Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 04:44:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi Ký Đường Ra Trận - CCB Sư đoàn 2 : Ông Nguyễn Đăng San.  (Đọc 52239 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #40 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2011, 03:05:57 pm »

                                                 

CUỘC CHIẾN VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG ĐỘI

Đà Nẵng ngày 22 tháng 12 năm 2009.

Chiến tranh thật sự là thảm khốc ác liệt, bao nhiêu đồng đội gắn bó keo sơn trong một chiến hào, chiến đấu hào hùng giành thắng lợi từ trận này đến trận khác, từ địa bàn này đến địa bàn kia, từ đông Trường Sơn sang tây Trường Sơn của nước bạn Lào yêu quí. Trên mọi nẻo đường Tổ quốc Việt Nam thân yêu, những kỷ niệm buồn vui, đói no có nhau, luôn mang theo ký ức người chiến sỹ quân giải phóng miền Nam một thời cầm súng đi cứu nước.

Với tôi cũng vậy. Nguyên là tiểu đoàn trưởng bộ binh 2 (D60), thuộc Trung đoàn 1 Sư đoàn 2 quân khu 5. Là người chỉ huy phân đội chiến thuật cấp tiểu đoàn, sau mỗi trận đánh, sau mỗi chiến thắng, cũng gắn liền với tổn thất máu xương. Vì thế quân số phải thay thế bổ sung liên tục. Nhất là khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc “ Chiến tranh cục bộ ”, quân dân ta phải dồn sức đánh liên tục từ chiến dịch này sang chiến dịch khác, làm cho Mỹ phải cút. Sau cuộc tiến công nổi dậy của mùa xuân Mậu Thân năm 1968, Mỹ bắt đầu xuống thang, từ cuối năm 1969 đầu năm 1970, chúng chuyển sang chiến lược “ Việt Nam hoá chiến tranh”, với phương châm dùng hoả lực Mỹ, binh lính nguỵ, thực chất là một cuộc thay màu da xác chết tại chiến trường.

Để tằng cường thêm áp lực cho quân nguỵ, đế quốc mỹ tăng cường hoả lực phi pháo, rải chất độc hoá học và tiến hành nhiều cuộc hành quân đánh phá. Sau khi đơn vị kết thúc chiến dịch 180, thì Sư đoàn bộ binh 2 và Trung đoàn bộ binh 141 mặt trận Quảng Đà được lệnh, hành quân ra phía bắc đường số 9 để củng cố lực lượng, trang bị bổ sung quân số huấn luyện chuẩn bị cho nhiệm vụ mới.

Với gần một tháng vượt ngược đường Trường Sơn ra Bắc đường 9, đứng chân tại Mường Phìn- Mường Noọng tỉnh Svanakhẹt và tỉnh Khâm Muộn, trên đất nước Lào hoa chăm pha xinh đẹp. Tại đây đơn vị được bổ sung quân số, trang bị, trong đó có các đồng chí là con em của quê hương tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và thành phố Hà Nội, đây là lớp thanh niên được huấn luyện kỹ chiến thuật 6 tháng trên miền Bắc, có chất lượng khá tốt.

Tiểu đoàn bộ binh 2 còn gọi là tiểu đoàn 60 của tôi chỉ huy là một trong ba tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 1( đoàn Ba Gia), Sư đoàn 2, chưa bao giờ lực lượng của đơn vị được sung sức đầy đủ như những năm ở chiến trường khu 5. Trung đoàn đang tổ chức huấn luyện, thì phát hiện có một tiểu đoàn nguỵ Lào được “ quan thầy” của chúng đưa ra thăm dò chiếm điểm cao Phukatồn, gần khu vực của đơn vị tôi đóng quân, chúng dùng bom pháo đánh phá dữ dội. Sư đoàn, trung đoàn ra lệnh cho tiểu đoàn 2 của tôi phải đánh tiêu diệt bọn phỉ, giữ vững khu vực đống quân của Sư đoàn. Tiểu đoàn chúng tôi dùng hoả lực chế áp, bộ binh tiến công áp đảo, quân địch hốt hoảng khiêng cõng số chế bị thương bỏ chạy, rút đến đâu chúng rải mìn lá đến đó, làm hạn chế quân ta truy kích đuổi theo. Đây là một thử thách ban đầu, của các chiến sỹ mới được bổ sung vào đơn vị.

Đơn vị ngày đêm lăn lộn trên thao trường huấn luyện, với sự chỉ đạo trực tiếp sát sao của Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn đến với tiểu đoàn bộ binh 2 Trung đoàn 1. Đơn vị đón xuân bên nước bạn Lào, có đồng chí Bí thư Khu uỷ, cùng đồng chí tư lệnh khu 5 đến thăm hỏi động viên, chuẩn bị bước vào nhiệm vụ chiến đấu mới.

Đầu tháng 2 năm 1971 thời tiết Lào nắng ráo, núi rừng xáo động vì bom gầm đạn rít, do cuộc hành quân với qui mô lớn ( Lam Sơn 719 ) của địch. Đây là cuộc đánh phá mà chúng dùng một lực lượng tới 55.000 quân, trong đó có 15.000 quân Mỹ, trên 500 xe tăng thiết giáp, 300 khẩu súng đại bác, hàng nghìn máy bay các loại, ngoài ra chúng còn huy động 9 tiểu đoàn quân của phỉ nguỵ Lào. Nhưng địch đã sai lầm lớn, vì chúng ta đã biết trước ý đồ của địch. Nên Bộ tư lệnh đã thành lập mặt trận B70, do tướng Lê Trọng Tấn và Lê Quang Đạo làm tư lệnh, chính uỷ. Mặt trận bao gồm nhiều Sư đoàn, binh chủng của ta rất thiện chiến “ nghênh chiến đón tiếp”. Ngay khi chúng vừa đổ quân xuống phía đông bắc đường 9 đã bị lực lượng ta cho một đòn phủ đầu, bằng việc tiêu diệt lữ đoàn 39 biệt động Sài Gòn, bắt sống đại tá Thọ… Đơn vị Sư đoàn 2 “ giữ gôn ”, bảo vệ sân bay Tà Khống, Sê Pôn, dùng lực lượng của E 141, hoạt động ở Phudotuya đến Phalan đồng Hến, ngăn chặn sự phối hợp của địch. Trung đoàn 1 dùng D1 và D2 của tôi đánh chiếm bãi xe tăng cao điểm 229, cầu chữ S trên đường 9. Sau hơn 20 ngày quân địch bị ta đánh khắp nơi, chúng không thực hiện được ý định chiếm Sêpôn. Ngày mùng 3 tháng 3 năm 1971 địch đưa sư đoàn 1 nguỵ đổ xuống các cao điểm 748- 723 PhuRệp cao điểm 660 Phurateng. Sư đoàn bộ binh 2 quân khu 5 được lệnh tập trung tiêu diệt địch trên các cao điểm này. Từ ngày 13 đến ngày 21 tháng 3, tiểu đoàn bộ binh 2 ( 60 ) của tôi chỉ huy tham gia đánh địch ở cao điểm 748, vây ép địch trên cao điểm 723, bôn tập tiến công địch cao điểm 660. Có thể nói đây là những trận chiến đấu giành thắng lợi lớn, góp phần vào chiến thắng vang dội của quân ta đánh lại cuộc hành quân có qui mô lớn của Mỹ nguỵ đưa ra ngăn chặn đường tiếp viện của ta ở đường 9 Nam Lào. Nhưng đây cũng là những ngày cán bộ chiến sỹ của đơn vị gặp vô cùng gian khổ và ác liệt nhất, đòi hỏi mỗi đồng chí phải vượt qua mọi thử thách để lập nên chiến công trên mặt trận.

Sau kết thúc chiến dịch đường 9 Nam Lào, đơn vị lại bước vào đợt hoạt động chiến đấu ở cao nguyên Bôlôven. đầu tháng 5 thời tiết vùng Nam Lào rất khắc nghiệt, nắng, nóng và khan hiếm nước. Do phải giữ bí mật, đơn vị cơ động tránh khu có dân, không đốt lửa nấu cơm, hàng tuần đơn vị ăn cơm nắm, lương khô 702, bộ đội vượt qua chặng đường 15 ngày gian nan vất vả. Đơn vị tiến công diệt địch cứ điểm Pắcsoòng, làm chủ tiểu khu giữ vững Phumặcchanh, Bản Kiềng, Pắk Kụt. Phải giữ bằng được bàn đạp này nhằm thu hút địch, để cho Trung đoàn đánh chiếm Ytu- Bản Nhík. Thắng lợi ở Ytu- Bản Nhík, không chỉ có giá trị về chiến thuật mà còn làm cho địch bị phá vỡ kế hoạch tái chiếm Pắcsoòng, tạo điều kiện cho nước bạn Lào giữ vững mở rộng vùng giải phóng, gây niềm tin phấn khởi trong nhân dân, cũng như lực lượng vũ trang của Quân đội Phathét Lào.

Đơn vị hành quân về bắc đường 9, rút kinh nghiệm qua các trận chiến đấu, học tập, huấn luyện quân sự chuẩn bị trở vào chiến trường Tây Nguyên và khu 5. Cũng là cái tết thứ hai đơn vị đón xuân bên đất nước Triệu Voi. Sau đó hành quân cấp tốc vào các tỉnh trên cao nguyên. Giữa tháng 3 năm 1972, đơn vị phối hợp với toàn chiến trường, tiến hành đánh một số cụm chốt giữ của địch trên đường 14, điểm cao Ngọc Tụ v.v… Lúc này đơn vị gặp không ít khó khăn về cung cấp lương thực, thực phẩm. Những với tinh thần vượt mọi khó khăn gian khổ, đơn vị đã tiến hành đánh giải phóng được tuyến phòng thủ của địch từ ĐắcTô đến Tân Cảnh, giành thắng lợi rực rỡ ngày 24 tháng 4 năm 1972. Tạo đà cho việc đơn vị đánh địch trong thị xã Kon Tum, địch quyết giữ cao  nguyên trung phần, cho nên chúng huy động tổng lực để giữ bằng được thị xã Kon Tum. Do đó đơn vị tôi có phần tổn thất về lực lượng.

Trong trận đánh địch vào thị xã Kon Tum, tháng 5 năm 1972 nhiều đồng chí bị thương, trong đó có đồng chí Nguyễn Đăng San, chiến sỹ của Tiểu đoàn tôi bị thương. Sau khi bị thương đồng chí San đi điều trị rồi về làm quân nhu của Trung đoàn. Còn tôi  điều trị vết thương xong về nhận nhiệm vụ khác, nên hai người xa nhau từ đấy, gần đây  hai anh em tìm gặp được nhau còn lại sau những lần mưa bom bão đạn. Hai người cựu chiến binh tìm gặp được nhau sau 40 năm xa cách, tại thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh. Cùng nhau nhớ về những tháng năm đầy khốc liệt của chiến tranh, tình đồng đội được chia sẻ bằng niềm vui của tập “ Ký ức thời binh lửa ” của một chiến sỹ bộ binh trực tiếp cầm súng đánh giặc ở đơn vị tôi chỉ huy. Hồi ký ấy đã phản ánh đầy tính chân thật xúc động về cuộc chiến đấu của đơn vị, và tình đồng chí trên chiến trường đầy gian lao thử thách, tô thắm thêm chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân dân ta.

Tôi mong tập hồi ký sớm ra đời, không chỉ để cho một lớp người cầm súng đi đánh giặc hồi tưởng, mà còn làm cho bạn đọc xa gần, hiểu thêm về tâm hồn người lính trong những năm tháng chiến tranh. Nhân đây tôi cũng có đôi lời thay cho lời tựa của tập hồi ký thời binh lửa do Nguyễn Đăng San nhớ viết lại, nói lên tình đồng đội, chỉ có trong khói lửa chiến tranh, tình cảm của người lính mới sâu đậm gắn bó, không bao giờ xoá mờ trong ký ức của họ./.

                                                                           
Đại Tá: Trần Như Tiếp
                                                      Trưởng ban liên lạc bạn chiến đấu đoàn Ba Gia
                                             Nguyên Tiểu Đoàn Trưởng D2- E1- F2: Quân khu 5.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #41 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2011, 03:07:12 pm »

                                         
     
TRÀO DÂNG TRONG TÔI VỀ MỘT THỜI RA TRẬN

Những cuốn sách khác tôi chỉ đọc một lần, nhưng khi đọc “Ký ức thời binh lửa”, của cựu chiến binh Thương binh Nguyễn Đăng San. Đã làm tôi cuốn hút đọc đi đọc lại nhiều lần. Hồi ký đã đưa tôi về miền ký ức và tuổi xuân phơi phới của mình. Ký ức nhắc tên làng tên đất, tình đồng đội những tháng năm khó khăn gian khổ trong khói lửa chiến tranh.

Chiến tranh đã lùi xa. Song những gì về một thời trận mạc, vẫn còn đọng mãi trong mỗi người cầm súng đi đánh giặc cứu nước. Kỷ niệm thân thương bên dòng sông Thu Bồn và tình người đất Quảng. Đã hiện về đồng đội tôi những năm công tác chiến đấu bên dòng sông Thu và bà con bên dãy Hòn Tàu đầy thân thương yêu quí. Tầng lớp thanh niên vượt lên thử thách để cho ngày thống nhất non sông. Nhiều lúc tôi tự hỏi động lực nào giúp đồng đội tôi vượt lên khó khăn gian khổ. Không riêng tôi, mà người dân trong đất nước hình chữ S đều cho đó là tình yêu quê hương đất nước.

Hồi ký tác giả viết về nghĩa tình đồng đội từ đầu cho đến cuối thật thiêng liêng và trân trọng. Cuốn “ Ký ức thời binh lửa”, được coi như nén hương thơm để tri ân với những người hy sinh vì Tổ quốc. Cuốn sách khắc hoạ thật sống động cần được nâng niu góp phần vào việc giáo dục thế hệ trẻ, biết cái giá mà ông cha ta phải trả cho ngày đất nước thống nhất.

                                 
Phạm Ngọc Hạnh- Thương binh 4/4.
                                    Nạn nhân chất độc da cam/điôxin.
                    Cựu chiến binh Trung đoàn 31. Sư đoàn 2. Quân khu 5.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #42 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2011, 03:08:18 pm »


THẤY MÌNH NHƯ TRẺ VÀ SỐNG LẠI VỀ MỘT THỜI CHIẾN TRANH KHỐC LIỆT

                              
 Sa Đéc ngày 19 tháng 9 năm 2010

Là người lính đi qua chiến tranh, sống chiến đấu trên mảnh đất liên khu 5. Nếm trải đủ mùi khốc liệt của chiến trường Trung Trung Bộ. Đã từng cầm súng trực tiếp chiến đấu với bọn viễn chinh Mỹ. Nên khi đọc: Ký ức thời binh lửa, của Cựu chiến binh thương binh Nguyễn Đăng San, tôi thấy mình như trẻ và sống lại về một thời chiến tranh khốc liệt ấy. Cuốn hồi ký rất thật và vô cùng cảm động. Xin cảm phục người đồng chí đã làm được và nói lại được về một thời bi hùng của chiến trường, về những nghĩa tình đồng đội sau cuộc chiến.

Chiến tranh sẽ lùi dần về dĩ vãng. Những gì đi vào lịch sử hào hùng, sẽ mãi là bất tử. “ Ký ức thời binh lửa” là một tư liệu quí. Chứa đầy giá trị nhân văn của một thời cả nước cầm súng đi đánh giặc và dựng xây đất nước. Cuốn sách xứng đáng được tôn vinh, góp phần vào việc giáo dục thế hệ mai sau, thấy cái giá phải trả cho ngày độc lập.

                                            
Huỳnh Hoàng Phương
         Địa chỉ: .............. Thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #43 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2011, 03:10:01 pm »


CUỐN SỬ SỐNG ĐỘNG VỀ NHỮNG NĂM THÁNG ĐI QUA LỬA ĐẠN

Tôi quen cựu chiến binh Nguyễn Đăng San rất tình cờ ! Đó là một lần đi dự hội nghị do Binh đoàn 12 tổ chức nhằm bàn bạc công việc chuẩn bị kỉ niệm 50 năm đường Trường Sơn huyền thoại. Thấy đôi lục bình đặt trong Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh có bài thơ rất hay, tôi hỏi tác giả bài thơ thì được ban tổ chức giới thiệu gặp anh San.
Ngay từ lần gặp đầu tiên, tôi đã “mê” ngay những kí ức một thời lửa đạn của anh. Vốn là Biên tập viên phụ trách chuyên trang Tiếp lửa truyền thống (trên trang 2, Báo Quân đội nhân dân hàng ngày), tôi thấy ngay đây là một nhân vật hấp dẫn của truyên trang. Ngay sau đó, được anh cung cấp tư liệu, tôi đã viết hai bài: “ Nhớ nhé quê anh ở Thái Bình” nói về cuộc chiến đấu không cân sức của anh San và một vài đồng đội (trong đó có Tiểu đội trưởng Tô Ngọc Lâm, quê ở Thái Bình. Một người mà anh San cứ đau đáu mong Đảng Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho anh) và bài “ Giá mà gặp lại cô ấy” viết về kỉ niệm của anh với một cô gái Lào tàn tật trên đất nước Triệu Voi. Cả hai bài báo nhỏ ấy đều có tiếng vang trong bạn đọc, được nhiều người gửi thư khen ngợi…
Thế rồi một ngày, tôi đi công tác ở Hải Phòng thì anh San điện bảo tôi có điều kiện rẽ qua chỗ anh, anh nhờ đọc và góp ý về cuốn “ Ký ức thời binh lửa” của anh. Tôi đã bắt xe đi ngay Quảng Ninh với mong muốn tiếp cận với cuốn hồi ký của một người lính đã đi qua những thử thách khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, người đã nhiều lần sống sót qua những trận đụng độ sinh tử với quân thù.
Đọc “ Ký ức thời binh lửa của anh”, trong tôi cứ tràn lên nỗi nghẹn ngào. Dẫu biết chiến tranh là khốc liệt, dẫu đã xem rất nhiều bộ phim chiến tranh, với những đoạn phim được dàn dựng bằng những tưởng tượng phong phú của các đạo diễn tài ba, nhưng không ai có thể tưởng tượng ra một cuộc chiến tranh tàn khốc mà đầy những vẻ đẹp của khát vọng, hoài bão, lý tưởng “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phới phới dậy tương lai”; càng không ai có thể tưởng tượng, đằng sau nụ cười luôn phảng phất trên môi người lính Nguyễn Đăng San, lại là một mảng ký ức đẫm máu, đầy đau thương như thế.

Và tôi lặng đi, tôi chưa dám viết, chưa dám bình luận, phân tích về cuốn Hồi ký này. Tôi chắc chắn sẽ làm việc này, nhưng tôi muốn có thời gian để đọc lại Hồi ký vài lần nữa, và tôi sẽ nhốt mình trong phòng gác lại mọi công việc bếp núc vốn lúc nào cũng căng như dây đàn của một phóng viên thời sự, để suy ngẫm, để có một bài viết ngang tầm với ký ức rất đẹp, rất hào hùng mà cũng rất đời của anh San.   Chính vì vậy nên anh hỏi tôi có cần thêm bớt, cơ cấu gì về cuốn hồi ký này không? Tôi cho rằng, hãy để cuốn hồi ký tồn tại một cách tự nhiên, đừng chạm bàn tay nghệ thuật sắp đặt, sẽ làm mất giá trị lịch sử chân thực về một thời kì anh hùng của dân tộc, một thời kì sôi động và hào hùng nhất của người lính Nguyễn Đăng San.

Và, với trải nghiệm của một người làm báo về đề tài lịch sử- truyền thống, tôi cứ mê mải nghĩ: Anh San đang dốc sức đề nghị để Tiểu đội trưởng Tô Ngọc Lâm được danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, còn tôi thì nghĩ: Anh San xứng đáng là một người anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Và tôi thầm mong: Giá như tất cả các bạn trẻ trên đất nước Việt Nam được đọc một lần “ Ký ức thời binh lửa” thì họ sẽ tường tận về cha ông mình hơn, hiểu rõ cái giá mà cha ông đã bỏ cho nền hoà bình, độc lập, thống nhất hôm nay./.
                
Nguyễn Hồng Hải- Phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
                                Hà Nội ngày 10 tháng 4 năm 2010.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #44 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2011, 03:11:24 pm »


KÝ ỨC THỜI BINH LỬA: GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC CỦA CUỘC CHIẾN


Đọc: “ Ký ức thời binh lửa” Tôi thấy như có Tôi và thế hệ đàn Anh của chúng ta ở trong đó.
Tại sao tôi nói Ký ức quá gần?  Xin trả lời: Vì chúng ta chưa quên.
Tại sao tôi nói. Ký ức Anh viết quá đúng? Bởi vì: Chúng ta đã trải qua.
Tại sao tôi nói ký ức là chân thật? Bởi vì Anh không phải là nhà văn, nhà báo, không phải là nghệ sỹ, để tạo nên một hình tượng chỉ thông qua sách vở giáo điều.
Tính chân thật khách quan chính là chất men làm say đắm tâm hồn những người lính chiến.
Tôi đồng ý với nhà báo Nguyễn Hồng Hải “ Hãy để cuốn hồi ký tồn tại một cách tự nhiên”. Đó là giá trị đích thực mà mọi người cần phải tìm./.

                                  
Đàm Duy Tường
                   Nguyên chiến sỹ E31. F2. Quân khu 5
         Nguyên Đại Tá- Chủ nhiệm chính trị tỉnh Bắc Kạn.

Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #45 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2011, 03:12:37 pm »


NGUYỆN CỐ GẮNG XỨNG ĐÁNG VỚI LỚP NGƯỜI KHÔNG TIẾC MÁU XƯƠNG

Nhân chuyến ra Hà Nội hội thảo: Giọt nước mắt thắm tình đồng đội. Cháu được đọc “ Ký ức thời binh lửa” của Cựu chiến binh Nguyễn Đăng San. Cuốn hồi ký đã đưa cháu về những trang sử hào hùng của dân tộc, và rõ hơn về sự ác liệt của chiến tranh, cũng như sự hy sinh anh dũng của quân dân ta, thực hiện theo di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ Tịch “Quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ, bảo vệ miền Bắc giải phóng miền Nam”. Ngày còn trên nghế nhà trường chúng cháu được thầy cô cho biết; Miền Bắc là nơi chi viện sức người sức của cho Miền Nam ruột thịt. Hôm nay những dòng Ký ức đã đưa cháu về một Miền Bắc thật sự  là hậu phương vững chắc cho việc giải phóng Miền Nam. Chúng cháu thế hệ sinh ra sau chiến tranh. Nguyện cố gắng xứng đáng với lớp người không tiếc máu xương cho ngày độc lập tự do hôm nay.

                                              
Nguyễn Thị Thuý Hằng.
                                Xã Ân Nghĩa huyện Hoài Ân- Tỉnh Bình Định
                              Trường Trung Học Cơ Sở Ân Thạch.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #46 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2011, 03:13:56 pm »


NÊN TIẾP TỤC PHÁT ĐỘNG CÁC CỰU CHIẾN  BINH VIẾT VỀ NHỮNG KỶ NIỆM SÂU SẮC.


Năm 2008, tôi ra vùng mỏ viết về tình cảm của Doanh nhân, Cựu chiến binh Nguyễn Đăng San với Tiểu đội trưởng Tô Ngọc Lâm. Hai năm sau tôi rất cảm động được đọc bản thảo và tham gia biên tập lần đầu “ Ký ức thời binh lửa” của cựu chiến binh San.
Đây là tập ký ức, nhưng nó đã vượt qua tính hồi ký, trở thành một cuốn sách viết sự thật về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta trên khắp các chiến trường. Tập hồi ký cho chúng ta thấy sự khốc liệt của cuộc chiến tranh, nhưng cao hơn là tinh thần vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh cho nền độc lập tự do Tổ quốc của người lính Cụ Hồ. Cho chúng ta hiểu thêm về nghĩa tình đồng đội của anh bộ đội trong khói lửa chiến tranh- một cội nguồn làm lên sức mạnh của quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng. Hồi ký còn mở ra biên độ về hậu phương Miền Bắc và các bộ tộc Lào cùng với nhân dân Việt Nam đánh Mỹ. Tập hồi ký còn là bản tình ca về nghĩa tình đồng đội sau chiến tranh.
Tuy không phải nhà văn, nhà báo, nhưng Cựu chiến binh Nguyễn Đăng San, đã dồn lên đầu ngọn bút viết về những chuyện thật sinh động và sâu sắc, khắc hoạ nhiều tình tiết trong cuộc chiến tranh. Nếu không phải là người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu, thì khó mà tưởng tượng được. Và tôi không hiểu làm sao anh lại nhớ được một cách chân thực chi tiết căn kẽ và xúc động đến như thế.
Hy vọng sau khi “ Ký ức thời binh lửa” ra mắt, sẽ có thêm nhiều Hồi ký chiến trường của các Cựu chiến binh trực tiếp chỉ huy chiến đấu, trên khắp các mặt trận từ Bắc vào Nam. Chắc chắn đây sẽ là những tập sách viết về 2 cuộc chiến tranh một cách chân thực đầy đủ và sinh động.
Góp lại, để chúng ta có một tổng tập nói về hai cuộc chiến tranh. Một đề tài mà nhiều nhà văn đã đầu tư trí tuệ công sức nhiều năm qua, nhưng vẫn còn nhỏ bé so với sự vĩ đại của hai cuộc kháng chiến.
Đây cũng sẽ là một gợi ý gửi tới Bộ Quốc Phòng, Hội Cựu chiến binh Việt Nam: nên phát động các Cựu chiến binh cả nước viết về một thời đánh giặc cứu nước oai hùng.
                                             
Thái Bình ngày 25 tháng 7 năm 2010
                                                                   Nhà báo: Lã Quí Hưng
                                                           CVP Hội nhà báo tỉnh Thái Bình
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #47 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2011, 12:47:02 pm »

Kính thưa các đ/c và các bạn, chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn trong ký ức của chúng ta, trong những người cầm súng đi cứu nước, CCB Nguyễn Đăng San (trung đoàn 1, sư đoàn 2 )đã viết về một thời binh lửa đầy tự hào, kính mời quý vị cùng nghe nghệ sỹ Hồng Liên thể hiện bài thơ "Bức tình đồng đội" và truyện thơ "Anh và tôi" của anh - viết về kỷ niệm một trận đánh tại cao điểm 723 trên đường 9 - Nam Lào năm 1971 cùng tiểu đội trưởng Tô Ngọc Lâm đã hy sinh.

Logged

buivantan1974
Thành viên

Bài viết: 1


« Trả lời #48 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2013, 09:25:37 pm »



Những Trận Bi Hùng Trên Đất Tây Nguyên

Đoàn quân sau mấy tháng hành quân đi bộ liên tục, vượt hàng trăm km đến gần ngã ba biên giới, Việt Nam- Lào- Căm Pu Chia, qua huyện Ngọc Hồi vào huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum, đường hành quân vũ khí súng đạn, lương thực thực phẩm trên vai sức khoẻ bộ đội đã có phần giảm sút.
Nhân dân trên núi rừng Tây Nguyên, chịu đựng biết bao khó khăn gian khổ. Nhưng đồng bào vẫn một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ, hôm nay chúng tôi về chiến đấu trên mảnh đất có văn hoá của Trường Ca Đam San và anh hùng Núp, cùng đứng lên lãnh đạo đánh Tây thắng lợi, nên cán bộ chiến sỹ đều xác định có khó khăn gian khổ ác liệt đến mấy cũng phải vượt lên. Cây cối vươn cao mấy người vòng tay nhau mới ôm hết một gốc cây to, rừng núi ẩm ướt ít người qua lại. Quân địch từng ví so sánh: Dốc Tây Nguyên- Gan Cộng sản.
Ngày đêm bộ đội qua dốc cao suối sâu, công tác hậu cần gặp rất nhiều khó khăn, trên lưng lúc nào cũng trên 60 kg súng đạn, quần áo, gạo, muối. Việc vận chuyển súng đạn cỡ lớn vào vị trí chiến đấu càng khó khăn hơn nhiều. Địch thường xuyên cho biệt kích thám báo vào bản làng quấy rối, xúi dục kẻ xấu nổi dậy, hổ báo thú giữ rình rập bắt người ăn thịt.
Gian khổ ác liệt đã có phần tử phản lại đồng đội, đi theo và chỉ điểm cho máy bay pháo kích địch đánh phá nơi trú quân. Nhưng bọn giặc đã bị đoàn quân cho một đòn choáng váng, không còn cơ hội tái chiếm cao điểm đồn bốt cũ.
Địch bắn vào khu trú quân hàng trăm quả đạn pháo 105 ly, bom từ những tốp máy bay F 105, AD6 và B52 rải xuống, nổ phá tan tành cả một khu rộng lớn, làm cho việc chiến đấu giữ chốt gặp nhiều khó khăn. Nhưng cán bộ chiến sỹ vẫn chiến đấu ngoan cường, xác định nhiệm vụ cho từng tổ công tác. Đồng đội thay nhau lên đánh chiếm điểm cao chiến đấu đến cùng, truy kích địch tái chiếm đồi Ngọc Tụ,(xã Ngọc Tụ thuộc huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum ngày nay).
Tổ trinh sát đi chốt giữ trên đường 14, một đồng chí bị thú dữ ăn thịt. Lúc đầu tưởng lộ vị trí phải di chuyển, đảm bảo an toàn trước giờ tiến quân đánh vào sào huyệt địch ở Tây Nguyên.
Thám báo biệt kích địch hoạt động mạnh bộ đội hạn chế ra sông suối tắm giặt,  đầu tóc quần áo chúng tôi bám đầy đất cát và khói bom đạn. Đến bữa phải cử người đi gần một giờ đồng hồ mới có cơm đem về ăn. Hàng tháng trời chiến đấu trên đất Cao nguyên. Đơn vị tôi hy sinh mất một số đồng chí, trong đó có anh Trần Văn Thành và Lê Quang Nhuận, hai anh cùng Trung đội.
Đầu tháng 4 năm 1972, lương thực thực phẩm gặp vô cùng khó khăn, mỗi chiến sỹ trong ngày được cấp 0,2 đến 0,3 kg gạo, đơn vị thay nhau đi đào củ chuối lấy măng tre nứa. Sau đó củ chuối măng rừng cũng không còn mà lấy cải thiện. Trong lúc đánh chiếm đồn bốt Ngọc Tụ vét được ít gạo địch bỏ lại hý hửng đem về, không biết gạo có thuốc mìn địch pha trộn đem nấu ăn với nhau, làm mấy anh bị nhiễm độc nặng phải cứu mãi mới sống.
Chiều ngày 23 tháng 4 đơn vị được lệnh cơ động xuống đánh vào cụm quân sự địch mạnh nhất tại Kon Tum lúc bấy giờ. Nuôi quân phát cho mỗi đồng chí mấy miếng sắn luộc, một nắm cơm nhai được hai miếng. Dù khó khăn gian khổ nhưng đồng chí nào cũng xác định và thực hiện theo đúng lời thề danh dự trong Quân đội. Đó là: Thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh không sờn lòng... Đơn vị hạ quyết tâm đánh thắng giải phóng bằng được cụm cứ điểm quan trọng của địch tại Đắk Tô II. Xứng đáng với truyền thống của Trung đoàn Ba Gia: Đánh là chiến thắng.
Khoảng 22 giờ đêm chúng tôi mang vác vũ khí súng đạn, cùng một bó cây dài hơn một mét bí mật qua mấy lớp rào dây kẽm gai, bò vào giữa sân bay thì pháo sáng địch bắn lên. Bộ đội nằm sát mặt đường băng hướng về lô cốt địch sẵn sàng chiến đấu. Đến vị trí phân công từng tổ nhanh chóng đào hầm, hạn chế tối đa tiếng cuốc xẻng.
Pháo cối địch từ cụm căn cứ bắn vượt về đường 14, xung quanh khu vực, đạn tiểu liên pháo sáng bắn cầm canh quan sát liên tục. Đại đội trưởng Lê Văn Khân, bò đến từng tổ chiến đấu kiểm tra chỉ hướng tấn công, đề phòng trong bốt địch đánh ra, anh động viên từng chiến sỹ của mình.
Hầm của từng tiểu đội chiến đấu được nhanh chóng đào xong, chúng tôi tựa vào nhau tâm sự: Hàng chục ngày nay bọn mình không được tắm giặt, quần áo đầu tóc bê bết đất cát, gian khổ ác liệt quá, đơn vị mình ăn toàn rau, măng, sắn, củ chuối rừng thay cơm, không biết ngày mai thế nào đây. Chiến tranh kết thúc chúng mình còn sống phải tìm đến nhà nhau chơi nhé: Riêng tiểu đội trưởng San về phố Bạch Mai, thành phố Hà Nội, Quỳnh nói với ông bố bà mẹ cùng toàn thể anh em trong gia đình, gả cho đồng chí một cô em gái rất xinh…
 Quê Khuyến vùng chiêm trũng Nam Định, dân làng chủ yếu theo đạo thiên chúa giáo, người dân quê mình cần cù chịu khó, con trai mười bảy mười tám đều lên đường đi đánh giặc, thôn xóm lúc này chỉ còn người lớn tuổi và chị em phụ nữ thay trai cày bừa đồng áng, người ngoài hậu phương miền Bắc hiện nay cũng vất vả không kém gì bọn mình ở mặt trận. Đồng lúa quê mình bằng phẳng thẳng cánh cò bay và gạo tám quê Khuyến thơm ngon nổi tiếng đấy…
Mấy anh em trong hầm nuốt nước bọt rồi nói; ước gì đêm nay có nắm cơm mà ăn thì sướng biết mấy. Thôi nhé, chúng mình phải chiến đấu đánh đuổi giặc ngoại xâm đã, đất nước hoà bình lúc đó có ăn cháo cũng sướng các đồng chí nhỉ. Bọn mình nhớ, khi đất nước thống nhất anh em mình còn sống phải tìm về đến nhà nhau chơi, nói lại những tháng ngày cực kỳ khó khăn gian khổ và ác liệt của chiến tranh, song cũng đầy tự hào vinh quang này.
Trong căn hầm nhỏ tôi điểm lại, mấy năm qua đơn vị đã lập lên nhiều chiến công ở mặt trận đường 9, trên cao nguyên Bôlôven Nam Lào. Trong niềm vui thắng trận, cũng không ít đồng chí hy sinh anh dũng, cùng tình cảm của đồng đội dành cho nhau trong những lúc nguy nan nhất của cuộc chiến. Ngày mai trận giáp mặt với kẻ thù hung bạo trong căn cứ, mỗi đồng chí lại phải vượt lên để chiến thắng vị trí quan trọng của địch trên Tây Nguyên, làm bàn đạp cho những trận chiến đấu tiếp theo của mặt trận. Tình đồng đội đã làm tôi bồi hồi nhớ lại, những tháng năm cùng nhau trên một chiến hào, vượt lên muôn vàn bão tố để chiến thắng quân thù.
… Ta đã cùng nhau chung sống một thời
Chung tiểu đội hành quân đi phía trước.
Đường Trường Sơn gian nan ta cùng bước
Một căn hầm mấy đứa ngủ chung nhau…


Trời vừa rạng sáng, địch trong cứ điểm phát hiện đã bị đơn vị tôi bao vây, ngay lập tức chúng bắn cấp tập đạn pháo 105 ly, cối 81ly, đạn đại liên và M79, cùng với 4 chiếc xe tăng chạy ầm ầm ra sân bay bắn phá tấn công đánh áp đảo để bắt sống đối phương.
Thấy xe địch chạy về hướng phục kích, Đại đội trưởng ra lệnh: Các đồng chí nhằm thẳng xe tăng địch, súng B.40- B.41 chuẩn bị bắn. Đợi xe địch chạy vào gần, đại trưởng Khân cầm khẩu B.41 bóp cò, quả đạn nổ bay vào chiếc xe địch đi đầu, chiếc xe đứt xích khựng lại cháy bùng lên, ba chiếc phía sau chạy vọt lên bắn về phía đơn vị.
Quả đạn từ khẩu M79 tôi bắn ra nổ vào tháp pháo xe tăng địch, các loại vũ khí đơn vị tôi nổ trút về phía chúng, xe tăng địch bắn tới tấp đại liên vào vị trí phục kích. Tôi lệnh cho đồng chí xạ thủ B.41 bình tĩnh đợi xe vào gần mới được bóp cò, quả đạn B41 từ khẩu súng đồng chí Côn bắn ra, nổ tung chiếc xe tăng đang hung dữ xông về phía chúng tôi.
Tiếng từ các hầm reo lên: Xe tăng địch cháy…cháy rồi… hai chiếc… hai chiếc tăng địch cháy các đồng chí ơi...
Mấy tên từ trong hai xe cháy nhảy ra bắn lại chống cự, ngay lập tức đã bị các đồng chí Khuyến, Quỳnh, và đồng đội dùng súng M79 và AK tiêu diệt. Hai chiếc tăng còn lại thấy thế bắn bữa bãi bỏ chạy. Cùng lúc ấy thì phân đội xe tăng của ta xuất hiện, thế là cả hai chiếc xe địch đã bị các chiến sỹ xe tăng ta nổ súng tiêu diệt.
Lúc này đạn pháo 105 ly, cối 81 của địch bắn liên tục vào khu vực chúng tôi chiếm giữ. Một lúc sau bốn xe tăng của ta từ phía Tân Cảnh chạy đến, một chiếc bốc cháy dữ dội, đồng chí lái xe và quay phim nhảy ra thoát hiểm chạy về phía chúng tôi. Anh phóng viên nhẩy vào hầm tiểu đội anh Hỗ, tiếp tục quay diễn biến trận đánh, đồng chí xe tăng chạy vào hầm tôi an toàn. Mấy phút sau anh hỏi về diễn biến trận đánh, rồi anh nói: Xe tăng của phân đội cùng với bộ binh của Sư đoàn 2, đánh và làm chủ hoàn toàn thị trấn Tân Cảnh xong, thì được lệnh về đây chiến đấu, nhưng xe của phân đội đã bị xe tăng địch bắn đứt xích và cháy thùng dầu phụ, tiếc quá…!
 Một lúc sau anh nói; các đồng chí đói lắm phải không…, nói xong anh lấy nắm cơm bẻ cho mỗi người một miếng. Vừa ăn xong miếng cơm gạo trắng của anh cho thật là ngon, thì nóc hầm tôi bị quả đạn cối 61 của địch bắn tới nổ đất cát rơi đầy người. Chúng tôi cười nói với nhau: Đêm qua nóc hầm làm ẩu, thì quả đạn cối địch vừa rồi đã chôn vùi ba chiến sỹ bộ binh C7- D2- E1- F2 và chiến sỹ phân đội xe tăng cùng một chỗ.
 Hình ảnh người chiến sỹ xe tăng trong trận chiến đấu ngày ấy, còn đậm mãi trong lòng tôi về những ngày vô cùng khó khăn ác liệt.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM