Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 07:07:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Sơn thất hổ tướng  (Đọc 12316 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« vào lúc: 15 Tháng Tư, 2011, 08:30:41 pm »

Link sách: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nmn1n3n4n31n343tq83a3q3m3237nvn

1 - Võ Văn Dũng

Sau khi vua Quang Trung mất, Cảnh Thịnh lên ngôi, tuổi còn nhỏ, quyền bính đều ở trong tay Bùi Đắc Tuyên.

Bùi Đắc Tuyên người làng Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn, cậu ruột của Cảnh Thịnh. Dưới triều vua Quang Trung, Tuyên nhờ thế em gái là Hoàng hậu Bùi Thị Nhạn nên được làm quan trong triều. Vì ít học, nên chỉ làm Thị Lang Bộ Lễ, nhưng lại được ghép vào nơi cung cấm. Tuyên thường bày nhiều trò chơi để mua lòng Thái Tử Nguyễn Quang Toản.

Vì vậy, nên sau khi lên ngôi báu, Quang Toản liền sử dụng Tuyên và đưa lên làm thái sư, bất chấp cả quan chế đã đặt sẵn. Trong cung đã có Bùi Thái hậu, ngoài triều lại có lắm đại thần nghiêng theo chiều gió như Ngô Văn Sở, Phạm Công Hưng, nên thế lực của Tuyên rất vững. Tuyên mỗi ngày một thêm lộng hành. Các đại thần trung tín đều bất mãn. Một số quan văn kẻ thì tìm cớ già yếu xin về vườn. Kẻ thì bị Tuyên tìm cớ giáng chức hay cách chức. Một số quan võ không về cánh với Tuyên, người thì bị thảm hại, kẻ thì bị đưa đi trấn thủ nơi xa xôi. Ngay những người trước kia theo Tuyên như Ngô Văn Sở, Lê Văn Hưng cũng không chịu nổi hành vi gian ác của Tuyên, nhiều lúc cũng có thái độ bất bình. Tuyên muốn trừ khử khi có dịp. Nhân khi Lê Văn Hưng thắng trận ở Phú Yên, giao thành cho Nguyễn Quang Huy giữ, đem quân về Phú Xuân, Tuyên bắt tội là không thỉnh mệnh trước, có ý muốn làm phản, tâu xin vua chém đầu răn chúng. Vua Cảnh Thịnh y lời, Ngô Văn Sở can nhưng không được, Quan Phụ chánh Trần Văn Kỷ can thiệp, Tuyên nổi giận, giáng chức, đày ra coi trạm Hoàng Giang.

Trần Văn Kỷ nguyên là một danh nhân đất Thuận Hóa, quy thuận nhà Tây Sơn khi Bắc Bình Vương ra Phú Xuân. Được vua Quang Trung trọng dụng, thường đem theo bên trướng, làm đến chức Trung Thư lệnh. Quang Toản lên ngôi, Kỷ được làm Phụ chánh.

Sau khi đày Trần Văn Kỷ, Tuyên muốn dứt luôn cái nguy là Võ Văn Dũng, nên sai Ngô Văn Sở ra Bắc Hà thay chức Trấn thủ. Triệu hồi Võ Văn Dũng về Phú Xuân đợi lệnh. Dũng đem quân hộ vệ về đến Hoàng
Giang thì gặp Kỷ, Kỷ nói:

- Thái sư ngồi trùm cả quân thần, cho ai sống được sống, bắt ai chết phải chết, nếu không sớm trừ đi, e bất lợi cho xã tắc. Ông nên lo liệu trước đi kẻo nữa ăn năn không kịp.

Võ Văn Dũng vốn tin trọng Văn Kỷ, liền nghe theo. Về đến Phú Xuân, không vào triều, lén cho mời Phạm Công Hưng và Nguyễn Văn Huấn đến bàn mưu giết Bùi Đắc Tuyên. Nhận thấy rõ ràng lòng tàn nhẫn và tính phản phúc của Tuyên, Hưng và Huấn cùng lo ngại đến thân phận của mình, bèn hưởng ứng ngay lời Dũng. Đêm ấy kéo quân đến vây dinh Thái sư. Chẳng ngờ đêm ấy Tuyên có việc ngủ lại trong cung. Bọn Dũng vây luôn cả cung và đòi Cảnh Thịnh giao Tuyên. Không tránh được, Cảnh Thịnh đành bắt Tuyên nạp. Dũng hạ ngục Tuyên, rồi một mặt cho Nguyễn Văn Huấn vào Quy Nhơn bắt con Tuyên là Bùi Đắc Trụ, một mặt giả chiếu ra Bắc Hà bắt Ngô Văn Sở giải về Phú Xuân. Dũng cho rằng ba người Tuyên, Trụ, Sở mưu phản, nên đóng cũi nhốt, đem dìm xuống sông Hương .

Vua Cảnh Thịnh biết là oan nhưng không sao ngăn cản được đành gạt nước mắt khóc thầm.

Trần Quang Diệu đang vây thành Diên Khánh nghe tin lập tức vượt biển về Phú Xuân. Võ Văn Dũng cùng
Nội hầu Nguyễn Thế Tứ đem quân bản bộ ra đóng ở bờ phía bắc sông Hương, ỷ mệnh vua, chống nhau với quân Trần Quang Diệu đóng ở An Cựu bên bờ phía nam sông Hương.

Võ Đình Tú lấy tình quen thân cả đôi bên xin vua Cảnh Thịnh được phép đứng ra hòa giải, nhờ vậy mà Võ Văn Dũng cùng Trần Quang Diệu nối lại tình xưa. Cả hai kéo binh vào thành bệ kiến Cảnh Thịnh. Vua phong Võ Văn Dũng làm Đại Tư Đồ. Trần Quang Diệu làm Thái Phó.

Đầu tháng 5 năm Kỷ Mùi (1799), thành Quy Nhơn bị vây. Trấn thủ Lê Văn Thanh chống không nổi nên cầu cứu Phú Xuân. Võ Văn Dũng cùng Trần Quang Diệu kéo vào đến Quảng Nghĩa thì bị binh Viết Phước chận lại tại Thạch Tân. Thừa lúc tối Võ Văn Dũng đem quân theo đường Trung xá mưu đánh úp quân Tống Viết Phước. Chẳng ngờ khắp nơi đều có quân đóng giữ, canh phòng cẩn mật, nên binh Võ Văn Dũng thua to. May nhờ Trần Quang Diệu cứu ứng kịp thời, Võ Văn Dũng mới thoát nạn. Vì vậy Quy Nhơn thất thủ và thành được đổi tên là thành Bình Định. Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu được lệnh lui về giữ Quảng Nam.
Nhân việc mất Quy Nhơn, bọn Trần Viết Kiết, Hồ Công Diệu sàm tấu với Cảnh Thịnh là tại Trần Quang Diệu không chịu cứu ứng, nên Quy Nhơn mới mất và xin sai người mang mật thư vào Quảng Nam bảo Võ Văn
Dũng bắt Diệu giết đi. Dũng được thư tự nghĩ:

- Tội là tội của mình. Trần huynh đã có lòng tốt không cáo giác, sao mình lại nỡ lòng hại ân nhân thà đắc tội cùng vua còn hơn phạm tội vong ân bội nghĩa.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2021, 12:27:26 pm gửi bởi ptlinh » Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #1 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2011, 08:31:21 pm »

Bèn đưa thư cho Diệu xem. Diệu kéo quân về kinh trị tội bọn gian tà, rồi trở lại Quảng Nam.

Tháng giêng năm Canh Thìn (1800), Võ Văn Dũng hợp cùng Trần Quang Diệu vào được Quy Nhơn. Võ Văn Dũng cầm thủy binh đứng giữ cửa biển Thị Nại để Trần Quang Diệu công thành.

Võ Văn Dũng đem chiến thuyền Đinh Quốc và hơn trăm chiến thuyền nhỏ ra đóng giăng ngang cửa biển. Hai pháo đài Ghềng Ráng và Phương Mai bấy lâu bỏ hoang được Dũng cho sửa sang lại và đặt súng đại bác để canh phòng.

Năm Tân Dậu (1801) Nguyễn Phúc Ánh kéo binh ra đánh mạnh, tấn công hai mặt thủy và bộ.
Về mặt thủy, quân nhà Nguyễn tấn công hai mặt:

- Nguyễn Văn Lương và Tống Phúc Lương đem thuyền nhỏ vượt ra phía bắc Thị Nại vào cửa Cách Thử, lẻn vào đầm Thị Nại, dùng hỏa công đốt thủy trại Tây Sơn.

- Lê Văn Duyệt và Võ Di Nguy ở ngoài cửa Thị Nại khi thấy lửa cháy thì kéo chiến thuyền đánh ập vào.

Ở Thị Nại, Võ Văn Dũng canh phòng nghiêm ngặt, súng đại bác sẵn sàng nhả đạn. Nhưng đang đêm, thình lình thấy thủy trại cháy, vội cho quân đi chữa lửa. Võ Di Nguy trông thấy ánh lửa liền xua quân tiến vào. Súng trên pháo đài bắn xuống, đánh chìm hết đoàn thuyền tiên phong. Võ Di Nguy bị trúng đạn chết. Lê Văn Duyệt đốc binh tiếp theo, liều chết vượt khỏi tầm súng. Lê Văn Duyệt dùng hỏa công, lửa cháy rần rần theo gió tạt vào thuyền Tây Sơn. Gió thổi càng mạnh, lửa cất càng cao. Ánh sáng rực cả mặt biển, ngất cả nghìn dặm mây. Và tiếng súng nổ, tiếng quân la hét vang trời dậy đất, quân nhà Nguyễn bị chết vô số. Thuyền Tây Sơn bị đốt cháy không còn một chiếc. Võ Văn Dũng đại bại, kéo tàn quân lên hợp cùng Trần Quang Diệu giữ những nơi hiểm yếu khác. Nguyễn Phúc Ánh thấy đánh không nổi quân Tây Sơn để cứu thành Quy Nhơn, tuy đã chiếm được cửa Thị Nại, bèn kéo đại quân ra đánh Phú Xuân.

Ngày 27 tháng 5, Trần Quang Diệu hạ được thành Quy Nhơn và thành Phú Xuân trước đó cũng lọt vào tay Nguyễn Phúc Ánh (ngày 3 tháng 5 năm Tân Dậu).

Nghe tin quân Tây Sơn bị thua ở Nhật Lệ, Trấn Ninh Nguyễn Phúc Ánh hoàn toàn làm chủ đất Thuận Hóa,
Võ Văn Dũng cùng Trần Quang Diệu đem 3 ngàn quân cùng 80 thớt voi, theo đường sạn đạo sang Lào để ra Nghệ An vào thượng tuần tháng 3 năm Nhâm Tuất (1802).

Đường đi khó khăn, Lam Sơn chướng khí đầy dẫy, khiến cho đoàn quân càng ngày càng hao hụt. Lớp bị bệnh, lớp bị bọn thổ ty theo nhà Nguyễn tập kích, nên khi đến Nghệ An thì mười phần chỉ còn ba bốn. Đoàn tượng binh chỉ còn mươi thớt. Quân tướng hầu hết đều bị sốt rét rừng. Tại Hương Sơn, Võ Văn Dũng cùng Trần Quang Diệu và các tướng bị tướng nhà Nguyễn là Võ Doãn Văn, Lê Đức Định bắt sống.

Ở Diễn Châu, Bùi Thị Xuân hay tin đem nữ binh đi giải cứu. Đến Giáp Sơn thì giải cứu được, nhưng chạy đến sông Thành Chương thì hai vợ chồng Trần, Bùi bị bắt trở lại. Một mình Võ Văn Dũng mở đường máu thoát chạy. Nhưng chạy đến Nông Cống, thuộc Thanh Hóa thì Võ Văn Dũng bị bọn Lê Văn Pháp, Phạm Ngọc Thụy kéo dân địa phương ra bao vây. Với một thanh đoản đao, Võ Văn Dũng đã đánh thắng hai tướng Lê, Phạm xong quá yếu sức vì gian lao đói khát, nên không chống lại đám đông, đành buông đao chịu trói.

Bộ ba Dũng, Diệu, Xuân bị đóng cũi giải về Nghệ An. Dọc đường, Võ Văn Dũng phá cũi, thoát ra ngoài, ông giải cứu luôn cả hai vợ chồng Trần, Bùi song hai chân của Trần tướng quân bị sưng phù, không thể chạy trốn được. Bùi nữ tướng đành ở lại chịu chết cùng chồng.

Một mình Võ Văn Dũng lặn lội suối đèo, ngày nghỉ đêm đi, sau nhiều tháng mới về đến quê hương. Trong đêm tối, ông ghé thăm nhà tại Phú Phong, đốt hương lên bàn thờ tổ tiên, rồi âm thầm ra đi. Ông lên sống tại các làng người dân tộc vùng cao trước kia đã từng một thời hợp tác với nhà Tây Sơn, mong có ngày gầy dựng lại cơ đồ.

Các vùng núi Tây Sơn thượng đều lưu vết chân ông. Các thôn Đồng Phó, Hà Nhung thường là nơi ông lưu trú lâu nhất. Tại An Khê ông chiêu mộ được một số người dân tộc thiểu số, lấy hòn Hội Sơn ở Trinh Tường làm căn cứ quân sự. Do đó nhân dân địa phương cũng gọi hòn Hội Sơn là hòn Ông Dũng và gọi tắt là Hòn Dũng.

Khi hợp tác cùng các sắc tộc vùng núi, Võ Văn Dũng ban đầu được sùng bái, sau lần lần vì thế lực của ông không có mà thế quyền Gia Long càng ngày càng vững mạnh, nên các sắc tộc vùng núi tỏ ý lơ là không muốn hợp tác nữa. Vì vậy, ông bỏ hẳn vùng Tây Sơn thượng trở về hoạt động ở vùng cận quê hương. Các vùng ven sông Côn như Tiên Thuận, Vĩnh Thạnh, Kiên Mỹ đều nằm trong phạm vi hoạt động của ông .
Việc ông đứt đoạn với các sắc tộc vùng Tây Sơn thượng được nhân dân địa phương đưa vào ca dao:

Củ lang Đồng Phó

Đậu phụng Hà Nhung

Chàng bòn thiếp mót bỏ chung một gùi

Chẳng qua duyên nợ sụt sùi

Chàng giận chàng đá cái gùi, chàng đi

Chim kêu dưới suối Từ Bi.

Nghĩa nhơn còn bỏ huống chi cái gùi.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #2 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2011, 08:32:03 pm »

Đó là câu ca dao đã dùng thể tỷ nói về việc chung lưng đấu cật, về việc bất hòa giữa Võ Công và người dân tộc thiểu số.

Để chuẩn bị cho một cứ điểm ẩn náu cuối cùng, Võ Công đã đi sâu vào vùng Lộc Đổng, Hầm Hô, tìm những hang động rộng rãi, kín đáo để chuẩn bị cho việc ẩn náu lâu dài. Trong khi hoạt động ở vùng Tây Sơn thượng, Võ Công đã có một thời đến sống trong rừng mộ điểu, nhưng sau thấy Cô Hầu không thiết tha đến việc phục hưng nhà Tây Sơn, nên ông đã đón hai con của vua Thái Đức là Văn Đức, Văn Lương và cháu nội là Văn Đẩu về ở trong binh trướng. Sau khi người dân tộc không còn hợp tác với ông và có âm mưu phản bội, ông đã đem ba chú cháu Văn Đức lên hòn núi Xanh ẩn náu.

Năm Minh Mạng thứ 12 (1882), tưởng thời gian đã xóa đi các liên hệ tranh chấp, ba chú cháu Văn Đức về thăm quê hương ở Kiên Mỹ thì bị quan lại địa phương bắt giải về Phú Xuân, giết chết.

Còn lại trơ trọi một mình, Võ Công sống một cuộc đời tiêu diêu tự tại, phiêu định nay đây mai đó. Võ Công mất ngày nào, tại đâu, không ai biết rõ. Chỉ biết là Võ Công sống được 90 năm, nhờ vào bài thơ Vịnh Võ Đô đốc của cụ Vân Sơn Nguyễn Trọng Trì, thì sau khi thoát nạn, Võ Công còn sống được 40 năm nữa. Bài thơ ấy như sau:

VỊNH VÕ ĐÔ ĐỐC.

 Tạo vật khốn hào kiệt.

Ý tưởng sử hữu vi.

Công danh vị túc ngôn.

Hoặc tác xuất thế ty.

Võ công dũng quán quân.

Bách chiến khởi Tây thùy.

Thiên phương yểm trung nguyên.

Đãi phi nhất mộc chi.

Thoát thân tứ thập niên.

Thế nhân thức công thùy.

Đản kinh sơn thạch gian.

Hữu thử hùng báo ty.

Ngã diệc chí phương ngoại.

Bạch đầu vị phùng sư.

Niên niên hạnh phế phóng.

Thảng toại giữ thế từ.

Tùng công du Ngũ Nhạc.

Khể thủ thốn linh chi.

Kim cốt hoán lục tủy.

Khiêm nhiên tùng đào phi.

Nghĩa là:

Tạo hóa làm khốn đốn kẻ hào kiệt.

Ý muốn cho họ làm việc gì.

Công danh không đủ nói.

Hoặc giả bày ra cơ hội để họ thoát đời.

Tài đánh dẹp của ông thật quán quân.

Từ biên giới phía Tây nổi lên, trăm trận trăm thắng.

Nhưng trời muốn dứt nửa chừng.

Thì một cây không chống nổi.

Thoát mình khỏi nạn ngót bốn mươi năm.

Người đời ai biết ông?.

Sống lâu ngày trong nơi núi chồng đá chất.

Ông có tư thế mạnh như gấu như hùm.

Tôi cũng có ý muốn xuất thế.

Nhưng đã bạc đầu mà chưa gặp được thầy.

Làm quan nay được đuổi về, năm năm rảnh rang.

Muốn thoát khỏi cuộc đời.

Theo ông đi dạo chơi khắp năm ngọn núi tiên.

Cúi đầu ăn cỏ linh chi.

Xương vàng đổi tủy xanh.

Nhẹ nhàng bay lên nhánh tùng.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #3 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2011, 08:32:57 pm »

2 - Võ Đình Tú
 
Võ Đình Tú, người thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn. Con nhà giàu, tính hào phóng, lòng dạ chân thật, can đảm hơn người. Từ thuở nhỏ, gia đình đã rước thầy về nhà học văn lẫn võ.

Năm 14 tuổi, trong thôn bỗng nhiên xuất hiện một nhà sư mặt mày xấu xí, ăn bận rách rưới, thường đến ngồi nơi nhà ngõ họ Võ. Trẻ con trong làng hễ trông thấy nhà sư thì kéo nhau đến chọc ghẹo. Mặc cho lũ trẻ hò reo, làm nhiều điều phiền toái, nhà sư vẫn ngồi xếp bằng tĩnh tọa, mắt nhắm nghiền. Chọc chán mà không thấy phản ứng, chúng bèn kéo nhau bỏ đi.

Riêng Võ Đình Tú thì lại có thái độ rất kính trọng và thương mến nhà sư. Khi nhà sư đến thì Tú hoặc bưng cơm nước hoặc bánh trái đến cúng dường. Nhà sư hoan hỉ mà nhận. Tuy nhiên, hai người không hề nói với nhau một lời.

Một hôm, trời nổi mưa to gió lớn, mọi người không ai dám ra đường. Mưa tầm tã suốt ngày. Đêm đến, mưa tạnh gió ngừng, người trong nhà không thấy Tú đâu cả. Mà ngoài ngõ nhà sư cũng biệt tăm.

Cho người đi khắp nơi, hết ngày này đến ngày khác vẫn không tìm thấy tông tích. Người nhà quyết đoán là Tú đã bị nhà sư bắt cóc. Đành thắp nhang cầu trời phật gia hộ cho Tú mà thôi.

Mười năm sau. Tú trở về, thành một thanh niên vạm vỡ, sức mạnh như hùm, nhưng vẫn giữ được tính tình chân hậu, chất phát. Mới trông qua không ai biết rằng đó là một võ lâm cao thủ.

Tú về nhà đóng cửa đọc sách, không giao du với ai, trừ Võ Văn Dũng. Hai người là bạn tâm đắc. Gặp nhau ngoài chuyện bàn luận võ nghệ còn thường hay đàm luận thời thế. Nhà giàu, võ nghệ cao cường, song Tú vẫn không thích lập gia đình. Nhiều lúc đóng cửa đi giao du hàng tháng mới về.

Về võ nghệ, Tú thông thạo đủ mọi loại: côn, kiếm, thương, quyền v.v… Về quyền thì thiên về ngạnh quyền, môn này rất thích hợp với thân vóc và sức mạnh của Tú. Ngoài môn cưỡi ngựa bắn cung, Tú nổi danh về môn sử dụng thiết côn. Khi múa côn giữa trời mưa, người Tú không hề dính một hạt nước. Một mình Tú có khả năng đánh cả hàng ngàn người. Bà Bùi Thị Xuân có tặng Võ Đình Tú một lá cờ đào thêu bốn chữ vàng "Thiết côn tướng quân".

Khi Võ Văn Dũng về với Tây Sơn, Dũng giới thiệu Tú cùng Tây Sơn Vương. Vương thân hành cưỡi ngựa đến nhà thăm viếng và mời về hợp tác. Trong doanh trướng Tây Sơn, Tú rất tâm đắc với Nguyễn Huệ, được Huệ thương yêu như ruột thịt. Ngày ngày cùng nhau đàm đạo võ nghệ, binh pháp. Khi nhà Tây Sơn khởi nghĩa,Võ Đình Tú được phong chức Đại Tổng lý cùng với Bùi Thị Xuân quản lý vùng Tây Sơn và phòng thủ doanh trại.

Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng đế, phong Võ Đình Tú chức thái úy.

Vua Quang Trung khi ra Thuận Hóa thì đem Tú theo. Khi ấy Bùi Đắc Tuyên mới làm Thị Lang Bộ Lễ, nhưng vì là em ruột của Bùi hoàng hậu nên được ra vào cung cấm tự do. Tuyên thường bày nhiều trò chơi để mua lòng Thái tử Nguyễn Văn Toản. Vốn biết Võ Đình Tú có tài nhảy cao, Tuyên xúi Quang Toản yêu cầu Tú biểu diễn cho xem.

Võ Đình Tú là một vị khai quốc công thần theo nhà Tây Sơn từ thuở còn áo vải, chớ đâu phải hàng tiểu tốt mà đi làm trò mua vui cho trẻ con. Nhưng Thái tử Toản sẽ là vị vua tương lai của mình, nên Võ công đâu giám không tuân lệnh.

Công rước thái tử ra đứng giữa sân, trong tòa dinh thự hình chữ môn, mặt hướng về dãy nhà phía tả, Công dậm chân nhảy vút qua phía tả trong chớp mắt. Liền đó, Thái tử nghe tiếng động sau lưng, quay lại thì đã thấy công đứng đó rồi. Công lại dậm chân nhảy vút qua ngôi nhà phía hữu và lại nhảy trở về trong chớp mắt. Diễn đi diễn lại nhiều lần mà sắc mặt vẫn không thay đổi, hơi thở vẫn điều hòa. Thái tử Toản rất thích thú.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #4 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2011, 08:33:30 pm »

Một hôm, Võ Đình Tú cùng Đặng Xuân Phong vào cung bệ kiến vua Quang Trung. Biết rằng đó là hai tướng nổi danh tuyệt kỹ về đánh côn, Bùi Đắc Tuyên liền tìm cách mua vui cho thái tử. Tuyên lấy tư cách người đồng châu, mời Võ, Đặng đến nhà riêng uống rượu. Thái tử cũng được rước đến. Tiệc rượu được khoản đãi vào buổi chiều. Tiệc xong, Thái tử đòi xem hai vị đại thần đấu côn.

Đuốc được thắp sáng rực cả sân. Đặng sử dụng côn đồng, Võ sử dụng côn sắt. Đường côn qua lại nhanh như chớp, mạnh như gió bão, đẹp như "rồng bay phượng múa". Gia tướng đến xem chật cả trong lẫn ngoài. Tiếng hoan hô hòa với tiếng vỗ tay vang dậy cả một góc thành .

Sau cuộc đấu côn này, dư luận xôn xao. Lớp thì khen hai vị công thần tài nghệ tuyệt luân, xứng danh với "Tây côn lưỡng thần công". Lớp thì chê bai hai vị đại thần không biết tự trọng. Lời thị phi bay đến tai vua Quang Trung. Nhà vua liền quở trách Thái tử và hai vị đại thần Võ, Đặng, rồi cấm Bùi Đắc Tuyên không được bày các trò vui làm mất thể thống các quan đại thần như thế nữa.

Vua Quang Trung mất, Cảnh Thịnh nối ngôi. Bùi Đắc Tuyên được sủng ái lên làm Thái sư, mỗi ngày một thêm lộng quyền. Quan trong triều người nào ngả theo Tuyên thì được ưu đãi, người ra mặt chống thì bị hại, người nào thờ ơ thì bị đẩy đi xa. Tình hình trong triều lộn xộn, bè phái chống đối lẫn nhau. Võ Văn Dũng đang trấn thủ Bắc Hà bị gọi về và nhân đó diệt luôn Bùi Đắc Tuyên và đồng bọn. Trần Quang Diệu lại kéo binh về. Hai bên sắp đánh nhau thì Võ Đình Tú lấy tình quen thân cả đôi bên, xin phép vua Cảnh Thịnh đứng ra hòa giải.

Trước tiên, Tú đến gặp Dũng, phân tích sự lợi hại của hai đại thần chống cự lẫn nhau:

- Sở dĩ Diệu phải bỏ Quy Nhơn kéo thủy binh về là chỉ lo cho kinh thành có biến loạn. Nay Diệu về rồi thì xin cho đến gặp để hiểu rõ nguyên nhân.

Tiếp theo, Tú bơi thuyền qua sông Hương, đến An cựu gặp Diệu. Tú phân tích sự chuyên quyền của Bùi Đắc Tuyên sẽ làm hư sự nghiệp của nhà Tây Sơn, nên Dũng phải ra tay hủy diệt. Bây giờ chỉ còn một việc hàn gắn lại tình đoàn kết của các đại thần, để cùng chung lo để việc đánh thắng quân Nguyễn Phúc Ánh.
Nhờ vậy mà Dũng và Diệu kết nối lại tình xưa, cùng đem nhau vào bệ kiến vua Cảnh Thịnh. Cả ba điều được Cảnh Thịnh phong chức và lo việc triều đình. Nhưng Cảnh Thịnh lại ưa nghe lời dèm pha, bèn phong cho Võ Đình Tú chức Binh bộ Tham tri vào coi quân ở Phú Yên và Quy Nhơn, để phân tán lực lượng có thể chống đối mình là bộ ba: Diệu, Dũng, Tú.

Tháng 4 năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Phúc Ánh đem binh vào cửa thị Nại. Võ Tánh và Nguyễn Huỳnh Đức đem quân lên đóng ở Hàm Long, thuộc huyện Tuy Phước.

Núi Hàm Long, còn gọi là núi Cần Úc, là một độc sơn, không cao lớn, nằm trong phạm vi thôn Thuận Nghi, hình giống như đầu rồng, miệng há rộng. Con sông Hà Thanh chạy từ Nam ra Bắc, qua khỏi núi thì quành xuống đông, chảy ra đầm Thị Nại, tạo thành cánh cung ôm lấy chân núi.

Võ Đình Tú đang đi kinh lý ở Phú Yên, được tin quân Nguyễn Phúc Ánh đổ bộ Quy Nhơn, vội kéo quân về, đi thẳng lên Cần Úc đánh quân Võ Tánh. Hai bên kịch chiến suốt hai ngày đêm. Võ Tánh trá bại, Nguyễn Huỳnh Đức phục binh trên núi. Võ Đình Tú giục quân đuổi theo. Tên trên núi bắn xuống như mưa, chen vào có nhiều súng nổ, quân Tây Sơn trúng tên, lớp chết, lớp bị thương. Võ Đình Tú tả đột hữu xông, cây thiết côn tỏa thành một đạo thanh quang gạt phăng hàng vạn mũi tên bắn vun vút vào người, vào ngựa. Nhưng gạt được tên mà không gạt được đạn đồng. Võ trúng đạn, máu chảy dầm mình. Đuối sức nằm gục trên lưng ngựa. Ngựa hí một tiếng dài, nhảy khỏi chiến trường, chạy một mạch về quê hương Tú ở Phú Phong. Đến nhà thì ngựa ngã lăn ra chết, Võ Đình Tú cũng đã lạnh hết chân tay.
Đó là vào cuối tháng 4 năm Kỷ Mùi (1799).
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #5 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2011, 08:34:09 pm »

3 -Trần Quang Diệu
     
Một hôm Trần ở Hoài Ân vào Kiên Mỹ để thăm Nguyễn Nhạc. Vượt qua Kim Sơn theo đường núi, Trần đến vùng Thượng Ninh thì gặp một con cọp tàu cau to lớn đón đường. Vì không mang đao theo, nên Trần phải đánh tay không với cọp từ sáng cho đến trưa. Trần dần dần đuối sức, mình đầy vết thương, bê bết máu me. Đang lúc lâm nguy thì gặp được Bùi Thị Xuân cùng đệ tử đi săn. Thấy cảnh người và hổ đánh nhau, người sắp bị cọp vồ, nên Bùi thị hét lên một tiếng, rút song kiếm xông vào đánh nhau với cọp cuối cùng, cả hai liên thủ hạ được cọp.

Thoát chết, Trần yêu cầu được đưa về Kiên Mỹ, đến nhà Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc và Bùi Thị Xuân vốn đã nghe danh nhau, song chưa có dịp làm quen. Nhờ cọp theo gió, gió đưa duyên mà nên nghĩa "vườn đào": Nguyễn, Trần, Bùi.

Rồi để cho nghĩa thêm nặng, tình thêm thâm, Nguyễn Nhạc đứng làm mai và làm luôn chủ hôn để Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân nên vợ nên chồng.

Từ đó, Trần Quang Diệu ở luôn tại Kiên Mỹ, cùng Nguyễn Nhạc xây dựng cơ đồ.

Năm Tân Mão (1771), Nguyễn Nhạc được tôn làm Tây Sơn vương. Trần Quang Diệu cùng Nguyễn Huệ, Võ
Văn Dũng phụ trách quân sự: mộ quân và huấn luyện.

Một hôm, nhân về Hoài Ân thăm nhà, gặp và kết bạn với một tráng sĩ sau này là một tướng giỏi của nhà
Tây Sơn. Đó là Võ Văn Nhậm.

Võ Văn Nhậm, gốc Quảng Nam, sức mạnh hơn người, võ nghệ giỏi, tánh phóng khoáng không chịu ràng
buộc. Nhậm vốn là kỳ tướng của quan Trấn thủ Quảng Nam. Vì không tuân theo luật pháp nên bị tội, bỏ trốn vào Quy Nhơn. Khi đến Phù Ly, Nhậm nghe người đi đường cho biết có tên cường hào cưỡng ép một thôn nữ về làm tì thiếp. Nhậm nổi giận, rút gươm chém chết tên thổ hào rồi định đến cửa quan nhận tội.

Bỗng một tráng sĩ vỗ vai:

- Đệ xem huynh, chí khí tài lực đủ định loạn thiên hạ dễ dàng. Giết một con sâu dân, thì có chi gọi là tội mà toan bỏ cái tài hữu dụng? Sao không đến Tây Sơn vương để chung lo việc lớn. Đệ là Trần Quang Diệu, xin tiến cử huynh lên nhà vua.

Võ Văn Nhậm hớn hở theo Trần Quang Diệu lên Tây Sơn. Tây Sơn vương trọng dụng và sau này gả con gái là Thọ Hương cho Nhậm.

Ngày rằm tháng tám năm Quí Tị (1773), Tây Sơn vương đi xuất binh đánh Quy Nhơn. Trần Quang Diệu được
phong chức Đô Đốc cùng phó Đô Đốc Võ Văn Dũng, Đô Đốc Lê Văn Hưng thống lãnh một đạo binh xuống núi có nhiệm vụ đánh chiếm miền Bắc Quy Nhơn.
Trần Quang Diệu phân binh làm ba đội:

Một đội do Lê Văn Hưng chỉ huy, ở hậu phương làm lực lượng trừ bị.

Một đội do Võ Văn Dũng cùng Cao Tắt Tựu đi đánh Bồng Sơn.

Một đội do Trần Quang Diệu chỉ huy, cùng La Xuân Kiều đi đánh Phù Ly.

Hai huyện lỵ Bồng Sơn và Phù Ly, khi nghĩa quân kéo đến chưa đánh đã tan. Quân cũng như dân hai huyện
đều hân hoan đón tiếp nghĩa quân.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #6 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2011, 08:34:49 pm »

Để Võ Văn Dũng ở lại cùng hai học sĩ Cao, La trấn giữ hai huyện lỵ, Trần Quang Diệu kéo đại binh vào hợp với Tây Sơn vương đánh thành Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc tìm kế chiếm được thành. Trần Quang Diệu vào giữ thành để binh Nguyễn Nhạc đi tảo thanh các vùng ngoại thành.

Tháng 11 năm Quí Tị (1773), quân chúa Nguyễn do Phò mã Nhất chỉ huy đánh vào Quy Nhơn. Trần Quang Diệu phụ trách phòng vệ thành Quy Nhơn, để Nguyễn Nhạc xuất chinh. Có Tập Đình và Lý Tài phù trợ,
Nguyễn Nhạc đã đánh tan quân chúa Nguyễn.

Cuối năm ấy, Tư Linh và Nhưng Huy tạo phản, Trần Quang Diệu đem quân đánh dẹp, bắt được cả hai đem về Quy Nhơn.

Trần Quang Diệu là người có kiến thức rộng, tầm nhìn xa. Năm Giáp Ngọ (1774), Nhạc sai Lý Tài vào trấn thủ Bình Thuận, Trần Quang Diệu can:

- Lý Tài là người tàu, vốn là giặc bể, bụng dạ khó lường, không nên cho đi xa cầm binh. Cọp thêm vi và đi xa thì khó bắt lại.

Nguyễn Nhạc không nghe. Sau quả nhiên Lý Tài bỏ Bình Thuận vào Nam đầu hàng chúa Nguyễn, gây rối một thời rồi mới bị Nguyễn Huệ đánh cho tan nát. Khi Nguyễn Nhạc xưng đế, Trần Quang Diệu được phong chức thiếu phó.

Năm 1784, Nguyễn Phúc Ánh cầu viện quân Xiêm sang đánh Gia Định. Trần Quang Diệu cùng vợ là Bùi Thị Xuân theo Nguyễn Huệ vào Nam tảo thanh quân Xiêm. Tại trận Rạch Gầm, Xoài Mút, Trần Quang Diệu thống lãnh bộ binh cùng vợ đánh tan bộ binh Xiêm và chiến tướng Lục Cổn.

Sau khi trở về Quy Nhơn, Trần Quang Diệu theo vua Quang Trung ra Thuận Hóa và trấn thủ thành Phú Xuân, khi vua Quang Trung ra Bắc Hà tiêu diệt quân Mãn Thanh.

Lúc thắng trận trở về, vua Quang Trung đã giao phó cho Trần Quang Diệu ứng phó với các nước láng giềng: Xiêm La, Ai Lao và Miến Điện.

Nguyên khi vua Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu, Lê Duy Chỉ ở lại Tuyên Quang, nương nhờ thổ tù Nùng Phúc Tân và Huỳnh Văn Đồng. Duy Chỉ liên kết với các thổ dân ở Vạn Tượng, Trấn Ninh, Trịnh Cao, Qui Hợp, Xiêm La chuẩn bị đánh lấy thành Nghệ An.

Trần Quang Diệu được cử làm Đại tổng trấn cùng Đại Tư lệ Lê Trung đem binh tảo trừ.
Tháng 6 năm Canh Tuất (1790), Quang Diệu lấy được Trấn Ninh, bắt tù trưởng Cheo Nan và Cheo Kiêu.
Tháng 8 bình được Trịnh Cao và Quy Hợp.

Tháng 10 tấn công Vạn Tượng, buộc thủ lãnh bỏ thành chạy trốn, thu được vô số chiêng, trống và vài chục thớt voi.

Thừa thắng, Quang Diệu đánh thẳng đến biên giới Xiêm La, chém được Tả súy Phan Dung, Hữu súy Phan Siêu. Binh Xiêm thua chạy tán loạn.

Trần Quang Diệu và Lê Trung dẹp yên biên giới, kéo binh về Tuyên Quang đánh Nùng Phúc Tân và Huỳnh Văn Đồng. Nùng, Huỳnh chống không nổi, bị chém tại trận tiền. Lê Duy Chỉ trốn không thoát cũng bị giết luôn.

Mùa xuân năm Tân Hợi (1791), vua Ai Lao là Chiêu Án không chịu triều cống, Trần Quang Diệu lại được cử đem binh sang vấn tội. Trận ra quân này có nữ tướng Bùi Thị Xuân tháp tùng.

Quân Ai Lao chống cự không lại, sợ hãi xin hàng. Ở lại bình định một thời gian, hai vợ chồng kéo binh về nước, chuẩn bị sang đánh Miến Điện. Vua Miến Điện hay tin, liền sai sứ sang Việt Nam xin thông hiếu, từ ấy bờ cõi phía Tây cũng như phía Bắc được yên ổn.

Trong những ngày ở Thuận Hóa, hai vợ chồng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân được vua Quang Trung tin dùng.

Trong một kỳ thi võ, mở tại kinh đô Phú Xuân, có một võ sinh tên Lê Sĩ Hoàng rất xuất sắc.
Lê Sĩ Hoàng, người Quảng Nam, võ nghệ siêu quần, sức mạnh vô địch. Lúc nhỏ, nhà nghèo đi chăn trâu cho một nhà giàu trong thôn, nhà gần núi, trâu bị cọp bắt, Sĩ Hoàng sợ chủ bắt đền, bỏ trốn vào núi, gặp được dị nhân truyền thụ võ nghệ. Lê có tài sử dụng đại đao.

Lúc thi song, thấy Hoàng có tài và nhất là sử dụng đại đao điêu luyện, vua Quang Trung bèn sai Trần Quang Diệu ra tỉ thí. Quang Diệu cũng là một cao thủ về đại đao. Thanh Huỳnh Long đao được khiêng ra và Lê Sĩ Hoàng cũng sử dụng thanh đại đao của mình.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #7 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2011, 08:35:41 pm »

Được dịp trổ tài, anh hùng hội ngộ, hai tay đại đao trổ hết tài ba võ học của mình. Bóng đao loang loáng khí lạnh bao trùm, cuộc tỉ thí vô cùng dũng mãnh hào hứng. Võ học cũng như sức mạnh hai anh hùng tương đương nhau, nên cuộc tỷ đao kéo dài và bất phân thắng phụ. Vốn cũng giỏi sử dụng đại đao, vua Quang Tung cao hứng, sai quân hầu mang thanh Ô Long đao ra, đòi tỉ thí với Lê Sĩ Hoàng. Sĩ Hoàng cung kính thưa:

- Với Trần tướng quân, hạ thần còn không địch nổi, huống chi với bệ hạ.

Vua Quang Trung đắc ý vỗ vai Hoàng, nói:

- Đây là Hứa Chữ của ta.

Rồi cởi chiếc cẩm bào đang mặc, ban cho Lê Sĩ Hoàng.

Trần Quang Diệu cùng Lê Sĩ Hoàng được đời tôn xưng là Tây Sơn Song Đao.

Sau khi chiến thắng Ai Lao trở về, Trần Quang Diệu được bổ làm trấn thủ Nghệ An.

Mùa xuân năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung ngã bệnh, bèn triệu Trần Quang Diệu về thương nghị việc dời đô về Nghệ An và chuẩn bị đem quân vào Nam đánh Nguyễn Phúc Ánh, nhưng tháng 7 thì vua Quang Trung băng hà. Cảnh Thịnh lên ngôi, gặp thời cơ chiếm thành Quy Nhơn, khiến vua Thái Đức uất mà chết. Trong lúc đó quân nhà Nguyễn chiếm được Diên Khánh và Phú Yên.

Năm Giáp Dần (1794), Trần Quang Diệu được lệnh đem binh vào đánh Diên Khánh, Lê Văn Hưng đánh Phú Yên.

Nghe danh Trần Quang Diệu, trấn thủ Diên Khánh là Nguyễn Văn Thành không dám ra ngênh chiến, đóng
chặt cửa thành cố thủ và cho người cấp báo với Gia Định. Thành Diên Khánh được xây dựng kiên cố, Trần Quang Diệu công phá không được, bèn bao vây, đợi trong thành hết lương. Gia Định được tin. Nguyễn Phúc Ánh kéo đại binh ra tiếp cứu. Trần Quang Diệu lui quân.

Tháng giêng năm Ất Mão (1795), Trần Quang Diệu lại đem thủy bộ binh vào đánh Diên Khánh. Lúc bấy giờ Võ Tánh đã thay thế Nguyễn Văn Thành, nên đem quân ra giao chiến vài bận, liệu đánh không lại nên đóng chặt của thành cố thủ, đợi Gia Định cứu viện. Tháng 2, Nguyễn Phúc Ánh đem thủy binh ra cứu.

Quân Nguyễn Phúc Ánh bị Trần Quang Diệu chận tại Trường Cá (Phương Sài), nên phải đóng ngoài biển Nha Trang và các nơi hiểm yếu trên đất. Quân không tiến lên Diên Khánh được.

Thành Diên Khánh bị Quang Diệu vây chặt. Đoàn quân nào kéo ra cũng bị Tây Sơn tiêu diệt hoặc đánh lui. Quân hai mặt không thể liên lạc được với nhau, ưu thế nằm hẳn trong tay Trần Quang Diệu.
Chợt Trần Quang Diệu tin được Phú Xuân có biến. Bùi Đắc Tuyên lộng quyền, Võ Văn Dũng đem binh về tiêu diệt, nội tình Phú Xuân rối ren.

Trần Quang Diệu nghe tin thất kinh, nói cùng các tướng:

- Chúa thượng là người thiếu cương quyết, để cho đại thần giết lẫn nhau. Nếu trong không yên thì đánh ngoài thế nào được!

Bèn ra lệnh rút quân về. Đi đường núi sẽ lâu, lại không tiện, Trần Quang Diệu phải mở cửa đường biển, theo gió nam mà đi cho mau, Nguyễn Phúc Ánh không dám cản đường.

Đến Phú Xuân, Trần Quang Diệu đóng tại An Cựu, định đánh nhau với Võ Văn Dũng, song nhờ có Võ Đình Tú hòa giải, nên cùng Dũng vào bệ kiến Cảnh Thịnh. Trần Quang Diệu được phong chức Thái Phó, là một trong Tứ trụ Đại thần (Võ Văn Dũng, Nguyễn Văn Danh, Nguyễn Văn Huấn), nhưng rồi có người dèm cùng Cảnh Thịnh rằng Diệu nắm quyền quan trọng quá, e có ý khác, Cảnh Thịnh thu hết binh quyền, chỉ để Diệu giữ hư vị trong triều mà thôi. Diệu sinh nghi kỵ thường cáo bệnh không đi chầu, ngày đêm cắt kẻ thủ hạ gần 200 người mang vũ khí bên mình để bảo vệ.

Tháng tư năm Kỷ Tị (1799), Nguyễn Phúc Ánh lại kéo quân ra đánh Quy Nhơn, tướng Lê Văn Thanh cố thủ
chờ cứu viện.

Trần Quang Diệu cùng Võ Văn Dũng từ Phú Xuân kéo binh vào. Đến Quảng Nghĩa thì bị Tống Viết Phước chận đánh. Dũng thua to, nhờ có Quang Diệu cứu ứng. Thành Quy Nhơn chờ viện binh không được, nên Lê Văn Thanh mở cửa thành đầu hàng. Nguyễn Phúc Ánh đem chém tất cả hàng tướng và đổi tên thành Quy Nhơn ra thành Bình Định. Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đồng trấn thủ. Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng lui về giữ Quảng Nam.

Nhân vụ dèm pha và thư của Cảnh Thịnh gởi vào cho Võ Văn Dũng, bảo giết Diệu. Dũng đưa thư cho Diệu xem, xem xong Diệu nổi giận:

- Chúng ta đã đem hết lòng hết sức ra phò vua. Vua đã không nghĩ đến công lao thì chớ, còn đem lời siểm nịnh, hết phen này đến phen khác, sẵn tay giết chết chúng ta? Tình thế không thể kéo dài mãi mãi. Tôn huynh hãy ở lại đây ngừa giặc, tôi về kinh.

Trần Quang Diệu về đóng binh ở phía Nam sông Hương. Cảnh Thịnh cho ra vời. Diệu không phụng mệnh. Nhà vua sợ hãi, phải nhờ đến nữ tướng Bùi Thị Xuân. Bùi nữ tướng đến gặp chồng. Vợ chồng bàn với nhau:

- Mối họa trong triều chỉ có bọn gian thần gây nên. Tận diệt bọn ấy thì mối giềng lập lại không đến nỗi khó.
Trần Quang Diệu xin vua bắt bọn gian thần trị tội.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #8 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2011, 08:36:18 pm »

Trần Văn Kỷ đổ tội cho Trần Viết Kiết và Hồ Công Diệu, rồi trốn mất. Nhà vua sai bắt Diệu và Kiết đem nạp cho Quang Diệu, Quang Diệu mới chịu vào triều làm lễ cẩn, rồi lãnh đại binh vào Nam.
Tháng giêng năm canh Thân (1800), Trần Quang Diệu vào Quảng Nam, hợp vào Võ Văn Dũng cùng vào Quy Nhơn, nhưng đến Bình Đê, cũng bị quân Tống Viết Phước cản lại. Quang Diệu bèn sai người ra Trà Khúc lấy binh của Nguyễn Văn Giáp và hợp sức với Trấn thủ Quảng Nghĩa là Nguyễn Văn Lộc, tìm cách phá đường vào Quy Nhơn.

Nguyễn Văn Lộc biết rõ địa thế nơi ranh giới Quảng Nghĩa, Bình Định, bèn đề nghị chia quân ra làm ba đạo:

- Một đạo đi ngả đèo Bến Đá.

- Một đạo theo đường hẻm phía Tây núi Sa Lung.

- Một đạo theo nẻo tắt xuyên qua núi Cung Quăng.

Ba đạo đồng lần lượt nổi trống, đánh chiêng và la ó, làm cho địch kiếp sợ, hoang mang, không biết phải chống đỡ ngả nào, rồi ba mặt giáp công chắc chắn địch phải thua.

Trần Quang Diệu y kế, nên qua khỏi đèo Bến Đá thẳng đến thành Quy Nhơn.

Võ Tánh đem quân ra đánh. Đã từng bại tướng nơi Diên Khánh, nên vừa xáp trận, Quang Diệu đã rượt Võ Tánh chạy dài, vào thành đóng cửa cố thủ. Trần Quang Diệu một mặt cho bao vây công kích, một mặt phân công cho Võ Văn Dũng cầm thủy binh giữ cửa biển Thị Nại.

Quân nhà Nguyễn đã có tên, lại có đạn ở trên thành bắn xuống, quân Tây Sơn không thể đến gần chân thành. Trần Quang Diệu cho đắp trường lũy xung quanh thành, vây khốn. Nguyễn Phúc Ánh kéo đại binh ra cứu viện. Song bị quân Tây Sơn ngăn cản, nên phải dừng quân và phải lui về Gia Định. Rồi ba tháng sau lại kéo quân ra đánh lại. Tuy lần này thủy quân chiếm được cửa biển Thị Nại, song cũng không thể tiến quân giải cứu thành Bình Định, bèn kéo đại binh ra đánh Phú Xuân.

Trần Quang Diệu sau khi đánh bật Nguyễn Văn Thành và Huỳnh Đức ra khỏi Quy Nhơn, bèn ráo riết công thành.

Quân mệt mỏi, tên đạn cạn, lương thực thiếu, Võ Tánh liệu không tử thủ được nữa, bèn viết thư ra cho Trần Quang Diệu, yêu cầu lúc vào thành đừng sát hại quân dân vô tội. Rồi tự vận cùng với Ngô Tùng Châu.
Trần Quang Diệu vào thành, ban lời khuyến dụ, rồi cho thu hài cốt hai vị trung thần của nhà Nguyễn chôn cất theo lễ.

Mặt Bắc, Nguyễn Phúc Ánh chiếm được Phú Xuân, sai Lê Văn Diệt, Lê Chất vào cứu Quy Nhơn, bị Nguyễn Văn Lộc đánh bại, phải dừng quân ở Thạch Tân và cửa biển Thị Nại. Thành Quy Nhơn vẫn yên ổn. Thế quân hai bên ghìm nhau.

Chợt Trần Quang Diệu được tin quân Tây Sơn bị thua ở Nhật Lệ, Trấn Ninh, Nguyễn Phúc Ánh làm chủ hoàn toàn đất Thuận Hóa thì thất kinh, bàn cùng các tướng:

- Binh mã đã bị hao ở Trấn Ninh và Nhật Lệ quá nhiều, lực lượng ở Bắc thành không còn mấy. Nếu Nguyễn Phúc Ánh kéo quân đến đánh thì Bắc thành không thể trì thủ được lâu. Ta phải đem quân về cứu, kẻo Bắc thành thất thủ nữa thì Quy Nhơn có giữ vững cũng không ích gì. Vậy nên bỏ thành Quy Nhơn. Võ tướng quân cùng tôi kéo đại binh ra Bắc, Nguyễn Quang đem quân đóng ở Dương An. Nguyễn Văn tướng quân về đóng ở Kỳ Sơn, để chia bớt lực lượng của quân Nguyễn. Không nên đóng quân trong thành mà bị địch bao vây.

Sắp đặt xong, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng cùng các bộ tướng đem 3.000 quân và 80 thớt voi theo đường thượng đạo sang Lào để ra Nghệ An vào thượng tuần tháng 3 năm Nhâm Tuất (1802). Đường đi khó khăn, lội suối vượt đèo, phần lam sơn chướng khí, phần rắn độc thú dữ, phần bị bọn thổ ty theo nhà Nguyễn như Hà Công Thái, Nguyễn Đình Ba… đột kích. Đoàn tùy tùng Trần tướng quân hao hụt dần dần. Khi đến Nghệ An thì mười phần chỉ còn ba bốn. Đoàn tượng binh chỉ còn mươi thớt. Tướng sĩ hầu hết bị sốt rét rừng. Trần Quang Diệu bị phù thũng hai chân sưng vù, đi đứng khó khăn.

Quân họ Trần kéo xuống Hương Sơn. Tướng nhà Nguyễn là Võ Doãn Văn, Lê Đức Định dẫn mang binh đến tập kích. Trở tay không kịp, quân sĩ bị giết sạch. Trần Quang Diệu cùng Võ Văn Dũng và các bộ tướng đều bị bắt.

Ở Diễn Châu, Bùi nữ tướng nghe tin liền đem nữ binh đi giải cứu.

Đến Giáp Sơn thì giải cứu được, song đến Thanh Chương thì hai vợ chồng Trần tướng công bị bắt giải về Nghệ An.

Tháng 7 năm Nhâm Tuất (1802) Trần Quang Diệu chịu thọ hình lột da. Trần tướng quân trước sau vẫn giữ vững bản sắc anh hùng, đi đứng hiên ngang, thái độ khẳng khái. Cực hình lột gia là một cách hành hạ tội nhân vô cùng đau đớn, khổ sở trong cái chết đến từ từ. Không một tiếng kêu rên, một lời than thở, tướng công Trần Quang Diệu can đảm nhận chịu cực hình cho đến hơi thở cuối cùng.
Logged
the_samsara
Thành viên
*
Bài viết: 1017



« Trả lời #9 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2011, 08:37:04 pm »

4- Nguyễn Văn Tuyết
   
Nguyễn Văn Tuyết người xã Nhơn Ân, huyện An Nhơn.

Lúc nhỏ có sức mạnh, ưa thích đánh nhau với lũ trẻ trong thôn, bao giờ cũng thắng. Lớn lên tập tụ các tay anh chị ở chợ Gò Chàm, chuyên khuấy phá xóm làng, được bầu làm đại ca. Các phiên chợ tại chợ Gò Chàm thường rất đông người mua bán. Băng nhóm của Tuyết hoạt động rất qui củ. Những kẻ lạ mặt đến buôn bán phải ra mắt Tuyết rồi mới được cất lều buôn bán. Những kẻ làm nghề mãi võ, bán thuốc đều làm đúng theo lệ.

Một hôm, một ông già râu tóc bạc phơ trắng như bông vải cùng hai cô gái mặt mày đẹp đẽ, đến chợ mãi võ. Ông già không theo lệ cũ, vừa đến liền khua chiêng khai diễn. Cô gái nhỏ múa kiếm vun vút, khí lạnh rợn người. Người đến xem đông như kiến và tiếng vỗ tay hoan hô dậy trời.

Nguyễn Văn Tuyết nghe tin, đùng đùng nổi giận, liền kéo mươi tên thủ hạ, đến vấn tội ông già. Ông già, hỏi không thèm nói, đánh không thèm đỡ, đứng trơ trơ như một tượng đá trời trồng. Tuyết thất kinh bỏ về nhà, tìm cách rửa hận. Ông già và hai cô gái trú tạm tại miếu thổ địa ở sau chợ, Tuyết đợi đến đêm khuya, giắt kiếm vào lưng, nhảy tường vào miếu. Bốn bề im phăng phắc. Hai cô gái ngủ say. Ông già ngủ ngáy như sấm. Tuyết khẽ lén đến gần, rút kiếm đâm vào cổ ông già. Kiếm gãy kêu đánh rắc. Tuyết hoảng sợ chạy trốn. Ông già níu lại. Tuyết run sợ, quỳ xuống chịu tội. Ông già ngồi dậy nói:

- Nhà ngươi tư chất thông minh, lại có sức mạnh xuất chúng. Sao không lo rèn võ luyện văn, để chờ cơ hội ra giúp nước, mà lại đắm mình trong vũng bùn nhơ?

Tuyết lạy, thề quyết tâm hối cải và van xin được theo làm môn đồ.

Ông già tên Trần Kim Hùng là một võ sư thôn Trường Định, huyện Tuy Viễn. Võ nghệ tuyệt luân, song vì con trai mất sớm, nên dẫn hai cháu nội đi giang hồ hầu tìm nhân tài truyền thụ võ công.

Gặp được Nguyễn Văn Tuyết, Trần lão sư rất vừa lòng. Tuyết theo Trần lão ra đi. Trên đường ngao du sơn thủy, Tuyết được thầy ngày đêm rèn luyện thập bát ban võ nghệ cùng truyền các kinh nghiệm của giới giang hồ.

Một hôm, trên một đỉnh dốc cao, hai thầy trò gặp một tảng đá chận đường, một bên là vực thẳm một bên là sườn núi, nên muốn đi qua phải đẩy được tảng đá xuống vực. Để thử sức và mưu trí của trò, Trần lão liền bảo Tuyết dẹp tảng đá. Tuyết vâng lời, hai tay ôm tảng đá, vận sức xô xuống vực. Quả là một thanh niên có sức mạnh như Hạng Võ, Tuyết đẩy được tảng đá nghiêng dần dần về phía vực. Bỗng nhiên đánh rầm một tiếng, đất nơi bờ vực rời ra và sụt xuống, lôi nhanh tảng đá lăn theo. Tuyết đang vận sức xô tới, nên lỡ đà, loạng choạng sắp nhào theo. Nhanh như chớp, Trần lão đã nhảy đến bên cạnh Tuyết. Tay tóm lấy cổ áo, chân đạp mạnh vào tảng đá đang rơi làm điểm tựa, nhảy ngược lôi theo Tuyết về phía sau.

Sau một lúc định thần, Tuyết được thầy chỉ dạy:

- Khi tảng đà lung lay sắp đổ, lực đẩy của con vẫn còn và tiếp tục xô ra. Lúc thình lình đất rơi, con sẽ bị hụt hẫng và dường như con trở lại bị tảng đá lôi theo. Cho nên khi ấy con phải nhanh chóng thu hồi nội lực, dùng tảng đá làm điểm tựa để nhảy vọt về sau. Cần phải đạp lên tảng đá một cách hết sức nhẹ nhàng, nếu đạp mạnh, con sẽ rơi theo hòn đá. Thế đạp này giống như con chuồn chuồn khẽ động vào mặt nước lúc đang bay để cất cánh vút bổng lên.

Nguyễn Văn Tuyết nhờ theo thầy sống nhiều ở các khu vực núi rừng nên kinh nghiệm và chiến đấu trong rừng núi học được rất nhiều.

Sau 5 năm theo thầy, Tuyết được ân sư cho về nguyên quán để lập nghiệp. Bọn đồ đảng cũ tụ hội đón mừng. Tuyết sau đêm tiệc vui hội ngộ đã khuyên anh em đồng đảng giải tán, tìm công ăn việc làm lương thiện. Một số sau này theo Tuyết quy phục nhà Tây Sơn.
Logged
Trang: 1 2 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM