Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 08:11:55 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Xuân giải phóng  (Đọc 41513 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 12:24:00 am »


        Đồng chí Đặng Vũ Hiệp trả lời:

        - Khoảng trên 40 vạn, riêng Đắc Lắc đã đến 36 vạn.

        - Cúng phải nghĩ đến vấn đề tiếp tế cho nhân dân vùng mới giải phóng. Nghe đâu Khu uy Khu 5 cũng đã có kế hoạch rồi.

        - Lương thực thì còn thể được ít nhiều, nhưng còn để trong các kho ở tít ngoài Khâm Đức. Cái khó khăn là làm thế nào để đưa đến tay người tiêu dùng. Lực lượng vận tải của khu rất yếu, và cũng chưa tổ chức được chặt chẽ, thế nào rồi quân đội cũng phải đưa giam gia giúp thôi. Đồng chí Đặng Vũ Hiệp trả lời.

        - Đúng, cái gì họ không làm được thì ta phải giúp. Giải phóng được dân, phải nghĩ đến đời sống của họ, không thể để cho họ đói rấch, bệnh tật, nhếch nhác mãi thế này được.

        Cuối cùng, anh tuyến bố quyết định của Bộ Chính trị cử đồng chí Trung tướng Hoàng Mình Thảo làm tư lệnh chiến dịch, đại tá Đặng Vũ Hiệp làm chính uỷ; thiếu tướng Vũ Lăng, đại tá Phan Hàm, đại tá Nguyễn Năng, đại tá Nguyễn Lang làm phó tư lệnh, đại tá Phí Triệu Hàm là phó chính uỷ.

        Về đến lán của mình, tôi chưa kịp nghỉ, đã thấy đồng chí Hoàng Niệm, phó tư lệnh thông tin, từ ngoài xăm xắm bước vào, vứt cái xà cột xuống mặt bàn làm bằng tre đập ngồi phịch xuống ghế, thở dài nói ngay:

        - Tình hình này, chết thật!

        Chỉ mới có vài hôm thôi mà trông người đồng chí thấy khác hẳn, nước da cháy nắng, mắt sâu như người mất ngủ lâu ngày.

        - Gì thế? Tôi hỏi.

        - Đồng chí xem: hôm ở Hà Nội, bàn với các đồng chí, thì chỉ có một sở chỉ huy thôi, và chúng ta cũng dự kiến rằng, cái A75 này, nằm ngay bên cạnh Bộ chỉ huy chiến dịch các anh thôi. Bây giờ đồng chí Lê Ngọc Hiền vừa chỉ thị, sẽ đẻ thêm một cái A75 dự bị ở tây sông Srepok, lại thêm một đường dây trực tuyến với sư đoàn 320 trên đường 14, thì tôi làm thế nào bảo đảm cho nổi. Thêm mấy trăm cây số nữa chứ ít của đâu? Dây đã thiếu, lại còn thêm cái nạn cháy rừng, voi càn, đứt nối lung tung, và còn phải thêm bao nhiêu là tổng đài, máy lẻ, người phục vụ, v.v… ối chà, trăm thứ chứ có đơn giản đâu?

        Là một cán bộ thông tin kỳ cựu, có nhiều kinh nghiệm trong công tác và có tinh thần phục vụ cao, trong những lần đi chiến dịch trước đây, đồng chí Niệm đã lãnh đạo chỉ huy các đơn vị thông tin hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Nhưng lần này, thì yêu cầu lớn và gấp quá. Đường trục từ Hà Nội đến Lộc Ninh, trước kia dự kiến đến năm 1976 mới hoàn thành. Đầu năm nay, khi nhận nhiệm vụ đi phục vụ chiến dịch này, đường dây mới kéo đến Khu 5. Chỉ có vài thàng nữa thôi, đến vắt chân lên cổ mà chạy, cũng vẫn không kịp. Đã có ý kiến khắc phục bằng hệ thống tiếp sức, nhưng có cấp chỉ huy nào lại cho phép dùng biện pháp này. Đối phương sẽ nắm được hết. Kể ra thì trong các chiến dịch nhất là trong quá trình phát triển chiến đấu, Bộ Tổng tham mưu chỉ huy vượt cấp cũng là điều bình thường. Những lần này, chính diện rộng gần 300 kilômét, tung thâm ngót 150 kilômét, thì so với khả năng hiện có, quả là điều vô cùng khó khăn. Tôi không biết nên góp ý kiến như thế nào, nhưng vẫn cứ trả lời.

        - Thì các anh đã có sẵn một tiểu đoàn thông tin dự bị trong tay rồi, còn gì.

        - Xin lỗi, tiếng rằng chúng tôi có thêm được một tiểu đoàn, nhưng toàn là tân binh, chưa biết tý gì về nghiệp vụ cả. Chỉ có số tiểu đội trưởng là cũ thôi. Chúng tôi phải cho anh em vừa làm vừa học, nhưng thời gian thì hết mất rồi, mới chết chứ.

        - Anh còn một nguồn bổ sung lớn nữa mà chưa thấy nói đến đấy thôi. Lực lượng thông tin của đoàn Trường Sơn là lực lượng lớn nhất và thiện chiến nhất, lại quen thuộc chiến trường, có phải thế không nào? Từ trước đến nay, Bộ tư lệnh các anh đã dành cho nó nhiều thứ ưu tiên. Bây giờ, tạm điều động một vài đơn vị, một số phương tiện, đưa ra phục vụ chiến dịch như các quân binh chủng khác, có được không nào?

        Như chợt nhớ ra điều gì, đồng chí Niệm đứng dậy, với tay lấy cái xà cột vắt lên vai, rồi bước ra khỏi lán. Tôi cũng thu xếp ba lô để rời A75 đi nhận nhiệm vụ mới.

        Đến sở chỉ huy cơ bản của chiến dịch, tôi gặp trung tướng Hoàng Mình Thảo vừa ở Khu 5 mới lên. Cả đồng chí Chín Liêm (tức Bùi San) cũng đã ở đấy từ mấy hôm nay. Đi cùng đồng chí Chín Liêm, có một vài cán bộ được Khu uỷ điều động đến, tăng cường cho tỉnh uỷ Đắc Lắc để trực tiếp chỉ đạo cuộc nổi dậy, phối hợp với đòn tiến công quân sự sắp đến. Chúng tôi quen biết nhau từ hồi kháng chiến chống Pháp. Lúc bấy giờ, đồng chí ở trong Ban thường vụ khu uỷ và cũng thường đi tham gia với tôi trong các chiến dịch lớn. Đồng chí cũng đã lăn lộn ở Tây Nguyên từ trước Cách mạng tháng Tám, đã có lần ở tù ở Buôn Ma Thuột, nên rất am hiểu tình hình Tây Nguyên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 12:26:29 am »


        Vừa gặp mặt, đồng chí vào đề ngay, nói luôn một thôi dài:

        - Gay quá đồng chí ơi! Chúng tôi ở đây chỉ có mấy anh em và cũng chưa đi xuống được địa phương nào cả. Các “ông” quy gắt quá. Chỉ có các đồng chí trong thường vụ mới được biết kế hoạch này thôi, chưa dám phổ biến cho ai biết. Tôi cứ cho tập hợp anh em cán bộ, được khoảng 100 gọi là đi dự lớp chỉnh huấn đặc biệt ở khu, rồi kéo cả lên đây cái đã. Ngay đồng chí Huỳnh Văn Mẫn, tức Cần, bí thư tỉnh uỷ Đắc Lắc, cũng chỉ mới nghe loáng thoáng thôi. Khi nghe tôi nói đến việc giải phóng Buôn Ma Thuột, anh ta vừa như trên trời rơi xuống, ngớ người ra, chẳng biết việc gì mà làm, thấy cái gì cũng cần làm cả, và cũng không biết nên làm cái gì trước, cái gì sau, mới mẻ quá. Tỉnh uỷ Đắc Lắc thì xưa nay ở mỗi người một nơi, triệu tập nhau lại cho được để ngồi bàn, cũng mất cả tháng, chứ có phải như các anh đâu? Trong các tỉnh ở Tây Nguyên thì Đắc Lắc là nơi phức tạp nhất mà cũng là nơi phong trào có khó khăn nhất. Ngoài Kon Tum, Gia Lai, dù sao thì cũng gần như sự chỉ đạo của khu hơn, chủ lực lại đứng chân ở đấy, tỉnh uỷ cũng đông hơn, nên làm gì cũng có bài bản hơn. Ở đây, thiếu thốn trăm bề. Đồng bào di cư ở đây rất đông, phần lớn là người quê ở Bùi Chu, Phát Diệm, vào đây từ năm 1954. Từ trước đến nay, bị tuyên truyền xuyên tạc dữ lắm; nên đồng bào cả tin, chứ căn bản họ vẫn là nhân dân lao động cả, cũng tốt như mọi người khác thôi. Dân địa phương thì chịu ảnh hưởng của phong trào FULRO cũng khá nặng. Ngoại kiều cũng nhiều hơn các nơi: phần lớn là Hoa kiều, họ buôn bán còn làm gì gì nữa chưa biết, một số Pháp kiều thì là chủ đồn điền cao su, cà phê, còn một số nữa là linh mục, mục sư, v.v… Phật giáo ở đây cũng kha khá, nhất là ở những nơi có đồng bào Quảng Nam, Quảng Ngãi di cư lên. Tôi nói phức tạp là như thế đấy.

        - Đắc Lắc là một tỉnh giàu của Tây Nguyên chứ anh. Được Thiệu đánh giá cao lắm đấy.

        - Đúng là như vậy. Đây là nơi lý tưởng để trồng cây công nghiệp. Hiện nay chúng đã tổ chức ra những trại nghiên cứu trồng cây công nghiệp, trại chăn nuôi ở trong tỉnh. Nhưng trước mắt, ta cần có ngay lương thực để bảo đảm đời sống cho nhân dân. Cao su, cà phê là những cây công nghiệp quý, cà phê Đắc Lắc ngon có tiếng-nhưng cái ta cần có ngay là gạo, là ngô, là sắn, cốt cho no cái bụng để đánh giặc đã. Ngày kia tôi sẽ đi A75 gặp anh Tuấn, không biết báo cáo như thế nào đây, đồng chí có biết không?

        - Tôi không biết. Anh Tuấn muốn gặp các anh lắm, nhưng nội dung thì không rõ.

        Kinh nghiệm năm 1972, trước ngày mở chiến dịch, anh ấy phái tôi vào Quảng Trị để nắm tình hình, nắm kế hoạch chính trị của mặt trận về báo cáo. Anh ấy đặt ra rất nhiều câu hỏi, tôi chẳng biết đâu mà trả lời. Đại để như thế này: tình hình nhân dân, tình hình cơ sở - cơ sở hành động và đã qua thử thách, chứ không phải là loại đánh trống ghi tên - khi kế hoạch quân sự tiến công vào nơi này, thì kế hoạch nổi dậy của nhân dân ở đó thế nào, sẽ huy động được bao nhêu cơ sở quần chúng và sẽ hành động thế nào? Mít tinh, xuống đường, đấu tranh liên tục, v.v… nghĩa là yêu cầu của kế hoạch chính trị cũng phải cụ thể như kế hoạch tác chiến của chúng tôi vậy. Về địch  vận cũng phải như thế: có bao nhiêu cơ sở, cấp gì, công tác gì, khả năng làm được việc gì, khi ta đánh vào hay nổi dậy thì kế hoạch binh vận phối hợp ra sao, nội ứng, binh biến, ly khai, đòi chồng con, v.v… anh em cán bộ tham mưu chúng tôi chủ yếu dựa vào các anh, vào địa phương thôi. Kế hoạch diệt tề trừ gian cũng phải cụ thể đến như vậy: diệt ai, ai diệt, vì sao, biện pháp gì cũng phải nói cho rõ ràng. Ngoài ra, anh ấy đã hỏi về cách giải quyết đời sống cho nhân dân vùng mới giải phóng, cách tổ chức của uỷ ban quân quản, các chính sách, v.v…

        - Những vấn đề đó, chúng tôi cũng sẽ chuẩn bị, cũng có thể báo cáo được. Nhưng có điều là phải cho chúng tôi về cơ quan, triệu tập nhau lại mà bàn, rồi phân công nhau đi xuống mà làm với các cấp uỷ địa phương, thì mới kịp. Không cho đi đâu cả như thế này thì làm ăn thế nào? Đồng chí nhăn mặt, cười. Những nét chân chim hiện ra dày và rõ ở đôi khéo mắt trên một khuôn mặt hiền từ nhưng dày dạn, làm cho tôi càng thêm mến phục một chiến sĩ cách mạng bậc đàn anh. Anh nói tiếp:

        - Giữ bí mật là vấn đề nguyên tắc, nhưng biết mà cứ để trong bụng như thế này, cảm thấy cực lắm đồng chí ơi. Lại còn vấn đề này nữa chứ: hôm nổ súng ở “A”, nếu chúng tôi ở đây, các đồng chí xem có tiện không? Các đồng chí thì kéo ra sở chỉ huy tiền phương cả, còn chúng tôi thì nằm lỳ ở đây, để nghe điện thoại suông, thì có tác dụng gì? Đề nghị tôi sẽ đến chỗ anh Tuấn, dựa vào A75 để nắm tình hình, và có gì cần, thì sẽ xin luôn chỉ thị anh ấy, giải quyết cho nhanh; còn các đồng chí ở tỉnh thì hoặc đến chỗ các anh, hoặc đến chỗ đồng chí Năng và đồng chí Phí Triệu Hàm trực tiếp với các cánh phía bắc, thì mới được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 12:30:59 am »


        Tôi đáp:

        - Chỉ huy tiến công cũng như chỉ huy nổi dậy. Vị trí của người chỉ huy rất quan trọng. Thế nào cũng phải bảo đảm cho các anh nắm tình hình diễn biến về mặt chính trị, binh vận ở trong thị xã, cũng như chúng tôi nắm các đơn vị đang đánh nhau chứ. Tôi sẽ bàn với các đồng chí thông tin, anh không phải lo.

        Thượng tá Thanh Sơn và thượng tá Trần Trác, tư lệnh và chính uỷ sư đoàn 968, xếp gọn tài liệu bỏ vào xà cột, đảo mắt nhìn qua một lượt trên mặt bàn, mặt ghế, dưới đất, xem có còn sót mẩu giấy nhỏ bị rơi vãi không, rồi đứng dậy, chào anh Tuấn.

        - Ở lại ăn cơm rồi hãy về.

        - Thưa thôi ạ, hãy còn sớm, chúng tôi xin phép tranh thủ về cho kịp.

        Hai người vội vã ra xe. Từ trong lán bên cạnh, thượng tá Nguyễn Tuyến lật đật chạy ra, gọi giật lại:

        - Xin mời vào đây đã, rồi hãy đi. Chờ nhận quà Tết của Quân uỷ gửi vào cho sư đoàn: thuốc lá, trà, kẹo và rượu.

        Sư đoàn trưởng và chính uỷ mải trao đổi, đến khi đồng chí Tuyến cho biết quà của Quân uỷ đã chuyển hết ra xe mới vội vã tạm biệt chúng tôi.

        Sư đoàn trưởng Thanh Sơn vẫn mải mê với những ý nghĩa về nhiệm vụ quay sang hỏi chính uỷ:

        - Những công việc anh Tuấn vừa chỉ thị, chúng ta đã thực hiện được phần lớn rồi nhỉ?

        - Ừ, nhưng mà tinh thần có khác đấy đồng chí ạ. Nghị quyết của Bộ Chính trị: Vấn đề “A” không phải đặt ra như trước nữa đâu. Do đó nhiệm vụ của cánh ta, cũng phải quán triệt tinh thần mới này. Phải kéo cho được sư đoàn 23 lên phía bắc và giữ nó lại với chúng mình bằng bất cứ giá nào. Phải suy nghĩ, tìm tòi những biện pháp tích cực hơn nữa. Tôi lo nhất là hướng trung đoàn 29.

        - Đúng. Mà đề nghị chính uỷ gọi theo cái bí danh mới của trung đoàn. Từ nay trở đi, nó là “f10” đấy nhé. Với hai tiểu đoàn bộ binh, hai khẩu 85, hai khẩu 105 và một khẩu 155, tôi tin rằng nó sẽ làm nổi đình nổi đám ở phía Kom Tun được. Anh xem, cuộc “diễn tập” xe tăng của nó vừa rồi trên hướng ấy, cũng có kết quả đấy chứ. Động viên mấy trăm dân công đi làm đường, xây dựng trận địa rồi tải đạn thì làm gì mà chẳng đến tai địch?

        - Cái khó không phải ở đấy. Đưa cho được một “thằng con” của f10 ra cắt cho được đường 14, giữa Plây Cu-Kon Tum mới là gay go. Gạo đâu? Đạn đâu? Mà phải cắt cho được dài ngày để phối hợp với các lực lượng ở phía bắc mà anh vừa nói, lại phải còn làm rùm beng lên trên hướng tây bắc thị xã, coi như là giải phóng KonTum đến nơi, thì mới hòng giữ chân được 4 liên đoàn biệt động quân trên hướng này. Tinh thần của anh Tuấn là như thế. Rồi đây, ta phải cử người sang thảo luận thêm với huyện, xin thêm ít trăm dân công nữa cho rôm rả thêm.

        - Vừa rồi tôi có gặp. Việc huy động dân công có nhiều khó khăn. Chả là dạo này ở đây người ta lo phát rẫy, để có nắng, sang tháng 3 tháng 4 mới đốt được, mới gieo tỉa được, chứ để sang tháng 5 mưa xuống, đốt rẫy không cháy, thì lỡ mất thời vụ. Nhưng, tôi thì tôi biết họ muốn qua chúng mình mà thăm dò, tìm hiểu ý định của cấp trên, trong đợt sắp tới để kịp chuẩn bị về mặt chính trị, nổi dậy cho đỡ bị động. Nói thế thôi, chứ các đồng chí ở đây quá tốt. Mỗi khi mình có yêu cầu gì, thì họ đều làm đến nơi đến chốn cả.

        - Tôi thì tôi lo nhất hướng đường 19 kéo dài. Không rõ trung đoàn 29 - à tôi lại nhỡ mồm rồi - “f320” và tiểu đoàn pháo của nó đã chuẩn bị được gì thêm nữa không? Thế nào chúng mình cũng phải ghé qua, kiểm tra các con đường từ làng Gà đi Thanh An, ra đường quốc lộ 14, xem đã làm đến đâu rồi. Với trận địa pháo để bắn vào chốt Mỹ ở Thanh An, tôi ngại anh em cho là nghi binh, nên làm qua loa cho xong chuyện. Nó sẽ phản pháo ác liệt vào đấy chứ chơi à? lơ mơ để thương vong vô ích.

        - Tôi chẳng hiểu sao vừa rồi đồng chí chỉ xin có 100 viên đạn ĐKB và 30 cây số điện thoại thôi? Không nhân lúc này moi cái túi của ông Hàm ra thì còn chờ đến lúc nào nữa? Này nhé, tôi có tay trong vừa mách cho biết: Anh Tuấn đã chỉ thị cho ông Hàm rồi, Sư đoàn 968 có khó khăn gì, cũng phải giải quyết cho tốt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 12:32:58 am »


        - Ừ thì cũng nghĩ rằng mình đã có 250 viên đạn pháo và 200 viên ĐKB rồi. Ngoài ra cối 82 và 120 ly cũng được thêm vài ba nghìn viên nữa, thế cũng đủ. Đời thuở nào, một mặt trận thứ yếu như thế này mà được trên cho phép sử dụng từng ấy đạn? Anh xem, cách đây vài tháng, bắn một viên đạn pháo, Mặt trận cũng phải xin chỉ thị của Bộ. Bây giờ, thấy anh Tuấn giao nhiệm vụ, mới thấy như thế là ít. Nhưng được rồi, sẽ xin thêm. Về thông tin liên lạc, chỉ thị của Bộ là vẫn phải giữ nguyên các mạng thông hữu tuyến, vô tuyến cũ của mặt trận Tây Nguyên, từ báo vụ, cơ yếu đều không được thay đổi. Đặc biệt là báo vụ, vì bọn địch ở đây cũng tinh lắm, chúng nắm được cách đánh ma-níp của từng báo vụ viên của từng đơn vị, như kiểu ta nhìn chữ viết để nhận người, thay đổi khác đi một tý là chúng nhận ra ngay thôi. Lần này thì các ông ở Bộ làm nghiêm lắm. Anh có xem mấy bức điện vừa rồi không? Các ông ở Cục tác chiến thảo ra cả đấy chứ, điện đi cũng của các ông ấy, điện trả lời cũng của các ông ấy, chứ có phải chúng mình làm ra đâu? Có như thế nó mới yên chí là chẳng có gì mới, cứ bám riết “f10” ở bắc Kon Tum và “f320” ở tây Plây Cu.

        - Trên đã cho dùng máy 2 oát chưa? Khó quá, muốn liên lạc với các đơn vị chẳng biết có cách gì?

        - Cách gì thì cách, chứ đừng dùng đến điện đài mà phiền. Bây giờ mà dùng các loại này, thì dù anh có dùng mật danh mật ngữ, dù là nội dung gì chăng nữa, nó cũng sẽ mã ra được tuốt và cũng đoán được ý đồ lớn của mình, không khéo lại “lạy ông tôi ở bụi này”, chả dại, chả chơi. Trên quy định, khi ở hướng chính nổ súng rồi thì mới được dùng, mà dùng rất hạn chế. Anh đã bàn với tỉnh về kế hoạch nổi dậy chưa?

        - Chưa, đi chuyến này về mới bàn. Nhưng nếu huy động dân sớm quá mà không thấy động tĩnh gì, nó cũng sẽ đoán được ý đồ của ta ngay. Hãy để đến sát ngày ấy, mới huy động. Kinh nghiệm là chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, chẳng những Plây Cu mà cả Sài Gòn và Washington đều biết ngay thôi. Phải biết sử dụng cái nhanh, cái hiện đại của đối phương để phục vụ cho mục đích của mình chứ… Không biết anh Hồng Sơn đi chưa nhỉ?

        - Chưa đâu, hôm kia trước khi đi họp tôi có dặn anh ấy chờ chúng mình về xem anh Tuấn có chỉ thị gì thêm không rồi hãy đi.

        - Nhiệm vụ của Trung đoàn 95A lần này nặng quá. Cho nên anh ấy phải đến tận nơi, quán triệt cho ban chỉ huy trung đoàn và địa phương mới được, đồng chí tỉnh đội phó Gia Lai cũng đã ở bên ấy rồi. Với thời gian thế này, kịp chán, đơn vị đã sẵn sàng cả rồi. Chỉ ngại anh ấy đi xa tội nghiệp, lớn tuổi rồi.

        - Bí danh của Trung đoàn 95A là gì nhỉ?

        - Không có và cũng không nên có. Địch còn lạ gì nó nữa và cũng đã từng réo đích danh nó ra rồi. Chả nhẽ ta lại cho xuất hiện một phiên hiệu nào mới nữa sao? “f10”, “f320”, “f968” chăng? Đều vô lý cả. Cái bất ngờ đối với địch ở đây không phải là cái tên, mà là mấy khẩu pháo, kể ra thì đáng phục anh em mình thật, không có đường sá, vừa phát cây, vừa dọn đường, vừa đi, vừa kéo thế mà vẫn đưa được tới đích 2 khẩu 105 ly và 1 khẩu 155 ly là việc xưa nay chưa hề có. Với lực lượng như thế, thì bảo đảm cắt đường 19 dài ngày được. Cũng có cái tốt là Khu 5 đưa được Sư đoàn 3 thiếu vào phối hợp, cắt đoạn An Khê-Quy Nhơn, chứ không thì với một mình trung đoàn 95A, tôi sợ dưới đánh lên, trên đánh xuống, cuối cùng cũng phải bức thôi.

        - Mình mới khó, chứ Khu 5 họ trường sức và cũng nhiều thuận lợi hơn mình.

        - Đâu mà chả khó! Họ phải thay đổi cả kế hoạch của Sư đoàn 3 đấy. Lúc đầu, họ cũng chỉ sử dụng một lực lượng nhỏ thôi, nhưng bây giờ Bộ quyết khác, phải xoay 180 độ, khướt lắm chứ.

        Lúc này trời vừa tối hẳn. Xe của họ đến phà Srepok chừng nửa đêm, vẫn còn kịp chán thời gian vì gần sáng, cầu qua sông đã phải dỡ đưa đi cất giấu rồi.

        Trong khu vực sở chỉ huy của chiến dịch, có một ngôi nhà khá to, ẩn mình dưới những vòm cây rậm rạp. Cũng không hẳn gọi là nhà được: bốn mái to bằng nhau, lợp lá rừng, úp lại, chấm gần sát mặt đất. Ánh sáng vốn đã yếu sau khi xuyên qua các lớp lá cây, leo lét lọt vào nhà qua mảnh giấy ni lông. Từ ngoài nhìn vào, ai cũng tưởng đấy là một cái kho, nên ít người để ý đến. Kỳ thực, bên trong là một cái sa bàn của thị xã lớn nhất ở Tây Nguyên: Buôn Ma Thuột.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 12:35:43 am »


        Đoàn đi trinh sát thực địa do đồng chí đại tá Nguyễn Năng, Phó tư lệnh, phụ trách, vừa về hôm trước thì tập trung chỉnh lý lại sa bàn để Đảng uỷ và Bộ tư lệnh chiến dịch kịp họp tại đây.

        Tham gia họp còn có các đồng chí trong các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật chiến dịch và các đồng chí trong bộ tư lệnh sư đoàn 316. Đồng chí Năng báo cáo:

        - Trước đây, chúng tôi cũng tưởng Buôn Ma Thuột chỉ là một cái thị xã như các nơi khác ta thường thấy. Ai ngờ đến nơi xem, mới thấy nó lớn như một cái thành phố. Chiều dài - vì không phân biệt được nội thành với ngoại ô - ước tính 4-5 kilômét; chiều ngang khoảng vài kilômét. Tám vạn dân chứ ít đâu? Chính đồng chí Đoàn, năm 1968, Tết Mậu Thân, đã từng chỉ huy đơn vị đặc công đánh và làm chủ thị xã trong một thời gian, bây giờ vào đây nhìn lại cũng phải ngạc nhiên. Nhà cửa, phố xá, phát triển rất nhanh. Đây cũng là một đặc điểm của chính sách thực dân kiểu mới của Mỹ. Nó dồn người từ các nơi về rất đông, rất nhanh trong thành phố, ở ngoại ô và rộng ra chung quanh đến hàng chục kilômét, tạo ra cái phồn vinh giả tạo, để kìm kẹp nhân dân.

        Từ trong cặp vải, đồng chí lấy ra từng tập bản đồ, yếu đồ, sơ đồ, ảnh chụp và nói tiếp:

        - Đây là biệt điện của Bảo Đại, đây là Sư đoàn bộ 23 khi thiết giáp, tiểu khu Đắc Lắc. Sa bàn này có nhiều chỗ chưa đúng, chúng tôi cũng chưa chỉnh lý kịp. Nhìn từ xa, những mục tiêu quân sự hiện lên trên nền trời rất rõ, và đáng chú ý là đều tập trung vào một khu vực trong thành phố; Bộ tư lệnh thiết giáp, khu pháo binh, khu thông tin, khu tiếp vận, kho Mai Hắc Đế…

        Quay về phía các đồng chí cán bộ pháo binh, đồng chí Năng cười nói:

        - Cứ lấy những cột thông tin, cao lêu nghêu, làm vật chuẩn, thì pháo binh chỉnh hoả rất dễ. Đạn không thể rơi vào khu dân đuợc. Sư đoàn bộ 23, tiểu khu Đắc Lắc, thì nằm ngay giữa phố, phải diệt bằng đạn bắn thẳng mới bảo đảm. Sân bay thị xã nằm chếch sang phía đông. Anh em đặc công đã lọt vào hẳn bên trong, nơi để các trực thăng và rada, nên nắm tình hình các mục tiêu rất chắc.

        Theo tôi, khó khăn không phải ở chỗ trong thị xã có những công sự vững chắc, hay có một lưới lửa được tổ chức nghiêm mật như ta thường thấy ở các cứ điểm lớn, trừ một vài nơi như căn cứ thiết giáp; mà cái chính là ở vòng ngoài. Việc chiếm lĩnh các trận địa phức tạp vô cùng. Hầu như xung quanh thị xã, từ 10 đến 20 kilômét, hướng nào cũng có cứ điểm của địch: phía bắc có Quảng Nhiên, Méval; hướng đông có Buôn Hồ, sân bay Hoà Bình; hướng tây có cầu Srepok, các cao điểm Chư Duệ, Chư Bua; hướng nam có cao điểm 491. Ngoài ra có một vành đai ấp chiến lược, khu tập trung đồng bào di cư. Rải rác trên hướng nào cũng thấy dấu vết của dân vệ chốt, gác ban đêm, nhất là trên các trục đường đi vào thị xã. Giữa các khu đồn là rẫy của đồng bào, ban đêm cũng có người ở trong các chòi. Đất thì khô rắn, nhưng có rất nhiều gốc cây to, cưa ngang thắt lưng. Đây là rẫy của đồng bào, xe tăng ta vô phúc cưỡi lên, thì dễ bị hỏng xích, không đi được. Loại chướng ngại vật này còn khó khắc phục hơn là khe suối, vì đâu đâu cũng có. Đáng chú ý là con sông Srepok ở phía tây. Chỗ chúng ta vượt sông, lại ở ngay cái đập nước Drây Ling có nhà máy thuỷ điện. Ở đây có một tiểu đội lính bảo an canh gác đêm ngày. Không thể chọn nơi nào khác được, vì đấy chính là đầu mối đường để đi vào thị xã. Nếu chọn nơi khác thì sau khi vượt được sông rồi cũng chẳng có lối đi. Chúng tôi dự định chuyển hướng đột kích sang phía đường 14, nhưng không xong, vì phải qua cầu treo Srepok, xe tăng không đi được. vả lại, ở đấy cũng có tiểu đoàn công binh ngụy chiếm giữ rồi, chúng đóng ngay tại đầu cầu phía đông. Các cao điểm Chu Duệ, Chư Bua, chỉ cách xa thị xã 3, 4 kilômét thôi. Ở đây thỉnh thoảng cũng có địch chốt. Chiếm được hai cao điểm này, làm thành hai trận địa pháo 85 bắn trực tiếp vào trung tâm thị xã thì tuyệt vời lại khống chế được cả dãy lô cốt phía tây, khu thiết giáp, khu pháo binh… điều quan trọng là phải chiếm ngay từ đầu trong đêm N, nếu để chậm, địch chiếm trước, thì cánh quân của ta trên hướng tây bắc, tây nam đều không thể triển khai được.

        Ở phía nam, từ núi Chư Blom, cách 10 kilômét về đến thị xã, cũng toàn là rẫy của đồng bào; lại có con suối Ea Tam cũng là một vật chướng ngại cho xe tăng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 12:38:24 am »


        Đồng chí Đặng Vũ Hiệp nói:

        - Âm mưu của địch thâm độc thật. Nó xây dựng xung quanh thị xã một hàng rào người mà chúng tin rằng đã nắm chắc, cho hưởng đặc quyền đặc lợi; tha hồ chiếm hữu ruộng rẫy mà suốt mấy chục năm qua không hề đóng cho chúng một xu thuế nào. Đây là chưa nói đến những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, những thói hư tật xấu mà chúng đưa vào, cố tình làm cho nhân dân chống lại cách mạng, biến thị xã này thành một hậu phương đại an toàn của chúng. Chúng mình phải thông cảm với các đồng chí địa phương, làm công tác cơ sở rất khó. Biết bao nhiêu cán bộ ưu tú đã hy sinh trên mảnh đất này. Vấn đề nổi dậy ở khó vô cùng.

        Đồng chí Vũ Lăng:

        - Tư tưởng chỉ đạo của trận đánh này là phải hết sức tranh thủ bất ngờ. Tình hình triển khai khó khăn như thế này, thì vị trí tập kết phải lùi ra xa nữa, ngoài cái hàng rào bằng người kia. Như vậy thì nhiệm vụ của các đơn vị đặc công ém sẵn có khó khăn hơn: chiếm được các mục tiêu quan trọng trong đêm rồi, phải bám trụ cho chắc để cho thê đội ở sau đến kịp. Cho nên, phải tính toán thật kỹ: hai giờ sáng, đặc công đánh sân bay thị xã, pháo chế áp các mục tiêu quan trọng, đồng thời xe tăng bắt đầu xuất kích, công binh bắt đầu bắc cầu. Chậm nhất là 4 tiếng đồng hồ sau, nghĩa là đến 6 giờ sáng thì xe tăng phải đến ngay rìa thị xã, bắt đầu công kích; nếu chậm, địch sẽ tung quân ra phản kích, đánh bật các bàn đạp ta đã chiếm lĩnh trong đêm thì sẽ có khó khăn. Trong thị xã, địch có cả một tiểu đoàn tăng, chứ có ít đâu. Đây là chưa nói đến bọn ác ôn, phòng vệ dân sự, cảnh sát, v.v… Cho nên công tác hợp đồng rất phức tạp, phải tổ chức chu đáo, chặt chẽ, mấu chốt là vấn đề thông tin liên lạc.

        Tôi quay sang hỏi đồng chí Quỳnh, chủ nhiệm pháo binh chiến dịch:

        - Đồng chí chuẩn bị được bao nhiêu đạn pháo?

        - Hai cơ số.

        Tôi nói:

        - Vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải bắn dồn dập ngay từ loạt đạn đầu mà không qua bắn thử, bắn kiểm nghiệm. Có như vậy thì tổ chức phòng thủ của địch mới bị rối loạn ngay từ đầu. Với hai cơ số đạn, bắn dồn dập được bao nhiêu lâu; 30 phút là nhiều. Từ 2 giờ 30 đến 6 giờ sáng địch sẽ phản ứng ra sao? Chắc chắn là chúng sẽ không bao giờ nằm yên để chờ xe tăng ta đến, mà thể nào cũng cố khôi phục lại tổ chức phòng ngự. Ta phải làm cho tổ chức này bị rối loạn suốt cả đêm, chúng không thể tập họp nhau lại được, thì mới không tổ chức phản kích lại ta được. Ta cũng không thể lùi giờ nổ súng cho đến gần sáng, vì xe tăng tập kết ở xa, đường sá thì không có lại phải vượt sông nữa. Vả lại xe tăng cũng phải lợi dụng tiếng nổ của pháo binh mà hành tiến thì mới bất ngờ. Tóm lại là pháo phải tiếp tục bắn, tiếp tục khống chế, không bắn dồn dập thì phải xem kẽ với lối bắn tốc độ đều; pháo ít thì dùng cối, ĐKB, vì lúc bấy giờ chúng chẳng còn đứa nào phân biệt được đâu là đạn pháo, đâu là đạn cối, cứ nghe tiếng nổ ùng oàng là nằm chết dí, không dám ngóc đầu dậy.

        Thượng tá Tạ Vân, cán bộ pháo binh được Bộ phái vào tăng cường cho mặt trận đáp:

        - Đạn thì không thiếu, nhưng còn để ở các kho cách trận địa 100 kilômét. Phải có xe đưa đến một cự ly nhất định nào đó; rồi lại phải có đủ người để khiêng vác, lót trước, ngay từ đầu hôm. Chúng tôi, dù có huy động tất cả anh em cơ quan ra làm, cũng không thể giải quyết được. Bộ tham mưu chiến dịch cũng đành bó tay. Còn pháo không bắn thử mà bắn cấp tập ngay, thì chúng tôi cũng có cách khắc phục rồi: đo đạc kỹ tính toán thật chính xác, chọn các phần tử tốt nhất, bắn dồn dập loạt đầu, quan sát kỹ lấy kết quả đó mà hiệu chỉnh. Đồng chí Vũ Lăng nói:

        - Giữa núi rừng này, bây giờ mà huy động hàng nghìn dân công ra để vác đạn thì làm sao có được.

        Đồng chí Đặng Vũ Hiệp thăm dò:

        - “Bộ” đặt vấn đề, thì “Bộ” phải có ý kiến giải quyết chứ. Cứ yên chí mà.

        Tôi đáp:

        - Cũng có cách giải quyết, nhưng tôi chưa dám hứa trước, vì còn phải xin ý kiến anh Tuấn đã. Cách nhanh nhất là bẻ ghi một số đoàn quân bổ sung hiện đang đi trên đường giao liên, tạm trưng dụng ít hôm mỗi người vác hai viên cối, đánh xong trận này thì trả lại như cách làm cũng như đối với xe ô tô như nói hôm trước thôi. Như vậy có chậm mất mấy hôm. Nếu anh Tuấn đồng ý thì được.

        Xong vấn đề pháo binh lại đến vấn đề công binh. Cả hội nghị sôi sục hẳn lên: có ý kiến đề xuất là phải bất ngờ tập kích bọn lính gác đập nước Drây Ling ngay từ đầu hôm; cũng có ý kiến là nên lợi dụng tiếng nổ của pháo để làm cầu, địch dù có biết cũng sẽ không đối phó kịp…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 12:42:26 am »


        Trung tướng Hoàng Mình Thảo từ tối đến giờ, ngồi chăm chú nghe mọi người phát biểu. Anh ghi chép, không bỏ sót một ý kiến nhỏ nào. Mắt đăm chiêu, tay mân mê que chỉ bản đồ, anh nói:

        - Tư tưởng chỉ đạo là bí mật, bất ngờ. Còn phải mạnh dạn thọc sâu, ngay từ đầu đánh vỡ đầu nào của địch. Lực lượng thọc sâu lần này là cả một binh đoàn lớn, có binh chủng hợp thành. Ta phải đưa pháo, tăng đến ngay trước mặt địch mà chúng không hay biết gì. Xưa nay, ta đã từng làm như thế này đối với đặc công, bộ binh, pháo binh; nhưng đối với các binh chủng khác, nhất là các loại cơ giới, thì ta có ít kinh nghiệm. Chúng ta không nên nghĩ rằng đối với binh khí kỹ thuật hiện đại, thì không cần phải làm như thế, với ưu thế binh hoả lực, thì cứ việc công khai dàn đội hình ra rồi dùng hoả lực áp đảo mà tiến lên. Như vậy sẽ tốn kém nhiều, đánh không nhanh, không gọn. Nắm vũ khí hiện đại trong tay, phải biết sử dụng theo cách đánh của ta. Với máy bay, tên lửa mà ta cũng đã làm được như thế thì tại sao ta lại không vận dụng tư tưởng tác chiến ấy vào đây được? Đây không phải là tư tưởng du kích, mà là rất hiện đại; hiện đại vì chưa ai nghĩ đến, chưa ai làm, mà hiệu quả thì tăng lên gấp bội, giảm rất nhiều thương vong. Ta thử xem nếu đặc công đưa được bộc phá vào đặt trong lô cốt địch hay dưới bụng mấy chiếc trực thăng đậu ở sân bay thị xã, xe tăng xuất hiện ngay ở cổng sư đoàn 23, thì tình hình địch sẽ ra sao? Vấn đề là phải tìm mọi cách đưa những thứ này đến vị trí mà ta muốn đặt. Ở Tây Nguyên trước nay ta đã từng làm như thế. Trong trận đánh Plây Cần trước đây, đặt pháo bắn phá hoại mấy ngày liền, hết đạn mà không kết quả, đến khi đưa pháo đến trước bờ rào, chỉ bắn vài phát là vỡ tung. Yêu cầu các đồng chí phát biểu thêm ý kiến về xe tăng, công binh.

        Cuộc tranh luận càng về khuya càng sôi nổi, nhất trí với nhau là trong đêm N, công binh ta ngoài việc lắp được phà nặng cho xe tăng và pháo binh vượt sông, lại còn phải bắc thêm cho được một cầu phao cho bộ binh đi cho đỡ vướng…

        Đồng chí Nguyễn Năng đến A75 trước một ngày để báo cáo tình hình với anh Tuấn. Hôm sau, đồng chí Hoàng Minh Thảo, Vũ Lăng, Đặng Vũ Hiệp và tôi đến nhận chỉ thị.

        Anh Tuấn nói:

        - Hôm trước, tôi đã có phát biểu một số ý kiến về phương án của chiến dịch. Nay nhờ nắm được tình hình Buôn Ma Thuột, cụ thể hơn, tôi có mấy ý kiến về cách dánh thị xã.

        Chúng ta phải quán triệt quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, đặc điểm tình hình, cần nhận rõ ý nghĩa, mục đích của trận đánh, đồng thời phải thấy cho hết tính chất phức tạp, khẩn trương của trong công tác chuẩn bị; tính chất kiên quyết, triệt để, linh hoạt trong quá trình tiến hành chiến dịch.

        Lực lượng ta sử dụng lần này tương đối lớn. Đến nay, các công tác chuẩn bị mọi mặt đã căn bản hoàn thành. Phải chuẩn bị theo phương án phức tạp nhất, nhưng khi đánh phải cố dẫn dắt kẻ địch, để thực hiện phương án có lợi nhất, nghĩa là phương án địch không có phòng ngự, dự phòng. Chuyển từ phương án 2 sang phương án 1 tất nhiên là có cái phức tạp của nó. Cho nên hết sức giữ bí mật, bất ngờ dứt điểm Buôn Ma Thuột ngay từ đầu, phải đẩy mạnh hoạt động ở Plây Cu, Kon Tum hơn nữa để củng cố thêm sai lầm của địch. Hôm qua gặp các đồng chí bộ tư lệnh 968, tôi đã nhắc nhở rồi, các đồng chí cần theo dõi cho chặt.

        Cách đánh thị xã phải thế nào? Không phải là sẽ đánh theo lối bóc vỏ, lần lượt đột phá từ ngoài vào trong, mà phải táo bạo đánh thẳng vào cơ quan đầu não của địch, làm cho chúng rối loạn ngay từ đầu, phối hợp chặt lực lượng binh chủng hợp thành đánh mạnh từ ngoài vào và lực lượng ém sẵn bên trong.

        Tôi đồng ý: cánh đông bắc có Trung đoàn 95B và xe tăng, pháo binh chi viện, phối hợp với đặc công, đánh chiếm sân bay thị xã ngay từ đầu, rồi chọc thẳng vào sư đoàn bộ 23; chú ý bộ binh phải theo sát đặc công, chiếm được đến đâu, bám giữ đến đấy.

        Cánh bắc, với một trung đoàn bộ binh được tăng cường, đánh vào căn cứ thiết giáp,pháo binh, phát triển hợp điểm tại sư đoàn bộ 23.

        Cánh tây nam, dùng một trung đoàn bộ binh chiếm cao điểm Chư Duê rồi đánh vào khu tiếp vận, thọc vào trung đoàn thị xã. Để thực hiện tư tưởng chỉ đạo tác chiến nói trên, các đồng chí tổ chức một mũi thọc sâu thật mạnh, dùng một tiểu đoàn bộ binh mạnh, ngồi sẵn trên xe tăng. Khi bắt đầu công kích là chọc thẳng vào trung tâm thị xã, sư đoàn bộ 23, bỏ qua các mục tiêu trên đường, kịp thời phối hợp với cánh nam.

        Cánh nam cũng tổ chức hai mũi, hai tiểu đoàn đánh vào đấy, chứ không phải chỉ có một tiểu đoàn như kế hoạch các đồng chí vừa trình bày. Vì sao vậy? Vì cánh này, chỉ có vượt qua con suối Ea Tam là đến ngay trước mặt sư đoàn bộ 23 rồi, nhanh lắm. Phải nhằm vào chỗ sơ hở này của địch mà khoét sâu vào. Dùng hai tiểu đoàn, vì còn đề phòng trường hợp địch phản kích trên hướng này. Nếu các đồng chí không đủ lực lượng, thì rút bớt lực lượng ở Đức Lập ra cũng được. Phải nắm lấy cái chính.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 07:02:56 pm »


        Đánh như vậy thì có táo bạo đấy, nhưng mà vững chắc. Ta không ngại các mũi thọc sâu của ta bị chia cắt, cô lập, vì địch còn phải lo đối phó với ta ở sân bay Hoà Bình và ở các nơi khác… Địch phản kích lớn trong thị xã thì khó, vì muốn phản kích lớn phải dùng lực lượng lớn từ bên ngoài đánh vào, cho nên chỉ có thể dùng từng bộ phận nhỏ chia cắt ra mà thôi, mà như thế thì không lo.

        Lực lượng lớn thì lấy đâu ra? Nhưng ta vẫn phải đề phòng chỗ này, có thể có một lực lượng nằm ngoài từ trước. Cho nên, các đồng chí phải suy tính kỹ hơn nữa, phải tính toán cho chặt chẽ để nắm chắc trong tay hai tiểu đoàn dự bị để đối phó với mọi bất trắc xảy ra ngay trong đêm N. Đến đêm hôm sau, thì đã có một trung đoàn bộ binh ở Đức Lập ra rồi. Phải chỉ thị cho trung đoàn đặc công 198 chiếm cho được sân bay Hoà Bình, hay ít nhất, là không để cho địch dùng được sân bay này để đưa quân tiếp viện đến. Có triệt được đường không, thì bộ phận đánh viện trên đường 14, mới có cơ hội thắng lớn.

        Trong lúc ta đánh các mục tiêu quân sự, thì các đội vị trí công tác của đồng chí Chín Liêm cũng sẽ đột nhập vào các khu phố nơi đông dân, để làm công tác tuyên truyền. Trong lúc hai bên đánh nhau, thì không thể tổ chức mít tinh, xuống đường gì được, nhưng họ có thể diệt tề, trừ gian, truy lùng ác ôn… phải cố bắt liên lạc với họ, phải phối hợp với họ để làm việc này.

        Các đồng chí đã nghe tiếng nhà tù Buôn Ma Thuột rồi đấy chứ? Các bậc đàn anh của chúng ta, cũng đã trải qua đấy rồi. Nay, anh em mình cũng ở trong đấy. Cho nên, đánh vào đây phải thận trọng. Tuyệt đối không được để đạn lạc vào đấy, mà phải dùng biện pháp khác: uy hiếp lính gác, dùng loa kêu gọi, v.v… để đưa anh em ra được an toàn. Đồng chí Chín Liêm sẽ cử người đến hiệp đồng, dẫn đường cho bộ đội, phân loại tù nhân. Đối với anh em này, thì họ sẽ là cán bộ ngay tại đấy; nhưng đối với bọn lưu manh, trộm cướp thì phải có cách xử lý khác.

        Các đồng chí cũng cần nhớ Buôn Ma Thuột là trung tâm chính trị, kinh tế, dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên. Tình hình chính trị rất phức tạp. bộ đội vào thị xã phải nghiêm chỉnh chấp hành các chính sách và kỷ luật đã đề ra, giúp đỡ cấp uỷ địa phương, xây dựng chính quyền cách mạng ở cơ sở, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân.

        Công tác thu chiến lợi phẩm lần này quan trọng lắm đấy. Kho Mai Hắc Đế là kho đạn chung cho cả Tây Nguyên. Lấy được và bảo vệ cho tốt thì sẽ giải quyết được nhiều khó khăn cho ta sau này, nhất là vấn đề đạn được, xe cộ, xăng dầu, v.v… trong Bộ tư lệnh phải có người phụ trách. Tôi quyết định đồng chí Phan Hàm, ngoài công việc chung ra, phải đặc trách vấn đề này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #78 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 07:06:24 pm »

           
Chương 10

MỞ MÀN

        Sang tháng 3 năm 1975, mọi người trong sở chỉ huy tiền phương đã sống những ngày cực kỳ căng thẳng. Đầu óc không lúc nào được thảnh thơi. Tất cả các giác quan đều làm việc hết mức, lắng nghe từng nhịp đập của chiến trường. Trong các lán dựng tạm chung quanh nhà họp của Bộ tư lệnh chiến dịch, đèn sáng thâu đêm. Công tác chuẩn bị trên hướng Đức Lập, coi như đã hoàn thành; nhưng trên hướng Buôn Ma Thuột, thì thực sự mới bắt tay vào làm được vài hôm. Cả đến sư đoàn 316 là đơn vị chủ công đánh vào thị xã, cũng chỉ mới làm công tác tổ chức chiến đấu cho trận đánh then chốt này được một ngày, vì trước đây, sư đoàn vẫn còn phải làm nhiệm vụ chặn viện, bảo đảm cho trận đánh Đức Lập. Các cơ quan chiến dịch, thâm nhập xuống các tiểu đoàn, trung đoàn, để giảm bớt những động tác trung gian, bớt các cuộc họp hành. Sẵn có tinh thần trách nhiệm cao lại có trình độ công tác khá vững, nên mặc dù thời gian hạn chế, mọi công việc đều hoàn thành trôi chảy nhanh chóng.

        Nhưng lúc này, ai ai cũng đều cảm thấy sốt ruột với cái ngày đáng ghi nhớ kia trông mãi chưa thấy đến: ngày 4 tháng 3 năm 1975, ngày khóa các con đường lên Tây Nguyên, quốc lộ 19 và quốc lộ 21.

        Một buổi sáng giao ban, thiếu tá Nguyễn Minh Thông phụ trách cơ quan quân báo chiến dịch báo cáo:

        - Trung đoàn 45, từ Plây Cu, đang hành quân về phía nam.

        - Từ lúc nào, bằng phương tiện gì, đến đâu rồi, lý do vì sao, bao nhiêu câu hỏi như dồn cả một lượt và chờ trả lời.

        Trong lúc đồng chí Thông còn đang lúng túng, nhiều câu hỏi khác lại dồn dập đưa ra.

        Thượng tá Nguyễn Quốc Thước, tham mưu phó chiến dịch báo cáo:

        - Trung đoàn 45 ngụy từ Plây Cu xuống Eo Hleo từ mấy hôm nay rồi, để phối hợp hoạt động với trung đoàn 53 ở khu vực Buôn Hồ-Quảng Nhiên; đông và bắc Buôn Ma Thuột. Mấy hôm nay, đơn vị này chỉ quanh quẩn trên các mỏm đồi, hai bên đường 14. Đáng chú ý là hôm nay, các mũi lùng sục có đi sâu hơn về phía tây đường. Sư đoàn 320, đang xuất kích, không khéo thì bộ phận đi đầu có thể chạm địch.

        Lại hội ý chớp nhoáng…

        Lệnh ngay cho sư đoàn 320 dừng lại; phái mấy tổ trinh sát lên phía trước, nắm tình hình, đồng thời củng cố lại mấy cái chốt cho thật chắc. Nếu chúng mò đến, thì đánh bằng súng trường, tiểu liên, lựu đạn… Kiên quyết không cho chúng tiến sâu vào để chúng phát hiện ra lực lượng lớn của ta. Nhắc các đơn vị phải giữ bí mật đến cùng, nếu chúng đi lùng gặp bộ phận nào thì chỉ bộ phận ấy đánh thôi, cố gắng bao vây diệt gọn mà không được dùng đến hoả lực lớn. Ở vị trí chờ đợi, mọi người đều phải có công sự cá nhân, đề phòng địch oanh tạc, làm rối đội hình, giữ vững thông tin liên lạc bằng điện thoại.

        Một con hổ, ngồi thu mình rình mồi, giữa bụi rậm, chắc cũng đơn giản thôi; nhưng hàng vạn con người với bao nhiêu binh khí kỹ thuật, phải thu mình trong mấy ngày liền, quả thật là có nhiều khó khăn.

        Sự việc làm “đứng tim” chưa phải đã hết. Ngày 2 tháng 3, đồng chí Thông, lại hớt hơ hớt hải, ba hơi nhập một, chạy đến báo cáo:

        - Địch vừa bắt được một chiến sĩ của ta…

        Đã mấy đêm liền thức trắng, dáng mệt mỏi, đồng chí Vũ Lăng đang ngồi đăm chiêu suy nghĩ, mắt lim dim, gọng kính trắng trễ trên sống mũi, ngón tay vuốt nhẹ mấy sợi tóc hoa râm, bỗng nảy người lên như bị điện giật:

        - Ai? Bị bắt ở đâu? Lúc nào? Đơn vị nào?…

        Lại một trận mưa câu hỏi giội xuống đồng chí cán bộ quân báo trẻ tuổi này.

        Trung đoàn 53 bắt ở Quảng Nhiên, bắc Buôn Ma Thuột 15 kilômét.

        - Đã khai báo gì chưa?

        - Hình như bị thương nặng nên chưa khai báo gì. Chúng đã đưa về Buôn Ma Thuột.

        Một cuộc họp của Bộ tư lệnh chiến dịch mở rộng, có tất cả các chủ nhiệm tham gia được triệu tập cấp tốc, để hỏi cho ra người bị bắt là ai, thuộc đơn vị nào?

        Khi mọi người đến đông đủ, vừa nghe tuyên bố lý do xong, tôi liếc nhìn vẻ mặt mọi người, thấy chủ nhiệm xe tăng và chủ nhiệm pháo binh, sắc mặt hơi thay đổi, rút khăn lau mồ hôi trên trán, đoán biết ngay là có vấn đề gì rồi đây. Tình hình này, thì đến chết mất thôi, vì việc xuất hiện cán bộ tăng, pháo ở bắc Buôn Ma Thuột thì ý đồ của ta quá rõ rồi.

        Cảm thấy hơi chột dạ, vì bao nhiêu cái nhìn, nghi ngờ, trách móc đều đổ dồn cả vào mình, đồng chí chủ nhiệm xe tăng đứng lên nói cứng:

        - Đơn vị của chúng tôi không có ai ở đấy. Mà chúng tôi cũng đã chỉ thị cặn kẽ cho anh em là chỉ được làm đường, sửa đường về ban đêm thôi, còn ban ngày thì phải rút ra thật xa, có tài thánh địch cũng chả bắt được người của tôi đâu. Đồng chí từ từ ngồi xuống, nhưng lại lấy khăn ra lau mồ hôi, chừng như chưa vững tin lắm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #79 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 07:10:16 pm »


        Vừa lúc ấy, nhận được một bức điện của đồng chí Nguyễn Năng ở cánh bắc nói lóng qua điện thoại, cho biết đó là một chiến sĩ thuộc đơn vị Lâm Đồng, đơn vị pháo lớn của ta. Nỗi lúng túng, bối rối lại chuyển sang các đồng chí pháo binh. Hóa ra đấy là những anh em đi đo đạc trận địa… Được thể, đồng chí chủ nhiệm công binh đứng lên, dõng dạc phân trần:

        - Tôi xin quả quyết trước Bộ tư lệnh và địch không có tài gì mà phát hiện ra được dấu vết làm đường, sửa đường của chúng tôi. Làm đến đâu xoá ngay vết và ngụy trang đến đấy. Mấy hôm nay trung đoàn 53 dạo qua dạo lại, nát cả khu vực này, mà có tìm ra được dấu vết gì đâu. Mà dù có thấy được chăng nữa, thì cũng chẳng hiểu ai đã làm gì mà nghi với ngờ.

        Trung tướng Hoàng Mình Thảo trao đổi với tôi:

        - Đồng chí nên hỏi Bộ, xem các chiến trường hoạt động như thế nào?

        - Vừa rồi, nghe đâu có đồng chí Vũ Long, cán bộ ở Miền ra báo cáo kế hoạch với anh Tuấn. Miền Đông không thể nổ súng sớm hơn ta được đâu, cố gắng lắm là làm đồng thời. Còn địch thì đang đề phòng ta áp xuống đồng bằng và nống lên hướng Tây Ninh. Chút ít. Ở Trị Thiên thì chắc chắn là sẽ chậm hơn. Hôm ở Hà Nội, tôi có gặp đồng chí thiếu tướng Nguyễn Hữu An, tư lệnh Quân đoàn 2. Đồng chí ấy cho biết có nhiều khó khăn lắm. Tuy nhiên, theo tôi, hướng phòng thủ chính của địch hiện nay vẫn còn là vùng 1 chiến thuật, vì các sư đoàn dù và thuỷ quân lục chiến vẫn còn đứng nguyên ở vị trí cũ.

        Quyết tâm mới của bộ chỉ huy chiến dịch, sau cuộc họp bất thường này là lệnh cho toàn bộ các đơn vị trên hướng bắc tạm ngừng mọi công tác chuẩn bị. Chờ đến sau ngày 4 tháng 3, khóa đường xong sẽ tiếp tục. Sẽ cố gắng làm thật nhanh để bù lại số thời gian đã mất trong những ngày này.

        Báo cáo quyết tâm này lên anh Tuấn.

        Nhìn qua bên kia trận tuyến, trong những ngày này. Đầu tháng 2 năm 1975, cảm thấy có mối đe dọa ở phía bắc Đắc Lắc, tướng Phạm Văn Phú đã đưa toàn bộ trung đoàn 45 ngụy ra khu vực biên giới Đắc Lắc-Phú Bổn nhằm phát hiện và tiêu diệt các bộ phận của sư đoàn 320. Cuối tháng 2, một đơn vị nhỏ của trung đoàn 53, phục kích một tổ tuần tra của ta ở bắc Buôn Ma Thuột. Đại tá Trịnh Tiêu, trưởng phòng 2 của Quân đoàn 2 ngụy phán đoán rằng Buôn Ma Thuột sẽ là mục tiêu chính trước mắt; các mục tiêu bổ trợ sẽ là Buôn Hồ và Đức Lập. Dựa vào một vài dấu hiệu, Trịnh Tiêu còn báo cáo với Phú là các hoạt động của ta ở Kon Tum, Plây Cu và trên đường 19 kéo dài đều là nghi binh cả. Bọn quan thầy Mỹ hình như cũng đã đánh hơi, biết được tin này. Nhưng Phú thì lại khẳng định: Sư đoàn 320 vẫn còn ở Plây Cu, còn sư đoàn 10 vẫn ở Đắc Tô-Tân Cảnh. Lý lẽ của Phú không chỉ dựa vào tín hiệu điện dài thu được mà thôi, các trận pháo kích mấy ngày qua vào trung đoàn 44 ở Thanh An, việc đánh vào chốt Mỹ, bức rút đồn Tầm, chiếm các cao điểm Chư Kra, Chư Gơi, cũng như cắt đường 14 giữa Kon Tumm, Plây Cu đều chứng mình cho lý lẽ mà Phú đưa ra là có cơ sở. Vì chỉ có 2 trung đoàn để bảo vệ các con đường từ phía tây tiến vào Plây Cu, nơi có chỉ huy sở của Quân đoàn 2, nên Phú không thể rút bớt lực lượng, làm yếu mặt trận này hơn nữa, để tăng cường cho Buôn Ma Thuột, là nơi chưa xảy ra sự kiện gì đáng kể.

        Trong cung tù binh sau ngày giải phóng, lời khai của Võ Ấn, đại tá, trung đoàn trưởng trung đoàn 53 xác nhận: sau khi bắt được một chiến sĩ thuộc đơn vị Lâm Đồng, Ấn phán đoán là ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột và có báo cáo lên trên. Nhưng với tầm nhìn bao quát cả Tây Nguyên, với định kiến sẵn có từ trước đến nay, Phạm Văn Phú đã đi đến kết luận: nhất định Plây Cu là hướng tiến công chủ yếu. Ở Buôn Ma Thuột cũng sẽ có hoạt động phối hợp, phá rối bằng đặc công, pháo kích, nhằm phối hợp với chiến trường chính.

        Ngày 3 tháng 3 Phú ra lệnh điều động toàn bộ trung đoàn 45 đang càn quét trong khu vực biên giới Đắc Lắc-Phú Bổn về Plây Cu để cùng với các liên đoàn biệt động quân càn quét xung quanh thị xã này.

        Khi được tin này, anh em trong bộ chỉ huy, thở phào, nhẹ nhõm:

        - Sư đoàn 968 làm ăn đắc lực thật.

        Trong chiến tranh, thỉnh thoảng có những trường hợp lạ lùng như thế này: cùng một tình huống, mà cả hai bên đối địch đều cho là mình thắng lợi. Vui mừng phấn khởi thực sự, chứ không phải để nhằm mục đích tuyên truyền. Việc Phú rút 2 trung đoàn 44 và 45 về Plây Cu, chiều 3 tháng 4 là một ví dụ điển hình.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM