Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 06:36:31 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bảo vệ Trường Sa 14/3/88  (Đọc 479463 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Wehrmacht
Thành viên
*
Bài viết: 58


« Trả lời #240 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 06:00:49 pm »

BBC Việt ngữ 05/10/2009:

Một trong những người còn sống, Trương Văn Hiền, khi ấy vừa ở tuổi 20 và chuyến đi ra Trường Sa trên con tàu HQ-604 là lần ra biển đầu tiên của ông

Dù có nhiều bán tin bán nghi về độ chân thực của video clip này, ông Hiền đã xem và cho BBC Tiếng Việt biết ông tin rằng đó là tư liệu thật được ghi vào chính ngày định mệnh 14/03/1988.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/10/091002_truong_van_hien_iv.shtml
Logged
binhyen1870
Thành viên
*
Bài viết: 31


« Trả lời #241 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 06:15:44 pm »

bó tay với mấy bạn trẻ, trích dẫn bbc ra đây làm gì Huh
Logged
cuong.tran
Thành viên
*
Bài viết: 58


« Trả lời #242 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 11:19:06 pm »

Rất buồn khi phải nói rằng ông Hiền chỉ chính xác khi nói rằng người co ro, cúm rúm bị TQ lôi lên bắt làm tù binh là ổng thôi!  Angry
Logged
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #243 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 09:43:52 am »

Rất buồn khi phải nói rằng ông Hiền chỉ chính xác khi nói rằng người co ro, cúm rúm bị TQ lôi lên bắt làm tù binh là ổng thôi!  Angry

Trên cơ sở nào vậy bác?
Logged
dbp
Thành viên
*
Bài viết: 53


« Trả lời #244 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2009, 10:49:06 am »

Wehrmacht:
Cảm ơn các bạn đã bỏ công sức, thời gian và tiền của cho chuyện này. Những người tâm huyết như bạn bây giờ ít lắm.
Video clip của bọn TQ thì tôi thấy nó chẳng có lý do gì để không thật cả, nhất là khi hai bác cựu binh trực tiếp tham gia đã nhận xét như thế rồi. Còn người này người nọ nghi ngờ nó có thật hay không, thậm chí có người nghi ngờ động cơ của bạn thì không thể nào mà thuyết phục hết được đâu bạn ạ. Hơn nữa cũng có thể có người không muốn các bạn tiếp tục tiến hành việc mà các bạn đang làm vì một lý do nào đó mà chỉ có họ mới biết được.
Chuyện đấy là bình thường trong cuộc sống, nếu cứ lo lắng đến nó thì chắc hết đời cũng không lo nổi. Mong các bạn đừng để những vấn đề đó làm ảnh hưởng nhiều đến công việc mà các bạn đang tiến hành.

Theo cá nhân tôi thì clip này là thật, nhưng xét cho cùng chuyện nó thật hay giả cũng không phải là vấn đề quan trọng nhất. Tôi quan tâm đến câu hỏi: tại sao chính quyền Trung Quốc lại tung ra vào thời điểm này?

Tôi cho rằng chính quyền TQ tung ra video này nhằm kích động tinh thần dân tộc của dân TQ, và cũng nhằm bôi nhọ Việt Nam và qua đó gia tăng sự bất mãn của dân ta với chính quyền. Thực tế là họ có thể đạt được phần nào 2 mục đích trên, nhưng ngược lại nó cũng hun đúc lại lòng căm thù và tinh thần cảnh giác trong hàng triệu người Việt Nam.

Thế tại sao lại tung ra vào thời điểm này? Theo tôi là họ đang chuẩn bị cho một hành động gì đó. Đây có lẽ chỉ là một trong nhiều bước "chuẩn bị dư luận" cho một kế hoạch nào đó của chúng ở trên biển. Dư luận Trung Quốc được nhắc nhở rằng "Việt Nam đã từng gây hấn và có thể sẽ gây hấn tiếp". Dư luận VN thì được xúi bẩy để tăng cường sự bất mãn với chính quyền, để đến khi TQ có hành động khiêu khích thì sẽ gây sức ép để chính quyền phải hành động. Mà TQ thì chỉ cần ta nổ súng trước là sẽ có cớ...
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Mười, 2009, 10:56:40 am gửi bởi dbp » Logged
cangiuoclongan
Thành viên
*
Bài viết: 52

Chủ nghĩa dân tộc mù quáng là đại họa của dân tộc!


WWW
« Trả lời #245 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2009, 12:37:41 pm »

Hôm nay VNN chính thức đăng bài của hoangsa.org:
------------------------------------------------------------

Hành trình truy tìm ký ức của một chiến sĩ Hải quân

Thứ ba, ngày 20 tháng 10 năm 2009 | 10:50 (GMT+7)
Ngày đăng: 6 giờ trước

Vào cái tuổi hai mươi "... tim đang dào dạt máu/gân đang săn và thớ thịt căng da", anh Trương Văn Hiền mang theo tình yêu Tổ Quốc cưỡi sóng đạp gió cùng đồng đội thực hiện chiến dịch "Chủ quyền 1988" lịch sử.

Trong biến cố ngày 14/03/1988, anh Hiền chìm cùng tàu HQ-604, lênh đênh giữa Biển Đông mênh mông, ba ngày hai đêm sau mới được cứu sống.


Gặp người lính Hải quân năm xưa

Một buổi sáng tháng 5/2009, chúng tôi nhận được thư điện tử từ anh Nguyễn Kim Hữu (đang làm cho một doanh nghiệp dầu khí tại Vũng Tàu), nội dung chỉ vỏn vẹn mấy dòng mà chứa rất nhiều thông tin: “Tôi biết rất chính xác thông tin về anh Trương Văn Hiền mà các anh cần. Trương Văn Hiền vẫn còn sống, quân Trung Quốc bắt và đã trả về, Trương Văn Hiền là bạn thân với tôi từ nhỏ, hiện đang sinh sống tại tỉnh Đắk Lắk”.

Anh Hữu cho biết thêm, anh nhận ra anh Hiền qua “Đoạn phim về vòng tròn bất tử của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam” trên diễn đàn hoangsa.org.


Ảnh: Cựu chiến binh tham gia chiến dịch CQ-88 lịch sử Trương Văn Hiền ngày nay

Lần theo đầu mối trên, Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa (hoangsa.org) có được một số thông tin sơ bộ về người cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch CQ-88 (viết đầy đủ là:  “Chủ quyền 1988”, là chiến dịch cắm mốc biên giới chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa) như sau:

- Họ và tên: Trương Văn Hiền

- Cựu chiến binh Hải quân Nhân dân Việt Nam được xác định là mất tích trên tàu vận tải HQ-604 trong biến cố ngày 14/3/1988 (danh sách có đăng trên báo Nhân Dân ngày 28/3/1988).

- Nguyên quán: xóm 5 xã Hương Phong - Hương Khê (trong báo ghi địa chỉ là Hương Khuê - giống nhau)

- Nơi sống hiện nay: Thôn 3 xã Hòa Thắng - TP Buôn Mê Thuột - Daklak.

- Điện thoại: 0934.874.XXX

- Hoàn cảnh gia đình hiện tại (theo lời anh Kim Hữu), gia đình anh Hiền có gặp khó khăn về kinh tế - bản thân anh Hiền có trở ngại về sức khỏe với vết thương ở sườn và cánh tay trái.

Vì biết mục đích chuyến viếng thăm, anh Hiền bỏ cả ngày làm việc, ngồi chờ. Theo lịch hẹn, chúng tôi sẽ gặp nhau lúc 9h, nhưng khoảng 7h30 anh đã nóng lòng gọi điện - hỏi han và dặn dò đường đi rất cặn kẽ. Thậm chí, anh còn nhiệt tình ra đón tôi trên đường tới sân bay Buôn Ma Thuột. Chúng tôi được đón tiếp  như người thân lâu ngày gặp lại.

Thật khó quên ánh mắt người cựu binh lúc đó: thân thiện và có thoáng chút xót xa (có lẽ kí ức đau thương dội về - kí ức của một thời nhớ mãi nhưng không muốn nghĩ lại). Anh đi trên chiếc xe Wave đỏ đã cũ và bộ đồ in thêm màu nắng.

Những giây phút đầu, tôi lanh chanh và hấp tấp, tôi hỏi đủ thứ dường như làm anh lúng túng và cười:

"Thì cứ uống nước đi đã nào … "

Câu chuyện bắt đầu sau khi ly nước đã cạn …

Truy tìm ký ức


Ảnh: Anh Hiền sau khi được tàu Trung Quốc trục vớt và bắt giữ. Hình chụp từ video clip "Vòng tròn bất tử". Đây cũng chính là hình ảnh mà anh Hữu đã nhận ra bạn mình.

Qua trò chuyện ban đầu tôi được biết anh thuộc Tiểu đoàn 6 - bộ phận đo đạc Hải đồ trực thuộc Bộ tham mưu Hải quân trước đây do anh  Lê Đình Thơ, quê Hoằng Minh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa chỉ huy.

Khi tôi hỏi anh về những ghi chép ngày ấy, anh chỉ cười buồn: “Trôi trên biển ba ngày, mất hết cả rồi còn đâu…”.

Khi xem đoạn phim về vòng tròn bất tử của các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam, anh ngạc nhiên: “Bọn chúng còn quay cả được những cảnh này cơ à?”.

Nói đến đây, anh Hiền bỗng im lặng như cố gắng nhớ lại những kí ức ngày nào, như thể chính anh và các đồng đội thân thương của mình vẫn đang sát vai nhau giữa làn nước biển và vòng vây tàu chiến Trung Quốc giữ lấy lá cờ chủ quyền trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma thiêng liêng của Tổ Quốc. Rồi mắt người chiến sĩ hải quân năm xưa bỗng ướt nhòe…

Không xúc động sao được khi giờ đây anh lại thấy chính mình trong đoạn phim quay từ hiện trường biến cố. Anh Hiền sau đó đã cùng với 8 đồng đội chịu cảnh tù tội vô cớ tại Quảng Đông trong suốt 3 năm ròng.

Sau khi chiếc tàu đầu tiên bị chìm xuống (tàu vận tải HQ-604 bị bắn trúng hỏa lực mạnh của hai/bốn tàu chiến Trung Quốc), phía Trung Quốc tiến hành trục vớt được 9 chiến sĩ của ta, anh Hiền được cứu sống sau 3 ngày 2 đêm trôi lênh đênh giữa dòng Biển Đông và bị trói mang lên tàu chiến đưa về giam giữ tại một nhà giam thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Sau này, trong báo cáo về biến cố đó, phía Trung Quốc lại nói rằng chiến sĩ ta buông súng chịu hàng, trong khi thực tế 74 chiến sĩ đều không có vũ trang (trên tàu 604 khi đó các anh chỉ có súng AK, có lẽ các anh chỉ trang bị đủ để đối phó với hải tặc).

“Thậm chí còn không nghĩ tới việc sẽ xảy ra giao chiến, đơn thuần chỉ là vận chuyển đồ đạc cần thiết để đi cắm mốc biên giới chứ có chuẩn bị cho chiến tranh đâu” - anh Hiền nói.

Và anh tiếp tục kể lại quãng thời gian bị giam cầm: “Thời gian đầu cai ngục đánh đập dã man lắm, tiêu chuẩn bữa ăn mỗi ngày thì chỉ có 3 cái bánh mì tròn nhỏ như bánh bao, rỗng ruột và 1 bát nước cháo. Thời gian sau này, nhờ sự viếng thăm của Hội Chữ Thập Đỏ thế giới, bữa ăn của các anh được cải thiện chút đỉnh".

Lúc ấy, anh bị giam riêng, biệt lập nên không rõ đồng đội lúc này thế nào, cũng không biết Biển Đông bây giờ ra sao, chỉ biết nén nỗi căm thù vào trong tim.

Anh còn bị tiêm 1 thứ thuốc mà không rõ là thuốc gì. “Thì có biết thuốc gì đâu. Chúng nói bị bệnh phải tiêm thuốc".

Rồi cứ thế, bác sĩ tới tận nhà tù “chăm sóc” bằng những mũi tiêm không rõ mục đích. Riêng anh Hiền bị tiêm 3 mũi thuốc, các đồng đội còn lại có lẽ đều bị tiêm nhưng không rõ liều lượng thế nào “vì bị nhốt riêng”?

Tới ngày 2/9/1991 (theo trí nhớ của anh Hiền), các anh được trả tự do tại “cửa khẩu Bằng Tường - Lạng Sơn” (có lẽ là cửa khẩu Hữu Nghị Quan xuất sang Bằng Tường, Trung Quốc), và được đưa về trại an dưỡng 1 thời gian tại Quảng Ninh (chừng 2-3 tháng). Tất cả các bức hình sau này đều được chụp ở Quảng Ninh) rồi thì mỗi người một nơi lập nghiệp.

“Mỗi người đều có một quyển sổ nhỏ ghi chép địa chỉ của nhau để tiện liên lạc về sau nhưng bôn ba nhiều nơi cũng không biết nó bị mất từ lúc nào...”

Theo đề nghị của chúng tôi, anh Hiền đã hứa sẽ bắt tay vào viết một vài trang hồi ức để lưu giữ lại các thông tin mà anh biết về những chiến sĩ còn sống, đã hi sinh, cũng như đời sống của quân dân Trường Sa những ngày ấy nhằm góp thêm vào kho tư liệu lịch sử chủ quyền những thông tin quý giá.

Cuộc sống hiện tại

Lưu lạc tới Tây Nguyên lập nghiệp đã mười mấy năm trời nhưng cuộc sống vẫn cơ hàn. Đường đời không thương bước chân người chiến sỹ thương tật 22% này. Một mái nhà - một mảnh đất  - một nơi tụ họp cũng không có. 10 năm trời sống nhờ người chị đến tận bây giờ mới có riêng cho gia đình một khoảng trời.


Ảnh: Ngôi nhà hiện nay của anh Trương Văn Hiền mới được người chị tặng

1 chiếc wave cũ- 1 điện thoại di động và 1 tivi. Bao nhiêu năm làm lụng chỉ được có chừng đó. Cơ hàn vẫn cứ cơ hàn! Thương tật vẫn còn là thương tật! Sức khỏe giảm sút và đau nhói mỗi khi trái gió trở trời.

“Anh yếu không làm gì được nhiều. Nhiều đêm đang ngủ anh kêu đau buốt đầu gối như có con gì bò ở trong, khó chịu lắm, khổ sở lắm, mà nào có tiền đi khám... Nhà nghèo thì ai cũng thế, khi thập tử nhất sinh mới liều tới bệnh viện thôi. Anh cứ đòi lấy cưa để cưa chân mình đi luôn cho khỏi đau…” - Chị Bùi Thị Phượng, vợ anh chia sẻ.


Ảnh: Bé út Trương Viết Thùy (5 tuổi) và anh Trương Viết Thống (học sinh lớp 7 - THCS Nguyễn Chí Thanh - Tp Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk)

Kinh tế không đủ ăn, đủ mặc lại còn hai con nhỏ tới tuổi đến trường, anh Hiền là người mang thương tật từ những di chứng khi bị giam giữ ở nhà tù Quảng Đông, hoàn cảnh của anh đang rất khó khăn.

Thiết nghĩ, với những trường hợp như anh Trương Văn Hiền, những nhân chứng sống của lịch sử  thì chính quyền địa phương cần có những biện pháp hỗ trợ cho anh, một cựu chiến binh HQNDVN đã hi sinh cả quãng đời trai trẻ của mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh hải của đất nước để rồi chịu nhiều thương tật - khổ ải và buồn đau.

Tìm kiếm thông tin về những người đồng đội còn sống sót của anh Trương Văn Hiền


Ảnh: Hình chụp của cựu chiến binh CQ-88 Lê Minh Thoa (Ảnh do anh Trương Văn Hiền cung cấp)

Theo trí nhớ của anh Trương Văn Hiền, 8 đồng đội của “Vòng tròn bất tử” ngày nào còn may mắn sống sót sau biến cố “Hải chiến Trường Sa” (http://hoangsa.org/forum/showthread.php?t=5480) là:

1. Nguyễn Tiến Hùng, Quảng Xương, Thanh Hóa (số 9 trong danh sách công bố của báo Nhân Dân) - ( theo lời của anh Hiền thì anh Hùng và anh Thoa là cùng đơn vị “lính tàu” - tức là thợ máy.)

2. Lê Minh Thoa, Bình An, Tây Sơn, Nghĩa Bình ( nay là 1 trong 3 xã Tây An, Tây Bình hoặc Tây Vinh thuộc huyện Tây Sơn, Bình Định. Nghị định Số: 33/a-HĐBT Ngày 14 tháng 02 năm 1987 chia xã Bình An thành 3 xã Tây An, Tây Bình,Tây Vinh, nhưng có lẽ hồ sơ chiến sỹ năm 1988 chưa cập nhật thay đổi này) (số 10)

Theo lời kể của anh Hiền thì chú ruột của anh Lê Minh Thoa công tác tại Phòng chính sách thuộc Cục Chính trị Hải quân đóng tại Hải Phòng. Cha anh Thoa là ông Thừa nhà ngay cạnh cảng Qui Nhơn.

3. Nguyễn Văn Thông, Nhân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình (số 46).

4. Lê Văn Đông, Tây Trạch, Bổ Trạch, Bình Trị Thiên.(nay là Quảng Bình) (số 47) - Trung đoàn công binh E83- trên tàu 604

5. Trần Thiện Phụng, Phường 2, Đông Hà, Bình Trị Thiên (nay là Quảng Trị) (số 49) - Trung đoàn công binh E83 - trên tàu 604

6. Mai Văn Hải, Liêm Trạch, Bổ Trạch, Bình Trị Thiên (nay là Quảng Bình) (số 55) - Trung đoàn công binh E83- trên tàu 604

7. Nguyễn Văn Tiến, Nam Định (thuộc trung đoàn Công binh E83) (trong danh sách mà báo Nhân Dân đã đăng tải thì không có ai tên Tiến ở Hà Nam Ninh đây chỉ là tên khai báo cho Trung Quốc còn tên thật là Phạm Văn Nhân - Nghĩa Lợi - Nghĩa Hưng - Hà Nam Ninh - nay là Nam Định) (số 65)

8. Dương Văn Dũng, tổ 53, Hòa Cường, Quảng Nam-Đà Nẵng.(nay là 1 trong 2 phường Hòa Cường Bắc, Hoà Cường Nam thuộc quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng. Cũng xin lưu ý là 2 phường này còn có 6 liệt sỹ khác là các chiến sỹ số 62, 63, 64, 70, 71, 72 theo thứ tự trên báo Nhân Dân ngày 15/03/1988) (số 67)

Trong nhiều hình ảnh mà anh Hiền còn giữ lại được về các đồng đội, số có thể nhìn được rõ mặt thì không còn bao nhiêu.


Ảnh: Hình bên trái là anh Trương Văn Hiền 21 năm về trước, bên phải là 9 người đã bị bắt cùng 3 người nữa là vợ chiến sĩ Trần Thiện Phụng và 2 đồng chí cán bộ khác. Ảnh đã bị nhòe do nước lũ cuốn trôi. (Ảnh do anh Trương Văn Hiền cung cấp).

Qua đây chúng tôi cũng xin kêu gọi những chiến sĩ đã trở về sau ngày 2/9/1991 có tên nêu trên đang sinh sống- làm việc ở đâu thì liên lạc với chúng tôi hoặc gia đình các chiến sĩ, độc giả cả nước - xin hãy cùng chung tay góp sức với chúng tôi tìm kiếm thông tin về các anh và gia đình để qua đó có những hành động thiết thực ghi nhớ công ơn mà các anh đã cống hiến cho Tổ Quốc, để 1 ngày anh Hiền và 8 đồng đội còn lại có thể cho chúng ta những bức hình ghi dấu sự hội ngộ.

Đây đồng thời cũng là việc thu thập thêm tư liệu về sự kiện lịch sử gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc Việt Nam. Cám ơn sự ủng hộ từ các bạn.

    * Nguyễn Thị Đài Trang (Trung Tâm Dữ liệu Hoàng Sa)

http://www.tuanvietnam.net/2009-10-14-hanh-trinh-truy-tim-ky-uc-cua-mot-chien-si-hai-quan-

------------------------
Em post lên cho bà con đọc cho dễ
Logged

Chủ nghĩa dân tộc mù quáng là đại họa của dân tộc!
fddinh
Thành viên
*
Bài viết: 324


Mít sờ tơ Khù văn Khoằm


WWW
« Trả lời #246 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2009, 11:10:43 pm »

bó tay với mấy bạn trẻ, trích dẫn bbc ra đây làm gì Huh

Trích ra để thấy rằng Bà Buôn Cải này thuổng bài của Hoàng Sa đót o rờ gờ một cách trắng trợn chứ sao! Tongue
Logged

Mít sờ tơ Khù văn Khoằm
tomo
Thành viên

Bài viết: 2


« Trả lời #247 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2009, 06:45:41 am »

Các bác có thể về Tân cảng Sài Gòn, tìm Anh Võ Tá Du (có thể đã nghỉ hưu), chính trị viên HQ505 để tìm hiểu thêm, cãi nhau làm gì lắm

Nhà sách Minh Khai cũng có anh Dũng lính HQ505 cũ

Bảo tàng Lịch sử trên đường Võ Văn Tần có anh Lại Hoàng Năm
Logged
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #248 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2009, 10:07:24 am »

Vietnamnet lại mới có bài này.

http://www.tuanvietnam.net/2009-11-03-nguoi-linh-hai-quan-cuoi-song-trong-chien-dich-chu-quyen-88-

Người lính Hải quân cưỡi sóng trong chiến dịch Chủ quyền 88
Tác giả: Hoàng Sang - Vũ Thành

Hơn 20 năm sau sự kiện ngày 14/3/1988, chúng tôi mới có dịp gặp và nghe các anh kể lại câu chuyện cùng đồng đội vượt trùng dương ra với Trường Sa, để khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

LTS: Hơn 20 năm sau sự kiện ngày 14/3/1988 - ngày mà Hải quân Việt Nam cưỡi sóng ra với Trường Sa, để khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chúng tôi mới có dịp gặp anh - người đã từng chứng kiến giây phút hải quân Việt Nam đạp sóng để cắm cờ trên đảo Cô Lin, Gạc Ma; từng bị bắt giam tại Trung Quốc rõng rã 3 năm, 5 tháng 15 ngày; từng vượt ngục 2 lần không thành. Cũng chính anh là người tận mắt chứng kiến đồng đội của anh- những chiến sỹ hải quân Việt Nam đã ngã xuống 21 năm về trước để khẳng định chủ quyền của dân tộc, để nối tiếp quá khứ bất khuất và hào hùng của bao thế hệ cha anh. Người đàn ông đó có tên Phạm Văn Nhân (sinh năm 1968, trú tại Đội 1, thị trấn Nông Trường Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định). Tuần Việt Nam xin giới thiệu câu chuyện được người lính hải quân năm xưa kể lại.

Trường Sa kiêu hùng 20 năm về trước


Anh Nhân kể lại trận hải chiến năm 1988 và những ngày bị bắt giam tại TQ

40 tuổi, thân hình nhỏ thó nhưng rắn chắc, gương mặt sạm đen với những vết sẹo do trận chiến ngày xưa để lại, anh say sưa kể cho chúng tôi về những ngày tháng cách đây hơn 20 năm về trước.

Trong câu chuyện chắp vá của anh vào một đêm tháng 10/2009, có cả quá khứ hào hùng nhưng bi thương; có cả ánh mắt rực lửa khi nhắc tới lá cờ Việt Nam phần phật tung bay ngạo nghễ giữa đảo Trường Sa; có cả giọt nước mắt mặn mòi chực lăn trên khóe mắt khi nhắc tới những đồng đội đã ngã xuống; có những tủi hờn về những ngày tháng bị giam cầm tại Trung Quốc; có cả những hạnh phúc tột cùng ngày trở lại Việt Nam và nghe tin những chiến sỹ Hải quân vẫn ngày đêm giữ vững những hòn đảo ở Trường Sa.

Với anh, Trường Sa là máu. Là thịt. Là vùng biển thiêng liêng mà thế hệ những người lính Hải quân ngày đó dù cho phải hy sinh cũng cố gắng giữ gìn từng tấc đất.

Với anh, Trường Sa rất đỗi tự hào, là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống hiện tại.

Sau 2 năm nhập ngũ, anh được lệnh ra xây dựng và cắm mốc cờ để khẳng định chủ quyền của đất nước trên đảo Trường Sa trong chiến dịch CQ 88. Ngày đó, anh thuộc Trung đoàn E83 thuộc Bộ tư lệnh Hải quân.

Đêm trước lúc lên tàu, anh hồi hộp không ngủ. Với anh, cái tên Trường Sa tuy là lạ lẫm nhưng rất đỗi thân quen như một phần máu thịt chảy trong cơ thể người lính tuổi 20. Anh tưởng tượng về Trường Sa giữa muôn trùng biển khơi, về những người lính ngày đêm hiên ngang cầm súng để bảo vệ vùng biển. Và anh mong sẽ góp một phần sức trẻ cho hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sáng 12/3/1988, tàu HQ 604 chở hơn 100 người bao gồm lực lượng công binh, lính 146... trong chiến dịch CQ 88 hú 3 hồi còi rồi vươn mình tiến về biển khơi. "Trước lúc tàu rời đất liền, chỉ huy lên tàu bắt tay anh em chúng tôi, chúc cho chuyến đi bình an để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Nhìn thủ trưởng ân cần căn dặn và ôm chặt từng người lính, chúng tôi hiểu rõ nhiệm vụ mà chúng tôi được giao sẽ rất thiêng liêng và cao cả"- anh Nhân mở đầu câu chuyện.

Sau hơn 1 ngày lênh đênh trên biển, đến ngày 13/8 tàu HQ 604 bắt gặp tàu HQ 505. Sau khi chuyển một số hàng sang tàu 505, cả 2 chiếc tàu "đặc biệt" này lại xé toang sóng biển, tiến nhanh về phía biển.

4 giờ chiều ngày 13/8, từ xa mọi người trên tàu đã nhìn thấy hòn đảo hiện lên giữa sóng biển trắng xóa. Khi tàu cách đảo khoảng mấy chục mét thì gặp 2 chiếc tàu lớn đã neo sẵn. Một người trên tàu lạ cầm loa và bảo rằng: đây là lãnh thổ Trung Quốc, đề nghị người Việt Nam rời khỏi.

"Lúc đấy, tôi cảm thấy bị xúc phạm. Mặc, những người lính đi trên chuyến tàu HQ 604 vẫn không nao núng. Theo lệnh của người chỉ huy trưởng Trần Đức Thông, anh em chúng tôi cử người xuống đo độ sâu, thả neo, 1 người được cử lên đảo để khảo sát" - anh Nhân tiếp câu chuyện.

Đêm đầu tiên trên đảo, Nhân cùng một số đồng đội bơi ra khảo sát đảo. Lần đầu tiên trong đời, anh được ngắm những nhành san hô đá, san hô trúc rực rỡ sắc màu.

Trước, anh chỉ được biết về quần đảo Trường Sa qua sách vở, qua những câu chuyện của những bậc cao niên trong làng.

Nay, Trường Sa hiện rõ mồn một trước mắt anh với những nhành san hô lung linh huyền ảo, với đại dương mênh mông sóng nước.

Rồi, anh tự hứa - lời hứa của một trái tim 20 tuổi: "Biển trời Việt Nam đẹp quá. Ta nguyện sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ để bảo vệ từng tấc đất, ngọn cỏ, từng con sóng. Nếu như có phải hy sinh vì mảnh đất mang tên Trường Sa thì cũng đáng tự hào".

Đêm. Sau khi lấy một ít san hô lên tàu để làm kỉ niệm, anh vào ngủ chung với anh Phỏng - Đại đội phó. Những câu chuyện về Trường Sa, về gia đình qua lời kể của Đại đội phó làm anh không ngủ được. Nhân hãnh diện và tự hào vì mình là một trong hàng triệu triệu thanh niên ngày ấy may mắn được đặt chân đến quần đảo Trường Sa.

Hải chiến ngày 14/3/1988


Anh Nhân cùng vợ và hai con
Sáng 14/3, chỉ huy trưởng Trần Đức Thông ra lệnh cho anh em chuẩn bị công việc. Một số người được lệnh bơi lên đảo để cắm cờ, số còn lại chuyển hàng từ tàu ra xuồng nhỏ để đưa lên đảo. Một lúc sau, đã thấy lá cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay ngạo nghễ giữa biển trời.

"Lúc đó, tôi đang chuyển hàng từ tàu xuống thuyền thì nghe thấy tiếng quát tháo từ trên đảo. Ngước mắt nhìn lên, đã thấy hàng chục lính Trung Quốc được trang bị súng AK và tiểu liên đổ bộ lên đảo. Phía bên cạnh mạn sườn tàu 604, có 2 tàu chiến Trung Quốc áp sát. Một lúc sau, tôi nghe thấy hàng loạt tiếng nổ chát chúa trên đảo. Liền sau loạt đạn AK đó, đã thấy lính Trung Quốc đi trên mấy chiếc xuồng chiến vãi trấu lên boong tàu.

Sau khi cho quân từ các xuồng chiến vãi đạn lên boong, tàu chiến Trung Quốc vội dùng pháo 100 mm bắn thẳng vào tàu HQ 604. Phát pháo đầu tiên nhằm thẳng vào trung tâm báo vụ của tàu 604. Liền sau đó, pháo 100 ly lại bắn thẳng vào khoang chứa máy.

Anh em chúng tôi được lệnh rút vào phía khoang tàu chứa hàng. Ở trong vẫn nghe rõ những tiếng nổ chát chúa của súng AK, pháo 100 ly.

Tàu thủng. Nước ào nhanh vào cả khoang chở hàng rồi bị nhấn chìm. Nước vào quá nhanh đã đánh bật tôi vào góc chứa hàng. Tôi lặn xuống và mò mẫm tìm lối thoát ra.

Sau một lúc vật lộn với sóng biển, lúc sức đã kiệt thì tôi mới tìm thấy lối ra. Vừa ngoi ngóp lên mặt nước đã thấy lính Trung Quốc dùng AK bắn xối xả vào anh em chúng tôi. Chúng tôi lại lặn sâu để tránh làn đạn của tàu Trung Quốc" - anh Nhân bồi hồi nhớ lại những phút giây kinh hoàng hơn 20 năm về trước.

Sau một hơi lặn, anh và các đồng đội lại nổi lên mặt nước. Lúc này, phía Trung Quốc thu quân và bỏ đi.

Bị thương ở mặt và chân, Nhân vẫn cố gắng vật lộn với nước và vớ được một thanh gỗ rồi bám vào đấy. Anh nhìn quanh, chỉ thấy 8 người đồng đội của anh cũng đang bấu víu vào những thanh gỗ và vật lộn với sóng biển trong cái rét tê dại. Anh thốt lên không thành lời: "Đồng đội của tôi, các bạn đâu cả rồi".

Lần đầu tiên trong đời anh khóc. Nước mắt hòa lẫn với vị mặn chát của biển khơi.

Hòn đảo Cô Lin, Gạc Ma vẫn hùng dũng, sừng sững giữa trùng dương như là nhân chứng sống cho phút giây những người lính Hải quân Việt Nam chiến đấu để bảo vệ chủ quyền.

5 giờ chiều, 2 chiếc tàu chiến Trung Quốc quay lại và trục vớt 9 người lên tàu. Nhân là người cuối cùng được vớt lên. Sau khi lên tàu, lính Trung Quốc ra hiệu yêu cầu Nhân và đồng đội đầu hàng. Mặc vết thương đang rỉ máu, mặc súng kê cạnh đầu, mặc lính Trung Quốc dọa dẫm, Nhân cùng với đồng đội vẫn thản nhiên, mắt nhìn thẳng vào những người lính Trung Quốc đối diện. Anh còn nghe rõ một người lính Trung Quốc nói oang oang: "Lính Việt Nam không biết đầu hàng thì phải".

9 con người sống sót và lênh đênh trên biển cho đến khi bị bắt, đến bây giờ anh Nhân vẫn nhớ rõ từng cái tên và địa chỉ. Anh đọc vach vách cho chúng tôi nghe, đó là Nguyễn Tiến Hùng, Trương Văn Hiền, Lê Văn Đông, Nguyễn Văn Thống, Mai Xuân Hải, Trần Thiêm Phụng, Trương Bá Dũng, Lê Minh Thoa và anh - Phạm Văn Nhân.

--------------
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #249 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2009, 07:42:20 pm »

Sau khi lên tàu, lính Trung Quốc ra hiệu yêu cầu Nhân và đồng đội đầu hàng. Mặc vết thương đang rỉ máu, mặc súng kê cạnh đầu, mặc lính Trung Quốc dọa dẫm, Nhân cùng với đồng đội vẫn thản nhiên, mắt nhìn thẳng vào những người lính Trung Quốc đối diện. Anh còn nghe rõ một người lính Trung Quốc nói oang oang: "Lính Việt Nam không biết đầu hàng thì phải".

Thế chắc là anh Nhân phải thạo tiếng Trung lắm nhỉ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM