Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 12:24:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh và hòa bình  (Đọc 273678 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #410 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 12:12:11 am »

Đại đội kỵ binh vòng qua đoàn bộ binh và pháo binh bấy giờ cũng đang vội rảo bước, phóng ngựa xuống dốc và sau khi đi ngang một cái làng vắng vẻ không người ở, lại phóng lên dốc. Ngựa bắt đầu toát mồ hôi, binh vĩ mặt mày đỏ gay lên.

- Đứng lại, nhìn trước… thẳng! - Ở phía trước vang lên tiếng hô của viên sư đoàn trưởng rồi có tiếng hô tiếp - Hàng trái tiến lên, bước một… tiến!
   
Và đội phiêu kỵ men theo dọc hàng quân chuyển sang bên phía tả vị trí và dừng lại phía sau đoàn kỵ binh của ta đứng thành một khối dày đặc - đó là đoàn quân dự bị: phía trên một chút, trên cao một điểm, trong bầu không khí trong vắt, dưới ánh nắng chênh chếch của buổi ban mai, có thể trông thấy những khẩu pháo của ta in trên chân trời. Ở phía trước, sau một thung lũng thấp thoáng, các đạo bộ binh và các khẩu pháo của địch. Từ phía thung lũng đã nghe tiếng súng trường rộn ràng vui vẻ của quân ta ở tiền duyên lúc bấy giờ đã nổ súng giáp trận với quân địch.
   
Nghe những âm hưởng này, những âm hưởng mà đã từ lâu chàng không được nghe, Roxtov thấy lòng vui hẳn lên như khi nghe tiếng nhạc tưng bừng nhất. Đùng đì - đùng, đoành - đoành! - mấy tiếng súng nổ dồn, khi lẻ tẻ, khi liên tiếp. Rồi mọi vật im lặng, rồi lại như có ai giâm lên một tràng pháo.
   
Quân phiêu kỵ đứng yên một chỗ trong khoảng một tiếng đồng hồ. Đại bác cũng đã lên tiếng gầm gừ. Bá tước Oxterman cùng với đoàn tuỳ tùng cưỡi ngựa đi ngay phía sau kỵ đội, dừng lại nói mấy câu với viên trung đoàn trưởng rồi đi vòng lên phía trận pháo bố trí trên núi.
Sau khi Oxterman đi qua, bên đơn vị U-lan có tiếng hô:

- Xếp thành đội ngũ chiến đấu, tiến!
   
Đoàn bộ binh đứng ở phía trước họ rẽ đôi ra để cho kỵ binh đi qua. Quân U-lan xuất phát: cờ đuôi nheo ở đầu giáo bay phấp phới, họ phóng nước kiệu xuống núi tiến về phía kỵ binh Pháp bấy giờ vừa xuất hiện dưới chân núi, ở phía trái.

Quân U-lan vừa xuống núi thì quân phiêu kỵ được lệnh tiến lên núi để yểm hộ cho trận địa pháo binh. Trong khi quân phiêu kỵ đến thay chân đội U-lan, từ tiền duyên có những viên đạn lạc bay đến, kếu ríu rít trong không trung.

Âm hưởng này, mà đã từ lâu Roxtov không được nghe, lại khiến chàng vui vẻ và phấn chấn hơn cả tiếng súng lúc nãy. Chàng ngồi thẳng người trên mình ngựa, đưa mắt nhìn quanh chiến trường trải rộng ra dưới chân núi, và toàn tâm toàn ý dõi theo cục chuyẻn binh của đơn vị U lan. Quân U-lan đã phi sát đội long kỵ của Pháp, rồi khói súng che lấp mọi vật, và năm phút sau quân U-lan phi ngựa trở lại nơi họ xuất phát, nhưng chếch sang bên trái. Ở giữa những người lính U-lan mặc áo da cam ở phía sau lưng họ đã thấy những đám long kỵ binh Pháp đông nghịt mặc áo lam cưỡi ngựa xám đuổi theo.
   
Với con mắt rất tinh của người đi săn, Roxtov là một trong những người đầu tiên đã trông thấy đám long kỵ binh Pháp mặc áo lam đuổi theo quân U-lan của ta. Đội U-lan hàng ngũ rối loạn và đội kỵ binh Pháp đang đuổi theo họ một lúc một tiến gần chỗ Roxtov đứng. Từ trên núi nhìn xuống đã có thể thấy rõ những bóng người trông rất nhỏ ở dưới chân đồi đang xô đẩy nhau, đuổi theo nhau và hoa tay hay vung kiếm.
   
Roxtov, khi đi săn đuổi, đứng nhìn những việc đang diễn ra trước mắt mình. Trực giác của chàng đã cảm thấy rằng nếu bây giờ cho quân phiêu kỵ đánh thốc vào đội long kỵ binh Pháp thì chúng sẽ không bao giờ đương nổi; nhưng nếu đánh thì đánh ngay bây giờ, ngay phút này, nếu không thì chậm mất. Chàng đưa mắt nhìn quanh viên quan. Viên thượng uý đứng cạnh chàng bấy giờ cũng nhìn không chớp mắt vào những người cưỡi ngựa dưới chân núi.

- Andrey Xevaxtyanyst, - Roxtox nói, - Ta có thể đánh tan được chúng…

- Đúng đấy, - Viên thượng uý nói, - Hay là ta…
   
Chưa nghe nói hết câu, Roxtox đã thúc ngựa phi ra trước kỵ đội, chàng chưa kịp ra lệnh tiến quân thì toàn thể đại đội, lúc bấy giờ cũng cảm thấy như Roxtox, đã thúc ngựa theo chàng. Bản thân Roxtox cũng chẳng biết tại sao mình làm việc đó, và làm như thế nào. Tất cả những việc đó chàng đã làm như vẫn thường làm khi đi sẵn, không nghĩ ngợi, đắn đo suy tính. Chàng thấy bọn long kỵ binh đã đến gần, thấy hàng ngũ của chúng rối loạn; chàng biết rằng chúng sẽ đương nổi, chàng biết rằng nếu bỏ qua phút này, thì sẽ không bao giờ trở lại nữa. Tiếng đạn réo quanh chàng có sức kích động quá mạnh, và con ngựa của chàng hăm hớ muốn tiến lên, đến nỗi chàng không sao kìm nổi. Chàng thúc ngựa tiến, cất tiếng hô mệnh lệnh và ngay lức ấy chàng nghe phía sau lưng có tiếng vó ngựa rầm rập của toàn thể đại đội chàng đang phóng nước kiệu tọả xuống núi về phía bọn long kỵ binh. Xuống đến gần chân núi, đang nước kiệu họ bất giác chuyển sang nước đại, càng đến gần quân U-lan ta và quân long kỵ binh Pháp đang đuổi theo thì lại càng phi nhanh thêm.
   
Họ đã đến gần bọn long kỵ binh. Những tên ở phía trước trông thấy quân phiêu kỵ liền quay trở lại, những tên ở phía sau kìm ngựa. Với một cảm giác giống như khi chàng phi ngựa đi chặn đường con sói, Roxtox cho con ngựa sông Đông của chàng phóng hết tốc lực, phi chéo vào đám long kỵ binh Pháp hàng ngũ rối loạn. Một người lính U-lan dừng lại, một người ngã ngựa phục xuống đất để khỏi bị xéo lên người, một con ngựa không người cưỡi chen lấn vào hàng ngũ đội phiêu kỵ. Hầu hết cả bọn long kỵ binh Pháp đều phi trở lại phía sau. Roxtox chọn một tên long kỵ binh cưỡì ngựa xám, phóng ngựa rượt theo. Dọc đường chàng suýt đâm vào một bụi cây; nhưng con tuấn mã đưa chàng bay vút qua bụi, phải chật vật lắm chàng mới ngồi được vững trên yên. Nikolai thấy rằng chỉ trong chốc lát chàng sẽ đuổi kịp tên địch mà chàng đã chọn làm đích. Tên Pháp này - cứ trông quân phục thì chắc là một viên sĩ quan cúi rạp mình trên con ngựa xám, lấy gươm thúc vào mông con ngựa chạy nhanh thêm. Chỉ có một lát, con ngựa của Roxtox húc vào mông con ngựa của viên sĩ quan suýt làm cho nó ngã nhoài ra, và ngay lúc ấy, Roxtox - chính chàng cũng chẳng biết tại sao - vung gươm lên chém vào tên kỵ binh Pháp.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #411 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 12:13:06 am »

Trong cái giây lát chàng làm như vậy, tất cả mọi hưng phấn của Roxtox vụt biến mất. Viên sĩ quan Pháp ngã xuống, vì nhát gươm thì ít (lưỡi gươm chỉ chém đứt một đường nhỏ ở phía trên khuỷu tay) mà vì bị lay mạnh và sợ thì nhiều. Roxtox kìm ngựa lại, đưa mắt nhìn kẻ thù mình vừa thắng xem thử hắn là người thế nào. Viên sĩ quan lính kỵ binh Pháp một chân, nhảy cò trên mặt đất, còn chân kia thì mắc vào bàn đạp. Hắn nheo nheo mắt như chờ đợi một nhát gươm sắp chém xuống lần nữa, nhăn mặt ngước nhìn Roxtox ra vẻ kinh hãi, mặt hắn tái mét và lấm bùn: với bộ tóc vàng, với cái cằm lúm đồng tiền và đôi mắt màu xanh nhạt trong sáng, khuôn mặt trè trung của viên sĩ quan Pháp thật chẳng hợp chút nào với chiến trường, thật chẳng có vẻ gì là khuôn mặt của một kẻ địch, mà là một khuôn mặt của hết sức quen thuộc thường gặp trong phòng khách. Roxtox chưa kịp quyết định xem mình nên làm gì, thì viên sĩ quan đã kêu to: "Tôi xin hàng!". Hắn luống cuống vội vàng muốn rút chân ra khỏi bàn đạp nhưng không sao rút được, và đôi mắt sợ hãi của hắn vẫn giương lên nhìn Roxtox không chớp: Những người lính phiêu kỵ bấy giờ vừa phi đến tháo chân hắn ra khỏi bàn đạp và đặt hắn ngồi lên yên. Bốn phía đều nhìn thấy những người phiêu kỵ đang mải đối phó với những tên long kỵ binh: có tên bị thương, máu me be bét trên mặt nhưng vẫn không chịu buông ngựa ra; một tên khác ngồi trên ngựa sau lưng một người lính phiêu kỵ, tay ôm choàng lấy mình người lính; lại một tên nữa đang được mấy người phiêu kỵ đỡ cho ngồi lên ngựa. Ở phía trước mặt, bộ binh Pháp vừa chạy tới vừa bắn. Quân phiêu kỵ vội vàng đem bọn tù binh về hậu tuyến. Roxtox cũng phi ngựa trở lại về với họ: một cảm giác gì khó chịu làm cho lòng chàng như thắt lại. Có một cái gì lờ mờ, rối ren mà chàng không sao nhận thức được rõ ràng đã đẩy lên trong lòng chàng nghĩ đến lúc chàng vung gươm lên chém hắn.
   
Bá tước Oxterman - Tolstoy nghênh tiếp đội phiêu kỵ, gọi Roxtox đến cảm ơn chàng và nói rằng ông ta sẽ trình lên hoàng thượng rõ hành động dũng cảm của chàng và sẽ xin cho chàng một huân chương chữ thập George. Khi được lệnh đến gặp bá tước Oxterman, chàng nhớ ra rằng chàng đã cho đơn vị tấn công mà không có lệnh trên, nên tin chắc rằng cấp chỉ huy gọi chàng đến là để trừng phạt hành động tự tiện của chàng. Vậy lẽ ra những lời khen ngợi của Oxterman và lời hứa thăng thưởng càng khiến chàng ngạc nhiên và vui mừng, nhưng cái cảm giác lờ mờ, khó chịu lúc nấy vẫn khiến chàng bứt rứt. "Ồ, cái gì làm cho mình băn khoăn thế nhỉ? - Chàng tự hỏi khi từ giã viên tướng ra về. - Ilya à? Không, cậu ta vẫn bình yên vô sự. Mình có làm điều gì đáng hổ thẹn chăng? Không, vẫn không phải!" - Có một cái gì khác day dứt chàng như một mềm hối hận - Phải, phải cái thằng cha sĩ quan Pháp cằm lúm đồng tiền ấy - Và mình nhớ rất rõ là tay này mình đã chùn lại khi mình vung gươm lên"
   
Roxtox thấy đám lù binh đang được giải đi, liền phi ngựa theo để nhìn lại tên Pháp có cái cằm lúm đồng tiền. Mình mặc bộ quân phục kỳ quặc, viên sĩ quan Pháp đang ngồi trên một con ngựa của lính phiêu kỵ và lo lắng đưa mắt nhìn quanh. Vết thương của hắn cũng chẳng đáng gọi là một vết thương nữa. Hắn gượng gạo mỉm cười với Roxtox và vẫy tay chào chàng. Roxtox vẫn có một cảm giác ngượng nghịu xấu hổ.
   
Suốt ngày hôm ấy và ngày hôm sau các bạn bè của Roxtox nhận thấy chàng tuy không có vẻ buồn bã hay cáu kỉnh nhưng lại trầm lặng, thẫn thờ và đăm chiêu. Chàng uống rượu một cách miễn cưỡng, cứ tìm cách ngồi một mình suy nghĩ điều gì.
   
Roxtox nghĩ mãi đến cái chiến công oanh liệt của mình: lạ thay, nó lại đem lại cho chàng một tấm huân chương chữ thập George, thậm chí lại làm cho chàng lừng danh là một tay gan dạ. Chàng nghĩ mãi, mà vẫn có một điều gì chàng không sao hiểu nổi: "Thế ra chúng nó còn sợ hơn cả bọn mình nữa ư! - Chàng nghĩ. - Chỉ có thế thôi mà cũng gọi là anh hùng à? Mà ta làm như vậy có phải vì tổ quốc đâu? Hắn ta có tội tình đâu với cái cằm lúm đồng tiền và đôi mắt xanh của hắn? Hắn hoảng sợ biết chừng nào! Hắn tưởng là ta định giết hắn. Việc gì ta phải giết hắn? Tay ta đã run. Rồi họ lại cứ gắn chữ thập George cho ta. Chả hiểu ra làm sao cả, chả hiểu tí nào cả!".
   
Nhưng trong khi Nikolai băn khoăn với những câu hỏi ấy và vẫn không sao hiểu rõ được cái gì khiến chàng bứt rứt như vậy, thì bánh xe của vận đỏ(1) vẫn xoay ra thuận chiều, đem lại cho chàng nhiều lợi lộc - Điếu văn vẫn thường thấy trong đời quân nhân. Sau trận Oxtrovna người ta đã cất nhắc cho chàng lên chỉ huy một tiểu đoàn phiêu kỵ và mỗi khi cần đến một viên sĩ quan dũng cảm, người ta đều nhớ đến chàng.

==========================================================

Chú thích

(1) "vận đỏ" thường được biểu trưng bằng hình ảnh một người đàn bà bị mắt chân đi trên một cái bánh xe có cánh.

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #412 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 12:13:54 am »

Phần IX
Chương - 14
   
Được tin Natasa ốm, bá tước phu nhân bấy giờ vẫn chưa khỏi bệnh hẳn, người hãy còn yếu, đã đem Petya và cả nhà lên Moskva, và gia đình Roxtov rời khỏi nhà bà Maria Dmitrevna dọn sang toà nhà của họ và ở hẳn Moskva.
   
Bệnh tình của Natasa trầm trọng đến nỗi, thực may cho nàng và cũng thực may cho cha mẹ nàng, ý nghĩ về những nguyên nhân đã khiến nàng lâm bệnh, hành động của nàng đoạn tuyệt với vị hôn phu đều lùi ra phía sau. Nàng ốm nặng đến nỗi không thể nào nghĩ em mình có lỗi đến chừng nào trong tất cả những việc đã xảy ra, trong khi nàng không ăn, không ngủ, gầy mòn đi trông thấy, ho sù sụ và như các bác sĩ đã để lộ, bệnh tình khá nguy kịch. Bây giờ phải nghĩ cách cứu nàng. Các bác sĩ đến thăm Natasa khi thì từng người một, khi thì họp thành một hội đồng, nói nhiều bằng tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng La-tinh, phản bác nhau, kê đơn vô số thuốc chữa đủ các thứ bệnh mà họ biết; nhưng trong bọn họ không ai thoáng có ý nghĩ đơn giản rằng họ không thể biết được căn bệnh của Natasa, cũng như không thể biết được một bệnh nào mà một con người sống có thể mắc phải: vì mỗi con người sống đều có những đặc tính của mình, và bao giờ cũng có một thứ bệnh riêng của mình, một bệnh mới mẻ phức tạp, mà y học chưa từng biết, đó không phải là bệnh phổi, bệnh gan, bệnh tim, bệnh thần kinh, bệnh ngoài da, v.v…, là những thứ bệnh có ghi trong sách y học, vì bệnh ấy là một trong vô số những cách kết hợp những bệnh tật của các tạng phủ này. Các bác sĩ không thể thoáng có cái ý nghĩ rằng mình không biết làm phù phép, bởi vì sự nghiệp của đời họ là chữa bệnh; bởi vì họ được trả tiền để làm việc đó, và bởi vì họ đã tiêu phí những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời họ vào việc ấy. Nhưng cái chính khiến cho các bác vĩ không thể có ý nghĩ ấy được là vì họ thấy mình chắc chắn là có ích, và quả nhiên họ rất có ích cho tất cả những người trong gia đình Roxtov. Họ có ích không phải vì họ bắt người ốm nuốt những chất phần lớn là có hại (cái hại này cũng khó thấy, vì những chất có hại thường cho uống với một liều lượng rất ít) nhưng họ có ích, họ thấy là cần thiết, không thể nào thiếu được (chính vì thế cho nên trước đây cũng như sau này bao giờ cũng có những ông lang băm, những ông thầy màn và nhưng người chữa bệnh tương tự); bởi vì họ thoả mãn nhu cầu tinh thần của người ốm và của những người yêu thương người ốm. Họ thoả mãn cái nhu cầu muôn thủa của con người là mong được khỏi ốm, được người khac xót thương và ân cần săn sóc. Họ thoả mãn một nhu cầu muôn thủa mà con người ta có thể nhận thấy hình thức nguyên thuỷ nhất ở đứa trẻ, là cái những cầu xoa chỗ đau. Đứa trẻ va phải cái gì thì lập tức chạy đến mẹ, đến u già để người ta xoa chỗ đau cho nó, vấu khi đã được vỗ về như vậy thì nó đỡ đau.Đứa trẻ không hình dung được rằng những người mạnh hơn và khôn ngoan hơn nó không làm gì cho nó thấy đỡ đau. Và lòng nó được an ủt vì nó hy vọng được khỏi đau, vì mẹ nói thương xót nó và xoa chỗ đau cho nó. Nếu các bác sĩ có ích cho Natasa thì cũng là vì họ quả quyết rằng nàng sẽ khỏi nếu anh xà ích đánh xe ra hiệu thuốc phố Arbatxkaya mua một đồng bảy thuốc bột và thuốc viên đựng trong chiếc hộp xinh xắn, và nếu người ốm uống các thứ thuốc này pha nước đun sôi đúng hai giờ một lần, không hơn không kém.
   
Sonya, bá tước và phu nhân sẽ làm gì bây giờ, họ làm sao có thể khoanh tay đứng nhìn; nếu không có những viên thuốc uống đúng giờ đúng giấc ấy, nếu không có những thứ nước uống hâm nóng, những miếng gà hầm và tất cả những điều mà họ phải tuân theo và cũng làm cho họ có công việc được an ủi? Bá tước làm sao chịu đựng nổi bệnh tình của cô con gái yêu, nếu như ông không biết rằng bệnh của Natasa tốn hết hàng nghìn rúp, và dù có phải tiêu thêm hàng nghìn nữa để nàng khỏi bệnh ông cũng không tiếc, nếu như thế nàng vẫn không khỏi thì ông sẽ không ngần ngại tiêu thêm hàng nghìn nữa và vẫn sẽ đưa nàng ra nước ngoài rồi triệu tập một hội đồng danh y; nếu ông không có dịp để kể tỉ mỉ rằng Metivie và Feller không hiểu, nhưng Friz hiểu rõ, mà Mudrov còn chẩn đoán được rõ ràng hơn? Bá tước phu nhân còn biết làm gì, nếu bà ta không có dịp gây gổ với Natasa vì nàng không theo cho thật đúng những lời dặn của bác sĩ?

- Cứ thế này thì còn phải làm sao được, - bá tước phu nhân nói, và nỗi bực mình làm cho phu nhân quên lãng nỗi buồn, - nếu con không chịu nghe lời bác sĩ và uống thuốc không đúng giờ giấc! Có phải chuyện đùa đâu, nó có thể biến chứng thành bệnh viêm phổi đấy, - Bá tước phu nhân nói thêm, và ngay trong khi nói ra cái danh từ mà bà không hiểu (mà cũng chẳng phải một mình bà là không hiểu), bà cũng được an ủi rất nhiều rồi. Sonya còn biết làm gì, nếu nàng không vui mừng nhận thấy nàng đã không cởi áo ngoài suốt ba đêm đầu để sẵn sàng làm tròn tất cả những lời dặn dò của bác sĩ, và bây giờ đây đêm đêm nàng không ngủ để khỏi nhỡ giờ cho Natasa uống những viên thuốc chẳng có hại gì mấy đựng trong hộp mạ vàng? Mà ngay cả Natasa cũng vậy, tuy nàng nói rằng không có thuốc nào có thể chữa cho nàng khỏi bệnh và tất cả những thứ kia đều là nhảm nhí, nàng cũng không hài lòng khi thấy người ta hy sinh vì mình nhiều như vậy, và phải uống thuốc đúng giờ giấc. Thậm chí nàng còn thấy vui khi không chịu làm theo lời dặn của bác sĩ để tỏ ra rằng mình không tin là bệnh có thể khỏi và không có ý tiếc rẻ đời mình.
   
Bác sĩ đến hàng ngày, bắt mạch, xem lưỡi, không hề để ý đến vẻ mặt ủ dột của nàng, và cứ đùa với nàng. Nhưng khi ông sang phòng bên bá tước phu nhân hấp tấp đi theo ông, ông làm ra vẻ nghiêm nghị và lắc đầu ra dáng tư lự, nói rằng liều thước vừa rồi sẽ có tác dụng, rằng cần phải chờ xem; rằng bệnh này chủ yếu là bệnh tinh thần, song…
   
Bá tước phu nhân, cố giấu giếm hành động này với bản thân mình và với cả thầy thuốc nữa, dúi cho ông ta một đồng tiền vàng, và mỗi lần như vậy phu nhân trở vào phòng con, lòng yên tĩnh hơn.
   
Những chứng bệnh của Natasa là ăn kém, ngủ kém, thường hay ho và lúc nào cũng ủ ê, phờ phạc. Thầy thuốc nói rằng thế nào cũng phải để Natasa ở một nơi có thể chạy chữa khi cần thiết, cho nên họ giữ nàng ở lại trong một không khí ngột ngạt của thành phố. Thế là mùa hè năm 1812 gia đình Roxtov không về quê nữa.
   
Tuy đã uống rất nhiều thuốc viên, thuốc bột đựng trong những chiếc lọ và những chiếc hộp con con mà bà Schoss, một người rất thích các thứ này, đã gom góp lại được thành một bộ sưu tập đầy đủ, tuy nàng bị tước mất cảnh sống hương thôn mà nàng đã quen thuộc, nhưng cuối cùng tuổi trẻ vẫn thắng: nỗi buồn của Natasa bắt đầu bị những ấn tượng của cuộc sống hằng ngày che mờ, nó không còn đè nặng lên lòng nàng nữa, nó bắt đầu lùi về quá khứ, và thể lực Natasa bắt đầu bình phục.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #413 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 09:58:10 pm »

Phần IX
Chương - 15

Natasa đã bình tĩnh hơn trước, nhưng không phải là vui hơn. Không những nàng còn tránh tất cả những dịp chơi, như những buổi khiêu vũ những cuộc dạo chơi, những buổi hoà nhạc, những tối xem kịch; và hễ nàng cười thì bao giờ trong tiếng cười cũng thấy có nước mắt.
     
Nàng không sao hát được. Hễ nàng cất tiếng cười hay thử hát những khi ngồi một mình, thì nước mắt lại trào lên nghẹn ngào trong cổ: những giọt nước mắt hối hận, nhớ những ngày trong sáng không bao giờ còn trở lại nữa, những giọt nước mắt tủi cực vì thấy mình đã phí hoài tuổi thanh xuân lẽ ra có thể tràn đầy hạnh phúc.  Tiếng cười và tiếng hát đối với nàng thật như một lời báng bổ đối với nỗi buồn của nàng. Nàng không hề nghĩ đến việc làm duyên làm dáng nữa. Nàng nói và cảm thấy rằng lúc bấy giờ đàn ông đối với nàng cũng chẳng khác nào lão hề Naxtaxya Ivanovna. Trong lòng nàng như có một tên cảnh binh cấm nàng không được hưởng một niềm vui nào. Vả chăng tâm tư nàng cũng chẳng còn những thích thú trước kia của cuộc sống vô tư lự, tràn đấy hy vọng của người con gái. Nàng thường xót xa nhớ lại những tháng mùa thu, những buổi đi săn, ông chú và lễ Giáng sinh, những ngày đã sống cạnh Nikolai ở Otradnoye. Giá được sống lại dù chỉ là một ngày của quãng thời gian đó thôi, thì dẫu có phải hy sinh gì nàng cũng cam. Nhưng thời ấy đã vĩnh viễn trôi qua rồi. Dạo ấy linh tính đã báo cho nàng biết rằng cuộc sống thoải mái và tâm trạng sẵn sàng đón lấy mọi niềm vui sướng sẽ không bao giờ trở lại nữa: quả nhiên linh tính đã không lừa dối nàng. Nhưng vẫn cứ phải sống.
     
Nàng thấy lòng nguôi nguôi khi nghĩ rằng nàng không phải là người tốt nhất như trước kia nàng đã từng nghĩ, mà là người xấu xa nhất xấu xa hơn tất cả mọi người ở trên đời. Nhưng như thế vẫn chưa đủ Nàng biết như vậy và tự hỏi:  "Thế rồi sao nữa?" Nhưng chẳng có gì nữa hết. Cuộc sống chẳng cho nàng lấy một niềm vui, và cuộc sống cứ trôi qua. Natasa hình như chỉ cố sao dừng làm phiền ai, đừng làm cho ai phải cực nhọc vì mình, còn riêng nàng thì nàng chẳng cần gì cho mình cả. Nàng xa lánh mọi người trong gia đình, chỉ riêng với Petya là nàng thấy dễ chịu. Nàng thích bầu bạn với em trai hơn là với những người khác; và đôi khi ngồi nói chuyện riêng với Petya, nàng lại cất tiếng cười. Nàng hầu như không ra khỏi nhà, và tổng số những người khách đến thăm chỉ có một người có thể làm cho nàng vui mừng: người ấy là Piotr. Không còn ai có thể dịu dàng, trân trọng và nghiêm trang hơn bá tước Bezukhov đối với nàng. Natasa bất giác nhận thấy lòng dịu dàng của chàng. Và thấy thích thú khi được nói chuyện với chàng. Nhưng nàng cũng chẳng cảm kích lòng dịu dàng của chàng. Đối với nàng, hình như tất cả những chỉ tốt đẹp Piotr đều không cần một sự cố gắng nào cả tốt. Hình như cư xử tốt mọi người là một điều tự nhiên đối với Piotr cho nên điều đó chẳng có gì đáng khen ngợi cả. Đôi khi Natasa nhận thấy chàng ngượng nghịu và lúng túng trước mặt mình, nhất là khi chàng sợ rằng trong câu chuyện có điều gì nhắc nhở cho Natasa những kỷ nịêm đau đớn. Nàng nhận thấy như vậy và cho rằng đó là vì chàng tốt bụng nhút nhát, theo như nàng quan niệm thì đối với ai chàng cũng tốt bụng và nhút nhát như đối với nàng.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #414 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 09:58:48 pm »

Sau hôm chàng thốt ra rằng nếu chàng tự do chàng sẽ quỳ xuống xin nàng tình yêu và xin kết hôn với nàng (những lời này nói ra trong một phút nàng đang kích động mạnh) Piotr không bao giờ nói gì về những tình cảm của mình đối với Natasa: và nàng thấy rõ rằng những lời ấy, những lời đã an ủi nàng rất nhiều, chẳng qua cũng như bất cứ những lời vẩn vơ nào thường nói để dỗ một đứa trẻ đang khớc. Đó không phải là vì Piotr là một người có vợ, mà là vì Natasaa cảm thấy mình và Piotr có một trơ lực đạo đức ngăn cản - Trước kia nàng không thấy có trở lực này giữa mình đối với Kuraghin - Nàng không bao giờ thoáng có ý nghĩ rằng những quan hệ với Piotr có thể đưa đến chỗ nàng yêu chàng, lại càng không bao giờ nghĩ rằng nó đưa đến chỗ chàng yêu nàng, nhưng ngay cả cái loại tình bạn dịu dàng và nên thơ giữa một người đàn ông và một người đàn bà mà nàng đã từng biết qua một vài trường hợp cũng thế.
   
Vào cuối cữ chay thánh Piotr, Agrafena Ivanovna Belova, bà láng giềng của gia đình Roxtov ở Otradnoye đến Moskva chiêm bái các thánh đường. Bà ta bàn với Natasa là nên đi lễ với bà. Natasa vui mừng đón lấy ý kiến ấy. Tuy các bác sĩ đã cấm nàng không được ra khỏi nhà vào buổi sáng sớm, Natasa vẫn cứ một mực xin đi lễ, và lần này chịu lễ không giống như những lần chịu lễ thông thường trong gia đình của Roxtov, tức là xem lễ ba lần ở nhà mà là chịu lễ như bà Agrafena Ivanovna, tức xem lễ một tuần không bỏ qua buổi nào, lễ sớm, lễ trưa, hay lễ chiều cũng vậy.
     
Thấy Natasa hăng hái như vậy, bá tước phu nhân rất hài lòng; sau thời gian hoài công chạy chữa thuốc thang, trong thâm tâm phu nhân hy vọng rằng câu chuyện bổ ích cho nàng hơn là thuốc men, cho nên tuy thầm lo sợ và phải dấu diếm thầy thuốc, bà cũng thuận cho Natasa đi và giao nàng cho bà Belova. Cứ đến ba giờ đêm bà Agrafena Ivanovna lại đến đánh thức Natasa và thường thường khi bà ta đến thì nàng đã dậy rồi. Natasa sợ lỡ mất buổi lễ. Nàng hối hả rửa mặt và mặc chiếc áo xấu xí nhất, ngoài khoác một chiếc áo choàng cũ kỹ rồi run cầm cập vì khí lạnh ban mai, nàng bước ra, ngoài phố vắng tanh, lờ mờ dưới ánh bình minh trong vắt. Theo lời khuyên của bà Agrafena Ivanovna, Natasa không xem lễ trong nhà thờ xứ quen thuộc, mà lại đến một nhà thờ khác: theo lời bà Belova là người rất sùng đạo, vị linh mục ở đây sống một cuộc đời rất khổ hạnh và cao quý. Trong nhà thờ này lúc nào cũng có ít người; Natasa và bà Belova đến đứng chỗ quen thuộc trước bức ảnh Đức mẹ treo ở cuối bàn thờ bên trái, và một niềm vui phục tùng trước một cái vĩ đại và không hiểu được, một tình cảm mới mẻ tràn ngập lòng nàng, khi trong buổi sáng sớm tinh mơ này, nàng nhìn lên khuôn mặt đen sẫm của Đức mẹ sáng mờ mờ dưới ánh nến và ánh ban mai từ cửa sổ lọt vào nghe những lời cầu nguyện mà nàng cố dõi theo và cố hiểu. Khi nàng hiểu được những lời đó thì những tình cảm sâu kín của nàng với đủ mọi màu sắc cũng hoà theo lời cầu nguyện. Khi nàng không hiểu nàng lại càng thấy lòng dịu lại vì nghĩ rằng muốn hiểu tất cả là một sự kiêu căng, rằng không thể nào hiểu được tất cả, rằng chỉ cần tin và phó thác bản thân mình cho Chúa là Đấng nàng cảm thấy giờ đây đang ngự trị linh hồn nàng. Nàng làm dấu chữ thập, cúi đầu làm lễ và những khi không hiểu nàng chỉ thấy sợ hãi trước sự thấp hèn của mình và cầu xin cầu Chúa tha thứ cho nàng tất cả, tất cả, và rủ lòng thương nàng. Những câu kinh mà nàng cầu nguyện nhiệt thành hơn cả là những câu kinh sám hối. Trở về nhà khi hãy còn sớm, và chỉ gặp những người thợ nề đi làm, những người phu đang quét đường, còn trong các nhà thì mọi người còn yên giấc. Natasa có một cảm giác mới mẻ khiến nàng tin rằng mình còn cổ thể sửa đổi các thói xấu và sống một cuộc sống đời mới, trong sạch và có hạnh phúc.
   
Suốt trong tuần chịu lễ, cảm giác ấy mỗi ngày một tăng thêm. Đối với nàng thì cái hạnh phúc "giao lưu" hay như Agrafena Ivanovna thương vẫn thích nói, "hoà nhập", cái hạnh phúc ấy to lớn đến nỗi nàng có cảm tưởng sẽ không còn sống được cho đến ngày chủ nhật diễm phúc kia.

Nhưng ngày vui đã đến, và khi Natasa mặc chiếc áo bạch sa từ buổi lễ ra về trong ngày chủ nhật đáng ghi nhớ ấy, lần đầu tiên sau bao tháng trời nàng đã cảm thấy mình yên tĩnh và không buồn chán khi nghĩ đến tương lai nữa.
 
Hôm ấy, thầy thuốc đến thăm bệnh cho Natasa và dặn uống tiếp những liều thuốc bột mà ông ta đã kê đơn từ hai tuần trước.

- Thế nào cũng phải uống liên tiếp, sáng một lượt, chiều một lượt ông ta nói, hẳn lấy làm hài lòng về kết quả cách chữa bệnh. Chỉ xin uống thật đúng giờ giấc. Xin bá tước phu nhân yên tâm, - Ông nói giọng hóm hỉnh trong khi nắm gọn lấy đồng tiền vàng mà phu nhân dúi vào lòng bàn tay, - Chả bao lâu nữa tiểu thư lại ca hát vui đùa như con sáo cho mà xem: Đơn thuốc sau cùng này hiệu nghiệm lắm, hiệu nghiệm lắm. Tiểu thư trông tươi hẳn ra.
   
Bá tước phu nhân nhìn đầu móng tay và nhổ nước bọt(1), rồi trở về phòng khách, gương mặt tươi hẳn lên.

====================================================

Chú thích:

(1) Để yểm trừ vận xấu.

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #415 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 10:04:56 pm »

Phần IX
Chương - 16

Vào đầu tháng bảy ở Moskva có những tin đồn mỗi ngày một kinh hoảng hơn về tình hình chiến sự: người ta bàn tán về lời hiệu triệu dân chúng của hoàng thượng, về việc nhà vua rời quân đội và thân hành trở về Moskva. Và vì cho đến ngày 11 tháng bảy, bản tuyên cáo và bản triệu hiệu vẫn chưa gửi về đến nơi, cho nên có những tin đồn đại quá đáng nhất về các văn bản này và về tình hình nước Nga. Người ta kháo nhau rằng hoàng thượng ra đi là vì quân đội đang lâm nguy, người ta lại đồn rằng Smolensk đã bỏ ngỏ, Napoléon có đến một triệu quân và bây giờ thì chỉ có phép thần thông mới cứu được nước Nga.
   
Ngày thứ bảy mười một tháng bảy, bản tuyên cáo đã về đến Moskva, nhưng chưa được in ra. Hôm ấy Piotr đến chơi nhà Roxtov chàng hứa là đến hôm sau, ngày chủ nhật, sẽ ăn bữa chiều, mang theo cả bản tuyên cáo và bản hiệu triệu mà chàng sẽ xin của bá tước Roxtopsin.
   
Ngày chủ nhật hôm ấy, gia đình Roxtov vẫn như thường lệ đi xem lễ ở nhà thờ riêng của ông Razumovxki. Hôm ấy là một ngày tháng bảy oi bức. Ngay từ lúc mười giờ, khi gia đình Roxtov đỗ xe bước xuống thềm nhà thờ, thì trong bầu không khí nóng nực, trong tiếng nao của những người bán hàng rong, trong những chiếc áo dài mùa hạ màu nhạt và tươi của đám đông, trong khóm lá lấm tấm bụi của cây cối trên đường đi, trong tiếng nhạc và trong màu quần trắng toát của một tiểu đoàn đang kéo qua, trong tiếng bánh xe lăn ầm ầm trên đá lát đường và trong ánh nắng rực rỡ và nóng bức đã có cái cảm gtác uể oải của mùa hè, một cảm giác vừa hài lòng vừa bất mãn đối với hiện tại đặc biệt da diết vào một ngày hè oi bức ở thành phố. Trong ngôi nhà thờ của nhà Razumovxki có đủ các nhân vật thượng lưu ở Moskva, đủ những mặt người quen của gia đình Roxtov (rất nhiều gia đình giàu có mọi năm vẫn thường về thôn quê nghỉ mát, năm nay lại ở Moskva, dường như để chờ đợi một việc gì). Đang đi cạnh mẹ theo sau một người nô bộc mặc áo đầu đi trước để đẹp dường, Natasa chợt nghe tiếng một người nhỏ tuổi nói về nàng, tuy nói thì thầm nhưng nghe rất rõ:

- Cô Roxtov đấy, chính là cái cô đã…

- Gầy đi nhiều quá, nhưng vẫn xinh!
   
Nàng nghe hay mường tượng nghe thấy họ nhắc đến tên Kuraghin và Bolkonxki. Vả chăng lúc nào nàng cũng có cảm tưởng là khi nhìn nàng ai cũng chỉ nghĩ đến việc xày ra với nàng.  Lòng bứt rứt khổ sở và hội hộp như mỗi khi nàng đứng trước đám đông, mình mặc chiếc áo dài lụa tím viền đăng ten đen, Natasa bước đi, như phụ nữ vẫn thường biết cách đi: trong lòng càng thấy hổ thẹn bao nhiêu thì dáng đi của nàng càng trang trọng và đường hoàng bấy nhiêu. Nàng biết mình xinh đẹp, và quả đúng như vậy, nhưng bây giờ điều đó không làm cho nàng vui mừng như trước nữa. Trái lại điều đó gần đây đã dằn vặt nàng rất nhiều, nhất là trong ngày hè rực rỡ và nóng bức này. - Thêm một ngày chủ nhật nữa, thêm một tuần lễ nữa, - nàng tự nhủ khi nhớ lại rằng chủ nhật tuần trước mình cũng ở đây, - và vẫn cái cuộc sống không ra sống ấy, vẫn những hoàn cảnh ấy, những hoàn cảnh mà trước khi ta có thể sống một cách dễ dàng như vậy. Ta trẻ, ta đẹp, và ta biết bây giờ ta còn là người tốt nữa. Trước kia là người xấu, nhưng bây giờ ta tốt rồi, ta biết như vậy, - nàng nghĩ. - Thế mà những năm tốt đẹp nhất lại trôi qua một cách phí hoài như thế này, không bổ ích cho ai cả. Nàng đứng cạnh mẹ và gật đầu chào mấy người quen đứng gần. Natasa theo thói quen đưa mắt nhìn cách phục sức của các cô các bà, nàng thầm chỉ trích dáng bộ và cái lối làm dấu chữ thập quá hẹp của một phu nhân đứng gấn nàng, rồi lại bực bội nghĩ rằng người ta đang bình phẩm mình ti tiện quá, thấy mình lại mất sự trong sạch trước kia một lần nữa.
   
Vị linh mục, một ông già nhỏ nhắn, nghiêm trang và gọn gàng, đang làm lễ với cái vẻ điểm đạm, uy nghi vốn có một tác dụng an ủi cao hơn cả đối với tâm hồn con chiến. Hai cánh cửa thánh đóng lại, bức màn từ từ vén lên; từ đây buông ra một giọng nói êm êm huyền bí.
   
Những giọt nước mắt không biết nguyên do từ đâu bỗng nghẹn ngào trong lồng ngực Natasa, và một niềm vui hớn hở xáo động lòng nàng.
"Xin Chúa dạy cho con biết phải làm gì, phải sống ra sao, để sửa chữa cho mình suốt đời, suốt đời?" - Nàng thầm khấn nguyện.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #416 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 10:05:52 pm »

Người thầy dòng giúp lễ bước ra giảng đàn, chìa rộng ngón tay cái ra sửa lại mái tóc dài vướng trong bộ áo lễ, rồi đặt cây thánh giá lên ngực, cất tiếng sang sảng trang nghiêm đọc câu kinh:

"Ta hãy cùng nhau cầu nguyện Chúa".

"Hãy cùng nhau, không phân biệt đẳng cấp, không thù hằn, cùng chung một tình hữu ái huynh đệ - ta sẽ cùng nhau cầu nguyện" - Natasa thầm nghĩ.

"Hãy cầu nguyện cho coi thanh tịnh ở thiên đường và cho linh hồn của chúng ta được cứu vớt!"

"Hãy cầu nguyện cho thế giới các thiên thần và các linh hồn của tất cả các đấng không hình hài sống ở trên kia" - Natasa cầu nguyện.

Khi họ cầu nguyện cho quân đội, nàng nhớ đến anh nàng và Denixov. Khi họ cầu nguyện cho những người lữ hành đang đi trên mặt bể và trên đường bộ, nàng nhớ đến công tước Andrey và cầu nguyện cho chàng, và xin Chúa tha thứ cho nàng về những nỗi khổ đau mà nàng đã đem lại cho chàng. Khi họ cầu nguyện cho những người thương yêu của chúng ta, nàng cầu nguyện cho những người thân thuộc của nàng, cho thầy mẹ nàng, cho Sonya. Lần đầu tiên nàng hiểu hết được tội lỗi của mình đối với họ. Khi người cầu nguyện cho những người thù ghét mình, Natasa cố nghĩ ra những người thù ghét nàng để cầu nguyện cho họ. Nàng liệt vào hạng này những người chủ nợ và tất cả những ai có chuyện lôi thôi với cha nàng, và cứ mỗi lần nghĩ đến kẻ thù và những người ghét mình, nàng lại nhớ đến Anatol, người đã gây cho nàng bao nhiêu tủi nhục, và tuy Anatol chẳng phải là người thù ghét nàng, nàng cũng vui mừng cầu nguyện cho hắn như cầu nguyện cho một kẻ thù. Chỉ trong khi cầu nguyện nàng mới thấy mình đủ sức nhớ lại một cách bình tĩnh và rõ ràng cả công tước Andrey và Anatol cùng một lúc.
   
Nhưng tình cảm của nàng đối với cảm giác sợ hãi và tôn sùng đối với Thượng đế. Khi họ cầu nguyện cho hoàng gia và toà thánh Sinod(1), nàng cúi lạy rất thấp làm dấu chữ thập, tự nhủ rằng dù mình không hiểu, nàng cũng không thể nào hoài nghi và dù sao mình cũng yêu mến toà thánh Xinođ đang nắm giáo quyển, và nàng vẫn cầu nguyện cho họ.
   
Đọc kinh cầu nguyện xong, ông thầy dòng làm dấu chữ thập trên ngực và cất tiếng xướng lên:

"Ta hãy phó thác mình và đời mình cho Jesus Cơ đốc, Chúa của chúng ta".

"Ta hãy hiến dâng mình cho Chúa - Natasa thầm nhẩm lại trong lòng. - Lạy chúa, con xin phó mình theo ý muốn của Chúa.

- Con không ước mong gì hết; xin Chúa dạy cho con rõ phải làm thế nào, phải dùng ý chí của con như thế nào! Xin chúa nhận lấy con, xin chúa nhận lấy con!" - Natasa thầm cầu nguyện với một niềm phấn khởi nôn nóng nhưng êm dịu trong lòng. Nàng không làm dấu chữ thập, nàng buông thõng hai cánh tay mảnh dẻ và có vẻ như đang chờ đợi một sức mạnh vô hình chỉ trong giây lát nữa sẽ đến đón nàng và giúp cho nàng thoát khỏi mình, thoát khỏi những luyến, tiếc, những ước mong, những hối hận, những hy vọng và những thói xấu của nàng.

Trong buổi lễ, bá tước phu nhân mấy lần bất giác đưa mắt nhìn gương mặt cảm động và đôi mắt sáng long lanh của con gái, và xin cầu Chúa giúp nàng. Đột nhiên, đang giữa chừng buổi lễ người thầy dòng bưng ra một chiếc ghế dài nhỏ thường dùng để quỳ đọc kinh vào ngày lễ Ba ngôi (điều này không đúng với trình tự thường lệ mà Natasa thuộc rất kỹ) và đặt chiếc ghế trước cửa thánh đàn. Vị linh mục mặc chiếc áo chùng bằng nhung tím bước ra, sửa lại mái tóc và khó nhọc quỳ xuống. Mọi người đều làm theo và bỡ ngỡ đưa mắt nhìn theo. Đó là lễ cầu nguyện theo lời kinh toà Sinod vừa gửi xuống, lời kinh cầu nguyện cho nước Nga thoát khỏi nạn xâm lăng.
     
"Lạy chúa, đấng chúa tể uy vũ vô cùng, lạy Đấng cứu tinh của chúng tôi! Xin chúa mở rộng lòng khoan dung quảng đại cho những con chiến hèn mọn của Chúa, xin Chúa rủ lòng nhân ái nghe lời cầu nguyện của chúng con, xin Chúa đoái thương gia ân cho chúng con. Kẻ thù gieo rắc rối loạn trên trái đất của Chúa và muốn biến cả thế giới thành bãi sa mạc trong hoang vu đã đấy lên uy hiếp chúng con bọn vô đạo đã họp lại để tàn phá tài sản của Chúa, tàn phá đất, Jerusalem trung thành của Chúa; để tàn phá tài sản của Chúa, tàn phá nước Nga yêu dấu của Chúa; để làm ô uế những đền đài của chúng con. Đến bao giờ, lạy Chúa, bọn có tội sẽ còn hoành hành cho đến bao giờ chúng nó còn sử dụng các quyền lực tội ác của chúng cho tới bao giờ"

"Lạy Đức Chúa Trời! Xin Chúa trời nghe chúng con, những kẻ đang van xin Chúa; xin Chúa dùng uy lực của Chúa phù hộ cho đức vua rất tinh thành, cho quyền chủ Sa hoàng và đại đế Alekxandr, xin Chúa hãy đoái thương lòng trung thực và nhân từ của Người. Xin Chúa hãy khoan hậu với người cũng như người đã khoan hậu với chúng con, là dân Israel yêu cầu của Chúa. Xin Chúa ban phước lành cho những quyết định, những mưu đồ và những sáng kiến của Người và giúp cho người thắng quân thù địch, như đã giúp Moise thắng Amelek, Ghedeon thắng Madiam và David thắng Goliath(2).
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #417 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 10:06:43 pm »

"Xin chúa che chở cho quân đội của Người, xin Chúa thắt vào người họ cái đai của sức chiến đấu kiên cường. Xin Chúa đặt cây cung đồng trong tay những người đứng lên vì danh Chúa. Xin Chúa cầm lấy khí giới và kiên mộc đứng lên cứu giúp chúng con; sao cho những kẻ toan hại chúng con phải bị sỉ nhục và bại vong; sao cho trước mắt những quân lữ trung thành với Chúa, chúng chỉ như đám bụi trước cơn gió; sao cho vị thiên thần dũng mãnh của Chúa đánh đuổi chúng chạy dài; sao cho chúng sa lưới mà không biết; sao cho những âm mưu đen tối của chúng quay trở lại hại chúng; sao cho chúng ngã xuống dưới chân những kẻ tôi tớ của Chúa; sao cho quân đội của chúng con giày xéo lên chúng nó. Lạy Chúa! Chúa có thể cứu vớt kẻ lớn cũng như người bé. Chúa là thượng đế, và loài người không thể nào chống lại Chúa.
   
"Lạy đấng thượng đế của tổ tiên chúng tôi! Lòng khoan hồng của Chúa vĩnh viễn vô cùng, xin Chúa đừng ngoảnh mặt đi, xin Chúa đừng ghét bỏ chúng con là những kẻ không xứng đáng; vì Chúa khoan dung và quảng đại vô cùng, xin Chúa hãy rộng lòng tha thứ những hành vi bất nghĩa và những tội lỗi của chúng con.
   
"Xin Chúa hãy ban cho chúng con một tấm lòng trong sạch, một tinh thần chinh phục; xin Chúa vũ trang cho chúng con và gắn bó chúng con lại với nhau trong cuộc bảo vệ đi sản mà Chúa đã ban cho chúng con và cha ông chúng con; sao cho cây quyền trượng của kẻ vô dạo không dựng lên trên phần đất của những người được Chúa ân sủng.
   
"Lạy Chúa của chúng con. Đấng Thượng đế mà chúng con hãng tin và hy vọng, xin Chúa đừng phụ lòng chúng con và hãy giáng xuống một điềm lành cứu giúp chúng con, những người chính trực, để cho những kẻ thù hằn chúng con và thù hằn tín ngưỡng chính giáo của chúng con thấy rõ; sao cho chúng phải nhục nhã và tử vong, sao cho mọi dân tộc đều thấy rằng tên của Chúa là Thượng đế và thấy rằng chúng con là con của Chúa. Lạy Chúa, hôm nay xin Chúa hiển lộ cho chúng con thấy lòng sủng huệ của Chúa và cứu giúp chúng con; xin Chúa gia ân cho những kẻ tôi tớ của Chúa được hởi lòng; xin Chúa trừng trị kẻ thù của chúng con và ném chúng xuống dưới chân những con chiến của Chúa. Vì Chúa là nơi nương tựa là cứu tinh, là thắng lợi của những người hy vọng ở Chúa.

Chúng con ca ngợi Đức Chúa Cha. Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh thần, giờ đây, về sau và ngàn muôn thế kỷ. A men".
     
Vì Natasa đang ở trong một trạng thái nhạy cảm đến cực độ, nên lời cầu nguyện này xúc động lòng nàng rất mạnh. Nàng lắng nghe từng lời nói về tích Moïse thắng Amalet, Ghedeon thắn Madiam, David thắng Goliath, về việc phá thành Jerusalem của Chúa, và nàng cầu xin Thượng đế với tất cả niềm ái mộ và nhiệt thành đang tràn ngập lòng nàng; nhưng nàng không hiểu rõ mình đang cầu xin gì trong khi cầu nguyện Chúa.

Nàng dốc lòng tham gia vào lời cầu xin cho tinh thần chính trực, cho lòng tin, cho niềm hy vọng và tình yêu thương cổ vũ lòng người. Nhưng nàng không thể cầu cho quân thù bị giày xéo dưới chân chúng ta, vì trước đây có mấy phút nàng vừa ước mong được có nhiều kẻ thù hơn, để yêu thương họ, để cầu nguyện cho họ. Nhưng nàng cũng không thể hoài nghi lời cầu nguyện quỳ gối vừa rồi là không đúng. Nàng cảm thấy trong lòng một niềm sợ hãi thiêng liêng, và run rẩy trước sự trừng phạt dành cho loài người vì những tội lỗi của họ, nhất là vi tội lỗi của nàng, và cầu xin Chúa tha thứ cho tất cả mọi người và tha thứ cho nàng, ban cho mọi người và cho nàng mọi sự bình yên và hạnh phúc trong cuộc sống. Và nàng cảm tương là Chúa đang nghe lời câu nguyện của nàng.

================================================================

Chú thích:

(1) Có nghĩa là "chỉ thánh", "toàn quyển", cơ quan tối cao của giáo hội chính giáo.

(2) Moise. Ghedeon, David: tên những nhân vật trong Thánh kinh đã lãnh đạo dân Do Thái chiến thắng kẻ thù.

(3) Amalek, Madiam, Goliath: Tên những kẻ thù của dân tộc Do Thái.

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #418 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 10:07:27 pm »

Phần IX
Chương - 17

Từ ngày Piotr chia tay với gia đình Roxtov, và lòng còn vấn vương hình ảnh đôi mắt chan hoà cảm kích của Natasa, nhìn ngôi sao chổi lơ lửng trên bấu trời và cảm thấy có một cái gì mới mẻ đã được mở ra trong lòng mình, thì ý nghĩ về sự hư ảo và vô nghĩa của cả cuộc sống trần thế, ý nghĩa xưa vẫn luôn day dứt chàng, không còn hiện lên trong tâm trí chàng nữa. Cái câu nói khủng khiếp: "Để làm gì? Đi đến đâu" trước kia vẫn bất chợt hiện ra trong khi chàng đang làm bất cứ việc gì, bây giờ đối với chàng đã được thay thế không phải bằng một câu hỏi khác hay bằng một một lời giải đáp cho câu hỏi trước kia, mà bằng hình ảnh của nàng. Dù là chàng đang nghe hay đang nói những câu chuyện vẩn vơ, dù là chàng đang đọc sách, hay nghe lời người ta nói đến cái hèn hạ và ngu xuẩn của con người, chàng cũng không hề hoảng sợ như trước kia nữa, cũng không tự hỏi xem sao người ta phải chạy ngược xuôi trong khi tất cả đều ngắn ngủi và chẳng ai biết việc gì sẽ đến; trái lại chàng hồi tưởng lại hình ảnh nàng như khi chàng gặp nàng lần cuối cùng, và tất cả những mối nghi ngờ của chàng đều tiêu tan, không phải vì nàng đã giải đáp được những câu hỏi ám ảnh chàng, mà là vì hình ảnh nàng chỉ trong khoảnh khắc đã đưa chàng sang một lĩnh vực khác, các lĩnh vực sáng sủa của sinh hoạt tinh thần, trong đó không thể có ai là phải, là trái, sang lĩnh vực của cái đẹp và tình yêu, một lĩnh vực đáng cho người ta sống vì nó. Dù có gặp một chuyện gì hèn hạ đến đâu trong cuộc sống, chàng cũng tự nhủ: "Cứ mặc cho ai kia bòn một, biển thủ của nhà nước Sa hoàng, mặc cho nhà nước và Sa hoàng trọng vọng kẻ đó; nhưng hôm qua nàng đã mỉm cười với ta và mời ta đến chơi, và ta yêu nàng, và sẽ không bao giờ có ai biết điều đó" - chàng thầm nghĩ.
   
Piotr vẫn đi lại giao du với những nơi hội họp thượng lưu như trước vẫn uống rượu nhiều và sống cuộc sống nhàn hạ và phóng túng trước kia, vì ngoài những giờ chàng ngồi chơi ở gia đình Roxtov ra, cũng phải kiếm cách sống cho qua thời gian còn lại, và những thói quen cũng như những người quen của chàng ở Moskva đã lôi cuốn chàng vào cuộc sống ấy một cách không sao cưỡng lại được. Nhưng thời gian gần đây, khi càng ngày càng có nhiều tin đồn kinh hoảng từ chiến trường đưa về, và cũng là khi sức khoẻ của Natasa bắt đầu bình phục và chàng không còn cảm thấy ái ngại thương xót nàng như trước nữa, một cảm giác lo âu mỗi lúc một thêm khó hiểu bắt đầu xâm chiếm lòng chàng. Chàng cảm thấy cách sống hiện nay của chàng không thể kéo dài thêm bao lâu nữa, rằng sẽ có một tai hoạ thảm khốc đến thay đổi cả cuộc đời của chàng, và trong việc gì chàng cũng sốt ruột tìm kiếm những dấu hiệu của mối tai hoạ sắp tới này. Một đạo huynh trong hội Tam điểm có cho Piotr biết một lời sấm như sau, trích trong thiên  Apocalypxo của thánh Joan tông đồ.

Trong thiên Apocalypxo(1), chương mười ba, câu mười tám, có nói:
   
"Đây là trí tuệ; kẻ nào có óc thông minh hãy đếm số mục của con thú: vì đó chính là mục của con người. Số đó là sáu trăm sáu mươi sáư.

Cũng ở chương ấy, câu năm: "Và cửa miệng hắn tuôn ra những lời kiêu căng và báng bổ; và hắn có sức chinh chiến trong vòng bốn mươi hai tháng trời".
   
Các chữ cái của tiếng Pháp, nếu theo cách viết số của chữ Do Thái cổ cứ mười chữ đầu thì chỉ số chục, sẽ có ý nghĩa như sau:

A, b, c, d, e, g, h, i, k, l, m, o, p, q, r, s, t, u, v, n, x, v, z

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 20, 30, 40, 50, 80, 90, 100, 110, 120, 130, 140, 150, 160

Nếu viết bằng số theo cách trên đây chữ L Empereur Napoléon thì tổng số các con số đó sẽ bằng 666 và do đó Napoléon chính là con thú nói trong lời sấm truyền của thiên Apocalypxo. Ngoài ra, nếu vẫn dùng chữ số trên để viết chữ quarante deux (42)tức là thời hạn của sự kiêu căng và báng bổ của con thú nọ, thì tổng cộng những con số ấy lại bằng 666, do đó có thể thấy rằng giới hạn cầm quyền của Napoléon là năm 1982: đến năm nay Hoàng đế Pháp vừa tròn bốn mươi hai tuổi.
     
Lời sấm này kích thích trí tưởng tượng của Piotr rất mạnh, và chàng thường tự đặt cho mình câu hỏi là cái gì sẽ chấm dứt thời hạn quyền lực của cơn thú, tức là Napoléon, và cũng trên cơ sở cách biểu trưng chữ cái bằng chữ số và cách tính toán như vậy, chàng cố tìm ra cách giải đáp câu hỏi này, Piotr viết: L Empereur Alekxandr? Lanation resse? Chàng tính các chữ số, nhưng tổng cộng những con số đó hoặc lớn hơn hoặc nhỏ hơn 666. Có một lần ngồi tính toán như vậy, chàng viết tên mình ra - Comte Peirre Besouhoff tổng cộng các con số cũng rất xa 666. Chàng bèn thay đổi cách viết, dùng 3 thay cho s, thêm chữ de, thêm quán từ, nhưng vẫn không có kết quả mong muốn.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #419 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 10:08:12 pm »

Đến đây, chàng chợt nghĩ ra rằng nếu tên họ chàng có thể giải đáp được câu hỏi này thì trước đó nhất định phải có quốc tịch của chàng.
Chàng liền viết Le Russ Besuhof và sau khi tính toán chàng có được số 671. Chỉ thừa có 5,5 tức là "e", chính chữ "e" bị bỏ bớt trong quán từ le trước chữ empereur. Sau khi bỏ "e" (tuy bỏ như vậy không hợp cách) trong tên mình, Piotr có được lời giải đáp đang tìm: "L Russe Besouhoff - bằng 666. Khi khám phá này khiến Piotr xúc động mạnh.
   
Chàng có dính líu đến cái sự kiện vĩ đại được tiên đoán trong thiên Apocalypxo như thế nào chàng không biết: nhưng chàng không có giây phút nào hồi nghi về mối liên quan này. Tình yêu của chàng đối với cô Roxtov, tên Ma vương quản Cơ đốc, cuộc xâm lãng của Napoléon, ngôi sao chổi, con số 666, L Emprieur Napoléon và L Russe Besuhof - Tất cả những cái đó phải cùng chín mùi, phải cùng mở tung ra cái kéo chàng khỏi cái thế giới mê muội, vô nghĩa của những thói quen Moskva trong đó chàng cảm thấy mình bị cầm tù, và đưa chàng đến một chiến công oanh liệt và một hạnh phúc lớn lao.
   
Trước ngày chủ nhật làm lễ cầu kinh một hôm, Piotr có hứa với gia đình Roxtov là sẽ đến gặp bá tước Roxtopsin mà chàng quen rất thân để xin một bản hiệu triệu nước Nga và hỏi thăm những tin cuối cùng từ quân đội đưa về.
   
Sáng hôm ấy, ghé qua nhà bá tước Roxtopsin, Piotr bắt gặp viên tin sứ vừa ở quân đội về. Viên tín sử đó là một người chuyên khiêu vũ trong các dạ hội mà Piotr vẫn quen.

- Tôi van ông, ông có thể giúp tôi một tay không? Viên tín sứ nói, - Tôi có cả một túi đầy những thư từ gửi về cho gia đình.

Trong số các thư từ đó bức thư của Nikolai Roxtov gửi cho cha.
   
Piotr lấy bức thư ấy. Bá tước Roxtopsin lại còn cho Piotr một bản hiệu triệu của hoàng đế gửi dân Moskva vừa in xong, những bản nhật lệnh mới trong quân đội và tờ tuyên cáo mới nhất của hoàng đế. Xem qua các bản nhật lệnh, Piotr thấy trong một bản, ở chỗ ghi tên những người tử trận, bị thương và được hưởng công có ghi tên Nikolai Roxtov, được hưởng huân chương George bậc bốn vì đã tỏ ra dũng cảm trong trận Otrovna, và cũng trong bản nhật lệnh ấy có ghi là công tước Andrey Bolkonxki, nhưng Piotr không thể cưỡng lại ý muốn đem tin con trai họ được hưởng cho họ mừng, cho nên chàng giữ bản hiệu triệu, tờ tuyên cáo và các tờ nhật lệnh khác lại, để đến bữa ăn chiều tự mình đem đến, bản nhật lệnh có nói đến Nikolai và bức thư của Nikolai thì Piotr gửi ngay đến cho ông bà Roxtov.
     Buộc nói chuyện với bá tước Roxtopsin, cái giọng lo âu và vội vã của ông ta, cuộc gặp gỡ với viên tín sứ ung dung kể lại tình hình bi quan trong quân đội, những tin đồn là vừa bắt được gián điệp ở Moskva, là có một tờ giấy lưu hành trong thành phố nói rằng Napoléon hẹn trước mùa thu này sẽ có mặt ở cả hai kinh đô, tin hoàng thượng sẽ trở về Moskva vào ngày mai - tất cả những thứ đó càng làm tăng thêm cái cảm giác khích động và đợi chờ luôn ám ảnh chàng từ khi ngôi sao chổi xuất hiện và nhất là từ khi khai chiến.
     
Đã từ lâu Piotr có ý tòng quân, và lẽ ra chàng đã thực hiện ý đó, nhưng trước hết chàng thuộc hội Tam điểm là hội truyền bá tư tưởng hoà bình vĩnh viễn và tiêu diệt chiến tranh, và chàng đã tuyên thệ sẽ trung thành với tư tưởng của hội, sau nữa khi trông thấy cái đám người Moskva đông đúc đua nhau mặc quân phục và rêu rao tuyên truyền lòng ái quốc, chẳng hiểu tại sao chàng cảm thấy ngượng nếu cũng làm như họ. Nhưng cái nguyên nhân chính khiến chàng không thực hiện ý định tòng quân là những ý nghĩ mơ hồ rằng chàng là LRussie Besouhoff, cùng có con số 666 như con thú kia, rằng việc chàng tham dự vào cái sự nghiệp vĩ đại sẽ chấm dứt quyền lực của con thú kiêu căng và báng bổ kia là đã được định sẵn từ trước, cho nên chàng không được mưu đồ một việc gì cả và phải chờ đợi những việc sẽ diễn ra.

=============================================================

Chú thích:

(1) Apocalypxo (tiếng Hy Lạp có nghĩa là "truyền báo"), - Thiên cuối trong sách Tân ước, có tính chất tượng trưng và thần bí, gồm những lời tuyên về lương lại đạo Cơ đốc, về sự toàn thắng của đạo Cơ đốc sau khi Ma vương phản Cơ đốc xuất hiện. Trong thiên này có nói nhiều đến một con thú quái đản, về sau được gọi là "con thú Apocalypxo". Tác giả thiên này là Thánh Joan một trong mười hai tông đồ của Jesus.

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM