Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 08:28:49 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lính Hà Nội Nhớ về Hà Nội ( phần II)  (Đọc 193360 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
binhyen1960
Moderator
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #320 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2013, 04:27:49 pm »

 Cứ để cái topic: Lính Hà Nội nhớ về Hà Nội "chìm nghỉm" thế này bác chủ topic ơi. "Móc" hộ nó lên dùm bác nhé. Grin

 Lính Hà Nội luôn nhớ về Hà Nội mỗi khi vào trận, ít phút và khoảnh khắc cho riêng ta, cho mình để nhớ về nơi ta đã từng sinh ra và lớn lên, tuổi thơ cùng những ngày cắp sách tới trường, "bố láo" tý nữa thì trèo me trèo sấu nghịch ngợm phá phách. Nhưng tựu chung vẫn là nhớ về Hà Nội. Nhà văn nào đó từng nói: Nhớ cả những người không quen biết. Họ chỉ đi qua, một thoáng giữa ký ức của mình, không rõ tên tuổi và cả địa chỉ của họ, nhưng trước giờ xung trận lại chợt nhớ về họ, rất "vô duyên" nhưng mà lại nhớ. Grin

 Một câu chuyện hay về Hà nội, có lẽ lên chia sẻ với các bác và "móc" cái topic này lên. Grin

                                                     Vài dư bóng.

  Hà Nội đúng là mảnh đất của Địa Linh, nên đã sản sinh được nhiều Nhân Kiệt và cả nhân không kiệt nhưng gây ấn tượng một thời cho nhiều người. Chả cần nhắc lại thì người thời nay, ai cũng có thể nhớ lại hình bóng hay dư vang về ai đó như là mình vẫn nhớ in bóng Tháp Rùa, làn sương hồ Tây, con đường thơm tình ái đêm thu, thứ hương sữa dệt nên một thơ mộng trên hai mái hồn mái tóc...

  Những con người nổi danh như Phạm Đình Hồ "nhà ta ở phường Hà Khẩu ...", Cao Bá Quát với một đời không chịu cúi chào ai nhưng phải cúi đầu trước bông hoa mai cốt cách ("nhất sinh đê thủ bái hoa mai"), một Thạch Lam "hương cà cuống thơm như một nghi ngờ", một Vũ Trọng Phụng còn cười nhiều thế kỷ trước cái rởm đời Bà Phó Đoan chỉ chung thủy với vài ba đời chồng ... một Vũ Bằng ròng ròng tâm sự trong mười hai nỗi nhớ thương từ một hạt rượu nếp tháng năm đến hoa đào tháng chạp và cả ông Bằng "hói" với món bánh trôi tầu, lục tào xá đầu ngõ ở phố hàng Giày hôm nay ... rồi ngược thời gian như ta bơi chiếc thuyền kết bằng tâm tư và ký ức lên phía thượng nguồn con nước đỏ phù sa năm tháng, ta sẽ gặp những con người nổi tiếng và không nổi tiếng, tư cách và thiếu tư cách, tài tình và khổ lụy, hạnh phúc và đớn đau ...

  Một Ba Giai Tú Xuất giỏi ứng đối nhưng hơi quá mức suồng sã, không còn chất hào hoa thanh lịch, một Hồ Xuân Hương đa mang cái tài để khổ cái tình, mấy lần lấy lẽ cũng không xong, thương cả người đàn bà góa khóc chồng "Xấu máu thì kiêng miếng đỉnh chung ..." đến nay đọc lại, nghe lại vẫn thấy bà là vị tiên tri, nhắc những ai bao đời sau đừng có tham miếng đỉnh miếng chung mà mắc vào đau đớn ê chề lầm lỗi ... và trên giá sách trên tường kia đêm đêm vẫn đầy tiếng lào xào của cố nhân, kể về Hà Nội ...

  Một con người được phong làm anh hùng thời đại (của Việt Nam Hà Nội chứ không phải Pét-xu-rin của Lép-môn-tốp) dám sắm thương thuyền cạnh tranh với Tây uy quyền, một Nguyễn Văn Vĩnh biết từ chối mề đay bội tinh để chết khổ nơi rừng Lào biệt xứ.

  Hà Nội luôn luôn có nguồn khí thiêng bốc lên từ mạch đất mắt thịt người trần như ta không nhìn thấy tắp lự, nhưng rồi Hà Nội mách chỉ cho ta, ta mới giật mình như tiếng Giao thừa nỏi lên cho ta bừng tỉnh niềm mơ màng và biết là mùa Xuân đã về.

  Hà Nội từng có một bà Bé Tý Hàng Bạc có những kỳ vật dị thảo, có người lùn canh cửa, có lợn 5 chân, như một loại hình bách thú trong nhà, một rạp xiếc trong sân, ai vào xem cứ việc mua vé ... nức tiếng đồn khắp Đông Dương.

  Sang thế kỷ hai mươi gần hơn, còn có những con người Hà Nội không nhân kiệt nhưng nhân dị, sau những danh lừng vừa nhắc. Nhiều người còn nhớ trên vỉa hè Hà Nội đã có một ông Hai Tây, không biết quê quán ông ở đâu, mà chỉ biết đó là một người có bộ xác cao to, người cao lêu nghêu, hình như đã từng bị tòng chinh sang nước Mẹ, đánh giặc Đức cứu nước Phú Lang Sa, nhưng về nước lại bị bỏ rơi thành kẻ lang thang vô gia cư, không nghề nghiệp, vất vưởng với chiếc áo Tây vàng (một thứ áo ka ki sẫm màu do nhà binh thải ra). Ông có tài đặc biệt là thổi kèn, làm bằng một chiếc ghi đông xe đạp lắp vào một ống sắt, miệng ngậm một đầu, còn đầu kia kéo lê lia đi theo nhạc điệu, gần sát mặt đất, bài nhạc hay nhất của ông là tiếng kèn tập hợp, tiếng kèn đánh thức buổi sáng của trại lính, có người còn nhại lại là: Con bò kéo xe, con bò kéo xe ... te tò tí te, te tò tí te ... Nhưng ông còn có biệt tài hơn nữa, làm rùng mình mấy cô gái đài trang, làm hoảng sợ dăm em bé, làm thích thú đám gánh nước thuê những con sen thằng ở lúc bấy giờ, đó là tài cứ đút dần hai chiếc đinh dài mười phân vào hai lỗ mũi, ngập đến cuối đinh mà mặt cứ tỉnh bơ, chân đi vòng tròn, ngửa cái mũi để nhận tiền thưởng. Ông Hai Tây cũng có lần nhà văn Tô Hoài nhắc đến ấy, không biết về sau chết rục ở một góc bờ sông, quán chợ hay nhà thương làm phúc nào ... không ai rõ, nhưng cái hình dáng và trò bày ra của ông đã Hà Nội, đã thời gian, đã lòng người ký ức.

  Những năm Năm mươi, Sáu mươi, Bờ Hồ có chú Tầu Què ngồi bán phá sang mặn ngọt. Lạc ngon tuyệt đã đành, người mua ăn, thổi cái vỏ lụa quanh bờ hồ như một thứ xác pháo mơ hồ, như một thứ lông ngỗng của nàng con gái dại khờ Mỵ Châu, thứ lông ngỗng này màu nâu, không dính dáng đến xương máu chiến tranh và tình yêu phản bội, cũng không đến nỗi làm dải đất  gần ba nghìn bước chân ấy bị ô nhiễm vì rác bẩn. Chú Tầu Què người mập mạp, da đỏ hồng, luôn mặc áo lụa đen, một thứ lĩnh từ Trung Hoa đem sang. Chú cứ lê đi trên Hà Nội, từ phố Hàng Giầy gần nhà ông Bằng "hói" (quãng sau đền Bạch Mã) ra trước cửa nhà máy đèn Bờ Hồ (Sở điện lực HN bây giờ), hết hàng, lại quay về quỹ đạo ấy như một vì sao bất hạnh đi đúng con đường mình trong khối tinh vân vũ trụ ...

  Cũng còn một người Việt Nam bất hạnh khác bán phá sang như chú Tầu Què nhưng ít khách hơn. Ông này mặc áo trắng, quần ka-ki, còn đủ hai chân nhưng chỉ là hai ống sậy nên phải đi bằng cả chân và tay lót miếng gỗ như là chiếc guốc. Mái tóc rất đẹp, khuôn mặt xương xương như một nhà thơ, có lẽ những viên lạc rang kia còn có duyên hơn đôi ba bài thơ của anh hám danh, trả nhuận bút ngược cho tòa báo để có tên mình dưới mấy dòng chữ lô xô gọi là thơ ...

  Cả hai con người này đã tử biệt với Hà Nội hay sinh ly cùng Hà Nội, ta cũng chẳng thể nào biết rõ, nhưng đều dĩ vãng, đều âm ỷ ...

  Cho đến thời điểm Xuân này, mọi người đang hạnh phúc không phải lo cái Tết từ hàng mấy chục ngày trước, không còn phải xếp hàng để làm thứ bánh "quy gai xốp" cho ngày Tết, không còn chỉ được mua gói chè hương nửa lạng và hộp mứt một phần tư cân toàn cà rốt, su hào, mứt bí đã chảy nước ... mà đã tha hồ thảnh thơi, chiều ba mươi bước ra phố sắm tết cũng vừa, dù mang theo trăm triệu cũng đủ hàng cho túi tiền kia tiêu hết. Thời điểm này, Hà nội đang có một bóng hình tạo ra sự phong phú dị kỳ cho một Hà Nội phức tạp, vui và buồn, yêu và nhớ, sung sướng và khổ đau.
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
binhyen1960
Moderator
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #321 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2013, 06:02:52 pm »

  Có một người từng ở quãng giữa phố Bạch Mai, gần ngõ Văn Chỉ, cái gác xép dựng bằng mấy cây tre, mấy thanh gỗ cốn bè, mấy cái liếp, đấy là chỗ ở cũng là xưởng sản xuất của ông có bước chân  lê đi không bình thường này, mà có lẽ do bệnh tê thấp quá nặng bắt nó ra thế. Ông hát theo cái xe lỉnh kỉnh túi sau , giỏ trước, ghi đông buộc nhằng nhịt, que dọc que ngang, trên có treo con chim xanh đỏ, chiếc chong chóng quay quay, cái kèn tò te, thằng hình nhân làm bằng giấy thuốc lá, con mèo làm bằng dây rút dại ... Ông đi bán hàng đấy. Khách hàng là mấy chú nhỏ, con nhà nghèo, áo quần cũng chẳng len nhung, nhưng lại quá quen thuộc với người bán hàng, trước hết do tiếng hát gọi khách. Ông hát đủ các loại bài, từ hành khúc đến tình ca, từ bài hát thiếu nhi đến khúc hát trữ tình, cả bài ca chiến đấu kèm điệu bộ như bài "Không cho chúng nó thoát ...". Nếu trước kia ông Hai Tây thổi kèn làm chói tai giấc ngủ trưa của bà mệnh phụ, thì giọng hát của ông Tê Thấp này (ấy là tạm đặt tên ông ấy như thế) cũng như tiếng que tre đập vào thành chiếc chậu sắt tây gỉ, nhưng hình như cái tai của các em bé khác xa cái tai người lớn, nên cứ nghe giọng hát bắt chấp đô rê mi thành la si sòn ấy, là các em quây quần, đi theo như một đàn rồng rắn, để xem các đồ chơi, để nghe hát, để nhìn vào khuôn mặt vui tươi nhưng đầy đau khổ của con người khốn khổ nhưng vui tươi ấy, để sờ vào tay ông vì không hiểu làm thế nào mà từ mảnh giấy thuốc lá, miếng vải vụn, miếng vụn vá, ông lại sinh ra được những thứ treo lủng lẳng trên xe đạp kia ...

  Không biết tên ông là gì, nhưng không thể quên con người cứ hát lên vô tư để gọi khách là đàn em nhỏ lại, ông không bán tiếng hát, nhưng tiếng hát giúp ông bán những thứ mà người có tiền bỏ ra bạc triệu để sắm đồ chơi nước nảo nước nào cho con, không thèm ngó tới. Ông là người nghèo và của người nghèo Hà Nội. Ông là vỉa hè, là hạt bụi trên đường, nhưng có lẽ tiếng hát lương thiện còn giá trị gấp nhiều lần thứ hát Karaoke trong phòng máy lạnh ở một số nơi hôm nay, khê nồng và dâm đãng ...

  Cùng với ông Tê Thấp kia, còn có một đôi vợ chồng đi bán bánh đa rong. Họ còn quá trẻ (giờ thì già rồi), nhưng thân phận đui mù, người chồng gánh hai bao tải, đặt tay lên vai vợ, vừa đi vừa rao khản cả cổ để bán những chiếc bánh đa nướng sẵn, không biết cất buôn từ chỗ nào. Họ đi, ngày này sang tháng khác. Họ đi từ phố cổ sang phố cũ. Họ đi từ ngày nắng đến ngày mưa. Và họ đi từ sáng đến chiều, đi cùng tiếng rao, đi cùng tất tưởi, đi cùng hy vọng có chút lãi cuối ngày, họ đi như mộng du trong cõi thực, người vợ dẫn đường cho người chồng mù mịt. Khách hàng của họ là ai hỡi Hà nội giàu sang? Chịu. Hàng mộc tồn đã có sẵn hàng chồng bánh thật giòn. Bé em đâu có phải ngày nào cũng thích bánh đa. Hà Nội cũng không phải Thanh Hóa món gì cũng bẻ thêm miếng bánh đa bỏ vào trong bát. Và ngày mưa rào mùa hạ, những chiều lay lắt mưa thu, chiếc bao tải kia làm sao che cho bánh đa khỏi ướt, họ làm thế nào nếu bánh ế và bánh ỉu?

  Không hiểu tối về họ nằm bên nhau trong cái quán trọ nào nơi gầm cầu, ngoài bãi sông, dưới quán chợ? Hà Nội đã giàu sang, nhưng nếu không có những con người lam lũ vất vưởng kia thì hình như Hà Nội sẽ thiếu đi một cái gì như đĩa thịt gà thiếu muối tiêu, bát canh cải cúc thiếu thìa là, bát phở thiếu rau thơm.

  Hà Nội một thời đều có những con người tạo ra cho Hà Nội một dư vang, bằng tài hoa và bất hạnh, bằng tâm hồn và nghị lực. Xin tưởng niệm thêm hai con người nữa, dù biết rằng chưa đủ.

  Chợ Hôm và phố Huế gần kề, từng có hai ông Gù. Hình như họ không phải anh em, nhưng là người cùng thời, cùng cảnh ngộ, nhắc đến người này là người kia đồng hiện. Một ông Gù bán thịt chó nơi cửa chợ Hôm - Đức Viên và một ông già Gù thợ may ta, bên số chẵn phố Huế.

  Chiều muộn, cửa chợ đóng, mọi thứ hàng tóe ra vỉa hè. Một Hà Nội tất bật cho bữa cơm chiều sau giờ đi làm, thì rau dưa con cá, mớ tép, bó rau thơm, nắm hành, miếng thịt lợn, nửa chai nước mắm ... Chợ cho đủ hết. Riêng ông già Gù chỉ bán độc một thứ thịt chó luộc. Con chó thui vàng, thui bóng y như một thứ đồ chơi được sơn son thiếp vàng, nằm phủ phục, một nưa thân mình cắt ngang, cái thủ chó có lẽ vẫn thấy mình oan uổng nên trừng trừng đôi mắt và nhe hàm răng ra trả thù đời. Khách mua gói về nhà, tòng teng sợi lạt, khách xích lô, ba gác, nhà thơ, họa sỹ, dân bốc vác ... ngồi xổm bên cạnh. Mâm là lá. Bát đũa là mười đầu ngón tay. Ông già Gù chặt chặt băm băm như âm nhạc với giai điệu kích thích cái dạ dày. Dòi, nầm, chân, thăn ... chọn đâu được đấy, chỉ một món luộc nhưng cái chai kia cũng nghiêng ngả vơi sầu, và chiều nào ông Gù cũng điệp khúc một mình với mặt vỉa hè bên chợ như chiếc bình vôi cũ có mặt dưới gốc cây đa, như ngọn cỏ lau bên bờ sông hiu hắt, như cái chén bên con sâu rượu ... cho đến khi chợ Hôm xây ba tầng, chợ Đức Viên được chữa lại, không hiểu ông già Gù bán thịt chó ở phương nào, chợ nào, vỉa hè nào ... hay đã chìm sâu với mảnh lá chuối, miếng riềng ở cõi hư vô ...

  Ông già Gù phố Huế thì không ngồi bên vỉa hè. Ông ngồi trên tấm ghế ngựa, tấm phản, xung quanh ông là từng tấm vải như những cánh gà sân khấu, cho ông thành diễn viên chính của vở kịch làm đẹp cuộc đời phụ nữ Thủ đô.

  Dáng ngồi không ra xổm cũng không ra bệt. Hai chân co lại, teo tóp, thân hình gầy gò, chỉ nhô lên cái lưng gù như một ngọn đồi trong chiếc áo nâu cố hữu. Ông kẹp tấm vải vào hai đầu gối, cầm chiếc kim khâu dũi (kiểu đàn ông) mà không khâu bật (kiểu đàn bà). Từ mũi kim sợi chỉ ấy sẽ hiện ra vẻ đẹp phi thường, tài tình, tà bay cánh bướm, cái cổ áo đứng thẳng, cái eo con tò vò, cái ngực hỏa diệm sơn, cái lưng thon hình vĩ cầm ... cứ dần dần hiện ra, mà sau nà, tức mấy hôm nữa, tà áo ấy bay trên đường Hà Nội sẽ làm lên vẻ đẹp lạ kỳ, chết mệt nỗi tương tư, đắm say thổn thức những đêm không thể ngủ của người trai mơ về người đẹp ...

  Ông già Gù phố Huế chuyên may thứ áo dài, chỉ khâu tay, tuyệt đối không dùng đến khâu chân, tức chiếc máy khâu sè sè phập phập. Áo dài mà máy thì cứng nhắc. Phụ nữ Hà Nội không chấp nhận. Ông đã tạo ả bao nhiêu tà áo dài cho người con gái Hà Nội, không biết, và hình như trong một bài thơ của Lê Đạt đã nói, ông vẫn cô đơn, không khâu cho mình chiếc áo cô dâu của riêng mình. Chả lẽ cuộc đời là hẩm hiu là câu đố bí hiểm như con Xphanh Ai Cập thế ư?

  Sau trận bom Mỹ hủy diệt ngôi nhà 140 phố Huế cạnh đấy, sau bao nhiêu thay đổi, chỗ ông già Gù ngồi nay là nhà cao tầng, là hiệu bán đồ kim khí có đinh 3 phân năm phân, có dây thép, có bù loong, bóng dáng con người tài hoa mà không may ấy, không còn nữa. Hay ông đã bay theo những cánh bướm ông sinh thành? Hay ông ruổi theo một cái lưng eo ông từng đặt tay vào đấy mà đo vòng ướm vải?

  Mùa Xuân đang ngập tràn trên đường phố Hà Nội, và hình như Hà Nội lúc nào cũng Xuân. Nhưng có bao nhiêu người góp tạo ra Hà Nội thì đã luân phiên đi vào cõi ảo. Họ khắc khoải hay yên lòng? Ai mà biết được.

  Những ai từng góp phần làm lên một Hà Nội, chúng tôi, người Hà Nội vẫn chẳng quên đâu người ơi...
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
sudoan5
Thành viên
*
Bài viết: 790


Bao giờ cho đến ngày xưa


« Trả lời #322 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2013, 08:03:14 pm »

    Phố Hàng Bạc, nơi mà lão BY trèo me trèo sấu, lòng đường là sân bóng đá từ tấm bé Grin. Hôm nay rực rỡ đèn hoa


     Đình Kim Ngân nhận bằng di tích Quốc gia và hội nghề Kim hoàn












    Đỡ trăn trở chưa hở lão BY !??? Grin


Logged

nguyenhongduc
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1076



« Trả lời #323 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2013, 09:28:55 pm »

Xin chấp bút cho bác BY . Khi tụi tôi còn ở cái tuổi trèo me , trèo sấu , đánh quay , thả diều v.v... Thì còn mang theo trong trái tim thơ trẻ hình ảnh các chú ba tầu bán táo dầm , bi ron ron , và bánh gối , những món ăn mê hoặc tụi trẻ con thời 196x .
Còn một kỷ niệm cũng rất đặc trưng của lũ trẻ Thành Hà nội thời đó  là : nhảy tàu điện đi học , đi chơi ...
Khi đó các tuyến tàu điện từ Bờ Hồ đi Bưởi , Bạch mai , Hà đông luôn hấp dẫn đám trẻ ưa khám phá ...khi mùa hè sang , tụi tôi nhảy tàu lên khu Quảng bá , với rặng ổi , rặng nhãn ...rồi rủ nhau ra sông Hồng nô giỡn ,   sóng đánh bay cả cặp sách , quần áo ...chiều về mặc quần đùi lên tàu điện ? Hic .
Nhiều lần đám trẻ "sau qủy & ma "
Còn vượt qua đê Yên sở , quãng phà Khuyến lương bây giờ ...rồi là những buổi tối soi đèn bắt ve ở vườn Paste ... Nhìn lại Hà nội xưa thanh lịch , không ồn ào , xô bồ như bây giờ ...người /hà nội xưa chất phác , không đưa đẩy như bây giờ - xưa kia nếu thich thì nói là thích , nếu ghét thì - chán chẳng buồn nói ... Chứ không như bây giờ - thèm rỏ rãi , mà lại cong mỏ nói : dạ em vừa dùng bữa sáng lúc ...nửa đêm bác ạ ? Hic .Hà nội mất đi vẻ thanh lịch xưa - của đất Kinh Kỳ , phải chăng do người tứ xứ mang những thói hư tật xấu vào HN .?
......Kính ...
Logged

Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa nửa vời.
binhyen1960
Moderator
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #324 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2013, 10:15:35 pm »

 Đình Kim Ngân phố Hàng Bạc. Grin Nghe lạ hoắc lạ hơ bác lính Sư đoàn 5 ạ. Tuổi thơ em chả biết cái tên này. Grin

 Tọa lạc tại số nhà 42 phố Hàng Bạc cũ, 2 ngách cửa phụ ra vào đình là số 40 và 44, số 40 cũ là nhà ông thầy bói mù có mỗi thằng con trai nuôi hơn BY em 2 tuổi tên là Hoạch tức Hoạch "bói", số nhà 44 là nhà bà Tài, cũng chỉ có duy nhất cô con nuôi, chả biết mần răng mà 2 số nhà này lại không có con đẻ, dặt nuôi con nuôi không thôi, bà Tài xưa bán nước chè chén 5 xu và bỏng ngô bỏng gạo, xưa đám trẻ con đá bóng ngoài đường những hôm mưa rào, vô phúc bóng bay vào nhà bà ấy thì chỉ có nước "tang hoang", thằng nào lôi thôi bà ấy sang tận nhà réo gọi tới 5 đời nhà nó lên mà chửi. Grin

 Riêng số nhà 42 Hàng Bạc là Đình chính, mấy bậc xuống cái sân đình, nơi đó "đội tuyển" bóng đá khối 32 tiểu khu Hàng Bạc "luyện tập" ngày đêm khiến cha mẹ đôi khi vác gậy tới khua cho một trận mới chịu nghỉ, góc sân đình có cái giếng khoan với 2 cái bể lọc nước hình tròn to tướng nhưng cũng hỏng lâu rồi mà vẫn còn nằm đó đến mãi sau này, góc sát với đình gần gốc cây đại cổ thụ có cái giếng nước rất trong, một góc trái đình từng là lớp học vỡ lòng của khu phố, bao nhiêu lớp trẻ biết chữ và học A B C đầu tiên ở đấy. Đá bóng ngoài đường lấy mặt ga cống bằng gang làm gôn, cứ tính theo bề mặt gang của nắp ga hình vuông làm chiều rộng gôn, bóng lăn không cao hơn đầu gối là coi như vào lưới, chiều dài giữa 2 ga cống gang ấy đủ là chiều dài của sân bóng và có khi "quần nhau" tới 2h sáng chưa dứt trận đấu. Trong đình 42 có bàn thờ nhưng dân tình ở kín hết cả chỉ còn mỗi bệ thờ chính với 2 ông tượng Hộ Pháp to đùng đứng 2 bên. Xưa trẻ con hay gọi đó là Đình Đỏ vì bên trong cái gì cũng màu đỏ hoặc Đình 42. (gọi theo số nhà) Grin

 Phố Hàng Bạc không có cây me cây sấu bác ơi, chỉ có cây bằng lăng hoa tím, hàng năm ra hàng chùm quả to cỡ quả mận, bọn trẻ bẻ lấy quả ném nhau, đau ra phết đấy bác ạ nếu ném một phát vào mặt thằng nào, nhất là trúng trán thì chỉ một tẹo nó sưng u lên một cục ở trán, đỏ ối rồi tím thâm, duy nhất có 1 cây sấu trước cửa số nhà 66, cây sấu này do tư nhân trồng từ cái hố tăng xê tránh bom Mỹ năm xưa, cuối năm ngoái có đi qua nhưng không thấy cây sấu đó nữa và ông ấy rào kỹ lắm không ai trèo được, mà có trèo vào đó cũng chỉ hái lá, nó đã có quả đâu, mà nếu muốn ăn quả sấu thì ra Bờ Hồ Hoàn Kiếm mà trèo, thiếu gì, trèo cây sấu ở nhà 66 để người ta vào nhà mách bố mẹ mình thì chỉ có no đòn vì nghịch. Grin

 nguyenhongduc! Tuổi thơ, trẻ con nghịch ngợm phá phách thì được chứ nhảy tàu thì bị đánh giá là "hư", chẳng biết hư cái gì chắc các cụ lo con đút chân vào bánh tàu điện và dạy không chịu nghe. Vì thế bọn này chả dám nhảy tàu, nhỡ ai nhìn thấy về mách bố mẹ mình nữa thì ốm đòn. Bắt ve khi gần nghỉ hè, câu tôm hồ Hoàn Kiếm (câu thoải mái CA không bắt), cái cần câu bằng que tre, chỉ khâu vải bình thường với 4 5 cái lưỡi câu làm bằng dây phanh xe đạp uốn thành hình lưỡi câu buộc vào 1 cần câu, móc chút giun đỏ nhỏ vào những chiếc lưỡi câu ấy, thả xuống khoảng 10' rồi từ từ kéo lên (không giật như giật cá) tôm mắc vào do ham ăn mồi, có khi một cần câu có 4 lưỡi thì được 4 con tôm một lúc, mỗi thằng làm độ chục cái cần câu tôm, ngồi dải một dãy và liên tục móc mồi với rút cần câu tôm. Nhiều hôm được nhiều tôm ra phết đấy. Grin
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
xuanxoan
Thành viên
*
Bài viết: 954


« Trả lời #325 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2013, 10:53:33 pm »

      Không ngờ Bình Yên nói về Hà Nội lại sâu lắng đến thế, tớ ngồi đọc cũng giống như nguyên Hồng Đức, sư đoàn 5…nhớ 36 phố phường ngày xưa, nay người ta bắt đầu gọi là phố cổ, phố cũ rồi…

      Hà nội - trong lòng tôi nhớ nhất 2 mùa:

      Mùa hè - Nhớ lắm những ngày hè ra bờ đê đổ dế, thả diều; rong chơi tới tối mịt mới về - ba mẹ quất cho vài roi quắn đít…con xin chừa…ngày sau lại vượt sông Hồng mót khoai, về bị mách lại bị đòn tiếp…cứ thế trèo me trèo sâu là trò chơi của cánh nam sinh học trò. Hồi đó dân các tỉnh cứ gọi bọn sơ tán chúng tôi là “dân trèo me, trèo sấu” - gần đồng nghĩa cách gọi dân lưu manh thành thị; oan thật, không biết hồi đó có đồng đội nào bị gọi là dân trèo me trèo sấu chưa, còn tôi, bị gọi nhiều lần lắm rồi.

       Mùa thu và chớm đông -  mùa nhưng cơn gió heo may, người dân ở Hà Nội dễ nhận ra nhất khi cơn gió đầu mùa tràn về; sáng sớm mở cửa gió heo may ùa rào, nhẹ nhàng man mát làn da – thích thật. Mùa thu lá bay… tôi lớn dần theo tem phiếu và cũng có những đêm tự tình trên đường thanh niên lộng gió, dưới gốc cây thơm ngát mùi hương – “Tự nhiên như người Hà Nội”, dân các tỉnh gọi người Hà Nội là thế; lại oan nữa rồi nhé, bọn con trai, con gái chúng mình đi chơi với nhau, tâm tình đấy, muốn hôn nhau đấy nhưng chỉ dám nhìn nhau…tim đập chân run là vậy, làm gì có cái chuyện tự nhiên…như cánh trẻ bây giờ - chúng sướng thật. Mùa gió heo may cũng bắt đầu mùa cốm, là mùa cá nhảy, là mùa của đàn chim Sâm Cầm cũng sẽ bay về Hồ Tây …không biết  ở đâu như mảnh đất Hà Nội này lại có cái mùa có ấn tượng kỳ lạ đến thế và cuộc đời mỗi con người chúng tôi thời đó đều có những ngọn gió heo may riêng có, nó đồng hành trong ký ức mỗi người - với tôi mùa gió heo may  năm 1971 có những người bạn cùng nhập ngũ với tôi đã vĩnh viễn không quay trở về Hà Nội: nỗi buồn gió heo may.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Ba, 2013, 06:38:11 am gửi bởi xuanxoan » Logged
binhyen1870
Thành viên
*
Bài viết: 31


« Trả lời #326 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2013, 11:04:30 pm »

Tối thứ 6 này là chính hội đình Kim Ngân, bác f5 nhớ cho em xin thêm vào píc nhé Grin Grin
Logged
HaHoi
Thành viên
*
Bài viết: 513


« Trả lời #327 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2013, 12:33:40 am »

Tự dưng lại nói về ngôi đình Hàng Bạc ấy chứ ! số là nhà anh em lão bạn em vốn là cái chái bên của ngôi đình. nhà hẹp cỡ ngồi dựa tường em nào chân dài là phải co lại, không thì ngồi dọc theo nhà. Hẹp tanh vanh vậy mà 5,6 bố mẹ anh em cùng ở, vậy  phải lên tầng nên cũng có thêm chỗ để thở. Mỗi tội trong nhà tầng hai đó có một nửa cụ kỳ lân vốn từ xủa xưa ngự trên đầu cột ngoài tam quan, nay tam quan thành ra nơi ăn chốn ở người phàm nhưng cụ kỳ lân uy mãnh quá nên chả ai dám phá bỏ, đành để một nửa cụ ở cùng. Nửa kia của cụ (phần đùi sau) hẳn là cũng  được nhà hàng xóm phụng dưỡng Smiley
Mấy năm nay anh em thằng bạn được đền bù đi khỏi phố, ngôi đình và cụ kỳ lân lại trở về với "tâm thế" uy nghiêm thủa trước.
Logged
sudoan5
Thành viên
*
Bài viết: 790


Bao giờ cho đến ngày xưa


« Trả lời #328 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2013, 04:23:17 pm »

    Hôm nay (28/3)
   Vẫn chưa thấy động tĩnh gì, ngày mai mới chính hội.

   Tranh thủ chộp vài hình quanh đình Hàng Bạc và bên trong













 Thế thôi, để mai tiếp nhá các bác! Grin


Logged

binhyen1960
Moderator
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #329 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2013, 08:42:32 pm »

      Không ngờ Bình Yên nói về Hà Nội lại sâu lắng đến thế, tớ ngồi đọc cũng giống như nguyên Hồng Đức, sư đoàn 5…nhớ 36 phố phường ngày xưa, nay người ta bắt đầu gọi là phố cổ, phố cũ rồi…

      Mùa hè - Nhớ lắm những ngày hè ra bờ đê đổ dế, thả diều; rong chơi tới tối mịt mới về - ba mẹ quất cho vài roi quắn đít…con xin chừa…ngày sau lại vượt sông Hồng mót khoai, về bị mách lại bị đòn tiếp…cứ thế trèo me trèo sâu là trò chơi của cánh nam sinh học trò. Hồi đó dân các tỉnh cứ gọi bọn sơ tán chúng tôi là “dân trèo me, trèo sấu” - gần đồng nghĩa cách gọi dân lưu manh thành thị; oan thật, không biết hồi đó có đồng đội nào bị gọi là dân trèo me trèo sấu chưa, còn tôi, bị gọi nhiều lần lắm rồi.

  Cám ơn bác xuanxoan đã quá khen. Grin BY em không được như thế đâu ạ, nếu "sâu lắng" được như vậy mà bác muốn xem, muốn đọc thì xin mời bác chi tiền ra mà mua đấy. Grin Vài dư bóng là tác phẩm nằm trong chuỗi những câu chuyện viết về Hà Nội của nhà văn Băng Sơn đấy bác ạ, BY em thấy hay và chỉ có công chép lại cho mọi người cùng đọc, suy ngẫm về Hà Nội thôi đấy ạ. Grin

  Cứ ngẫm lời "than thở" của bác làm BY em cứ cười mãi quanh chuyện "trèo me trèo sấu" với "lưu manh thành thị". Thật oan gia ... oan gia. Cái gì nó cũng có nguyên nhân và lý do của nó, không thể tự nhiên lại có cái câu đầy ám chỉ "trèo me trèo sấu" lại ra thành "lưu manh thành thị" như vậy được. Không biết bác XX và mọi người có biết nguyên nhân, lý do về câu nói này không? BY em xin bảo đảm ngay người dùng từ này để "mắng mỏ" ai đó cũng chưa chắc biết rõ nguyên nhân của từ này. Xin được nói ra cái biết của mình, có thể sẽ có những ý kiến khác, nhưng cứ coi và suy ngẫm cùng nhau lội ngược dòng lịch sử về Hà Nội một thời vậy. Grin

  Chắc các bác còn nhớ sau năm 1954 khi thực dân Pháp rút khỏi HN theo hiệp định Geneve đã bỏ lại nhưng gì tại HN, có lẽ lớp đàn anh, đàn chị sinh ra trước và sau năm 1954 chắc sẽ gặp nhiều hơn những thế hệ sau này, văn hóa xưa cũ cũng còn nhiều chứ không mất mát hay tàn phá của thời gian như bây giờ, từ di sản văn hóa dân tộc xuống đến sách truyện của thời Pháp thuộc, sau năm 1954 ta cũng cho thiêu hủy rất nhiều sách báo mị dân hay tiểu thuyết trinh thám lá cải lá rau gì đó. Tất nhiên là dù có lệnh tiêu hủy của chính quyền mới sau tiếp quản Thủ đô nhưng truyện sách cũ sót lại cũng không thiếu. Nào Đồi thông hai mộ với những vần thơ thất ngôn bắt đầu từ những câu thơ: Anh Đinh Lăng giờ đây đâu nhỉ? Anh của em yêu quý nhất đời ... Cho đến truyện trinh thám với những nhân vật Gangsto thời Đế quốc với trang phục áo khoác dài Badsuy mũ phớt kính đen giày Tây bóng lộn, điếu thuốc lệch mép luôn ngự trị trên môi, cưỡi Harley-Davidson hay lái Citroën phóng như điên trên đường phố, súng lục dắt đầy người, một tay cầm tay ga hay vô lăng, một tay vẩy súng Pak Khoọc trăm phát trăm trúng, tất nhiên là truyện hư cấu rồi với lối hành văn rất Tây phương nhưng nhân vật thì lại là ANam Mít đít ống bơ chính hiệu và bối cảnh cùng địa danh thì thường lấy những thành phố lớn tại VN làm đề tài.

  Cũng cái thời đó khi giới nhà văn VN sau khi đã thấm nhuần và thấy được cái lợi của chữ quốc ngữ mà bỏ đi cái chữ tượng hình giống chữ Trung quốc của mấy ông đồ dạy Tam Tự Kinh lề mề lắm roi nhiều vọt ấy. Lớp nhà văn này nở như hoa một thời, những truyện ngắn được đăng trên các bài báo hàng ngày theo số nối tiếp nhau cho độc giả đọc, các báo có uy tín thi nhau chọn truyện của những nhà văn nổi tiếng mà đăng, càng hấp dẫn càng đông khách mua báo, nhiều nhà văn tiếng tăm nổi lên như cồn cũng do từ những truyện trinh thám đăng trên báo mà ra, nhà văn Nam Cao và rất nhiều nhà văn khác cũng từ đây mà đi lên, Tắt đèn, Bỉ vỏ cũng một thời có mặt trên mặt các tờ báo, có lẽ lớp này thời Nhân văn giai phẩm cũng "hy sinh" một số rồi. Mấy ai được như Cụ Nam Cao, họ viết sách truyện cũng bởi vì tiền, vì cuộc sống lúc đó và vì thị hiếu của người đọc, ai bảo dân ta lúc đó cứ thích đọc những truyện trinh thám.

  Và cũng từ bối cảnh đó, vì thị hiếu của người đọc nên đã sinh ra một cuốn truyện mang tựa đề: Số phận của những kẻ trèo me trèo sấu. Grin Nội dung cuốn truyện thì BY em không có nhớ lắm nhưng tóm lược thì cũng có thể tạm chắp vá được, một câu chuyện đầy chất: Lưu manh thành thị của những kẻ trèo me trèo sấu. (Tất nhiên là địa danh nói về HN rồi, ngoài HN ra thì làm gì có thành phố nào nhiều cây me và sấu như HN) Đầy chất gangsto, băng đảng, pha chút nghĩa hiệp quân tử Tầu, liều mạng đến bạt mạng, chút đau khổ với tình yêu đơn phương và điểm gút là cái chết vì cái tình yêu giời ơi đất hỡi ấy. Đọc xong chả biết ý tác giả muốn nói lên điều gì ngoài bắn giết hoặc đấm đá mang tính giật "thần kinh" người đọc... Có lẽ một cái nhìn khác về trèo me trèo sấu cũng bắt đầu từ đây và truyền nhau mãi về cái nhìn này đến thời điểm mà bác xuanxoan bị ... chửi. Grin

 
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM