Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Năm, 2024, 08:13:18 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trung đoàn 88 Anh hùng (Phần 3)  (Đọc 175370 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
linh_8_78_88_68
Thành viên
*
Bài viết: 793

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa....


« Trả lời #20 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2012, 05:34:30 am »

'Chiến trường K ác liệt hơn chống Mỹ'
Cập nhật lúc :10:02 AM, 02/07/2012
Với nhiều người lính,10 năm cho một cuộc chiến đánh tan bè lũ Pol Pot còn ác liệt hơn cả thời kỳ chống Mỹ.

Trở về từ chiến trường

(Đất Việt) Nói tới cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, nhiều người chỉ nghĩ đến giai đoạn từ cuối năm 1978, đầu 1979, mà mốc dấu là sự kiện 7/1/1979 cho đến khi quân tình nguyện Việt Nam hoàn toàn rút khỏi Campuchia vào năm 1989. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh này đã thực sự bắt đầu từ những năm 1976, 1977 với việc quân Pol Pot đánh chiếm đảo Thổ Chu, đảo Phú Quốc rồi gây ra những vụ tàn sát người Việt ở An Giang, Tây Ninh.

Giai đoạn ác liệt nhất

Theo những người lính từng tham chiến ở chiến trường K, chính thời kỳ năm 1977, 1978 mới là ác liệt nhất trong cuộc đối đầu với lực lượng Pol Pot.

Trước tháng 12/1978, dù Pol Pot thường xuyên xâm lấn lãnh thổ và tàn sát nhân dân Việt Nam nhưng chúng ta chỉ phòng thủ biên giới để bảo vệ lãnh thổ.

“Giai đoạn 1977, 1978 mới là ác liệt nhất, quân ta thương vong nhiều nhất vì lúc đó Nhà nước mình còn chờ đợi một giải pháp chính trị, cho nên quân đội chỉ được chốt giữ ở biên giới để phòng giữ chứ không được tiến công địch. Nhưng ta cứ chốt ở đâu thì địch bu bám đến đánh phá chỗ đó, thậm chí nó còn luồn sang đất ta để đánh từ sau lưng các đơn vị chốt giữ biên giới”, ông Nguyễn Hữu Hiệu, cựu lính trinh sát của Sư đoàn 7 - đơn vị đóng chốt ở biên giới Tây Ninh, nói.




Ngôi chùa từng là căn cứ của d7, e209, f7 trong những ngày truy quét quân địch
Ảnh: L.T.Hiếu

Mấy ngày trước, khi tìm gặp ông Nguyễn Hữu Hiệu, nhờ ông Hiệu gọi điện báo, tôi có may mắn được gặp cả 3 cựu binh (ông Nguyễn Hữu Hiệu, Nguyễn Hữu Ngôn, Lê Nho Hữu) cùng một lúc. Ông Hiệu cho biết: “Một cái làng nhỏ như làng Ngọc Lâu này (xã Cẩm Hoàng, Cẩm Giàng, Hải Dương) mà đã có đến 4 liệt sĩ, 1 thương binh, 1 bệnh binh trong chiến tranh biên giới Tây Nam đấy anh ạ”.

Tham gia quân ngũ từ tháng 2/1974 đến đầu năm 1982 ra quân, ông Nguyễn Hữu Hiệu đã đi qua cả hai cuộc chiến. Những ngày chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc cho đến những trận đánh ác liệt trong chiến tranh biên giới Tây Nam đều có mặt ông Hiệu.

Với góc nhìn của một người lính đã đi qua cả hai cuộc chiến, ông Hiệu bảo: “Nhiều người cứ nghĩ chỉ có kháng chiến chống Mỹ là ác liệt nhưng công bằng mà nói thì nhiều khi đánh nhau với quân Pol Pot còn ác liệt, thương vong nhiều hơn thời đánh Mỹ”.

Ông Lê Nho Hữu, lính bộ binh trung đoàn165, vừa là đồng đội, vừa là đồng hương của ông Hiệu, tiếp lời: “Phải thừa nhận là thời kỳ chiến tranh biên giới Tây Nam là ác liệt vì cả hai bên đều dùng nhiều hỏa lực mạnh cho nên mức độ sát thương rất lớn”.

Trong một góc nhìn khác, ông Ngôn, lính trinh sát trung đoàn 20 chia sẻ: “Trong kháng chiến chống Mỹ, cán bộ trung cao cấp của mình thương vong không nhiều nhưng trong chiến tranh biên giới Tây Nam, mình mất cả một thiếu tướng (tướng Kim Tuấn, Tư lệnh quân đoàn 3), còn cán bộ cấp trung đoàn, sư đoàn bị thương là chuyện bình thường. Có thể thấy rằng cuộc chiến đánh Pol Pot rất quyết liệt chứ không phải “giặc cỏ” dễ đánh như nhiều người vẫn nghĩ”.

Liên tục bổ sung quân

Trong hồi ức của ông Nguyễn Hồng Quân, cựu chiến binh thuộc e7, trung đoàn 209 (e209), sư đoàn 7 (f7) - những ngày đó thật sự khốc liệt. Nhiều đơn vị thương vong với mức độ ngay cả thời chống Mỹ cũng ít có. Ví như trận đánh ngày 9/7/1978 của cả đại đội hơn 40 tay súng thuộc tiểu đoàn 7, gần như xóa sổ.
 
“Buổi sáng hôm ấy, hơn 40 anh em đại đội tôi lên giữ chốt, bị địch vây đánh 4 phía, cắt mất cả liên lạc với tiểu đoàn và các đại đội khác. Các anh em chiến đấu rất dũng cảm, anh Phạm Bá Lịch riêng ngày hôm đó đã bắn B40 nhiều đến nỗi tai bị điếc đặc. Nhưng địch quá mạnh lại có xe tăng thiết giáp hỗ trợ nên chúng tôi không chốt giữ được”, ông Quân nhớ lại.

Theo ông Quân, trận ấy có thể nói là ta thiệt hại rất nặng nề. Cả một đại đội hơn 40 người sáng lên chốt, đến tối khi chạy về được tới tuyến sau chỉ còn chưa đến chục người. Có 4 anh nuôi của đại đội gánh cơm lên cho đơn vị đều hy sinh cả. Chỉ cần nhìn vào việc bổ sung quân số, là thấy được mức độ khốc liệt của cuộc chiến.




Những cựu chiến binh thôn Ngọc Lâu, Cẩm Giàng, Hải Dương (trong ảnh từ trái sang: ông Hiệu, ông Ngôn, ông Hữu).
Ảnh: Trường Sơn.

Ông Lê Thanh Hiếu, từng là lính e209, f7 kể: “Hồi ấy anh văn thư của đơn vị đi học sĩ quan vắng nên tài liệu giấy tờ của đơn vị được giao cho tôi. Trong năm 1978, chỉ riêng đại đội tôi (c2, d7, e209, f7) phải bổ sung quân số đến 21 lần. Mỗi một lần bổ sung quân số, nhiều thì trên 10 người, ít nhất là 3 người. Như thế cho thấy mức độ hao hụt, thương vong quân số phải rất lớn”.

Ông Nguyễn Trung Lâm, cũng là cựu binh của e209 kể: “Trong những năm 1978, tôi là trung đội trưởng, có lần tối hôm trước, trung đội vừa được bổ sung 7 - 8 lính mới, sáng hôm sau đã có 4 - 5 anh em hy sinh, vì đêm trước bị địch tập kích vào chốt của đơn vị. Phần lớn họ hy sinh khi còn rất trẻ, mới 18, 19 tuổi, thậm chí chỉ huy còn chưa kịp biết hết mặt, nhớ hết tên”. Ông Lâm cho biết thêm: “Trong cuộc chiến tranh ấy, bộ đội mình ngã xuống nhiều lắm, nếu ai có điều kiện vào nghĩa trang Gò Dầu, Tây Ninh thì sẽ thấy không kém gì nghĩa trang Trường Sơn”.


Nguồn: http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Chien-truong-K-ac-liet-hon-chong-My/20127/220195.datviet
Trường Sơn
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Bảy, 2012, 09:01:24 am gửi bởi linh_8_78_88_68 » Logged
VietPo`Lut´
Thành viên
*
Bài viết: 397


Bé bé bồng bông


« Trả lời #21 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2012, 08:14:07 am »

hehe, toàn " người quen " và dữ liệu quen trên báo Đất Việt. Hay chính là đồng chí phóng viên trẻ tuổi chú cháu mình gặp trên trường chú Lâm nhọ nhỉ Đại Trưởng ơi. Lại còn toàn nói về C2 nữa chứ Smiley
Logged

Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi thuộc về Viêt Nam                  Paracel Island and Spratly Island is belong to Viet Nam                 Paracel Inseln und Spratly Inseln gehoeren zu Viet Nam
haanh
Thượng tá
*
Bài viết: 5795


HOT nhất forum


« Trả lời #22 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2012, 09:51:08 am »

hehe cái tựa bài báo này ấn tượng quá  Grin
Logged

NAM QUỐC SƠN HÀ NAM ĐẾ CƯ .
H3 Hùng
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 4438


Hẹn ngày trở lại Preav


WWW
« Trả lời #23 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2012, 10:42:33 am »

hehe, toàn " người quen " và dữ liệu quen trên báo Đất Việt. Hay chính là đồng chí phóng viên trẻ tuổi chú cháu mình gặp trên trường chú Lâm nhọ nhỉ Đại Trưởng ơi. Lại còn toàn nói về C2 nữa chứ Smiley

Trường Sơn này có phải là Tuấn Trường Sơn không nhỉ? Nhà báo này quen với chúng ta lắm. Lấy chuyện nguyên mẫu từ c2 của bác Bình Yên nữa. Nào bác Phạm Bá Lịch bắn B nhiều đến nỗi điếc tai, nào bác Lê Thanh Hiếu cõng ba-lô sơ yếu lý lịch của lính c2 hihi.

Rất hoan nghênh bài viết ghi công lính chiến trường Tây Nam một cách trung thực trên Grin
Logged
binhyen1960
Trung tá
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #24 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2012, 04:54:57 pm »

hehe, toàn " người quen " và dữ liệu quen trên báo Đất Việt. Hay chính là đồng chí phóng viên trẻ tuổi chú cháu mình gặp trên trường chú Lâm nhọ nhỉ Đại Trưởng ơi. Lại còn toàn nói về C2 nữa chứ Smiley

Trường Sơn này có phải là Tuấn Trường Sơn không nhỉ? Nhà báo này quen với chúng ta lắm. Lấy chuyện nguyên mẫu từ c2 của bác Bình Yên nữa. Nào bác Phạm Bá Lịch bắn B nhiều đến nỗi điếc tai, nào bác Lê Thanh Hiếu cõng ba-lô sơ yếu lý lịch của lính c2 hihi.

Rất hoan nghênh bài viết ghi công lính chiến trường Tây Nam một cách trung thực trên Grin

 Không phải Tuấn Trường Sơn nhà mình đâu bác H3 Hùng, là bạn vutienduzc trên VMH là phóng viên của báo Đất Việt đấy bác ạ. VietPo 'Lut' gặp mặt rồi đấy.

 Hiện nay vutienduzc đang công tác ở phía Nam, bạn này cũng có ý định muốn tiếp xúc phỏng vấn lính Cựu QK7 lấy tư liệu và hình ảnh từ con người trực tiếp. Chương trình này có từ nửa năm nay rồi, nhưng bây giờ mới được bật "đèn xanh" cho phép bác ạ.

 Điều mà BY thấy đáng mừng nhất là lính BGTN chúng ta bắt đầu được công khai nhìn nhận, được đặt đúng vị trí và tầm vóc của nó như chính nó luôn xứng đáng được như vậy. Grin
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
VietPo`Lut´
Thành viên
*
Bài viết: 397


Bé bé bồng bông


« Trả lời #25 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2012, 10:45:36 pm »

hehe, thế thì thằng cháu liên lạc xin được chúc mừng các chú CCB lính BGTN và QTN VN tại K đã dần dần được nhắc đến công khai xứng đáng với những hy sinh và cống hiến của các chú cho Tổ Quốc và dân tộc K
Logged

Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi thuộc về Viêt Nam                  Paracel Island and Spratly Island is belong to Viet Nam                 Paracel Inseln und Spratly Inseln gehoeren zu Viet Nam
linh_8_78_88_68
Thành viên
*
Bài viết: 793

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa....


« Trả lời #26 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2012, 04:52:10 am »


Đối đầu với sự cuồng loạn của quân Pol pot
Cập nhật lúc :11:07 AM, 03/07/2012
Từ tháng 12/1978 đến 7/1/1979 là giai đoạn Quân đội Nhân dân Việt Nam tổng phản công tiêu diệt  Pol Pot, giải phóng Campuchia.

(Đất Việt) Trở về từ chiến trường

Những người lính tình nguyện Việt Nam đã sống, chiến đấu dũng cảm bảo vệ quê hương và giải cứu đất nước Chùa Tháp khỏi nạn diệt chủng tàn bạo nhất thế kỷ 20. Đối với họ, những năm tháng đồn trú bên đất bạn Campuchia là những “năm tháng ăn cơm nhà đi lo việc quốc tế” chứ không bao giờ có ý nghĩ chiếm đóng nước Campuchia như các thế lực phản động vẫn tuyên truyền.

Một thời ngang dọc

Đã bao nhiêu năm trôi qua mà cựu lính tình nguyện Nguyễn Trung Lâm, hiện là Phó ban quản lý thiết bị của Học viện Tài chính Hà Nội, vẫn không sao quên được những năm tháng trong cuộc đời quân ngũ của mình.

Theo lời ông Lâm, khi nhập ngũ ông mới chỉ học xong chương trình phổ thông và đang ấp ủ mơ ước thi vào đại học Thể dục thể thao. Nhưng huấn luyện xong thì các tân binh như ông được điều động vào Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Sư đoàn 7 của ông Lâm được điều lên phòng thủ vùng Tây Ninh, một vùng ác liệt nơi có con đường số 1 nối thông từ Việt Nam sang Campuchia. Ở đây địch thường xuyên tổ chức lực lượng lớn đánh sang biên giới nước ta.

Mỗi khi gặp lại bạn bè, đồng đội, những ký ức chiến trường trong ông Lâm lại hiện về rõ mồn một. Ông kể: “Tháng 2/1977 tôi bị thương trong trận Bến Cầu nên được về bệnh viện tuyến sau điều trị. Sau khi bình phục, tôi lại ra tuyến trước ngay. Rồi chiến đấu liên tục từ năm 1977 đến khi ra quân, năm 1980”.

Những ký ức chiến trường vẫn hiện về với ông Nguyễn Trung Lâm. Ảnh: Trường Sơn.

Ông Lâm cho biết, ông có linh cảm rất chính xác, đang hành quân mà có địch phục kích là ông có thể cảm giác được. “Có lẽ vì thế mà tôi còn về được, chứ trong một cuộc chiến lẫn lộn giữa dân và địch, bất cứ ở đâu chúng tôi cũng có thể bị phục kích, tập kích. Anh em thương vong rất nhiều, tôi may mắn được trở về”, ông Lâm chia sẻ.

Trong suy nghĩ của ông Lâm, quân Pol Pot chiến đấu rất dữ dội, thậm chí nhiều lúc đến mức cuồng loạn. “Có trận, khi tôi xông lên bắt sống hai tên địch thì chúng nó rút lựu đạn định “chia ba” với mình. Khi còn cách khoảng 8m thì nghe tiếng gào “Nằm xuống” của anh Lê Xuân Hẹn (quê ở Thái Bình). Tôi vừa kịp lăn xuống đất thì quả lựu đạn trên tay địch phát nổ, cả hai đứa chết. Hôm ấy tôi mà chạy nhanh một tí nữa thì “chia ba” quả lựu đạn với bọn địch”, ông Lâm kể.

Chiến đấu kiên cường, dũng cảm, không tiếc máu xương, nhiều người đã mãi mãi nằm lại bên đất bạn. Một số người đã trưởng thành được tặng huân, huy chương và nhiều bằng khen, giấy khen về thành tích chiến đấu dũng cảm. Khi hoàn thành nhiệm vụ, những người lính trở về địa phương tham gia phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.

Tâm tư hậu chiến

Có lẽ không có nhiều cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam được như ông Lê Thanh Hiếu, cựu binh của E209, F7, hiện sinh sống tại đường Đê La Thành, Hà Nội. Hiện tại ông có một gia đình khá hạnh phúc, con cái được ăn học đàng hoàng, kinh tế gia đình ổn định, không phải lo lắng cái ăn cái mặc. Tuy vậy ông vẫn cảm thấy thiếu vắng một điều gì đó.

Ông cũng chia sẻ thêm: “Chuyện chiến đấu ở chiến trường Campuchia gian khổ, bi tráng lắm, nhưng tôi nghĩ, đó cũng là trách nhiệm thời trai trẻ thôi. Thời đại nào cũng thế, đất nước xảy ra chiến tranh thì ai cũng phải làm như chúng tôi, nên không có gì để phải kể công cả. Nhưng có điều đến nay những người lính chiến trường K như chúng tôi vẫn chưa được nhắc đến một cách xứng đáng. Tôi nghĩ vào dịp kỷ niệm 7/1/1979, khi nhắc đến giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot thì cũng nên nhắc đến quân tình nguyện Việt Nam. Vì đó là máu xương của bao nhiêu người đổ xuống. Không phải ngẫu nhiên mà có ngày 7/1”.



Ông Hiếu tưởng nhớ 13 trinh sát E209 lọt vào ổ phục kích năm 1979. Ảnh: L.T.Hiếu.

Theo ông Hiếu, việc “chưa được nhắc đến một cách xứng đáng”, là muốn nói đến công tác tuyên truyền của chúng ta còn hạn chế. Ông nhắc đến một kỷ niệm khiến ông rất xúc động, cũng là niềm an ủi lớn đối với ông và đồng đội khi đã không tiếc máu xương giải cứu người dân nước bạn. Ông Hiếu kể, sau chiến tranh ông đã hai lần về thăm lại chiến trường xưa. Một lần vào đầu năm 2010 và một lần vào tháng 10/2011. Một trong những chuyến đi ấy đã để lại cho người cựu binh ấn tượng đáng nhớ.

“Chính mắt mình đã chứng kiến bao nhiêu đồng đội ngã xuống trước họng súng quân Pol Pot, khiến tôi có ác cảm với người bản xứ”, ông Hiếu kể, “tuy nhiên, sự việc xảy ra khiến tôi thay đổi hẳn thành kiến đã tồn tại từ lâu trong đầu”.

Câu chuyện thế này, trong một chuyến thăm lại chiến trường xưa, ông Hiếu cùng một người bạn tôi là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Phnom Penh, vào một quán ăn ở Phnom Penh. Khi người bạn giới thiệu với anh quản lý nhà hàng bằng tiếng Campuchia rằng, đây (ông Hiếu) là cựu chiến binh Việt Nam, đã giải phóng Phnom Penh vào ngày ấy, năm ấy. Thật không ngờ ngay lập tức anh quản lý cùng với hơn 30 nhân viên nhà hàng ra đứng chắp tay nói là cảm ơn bộ đội Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ Pol Pot.
 
“Sự việc bất ngờ hôm ấy ở nhà hàng đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Nếu là những người lớn tuổi đã sống qua chế độ Khmer Đỏ thì không nói làm gì, đằng này tất cả nhân viên và quản lý nhà hàng đều rất trẻ, chứng tỏ Campuchia đã giáo dục cho thế hệ trẻ của bạn nhớ đến ơn nghĩa của quân tình nguyện Việt Nam nên mới được như thế”, ông Hiếu nhận xét. 


Trường Sơn

Nguồn: http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Doi-dau-voi-su-cuong-loan-cua-quan-Pol-pot/20127/220461.datviet
Logged
loi88
Thành viên
*
Bài viết: 94



« Trả lời #27 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2012, 01:58:10 pm »

@ anh CB479  & anh Thai88 ! xem mấy cái giấy tờ này L88 có được Nhận trong đợt này không  ? tư vấn dùm L88 ( năm 85 L88 chuyển nghành về cơ quan ) giờ thì nhảy ra ngoài rồi , coffee xong chạy về nhà có người bạn kế phường bên đây nó kêu tao và triển khai rồi mầy thì sao ? chưa nhúc nhích luôn tiện soạn sẵn sàng alô ... là có ngay







Logged
linh_8_78_88_68
Thành viên
*
Bài viết: 793

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa....


« Trả lời #28 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2012, 07:37:50 am »


Em mới thấy cái này trên mạng, không biết các bác đã xem chưa ??!" Hành trình của 2 CCB F302 & F309 về chiến trường xưa".<a href="http://www.youtube.com/watch?v=wJTmVRiGFUM" target="_blank">http://www.youtube.com/watch?v=wJTmVRiGFUM</a>

   ******88
  Con đường đất đỏ ở ngay phần đầu VideoClip ( từ phút thứ 4 tới phút 12 ) chính là lộ 68 từ ngã ba Kralanh ( Quốc lộ 6 ) đi Sầm rông , qua núi Cóc , Osamech sang Thailand .
  Nơi 3 CCB f.302 và f.309 thắp hương tưởng niệm đồng đội , chính là chiến địa trận 13-1-1979 của Ebb 88 , DxEpb 262 của F302 và DxE26 xetăngQK7 :Trận phum CHẶP ĐAY 13-1-79  , D3E88 lĩnh ấn tiên phong .
Một trận chiến đã được nhiều CCB K kể lại trên VMH  , kèm nhiều hình ảnh các CCB thăm lại chiến trường xưa   này .

   Gần 30 đồng đội đã hy sinh và bị thuơng trong trận chiến , cùng 2 M113 bị bắn cháy ngay trong loạt đạn đầu tiên của địch .
 D1E88 thuộc thê đội 2 - đi sau , đã được dâng lên tăng cường cho D3 , có Xe tăng T54 + Pháo E262 ( 85 , 37 , 105 ) bắn thẳng , ta đã nghiền nát phòng tuyến địch sau hơn 60 phút giao tranh .
 Kể từ lúc đó  D1E88F302 ( bác CCB cao nhất trong 3 bác - đội mũ xanh , chính là bác Phuơng " khè " - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 của Tước vác B41 - vốn là thành viên mang nick " Tước_B41 " xưa , và nick hiện tại là linh_8_78_88_68  của VMH ) , luôn dẫn đầu đại quân 88 , đánh giải phóng dọc lộ 68 tới Sầm rông - núi Cóc , Ămpil , Th_ma Puôk ...

  ( Ở phút 4,46  khi ống kính máy quay lia ngược lại phía sau , chúng ta thấy rõ cao điểm 65 có ngôi chùa lớn - mới xây lại , đúng với tên gọi Núi CHÙA xưa , ở bắc  ngã ba Kralanh 3 km , sát bên trái lộ 68 .  Rất nhiều CCB K là thành viên VMH hôm nay đã biết và đã ở núi này thời 79-8x . Nhất là các bác Công binh QK7 và MT479 )

   

Xin cảm ơn các bạn về clip video này và cũng cảm ơn các bạn về những nén hương mà các bạn dành cho anh em 88 chúng tôi đã vĩnh viễn nằm lại tại đây.

Trận đánh đầu tiên này của D 3, E 88 là trận đánh mở màn để thông lộ 68 và là một trong những trận đau thương mà hào hùng nhất của E88 trong những năm đầu của chiến dịch.

Địch thắng về ĐỊA LỢI nhưng không thắng nổi lòng quả cảm, tinh thần quyết thắng và lòng hy sinh cho thắng lợi cuối cùng của từng chiến sĩ E88.

D1 chúng tôi nằm dự bị trên đồi 65 và sẳn sàng được tung vào bất cứ lúc nào trong khi phía dưới đồi tiếng DK, tiếng pháo, và tất cả các loại hỏa lực mạnh nhất của cả hai bên có được thi nhau nhả đạn.

Khi mặt trận trở nên khá im ắng trở lại, các loại hỏa lực bớt rộn thì chúng tôi được lệnh lên xe về phía trước, ngang qua "bãi chiến trường", gọi là "bãi chiến trường" quả thật không sai: bên phải lộ khoảng 30 thương binh, tử sĩ của D3 còn nằm bên đường được che tạm bằng những chiếc lá dừa dưới cái nắng của buổi trưa, bên phải là xác địch ngổn ngang, rải rác....Mấy chiếc M113 của ta bị cháy vẫn còn khói đen, súng ống, đạn dược đang được thu dọn....Từng toán tù binh năm, bảy tên đang được trói tay dẩn đi....Tiếng súng vẫn chưa dứt hẳn.....Mùi thuốc súng vẫn còn vương nặng trong không khí......

..........................

Trong trận Phum Chap đay này, Ông Phương Khè chưa là D trưởng của D 1 mà là Ông Ánh, D phó là Ông Chất. Mãi đến lần C3 chúng tôi vào Th'ma Pouk lấy xác tử sĩ, ông ta cũng còn làm D trưởng D1. Ông Phương Khè chấp chánh ngay sau đó, ông này tướng roi roi nên hành quân "khủng" lắm, nhiều khi bị mấy thằng lính nổi điên chửi bới, ông cứ phớt lờ....tiếp tục "cuốc".....
Logged
linh_8_78_88_68
Thành viên
*
Bài viết: 793

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa....


« Trả lời #29 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2012, 03:28:55 pm »


Trong mặt trận Lò Gò, sau mỗi lần giao tranh bằng các loại hỏa lực hạng nặng, tuoc_b41 đã chứng kiến hàng trăm, hàng trăm thương binh, tử sĩ của các E bạn như E 6, E 429,....được Thanh niên xung phong hoặc những đồng đội cùng đơn vị còn sống sót chuyển ra. Nhưng xét ra, có điều khác biệt ở chỗ: nếu tại Lò Gò, hai bên choảng nhau trên chốt, giành giật nhau từng tấc đất trong công sự, hầm hố và nhất là giữa rừng rậm có cây cối lâu năm che chắn thì ở đây C9 của D3 lại nằm trơ lưng giữa đồng trống! Hơn nữa, các loại hỏa lực hai bên đều chơi trực xạ trên cánh đồng trống mông mênh, ác liệt thay!

Mấy chú ngựa (M113 của E 26 thiết giáp) hầu như mất tác dụng nên cấp trên sử dụng pháo đôi (E 262) để chi viện cho Xe (D3), và phía sau vẫn còn 2 con Xe khác (D1, D2) đang hùng hổ chờ lệnh để "vồ" và sự kết hợp tuyệt vời ấy đã phát huy tác dụng....Địch đã bị pháo 262 làm phá vở đội hình, D3 tiếp tục xung phong làm chủ trận địa....

C 3 chúng tôi tiến lên nhận nhiệm vụ. Nhìn qua bãi chiến trường, bao nhiêu Hĩ, Nộ, Ái, Ố,...đều nổi lên. Chúng tôi không là nhà tu, cũng không là ác quỷ mà là những chiến binh có kỹ luật sắt, đã được giao nhiệm vụ rõ ràng: phía trước vẫn còn bao thử thách, hy sinh nhưng quyết tâm không hề giảm. Ở một nơi nào đó ở phía trước, có thể một thời điểm nào đó không xa có thể chính mình cũng sẽ nằm xuống như bao đồng đội bên đường nhưng ta phải tiến....... và chỉ còn 1 giây để nhớ về những người thân nhất.....
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM