Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 01:13:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh và hòa bình  (Đọc 273680 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #190 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2010, 09:37:28 pm »

Phần IV
Chương - 3

Ngày mồng ba tháng ba, tiếng các tân khách chuyện trò vang lên rộn rã khắp các văn phòng của Câu lạc bộ Anh, và như một đàn ong trong chuyến bay mùa xuân, các hội viên và tân khách, kẻ mặc quân phục, người mặc lễ phục, lại có người tóc rắc phấn và mặc áo kaftan(1), đang đi qua đi lại, người đứng kẻ ngồi, người tụ họp kẻ tản mác.
     
Bên cạnh các khung cửa đều có những người đầy tớ mặc áo dấu, đeo tóc giả rắc phấn, đi bít tất cao và giày vành(2), đang chăm chú theo dõi từng cử động của các tân khách và các hội viên để xem họ có cần sai bảo gì không. Những người có mặt phần lớn là những nhân vật đạo mạo đã có tuổi, mặt mày phương phi và đầy vẻ tự tin, ngón tay phốp pháp, cử chỉ và nói năng rất chững chạc. Họ ngồi ở những chỗ quen thuộc, và cũng theo nếp cũ mà tụ họp thành nhóm. Chỉ có một số ít là tân khách tình cờ được mời đến, hầu hết là những người trẻ tuồi, trong đó có Denixov, Roxtov và Dolokhov (bấy giờ đã được phục chức sĩ quan trong binh đoàn Xemenovxki).
     
Trên gương mặt bọn trẻ này, nhất là bọn quân nhân, đều lộ vẻ tôn kính và pha lẫn ngạo nghễ: hình như có ý nói với cánh già rằng: "Chúng tôi sẵn lòng kính trọng các cụ, nhưng cũng xin các cụ nhớ cho rằng dù sao tương lai cũng là của chúng tôi".
     
Nexvitxki cũng có mặt ở đó, với tư cách là hội viên cũ của Câu lạc bộ. Piotr bấy giờ đã chiều theo ý vợ để tóc dài, không đeo kính nữa và ăn mặc theo thời trang mới nhất, nhưng có vẻ buồn bã và u uất đang đi thơ thẩn từ phòng này sang phòng nọ. Cũng như ở bất cứ chỗ nào, chung quanh chàng có một bầu không khí đặc biệt tạo nên do những người quì gối trước sự giàu sang của chàng, và vì đã quen được tôn sùng, chàng ăn nói với họ một cách khinh rẻ và lơ dễnh.
   
Cứ theo tuổi tác thì đáng lý chàng phải thuộc vào hạng thanh niên, nhưng vì tài sản và thân thế, chàng lại được xếp vào nhóm những người có tuổi, cho nên chàng cứ chuyển từ nhóm này sang nhóm kia.
   
Các cụ già được trọng vọng nhất là trung tâm cho những nhóm mà ngay những người không quen biết cũng kính cẩn lại gần để được nghe các nhân vật trứ danh nói chuyện. Đông nhất là các nhóm vây quanh bá tước Raxtopsin, Baluyer và Narưskin. Raxtopsin đang kể chuyện rằng quân Nga bị loạn quân của Áo xô đẩy phải dùng lưỡi lê để mở một đường máu thoát ra ngoài.

Valuyev thì đang nói nhỏ cho các vị khách biết một tin mật, là Uvarov đã được sai phái từ Peterburg đến đây để dò ta dư luận ở Moskva về trận Austerlix!
   
Trong một nhóm thứ ba, Narưskin đang nhắc lại câu chuyện xảy ra trong phiên họp của hội đồng quân sự nước Áo, trong đó Kuturov đã bắt chước tiếng gà gáy để đáp lại những đề nghị ngu xuẩn của các tướng Áo. Sinsin lúc bấy giờ cũng ở đấy; ông ta cũng ngứa ngáy muốn khôi hài và nói rằng cho đến cả cái nghệ thuật dễ dàng ấy - Nghệ thuật làm tiếng gà gáy - hiển nhiên là Kutuzov cũng không học được ở Xuvorov, nhưng các cụ già đều nghiêm mặt nhìn kẻ khôi hài để cho ông ta hiểu rằng ở chỗ này và hôm nay, không nên nói đến Kutuzov như thế.
   
Vẻ bận rộn và vội vàng, Bá tước Ilya Andreyevich Roxtov chân đi ủng mềm đang đi đi lại lại từ phòng tiệc sang phòng khách, hấp tấp chào hỏi các nhân vật quan trọng cũng như các nhân vật không quan trọng mà ông đều quen biết, thỉnh thoảng lại đưa mắt tìm xem cậu con trai mình ở đâu, vui vẻ nhìn chàng một lát và nháy mắt với chàng. Nikolai Roxtov thì đang đứng bên cửa sổ chuyện trò với Dolokhov mà chàng muốn làm quen và rất muốn đi lại giao du. Lão bá tước lại gần hai người và bắt tay Dolokhov.

- Mời cậu đến nhà tôi chơi nhé, cậu đã quen biết thằng cháu dũng cảm nhà tôi… hai anh em đã cùng ở bên ấy với nhau, đều tỏ ra anh hùng… A, ông Vaxili Ignatits, chào ông bạn già - bá tước nói với một cụ già lúc này đang đi ngang qua, nhưng nói chưa dứt lời đã thấy trong phòng nhốn nháo cả lên và một người đầy tớ hớt hơ hớt hải chạy vào báo: "Ngài đến rồi!".
   
Chuông réo lên, các uỷ viên trị sự chạy bổ ra: các lẫn khách đang tản mát trong các gian phòng thì tập họp lại như những hạt lúa dồn thành một cụm trên chiếc sàng, rồi đứng tấp nập ở trong phòng khách, bên cái cửa dẫn vào phòng lớn.
   
Bagration hiện ra trong khung cửa đi vào phòng ngoài, không đội mũ, cũng không đeo gươm, vì hai vật ấy, theo đúng thường lệ của Câu lạc bộ, đều đã giao lại cho người giữ cửa. Ông không đội chiếc mũ lưỡi trai lót da dê, cũng không mang cái roi vắt chéo trên vai như Roxtov đã thấy đêm hôm trước trận Austerlix mà lại mặc bộ quân phục mang đúng kích thước và mới tinh, gắn đầy những huân chương Nga và nước ngoài, bên trái ngực thì đeo bội tinh George. Có thể thấy rõ rằng ngay trước khi đến dự tiệc, ông đã cắt tóc và tỉa râu, và điều đó làm cho bộ mặt của ông thay đổi một cách bất lợi. Vẻ mặt ông có một cái gì long trọng mà ngây ngô, trái ngược với những nét cương quyết và dũng cảm của ông, thậm chí còn làm cho mặt ông buồn cười nữa là khác. Beklesov và Fedor Petrovich cùng đi với công tước Bagration đến cửa thì dừng lại để nhường bước cho vị thượng khách vào trước.  Bagration ngượng ngùng không muốn nhận vinh dự ấy, vì vậy họ lúng túng một lúc ở cửa, nhưng cuối cùng Bagration cũng đi lên trước. Ông bước một cách bẽn lén và ngượng ngùng trên sàn gỗ của phòng tiếp tân, hai tay không biết để đâu cho ổn: đi dưới làn đạn, giữa một cánh đồng bị đạn cầy xới, như khi ông dẫn đầu binh đoàn Kurxk ở Songraben, Bagration thấy quen và dễ hơn nhiều. Các hội viên của Câu lạc bộ đứng đón ông ở ngoài cửa thứ nhất, nói mấy câu tỏ lòng vui mừng được nghênh tiếp một vị khách kính mến, và không đợi ông đáp lại, họ vây kín lấy Bagration như muốn chiếm lấy ông, rồi dẫn ông vào phòng khách. Bây giờ thật không tài nào bước qua các cửa dẫn vào phòng được, vì các hội viên và tân khách đang chen lẫn nhau, ai nấy đều cố gắng nhìn qua vai người khác để xem Bagration, như xem một con vật lạ. Bá tước Ilya Andreyevich là người cố gắng nhất, vừa cười vừa nói đi nói lại luôn mồm: "Cho đi tí. Ông bạn, cho đi tí, cho đi tí", cuối cùng ông ta mở được một con đường giữa đám người và rước khách vào phòng lớn, mời họ ngồi trên chiếc đi văng ở giữa phòng. Các vị tai to mặt lớn, hội viên danh vọng nhất của Câu lạc bộ, vây quanh các vị mới đến. Bá tước Ilya Andreyevich lại phải mở một con đường qua đám người để đi ra ngoài phòng và lát sau lại trở vào, kèm theo một hội viên khác bưng một cái khay bằng bạc và dâng lên cho Bagration. Trên cái khay để một vài bụng thi mới làm và mới in để ca tụng vị anh hùng. Trông thấy cái khay, Bagration hoảng hốt nhìn quanh như muốn cầu cứu. Nhưng khoé mắt của mọi người đều đòi hỏi ông ta phải khuất phục. Cảm thấy mình ở trong tay họ, ông ta bèn quả quyết giơ hai tay tiếp lấy cái khay và liếc mắt nhìn người bưng khay là bá tước Roxtov, có vẻ giận dỗi và oán trách. Một người nào đó có nhã ý giơ tay bưng hộ cái khay cho Bagration (không thế thì có lẽ ông ta cứ phải bưng mãi cho đến tối và cứ thế mà ngồi vào bàn tiệc) và xin ông ta lưu ý đến bài thơ.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #191 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2010, 09:38:46 pm »

"Thôi được để tôi đọc" - Bagration có vẻ như muốn nói, và đưa đôi mắt mỏi mệt nhìn chăm chăm vào tờ giấy một cách tập trung và nghiêm túc, bắt đầu nhẩm đọc. Nhưng tác giả của bài thơ lại đến cầm lấy nó và cao giọng đọc to lên. Công tước Bagration nghiêng đầu lắng nghe.
   
Là vinh quang của thế kỷ Alekxandr
   
Kẻ bảo vệ quốc vương lên ngai vàng chí bảo.
   
Vị tướng lĩnh oai hùng, con người hiền quý bá
   
Bậc rường cột nước nhà, vị tướng lĩnh vô song.
   
Chính nhờ người mà cái gã Napoléon
   
Khi đã biết Bagration dũng mãnh
     
Không dám đụng đến nước Nga kiêu hãnh.

     
Nhưng bài thơ chưa được đọc hết thì người hầu tiệc đã dõng dạc hô lên: "Tiệc rượu đã dọn xong!" Cửa mở ra, bài nhạc Ba Lan "Sấm thắng lợi hãy vang lên, người Nga anh dũng hãy vui mừng" từ phòng tiệc vang lại, bá tước Ilya Andrevich lườm tác giá đang tiếp tục đọc bài thơ, và đến nghiêng mình trước mặt Bagration. Mọi người đều đứng dậy, cảm thấy bữa tiệc là quan trọng hơn bài thơ, và một lần nữa, Bagration lại dẫn đầu mọi người bước vào phòng tiệc.

Họ mời Bagration ngồi nghế danh dự, giữa hai người cùng mang tên Alekxanđre là Beklesov và Narưskin - ý muốn nhắc đến tên riêng của Hoàng đế - ba trăm người dự tiệc đều ngồi vào chỗ, tuỳ theo thứ bậc và địa vị, nhân vật càng trọng yếu thì càng ngồi gần vị thượng khách, một điều cũng tự nhiên như địa thế càng thấp thì nước càng sâu vậy.
   
Ngay trước khi tiệc bắt đầu, bá tước Ilya Andreyevich giới thiệu cậu con trai với công tước. Bagration nhận ra chàng và nói với chàng mấy câu rời rạc và lúng túng, cũng như những câu khác mà ông đã nói trong ngày hôm trước. Bá tước Ilya Andreyevich tự hào và sung sướng đưa mắt nhìn cử toạ trong khi Bagration nói chuyện với con mình.
   
Nikolai Roxtov, Dolokhov, người bạn mới của chàng, và Denixov cùng ngồi với nhau gần chỗ chính giữa bàn. Trước mặt họ là Piotr ngồi bên cạnh công tước Nexvitxki. Bá tước Ilya   Andreyevich cùng với các hội viên khác đều ngồi trước mặt Bagration. Ông ân cần khoản đãi công tước, dường như ông chính là hiện thân của lòng hiếu khách nổi tiếng thành Moskva vậy.

Công phu của ông thật đã không uổng: hai cái thực đơn của ông, một phì một đạm (3); đều tuyệt vời. Tuy vậy trong khi bữa tiệc chưa kết thúc, ông cũng vẫn chưa hoàn toàn an tâm. Ông đưa mắt ra hiệu cho người chủ thân thiện(4), thì thầm chỉ thị cho những người hầu tiệc và không khỏi hồi hộp chờ đợi từng món một - Những món ăn mà ông biết rất rõ. Mọi việc đều tốt đẹp. Ngay từ món thứ hai, một con cá chiên khổng lồ (khi trông thấy nó. Ilya Andreyevich đỏ mặt lên vì thích thú và thẹn thùng), những người hầu tiệc đã bắt đầu mở nút chai nổ bôm bốp và rót rượu sâm banh. Món cá gây được ấn tượng khả quan. Sau đó bá tước Ilya Andreyevich đưa mắt hội ý với các hội viên khác. "Sẽ có nhiều lời chúc tụng, ta phải làm ngay từ bây giờ" - bá tước nói thì thầm, và tay cầm cốc rượu, ông ta đứng dậy. Mọi người đều im lặng chờ đợi ông nói.
   
- Chúc sức khoẻ Hoàng đế! - Ông ta hô to, đôi mắt hiền hậu rưng rưng những giọt nước mắt vui mừng và phấn khởi. Cùng lúc ấy đội nhạc cử bài "Sấm thắng lợi hãy vang lên!", mọi người đều đứng dậy và hô to "Ura!". Và Bagration cũng hô to "Ura!" với cái giọng hệt như ở chiến trường Songraben. Giữa ba trăm giọng người đang hô, có thể nhận rõ giọng hân hoan của Nikolai. Chàng như suýt khóc. "Chúc sức khoẻ Hoàng đế, Ura!", chàng hô to. Uống cạn cốc rượu một hơi, chàng ném nó xuống đất. Nhiều người làm theo.
Những tiếng Ura còn kéo dài mãi. Khi tiếng hoan hô đã ngớt, bọn hầu tiệc lượm lặt các mảnh thuỷ tinh, mọi người lại ngồi, và cùng cười tùm tỉm về chỗ mình đã hò hét quá nhiều, họ bắt đầu trò chuyện với nhau. Bá tước Ilya Andreyevich lại đứng lên, mắt nhìn vào một mảnh giấy để ở bên đĩa, nâng cốc nói mấy câu chúc thọ vị anh hùng của chiến dịch vừa rồi là công tước Bagration và, một lần nữa, đôi mắt hiền hậu của ông lại rớm lệ. Ura! Tiếng của ba trăm người dự tiệc lại hô vang, và thay cho âm nhạc, đội hợp xướng hát vang lên một bài tụng thi do Pavel Ivanovich Kutuzov soạn:

Dân Nga ta có sợ gì trở ngại?

Lòng dũng cảm sẽ mở đường thắng lợi;

Bao Bagration ta đã có đây rồi

Quân dịch kia sẽ thất bại tơi bời!


Đội hợp xướng vừa hát xong thì người ta lại nâng cốc lên chúc tụng mấy lần nữa, và bá tước Ilya Andreyevich lại càng xúc động, số cốc bị ném vỡ càng nhiều hơn, tiếng hò hét càng to hơn. Họ cạn chén để chúc sức khoẻ Beklesov, Narưskin, Valuyev, chúc sức khoẻ các hội viên của Câu lạc bộ, các tân khách và cuối cùng họ nâng cốc chúc riêng bá tước Ilya Andreyevich là người đứng ra tổ chức bữa tiệc hôm nay. Đến lần chúc này thì bá tước rút khăn mùi soa ra, rồi lay nâng khãn lên che mặt, oà lên khóc.

============================================

Chú thích:

(1) Loại áo ngoài kiểu cổ của đàn ông có vạt dài.

(2) Một loại giày thấp gót, hở mu, tương tự như giày hạ.

(3) Thực đơn là giấy kê những món ăn. Ở đây dùng hoán dụ, tức là bản thân những món ăn. Phì là béo, nghĩa là những món thịt, cá… đạm là gầy, nghĩa là những món rau là đưa.

(4) Trông nom việc bếp nước, tiệc tùng v.v…

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #192 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2010, 09:39:54 pm »

Phần IV
Chương - 4

Piotr ngồi trước mặt Dolokhov và Nikolai Roxtov. Chàng uống nhiều và ăn ngốn ngấu, cũng như mọi khi. Nhưng ai quen thân chàng cũng có thể thấy rằng hôm ấy chàng có một sự thay đổi gì to lớn. Từ đầu đến cuối bữa tiệc, chàng chỉ làm thinh nheo mắt và cau mày nhìn quanh, vẻ mặt ngơ ngác, chàng lấy tay dụi dụi nơi chân mũi. Gương mặt chàng có vẻ phiền muộn và u uất. Hình như chàng không trông thấy mà cũng không nghe thấy những điều đang diễn ra xung quanh mình và chỉ đăm đăm nghĩ đến một vấn đề duy nhất, một vấn đề khổ tâm mà chàng chưa giải quyết được. Cái vấn đề làm cho chàng khổ não đó là những lời bóng gió của công tước tiểu thư khi chàng về đến Moskva, ám chỉ những quan hệ thân mật giữa Dolokhov với vợ chàng, và bức thư nặc danh chàng mới tiếp được ngay sáng hôm nay. Với cái giọng bỡn cợt bỉ ổi mà tất cả các bức thư nặc danh đều có, bức thư này nói rằng chàng đeo mục kính mà cũng chẳng thấy rõ tí nào, chứ việc vợ chàng tư thông với Dolokhov thì chỉ có một mình chàng là không biết nữa mà thôi. Piotr dứt khoát không tin những lời ám chỉ của công tước tiểu thư cũng như bức thư nặc danh, nhưng bây giờ chàng vẫn không dám nhìn Dolokhov đang ngồi trước mặt chàng. Mỗi lần chàng bắt gặp đôi mắt đẹp mà xấc của Dolokhov, chàng lại thấy có cái gì kinh khủng, xấu xa đang nổi dậy trong mình, và phải vội vàng ngoảnh mặt đi.
     
Chàng bất giác hồi tưởng lại quá khứ của vợ và những mối liên hệ giữa nàng với Dolokhov, chàng thấy rõ là nếu như không phải là việc của vợ chàng, thì câu chuyện trong thư có thể là chuyện thật, hay ít ra cũng có vẻ giống chuyện thật. Chàng bất giác nhớ lại dạo Dolokhov sau khi được khôi phục quân hàm sau chiến dịch, trở lại Peterburg và đến nhà chàng. Lợi dụng những quan hệ bạn bè do những cuộc chơi bời phóng đãng giữa hai người, hắn đã đến thẳng nhà chàng, và Piotr đã cho hắn ở đậu, lại cho hắn mượn tiền.
Chàng còn nhớ lại Êlen mỉm cười nói với chàng rằng nàng không hài lòng về việc Dolokhov trú ngụ trong nhà, còn Dolokhov thì ngợi khen nhan sắc vợ chàng một cách trâng tráo và từ đó cho đến lúc trở về Moskva, hắn chưa hề rời khỏi hai vợ chồng lấy một phút.

"Phải, hắn đẹp trai lắm - Piotr nghĩ - Còn ta thì biết hắn lắm. Chắc hắn phải khoái trá đặc biệt nếu làm ô nhục được tên họ ta, và đem ta ra làm trò cười, chính vì ta là người đã lo lắng chạy chọt cho hắn, đã bao cho hắn ở trong nhà, đã giúp đỡ hắn. Ta biết, ta hiểu cái đó sẽ đem lại cho sự phản bội của hắn một thi vị thêm đậm đà, thêm nồng đượm biết chừng nào, nếu việc ấy có thật. Phải, nếu việc ấy có thật, nhưng ta không tin như vậy, ta không có quyền tin mà cũng không thể tin được". Chàng nhớ lại sắc mặt của Dolokhov trong những phút tàn nhẫn của hắn, như khi hắn trói viên quận trưởng vào con gấu và ném xuống nước, hay khi hắn vô cớ khiêu khích người ta đấu súng, hay khi hắn bắn chết một con ngựa trạm bằng một phát súng ngắn. Sắc mặt của Dolokhov vẫn thường hay như thế khi hắn nhìn chàng.   "Phải, hắn là một thằng ưa gây sự đánh nhau. - Piotr nghĩ - Hắn giết người không biết ghê tay, chắc hắn tưởng ai cũng sợ hắn cả, và hắn lấy thế làm thú. Chắc hắn tưởng ta cũng sợ lắm - Mà quả tình ta có sợ hắn thật", - và khi nghĩ như vậy càng lại cảm thấy một cái gì ghê tởm và xấu xa đang đấy lên trong lòng.
     
Dolokhov, Denixov và Roxtov bấy giờ ngồi trước mặt Piotr đều có vẻ rất vui. Roxtov chuyện trò hoan hỷ với hai người bạn, một người là viên sĩ quan phiêu kỵ dũng cảm, một người là tên anh chị khét tiếng, chuyên gây sự đánh nhau, và thỉnh thoảng Nikolai lại đưa mắt giễu cợt nhìn về phía Piotr với dáng người to béo, vẻ mặt đăm chiêu tư lự, không quan tâm đến ai cả khác hắn mọi người trong hữa tiệc này. Roxtov nhìn chàng một cách thiếu thiện cảm, trước hết là vì dưới con mắt một sĩ quan phiêu kỵ, chàng chỉ là một anh nhà giàu không ở quân đội, làm chồng một người đàn bà đẹp, tóm lại chỉ là một hạng đàn bà mà thôi; sau nữa là vì Piotr đang đăm chiêu suy nghĩ và hờ hững với ngoại cảnh, không nhìn thấy Roxtov và không đáp lại cái chào của chàng. Khi mọi người nâng cốc chúc thọ Hoàng đế thì Piotr đang mải nghĩ ngợi, không đứng dậy và không nâng cốc.
   
- Ông làm sao thế? - Roxtov quát to, trong khi nhìn chàng với đôi mắt đang cảm kích lại có vẻ bực tức. - Ông không nghe à: người ta đang chúc thọ Hoàng đế đấy!
   
Piotr thở dài, ngoan ngoãn đứng dậy uống cạn cốc rượu, và trong khi đợi mọi người đều ngồi xuống, chàng ngoảnh mặt về phía Roxtov với nụ cười hiền hậu:
   
- Thế mà tôi không nhận ra anh - chàng nói. Nhưng tâm trí Roxtov còn ở chỗ khác, anh ta đang mải hô "Ura!".
     
- Tại sao cậu không làm quen với hắn ta? - Dolokhov hỏi Roxtov.
     
- Ai hoài công, đó là một thằng ngốc - Roxtov đáp.
     
- Cần phải chiều chuộng những ông chồng có vợ đẹp chứ - Dolokhov nói.
   
Piotr không nghe họ nói gì nhưng chàng biết họ đang nói chuyện về mình. Chàng đỏ mặt và ngoảnh đi.
     
- Và bây giờ thì xin chúc sức khoẻ những người đàn bà đẹp - Dolokhov nói, rồi vẻ nghiêm trang nhưng với một nụ cười bên khoé môi, hắn cầm cốc rượu ngoảnh mặt về phía Piotr, nói
 
- Chúc sức khoẻ những người đàn bà đẹp, Petrusa ạ, và cả tình nhân của họ nữa.
Piotr uống cạn chén rượu của chàng, mắt nhìn xuống đất. Chàng không nhìn Dolokhov mà cũng không đáp lại. Người hầu tiệc đang đi phân phát bài tụng thi của Kutuzov đến trước mặt Piotr đặt một bản, vì Piotr được liệt vào hàng quý khách. Chàng đang muốn cầm lấy bài thơ thì Dolokhov chồm ra phía trước, giật lấy tờ giấy và bắt đầu đọc. Piotr nhìn hắn, đôi con ngươi của chàng thắt lại: Cái vật gì rất ghê tởm và xấu xa đã khiến chàng khổ não trong suốt bữa tiệc, giờ đây lại đấy lên và tràn ngập lòng chàng. Chàng chồm tới, cả cái thân hình to lớn của chàng cúi sấp trên bàn tiệc.
   
- Ông không được lấy! - Chàng quát to.

Nexvitxki và người ngồi bên phải Piotr, nghe tiếng quát và biết là chàng đang quát Dolokhov, vội vàng ngoảnh lại nhìn chàng, vẻ sợ hãi.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #193 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2010, 09:40:58 pm »

- Thôi! Thôi! Ông làm sao thế - Hai người nói nhỏ, vẻ hoảng hốt.

Dolokhov nhìn Piotr với đôi mắt trong sáng, vui vẻ mà tàn nhẫn, với một nụ cười như muốn nói: "À, chính là tao thích như thế đấy".

- Tôi không trả - Hắn nói rõ từng tiếng.

Mặt tái nhợt, đôi môi run lên, Piotr giật lại tờ giấy.
   
- Mày… mày là… một thằng khốn nạn… tao thách đấu súng với mày đấy - chàng nói, đoạn xô ghế đứng dậy, ra khỏi bàn ăn. Ngay trong giây phút ấy, chàng cảm thấy vấn đề tội trạng của vợ chàng, vấn đề làm chàng khổ não suốt hai hôm nay, đã được giải quyết xong xuôi, theo hướng khẳng định, không còn nghi ngờ gì nữa.

Chàng thù ghét con đàn bà ấy và cảm thấy lòng mình đã vĩnh viễn đoạn tuyệt với nàng. Tuy Denixov đã hết lời can ngăn, không muốn cho Roxtov nhúng tay vào việc ấy, Roxtov cũng nhận làm nhân chứng cho Dolokhov và sau bữa tiệc, chàng thảo luận với Nexvitxki, nhân chứng của Bezukhov để ấn định các điều khoản của cuộc đấu súng. Piotr trở về nhà trong khi Roxtov, Dolokhov và Denixov còn ở lại Câu lạc bộ mãi đến khuya, ngồi nghe bọn Di-gan và bọn con hát.
     
- Cứ thế nhé, ngày mai ở Xokolniki - Dolokhov nói trong khi chia tay với Roxtov trên thềm câu lạc bộ.
   
- Thế cậu vẫn bình tĩnh à? - Roxtov hỏi.
   
- Đây này, tớ sẽ vắn tắt vạch rõ cho cậu thấy cái bí quyết của thuật đấu súng. Nếu đêm hôm trước cuộc đấu cậu viết di chúc hoặc viết những bức thư lâm ly để lại cho cha mẹ, nếu cậu nghĩ rằng mình có thể bị giết, thì cậu là một thằng ngốc và thế nào cậu cũng sẽ bỏ mạng, nhưng nếu đến đấu trường với cái quyết tâm giết chết đối phương cho thật mau lẹ và chắc chắn, nếu thế thì mọi việc sẽ tốt đẹp. Anh bạn thợ săn gấu của chúng ta ở Koxtroma có nói với tôi: "Gấu thì ai mà chẳng sợ? Nhưng khi thấy nó thì cái sợ biến đi đâu hết, vì người ta chỉ lo con gấu sổng mất?". Ấy đấy, mình cũng thế. Đến mai, cậu nhé.

Tám giờ sáng hôm sau, Piotr cùng đi với Nexvitxki đến rừng Xokolniki. Dolokhov, Denixov và Roxtov đã đợi chàng ở đấy.
   
Chàng có vẻ như một người đang mải suy nghĩ những điều gì hoàn toàn không liên quan với sự việc trước mắt. Mặt chàng phờ phạc. Nước da vàng vọt. Hẳn là suốt đêm qua chàng không ngủ. Chàng lơ đễnh nhìn quanh và nheo mắt như bị chói nắng. Hai việc đang choán hết tâm trí chàng: Sau một đêm không ngủ, chàng thấy tội trạng của vợ chàng không còn gì phải nghi hoặc nữa; và Dolokhov không có tội vì hắn chẳng việc gì phải giữ gìn danh dự của một người dưng cả. "Có lẽ ở địa vị hắn, ta cũng sẽ làm như hắn; thế thì đấu súng làm gì? Ta sẽ bắn chết hắn, hay là hắn sẽ bắn trúng vào đầu, vào khuỷu tay, vào đầu gối ta. Thôi, đi quách, trốn biệt, kiếm một cái xó nào mà chui vào". Nhưng cũng trong khi những ý nghĩ ấy hiện ra trong óc, chàng hỏi lại, với một vẻ mặt đặc biệt bình tĩnh và thờ ơ, khiến cho những người nhìn chàng đều phải thấy kính trọng: "Còn lâu nữa không, mọi thứ đã sẵn sàng chưa?".
   
Khi mọi việc chuẩn bị đã xong xuôi, hai thanh kiếm đã được cắm vào tuyết để đánh dấu giới hạn không được vượt qua, và hai khẩu súng ngắn đã nạp đạn, Nexvitxki đến gặp Piotr.
   
- Bá tước ạ, - Anh ta nói, giọng rụt rè - Nếu trong một lúc nghiêm trọng, rất nghiêm trọng như thế này, mà tôi không nói hết sự thực với ông, thì tôi sẽ không làm tròn nhiệm vụ của tôi, không xứng đáng với sự tín nhiệm và cái vinh dự mà ông đã ban cho tôi khi chọn tôi làm nhân chứng. Tôi cho rằng việc này không có đủ lý do, và nó không đáng gây ra một vụ đổ máu. Ông đã lầm, ông nóng nảy quá…
   
- À, phải, thật là ngu xuẩn hết sức… - Piotr nói.
     
- Đã thế thì xin ông cho phép tôi chuyển đạt những lời hối tiếc của ông và tôi chắc rằng dối phương sẽ tiếp nhận những lời ấy. - Nexvitxki nói (cũng như những người nhân chứng khác và nói chung tất cả những người dính líu đến việc như thế, anh ta vẫn không tin rằng sự tình có thể đưa đến một cuộc đấu súng thật sự). Bá tước cũng biết rằng thừa nhận lỗi lầm của mình vẫn cao quý hơn là đẩy sự việc đến chỗ không thể cứu vãn được. Quả thật không có bên nào lăng nhục bên nào. Ông cho phép tôi điều đình.

- Không, có gì mà phải điều đình? - Piotr nói - Chẳng sao cả…

- Thế đã sẵn sàng rồi chứ?

- Chỉ xin ông nói cho tôi biết tôi phải bước đến chỗ nào và bắn vào đâu - Chàng nói thêm, miệng mỉm một, nụ cười dịu dàng và gượng gạo. Chàng cầm lấy khẩu súng ngắn và hỏi cách bóp cò như thế nào, vì chàng chưa từng cầm súng trong tay bao giờ, nhưng chàng không muốn thú nhận điều đó. - À phải, bóp như thế, tôi biết rồi, thế mà quên mất.
     
Trong khi ấy, bên phía dối phương, Denixov cũng ướm thử mấy lời khuyên Dolokhov giảng hoà, nhưng hắn đáp:

- Tôi không nhận một lời xin lỗi nào cả, nhất định như thế - nói đoạn. Dolokhov cũng đứng lên ở chỗ đã ấn định.
     
Chỗ được chọn làm địa điểm đấu súng cách đường cái tám bước (xe trượt tuyết đều để lại ở ngoài đường), trên một khoảng đất trống trong cánh rừng thông phủ một lớp tuyết đang tan sau những ngày tan giá vừa qua. Hai đối thủ đứng cách nhau bốn mươi bước, ở đầu và cuối khoảng đất trống. Các nhân chứng khi do khoảng cách đã để lại dấu chân trên lớp tuyết dày và ẩm, từ chỗ hai người đối thủ đứng đến chỗ cắm hai thanh gươm của Nexvitxki và Denixov cách nhau mười bước để làm giới hạn cho đấu trường. Thời tiết tan giá và mù vẫn kéo dài; cách bốn mươi bước đã không trông thấy gì hết.

Chuẩn bị xong xuôi đã được hai ba phút rồi mà họ vẫn chần chừ chưa bắt đầu. Mọi người đều im lặng.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #194 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2010, 09:42:27 pm »

Phần IV
Chương - 5
   
- Nào, bắt đầu đi thôi! - Dolokhov nói.
   
- Bắt đầu đi - Piotr nói theo, miệng vẫn giữ nguyên nụ cười ban nãy.
   
Tình hình đã trở thành dễ sợ. Hiển nhiên là việc này khi gây ra thì dễ dàng như vậy, mà nay đã đi đến chỗ không thể nào cứu vãn được; bây giờ nó tự động tiến hành, không tuỳ thuộc ý muốn của con người nữa, và phải đi đến cùng. Denixov là người đầu tiên bước lên, đến chỗ giới hạn và tuyên bố:

- Vì hai đối thủ đã không chịu hoà giải, vậy xin bắt đầu: mỗi người cầm lấy súng và khi nghe hô đến tiếng "ba" thì tiến lên.

- Một! Hai! Ba! - Denixov hô, giọng cáu kỉnh, và tránh ra một bên.
   
Hai đối thủ dần dần tiến lên trước mặt nhau trên con đường mòn do vết chân những người làm chứng vạch ra, trong khi bước lên chỗ giới hạn. Dolokhov bước chậm rãi, không giơ súng lên, đôi mắt xanh trong và sáng quắc nhìn thẳng vào mặt đối thủ. Một cái nhìn như một nụ cười vẫn thấp thoáng trên môi.
Khi nghe hô "Ba!", Piotr bước nhanh lên phía trước, đi chệch ra ngoài đường mòn, chân đạp lên trên lớp tuyết còn nguyên vẹn. Cánh tay chàng đang thẳng ra phía trước, giơ cao khẩu súng lên, ý chừng sợ bắn phải mình. Chàng chú ý ngoặt cánh tay trái về phía sau, vì chàng cứ thấy mình muốn đưa nó lên dỡ cánh tay phải, tuy biết làm như thế là không được. Khi đã bước năm, sáu bước và đi chệch ra ngoài tuyết, chàng nhìn xuống chân, rồi lại nhìn Dolokhov, và ngón tay luồn vào bóp cò theo cách thức người ta đã dặn, chàng nổ súng. Vì không ngờ tiếng súng lại mạnh đến thế, chàng giật nảy mình khi nghe tiếng nổ, rồi mỉm cười về cái ấn tượng ấy và đứng lại. Sương mù làm cho khói súng trở nên dày đặc, mới đầu chàng không trông thấy gì cả; chàng đón chờ phát súng bắn trả, nhưng mãi chẳng thấy gì. Chỉ nghe tiếng bước hấp tấp của Dolokhov, rồi bóng dáng của hắn hiện ra trong đám khói. Một tay hắn ôm lấy sườn bên trái, một tay xiết khẩu súng chúi xuống. Mặt hắn tái mét, Denixov chạy đến nói với hắn một câu gì không rõ.

- Khô… không, - Dolokhov nói qua hai hàng răng nghiến chặt - Không, chưa xong đâu, - Rồi loạng choạng tiến lên mấy bước, hắn ngã xuống mặt tuyết, bên cạnh thanh kiếm. Bàn tay trái hắn đầm đìa những máu, hắn chùi máu vào áo đuôi tôm rồi chống tay xuống đất. Khuôn mặt tái mét của hắn cau lại, và những thớ thịt trên mặt hắn rung lên từng đợt.

- Xin phép… - Hắn nói mấy tiếng đầu nhưng không đủ sức nói một hơi cho hết câu - Xin phép ông… - Hắn khó nhọc nói tiếp.

Piotr, không tránh được những tiếng nấc nghẹn ngào trong cổ, vội chạy đến chỗ Dolokhov và đã toan vượt khỏi cái giới hạn quy định thì hắn đã quát to:

- Lui về giới hạn!

Bây giờ Piotr mới chợt hiểu và dừng lại cạnh thanh kiếm của mình. Hai người chỉ cách nhau mươi bước. Dolokhov gục đầu xuống mặt tuyết, thèm khát cắn lấy một vốc, ngẩng đầu vươn mình lên, rồi co chân lại ngồi cho vững. Hắn nuốt và mút tuyết lạnh, môi run rẩy nhưng vẫn cười nụ, hai mắt sáng lên vì cố thu hết tàn lực và tức giận. Hắn giơ súng lên và nhắm bắn.

- Đứng nghiêng người đi, lấy súng mà che mình - Nexvitxki nói.

Ngay cả Denixov cũng không nén được mà phải kêu lên bảo đối phương:

- Che mình đi!

Piotr, với một nụ cười hiền hậu trên môi lộ rõ ý hối tiếc và ân hận, hai tay dang rộng, hai chân cũng choạng ra, cả bộ ngực rộng rãi giơ ra cho Dolokhov, và buồn rầu nhìn hắn. Denixov, Roxtov và Nexvitxki nhắm mắt lại. Cùng trong lúc nghe thấy tiếng súng nổ và tiếng kêu tức giận của Dolokhov.

- Trượt mất rồi! - Hắn kêu to và kiệt sức ngã sâp xuống, mặt úp trên tuyết. Piotr, hai tay ôm đầu, quay gót vào rừng, bước thì thụp trong tuyết, nói to những câu không đầu không đuôi:

- Thật là ngu xuẩn… ngu xuẩn! Cái chết… dối trá - Chàng nhăn mặt nói đi nói lại.

Nexvitxki níu chàng đứng lại và đưa chàng về nhà. Roxtov và Denixov cũng chở người bị thương về.
Dolokhov nhắm mắt nằm im trong xe trượt tuyết, không hề đáp lại những câu người ta hỏi, nhưng khi về đến Moskva thì hắn hồi tỉnh, cố gượng nhấc đầu lên và nắm tay Roxtov đang ngồi bên cạnh. Vẻ mặt hắn hoàn toàn thay đổi và biểu lộ tình thương yêu nồng nhiệt rất bất ngờ làm cho Roxtov phải kinh ngạc.

- Thế nào, cậu thế nào? - Roxtov hỏi.

- Chẳng lành! Nhưng cái đó không thành vấn đề. Cậu ơi - Dolokhov nói giọng đứt quãng - Chúng ta đã đến đâu rồi? Đây là Moskva, tôi biết. Tôi thì không kể gì, nhưng bà cụ, thật tôi đã giết bà cụ… tôi đã giết… Thế này thì bà cụ không sống được nữa, không sống được…

- Ai cơ? - Roxtov hỏi.

- Mẹ tôi ấy, mẹ tôi, vị thiên thần của tôi, vị thiên thần mà tôi thờ phụng - Dolokhov bật khóc và xiết chặt tay Roxtov.

Lúc đã hơi trấn tĩnh lại chàng cắt nghĩa cho Roxtov biết rằng chàng hiện ở với mẹ và nếu mẹ chàng thấy chàng đang hấp hối, thì bà cụ không thể sống được nữa. Chàng van xin Roxtov đến tìm mẹ chàng và kiếm cách chuẩn bị tinh thần cho bà cụ.
   
Roxtov lập tức chạy đi làm tròn việc bạn giao phó và rất kinh ngạc khi được biết Dolokhov, cái anh chàng ngỗ nghịch, chuyên gây sự đánh nhau ấy, sống ở Moskva với bà mẹ già và một người em gái gù lưng, và anh ta lại là một người con hết sức hiếu thảo, một người anh chí tình.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #195 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2010, 09:43:46 pm »

Phần IV
Chương - 6

Thời gian gần đây Piotr không mấy khi gặp vợ diện đối diện. Ở Petersburg cũng như ở Moskva, nhà chàng bao giờ cũng đông khách. Đêm hôm xảy ra cuộc đấu súng, Piotr không vào phòng ngủ, và như trước kia chàng vẫn hay làm, chàng ở lại trong căn phòng làm việc rộng thênh thang của cha chàng ngày xưa, trong căn phòng đó ông cụ đã qua dời.
   
Chàng ngả lưng xuống đi-văng và muốn ngủ để quên những việc vừa xảy ra, nhưng không sao ngủ được. Những tình cảm, những ý nghĩ, những kỷ niệm cuồn cuộn nổi lên như một trận bão trong lòng chàng đến nỗi không những chàng không ngủ được, mà thậm chí cũng không thể nằm yên một chỗ nùa, chàng phải rời đi-văng chồm dậy và rảo bước đi đi lại lại trong phòng.   Chàng nhớ lại hình ảnh vợ chàng trong mấy ngày đầu sau lễ cưới, hai vai để trần, đôi mắt mê mệt, đắm đuối. Ngay lúc đó, bên cạnh nàng lại hiện ra khuôn mặt tuấn tú của Dolokhov, cái mặt xấc xược, mỉa mai đúng như trong bữa tiệc, rồi cũng cái mặt ấy, nhưng tái mét, run rẩy và đau đớn, đúng như khi hắn ngoảnh lại và ngã sấp xuống mặt tuyết.
   
"Chuyện gì đã xảy ra thế! - Chàng tự hỏi, - Ta đã giết gã tình nhân, phải, ta đã giết tình nhân của vợ ta. Phải, việc đó đã xảy ra. Tại sao? Làm sao lại đến nông nỗi ấy?" - "Vì mày đã lấy nàng làm vợ" - Một tiếng nói đâu ở bên trong đáp lại chàng.
   
"Nhưng thế thì ta đã có lỗi gì?" -Chàng hỏi. - "Có lỗi ở chỗ không yêu mà vẫn lấy nàng làm vợ, ở chỗ đã lừa dối mày cũng như lừa dối nàng" - Và chàng nhớ lại rõ mồn một cái giây phút sau bữa cơm tối ở nhà công tước Vaxili, thì chàng đã nói với nàng mấy tiếng mà lúc bấy giờ chàng thấy rất khó nói: Tôi yêu cô mọi việc đều do đó mà ra cả. "Ta cảm thấy điều đó ngay từ lúc bấy giờ, - chàng nghĩ - Lúc đó ta đã cảm thấy điều đó là không đúng, ta không có quyền nói như vậy. Cơ sự là như thế đấy". Chàng hồi tưởng lại tuần trăng mật của hai người và kỷ niệm ấy làm cho chàng hổ thẹn đến đỏ mặt. Rõ nét nhất, nhục nhã nhất, xấu hổ nhất đối với chàng là một kỷ niệm gắn liền với những ngày tiếp theo lễ thành hôn. Một hôm, vào khoảng mười một giờ trưa, lúc chàng từ phòng ngủ đi sang phòng giấy, chàng gặp viên quản lý chính ở đấy, hắn cung kính cúi đầu chào chàng, nhìn vào mặt chàng rồi nhìn chiếc áo ngủ của chàng và tủm tỉm cười, dường như để tỏ rõ một cách cung kính lòng vui mừng của hắn đối với hạnh phúc của chủ.
   
"Và biết bao lần ta đã hãnh diện vì nó, hãnh diện vì cái nhan sắc tuyệt vời của nó vì cái khiếu xã giao tế nhị của nó - chàng thầm nghĩ, - Ta hãnh diện vì toà nhà của ta, nơi đó tiếp đón tất cả giới thượng lưu của thành Peterburg, hãnh diện vì thấy nó cách vời và diễm lệ. Thế ra ta hãnh diện vì các thứ đó? Thuở ấy ta tưởng đâu ta không hiểu nó. Biết bao lần, trong khi phân tích cá tinh của nó, ta đã tự nhủ rằng mình có lỗi vì không hiểu nó, không hiểu được cái vẻ luôn luôn điềm tĩnh, thoả mãn không say mê, không ham muốn gì, nhưng thật ra cái nhìn chìa khoá để mở tất cả mọi bí mật là ở trong một chữ cái, cái chữ ghê gớm, kinh khủng này: nó là một người đàn bà truỵ lạc. Cái chữ khủng khiếp ấy, đã tự nó nói lên mọi việc trở thành rõ ràng dễ hiểu! "Thằng Anatol đến vay tiền nó và hôn vào hai vai trần của nó. Nó không có tiền cho hắn vay tiền nhưng vẫn để cho hắn hôn. Cha nó trong khi nói đùa thường khích lòng ghen tuông của nó; Những lần ấy nó điềm nhiên mỉm cười nói rằng nó không dại gì mà đi ghen tuông: Anh ấy muốn gì thì cứ việc làm, nó nói thế. Một hôm ta hỏi nó có thấy triệu chứng thai nghén gì không. Nó cất tiếng cười khinh bỉ và nói rằng nó không dại gì mà muốn có con, và nó cũng không bao giờ có con với ta".
     
Rồi chàng lại nhớ đến những ý nghĩ thô bạo, trơ trẽn và cách ăn nói dung tục của nàng, mặc dầu nàng đã được giáo dục trong giới thượng lưu bậc nhất. "Tôi không phải là đồ ngốc … anh cứ việc đi mà xem thử… Anh cút đi! - Nó thường nói thế. Rất nhiều khi, thấy nàng được mọi người quý chuộng, đàn ông cũng như đàn bà, Piotr không thể hiểu tại sao mình không yêu. "Ta chưa hề yêu nó bao giờ, ta vẫn biết đó là một người đàn bà truỵ lạc - Chàng tự nhủ - Nhưng ta không dám tự thú với mình như vậy".
   
"Và bây giờ thì Dolokhov… kia hắn đang ngồi trên tuyết mỉm cười gượng gạo, và có lẽ hắn chết vì hắn đã đáp lại lòng hối hận của ta bằng một thái độ anh chị giả tạo!".
   
Tất cả, tất cả cơ sự này chỉ tại một mình nó gây ra hết - Chàng tự nhủ - Nhưng cái đó chẳng có gì quan trọng. Tại sao ta lại dính díu với nó, tại sao ta lại nói với nó cái câu "Tôi yêu cô ấy’’  , đó chỉ là một lời dối trá, mà còn tệ hơn là dối trá nữa. Chính ta là tội nhân và ta phải chịu mang lấy… mang lấy cái gì? Sự ô nhục làm nhơ bẩn tên họ ta, nỗi bất hạnh của đời ư? Nhưng tất cả những thứ đó đều là nhảm nhí cả, sự ô nhục và danh dự, tất cả đều là quy ước, tất cả đều không phải do ta quyết định.
   
"Louis XVI đã bị hành hình vì người ta nói ông ta là một kẻ vô sỉ và là một kẻ phạm tội; mà họ cũng có lý theo quan điểm của họ, cũng như những người đã vì ông ta tuẫn tiết, và coi ông ta như một vị thánh, đều có lý cả. Sau đó họ cũng đã xử tử Robexpie vì Robexpie là một kẻ độc tài. Ai phải, ai trái? Chẳng ai cả. Hễ còn sống thì tận hưởng cuộc sống, ngày mai ta sẽ chết, cũng như ta đã suýt chết cách đây một giờ, và việc gì lại tự mình làm lội mình, trong khi chỉ còn sống được một giây so với thiên cổ?" Nhưng chính khi chàng tưởng những lý lẽ ấy làm mình trấn tĩnh lại thì bỗng nhiên nàng lại hiện ra trước mắt hệt như trong những phút chàng bộc lộ cái tình yêu giả dối của mình ra với nàng một cách mãnh liệt nhất, và chàng cảm thấy máu nóng dồn vào tim, và phải đứng dậy đi đi lại lại, gặp vật gì dưới tầm tay cũng đập phá. "Tại sao ta lại nói với nó: "Tôi yêu cô" - chàng cứ tự hỏi lại. Và khi đã lặp đi lặp lại câu hỏi đó đến lần thứ mười, thì trong ký ức của chàng lại hiện ra cái câu hỏi của Molier: "Nhưng nó dính líu vào việc ấy làm cái quái gì mới được chứ " và chàng lại tự cười mình.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #196 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2010, 09:46:16 pm »

Đêm ấy chàng gọi người hầu phòng, bảo sửa soạn hành lý để đi Peterburg. Chàng không thể ở chung một nhà với vợ được nữa. Chàng không thể hình dung bây giờ chàng sẽ ăn nói với nàng như thế nào. Chàng nhất định ngày mai sẽ ra đi và để lại một bức thư báo cho nàng biết chàng đã quyết định vĩnh viễn đoạn tuyệt với nàng.

Sáng hôm sau, khi người hầu phòng mang cà phê vào, Piotr đang nằm duỗi trên chiếc đi-văng Thổ Nhĩ Kỳ và đang ngủ, tay cầm quyển sách mở. Chàng sực tỉnh, đưa mắt bàng hoàng nhìn quanh hồi lâu, không sao nhớ ra được mình đang ở chỗ nào.

- Bá tước phu nhân cho tôi lên hỏi xem Đại nhân có nhà không, người hầu phòng nói.

Piotr chưa kịp quyết định nên đáp lại như thế nào, thì chính bá tước phu nhân, mình mặc voan phục bằng đoạn trắng thêu hoa bạc và vấn tóc sơ sài chải cái bím lớn quấn ba lượt thành mũ miện xung quanh cái đầu tuyệt đẹp - Đã điềm tĩnh và uy nghi bước vào, chỉ có vầng trán ngọc thạch hơi gồ là mang một nếp nhăn nhỏ tỏ ra nàng đang giận dữ. Với cái điềm tĩnh không gì lay chuyển được mà nàng vốn có, nàng không mở đầu câu chuyện khi người hầu phòng còn ở trong phòng. Nàng đã biết tin cuộc đấu súng và đến gặp Piotr để nói về việc đó. Nàng chờ cho người hầu phòng dọn cà phê xong và đi ra đã. Piotr rụt rè nhìn nàng qua đôi kính trắng, và như một con thỏ bị chó săn vây bọc cúp tai xuống ngồi nhìn kẻ thù, chàng cố gắng tiếp tục xem sách; Nhưng chàng thấy làm thế là vô lý và cũng vô ích, nên lại ngẩng lên nhìn nàng một cách rụt rè. Nàng vẫn không ngồi xuống, và nhìn chàng với một nụ cười khinh bỉ, chờ cho người hầu ra khỏi phòng.

- Lại còn chuyện gì nữa thế? Ông đã làm gì thế, tôi hỏi ông. - Nàng nghiêm nét mặt nói.

- Tôi ấy à? Tôi đã làm gì à? - Piotr nói.

- Anh hùng nhỉ! Nào, ông nói đi, tại sao lại đấu súng? Ông muốn chứng minh cái gì? Hở? Tôi hỏi ông đấy.
Piotr nặng nề cựa mình trên chiếc đi-văng, mở miệng, nhưng không trả lời được.

- Ông đã không trả lời thì tôi sẽ nói… - Elen tiếp - Ai nói gì ông cũng tin. Họ nói với ông… - Nàng bật cười - rằng Dolokhov là tình nhân của tôi, - Nàng nói bằng tiếng Pháp, với cách ăn nói dứt khoát, phũ phàng của mình, và phát âm chữ "tình nhân" cũng tự nhtên như bất cứ chữ nào khác - Thế mà ông cũng tin! Nhưng làm thế, ông đã chứng minh được cái gì? Cái chuyện ông là một thằng ngu thì mọi người đã biết rồi. Nhưng việc này sẽ dẫn đến đâu? Đến chỗ tôi thành trò cười của cả thành phố Moskva, đến chỗ mọi người đều bảo rằng trong khi say rượu, mất cả trí khôn, ông đã thách đấu một người mà ông ghen một cách vô căn cứ (Elen hăng lên và càng nói càng to tiếng), một người hơn ông về đủ cả mọi mặt.

- Hừ, hừ… - Piotr hầm hừ và nhăn mặt. Chàng không nhìn nàng, tay chân không nhúc nhích.

- Cái gì khiến ông tưởng anh ta là tình nhân của tôi? Cái gì? Hay là vì tôi thích chuyện trò với anh ta? Giả sử ông thông minh hơn và thú vị hơn anh ta, thì tôi đã thích chuyện trò với ông rồi.

- Đừng nói nữa… tôi van cô. - Piotr thều thào, khàn đặc.

- Việc gì tôi lại không nói? Tôi có quyền nói và tôi xin nói thẳng với ông rằng ít có người đàn bà nào lấy phải một người chồng như ông mà lại không có tình nhân (des amants), nhưng tôi không làm thế.
   
Piotr muốn nói một câu gì, chàng nhìn nàng với một đôi mặt rất kỳ quặc, nhưng nàng không hiểu ý nghĩa của cái nhìn ấy và chàng lại ngả người xuống đi văng. Lúc ấy chàng có một cảm giác đau đớn nhục thể, ngực chàng bị đè nén không sao thở được nữa. Chàng biết rằng mình cần phải làm một cái gì để chấm dứt cảm giác đau đớn ấy, nhưng việc chàng đang muốn làm nó ghê gớm quá.

- Chúng ta xa nhau đi thì tốt hơn - Chàng nói, giọng ngắc ngứ.

- Xa nhau à? Xin cứ việc, nhưng với điều kiện là ông phải cấp cho tôi một gia tài - Elen nói - … Xa nhau! Ông tưởng làm tôi sợ lắm hẳn.

Piotr vụt rời đi-văng nhảy chồm lên và loạng choạng đâm nhào về phía nàng;

- Tao sẽ giết mày? - Chàng quát, và với một sức mạnh mà chàng chưa bao giờ thấy mình có được, chàng nắm lấy cái mặt bàn tròn làm bằng cẩm thạch và bước tới, tay giơ tấm đá vung về phía nàng.
     
Bộ mặt Elen trở nên khủng khiếp; nàng hét lên một tiếng lanh lảnh và vụt nhảy lùi lại. Khí huyết của ông cha đã dấy lên mãnh liệt trong người Piotr. Chàng cảm thấy say sưa và khoái trá trong cơn thịnh nộ. Chàng ném tấm đá xuống sàn vỡ tan ra, và dang rộng hai cánh tay tiến về phía Elen, chàng quát to: "Xéo ngay!", tiếng quát khủng khiếp đến nỗi mọi người trong nhà đều nghe mà sởn gáy.
Giá Elen không chạy trốn, thì chưa biết lúc ấy chàng sẽ làm gì.
     
Một tuần sau, Piotr trao cho vợ một tờ giấy uỷ quyền quản trị tất cả các điền trang của chàng ở Đại Nga, nghĩa là hơn một nửa gia tài của chàng, rồi một mình lên đường đi Petersburg.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #197 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2010, 08:26:36 pm »

Phần IV
Chương - 7

Hai tháng đã trôi qua từ khi tin quân ta bại trận ở Austerlix và tin công tước Andrey tử nạn về đến Lưxye Gorư, và có nhiều bức thư nhờ đại sứ quán gửi đi, tuy người ta đã ra sức tìm kiếm dò hỏi khắp nơi, thi hài của công tước vẫn chưa tìm được, mà trong danh sách tù binh cũng không có tên chàng. Điều làm cho gia quyến khổ tâm nhất là người họ cũng vẫn có thể hy vọng rằng công tước đã được dân sở tại thu nhặt trên chiến trường và hiện nay đang ở một nơi nào đó, hoặc đang dưỡng bệnh hoặc đang hấp hối một thân một mình nơi quê người đất khách, không có cách gì báo tin về nhà.
     
Thoạt tiên, lão công tước biết quân ta đã thua trận Auxterlilx là vì các báo có đăng một tin rất lui hoàn toàn có trật tự. Đọc bản thông báo chính thức này, lão công tước hiểu rằng quân ta đã thua trận.
     
Tám ngày sau khi tờ báo đưa tin ấy, một bức thư của Kutuzov đến báo cho công tước biết số phận của con mình.
     
"Cháu, ông ta viết - Ngã xuống ngay trước mặt tôi, tay cầm cờ trong khi dẫn đầu cả binh đoàn tiến lên với tư thế một trang anh hùng xứng đáng với cha mình và Tổ quốc. Tôi và toàn quân rất lấy làm phiền lòng rằng mãi cho đến nay chúng tôi vẫn chưa biết cháu sống chết ra sao. Tôi tự an ủi và xin an ủi ngài với niềm hy vọng là cháu còn sống, vì nếu không thì cháu đã có tên trong danh sách những sĩ quan tìm được ở chiến trường, - danh sách ấy hiện ở trong tay tôi, do quyết định hiệp thương hai bên trao lại".

Lão công tước tiếp được tin này vào lúc đêm khuya, khi đang ngồi một mình trong phòng làm việc. Sáng hôm sau, lão công tước đi bách bộ đúng buổi như mọi khi; nhưng ông lặng thinh trước mặt người quản lý, người làm vườn, viên kiến trúc sư và tuy có vẻ tức giận, ông vẫn không nói gì với ai hết.
     
Khi công tước tiểu thư Maria cũng đúng giờ như mọi khi, bước vào thư phòng, lão công tước vẫn làm việc bên bàn tiện và theo lệ thường, ông không quay đầu lại.

- À công tước tiểu thư Maria! - công tước bỗng nói giọng gượng gạo, rồi vứt con dao tiện. (Bánh xe ở bàn tiện đang dở đà vẫn chạy thêm một lúc. Về sau công tước tiểu thư Maria còn nhớ rất lâu tiếng rít tắt dần của chiếc bánh xe, hoà làm một trong tâm trí nàng với việc xảy ra sau đó).

Công tước tiểu thư đến cạnh cha, nàng nhìn thấy mặt ông cụ, và bỗng nhiên cảm thấy một cái gì đổ vỡ. Nàng hoa mắt lên. Nhìn gương mặt ông cụ, không buồn rầu, không đau thương, mà lại có vẻ độc ác và như đang cố gắng gượng tự chủ, nàng biết rằng một tai hoạ ghê gớm đang treo trên đầu nàng, nó sẽ nghiền nát nàng, mối tai hoạ lớn nhất trong đời nàng, một tai hoạ mà nàng chưa trải qua bao giờ, một tai hoạ không thể cứu vãn được, không thể quan niệm được, cái chết của một người nàng yêu dấu.

- Cha ơi, anh Andrey!
   
Công tước tiểu thư vốn xấu xí và vụng về nhưng khi nàng nói mấy tiếng ấy, nỗi đau thương và sự quên mình của nàng có một sức quyến rũ không lời nào tả được, đến nỗi cha nàng không chống đỡ nổi cái nhìn của nàng mà phải ngoảnh mặt đi với một tiếng nấc nghẹn ngào.

- Ta đã nhận được tin. Trong số tù binh, trong số những người trận vong đều không có tên nó. Kutuzov có viết thư - Ông cụ quát lên, giọng the thé, tưởng chừng như muốn đuổi công tước tiểu thư ra - Anh mày đã tử trận rồi!
   
Công tước tiểu thư không ngã, cũng không ngất đi. Mặt nàng vốn đã xanh xao, nhưng khi nghe những lời ấy, nàng biến sắc hẳn đi và đôi mắt đẹp của nàng như chiếu rọi những hào quang. Tưởng chừng như có một niềm vui, một niềm vui tuyệt vời, không liên quan với những nỗi vui buồn của thời gian, tràn lẫn cả nỗi đau thương vô hạn trong lòng nàng. Nàng quên hết nôi khiếp sợ của nàng đối với cha bước tới cầm tay ông cụ, kéo về phía mình rồi đưa hai cánh tay ôm lấy cải cổ khô cằn và gân guốc của cha.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #198 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2010, 08:27:35 pm »

- Cha ơi! Cha đừng ngoảnh mặt đi nữa, Cha hãy cùng khóc.

- Quân đốn mạt, quân khốn nạn! - Ông cụ vừa quát lớn vừa né xa mặt nàng, - Thí quân đội, thí bao nhiêu mạng người? Tại sao? Đi đi con, nói cho Liza biết đi.
   
Công tước tiểu thư ngồi phịch xuống chiếc ghế bành bên cạnh cha và khóc oà lên. Bây giờ nàng nhớ lại anh nàng lúc chàng từ biệt nàng và Liza với cái dáng điệu vừa âu yếm vừa trịch thượng. Nàng hồi tưởng thấy lại hình ảnh Andrey khi vừa âu yếm vừa mỉa mai. Chàng đeo cái tượng thánh vào cổ. "Anh ấy có tin
Chúa không. Anh ấy đã mất đức tin, vậy nay anh đã tự hối chưa? Bây giờ anh có ở trên ấy không. Ở nơi tĩnh thổ muôn đời yên vui và hạnh phúc?" - nàng thầm nghĩ.

- Thưa cha, xin cha nói cho con biết sự việc đã xảy ra như thế nào? - nàng hỏi.

- Thôi, thôi, con đi đi, anh con đã bỏ mình trong cái trận mà người ta đã lùa bao nhiêu người Nga ưu tú nhất vào cõi chết, trong cái trận mà tất cả vinh quang của nước Nga đã tiêu vong. Thôi, công tước tiểu thư Maria, con hãy đi báo tin cho Liza đi. Rồi ta sẽ đến với các con.
   
Khi công tước tiểu thư Maria ở trong phòng ông cụ về, công tước phu nhân nhỏ nhắn đang ngồi thêu. Công tước phu nhân nhìn nàng với khoé mắt đặc biệt hướng vào nội tâm và đượm một niềm vui sướng thanh thản mà chỉ những người đàn bà có thai mới có được. Có thể thấy rõ đôi mắt phu nhân không trông thấy tiểu thư Maria mà lại nhìn vào bên trong bản thân - nhìn một cái gì diễm phúc và huyền bí đang diễn ra trong người nàng.

- Maria - công tước phu nhân vừa nói vừa rời khung thêu ngã người ra phía sau - cô đưa tay đây - Phu nhân nắm lấy tay công tước tiểu thư đặt lên bụng mình.
   
Mặt phu nhân mỉm cười, chờ đợi, cái môi thoáng phủ lông tơ cong lên và cứ giữ nguyên như thế, khiến phu nhân có một vẻ vui sướng trẻ thơ: Công tước tiểu thư Maria quỳ xuống trước phu nhân và úp mặt vào những nếp áo của chị dâu.

- Đấy đấy cô thấy không? Tôi thấy lạ quá: Và Maria ạ, thật đấy mĩnh sẽ yêu nó lắm cơ - Liza nói và nhìn cô em chồng, mắt sáng ngời vì hạnh phúc.
   
Công tước tiểu thư Maria không ngẩng đầu lên được, nàng khóc.

- Cô làm sao thế, Masa?

- Không, chỉ vì em thấy buồn, buồn về phần anh Andrey!
   
Nàng vừa nói vừa lau nước mắt trên áo chị dâu. Sáng hôm sau ấy đã nhiều lần nàng bắt đầu chuẩn bị tinh thần cho phu nhân, nhưng mỗi lần như vậy nước mắt nàng lại cứ trào ra khiến nàng không sao nói được. Phu nhân không hiểu tại sao nàng khóc, nhưng cũng sinh lo, mặc dầu phu nhân không có khiếu quan sát cho lắm. Phu nhân lặng thinh không nói, nhưng lo lắng đưa mắt nhìn quanh như muốn tìm cái gì. Trước bữa ăn, lão công tước - xưa nay nàng vẫn sợ ông cụ, nhưng bây giờ ông cụ lại có vẻ ưu phiền và ác nghiệt khác thường - vào phòng nàng rồi lại đi ra, không nói một lời. Phu nhân nhìn công tước tiểu thư Maria rồi nghĩ ngợi, trong đôi mắt lại hiện ra cái vẻ chú ý hướng vào bên trong của những người đàn bà có thai, và bỗng bật lên tiếng khóc.

- Nhà đã nhận được tin của Andrey à?

- Không, chị biết đấy, chúng ta chưa có thể nhận được tin, nhưng cha em lo lắm, mà em cũng thấy sợ.

- Thật không có gì chứ?

- Không, không có gì đâu!
   
Công tước tiểu thư Maria vừa nói vừa mạnh dạn nhìn chị dâu với đôi mắt trong sáng. Nàng quyết định không nói gì với phu nhân và cũng đã xin được cha nàng cùng giấu kín cái tin ghê gớm ấy cho đến khi phu nhân ở cữ xong, nghĩa là chỉ trong vài ngày nữa. Công tước tiểu thư Maria và lão công tước, mỗi người một cách, đều mang nặng và giấu giếm nỗi đau thương của mình. Lão công tước không muốn hy vọng; ông tin chắc rằng công tước Andrey đã tử trận, và, tuy đã sai một người tín cẩn sang Áo để thăm dò tung tích con, ông cũng đặt làm ở Moskva một đài kỷ niệm để dựng lên ở trong vườn, và cũng báo cho mọi người biết tin con mình đã chết. Lão công tước cố gắng không thay đổi gì trong cách sinh hoạt của mình, nhưng sức lực của ông không khỏi phụ lòng ông: ông đi bộ kém, ăn kém, ngủ kém và mỗi ngày một yếu đi.

Công tước tiểu thư Maria thì vẫn còn hy vọng. Nàng cầu nguyện cho anh nàng như một người còn sống và từng phút một vẫn mong ngóng đợi tin anh về.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #199 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2010, 08:28:22 pm »

Phần IV
Chương - 8
   
- Maria ạ!
   
Công tước phu nhân nhỏ nhắn nói (lúc ấy là vào buổi sáng ngày mười chín tháng ba, sau bữa ăn sáng) và cái môi thoáng bóng lông tơ của nàng lại cong lên như thường lệ; nhưng vì từ khi cái tin ghê gớm kia đưa lại, mọi việc trong nhà, từ những nụ cười giọng nói cho chí cách đi đứng, đều đượm vẻ u buồn, cho nên công tước phu nhân nhỏ nhắn cũng nhiễm cái tâm trạng chung ấy mặc dầu không biết rõ nguyên nhân, nụ cười của phu nhân lại càng nhắc nhở nỗi thương tâm của mọi người.

- Cô Maria, tôi e rằng cái món fruschlique(1), như anh bếp Foka nhà ta thường gọi ấy, sáng nay đã làm tôi ốm rồi đấy!

- Chị làm sao thế hở chị? Chị xanh lắm. Ồ, chị xanh quá đi mất - Công tước tiểu thư Maria sợ hãi vừa nói vừa bước những bước chân nặng nề và mềm mại chạy đến cạnh nàng.

- Thưa tiểu thư, có cần đi gọi Maria Bogdanovna không ạ, - Một trong những người thị nữ có mặt ở đấy nói (Maria Bogdanovna là bà đỡ ở huyện lỵ lân cận đến Lưxye Gôrư từ tuần trước).

- Phải đấy - Công tước tiểu thư Maria đáp - Có lẽ cần đấy. Tôi đi đây. Can đảm lên, chị yêu dấu của em - Nàng ôm hôn Liza và toan ra ngoài.

- Ồ không, không! - Và thêm vào sắc da xanh nhợt trên gương mặt Liza lại lộ rõ một nỗi sợ hãi trẻ con trước cơn đau thể xác không sao tránh được.

- Không, đau dạ dày đấy!… Mình đau dạ dày đấy mà, nói thế đi Maria, nói thế đi! - Và công tước phu nhân khóc oà như đứa trẻ bị đau, vẻ nũng nịu, thậm chí hơi vờ vĩnh, hai bàn tay xinh xinh vặn vào nhau. Công tước tiểu thư Maria chạy ra khỏi phòng đi tìm bà Maria Bogdanovna. Phía sau lưng nàng vẫn nghe tiếng rên rỉ của Liza:

- Ôi Trời ơi, Trời ơi!

Hai bàn tay nhỏ bé trắng trẻo, xoa xoa vào nhau, bà đỡ ra đón nàng, vẻ bình tĩnh và quan trọng.

- Bà Maria Bogdanovna! Hình như đã bắt đầu rồi đấy - Công tước tiểu thư Maria nhìn bà đỡ nói, hai mắt giương to vì sợ hãi.

- Thôi cũng tạ ơn Chúa, công tước tiểu thư ạ - bà Maria Bogdanovna nói, chân vẫn không bước vội hơn. - Các tiểu thư không nên biết những chuyện này.

- Nhưng tại sao bác sĩ ở Moskva vẫn chưa đến? - Công tước tiểu thư nói. (Theo yêu cầu của Liza và công tước Andrey, người ta đã mời một bác sĩ sản khoa ở Moskva và cả nhà đang chờ đợi ông ta từng phút một).

- Không sao đâu, công tước tiểu thư ạ, tiểu thư chớ lo - Bà Maria Bogdanovna nói - Dù không có bác sĩ thì rồi đâu cũng vào đấy cả.

Năm phút sau, công tước tiểu thư ngồi trong phòng riêng nghe có tiếng người khiêng một cái vật gì rất nặng. Nàng nhìn ra: những người hầu đang bưng vào phòng ngủ một chiếc đi-văng đệm da vẫn để ở trong phòng làm việc của công tước Andrey - chẳng hiểu để làm gì. Gương mặt những người hầu có vẻ long trọng và trầm lặng.
   
Công tước tiểu thư Maria ngồi một mình trong phòng riêng, lắng nghe những tiếng động trong nhà, thỉnh thoảng lại mở cửa ra khi có tiếng người và nhìn xem những việc đang diễn ra trong hành lang. Có mấy người đàn bà đi qua rồi trở về, bước rón rén lặng lẽ, liếc mắt nhìn nàng và ngoảnh mặt đi ngay. Nàng không dám hỏi họ; nàng đóng cửa lại, quay vào phòng rồi khi ngồi vào ghế dựa, khi cầm lấy quyển kinh, khi lại đến quỳ trước tượng thánh. Nàng ngạc nhiên và đau đớn nhận thấy rằng cầu nguyện không đẹp yên được nỗi bồn chồn trong lòng nàng. Chợt cánh cửa phòng nhè nhẹ mở, và trên ngưỡng cửa hiện ra một bà già đầu trùm khăn. Đó là bà Praxkovya Xavisna, u già của nàng, lâu nay hầu như chưa lần nào vào phòng nàng, vì có lệnh cấm của công tước.

- U đến đây để ngồi với tiểu thư một lát cho có bạn đây, Masenka ạ - Bà già nói - Và vị thiên thần của u, u mang đến mấy cây bạch lạp thắp trong lễ cưới của công tước ngày xưa để thắp trước tượng thánh - bà ta thở dài nói thêm.

- Ồ ! U đến đây con mừng lắm.

- Thượng đế rất từ bi, con yêu dấu của u ạ - Người u già đứng trước bàn thờ, thắp những cây bạch lạp cẩn vàng và ngồi xuống cạnh cửa với cuộn len đan. Công tước tiểu thư Maria lấy một quyển sách ra xem. Chỉ khi nào nghe tiếng chân đi hay tiếng nói, hai người mới nhìn nhau, nàng thì có vẻ sợ hãi, dò hỏi, còn u già thì có vẻ muốn cho nàng trấn tĩnh lại. Cái cảm giác của công tước tiểu thư trong khi ngồi ở phòng mình đã lan ra khắp nhà và đã chi phối hết thảy mọi người. Theo sự mê tín trong dân gian, càng ít người biết đến cơn đau đẻ thì người đẻ càng ít đau, cho nên mọi người đều cố gắng giả vờ như không biết, không ai đả động đến việc ấy cả, nhưng cái vẻ trang trọng và cung kính thường ngày ngự trị trong nhà công tước, vẫn có thể thấy ai nấy đều có ý thức rằng một cái gì cao cả, thần bí đang diễn ra trong giờ phút này.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM