Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 07:37:44 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Xuân giải phóng  (Đọc 41513 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 09:38:18 pm »


        Đồng chí Lê Đức Thọ nói tiếp:

        - Mỹ khó, ngụy càng khó! Nhưng trên chiến trường, địch còn tìm nhiều cách để đối phó với ta. Về quân sự thì be bờ ngăn chặn, lấn đi lấn lại chỗ nọ chỗ kia; về chính trị, thì tìm cách tháo ngòi nổ, kìm chế phong trào. Nó sẽ đối phó với ta như thế nào? Khả năng thay Thiệu, thấy rõ, trước hay trong ngày bầu cử mà thôi. Đây là một bước lùi, nhưng không phải là do ta chủ động tạo ra; mà chính là do Mỹ tạo ra, để cứu vãn tình hình. Trong cái thế bị động, nó phải làm thế nào để còn chủ động. Ai thay? Lúc nào? Và bằng cách nào? Có phải như thế này không: Thiệu sẽ từ chức, Mỹ sẽ ký với ta về kinh tế - ký nhưng chưa thi hành đâu - sẽ lập hội đồng hoà giải ba thành phần; yêu cầu ngừng bắn, nó chưa biết là ta sẽ đánh ở đâu và quy mô như thế nào; nhưng biết là ta có khả năng. Nếu ta không đồng ý, nó sẽ phản công ta về mặt ngoại giao. Điều nên chú ý là, trước khi thay Thiệu, nó chuẩn bị kỹ lắm, chuẩn bị về chính trị và tìm cách để viện trợ thêm. Trong Quốc hội Mỹ, cũng có nhiều người muốn tiếp tục viện trợ cho Thiệu. Ở Sài Gòn, bọn Martin, DAO, tìm hết cách nói láo, để đổ tiền đổ của vào miền Nam. Nó chưa hoàn toàn chịu ta đâu, vì vừa rồi, ta thắng, nhưng chưa thắng lớn lắm. Về phần mình, ta cũng sẽ có nhiều đòn ngoại giao, để tranh thủ dư luận. Tết này sẽ là tết binh vận, yêu cầu là không đánh nhau trong 3 ngày tết, để cho nhân dân vui tết. Khi nào ta đánh, lại tiến công một đòn khác, và đến cuối năm, lại làm một đòn nữa. Càng thắng về quân sự, càng đòi cao lên, đi ngay vào chính phủ liên hiệp, bỏ qua giai đoạn hội đồng, đòi rút 2 vạn 5 cố vấn. Lúc thắng rồi, con bài kinh tế là ở trong tay ta, chứ không phải ở trong tay nó đâu. Tôi cho rằng tình hình bây giờ cũng có khác so với năm ngoái, khi có Nghị quyết 21. Bây giờ ta đánh, không phải để ngồi lại một thời gian, rồi lại đánh lại; hay chiến tranh trở lại; cũng không cần phải nói đánh thế nào để hạn chế Mỹ vào, sợ ảnh hưởng đến tư tưởng của cán bộ. Bây giờ, đã đánh là phải đánh dồn dập, diệt địch nhiều nhất, thắng lợi lớn nhất, làm cho thế ta mạnh lên rất nhanh.

        Năm nay, phải giải phóng Tây Nguyên. Nói dứt khoát là đánh Buôn Ma Thuột. Đánh vào Buôn Ma Thuột là đánh vào chỗ bất ngờ và sơ hở nhất của địch ở chiến trường Tây Nguyên. Có thời cơ là phát triển ngay. Đánh bất cứ ở đâu cũng chẳng có vấn đề gì đâu mà lo. Đánh diệt vài sư đoàn bộ binh; đồng thời tổ chức một chiến dịch phá hàng loạt kho tàng, phá các đường giao thông quan trọng. Có như thế mới rung chuyển dữ, nó mới run, mới chia cắt, cô lập nó được. Huế, Khu 5, có thể cắt được trong từng thời gian dài… Tình hình cũng có thể diễn ra thế này hoặc thế khác; nhưng dứt khoát là 2 năm phải giải quyết xong. Còn mặt trận tuyên truyền, ta cứ giữ mức độ bình thường, không cần làm rùng beng gì. “Có miếng mà không có tiếng”.

        Như mọi hôm, sáng hôm nay, khi mọi người ngồi vào vị trí, tôi báo cáo tình hình các chiến trường:

        Đêm 30 rạng ngày 31 tháng 12, ta đánh Phước Bình và Bà Rá, dứt điểm trong ngày và đưa lực lượng áp sát thị xã Phước Long. Trong ngày 2 và 3 tháng 1 năm 1975, ta đánh vỡ tuyến phòng thủ nam thị xã và có hai tiểu đoàn của trung đoàn 14 đột nhập được vào trung tâm, tạo thành thế chia cắt trong thị xã.

        Dư Quốc Đống tăng cường hai đại đội của liên đoàn kiệt kích dù 81, còn ta thì ngoài lực lượng bộ binh đã báo cáo hôm trước, về binh chủng có hai tiểu đoàn pháo hỗn hợp 85 ly và 155 ly, cối 160 ly; 5 tiểu đoàn cao xạ, 12 xe tăng T.54. Vừa rồi, miền có tăng thêm 1 trung đoàn bộ binh của sư đoàn 9, một đại đội xe tăng, 6 pháo 130 ly. Phía bắc thị xã, cũng có thêm trung đoàn 16 đến tăng cường.

        Các mặt trận khác: đem 25 tháng 12, ta giải phóng Tánh Linh, còn Hoài Đức và Võ Đắc, thì chuyển sang bao vây, đánh quân giải toả.

        Trung tướng Trần Văn Trà rất phấn khởi, đứng dậy nói ngay:

        - Như vậy thì địch không thể nào rút sư đoàn 18 và sư đoàn 25 đi đâu được, nhất định ta sẽ dứt điểm được Phước Long thôi.

        Anh Ba cười, nói:

        - Sang đợt hai, ta đánh có kết quả, thì có nhiều khả năng nó phải thi hành Hiệp định ở mức cao. Phong trào ở nông thôn, đô thị sẽ lên rất cao. Ta sẽ làm gì lúc bấy giờ? Quay sang phía Đại tướng anh nói tiếp: Ta có cách gì đánh thật mạnh, như chẻ tre, làm cho chúng tán loạn và Mỹ không can thiệp không? Nhất định, ta sẽ không bỏ lờ thời cơ.

        Cuộc trao đổi tình hình kéo dài gần hết cả buổi sáng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 09:41:45 pm »

         
        Trong lúc ở Hà Nội, Bộ Chính trị đang họp và Bộ Tổng tham mưu đang theo dõi tình hình chiến trường, thì ở Sài Gòn và bên kia bờ Thái Bình Dường, thầy trò bọn Mỹ-ngụy cũng nhốn nháo lên về tình hình ở phương Nam, Xin tạm ngừng giây lát để nhìn lại tấn bi hài kịch đang diễn ra bên kia trận tuyến.

        Trong đống tài liệu thu được ở Bộ Tổng tham mưu Cộng hoà Việt Nam họ đã có kế hoạch trực thăng vận đến tăng cường cho tỉnh lỵ Phước Long khốn khổ này. Ý định này không thực hiện được, vì kế hoạch hợp đồng quá tồi: không ai chịu trách nhiệm về cuộc hành quân; trực thăng đến không đủ số lượng cần thiết và cũng không đúng giờ quy định; linh sửa chữa, thì không làm nhiệm vụ; người lái chỉ biết việc thả lính biệt kích dù xuống đất rồi để mặc ai làm gì thì làm, không có nhiệm vụ và cũng không yểm trợ. Chỉ trong vài ngày chiến đấu, mất béng 20 máy bay do tên lửa phòng không mang vác bắn rơi. Thiệu cho rằng, muốn lấy lại Phước Long, phải có hai trung đoàn bộ binh và một số đơn vị nhảy dù. Lấy lại được rồi, còn phải có quân ở lại để bảo vệ. Biết đào đâu cho ra những của quý này, vì tất cả lực lượng dự bị, đều nằm ở vùng 1. Để cho số tù binh ở Phước Long được thêm đông, cuối cùng, ngụy cũng đưa được đến 2 đại đội của liên đoàn biệt kích dù. Lửa xe, nước gáo có được gì. Dư Quốc Đống gào thét, xin quân dù về cứu viện. Cao Văn Viên và Đặng Văn Quang thì trả lời dứt khoát: “Không còn đạn được, không có đơn vị nào nữa, không tăng viện được”. Cách giải quyết cuối cùng là: “sống chết mặc bay”.

        Trong số 5.400 binh sĩ ở Phước Long, chỉ còn 850 lính sống sót; và liên đoàn biệt kích cũng chỉ còn 65 người lủi thủi chạy về. Bản tường trình về Phước Long, có đoạn viết: “Với ý định thử ý chí của quân đội Sài Gòn và đặc biệt, đánh giá phản ứng của Mỹ, rõ ràng những người cộng sản đã chọn một mục tiêu dễ dàng. Sự thất thủ Phước Long đã có một ý nghĩa lớn”.

        Khi tấn bi kịch ở cái tỉnh lỵ heo hút giữa núi rừng kia vừa hạ màn, thì ở Sài Gòn và Washington, màn của tấn hài, được vén lên: tại nhà thờ Đức Bà, Nguyễn Văn Thiệu làm lễ cầu Chúa ban phước lành, cho những con người đang lặn lội giữa rừng sâu núi thẳm để “thoát khỏi sự khủng bố trả thù” của Quân giải phóng. Ông ta đã khóc sướt mướt, và lệnh cho toàn cõi Việt Nam Cộng hoà, đâu đâu cũng phải treo cờ rủ ba ngày. Trại Đavi đóng cửa không họp. Những dòng nước mắt ấy đã làm cho những người ở bên bờ sông Potomac, nức nở khóc theo. Xin hãy đọc vài đoạn trích trong bức công hàm của G.R.Ford gửi cho Nguyễn Văn Thiệu, trong những ngày rối ren tang tóc ấy:

        Tổng thống thân mến,

        Những bức thư đầy suy tư của ngài, đã đến với tôi, vào lúc mầ vấn đề Việt Nam, là vấn đề ở luôn luôn trong đầu óc tôi và những người Mỹ, cũng như nhân dân thế giới…

        Tôi đặc biệt xúc động trước hiệu lực của các lực lượng của ngài tại Phước Long và núi Bà Đen; tại đây đã bị tràn ngập khi họ bị tắc nguồn kinh tế bổ sung và quân tăng viện, vì địch quân động gấp bội về số lượng…

        … Con đường đi tới hoà bình, không bao giờ được dễ dàng, nó là con đường quá ư lâu dài và khó khăn ở Việt Nam; nhưng tôi vẫn còn hy vọng rằng, nếu chúng ta kiên trì, bền bỉ, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu hoà bình, công bằng của chúng ta, một nền hoà bình vĩnh viễn và một nền hoà bình phù hợp với ý chí của nhân dân Việt Nam, xứng đáng với sự hy sinh của dân tộc Việt Nam và Mỹ.

        Xin gửi ngài lời chào kính trọng.

Ford        

        Chỉ sau đó mấy hôm, ngày 15 tháng 1 năm 1975, khi đọc bản thông điệp liên bang trước quốc hội, và ngày 21 tháng 1 năm 1975, trong cuộc họp báo thường thường lệ, Ford tuyên bố một cách rất dứt khoát: “Dự kiến không có tình huống nào để Mỹ có thể nhảy vào cuộc chiến tranh Việt Nam nữa”.

        Thầy Mỹ chơi sỏ thật! Nhưng người mất nhiều nhất sau Phước Long cũng chẳng phải là Nguyễn Văn Thiệu, mà lại là Dư Quốc Đống. Đống mất chức Tư lệnh Quân đoàn 3 béo bở, mà phải nhường lại cho tướng Nguyễn Văn Toàn. Dù đã bị mang tiếng là đã dính líu vào các vụ tham nhũng, nhưng Toàn vẫn còn được nổi tiếng là viên Tư lệnh dũng cảm, có kinh nghiệm chiến đấu và quyết đoán.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 09:46:47 pm »


        Suốt mấy ngày hội nghị, chúng tôi chú ý thấy đồng chí Trường Chinh, chưa phát biểu ý kiến, nhưng ghi chép rất cẩn thận. Đến những con số trên các bản thống kê, đồng chí cũng phát hiện ra những sai sót nhỏ, và gọi chúng tôi đến thân ái nhắc nhở, bảo kiểm tra lại. Hôm nay, thấy đồng chí cầm một tập giấy trong tay, chúng tôi đoán chắc, thế nào đồng chí cũng sẽ phát biểu ý kiến. Quả đúng như vậy.

        Đồng chí nói:

        - Địch đang gặp ba loại khó khăn, do ba sức ép gây ra.

        Một là: Mỹ đã gieo gió, thì nó phải gặt bão. Nó cố tình phá hoại Hiệp định, nên bị ta đánh lại, và phải chịu sức ép của đòn tiến công quân sự của ta.

        Hai, Mỹ thấy thế nào, sớm muộn rồi phong trào đấu tranh chính trị cũng sẽ nổ ra nên đưa tay sai ra lái phong trào, làm cho phong trào bộc lộ lực lượng, để sau này tìm cách khủng bố. Không ngờ ta nắm được ý đồ của chúng, xông vào và quấy bung nó lên.

        Ba, kinh tế ngụy bị lệ thuộc vào kinh tế Mỹ, mà kinh tế Mỹ thì đang gặp khó khăn.

        Ba sức ép đó cùng tác động đồng thời, khiến cho địch suy yếu nhanh chóng. Việc Mỹ rút quân và những hậu quả của nó, nay dần dần mới thấm và ngày càng hãm địch vào những mâu thuẫn gay gắt: mâu thuẫn giữa giữ đất, giữ dân và lực lượng cơ động. Cũng như Pháp trước đây, nó rút đến đâu, ta tràn đến đấy. Hiệp định Paris là một thắng lợi vĩ đại, một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và có tính chất thời đại. Chúng ta nên xem lại vai trò của hậu phương trong một cuộc chiến tranh: chính trị có ổn định không? Nhân dân có ủng hộ không? Kinh tế có vững vàng không? Điều đó cắt nghĩa vì sao, tốc độ sa sút của ngụy lại nhanh như thế… Một đội quân như vậy, thì trước mắt, còn có những chỗ mạnh nào đó, cũng chỉ là tạm thời, và sẽ xuống dốc nhanh.

        Về ta, điều cần phải thấy là dần dần ta nắm được và đã giành được quyền chủ động trên chiến trường. Việc giải phóng cả tỉnh Phước Long, giải phóng cả một quận lỵ ở đồng bằng vừa rồi, là cả một chứng cớ hùng hồn, nói lên ta đã mạnh lên nhanh chóng. Cách đây hai tháng, Bộ Chính trị nói: Ta đang lên, địch đang xuống; thế  và lực ta mạnh lên, thì bây giờ cũng vẫn nói thế, nhưng đáng chú ý là tốc độ nhanh hơn. Ta phải vươn lên một bước nữa, đồng thời cũng phải thấy hết những khó khăn mà mấy hôm nay hội nghị đã nói đi nói lại nhiều lần.

        Dư luận thế giới gần đây thế nào? Trước đây, ta đánh Chư Nghé, Thượng Đức và bây giờ ta đánh Đồng Xoài, Phước Long, ta đã tuyên bố là ta đánh ngay từ chỗ quân đội ngụy xuất phát đi càn quét, lấn chiếm; ai ai cũng đồng tình với ta. Rõ ràng là: nhân dân miền Nam giành quyền chiến đấu tự vệ và buộc địch phải thi hành Hiệp định Paris.

        Năm 1975 làm năm bản lề, năm làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho ta, để chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho năm1976. Về nhiệm vụ, cần phải nói: Mục tiêu thuận lợi chiến lược hàng đầu của ta là tiêu diệt sinh lực địch. Clauzwitz trước đây có nói: “Chìa khóa của một nước ở ngay trong tay quân đội”. Ta nói tiêu diệt địch để giải phóng nhân dân, làm chủ đất nước mình. Phương châm công tác cần phải nhớ và thực hiện đúng như đã đề ra: củng cố miền Bắc, giải phóng miền Nam. Đánh thế nào? Phải nhấn mạnh đánh tiêu diệt, tránh đánh tiêu hao. Đánh Bến Cát vừa rồi là đánh tiêu hao. Mục tiêu của ta là tiêu diệt sinh lực địch, phá cơ sở vật chất của địch, không phải là phá vỡ phòng tuyến, vì phòng tuyến không phải là mục tiêu chiến lược. Tôi nghĩ rằng: nếu địch có thiết lập ra phòng tuyến xung quanh Sài Gòn chăng nữa, thì đến lúc nào đó, nó cũng biến thành chiến lỹ Magino như ở Pháp trước đây thôi. Còn tổng công kích tổng khởi nghĩa, tôi cảm thấy không nên máy móc đề ra ba trường hợp: công kích và khởi nghĩa, khởi nghĩa và công kích, công kích và khởi nghĩa đồng thời. Ở đây có Hiệp định Paris. Kẻ địch như thế nào, ta đánh vào đâu, nó sẽ nhận cái gì, không nhận cái gì. Đường hướng lớn vẫn là bạo lực. Phải có những đòn tiêu diệt chiến lược, mà trong đó có vài đòn chính. Ở đâu? Bộ Tổng tham mưu phải nghiên cứu phải chọn nơi bắt nó phải đánh với ta; chuẩn bị cho tốt; khi đánh thì nhất định nó phải đến; mà đến tức là rơi vào cạm bẫy của ta đã giăng sẵn. Phải tạo ra cơ hội để thực hiện đòn tiêu diệt chiến lược. Không chờ cho nó hớ hênh sai lầm. Chiếm lấy đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng Khu 5, kho người, kho thóc, giải phóng một vùng rộng lớn như thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

        Tình hình sẽ phát triển theo những khả năng nào?

        - Ta đánh thẳng một mạch, hai năm toàn thắng?

        - Ta đánh đến một chừng mực nào đó, địch núng nhưng chưa thua. Nó sẽ thay Thiệu, dựng lên một chính quyền khác, đề nghị rồi lại bàn, cốt làm để hoãn binh, ngăn chặn ta đánh lớn.

        Nếu ta bác hẳn thì không lợi, tuỳ tình hình mà đặt giá cao; nhưng cuối cùng cũng phải có một đòn chiến lược, thì mới giải quyết được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 09:49:22 pm »


        Mỹ có vào hay không? Mỹ còn trên hai vạn cố vấn. Nó chưa ra hết đâu. Nói rằng từ 115 năm nay, hiện không có một quân đội xâm lược nào trên đất nước ta, thì cũng đúng. Nó sẽ can thiệp bằng cách gì? Bộ binh chăng? Bằng hải quân, không quân chăng? Có thể và cũng có mức độ. Kissinger cần phải cân nhắc xem có thể đảo ngược được tình hình không đã chứ. Quyết tâm của ta là, can thiệp bằng cách gì, mức độ nào, cũng phải đánh thắng. Vấn đề là, ta phải chuẩn bị cho tốt. Kho tàng, đường sá, nhất là lực lượng. Phải có đủ lực lượng dự trữ để bổ sung khi cần thiết, và ngay ở các chiến trường cũng phải có dự trữ. Phải đặc biệt chú ý đến lực lượng đặc công, lực lượng tinh nhuệ. Về lực lượng chính trị, đảng, chính quyền cũng phải chú ý củng cố hơn nữa…”

        Sáng ngày 8 tháng 1 năm 1975, bế mạc hội nghị!

        Khi mọi người đến đông đủ, cuộc họp bắt đầu. Thành phần hội nghị vẫn không thay đổi, nhưng hôm nay cảm thấy có cái gì khác thường.

        Sáng hôm nay, đồng chí Bí thư thứ nhất kết luận hội nghị:

        “Thưa các đồng chí! Mấy hôm nay, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã họp và hạ quyết tâm: trong hai năm phải hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới hoà bình thống nhất đất nước. Cuộc họp này, có đông đủ các đồng chí ở Nam Bộ, Khu 5 ra dự; và chúng ta rất phấn khởi, vì cuộc thảo luận đã đưa đến sự nhất trí cao về nhiều mặt; đánh giá tình hình, so sánh nhiệm vụ chiến lược và bước đi của chiến tranh cách mạng, và phong trào cách mạng trong năm 1975-1976.

        Tôi xin tóm tắt trình bày ý kiến chung và phát biểu một số ý kiến để khẳng định quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương.

        Trước hết, nhận định tình hình miền Nam hiện nay, hai năm sau khi có Hiệp định Paris và quân đội Mỹ rút ra.

        1. Hiện nay ở miền Nam đang diễn ra cuộc chiến tranh cách mạng, nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy, để giải quyết vấn đề ai thắng ai. Đặc điểm là có hai sự kiện nổi bật rất quan trọng:

        Một là hai chính quyền, hai quân đội đang đánh nhau, quy mô ngày càng lớn, trong giai đoạn quyết liệt cuối cùng.

        Hai là quần chúng nhân dân trong vùng địch và trong vùng ta, đang dấy lên một phong trào đòi hoà bình, cơm áo, dân chủ, độc lập dân tộc, đánh đổ ngụy quyền, giải phóng cho mình.

        Hai sự kiện ở miền Nam gắn bó chặt chẽ với nhau, thức đẩy lẫn nhau, lại có sức mạnh độc lập dân tộc trong cả nước, có chỗ dựa to lớn, là lực lượng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

        Cần phải nhận rõ, tình hình đó, đã trải qua các giai đoạn như thế nào, mới được như ngày nay, để thấy rõ hơn nữa thời cơ của cách mạng.

        Ở miền Nam khi đồng khởi, 1959-1960, lực lượng vũ trang còn rất yếu kể cả thời kỳ chiến tranh đặc biệt. Khi chống Mỹ thì ngược lại: lực lượng quân sự khá mạnh nhưng phong trào quần chúng yếu. Bây giờ Mỹ ra rồi, quần chúng cókhí thế vùng dậy, lại có sẵn quân đội mạnhs của ta ở trong đó. Có thể nói, đó là tập hợp sự trưởng thành của các giai đoạn cách mạng miền Nam. Mặc dù xưa nay, ta nó quân sự, chính trị song song, nhưng chưa bao giờ có điều kiện đầy đủ, quân sự, chính trị như ngày nay. Nội dung thời cơ là như vậy, Bộ Chính trị quyết định hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam trong hai năm, là trên cơ sở sự phân tích ấy.

        2.Cần phải năm vững quy luật của đất tranh vũ trang, của chiến tranh cách mạng, của phong trào cách mạng, của khởi nghĩa vị trí, đề ra nhiệm vụ cách mạng, phương pháp và bước đi cho thích hợp, các hình thức đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao.

        Bây giờ, có khả năng rồi, còn phải có biện pháp, thích ứng, phải nắm chắc quy luật, nắm cả hai cái quân sự, chính trị hơn nữa. Cả hai cái, kết hợp với nhau, khi thì quy luật kia là chính, kết hợp với quy luật này; cả hai quy luật, tổng hợp thành một, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Đây là một đặc điểm của cách mạng miền Nam. Từ cách mạng tháng Tám đến bây giờ, đây là một cao trào, vừa rồi ta không những có quân sự, chính trị mà còn có ngoại giao nữa. Ngoại giao cũng giúp sức thúc đẩy phong trào đi lên.

        Bộ Chính trị nói: nắm quân sự, chính trị, ngoại giao là như vậy.

        Chúng tôi nói: hai năm chuẩn bị cho một cuộc cách mạng, tuy ngắn, nhưng cũng là dài. So với cách mạng Nga, từ tháng 2 đến tháng 10. Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất nước nhà, thực chất là đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và cùng hai nước anh em Lào và Campuchia tiến lên. Cố nhiên, trong bước đi, cũng có thể còn có bước quá độ nào đó, nhưng mục tiêu chính của chúng ta vào khả năng của chúng ta, là như thế đó. Sự nghiệp của chúng ta là như vậy đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 09:51:15 pm »


        Anh Ba dừng lại hồi lâu, ngước mắt nhìn khắp gian nhà. Tất cả mọi người ngồi lặng yên, chăm chú nghe Anh nói. Vẻ đồng tình, tán thưởng, hiện rõ trên nét mặt, cử chỉ từng người, bằng những cái gật đầu khe khẽ, và những nụ cười.

        Vì máy ghi âm bị hỏng, nên đồng chí Võ Quang Hồ và tôi cặm cụi ghi chép.

        Anh tiếp tục:

        Hiện nay tình hình giữa ta và địch ở miền Nam như thế nào. Đánh giá ta đã mạnh lên như thế nào, và địch đã yếu đi như thế nào?

        Lúc đầu, có lúc, có nơi, đã để cho ngụy lấn tới, vì có sự đánh giá không đúng giữa ta và địch, nắm không đúng mục tiêu và quyết tâm tiến lên của ta. Khi ký Hiệp định Paris, chúng ta đã đề ra nhiệm vụ: thắng địch một bước để tiến lên, để hoàn thành cách mạng. Do đó, ta quyết tâm nắm vững những cơ sở thắng lợi của ta là quân đội, vùng giải phóng; buộc địch thực hiện hoà bình, tranh thủ, mở rộng hoà hợp dân tộc. Mỹ ra rồi, ngụy cứ tiếp tục chiến tranh. Ta nắm ngọn cờ hoà bình, dân chủ, dân tộc, để đưa cách mạng tiến lên; tiến công địch với sức mạnh quân sự, chính trị, ngoại giao. Mọi người, ngay cả bọn phản động cũng đều nói: Chính Thiệu đã phá Hiệp định Paris, vì ta muốn hoà bình, hoà hợp dân tộc. Nhờ vậy, mà ta có thế mạnh mới rất lớn.

        Một là, ta đã giành được quyền chủ động trên chiến trường, dành lại dân, giành quyền làm chủ các vùng bị lấn chiếm và mở rộng thêm ra.

        Hai là, ta đã tạo ra một thế chiến lược, có tính chất liên hoàn từ băc chí nam, từ rừng núi Tây Nguyên đến Trị-Thiên, miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, tạo ra những bàn đạp xung quanh các đô thị.

        Ba là, ta đã củng cố, xây dựng những quả đấm chiến lược cơ động ở vùng rừng núi.

        Bốn là, ta đã tạo ra được quả đấm ở vùng nông thôn, đồng bằng Nam Bộ, xưa nay chưa từng có. Tuy còn nhỏ, nhưng đang phát triển.

        Năm là, ta đã tạo ra được bàn đạp xung quanh đô thị.

        Sáu là, đô thị có phong trào quần chúng, do đó ảnh hưởng và kết quả thắng lợi của ta. Đó là những nhược điểm giành được trên chiến trường.

        Bảy là, thế giới ủng hộ ta về mặt chính trị rất mạnh. Tất cả mọi người trên thế giới đều cho rằng Việt Nam là chính nghĩa. Về phía Mỹ, thất bại rất lớn về chính trị.

        Đó là thế mạnh của ta và từ đó mà đề ra nhiệm vụ cho năm 1975-1976.

        Nhưng chúng ta còn một số nhược điểm:

        Về xây dựng lực lượng, thì chưa được như ý muốn. Chất lượng chưa tốt lắm; về tổ chức, quân số, trang bị, cán bộ, kỹ chiến thuật, cả chủ lực và địa phương.

        Về cách đánh, cũng còn có vấn đề, nhất là phương pháp đánh với quy mô lớn và liên tục.

        Bộ đội địa phương và dân quân du kích còn yếu. Phong trào đô thị, tuy có nhưng chưa mạnh.

        Về lãnh đạo sự phối hợp chiến lược tổng hợp thì chưa chặt chẽ, nên tác dụng còn bị hạn chế.

        Do đó, ta chưa phát huy được hết sức mạnh tổng hợp quân sự, chính trị, chưa đạt được chiến lược tổng hợp. Sắp đến phải tổ chức lại lực lượng tổng hợp.

        Trong lúc đó thì địch ngày càng yêu đi rõ rệt. Về quân sự:

        Một là quân đội của địch, từ chủ lực đến địa phương, đã bị kìm kẹp tại chỗ, ở trong thế phòng ngự; có cơ động phần nào đó, nhưng khó khăn, rất yếu; yếu đến nỗi không bảo vệ được phòng vệ dân sự.

        Hai là lực lượng phong vệ dân sự, không thành lực lượng dự trữ như trước nữa.

        Ba là sự hợp đồng binh chủng cũng không có sức mạnh như trước nữa; đặc biệt là không quân, hải quân, pháo binh, xe tăng, bị hạn chế rất nhiều.

        Bốn là, quân đội bị sa sút về tinh thần, tan rã ngày càng nhiều; cán bộ, tướng tá bị thay đổi, xáo trộn lớn, rõ ràng là quân đội ngụy đang đi vào con đường thất bại: mất tin tưởng, mất sức chiến đấu; chiến lược, chiến thuật bế tắc. Chính sách bình định bị phá sản; co cụm, cô lập, chia cắt, mất đất, mất dân.

        Về kinh tế, thì không có đường ra. Hơn 30 năm, sống ỷ lại vào đế quốc Mỹ; nay Mỹ ra rồi, mọi mặt đều bị hỗn loạn xáo trộn, dân không sống nổi. Về chính trị, thì mâu thuẫn gay gắt giữa chính quyền và nhân dân với các tầng lớp trên, với các giáo phái và giữa các phe phái ngay trong nội bộ địch. Thiệu không thể cai trị được nữa.

        Cố nhiên, hiện nay địch còn có những chỗ mạnh của nó: Lực lượng quân sự còn 13 sư đoàn, gần 70 vạn quân; chúng còn nắm đô thị, cảnh sát, còn nắm được một số vùng nông thôn, còn được Mỹ viện trợ mọi mặt, còn có Mỹ cầm đầu chỉ huy. Nhưng cái mạnh đó đang trên đà đi xuống.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 09:53:02 pm »


        Rõ ràng là địch đang xuống dốc về mặt quân sự, chính trị và kinh tế. Một mặt do ta đánh nên tác động vào; mặt khác do mâu thuẫn khó khăn nội tại; tự bản thân nó tác động lẫn nhau. Sự rối loạn về kinh tế, chính trị, thúc đẩy sự suy yếu về quân sự. Cho nên có thể có những bước xuống dốc nhanh chứ không phải tuần tự. Do đó, ta thấy rõ thời cơ, khả năng cách mạng, có thể tiến lên lên tiến công, vừa chiến thắng quân sự, vừa chiến thắng chính trị theo những bước nhảy vọt. Lần trước cũng như lần này, Bộ Chính trị đã bàn, thấy chính xác và rất nhất trí. Làm sao cho đảng viên, quần chúng thấy rõ điểm này; chứ hiện nay thì sau Hiệp định Paris, Mỹ ra rồi, nhiều nơi khó khăn, nên đánh giá không rõ.

        Đứng trước tình hình hiện nay, nhiệm vụ của ta là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc. Để thực hiện nhiệm vụ lớn lao đó, chúng ta cần nhận rõ: mục đích đế quốc Mỹ nhảy vào chiến tranh như thế nào, với mục đích gì và trong trường hợp nào Mỹ đã rút ra, thì mới thấy rõ đế quốc Mỹ có thể đối phó lại như thế nào.

        Mỹ thất bại ở Việt Nam là thất bại chiến lược toàn cầu, mà cuối cùng là học thuyết Nixon ứng dụng vào Việt Nam. Nay Nixon phải đổ. Trước kia, Mỹ hơn Liên Xô, bây giờ Liên Xô tiến lên mạnh. Dừng lại đây để ngang hàng với Liên Xô, mà nếu nhảy vào đây thì Liên Xô và các nước khác, sẽ trồi lên; Mỹ sẽ tuột xuống hàng thứ tư chăng? Nó sẽ mất hết và không được gì cả.

        Nhưng chúng ta phải đề phòng; có chuẩn bị đối phó với không quân, hải quân của Mỹ, cả ở miền Nam và miền Bắc. Cần phải đề phòng: nó sẽ tìm mọi cách, để duy trì chủ nghĩa thực dân mới. Nhưng cũng có mức độ thôi. Mỹ có làm gì, cũng chỉ là tăng viện trợ tài chính, hoặc dùng không quân, hải quân Mỹ mà thôi, với điều kiện là ngụy có khả năng kéo dài.

        Nhiệm vụ của chúng ta là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc. Nhưng mục tiêu quân sự, chính trị của ta là gì? Một là đánh bại chiến lược bình định, thực hiện tiến công nổi dậy trên quy mô lớn ở đồng bằng Nam Bộ và Khu 5, áp sát đô thị. Đây là một đòn chiến lược quan trọng, làm cho chúng yếu đi, làm cho thế ta mạnh lên, cho nên, đánh bại bình định, giành quyền làm chủ rất vững chắc.

        Hai là, tiêu diệt sinh lực, tiêu diệt trung đoàn, sư đoàn, đánh mạnh các lực lượng chủ lực của ngụy, bẻ gãy xương sống của chúng. Bằng cách tiến công và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng hơn nữa quyền làm chủ mạnh trên các vùng chiến lược quan trọng; nắm vững các vùng chiến lược, để đẩy mạnh tiêu diệt chủ lực địch nhiều hơn nữa.

        Ba là, uy hiếp vùng đô thị, đặc biệt là Sài Gòn. Kết hợp phong trào nông thôn, với phong trào ven đô thị mà đẩy mạnh phong trào đô thị lên quy mô lớn; vũ trang đô thị để hình thành quả đấm mạnh mẽ ngay trong lòng đô thị.

        Bốn là, phá huỷ các cơ sở hậu cần, phương tiện chiến tranh của địch; đánh vào cơ quan đầu não của địch, đánh giao thông, tạo thế cắt địch về chiến lược, làm cho địch không có dự trữ về mọi mặt, cả người và vật chất; làm mất hẳn hậu phương quân địch, ngay trong lòng đô thị.

        Tóm lại, phải nắm vững chiến lược tổng hợp, để tạo sức mạnh tổng hợp; luôn luôn ra sức mạnh mới, tạo ra thế mới, đánh liên tục và bất ngờ.

        Đây là chiến lược toàn diện, mà ta đã từng vận dụng, để tiến lên chiến thắng quân thù.

        Các đòn chiến lược quân sự sẽ diễn ra trong năm 1975-1976 như thế nào? Chúng ta đồng tình với kế hoạch chiến lược năm 1975 mà Bộ Tổng tham mưu đã trình bày.

        Nam Bộ phải thắng bình định mạnh mẽ nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Khối chủ lực ở miền Đông, giúp vào đó để tạo thế liên hoàn giữa miền Đông và đồng bằng Khu 8, Khu 9. Hai cái đó phối hợp với nhau. Phải đánh kẹp trên xuống, dưới lên, mở đồng bằng, đồng thời, phải đánh làm sao ép được Sài Gòn hơn nữa. Muốn vậy, phải tiêu diệt một bộ phận, đánh cho chủ lực của địch ở miền Đông yêu đi. Như thế, ở Nam Bộ có ba nhiệm vụ quan trọng: vừa đánh đồng bằng, vừa đánh chủ lực, vừa ép đô thị. Đồng bằng Nam Bộ; phải ép Mỹ Tho hơn nữa. Tôi tin rằng, năm nay đồng bằng Nam Bộ có thể được giải phóng, liên hoàn hơn.

        Về mặt xây dựng lực lượng làm sao cho các đơn vị tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn vững mạnh lên; làm sao cho địa phương đủ sức bung ra, khi có thời cơ.

        Khu 5, Tây Nguyên: đồng ý đánh mạnh Tây Nguyên, nếu có khả năng thì mở ra từ Buôn Ma Thuột xuống đến Tuy Hoà. Lấy được vùng này quan trọng lắm. Cắt nó ra, tạo địa bàn ép Sài Gòn; còn đồng bằng Khu 5, thì giải phóng từ Bình Định trở ra.

        Ở Trị Thiên, làm chủ vùng từ nam Huế đến Đà Nẵng.

        Thực hiện được như vậy, sẽ làm cho so sánh lực lượng thay đổi hẳn, phong trào đô thị sẽ lên cao hơn nữa. Ta đã đánh được quận lỵ, chi khu rồi phải tiến lên đánh diệt trung đoàn, sư đoàn địch. Khả năng này ta đang có. Với cách đánh này, có thể liên tục đến mùa mữa, tạo ra thắng lợi dồn dập.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 12:22:08 am »


        Kế hoạch năm 1976 là dựa trên kết quả của năm 1975.

        - Cần đẩy mạnh phong trào đô thị hơn nữa, nắm vững hơn nữa nghị quyết của Bộ Chính trị về đô thị.

        - Đẩy mạnh cao trào binh vận: phải có người theo dõi từng sư đoàn ngụy. Khi ta đánh mạnh, ngụy có nguy cơ tan ra lớn. Tiến hành binh vận quy mô lớn. Ta có khả năng thúc đẩy mạnh binh biến, ly khai.

        Để bảo đảm các nhiệm vụ trên, Trung ương, Nhà nước ngoài này, phải đảm bảo vật chất, kỹ thuật cho bộ đội. Chuẩn bị đầy đủ là bảo đảm được nửa phần thắng lợi rồi.

        Cuối cùng, vẫn là con người quyết định, phải tuyển đủ số tân binh theo yêu cầu: hai năm tuyển 30 vạn. Phải tổng kết xem có cách nào đẩy nhanh hơn nữa công tác huấn luyện cán bộ và chiến sĩ được không? Về công tác chính trị, cần phải xây dựng khí thế ra trận để chiến thắng.

        Nắm vững hơn nữa đấu tranh ngoại giao để lung lạc, để thắng địch dễ nhất, nhanh nhất và chắc chắn nhất; bất cứ thời cơ nào cũng thắng. Nếu ta thắng lớn, nó muốn ngồi lại với ta, ta cũng ngồi. Ngồi để đẩy mạnh đô thị hơn nữa, để thâm nhập đô thị sâu hơn nữa và mục đích cuối cùng là để đánh tan quân đội đó, bắt nó phải theo các điều kiện do ta đưa ra. Cách làm thì có nhiều. Chúng ta không loại trừ khả năng có nơi nào đó, dùng lực lượng chính trị để khởi nghĩa, có lực lượng vũ trang làm hậu thuẫn, nhưng cái chính là phải nắm vững quân đội mạnh, chuẩn bị tổng công kích, bao vây xiết chặt đô thị, đập tan khối chủ lực ở ngoài, rồi vào đô thị đập tan cơ quan đầu não. Làm thế nào, để khi ta vào Sài Gòn, ta vẫn nắm vững ngọn cờ hoà bình, độc lập, dân chủ. Nhất thiết phải tiêu diệt quân đội ngụy để giành chính quyền và nắm lòng dân để giữ chính quyền. Ta yêu dân, chủ trương hoà bình; nó là phát xít, giết người. Ta mạnh, nhưng ta làm một cách vững chắc, nhẹ nhàng, để ngăn chặn Mỹ.

        Mỹ còn mắc nợ ta, ta đòi nó phải trả.

        Thưa các đồng chí,

        Những điều chúng ta bàn và kết luận hôm nay hết sức trọng đại, hết sức quan trọng.

        Trọng đại và quan trọng vì 30 năm nay, từ ngày giành được chính quyền, chúng ta đã phải trải qua chiến tranh liên miên, chống chủ nghĩa đế quốc, và hiện nay đang đương đầu với tên đế quốc mạnh nhất, hung ác nhất, là đế quốc Mỹ.

        Từ trước đến nay, cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

        Bây giờ, cách mạng Việt Nam thành công, có nghĩa là chủ nghĩa cộng sản đã thành công trên toàn cõi Việt Nam… Ba dòng thác cách mạng hiện nay, đang cuồn cuộn dâng cao, tiến công vào dinh luỹ bọn đế quốc; đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á này, nơi hội tụ của những mâu thuẫn gay gắt nhất của thời đại. Cuộc chiến tranh ngày càng gay go và quyết liệt. Cách mạng thế giới đã giao nhiệm vụ cho ndn Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam chặn bàn tay của đế quốc Mỹ lại, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở trên vị trí chiến lược này của thế giới. Đế quốc Mỹ đánh Việt Nam, là để dập tắt ngọn lửa đấu tranh của phong trào giải phóng dân tộc, đang bùng lên trên toàn thế giới; nó đánh Việt Nam, để cho không còn ai dám đi lên chủ nghĩa xã hội. Hai trăm năm nay, từ khi dựng nước, Mỹ chưa biết thua ai; nhưng bây giờ thì nó đã thua. Thắng lợi này, không phải chỉ ảnh hưởng trong nước ta mà thôi, mà cả Đông Nam Á và trên thế giới. Cũng có thể nói bây giờ là kỷ nguyên Việt Nam; bởi vì sau Việt Nam, rồi đây trên thế giới, sẽ dấy lên một làn sóng cách mạng sôi nổi và rộng khắp; chủ nghĩa đế quốc không tài nào ngăn chặn nổi; và cũng như trước đây, nó cũng đã ra sức ngăn chặn ở Việt Nam, mà cuối cùng rồi, chủ nghĩa cộng sản cũng xuống được đến mũi Cà Mau.

        Mười tám tháng nay, từ khi có Hiệp định, Bộ Chính trị đã theo dõi chặt chẽ, nắm chắc tình hình, đánh giá đúng so sánh lực lượng, cân nhác khả năng của ta, tìm ra phương pháp đúng mới hạ quyết tâm này, rất mạnh bạo và cũng rất lớn lao.

        Phải thấy hết cái trọng đại của nó, đồng thời cũng thấy hết cái khó khăn, phức tạp của nó. Vì nó có ý nghĩa quan trọng như vậy, cho nên phức tạp lắm. Sau khi đánh nhau với MỸ mấy mươi năm, ta đánh lui được một tên đế quốc mạnh như vậy, buộc nó ra được, rất là gay go. Có thể nói cuộc chiến tranh này là đau khổ nhất, gay go nhất, mà bây giờ chúng ta đã thắng. Tôi cho rằng, thắng xong rồi ở Việt Nam có lẽ cả 10 năm sau, cả thế giới còn sẽ chịu ảnh hưởng đến thắng lợi của ta. Chúng ta đã thấy hết những khó khăn, đồng thời phải thấy hết khả năng của ta, để hạ quyết tâm này, với trí thức và sự hiểu biết của 30 năm cộng lại, không phải của từng người mà của tất cả chúng ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 12:24:52 am »

     
        Thưa các đồng chí! Ta là chính nghĩa, trách nhiệm của ta lớn như thế đó! Nhưng chúng ta có quyết tâm, Đảng ta xứng đánh đảm nhiệm vai trò: làm thay đổi cục diện ở Đông Nam Á và trên thế giới. Đó là sứ mệnh lớn của Đảng ta.

        Vừa rồi, ý kiến của chúng ta đều thống nhất như vậy. Lần này nhất trí cao. Còn nhiều vấn đề còn phải bàn nữa. Bộ Tổng tham mưu phải làm việc nhiều hơn nữa, nghiên cứu sâu hơn nữa và có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện nghị quyết này…

        Trước khi mọi người đứng dậy ra về, Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn dặn thêm:

        - Những điều mà chúng ta bàn mấy hôm nay, phải hết sức giữ bí mật. Biên bản hội nghị này, chỉ được làm thành hai bản: đồng chí Phạm Hùng nhận một bản, còn một bản lưu. Những người khác, trách nhiệm của ai, nhớ mà làm…

        Sau hội nghị Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tham mưu họp với các chiến trường, để bàn kế hoạch triển khai nghị quyết. Không khí làm việc ở các cơ quan trên Bộ,vô cùng tất bật, nhộn nhịp.

        Khi đã có sự nhất trí và quyết tâm chiến lược, toàn bộ các chỉ tiêu đều được nâng lên và kế hoạch cũng có những điểm thay đổi.

        Theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị xác định hướng tiến công chiến lược ở Buôn Ma Thuột, như thế là Bộ Tổng tham mưu phải đặt vấn đề chuẩn bị chiến trường ở Buôn Ma Thuột một cách gấp rút hơn nữa và có lực lượng chuyên trách.

        Cách đây hai tháng, khi trực tiếp hướng dẫn cho đồng chí thượng tá Nguyễn Quốc Thước, tham mưu phó mặt trận Tây Nguyên, Bộ Tổng tham mưu đã xác định phương hướng, nhiệm vụ trước mắt đều nhằm vào Đức Lập, vì lúc bấy giờ lực lượng chỉ có hai sư đoàn 10 và 320; còn sư đoàn 968 thì mới ở Lào sang. Hướng phát triển, có thể là Gia Nghĩa, Kiến Đức, Buôn Ma Thuột, có thể làm nhiệm vụ tiếp sau. Do đó, Bộ tư lệnh Tây Nguyên, đã cử các đoàn cán bộ của sư đoàn 10 đi chuẩn bị chiến trường trên hướng Đức Lập, cán bộ của sư đoàn 320 đi trinh sát trên hướng đường 14 thậm chí, đã có một bộ phận công binh, đang làm đường trên hướng Gia Nghĩa. Cơ quan hậu cần, cũng lót được một ít lương thực, đạn dược trên hướng ấy rồi. Nay theo yêu cầu của Bộ Chính trị đề ra, tung thâm và chính diện của chiến dịch sâu rộng hơn nhiều; đến cả mục tiêu chủ yếu ban đầu cũng thay đổi. Tuy nhiên, nhiệm vụ của các đơn vị thì không thể thay đổi được. Mặc nhiên, sư đoàn 316 phải nhận lãnh trách nhiệm chính trên mục tiêu chính Buôn Ma Thuột. Điều này, không phải làm cho các đồng chí trong Bộ tư lệnh phải lo lắng. Mặc dù được xây dựng từ hồi kháng chiến chống Pháp, có truyền thống và kinh nghiệm chiến đấu tốt, nhưng sư đoàn 316 cũng có một số nhược điểm nhất định. Sau một thời gian đi làm nhiệm vụ quốc tế về, đơn vị đang trong thời kỳ củng cố. Gần đây, có chủ trương sẽ đưa vào tăng cường cho Nam Bộ, nên phải rút số cán bộ và chiến sĩ lớn tuổi ra, để giải quyết chính sách, cho phù hợp với chiến trường hơn. Do đó, số tân binh chiếm một tỷ lệ khá cao. Bộ tư lệnh sư đoàn, gần như mới hoàn toàn. Cấp trên giữ lại đại tá Đàm Văn Ngụy, vừa có kinh nghiệm chiến đấu, vừa quen thuộc với chiến trường Nam Bộ làm tư lệnh; cán bộ tiểu đoàn, một nửa là mới, còn cán bộ trung và đại đội, thì phần lớn, mới ở trường ra. Nỗi lo lắng của Bộ Tổng tham mưu lúc bấy giờ là làm thế nào để điều chỉnh lại kế hoạch chuẩn bị chiến trường theo quyết tâm mới. Nguyên tắc là phải tuyệt đối giữ bí mật, không ai được tiết lộ tí gì về kế hoạch qua điện đài. Được sự đồng ý của trên, hôm sau, thiếu tướng Lê Ngọc Hiền lên đường, cấp tốc hành quân chẳng kể ngày đêm, để vào Tây Nguyên sớm ngày nào hay ngày ấy, để cho kịp với thời gian quy định.

        Nhiệm vụ cắt đường 19, muốn được bảo đảm hơn, không thể giao cho một mình trung đoàn 95A. Quân khu 5 phải giao cho sư đoàn 3 (thiếu) nhiệm vụ quan trọng này. Khó khăn của quân khu là, một mặt phải chuẩn bị cho các lực lượng của quân khu hoạt động từ Quảng Ngãi trở ra hướng bắc, mặt khác lại phải vận chuyển một khối lượng vũ khí, đạn dược khá lớn vào sâu thêm hàng trăm cây số, giữa mùa mưa lũ và đường sá thì cũng chỉ mới khai thông. Mặt trận Trị Thiên có nhiều thuận lợi hơn; nhưng kế hoạch cũng có bị xáo trộn ít nhiều. Lúc đầu, thì hướng vào các mục tiêu trên đường 12 như Đồng Tranh, Bình Điền; nhưng để phối hợp chiến trường có hiệu quả hơn, kìm chế chặt các sư đoàn dự bị địch hơn nữa, theo quyết tâm mới, lại phải quay về các mục tiêu cũ, Núi Bông, Mỏ Tàu. Đối với Quân đoàn 2 thì không có vấn đề gì lớn, nhưng với quân khu Trị Thiên thì công tác chuẩn bị trở nên vô cùng phức tạp; ngoài việc phải chuẩn bị cho các trung và tiểu đoàn của mình, quân khu còn phải tổ chức ra hàng trăm đội công tác, để tung vào vùng địch, khuấy động vùng sâu, mở vùng, mở mảng, phối hợp chiến trường với các nơi. Hôm giao nhiệm vụ cho quân khu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị:

        “Mở rộng đồng bằng, diệt một số chi khu quận lỵ, giải phóng 10 vạn dân, đưa lên tranh chấp 20 vạn. Quân khu và Quân đoàn phải chuẩn bị điều kiện để giải phóng Huế, khống chế cửa Thuận An”.

        Nam Bộ là chiến trường sôi động nhất. Ngày 10 tháng 1 năm 1975, khi bàn kế hoạch cụ thể, đồng chí Phạm Hùng nói:

        Tình hình phát triển nhanh hơn lần trước, toàn bộ các chỉ tiêu trước đây đề ra cho cả năm 1975, có thể hoàn thành ngay trong đợt 2 này, và như thế, có thể có chuyển biến lớn. Trong đợt 1, ta đánh Phước Long ngoài dự kiến, nên không có kế hoạch cụ thể. Rút kinh nghiệm đó, cần phải điều chỉnh lại kế hoạch cho đợt 2, nâng các chỉ tiêu lên và có kế hoạch dự phòng. Tất nhiên, đấy cũng chỉ là ước lượng. Nhưng tinh thần của Trung ương Cục là liên tục tiến công liên tục nổi dậy, liên tục xây dựng, đặc biệt là vùng đồng bằng và vùng ven. Phải thực hiện cho được toàn bộ yêu cầu mở vùng, giành dân tạo thế, tạo lực như kế hoạch đề ra. Ở miền Đông, thì liên tiếp mở các chiến dịch, nhằm hình thành thế bao vây, uy hiếp Sài Gòn mạnh hơn, tạo bàn đạp triển khai lực lượng, và bảo đảm hậu cần, sẵn sàng chớp thời cơ khi xuất hiện.

        Sau khi tổng hợp các kế hoạch, nhìn vào bản thống kê nhân, vật lực, thây con số lên cao quá. Tuy vậy, cũng không làm cho ai choáng ngợp cả. Mọi khả năng về lương thực, thực phẩm, sắt thép, xăng dầu, xe cộ, đều dồn phần lớn ra phục vụ cho tiền tuyến. Ở hậu phương, nhiều nơi phải tăng ca, tăng kíp, thực hiện khẩu một người làm việc bằng hai.

        Sau này, trong lần tổng kết chiến dịch, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã nói lên cảm nghĩ của mình: “Tình hình trong nhân dân lúc bấy giờ thật là tuyệt diệu. Những vướng mắc, những biểu hiện tiêu cực không hề thấy ở bất cứ nơi nào. Tất cả mọi người đều đồng tâm nhất trí và nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, nhất định sẽ chiến thắng”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 12:29:39 am »


Chương 8

TRỞ LẠI CHIẾN TRƯỜNG

        Đầu năm 1975, đối phương đã hiểu rõ về ta như thế nào? Qua các tài liệu thu được ở Bộ Tổng tham mưu ngụy sau ngày 30 tháng 4, để lại là:

        Tháng 1 năm 1975, ta sẽ tiến công, nhưng quy mô không lớn, chủ yếu là phá bình định, giành dân.

        - Giai đoạn đầu: Tiến công toàn diện trên toàn chiến trường nhằm mở rộng vùng giải phóng, giành dân, đẩy mạnh xây dựng bộ đội địa phương và dân quân du kích.

        - Sau đó: Tiến công có hợp đồng binh chủng vào một số thị xã. Các mục tiêu được lựa chọn là: ở Nam Bộ: Phước Long, An Lộc, Tây Ninh; ở phía bắc: Quảng Trị; ở Tây Nguyên: Kon Tum, Plây Cu; ở Khu 5: miền duyên hải tỉnh Bình Định.

        Lực lượng sử dụng: 12 trung đoàn bộ binh, 3 trung đoàn đặc công, 5 trung đoàn thiết giáp, 14 trung đoàn pháo, 18 trung đoàn phòng không, hai trung đoàn công binh.

        Điều làm cho họ tin tưởng như đinh đóng cột là trong các tài liệu bắt được, thời gian có chênh lệch nhau, trên nhiều địa điểm xa nhau và bằng nhiều phương thức khác nhau - cái thì do các điệp viên tin cẩn nhất cung cấp, cái thì nhặt được trong một trận càn quét đâu đó v.v… nhưng đều khớp với nhau như một. Họ càng tin hơn nữa là giai đoạn một đã diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long gần đúng như những điều đã nắm được. Các trận đánh ở Vinh Trà Hậu Giang, Chương Thiện và ở vùng biên giới Kiến Tường, Đồng Tháp Mười có gây tổn thất cho vùng 4 chiến thuật, thương vong ngót 3.000, nhưng công tác phòng thủ ở đây tỏ ra là “hữu hiệu”. Chỉ có một vài triệu chứng báo trước tình hình an ninh ở nông thôn cứ ngày một xấu dần, nhưng căn bản, vẫn chưa có gì thay đổi lớn.

        Ở miền Đông, trận Phước Long đã diễn ra hơi sớm hơn một it theo như họ dự kiến, nhưng căn bản không sai lệnh bao nhiêu. Càng xác thực hơn nữa là sau Phước Long, ta chiếm luôn núi Bà Đen, đặt đài quan sát trông xuống thị xã Tây Ninh rõ mồn một như ngồi trên nóc nhà trông xuống dưới sân. Kể ra thì chọn Tây Ninh làm mục tiêu chủ yếu cũng là điều rất hợp lý. Về mặt quân sự, Tây Ninh cũng có tác dụng chiến lược. Nếu làm chủ thị xã này, Quân giải phóng sẽ đánh thẳng một mạch, dọc quốc lộ 22, xuống Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ, Hóc Môn, Củ Chi, rồi nhân đà thắng lợi, mà chọc ngay vào Tân Sơn Nhất, thì Sài Gòn chịu sao nổi? Về mặt chính trị, Tây Ninh lại càng quan trọng hơn. Trong những buổi tranh cãi với các phái đoàn ta ở Paris cũng như ở trại Đavi, mỗi khi nhắc đến chính phủ cách mạng lâm thời, họ thường đề ra câu hỏi để khiêu khích: “Thủ đô các ngài ở đâu?”. Họ sợ nhất là cái “chính phủ ma” này lại có một thủ đô; và sau Phước Long vị trí của Tây Ninh càng trở nên đột xuất. Tướng Nguyễn Văn Toàn, vừa thay Dư Quốc Đống làm tư lệnh Quân đoàn 3 vừa bị mất chức sau Phước Long đã khẳng đinh: “Mục tiêu số 1 của Quân giải phóng là Tây Ninh”. Để tỏ ra mình là một người chỉ huy có bản lĩnh, Toàn không nằm chết dí một chỗ mà chủ trương liên tục tiến công vào vùng giải phóng. Những tin tức tình báo cho biết ở Tây Ninh chỉ có 2 trung đoàn Quân giải phóng, còn “công trường 3” thì đang trong quá trình xây dựng, đang tập hợp lực lượng, và cũng nằm xung quanh khu vực này. Ông ta còn được biết thêm là trung đoàn 6 của sư đoàn 5 Quân giải phóng, một trung đoàn độc lập không rõ phiên hiệu và 3 tiểu đoàn địa phương khác khi thì cũng đang hoạt động ở dọc quốc lộ 1, quốc lộ 22, trong vùng Gò Dầu Hạ. Ngày 17 tháng 1, sư đoàn 25 mở cuộc tiến công vào núi Bà Đen, được sự chi viện rất mạnh của không quân, trực thăng vũ trang và pháo binh, các toán biệt động bung ra lùng sục, cố tìm cho ra các đài quan sát, các trận địa pháo của ta đang giấu kín trong các khu rừng. Toàn còn dự định dùng cả quân đổ bộ đường không vào khu vực này, nhưng vì gặp phải lưới lửa phòng không rất mạnh của ta, nên kế hoạch phải huỷ bỏ. Suốt 10 ngày ròng rã trong tháng 1 năm 1975, không đem lại kết quả gì, mới chịu chấm dứt cuộc hành quân. Gần đến tết con mèo, chiến sự lắng xuống; nhưng Toàn vẫn đinh ninh rằng trước sau rồi Tây Ninh cũng sẽ là mục tiêu tiến công. Tình báo lại vừa phát hiện thêm các sư đoàn 5, 9, một số tiểu đoàn pháo và cao xạ cũng đang trên đường và tập kết ở khu vực này. Toàn thay đổi cách bố trí: giao số đồn bốt đóng dọc tuyến giao thông cho 8 tiểu đoàn và 7 đại đội quân địa phương, còn tập trung  toàn bộ sư đoàn 25 để cơ động: trung đoàn 46 ở phía đông thị xã; trung đoàn 49 ở phía bắc và trung đoàn 40 ở Khiêm Hạnh. Toàn nắm trong tay một chi đoàn thiết giáp để làm đội dự bị. Bộ tư lệnh và cá đơn vị trực thuộc đóng ở toà Hành chính và tiểu khu Tây Ninh. Đêm và ngày, tung gián điệp, thám báo, biệt kích đi lùng sục các nơi; đoán chắc là ta sẽ phát động tấn công vào dịp tết con mèo, lặp lại kinh nghiệm của tết con khỉ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 12:32:06 am »


        Trên chiến trường phía Đông, sau khi sư đoàn 18 chiếm lại Võ Xu, tình hình trở nên im ắng. Toàn cũng chẳng mong gì hơn là cố giữ cho các đường quốc lộ 1, 20 và sân bay Biên Hoà được yên lành. Phần lớn sư đoàn 18 ở Bình Tuy, trung đoàn 43 ở Hoài Đức, trung đoàn 52 ở Xuân Lộc và trung đoàn 48 ở Long Bình. Với cách bố trí này, Toàn đã nắm được một lực lượng dự khá lớn, sẵn sàng ứng cứu cho các nơi và nếu ta ngừng tiến công thì cũng đã có sẵn lực lượng mạnh để giành giật với ta những khu vực còn đang tranh chấp.

        Sang tháng, ván bài coi như đã lật ngửa rồi; nhưng còn phải tìm biết cụ thể thêm ngày N, ngờ G. Hai nơi cần đặc biệt đề phòng là Kon Tum và Tây Ninh.

        Ở Tây Nguyên, chưa phát hiện được gì thêm ngoài hai sự kiện đột xuất: thứ nhất, ngày 9 tháng 1 năm 1975, đặc công đột nhập vào kho xăng Plây Cu đốt cháy một triệu rưỡi galông nhiên liệu đã lọc. Đây là một đòn chết tươi, đánh vào cơ sở hậu cần, làm cho họ phải choáng váng, nhất là trong lúc đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn này. Thứ hai, là sự xuất hiện của sư đoàn 968, với hai trung đoàn, mới ở Lào sang. Theo họ đánh giá, thì sức chiến đấu của sư đoàn này không bằng các sư đoàn đang đứng sẵn ở Tây Nguyên như sư đoàn 10, sư đoàn 320. Nhưng khi tài cực kỳ tinh xảo, những tốp thám báo năng nổ nhất, dũng cảm nhất, đã phát hiện vào giữa cuối tháng giêng năm 1975, những cuộc di chuyển bất bình thường, khá rầm rộ của các đơn vị xe tăng, pháo binh, trên hướng bắc Kon Tum, cộng với sự xuất hiện của sư đoàn 968 đã dẫn dắt tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh vùng 2 chiến thuật đi đến một kết luận dứt khoát: Tây Nguyên là chiến trường chính trong mùa xuân 1975, mà Kon Tum là một phá khẩu.

        Lúc bấy giờ Charle Times trong đại sứ quán Mỹ, có khêu gợi Phạm Văn Phú: “Hãy chú ý theo dõi những sự chuyển quân của Việt Cộng từ Plây Cu đi Buôn Ma Thuột”. Phú để ngoài tai vì hai lẽ: Kon Tum quá quan trọng. Tỉnh này nằm ngay trên đường thâm nhập từ miền Bắc vào, đồng thời cũng là một bàn đạp rất tốt để tiến công ra hướng biển, cắt đôi miền Nam Việt Nam. Hơn nữa, bộ phận kỹ thuật của Phú còn bắt được những bức điện mới nhất của ta, chứng tỏ rằng sư đoàn 10 và sư đoàn 320 vẫn còn ở bắc Kon Tum và tây Plây Cu.

        Chính trong lúc họ căng mắt ra để xỉa xói, tìm hiểu khắp nơi thì Bộ tư lệnh chuẩn bị cho sư đoàn 316 đang ở Quân khu 4 lên đường vào chiến trường nam Tây Nguyên.

        Sau khi đi kiểm tra về, Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ thị cho Cục tác chiến làm kế hoạch hành quân cho cả sư đoàn với đầy đủ các binh chủng kỹ thuật, với những yêu cầu cụ thể: nhanh, gọn, an toàn. Đại tướng đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề giữ bí mật mọi hành động của đơn vị, từ phiên hiệu đến tổ chức, trang bị, ngày giờ xuất phát từ địa điểm tập kết cuối cùng. Phải xem đây là những yếu tố quyết định thắng lợi cho chiến dịch sắp đến. Đại tướng còn chỉ thị thêm là phải nắm tình hình diễn biến trên đường hành quân hàng ngày, theo dõi chặt những phản ứng của đối phương nếu có, và kịp thời báo cáo lên Bộ.

        Được đi tham gia chiến dịch sắp đến, anh em trong đoàn A75 vô cùng sung sướng mà cũng không khỏi có băn khoăn lo lắng. Tuy nó không phải là một sở chỉ huy tiền phương của Bộ trùm lên Bộ tư lệnh chiến dịch, nhưng Đại tướng Văn Tiến Dũng ở đây, thì hàng ngày phải nắm tình hình các chiến trường, đặc biệt là đối với chiến trường Tây Nguyên thì phải nắm cụ thể như một cơ quan chiến dịch và phải liên lạc thường xuyên với Bộ. Đại tướng còn là Uỷ viên Bộ Chính trị nên ngoài công tác quân sự ra còn phải theo dõi và có ý kiến trên các mặt công tác khác trong cả nước. Bên cạnh Đại tướng, còn có Trung tướng Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần và Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền Tổng tham mưu phó. Ngoài đồng chí Thượng tá Nguyễn Tuyến thư ký riêng của Đại tướng, còn có thêm đồng chí trợ lý ở Cục tác chiến: trung tá Hoàng Dũng. Cơ quan chỉ có thế thôi mà phải làm biết bao nhiêu công việc. Lúc còn ở Hà Nội dự kiến chiến dịch sẽ phát triển trên một phạm vi khá rộng, đồng chí Hoàng Dũng đã chuẩn bị mang theo mấy bộ bản đồ; đặc biệt là các bản đồ, sơ đồ các thành phố, thị xã ở Tây Nguyên như: Buôn Ma Thuột, Plây Cu, Kon Tum, Đà Lạt… tưởng như thế cũng đủ rồi, chứ trước mắt cũng chưa cần đến làm gì, mang nhiều thêm nặng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM