, nếu con chó nói ra hết thì lão không tránh khỏi tai họa.

Lão cám ơn anh đầy tớ đã giúp lão giết con vật “chó chết” và cứu lão thoát nạn. Lão cho anh ta ba nén bạc gọi là thưởng công anh.

Từ đó về sau, lão bớt dần tính độc ác và bủn xỉn, lão sợ những con vật rồi đây sễ biết nói và sẽ không bỏ qua những việc làm có tội của lão.

Còn anh đầy tớ, xin nghỉ làm ở nhà chủ, anh về nhà với cha mẹ lo làm ruộng, rồi anh cưới vợ, cất nhà riêng. Anh nuôi con chó mực như các con chó khác, và nó cũng chỉ “biết nói” gâu gâu mà thôi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM