Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu - Hồi ký Việt Nam => Tác giả chủ đề:: vnmilitaryhistory trong 05 Tháng Hai, 2023, 03:24:17 pm



Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 05 Tháng Hai, 2023, 03:24:17 pm
- Tên sách: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975)
- Tác giả:
- Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
- Năm xuất bản: 2018
- Người số hóa: macbupda, vnmilitaryhistory

 
* Chỉ đạo nội dung:

Thiếu tướng, TS NGUYỄN HOÀNG NHIÊN

Đại tá, TS TRƯƠNG MAI HƯƠNG

Đại tá, PGS, TS DƯƠNG HỒNG ANH

* Chủ biên:

Đại tá, TS NGUYỄN VĂN LƯỢNG

* Tổ chức biên soạn:

Đại tá, PGS, TS HỒ KHANG

Thiếu tá, TS LÊ VĂN CỬ

Thiếu tá, ThS NGUYỄN VĂN TRÍ

Đại úy, TS TRẦN HỮU HUY


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 05 Tháng Hai, 2023, 03:25:03 pm
LỜI NÓI ĐẦU


Trong ba mươi năm (1945 - 1975), dân tộc Việt Nam phải tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để giành lại và bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đó là một sự nghiệp chính nghĩa; là cuộc đấu tranh không chỉ nhằm giải phóng dân tộc Việt Nam mà còn là cuộc đấu tranh của lực lượng dân chủ ưà tiến bộ trên thế giới chống lại chủ nghĩa thực dân, đế quốc, vì hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù có tiềm lực và sức mạnh kinh tế, quân sự gấp nhiều lần, dân tộc Việt Nam đã phát huy cao độ nội lực và kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các nước dân chủ và tiến bộ trên thế giới, đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô.


Với tinh thần quốc tế trong sáng, trong suốt hai cuộc kháng chiến, Liên Xô đã ủng hộ, giúp đỡ, toàn diện, to lớn và hiệu quả đối với Việt Nam cả về vật chất lẫn tinh thần. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, sức mạnh của Việt Nam đã được tăng lên đáng kể cả về chính trị, quân sự, ngoại giao..., từng bước tiến lên đánh bại kẻ thù xâm lược. Có thế khẳng định, thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược có công lao, sự ủng hộ vô cùng quý báu của Liên Xô. Nhân dân ta "bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đối với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, đã vì tình nghĩa quốc tế vô sản, dành cho nhân dân ta sự ủng hộ ưà giúp đỡ toàn diện, to lớn và quý báu"1 (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37 (1976), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.983).


Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sự nghiệp đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế mà Việt Nam đang tiến hành đã giành được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng trên tất cả các mặt, tạo ra xung lực mới, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu khách quan về tăng cường quan hệ quốc tế với những phương thức và nội dung mới, tạo sức mạnh tổng hợp tiếp tục đưa đất nước phát triển ngày càng mạnh mẽ.


Nghiên cứu sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt Nam trong 30 năm chiến tranh cách mạng là việc hết sức cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc. Chính vì vậy, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức nghiên cứu, biên soạn cuốn "Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Viêt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975)". Nội dung của cuốn sách trình bày và làm sáng tỏ bối cảnh, tình hình, sự ủng hộ, giúp đỡ một cách toàn diện của Liên Xô đối với Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975. Qua đó, đưa ra những đánh giá, nhận xét có cơ sở khoa học về đặc điểm, ý nghĩa sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô cho Việt Nam, đồng thời, khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam trong việc tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô trong hai cuộc kháng chiến; vai trò, công lao, sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô đối với Việt Nam.


Mặc dù tập thể tác giả đã có nhiều cố gắng trong nghiên cứu, biên soạn, song do nhiều nguyên nhân, chắc chăn cuốn sách khó tránh khỏi khiếm khuyết, Viện Lịch sư quân sự Việt Nam rất mong nhận được ý kiến đóng góp, phê bình, bổ sung của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.


Nhân dịp cuốn "Liên Xô ủng hô, giúp đỡ Viêt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 -1975)" được xuất bản, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam chân thành cảm ơn các cơ quan, đơn vị và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã tận tình giúp đỡ để cuốn sách được ra mắt bạn đọc.

VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 08 Tháng Hai, 2023, 11:31:14 am
Chương 1
LIÊN XÔ ỦNG HỘ, GIÚP ĐỠ VIỆT NAM TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC
(1945-1954)


I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ

1. Tình hình thế giới và Liên Xô

* Tình hình thế giới

Thế chiến thứ hai đã làm thay đổi sự cân bằng lưc lượng trên trường quốc tế. Bức tranh địa - chính trị đã thay đổi một cách đáng kể với những sự vận động thay đổi cả trên diện rộng lẫn bề sâu.

Ba nước Đức, Ý, Nhật Bản, trước chiến tranh là những cường quốc, nhưng do thất bại trong chiến tranh nên đã trở thành các nước yếu thế, tiềm năng kinh tế của các nước này đã suy yếu đáng kể. Đặc biệt, nước Đức bị mất 17,5% tài sản cố định, nước Nhật bị phá hủy 1/3 thiết bị máy móc; các nước Đức và Nhật còn bị quân Đồng minh chiếm đóng và buộc phải bồi thường chiến phí hêt sức nặng nề, khiến cho tình hình chính trị, kinh tế - xã hội ở các nước này càng trở nên nghiêm trọng.


Mặc dù khi kết thúc chiến tranh, Anh là một trong ba cường quốc chiến thắng, song chiến tranh đã làm cho các quốc gia này bị suy yếu, tiềm lực kinh tế cũng như quân sự bị ảnh hưởng đáng kể. Số thiệt hại của nước Anh trị giá tới 3 tỷ bảng Anh1 (Geir Lundestad, Đông Tây Nam Bắc - Diễn biến chính trong quan hệ quốc tế từ năm 1945, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2009, tr. 19-20), nước Anh phụ thuộc đáng kể vào viện trợ của Hoa Kỳ và gánh những khoản nợ nước ngoài khổng lồ, nợ Mỹ và các nước trong Liên hiệp Anh tới 50 tỷ đôla2 (Phạm Giảng, Lịch sử quan hệ quốc tế từ chiến tranh thế giới thứ hai đến chiến tranh Triều Tiên (1939 - 1952), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 99, 124).


Mỹ là quốc gia có những bước phát triển ngoạn mục sau chiến tranh thế giới thứ hai. Chiến tranh đã đưa nước này trở thành cường quốc hùng mạnh nhất hành tinh. Mỹ đã tăng cường đáng kể vị trí của mình trên trường quốc tế. Về kinh tế, tổng sản phẩm quốc dân của Mỹ tăng từ 209,4 tỷ đôla năm 1939 lên 355,2 tỷ đôla năm 1945, gần bằng một nửa tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ của thế giới. Nước Mỹ cũng giữ 59% lượng dầu3 (Geir Lundestad. Empire by Invitation? The United States and Western Europe, 1945 - 1952, Journal of Peace research, Vol. 23, No. 3, (9-1986), p. 264) và 2/3 lượng vàng dự trữ của nhân loại4 (Phạm Giảng, Lịch sử quan hệ quốc tế từ chiến tranh thế giới thứ hai đến chiến tranh Triều Tiên (1939 - 1952), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 99, 124), về quân sự, vào năm 1945, nước Mỹ có quân đội đông tới 12 triệu quân với lực lượng không quân và hải quân mạnh nhất thế giới. Đặc biệt, Mỹ là quốc gia duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân - thứ vũ khí hủy diệt lớn nhất được con người tạo ra. Khi chiến tranh kết thúc, lực lượng quân sự ấy của Mỹ hiện diện ở khắp các châu lục; nắm quyền hành lớn trong nhiều tổ chức quốc tế trọng yếu của thế giới. Trong Liên Hợp Quốc, Mỹ là một trong những nước có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an; trong Ngân hàng thế giới. Nước Mỹ đóng góp tới 1/3 trong 9,1 tỷ vốn điều lệ và theo đó nước Mỹ cũng nắm 1/3 quyền hành của tổ chức này; trong Quỹ tiền tệ quốc tế, Mỹ cũng giữ quyền chi phối và tổ chức này thừa nhận đồng đôla Mỹ (USD - United States dollar) là đồng tiền chuẩn so với các loại tiền có giá trị khác. Với sức mạnh về kinh tế và quân sự đó, tiếng nói của nước Mỹ trở nên có sức thuyết phục cao trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Mỹ đưa ra và thực thi "Học thuyết Truman", "Kế hoạch Marshall", phát động và đẩy mạnh chiến tranh lạnh, bao vây Liên Xô. Từ năm 1950, đi đôi với củng cố vị trí ở Tây - Bắc Âu và Tây bán cầu, Mỹ bắt đầu quan tâm đến châu Á, Đông Nam Á và lục địa châu Phi. Đặc biệt, hai cường quốc tư bản là Anh và Pháp đều có chung mục đích với Mỹ là chống lại ảnh hưởng của Liên Xô, chống lại những diễn biến trên thế giới gây bất lợi cho lợi ích quốc gia của những nước này ở các khu vực Á, Phi, Mỹ - Latinh. Với sự ủng hộ của một số nước tư bản, đến năm 1950 vị trí và ảnh hưởng của Mỹ đã được xác lập ở khắp nơi trên thế giới - điều mà trước chiến tranh chưa hề có.


Tại châu Âu, cuối năm 1944, đầu năm 1945, khi Hồng quân Liên Xô truy kích quân phát xít, lực lượng vũ trang và nhân dân các nước Đông Âu đã phối hợp nổi dậy giành độc lập, thành lập các nhà nước cộng hoà dân chủ nhân dân: Ba Lan, Tiệp Khắc, Bungari, Hunggari Anbani, Nam Tư, Rumani, Cộng hoà dân chủ Đức. Tại châu Á, dưới sự lãnh đạo của các đảng cộng sản nhân dân nhiều nước đã giành lại được nền độc lập của mình như Việt Nam, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Từ năm 1944 đến năm 1949 ở châu Âu và châu Á đã có 11 nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã giành được chính quyền và sau đó đi lên chủ nghĩa xã hội bằng những phương thức khác nhau. Tại những nước này, sau khi giành được độc lập, Đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân lao động bắt tay vào xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Như vậy, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên thực tế đã hình thành với Liên Xô là trung tâm - đây là một trong những biến đổi to lớn nhất của lịch sử thế giới trong thế kỷ XX, ảnh hưởng đến bước đường phát triển của lịch sử thế giới nói chung và vận mệnh của nhiều dân tộc nói riêng.


Phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân, các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ đã bùng nổ ngày càng mạnh mẽ. Nhân dân các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc ở Á, Phi, Mỹ - Latinh đẩy mạnh phong trào đấu tranh đòi độc lập dân tộc. Ở châu Á, các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên..., dưới sự lãnh đạo của các chính đảng vô sản, giai cấp công nhân bắt tay vào xây dựng chế độ dân chủ nhân dân theo con đường xã hội chủ nghĩa, ở nhiều nước khác, như (Ấn Độ, Mianma, Inđônêxia, Ai Cập, Xiri...), các đảng phái của giai cấp tư sản dân tộc tập hợp, lãnh đạo nhân dân đứng lên giành độc lập và phát triển đất nước theo con đường tư bản chủ nghĩa mang tính dân tộc, thực hiện đường lối đối ngoại hoà bình và trung lập.


Sau năm 1945, phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế có những bước chuyển biến mới. Ở nhiều nước tư bản, trong thành phần Chính phủ của nhiều nước (Pháp, Ý, Đan Mạch, Phần Lan, Chi Lê...) có sự tham gia của những người cộng sản. Họ tích cực đấu tranh đòi Chính phủ thực hiện những quyền dân sinh, dân chủ. Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân trong lòng các nước tư bản cũng đạt được những thành tựu nhất định, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, chính trị. Riêng tại các nước tư bản Tây Âu đã có nhiều Đảng Cộng sản với 3,1 triệu đảng viên có vị trí vững chắc trong các tổ chức công đoàn và các tổ chức dân chủ khác, thật sự là một lực lương chính trị vững mạnh. Tại một số nước (như Pháp, Y...), các đảng cộng sản đã tham gia liên minh cầm quyền trong Chính phủ của giai cấp tư sản. Cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân tiến bộ không ngừng tiến công trực diện vào chủ nghĩa tư bản chính là động lực cũng như đồng minh của phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.


Thắng lợi của các lực lượng chống phát xít đã mở ra thời kỳ mới trong sự nghiệp giải phóng của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc, nhất là ở những nước khu vực châu Á. Ở những mức độ khác nhau, các nước này đã và đang đứng lên giành độc lập, tự do, quyền dân sinh, dân chủ như Cộng hòa nhân dân Triều Tiên, Việt Nam Inđônêxia, Philíppin, Mianma... Sự ra đời của Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa (tháng 10-1949) đã làm tăng đáng kể sức mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa "tạo nên sự thay đổi mới trong cán cân lực lượng trên vũ đài quốc tế"1 (Phạm Giảng, Lịch sử quốc tế từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến chiến tranh Triều Tiên (1939 - 1952), Sđd, tr. 230). Như vậy, chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, thế giới có những biến đổi lớn, hình thành những nhân tố mới của quá trình cách mạng. Đó là sự ra đời của hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa; phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ; phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản chủ nghĩa cũng phát triển một bước. Chủ nghĩa xã hội đã phát triển thành hệ thống, làm tăng thêm sức mạnh của chủ nghĩa xã hội. Do tác động mạnh mẽ của hệ thống xã hội chủ nghĩa, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từ sau chiến tranh thế giới thứ hai cũng phát triển mạnh mẽ trên nhiều lục địa Á, Phi, Mỹ Latinh.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 08 Tháng Hai, 2023, 11:31:49 am
* Tình hình Liên Xô

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô chịu những hậu quả hết sức nặng nề: 1.710 thành phố, 70.000 làng mạc, 32.000 doanh nghiệp công nghiệp, 65.000km đường sắt, 98.000 trang trại tập thể và 2.890 trạm máy kéo bị phá hủy hoàn toàn, sức sản xuất về thép và nông nghiệp của Liên Xô năm 1945 giảm một nửa so với năm 1941. Thiệt hại trực tiếp cho nền kinh tế Liên Xô là 679 tỷ rúp (tương đương với tổng đầu tư của Liên Xô trong bốn kế hoạch 5 năm đầu tiên). Nền kinh tế, công nghiệp luyện kim và nông nghiệp của Liên Xô đã bị tụt lùi khoảng 10 năm, tương đương ở mức những năm 1930.


Bên cạnh đó, Liên Xô cũng có những thuận lợi rất căn bản, trở thành nước đứng đầu hệ thống xã hội chủ nghĩa. Vào thời điểm chiến tranh kết thúc, Liên Xô có lực lượng vũ trang hùng hậu với số lượng tương đương số quân của quân đội Mỹ - 12 triệu người1 (Geir Lundestad, Đông Tây Nam Bắc - Diễn biến chính trong quan hệ quốc tế từ năm 1945, Sđd, tr 16); quân đội Liên Xô có mặt từ khu vực Đông Âu đến Đông Bắc Á; Liên Xô cũng nắm quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh hưởng của Liên Xô trên trường quốc tế sau chiến thắng trong chiến tranh vệ quốc đã không ngừng tăng cao. Với sự phát triển của phong trào dân tộc, dân chủ trên thế giới, Liên Xô đã được sự ủng hộ, cổ vũ của một lực lượng đông đảo từ nhiêu nước thuộc địa, phụ thuộc và cả ở các nước tư bản chủ nghĩa.


Với những điều kiện thuận lợi ấy, Liên Xô tích cực tái thiết đất nước sau chiến tranh; đồng thời, tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ các nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu, vùng Bancăng khôi phục, phát triển kinh tế. Những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô triển khai chính sách đối ngoại theo hướng phát triển tình đoàn kết anh em với các nước dân chủ nhân dân, củng cố toàn diện hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc... hợp tác hữu nghị với các quốc gia độc lập trẻ tuổi, bảo vệ hoà bình. Trọng tâm chiến lược của Liên Xô là bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng đất nước, rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển, đuổi kịp Mỹ về thế chiến lược, khoa học - công nghệ và tổng sản phẩm quốc nội..., đồng thời, củng cố quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng ảnh hưởng của mình.


Trong cục diện đối đầu Đông - Tây và chiến tranh lạnh, Liên Xô bắt buộc phải tăng cường vũ trang, đồng thời viện trợ vật chất cho bạn bè, đồng minh, nhằm củng cố an ninh và bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa. Để củng cố vị trí quốc tế và vươn lên thành cường quốc, Liên Xô tiến hành nhiều biện pháp để tăng cường sức mạnh chính trị - quân sự. Một mặt, Liên Xô tập trung các nguồn lực xây dựng quân đội hùng mạnh, nền quốc phòng hiện đại, nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân (năm 1949), phá thế độc quyền vũ khí nguyên tử của Mỹ. Mặt khác, Liên Xô tích cực triển khai kế hoạch xây dựng hệ thống an ninh tập thể, chú trọng châu Âu - nơi có vị trí địa - chính trị, địa - chiến lược quan trọng đối với hoà bình, ổn định thế giới, cũng là nơi tập trung các lợi ích sống còn của Liên Xô và của đối thủ số 1 của mình là Mỹ. Từ chỗ là đồng minh chống phát xít trong chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô và Mỹ trở thành đối thủ với sự đối lập về mục tiêu chiến lược, song đều có một điểm chung là mở rộng ảnh hưởng, đảm bảo lợi ích trên nhiều khu vực khác nhau của thế giới, tiến hành chiến tranh lạnh, mà đỉnh cao sự đối đầu giữa hai phe là việc "quốc tế hoá" cuộc chiến tranh Triều Tiên. Chiến tranh Triều Tiên trở thành nơi đọ sức quyết liệt giữa hai phe trong "trật tự Ianta".


Sự phân cực thế giới và những toan tính của các nước lớn sau chiến tranh thế giới thứ hai có ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 08 Tháng Hai, 2023, 11:33:08 am
2. Tình hình Việt Nam

Sau khi tuyên bố độc lập, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành cải tổ một số cơ quan và bộ máy chính quyền cũ; đổi mới một số bộ phận, chuyển những bộ phận còn lại sang phục vụ chính quyền mới. Chính quyền các cấp từ Trung ương xuống đến huyện, xã, quân đội và cảnh sát được thay đổi cho phù hợp với chính thể mới là nền dân chủ cộng hoà. Nhà nước ban bố sắc lệnh số 41/SL ngày 3 tháng 10 năm 1945, bãi bỏ tất cả các cơ quan thuộc phủ Toàn quyền Đông Dương và sáp nhập vào các bộ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bộ máy các ngành được sắp xếp lại, nhưng hầu hết các nhân viên vẫn tiếp tục công việc như trước, ơ các địa phương, bộ máy chính quyền cũ bị xoá bỏ, Ủy ban nhân dân cách mạng là bộ máy chính quyền mới với lãnh đạo mới nắm quyền điều hành công việc. Hầu hết các cơ quan, các ngành đều giữ nguyên, hoạt động dưới sự điều hành của Ủy ban nhân dân cách mạng.


Ngoài những cơ sở đã có sẵn của hệ thống Nhà nước trước đây, sau Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), yêu cầu xây dựng chế độ mới đòi hỏi phải có những tổ chức mới; do đó, ở Trung ương đã phát động Quỹ độc lập, Tuần lễ vàng để giải quyết vấn đề tài chính; Tiểu ban Canh nông lo việc khai hoang, phục hoá; Ủy ban mùa đông binh sĩ lo giải quyết vấn đề quân nhu cho bộ đội; Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phát triển đất nước...


Như vậy, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một tất yếu; tạo bước nhảy vọt quan trọng trong lịch sử dân tộc và đất nước Việt Nam; toàn thể nhân dân Việt Nam đều vui mừng và phấn khởi trước bước ngoặt lịch sử ấy. Từ đây, người dân Việt Nam đã có thể đứng lên làm chủ vận mệnh của mình và làm chủ đất nước. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của toàn thể dân tộc Việt Nam đã thành hiện thực. Lịch sử Việt Nam đã sang trang mới; một kỷ nguyên mới được mở ra - Kỷ nguyên độc lập, tự do cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.


Sau khi vừa giành lại nền độc lập, bên cạnh một số thuận lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã phải đối diện với tình thế hết sức hiểm nghèo. Theo thỏa thuận giữa các nước thắng trận, thuộc địa cũ của những nước thuộc phe Đồng minh được bảo đảm; trong đó, Đông Dương "chịu ảnh hưởng của Pháp". Vì thế, chỉ 10 ngày sau khi cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công trong cả nước, quân đội Đồng minh đã lần lượt kéo vào Việt Nam dưới vỏ bọc giải giáp quân đội Nhật. Từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, hơn 20 vạn quân của Trung Hoa Dân quốc đã tràn vào Hà Nội và hầu khắp các tỉnh thành. Nung nấu âm mưu tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương, đánh phá Việt Minh, lật đổ chính quyền cách mạng, khi vào Việt Nam, quân đội Tưởng Giới Thạch kéo theo những phần tử thuộc các tổ chức như Việt Nam quốc dân đảng (còn gọi là Việt Quốc); Việt Nam cách mạng đồng minh hội (còn gọi là Việt Cách), giúp đỡ các thế lực phản cách mạng tiến hành chống phá, cướp chính quyền ở nhiều nơi như ở Yên Bái, Móng Cái, Vĩnh Yên... Được sự giúp đỡ của quân đội Trung Hoa Dân quốc, các lực lượng chống đối đã gây ra nhiều vụ cướp bóc, giết người, tuyên truyền phản động trong các tầng lớp nhân dân, kích động quần chúng chống lại chính quyền cách mạng.


Từ vĩ tuyến 16 trở vào miền Nam, quân đội Anh đã có mặt, thực chất là để dọn đường, tạo điều kiện cho thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Đông Dương. Quân đội Anh cấm báo chí không được xuất bản và thiết quân luật, ai trái lệnh sẽ bị xử tử, yêu cầu Ủy ban nhân dân Nam Bộ kê khai quân số lực lượng vũ trang. Quân đội Anh dung túng cho tàn quân Nhật chờ giải giáp đang còn lại ở miền Nam cầm súng chống lại lực lượng vũ trang cách mạng. Quân Nhật chiếm các trại giam, thả những binh lính Pháp bị bắt giữ hồi Tổng khởi nghĩa (tháng 9-1945), thả 1.500 lính Pháp bị Nhật giam giữ trong đêm Nhật đảo chính, trang bị lại vũ khí cho lực lượng này.


Về phía Pháp, ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng quân đội Đồng minh, Chính phủ Đờ Gôn đã cử một đạo quân do tướng Lơcléc chỉ huy sang Đông Dương; đồng thời, cử Đô đốc Đácgiăngliơ sang làm Cao ủy Pháp ở Đông Dương với sứ mệnh "khôi phục lại chủ quyền của Pháp trên lãnh thổ Liên bang Đông Dương. Tướng chỉ huy tối cao của các lực lượng quân sự tại Viễn Đông chịu trách nhiệm dưới quyền Cao ủy, thi hành mọi biện pháp quân sự cần thiết nhằm khôi phục chủ quyền đó"1 (Ph. Devillers, Pari - Sài Gòn - Hà Nội, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993 tr. 131). Một trong những bước đi đầu tiên nhằm thực hiện "sứ mệnh" nói trên là ngay trong ngày 2 tháng 9 năm 1945, khi nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đang tổ chức mít tinh chào mừng ngày độc lập, quân đội Pháp nấp trong Nhà Thờ lớn đã xả súng bắn vào quần chúng, làm 47 người chết, nhiều người bị thương. Mặc dù gặp nhiều khó khăn sau chiến tranh, song được Anh và đế quốc Mỹ giúp sức, thực dân Pháp không từ bỏ mục tiêu quay trở lại Đông Dương. Vào 0 giờ ngày 23 tháng 9 năm 1945, được sự hỗ trợ của quân đội Anh, thực dân Pháp nổ súng tiến công Sài Gòn mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Từ Sài Gòn, quân đội Pháp tiến đánh nhiều địa điểm khác nhau, mở rộng hoạt động quân sự ra các tỉnh ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Tình huống trực tiếp có chiến tranh đã xảy ra, nền độc lập của dân tộc Việt Nam vừa mới giành được có nguy cơ bị thủ tiêu.


Trong khi đó, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời chưa được nước nào trên thế giới công nhận. Chính quyền nhân dân mới thành lập chưa được kiện toàn, chính quyền đó vừa mới ra đời nên khả năng quản lý, điều hành còn hạn chế. Thậm chí ở một số nơi, chính quyền chưa hoàn toàn nằm trong tay những người cách mạng; ở một số địa phương, cơ cấu tổ chức chính quyền không hợp lý dẫn đến tình trạng bao biện, nảy sinh mâu thuẫn, chồng chéo giữa các cơ quan, các cấp. Cơ cấu quản lý cán bộ còn lỏng lẻo, thiếu giám sát đối với công tác cán bộ nên ở một số nơi, lực lượng chống phá cách mạng đã chui được vào các tổ chức đảng, chính quyền. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam cũng ở trong tình trạng hết sức khó khăn. Ách áp bức phong kiến cùng chính sách vơ vét tàn bạo của thực dân Pháp và phát xít Nhật khiến nền kinh tế quốc dân lâm vào tình trạng suy sụp thảm hại. Nền kinh tế ấy vốn nghèo nàn, lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề cộng với nạn lụt lớn vào tháng 8 năm 1945 làm đê chín tỉnh đồng bằng Bắc Bộ bị vỡ, khiến cho mùa màng bị thất bát trầm trọng, 35 vạn hécta ruộng bị ngập lụt. Chín tỉnh Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Thái Bình bị mất mùa nặng. Ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh mất mùa tới 50%. Sau lụt lớn là hạn hán kéo dài làm cho nhiều diện tích đất canh tác phải bỏ hoang, diện tích cấy trồng và sản lượng đều giảm sút. Ở 15 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, diện tích trồng cấy vụ mùa năm 1945 chỉ đạt 540.000ha (vụ mùa năm 1944 là 967.000ha), còn số ruộng bị bỏ hoang không cày cấy được vì ngập lụt, thiếu nhân công, thiếu giống là khoảng 265.000ha. Vụ mùa năm 1944, miền Bắc thu được 832.000 tấn thóc, cả năm 1945 chỉ thu được 500.000 tấn1 (Báo Sự thật, ngày 12 tháng 12 năm 1945). Nhân dân Việt Nam vừa trải qua nạn đói khủng khiếp, chỉ trong vòng ba tháng giữa năm 1945, hơn hai triệu đồng bào (gần 1/10 dân số) đã chết vì đói và dịch bệnh, sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp vốn nhỏ bé, kiệt quệ nay càng trở nên đình đốn khiến hàng vạn công nhân không có việc làm. Tình trạng đó dẫn đến hàng hoá trên thị trường ngày càng khan hiếm, giá cả tăng vọt làm đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn. Đất nước tuy mới giành được độc lập, nhưng Chính phủ mới lại không kiểm soát được Ngân hàng Đông Dương, nên vấn đề tài chính lúc này rất khó khăn. Ngân sách Trung ương chỉ có 1.230.000 đồng bạc Đông Dương mà gần một nửa rách nát không thể lưu hành, ở miền Bắc, binh lính quân đội Tưởng Giói Thạch mang đồng Quan kim ra tiêu trên thị trường làm phá giá đồng Đông Dương vốn đã mất giá trị, khiến nền tài chính thêm rối loạn.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 08 Tháng Hai, 2023, 11:34:17 am
Về văn hóa - xã hội, những tồn dư văn hoá của xã hội cũ như hơn 90% dân số không biết chữ, các tệ nạn xã hội rượu chè, cờ bạc, nghiện hút... còn phổ biến đang là một trở lực lớn đối với chính thể dân chủ cộng hòa còn non trẻ. Về giáo dục, số người được đi học các bậc học tiểu học, trung học và cao đẳng rất ít ỏi. Trong hai năm (1936 - 1937), cả ba kỳ Bắc, Trung, Nam bình quân ba làng có một lớp sơ học và chỉ có 2% dân số đến trường sơ học - bậc học phát triển nhất dưới chế độ thực dân Pháp, ở bậc tiểu học, trong toàn quốc chỉ có 638 trường (kể cả trường tư), bình quân 34 làng và 29.239 người mới có một trường và chỉ có 0,4% dân cư theo học ở bậc học này. Đối với bậc tiểu học, bình quân cứ 1.170.000 người dân mới có một trường và chỉ có 0,05 dân số học ở các trường này, còn ở bậc trung học, số người Việt Nam theo học chỉ chiếm tỷ lệ 0,009% so với dân số1 (Hội truyền bá quốc ngữ (1938 - 1945), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1984, tr. 11-12).


Quân đội quốc gia là lực lượng chủ yếu bảo vệ đất nước lúc này vừa được xây dựng, tổ chức lại. Cán bộ chỉ huy thiếu, đa số chưa trải qua những khóa huấn luyện quân sự, đào tạo cơ bản; chỉ một số ít được học trong các trường võ bị của thực dân Pháp và của Trung Hoa dân quốc. Vũ khí, trang bị cho quân đội vừa thiếu nhiều, vừa rất lạc hậu. Kinh nghiệm chiến đấu của lực lượng vũ trang chưa có bao nhiêu lại phải đối đầu với các đạo quân xâm lược nhà nghề. Như thế, Nhà nước Việt Nam độc lập vừa mới ra đời đã phải đối mặt với những thách thức tồn vong, ở trong tình thế "không đồng minh, không tiền và hầu như không có vũ khí".


Mặc dù vận mệnh dân tộc lúc này lâm vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", nhưng với lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, nhân dân ta ra sức ủng hộ Chính phủ, ủng hộ cách mạng; toàn dân, toàn quân luôn kề vai sát cánh bên nhau quyết tâm chống lại mọi kẻ thù. Ý thức tự hào dân tộc và mơ ước được sống trong chế độ xã hội mới tốt đẹp hơn đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân nhằm bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ vững nền độc lập, tự do của nước nhà. Khắp nơi trên cả nước, các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước, ủng hộ Chính phủ thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi, mọi thành phần, tôn giáo tham gia. Trong đó, giai cấp- công nhân, nông dân là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong xây dựng tiềm lực mọi mặt của đất nước. Nhiều công chức trong chế độ cũ đã tự nguyện xin tham gia phục vụ chính quyền cách mạng. Đồng bào ở nước ngoài đều mở nhiều hoạt động quyên góp, ủng hộ chính quyền nhân dân trong nước. Chính quyền đó do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo - một chính Đảng trải qua quá trình hoạt động, đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý báu, là nhân tố quyết định đưa đến cuộc vận động giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Thêm nữa, sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam luôn có sự gắn bó với sự nghiệp kháng chiến của nhân dân hai nước anh em Lào, Campuchia chống lại kẻ thù chung. Liên minh đoàn kết chiến đấu của ba nước Đông Dương là nhân tố quan trọng góp phần vào sự thành công của cách mạng ba nước nói chung, của Việt Nam nói riêng.


"Đồng cam cộng khổ" với đồng bào Nam Bộ, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động phong trào ủng hộ Nam Bộ kháng chiến. Ngày 26 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: "Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ... Thà chết tự do hơn sống nô lệ"1 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 28). Hưởng ứng lời kêu gọi hàng vạn thanh niên miền Bắc hăng hái lên đường nhập ngũ. Nhân dân miền Bắc tổ chức vận động quyên góp tiền bạc, quần áo, thuốc men... ủng hộ đồng bào Nam Bộ.


Ở miền Bắc, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương hoà hoãn với lực lượng của Tưởng Giới Thạch, tránh cùng một lúc phải đương đầu với nhiều kẻ thù. Để hạn chế sự chống phá của quân đội Trung Hoa dân quốc, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trương "hòa để tiến", nhượng bộ một số quyền lợi. Bên cạnh đó, Đảng, Chính phủ tổ chức các cuộc mít tinh, tuần hành, tập hợp hàng nghìn người biểu dương lực lượng, nêu cao các khẩu hiệu: "Nước Việt Nam của người Việt Nam!", "ủng hộ Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà!", "Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh!’’... Đảng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên truyền, tổ chức, phát động các đoàn thể cứu quốc, các giai cấp, tầng lớp, các đảng phái, dân tộc, tôn giáo, các cá nhân... yêu nước tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.


Sau hơn sáu tháng tích cực đấu tranh bảo tồn nền độc lập quý báu vừa mới giành được, nhân dân Việt Nam lại đứng trước những thử thách mới. Ngày 28 tháng 2 năm 1946, Hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết tại Trùng Khánh. Hai nước lớn đã mua bán, trao đổi lợi ích, tiến hành điều đình, thoả hiệp để đưa quân đội Pháp hợp pháp ra miền Bắc Việt Nam, "bắt nhân dân Việt Nam nhắm mắt nuốt chửng Hiệp ước Hoa - Pháp"1 (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Nxb Chính tri quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 42). Trước thoả hiệp giữa Trung Hoa dân quốc và và nước Pháp, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định chủ động đàm phán ngay với thực dân Pháp để nhanh chóng đẩy 20 vạn binh lính của quân đội Trung Hoa dân quốc về nước; đồng thời, tranh thủ thời gian để chuẩn bị những tiền đề cần thiết cho cuộc kháng chiến với thực dân Pháp sau này. Thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định sơ bộ2 (Theo bàn Hiệp định, Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng nằm trong khối Liên hiệp Pháp; Chính phủ Việt Nam đồng ý cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc thay thế 20 vạn binh lính của quân đội Trung Hoa dân quốc làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật, số quân này sẽ rút dần về nước trong thời hạn 5 năm; hai bên thực hiện lệnh ngừng bắn ngay ở Nam Bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đàm phán chính thức giữa các bên ở Pari). "Nếu có lợi cho cách mạng, thì dù có phải thỏa hiệp với bọn kẻ cướp, chúng ta cũng thỏa hiệp"3 (V. I. Lênin, Toàn lập, tập 41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977. tr. 24) - trên tinh thần ấy, Hiệp định sơ bộ 6-3 là một mẫu mực về sự thoả hiệp có nguyên tắc để phá thế bế tắc, vượt qua khó khăn, lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước lớn cũng như mâu thuẫn nội bộ của mỗi lực lượng có mặt tại Việt Nam, tạo những điều kiện thuận lợi nhằm đạt tới mục tiêu đã định, hướng tới độc lập, tự do thống nhất thực sự.


Trong khi đó, tại Đông Dương, quân đội Pháp tăng cường các hoạt động khiêu khích, quan hệ Việt - Pháp căng thẳng. Để có thêm thời gian hoà bình xây dựng lực lượng, chuẩn bị tiềm lực mọi mặt cho cuộc kháng chiến, ngày 14 tháng 9 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục ký với Chính phủ Pháp Bản tạm ước, nhượng bộ thêm cho thực dân Pháp một số quyền lợi ở Việt Nam.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 08 Tháng Hai, 2023, 11:35:18 am
Tranh thủ thời gian hoà hoãn, nhân dân Việt Nam ra sức củng cố và phát triển lực lượng về mọi mặt. Nhằm củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng nền móng của chế độ mới, ngay sau khi ra đời, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã công bố lệnh Tổng tuyển cử trong cả nước; ban hành sắc lệnh thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp (ngày 20-9-1945). Ngày 6 tháng 1 năm 1946, hơn 90% cử tri trong cả nước nô nức đi bầu những đại biếu ưu tú vào Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Sau ngày bầu cử Quốc hội, các địa phương từ tỉnh đến xã ở Bắc Bộ và Trung Bộ đều tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, lập ra bộ máy chính quyền. Ngày 9 tháng 11 năm 1946, Quốc hội chính thức thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thực hiện chủ trương không ngừng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tháng 5 năm 1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) được thành lập nhằm đoàn kết rộng rãi các tổ chức, các đảng phái, cá nhân chưa tham gia Mặt trận Việt Minh, đánh dấu bước phát triển mới của quá trình xây dựng khôi đoàn kết toàn dân tộc.


Sau khi ký Hiệp định sơ bộ 6-3 và Bản tạm ước 14-9 thực dân Pháp có nhiều hành động gây hấn1 (Ngày 20 tháng 11 năm 1946, quân Pháp cố ý tranh giành quyền thu thuế quan ở cảng Hải Phòng và gây xung đột với lực lượng vũ trang cách mạng. Ngày 24 tháng 11, thực dân Pháp ngang nhiên cho quân đội bắn đại bác vào Hải Phòng để khiêu chiến. Ngày 27 tháng 11 năm 1946, quân Pháp chính thức nhận lệnh đánh chiếm Hải Phòng). Trước hành động đó, Nhà nước Việt Nam yêu cầu thực dân Pháp tôn trọng những điều đã ký kết, kêu gọi tiến hành các cuộc tiếp xúc, đàm phán nhằm giải quyết các tranh chấp. Đáp lại thiện chí của Việt Nam, thực dân Pháp vẫn làm ngơ và tăng cường khiêu khích2 (Trong tháng 12 năm 1946, quân Pháp liên tiếp gây xung đột với lực lượng vũ trang cách mạng. Ngày 17 tháng 12 năm 1946, quân Pháp đã bắn đại bác và súng cối vào khu phố Hàng Bún, cho quân chiếm trụ sở Bộ Tài chính và một số cơ quan trong thành phố. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, thực dân Pháp đã gửi tối hậu thư cho Chính phủ Việt Nam, yêu cầu giải tán lực lượng vũ trang và giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng). Trước tình hình đó, ngày 19 tháng 12 năm 1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị, quyết định phát động toàn quốc kháng chiến. Ngay trong đêm 19 tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.


Tiến hành kháng chiến, nhằm tăng cường thực lực, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, Đảng, Nhà nước Việt Nam tích cực tiến hành các hoạt động đối ngoại. Nhận thức mục tiêu, kết quả của hoạt động đối ngoại phải phục vụ trực tiếp cho đất nước, nhất là cho những vấn đề mang tính cấp bách, số 1 - vấn đề chính quyền, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương: "Củng cố chính quyền, dùng chính trị, ngoại giao, vũ khí cần thiết, đến dùng quân sự để giữ vững nền độc lập"1 (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr. 6). Trên quan điểm đó, về ngoại giao, Chính phủ Hồ Chí Minh đặt nhiệm vụ từng bước xác lập các mối quan hệ với bên ngoài, tiến tới ngoại giao chính thức với các quốc gia khác, tìm kiếm sự ủng hộ và thừa nhận quốc tế.


Hiện thực hóa chủ trương trên, ngày 3 tháng 10 năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức ra Thông cáo về chính sách ngoại giao, chỉ rõ mục tiêu bất di bất dịch là "đưa nước nhà đến sự độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn"2 (Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ làm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Báo Cứu quốc, ngày 3 tháng 10 năm 1945, tr.1). Thông cáo nêu rõ: Nước Việt Nam còn đang ở trong giai đoạn tranh đấu kịch liệt nên "chính sách ngoại giao phải có mục đích cốt yếu là giúp cho sự tranh đấu ấy được thắng lợi bằng mọi phương pháp êm dịu hay cương quyết tùy theo thái độ của các liệt quốc, nhưng bao giờ cũng lấy nguyên tắc của Hiến chương Đại Tây Dương làm nền tảng"3 (Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ làm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Báo Cứu quốc, ngày 3 tháng 10 năm 1945, tr.1). Ngày 6 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Chí Minh đã họp báo, giải thích thêm về chính sách ngoại giao của Chính phủ Việt Nam đối với Mỹ, Trung Hoa và nhất là với thực dân Pháp. Chính sách ngoại giao của Chính phủ được công bố thể hiện một cách nhìn rộng mở trong quan hệ quốc tế kiểu mới, mang tầm nhìn chiến lược, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và sự thay đổi cơ bản có tính toàn cầu sau chiến tranh thế giới thứ hai cũng như quan hệ với các nước trong khu vực và các nước láng giềng đang phấn đấu vì độc lập, tự do. Trên cơ sở xác định chính sách ngoại giao, Chính phủ lâm thời đã tiến hành các hoạt động thiết lập mối quan hệ ngoại giao với đại diện các nước ở Việt Nam, các tổ chức quốc tế nhằm xác lập vị thế và chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ Hồ Chí Minh đã khai thác triệt để các cam kết của Đồng Minh đã nêu ra trong Hiến chương Đại Tây Dương (tháng 8-1941), Hội nghị Têhêran (tháng 12-1943) và Hiến chương Liên Hợp Quốc (tháng 6-1945).


Liên Xô là một ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chính phủ Việt Nam cũng đã tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô bằng cách thông qua các điện, thư, công hàm chung gửi đến chính phủ các nước Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Hoa dân quốc. Trong các công hàm gửi đến các cường quốc đó, Chính phủ Việt Nam đã lên án sự xâm lược của thực dân Pháp và đề nghị các cường quốc, trong đó có Liên Xô, đưa vấn đề Việt Nam ra thảo luận ở Liên Hợp Quốc.


Đối với các hoạt động quân sự, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy, nhân dân Việt Nam đã đứng lên đồng loạt nổ súng. Cuộc chiến đấu lúc này chủ yếu ở các thành phố, thị xã. Tiêu biểu là cuộc chiến đấu của quân và dân tại Thủ đô Hà Nội trong 60 ngày đêm. Quân Pháp ở Hà Nội có 6.500 tên, ngoài ra còn có khoảng 13.000 Pháp kiều (số đông được trang bị vũ khí), về lực lượng vũ trang cách mạng gồm năm tiểu đoàn bộ binh, tám trung đội công an xung phong; lực lượng tự vệ nội, ngoại thành khoảng 28.500 người và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia kháng chiến đánh địch. Quân đội cách mạng chiến đấu dũng cảm, kiên cường bám trụ giành giật từng căn nhà, từng góc phố. Những trận đánh diễn ra ác liệt tại chợ Đồng Xuân, Bắc Bộ phủ, nhà bưu điện. Nhân dân đã dựng nhiều chướng ngại vật trên đường phố vừa tham gia đánh địch, vừa phục vụ chiến đấu. Đến ngày 17 tháng 2 năm 1947, sau gần hai tháng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, giam chân địch trong thành phố, lực lượng vũ trang cách mạng đã rút ra khỏi thành phố, diệt trên 500 tên địch, phá huỷ 30 xe cơ giới. Đến tháng 2 năm 1947, thực dân Pháp tăng viện và tiến hành giải toả. Quân đội nhân dân Việt Nam đã rút ra ngoại thành để chuyển sang một giai đoạn chiến đấu mới.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 08 Tháng Hai, 2023, 11:36:13 am
Thực hiện đường lối kháng chiến đã đề ra, song song với cuộc chiến đấu ở các đô thị nhằm tiêu hao, tiêu diệt và giam chân địch trong các thành phố, thị xã, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng di chuyển các cơ quan, kho tàng, tổ chức cho nhân dân tản cư, chuyển cả nước vào thời chiến. Các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận... di chuyển về phía Hà Đông, Sơn Tây và đến tháng 3 năm 1947 đã lên đến căn cứ Việt Bắc. Quân và dân Việt Nam đã vận chuyển được hàng vạn tấn máy móc, gạo, muối, vải... từ những vùng tạm chiếm về các khu căn cứ địa an toàn nhằm xây dựng cơ sở vật chất của kháng chiến. Riêng trong ba tháng đầu năm 1947, đã chuyển được khoảng 40.000 tấn máy móc, nguyên vật liệu. Chỉ tính tại Bắc Bộ, đã chuyển được gần 2/3 số máy móc lên chiến khu, nhờ đó, ta đã xây dựng được 57 cơ sở sản xuất, đáp ứng nhu cầu bức thiết về kinh tế, quốc phòng. Bên cạnh đó, Đảng và Chính phủ phát động nhân dân tiến hành tiêu thổ kháng chiến để ngăn không cho thực dân Pháp có thể chiếm dụng phục vụ cho mục đích chiến tranh. Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, ta đã phá hoại 1.060km đường sắt, 5.640km đường ô tô, 30.500 cầu cống gần 60.000 nhà cửa, 84 đầu máy và 868 toa xe lửa.


Mặc đù điều kiện còn rất khó khăn, Nhà nước Việt Nam mới vẫn đưa ra nhiều biện pháp nhằm ổn định đời sống nhân dân, đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về sản xuất nông nghiệp, động viên, tổ chức mọi ngành, mọi giới, từ công nhân, nông dân, bộ đội, giáo viên, học sinh,... tham gia tích cực vào phát triển sản xuất theo khâu hiệu: "thực túc binh cường", "ăn no đánh thắng". Để bảo vệ mùa màng, giữ vững sản xuất trước thiên tai cũng như sự đánh phá của địch, Chính phủ đã động viên các tầng lớp nhân dân tích cực cải tạo các công trình thuỷ lợi. Bộ đội và du kích các địa phương đẩy mạnh hoạt động đánh địch giúp bà con nông dân bảo vệ mùa màng cùng như thu hoạch sản xuất, cất giấu thóc gạo phục vụ kháng chiến. Đối với công nghiệp và thủ công nghiệp, Nhà nước chủ trương tập trung xây dựng và phát triển những ngành tối cần thiết cho công cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam (như vải, giấy, muối, xà phòng, diêm,...). Đồng bào tản cư theo kháng chiến được thu xếp hợp lý, nhanh chóng ổn định đời sống. Tính đến tháng 6 năm 1947, đã tổ chức được hơn 200 trại sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với trên 40.000 nhân khẩu. Phong trào Bình dân học vụ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm thanh toán nạn mù chữ trong nhân dân. Nhiều trường mới được xây dựng, khuyến khích học sinh đến trường. Một số cơ sở đại học và trung học từ thành phố chuyển lên tiếp tục được dược duy trì. Đến cuối năm 1947, nhiều tỉnh đã thực hiện xóa xong nạn mù chữ cho 60-70% đồng bào. Nhà nước cũng chú trọng các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, xây dựng đời sống mới. Những thành tựu đó có ý nghĩa rất to lớn đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó, thế trận chiến tranh nhân dân được xây dựng trên nền tảng sức mạnh toàn dân, đã trở thành cơ sở vững chắc cho quân và dân Việt Nam càng đánh càng mạnh, chống lại các cuộc tiến công của đối phương.


Từ khi lực lượng ta rút khỏi các đô thị, thực dân Pháp mở rộng đánh chiếm một số thành phố, thị xã. Tuy nhiên, Chính phủ kháng chiến vẫn không bị tiêu diệt, cuộc chiến đấu phải kéo dài. Trong khi đó, nước Pháp phải đối mặt với những vấn đề khó khăn về kinh tế, tài chính, chính trị - xã hội... Cuộc đấu tranh của những tầng lớp nhân dân Pháp nhằm cải thiện quyền dân sinh, dân chủ ngày càng bùng lên mạnh mẽ buộc Chính phủ Pháp không thể không đối phó. Bên cạnh đó, Chính phủ Pháp vẫn chủ trương tăng cường sức mạnh quân sự hòng "thiết lập" chế độ cai trị của thực dân Pháp tại các thuộc địa cũ của mình, trong đó có Đông Dương.


Tháng 3 năm 1947, Bôlaéc1 (Bôlaéc đã có cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Thái Nguyên, để trao đổi về điều kiện ngừng bắn hai phía Việt - Pháp. Ông ta đưa ra bốn điều kiện ngừng bắn: (1) Quân đội Việt Nam phải nộp vũ khí cho quân Pháp; (2) Quân đội Pháp được quyền đi lại tự do trên đất nước Việt Nam; (3) Chính phủ Việt Nam phải trả lại cho thực dân Pháp những người bị bắt; (4) Chính phủ Việt Nam phải trao trả cho thực dân Pháp những người nước ngoài đã chạy sang phía Việt Nam) được cử sang giữ chức Cao ủy Pháp tại Đông Dương thay Đô đốc Đácgiăngliơ. Với trọng trách được giao là sử dụng mọi biện pháp cần thiết để tiêu diệt cơ quan đầu não của Việt Minh để nhanh chóng kết thúc chiến tranh, Bôlaéc một mặt tập hợp lực lượng để thành lập chính phủ bù nhìn do Bảo Đại đứng đầu1 (Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vua Bảo Đại (Vĩnh Thuỵ) thoái vị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời ông ta ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ cách mạng. Lợi dụng việc được Chính phủ cách mạng cử đi sang Trung Quốc điều đình ngoại giao, cố vấn Vĩnh Thuỵ đã ở lại nước ngoài và rồi sau đó hợp tác với thực dân Pháp), mặt khác, tiếp tục tích cực chuẩn bị mọi mặt nhằm tiến công lên Việt Bắc, phá tan cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt phần lán bộ đội chủ lực Việt Minh, thực hiện khoá chặt biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh, lập lại "hoà bình" ở xứ Đông Dương.


Thực hiện mục tiêu đó, ngày 7 tháng 10 năm 1947, thực dân Pháp huy động 12.000 quân tiến công Việt Bắc. Quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đã bố trí sẵn thế trận, tổ chức tiến công quân địch ngay khi chúng vừa đặt chân lên căn cứ. Quân đội nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi lớn tại Khe Lau, Khoan Bộ, Đoan Hùng, Bông Lau, Chợ Đồn, Chợ Mới,... Những thất bại liên tiếp đã buộc đại quân Pháp phải rút chạy về Hà Nội vào ngày 19 tháng 12 năm 1947. Cuộc hành quân lớn đánh lên căn cứ địa Việt Bắc của thực dân Pháp kết thúc.


Sau thất bại của cuộc hành quân lớn lên Việt Bắc, Thu - Đông năm 1947, thực dân Pháp đẩy mạnh việc củng cố hành lang Đông - Tây, đồng thời thực hiện kế hoạch mở rộng phạm vi chiếm đóng ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, củng cố tuyến phòng thủ biên giới Đông Bắc. Yêu cầu chiến lược của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc này là phá tan âm mưu phong toả biên giới phía Bắc của thực dân Pháp, mở đường giao lưu giữa Việt Nam với các nước dân chủ nhân dân, nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế. Cho đến khi chiến dịch Biên Giới mở màn (ngày 16-9-1950), "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành hơn 20 chiến dịch với các quy mô, tính chất và trên các chiến trường khác nhau"1 (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950 - bưởc ngoặt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.39). Trong tình hình đó, chiến dịch Biên Giới được thực hiện trong một thế trận chung, có sự phối hợp khá chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các chiến trường trên cả nước từ Bắc Bộ đến Trung Bộ và Nam Bộ, từ đồng bằng đến miền núi, thành thị và nông thôn. Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950 có ý nghĩa lịch sử to lớn, mang tầm chiến lược, mở ra một giai đoạn mới của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với thắng lợi của Chiến dịch Biên Giối, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam chuyển mạnh từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn. Sau chiến thắng Biên Giới, cục diện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam có những thay đổi căn bản theo chiều hướng tích cực. Thế và lực của cách mạng Việt Nam dần vững mạnh. Chiến thắng Biên Giới làm phá sản âm mưu "khoá chặt biên giới Việt - Trung" nhằm cô lập cách mạng Việt Nam với các nước; tuyến phòng thủ Liên khu Biên giới Đông Bắc bị xoá bỏ. Đường giao thông quốc tế được mở rộng nối liền căn cứ địa Việt Bắc với Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, qua đó đến Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu. Thế bị bao vây, cô lập của cuộc kháng chiến được khắc phục. Sau khi khai thông con đường nối Việt Nam với các nước dân chủ nhân dân, sự nghiệp "kháng chiến, kiến quốc" của nhân dân Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tiếp nhận sự viện trợ về vật chất, vũ khí, trang bị quân sự và học tập, tiếp thu về kỹ thuật, chiến thuật của quân đội các nước; trong đó có Liên Xô.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 08 Tháng Hai, 2023, 11:38:04 am
II. LIÊN XÔ ỦNG HỘ, GIÚP ĐỠ VIỆT NAM

1. Ủng hộ về chính trị - ngoại giao

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam mới ra đời, thực hiện chính sách ngoại giao với mục tiêu: Thống nhất bên trong, tìm bạn bên ngoài; đoàn kết với giai cấp vô sản và nhân dân các nước, Việt Nam tìm mọi cách liên lạc với Liên Xô. Liên tiếp từ tháng 9 đến tháng 10 năm 1945, từ Pari, những bức điện khẩn của Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tục được chuyển tới Mátxcơva, song đã không nhận được phản hồi. Tình hình đó càng thúc đẩy Chính phủ Việt Nam nỗ lực hơn nữa để mở cánh cửa ra với thế giới. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi (từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947), Việt Nam đã lập được cơ quan đại diện ở một số nước châu Á (Thái Lan, Mianma); có quan hệ chính thức với Thái Lan, Mianma, Ấn Độ, Inđônêxia...; lập 11 cơ quan thông tin ở nhiều nước khác nhau trên thế giới. Việt Nam cử đặc phái viên đến hơn 10 nước và khu vực khác nhau ở châu Á, châu Âu, tham dự các hội nghị quốc tế... Bằng những hoạt động đối ngoại hướng ra bên ngoài, các phái viên của Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với các tổ chức, các đại sứ quán của Liên Xô tại các nước, tuyên truyền và làm rõ ý nghĩa, vị trí của cách mạng Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ Liên Xô.


Từ năm 1947, bắt đầu những cuộc tiếp xúc bí mật của Liên Xô với đại diện chính thức của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dù chưa lập quan hệ ngoại giao chính thức, Liên Xô vẫn tăng cường lên án âm mưu gây chiến của thực dân Pháp ở Đông Dương, tuyên truyền cho hoạt động ngoại giao của Chính phủ Hồ Chí Minh và cho Hiến pháp dân chủ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Liên Xô in ấn nhiều ấn phẩm về Đông Dương và Việt Nam, giúp nhân dân Xôviết hiểu thêm về lịch sử, đất nước, con người và cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam. Giữa tháng 1 năm 1947, Bộ Ngoại giao Liên Xô thúc giục Pháp tìm cách thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh để chấm dứt chiến tranh1 (David G. Marr, Vietnam 1945: The quest for power, University of California press, Berkeley, Los Angelíes, London, 1997, p.64). Tháng 9 năm 1947, tại Hội nghị thành lập Cục Thông tin quốc tế, Liên Xô nhìn nhận cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam là một bộ phận của cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc do nước này đứng đầu. Đầu năm 1948, các đại diện Liên Xô nhiều lần tiếp các đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Thái Lan, đồng thời giúp phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chuẩn bị lập các phòng thông tin ở Ba Lan và Tiệp Khắc1 (Benoil de Tréglodé, "Những cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Việt Nam và Liên Xô (1947 - 1948), Tạp chí Xưa và Nay, số 73, tháng 3-2000. tr.9).


Cuối năm 1948 đánh dấu một bước tiến mới trong sự ủng hộ của Chính phủ Xôviết đối với Việt Nam: Liên Xô đề nghị Hội đồng kinh tế châu Á - Viễn Đông đáp ứng nguyện vọng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, kết nạp Việt Nam làm hội viên. Đề nghị này của Liên Xô bị một số nước bác bỏ. Từ năm 1948 cho đến khi hai nước đặt quan hệ ngoại giao chính thức (năm 1950), nhờ có sự hỗ trợ của Liên Xô, các phái đoàn của Việt Nam mở rộng khả năng ra nước ngoài tham dự các hội nghị quốc tế và nhận được sự ủng hộ của một số nước dân chủ nhân dân khác. Khi đang buộc phải chiến đấu trong vòng vây của các nước đế quốc thì sự ủng hộ về mặt tinh thần của các lực lượng dân chủ thế giới đứng đầu là Liên Xô trở thành nguồn động viên to lớn đối với nhân dân Việt Nam.


Như vậy, đến trước năm 1950, quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng Liên Xô được nảy nở sau Cách mạng Tháng Mười tiếp tục có bước phát triển trên mục tiêu chung là hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đó là những cơ sở, tiền đề quan trọng cho việc tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nhà nước. Tuy nhiên, quá trình này vẫn còn phụ thuộc vào hàng loạt những yếu tố khách quan và chủ quan.


Tuy chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, Liên Xô vẫn ủng hộ về chính trị cho Việt Nam thông qua dư luận xã hội Xôviết và hoạt động tuyên truyền cho chính sách đối ngoại chống chủ nghĩa thực dân, chống chính sách xâm lược. Khi lực lượng quân Đồng Minh tiếp tay cho thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh tái chiếm Đông Dương, xâm lược Việt Nam lần thứ hai, Chính phủ Liên Xô kiên quyết phản đối những hành động đó, phản đối mọi sự can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân Việt Nam.


Báo chí, dư luận Liên Xô lên án chính sách thực dân ở Đông Dương, kêu gọi đề ra giải pháp cho việc giải quyết cuộc xung đột, nêu rõ cần có một hành động cấp tốc giải quyết vấn đề thuộc địa, tổ chức chế độ kiểm soát quốc tế. Liên Xô tăng cường lên án âm mưu gây chiến của thực dân Pháp ở Đông Dương, tuyên truyền cho hoạt động ngoại giao của Chính phủ Hồ Chí Minh và cho Hiến pháp dân chủ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Năm 1950, cục diện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam có những thay đổi căn bản theo chiều hướng tích cực. Thế và lực của cuộc kháng chiến ngày càng vững mạnh hơn. Đến thời điểm này, Việt Nam đã hội tụ đầy đủ những điều kiện khách quan, chủ quan cần thiết cho việc đề nghị các nước công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ngày 14 tháng 1 năm 1950, Chính phủ Việt Nam tuyên bố: "Sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hoà bình và xây đắp dân chủ thế giới"1 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, lập 6, Sđd, tr. 311).


Trên tinh thần đó, ngày 15 tháng 1 năm 1950, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hoàng Minh Giám gửi thông điệp đến Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Chu Ân Lai nêu rõ lập trường, quan điểm, thiện chí của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Sau khi thiết lập quan hệ với Trung Quốc, ngày 23 tháng 1 năm 1950, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám thay mặt Chính phủ Việt Nam gửi công hàm cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô, đề nghị hai nước kiến lập quan hệ ngoại giao chính thức và trao đổi Đại sứ.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 08 Tháng Hai, 2023, 11:38:54 am
Về phía Liên Xô, sự đối đầu giữa hai cực Xô - Mỹ càng quyết liệt, yêu cầu mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô ở các khu vực khác nhau trên thế giới, trong đó có châu Á, Đông Nam Á càng cấp bách. Sau khi thiết lập chính thức quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, vị trí và ảnh hưởng của Liên Xô tại châu Á rộng lớn được xác lập chắc chắn hơn. Tại thời điểm đó, Việt Nam là nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, sự chuyển biến về chất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là những nhân tố mới, vừa tác động trực tiếp đến chính sách đối ngoại của Liên Xô, vừa tạo điều kiện cho chính sách đối ngoại của Liên Xô triển khai thuận lơi ở khu vực châu Á. Vì vậy, vấn đề công nhận và thiết lập quan hệ với Việt Nam được đưa ra và phê duyệt ngày 10 tháng 12 năm 1949 trong cuộc họp Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Ngày 30 tháng 1 năm 1950, Liên Xô đáp lại công hàm của Chính phủ Việt Nam, nói rõ: Chính phủ Liên Xô nhận thấy Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Chính phủ đại diện hợp pháp cho đại đa số nhân dân Việt Nam, quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên bang Xôviết với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tuy nhiên Liên Xô đề nghị trao đổi Công sứ1 (Công ước Viên (năm 1961) về quan hệ ngọại giao chia những người đứng đầu các cơ quan đại diện ngoại giao thành ba cấp (Đại sứ, Công sứ, Đại biện), nhưng chế độ ưu đãi, miễn trừ ngoại giao giữa Đại sứ và Công sứ áp dụng như nhau. Cũng theo Công ước Viên (năm 1961), cơ quan đại diện ngoại giao gồm: Đại sứ quán, Công sứ quán, Đại biện quán. Đứng đầu Đại sứ quán là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, đứng đầu Công sứ quán là Công sứ đặc mệnh toàn quyền được bổ nhiệm bên cạnh Nguyên thủ quốc gia, còn đứng đầu Đại biện quán là Đại biện được bổ nhiệm bên cạnh Bộ trưởng Bộ Ngoại giao)).


Sự kiện Liên Xô công nhận Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là sự kiện lớn trong lịch sử quan hệ ngoại giao của Việt Nam nói chung, của quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên Xô nói riêng, được dư luận tiến bộ trên thế giới đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Đó là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam - Liên Xô, xây dựng tiền đề pháp lý quốc tế cho sự hợp tác toàn diện giữa hai nước, tạo điều kiện cho các nước xã hội chủ nghĩa công nhận Việt Nam, cô lập chính quyền Bảo Đại. Việt Nam có vị thế mới trên trường quốc tế, được thừa nhận là quốc gia có chủ quyền, là thành viên phe xã hội chủ nghĩa. Với việc Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước xã hội chủ nghĩa lớn nhất hành tinh và với một loạt nước xã hội chủ nghĩa khác, đã làm cho ngoại giao Việt Nam gặt hái được những thành tựu to lớn, quan trọng.


Tháng 2 năm 1951, tại phiên họp của Ủy ban kỹ nghệ và thương mại, Hội đồng kinh tế châu Á - Viễn Đông, một lần nữa Liên Xô tiếp tục đấu tranh để Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tham gia Ủy ban và đề nghị trục xuất đại diện của Chính phủ Bảo Đại ra khỏi tổ chức kinh tế quốc tế này.


Tháng 9 năm 1952, tại phiên họp thường kỳ của Hội đồng Bảo an, đại diện Chính phủ Liên Xô đã kiến nghị xét đơn và kết nạp Việt Nam vào Liên Hợp Quốc. Anh, Pháp, Mỹ phản đối vì Việt Nam không phải là một quốc gia. Liên Xô đã chỉ ra rằng: Ở Việt Nam hiện nay chỉ có Chính phủ Hồ Chí Minh là chính phủ hợp pháp. Chính phủ đó là do Quốc hội - kết quả của tổng tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín ngày 6 tháng 1 năm 1946 lập nên. Chính phủ đó được Chính phủ Pháp công nhận theo Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, khác Chính phủ Bảo Đại là do thực dân Pháp, đế quốc Mỹ dựng lên, bị toàn thể nhân dân Việt Nam tẩy chay.


Ngày 28 tháng 9 năm 1953, Liên Xô kêu gọi các nước có liên quan tổ chức một hội nghị quốc tế, nhằm xem xét, tìm kiếm các biện pháp giảm thiểu căng thẳng trong tình hình quốc tế, đề xuất biện pháp giải quyết những vấn đề quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình các nước Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Đầu năm 1954, Hội nghị cấp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao giữa Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ ra thông báo sẽ triệu tập Hội nghị Giơnevơ, bàn giải pháp cho vấn đề Triều Tiên và lập lại hoà bình ở Đông Dương. Ngày 26 tháng 2 năm 1954, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc bức điện, bày tỏ lập trường về Hội nghị Giơnevơ và những vấn đề liên quan tới Việt Nam: "Chúng tôi đề nghị các đồng chí chuyển tải đến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt), đồng chí Hồ Chí Minh nội dung thảo luận tại cuộc họp các bộ trưởng Bộ Ngoại giao các nước Liên Xô, Hoa Kỳ, Anh, Pháp tại Béclin và các nước liên quan về việc tổ chức Hội nghị ở Giơnevơ vào ngày 26 tháng 4 năm 1954 (trong đó, ngoài việc thảo luận về vấn đề Triều Tiên, cũng sẽ thảo luận về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương). Trước đây, chúng tôi đã thông báo cho các đồng chí rằng, theo cách hiểu của chúng tôi, "các nước có liên quan ở Đông Dương" gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính phủ bù nhìn Bảo Đại, Lào, Campuchia. "Chúng tôi biết rằng, các đồng chí Việt Nam rất quan tâm đến việc triệu tập Hội nghị Giơnevơ và khả năng tham gia Hội nghị. Chúng tôi nghĩ rằng các đồng chí Trung Quốc cũng nhất trí với quan điểm của chúng tôi. Về lập trường của Pháp, Mỹ, Anh, cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa có nhiều tin tức. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng phải làm cho Hội nghị trở nên có lợi nhất cho nhân dân Việt Nam"1 (Department of Archives, Ministry of Foreign Affairs of the People's Republic of China (PRCFMA), 109-00396-01, p.26).


Ngày 27 tháng 4 năm 1954, Anh, Mỹ ủy nhiệm Pháp gặp Liên Xô thỏa thuận về thành phần Hội nghị. Trong cơ cấu Hội nghị, Anh, Pháp, Mỹ loại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nêu công thức năm nước lớn cộng với Lào, Campuchia và Chính phủ Bảo Đại. Liên Xô đưa ra công thức năm nước lớn và bốn bên hữu quan (Lào, Campuchia, Chính phủ Bảo Đại, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp G. Biđôn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô V. M. Môlôtốp đặt vấn đề: "Không thể bàn bạc về khôi phục hòa bình ở Đông Dương nếu các bên liên quan không có mặt"1 (Department of Archives, Ministry of Foreign Affairs of the People's Republic of China, Ibid, p.35). Liên Xô khẳng định, không chấp nhận sự hiện diện của các phái đoàn quốc gia liên kết, nếu như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có mặt. Ngày 2 tháng 5 năm 1954, trước lập trường kiên định của Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ buộc chấp nhận đề nghị nói trên. Với sự ủng hộ tích cực, hiệu quả của Liên Xô, lần đầu tiên Việt Nam tham dự một hội nghị quốc tế lớn mặc dù chưa được các nước Anh, Mỹ, Pháp công nhận về mặt ngoại giao.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 08 Tháng Hai, 2023, 11:39:55 am
2. Giúp đỡ về vật chất

Từ năm 1950, Liên Xô viện trợ Việt Nam một số mặt hàng có ý nghĩa chiến lược về quân sự, kinh tế. Viện trợ của Liên Xô dành cho Việt Nam là viện trợ không hoàn lại và thường giúp thêm ngoài mức Việt Nam đề nghị. Số lượng hàng đầu tiên gồm "pháo cao xạ 37mm, một số xe vận tải Mônôtôp và thuốc quân y"2 (Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây, Nxb Quân đội nhản dân, Hà Nội, 1995, tr.12) quá cảnh qua Trung Quốc đã đến Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Việt Nam, từ tháng 5 năm 1950 đến tháng 6 năm 1954, Việt Nam đã nhận được 21.517 tấn hàng viện trợ quốc tế với tổng trị giá 54 triệu rúp từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác; trong đó, toàn bộ pháo cao xạ 37mm - 76 khẩu, toàn bộ hỏa tiễn (cachiusa), toàn bộ số tiểu liên K50, phần lớn số ô tô vận tải (685 chiếc trên tổng số 745 chiếc)1 (Tập tài liệu về nhu cầu giao nhận và phân phối hàng viện trợ năm 1952, 1953, 1954, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, phông Phủ Thủ tướng, đơn vị bảo quản 2167) là của Liên Xô. Trong đó 12 giàn đại pháo nhiều nòng cachiusa do Liên Xô viện trợ cho Việt Nam đã phát huy tác dụng to lớn trong thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử2 (Những chi tiết đáng chú ý trong chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Mátxcơva năm 1950, vietnamese.ruvr.ru, Tài liệu lưu trữ tại Thư viện Quân đội). Năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị I. V. Xtalin cấp cho Việt Nam "10 tấn thuốc ký ninh (thuốc sốt rét) cho quân đội và dân thường, có nghĩa rằng 5 tấn trong nửa năm"3 (Thư Hồ Chí Minh gửi xtalin năm 1952, Tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh), lập tức "I. V. Xtalin đích thân ra lệnh cấp tốc gửi sang Việt Nam 5 tạ thuốc4 (Những chi tiết đáng chú ý trong chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Mátxcơva năm 1950, vietnamese.ruvr.ru, Tài liệu lưu trữ tại Thư viện Quân đội). Cũng trong năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị được cử sang Liên Xô 50 - 100 du học sinh và yêu cầu các loại vũ khí với số lượng cụ thể như sau: "(a). Pháo cao xạ 37mm cho bốn trung đoàn, tất cả là 144 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu pháo; (b) Pháo trận địa 76,2mm cho hai trung đoàn, tất cả là 72 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu; (c) 200 khẩu súng phòng không 12,7mm và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu"5 (Thư Hồ Chí Minh gửi xtalin năm 1952, Tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh). Nhìn chung, các yêu cầu của Việt Nam, Liên Xô đều đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Trong tình hình khó khăn lúc đó, số viện trợ này có ý nghĩa rất quan trọng. Đặc biệt, viện trợ về quân sự của Liên Xô tạo khả năng tiến công mạnh, cơ động nhanh cho bộ đội Việt Nam, có vai trò quan trọng trong một số chiến dịch lớn.


Như vậy, sau chiến tranh thế giới thứ hai, một trật tự thế giới mới được thiết lập - trật tự hai cực Ianta. Bức tranh đồng minh trong chiến tranh thế giới thứ hai có sự phân hóa mạnh mẽ, tiêu biểu là Liên Xô và Mỹ đã trở thành những đối thủ cạnh tranh rõ rệt.


Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt, Liên Xô ngày càng có vị thế vững chắc hơn trên trường quốc tế, ra sức ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới và nỗ lực xây dựng cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa.


Ở Việt Nam, sau khi Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, Đảng, Chính phủ Việt Nam tìm kiếm khả năng, điêu kiện đặt quan hệ ngoại giao chính thức với Liên Xô nhằm tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Liên Xô đối với Nhà nước cách mạng còn non trẻ. Tuy nhiên, do thời gian này, Liên Xô đang có những kế hoạch về vòng cung Đông Âu, nên Liên Xô chưa thực sự chú ý đến châu Á và Đông Nam Á; do đó những mong muốn của Việt Nam chưa nhận được sự quan tâm thích đáng từ phía Liên Xô. Thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quan hệ Việt Nam - Liên Xô khá mờ nhạt, vì thế, sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô cho Việt Nam cũng tương đối khiêm tôn.


Năm 1950, chiến dịch Biên Giới thắng lợi đã mở ra một hành lang nối liền Việt Nam với các nước dân chủ, thế và lực của cách mạng Việt Nam đã có bước phát triển vững chắc. Lúc này, dưới tác động của những yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau, Liên Xô dần chú ý tới Việt Nam hơn và bắt đầu ủng hộ Việt Nam về vật chất và tinh thần, góp một phần cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đi tới thắng lợi. Sự ủng hộ, giúp đỡ dù chưa thật to lớn, song trong điều kiện Việt Nam đang hết sức khó khăn thì sự giúp đỡ ấy có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo đà cho những thành công của Việt Nam sau này.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 16 Tháng Hai, 2023, 08:34:38 am
Chương 2
LIÊN XÔ ỦNG HỘ, GIÚP ĐỠ VIỆT NAM TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯớC
(1954-1975)

   
I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ

1. Tình hình thế giới

Từ nửa cuối những năm 50 (thế kỷ XX), phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ - Latinh phát triển mạnh mẽ. Từ giữa những năm 60 của thế kỷ XX, đã có khoảng 40 nước giành độc lập mà phần lớn trong số đó vốn là thuộc địa của nước Pháp - thực tế đó có tác động trực tiếp tới tình hình chính trị thế giới. Nếu trước kia, Liên Hợp Quốc chỉ có khoảng 50 nước thành viên, chủ yếu là các nước châu Âu và Mỹ - Latinh thì đến giữa những năm 50 của thế kỷ XX, tổ chức này có tới 100 thành viên. Chương trình nghị sự về các vấn đề chính trị thế giới, vì vậy, không còn do những nước lớn thao túng, định đoạt, áp đặt cho Đại hội đồng Liên Hợp Quốc... như trước nữa.


Với những thành tựu trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, các nước xã hội chủ nghĩa có thêm điều kiện để mở rộng phạm vi ảnh hưởng cũng như tăng cường tiềm lực, sức mạnh kinh tế, quân sự của mình. Hệ thống xã hội chủ nghĩa được củng cố, tăng cường, mở rộng phạm vi, nối liền từ châu Âu sang châu Á đã thực sự là nhân tố đóng vai trò to lớn và quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế, có ý nghĩa quyết định trong việc bảo vệ hoà bình và giữ gìn an ninh trên thế giới. Tuy vậy, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cũng như nội bộ các nước xã hội chủ nghĩa nảy sinh bất đồng về đường lối, quan điểm và những bất đồng đó chẳng những không được khắc phục mà ngày càng sâu sắc, đặc biệt giữa Liên Xô và Trung Quốc. Sự rạn nứt giữa các nước xã hội chủ nghĩa bắt đầu từ Hội nghị các đảng Cộng sản và công nhân tại Mátxcơva tháng 11 năm 1957. Từ năm 1959 đến năm 1960, mâu thuẫn bộc lộ công khai với việc Trung Quốc phê phán Liên Xô và Liên Xô rút chuyên gia khỏi Trung Quốc, cắt viện trợ, đòi nợ1 (Năm 1959, Liên Xô rút 1.390 chuyên gia từ Trung Quốc về nước, hủy bỏ 343 hợp đồng liên quan đến viên trợ kỹ thuật và chấm dứt 257 dự án hợp tác, hủy bỏ việc giúp Trung Quốc chế tạo vũ khí nguyên tử (Nguồn: David Wong Wing Chung, Reasons behind the Sino-Soviet split, Cold War Internationa History Project)).


Trong điều kiện hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa phát triển một cách nhanh chóng và mạnh mẽ, đế quốc Mỹ và các nước đồng minh tìm mọi cách đối phó, tiếp tục hướng nỗ lực vào việc chống chủ nghĩa cộng sản trên khắp các châu lục. Chiến lược toàn cầu của đế quốc Mỹ nhằm bao vây, ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác, đến năm 1955, đạt tới đỉnh cao với việc ra đời nhiều khối quân sự do đế quốc Mỹ cầm đầu với 1.400 căn cứ quân sự Mỹ có mặt tại 31 nước. Những nỗ lực trên đây của đế quốc Mỹ và đồng minh khiến cho tình hình thế giới diễn biến ngày càng thêm căng thẳng, chiến tranh lạnh tiếp diễn ngày càng gay gắt, dù có hoà hoãn bộ phận. Trong thế hình thành hai cực trên thế giới, hai hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa vừa chống đối nhau quyết liệt nhưng đồng thời vẫn phải hợp tác với nhau trong chừng mực có thể nhằm giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực có liên quan. Bên cạnh đó, từ giữa những năm 60 (thế kỷ XX), quan hệ giữa các nước lớn có những biến động khá phức tạp, thể hiện qua xu hướng ly tâm của các nước vốn là đồng minh và một thời bị chi phối, bị phụ thuộc vào hai nước lớn là Liên Xô và đế quốc Mỹ. Khi đế quốc Mỹ sa lầy trong chiến tranh Việt Nam, nội bộ khối NATO phát sinh một số mâu thuẫn, tranh luận về vai trò của đế quốc Mỹ, về quyền điều hành lực lượng chung của khối. Một số nước khá độc lập trong quan điểm hoạt động của mình, ít chú ý đến thái độ của đế quốc Mỹ. Một số nước (Pháp, Đức) xây dựng lực lượng hạt nhân của riêng mình (ngày 21-1-1966), đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, củng cố quan hệ với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa... Ở châu Á, Nhật Bản đã lợi dụng "chiếc ô an ninh" của đế quốc Mỹ và viện trợ tái thiết từ đế quốc Mỹ để phát triển kinh tế; nhờ đó đạt tới trình độ phát triển khoa học - kỹ thuật cao vào đầu những năm 70 (thế kỷ XX). Sự trỗi dậy thần kỳ của Nhật Bản cho phép nước này một mặt giữ mối quan hệ liên minh chặt chẽ với đế quốc Mỹ, mặt khác dần tách khỏi sự chi phối của đế quốc Mỹ.


Cho đến giữa năm 1955, hiểu biết của đế quốc Mỹ về tình hình chính trị đang diễn biến trên bán đảo Đông Dương còn hạn chế. Trong con mắt của chính giới Mỹ, phong trào Việt Minh lúc đó là tập hợp các đảng phái quốc gia có thể lợi dụng để sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, đế quốc Mỹ thực hiện kế hoạch biến khu vực này thành đồn lũy ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản. Nhưng, khi nhận ra chính quyền mới ở Việt Nam được thiết lập trong Cách mạng Tháng Tám do những người cộng sản lãnh đạo, đế quốc Mỹ lập tức ủng hộ Tưởng Giới Thạch mở rộng ảnh hưởng. Sau khi cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời, khiến từ cuối năm 1949 trở đi, đế quốc Mỹ dính líu ngày càng sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam. Đế quốc Mỹ viện trợ cho thực dân Pháp những khoản tài chính to lớn, đến năm 1954, lên tới 78% trong tổng số chi phí chiến tranh của thực dân Pháp ở Đông Dương. Ngay sau đó, đế quốc Mỹ đã đặt chân vào miền Nam Việt Nam, gây nên cuộc chiến tranh kéo dài và rất tàn khốc. Chọn Việt Nam làm nơi thí nghiệm chiến lược toàn cầu phản cách mạng, mục tiêu của đế quốc Mỹ là đè bẹp cách mạng Việt Nam, chia cắt Việt Nam, đẩy lùi chủ nghĩa cộng sản ở Đông Dương và Đông Nam Á, qua đó, bao vây, uy hiếp Trung Quốc, ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Năm đời tổng thống Mỹ kế tiếp nhau đã theo đuổi và thực hiện kế hoạch trên đây bằng các chiến lược chiến tranh được thay đổi liên tục cho phù hợp. Chiến tranh Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong chiến lược toàn cầu đầy tham vọng của đế quốc Mỹ.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 16 Tháng Hai, 2023, 08:39:05 am
2. Chính sách đối ngoại của Liên Xô

Bước vào thập niên 50 của thế kỷ XX, công cuộc xây dựng đất nước của Liên Xô đạt nhiều thành tựu to lớn. Năm 1954, Liên Xô xây dựng nhà máy điện nguyên tử, cũng là nhà máy điện nguyên tử đầu tiên trên thế giới, sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hoà bình. Năm 1957, Liên Xô là nước đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo; năm 1961, phóng tàu vũ trụ bay vòng quanh trái đất, mở đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người. Liên bang Xôviết đã trở thành nước dẫn đầu thế giới về công nghệ hạt nhân, tên lửa và vũ trụ, đứng đầu trong việc chế tạo máy bay phản lực. Bên cạnh đó, Liên Xô là một trong những nước đứng đầu thế giới về trình độ học vấn của nhân dân với gần 3/4 số dân có trình độ đại học và trung học, trên 30 triệu người làm việc trí óc, công nhân chiếm hơn 1/2 số người lao động trong nước. Về đối ngoại, chính sách đối ngoại của Liên Xô có những thay đổi đáng kể từ sau khi Xtalin qua đời. Tháng 7 năm 1953, một thỏa thuận ngừng bắn đã được ký với Hàn Quốc. Liên Xô đã từ bỏ tuyên bố tranh chấp lãnh thổ đối với Thổ Nhĩ Kỳ và từng bước giải quyết quan hệ với quốc gia này. Năm 1955, quan hệ ngoại giao được thiết lập giữa Liên bang Xôviết và Cộng hòa liên bang Đức, theo đó, Liên Xô công nhận sự hội nhập của Tây Đức vào hệ thống kinh tế và chính trị - quân sự phương Tây như một sự kiện được mặc nhiên thừa nhận.


Một hướng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Liên Xô là duy trì sự kiểm soát đối với các nước Đông Âu. Đầu những năm 50 (thế kỷ XX), nhiều cuộc mít tinh và đình công đã diễn ra ở Ba Lan, Hungari, phản đối quá trình tập thể hóa, phản đối sự có mặt của quân đội Liên Xô tại những đất nước này. Nếu như cuộc khủng hoảng ở Ba Lan được Liên Xô giải quyết một cách hòa bình, thì đối với Hungari, Liên Xô lại mang quân đội vào trấn áp và bị Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lên án. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, phương Tây đã không có những biện pháp quyết liệt đối với Liên Xô, bởi đang bận với việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Xuyê.


Thành tựu trong chính sách đối ngoại quan trọng nhất của Liên bang Xôviết vào giữa những năm 50 là việc giải quyết quan hệ với Nam Tư. Mùa Hè năm 1955 Khơrútsép, Bunganin và Micôan đã đến thăm Bengrát và các nhà lãnh đạo Xôviết đã thừa nhận trách nhiệm trong cuộc xung đột năm 1948 chủ yếu nằm ở phía Liên Xô. Bên cạnh đó, thái độ của Liên Xô đối với các nước "thế giới thứ ba" cũng có những thay đổi quan trọng. Lãnh đạo Liên Xô đã tuyên bố ủng hộ cho chính sách trung lập và không liên kết mà các nước thuộc địa trước đây đã lựa chọn. Đặc biệt, Liên Xô đã nối lại quan hệ với Ấn Độ, Miến Điện và cho những nước này vay những khoản tiền lớn.


Từ đầu đến giữa những năm 50 (thế kỷ XX), Liên Xô đã tăng cường ảnh hưởng của mình một cách đáng kể ở khu vực Trung Đông. Năm 1952, một cuộc cách mạng đã diễn ra ở Ai Cập, chế độ quân chủ bị lật đổ, Liên Xô đã hỗ trợ người Ai Cập xây dựng đập Átxoan và tăng cường cung cấp vũ khí; đồng thời, giúp đỡ Ai Cập trong cuộc chiến tranh với quân đội Ítxraen (năm 1956)1 (Vào ngày 30 tháng 10 năm 1956, quân đội Ítxraen xâm chiếm bán đảo Xinai, ngày hôm sau, Anh và Pháp bắt đấu tiến công Ai Cập; tuy nhiên, đế quốc Mỹ đã không ủng hộ các đồng minh của NATO và lên án các hành động của họ. Liên Xô đã ủng hộ mạnh mẽ Ai Cập, các đại diện của Liên Xô thậm chí còn đe doạ sử dụng vũ lực để "đánh tan những kẻ xâm lăng và khôi phục hòa bình ở Trung Đông". Những lời đe dọa này buộc Anh, Pháp và Itxraen, không được Hoa Kỳ hỗ trợ, rút quân khỏi Ai Cập); nhờ đó, việc kiểm soát kênh đào Xuyê vẫn nằm trong tay Ai Cập và uy tín của Liên Xô trong thế giới Ả Rập đã tăng mạnh.


Từ nửa cuối những năm 50 của thế kỷ XX, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc phát triển mạnh ở châu Phi, châu Mỹ - Latinh, làm tan rã từng mảng hệ thống thuộc địa, tạo điều kiện để nhiều quốc gia bước vào thời kỳ độc lập về chính trị, thoát khỏi tình trạng lệ thuộc về kinh tế. Đối với các quốc gia độc lập mới ra đời ở châu Phi, Liên Xô tìm cách hướng các quốc gia này vào con đường phát triển phi tư bản; đồng thời, đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để giúp đỡ các nước này, Liên Xô đã hỗ trợ kinh tế với quy mô lớn cũng như cung cấp viện trợ quân sự. Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Liên Xô tuyên bố chính sách chung sống hoà bình; tuy nhiên, chính sách này đã không dẫn tới sự kết thúc của cuộc chiến tranh lạnh, một phần là do việc Liên Xô đưa quân vào Hungari và điều đó đối với các nước phương Tây chứng tỏ rằng, Liên Xô sẽ tiếp tục giữ Đông Âu trong quỹ đạo của mình. Ngoài ra, các nước phương Tây cũng hiểu về "cùng tồn tại hòa bình" mà Liên Xô tuyên bố như là một hình thức đặc biệt của cuộc đấu tranh giai cấp. Trên thực tế, dù trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 1959, Khơrútsép nhấn mạnh bản chất hòa bình của cuộc cạnh tranh giữa hai hệ thống, song cuộc "thi đua" này đã dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang.


Thực hiện chính sách "ba hòa" (quá độ hoà bình, thi đua hoà bình, cùng tồn tại hoà bình), Liên Xô nỗ lực kêu gọi giải trừ quân bị. Đấu tranh cho hòa bình, nới lỏng căng thẳng quốc tế đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong chính sách đối ngoại của Nhà nước Xôviết. Năm 1955, tại cuộc họp thượng đỉnh giữa các chính phủ của Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp, đoàn đại biểu Liên Xô đã đệ trình một dự thảo hiệp ước về an ninh tập thể ở châu Âu. Vào tháng 8 năm 1955, Liên Xô tuyên bố đơn phương cắt giảm các lực lượng vũ trang. Năm 1956, Liên Xô bãi bỏ các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Phần Lan và Trung Quốc.


Trong những năm từ 1957 đến 1960, Liên Xô đã đưa ra một chương trình giải trừ quân bị rộng lớn, yêu cầu các cường quốc hạt nhân kiềm chế không thử vũ khí nguyên tử và cam kết sẽ không sử dụng chúng. Năm 1959, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Liên bang Xôviết đã đưa ra Tuyên bố về giải trừ quân bị toàn diện. Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết phê duyệt đề xuất của Liên Xô, nhưng thực tế nghị quyết này đã không thành hiện thực. Năm 1960, Liên Xô và đế quốc Mỹ gần như đạt được thỏa thuận về việc cấm thử nghiệm hạt nhân trong tất cả các môi trường (trong không khí, dưới đất và dưới nước), song thỏa thuận này đã bị phá vỡ bởi việc trước ngày khai mạc Hội nghị, lực lượng phòng không của Liên Xô đã bắn rơi một chiếc máy bay do thám của Mỹ gần Xvelốpxki. Tại Hội nghị, Khơrútsép đã yêu cầu Tổng thông Hoa Kỳ D. Aixenhao xin lỗi và có nghĩa vụ ngừng các chuyến bay trinh sát. Aixenhao từ chối và Khơrútsép rời khỏi Hội nghị. Sự gián đoạn của Hội nghị dẫn đến một cuộc khủng hoảng Béclin mới: lãnh đạo Liên Xô đã quyết định xây bức tường Béclin để ngăn chặn dòng người từ Đông Đức sang Tây Đức. Bức tường Béclin được xây dựng năm 1961, tồn tại cho đến năm 1989 và trở thành biểu tượng sự phân chia châu Âu thành các khối đối kháng. Sự thất bại của Hội nghị Béclin đã dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới và năm 1961, Liên Xô đã từ bỏ thỏa thuận với Hoa Kỳ về hạn chế các cuộc thử hạt nhân và tiếp tục các vụ nổ hạt nhân trong bầu khí quyển. Đặc biệt là đặc tính nguy hiểm của cuộc đối đầu giữa Liên Xô và đế quốc Mỹ đã diễn ra trong cuộc khủng hoảng ở Caribê năm 1962.


Là một trong những nước sáng lập Liên Hợp Quốc, tại các diễn đàn của tổ chức này, Liên Xô đề ra nhiều sáng kiến quan trọng: Tuyên bố về việc thủ tiêu hoàn toàn chủ nghĩa thực dân, trao trả độc lập cho các quốc gia và dân tộc thuộc địa (năm 1960); tuyên bố về việc cấm sử dụng vũ khí hạt nhân (năm 1961); tuyên bố về việc thủ tiêu tất cả các hình thức của chế độ phân biệt chủng tộc (năm 1963)... Liên Xô tích cực đấu tranh cho hòa bình, tôn trọng độc lập chủ quyền của các dân tộc, phát triển hợp tác quốc tế. Nhà nước Xôviết ủng hộ phong trào cách mạng trên thế giới, giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho các nước đang trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhìn chung, Liên Xô thực hiện một chính sách đối ngoại khôn ngoan, tránh dính líu trực tiếp vào các cuộc tranh chấp, đối đầu.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 16 Tháng Hai, 2023, 08:41:08 am
3. Việt Nam bước vào cuôc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Ngày 26 tháng 4 năm 1954, Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương chính thức khai mạc. Hội nghị diễn ra căng thẳng, gay go, quyết liệt trong suốt tám phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp. Đến 5 giờ 20 phút ngày 21 tháng 7 năm 1954, Hội nghị bế mạc với Hiệp định Giơnevơ, theo đó Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam, Bắc với hai chế độ chính trị - xã hội khác nhau. Miền Bắc có hòa bình, đi lên chủ nghĩa xã hội và có nhiệm vụ hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam chưa hoàn thành. Cuộc đấu tranh giành toàn vẹn độc lập, thống nhất đất nước còn phải tiếp tục trong những điều kiện mới, vừa thuận lợi nhưng cũng rất phức tạp, xét cả trên bình diện trong nước và trên thế giới.


Ở trong nước, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, trở thành hậu phương, căn cứ địa của cả nước, có chính quyền vững mạnh, có lực lượng vũ trang chính quy, hiện đại, có mặt trận tập hợp và đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân. Nhân dân miền Nam có giác ngộ chính trị, tha thiết thống nhất đất nước. Sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam được Đảng Lao động Việt Nam dạn dày kinh nghiệm lãnh đạo, được đông đảo nhân dân tiến bộ và nhiều quốc gia trên thế giới đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ. Đó là những thuận lợi rất cơ bản của quân và dân Việt Nam khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Bên cạnh đó, bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn. Kinh tế miền Bắc nghèo nàn, kỹ thuật sản xuất lạc hậu, tình hình an ninh chính trị phức tạp, bộ máy chính quyền các cấp chưa được củng cố, trình độ nhận thức, kinh nghiệm và năng lực quản lý kinh tế, quản lý xã hội của đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế. Ở miền Nam, từ chỗ có chính quyền, có quân đội, có vùng giải phóng, giờ đây, phần lớn cán bộ, đảng viên, chiến sĩ tập kết ra miền Bắc, cách mạng miền Nam chuyển sang phương thức hoạt động vừa hợp pháp vừa không hợp pháp; vừa công khai vừa bí mật. Tất cả những thay đổi đó, ở một mức độ đáng kể, đã tác động tới tâm tư, tình cảm của đồng bào, cán bộ miền Nam, đặt ra cho cách mạng Việt Nam những nhiệm vụ mới đầy phức tạp, khó khăn.


Sau hơn 80 năm thống trị của thực dân Pháp và 15 năm tàn phá của chiến tranh, hoà bình lập lại, miền Bắc đứng trước một loạt khó khăn gay gắt trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh, quốc phòng. Bên cạnh những khó khăn nêu trên, miền Bắc hoàn toàn giải phóng là một thắng lợi to lớn, một điều kiện thuận lợi rất cơ bản cho công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam. Phát huy khí thế chiến thắng và trên nền tảng của những điều kiện thuận lợi, nhân dân Việt Nam bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, hoàn thành cải cách ruộng đất và sửa sai, phục hồi kinh tế, phát triển văn hoá xã hội, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế, củng cố quan hệ sản xuất mới với hai hình thức cơ bản là quốc doanh và tập thể, củng cố và tăng cường sức mạnh an ninh, quốc phòng...


Thắng lợi của cách mạng Việt Nam nói chung, thắng lợi của 5 năm xây dựng và phát triển của miền Bắc nói riêng sau ngày hoà bình lập lại được phản ánh trong bản Hiến pháp xã hội chủ nghĩa đầu tiên của nước Việt Nam mà Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua trong kỳ họp thứ 11, ngày 31 tháng 12 năm 1959.


Trong khi quân và dân miền Bắc đang ra sức ổn định, củng cố mọi mặt nhằm biến miền Bắc thành nền móng vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà thì ở phía nam vĩ tuyến 17, cách mạng miền Nam đang trải qua những tháng năm đầy khó khăn, gian khổ. Hai năm đầu sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam trên cả hai miền đấu tranh đòi thực hiện Hiệp định, đòi củng cố hoà bình, đòi các quyền tự do, dân chủ, dân sinh, thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo các điều khoản mà Hiệp định Giơnevơ quy định. Các cuộc đấu tranh này của nhân dân Việt Nam ở miền Nam trong những năm từ 1955 đến 1958 đã bị trấn áp bằng các chiến dịch "tố Cộng", "diệt Cộng". "Tố Cộng", "diệt Cộng" được đế quốc Mỹ - chính quyền Diệm nâng lên tầm "quốc sách". Chính sách và hoạt động chống Cộng khiến cho lực lượng yêu nước và cách mạng ở miền Nam bị tổn thất nặng nề1 (Trong vòng 4 năm (1955 - 1958), cả miền Nam tổn Ihất 9/10 số cán bộ đảng viên. Ở Nam Bộ, khoảng 7 vạn cán bộ đảng viên bị địch giết; gần 90 vạn cán bộ, nhân viên bị bắt, bị tù đày; gần 20 vạn bị tra tấn thành tàn tật, chỉ còn 5.000 đảng viên so với 60.000 đảng viên lúc đó. Ở Khu 5 (lúc bấy giờ còn gồm cả Trị - Thiên và Cực Nam Trung Bộ), khoảng 40% tỉnh ủy viên, 60% huyện ủy viên, 70% chi ủy viên xã bị bắt, bị giết. Riêng Trị - Thiên, chỉ còn 160/23.400).


Như vậy, Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ với những điều kiện hêt sức khó khăn. Đương đầu với một đối thủ mạnh hơn gấp nhiều lần, Việt Nam luôn cần sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế, nhất là của các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Liên Xô với vai trò đầu tàu.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 16 Tháng Hai, 2023, 08:43:30 am
II. SỰ ỦNG HỘ, GIÚP ĐỠ CỦA LIÊN XÔ ĐỐI VỚI VIỆT NAM

1. Về chính trị - ngoại giao

Với cương vị là đồng Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ năm 1954, Liên Xô phối hợp cùng Việt Nam đấu tranh với các vi phạm Hiệp định của đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm, ủng hộ Việt Nam thi hành Hiệp định, gìn giữ hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. Sau khi đặt Đại sứ quán tại Hà Nội (tháng 11-1954), Đoàn đại biểu Chính phủ Liên Xô đầu tiến tới thăm Việt Nam vào tháng 5 năm 1956 (Đoàn do Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A. I. Micôan dẫn đầu). Từ năm 1957 đến đầu năm 1963, các chuyến thăm hữu nghị đến Việt Nam, ký kết các hiệp định hợp tác của các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Liên Xô khá thường xuyên (tháng 5-1957, Đoàn do Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô K. E. Vôrôxilốp dẫn đầu; tháng 10-1957, Đoàn đại biểu Hội đồng Xôviết tối cao do Arítxtôp dẫn đầu; tháng 2-1962, Đoàn do Bí thư Trung ương Đảng Pônômarinốp dẫn đầu; tháng 1-1963, Đoàn do Bí thư Trung ương Đảng Anđrôpốp dẫn đầu). Có thể nói, đây là sự cổ vũ to lớn của Liên Xô đối với cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà của nhân dân Việt Nam đang ở trong giai đoạn khó khăn, khốc liệt.


Tháng 7 năm 1957, ở Liên Xô, Hội hữu nghị Xô - Việt được thành lập. Trên trường quốc tế, Liên Xô nêu cao vai trò của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lên án chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam, đấu tranh để Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có đại diện ở các tổ chức quốc tế có chính quyền Sài Gòn tham gia. Tháng 1 năm 1957 và tháng 10 năm 1958, Liên Xô phản đối kiến nghị của Mỹ và 12 nước khác về việc kết nạp Nam Việt Nam và Nam Triều Tiên vào Liên Hợp Quốc. Đầu năm 1959, trước việc đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm gây tội ác ở nhà tù Phú Lợi, cùng với những tuyên bố lên án của Chính phủ, bình luận trên báo chí, đài phát thanh, Liên Xô tổ chức những cuộc mít tinh của quần chúng, gửi kiến nghị phản đối đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Bên lề các hội nghị quốc tế, Liên Xô thường gặp gỡ phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tranh thủ ý kiến, thu thập tài liệu để giới thiệu những thành tựu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với thế giới. Tuy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa được kết nạp vào Liên Hợp Quốc, nhưng hằng năm, trước kỳ họp Đại hội đồng, Liên Xô thường trao đổi trước với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một số vấn đề. Đối với những tổ chức quốc tế mà chính quyền Sài Gòn tham gia, sau mỗi kỳ họp, Liên Xô đều thông báo cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về kết quả, thái độ của Đoàn đại biểu chính quyền Sài Gòn. Tháng 10 năm 1964, được sự ủng hộ của Liên Xô, Liên hiệp Công đoàn thế giới phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam bảo vệ hòa bình (họp tại Hà Nội). Thành phần hội nghị rất rộng rãi, thuộc nhiều tổ chức chính trị, xã hội, tôn giáo khác nhau, gồm 169 đoàn đại biểu từ nhiều nước và tổ chức quốc tế. Hội nghị kêu gọi nhân dân thế giới, nhân dân Mỹ mở rộng phong trào đoàn kết với Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn chung, cho đến cuối những năm 1962, sự ủng hộ của Liên Xô cho Việt Nam chưa thực sự mạnh mẽ.


Bước sang những năm 60 (thế kỷ XX), tình hình Việt Nam có những biến đổi căn bản. Miền Bắc hoàn thành kế hoạch khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh (1954 - 1957), thực hiện kế hoạch cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - văn hoá (1958 - 1960). Ở miền Nam, dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 151 (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 xác định con đường phát triển của cách mạng ở miền Nam Việt Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, dựa vào lực lượng chính trị là chủ yếu, kết hợp lực lượng vũ trang, để đánh đổ sự thống trị của đế quốc Mỹ và phong kiến, lập nên chính quyền cách mạng của nhân dân) (tháng 1-1959), phong trào Đồng khởi bùng lên mạnh mẽ. Cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam chống đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm được giữ vững và ngày càng phát triển.


Lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ G. Kennơđi thay đổi chiến lược quân sự toàn cầu, chuyển từ "trả đũa ồ ạt" sang "phản ứng linh hoạt", lấy Việt Nam làm trọng điểm thí nghiệm chiến lược mới, tiến hành chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", một bộ phận quan trọng của chiến lược "phản ứng linh hoạt". Để đối phó với sự phát triển của cách mạng Việt Nam, đầu năm 1960, đế quốc Mỹ đưa thêm lực lượng đặc biệt vào miền Nam Việt Nam, tăng cường viện trợ quân sự, Ngày 8 tháng 2 năm 1962, đế quốc Mỹ lập Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV); ngày 15 tháng 5 năm 1962, Mỹ đưa quân vào Thái Lan, còn ở miền Nam Việt Nam, số quân của Mỹ đã tăng dần từ 3.000 người vào tháng 12 năm 1960 đến 23.000 người vào tháng 12 năm 1964. Với hệ thống cố vấn Mỹ gia tăng và vũ khí hiện đại, quân đội Sài Gòn tiến hành càn quét, bình định, dồn dân, nhằm tiêu diệt Quân giải phóng miền Nam.


Tháng 10 năm 1964, ở Liên Xô, Ban lãnh đạo mới lên nắm quyền có quan điểm quốc tế cứng rắn hơn; tháng 11 năm 1964, Trung - Xô hòa giải không thành, đàm phán biên giới thất bại, mâu thuẫn hai bên ngày càng trở lên trầm trọng. Trong khi đó, Liên Xô và Trung Quốc đều thận trọng, nhưng vẫn duy trì sự ủng hộ của mỗi nước cho Việt Nam, thông qua đó, củng cố vị trí của mình ở Đông Dương. Những yếu tố kể trên tác động trực tiêp tới chiến lược của Liên Xô, đặt ra yêu cầu điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của mình.


Tháng 8 năm 1964, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô chỉ định I. S. Sécbacốp làm Đại sứ tại Việt Nam. Đây là "bước đi đầu tiên trong lộ trình đạt tới mối quan hệ hữu nghị với Hà Nội"1 (И.В. ГАЙДУК, Советский Союз и война во Вьетнаме, Oсмысление истории, М, 1996, c.44). I. S. Sécbacốp là một nhân vật có uy tín và thâm niên công tác ngoại giao của Liên Xô. Từ những năm 30 của thế kỷ XX, ông bắt đầu sự nghiệp ngoại giao của mình và năm 1949, làm việc tại Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1953, ông trở thành Trưởng ban Đối ngoại - Ban có chức năng thực thi các mối quan hệ của Đảng Cộng sản Liên Xô với các đảng cộng sản của các nước xã hội chủ nghĩa. Trước khi được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Hà Nội, I. S. Sécbacốp là Tham tán Công sứ tại Bắc Kinh. Vì thế, vị Đại sứ mới này hoàn hảo không chỉ trong hoạt động của Đảng Cộng sản Liên Xô, mà trong cả các hoạt động chính trị quốc tế. I. V. Gaiđuk cho rằng: "Sécbacốp có tất cả những phẩm chất cần thiết cho vị trí Đại sứ của Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà"1 (И.В. ГАЙДУК, Советский Союз и война во Вьетнаме, Указ, соч, c.45), bởi vị trí, khả năng và những mối quan hệ của I. S. Sécbacốp ở Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô cho phép ông trong khi thực hiện nhiệm vụ Mátxcơva giao phó, trong một chừng mực nhất định ông có thể trình bày quan điểm độc lập của mình về quan hệ Liên Xô - Việt Nam như một kênh tham kiến quan trọng.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 16 Tháng Hai, 2023, 09:01:05 am
Từ tháng 10 đến tháng 11 năm 1964, các chuyến ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Liên Xô lần lượt diễn ra. Một trong những chuyến thăm quan trọng của Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước Việt Nam tới Liên Xô là chuyến thăm ngày 9 tháng 11 năm 1964 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu tham dự kỷ niệm 47 năm Cách mạng tháng Mười. Sau chuyến thăm đó, lần đầu tiên, Hãng thông tấn Liên Xô (TASS, ngày 27-11-1964) đưa tin về khả năng Liên Xô tăng gấp đôi viện trợ cho Việt Nam.


Tháng 12 năm 1964, trong thời gian tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô A. A. Grômicô có cuộc gặp riêng với Ngoại trưởng Mỹ D. Rátx và vấn đề Việt Nam là chủ đề chính trong cuộc hội đàm. A. A. Grômicô cố gắng thuyết phục Mỹ không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam: "Mỹ đã phạm phải một sai lầm lớn bằng việc dính líu vào cuộc chiến ở Nam Việt Nam. Bởi vì, Mỹ không có lợi ích gì liên quan đến khu vực này"1 (Gaiduk I. V. Liên bang Xôviết và cuộc chiến tranh Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1999, tr.46).


Sự ủng hộ của Liên Xô đối với Việt Nam trở nên mạnh mẽ và thường xuyên hơn sau chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng A. N. Côxưghin vào tháng 2 năm 1965. Trong các cuộc hội đàm, Liên Xô cam kết cung cấp vũ khí nhằm củng cố khả năng phòng thủ của Việt Nam, chống lại sự tiến công bằng không lực của Hoa Kỳ2 (Việt Nam - Liên Xô: 30 năm quan hệ (1950 - 1980), Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1982, tr. 107), hứa sẽ thoả thuận với Trung Quốc về kế hoạch phối hợp hành động giúp đỡ Việt Nam, thỏa thuận tổ chức cơ chế tham vấn thường xuyên về những vấn đề quan trọng. Đặc biệt, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng A. N. Côxưghin đã tuyên bố về "sự giúp đỡ toàn diện" - điều mà Việt Nam hết sức chờ đợi trong điều kiện chiến tranh đang lan rộng.


Sau "sự kiện Vịnh Bắc Bộ", chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Dựa vào ưu thế quân sự của cường quốc, đế quốc Mỹ tuyên bố: "Đây miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá". Ngày 7 tháng 2 năm 1965, đế quốc Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc với mục đích ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, cho Việt Nam thấy sức mạnh quân sự của đế quốc Mỹ, gây sức ép để Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải ký thỏa thuận với chính quyền Sài Gòn; đồng thời, hy vọng cuộc ném bom miền Bắc Việt Nam sẽ trở thành liều thuốc giữ ổn định tinh thần cho chính quyền Sài Gòn, nâng cao hiệu quả chiến đấu của quân đội Sài Gòn. Ngay lập tức, phát biểu trong buổi chiêu đãi chào mừng Đoàn đại biểu Liên Xô, A. N. Côxưghin khẳng định: "Cuộc đấu tranh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chống lại những sự khiêu khích của bọn đế quốc, cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân miền Nam Việt Nam (...) là sự nghiệp chính nghĩa và đúng đắn. Liên Xô và tất cả các lực lượng tiến bộ trên thế giới đã và sẽ ủng hộ sự nghiệp đó"1 (Báo Nhân Dân, ngày 7 tháng 2 năm 1965). Về tới Mátxcơva, A. N. Côxưghin lập tức tuyên bố: "Đừng ai có ảo tưởng rằng cuộc xâm lược chống nhân dân Việt Nam sẽ có thể không bị trừng trị"2 (Nguyễn Phúc Luân, Ngoại giao hiện đại vi sự nghiệp giành độc lập, tự do (1954 - 1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.207). Ông đề nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tăng đáng kể viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ưu tiên tập trung viện trợ hệ thống phòng không hiện đại.


Ngày 9 tháng 2 năm 1965, chính thức về mặt Nhà nước, Liên Xô ra Tuyên bố lên án đế quốc Mỹ ném bom lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời yêu cầu đế quốc Mỹ chấm dứt ngay mọi hoạt động quân sự, nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định Giơnevơ. Tuyên bố có lời lẽ khá gay gắt: "Chính phủ Liên Xô cảnh cáo giới cầm quyền Mỹ về những âm mưu xâm phạm chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa anh em và hy vọng rằng, Oasinhtơn nhìn nhận một cách thực tế về tình hình hiện nay ở Đông Dương"3 (Báo Sự thật, ngày 9 tháng 2 năm 1965). Bản Tuyên bố khẳng định về sự chuẩn bị sẵn sàng của nhân dân Liên Xô "có những biện pháp mới cùng với các nước đồng minh và bạn bè của mình nhằm bảo vệ an ninh và tăng cường khả năng phòng thủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa"1 (Báo Sự thật, ngày 9 tháng 2 năm 1965). Tuyên bố chung Việt Nam - Liên Xô ngày 10 tháng 2 năm 1965 cho thấy sự hợp tác hai nước ngày càng chặt chẽ: "Hai Chính phủ đã đi tới sự thỏa thuận thích đáng về những biện pháp sẽ được tiến hành"2 (Báo Nhân Dân, ngày 11 tháng 2 năm 1965).


Tháng 3 năm 1965, phát biểu tại Quảng trường Đỏ, nhân dịp Liên Xô phóng thành công tàu vũ trụ Phương Đông 2, L. I. Brơgiênhép lên án hành động xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam, khẳng định sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quốc tế vô sản với người anh em Việt Nam - đó cũng là lần đầu tiên một vị lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô công khai lên án chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Trong bài phát biểu, L. I. Brơgiênhép đề cập đến những tình nguyện viên Xôviết sẵn sàng đến xứ sở Việt Nam xa xôi để giúp đỡ những người anh em chống đế quốc Mỹ. Đại sứ Mỹ F. D. Cônhơ tại Liên Xô gọi bài phát biểu của L. I. Brơgiênhép là "một vũ khí chính trị, tuyên truyền sắc nhọn hòng làm suy yếu lập trường của đế quốc Mỹ tại Việt Nam"3 (Gaiduk, I. V., Liên bang Xôviết và cuộc chiến tranh Việt Nam, Sđd, tr.37). Tháng 5 năm 1965, L. I. Brơgiênhép một lần nữa khẳng định: "Ngày nay, nghĩa vụ hàng đầu của các lực lượng yêu chuộng hòa bình là ủng hộ nhân dân Việt Nam anh hùng trong cuộc đấu tranh chính nghĩa và gian khổ chống xâm lược"1 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr. 30). Trong bức thư gửi Hội nghị Hội đồng hòa bình họp ở Henxinhki (tháng 7-1965), A. N. Côxưghin tiêp tục nhắc lại: "Ngày nay nghĩa vụ hàng đầu của các lực lượng yêu chuộng hòa bình là ủng hộ nhân dân Việt Nam anh hùng trong cuộc đấu tranh chính nghĩa và gian khổ chống xâm lược"2 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr. 30).


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 16 Tháng Hai, 2023, 09:05:22 am
Tháng 4 năm 1965, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao (cùng đi có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh) đến Trung Quốc và Liên Xô. Chuyến thăm Liên Xô đạt được kết quả to lớn trên nhiều phương diện. Hai nước nhất trí "tiến một bước xa hơn, nhằm bảo vệ chủ quyền và an ninh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và triển khai những biện pháp thích hợp nhằm thực hiện mục đích đó"3 (Việt Nam - Liên Xô: 30 năm quan hệ (1950 - 1980), Sđd, tr. 170). Các thỏa thuận về viện trợ quân sự, về xây dựng các công trình quân sự, về việc gửi các chuyên gia quân sự Liên Xô đến Việt Nam được ký kết. Tuyên bố chung nhân chuyến thăm phản ánh rõ quan điểm của Liên Xô đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam: "Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chính phủ Liên Xô kiên quyết lên án những hành động ăn cướp của đế quốc Mỹ ở khu vực Đông Dương, lên án sự can thiệp vũ trang của chúng chống lại nhân dân miền Nam Việt Nam yêu chuộng tự do và những hành động trắng trợn và tiến công ăn cướp của chúng đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa"1 (Tuyên bố chung Việt Nam - Liên Xô ngày 17 tháng 4 năm 1965, phông Ban Chấp hành Trung ương, mục lục số 3, Hồ sơ số 1622, tr. 178). Không chỉ dừng lại ở việc lên án, Tuyên bố nhấn mạnh thêm: "Nếu các thế lực xâm lược Mỹ đẩy mạnh chiến tranh chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong những trường hợp cần thiết, nếu như Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa yêu cầu, Chính phủ Liên Xô sẽ cho phép những công dân Liên Xô có tình cảm quốc tế vô sản sâu sắc, mong muôn được chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam được lên đường tới Việt Nam"2 (Việt Nam - Liên Xô: 30 năm quan hệ (1950 - 1980), Sđd). Đây không chỉ là tuyên bố chính thức về sự giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt Nam, mà còn là cam kết về sự giúp đỡ ở mức độ cao.


Hòng giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam trên thế mạnh, trong những năm chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965 - 1968), máy bay Mỹ xuất kích 30.000 lần, thực hiện 55.000 phi vụ, trong đó máy bay B-52 xuất kích 2.734 lần, trung bình 100 - 150 lần/ngày, ngày cao nhất lên tới 250 lần. Cùng với không quân, lực lượng hải quân Mỹ liên tục ném bom, bắn phá dọc bờ biển miền Bắc Việt Nam với cường độ ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày, miền Bắc phải hứng chịu khoảng 1.600 tấn bom đạn Mỹ. Trên chiến trường miền Nam, với lực lượng và vũ khí, khí tài được tăng cường, quân Mỹ và quân đội Sài Gòn mở hàng loạt cuộc hành quân lớn với mục tiêu "tìm diệt và bình định" nhằm vào các căn cứ kháng chiến, mở đầu là cuộc hành quân "tìm diệt" đánh vào Vạn Tường (Quảng Ngãi). Trong hai mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967, hai cuộc phản công lớn được quân Mỹ và quân đội Sài Gòn tiến hành. Khi cuộc chiến tranh được đế quốc Mỹ đẩy lên một mức độ cao hơn, Việt Nam hết sức cần thiết sự giúp đỡ, ủng hộ quốc tế, đặc biệt là của Liên Xô.


Thực hiện mục tiêu đó, Việt Nam liên tục cử các đoàn lãnh đạo cấp cao đến Liên Xô: Đoàn đại biểu do Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị dẫn đầu (tháng 7-1965); Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn dẫn đầu sang dự Đại hội XXIII Đảng Cộng sản Liên Xô (năm 1966); các đoàn đại biểu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 4, tháng 5 và tháng 11-1968); Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu (tháng 10-1969); các đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam đã sang dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lênin (tháng 4-1970); sang dự Đại hội lần thứ XXIV Đảng Cộng sản Liên Xô (tháng 3-1971). Trong những năm 1973 - 1975, các đoàn cấp cao do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn dẫn đầu (tháng 7-1973 và tháng 10-1975), Thủ tướng Phạm Văn Đồng (tháng 3-1974), Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị (tháng 8-1974), Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ (tháng 11-1974), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (tháng 12-1974)... đã đến thăm Liên Xô để trao đổi tình hình, ký kết Hiệp định hợp tác.


Về phía Liên Xô, các chuyến thăm cấp cao tới Việt Nam cũng thường xuyên hơn: Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô do A. Sêléppin dẫn đầu sang thăm hữu nghị Việt Nam (tháng 1-1966); Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng A. N. Côxưghin dẫn đầu sang dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 9-1969); Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Chính phủ Liên Xô do Chủ tịch đoàn Xôviết tối cao N. V. Pôgôni dẫn đầu (tháng 10-1971); Đoàn đại biểu Xôviết tối cao Liên Xô sang thăm Việt Nam (năm 1972); Đoàn đại biểu cấp cao Liên Xô do đồng chí Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao X. P. Niazơbếchcốp dẫn đầu... Từ năm 1965 đến năm 1972, giữa Việt Nam và Liên Xô đã có "51 cuộc gặp gỡ cấp cao từ Ủy viên Bộ Chính trị trở lên"1 (Ngoại giao Việt Nam (1945 - 2000), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 235).


Cũng bắt đầu từ thời điểm này, vấn đề hỗ trợ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trở thành một yếu tố quan trọng trong đời sống chính trị Liên Xô. Đoàn kết, ủng hộ Việt Nam là một trong những nội dung hoạt động thường nhật của tất cả các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, cơ quan chính quyền các cấp và mọi phương tiện truyền thông. Đầu năm 1966, Đoàn đại biểu Liên Xô sang thăm hữu nghị Việt Nam, một lần nữa khẳng định lập trường ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Chuyến thăm này là biểu hiện mới của sự đoàn kết ngày càng gắn bó giữa Việt Nam và Liên Xô, chứng minh cho "tình hữu nghị không gì lay chuyển nổi và sự hợp tác chặt chẽ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô"2 (Việt Nam - Liên Xô: 30 năm quan hệ (1950 - 1980) Sđd, tr.143). Tháng 3 năm 1966, Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XXIII được tổ chức. Tại Đại hội, Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô nhấn mạnh lập trường: "Hoàn toàn ủng hộ và sẽ tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam anh hùng, đã và sẽ tiếp tục viện trợ chính trị, vật chất và tinh thần cho nhân dân Việt Nam"1 (Grigoripôpôp - Aléchxâyxerôp, Liên Xô - Việt Nam, tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác, Nxb Thông tấn xã Nôvôtxti, 1975, tr.17). Đại hội trao trọng trách cho Chính phủ Xôviết "làm tất cả những gì có thể để chấm dứt sự xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam, để quân đội Mỹ và quân đội nước ngoài rút khỏi miền Nam Việt Nam, tạo điều kiện cho nhân dân Việt Nam tự giải quyết công việc nội bộ của mình"2 (Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xó lần thứ XXIII, Nxb Thông tấn xã Nôvôtxti, 1967, tr. 290). Phát biểu tại Đại hội, thay mặt Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của Liên Xô, khẳng định luôn coi trọng những lợi ích chiến lược của Liên Xô, mong muốn Liên Xô tiếp tục tích cực giúp đỡ Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và hoàn thành cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 16 Tháng Hai, 2023, 09:06:33 am
Ngày 17 tháng 8 năm 1966, 6.000 đại biểu nhân dân Thủ đô Mátxcơva tổ chức mít tinh, thể hiện tinh thần ủng hộ Việt Nam, nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định quan điểm: Liên Xô tiếp tục giúp đỡ và ủng hộ tất cả những gì cần thiết để giúp đỡ nhân dân Việt Nam anh em đẩy lùi sự xâm lược của bọn đế quốc. Từ năm 1965 đến năm 1975, Liên Xô luôn thể hiện thái độ ủng hộ Việt Nam, đề cao vấn đề Việt Nam trên trường quốc tế, dành cho Việt Nam sự ủng hộ đáng kể về chính trị. Các cơ quan chính quyền, Nhà nước Liên Xô đều ra tuyên bố ủng hộ nhân dân Việt Nam thực hiện cuộc kháng chiến chính nghĩa, bảo vệ độc lập, tự do, lên án đế quốc Mỹ xâm lược, gây tội ác với nhân dân Việt Nam và không chỉ ra tuyên bố ủng hộ Việt Nam một vài lần, mà liên tục với tần suất cao vào những thời điểm cần thiết: Hai đại hội của Đảng Cộng sản Liên Xô đều ra tuyên bố ủng hộ nhân dân Việt Nam, lên án đế quốc Mỹ xâm lược, Hội đồng Xôviết tối cao bốn lần; Chính phủ 11 lần; Hãng thông tấn TASS 12 lần; Bộ Ngoại giao Liên Xô gửi công hàm phản đối Mỹ ba lần, với Nhật bốn lần, với Ôtxtrâylia hai lần, với Niu Dilân hai lần, với Thái Lan một lần1 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr. 30, 31)...


Những năm 1965 - 1972, Liên Xô chủ động, tích cực thông báo, tiếp xúc và trao đổi với Việt Nam về các vấn đề quốc tế, các vấn đề có liên quan đến hai nước, đặc biệt là về cuộc hòa đàm Pari. Trung ương và Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô gửi cho Việt Nam 33 bức thư và các thông báo; giữa hai nước có ít nhất là 150 cuộc tiếp xúc ngoại giao để bàn bạc, trao đổi, tham vấn ý kiến2 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr. 30, 31).


Liên Xô luôn tích cực ủng hộ trực tiếp cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam Việt Nam, đặc biệt việc thiết lập quan hệ chính thức và tăng cường quan hệ giữa Liên Xô với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 13 tháng 1 năm 1965, Mặt trận có đại diện thường trú ở Liên Xô và tháng 5 năm 1965 Mặt trận hưởng quy chế của cơ quan ngoại giao. Bắt đầu từ thời điểm này, Liên Xô thường xuyên đề cập đến tính pháp lý của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tuyên bố chung Việt Nam - Liên Xô tháng 4 năm 1965 nói rõ: "Chính phủ Liên Xô cho rằng, người đại diện chân chính cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân miền Nam Việt Nam, người đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam là Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam"1 (Báo Nhân Dân, ngày 19 tháng 4 năm 1965). Ngày 19 tháng 12 năm 1965, nhân kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Mặt trận, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Liên Xô gửi điện mừng đến Chủ tịch Mặt trận Nguyễn Hữu Thọ. Bức điện viết: "Trong 5 năm qua, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn và đã trở thành người đại diện chân chính cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân miền Nam Việt Nam, người đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam"2 (Báo Nhân Dân, ngày 21 tháng 12 năm 1965). Bản Tuyên bố về việc đế quốc Mỹ gây chiến tranh xâm lược Việt Nam của Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XXIII (tháng 3-1966) khẳng định: "Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phải được công nhận là người đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam"3 (Đại hội Đảng Cộng sẳn Liên Xô lẳn thứ XXIII, Sđd, tr. 294). Thông cáo chung (tháng 1-1966) nhân dịp Đoàn đại biểu Liên Xô sang thăm Việt Nam khẳng định quan điểm "hoàn toàn ủng hộ lập trường của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam"1 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, Về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tldd, tr. 31). Ngày 2 tháng 2 năm 1966, trong thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch đoàn Xôviết tối cao N. V. Pôgôni phê phán Mỹ không chịu công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là đại diện chân chính của nhân dân miền Nam Việt Nam. Trong bài phát biểu tại khóa họp lần thứ XXII Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ngày 22-9-1967), A. N. Côxưghin nhấn mạnh: "Liên Xô hoàn toàn ủng hộ lập trường của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - đại diện duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam"2 (Báo Nhân Dân, ngày 27 tháng 9 năm 1967). Ngày 10 tháng 2 năm 1968, Tổng Bí thư L. I. Brêgiơnhép tiếp Trưởng đoàn Đại diện thường trực Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Liên Xô Đặng Quang Minh. Trong cuộc gặp, L. I. Brêgiơnhép khẳng định: "Nhân dân Việt Nam anh hùng đang bảo vệ sự nghiệp chính nghĩa, nền tự do và độc lập của mình có thể trông cậy vào sự giúp đỡ anh em và sự ủng hộ của nhân dân Liên Xô"3 (Báo Nhân Dân, ngày 12 tháng 2 năm 1968). Ngày 13 tháng 6 năm 1969, Liên Xô tiến thêm một bước, chính thức công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sự kiện này góp phần làm tăng thêm uy tín của cơ quan chính quyền nhân dân miền Nam Việt Nam trên trường quốc tế. Trong bức điện gửi Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng A. N. Côxưghin tuyên bố: "Liên Xô trung thành với nghĩa vụ quốc tế của mình, đã và đang luôn luôn đứng về phía các dân tộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chính phủ Liên Xô trước sau như một ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam Việt Nam chống bè lũ bù nhìn Sài Gòn và bọn đế quốc quan thầy của chúng"1 (Báo Nhân Dân, ngày 14 tháng 6 năm 1969). Từ đó, Liên Xô thường xuyên có những cuộc tiếp xúc, trao đổi về mặt Nhà nước với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đánh giá cao và ủng hộ đề nghị 10 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đặc biệt, tháng 12 năm 1973, Liên Xô đã đón tiếp trọng thị Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Đoàn chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam dẫn đầu sang thăm Liên Xô. Hiệp định về việc Liên Xô viện trợ kinh tế cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được ký kết nhân dịp này. Liên Xô đánh giá cao về những sáng kiến quan trọng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đặc biệt là Tuyên bố ngày 22 tháng 3 năm 1974 của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nêu những đề nghị cụ thể nhằm bảo đảm hòa bình, bền vững và công bằng, tiến tới hòa bình dân tộc ở miền Nam Việt Nam.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 16 Tháng Hai, 2023, 09:08:01 am
Dưới áp lực của cuộc bầu cử Tổng thông Mỹ đang đến gần, nôn nóng ra khỏi chiến tranh với điều kiện bảo toàn sĩ diện nước lớn, không ít hơn một lần, chính quyền L. Giônxơn yêu cầu Liên Xô gây áp lực để Hà Nội chấp nhận đàm phán theo các điều kiện do đế quốc Mỹ đặt ra. Tôn trọng quyền tự quyết, tính độc lập, tự chủ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thái độ của Liên Xô khá rõ ràng và kiên quyết: "Liên Xô không có thẩm quyền và không thể đàm phán đại diện cho miền Bắc Việt Nam. Tình hình Việt Nam phải được thảo luận với Chính quyền Bắc Việt Nam"1 (Telegram From the Embassy in the Soviet Union to the Department of Stale, Moscow, June 25, 1965, National Archives and Records Administration, RG59, Conference Files: Lot 66 D347 CF86 Confidential, Document 115), ủng hộ Tuyên bố bốn điểm2 (1- Chính phủ Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam; 2- Tôn trọng quyết định Hiệp định Giơnevơ (1954) về Việt Nam, hai miền Nam, Bắc Việt Nam không tham gia liên minh quân sự với nước ngoài, không phải đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên vùng lãnh thổ của minh; 3- Công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam phải được giải quyết bởi nhân dân miền Nam, không có sự can thiệp của nựớc ngoại; 4- Việc thống nhất đất nước của Việt Nam phải được giải quyết bằng người dân hai miền Nam, Bắc, không có bat kỳ sự can thiệp nước ngoài (Nguồn: American Foreign Policy: Current Documents, 1965, p. 852)) của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh giá đó là một tuyên bố hợp lý, có thể coi đó là cơ sở để bắt đầu đàm phán, Liên Xô khuyến cáo đế quốc Mỹ: "Sẽ không đạt được bất kỳ tiến bộ nào nếu cách giải quyết vấn đề Việt Nam trong thời gian tới vẫn được trình bày bằng những thuật ngữ "xúc phạm" như trước đó vẫn thường xảy ra"3 (Telegram From the Embassy in the Soviet Union to the Department of State, Moscow, June 25, 1965, Ibid, Document 115). Liên Xô luôn có những phản ứng thực tế đối với hành động leo thang chiến tranh và các yêu cầu đàm phán không thực chất, mang tính tuyên truyền đánh lừa dư luận của đế quốc Mỹ, gắn vấn đề giải quyết chiến tranh Việt Nam với cải thiện quan hệ Xô - Mỹ: "Hoạt động leo thang quân sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam không phù hợp với yêu cầu tiếp tục cải thiện quan hệ Xô - Mỹ"1 (Telegram From the Embassy in the Soviet Union to the Department of State, Moscow, June 25, 1965, Ibid, Document 115); "Nhà nước Xôviết làm tất cả để tăng cường quan hệ với Mỹ và hy vọng Mỹ cũng sẽ làm tất cả để chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam"2 (Telegram From the Embassy in the Soviet Union to the Department of State, Moscow, July 21, 1965, Department of State, Kohler Files: Lot 71 D 460, Telegrams. Secret; Immediate, Document 119). Tại cuộc hội đàm với Đại sứ Mỹ F. D. Cônhơ (ngày 21-7-1965), khi được hỏi về khả năng tổ chức một hội nghị cấp cao về các vấn đề hạt nhân, A. N. Côxưghin trả lời dứt khoát: "Điều đó chỉ xảy ra khi vấn đề Việt Nam không còn trong chương trình nghị sự. Cần có một hội nghị như thế, song chỉ sau khi đạt được một thỏa thuận chính trị về Việt Nam. Mỹ phải nhanh chóng kết thúc chiến tranh ở Việt Nam"3 (Telegram From the Embassy in the Soviet Union to the Department of State, Moscow, July 21, 1965, Department of State, Kohler Files: Lot 71 D 460, Telegrams. Secret; Immediate, Document 119). Tháng 8 năm 1965, Đại sứ F. D. Cônhơ báo cáo với Bộ Ngoại giao Mỹ: "Rõ ràng là Chính phủ Liên Xô đang "đóng băng" quan hệ Xô - Mỹ vì những vấn đề đang diễn ra ở Việt Nam"4 (Telegram From the Embassy in the Soviet Union to the Department of State, Moscow, August 20, 1965, National Archives and Records Administration, RG 59, Central Files 1964-66, POL 27 VIET S. Secret, Document 121). Thực vậy, toàn bộ hệ thống hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Xô được trù định trước bị "đông cứng" lại, khởi động chậm chạp và có nguy cơ phá sản bởi những lời chỉ trích của Liên Xô đối với chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam. Tháng 3 năm 1966, tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XXIII, Tổng Bí thư L. I. Bregiơnhép tuyên bố  hết sức cứng rắn: "Cuộc chiến tranh Việt Nam mà Mỹ đang tiến hành ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ Xô - Mỹ. Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, trên mảnh đất độc của sự xâm lược và bạo lực, không thể trồng cây hợp tác hòa bình"1 (Коммунистическая партия Советского Союза в резолюциях и решениях съездов, конференций и Пленумов ЦК (98-1986), Издательство Политика- М., 1983, c.379), về diễn biến tình hình, Đại sứ Mỹ F. D. Cônhơ nhận xét rằng: Từ chỗ rất nhỏ, vấn đề Việt Nam và đàm phán hòa bình giải quyết chiến tranh Việt Nam "lớn dần, chi phối nhiều lĩnh vực quan hệ quốc tế quan trọng (...) thành trở ngại cho việc giải trừ quân bị, vũ khí hạt nhân và các vấn đề tương tự"2 (Telegram From the Embassy in the Soviet Union to the Department of State, Moscow, July 21, 1965, Ibid Document 119).


Tháng 2 năm 1969, tiếp xúc với chính quyền R. Níchxơn, gửi thông điệp về các vấn đề hòa bình và hợp tác quốc tế, Liên Xô đề cập đến vấn đề Việt Nam: "Việc giải quyết mặt chính trị của cuộc chiến tranh Việt Nam trên cơ sở tôn trọng nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam và rút hoàn toàn quân đội Mỹ khỏi lãnh thổ Việt Nam sẽ ảnh hưởng một cách tích cực đến quan hệ Xô - Mỹ"3 (Note From Soviet Leaders to President Nixon, February 17, 1969, National Archives Nixon Presidential Materials, NSC Files, Box 340, Subject Files, USSR Memcons Dobrynin/President 2/17/69, Document 15), nghiêm túc cảnh báo Mỹ: "Phương thức giải quyết vấn đề Việt Nam bằng sức mạnh quân sự chẳng những không có tương lai, mà còn hết sức nguy hiểm"4 (Note From the Soviet Leadership to President Nixon, National Archives, Nixon Presidential Materials, NSC Files, President's Trip Files, Kissinger/Dobrynin, 1969. Pt.1). Liên Xô tỏ thái độ hết sức hoan nghênh cuộc đàm phán Pari, hy vọng về những bước tiến mới với kết quả tích cực, điều đó - như Liên Xô khẳng định, là hoàn toàn hiện thực nếu có sự đánh giá đúng đắn các lực lượng chính trị hoạt động tại Việt Nam và thừa nhận quyền hợp pháp, bình đẳng của các lực lượng ấy tại bàn đàm phán"1 (Note From Soviet Leaders to President Nixon, February 17 1969 Ibid Document 15). Liên Xô khẳng định: "Luôn quan tâm đối với việc giải quyết một cách nhanh chóng cuộc xung đột Việt Nam bằng đàm phán hòa bình trên cơ sở tôn trọng quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam"2 (Memorandum of Conversatian (USSR), AVP RF, f.0129, op. 53, p.399, d.6,1.44-50. Secret, N°34), cam kết: "Liên Xô đã, đang và sẽ đóng một vai trò tích cực để chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam một cách nhanh nhất"3 (Memorandum of Conversatian (USSR), AVP RF, f.0129, op. 53, p.399, d.6,1.44-50. Secret, N°34). Trong các cuộc thảo luận với đại diện phía Mỹ, hoặc với Tổng thống R. Nichxơn, Đại sứ Liên Xô A. Dôbrinin tỏ rõ quan điểm: Liên Xô có ảnh hưởng đáng kể đối với Hà Nội, "song, ảnh hưởng ấy chỉ được phát huy đẩy nhanh tiến trình đàm phán khi và chỉ khi Hoa Kỳ có nhận thức và cách tiếp cận nghiêm túc, đúng đắn về kết thúc chiến tranh Việt Nam"4 (Memorandum of Conversatian (USSR), AVP RF, f.0129, op. 53, p.399, d.6,1.44-50. Secret, N°34).


Tháng 5 năm 1972, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Xô - Mỹ trong chiến dịch ngoại giao con thoi với Trung Quốc và Liên Xô, nhằm chia rẽ Hà Nội với Mátxcơva và Bắc Kinh; biến sự chia rẽ ấy thành công cụ đắc lực giúp R. Nichxơn chấm dứt chiến tranh Việt Nam trong danh dự. Việt Nam phản ứng khá mạnh mẽ trước sự kiện này. Tuy nhiên, trên thực tế, trong cuộc gặp bên lề Hội nghị, các nhà lãnh đạo Liên Xô phê phán đế quốc Mỹ, lên án gay gắt các hành động leo thang quân sự của đế quốc Mỹ. Không khí cuộc thảo luận, như H. Kítxinhgiơ miêu tả, "đôi khi lên tới mức quá khích". Nhìn chung, quan điểm, thái độ kiên quyết bảo vệ những lợi ích cơ bản của nhân dân Việt Nam mà Liên Xô thể hiện tương đối nhất quán đã tác động có lợi cho Việt Nam trong thực hiện sách lược đánh - đàm; đặc biệt là vào các thời khắc đế quốc Mỹ đẩy mạnh hoạt động quân sự đến các giới hạn tận cùng của sự khốc liệt hòng gây sức ép trên bàn đàm phán.


Các cơ quan báo chí, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình Liên Xô đều mở những đợt tuyên truyền rộng rãi về chiến thắng của nhân dân Việt Nam, các đoàn thể quần chúng Liên Xô gửi điện mừng các đoàn thể quần chúng miền Nam Việt Nam. Trong các cuộc hội đàm với Thủ tướng Pháp, Tổng thông Cônggô..., các nhà lãnh đạo Liên Xô đều khẳng định rằng: Liên Xô ủng hộ đường lối đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Khi nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Liên Xô đã nhiệt liệt chào mừng chiến thắng của nhân dân Việt Nam: "... Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng lịch sử đấu tranh của nhân dân Việt Nam anh hùng sẽ không bao giờ phai mò trong trí nhớ của loài người..."1 (Thế giới ca ngợi thẳng lợi vĩ đại của nhân dân ta, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr. 20).


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 21 Tháng Hai, 2023, 07:39:34 am
2. Về kinh tế - thương mại, văn hóa - giáo dục và khoa học - kỹ thuật

Từ năm 1955, Việt Nam và Liên Xô đã ký kết hàng loạt hiệp định, hình thành một hành lang pháp lý thông thoáng, thuận tiện cho hợp tác giữa hai nước: Hiệp định về đào tạo lưu học sinh Việt Nam trong các cơ sở giáo dục của Liên Xô (ngày 27-8-1955); Hiệp định về hợp tác văn hoá (ngày 15-2-1957); Hiệp định trao đổi hàng hóa, thương mại (ngày 30-3-1957); Hiệp định về thương mại và vận tai biên (ngày 12-3-1958); Hiệp định về hợp tác khoa học - kỹ thuật (ngày 7-3-1959); Hiệp định cung cấp viện tiợ kinh tế và kỹ thuật giúp Việt Nam thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961 - 1965 (ngày 23-12-1960)... Để thuận tiện cho việc thanh khoản, ngày 11 thang 3 năm 1957, Liên Xô và Việt Nam ký kết thỏa thuận về thanh toán, phí thương mại thanh toán qua đường ngân hàng Nhà nước, Ủy ban hỗn hợp kinh tế - kỹ thuật ở Liên Xô được thành lập, nhằm hỗ trợ thực hiện các kế hoạch kinh tế quốc dân giai đoạn 1961 - 1965 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 23-12-1960).


Liên Xô tích cực giúp đỡ nhân dân Việt Nam thực hiện kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế (1955 - 1957). Theo Hiệp định ngày 18 tháng 7 năm 1955, Liên Xô viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 400 triệu rúp giúp khôi phục và xây dựng 25 xí nghiệp, "đồng ý hỗ trợ tiến hành các công việc khảo sát địa chất ở Việt Nam và phòng chống các bệnh truyền nhiễm"1 (Báo Sự thật, ngày 19 tháng 7 năm 1955), cho vay một khoản tín dụng là 160 triệu rúp với những điều kiện ưu đãi2 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, vé quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nưòc, Tlđd, tr.20), giúp xây dựng và khôi phục các xí nghiệp công trình công nghiệp và cơ quan thuộc các ngành cơ khí than, điện lực và công nghiệp nhẹ.


Những năm 1955 - 1956, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam số lượng hàng hóa trị giá 45 triệu rúp (bao gồm: 9 triệu mét vải bông, năm tấn bông, hai tấn sợi, hai triệu rúp xăng dầu, 26 nghìn tấn phân bón)1 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr.22, 3). Riêng năm 1956, khi Việt Nam thiếu lương thực trầm trọng, Liên Xô lập tức chở sang Việt Nam "170 nghìn tấn gạo mua ở Mianma, 85 nghìn tấn đường và một số lượng lớn hàng tiêu dùng"2 (Bùi Công Trường, Miền Bắc Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, H, 1959.tr. 137). Tháng 8 năm 1957, khi miền Bắc Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn do bão lụt gây ra, Liên Xô quyết định viện trợ cho Việt Nam 100 triệu rúp3 (Ban đối ngoại Trung ương, Tình hình quan hệ Việt Nam và Liên Xô từ ngày hòa bình lập lại (1954 - 1960), Tài liệu lưu trữ tại Cục Lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng, tr.26, 95). Tháng 3 năm 1959, Liên Xô cho Việt Nam vay 100 triệu rúp để thực hiện kế hoạch 3 năm phát triển kinh tế 1958 - 19604 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr.22, 3). Theo Hiệp định ngày 14 tháng 6 năm 1960, Liên Xô cho Việt Nam vay 350 triệu rúp để mua trang thiết bị, máy móc5 (Ban đối ngoại Trung ương, Tình hình quan hệ Việt Nam và Liên Xô từ ngày hòa bình lập lại (1954 - 1960), Tài liệu lưu trữ tại Cục Lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng, tr.26, 95). Sau khi ký kết Hiệp định ngày 23 tháng 12 năm 1960, Liên Xô cho Việt Nam vay một khoản tín dụng 430 triệu rúp với lãi suất 2%/năm. Khoản vay này được cấp trong 15 năm với những điều kiện thanh toán hết sức thuận lợi; đồng thời, viện trợ không hoàn lại cho phát triển y tế trong những năm từ 1961 đến 1965 (chống bệnh sốt rét) 20 triệu rúp6 (Báo cáo về tình hình quan hệ kinh tế của ta với nước ngoài từ năm 1955 đến năm 1974 của Vụ Hợp tác Quốc tế, phông Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Tai liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III, Hồ sơ số 32). Tháng 9 năm 1962, Việt Nam và Liên Xô ký kết Hiệp định, theo đó, Liên Xô cho Việt Nam vay một khoản tín dụng ưu đãi 100 triệu rúp, giúp đỡ xây dựng, mở rộng các xí nghiệp công nghiệp, viện trợ máy móc nông nghiệp, nhiên liệu, khoáng sản, bông1 (Ban Đối ngoại Trung Ương, Tình hình quan hệ Việt Nam và Liên Xô từ ngày hòa bình lặp lại (1954 - 1960), Tlđd, tr.57, 5)... Từ năm 1955 đến năm 1964, "Liên Xô viện trợ cho Việt Nam số tiền vào khoảng 320 triệu rúp, trong đó có 94,5 triệu rúp cho vay không hoàn lại, số còn lại cho vay với điều kiện ưu đãi (lãi suất thấp). Năm 1965, Chính phủ Liên Xô đồng ý hoãn thời hạn thanh toán lãi gốc số tiền trên cho Việt Nam"2 (Báo cáo về tình hình quan hệ kinh tế của ta với nước ngoài từ năm 1955 đến năm 1974 của Vụ Hợp tác Quốc tế, Tlđd).


Từ năm 1955 đến năm 1957, Liên Xô giúp đỡ khôi phục và mở rộng 28 nhà máy, xí nghiệp, xây dựng lại cơ sở công nghiệp3 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr.38). Đến cuối năm 1962, Liên Xô đã giúp Việt Nam tất cả là 1.400 triệu rúp, xây dựng 34 nhà máy lớn nhỏ, 19 nông trường và cải tạo 27 nông trường, một số trường đại học, một bệnh viện lớn; giúp xây dựng 21 đài khí tượng thủy văn và 156 trạm thủy văn các cấp4 (Ban Đối ngoại Trung Ương, Tình hình quan hệ Việt Nam và Liên Xô từ ngày hòa bình lặp lại (1954 - 1960), Tlđd, tr.57, 5). Trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), Liên Xô giúp đỡ xây dựng 25 xí nghiệp thiết bị điện, nhà máy sửa chữa và sản xuất phụ tùng ô tô5 (L. A. Anosov, Công nghiệp Việt Nam (1954 - 1965), Tài liệu lưu trữ tại Thư viện Quân đội, 1973, tr.41). Đến cuối năm 19646 (Do năm 1965 đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh đánh phá miền Bắc, nên năm 1964 kế hoạch 5 năm lần thứ nhất kết thúc), với sự giúp đỡ của Liên Xô, trên miền Bắc đã hoàn thành cải tạo và xây dựng 90 xí nghiệp và công trình các loại, trong đó có 43 công trình công nghiệp1 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr. 11). Liên Xô giúp xây dựng một số nhà máy điện, tổng công suất là 71.300Kw, xây dựng công trình khai khoáng như mỏ thiếc Tĩnh Túc, mỏ apatít Lào Cai, nhà máy cơ khí Hà Nội nhà máy supe phốt phát Lâm Thao (10 vạn tấn/năm), công trình công nghiệp nhẹ như nhà máy chè Phú Thọ, nhà máy cá hộp Hải Phòng2 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr. 11)... Trong lĩnh vực nông nghiệp, Liên Xô truyền đạt cho cán bộ Việt Nam kinh nghiệm trồng cây nông nghiệp (ví dụ như áp dụng kỹ thuật thụ phấn cho ngô, tăng năng suất từ 20 đến 30%), xây dựng một số nông trường trồng, cây nhiệt đới, viện trợ hàng vạn tấn phân hoá học các loại, giúp trang bị các máy móc nông nghiệp (máy xới đất, máy gieo, máy gặt đập, máy cắt cỏ, máy phát điện...).


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 21 Tháng Hai, 2023, 07:41:22 am
Năm 1965, cùng với sự ấm lên trong quan hệ chính trị, được coi là năm Việt Nam nhận được nhiều sự viện trợ của Liên Xô. Ngày 10 tháng 7 năm 1965, trong chuyến tham Liên Xô của Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị, hai nước ký kết Hiệp định về việc Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết viện trợ bổ sung không hoàn lại về kinh tế cho Việt Nam, cung cấp hàng hóa trong năm 1965 trị giá 17,5 triệu rúp3 (I. M. P. Chernyshev A. S, Quan hệ Liên Xô - Việt Nam, Thư viện Quân đội dịch, 1975, tr.191). Theo yêu cầu của Việt Nam, ngày 21 tháng 12 năm 1965, hai nước ký tiếp Nghị định thư bổ sung về viện trợ tăng thêm không hoàn lại cho Việt Nam trị giá 38,5 triệu rúp4 (Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Cùng ngày, hai nước ký Hiệp định về hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong hai năm 1966 - 1967 (xây dựng nhà máy pin với 60 triệu sản phẩm/năm)1 (Tuyển tập các nghị định, hiệp định Liên Xô ký kết với các nước, Thư viện Quân đội dịch, 1971.tr. 155, 1).


Kể từ năm 1966, Liên Xô đã ký với Việt Nam nhiều hiệp định, nghị định, thỏa thuận, ghi nhớ về viện trợ và hợp tác: Hiệp định về viện trợ kinh tế không hoàn lại (ngày 10-7-1965); Nghị định thư về viện trợ bổ sung (ngày 21-12-1965); Hiệp định về hỗ trợ kỹ thuật (ngày 21-12-1965); Thỏa thuận về cung cấp bổ sung các khoản cho vay mới và viện trợ (tháng 9-1967); Thỏa thuận về cung cấp bổ sung viện trợ không hoàn lại (ngày 25-11-1968); Hiệp định hợp tác hàng không và thông tin liên lạc (ngày 22-6-1969); Hiệp định cung cấp bổ sung viện trợ kinh tế, quân sự (ngày 11-6-1970); Hiệp định viện trợ không hoàn lại (ngày 4-10-1970); Hiệp định viện trợ quân sự và cung cấp tín dụng (ngày 7-10-1970); Hiệp định hợp tác kinh tế, kỹ thuật và trao đổi hàng hóa (ngày 14-8-1973); Hiệp định hợp tác văn hoá và khoa học (tháng 11-1974); Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình (ngày 16-12-1974)... Theo các hiệp định, thỏa thuận này, năm 1968, Liên Xô viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 11,5 triệu rúp, bao gồm 10 triệu rúp viện trợ chuyển cho đồng bào bị thiên tai năm 1969 và 1,5 triệu rúp dành cho chiến dịch chống sốt rét những năm 1969 - 19702 (Việt Nam - Liên Xô - 30 quan hệ (1950 - 1980), Sđd, tr. 173); năm 1970, Liên Xô cho Việt Nam vay khoản tín dụng không tính lãi là 152 triệu rúp, trong đó có 127 triệu rúp hàng hóa và 25 triệu rúp để xây dựng các nhà máy, xí nghiệp3 (Tuyển tập các nghị định, hiệp định Liên Xô ký kết với các nước, Thư viện Quân đội dịch, 1971.tr. 155, 1); năm 1973, Liên Xô cho Việt Nam vay một khoản tín dụng không lấy lãi là 9 triệu rúp1 (Tuyển tập các nghị định, hiệp định Liên Xô ký kết với các nước, Tlđd. tr. 143-145)... Khoảng 70% viện trợ kinh tế của Liên Xô những năm 1965 - 1967 là dành cho sự phát triển của các ngành công nghiệp chủ chốt, trong đó 30% là dành để xây dựng các nhà máy điện, phát triển ngành năng lượng2 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr.70, 66). Nếu như năm 1967, vốn giúp đỡ của Liên Xô cho Việt Nam không lớn hơn 37%, thì năm 1968 đã đạt 50%. Số vốn này được thực hiện chủ yếu qua con đường viện trợ và cho vay dài hạn. Từ năm 1966 đến năm 1975, trung bình mỗi năm Liên Xô viện trợ cho Việt Nam khoảng 700 - 800 triệu rúp3 (Hoàng Hải, "Quan hệ kinh tế Việt - Nga những năm cuối thế kỷ XX”, báo cáo tại Hội thao 50 năm quan hệ Việt - Nga, 2000). Tháng 6 năm 1973, Liên Xô đã xóa những khoản nợ cũ từ năm 1973 trở về trước cho Việt Nam (khoảng 1,3 tỷ rúp), đề nghị "gạch sổ giai đoạn trước, xây dựng mối quan hệ kinh tế trên cơ sở bình thường giữa các nước với nhau"4 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr.70, 66). Liên Xô hứa sẽ xây dựng lại các công trình bị tàn phá và những công trình đã có hiệp định, nhưng vì chiến tranh phá hoại nên chưa tiến hành xây dựng được. Trên tinh thần đó, Liên Xô giúp khôi phục và mở rộng 13 công trình bị chiến tranh tàn phá ác liệt và xây dựng 14 công trình mới (theo các hiệp định ký ngày 7 tháng 10 nam 1971 và ngày 14 tháng 8 năm 1973). Liên Xô giải quyết một số nhu cầu thiết yếu của Việt Nam trong những năm từ 1973 đến 1975 như lương thực, xăng dầu, sắt thép, xe hơi, máy kéo, vải vóc... Riêng nhu cầu kinh tế, năm 1974, Liên Xô đáp ứng tăng 20% so với năm 1973.


Đến đầu năm 1972, Liên Xô tham gia xây dựng 56 công trình công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ, hàng nghìn chuyên gia Liên Xô thuộc các lĩnh vực ngày đêm miệt mài giúp đỡ Việt Nam xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá. Liên Xô giúp Việt Nam phát triển năng lượng điện, công nghiệp than, xây dựng đường sá, khôi phục và xây dựng mới nhiều công trình quan trọng. Tiêu biểu là những công trình:


Về ngành than: Liên Xô giúp mở rộng mỏ than Vàng Danh cùng với nhà máy tuyển than Uông Bí từ 0,6 triệu tấn lên lên 1,8 triệu tấn/năm, mở rộng mỏ than Cẩm Phả lên 4 triệu tấn/năm.

Về cơ khí: Giúp xây dựng nhà máy cơ khí Cẩm Phả (hai lò luyện thép công suất 1.800 tấn/năm đã đưa vào sản xuất từ tháng 11-1975), nhà máy cơ khí Uông Bí và mở rộng nhà máy cơ khí Hà Nội thêm 9.000 tấn máy/năm.


Về điện: Liên Xô giúp khôi phục và xây dựng nhà máy điện Uông Bí (công suất 15,3 vạn kilôoát, năm 1974 đưa vào vận hành 3,6 vạn kilôoát); nhà máy thủy điện Thác Bà (công suất 10,8 vạn kilôoát, năm 1974 đưa vào vận hành 7,2 vạn kilôoát); nhà máy sửa chữa thiết bị điện Đông Anh..., giúp đỡ thăm dò và xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình (công suất 1,92 triệu kilôoát, sau đó, một đoàn chuyên gia Liên Xô đã sang Việt Nam, tiến hành khảo sát địa chất, năm 1973, lập xong luận chứng kinh tế - kỹ thuật, tháng 1 năm 1975, đã xác định địa điểm xây dựng)1 (I. M. P. Chernyshev A. S, Quan hệ Liên Xô - Việt Nam, Tlđd, tr. 254-255).


Về hóa chất: cải tạo và mở rộng nhà máy tuyển quặng apatít Lào Cai, mở rộng nhà máy supe phốt phát Lâm Thao lên 30 vạn tấn/năm.

Về công nghiệp nhẹ và thực phẩm: Xây dựng các nhà máy chế biến mỳ sợi Nam Định, Hải Hưng công suất 12 tấn/ngày, nhà máy chè Tân Trào (khánh thành ngày 5-11-1975).

Các công trình văn hóa - xã hội: Cung văn hóa Tổng công đoàn ở Hà Nội (ký tháng 12-1973) và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (khánh thành ngày 2-9-1975).

Những công trình kinh tế do Liên Xô giúp đỡ xây dựng đã bảo đảm sản xuất 25 vạn kilôoát điện, 8 triệu tấn than/năm, 60 vạn tấn xi măng, 5 vạn mét khối cấu kiện bê tông đúc sẵn/năm, mở rộng cảng Hải Phòng với khả năng thông quan là 2,7 triệu tấn/năm, hệ thống ông dẫn dầu với công suất 1 triệu tấn/năm1 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr. 33)... Các công trình này góp phần nhanh chóng khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân, đồng thời tạo điều kiện cho miền Bắc trở thành hậu phương lớn cho miền Nam đánh Mỹ.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 21 Tháng Hai, 2023, 07:43:15 am
Đặc biệt, Liên Xô thường xuyên viện trợ bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu đột xuất của Việt Nam. Tháng 4 năm 1967, Việt Nam yêu cầu Liên Xô viện trợ gấp 15 vạn tấn lương thực, trong đó có 1/3 là gạo, Liên Xô đồng ý giúp ngay 15 vạn tấn bột mỳ vì Liên Xô không có gạo2 (Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (từ tháng 3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 115-116). Tháng 4 năm 1975, khi công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước gần đến ngày thắng lợi, lường trước những khó khăn bộn bề mà Chính phủ Việt Nam phải giải quyết sau giải phóng, ngày 8 tháng 4 năm 1975, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại sứ Liên Xô thông báo quyết định của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô về giúp đỡ lương thực và thuốc men cho các vùng giải phóng miền Nam Việt Nam; đồng thời, tiêp tục chuyên chở những hàng hóa thỏa thuận trong các hiệp định đã ký kết như xe hơi, gạo, bột mỳ, xăng dầu..., mặc dù lúc này Việt Nam chưa nêu yêu cầu. Ngày 25 tháng 4 năm 1975, chỉ năm ngày trước khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Liên Xô quyết định viện trợ bổ sung không hoàn lại cho nhân dân miền Nam Việt Nam trong năm 1975, gửi sang Việt Nam một số lượng lớn hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm, thuấc men... giúp Chính phủ Việt Nam tháo gỡ khó khăn, khắc phục hậu quả chiến tranh. Cụ thể là: 2 vạn tấn gạo, 4 vạn tấn bột mì, 5.000 tấn đường, 3.000 tấn mỡ lợn, 5 triệu hộp thịt, 5 triệu hộp sữa đặc, 1,5 triệu rúp thuốc men, 6 triệu mét vải, 2,5 vạn tấn xà phòng giặt, 2,5 vạn tấn xăng, 2,5 vạn tấn điêzen, 1 vạn tấn dầu hỏa, 3 vạn tấn sunphát điamônium, 1 vạn tấn phân kali, 1 vạn bộ săm lốp xe hơi, 400 tấn giấy viết, 300 tấn giấy in báo, 100 xe vận tải, 35 xe chở khách, tám xe téc chở nhiên liệu, sáu xe sửa chữa lưu động, 10 xe cứu thương, năm xe chữa cháy, 25 xe UAZ-469 và UAZ-469b, hai tàu thủy chữa cháy, ba tàu chạy ven biển, 1 triệu rúp phụ tùng xe hơi, 1 triệu rúp phương tiện thông tin, 5 vạn mét vuông giấy, 20 vạn cuốc xẻng, 2 vạn mét vòi chữa cháy, 25 tấn thuốc bột chữa cháy PO, 1, 5 vạn mét vải bạt, 10 vạn rúp văn phòng phẩm, trong đó có 3 triệu vở học sinh1 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr. 59, 33). Như vậy, Liên Xô cung cấp cho Việt Nam các loại hàng hóa tiêu dùng, phục vụ sản xuất: Lương thực, thực phẩm, thuốc men, dụng cụ y tế, các sản phẩm dầu mỏ, kim loại đen, kim loại màu, phân bón hóa học..., giúp Việt Nam khôi phục, phát triển kinh tế, nâng cao khả năng quốc phòng.


Theo tổng kết của Việt Nam, trong số viện trợ của nước ngoài, viện trợ của Liên Xô chiếm 1/3 (còn Trung Quốc bảo đảm 52%, Đông Âu bảo đảm 19%), trong đó có 1/2 thiết bị, máy móc (không kể thiết bị toàn bộ), 1/3 nguyên, nhiên, vật liệu và 1/3 hàng tiêu dùng, 1/3 khối lượng sắt, thép, 1/2 kim loại màu, 1/2 xăng dầu, 1/2 phân bón, 1/2 xe vận tải, 1/2 máy kéo, máy ủi, 2/5 lương thực2 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr. 59, 33).


Bên cạnh sự viện trợ về mặt Nhà nước, các đoàn thể Liên Xô tích cực hoạt động ủng hộ Việt Nam, tổ chức quyên góp trong nhân dân, dành cho Việt Nam khoản viện trợ theo đường quần chúng. Năm 1965, tổ chức Công đoàn Liên Xô đã quyên góp được 800 triệu rúp để mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, hàng tiêu dùng... gửi sang cho nhân dân Việt Nam. Hội Phụ nữ Liên Xô gửi tặng 200 triệu rúp3 (I. M. P. Chernyshev A. s. Quan hệ Liên Xô - Việt Nam, Tlđd, tr.193). Năm 1966, Công đoàn các cấp của Liên Xô vận động quần chúng ủng hộ nhân dân Việt Nam thuốc men, quần áo, vải vóc... trị giá 500 triệu rúp4 (Liên Xô giúp đỡ Việt Nam, Báo Thời mới, 1967, N" 32, tr. 20); đồng thời, Công đoàn mua thuốc men, quần áo trị giá 1,5 triệu rúp tặng nhân dân Việt Nam. Tháng 10 năm 1966, Liên hiệp các hợp tác xã Liên Xô gửi tặng hàng hóa trị giá 1 triệu 300 nghìn rúp1 (Liên Xô giúp đỡ Việt Nam, Tlđd, tr.20). Hội Phụ nữ Liên Xô quyên góp quần áo, sách vở, thuốc men cho phụ nữ, trẻ em Việt Nam trị giá hơn 500 nghìn rúp2 (Liên Xô giúp đỡ Việt Nam, Tlđd, tr.20). Tháng 9 năm 1966, Ban chấp hành Hiệp hội người tiêu dùng Liên Xô quyết định cấp 1,8 triệu rúp dưới dạng hàng hóa cho Liên hiệp các hợp tác xã bán lẻ Việt Nam3 (Liên Xô giúp đỡ Việt Nam, Tlđd, tr.20). Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Liên Xô gửi tặng Hội Chữ thập đở Việt Nam bông băng, thuốc men, dụng cụ y tế... trị giá 30 triệu rúp4 (I. M. P. Chernyshev A. S, Quan hệ Liên Xô - Việt Nam, Tlđd, tr.217).


Năm 1967, ủy ban ủng hộ Việt Nam quyên góp số hàng hóa cho Việt Nam trị giá 1 triệu 300 nghìn rúp; Liên hiệp các tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ tặng Hội Chữ thập đở Việt Nam hàng hóa trị giá 400 nghìn rúp5 (Liên Xô giúp đỡ Việt Nam, Tlđd, tr.20). Từ tháng 5 năm 1967, Liên Xô tổ chức các "Chuyến tàu đoàn kết" tới Việt Nam và từ Nôvôtrôít "Chuyến tàu đoàn kết" đầu tiên chở thực phẩm, quần áo, xe đạp... được mua bằng tiền của các tổ chức xã hội đã khởi hành. Ngày 1 tháng 5 năm 1968, "Chuyên tàu đoàn kết" đã chuyển giao cho Việt Nam số hàng hóa đầu tiên trị giá 1 triệu rúp6 (I. M. P. Chernyshev A. S, Quan hệ Liên Xô - Việt Nam, Tlđd, tr.217). Tháng 9 năm 1968, Liên hiệp các tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ gửi một chuyến hàng cứu trợ cho đồng bào miền Bắc bị lũ lụt, thiên tai. Năm 1975, khi các tỉnh miền Nam Việt Nam lần lượt được giải phóng, Hội đồng Trung ương các tổ chức Công đoàn Liên Xô, Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin Liên Xô, Hội chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Liên Xô, Ủy ban ủng hộ Việt Nam, Quỹ hòa bình Liên Xô đã gửi khẩn cấp lương thực, thuốc và các nhu yếu phẩm khác giúp nhân dân vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 15 tháng 4 năm 1975, các tổ chức quần chúng Liên Xô quyết định viện trợ khẩn cấp cho nhân dân miền Nam Việt Nam ở vùng mới giải phóng hơn một triệu rúp gồm vải vóc, thuốc men, lương thực khi Việt Nam chưa nêu yêu cầu. Trước những tình cảm thân thiết và sự giúp đỡ kịp thời của nhân dân Liên Xô dành cho nhân dân Việt Nam, ngày 23 tháng 4 năm 1975, trong buổi tiếp Đại sứ Liên Xô B. Sáplin, Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu: "Đặc biệt, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chúng tôi cảm ơn về sự giúp đỡ vật chất của Liên Xô cho những vùng mới được giải phóng... Tất cả điều đó làm cho nhân dân và những người cộng sản Việt Nam càng thấy rõ thêm vai trò của Liên Xô đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Điều này làm cho nhân dân miền Nam Việt Nam càng nhận thay sâu sắc rằng, mọi thắng lợi đều gắn liền với sự giúp đỡ to lớn và quý báu của Liên Xô" (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr. 60).


Số tiền mà nhân dân Liên Xô quyên góp có trị giá lớn đã được kịp thời chuyển tới Việt Nam, biểu hiện tình cảm rộng lớn của những người bạn, người anh em đối với nhân dân Việt Nam. Điều đáng lưu ý là các viện trợ, giúp đỡ của Liên Xô đến với Việt Nam vào những thời điểm ác liệt, khó khăn của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ: đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, lần thứ hai, đế quốc Mỹ đánh phá miền Nam Việt Nam ác liệt, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc và sang Lào, Campuchia... nên sự giúp đỡ của Liên Xô không chỉ đơn thuần có ý nghĩa về vật chất, mà còn có ý nghĩa lớn lao về tinh thần và tình cảm.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 21 Tháng Hai, 2023, 07:47:24 am
Ngoài viện trợ trực tiếp, Liên Xô còn gửi chuyên gia sang giúp Việt Nam khôi phục, cải tạo, xây dựng hàng loạt xí nghiệp và các cơ sở kinh tế. Trong vòng 5 năm (1955 - 1960), Liên Xô "cử 1.547 chuyên gia các ngành sang công tác tại Việt Nam"1 (Vụ Liên Xô, Ngoại giao, Về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr. 4). Tính chung trong những năm 1954 - 1964, "gần 2.500 chuyên gia kinh tế Liên Xô có mặt ở Việt Nam đã góp phần quan trọng vào công cuộc khôi phục, cải tạo và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất ở miền Bắc Việt Nam"2 (S. Ivinshin, I. Osotov, Việt Nam, Thư viện Quân đội dịch, 1975, tr. 69). Đối với ngành điện và ngành than, sự giúp đỡ của Liên Xô rất to lớn, nhờ đó, hai nhà máy điện Uông Bí và Thác Bà có công suất lớn nhất Việt Nam được xây dựng, trở thành trung tâm của lưới điện Việt Nam. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, ở miền Bắc xây dựng được một hệ thống điện tương đối hoàn chỉnh, phục vụ cho nhu cầu sản xuất và chiến đấu. Đối với ngành than Liên Xô hỗ trợ khôi phục những mỏ than quan trọng giúp khảo sát, mở rộng một số mỏ than phục vụ cho kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960 - 1965) với công suất 3,7 triệu tấn/năm. Đặc biệt, đối với ngành công nghiệp dâu khí, các chuyên gia Liên Xô giúp tìm kiếm, khảo sát, đánh giá triển vọng dầu khí ở Việt Nam. Năm 1961 Đoàn địa chất 36 ra đời là mốc quan trọng của ngành dầu khí Việt Nam. Cũng từ đây, các chuyên gia Liên Xô sát cánh cùng với các kỹ sư Việt Nam tìm kiếm, thăm dò vùng trũng sông Hồng, thực hiện giếng khoan đầu tiên ở Khoái Châu (Hưng Yên).


Với sự giúp đô của Liên Xô (và một số nước xã hội chủ nghĩa khác), Việt Nam chủ động sản xuất được một số máy móc đơn giản, trang thiết bị phục vụ công cuộc xây dựng miền Bắc, bảo đảm một phần những nhu cầu cấp thiết về kinh tế và quốc phòng: Sản xuất được 46% năng lượng điện, 90% than đá, hơn 80% máy cắt kim loại, 100% apatít, thiết, supe phốt phát và 1/2 sản lượng xuất khẩu1 (S. Ivinshin, I. Osotov, Việt Nam, Tlđd, tr. 69). Như vậy, từ năm 1954 đến năm 1964, Liên Xô giúp đỡ Việt Nam thiết lập cấu trúc kinh tế của đất nước, đặt nền móng cho một số ngành công nghiệp hiện đại (nhiệt, thuỷ điện, cơ khí, hóa chất, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm...), ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam, khôi phục và phát triển kinh tế, đào tạo cán bộ cho miền Bắc. Về sự ủng hộ và giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt Nam, Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu: "Sự giúp đỡ to lớn và quý báu của Liên Xô đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng cuộc sống mới của nhân dân miền Bắc Việt Nam... Toàn bộ sự giúp đỡ của Liên Xô có ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với việc hoàn thành thắng lợi kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa"2 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr. 4). Chủ tịch Hồ Chí Minh nói thêm: "Các nước bạn giúp ta một cách vô tư, khảng khái. Ta không phải trả lại những khoản giúp ấy. Đó là sự giúp đỡ không có điều kiện. Các nước bạn ra sức giúp ta, đồng thời tuyệt đối tôn trọng chủ quyền của ta. Khác hẳn với "viện trợ" của các nước đế quốc: "giúp một để lột mười", "giúp để nô dịch"1 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Sđd, tr.30).


Kể từ khi Việt Nam và Liên Xô thiết lập quan hệ kinh tế - thương mại vào năm 1955, quan hệ kinh tế - thương mại, lưu thông hàng hóa giữa hai nước năm sau đều tăng hơn năm trước. Kim ngạch ngoại thương giữa hai nước năm 1960 tăng gần 30 lần so với năm 1955; Liên Xô đứng đầu trong số các nước buôn bán với Việt Nam2 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr. 4, 10). Năm 1954, lưu thông hàng hóa giữa hai nước là 3,3 triệu rúp3 (Ngoại thương của Liên Xô những năm 1955 - 1959, Tài liệu lưu trữ tại Thư viện Quân đội, 1961, tr.10, 12), năm 1957 đạt 11,6 triệu rúp, tăng 3,5 lần so với năm 19554 (Ngoại thương của Liên Xô những năm 1955 - 1959, Tài liệu lưu trữ tại Thư viện Quân đội, 1961, tr.10, 12), năm 1960, con số này đạt 43 triệu rúp (trong đó Liên Xô xuất 22 triệu rúp và nhập của Việt Nam 21 triệu rúp)5 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr. 4, 10). Năm 1964, thương mại Liên Xô - Việt Nam chiếm khoảng 35% khối lượng thương mại của Việt Nam; trị giá các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Liên Xô vào khoảng 42,5 triệu rúp. Việc trao đổi hàng hoá giữa hai nước phát triển ổn định. Trong các năm từ 1954 đến 1964, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước tăng 2,8 lần so với thời kỳ 1956 - 1960, trong đó xuất khẩu của Việt Nam tăng 2,4 lần6 (Lê Khắc, "Quan hệ kinh tế - thương mại và hàng hải Việt Nam - Liên Xô ngày càng phát triển và mở rộng", trong sách: Thắng lợi của tình hữu nghị và hợp tác toàn diện, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1983, tr.54). Từ năm 1957 đến năm 1964, khối lượng buôn bán giữa hai nước tăng lên tám lần, đạt 95 triệu rúp1 (P. N. Kumykin, 50 năm ngoại thương Liên Xô, tài liệu dịch, lưu trữ tại Viện Sử học, tr, 54), còn từ năm 1955 đến năm 1965, thương mại giữa hai nước tăng hơn 28 lần2 (Ngoại thương của Liên Xô những năm 1955 - 1959, Tlđd, tr.16).

Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên Xô
(1955 -1965)

(Đơn vị tính: Triệu rúp)

(https://i.imgur.com/hnaaHPw.jpg)

Nguồn: S. Ivinshin, I. Osotov, Việt Nam, Tlđd, tr.99.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 21 Tháng Hai, 2023, 07:49:37 am
Việt Nam nhập khẩu từ Liên Xô chủ yếu là máy móc, trang thiết bị công nghiệp, các sản phẩm từ dầu, các nguyên liệu công nghiệp, thuốc men..., xuất sang Liên Xô các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, dệt, giày, thuôc lá, chè... tổng trị giá vào năm 1964 là 31,3 triệu rúp. Những năm từ 1961 đến 1965, Việt Nam và Liên Xô dự định tăng khối lượng hàng hóa lên 2,5 lần so với 5 năm trước, đạt khoảng 1.250 triệu rúp1 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr. 10-11). Mặc dù trong những năm 1965 - 1972, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, gây thiệt hại cho kinh tế Việt Nam, nhưng quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Liên Xô vẫn được duy trì đều đặn. Từ năm 1965 đến năm 1970, mức xuất khẩu của Việt Nam sang Liên Xô cao hơn mức 4 năm trước đó (1961 - 1964). Liên Xô xuất sang Việt Nam số lượng hàng hoá tăng hơn bốn lần so với 4 năm trước2 (Thắng lợi của tinh hữu nghị và hợp tác toàn diện. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1983, tr.54). Từ năm 1973, sau chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Việt Nam nhanh chóng đẩy mạnh xuất khẩu sang Liên Xô. Năm 1973 là năm có mức kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong thời kỳ chiến tranh, đạt tới 520 triệu rúp. Tính chung, từ năm 1971 đến năm 1975, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên Xô tăng 47% so với 6 năm trước đó. Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Liên Xô và Việt Nam những năm từ 1965 đến 1975 đã tăng nhiều lần so với những năm từ 1954 đến 1964; đặc biệt xuất khẩu của Việt Nam sang Liên Xô chiếm vị trí quan trọng trong nền ngoại thương Việt Nam.


Cần nhấn mạnh thêm rằng, sự hợp tác kinh tế giữa hai nước trong giai đoạn này mang tính hữu nghị, trong đó, Liên Xô viện trợ và giúp đỡ Việt Nam là chủ yếu. Tuy nhiên, ý nghĩa của quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước đối với Liên Xô là ở chỗ: Quan hệ buôn bán này vượt ra khỏi phạm vi thông thường - Liên Xô thiết lập được một thị trường buôn bán xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á, qua đó, dần khẳng định vị trí và mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô ở khu vực.


Trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục - khoa học kỹ thuật, hợp tác Việt Nam - Liên Xô diễn ra phong phú, đa dạng. Trên cơ sở các hiệp định được ký kết từ năm 1955, Việt Nam và Liên Xô triển khai hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và y tế một cách toàn diện và hiệu quả. Năm 1959, Ủy ban hợp tác khoa học - kỹ thuật Việt - Xô ra đời, đảm bảo cho quá trình hợp tác khoa học - kỹ thuật giữa hai nước không chỉ mở ra trên diện rộng, với các ngành, các lĩnh vực khác nhau, mà còn đi vào chiều sâu với những nội dung, kết quả hợp tác to lớn.


Để tăng cường đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật cho công cuộc xây dựng, củng cố miền Bắc, Đảng, Nhà nước Việt Nam chủ trương "đưa thêm nhiều lưu học sinh, nghiên cứu sinh, thực tập sinh đi học ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác, chủ yếu nhằm đào tạo cán bộ giảng dạy đại học, cán bộ nghiên cứu khoa học kỹ thuật, cán bộ lỷ luận cơ bản có trình độ cao"1 (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21. Sđd, tr. 879). Đáp ứng yêu cầu đó, Liên Xô giúp Việt Nam đào tạo, nâng cao tay nghề cho số lượng lớn cán bộ, sinh viên Việt Nam. Liên Xô nhận đào tạo cho công dân Việt Nam ở các trường trung học và đại học, lo chu cấp học phí và ăn ở. Tính riêng từ năm 1955 đến năm 1960, Liên Xô nhận 420 thực tập sinh và 1.267 sinh viên Việt Nam sang học tập2 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr.4). Đội ngũ chuyên gia Liên Xô đang làm việc tại Việt Nam không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chuyên gia, mà còn trực tiếp thực hiện công tác đào tạo. Tại Việt Nam, trong hai năm 1955 - 1956, các chuyên gia Liên Xô hướng dẫn, đào tạo trên 7.000 cán bộ, công nhân các ngành nghề khác nhau1 (Rosin Alexander, Các thủy thủ Xôviết giúp đỡ Việt Nam trong chiến tranh, Tài liệu dịch, lưu trữ tại Thư viện Quân đội). Tính tổng thể, từ năm 1955 đến năm 1964, Liên Xô đào tạo trên 3.900 lưu học sinh cho Việt Nam. Đến năm 1967, có 2.100 sinh viên Việt Nam học tập tại các cơ sở đào tạo của Liên Xô. Đến đầu năm 1972, đã có 4.000 người tốt nghiệp đại học và sau đại học ở Liên Xô, 7.000 người Việt Nam đang học trong các trường trung cấp, cao đẳng và đại học của Liên Xô2 (I. M. P. Chernyshev A. S, Quan hệ Liên Xô - Việt Nam, Tlđd, tr. 217, 247-248), còn tính chung từ năm 1965 đến năm 1975, Liên Xô giúp Việt Nam đào tạo hơn 10.000 người3 (Quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Liên Xô - Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1988, tr.88). Với số lượng sinh viên, nghiên cứu sinh đã đào tạo ở Liên Xô, Việt Nam xây dựng một đội ngũ cán bộ chuyên môn trong các ngành khoa học cơ bản, có vai trò to lớn trong xây dựng miền Bắc, kháng chiến chống đế quốc Mỹ ỏ miền Nam. Liên Xô đào tạo cho Việt Nam một đội ngũ đông đảo công nhân lành nghề, giúp xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn trong các ngành khoa học cơ bản, không chỉ giải quyết nhu cầu trước mắt về nhân lực cho Việt Nam mà còn đáp ứng nhu cầu ấy về lâu dài. Đa phần những người đã học tập tại Liên Xô sau này đều đảm trách những vị trí quan trọng, chủ chốt trong nền kinh tế và bộ máy Nhà nước Việt Nam, phát huy những tri thức được đào tạo, hoàn thành tốt các công việc được giao.


Liên Xô cử nhiều chuyên gia sang Việt Nam công tác trong lĩnh vực giáo dục, giúp Việt Nam xây dựng chương trình và tham gia giảng dạy ở các trường đại học. Các chuyên gia Liên Xô trong lĩnh vực giáo dục không những góp phần thúc đẩy chất lượng giáo dục Việt Nam, mà còn giúp Việt Nam mở rộng quy mô các trường đại học, trung học, các ngành nghề đào tạo cần thiết cho công cuộc xây dựng miền Bắc và kháng chiến ở miền Nam. Những cán bộ giảng dạy ở những trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chủ yếu được đào tạo ỏ Liên Xô, kết hợp giảng dạy với chuyên gia Liên Xô; vì thế, chất lượng đào tạo được nâng lên đáng kể.


Trong bối cảnh chiến tranh, Việt Nam còn nghèo, các cơ sở đào tạo của Việt Nam còn thiếu thôn trang thiết bị, đồ dùng học tập, sách giáo khoa... phục vụ cho việc dạy và học tập. Trước thực tế này, để giúp đỡ nền giáo dục Việt Nam, Liên Xô viện trợ các thiết bị dạy học, giáo trình, tài liệu, giúp xây dựng cơ sở vật chất (Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Nông nghiệp...).


Năm 1959, Đoàn đại biểu các nhà khoa học Xôviết do Viện sĩ B. A. Côtennicốp dẫn đầu đã đến thăm Việt Nam, ký kết các thỏa thuận về hợp tác khoa học - kỹ thuật giữa Việt Nam - Liên Xô. Theo thỏa thuận này, Liên Xô đã chuyển giao cho Việt Nam hơn 600 bộ tài liệu khoa học - kỹ thuật về sản xuất máy móc, chuyển giao các quy trình khoa học trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp1 (V. Koroviakovski, Lịch sử Việt Nam cận hiện đại, Tài liệu dịch, lưu trữ tại viện Sử học, 1984, tr.59).


Tháng 5 năm 1961, Viện Hàn lâm khoa học Xôviết và Ủy ban khoa học Nhà nước Việt Nam ký kết văn bản về hợp tác khoa học Việt - Xô, mở ra một giai đoạn mới trong hợp tác khoa học - kỹ thuật giữa hai nước. Năm 1966, Liên Xô tổ chức đoàn chuyên gia sang Việt Nam giúp đỡ khảo sát địa chất. Năm 1966, sau nhiều năm miệt mài lao động, các nhà địa chất Liên Xô và Việt Nam đã vẽ xong bản đồ địa chất1 (V. Koroviakovski, Lịch sử Việt Nam cận hiện đại, Tlđd, tr. 69). Những năm từ 1966 đến 1970, Liên Xô tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong công tác thăm dò khoáng sản, bao gồm khoáng sản rắn, dầu và khí đốt. Tháng 4 năm 1969, Ủy ban hợp tác khoa học - kỹ thuật Xô - Việt nhóm họp phiên thứ 8 và ngày 13 tháng 4 năm 1969, Nghị định thư về hợp tác khoa học - kỹ thuật giữa Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong năm 1969 được ký kết. Cùng lúc, Đoàn đại biểu các nhà khoa học Việt Nam có chuyến thăm Mátxcơva và ngày 8 tháng 4 năm 1969, kế hoạch hợp tác khoa học - kỹ thuật những năm từ 1969 đến 1970 giữa Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô và Ủy ban khoa học - kỹ thuật Nhà nước Việt Nam được ký kết, theo đó, hai bên sẽ tiến hành các hoạt động hợp tác khoa học trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội2 (I. M. P. Chernyshev A. S, Quan hệ Liên Xô - Việt Nam, Tlđd, tr. 231). Tháng 12 năm 1972, Việt Nam và Liên Xô ký kết thỏa thuận thành lập Ủy ban hỗn hợp hợp tác kinh tế - khoa học Việt - Xô.


Trong lĩnh vực văn hoá - khoa học, hợp tác Việt Nam - Liên Xô diễn ra trên các khía cạnh chủ yếu: 1- Hợp tác ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, điện ảnh, âm nhạc, hội họa...; 2- Giúp nâng cao trình độ cán bộ, công nhân Việt Nam, chuyển giao các tài liệu kỹ thuật, mẫu thiết kế; 3- Gửi chuyên gia sang giúp Việt Nam trong công tác khoa học - kỹ thuật và quản lý sản xuất.


Việt Nam và Liên Xô tích cực thúc đẩy phát triển hợp tác trong các lĩnh vực, văn hoá, văn học, xuất bản, ấn loát, nghệ thuật tạo hình, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, thông tin, báo chí, phát thanh và vô tuyến truyền hình, thể dục - thể thao và những lĩnh vực khác... Về y tế, Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam đào tạo một đội ngũ cán bộ ngành y, giúp Việt Nam nhiều thiết bị y tế, thuốc men; viện trợ dài hạn cho Việt Nam thực hiện chương trình thanh toán bệnh sốt rét. Như vậy, quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên Xô trên lĩnh vực kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, văn hoá và y tế diễn ra phong phú, đa dạng, đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với Việt Nam.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 21 Tháng Hai, 2023, 07:52:39 am
3. Về quân sự

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, từ tháng 10 năm 1954 đến tháng 2 năm 1955, các tàu hải quân của Liên Xô "Archangel" (Thuyền trưởng là D. K. Giôtốp) và "Stavropol" (Thuyền trưởng là V. V. Chécnôbrốpkin) giúp đỡ Việt Nam vận chuyển vũ khí, thiết bị, người... từ miền Nam tập kết ra miền Bắc1 (Rosin Alexander, Các thủy thủ Xôviết giúp đỡ Việt Nam trong chiến tranh, Tlđd). Trong giai đoạn nói trên, riêng tàu "Archangel" đã thực hiện 12 lượt đi về, chuyên chở 30.307 người và 1.289 tấn hàng hóa từ miền Nam ra miền Bắc1 (Rosin Alexander, Các thủy thủ Xôviết giúp đỡ Việt Nam trong chiến tranh, Tlđd). Trên đường thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, tàu của Liên Xô ghé cửa sông ông Đốc (Cà Mau), bốc dỡ lên bờ 6 tấn vũ khí, đạn dược, ém sẵn để quân và dân miền Nam sử dụng sau này2 (Rosin Alexander, Các thủy thủ Xôviết giúp đỡ Việt Nam trong chiến tranh, Tlđd). Vì sự đóng góp to lớn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam của các thủy thủ Liên Xô trên hai tàu "Archangel", "Stavropol", ngày 15 tháng 9 năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 237-SL, tặng Huân chương Lao động cho 31 sĩ quan và thủy thủ các tàu nói trên3 (Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1996, tr.153).


Năm 1961, Hải quân Liên Xô chuyển giao cho Hải quân Việt Nam các tàu phóng ngư lôi và tàu chống ngầm4 (Rosin Alexander, Các thủy thủ Xôviết giúp đỡ Việt Nam trong chiến tranh, Tlđd). Từ năm 1961 đến năm 1964, Việt Nam nhận được tổng số 70.295 tấn hàng quân sự từ các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó của Liên Xô là 47.223 tấn5 (Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Chiến tranh cách mạng Việt Nam (1945 - 1975): Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.588-601). Riêng trong năm 1962, Liên Xô cung cấp cho Việt Nam khoảng 200 triệu đôla trang thiết bị (kể cả máy bay) để giúp miền Bắc củng cố quốc phòng6 (I. M. P. Chernyshev A. s, Quan hệ Lién Xô - Việt Nam, Tlđd, tr.121). Khối lượng vật chất phục vụ chiến tranh Liên Xô viện trợ được nhân dân Việt Nam sử dụng hiệu quả trong các hoạt động tác chiến trên chiến trường, tạo cho cuộc kháng chiến một sức mạnh tổng hợp, hạn chế một phần sức mạnh của đế quốc Mỹ.


Ngoài chi viện vật chất, Liên Xô cử chuyên gia giúp Việt Nam xây dựng các công trình công nghiệp quốc phòng. Tính đến tháng 4 năm 1964, "tổng số chuyên gia quân sự Liên Xô công tác tại Việt Nam có 44 người (có hai cấp tướng)"1 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 604). Từ năm 1955 đến cuối năm 1962, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam thường xuyên tham vấn các tùy viên quân sự, chuyên gia quân sự Liên Xô về những vấn đề quân sự quan trọng: Xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng Bộ Tổng Tham mưu, xây dựng kế hoạch phòng thủ miền Bắc... Cụ thể như sau: Tháng 8 năm 1955, Phó tùy viên quân sự Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam Nicôlai tư vấn về xây dựng Bộ Tổng Tham mưu; tháng 5 năm 1957, Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu tham vấn ý kiến của Tùy viên quân sự Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam Buniaxin về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng; tháng 6 năm 1957, Cục Tác chiến tranh thủ ý kiến của Tùy viên quân sự Buniaxin về xây dựng kế hoạch phòng thủ miền Bắc; tháng 4 năm 1959, chuyên gia quân sự Liên Xô Antinốp góp ý kiên với Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam về kế hoạch tác chiến chiến lược bảo vệ miền Bắc (kế hoạch A)2 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 604).


Tháng 1 năm 1961, Liên Xô cử Đoàn cán bộ quân sự sang giúp Việt Nam xây dựng quân, binh chủng3 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 604). Đoàn gồm những chuyên gia cao cấp thuộc các lĩnh vực phòng không, không quân, hải quân, có uy tín, có nhiều kinh nghiệm về xây dựng lực lượng, tổ chức chiến đấu, về vũ khí, khí tài... Sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát, phân tích tình hình, các chuyên gia quân sự Liên Xô đưa ra kế hoạch xây dựng lực lượng, tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ, dự trữ chiến lược, xây dựng các cơ quan tham mưu tác chiến, xây dựng các công trình phòng ngự quốc gia... Những tư vấn của các chuyên gia Liên Xô đều là những ý kiến tham khảo có giá trị, giúp ích trực tiếp cho việc tăng cường tiềm lực bảo vệ miền Bắc và chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Tháng 12 năm 1962, triển khai chủ trương "tranh thủ ý kiến của Trung Quốc, Liên Xô về kế hoạch tác chiến chiến lược bảo vệ miền Bắc trong trường hợp địch mở cuộc chiến tranh xâm lược miền Bắc Việt Nam"1 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Cục Tác chiến, Hồ sơ số 532), Việt Nam đề nghị Liên Xô cử Đoàn đại biểu quân sự sang Việt Nam trao đổi về kế hoạch nói trên. Tháng 12 năm 1962, Đoàn đại biểu quân sự Liên Xô do Đại tướng Patov dẫn đầu tới Việt Nam. Sau khi nghiên cứu dự thảo kế hoạch tác chiến và nghe cơ quan chức năng của Bộ Tổng Tham mưu báo cáo về những vấn đề có liên quan, Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô góp ý kiến về kế hoạch tác chiến chiến lược của Việt Nam, khẳng định khi xảy ra chiến tranh xâm lược miền Bắc, "việc giúp đỡ của Liên Xô là điều không nghi ngờ gì cả"2 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Cục Tác chiến, Hồ sơ số 532). Từ năm 1964, những chuyên hàng viện trợ quân sự đầu tiên của Liên Xô gồm những chủng loại vũ khí, khí tài hiện đại, có vai trò quan trọng nâng cao khả năng phòng thủ của miền Bắc Việt Nam đã đến Việt Nam. Cũng trong năm 1964, được Liên Xô (và cả Trung Quốc) giúp đỡ về trang bị, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, sau một thời gian luyện tập ở Mông Tự (Trung Quốc), hồi 15 giờ ngày 6 tháng 8, Trung đoàn không quân tiêm kích (921) đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam về đến sân bay Nội Bài, bảo đảm giữ được bí mật, an toàn. "Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, trong thành phần lực lượng vũ trang Việt Nam có máy bay phản lực chiến đấu hiện đại"1 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Cục Tác chiến, Hồ sơ số 530).


Nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ, chuyên gia, sĩ quan có chuyên môn cao cho quân đội, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Quân ủy Trung ương thường xuyên gửi người sang Liên Xô học tập tại các trường quân đội. Đến tháng 4 năm 1964, có 1.450 người được gửi sang học ở 31 trường quân sự (trong đó có 91 cấp tá, 546 cấp úy, 135 người học ngành chính trị, 354 người học kỹ thuật và các ngành, 48 người học ngành y...)2 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 600). Các học viên được đào tạo trong môi trường học tập thuận lợi, được tiếp xúc với các chuyên gia giỏi và chương trình học tập tiên tiến, được tạo điều kiện ăn ở tốt nhất.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 21 Tháng Hai, 2023, 07:54:01 am
Với chuyến thăm của Đoàn đại biểu Liên Xô do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A. N. Côxưghin dẫn đầu đến Việt Nam (tháng 2-1965), viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Ngay trong chuyến thăm, thay mặt Chính phủ Liên Xô, A. N. Côxưghin cam kết giúp đỡ củng cố, tăng cường khả năng phòng thủ của Việt Nam, nhất là các hệ thống phòng thủ phòng không, chống lại sự tiến công từ trên bầu trời. Để chuẩn bị cho việc ký kết các hiệp định về sự giúp đỡ quân sự của Liên Xô, ngày 25 tháng 2 năm 1965, Thường vụ Quân ủy Trung ương họp nghe thông báo về viện trợ quân sự của Liên Xô, bàn bạc, thống nhất về yêu cầu viện trợ mới. Theo quyết định mới, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam một số loại pháo như: 14,5mm, 100mm, 130mm, xe tăng T-54, xe PT-76, máy bay MiG-17, máy bay IL-28, máy bay An-2, tàu phóng ngư lôi, tàu vớt mìn, tàu huấn luyện vớt mìn; máy vô tuyến điện và dự định sẽ giúp Việt Nam 50.000 bộ quân trang". Ngoài việc tăng số lượng và chủng loại vũ khí, trang bị, Liên Xô đề nghị gửi một số đơn vị sang bảo vệ khu vực Hà Nội, Hải Phòng, gồm: "Một lữ đoàn tên lửa, hai trung đoàn phòng không và các đơn vị kỹ thuật, bảo đảm; một phân đội máy bay MiG-21 (trong đó có 12 máy bay chiến đấu), một tiểu đoàn địa hình, một tiểu đoàn trinh sát kỹ thuật"1 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 782). Phía Liên Xô dự kiến khi các đơn vị trên sang Việt Nam, do Việt Nam giao nhiệm vụ chiến đấu, Liên Xô chỉ huy chiến đấu, thời gian ở Việt Nam một năm, chi phí hoạt động do Liên Xô đảm bảo, cơ sở đóng quân và bảo vệ do Việt Nam đảm nhiệm, các phân đội máy bay sử dụng sân bay Nội Bài và Cát Bi; việc ký kết hiệp định về các vấn đề trên ở Hà Nội, thông qua Ủy ban kinh tế hai bên. Tuy nhiên do một số lý do, Bộ Chính trị quyết nghị không tiếp nhận các đơn vị chiến đấu của Liên Xô gửi sang Việt Nam, mà chỉ xin trang bị và đề nghị Liên Xô cử chuyên gia sang giúp.


Để thống nhất quan điểm và phối hợp hoạt động, từ ngày 21 đến ngày 27 tháng 3 năm 1965, tại Thủ đô Hà Nội, Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam và Đoàn đại biểu Chính phủ Liên Xô tổ chức Hội nghị bàn về việc Liên Xô viện trợ quân sự cho Việt Nam trong năm 1965. Tham gia Hội nghị là những tướng lĩnh cấp cao của hai quân đội và các chuyên gia trong từng lĩnh vực cụ thể. Đoàn Việt Nam gồm: Thiếu tướng Trần Quý Hai - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu phó, làm Trưởng đoàn; Đại tá Phùng Thế Tài - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân; Thượng tá Hoàng Điền - Tham mưu phó Bộ Tham mưu Tổng cục Hậu cần. Phía Liên Xô gồm có: Thượng tướng Cúpxốp - phụ trách các vấn đề viện trợ thuộc Bộ Tổng Tham mưu quân đội Xôviết làm Trưởng đoàn; Thiếu tướng Pôpốp - cán bộ Bộ Tổng Tham mưu; Thiếu tướng Côptum - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kế hoạch thuộc Ủy ban liên lạc kinh tế với nước ngoài của Liên Xô. Ngoài ra, tham gia từng phần với tư cách chuyên gia về phía Việt Nam còn có Thượng tá Nguyễn Chí Cường - phụ trách vận tải quân sự; Thượng tá Tuyến - Trung đoàn trưởng trung đoàn tên lửa; phía Liên Xô có Thiếu tướng Mexít - chuyên gia tên lửa; Trung tá Maorút, chuyên gia vận tải. Sau khi hai đoàn đã thống nhất về mặt nguyên tắc: 1- Số lượng trang bị kỹ thuật mà Chính phủ Liên Xô thuận cấp cho Việt Nam là viện trợ không hoàn lại; 2- Việt Nam gửi cán bộ sang Liên Xô học tập kỹ thuật mới; 3- Liên Xô cử chuyên gia quân sự sang Việt Nam huấn luyện bộ đội Việt Nam sử dụng, tiếp nhận vũ khí, khí tài mới; 4- Thống nhất các biện pháp chủ yếu đảm bảo vận chuyển viện trợ kịp thời và chu đáo. Về số lượng cụ thể: Trong năm 1965, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam lượng hàng quân sự trị giá khoảng 200 triệu rúp; cử 290 chuyên gia giúp huấn luyện kỹ thuật cho lữ đoàn tên lửa phòng không, 14 chuyên gia huấn luyện phi công và nhân viên kỹ thuật hàng không, 14 chuyên gia giúp huấn luyện cho hải quân1 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 600). Dự định đầu tháng 4 năm 1965, vũ khí, khí tài được vận chuyển theo đường bộ xuyên Liên Xô - Mãn Châu Lý - Bằng Tường về Việt Nam; các hạm tàu hải quân đi theo đường biển về Bãi Cháy; máy bay IL-28 đi bằng đường không qua Trung Quốc.


Tháng 4 năm 1965, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam sang thăm Liên Xô, thỏa thuận và ký kết Hiệp định về viện trợ quân sự, ký kết thỏa thuận về viện trợ bổ sung (tháng 7 và tháng 10-1965). Trong các thỏa thuận và quyết định hỗ trợ quân sự cho Việt Nam của Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết, nội dung viện trợ, giúp đỡ được thực hiện trên cơ sở các kế hoạch dài hạn, bao gồm: 1- Cung cấp vũ khí, thiết bị quân sự, đạn dược, phụ tùng và các vật liệu quân sự chuyên biệt; 2- Biệt phái các chuyên gia quân sự Liên Xô giúp đỡ Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp cận, sử dụng các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự được viện trợ, giúp sửa chữa và hiện đại hóa chúng; 3- Hỗ trợ xây dựng, trang bị cơ sở vật chất cho các mục đích quân sự; 4- Chuyển giao giấy phép, các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho việc sản xuất đạn dược, một số loại vũ khí, thiết bị quân sự, cũng như các hướng dẫn kỹ thuật khác; 5- Đào tạo quân nhân Việt Nam trong các cơ sở quân sự của Bộ Quốc phòng Liên Xô1 (Các văn kiện, nghị quyết của Đảng Cộng sản Liên Xô, Tập 11. Nxb Sự thật, H. 1988, tr. 378). Theo các bản cam kết và ghi nhớ, các loại trang thiết bị quân sự Liên Xô viện trợ cho Việt Nam gồm: Tên lửa đất đối không (SAM), pháo cao xạ, thiết bị rađa, thiết bị vô tuyến điện tử, bệ phóng tên lửa, máy bay chiến đấu MiG-17, máy bay chiến đấu siêu thanh MiG-21, IL-28, máy bay tiêm kích SU-17, máy bay vận tải IL-14, Li-2, xe tăng T-34 và T-54, khí tài vượt sông; một số khí tài thông tin, phòng hóa... Nhìn chung, vũ khí, khí tài đa dạng về chủng loại, tối tân, hiện đại, có khả năng phát huy tốt trên chiến trường Việt Nam. Chính phủ Liên Xô khẳng định rằng, viện trợ cho Việt Nam được thực hiện trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước Xôviết, tuân thủ các điều ước, hiệp ước và thông lệ quốc tế, trên tinh thần anh em, tương trợ lẫn nhau và tình cảm quốc tế vô sản sâu sắc. Theo thỏa thuận, vũ khí, khí tài được vận chuyển tới Việt Nam qua hai ngả: Bằng đường sắt qua Trung Quốc và đường biển qua cảng Hải Phòng. Đối với vận chuyển hàng hóa băng đường biển, Liên Xô huy động 20 tàu vận tải cỡ lớn của Công ty vận tải Biển Đen và Viễn Đông thường xuyên hoạt động.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 21 Tháng Hai, 2023, 07:56:40 am
Theo một số tài liệu lưu trữ của Cục Lưu trữ Liên bang Nga, vũ khí của Liên Xô được tăng cường chuyển tới Việt Nam từ cuối năm 1964 đầu năm 1965, mặc dù những thỏa thuận cụ thể chỉ đạt được từ tháng 4 năm 1965. Thực hiện các hiệp định, thỏa thuận và cam kết1 (Từ năm 1965 đến năm 1972, Việt Nam và Liên Xố đã ký kết gần 20 thỏa thuận, cam kết, ghi nhớ và hiệp định về viện trợ quân sự), từ tháng 3 năm 1965, "lực lượng phòng không của Việt Nam được trang bị pháo cao xạ 37mm và pháo phòng không 57mm. Từ tháng 7 năm 1965, tổ hợp tên lửa đất đối không tầm cao S-75 Dvina (SAM) đã có mặt ở Việt Nam"2 (Báo cáo của Tổng cục 10, Bộ Quốc phòng, Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết, ngày 30 tháng 5 năm 1965 (tài liệu giải mật), Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 585, đơn vị bảo quản số 4, Hồ sơ số 114, tài liệu số 15, tr.4). Tháng 5 năm 1965, Liên Xô trang bị cho Không quân Việt Nam máy bay ném bom IL-28, biên chế vào Trung đoàn không quân 921 (đến giữa năm 1966, những máy bay này về đến Trung Quốc, do chưa có điều kiện sử dụng, nên Việt Nam gửi Trung Quốc, nhờ bảo quản. Tháng 1 năm 1968, Việt Nam cử tám thực tập sinh sang Liên Xô học lái và đến tháng 10 năm 1968, trước yêu cầu, tình hình và nhiệm vụ mới, Bộ Tổng Tham mưu quyết định đưa tám máy bay này về nước, thành lập Tiểu đoàn không quân ném bom 929).


Về trị giá viện trợ từng năm, theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao Liên Xô (tháng 10-1965), từ năm 1962 đến năm 1965, Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam trang thiết bị quân sự (trong đó có cả máy bay) trị giá gần 200 triệu đôla và hơn một nửa số này (60%) được chuyển cho Việt Nam trong năm 19651 (Báo cáo của Bộ Ngoại giao Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết, ngày 26 thang 10 năm 1965, Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 17, đơn vị bảo quản số 165, Hồ sơ số 140, tài liệu số 55, tr.2). Cũng về viện trợ trong năm 1965, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Luân Đôn) cung cấp số liệu sau: Năm 1965, trị giá viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam là 210 triệu đôla (chiếm 60% tổng viện trợ kinh tế)2 (Quân ủy Trung ương, Báo cáo tình hình hàng viện trợ đến ngày 19 tháng 8 năm 1965, Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, 1965, tr.4). Ngoài khối lượng viện trợ quân sự kể trên, trong kế hoạch viện trợ 2 năm 1965 - 1966 đã giúp thêm Việt Nam một khối lượng hàng hóa vật chất tương đối lớn. Theo Quyết định ngày 25 tháng 4 năm 1965, Chính phủ Liôn Xô giúp thêm Việt Nam một bệnh viện dã chiến 100 giường, 6.527,233 tân ray, 400 tấn dầm thép ghép sẵn, 1.626 tấn dầm sắt số 47 dài 6x20m, 58,650 tấn thiết bị bán tự động dùng cho đường dây 40km, hai cần trục cẩu cho tàu cứu chữa, 40 đài vô tuyến điện, 22 thiết bị moóc, 12 công trình xa sửa chữa ô tô, hai máy đặt ray, hai cần trục canh CPK 30/40, một bộ máy sửa chữa cung cấp nước, 615 tấn cáp dẫn điện, 382 tấn dây cáp, bảy máy kéo C.100, 26 ô tô cần trục K61, 200 ô tô Zin 157 và 555, 100 ô tô Maz 205 và 200, năm kiểu công trình xa sửa chữa máy lưu động dùng trong xây dựng đường bộ, 55 tấn dây lưỡng kim1 (Quân ủy Trung ương, Báo cáo tình hình hàng viện trợ đến ngày 19 tháng 8 năm 1965, Tlđd, tr. 2).


Tháng 11 năm 1965, theo yêu cầu của phía Việt Nam, Liên Xô cử Đoàn chuyên gia quân sự gồm sáu người sang giúp khảo sát, nghiên cứu địa điểm xây dựng một số sân bay dã chiến ở phía tây Hà Nội. Trong thời gian công tác ở Việt Nam, Đoàn chuyên gia Liên Xô cùng với Phòng Công trình của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân Việt Nam tiến hành khảo sát và nghiên cứu một số địa điểm ở Sơn Tây và vùng Tây Bắc. Qua khảo sát, các chuyên gia Liên Xô nhận thấy vùng Tây Bắc không có địa điểm nào có thể xây dựng được sân bay dã chiến, sau đó, chọn được hai địa điểm có thể xây dựng sân bay dã chiến tại vùng núi phía tây nam Hòa Bình2 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 940).


Năm 1967, theo Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Liên Xô (tháng 12-1967), là năm Liên Xô cung cấp viện trợ cao nhất cho Việt Nam3 (Báo cáo của Bộ Ngoại giao Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết, ngày 28 tháng 12 năm 1967, Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 17, đdn vị bảo quản số 165, Hồ sơ số 152, tài liệu số 5, tr.3) (kết luận này trùng với tổng kết viện trợ của Cục Quân lực Bộ Quốc phòng Việt Nam, theo đó, năm 1967, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam trị giá khoảng 416 triệu rúp - mức cao nhất từ trước đến nay, chủ yếu là khí tài phòng không, không quân, xe tăng, pháo binh...)1 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Quân ủy Trung ương, Hồ sơ số 817), còn Viện IISS không đưa ra trị giá cụ thể, chỉ thống kê chủng loại, số lượng vũ khí: "Đến tháng 9 năm 1967, Liên Xô đă gửi đến Việt Nam các máy bay chiến đấu MiG-17 và MiG-21, IL-28, máy bay ném bom, máy bay vận tải, máy bay trực thăng, súng phòng không, tên lửa đất đối không và bệ phóng tên lửa cùng súng phòng không các loại"2 (Sources of Military Equipment to North Vietnamese Military Forces, 1975, Archives, The International Institute For Strategic Studies, Volume I, p.7). Theo Tài liệu lưu trữ của Bộ Quốc phòng Việt Nam, trong điều kiện chiến sự diễn ra ác liệt, Việt Nam "đề nghị Liên Xô gửi gấp ngay sang số khí tài quân sự trong kế hoạch viện trợ năm 1967, đặc biệt cấp thiết là các máy bay chiến đấu MiG-21 F13 và MiG-17 F, tên lửa bổ sung cho số đã dùng trong chiến đấu, đạn cao xạ, trang bị cho đơn vị tên lửa bảo vệ bờ biển, các khí tài chống nhiễu, các trạm rađa SNAR-6, các loại khí tài bổ sung cho những thiệt hại trong chiến đấu và trang bị cho các trung đoàn tên lửa phòng không"3 (Thư đề nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi Ban Chấp hành Trung Ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Xôviết về viện trợ quân sự khẩn cấp trong năm 1967, ngày 3 tháng 6 năm 1967, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 1146). Trả lời yêu cầu của Việt Nam, ngày 4 tháng 5 năm 1967, Liên Xô gửi thư thông báo về nội dung viện trợ quân sự, không chỉ đáp ứng đầy đủ, mà còn quyết định giúp đỡ thêm lương thực1 (Thư đề nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi Ban Chẩp hành Trung ương Đẳng Cộng sản Liên Xô và Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Xôviết về viện trợ quân sự khẩn cấp trong năm 1967, ngày 3 tháng 6 nảm 1967, Tlđd).


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 21 Tháng Hai, 2023, 07:59:04 am
Năm 1967, do tình hình chiến sự phát triển, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đề nghị Liên Xô giúp tăng cường khả năng quốc phòng, giữ vững cảng Hải Phòng và vận tải đường biển. Tháng 4 năm 1967, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thỏa thuận với Nguyên soái Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô Agôrenxcô về việc Liên Xô giúp đỡ chuyên gia và trang bị kỹ thuật cho ngành trinh sát vô tuyến điện của Quân đội nhân dân Việt Nam, đề nghị Liên Xô nghiên cứu giúp đỡ Việt Nam khai thác mật mã của đế quốc Mỹ. Ngay sau đó, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Liên Xô đã cử đoàn cán bộ trinh sát vô tuyến điện sang Việt Nam nghiên cứu2 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 1069). Tháng 5 năm 1967, Bộ Tổng Tham mưu đề nghị Bộ Tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô trong thời gian nhanh nhất "gửi cho Việt Nam một số khí tài trinh sát vô tuyến đã ghi trong bản phụ lục kèm theo và chuyên gia về POCT, RPC, P136 và Têlêtíp siêu tần số tiếp sức để giúp Việt Nam sử dụng được những khí tài sắp đưa sang Việt Nam"3 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 1069).


Về viện trợ quân sự trong năm 1968 (thời gian Việt Nam chuẩn bị và thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968), theo thống kê của Tổng cục 101 (Tổng cục Hợp tác quân sự quốc tế, trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô, trực tiếp điều phối và thực hiện viện trợ quân sự cho Việt Nam), Bộ Quốc phòng Liên Xô, "Liên Xô viện trợ cho Việt Nam 357 triệu rúp (tương đương 369,7 triệu đôla2 (Tỷ giá quy đổi đỏla theo tỷ giá hối đoái chính thức của Liên Xô: 1 đôla = 0,9 rúp)), chiếm 2/3 tổng toàn bộ viện trợ mọi mặt"3 (Báo cáo của Tổng cục 10, Bộ Quốc phòng, Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết, ngày 30 tháng 12 năm 1966, Trụng tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 585, đơn vị bảo quản số 4, Hồ sơ số 145, tài liệu số 21, tr.6), còn Viện IISS đưa ra con số: "Năm 1968, viện trợ quân sự của Liên Xô cho Chính phủ Bắc Việt Nam đạt 542 triệu rúp (tương đương với 209 triệu đôla), trong đó 361 triệu rúp không hoàn lại"4 (Sources of Military Equipment to North Vietnamese Military Forces, 1975, Archives, The International Institute For strategic Studies, Volume II, p.7). Số liệu thống kê về viện trợ trong năm 1968 của Viện IISS gần với số liệu báo cáo của Bộ Quốc phòng Liên Xô về viện trợ trong hai năm 1966 - 1967: "Tổng trị giá viện trợ trang thiết bị quân sự cho Việt Nam từ tháng 1 năm 1966 đến tháng 12 năm 1967 là 500 triệu rúp (xấp xỉ 550,5 triệu đôla)"5 (Báo cáo của Tổng cục 10, Bộ Quốc phòng, Liên bang các nước cộng hòa xả hội chủ nghĩa Xôviết, ngày 30 tháng 12 năm 1967, Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 585, đơn vị bảo quản số 4, Hồ sơ số 142, tài liệu Số 26; tr.7). Về phía Việt Nam, trong các tài liệu lưu trữ, chỉ có số liệu thống kê chung cho cả ba năm 1965 - 1968: Khối lượng viện trợ là 257.912 tấn,  trị giá ước khoảng 1.173 triệu rúp1 (Tổng hợp số liệu (tài liệu họp Quân ủy Trung ương), Quân ủy Trung ương, 1969, Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phong, tr.119) (khối lượng này theo Thống kê số liệu viện trợ quốc tế, Bộ Quốc phòng là 226.969 tấn2 (Thống kê số liệu viện trợ quốc tế, Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Hồ sơ số 795, số 15). Theo đánh giá chung, những năm từ 1965 đến 1968, Liên Xô là nước viện trợ quân sự chủ yếu với trị giá lớn nhất cho Việt Nam và viện trợ nhiều nhất vào hai năm 1965, 1967, có nhiều loại vũ khí tương đối hiện đại (có loại pháo mới ĐKZ-B), nhưng phần lởn đã qua sử dụng, trừ MiG-21, ĐKZ-B, cao xạ 23mm, xe kéo pháo bánh xích, ô tô3 (Bộ Tổng Tham mưu, Báo cáo Thường trực Quân ủy Trung Ương về đề nghị các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ quân sự năm 1968, ngày 8 tháng 5 năm 1967, Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 1150). Đặc biệt, sau khi cải tiến khối điều khiển FR-15 của tên lửa S-75 (cuối năm 1967 - đầu năm 1968), nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tên lửa trong điều kiện nhiễu âm rất mạnh trên kênh phản hồi, tháng 4 năm 1968, ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô đã chuyển sang Việt Nam những chi tiết mới dưới dạng dự trữ dùng cho việc hoàn thiện các khối FR-15.


Tháng 5 năm 1968, Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đang công tác tại Việt Nam đề nghị Cục Liên lạc đối ngoại Bộ Quốc phòng Việt Nam giới thiệu một số vấn đề về chiến thuật, tinh thần chiến đấu, cách sử dụng lực lượng và phương tiện chiến tranh của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam4 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phòng Cục Tác chiến, Hồ sơ số 2932). Phía Việt Nam đồng ý và nhân đó giới thiệu một số kinh nghiệm chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 11 năm 1968, theo đề nghị của Việt Nam, Bộ Quốc phòng Liên Xô đồng ý cử đơn vị gây nhiễu mang mật danh Đoàn 320 (tên công khai là Đoàn khảo sát khí tượng) sang Việt Nam tham gia chiến đấu1 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 1162) (tuy nhiên, tháng 12-1968, Quân ủy Trung ương quyết định do tình hình mới, chưa đưa vào Việt Nam, khi xét thấy cần thiết, sẽ đề nghị cho vào sau)2 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ 1145).


Tháng 5 năm 1969, Cục Quân lực trình Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ quân sự trong năm 1970. Về phương hướng, Cục Quân lực đề nghị, hết sức chú ý đến chất lượng trang bị, không đặt những trang thiết bị khí tài lạc hậu, ít giá trị sử dụng, chưa đặt những khí tài chưa sử dụng gấp mà khó khăn trong bảo quản như đạn tên lửa... Đối với Liên Xô, đề nghị viện trợ khoảng 240 triệu rúp, gồm các khí tài bảo đảm đường bộ, bảo đảm kỹ thuật, tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển, khí tài thông tin, tình báo; tăng chất lượng trang bị cho phòng không - không quân, khí tài vượt sông, xe tăng, tăng thêm đạn dược (pháo cao xạ 37mm, pháo nòng dài 122mm và Đ74, một số đơn vị hỏa tiễn chống tăng và các phụ tùng thay thế khoảng 50 triệu rúp); một số pháo hỏa tiễn mang vác, súng 14,5mm, súng chống tăng B-41, một số súng bộ binh và đạn các loại3 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Quân ủy Trung ương, Hồ sơ số 574)...


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 21 Tháng Hai, 2023, 08:01:13 am
Năm 1971, viện trợ của Liên Xô ước tính thành tiền khoảng 89 triệu rúp, gồm 50 triệu rúp trang bị khí tài, 6 triệu rúp thiết bị đồng bộ, 3 triệu rúp để mua sắm phụ tùng thay thế (nhưng là số còn lại của Hiệp định cũ chuyển sang năm 1971). Như vậy, chỉ có 56 triệu rúp viện trợ năm 1971, so với năm 1970, trang bị khí tài chiến đấu có cao hơn, nhưng thiết bị đồng bộ thấp hơn và không có tiền mua sắm phụ tùng, khí tài cho trinh sát kỹ thuật là loại cũ1 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 1394); tuy nhiên, lần đầu Liên Xô giúp tên lửa chống tăng mang vác và đạn ĐKB cải tiến. Mặt hàng của quân sự chuyển qua kinh tế giải quyết được 3 triệu rúp gồm 355 tổ máy phát điện và động cơ, 49 xe chuyên dụng, 150 xe mô tô, chất lượng nói chung tốt.


Tháng 3 năm 1971, Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài làm việc với Thiếu tướng Mácximenkô - Tổ trưởng chỉ đạo chuyên gia Liên Xô tại Hà Nội và thống nhất: 1- Chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng tên lửa chống tăng cho Việt Nam; 2- Liên Xô cử chuyên gia sang giúp Việt Nam trên các lĩnh vực sử dụng vũ khí, kiểm tra vũ khí, trang bị kỹ thuật và tổ chức chỉ huy đơn vị binh khí kỹ thuật2 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 1470). Thiếu tướng Mácximenkô thông báo về ý định của Bộ Quốc phòng Liên Xô cử một đoàn sĩ quan cao cấp 15 người, gồm những cán bộ thuộc Bộ Tổng Tham mưu, binh chủng, tên lửa phòng không, không quân tiêm kích và rađa của Quân đội Liên Xô do Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục 10 Đagaép dẫn đầu sang Việt Nam vào đầu tháng 4 năm 1971, khoảng 10 ngày1 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 1470). Nhiệm vụ của Đoàn là kiểm tra công tác chuyên gia, tìm hiểu tình hình và mức độ sẵn sàng chiến đấu của vũ khí, kiểm tra chất lượng các công tác cải tiến và giải quyết những vấn đề có liên quan đến việc nâng cao hiệu quả chiến đấu của tên lửa, không quân và rađa. Tháng 4 năm 1971, Đoàn gồm 19 người đã đến Việt Nam, sau một thồi gian làm việc, Đoàn thông báo một số kết luận về cải tiến kỹ thuật, về bảo dưỡng, bảo quản, bảo đảm chiến đấu, tổ chức sửa chữa vũ khí, khí tài, cung cấp viện trợ, về tổ chức bộ đội rađa2 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 1470)... Bộ Quốc phòng Quân đội nhân dân Việt Nam yêu cầu cung cấp phụ tùng để bảo đảm thay thế số bị tiêu hao, đề nghị không chỉ giúp thiết bị kiểm tra hiệu chỉnh mà còn giúp cả thiết bị sửa chữa, nêu yêu cầu có thêm vũ khí nhẹ để đánh trực thăng, vũ khí đánh xe tăng, vũ khí đánh công sự vững chắc, đề nghị Liên Xô việc giúp đỡ củng cố quốc phòng ở miền Bắc3 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 1470).


Tháng 5 năm 1971, Cục Quân lực khi đánh giá tình trạng trang bị, khí tài và cơ sở bảo đảm vật chất kỹ thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam, thấy rằng, quân đội "thiếu xe ô tô vận tải và xe kéo pháo; vấn đề phòng thủ bờ biển và chất lượng trang bị khí tài chưa được cải tiến kịp với yêu cầu, nhiệm vụ; dự trữ còn ít, thậm chí có loại không có..."1 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Quân ủy Trung ương, Hồ sơ số 1383). Vì vậy, đã lên phương án yêu cầu các nước anh em viện trợ. Đối với Liên Xô, Cục Quân lực đề nghị: 1- Giúp cải tiến chất lượng tên lửa phòng không, nghiên cứu, sản xuất tên lửa phòng không loại mang vác, cải tiến máy bay tiêm kích MIG-17F; 2- Đồng ý với Liên Xô cải tiến tên lửa hiện có, đề nghị loại dần các tên lửa cũ thay bằng tên lửa cơ động và năm 1972 thay cho từ 2 đến 3 trung đoàn; 3- Đề nghị giúp thêm các loại máy bay cường kích, ném bom, vận tải quân sự (năm 1972 đề nghị Liên Xô xây dựng cho một trung đoàn MiG-21, một trung đoàn MiG-23, một trung đoàn cường kích Su-9, một trung đoàn máy bay vận tải); củng cố lực lượng rađa; 4- yêu cầu Liên Xô giúp xây dựng hoàn chỉnh một sư đoàn tăng gồm hai trung đoàn tăng hạng trung T-55, một trung đoàn tăng lội nước, một trung đoàn tăng cao xạ 23mm bốn nòng hoặc loại 57mm hai nòng, từ một tiểu đoàn đến một trung đoàn pháo tự hành 100mm kèm theo các loại xe tăng bắc cầu, xe dắt, xe rơmoóc chở xe tăng, thiết bị vượt ngầm, phà2 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Quân ủy Trung ương, Hồ sơ số 813). Ước tính tổng giá trị đề nghị Liên Xô viện trợ vào khoảng 300 triệu rúp. Sau khi đàm phán về nội dung viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam trong năm 1972 (tháng 11-1971), Liên Xô đồng ý viện trợ ước tính vào khoảng 150 triệu rúp, so với yêu cầu Việt Nam đề ra đạt 50%, nhưng so với năm 1971 đạt 200%1 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Quân ủy Trung ương, Hồ sơ số 813). Chất lượng viện trợ nhìn chung cao, trang bị mới hơn, có một số vũ khí Liên Xô, giúp Việt Nam lần đầu như súng đại liên, súng trường thiện xạ, khí tài tình báo, xe tăng trinh sát, xe bọc thép... Do những năm 1969 - 1971, Việt Nam gặp một số khó khăn trên chiến trường, nên tháng 11 năm 1971, Việt Nam yêu cầu Liên Xô viện trợ bổ sung cho năm 1972, nhất là các loại vũ khí chống B-52, AC-130 và các loại máy bay phản lực hiện đại khác của Mỹ, các loại phương tiện cải tạo hệ thống đường sá, các phương tiện vận tải2 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Quốc phòng, Hồ sơ số 4756)...


Tháng 1 năm 1972, Cục Quân lực Bộ Quốc phòng lên phương hướng đề nghị Liên Xô viện trợ giúp nâng cao mức hiện đại của Quân chủng Phòng không - Không quân, tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển, tăng cường chất lượng trang bị cho Hải quân, thiết giáp và các binh chủng chiến đấu, bảo đảm khác3 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phòng Quân ủy Trung ương, Hồ sơ số 817). Tháng 3 năm 1972, hội đàm với Nguyên soái Batix-ki, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị Liên Xô giúp đỡ: 1- Tăng cường lực lượng phòng không - không quân Việt Nam; 2- Bồi dưỡng cán bộ, nhất là trong lĩnh vực phòng không - không quân; 3- Biên soạn điều lệnh chiến đấu cho bộ đội phòng không - không quân; 4- Trang bị trang thiết bị cho các chỉ huy sở; 5- Tăng cường khả năng sửa chữa vũ khí, khí tài1 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Quốc phòng, Hồ sơ số 1383).


Cuối năm 1972, nhằm gây sức ép trên bàn đàm phán tại Hội nghị Pari, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn tăng cường bắn phá miền Bắc với mức độ ác liệt gấp nhiều lần; đồng thời, ồ ạt đưa vào miền Nam một khối lượng lớn vũ khí và phương tiện chiến tranh, nhất là máy bay, xe tăng, xe thiết giáp, đại bác, tàu chiến... Tình hình đó đòi hỏi phải gấp rút bổ sung và tăng cường trang bị, phương tiện cho lực lượng vũ trang Việt Nam. Ngày 28 tháng 12 năm 1972, Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẩn thiết đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A. N. Côxưghin "áp dụng những biện pháp có hiệu lực nhất để chuyển hết sang Việt Nam trong năm 1972 những vũ khí, phương tiện, trang bị kỹ thuật mà Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam trong năm 1972... Riêng về viện trợ quân sự, đặc biệt mong đồng chí có biện pháp hiệu lực nhất và trong thời gian ngắn nhất cung cấp cho chúng tôi những phương tiện chống nhiễu có uy lực mạnh để giúp các lực lượng phòng không chúng tôi đối phó có hiệu quả hơn nữa với máy bay B-52 của Mỹ"2 (Điện của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi đồng chí A. N Côxưghin - Chủ tịch Hội đồng Bộ trường Liên Xô ngày 28 tháng 11 năm 1972, Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phong phông Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 116). Liên Xô đã đáp ứng yêu cầu của Việt Nam, gửi gấp sang một số vũ khí, khí tài hiện đại.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 09 Tháng Ba, 2023, 02:00:32 pm
Năm 1973, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam ước tính vào khoảng 210 triệu rúp, so với yêu cầu, có loại đạt 100% yêu cầu, có loại chỉ đạt khoảng từ 50 đến 60%, cũng có loại chỉ đạt từ 20 đến 40%. Có loại Liên Xô chưa giải quyết như viện trợ vũ khí phòng không cũ và mới (S-125/SAM-3, máy bay lên thẳng Mi-6, xe tăng lội nước, tên lửa phòng thủ bờ biển...). Đây cũng là năm Liên Xô cung cấp cho Việt Nam một số trang bị mới như tàu chở xe tăng đô bộ, tàu phá thủy lôi (10 chiếc), xe bọc thép có gắn tên lửa chống tăng (20 chiếc)... Liên Xô cũng hứa nghiên cứu giải quyết yêu cầu của Việt Nam về thiết bị chỉ huy sở phòng không các cấp, về bổ sung các tiểu đoàn tên lửa phòng không SA-75M1 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 1577).


Những năm 1969 - 1972, theo Thống kẽ số liệu viện trợ quốc tế, Bộ Quốc phòng, mức viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam đạt 143.793 tấn2 (Thống kê số liệu viện trợ quốc tế, Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Hồ sơ số 795). Theo Cục Quân lực Bộ Quốc phòng Việt Nam, từ năm 1965 đến đầu năm 1972, Liên Xô viện trợ quân sự cho Việt Nam trị giá 1.748 triệu rúp3 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Quân ủy Trung ương, Hồ sơ số 817), chủ yếu là các loại khí tài phòng không, không quân, xe tăng, pháo binh. Các loại thiết bị chủ yếu là mới, tương đối hiện đại và hiện đại, phát huy tác dụng tốt trên chiến trường. Ngoài vũ khí, khí tài, Liên Xô còn giúp các thiết bị cho các xưởng, trạm sửa chữa, thiết bị cho các nhà trường và các viện nghiên cứu quân sự.


Dựa vào các nguồn Tài liệu lưu trữ của Cục Lưu trữ Liên bang Nga được giải mật, các nhà nghiên cứu Liên bang Nga đưa ra con số viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam những năm từ 1965 đến 1971 là 1 tỷ 579 triệu đôla (tính trung bình vào khoảng 2 triệu đôla/ngày).


Về các loại vũ khí chiến lược, từ năm 1965 đến năm 1974, Việt Nam nhận được từ Liên Xô các loại xe tăng, xe bọc thép, súng bộ binh và súng cối, pháo cao xạ và bệ đỡ, các tổ hợp tên lửa, máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, tàu chiến". Ngoài ra, "Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng và đưa vào sử dụng 117 cơ sở quốc phòng"1 (Báo cáo của Tổng cục 10, Bộ Quốc phòng, Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết, ngày 30 tháng 12 năm 1975, Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 585, đơn vị bảo quản số 4, Hồ sơ số 159, tài liệu số 30. tr.8 ). Những năm từ 1965 đến 1972, riêng tên lửa phòng không, "Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam các tổ hợp SA-75 Dvina và tên lửa. Năm 1972, khi Mỹ tiến hành chiến dịch Lainơbếchcơ II, Liên Xô gửi gấp sang Việt Nam một số tên lửa S-125 (SAM-3)2 (SAM-3 là hệ thống tên lửa đất đối không của Liên Xô nhằm bổ sung cho SAM-2. SAM-3 có nhiều tính năng vượt trội so với SAM-2. Tầm bắn hiệu quả hơn, độ cao tối đa lớn hơn so với các loại tên lửa thế hệ trước, cơ động dễ dàng hơn, có hiệu quả hơn khi chống lại các mục tiêu di động. Nó cũng có khả năng tiến công các mục tiêu bay thấp hơn. Đặc biệt nó có khả năng chống lại hệ thống đánh lạc hướng điện tử tốt hơn so với thế hệ SAM-2. SAM-3 được triển khai lần đầu vào khoảng thời gian 1961 - 1964 xung quanh Mátxcơva nhằm bổ sung vào hệ thống phòng không. SAM-3 được liên tục cải tạo. Sau đó một phiên bản nâng cắp của hệ thống có ten là S-125M "Neva-M" và sau này là S-125M1 "Neva-M1" đã được chế tạo).


Các trang bị vũ khí, khí tài Liên Xô viện trợ đã phát huy tác dụng tích cực trên chiến trường Việt Nam, đẩy mạnh tác chiến hiệp đồng binh chủng, góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Với sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, tiềm lực quốc phòng của Việt Nam được tăng cường nhanh chóng. Đến cuối năm 1965, bộ đội chủ lực miền Bắc tăng từ 195.000 người lên 400.000 người, các quân chủng, binh chủng tăng gấp ba lần so với năm 1964. Riêng Quân chủng Phòng không - Không quân phát triển vượt bậc với pháo phòng không, tên lửa đất đối không, rađa cảnh giới, không quân tiêm kích... bố trí thành thế trận liên hoàn có thể đánh địch ở những độ cao khác nhau, vừa bảo đảm tác chiến rộng khắp, vừa có thể tập trung lực lượng bảo vệ những trọng điểm giao thông, những khu vực quốc gia trọng yếu.


Không chỉ viện trợ trang bị kỹ thuật, Liên Xô còn giúp Việt Nam đào tạo cán bộ, chiến sĩ để tiếp nhận, sử dụng hiệu quả vũ khí viện trợ, nhất là những vũ khí hiện đại. Báo cáo của Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam cho biết: "Riêng năm 1966, đã có 2.600 người Việt Nam được gửi đào tạo ngành không quân và phòng không tại Liên Xô. Trong năm 1966, Liên Xô đào tạo cho Việt Nam đội ngũ đủ để xây dựng một trung đoàn phòng không, kỹ thuật viên cho một trung đoàn không quân và hàng chục phi công"1 (Báo cáo của Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam gừi Bộ Ngoại giao Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviẽt, ngày 25 tháng 12 năm 1966, Tài liệu lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 17, đơn vị bảo quản số 165, Hồ sơ số 142, tài liệu số 12, tr.8 ). Tháng 2 năm 1966, "Chủ tịch Đảng Cộng sản Canađa, Tim Bấc trả lời phỏng vấn Rađiô Giacácta, đưa ra một thông tin về khoảng 5.000 người Việt Nam đã được đào tạo từ năm 1965 đến năm 1966 ỏ Liên Xô để phục vụ trong lực lượng phòng không, không quân’’1 (States of Soviet and Chinese Military Aid to North Vietnam, Special Report, Page 5, Central - intelligence agency, CIA Released Documents, National Archives and Records Administration). Theo Thượng tướng A. I. Hiupênen - Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam (1972 - 1975) "riêng năm 1966, 1.342 người lính Việt Nam bắt đầu học tập trong các trường quân sự của Liên Xô; trong hai năm 1966 - 1967, các cơ sở giáo dục quốc phòng Liên Xô đã đào tạo cho Việt Nam khoảng 3.000 quân nhân"2 (Chiến tranh Việt Nam là thể đó, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.44, 198), đến hết năm 1975, "Liên Xô đào tạo cho Việt Nam ước tính là 13,5 nghìn quân nhân"3 (Báo cáo của Tổng cục 10, Bộ Quốc phòng, Liên bang các nước cộng hòa xả hội chủ nghĩa Xôviết, ngày 30 tháng 12 năm 1975, Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 585, đơn vị bảo quản số 4, Ho sơ số 160, tài liệu số 20, tr.9). Mặc dù gặp phải rào cản ngôn ngữ, trình độ, song các học viên Việt Nam đã nắm bắt kiến thức nhanh chóng, nỗ lực hoàn thành các khóa học.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 09 Tháng Ba, 2023, 02:02:47 pm
Theo thỏa thuận giữa hai nước, Liên Xô cử chuyên gia quân sự sang Việt Nam. Ngày 6 tháng 7 năm 1965, Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết ban hành Quyết định No 525-200, về việc thành lập Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa4 (Chiến tranh Việt Nam là thể đó, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.44, 198), Quyết định No 525-200 xác định nhiệm vụ của Đoàn chuyên gia: "Trong thời gian ngắn nhất, giảng dạy và huấn luyện lực lượng phòng không - không quân Việt Nam đủ khả năng tác chiến"1 (Chiến tranh Việt Nam là thế đó, Sđd, tr.348, 349). Tuy nhiên, trước khi Quyết định No 525-200 được ban hành và có hiệu lực, công tác chuẩn bị gửi chuyên gia quân sự sang Việt Nam đã được Nhà nước Xôviết, Bộ Quốc phòng Liên Xô khẩn trương xúc tiến, thực hiện chu đáo, kỹ lưỡng. Ngày 5 tháng 1 năm 1965, Chính phủ Liên Xô ban hành Nghị định No 890-317, về việc tăng tiền trợ cấp cho các sĩ quan thuộc lực lượng đặc biệt2 (Cuộc chiến trên bầu trời Việt Nam, Thư viện Quân đội dịch, Hà Nội, 1982, tr-78) và bắt đầu công tác tuyển chọn chuyên gia.


Các chuyên gia quân sự phải trải qua các đợt giám định y khoa nghiêm ngặt, nhiều đợt kiểm tra của các ủy ban quân sự, Hội đồng quân sự các cấp, đáp ứng những yêu cầu cao về trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, sức khỏe... ứng viên vào các vị trí chỉ huy được lựa chọn gắt gao và bắt buộc phải qua được "cửa ải" khắt khe của Tổng cục 10 Bộ Tổng Tham mưu và sau đó là cuộc phỏng vấn - thẩm định của Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Xôviết3 (Chiến tranh Việt Nam là thế đó, Sđd, tr.348, 349). Hầu hết các chuyên gia đều là những sĩ quan, hạ sĩ quan từng tham gia cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và chiến tranh Triều Tiên (năm 1953), được tôi luyện, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, trình độ kỹ thuật - quân sự cao và là vốn quý của lực lượng vũ trang Liên Xô. Sau khi được lựa chọn, các chuyên gia thực hiện chế độ luyện tập quân sự thường xuyên, rèn luyện thể lực, nghiên cứu điều lệnh tác chiến, cách khai thác, sử dụng vũ khí, khí tài... Công tác này được tiến hành hoàn toàn bí mật, thẻ Đảng, giấy tờ công vụ của các chuyên gia được chuyển về Tổng cục 10 Bộ Tổng Tham mưu, đến Việt Nam, các giấy tờ còn lại được lưu giữ tại Đại sứ quán Liên Xô, đích đến cuối cùng của "chuyến biệt phái" chỉ được biết vào phút chót và tính bảo mật được tuân thủ cho đến khi rút khỏi Việt Nam. Các chuyên gia được phát quần áo thường phục, được tiêm chủng theo quy định quốc tế, giấy chứng nhận tiêm chủng, sổ lương được chuyển về gia đình (họ được hưởng 100% lương do Nhà nước Xôviết trả và tiền lương của Nhà nước Việt Nam, tùy theo thang bậc quân hàm và chức vụ).


Trước chuyến bay, tất cả các chuyên gia quân sự Liên Xô đều được nhắc nhỏ: "Hoạt động chiến đấu tại các trận địa, số lượng máy bay Mỹ bị bắn rơi, quan hệ công việc cụ thể với các chiến sĩ Việt Nam sẽ là hòn đá tảng cho việc cải thiện các quan hệ chính trị, ngoại giao và tăng cường quan hệ hữu nghị với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa"1 (Chiến thắng không dễ dàng, Tài liệu lưu trữ tại Thư viện Quân đội Hà Nội, 1982, tr.45).


Sau thời gian chuẩn bị, tuyển chọn, Ban chỉ huy Đoàn chuyên gia đầu tiên, gồm những chỉ huy danh tiếng được chỉ định: Chỉ huy trưởng Thiếu tướng G. A. Belốp2 (Thiếu tướng G. A. Belốp là Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam từ tháng 9 năm 1965 đến tháng 10 năm 1967. Trước đó, Đại tá A. M. Dưda phụ trách nhóm chuyên gia phòng không từ tháng 4 đến tháng 9 năm 1965); Phó Chỉ huy trưởng phụ trách chính trị Đại tá M. Bôrixenkô và Trưởng nhóm chuyên gia phòng không Đại tá A. M. Dưda3 (Chiến tranh Việt Nam là thế đó, Sđd, tr.40). Từ năm 1967, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam qua các thời kỳ là: Thượng tướng Abramốp (1967 - 1969); Trung tướng B. A. Stônnikôp (1968 - 1970); Thiếu tướng N. K. Mácximenkô (1970 - 1972) và Thượng tướng A. I. Hiupênen (1972 - 1975)1 (Chiến tranh Việt Nam là thế đó. Sđd, tr.40). Lúc đầu, thành phần Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô chỉ có các chuyên gia về tên lửa phòng không, về kỹ thuật vô tuyến điện, sau này có thêm các phi công, lực lượng kỹ thuật, các chuyên gia hải quân, xe tăng, y tế... Ngày 4 tháng 12 năm 1968, trên tinh thần tự lực chiến đấu, Thường trực Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trương đưa số bộ đội và chuyên gia nước ngoài đang công tác ở Việt Nam về nước2 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Tổng Tham mưu). Liên quan đến Liên Xô, chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam từ năm 1965 đến tháng 12 năm 1968 tổng cộng là 3.019 người, đã về nước 2.743 người, hiện còn ở Việt Nam 285 người3 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Tổng Tham mưu). Đến đầu năm 1969, theo quyết định của Thường trực Quân ủy Trung ương, số còn lại này rút hết về nước. Tháng 4 năm 1970, để tiếp tục giúp Việt Nam đào tạo cán bộ, huấn luyện sử dụng, sửa chữa các loại phương tiện vũ khí, khí tài, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô trong năm 1970 cử sang Việt Nam 310 chuyên gia (phòng không: 206; không quân: 36; rađa: 17; các ngành khác - quản lý xe máy, xăng dầu, kỹ thuật quân sự, quân giới: 46; bác sĩ phục vụ chuyên gia: 5)4 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Quốc phòng, Hồ sơ số 1262). Tháng 11 năm 1971, trong buổi làm việc với Tổ trưởng chỉ đạo chuyên gia Liên Xô Mácximencô, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Sâm đề nghị phía Liên Xô cử chuyên gia vụ sửa chữa, hướng dẫn đào tạo cán bộ, chiến sĩ sử dụng khí tài A-72 và B-721 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Hồ sơ số 1320).


Từ cuối năm 1974, với những thay đổi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng chuyên gia quân sự Liên Xô rút dần và quy chế "chuyên gia quân sự Liên Xô" được thay bằng quy chế "cố vấn quân sự Liên Xô"; chức vụ Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô thay bằng chức vụ Trưởng đoàn cố vấn quân sự bên cạnh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam2 (Chiến tranh Việt Nam là thế đó, Sđd, tr. 390).


Công việc của các chuyên gia quân sự Xôviết nhận được sự quan tâm to lớn của các nhà lãnh đạo cao cấp Việt Nam và Liên Xô. Hoạt động của tất cả các nhóm chuyên gia Xôviết ở Việt Nam đều được Đại sứ quán Liên Xô kiểm soát và chỉ đạo. Tại Đại sứ quán Liên Xô, bộ máy của Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô nhanh chóng được thành lập. Trưởng đoàn chuyên gia, Tham mưu trưởng, các sĩ quan trong Ban Tham mưu của Đoàn chuyên gia thường xuyên lui tới các đơn vị, thảo luận với các chuyên gia về tình hình tác chiến, tình trạng khí tài chiến đấu, quan hệ với đồng nghiệp Việt Nam... Các vấn đề nảy sinh, nhờ thế được giải quyết kịp thời. Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam I. S. Sécbacốp thường xuyên triệu tập các trưởng đoàn, trưởng nhóm chuyên gia, kiểm tra và có chỉ đạo sát sao đối với mọi công viêc Về phía Việt Nam, Thượng tướng Trần Sâm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thiếu tướng Phùng Thế Tài - Phó Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân được chỉ định phụ trách, giải quyết mọi công việc liên quan đến hợp tác kỹ thuật - quân sự với chuyên gia Liên Xô. Khi nảy sinh những vấn đề phức tạp, nhất là những vấn đề liên quan đến kỹ thuật, đến tác chiến, Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng, trực tiếp chỉ đạo giải quyết. Trong trường hợp đặc biệt, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 09 Tháng Ba, 2023, 02:03:57 pm
Thời hạn công tác của các chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam không giống nhau, tùy thuộc vào chuyên môn và nhu cầu cụ thể, thường thì dao động trong khoảng từ vài tháng đến một năm. Thời hạn hai năm chỉ áp dụng đối với Ban lãnh đạo cao nhất của Đoàn chuyên gia như Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn phụ trách công tác chính trị và Tham mưu trưởng. Cách thức tổ chức các đoàn chuyên gia có sự thay đổi cho phù hợp thực tiễn. Trước năm 1968, sau khi hết hạn công tác, toàn bộ Đoàn chuyên gia rời khỏi Việt Nam, một đoàn chuyên gia mới sang thay thế, song cơ chế hoạt động này có nhiều bất cập, nên từ cuối năm 1968, các đoàn chuyên gia luôn được luân chuyển kế tiếp: 1/2 Đoàn chuyên gia hoàn thành nhiệm vụ về nước, đồng thời gửi các chuyên gia sang thay thế; sau khi các chuyên gia mới quen công việc, 1/2 Đoàn còn lại mới về nước.


Tháng 4 năm 1965, Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên có tổng số 100 người, dưới sự chỉ huy của Đại tá A. M. Dưda đã đến Việt Nam với nhiệm vụ "nhanh chóng huấn luyện và đưa vào chiến đấu hai trung đoàn phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam"1 (Chiến thắng không dễ dàng, Tlđd, tr. 149, 150, 47, 47). Cũng trong tháng 4 năm 1965, Trung tâm huấn luyện quân sự dưới sự chỉ huy của Đại tá M. Xigankốp đã đến Việt Nam; trên cơ sở đó, hình thành hai trung tâm huấn luyện quân sự số 1 và 2. Từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 5 năm 1965, Bộ Quốc phòng Liên Xô gửi đến Việt Nam thêm hai trung tâm huấn luyện quân sự2 (Chiến thắng không dễ dàng, Tlđd, tr. 149, 150, 47, 47). Trong một thời gian ngắn, cả bốn trung tâm đã đi vào hoạt động, "đến cuối năm 1966, số lượng chuyên gia quân sự Liên Xô tại bốn trung tâm huấn luyện lên đến 786 người"3 (Chiến tranh Việt Nam là thế đó, Sđd, tr.44, 234). Từ tháng 6 năm 1965 đến tháng 5 năm 1967, "Bộ Quốc phòng Liên Xô đã gửi sang Việt Nam thêm sáu trung tâm huấn luyện tên lửa - phòng không, mỗi một trung tâm đảm nhiệm huấn luyện một trung đoàn phòng không Việt Nam"4 (Chiến thắng không dễ dàng, Tlđd, tr. 149, 150, 47, 47). Tính ra, "từ tháng 4 năm 1965 đến tháng 5 năm 1966, đã có 2.266 chuyên gia phòng không Liên Xô đến Việt Nam"5 (Chiến thắng không dễ dàng, Tlđd, tr. 149, 150, 47, 47) và trong khoảng thời gian đó, "các chuyên gia quân sự Liên Xô đã đào tạo tại chỗ 10 trung đoàn tên lửa phòng không, ba trung đoàn kỹ thuật vô tuyến, hai trung đoàn không quân tiêm kích"6 (Chiến tranh Việt Nam là thế đó, Sđd, tr.44, 234).


Vũ khí, khí tài Liên Xô viện trợ cho Việt Nam được tháo rồi và vận chuyển bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển tới Việt Nam; bên cạnh đó, độ ẩm ở Việt Nam lớn, nhiệt độ cao, khí tài vận hành gần như không ngừng nghỉ, lại chịu sự đánh phá thưồng xuyên của máy bay địch; do vậy, cần phải được lắp ráp, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, phục hồi các khí tài bị hư hại, kiểm tra mức độ sẵn sàng chiến đấu. Đáp ứng yêu cầu đó, bên cạnh các chuyên gia quân sự tác chiến trực tiếp, Liên Xô còn cử đến Việt Nam một đội ngũ chuyên gia kỹ thuật quân sự trình độ chuyên môn cao. Họ hoàn thành những loại công việc mà ngay tại Liên Xô, để thực hiện chúng, cần phải có những thiết bị đặc biệt của những xưởng cố định. Các chuyên gia kỹ thuật Xôviết lắp ráp, thực hiện kiểm tra định kỳ đối với các loại khí tài theo đúng các văn bản hướng dẫn vận hành và các văn bản chỉ dân. Tuy nhiên, do tần suất đánh phá của máy bay Mỹ dày đặc, nên công việc kiểm tra định kỳ hết sức khó khăn và được thực hiện linh hoạt, nhằm đối phó với hoạt động của máy bay địch, song vẫn đảm bảo đúng chỉ định sau mỗi nửa năm, theo mùa, cũng như theo từng tháng, kết hợp với các đợt di chuyển trận địa, trong mùa mưa, trong các đợt ngừng chiến sự. Công việc bảo trì hằng ngày được các chuyên gia tiến hành thường kết thúc lúc nửa đêm. Từ 3 giờ sáng trở đi là chuỗi công việc chuẩn bị chiến đấu hằng ngày cho tất cả các loại khí tài. Đây là chuỗi công việc hết sức đặc biệt và quan trọng, được các chuyên gia Xôviết soạn thảo, áp dụng lần đầu tiên ở Việt Nam, phù hợp điều kiện thực tiễn và yêu cầu chiến đấu. Chưa từng xảy ra các trường hợp phải hủy bỏ lệnh phóng tên lửa, hoặc tên lửa không khởi động do lỗi của các chuyên gia kỹ thuật. Một trọng trách nặng nề khác đặt trên vai các chuyên gia kỹ thuật là đảm nhiệm công tác giảng dạy, huấn luyện thuần thục đội ngũ kỹ thuật viên Việt Nam. Các chuyên gia đưa ra những khuyến cáo về vận hành, giải thích về các quy tắc an toàn kỹ thuật, truyền đạt, làm cho các học viên hiểu rõ, thấm nhuần, hình thành, củng cố kỹ năng và biết cách áp dụng trong thực tiễn chiến đấu. Các chuyên gia Liên Xô đặc biệt chú ý đến việc vận hành tên lửa và tất cả những thiết bị liên quan đến các thành phần của nhiên liệu tên lửa, liên quan đến khối khí nén, bộ phận đầu đạn của tên lửa, ngoài ra còn chú ý đến khâu bảo quản và vận hành các phương tiện nâng/hạ1 (Chiến tranh Việt Nam là thế đó, Sđd, tr.236). Trong những tình huống phức tạp, nguy hiểm của các trận không chiến trong điều kiện diễn ra cuộc chiến vô tuyến điện tử và hỏa lực, các chuyên gia kỹ thuật Xôviết đã không nao núng, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.


Tại sân bay quân sự Nội Bài, các phi công quân sự Liên Xô làm nhiệm vụ huấn luyện các chiến sĩ không quân Việt Nam kỹ thuật hàng không và kỹ thuật lái máy bay với phù hiệu lực lượng không quân Quân đội nhân dân Việt Nam đính trên ngực và tay áo. Các chuyên gia có một lịch làm việc khá căng thẳng: Làm việc tới hơn 12 giờ đồng hồ và nhiều hơn thế/ngày, bay trên những chiếc máy bay kiểu Xpáccơ không được trang bị vũ khí, hoặc những máy bay chiến đấu MIG-21U trong tình trạng bất cứ lúc nào sân bay cũng có thể bị phong tỏa và những chiếc Xpáccơ có tốc độ chậm có thể bị bắn hạ. Hằng đêm, các phi công Liên Xô thực hiện xoay vòng được 20 chuyến bay huấn luyện, hoặc nhiều hơn. Không hiếm trường hợp, máy bay luyện tập do chuyên gia Liên Xô điều khiển bị máy bay Mỹ truy đuổi và các phi công đã phải hạ cánh thẳng xuống sân bay, không có các thiết bị định vị. Cùng với các chuyến bay huấn luyện, các phi công Liên Xô còn đảm nhận những nhiệm vụ khác, thực hiện các chuyến bay thử nghiệm kiểm tra sau khi bảo trì trong mọi điều kiện thời tiết và thời gian trong ngày và trong một số trường hợp, thậm chí đã tham gia chiến đấu.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 09 Tháng Ba, 2023, 02:05:26 pm
Cuối năm 1966, đặc biệt là năm 1967, không quân Mỹ đã sử dụng biện pháp khống chế mạnh mẽ các tổ hợp tên lửa phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam bằng các phương tiện vô tuyến điện tử trên tất cả các băng tần, áp dụng những thủ đoạn chiến thuật mới và những phương tiện kỹ thuật mới để tạo ra và sử dụng các hình thức gây nhiễu với cường độ mạnh và sử dụng tên lửa chống rađa trong khi các tổ hợp tên lửa phòng không S-75 còn chưa được bảo vệ tốt chống lại những phương tiện đó. Do vậy, từ cuối năm 1966 đến tháng 5 năm 1968, Liên Xô gửi sang Việt Nam ba nhóm chuyên gia khoa học quân sự: Nhóm chuyên gia khoa học tên lửa1 (Trong nhóm chuyên gia khoa học tên lửa có nhà khoa học tài năng phụ trách thiết kế tên lửa S-75 và chuyên gia quân sự "huyền thoại I. P. Sápcun" - người đã có công lớn hiện đại hóa tên lửa phòng không SAM, được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương "Chiến thắng" hạng 1, 2, 3), nhóm chuyên gia công nghiệp quốc phòng (85 người)2 (Chiến tranh Việt Nam là thế đó, Sđd, tr.424), nhóm chuyên gia quân sự gây nhiễu và tác chiến điện tử (do Trung tá V. X. Kixilốp chỉ huy)3 (Tình đoàn kết hữu nghị Xô - Việt đời đời bền vững, Tài liệu dịch lưu trữ tại Viện Sử học, tr.56). Ba nhóm chuyên gia nêu trên có nhiệm vụ nghiên cứu, cải tiến hệ thống tên lửa phòng không S-75, cải tiến bộ khí tài tên lửa, tìm ra phương thức gây nhiễu và chống nhiễu hiệu quả. Các chuyên gia quân sự Liên Xô nỗ lực làm việc trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, sinh hoạt khó khăn, triển khai nghiên cứu ở khu vực không quân Mỹ hoạt động tích cực nhất. Do các phương thức gây nhiễu tinh vi của không quân Mỹ, các chuyên gia điện tử Liên Xô đã đo các số liệu về nhiễu không chỉ bằng máy móc chuyên dụng mà cả bằng các phương thức tự tạo. Phân tích các kết qua thu nhận được, trong một thời gian ngắn, các chuyên gia điện tử Liên Xô đã "xác định rõ cơ chế tác động của nhiễu đối với hệ thống bám sát mục tiêu, tìm ra nguyên nhân làm cho tên lửa kém hiệu quả"1 (Chiến tranh Việt Nam là thế đó, Sđd, tr.372). Kết quả được chuyển giao cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam, các đài chỉ huy điều khiển bộ khí tài tên lửa phòng không S-75, giúp bộ đội tên lửa Việt Nam tăng cường khả năng các bộ khí tài tên lửa phòng không chống lại các thủ đoạn gây nhiễu trên cả phương diện chiến thuật và kỹ thuật, đề ra những biện pháp bảo vệ các tổ hợp tên lửa phòng không chống lại các tên lửa chống rađa.


Bên cạnh việc chuyển giao kết quả nghiên cứu, các chuyên gia điện tử Xôviết tổ chức các buổi giảng dạy, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các chuyên viên Việt Nam. Nội dung giảng dạy được thảo luận, lựa chọn cho phù hợp điều kiện và trình độ của học viên Việt Nam và được Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam phê chuẩn2 (Tình đoàn kết hữu nghị Xô - Việt đời đời bền vững, Tlđd, tr.59).


Đầu tháng 3 năm 1972, trong buổi làm việc với Thượng tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đoàn đại biểu quân sự Liên Xô đề nghị ký kết một Hiệp định cho phép Liên Xô cử một tổ khoảng 40 - 50 chuyên gia sang giúp Việt Nam chống nhiễu, gây nhiễu máy bay địch, nhiễu máy ngắm rađa của máy bay địch; đồng thời, đề nghị ký kết một hiệp nghị về việc nghiên cứu vũ khí thu được của địch, nhất là máy móc điện tử của máy bay "Con ma" (F4H), máy ngắm của xe tăng địch, các phương tiện chống tăng của địch1 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 1484). Cuối tháng 3 năm 1972, trong cuộc hội đàm với Đoàn đại biểu quân sự Liên Xô do Nguyên soái Batítxki dẫn đầu sang Việt Nam (ngày 25-3-1972), Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định sẽ cùng Liên Xô tìm biện pháp nghiên cứu khí tài chiến lợi phẩm.


Từ tháng 4 năm 1965 đến tháng 12 năm 1974, Liên Xô cử một đội tàu tình báo Hải quân thuộc Hạm đội Thái Bình Dương (trong đó có những tàu ngầm thuộc loại hiện đại nhất) thường trực tại khu vực biển Đông - Vịnh Bắc Bộ - đảo Guam với nhiệm vụ trinh sát, đảm bảo hoạt động chiến đấu cho các đơn vị vũ trang Xôviết và Việt Nam. Tình báo Hải quân Liên Xô theo dõi và cung cấp thông tin về thời gian cất cánh, chiến thuật đánh phá của máy bay Mỹ, hoạt động của các chiến hạm Mỹ phong tỏa bờ biển Việt Nam. Trong năm 1965, "đội tàu ngầm của Liên Xô đã tiến hành 12 lượt trinh sát tại vùng biển Philíppin và Biển Đông; trong năm 1966, số lượng trinh sát tại các vùng biển nêu trên tăng hơn gấp đôi, đạt 27 lần"1 (Rosin Alexander, Các thủy thủ Xôviết giúp đỡ Việt Nam trong chiến tranh, Tlđd). Những năm 1964 - 1974, trong vùng biển Việt Nam và vùng biển gẩn Việt Nam, thường xuyên có "17 đội tàu trinh sát liên tục hoạt động, thực hiện 94 lượt trinh sát, mỗi lượt kéo dài từ 3 đến 4 tháng"2 (Tình đoàn kết hữu nghị Xô - Việt đời đời bền vững, Tlđd, tr.67). Nhờ các thông tin tình báo do Hạm đội Thái Bình Dương cung cấp, lực lượng phòng không - không quân Việt Nam luôn chủ động di chuyển, ẩn tránh, hoặc đón đánh "thần sấm" B-52.


Nhằm giúp Việt Nam chống lại chiến lược phong tỏa bờ biển của đế quốc Mỹ, rà phá bom mìn trên các cửa cảng, theo đề nghị của Việt Nam, tháng 8 năm 1974, Liên Xô cử một tổ bốn người sang nghiên cứu; tháng 10 năm 1972, Liên Xô cử thêm người cùng với 36 tấn khí tài mò lặn3 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu, Hổ sd số 1633). Tuy nhiên, do chưa quen với các loại bom mìn mới của đế quốc Mỹ, nên hiệu quả công tác rà phá kém, mặc dù các chuyên gia làm việc rất tích cực, nhiệt tình. Sau khi kết thúc chiến dịch rà phá, các chuyên gia Liên Xô đề nghị được ở lại thêm để nghiên cứu cách làm của đế quốc Mỹ (theo Hiệp định Pari đế quốc Mỹ phải phá gỡ và làm mất hiệu lực vĩnh viễn các loại thủy lôi, bom mìn đã thả).


Nhận sự ủy thác của Nhà nước Xôviết, tham gia vào chiến tranh Việt Nam, chuyên gia quân sự Liên Xô đã công hiến sức lực, trí tuệ, thậm chí tính mạng với mong muốn giúp Việt Nam rút ngắn quãng đường đi tới hòa bình. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia quân sự Liên Xô, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống phòng không - không quân hiện đại, hùng mạnh với binh chủng tên lửa phòng không, pháo cao xạ, các phi đội máy bay tiêm kích, binh chủng kỹ thuật vô tuyến, hệ thống các đài chỉ huy và các phương tiện liên lạc. Trong khói lửa chiến tranh Việt Nam, chuyên gia quân sự Liên Xô đã cùng với các chuyên gia Việt Nam nghiên cứu, tích cực cải tiến, phát triển hệ thống phòng thủ phòng không - không quân của Việt Nam trên hai phương diện: kỹ thuật và chiến thuật.


Về kỹ thuật, chuyên gia hai nước đã cải tiến các đài trinh sát, hiện đại hóa các bộ khí tài tên lửa phòng không, mở rộng đáng kể các tính năng chiến đấu của tên lửa, mở rộng tầm tiêu diệt và khả năng đối phó với các máy bay có sử dụng biện pháp cơ động tránh tên lửa. Nhờ công sức đóng góp của các chuyên gia, một loạt biện pháp có tính chất tổ chức - kỹ thuật được đưa ra, theo đó, trong tất cả các bộ khí tài tên lửa phòng không đều có những cải tiến, hoàn thiện, chỉnh lại các tần sô làm việc của đài điều khiển tên lửa, của các thiết bị phản hồi, nâng cao công suất các máy phát tín hiệu phản hồi của tên lửa, sử dụng chế độ thông tin giả trong mạch của máy vô tuyến phát lệnh1 (Chiến tranh Việt Nam là thế đó, Sđd, tr. 298), phát triển hệ thống dẫn đường bị động..., giúp nâng cao khả năng chống nhiễu, làm tăng từ 2,5 đến 3 lần độ điều khiển chính xác tên lửa nhằm vào mục tiêu đang cơ động...


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 09 Tháng Ba, 2023, 02:07:08 pm
Trong chiến tranh Việt Nam, phía Mỹ cũng cải tiến không ngừng các thiết bị chống tên lửa. Một trong các biện pháp mới xuất hiện là việc tạo ra các nhiễu chủ động trên tần số vô tuyến điều khiển tên lửa. Ngày 15 tháng 12 năm 1967, khi tên lửa khai hoả đánh chặn máy bay Mỹ xảy ra hiện tượng: 29 tên lửa được phóng lên, 11 chiếc rơi mất, máy bay đế quốc Mỹ kịp ném hết số bom chúng mang theo và trở về căn cứ an toàn. Trung tâm điều khiển đã không "nhìn thấy" được chúng trên màn hình - đế quốc Mỹ áp dụng cải tiến kỹ thuật phát nhiễu chủ động phá kênh quan trắc của tên lửa. Trước khó khăn mới nảy sinh này, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đề nghị Đại sứ quán Liên Xô giúp đỡ. Đại sứ Liên Xô tại Hà Nội, I. S. Sécbacốp, ngay lập tức tổ chức cuộc họp các chuyên gia quân sự Liên Xô, nhằm thực hiện những công việc cần thiết ngăn chặn các hoạt động chống tên lửa Liên Xô của không quân Mỹ. Để thử nghiệm xác định các thông số định tính và định lượng, cũng như khả năng thay đổi khối điều khiển tên lửa, kỹ sư trưởng A. P. Moixeép đề nghị mở riêng các khối FR-15 và ghi chép cụ thể các kết quả thực nghiệm. Dù đại diện nhà thiết kế cực lực phản đối việc mở các khối FR-15 với lý do giữ bí mật tuyệt đối về chúng, nhưng Đại sứ I. S. Sécbacốp đã nhận toàn bộ trách nhiệm về cuộc thực nghiệm sắp tới về mình, khi việc thử nghiệm kết thúc những người tham gia thử nghiệm đưa ra quyết định: Một phần các tổ hợp tên lửa sẽ được đặt lại dải tần đến 3 MHZ, một phần ở dải tần 1,5 MHZ và số còn lại sẽ không cần thay đổi. Ngay loạt tên lửa đầu tiên, được đặt lại dải tần 3 MHZ máy bay dẫn đầu tốp của Mỹ đã bị bắn rơi. Các phi công Mỹ hoàn toàn không ngờ tới bước ngoặt này đội ngũ của chúng rối loạn và cả phi đội quay đầu bỏ chạy. Thử nghiệm đã thành công. Ngày 30 tháng 3 năm 1968, sau khi cải tiến, một máy bay F-111A của Mỹ bị tên lửa phòng không S-75 bắn rơi. Sự kiện này được "Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô A. Grêsencô báo cáo trực tiếp lên Tổng bí thư L. I. Brơgiênhép"1 (Gaiduk I. V, Liên bang Xôviết và cuộc chiến tranh Việt Nam, Sđd, tr. 31). Từ năm 1965 đến năm 1972, "hệ thống rađa của SA-75 (SAM-2) đã được cải tiến bốn lần với 40 nội dung kỹ thuật để bắt kịp cuộc chiến tranh điện tử của không quân Mỹ"2 (Bách khoa tri thức quốc phòng toàn dân, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.4). Những cải tiến kỹ thuật nêu trên đảm bảo cho bộ đội phòng không Việt Nam đạt hiệu quả cao trong chiến đấu, khiến quân Mỹ bị tổn thất một máy bay/60 lần chiếc xuất kích (trong chiến tranh Triều Tiên không quân Mỹ bị tổn thất một máy bay/750 lần chiếc xuất kích3 (Chiến tranh Việt Nam là thế đó, Sđd, tr.412, 511), "chấm dứt sự thống trị của B-52, F-111, F-105... trên bầu trời và những cuộc ném bom không bị trừng phạt xuống các cơ sở của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa"4 (Chiến tranh Việt Nam là thế đó, Sđd, tr.412, 511).


Về chiến thuật, các chuyên gia quân sự Liên Xô và Việt Nam áp dụng rộng rãi phương pháp cơ động tiểu đoàn tên lửa, tổ chức phục kích, bất ngờ phóng tên lửa vào máy bay địch, thiết lập trận địa giả đi đối với áp dụng những nguyên tắc mới trong cấu tạo các cụm đơn vị tên lửa phòng không, tạo ra các cụm đơn vị tên lửa phòng không có cơ cấu hỗn hợp1 (Chiến tranh Việt Nam là thế đó, Sđd, tr. 345). Các chuyên gia chuyển từ phương pháp huấn luyện chiến đấu cho các trắc thủ của các khẩu đội sang phương pháp tổ chức hiệp đồng đồng bộ các khẩu đội, các đại đội, các tiểu đoàn, các đơn vị cho phù hợp các thay đổi chiến thuật của đối phương.


Nhờ các cải tiến, phát triển kỹ thuật, chiến thuật "trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc giai đoạn 1965 - 1968 và năm 1972, các đơn vị tên lửa SAM-2 của Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh 3.542 trận, trong đó có 588 trận đánh ban đêm; tiêu thụ 5.885 quả đạn; bắn rơi 788 máy bay của không lực Hoa Kỳ, 366 chiếc rơi tại chỗ; trong đó có 43 máy bay B-52; bình quân 7,1 quả đạn diệt được một máy bay, bảo đảm an toàn trong sử dụng và nâng cao độ chính xác khi chiến đấu"2 (Nghiêm Đình Tích (chủ biên), Lịch sử bộ đội tên lửa phòng không (1965 - 2005), Nxb Quân Đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 575-576).


Về phía Liên Xô, kinh nghiệm tác chiến của các đơn vị tên lửa phòng không - không quân ở Việt Nam đã được phân tích, nghiên cứu kỹ lưỡng và được áp dụng rộng rãi trong công tác huấn luyện chiến đấu của Binh chủng Phòng không Liên Xô và ở tất cả các nước tham gia Hiệp ước Vácxava3 (Chiến tranh Việt Nam là thế đó, Sđd, tr.367). Bộ Quốc phòng Liên Xô cho soạn thảo và phát hành những bản thông báo kỹ thuật bằng nhiều thứ tiếng, đăng tải những tổng kết chiến tranh, những đề xuất về cải tiến cơ cấu các cụm đơn vị tên lửa phòng không trên cơ sở kinh nghiệm từ chiến tranh Việt Nam. Những thông tin thu thập được trong quá trình tác chiến ở Việt Nam đều được phổ biến rộng rãi trong các trường quân sự của Liên Xô, kể cả tại các trường quân sự có các cán bộ chuyên môn quân sự của nước ngoài theo học.


Các bộ khí tài tên lửa phòng không được các chuyên gia quân sự Liên Xô và Việt Nam cải tiến, hiện đại hóa đã giúp binh chủng tên lửa phòng không của Liên Xô và của những nước được cung cấp các bộ khí tài tên lửa ấy có bước nhảy vọt về chất lượng và hiệu quả hoạt động1 (Chiến tranh Việt Nam là thế đó, Sđd, tr. 90). Tổng kết kinh nghiệm chiến tranh ở Việt Nam, các chuyên gia quân sự Liên Xô nghiên cứu và áp dụng nguyên tắc mới trong cơ cấu các cụm đơn vị tên lửa phòng không ở Liên Xô2 (K. V. Yakovlevich, Chiến tranh Việt Nam, Tài liệu dịch lưu trữ tại Thư viện Quân đội, 1988, tr.54, 59, 30). Kinh nghiệm chiến đấu ở Việt Nam "được phổ biến, áp dụng cho cuộc chiến tranh 7 ngày (tháng 6-1967) giữa Ai Cập (có Liên Xô đứng sau) và Itxraen"3 (K. V. Yakovlevich, Chiến tranh Việt Nam, Tài liệu dịch lưu trữ tại Thư viện Quân đội, 1988, tr.54, 59, 30). Ngoài ra, "Chính phủ Liên Xô quyết định sao chép một số kiểu vũ khí Mỹ, như tên lửa đạn đạo Sparrow-3, động cơ máy bay, các thiết bị điện tử trong ngành công nghiệp của Liên Xô"4 (K. V. Yakovlevich, Chiến tranh Việt Nam, Tài liệu dịch lưu trữ tại Thư viện Quân đội, 1988, tr.54, 59, 30), đẩy nhanh kỹ thuật quân sự quốc phòng của Liên Xô phát triển lên một bước.


Dưới sự chỉ đạo của Trưởng nhóm chuyên gia tên lửa, Thiếu tướng V. X. Kítxhanxki, "một nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô đã tiến hành phân tích, hệ thống hóa và tổng kết kinh nghiệm tác chiến và xuất bản cuốn sách Kinh nghiệm tác chiến của bỉnh chủng tên lửa phòng không ở Việt Nam"1 (K. V. Yakovlevich, Chiến tranh Việt Nam, Tlđd, tr.45). Cuốn sách được ấn hành ngày 23 tháng 2 năm 1968 và được phổ biến đến từng tiểu đoàn tên lửa. Năm 1972, "trong cuộc thi các tác phâm khoa học quân sự mang tên M. V. Phrunde do Bộ Quốc phòng Liên Xô tổ chức, cuốn sách đã được trao giải nhất2 (Chiến tranh Việt Nam là thế đó, Sđd, tr. 344, 320, 324) và hiện nay đang được sử dụng trong các khoa chuyên ngành tại các trường quân sự.


Theo thống kê của Tổng cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô, "từ ngày 11 tháng 7 năm 1965 đến ngày 31 tháng 12 năm 1974, có 6.359 sĩ quan, tướng lĩnh và hơn 4.500 binh sĩ, hạ sĩ quan các lực lượng vũ trang Liên Xô tham gia chiến đấu tại Việt Nam"3 (Chiến tranh Việt Nam là thế đó, Sđd, tr. 344, 320, 324); "13 chuyên gia quân sự Liên Xô đã hy sinh"4 (Tạp chí "Sư tử vàng", số 73-74, ngoài 13 chuyên gia quân sự hy sinh do bom đạn Mỹ. còn có ba chuyên gia mất tại Việt Nam vì bệnh tật). Vì lòng quả cảm, tinh thần chiến đấu quên mình và những đóng góp to lớn đối với nhân dân Việt Nam, "2.190 chuyên gia quân sự được tặng các phần thưởng của Nhà nước Liên Xô, hơn 3.000 chuyên gia quân sự được tặng thưởng các huân chương và huy chương của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa"5 (Chiến tranh Việt Nam là thế đó, Sđd, tr. 344, 320, 324).
   Nhìn chung lại, những năm 50 của thế kỷ XX bức tranh chính trị thế giới tiếp tục có những vận động thay đổi không ngừng; trong đó, nổi bật là cục diện đoi đầu Đông - Tây. Cùng với sự xuất hiện của đối đầu Đông - Tây là cuộc chiến tranh lạnh diễn ra trên toàn cầu, lôi cuốn vào nó sự tham gia của nhiều quốc gia khác nhau.
   Ám ảnh bởi mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản, đế quốc Mỹ ngày càng can thiệp sâu, dính líu sâu vào nhiều nơi trên thế giới. Trong khi đó, Liên Xô - đối thủ cạnh tranh với đế quốc Mỹ đang có những bước phát triển quan trọng và cũng đang hướng tới việc củng cố địa vị, ảnh hưởng của mình trên thế giới.
   Trong chiến lược toàn cầu của đế quốc Mỹ, Việt Nam trỏ thành một điểm nóng mà ở đó, cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam ngày càng khốc liệt. Đương đầu với một đối thủ là đế quốc Mỹ với sức mạnh về kinh tế, quân sự vượt trội, Việt Nam luôn cần và ra sức tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế, nhất là của những nước xã hội chủ nghĩa.
   Còn Liên Xô, sau một thời gian dài thực hiện chính sách chung sống hòa bình đã có những thay đổi nhất định trong quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế - những thay đổi này diễn ra gắn với việc thay đổi ban lãnh đạo đất nước. Sau khi Ban lãnh đạo mới nắm quyền, Liên Xô tuy vẫn khẳng định quan điểm hoà dịu quốc tế, song đã có những điều chỉnh đường lối quan trọng. Đối với vấn đề Việt Nam, thái độ của Liên Xô ngày càng trở nên tích cực hơn, Liên Xô tăng cường giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam một cách toàn diện, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực khác nhau: Từ chính trị - ngoại giao, kinh tế - kỹ thuật... đến quân sự. Thậm chí, Liên Xô đã gửi quân nhân sang Việt Nam giúp đỡ chiến đấu mặc dù hiểu rằng đây là một sự mạo hiểm vì có khả năng đụng độ với đế quốc Mỹ và làm phức tạp hơn tính chất của cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Trong bối cảnh thế giới phức tạp, trên phông nên cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày càng ác liệt, sự giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng cả về vật chất, tinh thần: Việt Nam thực hiện thăng lợi cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, thống nhất đất nước. Sự giúp đỡ của Liên Xô cho Việt Nam đã tăng cường đáng kể sức mạnh mọi mặt của Việt Nam, được Việt Nam sử dụng một cách hiệu quả, tạo ra sức mạnh tổng hợp cần và đủ để chiến đấu và chiến thắng.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 09 Tháng Ba, 2023, 02:08:47 pm
Chương 3
ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA SỰ ỦNG HỘ, GIÚP ĐỠ CỦA LIÊN XÔ ĐỐI VỚI VIỆT NAM TRONG HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC
(1945 - 1975)


I. ĐẶC ĐIỂM

1. Giúp đỡ Việt Nam một cách toàn diện và hiệu quả

* Về chính trị

Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dù Việt Nam và Liên Xô chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, song báo chí của Liên Xô vẫn đăng tải những bài viết tuyên truyền về cuộc đấu tranh chính nghĩa và anh dũng của nhân dân Việt Nam. Liên Xô ủng hộ việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gia nhập Hội đồng kinh tế châu Á - Viễn Đông. Đặc biệt, Liên Xô thường xuyên giúp đỡ những đoàn đối ngoại của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi ra nước ngoài tham dự các hội nghị quốc tế - đó là sự ủng hộ cả về vật chất và chính trị. Sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, sự ủng hộ của Liên Xô được nâng lên một bước. Liên Xô kiến nghị kết nạp Việt Nam vào Liên Hợp Quốc, bảo vệ Việt Nam khi Mỹ cho rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa phải là một quốc gia. Liên Xô cũng tích cực giúp đỡ để Việt Nam tham gia Hội nghị Giơnevơ và đấu tranh để bảo đảm quyền lợi cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị này.


Sự ủng hộ, giúp đỡ về chính trị của Liên Xô cho Việt Nam ngày càng to lớn và ngày càng có tác dụng quan trọng, nhất là trong những năm Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Có vai trò, vị trí, ảnh hưởng trong các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu, các đảng Cộng sản Tây Âu, Mỹ Latinh và một số đảng châu Á và trong các đoàn thể quần chúng quốc tế, Liên Xô tích cực kêu gọi các phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, giúp Việt Nam vận động các đoàn thể quần chúng thế giới, tổ chức nhiều hội nghị quốc tế lên tiếng bảo vệ Việt Nam. Liên Xô cùng các nước tham gia Hiệp ước Vácxava ra bảy tuyên bố và các đảng ra bốn tuyên bố lên án đế quốc Mỹ, ủng hộ Việt Nam1 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr. 30). Trong các tuyên bố, trên các diễn đàn và tổ chức quốc tế cũng như trong các cuộc gặp với các nhân vật cấp cao của Chính phủ Mỹ, Liên Xô tập trung yêu cầu đế quốc Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc, rút quân khỏi miền Nam, công việc nội bộ miền Nam Việt Nam phải do nhân dân miền Nam tự giải quyết.


Các tuyên bố ủng hộ Việt Nam, lên án đế quốc Mỹ xâm lược của Liên Xô tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho nhân dân Việt Nam, buộc đế quốc Mỹ mỗi bước phiêu lưu, mỗi tính toán leo thang chiến tranh đều phải xem xét, cân nhắc thái độ, phản ứng của Liên Xô. Việt Nam tận dụng vai trò quan trọng của Liên Xô trên trường quốc tế, đặc biệt đối với các nước Đông Âu, các tổ chức dân chủ, hoà bình, với các nước đang tiến hành cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc... để quảng bá cho tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến. Ngoài ra, Liên Xô còn tổ chức những phong trào rầm rộ, mạnh mẽ ủng hộ Việt Nam. Các tò báo lớn - các cơ quan ngôn luận của Đảng, của Chính phủ Liên Xô đã đăng tải hàng trăm bài xã luận và bình luận nghiêm khắc chỉ trích đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, tỏ rõ ý chí trước sau như một của nhân dân Liên Xô đoàn kết với Việt Nam.


Cuộc chiến tranh càng lan rộng, càng ác liệt, sự ủng hộ của Liên Xô đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam lại càng mạnh mẽ, nhiệt thành. Sự ủng hộ ấy góp phần hình thành nên một mặt trận nhân dân thế giới chống đế quốc Mỹ, sát cánh cùng Việt Nam trong những bước đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, lên án thái độ hiếu chiến của đế quốc Mỹ, lên án những tội ác đế quốc Mỹ gây ra ở Việt Nam.


Đây là nhân tố quốc tế rất quan trọng có lợi cho Việt Nam. Thông qua những hoạt động tuyên truyền, vận động của Liên Xô trên nhiều diễn đàn quốc tế, nhân dân thế giới ngày càng nhận rõ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam tiêu biểu cho chính nghĩa chống phi nghĩa, chống bạo tàn. Loài người nhận rõ ủng hộ Việt Nam là ủng hộ những người chiến đấu bảo vệ phẩm giá và những giá trị của loài người, những nguyện vọng của thời đại. Những phong trào này là nguồn cổ vũ lớn lao, mạnh mẽ đối với nhân dân Việt Nam, góp phần nâng cao tầm vóc cuộc chiến đấu của Việt Nam trên thế giới.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 09 Tháng Ba, 2023, 02:09:24 pm
* Về kinh tế kỹ thuật

Với nền kinh tế lạc hậu, có xuất phát điểm thấp như Việt Nam thì sự giúp đỡ của Liên Xô dành cho Việt Nam là hết sức quý báu. Liên Xô viện trợ cho Việt Nam các loại máy móc, thiết bị, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng... Hầu như các ngành quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam đều có sự giúp đỡ, viện trợ của Liên Xô như công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, giao thông vận tải, nông nghiệp... trong đó có những công trình, nhà máy mang tính chất mở đường và trở thành đầu đàn cho một số ngành nghề sau này như công nghiệp gang thép, ngành dệt kim, ngành đóng tàu... Các công trình này góp phần nhanh chóng khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân Việt Nam, tạo điều kiện cho miền Bắc trở thành hậu phương lớn cho miền Nam đánh Mỹ.


Liên Xô đã giúp Việt Nam hình thành cấu trúc nền kinh tế, xây dựng nền móng kinh tế Việt Nam. Các ngành kinh tế công nghiệp từ chỗ hầu như nhỏ, yếu, thiếu, nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô, đã định hình, phát triển, đóng góp cho sự phát triển chung của cả nền kinh tế.


Các hàng hóa viện trợ cho Việt Nam đểu có số lượng, khối lượng lớn, đa dạng, phong phú về chủng loại, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu đến xây dựng, vận hành các công trình công nghiệp lớn. Ngoài sự giúp đỡ từ phía Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân Xôviết cũng có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Số tiền mà nhân dân Liên Xô quyên góp có giá trị đã được kịp thời chuyển tới Việt Nam, biểu hiện tình cảm rộng lớn của những người bạn, người anh em đối với nhân dân Việt Nam.


Liên Xô góp phần quan trọng xây dựng nền móng cho giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật cho Việt Nam, góp phần to lớn thúc đẩy văn hóa phát triển. Những đội ngũ cán bộ, kỹ sư, bác sĩ, giảng viên... mà Liên Xô giúp đỡ đào tạo thực sự trở thành những nhân tố quan trọng, những hạt giống quý báu đóng góp cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.


Liên Xô thường xuyên cho Việt Nam vay những khoản tín dụng ưu đãi, hoặc không tính lãi, viện trợ không hoàn lại. Đặc biệt, Liên Xô thường xuyên viện trợ tăng thêm, đáp ứng những yêu cầu đột xuất của Việt Nam. Quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với Liên Xô không mang ý nghĩa buôn bán, trao đổi hàng hóa thông thường, không tính đến yếu tố lợi nhuận, chủ yếu là ủng hộ, giúp đỡ, Việt Nam được lợi là chủ yếu.


* Về quân sự

Trong điều kiện "nền kinh tế trong nước chỉ bảo đảm cho trang bị vũ khí của quân đội không đáng kể, chủ yếu là bảo đảm ăn, mặc, ở cho quân đội"1 (Bộ Tổng Tham mưu, Báo cáo tình hình trang bị của quân đội ta và đề nghị xin viện trợ quân sự năm 1966, ngày 23 tháng 9 năm 1965, Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, 1965, tr.9), sự giúp đỡ của Liên Xô là vô cùng cần thiết. Là nước có nền công nghiệp quốc phòng hùng hậu và hết sức phát triển, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam nhiều loại vũ khí tôi tân (như tên lửa, máy bay, xe tăng, các loại súng phòng không...) và viện trợ với số lượng lớn. Bên cạnh đó, Liên Xô cùng không ngừng nghiên cứu, cải tiến tính năng, tốc dụng của các loại vũ khí này để chúng phù hợp hơn, phát huy tác dụng tốt hơn trên chiến trường Việt Nam.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 09 Tháng Ba, 2023, 02:10:06 pm
2. Thể hiện tình cảm, sự giúp đỡ vô tư, trong sáng trên tinh thần quốc tế cao cả của Liên Xô đối với Việt Nam

Việt Nam và Liên Xô tuy xa cách nhau về mặt địa lý, nhưng hai dân tộc đã có sự hiểu biết và tiếp xúc từ rất sớm. Chuyên gia Việt Nam học A. Xôcôlôp cho biết: "Lần đầu tiên ở Nga người ta được biết về Việt Nam là vào năm 1783. Khi đó, xưởng in Trường Đại học Mátxcơva đã phát hành bộ sách nhiều tập dịch từ tiếng Pháp mô tả các nước khác nhau. Một trong những tác giả là S. Barón, con trai của đại diện Công ty Đông Ấn Hà Lan tại Bắc Kỳ đã dành 65 trang để nói về khí hậu, tôn giáo, quân đội, hệ thống tài chính và các phong tục dân gian của Việt Nam"1 (Người Nga biết Việt Nam từ khi nào?, vietnamese.ruvr.ru), ở Việt Nam, có lẽ Lê Quý Đôn là người đầu tiên nhắc đến một quốc gia có tên gọi "nước Nga" trong công trình của mình. Người trình bày chi tiết, kỹ càng hơn về đất nước này là Philip Bỉnh - một linh mục Công giáo Dòng Tên ở Việt Nam. Tuy nhiên, mối quan hệ gần gũi giữa hai dân tộc Việt - Nga chỉ thực sự bắt đầu từ sau Cách mạng Tháng Mười (năm 1917). Hoạt động cách mạng, trên hành trình tìm kiếm một con đường giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa thực dân, những nhà cách mạng Việt Nam, mà tiêu biểu là Nguyễn Ái Quốc, đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tinh thần, quan điểm của Cách mạng Tháng Mười.


Những năm 1920 - 1930, quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng Liên Xô được tiếp nối trên cơ sở các hoạt động phong phú của Nguyễn Ái Quốc. Tháng 6 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật đến Liên Xô và được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập đường dây liên lạc Mátxcơva - Pari - Việt Nam, phá vỡ sự đơn độc, thế bị bao vây, cô lập của cách mạng Việt Nam, kết gắn cách mạng Việt Nam với Liên Xô - chiếc nôi cách mạng thế giới. Quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng Liên Xô càng thêm phần gắn bó khi Liên Xô và Quốc tế Cộng sản quan tâm, giúp đỡ đào tạo những nhà cách mạng Việt Nam đầu tiên. Trường Đại học Phương Đông, Trường quốc tế Lênin, Viện Nghiên cứu những vấn đề dân tộc và thuộc địa... là những địa chỉ tin cậy đào tạo cán bộ cách mạng cho Việt Nam. Sau này, trong những chặng đường cách mạng khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn đặt ra và thực hiện nhiệm vụ gắn kết hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước thông qua những hành động thiết thực. Nhằm tuyên truyền về đất nước, con người Xôviết, củng cố, phát triển quan hệ giữa Việt Nam - Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên viết bài, trả lời phỏng vấn báo, đài Liên Xô. Tháng 5 năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết Hai ngày kỷ niệm vẻ vang, giới thiệu về chiến thắng của nhân dân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai (ngày 9-5-1945) và chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 7-5-1954), nêu lên những bài học kinh nghiệm rút ra từ những thắng lợi vĩ đại này. Tháng 11 năm 1967, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc (gửi cho báo Pravđa) khẳng định những nỗ lực và công hiến của nhân dân Liên Xô trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, gìn giữ hoà bình thế giới cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần ổn định tình hình khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Về phần mình, nhân dân Liên Xô cũng dành cho Việt Nam những tình cảm trân trọng và quý mến, thậm chí là cảm phục - đó là tình cảm dành cho một dân tộc dù nhỏ bé, song vẫn anh dũng trên tuyến đầu chống đế quốc, thực dân vì độc lập, tự do của mình và vì hòa bình, tiến bộ trên thế giới.


Như vậy, qua những hoạt động cụ thể đó, tình cảm hữu nghị, gắn bó giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng Liên Xô dân dân được hình thành và ngày càng phát triển. Dù xa cách về mặt địa lý, nhưng giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô đã hình thành một tình cảm thân thiết, gắn bó...


Gây chiến tranh quy mô lớn ở Việt Nam và Đông Dương, biến miền Nam Việt Nam trở thành một trong những mắt xích quan trọng quá trình thực hiện mục tiêu mang tính khu vực và toàn cầu, đế quốc Mỹ đã thách thức ý chí độc lập, tự do, thách thức quyền dân tộc bất khả xâm phạm của nhân dân Việt Nam; đồng thời, thách thức cả hệ thống xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam là một thành viên và Liên Xô là trụ cột.


Trước an ninh của một nước xã hội chủ nghĩa bị đe dọa, Liên Xô không thể làm ngơ. Giúp đỡ nhân dân Việt Nam kháng chiến chống đế quốc Mỹ, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ của Liên Xô với tư cách là một thực thể đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa. Đó là sự thể hiện tình cảm gắn bó, trân trọng đối với một dân tộc đang phấn đấu cho những mục tiêu cốt tử của đất nước và đóng góp cho hòa bình, tiến bộ của các lực lượng dân chủ trên thế giới của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô. Trên cơ sở mối quan hệ được hình thành và dần phát triển cũng như sự gắn bó về mặt tình cảm giữa hai dân tộc, Liên Xô giúp đỡ Việt Nam một cách vô tư, chân thành với những sự ủng hộ cả về vật chất và tinh thần vô cùng to lớn. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, lúc chưa lập quan hệ ngoại giao chính thức, Liên Xô vẫn trợ giúp tài chính cho phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Băngcổc. Liên Xô tăng cường lên án âm mưu gây chiến của thực dân Pháp ở Đông Dương, tuyên truyền cho hoạt động ngoại giao của Chính phủ Hồ Chí Minh và cho Hiến pháp dân chủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Liên Xô in ấn nhiều ấn phẩm về Đông Dương và Việt Nam, giúp nhân dân Xôviết hiểu thêm về lịch sử, đất nước, con người và cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam. Thời kỳ Việt Nam tiến hành kháng chiến chống đế quốc Mỹ trong mỗi bước phát triển của cuộc kháng chiến, Liên Xô đều có những phát biểu, tuyên bố ủng hộ một cách mạnh mẽ. Các cơ quan báo chí, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình đều mở những đợt tuyên truyền rộng rãi về chiến thắng của nhân dân Việt Nam, các đoàn thể quần chúng Liên Xô gửi điện mừng các đoàn thể quần chúng miền Nam Việt Nam. Ngoài ra, trong quan hệ hợp tác về kinh tế, Liên Xô viện trợ và giúp đỡ Việt Nam là chủ yếu.


Không quản khó khăn, ác liệt của chiến tranh, không sợ hy sinh xương máu, chuyên gia Liên Xô có mặt tại Việt Nam, cùng đồng cam cộng khổ với nhân dân Việt Nam, giúp Việt Nam xây dựng và bảo vệ đất nước. Một số lượng lớn chuyên gia quân sự của Liên Xô đã sang Việt Nam trong những năm từ 1965 đến 1975 cùng chiến đấu với các chiến sĩ Việt Nam dưới mưa bom bão đạn. Trong cuộc chiến đấu ấy, những người con của đất nước Xôviết đã công hiến hết mình và 13 chuyên gia quân sự Liên Xô đã hy sinh cho sự nghiệp độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 09 Tháng Ba, 2023, 02:11:03 pm
3. Sự giúp đỡ, ủng hộ của Liên Xô đối với Việt Nam thể hiện tinh thần quốc tế sâu sắc, cao cả

Ngay sau khi thành lập Nhà nước Xôviết đầu tiên trên thế giới, V. I. Lênin đã tuyên bố: "Những người Bônsêvích tạo ra những quan hệ quốc tế mới, tạo điều kiện cho tất cả các dân tộc bị áp bức thoát khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa đế quốc. Mối quan hệ quốc tế này là hoàn toàn trái ngược với mối quan hệ quốc tế dưới chế độ tư bản chủ nghĩa mà thực chất là sự áp bức công khai kẻ yếu"1 (V. I. Lênin, Toàn tập, tập 20, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr. 402). C. Mác từng nói: "Để các dân tộc có thể thực sự đoàn kết được với nhau, họ phải có chung một lợi ích"2 (C. Mác, Ph. Ănghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 371). Trên tinh thần đó, sau khi hàng loạt các nước xã hội chủ nghĩa ra đời và trở thành hệ thống thế giới, quan hệ giữa các nước xã hội chủ nghĩa được xây dựng trên sự thống nhất về thế giới quan, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm cơ sở của đường lối, chính sách, thực hiện mục tiêu đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. Các nước xã hội chủ nghĩa có sự thống nhất về chế độ kinh tế, chính trị, xã hội, có chung nhận thức về vai trò lãnh đạo đối với toàn xã hội của các đảng Cộng sản cầm quyền. Trên cơ sở đó, các nước tự nguyện đứng chung trong một khối đồng minh, hợp tác, giúp đỡ nhau bình đẳng, cùng có lợi.


Từ năm 1945 cho đến cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, hệ thống xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế, quân sự, chính trị - xã hội, uy tín ngày càng cao, có vai trò to lớn trong giải quyết những vấn đề quốc tế. Để tồn tại, phát triển và trở thành lực lượng đối trọng với các nước tư bản chủ nghĩa, các nước xã hội chủ nghĩa thiết lập mối quan hệ chặt chẽ, gắn với nhau trong một hệ thống trên những điểm chung cơ bản về đường lối, chính sách, bản chất chế độ và cơ chế vận hành chính trị, bộ máy quyền lực nhà nước... Như vậy, quan hệ giữa các nước xã hội chủ nghĩa được xây dựng trên nên tảng của chủ nghĩa quốc tế với những nguyên tãc cơ ban: Tôn trọng độc lập và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; hợp tác và tương trợ lẫn nhau trên tình đồng chí; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Chủ nghĩa quốc tế còn được thể hiện ở các chính sách chung: Mạnh mẽ chống chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa thực dân, chống chiến tranh thế giới, bảo vệ hoà bình, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, ủng hộ phong trào đâu tranh của nhân dân lao động các nước vì hoà bình, dân sinh, dân chủ.


Trên nền tảng thế giới quan thống nhất và nguyên tắc "quốc tế vô sản", giữa Liên Xô với các nước xã hội chủ nghĩa hình thành mối quan hệ gắn bó, giúp đỡ và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi vì sự tồn tại, phát triển của mỗi nước, cũng như toàn bộ hệ thống. Đó là "quan hệ kiểu mới" mà lợi ích của mỗi thành viên về cơ bản là trùng hợp với lợi ích của toàn khối, sự vững mạnh của từng quốc gia thành viên tạo nên sức mạnh của cả hệ thống. Đoàn kết hữu nghị là chất gắn kết, là chất xúc tác trong quan hệ gắn bó, giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau về các chính sách đối nội, đối ngoại, về các vấn đề quốc tế... giữa các nước xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ chiến tranh lạnh.


Bước vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ - hai lực lượng đế quốc hùng mạnh với tiềm lực kinh tế, quân sự vượt trội, Việt Nam không thể chiến đấu đơn độc; Việt Nam cần có sự ủng hộ của các lực lượng dân chủ tiến bộ hòa bình trên thế giới, nhất là của các nước xã hội chủ nghĩa. Vì thế, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế trở thành nhiệm vụ hàng đầu trong thực hiện đường lối đối ngoại và vận động quốc tế của Đảng, Nhà nước Việt Nam; trong đó, tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô là rất quan trọng, mang tính nguyên tắc của cách mạng Việt Nam.


Về phía Liên Xô, trên tinh thần quốc tế vô sản, với nghĩa vụ và trách nhiệm của một nước trụ cột của phe xã hội chủ nghĩa, Liên Xô đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ giúp đỡ to lớn và toàn diện. Sự giúp đỡ của Liên Xô cho Việt Nam đến từ cả phía Nhà nước lẫn các tổ chức đoàn thể quần chúng. Những khoản viện trợ không hoàn lại, những hợp đồng kinh tế không tính đến lợi nhuận... mà Liên Xô dành cho Việt Nam; sự hy sinh xương máu của những người con Xôviết trên cả mặt trận kinh tế và quân sự... là những minh chứng cụ thể về chủ nghĩa quốc tế trong sáng trong sự giúp đỡ của Liên Xô cho Việt Nam. Những cuộc mít tinh của đông đảo quần chúng Liên Xô, những khoản vật chất to lớn mà các tổ chức Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên... của Liên Xô gửi đến cho nhân dân Việt Nam càng khẳng định rõ hơn tinh thần quốc tế vô sản của nhân dân Liên Xô đối với nhân dân Việt Nam. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" - sự giúp đỡ to lớn ấy của Liên Xô dành cho Việt Nam chỉ có thể có được trên nền tảng của chủ nghĩa quốc tế mà Liên Xô luôn theo đuổi và thực hiện trong thực tế. Khẳng định tinh thần quốc tế trong sáng, cao cả đó của Liên Xô cho Việt Nam, Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu: "Bộ Chính trị Trung ương Đảng chúng tôi cảm ơn về sự giúp đỡ vật chất của Liên Xô cho những vùng mối được giải phóng... Tất cả điều đó làm cho nhân dân và những người cộng sản Việt Nam càng thấy rõ thêm vai trò của Liên Xô đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Điều này làm cho nhân dân miền Nam Việt Nam càng nhận thấy sâu sắc rằng, mọi thắng lợi đều gắn liền với sự giúp đỡ to lớn và quý báu của Liên Xô"1 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr. 60).


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 09 Tháng Ba, 2023, 02:11:39 pm
II. Ý NGHĨA

1. Góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

Lợi ích cao nhất, mục tiêu chiến lược của nhân dân Việt Nam trong 30 năm chiến tranh cách mạng (1945 - 1975) là độc lập, tự do, thống nhất đất nước và mục tiêu ấy phù hợp với nguyện vọng của đại đa số dân tộc trên thế giới, phù hợp với xu thế chung của thời đại, vì thế, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân thế giới cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội - đây chính là cơ sở, là nền tảng để nêu cao đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, tăng cường quan hệ với Liên Xô, tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, lây đó làm cơ sở cùng với Liên Xô thực hiện các cuộc vận động quốc tế. Việc Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ đó kéo theo việc thiết lập quan hệ với Việt Nam của nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác đã trực tiếp góp phần củng cố, khẳng định vị trí thực thể chính trị độc lập của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhờ thái độ kiên quyết của Liên Xô, nhờ sự vận động mạnh mẽ của Liên Xô mà Việt Nam đã có thể tham gia vào Hội nghị Giơnevơ với tư cách là một bên quan trọng cho dù các nước đế quốc hêt sức phản đối, dù cho Việt Nam chưa được nhiều nước trên thế giới thừa nhận. Đó không đơn thuần là một thắng lợi ngoại giao của Việt Nam, mà là một thắng lợi chính trị vô cùng to lớn, quan trọng, nó mở đường cho sự tham gia của Việt Nam vào những sự kiện quốc tế quan trọng khác và có tiếng nói có trọng lượng liên quan đến những vấn đề khu vực và thế giới.


Liên Xô cùng với các nước xã hội chủ nghĩa khác đã hình thành một hậu phương rộng lớn, hùng mạnh của Việt Nam, tạo nên một thế chính trị vững chắc mà các đối phương của Việt Nam luôn phải dè chừng, luôn phải tính toán đến trong các nỗ lực điều hành chiến tranh.


Nhờ sự vận động của Liên Xô, ở nhiều nước, các "Ủy ban đoàn kết với Việt Nam", "Ủy ban ủng hộ Việt Nam"... được thành lập, các hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam được tổ chức thường kỳ. Trên các diễn đàn thế giới, thế chính nghĩa của Việt Nam được nâng lên, được phát huy, làm thất bại các thủ đoạn ngoại giao lắt léo và làm suy yếu hậu phương của đế quốc Mỹ. Tinh thần, hoạt động đấu tranh vì Việt Nam của Liên Xô tác động trực tiếp đến chính sách của chính phủ các nước, trước hốt là các nước phát triển. Hầu hết các nước Tây Bắc Âu, kể cả các đồng minh của đế quốc Mỹ trong NATO đều thận trọng, tránh bày tỏ ủng hộ hoặc đồng tình với lập trường chiến tranh của đế quốc Mỹ.


Những nỗ lực to lớn của Liên Xô, sự tuyên truyền và thái độ cương quyết của Liên Xô trong việc thể hiện thái độ lên án đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam góp phần quan trọng tác động đến chính phủ các nước. Chính phủ Thụy Điển, Chính phủ Pháp (Đờgôn) chính thức lên án đế quốc Mỹ, ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Sự ủng hộ của Liên Xô lan tỏa nhanh chóng, ảnh hưởng, dẫn đến sự hình thành, phát triển của một mặt trận quốc tế rộng lớn, sát cánh ủng hộ nhân dân Việt Nam, góp phần tạo ra một tập hợp lực lượng chưa từng thấy, bao vây, cô lập và tiến công đế quốc Mỹ từ nhiều phía. Vị thế, ảnh hưởng quốc tế của Việt Nam, nhờ thế, ngày một vững chắc, ngày một nâng cao.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 23 Tháng Ba, 2023, 08:19:59 am
2. Góp phần xây dựng, bảo vệ miền Bắc với tư cách là hậu phương lớn, chi viện đắc lực cho miền Nam đấu tranh giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Nhờ sự giúp đỡ, ủng hộ của Liên Xô, trong đó có viện trợ trang thiết bị thiết yếu cho những ngành sản xuất công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng và nông nghiệp năm 1957, sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp miên Bắc Việt Nam đạt mức năm 1939; đưa giá trĩ sản lượng công nghiệp trong tổng giá trị sản lượng công nông nghiệp từ 1,5% (năm 1954) lên 24% (năm 1957), đáp ứng yêu cầu thiết yếu về hàng tiêu dùng của nhân dân. Trong 3 năm (1955 - 1957), lần lượt bốn tuyến đường sắt với 168 cầu, cống được phục hồi, nối Thủ đô với các miền đất nước. Đường bộ, đường sông, cảng biển cũng đã lưu thông. Các tuyến điện thoại, điện báo, đường thư và công văn từ Trung ương về địa phương và đường dây liên tỉnh, nội tỉnh được nối liền, phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo sản xuất, cải cách ruộng đất, chống cưỡng bức di cư, chống phỉ và các yêu cầu về quốc phòng, an ninh. Những năm từ 1954 đến 1965, miền Bắc Việt Nam chủ động sản xuất được một số máy móc đơn giản, trang thiết bị phục vụ công cuộc xây dựng miền Bắc, bảo đảm một phần những nhu cầu cấp thiết về kinh tế và quốc phòng: Sản xuất được 46% năng lượng điện, 90% than đá, hơn 80% máy cắt kim loại, 100% apatít, thiếc, supe phốt phát và 1/2 sản lượng xuất khẩu1 (V. Koroviakovski, Lịch sử Việt Nam cận hiện đại, Tlđd, tr. 69).


Nhờ sự chi viện, giúp đỡ tích cực của Liên Xô, các ngành chủ yếu của nền kinh tế miền Bắc như điện lực, cơ khí, luyện kim, hóa chất, vật liệu xây dựng... đã dần hình thành và phát triển. Năm 1965, công suất điện năng miền Bắc đã tăng gấp 10 lần so với năm 1955; cơ khí tăng 30% mỗi năm. Đến năm 1965, miền Bắc đã xây dựng 1.132 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh. Công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm năm 1960 so với năm 1957 tăng 60,4%. Công nghiệp địa phương có bước phát triển vượt bậc: năm 1960 tăng gấp 10 lần so với nam 1957. Những năm từ 1966 đến 1971, sản xuất nông nghiệp tăng 141,9% so với thời kỳ 1954 - 1957 và những năm từ 1972 đến 1975 tăng 158,9%. Tổng số vốn đầu tư vào công nghiệp trong các năm từ 1965 đến 1967 tăng gấp 33 lần so với tổng số vốn đầu tư trong 3 năm trước đó. Mạng lưới công nghiệp địa phương với các xí nghiệp quy mô nhỏ cũng được hình thành và bước đầu phát triển. Thành quả quan trọng nhất của công nghiệp miền Bắc trong 5 năm (1961 - 1965) chính là trực tiếp phục vụ hiệu quả cho nông nghiệp trong các khâu thủy lợi, nông cụ, thiết bị kỹ thuật nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu... Cụ thể, tư liệu sản xuất cho nông nghiệp đã tăng trung bình 25% năm, chiếm 1/4 tổng sản lượng công nghiệp; so với năm 1960, năm 1965, cày cải tiến tăng 3,7 lần, bơm thuốc trừ sâu tăng 4,5 lần, máy bơm nước tăng 10 lần, điện tăng 7,5 lần, phân hóa học tăng 2,8 lần, thuốc trừ sâu tăng 8,1 lần...


Bên cạnh đó, công tác điều tra thăm dò được đẩy mạnh đã vươn lên khắc phục sự chậm trễ so với nhu cầu phát triển kinh tế. Ngành địa chất đã tiến hành thăm dò các mỏ than Vàng Danh, mỏ đồng Sinh Quyển, mỏ chì kẽm Chợ Đồn, mỏ ăngtimoan làng Vải, mỏ thiếc côban Quỳ Hợp, mỏ nguyên liệu cho xi măng Bỉm Sơn... Ngoài ra, những khu công nghiệp mới được khẩn trương đầu tư xây dựng: Gang thép Thái Nguyên, nhiệt điện Uông Bí, thủy điện Thác Bà, sứ Hải Dương, pin Văn Điển, dệt 8-3 và dệt kim Đông Xuân... Đối với ngành điện và ngành than, Liên Xô đã có công lao rất lớn; nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô, hai nhà máy điện Uông Bí và Thác Bà có công suất lớn nhất Việt Nam lúc đó đã được xây dựng, trở thành trung tâm của lưới điện Việt Nam. Cũng nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô, ở miền Bắc đã có một hệ thống điện tương đối hoàn chỉnh, phục vụ cho nhu cầu sản xuất và chiến đấu. Các chuyên gia Liên Xô đã giúp đỡ miền Bắc Việt Nam xây dựng được hệ thống y tế và giáo dục khá hoàn chỉnh; hệ thống các trường đại học, trung học chuyên nghiệp được tổ chức lại; trong đó, các trường trung cấp, đại học đã tuyển sinh và có lượng đào tạo khá lớn. Năm học 1956 - 1957, toàn miền Bắc có 3.860 sinh viên đại học, năm 1965, miền Bắc có 60.000 học sinh các trường trung học và 24.000 sinh viên đại học, đến năm 1975 con số tương ứng là 69.000 và 55.000. Bên cạnh đó, mạng lưới y tế bước đầu hình thành với 50 bệnh viện, 13 cơ sở điều dưỡng, 5.000 ban, phòng hoạt động ở các địa phương; hệ thống y tế đã phát triển rộng khắp, nhiều loại dịch bệnh từng phổ biến ở miền Bắc căn bản được xoá bỏ.


Những cơ sở vật chất do Liên Xô giúp đỡ xây dựng đã góp phần to lớn ổn định tình hình miền Bắc tạo điều kiện cho miền Bắc đánh bại các bước leo thang của không quân và hải quân Mỹ. Những cơ sở vật chất này cũng tạo điều kiện cho hậu phương miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Phần lớn vũ khí, thiết bị chiến tranh, lương thực, thuốc men... phục vụ công tác chiến đấu và ổn định vùng giải phóng ở miền Nam là do miền Bắc chi viện. Bên cạnh đó, miền Bắc đã tổ chức tiếp nhận hàng triệu tấn vật chất, phương tiện vật chất kỹ thuật do Liên Xô viện trợ, tổ chức nghiên cứu, thiết kế, cải biên, cải tiến nhiều loại vũ khí, khí tài chiến đấu, vận chuyển vượt hàng nghìn kilômét dưới bom đạn đánh phá của địch, đưa các loại vật chất vào các mặt trận, các vùng giải phóng. Trong những năm từ 1965 đến 1968, miền Bắc đã tổ chức vận chuyển vào miền Nam khối lượng vật chất lớn gấp 10 lần so với những năm từ 1961 đến 1964. Tổng khối lượng vật chất mà miền Bắc chi viện cho miền Nam trong những năm chống chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" còn tăng gấp nhiều lần so với thời kỳ chiến lược "chiến tranh cục bộ". Trong hai năm 1973 - 1974, 379.000 tấn vật chất từ miền Bắc được chuyển vào các mặt trận, bằng 54% tổng khối lượng vật chất giao cho chiến trường trong suốt 16 năm trước đó. Bốn tháng đầu năm 1975, miền Bắc đưa nhanh vào miền Nam hơn 230.000 tấn vật chất các loại; trên 80% quân số, 81% vũ khí, 60% xăng dầu, 65% thuốc men, 85% xe vận tải trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là từ miền Bắc đưa vào.


Trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, miền Bắc luôn luôn phải đối phó với âm mưu và thủ đoạn chống phá của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn trên tất cả các mặt, trong đó chống phá bằng biện pháp quân sự ngày càng trở nên ác liệt theo mức độ gia tăng của chiến tranh ở chiến trường chính miền Nam. Đế quốc Mỹ ngày càng tăng cường tiến hành chiến tranh chống phá miền Bắc hòng đè bẹp ý chí chiến đấu, làm kiệt quệ miền Bắc. Miền Bắc chiến đấu chống âm mưu và hành động phá hoại của đế quốc Mỹ, nhất là qua hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân là tiến hành một cuộc đấu tranh hết sức cam go, quyết liệt.


Từ năm 1954 đến năm 1964, đế quốc Mỹ tiến hành nhiều hoạt động chống phá nước Việt Nam Dân chủ Công hoà (tung biệt kích, thám báo vào miền Bắc, móc nối với các phần tử phản động nằm vùng hoạt động gián điệp, xây dựng chương trình tuyển mộ người Việt Nam thành lập các đội đánh mìn hoạt động ở vùng ven biển...). Từ ngày 5 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ chính thức tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc Việt Nam. Tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại đó, đế quốc Mỹ muôn hủy hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, ngăn chặn nguồn chi viện từ bên ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam; bẻ gãy ý chí kháng chiến của nhân dân Việt Nam, nâng đỡ tinh thần của quân đội Sài Gòn. Đế quốc Mỹ đã huy động vào cuộc chiến tranh này một lực lượng không quân và hải quân rất lớn, gồm hàng nghìn máy bay tối tân thuộc 50 loại khác nhau, kể cả những loại mới nhất như B-52, F-111 và với các loại vũ khí hiện đại. Không quân, hải quân Mỹ tập trung đánh phá các mục tiêu quân sự, các đầu mối giao thông, nhà máy, xí nghiệp, các công trình thuỷ lợi, khu đông dân; đánh cả vào trường học, nhà trẻ, bệnh viện... Máy bay, tàu chiến Mỹ đánh phá liên tục, khắp mọi nơi, mọi lúc, trong mọi thời tiết với cường độ ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày có 300 lần chiếc máy bay đi gây tội ác, với 1.600 tấn bom đạn trút xuống các làng mạc, phố xá. Theo tính toán của một số tác giả người Mỹ, chỉ tính đến năm 1967 thôi, thì không quân Mỹ cũng đã kịp ném xuống miền Bắc Việt Nam 1.630.000 tấn bom đạn các loại, nghĩa là nhiều hơn khối lượng bom đạn mà đế quốc Mỹ ném xuống chiến trường châu Âu trong chiến tranh thế giới thứ hai và gấp đôi số bom ném xuống Triều Tiên, gấp ba lần số bom ném xuống chiến trường Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới thứ hai. "Cái thác bom giội xuống Việt Nam đạt tới mức cứ mỗi dặm vuông hứng chịu tới 12 tấn ở cả miền Bắc và miền Nam, và khoảng 100 pao (50kg) chia cho mỗi đầu người dân Việt, kể cả đàn bà và trẻ con mà rất nhiều người trong số họ không nặng tới trọng lượng đó - kể cả máu, thịt và xương". Lời nhận xét trên đây của tác giả Đôn Ôbớcđoiphơ, quả thật đã được chứng tỏ trên thực tế.


Dù chiến tranh diễn ra ngày càng khốc liệt, tác động lên toàn bộ đời sống văn hoá, kinh tế, xã hội... nhưng miền Bắc vẫn vững vàng trong lửa đạn, ngẩng cao đầu đánh Mỹ, trừng trị đích đáng lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ trên bầu trời và vùng biển. Trong cuộc chiến đấu đó, quân dân miền Bắc đã kết hợp chặt chẽ phương thức tác chiến tại chỗ và rộng khắp của lực lượng phòng không, phòng thủ biển của cả ba thứ quân với phương thức tác chiến hiệp đồng binh chủng - chủ yếu là Quân chủng Phòng không - Không quân, sử dụng những trang thiết bị vũ khí, khí tài tối tân do Liên Xô viện trợ. Một sự kết hợp như vậy cho phép tạo nên lưới lửa phòng không, phòng thủ liền mạch, dày đặc, rộng khắp và đầy hiệu lực. Trong bốn năm (1964 - 1968), lưới lửa phòng không miền Bắc bắn rơi 3.243 máy bay (trong đó có cả máy bay B-52 và F-111), bắn cháy, bắn chìm 143 tàu chiến Mỹ. Trong toàn bộ cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai, miền Bắc bắn rơi 735 máy bay Mỹ, trong đó 61 chiếc B-52, 10 chiếc F-111, bắn chìm và bắn bị thương 125 tàu chiến, tàu biệt kích.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 23 Tháng Ba, 2023, 08:25:53 am
3. Góp phần tăng cường tiềm lực quân sự, củng cố quốc phòng của Việt Nam

Liên Xô - nước có nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh, ngoài vũ khí thông thường, đã viện trợ cho Việt Nam những vũ khí hiện đại như máy bay, xe tăng, xe bọc thép, tên lửa, pháo phòng không, pháo binh... Nhờ sự viện trợ to lớn, toàn diện của Liên Xô, Quân đội nhân dân Việt Nam có bước phát triển toàn diện:

Trong 5 năm xây dựng (1955 - 1960), Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát triển các thành phần binh chủng. Từ chỗ đơn thuần là bộ binh, các binh chủng kỹ thuật đã chiếm 49% tổng số quân. Giờ đây, Quân đội nhân dân Việt Nam đã "chuyển từ một quân đội phân tán trên khắp các chiến trường Đông Dương (trừ một số đơn vị đã tập trung trong kháng chiến) tổ chức thành một quân đội tương đối có nền nếp, quy củ, tổ chức thành những đơn vị lớn, gồm nhiều binh chủng"1 (Bộ Tổng Tham mưu, Báo cáo kiểm điểm 5 năm xây dựng quân đội củng cố quốc phòng, Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, 1960, tr. 34).


Tháng 10 năm 1962, lực lượng phòng không và không quân được hợp nhất lại và tổ chức thành Quân chủng Phòng không - Không quân, biên chế 12 trung đoàn, 17 tiểu đoàn; mạng lưới rađa cảnh giới phòng không được triển khai rộng khắp, hệ thống sân bay được đầu tư nâng cấp, phục hồi và xây dựng mới... Đến năm 1963 quân đội Việt Nam đã có ba quân chủng: Lục quân Phòng không - Không quân và Hải quân. Đến cuối năm 1965, khối bộ đội chủ lực trên miền Bắc tăng từ 195.000 lên 400.000 quân, các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần các cấp trong toàn quân cũng được chấn chỉnh, sắp xếp theo biên chế mới nhằm nâng cao hiệu lực lãnh đạo, chỉ huy. Một số quân chủng, binh chủng mới lần lượt ra đời, các quân chủng, binh chủng cũng tăng gấp ba lần so với một năm trước đó. Từ chỗ bộ binh chiếm ưu thế tuyệt đối về số lượng, đến năm 1960, cơ cấu, biên chế quân đội được điều chỉnh căn bản. Tỷ lệ giữa bộ binh và các binh chủng kỹ thuật xấp xỉ nhau: 51/49%. Riêng Quân chủng Phòng không - Không quân, những tháng năm ấy, đã phát triển vượt bậc - không chỉ có pháo phòng không mà còn có các binh chủng tên lửa đất đối không, rađa cảnh giới, không quân tiêm kích. Nếu năm 1964, lực lượng phòng không miền Bắc chỉ có 15 trung đoàn và 14 tiểu đoàn pháo cao xạ, một trung đoàn không quân tiêm kích, hai trung đoàn rađa, thì từ năm 1965 đến năm 1967, con số đó tăng lên 33 trung đoàn và 66 tiểu đoàn cao xạ, 10 trung đoàn tên lửa đất đối không, hai trung đoàn không quân tiêm kích, bốn trung đoàn và một tiểu đoàn rađa. Riêng đến năm 1966 đã xây dựng được 17 tiểu đoàn pháo binh, sử dụng một số phân đội xe tăng làm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển, hàng chục đại đội pháo binh địa phương, hàng trăm trung đội pháo binh của dân quân, tự vệ.


Quân đội nhân dân Việt Nam tranh thủ sự viện trợ của Liên Xô để xây dựng lực lượng phòng không, không quân, đặc biệt là tập trung xây dựng, huấn luyện các trung đoàn không quân tiêm kích và tên lửa hiệp đồng tác chiến. Đầu năm 1965, được sự giúp đỡ của Liên Xô, Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng mới các đơn vị tên lửa phòng không, không quân chiến đấu và các tiểu đoàn phóng lôi của hải quân. Trong bốn năm (1965 - 1968), tổng lực lượng phát triển rất lớn, đặc biệt là lực lượng phòng không: Nếu như năm 1965, lực lượng phòng không có 25.725 người1 (Gồm 35 trung đoàn, 12 tiểu đoàn, sáu đại đội và năm sân bay) thì đến cuối năm 1968 đã có 63.260 người2 (Gồm tám sư đoàn, 24 tiểu đoàn và 11 sân bay). Cuối năm 1972, với vũ khí, khí tài viện trợ của Liên Xô và nỗ lực của toàn quân, toàn dân, năm trung đoàn pháo phòng không được tổ chức thêm, đưa tổng số các đơn vị phòng không lên 33 trung đoàn3 (27 trung đoàn trực thuộc quân chủng, sáu trung đoàn trực thuộc các quân khu và Đoàn 559); tổ chức thêm một trung đoàn tên lửa, đưa tổng số đơn vị tên lửa lên 12 trung đoàn; tổ chức thêm một trung đoàn máy bay tiêm kích, nâng tổng số đơn vị máy bay tiêm kích lên năm trung đoàn vào cuối năm 1972; đồng thời, nâng tổng số quân chủ lực trên cả hai miền từ 80,8 vạn cuối năm 1968 lên 92,7 vạn năm 1972. Đến năm 1972, số trung đoàn, tiểu đoàn pháo phòng không của bộ đội chủ lực tăng gấp từ 5 lần đến 7 lần so với năm 1965. Bên cạnh bộ đội phòng không chủ lực, lực lượng phòng không của bộ đội địa phương cũng phát triển với tốc độ nhanh, được tổ chức thành nhiều tiểu đoàn, nhiều đại đội pháo phòng không 12,7mm, 14,5mm, 37mm, 100mm; dân quân tự vệ hình thành hàng nghìn đơn vị trực chiến, tham gia phối hợp chiến đấu với bộ đội.


Cùng với lực lượng phòng không, lực lượng phòng thủ biển cũng có bước phát triển mạnh mẽ, bao gồm các đơn vị pháo binh bờ đối biển của chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ. Trong 10 năm (1954 - 1964), số cán bộ quân đội được Liên Xô giúp đỡ đào tạo đã tăng đáng kể. Từ ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đây là thời kỳ cán bộ quân đội được đào tạo tại nước ngoài đông nhất, đa dạng nhất về chuyên môn.


Với tiềm lực quốc phòng được tăng cường mạnh mẽ, trong hai lần chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 4.100 máy bay tiêm kích, cường kích các loại hiện đại vào bậc nhất thời bấy giờ, kể cả pháo đài bay chiến lược B-52; bắn chìm, bắn cháy hàng trăm tàu chiến các loại. Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận: Trong chiến dịch đánh phá bằng không quân vào các khu vực được bảo vệ dày đặc ở miền Bắc Việt Nam, cứ mối lần xuất kích, Mỹ mất một phi công. Báo Mỹ Người hướng dẫn khoa học Đạo Thiên chúa số ra ngày 22 tháng 7 năm 1967 xác nhận rằng: Trong khi đánh nhau với pháo bờ biển miền Bắc Việt Nam, các tàu chiến Mỹ đã gặp phải sự chống trả ngày càng có hiệu lực. Các tàu khu trục và tuần dương phải chạy nhanh qua vùng nguy hiểm để bắn vào mục tiêu trên bờ. Những nỗ lực chặn, cắt luồng tiếp tế từ ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam của không quân và hải quân Mỹ, cũng không mang lại hiệu quả như phía Mỹ trông đợi. Với tổn thất nặng nề, ý chí và nỗ lực chiến tranh của chính quyền Mỹ bị suy giảm nghiêm trọng.


Về vũ khí, khí tài, tới cuối năm 1960, tổng số lượng vũ khí và trang bị của lực lượng vũ trang miền Bắc đã tăng lên đáng kể, còn từ năm 1960 đến năm 1965, số lượng nhiều loại trang bị, khí tài mới tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi1 (Quân ủy Trung Ương, Báo cáo kiểm điểm thực hiện kế hoạch 5 năm (1961 - 1965) về công tác bảo đảm vật chất kỹ thuật, xây dựng hậu phương quân đội, Tlđd. tr.73, 74). Báo cáo của Quân ủy Trung ương cho biết cụ thể: Vũ khí nhẹ tăng 140%, pháo tăng 205%, cao xạ tăng 247%, rađa tăng 200%, máy chỉ huy tăng 3%, đạn tăng 227%, xe hơi tăng 122%, máy kéo xe xích tăng 150%. Nhờ những trang bị vũ khí, khí tài hiện đại, đáp ứng tốt về số lượng, trang bị, hỏa lực của quân đội được tăng cường, nhất là pháo binh (thậm chí tương đối mạnh), khả năng cơ động tăng lên cùng với sức đột kích (xe tăng). Trang bị kỹ thuật của quân đội Việt Nam vào thời điểm đó "so với các quân đội hiện đại các nước công nghiệp tiên tiến thì còn ở mức thấp, nhưng so với tình hình trang bị trước đây thì đó là sự biến đổi to lớn. Một sự biến đổi về số lượng và chất lượng"2 (Quân ủy Trung Ương, Báo cáo kiểm điểm thực hiện kế hoạch 5 năm (1961 - 1965) về công tác bảo đảm vật chất kỹ thuật, xây dựng hậu phương quân đội, Tlđd. tr.73, 74).


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 23 Tháng Ba, 2023, 09:15:34 am
Với sự giúp đỡ về vốn, khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm, sự hướng dẫn của các chuyên gia kỹ thuật Liên Xô, công nghiệp quốc phòng Việt Nam có bước phát triển rõ rệt. Các cơ sở sửa chữa, sản xuất nhỏ được tập trung xây dựng thành những nhà máy quân giói có quy mô lớn hơn. Nhiều phân xưởng được mở rộng, trang bị thêm, trở thành nhà máy độc lập chuyên sản xuất, sửa chữa một số loại vũ khí, khí tài, phương tiện. Việc xây dựng các cơ sở bảo dưõng, sửa chữa, phục hồi các trang thiết bị được nhanh chóng xúc tiến. Năm 1970, đã sửa chữa phục hồi được từ 40 đến 50% vũ khí, khí tài và từ 50 đến 60% ô tô, sửa chữa lớn được đại bộ phận các trang thiết bị kỹ thuật của quân đội trừ động cơ máy bay, động cơ xe tăng, xe xích cỡ trung và những động cơ tàu thủy có công suất cao. Ngành quân giới phát triển thêm bốn nhà máy mới, sản xuất súng chống tăng B-40, B-41, sản xuất ngòi đạn, thuốc phóng, linh kiện điện tử; mở rộng các phân xưởng thành năm nhà máy độc lập chuyên đúc và nhồi đạn cối 60mm, cối 82mm. Từ năm 1964 có ba nhà máy, đến năm 1972 có 13 nhà máy thuộc Tổng cục Hậu cần. Ngành quân nhu xây dựng nhà máy sản xuất lương khô và thực phẩm tổng hợp để phục vụ chiến đấu và hành quân vào chiến trường. Ngành vật tư tổ chức những cơ sở sản xuất ôxi, nitơ, bao bì, chất dẻo để phục vụ cho sản xuất quốc phòng. Nhìn chung, trong giai đoạn này, công nghiệp quốc phòng, một mặt, vẫn tiếp tục phát triển thêm nhiều cơ sở sản xuất vũ khí, khí tài trang bị; mặt khác, đã bước đầu chuyển sang sản xuất tương đối mạnh, đi vào sản xuất cơ khí, hoá chất, điện tử.


Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, không thể không nói đến vai trò to lớn của chuyên gia quân sự Liên Xô đối với việc nâng cao khả năng chiến đấu, tiềm lực quốc phòng cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Các chuyên gia quân sự Liên Xô đã sát cánh hướng dẫn, huấn luyện các chiến sĩ Việt Nam nắm vững kỹ thuật, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, khí tài hiện đại. Trong một thời gian ngắn, Liên Xô đã đào tạo cho Việt Nam một lực lượng lớn cán bộ, bộ đội kỹ thuật, tên lửa, phi công..., góp phần xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân Việt Nam hiện đại, tiên tiến, đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ.


Về công tác huấn luyện, đào tạo, chuyên gia Liên Xô giúp nghiên cứu và biên soạn các tài liệu huấn luyện trung đoàn tiến công, phòng ngự trên địa hình thông thường, rừng núi, vượt sông, công tác bảo đảm công trình; nghiên cứu và biên soạn tài liệu về sư đoàn tiến công và phòng ngự trên địa hình thông thường. Chuyên gia quân sự Liên Xô giúp đỡ Quân đội nhân dân Việt Nam cải tiến các đài trinh sát, hiện đại hóa các bộ khí tài tên lửa phòng không, mở rộng đáng kể các tính năng chiến đấu của tên lửa, mở rộng tầm tiêu diệt và khả năng đối phó với các máy bay có sử dụng biện pháp cơ động tránh tên lửa. Từ năm 1965 đến năm 1972, "hệ thống rađa của SA-75 (SAM-2) đã được cải tiến bốn lần với 40 nội dung kỹ thuật để bắt kịp cuộc chiến tranh điện tử của không quân Mỹ"1 (Bách khoa trí thức quốc phòng toàn dàn, Sđd, tr.4). Những cải tiến kỹ thuật nêu trên đảm bảo cho Bộ đội Phòng không Việt Nam đạt hiệu quả cao trong chiến đấu, khiến quân Mỹ bị tổn thất một máy bay/60 lần chiếc xuất kích (trong chiến tranh Triều Tiên không quân Mỹ bị tổn thất một máy bay/750 lần chiếc xuất kích), "chấm dứt sự thống trị của B-52, F-111, F-105... trên bầu trời và những cuộc ném bom không bị trừng phạt xuống các cơ sở của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".


Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc giai đoạn 1965 - 1968 và năm 1972, các đơn vị tên lửa SAM-2 của Quân đội nhân dân Việt Nam đã "đánh 3.542 trận, trong đó có 588 trận đánh ban đêm; tiêu thụ 5.885 quả đạn; bắn rơi 788 máy bay của không lực Hoa Kỳ, 366 chiếc rơi tại chỗ; trong đó có 43 máy bay B-52; bình quân 7,1 quả đạn diệt được một máy bay, bảo đảm an toàn trong sử dụng và nâng cao độ chính xác khi chiến đấu"1 (Nghiêm Đình Tích (Chủ biên), Lịch sử Bộ đội Tên lửa phòng không (1965- 2005), Sđd, tr. 575-576). Với tiềm lực quốc phòng được tăng cường đáng kể, trong hai lần chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 4.100 máy bay tiêm kích, cường kích các loại hiện đại vào bậc nhất thời bấy giờ, kể cả pháo đài bay chiến lược B-52. Như vậy, khối lượng vật chất mà Liên Xô dành cho trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã được quân và dân Việt Nam sử dụng hiệu quả trong các hoạt động tác chiến trên chiến trường, tạo cho cuộc kháng chiến một sức mạnh đủ để hạn chế một phần sức mạnh của đế quốc Mỹ, bảo đảm cho nhân dân Việt Nam đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn của đối phương.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 23 Tháng Ba, 2023, 09:17:09 am
4. Góp phần nâng cao uy tín, vị thế, sức manh của Liên Xô trên trường quốc tế

Việt Nam có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, là chiếc bao lớn nhô ra Thái Bình Dương, điểm giao hội của các đường giao thông quốc tế trên biển, lại có tài nguyên phong phú nên Việt Nam trở thành tiêu điểm chú ý và xâm lược của nhiều nước đế quốc. Từ năm 1945 đến năm 1975, Việt Nam đã phải trải qua hai cuộc kháng chiến, đối đầu với hai đế quốc sừng sỏ trên thế giới.


Trong khi đó, sau khi chiến tranh thế giới thứ hai - cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại kết thúc với thắng lợi gần như tuyệt đối của Liên Xô thì cũng là lúc nảy sinh những yếu tố của cuộc đối đầu mới giữa phương Tây và phương Đông, giữa Liên Xô và đế quốc Mỹ.


Trong cục diện đối đầu Đông - Tây, giúp đỡ nhân dân Việt Nam kháng chiến chống lại những thế lực đế quốc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của từng nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Liên Xô. Giúp đỡ Việt Nam chống đế quốc Mỹ thắng lợi cũng là góp phần củng cố vững chắc hệ thống xã hội chủ nghĩa với tư cách là một thực thể chính trị độc lập, quan trọng, chi phối thế giới mà Liên Xô là trụ cột, là người đứng đầu. Ủng hộ Việt Nam kháng chiến, bảo vệ độc lập chủ quyền trước sự xâm lược của một đế quốc lớn cũng đồng thời tăng cường an ninh của từng quốc gia chung ý thức hệ, bảo vệ uy tín của hệ thống xã hội chủ nghĩa và của Liên Xô - quốc gia có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống đó. Đó cũng là cách thức truyền tải thông điệp về đoàn kết quốc tế, về sức mạnh hệ tư tưởng của các nước xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ chiến tranh lạnh và đối đầu giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Vì thế, giúp đỡ Việt Nam chống lại những thế lực phản tiến bộ cũng là một trong những cách thức bảo vệ an ninh chung, đóng góp cho sự phát triển của tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới. Trên ý nghĩa đó, Liên Xô đã tích cực, ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam từ vật chất tới tinh thần. Liên Xô cảnh báo: "Đừng ai có ảo tưởng rằng cuộc xâm lược chống nhân dân Việt Nam sẽ có thể không bị trừng trị"1 (Nguyễn Phúc Luân, Ngoại giao hiện đại vì sự nghiệp giành độc lập, tự do (1954 - 1975), Sđd, tr.207); "Chính phủ Liên Xô cảnh cáo giới cầm quyền Mỹ về những âm mưu xâm phạm chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa anh em"2 (Báo Sự thật, ngày 9 tháng 1 năm 1965). Sự ủng hộ, giúp đỡ đó góp phần đáng kể nâng cao vị thế của Liên Xô trên trường quốc tế cũng như trong nội bộ khối các nước xã hội chủ nghĩa.


Thời kỳ chiến tranh lạnh, nổi lên mâu thuẫn trong quan hệ Xô - Mỹ. Hai nước này cạnh tranh quyền lực, cạnh tranh để mở rộng vùng ảnh hưởng, để có thể đứng vào vị trí số 1 trên thế giới. Trong hai cuộc chiến tranh mà Việt Nam phải trải qua 30 năm (1945 - 1975), đế quốc Mỹ từ chỗ can dự đến tham dự trực tiếp. Thắng lợi các cuộc kháng chiến mà Việt Nam tiến hành có tác dụng ngăn chặn sự mở rộng vùng ảnh hưởng của đế quốc Mỹ; đồng thời, làm suy yếu đế quốc Mỹ. Do đó, Liên Xô giúp Việt Nam chống đế quốc Mỹ vì nghĩa vụ với đồng minh, vì sự gắn bó ý thức hệ, vì tình cảm của nhân dân Liên Xô đối với Việt Nam, song còn vì Việt Nam kiềm chế, làm cho đế quốc Mỹ suy yếu, sa lầy có lợi cho Liên Xô, tạo điều kiện để Liên Xô cân bằng thế chiến lược với đế quốc Mỹ. Trong không khí chiến tranh lạnh bao trùm toàn cầu, đằng sau các cuộc xung đột và chiến lược "chiến tranh cục bộ" đang hoặc sẽ xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới có bóng dáng tham dự và vũ khí của các cường quốc, thì việc nắm bắt các bí mật vũ khí, khí tài của đối phương trở thành yêu cầu cấp thiết. Do vậy, gửi chuyên gia quân sự sang Việt Nam, các nhà lãnh đạo Liên Xô không chỉ lưu tâm tới các lợi ích chính trị, tư tưởng, mà còn lưu tâm tới các cơ hội thu thập thông tin vũ khí mới nhất của đế quốc Mỹ, thông qua việc nghiên cứu chiến lợi phẩm1 (Chiến thắng không dễ dàng, Tlđd). Đầu năm 1965, Tổng cục 10, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Liên Xô thành lập nhóm chuyên gia quân sự thu nhặt, nghiên cứu chiến lợi phẩm của đế quốc Mỹ, gồm các chuyên viên cao cấp, các nhà khoa học đầu ngành của các học viện quân sự, Viện Nghiên cứu khoa học Bộ Quốc phòng, các chuyên gia - cán bộ thiết kế ngành công nghiệp quốc phòng, chuyên gia điện tử, thiết bị dẫn đường, thông tin liên lạc... Ngày 24 tháng 8 năm 1965, trong cuộc hội đàm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phó Tổng Tham mưu trưởng Trần Sâm, Đại sứ Liên Xô I. S. Sécbacốp và chuyên viên quân sự Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam Ivanốp đề nghị Việt Nam hợp tác nghiên cứu tính năng kỹ thuật, chiến thuật, cách chế tạo và phương pháp sử dụng những loại vũ khí, trang bị quân sự của đế quốc Mỹ đã và đang sử dụng ở Việt Nam. Đại sứ I. S. Sécbacốp phát biểu: "Việc hợp tác này rất quan trọng, nó đảm bảo lợi ích chung của chúng ta trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ"1 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc phòng, phông Quân ủy Trung ương, Hồ sơ số 402). Đại sứ I. S. Sécbacốp đề nghị Việt Nam gửi đến Phòng Chuyên viên quân sự Đại sứ quán Liên Xô một nhóm khoảng 10 cán bộ, có từ 3 đến 4 phiên dịch để cùng tham gia nghiên cứu; Liên Xô chịu mọi phí tổn cho nhóm trong việc đi lại, nghiên cứu, thu thập và gửi về Liên Xô những hiện vật vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự Mỹ2 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc phòng, phông Quân ủy Trung ương, Hồ sơ số 402). Tháng 10 năm 1965, Đoàn chuyên gia khoa học quân sự đã sang đến Việt Nam và lập tức bắt tay nghiên cứu các loại vũ khí, khí tài mà Mỹ sử dụng trên chiến trường Việt Nam thông qua việc thu thập các chiến lợi phẩm như đạn, mìn chưa nổ, phế liệu của các máy bay Mỹ bị bắn rơi... (trong chiến tranh Việt Nam, những chiến lợi phẩm đó có tới trên 4.000 loại), nghiên cứu chiến thuật quân sự mà quân đội Mỹ áp dụng tại Việt Nam, kiểm tra những trường hợp vũ khí của Liên Xô không hoạt động tốt và gửi những kết luận với những mẫu hữu ích nhất về Mátxcơva.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 23 Tháng Ba, 2023, 09:18:06 am
Để hoàn thành nhiệm vụ, Đoàn chuyên gia tới hiện trường, làm việc trong hoàn cảnh không có thùng xe bọc thép, không có thiết bị chuyên dụng, lúc nào cũng có thể mạo hiểm cuộc sống với những dụng cụ lao động hết sức đơn sơ như dao, dũa, búa tay và tuốcnơvít... Bất chấp mọi hiểm nguy, khó khăn, từ tháng 5 năm 1965 đến tháng 1 năm 1967, "nhóm chuyên gia lượm lặt, lựa chọn và gửi về Liên Xô hơn 700 chủng loại thiết bị quân sự và vũ khí Mỹ"1 (Chiến thắng không dễ dàng, Tlđd, tr. 56, 97). Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, các chuyên gia quân sự Liên Xô biên soạn những tài liệu quân sự giá trị, đưa ra những đề xuất điều chỉnh các loại vũ khí của Liên Xô có tính năng phù hợp hoặc vượt trội chống lại trang thiết bị quân sự của đế quốc Mỹ, cho phép "giảm đáng kể chi phí và thời gian nghiên cứu sản xuất những vũ khí tương tự, thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng Xôviết phát triển nhanh chóng"2 (Chiến tranh Việt Nam là thế đó, Sđd, tr.414). Những năm 1965 - 1974, Liên Xô đã gửi sang Việt Nam tất cả "40 chuyên gia quân sự cao cấp các ngành công nghiệp quốc phòng"3 (Chiến thắng không dễ dàng, Tlđd, tr. 56, 97) cho mục đích trên, về phía Việt Nam, ngoài việc tích cực giúp đỡ nhóm chuyên gia thu thập mẫu vật chiến lợi phẩm, tháng 8 năm 1965, Bộ Quốc phòng Việt Nam gửi tặng Bộ Quốc phòng Liên Xô một số hiện vật của các loại máy bay Mỹ bị bắn rơi tại Việt Nam (20 bộ phận của máy bay F-4, 83 bộ phận của máy bay F-105D, một bộ phận của máy bay AD-6, 30 bộ phận của máy bay không người lái BQM-34A, các loại vũ khí trên máy bay và trang bị của phi công - 37 thứ)1 (Tại liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phóng Cục Tác chiến, Hồ sơ số 2931). Tháng 4 năm 1971, Bộ Quốc phòng Việt Nam chuyển tặng Bộ Quốc phòng Liên Xô chiếc máy bay không người lái của đế quốc Mỹ bị bắn rơi ở Hải Phòng2 (Theo chuyên gia quân sự Liên Xô Đại tá V. Cunhétxốp, tháng 11 năm 1975, sau khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, Việt Nam tặng Liên Xô một máy bay chiến lợi phẩm F-5 thu được của đế quốc Mỹ cùng với nhiều thiết bị mặt đất, một chiếc máy CH-47 "Chinook" và một chiếc UH-1 "Iroquois" và một số thiết bị, tài liệu hướng dẫn khác) và hứa gửi tiếp một số vũ khí thu được ở đường 93 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 1470).


Sự giúp đỡ của Liên Xô cho Việt Nam còn góp phần nâng cao ảnh hưởng, vị thế của Liên Xô trên trường quốc tế, đề cao vị thế trong phong trào cách mạng thế giới, tranh thủ các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc. Đáp lại sự giúp đỡ của Liên Xô, Việt Nam tích cực ủng hộ Liên Xô trên trường quốc tế, tuyên truyền về đất nước, con người Xôviết. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên viết bài, trả lời phỏng vấn báo, đài Liên Xô, nhất là nhân kỷ niệm những ngày lễ lớn của Liên Xô. Phối hợp với Liên Xô, Việt Nam kịp thời ra các tuyên bố ủng hộ quan điểm của Liên Xô về những vấn đề quốc tế: Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam ngày 6 tháng 11 năm 1956 ủng hộ Bản Tuyên bố của Chính phủ Liên Xô về những nguyên tắc phát triển, tăng cường tình hữu nghị và sự hợp tác giữa Liên Xô với các nước xã hội chủ nghĩa; Tuyên bố ngày 17 tháng 12 năm 1957 nhân Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô gửi thông điệp cho Mỹ, Anh, Pháp, Tây Đức... về khoá họp của Hội đồng khối Bắc Đại Tây Dương; Tuyên bố ngày 2 tháng 4 năm 1958 về việc thử vũ khí khinh khí và nguyên tử của Liên Xô... Việt Nam tích cực ủng hộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, ủng hộ đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Liên Xô. Khi xảy ra sự kiện Tiệp Khắc (tháng 8-1968), Chính phủ Việt Nam phát biểu ủng hộ Liên Xô - cử chỉ này của Việt Nam lập tức được Liên Xô đánh giá cao. Trong thông báo về tình hình Tiệp Khắc cho Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Liên Xô tuyên bố: "Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô cho rằng trong giờ phút nghiêm trọng đối với toàn thể cộng đồng xã hội chủ nghĩa và phong trào cộng sản quốc tế, Đảng Lao động Việt Nam đã đứng trên lập trường quốc tế mà lên tiếng góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của chúng ta chống lại các lực lượng thù địch với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, giúp đỡ Đảng và nhân dân Tiệp Khắc"1 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr. 50).


Liên Xô và Việt Nam tuy cách xa nhau về mặt địa lý nhưng lại có mối quan hệ khá sớm và mối quan hệ ấy nhanh chóng phát triển trong những năm tháng Việt Nam tiến hành đấu tranh vì sự nghiệp độc lập, tự do của dân tộc. Cùng với sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô, sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô cho Việt Nam cũng ngày càng toàn diện, hiệu quả hơn. Đó là sự ủng hộ, giúp đỡ trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa - giáo dục, khoa học - kỹ thuật... Sự giúp đỡ ấy được xây dựng trên nền tảng khá vững chắc: yếu tố ý thức hệ, lợi ích quốc gia dân tộc... Sự giúp đỡ, ủng hộ của Liên Xô cho Việt Nam trong suốt 30 năm chiến tranh cách mạng (1945 - 1975) có ý nghĩa hết sức to lớn, nó không chỉ củng cố, tăng cường vị thế quốc tế của Việt Nam, mà còn làm cho Việt Nam ngày càng có tiếng nói có trọng lượng trong những vấn đề quốc tế quan trọng có liên quan. Sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô còn giúp Việt Nam củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng, phát triển miền Bắc vững mạnh xứng đáng là hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam, giúp miền Bắc không chỉ trụ vững trong các giai đoạn đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại hết sức khốc liệt, mà còn có thể chi viện mạnh mẽ cho miền Nam chiến đấu. Sự ủng hộ, giúp đỡ vật chất của Liên Xô cho Việt Nam được quân và dân Việt Nam sử dụng một cách hết sức hiệu quả; nhân dân Việt Nam đã biến những lực lượng vật chất đơn thuần thành sức mạnh tổng hợp cần và đủ để Việt Nam chiến đấu và chiến thắng. Trong chiến thắng cuối cùng của nhân dân Việt Nam, không thể không nói đến sự giúp đỡ, ủng hộ toàn diện của Liên Xô và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, ghi nhó sự ủng hộ, giúp đỡ ấy.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 23 Tháng Ba, 2023, 09:18:47 am
KẾT LUẬN


Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng, Nhà nước Việt Nam nêu cao quyết tâm chiến đấu và chiến thắng, đề ra đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp và đường lối kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước độc lập, tự chủ; tăng cường nội lực, đồng thời, không ngừng tranh thủ ủng hộ quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô. Đó là đường lối nhất quán, xuyên suốt, là một trong những nguyên nhân quan trọng làm nên thắng lợi cuối cùng của hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược.


Đi cùng trào lưu thời đại, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, lấy mục tiêu độc lập dân tộc, khát vọng tự do làm mẫu số chung để thực hiện đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, trong mỗi bước phát triển của cuộc kháng chiến, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè trên thế giới, nhất là của Liên Xô, Trung Quốc. Trên thực tế, trong 30 năm chiến tranh gian khổ, nhân dân Việt Nam không "đơn thương độc mã" - đương đầu với những kẻ thù sừng sỏ nhất hành tinh, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, toàn diện, hiệu quả, chí tình của Liên Xô...


Liên Xô giúp Việt Nam hình thành cấu trúc nền kinh tế, xây dựng nền móng kinh tế Việt Nam, phát triển khoa học - kỹ thuật, văn hóa - giáo dục... Tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ của Việt Nam tiếp nhận khối lượng vật chất cần và đủ để tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo đảm cho nhân dân Việt Nam đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn của đối phương. Sự giúp đỡ về vật chất của Liên Xô được nhân dân Việt Nam sử dụng hiệu quả trong xây dựng đất nước và trong các hoạt động tác chiến trên chiến trường, không ngừng nâng cao tiềm lực kinh tế - quốc phòng.


Không chỉ giúp đỡ Việt Nam về tinh thần, vật chất, Liên Xô còn đào tạo, huấn luyện cán bộ, bộ đội cho Việt Nam, góp phần hình thành nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế, giáo dục - văn hóa và quân sự. Bên cạnh đó, Liên Xô còn gửi cán bộ, chuyên gia và bộ đội sang công tác, chiến đấu tại Việt Nam. Sự giúp đỡ của Liên Xô cho Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc là hết sức to lớn, toàn diện, hiệu quả. Với đạo lý "uổng nước nhớ nguồn", nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ, trân trọng và biết ơn công lao, sự giúp đỡ của Liên Xô.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 23 Tháng Ba, 2023, 09:21:31 am
PHỤ LỤC

Phụ lục I
THỐNG KÊ TÌNH HÌNH TIẾP NHẬN VIỆN TRỢ MỘT SỐ HÀNG QUÂN SỰ TỪ TRUNG QUỐC VÀ LIÊN XÔ

(Từ tháng 3 năm 1950 đến ngày 20 tháng 5 năm 1954)

(https://i.imgur.com/rzVtU4L.jpg)

Nguồn trích từ: Thống kê tổng hợp tình hình tiếp nhận viện trợ từ năm 1950 đến ngày 20 tháng 5 năm 1954 (văn bản làm ngày 16.6.1954); Tập báo cáo nhu cầu viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam từ năm 1952 đến năm 1954; Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Quốc phòng, số 6, Hồ sơ số 651.

1. Vũ khí, đạn, hàng công binh, thông tin liên lạc tính theo tấn; ô tô tính theo chiếc.
 


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 23 Tháng Ba, 2023, 09:24:47 am
Phụ lục II
BẢNG KÊ KHÍ TÀI KỸ THUẬT QUÂN SỰ VIỆN TRỢ THÊM
CHO NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
TRONG CÁC NĂM TỪ 1965 ĐẾN 1967

(https://i.imgur.com/nBvyWj1.jpg)

(https://i.imgur.com/5YtkOOi.jpg)

(https://i.imgur.com/K6FTOop.jpg)

(https://i.imgur.com/WKPT6pZ.jpg)

(https://i.imgur.com/NxJ11c6.jpg)

(https://i.imgur.com/obx7Q8j.jpg)


Nguồn: Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng tham mưu, Hồ sơ số 1600


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 23 Tháng Ba, 2023, 09:26:36 am
Phụ lục III
BẢN KÊ XƯỞNG SỬA CHỮA, XÂY DỤNG Ở NƯỚC VIỆT NAM
DÂN CHỦ CỘNG HÒA, VỚI SỰ GIÚP ĐỠ KỸ THUẬT
CỦA LIÊN XÔ TRONG CÁC NĂM TỪ 1965 ĐẾN 1967


Xưởng sửa chữa pháo cao xạ 57mm và 100mm với sản lượng hằng năm sửa chữa được 200 - 250 khẩu.

Xưởng sửa chữa phương tiện bọc sắt và xe kéo pháo với sản lượng hằng năm sửa chữa được 150 đến 200 xe tăng loại T-54, T34, PT-76 và từ 200 đến 250 xe kéo loại ATS và ATL.

Xưởng sửa chữa máy bay và trực thăng IL-14, Li-2, An-2 và Mi-4 với sản lượng hằng năm sửa chữa từ 80 đến 100 chiếc.

Tổng khối lượng giúp đỡ kỹ thuật để xây dựng những xưởng sửa chữa nói trên của:

- Phía Liên Xô (thiết kế) nhập thiết bị và cử chuyên gia sang công tác được xác định là 5 triệu rúp.

- Phía Việt Nam sẽ bảo đảm tiến hành việc xây dựng (vật liệu xây dựng, nhân công và những thứ khác).


Nguồn: Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 289.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 23 Tháng Ba, 2023, 09:27:42 am
Phụ lục IV NGHỊ ĐỊNH THƯ NGÀY 29-12-1971*
(Đại diện Chinh phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết đã ký)
(Thuộc Hiệp định 22-10-1970 ký tại Mátxcơva về xây dựng các nhà bảo quản vũ khí, khí tài kỹ thuật, tên lửa, đạn pháo)


Hiệp định giữa Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết ký ngày 22 tháng 10 năm 1970 về giúp đỡ quân sự không hoàn lại bổ sung cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong năm 1971 và giúp hợp tác kỹ thuật không hoàn lại trong việc xây dựng và bổ sung thiết bị cho các công trình quân sự.


Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết, nhằm tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị và sự hợp tác anh em giữa hai nước, và theo yêu cầu của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã thỏa thuận về những điều sau đây:

Điều 1

Căn cứ theo Hiệp định giữa Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết ngày 22 tháng 10 năm 1970 và theo đề nghị của phía Việt Nam cần xây dựng các kho đơn giản (nhà bảo quản kiểu dã chiến), các tổ chức có liên quan của Liên Xô sẽ giúp cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sự hợp tác kỹ thuật không hoàn lại (không phải trả tiền) trong việc xây dựng các nhà bảo quản nói trên để bảo quản trang bị, kỹ thuật quân sự, tên lửa phòng không và đạn pháo tính vào số tiền 6 triệu rúp quy định theo Điều 3 của Hiệp định trên ngày 22 tháng 10 năm 1970.

Trong Phụ lục 1 kèm theo Nghị định thư có ghi khối lượng và thời hạn giúp hợp tác kỹ thuật trong việc xây dựng các kho nói trên, còn trong Phụ lục 2 kèm theo Nghị định thư là tính năng kỹ thuật của các kho đó.


Điều 2

Về tất cả những điều còn lại không quy định trong Nghị định thư này, hai bên sẽ theo đúng các điều khoản của Hiệp định ngày 22 tháng 10 năm 1970.


Điều 3

Nghị định thư này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Các phụ lục 1 và 2 là phần không tách rời của Nghị định thư này.

Làm tại Mátxcơva, ngày 29 tháng 12 năm 1971 thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt Nam và tiếng Nga, cả hai văn bản có hiệu lực như nhau. Phụ lục kèm theo Nghị định thư bằng tiếng Nga.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 27 Tháng Ba, 2023, 07:35:54 am
Phụ lục 1
(Kèm theo Nghị định thư ngày 29 tháng 12 năm 1971)


KHỐI LƯỢNG VÀ THỜI HẠN

Giúp hợp tác kỹ thuật cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc xây dựng các nhà bảo quản trang bị, kỹ thuật quân sự, tên lửa phòng không và đạn pháo.

(https://i.imgur.com/zYrmufM.jpg)

Chú thích:

1. Tài liệu thiết kế và tài liệu kỹ thuật chuyển giao bằng tiếng Nga.

2. Các tổ chức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cần tự đảm nhiệm việc vận dụng thiết kế kỹ thuật các nhà bảo quản vào địa hình cụ thể, lập bản vẽ thi công, hoàn thành công tác xây dựng và lắp ráp, đảm bảo cho công tác xây dựng các vật liệu lắp ráp và xây dựng cần thiết ngoài số lượng đã được cung cấp theo Nghị định thư này.


Phụ lục 2
(Kèm theo Nghị định thư ngày 29 tháng 12 năm 1971)


TÍNH NĂNG KỸ THUẬT

Các nhà bảo quản trang bị, kỹ thuật quân sự, tên lửa phòng không và đạn pháo xây dựng tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

(https://i.imgur.com/FmBhnLM.jpg)

Chú thích:

1. Cột, khung nhà và dầm dọc của các nhà bảo quản bằng kim loại, mái và tường bằng phibrô xi măng.

2. Tại các nhà bảo quản các máy móc chính xác và phương tiện rađa sẽ có thiết bị để đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm cần thiết.


(https://i.imgur.com/nvGpKSz.jpg)

Chú thích:

1. Tài liệu thiết kế và tài liệu kỹ thuật chuyển giao bằng tiếng Nga.

2. Các tổ chức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cần tự đảm nhiệm việc vận dụng thiết kế kỹ thuật của các kho vào địa hình cụ thể, lập các bản vẽ thi công, thực hiện công tác xây dựng và lắp ráp đảm bảo cho công tác xây dựng các vật liệu xây dựng và lắp ráp cần thiết (trong đó kể cà xi măng) ngoài số lượng được cung cấp theo Nghị định thư này.

Nguồn: Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng tham mưu, Hồ sơ số 360.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 27 Tháng Ba, 2023, 07:37:37 am
Phụ lục V
THƯ GHI NHỚ


Ủy ban liên lạc kinh tế đối ngoại thuộc Hội đồng bộ trưởng Liên Xô được ủy nhiệm thông báo như sau:

Chính phủ Liên Xô đồng ý cung cấp cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa các vật liệu xây dựng (thép cán và phibrô xi măng), cần thiết để xây dựng các kho trang bị và khí tài quân sự với trị giá đến 1 triệu rúp tính vào số tiền 6 triệu rúp theo Hiệp định ngày 22 tháng 10 năm 1970.


Đồng thời cũng xin thông báo rằng, theo ý kiến của các tổ chức của Liên Xô có thẩm quyền thì trong điều kiện khí hậu của Việt Nam việc dùng các kho chứa bằng kim loại là không hợp lý, vì trong khoảng thời gian nóng tại các kho chứa đó nhiệt độ sẽ rất cao, ngoài ra trong điều kiện độ ẩm cao, các kho chứa độ sẽ hư hỏng nhanh vì sự ăn mòn kim loại lớn.


Mátxcơva, ngày 17 tháng 9 năm 1971
Số 6188/11 - 21


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 27 Tháng Ba, 2023, 07:40:22 am
Phụ lục VI
NGHỊ ĐỊNH THƯ NGÀY 29-12-1971
*
(Đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghía Xôviết đã ký)
(Thuộc Hiệp định 22-10-1970 ký tại Mátxcơva
về xây dựng các nhà bảo quản vũ khí, khí tài kỹ thuật,
tên lửa, đạn pháo)


Kèm theo Hiệp định giữa Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết ký ngày 22 tháng 10 năm 1970 về giúp đỡ quân sự không hoàn lại bổ sung cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong năm 1971 và giúp hợp tác kỹ thuật không hoàn lại trong việc xây dựng và bổ sung thiết bị cho các công trình quân sự.


Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết, nhằm tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị và sự hợp tác anh em giữa hai nước, và theo yêu cầu của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã thỏa thuận về những điều sau đây:

Điều 1

Căn cứ theo Hiệp định giữa Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết ngày 22 tháng 10 năm 1970, các tổ chức có liên quan của Liên Xô sẽ giúp cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sự hợp tác kỹ thuật không hoàn lại (không phải trả tiền) trong việc xây dựng kho để bảo quản trang bị, kỹ thuật quân sự, tên lửa phòng không và đạn pháo tính vào số tiền 6 triệu rúp quy định trong Điều 3 của Hiệp định trên ngày 22 tháng 10 năm 1970.

Trong Phụ lục 1 kèm theo Nghị định thư có ghi khối lượng và thời hạn giúp hợp tác kỳ thuật trong việc xây dựng các kho nói trên, còn trong Phụ lục 2 kèm theo Nghị định thư là tính năng kỹ thuật của các kho đó.


Điều 2

Về tất cả những điều còn lại không quy định trong Nghị định thư này, hai bên sẽ theo đúng các điều khoản của Hiệp định ngày 22 tháng 10 năm 1970.


Điều 3

Nghị định thư này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Các phụ lục 1 và 2 là phần không tách rời của Nghị định thư này.

Làm tại Mátxcơva, tháng 12 năm 1971 thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt Nam và tiếng Nga, cả hai văn bản có hiệu lực như nhau. Phụ lục kèm theo Nghị định thư bằng tiếng Nga.
 

Phụ lục 1
(Kèm theo Nghị định thư năm 1971)

KHỐI LƯỢNG VÀ THỜI HẠN

Giúp hợp tác kỹ thuật cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc xây dựng các kho để bảo quản trang bị, kỹ thuật quân sự, tên lửa phòng không và đạn pháo.

(https://i.imgur.com/1VGxrc4.jpg)


Phụ lục 2
(Kèm theo Nghị định thư năm 1971)


TÍNH NĂNG KỸ THUẬT

Các nhà bảo quản trang bị, kỹ thuật, quân sự, tên lửa phòng không và đạn pháo, xây dựng tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

(https://i.imgur.com/3gQhFfb.jpg)

Chú thích:

1. Cột, khung nhà và dầm dọc của các nhà bảo quản bằng kim loại, mái và tường bằng phibrô xi măng.

2. Tại các nhà để bảo quản máy móc chính xác và phương tiện rađa sẽ có thiết bị để đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm cần thiết.

3. Khi thiết kế cần xác minh lại diện tích của các kho, kích thước nhà bảo quản và mái hiên.


Tiêu đề: Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến 1945-1975
Gửi bởi: vnmilitaryhistory trong 27 Tháng Ba, 2023, 07:47:03 am
TÀI LIỆU THAM KHẢO


* TIẾNG VIỆT

1. Nguyễn Am - Đặng Quang Minh (1987), Bác Hồ với Cách mạng Tháng Mười, Lê-nin và tình hữu nghị Việt - Xô, Hội hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội.

2. Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị (2000), Chiến tranh cách mạng Việt Nam (1945 - 1975) - Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị (1996), Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Báo cáo thành tích ngoại giao 8 năm kháng chiến (1946 - 1954) của Bộ Ngoại giao, Cục Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1, phông Phủ Thủ tướng, Đơn vị bảo quản số 1580.

5. Báo cáo về tình hình thế giới, công tác đối ngoại năm 1962 uà phương hướng công tác trong thời gian tới, Hồ sơ Cp, số 51/KTĐN-N, Phòng Lưu trữ Bộ Ngoại giao.

6. Báo Liên Xô ngày nay, số 1+2/ tháng 1, 1980.

7. Báo Quân đội nhân dân, số 12/ tháng 6, 1970.

8. Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa II), ĐVBQ 29, Cục Lưu trữ Trung ương Đảng.

9. Biên bản trao đôi ý kiến giữa ngoại giao và quân sự về công tác đấu tranh ngoại giao trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, Hồ sơ số 250, phông TK, Phòng Lưu trữ, Bộ Ngoại giao.

10. Nguyễn Đình Bin (2002), Ngoại giao Việt Nam (1945 - 2000), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

11. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (1994), Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.

12. Bộ Ngoại giao (1983), Việt Nam - Liên Xô 30 năm quan hệ: Văn kiện và tài liệu, Nxb Ngoại giao, Hà Nội.

13. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (1991), Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Nxb Sự thật, Hà Nội.

14. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (2002), Quân đội nhân dân Việt Nam - Biên niên sự kiện, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.

15. Bộ Ngoại giao (2000), Ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

16. Brêgiơnhép L. I. (1981), Đoàn kết với Việt Nam là mệnh lệnh của trái tim và trí tuệ, Nxb Sự thật, Hà Nội.

17. Brêgiơnhép I. V. (1981), Đoàn kết với Việt Nam là mệnh lệnh của trái tim và trí tuệ, Nxb Sự thật, Hà Nội.

18. Bưkharkin I. V. (1988), Kremli và Hồ Chí Minh 1945 - 1969, Bản dịch, Lưu tại Viện Sử học.

19. Bùi Khắc Bút (2000), "Quan hệ Việt - Nga 50 năm một chặng đường lớn", Học viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao, số 3 (33).

20. Cách mạng Tháng Mười và tình hữu nghị Việt - Xô (1987) Nxb Sự thật, Hà Nội.

21. Trường Chinh (1983), Tượng đài hùng vĩ của tình hữu nghị Việt - Xô, Nxb Sự thật, Hà Nội.

22. Trường Chinh (1968), Đời đời nhớ ơn Các Mác và đi theo con đường Mác đã vạch ra, Nxb Sự thật, Hà Nội.

23. Lý Thực Cốc (1996), Mỹ thay đổi lớn chiến lược toàn cầu, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

24. Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ ở Việt Nam (1991), Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Hà Nội.

25. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam (1987), Nxb Sự thật, Hà Nội.

26. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại (1975), tập 3, Nxb Sự thật, Hà Nội.

27. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại (1975), tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội.

28. Cuộc xung đột Trung Quốc - Việt Nam (1980), Chuyên san, bản dịch, lưu trữ tại Thư viện Quân đội.

29. Đại sự ký tổng hợp, Đấu tranh ngoại giao và vận động quốc tế trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Ban Tổng kết Học viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao, Tài liệu lưu trữ tại Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao, Học viện Quan hệ quốc tế.

30. Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

31. Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

32. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

33. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
   
34. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

35. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 16, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

36. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 17, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

37. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 18, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

38. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

39. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

40. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

41. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

42. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

43. Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 24, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

44. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

45. Đấu tranh ngoại giao thời kỳ 1965 - 1975, Hồ sơ 243, phông TK, Phòng Lưu trữ Bộ Ngoại giao.

46. Đấu tranh ngoại giao trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tập 2, (1946 - 1954) (1976), Bộ phận tổng kết, Bộ Ngoại giao, Hà Nội.

47. Đề cương sơ thảo "Lịch sử quan hệ đối ngoại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945 - 1975)", Hồ sơ, phông TK, Phòng Lưu trữ Bộ Ngoại giao.

48. Đivincôpxki - Iôgơnhetôp (1977), Con đường đi đến thắng lợi, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

49. Phạm Văn Đồng (1983), Tinh hữu nghị Việt - Xô mãi mãi xanh tươi và đời đời bền vững, Nxb Sự thật, Hà Nội.

50. Lê Duẩn (1985), Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vi độc lập, vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, Hà Nội.

51. Lê Duẩn (1982), Đoàn kết và hợp tác toàn diện với Liên Xô là nguyên tắc, là chiến lược và tình cảm của chúng ta, Nxb Sự thật, Hà Nội.

52. Lê Duẩn (1983), Ngọn cờ của Lênin và Bác Hồ sẽ được mang đến đích thắng lợi cuối cùng, Nxb Sự thật, Hà Nội.

53. Lê Duẩn (1981), Tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của chứng ta, Nxb Sự thật, Hà Nội.

54. Lê Duẩn (1978), Cách mạng Tháng Mười với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội.

55. Lê Trung Dũng, Quan hệ Nga - Việt trước năm 1950, Tài liệu lưu trữ tại Viện Sử học.

56. Trần Kim Dung (2002), "Nửa thế kỷ hợp tác văn hoá Liên bang Nga", Báo Nhân Dân, số 13 - tháng 2.

57. Gabriel Kolko (1991), Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.

58. Gaiduk. V. I (1999), Liên bang Xôviết và cuộc chiến tranh Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.

59. Phạm Giảng (1962;, Lịch sử quốc tế từ sau chiến tranh thế giới thứ II (1945 - 1954), Tài liệu lưu trữ tại Viện Sử học, Hà Nội.

60. Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1995), Chiến đấu trong vòng vây, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.

61. Trần Văn Giàu (1957), "Những ảnh hưởng đầu tiên của Cách mạng Tháng Mười Nga đến thời cuộc chính trị ở Việt Nam”, Tạp chí Học tập, số 9 (9-1957)

62. Giôdép. A. Amtơ (1985), Lời phán quyết về Việt Nam Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.

63. Gioócgiơ C. Herinh (1998), Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

64. Grigoripôpôp - Alêchxâyxerôp (1975;, Liên Xô - Việt Nam, tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác, Nxb Thông tấn xã Nôvôtxti.

65. Hoàng Hải (2000), "Quan hệ kinh tế Việt - Nga những năm cuối thế kỷ XX", Báo cáo tại Hội thảo 50 năm quan hệ Việt - Nga.

66. Hồng Hạnh - Hải Hà (2000), "Tìm hiểu sự giúp dở của Liên Xô trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam (1945 - 1975)", Tạp chí Lịch sử quân sự, số 4.

67. Hồ Chí Minh (1985), về tình hữu nghị vĩ đại Việt - Xô, Nxb Sự thật, Hà Nội.

68. Hồ Chí Minh (1957), Cách mạng Tháng Mười mở con đường giải phóng cho các dân tộc, Nxb Sự thật, Hà Nội.

69. Hồ Chí Minh (1985), về Lênin và Cách mạng Tháng Mười, Nxb Sự thật, Hà Nội.

70. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

71. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

72. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

73. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

74. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

75. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hồ Nội.

76. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

77. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

78. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (1996), tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

79. Hồ sơ 81, phông CA IV, Phòng Lưu trữ Bộ Ngoại giao.

80. Hồ sơ 85, phông CA IV, Phòng Lưu trữ Bộ Ngoại giao.

81. Hồ sơ 86, phông CA IV, Phòng Lưu trữ Bộ Ngoại giao.

82. Hồ sơ 90, phông CA IV, Phòng Lưu trữ Bộ Ngoại giao.

83. Hồ sơ 92, phông CA IV, Phòng Lưu trữ Bộ Ngoại giao.

84. Học viện Quan hệ quốc tế (2002), Đấu tranh ngoại giao trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (1945 - 1995), Tài liệu lưu trữ nội bộ.

85. Đỗ Quang Hưng (2000), "Bác Hồ và mùa xuân 1950", Tạp chí Xưa và nay, số 5.

86. Ixaep. M. P. - Trécnưsep. A. X (1975), Quan hệ Xô - Việt, Nxb Tư tưởng Mátxcơva (bản dịch của Viện Sử học).

87. Lê Khắc (1983), "Quan hệ kinh tế- thương mại và hàng hải Việt Nam - Liên Xô ngày càng phát triển và mở rộngtrích sách: Thắng lợi của tình hữu nghị và hợp tác toàn diện, Nxb Sự thật, Hà Nội.

88. Khorusov N, Hồi ký, Nxb Robert Lafont Pari, Bản dịch, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

89. Kỷ yếu hội thảo khoa học (2002), Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga: lịch sử, hiện trạng và triển vọng, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân vàn - Trung tâm ngoại giao châu Á - Viện Sử học, Hà Nội.

90. Lịch sử chính sách đối ngoại của Liên Xô (1945 - 1970) (1971), Nxb Khoa học, Mátxcơva, Tài liệu lưu trữ tại Viện Sử học.

91. Liên Xô phất cao ngọn cờ hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc (1955), Nxb Sự thật, Hà Nội.

92. Lưu Văn Lợi (1996), Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam (1945 -1975), tập 1, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.

93. Nguyễn Phúc Luân (2001), Ngoại giao hiện đại vì sự nghiệp giành độc lập, tự do (1954 - 1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

94. Mac Namara (1995), Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

95. Malencov (1954), Tình hình quốc tế và chính sách ngoại giao của Liên Xô, Nxb Sự thật, Hà Nội.

96. Mấy vấn đề về chỉ đạo chiến lược trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945 - 1975) (1998), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.

97. Trương Tiểu Minh (2002), Chiến tranh lạnh và di sản của nó, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

98. Một số văn kiện Đảng về chống Mỹ, cứu nước (1985), tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội.

99. Một số văn kiện Đảng về chống Mỹ, cứu nước (1985), tập 2, Nxb Sự thật, Ha Nội.

100. 50 năm ngoại thương Liên Xô (1967), tiếng Nga, Tài liệu dịch lưu trữ tại Viện Sử học, Mátxcơva.

101. Ngoại giao Việt Nam - Thắng lợi và bài học (1998), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

102. Đào Huy Ngọc (1996), Lịch sử quan hệ quốc tế, Học viện Quan hệ quốc tế, Hà Nội.

103. Những sự kiện lịch sử Đảng, tập 3, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội.

104. Trần Hồng Quân (1988), Hợp tác Xô - Việt trong Liên Xô giáo dục Đại học, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện, Nxb Sự thật, Hà Nội.

105. Văn Quân (1958), Quan hệ giữa Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, Nxb Sự thật, Hà Nội.

106. Quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Liên Xô - Việt Nam (1988), Nxb Sự thật, Hà Nội.

107.   "Quan hệ Việt Nam - Liên Xô từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (30.1.1950 - 30.1.1980)" (1980) sổ tay tuyên truyền, số 1+2.

108. Quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tài liệu lưu trữ tại Viện Hồ Chí Minh Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

109. Quan hệ Xô - Việt (1945 - 19SB). Tài liệu lưu tra tụi Bộ Ngoại giao.

110. Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung (1996), Nxb Đà Nẵng.

111. Sức mạnh chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1985), Nxb Khoa học xă hội, Hà Nội.

112. Sức mạnh Việt Nam (1976), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.

113. Nguyễn Duy Trinh (1996), Sức mạnh ngoại giao thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, Nxb Sự thật, Hà Nội.

114. Nguyễn Duy Trinh (1972), Thế đi lên của ta trên mặt trận ngoại giao, Nxb Sự thật, Hà Nội.

115. Trong cuộc đối đầu thê kỷ (1996), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.

116. Thống kê số liệu viện trợ quốc tế, Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Hồ sơ 795, số 15.

117. Nguyễn Anh Tuấn (1983), "Những bông hoa rực rỡ của tình hữu nghị Việt - Xô trên địa bàn Thủ đô Hà Nội", Sách "Cách mạng Tháng Mười và tình hữu nghị Việt - Xô", Hội hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội.

118. Lý Đan Tuệ (2000), "Xung đột và mâu thuẫn Trung Quốc - Liên Xô trong vấn đề viện trợ cho Việt Nam chống Mỹ", Tạp chí Nghiên cứu Liên Xô - Trung Quốc đương đại, số 3, Tài liệu dịch từ tiếng Trung Quốc, lưu trữ tai Viên sử hoc.

119. "Tuyên bố của Thông tấn xã Liên Xô" (TASS, 1964), Bản dịch lưu trữ tại Viện Sử học, Báo Sự thật (Liên Xô), ngày 6-8.

120. "Tuyên bố của Thông tấn xã Liên Xô" (TASS, 1964), Bản dịch lưu trữ tại Viện Sử học, Báo Sự thật (Liên Xô), ngày 22-9.

121. Văn kiện Đảng về cuộc kháng chiến chống pháp (1946 -1950) (1988), tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội

122. Văn kiện ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1964), sáu tháng đầu năm 1964, Nxb Bộ Ngoại giao, Hà Nội.

123. Văn kiện ngoại giao Việt Nam Dãn chủ Cộng hòa (1969), sáu tháng cuôi năm 1964, Nxb Bộ Ngoại giao Hà Nội.

124. Văn kiện ngoại giao Việt Nam Dăn chủ Cộng hòa (1965), sáu tháng đầu năm 1965, Nxb Bộ Ngoại giao Hà Nội.

125. Văn kiện ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1965), sáu tháng cuối năm 1965, Nxb Bộ Ngoại giao Hà Nội.

126. Việt Nam - con số và sự kiện (1990), Nxb Sự thật Hà Nội.

127. Việt Nam - Liên Xô - Tình hữu nghị đời đời bền vững Hội hữu nghị Xô - Việt, Bản dịch lưu trữ tại Hội Hữu nghị Việt - Nga.

128. Việt Nam - Liên Xô: 30 năm quan hệ (1950 - 1980) (1982), Nxb Tiến bộ, Mátxcơva.

129. Việt Nam - Liên Xô những chặng đường quan hệ hữu nghị (1990), Bản dịch lưu trữ tại Thư viện Quân đội.

130. Việt Nam - Liên Xô xa mà gần (1983), Nxb Ngoại văn, Hà Nội.


* TIẾNG ANH

131.Chen Jian: "The Sino - Soviet Alliance and China’s Entry into the Korean War", Cold War International History Project, Woodrow Wilson International Center for Scholars Washington. D.c, June 1992.

132. Foreign relations of the United States, 1950, State United States Department of State Office of the Historian, vol. 1.

133. Christopher E. Goscha, "Courting Diplomatic Disaster? The Difficult Integration of Vietnam into the Internationalist Communist Movement (1945 - 1950)", Journal of Vietnamese Studies, Vol I, NO. 1-2, (February, August), 2006.

134.   Cosughin's Forthcoming Visit to Hanoi, CIA Released Documents, National Archives and Records Administration.

135.   Memorandum of Conversation (USSR), AVP RF, f. 0129, op. 53, p. 399, d. 6,1. 44 - 50. Secret, N° 34.

136. Note Ftvm the Soviet Leader to President Nixon, National Archives, Nixon Presidential Materials, NSC Files, Pr esident’s Trip Files, Kissinger/Dorynin, 1969, Pt.l.

137. Report on Meetings with the KGB of the USSR on 30 November and 1 December 1964, Office of the Federal Commissioner for the Stasi Records (BStU), MfS, SdM 576.

138.   SNIE: The Outlook for North Vietnam, CIA Released Documents, National Archives and Records Administration.

139. Sources of Military Equipment to North Vietnamese Military Forces, 1975, Archives, The International Institute For Strategic Studies, Volume I.

140. Sources of Military Equipment to North Vietnamese Military Forces, 1975, Archives, The International Institute For Strategic Studies, Volume II.

141. States of Soviet and Chinese Military Aid to North Vietnam, Special Report, Page 5, Central - intelligence agency, CIA Released Documents, National Archives and Records Administration.

142. Telegram, Communist Party of the Soviet Union Central Committee to Chinese Communist Party, 26 February 1954, Department of Archives, Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China (PRCFMA), 109 - 00396 - 01.

143. Telegram From the Embassy in the Soviet Union to the Department of State, Moscow, June 25, 1965, National Archives and Records Administration, RG 59, Conference Files: Lot 66 D 347, CF 86. Confidential, Document 115.

144.   Telegram From the Embassy in the Soviet Union to the Department of State, Moscow, July 21, 1965, Department of State, Kohler Files: Lot 71 D 460, Telegrams. Secret; Immediate, Document 119.

145. Telegram From the Embassy in the Soviet Union to the Department of State, Moscow, August 20, 1965, National Archives and Records Administration, RG 59, Central Files 1964-66, POL 27 VIET S. Secret, Document 121.

146. The Polish - Soviet Talks in Moscow: October 10 - 15, 1966, Andrzej Paczkowski, ed. Tajne Dokumenty Biura Politycznego PRL - ZSRR, 1956 - 1970. London: Aneks Publishers, 1996.

147. Letter from Allen S. Whiting to Kissinger, 16 August 1969, enclosing report, "Sino - Soviet Hostilities and Implications for U.S. Policy'', National Archives, Nixon Presidential Materials Project, box 839, China.

148. Douglas Pike (1987), Vietnam and the Soviet Union: Anatomy of an Alliance, Boulder: Westview Press.

149. Gareth Porter (ed.) (1979), Vietnam: The Definitive Documentation of Human Decision, Vol. II, New York.

150. Gary R. Hess (1994), The Unending Debate: Historians and the Vietnam War, Diplomatic History.

151. Mari Olsen (2006), Soviet - Vietnam Relations and the Role of China, 1949 - 1964, Routledge.

152. Min Chen (1992), The Strategic Triangle and Regional Conflict - Lessons from the Indochina Wars, Lynne Rienner Publisher, Boulder and London.

153. Ronal H. Spector, Advice and Support: The Early years of the United Stales Army in Vietnam 1941 - I960, The free Press, New York, Collier Macmilan Publishers.

154. Qiang Zhai (2000), China and the Vietnam War, 1950 - 1975, Chapel Hill and London: The University of North Carolina Press.


* TIẾNG NGA

155.   И.В. ГАЙДУК, Советский Союз и война во Вьетнаме, осмысление истории М, 1996.

156.   И.В. ГАЙДУК, Советский Союз и война во Вьетнаме, Указ, соч.

157.   Коммунистическая партия Советского Союза в резолюциях и решениях съездов, конференций и Пленумов ЦК (98-1986). Издательство Политика- М., 1983.