Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thảo luận Lịch sử bảo vệ Tổ quốc => Quyết tử cho Tổ quốc... => Tác giả chủ đề:: chuongxedap trong 26 Tháng Tư, 2012, 02:27:33 pm



Tiêu đề: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 26 Tháng Tư, 2012, 02:27:33 pm
CHIẾN DỊCH VIỆT BẮC - THU ĐÔNG 1947
(Phản công, từ ngày 7 tháng 10 đến ngày 20 tháng 12 năm 1947)


Việt Bắc là một liên khu nằm ở phía bắc của Bắc Bộ, bao gồm 17 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Yên, Hải Ninh, Tuyên Quang) và châu Mai Đà. Địa hình chủ yếu là rừng núi, một phần trung du. Rừng núi Việt Bắc trùng điệp, địa hình hiểm trở. Đường bộ và đường thuỷ ít và độc đạo. Phía đông bắc có đường số 4 chạy dọc theo biên giới Việt - Trung từ Móng Cái đến Cao Bằng. Đường số 3 từ Hà Nội chạy lên giữa lòng Chiến khu Việt Bắc, đi Thái Nguyên, lên Bắc Cạn và tới Cao Bằng. Đường số 2 từ Hà Nội lên Việt Trì, Phú Thọ, tới Tuyên Quang, Hà Giang. Đường thuỷ dọc sông Hồng lên ngã ba Việt Trì, rẽ theo sông Lô lên Tuyên Quang, rẽ theo sông Gâm tới Chiêm Hoá. Khí hậu Việt Bắc khắc nghiệt, mùa đông lạnh giá, mùa hè nắng nóng mưa nhiều, khi mưa hàng trăm con suối và sông nước lũ cuồn cuộn, cản trở cho việc chuyển quân của cả hai bên. Dân cư Việt Bắc gồm nhiều dân tộc ít người, sống thưa thớt, canh tác tự cung tự cấp, nghèo, nhưng vốn có truyền thống yêu nước, được giác ngộ một lòng đi theo cách mạng, ủng hộ kháng chiến.

Do Việt Bắc có địa thế hiểm trở, hạn chế được địch cả về cơ động và tầm quan sát, cả khả năng triển khai lực lượng lớn và phương tiện chiến đấu hiện đại khi tiến công tiến hành tác chiến lớn phải theo mùa... nên ngay từ tháng 8 năm 1945, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Nguyễn Lương Bằng ở lại Tân Trào một thời gian trực tiếp chỉ đạo củng cố khu căn cứ của Trung ương. Đến cuối tháng 10 năm 1946 (trước ngày toàn quốc kháng chiến), thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng từ Hà Nội trở lại Việt Bắc chuẩn bị căn cứ địa kháng chiến. Các huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn), Chiêm Hoá, Sơn Dương (Tuyên Quang), Định Hoá, Đại Từ (Thái Nguyên), được chọn làm An toàn khu (ATK). Bắt đầu từ tháng 11 năm 1946, để bảo toàn lực lượng, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính Phủ, Mặt trận, Bộ Tổng chỉ huy lần lượt rời Hà Nội lên Việt Bắc để lãnh đạo, tổ chức kháng chiến lâu dài. Các binh công xưởng, xí nghiệp, nhà máy, gần 63 nghìn đồng bào miền xuôi và hàng vạn tấn máy móc, nguyên vật liệu được vận chuyển, sơ tán lên Việt Bắc để quân và dân ta vừa sản xuất vừa tiếp tục chiến đấu.

Về phía địch, đầu năm 1947, sau khi “Giải pháp chính trị” lập chính phủ bù nhìn bế tắc, thực dân Pháp đã quyết định dùng “đòn quân sự” để giải quyết chiến tranh Việt Nam và Đông Dương.

Nhận rõ vị trí chiến lược của Việt Bắc, tướng Va-luy (Valluy) - Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương đã giao cho tướng Xa-lăng (Salan) - Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Đông Dương ráo riết chuẩn bị “Kế hoạch tiến công Việt Bắc”. Tháng 6 năm 1947, Va-luy bay về Pháp để thông qua “Kế hoạch tiến công Việt Bắc” trước nội các Ra-ma-đi-ê (Ramadier) và xin tăng viện (đầu tháng 7, Chính phủ Pháp đã thông qua kế hoạch này). Ngay sau đó, 14 tiểu đoàn Âu-Phi trong lực lượng tăng viện đã đổ bộ lên miền Bắc Việt Nam. Một số đơn vị quân Pháp ở Nam Bộ cũng được điều gấp ra Bắc Bộ.

Lực lượng tham gia tiến công trên 10 nghìn quân, gồm: năm trung đoàn bộ binh1, ba tiểu đoàn dù, hai tiểu đoàn pháo binh, hai tiểu đoàn công binh, ba đại đội cơ giới2, hai phi đội với 40 máy bay, ba thuỷ đội xung kích với 40 tàu, xuồng.

Kế hoạch tiến công, địch dự kiến chia thành hai bước:

Bước 1: Mang mật danh Lê-a (Léa)3. Mục tiêu đánh chiếm là khu tam giác Bắc Cạn - Chợ Đồn - Chợ Mới. Cụ thể, ngày 7 tháng 10 năm 1947 quân dù sẽ đồng loạt đổ bộ đánh đòn vu hồi, tập hậu hiểm hóc vào hậu phương của ta một cách bất ngờ, sẽ chiếm Bắc Cạn, Chợ Mới. Ngày 8, nhảy dù tiếp, chiếm Chợ Đồn và càn quét vùng xung quanh. Ngày 9, hai cánh quân dù này gặp nhau ở bản Pei (cách thị xã Bắc Cạn 20 km về phía bắc) hòng “bắt gọn chính phủ kháng chiến”.

Cùng lúc này hình thành hai mũi như hai gọng kìm bao vây toàn bộ khu căn cứ địa Việt Bắc bao gồm năm tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Hai mũi sẽ tiến công từ hai hướng:

Hướng đông (dài 420km), lực lượng “binh đoàn B” gồm cơ giới và bộ binh sẽ thọc một mũi nhọn theo quốc lộ số 4 từ Lạng Sơn lên Cao Bằng; vừa hành quân càn quét vừa triển khai chiếm đóng cứ điểm dọc trục lộ, thực hiện phong toả vùng biên giới này. Sau đó, từ Cao Bằng, một bộ phận sẽ tiến xuống Bắc Cạn phối hợp và hỗ trợ binh đoàn dù, hình thành gọng kìm thứ nhất kẹp chặt toàn bộ mặt phía đông của Việt Bắc.

Hướng tây, lực lượng “binh đoàn C” gồm quân thuỷ và bộ từ Hà Nội lên Việt Trì, phát triển lên Tuyên Quang, Chiêm Hoá theo sông Hồng, sông Lô, sông Gâm và quốc lộ số 2, hình thành gọng kìm thứ hai (dài 250 km).

Bộ chỉ huy Pháp dự kiến: Ngày 11 tháng 10 hoàn thành việc phòng thủ Chợ Mới, sau đó sẽ tiến hành càn quét và tuần tiễu trên đường số 3 và đường Chợ Mới - phố Bình Gia. Ngày 12, cánh đông sẽ tiến xuống Bắc Cạn. Ngày 13 tháng 10, hai gọng kìm sẽ hội quân ở Đài Thị (đông bắc Chiêm Hoá 12 km).

Bước 2: Mang mật danh “Xanh-tuya” (Ceinture)4, tức “siết chặt vành đai”. Quân địch sẽ tập trung càn quét khu tam giác: Bắc Cạn - Chợ Chu - Chợ Mới, lấy vùng Chợ Chu làm mục tiêu trọng điểm. Ngày 14 tháng 10, dùng nhiều hướng, mũi: quân bộ từ Bắc Cạn xuống, từ Chợ Mới đánh sang, phối hợp với quân dù nhảy thẳng xuống Chợ Chu. Một đơn vị dù khác đổ bộ xuống phía nam huyện lỵ Định Hoá nhằm khóa, chặn đường giao thông huyết mạch của kháng chiến Chợ Chu - Thái Nguyên, đây là vùng thủ đô kháng chiến của ta.

Như vậy, không gian của cuộc hành quân trải rộng trên địa bàn tám tỉnh, nhưng chúng sẽ tập trung quân càn quét vào khu tứ giác: Tuyên Quang - Đài Thị - Bắc Cạn - Thái Nguyên (khoảng 360 km2), trọng điểm đánh phá, càn quét là tam giác: Bắc Cạn - Chợ Chu - Chợ Mới5. Cùng với lực lượng tham chiến chính thức kể trên, các tiểu đoàn dù do Phô-xây Phơ-răng-xoa (Fossey François) chỉ huy, tập kết ở sân bay Gia Lâm và Cát Bi, sẵn sàng đổ bộ xuống nơi phát hiện có cơ quan đầu não kháng chiến.

Pháp chủ trương tập trung sức mạnh tối đa, tiến công chớp nhoáng với chiến thuật hợp đồng thuỷ - lục - không quân càn quét mạnh từng khu vực, lấn chiếm dần để dồn kẹp ta lại mà bao vây tiêu diệt, nhằm “4 mục tiêu chiến lược” của cuộc tiến công là: “Diệt và bắt cơ quan đầu não của Việt Minh, tìm diệt chủ lực, phá tan căn cứ địa Việt Bắc, bịt kín, khóa chặt biên giới Việt - Trung, ngăn chặn không cho Việt Minh tiếp xúc với Trung Quốc và loại trừ mọi chi viện từ bên ngoài vào. Truy lùng Việt Minh đến tận sào huyệt, đánh cho tan tác mọi tiềm lực kháng chiến của họ...6.

Bộ chỉ huy Pháp dự kiến cho cuộc hành quân là ba tháng và xem đây là một kế hoạch hoàn hảo, có khả năng đi đến kết thúc chiến tranh. Tướng Va-luy khẳng định sẽ “chơi ván bài cuối cùng”. Tướng Xa-lăng, tác giả của “kế hoạch tiến công Việt Bắc” thì cam đoan “Chỉ cần ba tuần lễ để đập tan đầu não của Việt Minh”7.
____________________________________
1.Gồm: Trung đoàn Ma-rốc số 6 (6eRTM), trung đoàn bộ binh thuộc địa Ma-rốc (RICM), trung đoàn bộ binh thuộc địa số 4 (4e - RIC), trung đoàn bộ binh Lê dương số 3 (3e REI) và một trung đoàn do Cô-xtơ (Coste) chỉ huy.
2.Ba đại đội này của trung đoàn bộ binh cơ giới Ma-rốc gồm 800 xe các loại.
3.Léa (Lê-a) - Tên một ngọn đồi cao 1.362 mét, trên trục đường số 3 nằm giữa Nguyên Bình và Bắc Cạn.
4.“Kế hoạch tiến công Việt Bắc” do Xa-lăng soạn thảo gồm hai cuộc hành binh lớn mang mật danh Lê-a và Clo-clo. Nhưng khi tiến hành cuộc hành binh thứ nhất (bước 1) đã không thực hiện được đúng như kế hoạch, mà vừa chậm vừa bị nhiều tổn thất nên đến “bước 2”, Xa-lăng đã lờ đi, không đả động gì đến mật danh Clo-clo nữa mà phải thay bằng Xanh-tuya - Tức “siết chặt vành đai”, dồn sức vào đánh phá khu tứ giác: Tuyên Quang - Thái Nguyên – Phủ Lạng Thương-Việt Trì.
5.Chợ Chu, Chợ Mới thuộc huyện Định Hoá - Khi quân Pháp nhảy dù xuống đây, cơ quan Trung ương của ta ở cách đó 20 km đường chim bay.
6.“Hồi ký Xa-lăng”. Nxb Presses de la Cité Pari, 1971 - T. 2, tr. 58 và 74.
7.“Hồi ký Xa-lăng” - Sđd.



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 26 Tháng Tư, 2012, 02:34:54 pm

Về phía ta, trước khi Pháp mở cuộc tiến công, lực lượng quân đội ta trên toàn quốc có 105.990 người (Bắc Bộ có 45.802 người)1; biên chế thành 20 trung đoàn, có hai trung đoàn 147 và 165 của Bộ và nhiều tiểu đoàn độc lập của khu và của Bộ. Trang bị thiếu thốn và không thống nhất, có gì dùng nấy. Một tiểu đoàn thường có hai đại liên, một đến hai cối 60mm, tám trung liên, 140 đến 160 súng trường đủ các kiểu (Nhật, Nga, Pháp). Một số tiểu đoàn của Bộ có pháo 20mm, trọng liên 13,2 mm, 12,7 mm và cối 81mm. Bộ đội và cán bộ chỉ huy các cấp chưa được huấn luyện thành thục về kỹ thuật, chiến thuật. Trình độ và khả năng chiến đấu giữa các đơn vị không đồng đều. Trừ Trung đoàn Thủ đô và Trung đoàn Lạng Sơn đã được thử thách qua chiến đấu, phần lớn các đơn vị còn lại chưa hề qua chiến đấu, trình độ kỹ thuật chiến thuật của bộ đội, trình độ tổ chức chỉ huy của cán bộ, tình hình trang bị của ta chưa cho phép tiến hành những trận đánh lớn để ngăn chặn địch. Các binh chủng pháo binh, công binh chưa được tổ chức thành đơn vị. Phương tiện thông tin liên lạc và vận tải thiếu nhiều, chủ yếu là liên lạc chạy bộ. Cung cấp, tiếp tế hậu cần có nhiều khó khăn chủ yếu dựa vào chính quyền và nhân dân địa phương. Bộ đội nhiều người bị sốt rét đã ảnh hưởng đến sức chiến đấu. Thời kỳ này ta yếu hơn địch về mọi mặt nhưng tinh thần chiến đấu, chịu đựng gian khổ hy sinh, dũng cảm của bộ đội ta thì được phát huy mạnh mẽ.

Riêng trên địa bàn chiến dịch, lực lượng ta có bảy trung đoàn bộ binh, tổng cộng 18 tiểu đoàn chủ lực (trong đó có hai tiểu đoàn của Bộ), 30 đại đội độc lập, 4.228 dân quân du kích tập trung2; ngoài ra còn có lực lượng tự vệ của các thị xã, thị trấn, công xưởng trên toàn Quân khu Việt Bắc. Pháo binh có bốn khẩu (ba khẩu 75mm, một khẩu 70mm). Phòng không có hai pháo 20mm, hai khẩu 13,2 mm và sáu khẩu 12,7 mm.

Lực lượng dân quân du kích ở địa phương Việt Bắc đã được tổ chức, củng cố khá mạnh, tính đến 12 năm 1947, riêng bốn tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên đã có tới 3.319 du kích tập trung. Đến cuối 9 năm 1947, cấp tỉnh có một đến hai trung đội hoặc một đại đội; huyện có một đến hai trung đội du kích tập trung; tinh thần vững, hăng hái chiến đấu nhưng huấn luyện còn ít, kinh nghiệm còn non.

Chiến dịch do Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp chỉ huy, đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy trưởng. Sở chỉ huy cơ bản ở Yên Thông; đến chiều 20 tháng 10 năm 1947, chuyển sang Tràng Xá (Thái Nguyên). Giai đoạn 2 chuyển về vùng Lục Rã, Quảng Nạp (cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 1947)3.

Tổ chức thông tin liên lạc: Bộ, Khu và trung đoàn dùng vô tuyến điện (VTĐ). Từ tiểu đoàn trở xuống liên lạc bằng thông tin vận động chạy chân và thông tin tín hiệu. Ta đã lợi dụng đường dây hữu tuyến điện (HTĐ) của bưu điện một số huyện (Chợ Đồn, Chợ Mới... ). Ngoài ra, một số đơn vị đã huấn luyện được chim bồ câu đưa thư chẳng hạn, tiểu đoàn 160 chủ lực của Bộ đang huấn luyện ở thao trường, bồ câu đưa thư đến báo tin địch nhảy dù ở Bắc Cạn và đã nhận được lệnh của Bộ, thực hành ngay nhiệm vụ cơ động đánh quân đổ bộ. Mặt khác ta đã tổ chức ra các mặt trận, trực tiếp chỉ huy chiến đấu, việc này đã khắc phục được một phần khó khăn về thông tin liên lạc.

Về cung cấp tiếp tế, ta chưa tổ chức hậu phương cho chiến dịch. Công tác tiếp tế cho bộ đội chủ yếu dựa vào chính quyền, đoàn thể địa phương và sự giúp đỡ của nhân dân, bộ đội chỉ tự túc được một phần. Lúc này, Trung ương tổ chức cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”, quyên góp chăn và áo trấn thủ cho chiến sỹ. Khẩu hiệu: “Làng to một chăn, làng nhỏ hai áo trấn thủ” được cả nước hưởng ứng sôi nổi, bởi vậy trước và trong chiến dịch khâu chuẩn bị chăn và áo ấm cho bộ đội đã được giải quyết cơ bản.

Công tác phá hoại trước chiến dịch cũng được triền khai rộng khắp. Nhưng do tư tưởng chủ quan nên nhiều nơi việc phá cầu, phá đường không làm triệt để (chỉ đào lỗ trên đường mà không ngả cây, rào đường), nên quân địch chỉ san lấp hai bên đường là có thể vận tải súng đạn bằng lừa, ngựa.

Công tác chính trị, ở chiến dịch đầu tiên này, ta chưa tổ chức cơ quan chính trị của chiến dịch. Chuẩn bị tư tưởng cho bộ đội sẵn sàng đối phó với cuộc tiến công của địch còn nhiều chủ quan, thiếu sót. Nhưng khi địch đã tiến công, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch có lời kêu gọi thì công tác chính trị trên toàn chiến trường Việt Bắc đã nhanh chóng triển khai rộng khắp, tích cực và thiết thực. Qua đó, bóc trần âm mưu, thủ đoạn chính trị thâm độc của địch khi tiến công Việt Bắc, đồng thời cũng đánh giá đúng đắn và khẳng định rõ quân địch không mạnh, ta có thể đánh lại và đánh bại chúng. Qua đó động viên được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết thực hiện lời kêu gọi của Đảng, tập trung sức mạnh phá tan cuộc tiến công của địch; đồng thời đả phá thái độ hoảng hốt, sợ địch, dao động chạy dài, chống khuynh hướng tư tưởng đầu hàng, thoả hiệp, chống tư tưởng chủ quan, coi thường địch. Song riêng công tác địch vận thì chưa làm được việc gì đáng kể.

Để đảm bảo cho chiến dịch đầu tiên thắng lợi, ngày 12 tháng 10 năm 1947, Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ 4 đã định rõ phương châm chiến lược và chiến thuật đối phó với địch. Ngày 4 tháng 10, Bộ Tổng chỉ huy ra “Mệnh lệnh tác chiến”, trong đó nhận định tình hình mọi mặt địch, ta, thời tiết, địa hình... để ra nhiệm vụ chung cho toàn quân, toàn quốc và “kế hoạch tác chiến”, với dự kiến hai trường hợp: Nếu địch càn quét vùng đồng bằng và nếu địch đánh lên Việt Bắc. Bản kế hoạch đã phân công cụ thể nhiệm vụ, địa bàn tác chiến cho các đơn vị trên chiến trường Việt Bắc và các chiến trường phối hợp4.

Hạ tuần tháng 9, trên hướng nghi binh: Đại tá Léc-mit (Lermitte) chỉ huy quân nguỵ người Thái đánh vào Nghĩa Lộ (Yên Bái), Cam Đường (Lào Cai), giải toả Than Uyên. Đầu tháng 10, tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn Ma-rốc số 6 (3/6e trung RTM) tiến lên Sơn Tây, Trung Hà, Hưng Hoá.

Sáng sớm ngày 7 tháng 10, cuộc tiến công của quân Pháp lên Việt Bắc mở màn. 8 giờ 15 phút quân dù do đại tá Sô-va-nhắc (Sauvagnac) chỉ huy nhảy xuống thị xã Bắc Cạn (hai đợt, khoảng 800 dù); 14 giờ 30 phút, toán thứ hai (khoảng 200 quân Pháp) nhảy xuống chiếm thị trấn Chợ Mới. Cùng ngày, binh đoàn bộ binh thuộc địa do đại tá Bô-phrê (Beaufré) chỉ huy, xuất phát từ Lạng Sơn, theo trục đường 4 tiến lên Cao Bằng hòng bao vây phía đông Việt Bắc. Ngày 8, quân Pháp nhảy dù chiếm Chợ Đồn. Trên hướng thị xã Bắc Cạn, khi quân dù đổ bộ, tiểu đoàn 49 trung đoàn 72 chưa kịp chuẩn bị nên chỉ giao chiến qua loa rồi rút. Vì lực lượng ta bố trí quá mỏng, bộ đội ở sâu trong hậu cứ nên tư tưởng chủ quan, kho tàng, xưởng máy chưa kịp sơ tán, công việc tiêu thổ kháng chiến chưa làm được nhiều, nên ngày tiến công đầu tiên, quân địch, nhất là quân nhảy dù đã tạo được yếu tố bất ngờ. Chúng đã phá được một số cơ quan, kho tàng, công xưởng và bắt được một số cán bộ, bộ đội và đồng bào ta5
______________________________________
1.Nghị quyết Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ tư ngày 12 tháng 10 năm 1947 tổ chức tập trung lại thành bảy khu nằm trong ba liên khu: Liên khu 1 gồm Khu 1 và 12; Liên khu 10 gồm Khu 10 và 14; Liên khu 3 gồm Khu 2, Khu 3 và Khu 11. Trong 20 trung đoàn, trừ hai trung đoàn chủ lực của Bộ, còn lại đều là trung đoàn địa phương các khu. Thời kỳ này trung đoàn là đơn vị tổ chức cao nhất. Bộ đang chuẩn bị thành lập “Đại đoàn chủ lực”, xảy ra việc địch tiến công Việt Bắc nên việc thành lập này hoãn lại.
2.a- Hồ sơ M-VL/10-721 BTTM, Cục Nghiên cứu khoa học quân sự (bản đánh máy tháng 4 năng 1962) ghi: “Có 10 trung đoàn gồm: Chủ lực của Bộ có hai trung đoàn 147 và 165 (thiếu 1d) và hai tiểu đoàn; Khu 1 có ba trung đoàn: 72, 74, 121 và hai tiểu đoàn: 19 và 43; Khu 12 có bốn trung đoàn: 11, 36, 59, 98 và tiểu đoàn 517; Khu 10 có một trung đoàn”. Nhưng trước khi chiến dịch Việt Bắc nổ ra, thực hiện chủ trương “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung theo quyết định của Bộ, ba trung đoàn (36, 59 và 98) đã phân tán lực lượng thành các “Đại đội độc lập” xuống hoạt động và gây dựng phong trào du kích chiến tranh ở các vùng dân cư. Do đó thực chất tham gia Chiến dịch Việt Bắc chỉ có bảy trung đoàn.

b- Dân quân du kích của năm tỉnh (Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Bắc Giang) mỗi tỉnh có hai trung đội, mỗi huyện có một trung đội dân quân du kích tập trung.

c- Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Pháp: Bộ Tổng Tham mưu - Ban Tổng kết lịch sử xuất bản 1991. Tr. 209. Lúc này sở chỉ huy chia thành hai khu. Khu A, nơi đặt chỉ huy chiến dịch ở Tràng Xá, khu B ở Núi Hồng (Thái Nguyên). Sở chỉ huy tiền phương đặt ở Bình Gia (Sđd – tr. 211).
3.Sau ngày 13 tháng 10, khi ta có trong tay bản “Kế hoạch tiến công Việt Bắc” của địch, ta tổ chức, điều chỉnh lại lực lượng, hình thành các mặt trận (nói ở phần sau), thì trên mỗi mặt trận lại có “Sở chỉ huy tiền phương” của mặt trận đó.
4.“Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh” Bộ Tổng Tham mưu xb - Tập 1, tr. 13-15.
5.Hồ sơ M.VL.10.721 BTTM (đã dẫn) ghi rõ (trang 15/H): “Tuy Trung ương và Bộ Tổng chỉ huy có chỉ thị chuẩn bị đối phó cuộc tiến công mùa Đông của giặc Pháp ngay từ mùa Hè. Nhưng do sự phán đoán sai lệch hướng tiến công (lúc đầu ta phán đoán địch sẽ tiến công vùng Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, nếu chúng phiêu lưu lắm thì mới dám đánh lên Việt Bắc) do đó sự chỉ đạo về các mặt không chặt chẽ, sự chuẩn bị cụ thể về tinh thần và vật chất sơ sài. Về phần bộ đội cũng nằm trong tình trạng chung ấy và lại đang ở thời kỳ chấn chỉnh về biên chế tổ chức; mới có một kế hoạch huấn luyện và bắt đầu học tập được vài ngày thì địch tiến công lên. Vì vậy trong những ngày đầu, khi địch nhảy dù tiến công lên Việt Bắc, nói chung quân dân ta có hoang mang, có chỗ chạy tán loạn như Bắc Cạn, Lào Cai. Các cơ quan, cơ xưởng, kho tàng chưa kịp phân tán nên bị địch cướp phá; một máy in của Tài chính ở Bản Thi, nhà máy Hoàng Văn Thụ ở Chợ Chu bị địch phá huỷ...”. Báo cáo tổng kết của Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thải, của Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp và của Tổng Bí thư Trường Chinh cũng có nội dung tương tự.

Cuộc nhảy dù táo bạo này quả có gây cho ta sự bất ngờ. Nhưng Va-luy đã lầm lẫn lớn khi cho rằng thị xã nhỏ bé Bắc Cạn trở thành “Thủ đô mới” của Việt Minh. Va-luy không hề biết rằng, trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, không khi nào có cơ quan Trung ương của ta ở tại một thị xã, thị trấn. Mà tất cả đã chia thành những bộ phận nhỏ, thường xuyên di chuyển, hòa vào với nhân dân, được sự che chở của nhân dân, khiến địch rất khó phát hiện. Phân tán và cơ động nhưng các cơ quan trung ương vẫn duy trì mọi hoạt động lãnh đạo và điều hành cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước.

Khi quân Pháp nhảy dù tập hậu, lực lượng quân đội ở thị xã Bắc Cạn chỉ có một bộ phận của tiểu đoàn 49, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn lúc này cũng chỉ có một tiểu đoàn tân binh. Hai lực lượng (rất mỏng) này chủ yếu nổ súng để bảo vệ cho nhân dân và một số cơ quan đóng ở đây tản cư rút vào rừng núi an toàn. Tuy địch có phá được một số xưởng máy của ta (của xưởng in tiền và công binh xưởng), một số kho tàng và thu được 10 triệu bạc Việt Nam của Ty Ngân khố, nhưng còn quá xa so với mục tiêu “phá huỷ tiềm năng chiến tranh của Việt Minh” mà chúng đề ra. Trong “Hồi ký Xa-lăng” có đoạn nói rõ: Xa-lăng coi cuộc hành binh Lê-a ngày 7-10-1947 là một đòn quyết định “đánh thẳng vào tim kẻ thù”. Ông ta ngồi trên máy bay trực tỉếp thị sát cuộc nhảy dù xuống thị xã Bắc Cạn. Lúc 11 giờ 35 phút, Xô-va-nhắc từ mặt đất báo cáo qua vô tuyến điện: “Ông Hồ Chí Minh bị bắt đã yêu cầu chấm dứt chiến tranh”. Xa-lăng vội vã bay về Hà Nội báo tin mừng với Sài Gòn. Cao uỷ Bô-la (Bollaert) và quyền tổng chỉ huy Bát-tê (Battet) hấp tấp bay ra Hà Nội. Lúc đó Xa-lăng đã biết mình lầm, đành phải thú nhận: “Tôi - chúng ta đã bị đánh lừa”. Hai vị cấp trên đã bỏ cơm chiều quay về Sài Gòn sau khi đã tặng cho Xa-lăng những lời lẽ nặng nề... Thực chất hôm ấy, bọn lính dù bắt được một cụ già chững chạc, nói tiếng Pháp, cụ yêu cầu chấm dứt chiến tranh xâm lược. Lúc biết không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng đã bắn chết khi ông già tìm cách chạy thoát. Đó là cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, một nhân sĩ yêu nước tâm huyết và uy tín.

Những ngày đầu chiến dịch, Bác Hồ và Trung ương ở Điềm Mạc, sau ngày 15 tháng 10 dời vào Khuổi Tát, đến 22 tháng 10 dời vào Bản Cóc huyện Định Hoá. Trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, Bác và cơ quan Trung ương đều chủ động, linh hoạt di chuyển vị trí bí mật, an toàn, sống và làm việc trong các bản làng đồng bào dân tộc của Chiến khu Việt Bắc.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 26 Tháng Tư, 2012, 02:46:03 pm

Đêm 7 tháng 10, Bộ Tổng chỉ huy và Bộ chỉ huy Khu 1 nhanh chóng điều thêm lực lượng về Bắc Cạn, cụ thể tiểu đoàn 160 (Bộ), tiểu đoàn 72 (Khu 1) lên vùng Chợ Mới; trung đoàn 72 rút lên hoạt động từ Bắc Cạn tới Cao Bằng; lệnh cho các lực lượng của Bộ ở trung du chuyển lên hướng bắc; lệnh cho trường Võ bị Trần Quốc Tuấn bế giảng khoá huấn luyện và đưa ngay cán bộ về các đơn vị kịp thời tham gia chiến đấu. Các đơn vị bám sát mọi động tĩnh của địch để điều chỉnh kế hoạch tác chiến, giành lại thế chủ động. Trước mắt Bộ đôn đốc đánh địch trên đường số 4, số 3, sẵn sàng trên hướng đường số 2 và sông Lô.

Từ ngày 8 tháng 10, các đại đội độc lập cùng quân dân du kích liên tiếp tập kích, quấy rối các vị trí: Chợ Đồn, Ngân Sơn, Chợ Rã, diệt hai trung đội địch. Đại đội bảo vệ 15 (đơn vị tiền thân của Bộ tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Nội vụ và Lữ đoàn cận vệ 144 - Bộ Quốc phòng sau này) bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan trung ương khẩn trương sơ tán đến nơi an toàn.

Trên hướng đông, do bị ta đào hào băm nát lộ 4 nên binh đoàn Bô-phrê phải xé lực lượng thành năm đơn vị hỗn hợp, tiến quân theo kiểu sâu đo. Vừa đi vừa sửa đường vừa đề phòng ta chặn đánh. Cơ giới không phát huy được, Bô-phrê quyết định hành quân bộ và dùng lừa, ngựa vận chuyển hậu cần, tốc độ rất chậm so với kế hoạch; đến 10 tháng 10, cánh quân này mới tới Thất Khê. Ngày 9 tháng 10 Xa-lăng buộc phải ném 300 quân dù thuộc 1e BCP xuống một vị trí xung yếu phía đông nam thị xã Cao Bằng để yểm trợ và đón binh đoàn Bô-phrê. Quân dù chiếm thị xã, củng cố rồi càn quét ra xung quanh; nhưng bị bộ đội và dân quân chặn đánh, quấy rối. Mũi tiến công vào Nước Hai và Quảng Yên của chúng bị chặn đứng. Ngày 9 tháng 10, khẩu đội 12,7 mm của đại đội 675 trung đoàn 74 bố trí ở đồi Thiên Văn, thị xã Cao Bằng bắn rơi chiếc máy bay vận tải Junker 52 Toucan (Ju52) chở sĩ quan tham mưu chiến dịch đi thị sát chiến trường, 12 sĩ quan tham mưu, trong đó có Lăm-be (Lambert), đại tá, phó tham mưu trưởng quân Pháp ở Đông Dương thiệt mạng. Ta thu được bản kế hoạch tiến công Việt Bắc của chúng.

Chiến sĩ liên lạc Nguyễn Danh Lộc của trung đoàn chạy bộ, vượt rừng, mang “bản kế hoạch tiến công Việt Bắc” của địch về cho Bộ Tổng chỉ huy (lúc này đang đóng ở Tràng Xá và ở núi Hồng - Thái Nguyên)1.

Trong tuần đầu, bộ đội thiên về đánh tập trung, vận động từ xa tới, chuẩn bị vội vã, đánh địch hiệu quả thấp. Pháo binh mấy lần bỏ lỡ cơ hội diệt tàu địch trên sông Lô.

Ngày 10 tháng 10, Bộ Tổng chỉ huy điện gấp cho Khu 10 tích cực đánh địch trên sông. Đồng thời điều tiểu đoàn 18, chủ lực Bộ do đồng chí Vũ Phương chỉ huy trưởng, đồng chí Hồng Cư chính trị viên cơ động gấp về Bình Ca, kiên quyết bao vệ cửa ngõ phía Tây của Việt Bắc.

Ngày 13 tháng 10, Bộ Tổng chỉ huy có trong tay toàn bộ “Kế hoạch tiến công Việt Bắc” của địch, ta khẩn trương điều chỉnh, tổ chức lại lực lượng. Các mặt trận lần lượt được hình thành do chỉ huy cấp chiến lược trực tiếp chỉ đạo. Lực lượng gồm các tiểu đoàn chủ lực của Bộ và khu. Cụ thể: Mặt trận Sông Lô - Đường số 2 do các đồng chí Trần Tử Bình và Tạ Xuân Thu2 chỉ đạo. Nhiệm vụ đánh quân thủy, bộ vận động, ngăn chặn tăng viện tiếp tế, tiến tới bẻ gãy gọng kìm phía tây. Mặt trận Bắc Cạn - Đường số 3 do đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách. Nhiệm vụ tiêu diệt địch cơ động trên đường Bắc Cạn - Cao Bằng và nống ra xung quanh thị xã Bắc Cạn; bảo vệ cơ quan Trung ương. Mặt trận đường số 4 do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp theo dõi, chỉ đạo. Nhiệm vụ đánh địch cơ động trên đường Lạng Sơn - Cao Bằng, hạn chế sức mạnh cơ giới của địch, từng bước vô hiệu hoá gọng kìm phía đông của chúng. Bộ Tổng chỉ huy chỉ thị: hình thức tác chiến chủ yếu trên ba mặt trận là đánh phục kích với quy mô cấp đại đội bố trí độc lập, nhằm tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận nhỏ quân địch đang cơ động là chủ yếu. Các tiểu đoàn tập trung phải luôn đứng chân ở địa bàn, sẵn sàng cơ động đánh địch khi chúng xuất hiện.

Trên trục lộ 4, trung đoàn 74 Cao Bằng và trung đoàn 11 Lạng Sơn cùng dân quân du kích liên tiếp phục kích, đã tiêu hao và làm giảm bước tiến của địch.

Ngày 11 tháng 10 (sau năm ngày), chúng mới tới được Cao Bằng. Tới nơi Bô-phrê phải phái ngay trung đoàn bộ binh thuộc địa Ma-rốc (RICM) theo trục lộ 3 xuống cứu nguy cho quân Sô-va-nhắc đang bị cô lập ở Bắc Cạn, Chợ Đồn, Chợ Mới. Dọc đường, trung đoàn bộ binh thuộc địa Ma-rốc liên tiếp bị ta phục kích ở Nguyên Bình, Ngân Sơn, Phủ Thông. Quân đi cứu nguy lại bị lâm nguy, Sô-va-nhắc phải phái quân lên đón trung đoàn này, hai cánh quân dìu nhau về Bắc Cạn. Ngày 16 tháng 10, chúng chiếm Phủ Thông và tiến về “hợp điểm”. Quân ta đánh nhiều trận ở Bắc Cạn, Chợ Rã và hồ Ba Bể. Ngày 20 tháng 10, toán quân này mới đến được Bản Thi, cách “điểm hẹn” với binh đoàn Com-muy-nan (Communal) 20 km, chậm bảy ngày so với kế hoạch.

Trên hướng tây, ngày 9 tháng 10 binh đoàn Com-muy-nan mới xuất phát được từ Hà Nội ngược sông Hồng, đến Sơn Tây một bộ phận bị mắc cạn phải nằm lại. Sáng 11, tàu địch qua Phan Dư, vì thông tin chậm, ta bỏ lỡ cơ hội diệt địch. Sáng 12, chúng vướng kè Sóc Đăng phải ném bom phá huỷ kè và dùng máy nhổ cọc, mở luồng. Tại Đoan Hùng và Bình Ca, pháo ta vừa phát hoả thì hỏng nòng, phải di chuyển để tránh địch cướp pháo. Ở Bình Ca, bộ đội tiểu đoàn 18 từ trên cao nhảy xuống dùng lê, mã tấu đánh giáp lá cà, địch chết nhiều, số còn lại vội rút xuống tàu. Từ đó địch tiến công dè dặt hơn. Pháo binh tổ chức lại hệ thống thông tin báo động, bố trí lại trận địa hiểm hóc, thực hiện “đặt gần bắn thẳng”.

Ngày 13 tháng 10, quân Pháp ném bom, bắn pháo và tiến vào Tuyên Quang, đội hình dài hơn 100km. Ngày 17 chúng chia thành hai mũi theo đường số 2, đường hàng tỉnh và sông Gâm tiến sang Chiêm Hoá. Đến đâu chúng cũng chỉ thấy “vườn không nhà trống”. Quân ta phục kích và bắn trả.

Chiều ngày 14 tháng 10, Thường vụ Trung ương Đảng họp thông qua chỉ thị “Phải phá tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp”. Hội nghị nhận định: Cuộc tiến công lần này của Pháp chứng tỏ địch không mạnh, mà vì yếu nên mạo hiểm. Địch sẽ gặp nhiều khó khăn to lớn, nếu ta biết lợi dụng khai thác những chỗ yếu của địch thì nhất định cuộc tiến công của chúng sẽ thất bại. Thường vụ nhất trí thực hiện ngay công thức “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, nhất trí tổ chức ba mặt trận như báo cáo của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp. Kết thúc cuộc họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tình hình cực kỳ rối ren về chính trị ở Pháp và phong trào đấu tranh ở các nước thuộc địa đã dẫn Pháp đến chỗ muốn sớm kết thúc chiến tranh Đông Dương. Chúng chỉ tiến công ồ ạt lúc đầu. Nếu ta thực hiện được đánh địch khắp nơi, buộc chúng dàn mỏng lực lượng đối phó, chúng sẽ thất bại. Ta giữ gìn được chủ lực qua mùa đông này là coi như thắng lợi. Nếu chuyến này không thắng nhanh để kết thúc chiến tranh thì cục diện sẽ đổi mới có lợi cho ta”

Ngày hôm sau, 15 tháng 10, sau khi Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị đánh bại cuộc tiến công mùa đông của địch, Bộ Tổng chỉ huy ra Huấn lệnh (ĐB/101) cho các khu: Phát động chiến tranh du kích trên toàn vùng, lấy đại đội làm đơn vị bố trí trên các chiến trường địa phương, làm nòng cốt cùng các lực lượng địa phương tiêu diệt từng bộ phận quân địch và thực hiện phá hoang trên địa bàn. Các đại đội này vừa trực tiếp giúp đỡ dân quân du kích, vừa phối hợp với lực lượng cơ động (là các tiểu đoàn chủ lực tập trung của Bộ và của khu) đánh những trận vừa và lớn. Những nơi địch sẽ đi qua thực hiện tiêu thổ kháng chiến (làm vườn không nhà trống) để triệt nguồn hậu cần tại chỗ của địch, phá giao thông để ngăn chặn bước tiến của địch.

Cũng trong ngày 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quân và dân Việt Bắc ra sức đánh bại cuộc hành binh của địch, quân dân cả nước tích cực đánh địch để phối hợp với Việt Bắc. Người chỉ rõ: “Địch hội quân ở Bắc Cạn tạo thành cái ô bọc lấy Việt Bắc, rồi cụp ô xuống, dưới đánh lên, trên đánh xuống, phá cho được cơ quan đầu não của kháng chiến... Chúng mạnh ở hai gọng kìm, gọng kìm mà gãy thì cái ô cụp xuống sẽ thành ô rách và cuộc tiến công thất bại”.

Ngày 15 tháng 10, hai tiểu đoàn chủ lực của Bộ có một khẩu đội pháo phối hợp, tiến công vào 200 quân địch đóng tại Chợ Mới. Ngày 21, một tiểu đoàn của Trung đoàn Thủ đô tiến công một đại đội địch đóng trong Chợ Đồng. Cả hai nơi tuy ta chỉ thực hiện tiêu hao, không tiêu diệt được địch, nhưng cùng với 17 trận phục kích nhỏ trên đường Phủ Thông - Bắc Cạn, Chợ Mới - Bắc Cạn, đã làm cho quân địch nhụt chí, không dám sục sạo rộng ra ngoài vị trí đóng quân. Máy bay địch thả dù tiếp tế xuống thị xã Bắc Cạn.

Ở phía tây, tiểu đoàn chủ lực của trung đoàn Hà Tuyên do đồng chí Lê Thùy chỉ huy liên tục bám sát và tập kích cánh quân của Com-muy-nan, khiến chúng phải tiến quân dè dặt, ngày 20 mới tới được Đầm Hồng và phải dừng lại chờ thêm lực lượng. Cánh quân trên đường số 2 mới tới được Chiêm Hoá. Ngày 22, tự vệ thị xã Tuyên Quang dùng địa lôi đánh phục kích ở ki-lô-mét số 7 trên quốc lộ 2, diệt và làm bị thương gần 100 tên địch. Một tiểu đoàn quân Pháp đang tiến lên Chiếm Hoá buộc phải quay lại. Cuộc hành binh bị chậm nhiều so với kế hoạch. Cánh quân Com-muy-nan chậm bảy ngày mà không tới được đúng “điểm hẹn”. Như vậy, cả hai gọng kìm của đợt tiến công “Lê-a” đều bị bẻ gãy. Gọng kìm quy mô binh đoàn không khép được vào ngày 13, mà hợp điểm quy mô tiểu đoàn cũng không thực hiện được vào trung tuần tháng 10 như kế hoạch của chúng.

Nhận rõ chỗ yếu chí mạng của địch là vấn đề bảo đảm hậu cần, Bộ Tổng chỉ huy chủ trương “Đánh mạnh ở Mặt trận Sông Lô và đường 4, phá giao thông vận tải tiếp tế của địch, kết hợp chặt việc phát động nhân dân làm vườn không nhà trống, triệt nguồn tiếp tế tại chỗ của địch”. Cuối tháng 10, ta điều chỉnh lại đội hình chiến đấu, phân công rõ phạm vi, nhiệm vụ cho các đơn vị:

Trên mặt trận đường số 3: Trung đoàn 121, bố trí tiểu đoàn tập trung và bảy đại đội độc lập trên các địa bàn trọng điểm trên ba tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Yên và Phúc Yên3.

Trung đoàn 72: Một tiểu đoàn và năm đại đội độc lập bố trí trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn4.

Trung đoàn 165 (thiếu một tiểu đoàn): Bố trí ở Chợ Rã, Chợ Đồn, thị xã Bắc Cạn.

Trên Mặt trận đường 4: Trung đoàn 74, tiểu đoàn và các đại đội độc lập bố trí trên đoạn đường Cao Bằng - Đông Khê5.

Trung đoàn 11, bố trí đoạn Lạng Sơn - Đông Khê, đường số 1 đoạn Thất Khê - Đồng Mỏ6.

Trên mặt trận sông Lô: Trung đoàn của Khu 10 và một tiểu đoàn của Bộ đánh địch trên sông Lô từ Việt Trì đến Tuyên Quang; trung đoàn 147 và hai tiểu đoàn của Bộ bố trí phía nam đường liên tỉnh Tuyên Quang - Thái Nguyên.

Lực lượng dân quân du kích và tự vệ cũng được củng cố và tăng cường trang bị. Thông tin liên lạc tổ chức lại, chặt chẽ và hiệu qủa hơn.

Pháo binh thực hiện nghi binh, cơ động linh hoạt, bố trí sát bờ sông, đã đánh hai trận phục kích xuất sắc vào trưa 24 tháng 10: một đoàn tàu địch năm chiếc từ Tuyên Quang xuống đến Đoan Hùng lọt vào trận địa phục kích của “Trung đội pháo binh Xuân Canh” (Trung đội Pháo đài Xuân Canh - Hà Nội 12-1946) và “Trung đội Lục tỉnh”, ta bắn chìm tại chỗ hai chiếc, toàn bộ quân địch chết đuối; bắn hỏng nặng hai chiếc khác. Chiếc còn lại quay đầu về Tuyên Quang. Sau trận này, tuyến đường sông Lô của địch bị cắt 10 ngày, địch phải thả dù tiếp tế cho Tuyên Quang, và Chiêm Hoá. Báo chí Pháp gọi đây là “Thảm hoạ Đoan Hùng”.

Thực hiện Huấn lệnh 101, hai trung đoàn Lạng Sơn và Cao Bằng đã phân tán thành những tiểu đoàn tác chiến trên từng khu vực và đưa một số đại đội độc lập về các địa phương trọng yếu để phát động chiến tranh du kích. Ngay sau đó, ở Cao Bằng, công nhân xưởng quân giới Lê Tổ và dân quân các xã Hào Lịch, Hưng Đạo, Hùng Việt đánh lui một cuộc tiến công của Pháp, diệt gần 100 tên.
______________________________________
1.Trong cuốn Hồi ức “Chiến đấu trong vòng vây” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trang 176 ghi: “... Cơ quan chỉ huy chia thành hai bộ phận: Bộ phận nặng ở lại căn cứ, đi sâu vào núi, anh Văn Tiến Dũng phụ trách bộ phận này. Tôi phụ trách bộ phận nhẹ, chuyển ra ngoài khu vực bị uy hiếp... và sau đó tôi sẽ đi Mặt trận đường 4. Anh Thái đi Mặt trận đường số 3, anh Trần Tử Bình và anh Lê Thiết Hùng đi Mặt trận Sông Lô
2.Sđd, tr.176.
3.Bảy đại đội độc lập bố trí ở: Đông Anh, Đa Phúc, Kim Anh, Yên Lãng, Phú Bình, Võ Nhai, Chợ Chu, Đại Từ, Đồng Hỷ.
4.Năm đại đội độc lập bố trí ở: Chợ Đồn, Chợ Rã, Ngân Sơn, Na Rì, Phủ Thông.
5.Đại đội độc lập bố trí ở: Nguyên Bình, Sóc Giang, Hoà An, Quảng Yên, Phục Hoà và Đông Khê.
6.Sáu đại đội độc lập bố trí ở: Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng, Điềm He, Lộc Bình, Đồng Mỏ.



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 26 Tháng Tư, 2012, 02:48:51 pm

Ngày 27 tháng 10, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp có điện chỉ đạo:

- Mặt trận đường 4: Kiên quyết tổ chức một số trận phục kích đánh tiêu diệt.

- Mặt trận đường số 3: Bao vây, cắt tiếp tế, bức địch rút khỏi khu vực Chợ Đồn, Chợ Rã.

- Mặt trận Sông Lô: Đưa pháo lên đánh địch trên sông Gâm, bức Chiêm Hoá, Đầm Hồng.

Bốn ngày sau, ngày 29 tháng 10, tiểu đoàn 374 trung đoàn 11 tổ chức trận địa phục kích đoạn đường Bản Sao - đèo Bông Lau, chiều 30, đánh một trận xuất sắc tiêu diệt đoàn xe địch 30 chiếc trên đèo Bông Lau, phá huỷ 27 xe diệt 104 tên địch, bắt 101 tên, thu toàn bộ vũ khí, 600 chiếc dù và nhiều quân trang, quân dụng.

Tiểu đoàn 374 sau thời gian phân tán đi xây dựng cơ sở ở tỉnh Lạng Sơn mới tập trung lại, với toàn bộ chiến sĩ là người dân tộc Tày, Nùng. Các chiến sĩ là người địa phương nên rất thông thuộc địa hình, thời tiết và quy luật vận chuyển của những đoàn xe địch. Trận địa phục kích đã được bố trí rất khéo. Trận đánh nổ ra lúc 5 giờ chiều, vào mùa đông, ở vùng cao thời gian này đã chập choạng tối. Đoàn xe 30 chiếc từ Đông Khê xuống, sau khi qua đỉnh đèo Bông Lau hiểm trở, yên trí đổ dốc về phía Thất Khê, nơi binh lính sẽ được nghỉ ngơi. Một trái bom 25 kg bất thần nổ ở lưng chừng đèo, lật nhào chiếc xe thứ hai. Chiếc đi đầu chạy thoát. Chiếc thứ ba bị trúng đạn Badôka bốc cháy. Đoàn xe bị đánh bất ngờ ùn tắc lại. Tiểu đội công binh tiếp tục giật địa lôi. Xe địch chiếc lao xuống vực, chiếc quay đầu lao vào vách núi. Đại liên, trung liên, Badôka của đơn vị nhằm vào đoàn xe. Sau 10 phút nổ súng, ba đại đội xung kích của tiểu đoàn từ ven rừng Khau Phía đồng loạt xung phong. Già nửa quân địch là linh Âu - Phi chống cự yếu ớt. Cả đoàn xe, có cả xe bọc thép hộ tống, với khoảng 250 binh lính bị diệt và bị bắt (một số ít lính ngụy bỏ chạy vào rừng sâu.). Bộ đội thu chiến lợi phẩm rồi đốt xe. Ta chỉ hy sinh một chiến sĩ, bị thương năm người.

Sau trận này, đường số 4 bị cắt đứt nhiều ngày. Địch phải dùng máy bay thả dù tiếp tế cho Bắc Cạn, Cao Bằng, đóng thêm một số đồn bốt nhỏ dọc đường và huy động bảy đại đội càn sâu vào phía tây nam Đông Khê, Thất Khê từ 10 đến 12 ki-lô-mét. Tiểu đoàn 374 lại có dịp phối hợp với một đại đội độc lập và dân quân du kích tổ chức chặn địch, sau đó nhổ vị trí Văn Mịch. Ngày 8 tháng 11, tiểu đoàn 374 trung đoàn 11 và dân quân du kích chặn đánh quân địch ở Áng Mò, diệt 80 tên. Đường số 4 trở thành “Con đường chết” đối với địch.

Kinh nghiệm đánh hai trận Sông Lô và Bông Lau nhanh chóng được phổ biến trên toàn chiến trường Việt Bắc. Thắng lợi Bông Lau mở đầu cho hàng loạt trận phục kích lớn sau này. Bộ Tổng chi huy quyết định tặng danh hiệu “Tiểu đoàn Bông Lau” cho tiểu đoàn 374.

Quân Pháp đi đến đâu cũng bị đánh, tiếp tế khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, lính hao mòn, mỏi mệt. Tìm cơ quan đầu não ta thì không thấy, tìm diệt chủ lực ta thì không gặp, tổ chức chiếm đóng thì khó khăn, rút quân thì mục tiêu cơ bản chưa đạt. Địch rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Chúng buộc phải rút lui cục bộ: ngày 28 tháng 10 rời bỏ Bản Thi, Yên Thịnh; 13 tháng 11 rút Chợ Đồn; 16 tháng 11 Chợ Rã, Ngân Sơn. Kế hoạch “Lê-a” phá sản, quân Pháp chuyển sang giai đoạn hai trong tình thế bị động. Ta phát huy thắng lợi, quyết đánh chúng bật ra khỏi Việt Bắc.

Đến đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở về sở chỉ huy cơ bản của Bộ ở Tràng Xá, đồng chí Đào Văn Trường ở lại làm phái viên đốc chiến trên Mặt trận đường số 4.

Sang giai đoạn 2, cả hai bên đều bố trí lại lực lượng. Bộ chỉ huy Pháp buộc phải lui quân thu hẹp địa bàn, vừa phải dùng hai trung đoàn, bộ binh Ma-rốc số 5 (5e RTM) và trung đoàn do trung tá Cô-xtơ chỉ huy, cùng lực lượng còn lại trên Việt Bắc để tập trung càn quét vùng tứ giác Tuyên Quang - Thái Nguyên - Việt Trì - Phủ Lạng Thương với tham vọng “Bắt cho kỳ được cơ quan đầu não của Việt Minh, phá nát căn cứ địa”.

Về phía ta, Bộ Tổng chỉ huy chỉ thị cho các mặt trận bố trí lại lực lượng và giao địa bàn, nhiệm vụ đánh địch cụ thể cho từng đơn vị.

Ngày 10 tháng 11, pháo binh Khu 10 phát huy cách đánh “Đặt gần bắn thẳng”, phối hợp chặt chẽ với bộ binh và dân quân du kích làm trận địa nghi binh, dùng nhiều quả bưởi sơn đen giả thuỷ lôi thả trên sông lừa địch, đánh một trận xuất sắc trên sông Gâm, đoạn từ Chiêm Hoá về Tuyên Quang, đánh đắm bốn trong số năm tàu địch, diệt 200 tên địch.

Ngày 15 tháng 11, binh đoàn do Cô-xtơ (Coste) chỉ huy, từ Phả Lại theo đường bộ và sông Thương lên đánh chiếm Phủ Lạng Thương. Ba ngày sau, chúng càn quét vùng Nhã Nam, Yên Thế và Việt Yên (Bắc Giang). Tiểu đoàn 517 Khu 12 đánh được vài trận nhưng hiệu quả thấp vì thông tin kém, vận động chậm. Địch kìm chế được quân ta để yểm trợ cho cánh quân của Bô-phrê thực hành rút về hướng Thái Nguyên.

Ngày 19, Công an và tự vệ thị xã Tuyên Quang đánh địa lôi, diệt gần 100 tên địch ở ki-lô-mét số 6 đường Tuyên Quang - Hà Giang.

Những trận đánh liên tiếp trên sông Lô, sông Gâm và đường số 2, khiến các cơ quan thông tấn của Pháp gọi “Tuyên Quang là một nghĩa địa khổng lồ”. Tên quan tư Lơ-giốt (Lejsue) phải báo cáo về: “Vì trận đại bại của thuỷ binh, nên binh lính rất chán nản. Sỹ quan ra sức giữ vững tinh thần, nhưng không nên đưa họ ra trận nữa vì tinh thần suy sụp rất mau... Những hạ sĩ quan và đội trưởng tốt nhất đều bị thương”.

Từ đầu tháng 11, quân Pháp buộc phải đóng thêm nhiều đồn bốt nhỏ bảo vệ các tuyến đường số 4 và số 3. Trước khi có đoàn xe qua, địch phải tung quân lùng sục hai bên đường, vẫn không tránh khỏi những trận phục kích bất ngờ của quân ta.

Ngày 20 tháng 11, đợt tiến công mới của địch mang tên Xanh-tuya bắt đầu.

Sau hai ngày nghi binh và chuẩn bị, 2 giờ sáng 22 tháng 11, cánh quân của Com-muy-nan bí mật rút khỏi thị xã Tuyên Quang. Ta không nắm được nên bỏ lỡ thời cơ diệt địch. Cùng ngày, trung đoàn Ma-rốc số 5 từ Hoà Bình ra càn quét Hưng Hoá, vượt sông Hồng đánh chiếm Việt Trì làm bàn đạp đón đồng bọn. Rút đến Bình Ca, cánh quân của Com-muy-nan chiếm đường liên tỉnh Tuyên Quang - Thái Nguyên hỗ trợ cho quân Bô-phrê từ Bắc Cạn về. Bộ Tổng chỉ huy phán đoán cuộc rút lui của địch bắt đầu. Trong khi rút có thể quân Pháp sẽ kết hợp lùng sục đánh phá các cơ quan đầu não của ta. Do đó đã lệnh cho các đơn vị chuẩn bị đánh địch trên đường rút lui và bố trí bảo vệ các cơ quan Trung ương. Quân ta đánh nhiều trận ở Sơn Dương, Bình Ca, diệt hàng trăm tên. Sáng 2 tháng 12, địch rút khỏi Sơn Dương, chia thành hai toán, một toán rút xuống Thiện Kế (Vĩnh Yên), toán còn lại rút qua đèo Khế sang Văn Lãng bắt liên lạc với quân Bô-phrê. Tại đèo Khế, chúng đã bị nhử vào trận địa phục kích của ta. Tuy có máy bay và bộ binh hộ tống nhưng đoàn quân rút theo đường sông rất chậm. Tại La Hoàng, một tàu trúng thuỷ lôi bốc cháy, gần 100 tên thuộc cơ quan tham mưu Com-muy-nan tử trận. Tới Phan Lương lại bị phục kích, một chiếc LCT trọng thương, nhiều tên địch bị diệt.

Ngày 25 tháng 11, trên mặt trận đường số 3, quân Pháp từ Bắc Cạn xuống từ Chợ Mới theo quốc lộ 3 đến ki-lô-mét 31 lên Quán Vuông và từ Chợ Mới một mũi tiến vào Chợ Chu. Ta đoán sai hướng địch rút nên bỏ lỡ cơ hội diệt địch. Ngày 26 tháng 11, địch rút khỏi Chợ Chu. Một tiểu đoàn quân dù nhảy xuống Thái Nguyên, Cù Vân, La Hiên, Tràng Xá yểm trợ cho quân Bô-phrê truy lùng cơ quan Trung ương ta, nhưng ta đã chủ động di chuyển từ trước. Quân ta di chuyển xuống phía Nam, vừa đánh quân rút chạy, phục kích quân ứng cứu, vừa bao vây uy hiếp những điểm chúng chiếm đóng. Ngày 28, ta diệt hàng trăm tên ở Kam Tra. Ngày 29, tiểu đoàn 102 diệt một đại đội ứng viện ở Lục Rã. Ngày 1 tháng 12, hai đại đội của trung đoàn 174 vừa hành quân từ Chợ Chu xuống gặp địch, đã diệt hơn 100 tên ở Quán Ông Già Thái Nguyên. Quân Pháp phải luồn rừng chạy về Quảng Nạp (Định Hoá), Phú Minh, Phục Linh (Đại Từ) nhưng vẫn bị ta đánh thiệt hại nặng. Thế trận càng nghiêng về phía quân ta.

Nhiều chiến trường trên cả nước đã có những hoạt động chiến đấu phối hợp với chiến trường Việt Bắc. Ở Hà Nội, biệt động hoạt động mạnh trong nội thành, diệt trừ Trương Đình Tri, thủ hiến Bắc phần Việt Nam. Du kích quấy rối ở Chèm, Cầu Giấy, Văn Điển, Vĩnh Tuy. Đại đội độc lập phối hợp với du kích tập kích địch ở Đan Phượng, Hoài Đức và Cần Kiệm (Thạch Thất). Cuộc tổng phá tề ở ngoại thành Hà Nội đã bắt giữ gần 300 tên tề gian ác. Ở nam phần Bắc Ninh, toàn bộ tề bị phá. Quần chúng nổi dậy như thời kỳ Tổng khởi nghĩa.

Khu 14, bộ đội Tây tiến giải phóng Chiềng Sai. Công tác vận động quần chúng ở Sơn La đạt nhiều kết quả, nhiều lính ngụy Thái đào ngũ.

Khu 5 và Khu 6 đánh địch khá mạnh. Những trận tập kích ở Ninh Hoà, Trại Dầu, Cam Ranh gây cho địch nhiều thiệt hại. Trên đường 19, chiến sĩ Ngô Mây dùng bom diệt gọn một trung đội địch, anh dũng hy sinh.

Ở Nam Bộ, bộ đội Gia Định phục kích tại Gò Nổi. Nửa đêm 14 tháng 11 năm 1947, tất cả các vị trí địch ở ven Sài Gòn: Thị Nghè, Gia Định, Gò Vấp, Bến Cát, Bà Quẹo, Bà Điểm, Phú Lộc, Phú Thọ, Ngã Năm v.v... đều bị tập kích. Bộ đội Thủ Dầu Một đánh phục kích ở Phú Văn Hưng. Trận phục kích trên đường Thủ Dầu Một - Phú Riềng phá 10 xe, diệt 60 tên địch. Ở Biên Hoà, Lộc Ninh, Tây Ninh, Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, nhiều vị trí địch bị tập kích, nhiều toán địch đi lẻ bị đánh; hàng trăm binh sĩ ngụy mang súng trở về với kháng chiến...

Đêm 30 tháng 11, tiểu đoàn 160 cùng với một đại đội thuộc trung đoàn 72 và du kích thị xã Bắc Cạn tập kích đồn Phủ Thông, diệt 50 tên. Đây là trận đầu tiên địch bị diệt trong sào huyệt có công sự kiên cố, trận tập kích của tiểu đoàn 160 đã làm rung chuyển hệ thống đồn bốt địch. Quân Pháp hốt hoảng rút lui càng vội vã. Ngày 6 tháng 12 chúng rút khỏi Định Hoá; 7 tháng 12, rút Võ Nhai. Nắm chắc thời cơ, ngày 15 tháng 12, bộ đội trung đoàn 165 đánh trận phục kích xuất sắc tại đèo Giàng, phá huỷ 17 xe, diệt 60 tên, thu hai triệu tiền Đông Dương và nhiều vũ khí, quân dụng. Các cánh quân Pháp trên đường rút chạy đều bị đánh thiệt hại nặng, kế hoạch “vành đai” không thực hiện “siết chặt” được mà bị băm nát. Ngày 19 tháng 12, đại bộ phận quân Pháp rút khỏi Việt Bắc. Cuộc hành quân hoàn toàn thất bại.

Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947 của ta đã hoàn thành thắng lợi. Quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 7.200 tên (địch chết 3.300 tên, bị thương 3.900 tên, ra hàng 270 tên và một số bị bắt). 18 máy bay địch bị bắn hạ; 16 tàu chiến và 38 ca nô bị đánh chìm; 255 xe các loại bị phá huỷ. Ta thu hai pháo 105 mm, bảy pháo 75mm, 16 khẩu 20mm, 337 súng máy các cỡ, 45 Badoca, 1.660 súng trường, hàng chục tấn quân trang, quân dụng.

Ta: Hy sinh 260 đồng chí, bị thương 168 đồng chí; hỏng một pháo 75mm, mất bốn trung liên và 40 súng trường1.



Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947 đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra là “Phá tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp; bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến; bảo toàn và nâng cao sức chiến đấu của bộ đội chủ lực, bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc”. Ta đã bẻ gãy, đập tan cả bốn mục tiêu của thực dân Pháp; đập tan nát ý đồ chiến lược “Đánh nhanh thắng nhanh”, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài để đối phó với ta - rơi vào ý định chiến lược của Trung ương Đảng ta.

Đây là chiến dịch đầu tiên của quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp. Bằng thắng lợi này, quân đội ta đã đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử nghệ thuật chiến dịch của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nét đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch ở đây là, khi địch chủ động tiến công, ta không bị động chọn loại hình phòng ngự mà chọn loại hình phản công để đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của địch (phản công trở thành một trong những loại hình chiến dịch đầu tiên của quân đội ta). Ta đã phản công địch bằng tiến công, lấy tiến công làm hình thức tác chiến chủ yếu. Các lực lượng tham gia chiến dịch đã được sử dụng rất linh hoạt, chiến tranh du kích đã được phát huy mạnh mẽ, rộng khắp và liên tục, làm cho địch bị tiêu hao mòn mỏi và bị động đối phó. Trong đó, nét nổi bật là, ta đã chọn đúng thời cơ phản công (từ ngày 15 đến cuối tháng 10, ngay sau khi ta nắm được toàn bộ kế hoạch tiến công của chúng; ngay khi các cánh quân dù ở Bắc Cạn, quân đường thuỷ và quân đường bộ trên quốc lộ 3 gặp khó khăn); chọn đúng thời cơ “đồng loạt tiến công” khi địch bắt đầu rút quân; tổ chức và sử dụng lực lượng phản công hợp lý, đạt được hiệu suất chiến đấu và kết quả của chiến dịch. Ta đã nhận rõ chỗ yếu cơ bản ngay trên chỗ mạnh của “hai gọng kìm” của địch là: quân đông nhưng đường cơ động vừa độc đạo vừa hiểm trở nên đội hình kéo dài; từ đó ta kịp thời điều chỉnh lực lượng, kết hợp chặt chẽ giữa bộ đội và dân quân du kích tại chỗ với các tiểu đoàn chủ lực cơ động, hình thành thế trận vừa vững chắc, vừa hiểm yếu, thực hiện những trận đánh phục kích, tập kích và vận động phục kích, vừa thực hiện chia cắt đội hình địch vừa phá tan ý đồ “phân tuyến” của chúng, tạo thành thế trận có lợi cho ta. Do đó, địch muốn tiến công nhanh, nhưng trên từng hướng buộc chúng phải dừng lại đối phó. Bằng lối đánh này, không những ta đã tránh được chỗ mạnh của địch mà còn từng bước vô hiệu hoá, tiến tới bẻ gãy từng “gọng kìm” của chúng, trước hết là hướng tây, hướng sông Lô, đường số 2; sau là đường số 4. Quy mô tác chiến phổ biến là tiểu đoàn và đại đội. Kết hợp giữa bộ binh trên bộ với pháo binh, công binh đánh trên sông, nhằm vào các đơn vị nhỏ quân địch đang cơ động hoặc buộc tạm dừng là chủ yếu, tiêu diệt từng bộ phận quân địch, gây cho chúng những tổn thất nghiêm trọng, tiến tới giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch.

Trong chiến dịch, ta đã phát huy chiến tranh du kích rộng khắp, thực hiện tiêu hao, tiêu diệt quân địch khắp mọi nơi, địch đi đến đâu cũng bị đánh và tiêu hao. Từ nét đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch được phát huy tác dụng, ta đã chuyển nhanh từ thế bị động lúc đầu sang thế chủ động đánh địch theo cách đánh của ta, trên những hướng, những nơi đã chọn. Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947 là chiến dịch phản công đầu tiên của quân đội ta vận dụng thành công nghệ thuật chiến dịch “Tiến công trong phản công địch trên địa hình rừng núi”. Đây là sự lãnh đạo tài tình sáng tạo, sự chỉ huy, chỉ đạo độc đáo, sắc sảo của Đảng ta.

Song, ta còn bộc lộ những mặt yếu và khuyết điểm:

Một là, nắm địch không chắt; thông tin chậm dẫn đến chỉ huy phán đoán sai về địch kể cả khi chúng bắt đầu tiến công (nhảy dù xuống thị xã Bắc Cạn), cũng như khi địch rút chạy. Thiếu kinh nghiệm đánh truy kích nên ta bỏ lỡ nhiều cơ hội diệt địch rút chạy như đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh nói khi tổng kết chiến dịch: “Phán đoán sai nên điều động quân sai và đánh hụt địch, bộ đội mệt mà không lập được công”. Bộ đội, vì không nắm chắc địch nên bỏ lỡ nhiều cơ hội diệt địch, hạn chế đến hiệu suất chiến đấu nhất là khi đánh địch rút lui.

Hai là, ở hậu phương ta còn chủ quan, phòng thủ kém, sơ tán chậm nên khi địch nhảy dù, ta bị bất ngờ và tổn thất.

Ba là, vũ khí trang bị và thông tin thiếu, cũ, chất lượng kém, đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chiến đấu của bộ đội, kết qủa của chiến dịch.
__________________________________
1.Hồ sơ VL-11-780, Trung tâm TT-KHQS.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 27 Tháng Tư, 2012, 10:37:19 pm

CHIẾN DỊCH NGHĨA LỘ
(Tiến công, từ ngày 18 tháng 4 đến ngày 1 tháng 5 năm 1948)


Từ cuối 1947 đầu năm 1948, Pháp kiểm soát được hấu hết các tỉnh lỵ, thị xã, thị trấn và đường giao thông quan trọng ở Tây Bắc. Ở một số vùng, do ta có sai lầm trong chỉ đạo như nặng dùng biện pháp quân sự, coi nhẹ vận động chính trị, chưa dựa hẳn vào quần chúng nên ta mất đất, mất dân, phong trào quần chúng giảm sút, cơ sở tan vỡ, chính quyền, đoàn thể và lực lượng vũ trang bị bật sang địa phương khác. Trước tình hình trên, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng từ 15 đến 17 tháng 1 năm 1948 đã phân tích tình hình sau thắng lợi Việt Bắc Thu đông năm 1947 và đề ra nhiệm vụ kháng chiến thời kỳ mới. Triển khai thực hiện chủ trương này, Bộ Tổng chỉ huy chỉ thị cho Khu 10 phá kế hoạch bao vây biên giới của địch, đưa các đại đội độc lập, các đội xung phong công tác, vũ trang tuyên truyền vào sâu trong vùng địch tạm chiếm, xây dựng và đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiến tới xây dựng và mở rộng căn cứ địa Tây Bắc.

Thực hiện chỉ thị trên, Bộ chỉ huy Khu 10 quyết định mở chiến dịch tiến công Nghĩa Lộ vào đầu tháng 4 năm 1948. Cụ thể, sẽ tập trung một lực lượng mạnh tiêu diệt tiểu đoàn số 1 xứ Thái tự trị ở Nghĩa Lộ trong một thời gian ngắn để uy hiếp Sơn La; buộc quân địch ở Lào Cai, Văn Bàn phải phân tán lực lượng về giữ hậu phương, tạo thuận lợi cho các đơn vị khác diệt các vị trí án ngữ biên giới; đồng thời buộc địch phải rút quân từ Hoà Bình lên giữ Sơn La.

Khu vực Nghĩa Lộ, Gia Hội là vùng núi rừng hiểm trở, cánh thị xã (tỉnh lỵ) Yên Bái 50 km về phía tây. Riêng thị trấn và đồn Nghĩa Lộ lại nằm trong dải đồng bằng Mường Lò, một cánh đồng phẳng, trù phú chạy dọc theo ngòi Thia và nằm kẹp giữa hai dãy núi cao. Hai bên ngòi Thia làng mạc đông đúc, phần đông là người Thái, một phần nhỏ là người Thổ và người Kinh. Dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông; đời sống khá nhưng họ rất căm tức quân Pháp vì chúng thường càn quét cướp bóc, nhất là dân vùng Cốc Báng. Mùa mưa nước ngòi Thia dâng cao, chảy xiết, đi lại khó khăn.

Lực lượng địch trong khu vực Nghĩa Lộ có tiểu đoàn số 1 ngụy Thái thuộc tiểu khu Yên Bái, gồm ba đại đội chiến đấu và một trung đội chỉ huy của đại đội số 1 Com-măng-đô Lào và một số đông lính dõng. Vị trí chính đóng ở Nghĩa Lộ, Cốc Báng, Gia Hội, Quang Huy. Các đồn phụ ở Thượng Bằng La, Thu Cúc, Văn Yên, Phong Phụ, Tú Lệ, Cửa Nhì. Vũ khí trang bị có Moóc-chi-ê, súng trung liên và súng trường.

Lực lượng ta có hai trung đoàn bộ đội địa phương của tỉnh Sơn La và Yên Bái, hai tiểu đoàn (tiểu đoàn Sông Lô và tiểu đoàn 45 của Bộ). Tổng số 2.000 chiến đấu viên: Vũ khí có một pháo 75 mm, còn lại là súng trường, lựu đạn và địa lôi tự tạo.

Ban chỉ huy gồm các ông: Bế Sơn Cương, Vũ Lập, đồng chí Nhung và đồng chí Yến. Sở chỉ huy đặt ở Ca Vịnh, thông tin liên lạc bằng chạy chân.

Kế hoạch tác chiến: Ban chỉ huy quyết định đánh chiếm vị trí Nghĩa Lộ. Giải quyết xong Nghĩa Lộ sẽ tập trung quân đánh xuống Quang Huy. Lực lượng chia làm hai hướng (lúc đó gọi là hai mặt: chính, phụ):

Hướng Nghĩa Lộ, sử dụng hai tiểu đoàn (Sông Lô và Yên Bái) và năm đại đội độc lập, được trang bị một cối 81mm, một cối 60mm, chín Badôca, 11 trung liên (FM) và súng trường, có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt quân địch tại đây. Dùng tiểu đoàn 45 được trang bị pháo 75 mm, quấy rối, nghi binh ở Gốc Bản, Cửa Nhì. Hướng này do đồng chí Nhung chỉ huy.

Hướng Quang Huy, do đồng chí Yến chỉ huy. Trung đoàn 97 cho hai tiểu đoàn đánh tiêu diệt vị trí Quang Huy; nếu không diệt được thì tổ chức bao vây ba ngày, chờ lực lượng ở mặt Nghĩa Lộ xuống tiếp viện để tiêu diệt.

Nhưng trong quá trình chuẩn bị, do ta không giữ được bí mật nên địch đã tăng cường quân cho mặt Nghĩa Lộ, đóng thêm một số vị trí. Do đó khu quyết định chuyển hướng chính đánh vào Gia Hội. Lực lượng địch tại đây có 150 tên (có một quan hai, và 11 lính Pháp); hai cối và bốn trung liên.

Ta có bốn đại đội (337 người); hai cối, sáu Badôca, tám AT, 12 trung liên (FM) và súng trường.

Kế hoạch dự kiến: Đại đội 520 sẽ đánh Bản Đon, nếu không thấy địch thì đánh Bản Chiêm. Ba đại đội (510, 514 và 518) đánh từ ba mặt vào đồn Cao và trại Con Gái (Gia Hội). Súng cối sẽ bắn vào vị trí địch khi bộ binh xung phong không lên được.

Trong hai ngày 19 và 20 tháng 4, bộ đội xuất phát hành quân đều bị lạc (vì rừng rậm) phải quay về. Đến ngày 21, một đại đội đến chậm, không bắt được liên lạc nên chỉ có hai đại đội đánh. Hai bên bắn nhau trong một giờ, trời sáng, ta rút lui. Đêm 22 tháng 4, cả bốn đại đội thực hiện tiến công. Bộ đội bí mật bò sát vào đồn Cao và Gò Giữa. Đến giờ nổ súng, dùng Badôca bắn phá tường, một số đồng chí xé rào (bằng tre nứa) tiến sát bắn và ném lựu đạn vào hầm địch. Quân địch để lại một bộ phận bắn trả, còn lại bí mật rút ra ngoài rồi dùng cối bắn vào xung quanh đồn để sát thương quân ta. Đến 4 giờ 30 phút ta lui quân. Kết quả: địch bị chết sáu tên Pháp (có một quan hai), 10 lính khố đỏ và bị thương nhiều tên, hai súng máy bị phá huỷ. Ta: hy sinh chín đồng chí, bị thương 19 đồng chí, lạc hai đồng chí; mất hai súng trường; tiêu thụ 2.000 viên đạn các loại.

Trên hướng Cốc Báng: Lực lượng địch có 37 lính Pháp, 196 lính khố đỏ, 27 lính dõng do tên quan ba Pháp Ca-rê (Caret) chỉ huy. Vũ khí có hai súng máy, hai cối và súng trường cá nhân. Ta có bốn trung đội bộ binh, năm tiểu đội trợ chiến, hai tiểu đội địa lôi, một pháo 75 mm, một cối 60mm.

Kế hoạch dự kiến: Hai trung đội bộ binh và một trung đội cối sẽ đánh đồn A ở đồi cao; hai trung đội được tăng cường một trung đội phóng lựu đánh đồn B ở đồi thấp. Pháo 75 mm (có một trung đội với hai khẩu súng máy bảo vệ) đặt cách đồn hai ki-lô-mét. Hai trung đội trang bị địa lôi sẽ đánh phục kích ở đường Cốc Báng - Cửa Nhì.

Diễn biến: 17 giờ 30 phút, pháo ta bắn 20 phát. Bộ binh xung phong đánh vào đồn A, nhưng cả ba lần đều không thành công. Pháo chuyển sang bắn vào đồn B. Bộ binh ta xung phong, tới sát đồn, địch tập trung bốn khẩu đại liên bắn ra, ta không tiến lên được. Pháo ta chuyển sang bắn vào đồn A. Đến 21 giờ ta lui quân.

Kết quả: Địch chết khá nhiều nhưng ta không vào được nên không đếm rõ số lượng. Hai súng máy bị hỏng, hai nhà trong đồn bị phá huỷ. Ta vô sự, có ba lính khố đỏ chạy theo ta. Tiêu thụ hết 70 viên đạn pháo.

Trên hướng Cửa Nhì: Địch có ba đại đội, lực lượng gồm 15 lính Pháp, 120 lính khố đỏ và 30 lính dõng. Kế hoạch dự kiến: Đại đội 146: một trung đội nghi binh phía tây bắc Cửa Nhì, một trung đội phục kích đường Cửa Nhì - Nghĩa Lộ, một trung đội phối hợp với hai trung đội của đại đội 148 theo trục lộ đánh vào đồn. Trung đội còn lại của đại đội 148 phục kích trên đoạn đường Cửa Nhì - Cốc Báng và quấy rối Gốc Bản trong khi đơn vị nổ súng tiến công đồn.

Diễn biến: 3 giờ 10 phút ngày 26 tháng 4, ta bắt đầu nổ súng; đến 5 giờ 30 phút, không đột nhập được vị trí nên phải rút quân.

Kết quả: Địch bị chết một số (ta không đếm được chính xác). Ta hy sinh ba người (hai trung đội phó và một đội viên); lạc hai người, mất bốn súng trường và bốn đại đao.

Trên hướng Quang Huy: Tại đây địch có sáu lính Pháp, 60 lính khố đỏ và một đại đội mới tiếp viện chốt trên đoạn đường Quang Huy - Văn Yên. Ta có hai tiểu đoàn thuộc trung đoàn 97.

Kế hoạch dự kiến: Sử dụng một tiểu đoàn đánh vào Quang Huy. Tiểu đoàn còn lại cho một đại đội phục kích trên đường Quang Huy - Thượng Bằng La; một đại đội phục kích đường Quang Huy - Thu Cúc; một đại đội phục kích đường Thu Cúc - Thượng Bằng La.

Diễn biến: Ngày 18 tháng 4, bộ đội xuất phát hành quân từ Thạch Kiệt. Dự kiến 19 tháng 4 sẽ đến vị trí tập kết để triển khai chiến đấu, nhưng bộ đội bị lạc đường nên đến tối 20 tháng 4 mới tới được điểm tập kết Làng Vừng. Đêm 21, ta tập kích vào vị trí Quang Huy nhưng không kết quả.

Vì địa thế bất lợi, quân ta ở dưới ruộng phẳng, thấp, địch ở vị trí cao, bên sườn Quang Huy là vị trí Văn Yên và dọc trục lộ địch dễ tăng quân tiếp viện (một đại đội), do đó ta không thực hiện được kế hoạch bao vây Quang Huy. Hơn nữa, sau ngày 21, bộ đội đã hết gạo nên đồng chí Yến đã ra lệnh lui quân về Thượng Khê chờ lệnh mới. Ngày 1 tháng 5, chiến dịch kết thúc. Tại Quang Huy ta hy sinh một chính trị viên tiểu đoàn. Địch tổn thất ta không nắm được.

Sau chiến dịch phản công Việt Bắc - Thu Đông năm 1947, ta có chủ trương đánh sâu vào Tây Bắc để xây dựng khu căn cứ địa và làm áp lực cho mặt trận Yên Bái. Đây là chiến dịch tiến công đầu tiên của quân đội ta. Được giao nhiệm vụ, Khu 10 đã quyết tâm tập trung một lực lượng lớn để thực hiện “chủ trương chiến lược” của mình, lần đầu tiên thực hiện “tư tưởng tiến công” - tư tưởng quân sự mang bản chất của quân đội ta. Trong kế hoạch, Bộ chỉ huy Khu 10 đã biết tập trung lực lượng đánh trên nhiều hướng, cùng một lúc đánh vào nhiều vị trí quan trọng buộc địch phải căng kéo đối phó, ý định chiến dịch đã bộc lộ rõ và khá tốt.

Nhưng khi dự kiến, chưa phân tích kỹ, thấy rõ tương quan lực lượng địch - ta, nên đã đề ra mục tiêu đánh chiếm đất là phiêu lưu, không thực tế. Trong xây dựng kế hoạch chiến đấu thì chủ quan, quá tin ở sức mình cho là nhất định đánh chiếm được, tiêu diệt được vị trí địch nên không đặt ra “giả định thất bại” sẽ đối phó ra sao. Khi thực hành chiến đấu, công tác chuẩn bị và tổ chức hành quân không chu đáo để bộ đội lạc nhiều, nên lực lượng vừa thiếu, vừa chậm thời gian so với kế hoạch dẫn đến phân bổ lực lượng trên thực tế không phù hợp (ở hướng phụ Quang Huy có tới hai tiểu đoàn, trong khi đó mặt chính Gia Hội chỉ có hơn một đại đội chiến đấu); bộ đội lại mang nặng tư tưởng “trận địa chiến”, nên phần lớn các trận đánh không thành công. Không kết hợp được giữa lực lượng tập kích đánh đồn và lực lượng phục kích đánh viện. Lực lượng phục kích hầu như không có hiệu quả gì cho chiến dịch.

Về chỉ huy: không thực tế, liên lạc lại quá xa nên không nắm được bộ đội (sở chỉ huy đóng ở Ca Vịnh. Từ các hướng chạy về: Gia Hội phải mất hai ngày, Nghĩa Lộ một ngày, Quang Huy năm ngày mới tới).

Không có kế hoạch tiếp tế hậu cần chu đáo nên ở hướng Quang Huy bộ đội hết gạo phải rút quân. Công tác tư tưởng và tổ chức chưa làm được thấu đáo, không nhận rõ khả năng chịu đựng có hạn của bộ đội để có phương án, kế hoạch khắc phục, nên khi đánh không thắng, bộ đội đói nảy sinh tư tưởng bi quan.


Đây là chiến dịch tiến công đầu tiên, thắng lợi của ta là đã tiêu hao, tiêu diệt một lực lượng đáng kể của địch, tuy nhiên cũng không thể tránh khỏi những thiếu sót sai lầm, ấu trĩ, nhưng qua thử thách thực tế bước đầu đã tạo ra cho cán bộ chiến sĩ niềm tin mới, giúp cho các cấp chỉ huy và bộ đội có nhiều bài học quý đầu tiên về cách đánh cát cứ điểm địch nằm trong quy mô một chiến dịch tiến công.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 28 Tháng Tư, 2012, 09:01:39 pm

CHIẾN DỊCH YÊN BÌNH XÃ 1
(Tiến công, từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 6 năm 1948)


Chiến dịch diễn ra trên địa bàn huyện Yên Bình, có diện tích rộng 890km2 nằm ở phía đông bắc thị xã Yên Bái, phía tây thị xã Tuyên Quang. Từ năm 1945, Yên Bình thuộc tỉnh Tuyên Quang; từ năm 1956 đến nay thuộc tỉnh Yên Bái. Địa hình rừng núi bán sơn địa thấp dần theo hướng bắc-nam. Phía bắc có nhiều dãy núi cao, như núi Con Voi, núi Ngàng, núi Yến... rừng rậm rạp hiểm trở. Xen kẽ có nhiều dãy núi đá vôi tiện cho việc giấu quân và kho tàng của ta. Phía nam huyện có nhiều đồi cao rồi thấp dần về phía Hạ Hoà (Phú Thọ). Xen kẽ giữa vùng đồi và núi đá vôi có nhiều cánh đồng rộng tươi tốt tạo nên nhiều làng xóm (như cánh đồng Làng Bạc, Mỹ Gia, Đồng Tâm, Văn Chính, Đại Đồng, v.v...)

Về giao thông, huyện lỵ Yên Bình cách Yên Bái 19 ki-lô-mét nối liền với thị xã Yên Bái bằng quốc lộ, từ đây lại có đường liên tỉnh nối với huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang; chạy song song với quốc lộ là dòng sông Chảy từ phía bắc chảy qua, dọc địa bàn Yên Bình xuôi xuống Đoan Hùng (Phú Thọ). Sông Chảy có nhiều thác lớn và dữ, như thác Ông, thác Bà, trước đây còn có tên là sông Trôi, sông Đạo Ngạn; với những ngòi lớn như: Ngòi Lự, ngòi Tràng, ngòi Loàn từ hai phía đổ ra sông Chảy tạo thành hệ thống giao thông thuỷ hết sức thuận lợi.

Trong kháng chiến chống Pháp, huyện Yên Bình có gần 24.500 người, gồm nhiều tộc người. Người Kinh và phần lớn người Tày sống ở vùng đồng bằng dọc hai bờ sông Chảy và giữa huyện. Người Dao sống trên vùng núi cao quanh huyện. Người Hoa sống chủ yếu ở chợ Ngọc và chợ Phủ. Đông nhất là người Kinh, từ năm 1900 do bị bần cùng hoá mà từ Nam Định, Thái Bình đi lên định cư dọc hai bờ sông Chảy; nhân dân ở đây rất nhạy bén với chính trị, bị hai tầng áp bức bóc lột của Nhật và Pháp, lại được giác ngộ cách mạng nên sẵn sàng ủng hộ kháng chiến. Tuy thực dân Pháp thực hiện chính sách và thủ đoạn chia rẽ dân tộc, nhưng đồng bào các dân tộc trong vùng vẫn sống hoà thuận và đoàn kết. Việc hôn nhân giữa các tộc người vẫn diễn ra bình thường, không bị ràng buộc nặng nề bởi các hủ tục.

Từ những ngày đầu xâm chiếm, thực dân Pháp thực hiện chính sách “tự trị”, dựng chính quyền tay sai ở huyện Yên Bình giống các huyện miền xuôi. Đứng đầu bộ máy là viên tri phủ, giúp việc có thừa phái, lục sự, kiểm lâm, dưới có chánh tổng, lý trưởng. Hệ thống quân sự cũng được tổ chức từ huyện đến xã phủ có châu đoàn, tổng có tổng đoàn, xã có xã đoàn. Ở huyện có lính cơ canh phòng, lính vệ làm phục dịch, xã có lính dõng. Tại chợ Ngọc (vùng thượng huyện), chúng xây dựng một đồn do bang tá chỉ huy, nằm án ngữ con đường Yên Bái - Lục Yên và Đồng Tâm - Hàm Yên. Từ 1914 đến 1945, chúng xây dựng 39 nhà thờ dọc hai bờ sông Chảy, trong đó có nhà thờ Vật Lầm xây trên quả đồi cao với tháp chuông có cửa sổ mở ra bốn phía như một cứ điểm quân sự, xung quanh có lô cốt với những lỗ châu mai. Từ các nhà thờ này, chúng dùng những tên phản động lợi dụng Thiên Chúa giáo dùng mọi thủ đoạn mê hoặc, chia rẽ nhân dân để phá hoại cách mạng. Ngoài hệ thống ngụy quân, ngụy quyền, chúng o bế số địa chủ, đại địa chủ và các cố đạo trong vùng để làm tay sai đắc lực cho chúng.

Từ tháng 5 năm 1948, trên phía tây bắc, thực dân Pháp cho quân ráo riết chiếm một số nơi thuộc hữu ngạn sông Hồng. Chúng xây đồn bốt, củng cố những nơi chiếm được như Đại Bục, Đại Phác, Đông Bồ. Một số cơ sở của ta ở vùng Tú Lệ, Gia Hội bị vỡ, đại đội độc lập 520 và đội võ trang đang đứng chân tại đây bị bật ra ngoài. Mặt đường số 4 chúng tích cực tuyển mộ lính ngụy. Mặt Yên Bình Xã và Phố Ràng chúng tiến công chiếm Võ Lăng và Bến Cóc để chuẩn bị đánh xuống Lục An Châu và Vĩnh Tuy, làm bàn đạp cho cuộc tiến công lớn vào căn cứ địa Việt Bắc trong thu đông 1948.

Để phá tan kế hoạch tiến công Lục An Châu - Vĩnh Tuy của địch, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực học tập đánh tập trung, Liên khu 10 chủ trương mở chiến dịch Yên Bình Xã 1 nhằm mục đích: “Tiêu diệt địch trong phạm vi Yên Bình Xã, Võ Lăng, Phố Ràng; nâng cao tinh thần và trình độ tác chiến của bộ đội, củng cố lòng tin trong nhân dân”. Phương châm tác chiến là: Đánh điểm, diệt viện để đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở cách mạng và lực lượng vũ trang trong vùng.

Lực lượng địch trong địa bàn chiến dịch gồm một đại đội, sáu trung đội (có hơn hai tiểu đội lê dương) và 300 lính dõng. Bố trí cụ thể: Phố Ràng hai trung đội; Yên Bình Xã: một đại đội (có sáu súng máy, một cối 60mm, một cối 50mm, hai AT); Hữu Bằng (làng Mun) hai trung đội; Làng Cao một trung đội; Bản Ven hơn một tiểu đội lính địa phương; Nghĩa Đô tám lính Pháp, một trung đội lính khố đỏ và 300 lính dõng (có một tên quan ba và một tên quan một Pháp, một tên quan một ngụy, vũ khí đầy đủ) và một số quân địch ở Khôn Lung.

Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm ba tiểu đoàn và hai đại đội độc lập: Tiểu đoàn 532 (chủ lực Khu), tiểu đoàn 534 (địa phương Hà Giang), tiểu đoàn 45 (chủ lực của Bộ), đại đội 700 và đại đội độc lập Ngô Khê.

Ta chủ trương tập trung lực lượng để tiêu diệt Yên Bình Xã. Phạm vi hoạt động của chiến dịch, một chiều khoảng 8 ki-lô-mét, một chiều 20 km. Chiến dịch tiến công trên ba hướng, cụ thể nhiệm vụ của các đơn vị là:

- Tiểu đoàn 534 và đại đội Ngô Khê từ hướng đường Võ Lăng đánh vào Yên Bình Xã.

- Tiểu đoàn 45 từ Khôi Ma, Hoàng Nam Đông đánh thẳng vào Yên Bình Xã.

- Đại đội 700 cùng một bộ phận của tiểu đoàn 532 từ hướng Phố Ràng đánh vào Yên Bình Xã để nghi binh thu hút địch.

- Bộ phận còn lại của tiểu đoàn 532 phục kích đánh địch trên đường Yên Bình Xã - Nghĩa Đô, Yên Bình Xã - Khôi Lung, bảo đảm cho tiểu đoàn 45 chiến đấu và lui quân.

Bộ tư lệnh Liên khu 10 trực tiếp chỉ huy chiến dịch1. Huyện uỷ và Uỷ ban kháng chiến huyện Yên Bình đã huy động 200 lượt người gồm dân quân du kích và dân công với lương thực, thực phẩm và vũ khí thô sơ đầy đủ tham gia trực tiếp phục vụ chiến dịch.

Ngày 5 tháng 6, trên hướng Võ Lăng - Hữu Bằng, tiểu đoàn 534 và đại đội độc lập Ngô Khê tiến công Gò Chè. Đến tối, vì bao vây không chặt nên địch đã lợi dụng trời mưa rút chạy về Võ Lăng Thượng. Sau đó ta tiếp tục tiến công Võ Lăng Thượng. Vì không có kế hoạch đánh viện nên lúc 14 giờ cùng ngày, 100 tên địch từ Yên Bình Xã đến tiếp viện, ta nổ súng chỉ diệt được hai tên, địch hoang mang bỏ chạy trở lại Yên Bình Xã.

Sáng ngày 6 tháng 6, ta tiếp tục tiến công Võ Lăng Thượng, nhưng cũng lại bao vây không chặt để địch chạy thoát về Yên Bình Xã - Hữu Bằng.

Trên hướng Phố Ràng: 17 giờ 10 phút ngày 6 tháng 6, đại đội 700 cùng một bộ phận của tiểu đoàn 532 tiến công Phố Ràng nhưng không thành công. Ngày 7 tháng 6, ta tiếp tục tiến công nhưng không thu được kết quả, ta chuyển sang bao vây đồn. Sau ba ngày bị vây chặt, không có tiếp tế, quân địch trong đồn hoang mang bỏ chạy. Nhưng đại đội 700 chỉ cho một tiểu đội truy kích diệt được hai tên và làm bị thương một số địch. Quân ta phá huỷ đồn, thu bảy hòm đạn đại liên và 25 quả đạn cối. Cùng ngày, trên một trung đội của tiểu đoàn 45 phục kích địch từ Yên Bình Xã tiếp viện cho Phố Ràng. Đến đoạn Thao Lung ta nổ súng, địch bỏ chạy, ta thu hai súng trường và 550 viên đạn.

Trên hướng Yên Bình Xã, 5 giờ 15 phút ngày 7 tháng 6, một đại đội của tiểu đoàn 532 đã bí mật, áp sát và nổ súng tiến công Yên Bình Xã. Đây là vị trí địch phòng thủ tương đối cứng, địa hình xung quanh là ruộng lầy và đồi thấp. Tiểu đoàn 45 hiệp đồng không khớp, đến chậm, ta phải lui quân. Ta chỉ diệt được ba tên địch, làm bị thương một tên; bên ta bị thương một người.

Từ ngày 10 tháng 6 đến 15 tháng 6, ta tổ chức tiến công Yên Bình Xã hai lần nữa; nhưng kế hoạch không chu đáo, hiệp đồng giữa các mũi không ăn khớp nên cũng không thu được kết quả. Ta chuyển sang bao vây. Quân địch rất hoang mang, 10 tên lính dõng mang vũ khí ra hàng, 10 tên khác bỏ trốn bị ta diệt bốn tên, thu bốn súng trường. Một bộ phận gồm tám lính Pháp, 50 lính dõng lợi dụng đêm tối chạy trốn về Nghĩa Đô.

Cùng trong thời gian trên, ta phục kích đánh địch tiếp viện trên đường Na Khao - Yên Bình Xã và Nghĩa Đô - Yên Bình Xã, diệt nhiều địch (trong đó có một chỉ huy Pháp) làm bị thương 11, bắt bốn tên, ta thu hai súng trường và năm gánh đạn. Chiến dịch kết thúc ngày 15 tháng 6 năm 1948.

Kết quả: Địch bị diệt 77 tên (có bảy lính Pháp, 70 lính khố đỏ và lính dõng), bị thương 70, bị bắt 11, ra hàng 45 tên. Ta thu: 68 súng trường, một khẩu Lơ-vít, một súng phóng lựu, một vạn viên đạn đại liên, 700 viên đạn súng ngắn, 25 quả đạn cối và một số quân trang, quân dụng. Ta hy sinh 17 đồng chí (có một đại đội trưởng), bị thương 35 người.



Chiến dịch Yên Bình Xã là một trong những chiến dịch tiến công đầu tiên của quân đội ta ở thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tuy còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ và ấu trĩ nhưng về cơ bản đã hoàn thành được nhiệm vụ và mục đích đề ra. Tiêu diệt và bức hàng được một bộ phận sinh lực địch, rèn luyện bộ đội, bảo toàn và phát triển lực lượng, gây được niềm tin cho nhân dân. Mục đích chiến dịch đề ra là thích hợp và rõ ràng. Chỉ huy các cấp và bộ đội đã nhận thức được nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch là chính, biết lấy việc tiêu diệt sinh lực địch để phá kế hoạch tiến công của chúng, động viên tinh thần bộ đội và nhân dân. Phạm vi tiêu diệt sinh lực địch cũng rõ ràng, có trọng điểm, do đó kế hoạch tác chiến đã tập trung được lực lượng vào đúng mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu.

Nhưng do chưa nhận thức sâu sắc phương châm tác chiến và tư tưởng chiến thuật “Đánh điểm, diệt viện”, nên trong kế hoạch và thực hành chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ chỉ thiên về “đánh điểm” mà không chuẩn bị chu đáo kế hoạch “diệt viện”, do đó đã bỏ lỡ mất nhiều cơ hội đánh địch cứu viện. Kế hoạch tác chiến chưa hiệp đồng chặt chẽ giữa các mũi nên khả năng tiến công bị giảm sút nhiều, nhất là trận Yên Bình Xã.

Căn cứ vào tình hình địch cụ thể tại địa bàn, nếu nhận thức rõ, sâu sắc mối quan hệ giữa “đánh điểm” và “diệt viện”, trình độ tổ chức và chỉ huy tác chiến chặt chẽ hơn thì bộ đội ta có khả năng tiêu diệt được Võ Lăng, Hữu Bằng, Yên Bình Xã và hoàn thành được nhiệm vụ tác chiến đề ra.
____________________________________
1.Ngày 25 tháng 1 năm 1948, chính phủ ra sắc lệnh 120/SL chính thức sát nhập Khu 10 và Khu 14 thành Liên khu 10; Bộ Tư lệnh Liên khu gồm: Bùi Quang Tạo làm bí thư Liên khu uỷ, Bằng Giang làm Liên khu trưởng, Song Hào làm chính uỷ Liên khu và Lê Trọng Tấn làm Liên khu phó.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 28 Tháng Tư, 2012, 09:09:20 pm

CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG SỐ 3

(Tiến công, từ ngày 25 tháng 7 đến ngày 12 tháng 12 năm 1948)


Thực hiện nhiệm vụ quân sự của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng từ ngày 15 đến 17 tháng 1 năm 1948 đề ra1, Bộ Tổng chỉ huy chủ trương mở chiến dịch đường số 3 nhằm mục đích “Bức địch rút khỏi Bắc Cạn và đường số 3”. Phương châm tác chiến là: “Tập trung lực lượng tiêu diệt các cứ điểm, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là đánh Phủ Thông, kết hợp phục kích trên đường giao thông, đánh quân tăng viện và tiếp tế của địch từ Bắc Cạn lên”.

Trên địa bàn, quân địch đang chiếm đóng các vị trí: Ở thị xã Bắc Cạn hai đại đội; Phủ Thông một đại đội; Nà Pặc một đại đội; Ngân Sơn một đại đội; Bằng Khẩu hai trung đội; Tài Hồ Sìn một trung đội. Tổng số quân địch trên địa bàn chiến dịch tương đương ba tiểu đoàn. Địch thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc “Dùng người Việt đánh người Việt”, chúng mua chuộc, lôi kéo đồng bào các dân tộc và lập tề điệp làm lực lượng hậu thuẫn bảo vệ xung quanh các căn cứ đã chiếm được. Các cứ điểm xây dựng công sự kiên cố. Vũ khí trang bị đầy đủ và hiện đại hơn hẳn quân ta. Các vị trí của địch xây dựng khá vững chắc, nhưng cách xa nhau nên khi ta tiến công, chúng dễ bị chia cắt cô lập, khó ứng cứu được cho nhau.

Lực lượng ta gồm: Trung đoàn địa phương Bắc Cạn có một tiểu đoàn 55 và một đại đội độc lập. Trung đoàn địa phương Cao Bằng (trung đoàn 74) gồm tiểu đoàn 71 và một đại đội độc lập. Hai tiểu đoàn chủ lực của Bộ (11 và 54)2, tiểu đoàn 45 mới cơ động từ Tây Bắc về, một đại đội công binh và một đại đội pháo binh của Bộ.

Chiến dịch do Bộ Tổng chỉ huy chỉ đạo; Bộ chỉ huy Liên khu 1 chỉ huy, đồng chí Thanh Phong làm chỉ huy trưởng, đồng chí Lâm Kính làm chỉ huy phó. Từ phương châm “đánh điểm, diệt viện”, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết tâm “Tiêu diệt Phủ Thông - Bằng Khẩu và diệt viện binh từ Bắc Cạn lên”.

Phân công nhiệm vụ các đơn vị, cụ thể như sau: Tiểu đoàn 11 phối hợp với đại đội Ba Bể và đại đội pháo binh 75mm của tiểu đoàn 410 tiêu diệt đồn Phủ Thông, tiểu đoàn 73 thuộc trung đoàn 74 tiêu diệt Bằng Khẩu và dùng một bộ phận quấy rối Ngân Sơn, tiểu đoàn 54 của Bộ và tiểu đoàn 55 thuộc trung đoàn 72 tiêu diệt viện binh địch từ Bắc Cạn lên. Ngoài ra, dùng các đại đội độc lập của trung đoàn 72 và đội biệt động của ban tình báo Liên khu 1 quấy rối Nà Pặc, Bắc Cạn và phục kích Đèo Giàng.

Địa hình khu vực chiến dịch rừng rậm núi cao, đường số 3 độc đạo với nhiều đèo dốc hiểm trở, thuận lợi cho ta đánh phục kích, khó khăn cho việc cơ động binh, hoả lực của cả hai bên. Đây là vùng dân tộc ít người, thưa thớt và rất nghèo, nên ta không có điều kiện giải quyết “hậu cần tại chỗ” đảm bảo cho chiến dịch.

Thời tiết khí hậu trong vùng khắc nghiệt, dễ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, đánh dài ngày bộ đội sẽ ốm đau nhiều.

Trong năm tiểu đoàn tham gia chiến dịch có hai tiểu đoàn (11 và 54) đã được bổ sung quân số, vũ khí tương đối khá và có thời gian đắp sa bàn chiến dịch để luyện tập. Các đơn vị khác mới được điều đến, chưa có điều kiện huấn luyện kỹ, lại có nhiều chiến sỹ mới. Chiến dịch tuy không có cơ quan chính trị chuyên trách nhưng các đơn vị đã chủ động tiến hành công tác thành trì trước chiến dịch, động viên được bộ đội tất cả đều rất hăng hái thi đua giết giặc lập công, sẵn sàng lấy súng địch đánh địch.

Về lương thực, việc bảo đảm của Chi cục Quân nhu có khó khăn vì thu mua trong dân được không đáng kể, đường sá khó khăn, nhân công thiếu nên chỉ vận chuyển được một số đến Bản Thi.

Tổ chức nắm địch, vì thiếu người và phương tiện nên chỉ nắm được tình hình địch từ Nà Pặc đến Bắc Cạn.

Thực tế chiến dịch tiến hành theo ba đợt.

Đợt 1 (từ ngày 25 tháng 7 đểu 27 tháng 7).

Ngày 24 tháng 7, các đơn vị đã tới địa điểm quy định, ngày 25 bắt đầu nổ súng (so với kế hoạch chậm 10 ngày). Mục tiêu tiến công đầu tiên là tiêu diệt vị trí Phủ Thông để mở màn chiến dịch3. 18 giờ 30, hoả lực của pháo binh bắn dồn dập vào cứ điểm, sau đó bộ binh đột nhập vào. Pháo của tiểu đoàn 410 bắn sập một phần khu thông tin, phá hỏng một số tường, rào, giao thông hào bao quanh cứ điểm. Tiểu đoàn 11 do đồng chí Vũ Yên chỉ huy chia thành hai mũi tiến công vào đồn. Mũi thứ nhất - đại đội 245 do đại đội trưởng Nguyễn Văn Thuần chỉ huy - tiến công vào hướng cổng chính; bị địch tập trung hoả lực bắn ra dữ dội, bộ đội thương vong nhiều, không tiến lên được. Ta tập trung súng bắn yểm trợ cho mũi thứ hai - đại đội 243 do đại đội trưởng Đào Đình Luyện chỉ huy - tiến công từ phía bên phải; bộ đội cắt hàng rào kẽm gai, phá hàng rào tre nứa, bắc thang xung phong qua tường trình. Hai chiến sỹ đầu tiên trèo lên bị trúng đạn của địch, hy sinh; người thứ ba lên tiếp, địch hoảng sợ bỏ chạy, tổ xung kích xung phong lên chiếm “đầu cầu”, đại đội xung phong vào đồn. Bộ đội ta dùng lựu đạn, lưỡi lê, mã tấu, mác búp đa đánh giáp lá cà, vật lộn tranh chấp với địch từng gian nhà, từng ụ súng. Địch dựa vào công sự và hoả lực mạnh cố thủ và kiên quyết chống trả, đẩy lùi nhiều đợt xung phong của quân ta. Trong khi đó, bộ đội ta lần đầu tiên dùng cách đánh cường tập để công đồn nên không khỏi lúng túng. Cán bộ cấp trung đội, đại đội vì quá ham chiến đấu, gặp nơi nào khó liền xông vào giải quyết nên quên mất vai trò bao quát của người chỉ huy. Chiến sĩ phần lớn tự động đánh giặc, thiếu hiệp đồng chặt chẽ. Vì vậy, mặc dù rất dũng cảm nhưng ta vẫn không sớm tiêu diệt được địch. Gần nửa đêm (sau 4 giờ chiến đấu), quân ta chỉ chiếm được 3 phần 4 đồn do còn một tiểu đội địch cố thủ trong hầm ngầm chống trả quyết liệt. Vũ khí ta kém, trong tay không còn lực lượng dự bị nên 23 giờ tiểu đoàn trưởng phải ra lệnh lui quân. Kết quả: Ta đã tiêu diệt đại bộ phận quân địch trong đồn, trong đó có tên đồn trưởng và đồn phó4. Diệt 100 lính lê dương, thu được năm trung liên Bơ-ren, một Tôm-sơn, một Các-bin, hai Sy-ten và 10 súng trường. Ta hy sinh 43 người (không lấy được tử sĩ), bị thương 50, mất 18 súng trường, một Tôm-sơn, một Bơ-ren.

Phía Bằng Khẩu, vì tiếp tế khó khăn, bộ đội vận động chậm, 1 giờ ngày 26 tháng 7 mới tới vị trí. 3 giờ bắt đầu tiến công; bộ đội đang đánh bộc phá để phá hàng rào thì trời sáng nên phải rút. Kết quả chỉ đốt được một vài ngôi nhà của bọn phản động, thu được một súng trường và ba súng kíp.

Phía đường số 3: 2 giờ ngày 26 tháng 7, bốn xe chở một trung đội địch tới gần trận địa phục kích của ta, nhưng chúng nghi ngờ nên lại rút. Đến 10 giờ 25 phút, tám xe chở khoảng một đại đội lên tiếp viện cho Phủ Thông. Vì để lộ nên ta chỉ đánh được trung đội tiền vệ của địch. Kết quả, ta thu được ba súng, 100 viên đạn, phá một cối 60mm, diệt và làm bị thương 6 tên. Bên ta hy sinh 43 người, bị thương tám người và mất ba súng trường.

Cùng đêm 25 tháng 7, ta tiến hành quấy rối Ngân Sơn, Nà Pặc. Riêng Bắc Cạn, do Phủ Thông bị đánh, địch ở đây đã chuẩn bị đối phó nên sang đêm 26 ta mới thực hiện được việc đột nhập quấy rối.

Sau đêm 25 tháng 7, vì không liên lạc được với nhau nên địch tưởng đã mất Phủ Thông, chúng rất lo sợ và dè dặt. Sáng 27 tháng 7, địch cho máy bay lên trinh sát, hai giờ sau hai chiếc lên thả 11 dù tiếp tế, đồng thời chúng dùng 30 xe chở hai đại đội từ Cao Bằng xuống tiếp viện. Tối 28 mới đến Bằng Khẩu, sáng 29 tháng 7 mới tới Phủ Thông.

Ngày 27 tháng 7, Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho tiểu đoàn 11 đánh Phủ Thông lần thứ hai, nhưng lệnh không dứt khoát nên tiểu đoàn 11 chỉ cho một trung đội và một Badôka đến quấy rối. Ta bỏ lỡ thời cơ đánh quân tiếp viện từ Cao Bằng xuống. Đợt một của chiến dịch kết thúc.

Đợt 2 (từ 28 tháng 7 đến 6 tháng 8 năm 1948).

Địch tăng quân cho các cứ điểm: Phủ Thông, Bằng Khẩu, Ngân Sơn; tạm ngừng việc lùng sục ra xung quanh, tăng cường canh gác.

Về phía ta: tình trạng cung cấp thiếu thốn chưa khắc phục được, mặc dù đã dùng một bộ phận bộ đội đi vận chuyển. Bởi vậy, Bộ chỉ huy chủ trương phát động công tác phá hoại giao thông trên trục đường 3 và tổ chức bắn máy bay để triệt đường tiếp tế của địch. Nhiệm vụ của các đơn vị phân công cụ thể như sau: Trung đoàn 72 phục kích, đánh địa lôi và phá hoại đoạn từ Nà Pặc đến Bắc Cạn. Tiểu đoàn 11 và 54 dùng bộ phận nhỏ quấy rối Bắc Cạn và Phủ Thông, còn đại bộ phận trở về Chợ Rã chuẩn bị đợt tiến công mới. Tiểu đoàn 45 bảo vệ pháo binh và chuẩn bị cho đợt 3. Kết quả: ta chỉ phá hoại được một ít trên đường số 3, các nơi khác không thực hiện được kế hoạch.

Đợt 3 (từ ngày 7 đến 12 tháng 8 năm 1948).

Trong hai ngày 8 và 9 tháng 8, địch đã khắc phục, mở thông được đường số 3. Bộ chỉ huy chiến dịch giao nhiệm vụ: Trung đoàn 72 phục kích đánh địch, phá hoại đoạn đường Bắc Cạn - Phủ Thông. Tiểu đoàn 45 và 11, quấy rối Phủ Thông, phục kích đoạn Nà Pặc - Phủ Thông. Trung đoàn 74 tập kích tiêu diệt Bằng Khẩu. Tiểu đoàn 54 về Phiêng Môn sẵn sàng làm nhiệm vụ bao vây Phủ Thông và phục kích đoạn Bắc Cạn - Phủ Thông.

Thực hiện kế hoạch trên, tiểu đoàn 73 của trung đoàn 74 tập kích tiêu hao địch tại Bằng Khẩu, diệt được 20 tên, thu một số súng trường. Các đơn vị khác chỉ phá hoại được một số đoạn đường và tiêu hao được một số ít quân địch khi chúng đi tuần tiễu. Bộ đội ốm đau nhiều, việc vận chuyển hậu cần rất khó khăn. Chiến dịch kết thúc ngày 12 tháng 8 năm 1948.

Chiến dịch đường số 3 là một trong ba chiến dịch tiến công đầu tiên của quân đội ta, vì vậy không tránh khỏi sự ấu trĩ trong nghệ thuật chỉ đạo và chỉ huy chiến dịch. Tuy chưa diệt gọn được cứ điểm Phủ Thông, nhưng đây là trận tiến công cứ điểm đầu tiên bằng sự hiệp đồng giữa pháo binh và bộ binh đánh cường tập. Vì vậy, qua chiến dịch cán bộ, chiến sĩ đã rút được nhiều kinh nghiệm tốt cho các trận tiếp sau. Chiến dịch còn bộc lộ khá nhiều khuyết, nhược điểm:

Mục đích chiến dịch đề ra là bức địch rút khỏi Bắc Cạn, đường số 3 là quá cao so với nhiệm vụ chiến lược của giai đoạn “tích cực cầm cự” và so với tương quan lực lượng giữa ta và địch. (Ta năm tiểu đoàn, địch ba tiểu đoàn, nhưng được trang bị mạnh hơn ta gấp nhiều lần, lại cố thủ trong căn cứ kiên cố).

Phương châm “đánh điểm, diệt viện” của Bộ tư lệnh chiến dịch đề ra là hoàn toàn đúng đắn, khoa học, nhưng bộ đội không thực hiện được cả ở khâu quán triệt tư tưởng quân sự và khâu thực hành chiến đấu; do đó đánh được điểm nhưng không diệt được viện, nghĩa là nhiệm vụ chủ yếu nhất để diệt sinh lực địch không thực hiện được.

Hướng chiến dịch lấy đường số 3 là đúng, nhưng trọng điểm ở đâu thì lại không rõ, nên bộ đội phân tán, đánh lung tung.

Khuyết điểm nổi bật trong tổ chức chiến dịch là chưa thực hiện được sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, nên không có cấp uỷ để chỉ đạo chiến dịch, không có cơ quan chính trị để lãnh đạo tư tưởng bộ đội, chưa biết liên hệ chặt chẽ với cấp uỷ và chính quyền địa phương để huy động khả năng của nhân dân phục vụ chiến dịch, do đó khâu hậu cần tiếp tế gặp khó khăn lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức chiến đấu của bộ đội.

Về chỉ huy không nắm được đơn vị. Lực lượng, trình độ, khả năng của bộ đội và trang bị có thể diệt được Phủ Thông, Bằng Khẩu và một vài điểm phục kích lớn; nhưng vì sử dụng lực lượng thiếu tập trung (cả bộ binh và pháo cối), nên không dứt điểm được trận nào. Không kịp thời rút kinh nghiệm trong quá trình chiến đấu để linh hoạt điều chỉnh lại lực lượng, nhất là sau đợt 1 khi tác chiến đã ít kết quả.
________________________________________
1.Hội nghị đã chỉ rõ nhiệm vụ quân sự là: “... Phá tan cuộc tiến công mùa đông 1948 của địch. Đánh đuổi địch ra khỏi Việt Bắc, trước hết là Cao Bằng, Bắc Cạn, Lào Cai...(tiêu diệt sinh lực địch, thực hiện phản công đánh những trận tiêu diệt chiến để rèn luyện bộ đội. Kiên quyết giành chủ động chiến thuật, tiến tới giành chủ động chiến lược bộ phận...)
2.Từ tháng 6 năm 1948, tiểu đoàn 36 đổi phiên hiệu thành tiểu đoàn 11; trung đoàn 17 đổi thành trung đoàn 308.
3.Đồn Phủ Thông nằm ở phía Bắc thị xã Bắc Cạn 20 km, do một đại đội và một trung đội trợ chiến thuộc trung đoàn lê dương số 3 chiếm giữ; được trang bị nhiều súng cối, đại liên do tên đại uý Các-đi-nan làm đồn trưởng, trung uý Sát-lốt-tông đồn phó. Sau hai lần bị ta tập kích trước đây (ngày 30 tháng 11 năm 1947 và 12 tháng 3 năm 1948), đồn Phủ Thông được xây dựng thành cứ điểm vững chắc, có rào dây kẽm gai, nhiều lớp rào tre nứa và tường thành trình bằng đất cao hơn đầu người bao quanh. Đồn có nhiều dãy nhà gạch, với những ụ súng, lô cốt, hầm ngầm kiên cố.
4.Về trận đánh đồn Phủ Thông, trong cuốn “Chiến đấu trong vòng vây” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Nxb Thanh niên 1995) tr.267 có đoạn viết: “Gần đây tình cờ tôi được đọc cuốn sách của Pháp mới xuất bản năm 1992, trong đó tác giả viết khá chi tiết về trận Phủ Thông.

Đồn Phủ Thông do đại đội 2 của trung đoàn lê dương số 3 bảo vệ. Quân số gồm 102 người. 19 giờ 30 phút ngày 25 tháng 7 năm 1948, bất thần một trận hoả lực trút xuống đồn. Đạn súng cối, những tràng liên thanh, pháo 75mm bắn thẳng làm tê liệt quân phòng thủ. Hàng rào và cửa lô cốt phía tây bị phá vỡ, bố trí phòng thủ nhanh chóng bị rối loạn. Ngay giờ đầu, đại uý đồn trưởng và trung uý đồn phó đều bị tử thương. Bộ đội Việt Nam hò hét xung phong chiếm các khu 1, 2, 3; chỉ còn khu 4 là chống cự trong tình trạng tuyệt vọng. Đại đội đã bị loại khỏi vòng chiến đấu một nửa quân số (14 chết, 33 bị thương). Riêng về lực lượng tiến công của ta, tác giả viết: gồm 5, 6 tiểu đoàn với hơn 3.000 người trong khi đó, quân số của tiểu đoàn 11 không quá 400 người.

Trận đánh không thành công trọn vẹn, nhưng đã mang lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm và một niềm tin mới: nếu chuẩn bị đầy đủ hơn thì đã tiêu diệt được đồn địch. Cũng phải thấy rằng trong một trận thí điểm, lẽ ra ta nên chọn một mục tiêu phù hợp hơn với trình độ tác chiến của bộ đội ta. Tiểu đoàn 11 được nhận danh liệu “Tiểu đoàn Phủ Thông”. Tiểu đoàn đã mở đầu cho truyền thống đánh cứ điểm của quân đội ta và trở thành một đơn vị đánh cứ điểm nổi tiếng sau này”.



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 28 Tháng Tư, 2012, 09:18:05 pm

CHIẾN DỊCH YÊN BÌNH XÃ 2

(Tiến công, từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 10 năm 1948)


Sau khi bị ta tiến công lần thứ nhất, tháng 6 năm 1948, địch tiếp tục chiếm đóng và củng cố, xây dựng Yên Bình Xã thành một cứ điểm tương đối mạnh để làm bàn đạp tiến công xuống phía nam và quốc lộ số 2 trong cuộc tiến công lớn vào thu đông 1948 sắp tới. Xung quanh cứ điểm có tường dày và cao gần hai mét. Bốn góc có bốn lô cốt. Trong tường có hào chiến đấu và hầm ngầm. Bên ngoài có một lớp rào dây thép gai dày 1,5m và một hàng chông. Binh lực có hơn một đại đội gồm 18 lính Pháp, hai trung đội lính khố đỏ, một trung đội lính dõng, do tên quan hai Cơ-lốt Vê-lê-át (Claude Veléard) chỉ huy. Vũ khí có một đại liên, bốn trung liên, hai súng cối (60mm và 50mm), tiểu liên và súng trường đầy đủ1.

Đầu tháng 10 năm 1948, Liên khu 10 chủ trương mở chiến dịch nhằm tiêu diệt Yên Bình Xã lần 2, phá kế hoạch chiếm đóng và âm mưu tiến công thu đông 1948 của thực dân Pháp; đồng thời tạo điều kiện thực tế để tập dượt cho bộ đội chủ lực cách đánh tập trung, tiêu diệt địch trong trận địa kiên cố.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: Tiểu đoàn 453 chủ lực khu, có ba đại đội (664, 666 và 676), đại đội xung kích 522 của trung đoàn 115; đại đội độc lập 671 (đang hoạt động từ Yên Bình Xã đến Trịnh Tráng), đại đội độc lập 672 (đang hoạt động từ Yên Bình Xã đến Nghĩa Đô), đại đội sơn pháo 75mm (1 khẩu và 100 viên đạn). Tuy là năm đại đội nhưng tổng quân số tham gia chiến đấu chỉ vẻn vẹn có 145 người, chưa kể pháo binh.

Nhiệm vụ tác chiến được phân công cho các đơn vị như sau: Đại đội 522 và 664, có pháo binh yểm hộ, nhanh chóng và bí mật tiếp cận, bất ngờ nổ súng xung phong vào đồn. Đại đội 522 đánh từ phía tây vào. Đại đội 664 đánh từ phía đông nam đánh vào, diệt hỏa điểm, sinh lực và đề phòng địch tập kích.

Đại đội 676 có đại đội trợ chiến yểm hộ, tiến công tiêu diệt Phố Lu, sau đó phối hợp cùng 2 đại đội 522 và 664 tiêu diệt Yên Bình Xã.

Đại đội 671 phục kích gần đồn khố đỏ và đoạn đường sau Phố Lu, sẵn sàng đánh quân địch tiếp viện cho Yên Bình Xã và tiêu diệt quân địch ở Yên Bình Xã rút chạy.

Đại đội 672 bao vây và quấy rối Nà Khao, đại đội 666 bảo vệ pháo và tổ chức các tổ nghi binh.

Chỉ huy chiến dịch: Bộ tư lệnh Liên khu 102. Trong khi chuẩn bị chiến dịch, ta đã tiến hành các mặt công tác quân vận, dân vận và địch vận. Quán triệt nhiệm vụ chiến đấu và động viên tinh thần, xây dựng quyết tâm cho bộ đội. Liên hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động, liên hoan văn nghệ làm cho nhân dân thấy được âm mưu, thủ đoạn của địch, nâng cao lòng tin tưởng vào thắng lợi của kháng chiến để huy động nhân dân giúp đỡ bộ đội trong quá trình chiến đấu. Viết và thả nhiều truyền đơn bằng nhiều thứ chữ (quốc ngữ, chữ Pháp, chữ và tiếng dân tộc), tổ chức các tổ địch vận len lỏi vào vùng địch tạm chiếm để tuyên truyền và giải thích chính sách khoan hồng của ta cho binh lính địch.

Sáng 5 tháng 10, đại đội 664 đang hành quân vào vị trí tập kết thì bất ngờ gặp một tốp địch đi lấy củi, tốp này nổ súng rồi chạy về đồn. Sau đó, địch cho máy bay thả 18 dù tiếp tế cho Yên Bình Xã. Từ giờ phút đó, các đơn vị phải tiến hành công tác chuẩn bị rất gấp.

Trận đánh thứ nhất diễn ra lúc 17 giờ 35 phút ngày 5 tháng 10. Do hiệp đồng và tổ chức hành quân không chu đáo, hai trung đội của đại đội 664 bị lạc đường, một trung đội đến chậm; đại đội 676 chưa giải quyết được Phố Lu nên không thực hiện được hiệp đồng tập trung đánh vào Yên Bình Xã. Khi phát lệnh nổ súng, chỉ có đại đội 522 tới được vị trí tập kết và thực hành xung phong. Trung đội của đại đội 664 đến chậm 30 phút, sau khi có lệnh mới xung phong, nên không thực hiện được kế hoạch tác chiến. Do đó, quân địch lúc đầu có hoang mang, nhưng sau ít phút chúng trấn tĩnh lại và tập trung binh lực, hoả lực đối phó với mũi tiến công của đại đội 522.

Trận đánh của ta không thành công. Ta chỉ phá hỏng được một số công sự, một khẩu trung liên và đốt cháy một kho đạn. Số địch thương vong ta không biết rõ. Ta hy sinh một người, tiêu thụ hết 90 viên đạn pháo.

Trận thứ hai diễn ra lúc 22 giờ cùng ngày 19 giờ 30 phút, bắt liên lạc được với đại đội 522 và 664 ở bờ suối Nậm Luông, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định sử dụng đại đội 522 và đại đội 664 tiến công Yên Bình Xã lần thứ hai. Kế hoạch tác chiến căn bản vẫn như lần thứ nhất, khác là thay việc sử dụng pháo bằng dùng công binh bí mật mở đường, mở hàng rào và dùng Badôca bắn phá huỷ lô cốt, yểm hộ cho bộ binh xung phong. Cũng lại vì hiệp đồng không chặt chẽ và tích cực (đại đội 664 xung phong chậm, các hướng nghi binh không tích cực hoạt động), nên trận đánh cũng không thu được kết quả. Chỉ bắn sập một lô cốt, phá huỷ một trung liên. Ta hy sinh hai người, bị thương bốn người.

Ngày 6 tháng 10, trung đội của đại đội 672 hai lần phục kích trên đồng Nghĩa Đô - Yên Bình Xã. Lần thứ nhất, khi Yên Bình Xã bị tiến công, vì hoảng sợ, một trung đội địch bỏ chạy về Nghĩa Đô (có bốn lính Pháp và 20 lính khố đỏ), tới Cầu Đen bị ta chặn đánh, bọn này bỏ chạy tán loạn về Na Khao và Yên Bình Xã. Lần thứ hai ta chặn đánh một trung đội địch từ Nghĩa Đô lên tiếp tế cho Yên Bình Xã, địch cũng chạy thoát. Cả hai lần địch bị chết năm tên, bị thương ba tên, ta thu ba súng trường và nhiều lương thực.

Trận thứ ba diễn ra lúc 3 giờ 30 phút ngày 7 tháng 10. Nhận thấy lực lượng địch ở Yên Bình Xã đã bị giảm sút vì thương vong và bỏ chạy, tinh thần chúng đang hoang mang, Bộ chỉ huy quyết định đánh lần thứ ba.

Kế hoạch vạch ra là: Đại đội 522 và 664 xung phong đánh vào phía tây nam đồn. Đại đội 671 và 676 đánh từ mặt sau vào. Pháo binh chuyển vị trí xuống đông nam, cách đồn 150 mét. Tổ chức các tổ nghi binh hoạt động xung quanh đồn, mỗi tổ từ ba đến năm người.

Nhưng việc tổ chức hiệp đồng vẫn không tỉ mỉ, việc kiểm tra không đầy đủ, nên đại đội 676 bị mất liên lạc trong khi điều động nên không tham gia đánh được. Pháo binh thực chất chỉ còn bảy viên đạn (Hội nghị rút kinh nghiệm báo cáo còn 25 viên). 3 giờ 30 phút, pháo và cối phát hoả, các tổ nghi binh hoạt động tích cực nên đã thu hút được địch. 4 giờ, bộ đội gỡ chông và mở thêm đường. 4 giờ 45, mỗi đại đội (522 và 664) sử dụng một tiểu đội bắt đầu xung phong vượt tường. Địch rút xuống hào bắn lại và dùng chín lính khố đỏ đánh vòng ra phía sau ta, nhưng bị hoả lực ta diệt bốn tên, số còn lại bỏ chạy. Địch trong đồn dùng lựu đạn và đạn cối tháo chốt ném ra ngoài tường để chặn quân ta. Vì binh lực ta ít, không còn lực lượng tiến công tiếp, bộ phận xung phong thì bị chặn lại, 5 giờ 15, trời đã sáng, Bộ chỉ huy nhận thấy nếu tiếp tục đánh cũng không kết quả nên ra lệnh lui quân, kết thúc chiến dịch. Cùng ngày, trên một trung đội địch từ Nghĩa Đô tiếp viện cho Yên Bình Xã, bị một trung đội của đại đội 672 chặn đánh cách Nà Khao 2 ki-lô-mét. Địch bị chết một tên, còn lại rút chạy về Nghĩa Đô. Ta thu một súng trường và một lựu đạn.

Kết quả: địch chết 36 tên, bị thương 23 tên, một đại liên và hai trung liên bị phá huỷ3. Ta hy sinh 11 người, bị thương 33 người và mất hai súng trường.



Tuy không đạt được mục đích “tiêu diệt hoàn toàn Yên Bình Xã” nhưng ta đã tiêu hao, tiêu diệt được một số địch, đáng kể nhất là đã làm cho quân địch trong đồn Yên Bình Xã và các đồn xung quanh hoang mang lo sợ, tạo nên một yếu tố khó khăn trở ngại khi quân Pháp chuẩn bị mở cuộc tiến công thu đông mới. Đây là những trận đầu tiên ta hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh đánh địch trong cứ điểm, qua chiến dịch, cán bộ, chiến sĩ đã trưởng thành thêm một bước và rút ra được những bài học quý báu cho những trận, những chiến dịch tiếp sau. Củng cố và gây được lòng tin trong quần chúng nhân dân.

Qua ba trận chiến đấu cũng bộc lộ rõ khuyết điểm:

Một là, xác định mục đích chiến dịch quá sức của ta (địch có 18 lính Pháp, ba trung đội lính Việt) ở mục tiêu chính (Yên Bình Xã), chưa kể lực lượng tiếp viện ở bên ngoài mà ta chỉ dùng có 145 người với trình độ và trang bị còn rất thấp kém.

Hai là, sử dụng binh lực rất phân tán. Quân số đã ít mà tổ chức ba mũi đánh chính, hai đến ba bộ phận nghi binh để tiến công Yên Bình Xã. Đồng thời lại tổ chức phục kích đánh viện trên năm địa điểm, binh lực quá phán tán nên không thể tiêu diệt được cứ điểm mà đánh viện cũng không đạt hiệu quả cao, chỉ có tính chất tiêu hao.

Ba là, tổ chức hiệp đồng giữa các cánh quân, các mũi, giữa bộ binh và pháo binh không chặt chẽ, chu đáo, bộ đội bị lạc hoặc đến chậm, do đó hiệu quả chiến đấu thấp, không đạt được mục tiêu đề ra.
______________________________________
1.Phần địa hình, thời tiết, dân cư không có gì thay đổi so với Chiến dịch Yên Bình Xã 1, nên không nêu lại ở đây.
2.Xem “Chiến dịch Yên Bình Xã 1”.
3.Ta thu bốn súng trường, 126 viên đạn, một lựu đạn và nhiều lương thực thực phẩm. Ta giải phóng được 70 gia đình gồm hơn 100 người bị địch tập trung ở Yên Bình Xã.



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 28 Tháng Tư, 2012, 09:26:49 pm

CHIẾN DỊCH ĐÔNG BẮC 1
(Tiến công, từ ngày 8 tháng 10 đến ngày 7 tháng 12 năm 1948)


Đông Bắc Bắc Bộ có vị trí chiến lược rất quan trọng nên thực dân Pháp chiếm đóng rất sớm. Sau thất bại ở Việt Bắc Thu-Đông 1947, Pháp càng ra sức củng cố địa bàn này. Chúng đã xây dựng được mạng lưới tề điệp, thổ phỉ dày đặc, phát triển ngụy binh (trên 95 phần trăm là người địa phương), lập được một hệ thống cứ điểm ăn sâu vào nội địa; lợi dụng thực trạng nghèo nàn lạc hậu của đồng bào các dân tộc địa phương, địch thực hiện thủ đoạn thâm độc để chia rẽ dân tộc, kìm kẹp khống chế; thực hiện âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt”; trước mắt chúng thực hiện phong toả biên giới Việt - Trung để vừa ngăn chặn, vừa cô lập cách mạng Việt Nam, bảo vệ việc khai thác, vơ vét khu mỏ than trù phú và củng cố bàn đạp để tiến công Việt Bắc một lần nữa.

Cuối thu 1948, Bộ Tổng chỉ huy quyết định mở chiến dịch Đông Bắc nhằm mục đích: Tiêu diệt một bộ phận sinh lực của địch, phá kinh tế và triệt đường tiếp tế cầm chân một bộ phận lực lượng của chúng để phá kế hoạch tiến công thu đông của chúng vào Việt Bắc. Lấy thắng lợi quân sự để củng cố cơ sở chính trị và phong trào chiến tranh du kích, chuẩn bị địa bàn hoạt động cho các đại đội độc lập sau khi quân chủ lực lui quân.

Phương châm của ta là: chủ động đánh thắng trận đầu, đánh liên tục. Bộ đội chủ lực tích cực đánh điểm, diệt viện, triệt phá giao thông và cơ sở hậu cần của địch; kết hợp với tác chiến của du kích, chia cắt địch để đánh từng bộ phận. Vừa đánh vừa xây dựng lực lượng vũ trang địa phương có đủ sức chiến đấu bảo vệ địa bàn sau khi chủ lực rút.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: Ba trung đoàn chủ lực của Liên khu 1 (98, 28 và 55), năm tiểu đoàn chủ lực của Bộ (ba tiểu đoàn độc lập: 215, 426, 517; tiểu đoàn 18 và tiểu đoàn 29 thuộc trung đoàn 308), một đại đội và một trung đội trợ chiến và toàn bộ dân quân du kích trên địa bàn chiến dịch.

Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp chỉ đạo, Bộ chỉ huy Liên khu 1 trực tiếp chỉ huy. Chỉ huy trưởng: đồng chí Lê Quảng Ba.

Địa hình Đông Bắc chủ yếu là đồi núi, có rất nhiều rừng rậm xen lẫn một số đồng bằng. Khu vực phía nam - tây nam (Đông Triều, Phả Lại đến Lục Nam, Lục Ngạn) là vùng đồi rừng, cây cối rậm rạp. Có ba trục đường chính: đường số 4 từ Móng Cái đến Lạng Sơn. Đường số 18 từ Phả Lại qua Đông Triều, Hòn Gai, Cẩm Phả nối liền quốc lộ 4 ở Tiên Yên. Đường số 13 từ Lục Nam nối quốc lộ 1 ở Bắc Giang, quốc lộ 18 ở Phả Lại, chạy lên hướng đông bắc qua An Châu, Lục Ngạn nối với quốc lộ 4 ở Đình Lập.

Địa bàn chiến dịch là khu tứ giác An Châu - Đình Lập - Tiên Yên - Hòn Gai rộng 1.800 km2 trong đó phân khu An Châu được chọn là khu vực chủ yếu của chiến dịch.

Vì thời gian chuẩn bị gấp nên Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định vừa đánh vừa chuẩn bị vật chất hậu cần, trước mắt ưu tiên tập trung chuẩn bị cho hướng An Châu. Do đó, trước giờ nổ súng, hậu cần đã chuẩn bị tương đối đủ gạo và đạn cho hướng An Châu, Đồng Dương, Tuấn Đạo.

Về công tác chính trị, lần này cơ quan chính trị được thành lập để giúp việc đắc lực cho Bộ chỉ huy chiến dịch lãnh đạo, động viên tinh thần bộ đội khắc phục khó khăn, chiến đấu liên tục. Bộ chỉ huy cũng đã thành lập ban gây dựng cơ sở, tiến hành vũ trang tuyên truyền ở nhiều nơi, đã củng cố được những cơ sở cũ, xây dựng được một số cơ sở mới, động viên được tinh thần của cán bộ dân chính địa phương và nhân dân tích cực tham gia phục vụ chiến dịch. Đồng thời đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền làm lung lạc, hoang mang tinh thần bọn thổ phỉ; giác ngộ được một số lính ngụy tình nguyện làm nội ứng khi ta đánh đồn.

Chiến dịch chia làm hai đợt:

Đợt 1 (từ ngày 8 đến 30 tháng 10). Trước ngày mở màn ta hoạt động tạo thế (sau ba lần đánh), diệt căn cứ thổ phỉ Trại Thán để triển khai lực lượng.

Ngày 8 tháng 10, ta đồng loạt nổ súng tập kích An Châu, Đồng Dương, Tuấn Đạo, Sông Rang. Ta tiêu diệt được cứ điểm Đồng Dương, bức rút ba vị trí Sông Rang, Tuấn Đạo và đồn Dấn. Nhưng không thành công trong việc tiêu diệt cứ điểm chính An Châu (chỉ chiếm được hai phần ba). Ta thu được ba trung liên, 20 súng trường, ba vạn đồng Đông Dương, phá huỷ một đại liên, ba trọng liên 12,7mm. 10 ngày sau, quân dù Pháp nhảy xuống Mai Siu tiến về An Châu. Ta bỏ lỡ cơ hội diệt viện binh địch. Cùng lúc, tỉnh Hồng Quảng phát động hai đợt đấu tranh của nhân dân, phá 2.000 mét đường, cắt năm vạn mét dây điện thoại, diệt 27 địch, làm bị thương 6 tên, gọi hàng 114 tên, thu hàng trăm súng và giải tán trên 95 phần trăm hội tề. Từ 9 đến 30 tháng 10 ta đánh nhiều trận nhỏ, quấy rối, phục kích địch trên đường 13. Ngày 1 tháng 11 ta tiêu diệt cứ điểm Đồng Khuy.

Đợt 2 (từ 31 tháng 10 đến 7 tháng 12). Sau đợt 1, địch đã phản ứng quyết liệt, chúng tổ chức tiến công khu tự do Ái Quốc, cho quân dù nhảy xuống Mai Siu càn quét đánh phá căn cứ của ta, sau đó chúng tiến về An Châu. Đồng thời chúng tăng cường sục sạo kiểm soát ở Làng Bang, phòng thủ Hòn Gai, Đình Lập, Tiên Yên, Khe Tù; tổ chức hành quân ngăn chặn và phá kế hoạch tiếp tế của ta. Ta gặp khó khăn, không đột nhập được vào vùng tạm chiếm để gây cơ sở và khai thác hậu cần tiếp tế cho bộ đội. Do đó ta không thực hiện được kế hoạch phát triển chiến dịch theo hướng Hòn Gai, Tiên Yên, mà phải chuyển sang khu vực Khe Cháy, Pắc Lang, Châu Sơn. Nhưng do chuyển hướng gấp, bộ đội chuẩn bị chưa đầy đủ nên cả hai lần tiến công, tiểu đoàn 29 và 215 không dứt điểm được Khe Cháy. Ngày 25 tháng 11, tiểu đoàn 18 tiến công Khe Mó cũng không thành công. Ngày 29 tháng 11, các tiểu đoàn 29 và 426 đánh viện nhỏ. Ta tiếp tục tiến công Pắc Lang, Châu Sơn và phá hoại đường số 4 nhưng kết quả không cao. Tình hình bảo đảm hậu cần khó khăn. Bộ đội ốm đau, sức khoẻ giảm sút nhiều. Bộ chỉ huy quyết định kết thúc chiến dịch ngày 7 tháng 12.

Kết quả: Ta tiêu diệt được hai cứ điểm Đồng Dương và Đồng Khuy, đánh thiệt hại nặng phân khu An Châu, bức rút bảy vị trí; diệt 150 địch, (có một quan tư Pháp) làm bị thương tám tên. Ta thu 48 súng trường, ba trọng liên 12,7mm, phá huỷ hai xe bọc thép, đốt cháy hai kho lương thực. Ta thực hiện đánh vào khu vực địch vẫn coi là “tuyệt đối an toàn”, góp phần phá kế hoạch tiến công thu đông của chúng. Ta hy sinh và bị thương hơn một đại đội.



Lần đầu tiên ta mở chiến dịch quy mô xấp xỉ bốn trung đoàn chủ lực cùng với lực lượng vũ trang địa phương trên địa bàn rộng, địa hình khá đặc biệt và xa hậu phương trong thời gian gần hai tháng. Ưu điểm nổi bật là sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương, nhất là giai đoạn chuẩn bị chiến dịch. Do đó đã phát huy được tác dụng của các đại đội độc lập và các lực lượng vũ trang địa phương, đội tuyên truyền, gây được cơ sở chính trị tốt trong quần chúng nhân dân; việc chuẩn bị chiến dịch khá chu đáo và đã có “bài bản”. Cũng lần đầu tiên ta biết dự kiến chủ động chia chiến dịch thành nhiều đợt có nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể cho từng đợt để có điều kiện củng cố bộ đội khi chiến đấu dài ngày.

Thiếu sót lớn nhất của ta là chưa biết tạo điều kiện đảm bảo chắc thắng cho trận mở đầu. Không chọn vào chỗ yếu mà chọn An Châu là cứ điểm mạnh; trong khi đó kế hoạch dứt điểm bằng đánh kỳ tập nhưng không dự kiến tình huống nhân mối bị lộ, phải chuyển sang đánh cường tập thì binh lực, hoả lực phải tập trung đến mức nào, do đó không dứt điểm được An Châu. Ta cũng không dự kiến và có kế hoạch cụ thể đánh quân tăng viện bằng đường không, nên khi địch nhay dù xuống Mai Siu (trung tâm chiến dịch) ta bỏ lỡ thời cơ diệt địch, kể cả khi chúng tiến về An Châu. Đợt 2 cũng không dự kiến hết các tình huống nên khi chuyển hướng tiến công đột ngột, bộ đội không chuẩn bị kịp, do đó các mục tiêu tiến công đều không thành công. Chiến dịch kết thúc trong thế bất lợi và bị động.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 28 Tháng Tư, 2012, 09:28:34 pm

CHIẾN DỊCH QUẢNG NAM ĐÀ NẴNG
(Tiến công, từ ngày 24 tháng 1 đến ngày 30 tháng 3 năm 1949)


Năm 1948 và đầu 1949, cảng lớn Đà Nẵng trở thành đầu cầu tiếp nhận người, phương tiện chiến tranh phục vụ cho kế hoạch bình định Đông Dương của thực dân Pháp. Do đó, quốc lộ 1 trở thành tuyến giao thông chiến lược cực kỳ quan trọng đối với quân Pháp, trong đó đoạn đường chạy từ Đà Nẵng ra Huế qua đèo Hải Vân vừa độc đạo, vừa rất hiểm trở đã trở thành “yết hầu” vô cùng hiểm yếu đối với địa bàn chiến lược bắc Trung Bộ, Bình - Trị - Thiên và kể cả với nam Khu 4.

Trước tình hình trên, đầu năm 1949, Bộ chỉ huy Liên khu 5 chủ trương mở chiến dịch “Quảng Nam - Đà Nẵng” nhằm mục đích: đánh giao thông, làm tê liệt đoạn đường Đà Nẵng - Hải Vân - Huế. Tiêu diệt sinh lực địch, phát triển chiến tranh du kích, làm suy yếu khối ngụy quân, ngụy quyền; đồng thời thông qua chiến đấu nâng cao trình độ tác chiến cho bộ đội và dân quân du kích, xây dựng lực lượng vũ trang của quân khu.

Phương châm tác chiến là: Kết hợp các hình thức chiến thuật, trong đó chủ yếu là đánh phục kích, đi đôi với phá đường, làm tê liệt giao thông của địch. Tập kích, bao vây quấy rối các đồn bốt, vừa uy hiếp vừa tiêu hao, tiêu diệt và triệt tiếp tế của địch. Đẩy mạnh công tác binh vận địch vận. Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng để đạt được hiệu suất chiến đấu cao, thực hiện được mục đích chiến dịch.

Lực lượng tham gia chiến dịch: Trung đoàn 108 chủ lực của Liên khu, được tăng cường có tiểu đoàn 19 và 79; hai đại đội độc lập và lực lượng dân quân du kích.

Chỉ huy: Bộ tư lệnh Liên khu 5. Chỉ huy trưởng: Nguyễn Bá Phát; Chính uỷ Nguyễn Quyết.

Địa bàn chiến dịch trải dài từ thị xã Hội An về thành phố Đà Nẵng, qua đèo Hải Vân ra giáp Huế. Từ Hội An về Đà Nẵng trừ khu vực núi đá Ngũ Hành Sơn, còn lại địa hình bằng phẳng, đồng ruộng, phố xá, làng mạc liên tiếp nhau, dân cư đông đúc. Quân ta dễ ém quân trong dân và trong căn cứ Ngũ Hành Sơn để ra tập kích, phục kích đánh địch. Từ Đà Nẵng ra Huế là đường đèo Hải Vân hiểm trở. Một bên là vực thẳm tiếp giáp biển Đông, một bên nối liền với dãy núi chạy theo hướng đông tây, rất thuận lợi cho quân ta đánh xong rút lui lên phía tây nhập vào đại ngàn đông Trường Sơn.

Lực lượng địch trên địa bàn có 5.000 quân (gồm một tiểu đoàn Ma-rốc; một tiểu đoàn hỗn hợp quân lê dương và quân ngụy; một tiểu đoàn (gồm một đại đội cơ giới một đại đội pháo, một đại đội cơ động); lực lượng thường trực ở sân bay Đà Nẵng có năm máy bay oanh tạc và một đại đội dù (trong đó có 60 phần trăm là lính Pháp và Đức, 20 phần trăm lính thuộc địa và 20 phấn trăm lính ngụy). Quân địch đóng trên 63 vị trí, chia thành ba phân khu. Phân khu Nam, phân khu Bắc và phân khu Chỉ huy. Lô cốt ở các vị trí xây bằng gạch. Thủ đoạn đóng quân kết hợp hành quân càn quét là chủ yếu, khi cần ứng chiến ở gần thì dùng một trung đội, ở xa dùng hai trung đội.

Để đảm bảo cho chiến dịch, Bộ chỉ huy dự kiến phải huy động được 15 tấn gạo, trong đó cần đưa đến Trung Man tám tấn, Khe Sô ba tấn rưỡi và Hải Vân ba tấn. Nhân dân trong vùng đã và đang chịu đựng nhiều thảm họa do địch gây ra, nhưng bộ đội đã cùng với các huyện ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động nhân dân tìm mọi cách vượt lên gian khổ, khắc phục khó khăn, dành dụm đóng góp gạo cho bộ đội đánh giặc. Phụ nữ và thiếu nhi vùng tây bắc Hoà Vang lấy củi, bắt tôm cá bán lấy tiền mua gạo; nhiều bà con bí mật xuống thành phố Đà Nẵng mua gạo để gửi lên chiến khu cho bộ đội, v.v... Tuy đường xa, địch lại phong toả, nhưng sát ngày nổ súng, nhân dân Hoà Vang vẫn đưa được bảy tấn gạo đến khu vực đèo Hải Vân.

Trong thời gian chuẩn bị chiến trường, du kích và bộ đội địa phương Hoà Vang đã bám đánh địch suốt một tháng, đẩy lùi hai tiểu đoàn địch ra khỏi địa bàn cho bộ đội vào tập kết theo kế hoạch để đánh địch cơ động trên đèo Hải Vân. Dân quân du kích các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, Đà Nẵng liên tục quấy rối tiêu hao địch để đánh lạc hướng chú ý của chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội chuẩn bị chiến đấu trên các hướng dự kiến.

Ngày 5 tháng 1 năm 1949, lực lượng của thị đội và công an xung phong thị xã Hội An đột nhập vào thị xã tiến công khống chế đồn Nghè Thạch và bắt tên tỉnh trưởng Hồ Ngận cùng hai tên cán bộ ngụy quyền quan trọng của thị xã Hội An (do Pháp vừa cử lên), gây hoang mang lớn trong hàng ngũ ngụy quyền tay sai của Pháp ở trong vùng.

Chiến dịch (đợt hoạt động) chia làm ba đợt:

Đợt 1 (từ 24 tháng 1 đến 9 tháng 2 năm 1949): 6 giờ ngày 24 tháng 1, một đoàn tàu quân sự gồm một đầu máy và 12 toa xe chở đầy lính từ Đà Nẵng chạy ra Huế. Đến đoạn hầm số hai trên đèo Hải Vân bị tiểu đoàn 79 dùng lượng nổ lớn đánh lật nhào cả đoàn tàu. Bộ đội tràn lên đánh giáp lá cà tiêu diệt binh lính địch.

7 giờ, một đoàn xe vận tải 18 chiếc, có xe bọc thép hộ tống, từ Đà Nẵng chạy ra Huế, lên khu vực đèo Hải Vân đã lọt vào trận địa phục kích của tiểu đoàn 19 (ở phía nam đồn Nhất), trong loạt súng đầu tiên, quân ta tiêu diệt ba chiếc xe đi đầu. Đoàn xe địch dừng lại, bọn địch trên xe bọc thép chống cự bị quân ta bám sát bắn mãnh liệt, địch phải quay đầu tháo chạy, ta diệt thêm ba xe và nhiều binh lính địch.

12 giờ, một đoàn xe 12 chiếc từ Huế vào tiếp viện. Đến cầu Rô-zê1, từ trên các xe 200 lính Pháp nhảy xuống dàn đội hình chiến đấu, các đơn vị chặn viện nổ súng xung phong. Địch liên tục nổ súng chống trả, tổ chức phản xung phong bốn lần đều bị quân ta bẻ gãy, 40 lính Pháp bị ta tiêu diệt tại chỗ, quân địch tháo chạy. Đến xế chiều quân ta rút về vị trí tập kết. Chỉ huy Pháp ở Đà Nẵng cay cú huy động một tiểu đoàn Âu - Phi, triển khai bao vây từ Quan Nam, eo ngựa Khe Sô, qua đèo Mũi Trâu và suốt hữu ngạn sông Trường Định hòng tiêu diệt lực lượng ta ở vùng tây bắc Hoà Vang. Để triệt đường quân ta vượt sông Trường Định, địch thu hết ghe thuyền của dân tập trung về đồn bốt phá huỷ, đồng thời nhấn chìm một số khác ở sông Cửa Cấm và ra lệnh thiết quân luật cả vùng tây bắc Hoà Vang không cho bất kỳ ai qua sông. Địch hy vọng quân ta bị bao vây chặt, bị đói, phải ra hàng.

Đêm 27 tháng 1, dưới sự lãnh đạo của huyện uỷ Hoà Vang và chi uỷ các xã vùng tây bắc Hoà Vang, nhân dân đã gom được 30 thuyền. Một lực lượng quân ta bí mật bơi qua sông, tập kết ở Nam Ô để nghi binh, tạo điều kiện cho lực lượng vượt sông Trường Định. Các mẹ, các chị lo tiếp tế, các em thiếu nhi dẫn đường, dân quân du kích cảnh giới và canh gác. Để phối hợp, các đội du kích Hoà Vang nổ súng vào các đồn bốt xung quanh để kiềm chế địch. Nhân dân toàn huyện nổi thanh la, trống mõ để phô trương thanh thế và đánh lạc hướng địch. Hơn 1.800 cán bộ, chiến sĩ, 28 cáng thương binh đã vượt khỏi vòng vây địch, lui quân thắng lợi. Mờ sáng 28 tháng 4, nhân dân lùa trâu bò ra đồng, xoá dấu vết, giữ bí mật đường lui quân của bộ đội.

Đợt 2 (từ 9 tháng 2 đến 15 tháng 3): Các đơn vị chủ lực của Liên khu không tổ chức đánh các trận lớn, mà liên tục kết hợp với dân quân du kích và tự vệ tổ chức nhiều trận nhỏ đánh tập kích vào các vị trí địch khắp trên địa bàn từ thị xã Hội An về thành phố Đà Nẵng và từ Đà Nẵng ra sát Huế. Trong đó vẫn chú trọng đánh giao thông bằng địa lôi, mìn tự tạo và phục kích nhỏ. Đợt hoạt động này chủ yếu làm hậu thuẫn cho việc phát triển chiến tranh du kích và xây dựng các đội võ trang (du kích thoát ly, bộ đội địa phương huyện). Ta đã xây dựng được mỗi xã có một tiểu đội du kích thoát ly (chuyên trách việc đánh địch, thoát ly hẳn việc sản xuất, dân nuôi để tập trung đánh giặc); mỗi huyện có từ 16 tiểu đội du kích thoát ly trở lên. Bộ đội và dân quân du kích đánh mạnh làm các tuyến giao thông của địch liên tục bị tê liệt. Sự vận chuyển của quân Pháp thường xuyên bị bế tắc, nhất là trên tuyến giao thông chiến lược quốc lộ 1A.

Đợt 3 (từ 15 đến 31 tháng 3): Quân ta thực hiện phá hoại và “Tổng phá hoại”, đã tổ chức nhiều trận phục kích trên các tuyến đường, đặc biệt là tuyến quốc lộ 1 - Hải Vân. Đi đôi với tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch trên cả đường bộ và đường sắt, quân ta đã đánh sập hai cầu trên đường xe lửa, phá trên 200 mét đường sắt, phá hỏng nặng nhiều đoạn đường bộ, làm chủ đoạn đèo Hải Vân, cắt đứt việc cơ động vận chuyển của địch. Pháp phải huy động một tiểu đoàn Âu-Phi thực hiện cuộc hành quân càn quét hòng đẩy quân ta ra khỏi khu vực đèo, giải toả tuyến giao thông Hải Vân. Bộ đội ta phối hợp chặt chẽ với dân quân du kích và tự vệ địa phương tổ chức nhiều trận địa hiểm hóc trên suốt dọc 10 km đường đèo, liên tục chặn đánh; cùng lúc kết hợp việc đột nhập, tập kích thẳng vào một số vị trí địch ở thành phố Đà Nẵng và thị xã Hội An, buộc địch ở khu vực đèo Hải Vân phải lui quân. Dân quân du kích khắp vùng hoạt động mạnh, chống càn, quấy rối các đồn bốt và đánh địa lôi chim sẻ trên các tuyến giao thông. Sau đó cùng với nhân dân địa phương giúp đỡ phương tiện cho bộ đội vượt sông, vượt biển, rút về khu tập kết an toàn.

Cuối tháng 3, theo lệnh của Bộ Tổng chỉ huy, tiểu đoàn 19 ra phối hợp với lực lượng vũ trang ở nam Thừa Thiên đánh thắng một số trận ở La Vang, Cầu Hai, Nước Ngọt... góp phần phát triển chiến tranh du kích trên địa bàn huyện Phú Lộc. Các đơn vị còn lại thực hiện phân tán đánh nhỏ, hỗ trợ cho phong trào du kích ở khắp vùng từ nam Thừa Thiên vào đến Quảng Nam, Đà Nẵng và ra đến ven biển Hội An.

Đêm 30 tháng 3 năm 1949, tiểu đoàn 79 do tiểu đoàn trưởng Võ Thứ chỉ huy, phối hợp với một đại đội của tiểu đoàn 19, bí mật phục kích tài Gò Cà, nằm trên đường Ái Nghĩa đi Tuy Loan. Ta thực hiện nghi binh nhử địch. Sáng 3 tháng 2, một đoàn xe địch chở đầy lính Âu Phi từ Đà Nẵng lên Tuy Loan, Gò Cà, đã lọt vào trận địa phục kích. Quân ta bất ngờ đồng loạt nổ súng, địch trên xe hoảng hốt nhảy xuống tháo chạy. Bộ đội ta truy kích. Nhân dân quanh vùng Đại Hiệp, Hoà Khương mang gậy, cuốc, dao, rựa đuổi đánh địch khắp cánh đồng. Kết thúc trận đánh, ta tiêu diệt hoàn toàn đại đội Ta-bo Âu Phi và 14 xe cơ giới. Ở địa bàn phối hợp, đại đội 8 bộ đội địa phương Điện Bàn do đại đội trưởng Đỗ Phúc Đáp chỉ huy, dùng hình thức “phục kích, độn thổ” trên đường 100 từ Bình Long đi Phong Thử, diệt hai tiểu đội, thu một trung liên và một số súng trường. Bộ chỉ huy ra lệnh kết thúc chiến dịch.

Kết quả: Qua hai tháng chiến đấu, ta đã đánh 299 trận lớn, nhỏ (có 163 trận phục kích, 27 trận tập kích, 51 trận quấy rối); diệt 660 địch, có một quan tư, 18 quan ba. Ta phá huỷ tám đầu máy xe lửa, 22 toa xe, 20 xe vận tải, hai xe thiết giáp, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, trong đó có 24 tiểu liên, 155 súng trường. Ta hy sinh và bị thương 79 người.

Chiến dịch đã đạt được mục tiêu đề ra, quân ta giữ được quyền chủ động tác chiến trên toàn vùng, đánh phá liên tục và quyết liệt làm tê liệt tuyến giao thông chiến lược của địch nhiều đợt trong nhiều ngày. Tiêu hao, tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch. Ta đã giữ được yếu tố bí mật bất ngờ; kết hợp khá chặt chẽ giữa các lực lượng vũ trang trên toàn địa bàn (chủ lực Khu bộ đội địa phương và dân quân du kích, tự vệ chiến đấu). Nét đặc sắc ở đây là sự kết hợp hài hoà giữa các hình thức chiến thuật: đánh phục kích, tập kích với chống càn, quấy rối, đánh phá giao thông, đạt được hiệu suất chiến đấu cao vừa tiêu hao, tiêu diệt địch, vừa giữ gìn và bồi dưỡng, rèn luyện được lực lượng ta. Qua chiến đấu đã phát triển được phong trào chiến tranh du kích gây được cơ sở cách mạng trong vùng địch tạm chiếm, nhất là quanh thị xã Hội An và thành phố Đà Nẵng.

Song, bao quát cả hai tháng chiến đấu thì lực lượng chủ lực đánh còn ít. Phần lớn các trận chiến đấu của các lực lượng còn nặng về lối đánh du kích, trong đó đánh phục kích để ngăn chặn, phá hoại giao thông và tiêu hao, tiêu diệt quân địch cơ động trên tuyến giao thông là chủ yếu. Chưa hình thành rõ lối đánh chính quy, bài bản, do đó nghệ thuật chiến dịch chưa bộc lộ rõ nét.
____________________________________
1.Ngày 15 tháng 5 năm 1947, quân ta diệt tên quan năm Rô-zê (Roger) Pháp tại cầu này, từ đó quân ta quen gọi là cầu Rô-zê.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 29 Tháng Tư, 2012, 06:52:01 am

CHIẾN DỊCH ĐÔNG BẮC 2
(Tiến công, từ ngày 4 tháng 3 đến ngày 27 tháng 4 năm 1949)


Sau chiến dịch tiến công Đông Bắc 1 của ta, quân Pháp và quân ngụy lâm vào thế bị động, tinh thần sa sút, chúng buộc phải huỷ bỏ cuộc tiến công mùa đông vào Việt Bắc, nhưng mặt khác chúng ra sức củng cố tuyến phòng thủ đông bắc để chống trả ta và tranh thủ lập tề điệp ở vùng này. Cường độ vận chuyển trên các tuyến đường số 4, 13 và 18 ngày càng tăng, đường 4 ngày nào cũng có đoàn vận chuyển cơ giới, đoàn nhiều lên đến 60 xe; đường 18, đoạn Hòn Gai - Khe Tù hàng tháng có từ 100 đến 150 xe, v.v... Khi cơ động, vận chuyển, địch tỏ ra thận trọng hơn, chúng thường dùng hai trung đội bộ binh áp tải hoặc chiếm lĩnh các điểm cao bảo vệ cho các đoàn xe đi trót lọt mới rút về.

Mùa xuân 1949, Bộ Tổng tư lệnh1 quyết định mở chiến dịch tiến công Đông Bắc lần thứ hai nhằm mục đích: Tiêu diệt một bộ phận sinh lực của địch, phát triển và củng cố cơ sở cách mạng ở Đông Bắc phối hợp với Mặt trận 4 (Cao-Bắc-Lạng).

Phương châm tác chiến là: Đánh phục kích lớn, tiêu diệt những đoàn tiếp tế, vận chuyển của địch. Phá hoại triệt để đường số 4 và số 13. Giam chân một bộ phận lực lượng địch, tạo thuận lợi cho chiến dịch đường số 4 và Cao-Bắc-Lạng, làm tan rã và lôi kéo ngụy binh; đồng thời củng cố, xây dựng và phát triển cơ sở vùng Hải Ninh, Quảng Yên, Hòn Gai, các đảo, tạo đường thông sang biên giới Việt - Trung.

Chiến dịch dự kiến chia hai đợt: Đợt 1 (từ 4 đến 31 tháng 3), tập trung chủ lực tác chiến trên đường số 4 và đường số 13; nghi binh kiềm chế mặt Đông Triều, Phả Lại, Lục Nam. Đợt 2 (từ 1 đến 27 tháng 4), tập trung đánh Khe Tù và đường 18, phá hoại triệt để đường số 4.

Lực lượng tham gia chiến dịch: Tương đương hai trung đoàn, gồm: tiểu đoàn 426, tiểu đoàn 215, tiểu đoàn Minh Hổ, các đại đội độc lập của trung đoàn 98, bộ đội địa phương và dân quân của Quảng Yên, Hải Ninh, Hòn Gai và huyện Lộc Bình.

Chỉ huy chiến dịch: Đồng chí Lê Quảng Ba (đặc phái viên của Bộ Tổng tư lệnh) là Chỉ huy trương kiêm Chính uỷ.

Để đảm bảo cho bộ đội hoàn thành được nhiệm vụ, Bộ chỉ huy chiến dịch đã tổ chức Ban công tác chính trị. Trước chiến dịch, các hoạt động công tác chính trị được triển khai rộng khắp đến từng đơn vị nhằm giáo dục, động viên, quán triệt nhiệm vụ chiến dịch cho bộ đội; phát huy tinh thần dũng cảm xung phong, kiên quyết tiêu diệt nhiều địch, lập công mừng kỷ niệm 59 năm ngày sinh của Bác (19 tháng 5 năm 1949). Đồng thời phát động cuộc vận động có nội dung sát với nhiệm vụ quân sự như: Giữ bí mật; luyện tập dẻo dai để giữ vững quân số chiến đấu; mở rộng dân chủ quân sự bàn việc nâng cao ý thức bảo mật và hiệu quả luyện tập, v.v…

Về bảo đảm cung cấp, mặc dù trong hoàn cảnh hết sức khó khăn kinh tế địa phương kiệt quệ, tài chính thiếu thốn, cán bộ và nhân viên chuyên môn thiếu nhiều, địa hình lại hiểm trở... nhưng Bộ chỉ huy chiến dịch đã biết tận dụng tất cả những kho tàng còn lại trên địa bàn và liên hệ chặt chẽ với các cơ quan dân chính địa phương để giải quyết, do đó trước giờ nổ súng đã đảm bảo được số lương thực cần thiết cho đợt 1 của chiến dịch.

Về chuẩn bị chiến trường, Bộ chỉ huy chiến dịch đã thành lập các đoàn cán bộ đi điều tra nắm vững địa hình ở khu vực tác chiến, nắm tình hình địch, số lượng và quy luật hoạt động của chúng trận đường số 4, các vị trí từ Tiên Yên đến Đình Lập, tình hình đường cơ động hành quân từ căn cứ đến trận địa triển khai chiến đấu, đặc biệt trinh sát đoạn từ Khe Mó, đến Phố Cũ nên đã chọn được trận địa phục kích tốt. Đồng thời đã thành lập ban chuyên trách nhiệm vụ phá hoại giao thông và bộ phận nghi binh lừa địch.

Ngày 4 tháng 3 năm 1949, chiến dịch mở màn, hai tiểu đoàn 426 và 215 của trung đoàn 59 và trung đoàn 98 đánh trận phục kích thắng lợi diệt đoàn xe 18 chiếc tại Điền Xá. Ta diệt 80 tên toàn lính Pháp và Âu-Phi (trong đó có một quan hai Pháp)2; bắt sống 23 tên, làm bị thương năm tên; phá huỷ 16 xe, bắn bị thương hai xe. Ta thu toàn bộ vũ khí gồm một trung liên, năm Si-ten, hai Mat, 15 súng trường, hai súng ngắn, một rađiô, một vô tuyến điện, 10 hòm ắc quy và nhiều quân trang quân dụng3.

Từ 5 đến 31 tháng 3, bộ đội ta liên tiếp hoạt động tác chiến trên chiến trường; đánh bốn trận phục kích tại Khe Nhắng, Bãi Dài, Cầu Lý, Nam Tào và trên sông Lục Nam vào các ngày 7, 10, 20 và 23 tháng 3. Đã diệt 48 tên địch, làm bị thương 16 tên, bắt sống 9 tên; thu ba trung liên, một súng cối, hai Các-bin, 13 súng trường, hai Tôm-sơn, hai Si-ten; bắn hỏng một xe vận tải và hai ca nô, phá huỷ hai trọng liên 12,7mm và hai súng cối, thu nhiều quân trang, quân dụng.

Ngày 5 và 22 tháng 3 ta đánh phục kích bằng địa lôi trên đường 13 và 18; diệt 20 tên địch, phá huỷ một xe vận tải. Đồng thời trong ngày 7 và 11 tháng 3 ta chặn đánh thành công hai đợt tiến công của địch (lực lượng gồm 800 tên) vào Khe Nhắng và Đồng Khuy, diệt 13 tên, bắt sáu tên, thu một trung liên, một cối 61mm, một Các-bin, tám súng trường và một số quân trang, quân dụng, buộc quân địch phải rút lui.

Các trận tiến công khác của địch đều bị bộ đội chủ lực kết hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích đánh lui: Ngày 21 tháng 3, hơn 1000 quân từ Phả Lại, Đông Triều tiến công Bến Tắm (Chí Linh), Trại Sậu, Lãn Giây (Đông Triều); 26 tháng 3, 300 lính da đen và 200 ngụy binh và khố đỏ từ Đình Lập, Lộc Bình tiến công vào khu Chi Lăng. Đặc biệt ngày 27 tháng 3, quân ta tập kích thắng lợi vào thị xã Móng Cáy; phá trại giam, giải thoát 200 người, làm chủ thị xã trong 17 giờ4 (từ 16 giờ ngày 27 tháng 3 đến 9 giờ ngày 28 tháng 3). Ta diệt 120 tên địch (hầu hết là Pháp và Âu-Phi), bắt sống một quan tư, tiếp nhận 200 hàng binh ngụy; ta thu một xe vận tải, một đại bác 37 mm, năm đại liên, 24 trung liên, 58 tiểu liên, tám súng cối, 32 Badôka, 800 súng trường, hai máy vô tuyến điện, ba triệu đồng bạc Đông Dương, phá huỷ hai xe vận tải và đại bác 105mm.

Trên thế trận phát triển thuận lợi, ta mở rộng hoạt động ra các vùng xung quanh, đẩy mạnh phát triển và củng cố cơ sở cách mạng; phát triển phong trào chiến tranh du kích. Địch hoang mang dao động ráo riết tăng quân từ Hải Phòng, Hải Dương và Lạng Sơn lên bố trí ở các vị trí: Phả Lại, Lục Nam, Chũ, Mạo Khê, Đông Triều để đối phó với các trận tiến công của ta. Đồng thời chúng tổ chức bao vây và càn quét vùng Thuỷ Nguyên, Kim Môn, Nam Sách để cướp bóc, lùng bắt thanh niên đi lính và tuyên truyền cho Bảo Đại.

Bước sang đợt 2, cường độ cơ động, vận chuyển của địch giảm, nhưng mỗi lần thực hiện, chúng đề phòng cẩn mật hơn. Các vị trí Ba Chẽ, Phố Cũ và đặc biệt là Khe Tù địch tăng cường công sự và vật chướng ngại. Địch rút quân ở Đông Triều và Thuỷ Nguyên để tiếp viện và chiếm đóng lại Móng Cáy. Về ta, tình hình cung cấp không kịp cho nhu cầu kế hoạch, việc điều tra nắm địch trên hướng tiến công chưa đầy đủ, chuẩn bị cơ sở vùng Châu Sơn chưa chắc, nhân công phá hoại không huy động được, do đó kế hoạch phải thay đổi. Ban chỉ huy chiến dịch quyết định các đơn vị phân tán ra các vùng để hoạt động, trong đó tiểu đoàn 215 ở phía tây nam đường 18, tiểu đoàn 426 ở đường số 4. Tiếp đó, bộ đội địa phương và dân quân du kích hoạt động quấy rối phá hoại ở khắp nơi, đặc biệt là các vị trí Chẽ (núi Con Phượng), Lưu Kiệm, Ninh Tân, Yên Hưng, Cẩm Lý, Bãi Thảo, Nam Tào, Chợ Xá. Các hoạt động này tuy không diệt được nhiều sinh lực địch nhưng đã gây khó khăn lúng túng cho chúng và tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực chuẩn bị.

Ngày 18 tháng 4, hai đại đội của tiểu đoàn 426 phối hợp với tiểu đoàn Minh Hổ phục kích thắng lợi trên đường 4 khu vực từ Quang Hoài đến Châu Sơn. Ta tiêu diệt gọn quân địch cơ động, thu toàn bộ vũ khí và quân dụng5.

Đêm 27 tháng 4, tiểu đoàn 215 phối hợp các đại đội độc lập và dân quân du kích tiến công thị xã Quảng Yên. Sau 1 giờ 45 phút, quân ta chiếm toàn bộ công sở, đốt ba vạn lít xăng, phá huỷ 11 xe cơ giới, nhiều tiền bạc và quân trang quân dụng. Địch tập trung đối phó trên đường số 18, nhất là đoạn Uông Bí - Cẩm Phả. Chúng tổ chức mỗi đợt gần 1.000 quân càn quét ở các điểm: Nam Mậu, Sơn Dương, Kênh Trạo, Làng Cài, Dương Huy, Quang Xa Đông, nhưng hầu hết đều bị quân ta đánh lui. Ta chủ động kết thúc chiến dịch.

Kết quả: Quân địch chết 485 tên, bị thương 52 tên, bị bắt 32 tên, đầu hàng hơn 200 tên. Ta thu: một pháo 37mm, một trọng liên 12,7mm, tám đại liên, 30 trung liên, chín súng cối, 83 tiểu liên, 841 súng trường, 32 Bađôca, bốn súng ngắn, 15.500 viên đạn và nhiều tiền, quân trang, quân dụng. Phá huỷ hai pháo 105mm, một pháo 37mm, hai súng cối, hai trọng liên 12,7mm, một xe thiết giáp, một xe Háp-tơ-rắc, bốn xe Jeep, hai cam nhông, 23 xe GMC, một máy bay, hai ca nô và đốt cháy trên hai vạn lít xăng.

Ta hy sinh 35 người, bị thương 30 người, kể ca dân quân du kích.


So với Chiến dịch Đông Bắc 1, lần này ta đề ra mục đích chiến dịch phù hợp với tình hình chiến trường và khả năng cụ thể của bộ đội, nên đã thu được nhiều thắng lợi khả quan.

Ta đã thực hiện được mục đích đánh lạc hướng địch, tạo điều kiện cho chiến trường chính (Cao-Bắc-Lạng) chuẩn bị. Bộ đội và dân quân du kích đã vận dụng nhiều hình thức chiến thuật để tiêu diệt sinh lực địch đạt hiệu suất khá. Trận phục kích mở màn ở Điền Xá, trận tập kích ở Cửa Cái, Tấn Mai, trận kỳ tập ở thị xã Móng Cáy và tập kích thị xã Quảng Yên đã thực hiện tốt. Hai đợt hoạt động cũng đã tạo điều kiện củng cố và phát triển cơ sở trong vùng địch kiểm soát.

Song, chiến dịch còn bộc lộ tính chất hoạt động du kích nhiều hơn là một chiến dịch chính quy. Những trận đánh lẻ tẻ, thấy địch sơ hở thì đánh, đánh xong lại rút về căn cứ, thiếu sự liên tục tiến công và phát triển thắng lợi trên một hướng nhất định, do đó thắng lợi bị hạn chế, thu hẹp và không thực hiện được đầy đủ mục đích đã đề ra (làm tê liệt đường số 4). Không dự kiến phương án hậu cần nên khi định đánh, việc bảo đảm hậu cần gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc thực hiện chiến dịch.
______________________________________
1.Sắc lệnh số 14/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 12 tháng 3 năm 1949, Bộ Tổng chỉ huy đổi thành Bộ Tổng tư lệnh.
2.Bay-ơ chỉ huy đoàn xe.
3.Trận phục kích Điền Xá trên đường 4B, đoạn từ Khe Cháy đến Khe Vàng, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh của hai tiểu đoàn 426 trung đoàn 59 và 215 trung đoàn 98 có sự phối hợp của tiểu đoàn Minh Hổ ngăn chặn không cho địch từ Châu Sơn, Đình Lập, Ba Chẽ... vào tiếp viện cho Điền Xá. Trận đánh do đồng chí Nam Long, Trung đoàn trưởng trung đoàn 59 làm chỉ huy. Khoảng 7 giờ ngày 4 tháng 3, một đoàn xe địch 16 chiếc có chiếc xe Jeép chỉ huy xuất phát từ Khe Tù lên tiếp viện cho Đình Lập lọt vào trận địa phục kích của tiểu đoàn 215. Bộ phận chặn đầu nổ súng, sau đó hoả lực của cả hai tiểu đoàn tập trung bắn vào đoàn xe địch, yểm hộ cho bộ binh xung phong. Sau 30 phút chiến đấu, quân ta làm chủ trận địa, bắt tù binh, thu chiến lợi phẩm. Lúc này một đoàn xe 10 chiếc chở lính từ Tiên Yên kéo tới tăng viện. Bộ phận khoá đuôi (có súng 12,7mm) tổ chức ngăn chặn. Địch không dám xung phong, quay đầu rút về Tiên Yên.
4.Nhân ngày chủ nhật, địch phát thẻ cho dân phố, canh gác có phần sơ hở; tiểu đoàn độc lập số 1 đã đóng giả làm “lính Ba Sáng” (tiểu đoàn mang tên Béc-dê Um-bre-la (Becde Umbrella) do Ba Sáng chỉ huy) cùng du kích cải trang là “dân phu” đi lọt vào thị trấn. Chưa đầy 30 phút chiến đấu ta đã hoàn toàn làm chủ thị trấn.
5.Trận đánh phục kích trên đường 4B đoạn từ làng Ngoại đến nam Khe Tranh (khoảng 1,5 km) của tiểu đoàn 426 thuộc trung đoàn 59, có sự phối hợp tác chiến của một đại đội của tiểu đoàn Minh Hổ (ĐP) và tiểu đội du kích xã Cường Lợi do đồng chí Nam Long chỉ huy. 16 giờ ngày 17 tháng 4, bộ đội bí mật hành quân, xây dựng trận địa phục kích. 9 giờ 40 phút ngày 18 tháng 4, hai xe tăng và một xe thiết giáp chở đầy lính Pháp, có cả pháo 37mm lọt vào trận địa phục kích. Quân địch chủ quan không đề phòng gì vì tin vào bộ phận lùng sục đi trước. Lệnh nổ súng, các chiến sĩ Badôca và AT ở tổ chặn đầu phát hoả. Chiếc xe tăng đi đầu trúng đạn lật đổ nghiêng. Chiếc thứ hai không kịp dừng lại, chồm sát vào chiếc thứ nhất. Bộ đội ta tập trung hoả lực tiêu diệt gần hết số địch trên xe. Sau 15 phút chiến đấu, ta làm chủ trận đánh, diệt 32 tên (có 12 tên Pháp), thu 11 súng, phá huỷ một khẩu pháo 37mm và bắn bị thương cả ba xe. Ta hy sinh bốn người, bị thương ba người.



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 29 Tháng Tư, 2012, 06:53:30 am

CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG SỐ 4 CAO-BẮC-LẠNG
(Tiến công, từ ngày 15 tháng 3 đến ngày 30 tháng 4 năm 1949)


Đường số 4 là tuyến đường giao thông quan trọng bậc nhất của vùng chiến lược Cao-Bắc-Lạng và đông bắc Bắc Bộ. Tuyến đường dài 420 ki-lô-mét chạy dọc theo biên giới Việt - Trung. Địa hình rất hiểm trở, có núi cao, rừng rậm hai bên đường. Có rất nhiều suối và ba con sông lớn: Kỳ Cùng, Bắc Giang và Bằng Giang chảy theo hướng tây bắc - đông nam cùng với hướng của đường 4 nên phải có những cây cầu lớn để vượt qua như cầu Bản Trại, cầu Pò Lồi... Xen giữa vùng núi lại có những cánh đồng lúa khá mầu mỡ như Bắc Bắc, Phúc Thái...

Sau chiến dịch Việt Bắc 1947, địch tăng cường chiếm đóng trên đường 4 để thực hiện âm mưu phong toả biên giới, cô lập cách mạng Việt Nam. Chúng đã chiếm đóng trên 80 vị trí lớn, nhỏ nhưng cũng mới chỉ kiểm soát được những đoạn chính. Để đảm bảo tính độc lập chiến đấu trong một khoảng thời gian nhất định chờ tiếp viện, chúng chia khu Biên Thuỳ (Cao-Lạng và Đông Bắc) ra thành hai phân khu và các tiểu khu - Phân khu Bắc gồm sáu tiểu khu: Bắc Cạn, Nguyên Bình, Cao Bằng, An Lai, Đông Khê, Thất Khê. Phân khu Đông Bắc gồm 4 tiểu khu: Lạng Sơn, Tiên Yên - Móng Cái, Lộc Bình và An Châu. Những vị trí quan trọng tỉ lệ lính Âu-Phi chiếm 60 phần trăm, còn phần lớn lực lượng ngụy chiếm 70 phần trăm đến 80 phần trăm trong các tiểu khu. Bước sang 1949, chúng tăng cường quân lực cho các vị trí quan trọng (Lộc Bình tập trung 600 quân, Lạng Sơn tăng thêm 200 lính Ma-rốc, v.v...). Đồng thời thực hiện thay quân Pháp, An-giê-ri cho quân ngụy ở một số cứ điểm, thuyên chuyển quân trên dọc đường 4 và khu vực Lạng Sơn về Đình Lập, An Châu. Tăng cường máy bay bắn phá những nơi nghi có quân ta để phá công tác chuẩn bị của ta. Xây thêm lô cốt cố thủ, đào thêm hào, rào kẽm gai, chông mìn và mở các cuộc càn quét ra xung quanh các cứ điểm, tăng cường công tác bảo vệ vận chuyển trên dọc đường số 4. Chúng kết hợp giữa khủng bố kìm kẹp với mua chuộc, lập “xứ Nùng tự trị”, để chia rẽ và lợi dụng đồng bào các dân tộc.

Về phía ta, sau năm tác chiến 1948, trình độ bộ đội tiến bộ rõ rệt, thế cầm cự ngày càng có lợi cho ta. Bên cạnh đó Quân giải phóng Trung Quốc đang ồ ạt tiến xuống Hoa Nam. Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc chuẩn bị cho “Tổng phản công”. Để mở đà chiến thắng cho năm 1949, từng bước phá tan âm mưu phong toả biên giới của địch, theo chỉ thị của Đại tướng Tổng Tư lệnh, Liên khu I quyết định mở chiến dịch Cao-Lạng và Đông Bắc. Hướng chính là đường số 4 từ Cao Bằng đến Lạng Sơn (dài gần 100 km). Hướng thứ yếu là Đông Bắc. Nhằm mục đích: Tiêu diệt sinh lực địch, tiêu diệt một số cứ điểm trên đường số 4 (đoạn Cao-Lạng); tổ chức các trận phục kích lớn trên đường 4, kết hợp đánh phá giao thông làm tê liệt đường số 4, tổng phá ngụy binh và hội tề, kết hợp phát động chiến tranh nhân dân trên toàn tuyến. Bức địch phải rút khỏi thị xã Bắc Cạn. Khu vực tiến công chủ yếu là Thất Khê - Na Sầm.

Phương châm tác chiến là: Kết hợp tác chiến du kích với tác chiến vận động. Tập trung tiêu diệt một số cứ điểm. Nơi có nhiều ngụy binh thì kết hợp tác chiến với địch vận. Đánh phục kích lớn kết hợp với phá cầu cống và các quãng đường hiểm trở để triệt tiếp tế của địch. Tích cực bắn máy bay và phát triển đánh địa lôi.

Lực lượng tham gia chiến dịch: ba trung đoàn bộ binh của Liên khu (28, 72, 74), 4 tiểu đoàn bộ binh (29, 35, 23 và 18), tiểu đoàn pháo binh 410 do đồng chí Doãn Tuế tiểu đoàn trưởng, Nguyễn Đình Ước làm chính trị viên, hai đại đội trợ chiến và một đại đội công binh của Bộ; tiểu đoàn địa phương 517 và dân quân du kích ba tỉnh Cao-Bắc-Lạng. Chiến dịch được tổ chức thành ba mặt trận: Mặt trận đường số 4 (Mặt trận 4), Cao Bằng (Mặt trận 1) và Bắc Cạn (Mặt trận 1 Bis), trong đó chủ yếu là Mặt trận 4. Phối hợp với chiến dịch Cao-Bắc-Lạng là “Chiến dịch Đông Bắc” (Mặt trận 2), Trung Du (Mặt trận 3) và Liên khu 3 (Mặt trận đường số 5).

Chỉ huy chiến dịch: Tư lệnh Đào Văn Trường; Chính uỷ Hà Kế Tấn.

Công tác chuẩn bị: Việc thành lập cơ quan chỉ huy chiến dịch tiến hành chậm (do sự đóng góp người của hai trung đoàn 308 và 28 của Liên khu 1 và của Bộ Tổng tư lệnh chậm), 15 ngày trước giờ nổ súng, việc tổ chức cơ quan chiến dịch vẫn chưa thật chu đáo nên chưa khắc phục được tình trạng thiếu ăn khớp trong hiệp đồng công tác giữa các cơ quan. Song, do sự nỗ lực cao của cán bộ nên công tác chuẩn bị cũng làm được nhiều việc cơ bản.

Về chính trị, đã tiến hành động viên, giáo dục mục đích, ý nghĩa của chiến dịch, nhiệm vụ chiến đấu của các đơn vị. Phát động phong trào thi đua giết giặc lập công và tổ chức cuộc vận động: “Giữ vững quân số, giữ bí mật. Từng người, từng đơn vị chủ động làm công tác chuẩn bị, tăng cường huấn luyện để đồng hoá tân binh, cựu binh, mở rộng dân chủ bàn cách đánh...”. Đặc biệt đã tích cực phối hợp với cơ quan, chính quyền và đảng bộ các địa phương làm công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân; nhờ đó đã phát động được chiến tranh du kích rộng khắp trong địa bàn chiến dịch, góp phần rất đáng kể vào thắng lợi của chiến dịch. Cũng nhờ đó, mặc dù trước giờ nổ súng công tác cung cấp mới bảo đảm được 1 phần 4 số lương thực theo yêu cầu, nhưng nhân dân vùng Cao-Bắc-Lạng đã tình nguyện đóng góp kể cả thóc giống nên đã giải quyết kịp thời khó khăn về lương thực, không để ảnh hưởng đến chiến dịch.

Các đơn vị được bổ sung quân số, kiện toàn cơ quan chỉ huy và củng cố, bổ sung bảo đảm về thông tin liên lạc. Bộ đội tập trung huấn luyện các khoa mục: Vượt chướng ngại, xung phong, bộc phá, đánh đồn ban ngày và ban đêm. Cán bộ tập huấn phương pháp chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng và cách sử dụng các loại súng, pháo, cối mới được trang bị. Bộ đội được trang bị đầy đủ những vũ khí cá nhân cần thiết như: Lựu đạn, bộc phá, lưỡi lê, mìn, địa lôi, v.v...

Vì thời gian gấp, chiến dịch dự kiến diễn ra trên một không gian dài, địa hình phức tạp nên công tác chuẩn bị chiến trường đã tập trung vào hướng chính, những vị trí trọng điểm, do đó, trước ngày nổ súng ta đã nắm được tương đối đầy đủ về các vị trí: Bản Trại, Đèo Khánh, Thất Khê, Lũng Phầy. Bộ chỉ huy chiến dịch đã biết kết hợp chặt chẽ giữa sử dụng thống nhất lực lượng quân báo có trong tay với việc vận dụng hiệu quả của công tác địch vận (làm mật giao, nội ứng) để bổ sung cho việc nắm tình hình địch, đặc biệt thành công ở các khu vực: Thoát Lãng, Văn Uyên và Tràng Định.

Bộ chỉ huy đã cử năm cán bộ chuyên trách nắm và tổ chức hệ thống thông tin liên lạc chiến dịch: Mạng vô tuyến điện từ Bộ chỉ huy chiến dịch tới các trung đoàn, tiểu đoàn; mạng lưới hữu tuyến điện từ Bộ chỉ huy tới Hội Hoan, Văn Mịch, Đầm He. Các tiểu đoàn đã có tổ chức và hướng dẫn cụ thể về: liên lạc hoả tốc, các đội ký hiệu bằng kèn, cờ, đèn v.v... do đó đã khắc phục được tình trạng thiếu phương tiện thông tin, bảo đảm tương đối kịp thời sự chỉ đạo, chỉ huy của Bộ chỉ huy chiến dịch.

Chiến dịch chia làm hai đợt:

Đợt 1 (từ 15 tháng 3 đến 24 tháng 4): Trước đó, ngày 4 tháng 3, chiến dịch Đông Bắc 2 nổ súng bằng trận phục kích diệt hoàn toàn đoàn xe của địch tại Điền Xá và trận tập kích đồn Ba San (đông bắc Lạng Sơn), trận đánh đã thu hút và đánh lạc hướng địch. 16 giờ ngày 15 tháng 3, bộ đội Đông Khê chặn đánh đoàn xe vận tải 96 chiếc từ Cao Bằng xuống, chúng thiệt hại một số phải dừng lại ở Đông Khê.

24 giờ 30 ngày 15 tháng 3, ta tiến công Na Sầm mở màn chiến dịch. Tuy không diệt được đồn nhưng đã tạo điều kiện cho quân dân huyện Thoát Lãng phát động chiến tranh du kích, 1 giờ ngày 16 tháng 3, ta tiêu diệt đồn Bản Trại và Đèo Khách, phá sập cầu Bản Trại, đồng thời đánh phá vị trí Bông Lau và Thất Khê. Tên đại tá Vi-ke chỉ huy liên khu biên giới phải đi Tiên Yên thu thập cơ giới và công binh, đến 31 tháng 3, chúng mới chữa xong cầu Bản Trại. Hai ngày 20 và 21 tháng 3, chủ lực ta chuyển sang đánh đồn Bản Ne và Nà Lèng làm cho các vị trí Pò Mã, Pò Piao (đông bắc Thất Khê) lung lay. Ngày 30 tháng 3 và 3 tháng 4 ta tiến đánh thị xã Lạng Sơn và trường bay Mai Pha. Ngày 10 tháng 4, ta phục kích tiêu diệt đoàn xe tiếp tế trên đường Đông Khê - Phục Hoà. Ngày 14 tháng. 4, ta tiến công thị xã Cao Bằng. Quân địch lúng túng đối phó khắp nơi phải rút bỏ vị trí Bình Nhi và Nà Mần. Chiến tranh du kích cũng phát triển từ Thoát Lãng đến Tràng Định, đánh trả địch trên đường số 4 và vây hãm các đồn bốt nhỏ, ngày nào địch cũng bị thương vong, cơ giới bị phá huỷ. Ngày 24 tháng 4, đợt 1 của chiến dịch kết thúc.

Quân địch thiết lập lại đồn Bản Trại, tăng cường công sự, lô cốt, vật cản và phương tiện ở các vị trí, quyết cố thủ chiếm đóng vùng Biên Thuỳ. Phía ta, phong trào chiến tranh du kích phát triển rộng rãi trên các huyện: Tràng Định, Thoát Lãng, Văn Uyên, Cao Lộc. Khu tự do Ba Son được mở rộng về phía Bản Xam, Nà Lèng, Bảo Lam hình thành thế bao vây thị xã Lạng Sơn. Khu Chi Lăng cũng trở thành địa bàn hoạt động của quân ta.

Đợt 2 (từ 25 đến 30 tháng 4): Ngày 25, ta thực hiện trận phục kích lớn đánh đoàn xe 114 chiếc trên đoạn Bông Lau - Lũng Phầy (15 km), phá huỷ 53 xe vận tải, diệt và bắt hơn 500 lính Âu-Phi, bắn bị thương hai máy bay, phá tan đồn Dốc Na (Lũng Phầy mới) của địch. Ngày 27 tháng 4, bộ đội Cao Bằng tiêu diệt đồn Bản Pát trên đường Cao Bằng - Trà Lĩnh. Ta phát động chiến tranh du kích ở khắp nơi. Các huyện Thoát Lãng, Tràng Định, Văn Uyên, Cao Lộc ngày nào cũng có trận phục kích nhỏ, đánh địa lôi chim sẻ, quấy rối địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại và ngày càng hoang mang. Ngày 30 tháng 4, địch buộc phải rút khỏi đồn Pò Mã và Pò Piao. Ta kết thúc chiến dịch.

Kết quả: Ta tiêu diệt bốn vị trí, bức rút sáu vị trí, đánh tiêu hao chín vị trí1, diệt 665 địch (có hai quan ba, một quan hai, 24 sĩ quan); làm bị thương 568 tên (có hai quan ba, một quan một và chín sĩ quan); bắt 160 tên; phá huỷ 80 xe cơ giới, đánh hỏng 18 chiếc khác; đốt ba kho và 498 thùng xăng; phá huỷ hai kho lương thực, hai kho vũ khí, bắn trọng thương hai máy bay, phá huỷ 12 cầu, cắt 43.747 mét dây điện thoại, phá 24 quãng đường với 1324 hố chữ nhật. Ta thu 15 đại liên, bốn trọng liên 12,7mm, 18 trung liên, 11 súng cối, hai súng chống cơ giới Pi-át và nhiều vũ khí đạn dược, quân trang quân dụng. Ta hy sinh 50 người (có ba dân thường), bị thương 150 người và hỏng một súng máy.


So với các chiến dịch trước, chiến dịch đường số 4 (Cao-Bắc-Lạng) có bước tiến bộ mới, thể hiện ở nghệ thuật nghi binh lừa địch, thu hút phân tán lực lượng chúng ra hướng khác, bảo đảm chắc thắng cho hướng chính; nghệ thuật điều hành chiến dịch, chọn đúng khu vực tiến công chủ yếu (Thất Khê-Na Sầm), đúng mục tiêu mở màn cũng như việc điều chỉnh lực lượng giữa đánh địch vận động và đánh địch trong vị trí, nhất là ở đợt 2. Ta đã giữ được quyền chủ động chiến dịch từ khi mở màn đến khi kết thúc. Đã thực hiện được yêu cầu tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, tiêu diệt và bức rút nhiều vị trí; phá sập một cầu quan trọng trên đường số 4 (Bản Trại), phá huỷ được nhiều phương tiện vận tải, thu nhiều vũ khí và trang bị của địch, buộc chúng phải dùng cả một trung đoàn Âu-Phi (RICM) làm lực lượng hộ tống các đoàn công-voa trên đường số 4. Bước chuẩn bị và công tác hậu cần chiến dịch thực hiện khá chu đáo.

Nhưng chiến dịch chưa đạt được mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu là “Làm tê liệt đường số 4”. Cấp chiến dịch chưa quán triệt đầy đủ nhiệm vụ cắt đứt đường số 4, chưa chọn cách đánh phù hợp với khả năng, trình độ của bộ đội lúc này là “phục kích có lợi hơn tập kích”, nhằm phá cầu, đường, bắn tỉa, bẫy mìn, địa lôi trên trục giao thông. Hiện tượng ham đánh đồn còn phổ biến. Đánh điểm chưa gắn chặt với diệt viện. Trong khi địch vẫn vận chuyển tiếp tế mà cả một trung đoàn đánh phục kích, hơn một tháng rưỡi chỉ đánh được hai trận (15 tháng 3 và 25 tháng 4) có hiệu suất cao. Sau ít ngày ta để cho địch bịt được cả đồn và cầu Bản Trại là ta không phát huy được kết quả của trận khêu ngòi, bộ đội bỏ lỡ nhiều cơ hội diệt địch khi chúng cơ động trên trục lộ, bên ngoài công sự.
____________________________________
1.Bốn vị trí ta tiêu diệt: Ba Son, Bản Trại, Đèo Khách, Bản Pát. Sáu vị trí ta bức rút: Lũng Phầy, Bình Nhi, Pò Mã, Pò Piao, Chiềng Mân, Nà Mần. Chín vị trí địch bị tiêu hao: Dốc Na, Bông Lau, Nà Lèng, Na Sầm, Thất Khê, Bản Ne, Lũng Vài, Chấp Chịu, Chợ Cáy.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 22 Tháng Năm, 2012, 04:21:51 pm

CHIẾN DỊCH SÔNG LÔ
(Phản công, từ ngày 29 tháng 4 đến ngày 31 tháng 5 năm 1949)


Chiến dịch sông Lô diễn ra trên một chiến trường dài hơn 400 ki-lô-mét, từ Việt Trì đến giáp Yên Bái (Phủ Hiên - Thác Bà), nhưng chủ yếu là dọc sông Lô (từ Việt Trì đến Đoan Hùng) và một phần sông Chảy.

Ý định tiến công của địch: Sau hai năm kháng chiến với hàng loạt chiến dịch tiến công của ta, địch tuy đã yếu, khả năng tập trung bị hạn chế, nhưng chúng vẫn cố gắng tổ chức một cuộc tiến công sâu vào hậu phương của ta, cuộc tiến công mang tên Ốp-pê ra-siông Pô-mon, nhằm mục đích giành lại  quyền chủ động về chiến dịch, buộc chủ lực ta phải rút bớt ở Tây Bắc về để đối phó, gỡ thế bị uy hiếp của chúng ở Tây Bắc; cướp phá kho tàng, xưởng máy, gây cho ta thêm khó khăn, đồng thời gây uy tín cho chính quyền bù nhìn Bảo Đại. Kế hoạch tiến công do bộ chỉ huy Pháp ở Bắc Bộ vạch ra và giao cho đại tá Các-bô-nen (chỉ huy khu Hồng Hà) thực hiện. Chúng dự kiến chia thành hai thời kỳ:

Thời kỳ thứ nhất (từ 29 tháng 4 đến 5 tháng 5): Càn quét vùng Lâm Thao để hút lực lượng ta xuống phía nam đối phó, phía bắc sẽ sơ hở để chúng bất ngờ tiến công. Bước đầu cố giành một số kết quả để tuyên truyền, củng cố tinh thần và tập dượt cho bọn lính mới.

Thời kỳ thứ hai (từ 5 tháng 5 trở đi): Đánh chiếm Đoan Hùng, Tuyên Quang, diệt sinh lực, đốt phá kho tàng xưởng máy, phá hoại hậu phương của ta, buộc chủ lực ta ở Tây Bắc phải rút về đối phó. Lực lượng khoảng 2.600 tên, gồm nhiều bộ phận rất phức tạp, từ nhiều nơi như Hà Nội, Sơn Tây, Hải Dương... tập trung về Hưng Hoá và Triều Dương để thực hành tiến công. Cụ thể gồm: tiểu đoàn Ta-bo thứ 10; tiểu đoàn Mường I, một đại đội thuộc trung đoàn Ma-rốc, Tuy-ni-di, Sê-nê-gan thứ 26; một đại đội dù lê dương và một đại đội dù (đại đội 1 của tiểu đoàn 2) thuộc địa; ba pháo 75mm bố trí tại Bà Triệu, Triều Dương, Trung Hà; một pháo 155mm bố trí tại Trung Hà, khi thọc sâu vào hậu phương ta, sẽ thay thế bằng hai khẩu 94 mm mang vác bằng ngựa; một đại đội công binh trợ chiến; bốn ca nô (2LCM và 2LCT); máy bay thường xuyên hoạt động thả dù, bắn phá mức tối đa là 165 lần chiếc/ngày.

Địa hình khu vực từ Việt Trì đến Đoan Hùng là vùng đồi tre, thấp, có xen kẽ nhiều bãi bằng khá rộng như Bảo Dưỡng, Phú Lộc, Phú Nham... và một số cánh đồng lầy Hưng Hiền, Xóm Đình, Kim Đái, Cao Xá... Từ Đoan Hùng trở lên phía bắc là rừng rậm, núi cao.

Đường sá có: quốc lộ 2 chạy từ Hà Nội qua Việt Trì lên Lào Cai, các đường liên tỉnh Đoan Hùng đi Yên Bình Xã và Tuyên Quang đi Phủ Hiên, riêng phía nam Đoan Hùng còn có nhiều đường đất rộng chạy nối từ quốc lộ 2 ra bờ sông Lô. Đường thuỷ có sông Lô từ Việt Trì đến Tuyên Quang tương đối rộng nhưng có nhiều cồn cát, bãi cát ở giữa, mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 8 ) nước đầy, sông chảy xiết; mùa hanh khô (từ tháng 11 đến tháng 2) sông cạn. Riêng sông Chảy có nhiều ghềnh thác hiểm trở. Từ Đoan Hùng đến Yên Bình chỉ đi được bằng thuyền, xuồng nhỏ. Dân cư sống tập trung đông đúc ở phía nam Phú Thọ, được giác ngộ cách mạng, tinh thần kháng chiến rất cao. Từ Phú Thọ trở lên, dân cư thưa thớt dần, trình độ giác ngộ thấp hơn. Nhưng tất cả nhân dân trong địa bàn chiến dịch đều sẵn lòng giúp đỡ bộ đội. Bộ đội địa phương và dân quân du kích sau hơn hai năm kháng chiến đã có nhiều tiến bộ, nhưng trình độ và kinh nghiệm chiến đấu còn thấp, trang bị lại thiếu, mỗi trung đội chỉ có năm đến bảy khẩu súng, kể cả súng kíp tự tạo.

Chủ trương của ta: Lúc đầu ta cho rằng địch không có khả năng tiến công lên vùng tự do của ta. Khi địch đã vượt sông Hồng, càn quét vùng Lâm Thao, ta cũng chỉ cho là “Hoạt động thường xuyên quanh phạm vi chiếm đóng1 nên giao cho Liên khu 10 tổ chức đối phó, còn đại bộ phận lực lượng vẫn chuẩn bị mở chiến dịch Sông Thao. Đến khi địch nhảy dù đánh chiếm Đoan Hùng, ta mới đánh giá đúng âm mưu và khả năng của địch và có chủ trương thành lập Ban chỉ huy mặt trận Sông Lô (quyết định ngày 16-5, nhưng mãi tới 22 tháng 5 các đơn vị mới nhận được), dùng lực lượng của địa phương là chính, tăng cường thêm một số đơn vị chủ lực của Bộ2, tổ chức đánh địch; mặt khác gấp rút hoàn thành việc chuẩn bị cho chiến dịch Sông Thao.

Phương châm tác chiến là: Sử dụng bộ đội linh hoạt giữa tập trung và phân tán, phối hợp với dân quân du kích, phát động chiến tranh nhân dân rộng rãi để tiêu hao nhiều sinh lực địch. Khi lực lượng đã tập trung sẽ tổ chức đánh những trận tiêu diệt, nhất là khi phát hiện địch rút lui.

Lực lượng sử dụng gồm chín tiểu đoàn bộ binh: Tiểu đoàn 510 và 532 (có một đại đội) thuộc trung đoàn Sông Lô; tiểu đoàn 18, 19 và 23 (mỗi tiểu đoàn có bốn đại đội) thuộc trung đoàn 308 chủ lực Bộ; tiểu đoàn 630 (ba đại đội) thuộc trung đoàn 115; tiểu đoàn 626 (ba đại đội) thuộc Mặt trận 3 phái tới; và một đại đội pháo thuộc Vĩnh Yên. Ngoài ra còn có hai đại đội pháo 75mm (hai khẩu), hai khẩu phóng bom và một đại đội công binh thuộc Liên khu 10. Bộ chỉ huy chiến dịch gồm: Bằng Giang làm chỉ huy trưởng, Vương Thừa Vũ và Lâm Kính - chỉ huy phó.

Các đơn vị trên; trừ một vài đơn vị ở nơi khác được phái đến còn bỡ ngỡ chưa quen với địa hình, thời tiết, còn phần lớn là những đơn vị đã tham gia chiến đấu nhiều trận, rất quen thuộc địa bàn, có truyền thống chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn và nhiều kinh nghiệm chiến đấu nhất là đánh công đồn, riêng về đánh vận động thì chưa có kinh nghiệm, và cũng chưa có kinh nghiệm trong tổ chức hiệp đồng chiến đấu quy mô lớn (cấp sư đoàn). Riêng về trang bị cho chiến dịch, các đơn vị chủ lực mạnh hơn hẳn các chiến dịch trước, nhất là súng máy, có thể tổ chức chặn địch bằng hoả lực, hoặc khi cần có thể tổ chức chiến đấu với máy bay địch để yểm hộ cho bộ binh phát triển chiến đấu. Bộ đội địa phương và dân quân du kích còn thiếu thốn, mỗi trung đội chỉ có từ năm đến bảy khẩu súng trường, riêng bộ đội địa phương Lâm Thao có 10 khẩu kể cả súng kíp, nên chỉ có khả năng hoạt động nhỏ lẻ, quấy rối và tiêu hao địch khi chúng hành quân.

Trước những thắng lợi liên tiếp của quân ta trên chiến trường và trong địa bàn Liên khu 10, quần chúng nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng nhưng cũng có phần chủ quan nên lúc đầu khi địch đánh vào đã tỏ ra hoang mang dao động. Sau có sự chỉ đạo chặt chẽ của cơ quan chính quyền, và đảng bộ địa phương, nhân dân đã bình tĩnh và hăng hái thực hiện công tác phá hoại, tiêu thổ kháng chiến góp phần làm chậm bước tiến công phá hoại của địch. Mặt khác nhân dân tình nguyện bán gạo, tiếp tế cho bộ đội, mặc dù chưa có lệnh thu mua. Do đó ta đã giải quyết kịp thời những khó khăn thiếu thốn về hậu cần của chiến dịch.

Công tác chính trị, mặc dù nhiệm vụ chiến đấu gấp, ít thời gian chuẩn bị, nhưng rút kinh nghiệm từ những chiến dịch trước, các đơn vị đã tiến hành tốt việc quán triệt nhiệm vụ, xây dựng tinh thần chiến đấu, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cho bộ đội. Đặc biệt đã làm tốt công tác dân vận và địch vận, tuyên truyền thắng lợi, giải thích chính sách của kháng chiến, nên đã làm cho nhiều binh lính địch hoang mang lo sợ, tạo nên một tâm lý có lợi cho quân ta thực hiện nhiệm vụ chiến đấu của chiến dịch.

Địch dự kiến cuộc tiến công thành hai đợt, nhưng thực tế đã diễn ra thành ba đợt.

Đợt 1 (từ 29 tháng 4 đến 4 tháng 5):

5 giờ ngày 29 tháng 4, địch bắt đầu vượt sông Hồng, chia thành bốn mũi, phối hợp với quân nhảy dù xuống Bãi Bằng, Phú Nham thực hiện càn quét vùng Lâm Thao, trọng điểm là Cổ Tuyết, Phú Ninh, Phú Nham. Cụ thể: Tiểu đoàn Ta-bo 10 chia thành hai mũi vượt sông Hồng ở Giá Áo và Tam Nông, tiến thẳng sang Cổ Tuyết. Mũi thứ ba do một đại đội thuộc trung đoàn Ma-rốc, Tuy-ni-di, Sê-nê-gan thứ 26 vượt sông Hồng ở Triều Dương, tiến theo quốc lộ 2 lên Cổ Tuyết. Mũi thứ tư do tiểu đoàn Mường I từ Việt Trì ngược sông Lô, đổ bộ lên An Lão, tiến vào Phù Ninh. Đến 15 giờ, các mũi càn quét của địch tới được địa điểm đã định.

Về ta, tiểu đoàn 510 đang đi làm nhiệm vụ tiếp nhận tù binh, tới Đào Giã nhận được tin đã cấp tốc hành quân trở lại, 2 giờ ngày 30 tháng 4, mới về tới địa điểm tác chiến. Tiểu đoàn lập tức chia thành hai mũi: mũi 1 do đại đội 700 đánh vào Phú Nham, mũi 2 đại đội 706 đánh vào Trại Cần nhưng khi tới nơi thì địch đã rút.

Ngày 30 tháng 4 và 1 tháng 5, địch càn quét vùng Cổ Tuyết, Tiên Kiên, Xuân Lãng. Ngày 2 tháng 5, tiểu đoàn Ta-bo tiến chiếm nhà thờ Hà Thạch, thị xã Phú Thọ và bến đò Đoan. Một bộ phận địch ở hữu ngạn sông Hồng từ Bà Triệu tiến lên càn quét Tứ Cường, Phú Cường, Than Uyên chiếm đóng nhà thờ Hiền Quân, càn tiếp lên phía Gia Dụ. Quân dù và tiểu đoàn Mường I từ An Lão rút dần về Việt Trì. Ở Phú Thọ, Hà Thạch địch càn quét nhỏ ra xung quanh và lấy tre gỗ làm công sự.

Ngày 4 tháng 5, tiểu đoàn 510 phục kích địch ở gần Hà Thạch, diệt 18 tên, làm bị thương một số, ta giải thoát được 15 người phu bị địch bắt làm công sự. Sau đó tiểu đoàn phân tán lực lượng thực hiện hai nhiệm vụ “bảo vệ gặt chiêm” và “bám đánh địch” nhưng cả hai nhiệm vụ đều không hoàn thành.

Đợt 1 kết thúc ngày 4 tháng 5. Địch thực hiện càn quét được vùng Lâm Thao, ổn định được tinh thần binh lính. Ta không đánh giá đúng địch, thiếu kế hoạch đánh vận động, thiếu kinh nghiệm tổ chức nắm địch nên không thực hiện được tiêu diệt sinh lực địch.
______________________________________
1.Hồ sơ TL 1504- VL11930. Trung tâm thông tin Bộ Quốc phòng.
2.Ngày 23 tháng 5, các đơn vị này mới liên lạc được với Bộ chỉ huy mặt trận nhưng còn ở tình trạng phân tán.



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 22 Tháng Năm, 2012, 04:23:08 pm

Đợt 2 (từ 5 đến 21 tháng 5):

Nhận định đúng âm mưu của địch sẽ đánh chiếm Đoan Hùng - Tuyên Quang, Bộ giao nhiệm vụ cho Liên khu 10 phá kế hoạch càn quét của địch, tiêu diệt các vị trí chúng mới chiếm đóng, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu diệt sinh lực địch. Bộ chỉ huy Liên khu 10 đã phân công nhiệm vụ đánh địch trên các hướng cho từng đơn vị (tiểu đoàn: 510, 626, 696, 532, 630) và tổ chức một bộ phận của trung đoàn sông Lô dùng Badôca đánh ca nô địch trên sông Lô. Sáng 5 tháng 5, địch bắt đầu tiến công. Từ Việt Trì chúng dùng bốn ca nô và gần 100 thuyền ngược sông Lô; bị tiểu đoàn 510 chặn đánh ở Tràng Sao, Dưỡng Mông, Xuân Trình, Xuân Thịnh, địch bị tiêu diệt 10 tên. Sáng 6 tháng 5, tiểu đoàn Ta-bo từ Hà Thạch qua Trù Mật, Yên Lãm, Phú Hộ tiến theo trục lộ 2 lên Đoan Hùng cũng bị tiểu đoàn 532 đánh mìn, giật bom ở Cầu Hai, Chân Mộng, diệt 50 tên. Sáng 7 tháng 5, đại đội 8 tiểu đoàn 2 dù thuộc địa nhảy xuống Minh Cầm (300 tên). Đến ngày 8 tháng 5, từ ba phía, quân địch tiến đánh và chiếm huyện lỵ Đoan Hùng. Sau đó, từ ngày 9 đến 11 tháng 5, chúng càn quét ra xung quanh để giữ an toàn cho Đoan Hùng, bị tiểu đoàn 532 chặn đánh ở Tây Cốc, Ngọc Lũ.

Bộ chỉ huy Mặt trận điều tiểu đoàn 630 cùng tiểu đoàn 532 tổ chức chống càn ở vùng Cát Lâm, Phù Hiên. Địch phát hiện được ý định của ta đã cho một bộ phận theo đường tắt qua Chợ Hàn, Nhũ Hán, men theo chân núi La tiến lên Km5 (Ỷ La) đường Tuyên Quang - Hà Giang. Hai cánh quân chủ lực địch tiến theo trục lộ 2 và ngược sông Lô gặp nhau ở bến Đĩa, lên Km5. Chiều 12 tháng 5, địch chiếm Tuyên Quang và Km7 đường Tuyên Quang - Hà Giang.

Về ta, do xác định điểm tập trung để đánh địch cứng nhắc nên khi địch thay đổi đường tiến ta không tổ chức đánh được; chỉ dùng hai sơn pháo 75mm tập kích vào nhà thờ Tuyên Quang, bắn trúng nơi chúng hội họp. Ngày 13 tháng 5, chúng phải cho ba máy bay lên chở xác chết và số bị thương về Hà Nội.

Sau khi thực hiện các động tác nghi binh, ngày 16, địch nhanh chóng chuyển quân chiếm đóng Phủ Hiên. Ngày 17, chúng chia thành ba mũi, một mũi tiến lên càn quét vùng Cây Thị, hai mũi tiến lên càn phía Thác Bà rồi trở về Làng Ngiện. Tại đây tiểu đoàn 532 chặn đánh địch, diệt 20 tên. Sau đó một mũi tiến xuống càn Chợ Ngà, Cát Lâm, Nghĩa Quân (tại Nghĩa Quân một số tên bị trúng bom thiệt mạng), rồi phối hợp với cánh quân từ Đoan Hùng lên càn quét Tây Cốc, Nam Đản. Cùng ngày, tên tướng Kock đáp máy bay lên Tuyên Quang xem xét tình hình và động viên binh sỹ. Hắn ra lệnh thu quân. Ngày 18, địch rút dần, ngày 21, sau khi hoàn thành việc tập trung quân về Đoan Hùng, Hữu Đô, chúng tiến hành các cuộc càn nhỏ để cướp thuyền làm phương tiện rút về Việt Trì. Đợt 2 kết thúc. Địch đã nghi binh đánh lạc hướng và thực hiện được một phần ý định quấy rối, phá hoại hậu phương của ta, cướp một số cơ xưởng ven sông Chảy ta chưa sơ tán kịp. Ta nhận định đúng nhưng sử dụng lực lượng không chính xác, tổ chức đối phó thiếu cơ động, binh lực phân tán và không giữ được bí mật nên bỏ lỡ nhiều cơ hội đánh địch.

Đợt 3 (từ 24 đến 31 tháng 5):

Địch tập trung quân về Đoan Hùng, chủ trương rút theo hai bờ sông Lô; bên tả có 700 quân, bên hữu 800 quân, dưới sông (với bốn ca nô và hàng trăm thuyền bè) là bộ phận vận tải, pháo binh, binh lính ốm và bị thương và gần 300 người dân bị bắt.

Về ta, mặt trận sông Chảy không còn tác dụng, Đại tướng Tổng tư lệnh quyết định thành lập “Mặt trận Sông Lô” nhằm tiêu diệt quân địch rút lui, bảo vệ thanh danh Sông Lô. Bộ chỉ huy Mặt trận gồm có Chỉ huy trưởng: Bằng Giang, chỉ huy phó: Vương Thừa Vũ, Tham mưu trưởng: Lâm Kính. Chủ trương của ta: chia thành 2 bộ phận hoạt động trên 2 hướng. Hướng chủ yếu là mặt hữu ngạn do Bộ chỉ huy trực tiếp chỉ huy; lực lượng gồm sáu tiểu đoàn bộ binh (18, 79, 510, 554, 532 và 696) và hai đại đội công binh. Hướng phối hợp là mặt tả ngạn, do đồng chí Lâm Kính chỉ huy; lực lượng ba tiểu đoàn (23, 29 và 626).

Ngày 24, dưới sự yểm hộ của máy bay và pháo binh, địch tiến hành rút quân dọc theo hai bên bờ sông Lô. Chúng thực hiện vừa rút vừa càn quét. Cả hai cánh bị trúng mìn ở Khổng Xuyên và Sùng Lễ chết 40 tên. Các tiểu đoàn cơ động của ta vận động chậm do mưa to, suối lũ, thông tin kém nên tiểu đoàn 79 không tập kích được vào Bãi Cẩn, các tiểu đoàn 510, 532, 626, 23 và 29 không thực hiện được tập kích địch ở “hợp điểm” Lệ Mỹ - Tiên Du. Sang ngày 25, đội hình rút lui của địch ở bên hữu ngạn bị hai tiểu đoàn 79 và 18 chặn đánh, diệt gần 100 tên, đánh đắm gần hết số thuyền, giải thoát 275 người dân bị địch bắt. Phía tả ngạn, đội hình của địch bị tiểu đoàn 23 chặn đánh liên tiếp ở Quang Thất, Lộ Viện, Yên Thuyết làm chết 34 tên, bị thương 10 tên. Đêm 25, Bộ chỉ huy Mặt trận ra chủ trương bao vây diệt cánh địch ở phía hữu ngạn trước, sau đó phối hợp với bên tả ngạn tiêu diệt hoàn toàn quân địch; tổ chức giao nhiệm vụ đánh địch cho các đơn vị trên các hướng. Phương châm: đánh vận động, tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch.

Ngày 26, địch rút lui dè dặt hơn. Mặt hữu ngạn, tiểu đoàn 18 bị lạc đường, tiểu đoàn 79 tự động bắn máy bay, lộ đội hình nên bị địch oanh tạc, cả hai tiểu đoàn không thực hiện được nhiệm vụ đánh địch. Tiểu đoàn 510 và 532 chặn đánh địch từ 14 giờ tới tối, diệt 130 tên, bắn rơi một máy bay Ca-ta-li-na. Địch phải co lại củng cố ở hai thôn Nội, Ngoại và xóm Quỳnh. Bên tả ngạn, địch cho quân lên chiếm núi Hét để chiếm lĩnh địa hình bảo vệ đội hình hành quân, nhưng tiểu đoàn 29 đã chiếm trước. Cả hai lần địch tiến công đều bị tiểu đoàn 29 đánh bật xuống. Nhưng khi bị địch nã pháo mạnh vào đội hình, tiểu đoàn 29 tự động bỏ vị trí, địch chiếm được núi Hét. Ta diệt 100 tên, làm bị thương 30 tên, thu năm súng trường. Ta hy sinh bốn đồng chí, bị thương năm đồng chí. Ngày 27, địch củng cố đội hình để tiếp tục rút (dự kiến ba ngày, đã mất bốn ngày mà mới chỉ rút được nửa đường). Ta không khắc phục được hạn chế về thông tin liên lạc, chủ trương của Bộ chỉ huy đến các đơn vị quá chậm, nên địch đã lợi dụng thời cơ chọc thủng được tuyến ngăn chặn của ta ở Tiên Du; 18 giờ ngày 28 tháng 5, chúng rút về được tới Nha Môn, bộ phận tiếp viện từ Việt Trì cũng lên được tới Xốm. Bộ chỉ huy Mặt trận tổ chức một đội xung phong gồm bốn đại đội chọn lọc, tiểu đoàn 510 và đại đội 74 làm nhiệm vụ yểm hộ trực tiếp cho đội xung phong đánh một trận tiêu diệt để kết thúc chiến dịch. Thực hiện quyết tâm trên, bộ đội đuổi theo địch suốt đêm. 3 giờ ngày 29 tháng 5, hai đại đội tới được Trinh Nữ. Địch ở Nha Môn bỏ chạy tán loạn. Bên tả ngạn, quân ta phục kích ở Phan Dư, diệt 50 tên, sau đó ta rút quân. Quân tiếp viện địch gặp quân rút lui ở Quán Tử, chúng cùng rút về Việt Trì. Ngày 31 tháng 5, ta tổ chức lực lượng để tiêu diệt địch ở Lưu Lâu và quấy rối ở Việt Trì. Nhưng do nắm địch không chắc nên khi đánh vào Lưu Lâu, quân địch đã rút khỏi từ trước. Bộ chỉ huy ra lệnh lui quân, kết thúc chiến dịch.

Kết quả: địch chết và bị thương 983 tên, phần lớn là Pháp và Âu - Phi, một hạ sĩ quan ra hàng; bị đánh đắm một sà lan, gần 100 thuyền bè và một số vũ khí, trang bị; bị bắn rơi một máy bay, bị thương hai chiếc khác. Ta thu: ba tiểu liên, năm súng trường, hai dù đạn cối và 200 dù tiếp tế quân lương. Hy sinh 35 đồng chí, bị thương 52 đồng chí, mất chín súng trường, một số lựu đạn, thóc lúa và nguyên vật liệu của cơ xưởng, hỏng hai khẩu súng.

Cuộc hành quân Pô-mon (Pomone) với tư tưởng chỉ đạo “Vận động nhanh, tiến công càn quét nhanh, rút lui nhanh và hết sức tránh va chạm chủ lực” (ta), quân địch đã dùng chiến thuật “Phân bộ hợp kích”, kết hợp chặt chẽ giữa các mũi tiến công đường bộ với tổ chức đổ bộ đường sông và nhảy dù, hình thành thế bao vây đối với từng mục tiêu định đánh chiếm (như vùng Phú Nham, Cổ Tuyết, Phú Ninh ở đợt l; Đoan Hùng ở đợt 2). Vận dụng chiến thuật này, địch đã nhanh chóng hoàn thành từng bước nhiệm vụ chiến đấu, bảo toàn được lực lượng, gây khó khăn cho ta trong việc phán đoán cũng như tổ chức đối phó, nhất là ở thời kỳ đầu (tiến công càn quét). Tuy cuộc tiến công của quân Pháp có chủ động về chiến thuật, chặt chẽ về tổ chức đội hình nhưng bị đặt trong thế bị động về chiến lược, vì vậy thực chất cuộc hành quân “quấy rối, phá hoại” là chính chứ không phải là chiếm đất; cốt để kéo chủ lực ta xuống, cứu nguy cho Tây Bắc. Bởi vậy ở giai đoạn rút lui, khi chưa bị đánh thì rút có tổ chức khá chặt chẽ đội hình song song hai bên tả, hữu và dưới sông yểm trợ cho nhau, nhưng cũng phải rất dè dặt; đến khi bị ta tiến công, lập tức hoảng loạn, đội hình tháo chạy vô tổ chức.

Phía ta, nhận rõ âm mưu của địch, phân tích đúng tình hình, nên ta quyết tâm “Tiếp tục chuẩn bị Chiến dịch Sông Thao, đồng thời đánh địch trên sông Lô” là đúng đắn. Giai đoạn địch tiến công, ta dùng bộ đội chủ lực vừa đánh tập trung vừa kết hợp với bộ đội địa phương phục kích, đánh mìn và phát động chiến tranh du kích toàn dân; đến khi địch rút lui ta kịp thời chuyển sang đánh vận động là phù hợp. Ta giữ được thế chủ động về chiến lược, đạt được mục đích chính của chiến dịch là đập tan âm mưu địch, bảo vệ thanh danh Sông Lô, gây được lòng tin trong dân. Nhưng đi vào cụ thể thì còn nhiều thiếu sót. Chủ trương tác chiến từng lúc, từng nơi còn chung chung, không sát, có lúc bị động với hành động của địch, phổ biến là triển khai chậm; sử dụng lực lượng còn phân tán. Tổ chức chỉ huy không nắm chắc lực lượng ta, nắm địch không chu đáo. Thông tin liên lạc không thông suốt, có lúc quá chậm. Tác chiến không liên tục, truy kích không tích cực, bộ đội mang nặng tư tưởng đuổi địch nên bỏ lỡ nhiều thời cơ diệt địch, để địch chạy thoát, vì vậy mà “trận đánh quyết định” đã không diễn ra như ý định ban đầu. Lần đầu tiên vận dụng chiến thuật đánh vận động với một lực lượng tương đối lớn (tương đương một sư đoàn), trang bị lại thiếu, hơn nữa địch lại giành thế chủ động, chỉ đạo tác chiến ban đầu của Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ đề ra tiêu diệt địch một cánh chung chung; còn diệt như thế nào, bằng cách nào, ở đâu, thì chưa cụ thể. Về sau phán đoán đúng địch, chủ động, tiến bộ hơn. Ta xác định đúng “quyết chiến điểm” ở Lệ Mỹ-Tiên Du. Kế hoạch dùng một tiểu đoàn nhử địch, một tiểu đoàn thọc sườn, một tiểu đoàn tập hậu là sáng tạo, sắc bén nhưng tổ chức thực hiện lại không hiệu quả. Cấp dưới chấp hành không nghiêm nên tiểu đoàn 18 thì lạc, tiểu đoàn 79 để lộ, bị địch oanh tạc vỡ đội hình, tiểu đoàn 29 tự động bỏ núi Hét... các mũi không hoàn thành nhiệm vụ. Tinh thần liên tục chiến đấu, dẻo dai, tích cực bám địch chưa cao, có nơi còn biểu hiện ngại thương vong. Tinh thần mạnh dạn tiến công, bao vây, chia cắt, chủ động đánh địch trong tác chiến vận động chưa đầy đủ nên không thực hiện được nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch. Ý thức hiệp đồng tác chiến còn yếu. Ở đợt 3 chỉ chú ý hữu ngạn mà bỏ lỡ thời cơ bên tả ngạn, không phát huy được sức mạnh hiệp đồng giữa hai bên để tập trung diệt địch trong thế trận hiểm hóc.

Tóm lại, những thiếu sót về tư tưởng chỉ đạo, tư tưởng chiến thuật, tổ chức chỉ huy và tác phong chiến đấu đã làm hạn chế việc hoàn thành mục đích chiến dịch. Đặc biệt không hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt địch.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Sáu, 2012, 03:16:29 pm
CHIẾN DỊCH SÔNG THAO
(Tiến công, từ ngày 19 tháng 5 đến ngày 18 tháng 7 năm 1949)


Sau thất bại ở Việt Bắc - Thu Đông 1947 và sau những chiến dịch tiến công của ta (ở Yên Bình Xã, đường số 3, Đông Bắc, v.v...), thực dân Pháp đổ thêm quân củng cố vùng Tây Bắc, phát triển nguỵ, tề điệp, thổ phỉ, lôi kéo dân chúng. Chúng lợi dụng địa hình Tây Bắc núi non hiểm trở, nhiều núi cao, suối sâu để xây dựng các đồn bốt, lập các phòng tuyến nhằm đối phó với ta và giữ địa bàn, khoá biên giới. Trong đó có phòng tuyến sông Thao dài trên 200 ki-lô-mét từ Yên Bình Xã, Nghĩa Đô, Phố Ràng đến Bảo Hà, Dóm, Đại Bục, Đại Phác, Ba Khe, Nghĩa Lộ, địch chia Tây Bắc thành bốn tiểu khu: Lào Cai, Nghĩa Lộ, Mộc Châu, Hoà Bình, mỗi tiểu khu lại chia thành bốn đến năm phân khu, có từ bảy đến chín đại đội lính ngụy chiếm đóng. Mỗi tiểu đoàn ngụy người Thái do sĩ quan Pháp chỉ huy. Riêng “phòng tuyến sông Thao” gồm một phần tiểu khu Lao Kay và tiểu khu Nghĩa Lộ do gần tám đại đội ngụy Thái và một bộ phận thuộc trung đoàn thuộc địa thứ 23 chiếm đóng.

Lập phòng tuyến sông Thao, địch chiếm đóng một vùng quan trọng về chiến lược của ta, chặn đường vào Tây Bắc, củng cố được một phần lớn chiến trường Tây Bắc, thực hiện phong toả biên giới Việt Trung.

Bước vào năm 1949, địch ở Tây Bắc đã lâm vào tình trạng đối phó lúng túng với hoạt động của ta, chúng phải rút bỏ một số vị trí nhỏ về tập trung tại các vị trí lớn. Nắm chắc thời cơ, để khuếch trương thắng lợi của mùa Xuân 1949, Bộ Tổng tư lệnh và Bộ chỉ huy Liên khu 10 chủ trương mở Chiến dịch Sông Thao nhằm mục đích: Tiêu diệt một phần sinh lực của địch, làm tan vỡ khối ngụy binh Thái trắng, phá vỡ phòng tuyến của địch ở đoạn Nghĩa Lộ - Bảo Hà - Yên Bình Xã để cô lập tiểu khu Lao Kay và mở rộng căn cứ Tây Bắc từ sông Thao đến sông Đà; phá thế uy hiếp của địch đối với Việt Bắc, củng cố bàn đạp tiến sang Thượng Lào, đồng thời để bộ đội ta tập dượt, trưởng thành, tiến tới tổng phản công.

Phương châm tác chiến là: Tập trung lực lượng tiêu diệt một số cứ điểm trên phòng tuyến sông Thao, đoạn từ Bảo Hà - Nghĩa Đô - Yên Bình Xã, trận mở màn diệt một đến hai cứ điểm, sau đó đánh quân địch tiếp viện và rút lui; kết hợp tiến công các vị trí khác để phát động nhân dân làm địch vận, phá tề, bao vây kinh tế của địch. Bộ chỉ huy dự kiến chia chiến dịch thành ba đợt: đợt 1 (từ 18 đến 25 tháng 5), trận mở màn là tập trung lực lượng diệt vị trí Đại Bục, Đại Phác; sau đó tiêu diệt Dóm và Phục Linh. Đợt 2 (từ 25 đến 31 tháng 5), tập trung diệt Bảo Hà, Phố Ràng và Yên Bình Xã. Đợt 3 (từ 31 tháng 5 đến 30 tháng 6), tuỳ tình hình phát triển chiến dịch, có thể tập trung tiến công Bảo Hà, cô lập Hoàng Su Phì hoặc tiến công Nghĩa Đô. Để giữ bí mật cho hướng chủ yếu các đại đội độc lập và du kích hoạt động nghi binh ở Nghĩa Đô, Sài Lương, Thượng Bằng La, Đồng Bồ; đồng thời phát động võ trang vùng địch hậu: Tú Lệ, Than Uyên, Văn Bàn (Yên Bái), Thuận Châu và dọc sông Đà (thuộc Sơn La), Phong Thổ (Lai Châu).

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: Hướng chủ yếu có năm tiểu đoàn bộ binh (11, 54, 79, 630 và 564), hai đại đội pháo binh, hai khẩu phóng bom, năm đại đội độc lập thuộc trung đoàn 115. Mặt địch hậu, ở Yên Bái có các đơn vị còn lại của trung đoàn 115, ở Lao Hà do trung đoàn 165 và ở Sơn La, Lai Châu do trung đoàn 148 đảm nhiệm.

Chỉ huy chiến dịch: Bộ chỉ huy Liên khu 10. Chỉ huy trưởng: Lê Trọng Tấn, chỉ huy phó: Cao Văn Khánh.

Phần lớn các đơn vị trên đã liên tiếp tham gia các trận chiến đấu, các chiến dịch, nay được tập trung gấp về tham gia chiến dịch Sông Thao, do đó, tuy có nhiều kinh nghiệm, nhưng chưa có thời gian bổ sung, củng cố, và huấn luyện; trừ tiểu đoàn 11 còn nguyên vẹn, còn lại phần lớn các đơn vị sức chiến đấu đã bị giảm ở mức độ khác nhau. Tiểu đoàn 54 vừa hoạt động ở vùng Liên khu 3 mới trở về chưa đầy một tháng, chưa kịp bổ sung quân số, số ốm phải nằm lại hậu phương 100 đồng chí, chưa kịp huấn luyện thì nhận lệnh đi chiến đấu. Tiểu đoàn 79 đang chiến đấu ở sông Lô thì được điều lên chiến dịch Sông Thao, sức khoẻ bộ đội cũng bị giảm sút. Tiểu đoàn 630 trung đoàn 115 vừa hoàn thành nhiệm vụ trên mặt trận Lao Hà nên quân số cũng bị hao hụt, có đại đội chỉ còn 40 tay súng (như đại đội 514). Hai đại đội pháo được điều động cấp tốc từ Đông Bắc sang, hành quân hơn 300 ki-lô-mét, do đó sức khoẻ giảm nhiều, đạn dược cũng chưa đủ. Nhận rõ đặc điểm trên, công tác chính trị chuẩn bị chiến dịch đã đi sâu vào giải quyết những vấn đề cụ thể có ảnh hưởng trực tiếp đến sức chiến đấu như: Lãnh đạo giải quyết tốt khâu cấp dưỡng, chăm sóc thương bệnh binh, xây dựng tinh thần phục vụ cho các chiến sĩ nuôi quân. Đồng thời giáo dục quán triệt nhiệm vụ chiến dịch, phát động căm thù, phát huy truyền thống đơn vị, xây dựng tinh thần chịu đựng gian khổ, thi đua giết giặc lập công.

Công tác chuẩn bị chiến trường, đã thống nhất các tổ chức tình báo, trinh sát, có kế hoạch và phân công nhiệm vụ, phân công khu vực nắm địch cụ thể. Do đó trước ngày nổ súng đã điều tra nắm vững tình hình binh lực, hoả lực, bố phòng của địch ở các vị trí mà ta có kế hoạch tiêu diệt như Đại Bục, Đại Phác, Phố Ràng, Khe Phìa, Ngòi Mác... Tổ chức mạng lưới thông tin chỉ huy chặt chẽ nên mặc dù phương tiện thông tin liên lạc thiếu, nhưng Bộ chỉ huy chiến dịch vẫn thường xuyên nắm vững tình hình mọi mặt ở các hướng, các khâu, bước vào chiến dịch điều hành ăn khớp và giữ được bí mật.

Về chuẩn bị hậu cần, chiến dịch diễn ra trên địa bàn mà kinh tế địa phương rất nghèo nàn, không có khả năng cung cấp cho chiến dịch, quân địch lại ngăn cản ráo riết trên sông Lô. Bộ chỉ huy chiến dịch đã kịp thời chuyển hướng công tác chuẩn bị hậu cần về các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái và Phú Thọ, do đó trước khi nổ súng đã chuẩn bị khá đủ lương thực cho chiến dịch1. Ban quân nhu của Khu 10, nhưng do Bộ trực tiếp chỉ đạo đã chuẩn bị được 140 tấn gạo bố trí ở ba khu vực: Yên Bình Xã để cung cấp cho trung đoàn 308; ở Lục Yên Châu, Làng Cóc để cung cấp cho đơn vị đánh Phố Ràng; ở Ngòi Hóp, Báo Đáp, Trại Hút phục vụ các đơn vị đánh Đại Bục, Đại Phác và Dóm. Mỗi nơi đảm bảo có trong kho một phần ba số cần thiết trước ngày 10 tháng 5 năm 1949, số còn lại quá trình chiến đấu sẽ chuyển sau. Ngoài ra quân nhu còn chuẩn bị cho bộ đội một tấn lương khô. Ban quân y lập một bệnh xá ở tuyến sau và tổ chức một đội phẫu lưu động theo sát mặt trận để cứu chữa thương bệnh binh. Riêng đạn pháo vì hiệp đồng với xưởng chế tạo không chặt chẽ nên bị chậm trễ, thời gian giữa hai đợt chiến đấu phải giãn ra vì chờ đạn pháo.

Đợt 1 (từ ngày 19 tháng 5 đến 05 tháng 6)

Trước ngày chiến dịch mở màn, từ 6 đến 15 tháng 5, các lực lượng nghi binh được phân công đã hoạt động tích cực và có hiệu quả. Nhưng do địch mở cuộc hành quân Pô-môn lên Phú Thọ, Tuyên Quang nên chiến dịch mở chậm hơn so với kế hoạch. 17 giờ ngày 19 tháng 5, pháo binh ta bắt đầu bắn. Sau 1 giờ 50 phút tiến công, ta hoàn toàn làm chủ vị trí Đại Phác và Đại Bục. Ta diệt ba phần tư địch trong đồn Đại Phác, 22 tên ở Đại Bục2; bắt 17 tên (có năm lính Pháp), thu nhiều vũ khí, trang bị. Trận mở màn của quân ta thành công xuất sắc, diệt hai cứ điểm Đại Bục và Đại Phác, khiến địch phải điều ngay quân từ Lào Cai, Phong Thổ đến đối phó. Phối hợp với hướng chính, ta giải tán hội tề ở vùng Minh Lương, tiến công Bản Trại (Sơn La) diệt 20 tên địch, tiêu diệt Văn Bàn, bao vây Phát, kiềm chế Phục Linh. Sau đó bao vây Than Uyên. Ở mặt trận Sơn La, ngày 25 tháng 5, ta tiến công vị trí Sông Con, diệt trên 20 tên địch, làm bị thương 30 tên và đột nhập châu lỵ Thuận Châu; đột nhập trường bay Mai Sơn, đốt cháy một kho dầu, một số vũ khí và nhiều quân trang, quân dụng. Ngày 27, ta thiêu huỷ vị trí Cửa Nhì và Bản Hảo khi địch đã rút chạy, tiến công vị trí Na Luông, diệt 10 tên.

Ngày 30 tháng 5, Bộ chỉ huy quyết định kéo dài đợt 1 để phục kích bắt sống toán quân đi chặt nứa và dùng mật giao, kỳ tập tiêu diệt vị trí Phát, kiềm chế Phục Linh. Nhưng bị lộ phải chuyển sang đánh cường tập (ngày 3 đến 5 tháng 6), cũng không thành công. Vì không theo dõi chắc địch nên ngày 5 tháng 6, một đại đội địch từ Bảo Hà xuống tăng viện được cho đồn Phát. Ở vùng địch hậu, quân ta tích cực hoạt động phối hợp bằng tập kích, phục kích ở Thượng Bằng La, Làng Mạ, đốt kho thóc Hanh Sơn, v.v... Nhưng trước tình hình địch đã tăng viện, ta đạn dược đã tiêu hao, sức khoẻ bộ đội giảm sút, Bộ chỉ huy ra lệnh kết thúc đợt 1 ngày 5 tháng 6. Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định: Địch tăng cường lực lượng ở hữu ngạn sông Thao, trong khi đó ở khu vực Phố Ràng, Nghĩa Lộ, chúng có nhiều sơ hở. Phía ta, đã chuẩn bị chiến trường ở phía tả ngạn sông Thao tương đối chu đáo nên Bộ chỉ huy đã chỉ thị cho trung đoàn 115 tiếp tục hoạt động, khuếch trương chiến quả ở mặt hữu ngạn sông Thao. Còn toàn bộ các tiểu đoàn chủ lực của Bộ ngày 13 tháng 6 hành quân bí mật theo đường tắt Báo Đáp chuyển sang hướng Phố Ràng, chuẩn bị bước vào tác chiến đợt 2.

Chủ trương tác chiến đợt 2 là: Tiếp tục phá vỡ phòng tuyến Sông Thao của địch, tập trung tiêu diệt quân địch ở Phố Ràng, Thôn Mạ, Ngòi Mác, Nghĩa Đô, Bắc Cuông, mở rộng khu căn cứ của ta trong vùng hậu địch ở Lào Cai nối liền với Yên Bái.
___________________________________
1.Trong chiến dịch bộ đội đã được cung cấp: 151 tấn gạo, 8 tấn muối, 60 con bò, 90 con lợn,... và 2.276.621 đồng để mua gạo và sinh hoạt phí. Đã huy động 19.103 ngày công, 900 ngày công ngựa thồ, 900 ngày công thuyền vận tải.
2.Trận đánh của tiểu đoàn 54 vào đồn Đại Bục (bên bờ sông Thao) thuộc tỉnh Yên Bái bằng phương pháp cường tập do tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng chỉ huy. Đồn chia làm hai khu A và B, bố trí đội hình theo hình tam giác, ở các góc đều có lô cốt, xung quanh đồn có ba lớp hàng rào bằng tre vót nhọn, ken dày theo kiểu lông nhím; đồn do 120 binh lính Âu - Phi và ngụy đóng giữ.

16 giờ 30 phút ngày 19 tháng 5, được sự yểm trợ của hoả lực đại bác và súng phóng bom, tiểu đoàn hình thành hai mũi tiến công; dùng lửa đốt phá hàng rào, xung phong vào đồn đánh giáp lá cà bằng mác và mã tấu. Quân ta kết hợp giữa tiêu diệt địch và gọi hàng. Sau hơn 30 phút, toàn bộ khu đồn bị đốt cháy, ta loại khỏi vòng chiến đấu toàn bộ 120 tên lính có trong đồn (trong đó có 22 tên bị tiêu diệt). Đây là trận mở màn chiến dịch với lối đánh táo bạo, đạt hiệu suất chiến đấu cao đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của bộ đội trên toàn chiến dịch. Trận đánh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Sông Thao.

Trận đánh đồn Đại Phác do tiểu đoàn trưởng Vũ Yên chỉ huy. Đại Phác là sở chỉ huy tiểu khu nên quân số địch đông hơn ở Đại Bục. Tiểu đoàn trưởng quyết định không chờ pháo mà ra lệnh cho súng cối bắn vào đồn, đồng thời tập trung hoả lực bắn thẳng bịt các lỗ châu mai, yểm hộ cho bộ đội bắc thang vượt qua các hàng rào lông nhím để xung phong. Từ các lô cốt, ụ súng chưa bị phá, quân địch bắn ra dữ dội. Rút kinh nghiệm từ trận Phủ Thông, lần này đi cùng các chiến sĩ xung kích cầm mác xông vào đồn, có cả những chiến sĩ mang tiểu liên, súng trường và Badôca đi cùng, do đó các hoả điểm địch lần lượt bị dập tắt. Bộ đội xung phong tiêu diệt các ổ đề kháng của địch. Vị trí Đại Phác bị tiêu diệt sau một giờ chiến đấu.



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Sáu, 2012, 03:18:02 pm


Đợt 2 (từ ngày 24 đến 30 tháng 6):

Ngày 13 tháng 6, ta bắt đầu chuyển quân lên vùng Lục Yên Châu. Cùng lúc, các mặt nghi binh phối hợp tích cực hoạt động. Tiểu đoàn 630 tiến công Tú Lệ, Làng Mạ, Làng Ken (Sơn La); tiểu đoàn 696 và 540 tiến công Trại Vải (Phú Thọ); phát động đấu tranh võ trang ở Mường Còi, Tương Phà và Thuận Châu... Do vậy hướng chính của chiến dịch giữ được bí mật bất ngờ.

Đêm 24 tháng 6, hai tiểu đoàn 11 và 79 (thiếu một đại đội) và hai đại đội pháo binh tiến công tiêu diệt vị trí Phố Ràng, mở đầu đợt 2 chiến dịch. Cùng lúc tiểu đoàn 564 và một đại đội pháo tiến công diệt vị trí Thôn Mạ nhưng không thành công. Địch trá hàng để chạy về Bảo Hà, nhưng đến Mã Yên Sơn thì bị tiểu đoàn 670 chặn đánh. Quân ta vào chiếm Thôn Mạ, thu nhiều vũ khí. Tiếp đó, tiểu đoàn 11 và pháo binh xuống tăng cường cho tiểu đoàn 54 để diệt Khe Phìa, Ngòi Mác nhưng chưa chiếm được đồn. Do ta bao vây không chặt, đêm địch rút chạy, sáng 27 tháng 6, ta vào chiếm đồn, bắt 200 tên, thu một trung liên, 200 súng trường và nhiều đạn dược. Ngày 29, địch cho quân ứng cứu Phố Ràng cơ động theo đường Nghĩa Đô - Bắc Cuông, bị tiểu đoàn 564 phục kích diệt bốn trung đội ở Bắc Cuông, số còn lại tháo chạy về Nghĩa Đô. Phòng tuyến Sông Thao bị phá vỡ một mảng dài 30 km từ Bảo Hà đến Bắc Cuông. Đường liên lạc của địch giữa Bảo Hà với Lào Cai, giữa Bảo Hà với Nghĩa Đô bị cắt đứt. Những ngày sau địch tăng cường lực lượng cho Bảo Hà, Làng Phát, Bắc Cuông và Nghĩa Đô, rút bỏ Phục Linh. Ta rút quân về Lục Yên Châu, kết thúc đợt 2 chiến dịch.

Theo kế hoạch tác chiến lúc đầu, chiến dịch có thể kết thúc vào cuối tháng 6 năm 1949. Nhưng chiến dịch được lệnh của Bộ kéo dài thời gian sang tháng 7 năm 1949. Ngày 8 tháng 7, các đơn vị tham gia chiến dịch được lệnh hành quân về phía hữu ngạn sông Thao, chuẩn bị tác chiến đợt 3.

Đợt 3, Bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương tiêu diệt quân địch ở Dóm và làng Phát lần thứ hai để phá nốt phòng tuyến Sông Thao, không cho địch đóng lại Đại Bục và Đại Phác. Phương pháp tác chiến là dùng hình thức cường tập, nếu địch cố thủ thì đánh dài ngày để diệt cho kỳ được Dóm và làng Phát.

Đợt 3 (từ 16 đến 18 tháng 7):

Buổi sáng ngày 16 tháng 7, hai lần địch từ Dóm cho quân ra thăm dò, tuần tiễu đều bị ta chặn đánh, chúng thương vong gần 30 tên, trong đó có tên Va-nhê, quan hai chỉ huy đồn Dóm. 17 giờ, ta nổ súng tiến công. Lực lượng gồm hai tiểu đoàn (54 và 79), hai đại đội của tiểu đoàn 11 và một đại đội pháo binh. Địch chống cự yếu ớt, một số tên theo đường hầm chạy thoát ra ngoài. Ta diệt 30 tên, thu nhiều vũ khí. Địch từ Dốc Lu lên tiếp viện, bị hai đại đội địa phương chặn đánh, ta diệt một trung đội Âu - Phi, địch phải rút lui. Phòng tuyến Sông Thao của địch bị vỡ thêm một mảng lớn từ Ba Khe tới Bảo Hà dài 70 ki-lô-mét. Ngày 17, ta chuyển quân lên để đánh vị trí Phát theo kế hoạch, nhưng được lệnh của Bộ nên ngày 18 tháng 7, Bộ chỉ huy cho kết thúc chiến dịch.

Kết quả: Ta tiêu diệt chín và bức rút 16 vị trí làm cho phòng tuyến Sông Thao vỡ một mảng dài 70 ki-lô-mét. Địch bị diệt 230 tên (có 51 lính Pháp, 124 lính khố đỏ và 55 lính dõng), bị thương 150 tên, bị bắt 58 tên (có 11 lính Pháp) và 300 tên tề điệp và phản động. Ta thu: một trọng liên 12,8 mm, năm đại liên, 12 trung liên, hai cối 81mm, bảy cối 60mm, 250 súng trường, 22 tiểu liên, hai súng ngắn, nhiều đạn dược và đồ quân dụng. Ta đốt một kho xăng, một kho gạo; mở rộng được cơ sở địch hậu trên 3.000 km2, tổ chức được đường liên lạc thông suốt giữa các khu tự do của ba tỉnh Sơn La, Yên Bái, Lào Cai. Ta hy sinh 86 người, bị thương 222 người.

Chiến dịch Sông Thao kết thúc thắng lợi. Sau ba đợt tác chiến, quân ta đã phá vỡ một mảng lớn phòng tuyến Sông Thao của địch; tiêu diệt một tiểu đoàn, phá hơn 20 đồn lớn nhỏ, giải phóng một vùng rộng 5000km2, có hai vạn dân, mở thông được đường liên lạc giữa vùng tự do với khu căn cứ hậu địch ở Sơn La, Yên Bái, Lào Cai.

Lần đầu tiên ta tập trung lực lượng diệt gọn hai phân khu (Đại Phác, Phố Ràng) trong một thời gian ngắn. Bảo đảm được các yếu tố: Bí mật, bất ngờ, giữ vững quyết tâm, xử trí linh hoạt, chuyển hướng chiến dịch đúng thời cơ, kết hợp chặt chẽ giữa hướng chính và các hướng nghi binh, phối hợp giữa quân, dân, chính đạt hiệu quả nên đã tạo được thế đánh hiểm, buộc địch phải lúng túng đối phó. Những mục tiêu cơ bản của chiến dịch đã đạt được. Song, ta chưa thực hiện được triệt để mục tiêu phá vỡ khối ngụy binh người Thái. Quá trình phát triển chiến đấu chưa chú trọng đúng mức tổ chức lực lượng dự bị để chi viện phát triển chiến dịch, công tác điều tra nắm địch và đánh giá địch chưa chắc nên bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt địch.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 21 Tháng Sáu, 2012, 09:20:39 pm

CHIẾN DỊCH THẬP VẠN ĐẠI SƠN1
(Tiến công, từ ngày 10 tháng 6 đến ngày 5 tháng 7 năm 1949)


Cuối năm 1948, Giải phóng quân Trung Quốc do Đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo đã giành được những thắng lợi to lớn. Quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch bị đẩy lùi từ Hoa Trung xuống Hoa Nam và đang tìm đường tháo chạy ra biển Đông. Chính vì vậy, ở vùng Quảng Đông, Quảng Tây, quân “địa phương” của Quốc dân đảng ra sức củng cố vùng hậu phương này để làm hậu thuẫn cho quân chủ lực của Tưởng Giới Thạch vừa phải rút chạy, vừa phải chống cự với Giải phóng quân Trung Quốc. Ở biên khu Điền Quế và Việt Quế - một bộ phận quan trọng của “căn cứ địa Hoa Nam”, lực lượng vũ trang cách mạng có trên ba tiểu đoàn tập trung và một số đội du kích địa phương, nhưng do bị bọn Quốc dân đảng tập trung càn quét liên miên, nên họ gặp một khó khăn lớn là không có cơ sở ổn định, phải luôn di động. Hơn nữa, việc chuẩn bị một địa bàn tác chiến cho đại quân chủ lực của Giải phóng quân Trung Quốc (Đại quân Nam Hạ) tràn xuống tiến công các đạo quân của Tưởng Giới Thạch đã là một vấn đề cấp thiết được đặt ra. Chính trong hoàn cảnh ấy, theo chỉ thị của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đầu tháng 3 năm 1949, Bộ tư lệnh biên khu Việt Quế cử chính uỷ Sần Minh Coóng (tức Trần Minh Giang) sang Việt Nam liên hệ với ban chỉ huy trung đoàn 59, đề nghị ta đưa quân sang phối hợp đánh quân Quốc dân đảng, giúp Trung Quốc xây dựng khu giải phóng ở vùng Ung - Long - Khâm2, tiếp giáp với các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Hải Ninh của ta. Việc đưa quân sang đất bạn là một vấn đề rất lớn hệ trọng, nên trung đoàn 59 đã báo cáo lên cấp trên để xin chỉ thị.

Thể theo yêu cầu cấp thiết của bạn, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Bộ Tổng tư lệnh đưa quân sang giúp, mặc dù lúc đó ta mới bước vào năm thứ ba của cuộc kháng chiến chống Pháp, đang còn khó khăn rất lớn về nhiều mặt. Ngày 23 tháng 4, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh số 464B/TTL3, gửi cho Bộ tư lệnh Liên khu 1. Phần nhiệm vụ, bản mệnh lệnh ghi rõ: “Bộ Tổng tư lệnh quyết định: phối hợp cùng các Lực lượng vũ trang Giải phóng quân Biên khu Việt Quế - Điền Quế, kịp thời hành động giúp Giải phóng quân xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung-Long-Khâm, liền biên giới Đông Bắc của ta, thông ra bể, gây điều kiện khuếch trương lực lượng đón đại quân Nam Hạ. Đồng thời hoạt động để mở rộng khu tự do Đông Bắc ra tận biên giới và thông ra bể, liền với khu giải phóng Việt Quế...4.

Theo sự thoả thuận của ta và của bạn, Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Bộ chỉ huy tiến công giải phóng Biên khu Việt Quế - Điền Quế, mang biệt danh “Bộ Tư lệnh Thập Vạn Đại Sơn” gồm Lê Quảng Ba (chỉ huy trưởng Mặt trận Đông Bắc) làm Tư lệnh; Trần Minh Giang (Đại diện Bộ chỉ huy Biên khu Việt Quế) làm Chính trị uỷ viên. Toàn chiến dịch đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng tư lệnh.
___________________________________
1.Còn có tên gọi: Chiến dịch tiến công giải phóng Biên khu Điền Quế - Việt Quế.
2.Vùng Ung-Long-Khâm gồm ba huyện Ung Ninh, Long Châu và Khâm Châu. Trên thực tế, bộ đội Việt Nam sang giúp bạn, hoạt động tác chiến ở các huyện Long Châu, Khâm Châu và Phòng Thành, ta đã giúp bạn khôi phục và mở rộng khu căn cứ địa ở vùng Ung-Khâm-Phòng.
3.Trích trong cuốn: “Những tài liệu chỉ đạo chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng tư lệnh” - t.1, BTTM xuất bản, trang 265-267, Lưu trữ Viện LSQSVN (TL-1309).
4.Trích trong cuốn : “Những tài liệu chỉ đạo chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng tư lệnh” - t.1, BTTM xuất bản, trang 265-267-Lưu trữ Viện LSQSVN (TL-1309).



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 21 Tháng Sáu, 2012, 09:23:12 pm

Lực lượng tham gia chiến dịch: Về phía ta có trên bốn tiểu đoàn được tổ chức thành lực lượng đặc biệt1 gồm hai chi đội (6 và 28); hình thành hai mặt trận, hai hướng tiến công:

Mặt trận phía tây Thập Vạn Đại Sơn  (Mặt trận Long Châu - Biên khu Điền Quế) do đồng chí Thanh Phong (Phó tư lệnh Liên khu I) làm Tư lệnh mặt trận; đồng chí Chu Huy Mân, Chính uỷ trung đoàn 74 và đồng chí Hoàng Long Xuyên, trung đoàn trưởng trung đoàn 28 làm Phó Tư lệnh. Lực lượng gồm: Tiểu đoàn 73 thuộc trung đoàn 74, Liên khu 1; tiểu đoàn 35 thuộc trung đoàn 308 của Bộ, một đại đội sơn pháo 70mm, một đại đội trợ chiến và bộ phận quân y, thông tin, các lực lượng này được tổ chức thành Chi đội 28. Ngoài ra còn có hai đại đội địa phương, một đại đội của huyện Thoát Lãng (nay là Văn Uyên) và một đại đội của tỉnh Lạng Sơn. Quân ta lấy danh nghĩa là “Giải phóng quân Tả Giang”, tiểu đoàn 73 được gọi là “Đoàn 25”, tiểu đoàn 35 gọi là “Đoàn 35”. Trên mặt trận này, lực lượng Giải phóng quân Trung Quốc có hai đại đội và một số đội vũ trang địa phương; đồng chí Lộc Hoà (tức Ké Lộc), Tư lệnh khu Tả Giang - Long Châu tham gia trong Bộ tư lệnh Mặt trận.

Mặt trận phía đông Thập Vạn Đại Sơn (Biên khu Việt Quế) bên kia biên giới Lạng Sơn, Hải Ninh do đồng chí Lê Quảng Ba trực tiếp làm Tư lệnh; đồng chí Trần Minh Giang làm Chính uỷ. Lực lượng trên hai tiểu đoàn: tiểu đoàn 426 được tăng cường một đại đội 1488; tiểu đoàn 1 (còn gọi là tiểu đoàn Minh Hổ); một bộ phận cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần của mặt trận Duyên Hải - Đông Bắc, được bổ sung thêm các tổ quân y, quân dược chuyển thành cơ quan trực thuộc Bộ Tư lệnh Thập Vạn Đại Sơn (mặt trận phía Đông). Hai tiểu đoàn 426 và 1 được tổ chức thành chi đội 6; đồng chí Nam Long, trung đoàn trưởng trung đoàn 59 được cử làm Chi đội trưởng, đồng chí Hoàng Bình, trung đoàn trưởng trung đoàn độc lập Hải Ninh làm Chi đội phó, đồng chí Đỗ Trình làm Chính trị uỷ viên chi đội kiêm Chính trị hợp trợ viên cho Bộ Tư lệnh Thập Vạn Đại Sơn. Sau trận Trúc Sơn, đồng chí Đỗ Trình được gọi về nước nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Dũng sang thay2.

Trên mặt trận này, lực lượng Giải phóng quân Trung Quốc có ba tiểu đoàn được tổ chức thành một chi đội (chi đội 3) do đồng chí Vương Cương (Voòng Coóng) làm chi đội trưởng, ngoài ra còn có một số trung đội du kích địa phương.

Bên cạnh chính uỷ Trần Minh Giang, phía bạn còn có: Trần Phát, uỷ viên khu Thập Vạn Đại Sơn ; Lê Công (Lầy Cống), Tham mưu trưởng; Lê Liên (Lý Sỉu), Chủ nhiệm Chính trị; Hoàng Nhị Thư (Vòng Dì Chế) phụ trách hậu cần.

Các đơn vị của ta được lệnh đi làm nhiệm vụ quốc tế khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt. Nhiều đoàn cán bộ được phái đi trước chuẩn bị chiến trường, công tác tư tưởng, tổ chức được tiến hành tỷ mỷ, chu đáo. Cán bộ, chiến sĩ được học tập về nhiệm vụ quốc tế, tìm hiểu phong tục tập quán, ngôn ngữ và học một số từ, câu để giao tiếp với nhân dân địa phương. Các đơn vị được bổ sung thêm trang bị, vũ khí (có đủ súng trường, lựa đạn và cả trung liên, trung đội hoả lực có cối 60mm), phương tiện thông tin và lương thực, thực phẩm; lực lượng hậu cần còn mang theo dược liệu, dụng cụ pha chế thuốc và tăng cường cán bộ quân y để giải quyết “hậu cần tại chỗ”. Các đơn vị của bạn được trang bị đầy đủ súng trường Thất cửu (7,9 mm), lựu đạn, tiểu liên, trung liên (ở cấp trung đội) và súng cối (ở cấp đại đội). Đồng bào làm gạo rang, chè lam, nước gừng ủng hộ bộ đội. Phụ nữ vá quần áo, khâu bao gạo, thanh niên vót tre đan mũ và giã giò tặng bộ đội. Công tác chuẩn bị kéo dài gần một tháng. Bộ đội được cấp thêm mỗi người 15 ngày gạo tính từ ngày vượt biên giới đề phòng bạn không tiếp tế kịp.
______________________________________
1.Chỉ thị số 84/CTNE của Bộ Tổng Tham mưu do Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái ký ngày 28 tháng 4 năm 1949. Lưu trữ Viện LSQS (TL.1309).
     Trước chiến dịch, tiểu đoàn 426 là tiểu đoàn tập trung thuộc trung đoàn 59 của Liên khu 1 do đồng chí Biên Cương làm tiểu đoàn trưởng, đồng chí Đỗ Đình Khúc làm chính trị viên (khi rút về nước, đồng chí Khúc ngã bệnh, từ trần) và đồng chí Trần Vinh làm tiểu đoàn phó. Tiểu đoàn 1 (tức Minh Hổ) thuộc trung đoàn độc lập Hải Ninh do tiểu đoàn trưởng Minh Hổ chỉ huy. Tiểu đoàn phần lớn là anh em dân tộc Ngái từ Triều Châu Trung Quốc di cư sang.
2.Lúc đó, Hoàng Thế Dũng, nguyên chính trị viên trung đoàn Hải Kiến (Hải Phòng - Kiến An, sau này mang phiên hiệu trung đoàn 42), phái viên của Cục Chính trị Bộ tư lệnh (nay là Tổng cục Chính trị).
     Đồng chí Việt Hưng, trung đoàn phó trung đoàn 59 ở lại trong nước để chỉ đạo các đại đội độc lập của trung đoàn đang phân tán hoạt động ở hai tỉnh Bắc Giang, Hải Ninh và đường số 4 từ nam Lạng Sơn ra Tiên Yên, Móng Cái. Sau đó, đồng chí Việt Hưng có nhiệm vụ đưa bộ đội sang bảo vệ đường rút về của quân ta qua địa phận Thượng Tư và Tư Lạc. (Hiện có một vài ý kiến cho rằng đồng chí Việt Hưng sang làm Tham mưu trưởng Chi đội 6. Đơn vị bảo vệ đường rút về này đã diệt được một đồn biên phòng của địch.



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 21 Tháng Sáu, 2012, 09:24:00 pm

Chiến dịch diễn ra trên địa bàn ba huyện: Long Châu, Khâm Châu và Phòng Thành. Mỗi huyện có diện tích tương đương và lớn hơn một tỉnh của Việt Nam. Dãy Thập Vạn Đại Sơn (mười vạn ngọn núi) là dãy núi cao, rừng rậm, hiểm trở nằm giữa ranh giới hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Địa bàn diễn ra chiến dịch là hai vùng rộng lớn phía tây và phía đông dãy Thập Vạn Đại Sơn, bao gồm: những dãy núi cao, những vùng bán sơn địa, những cánh đồng rộng và vùng đồng bằng duyên hải, với nhiều làng mạc và thị trấn (trong đó có những thị trấn lớn tương đương thành phố Hà Nội như: Nà Lường, Giang Bình, Síu Tổng, Đông Hưng). Các trục đường bộ chạy dài nối giữa các thị trấn. Nhiều sông rộng, suối lớn. Khí hậu rất khắc nghiệt. Dân cư trên địa bàn phần lớn là nghèo vì bị bọn thổ phỉ và quân Quốc dân đảng cướp phá nhiều lần. Họ cũng chưa được giác ngộ cách mạng.

Lực lượng địch có trên năm trung đoàn. Khu Long Châu (Mặt trận phía Tây) là một trong 14 khu quân sự của Quốc dân đảng ở tỉnh Quảng Tây, do hai trung đoàn bảo an, và nhiều đội bảo vệ, tuần sát dân đoàn ở các huyện đóng giữ. Khu Khâm Châu và Phòng Thành (Mặt trận phía Đông) lực lượng địch có trên ba trung đoàn, chúng bố trí hai trung đoàn ở Đông Hưng, một trung đoàn ở Phòng Thành.

Trên cả hai vùng, tuỳ theo địa thế và mức độ (lớn, nhỏ) của từng vị trí, đồn bốt, chúng bố trí từ một đến hai trung đội, có nơi đến bốn đại đội quân Quốc dân đảng, chưa kể các dân đoàn hương và các đội vũ trang riêng của địa chủ. Nếu chúng thống nhất được hai lực lượng này sẽ trở thành đối tượng rất nguy hiểm đối với ta. Nhưng ở thời kỳ này, quân Quốc dân đảng đang hoang mang, lòng người ly tán, “quân đội” và “dân hương” rời rạc, không thống nhất được với nhau.

Chi đội trưởng Nam Long dẫn đầu đoàn cán bộ đi chuẩn bị chiến trường hướng Khâm Châu, Phòng Thành. Đường từ Bản Chắt (Chi Lăng) qua các huyện Tứ Lạc, Thượng Tư sang Khâm Châu núi thấp dễ đi, nhưng rất gần đồn bốt của quân Pháp và quân Quốc dân đảng nên Bộ tư lệnh chiến dịch chấp nhận đề nghị phương án hành quân vượt qua Thập Vạn Đại Sơn đoạn đường qua đỉnh đèo Bắc Luân, cao 1.013 mét. Từ sáng sớm ngày 18 đến 21 tháng 6 bộ đội ta vượt đoạn đường đèo hiểm trở vô cùng gian khổ qua Thập Vạn Đại Sơn, tập kết tại Pắc Lầu, địch ở đây hoảng sợ bỏ chạy. Ngay 24 tháng 6, quân ta tiến vào Phù Lủng. Ngày 25, địch ở Nà Số (gần Phù Lủng) cũng bỏ chạy về Nà Lường. Ta tiến vào Nà Số, tại đây Bộ tư lệnh họp bàn kế hoạch tác chiến.

Sau những ngày hành quân gian khổ đến vị trí tập kết, các đơn vị lại rơi vào tình thế rất nghiệt ngã: hết lương thực. Tình hình cung cấp của bạn rất khó khăn, bộ đội ta buộc lòng phải tiến hành công tác dân vận để “thu lương”. Vào làng nào quân ta cũng tổ chức quét dọn vệ sinh sạch sẽ, chữa bệnh, bôi thuốc trị ghẻ lở cho người già, trẻ em, dạy hát cho thanh thiếu niên, v.v... Do làm tốt công tác dân vận nên các đơn vị đã thu mua được lương thực, thực phẩm, dần dần khắc phục được nạn đói và củng cố được sức khoẻ cho bộ đội trước khi bước vào chiến đấu.

Mặt trận phía tây Thập Vạn Đại Sơn cũng gặp một khó khăn tương tự như Mặt trận phía Đông, chiến trường lạ, đối tượng tác chiến mới, địa bàn rất rộng trong khi công tác chuẩn bị chiến trường gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu lương thực; nhưng bộ đội ta đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, đoàn kết phối hợp với Quân giải phóng Trung Quốc bước ngay vào cuộc chiến đấu.

Sáng 10 tháng 6, Chi đội 28 chia thành hai mũi bất ngờ tiến công mạnh trên hướng chính của Mặt trận: Thuỷ Khẩu - Hạ Đống, mở đường tiến về thị xã Long Châu. Bộ binh phối hợp với pháo binh tiến công diệt đồn Thuỷ Khẩu (đối diện với Phục Hoà - Cao Bằng) do một đại đội địch đóng giữ. Sau hai ngày chiến đấu, tổ chức nhiều đợt xung phong, đến đêm 12 tháng 6, Đoàn 25 hoàn toàn làm chủ vị trí và truy kích tàn quân địch chạy về hướng Long Châu. Cùng thời gian trên, vị trí Hạ Đống cũng bị đại đội 164 Đoàn 35 tiêu diệt. Ngày 14 tháng 6, quân ta diệt luôn La Hồi. Quân Quốc dân đảng đưa một tiểu đoàn từ Long Châu xuống ứng chiến cho đồng bọn ở Độc Sơn (một vị trí ven sông nằm giữa La Hồi - Hạ Đống). Ngày 15 tháng 6, chúng bị quân ta chặn đánh, dồn vào các hang đá ven sông Tả Giang gần thị trấn Hạ Đống. Bị bao vây chặt suốt từ sáng đến tối 15, phần lớn tiểu đoàn địch bị diệt và bị bắt, số ít còn lại tháo chạy về Long Châu. Đoàn 35 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh điểm, diệt viện.

Trên hướng phối hợp Nam Quan - Ải Khẩu, hai đại đội và một trung đội hoả lực cối 60mm do đồng chí Hoàng Long Xuyên, Phó tư lệnh Mặt trận chỉ huy, phối hợp với một trung đội địa phương do đồng chí Ké Lộc chỉ huy đã bố trí một đại đội và trung đội địa phương bao vây đồn Nam Quan. Đại đội thứ hai và trung đội hoả lực phục kích đoạn đường qua dãy núi đá ở Pha Luông trên đường Bằng Tường đến Nam Quan, hai điểm này cách nhau 15 km. Ngày 12 tháng 6, ta tiến hành bao vây. Bị vây chặt trong một tuần, quân Tưởng trong đồn không còn gì ăn, định rút, nhưng bị ta chặn đánh lại phải co vào đồn cầu cứu viện binh. Địch cho hai đại đội từ Bằng Tường lên ứng cứu. 8 giờ sáng, đội hình địch lọt vào trận địa phục kích. Ta nổ súng diệt tại trận năm tên, bắt sống 25 tên, thu 12 súng Thất cửu. Địch bỏ chạy tán loạn về Bằng Tường. Quân ta lập tức truy kích. Cùng ngày, ta bao vây bức địch rút bỏ vị trí Ải Khẩu chạy về Bằng Tường. Ta truy kích tiếp. Ngày 13 tháng 6, địch ở Bằng Tường rút chạy. Một trung đội lính Pháp từ Đồng Đăng tiến lên Nam Quan cũng bị ta đánh lui.

Bị đánh dồn dập, bất ngờ từ nhiều hướng, quân Quốc dân đảng vội vã rút bỏ một loạt vị trí: Lôi Bình, Bằng Kiều, Thông Keo, Thượng Thạch, Hạ Thạch đồng thời dồn theo một số lớn dân chúng chạy về Long Châu. Thị xã Long Châu trở nên rối loạn. Đợt tiến công đầu tiên kết thúc thắng lợi. Căn cứ cách mạng ở Long Châu được mở rộng, chính quyền cách mạng được thiết lập ở nhiều nơi. Tận dụng lúc địch hoang mang, ta tiến sâu vào vùng địch kiểm soát, kêu gọi, tổ chức nhân dân nổi dậy. Quân ta hoàn toàn kiểm soát đoạn đường Thuỷ Khẩu - Hạ Đống trên tuyến Cao Bằng - Long Châu. Tuyến phòng thủ của địch từ Bằng Tường qua Long Châu tới Lôi Bình bị đánh dồn ở hai đầu và uy hiếp mạnh ở giữa. Địch phải tập trung lực lượng co về phòng thủ Long Châu chờ tiếp viện. Ngày 24 tháng 6, quân tiếp viện từ Nam Ninh đến, Long Châu trở thành điểm co cụm mạnh của địch.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 21 Tháng Sáu, 2012, 09:24:26 pm

Mặt trận phía đông Thập Vạn Đại Sơn: Sau khi nghiên cứu tình hình, ngày 1 tháng 7, Bộ tư lệnh quyết định tiến công Trúc Sơn, một thị trấn cửa khẩu lớn (mỗi bề một km) gần Đông Hưng do bốn đại đội đóng giữ. Từ Trúc Sơn có đường thuỷ thông ra biển và đường bộ đến Đông Hưng, Phòng Thành. Quân địch đóng trong các phố; bốn góc có bốn lô cốt, lô cốt mẹ cao 7,8 mét xây bằng gạch, có nhiều lỗ châu mai. Quanh lô cốt bố trí nhà lính ở, có hàng rào tre vót nhọn bao quanh. Phía ta, tiểu đoàn 426 thạo đánh phục kích, tập kích, tiểu đoàn Minh Hổ quen hoạt động du kích, cả hai đơn vị chưa có kinh nghiệm đánh công kiên. Bạn có ba tiểu đoàn, một đại đội ở Hợp Phố, còn hai đại đội ở Phòng Thành và Khâm Châu nhưng cũng chưa thạo đánh công kiên.

0 giờ 15 phút đêm 5 tháng 7, quân ta từ ba mặt nổ súng. Cối 82mm, 60mm và trung liên, đại liên phát huy hoả lực. Địch cũng bắn trả mãnh liệt. Đại đội 86 chiếm được một phố nhưng không hạ được lộ cốt vì đạn Badôka không nổ. Các đại đội 85, 87 cũng gặp khó khăn vì hoả lực địch. Trận đánh kéo dài đến sáng, cả hai bên đều bị tiêu hao. Bộ tư lệnh chủ trương chuyển sang bao vây và tiêu diệt lô cốt chính để kìm chế Trúc Sơn, hãm lương, buộc địch hàng. Đến ngày thứ ba, hết gạo, bộ đội ta phải ăn ngô rang. Nhưng do giữ nghiêm kỷ luật dân vận nên nhân dân cảm mến đã nấu cháo, mổ lợn tiếp tế và động viên quân ta giết giặc. Trong lúc bao vây, các đơn vị chặn viện đã nhiều lần tổ chức đánh viện cả trên đường bộ và đường thuỷ từ Đông Hưng và Phòng Thành đến Trúc Sơn. Sau năm ngày bao vây, 4 giờ ngày 10 tháng 7, bộ đội ta rút khỏi Trúc Sơn về Vọng Thôn. Địch chết và bị thương (cả ở căn cứ và trên đường bị phục kích) gần hai đại đội, ta cũng hy sinh và bị thương 53 đồng chí, có một đại đội trưởng, một trung đội trưởng và ba tiểu đội trưởng.

Sau trận Trúc Sơn, Bộ Tư lệnh phái tiểu đoàn phó Trần Vinh đem một trung đội trở lại Phù Lủng làm công tác dân vận, chuẩn bị địa bàn cho quân ta rút từ đồng bằng lên núi khi cần thiết. Bọn Quốc dân đảng cho 500 quân đi càn, trung đội đi cùng đồng chí Trần Vinh trong năm ngày đã đánh ba trận: Pắc Cáp, Cốc Phào, Nà Sậm, địch rút quân. Ngày 7 tháng 5, chi đội 3 của bạn sử dụng một tiểu đoàn chủ lực và tập trung 11 trung liên tiêu diệt quân Quốc dân đảng đóng trên những ngọn đồi xung quanh Trúc Sơn, thu toàn bộ vũ khí. Hoảng sợ, địch bỏ Trúc Sơn rút về Đông Hưng. Tiếp đó chúng bỏ Nà Lường rút về Phòng Thành. Vùng giải phóng khu Thập Vạn Đại Sơn được mở rộng. Chính quyền cấp huyện đầu tiên được thành lập ở Nà Lường. Nhiều địa chủ phản động bỏ chạy về Đông Hưng và Phòng Thành. Bạn đã bắt đầu thu được thuế ở cửa khẩu Trúc Sơn.

Sau một thời gian củng cố, quân ta tiếp tục tiến công địch ở quanh Nà Số, bức chúng rút khỏi Vòng Chúc, ngày 25 tháng 7, đánh địch vận động ở Mào Lẻng (Mao Lĩnh). Quân ta vượt sông sang Khâm Châu đuổi đánh đoàn thuyền lương của tên trùm phỉ Trương Thuy Quý trên bến Trường Thán. Đầu tháng 8, trên đường hành quân từ Nà Số đi Khâm Châu, bộ đội ta gặp địch, trận tao ngộ chiến diễn ra ở núi Quan Đường (phía nam Nam Ninh). Quân địch lên chiếm điểm cao bên đường. Ta nhanh chóng chiếm điểm cao đối diện và phát huy hoả lực bắn mạnh sang rồi xung phong đánh bật chúng ra khỏi các điểm cao. Địch phải dồn xuống khe núi. Ta dùng trung liên và lựu đạn diệt nhiều tên, số còn lại ra hàng. Trong trận này ta diệt một đại đội địch, bắt 35 tên, thu nhiều vũ khí. Nhân dân trong vùng phấn khởi mang gạo, thịt uý lạo bộ đội.

Ngày 16 tháng 8, phối hợp với bạn, ta phục kích địch tại On Mộc trên đường Tai Tri đi Khâm Châu. Sau một giờ chiến đấu, ta diệt và bắt sống nhiều tên. Cuối tháng 8, phối hợp với du kích địa phương, ta diệt và bắt 100 tên phỉ có cả tên chỉ huy. Cuối tháng 10, khi chỉ huy bạn đã liên lạc được với đại quân Trung Quốc, ta được lệnh rút về nước. Bộ tư lệnh để lại một đại đội phối hợp với bạn tiếp tục làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở và đánh địch ở vùng biên giới hai tỉnh Quảng Đông và Hải Ninh. Cánh quân trên Mặt trận phía Đông đã hoàn thành nhiệm vụ.

Mặt trận phía Tây: Nhận thấy các đơn vị của ta gặp phải một số khó khăn, lương thực và đạn lại chưa bổ sung kịp, Bộ tư lệnh quyết định chuyển sang vây hãm địch, đồng thời tập trung lực lượng về chuẩn bị đánh chiếm thị trấn Ninh Minh. 10 ngày cuối tháng 6, ta và bạn cử những bộ phận nhỏ áp sát thị xã Long Châu, tiến hành trinh sát vũ trang, vừa bắn phá quấy rối vừa tuyên truyền vận động nhân dân và tổ chức nghi binh đánh lạc hướng địch.

Ngày 30 tháng 6, ta siết chặt vòng vây Ninh Minh. Ngày 1 tháng 7, bộ đội ta hình thành nhiều mũi tiến công vào Ninh Minh. Nhưng quân địch hoảng sợ đã rút chạy từ đêm hôm trước qua sông Kỳ Cùng sang Ninh Giang. Địch bỏ lại 300 tấn thóc, một kho quân dược và nhiều đồ dùng quân sự. Nhân dân khen bộ đội Việt Nam đánh giỏi, kỷ luật nghiêm, họ đã tình nguyện làm liên lạc dẫn đường giúp bộ đội đánh quân Quốc dân đảng và ủng hộ nhiều lương thực, thực phẩm, thuốc men.

Ngày 3 tháng 7, ta chuẩn bị đánh Thượng Kim. Nhưng nhờ có quân tăng viện từ Nam Ninh đến, bọn chỉ huy Quốc dân đảng ở Long Châu tổ chức chiếm lại Hạ Thạch, ra sức củng cố Ninh Giang, Thượng Kim để chiếm lại Ninh Minh. Xét thấy lực lượng ta ít, lương và đạn hết, ta không thực hiện được ý định đánh Thượng Kim. Ngày 5 tháng 7, Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị kết thúc chiến dịch, rút quân về nước. Ta để lại một bộ phận thuộc đại đội địa phương Văn Uyên phối hợp hoạt động và củng cố cơ sở với bạn ở vùng Nam Quan - Ải Khẩu. Đại đội địa phương của Thoát Lãng hoạt động ở vùng Lôi Bình.

Sau gần một tháng tiến công và hoạt động, bộ đội của ta ở mặt trận phía Tây đã cùng với Quân giải phóng Trung Quốc đánh tiêu diệt và làm tan rã nhiều đơn vị quân Quốc dân đảng; diệt và làm bị thương và bắt gần 400 tên; thu 534 súng các loại; đánh chiếm và bức rút các vị trí: Thuỷ Khẩu, La Hồi, Hạ Đống, Lôi Bình, Thượng Thạch, Ninh Minh...; giải phóng năm hương cùng hàng vạn dân. Ở mặt trận phía đông, quân ta và bạn đã loại khỏi vòng chiến đấu một trung đoàn quân Quốc dân đảng; bức rút và giải phóng 10 trong số 12 thị trấn lớn và nhỏ (Phù Lủng, Nà Số, Nà Thìu, Nà Lường, Giang Bình, Síu Tổng, Đồng Chúc, Mào Lẻng, Đông Hưng...), mở rộng và củng cố căn cứ địa Thập Vạn Đại Sơn của bạn, tạo thành hậu cứ, địa bàn vững chắc cho đại quân Nam Hạ của bạn tiến xuống; đồng thời đã vừa tạo thuận lợi cho quân ta hoạt động ở vùng Đông Bắc, vừa thiết thực ngăn chặn được tàn binh của Quốc dân đảng không tràn xuống vùng Cao Bằng, Lạng Sơn và Hải Ninh của ta. Mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản của chiến dịch ta đã hoàn thành.

Trong cuộc họp chung của Bộ Tư lệnh Thập Vạn Đại Sơn (gồm cả ta và bạn) đã tổng kết chiến dịch và đánh giá: “Thắng lợi về quân sự đã quan trọng, nhưng thắng lợi về chính trị còn lớn hơn nhiều”. Bằng công sức và xương máu, bộ đội ta đã trực tiếp góp phần xây đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung Quốc mới và Việt Nam mới. Góp phần tuy nhỏ nhưng rất quý và vẻ vang vào sự nghiệp giải phóng Trung Quốc. Chiến dịch cũng đã khẳng định tinh thần kỷ luật rất cao, thương dân hết mực và dũng cảm vô song, hy sinh thân mình vì nghĩa vụ quốc tế cao cả của bộ đội ta.

Nét nổi bật nhất của nghệ thuật chiến dịch ở đây là khi tiến công tiêu diệt cứ điểm không thành công, ta đã dùng kế vây hãm kết hợp với bố trí lực lượng để đánh viện, do đó tuy quân ít hơn hẳn, trang bị kém hơn địch nhưng ta đã tạo một thế đánh và đạt được hiệu suất chiến đấu khá cao. Quân địch nhanh chóng tan rã.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 22 Tháng Sáu, 2012, 09:20:43 am

CHIẾN DỊCH LÊ LỢI
(Tiến công, từ ngày 25 tháng 11 năm 1949 đến ngày 30 tháng 1 năm 1950)1


Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 13 tháng 9 năm 1949, Bộ Tổng tư lệnh hạ mệnh lệnh giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Liên khu 3 mở chiến dịch tiến công vào phân khu Hoà Bình nhằm mục đích: Chọc thủng hành lang đông - tây của địch; đánh thông đường liên lạc của ta giữa Việt Bắc với miền xuôi (Liên khu 3,4); tiêu diệt sinh lực địch, phá khối ngụy binh Mường tại vùng Hoà Bình - Đường số 6.

Hoà Bình là vùng rừng rậm núi cao, ở phía tây Bắc Bộ, cách Hà Nội 75 ki-lô-mét. Phía tây là dãy núi Trường Sơn, phía đông có dãy Ba Vì, giữa hai dãy núi là vùng rừng rậm với nhiều đồi liên tiếp và cánh đồng Vĩnh Đồng, huyện Lương Sơn khá rộng. Đường bộ có ba tuyến: Đường số 6 từ ngã tư Xuân Mai lên Hoà Bình, Chợ Bờ, Sơn La. Đường 12 từ Nho Quan qua Vụ Bản sang Hoà Bình. Đường 21 từ Sơn Tây qua ngã tư Xuân Mai đi Chi Nê. Đường thuỷ có sông Đà thông với sông Hồng ở Trung Hà, Sơn Tây, ngược lên Hoà Bình, Chợ Bờ, là dòng sông lớn nước sâu, chảy xiết. Nhưng cả đường thuỷ và bộ đều là đường độc đạo bị rừng núi bao bọc. Thời tiết hai mùa rõ rệt, mùa mưa lũ (hè - thu) và mùa khô (thu - đông). Dân cư phần lớn là đồng bào dân tộc, đông nhất là người Mường, sống thưa thớt, nghèo và lạc hậu. Với chính sách thực dân, địch đã xây dựng đội quân ngụy Mường khá đông đảo, nhưng lính Mường nhát, dễ dao động.

Tại phân khu Hoà Bình, lực lượng địch có tiểu đoàn 1 trung đoàn 5 lê dương, 12 đại đội ngụy Mường và lính lang (trong số này có 80 phần trăm là ngụy Mường) có hai pháo 105 mm, 20 cối và nhiều vũ khí bộ binh; tổ chức thành bảy tiểu khu với 28 vị trí đồn bốt. Các tiểu khu: Thị xã Hoà Bình, Cao Phong, Vụ Bản, Chợ Bờ, Toàn Thắng, Mai Hạ và Tu Vũ, bố trí dọc đường 6 từ Đồng Bến tới Suối Rút, dọc đường 12 từ Vụ Bản tới Hoà Bình. Các vị trí cách nhau từ 5 đến 10 ki-lô-mét, đoạn Chợ Bờ - Hoà Bình cách nhau xa hơn. Binh lính chủ quan, lơ là, công sự sơ sài, ghép gỗ đổ đất, nhà tranh, có giao thông hào, xung quanh có hàng rào tre bao bọc, thỉnh thoảng có gài mìn và cắm chông, đào hào đề phòng lực lượng ta. Một số vị trí lô cốt xây gạch như Vụ Bản, Hoà Bình, Chợ Bờ dựa vào đồn lính khố xanh cũ.

Địch ở đây chủ yếu lấy trung đội làm đơn vị chiếm đóng. Một số vị trí có hai trung đội hoặc một đại đội; phần lớn là lính ngụy và lính lang, chỉ có một số chỉ huy là người Âu - Phi. Riêng thị xã Hoà Bình có một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 5 lê dương.

Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm có ba trung đoàn chủ lực (9, 66 và 209); hai trung đoàn địa phương (12 và 48) và tiểu đoàn 930 của Liên khu 10; một tiểu đoàn và hai đại đội pháo binh (tiểu đoàn 750 trung đoàn 66 và hai đại đội thuộc trung đoàn 9 và 209); ba đại đội công binh thuộc các trung đoàn chủ lực. Ngoài ra còn bộ đội địa phương, dân quân du kích và hàng nghìn dân công phục vụ.

Bộ chỉ huy chiến dịch: Tư lệnh chiến dịch: Hoàng Sâm (nguyên Tư lệnh Liên khu 3), Chính ủy: đồng chí Lê Quang Hoà (Chính ủy Liên khu 3), Phó tư lệnh: Lê Trọng Tấn (trung đoàn trưởng 209) và một đồng chí trong Bộ tư lệnh liên khu 4 (đầu tháng 9, Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh chuẩn bị chiến dịch Lê Lợi và quyết định về thành phần Bộ chỉ huy như đã nêu. Nhưng đến cuối tháng 11, trước giờ nổ súng của chiến dịch, đồng chí Văn Tiến Dũng được chỉ định thay đồng chí Lê Quang Hoà làm chính ủy)2.

Phương châm tác chiến chiến dịch là: Đối với chủ lực, tập trung lực lượng đánh nhanh, giải quyết nhanh những vị trí chính của địch trong phạm vi Hoà Bình, Tu Vũ, Xuân Mai, Suối Rút. Chặn tiếp viện trên dọc sông Đà và đường số 6. Các đại đội độc lập và lực lượng vũ trang địa phương tổng phá ngụy quyền, phá xứ Mường tự trị; phát triển ngụy vận, phá khối ngụy Mường; thành lập chính quyền ta, phát động chiến tranh nhân dân, mở rộng cơ sở cách mạng trong xứ Mường.

Quyết tâm của Bộ chỉ huy chiến dịch là: Phân tán các trung đoàn chủ lực thành ba mặt trận để tiến công tiêu diệt các vị trí: Đồng Hến, Gò Bùi, Suối Rút, Mỏ Hẽm, Chợ Bờ trên đường 6; Ta-nê, Nghẹ trên đường 12. Thực hiện “chỉ đạo thống nhất, chỉ huy độc lập từng mặt trận”.

Trước chiến dịch, từ ngày 25 tháng 10 đến ngày 25 tháng 11, Bộ chỉ huy chiến dịch tổ chức nhiều cuộc họp quán triệt nhiệm vụ và soạn kế hoạch thực hiện nhiệm vụ. Tổ chức Ban chuẩn bị chiến trường của Bộ chỉ huy chiến dịch và các mặt trận; chỉ huy các cấp tiến hành trinh sát thực địa, điều tra tình hình địch, địa hình. Bộ đội tiến hành huấn luyện các khoa mục: Bộ binh đánh điểm, phục kích, tao ngộ, đánh đêm. Các đơn vị đắp sa bàn các vị trí được phân công đánh để luyện tập. Tổ chức hiệp đồng chiến đấu giữa bộ binh và các binh chủng. Công binh tập dọn mìn, chôn mìn, cắt dây thép gai bí mật, đánh bộc phá phá hàng rào dọn đường cho bộ binh. Pháo binh tập bắn đạn thật để điều chỉnh cho chính xác, tập bắn yểm hộ cho bộ binh xung phong. Các đơn vị đều học và tập hành quân, trú quân ở vùng rừng núi, chống quân nhảy dù, xe tăng, xe lội nước của địch và cách bắn máy bay bằng súng trường.

Công tác chính trị: Thực hiện “Tam đại dân chủ”3 quán triệt nhiệm vụ chiến dịch, các đơn vị, cá nhân hăng hái xung phong và đăng ký thi đua lập công. Tổ chức công tác chính trị trong hành quân, trú quân, đặc biệt chú trọng giáo dục công tác dân vận và địch vận cho bộ đội vì dân vùng này trình độ giác ngộ còn thấp, ngụy binh Mường cầu an, sợ chết, dễ tan rã.

Chuẩn bị hậu cần: Đặt ba trạm tiếp tế, cụ thể: khu A ở Chợ Bến - Chợ Đồi, tiếp tế cho các đơn vị hoạt động trên đường số 6 và 21. Khu B ở Nho Quan, tiếp tế cho bộ đội hoạt động dọc đường 12 đi Vụ Bản. Khu C ở Quảng Tế và Xóm Biện, tiếp tế cho bộ đội hoạt động dọc phía tây đường 12. Tổng cộng 2.442 tấn gạo, 144 tạ muối, 61 tạ cá, 15 tạ đường, 22 tạ vừng và một số lợn, gà, vịt. Ngoài ra các đơn vị còn tổ chức đội tiếp tế rau và hoa quả tươi đưa lên mặt trận.

Vũ khí chuẩn bị đủ cho chiến đấu đợt 1 và một phần đợt 2. Thông tin liên lạc: Liên lạc chạy chân 258 người, tổ chức thành nhiều trạm từ Bộ chỉ huy chiến dịch tới sở chỉ huy các trung đoàn và các đơn vị. Vô tuyến điện có bảy máy chia thành hai mạng: Các trung đoàn với Bộ chỉ huy chiến dịch, Bộ chỉ huy chiến dịch với Bộ Tổng tư lệnh. Hữu tuyến điện có 45 máy điện thoại, bảy tổng đài và 140 ki-lô-mét dây, chia thành hai mạng từ sở chỉ huy trung đoàn tới tiểu đoàn. Riêng trung đoàn 66 mắc dây tới sở chỉ huy của Bộ chỉ huy chiến dịch, còn các trung đoàn 9 và 209 ở xa nên không mắc.
___________________________________
1.Trong “Thống kê các chiến dịch chống Pháp, chống Mỹ” tr. 52 ghi 30-12-1949 kết thúc chiến dịch.
2.Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Chiến đấu trong vòng vây”, Nxb QĐND, H.1995, tr. 391.
3.Tổ chức cho toàn thể quân nhân bàn bạc, góp ý, xây dựng ba công tác lớn trong đơn vị: Công tác xây dựng về chính trị, công tác quân sự (bàn cách đánh, huấn luyện...) và công tác hậu cần, chăm lo đời sống bộ đội.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 22 Tháng Sáu, 2012, 09:21:17 am

Chiến dịch chia làm hai đợt:

Đợt 1 (từ ngày 25 tháng 11 đến ngày 25 tháng 12 năm 1949):

Trên mặt trận đường số 6, Chiến dịch được mở màn bằng trận đánh diệt gọn vị trí Gốt ở nam đường 6 bằng nội ứng. Ngay sau đó ngày 25 tháng 11, trung đoàn 66 (thiếu một tiểu đoàn) chia thành hai bộ phận: tiểu đoàn 456 đánh kỳ tập vào vị trí Mát nhưng không thành công. Ngày 25 tháng 11, tiểu đoàn 567 cùng với một tiểu đoàn pháo và một trung đội công binh diệt gọn vị trí Đồng Bến và phá sập hai cầu. Ngày 27, địch tăng 1.300 quân lên khu vực Xuân Mai. Tiểu đoàn 567 cơ động về Miếu Môn chặn địch trên đường 21. Ngày 2 tháng 12, địch cho một trung đoàn lập vị trí Đầm Huống ở nam đường 6, đồng thời lập 1.000 quân cơ động (có hai phần ba là Âu - Phi), hai pháo 105mm tập trung ở Xuân Mai, Đồng Bái. Ngày 25 tháng 12, tiểu đoàn 567 và tiểu đoàn pháo tiến công tiêu diệt vị trí Đầm Huống.

Trên mặt trận sông Đà: 16 giờ ngày 25 tháng 11, trung đoàn 209 tiến công và bao vây Mỏ Hẽm, Suối Rút đến sáng 28 thì tiêu diệt hai vị trí. Từ 23 đến 28, để cứu nguy, địch phải dùng máy bay đánh phá, thả dù tiếp tế và đưa lực lượng lên đóng lại vị trí Mỏ Hẽm và tăng viện cho Chợ Bờ một tiểu đoàn Âu - Phi do trung tá Len-nuy-ơ chỉ huy. Tiểu đoàn 154 thuộc trung đoàn 209 đánh phục kích, diệt một trung đội quân tăng viện tại Bến Bưởi. Phán đoán quân địch ở vị trí Mỏ Hẽm là quân cơ động, chúng không thể ở lâu, sẽ có quân khác lên thay, trung đoàn 209 do trung đoàn trưởng Lê Trọng Tấn chỉ huy, để lại một tiểu đoàn vây hãm vị trí, còn lại phần lớn lực lượng bố trí trên đường số 6, đoạn chợ Bờ - Mỏ Hẽm. Ngày 6 tháng 12, khi địch rút qua, ta đã nổ súng tiêu diệt hoàn toàn đại đội 4 tiểu đoàn 1 trung đoàn lê dương 5. Ngày 14 tháng 12, tiểu đoàn 154 và lực lượng pháo binh, phòng không, công binh tăng cường bao vây chuẩn bị tiến công hai đại đội địch ở Chợ Bờ. Đánh lần một không thành, Bộ chỉ huy mặt trận điều thêm tiểu đoàn 930 nhưng tiến công cũng không thành công. Tiểu đoàn 154 rút về Khả Cầu, tiểu đoàn 930 tiếp tục bao vây.

Mặt trận đường số 12: Ngày 29 và 30 tháng 11, trung đoàn 9 tiêu diệt vị trí Tử Nê và Đồi Bóng. Địch hoang mang rút khỏi các đồn nhỏ về tập trung ở các vị trí lớn như Mang Luông, Khang rút về Toàn Thắng, Nghẹ rút về Cao Phong, Đầm rút về Vụ Bản. Ngày 10 tháng 12, quân ngụy ở Toàn Thắng và ngày 25 tháng 12 ở Cổ Lũng giết đồn trưởng và mang vũ khí ra hàng. Địch lập một đại đội cơ động (có hai phần ba là lính lê dương) trên đường 12 từ Hoà Bình về Quy Hậu để yểm hộ cho Bưng và Cao Phong. Đợt 1 chiến dịch kết thúc, trung đoàn 9 rút về Cẩm Thuỷ chuẩn bị cho đợt 2.

Đợt 2 (từ ngày 15 tháng 1 đến ngày 30 tháng 1 năm 1950):

Ngày 15 tháng 1 năm 1950, Bộ chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm tiêu diệt Vụ Bản. Trên mặt trận Đường số 6: Ngày 16 tháng 1, tiểu đoàn 136 cùng bộ đội địa phương dùng nội ứng tiêu diệt hoàn toàn vị trí Rậm. Mặt trận Đường 12: Ngày 17 tháng 1, pháo ta bắn vào Vụ Bản, Chiềng Vang. Địch cho một tiểu đoàn (thiếu một đại đội) từ Hoà Bình xuống Khang và Toàn Thắng. Tiểu đoàn 353 trung đoàn 9 lên bố trí tại Nghẹ đề phòng địch từ Toàn Thắng tăng viện cho Vụ Bản. Địch rút đồn Thân Thương (tiền đồn) về Vang. 24 giờ ngày 19 tháng 1, ta tiến công Vụ Bản không thành công. Địch từ Quy Hậu tăng viện cho Vụ Bản một đại đội, bị trung đoàn 9 chặn đánh, ngày 21 tháng 1, chúng mới tới được Vụ Bản. Địch thả dù tiếp tế cho Vụ Bản và Vang, máy bay oanh tạc vào trận địa của quân ta. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết tâm tiến công lần thứ 2 vào Vụ Bản đêm 29 tháng 1 nhưng không thành công. Cùng ngày, trung đoàn 48 tiến công tiêu diệt vị trí Mát. Ngày 30 tháng 1 năm 1950, Bộ chỉ huy ra lệnh kết thúc chiến dịch.

Kết quả: Ta diệt 11 vị trí, bức rút 13 vị trí. Địch chết 830 tên, bị thương 351 tên, bị bắt và hàng 366 tên, tan rã 73 tên. Ta thu 407 súng trường, 51 liên thanh, sáu cối. Ta hy sinh 104 đồng chí, bị thương 208 và bị bắt ba đồng chí.



Chiến dịch Lê Lợi được chuẩn bị chu đáo, bộ đội có quyết tâm cao.

Đợt 1 mở màn đạt hiệu suất cao. Nhưng trên hướng chủ yếu của chiến dịch, sự chỉ đạo, chỉ huy không khai thác hết khả năng đánh điểm, vây điểm để diệt viện. Sau khi cát cứ điểm Đồng Bến, Tử Nê, Đồi Bóng, nhất là Đầm Huống bị diệt, địch co về các vị trí lớn và tăng viện từ Hà Nội lên nhưng ta chỉ đánh được một trận phục kích, diệt được một đại đội ở Bủng Chiêng. Cán bộ và chiến sĩ vẫn tồn tại khuynh hướng ham tiến công vị trí, kể cả khi địch đã tăng quân, sức ta đã giảm, nên việc triển khai lực lượng đánh viện chưa đầy đủ, hạn chế hiệu suất chiến đấu. Riêng trên hướng thứ yếu, trung đoàn 209 lúc đầu bỏ lỡ cơ hội diệt địch ngoài công sự khi chúng tăng viện cho Chợ Bờ, sau đó đã biết chuyển hướng hoạt động, hình thành thế trận vừa bao vây Chợ Bờ, Mỏ Hẽm vừa bố trí lực lượng phục kích nên ngày 16 tháng 12 đã diệt được hai đại đội Âu - Phi khi chúng rút về Chợ Bờ; đồng thời đẩy địch vào tình thế hoàn toàn bất lợi - chiếm đóng hay rút chạy khỏi Mỏ Hẽm, đều dễ bị tiêu diệt.

Kết quả chiến dịch tuy không đạt được tất cả mục tiêu đã đề ra, chưa khai thông được đường 6, nối Việt Bắc với Khu 3, Khu 4; chưa phá tan được ngụy Mường, nhưng ta đã diệt được 10 vị trí, bức rút 13 vị trí khác, tiêu diệt được một bộ phận sinh lực địch, phá vỡ những mảng lớn cơ sở của địch, đánh mạnh vào kế hoạch lập xứ Mường tự trị và tinh thần lính ngụy người Mường; phá được một phần thế uy hiếp của địch đối với phía tây Liên khu 3, bước đầu mở được đường giao thông liên lạc giữa Việt Bắc với Thanh - Nghệ; xây dựng được cơ sở của ta trong địa bàn; nhất là trình độ chỉ huy và khả năng tác chiến của bộ đội đã tiến một bước đáng kể, tạo ra những yếu tố cơ bản để chuyển sang thời kỳ mới của cách mạng: Tổng phản công.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 22 Tháng Sáu, 2012, 09:25:48 am

CHIẾN DỊCH MỸ THO
(Tiến công, từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 12 năm 1949)


Phạm vi hoạt động của chiến dịch gồm tám xã thuộc hai huyện Châu Thành và Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho với chiều dài 14 ki-lô-mét, chiều rộng tám ki-lô-mét. Là vùng thuộc đồng bằng sông Cửu Long phì nhiêu, trù phú, không gian chiến dịch nằm giữa đường 16 ở phía bắc với lộ Phú Phong và sông Cửu Long ở phía nam, giữa lộ đá Vĩnh Kim ở phía đông và lộ Ba Dừa ở phía tây. Trong vùng còn có nhiều con lộ bằng đất chạy ngang dọc nối liền các làng mạc và các thị trấn Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Mỹ Tho và hai cứ điểm lớn của địch: Vĩnh Kim, Tân Hiệp. Đường thuỷ có sông Cửu Long và nhiều kênh rạch lớn nối thông với nhau như Thông Lưu, Mỹ Long, Trà Tận, Bà Rài. Nhưng chiến dịch diễn ra trong mùa khô nên các cánh đồng khô cạn, bộ binh vận động thuận lợi. Các con sông khi nước ròng chỉ dùng được ghe, thuyền nhỏ, hàng ngày phải đợi thuỷ triều lên tàu lớn mới đi được. Ở đây cây cối tươi tốt thuận lợi cho bộ đội vận động kín đáo, nhưng tầm nhìn bị hạn chế.

Vùng Mỹ Tho - Gò Công tuy quân Pháp tái chiếm đóng sớm, nhưng chúng chưa kiểm soát được hết; hoạt động của bộ đội và dân quân du kích địa phương khá mạnh nên địch không dám càn quét lẻ tẻ mà thường dựa vào các cứ điểm Vĩnh Kim, Chợ Giữa, Tân Hiệp để tổ chức những cuộc càn quét lớn phối hợp quân thuỷ, bộ; lực lượng từ một tiểu đoàn trở lên, cao nhất là một trung đoàn1 nhằm đốt phá, cướp bóc, lùng bắt cán bộ kháng chiến, tiêu diệt du kích để mở rộng dần phạm vi kiểm soát, thành lập “khu quốc gia” phản động. Nhân dân trong vùng phần lớn đều hướng theo cách mạng, có tinh thần kháng chiến, căm thù giặc, mong muốn bộ đội về hoạt động; chỉ có một số ít gia đình theo đạo Hoà Hảo (ở ấp Mỹ Chánh) và Cao Đài (ở xóm Rạch Ông Ban) đã đầu hàng giặc. Đầu năm 1949, chúng tổ chức 600 dân vệ từ hai lực lượng này.

Đầu tháng 11 năm 1949, chấp hành chỉ thị của Bộ tư lệnh Quân khu 8, Ban chỉ huy liên trung đoàn 105-1202 quyết định mở chiến dịch hoạt động tiến công ở vùng khu 3 huyện Châu Thành, khu 2 huyện Cai Lậy (Mỹ Tho) để tạo một hướng phối hợp với chiến dịch Cầu Kè của Khu; nhằm mục đích phá âm mưu càn quét và mở rộng khu tạm chiếm của địch ở Vĩnh Kim, Chợ Giữa, bảo vệ nhân lực, vật lực cho kháng chiến. Tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, thu được một số vũ khí trang bị, nâng cao sức chiến đấu cho bộ đội.

Phương châm tác chiến: Công đồn, đánh viện (diệt đồn bằng tập kích; dùng địa lôi để diệt cơ giới và tàu tuần dương; phục kích để chặn đánh viện). Lợi dụng quy luật càn quét của địch, dùng nghi binh để đánh phục kích, kết hợp với đánh vận động để tiêu hao, tiêu diệt sinh lực và cơ giới địch.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: tiểu đoàn chủ lực 3093, một đại đội độc lập 944, ba đội biệt động, hai trung đội của đại đội 1072 và hai trung đội dân quân của thị trấn Cai Lậy và Châu Thành.

Chỉ huy chiến dịch: Bộ tư lệnh Khu giao cho Ban chỉ huy liên trung đoàn 105-120 do đồng chí Lê Quốc Sản, trung đoàn trưởng làm Chỉ huy trưởng chiến dịch, đồng chí Phan Vân làm chính ủy.

Bộ đội và dân quân du kích đã được thử thách qua nhiều trận chống càn và đánh phục kích. Vũ khí trang bị chủ yếu là súng trường, mã tấu, lựu đạn thu được của địch và tự tạo, trung liên chỉ có đến trung, đại đội. Đại đội công đồn được tăng cường một đại liên và một cối 60mm. Đại đội đánh cơ giới được tăng cường một Badôca và nhiều địa lôi, lựu đạn gài. Ngoài ra anh em còn tự tạo loại ná bắn tên có ống đựng xăng dầu có kẹp một mảnh “lắc đề sạt” (thuốc mồi) để bắn vào đồn hoặc bắn xuống tàu thuỷ của địch. Bộ đội không có vũ khí mạnh để đánh công đồn và đánh cơ giới, kinh nghiệm đánh công đồn cũng chưa có.

Trước ngày nổ súng một tháng, Bộ chỉ huy liên trung đoàn đã sử dụng quân báo, trinh sát và cán bộ tham mưu đi điều tra nắm lực lượng và quy luật hoạt động của địch, nghiên cứu địa hình và cùng cán bộ chỉ huy các đơn vị xây dựng kế hoạch tác chiến. Việc liên lạc, tiếp tế, tải thương, v.v... Chuẩn bị rất đơn giản, phần lớn giao cho các đơn vị đảm trách mà chủ yếu là dựa vào lực lượng dân quân du kích và quần chúng nhân dân địa phương.

Ngày 1 tháng 12, thực hiện kế hoạch, du kích Châu Thành và nhân dân xã Bàng Long làm vật cản ngăn tàu trên sông Mỹ Long để dụ địch. 21 giờ 30 phút, đại đội 939 tiến công đồn Bình Trưng nhưng chần chừ trước khó khăn nên không thực hiện được. Đêm 2 tháng 12, đại đội 941 vào thay đại đội 939. 22 giờ 55 phút, ta nổ súng, sau 10 phút chiến đấu, đơn vị xung phong được vào đồn, giết 27 lính Pháp và tề điệp, đoạt chín súng trường. Địch co vào bốt chính cố thủ chống cự lại. Gần sáng ta rút lui về vị trí xuất phát. Đại đội hy sinh ba, bị thương ba đồng chí.

Khi đồn Bình Trưng bị tiến công, ba phút sau, địch ở Vĩnh Kim cho hai xe thiết giáp và một GMC lên tiếp viện, chúng đi lọt vào ổ phục kích của đại đội 944. Địa lôi nổ, chiếc GMC đi đầu hỏng, bốn tên giặc chết; hai chiếc thiết giáp dừng lại bắn rất mạnh làm ta không xung phong được, ta dùng Badôka tiêu diệt chiếc GMC. Pháo ở cứ điểm Vĩnh Kim chi viện cho Bình Trưng. Ta nã Trom-blom vào, đại bác địch ngừng hoạt động, chúng dùng súng bộ binh bắn dữ dội ra xung quanh, hai thiết giáp rút vào cứ điểm, ta lui quân an toàn.

Sau ba ngày, địch biết chủ lực ta đã về hoạt động, Bộ chỉ huy chiến dịch biết địch sẽ chờ lực lượng lớn đến mới tiến công đánh ta nên đã tổ chức bố trí lại trận địa và lực lượng để đón đánh địch.

6 giờ ngày 4 tháng 12, địch cho 10 xe tải chở 200 quân từ thị xã Mỹ Tho vào ngã ba Nhị Quý theo lộ đất đổ bộ vào. Đại đội 939 không bố trí quân trong vườn như quy định nên bị lộ, địch bao vây; sau 10 phút chiến đấu, hoả lực địch quá mạnh, đại đội phải rút quân về Mỹ Long. Pháo địch bắn mạnh vào trận địa đại đội 941, ta hy sinh bốn người, bị thương tám người, đại đội lui về Mỹ Hoa, cùng đại đội 939 bố trí thành trận địa thứ hai. Địch không tiến nữa.

12 giờ 30, cánh quân thứ hai của địch khoảng 100 tên từ Cai Lậy xuống lộ Ba Dừa, theo rạch Long Tiên dè dặt tiến vào trận địa đại đội 940. Sáu tên đi đầu băng vào vườn, ta bị lộ nên nổ súng diệt luôn toán này. Địch lợi dụng đoạn sông có lợi, cho một bộ phận đánh tạt sườn nhưng bị ta đánh lui, diệt thêm bảy tên, từ đó địch không dám tiến, đại đội 940 giữ vững trận địa.

15 giờ, cánh quân địch thứ ba từ phía Tam Bình tiến vào. Đại đội 940 rút về rạch Cà Mit, bố trí chặn địch; nhưng chúng chỉ dùng đại liên và cối bố trí cách 100 m bắn yểm hộ cho cánh thứ hai theo ven sông Long Tiên tiến xuống. Nhờ địa thế thuận lợi, đại đội 940 đẩy lui nhiều đợt tiến công của cánh này và diệt trên 40 tên. Ta hy sinh hai người, bị thương hai người.

Tối, địch tập trung cách trận địa đại đội 940 khoảng 700m, ta cho một trung đội, một trung liên và phóng lựu đạn bắn vào, gây cho chúng bất ổn và thiệt hại. Ta hy sinh một trinh sát.

Phía ngã ba Bà Nhang cách trận địa của đại đội 1027 và trung đội du kích thị trấn Châu Thành 600m có 30 lính địch nhưng chúng không dám tiến vào. Ba máy bay đến bay thấp ném bom, bị ta bắn rơi một chiếc. Tối ta lui quân an toàn.

Tối 4 tháng 12, hầu hết quân địch rút về hai hướng Cai Lậy và Vĩnh Kim, còn lại một đại đội bố trí trên rạch Trà Tân cách trận địa đại đội 940 khoảng 700 m. Trên lộ 16 địch rải quân phục từ đầu Giồng Dừa đến ngã ba Bình Phú và cho thiết giáp tuần tiễu trên lộ, tàu chiến tuần tiễu trên sông từ Cửu Long vào Vĩnh Kim.

Bộ chỉ huy nhận định: Địch tiến công nhiều, nhưng bị tổn thất mà chưa nắm rõ lực lượng ta; chúng sẽ tăng quân để bao vây hòng diệt chủ lực ta. Bộ chỉ huy chủ trương bố trí lại trận địa, cho dân quân du kích rầm rộ rút về hướng Ba Dừa, Cẩm Sơn để nghi binh; bí mật bố trí lực lượng về Phú Mỹ Hoà sát thị trấn Cai Lậy 250m, cách lộ Ba Dừa 250m, chủ trương đón đánh địch rút về sau khi đã càn quét.

Sáng 5 tháng 12, địch điều thêm quân ở Mỹ Tho, Vĩnh Long ồ ạt tiến công theo đường cũ. Riêng một bộ phận 300 tên, có ô tô chở đến đổ bộ tại lô cốt Phú Luông trên lộ Ba Dừa tiến vào trận địa ta lúc 7 giờ 30 phút. Đại đội 309 cố tránh (theo chỉ đạo của Bộ chỉ huy chiến dịch) để đợi đánh địch lúc chúng về. Nhưng 8 giờ 15 phút, địch lại đi đúng vào trận địa ta nên bắt buộc phải nổ súng. Sau 10 phút nổ súng, địch bỏ chạy, ta xung phong lên. Địch chiếm các bờ đất cao chống trả, giằng co với ta. 11 giờ 15, thấy không có lợi, ta đã rút về phía sau 1.000m bố trí trận địa thứ hai sau khi đã diệt 60 tên và làm bị thương một số tên khác, ta thu một trung liên, bảy súng trường, hai chiến sĩ và một du kích hy sinh, bốn người bị thương nhẹ. Từ đó địch không tiến lên nữa mà chỉ dùng phi pháo bắn phá nhưng không gây thiệt hại cho ta. Tối 5 tháng 12, toàn bộ quân ta lui quân về vùng tự do, kết thúc chiến dịch.

Kết quả: Địch chết 241 tên (có tám sĩ quan), bị thương hàng trăm tên.

Ta: hy sinh 13 người (có ba đồng chí tiểu đội trưởng, một dân quân), bị thương 18 người.

Ta thu: một FM, 16 súng trường và nhiều quân dụng, bắn cháy một GMC, một máy bay, bắn bị thương nặng một tàu đổ bộ.



Sau năm ngày chiến đấu, quân địch phải hủy bỏ cuộc càn lớn, hàng ngũ địch hoang mang, một số lính lê dương ở Mỹ Tho và Cai Lậy vác súng ra hàng, nhiều lính ngụy viết thư xin trở về nhập hội Liên Việt của ta. Nhân dân trong vùng phấn khởi, tin tưởng, gửi nhiều lương thực và thuốc men cho bộ đội.

Điểm rõ nhất của nghệ thuật chiến dịch là Bộ chỉ huy chiến dịch đã thực hiện được vừa nghi binh nhử địch trên sông, vừa công đồn nhử địch trên bộ để kéo viện binh địch ra, rồi bố trí trận địa và lực lượng tiêu diệt. Phát huy được sở trường đánh phục kích của bộ đội chủ lực và dân quân du kích. Nhất là sau đợt 1 đã thực hiện được “tập trung lực lượng”, bố trí sát địch để bất ngờ tiêu diệt, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Chính nhờ có lực lượng tập trung mà mặc dù bị lộ ta vẫn tiêu hao được khá lớn quân địch, giành thắng lợi lớn, địch không dám coi thường, phải rút lui; ta đạt được mục đích chính trị của chiến dịch là “phá âm mưu thành lập khu quốc gia” của thực dân Pháp.

Ta cũng còn bộc lộ rõ một số mặt yếu: Bố trí lực lượng còn phân tán nên khi địch tập trung đông, ta không đủ sức tiến công tiêu diệt, không hình thành được các mũi phối hợp, hạn chế đến hiệu suất chiến đấu nhất là giai đoạn đầu. Chấp hành kỷ luật mệnh lệnh chưa nghiêm (khi mở màn, đại đội 309 vì nghi ngờ kế hoạch, do dự nên không đánh được đồn Bình Trưng mở màn khơi ngòi như dự kiến). Công tác chính trị chưa triệt để tận dụng thời cơ khi trong hàng ngũ địch đã hoang mang, dao động để tiến hành công tác địch vận, làm hạn chế đến thắng lợi chung.
_____________________________________
1.Ngày 8 tháng 1 năm 1949, địch huy động ba tiểu đoàn bộ binh, năm tiểu đoàn lính lê dương và hai ngàn tù binh chiến tranh dưới sự yểm trợ của máy bay và pháo binh mở nhiều cuộc càn quét vào Gò Công; xã nào cũng bị đánh phá, chúng đốt hơn 200 nhà dân và hàng ngàn tấn lúa, đánh đập tra tấn và bắn chết hàng chục người.
2.Ngày 25 tháng 2 năm 1949, theo chỉ thị của Trung ương, Quân khu 8 có kế hoạch tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công, thành lập liên trung đoàn 105-120. Bộ chỉ huy liên trung đoàn giữ tiểu đoàn 309 làm tiểu đoàn chủ lực tập trung; đưa các tiểu đoàn 314 và 358 phân tán hoạt động ở hai tỉnh Mỹ Tho và Long An - một đại đội độc lập hoạt động ở Chợ Gạo và một phần Châu Thành (Long An), một đại đội độc lập ở Cái Bè và Cai Lậy, một trung đội làm du kích ở thị trấn Cái Bè, một đại đội độc lập ở Thủ Thừa, Mộc Hoá. Đại đội dân quân Mỹ Tho cũng phân tán đi các huyện. Mỗi xã có một tiểu đội du kích thoát ly, trang bị vài khẩu súng. Ngoài ra có một đến hai đại đội dân quân làm nhiệm vụ tải thương, canh gác, vận tải, phá hoại...
3.Cuối 1948, tiểu đoàn 309 thành lập (nòng cốt từ đại đội 915) đồng chí Lê Văn Xay làm tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Tiên làm chính trị viên.
   Còn hai đại đội cùng đồng chí Nguyễn Văn Sỹ (tiểu đoàn trưởng 305 cũ) về thành lập tiểu đoàn 307 chủ lực khu, đồng chí Sỹ làm tiểu đoàn trưởng.



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 24 Tháng Sáu, 2012, 04:20:06 pm

CHIẾN DỊCH CẦU KÈ
(Tiến công, từ ngày 7 đến ngày 26 tháng 12 năm 1949)


Chiến dịch diễn ra trong phạm vi huyện Cầu Kè tỉnh Trà Vinh. Trung tâm chiến dịch cách thị trấn Trà Vinh 40 ki-lô-mét. Là vùng thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nhưng Cầu Kè ít sông rạch hơn các vùng khác, lại có nhiều giồng đất khá cao và bằng phẳng, cây cối xanh tốt, ruộng đồng phì nhiêu. Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, một năm chia làm hai mùa rõ rệt. Đường bộ từ Trà Ôn xuống Cầu Kè đã hoàn toàn bị phá hoại; chỉ còn đường độc đạo từ Trà Vinh, Tiểu Cần xuống. Đường thủy có sông Hậu rộng lớn, tàu, thuyền có thể từ đó đi vào sông Bưng Bót rồi vào thẳng Cầu Kè; hoặc đổ bộ từ Hậu Giang theo lộ Chông Nô lên. Nhân dân hầu hết là người Khơ-me sống theo Sóc (xóm, làng). Đây là vùng địch đánh chiếm và bình định sớm nên chúng đã lợi dựng được dân để gây cơ sở, rào làng, xây dựng ngụy quân, ngụy quyền và tề điệp, bảo an tay sai. Dọc theo trục lộ chính và các đường nội bộ, địch đã xây dựng khá hoàn chỉnh hệ thống đồn bốt và phát huy tác dụng của “chiến thuật Đờ-la-tua” (hệ thống cứ điểm nhỏ kết hợp với những đội ứng chiến nhỏ).

Trong thị trấn Cầu Kè, địch bố trí ba cứ điểm chính: Đồn Pháp ở khu nhà thương, đồn tại dinh quận Rùm và đồn Cò. Để bảo vệ huyện ly, địch xây dựng hệ thống tiền đồn, từ Trà Ôn xuống có lô cốt Sóc Kha; dọc sông Bưng Bót có hai lô cốt, trên dọc lộ Tiểu Cần – Cầu Kè có chín lô cốt, trong đó vị trí Bác-sa-ma được xây dựng kiên cố. Ngoài hệ thống lô cốt, có ba sóc dân được võ trang để “tự vệ” và chống lại hoạt động của ta (Béc-sa-ma, Ô-tà-tưng và Chông Nô). Ở các vị trí, ngoài lô cốt còn có tường đất đắp dày 1m đến 1,2m, hai đến ba lớp rào tre và rào kẽm gai bao bọc.

Quân số địch ở toàn huyện có chín lính Pháp, 123 Miên gian, năm Việt gian và khá nhiều dân chúng theo Pháp được võ trang. Nhưng so với toàn khu thì đây là nơi mỏng yếu hơn cả. Lực lượng cơ động vòng ngoài có một tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn quân dù.

Theo “Mệnh lệnh chuẩn bị cho tổng phản công” của Bộ Tổng tư lệnh giao cho Nam Bộ đầu năm 1949, Bộ tư lệnh Khu 8 mở chiến dịch tiến công địch tại Cầu Kè nhằm mục đích: Tiêu diệt một phần sinh lực của địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh phá chiến thuật lập tháp canh, giải tán bảo an, phá tề điệp, giành lại một phần về nhân lực, vật lực cho ta ở địa bàn Cầu Kè, mở rộng căn cứ địa cho liên trung đoàn 109-111 (trước chiến dịch, các vùng Tân An, Hữu Thành và Vinh Xuân ở phía bắc lộ Tiểu Cần - Cầu Kè là hậu phương của ta); cắt đứt giao thông địch từ Cầu Kè đi Tiểu Cần.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm1: Hai tiểu đoàn chủ lực của khu và của liên trung đoàn 109-111, ba đại đội địa phương, bốn trung đội độc lập (một trung đội Miên - Việt, một trung đội trợ chiến, hai trung đội công an xung phong). Một tiểu đoàn chủ lực làm dự bị chiến dịch. Ngoài ra còn huy động một vạn dân quân tham gia phá đường, phá cầu, đốt phần lô cốt và tải thương, tiếp tế.

Bộ chỉ huy Khu 8 trực tiếp tổ chức, chỉ đạo chiến dịch; cử đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến, liên trung đoàn trưởng 109-111 làm chỉ huy trưởng, đồng chí Dương Cự Tẩm, chính ủy liên trung đoàn làm chính ủy của chiến dịch.

Phương châm tác chiến: Đánh điểm diệt viện và vây điểm diệt viện; tác chiến đi đôi với địch vận.

Kế hoạch tác chiến chia thành ba hướng: Hướng chủ yếu (hồi đó gọi là hương chính), lực lượng gồm một tiểu đoàn, một đại đội và hai trung đội độc lập. Hướng thứ yếu (hướng phụ), gồm một tiểu đoàn, hai đại đội độc lập và hai trung đội công an xung phong. Hướng phối hợp gồm các tỉnh đội: Vĩnh Long, Sa Đéc, Trà Vinh tích cực hoạt động phá hoại để cầm chân địch.

Để lãnh đạo công tác chuẩn bị, Ban chỉ huy chiến dịch triệu tập “Hội nghị quân - dân - chính” tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, huyện Cầu Kè và cán bộ các đơn vị tham chiến để phổ biến kế hoạch và phân công công tác chuẩn bị.

Về trinh sát và liên lạc: Ban chỉ huy liên trung đoàn cử một trung đội trinh sát nghiên cứu và tổ chức dẫn đường cho bộ đội; tổ chức các đường liên lạc (bằng người chạy bộ) giữa các mặt trận với Bộ chỉ huy chiến dịch. Bộ phận điện đài chuẩn bị mật mã mới và chuẩn bị vật chất cho máy móc trước ngày nổ súng một tháng.

Bộ chỉ huy chiến dịch cử một tiểu đội công binh chuyên nghiên cứu bố trí địa lôi trên các đường tiếp viện của địch theo dự kiến. Đồng thời Bộ chỉ huy soạn thảo kế hoạch tác chiến, hướng dẫn hành quân, cách đánh gửi cho từng mặt trận.

Về chính trị, trong hội nghị ngày 16 tháng 11, đã thành lập hai tiểu ban: “Tiểu ban chính trị” và “Tiểu ban tuyên truyền” , thành phần gồm cả quân, dân, chính. Trong đó phân công cho quân, dân, chính huyện Cầu Kè chuyên lo công tác dân vận, cụ thể đi sâu vào các tổ chức và dân chúng, mật giao với bảo an và lính Miên, chú ý nhằm vào vùng Bác-sa-ma, Ranh Hạt, Ô-tà-tưng, sóc Chông Nô và sóc Kha. Chuẩn bị tiệc để mời sếp bảo an và sếp đồn nhằm cầm chân chỉ huy ở ngoài sóc khi quân ta tiến công. Vận động trước binh lính địch sẵn sàng ra hàng khi ta tiến công. Tiểu ban tuyên truyền tiến hành in biểu ngữ, truyền đơn, tổ chức các tổ gọi loa tuyên truyền địch vận.

Tiến hành giáo dục bộ đội về chính sách cụ thể với từng đối tượng: Đồng bào Miên, lính Miên, lính bảo an, sư sãi, lính đồn và đối với những tên giặc ngoan cố v.v… Giáo dục kỷ luật dân vận chính sách chiến lợi phẩm, tổ chức “Hội đồng mặt trận” để thực hiện chính sách. Động viên tinh thần thi đua giết giặc lập công của bộ đội và giữa các đơn vị. Tổ chức các chiêu đãi sở để đón tiếp hàng binh.

Về cung cấp: Tổ chức ban quân y mặt trận và các trạm cứu thương, giải phẫu, chuẩn bị thuốc men, cáng, xuồng ghe và bộ phận dân quân tải thương. Công binh xưởng tiến hành cải tiến đạn Mỹ thành đạn Mas để cấp cho trung liên. Sản xuất lựu đạn, lựu đạn gài, địa lôi và đạn cối đủ dự trữ: Đạn súng trường tối thiểu 50 viên, tối đa 100 viên; trung liên tối thiểu 300 viên, tối đa 500 viên; đại liên tối thiểu 700 viên, tối đa 1000 viên. Tổ chức dân quân, chủ yếu của huyện Cầu Kè, một phần của huyện Tam Bình và Tiểu Cần làm nhiệm vụ tiếp tế, phá hoại và tải thương. Ban quân lương của từng đơn vị phối hợp chặt chẽ với quân, dân, chính từng xã trên địa bàn lo việc tiếp tế gạo, muối, củi khô, thực phẩm...
____________________________________
1.Trong “Lịch sử Nghệ thuật chiến dịch Việt Nam” Nxb QĐND 1995 (tr. 73) viết: Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm bốn tiểu đoàn và ba đại đội địa phương.
   - Trong “Thống kê các chiến dịch” (Viện LSQS-1993) ghi: Lực lượng ta có hai trung đoàn, một phân đội liên quân và bốn đại đội địa phương.
   - Những tài liệu lưu trữ (BTTM-BQP) ghi rõ: Lúc đó cả Khu 8 chỉ có ba tiểu đoàn chủ lực và các đại đội bộ đội địa phương và quân của các tỉnh đội. Tại hồ sơ, phần diễn biến chiến dịch chỉ thấy xuất hiện các đại đội của hai tiểu đoàn 307 và 308. Như vậy có thể Bộ chỉ huy Khu 8 sử dựng hai tiểu đoàn chủ lực vào các hướng chiến dịch. Còn một tiểu đoàn làm lực lượng dự bị và cơ động để bảo vệ Bộ chỉ huy khu.



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 24 Tháng Sáu, 2012, 04:21:16 pm

Chiến dịch chia thành ba đợt:

Đợt 1 (từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 12):

15 giờ 45 phút ngày 7 tháng 12, tiểu đoàn 307 tiến công và làm chủ sóc Bác-sa-ma, sau đó bao vây và tiến công chùa, đồn Bác-sa-ma và các lô cốt dọc lộ Cầu Kè - Tiểu Cần. Tiểu đoàn 308 tiến công sóc và đồn Chông Nô. Sau gần hai ngày, cả hai tiểu đoàn giành thắng lợi, diệt gọn hai cứ điểm, bắt và diệt nhiều địch, thu vũ khí, giải tán hơn 100 bảo an. Sau đó bố trí hai đại đội chặn viện ở giông đất Chông Nô từ Hậu Giang lên, đại đội 889 chặn tàu ở sông Bưng Bót. Tiếp đó, hai trung đội bộ binh và một tiểu đội công an xung phong đánh bốt Cò, một trung đội và một tiểu đội công an xung phong tiến công bốt nhà thương, nhưng cả hai cánh không thành công ta liền chuyển sang bao vây để buộc địch phải tăng viện từ Trà Vinh, Tiểu Cần lên.

Ngày 9 tháng 12, địch thả dù tiếp tế cho thị trấn Cầu Kè. 15 giờ, một tàu và bốn sà lan chở hơn 40 quân đổ bộ lọt vào trận địa phục kính, quân ta bắn chìm một sà lan, số còn lại rút lui. Bộ chỉ huy chiến dịch rút quân ở mặt Chông Nô để tăng cường cho vùng Cây Xanh giữ đường sông Bưng Bót. 17 giờ ngày 10, 300 tên địch đổ bộ lên Chông Nô tiến vào Cầu Kè. Ta bỏ lỡ cơ hội diệt viện binh.

Đợt 2 (từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 12): Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho bộ phận liên quân Miên-Việt tiếp tục hoạt động ở Bác-sa-ma, bố trí tiểu đoàn 307 triển khai trận địa đánh viện tại Phong Phú. 10 giờ ngày 10 tháng 12, địch cho máy bay trinh sát và ném bom vào trận địa ta. Ngày 11, một đại đội của tiểu đoàn Ma-rốc từ Trà Vinh lên Bác-sa-ma sục sạo nhưng ta vận động ra không kịp vì lực lượng bao vây Bác-sa-ma đã tự động rút trước đó. Bộ chỉ huy quyết định tập trung lực lượng hai tiểu đoàn tiêu diệt cánh quân ở Bác-sa-ma và kiềm chế bọn ở Cầu Kè xuống. 8 giờ phi pháo dọn đường, địch ở Bác-sa-ma vận động lọt vào trận địa tiểu đoàn 307 phục kích, ta bao vây chia cắt diệt 90 tên, bắt 62 tên, thu toàn bộ vũ khí. 9 giờ, cánh quân ở Cầu Kè lọt vào trận địa đại đội 933, nhưng chỉ huy thiếu bình tĩnh, kỷ luật lỏng lẻo, một tiểu đội dao động rút lui làm ảnh hưởng các bộ phận khác, để địch chiếm được địa hình có lợi đánh bật ta ra. Do đó ta chỉ diệt và làm bị thương hai tiểu đội địch. 30 xe lội nước từ vàm An Phú Tân đổ vào, nhưng đến Phong Phú ta đã thu dọn chiến trường, rút vào giông phòng ngự nên bỏ lỡ thời cơ diệt địch. Địch cũng không dám tiến công, chỉ đứng từ xa bắn vào, đến chiều thì rút lui. Lực lượng của tiểu đoàn 308 trong thị trấn cũng chỉ bao vây và pháo kích lẻ tẻ.

Đợt 3 (từ ngày 13 đến ngày 26 tháng 12):

Sau hai đợt, phần lớn mục đích chiến dịch đã đạt được. Ta chủ trương tiếp tục bao vây quấy rối thị trấn Cầu Kè, kết hợp phá hoại giao thông để cô lập chúng. Đẩy mạnh việc gây cơ sở vùng mới giải phóng, đánh địa lôi trên đường Trà Vinh - Tiểu Cần, sẵn sàng đánh viện từ Trà Vinh lên. Những ngày đầu đợt 3, lực lượng công binh đã phá huỷ hai xe vận tải, địch chết và bị thương 18 tên. Ta phá được thêm một cầu sắt, một cầu bê tông. Việc tuyên truyền thực hiện khá tốt ở vùng Chông Nô, Bác-sa-ma, Phong Phú và Ô-tà-tưng.

2 giờ đêm 25 tháng 12, tiểu đoàn 308 chia thành hai cánh đánh chiếm Lò Ngò. Đến sáng ta hoàn toàn làm chủ các sóc bảo an và bố trí lực lượng chặn viện. 9 giờ 30 phút, bảy xe và hai đại đội địch tiến vào mặt trận, ta nổ súng mãnh liệt, địch bỏ lại nhiều xác chết và chạy tán loạn. 14 giờ 30 phút, địch kết hợp cơ giới, máy bay, bộ binh tiến công ta một lần nữa, nhưng bị thất bại, ta diệt 40 tên và thu một số vũ khí. Suốt buổi chiều máy bay ném bom vào trận địa ta. 17 giờ, bảy chiếc Dakota đến thả một đại đội quân dù. Khi chúng còn lơ lửng trên không, ta đồng loạt nổ súng. Một số tên chết từ trên cao, một số vướng vào bụi tre bị ta diệt, số còn lại chạy về đồn. Ta diệt trên 20 lính dù, thu một số dù địch. 19 giờ, ta lui quân. Cùng ngày, tiểu đoan 307 diệt lô cốt Tân Đại. Một lực lượng của đại đội 975 và 991 tiểu đoàn 307 chiếm lô cốt Cầu Tre bằng mật giao. Ta tước 40 súng trường và tập trung bảo an của các sóc giải thích và thả ngay tại chỗ. Chiến dịch kết thúc sáng 26 tháng 12 năm 1949.

Kết quả: Sau 20 ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt tiểu đoàn Ma-rốc, trung đoàn 1 ngụy Gò Công, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn Bến Tre; đánh tan hai đại đội của tiểu đoàn Sóc Trăng ở Lò Ngò, làm tan rã đại đội dù, đánh lui đoàn xe lội nước, đánh đắm một sà lan, phá huỷ hai xe vận tải; bắt sống 62 tù binh Pháp và Ma-rốc, tiêu diệt 20 tên Miên gian; bắt và tha tại chỗ trên 200 lính bảo an; phá tan hệ thống phòng ngự bằng tháp canh, lô cốt của địch trên lộ Tiểu Cần - Cầu Kè gồm: 12 lô cốt và cứ điểm, sáu sóc bảo an vũ trang. Ta thu vũ khí đủ trang bị cho một tiểu đoàn chủ lực. Ta hy sinh và bị thương 50 người.

Chiến dịch Cầu Kè là chiến dịch đầu tiên trên chiến trường Nam Bộ, nhưng Bộ chỉ huy Khu 8 đã xác định được mục đích, mục tiêu đúng, sát hợp. Thành công của chiến dịch là đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo cách “đánh điểm - diệt viện” và “vây điểm - diệt viện” trên địa hình đồng bằng có nhiều sông rạch. Đã chia chiến dịch ra từng đợt rõ ràng, phân rõ nhiệm vụ, mục tiêu cho từng lực lượng cụ thể. Đã chọn mục tiêu vừa sức để mở màn chiến dịch (Bát-sa-ma), chọn mục tiêu quan trọng (quận lỵ Cầu Kè) để bao vây, khiến địch không thể không ứng cứu. Bố trí linh hoạt, hài hoà giữa lực lượng vây điểm và lực lượng chặn đánh viện. Bằng cách đó, không những ta đã điều động viện binh địch theo ý muốn mà còn thúc đẩy viện binh địch đến nhanh khu vực ta đã chọn để tiêu diệt. Do đó, ta giữ vững quyền chủ động chiến dịch và chủ động kết thúc chiến dịch trên thế thắng. Cầu Kè cũng là chiến dịch ta kết hợp, hiệp đồng tốt giữa lực lượng chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương, quân, dân, chính, giữa tác chiến với công tác địch vận và công tác phá hoại. Do đó các mục tiêu cơ bản đề ra cho chiến dịch đều đạt được1.

Song, là chiến dịch đầu tiên nên còn bộc lộ sự lúng túng bỡ ngỡ trong chuẩn bị, trong tổ chức chỉ huy và trong cách đánh. Có lúc, có đơn vị chưa giữ được yếu tố bí mật bất ngờ. Sử dụng lực lượng có lúc chưa tập trung nên còn bỏ lỡ nhiều thời cơ diệt địch.
_______________________________________
1.Tờ Union Francaise (Liên hiệp Pháp) số ra ngày 28 tháng 12 năm 1949 đã thú nhận “... Cầu Kè mới đây là một chiến trường bi thảm, trong đó quân đội viễn chinh Pháp đã tổn thất nặng nề chẳng những theo dư luận công chúng mà còn theo báo chí ở Pa-ri loan báo dựa vào tin tức của Bộ Pháp quốc Hải ngoại”.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 24 Tháng Sáu, 2012, 04:26:12 pm

CHIẾN DỊCH LÊ LAI
(Tiến công, từ ngày 22 tháng 12 năm 1949 đến ngày 27 tháng 1 năm 1950)


Cuối năm 1949, ở chiến trường chính Bắc Bộ, quân và dân ta mở chiến dịch Lê Lợi, chủ động tiến công địch ở Hoà Bình và đẩy mạnh tiến công địch ở nhiều nơi như Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, v.v... Để phối hợp với chiến dịch Lê Lợi, Liên khu uỷ và Bộ tư lệnh Liên khu 4 quyết định mở chiến dịch Lê Lai tại Bình - Trị - Thiên, nhằm mục đích: Giam chân quân cơ động Pháp, không cho chúng tiếp viện ra Bắc Bộ, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, xây dựng và mở rộng căn cứ cách mạng ở vùng đồng bằng.

Chiến dịch diễn ra chủ yếu trên địa bàn phía nam tỉnh Quảng Bình và phía bắc tỉnh Quảng Trị, cụ thể là các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Phong Điền và Hải Lăng. Đây là dải đất hẹp nhất của miền Trung (chiều ngang từ biển Đông tới biên giới Việt - Lào chỉ hơn 40 ki-lô-mét), nhưng lại là địa bàn chiến lược quan trọng, là chiếc cầu nối liền hai miền Nam – Bắc và nối với vùng Trung Lào. Địa thế hiểm trở “Biển giăng trước mặt, núi vây ba bề”. Địa hình mấp mô lồi lõm, dốc và thấp dần từ tây sang đông. Phía tây là dãy núi Trường Sơn hiểm trở, phía đông là những dải đồng bằng hẹp ven biển, nằm giữa hai vùng núi và đồng bằng là những dải đồi bát úp, sát mép biển là những bãi, cồn, động cát trắng. Nhiều chỗ đồi núi chạy ra sát biển như đèo Ngang, đèo Lý Hoà. Địa hình càng thêm phức tạp vì có hệ thống sông ngòi và đường giao thông chia cắt thành từng tuyến song song theo hướng tây - đông. Sông ngòi ở vùng này ngắn và dốc. Toàn bộ sông ngòi xuất phát từ hàng trăm khe suối của dãy Trường Sơn đổ xuống các con sông Ròn, sông Gianh, sông Lý Hoà, sông Dinh, Kiến Giang, sông Nhật Lệ thuộc tỉnh Quảng Bình; sông Hiền Lương, sông Cam Lộ (tức sông Hiếu), sông Quảng Trị (Thạch Hãn) thuộc tỉnh Quảng Trị. Đây là mạng lưới giao thông thuỷ quan trọng. Quân Pháp thường lợi dụng các con sông lớn cho tàu thuỷ, ca nô thọc sâu thăm dò, phá hoại chiến khu của ta. Ngược lại, ta cũng lợi dụng sông ngòi để vận chuyển vũ khí và lương thực để đánh địch. Ngoài đường thuỷ, mạng lưới giao thông ở đây còn bao gồm đường bộ, đường sắt và đường không, nối Quảng Bình với chiến trường cả nước và vùng Trung Lào, Hạ Lào. Thực hiện mưu đồ khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã cải tạo, nâng cấp hai tuyến “ Thượng đạo” (đường giao thông vùng cao) và “Hạ đạo” (giao thông ven biển) có từ thời phong kiến thành tuyến đường sắt Bắc - Nam và quốc lộ 1A chạy suốt chiều dài ba tỉnh Bình - Trị - Thiên. Đồng thời chúng còn mở tỉnh lộ số 1, số 2, quốc lộ 9 từ Cửa Việt, Quảng Trị sang Lào qua cửa khẩu Lao Bảo và đường “không trung thiết lộ”1. Sân bay Đồng Hới là cửa khẩu đường không đi các nơi.

Đồng bằng ở Quảng Bình, Quảng Trị nhỏ, hẹp, nằm ven hạ lưu các con sông, chỉ chiếm 9,3 phần trăm diện tích tự nhiên. Nhưng chiến dịch Lê Lai lại nổ ra chủ yếu trên “đồng bằng hai huyện” Lệ Thủy, Quảng Ninh; nơi đây là vựa thóc chủ yếu của Quảng Bình, vốn là nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Dân cư trong vùng đông đúc và tinh thần kháng chiến rất cao. Hầu hết các làng xã đều có đội dân quân du kích, nhiều làng đã thực hiện “rào làng chiến đấu”, xây dựng làng thành những pháo đài, đã nhiều lần phá tan các cuộc càn lớn của quân Pháp. Khi Liên khu mở chiến dịch, các làng kháng chiến đều trở thành hậu phương tại chỗ, nơi nuôi giấu quân, chuyển tải thương và vũ khí đạn dược của chiến dịch, và cũng là nơi tổ chức những mũi đánh phối hợp với chủ lực của Liên khu2.

Giữa năm 1949 (trước chiến dịch), lực lượng địch trên địa phận Quảng Bình có khoảng 4.000 tên, do trung tá Ni-ốc (Niox) chỉ huy. Thực hiện ráo riết “kế hoạch Rơ-ve”, chúng đóng thành 45 vị trí đồn bốt, cụ thể: khu vực nam và bắc sông Gianh có 10 vị trí chính và ba vị trí hương vệ; khu vực Bố Trạch tám vị trí; khu vực Quảng Ninh bảy vị trí; khu vực Lệ Thuỷ chín vị trí chính và hai đồn hương vệ; thị xã Đồng Hới bốn vị trí. Phía tây địch đóng hai vị trí lẻ ở sát biên giới Việt - Lào. Ngoài ra chúng còn lập hành lang chốt giữ dọc theo tỉnh lộ số 4 và số 2, từ Thượng Lâm (Lệ Thủy) ra Sen Bàng, từ Troóc kéo ra Tiên Lệ (Quảng Trạch). Với một loạt đồn bốt dày đặc nối tiếp nhau, chúng định bịt chặt các cửa ngõ chiến khu và uy hiếp các tuyến giao thông vận tải của ta ở phía tây. Ở vùng đồng bằng và địch hậu, quân Pháp tăng cường vây ráp, phục kích các ngả đường hòng lùng bắt cán bộ và cướp đoạt hàng hóa, của cải của đồng bào. Những vùng xa xôi chúng cho máy bay cất cánh từ sân bay Đồng Hới thường xuyên đánh phá để gây tổn thất cho ta. Nhưng kể từ ngày Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động toàn quốc kháng chiến, quân và dân Quảng Bình, Quảng Trị đã liên tục nổi dậy tiến công, phá được nhiều đồn bốt, diệt nhiều sinh lực địch, trong đó đã phá được 55 hội tề - chỗ dựa về chính trị của quân Pháp. Qua nhiều trận diệt đồn, nhiều trận chống càn, trước khi bước vào chiến dịch, bộ đội và dân quân du kích đã có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức và thực hành chiến đấu.

Lực lượng ta: Tháng 10 năm 1949, theo chỉ thị của Bộ, Liên khu 4 quyết định thành lập “Mặt trận Bình - Trị - Thiên”, lực lượng chủ lực có ba trung đoàn bộ binh (95, 101 và 18); tiểu đoàn công pháo 888, đại đội thông tin và đại đội quân báo3. Lực lượng vũ trang địa phương có ba đại đội bộ đội địa phương và dân quân du kích của ba tỉnh Bình - Trị - Thiên. Ngoài ra, trên để tăng cường cho lực lượng tham gia chiến dịch trung đoàn 57. Trung đoàn 57 vào hoạt động ở vùng bắc Quảng Bình nên trung đoàn 18 vượt U Bò, Ba Rền vào vùng đồng bằng nam Quảng Bình hoạt động. Trung đoàn 101 vượt quốc lộ 1 về đứng chân ở đồng bằng Thừa Thiên. Trung đoàn 95 từ Quảng Trị hành quân ra vùng Quảng Ninh và Lệ Thủy - hướng tiến công chính của chiến dịch.

Chiến dịch do Đảng ủy và Bộ tư lệnh Liên khu 4 trực tiếp chỉ đạo; Bộ tư lệnh Mặt trận Bình - Trị - Thiên trực tiếp chỉ huy; đồng chí Hà Văn Lâu làm Tư lệnh chiến dịch, đồng chí Hoàng Anh, Bí thư Phân khu ủy làm Chính ủy.

Phòng chính trị triển khai ngay đợt giáo dục, quán triệt nhiệm vụ chiến dịch cho toàn mặt trận. Khí thế ra quân lập công ở các đơn vị rất cao. Đội văn công được thành lập và xuống từng trung đoàn ca hát, động viên bộ đội và nhân dân. Đồng thời cho ra đời nhà in và tờ báo “Người lính” của Mặt trận để hướng dẫn tư tưởng, hành động và động viên phong trào thi đua của các lực lượng vũ trang trên toàn Mặt trận. Ta đã in và phát tán 2.500 tờ truyền đơn, 300 tờ tin “Dân quân” cổ vũ phong trào chiến đấu của các địa phương. Phòng hậu cần mở rộng xưởng quân giới, tiến hành sửa chữa và sản xuất vũ khí, đạn dược; củng cố bệnh xá của Mặt trận và các trạm cứu thương của chiến dịch. Các trung đoàn chủ lực hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan dân chính đảng địa phương huy động sức người, sức của tới mức tối đa, tổ chức tuyến hậu cần tại chỗ bảo đảm tốt các khâu: tiếp lương, tải đạn, cứu chữa và vận chuyển thương binh, tử sĩ. Cơ quan tham mưu, đại đội quân báo của Mặt trận và thành phần chỉ huy, trinh sát của các trung đoàn tiến hành trinh sát thực địa, nắm quy luật hoạt động và sự bố phòng của địch, điều chỉnh kế hoạch tác chiến cho phù hợp. Các trung đoàn chủ lực tranh thủ huấn luyện cho bộ đội với nội dung theo định hướng “chiến đấu chính quy, tiến tới thành lập đại đoàn” và kết hợp huấn luyện, xây dựng phong trào chiến tranh du kích cho lực lượng vũ trang địa phương. Trước ngày chiến dịch chính thức nổ súng, khí thế thi đua giết giặc lập công của toàn mặt trận rất sôi sục.

Thực hiện kế hoạch tác chiến “tạo đà” trước khi bước vào chiến dịch, trung đoàn 95 trên đường cơ động ra nam Quảng Bình đã liên tiếp tổ chức phục kích địch ở Thanh Lê diệt 52 tên, ở Dốc Miếu diệt gọn hai trung đội địch, thu toàn bộ vũ khí, ở Bồ Bản diệt 90 địch, phá huỷ 20 ô tô. Trung đoàn 18 vượt qua dốc U Bò, vận động xuống Lệ Kỳ đánh địch. Trung đoàn 101 vừa hành quân tới Quảng Điền, Hương Trà đã phục kích diệt gọn hai trung đội địch ở Bôn Trì, Bôn Phổ, tập kích diệt đồn Thuỷ Cầu. Trung đoàn 57 vào tới bắc Quảng Bình cũng tiến hành tập kích diệt địch ở Đơn Sa, quấy rối địch ở Ba Đồn, phục kích diệt 100 tên địch ở Thanh Lê. Trên hướng Trung Lào, bộ đội ta và bạn cũng liên tiếp phục kích đánh địch trên đường số 9, triệt phá tề ngụy ở Ba-na-phào và Na-ha-xay. Bộ đội địa phương và dân quân du kích trên toàn mặt trận cũng tích cực hoạt động tác chiến, đã đánh mìn lật nhào đoàn tàu địch ở Đá Bạc (Phú Lộc), Hải Đạo (Hải Lăng), gài bom phá kho địch ở ga Huế, dùng địch vận hạ đồn Lao An, Mỹ Chánh, Phù Ốc. Đại đội 361 bộ đội địa phương cùng dân quân du kích Lệ Thuỷ phục kích diệt gọn trung đội địch, thu toàn bộ vũ khí ở đoạn đường thôn Trung Lực xã Duy Tân, sau đó vây ép và diệt đồn Thượng Lâm và vị trí hương vệ An Lạc. Dân quân du kích liên tục phục kích và đánh phá giao thông trên quốc lộ 1, tỉnh lộ 2 và đường số 9. Quân và dân hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh liên tiếp quấy rối, bức hàng, bức rút các đồn Võ Xá, Vạn Xuân, Cổ Hiền, Lệ Kỳ và vị trí hương vệ Xuân Bồ. Ta bao vây chặt đồn Mỹ Trạch - một vị trí tiền tiêu của địch ở phía tây nam Lệ Thuỷ, khiến quân địch ở đây đông mà không dám ra ngoài càn quét như trước đây, do đó đã tạo thuận lợi cho các đơn vị chủ lực hành quân chiếm lĩnh trận địa xuất phát tiến công trước ngày chiến dịch chính thức mở màn.
__________________________________
1.Không trung thiết lộ là đường dây cáp trên không trung, vận chuyển người qua lại bằng chiếc thùng sắt trượt trên dây cáp. Không trung thiết lộ ở Quảng Bình được bắc từ xóm Cụp (Minh Hoá) sang Ba-na-phào (Lào).
2.Nhiều làng ở Quảng Bình (như Hiển Lộc, Cự Nẫm...) xây dựng trung đội du kích 36 người, cạnh đó là đội dân quân 70 người. Toàn tỉnh có 35.558 dân quân. Nhiều căn cứ du kích hình thành và phát triển như: Căn cứ Hoàng Hoa Thám, Lê Khiếu, Duy Tân ở Lệ Thuỷ; Minh Trạch, Ninh Trạch, Lệ Trạch ở Quảng Trạch; Tây Trạch ở Bố Trạch, v.v… Chỉ tính riêng đợt tháng 1 năm 1949 phát động ủng hộ dân quân nhân dân toàn tỉnh đã ủng hộ được 121.406 đồng (bạc giấy), 10 đồng bạc (bạc), 237 mẫu ruộng, năm mảnh vườn, ba ngôi nhà, 213 kg bông, 3.465 kg lúa, 90 thùng bắp, hàng trăm trâu, bò, lợn và gia súc gia cầm. Nhiều địa phương còn lập quỹ đỡ đầu, mua sắm súng đạn trang bị cho dân quân. Trước chiến dịch, Đảng ủy và ủy ban kháng chiến các làng, xã đều tổ chức lực lượng cơ động và vật chất tại chỗ, sẵn sàng cung cấp cho bộ đội bất cứ lúc nào cần đến.
3.Sau lễ thành lập Mặt trận (được tổ chức ở Chiến khu Ba Lòng, Quảng Trị), trung đoàn 95 đứng chân ở Quảng Trị, xây dựng thành đơn vị chủ lực cơ động của Mặt trận; được ưu tiên về quân số trang bị, biên chế hoàn chỉnh với ba tiểu đoàn bộ binh: 227 (chuyển từ 101 sang), 302 và 310, và một số phân đội trực thuộc cơ quan trung đoàn bộ. Trung đoàn 101 có hai tiểu đoàn bộ binh 319 và 328. Trung đoàn 18 đứng chân ở Quảng Bình, có tiểu đoàn 274 và tiểu đoàn 436 chủ lực Liên khu 4 vừa từ Thanh - Nghệ - Tĩnh vào mặt trận. Theo sự thoả thuận của Trung ương Đảng hai nước Việt - Lào, đáp ứng yêu cầu của Bộ chỉ huy Mặt trận Trung Lào, ngoài đại đội 55 đã được đưa sang Lào từ giữa năm 1948, Bộ tư lệnh Mặt trận Bình - Trị - Thiên đưa thêm tiểu đoàn độc lập 364 sang phối hợp với bộ đội Pa-thét Lào hoạt động ở nam, bắc đường số 9 (Xa-van-na-khét). Như vậy là lực lượng của Mặt trận được chia thành hai khối: Trung đoàn 95 là lực lượng cơ động, trung đoàn 101, trung đoàn 18 và các đơn vị quân tình nguyện ở Trung Lào là lực lượng chủ lực tài chỗ.



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 24 Tháng Sáu, 2012, 04:27:01 pm

Chiến dịch chia làm hai đợt.

Đợt 1 (từ ngày 22 đến ngày 31 tháng 12 năm 1949):

Đêm 22 tháng 12 năm 1949, trung đoàn 18 được tăng cường một đại đội phóng bom, phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiến công đồn Vạn Xuân, nhưng vì lực lượng địch ở đây mới được tăng cường nên cuộc tiến công của ta không thành, trung đoàn chuyển sang bao vây, đồng thời tổ chức lực lượng đánh quân tiếp viện.

Suốt ba ngày đêm mưa, rét nhưng bộ đội và dân quân du kích vẫn giấu mình trong lùm cây, động cát kiên trì chờ địch. Đến Nô-en (ngày 25-12), thiếu tá Lơ-briu-giơ (Lebrouse) chỉ huy phân khu nam Quảng Bình, đích thân dẫn hai đại đội Âu - Phi và một trung đội trợ chiến từ Đồng Hới hành quân vào phối hợp với bộ phận chiếm đóng ở Hoà Luật, giải vây cho Vạn Xuân. 18 giờ chiều, địch tới Thạch Xá Hạ, lọt vào trận địa phục kích của tiểu đoàn 227 trung đoàn 95 do đồng chí Lê Thuyết chỉ huy. Ta bất ngờ nổ súng, diệt và bắt gọn cánh quân này của địch; diệt và làm bị thương 30 tên, bắt 50 tên, trong đó có cả thiếu tá Lơ-briu-giơ, một đại úy và hai trung úy; thu 60 súng, hai máy vô tuyến điện, phá hỏng bảy xe. Ta bị thương nhẹ sáu đồng chí.

Ta tiếp tục triển khai trận địa phục kích trên dọc quốc lộ 1, nhưng địch hoảng sợ không dám đưa quân tiếp viện cho đồn Vạn Xuân. Ngày 30 tháng 12, tướng Lơ-brit phải hạ lệnh rút quân khỏi đồn Vạn Xuân và sau đó là đồn Thượng Lâm. Vùng tự do của ta được mở rộng, phía tây khu vực sông Kiến Giang, Lệ Thuỷ được giải phóng.

Ngày 31 tháng 12, được ta tuyên truyền giác ngộ, vệ binh đoàn ở đồn Cổ Hiền đã nổi dậy làm binh biến, diệt ba sĩ quan Pháp, đưa toàn bộ vũ khí, trang bị về với kháng chiến. Sự kiện này đã tác động tích cực đến số binh lính ngụy ở các đồn khác, do đó những ngày tiếp theo, quân ta đã tiến công và diệt gọn đồn Đôn Sa, bao vây và bức rút địch ở đồn Phú Hoà (có bảy lính khố đỏ quay về với cách mạng).

Trong khi ta tập trung lực lượng hoạt động ở hướng Quảng Ninh và Lệ Thuỷ, địch đã tăng cường binh lực và vũ khí cho một số vị trí phía bắc như Troóc, Cổ Giang, Hà Lời và phòng thủ tuyến tỉnh lộ 2, đồng thời cho quân nống ra càn quét một số xã như Hải Trạch, Trung Trạch, v.v...

Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho trung đoàn 57 tiến vào vùng bắc Quảng Bình. Từ ngày 13 tháng 12 năm 1949 đến ngày 15 tháng 1 năm 1950, trung đoàn đã đánh một loạt vị trí quan trọng của địch ở tuyến phòng thủ sông Gianh như Đại Nam, Hoà Ninh, Hướng Phương, Đơn Sa, Phù Kinh, giải phóng một vùng rộng lớn ở nam và bắc sông Gianh.

Ở phía nam, quân địch sợ không dám ra; chấp hành mệnh lệnh của Bộ tư lệnh, trung đoàn 95 và 18 chuyển sang phối hợp cùng lực lượng vũ trang địa phương tiến hành tổng phá tề ở vùng nam Quảng Bình. Toàn bộ hệ thống đồn bốt địch từ Quán Hầu vào tới Sen Hạ nhanh chóng bị vây chặt. Binh lính trong các đồn lo sợ chui vào cố thủ không dám ra ngoài. Lính địch ở các đồn Thượng Lãm, Vạn Xuân bỏ đồn co cụm về các vị trí lớn. Lực lượng vũ trang địa phương diệt đồn Xá, Cồn Lý. Nhân dân trong vùng tự võ trang bằng giáo mác, gậy gộc,vây bắt tề điệp, giải tán hương vệ. Ở nhiều làng như Xuân Bồ, Uẩn Áo, Xuân Dục, Xuân Hoà, Mỹ Trạch, Thuận Trạch... tuy nằm sát quốc lộ 1 và gần đồn địch nhưng trước sức mạnh áp đảo của quần chúng, bọn hào lý đã ra hàng và giao nộp vũ khí. Hai trung đoàn thu hồi được hàng trăm tấn lúa trong các kho của địch giao lại cho chính quyền địa phương cấp cho nhân dân. Phong trào kháng chiến của các làng xã phát triển mạnh và vững, trở thành những điển hình của Bình - Trị - Thiên và cả nước. Đợt 1 chiến dịch kết thúc.

Đợt 2 (từ ngày 15 đến ngày 27 tháng 1 năm 1950):

Từ giữa tháng 1 năm 1950, trung đoàn 95 được lệnh bí mật hành quân vào nam Thừa Thiên cùng trung đoàn 101 chuẩn bị đợt hoạt động mới. Vào tới bắc Quảng Trị, một bộ phận của tiểu đoàn 227 phối hợp với đại đội bộ đội địa phương Lê Hồng Phong tập kích bốt Chợ De, bao vây đồn Cửa Tùng, diệt hai trung đội địch, bắt sống một trung úy Pháp.

Bị thua đau ở phía nam Quảng Bình, bộ chỉ huy quân Pháp ở Bình - Trị - Thiên tìm cách phản kích giữ vững vùng bắc sông Gianh. Ngày 27 tháng 2 năm 1950, Pháp tập trung quân ứng chiến mở cuộc hành quân bằng đường thuỷ vào vùng có đồng bào theo đạo Thiên Chúa mà ta vừa giải phóng. Phán đoán đúng âm mưu địch, trung đoàn 57 cùng lực lượng vũ trang địa phương tổ chức phục kích ở bến đò Phù Trịnh, La Hà. 8 giờ, địch lọt vào trận địa phục kích, ta nổ súng, đại bác vào bộ binh địch ở các đồn xung quanh như Tiên Lệ, Ba Đồn nổ súng ứng cứu, quân địch trên bốn ca nô củng cố đội hình để phản kích nhưng đã bị quân ta đánh quyết liệt. Cả tiểu đoàn địch bị tan rã, hơn 120 tên bị diệt, ta bắt 10 tù binh Pháp và một số tay sai dẫn đường. Bốn ca nô địch bị hỏng nặng. Số địch sống sót rút chạy về Thanh Khê, bỏ lại hàng trăm súng. Trước sức uy hiếp của ta, địch buộc phải rút tiếp ở các vị trí chiếm đóng: Troóc, Cổ Giang, Cao Lao, Tiên Lệ. Ta triệt hạ tiếp ba đồn hương vệ: Phù Kinh, Hoà Bình, Hướng Phương.

Sáng ngày 27 tháng 1, hai trung đoàn 95 và 101 hành quân vào tới Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Lợi dụng thời cơ này, địch lập tức tập trung ba tiểu đoàn ở Triệu Phong và Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị càn quét vào các xã Lương Mai, Phò Trạch, Phong Chương, Phong Lai, Vân Trình... Lực lượng vũ trang địa phương tổ chức chống càn. Được cấp trên đồng ý, hai trung đoàn (95 và 101) hành quân thần tốc quay trở lại vùng Triệu Phong và Hải Lăng. Địch cho máy bay bắn phá, ném bom vào trận địa quân ta. Đến tối 27 tháng 1, không chịu nổi đòn đánh trả quyết liệt của hai trung đoàn 95 và 101, quân Pháp phải hủy bỏ cuộc hành quân càn quét, lợi dụng đêm tối tháo chạy về Huế. Ta diệt và bắt gần 400 tên địch, thu hơn 50 súng các loại. Chiến thắng ở Lương Mai, Phò Trạch, Lê Thuyết đã kết thúc chiến dịch Lê Lai.

Trong hơn một tháng chiến đấu, bốn trung đoàn chủ lực của Liên khu đã đánh một trận vây điểm diệt viện, một trận vận động phản kích quy mô cấp trung đoàn và gần 30 trận đánh nhỏ. Ta loại khỏi vòng chiến đấu 1.370 tên, bắt sống 152 tên, phần lớn là lính Âu - Phi và Pháp; tiêu diệt gọn một đại đội, đánh thiệt hại nặng hai tiểu đoàn, tạo thuận lợi để lực lượng vũ trang địa phương diệt nhiều đồn bốt nhỏ và các vị trí hương vệ, cùng nhân dân nổi dậy diệt tề, trừ gian và làm công tác binh địch vận đạt hiệu quả tốt.

Đây là chiến dịch đầu tiên ở chiến trường Bình - Trị - Thiên đo Bộ Tư lệnh Liên khu 4 chỉ đạo, Bộ Tư lệnh Mặt trận Bình - Trị - Thiên trực tiếp chỉ huy, chiến dịch đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được các mục tiêu đề ra. Kế hoạch tác chiến cụ thể, sát hợp với khả năng và tình hình tương quan lực lượng. Nét nổi bật của nghệ thuật chiến dịch là sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng: đánh điểm, vây điểm và phục kích diệt viện; giữa chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương. Biết vận dụng phương châm, phương pháp tác chiến chủ động, linh hoạt, đặc biệt là giữa tiến công của bộ đội chủ lực với binh vận, địch vận, nổi dậy phá tề, trừ gian của lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng, trong đó việc vận động binh lính đồn Cổ Hiền và một số nơi khác làm binh biến trở về với cách mạng là một điển hình xuất sắc. Chỉ huy các cấp đã sâu sát nắm chắc đơn vị, quyết đoán, sắc sảo, xử trí tình huống kịp thời, chính xác. Chiến dịch đạt được hiệu suất cao cả về tiêu diệt địch và giải phóng đất đai, củng cố và mở rộng vùng giải phóng ở đồng bằng Quảng Bình; nâng cao lòng tin tưởng và tinh thần cách mạng của quân và dân trên toàn Mặt trận Bình - Trị - Thiên. Chiến dịch còn để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch và vận dụng các hình thức chiến thuật trong đánh điểm diệt viện và vận động tiến công phản kích phá càn.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 29 Tháng Sáu, 2012, 07:01:46 pm

CHIẾN DỊCH VÕ NGUYÊN GIÁP
(Tiến công, từ ngày 10 tháng 1 đến ngày 31 tháng 3 năm 1950 ).


Đầu năm 1950, Bộ tư lệnh Liên khu 5 chủ trương mở chiến dịch tiến công trên địa bàn bắc Quảng Nam, lấy tên là chiến dịch Võ Nguyên Giáp; thời gian từ ngày 10 tháng 1 đến ngày 31 tháng 3 năm 1950; nhằm mục đích: Phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ, tiêu hao và kìm chân địch, không cho chúng tăng viện ra Bắc Bộ, triệt đường giao thông tiếp tế của thực dân Pháp từ Đà Nẵng ra Huế, uy hiếp thành phố Đà Nẵng, bồi dưỡng lực lượng ta, đẩy mạnh chiến tranh du kích, làm tan rã ngụy quân, ngụy quyền, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của quân địch.

Lực lượng địch trên địa bàn có trên 6.000 tên, đóng chủ yếu trong các trại lính và hệ thống đồn bốt quanh thị xã Đà Nẵng và dọc tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 1 từ Đà Nẵng ra Huế.

Lực lượng ta tham gia chiến dịch có hai trung đoàn 210 và 1081 đến cuối chiến dịch tăng cường thêm hai đại đội bộ đội địa phương của hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định; phối hợp với bộ đội chủ lực của liên khu, lực lượng dân quân du kích Quảng Nam và tự vệ thành phố Đà Nẵng tham gia đánh phục kích, quấy rối, tải thương và tiếp tế hậu cần.

Bộ chỉ huy chiến dịch đã lo đủ cho mỗi chiến sĩ bình quân mỗi ngày sáu lạng gạo. Lượng lương thực, thực phẩm dự trữ chủ yếu huy động trong nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng tuy rất khó khăn về đời sống kinh tế, nhưng tinh thần kháng chiến rất cao, đã thực hiện “nhường cơm sẻ áo cho bộ đội đánh thắng”. Trước chiến dịch đã may đủ cho mỗi chiến sỹ một bộ quân phục; đáp ứng đầy đủ gạo và thực phẩm cho hơn một tháng chiến đấu (khi kết thúc chiến dịch gạo ở Hoà Vang còn 15 tấn, ở các huyện phía nam còn 20 tấn chưa sử dụng đến). Nhân dân đã tham gia 70 vạn ngày công phục vụ chiến dịch.

Đồng chí Đàm Quang Trung làm Tư lệnh chiến dịch, đồng chí Nguyễn Đôn làm Chính ủy.

Phương châm tác chiến là: Đánh điểm diệt viện kết hợp với đánh phục kích trên tuyến giao thông quốc lộ 1A, chủ yếu đoạn qua đèo Hải Vân. Chiến dịch chia làm ba đợt.

Đợt 1 (từ ngày 10 tháng 1 đến ngày 6 tháng 2 năm 1950):

Theo kế hoạch, ngày 10 tháng giêng nổ súng đánh trận phục kích đoàn xe của quân Pháp trên đèo Hải Vân và tiến công diệt bốt địch ở phía tây bắc huyện Hoà Vang làm hiệu lệnh mở màn cho toàn chiến dịch. Nhưng quá trình chuẩn bị chiến trường, cán bộ tham mưu để mất tài liệu, kế hoạch tác chiến bị lộ nên không thực hiện được trận mở màn, do đó chiến dịch bị chững lại, chậm so với kế hoạch. Tuy nhiên từ ngày 10 tháng 1, lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích vẫn nổ súng tiến công địch ở nhiều nơi trong vùng chúng tạm chiếm.

Ngày 19 tháng 1, có cơ sở làm nội ứng, đại đội địa phương và du kích tiến công và diệt đồn Ngũ Giáp, diệt và bắt hai trung đội địch, thu toàn bộ vũ khí. Sau đó, ta đánh phục kích trên đường số 1 (đoạn Đà Nẵng - Vĩnh Điện), diệt sáu xe tiếp tế của địch từ Vĩnh Điện ra, đồng thời diệt và bắt hai trung đội khác; buộc địch phải điều quân cơ động đến đối phó.

Trên hướng chính, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định để lại một bộ phận đánh các trận nhỏ, còn lực lượng cơ bản của trung đoàn 108 cơ động về chiến khu Phú Túc. Tối 2 tháng 2, trung đoàn từ Phú Túc bí mật hành quân xuống Điện Hoà. Được nhân dân che chở giữ bí mật và bố trí ăn, ở cho bộ đội, trung đoàn bí mật triển khai bố trí trận địa phục kích tại Thanh Quýt. Trưa 6 tháng 2, một trung đội địch thực hiện “An ninh lộ trình” từ Đà Nẵng tiến ra; sau đó một đoàn xe 14 chiếc, có một đại đội Âu - Phi hộ tống từ Đà Nẵng hành quân ra, lọt vào trận địa phục kích. Quân ta bất ngờ và đồng loạt nổ súng, tiêu diệt đại đội lê dương, bắt 50 tên, thu 100 súng các loại, phá huỷ toàn bộ đoàn xe 14 chiếc. Sau trận đánh, nhân dân xông ra đường thu chiến lợi phẩm, đồng thời dùng rơm rạ đốt khói mù mịt để che mắt địch, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị lui quân an toàn. Đợt 1 chiến dịch kết thúc.

Đợt 2 (từ ngày 7 tháng 2 đến ngày 14 tháng 3 năm 1950):

Bộ chỉ huy chủ trương đẩy mạnh các hoạt động trong toàn tỉnh. Bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân đã phá hoại các đường giao thông, phục kích diệt bọn địch đi lẻ, diệt tề, bắt gián điệp, quấy rối đồn bốt, nổi trống mõ, thanh la làm thanh viện từ huyện này sang huyện khác, uy hiếp tinh thần địch. Đêm 15 tháng 2, một bộ phận đột nhập thành phố Đà Nẵng, đánh vào khu vực ngã năm và ngã ba Cai Lang nhưng kết quả chiến đấu không đáng kể. Ngày 14 tháng 3, đợt 2 chiến dịch kết thúc.

Đợt 3 (từ ngày 15 đến ngày 31 tháng 3 năm 1950):

Đêm 15 tháng 3, quân ta tiến công đồn Cẩm Lệ bằng nội ứng. Đêm 20 tháng 3, ta diệt đồn Hòn Bàng bằng phương pháp cường tập. Ở bắc Hoà Vang, các đơn vị đánh nhiều trận phục kích nhỏ, và tập kích đánh vào Nam Ô, Gò Ông Tự, Liên Chiểu, Tùng Sơn và Hưởng Phước. Đêm 31 tháng 3, ta đột nhập vào thành phố Đà Nẵng lần thứ hai và kết hợp đánh phá giao thông. Kết thúc chiến dịch.

Kết quả: Địch bị diệt 417 tên, bị thương 278 tên, bị bắt 99 tên và 454 tên tề điệp. Ta phá hủy 17 xe vận tải, ba đầu máy xe lửa, 12 toa xe lửa, thu 203 súng; giải phóng một khu vực rộng 600 km2, gồm toàn bộ vùng Duy Xuyên và phía tây huyện Đại Lộc; mở rộng được căn cứ du kích ở Điện Bàn, Hoà Vang.

Qua ba tháng chiến đấu, chiến dịch đã đạt được những mục tiêu cơ bản đề ra là tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; mở rộng vùng giải phóng, thu hẹp vùng chiếm đóng của địch, củng cố và phát triển phong trào chiến tranh du kích. Riêng mục tiêu “Triệt đường vận chuyển, uy hiếp thị xã Đà Nẵng” đề ra như vậy là quá cao, không phù hợp nên không thực hiện được.

Nét nổi bật của nghệ thuật chiến dịch ở đây là: Đã phối hợp chặt chẽ các hoạt động của ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích), huy động được sức dân tham gia, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho chiến dịch. Hai là, trong quá trình diễn biến, Bộ chỉ huy đã biết điều chỉnh lực lượng, thay đổi cách đánh một cách kịp thời, uyển chuyển, do đó tác chiến của bộ đội đạt được hiệu quả tốt. Song, chưa chú trọng giữa tác chiến với xây dựng lực lượng quân sự địa phương. Đây là một trong những chiến dịch thành công của Liên khu 5 trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp.
___________________________________
1.Trong cuốn “Quảng Nam Đà Nẵng lịch sử chiến tranh nhân dân” tập 1, Nxb QĐND, 1994 trang 140 ghi: “Lực lượng tham gia chiến dịch có trung đoàn 210 chủ lực của Liên khu và lực lượng vũ trang tỉnh.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 29 Tháng Sáu, 2012, 07:22:19 pm

CHIẾN DỊCH BẾN CÁT 11
(Tiến công, từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 1 năm 1950)


Chiến dịch diễn ra chủ yếu trên hai tuyến đường số 7 và số 14 đoạn từ Bến Cát đi Dầu Tiếng, dài 36 ki-lô-mét. Địa hình tương đối bằng phẳng, hai bên đường là rừng chồi, vườn cao su xen kẽ ruộng lúa và làng mạc, nhưng do chiến tranh, dân đã đi sơ tán, khu vực tác chiến cây cối rậm rạp và vắng vẻ. Phía đông, cách trục đường bộ 7,5 ki-lô-mét có tuyến đường sắt Thủ Dầu Một - Lộc Ninh và đường 13 đi Lào. Phía tây nam có sông Sài Gòn chảy song song với đường 14 qua các vùng tự do của ta như xã An Thành, Phú An Nhơn và An Diễn thuộc Thủ Dầu Một; Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây thuộc Gia Định. Cả ba tuyến giao thông (bộ, sắt, thủy) đều rất quan trọng đối với quân sự và kinh tế của cả ta và địch. Đối với ta, các tuyến giao thông nối liền các vùng tự do, các khu căn cứ; đối với địch là tuyến huyết mạch hàng ngày chở vũ khí, phương tiện chiến tranh, chở quân từ Sài Gòn - Gia Định lên Tây Ninh đi càn quét và ngược lại, chở cao su từ Dầu Tiếng về. Cuối 1949 đầu 1950, địch liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân càn quét uy hiếp vùng giải phóng phía đông và đông bắc Sài Gòn - Gia Định, cắt đứt và uy hiếp các tuyến đường nói trên, làm cho sự liên lạc, vận chuyển của ta luôn bị gián đoạn, đặc biệt ở vùng Long Nguyên và Thanh Tuyền. Do đó đã trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động của hai liên trung đoàn 306 - 312 thuộc Sài Gòn - Chợ Lớn và 301 - 310 của Khu 7, dẫn tới tình trạng thiếu lương thực, đạn dược, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tinh thần của bộ đội. Bước sang 1950, địch càng ráo riết càn quét, phong toả vùng Hớn Quản và bắc Bến Cát của Khu 7, xây dựng hệ thống cứ điểm, tháp canh kết hợp với lực lượng cơ giới tương đối mạnh trên hai trục lộ 14 và số 7; thực hiện chiếm đóng huyện Hóc Môn, vừa trực tiếp chia cắt, uy hiếp khu căn cứ của ta, vừa bảo vệ cơ sở cao su Dầu Tiếng - Hớn Quản và tuyến vận chuyển của chúng.

Để đối phó với âm mưu của địch, giành lại thế chủ động, Bộ tư lệnh khu Sài Gòn – Chợ Lớn chủ trương mở chiến dịch Bến Cát 1 nhằm mục đích tiêu hao một số sinh lực địch bằng đánh vận chuyển và công đồn, diệt tháp canh để đánh viện. Tác chiến kết hợp với phá hoại để mở rộng khu căn cứ của ta từ đường số 1 (Gia Định) đến đường 13 (Thủ Dầu Một), chủ yếu là khu Long Nguyên - Thanh Tuyền.

Phương châm tác chiến: Đánh phục kích kết hợp với địa lôi chiến để tiêu diệt các đoàn xe địch từ Bến Cát đi Dầu Tiếng là chủ yếu. Bao vây uy hiếp cứ điểm, tháp canh, tổ chức chặn viện để tiêu hao địch, đồng thời phá hoại cầu, đường đi đôi với kêu gọi bức hàng.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm2: Hai tiểu đoàn chủ lực thuộc hai liên trung đoàn 306 - 312 và 301 - 310; hai đại đội độc lập; một đại đội trợ chiến và các lực lượng dân quân du kích, công an xung phong, đội công binh của khu Sài Gòn - Chợ Lớn, một trung đội công binh của Nam Bộ. Vũ khí có: 12 quả Badômìn, 16 mìn nhỏ, hai Badôca, sáu cối (60mm và 81mm), 25 súng phóng lựu đạn; sáu đại liên, 61 trung liên, 17 tiểu liên, lựu đạn và súng trường trang bị đủ cho chiến đấu viên.

Bộ chỉ huy chiến dịch gồm: Đồng chí Nguyễn Văn Thi làm Chỉ huy trưởng; Trần Đình Xu làm Chỉ huy phó; Lê Đức Anh-tham mưu trưởng. Sở chỉ huy ngày đầu chiến dịch đặt tại Thanh Tuyền và cuối chiến dịch đặt tại An Thành.

Thời gian hoạt động ấn định là một tuần bắt đầu từ ngày 25 tháng 1 năm 1950; nếu có điều kiện sẽ kéo dài thêm. Ban chỉ huy chiến dịch đã lên kế hoạch tác chiến cụ thể từng ngày và phân công nhiệm vụ cho các đơn vị.

Ngày 25, nhiệm vụ tiêu diệt đoàn xe trên tuyến Bến Cát - Dầu Tiếng giao cho hai đại đội của tiểu đoàn chủ lực thuộc liên trung đoàn 306 - 312, hai đại đội của tiểu đoàn chủ lực liên trung đoàn 301 - 310; bố trí trận địa từ xóm Cò Trạch đến Lâm Vồ.

Nhiệm vụ công đồn Bến Súc (đêm 25) giao cho một đại đội của tiểu đoàn chủ lực thuộc liên trung đoàn 301 - 310 và một bộ phận trợ chiến, được tăng cường bốn súng cối, bảy súng phóng lựu, chín trung liên và một Badôca.

Ngày 26, tiến hành bao vây cứ điểm, uy hiếp tháp canh, đánh viện và phá hoại.

Khu vực từ Bến Cát đến Rạch Bắp (đường số 7), do một đại đội chủ lực và năm tiểu đội dân quân du kích đảm nhiệm. Nhiệm vụ vây cứ điểm Rạch Bắp và sáu tháp canh trên trục lộ; tổ chức đánh viện từ Bến Cát lên, ngăn chặn việc sửa đường và cầu của địch.

Khu vực từ Rạch Bắp đến cứ điểm Bà Thiện, do một đại đội chủ lực và trung đội dân quân du kích Thanh Tuyền đảm nhiệm. Nhiệm vụ bao vây các tháp canh, chặn và đánh viện từ cứ điểm Bà Thiện ra tạo thuận lợi cho dân quân huyện Bến Cát phá giao phong đoạn từ Rạch Kiến xuống Rạch Bắp và dân quân huyện Hóc Môn phá đoạn từ cầu Xi Nô đến cầu Xả Nghi.

Bố trí một đại đội tăng cường gồm 16 tiểu đội bộ binh và hai trung đội trợ chiến từ ngã ba Bến Cỏ đến bến đò An Thuận, có nhiệm vụ diệt và đánh lui các tàu địch trên sông Sài Gòn. Nhiệm vụ ở những ngày tiếp sau tùy theo tình hình để phân công.

Lực lượng địch trong địa bàn chiến dịch gồm: hai vị trí, bốn cứ điểm và 14 tháp canh. Lực lượng bố trí như sau:

Vị trí Dầu Tiếng có 640 tên, trong đó có 150 lính lê dương, hai đại bác 105mm, tám thiết giáp, hai xe tăng, 50 xe vận tải, hai máy bay trinh sát, vũ khí đạn dược đầy đủ; Bến Cát có 100 quân, một thiết giáp, 13 xe vận tải, một đại bác 105mm, vũ khí đầy đủ.

Bốn cứ điểm: Rạch Bắp, Rạch Kiến, Bến Súc và Bà Thiện, mỗi cứ điểm bố trí từ một đến hai trung đội, từ một đến hai khẩu cối (60mm và 80mm), hai đến ba trung liên, tiểu liên và súng trường đầy đủ. Riêng ở Rạch Kiến có một đại bác 105mm.

Mỗi tháp canh bố trí từ bốn đến sáu lính, trang bị tiểu liên, súng trường và lựu đạn. Riêng hai tháp canh Bưng Công và Cây Cam có một trung đội và một khẩu trung liên.

Hàng tuần có hai chuyến xe vào thứ 4 và thứ 7, sáng từ Dầu Tiếng xuống Bến Cát chở cao su, chiều chở lương thực, hàng hoá ngược lại. Mỗi chuyến có từ 14 đến 16 xe, có hai thiết giáp và 50 tên địch hộ tống, đội hình kéo dài 6 ki-lô-mét. Trước khi đi, các bốt có một đến ba tiểu đội ra dò mìn và tuần đường để đề phòng ta phục kích.

Bộ chỉ huy chiến dịch đã triệu tập ba hội nghị để tổ chức thảo luận kế hoạch chiến đấu và phân công công việc chuẩn bị.

Ngoài thành phần quân báo, trinh sát, Bộ chỉ huy đã phân công cán bộ phòng tham mưu và cán bộ trực tiếp chỉ huy đi nghiên cứu thực địa, nắm vững tình hình địa hình, quy luật hoạt động của địch để bổ sung kế hoạch chung; đồng thời xây dựng kế hoạch tác chiến thuộc phạm vi mình phụ trách. Bộ chỉ huy chiến dịch đã tổ chức hiệp đồng chiến đấu giữa hai khu và tổ chức thảo luận giữa các đơn vị có liên quan để trong quá trình chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu, hành động các đơn vị ăn khớp, nhịp nhàng.

Trong huấn luyện quân sự, các đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm đánh phục kích nên chỉ tập trung huấn luyện vào khâu yếu là “công đồn”. Những đơn vị được phân công đánh đồn Bến Súc đã chọn một địa hình tương tự, cấu trúc đồn bốt giả để luyện tập cho bộ đội trước một tháng. Bộ chỉ huy chiến dịch cũng đã phái cán bộ tham mưu đến đơn vị công binh giúp đỡ, bàn bạc xây dựng kế hoạch phá cầu.

Công tác chính trị: Phòng Chính trị khu Sài Gòn - Chợ Lớn được chỉ định là cơ quan chính trị chiến dịch. Trong những ngày chuẩn bị, đã xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục, động viên bộ đội thi đua thực hiện cho kỳ được mục đích của chiến dịch. Tuyên truyền và động viên quần chúng nhân dân ủng hộ và tham gia phục vụ chiến dịch, đồng thời phân công cán bộ chính trị đi sát để chỉ đạo và giúp đỡ từng đơn vị thực hiện công tác chính trị. Đặc biệt chú trọng công tác địch vận, ngụy vận, Miên vận trước và trong quá trình chiến đấu, tổ chức các đội tuyên truyền có trang bị đủ các phương tiện (loa, truyền đơn, v.v...).

Chuẩn bị hậu cần: Bộ chỉ huy chiến dịch đặc biệt chú ý hai vấn đề lớn là đạn dược và lương thực. Về đạn dược, ngoài cơ số đã có ở đơn vị, Bộ chỉ huy chỉ thị cho công xưởng sản xuất cấp tốc thêm 200 quả đạn cối, 35 quả Badômìn, 500 lựu đạn phóng, 400 lựu đạn gài và đạn Badôca. Về lương thực, mỗi người mang theo năm ngày gạo. Ngoài ra còn chuẩn bị thêm một vạn lít gạo (tương đương tám tấn); và dầu, đường, muối đầy đủ. Riêng công tác quân y thì đơn vị tự lo và tổ chức trạm, thuốc men, v.v... có kế hoạch và triển khai đủ trước ngày nổ súng.

15 giờ 30 phút ngày 25 tháng 1, quân ta đồng loạt nổ súng tiến công các đồn Bến Súc, Rạch Bắp và chặn đánh đoàn xe địch trên đường 14 đoạn từ Bến Súc lên cầu Suối Dứa. Quân địch cố thủ trong đồn (tường xây dày bằng đá), dùng hỏa lực mạnh khống chế các mũi tiến công của ta. Quân ta không tiến được chỉ bắn đạn cối rồi rút lui. Cuộc chiến đấu trên đường 14 diễn ra quyết liệt đến 18 giờ tối: Quân ta tổ chức thành năm trận địa phục kích ở các xóm Cò Trạch, Bến Chùa, Sam Bông, Gò Mối và Lâm Vồ. Khi hai xe thiết giáp và hai xe vận tải đi vào trận địa, sở chỉ huy biết rõ là xe tuần đường, điện xuống trận địa, nhưng vì thông tin hỏng nên tiểu đoàn trưởng nhận định là “đoàn vận tải” nên ra lệnh nổ súng. Địch trong xe thiết giáp phối hợp với bốt gác đường bắn trả quyết liệt. Quân ta chỉ diệt được chín tên địch, bắt một tên; phá huỷ một đại bác và ba xe thiết giáp. Ta hy sinh năm, bị thương 24; 18 giờ, các trận địa phục kích rút quân.

Trên đường số 7, ta tổ chức hai bộ phận bố trí gần đồn Bến Cát và đồn Rạch Bắp. 15 giờ 30 phút, địch phát hiện ta đặt địa lôi, cho hai tiểu đội ra gỡ. Ta nổ súng đánh và đuổi chúng vào cứ điểm Rạch Bắp, tiến hành bao vây. Địch cho pháo ở Bến Cát và Rạch Kiến bắn vào trận địa ta, đồng thời cho hai xe thiết giáp, tám xe vận tải chở đầy lính từ Bến Cát lên tiếp viện. Bộ phận phục kích gần Bến Cát nổ súng. Sau 10 phút ta rút lui. Địch chết 41 tên và bị thương một số, ba xe vận tải bị hỏng nặng. Ta hy sinh hai và bị thương hai chiến sĩ. 18 giờ 20 phút, bộ phận bao vây Rạch Bắp chuyển ra đường bố trí đánh phục kích, dùng địa lôi đánh hỏng nặng một xe thiết giáp. Địch dùng súng và lựu đạn chống trả. Trời tối ta không xung phong được nên lui quân.

Đêm 25, bộ phận phá hoại, đánh sập được cầu Suối Cát, còn cầu Bến Cát vì nghiên cứu chưa kỹ, nên khi đánh chỉ hư hỏng nhẹ.

Đêm 26 tháng 1, ta bao vây cứ điểm Rạch Kiến và các tháp canh, do bị lộ nên địch cho quân xông ra, ta nổ súng, địch chống trả và được sự chi viện hoả lực ở Rạch Kiến nên ta chỉ diệt được một tên, làm bị thương hai tên. Ta tiến hành rải truyền đơn và kêu gọi các tháp canh nhưng không có kết quả.

13 giờ ngày 27 tháng 1, địch tiếp viện và nối lại giao thông. Thấy không còn yếu tố bất ngờ nữa, Ban chỉ huy ra lệnh kết thúc chiến dịch và lui quân về căn cứ Thanh Tuyền.

Kết quả: Địch chết 61 tên, bị thương 23 tên, bị bắt hai tên. Ta hy sinh tám người, bị thương 29 người, mất một súng ngắn và hai súng trường. Ta thu được của địch hai trung liên, bốn tiểu liên, 10 lựu đạn, 300 viên đạn, phá huỷ một xe vận tải, hai cầu, một ca nông 24mm; đánh hỏng một cầu.

Trong ba ngày chiến đấu, ta đã làm gián đoạn giao thông của địch trong một thời gian khá dài, địch phải dùng máy bay tiếp tế cho sở cao su Dầu Tiếng và bị động đối phó, giảm bớt hoạt động trên đường số 5 Hóc Môn và đoạn đường xe lửa Dĩ An - Lái Thiêu.

Về phía ta không đạt được mục đích của chiến dịch. Do điện thoại hỏng: cán bộ chỉ huy cấp tiểu đoàn lại không nắm vững quy luật vận chuyển của địch nên đã đánh nhầm xe tuần đường. Kỹ thuật đánh địa lôi và bộc phá kém (hầu hết địa lôi không trung đích, bộc phá phá cầu không đạt kết quả). Chỉ huy không tập trung đơn vị, lại bố trí phân tán rời rạc, một số đơn vị kỷ luật kém, không báo cáo, tự động rút lui, tự động gỡ địa lôi để lỡ thời cơ đánh xe thiết giáp mà người chỉ huy không nắm được. Ban chỉ huy máy móc, thiếu linh hoạt, khi tình hình đã thay đổi mà vẫn bám kế hoạch cũ nên bỏ lỡ nhiều cơ hội diệt địch; không bố trí lực lượng dự bị, không dự kiến đối phó khi tình huống khó khăn nên khi lui quân để địch truy kích mà không đánh được, khiến cho chiến dịch bị động, không giành được thắng lợi.

Những khuyết điểm, nhược điểm về khả năng, trình độ chiến đấu, chiến thuật và trình độ thực hành chiến dịch bộc lộ trong đợt hoạt động đã để lại những kinh nghiệm thiết thực cho quá trình “vận động chiến tiến tới” về sau. Nó là cuộc diễn tập cho chiến dịch Bến Cát 2 diễn ra vào dịp cuối năm này.
_______________________________________
1.Tài liệu tổng kết (đề ngày 28 tháng 9 năm 1961) của Cục tác chiến ghi “Chiến dịch Bến Cát - Dầu Tiếng 1”. Nhưng thực chất chiến dịch chỉ diễn ra trên địa bàn huyện Bến Cát, hơn nữa để phân biệt rõ với chiến dịch Bến Cát 2 diễn ra cuối năm 1950, ở nhiều tài liệu, sách và ở bài viết này, chúng tôi lấy tiêu đề là “Chiến dịch Bến Cát 1”. Trong “Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn...”. Nxb thành phố Hồ Chí Minh, trang 211 viết “Chiến dịch Bến Cát thực chất là đợt hoạt động quân sự trong ba ngày từ 25 đến 27 tháng 1 năm 1950...
2.Hồ sơ lưu trữ VL-11.951 ghi: Lực lượng phối hợp giữa hai khu (Khu Sài Gòn - Chợ Lớn và Khu 7) cho phép tập trung quân tương đương một trung đoàn.



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 29 Tháng Sáu, 2012, 07:27:24 pm

CHIẾN DỊCH CAO LÃNH
(Tiến công, từ ngày 26 tháng 1 đến ngày 1 tháng 2 năm 1950)



Cuối 1949, phong trào chiến tranh du kích ở Khu 9 nói chung và vùng Đồng Tháp Mười nói riêng phát triển mạnh. Để kìm giữ, căng kéo lực lượng địch, không cho chúng yên tâm tăng viện cho chiến trường chính Bắc Bộ. Phối hợp đắc lực với chiến trường chính Bắc Bộ, đầu 1950, Bộ tư lệnh Khu 9 chỉ đạo mở chiến dịch Cao Lãnh trong sáu ngày: Từ ngày 26 tháng 1 đến ngày 1 tháng 2 năm 1950.

Bộ chỉ huy chiến dịch gồm các đồng chí ban chỉ huy trung đoàn 115 (chủ lực của khu): Đồng chí Đặng Văn Thông, trung đoàn trưởng làm chỉ huy trưởng; đồng chí Nguyễn Như Văn làm tham mưu trưởng; đồng chí Giọng (tiểu đoàn 309) làm chỉ huy phó chiến dịch.

Mục tiêu của chiến dịch là: Tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch; đánh đồn và tháp canh, mở rộng vùng giải phóng. Giành dân, xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng địch tạm chiếm, phá rã chính quyền địch tại địa phương. Tiến hành vũ trang tuyên truyền và công tác địch vận, lôi kéo binh lính địch về với nhân dân.

Tổng An Tịnh thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp ngày nay) được chọn làm địa bàn chiến dịch. Đây là một cù lao nằm giữa hai con sông Cao Lãnh (ở phía bắc) và Tiền Giang (ở phía nam), cù lao có chiều dài 14 km, rộng tám km, là vùng đất phì nhiêu nhất của huyện, cây cối, ruộng vườn xanh tốt, sông rạch chằng chịt. Chạy giữa dọc cù lao là con lộ đá, bến phà Tân Tịch là cầu nối sang sông đi thị xã Sa Đec (cách 21 km về phía đông nam). Trên cù lao lại có nhiều con lộ bằng đất, đi lại thuận lợi. Đây là vùng đất mềm, nhiều sông rạch nên cơ giới đi lại khó khăn.

Tổng An Tịnh là vùng địch kiểm soát, gồm sáu xã Tịnh Thới, Tân Tịch, Tân Thuận Đông, Tân An, Hoà An, Tân Thuận Tây và thị trấn Cao Lãnh. Địch lợi dụng hai sông lớn làm chướng ngại vật thiên nhiên kết hợp với hệ thống đồn bốt dọc theo ven sông hình thành vành đai phòng thủ vững chắc bảo vệ hậu phương của chúng mà thị trấn Cao Lãnh là trung tâm. Lực lượng địch ở đây gồm có: Đại đội 10 Hòa Hảo do tên Phan Văn Phùng chỉ huy, đại đội 31 Hòa Hảo do tên Hồ Nhật Tảo chỉ huy đóng quân từ Mỹ Tho, tổng An Tịnh đến xã Phong Mỹ. Ngoài ra còn có một số đơn vị lính Cao Đài, một đại đội lính lê dương (Ma-rốc) là lực lượng hành quân cơ động1; khi bị tiến công, các đồn bốt trong phạm vi cù lao có thế tiếp viện nhanh chóng cho nhau, hỏa lực bắn thẳng và vòng cầu từ thị trấn có thể chi viện trực tiếp. Lực lượng cơ động và pháo cơ động trên sông sẵn sàng tổ chức các cuộc hành quân, tiếp viện những nơi bị ta uy hiếp và các cuộc ngăn chặn đường lui quân của ta. Đặc tính của lính ngụy Hòa Hảo là hay dùng lối đánh “chim sẻ” để ngăn chặn ta, đồng thời tổ chức mạng lưới gián điệp và báo động hành động của quân ta. Nhưng quân địch ở “địa bàn chiến dịch” xa chỉ huy trung tâm, đường tiếp viện chủ yếu là bằng tàu trên sông Tiền Giang vào, do đó nếu ta chặn được tàu, thì địch ở Cao Lãnh hoàn toàn bị cô lập.

Về ta, phía bắc sông Cao Lãnh là vùng tự do của ta thuận tiện cho việc tập kết, tiếp cận, tổ chức trạm tiếp tế, cứu thương, v.v... Nếu phương tiện vận chuyển của ta dồi dào, ta có thể tiến công địch từ nhiều hướng, mũi. Nhưng việc hành quân phải vượt qua nhiều sông rạch, nếu bị lộ dễ bị địch dùng xung lực, hoả lực chia cắt đội hình và bao vây tiêu diệt. Nhưng các chiến sĩ của ta rất thông thạo địa hình, lại được quần chúng nhân dân đã giác ngộ cách mạng sẵn lòng che chở là một thuận lợi rất cơ bản.

Lực lượng của ta tham gia chiến dịch gồm: Tiểu đoàn 309 chủ lực của khu, một tiểu đoàn tập trung thuộc trung đoàn 115, một đại đội trợ chiến (đại đội 1028 trung đoàn 115), một trung đội thủy lôi, một trung đội dân quân du kích tập trung và dân quân du kích xã, công an xung phong, quốc vệ đội và cán bộ dân chính đảng địa phương. Phương châm tác chiến là vây đồn diệt viện kết hợp với võ trang tuyên truyền.

Kế hoạch tác chiến: Lực lượng chia thành hai bộ phận:

Bộ phận bao vây đồn bốt, đánh chặn viện, đánh tàu trên sông Cao Lãnh gồm các tiểu đoàn 309, đại đội 1028 trợ chiến, trung đội thuỷ lôi (thuộc đại đội 1031) và một bộ phận địa lôi. Bố trí cụ thể như sau:

Đại đội 941 tiểu đoàn 309, một tổ thủy lôi, hai bộ phận của đại đội 1028 (có Badôca, 2AT, 1 trọng liên 12,7mm), bố trí dọc hai bên sông Cần Lố từ nam và Thông Lưu đến tháp canh số 19, có nhiệm vụ tiêu diệt tàu và bộ binh địch vào sông Cao Lãnh trên hướng Cần Lố và bảo vệ đường về cho đội vũ trang tuyên truyền.

Một tiểu đội thuộc đại đội 941 tiểu đoàn 309, một tiểu đội 12,7mm bố trí lại ngã ba sông Cần Lố và Cao Lãnh, có nhiệm vụ ngăn chặn tàu địch hoặc làm chậm bước tiến của chúng để đại đội 941 vận động về tăng cường cho đại đội 939 tiểu đoàn 309 chặn đánh tầu địch.

Một trung đội của đại đội 939, tiểu đoàn 309, một tổ địa lôi ba AT, bố trí trên bờ sông Cao Lãnh, đoạn ngã ba Rạch Bảy, có nhiệm vụ dùng hỏa lực kết hợp với địa lôi ngăn chặn bộ binh địch từ thị trấn và đồn số 9 ra hướng Cần Lố, ngăn chặn tàu địch khi chúng đã lọt qua hai trận địa trên.

Hai trung đội của đại đội 909, tiểu đoàn 309, một tổ địa lôi bố trí gần thị trấn (trên đồn 8 ) theo lộ mới đi Phong Mỹ đến lô cốt số 4, có nhiệm vụ bao vây, nếu có điều kiện thì đánh chiếm các lô cốt 4, 5, 6, 7, 8; dùng địa lôi kết hợp hoả lực ngăn chặn địch từ thị trấn ra tiếp viện cho các lô cốt trên.

Đại đội 940 tiểu đoàn 309, bộ phận thuỷ lôi của 1031, một trung đội thuộc đại đội 1029 trung đoàn 115, bộ phận trợ chiến của đại đội 1028 (có hai Pi-át, hai Badôca, hai AT, hai trọng liên 12,7mm, một cối 60mm), một bộ phận địa lôi; bố trí trên vàm sông Con (sông Tiền) phía tây Cao Lãnh, có nhiệm vụ tiêu diệt bộ binh và tàu địch vào sông Cao Lãnh, bảo vệ đường về cho bộ phận vũ trang tuyên truyền; đồng thời bao vây lô cốt số 1, số 3, tiêu diệt lô cốt số 2 ở ngã ba lộ mới để tạo điều kiện đánh viện sau này. Các bãi địa lôi bố trí ở khoảng gần lô cốt số 1; khoảng lộ mới đi Phong Mỹ và khoảng gần rạch Cái Kích để kết hợp với các trung đội bộ binh tiêu diệt quân địch từ hướng đổ bộ theo dọc sông Cao Lãnh và từ hướng lô cốt số 21 lên.

Bộ phận võ trang tuyên truyền trong tổng An Tịnh: Gồm đại đội 1027, đại đội 1030, một trung đội của đại đội 1035, hai trung đội của đại đội 1029 trung đoàn 115, một bộ phận địa lôi, hai trung đội dân quân du kích tập trung, công an xung phong, quốc vệ đội và cán bộ dân chính địa phương; có nhiệm vụ bao vây các lô cốt trong phạm vi vũ trang tuyên truyền, đảm bảo cho việc vũ trang tuyên truyền thắng lợi, trừ gian diệt tề và tổ chức đánh viện nhỏ. Bố trí như sau:

Hai trung đội thuộc đại đội 1029, một trung đội địa lôi bố trí ở vùng Hòa An từ Rạch Xếp sang Rạch Ba Khía đến rạch Cái Tôm có nhiệm vụ phong tỏa địch ở thị trấn ra và từ bến phà Tân Tịch theo lộ đá Cao Lãnh lên, hỗ trợ cho lực lượng dân quân du kích, công an xung phong và cán bộ địa phương làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, diệt tề trừ gian trong phạm vi xã Hòa An.

Hai trung đội của đại đội 1030 và một bộ phận địa lôi, có nhiệm vụ bao vây lô cốt 18, 14: ngăn chặn định từ bến phà lên.

Một bộ phận bao vây các lô cốt 15, 16, 17 và thiêu hủy kho dự trữ của địch, tổ chức đánh viện nhỏ trong khu vực.

Một trung đội quốc vệ đội và một tiểu đội dân quân du kích bao vây các lô cốt 21, 22 và 23.

Lực lượng còn lại: Đại đội 1027, một trung đội thuộc 1030, trung đội 16 đại đội 1035 phối hợp với công an xung phong, hai trung đội dân quân du kích, cán bộ địa phương tiến hành vũ trang tuyên truyền, diệt tề trừ gian trong các xã Tịnh Thới, Tân Tịch, Tân Thuận Đông ở giai đoạn đầu, sau đó chuyển lên vùng Hòa An và Tân Thuận Tây. Trường hợp trở ngại thì bằng mọi cách làm vũ trang tuyên truyền trong khu vực một ngày đêm xong.

Phương tiện chỉ huy: Có ba đài vô tuyến điện bố trí một đài ở Ban chỉ huy chiến dịch và hai đài ở hai trận địa chặn tàu và bộ binh ở Cần Lố và vàm Sông Con. Liên lạc giữa Ban chỉ huy và các mặt khác có tám trạm, chủ yếu là liên lạc chạy bộ. Tổ chức năm trạm tiếp tế ở vùng tự do sát mặt trận (Mỹ Ngải, Mỹ Trà, An Bình, Mỹ Tho) do các mẹ và các chị phụ trách. Riêng bộ phận vũ trang tuyên truyền thì mang theo lương khô, khi cần sẽ vận động đồng bào trong xã Hòa An giúp đỡ; ba trạm cứu thương và ba trạm phẫu ở An Bình, Bình Trị và Mỹ Tho.

Công tác chính trị, đã tập trung vào việc động viên bộ đội và dân quân xây dựng tinh thần quyết thắng, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Tổ chức học tập mục đích, ý nghĩa của chiến dịch, các chủ trương, chính sách đối với lính ngụy và với nhân dân vùng địch tạm chiếm cho bộ đội và cán bộ dân chính đảng địa phương; đề cao kỷ luật dân vận, kỷ luật chiến trường, chống những hành động tham lam lấy chiến lợi phẩm hoặc quân phiệt, trả thù... có ảnh hưởng xấu đến kháng chiến. Đồng thời đề ra kế hoạch, nội dung cho các đội vũ trang tuyên truyền tổ chức các cuộc mít tinh, họp gia đình, kêu gọi, truyền đơn... nhằm vạch rõ âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt” của địch; giải thích chủ trương chính sách của Chính phủ kháng chiến cho đồng bào.

Hoạt động nghi binh: Ngày 22 tháng 1 năm 1950, ta đưa tin địch sẽ càn quét vùng Cao Lãnh. Ban chỉ huy trung đoàn 115 ra lệnh cho các cơ quan tỉnh và huyện lập tức rời khỏi địa phương, đồng thời điều động một lực lượng về đối phó. Lệnh cho đơn vị bộ đội địa phương đang hoạt động ở Hồng Ngự chuẩn bị đón lực lượng chủ lực về Tân Châu, Hồng Ngự... Kết quả, chiến dịch đã giữ được bí mật đến phút chót, khi ta nổ súng, địch vẫn lạc mục tiêu nên đã oanh tạc vùng Sầm Sai, Bầu Giốc thuộc huyện Hồng Ngự trong hai ngày 27 và 28 tháng 1 năm 1950.
______________________________________
1.Một đại đội Pháp và Ma-rốc đóng ở thị trấn. Lực lượng Hòa Hảo gồm bốn cứ điểm, mỗi cứ điểm có một trung đội lính, trang bị một trung liên, một số súng trường và tiểu liên, 20 tháp canh với quân số một tiểu đội hoặc nửa tiểu đội mỗi tháp canh, trang bị sáu đến bảy súng trường, một đến hai tiểu liên và một số súng tự chế. Chúng thường đảo quân giữa các bốt để nghi binh, che giấu việc thiếu quân số của chúng.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 29 Tháng Sáu, 2012, 07:31:18 pm

21 giờ 55 phút ngày 26 tháng 1, trung đội thuộc đại đội 1029 nổ súng tiến công đồn trường học Tân An, hội đồng Vinh và đồn Ông Nhất, nhưng không kết quả nên đã chuyển sang bao vây. Sáng sớm 27 tháng 1, Ban chỉ huy chiến dịch tăng cường một cối 81mm cho đại đội 939, 6 giờ đơn vị nổ súng tiến công các lô cốt số 4, 5, 6, 7, 8 và bắn đạn cối vào thị trấn Cao Lãnh. Địch dùng hỏa lực trong thị trấn chi viện cho một trung đội địch tiến ra đánh bật hai tiểu đội chặn viện của ta và bộ phận đánh bao vây lô cốt số 6 (Chủ Sen) của đại đội 939; cả hai bộ phận này phải rút sang rạch Ca Từ (sau lô cốt số 8 ), dùng tuyến rạch làm trận địa phòng ngự ngăn chặn địch.

Sau 2 giờ chiến đấu, bao vây lô cốt 4, 5, 6 ta bị hy sinh hai đồng chí, bị thương hai người, bộ phận này nao núng nên rút về rạch Bà Lời, bố trí hai bờ kênh ông Ca, do đó các lô cốt này được giải tỏa.

Bộ chỉ huy lệnh cho đại đội 1028 đưa sang một tiểu đội 12,7mm và một tiểu đội đại liên bắn chế áp địch, yểm trợ cho đại đội 939 tiến hành bao vây các lô cốt lần thứ hai. Đến 11 giờ, đơn vị đã giành được thế áp đảo địch, lập lại thế bao vây như trước. Cùng lúc, hai trung đội của đại đội 1029 nổ súng vào các bốt phía tây thị trấn, địch chống trả và cho một trung đội xuất kích, bị ta đánh lui, địch chết và bị thương một số tên. Đến 10 giờ, được tăng cường gần hai trung đội, địch tổ chức phản công lần thứ hai. Chỉ huy bộ phận này cảm thấy bị hở sườn (vì bộ phận chặn viện và bao vây lô cốt số 8 đã rút), tư tưởng dao động nên cho đơn vị rút về bố trí ngang với đồn Kinh Cụt (lô cốt số 7), do đó việc vũ trang tuyên truyền ở vùng Hòa An và việc bảo vệ đường tiến của đại bộ phận lực lượng vũ trang tuyên truyền không thực hiện được.

Bộ phận vũ trang tuyên truyền chia thành hai cánh và tổ chức vượt sông ở hai đoạn An Bình và sông Cần Lố. Địch phát hiện, báo động và tổ chức những cuộc chống trả nhỏ. Cuộc tiến quân của ta vẫn thuận lợi. Quân ta đánh, số quân này phải lui vào đồn bốt, ta bao vây theo kế hoạch và tổ chức mít tinh vũ trang tuyên truyền, trừ gian, diệt tề trên các xã Tịnh Thới, Tân Tịch, Tân Thuận Đông. Đến 10 giờ thì mất liên lạc với hướng của đại đội 1029.

Sau khi thấy đại đội 939 và 940 tiến công các lô cốt không thành công, nhất là chưa giải quyết được lô cốt số 2, đại đội 939 không đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, trung đội của đại đội 1029 không làm tròn nhiệm vụ, nên Ban chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển sang phương án 2 “Hoàn thành vũ trang tuyên truyền trong một ngày đêm”. Tập trung lực lượng giải quyết một số lô cốt ven sông Cao Lãnh và lệnh cho bộ phận vũ trang tuyên truyền tiến lên vùng Hòa An, Tân Thuận Tây; nếu hoàn thành nhiệm vụ thì rút về tăng cường cho ba đại đội 939, 940, 941 trước sáng ngày 28 tháng 1 năm 1950.

Đến 24 giờ, bộ phận này đã tổ chức mít tinh trên 20 địa điểm, phát 15.000 truyền đơn, họp gia đình, giải tán hai ban hội tề của xã Hòa An và Tân An; bắt một số lính bảo an, giải thích chính sách rồi tha tại chỗ, lấy lại 4.000 giạ lúa (100 tấn) trả lại cho nhân dân, làm chủ tình hình ở sáu xã của tổng An Tịnh.

1 giờ 30 phút, ta để lại dân quân du kích và quốc vệ đội hoạt động, còn phần lớn lực lượng tiến công trong cù lao rút về căn cứ để củng cố, chuẩn bị chiến đấu cho ngày hôm sau.

Lực lượng chặn bộ binh và tàu ở vàm Sông Con được tăng cường thêm hai trung đội của đại đội 1029, liên tiếp tổ chức tiến công lô cốt số 2 và 3, địch chống trả yếu ớt và 6 giờ sáng 28 tháng 1, địch ở lô cốt số 2 xin thương thuyết rồi đầu hàng lúc 7 giờ 20 phút; ta thu toàn bộ vũ khí, bắt toàn bộ quân địch, san bằng lô cốt.

Đại đội 1030 và một trung đội của đại đội 1035 về hợp sức với đại đội 939 tiến công mạnh lô cốt 4, 5, 6, 7, 8, bắn đạn cối vào thị trấn. Đến 15 giờ, vì ta bao vây không chặt, địch ở lô cốt số 6 bỏ chạy, ta thiêu hủy lô cốt. Địch cho tàu theo sông Tiền vào tiếp viện, đồng thời cho lính Hòa Hảo đổ bộ lên vàm Tân Thuận Tây (gần đồn số 1), khoảng 50 tên theo lộ Hòa An định đánh vào lực lượng ta phía ngoài thị trấn. Hai tàu đổ bộ khác dưới sự chi viện của pháo và máy bay ném bom, đi vào sông Cao Lãnh. Quân ta bố trí ở đây đã tiến đánh, địch phải lui hết về đồn số 1. Bộ phận chặn tàu của ta đánh đắm một chiếc, bắn bị thương một chiếc, làm nhiều địch chết và bị thương. Đến 17 giờ, địch cho ba tàu đến bắn dữ dội vào mặt trận ta và kéo hai tàu bị đắm và bị thương về Sa Đéc. Hướng Cần Lố, Ban chỉ huy tăng cường đại đội 1027 triển khai chiến đấu với đại đội 941, nhưng mặt này vẫn yên tĩnh. Do đó, gần tối 28 tháng 1, Bộ chỉ huy chiến dịch rút hai trung đội của đại đội 1207, một tiểu đội 12,7mm và một Badôca về tăng cường cho đại đội 940. Đại đội 1030 bố trí chặn viện mặt thị trấn và chuẩn bị tiến công tiêu diệt bốt số 7, bao vây bốt số 8. Đại đội 939 uy hiếp các lô cốt 4, 5 và 6.

Trong đêm 28 tháng 1, ta tiến công mãnh liệt các lô cốt ở ven sông Cao Lãnh. Đến 8 giờ sáng ngày 29 tháng 1, địch ở lô cốt 3 bỏ chạy sang lô cốt 4, ta phát hiện chậm nên không diệt được địch, chỉ san bằng lô cốt. Đại đội 1030 uy hiếp mạnh đồn số 7 (Kinh Cụt) bằng hỏa lực cối 81mm và 12,7mm, nên đến 17 giờ, địch đầu hàng, ta thu toàn bộ vũ khí và bắt sống gần 30 lính ngụy.

Đến 24 giờ, quân ta hết đạn, Ban chỉ huy chiến dịch cho các đơn vị phía tây Cao Lãnh rút, chỉ để lại đại đội 1030 và một trung đội của đại đội 1035 tiếp tục bao vây bắn phá các lô cốt, kết hợp với dân quân du kích đột nhập quấy rối về phía Hòa An, Tân Thuận Tây. Hai trung đội du kích chuyển xuống hoạt động nghi binh ở Mỹ Xương và Bình Hàng Trung. Cũng trong đêm, ta thiêu hủy thêm hai hội quán của bọn tề có vũ trang ở xã Hòa An; địch ở lô cốt số 23 hoang mang bỏ chạy, dân quân vào phá sập.

Sáng 30 tháng 1, địch ở lô cốt số 4 và 5 bí mật rút lui, ta phát hiện khi chúng đang lội sông về phía Hoà An, nổ súng diệt được vài tên, số còn lại chạy thoát. 16 giờ, một bộ phận quân địch từ tàu thủy đổ bộ lên đoạn giữa đồn số 1 và lô cốt số 2, vì chúng đã mất tinh thần nên khi mới đụng quân ta đã bỏ chạy tán loạn, ta giết và làm bị thương một số, trong đó có một quan hai.

Ngày 31 tháng 1, Ban chỉ huy chiến dịch điều hai đại đội 1207 và 1030 trở lại hoạt động tác chiến; địch ở lô cốt số 21 bỏ trốn, quân ta san bằng. Vì đạn dược đã cạn nên 7 giờ ngày 1 tháng 2 năm 1950, Ban chỉ huy ra lệnh kết thúc chiến dịch; đồng thời để lại đại đội 1030 cùng dân quân du kích hoạt động ở vừng Mỹ Trà, Mỹ Ngải, Hòa An, Tân Thuận Tây, Tịnh Thới, Tân Tịch để tuyên truyền và khuếch trương chiến quả.

Kết quả: Sau sáu ngày đêm chiến đấu, ta tiêu diệt lô cốt số 2 và cứ điểm số 7, bức rút và phá hủy sáu lô cốt khác; phá hủy hai hội quán của tề; đánh chìm một tàu đổ bộ VP-15, bắn bị thương tàu VP-10; một máy bay; diệt 20 tên Pháp và lê dương (có một quan hai thủy quân và một quan hai bộ binh), 75 lính ngụy (có hai chỉ huy); loại khỏi vòng chiến đấu 55 tên; bắt một lính Pháp và 32 lính ngụy (có một chỉ huy); bắt và thả tại chỗ số đông bảo an; giải tán hai ban hội tề của xã Hòa An và Tân An; giải phóng ba xã Tân An, Hòa An, Tân Thuận Tây với 600 dân; thu 40 súng các loại. Ta hy sinh 17 người, bị thương 30 người.



Mục đích đề ra rõ ràng và đã thực hiện được cơ bản1. Thắng lợi rõ nhất là về mặt vũ trang tuyên truyền; bên cạnh đó đã tiêu hao, tiêu diệt được một số lượng đáng kể sinh lực địch, san bằng được một loạt lô cốt, thực hiện được kế hoạch vừa phá được tuyến phòng thủ của địch, đập tan bàn đạp nơi xuất phát để đi càn quét, vừa ngăn chặn âm mưu lấn chiếm của chúng một cách tích cực nhất; đã đẩy địch từ thế chủ đóng tiến công phải rút về phòng ngự và phải có thời gian củng cố khôi phục. Thắng lợi của hai mặt tuyên truyền vũ trang và tác chiến quân sự đã gây được không khí hăng hái giết giặc lập công của bộ đội và dân quân du kích, củng cố được lòng tin và sự ủng hộ kháng chiến của quần chúng nhân dân.

Ưu điểm nổi bật là Ban chỉ huy chiến dịch đã xây dựng được một phương án tác chiến tỉ mỉ, có nhiều giả định và đề ra được cách đối phó cụ thể nên đã giúp cho chỉ huy các cấp chủ động, không bị lúng túng khi diễn biến tình huống thay đổi. Công tác nghi binh cũng tiến hành tốt, đạt hiệu quả cao. Ban chỉ huy đã vận dụng tốt đường lối chiến tranh nhân dân, huy động và tổ chức được nhiều lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân tạo nên sức mạnh to lớn của chiến dịch.

Nhưng chiến dịch cũng bộc lộ rõ một số điểm yếu: “Thực chất đây không phải là một chiến dịch mà là một đợt hoạt động vũ trang tuyên truyền tương đối có quy mô”2. Trong phương châm nhiệm vụ và trong kế hoạch tác chiến ý định “tiêu diệt địch” không rõ ràng, nặng về bảo vệ đường và ngăn chặn địch để phục vụ cho vũ trang tuyên truyền. Phân công nhiệm vụ chưa hợp lý (một đại đội 939 mà giao bao vây một cứ điểm, năm lô cốt đồng thời phải chặn viện thì quá sức, không làm nổi); công tác nắm địch nhiều lúc chưa chắc chắn dẫn đến bố trí lực lượng phân tán, dàn trải, không tập trung lực lượng vào mục tiêu chủ yếu, do đó bỏ lỡ nhiều cơ hội diệt địch, hạn chế đến kết quả, thắng lợi chung.
____________________________________
1.Hồ sơ: VL-11.829BQP ghi: “Chiến dịch Cao Lãnh không đạt được mục đích và nhiệm vụ đề ra”... tr. 67.
2.Lời kết luận trong Hồ sơ VL-11.829-BQP.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Bảy, 2012, 11:22:45 pm

CHIẾN DỊCH LÊ HỒNG PHONG 11
(Tiến công, từ ngày 7 tháng 2 đến ngày 7 tháng 3 năm 1950)


Sau các chiến dịch Sông Thao, Lê Lợi và những trận tiến công của ta vào Yên Bình Xã, Nghĩa Đô (tháng 11 năm 1949), phòng tuyến Tây Bắc của quân Pháp bị phá vỡ một mảng lớn. Chúng phải rút quân ở một số vị trí tiền tiêu về Yên Bình Xã - Nghĩa Đô, rút Bảo Hà về Võ Lao, phạm vi chiếm đóng thu hẹp lại. Trong khi đó, cách mạng Trung Quốc đang phát triển thuận lợi, Giải phóng quân Trung Quốc đang ào ạt tiến xuống Hoa Nam, dồn tàn quân của Quốc dân đảng chạy xuống sát biên giới Việt - Trung và tản ra biển Đông. Quân Pháp ở tây bắc nước ta rất lo sợ trước diễn biến của tình hình quốc tế và sự hoạt động ngày càng mạnh của quân ta. Để đối phó với tình hình, chúng tăng cường cho phân khu Lào Cai hai đại đội Ta-bo (65 và 68) thuộc tiểu đoàn Ta-bo số 10, một số phân đội công binh, pháo binh và hai đại đội lính bảo an, đưa tổng số địch ở Lào Cai lên đến 1.000 quân. Chúng liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét. Bọn phản động địa phương cũng ngóc đầu dậy, chỉ điểm, đưa đường cho chúng lùng bắt cán bộ ta, đánh phá vào các vùng đồng bào người Giáy, Tày, Dao bên tả ngạn sông Hồng như Xuân Quang, Phố Lu, Thái Niên, v.v... Lực lượng vũ trang địa phương mới được củng cố tuy đã tiến bộ trưởng thành nhưng chưa đủ sức đánh tiêu diệt mà chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ chống càn, quấy rối địch.

Trước tình hình trên, nhận rõ tầm quan trọng của Tây Bắc, ngày 6 tháng 5 năm 1949, Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị trong đó chỉ rõ nhiệm vụ: “Mở rộng căn cứ địa Tây Bắc của ta suốt từ bờ sông Thao đến sông Đà, phá vỡ phòng tuyến Yên Bình Xã, Bảo Hà, Nghĩa Lộ và cô lập tiểu khu Lào Cai của địch, để phá thế uy hiếp sau lưng Việt Bắc, củng cố bàn đạp tiến sang Thượng Lào. Tiêu diệt một phần sinh lực của địch, phá tan khối ngụy binh Thái trắng, để phá kế hoạch củng cố của địch, làm đà cho cuộc chuẩn bị tổng phản công...”.

Đầu năm 1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị mở chiến dịch Tây Bắc. Bộ Tổng tư lệnh quyết định lấy tên là “Chiến dịch Lê Hồng Phong 1”. Mục đích của chiến dịch được Bộ Tổng tư lệnh đề ra là: “… Tối thiểu làm tan rã khối ngụy binh, tiêu diệt một số vị trí địch, lấy ảnh hưởng chính trị với quốc tế và nhân dân để nuôi dưỡng lực lượng ta. Tối đa là khôi phục lại Lào Cai mở thông đường quốc tế” 2.

Sẵn sàng phối hợp với Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa tiêu diệt tàn quân Quốc dân đảng nếu chúng tràn qua biên giới.

Địa bàn chiến dịch diễn ra trên hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Địa hình rừng núi là chủ yếu, xen giữa các dãy núi là cánh đồng lúa, làng mạc chạy dọc theo hai bên bờ sông Hồng từ bắc xuống nam. Tuyến giao thông quốc lộ 1 gồm cả đường bộ và đường sắt chạy dọc từ Lào Cai xuống Yên Bái về Việt Trì xuôi Hà Nội, là tuyến huyết mạch quan trọng nhất. Ngoài ra có các tuyến đường bộ liên tỉnh, liên huyện từ thị xã Lào Cai, thị xã Yên Bái, thị trấn Phố Lu, Bảo Hà, Văn Bàn, Nghĩa Đô... đi các huyện vùng cao. Dân cư trên địa bàn gồm nhiều tộc người thiểu số, ở các thị trấn đa số là người Kinh từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ lên định cư lâu đời. Phần lớn nhân dân đã được giác ngộ cách mạng, một lòng ủng hộ kháng chiến. Một bộ phận bị địch mua chuộc làm tề, ngụy cho chúng. Thời điểm chiến dịch mở ra, phong trào chiến tranh du kích trên địa bàn đang phát triển. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng địa phương, nhân dân đã huy động nhiều lương thực, thực phẩm và hàng ngàn dân công phục vụ chiến dịch.

Hướng chủ yếu của chiến dịch được xác định là Phố Lu, hướng thứ yếu là Nghĩa Đô. Phương châm là bộ đội chủ lực sẽ bao vây tiêu diệt cứ điểm bằng phương pháp cường tập, đồng thời kết hợp đánh viện, làm tan rã khối ngụy binh, tạo điều kiện cho bộ đội địa phương và dân quân du kích diệt tề, trừ gian, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc, khuếch trương thắng lợi, tiếp tục củng cố tổ chức đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và phong trào quần chúng, mở rộng vùng giải phóng. Trong đó quân và dân hai huyện Văn Chấn và Văn Bàn, tỉnh Yên Bái được giao nhiệm vụ nghi binh lừa địch ở Võ Lao (Văn Bàn).

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm trung đoàn 102 thuộc Đại đoàn 308 và trung đoàn 165, tiểu đoàn 11 Phủ Thông, tiểu đoàn pháo binh 40 của Bộ, 10 đại đội địa phương của các huyện, ngoài ra trong quá trình chiến đấu, được trên tăng cường trung đoàn 209.

Bộ chỉ huy chiến dịch: Chỉ huy trưởng: Bằng Giang; Chính ủy; Song Hào; Chỉ huy phó: Cao Văn Khánh; Tham mưu trưởng: Phạm Đức Hóa.

Công tác chính trị: Bộ chỉ huy mặt trận Tây Bắc và Bộ chỉ huy Đại đoàn 308 thống nhất chỉ định Ban công tác chính trị chiến dịch. Trong thời gian chuẩn bị chiến dịch, công tác chính trị đã tập trung giải quyết các nội dung; Quán triệt nhiệm vụ quan trọng của chiến dịch tới bộ đội, nêu rõ khó khăn và thuận lợi để cán bộ, chiến sĩ các đơn vị nỗ lực vượt qua. Chú trọng đặc biệt công tác địch vận, nhất là thành phần ngụy binh, ngụy quyền và cả lính Âu - Phi trên địa bàn chiến dịch. Xây dựng kế hoạch và phân công cán bộ nắm nhân dân và khôi phục chính quyền ở những vùng mới giải phóng. Phối hợp hiệp đồng giữa Bộ chỉ huy chiến dịch với Ủy ban kháng chiến Liên khu để huy động sức dân và lương thực, thực phẩm chuẩn bị chiến dịch và để tuyên truyền thắng lợi trong khu tự do, trong vùng mới giải phóng và trong vùng địch hậu. Giáo dục bộ đội về ý thức phòng gian, giữ bí mật quân sự. Cùng lúc với việc giáo dục, quán triệt nhiệm vụ: công tác chính trị đã phát động được tinh thần thi đua lập công giữa các đơn vị với nhau. Bộ đội vừa tích cực làm công tác chuẩn bị chiến đấu, vừa sáng tác thơ ca, báo tường, tổ chức các buổi liên hoan văn nghệ hướng về nhiệm vụ, xây dựng được tinh thần phấn khởi, lạc quan, khắc phục khó khăn gian khổ khi luyện tập kỹ thuật, chiến thuật cũng như khi hành quân chiếm lĩnh, triển khai nhiệm vụ chiến đấu.

Công tác chuẩn bị chiến trường: Bộ chỉ huy chiến dịch đã tổ chức lực lượng quân báo, tham mưu các thành phần chỉ huy của các đơn vị đánh hướng chính và hướng phụ trực tiếp đi trinh sát thực địa, tiếp cận sát vị trí địch để nắm rõ địa hình quanh khu vực Phố Lu (hướng chính) và Nghĩa Đô (hướng phụ) về bổ sung kế hoạch chiến đấu và điều chỉnh nội dung luyện tập thực binh của bộ đội.

Công tác hậu cần: Ban quân nhu chiến dịch đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức dân chính đảng các địa phương Vĩnh Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái chuẩn bị được 378 tấn gạo, 20 tấn muối, dùng hàng trăm lần tàu thuyền của dân công vận chuyển theo dòng sông Hồng và sông Chảy đến các hướng tiến công của bộ đội. Đến gần ngày nổ súng mở màn chiến dịch (cuối tháng 1 năm 1950), ở hướng sông Chảy, gạo đã lên tập kết ở bến Cóc được 103 tấn, hướng sông Hồng, gạo lên tập kết ở Mậu A, Báo Đáp được gần 100 tấn. Số còn lại sẵn sàng lên thuyền, khi nổ súng sẽ vận chuyển tiếp. Về đạn, các đơn vị mang trên vai đủ cơ số quy định, còn đạn dự trữ chủ yếu là đạn súng trường, súng máy và một ít đạn cối tập kết ở kho Làng Cóc để bổ sung cho các hướng trong quá trình phát triển chiến đấu. Tóm lại đạn và gạo đã được dự trữ đủ để bộ đội chiến đấu dài ngày.

Cùng thời gian này, Bộ đã giao cho trung đoàn 174, tiểu đoàn 426 làm nhiệm vụ nghi binh trên hướng Cao Bằng và Lạng Sơn, đồng thời chuẩn bị chiến trường, khuếch trương chiến quả, sẵn sàng phân tán lực lượng ứng chiến chiến dịch. Mặt khác, Bộ sử dụng trung đoàn 36, hai tiểu đoàn độc lập 88 và 87, cùng bộ đội địa phương đề phòng địch ở hướng trung du, trọng điểm là Thái Nguyên đánh ra vùng tự do của ta; đẩy mạnh du kích chiến tranh, bảo vệ vụ chiêm, tích cực chuẩn bị chiến trường về mọi mặt để phối hợp, tạo hậu thuẫn cho Chiến dịch Tây Bắc - Lê Hồng Phong 1 thắng lợi.
_________________________________
1. Còn gọi là Chiến dịch Nghĩa Đô - Phố Lu.
2. Mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh mở Chiến dịch Tây Bắc (Lê Hồng Phong 1). Trong “Chỉ thị về nhiệm vụ tác chiến mặt trận Lê Hồng Phong” số 13/CT-63 ngày 25 tháng 2 năm 1950 của Bộ Tổng tham mưu có ghi: “... Nếu có điều kiện thuận lợi mới giải phóng thị xã Lào Cai”.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Bảy, 2012, 11:26:55 pm

Trên hướng chủ yếu, trung đoàn 102 được tăng cường tiểu đoàn 11 và tiểu đoàn 40 pháo 75mm được giao nhiệm vụ tiêu diệt Phố Lu, một vị trí lớn do một đại đội Pháp và một đại đội lính khố đỏ cùng 80 lính dõng rất gian ác đóng giữ. Đây là cửa ngõ hiểm yếu trên con đường Việt Trì - Phú Thọ lên biên giới Lào Cai nên địch xây dựng kiên cố, bố phòng cẩn mật với hệ thống lô cốt, tháp canh, hàng rào. Chúng làm tường trình dày hai mét cao hai mét bao quanh thị trấn bố trí những hỏa điểm mạnh để ngăn cản ta tiến công. Cạnh căn cứ là một sân bay dã chiến. Viên chỉ huy phân khu coi Phố Lu là một vị trí bất khả xâm phạm.

Đây là trận đầu tiên ta đánh công kiên cấp trung đoàn, có sử dụng lực lượng pháo binh tập trung bắn cấp tập trước khi bộ binh xung phong và yểm hộ cho bộ binh phát triển chiến đấu.

Theo kế hoạch, tiểu đoàn phóng pháo 69, trung đoàn 102 sẽ bắn loạt mở màn; pháo binh từng khẩu bắn vào các mục tiêu được phân công; tiểu đoàn 79 được tăng cường một đại đội của tiểu đoàn 54 đảm nhiệm hướng đột kích chủ yếu, từ phía đông đánh vào thị trấn; tiểu đoàn 18 vượt sông sang bố trí đánh chặn viện và phối hợp đánh từ phía tây (phía sau) vào thị trấn; tiểu đoàn 54 (thiếu một đại đội) bố trí vòng ngoài bắn máy bay và làm lực lượng dự bị. Tiểu đoàn 11 sẵn sàng vào chiến đấu khi mũi đột kích chủ yếu của tiểu đoàn 79 gặp khó khăn.

Hướng thứ yếu đánh vào Nghĩa Đô do trung đoàn 165 và một số đơn vị bộ đội địa phương đảm nhiệm.

Đêm 7 tháng 2 năm 1950, khi hành quân vào vị trí chiếm lĩnh, một chiến sĩ quân báo để lộ. Các hướng, mũi tiếp tục hành quân vào triển khai chiến đấu, nhưng yếu tố bí mật bất ngờ đã mất, địch đề phòng, tăng cường tuần tiễu, sục sạo và canh gác.

Trên hướng Phố Lu, 17 giờ ngày 8 tháng 2, ta nổ súng tiến công, nhưng do hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh không chặt, sử dụng pháo binh chưa đúng (pháo bố trí phân tán, bắn rải rác không phá được tường trình, không diệt được hỏa điểm), nên mặc dù xung phong rất quyết liệt, nhưng tiểu đoàn 79 không đột phá được hai lô cốt số 1, số 2 và không đánh chiếm được khu đồn dõng. Đợt tiến công đầu tiên phải tạm ngừng.

Địch cho một đại đội tăng viện từ Lào Cai xuống. Tiểu đoàn 18 chặn đánh nhưng chỉ diệt được một số tên, số còn lại tháo chạy. Ta tiếp tục bao vây Phố Lu. Sang ngày 10, tiểu đoàn 54 vào thay tiểu đoàn 69, chia thành ba mũi xung phong quyết liệt, nhưng cả hai mũi của hai đại đội 267 và 269 đều bị hỏa lực địch ngăn chặn, ta thương vong nhiều mà không tiến lên được. Mũi của đại đội 273 do đồng chí Phúc Anh chỉ huy, được khẩu sơn pháo 65mm từ bên kia sông từng bước bắn yểm hộ chính xác, sau loạt đạn pháo, dãy nhà lính bốc cháy, hỏa lực địch rối loạn, đại đội tràn vào được trong đồn, diệt được một số hỏa điểm, nhưng sau đó bị địch tập trung hoả lực ngăn chặn nên cũng không phát triển được. Tình huống ngày càng khó khăn, trung đoàn phải ra lệnh lui quân.

Ngày 12, ta tiến công lần thứ ba. Lần này ta điều cả ba khẩu pháo của tiểu đoàn 40 do đồng chí Doãn Tuế chỉ huy, đồng chí Nguyễn Đình Ước làm chính trị viên về phía đông để tập trung bắn chế áp địch. Tiểu đoàn 11 do đồng chí Dũng Mã chỉ huy được lệnh vào chiến đấu. Trung đoàn hình thành hai hướng rõ rệt: Hướng chủ yếu từ phía đông đánh vào lô cốt số 1 và 2; hướng thứ yếu từ phía tây, sườn bên phải thị trấn vào diệt lô cốt số 3. Các hoả lực cối 81mm được tận dụng triệt để. Ngoài ra trung đoàn kiên quyết đem các cỡ súng trợ chiến bắn thẳng vào gần hơn nữa nhằm tập trung hỏa lực bịt lỗ châu mai, kịp thời yểm hộ cho bộ binh đột phá, xung phong. Đến 16 giờ 30 phút, sau bốn ngày vây hãm, ba lần tiến công ta chiếm được Phố Lu; phần lớn địch ở đây bị diệt, trong đó có đại úy đồn trưởng Gô-chi-ê (Gauthier), ta loại khỏi vòng (chiến đấu hai đại đội địch, số còn lại chạy về Lào Cai.

Trên hướng Nghĩa Đô, lượng thứ yếu của chiến dịch: 24 giờ ngày 27 tháng 2, tiểu đoàn 115 và một bộ phận của tiểu đoàn 542 bắt đầu nổ súng tiến công phân khu Nghĩa Đô. Nhưng do không giữ được bí mật nên cả ba lần tiến công đều không thành công. Sau đó ta chuyển sang bao vây. Ngày 24 tháng 2, địch tăng cường một tiểu đoàn biệt kích dù cho Nghĩa Đô. Ta tiếp tục bao vây, vị trí Nghĩa Đô bị uy hiếp mạnh. Ngày 10 tháng 3, địch buộc phải rút khỏi Nghĩa Đô về Bắc Hà.

4 giờ 30 phút ngày 9 tháng 2, một tiểu đoàn của trung đoàn 165 và một đại đội bộ đội địa phương tiến công địch ở Bản Lầu, địch ở đây phải rút chạy về Mường Khương. Ngay sau đó bộ đội chủ lực cùng bộ đội địa phương tiến hành vũ trang tuyên truyền, phá tề trừ gian, đánh tan hai trung đội địch từ Bản Phiệt sục sạo sang Bản Lầu. Trong 10 ngày (từ ngày 11 đến ngày 22 tháng 2), hai lần quân ta đánh lui quân địch từ Lào Cai, Bản Phiệt đến phản công định chiếm lại đồn Bản Lầu.

Ở Bắc Hà, ta vừa đánh vừa kêu gọi binh lính địch ra hàng, phá được đồn Nậm Núc và Nậm Lùng, tiếp nhận 107 hàng binh, một trung liên và 100 súng trường.

Ngày 20 tháng 2, tiểu đoàn 564 của trung đoàn 165 vòng qua biên giới đánh đồn Bát Xát nhưng không kết quả vì chuyển quân qua sông chậm.

Ở Trịnh Tường, nhờ làm tốt công tác địch vận, ta chiếm được đồn địch, thu toàn bộ vũ khí và lương thực.

Tại Bảo Thắng, sau khi diệt vị trí Phố Lu, ta bắn pháo vào đồn Làng Cù, địch sợ bỏ đồn chạy, nhưng sau đó chúng chiếm lại; đến 27 tháng 2, bộ đội địa phương tiến hành đánh đồn này, địch bỏ đồn rút chạy. Trước đó ngày 26, bộ đội địa phương san bằng đồn Bền Đền, giải phóng 3000 dân; hai xã Xuân Giao và Gia Phú được giải phóng hoàn toàn.

Phía Tả ngạn sông Hồng, trước sức ép về quân sự và hoạt động địch vận của ta, hai tiểu đội lính dõng ở bốt Làng Chì và Làng Nhò xã Xuân Quang cùng với số tàn quân từ Phố Lu chạy sang đã ra đầu hàng quân ta.

Phối hợp với chiến dịch Lê Hồng Phong 1, hai đại đội 96 và 97 bộ đội địa phương tỉnh Yên Bái và trung đội bộ đội địa phương của huyện Văn Bàn kiềm chế địch ở Ca Vịnh, Võ Lao và Phong Dụ, đã giải phóng một nửa xã Phong Dụ, một phần thôn Ba Xá và các làng Võ Lao của người H’mông và người Dao làng Cam Cọn xã Kèn Sơn.

Trước tình hình đó, địch vội vàng thả 200 quân dù xuống Võ Lao, tăng cường cho Lào Cai và bổ sung quân cho vị trí Pa Kha. Ngày 7 tháng 3, địch tăng cường phòng thủ. Nhận thấy sức chiến đấu của quân ta đã giảm sút vì thương vong nhiều, Bộ Tổng tư lệnh quyết định kết thúc chiến dịch.

Kết quả: Ta tiêu diệt bốn vị trí, bức rút năm vị trí khác, phá vỡ một phần phòng tuyến Tây Bắc của địch, uy hiếp Lào Cai, làm cho khối ngụy quân, ngụy quyền hoang mang và bắt đầu tan rã. Ta diệt 300 tên địch, bắt 34 tên, buộc ra hàng 157 tên; phá hủy một khẩu pháo, ba cối 81mm, một kho lương thực; thu ba đại liên, chín trung liên, một cối 60mm, 300 súng trường và tiểu liên; giải phóng 6.000 dân và một vùng đất rộng 2.000 km2.

Chiến dịch kết thúc nhưng không đạt được các mục tiêu đề ra. Hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh không chặt chẽ, sử dụng hỏa lực pháo binh quá phân tán, không tạo được áp lực khống chế để tạo thuận lợi cho bộ binh đột phá, hiệu quả về chiến thuật không đạt cho nên cả mục tiêu chủ yếu (Phố Lu) và thứ yếu (Nghĩa Đô) đều bị “sượng”, đợt 1 đánh trầy trật mấy ngày không được nhưng Bộ chỉ huy không kịp thời rút kinh nghiệm cho đợt 2. Mặt khác, Bộ chỉ huy chiến dịch chưa giải quyết thành công việc đánh viện binh và đánh địch rút chạy. Nghệ thuật chiến dịch trong chỉ đạo chiến thuật với từng trận đánh, nhất là trận then chốt còn thiếu linh hoạt và nhạy bén. Nhận thức về “thắng” và “bại”, về ưu và khuyết điểm của cả Bộ chỉ huy và bộ đội chưa đúng đắn để làm bài học cho các chiến dịch sau1
______________________________________
1. Trong bức điện ngày 20 tháng 3 năm 1950 của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi Ban chỉ huy mặt trận Lê Hồng Phong 1 đã chỉ rõ:
    “1- Ban chỉ huy mặt trận cần tự kiểm thảo nghiêm ngặt. Đứng trên quan điểm nào mà kiểm thảo? Đứng trên quan điểm đường lối chiến lược, chiến thuật của ta nói chung và nói riêng là chủ trương của Bộ trong lúc này.
    Đường lối ấy là: tiêu diệt sinh lực dịch, nghĩa là vừa tiêu diệt địch, vừa bồi dưỡng sức của ta, nghĩa là nhằm theo sự bồi dưỡng lực lượng ta sau chiến dịch mà kiểm điểm chứ không chỉ nhìn thấy sự thiệt hại của địch (... ).
    2- Trong trận Phố Lu, ta tiêu diệt được một thị trấn quan trọng của địch, thu được vũ khí, đạn dược, địch bị thiệt hại gần 100, nhưng ta bị hy sinh 100 chiến sĩ, trong đó có 11 cán bộ cấp trung đội và đại đội, bị thương 180, trong đó có 13 cán bộ.
    Vấn đề cụ thể là: Trước khi đánh Phố Lu, Ban chỉ huy ước lượng mức hy sinh như thế nào? Và nếu biết trước là phải hy sinh đến chừng ấy thì có quyết định đánh không?
    Nếu không ước lượng trước là khuyết điểm. Nếu ước lượng đúng rồi chủ trương đánh, cũng là khuyết điểm. Trong hai trường hợp, Ban chỉ huy đều phải thấy khuyết điểm của mình, nhất là trong lúc chiến thắng.
    3- Nhận khuyết điểm rồi mới tìm nguyên nhân.
    Nếu ước lượng mức hy sinh quá thấp thì tức là không hiểu địch, chủ quan về địch (... ).
    4- Nếu sự hy sinh tăng lên vì “bộ đội quá hăng”, hoặc vũ khí bắn sai, thì tức là khuyết điểm trong việc sử dụng vũ khí, trong việc phối hợp pháo binh và bộ binh (... ).
    5- Ban chỉ huy mặt trận Lê Hồng Phong có tự kiểm thảo theo tinh thần trên hay không?
        a) Thư đồng chí Song Hào: “Sự thiệt hại kể cũng hơi nặng, nhưng Phố Lu là một thị trấn, công sự của địch rất kiên cố, vào đến nơi mới thấy rằng lấy được đồn Phố Lu, mức hy sinh như vậy cũng chưa phải là nhiều”.
        b) Thư đồng chí Khánh về Phố Lu, nêu nhiều kinh nghiệm, nhiều nhận xét, mà không có nhận xét gì về tổn thất của ta. Theo thư ấy thì nếu địch còn tinh thần thì ta còn tốn máu nhiều.
        c) Thư đồng chí Bằng Giang: Tiêu hao nặng của ta không phải vì địch làm ta tiêu hao nhiều, mà chính vì tinh thần của anh em quá hăng nên mới xảy ra.
    Tự kiểm điểm như vậy là không nghiêm ngặt, là chỉ thấy ưu điểm mà không thấy khuyết điểm, thấy thiệt hại của địch mà không thấy thiệt hại của ta, cắt nghĩa mà không nhận khuyết điểm.
    Nhân tiện, tôi nhắc các đồng chí kiểm điểm trận Nghĩa Đô:
    1- Địch bị tiêu hao một số. Ta thu được 20 súng trường và tiểu liên, bị tiêu hao 32 súng trường, bốn trung và tiểu liên, 91 bị hy sinh và thất lạc, 202 bị thương (... ).
    2- Thế là thất bại hay không?
    Đồng chí Khánh cho rằng “không phải hoàn toàn thất bại”. Lúc kết luận cả hai mặt trận thì cho rằng kết qủa thực tế của ban đầu đã làm được bảy phần mười. Nhưng riêng ta thì mua hơi đắt.
    3- Trận Nghĩa Đô phải coi là một trận thất bại. Không nên vì địch rút, vì địch tiêu hao một số, vì gần đây dõng đầu hàng, mà không kiểm điểm nghiêm ngặt những khuyết điểm ở Nghĩa Đô.
    Và nếu làm lễ chiến thắng ở Nghĩa Đô thì trong việc khen thưởng từng chiến sĩ, hay từng đơn vị, không nên để cho cán bộ hiểu nhầm rằng trận Nghĩa Đô là một thành công (...)”.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Bảy, 2012, 11:41:28 pm

CHIẾN DỊCH TRÀ VINH
(Tiến công, từ ngày 26 tháng 3 đến ngày 7 tháng 5 năm 1950)


Trước sự phát triển lớn mạnh và sức tiến công của quân ta, trong hai năm (1948 - 1949) trên chiến trường chính Bắc Bộ, quân Pháp đang lâm dần vào thế bị động. Trên chiến trường Nam Bộ, cuối năm 1949, đầu 1950 quân ta hoạt động mạnh và liên tục, chiến tranh du kích phát triển rộng khắp khiến cho quân địch luôn bị tiêu hao, tinh thần mệt mỏi. Trước tình hình đó, thực dân Pháp ra sức bắt lính để tăng cường quân đội, xây dựng hệ thống đồn bốt xung quanh các thành phố, thị xã và trên các trục giao thông quan trọng; tập trung lực lượng mở các cuộc hành quân càn quét để mở rộng sự kiểm soát ra các vùng nông thôn; thực hiện âm mưu cắt đứt sự liên lạc giữa hai vùng đông và tây Nam Bộ của ta, tiêu diệt lực lượng du kích và chuyển một phần lực lượng quân chính quy ra tăng viện cho chiến trường chính Bắc Bộ.

Tại Trà Vinh, một tỉnh nằm trong vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, người dân tộc Khơ-me chiếm 80 phần trăm dân số, ngay từ ngày chiếm đóng, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách chia rẽ dân tộc. Chúng ráo riết bắt lính và tổ chức tề ngụy ở nông thôn, hình thành một tổ chức mới gọi là “bảo an Miên”, lùa hầu hết thanh niên thậm chí có cả người già năm mươi tuổi trong vùng kiểm soát của chúng vào tổ chức này, thực hiện vũ trang không thoát ly, tạo thành lực lượng đông đảo tại chỗ để chống phá cách mạng. Chúng xây dựng ở Trà Vinh thuộc phân khu Sóc Trăng thành sáu tiểu khu: thị xã Trà Vinh, Cầu ngang, Cầu Cống, Trà Cú, Bắc Trang và Tiểu Cần. Sau chiến dịch tiến công Cầu Kè (12-1949) của ta, địch ở Trà Vinh ráo riết củng cố và xây dựng hệ thống cứ điểm dọc các trục giao thông và các vùng đông dân, tăng cường vũ trang cho lực lượng “bảo an Miên”, tuyên truyền kích động dân chúng để thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc, “Dùng người Miên diệt người Việt”.

Để phá hệ thống phòng ngự, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch và cầm chân không cho địch tiếp viện cho chiến trường Bắc Bộ, Bộ tư lệnh Nam Bộ quyết định mở chiến dịch Mùa xuân 1950 trên toàn chiến trường Nam Bộ, lấy tỉnh Sóc Trăng của Khu 9 làm hướng chính, các khu khác trong đó có Trà Vinh là hướng phối hợp (vì không gian chiến dịch “Mùa xuân 1950” trải rộng trên miền Tây Nam Bộ, nên ở trên mỗi hướng lại tổ chức một chiến dịch cụ thể, chủ trương này để tạo cho các hướng tinh thần chủ động đánh địch. Chiến dịch Trà Vinh là một trong những chiến dịch thực hiện theo chủ trương đó).

Trà Vinh nằm giữa hai con sông lớn Cổ Chiên và Bát Sác (nay gọi là Tiền Giang và Hậu Giang), có nhiều rạch lớn đổ ra biển như rạch Giăng, rạch Giốc, rạch Ông Bích, rạch Gia, rạch Cỏ, rạch Ba Động, rạch Láng Sắc, Cồn Lai, La Chỉ... Mỗi sông lớn (sông Tiền và sông Hậu) lại có nhiều vàm, sông Măng Thít nối sông Tiền và sông Hậu là tuyến giao thông thủy chiến lược, tàu lớn đi lại dễ dàng. Tóm lại hệ thống giao thông thuỷ thuận tiện cho ta khi vận chuyển nội địa, nhưng lại bất lợi khi vận tải liên tỉnh, nhất là khi địch dùng trực thăng và súng pháo trên tàu lớn khống chế.

Đường bộ có liên tỉnh lộ 70 (nay là quốc lộ 53) mặt đường trải nhựa, đây là tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền Vĩnh Long - Trà Vinh. Tỉnh lộ 6A nối Trà Vinh với thị xã Bến Tre. Tỉnh lộ 34 từ Trà Vinh đi Tiểu Cần. Tỉnh lộ 36 từ Trà Vinh qua Trà Cú sang Đôn Châu. Tỉnh lộ 37 nối huyện lỵ Tiểu Cần với huyện lỵ Cầu Kè. Tỉnh lộ 39 nối Cầu Kè với Trung Hiệp. Ngoài ra còn các tuyến đường liên huyện, liên xã tạo nên mạng lưới giao thông bộ thuận tiện.

Đường không, có sân bay thị xã Trà Vinh do Pháp xây dựng năm 1948. Từ đây, máy bay Đa-cô-ta, trực thăng cất cánh đi bắn phá và yểm trợ cho các cuộc hành quân càn quét của chúng.

Lực lượng địch ở Trà Vinh gồm hai tiểu đoàn bộ binh, một đại đội cơ giới, một đại đội pháo và một lực lượng bảo an Miên đông đảo. Chúng tổ chức biên chế thành hai bộ phận. “Bộ phận cơ động” gồm một đại đội bộ binh và một đại đội cơ giới, ngày thường đóng tại thị xã Trà Vinh với nhiệm vụ phản kích khi tác chiến phòng ngự và càn quét khi tiến công. “Bộ phận chiếm đóng” phân tán rải rác ở sáu tiểu khu và dọc trục đường giao thông. Mỗi tiểu khu có từ một trung đội đến một đại đội, trang bị từ một đến hai cối 60mm, hai đến bốn súng máy (trung, đại liên), còn lại là súng trường, tiểu liên và lựa đạn. Bộ phận này có nhiệm vụ kết hợp với bảo an Miên giữ gìn trật tự, bảo vệ giao thông, chiến đấu giữ vị trí khi đối phương tiến công. Công sự phổ biến xây bằng gạch, có hàng rào tre ở bên ngoài.

Căn cứ vào chủ trương của Bộ tư lệnh Nam Bộ, Bộ chỉ huy Khu 8 quyết định mở đợt hoạt động Trà Vinh (sau này tổng kết gọi là “Chiến dịch Trà Vinh”) để phối hợp với chiến dịch Sóc Trăng nhằm mục đích: Bao vây và đánh các tháp canh, bao vây cứ điểm để đánh địch tiếp viện, gây lại cơ sở cách mạng trong vùng địch tạm chiếm, phá lực lượng “bảo an Miên”, đập tan âm mưu “dùng người Miên đánh người Việt” của địch.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm năm tiểu đoàn (307, 309, 308, 310 và 312)1 (thiếu hai đại đội) và một trung đội liên quân Miên - Việt.

Đồng chí Nguyễn Văn Quạn, Phó tư lệnh Khu 8 làm Chỉ huy trưởng chiến dịch; Nguyễn Đặng, Phó tư lệnh Khu 8, Nguyễn Hữu Xuyến, Chỉ huy trưởng liên trung đoàn 109 - 111 và Lê Văn Bông, Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Trà Vinh làm Phó chỉ huy chiến dịch2.

Phương châm tác chiến là: Đánh điểm diệt viện và vây điểm diệt viện. Tiến công quân sự kết hợp với địch vận, mật giao, tuyên truyền vũ trang để tạo thế mạnh từ đầu đến khi kết thúc chiến dịch.

Kế hoạch tác chiến: Chia thành ba đợt hoạt động; mỗi đợt từ năm đến sáu ngày, giữa hai đợt có một vài ngày củng cố, nghi binh và bổ sung kế hoạch.

Ý định chiến dịch: Phân tán lực lượng, chia khu vực hoạt động tác chiến cho các tiểu đoàn. Mỗi tiểu đoàn hoạt động độc lập trên một khu vực, đơn vị tác chiến chính là đại đội, nhưng tiểu đoàn phải áp dụng linh hoạt hình thức phân tán và tập trung để đạt được mục đích tác chiến, hoàn thành được nhiệm vụ.

Ở chiến dịch này, tuy chưa thành lập đảng bộ và cử đảng ủy, chưa có ban công tác chính trị, mọi mặt công tác chuẩn bị về quân sự chính trị, hậu cần đều do thủ trưởng quân chính trực tiếp chỉ đạo, nhưng trước chiến dịch, Bộ chỉ huy đã tiến hành chỉ đạo các đơn vị giáo dục nhiệm vụ, động viên tinh thần thi đua giết giặc lập công đối với bộ đội đồng thời tích cực làm công tác dân vận, cùng với lãnh đạo, chính quyền địa phương huy động được hàng nghìn ngày công phục vụ chiến dịch. Toàn bộ việc cung cấp, tiếp tế lương thực, thực phẩm, tải thương... đều do dân quân du kích và quần chúng nhân dân thực hiện. Trước và trong chiến dịch, công tác địch vận đã phát huy tác dụng làm tan rã tổ chức bảo an của địch, một số binh linh đã tình nguyện chạy sang hàng ngũ cách mạng.
__________________________________
1. Trong cuốn “Lực lượng vũ trang nhân dân Trà Vinh 30 năm kháng chiến” Đảng ủy - BCHQS Trà Vinh, Nxb QĐND, 1998, trang 94 ghi: Lực lượng tham gia chiến dịch gồm có tiểu đoàn 307 cơ động của Khu 8, các tiểu đoàn 308, 310 và 312 cùng các đại đội địa phương quân tỉnh, du kích tập trung huyện, thị và công an.
2. Hồ sơ lưu trữ BTTM(T35(24)721.3) ghi rõ: Về tổ chức chỉ huy không thấy nói đến vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và của chính ủy, mà là một tổ chức thống nhất quân chính, không có tổ chức hậu phương riêng của quân đội mà tất cả mọi vấn đề: Cung cấp lương thực, tiếp tế, tải thương... đều do cơ quan đoàn thể địa phương đảm nhiệm.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Bảy, 2012, 11:43:18 pm

Đợt 1 (từ Ngày 25 tháng 3 đến ngày 1 tháng 4 năm 1950):

Phạm vi tác chiến chia thành ba khu vực hoạt động: Từ Giồng Lức - Hưng Hòa - Bắc Trang đến Đôn Châu do tiểu đoàn 307, 309 và một đại đội thuộc tiểu đoàn 312 đảm nhiệm.

- Khu vực Giồng Lức - Cầu Cống - Ba Cum do hai tiểu đoàn 308 và 310 (thiếu hai đại đội) đảm nhiệm.

- Khu vực Ba Cum - Đôn Châu - La Bang do tiểu đoàn 312 (thiếu một đại đội) đảm nhiệm.

23 giờ ngày 25 tháng 3, ta nổ súng1. Đến gần sáng 26 tháng 3, ta mới hạ được tháp canh Xà Lơn2, tước vũ khí và giải tán toàn bộ lính bảo an Miên ở hai sóc Xà Lơn và Cổ Chi. Các nơi khác chỉ tước được một phần vũ khí của bảo an Miên, còn phần lớn chúng chạy thoát. 9 giờ sáng 26 tháng 3, địch cho hai trung đội từ Tiểu Cần xuống thăm dò, đến ngã ba rạch Lớp gặp một bộ phận quân ta chặn đánh, địch chết 10 tên, bỏ lại một khẩu tiểu liên, số còn lại chạy về Tiểu Cần.

Ngày 27, địch đổ bộ 200 quân lên rạch Lớp. Cùng ngày, địch phái một tiểu đoàn bộ binh và một lực lượng cơ giới hình thành một mũi đánh vào đội hình ta đang bao vây Cầu Cống. Bộ chỉ huy kịp thời chỉ thị cho tiểu đoàn 307 và 308 tập trung đánh cánh quân này; đến tối ta hạ được năm tháp canh, thu toàn bộ vũ khí và giải tán số bảo an Miên của ba sóc.

10 giờ ngày 28, địch từ Giồng Lức tổ chức hai cánh quân, dưới sự yểm trợ của không quân và pháo binh đánh xuống Cầu Cống. Cánh 1 - tiểu đoàn 1 Âu - Phi của trung đoàn 6 tiến xuống đến giồng Cổ Chi lọt vào trận địa phục kích của tiểu đoàn 308. Ta nổ súng, địch chết và bị thương nhiều3, số còn lại quay chạy về Giồng Lức cố thủ.

Cánh 2 - một tiểu đoàn Ma-rốc tiến qua rạch Lớp đến rạch Te Te bị một bộ phận quân ta chặn đánh. Thấy cánh 1 bị diệt, cánh 2 không dám tiến vào Cầu Cống mà phân thành hai bộ phận tiến xuống Trà Trót (Tập Sơn) và ấp Ba (ngã ba Len) để chạy về Bắc Trang. Quân ta ở khu vực này bố trí quá phân tán nên không diệt được địch. Địch về đến giồng Bà Của - Cổ Rạng, bị một đại đội của tiểu đoàn 307 chặn đánh, chúng phải dừng quân, tổ chức phòng ngự chờ viện binh.

Ngày 29, địch thả 70 dù tiếp tế cho tiểu đoàn Ma-rốc. Ta xung phong lấy được ba dù, thu hai hòm đạn và một máy vô tuyến điện. Cánh quân Ma-rốc cố gắng phá vòng vây để trở về Bắc Trang. Địch cũng tiếp viện cho lực lượng ở Trà Cú 100 dù, sau đó cánh quân này tổ chức đánh ra; ta bố trí mỏng nên một trung đội bị tiêu hao nặng.

Ngày 30, địch được tăng viện nhưng chưa dám đánh ra. Quân ta bao vây và hạ được tháp canh Nomen, bức hàng địch ở tháp canh Trà Sót, tước khí giới và giải tán toàn bộ bảo an ở sóc Trà Sót. Quân địch ở Cầu Cống phối hợp với một bộ phận ở Trà Cú cùng 30 xe bọc thép tập trung ở Sóc Ruộng tiến đánh quân ta ở Đôn Châu. Bộ chỉ huy lệnh cho tiểu đoàn 310 chặn đánh. Sáng 1 tháng 4, cánh quân này nhờ có gián điệp chỉ điểm, khi tiến xuống đã phát hiện trận địa phục kích của ta. Trước tình thế bất lợi, ta quyết định nổ súng rồi xung phong, bắt được một số tù binh, số khác bỏ chạy, ta truy kích, nhưng do lực lượng quá ít, địch tập trung binh lực và cơ giới phản kích, đội hình quân ta rối loạn, địch đánh thẳng vào sở chỉ huy và giành lại số quân vừa bị ta bắt. Ta tiêu diệt một số tên. Tiểu đoàn 310 bị tiêu hao nặng. Ta chủ động kết thúc đợt 1.

Đợt 2 (từ ngày 7 đến ngày 11 tháng 4 năm 1950):

Địch đã tăng cường một trung đội cho vị trí Cầu Ngang và tăng cường canh phòng tuần tiễu nên Bộ chỉ huy quyết định thay đổi kế hoạch không đánh Cầu Cống mà đánh giải phóng vùng Đôn Châu (có một cứ điểm và ba tháp canh). Tiểu đoàn 307 được giao nhiệm vụ diệt cứ điểm Đôn Châu và phối hợp với tiểu đoàn 309 diệt viện từ Hậu Giang đổ lên. Tiểu đoàn 308 và một đại đội của tiểu đoàn 310 diệt ba tháp canh. Tiểu đoàn 312 diệt tháp canh Mẽ Lánh và phục kích tàu địch trên sông Láng Sắt.

Địch ở Đôn Châu có hơn một trung đội (có sáu lính Pháp). Đêm 7 tháng 4, tiểu đoàn đào hào lấn vào tiếp cận địch rồi dùng xe trấu, chất củi xung quanh cứ điểm phóng hỏa đốt (hỏa công). Đốt hai đêm liền nhưng không kết quả vì địch dùng hoả lực bắn mạnh ngăn chặn ta tiếp cận.

Sáng 9 tháng 4, tiểu đoàn 308 hạ được một tháp canh, hai tháp còn lại địch sợ bỏ chạy về Cầu Cống. Cùng ngày, tiểu đoàn 310 đánh đắm một tàu chiến trên sông Láng Sắt. Ngày 11, địch dùng một tiểu đoàn có cơ giới và pháo binh đi cùng từ Cầu Ngang tiến xuống chi viện cho Đôn Châu. Bộ chỉ huy chỉ thị cho tiểu đoàn 307 ngừng đánh Đôn Châu, tập trung lực lượng đánh quân tiếp viện. Nhưng vì tiểu đoàn 307 bố trí quân quá phân tán, tập trung không kịp, chưa tổ chức chiến đấu xong thì địch đã đến sát trận địa phục kích. Tiểu đoàn vẫn cố gắng tổ chức đánh tan được bốn đợt xung phong, tiêu diệt được một số quân và xe cơ giới, buộc địch phải vòng qua cánh đồng trống để vào Đôn Châu.
________________________________
1. Ngày 24 tháng 8, trong khi bộ đội đang trên đường hành quân chiếm lĩnh trận địa thì Bộ tư lệnh Khu 8 nhận được chỉ thị của trên là ngừng hoạt động vì chiến trường chính Sóc Trăng chưa chuẩn bị xong. Nhưng vì thu quân không kịp lại sợ lộ hoạt động của bộ đội nên Bộ tư lệnh Khu 8 quyết định vẫn thực hiện kế hoạch tác chiến và chủ trương kéo dài đợt hoạt động để phối hợp với chiến trường chính.
2. Cách đánh tháp canh, vị trí địch: - Bộ đội ta dùng súng máy, súng trường bắn khía từng viên gạch ở lỗ châu mai, dần dần lỗ châu mai mở rộng thì bộ đội xung phong, ném lựu đạn vào.
    - Dùng xe chất đầy bao trấu đi trước, hai, ba người theo sau tiếp cận địch. Khi tiếp cận rồi thì bắn kiềm chế cho bộ đội vứt củi vào xung quanh tháp canh sau đó phóng hỏa, gọi là “chiến thuật hỏa công”.
    - Dùng bùi nhùi tẩm xăng, châm lửa rồi quăng lên nóc tháp canh khiến cho nóc tháp canh nóng bỏng. Đây là sáng kiến của chiến sĩ Nam Bộ ở những năm đầu kháng chiến, khiến cho quân địch rất sợ hãi.
3. Sách “Lực lượng vũ trang nhân dân Trà Vinh...” ghi: Ta diệt 60 tên, có bảy sĩ quan; bắt 14 sĩ quan trong đó có Rous - quan tư chỉ huy tiểu khu Trà Vinh.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Bảy, 2012, 11:45:38 pm

Đợt 3 (từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 5 lăm 1950).

Sau hai đợt tác chiến, đạn còn quá ít (trung liên 100 viên, súng trường 20 viên/khẩu); bộ đội đã mệt mỏi, sức khoẻ giảm sút. Nhưng ngày 4 tháng 4, chiến dịch Sóc Trăng đã mở màn; để phối hợp với mặt trận chính, Bộ chỉ huy quyết định vượt mọi khó khăn, tiếp tục mở đợt 3, tác chiến trong phạm vi Cầu Kè, Mặt Bắt, Tiểu Cần. Phương châm là đánh nhỏ, tránh mũi nhọn của địch, kết hợp tác chiến với phá hoại, làm dân vận và địch vận.

Trong bốn ngày đêm, bộ đội phân tán từng trung đội, đại đội tiến hành bao vây các tháp canh, phum, sóc, kết hợp với kêu gọi binh lính địch trở về với nhân dân. Lực lượng dân quân được sự yểm trợ của bộ đội đã cắt đứt các tuyến giao thông Tiểu Cần - Trà Vinh, Tiểu Cần - Mặt Bắt và Tiểu Cần - Cầu Kè. Các trục đường này bị hoàn toàn tê liệt đã tạo cơ hội tốt cho bộ đội hạ được 11 tháp canh, giải tán được nhiều tổ chức bảo an và thu được nhiều vũ khí của địch.

Vào 21 giờ đêm 30 tháng 4, quân ta bao vây các bốt Sam Bua, Đông Ray, pháo kích sân bay Trà Vinh, tước vũ khí bảo an Bào Kiến, hạ lô cốt Lu Tu, chiếm bốt Hồ Kiếm. Dân quân du kích được sự hỗ trợ của công binh, phá các cầu Ô Chác, Huyền Hội; Bà Lãnh và phá lộ.

Ngày 1 tháng 5, hạ lô cốt An Bình tại vàm Bông Bót, hạ lô cốt Trinh Phụ trên đường Tiểu Cần - Mặt Bắt, đốt cháy lô cốt Đại Trường, Lò Ngò, Lâm Vồ và Sa Đô, hạ lô cốt Cầu Tre, Tha La, Đình Ông, bao vây tiến công mạnh các lô cốt Ban Chang, Ô Tà Rưng, giồng Cây Hẹ, Sóc Kha. Dân quân tràn vào phá các trục lộ giao thông, đột nhập Cầu Kè quấy rối. Trong ngày, phi cơ, pháo binh địch bắn dữ dội vào vùng Huyền Hội, Ô Đùng, Cầu Kè. Sau đó địch từ Ô Chát cắt đường ruộng xuống chi viện cho Tiểu Cần.

Ngày 2 tháng 5, địch cho phi pháo bắn phá vùng phụ cận và dùng 25 xe chở khoảng một tiểu đoàn thuộc trung đoàn RTA, thận trọng tiến quân xuống Tiểu Cần. Ngày 3 tháng 5, ta hạ lô cốt Ô Tà Rưng, đêm đến pháo kích Tiểu Cần, Cầu Kè. Dân quân khẩn trương phá lộ. Ngày 7 tháng 5, một tiểu đoàn bộ binh địch có 25 xe Cờ-ra-béc (Crabes) và phi pháo yểm trợ, càn vào Tân An - Hựu Thành bắn giết dã man. Đến 16 giờ 30 phút, ta chặn đánh gần chợ Thầy Phó xã Hựu Thành hạ ba xe Cờ-ra-béc. Hơn nửa giờ sau cánh quân của ta ở Ngã Chánh cấp tốc vận động đánh vào sườn đội hình địch. Chúng hoảng sợ rút về đồng Trà Mẹt, bỏ lại nhiều xác chết và vũ khí.

Trên các hướng kiềm căng địch: Ở Cầu Ngang, các lực lượng vũ trang và dân quân bao vây huyện lỵ, bức rút đồn Bến Giá, bao vây đồn Sóc Ruộng, địch phải chi viện một trung đội đến giữ. Du kích phá sập cầu Tân Lập, phá tuyến lộ từ Trà Vinh đi Cầu Ngang nhiều ngày. Trục lộ 70 từ Trà Vinh đi Vĩnh Long ta liên tục phá hoại. Ngay từ đầu chiến dịch ta đã đánh sập cầu Mỹ Huê, đốt cháy cầu Mây Tức, gỡ hết ván cầu Ba Sỉ... Suốt chiến dịch ta làm chủ lộ 70, địch chi viện phải dùng tàu đổ bộ lên Trà Vinh hoặc Tiểu Cần...

Ngày 7 tháng 5, Ban chỉ huy quyết định kết thúc chiến dịch1. Các đơn vị được lệnh hành quân về căn cứ. Quân địch tưởng ta chưa rút nên chúng dùng một tiểu đoàn cùng một đại đội cơ giới thọc sâu vào vùng hậu phương của ta. Địch tiến đến xã Hữu Thành bị tiểu đoàn 310 chặn đánh, bắn cháy ba xe lội nước, diệt toàn bộ số địch trên xe. Địch hoảng sợ bỏ chạy về Cầu Kè, bỏ lại hơn 30 xác chết và nhiều vũ khí.

Kết quả: ta đã diệt gần 700 tên địch, triệt hạ 30 tháp canh; bức rút sáu tháp canh khác; thu 240 khẩu súng và cơ bản đã xoá bỏ hệ thống tổ chức bảo an Miên của địch nằm trong thôn xóm.



Ta đã đạt được mục đích của chiến dịch đề ra; tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch với số lượng tương đối lớn, hạ và bức rút được hệ thống tháp canh, giải tán được hệ thống tổ chức bảo an Miên và thu nhiều vũ khí của địch để tăng cường cho lực lượng ta. Chiến dịch Trà Vinh thắng lợi đã tạo thuận lợi và hỗ trợ trực tiếp cho chiến dịch Sóc Trăng - hướng đánh chính, mặt trận chính của Nam Bộ. Kết quả của chiến dịch vừa gây được thanh thế cho các đơn vị chủ lực, vừa động viên tinh thần giết giặc lập công của lực lượng vũ trang địa phương, gây được lòng tin lớn với quần chúng nhân dân; đồng thời đã làm hoang mang, rệu rã tinh thần và tổ chức của địch trong vùng, đặc biệt là lực lượng bảo an Miên.

Bộ tư lệnh Khu 8 đã “chọn chiến trường” đúng nơi địch vốn đã yếu lại bố trí phân tán, công sự phòng thủ sơ sài và gần sát hậu phương của ta. Về tổ chức chỉ huy, việc đưa thành viên trong ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh vào Ban chỉ huy chiến dịch đã thống nhất được các lực lượng tham gia chiến dịch, làm cho hành động giữa quân chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương luôn ăn khớp, tiêu biểu nhất là ở đợt 3, chủ lực bao vây và hạ tháp canh, lực lượng vũ trang địa phương thì phục kích và chặn cắt giao thông rất hiệu quả. Do đó, đã huy động được lực lượng to lớn của quần chúng nhân dân tham gia phá hoại, tiếp tế, cung cấp lương thực, tải thương, v.v... Sử dụng lực lượng theo kiểu phân tán, phân phạm vi hoạt động cho từng tiểu đoàn, không có mục tiêu tập trung, không tổ chức lực lượng dự bị - cách tổ chức này ở tại thời điểm và chiến trường diễn ra chiến dịch là phù hợp, phát huy được tính chủ động của các đơn vị. Nhưng theo đó, cũng bộc lộ nhược điểm lớn là, không phát huy và đáp ứng được yêu cầu về chiến thuật của quân đội ta. Suốt chiến dịch ta chỉ vận dụng hình thức chủ yếu là phục kích và bao vây tháp canh, với lối đánh “hoả công” tuy đạt được mục đích nhưng thể hiện rõ tính chất “du kích chiến”, trình độ còn rất hạn chế của quân ta. Trong sử dụng lực lượng có lúc chưa phù hợp nên hạn chế đến hiệu suất chiến đấu (tiểu đoàn 308 có kinh nghiệm đánh cứ điểm lại không giao cho đánh Đôn Châu mà giao cho tiểu đoàn 307 là đơn vị giỏi đánh phục kích, nên đã không đánh được Đôn Châu). Mệnh lệnh của người chỉ huy trong nhiều tình huống còn chưa cụ thể rõ ràng, đơn vị thực hiện khó.

Các chính sách chiến trường (dân vận, địch vận, thương binh, tử sĩ...) cơ bản làm tốt, mang lại hiệu quả lớn cho chiến dịch. Nhưng có lúc, có nơi còn khuyết điểm: quân phiệt với dân quân, bản vị địa phương, một số thương binh bị tử vong vì chăm sóc không chu đáo, cá biệt có đơn vị đối xử không đúng chính sách với tù, hàng binh. Những khuyết điểm này ảnh hưởng xấu đến đơn vị và hạn chế thành tích của chiến dịch.
____________________________________
1. Sách “Lực lượng vũ trang nhân dân Trà Vinh...” ghi: Chiến dịch Trà Vinh, quân ta đánh chiếm 22 lô cốt: Giồng Lức, Tua Thóc, Củ Chi, ngã Ba Trẹm, Sà Lơn, Sóc Ruộng, Nộ Men, Trà Sất Ngoài, Ba Cụm ngoài, Lộ Quẹo, Bà Nhì, kinh La Bang, chùa La Bang, Lu Tu, Đình Ông, Tha La, Hồ Kiếm, Lâm Vồ, Trinh Phụ, An Bình, Sư Độ, Cầu Tre; huỷ diệt hai lô cốt: Lò Ngò, Đại Trường; bức rút sáu lô cốt: Tra Suất trong, Ba Cụm trong, Lạc Sơn, Bến Giá, Cầu Xây, Mé Láng; bắn cháy một tàu, một sà lan, một xe bọc thép, sáu xe lội nước. Ta diệt và làm bị thương 650 tên (có năm quan hai chết). Bắt tù binh 125 tên; hàng binh 184; thu 43 súng (có hai cối 60mm, ba trung liên, 11 tiểu liên, ba Thom Sơn, một vạn viên đạn, 500 lựu đạn); ba máy vô tuyến điện và một máy phát điện; phá hư sáu cầu; đào 500m3 đường, đắp 230 mô, đốn ngả 1800 cây cản đường; cắt gần 2.000 mét dây điện...
    Ta hy sinh 22 Vệ quốc đoàn, 13 dân quân, bị thương 157 đồng chí, mất một cối 60mm, hai đại liên, hai trung liên và 12 súng trường.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 04 Tháng Bảy, 2012, 10:10:22 am

CHIẾN DỊCH SÓC TRĂNG 1*
(Tiến công, từ ngày 4 đến ngày 30 tháng 4 năm 1950).


Sóc Trăng vựa lúa của miền Tây Nam Bộ nằm ở cuối lưu vực sông Hậu, sát biển Đông với ba cửa biển lớn tàu bè ra vào thuận tiện: cửa Trần Đề, Định An và Mỹ Thanh. Sóc Trăng là tỉnh đồng bằng châu thổ, không có rừng núi, chỉ có rừng chồi ngập mặn ven biển, có nhiều cù lao lớn như cù lao Dung, Phong Nẩm... Hệ thống kênh, rạch, sông chằng chịt, sông Bá Sắc với hai cửa lớn, tàu 10 vạn tấn có thể ra vào; sông Mỹ Thanh từ cửa biển Mỹ Thanh vào Cổ Cò, Vàm Lẻo đến trung tâm thị xã Bạc Liêu; sông Xanh Ta, kênh Quảng Lộ, Phụng Hiệp tàu hàng ngàn tấn đi lại dễ dàng. Đường bộ có quốc lộ 1 chạy giữa tỉnh nối liền từ Cần Thơ qua trung tâm thị xã Sóc Trăng đến Bạc Liêu, nối với các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ và đường vành đai ven biển.

Nhân dân Sóc Trăng hơn một nửa là người Kinh, còn lại người Khơ-me chiếm hai phần ba và một phần ba là người Hoa kiều và những người có quốc tịch Pháp. Bởi vậy từ năm 1949 đến đầu 1950, thực dân Pháp vừa ra sức củng cố hệ thống đồn bốt tháp canh ở Sóc Trăng, vừa ráo riết xây dựng mạng lưới tề điệp, ngụy quân, ngụy quyền, các sóc Khơ-me vũ trang, tuyên truyền phản động để chia rẽ dân tộc, ra sức xây dựng địa bàn thành hậu phương vững chắc của chúng để có điều kiện đối phó với chiến trường Bắc Bộ ngày càng nóng bỏng, đối phó với thực trạng thiếu quân số nghiêm trọng của chúng.

Về phía ta, Trung ương chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cuộc kháng chiến trên chiến trường toàn quốc và giành thế chủ động trên chiến trường Nam Bộ, mở các chiến dịch liên hoàn để phối hợp với chiến trường chính mở Chiến dịch Biên Giới. Thực hiện chủ trương đó, Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Khu 9 quyết định mở Chiến dịch mùa Xuân và chọn Sóc Trăng làm chiến trường chính. Mục đích của chiến dịch là: Phá hậu phương, thu hẹp phạm vi kiểm soát của địch, phá âm mưu chia rẽ dân tộc của chúng; đồng thời tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, tích cực kiềm chế địch tại chỗ, không để chúng đưa quân ra Bắc Bộ. Khu vực mở chiến dịch là địa bàn ba huyện Châu Thành, Thạnh Trị và Kế Sách; hướng chủ yếu là huyện Châu Thành. Phương châm tác chiến là: đánh điểm, vây điểm để diệt viện, đồng thời với vũ trang tuyên truyền và phá hoại giao thông.

Lực lượng tham gia chiến dịch có tiểu đoàn 402 chủ lực của Khu và tiểu đoàn 404 chủ lực Nam Bộ, ba đại đội (1098, 1089 và 1094) thuộc liên trung đoàn 123 - 125, và lực lượng dân quân du kích của ba huyện Châu Thành, Thạnh Trị và Kế Sách và đơn vị Ít-sa-rắc. Lực lượng phục vụ chiến dịch có 7.000 dân công của hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng.

Bộ tư lệnh Nam Bộ cử đồng chí Võ Quang Anh làm Tư lệnh chiến dịch, đồng chí Nguyễn Hoàn làm Chính uỷ. Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Sóc Trăng đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo địa phương đẩy mạnh hoạt động và phục vụ chiến dịch.

Bộ chỉ huy chiến dịch đã chia địa bàn thành ba mặt trận và phân công nhiệm vụ tác chiến cho từng đơn vị: Mặt trận A (mặt trận chính) tại huyện Châu Thành, do các tiểu đoàn 402, 404, đại đội 2006, trung đội du kích Châu Thành, đội biệt động và đại đội công binh đảm nhiệm. Mặt trận B tại huyện Kế Sách và một phần huyện Long Phú do các đại đội 1089, 1098, trung đội Ít-sa-rắc và dân quân du kích hai huyện đó đảm nhiệm. Mặt trận C tại huyện Thạnh Trị do đại đội 1094, trung đội du kích huyện Thạnh Trị và một bộ phận công binh đảm nhiệm.

Đêm 4 tháng 4, đại đội 3003 chủ lực Nam Bộ nổ súng tiến công đồn Bưng Tróp trên trục lộ An Thạch đi Bố Thảo, cách thị xã 12 ki-lô-mét, do một trung đội lính Khơ-me và hai chỉ huy Pháp đóng giữ. Ta nổ súng muộn nên không diệt được đồn, phải chuyển sang bao vây để chờ đến đêm hôm sau. Đêm 5 rạng ngày 6 tháng 4, ta tiến công đến 3 giờ sáng thì địch đầu hàng. Ta bắt tù binh, thu vũ khí và san bằng đồn. Lực lượng chính trị và dân quân du kích chiếm tuyến Bưng Tróp làm công tác tuyên truyền vận động quần chúng và truy bắt, giáo dục và giải tán lực lượng Khơ-me phản động ở đây.

Sáng 6 tháng 4, một đoàn xe quân sự chở khoảng một đại đội từ thị xã Sóc Trăng kéo theo một đại bác 90mm vào chi viện, vì đường sá dân quân ta phá nên chúng phải xuống đi bộ. 11 giờ, địch hành quân đến đoạn Bố Thảo - Mỹ Phước thì lọt vào trận địa phục kích của ta. Ta nổ súng diệt gọn và thu vũ khí (khẩu đại bác địch phá cụt nòng nên ta bỏ lại, ta thu 30 súng có một khẩu cối 60mm và một trung liên). Địch cho máy bay đến bắn phá trận địa. Ta vừa rút lui vừa bắn máy bay. Sau trận công đồn diệt viện đầu tiên giành thắng lợi, địch ở Sóc Trăng lo sợ không dám ra tiếp cứu phải xin Sài Gòn chi viện bằng máy bay. Nhiều phum, sóc, chùa chiền bị máy bay bắn phá hư hỏng. Chính quyền địa phương Châu Thành vẫn huy động 2.000 nhân dân ra phá các lộ Ba Rinh - Đông Dương, Xeo Gừa - Bố Thảo, Bố Thảo - Sóc Trăng, để ngăn cản việc di chuyển của địch.

Từ ngày 7 đến ngày 17 tháng 4, lực lượng vũ trang đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền. Các tiểu đoàn được phân tán vào các xóm, chùa nói chuyện tuyên truyền cách mạng cho quần chúng nhân dân. Bộ đội địa phương huyện Châu Thành liên tục pháo kích các lô cốt trên tuyến lộ Đông Dương, phát loa kêu gọi, bức rút một số tháp canh. Ở huyện Kế Sách, Long Phú lực lượng vũ trang tiến công gỡ đồn Tập Rèn (Kế Sách) và một đồn ở Long Phú, thu toàn bộ vũ khí. Đại đội 1098 mở nhiều cuộc vũ trang tuyên truyền từ ngã ba An Trạch đi Vũng Thơm và trên tuyến lộ Chung Đôn sát thị xã Sóc Trăng. 1.500 dân quân huyện Kế Sách phá hoại tuyến đường Vũng Thơm - Kế Sách, Vũng Thơm - Trường Khánh. Đại đội 1089 tiến hành vũ trang tuyên truyền trên tuyến lộ Tân Hương đi Long Phú. Hàng ngàn đồng bào tham gia phá lộ Cái Oanh đi Long Phú.

Dân quân du kích huyện Thạnh Trị phá sập cầu Cà Lâm và phá banh lộ Cà Lâm đi Gia Hội. Đại đội 1094 tổ chức nhiều cuộc vũ trang tuyên truyền với đồng bào Khơ me ở Trà Cuôn - Thanh Phú.

Ngày 24 tháng 4, một đại đội thuộc tiểu đoàn 402 đánh đồn Xã Vì. Ngày 27 tháng 4, tiểu đoàn 402 đánh đồn Gióc-đan (Jourdan) đều không đạt kết quả.

Ngày 25 tháng 4, tiểu đoàn chủ lực Nam Bộ, có pháo 90mm yểm trợ, tiến công đồn Mỹ Phước. Sáng hôm sau, ngày 26 tháng 4, địch cho quân tiếp viện, ta phục kích đánh tiêu diệt một trung đội địch trên lộ Bố Thảo - Tam Sóc, thu một số vũ khí. Chiến dịch kết thúc ngày 30 tháng 4 năm 1950.

Kết quả: Ta diệt được đồn Bưng Tróp, loại khỏi vòng chiến đấu hơn một đại đội tiếp viện của địch, thu một pháo 90mm và một số súng đạn. Về quân sự ta không giành được thắng lợi trọn vẹn như mục tiêu chiến dịch đề ra, nhưng về chính trị ta đã giành thắng lợi rất lớn. Ta đã phá vỡ và thâm nhập được vùng mà địch vẫn cho là “bất khả xâm phạm”; bằng tuyên truyền vũ trang, ta đã đưa được tiếng nói của cách mạng, “tiếng nói kháng chiến” của “bộ đội Cụ Hồ” vào giác ngộ cho hàng vạn lượt đồng bào trong vùng đang bị địch kìm kẹp và chia rẽ. Từ đó, làm lung lạc tinh thần binh lính ngụy, thực hiện được ý định chiến dịch: căng kéo và kìm chân lực lượng của địch, không cho chúng mở rộng vùng chiếm đóng, bình định hậu phương và tiếp viện cho chiến trường Bắc Bộ. Cũng từ các cuộc vũ trang tuyên truyền, ta đã huy động được hàng nghìn quần chúng nhân dân tham gia phá đường, tiếp lương tải đạn phục vụ chiến dịch. Đây là thành quả lớn nhất của Chiến dịch Sóc Trăng 1.

Trong nghệ thuật chiến dịch ta còn bộc lộ nhược điểm là: Trong kế hoạch, chưa dự kiến hết khả năng đối phó bằng phi pháo của địch nên khi tình huống xảy ra ta rơi vào thế bị động, lúng túng và không tổ chức bắn trả được máy bay địch. Công tác nắm địch làm chưa tốt, lực lượng ta bố trí dàn trải, không tập trung vào những mục tiêu chính nên hạn chế đến kết quả của chiến dịch.
________________________________________
*.Lúc đầu lấy tên là Chiến dịch TOFACO (tổng phản công). Sau này đổi tên là “Chiến dịch Sóc Trăng 1”.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 04 Tháng Bảy, 2012, 10:11:47 am

CHIẾN DỊCH PHAN ĐÌNH PHÙNG
(Tiến công, từ ngày 15 tháng 6 đến ngày 24 tháng 10 năm 1950)


Tại chiến trường Bình Trị Thiên đầu năm 1950, địch ra sức củng cố ngụy quyền, xây dựng thêm các lô cốt tháp canh, củng cố vùng chiếm đóng, ra sức vơ vét lúa gạo, bắt lính, đánh phá dữ dội vùng tự do của ta. Cuối tháng 2, Bình Trị Thiên lại bị trận lụt lớn, lương thực thực phẩm khan hiếm, tình hình chiến trường Bình Trị Thiên hết sức khó khăn.

Mặc dù vậy, quân dân Bình Trị Thiên vẫn ra sức đẩy mạnh chiến tranh du kích, tập trung lực lượng chống càn bảo vệ nhân dân gặt mùa, cất giấu lương thực.

Ngày 14 tháng 4 năm 1950, thực hiện chủ trương “Phát triển chiến tranh du kích đến cực độ, đẩy vận động lên địa vị chủ yếu” của Trung ương, Hội nghị quân chính Bình Trị Thiên họp bàn mở Chiến dịch Đông Xuân. Hội nghị quyết định huy động cao độ khả năng của nhân dân ba tỉnh mở Chiến dịch Phan Đình Phùng nhằm mục đích tiêu diệt sinh lực địch, phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ, giáng đòn phủ đầu quân cơ động của Pháp mới được tổ chức trên chiến trường Bình Trị Thiên, rèn luyện nâng cao trình độ đánh vận động chiến của bộ đội ta, lấy thắng lợi của chiến dịch thúc đẩy cuộc chiến tranh du kích ở Bình Trị Thiên lên đỉnh cao mới.

Quân địch ở Bình Trị Thiên lúc này, ngoài các lực lượng chiếm đóng (khoảng 90 cứ điểm, 120 lô cốt tháp canh) còn có hai tiểu đoàn Âu - Phi cơ động: tiểu đoàn An-giê-ri (RIA) và tiểu đoàn 2 trung đoàn bộ binh Ma-rốc số 4 (2/4e RTM).

Ngày 10 tháng 6, tại xóm Luật Sơn, Trường Thuỷ (Lệ Thủy), Bộ chỉ huy mặt trận Bình Trị Thiên chính thức giao nhiệm vụ cho các đơn vị. Ý định của Bộ chỉ huy là tiêu diệt đội ứng chiến tỉnh Quảng Bình và một bộ phận ứng chiến liên tỉnh, lấy tiêu diệt quân ứng chiến liên tỉnh làm chính. Tổ chức diệt một cứ điểm để rút kinh nghiệm huấn luyện bộ đội đánh công kiên.

Lực lượng tham gia chiến dịch, trận hướng chủ yếu có trung đoàn 18 (gồm tiểu đoàn 346, 274); trung đoàn 95 gồm tiểu đoàn 227, 302, 310 và tiểu đoàn pháo binh 888). Hướng phối hợp có trung đoàn 101, tiểu đoàn 364 cùng lực lượng vũ trang địa phương của ba tỉnh. Chỉ huy chiến dịch là đồng chí Trần Quý Hai, Chỉ huy trưởng Mặt trận Bình Trị Thiên; Chỉ huy phó là đồng chí Lê Nam Thắng.

Để đảm bảo bí mật cho việc chuẩn bị trên hướng chính, Bộ chỉ huy mặt trận lệnh cho tất cả các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích trên hướng phối hợp tăng cường hoạt động tập kích, quấy rối, đánh phá giao thông để căng kéo, phân tán sự đối phó của địch. Mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành vào trung tuần tháng 6. Chiến dịch được tiến hành theo hai đợt:

Đợt 1 (từ ngày 17 đến 27 tháng 6):

Ngày 17 tháng 6 ta mở màn đợt 1. Một đại đội của trung đoàn 18 tổ chức bao vây quấy rối đồn Sen Hạ. Đại đội Lê Hồng Phong, bộ đội địa phương Quảng Trị bao vây đồn Ba Định. Ngày 18, ta tiếp tục bao vây đồn Sen Hạ nhằm kéo quân ứng chiến liên tỉnh đến để tiêu diệt.

Đúng như dự kiến, sáng 19 tháng 6, địch đưa khoảng 400 quân từ Hòa Luật Nam vào ứng cứu Sen Hạ. Lực lượng này lọt vào trận địa phục kích của tiểu đoàn 274 trung đoàn 18 ở Sen Động, Phú Thiết, bị tiêu diệt và bắt sống 250 tên. Ta phá hủy chín xe, thu nhiều vũ khí trang bị. Phát huy thắng lợi, tối ngày 19, trung đoàn 18 sử dụng trọng pháo chi viện cho bộ binh tiến công Sen Hạ. Trận đánh không thành công, địch cho hai đại đội dù nhảy xuống Sen Hạ và Hoà Luật Nam để củng cố hai vị trí này.

Thấy chủ lực ta hoạt động mạnh, bộ chỉ huy Pháp ở Bình Trị Thiên quyết định tập trung lực lượng lớn để tiêu diệt chủ lực ta. Chúng tổ chức càn quét quyết liệt vùng Mỹ Thổ, Duy Tân và yểm hộ cho đồng bọn ở Mỹ Trạch, Liêm Thiện rút về Hòa Luật.

Từ ngày 20 tháng 6, được tin địch tập trung quân ở Hồ Xá, Mặt trận điều trung đoàn 95 và tiểu đoàn 274 vào khu vực Hạ Cờ, Chấp Lễ. Ngày 25 tháng 6, năm tiểu đoàn của ta dưới sự chỉ huy của ban chỉ huy trung đoàn 95, tổ chức trận địa phục kích suốt chiều dài bảy ki-lô-mét hai bên quốc lộ số 1 từ Sen Thủy đến ngã ba Sa Lung (Vĩnh Linh). Chiều ngày 27, một đoàn xe địch hơn 70 chiếc chở trên 1.000 quân từ Đồng Hới vào Đông Hà, đi đến Hạ Cờ (Chấp Lễ - Vĩnh Linh) thì bị chặn đánh. Cả đoàn xe địch bị chia cắt thành nhiều đoạn, song địch vẫn ngoan cố dựa vào địa hình, co cụm chống trả ta quyết liệt. Cuộc chiến đấu kéo dài suốt năm giờ mới kết thúc, ta diệt hơn 300 tên địch, bắn rơi một máy bay.

Hạ Cờ là trận đầu tiên ta sử dụng hai trung đoàn phục kích ban ngày trên địa hình đồng bằng chiến trường Bình Trị Thiên. Trận đánh đã làm tổn thất nặng nề quân ứng chiến của địch trên địa bàn, gây tiếng vang lớn trong nhân dân. Sau trận Hạ Cờ, ta cơ bản kết thúc đợt 1 chiến dịch.

Đợt 2 (từ ngày 1 tháng 7 đến ngày 24 tháng 10):

Từ ngày 1 tháng 7, chiến dịch bước vào đợt 2. Ban đầu ta đẩy mạnh các hoạt động nhỏ liên tục của bộ đội địa phương. Đến ngày 13 tháng 7, ta sử dụng tiểu đoàn 436 được tăng cường trọng pháo, cường tập Sen Hạ tạo điều kiện cho trung đoàn 95 đánh viện. Địch không tăng viện bằng đường bộ như ta dự kiến mà tăng viện bằng quân dù, ta không diệt được viện. Sau trận này, Bộ chỉ huy chiến dịch ý định cho kết thúc chiến dịch. Đúng lúc này, Bộ Tổng tư lệnh điện cho Mặt trận Bình Trị Thiên kéo dài chiến dịch Phan Đình Phùng để phối hợp với chiến trường Biên Giới.

Nhận được điện, Bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương giao nhiệm vụ tác chiến khu vực bắc Quảng Bình cho bộ đội địa phương, dân quân du kích, còn chủ lực nhanh chóng cơ động vào nam Quảng Bình tác chiến.

Suốt trong đợt 2 chiến dịch (đến 24 tháng 10) ta chỉ hoạt động với quy mô vừa và nhỏ nhằm duy trì chiến đấu liên tục của chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương để tiêu hao, tiêu diệt địch. Ta tập trung lực lượng hoạt động ở Đồng Hới, Đông Hà, Quảng Trị, đánh phá các cơ quan ngụy quyền, đồn bốt, gây cho địch nhiều thiệt hại.

Nổi bật nhất trong đợt 2 là trận phục kích đoàn tàu quân sự 15 toa tại Như Sơn - Bến Đá ngày 24 tháng 10 của tiểu đoàn 227 trung đoàn 95 và một bộ phận của trung đoàn 101. Trong trận này, ta đã phá hỏng một đầu máy, 10 toa, thu một khẩu pháo 40mm, hàng trăm súng, diệt và làm bị thương 160 tên.

Kết quả toàn chiến dịch, ta diệt 540 tên, làm bị thương 300 tên, bắt 20 tù binh, phá hủy một đoàn tàu bọc thép, 40 xe vận tải, bắn rơi một máy bay thu hàng trăm súng các loại.



Mặc dù tiến hành trong điều kiện hết sức khó khăn, song chiến dịch Phan Đình Phùng đã tiêu diệt, tiêu hao một phần quân ứng chiến của địch, bảo vệ được mùa màng, phối hợp nhịp nhàng với chiến trường chính Bắc Bộ. Chiến dịch còn góp phần nâng cao trình độ của cán bộ chiến sĩ trong quá trình chuyển từ tác chiến du kích lên chính quy.

Về nghệ thuật chiến dịch, ta đã thành công trong một số lần “khêu ngòi diệt viện”, bước đầu đánh bại chiến thuật “khối ứng chiến lớn” hành binh lớn của Pháp ở chiến trường Bình Trị Thiên. Trong chiến dịch ta đã tổ chức một số trận phục kích khá lớn, diệt nhiều địch.

Tuy vậy, do chiến dịch mở ra trên địa bàn rộng, phương tiện thông tin chưa tốt, nên việc chỉ huy hiệp đồng chưa chặt chẽ, hiệu quả chiến dịch chưa cao.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 04 Tháng Bảy, 2012, 10:21:14 am

CHIẾN DỊCH BẾN TRE
(Tiến công, từ ngày 3 đến ngày 31 tháng 7 năm 1950)


Bến Tre là tỉnh hẹp nhất trong chín tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (diện tích 2.224,75 km2), là tỉnh cuối nguồn sông Cửu Long, giáp với biển Đông, cách thành phố Sài Gòn 86 ki-lô-mét về hướng tây nam. Là xứ đất bồi mang hình rẻ quạt bởi bốn nhánh của sông Cửu Long (sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên). Mỗi mùa nước lũ, các nhánh sông lại bồi đắp hàng triệu mét khối phù sa, tạo thành ba cù lao lớn: cù lao An Hoá, cù lao Bảo và cù lao Minh. Bến Tre được hợp thành bởi ba cù lao này. Địa hình bằng phẳng, rải rác có những giồng cát xen kẽ với ruộng vườn tươi tốt, làng mạc trù phú. Bến Tre không có rừng già, chỉ có rừng chồi (cây mắm, đước, chà là, bần) diện tích 14.286 héc ta ở ven biển, quanh năm ngập nước. Một hệ thống sông, rạch, kênh chằng chịt đã tạo nên mạng lưới giao thông thuỷ vô cùng thuận tiện. Đường bộ có các đường liên tỉnh 6A chạy từ phà Rạch Miễu (Tiền Giang) qua thị xã Bến Tre đến Mỏ Cày và ra phà Cổ Chiên; cù lao Minh có tỉnh lộ 30 nối huyện Chợ Lách - Mỏ Cày - Thạch Phú; cù lao Bảo có tỉnh lộ 26 nối Châu Thành - thị xã Bến Tre - Giồng Trôm - Ba Tri; cù lao An Hóa có tỉnh lộ 17 nối từ liên tỉnh lộ 6A đến huyện Bình Đại. Bến Tre là vùng đất tốt, người đông, nhân dân có truyền thống yêu nước và giác ngộ cách mạng, là tỉnh bị giặc Pháp tái chiếm sớm, nhưng đồng thời là nơi có phong trào chiến tranh du kích kiên cường và rộng khắp.

Trong hai ngày đêm 8 và 9 tháng 2 năm 1950, lực lượng huyện và dân quân du kích Châu Thành, bằng phương pháp cải trang kỳ tập đã san bằng 11 đồn tua, thu hàng trăm súng, lôi kéo gần 100 binh sĩ Hòa Hảo về với kháng chiến; giải phóng hoàn toàn xã Châu Bình. Đây là xã đầu tiên của cù lao Bảo được giải phóng. Sau sự kiện này, thực dân Pháp trả thù điên cuồng bằng các đợt tập trung càn quét dã man: chặt đầu, mổ bụng, moi gan, liệng xác đồng bào ta xuống sông. Một số cán bộ dao động chạy lên Sài Gòn và vùng lân cận lẩn trốn, một số nằm im bất động. Trước tình hình đó, tháng 5 năm 1950, tỉnh ủy, tỉnh đội và một số cán bộ chủ chốt của các tiểu đoàn chủ lực của Khu mở hội nghị tại cù lao Minh và quyết định mở “Chiến dịch tiến công Bến Tre” nhằm phá kế hoạch lấn chiếm cù lao Minh của địch, giải phóng và giữ vững một số vùng theo sự chỉ đạo của Khu 8. Địa bàn chiến dịch là vùng bắc Mỏ Cày gồm các xã Tân Bình, Hưng Khánh Trung, Vĩnh Thành (Cái Mơn), Vĩnh Hòa, Tân Thạnh Tây, Hòa Lộc, Nhuận Phú Tân và Đa Phước Hội. Địa hình ở các xã này liền nhau, ít sông rạch ngăn cách, cho phép ta tập trung đánh lớn, có khả năng diệt từ một đến hai tiểu đoàn địch. Hậu phương của ta rộng, cơ sở vật chất bảo đảm phục vụ chiến dịch được dài ngày.

Lực lượng địch trên địa bàn chiến dịch gồm: Trên vùng Cái Mơn có 22 đồn bốt, đóng trên các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Thành, Song Phú và Long Thới; vùng Giồng Keo có một đồn chính và 14 tháp canh; khu vực thị trấn Mỏ Cày có hai kho, do lính Pháp và Ma-rốc chiếm đóng, khu Thành Thới do lính Hòa Hảo chiếm đóng. Lực lượng ứng chiến có hai tiểu đoàn cơ động (501 và 502), tiểu đoàn UMDC thuộc lực lượng phản động đội lốt Thiên Chúa giáo của tên Lê-ông Lơ-roa đóng ở An Hoà. Ngoài ra, địch có một trung đoàn đóng ở Mỹ Tho, Vĩnh Long, Trà Vinh sẵn sàng cơ động tăng viện cho Bến Tre khi cần thiết.

Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm: ba tiểu đoàn chủ lực của khu (307, 308 và 310), hai đại đội địa phương tỉnh và một đại đội bộ đội địa phương huyện Mỏ Cày - Chợ Lách cùng dân quân du kích các xã và hàng ngàn dân công phục vụ chiến đấu.

Đồng chí Nguyễn Đăng, phó Tư lệnh Khu 8 làm Tư lệnh chiến dịch; đồng chí Võ Văn Thời làm Chính ủy; hai đồng chí Đồng Văn Cống và Bùi Sỹ Hùng làm Phó tư lệnh chiến dịch.

Phương châm tác chiến là: “đánh điểm, diệt viện” và “vây điểm diệt viện”.

Kế hoạch dự kiến: Khi mở màn chiến dịch, phải diệt cho được đồn chính Lò Heo (Cái Mơn) và đồn Giồng Keo (Tân Bình). Đồng thời bao vây uy hiếp mạnh toàn bộ hệ thống đồn bốt trong vùng. Đối tượng tác chiến chủ yếu là đánh quân cứu viện thuộc các tiểu đoàn cơ động 501, 502 và UMDC. Diệt phần lớn quân cơ động sẽ bẻ gãy kế hoạch lấn chiếm vùng căn cứ từ đó mở thêm một số “lõm” du kích ở vùng bắc Mỏ Cày.

Đêm 3 tháng 7 năm 1950, chiến dịch mở màn. Đại đội 945 tiểu đoàn 310 diệt gọn một trung đội địch ở đồn Lò Heo, thu toàn bộ vũ khí. Các đại đội của tiểu đoàn 307 gồm: Đại đội 931 đánh bốt Hoà Khánh; đại đội 932 đánh hai bốt Cây Đa và Bác Vật Vinh; đại đội 933 đánh các bốt Ông Kèo, Bà Thiết và Giáp Sang đều không thành công. Ngày 4 tháng 7, tiểu đoàn chuyển sang bao vây vòng ngoài để chờ đến tối tiến công. Đến 16 giờ, địch ở bốt Hòa Khánh rút chạy. 18 giờ, địch ở bốt Cây Đa bỏ trốn, ta bắt được một số tên. Đến 20 giờ, địch ở bốt Bà Thiết cũng bỏ chạy. Ngày 5 tháng 7, địch ở bốt Ông Kèo ra đầu hàng. Một đại đội địch từ thị xã Bến Tre hành quân bằng đường thủy theo sông Hàm Luông đổ bộ lên xã Thạch Ngãi, đánh sang Vĩnh Hòa, bị tiểu đoàn 310 chặn đánh, diệt 20 tên, thu 10 súng, số còn lại tháo chạy xuống tàu.

Đêm 6 tháng 7, bộ phận trợ chiến của tiểu đoàn 307 phục kích để đánh tàu trên Hòa Lộc nhưng địch không xuất hiện, đại đội 933 chạm súng với gần một đại đội địch ở Thành An, nhưng không kết quả. Ngày 12 tháng 7, đợt 1 chiến dịch kết thúc.

Sau đợt 1, Bộ chỉ huy chiến dịch bổ sung quyết tâm và điều chỉnh lại đội hình: Tiểu đoàn 308 về Tân Thành Tây, tiểu đoàn 307 về Gia Khánh, tiểu đoàn 310 về Tân Phú Tây.

2 giờ 30 ngày 13 tháng 7, tiểu đoàn 308 tiến công cứ điểm Giồng Keo và kết hợp gọi loa địch vận nhưng không kết quả. Ta tổ chức bao vây và liên tiếp tiến công vào các đêm 14, 17 và 18 nhưng do nắm địch không chắc nên cả ba đêm đánh không thành công. Lực lượng của tiểu đoàn 307 bố trí hai bên bờ rạch đoạn giữa chợ Xếp và Giồng Keo để đánh chặn viện (cho Giồng Keo). Lúc 16 giờ ngày 19, địch hành quân băng qua các khu vườn và cánh đồng, qua đồn Giồng Keo, tiến vào khu vực của đại đội 933. Tiểu đoàn lập tức điều đại đội 931 và 932 sang phối hợp đánh địch. Nhưng do hiệp đồng không chặt chẽ nhịp nhàng, đại đội 933 xung phong quá sớm, nên ta chưa hình thành kịp thế bao vây địch, để chúng chạy thoát về phía đồn Giồng Keo. Trận này địch chỉ chết và bị thương chừng 30 tên.

Ngày 21 tháng 7, một tiểu đoàn địch từ Mỏ Cày tiến vào Giồng Keo, có xe lội nước và pháo binh yểm trợ. Nhân cơ hội này, bọn lính đồn trú ở đồn Giồng Keo cũng rút luôn theo đường bộ dọc bờ phía nam rạch Mỏ Cày – Giồng Keo, bộ đội địa phương tỉnh truy kích, diệt được một số tên. Xã Tân Bình hoàn toàn giải phóng. Lực lượng chủ lực không đánh được quân địch này vì trước đó đã đưa lực lượng sang bố trí ở các vườn phía bắc rạch Mỏ Cày - Giồng Keo.

Bộ đội ta vẫn triển khai bao vây, bọn bị vây kêu cứu nhưng không được chi viện, vì chúng phát hiện lực lượng ta định đánh lớn nên các tiểu đoàn 501, 502 và UMDC vẫn bất động, nằm im tại thị xã Bến Tre. Nhiệm vụ chủ yếu của ta là diệt quân cơ động không thực hiện được. Cuối tháng 7, Bộ chỉ huy ra lệnh kết thúc chiến dịch.

Kết quả: Ta diệt được bốn đồn, giải phóng một xã; diệt 230 tên địch, làm bị thương một số và bắt 25 tên; thu hai trung liên, bảy tiểu liên, 30 súng trường; bắn hỏng hai xe lội nước, đốt hai xuồng máy.

Nét nổi rõ của chiến dịch là đã biết kết hợp giữa tiến công địch và tiến hành công tác binh, địch vận, khiến quân địch ở nhiều bốt hoang mang bỏ chạy; ta diệt được bốn đồn tua, 10 bốt nhỏ ở cù lao Bảo, giải phóng một xã, gây được lòng tin trong nhân dân. Nhưng do thiếu sót trong tổ chức nắm địch, trong chỉ đạo chiến thuật và trong hiệp đồng chiến đấu thiếu chặt chẽ, nhịp nhàng nên hầu hết các trận tiến công đồn bốt, lô cốt địch tương đối kiên cố đều không thành công; không tập trung được lực lượng vào những mục tiêu chủ yếu, không phát huy được sức mạnh của các đơn vị chủ lực, bỏ lỡ nhiều cơ hội diệt địch, mục tiêu chính đề ra là diệt quân cơ động không hoàn thành, mặc dù cuối chiến dịch bộ đội còn sung sức, vùng du kích chưa được mở rộng liên hoàn như dự kiến ban đầu.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 04 Tháng Bảy, 2012, 10:23:41 am

CHIẾN DỊCH ĐẮC LẮC*
(Tiến công, từ tháng 7 đến tháng 9 năm 1950)


Sau khi chiếm được Tây Nguyên, thực dân Pháp quyết định tách các tỉnh thuộc Tây Nguyên thành một đơn vị hành chính riêng và lập “Ủy phủ Liên bang” trực thuộc cao ủy Pháp. Dựa vào bọn tay sai và hệ thống ngụy quyền cũ, Pháp đã lập lại bộ máy cai trị từ tỉnh đến buôn, làng. Chúng củng cố và mở rộng các đồn bốt cũ, xây dựng đồn bốt mới, hình thành một hệ thống cứ điểm chằng chịt quanh các tỉnh lỵ.

Từ đầu năm 1949, địch tập trung lực lượng tăng cường càn quét ngăn chặn các đường tiến công của ta nhằm đẩy lùi các đội gây cơ sở đang tiến sâu vào Tây Nguyên. Chúng ra sức bắt lính, bắt phu, xây dựng ngụy quân, ngụy quyền, lợi dụng những sai sót của ta để tuyên truyền chia rẽ, kích động hằn thù dân tộc ở vùng Tây Nguyên.

Bất chấp mọi thủ đoạn của kẻ thù, cuộc kháng chiến ở Tây Nguyên không ngừng phát triển. Với sự kết hợp chặt chẽ giữa vận động gây cơ sở và tiến công quân sự, đến cuối năm 1949, một vùng cơ sở rộng đã hình thành trong khu tam giác Cheo Reo - Buôn Hồ - Ma Đơ Rắc (Đắc Lắc). Giữa năm 1950, các đơn vị chủ lực Liên khu và bộ đội địa phương Tây Nguyên được phát triển và củng cố vững mạnh thêm. Trung đoàn 803 được thành lập tháng 6 năm 1950, trung đoàn 84 hoạt động ở nam Tây Nguyên được củng cố.

Nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương gây dựng cơ sở địch hậu, đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, phá âm mưu củng cố vùng tạm chiếm của địch, chấp hành chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh về nhiệm vụ mùa hè của Liên khu 5, Bộ tư lệnh Liên khu quyết định mở chiến dịch Nguyễn Huệ ở nam Tây Nguyên với mục đích phối hợp với chiến trường Bắc Bộ, bồi dưỡng lực lượng ta, thúc đẩy việc xây dựng cơ sở ở địch hậu. Hướng trọng điểm chiến dịch là vùng tam giác Cheo Reo - Biển Hồ - Ma Đơ Rắc.

Địch trong khu vực này có chín đại đội, trong đó một phần ba là lính Âu - Phi, còn lại là lính ngụy người địa phương. Hoạt động chủ yếu của chúng là càn quét bắt lính, quấy rối vùng tự do, thăm dò phát hiện lực lượng ta.

Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm: Trung đoàn 803 chủ lực Liên khu (ba tiểu đoàn bộ binh, một đại đội công binh, một đại đội trợ chiến); trung đoàn 84 (gồm một số đại đội độc lập và tám đại đội vũ trang tuyên truyền). Ngoài ra Liên khu còn điều một số đại đội có nhiều kinh nghiệm chiến đấu của Quảng Nam, Khánh Hoà và của trung đoàn 108, 803 bổ sung cho trung đoàn 84. Để chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch, Liên khu thành lập Mặt trận Nam Tây Nguyên gồm các đồng chí: Nguyễn Đôn - Chỉ huy trưởng mặt trận; Trương Quang Giao - Chính ủy; Lư Giang - trung đoàn trưởng trung đoàn 803 và Nguyễn Tuyến - Trung đoàn trưởng trung đoàn 84 làm Chỉ huy phó mặt trận.

Chiến dịch được tiến hành theo hai đợt:

Đợt 1 (từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 8 năm 1950):

Bộ chỉ huy Mặt trận sử dụng hai tiểu đoàn chủ lực của trung đoàn 803 tập trung đánh các cứ điểm địch trên đường số 7 để hỗ trợ cho đại đội bộ đội địa phương, các đại đội vũ trang tuyên truyền và cán bộ dân chính đảng tiến lên Biển Hồ, đi sâu vào vùng địch hậu, gây cơ sở. Đêm 15 tháng 7, tiểu đoàn 365 tổ chức tiến công cứ điểm Ma Phu. Trong trận đánh, tiểu đoàn đã sử dụng súng phá bom do Liên khu chế tạo (sử dụng lần đầu tiên), song không diệt được đồn. Ngày 16 tháng 7, địch tăng viện từ BLá xuống ta cũng không đánh được. Các ngày sau đó ta phân tán đánh các lực lượng địch ở Ma Drik (Blang), BLôi, BLá, đường số 7, đường 21 để hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang tuyên truyền hoạt động.

Đợt 2 (kéo dài trong tháng 9):

Chủ lực tập trung đánh quân ứng chiến càn quét vào vùng Ma Đơ Rắc - Cheo Reo, đánh giao thông trên đường 21. Các đại đội vũ trang tuyên truyền phối hợp mở rộng khu du kích Biển Hồ, tiến vào xung quanh vùng thị xã Buôn Ma Thuộc, bản Đôn, bốt Đà Lạt.

Kết quả, sau ba tháng hoạt động, ta đã diệt 120 tên (có 14 lính Âu - Phi) làm bị thương 50 tên, bắt sáu tên, thu một máy vô tuyến điện, 37 súng các loại, phá hủy một súng cối 81mm, một máy vô tuyên điện, hai xe ô tô.

Kết quả diệt địch của Chiến dịch Nguyễn Huệ không lớn, song có ý nghĩa đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng địch hậu. Chiến dịch đã góp phần phát triển xây dựng cơ sở ở Đắc Lắc, một chiến trường chính ở Tây Nguyên. Ta đã tạo được một khu căn cứ địa ở vùng tam giáp Cheo Reo - Biên Hồ - Ma Đơ Rắc, tạo bàn đạp mở rộng cơ sở vượt qua tây đường 14 sang đông Cam-pu-chia.

Về nghệ thuật chiến dịch, đây cũng là chiến dịch nhỏ trong thời kỳ quá độ tác chiến du kích lên tác chiến chính quy. Thành công của chiến dịch là ở chỗ ta đã áp dụng phương thức (kinh nghiệm ở Sầm Nưa) dùng lực lượng tập trung tiến công, kiềm chế các cứ điểm, hỗ trợ cho các đội vũ trang tuyên truyền tiến sâu vào vùng địch tạm chiếm gây cơ sở, đẩy phong trào địch hậu ở nam Tây Nguyên phát triển, điều mà mấy năm trước Liên khu chưa làm được.
____________________________________
*.Còn có tên gọi là Chiến dịch Nguyễn Huệ hoặc Nam Tây Nguyên.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 04 Tháng Bảy, 2012, 10:26:12 am

CHIẾN DỊCH HOÀNG DIỆU*
(Tiến công, từ ngày 5 tháng 8 đến ngày 4 tháng 11 năm 1950)


Từ giữa năm 1950, được Mỹ viện trợ, Pháp đã đưa thêm nhiều quân sang Đông Dương, ra sức bắt lính lập thêm ngụy quân nhằm “bình định gấp rút, phản công quyết liệt” nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Ở Quảng Nam, Đà Nẵng, chúng xây dựng hàng loạt tháp canh bằng bê tông kiên cố để chống lại các hoạt động của du kích ta, phục vụ chính sách chiêu an bình định. Chúng tiến hành dồn dân một cách quyết liệt ở những nơi trọng điểm: Gò Nổi, Vĩnh Điện (Điện Bàn), Bắc Hòa Vang, Cẩm Phô (Hội An), Kiều Thượng (Duy Xuyên), ráo riết bao vây phá hoại kinh tế ta, lập các “ủy ban gặt lúa” xã, tổng để cướp lúa của nhân dân vùng tạm chiếm.

Trước tình hình đó, tháng 8 năm 1950, Bộ tư lệnh Liên khu 5 quyết định mở chiến dịch Thu Đông 1950 lấy tên “Chiến dịch Hoàng Diệu”, nhằm đánh bại âm mưu bình định của địch, bảo vệ mùa lúa tháng 8, diệt một số cứ điểm, hỗ trợ cho nhân dân đấu tranh chống địch chiêu an, dồn làng, đưa phong trào du kích chiến tranh vượt khó khăn, giữ vững phong trào kháng chiến ở vùng tạm chiếm.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm trung đoàn 108 chủ lực Liên khu, tiểu đoàn 29 và lực lượng vũ trang địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng. Đồng chí Nguyễn Bá Phát được cử làm Tư lệnh chiến dịch, đồng chí Nguyễn Quyết làm Chính ủy.

Với mục đích tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, Bộ chỉ huy chiến dịch xác định phương châm: Không đánh to mà phân tán hoạt động. Chủ lực tổ chức một bộ phận đánh vào cứ điểm nhỏ, còn tập trung đánh quân ứng chiến, dân quân tổ chức phá hoại, bao vây và vũ trang tuyên truyền.

Sau khi tiến hành mọi công tác chuẩn bị, ngày 5 tháng 8 năm 1950, ta nổ súng mở màn đợt 1 chiến dịch. Đại đội 7 tiểu đoàn 29, cùng đại đội 61 Điện Bàn tổ chức trận địa phục kích trên đường Xuân Đài – Bảo An. Hai trung đội địch ở Xuân Đài đi hành quân sục sạo, lọt vào trận địa phục kích bị bộ đội ta nổ súng tiêu diệt toàn bộ, thu 50 súng.

Ngày 8 tháng 8, tiểu đoàn 29 tập tục tổ chức phục kích trên đường Giao Thủy - Túy La và Ái Nghĩa - Điện Hồng. Đại đội 7 phục kích ở Giao Thủy - Túy La, đại đội 9 và 12 đảm nhiệm đoạn Ái Nghĩa, Điện Hồng, đại đội 8 là lực lượng cơ động bố trí ở Bình Yên. Do mưa lớn nên địch hành quân từ Giao Thủy xuống Túy La ta không nắm được, khi chúng quay trở về, vào làng Bình Yên, đại đội 8 đang ở đây mới nổ súng diệt một trung đội địch, bắt bốn tù binh, thu một số vũ khí. Phối hợp với hoạt động của tiểu đoàn 29, các đại đội bộ đội địa phương các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Hòa Vang, Hội An cùng dân quân du kích bám sát các đồn địch, bắn tỉa quấy rối, đặt mìn, canh gác chống địch cướp lúa của nhân dân. Các đại đội địa phương còn cử người làm nòng cốt trong các đội vũ trang công tác tiến sâu vào các vùng xung yếu diệt tề, trừ gian, xây dựng cơ sở vận động nhân dân phá chiêu an, dồn dân của địch. Đợt tuyên truyền vũ trang phá chiêu an, dồn dân của địch kéo dài đến ngày 8 tháng 9 thì kết thúc.

Cũng thời gian này, trung đoàn 108 chủ lực Liên khu đang làm nhiệm vụ gây cơ sở ở Quảng Ngãi, được lệnh ra chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng tham gia đợt 2 chiến dịch.

Ngày 9 tháng 9 chiến dịch bước vào đợt 2. Trung đoàn 108 (gồm tiểu đoàn 79 và 19), tổ chức một bộ phận diệt tháp canh Tú Hải nhưng không thành, do đó không thực hiện được kế hoạch đánh viện. Trung đoàn chuyển sang phân tán đánh nhỏ ở La Nghi, Gò Nổi để bảo vệ nhân dân thu hoạch mùa. Tiểu đoàn 19 hoạt động khá hiệu quả ở La Nghi, Gò Nổi, kiềm chế được địch, bảo vệ nhân dân, tiểu đoàn đã diệt được một trung đội địch đi tuần tiễu trên đường La Nghi, thu hai trung liên và 21 súng trường.

Cùng với hoạt động quân sự của trung đoàn 108, các lực lượng bộ đội địa phương tiếp tục đi sâu vũ trang tuyên truyền, vận động nhân dân phá chiêu an, dồn dân của địch, thực hiện đợt cao điểm đấu tranh chính trị do tỉnh phát động. Ở Trương Định, Nam Định, Hưởng Phước, dân bung về làng cũ làm ăn, tham gia du kích, canh phòng giữ làng. Ở Điện Phong xây dựng được 80 cơ sở, ở Điện Quang, Điện Hồng tổ chức được du kích, đào hầm bí mật cất giấu cán bộ.

Trước hoạt động quân sự, chính trị rộng khắp của ta, ngày 4 tháng 11 năm 1950, địch tập trung 1.500 quân cơ động cùng với lực lượng chiếm đóng ở các cứ điểm Bình Long, Phong Thử, Ngũ Giáp, Quá Giang, có máy bay yểm trợ tổ chức thành ba cánh quân hòng bao vây càn quét diệt trung đoàn 108 ở khu vực xã Điện Hòa.

Các tiểu đoàn 79, 19 phân tán cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích, lợi dụng làng mạc, bờ tre, gò mả kiên cường chiến đấu chặn địch. Cuộc chiến đấu chống càn hết sức ác liệt kéo dài suốt ngày 4 tháng 11, địch bị tổn thất nặng phải chấm dứt cuộc càn và ngậm ngùi thừa nhận: “cuộc hành quân với 1.500 binh lính có đủ máy bay đại bác, cơ giới vào Điện Hòa đã đưa đến kết quả không đi đến đâu cả”. Sau ngày chống càn này, ta cũng kết thúc chiến dịch để củng cố lực lượng.

Kết quả, sau ba tháng chiến đấu, ta đã diệt 600 tên địch, làm bị thương 300 tên, bắt sống 20 tù binh, thu ba trung liên, 40 súng trường.



Chiến dịch Hoàng Diệu đã hoàn thành nhiệm vụ chống “chiêu an”, “bình định” của địch, bảo vệ được mùa màng cho nhân dân. Chiến dịch đã góp phần thúc đẩy các hoạt động ở các chiến trường khác trên địa bàn Liên khu, kịp thời phối hợp với chiến trường toàn quốc trong Chiến dịch Biên giới, làm thất bại một bước kế hoạch củng cố vùng chiếm đóng, chiêu an bắt lính của địch, tiêu hao sinh lực địch, giữ được phong trào chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch.

Chiến dịch Hoàng Diệu là chiến dịch nhỏ, nằm trong bước quá độ từ tác chiến du kích lên tác chiến chính quy ở địa bàn Liên khu 5. Phương châm chiến dịch ban đầu là tập trung đánh quân ứng chiến, đánh điểm diệt viện, song thực tế chiến dịch diễn ra không được rõ nét. Nhiều trận đánh cứ điểm không thành nên không đánh được quân ứng chiến. Trong chiến dịch, ta chủ yếu phân tán cùng lực lượng địa phương chống càn, chống chiêu an, bảo vệ nhân dân thu hoạch mùa màng.

Mặc dù kết quả đánh điểm diệt viện còn hạn chế, song thắng lợi của chiến dịch trong đánh bại âm mưu dồn dân bình định của địch đã làm tăng thêm niềm tin và sự phấn khởi trong quân dân Quảng Nam, Đà Nẵng, góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến ở địa phương đi lên.


*
*   *


Từ khởi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến đây (sau Chiến dịch Hoàng Diệu, trước Chiến dịch Biên Giới), quân đội ta đã tiến hành hơn 26 chiến dịch (chưa kể một vài chiến dịch nhỏ của địa phương, do chưa đủ tài liệu nên những người viết chưa đề cập trong cuốn sách này); mỗi chiến dịch có quy mô khác nhau, nhưng đều đạt được những kết quả nhất định. Nhìn chung, về nghệ thuật chiến dịch đều chưa hoàn thiện, chưa thật đặc sắc nhưng đều đã bộc lộ những yếu tố, những mầm mống của nghệ thuật chiến dịch. Một chuỗi các chiến dịch diễn ra đã thật sự là “sự tích luỹ về lượng” rất cơ bản để quân đội ta có cuộc “nhảy vọt về chất”. Đó là sự ra đời của nghệ thuật chiến dịch đích thực và hoàn hảo ở Chiến dịch Biên Giới năm 1950.
____________________________________
*.Còn có tên gọi Chiến dịch Thu Đông.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Bảy, 2012, 09:50:51 am
CHIẾN DỊCH BIÊN GIỚI1
(Tiến công, từ ngày 16 tháng 9 đến ngày 14 tháng 10 năm 1950)


Đến giữa năm 1950, cuộc kháng chiến của ta đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng và có bước phát triển mạnh. Ta đã xây dựng lực lượng ba thứ quân, xây dựng được một đại đoàn và nhiều trung đoàn chủ lực để đẩy mạnh vận động chiến tiến tới trên chiến trường Bắc Bộ.

Cách mạng Trung Quốc thành công, thế lực bao vây bốn bề đối với Việt Nam bị phá vỡ một mảng lớn, nhân dân ta có điều kiện tiếp nhận sự viện trợ về vật chất của bạn bè, trang bị vũ khí của quân đội ta có bước tiến bộ đáng kể.

Tuy nhiên, việc Pháp mở rộng chiếm đóng ở Trung Du và đồng bằng Bắc Bộ, cướp mất kho người, kho của, tăng cường đánh phá ta về mọi mặt trên khắp các chiến trường đã ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng và phát triển lực lượng. Việt Bắc, hậu phương chính của kháng chiến lại nghèo và bị bao vây cô lập, nên không đủ khả năng đáp ứng những nhu cầu ngày một tăng của cuộc kháng chiến.

Trong bối cảnh đó, tháng 6 năm 1950, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch trên hướng biên giới Đông Bắc thuộc hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn nhằm mục đích: tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; giải phóng một phần biên giới, mở đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc.

Hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn phía bắc tiếp với Trung Quốc, rừng núi chiếm chín mươi phần trăm diện tích đất đai. Quốc lộ số 4 là trục giao thông chính chạy dọc biên giới nối liền các thị trấn, thị xã Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê, Na Sầm, Lạng Sơn. Ven hai bên quốc lộ 4 là núi rừng trùng điệp, núi đá tai mèo lẫn núi đất, rừng cây xen lẫn đồi tranh. Nhiều đoạn đường địa thế rất hiểm trở, uốn lượn chữ chi, một bên là vách đứng, một bên là vực sâu. Từ đường 4 ra phía biên giới có ba con đường thông sang Trung Quốc: đường Cao Bằng - Pác Mường, đường Đông Khê - Thuỷ Khẩu, đường Đồng Đăng - Bằng Tường, bên trong đi vào nội địa là đường số 3 nối Cao Bằng với Bắc Cạn, đường Bình Gia - Bắc Sơn nối Thất Khê với Thái Nguyên.

Sau cuộc tiến công lên Việt Bắc năm 1947, địch chiếm vùng Cao - Bắc - Lạng để “khoá chặt biên giới”, “bóp nghẹt lực lượng kháng chiến”. Trong kế hoạch Rơ-ve (Revers) (1949), địch đã coi việc tăng cường tuyến phòng thủ biên giới nhằm ngăn chặn quân Trung Quốc, ngăn cản sự tiếp xúc giữa Việt Nam và bên ngoài là một trong những nhiệm vụ cấp thiết nhất. Nhưng do lực lượng có hạn, Rơ-ve chủ trương chỉ phòng thủ có trọng điểm ở một số vị trí trọng điểm. Từ cuối năm 1949, Cao Bằng, Đông Khê trở thành những “con nhím” cô lập trên tuyến biên giới và việc tiếp tế cho những nơi này bằng đường bộ trở lên quá phức tạp và nguy hiểm. Đầu tháng 9 năm 1950, phát hiện nguy cơ có thể bị tiến công, địch dự kiến sẽ rút khỏi Cao Bằng vào đầu tháng 10.

Trước ngày ta nổ súng mở màn chiến dịch, địch chia Liên khu Biên Giới thành hai khu và hai phân khu Cao Bằng và Thất Khê, khu Lạng Sơn, khu An Châu, với tổng số binh lực vừa chiếm đóng và cơ động là 11 tiểu đoàn, chín đại đội bộ binh, bốn đại đội cơ giới, bốn đại đội công binh, 27 khẩu pháo các loại và tám máy bay. Lực lượng địch tại biên giới hầu hết là các đơn vị Âu - Phi tinh nhuệ, có “truyền thống” chiến đấu tại châu Âu. Tại các vị trí chiếm đóng, chúng xây dựng các cụm cứ điểm với binh lực từ hai đại đội trở lên, có hoả lực và binh chủng kỹ thuật tăng cường. Mỗi cụm cứ điểm gồm có đồn chính và các đồn tiền tiêu bảo vệ xung quanh để ngăn chặn ta từ xa. Chúng tăng cường cải tiến công sự ở các đồn, xây dựng hệ thống hào giao thông, hầm ngầm, lô cốt để tăng sức phòng thủ và xây dựng sân bay để đảm bảo tiếp vận đường không.

Về phía ta, thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao, ngày 7 tháng 7 năm 1950, Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh mở Chiến dịch biên giới Cao - Lạng, lấy mật danh là Chiến dịch Lê Hồng Phong 2. Ngày 27 tháng 7, Thường vụ Trung ương ra quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng uỷ mặt trận và Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch. Các đảng ủy viên gồm các đồng chí Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng chiến dịch, Trần Đăng Ninh – chủ nhiệm cung cấp, Lê Liêm - Chủ nhiệm chính trị và đồng chí Bùi Quang Tạo. Ngay sau đó, các cơ quan chiến dịch cũng gấp rút được thành lập để giúp việc cho Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch.

Với ý định ban đầu đánh Cao Bằng trước, sau đó chuyển xuống đánh Đông Khê, Thất Khê, đầu tháng 8, Bộ chỉ huy chiến dịch tổ chức trinh sát thực địa Cao Bằng. Qua nghiên cứu thực tế, Bộ chỉ huy thấy Cao Bằng tuy là thị xã cô lập, đột xuất, nhưng đó là quần thể kiến trúc phức tạp, có hệ thống đồn trại, pháo đài kiên cố do hai tiểu đoàn đóng giữ, nếu đánh Cao Bằng, “ta chưa có thể nói chắc chắn bảo đảm thắng lợi”. Ngày 16 tháng 8, Đảng ủy chiến dịch cân nhắc thảo luận, sau đó đi đến quyết nghị một phương án tác chiến mới là đánh Đông Khê trước để mở màn chiến dịch, đồng thời tổ chức tiêu diệt quân ứng cứu cho Đông Khê, sau đó xuống đánh Thất Khê và chỉnh đốn rồi tiếp tục đánh Cao Bằng.

Để đảm bảo chắc thắng, Bộ Tổng tư lệnh quyết định sử dụng nhiều đơn vị mạnh tham gia chiến dịch: Đại đoàn 308, trung đoàn 209, 174 (khoảng hai phần ba chủ lực Bộ); ba tiểu đoàn chủ lực (426, 428, 888) của Liên khu Việt Bắc và tỉnh Lạng Sơn cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích của hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Về lực lượng binh chủng, Bộ Tổng tư lệnh đã tập trung số lớn pháo binh và công binh của Bộ cho chiến dịch, gồm bốn đại đội sơn pháo (20 khẩu 70 và 75mm), năm đại đội công binh. Tổng số lực lượng tham gia chiến dịch tương đương hai đại đoàn, được phân chia thành ba mặt trận:

Mặt trận Đông Khê đánh cụm cứ điểm Đông Khê và quân dù có thể nhảy xuống quanh Đông Khê gồm trung đoàn 174 (được tăng cường hai tiểu đoàn), trung đoàn 209, trung đoàn 36 Đại đoàn 308, tiểu đoàn pháo 75mm (thiếu).

Mặt trận đánh quân ứng chiến do Đại đoàn 308 đảm nhiệm, bố trí ớ đoạn đường giữa Đông Khê - Thất Khê.

Mặt trận Na Sầm - Lạng Sơn gồm các tiểu đoàn 428 của Liên khu Việt Bắc, tiểu đoàn 888 Lạng Sơn có nhiệm vụ phá đường, tiêu hao, quấy rối, phục kích địch trên đoạn đường Thất Khê - Lạng Sơn.

Sở chỉ huy chiến dịch được tổ chức thành hai bộ phận: bộ phận nặng ở Tà Lùng và Thủy Khẩu, bộ phận nhẹ ở Nà Lạn.
__________________________________________
1.Còn gọi là Chiến dịch Lê Hồng Phong 2.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Bảy, 2012, 09:57:21 am

Ngày 24 tháng 8, Bộ chỉ huy chiến dịch mở hội nghị cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên, để thảo luận và quán triệt quyết tâm mới. Sau hội nghị, đi đôi với việc hoàn chỉnh quyết tâm chiến dịch, nhiều mặt công tác chuẩn bị chiến đấu cũng được tiến hành rất khẩn trương.

Bảo đảm hậu cần là công việc đòi hỏi phải dốc nhiều công sức nhất. Với lực lượng tham gia chiến dịch gần ba vạn quân (25.000 thuộc các đơn vị chiến đấu, 4.500 thuộc Bộ chỉ huy chiến dịch và cơ quan), cùng hàng vạn dân công, lại chiến đấu hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, nên nhu cầu vật chất đảm bảo cho chiến dịch rất lớn, vượt xa các chiến dịch trước hàng chục lần. Trung ương đã cử đồng chí Trần Đăng Ninh - Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, trực tiếp phụ trách bộ máy hậu cần chiến dịch, và điều động hơn 200 cán bộ của các cơ quan trung ương và các liên khu tăng cường cho cơ quan cung cấp mặt trận. Trung ương còn giao cho Liên khu ủy Việt Bắc tổng động viên sức người, sức của toàn Liên khu vào việc chuẩn bị và phục vụ chiến dịch. Hàng chục vạn dân công đã được huy động phục vụ cho chiến dịch. Đội vận tải cơ giới của quân đội (gồm 60 xe) mới thành lập cũng nhanh chóng lên đường phục vụ chiến dịch. Đến trung tuần tháng 9, công tác chuẩn bị hậu cần đã căn bản hoàn thành1. Gần 4.000 tấn lương thực, súng đạn đã được vận chuyển đến những địa điểm thích hợp, phù hợp với ý định chiến dịch.

Ngày 1 tháng 9 năm 1950, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng ra mệnh lệnh hành quân cho các đơn vị. Trước đó các đơn vị đã được củng cố, huấn luyện, kiện toàn tổ chức, trang bị lại vũ khí, quán triệt nhiệm vụ... nên bộ đội ra quân rất sung sức và đầy khí thế. Ngày 10 tháng 9, các đơn vị đã hành quân đến vị trí tập kết cuối cùng, hoàn chỉnh mọi công tác chuẩn bị.

Cũng thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự mình trèo đèo lội suối cùng bộ đội, dân công lên đường ra mặt trận để trực tiếp chỉ đạo và động viên các lực lượng tham gia chiến dịch. Tin Bác Hồ đi chiến dịch càng tăng thêm sức mạnh cho cán bộ chiến sĩ, làm mọi người càng thấm sâu ý nghĩa quan trọng của chiến dịch và càng thêm hăng hái tin tưởng.

Ngày 14 tháng 9 năm 1950, Bộ chỉ huy chiến dịch ra mệnh lệnh tác chiến số 3 cho Mặt trận Đông Khê. Ngày 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư thăm hỏi các đơn vị tham gia trận đánh Đông Khê. Đến đây mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành. Chiến dịch Biên Giới trên thực tế tiến hành theo ba đợt:

Đợt 1 (từ ngày 16 đến ngà] 20 tháng 9 năm 1950): Ta tập trung lực lượng đánh trận then chốt tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê.

Đông Khê là vị trí quan trọng của địch trên tuyến phòng thủ đường số 4, phía bắc cách thị xã Cao Bằng 45 ki-lô-mét. Sau trận tiến công của trung đoàn 174 vào tháng 5, địch củng cố Đông Khê thành một cụm cứ điểm mạnh, có công sự kiên cố, hầm ngầm, trận địa pháo và sân bay.

Nằm lọt trong thung lũng và chiếm gần toàn bộ thị trấn là khu trung tâm đề kháng của căn cứ với hai điểm tựa lớn, trong đó quan trọng và vững chắc nhất là đồn to. Xung quanh khu trung tâm, trên những mỏm đồi và núi đá là một vành đai gồm bảy cứ điểm ngoại vi. Lực lượng chiếm giữ Đông Khê gồm hai đại đội lê dương thiện chiến thuộc trung đoàn 3 lê dương, một trung đội ngụy, hai khẩu pháo (105mm và 57mm), tất cả gồm 321 tên, do đại úy A-li-úc (Allioux) chỉ huy.

Để đảm bảo chắc thắng trận đầu, Ban chỉ huy mặt trận Đông Khê, do đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách, quyết định sử dụng một lực lượng ưu thế để đánh Đông Khê. Nhiệm vụ các đơn vị được phân công như sau:

Trung đoàn 174 được tăng cường tiểu đoàn 426, tiểu đoàn 11 Đại đoàn 308, sáu khẩu sơn pháo 75mm, bốn khẩu ĐKZ57mm có nhiệm vụ tiến công trên hướng chủ yếu từ hướng đông bắc và bắc.

Trung đoàn 209 được tăng cường bốn khẩu sơn pháo 75mm, hai khẩu ĐKZ, có nhiệm vụ tiến công trên hướng thứ yếu từ hướng tây nam và tây.

Tiểu đoàn pháo 75mm gồm ba khẩu bố trí ở đông cụm cứ điểm, chi viện trực tiếp cho trận đánh.

Trung đoàn 36 Đại đoàn 308 bố trí ở đông nam Đông Khê, có nhiệm vụ tiêu diệt quân nhảy dù và chặn đánh địch ở Đông Khê tháo chạy về phía nam, đồng thời làm lực lượng dự bị đánh Đông Khê khi cần thiết.

Đêm 15 tháng 9, các đơn vị đánh Đông Khê tiến vào chiếm lĩnh trận địa. Đúng 6 giờ sáng ngày 16 tháng 9, sau khi nghe trung đoàn trưởng trung đoàn 174 báo cáo đơn vị đã chiếm lĩnh trận địa xong, Chỉ huy trưởng mặt trận quyết định phát lệnh nổ súng. Pháo các cỡ bắn dồn dập vào các đồn. Trung đoàn 174 tổ chức mở cuộc tiến công các vị trí tiền tiêu đến 9 giờ ta chiếm được đồn Yên Ngựa, 10 giờ 30 phút, chiếm đồn Thìa Khoá.

Hướng tây nam, trung đoàn 209 có một bộ phận hành quân lạc, triển khai trận địa chậm, nên đến 18 giờ mới nổ súng, 21 giờ diệt được đồn Pò Đình, tiếp tục tiến công đồn Pò Hầu, nhưng đồn này địch chống trả quyết liệt, ta chưa giải quyết xong.

Cuộc chiến đấu trên cả hai hướng kéo dài suốt đêm 16, rạng sáng ngày 17. Đến 4 giờ sáng, trung đoàn 174 chiếm được Cẩm Phầy, trung đoàn 209 chiếm được Phủ Thiện, Nhà Cũ, khu trường học. Địch thu dần phạm vi cố thủ, nhưng vẫn ngoan cố dựa vào pháo đài đánh bật nhiều đợt tiến công của ta. Bộ đội ta giằng co với địch, bị thương vong khá lớn.

Cả ngày 17, ta quyết giữ các vị trí Cẩm Phầy, Pò Hầu và chuẩn bị cho trận tiến công dứt điểm vào đêm 17 tháng 9. Các trung đoàn củng cố, chấn chỉnh lại bộ đội, rút kinh nghiệm để khắc phục các thiếu sót. Đồng chí Chỉ huy trưởng mặt trận Đông Khê nhất trí để trung đoàn 174 chuyển hướng đột phá từ hướng bắc xuống hướng đông bắc và yêu cầu trung đoàn cần tập trung lực lượng diệt cho được pháo đài. Đồng chí cũng chỉ thị cho trung đoàn 209 đánh từ phía nam lên phải tổ chức một mũi đánh vào sau lưng pháo đài.

Đúng 18 giờ 30 ngày 17 tháng 9, ta đồng loạt nổ súng mở đợt tiến công mới. Sau đợt hoả lực chuẩn bị, các mũi tiến công của ta bắt đầu đột phá. Tiểu đoàn 251 tiến công trên hướng đông pháo đài, đã chiếm được đầu cầu. Trên hướng bắc, tiểu đoàn 249 cũng chiếm được đồn Nhà Thương, phát triển vào bên trong, bắt liên lạc được với một bộ phận của trung đoàn 209, cùng phối hợp tổ chức mũi tiến công vào sau lưng pháo đài. Trận chiến đấu ác liệt kéo dài suốt đêm, nhiều gương chiến đấu dũng cảm xuất hiện: Đại đội trưởng Trần Cừ lấy thân mình lấp lỗ châu mai, tiểu đội trưởng La Văn Cầu nhờ đồng đội chặt cánh tay bị thương để tiếp tục lao lên đánh bộc phá... 4 giờ 30 phút ngày 18, ta thọc sâu vào sở chỉ huy địch và đến 10 giờ ngày 18, tiêu diệt hoàn toàn cụm cứ điểm Đông Khê, loại khỏi vòng chiến đấu 300 tên, kết thúc thắng lợi trận then chốt mở màn chiến dịch.

Hướng mặt trận Na Sầm - Lạng Sơn, trước khi đánh Đông Khê, bộ đội địa phương đã phá bốn cầu, nhiều ki-lô-mét đường trên đường 4 đoạn phía nam Thất Khê. Ngày 16 tháng 9, tiểu đoàn 428 phục kích ở đoạn Pắc Luông đánh tiểu đoàn 3 Ta-bo từ Lạng Sơn lên Na Sầm, phá bốn xe, diệt 60 địch. Ngày 17 tháng 9, tiểu đoàn 888 phục kích ở Tha Lai phá hai xe, diệt 120 tên, đến 18 tháng 9 phá cầu Tha Lai.
____________________________________
1.Phòng Cung cấp chiến dịch đã triển khai các cơ sơ hậu cần thành hai tuyến: tuyến phía trước gồm các kho gạo, kho đạn, đội phẫu, ở gần khu vực tập kết của các trung đoàn chiến đấu; tuyến sau là các tổng kho, các bệnh viện hậu phương chiến dịch, triển khai ở cuối tuyến đường ô tô, đầu tuyến vận tải bộ (Thủy Khẩu, Phục Hòa), cách trung tuyến từ một đến hai cung vận tải bộ.
   Kết quả thực tế hậu cần chiến dịch đã tiếp tế cho bộ đội 1.886 tấn lương thực thực phẩm, 41 tấn đạn, cứu chữa hơn 1.550 thương binh, huy động 121.700 lượt người đi dân công, phục vụ 1.716.000 ngày công.



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Bảy, 2012, 09:59:07 am

Đợt 2 (từ ngày 21 tháng 9 đến ngày 29 tháng 9): Tiến hành trận then chốt quyết định tiêu diệt hai binh đoàn Lơ Pa-giơ và Sác-tông.

Mất Đông Khê, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông dương là Các-păng-chi-ê lập tức quyết định rút quân khỏi Cao Bằng. Kế hoạch rút Cao Bằng gồm hai cuộc hành quân: Cuộc hành quân Ti-nhít (Tizgnit), do trung tá Lơ Pa-giơ (Le Page) chỉ huy có nhiệm vụ đưa quân từ Thất Khê chiếm lại Đông Khê, làm bàn đạp đón cánh quân từ Cao Bằng về; Cuộc hành quân O-ra-giơ (Orage: Bão táp), do trung tá Sác-tông (Charton) chỉ huy, rút quân khỏi Cao Bằng về Đông Khê rồi cùng Lơ Pa-giơ rút về Thất Khê. Phối hợp với kế hoạch rút Cao Bằng, địch còn mở cuộc hành quân lớn đánh chiếm Thái Nguyên hòng thu hút lực lượng ta, đỡ đòn cho hướng Biên Giới.

Ngày 21 tháng 9, sau khi nắm được tin địch đã tăng cường cho Thất Khê bốn tiểu đoàn, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định địch có thể chiếm lại Đông Khê đồng thời thọc sâu vào các cơ sở hậu phương ta ở xung quanh Thất Khê, nên quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch (khoảng hai tiểu đoàn) từ Thất Khê lên chiếm lại Đông Khê, khu vực quyết chiến điểm là đoạn từ Đông Khê đến Lũng Phầy.

Đại đoàn 308, được bố trí ở khu vực tam giác Lũng Chà - Bản Xiên - Nà Pá có nhiệm vụ tiêu diệt quân viện đi theo đường bộ. Trung đoàn 174 bố trí ở bắc - đông bắc Đông Khê sẵn sàng đánh quân nhảy dù. Trung đoàn 209 bố trí ở Bố Trạch làm lực lượng dự bị chiến dịch. Bộ chỉ huy chiến dịch trực tiếp chỉ huy các đơn vị trên.

Chờ đánh viện đến ngày 25 tháng 9, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận được tin địch tăng cường cho Cao Bằng một tiểu đoàn Ta-bo (chúng đưa lên từ 20 tháng 9) nên cho rằng trước mắt địch chưa có ý định chiếm lại Đông Khê. Vì vậy, trong khi kiên trì chờ đánh viện, ta cần đẩy mạnh hoạt động ở nam Thất Khê, tạo thời cơ, và khi có điều kiện thì đánh Thất Khê. Trung đoàn 174 được lệnh cơ động xuống nam Thất Khê, hoạt động trên đoạn Na Sầm - Thất Khê. Đại đoàn 308 và trung đoàn 209 cử cán bộ đi chuẩn bị chiến trường ở Thất Khê, các đơn vị dành một phần ba quân số đi Thuỷ Khẩu lấy gạo. Nhìn chung, mặc dù Bộ chỉ huy chiến dịch vẫn kiên trì chờ đánh viện, nhưng ở đơn vị thì xuất hiện tư tưởng chuẩn bị đánh Thất Khê.

Đêm 30 tháng 9, dự đoán lực lượng của ta đã chuyển xuống hoạt động ở phía nam, binh đoàn Lơ Pa-giơ, gồm bốn tiểu đoàn bí mật tiến quân theo kiểu sâu đo theo đường số 4, định bất ngờ đánh chiếm lại Đông Khê. Do thiếu cảnh giới chu đáo, bộ đội ta đã không phát hiện được cuộc hành quân của địch, bỏ lỡ cơ hội diệt địch bằng một trận phục kích đã chuẩn bị trước.

Ngày 1 tháng 10, hồi 8 giờ, trinh sát tiểu đoàn 426 chạm địch ở Bông Lau. 11 giờ, trinh sát trung đoàn 209 chạm địch ở Nà Pá. Đến 11 giờ 30, địch tới cửa ngõ Đông Khê và lập tức cho tiểu đoàn dù lê dương số 1 đi đầu tổ chức tiến công. Lực lượng này bị một bộ phận của trung đoàn 209 chặn đánh phải dừng lại ở Pò Hầu.

Mưu toan bất ngờ chiếm Đông Khê không thành, Lơ Pa-giơ cho quân dừng lại chờ pháo nặng từ Na Sầm lên để tổ chức tiến công Đông Khê.

Về phía ta, chiều 1 tháng 10, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định “tập trung lực lượng tiêu diệt toàn bộ quân địch…, trọng điểm tiêu diệt từ Đông Khê đến Keo Ái”. Các đơn vị được giao nhiệm vụ như sau: Trung đoàn 209 chiếm lĩnh các điểm cao trong thị trấn và bắc thị trấn không cho địch chiếm lại Đông Khê; trung đoàn 88 chiếm lĩnh Keo Ái chặn không cho địch rút về cũng như không cho chúng tăng quân từ Thất Khê lên; Trung đoàn 36 chiếm lại Khâu Luông, sẵn sàng đánh quân dù trong phạm vi từ Nà Pá đến Pò Hầu; trung đoàn 102 làm lực lượng dự bị.

Sáng ngày 2 tháng 10, Lơ Pa-giơ dàn quân chuẩn bị đánh Đông Khê. Tiểu đoàn 1/8 Ma-rốc chiếm Nà Pá - Hạ Pha; tiểu đoàn dù 1 ở Khâu Luông; tiểu đoàn 1 Ta-bo ở Khâu Áng; tiểu đoàn 11 Ta-bo ở điểm cao tây nam Khâu Luông. Đến 14 giờ, Lơ Pa-giơ nhận được lệnh: để lại một bộ phận kiềm chế Đông Khê, còn đại bộ phận nhanh chóng lên Quang Liệt - Nậm Nàng đón binh đoàn Sác-tông từ Cao Bằng về. Biết quanh Đông Khê ta có lực lượng mạnh, Lơ Pa-giơ chủ trương dùng hai tiểu đoàn giữ Khâu Luông - Nà Pá để ngăn chặn, thu hút lực lượng ta, còn hai tiểu đoàn do y trực tiếp chỉ huy, tiến lên đón Sác-tông.

Chiều ngày 2 tháng 10, ta mới bắt đầu nổ súng đánh binh đoàn Lơ Pa-giơ. Tiểu đoàn 154 trung đoàn 209 đánh địch ở Khâu Áng. Trung đoàn 36 đánh Khâu Luông không thành công. 17 giờ, tiểu đoàn 18 trung đoàn 102 và tiểu đoàn 29 trung đoàn 88 tiến công địch ở Chốc Ngà. 20 giờ, tiểu đoàn 322 trung đoàn 88 diệt một đại đội của tiểu đoàn 1/8 Ma-rốc ở Nà Mục. Mờ sáng ngày 3 tháng 10, tiểu đoàn 88 và 84 trung đoàn 36 tiếp tục tập kích vào Khâu Luông, chiếm được một trong bốn mỏm, ta và địch tranh chấp khu vực này suốt buổi sáng.

Bị ta bám đánh, Lơ Pa-giơ lúng túng, nửa binh đoàn đi đón Sác-tông, ngày 3 tháng 10 vẫn còn quanh quẩn ở khu vực Khâu Áng - Nà Kéo, tiểu đoàn 1 Ta-bo giữ Khâu Áng bị ta tiến công, bỏ chạy sang khu vực điểm cao Xuân Hòa, phía tây Đông Khê.

Trong khi cánh quân La-pa-giơ đang bị bám đánh, 0 giờ ngày 3 tháng 10, Sác-tông bắt đầu cho quân rút khỏi Cao Bằng. Lực lượng gồm: tiểu đoàn 3 trung đoàn 3 lê dương, tiểu đoàn 3 Ta-bo (3e Tabor), một tiểu đoàn ngụy, một khẩu pháo 105mm, 15 xe vận tải và khoảng 500 thường dân đi theo. Tối ngày 3, gần tới Nậm Nàng (điểm quy định hội quân), Sác-tông nhận được lệnh bỏ đường 4 đi vòng theo đường mòn Quang Liệt, Cốc Xá để về Thất Khê.

Ở phía Đông Khê, binh đoàn Lơ Pa-giơ bị cắt làm đôi. Hai tiểu đoàn ở khu vực Khâu Luông - Nà Pá, hai tiểu đoàn cùng sở chỉ huy của Lơ Pa-giơ ở khu vực điểm cao Xuân Hòa. Bộ chỉ huy chiến dịch của ta chủ trương diệt từng bộ phận của binh đoàn này.

Đêm 3 rạng sáng 4, trung đoàn 36 được tăng cường tiểu đoàn 11, tiến công Khâu Luông. Địch không chống cự nổi phải bỏ chạy, ta tổ chức truy đuổi đến Na Kéo, bắt một số tù binh, thu bốn khẩu pháo. Trung đoàn 209 vận động tiếp cận địch ở khu vực Xuân Hoà, địch dùng không quân ngăn chặn và di chuyển về điểm cao 649 (hang Cốc Xá). Trung đoàn 88 (thiếu tiểu đoàn 29) được lệnh đưa tiểu đoàn 322 chốt ở Cốc Tồn, ngăn chặn địch ở phía nam tiếp viện lên. Lực lượng còn lại được phối thuộc tiểu đoàn 18 trung đoàn 102 chiếm điểm cao 533, tạo thế bao vây địch ở phía nam Cốc Xá.

Trong thời gian này, ở phía nam Thất Khê, trung đoàn 174 diệt đồn Nà Lẹng đêm 3 tháng 10, đồn Nà Cạn đêm 4 tháng 10. Bộ đội địa phương, dân quân du kích tiếp tục hoạt động quấy phá địch.

Sau mấy ngày bị ta bám đánh liên tục, quân Lơ Pa-giơ bị mệt nhọc và thương vong nhiều. Lơ Pa-giơ bỏ ý định lên Nậm Nàng mà rút toàn bộ lực lượng về Cốc Xá chờ hội quân với Sác-tông. Chiều 5 tháng 10, phần lớn quân Lơ Pa-giơ đã về đến Cốc Xá, tiểu đoàn 1 dù chiếm giữ phía tây, tiểu đoàn 1/8 Ma-rốc phía nam và đông nam, tiểu đoàn 1 Ta-bo phía đông. Còn Sác-tông, mãi 10 giờ ngày 4 tháng 10 mới về tới Nậm Nàng. Hàng mấy nghìn binh lính bỏ xe pháo tìm đường tắt xuyên rừng về Quang Liệt.

Trưa ngày 4 tháng 10, Bộ chỉ huy chiến dịch mới nhận được tin định rút khỏi Cao Bằng. Ngày 5 tháng 10. Bộ chỉ huy họp và nhận định: phía Cốc Xá, binh đoàn Lơ Pa-giơ đang bị vây, song vẫn có ý định phát triển lên chiếm khu vực điểm cao 477 để đón Sác-tông, còn phía Sác-tông cũng đang cố gắng tiến về để bắt liên lạc với Lơ Pa-giơ. Quyết tâm của ta là tranh thủ tiêu diệt binh đoàn Lơ Pa-giơ trước khi binh đoàn Sác-tông về đến nơi, đồng thời tích cực ngăn chặn tiêu hao binh đoàn Sác-tông, tạo điều kiện để sau khi tiêu diệt Binh đoàn Lơ Pa-giơ thì chuyển sang tiêu diệt binh đoàn Sác-tông. Đại đoàn 308 được tăng cường tiểu đoàn 154 trung đoàn 209, có nhiệm vụ tiêu diệt binh đoàn Lơ Pa-giơ... trung đoàn 209 bám sát, ngăn chặn, chia cắt, tiêu hao binh đoàn Sác-tông, không để chúng liên lạc với binh đoàn Lơ Pa-giơ. Trung đoàn 174 cơ động chiếm khu vực Cốc Tồn, Khâu Pia để tiêu diệt địch rút chạy.

Chiều ngày 5 tháng 10, các đơn vị được phân công tiêu diệt địch ở Cốc Xá gồm bốn tiểu đoàn do trung đoàn trưởng trung đoàn 36 chỉ huy chung đã hình thành thế bao vây Cốc Xá. Tiểu đoàn 89 trung đoàn 36 tiến công trên hướng chủ yếu vào sườn quân địch từ hướng đông. Tiểu đoàn 154 trung đoàn 209 đánh từ hướng bắc; tiểu đoàn 11 Đại đoàn 308 đánh từ hướng nam; tiểu đoàn 80 trung đoàn 36 bố trí ở đồi tranh đông nam Cốc Xá ngăn chặn không cho địch từ Cốc Xá sang 477.

Lực lượng bao vây ngăn chặn vòng ngoài gồm: tiểu đoàn 18 trung đoàn 102 chiếm điểm cao 533 nam Cốc Xá hai ki-lô-mét, trung đoàn 88 chiếm các điểm cao khu vực 477, tiểu đoàn 84 trung đoàn 36 đón lõng ở Bản Ca.

Đúng 17 giờ ngày 5 tháng 10, ta bắt đầu nổ súng tiến công Cốc Xá. Cốc Xá là khu vực địa hình hiểm trở, có thung lũng lòng chảo với núi đá vôi dốc đứng bao quanh. Dựa vào các mỏm cao, hẻm núi, hang sâu, bốn tiểu đoàn địch bố trí binh hoả lực nhiều tầng ngoan cố chống cự các đợt tiến công của ta. Cuộc chiến đấu kéo dài suốt ngày 6 vẫn chưa giải quyết được. Đêm 6 tháng 10, ta sử dụng đại đội 395 tiểu đoàn 89 bí mật luồn sâu chiếm được điểm cao phía đông. Sáng ngày 7, các đơn vị đồng loạt công kích, đại đội 395 bất ngờ xuất hiện từ trên cao đánh xuống, quân địch nhanh chóng rối loạn. Bộ đội ta tràn vào thung lũng, vừa đánh vừa gọi hàng, làm chủ hoàn toàn khu vực Cốc Xá. Lơ Pa-giơ cùng ban tham mưu và một bộ phận tàn quân thoát ra ngoài chạy xuống phía nam, chiều hôm sau (8 tháng 10), bị bắt gọn ở Nà Cao. Như vậy, sau bảy ngày đêm chiến đấu liên tục, ta đã tiêu diệt gọn binh đoàn Lơ Pa-giơ, loại khỏi vòng chiến đấu 1.200 tên.

Trên hướng binh đoàn Sác-tông, trung đoàn 209 vận động lên phía Nậm Nàng, nhưng địch đã chuyển hướng vào đường Quang Liệt. Bộ chỉ huy chiến dịch điều thêm trung đoàn 102 (thiếu tiểu đoàn 18) tiến về phía Nà Pô với nhiệm vụ gặp địch đâu đánh đấy.

Sáng ngày 6 tháng 10, quân của Sác-tông về tới điểm cao 590 (Bản Bẹ). Trung đoàn 209 (hai tiểu đoàn) đánh từ hướng bắc và tây, tiểu đoàn 29 trung đoàn 88 đánh từ hướng đông. Trận này ta đánh tan một tiểu đoàn ngụy và đại đội Ta-bo, bắt trên 200 tên. Tối ngày 6 tháng 10, binh đoàn Sác-tông chạy về tới Lán Hai và điểm cao 477.

Cũng chiều ngày 6 tháng 10, nhận thấy binh đoàn Lơ Pa-giơ đã căn bản bị tiêu diệt, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định “tập trung lực lượng tiêu diệt binh đoàn Sác-tông ở khu vực điểm cao 477” - một khu núi đất gồm năm mỏm cách Cốc Xá ba ki-lô-mét về phía tây.

Lực lượng tiến công địch ở 477 gồm tiểu đoàn 23 trung đoàn 88 đánh trên hướng chủ yếu từ phía tây nam; tiểu đoàn 18 trung đoàn 102 đánh trên hướng đông nam; tiểu đoàn 29 trung đoàn 88 đánh trên hướng đông bắc; trung đoàn 209 đánh trên hướng tây bắc. 7 giờ sáng ngày 7 tháng 10, ta bắt đầu nổ súng tiến công. 9 giờ, ta chiếm được các điểm cao phía tây nam và đông nam. 12 giờ, vòng vây của ta khép chặt. Cũng khoảng 12 giờ, hòng tìm cách thoát vây, Sác-tông cho một bộ phận ra sức phản kích để nghi binh thu hút ta, còn đại bộ phận bí mật xuống núi men theo suối tìm đường chạy về phía nam. Lực lượng này về đến Bản Ca bị tiểu đoàn 84 trung đoàn 36 và một đại đội của tiểu đoàn 18 trung đoàn 102 chặn đánh. Đến 17 giờ ngày 7 tháng 10, toàn bộ binh đoàn Sác-tông đã bị tiêu diệt, phần lớn bị bắt làm tù binh, trong đó có cả trung tá Sác-tông và các sĩ quan tham mưu của y.

Cũng chiều ngày 7 tháng 10, trong lúc cả hai binh đoàn Lơ Pa-giơ và Sác-tông đang bị ta bao vây tiêu diệt, thì bộ chỉ huy ở Liên khu Biên Giới của địch thu gom một lực lượng khoảng bốn đại đội Âu - Phi, do tên đại tá Đờ la Bôm (De la Beaume) chỉ huy, từ Thất Khê lên Lũng Phầy để đón lực lượng từ phía bắc rút về. Đêm 7, chúng tới các khu vực điểm cao 703, 608. Sáng ngày 8 tháng 10, chúng cho quân phát triển tiếp thì bị tiểu đoàn 322 trung đoàn 88, tiểu đoàn 88 trung đoàn 66 chặn đánh, buộc phải quay về Thất Khê. Đến đây cả hai binh đoàn (bảy tiểu đoàn) địch bị xoá sổ. Đợt 2 chiến dịch kết thúc.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Bảy, 2012, 10:00:10 am

Đợt 3 (từ ngày 9 đến ngày 14 tháng 10 năm 1950): Địch ở Thất Khê, Na Sầm, Lạng Sơn rút chạy, ta truy kích địch giải phóng Thất Khê, Na Sầm.

Trên vùng biên giới, sau khi bị mất hai binh đoàn Lơ Pa-giơ và Sác-tông, địch tăng thêm tiểu đoàn dù 3 cho Thất Khê, đưa số quân ở đây lên ba tiểu đoàn. Lực lượng đông, nhưng tinh thần binh lính thì rất hoang mang lo sợ.

Về phía ta, ngày 10 tháng 10, Bộ chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm bao vây tiêu diệt Thất Khê. Trong khi Đại đoàn 308 và hai trung đoàn 209, 174 đang cơ động về Thất Khê, thì 21 giờ ngày 10 tháng 10, địch bắt đầu rút khỏi Thất Khê. Bộ đội ta cơ động quá chậm, nên mặc dù địch ùn tắc ở cầu Bản Trại (do cầu bị ta phá đêm 9) sáu tiếng đồng hồ nhưng ta cũng không có đơn vị nào đến kịp. Các tiểu đoàn 426 và 428 bố trí ngăn chặn địch ở đoạn Hắt Con, Đèo Khách vì cho rằng địch không dám rút ban đêm nên mất cảnh giác, đã để các tiểu đoàn đi trước của chúng thoát hết, chỉ chặn được tiểu đoàn dù 3 thuộc địa. Tiểu đoàn này bị chặn, phải đi vào đường rừng về Na Sầm, tới gần Na Sầm thì bị trung đoàn 174 tiêu diệt.

Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho bộ đội tiếp tục truy kích địch, thừa thắng vận động tới bao vây và tiêu diệt Na Sầm. Ngày 14 tháng 10, ta chưa kịp tới thì địch ở Na Sầm rút chạy, sau đó tiếp tục rút ra các vị trí lẻ trên đường Na Sầm - Đồng Đăng. Đến lúc này, tình hình địch ở biên giới chuyển biến quá nhanh, Bộ chỉ huy chiến dịch không lường hết khả năng địch sẽ còn tiếp tục rút nên không có kế hoạch phát triển tiến công mà chỉ lệnh cho tiểu đoàn 426, 428 xuống hoạt động trên đường Lạng Sơn - Đồng Đăng, trung đoàn 98 về hoạt động dọc đường Lạng Sơn - Tiên Yên. Tuy các đơn vị còn tiếp tục truy lùng diệt tàn binh địch, nhưng về cơ bản, chiến dịch kết thúc vào ngày 14 tháng 10 năm 1950. Trong khi đó địch rút bỏ Đồng Đăng (17.10); Lạng Sơn, Lạng Giang (18.10), Lộc Bình, Đình Lập (20.10), An Châu (20.10)... trong quá trình địch rút, các tiểu đoàn 426, 428, 888 phối hợp với dân quân du kích diệt thêm một số ngụy binh, riêng trung đoàn 98 thì không về kịp.

Sau 29 ngày chiến đấu ta đã đánh và tiêu diệt gần 10 tiểu đoàn địch (trong số này bảy tiểu đoàn Âu - Phi và một tiểu đoàn ngụy bị diệt gọn), loại khỏi vòng chiến đấu 8.296 tên (bắt sống 3.576, có 3.000 là lính Âu - Phi), bắt được toàn bộ ban chỉ huy binh đoàn Lơ Pa-giơ, Sác-tông và đồn Đông Khê. Ta thu trên 3.000 tấn vũ khí, phương tiện (trong đó có 58 khẩu pháo cối các loại). Số vũ khí này đủ trang bị cho hai trung đoàn chủ lực của ta. Ta giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập.

Thắng lợi của Chiến dịch Biên Giới có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Sau bốn năm kháng chiến, đây là lần đầu tiên ta mở một chiến dịch tiến công lớn, đánh vào tuyến phòng thủ mạnh của địch, nhằm thực hiện những mục tiêu chiến lược quan trọng. Ta không chỉ tiêu diệt một khối sinh lực tinh nhuệ của địch mà còn giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, nối liền hậu phương của ta với Trung Quốc, khơi thông nguồn giao lưu nhiều mặt của ta với phong trào hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Thế bị bao vây cả trong lẫn ngoài của ta được phá vỡ.



Thắng lợi của Chiến dịch Biên Giới mở ra một bước ngoặt chuyển cuộc kháng chiến của ta từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn.

Chiến dịch Biên giới đã làm phá sản kế hoạch quân sự chính trị của Pháp. Vòng vây biên giới bị đập tan, hành lang đông - tây bị chọc thủng, kế hoạch Rơ-ve cơ bản bị sụp đổ. Thất bại ở biên giới đã gây đảo lộn lớn đối với chiến lược, chiến thuật của Pháp, làm quân Pháp choáng váng, hốt hoảng bố trí lại lực lượng, thay đổi chiến thuật, thay đổi chỉ huy... Thất bại ở Biên Giới là thất bại chưa từng có trong lịch sử chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp.

Chiến thắng Biên Giới cũng đánh dấu một bước tiến nhảy vọt của quân đội ta về nghệ thuật chiến dịch. Lần đầu tiên, từ những đợt hoạt động, những chiến dịch nhỏ, ta tiến lên mở một chiến dịch quy mô lớn, đánh tập trung chính quy, hiệp đồng binh chủng với lực lượng gần ba vạn cán bộ, chiến sĩ, hiệp đồng hàng vạn dân công, tiến công vào một hệ thống phòng ngự mạnh của địch trên tuyến dài gần 100 ki-lô-mét, đánh liên tục hàng tháng.

Trong Chiến dịch Biên Giới ta đã chọn đúng khu vực tác chiến chủ yếu. Đó là khu vực Cao Bằng - Thất Khê nơi các vị trí phòng ngự của địch (Cao Bằng, Thất Khê, Đông Khê) cách nhau từ 25 - 45 ki-lô-mét, lại ở mút đường 4 nên khả năng tự vệ của từng vị trí đã kém, khả năng ứng cứu tăng viện lại khó khăn và tốn kém. Đây là khu vực phòng ngự sơ hở cửa địch, song lại gần hậu phương kháng chiến của ta, có nhiều đường nối liền với Trung Quốc, tiện việc chỉ đạo và huy động nhân lực, vật lực.

Việc chọn Đông Khê là mục tiêu mở màn chiến dịch là sự lựa chọn thận trọng, đảm bảo chắc thắng trận đầu. Đây cũng là sự lựa chọn phù hợp với phương châm chiến dịch là đánh điểm diệt viện, lấy đánh địch ngoài công sự là chính.

Sự phát triển của nghệ thuật chiến dịch trong Chiến dịch Biên Giới còn thể hiện ở chỗ: ta đã biết tập trung ưu thế binh hoả lực trong các trận then chốt để đánh chắc thắng1; vận dụng tốt phương châm “đánh điểm diệt viện”; tạo thế liên tục trong quá trình chiến dịch, chuyển hoá thế trận tốt, xử trí tình huống tập trung, chia cắt diệt từng bộ phận dẫn tới diệt toàn bộ địch; giữ vững phát huy quyền chủ động trong suốt quá trình chiến dịch và có sự chuẩn bị trước cho bộ đội chiến đấu dài ngày.

Trải qua bốn năm kháng chiến gian khổ, chiến thắng Biên Giới là nguồn động viên to lớn đối với quân và dân ta. Chiến dịch Biên Giới có một ý nghĩa đặc biệt trong cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Nó đánh dấu một thất bại chiến lược của địch, là bước phát triển nhảy vọt của kháng chiến, tạo nên một chuyển biến mới về cục diện chiến trường, tạo thế và lực mới cho quân dân ta giành nhiều thắng lợi to lớn hơn.
______________________________________
1.Trận Đông Khê về binh lực ta gấp chín lần địch, về hoả lực ta sử dụng 13 khẩu sơn pháo và ĐKZ. Ngày 2 tháng 10, khi quân ta bắt đầu đánh binh đoàn Lơ Pa-giơ tỷ lệ giữa ta và địch là: ta 3.25, địch 1. Ngày hôm sau, khi binh đoàn Sác-tông xuất hiện, tỉ lệ tụt xuống còn: ta 2.28, địch 1.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Bảy, 2012, 10:02:24 am

CHIẾN DỊCH LONG CHÂU HÀ 1
(Tiến công, từ ngày 3 đến ngày 12 tháng 10 năm 1950)


Vào năm 1950, ở Nam Bộ, Pháp chú trọng củng cố ngụy quân, ngụy quyền, giao việc bình định chiếm đóng cho ngụy binh, tiến hành các cuộc càn quét mở rộng địa bàn chiếm đóng, thi hành nhiều biện pháp nhằm cắt liên lạc giữa các khu 7, 8, 9, giữa Nam Bộ với Cam-pu-chia và Nam Bộ với Trung Bộ.

Ở vùng Long Châu Hậu, chúng tăng cường các hoạt động quân sự, tung do thám, gián điệp vào vùng căn cứ du kích để thăm dò lực lượng ta, tăng quân đóng thêm đồn bốt ở vùng tranh chấp và trục giao thông chính như Long Xuyên - Châu Đốc, Châu Đốc - Nhà Bàn, Tịnh Biên - Chi Lăng, Mặc Cần Dưng - Núi Sập.

Lợi dụng mùa nước địch có nhiều sơ hở, tháng 9 năm 1950, Bộ tư lệnh Khu 9 quyết định mở chiến dịch tiến công địch ở địa bàn ba huyện Tịnh Biên, Châu Thành và Tri Tôn tỉnh Long Châu Hậu. Giữa tháng 9, Bộ tư lệnh Khu 9 điều tiểu đoàn 404 thuộc trung đoàn Tây Đô lên tham gia chiến dịch và thành lập các bộ phận chỉ đạo chiến dịch. Ngày 22 tháng 9, Ban chỉ huy chiến dịch được thành lập, đồng chí Huỳnh Thủ làm chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Sa làm Chính uỷ, đồng chí Nguyễn Tấn Khương làm Chỉ huy phó.

Chiến dịch được mang tên Chiến dịch Long Châu Hậu1 với mục đích giành dân, khôi phục cơ sở đồng bào Khơ-me, Bảy Núi, tạo điều kiện tiến ra vùng Long Xuyên, Châu Phú A và vùng Hoà Hảo, Long Châu Tiền, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, gây khí thế mới để chuyển sang tổng phản công.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm hai tiểu đoàn chủ lực của Khu là 404 và 406 thuộc trung đoàn Tây Đô; ba đại đội bộ đội địa phương Long Châu Hậu (1084, 1095, 2004); Biệt động đội 304; một tiểu đội I-sa-rắc, một trung đội dân quân tập trung của Tịnh Biên và Tri Tôn, cùng các đơn vị dân quân du kích các xã trong vùng mở chiến dịch.

Đầu tháng 10 năm 1950 (lúc này là tháng nước nổi lớn nhất ở vùng Long Châu Hậu), mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch đã hoàn tất. Ban chỉ huy chiến dịch quyết định mở màn chiến dịch vào đêm 3 tháng 10 năm 1950 để kịp thời hưởng ứng với Chiến dịch Biên Giới ở ngoài Bắc. Chiến dịch được tiến hành theo hai đợt.

Đợt 1: Trên hướng chính, đêm 3 tháng 10, tiểu đoàn 404 tiến công đồn Vĩnh Trung, diệt 17 tên. Địch ở Nhà Bàn đưa lực lượng vào ứng cứu. Tiểu đoàn 406 phục kích bên ngoài, chặn đánh diệt 10 tên, phá hai xe, bảo đảm an toàn cho lực lượng của tiểu đoàn 404.

Ở mặt trận phụ, đại đội 2004 phá nhiều đoạn lộ từ Tri Tôn ra cầu sắt Cây Me và phá sập cầu Cây Me; đại đội 1084 chặn đánh địch từ Vĩnh Thông vào núi Tượng; đại đội 1095 ở ngã ba Lê Trì cũng phá được nhiều đoạn lộ. Ở mặt trận phối hợp, du kích thành Châu Đốc đốt kho lúa của địch ở Châu Thành, phá hỏng cầu sắt Núi Sam. Du kích và quần chúng Châu Phú A làm nhiều chướng ngại vật trên đường Châu Đốc - Núi Sam và quanh chân Núi Sam.

Do chưa diệt được cứ điểm Vĩnh Trung, ngày 4 tháng 10, tiểu đoàn 404 tiếp tục vây đồn, tiểu đoàn 406 phá sập cầu Bưng Tiền, uy hiếp địch trên đường Nhà Bàn - Vĩnh Trung. Địch ở các lô cốt 1, 2, 3, 4, 5 dọc đường Nhà Bàn - Vĩnh Trung bỏ chạy. Ngày 6 tháng 10, địch phải tăng quân đến Nhà Bàn để chuẩn bị giải tỏa cho Vĩnh Trung.

Hướng Tri Tôn, đêm 6 trăng 10 các tháp canh từ số 10 đến 15 cũng bỏ chạy, ta hoàn toàn làm chủ lộ Vĩnh Trung - Tri Tôn. Đồn Vĩnh Trung hoàn toàn bị cô lập.

Sáng ngày 7 tháng 10, địch sử dụng bảy xe cam nhông chở 150 lính, được sự chi viện của pháo binh đặt ở Cầu Mai, tổ chức giải toả cho Vĩnh Trung. Bộ đội ta ngăn chặn địch ở đoạn Nhà Bàn - Vĩnh Trung quyết liệt, song nhận thấy đạn dược có hạn, Ban chỉ huy chiến dịch quyết định lui quân, kết thúc đợt 1 chiến dịch.

Đợt 2: Chiến dịch được bắt đầu từ ngày 9 tháng 10. Đại đội 1095 cùng đội biệt động 304 và dân quân du kích Tri Tôn đánh các tháp canh quanh thị trấn Tri Tôn, đại đội 2004 hoạt động vũ trang tuyên truyền từ Châu Lăng đến Tri Tôn, hỗ trợ quần chúng thành lập Ban chấp hành hội Liên Việt lâm thời ở xã Nam Quy. Đại đội 1068 hoạt động từ ngã ba Chơn Cu đi Vĩnh Trung và Nhà Bàn để nghi binh thu hút địch. Các tiểu đoàn 406 và 404 làm nhiệm vụ đánh viện trên đường Nhà Bàn - Tri Tôn và vũ trang tuyên truyền từ Tri Tôn ra Châu Lăng.

Trước hoạt động của ta, địch không có phản ứng gì. Chiều ngày 12, ta chủ động kết thúc chiến dịch. Các đơn vị chủ lực rút về căn cứ để lại đại đội 2006 của tiểu đoàn 406 cùng địa phương củng cố cơ sở quần chúng.

Kết quả 10 ngày chiến dịch, ta tiêu diệt 49 tên, làm bị thương 65 tên, bức hàng 25 tên, phá hủy ba xe, san bằng 42 lô cốt, thu 22 súng và nhiều đạn dược, đồ dùng quân sự.

Chiến dịch Long Châu Hà 1 đã diệt một bộ phận sinh lực địch, bẻ gãy kế hoạch tiến công mùa nước của chúng ở vùng Bảy Núi, vũ trang tuyên truyền, vận động được nhiều đồng bào Khơ-me ở vùng Tịnh Biên - Tri Tôn trở về với kháng chiến.

Chiến dịch quy mô tuy nhỏ song đã có sự phối hợp hoạt động trên nhiều hướng, phối hợp giữa tiến công quân sự với vũ trang tuyên truyền, vận động quần chúng, tạo được sự đoàn kết phấn khởi của nhân dân và lực lượng vũ trang trong vùng.
___________________________________
1.Sau này có Chiến dịch Long Châu Hà 2, nên gọi chiến dịch này là Long Châu Hà 1.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Bảy, 2012, 10:05:28 am

CHIẾN DỊCH BẾN CÁT 2
(Tiến công, từ ngày 7 tháng 10 đến ngày 15 tháng 11 năm 1950)


Mùa thu 1950, tại Gia Định, sau khi tăng cường đóng quân trong hệ thống đồn bốt và lập thêm nhiều tháp canh mới, thực dân Pháp bung ra lấn chiếm các vùng ngoại vi Hóc Môn, Thủ Đức, Gò Vấp, Nhà Bè và tung quân càn quét mãnh liệt vào các căn cứ của ta ở Mỹ Bình, Bến Cát, Vườn Thơm, Rừng Sác, trong đó uy hiếp mạnh căn cứ Hóc Môn và Bến Cát, ngăn chặn hành lang vận tải và thông tin liên lạc từ thành phố Sài Gòn lên các căn cứ Hố Bò, An Nhơn Tây và Long Nguyên của ta.

Trước tình hình đó, tháng 10 năm 1950, phối hợp với Chiến dịch Biên Giới ngoài Bắc Bộ, Bộ tư lệnh Khu 7 quyết định mở Chiến dịch Bến Cát lần thứ hai, nhằm mục đích cắt đứt và giải phóng đường số 7 và số 14 của địch mở rộng căn cứ liên hoàn của ta hai bên sông Sài Gòn, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong toàn khu, mở thông đường tiếp tế từ Khu 8 lên Sài Gòn và vùng căn cứ miền Đông Nam Bộ. Với riêng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định thì Chiến dịch Bến Cát 2 sẽ có tác dụng trực tiếp chia cắt đường 5, Hóc Môn, giải toả áp lực của địch ở Hóc Môn vào căn cứ của ta, nối thông hành lang từ Sài Gòn lên căn cứ của Đặc khu.

Huyện Bến Cát ở phía tây bắc Sài Gòn, nằm kẹp giữa đường 13 ở phía đông và sông Sài Gòn ở phía tây (địa hình: như ở Chiến dịch Bến Cát 1 đã trình bày).

Trên địa bàn chiến dịch, địch tổ chức phòng thủ tương đối mạnh. Ngoài hai cứ điểm chính Bến Cát và Dầu Tiếng, chúng còn có bốn đồn kiên cố: Bến Súc, Rạch Bắp, Rạch Kiến và Bà Thiện. Trên tuyến đường số 7 và 14 chúng đóng 17 tháp canh. Quân số lên tới hai tiểu đoàn bộ binh với trang bị vũ khí mạnh, có 12 máy bay, tám xe tăng, 73 xe cơ giới ngoài ra còn có pháo 105mm và 155mm chi viện.

Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm hai tiểu đoàn 303 chủ lực Khu và tiểu đoàn 302 thuộc liên trung đoàn 301 - 310; chín đại đội độc lập gồm hai đại đội của tiểu đoàn 304 thuộc liên trung đoàn 306 - 312; hai đại đội binh chủng và năm đại đội độc lập của các huyện Bến Cát, Hớn Quản, Châu Thành, Trảng Bàng, Hóc Môn, cùng với hơn ba vạn dân quân du kích và dân công của các địa phương trên. Phối hợp với chiến dịch, bộ đội và dân quân du kích các tỉnh lân cận (Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Tây Ninh) phá giao thông, đánh nghi binh, quấy rối kìm chân địch, không cho chúng tiếp viện cho Bến Cát khi bộ đội ta tiến công.

Bộ chỉ huy chiến dịch: Chỉ huy trưởng: Tô Ký; Chính trị viên: Nguyễn Duy Hanh; Tham mưu trưởng: Lê Đức Anh.

Chiến dịch chia làm ba đợt.

Đợt 1 (từ ngày 7 đến 10 tháng 10):

Theo kế hoạch, 23 giờ ngày 7 tháng 10 phân đội đánh cầu Bến Cát cho nổ mìn đánh sập cầu làm hiệu lệnh nổ súng, mở màn chiến dịch. Nhưng 21 giờ cùng ngày, phân đội đánh tháp canh Suy-nô (Sunaud) trên đường tiếp cận mục tiêu gặp địch, đã nổ súng trước giờ quy định. Thấy vậy, phân đội đánh tháp canh Kiến Điền cũng nổ súng, làm cho quân địch đề phòng và đưa quân ra ứng viện. Do đó phân đội đánh cầu Bến Cát chưa kịp nổ bộc phá, phải rút quân.

Tại đồn Bến Súc1 mục tiêu chủ yếu của chiến dịch do hai đại đội của tiểu đoàn 302 và đại đội 902 bộ đội địa phương huyện Bến Cát đảm nhiệm; do có bộ phận bị lạc đường nên đến 3 giờ ngày 8 tháng 10 mới triển khai xong (chậm hơn 4 giờ). 3 giờ 10 phút, tập trung hoả lực bắn vào đồn, trong đó có khẩu 75mm vừa moi ở dưới đất lên (chôn giấu từ năm 1949), pháo bắn được hai quả, không trúng đồn thì hỏng, phải sửa chữa. Hai tổ trinh sát công binh dùng FT phá hai lô cốt số 1 và số 2. Bộ đội xung phong đánh chiếm trại lính, sở chỉ huy, kho đạn, làm chủ được nửa phần phía nam đồn. Địch cho xe thiết giáp ra, dùng hoả lực ngăn chặn ta quyết liệt. Khẩu pháo bị hỏng, ta sửa mãi không được, nên ban chỉ huy trận đánh cho bộ đội rút lui. Ngày hôm sau, quân Pháp mở trận càn lớn vào căn cứ của tỉnh, chúng sục sạo cố tìm khẩu pháo của ta; nhiều nhà cửa ruộng vườn bị chúng đốt phá.

Cũng trong đêm 7 rạng 8 tháng 10, ta tiến công và diệt các tháp canh Suy-nô, Kiến Điền, Sở Sao, Truông Thân. Tại đồn Rạch Bắp, quân ta đào hầm ngầm mới tới ngoài hàng rào, đúng giờ hiệp đồng, các chiến sĩ ta xung phong, nhưng không vào được đồn phải lui quân.

Ngày 8 tháng 10, địch tổ chức ứng cứu Bến Cát. Chúng cho ba máy bay đánh phá các xã Thanh Tuyền và Kiến An. Ba trung đội thiết giáp từ cây Soài theo đường 7 tăng viện cho Bến Súc. Một tàu và hai ca nô từ Thủ Dầu Một theo đường sông lên bảo vệ cho Bến Súc từ phía tây.

Ngày 9 tháng 10, ta chuyển sang phá hoại đường 7 và 14. Lực lượng dự bị được điều lên bố trí trận địa đánh phục kích trên đường 14, đoạn từ Dầu Tiếng đi Bến Súc. Tiểu đoàn 304 vận động về Long Nguyên theo quốc lộ 13 đón đánh địch càn vào căn cứ. Bốn ngày chiến đấu đầu tiên, chiến dịch phát triển không thuận lợi. Ngày 10 tháng 10 đợt 1 kết thúc.

Đợt 2 (từ 13 đến 30 tháng 10):

Các đơn vị triển khai lực lượng bao vây các vị trí, tháp canh và tiến hành phá giao thông.

Ngày 15, có cơ sở làm nội ứng trong đồn Mát-xa-ri, hai tiểu đội trinh sát của tiểu đoàn 302 bao vây đồn và buộc hai trung đội lính ngụy ra hàng, mang hết vũ khí theo kháng chiến. Ta thu hai xe vũ khí và đồ dùng quân sự. Cùng ngày, đại đội 902 đánh sập một tháp canh trên quốc lộ 7. Các tháp canh: Làng 18, Nhíp 27, IRCI, Mỹ Thành, Cây Đa... lần lượt bị quân ta tiêu diệt hoặc bức rút.

Trên hướng quốc lộ 13, trong hai ngày 21 và 22 tháng 10, các tiểu đoàn 303, 302 và 304 chặn đánh quyết liệt các đoàn xe vận tải, đốt và phá 65 xe, 175 tấn mủ cao su, thu 12 xe, 11 máy thông tin vô tuyến điện. Từ cuối tháng 10 trở đi, hàng chục tháp canh của địch bị nhổ. Đoạn đường từ Bến Súc đi Dầu Tiếng bị cắt đứt. Ngày 30 tháng 10, ta đánh chìm ba tàu (trong đoàn tàu tiếp tế) trên sông Sài Gòn. Đợt 2 chiến dịch kết thúc.

Đợt 3 (từ 11 đến 15 tháng 11 năm 1950):

Hai tiểu đoàn 302, 304 trở lại hoạt động dọc tuyến quốc lộ 7 và 14, bao vây đồn Rạch Bắp, Rạch Kiến, hỗ trợ lực lượng dân quân du kích và quần chúng phá đường. Tiểu đoàn 303 cùng bộ đội địa phương bám đánh địch trên đường 13 và đường xe lửa.

Đêm 8 tháng 11, bằng phương pháp bí mật luồn sâu lót sẵn, nổ súng bất ngờ, trong ngoài kết hợp, tiểu đoàn 302 tiến công tiêu diệt đồn Bến Súc; diệt một trung đội Âu - Phi, thu một khẩu trọng liên và nhiều súng trường, đạn dược. Ngày 15 tháng 11, hai tiểu đoàn 302 và 303 diệt 20 xe địch và lực lượng đi hộ tống trên quốc lộ 13, đoạn phía nam Hớn Quản. Đêm 15 ta đặt bộc phá đánh sập cầu Bến Cát, cắt đứt đường số 7. Ta chủ động kết thúc chiến dịch.

Kết quả: Địch bị diệt 509 tên, bị thương 155 tên, bị bắt 120 tên. Ta đánh sập và bức rút hơn một chục tháp canh, đồn bốt, 12 cầu cống, phá 84 xe quân sự, năm đầu máy xe lửa, bảy xuồng và tàu thuỷ, thu nhiều súng đạn và đồ dùng quân sự.

Đây là một chiến dịch được coi là đầu tiên và lớn nhất của miền Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp. Lần đầu tiên lực lượng vũ trang nhân dân Gia Định tham gia một chiến dịch hợp đồng nhiều đơn vị. Chiến dịch không những đạt được yêu cầu cơ bản đề ra ban đầu, mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho quân và dân miền Đông Nam Bộ về khả năng hiệp đồng tác chiến, sử dụng nhiều lực lượng trên một địa bàn rộng, về đánh đồn bốt, về sử dụng đặc công, pháo binh, chuẩn bị hậu cần và huy động lực lượng quần chúng tham gia với quy mô lớn, về cách phân chia chiến dịch ra nhiều đợt và tổ chức củng cố, điều chỉnh, rút kinh nghiệm giữa hai đợt chiến đấu, về kết hợp linh hoạt, sáng tạo giữa tiến công trực diện với công tác binh vận, giữa lực lượng đánh từ ngoài vào với lực lượng nội ứng ở bên trong để đạt được hiệu quả chiến đấu cao.

Trong Hội nghị tổng kết chiến dịch, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ uỷ đánh giá: Chiến dịch Bến Cát 2 đã đánh dấu một bước trưởng thành quan trọng của các lực lượng vũ trang Khu 7, đưa phong trào kháng chiến của quân và dân miền Đông Nam Bộ hoà nhịp với cuộc kháng chiến trên chiến trường cả nước.
______________________________________
1.Trong cuốn “Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến” tr. 241 ghi là đồn Rạch Kiến.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Bảy, 2012, 10:10:19 am

CHIẾN DỊCH TRẦN HƯNG ĐẠO1
(Tiến công, từ ngày 25 tháng 12 năm 1950 đến ngày 18 tháng 1 năm 1951)


Ngay từ đầu năm 1950, Đảng ta đã xác định “Đánh dần trung du, củng cố căn cứ địa chính” là một nhiệm vụ thiết thực của quân và dân ta. Trong kế hoạch tác chiến Thu Đông 1950, Bộ Tổng tham mưu đã xác định sau Chiến dịch Biên Giới sẽ mở tiếp chiến dịch mới ở Trung du. Cuối tháng 9 năm 1950, Bộ Tổng tham mưu đã cử cán bộ xuống phối hợp với Liên khu Việt Bắc tiến hành chuẩn bị chiến trường. Sau Chiến dịch Biên Giới sau khi được Ban Thường vụ Trung ương Đảng phê chuẩn Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Trần Hưng Đạo tiến công địch ở Trung Du và một số hướng khác nhằm mục đích: “Tiêu diệt sinh lực địch. Mở rộng khu lương thực, phát triển du kích chiến tranh. Tranh thủ thời gian, phá kế hoạch củng cố của địch, tạo điều kiện mới để tiêu diệt sinh lực địch nhiều hơn nữa”.

Trung du là miền đất có giá trị chiến lược nhiều mặt. Sau khi ta giải phóng biên giới, mở rộng vùng tự do ra khắp vùng phía bắc Bắc bộ, thì Trung du trở thành tuyến phòng thủ chủ yếu của địch, cùng với tuyến sông Đáy ở phía tây nam tạo thành một vành đai ôm lấy vùng đồng bằng, chống lại mọi sự xâm nhập của ta. Trung du cũng là một kho người, kho của có khả năng cung cấp khá dồi dào cho chiến tranh và là một bàn đạp thuận tiện để địch tập trung lực lượng và binh khí kỹ thuật tiến công, uy hiếp Việt Bắc.

Sau thất bại ở Chiến dịch Biên Giới, địch hết sức hoang mang dao động, chúng tăng cường phòng thủ trên tuyến bắc Hà Nội, rút bỏ nhiều vị trí ở vùng rừng núi cô lập, tập trung hầu như toàn bộ lực lượng cơ động chiến lược ra chiến trường Bắc bộ và hướng lực lượng này về phía Trung du nhằm đối phó với cuộc tiến công lớn của ta từ phía bắc xuống.

Lực lượng địch ở Trung du lúc này có tám tiểu đoàn và tám đại đội chiếm đóng ở các khu vực Phú Yên (một tiểu đoàn), Phù Lỗ (một tiểu đoàn, hai đại đội), Vĩnh Yên (hai tiểu đoàn, hai đại đội), Bắc Ninh (hai tiểu đoàn), Lục Nam (một tiểu đoàn), Bắc Giang (một tiểu đoàn, bốn đại đội). Ngoài ra còn các binh đoàn cơ động mới thành lập đứng chân ở Bắc Ninh (GM1), Gia Lâm (GM2), Vĩnh Yên (GM3), Bắc Giang (GM5), Phù Lỗ (GMNA)... sẵn sàng được tung ra để làm nhiệm vụ tiến công và tăng cường phòng thủ cho phía trước.

Về phía ta, ngay từ trung tuần tháng 112, Đảng uỷ, Bộ chỉ huy chiến dịch đã được thành lập. Đồng chí Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Ủy viên thường vụ Trung ương Đảng được chỉ định làm Bí thư kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận, các cơ quan của Bộ chỉ huy chiến dịch Biên Giới được chuyển thành cơ quan của Bộ chỉ huy Chiến dịch Trần Hưng Đạo.

Sau khi được thành lập, Đảng ủy chiến dịch đã họp và xác định: trong thời kỳ đầu, hướng chính chiến dịch là vùng Trung du từ Việt Trì đến Bắc Giang, trong đó hướng tiến công chủ yếu nhằm vào Vĩnh Yên, Phúc Yên. Hướng phối hợp là đông bắc và Liên khu 3. Nếu tình hình thuận lợi sẽ tiếp tục tiến công chủ yếu ở Trung du, trong trường hợp khác có thể chuyển hướng sang đường 18 hoặc Liên khu 3.

Về lực lượng, trên hướng chính, Bộ chỉ huy chiến dịch sử dụng Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 (thiếu trung đoàn 165) và ba liên đội sơn pháo 75mm (mỗi liên đội có sáu khẩu). Hướng đông bắc (hướng phụ), thành lập mặt trận có trung đoàn 174 và 98. Hướng Liên khu 3, giao cho Đại đoàn 320 và 304 hoạt động ở vùng Ninh Bình và Sơn Tây. Tổng quân số tham gia chiến dịch lên tới 43.500 người.

Trong quá trình chuẩn bị, Bộ chỉ huy xác định nguyên tắc chiến dịch là: “Trước chia lực lượng đánh nhỏ, sau tập trung đánh to”, đồng loạt đánh nhiều trận nhỏ, song từng trận phải tập trung ưu thế lực lượng, góp nhiều thắng lợi nhỏ thành thắng lợi lớn. Về chiến thuật, áp dụng cách đánh “Bôn tập” tức là chuẩn bị sẵn rồi từ xa cơ động tới đánh nhanh, giải quyết nhanh, rút nhanh.

Cũng trong tháng 11, phòng cung cấp chiến dịch được thành lập do đồng chí Trần Hữu Dực - Phó chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp trực tiếp phụ trách và bắt đầu triển khai toàn diện công tác bảo đảm. Một hệ thống kho tàng, bệnh viện dã chiến được bố trí trên các hướng tiến công của chiến dịch. Nhiều kho gạo nhỏ được đưa sát vào khu vực dự kiến chiến đấu để đảm bảo có thể nhanh chóng tiếp lương cho bộ đội khi chiến đấu. Bộ đội được cấp lương khô, các đại đội được cấp phiếu “vận động chiến” để có thể lấy lương thực, thực phẩm ngay tại chỗ ở tất cả các xã vùng tạm chiếm trên địa bàn xảy ra chiến sự.

Các trường quân y tạm thời nghỉ học để tập trung phục vụ chiến dịch. Trên 300 y sĩ, bác sĩ, y tá, cứu thương được huy động. Cục Quân y đã tổ chức ba bệnh viện, ba đội điều trị trên ba hướng chiến dịch. Các trung đoàn được phối thuộc từ 250 đến 300 dân công làm nhiệm vụ tải thương. Trên 27.600 dân công thường trực được huy động và ta đã chuẩn bị được 4.960 tấn lương thực, 416 tấn đạn dược vũ khí đảm bảo cho chiến dịch3.

Ngày 15 tháng 12 năm 1950, Đảng uỷ chiến dịch họp tại xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên kiểm điểm công tác chuẩn bị và triệu tập hội nghị giao nhiệm vụ cho các đại đoàn trên hướng chủ yếu. Đại đoàn 308 được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75mm có nhiệm vụ tiến công địch trên hướng chủ yếu Trung du, trước mắt tiêu diệt bốn vị trí: Hữu Bằng, Tú Tạo, đồi Cà Phê, Chợ Thá. Đại đoàn 312 (hai trung đoàn) được phối thuộc một đại đội sơn pháo 75mm, tiến công trên hướng thứ yếu. Trước mặt tiêu diệt hai vị trí Chợ Vàng và Ba Huyên.

Trên các hướng phối hợp: khu Duyên hải Đông bắc, trung đoàn 174 và trung đoàn 98 tiêu diệt hai cứ điểm Bình Liêu và Hoành Mô. Ở hướng Liên khu 3, các trung đoàn 48, 64, 52 và lực lượng vũ trang địa phương do Bộ tư lệnh Liên khu trực tiếp chỉ huy và đặt kế hoạch.

Bộ chỉ huy dự kiến nổ súng vào đêm 26 tháng 12. Thượng tuần tháng 12 năm 1950, sau một thời gian chấn chỉnh huấn luyện ở Cao Bằng, Lạng Sơn, năm trung đoàn của Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 bắt đầu hành quân về Trung du và hoàn tất mọi công tác chuẩn bị.

Chiến dịch được tiến hành theo hai đợt. Đợt 1, theo kế hoạch, ta sẽ nổ súng vào ngày 26 tháng 12, nhưng ngày 25, binh đoàn cơ động số 3 (GM3) của địch gồm ba tiểu đoàn mở cuộc hành quân Bê-cát-sin đánh lên Xuân Trạch, Liễu Sơn, Thản Sơn (Vĩnh Yên), đúng vào khu vực tập kết của Đại đoàn 312.

Cuộc hành quân của địch tuy bất ngờ, song không gây đảo lộn lớn cho ta. Bộ đội ta đã chuẩn bị xong và sẵn sàng nổ súng, nên Bộ chỉ huy chiến dịch giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 312 nổ súng chặn đánh cuộc hành quân, mở màn đợt 1 chiến dịch.

Đại đoàn 312 nhanh chóng triển khai thế trận chặn đánh địch. Ngày 25 tháng 12 năm 1950, tiểu đoàn 10 dù thuộc địa (10e BPC) và tiểu đoàn Mường chia làm hai cánh tiến vào Thản Sơn, Liễn Sơn. Trung đoàn 141 cùng bộ đội địa phương Vĩnh Phú, Phú Thọ chặn đánh, địch buộc phải dừng tại Liễn Sơn chờ quân ứng cứu. Ngày 26, tiểu đoàn 24 Xê-nê-gan (24e BMTS) lên ứng cứu cũng bị chặn đánh phải dừng lại ở Xuân Trạch, một làng nằm giữa những quả đồi xen kẽ rừng thưa, tây Liễn Sơn khoảng năm ki-lô-mét.

Dự kiến địch sẽ dừng lại tại Xuân Trạch, Đại đoàn 312 đã điều trung đoàn 209 và tiểu đoàn 428 trung đoàn 141 về hướng Xuân Trạch chặn địch và hình thành thế bao vây không cho địch rút chạy. Khi biết tiểu đoàn 24 Xê-nê-gan dừng lại ở Xuân Trạch, trung đoàn 209 đã nhanh chóng tổ chức lực lượng quyết tâm tiêu diệt tiểu đoàn địch vào sáng ngày 27. Theo phương án, tiểu đoàn 154 được tăng cường hoả lực tiến công trên hướng chủ yếu vào bắc Xuân Trạch. Tiểu đoàn 130 tiến công điểm cao 10, nam làng Xuân Trạch. Tiểu đoàn 428 trung đoàn 141 đánh vào Xuân Trạch từ phía tây. Tiểu đoàn 166 làm lực lượng dự bị của trung đoàn.
_____________________________________
1.Còn gọi là Chiến dịch Trung Du.
2.Đảng uỷ chiến dịch được chỉ định sớm, nhưng ngày 30 tháng 11 mới có quyết định chính thức (số 64 QW/TƯ) gồm: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Chu Văn Tấn, Trần Hữu Dực, Đào Văn Trường.
3.Trong thực tế chiến đấu, Hậu cần chiến dịch đã cung cấp cho bộ đội 1.653 tấn lương thực thực phẩm, 3,2 tấn đạn (nhỏ hơn nhiều so với kế hoạch chuẩn bị), cứu chữa 2.048 thương binh.



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Bảy, 2012, 10:11:22 am

5 giờ sáng ngày 27 tháng 12 năm 1950, Đại đoàn 312 phát lệnh tiến công Xuân Trạch, sau 15 phút hoả lực chuẩn bị, bộ đội ta trên các hướng tổ chức nhiều mũi xung phong, vây chặt làng Xuân Trạch. Ở điểm cao 10 địch chống trả quyết liệt, tiểu đoàn 130 tiến công gặp khó khăn, tiểu đoàn 154 phải tổ chức một mũi đánh sang phía tây hỗ trợ cho tiểu đoàn 130. Khoảng 7 giờ 30 phút, sau hai đợt tiến công quyết liệt ta hoàn toàn làm chủ khu vực Xuân Trạch diệt gọn cả tiểu đoàn địch, bắt sống 240 tù binh, trong đó có tên đại uý tiểu đoàn trưởng. Bị thua đau ở Xuân Trạch, Liễn Sơn, binh đoàn số 3 vội vã rút về Vĩnh Yên củng cố.

Nhận thấy về cơ bản ta vẫn giữ được bí mật, bất ngờ, địch chưa có biến động đáng kể, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tiếp tục tác chiến theo kế hoạch đã định, chỉ điều chỉnh tạm thời chưa đánh Ba Huyên mà đánh hai vị trí khác là Thằn Lằn và Yên Phụ. Trên hướng chủ yếu, trong ba đêm 27, 28, 29 tháng 12, Đại đoàn 308 lần lượt tiêu diệt năm vị trí Tú Đạo, đồi Cà Phê, Hữu Bằng, Thằn Lằn và Yên Phụ. Đánh các vị trí này, các đơn vị đều dùng hình thức “bôn tập”, bộ đội vận động một chặng đường hơn 10 ki-lô-mét, vừa hành quân vừa chuẩn bị, tiếp cận mục tiêu, đánh nhanh, giải quyết nhanh gọn rồi rút trong đêm.

Trên hướng thứ yếu, đến 27 tháng 12, tiểu đoàn 166 trung đoàn 209 được tăng cường hai khẩu pháo 75mm tiến đánh đồn Chợ Vàng. Do tổ chức không chặt chẽ, chủ quan, trận đánh kéo dài đến sáng ta vẫn chưa chiếm được đồn, thương vong lớn, tiểu đoàn 166 phải rút ra ngoài củng cố. Đêm 28, tiểu đoàn được tăng cường hai đại đội của tiểu đoàn 130 vào đánh tiếp cũng không được, ta không giải quyết được đồn Chợ Vàng. Cùng đêm 28, tiểu đoàn 154 đánh hai bốt Sơn Kiệu và Hội An cũng không thành công.

Ở hướng phối hợp Duyên hải Đông bắc, trung đoàn 174 và 98 tiêu diệt cứ điểm Bình Liêu (khoảng 300 địch) vào đêm 26 và tổ chức đánh viện trên đường 18 vào ngày hôm sau. Địch ở đây phải rút bỏ một số vị trí, co về lập khu trung tâm đề kháng ở Tiên Yên để cố thủ.

Sau đêm 29, ta chủ động kết thúc đợt 1. Kết quả ta loại khỏi vòng chiến đấu 1.300 tên địch, thu nhiều vũ khí. Ta thương vong khá lớn: hy sinh 118 đồng chí, bị thương 630 đồng chí.

Trước những trận tiến công bất ngờ của ta ở Trung du, địch vội vã điều ba tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo binh từ Nam bộ ra tăng cường cho Bắc bộ, đưa bốn tiểu đoàn bộ binh ở đồng bằng Bắc bộ lên tăng cường cho vùng Duyên hải Đông bắc. Trên hướng Trung du, các binh đoàn cơ động Pháp vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực Cầu Đuống, có ý định phản kích lại để giành thế chủ động.

Về ta, kế hoạch đợt 2 được xác định như sau: trung đoàn 141 của Đại đoàn 312 tiến công đồn Bảo Chúc, một vị trí quan trọng của địch để thu hút viện binh; Đại đoàn 308 và trung đoàn 209 Đại đoàn 312 làm nhiệm vụ đánh viện trên các hướng từ Vĩnh Yên và Phúc Yên tới. Trên hướng phối hợp, trước ngày hướng chính nổ súng, trung đoàn 98 và 174 sẽ đánh Cẩm Lý và Đồng Kế để nghi binh thu hút địch.

Đêm 12 tháng 1 năm 1951, trung đoàn 98 và 174 nổ súng mở đầu đợt hai chiến dịch. Trung đoàn 174 diệt được đồn Đồng Kế, trung đoàn 98 đánh đồn Cẩm Lý không thành công.

Đêm 13 tháng 1, các đơn vị trên hướng chính bước vào chiến dịch. Trung đoàn 141 đánh đồn Ba Huyên (Bảo Chúc), hai trung đoàn 86, 36 của Đại đoàn 308 và trung đoàn 209 tiến ra chiếm lĩnh trận địa ở Cẩm Trạch, Thanh Vân, Đạo Tú sẵn sàng đánh viện.

Ba Huyên là một cứ điểm mạnh, tiền đồn phía bắc của thị xã Vĩnh Yên, đồn được xây dựng trên quả đồi cao hơn địa hình xung quanh, có hệ thống lô cốt, hầm hào và nhiều lớp vật cản bằng tường cao, hào sâu, hàng rào kẽm gai... Đồn do năm trung đội (hai trung đội ngụy, ba trung đội Âu - Phi) chiếm giữ.

Được đại đoàn giao nhiệm vụ tiến công tiêu diệt đồn Ba Huyên, trung đoàn 141 sử dụng tiểu đoàn 11 và đại đội 58 của tiểu đoàn 428 tiến công trên hướng chủ yếu. Tiểu đoàn 16 làm nhiệm vụ dương công, tiểu đoàn 428 làm lực lượng dự bị. Sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương, đêm ngày 13 tháng 1, trung đoàn vào chiếm lĩnh trận địa, tổ chức cắt rào, khắc phục vật cản. 1 giờ 10 phút ngày 14 tháng 1 năm 1951, ta bắt đầu nổ súng tiến công. Trận chiến đấu diễn ra gay go ác liệt. Từ nửa đêm đến 4 giờ sáng, ta mới mở hết hàng rào và đến 10 giờ ngày 14, ta mới tiêu diệt toàn bộ địch, làm chủ trận địa.

Được tin Ba Huyên bị đánh, GM3 của địch tổ chức hai cánh quân từ Vĩnh Yên đến ứng cứu. Khoảng 8 giờ sáng, tiểu đoàn 8 Mường đi đầu đội hình tới ngang Thuỷ An thì bị trung đoàn 209 chặn đánh, bị thiệt hại nặng phải quay về dãy đồi Cẩm Trạch tổ chức chống đỡ, chờ lực lượng phía sau lên. Thấy địch ở phía sau đã tới khu vực dự kiến, trung đoàn 36 và 88 xuất kích, kết hợp với trung đoàn 209 hình thành thế bao vây chia cắt, đánh địch thiệt hại nặng ở khu vực Xóm Le, Đạo Tú và truy kích chúng đến sát cửa ngõ thị xã Vĩnh Yên.

Các lực lượng còn lại của hai đại đoàn thừa thắng hạ một loạt đồn bốt Tam Lộng, Quất Lưu, Mậu Thông, Mậu Lâm... áp sát xuống đường số 2.

Cuộc tiến công của ta ở sát thị xã Vĩnh Yên lập tức gây náo động tới Hà Nội. Ngay ngày 14, địch điều vội GM1 từ Lục Nam lên hỗ trợ cho GM3, đồng thời thả một tiểu đoàn dù xuống tây Vĩnh Yên năm ki-lô-mét.

Về ta, sau thắng lợi ngày 14 tháng 1, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định bao vây thị xã Vĩnh Yên và tổ chức đánh viện đến giải vây cho thị xã. Đại đoàn 312 triển khai ở khu vực Bảo Sơn - Đình Trung. Đại đoàn 308 triển khai ở nam, bắc đường số 2, phía đông thị xã trên khu vực Khai Quang, Ấp Hương, Tam Lộng, Ngoại Trạch, Mậu Thông...

Sáng ngày 15, sau khi cho máy bay ném bom bắn phá dọc đường 2, GM1 từ Hương Canh tiến quân lên thị xã. Đại đoàn 308 tổ chức phục kích chặn đánh ở Mậu Thông - Khai Quang và tây nam Ngoại Trạch. Cuộc chiến ở khu vực phía đông thị xã diễn ra ác liệt, địch dùng cả bom napan - loại bom cháy mới được Mỹ viện trợ, để đánh ta. Đến tối, do bị thương vong nhiều, các đơn vị của ta được lệnh rời khỏi trận địa.

Quyết giữ thị xã Vĩnh Yên, sáng ngày 16, hai binh đoàn cơ động (GM1, GM3) chia làm ba cánh đánh chiếm khu núi Đanh, một dãy điểm cao có giá trị ở phía bắc, đông bắc thị xã Vĩnh Yên 6 - 7 ki-lô-mét. Trên điểm cao Núi Đanh, đã có một bộ phận của trung đoàn 209 chiếm giữ từ trước, song do có lực lượng áp đảo và có sự chi viện của không quân, pháo binh, địch đã đánh chiếm lại toàn bộ khu vực.

Trước tình hình trên, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt địch ở khu vực núi Đanh. Hai trung đoàn 88, 36 của Đại đoàn 308 cùng trung đoàn 209 Đại đoàn 312 tiến công địch ở núi Đanh, trung đoàn 141 chặn đường rút của chúng về thị xã, trung đoàn 102 làm lực lượng dự bị.

Khoảng 13 giờ 30 ngày 16, ta bắt đầu tiến công địch ở núi Đanh. Trung đoàn 209 chiếm các điểm cao 70, 103 chặn đánh một bộ phận GM3 buộc chúng phải quay về Vĩnh Yên. Trung đoàn 36 tiến công địch ở điểm cao 157 song không thành công. Đêm 16, ta tiến công các điểm cao 47, 101, 210. Sau nhiều đợt xung phong ta chiếm các điểm cao 47, 101, đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn Ma-rốc. Riêng điểm cao 210, ta xung phong nhiều lần song đều không thành công. Khoảng 2 giờ ngày 17, ta thu quân, kết thúc chiến dịch.

Kết quả, qua 23 ngày đêm chiến đấu, ta loại khỏi vòng chiến đấu 5.000 tên địch (bắt sống hơn 2.036 tên), đánh thiệt hại nặng sáu tiểu đoàn, diệt 30 vị trí, thu hơn 1.200 súng (có 13 pháo 75mm), 48 máy vô tuyến điện phá huỷ nhiều xe và phương tiện kỹ thuật, giải phóng một phần phía bắc tỉnh Vĩnh Yên - Phúc Yên ở Trung du và hai huyện Bình Liêu, Hoành Mô ở Đông bắc.



Chiến dịch Trung du là chiến dịch đầu tiên ta sử dụng hai đại đoàn tác chiến ở vùng đồi núi thấp, nơi địch có điều kiện phát huy thế mạnh về hoả lực và cơ động hơn ở chiến trường rừng núi. Chiến dịch đã tạo điều kiện cho bộ đội trưởng thành một bước quan trọng cả về đánh địch trong công sự (công kiên) và đánh địch ngoài công sự (vận động), cả đánh đêm và đánh ngày, trong điều kiện phải thường xuyên đối phó với phi pháo địch ở địa hình trống trải.

Mặc dù kết quả chiến dịch còn hạn chế so vai yêu cầu đề ra và ta còn có một số khuyết điểm trong chỉ đạo và thực hành chiến dịch, song Chiến dịch Trung Du vẫn là “một thắng lợi quan trọng, một bước tiến vững chắc của bộ đội ta về kỹ thuật, chiến thuật và tinh thần chiến đấu... một bước thành công trên con đường tiến tới vận động chiến của quân đội ta”1.

Về nghệ thuật chiến dịch, để khoét sâu chỗ yếu của địch là binh lực bố trí phân tán thành những cứ điểm nhỏ và để hạn chế chỗ mạnh của chúng về lực lượng ứng chiến và hoả lực phi pháo, Bộ chỉ huy chiến dịch đã đề ra cách đánh khá phù hợp. Đó là bôn tập để tiêu diệt cứ điểm nhỏ, đánh đồng loạt để căng kéo lực lượng cơ động ứng chiến của địch, đánh đêm, đánh nhanh, rút nhanh, giải quyết trong đêm để hạn chế phi pháo.

Trong quá trình chiến dịch, ta thực hiện phương châm “đánh điểm diệt viện, vây điểm diệt viện, lấy diệt viện làm chính”. Vừa tổ chức tiến công đồng loạt các cứ điểm theo kế hoạch, vừa nhanh chóng chớp thời cơ tập trung lực lượng diệt các cụm lớn quân địch tạm dừng hoặc phòng ngự lâm thời ngoài căn cứ (như ở Xuân Trạch, Liễn Sơn, núi Đanh...).

Tuy nhiên, việc chọn hướng tiến công vào Trung du của ta lúc ấy là chưa phù hợp, vì đây là nơi địch phát huy được chỗ mạnh của chúng là hoả lực và sức cơ động. Còn ta, tuy đã có bước phát triển đáng kể song vẫn còn nhiều hạn chế so với chúng về trang bị binh khí kỹ thuật. Trong quá trình chiến dịch có những thời điểm ta đã bỏ lỡ thời cơ như không kịp thời truy kích khi địch tháo chạy (sau trận Liễn Sơn - Xuân Trạch), hoặc không tổ chức tiến công ngay thị xã Vĩnh Yên khi địch đang hoang mang dao động.
_______________________________________
1.Báo cáo kế hoạch tác chiến và tổng kết kinh nghiệm trong các chiến dịch lớn, Bộ Tổng tham mưu xb 1963. t.1, tr.142.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Bảy, 2012, 10:35:07 am
Góp sức với bác Chuongxedap một chút nào: Bản đồ chiến dịch Long Châu Hà 1

(http://no0.upanh.com/b4.s1.d4/1aef315b0987cf9ad508476639e35bcd_46953190.lch1.jpg)


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Bảy, 2012, 10:39:44 am
Tiếp: Sơ đồ chiến dịch Bến Cát 2

(http://no6.upanh.com/b5.s27.d1/d67532d53c193bf907974c03e5122da9_46953316.bencat.jpg)


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 10 Tháng Bảy, 2012, 09:02:18 pm

CHIẾN DỊCH LONG CHÂU HÀ 2
(Tiến công, từ ngày 10 tháng 2 đến ngày 13 tháng 3 năm 1951)


Đầu năm 1951, ở miền Nam, tướng Săng-xông (Chanson), sau khi thay thế Đờ La-tua (De Latour), tiếp tục công cuộc bình định. Với chủ trương tăng cường quân ngụy, đóng thêm đồn bốt và tháp canh, chia cắt chiến trường Nam Bộ, địch đã lấn chiếm, củng cố và khống chế được những vùng đông dân, có nhiều tín đồ đạo giáo, đồng thời lập những đơn vị cơ động ứng chiến để tăng cường các cuộc càn quét. Chúng thành lập 2 tiểu đoàn cơ động: tiểu đoàn 1BMEO phụ trách các tỉnh lưu vực sông Tiền Giang và tiểu đoàn 2BMEO phụ trách các tỉnh lưu vực sông Hậu Giang.

Sau khi thực hiện bình định lấn chiếm tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, địch huy động nhiều tiểu đoàn càn quét vùng sáu xã thuộc Châu Thành, Cần Thơ và ba huyện Long Mỹ, Giồng Riềng, Châu Thành tỉnh Rạch Giá cũ. Ở Hà Tiên và Rạch Giá, địch đóng lại đồn bốt ở Giồng Riềng, Tri Tôn và Sóc Xoài (mỗi đồn một trung đội); đồng thời chúng nhảy dù xuống vùng Mo So, vào hang núi lấy máy móc, súng đạn của công binh xưởng 18 Long Châu Hà, phá của ta một kho lương thực chứa 4.250 giạ lúa.

Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Nam Bộ chủ trương: “Chủ động kiềm chế địch trên chiến trường Nam Bộ... Nắm vững phương châm chiến lược du kích chiến là chính, học tập đánh vận động chiến, đẩy mạnh vận động chiến tiến tới”1. Theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh Nam Bộ, đầu năm 1951, Khu 9 mở chiến dịch “phá nguy”. Trọng điểm của chiến dịch là Long Châu Hà. Các tỉnh khác phối hợp bằng cách kìm chân địch tại chỗ và tăng cường hoạt động vào vùng có dân cư đông, Bộ tư lệnh Khu 9 thành lập Ban chỉ huy chiến dịch gồm: Võ Quang Anh làm Chỉ huy trưởng; Nguyễn Văn Thuận - Chính trị viên, Hoàng Thế Thiện - Chỉ huy phó kiêm Trưởng ban chính trị.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: trung đoàn Tây Đô (ba tiểu đoàn), hai đại đội tỉnh Long Châu Hà, đội biệt động Hoà Hảo 304 của Huỳnh Văn Trí, các trung đội du kích tập trung huyện.

Mục đích chiến dịch là giải phóng nhân dân, giành lại nguồn dự trữ người và của vùng Hoà Hảo, Cao Đài, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, gây cơ sở, mở rộng vùng căn cứ của ta, tạo thế chủ động phá âm mưu chia cắt của địch, mở rộng hành lang nối liền Khu 9 và Khu 8.

Phương châm chiến dịch lấy vũ trang tuyên truyền làm chính, kết hợp tác chiến với phá hoại, tiêu hao sinh lực địch.

Chiến dịch diễn ra trong ba đợt.

Đợt 1: Chiến dịch mở màn ngày 10 tháng 2 năm 1951. Tại mặt trận chính huyện Châu Thành, tiểu đoàn 404 tiến công Phú Nhuận, Vĩnh Thạnh, đánh đại đội Hoà Hảo đến giải toả, tiểu đoàn 402, 406 đánh đồn Phú Hoà, Vĩnh Hạnh 1, Vĩnh Hạnh 2. Địch dựa vào công sự kiên cố chống trả quyết liệt. Ta chưa có kinh nghiệm đánh công kiên, lại bị máy bay địch bắn phá, thả bom liên tục, nên không chiếm được đồn. Sáng 12 tháng 2, địch tập trung 30 xe Jeep, 40 xe cam nhông chở quân vào giải toả, bọn lính trong đồn Vĩnh Hạnh 2 rút chạy. Đến 15 giờ ngày 12, ta chiếm đồn, thu nhiều vũ khí, đạn dược và chủ động kết thúc đợt 1.

Đợt 2: Diễn ra trong 2 ngày 19 và 20 tháng 2, tiểu đoàn 404 tiến công đồn Vĩnh Trạch, tiểu đoàn 402 và 406 chặn đánh 300 quân Pháp và hai đại đội Hoà Hảo đến giải toả. Địch sử dụng máy bay, tàu chiến yểm trợ cho các đại đội cơ động Hoà Hảo, Ba Cụt, Năm Lửa. Quân ta chặn đánh địch ở Ba Đầm, đánh tan một đại đội Hoà Hảo, Năm Lửa, diệt một trung đội, bắt một trung đội. Tiểu đoàn 404 tập kích đại đội 71 địch ở Cái Chiên, diệt một số tên, buộc chúng phải chạy về Long Xuyên. Mặt trận phối hợp ở Định Mỹ, Ba Thê, Núi Sập, Tri Tôn, công tác vũ trang tuyên truyền đạt kết quả tốt.

Đợt 3: Chiến dịch, diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 3, ta tiến hành vũ trang tuyên truyền trên địa bàn chiến dịch, trọng điểm là vùng Châu Phú A và đồng bào Khơ-me ở bắc Tri Tôn và huyện Châu Thành.

Kết quả toàn chiến dịch, ta diệt 300 tên địch, phá hủy bốn lô cốt và nhiều tháp canh; thu 21 súng (có hai đại liên). Trong quá trình chiến dịch, bộ đội đã giúp địa phương tổ chức huấn luyện gần 100 dân quân du kích ở Đinh Mỹ, Phú Hoà, Mỹ Thới và Vĩnh Thành Trung, thành lập chính quyền ở hai xã Đức Mỹ, Vĩnh Thành Trung.
   


Chiến dịch Long Châu Hà 2 đã giành được thắng lợi có ý nghĩa quan trọng, góp phần đánh bại một bước âm mưu bình định gấp rút và phản công quyết liệt của địch ở Long Châu Hà, thúc đẩy công tác vũ trang tuyên truyền, mở ra thời kỳ mới, tiến sâu vào vùng sau lưng địch, tổ chức các đội dân quân nội ứng, vận động tuyên truyền đồng bào theo đạo Hoà Hảo ngày một hiểu rõ chính sách của kháng chiến và thấy rõ âm mưu thâm độc của giặc Pháp và tay sai.

Chiến dịch Long Châu Hà 2 tuy kết quả về quân sự không lớn, nhưng Khu 9 đã kết hợp được với vũ trang tuyên truyền, gây ảnh hưởng tốt đối với phong trào đấu tranh chính trị trong vùng sau lưng địch, tạo điều kiện cho địa phương xây dựng chính quyền cơ sở và phát triển dân quân du kích. Song chiến dịch còn những hạn chế như không tiêu diệt được cứ điểm then chốt, chưa đánh được nhiều quân viện nên không gây tác động lớn đối với địch và chưa đẩy mạnh được phong trào quần chúng trong địa bàn chiến dịch.
_____________________________________
1.Nghị quyết quân sự của Bộ tư lệnh Nam Bộ năm 1951. Trích theo “Quân khu 9 - 30 năm kháng chiến”, Nxb QĐND, H, 1996, tr. 168.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 10 Tháng Bảy, 2012, 09:18:52 pm

CHIẾN DỊCH HOÀNG HOA THÁM1
(Tiến công, từ ngày 23 tháng 3 đến ngày 7 tháng 4 năm 1951)


Trong quá trình đối phó với cuộc tiến công của ta trên hướng Trung du (Chiến dịch Trần Hưng Đạo), lo sợ nguy cơ ta đánh lớn ở đồng bằng, địch đã ráo riết tăng cường lực lượng cho Bắc bộ. Ngày 14 tháng 2 năm 1951, Đờ Lát về Pháp xin cứu viện và chính phủ Cơi (Queuille) buộc phải quyết định rút 15.000 quân từ châu Phi sang tăng viện cho Bắc bộ. Tính đến tháng 3 năm 1951, Đờ Lát đã tăng viện cho Bắc bộ 29 tiểu đoàn bộ binh và dù, một trung đoàn cơ giới, bốn tiểu đoàn pháo binh, đưa quân số ở đây lên 80 tiểu đoàn và 60 đại đội. Về lực lượng cơ động, địch đã xây dựng được bảy binh đoàn hoàn chỉnh và 17 tiểu đoàn độc lập. Với chủ trương “cân bằng lực lượng với đối phương” hầu hết lực lượng dự bị chiến lược của Pháp, kể cả lực lượng đặt ở Trung bộ và Nam bộ đều được tập trung ra Bắc.

Việc xây dựng tuyến công sự mới, một công trình lớn trong kế hoạch Đờ Lát cũng được gấp rút triển khai. Riêng ở Trung du trong tháng 1 và 2 năm 1951, địch đã chuyển hàng nghìn tấn xi măng, sắt thép, gạch gỗ đến Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và sử dụng nhiều tiểu đoàn lê dương để xây dựng các vị trí boong ke. Chỉ sau một thời gian ngắn, hàng loạt vị trí bằng bê tông cốt thép kiểu mới đã ra đời.

Để thực hiện chủ trương chiến lược phòng ngự, Đờ Lát chia Bắc bộ thành ba chiến trường (Đồng Bằng, Đông Bắc và Tây Bắc) và cử tướng Đờ Li-na-rét làm tư lệnh Bắc bộ.

Tại chiến trường Đông Bắc, địch tiếp tục tăng cường lực lượng, tập trung khoảng 3.000 quân chiếm giữ trên 15 vị trí quan trọng. Tuyến phòng thủ đường 18, từ Bãi Thảo đến Uông Bí dài 50 ki-lô-mét, thuộc chiến trường Đông Bắc, là tuyến bảo vệ vòng ngoài cho Hải Phòng, Hải Dương và đường chiến lược số 5. Tuyến phòng thủ này gồm ba phân khu: phân khu Núi Đèo, phân khu Quảng Yên và phân khu Phả Lại. Cho đến khi ta mở chiến dịch, tổng số lực lượng địch ở khu vực đường 18 là 11 tiểu đoàn (kể cả GM7 đứng chân ở Phả Lại) và hai đại đội pháo 105mm (tám khẩu) đặt ở Đông Triều.

Về phía ta, đầu năm 1951, chủ trương chiến lược của Đảng vẫn là liên tục tiến công tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng từng vùng đất đai, làm thay đổi cục diện chiến trường. Trong đó nhiệm vụ quân sự là đánh dần Trung du, củng cố căn cứ địa chính, chọc thủng hành lang đông - tây, phát triển du kích đến cao độ sau lưng địch, phá kế hoạch chiếm đóng đồng bằng Bắc bộ của chúng. Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch ở hướng đông bắc (đường số 13 và đường số 17) và ngày 30 tháng 1 năm 1951, chỉ định Đảng uỷ chiến dịch gồm: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái, Trần Hữu Dực. Đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bí thư kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch2.

Ngày 9 và 10 tháng 2, Đảng uỷ chiến dịch họp lần đầu tại Điềm Mạc, Định Hoá. Ngày 20 tháng 2, họp lần thứ hai để phân tích, quyết định phương án tác chiến. Qua xem xét tình hình chung và đánh giá cụ thể từng hướng Đảng uỷ nhận thấy: “So với các nơi khác, đường số 18 tuy có gặp khó khăn là chiến trường xa, nghèo, dân cư thưa thớt, nhưng thuận lợi là địch tương đối yếu và bị bất ngờ, địa hình dễ hơn”3. Ta quyết định lấy đường 18 làm hướng chính của chiến dịch, còn Vĩnh Yên và Liên khu 3 là hai hướng phụ. Phương án này đã được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua.

Sau khi có quyết định của trên (ngày 26 tháng 2 năm 1951), Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh mở chiến dịch đường 18 mang bí danh Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, nhằm mục đích tiêu diệt sinh lực địch và phát triển du kích chiến tranh, coi tiêu diệt sinh lực địch là mục đích rất cơ bản và phát triển du kích chiến tranh là nhiệm vụ rất quan trọng.

Để đạt mục đích chiến dịch, trên hướng đường số 18, quyết tâm của Bộ chỉ huy chiến dịch là sử dụng Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, trung đoàn 98, trung đoàn 174, bốn đại đội pháo binh, hai tiểu đoàn công binh, phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiến công tiêu diệt địch trong khu vực từ Uông Bí đến Bãi Thảo. Tổng số lực lượng trên hướng chính là 25.719 người.

Trên các hướng phối hợp, Đại đoàn 304 ở Vĩnh Phúc, Đại đoàn 320 ở Hà Đông, Hà Nam phối hợp cùng bộ đội địa phương và dân quân du kích tiến công thu hút kìm chân địch (tổng số lực lượng trên hướng phối hợp là 14.281 người). Ngoài ra, trung đoàn 176 hoạt động ở hướng Lục Ngạn, Bắc Giang bảo vệ hậu phương chiến dịch.

Phương châm chiến dịch là “đánh điểm diệt viện… trọng đánh viện hơn diệt điểm, nhưng trong điều kiện thuận lợi hay cần thiết, cũng có thể trọng diệt điểm”4.

Về công tác chính trị Đảng uỷ và Bộ chỉ huy chiến dịch xác định cần chú trọng: “Động viên và đặt kế hoạch cho đảng viên, cho cựu binh, cho cán bộ cũ lãnh đạo, dìu dắt anh em chiến sĩ, anh em tân binh, các cán bộ đồng cấp mới được đề bạt, làm cho ý chí của toàn quân được thống nhất, tinh thần toàn quân được phát huy.

Tăng cường công tác chính trị trong bộ đội cung cấp, đặc biệt đối với anh em dân công. Không những phải đề cao tinh thần của họ mà để gây ảnh hưởng chính trị đối với đồng bào trong các địa phương quê quán của họ.

Cần có kế hoạch bảo đảm việc tuyên truyền: nhanh chóng, sâu và rộng, sắc bén, đối phó cho kỳ được lối tuyên truyền lừa gạt của địch”5.

Về công tác bảo đảm hậu cần: Nhu cầu vật chất dự kiến, hướng chính: gạo 784 tấn, vũ khí 150 tấn, thuốc điều trị cho hai nghìn thương binh. Dân công thường trực 17.900 người và dân công từng đợt 20 nghìn người. Hướng phối hợp Vĩnh Phúc: gạo 384 tấn, vũ khí 63 tấn. Toàn chiến dịch phải huy động 50.000 dân công 1.263 tấn lương thực, 156 tấn đạn dược6.
__________________________________
1.Còn gọi là Chiến dịch Đường 18.
2.Theo Lịch sử Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Pháp. Nxb QĐND, H.1991. tr.449.
3.Báo cáo kế hoạch tác chiến và tổng kết kinh nghiệm trong các chiến dịch lớn. Bộ Tổng tham mưu xb.1963. t.1. tr.188
4.Sđd - tr.176.
5.Báo cáo kế hoạch tác chiến chiến dịch và tổng kết kinh nghiệm trong các chiến dịch lớn, Bộ Tổng tham mưu xb, 1963, t. 2, tr.15-16.
6.Kết quả trong chiến dịch, cả ở vùng tự do và vùng địch còn tạm chiếm ta đã huy động hơn 2.200 tấn lương thực, 1.000 con trâu, bò, lợn. Hơn 110.000 lượt người đi dân công quy thành 1.288.000 ngày công phục vụ chiến dịch.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 10 Tháng Bảy, 2012, 09:22:42 pm

Bộ máy hậu cần chiến dịch Trung Du được duy trì để bảo đảm cho chiến dịch đường số 18. Ban đại diện cung cấp tỉnh Vĩnh Phúc được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo đảm cho Đại đoàn 304 chiến đấu trên hướng này.

Địa bàn tác chiến ở xa hậu phương, lại bị dãy núi Yên Tử chia cắt. Lực lượng hậu cần trên hướng chính phải triển khai thành ba tuyến. Tuyến sau gồm các tổng kho và bệnh viện hậu phương ở khu vực bắc Bắc Giang (Cầu Gồ, Phổng, Mẹt...). Trung tuyến gồm các kho và bệnh viện mặt trận triển khai ở bắc dãy núi Yên Tử (Mai Siu, Hố Lao). Hoả tuyến là các kho nhẹ (đạn, gạo) và các đội điều trị chiến dịch ở nam dãy núi Yên Tử, trực tiếp bảo đảm cho các đại đoàn chiến đấu.

Ngày 18 và 19 tháng 3, Đảng uỷ chiến dịch họp tại sở chỉ huy mới ở Bãi Đán, Mai Siu. Trong hội nghị này, hai phương án tác chiến đã được cân nhắc. Phương án một là đánh điểm nhỏ (Lán Tháp, Lọc Nước, Máng Nước, Sống Trâu), đồng thời sẵn sàng đánh viện từ Quảng Yên, Uông Bí lên. Phương án này có lợi là bảo đảm chắc thắng, nhưng địch chỉ ứng cứu nhỏ. Phương án hai là đánh các vị trí lớn hơn (Uông Bí, Bí Chợ, Tràng Bạch, Mạo Khê), đồng thời sẵn sàng đánh viện từ Phả Lại, Quảng Yên lên. Theo phương án này, địch có thể tiếp viện nhanh hơn, lớn hơn, nhưng trận đầu của ta không bảo đảm chắc thắng. Sau khi cân nhắc, do chưa nắm chắc tình hình địch ở Uông Bí, Bí Chợ, Bộ Tổng tư lệnh quyết định đánh theo phương án một. Đồng thời tiếp tục theo dõi sát tình hình địch, nếu điều kiện có lợi thì chuyển sang phương án hai. Do đó, dự kiến chiến dịch chia làm hai đợt. Đợt 1, tập trung lực lượng tiêu diệt bốn cứ điểm nhỏ bắc Uông Bí và triển khai lực lượng sẵn sàng đánh viện từ Quảng Yên, Uông Bí lên. Đợt 2, căn cứ diễn biến và kết quả đợt 1 để quyết định mục tiêu và cách đánh.

Ngày 21 tháng 3, Chỉ huy sở chiến dịch dời vào chân núi Yên Tử để tiện chỉ huy tác chiến. Ngày 23 tháng 3, khi bộ đội đã chuẩn bị sẵn sàng để nổ súng, đồng chí Chỉ huy trưởng chiến dịch đã điện báo cáo tình hình về Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó hạ lệnh cho toàn mặt trận bước vào công kích.

Đêm 23 tháng 3, mở màn chiến dịch, các tiểu đoàn 23, 322 của trung đoàn 88, Đại đoàn 308 tiến công tiêu diệt ba vị trí Lọc Nước, Đập Nước, Sống Trâu. Tiểu đoàn 23 tiến công bốt Lọc Nước do một trung đội địch chiếm đóng, gặp nhiều khó khăn, bộ đội bị thương vong lớn (45 đồng chí hy sinh, 125 đồng chí bị thương). Tiểu đoàn 322 diệt hai vị trí Đập Nước và Sống Trâu, không có chiến sĩ nào bị thương vong. Cũng trong đêm 23, trung đoàn 174 của Đại đoàn 316, cùng một liên đội pháo đánh vị trí Lán Tháp diệt 14 tên, bắt 11 tên, thu 22 súng các loại.

Toàn bộ những bốt bảo vệ hệ thống dẫn nước ngọt từ Vàng Danh về Hải Phòng đều bị tiêu diệt. Ta hy vọng nguồn nước ngọt duy nhất bị đe đoạ sẽ buộc quân ứng chiến của địch phải kéo tới. Hai trung đoàn 36, trung đoàn 102, bố trí đánh viện từ Uông Bí lên Lán Tháp, Đại đoàn 312 ở Trại Cao, Trung Lương, Linh Trung, đón đánh địch từ Đông Triều lên, nhưng địch chỉ hoạt động thăm dò và tăng cường lực lượng cho các vị trí có thể bị uy hiếp.

Đêm 25 tháng 3, trung đoàn 98 diệt vị trí Chấp Khê. Chờ ba ngày, địch không ra, Bộ chỉ huy chiến dịch đánh tiếp những cứ điểm lớn trên đường 18 xung quanh Uông Bí. Đêm 27 tháng 3, trung đoàn 102 Đại đoàn 308, được tăng cường hai liên đội pháo tổ chức bốn mũi tiến công Bí Chợ, một vị trí mạnh nằm cạnh đường 18, có khoảng 150 tên, chủ yếu là lính Âu - Phi. Ngay từ loạt pháo đầu, ta đã bắn trúng nhà chỉ huy, phá hủy đài thông tin. Xung kích nhanh chóng dùng bộc phá đánh vỡ bức tường trình 60cm và xung phong. Đồn Bí Chợ hoàn toàn bị diệt sau 45 phút, pháo địch không kịp chi viện. Trong trận này địch chết 120 tên, bị bắt 50 lính Âu - Phi; ta thu ba súng 12,7mm. một súng 81mm, ba súng cối 61mm, 10 tiểu liên, 25 súng trường, một vô tuyến điện. Ta hy sinh 30 chiến sĩ, bị thương 185 người. Cũng trong thời gian này, trung đoàn 36 diệt vị trí Phán Huệ. Bên phía Đại đoàn 312, trung đoàn 141 được một liên đội pháo chi viện, đánh vị trí Tràng Bạch, diệt 73 tên địch, bắt năm tên, thu một súng cối 81mm, một súng 12,7 mm. chín tiểu liên và một số súng trường.

Mất Bí Chợ, địch ở Uông Bí lâm vào thế cô lập và bị uy hiếp. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định đánh thẳng vào thị trấn Uông Bí, nằm trên đường 18 giữa khu mỏ Tràng Bạch, Bí Chợ, Vàng Danh. Ta đang chuẩn bị tiến công Uông Bí, thì chiều ngày 28 tháng 3, địch ở vị trí này rút chạy về Quảng Yên. Đây là điều bất ngờ đối với ta.

Do chưa thấy quân viện của địch, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tiêu diệt Mạo Khê, vị trí then chốt trên con đường tiến về Đông Triều và ra đường số 5, nhằm buộc địch phải sử dụng quân ứng viện. Khu vực Mạo Khê, địch có hai cứ điểm đại đội: Mạo Khê Mỏ và Mạo Khê Phố, nằm cách nhau 2 ki-lô-mét, trên địa hình có đồi thấp xen kẽ với ruộng nước. Trung đoàn 209 được giao nhiệm vụ đánh Mạo Khê Mỏ, trung đoàn 36 đánh Mạo Khê Phố dưới sự chỉ huy chung của Đại đoàn 312.

Tối 29 tháng 3, địch tăng cường cho Mạo Khê Phố tiểu đoàn 6 dù thuộc địa (6eBPC), đưa số quân ở đây từ 150 lên trên 700 tên. Bộ chỉ huy quyết định ngừng đánh Mạo Khê Phố, nhưng mệnh lệnh không tới kịp trung đoàn 36 trước giờ nổ súng. Trung đoàn 209 đánh Mạo Khê Mỏ, đã tiêu diệt già nửa quân đồn trú, còn khoảng 30 tên rút vào lô cốt cố thủ. Trời gần sáng, pháo địch từ tàu chiến và Đông Triều bắn về gây nhiều thiệt hại, quân ta phải rút ra 500 mét làm công sự và bao vây địch.


Đêm 30 tháng 3, trung đoàn 36 sau khi đột nhập vào Mạo Khê Phố thấy quân địch rất đông, có cả xe tăng và xe bọc thép, đã chiến đấu với chúng trong từng căn nhà từ 1 giờ 30 đến 4 giờ, diệt hơn 200 tên địch, phá bảy xe. Ta bị thương vong nhiều (hy sinh 46 đồng chí, bị thương 209 và mất tích 14 đồng chí). Do lực lượng địch ở Mạo Khê Phố đã thay đổi, nên đến sáng 31 tháng 3, trung đoàn 36 phải lui quân mà không dứt điểm được vị trí này.

Bộ chỉ huy chiến dịch nhận thấy các vị trí còn lại trên đường 18 đã được địch tăng cường, quyết định kết thúc đợt 1 chiến dịch.

Trong đợt 1, ta đã giải phóng được 30 ki-lô-mét trên tuyến Mạo Khê Phố - Biều Nghi. Nhưng do viện binh địch không ra, nên ta không có cơ hội diệt viện binh địch. Hoạt động phổ biến trong giai đoạn này là đánh điểm, nên chủ lực ta cũng bị tiêu hao nhiều.

Cũng trong thời gian đó, ở hướng phối hợp, Đại đoàn 320 tiến công Cồn Trọ, Ngô Khê, Thanh Than (Hà Đông - Hà Nam); Đại đoàn 304 tiến công một số mục tiêu ở Vĩnh Phúc, đã ghìm chân, thu hút địch, không cho chúng ứng cứu cho nhau.

Ngày 1 tháng 4, địch tăng cường cho Đông Triều hai tiểu đoàn và điều một phần GM4 từ Lục Nam xuống Phả Lại. Qua xem xét tình hình, Bộ chỉ huy quyết định mở đợt 2 chiến dịch. Ta tiếp tục đánh một loạt vị trí do các đại đội địch chiếm đóng. Nhưng mục tiêu được chọn lần này đều nằm trên đường 17. Đêm 4 tháng 4, bộ đội ta đồng loạt nổ súng. Trung đoàn 88 đánh Bãi Thảo, ta chiếm được hai đồi, địch cố thủ ở hai đồi còn lại. Quân ta tiến công quyết liệt, diệt gần 100 tên, địch quyết giữ. Đến 4 giờ 30 phút ngày 5 tháng 4, ta rút quân vì trời sắp sáng, lại thương vong nhiều (hy sinh 50 đồng chí, bị thương hàng trăm chiến sĩ). Trung đoàn 209 đánh Hoàng Gián, chiếm được hai phần ba đồn, diệt gần 50 tên địch. Ta hy sinh năm chiến sĩ, bị thương 34 người. Trung đoàn 98 đánh Hà Chiêu, diệt 13 tên địch. Ta hy sinh 13 đồng chí, bị thương 69 đồng chí. Trung đoàn 102 đánh Bến Tắm cũng không thành công, do tổ chức thiếu chu đáo, nên nổ súng chậm, trời sáng, buộc phải rút.

“Thất bại của các trận đánh không phải do quân đồn trú của địch có công sự phòng ngự vững chắc hoặc kiên quyết đối phó, mà chỉ vì chúng đã dựng lên một hàng rào lửa bằng đại bác quanh cứ điểm, ngăn những đợt xung phong của ta”1.
____________________________________
1.Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biện Phủ, Nxb QĐND, H- 1999.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 10 Tháng Bảy, 2012, 09:24:36 pm

Trên các hướng phối hợp, nhân lúc quân Pháp phải đối phó với chủ lực ta ở khu vục đường 18, trung đoàn 42 và bộ đội địa phương, dân quân du kích các tỉnh Tả ngạn đã khôi phục được nhiều cơ sở, mở lại được nhiều khu du kích ở Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình. Nổi bật là huyện Vĩnh Bảo đã phá được 70 phần trăm số ban tề. Trong đợt hoạt động phối hợp với Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, trung đoàn 42 và bộ đội địa phương, dân quân du kích Tả ngạn đã diệt sáu vị trí do quân chính quy địch đóng giữ, 22 đồn hương dõng và bao vây, bức rút bốn vị trí khác.

Tại Liên khu 3, ở hướng Sơn Tây, Đại đoàn 320 đã diệt một loạt vị trí Phú Ô, Cầu Trò, Ngô Tế, Đan Thê... và đánh địch trên đường Bương Cấn đi Liệp Tuyết, diệt nhiều địch, thu vũ khí.

Tại Vĩnh Yên, Phúc Yên, các trung đoàn 9 và 66 thuộc Đại đoàn 304 phân tán đánh nhỏ và áp dụng chiến thuật công kiên tiến công một số vị trí lẻ. Trong các trận đánh, bộ đội ta chưa thực hiện được đánh tiêu diệt gọn và nhìn chung các trung đoàn hoạt động chưa đủ mạnh nên ít có tác dụng nghi binh, kiềm chế lực lượng cơ động của địch theo kế hoạch của Bộ Tổng tư lệnh. Lực lượng vũ trang Vĩnh Phúc, nhân cơ hội chủ lực về hoạt động đã đánh 60 trận, thu nhiều kết quả.

Sau bốn trận đánh điểm không đạt kết quả trên hướng chính, ta thương vong nhiều, bộ đội mệt mỏi, nên ngày 7 tháng 4, Bộ chỉ huy quyết định kết thúc chiến dịch.

Kết quả toàn chiến dịch ta diệt 2.521 tên địch, bắt 580 tên, 39 tên ra hàng, thu 413 súng các loại, phá huỷ 49 xe quân sự. Riêng hướng chính, địch bị diệt 840 tên, bị thương 350 tên, bị bắt 119 tên, bị phá huỷ 10 xe quân sự, ta thu gần 300 súng các loại, hạ bốn tháp canh và 14 vị trí từ trung đội trở lên, tiêu hao tám vị trí với lực lượng trên một đại đội, bức rút ba vị trí khác.

Thiệt hại của ta trên hướng chính là 2.262 người (hy sinh 495 người, bị thương 1.673 người, mất tích 94 người). Tỷ lệ thiệt hại ở hướng chính: địch 1 ta 21; toàn chiến dịch là: địch 1 ta 1.



Về ý nghĩa chiến dịch. Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: Trong chiến dịch này, ta đã tiêu diệt được một bộ phận sinh lực địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích, gây được ảnh hưởng chính trị và học tập được nhiều kinh nghiệm quý báu về tác chiến với binh lực lớn ở một chiến trường xa và đánh vào một vùng trung tâm của địch. Tuy nhiên “ta đã không hoàn thành nhiệm vụ thật đầy đủ, địch thiệt hại nhưng ta bị tiêu hao”2.

Về chiến thuật, ta đã vận dụng hai hình thức đánh công kiên và đánh vận động. Đánh công kiên đã chú trọng cả hai mặt điểm và diện. Điểm là hướng chính đột phá, đã tập trung ưu thế binh hoả lực. Diện là hướng phụ, có hai đến ba hướng đột phá. Lực lượng đánh ở hướng chính và hướng phụ đều tổ chức thành hai đến ba đội. Mỗi đội gồm bốn tổ (tổ bộc phá, thang ván; tổ hoả lực; tổ xung kích 1 và 2). Trong đánh vận động ta đã giấu quân bí mật, xuất kích bí mật và nhanh chóng. Nhưng ta đã không hoàn thành được nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch đề ra3.

Thiếu sót nổi bật trong chỉ đạo, chỉ huy tác chiến chiến dịch là không nắm vững tình hình địch cả trong quá trình chuẩn bị cũng như thực hành chiến đấu từng đợt, cho nên cấp chiến dịch xử trí nhiều tình huống không chính xác. Cấp chiến đấu, ngoài khuyết điểm không chủ động trong công tác nắm địch cụ thể ở mỗi mục tiêu tiến công, còn không nắm vững tình hình phát triển của bộ đội trong quá trình diễn biến chiến đấu, nên mệnh lệnh không chính xác, không dứt điểm nhiều mục tiêu, hạn chế khả năng kéo viện binh địch ra và làm tăng thêm thương vong của ta. Việc quán triệt phương châm đánh điểm diệt viện cũng không đầy đủ nên bộ đội không có nhiều cơ hội diệt viện binh địch. Mặt khác, địch nhất định không tung những binh đoàn cơ động vào khu vực này để tránh một cuộc đụng độ ở vùng rừng núi, kiên nhẫn chờ quân ta cạn lương thực rút lui. Song, “nguyên nhân chính là ở trong sự chuẩn bị chiến trường thiếu sót, là ở trong sự chấp hành mệnh lệnh của cán bộ có khuyết điểm”4.

Giữa tháng 4 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo về kết quả, những khó khăn, những hạn chế của Chiến dịch Hoàng Hoa Thám và chuẩn bị tự phê bình. Người căn dặn: “Tự phê bình là cần, nhưng tự phê bình phải tăng cường đoàn kết, rút ra được bài học kinh nghiệm, xây dựng được lòng tin vào chiến dịch sau”5.
_________________________________
1.Lịch sử Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), Nxb QĐND H. 1991, tr.463.)
2.Báo cáo kế hoạch tác chiến chiến dịch và tổng kết kinh nghiệm trong các chiến dịch lớn, Bộ Tổng tham mưu Xb. 1963, t.1, tr.192.
3.Chỉ diệt được hai tiểu đoàn địch, so với năm tiểu đoàn nêu lên trong kế hoạch.
4.Báo cáo kế hoạch tác chiến chiến dịch và tổng kết kinh nghiệm trong các chiến dịch lớn, Bộ Tổng tham mưu Xb 1963, t. 1, tr.205.
5.Hồ Chí Minh, biên niên tiểu sử tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995, tr.44.



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 12 Tháng Bảy, 2012, 08:53:13 am

CHIẾN DỊCH SÓC TRĂNG 2
(Tiến công, từ ngày 12 tháng 5 đến ngày 25 tháng 6 năm 1951)


Từ quý 2 nărn 1951, địch ở địa bàn miền Tây Nam Bộ, tổ chức thêm những lực lượng đặc biệt chuyên đánh phá và kiểm soát các trục giao thông thuỷ bộ. Chúng trang bị các phương tiện cơ động nhanh, hoả lực mạnh, thông tin liên lạc tốt hơn như các xe nồi đồng, tàu nhỏ nhạy trên sông.... Ý định của địch là quyết tâm chia cắt cho được các địa bàn hoạt động của ta, kiểm soát dân chúng ở vùng du kích, vùng tạm chiếm. Năm 1951, là một trong những năm khó khăn nhất của Nam Bộ. Các vùng căn cứ của ta thường xuyên bị bao vây, chia cắt, phải đối phó với các cuộc càn quét liên tiếp của địch.

Ở tỉnh Sóc Trăng địch lập các khu tự trị vũ trang trong các sóc đồng bào Khơ-me và tổ chức lực lượng chiếm đóng trong 10 đồn bốt lớn (mỗi đồn một trung đội). Lực lượng ứng chiến của địch ở đây có hai tiểu đoàn: tiểu đoàn 2 BMO và tiểu đoàn thân binh ngụy (BVN). Chúng thường xuyên cho tàu chiến thọc sâu vào các sông và kinh sáng, bắn phá bừa bãi vào làng xóm ven sông, gây cho nhân dân ta nhiều tổn thất về người và của. Chúng ráo riết sử dụng lực lượng Cao Đài, Hoà Hảo phản động, đội quân của Lơ Roa tiến hành càn quét, cướp phá tài sản, thóc gạo của nhân dân. Lợi dụng ta sơ hở, địch tập kích một số căn cứ, phá công binh xưởng, cướp máy móc, vũ khí.

Để kịp thời đối phó với tình hình địch, tháng 5 năm 1951. Bộ tư lệnh Khu 9 quyết định mở chiến dịch Sóc Trăng 2. Địa bàn hoạt động ở các huyện Thạnh Trị, Vĩnh Châu, Long Phú, Châu Thành tỉnh Sóc Trăng. Trọng điểm là huyện Thạnh Trị.

Mục đích của chiến dịch là giành và nắm dân, giải phóng đồng bào Khơ-me đang bị kìm kẹp ở Sóc Trăng, mở rộng vùng giải phóng, củng cố và phát triển cơ sở của ta trong vùng địch kiểm soát, tước vũ khí các sóc Khơ-me vũ trang, phá hệ thống chiếm đóng của địch. Giành các cơ sở kinh tế về ta, phá kinh tế địch, nối liền giao thông liên lạc giữa Khu 9 và Khu 8.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm có trung đoàn Tây Đô và bộ đội địa phương, dân quân du kích ba tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ.

Ngày 3 tháng 5 năm 1951, Ban chỉ huy chiến dịch được thành lập do đồng chí Nguyễn Chánh, Quyền tư lệnh Khu, Chỉ huy trưởng chiến dịch, đồng chí Huỳnh Thu, trung đoàn trưởng trung đoàn Tây Đô, Chỉ huy phó; đồng chí Phan Văn Chiêu, Phó bí thư tỉnh uỷ Sóc Trăng, Chủ tịch tỉnh phụ trách chính trị; đồng chí Hoàng Thế Thiện, Chính trị viên trung đoàn Tây Đô, Chỉ huy phó chiến dịch.

Phương châm chiến dịch là kịp thời tận dụng thắng lợi quân sự, đẩy mạnh công tác dân vận, dân vận đi đôi với địch vận, tác chiến đi đôi với dân vận. Theo kế hoạch chiến dịch diễn ra trong hai đợt.

Đợt 1: Ngày 13 tháng 5 năm 1951, chiến dịch mở màn, tiểu đoàn 408 (tức tiểu đoàn 402 đổi tên) tiến công đồn xã Sang. Qua một ngày chiến đấu giằng co quyết liệt với địch, nhưng ta chỉ đánh thiệt hại nặng bốt chính: diệt bốn lô cốt nhỏ và tiêu hao một bộ phận quân địch từ Sóc Trăng đến tiếp viện. Trận này ta tổn thất nặng.

Ngày 14 tháng 5, tiểu đoàn 410 (tức tiểu đoàn 404 đổi tên) đánh đồn Xẻo Me. Sau ba giờ chiến đấu, ta tiêu diệt một đồn chính và bốn lô cốt. Tiếp đó, tiểu đoàn triển khai đánh quân viện của địch từ thị xã Bạc Liêu đến. Địch bắn pháo và thả bom napan vào trận địa quân ta. Bộ đội kiên trì bám trụ, chờ bộ binh địch đến gần mới nổ súng, diệt hai trung đội, phá huỷ bảy xe, số quân địch còn lại bỏ chạy. Đến 15 giờ, địch cho tiểu đoàn 2 BMEO từ Cần Thơ đến cứu viện, và cho máy bay ném bom bắn phá yểm trợ cuộc hành quân. Tiểu đoàn 410 chiến đấu dũng cảm, diệt 50 tên, buộc chúng phải rút lui trước lúc trời tối. Vừa đánh đồn và đánh viện, tiểu đoàn bị thương vong nặng, 30 người hy sinh và bị thương.

Trong các đêm từ 17 tháng 5 đến 9 tháng 6, du kích, bộ đội địa phương đánh nhỏ, quấy rối tiêu hao địch và tổ chức đánh địch càn quét vào xã Long Đức (26 tháng 5), gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Đợt 2: Ngày 10 tháng 6 chiến dịch dược bắt đầu bằng chín trận đánh của bộ đội địa phương và dân quân du kích. Ngày 11 tháng 6, tiểu đoàn 406 phục kích địch trên đoạn đường từ Cái Tắc đến Phụng Hiệp, diệt 70 tên, thuộc tiểu đoàn thân binh ngụy (BVN) bắn rơi một máy bay khu trục. Ngày 18 tháng 6, các đơn vị tập trung đánh đồn Xảo Cau, xã Phú Hữu, bao vây đồn Thông Thuyền và chặn đánh địch tiếp viện. Cuối đợt 2 trung đoàn Tây Đô, sử dụng tiểu đoàn 406 qua Kế Sách (Sóc Trăng), hỗ trợ địa phương phát triển chiến tranh du kích. Tiểu đoàn 410 tiến công căn cứ Vĩnh Hưng, diệt hàng trăm địch, đồng thời công kích vị trí Cầu Sập. Trong trận đánh Cầu Sập có trung đội “chiến sĩ hoà bình” tham gia (gồm binh lính Âu Phi phản chiến, bỏ hàng ngũ Pháp đứng về phía Quân đội Việt Nam kháng chiến). Tuy nhiên, trận đánh không thành công. Ngày 25 tháng 6, chiến dịch kết thúc.

Kết quả toàn chiến dịch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 204 tên địch (có năm tên bị bắt). Thắng lợi về quân sự của chiến dịch này không cao, nhưng về chính trị đã tạo nên một khí thế mới trong quần chúng. Ta đã xây dựng được cơ sở cách mạng trong vùng sóc người Khơ-me có vũ trang ở hai huyện Thạnh Trị và Vĩnh Châu.

Những hoạt động quân sự trong Chiến dịch Sóc Trăng 2 đã góp phần rất có ý nghĩa đánh bại một bước âm mưu bình định gấp rút và phân công quyết liệt của địch. Tuy nhiên, chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân địa phương ở miền Tây Nam Bộ chưa phát triển rộng rãi và vững chắc. Thế kìm kẹp của địch trên chiến trường Nam Bộ đang đặt ra cho quân và dân ta nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết.

Điểm thành công trong nghệ thuật quân sự của Chiến dịch Sóc Trăng 2 là ta đã đạt được mục tiêu kết hợp hoạt động quân sự với tuyên truyền, vận động quần chúng và địch vận, củng cố một bước khối đoàn kết dân tộc, động viên nhân dân tham gia và ủng hộ kháng chiến, khắc phục khó khăn, chấp hành tốt chính sách đối với đồng bào dân tộc, tạo điều kiện cho địa phương phát triển cơ sở, phát động phong trào đấu tranh du kích, củng cố chính quyền, đoàn thể kháng chiến. Chiến dịch cũng để lại những khuyết điểm cần khắc phục, đó là việc chuẩn bị chiến dịch bị lộ, nên địch có kế hoạch đối phó, gây cho ta nhiều khó khăn. Ở hướng chính không thực hiện được nhiệm vụ hạ đồn bốt, kết quả vũ trang tuyên truyền bị hạn chế và tiêu diệt sinh lực địch chưa nhiều.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 12 Tháng Bảy, 2012, 09:00:32 am

CHIẾN DỊCH HÀ NAM NINH1
(Tiến công, từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 20 tháng 6 năm 1951)


Trong quá trình đối phó với Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, thực dân Pháp vẫn tiếp tục đẩy mạnh chủ trương chiến lược của Đờ Lát, lấy đồng bằng Bắc Bộ làm trọng điểm phòng ngự, chuẩn bị điều kiện để phản công giành lại thế chủ động, nhanh chóng đè bẹp lực lượng kháng chiến, kết thúc chiến tranh. Đến tháng 3 năm 1951, địch tập trung tại chiến trường chính Bắc Bộ 89 tiểu đoàn bộ binh và quân dù, trong đó có 55 tiểu đoàn Âu - Phi và 34 tiểu đoàn ngụy, tổ chức thành hai lực lượng: 42 tiểu đoàn làm nhiệm vụ chiếm đóng và 47 tiểu đoàn làm nhiệm vụ cơ động. Đi đôi với phát triển lực lượng, Pháp vẫn tiếp tục xây dựng tuyến công sự mới, đẩy mạnh càn quét bình định trên khắp các chiến trường.

Địch chia Liên khu Nam đồng bằng Bắc Bộ gồm Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình thành bốn khu: Phủ Lý, Nam Định, Phát Diệm, Thái Bình. Tại Phủ Lý, Nam Định, Phát Diệm, địch chia mỗi khu thành các phân khu hoặc tiểu khu.

Khu Phủ Lý gồm hai phân khu: Phân khu Đồng Văn, sở chỉ huy ở Nhật Tựu; phân khu Thanh Liêm, sở chỉ huy ở thị xã Phủ Lý.

Khu Nam Định gồm ba tiểu khu: Tiểu khu Tây, sở chỉ huy ở núi Gôi; tiểu khu Nam, sở chỉ huy ở Đò Quan; tiểu khu Trung tâm, sở chỉ huy ở thị xã Nam Định.

Khu Phát Diệm gồm hai phân khu: Phân khu Phát Diệm, sở chỉ huy ở thị trấn Phát Diệm; phân khu Bùi Chu, sở chỉ huy ở Bùi Chu.

Toàn bộ lực lượng chiếm đóng ở khu vực Hà Nam Ninh có bốn tiểu đoàn và 27 đại đội ngụy. Lực lượng cơ động có bốn tiểu đoàn (hai tiểu đoàn ngụy) và một đại đội bộ binh, ba đại đội biệt kích, một đại đội thuỷ quân lục chiến và một thuỷ đội. Pháo binh ở Nam Định có 10 khẩu, Phủ Lý có bốn khẩu. Chúng đóng trên 100 vị trí, trong đó có 20 vị trí có lực lượng từ một đại đội trở lên, số còn lại có một đến hai trung đội; riêng khu Phát Diệm có 50 vị trí (chín vị trí có từ một đại đội trở lên). Tại khu vực này địch chưa làm công sự mới, các cứ điểm vẫn chỉ có hàng rào tre, lô cốt xây, tường gạch, một số nơi có lô cốt xi măng, hàng rào dây thép gai.

Địch phòng ngự cố thủ ở từng vị trí kết hợp với sự chi viện hoả lực từ các vị trí lân cận và quân cơ động đến ứng cứu. Lực lượng cơ động chiến lược đóng tại các vùng lân cận có tiểu đoàn Âu - Phi thuộc GM6 cũ ở Sơn Tây, hai tiểu đoàn dù, một tiểu đoàn Mường ở Hà Đông, một tiểu đoàn thuộc GM4 ở Ninh Giang.

Trong khu vực Hà Nam Ninh thì quân địch ở Ninh Bình yếu hơn cả, trong đó phân khu Phát Diệm là chỗ yếu nhất, và tương đối cô lập, các vị trí bố trí phân tán, lực lượng từ một đến hai trung đội, công sự yếu, lực lượng cơ động chỉ có một đại đội tự lực và một đại đội thuỷ quân lục chiến, không có pháo binh.

Về phía ta, sau Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, chủ trương chiến lược của Đảng ta là “nhân lúc địch chưa kịp củng cố thế phòng ngự chiến lược ở đồng bằng, nhanh chóng chấn chỉnh bộ đội, tranh thủ thời gian tiến công nhằm tiêu diệt sinh lực địch, phát triển chiến tranh du kích, phá kế hoạch củng cố lực lượng và bình định đồng bằng của địch, giữ vững quyền chủ động trên chiến trường Bắc Bộ”2.

Để tiếp tục kế hoạch tiến công địch ở Trung Du và đồng bằng, ngày 20 tháng 4 năm 1951, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Hà Nam Ninh, nhằm tranh thủ thời gian trước mùa mưa, tập trung một bộ phận chủ lực tiến công quân địch trên chiến trường Hữu ngạn Liên khu 3, để phá kế hoạch củng cố thế phòng ngự chiến lược của địch trên chiến trường Bắc Bộ3. Thay mặt Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục đích của chiến dịch là: Diệt sinh lực địch, phá khối ngụy quân; đẩy mạnh chiến tranh du kích; tranh thủ nhân dân.

Địa bàn được lựa chọn cho chiến dịch là ba tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình thuộc Khu Nam đồng bằng của địch. Ngày 4 tháng 5 năm 1951, Đảng uỷ Chiến dịch Hà Nam Ninh được thành lập gồm: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Thanh Nghị, Văn Tiến Dũng, Đặng Kim Giang, Hoàng Văn Thái, Hoàng Sâm. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Tư lệnh chiến dịch.

Đảng uỷ và Bộ chỉ huy chiến dịch đề ra nguyên tắc chỉ đạo chiến dịch này là “Đánh ăn chắc; chắc thắng mới đánh; dù đánh lớn, đánh nhỏ đều phải đánh với điều kiện chắc phần thắng lợi”. Đây là chiến dịch lớn đầu tiên của Bộ mở ở đồng bằng, nên về mức tiêu diệt địch, vì sắp mùa mưa nên Đảng uỷ xác định là ba tiểu đoàn.
_______________________________________
1.Còn gọi là Chiến dịch Quang Trung.
2.Hồ sơ 412, phần A- Những chiến dịch lớn của ta ở Bắc Bộ, trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng.
3.Báo cáo kế hoạch tác chiến và tổng kết kinh nghiệm của các chiến dịch lớn, Bộ Tổng tham mưu Xb 1963 t.1, tr.241.



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 12 Tháng Bảy, 2012, 09:14:13 am

Lực lượng tham gia chiến dịch có các Đại đoàn 304, 308, 320 và năm liên đội pháo (15 khẩu 75mm), một trung đoàn công binh và lực lượng vũ trang địa phương gồm bốn tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh, một số đại đội bộ đội địa phương huyện và toàn bộ dân quân du kích trong địa bàn chiến dịch. Sở chỉ huy chiến dịch đặt ở Hương Thi, sơ chỉ huy Đại đoàn 308 đặt ở Trường Yên, Đại đoàn 304 ở Thượng Khê, Đại đoàn 320 ở Nam Công.

Trước đó, công tác chuẩn bị chiến dịch đã được triển khai sớm, Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ đạo cho Liên khu 3 tiến hành chuẩn bị chiến trường. Sau khi có quyết định mở chiến dịch, Bộ Tổng tham mưu đã có những chỉ thị về chuẩn bị bộ đội như chấn chỉnh biên chế, trang bị, bổ sung lực lượng, rút kinh nghiệm chiến đấu, huấn luyện bộ đội. Tổng cục Chính trị ra chỉ thị về công tác chính trị chiến dịch, đặc biệt công tác dân vận được coi trọng, nhất là vận động đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Đảng uỷ chiến dịch nhấn mạnh: “Phải tăng cường sự lãnh đạo chính trị trong bộ đội, phải làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ đều hiểu rõ chính sách của Đảng trong vùng mới giải phóng, chính sách của Đảng đối với đồng bào Công giáo. Phải bí mật... kỷ luật bí mật phải nghiêm. Đảng uỷ chỉ ra “mấy vấn đề cần chú ý”, trong đó “về sự lãnh đạo tư tưởng, chú ý khác phục những tư tưởng sai lầm sau đây:

Không nhận định rõ sự quan trọng của nhiệm vụ, chủ quan khinh địch, coi thường đánh điểm diệt viện nhỏ, chấp hành mệnh lệnh không nghiêm, không thông suốt vì phải chuyển hướng tác chiến sinh ra thắc mắc, tiếc rẻ, kém tích cực, không nhìn toàn cục, chỉ thấy một việc, chỉ nhìn vào lợi ích cục bộ, kém ý thức đoàn kết hiệp đồng học hỏi lẫn nhau... dẫn tới dễ đi đến thất bại.

Phải làm cho “Toàn thể cán bộ và chiến sĩ cần đề phòng và khắc phục những tư tưởng sai lầm trên, cần tập trung ý chí, thống nhất tư tưởng và hành động từ trên xuống dưới để hoàn thành nhiệm vụ”1.

Công tác hậu cần chuẩn bị khẩn trương, yêu cầu của chiến dịch lại lớn, phải đảm bảo vật chất cho gần 50.000 bộ đội và 45.000 dân công. Tháng 5 năm 1951, phải hoàn thành khối lượng vật chất gồm 2.870 tấn gạo, 1.450 tấn thực phẩm (trong đó có 80 tấn thịt), 190 tấn đạn, chuẩn bị cơ sở và phương tiện cứu chữa cho 2.000 - 2.500 thương binh với 5.100 giường bệnh. Đến ngày nổ súng, mọi công tác chuẩn bị đã đảm bảo để chiến dịch nổ súng đúng thời gian.

Ngày 21 tháng 5, trong hội nghị, Đảng uỷ và Bộ chỉ huy chiến dịch đã cân nhắc các phương án tác chiến và đánh giá lại tình hình trên ba khu vực tác chiến chủ yếu là Phủ Lý, Vân Đình và Ninh Bình. Đảng uỷ nhận định: ta đã trinh sát nắm vững tình hình địch và chuẩn bị chiến trường khá chu đáo, nhưng dự kiến cuộc chiến đấu sẽ kéo dài, địch có khả năng tăng viện thêm một đến hai trung đoàn cơ động; ta phải vượt sông tiếp cận địch, nên việc giữ bí mật gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ngày 23 tháng 5, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh chiến dịch đã ra mệnh lệnh tác chiến số 1 nêu rõ: Trong ngày thứ nhất tiêu diệt địch ở thị xã Ninh Bình, cùng các vị trí Hoàng Đan thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, Yên Vệ, Chùa Dầu, Yên Mô Thượng, Cổ Đồi thuộc các huyện Yên Mô, Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình; Bình Lục, tỉnh Hà Nam và một số vị trí giữa Phủ Lý - Nam Định, giữa Phủ Lý - Đoan Vĩ nếu có điều kiện.

Đêm 28 tháng 5, mở đầu chiến dịch, tiểu đoàn 79 trung đoàn 102 Đại đoàn 308, được quân báo tỉnh dẫn đường, hành quân tới nhà thờ Đại Phong ở thị xã Ninh Bình đánh đại đội Com-măng-đô Phrăng-xoa (Francois) đang hành quân qua đây đã chọn nhà thờ làm nơi nghỉ qua đêm. Trước sự xuất hiện bất ngờ của ta, những tên lính thuỷ quân lục chiến không trở tay kịp, bị tiêu diệt trong vòng 30 phút.

Trước tình hình đó, chỉ huy khu nam đồng bằng, đại tá Găm-bi-ê (Gambiez) lập tức điều động lực lượng dự bị của khu về phía sông Đáy. Tiểu đoàn bộ binh 1 và 2, đại đội biệt kích của hải quân được hải đoàn 3 chở gấp về Ninh Bình. Con trai của Đờ Lát là Béc-na (Benrnard), chỉ huy một đại đội trong tiểu đoàn này đến chiếm lĩnh những mỏm núi đá ở phía đông nam sông Đáy.

Đêm 29 tháng 5, tiểu đoàn 54 và 29, trung đoàn 102 Đại đoàn 308 tiến công diệt hai vị trí Non Nước và Gối Hạc. Lợi dụng thế núi hiểm trở bốn bề vách đứng, quân Pháp đã biến Non Nước thành một vị trí bảo vệ thị xã với hai tầng phòng ngự. Chân núi có tường khoét lỗ châu mai xung quanh kết hợp với hàng rào thép gai; lối lên duy nhất là con đường bậc thang uốn lượn bên vách đá. Lực lượng bảo vệ đồn khoảng hai đại đội. Cách Non Nước 100 mét là núi Gối Hạc, đứng án ngữ con đường vào thị xã. Trước khi ta nổ súng đánh Non Nước, viện bình địch mới từ Nam Định đến Gối Hạc, đã chia nhau đóng trên hai mỏm núi đá vôi tại đây.

2 giờ 15 phút ngày 30 tháng 5, được pháo binh chi viện, tiểu đoàn 54 sử dụng hai đại đội tiến công từ hai hướng vào cứ điểm Non Nước. Bằng chiến thuật tổ ba người dùng thang vượt vách đá, khắc phục vật cản, bộ đội ta nhanh chóng thọc sâu chia cắt đánh chiếm từng hầm ngầm, lô cốt, ngách hang. Đến rạng sáng ta làm chủ trận địa, diệt gần 200 địch, bắt sống chỉ huy. Cùng lúc, tiểu đoàn 29 tiêu diệt quân địch trên một mỏm núi ở Gối Hạc, địch ở mỏm bên bỏ chạy. Chỉ trong một đêm bộ đội ta đã tiêu diệt bốn đại đội địch, trong đó có tên quan hai Béc-na.

Ở Yên Mô, Yên Khánh, đêm 28 tháng 5, Đại đoàn 304 cùng bộ đội địa phương tiêu diệt sáu vị trí Chùa Dầu, Yên Vệ, Cổ Đôi, Yên Mô Thượng, Tuy Lộc và Bến Xanh, mỗi vị trí có một trung đội địch. Tiếp đó, đêm 29 tháng 5, ta đánh hai vị trí Lan Khuê (Bụt Nổi) và Chùa Cao nhưng không thành công. Sau khi hàng loạt vị trí bị diệt, địch ở các vị trí Chùa Hữu, Yên Ninh, Lan Khê, Yên Thịnh rút chạy, song chúng đều bị ta vây, diệt và bắt gần hết.

Trên hướng thứ yếu, đêm 28 và 29 tháng 5, Đại đoàn 320 tiêu diệt hai vị trí Cảnh Linh, Võ Giàng, diệt gần 100 tên địch; sau đó diệt tiếp vị trí Hưng Công, loại khỏi vòng chiến đấu 120 tên. Ba ngày sau, địch điều GM1 và đơn vị thuỷ quân lục chiến từ Nam Định sang chiếm lại thị xã Ninh Bình. Vì tương quan lực lượng đã chuyển biến bất lợi cho ta, nên ngày 30 tháng 5, Bộ chỉ huy chiến dịch không cho đánh Hoàng Đan, mặc dù trung đoàn 36 đã chiếm lĩnh xong trận địa. Ngày 31 tháng 5, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định kết thúc đợt 1 chiến dịch để xác định lại kế hoạch tác chiến trước tình hình địch đã thay đổi.

Sau bốn ngày tác chiến, ta đã tiêu diệt 10 vị trí địch trong đó có vị trí địch ở thị xã Ninh Bình, tiêu diệt một bộ phận viện binh (chín đại đội), bức rút 16 vị trí khác, phá tan một mảng lớn ngụy quyền, làm rạn nứt phòng tuyến sông Đáy, giành thắng lợi giòn giã về quân sự và chính trị trong đợt đầu chiến dịch. Qua chiến đấu, bộ đội cũng bộc lộ những khuyết điểm như một số đơn vị thiếu tích cực nên bỏ lỡ cơ hội diệt địch, công tác chuẩn bị chiến đấu thiếu cụ thể nên phải hoãn tiến công, ảnh hưởng đến kế hoạch chung.

Từ đầu tháng 6 địch tăng cường lực lượng và bố trí lại như sau: Hướng Phủ Lý, ở thị xã có sở chỉ huy trung đoàn 4, cùng với tiểu đoàn 3 trung đoàn 4 Ma-rốc (3/4 RTM), một đại đội bộ binh cơ giới, một trung đội thiết giáp thuộc chi đoàn cơ giới số 2 (SGB2), một đại đội pháo binh. Tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 Ma-rốc (1/4RTM) và một đại đội pháo binh ở Ngô Khê, Vĩnh Trụ; một đại đội bộ binh cơ giới ở Cầu Sắt; một bộ phận xe tăng ở Cầu Họ, một đại đội biệt kích ở Kẻ Sở, Kỳ Cầu. Hướng Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, sở chỉ huy cánh quân phía nam đóng tại Tân Cầu. Tiểu đoàn 1, trung đoàn 6 thuộc địa (l/6 RIC) và một bộ phận cơ giới ở Núi Già, Mai Sơn, Phương Nhi, Ý Yên. Sở chỉ huy trung đoàn 1 ở Núi Gôi; tiểu đoàn 2 trung đoàn 6 Ma-rốc (2/6 RTM) ở Vân Côi (Vụ Bản). Tiểu đoàn 4 trung đoàn 7 An-giê-ri (4/7 RTA); một tiểu đoàn pháo binh (tám khẩu) và một bộ phận cơ giới ở Tu Cổ, Ninh Xá, Tân Cầu. Tiểu đoàn 7 dù thuộc địa (7e BPC) ở Thu Mễ, Đông Biểu huyện Ý Yên. Tiểu đoàn 2 trung đoàn 1 An-giê-ri (2/1 RTA), một bộ phận cơ giới và một đại đội pháo binh ở Cầu Cổ, Non Nước. Đại đội biệt kích (Rô-ma-ri) ở Chùa Cao, Ninh Bình. Đại đội biệt kích (Văng-đen-be) đóng ở thị xã Nam Định. Tiểu đoàn 2 dù thuộc địa (2e BPC) ở thị xã Thái Bình.

So sánh lực lượng lúc này, về bộ binh ta và địch là: ta 66 đại đội, địch 60 đại đội; về pháo binh địch gấp 2,5 lần ta (ta chỉ có sơn pháo 75mm, địch có pháo 105mm).
_____________________________________
1.Báo cáo kế hoạch tác chiến chiến dịch và tổng kết kinh nghiệm trong các chiến dịch lớn, Bộ Tổng tham mưu Xb.1963, t 1 tr.247, 249.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 12 Tháng Bảy, 2012, 09:15:58 am

Căn cứ vào tình hình địch - ta, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chia đợt 2 làm hai bước.

Bước 1: (Từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 6 năm 1951): Ta tiếp tục đánh điểm diệt viện.

Trên hướng chủ yếu, đêm 1 tháng 6, trung đoàn 57 Đại đoàn 304 đánh Cầu Bút, Ngọc Lâm, đều không thắng, ta thương vong 250 đồng chí. Trung đoàn 9, Đại đoàn 304 đêm 2 tháng 6, đánh Núi Sậu, cũng không dứt điểm. Nhưng quân ta tiếp tục tổ chức vây ép, buộc địch ở đây phải ra hàng và buộc chúng phải rút thêm các vị trí Bình Hà, đình Phương Nại, chùa Phương Nại.

Ngày 3 tháng 6, trung đoàn 36 Đại đoàn 308 hai lần đánh viện, bắn chìm một ca-nô, diệt gần 100 địch trên sông Đáy và diệt hơn 100 tên hành quân trên đường Ninh Bình đi Yên Phúc Thượng. Ngày 4 tháng 6, trung đoàn 88 Đại đoàn 308 tiến công Chùa Cao. Đây là cứ điểm có công sự bằng gạch và xi măng khá kiên cố và do một đại đội com-măng-đô chiếm giữ. Được pháo binh chi viện từ xa, địch ngoan cố dựa vào công sự để chống cự. Bộ đội ta chiếm được phần lớn cứ điểm thì trời sáng. Địch đưa hải đoàn 3 và tiểu đoàn dù 7 theo đường sông tới giải vây. Trận này ta chỉ diệt được một trung đội địch, nhưng ta hy sinh 29 người, bị thương 174 người và mất tích 85 người. Đêm 6 tháng 6, ta tập trung 5 tiểu đoàn tiến công lần thứ hai, cũng không chiếm được cứ điểm và bị thương vong nặng (69 người hy sinh, 258 người bị thương). Đây là tổn thất lớn nhất của trung đoàn trong một trận đánh. Vì thủ đoạn đối phó của địch đã thay đổi, với khả năng bắn chính xác của pháo binh, địch đã tập trung pháo ngăn chặn những đợt tiến công ban đêm của ta, chờ tới lúc viện binh và không quân kịp can thiệp. Pháp đã phát huy tối đa sức mạnh không quân và pháo binh ở đồng bằng.

Trên hướng thứ yếu, ngày 3 tháng 6, trung đoàn 66, chống càn thắng lợi ở Đông Lương, diệt 200 địch, ta thương vong 12 người.

Như vậy, từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 6, ta tiến công một số cứ điểm, diệt trên hai đại đội địch, nhưng ta thương vong gần 1.000 người. Trong khi đó địch lại tăng cường đánh phá bằng không quân và pháo binh; tổ chức các cuộc càn với lực lượng từ một đến ba tiểu đoàn, nhằm đánh phá hậu phương ta.

Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy chiến địch quyết định chuyển sang bước 2 (từ ngày 8 đến ngày 20 tháng 6), với chủ trương mới là đẩy mạnh chiến tranh du kích, bảo vệ mùa màng, củng cố và khuếch trương thắng lợi chính trị của chiến dịch, phát triển binh vận, tranh thủ tiêu diệt thêm lực lượng địch. Từ đó, Bộ chỉ huy chiến dịch đề ra chủ trương, mỗi đại đoàn để lại một trung đoàn hoạt động, khi phân tán, lúc tập trung và có thể luân phiên nhau; lực lượng còn lại về vùng tự do chấn chỉnh và chuẩn bị chiến đấu sẵn sàng trở lại chiến trường đánh địch.

Chấp hành chủ trương trên, ở Ninh Bình, trung đoàn 36 Đại đoàn 308 hai lần tập kích vị trí Cầu Cổ, Non Nước, chặn đánh địch lùng sục ra Chùa Cao, Phúc Am, Phú Khánh đồng thời đánh địch ở nhà thờ Đại Phong, phá cầu Yên, bắn bị thương một tàu LCT trên sông Đáy, chống càn quét ở Cẩm Giá diệt 60 tên, phá hủy 10 xe lội nước. Ở Yên Mô, Kim Sơn, trung đoàn 9 Đại đoàn 304 đánh địch ở Cối Tri, Quang Phục, diệt 62 lính Âu - Phi, bức địch rút Cổ Đôi và giúp dân gặt 80 mẫu lúa. Ở Hà Đông, trung đoàn 48 Đại đoàn 320 hoạt động ở vùng Chợ Cháy, ngày 17 tháng 6, tiêu diệt vị trí Phúc Lâm. Trung đoàn 64 tập kích địch ở Phố Cà (Mai Cầu), trên đường 1A, diệt 30 tên làm bị thương 20 tên khác.

Ngày 18 tháng 6, trong lúc hoạt động tác chiến lớn của ta đã giảm, thì địch mở cuộc càn quét lớn vào khu Chợ Cháy. Chúng tập trung tám tiểu đoàn bộ binh và dù, hai đại đội pháo 105mm phối hợp với lực lượng chiếm đóng quanh vùng cùng hành động. Cuộc càn này do Đờ-cát-tơ-ri (De castrie) chỉ huy. Tại đây, một tiểu đoàn của trung đoàn 48, cùng với lực lượng du kích địa phương đã kiên cường bám trụ, chặn đánh địch quyết liệt, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Trong trận chống càn này ta đã diệt 220 địch, làm bị thương 140 tên và bắt 68 tên. Đêm 19 tháng 6, tiểu đoàn được lệnh rút ra khỏi vòng vây của địch và đưa nhân dân tạm lánh sang vùng Nho Quan.

Ở hướng phối hợp Tả ngạn sông Hồng, trung đoàn 42 cùng bộ đội địa phương và dân quân du kích đã tiêu diệt 18 hương đồn, bức rút 12 hương đồn khác ở các huyện Phủ Cừ, Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, Gia Lộc, Bình Giang, tỉnh Hải Dương và Quỳnh Côi tỉnh Thái Bình.

Trong đợt 2 chiến dịch, các lực lượng vũ trang địa phương, thực hiện chủ trương: đẩy mạnh chiến tranh du kích, bảo vệ mùa màng, củng cố và khuếch trương thắng lợi chính trị, phát triển ngụy vận, tranh thủ tiêu diệt thêm sinh lực địch. Đại đội 29 và du kích Yên Khánh dùng nội ứng diệt gọn vị trí Cầu Xanh, bắt 27 vệ sĩ. Đại đội 195 Kim Sơn đánh vị trí Tuy Lộc Hạ diệt gọn địch, thu vũ khí. Bộ đội địa phương, du kích Hà Nam tập kích phố Cà diệt một trung đội...

Căn cứ vào tình hình địch, ta và thời gian dự kiến, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch vào ngày 20 tháng 6 năm 1951.

Kết quả: Toàn chiến dịch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 4.050 tên địch (có 40 phần trăm Âu - Phi của GM1, GM4). Riêng ở Hà Nam Ninh, địch chết 2.154 tên, bị thương 635, bị bắt 796 tên. Ta hy sinh 546 người, bị thương 1.700 người, mất tích 280 người1. Ta thu 832 súng trường, 123 tiểu liên, 62 trung liên, 10 đại liên, một trọng liên, 15 súng cối, 25 súng ngắn, 18 máy vô tuyến điện và số quân trang, quân dụng đủ trang bị cho một trung đoàn. Ngoài ra ta còn phá huỷ 14 xe lội nước, bắn hỏng một tàu chiến, đánh đắm năm ca nô, phá huỷ hai xe Jeép. Ta diệt 12 vị trí, bức rút chín vị trí, bức hàng hai vị trí và tiêu hao lực lượng địch ở tám vị trí khác. Về chính trị, bộ đội đã chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách dân vận, tôn giáo, địch vận, ngụy vận, tù hàng binh, nên đã tranh thủ được lòng dân, làm cho đồng bào vùng đạo Thiên Chúa hiểu thêm về kháng chiến, binh lính ngụy lầm đường theo giặc hiểu rõ chính sách và lượng khoan hồng của Đảng và Chính phủ ta. Nhiều cơ sở quần chúng trong địch hậu được khôi phục, nhiều cơ sở đang được xây dựng lại. Các lực lượng tham gia chiến dịch đã chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải coi trọng thắng lợi chính trị cũng như thắng lợi quân sự”.



Thắng lợi trên chiến trường Hà Nam Ninh đã thúc đẩy chiến tranh du kích ở dọc sông Đáy và ở Hữu ngạn sông Hồng, với hệ thống đồn bốt dày đặc của Pháp, có điều kiện phát triển mạnh hơn, làm cho vùng tạm chiếm ở cửa ngõ phía nam - tây nam Hà Nội bị uy hiếp mạnh, chiến tranh du kích ở Tả ngạn sông Hồng và đường số 5 càng sôi nổi, mạnh mẽ hơn. Thắng lợi về quân sự tác động mạnh mẽ đến tình hình chính trị. Sau một số năm sống dưới ách kìm kẹp và lừa gạt của địch, qua hoạt động của bộ đội và kết quả tiêu diệt địch trong chiến dịch, nhân dân ta càng phấn khởi, tin tưởng ở thắng lợi của cuộc kháng chiến. Hơn nữa, các chính sách của Đảng và Chính phủ về dân vận, về công giáo, về đối xử khoan hồng với ngụy quân, ngụy quyền khi bị bắt hoặc đầu hàng... được bộ đội ta thực hiện đúng đắn trong chiến dịch đã gây được ảnh hưởng lớn trong nhân dân đối với kháng chiến. Nhiều cơ quan quân, dân, chính, đảng ở địa phương, trong địa bàn chiến dịch, đã trở về bám dân, bám đất đẩy mạnh các hoạt động vũ trang tuyên truyền trong vùng địch. Thắng lợi chính trị của chiến dịch Hà Nam Ninh đã gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của những chiến dịch sau này2.

Trong chiến dịch Hà Nam Ninh, lần đầu tiên bộ đội ta tiêu diệt được quân chiếm đóng của địch trong một thị xã ở đồng bằng (thị xã Ninh Bình) bằng cách đánh bôn tập cường kích (từ xa tới tập kích bằng sức mạnh). Cũng là lần đầu tiên tiêu diệt bốn đại đội địch trong công sự vững chắc, sau hai đêm một ngày chiến đấu, mở ra một kỷ lục mới về đánh công kiên3. Đây là chiến dịch đầu tiên chủ lực ta tiến công vào hệ thống phòng ngự của quân Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ, nơi đối phương có nhiều thuận lợi về cơ động và hoả lực. Tuy tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, nhưng chiến dịch không đạt được yêu cầu đã đề ra. Những khuyết điểm trong chiến dịch này có phần thuộc về sự chỉ đạo chiến lược (chọn hướng mở chiến dịch, chuẩn bị bộ đội); có phần thuộc về chỉ huy chiến dịch (tạo lực, tạo thế, kế hoạch tác chiến, sử dụng lực lượng, cách đánh); và một phần do năng lực tổ chức chỉ huy, tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ. Song yếu tố tác động lớn nhất đến kết quả của chiến dịch vẫn là sự chỉ đạo chiến lược và chỉ huy chiến dịch. Do đó “hiệu suất chiến đấu thấp, chiến dịch kết thúc trong điều kiện so sánh lực lượng đã thay đổi bất lợi cho ta, quyền chủ động chiến dịch không còn”4. Đó là những hạn chế của ta trên bước đường trưởng thành từ đánh du kích tiến lên tác chiến tập trung, với quy mô nhiều đại đoàn.

Mặc đù, Chiến dịch Hà Nam Ninh không đạt được yêu cầu đã đề ra. Chúng ta đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, phát triển chiến tranh du kích, tạo nên một thắng lợi về chính trị trong chiến dịch. Do đó, ngày 27 tháng 6 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen các chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hà Nam Ninh đã tiêu diệt hơn 20 đại đội địch, “đã làm lay động tinh thần ngụy quân, đã phát triển chiến tranh du kích, bảo vệ nhân dân, bảo vệ mùa màng”5.
______________________________________
1.Hồ sơ 412, trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng (tỷ lệ tổn thất là địch: 1,2 - ta 1.)
2.Hồ Sơ 412, trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng.
3.Đánh công kiên theo cách đánh mới: một điểm hai mặt, một đội bốn tổ.
4.Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, Nxb QĐND, H. 1995, tr. 122.
5.Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 1995, tr.68.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 12 Tháng Bảy, 2012, 09:22:16 am

CHIẾN DỊCH LÝ THƯỜNG KIỆT
(Tiến công, từ ngày 29 tháng 9 đến ngày 31 tháng 10 năm 1951)


Sau Chiến dịch Hà Nam Ninh, tại đồng bằng Bắc Bộ, địch ra sức củng cố công sự, tăng cường càn quét vùng hậu địch, phá cơ sở nhân dân và kinh tế ta; đồng thời chúng đẩy mạnh kế hoạch củng cố vùng Tây Bắc. Địch tăng cường lực lượng củng cố Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái để giữ vựa thóc lớn của Tây Bắc và uy hiếp phía tây căn cứ Việt Bắc. Tại phân khu Nghĩa Lộ, lực lượng địch có một tiểu đoàn ngụy binh Thái (1e RTA) và bốn đại đội bổ sung chiếm đóng (LCSM), phân ra làm bốn điểm: Nghĩa Lộ, Gia Hội, Ba Khe, Thượng Bằng La, mỗi nơi có một đại đội, do một quan tư chỉ huy chung1.

Trước tình hình khó khăn ở hậu địch, Tổng Quân uỷ đề nghị với Trung ương cho mở một chiến dịch nhỏ ở hướng tây bắc và phát động một tháng chiến tranh du kích, buộc địch phải đối phó.

Ngày 11 tháng 9 năm 1951, Bộ Chính trị ra chỉ thị mở Chiến dịch Lý Thường Kiệt ở hướng tây bắc nhằm tiêu diệt một phần sinh lực địch, xây dựng cơ sở, đẩy mạnh chiến tranh du kích, phá khối ngụy quân Thái. Hướng chính là phân khu Nghĩa Lộ. Lực lượng sử dụng là Đại đoàn 312, một liên đội sơn pháo 75mm, hai đại đội công binh, cùng với bộ đội địa phương các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang. Quân số tham gia gồm 8.479 người. Bộ Tư lệnh Đại đoàn 312 được Tổng Quân uỷ giao trách nhiệm điều hành chiến dịch. Hướng phụ do tiểu đoàn địa phương tỉnh Phú Thọ phụ trách, có nhiệm vụ uy hiếp Thượng Bằng La. Trung đoàn 148 tiến công Phòng Tô, Bình Lư, Tú Lệ. Quân số tham gia gồm 1.631 người.

Phương châm chiến dịch đặt ra là tranh thủ bất ngờ, bao vây tiêu diệt những cứ điểm, đánh chắc thắng, giải quyết nhanh, đánh liên tục cả đêm và ngày. Vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, phục kích, tập kích, công kiên. Kết hợp tác chiến của chủ lực với các lực lượng vũ trang địa phương, phát triển chiến tranh du kích. Phối hợp chặt chẽ giữa tác chiến với vận động nhân dân và nguỵ binh.

Quán triệt phương châm trên, ngày 13 tháng 9, Bộ Tổng tham mưu ra chỉ thị cho các đơn vị khẩn trương bước vào chuẩn bị chiến dịch.

Ngày 25 tháng 9, Đại đoàn 312 vượt sông Hồng tiến vào Tây Bắc theo hai cánh. Cánh chính gồm hai trung đoàn 141, 209, cùng liên đội pháo 75mm vượt rừng núi hiểm trở, thâm nhập vào cánh đồng Nghĩa Lộ theo hướng bắc. Cánh phụ do trung đoàn 165 tiến theo đường 13, tiếp cận Nghĩa Lộ ở hướng đông nam.

Căn cứ vào nhiệm vụ chiến dịch và sau khi đi nghiên cứu thực địa, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Đại đoàn 312 quyết định kế hoạch tác chiến như sau: Trung đoàn 165 được phối thuộc một đại đội địa phương Yên Bái, một khẩu pháo 75mm, có nhiệm vụ tiến công Ca Vịnh, Ba Khe, Cốc Báng, Cửa Nhì, hai trung đoàn 141 và 209 cùng với liên đội pháo tiến công Bản Tú, Nghĩa Lộ, Gia Hội. Chỉ huy sở đại đoàn đặt ở giữa Khe Phong và Ngã Hai.

Về đảm bảo hậu cần, ngoài việc bố trí các kho gạo dọc đường đủ cung cấp cho bộ đội hành quân từ Phú Thọ lên Yên Bái, còn bố trí bên tả ngạn sông Hồng một số lượng gạo bổ sung cho toàn đại đoàn mỗi người 10 ngày ăn và mỗi dân công 21 kg trước khi sang sông. Kho dự trữ của đại đoàn khi tác chiến, một đặt ở Nậm Mười để cung cấp cho hai trung đoàn 141 và 209, một đặt ở gần Ca Vịnh để cung cấp cho trung đoàn 165.

Để phục vụ chiến dịch, vận chuyển hàng hoá, làm lán trại, bè mảng cho bộ đội qua sông, quân dân Tây Bắc đã huy động trên 29.000 dân công, cung cấp 522 ngựa thồ, vận chuyển 96.411 kg lương thực, thực phẩm, vũ khí, trang bị cho bộ đội2.

Thời gian chuẩn bị chiến dịch tương đối đài, nhưng kế hoạch tác chiến của Bộ Tư lệnh chiến dịch thay đổi đến ba lần, nên công tác bảo đảm vật chất vẫn cập rập. Trong quá trình chuẩn bị, hướng tác chiến bị lộ, địch cho máy bay oanh tạc hậu phương và ngăn cản cuộc hành quân của ta. Các kho gạo Hào Gia, Cổ Phúc, Đại An bị máy bay đánh phá, thiệt hại 17 tấn gạo.

Trong khi ta tiến hành công tác chuẩn bị, do bị lộ, địch đã có những hành động đối phó. Ngày 16 tháng 9, địch ở Nghĩa Lộ thiết quân luật, tăng cường trinh sát bằng máy bay dọc sông Thao, ném bom bắn phá các cầu và những vùng nghi ta tập kết lực lượng. Tiếp đó, địch rút các đơn vị lẻ về tập trung ở các đồn chính. Ngày 27 tháng 9, địch rút Sai Trương về Nghĩa Lộ; ngày 28 tháng 9, địch rút Cốc Báng về Cửa Nhì; ngày 29 tháng 9, chúng rút Thượng Bằng La, Dông Bô và Khe Phìa. Mặc dù vậy, Bộ chỉ huy Chiến dịch vẫn quyết định mở màn đúng kế hoạch.

Đêm 29 rạng ngày 30 tháng 9, phía cánh phụ trên đường 13, tiểu đoàn 115 trung đoàn 165 tiến công đồn Ca Vịnh. Lực lượng địch ở Ca Vịnh có 135 tên, do quan hai Rốc (Roch) chỉ huy, vũ khí có 12 trung liên, hai cối 61mm, một đại liên và nhiều súng trường, lựu đạn. 3 giờ 10 phút, ta nổ súng, đến 7 giờ 30 phút, ta mới phá huỷ được một phần công sự, địch chết nhiều ở giao thông hào, nhưng ta không giải quyết được hoàn toàn cứ điểm và phải rút ra ngoài, vì thương vong cao (hy sinh 36 người, bị thương 118 người)3. Ngày 1 tháng 10, địch bỏ Ca Vịnh rút về Ba Khe.

Đêm 1 tháng 10, ở cánh chính, tiểu đoàn 166 trung đoàn 209 tiến công Bản Tú (tiền đồn của Nghĩa Lộ). Địch ở đây có 120 tên, do quan một Rê-nar (Renoult) chỉ huy, vũ khí có sáu trung liên, hai cối 61mm và tiểu liên, súng trường. 23 giờ 30 phút, ta nổ súng, sau 5 phút đã mở được cửa mở và phát triển vào tung thâm. 24 giờ, ta hạ lệnh xung phong, địch rút về phía Nghĩa Lộ khoảng hai trung đội. Đến 24 giờ 40 phút, ta chiếm xong đồn, diệt 12 tên địch, bắt 16 tên (có tên quan một đồn trưởng). Trận này, ta hy sinh chín người, bị thương 71 người.

Lúc này, tiểu đoàn 1 Thái chia nhau cố thủ các vị trí Nghĩa Lộ, Gia Hội, Sơn Bục và gọi quân cứu viện. 17 giờ ngày 2 tháng 10, địch cho tiểu đoàn 8e BPC nhảy dù xuống Gia Hội, tây bắc Nghĩa Lộ 20 ki-lô-mét, đe dọa phía sau lưng quân ta. Đêm 2 tháng 10, trung đoàn 141 cùng một liên đội pháo tăng cường (năm khẩu), hai đại đội công binh, tiến công đồn Nghĩa Lộ. Quân ta công đồn quyết liệt, diệt một trung đội địch, tên quan tư chỉ huy Nghĩa Lộ bị chết tại trận, nhưng ta vẫn không chiếm được đồn này.
________________________________________
1.Hồ sơ 466, báo cáo Chiến dịch Lý Thường Kiệt, Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng.
2.Số dân công trực tiếp phục vụ chiến dịch là 5000 người và trên 300 dân công làm nhiệm vụ cấp dưỡng, hộ lý tại bệnh viện hậu phương tuyến một đặt ở thôn Lưỡng (Hào Gia) cách thị xã Yên Bái bốn ki-lô-mét.
3.Hồ sơ 466, Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng.



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 12 Tháng Bảy, 2012, 09:23:40 am

7 giờ 30 phút ngày 3 tháng 10, hai tiểu đoàn 154 và 166 thuộc trung đoàn 209 vận động đánh quân dù hành quân từ Gia Hội đến tiếp viện cho Nghĩa Lộ, cách Gia Hội tám ki-lô-mét và đang vận động đánh vào sau lưng ta. Sau một giờ chiến đấu, địch bị cắt làm hai bộ phận. Bộ phận đi đầu khoảng một đại đội cơ bản bị diệt, số còn lại chạy về Gia Hội bị đại đội 612, đại đội 606 truy kích diệt 40 tên. Ngày 4 tháng 10, Xa-lăng ném tiếp tiểu đoàn 2 dù (2e BEP) xuống Gia Hội. Đêm đó trung đoàn 141 tiến công Nghĩa Lộ lần thứ hai, nhưng không thành công. Kết quả hai trận ta đánh ở Nghĩa Lộ (đêm 2 và 4 tháng 10), ta đã diệt 150 tên địch, bắt 19 tên. Ta hy sinh 118 người, bị thương 200 người1.

Cũng đêm 4 tháng 10, tiểu đoàn 564 trung đoàn 165, tiến công Cửa Nhì. Khi chiếm lĩnh đồi 602, bị phi cơ địch oanh tạc và hai lần chúng cho quân ra đánh chiếm lại, nhưng đều bị quân ta đánh lui, diệt chín tên, bắn bị thương 12 tên khác. Ngày 5 tháng 10, địch đổ tiểu đoàn 10 dù (10e BPCP) xuống Nghĩa Lộ và điều tiểu đoàn 2 dù và tiểu đoàn 8 dù tiến về phía Khâu Vác. Ngày 6 tháng 10, tiểu đoàn 154 phục kích cánh quân của tiểu đoàn 8 dù ở bản Văn Tông. Khi chúng lọt vào trận địa, sau 10 phút nổ súng, địch bỏ chạy, ta truy kích đến đồi 869 gặp hai trung đội địch, ta chiến đấu đến 2 giờ sáng, diệt và bắt 26 tên. Cũng trong thời gian đó, cánh quân của tiểu đoàn 2 dù tiến đến Nậm Mười, bị tiểu đoàn 130 của ta nổ súng chặn đánh. Sau năm đợt xung phong, địch yếu thế phải bỏ chạy. Ta truy kích đến 4 giờ ngày 7 tháng 10 thì rút quân. Kết quả toàn trận, địch chết 60 tên; ta hy sinh 15 người, bị thương 62 người.

Trên hướng thứ yếu Phong Thổ, từ đêm 29 tháng 9 đến ngày 10 tháng 10; trung đoàn 148 cùng bộ đội địa phương Lào Cai bao vây, tiến công các đồn Yên Na (4 tháng 10), diệt 113 địch, thu 12 súng các loại và 20 tấn quân trang quân dụng. Ngày 9 tháng 10, tiểu đoàn 930 tiến công Than Thuộc, Pác Tà. Sau 30 phút chiến đấu địch bỏ chạy. Tiểu đoàn 910 tiến công Than Uyên, không kết quả. Sau 10 ngày chiến đấu liên tục, lực lượng ta cũng bị tiêu hao nhiều (287 người hy sinh, 702 người bị thương, 22 người mất tích), lương thực chỉ còn có hai ngày. Ngày 10 tháng 10, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định thời cơ đánh địch đã hết và ra lệnh kết thúc chiến dịch.

Mặc dù vậy, từ ngày 11 tháng 10 đến 31 tháng 10, bộ đội ta vẫn tổ chức phục kích quân viện của địch trên các trục đường Nậm Bon, Niêng Sang; tiến công diệt cứ điểm Pu Sam Cáp, Khang Tiêu, Phòng Tô. Các đơn vị tiến hành ba trận đánh gặp địch (tao ngộ), diệt ba đơn vị cơ động Âu - Phi gồm một đại đội công binh (1e CIE) ở Niêng Sang, một đại đội thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn 2 lê dương (2/2e REI) ở Nậm Bon và một đại đội thuộc trung đoàn 17 Ta-bo ở khu vực Lan Nhì Tháng. Đồng thời với hoạt động của chủ lực, bộ đội địa phương cùng với dân quân du kích hoạt động đẩy mạnh chiến tranh du kích.

Trong Chiến dịch Lý Thường Kiệt, hầu hết các đơn vị bộ đội địa phương và dân quân du kích trên địa bàn đã được huy động. Hướng Văn Chấn, Trấn Yên có ba đại đội 97, 87 và 86. Than Uyên hai đại đội 96, 85. Đại đội 85 đánh năm trận đều thắng lợi. Đại đội 96 đánh trận phục kích trên đường Tạ Hoà gây khó khăn cho địch tiếp viện sang Mường Than, dọn đường cho trung đoàn 148 hoạt động. Các đại đội tích cực làm nhiệm vụ phục vụ chủ lực tác chiến. Tại Than Uyên, hai đại đội 96 và 85 phối hợp chặt chẽ với chủ lực tiến công địch, bức chúng rút khỏi đồn Minh Lương (Văn Bàn) bắt 82 tên, thu toàn bộ vũ khí. Ở Lào Cai, bộ đội địa phương đã hợp đồng chặt chẽ với chủ lực tiến công địch, giải phóng huyện Phong Thổ.

Kết quả toàn chiến dịch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.258 tên (trong đó có 255 tên bị bắt); thu trên 300 súng các loại gồm 20 trung liên, một đại liên, 76 tiểu liên, năm súng cối, 229 súng trường, 28 súng ngắn; và 20 tấn quân lương, 11 tấn đạn dược. Riêng hướng chính ta tiêu diệt 476 tên địch, bắt 42 tên. Ta hy sinh 287 người, bị thương 702 người, mất tích 22 người2. Từ khi nổ súng (29 tháng 9 đến 31 tháng 10), ta đã đánh 16 trận công đồn, sáu trận phục kích, ba trận tao ngộ, hai trận đánh quân địch nhảy dù, hai trận truy kích. Ta đã đánh bại tám tiểu đoàn đồn trú và cơ động ứng chiến (hai tiểu đoàn Thái, ba tiểu đoàn Âu - Phi: Ta-bo, Ma-rốc, An-giê-ri và ba tiểu đoàn dù). Qua 29 trận đánh trên các hướng, ta đã diệt chín đại đội địch, diệt sáu cứ điểm Than Thuộc, Hua Tà, Ca Vịnh, Bản Tu, Tan Man, Pa Pé, bức rút tám vị trí Thượng Bằng La, Đồng Bò, Đèo Pho, Khe Tùa, Cốc Báng, Cửa Nhì, Khang Tiêu, Sài Lương.

Chiến dịch đã giải phóng một vùng rộng lớn từ Quang Huy lên Ca Vịnh, Ba Khe, Sài Lương và từ Phong Tô qua Bình Lư tới Than Uyên. Chiến dịch đạt được các yêu cầu đặt ra, làm thay đổi cục diện ở Tây Bắc, góp phần vào thắng lợi chung của chiến cuộc Đông Xuân 1951-1952.

Nhưng chiến dịch cũng bộc lộ những khuyết điểm chính là: công tác chuẩn bị thiếu chặt chẽ, không giữ được bí mật nên sớm bị địch phát hiện được ý định. Chúng đã cho rút lực lượng đóng tại các vị trí ngoại vi về tăng cường để giữ Nghĩa Lộ (một tiểu đoàn). Việc điều hành chiến dịch giao hoàn toàn cho Đại đoàn 312 đảm nhiệm. Đại đoàn chưa quen điều hành nên gặp khó khăn, lúng túng. Các cơ quan cấp trên chưa thấy hết khó khăn của đại đoàn, do đó việc giúp đỡ của Bộ Tổng tham mưu cho đại đoàn còn ít. Về nguyên nhân khuyết điểm, đồng chí Lê Trọng Tấn, Tư lệnh đại đoàn cho rằng: “việc di chuyển bộ đội quá chậm, nên địch đã biết và chuẩn bị đối phó. Từ Yên Bái vào Nghĩa Lộ, ta mất năm ngày hành quân vất vả, nhưng địch tăng cường quân dù từ Hà Nội lên chỉ mất một giờ! Tây Bắc là địa hình rừng núi, nhưng trong thực tế, bộ đội ta đánh nhau với quân dù trên đồng ruộng ban ngày như ở chiến dịch Trung Du, có pháo binh và không quân yểm trợ, chúng vẫn gây cho ta nhiều khó khăn thiệt hại. Ở địa bàn này tiếp tế cho bộ đội bằng quang gánh của dân công trên hàng trăm ki-lô-mét vẫn là vấn đề nan giải. Trước khi mở chiến dịch đại đoàn chưa nhìn thấy hết những khó khăn này”3.

Mặc dù vậy, Đại đoàn 312 đã có bước tiến mới, các đơn vị có thêm kinh nghiệm về chỉ huy và tác chiến chính quy trên chiến trường rừng núi, đánh địch đổ bộ đường không, đảm bảo hậu cần trên địa bàn hiểm trở tiếp tế khó khăn, cách xa hậu phương, kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ đạo mặt trận vùng sau lưng địch, phối hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích và chính quy, trong chiến dịch tiến công địch ở miền rừng núi.

Tháng 12 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312, khen ngợi thành tích trong Chiến dịch Lý Thường Kiệt và căn dặn cán bộ chiến sỹ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm để lập nhiều chiến công hơn nữa. Người viết: “Bác vui lòng vì kết quả khá... Nhất là vì các chú tiến bộ khá. Tinh thần chiến đấu cao. Ý thức dân vận khá. Đối với chiến lợi phẩm, giữ vững kỷ luật. Kỹ thuật khá tiến bộ”4.
_______________________________________
1.Hồ sơ 466, trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng.
2.Hồ sơ 412, Những chiến dịch lớn ở Bắc Bộ, Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng.
3.Hồ sơ 412, Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng.
4.Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995, tr.364.



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 16 Tháng Bảy, 2012, 09:48:25 am

CHIẾN DỊCH HÒA BÌNH
(Tiến công, từ ngày 10 tháng 12 năm 1951 đến ngày 25 tháng 2 năm 1952)


Tháng 11 năm 1951, thực dân Pháp tập trung lực lượng lớn đánh chiếm Hoà Bình, nhằm mục đích mở rộng khu chiếm đóng, tăng cường phòng ngự phía tây nam đồng bằng Bắc Bộ, ngăn chặn đường liên lạc vận chuyển của ta giữa Việt Bắc với Liên khu 3. Địch đã chọn một chiến trường mà chúng có chủ định trước, buộc ta phải tham chiến sớm để tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực, phá sự chuẩn bị tiến công thu đông của ta. Chúng cố giành lấy một thắng lợi về chính trị, quân sự để ổn định tinh thần ngụy quân, ngụy quyền, xây dựng “xứ Mường tự trị”, làm yên lòng chính phủ Pháp.

Do tính chất quan trọng của chiến trường Hoà Bình, nên Pháp đã cử tướng Xa-lăng, phó tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân này.

Ngày 10 tháng 11 năm 1951, 12 tiểu đoàn bộ binh và năm cụm pháo binh của Pháp bất ngờ chiếm Chợ Bến, cắt đường di chuyển của bộ đội ta từ Việt Bắc xuống đồng bằng. Ngày 14 tháng 11, với binh lực 20 tiểu đoàn bộ binh (của các GM1, 2, 3, 4, 7), bảy tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn thiết giáp và hai đại đội xe tăng. Địch tiến quân theo bốn cánh, hình thành hai gọng kìm từ phía Sơn Tây - Trung Hà xuống và từ Xuân Mai lên thị xã Hoà Bình. Cánh thứ nhất do trung tá Béc-ki-nhi (Berquiny) chỉ huy, có ba tiểu đoàn dù, sáng 14 tháng 11, chúng nhảy dù chiếm thị xã Hoà Bình. Cánh thứ hai do thiếu tướng Lơ Bơ-lăng (Leblane) chỉ huy, có hai binh đoàn cơ động số 4 và 7, ba tiểu đoàn pháo binh 105mm, một đại đội xe tăng, từ khu vực thị xã Sơn Tây chia làm hai mũi tiến theo đường số 87 và đường số 89, đánh chiếm Đan Thê, Đá Chông, Chẹ. Cánh thứ ba do đại tá Cơ-lê-măng (Clément) chỉ huy có binh đoàn cơ động số 2 và một tiểu đoàn pháo binh 105mm từ thị xã Sơn Tây đánh chiếm núi Ba Vì. Cánh thứ tư do đại tá Đô-đơ-li-ê (Dodelier) chỉ huy, có hai trung đoàn cơ động số 1 và 3, một đại đội xe tăng và hai tiểu đoàn pháo binh 105mm, từ Xuân Mai đánh chiếm đường số 6 và thị xã Hoà Bình, lực lượng dự bị gồm một tiểu đoàn dù, một tiểu đoàn pháo binh 105mm, một đại đội xe tăng tập kết ở Hà Nội. Trong hai ngày 14 và 15 tháng 11, địch đã chiếm được Hoà Bình, đường số 6, sông Đà và Ba Vì. Sau khi chiếm được các mục tiêu trên, địch tổ chức phòng ngự thành hai phân khu (ngoài phân khu Chợ Bến), với ý đồ chiếm đóng lâu dài. Phân khu sông Đà và Ba Vì (khu bắc), do đại tá Đô-đơ-li-ê chỉ huy, sở chỉ huy đặt tại Đan Thê. Phân khu Hoà Bình và đường số 6 (khu nam), do đại tá Cơ-lê-măng chỉ huy, sở chỉ huy đặt tại thị xã Hoà Bình.

Tổ chức phòng ngự của địch gồm 28 cứ điểm lớn, nhỏ, kiến trúc theo kiểu dã chiến. Mỗi cứ điểm có từ một đến hai đại đội bộ binh chiếm giữ, những nơi quan trọng như Pheo, Đồng Bến, Ao Trạch, Chẹ, Đá Chông thường có ba đại đội bộ binh, được tăng cường một trung đội xe tăng và một đại đội pháo.

Ngày 15 tháng 11, Tổng Quân uỷ họp. Bộ Tổng tham mưu đề nghị mở chiến dịch Hoà Bình vì địch mới đánh ra, chưa kịp củng cố phòng ngự. Hoà Bình là vùng rừng núi, dễ bao vây, chia cắt địch, cơ động lực lượng thuận lợi, bí mật.

Ngày 18 tháng 11 năm 1951, Trung ương Đảng và Tổng Quân uỷ nhận định “Đó là một cơ hội hiếm có cho ta tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đánh ra Hoà Bình địch phải phân tán lực lượng cơ động, lực lượng tinh nhuệ trên một mặt trận rộng lớn, núi rừng hiểm trở, địa hình đột xuất, công sự chưa vững chắc. Mặt khác vì phải tập trung phần lớn quân cơ động ra Hoà Bình nên lực lượng địch ở đồng bằng bị dàn mỏng, các vùng từ hữu ngạn, tả ngạn Liên khu 3 đến Trung Du đều tương đối sơ hở hơn trước”1. Căn cứ vào nhận định trên, Trung ương chủ trương mở một cuộc tiến công lớn đánh địch trên cả hai mặt trận: tập trung chủ lực ở hướng chính là Hoà Bình và mạnh bạo đưa một bộ phận chủ lực vào hoạt động trong địch hậu đồng bằng Bắc Bộ nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực, tiến tới phá tan kế hoạch chiếm đóng Hoà Bình của chúng, đẩy mạnh chiến tranh du kích trọng tâm là đồng bằng Bắc Bộ. Bộ Chính trị quyết định, tổ chức Bộ chỉ huy chiến dịch do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh, đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm chính trị, đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng và thành lập Đảng uỷ chiến dịch do đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách bí thư, đồng chí Nguyễn Chí Thanh phó bí thư.

Ngày 20 tháng 11, Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh tác chiến cho các đại đoàn: Đại đoàn 320 đánh địch từ thị xã Hoà Bình đến Trung Hà và hai bên tả, hữu sông Đà, Đại đoàn 316 được phối thuộc trung đoàn 246, phối hợp với bộ đội địa phương hoạt động ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Trung đoàn 98 thâm nhập vào vùng địch hậu Bắc Ninh. Trung đoàn 174 đánh từ một đến hai vị trí ở tuyến ngoài. Trung đoàn 176 bố trí giữ mặt Lạng Sơn. Đại đoàn 308 sẵn sàng chiến đấu. Sau khi có chỉ thị của Trung ương, Bộ Tổng tham mưu cụ thể hoá thêm nhiệm vụ tác chiến của một số đại đoàn. Đại đoàn 304 đánh địch ở phía nam Hoà Bình, tiêu diệt một số điểm cao, cắt đường vận chuyển của địch trên đường số 6 để phối hợp với các đại đoàn 308, 312 hoạt động trên tuyến sông Đà và vùng thị xã Hoà Bình. Đại đoàn 320 đưa đại bộ phận vào vùng địch hậu ở đồng bằng.

Ngày 30 tháng 11, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới sở chỉ huy tiền phương ở Đồng Lương, thuộc huyện Cẩm Khê, bên bờ sông Thao để chỉ huy chiến dịch.

Ngày 2 tháng 12 năm 1951, Tổng Quân uỷ - Bộ Tổng tư lệnh tổ chức hội nghị cán bộ phổ biến nhiệm vụ và kế hoạch tác chiến chiến dịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay mặt Tổng quân uỷ - Bộ Tổng tư lệnh, Đảng uỷ và Bộ chỉ huy Chiến dịch đã báo cáo trước hội nghị “Chủ trương tác chiến trên mặt trận sông Đà”.

Về chủ trương và phương châm tác chiến nêu rõ: “Tập trung lực lượng tiêu diệt Tu Vũ và Núi Chẹ, đồng thời tranh thủ đánh viện trên sông, trên bộ và bên hữu ngạn, núi Chẹ và hữu ngạn thì địch có thể bất ngờ, ít nhất cũng giúp cho việc tiêu diệt Tu Vũ được thuận lợi hơn...”.

Về công tác chính trị trong chiến dịch: Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng và Tổng Quân uỷ - Bộ Tổng tư lệnh, ngay từ 19 tháng 11 năm 1951, cơ quan chính trị chiến dịch đã ra chỉ thị gửi toàn mặt trận “Tuyên truyền về cuộc hành binh của địch ở Hoà Bình” và triển khai hoạt động mọi mặt công tác chính trị trong chiến dịch về chuẩn bị bộ đội, chuẩn bị dân công, phối hợp tác chiến với dân vận, địch vận”…2.

Địa bàn chiến dịch diễn ra trên khu vực từ Xuân Mai đến thị xã Hoà Bình, dài 50 ki-lô-mét và từ Trung Hòa đến thị xã Hoà Bình, dài khoảng 60 ki-lô-mét. Đây là khu vực địa hình rừng núi sát với đồng bằng, có hai dãy núi cao, dãy Ba Vì 1.287m và dãy Viên Nam cao 1.029m. Phía đông Ba Vì có nhiều đồi núi trống trải, phía tây Ba Vì là rừng núi kín đáo. Có ba trục đường lớn, cơ giới hoạt động được là đường số 89, đường số 87 và đường số 6 là đường giao thông chính, ven đường có nhiều núi rừng xen kẽ đồi gianh. Sông Đà rộng và sâu nước chảy mạnh (rộng 400 - 500 m, sâu 5 - 8m), các tàu nhỏ của địch đi lại được, nhưng dễ bị ta phục kích.

Ý định của Bộ chỉ huy chiến dịch là kiên quyết tập trung binh lực hoả lực đột phá khu phòng ngự sông Đà, đánh một trận mở màn quyết định, tiêu diệt bộ phận sinh lực địch, mở đường giao thông vận chuyển chiến dịch, đồng thời tạo thế phát triển thuận lợi cho chiến dịch. Đợt đầu tiên nhằm đánh tiêu diệt cụm cứ điểm Tu Vũ, núi Chẹ, nằm trong tuyến phòng thủ phân khu sông Đà của địch và là hướng chủ yếu của chiến dịch.

Quân ta thực hiện phương châm đánh điểm diệt viện, kết hợp chặt chẽ đánh công kiên với đánh phục kích giao thông, tiêu diệt quân viện trên sông, trên bộ, vận dụng linh hoạt chiến thuật đánh vận động, tiêu diệt từng bộ phận quân địch đi càn quét sục sạo, buộc chúng phải co vào các vị trí dã chiến, đánh tiêu diệt quân nhảy dù hoặc quân ứng cứu giải toả.

Tư tưởng chỉ đạo tác chiến chiến dịch là tích cực, chủ động, tạo thời cơ, nắm thời cơ, tranh thủ thời gian, lợi dụng sơ hở của địch, đánh địch trên những khu vực đã chuẩn bị sẵn, buộc địch phải tác chiến theo ý định của ta. Đánh hiệp đồng binh chủng, lấy đánh tập trung từng tiểu đoàn, trung đoàn bộ binh trở lên được tăng cường binh khí kỹ thuật và một số binh chủng chuyên môn khác làm chính, kết hợp với những trận đánh nhỏ có hiệu suất cao, thực hiện tiêu diệt gọn quân địch, bắt tù binh thu nhiều vũ khí. Đánh liên tục ngày đêm, đánh giữa các đợt, đánh quân địch đang triển khai đội hình, đánh địch đang vận động, đánh địch co cụm trong cứ điểm. Kiên quyết chia cắt địch ra từng bộ phận mà diệt, kết hợp chặt chẽ đánh giao thông trên bộ, trên sông, diệt xe cơ giới diệt quân nhảy dù, diệt pháo binh và máy bay một cánh rộng rãi.

Thời gian tác chiến chiến dịch có thể kéo dài từ hai đến ba tháng, chia thành nhiều đợt chiến đấu, trên nhiều khu vực với những yêu cầu cụ thể khác nhau. Các đợt tác chiến sau tùy kết quả của đợt trước mà triển khai đánh tiếp. Phải kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ tác chiến đợt 1, mở thông cửa cho hướng phát triển đợt sau của chiến dịch.

Theo kế hoạch tác chiến chiến dịch, Bộ chỉ huy chiến dịch sử dụng Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 đánh địch trên hướng chủ yếu của chiến dịch, tiêu diệt sinh lực địch và phá vỡ tuyến phòng ngự sông Đà.
_________________________________________
1.Hồ sơ 514, Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng.
2.Báo cáo kế hoạch tác chiến chiến dịch và tổng kết kinh nghiệm của các chiến dịch lớn, Bộ Tổng tham mưu Xb. 1963, t. 2, tr.27.



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 16 Tháng Bảy, 2012, 09:50:38 am

Nhiệm vụ cụ thể như sau: Đại đoàn 308 (thiếu trung đoàn 102) ở bên tả ngạn sông Đà có nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ, đánh quân viện trên sông Đà từ Tu Vũ đến thị xã Hoà Bình; Đại đoàn 312 ở bên hữu ngạn sông Đà, có nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Chẹ, đánh viện trên đường bộ từ Sơn Tây đi Đá Chông và từ Đá Chông đến Chẹ. Đại đoàn 304 ở hướng thứ yếu của chiến dịch làm nhiệm vụ kiềm chế mọi hoạt động của địch ở thị xã Hoà Bình và đánh địch trên đường số 6. Trung đoàn 102 của Đại đoàn 308 làm dự bị chiến dịch được bố trí ở khu vực Cổ Tuyết, nam thị xã Phú Thọ, có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng vũ trang địa phương Phú Thọ sẵn sàng đánh địch càn quét ra các vùng tự do Hạc Trì, Lâm Thao, Hưng Hoá, đường số 2.

Về đảm bảo hậu cần1, để nhanh chóng huy động được nhân lực vật lực, bảo đảm cho tác chiến trên các hướng theo quyết tâm chiến dịch, Tổng Quân uỷ quyết định thành lập hai Ban cung cấp tiền phương ở bắc và nam Hoà Bình. Ban cung cấp tiền phương mặt trận bắc Hoà Bình có nhiệm vụ bảo đảm cho Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 và Đại đoàn công pháo 351 cùng các lực lượng vũ trang địa phương. Ban cung cấp tiền phương mặt trận nam Hoà Bình có nhiệm vụ bảo đảm cho Đại đoàn 304, Đại đoàn 320. Thời kỳ đầu ở mặt trận Hoà Bình, ta đã chuẩn bị được 820 tấn gạo2 và có 20 nghìn dân công phục vụ chiến dịch. Công tác quân y, đã chuẩn bị đủ thuốc cứu chữa cho 4.000 thương binh.

Trong quá trình tổ chức chuẩn bị, các đơn vị đã chú ý như động viên giáo dục chính trị, quán triệt phương châm chiến dịch, thảo luận kế hoạch tác chiến... để bộ đội được chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt trước khi bước vào chiến đấu.

Ngày 10 tháng 12 năm 1951, đợt 1 chiến dịch Hoà Bình bắt đầu. Trên hướng chủ yếu, trung đoàn 209 Đại đoàn 312 vận động đến Ninh Mít, phối hợp với hai tiểu đoàn địa phương chặn đánh tiểu đoàn dù (GM4) càn quét ở làng Chúc phía nam Ba Vì, diệt hai đại đội địch, số còn lại bỏ chạy về Chẹ. Sáng 11 tháng 12, tiểu đoàn địch càn vào khu vực Gốc Bộp, điểm cao 306, bị quân ta chặn đánh diệt hai đại đội, bộ phận phía sau lùi lại Yên Lệ. Trên đường số 87, hai tiểu đoàn địa phương đánh vận động phục kích diệt hai đại đội bộ binh và một trung đội cơ giới địch ở Trung Thượng - Hạm Giá.

Cùng ngày 10 tháng 12, trung đoàn 88 Đại đoàn 308 được tăng cường một tiểu đoàn của trung đoàn 36 và tám khẩu sơn pháo 75mm, cùng một đại đội súng phòng không 12,7mm tiến công cứ điểm Tu Vũ, một cứ điểm phòng ngự then chốt của phân khu sông Đà. Cứ điểm này do tiểu đoàn Ma-rốc số 1 và một đại đội thuộc tiểu đoàn ngụy Mường số 6 với xe tăng, xe thiết giáp chốt giữ. Cứ điểm được cấu trúc kiên cố, chia làm ba khu, xung quanh được phát quang rộng 100 mét và những lớp rào, bãi mìn rộng 24 mét. Khu C tách khỏi khu A và B bằng ngòi Lát, do một đại đội địch chiếm giữ, có một lô cốt lớn và bảy ụ chiến đấu. Khu A có một đại đội bộ binh, sáu ụ chiến đấu bao quanh một lô cốt lớn, được trang bị hoả lực mạnh (trọng liên 12,7mm, ĐKZ57mm, cối 81mm). Khu B có sở chỉ huy tiểu đoàn và hai đại đội bộ binh được trang bị ĐKZ 57mm, pháo 37mm, có một lô cốt lớn và nhiều ụ chiến đấu. Tu Vũ còn được sự yểm trợ của 19 khẩu pháo từ Đá Chông, Chẹ, Thủ Pháp.

8 giờ tối ngày 10, toàn trung đoàn từ dãy Yên Lãng chia làm ba mũi tiến xuống chiếm lĩnh trận địa tiến công. Tiểu đoàn 29 (có sở chỉ huy trung đoàn đi cùng) triển khai chiếm lĩnh phía đông khu B. Tiểu đoàn 23 chiếm lĩnh phía bắc khu A, tiểu đoàn 322 chiếm lĩnh đông nam khu C. Trong quá trình bộ đội tiến vào chiếm lĩnh thì bị địch phát hiện. Các loại hoả lực trong cứ điểm bắn ra ngăn chặn, pháo từ các vị trí Chẹ, Đá Chông, Thủ Pháp tạo thành một vành đai lửa bao quanh cứ điểm. Mặc cho pháo địch bắn dữ dội, các cánh quân của ta vẫn tìm mọi cánh tiếp cận cứ điểm. Đại đội chủ công Tô Văn, lợi dụng khoảng ngừng giữa những loạt pháo, nhanh chóng tiếp cận hàng rào khu A. Các đơn vị khác đều bị pháo địch chặn lại. Riêng tiểu đoàn 322 trung đoàn 88 ở mũi diện kịp nổ súng đúng giờ quy định chiếm được khu C. 2 giờ sáng 11, ba khẩu pháo của ta cùng phát hoả bắn sập ba lô cốt. Tất cả các loại súng bộ binh tập trung bắn vào khu A, xung kích nối tiếp nhau xông lên dùng bộc phá đánh tan hàng rào dây thép gai, bãi mìn và xung phong. Tại khu B, đại đội 23, tiểu đoàn 23 đã dùng kìm kéo bí mật cắt rào, tiến vào đồn địch diệt sáu ụ súng. Quân địch hoàn toàn bất ngờ, chúng cho rằng trong năm giờ qua, 29 khẩu pháo với 5.000 quả pháo yểm trợ Tu Vũ, đã nghiền nát những đơn vị xung kích. Nhưng quân ta vẫn xuất hiện giữa cứ điểm chiếm sở chỉ huy, số địch sống sót bỏ chạy ra phía bờ sông. 5 giờ sáng quân ta hoàn toàn làm chủ Tu Vũ3. Trận Tu Vũ là một trong những trận đánh xuất sắc của chiến dịch Hoà Bình, làm rung chuyển tuyến phòng thủ sông Đà của địch.

Sáng 11 tháng 12 địch cố mở thông tuyến sông Đà. Một đoàn ca nô từ phía Trung Hà tiến lên, bị tiểu đoàn 84 trung đoàn 36 phục ở Đoan Hạ, bắn chìm một chiếc, bắn bị thương hai chiếc, số còn lại chạy về Trung Hà. Chiều 11 tháng 12, một đoàn ca nô khác từ thị xã Hoà Bình xuống, bị tiểu đoàn 6 trung đoàn 141 phục ở Lạc Song, bắn chìm một chiếc, bắt 15 tù binh. Tuyến cơ động trên sông Đà của địch bị cắt đứt.

Ngày 13 tháng 12, tại phía bắc thị xã Hoà Bình, địch đi sục sạo đến xóm Mới, gặp tiểu đoàn 16 trung đoàn 141 chặn đánh diệt một trung đội, địch phải rút về thị xã. Ngày 14 tháng 12, địch rút binh đoàn cơ động số 4 về Trung Hà, kết thúc cuộc càn quét vùng Ba Vì.

Trên hướng đường số 6, đầu tháng 12, Đại đoàn 304 đã tới nam đường 6. Ngày 12, trung đoàn 66 của đại đoàn phục kích trên quãng đường từ Cầu Dụ đến Hang Đá, cách Hoà Bình 15 ki-lô-mét về phía đông bắc. Khu vực này địch đã phát quang hai bên đường, vì vậy bộ đội phải giấu quân cách đường 500 mét, chỉ có các bộ phận cảnh giới, chặn đầu, khoá đuôi là bố trí tương đối gần đường. 11 giờ 45 phút, 30 xe địch phủ bạt kín từ Xuân Mai lên, cùng lúc bốn xe chở đầy lính từ Hoà Bình xuống đón. Chờ cho đoàn xe lọt vào trận địa, bộ đội ta nổ súng tiêu diệt bọn đi đầu và cuối đoàn xe. Toàn bộ đoàn xe bị chặn lại ở khu vực Cầu Dụ. Dưới sự chi viện của hỏa lực, bộ đội ta vận động đánh thẳng vào đoàn xe. Sau 20 phút chiến đấu, 34 chiếc xe và toàn bộ quân địch trên xe bị tiêu diệt.

Ngày 13 tháng 12, tiểu đoàn 352 trung đoàn 9 được một trung đội địa phương Hoà Bình phối hợp chiến đấu thực hiện trận phục kích ở làng Giang Mỗ, đoạn từ Hoà Bình đi Chợ Bờ, cách thị xã Hoà Bình khoảng 10 ki-lô-mét. Tiểu đoàn bố trí trận địa phục kích trong phạm vi hơn một ki-lô-mét. 10 giờ 30 phút, đoàn xe chở một đại đội Âu - Phi lọt vào trận địa. Ta dùng ĐKZ và đại liên bắn mạnh vào đoàn xe tạo điều kiện cho các đại đội xung phong. Sau 30 phút chiến đấu, năm xe GMC và xe tăng bị phá huỷ, hơn một đại đội Âu-Phi bị diệt và bị bắt. Trong trận này, tiểu đội trưởng Cù Chính Lan đã dũng cảm mưu trí, tiếp cận dùng lựu đạn diệt xe tăng địch, mở đầu cách đánh xe tăng bằng lựu đạn của bộ đội ta.

Ngày 15 tháng 12, địch đưa hai đại đội vào xóm Bãi Bể (Cao Phong) sục sạo, phá kho tàng. Chờ khi địch rút về, tiểu đoàn Đinh Công Niết chặn đánh tại xóm Mán - điểm cao 585, diệt và bắt trên 100 tên.

Đợt 1 chiến dịch kết thúc ngày 26 tháng 12. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 23 đại đội chủ lực địch, phần lớn là lính Âu-Phi, bắn chìm bảy ca nô, tàu, xuồng; bắn bị thương hai chiếc khác trên sông Đà, uy hiếp mạnh đường số 6, cắt đứt tuyến sông Đà.

Phối hợp với Hoà Bình, ở mặt trận địch hậu, Đại đoàn 320, Đại đoàn 316 đã phối hợp cùng các lực lượng vũ trang địa phương tiến công địch rộng khắp, giành thắng lợi lớn, nhất là ở Bắc Ninh và Phát Diệm. Địch phải điều quân ở Hoà Bình về đối phó. Khi bị quân ta uy hiếp mạnh ở Hoà Bình, địch buộc phải bỏ dở cuộc càn ở Bắc Ninh, lại điều quân về ứng cứu cho khu vực sông Đà, Ba Vì.

Sau đợt 1, sở chỉ huy chiến địch chuyển từ Đồng Lương về xóm Giớn, Tân Lập, tây Tu Vũ 7 ki-lô-mét. Mở đầu đợt 2, đêm 29 tháng 12, trung đoàn 141, Đại đoàn 312 bí mật tập kích địch ở các điểm cao 600, 165 và 400 (Ba Vì), diệt gần 100 địch, bắt 96 tên (có 35 lính lê dương). Quân ta hy sinh 16 người, bị thương 60 người. Ngày hôm sau (30 tháng 12), địch điều các binh đoàn cơ động số 1 và số 3 cùng một tiểu đoàn dù lên chiếm lại điểm cao 600. Chúng còn đưa binh đoàn cơ động số 4 từ Đá Chông càn vào điểm cao 149; đưa binh đoàn cơ động số 1 càn vào phía bắc Ba Vì. Do tình hình địch thay đổi, ta lại bố trí lực lượng quá xa đường nên không đánh được địch.

Trên đường số 6, đêm 30 tháng 12, trung đoàn 9 Đại đoàn 304 tiến công vị trí Hàm Voi, tiểu đoàn 418 diệt được hai phần ba lực lượng địch trong đồn. Ta bị thương vong trên 100 đồng chí do tổ chức kiềm chế pháo địch chưa tốt. Cũng trong thời gian này, mặt trận sau lưng địch ở đồng bằng Bắc Bộ hoạt động mạnh, rộng khắp, thu được thắng lợi to lớn, tiêu diệt, bức rút nhiều đồn bốt, phát triển, mở rộng nhiều khu căn cứ liên hoàn. Cũng đêm 30, trên đường 21, trung đoàn 57 Đại đoàn 304 tiêu diệt vị trí Đồi Mồi. Đến đây Bộ Tổng tư lệnh quyết định kết thúc đợt 2 chiến dịch.
_________________________________________
1.Kết quả trong 78 ngày đêm bảo đảm cho chiến dịch các Ban cung cấp mặt trận đã tiếp tế cho bộ đội 6.475 tấn lương thực, thực phẩm, 280 tấn đạn, cứu chữa 6.390 thương binh.
2.Số lượng gạo thực tiêu thụ sau này là 3.244 tấn.
3.Kết quả, trận này ta diệt 158 tên, bắt sống 12 tên, phá hủy một xe tăng, hai xe thiết giáp, năm khẩu pháo, thu một badôca, một ĐKZ, tám đại liên cùng nhiều vũ khí đạn dược. Ta hy sinh 152 đồng chí, bị thương 490 đồng chí, (chủ yếu do pháo địch).



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 16 Tháng Bảy, 2012, 09:52:59 am

Bước vào đợt 3, đêm 7 tháng 1 năm 1952, trung đoàn 102, Đại đoàn 308 tiến công cứ điểm Pheo. Địch có một tiểu đoàn bộ binh, một đại đội pháo, một trung đội xe tăng, tổ chức cứ điểm thành ba vị trí trên ba mỏm đồi gần nhau. Đúng giờ nổ súng, pháo ta bắn theo kế hoạch, trong lúc đó bộ binh chưa chiếm xong các mục tiêu. Các mũi đột phá đều gặp khó khăn. Sau khi mở cửa xong đều bị pháo và xe tăng địch bắn ngăn chặn, ta không phát triển được. Trận đánh không thành công. Cùng đêm, trung đoàn 66 Đại đoàn 304 tiến công vị trí Đầm Huống. Vì đánh giá địch không đúng, nên khi đột phá không có hoả lực mạnh để yểm hộ, mở cửa xong bị pháo và xe tăng địch ngăn chặn, không phát triển được vào tung thâm, quân ta bị thương và hy sinh hàng trăm người.

Trong khi hai trung đoàn 102 và 66 đánh các vị trí Pheo, Đầm Huống, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định sử dụng trung đoàn 36 Đại đoàn 308 hoạt động trên hướng phối hợp tại thị xã Hoà Bình. Tối ngày 7, đại đội 41 của tiểu đoàn 84 bí mật tiếp cận trận địa pháo địch ở khu Kiểm Lâm nằm sâu trong thị xã. Cùng thời gian này, các đại đội 61, 62 của tiểu đoàn 80 đã áp sát hai vị trí Đồi Cháy và Đồi Dè, các đại đội 42 và 43 của tiểu đoàn 84 cũng áp sát vị trí Khuỷu và Rậm nằm dọc con đường rút ra của những chiến sĩ tập kích pháo. 12 giờ 30 phút, sau tiếng bộc phá mở rào, các chiến sĩ của đại đội 41 nhanh chóng nhét thủ pháo vào nòng pháo, phá hoàn toàn bốn khẩu 105 mm nằm trong trận địa. Nghe tiếng nổ phát ra từ trận địa pháo, tất cả các đơn vị xung kích đồng loạt nổ súng. Sau gần một giờ chiến đấu, hai tiểu đoàn của trung đoàn 36 đã tiêu diệt gọn bốn vị trí: Đồi Cháy, Đồi Dè, Khuỷu, Rậm và một trận địa pháo địch.

Bị ta đánh mạnh trên đường số 6 và thị xã Hoà Bình, ngày 8 và 9 tháng 1, Xa-lăng gấp rút đưa toàn bộ lực lượng trên tuyến sông Đà về thị xã Hoà Bình và đường số 6 để chuẩn bị cho cuộc rút lui. Quân ta tiếp tục bao vây thị xã và các vị trí địch trên đường số 6.

Ngày 27 tháng 1, Tổng Quân uỷ họp, nhận định: “Theo thế chung thì muốn hay không muốn, địch cũng phải rút khỏi Hoà Bình”. Căn cứ vào ý định của Tổng Quân uỷ, Bộ Tổng Tham mưu xây dựng kế hoạch đánh địch rút chạy. Đại đoàn 308 (thiếu trung đoàn 102) được phối thuộc trung đoàn 209 Đại đoàn 312 phụ trách khu vực từ thị xã Hoà Bình tới Ao Trạch. Đại đoàn 312 được phối thuộc trung đoàn 102, phụ trách đoạn từ Pheo tới Ao Trạch. Đại đoàn 304 phụ trách đoạn từ Ao Trạch tới Xuân Mai và đưa một trung đoàn vào chuẩn bị hoạt động ở vùng Chợ Cháy, Xuân Mai, Mai Lĩnh.

Đêm 16 tháng 2, trung đoàn 141 Đại đoàn 312 tiến công đồi Chung Minh, do hai đại đội địch chiếm đóng. Các mũi nhanh chóng mở cửa mở phát triển đánh chiếm được nửa đồi. Nhưng do không nắm chắc địch, quân ta bị thương vong nhiều, phải rút ra ngoài, không hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt vị trí này.

17 giờ ngày 22 tháng 2, năm tiểu đoàn địch ở thị xã Hoà Bình tổ chức vượt sông Đà. Trung đoàn 36 ở bắc thị xã được lệnh đánh địch, nhưng do pháo địch bắn chặn, mãi tới sáng mới đến thị xã. Đại bộ phận quân địch đã qua sông, chỉ còn tiểu đoàn 2 dù (2e BEP) và tiểu đoàn 3 thuộc bán lữ đoàn lê dương thứ 13 (3/13e DBLE) đang được máy bay và đại bác bảo vệ chặt chẽ, tiếp tục qua sông. Trung đoàn 36 kiên quyết tiến công, pháo ta ở bến Ngọc đồng loạt bắn vào đội hình địch ở cả hai bên bờ sông Đà. Một chiếc ca nô bị bắn chìm, một số xe cơ giới bị phá huỷ, nhưng tới trưa quân Pháp vẫn qua sông. Buổi chiều, trung đoàn 209 tiến công vị trí Pheo, khi GM1 đang rút khỏi đây. Máy bay địch nối nhau trút bom và bắn vào quân ta, bảo vệ cho binh lính tháo chạy về phía đoàn xe trên đường 6. Trận địa phòng không 12,7 mm của ta bắn rơi tại chỗ một chiếc máy bay Hen-cát.

Ngày 24 tháng 2, địch ở Ao Trạch tiếp tục rút về Đồng Bãi. Trên quãng đường này, trung đoàn 9 Đại đoàn 304 xuất kích kịp thời, chặn đánh một bộ phận, diệt gần hai đại đội địch. Trung đoàn 57 Đại đoàn 304, dùng hoả lực bắn đuổi theo diệt thêm hàng chục tên.

Ngày 25 tháng 2, quân địch tiếp tục rút khỏi Đồng Bãi về Xuân Mai. Nhìn chung, địch tổ chức rút quân chặt chẽ, dùng tới 30 nghìn viên đạn pháo để yểm trợ cho cuộc rút quân. Trong ba ngày đánh địch rút lui, ta tiêu diệt sáu đại đội địch, phá huỷ 23 xe quân sự, thu trên 100 tấn đạn dược và quân trang, quân dụng. Ngày 25 tháng 2, Tổng Quân uỷ quyết định kết thúc chiến dịch.

Qua hai tháng rưỡi chiến đấu liên tục, ta đã phá kế hoạch chiếm đóng Hoà Bình của địch, giải phóng khu vực Hoà Bình, sông Đà với diện tích trên 1.000 km2 nghìn dân. Tại mặt trận Hoà Bình, ta diệt 6.012 tên địch, thu 24 khẩu pháo các loại, 788 súng, 98 máy vô tuyến điện, phá huỷ 12 khẩu pháo, bắn rơi chín máy bay, bắn chìm và bắn cháy 17 ca nô, tàu, xuồng, phá huỷ 246 xe quân sự.

Mặt trận địch hậu (Trung Du, Liên khu 3), ta loại khỏi vòng chiến đấu 15.237 tên địch, thu 6.126 súng các loại, giải phóng 4.000 km2 với hơn một triệu dân. Tổn thất chung của địch là 21.249 tên (14.030 tên chết).



Chiến dịch Hoà Bình kết thúc thắng lợi. Cuộc chiến đấu của quân dân ta trên chiến trường Trung Du, Liên khu 3, mặt trận phối hợp quan trọng của chiến dịch Hoà Bình, đã đạt được hiệu quả to lớn. “Thắng lợi to lớn của ta ở mặt sau lưng địch làm thay đổi tình thế đồng bằng Bắc Bộ, đã có ý nghĩa quyết định thắng lợi của toàn bộ Chiến dịch Hoà Bình”1.

Tổn thất của chủ lực ta ở hướng chính và hướng phụ là 11.193 người (có 2.692 đồng chí hy sinh)2.

Ta đã đánh bại âm mưu đánh chiếm vùng tự do của địch, phá ý đồ giành lại quyền chủ động trên chiến trường Bắc Bộ và phá tan âm mưu thâm độc chia rẽ đồng bào Mường của chúng.

Với thất bại ở chiến dịch Hoà Bình, chính phía Pháp cũng phải công nhận rằng: “Chúng ta đã bị thiệt hại nặng nề về chiến lược, không thu được một kết quả quyết định nào. Chiến dịch Hoà Bình đã giam chân các binh đoàn chủ lực cơ động tinh nhuệ của ta ở xa đồng bằng trong một thời gian dài. Do đó đã tạo thế lợi cho đối phương đưa các binh đoàn chủ lực lọt vào đồng bằng hoạt động. Đối phương đã giành được thắng lợi quan trọng”3.

Về ý nghĩa chiến thắng Hoà Bình, Nhật lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh nêu rõ: “Chiến dịch này là chiến dịch lớn nhất từ trước tới nay, ta đã phối hợp nội ngoại tuyến hết sức chặt chẽ. Ta phối hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích trên một quy mô rộng lớn... Thắng lợi của Chiến dịch Hoà Bình là thắng lợi quân sự, chính trị và kinh tế. Nó đánh bại âm mưu cố gắng giành lại quyền chủ động của Đờ Lát đờ Tát-xi-nhi”.

Trong Chiến dịch Hoà Bình, nghệ thuật chiến dịch đã giải quyết thành công nhiều vấn đề mới và rất phức tạp, chủ yếu là giải quyết sự hiệp đồng giữa các lực lượng và các hình thức hoạt động, nhằm tạo nên thế mạnh tổng hợp của chiến dịch, hình thành thế bao vây chia cắt để tiêu diệt địch và đánh bại hoàn toàn âm mưu của chúng. Đây là bước phát triển mới rất quan trọng về nghệ thuật chiến dịch của ta. Sự phát triển ấy rất sinh động, sáng tạo và độc đáo. Sự thành công của nghệ thuật trong chiến dịch Hoà Bình là ở chỗ nhận định đánh giá tình hình địch, ta đúng; xây dựng quyết tâm vững chắc, kết hợp mọi hoạt động của các lực lượng giữa hai mặt trận Hoà Bình và mặt trận vùng sau lưng địch một cách chặt chẽ; bố trí sử dụng lực lượng chính xác, chỉ huy xử lí các tình huống tài tình.

Bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch trong Đông Xuân 1951 - 1952 là ta đã nhạy bén với diễn biến thực tế chiến trường, kiên quyết chuyển ngay loại hình chiến dịch từ phản công sang tiến công; đồng thời tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa chiến dịch tiến công Hoà Bình (chính diện) với mặt trận sau lưng địch (hậu địch) ở Trung Du và đồng bằng Bắc Bộ, làm cho hệ thống kìm kẹp của địch tan vỡ từng mảng lớn.

Ta đã có chủ trương đúng và vận dụng tốt hai phương châm tác chiến chiến dịch: “đánh điểm diệt viện” và “liên tục chiến đấu”. Đó là hai điểm đặc sắc của cách đánh chiến dịch, nghệ thuật chiến dịch và cũng là một trong những nguyên nhân rất quan trọng trực tiếp quyết định thắng lợi của Chiến dịch Hoà Bình.

Ngày 25 tháng 2 năm 1952, nhân dịp giải phóng tỉnh Hoà Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi Bộ chỉ huy chiến dịch và các chiến sĩ mặt trận Hoà Bình, dân công phục vụ và đồng bào địa phương. Bức thư có đoạn: “So với những thắng lợi trước, thắng lợi lần này là khá to. Thắng lợi lần này đã đánh dấu một bước tiến bộ mới của bộ đội ta, và đã làm cho địch phải thất bại nhục nhã trong âm mưu củng cố phòng ngự chuyển lên tiến công, nhưng bộ đội phải luôn luôn cố gắng thi đua giết giặc lập công và ra sức học tập chỉnh huấn, đồng bào phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất hơn nữa để tranh lấy thắng lợi to hơn nữa”4.

Ngày 12 tháng 4 năm 1952, hội nghị tổng kết Chiến dịch Hoà Bình được tiến hành. Hội nghị khẳng định: về vận dụng chiến thuật, ta đã thực hiện đúng nguyên tắc tập trung ưu thế về binh lực, thực hiện bao vây, chia cắt tiêu diệt địch. Tập trung binh lực ở một điểm để đánh ngã địch đồng thời bố trí lực lượng hai đến ba mặt để bao vây tiêu diệt địch.

Đánh gần để hạn chế chỗ mạnh của địch về hoả lực pháo binh và máy bay và lợi dụng chỗ yếu của địch về tinh thần. Do đó, trong đánh công kiên phải chiếm lĩnh trận địa và đột phá tiền duyên bí mật nhanh chóng để có thời gian và đủ lực lượng đánh tung thâm.

Ta đã có sáng tạo trong chiến thuật, như ở hướng chính, ngoài đánh công kiên và vận động như các chiến dịch trước đây, lần này ta phát triển nhiều cách đánh mới như: đánh địch vận chuyển trên sông, dùng lực lượng ít nhưng tinh nhuệ, tập kích tiêu diệt các điểm cao và trận địa pháo địch. Ở hướng phối hợp, đã phát triển đánh điểm diệt viện, tiến công và nổi dậy của quần chúng. Đặc biệt nổi lên cách đánh tập kích sâu vào lòng địch như trận Phát Diệm (Ninh Bình).

Chiến dịch Hoà Bình là một biểu hiện tập trung của nghệ thuật chiến tranh toàn dân trong kháng chiến chống Pháp. Bằng ba thứ quân đồng loạt tiến công liên tục chiến đấu trong chiến dịch dài ngày trên một chiến trường rộng lớn đã chứng tỏ khả năng phối hợp nhịp nhàng, lối đánh muôn màu, muôn vẻ của chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã làm thất bại đòn tiến công chiến lược của địch.
_______________________________________
1.Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, H, 1974, t.1, tr.459.
2.Lịch sử Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), Nxb QĐND H.1991 tr. 556.
3.Theo “Đông Dương hấp hối” hồi ký của Na-va.
4.Hồ Chí Minh, biên niên tiểu sử, t.5, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1995, tr.186.



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Bảy, 2012, 03:30:38 pm

CHIẾN DỊCH QUẢNG NAM
(Tiến công, từ ngày 15 tháng 7 đến ngày 26 tháng 9 năm 1952)


Giữa năm 1952, ở miền Trung, bộ chỉ huy Pháp quyết định rút quân từ miền Bắc, miền Nam tăng cường cho miền Trung để đề phòng các cuộc tiến công của ta vào mùa khô. Địch đã đưa lực lượng ở miền Trung lên 12 tiểu đoàn bộ binh, một trung đoàn xe lội nước, tám đại đội pháo binh, 12 máy bay chiến đấu, chín máy bay B26 và một hạm đội gồm năm tàu hộ tống cùng nhiều tàu vận tải để mở các cuộc hành binh quy mô lớn.

Tại Quảng Nam - Đà Nẵng địch có 6.000 quân gồm: một tiểu đoàn lính Âu - Phi, một tiểu đoàn quân lê dương và quân ngụy, một tiểu đoàn hỗn hợp (một đại đội cơ giới một đại đội pháo, một đại đội cơ động), cùng số quân đóng tại 63 cứ điểm và trên 100 tháp canh trong tỉnh.

Mùa hè 1952, địch đã mở nhiều cuộc càn quét quy mô từ hai tiểu đoàn trở lên vào địa bàn tỉnh Quang Nam, củng cố lực lượng và bình định vùng chúng tạm kiểm soát, đồng thời mở rộng ra vùng du kích và vùng tự do.

Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Liên khu 5 điều trung đoàn 803 chủ lực liên khu ra Quảng Nam, phối hợp cùng lực lượng vũ trang tỉnh mở chiến dịch Hè Thu. Mục đích chiến dịch là: “Tranh lại vùng du kích, và phá thế uy hiếp của địch, tác chiến tiêu diệt địch, bồi dưỡng lực lượng ta, phối hợp với chiến trường Bình Trị Thiên”1. Bộ chỉ huy chiến dịch gồm Tư lệnh Nguyễn Bá Phát, Chính uỷ Bùi San, Phó tư lệnh Phan Hàm. Tham gia chiến dịch có trung đoàn chủ lực 803 và lực lượng vũ trang tỉnh.

Đêm 15 tháng 7; mở màn đợt 1, trung đoàn 803 tiến công tiêu diệt vị trí Xuân Đài, khu hành chính Phú Ký và một số tháp canh. Ngày 16 tháng 7, địch từ Phú Bổn tăng viện lên, chiếm lại các vị trí đã mất nhưng ta không đánh được.

Đêm 17 tháng 7, ta tiến công tiêu diệt đồn Vân Ly. Hôm sau địch cũng tăng viện chiếm lại. Tiếp đó, địch tập trung lực lượng mở đợt càn lớn ở Gò Nổi. Ta đánh địch càn quét, tiêu hao một số nhưng ta cũng bị thương vong nhiều.

Sáng 18 tháng 7, trên 2000 quân Âu - Phi cùng 40 xe bọc thép lội nước tiến vào Gò Nổi. Tiểu đoàn 39 đã cùng lực lượng địa phương bám trụ địa bàn đánh lui hàng chục đợt tiến công, diệt 200 tên, bắn cháy năm xe bọc thép. Sau đó, trung đoàn 803 để lại một bộ phận kết hợp với địa phương tiếp tục đánh địch càn quét vào Gò Nổi, lực lượng còn lại phân tán về các huyện Điện Bàn, Hoà Vang, Duy Xuyên, Đại Lộc, hỗ trợ cho phong trào chiến tranh du kích.

Đêm 19 tháng 8, mở đầu đợt 2, trung đoàn 803 tiến công tiêu diệt cứ điểm Tuy Loan. Chỉ sau 30 phút chiến đấu, quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt một đại đội Âu - Phi và một khẩu đội pháo 105 mm. Cùng lúc quân ta tiến công khu hành chính Kỷ Lam, diệt tháp canh Thượng Đức, làm vỡ hệ thống cứ điểm địch ở vùng Điện Bàn và tây Hoà Vang, hỗ trợ cho lực lượng địa phương quét tề ngụy, giành quyền làm chủ. Khu du kích và căn cứ du kích của ta mở rộng đến sát bờ nam sông Cẩm Lệ.

Sang đợt 3, liên tiếp trong các đêm 16, 17, 18 tháng 9, trung đoàn 803 tổ chức tiến công diệt cứ điểm Bà Dụ, Thượng Phước, Lê Sơn. Hàng trăm du kích vùng tự do đã được điều đến cùng bộ đội chủ lực tham gia chiến đấu uy hiếp cứ điểm Giao Thuỷ và tiêu diệt đoàn xe tiếp tế từ Ai Nghĩa đi Giao Thuỷ.

Bằng những trận tiến công liên tục và đấu tranh bền bỉ, quân dân Quảng Nam còn tiến sâu vào vùng địch kiểm soát diệt tháp canh, phá các đồn bốt như núi Chiêng, Cẩm Toại. Đêm 26 tháng 9, ta tiến công tiêu diệt đồn Dốc Nhất trên đèo Hải Vân, kết thúc chiến dịch.

Kết quả toàn chiến dịch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.200 tên địch, san bằng bảy cứ điểm, năm tháp canh, phá vỡ hệ thống bảo vệ vòng ngoài căn cứ liên hiệp Đà Nẵng của địch. Vùng du kích bắc Quảng Nam được mở rộng đến sát ngoại ô thành phố Đà Nẵng và Hội An.



Do vận dụng cánh đánh thích hợp, sáng tạo, chiến dịch Quảng Nam đã đạt được mục đích đề ra, góp phần làm cho thế trận chiến trường Khu 5 chuyển biến rõ rệt. Nhiều khu du kích và căn cứ du kích trong vùng tạm chiếm được củng cố và mở rộng, tạo thành thế liên hoàn giữa vùng du kích và vùng tự do. Đặc biệt là khu vực Gò Nổi, một trọng điểm chiêu hồi bình định của địch từ lâu, nay đã trở thành căn cứ du kích của ta.

Trải qua hai tháng chiến đấu, điểm nổi lên trong nghệ thuật chiến dịch ở chiến trường Quảng Nam là sự vận dụng linh hoạt phương châm kết hợp giữa tiến công tiêu diệt cứ điểm địch với triển khai lực lượng đánh địch càn quét. Kết hợp giữa tiến công địch ở phía trước với đưa bộ đội tuồn sâu vào phía sau lưng địch, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó trên nhiều hướng. Kết hợp giữa đòn tiến công chủ lực với phong trào chiến tranh du kích phát triển. Chiến dịch còn kết hợp giữa tiến công quân sự với phát động quần chúng diệt tề, trừ gian, mở rộng vùng làm chủ, tạo cơ sở vững chắc cả thế và lực, đưa cuộc kháng chiến trên địa bàn tỉnh tiếp tục tiến lên.
____________________________________
1.Quảng Nam Đà Nẵng 30 năm chiến đấu và chiến thắng, t.1. Nxb QĐND, H.1985 tr.189.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Bảy, 2012, 03:42:27 pm

CHIẾN DỊCH TÂY BẮC
(Tiến công, từ ngày 14 tháng 10 đến ngày 10 tháng 12 năm 1952)


Quân địch ở Tây Bắc được tổ chức thành khu tự trị Tây Bắc, gọi tắt là ZANO. gồm tám tiểu đoàn, trong đó có năm tiểu đoàn ngụy Thái và ba tiểu đoàn cơ động người Phi. Ngoài ra, có 40 đại đội ngụy Thái làm nhiệm vụ chiếm đóng, 11 khẩu pháo. Địch bố trí thành bốn phân khu: phân khu Nghĩa Lộ; phân khu Sông Đà; phân khu Sơn La và phân khu Lai Châu. Ngoài ra còn có các tiểu khu Tuần Giáo, Thuận Châu, Phù Yên. Địch đóng 400 cứ điểm, phần lớn là trung đội, có 40 cứ điểm đại đội. Riêng một vị trí Nghĩa Lộ, Mộc Châu, một nơi có một tiểu đoàn.

Năm 1952, khu Tây Bắc do trung tá Tơ-răng-ca (Tranca) chỉ huy, chúng ra sức củng cố vùng chiến lược quan trọng này, nhằm uy hiếp khống chế bên sườn, sau lưng và cắt liên lạc của ta giữa căn cứ Việt Bắc với Khu 3, che chở cho chúng ở Thượng Lào.

Toàn khu địch bố trí lực lượng như sau: phân khu Nghĩa Lộ: 1 tiểu đoàn Thái (1e BAT), tám đại đội độc lập, hai khẩu pháo; phân khu Lai Châu: một tiểu đoàn Thái khố xanh (BGT), 14 đại đội độc lập, năm khẩu pháo; phân khu Sông Đà: một tiểu đoàn Thái (2e BAT), bảy đại đội độc lập, một khẩu pháo; phân khu Sơn La: một tiểu đoàn Thái (3e BAT), 14 đại đội độc lập, ba khẩu pháo; tiểu khu độc lập Tuần Giáo (ĐAZANO.); một tiểu đoàn ngụy. Ngoài ra còn có ba tiểu đoàn cơ động, gồm toàn lính Âu - Phi đóng ở Lai Châu (2/2RTA, 5e và 17e Tabor).

Công sự ở Nghĩa Lộ - Gia Hội, Cửa Nhì, Phong Thổ đã được cải tiến, có hầm ngầm, lô cốt xi-măng cốt thép. Còn các vị trí khác đều xây dựng theo kiểu cũ. Phần lớn, các vị trí đều đóng trên điểm cao, tiếp tế bằng máy bay, hàng ngày địch phải xuống chân núi lấy nước, vì vậy dễ bị bao vây khống chế. Việc tiếp tế và tiếp viện cho toàn khu và phân khu chủ yếu dựa vào không quân với khả năng tối đa 48 tấn một ngày và một tiểu đoàn dù. Việc tiếp tế giữa phân khu và cứ điểm chủ yếu bằng sức người và ngựa thồ.

Về phía ta, từ cuối chiến dịch Hoà Bình (tháng 2 năm 1952), Bộ Chính trị đã có ý định mở chiến dịch trên hướng Tây Bắc. Ngày 17 tháng 7 năm 1952, Trung ương Đảng ta quyết định thành lập khu Tây Bắc, gồm bốn tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, rộng 44.300km2, dân số 440.000 người. Tây Bắc là một vùng rừng núi trùng điệp, nhiều dãy núi cao hơn 1000 mét. Đây là một vị trí chiến lược quan trọng đối với cách mạng ở Đông Dương.

Tháng 9 năm 1952, dựa vào so sánh thế lực giữa ta và địch trên chiến trường, căn cứ vào đề nghị của Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng tham mưu, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc nhằm mục đích: “Tiêu diệt sinh lực địch - Tranh thủ nhân dân vùng Tây Bắc - giải phóng một bộ phận đất đai ở Tây Bắc”1; và cử đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh chiến dịch, đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm chính trị, đồng chí Trần Đăng Ninh làm Chủ nhiệm cung cấp.

Để đảm bảo việc tổ chức và thực hành chiến dịch Tây Bắc giành thắng lợi, từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 9 năm 1952, Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng tư lệnh đã tổ chức hội nghị trao nhiệm vụ cho các đơn vị tham gia Chiến dịch Tây Bắc. Bảy trung đoàn chủ lực thuộc các đại đoàn 308, 312, 316 cùng với binh chủng phối thuộc có nhiệm vụ tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ, mở màn chiến dịch. Tiểu đoàn 910 của Tây Bắc luồn sâu vào vùng địch hậu ở Quỳnh Nhai, có nhiệm vụ củng cố và mở rộng cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương. Trung đoàn 176 Đại đoàn 316 ở lại Phú Thọ phòng ngừa quân địch đánh ra. Trung đoàn bộ binh 148, trung đoàn công binh 151, sáu đại đội pháo binh 75 mm và ba đại đội súng cối sẵn sàng chiến đấu. Một tiểu đoàn và 10 đại đội địa phương của các tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai cùng dân quân du kích khu Tây Bắc được huy động ở mức cao nhất phối hợp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Tổng quân số của hai hướng lên tới 36.000 người.

Ngày 19 tháng 9 năm 1952, Tổng cục Chính trị ra chỉ thị “Về công tác chính trị Chiến dịch Thu Đông 1952”, nêu rõ những công việc cụ thể để thực hiện nhiệm vụ công tác chính trị trong Chiến dịch Tây Bắc như sau:

“A- Động viên sâu rộng, nhiều lần và kế tiếp để làm cho thấm nhuần quyết tâm từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, làm cho ai nấy đều hăng hái, phấn khởi, tích cực hoàn thành nhiệm vụ của mình.

B- Bảo đảm cung cấp kịp thời, tìm đủ mọi cách tăng cường công tác cung cấp, hết sức giúp đỡ động viên ngành cung cấp, làm cho bộ đội luôn luôn được khoẻ mạnh để củng cố sức chiến đấu...

C- Bảo đảm chiến thuật được hoàn thành, kết hợp với kỹ thuật...

D- Bảo đảm chấp hành chính sách dân tộc thiểu số của Trung ương và kiên quyết thi hành tám điều mệnh lệnh của Hồ Chủ tịch (tức là giữ vững kỷ luật quần chúng)...

E- Hoàn thành công tác ngụy vận, làm đúng chính sách tù, hàng binh để mở đường tốt đẹp cho công việc tranh thủ nhân dân...

F- Tăng cường công tác chính sách đối với dân công...

G- Nâng cao tinh thần thương yêu nhau ngoài mặt trận, giải quyết chu đáo công tác thương binh...”2.

Phương châm hoạt động của ta “về chiến dịch là đánh dài ngày, đánh liên tục, tiến từng bước chắc, đồng thời sẵn sàng nắm thời cơ thuận lợi để phát triển nhanh chóng. Về chiến thuật là vây điểm, diệt viện; diệt viện, phá điểm”3.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Tổng quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh đã đề ra hai phương án tác chiến làm cơ sở cho việc chuẩn bị chiến dịch.

Phương án một, lấy phân khu Nghĩa Lộ làm hướng tiến công chủ yếu, tập trung binh lực tiêu diệt địch ở Nghĩa Lộ trước, đồng thời cho một bộ phận lực lượng chiến dịch vào hoạt động ở Phù Yên, Quỳnh Nhai, phát động nhân dân đấu tranh. Sau đó đưa Đại đoàn 308 về bảo vệ hậu phương. Đại đoàn 312, Đại đoàn 316, trung đoàn 148 tiếp tục tiến công giải phóng Sơn La.

Phương án hai, tập trung Đại đoàn 312, Đại đoàn 308, trung đoàn 148, tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ; Đại đoàn 316 tiêu diệt tiểu khu Phù Yên, đồng thời cho một tiểu đoàn của trung đoàn 176, một tiểu đoàn của trung đoàn 148 vào Yên Châu, Mai Sơn, Mường La phát động quần chúng đấu tranh, quấy rối hậu phương địch, chuẩn bị cho tiến công Sơn La. Giải quyết xong Nghĩa Lộ, Đại đoàn 308 về bảo vệ hậu phương, các lực lượng còn lại tiếp tục tiến đánh Sơn La.
____________________________________
1. Báo cáo kế hoạch tác chiến chiến dịch và tổng kết kinh nghiệm của các chiến dịch lớn, Bộ Tổng tham mưu Xb, 1963, t. 2, tr. 140.
2. Lịch sử công tác Đảng - công tác chính trị chiến dịch (1945-1975), Nxb QĐND, H. 1998, tr.136.
3. Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch, t.4, tr.240.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Bảy, 2012, 03:43:35 pm

Sau một thời gian chuẩn bị, để bảo đảm chắc thắng, Bộ chỉ huy chiến dịch xác định quyết tâm cuối cùng như sau: Tập trung binh lực tiêu diệt địch ở phân khu Nghĩa Lộ, đồng thời tiêu diệt tiểu khu Phù Yên, giải phóng hai nơi trên, phát triển thắng lợi, quét sạch địch tới sát bờ sông Đà, tạo điều kiện để tiến công Sơn La, sau đó nhanh chóng tiến quân vào Sơn La.

Công tác đảm bảo hậu cần, gạo ở hướng chính trong đợt 1 là 1.195 tấn cho bộ đội và 142 tấn cho dân công. Hướng phụ là 104 tấn cho bộ đội và 43 tấn cho dân công1. Dân công đi theo bộ đội là 4.300 người; dân công vận chuyển khác là 27.750 người2. Đợt 2 và 3 là 3.400 tấn (không kể số gạo dân công ăn trên dọc đường). Hai tỉnh Phú Thọ, Yên Bái huy động 450 chiếc thuyền, phà đưa 30.000 bộ đội, dân công cùng với binh khí kỹ thuật qua sông.

Về kế hoạch chiến dịch, ta dự kiến chia làm ba đợt. Đợt 1, tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ và tiểu khu Phù Yên, đồng thời cho một bộ phận chủ lực thâm nhập vùng Quỳnh Nhai, phối hợp với bộ đội địa phương kiềm chế địch. Đợt 2, nhanh chóng đánh Sơn La, kết hợp với việc cắt đường số 41 và hoạt động ở vùng sau lưng địch để cô lập Sơn La. Đợt 3, tiến công Sơn La.

Sở chỉ huy chiến dịch khi bộ đội tập kết và triển khai lực lượng, đặt tại Mậu A, khi nổ súng, đặt tại Khe Lóng trên đường 13, gần Ca Vịnh.

Ngày 14 tháng 10 năm 1952, Chiến dịch Tây Bắc mở màn. Trên hướng chủ yếu, trung đoàn 174 tiến công Ca Vịnh, nhưng do vây không chặt, địch đã chạy hết. Trung đoàn 141 đánh Sài Lương, do nắm địch không chắc, khi đánh vào mới biết địch đã đi nơi khác. Cùng ngày, ở phía sau, trung đoàn 98 tiêu diệt vị trí Gia Phù.

Ngày 15 tháng 10, Đờ Li-na-rét (De Linaris), Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ điều tiểu đoàn lê dương lên Nà Sản để bảo vệ Sơn La. Trong ngày Ti-ri-ông chỉ huy phân khu Nghĩa Lộ đưa đại đội Ta-bo về phía Khâu Vác thăm dò lực lượng ta. Một đơn vị của Đại đoàn 312 đã tiêu diệt gọn đại đội này ở Nậm Mười.

Ngày 16 tháng 10, quân địch ở các vị trí Thượng Bằng La, Ba Khe và một loạt vị trí nhỏ xung quanh những cứ điểm bị diệt tự động bỏ đồn rút chạy. Địch vội ném tiểu đoàn dù 6 (6e BPC) xuống Tú Lệ. Ngày 17, hai trung đoàn của Đại đoàn 308, lợi dụng sương mù, từ 9 giờ sáng, đã có mặt trên những quả đồi đối diện với Pú Chạng. Trung đoàn 88 chờ trời tối tiến vào vị trí Nghĩa Lộ Phố, ở cuối thị trấn do 400 tên địch chiếm giữ. Trung đoàn 36 đã bao vây đồn Cửa Nhì. 14 giờ 30 phút, súng cối 120mm của ta bắn vào trận địa pháo 105mm ở Nghĩa Lộ Phố, tạo điều kiện cho các mũi xung kích của tiểu đoàn 102 tiếp cận cứ điểm Pú Chạng. Máy bay địch đến bắn phá, yểm trợ. Các chiến sĩ phòng không của ta bắn rơi hai máy bay. Xung kích ta mở cửa đột phá, đại đội chủ công 267 lọt vào đồn, thọc sâu chia cắt quân địch. Sau ba giờ chiến đấu, quân ta làm chủ cứ điểm Pú Chạng, bắt 177 tên địch trong đó có viên quan tư chỉ huy phân khu.

Do chiếm lĩnh chậm, 3 giờ 5 phút ngày 18 tháng 10, trung đoàn 88 mới tiến công Nghĩa Lộ Phố. Sau 2 giờ 20 phút chiến đấu, ta đã chiếm được cứ điểm, loại khỏi vòng chiến đấu 280 tên (diệt 45 tên, bắt 235 tên). Trận Pú Chạng - Nghĩa Lộ, ta đã diệt gọn tiểu đoàn Thái số 1, đập tan phòng tuyến vòng ngoài của địch.

Trước áp lực của Đại đoàn 312 ở hướng tây bắc, quân địch ở Gia Hội bỏ đồn rút về Tú Lệ, cùng với tiểu đoàn dù 6 tháo chạy về phía sông Đà. Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy chiến dịch điều trung đoàn 165 tiến công Tú Lệ và truy kích địch đến đèo Cao Phạ, diệt và bắt gần 400 tên.

Trên hướng thứ yếu, đêm 14 tháng 10, trung đoàn 98 tiến công tiêu diệt cứ điểm Nha Phù, và đêm 17 tháng 10, tiêu diệt sở chỉ huy tiểu khu Phù Yên ở Bản Mo. Địch ở Vạn Yên rút chạy sang hữu ngạn sông Đà.

Ở hướng phối hợp, phía nam Lai Châu, ngày 14 tháng 10, tiểu đoàn 910 trung đoàn 148 đánh đại đội 5 của tiểu đoàn Thái, chúng phải rút chạy khỏi Quỳnh Nhai. Ngày 23, tiểu đoàn 542 trung đoàn 165 diệt một đại đội của tiểu đoàn Ta-bo 17 của địch ở Pắc Ná, số còn lại chạy sang bên kia sông Đà.

Sau 10 ngày chiến đấu, ta đã diệt 500 tên, bắt trên 1.000 tên, giải phóng một vùng đất quan trọng từ hữu ngạn sông Hồng đến tả ngạn sông Đà, từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, rộng 10.000km2. Ngày 23 tháng 10, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định kết thúc đợt 1 và di chuyển sở chỉ huy từ Khe Lóng về Gia Phù, gần Tạ Khoa, trên vùng đất vừa giải phóng.

Sau đợt 1, địch vội vã tăng cường thêm cho Tây Bắc tám tiểu đoàn mới là hai tiểu đoàn dù (6e BPC, 1e BEP), hai tiểu đoàn lê dương (3/1 REI và 3/5 REI), hai tiểu đoàn Phi (31 RTM và 27 BMTS), hai tiểu đoàn ngụy (55e BVN và 58 BCL). Cộng với tám tiểu đoàn còn lại, đưa quân số địch ở Tây Bắc lên 16 tiểu đoàn và 32 đại đội.

Ngày 5 tháng 11, Đờ Li-na-rét mở cuộc hành quân Lo-ren (Loraine), đánh lên Phú Thọ nhằm phá hậu phương ta, kéo chủ lực ta về hướng này. Địch đã huy động 13 tiểu đoàn bộ binh của các binh đoàn cơ động số 1, 2, 3, 4, 5 và ba tiểu đoàn dù, hai hải đoàn xung kích, bốn tiểu đoàn pháo binh, hai tiểu đoàn cơ giới, bảy đại đội công binh.

Ta đã bố trí ở Phú Thọ trung đoàn 176, một tiểu đoàn của trung đoàn 246 cùng với bộ đội địa phương có nhiệm vụ ngăn chặn quân địch. Bộ chỉ huy quyết định điều thêm trung đoàn 36 về Phú Thọ đánh địch. Mục tiêu và kế hoạch đợt 2 chiến dịch vẫn không thay đổi.

Ngày 7 tháng 11, trung đoàn 165 ở hướng thọc sâu nổ súng đánh Quỳnh Nhai. Địch tưởng đây là hướng chính, lập tức điều lên Lai Châu hai tiểu đoàn, đồng thời tăng viện cho Nà Sản hai tiểu đoàn.

Trên hướng chủ yếu (nam Sơn La), đêm 17 tháng 11, trung đoàn 209 tiêu diệt vị trí Bản Hoa. Đêm 18, trung đoàn 141 tiêu diệt vị trí Ba Lay. Với hai trận đánh, Đại đoàn 312 đã tiêu diệt gọn tiểu đoàn 3 Ma-rốc và một đại đội ngụy. Đêm 19 tháng 11, hai trung đoàn 174 và 198 phối hợp đánh Mộc Châu. Giờ đầu, các mũi tiến công ở hướng chủ yếu đột phá không thành công. Nhưng mũi thứ yếu chiếm được hai vị trí tiền tiêu, phát huy hỏa lực yểm hộ cho các hướng phát triển. Sau 2 giờ 15 phút chiến đấu, quân địch đầu hàng, tên tiểu đoàn trưởng Vanh-xăng (Vineent) bị bắt sống. Mộc Châu bị diệt. Địch ở các vị trí Chiềng Pan, Sông Con, Tạ Say, Sa Piệt, Tạ Khoa vội vã rút chạy, đường 6 được khai thông.

Ngày 18 tháng 11, địch rút Sơn La trung đoàn 165 tiếp quản Sơn La, truy quét bắt gần 500 tên tàn binh địch và trên 100 nhân viên ngụy quyền.

Trên hướng phối hợp, Ban chỉ huy mặt trận Y133, điều tiểu đoàn 910 và 542 bất ngờ tập kích Điện Biên Phủ. Địch chạy tan vào rừng, ta tổ chức lùng sục kết hợp với địch vận, bắt 726 tên, hầu hết thuộc tiểu đoàn Lào (58 BCL), thu 600 súng các loại.
______________________________________
1. Tổng kết Chiến dịch Tây Bắc, ta huy động 11.750 tấn gạo (tiêu thụ hết 9.890 tấn gạo, 164 tấn muối, 328 tấn thịt, 82 tấn thực phẩm khác).
2. Tổng kết Chiến dịch Tây Bắc, ta huy động 200.000 dân công bằng bảy triệu ngày công. Lượng vật chất bảo đảm cho chiến dịch khoảng 9.000 tấn lương thực thực phẩm, 120 tấn vũ khí, đạn dược và dụng cụ thuốc men cần thiết để cứu chữa cho khoảng 5.000 thương binh.
3. Mặt trận Y13 thành lập ngày 24 tháng 10 năm 1952, do Bằng Giang làm Tư lệnh. Mệnh lệnh số 33 (20 tháng 10). Tài liệu chỉ đạo chiến dịch. t.4, tr.342.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Bảy, 2012, 03:45:09 pm

Tại mặt trận Trung Du, ngày 17 tháng 11 năm 1952, một đoàn xe của GM4 về tới Chân Mộng trên đường số 2 lọt vào trận địa phục kích của ta, bị trung đoàn 36 tiêu diệt và bắt trên 400 tên địch, phá huỷ 44 xe cơ giới. Trong những ngày tiếp sau, các trung đoàn 36, 74 cùng lực lượng vũ trang địa phương đánh mạnh, địch tổn thất lớn và phải rút khỏi Việt Trì, kết thúc cuộc hành quân Lo-ren. Trong gần một tháng quân dân Phú Thọ đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.884 tên địch, trong đó bắt 173 tên, có 100 lính Âu - Phi, phá huỷ 60 xe cơ giới, thu nhiều vũ khí.

Ngày 25 tháng 11, đợt 2 chiến dịch kết thúc, sở chỉ huy chiến dịch chuyển về phía tây Tạ Khoa, trên đường đi Cò Nòi. Trong đợt 2 chiến dịch, ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, diệt và bắt trên 3.000 địch, trong đó có ba tiểu đoàn bị diệt gọn (3/1 RTM, 55e BVN, 58 BLC), giải phóng tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản), với diện tích tổng cộng là 17.700km2.

Cuối tháng 11 năm 1952, tại Tây Bắc, toàn bộ quân địch đã dồn về Nà Sản và thị xã Lai Châu. Tổng số quân địch ở Nà Sản có tám tiểu đoàn bộ binh và dù, một tiểu đoàn pháo, tám đại đội độc lập, một đại đội công binh. Trong số này có bốn tiểu đoàn lê dương (1e, 2e BEP, 3/3 REI, 3/5 REI), hai tiểu đoàn Bắc Phi (2/1 RTA, 2/6 RTM của GM1), và hai tiểu đoàn ngụy mới được khôi phục (2e và 3e BGT). Chúng tổ chức thành một tập đoàn cứ điểm gồm 24 điểm tựa đại đội và bốn điểm tựa trung đội trên các điểm cao, ở giữa có sân bay, trận địa pháo và sở chỉ huy. Nà Sản đã trở thành cụm phòng ngự tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch lúc này ở Tây Bắc.

Về phía ta, lực lượng lúc này còn 36 đại đội, tương đương với lực lượng địch. Trên cơ sở đó, Bộ chỉ huy quyết định triển khai đợt 3 chiến dịch. Mục tiêu là tập trung toàn bộ lực lượng tiến công quân địch ở Nà Sản. Phương châm tác chiến là: Đánh chỗ yếu trước, chỗ mạnh sau, bao vây toàn diện, công kích có trọng điểm, đánh ngoại vi trước, tranh thủ mở một mặt rồi đánh vào tung thâm.

Đêm 30 tháng 11, trung đoàn 102 cùng trung đoàn 88 của Đại đoàn 308 tiến công Pú Hồng (điểm cao 753). Sau 1 giờ 45 phút chiến đấu, ta diệt bốn trung đội của GM1 đóng tại đây, bắt sống viên quan ba chỉ huy. Cùng đêm, tiểu đoàn 115 của trung đoàn 165 Đại đoàn 312 tiến công vị trí Bản Hời. Sau hơn một giờ chiến đấu, ta diệt một đại đội địch. Nhưng hôm sau, dưới sự yểm trợ của máy bay và đại bác, địch mở nhiều đợt xung phong đánh chiếm lại vị trí này. Đêm 1 tháng 12, trung đoàn 174, cùng một bộ phận của trung đoàn 88 đánh Nà Sản không thành công. Trung đoàn 209 đánh Bản Vây cũng không kết quả. Trời sáng địch dùng máy bay oanh tạc và bắn trên 5.000 quả đạn pháo để cứu nguy cho các cứ điểm.

Ngày 2 tháng 12, địch thả dù tăng cường thêm cho Nà Sản hai tiểu đoàn, quyết giữ tập đoàn cứ điểm này. Qua bốn trận đánh trên, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận thấy ta chưa đủ khả năng tiêu diệt cụm cứ điểm Nà Sản. Đây là những cứ điểm nằm trong hệ thống cấu trúc chặt chẽ của một tập đoàn cứ điểm. Ta cần có thời gian nghiên cứu kỹ về kiểu phòng ngự mới của địch, nên ngày 10 tháng 12 năm 1952, Bộ chỉ huy đã quyết định kết thúc chiến dịch.

Kết quả toàn chiến dịch, tuy đánh tập đoàn cứ điểm Nà Sản không thành công, nhưng ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 6.029 tên địch (diệt 1.005 tên), diệt gọn bốn tiểu đoàn và 28 đại đội địch. Giải phóng một vùng rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng (khoảng 30.000km2 với 250.000 dân). Ta thương vong gần 6.000 người. Hội nghị sơ kết chiến dịch được tổ chức ngay tại sở chỉ huy tiền phương gần Tạ Khoa đã nhận định: “chiến dịch Thu Đông 1952 đã thành công ngoài mức dự kiến”.



Về ý nghĩa Chiến dịch Tây Bắc, ngày 10 tháng 12 năm 1952, trong hội nghị cán bộ các đơn vị dự chiến dịch, thay mặt Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch đánh giá: “Thu đông 1952 là thu đông chiến thắng Tây Bắc. Nếu nhìn rộng ra toàn chiến trường Bắc Bộ thì đó là thắng lợi lớn của ta trên con đường tiếp tục giành thế chủ động... Thắng lợi đó đã rèn luyện nhiều cho bộ đội ta về kỹ thuật, củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, củng cố và mở rộng khối đoàn kết toàn dân, tăng cường lực lượng kháng chiến của nhân dân, nâng cao lòng tin tưởng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đối với Đảng và Hồ Chủ tịch…”1. Chiến dịch Tây Bắc đã mở ra một thế chiến lược mới rất thuận lợi cho ta. Vùng giải phóng đã nối liền Tây Bắc với Việt Bắc và với Thượng Lào.

Về nghệ thuật chiến dịch, trong Chiến dịch Tây Bắc, ta đã vận dụng cách đánh khác với cách đánh của Chiến dịch Biên Giới và Chiến dịch Hoà Bình. Ta đã tập trung lực lượng tổ chức tiến công liên tục, đột phá tiêu diệt từng khu vực phòng ngự gồm nhiều cứ điểm tiểu đoàn, đại đội của địch có công sự vững chắc như ở Nghĩa Lộ, Quang Huy, Mộc Châu, đồng thời dành một lực lượng khác làm nhiệm vụ ngăn chặn, đón lõng để tiêu diệt quân địch chi viện hoặc rút lui. Ta đã kết hợp cả hai mặt đánh đồn và diệt viện, làm địch bị động đối phó. Chiến dịch đã phát triển nhanh chóng vào Tuần Giáo, Sơn La, Điện Biên Phủ và chỉ trong một thời gian ngắn, đại bộ phận hệ thống phòng ngự của địch ở Tây Bắc đã bị đập vỡ.

Nét phát triển nổi bật của nghệ thuật Chiến dịch Tây Bắc là sự chỉ đạo hình thành hoàn chỉnh hai hướng chủ yếu và thứ yếu của chiến dịch. Đó là sự phối hợp giữa hướng tiến công phía trước (nổi bật là hai trận đánh lớn Nghĩa Lộ và Mộc Châu), phá vỡ hệ thống phòng ngự chiều sâu của địch từ hữu ngạn sông Thao đến hữu ngạn sông Đà. Với những cách đánh hiểm, vu hồi, luồn sâu, chia cắt, nghi binh chiến dịch, ta đã giải phóng một vùng rộng lớn phía nam Lai Châu.

Trong chiến dịch, bộ đội ta đã thực hiện tốt phương châm “đánh điểm diệt viện” đối với quân chiếm đóng của địch trên chiến trường rừng núi. Ta đã diệt được cứ điểm do một tiểu đoàn tăng cường của địch chiếm giữ; đánh vận động diệt một tiểu đoàn địch rút chạy. Đây là bước trưởng thành mới của bộ đội ta.

Về cách đánh công kiên, ta đã tập trung tuyệt đối ưu thế binh lực hoả lực. Ở điểm, ta tập trung từ hai phần ba đến ba phần tư lực lượng. Ở diện, cũng tập trung ưu thế hơn địch. Các vấn đề khác như bao vây, chiếm lĩnh trận địa, đột phá tiền duyên, chiến đấu tung thâm, củng cố giữ vững trận địa, rút lui, hợp đồng giữa bộ binh và pháo binh, cũng như kiềm chế pháo binh địch... cũng được vận dụng hợp lý.

Tuy còn những hạn chế, nhưng chiến dịch này vẫn giành được thắng lợi to lớn. Vì vậy, ngày 29 tháng 1 năm 1953, trong hội nghị tổng kết Chiến dịch Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác bằng lòng các chú, lần này chưa phải hoàn toàn, nhưng hơn mọi lần trước”2.
______________________________________
1. Báo cáo kế hoạch tác chiến chiến dịch và tổng kết kinh nghiệm của các chiến dịch lớn, Bộ Tổng tham mưu, Xb. 1963, t. 2, tr.217.
2. Hồ sơ 579, trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 18 Tháng Bảy, 2012, 06:27:58 pm

CHIẾN DỊCH AN KHÊ
(Tiến công, từ ngày 13 đến ngày 28 tháng 1 năm 1953)


Trên địa bàn Liên khu 5, do hạn hán kéo dài, nhiều địa phương mất mùa, nạn đói đe dọa, bộ đội gặp khó khăn về bảo đảm hậu cần, nên vào thời gian chiến trường chính Bắc Bộ mở Chiến dịch Tây Bắc (tháng 10 đến tháng 12 năm 1952), Liên khu không mở được đợt hoạt động phối hợp. Mãi những ngày cuối năm 1952, Bộ tư lệnh Liên khu mới quyết định mở Chiến dịch An Khê nhằm tiêu diệt sinh lực định, đẩy mạnh chiến tranh du kích phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ.

Khu vực phòng ngự của địch ở An Khê là hệ thống cứ điểm nằm trong khu vực từ đèo An Khê tới thị trấn An Khê thuộc huyện An Khê, tỉnh Gia Lai. Hệ thống cứ điểm này khống chế đoạn hiểm trở của đường 19 nối Quy Nhơn với Plây-cu và là một vòng cung ngăn chặn lực lượng của ta từ vùng du kích sông Ba tiến về phía tây. Các cứ điểm của địch trong khu vực này đều chiếm giữ các vị trí có giá trị. Vòng ngoài là các cứ điểm Kon Lía, Tú Thuỷ, Cửu An, Thượng An và Tháp Canh Eo Gió. Mỗi một cứ điểm vòng ngoài địch bố trí một đại đội sơn chiến, có công sự vững chắc và hỏa lực khá mạnh. Tú Thuỷ là cứ điểm trung tâm trong các cứ điểm vòng ngoài, nên địch xây dựng lô cốt kiên cố, có hàng rào và tổ chức ba tầng hoả lực để ngăn chặn ta từ xa. Tại các cứ điểm Tú Thuỷ, Cửu An, Thượng An, địch còn bố trí mỗi cứ điểm một khẩu pháo để phối hợp với trận địa pháo ở An Khê chi viện cho các cứ điểm khi bị tiến công.

Tháng 12 năm 1952, Bộ chỉ huy chiến dịch An Khê được thành lập, Bộ Tư lệnh Liên Khu 5 trực tiếp chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Nguyễn Chánh, Chính uỷ kiêm Tư lệnh Liên khu trực tiếp làm Tư lệnh chiến dịch. Theo quyết định của Liên khu, lực lượng tham gia chiến dịch gồm: trung đoàn 108 (ba tiểu đoàn: 19, 79, 50), trung đoàn 803, tiểu đoàn 40 chủ lực Liên khu và trung đoàn 120 bộ đội địa phương đang hoạt động trên địa bàn. Đây là lần đầu tiên Bộ tư lệnh Liên khu tập trung toàn bộ lực lượng chủ lực của Liên khu, cùng lực lượng địa phương hoạt động trên một địa bàn do Bộ tư lệnh Liên khu trực tiếp chỉ huy. Tham gia chiến dịch còn có hàng vạn dân công phục vụ trực tiếp cho hướng chính của chiến dịch và hoạt động nghi binh trên hướng phối hợp.

Ý định tác chiến của Bộ chỉ huy chiến dịch là: sử dụng các tiểu đoàn tiến công diệt các cứ điểm vòng ngoài: Tú Thuỷ, Cửu An, Eo Gió, Thượng An,… uy hiếp trực tiếp An Khê và đường 19, buộc địch phải tăng viện phản kích chiếm lại các cứ điểm đã mất, tạo điều kiện để ta đánh địch ngoài công sự, tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực của chúng.

Cuối tháng 12 năm 1952, ta bắt đầu di chuyển lực lượng, vận chuyển vật chất bảo đảm cho chiến dịch. Cùng với việc di chuyển lực lượng và vận chuyển vật chất vào hướng An Khê, ta đồng thời huy động dân công vận chuyển nghi binh trên các hướng Khánh Hoà, Đắc Lắc, bắc Kon Tum và Đồng Xanh, Đồng Nghệ, Phú Túc (Quảng Nam). Các cầu lớn trên tuyến đường sắt Quảng Ngãi - Bình Định được bí mật khôi phục để đưa trung đoàn 108 từ Quảng Ngãi vào khu tập kết, sau đó lại phá sập để che mắt địch. Trung đoàn 803 đang đóng quân ở một khu đông dân, trước khi dời đi phải cho một đơn vị huấn luyện tân binh vào thay thế và hoạt động thường xuyên như hoạt động của trung đoàn 803.

Bằng hoạt động nghi binh chặt chẽ, ta đã giữ được bí mật hướng mở chiến dịch. Địch phát hiện chủ lực ta di chuyển, song không xác định được hướng hoạt động của chủ lực ta. Chúng vội vã báo động chiến đấu ở nam Tây Nguyên và tăng cường cho Quảng Nam hai tiểu đoàn Âu - Phi. Hướng An Khê địch hầu như không ngờ tới.

Sau khi chuẩn bị chu đáo mọi mặt, 1 giờ sáng ngày 13 tháng 1 năm 1953, trung đoàn 108 phát lệnh nổ súng, đồng loạt tiến công các cứ điểm Tú Thuỷ, Cửu An và Eo Gió. Bộ đội ta trên các hướng dũng mãnh tiến công, địch ở Cửu An, Eo Gió hoảng loạn và bị tiêu diệt sau 30 phút chiến đấu. Riêng Tú Thuỷ, địch lợi dụng lô cốt, hàng rào và sự chi viện hoả lực của An Khê và Thượng An chống trả quyết liệt. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt, ta phải tổ chức xung phong nhiều lần, tập trung hoả lực diệt từng lô cốt, ụ súng, đến gần sáng mới diệt và làm chủ được Tú Thuỷ.

Tú Thuỷ, Cửu An, Eo Gió bị diệt, quân địch ở Kon Lía hốt hoảng bỏ lại cả kho tàng, đạn dược, tìm đường tháo chạy. Hệ thống cứ điểm vòng ngoài bảo vệ An Khê bị vỡ, Thượng An bị cô lập, đường 19 bị uy hiếp trực tiếp. Quân Pháp ở Tây Nguyên nằm trong tình trạng báo động và vội vã điều động lực lượng chi viện cho An Khê. Ngay sáng ngày 14 tháng 1, địch cho hai đại đội từ An Khê ra phản kích thăm dò, bị ta chặn đánh ở suối Vối khiến chúng phải vội vã quay trở lại An Khê.

Nắm vững phương châm “đánh điểm diệt viện”, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định: “Thế nào địch cũng hành quân giải toả áp lực của ta ở đông bắc An Khê”, do đó hạ quyết tâm sử dụng trung đoàn 108 diệt viện trên đường Hoàng Hoa Thám (nhánh đường số 7, An Khê - Cửu An). Thực hiện ý định của Bộ chỉ huy, trung đoàn 108 đã tổ chức lực lượng phục kích ở đoạn đường trên. Trận địa phục kích của trung đoàn được bố trí bất ngờ ở quãng rừng trống trải cách đồn Cửu An khoảng 500 mét.

Sau mấy ngày cho máy bay và biệt kích lùng sục thăm dò không phát hiện được gì, ngày 17 tháng 1, địch điều động tiểu đoàn sơn chiến số 8, có xe bọc thép dẫn đầu, từ An Khê theo đường Hoàng Hoa Thám tiến đến Cửu An. 10 giờ 30 phút ngày 17, đội hình hành quân cửa địch lọt vào trận địa phục kích của trung đoàn 108. Bộ đội ta giấu quân bí mật trong các cánh rừng thưa, đồng loạt xung phong chia cắt đội hình địch. Do chủ quan, đội hình hành quân của địch kéo dài, không có phòng bị nên khi bị đánh bất ngờ, cả tiểu đoàn địch nhanh chóng rối loạn và tan rã. Bộ đội ta tổ chức truy kích bọn địch tháo chạy, thu dọn chiến trường và giấu quân chuẩn bị cho trận chiến đấu tiếp theo.

Trong khi địch ở An Khê còn đang lúng túng, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng trung đoàn 803 tiến công cứ điểm Thượng An và lô cốt Đầu Đèo, hai cứ điểm trấn giữ đường 19 ở đoạn đèo An Khê.

Từ khi Tú Thuỷ, Cửu An, Eo Gió bị diệt, bọn địch ở các cứ điểm còn lại rất chú ý đề phòng. Ban đêm chúng đưa một bộ phận phục kích ở ngoài đồn đồng thời tổ chức canh phòng rất cẩn mật. Sau mấy lần tiếp cận bị lộ, bộ đội ta đã nắm chắc quy luật hoạt động của địch. Rạng sáng ngày 21 tháng 1, tại Thượng An, khi bọn địch phục kích bên ngoài rút về đồn, một lực lượng nhỏ của tiểu đoàn 59 liền bám sát theo sau và diệt ngay lô cốt đầu cầu trong sự ngỡ ngàng của địch. Lô cốt đầu cầu bị diệt, quân địch trong đồn còn đang ngơ ngác, lộn xộn thì các mũi xung kích của tiểu đoàn 59 dũng mãnh xung phong dưới sự chi viện của hoả lực. Sau 15 phút chiến đấu tiểu đoàn 59 thuộc trung đoàn 803 đã làm chủ cứ điểm Thượng An, thu nhiều vũ khí, đạn dược, trong đó có khẩu pháo 105mm.

Tại lô cốt Đầu Đèo, bọn địch chui vào lô cốt kiên cố liều chết chống đỡ. Bộ đội ta một mặt dùng hoả lực chế áp, một mặt tiếp cận đặt lượng bộc phá 40 kg đánh sập lô cốt. Lô cốt Đầu Đèo bị tiêu diệt nhanh chóng.

Như vậy, đến ngày 21 tháng 1, toàn bộ cứ điểm bảo vệ phía bắc An Khê bị diệt, An Khê và tuyến phòng thủ Măng Giang trực tiếp bị uy hiếp. Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp vội vã điều ba tiểu đoàn dự bị chiến lược đến tăng viện cho An Khê và đưa tàu hàng không mẫu hạm A-rô-măng-sơ (Aromanche) tới Qui Nhơn. Có thêm lực lượng, địch điều tiểu đoàn dù nguỵ số 1 (1er BPVN) phản kích chiếm lại Thượng An.

Dự đoán đúng ý đồ của địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch sử dụng tiểu đoàn 39 trung đoàn 803 tổ chức trận địa phục kích trên đường 19, đoạn từ An Khê đến Thượng An. 9 giờ sáng ngày 24 tháng 1, khi đại bộ phận tiểu đoàn địch lọt vào trận địa phục kích, các chiến sĩ tiểu đoàn 39 đã đồng loạt xung phong chia cắt, bao vây tiêu diệt từng bộ phận. Mặc dù có không quân, pháo binh chi viện, song cả tiểu đoàn địch rơi vào thế bất lợi, nhanh chóng tan rã. Ta tiêu diệt hai đại đội, đánh thiệt hại nặng đại đội thứ ba.

Ngày hôm sau (25 tháng 1) cũng trên đường 19, đoạn tây An Khê, tiểu đoàn 68 của trung đoàn 120 địa phương phục kích chặn đánh đoàn xe 25 chiếc chở một tiểu đoàn dù từ Plây-cu về An Khê, diệt một đại đội, phá năm xe, bắt 50 tù binh, thu một khẩu đại bác không giật 57mm.

Trước cuộc tiến công liên tục của chủ lực ta ở khu vực An Khê, địch buộc phải điều thêm sáu tiểu đoàn tới An Khê và đưa hạm đội đặc nhiệm gồm sáu tàu chiến vào vùng biển Quy Nhơn. Nhận thấy so sánh lực lượng không có lợi cho ta và dự đoán địch có thể đánh vào vùng tự do duyên hải của ta, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch. Ngày 28 tháng 1, các đơn vị tổ chức rút quân về vùng tự do. Chiến dịch An Khê kết thúc thắng lợi.

Kết qủa, sau 15 ngày chiến đấu (từ ngày 13 đến ngày 28 tháng 1), ta đã san phẳng sáu vị trí, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng bảy đại đội địch, diệt 571 tên (bắt trên 300 tên), thu 11 khẩu pháo cối (có một khẩu 105mm), trên 550 súng bộ binh các loại, 30 tấn đạn, 25 máy vô tuyến điện cùng nhiều quân trang quân dụng (số vũ khí thu được có thể đủ trang bị cho bốn tiểu đoàn). Ta đã phá hầu hết các khu dồn dân của địch ở đường số 7B và một số khu tập trung ở đường 19, giải phóng trên 10.000 dân trong khu vực.



Chiến thắng An Khê là chiến thắng lớn nhất của ta từ trước tới nay trên chiến trường Nam Trung Bộ, cổ vũ rất lớn tinh thần hăng hái kháng chiến của bộ đội và nhân dân. Tiếng vang của chiến thắng An Khê đã vượt qua phạm vi Đông Dương làm xôn xao dư luận Pháp. Chiến thắng An Khê đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang Liên khu 5 về tổ chức chỉ huy các chiến dịch vừa và nhỏ. Sau khi giành thắng lợi ở Chiến dịch An Khê, Liên khu 5 đã được Tổng Tư lệnh gửi thư khen ngợi động viên.

Về nghệ thuật chiến dịch, Chiến dịch An Khê đã có sự chỉ huy tập trung thống nhất trên toàn mặt trận: Mặc dù chiến dịch chỉ diễn ra ở phạm vi hẹp xung quanh An Khê, song trên toàn địa bàn liên khu đã có sự phối hợp hoạt động của nhiều lực lượng, tạo điều kiện cho hướng chính giành thắng lợi. Một thành công nữa là Bộ tư lệnh chiến dịch đã thực hiện thành công kế hoạch nghi binh lừa địch về hướng tiến công. Biết địch thường phán đoán hoạt động của chủ lực dựa vào sự vận chuyển vật chất của dân công, Bộ tư lệnh chiến dịch đã huy động dân công vận chuyển nghi binh trên nhiều hướng, tổ chức nghi binh giấu sự di chuyển của chủ lực, nên mặc dù nắm được tin chủ lực ta di chuyển nhưng địch không thể xác định được hướng tiến công của chủ lực ta.

Trong thực hành, nét nổi bật của Chiến dịch An Khê là ta đã chọn mục tiêu khêu ngòi là các cứ điểm hiểm yếu vòng ngoài, vừa sức đánh của ta, song khi ta đánh được lại uy hiếp trực tiếp An khê và đường 19, buộc địch phải tăng viện phản kích, tạo thời cơ để ta tổ chức các trận phục kích, diệt nhiều sinh lực địch. Chiến dịch An Khê để lại nhiều kinh nghiệm về “đánh cứ điểm nhỏ, diệt viện binh nhỏ” ở địa bàn Liên khu 5 lúc bấy giờ.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 20 Tháng Bảy, 2012, 10:11:06 pm

CHIẾN DỊCH THƯỢNG LÀO
(Tiến công, từ ngày 13 tháng 4 đến ngày 14 tháng 5 năm 1953)


Sau chiến thắng Tây Bắc (1952), vùng giải phóng của ta đã mở rộng sát với Thượng Lào. Quân dân hai nước Việt Nam, Lào có điều kiện giúp đỡ nhau đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung. Đầu năm 1953, tranh thủ mùa khô vẫn còn, Tổng Quân uỷ quyết định phối hợp cùng quân dân Lào mở chiến dịch tiến công Sầm Nưa (Chiến dịch Thượng Lào) nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, xây dựng căn cứ đứng chân cho bạn, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó, đồng thời tạo điều kiện để bộ đội rèn luyện đánh tập đoàn cứ điểm nhỏ.

Thượng Lào gồm sáu tỉnh: Luông Pha Băng, Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, Phông Xa Lỳ, Huội Sài, diện tích khoảng 135.000km2, dân số khoảng trên một triệu người. Thượng Lào là vùng rừng núi, đường sá giao thông ít. Từ Việt Nam sang Lào có một số con đường chính, đường số 7 từ Vinh đi Xiêng Khoảng; đường số 6 từ Hoà Bình, Mộc Châu đi Pa Hang, Sầm Nưa; một con đường từ Sơn La qua Mường Hét đi Sầm Nưa... Các con đường này hư hỏng nhiều, ô tô chỉ có thể đi được ở một số đoạn bên phía Việt Nam. Thời tiết khí hậu thời gian này đang còn là cuối mùa khô, sông suối ít nước, cơ động thuận tiện. Song nếu chiến dịch kéo dài, mùa mưa ập đến thì việc cơ động ở vùng rừng núi Thượng Lào sẽ hết sức khó khăn.

Sau thất bại ở Tây Bắc, bộ chỉ huy Pháp nhận thấy nguy cơ có thể mất Thượng Lào nên đầu năm 1953, tổng chỉ huy Xa-lăng đặt Thượng Lào dưới quyền chỉ huy của bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Bộ và chú trọng xây dựng các khu vực phòng ngự ở Thượng Lào hơn. Tại Sầm Nưa chúng xây dựng một tập đoàn cứ điểm nhỏ “kiểu Nà Sản”, gồm 11 vị trí trong phạm vi chiều dọc 2.000 mét, chiều ngang 1.800 mét, có sân bay dã chiến Nà Thông, bãi nhảy dù Nà Viêng và lực lượng lên tới ba tiểu đoàn1. Xung quanh các cứ điểm có hàng rào, bãi chướng ngại và cây cối được phát quang để tăng tầm quan sát từ xa. Chúng còn thường xuyên tung biệt kích ra thăm dò các hoạt động của ta. Tại Xiêng Khoảng, địch cũng tăng thêm một tiểu đoàn ngụy Lào để tăng cường phòng ngự.

Từ tháng 2 năm 1953, ta bắt đầu tiến hành chuẩn bị cho chiến dịch. Đến cuối tháng 3 năm 1953, Bộ Tổng tham mưu hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến của chiến dịch Thượng Lào. Trong kế hoạch, ta xác định hướng chính chiến dịch là Sầm Nưa, hướng thứ yếu là Xiêng Khoảng và hướng phối hợp là Bắc Bộ.

Trên hướng chính Sầm Nưa, lực lượng gồm sáu trung đoàn bộ binh (ba trung đoàn của đại đoàn 308, hai trung đoàn của Đại đoàn 312, và trung đoàn 98 của Đại đoàn 316), bốn đại đội sơn pháo 75mm (12 khẩu), hai tiểu đoàn phòng không 12,7mm, ba đại đội súng cối 120mm (12 khẩu), một tiểu đoàn công binh và một đại đội trinh sát. Hướng này có nhiệm vụ phối hợp với quân dân Lào bao vây, tiêu diệt quân địch ở Sầm Nưa theo cách đánh tập đoàn cứ điểm.

Hướng thứ yếu Xiêng Khoảng, lực lượng gồm Đại đoàn bộ binh 304, một đại đội sơn pháo 75mm, một đại đội súng cối 120 mm và một tiểu đoàn phòng không 12,7 mm, tiến theo đường số 7 tiêu diệt vị trí Noọng Hét, Bản Ban, áp sát Xiêng Khoảng phát động chiến tranh du kích ở vùng này. Một bộ phận của hướng này tiến theo hướng Mường Ngạt, Mường Mô, Tha Xí, Tha Thơm, đánh vào Sầm Nưa phối hợp với hướng chính.

Lực lượng dự bị của hướng chính là trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 đứng chân ở khu vực Mộc Châu, bảo vệ khu vực này và sẵn sàng chiến đấu trên hướng chính. Các hướng phối hợp ở chiến trường Bắc Bộ phải tăng cường đánh nhỏ, chống địch càn quét... buộc chúng phải căng kéo đối phó khắp nơi. Ngoài ra, để đảm bảo bí mật, bất ngờ cho chiến dịch, Bộ Tổng tham mưu còn sử dụng Đại đoàn 316 nghi binh đánh vào Nà Sản, kế hoạch nghi binh thực hiện từ cuối tháng 3 năm 1953; trung đoàn 148 tiến theo lưu vực sông Nậm Hu xuống uy hiếp bắc Luông Pha Băng. Tổng số quân tham chiến trên ba hướng khoảng 45.000 người.

Bộ chỉ huy Chiến dịch Thượng Lào gồm: đồng chí Võ Nguyên Giáp là Chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh là Chủ nhiệm chính trị, đồng chí Hoàng Văn Thái là Tham mưu trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Nam là Chủ nhiệm cung cấp. Về phía bạn, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, Thủ tướng chính phủ kháng chiến và đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng tham gia chỉ đạo chiến dịch.

Về đảm bảo vật chất, trên hướng chính do Tổng cục Cung cấp đảm nhiệm. Các kho trạm bố trí ở hai khu vực Mộc Châu và Vạn Mai, sau đó đưa dần vào Sốp Ban, Sốp Hào để đảm bảo cho đánh Sầm Nưa. Cánh quân đánh vào Xiêng Khoảng theo đường 7 do Liên khu 4 đảm nhiệm. Còn hướng Mường Sài giao cho trung đoàn 148 liên hệ trực tiếp với bạn Lào nhờ bạn bảo đảm. Các đồng chí Nguyễn Chí Thanh và Trần Đăng Ninh được Tổng Quân uỷ cử xuống đôn đốc việc huy động vật chất ở các địa phương. Trên 80 xe ô tô, 880 thuyền, hơn 2.000 xe đạp và 180 con ngựa được huy động vận chuyển vật chất phục vụ chiến dịch2.

Trên hướng chính, hậu cần chiến dịch tổ chức ba tuyến hậu cần gồm tuyến Vạn Mai, tuyến Suối Rút, tuyến Vạn Yên để thống nhất chỉ huy các lực lượng quân nhu, quân y, quân khí, vận tải trên từng khu vực. Việc chuẩn bị hậu cần được tiến hành rất khẩn trương. Tuyến Vạn Yên chuyển gạo chuẩn bị cho bộ đội hành quân, tuyến Vạn Mai tổ chức chuyển lương thực, thực phẩm từ Hồi Xuân lên Vạn Yên, tới Sốp Hào, tuyến Suối Rút chủ yếu dùng xe ô tô tập trung vận chuyển theo từng chặng, từ Vạn Mai lên Bãi Sang, rồi từ Suối Rút, Bãi Sang tới Mộc Châu. Đến cuối tháng 3, tập trung vận chuyển từ Mộc Châu vào Sốp Ban, Sốp Hào.

Ngày 16 tháng 3 năm 1953, Bộ Tổng tham mưu ra chỉ thị hành quân cho các đơn vị. Cơ quan tiền phương của Bộ cũng bắt đầu rời Quảng Nạp, Thái Nguyên lên Mộc Châu để chỉ đạo các đơn vị tham gia chiến dịch.

Từ đêm 21 tháng 3, Đại đoàn 312 và 308 bắt đầu hành quân từ Phú Thọ lên tập kết ở Mộc Châu. Tiểu đoàn 999 thuộc Đại đoàn 316 bắt đầu thực hiện kế hoạch nghi binh đánh vào Nà Sản. Trên hướng thứ yếu, ngày 31 tháng 3, Đại đoàn 304 rời Anh Sơn vào tập kết ở Khe Kiều, sát ngay biên giới Việt - Lào.

Sau khi các đơn vị đã vào tập kết, ngày 7 tháng 4 năm 1953, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho các đơn vị tiến quân vào đất bạn. Ngày 9 tháng 4, các đơn vị bắt đầu xuất phát. Sở chỉ huy chiến dịch đi sau Đại đoàn 308 vào triển khai ở gần Mường Pua.

Địch phát hiện các đơn vị chủ lực của ta từ nhiều ngả tiến về Sầm Nưa và nhận được báo cáo khẩn cấp của viên trung tá Man-pơ-lát, chỉ huy phân khu Sầm Nưa, trưa ngày 12 tháng 4 năm 1954, tướng Xa-lăng ra lệnh rút toàn bộ lực lượng khỏi Sầm Nưa.

Đêm 12 tháng 4, địch ở Sầm Nưa bắt đầu tổ chức rút quân. Lực lượng địch ở Sầm Nưa khoảng 1.900 tên, trời lại mưa tầm tã nên đến 19 giờ ngày 13 tháng 4. Man-pơ-lát mới đưa được đội quân cuối cùng của chúng về đến Nà Noọng tây nam Sầm Nưa 23 ki-lô-mét nghỉ lại ở đây một đêm, sáng ngày 14 hành quân tiếp.

Như vậy, tình huống chiến dịch đã thay đổi. Ta dự định tổ chức đánh địch trong công sự vững chắc, nhưng địch lại rút chạy trước khi ta đến. Trưa ngày 13 tháng 4, nhận được tin địch rút khỏi Sầm Nưa, Bộ chỉ huy chiến dịch lập tức quyết định hướng chính phải tổ chức các đơn vị gọn nhẹ truy kích thật nhanh, thật mạnh, hướng Đại đoàn 304 đánh mạnh ở đường số 7 không cho chúng chạy thoát về Cánh Đồng Chum.

Khoảng 10 giờ ngày 13 tháng 4, khi bộ phận cuối cùng của địch rút khỏi Sầm Nưa, các đơn vị đi đầu của ta còn cách Sầm Nưa từ 5 đến 10 ki-lô-mét. Nhận được lệnh truy kích địch, mặc dù vừa trải qua chặng đường hơn 300 ki-lô-mét, còn đang rất mệt mỏi, một số đơn vị đã nhanh chóng tổ chức các bộ phận gọn nhẹ tiến hành đuổi bám, truy kích địch. Tuy nhiên, cũng có đơn vị (trung đoàn 209 và 102) do công tác tổ chức chậm, nên đến 17 giờ mới xuất phát truy kích, chậm hơn bộ phận cuối cùng của địch tám giờ.
______________________________________
1. Ba tiểu đoàn gồm: tiểu đoàn dù số 1 Lào (1er BPL), tiểu đoàn bộ binh số 5 Lào (5e BTL ), tiểu đoàn biệt kích Lào số 8 (8e BCL).
2. Kết quả, trên hai hướng ta đã cung cấp tiếp tế cho bộ đội 6.300 tấn lương gạo, 200 tấn muối, 290 tấn thịt, 190 tấn thực phẩm khô, 166 tấn vũ khí, cứu chữa 490 thương binh. Trên tuyến hậu cần chiến dịch, đã sử dụng 62.500 lượt dân công, thành 25.3500 ngày công.



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 20 Tháng Bảy, 2012, 10:12:32 pm

Việc bảo đảm vật chất cho bộ đội chuyển sang truy kích là một vấn đề hết sức khó khăn. Để đánh Sầm Nưa, ta đã huy động 5.000 tấn gạo, 154 tấn muối, 2.360 con trâu bò. Chuyển sang truy kích, Tổng cục Cung cấp ngoài việc chuyển vật chất đến Sầm Nưa, đã nhanh chóng kết hợp với bạn tổ chức huy động lương thực, thực phẩm và dân công tại chỗ bảo đảm vật chất cho bộ đội truy kích. Riêng ở Sầm Nưa, ta huy động được 200 tấn gạo và 3.000 dân công. Các đơn vị đi đầu trong đội hình truy kích địch là: tiểu đoàn 8881 trung đoàn 176 Đại đoàn 316, tiểu đoàn 23 trung đoàn 88 Đại đoàn 308, tiểu đoàn 79 trung đoàn 102 Đại đoàn 308, tiểu đoàn 166 trung đoàn 209 Đại đoàn 312 và hai đại đội thuộc trung đoàn 165 Đại đoàn 312. Đêm ngày 13 tháng 4, tiểu đoàn 888 đuổi kịp bộ phận cuối của địch ở khu vực Mường Hàm, cánh Sầm Nưa gần 30 ki-lô-mét. Đơn vị triển khai chiến đấu và nhanh chóng đánh tan số địch này, bắt gọn toàn bộ bọn cầm đầu ngụy quyền tỉnh Sầm Nưa cùng hơn 40 tên lính dõng. Đây là trận đánh đầu tiên của chiến dịch.

Khi tiểu đoàn 888 vừa diệt địch ở Mường Hàm thì trung đoàn 98 cũng vừa tới nơi. Trung đoàn lập tức lần theo dấu vết rút chạy của địch để truy đuổi. 9 giờ sáng ngày 14 tháng 4, bộ phận đi đầu của trung đoàn phát hiện địch đang ở chân dốc trước bản Nà Noọng. Đây là bộ phận còn lại của một đơn vị lê dương, tiểu đoàn biệt kích ngụy Lào số 8 (8e BCL) và hai đại đội thuộc tiểu đoàn dù ngụy Lào số 1 (1er BPL).

Phát hiện được địch, tiểu đoàn 439 trung đoàn 98 báo cáo ngay lên trung đoàn đồng thời tổ chức tiến công ngay. Tiểu đoàn tổ chức thành ba bộ phận vừa chặn đầu vừa đánh thẳng vào đội hình địch. Nghe tiếng súng, biết bộ phận đi đầu đã đánh địch, trung đoàn trưởng điều động ngay một đại đội theo đường mòn vượt qua Nà Noọng tổ chức trận địa chặn địch, một đại đội xuyên rừng tắt qua bản Mèo ngăn không cho chúng chạy sang Mường Pơn, đồng thời đôn đốc lực lượng lên hỗ trợ cùng tiểu đoàn 439 đánh địch. Bị bất ngờ, địch hoảng loạn tháo chạy vào rừng vừa rút vừa chống cự. Ta đã hình thành thế bao vây, vừa tiêu diệt bọn ngoan cố, vừa truy bắt bọn chạy trốn, đến trưa thì cơ bản xoá sổ quân địch ở Nà Noọng. Kết thúc trận đánh, trung đoàn 98 diệt trên 50 tên, bắt 228 tên, trong đó có nhiều sĩ quan Pháp.

Các đơn vị của ta tiếp tục truy kích địch. 4 giờ sáng ngày 17 tháng 4, trung đoàn 102 cùng một bộ phận của trung đoàn 209 đuổi kịp địch ở khu vực Hứa Mường. Trung đoàn tổ chức tiến công diệt khoảng một đại đội địch, trong đó có 40 lính Âu - Phi. Số tàn binh còn lại khoảng 200 tên do trung tá Man-pơ-lát chỉ huy thục mạng chạy theo ba hướng Xốp Ó, Xốp Khoa, Bản Ban để về Cánh Đồng Chum.

Trên hướng thứ yếu, khi nghe tin Đại đoàn 304 tiến vào biên giới, ngày 15 tháng 4, địch tổ chức rút khỏi Noọng Hét và Bản Ban. Trung đoàn 66 Đại đoàn 304 và một tiểu đoàn của bạn vào tiếp quản Noọng Hét, Trung đoàn 9 vào tiếp quản Bản Ban. Sau khi tiếp quản Bản Ban, hai tiểu đoàn của trung đoàn 9 tiến về Sầm Nưa phối hợp với hướng chủ yếu, tiểu đoàn còn lại tiến vào Khăng Khay. Ngày 18 tháng 4, trung đoàn 57 Đại đoàn 304 áp sát thị xã Xiêng Khoảng, địch ở đây hoảng sợ rút về co cụm ở Cánh Đồng Chum.

Như vậy, sau hơn một tuần truy kích địch trên đoạn đường dài 270 ki-lô-mét từ Sầm Nưa về Cánh Đồng Chum, quân ta đã tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã hơn 1.500 tên địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, buộc địch phải điều động bảy tiểu đoàn bộ binh và hai tiểu đoàn pháo binh từ chiến trường Bắc Bộ tới xây dựng một tập đoàn cứ điểm tại Cánh Đồng Chum, cố giữ bằng được vị trí chiến lược này.

Trên hướng sông Nậm Hu (hướng phối hợp) tiểu đoàn 910 trung đoàn 148 từ Điện Biên Phủ tiến sang phối hợp với các chiến sĩ Pa-thét Lào đẩy mạnh hoạt động uy hiếp địch để phối hợp với hướng chính. Ngày 9 tháng 4, địch rút khỏi Huội Hun, Sốp Sao co về cố thủ ở Mường Khoa. Tiểu đoàn 910 cùng bạn tổ chức tiến công, nhưng không thành công, tiểu đoàn để lại một bộ phận uy hiếp cứ điểm, còn đại bộ phận lực lượng tiến xuống phía nam. Ngày 21 tháng 4, tiểu đoàn diệt cứ điểm Mường Ngòi, ngày 27 tháng 4, diệt cứ điểm Nậm Bạc.

Trong khi tiểu đoàn 910 trung đoàn 148 tiến xuống phía nam, trên hướng chủ yếu, trung đoàn 98 sau khi diệt địch ở Nà Noọng, được lệnh gấp rút tiến quân lên hướng bắc Luông Pha Băng phối hợp với trung đoàn 148 diệt địch ở Pắc Sàng, Mường Ngòi, tạo thế uy hiếp Luông Pha Băng. Chiều ngày 16 tháng 4, trung đoàn bắt đầu hành quân. Ngày 20, bộ phận đi đầu của trung đoàn gặp địch ở Keo Nhân, diệt và bắt sống 50 tên. Ngày 23 tháng 4, trung đoàn cách Pắc Sàng ba ki-lô-mét, phối hợp cùng bạn làm công tác chuẩn bị để tiến công địch ở Pắc Sàng.

Đêm 26 tháng 4, trung đoàn sử dụng tiểu đoàn 439, được tăng cường hoả lực, tổ chức hai hướng tiến công cứ điểm Pắc Sàng. Đây là cứ điểm nằm trên điểm cao độc lập nên trận chiến đấu diễn ra khá ác liệt. Song do có hoả lực chi viện và tinh thần chiến đấu dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ, nên sau hơn một giờ chiến đấu ta đã làm chủ cứ điểm, diệt 26 tên, bắt gần 70 tên, thu nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng.

Sau khi diệt Pắc Sàng, trung đoàn chia làm hai cánh: một tiểu đoàn kết hợp với bạn xuống uy hiếp Luông Pha Băng; lực lượng còn lại đi ngược lên, kết hợp với trung đoàn 148 đánh địch ở Mường Khoa.

Phát hiện có lực lượng tiến xuống Luông Pha Băng, Xa-lăng vội vã điều hai tiểu đoàn cơ động thuộc binh đoàn cơ động số 1 (GM1) từ Nà Sản sang tổ chức tập đoàn cứ điểm bảo vệ Luông Pha Băng.

Ở Mường Khoa, 1 giờ sáng ngày 18 tháng 5, trung đoàn 98 (gồm hai tiểu đoàn) cùng một tiểu đoàn của trung đoàn 148 nổ súng tiến công cụm cứ điểm Mường Khoa ở tây nam Điện Biên Phủ 50 ki-lô-mét. Trận đánh kéo dài đến 5 giờ sáng, ta hoàn toàn làm chủ Mường Khoa, diệt và bắt sống gần 300 tên. Đây là trận đánh cuối cùng của Chiến dịch Thượng Lào. Cũng trong thời gian này, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch và lệnh cho các đơn vị rút quân về nước.

Kết quả toàn chiến dịch, ta đã diệt và bắt sống gần 2.800 tên (diệt khoảng 500 tên), làm tan rã ba tiểu đoàn và một đại đội, diệt năm vị trí, bức rút 25 vị trí, thu nhiều vũ khí đạn dược. giải phóng vùng đất đai rộng lớn trên 4000 km2 gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và Phông Xa Lỳ với trên 300.000 dân.



Mặc dù trong truy kích còn bỏ lỡ nhiều cơ hội diệt địch, song Chiến dịch Thượng Lào đã giành nhiều thắng lợi có ý nghĩa quan trọng. Ta đã tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, buộc chúng phải điều 12 tiểu đoàn từ chiến trường Bắc Bộ sang tăng viện, làm phân tán và căng mỏng lực lượng của Pháp ở Đông Dương. Chiến dịch đã giải phóng vùng đất đai rộng lớn, mở rộng địa bàn đứng chân của lực lượng kháng chiến Lào, nối liền vùng giải phóng của Lào với vùng tự do của ta, tạo thế chiến lược rất có lợi cho ta và bạn. Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào càng làm tăng cường mối đoàn kết máu thịt giữa hai dân tộc và hai quân đội Việt-Lào.

Chiến dịch Thượng Lào là một chiến dịch lớn, trên địa bàn rừng núi của nước bạn. Thành công về nghệ thuật trong Chiến dịch Thượng Lào là do Bộ Tổng tư lệnh, Bộ chỉ huy chiến dịch có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt. Ngay từ những ngày cuối tháng 2 năm 1953, Bộ Tổng tham mưu đã tổ chức cán bộ đi nghiên cứu chiến trường, chuẩn bị bộ đội, chuẩn bị các mặt cho bảo đảm vật chất và xây dựng kế hoạch tác chiến. Trong kế hoạch tác chiến, ta đã xây dựng được kế hoạch hoạt động cho các lực lượng trên từng hướng của chiến dịch và các chiến trường phối hợp. Ta đã có kế hoạch và tổ chức lực lượng nghi binh đánh Nà Sản để đánh lạc hướng quân địch.

Chính do có sự chuẩn bị chu đáo nên Bộ chỉ huy chiến dịch đã rất chủ động và linh hoạt trong thực hành chiến dịch. Theo dự kiến ban đầu, mục tiêu chủ yếu của chiến dịch là tập đoàn cứ điểm Sầm Nưa. Song khi ta hành quân tiếp cận mục tiêu thì địch vội vã rút quân tránh đòn tiến công của ta. Do có dự kiến và chuẩn bị trước cả về lực lượng và đảm bảo vật chất nên Bộ chỉ huy chiến dịch Thượng Lào đã nhanh chóng hạ quyết tâm từ đánh công kiên sang vận động truy kích địch, đồng thời đẩy mạnh tiến công trên hướng phối hợp (hướng sông Nậm Hu) để triệt để tận dụng thời cơ do hướng chủ yếu tạo ra.

Trong thực hành cụ thể, do thiếu sót của cán bộ chỉ huy các cấp và sự chỉ đạo vận dụng chiến thuật truy kích chưa tốt nên ta đã bỏ lỡ năm cơ hội diệt địch, bộ đội phải đuổi địch trên chặng đường 270 ki-lô-mét mà không tiêu diệt được toàn bộ địch. Sau chiến dịch này, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đưa ra mấy nguyên tắc về chiến thuật truy kích đó là:

- Phải hết sức tranh thủ thời gian, nhất là trong lúc đầu. Đó là yếu tố quyết định thành công của truy kích.
- Phải luôn luôn bám sát địch, không thả cho địch chạy thoát.
- Phải vượt lên trước chặn địch lại mà đánh...
- Không sợ bộ đội mình ít.
- Bộ đội phải gọn nhẹ.
- Người chỉ huy phải đi với đơn vị đi đầu.

Đây thực sự là những nguyên tắc quý báu được rút ra từ bài học truy kích địch trong Chiến dịch Thượng Lào.
__________________________________
1. Tiểu đoàn 888 là lực lượng Bộ Tổng tham mưu điều động thêm vào Sầm Nưa khống chế người ra vào thị xã bảo đảm bí mật cho chiến dịch.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 21 Tháng Bảy, 2012, 05:30:37 pm

CHIẾN DỊCH TÂY NAM NINH BÌNH
(Phản công, từ ngày 15 tháng 10 đến ngày 6 tháng 11 năm 1953)


Bước vào Thu đông 1953, ở chiến trường chính Bắc Bộ, trong khi ta đang tích cực chuẩn bị mọi mặt theo kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 nhằm phá kế hoạch Na-va của địch, thì tình báo của Pháp lại khẳng định ta sẽ mở cuộc tiến công vào ngày 15 tháng 10 năm 1953 và một trong những bàn đạp của cuộc tiến công đó là phủ Nho Quan ở về phía tây nam Ninh Bình, nơi Đại đoàn 320 đang hoạt động. Na-va lập tức mở cuộc hành quân “Hải Âu” nhằm: “loại Đại đoàn 320 ra ngoài vòng chiến đấu trước khi nó vào địch hậu, hay ít nhất cũng phá được bàn đạp tiến công mà đại đoàn này đã tổ chức ở vùng Nho Quan”. Đây còn là cuộc tiến công nhằm nâng cao uy tín của Na-va, làm hậu thuẫn cho phái chủ chiến ở Pháp và là cớ để xin thêm viện trợ của Mỹ.

Với mục đích quân sự và chính trị trên đây, bộ chỉ huy Pháp đã huy động vào cuộc hành quân tới sáu binh đoàn cơ động, gồm 19 tiểu đoàn bộ binh, ba tiểu đoàn dù, hai tiểu đoàn thiết giáp, chín tiểu đoàn pháo (sáu tiểu đoàn của sáu binh đoàn và ba đại đội biệt kích). Tổng số quân lên đến bốn vạn tên được tổ chức thành hai sư đoàn lâm thời A và B và cánh quân C, do tướng Cô-nhi, tư lệnh Bắc Bộ trực tiếp chỉ huy. Đồng thời với cuộc hành quân này, bộ chỉ huy Pháp còn mở cuộc hành quân “Chim Bồ Nông” ở phía vùng biên Thanh Hóa nhằm nghi binh và uy hiếp, giam chân Đại đoàn 304 ở vùng này, không cho Đại đoàn chi viện tiếp sức cho vùng Ninh Binh.

Về phía ta, ngay sau khi địch rút khỏi Nà Sản (tháng 8-1953), Bộ Chính trị đã họp và nhận định: Ở đồng bằng Bắc Bộ, địch có thể lợi dụng những sơ hở của ta để tập kích ra vùng tự do, phá cơ sở kinh tế, kho tàng, phá việc chuẩn bị chiến dịch... Khả năng địch chiếm đóng rộng ra thì ít, nhưng ở mạn Nho Quan, Chi Nê chúng ta cần có kế hoạch đề phòng. Cũng trong tháng 8 năm 1953, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ thị cho bộ đội chủ lực và chính quyền địa phương ở vùng tự do phải có kế hoạch sẵn sàng chiến đấu tiêu hao tiêu diệt quân địch khi chúng đánh ra vùng tự do. Sau hạ tuần tháng 10, Bộ có lệnh cho trung đoàn 9 Đại đoàn 304 di chuyển ra bắc Đò Lèn làm lực lượng dự bị cho Đại đoàn 320.

Vùng tây nam Ninh Bình, nơi xẩy ra tác chiến là khu vực rộng, mỗi chiều khoảng 25 ki-lô-mét, nằm trong địa phận các huyện Gia Viễn, Gia Khánh, Nho Quan, Yên Khánh và một phần nhỏ bắc Thanh Hóa. Đây là vùng tự do của tỉnh Ninh Bình nằm ở phía tây phòng tuyến sông Đáy của địch. Nho Quan là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, là của ngõ tiến vào khu căn cứ rừng núi hữu ngạn và là nơi nối liền Liên khu 3 và Liên khu 4 của ta. Từ khi địch chiếm đồng bằng Bắc Bộ và lập phòng tuyến sông Đáy, khu vực tự do tây nam Ninh Bình là một bàn đạp để ta tiến vào vùng địch hậu, là một căn cứ xuất phát và là nơi cung cấp người, lương thực cho các đợt hoạt động của chủ lực.

Địa hình tây nam Ninh Bình tương đối hiểm trở, đồng ruộng xen kẽ rừng núi đá vôi. Phía bắc là khu núi đá Hà Nam, Hoà Bình, phía tây và nam là dãy Tam Điệp chắn giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, phía đông là khu núi đá Gia Khánh.

Từ đồng bằng vào vùng Nho Quan chỉ có hai đường chính. Phía bắc từ Gián Khẩu vào có đường 12 và sông Hoàng Long chạy giữa cánh đồng nước Gia Viễn, phía nam, từ Ghềnh vào có đường 59. Cả hai con đường đều bị phá nhiều chỗ, các phương tiện cơ giới nặng khó cơ động.

Đứng chân ở vùng tự do tây nam Ninh Bình lúc này là Đại đoàn 320 do đồng chí Văn Tiến Dũng làm Đại đoàn trưởng. Trang bị vũ khí bộ binh của đại đoàn tương đối đầy đủ, song về hoả lực, mỗi trung đoàn chỉ có bốn đến sáu khẩu cối 81mm, hai đến bốn khẩu ĐKZ và một tiểu đội hỏa lực trợ chiến. Đại đoàn 320 là đại đoàn có nhiều kinh nghiệm đánh đồng bằng địch hậu, song ít kinh nghiệm đánh rừng núi, điểm cao. Đại đoàn vừa tổ chức chỉnh quân nên tinh thần cán bộ chiến sĩ rất hăng hái.

Từ cuối tháng 8 năm 1953, khi nhận được lệnh của Bộ đề phòng địch đánh ra vùng tự do, Đảng uỷ đại đoàn đã lãnh đạo các đơn vị một mặt tích cực chuẩn bị, phối hợp với địa phương sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt, tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng tự do; một mặt tiếp tục hoàn thành chương trình huấn luyện quân sự, nâng cao trình độ tác chiến của đại đoàn trước khi bước vào đợt hoạt động Đông Xuân 1953-1954. Để có thể vừa huấn luyện vừa sẵn sàng chiến đấu, và phán đoán mục tiêu chính của địch là Nho Quan, Rịa nên đại đoàn đã bố trí lực lượng ở những vùng vừa tiện lợi cho huấn luyện, vừa có thể đánh địch trên hai hướng đường 59 và đường 12. Trung đoàn 64 ở vùng Kỳ Lao, Quan Thạch, có nhiệm vụ đánh địch ở vùng lân cận Rịa, đường 59, đường Rịa đi Phố Cát. Trung đoàn 52 ở Châu Sơn, Nho Quan, Yên Nông có nhiệm vụ đánh địch tiến theo đường 12, khi có điều kiện vận động đánh vào sườn địch trên đường 59. Trung đoàn 48 là lực lượng cơ động của sư đoàn, bố trí ở phía nam Phố Cát (Thạch Thành, Thanh Hoá). Dựa trên kinh nghiệm chiến đấu ở vùng địch hậu và so sánh tương quan lực lượng, đại đoàn đã xác định phương châm tác chiến ban đầu là “lấy tập kích địch chiếm đóng là chính”.

Phối hợp chiến đấu cùng Đại đoàn 320 còn có bộ đội địa phương dân quân du kích tỉnh Ninh Bình mà nòng cốt là các đại đội 198 ở Yên Mô, đại đội 29 ở Gia Viễn, đại đội 195 ở Quỳnh Lưu, Nho Quan. Lực lượng vũ trang các huyện được bổ sung quân số, trang bị thêm vũ khí, đào công sự xây dựng trận địa mai phục ở khắp nơi, sẵn sàng đánh địch trên các địa bàn được phân công. Các kho vũ khí, thóc gạo trong huyện Nho Quan đã được chuyển đến địa điểm mới an toàn hơn. Các đường mòn, đường tắt từ Nho Quan đi Kim Tân, Thanh Hoá nối liền Liên khu 3 với Liên khu 4 cũng được mở rộng để tiện việc hành quân tiếp tế.

Tuy nhiên, mặc dù được dự báo trước hai tháng, nhưng do không dự kiến địch sẽ đánh ra vùng tự do vào thời điểm nào nên đại đoàn chú trọng chuẩn bị nhiều hơn cho hoạt động ở địch hậu. Việc quán triệt tư tưởng, tình hình nhiệm vụ đánh địch tiến công ra vùng tự do cho cấp dưới chưa đầy đủ, việc xây dựng phương án chiến đấu, chuẩn bị chiến trường, nhất là chuẩn bị đường cơ động cho bộ đội còn sơ sài và nhiều thiếu sót.

Sau một thời gian tiến hành các thủ đoạn nghi binh và điều động các binh đoàn đến tập kết ở các khu vực Ghềnh, Yên Mô, Ninh Bình và Hoàng Đan, Ý Yên, Hà Nam, sáng ngày 15 tháng 10 năm 1953, các binh đoàn thuộc sư đoàn A và B của Pháp rầm rộ tiến theo đường 59 đánh chiếm Rịa và các điểm cao ven đường. Đồng thời ở hướng Hoàng Đan, cánh quân 2 cũng dàn lực lượng đến tận Gián Khẩu, bảo vệ phía sau cho các lực lượng tiến công. Hướng Thanh Hóa, ngày 16 tháng 10, địch đổ bộ 500 quân lên Hải Yến, tung 40 biệt kích xuống Khoa Trường, cho nhiều tàu chiến, máy bay hoạt động ở ngoài khơi hòng nghi binh thu hút chủ lực ta. Trong khi rùm beng về hoạt động ở hướng Thanh Hóa, ngày 17 binh đoàn số 1 của Pháp ở Rịa bắt đầu đánh toả ra: chiếm đồi 94 và các vị trí xung quanh trên đường đi Nho Quan cách Rịa năm km về phía tây, chiếm đồi 201 (Trại Ngọc) trên đường đi Kim Tân, cách Rịa năm km về phía đông nam.

Đến hết ngày 17, trên hướng chính địch đã chiếm được khu bàn đạp quan trọng để tiến công vào Nho Quan. Trong đợt 1 của chiến dịch, từ ngày 15 đến 17 tháng 10, do xác định phương châm lấy tập kích là chính nên ta chỉ sử dụng bộ đội địa phương và dân quân du kích các huyện Gia Viễn, Yên Mô, Nho Quan tổ chức các trận đánh lẻ, ngăn chặn tiêu hao địch. Các trung đoàn chủ lực vẫn ém quân bí mật, sẵn sàng bước vào chiến đấu.

Ngày 18 (bắt đầu đợt 2), địch tổ chức hai cánh đánh ra các vùng xung quanh bàn đạp: Cánh phía tây gồm ba tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn thiết giáp tập kết ở Trại Ngọc, Yên Lai, sau đó để lại tiểu đoàn 3 lê dương ở Trại Ngọc, còn hai tiểu đoàn ngụy và tiểu đoàn thiết giáp tiến công vào Phố Cát - Vân Du. Cánh đông gồm ba tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn thiết giáp tập kết ở Quang Sỏi, sau đó tổ chức sục sạo ở Đồng Giao, Quang Lang Đoài.

Mặc dù ta có dự kiến địch sẽ thọc vào Phố Cát, song do công tác tổ chức nắm địch không tốt nên khi địch tiến đến Phố Cát, ta lại bị bất ngờ, không tổ chức đánh chặn. Đêm 18, khi trung đoàn 48 vận động ra Phố Cát để tập kích thì địch đã rút về Trại Ngọc, Trung đoàn bỏ lỡ thời cơ diệt địch.

Cũng đêm 18 rạng sáng ngày 19 tháng 10, trung đoàn 64 tổ chức tập kích địch ở điểm cao 94 và 201. Đồi 94 (còn gọi là đồi Rào), nằm bên trái đường 59 từ Rịa đi Nho Quan, đối diện với làng Sào Lâm, có hai mỏm nối với nhau bằng một yên ngựa, phía sau là một dải đồi tranh thấp. Lực lượng địch ở đồi 94 có hai đại đội Âu - Phi thuộc binh đoàn cơ động số 1. Đồi 201 là đỉnh cao nhất trong cụm bốn quả đồi nằm trên đường Rịa đi Kim Tân. Trên mỏm chính này cũng có hai đại đội của binh đoàn cơ động số 1 và các quả đồi lân cận cũng có lực lượng địch chiếm đóng.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 21 Tháng Bảy, 2012, 05:31:29 pm

Ngay từ chiều ngày 16 tháng 10, khi địch chiếm đồi 94, tiểu đoàn 706 đã được lệnh nghiên cứu đánh địch. 18 giờ ngày 18, tiểu đoàn rời khu rừng Kỳ Lão hành quân trong đêm tiến về khu đồi 94. Khoảng 2 giờ sáng ngày 19, các mũi của tiểu đoàn đã triển khai vây chặt quả đồi, có mũi cách địch chỉ 20 mét. Tiểu đoàn phát lệnh nổ súng, sau một loạt hoả lực đi cùng, bộ đội trên các hướng xung phong mãnh liệt, xả súng tiêu diệt bọn địch đang hoảng loạn quanh những chiếc lều vải trên đồi. Trận đánh diễn ra nhanh gọn trong khoảng 30 phút, ta diệt 150 tên, bắt sống 15 tên, thu một ĐKZ, sáu trung đại liên và nhiều vũ khí quân trang, quân dụng khác. Ta hy sinh 17, bị thương 35 đồng chí.

Ở điểm cao 201, 3 giờ 30 phút ngày 19 tháng 10, tiểu đoàn 722 cũng áp sát địch và nổ súng tiến công. Do bị địch phát hiện trước, yếu tố bất ngờ không còn, nên trận đánh diễn ra rất ác liệt. Sau nhiều lần xung phong, ta chỉ chiếm được một mỏm đồi, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, rồi tổ chức lui quân trước khi trời sáng. Trận này ta diệt 60 tên, bắt sống 15, thu 15 súng các loại, song thương vong của ta do bị pháo binh địch cũng khá lớn (hy sinh 64 người, bị thương 83 người).

Sau đợt hoạt động của ta đêm 18, địch tổ chức chiếm lại đồi 94, đồi 201, tăng cường hai tiểu đoàn pháo lên Rịa, dốc toàn lực lượng vào việc tăng cường công sự, chướng ngại vật trên các điểm cao, lùng sục bảo vệ các sở chỉ huy, trận địa pháo. Về phía ta, Đảng uỷ đại đoàn cũng triệu tập cuộc họp mở rộng và nhận định: địch đang củng cố các vị trí, song không có mục đích chiếm đóng lâu dài, sắp tới chúng sẽ tổ chức các cuộc càn rộng ra xung quanh, ta sẽ có điều kiện đánh địch trong vận động: mặt khác, tập kích địch trên các điểm cao ta bị thương vong nhiều. Do đó đại đoàn quyết định đổi phương châm tác chiến: “Phải tranh thủ đánh vận động chiến”, tránh tư tưởng chỉ muốn “ăn to” không muốn phân tán đánh nhỏ. Đại đoàn đã lệnh cho các trung đoàn tổ chức các bộ phận nhỏ kết hợp với dân quân du kích đánh nhỏ, đánh phân tán. Trung đoàn 52 điều một tiểu đoàn vào Quỳnh Lưu phát động chiến tranh du kích, Trung đoàn 48, 64 bố trí ở sườn địch trên đường Rịa, Phố Cát, sẵn sàng tiêu diệt địch khi chúng đánh vào Nho Quan.

Sau những ngày chuẩn bị và củng cố bàn đạp, 5 giờ sáng ngày 22 tháng 10, địch cho ba tiểu đoàn bộ binh cơ giới có pháo binh, không quân yểm trợ tiến lên Nho Quan bằng hai mũi. Mũi chính tiến theo đường 59 gồm hai tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn cơ giới và hai tiểu đoàn pháo binh. Mũi thứ hai có một tiểu đoàn bộ binh xuất phát từ mỏm đồi 94 đi theo con đường phía tây đường 59 lên Nho Quan (cánh trái). Cả hai mũi tiến công của địch đều bị các bộ phận nhỏ phân tán của trung đoàn 52 và 64 cùng dân quân du kích bắn tỉa nên chúng tiến rất dè dặt.

Cánh trái, khi tới Bát Cô, bị một tiểu đoàn của trung đoàn 52 chặn đánh và bị diệt 30 tên, phải dừng lại rồi rút ra đường 59. Tiểu đoàn 706 trung đoàn 64 tổ chức truy kích bọn này đến tận làng Tri Phương diệt gần một đại đội. Mũi chính, đến chiều mới tới Nho Quan, thấy trong thị trấn “vườn không nhà trống” lại nghe tin cánh trái bị đánh, nên vội vã phá một số nhà và cầu phao rồi rút ngay.

Sau khi địch rút khỏi Nho Quan, Đại đoàn phán đoán địch sẽ đánh lên lần nữa, nên điều tiểu đoàn 1 trung đoàn 48 tổ chức phục kích địch ở chân đồi Trại Ngọc. Đêm 23, tiểu đoàn bí mật triển khai trận địa phục kích dài hơn hai km ở chân đồi Trại Ngọc. 8 giờ sáng ngày 24, tiểu đoàn 1 lê dương thuộc trung đoàn 5 có khoảng 20 xe tăng xe bọc thép đi cùng từ Rịa tiến về Phủ Đồi - Trại Ngọc. Tiểu đoàn 706 nổ súng, trận chiến đấu rất ác liệt vì trận địa phục kích của ta ở gần các điểm cao có địch chiếm đóng nên địch dựa vào phi pháo, cơ giới và các lực lượng chốt giữ gần đó chống cự quyết liệt. Trận đánh kéo dài đến chiều, ta diệt hơn một đại đội địch, phá hủy năm xe tăng, bốn xe bọc thép, thu nhiều vũ khí phương tiện.

Ngày 25 tháng 10, địch đưa bốn tiểu đoàn bộ binh, bốn tiểu đoàn pháo binh và một tiểu đoàn thiết giáp từ Ghềnh mở cuộc càn quét vào Bỉm Sơn - Quý Hương, nơi chúng cho là có căn cứ, kho tàng của Đại đoàn 320. Qua ba ngày lùng sục không kết quả gì, sáng ngày 28 chúng cho phần lớn lực lượng rút về, chỉ để lại một tiểu đoàn lê dương và một tiểu đoàn ngụy Thái ở lại hòng phục kích chủ lực ta trên đường tới Sòng Cạn.

10 giờ sáng ngày 28 tháng 10, phát hiện địch đi từ Quý Hương về Sòng Cạn, đại đoàn hạ quyết tâm tiêu diệt địch. Tiểu đoàn 3 trung đoàn 48 và tiểu đoàn 706 trung đoàn 64 được lệnh cùng xuất kích ra đánh địch. Tiểu đoàn 2 trung đoàn 48 bịt hậu ở phía Quý Hương, tiểu đoàn 738 trung đoàn 64 chặn viện ở Giốc Giàng. Bị ta đánh bất ngờ cả tiểu đoàn ngụy Thái và một bộ phận của tiểu đoàn lê dương hoảng loạn tháo chạy. Ta tổ chức truy kích và đánh trả máy bay địch đến ứng viện. Sau vài giờ chiến đấu, ta loại khỏi vòng chiến đấu gần hai tiểu đoàn địch, diệt 300 tên, bắt sống 155 tên, bắn rơi hai máy bay, thu nhiều vũ khí quân trang, quân dụng. 15 giờ chiều cùng ngày (28.10), địch cho một tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn thiết giáp từ Trại Ngọc vào Giốc Giàng để đón tàn binh. Tiểu đoàn 738 trung đoàn 64 ở Sòng Cạn và các tiểu đoàn khác bố trí gần Giốc Giàng tổ chức đánh viện không thành công. Ta chỉ tiêu hao một lực lượng nhỏ địch, còn đại bộ phận chúng tổ chức rút theo kiểu cuốn chiếu về Trại Ngọc.

Sau thất bại ở Giốc Giàng - Sòng Cạn, địch co về Rịa, Vĩnh Phương củng cố, cướp phá, lùng sục đẩy ta ra xa khu vực bàn đạp của chúng. Bộ đội chủ lực cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích vẫn không ngừng đánh chặn và quấy phá diệt thêm được nhiều địch. Ngày 30 tháng 10, một bộ phận trung đoàn 52 diệt 30 tên địch ở bắc Vĩnh Phương tám ki-lô-mét. Ngày 31, bộ đội trung đoàn 64 diệt 60 tên ở gần điểm cao 253 và diệt một trung đội địch ở Phú Hưu...

Để giữ bất ngờ cho việc lui quân và làm vừa lòng phó tổng thống Mỹ Ních-xơn sẽ đến thị sát tây nam Ninh Bình, ngày 2 tháng 11 (mở đầu đợt 3), địch tung bảy tiểu đoàn chia làm hai cánh tiến công lên Nho Quan lần thứ hai. Cánh chính từ Rịa đi theo đường 59 gồm hai tiểu đoàn bộ binh, hai tiểu đoàn dù, một tiểu đoàn cơ giới và một tiểu đoàn pháo. Cánh trái có hai tiểu đoàn bộ binh, từ mỏm đồi 94 đi men theo chân núi Yên Mông lên Nho Quan, làm nhiệm vụ bảo vệ sườn cho cánh chính.

Quyết tâm của đại đoàn là: dùng một lượng nhỏ của trung đoàn 52 phối hợp với du kích ngăn chặn, tiêu hao làm chậm bước tiến của địch trên cánh chính (đường 59) đồng thời tập trung lực lượng đánh địch trên cánh trái.

Cả hai cánh quân của địch đều tiến rất thận trọng. Cánh chính bị một bộ phận của tiểu đoàn 757 trung đoàn 52 cùng du kích chặn đánh, bắn tỉa phải dừng lại nghỉ đêm tại Văn Luận, trong đêm lại bị ta tập kích hoả lực, thiệt hại gần 100 tên, trưa ngày 3 tháng 11 mới tới Nho Quan.

Trưa ngày 3 tháng 11, trong khi cánh chính tiến lên Nho Quan, thì một tiểu đoàn của cánh trái tiểu đoàn 1, trung đoàn 5 lê dương sục vào làng Mống Lá. Tiểu đoàn 391 trung đoàn 52 phục sẵn ở đây tổ chức nhiều mũi bao vây chia cắt, tiêu diệt địch. Trận đánh kéo dài trong 45 phút, ta diệt gọn hai đại đội, làm tan rã hai đại đội khác, bắt sống 110 tên.

Tiến lên Nho Quan không thu được kết quả gì, trưa ngày 5 tháng 11, các lực lượng địch ở Nho Quan rút về Rịa. Ngày 6 tháng 11, địch dùng không quân, pháo binh bắn phá ác liệt các cửa rừng và các đường xuất kích của ta bảo vệ cho toàn bộ lực lượng rút quân, kết thúc cuộc hành quân. Ta tranh thủ thời cơ đưa lực lượng xuất kích diệt thêm một số địch ở các vị trí xung quanh Rịa. Chiều ngày 6 tháng 11, bộ đội ta kiểm soát toàn bộ khu vực địch đã mất, chiến dịch phản công tây nam Ninh Bình kết thúc thắng lợi.

Sau 23 ngày đêm, Đại đoàn 320 đánh 23 trận lớn nhỏ cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích tỉnh Ninh Bình loại khỏi vòng chiến đấu 1.711 tên (bắt 311 tên), phá huỷ 21 xe (có ba xe tăng, bốn xe thiết giáp), bắn rơi hai máy bay, thu nhiều vũ khí, trang bị.



Chiến dịch phản công tây nam Ninh Bình không chỉ có ý nghĩa diệt sinh lực địch mà quan trọng là đã làm thất bại ý đồ “đánh trước” của địch. Na-va tập trung một lực lượng rất lớn đánh ra vùng tự do của ta hòng giành lại thế chủ động, buộc ta phải tập trung chủ lực đối phó. Đại đoàn 320 cùng lực lượng vũ trang địa phương đã bảo vệ được vùng hậu phương quan trọng, bảo toàn được chủ lực. Các đại đoàn khác, kể cả Đại đoàn 304 và Đại đoàn 316 đang đứng chân gần đó vẫn triển khai công tác chuẩn bị cho hoạt động Đông Xuân 1953-1954.

Nét hay về nghệ thuật chiến dịch trong chiến dịch phản công tây nam Ninh Bình là Bộ chỉ huy chiến dịch đã rút kinh nghiệm kịp thời, nhanh chóng chuyển phương châm tác chiến từ tập kích quân địch chiếm đóng sang đánh địch đang trong vận động; vận dụng cách đánh thích hợp bằng lực lượng vừa và nhỏ, kết hợp chủ lực và địa phương, kết hợp trận địa phục kích của chủ lực với làng xã chiến đấu, tránh chỗ mạnh, lúc địch mạnh, đánh vào những cánh quân yếu, lực lượng nhỏ lẻ, nhằm tiêu diệt, tiêu hao địch, bảo vệ ta, cuối cùng làm thất bại mưu đồ cuộc hành quân của chúng.

Tuy nhiên, do nắm địch không chắc, bố trí một số đơn vị không phù hợp với tình hình thực tế nhưng lại chưa thay đổi cho phù hợp, một số bộ phận không chấp hành đúng ý định của đại đoàn, nên ta còn bỏ lỡ nhiều cơ hội diệt địch, nhiều trận thương vong còn lớn.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 21 Tháng Bảy, 2012, 05:35:14 pm

CHIẾN DỊCH LAI CHÂU
(Tiến công, từ ngày 10 đến ngày 31 tháng 12 năm 1953)


Thực hiện kế hoạch tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954 của Tổng Quân uỷ, trung tuần tháng 11 năm 1953, Đại đoàn 316 từ nam Hoà Bình hành quân lên Tây Bắc mở Chiến dịch Lai Châu nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng tỉnh Lai Châu, cùng với các chiến trường Tây Nguyên, Trung Hạ Lào, thu hút, phân tán lực lượng cơ động của địch tạo thời cơ cho khối chủ lực chiến lược còn lại (Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 304...) tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch. Đầu tháng 11 năm 1953, đoàn cán bộ chuẩn bị chiến trường của đại đoàn lên đường, sau đó nửa tháng, lực lượng cơ bản của đại đoàn là trung đoàn 174 và trung đoàn 98 cũng bắt đầu hành quân.

Nhận được tin Đại đoàn 316 tiến lên Tây Bắc, Na-va và bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương cho rằng hướng tiến công chủ yếu của đối phương trong đông xuân 1953-1954 không phải là đồng bằng Bắc Bộ như đã phán đoán mà có thể lại là Tây Bắc. Và như vậy, Thượng Lào và kinh đô Luông Pha Băng sẽ bị uy hiếp. Để bảo vệ Thượng Lào và đối phó với chủ lực ta, ngày 20 tháng 11 năm 1953, Na-va chính thức cho mở cuộc hành quân Ca-xto (Casto) đánh chiếm Điện Biên Phủ, một địa bàn chiến lược, nằm gần biên giới Việt-Lào. Trước tình hình địch chiếm Điện Biên Phủ, Bộ Tổng tư lệnh quyết định Đại đoàn 316 vẫn gấp rút lên đánh địch ở Lai Châu và điều thêm Đại đoàn 308 lên vây địch ở Điện Biên Phủ, các đại đoàn 312, 351, 304 sẵn sàng đánh trả nếu địch liều lĩnh đánh lên vùng căn cứ của ta.

Lai Châu là một tỉnh miền núi Tây Bắc, phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây giáp Lào. Đây là một vị trí quan trọng nối liền hậu phương kháng chiến của ta với vùng kháng chiến Lào. Địa hình Lai Châu rất hiểm trở, đường sá giao thông khó khăn.

Với mục đích uy hiếp hậu phương của ta và bảo vệ vùng Thượng Lào, địch đã chiếm giữ Lai Châu với lực lượng khá lớn. Toàn bộ Lai Châu được địch tổ chức thành một khu vực hành binh gồm ba tiểu đoàn chính quy (hai tiểu đoàn Ta-bo một tiểu đoàn ngụy Việt Nam) cùng 25 đại đội ngụy Thái đóng quân ở năm phân khu trong tỉnh.

Lực lượng tham gia Chiến dịch Lai Châu chủ yếu là Đại đoàn 316 và lực lượng vũ trang tại chỗ. Theo kế hoạch của Bộ, lực lượng cơ bản của đại đoàn là trung đoàn 174 và trung đoàn 98 hành quân gấp lên Lai Châu, riêng trung đoàn 176 chia thành ba bộ phận: Tiểu đoàn 888 hành quân cấp tốc lên Điện Biên Phủ, hoạt động ở khu vực Him Lam, Bản Tấu ngăn chặn địch đánh rộng ra phía bắc; tiểu đoàn 970 vượt biên giới sang giúp Lào bảo vệ vùng giải phóng Sầm Nưa và đề phòng địch đánh vào sườn ta; tiểu đoàn 999 tiếp tục bảo vệ Sơn La. Bộ chỉ huy đại đoàn trong chiến dịch là các đồng chí: Lê Quảng Ba - Đại đoàn trưởng và Chu Huy Mân - Chính ủy đại đoàn.

Khi địch đổ quân chiếm Điện Biên Phủ, Bộ Tổng tham mưu ra mệnh lệnh yêu cầu Đại đoàn 316 tổ chức thành từng tiểu đoàn để đẩy nhanh tốc độ hành quân. Đồng chí Chu Huy Mân đang dự hội nghị cán bộ trung đoàn trở lên do Bộ Tổng tham mưu triệu tập, cũng được lệnh về ngay đôn đốc đại đoàn hành quân. Tình hình rất khẩn trương nên Đại đoàn 316 hành quân liên tục không nghỉ. Đêm 7 tháng 12, cơ quan Bộ tư lệnh Đại đoàn và trung đoàn 174 tới ngã ba Tuần Giáo, trung đoàn 98 tới gần đèo Pha Đin. Tại Sở chỉ huy tiền phương của Bộ ở Khu 15 Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ đại đoàn nhận được lệnh của Bộ: “Địch đã rút lính Âu-Phi ở Lai Châu về tập trung ở Điện Biên Phủ. Số quân ngụy đóng rải rác ở Lai Châu đã được lệnh rút về Điện Biên Phủ bằng đường bộ qua hướng Mường Muôn, Mường Pồn. Nhiệm vụ của đại đoàn là cắt bằng được con đường Lai Châu - Điện Biên Phủ không cho địch chạy thoát, co cụm ở Mường Thanh, đồng thời nhanh chóng giải phóng Lai Châu theo kế hoạch cũ. Nếu địch bỏ chạy thì truy kích đến cùng”.

Thực tế, khi nghe tin Đại đoàn 316 lên Lai Châu, địch đã ra lệnh rút toàn bộ lực lượng ở Lai Châu, tập trung về phòng ngự ở Điện Biên Phủ. Cuộc rút quân mang mật hiệu Pôn-luých (Pollux) dự kiến bằng cả đường không và đường bộ sẽ hoàn thành vào ngày 18 tháng 12 năm 1953. Ngày 7 các đơn vị Âu-Phi đã rút về Điện Biên Phủ bằng đường không, còn các đơn vị nguỵ binh người Thái được lệnh tập hợp thành năm bộ phận rút khỏi Lai Châu theo đường bộ.

Cũng ngay trong đêm ngày 7 tháng 12, tại sở chỉ huy tiền phương của Bộ, Bộ tư lệnh đại đoàn hạ quyết tâm và giao nhiệm vụ cho các đơn vị: Trung đoàn 174, trung đoàn 98 (thiếu tiểu đoàn 493) cùng đại đoàn bộ đi theo đường tắt cắt đường rút của địch ở đoạn Pu San - Mường Pồn, tiểu đoàn 439 trung đoàn 98 do phó chính uỷ trung đoàn Phạm Quang Vinh chỉ huy theo đường 41 đánh thẳng vào thị xã Lai Châu; tiểu đoàn 938 trung đoàn 98 tạm dừng lại bảo vệ Tuần Giáo, đề phòng địch nhảy dù tập kích phía sau.

Mọi công tác chuẩn bị, chỉ huy hiệp đồng, động viên bộ đội sau 20 ngày đêm hành quân được hoàn tất khẩn trương, đảm bảo cho đại đoàn nhanh chóng triển khai đội hình đuổi đánh địch.

Đêm ngày 9 tháng 12, tiểu đoàn 439 tới Tuần Giáo và hành quân tiếp bằng cơ giới lên Lai Châu. Ô tô chỉ đi được khoảng 30km gặp đường xấu không đi được, bộ đội lại tiếp tục hành quân bộ. Tối ngày 10 tháng 12, tiểu đoàn tới Pa Hạm cách Lai Châu 32km. Tại đây, địch có một đồn không lớn, song nghe tin chủ lực ta tiến đánh Lai Châu binh lính ở các đồn Nậm Mức, Hải Ngài, Nậm Nàng đều tập trung về đây đưa quân số trong đồn lên tới ba đại đội.

22 giờ ngày 10 tháng 12, tiểu đoàn 439 tổ chức ba mũi tiến công địch ở đồn Pa Hạm. Địch chống cự khoảng 30 phút rồi mở đường tháo chạy, thừa thắng tiểu đoàn 439 tiếp tục tổ chức tiến công địch ở đèo Cơ-la-vơ (Clave). Đèo này cách thị xã Lai Châu 14 km và có địa thế rất hiểm trở. Bình thường một trung đoàn của ta cũng khó có thể tiến công được, nhưng do hoảng sợ trước sức mạnh tiến công của ta nên khi tiểu đoàn 439 vừa nổ súng, địch đã vội vàng tháo chạy. 24 giờ ngày 11 tháng 12, tiểu đoàn 439 đến sát thị xã Lai Châu. Được nhân dân dẫn đường, bộ đội ta tiến qua cầu sắt đánh chiếm thị xã, sân bay. Địch chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy. Đúng 2 giờ ngày 12 tháng 12, tiểu đoàn 439 đã cắm lá cờ chiến thắng trong thị xã Lai Châu, chính thúc giải phóng thị xã này khỏi ách thống trị gần 80 năm của giặc Pháp. Sau khi thị xã Lai Châu được giải phóng, tiểu đoàn 439 chia làm hai cánh tiếp tục truy kích địch. Đại đội 1480 tiến sang Pu Cói bắc Lai Châu, các đại đội 28, 53 truy kích theo đường Lai Châu - Điện Biên. Bộ phận còn lại của tiểu đoàn cùng địa phương bảo đảm an ninh và ổn định đời sống nhân dân trong thị xã.

Trong khi tiểu đoàn 439 tiến đánh Lai Châu thì lực lượng chủ yếu của đại đoàn từ Tuần Giáo, sau bốn ngày hành quân, đã tới các vị trí trên đường Điện Biên Phủ đi Lai Châu. Trung đoàn 174 bố trí ở khu vực Mường Muôn - Mường Pồn, đón đánh địch từ Lai Châu chạy về, trung đoàn 98 ở Pu San chặn địch từ Điện Biên Phủ tiến lên. Tiểu đoàn 888 trung đoàn 176 tiếp tục bám địch ở phía Him Lam - Bản Tấu.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 21 Tháng Bảy, 2012, 05:36:39 pm

Sáng ngày 12 tháng 12, đại đội 674 tiểu đoàn 251 trung đoàn 174 dẫn đầu đội hình trung đoàn tiến xuống Mường Pồn. Phát hiện trong bản có nhiều địch, đại đội 674 bao vây áp sát chờ lực lượng phía sau tới tổ chức tiến công.

Địch ở Mường Pồn khá đông, gồm hai đại đội bộ binh thuộc tiểu đoàn ngụy 301 và một đại đội vận tải. Đây là lực lượng rút ở Lai Châu về Điện Biên nhưng bị đại đội 35 tiểu đoàn 251 chặn đánh ở Cò Cháy nam Mường Pồn hai km, phải quay về Mường Pồn tổ chức phòng ngự chờ quân ở Điện Biên lên đón.

Địa hình trong khu vực trống trải, địch phát hiện lực lượng ta bao vây đã tổ chức nhiều mũi, được sự yểm trợ của máy bay, tiến công phá vây. Cuộc chiến đấu giữ vây của đại đội 674 diễn ra ác liệt suốt cả ngày 12. Chính trong cuộc chiến đấu ác liệt này đã xuất hiện gương chiến đấu dũng cảm của chiến sĩ Bế Văn Đàn “lấy thân mình làm giá súng” tạo điều kiện cho đồng đội chặn các đợt phản kích của địch. Sáng ngày 13, toàn bộ tiểu đoàn 251, được tăng cường đại đội 317, tổ chức tiến công và làm chủ Mường Pồn, loại khỏi vòng chiến đấu các đại đội địch ở đây, diệt 95 tên, bắt sống 52 tên, thu nhiều vũ khí và lừa, ngựa.

Cũng vào những ngày này, quân địch ở Điện Biên đưa các tiểu đoàn dù lê dương số 1 và tiểu đoàn dù ngụy số 2 từ Điện Biên Phủ kéo ra đón cánh quân ở Lai Châu về. Ngày 11 tháng 12 lực lượng này vừa ra tới Bản Tấu thì bị tiểu đoàn 888 trung đoàn 176 chặn đánh, bị diệt gần 100 tên, chúng bỏ đường cái xuyên rừng lên Pu San. Trưa ngày 13, địch lên tới Pu San đông nam Mường Pồn bốn km. Tại đây, được máy bay yểm trợ, chúng tổ chức tiến công điểm cao 1.168 hòng chiếm điểm cao này làm bàn đạp đón cánh quân ở Lai Châu về. Các chiến sĩ tiểu đoàn 215 và đại đội phòng không 677 dựa vào thế hiểm của địa hình, đã kiên cường chiến đấu đánh bật mọi đợt tiến công của hai tiểu đoàn địch. Sau nhiều đợt tiến công không thành, lại nghe tin đồng bọn đã bị diệt ở Mường Pồn, địch tổ chức quay về Điện Biên. Dọc đường số này lại bị đại đội 811 từ Bản Tấu lên đánh chặn đầu và tiểu đoàn 215 đánh ở phía sau nên đội hình tan tác, binh lính chạy tán loạn vào rừng tự tìm đường về Điện Biên Phủ.

Như vậy, với sự trợ giúp của không quân, suốt ba ngày luồn rừng, cánh quân của địch từ Điện Biên Phủ đã không sao ứng cứu được cánh quân ở Lai Châu về, mà còn bị chết và bị thương 112 tên, bị bắt 38 tên, đội hình tan rã khi quay trở lại Điện Biên.

Đường từ Mường Pồn về Điện Biên Phủ bị chặn, các lực lượng địch rút từ Lai Châu về Điện Biên buộc phải chia làm hai khối. Khối thứ nhất gồm đại bộ phận tiểu đoàn ngụy 301 và bốn đại đội ở Nậm Lầm, Sốp Nhom tìm đường vòng xuyên rừng về Điện Biên Phủ. Khối thứ hai gồm tàn quân ở Mường Tòng, Mường Bum, Mường Chà tìm đường chạy sang Lào.

Các đơn vị trong đại đoàn được lệnh tiếp tục truy kích địch. Tiểu đoàn 255 trung đoàn 174, có tham mưu trưởng đại đoàn đi cùng, hành quân lên hướng Mường Tòng để phối hợp với tiểu đoàn 439 trung đoàn 98 từ Lai Châu đánh xuống. Các tiểu đoàn 249, 251 của trung đoàn 174 tiến ra Nậm Lầm, Sốp Nhom. Tiểu đoàn 215 trung đoàn 98 bố trí ở Mường Muôn, sẵn sàng tiếp sức cho trung đoàn 174. Tiểu đoàn 888 trung đoàn 176 chuyển về chốt giữ ở Mường Pồn, sẵn sàng chặn địch ở Điện Biên Phủ lên.

Chiều ngày 13 tháng 12, tiểu đoàn 255 và 439 gặp nhau cách Mường Tòng một km. Tham mưu trưởng đại đoàn trực tiếp chỉ huy hai tiểu đoàn tiến công cụm quân địch ở Mường Tòng. Bốn đại đội địch cụm ở Mường Tòng chống cự yếu ớt rồi vội vã rút chạy, ta chuyển sang truy kích. Đến 21 giờ, bộ đội ta đuổi kịp bộ phận đi sau diệt và bắt một số tên, trong đó có tên đại uý Pháp. Địch tiếp tục rút chạy xuống phía nam. Sáng ngày 16, đến Nà Pheo bị đại đội 317 của ta diệt thêm một đại đội. Địch bỏ đường lớn chạy sang hướng tây, ta truy kích đến Si-pa-phin, bắt thêm 80 tên.

Trên hướng Sốp Nhom, đại đội 673, đơn vị đi đầu của cánh quân tiểu đoàn 251 và tiểu đoàn 249 gặp địch ở Huổi Mét. Đại đội tổ chức tiến công đánh tan một đại đội địch, bắt sống 40 tên, thu năm trung liên, 30 tiểu liên, 30 súng trường.

Hướng tây bắc thị xã Lai Châu, đại đội 1480 cùng một bộ phận của tiểu đoàn 930, trung đoàn 148 truy kích địch qua sông Đà. Sáng ngày 17, đại đội gặp địch ở Nậm Cáy, diệt 30 tên, bắt 70 tên (có một đại uý Pháp) xoá sổ cơ bản khối tàn quân chạy lên bắc Lai Châu.

Trải qua 12 ngày đêm liên tục tiến công, truy kích địch trên đoạn đường khoảng 300 km ở địa bàn rừng núi hiểm trở, Đại đoàn 316 đã tiêu diệt và làm tan rã 24 đại đội địch1 (khoảng 2.500 tên), đánh thiệt hại nặng ba tiểu đoàn, thu 528 súng trường và tiểu liên, 148 súng trung liên, năm súng cối, 12 máy vô tuyến điện, ba ô tô, 200 lừa ngựa. Đại đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng toàn bộ khu vực Lai Châu, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch.



Lai Châu giải phóng, Điện Biên Phủ bị uy hiếp trực tiếp từ phía bắc, địch buộc phải điều lực lượng từ đồng bằng Bắc Bộ lên Điện Biên Phủ, biến nơi đây thành nơi tập trung lực lượng thứ hai của chúng trên chiến trường Bắc Việt Nam. Như vậy, thắng lợi của chiến dịch Lai Châu không chỉ có ý nghĩa tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một địa bàn rừng núi quan trọng mà đây còn là thắng lợi bước đầu của ta trong việc thực hiện chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị: Tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai đi đôi với buộc địch phải phân tán khối cơ động chiến lược của chúng. Thắng lợi của chiến dịch giải phóng Lai Châu là thắng lợi mở đầu xuất sắc của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, tạo ra những điều kiện thuận lợi để ta tiến hành Chiến dịch Điện Biên Phủ sau này.

Bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch là ngay từ đầu đã hình thành thế trận chia cắt địch, làm cho chúng hoàn toàn lâm vào thế bị động trong cuộc rút quân. Bằng nhiều lực lượng, trên nhiều hướng, thực hiện nhiều hình thức, thủ đoạn chiến thuật như: tiến công, truy kích, đón lõng, phục kích, chốt chặn... ta đã chia cắt được lực lượng địch ở khu vực Lai Châu, chia cắt bộ phận rút chạy và bộ phận ứng cứu để lần lượt đánh tan rã từng bộ phận địch. Sau khi phái một lực lượng nhanh chóng tiến công tiêu diệt hai vị trí phía trước (Pa Ham, Cơ-la-vơ), nhanh chóng tiếp cận mục tiêu chủ yếu ( Lai Châu), đại đoàn đã dựa vào phần lớn lực lượng đang đứng chân giữa con đường độc đạo Lai Châu - Điện Biên để nhanh chóng triển khai lực lượng tiêu diệt địch đang vận động (đón đánh địch từ Lai Châu về, chặn địch từ Điện Biên Phủ lên, bám đánh địch ngay từ Him Lam, Bản Tấu). Nghệ thuật hình thành thế trận chốt chặn ở những khu vực hiểm yếu, nhất là đoạn Mường Pồn- Bản Tấu, là nghệ thuật điều hành chiến dịch sáng tạo, phát huy được sức mạnh của các lực lượng trong quá trình truy kích địch. Chốt chặn chiến dịch trong chiến dịch Lai Châu là bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch mà cả ba chiến dịch trước đó (Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào) ta chưa thực hiện được.

Trong chiến dịch Lai Châu, ta đã khắc phục được những thiếu sót chủ yếu trong truy kích của chiến dịch Thượng Lào trước đó. Đó là tinh thần chủ động, quyết tâm truy kích địch đến cùng của các đơn vị trên các hướng. Trong chiến dịch, bộ đội ta đã vượt qua những khó khăn rất lớn về đường sá xa xôi, địa hình hiểm trở, mùa đông giá rét... để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao.
_______________________________________
1. Theo lịch sử quân sự tập 4 bộ tổng tham mưu ngụy, 1972 thì số địch chạy thoát về Điện Biên Phủ là 10 trong tổng số 40 sĩ quan Pháp và 120 trong tổng số 2.100 lính ngụy Thái.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 24 Tháng Bảy, 2012, 09:12:51 pm

CHIẾN DỊCH TÂY NAM NINH BÌNH
(Phản công, từ ngày 15 tháng 10 đến ngày 6 tháng 11 năm 1953)


Bước vào Thu đông 1953, ở chiến trường chính Bắc Bộ, trong khi ta đang tích cực chuẩn bị mọi mặt theo kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 nhằm phá kế hoạch Na-va của địch, thì tình báo của Pháp lại khẳng định ta sẽ mở cuộc tiến công vào ngày 15 tháng 10 năm 1953 và một trong những bàn đạp của cuộc tiến công đó là phủ Nho Quan ở về phía tây nam Ninh Bình, nơi Đại đoàn 320 đang hoạt động. Na-va lập tức mở cuộc hành quân “Hải Âu” nhằm: “loại Đại đoàn 320 ra ngoài vòng chiến đấu trước khi nó vào địch hậu, hay ít nhất cũng phá được bàn đạp tiến công mà đại đoàn này đã tổ chức ở vùng Nho Quan”. Đây còn là cuộc tiến công nhằm nâng cao uy tín của Na-va, làm hậu thuẫn cho phái chủ chiến ở Pháp và là cớ để xin thêm viện trợ của Mỹ.

Với mục đích quân sự và chính trị trên đây, bộ chỉ huy Pháp đã huy động vào cuộc hành quân tới sáu binh đoàn cơ động, gồm 19 tiểu đoàn bộ binh, ba tiểu đoàn dù, hai tiểu đoàn thiết giáp, chín tiểu đoàn pháo (sáu tiểu đoàn của sáu binh đoàn và ba đại đội biệt kích). Tổng số quân lên đến bốn vạn tên được tổ chức thành hai sư đoàn lâm thời A và B và cánh quân C, do tướng Cô-nhi, tư lệnh Bắc Bộ trực tiếp chỉ huy. Đồng thời với cuộc hành quân này, bộ chỉ huy Pháp còn mở cuộc hành quân “Chim Bồ Nông” ở phía vùng biên Thanh Hóa nhằm nghi binh và uy hiếp, giam chân Đại đoàn 304 ở vùng này, không cho Đại đoàn chi viện tiếp sức cho vùng Ninh Binh.

Về phía ta, ngay sau khi địch rút khỏi Nà Sản (tháng 8-1953), Bộ Chính trị đã họp và nhận định: Ở đồng bằng Bắc Bộ, địch có thể lợi dụng những sơ hở của ta để tập kích ra vùng tự do, phá cơ sở kinh tế, kho tàng, phá việc chuẩn bị chiến dịch... Khả năng địch chiếm đóng rộng ra thì ít, nhưng ở mạn Nho Quan, Chi Nê chúng ta cần có kế hoạch đề phòng. Cũng trong tháng 8 năm 1953, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ thị cho bộ đội chủ lực và chính quyền địa phương ở vùng tự do phải có kế hoạch sẵn sàng chiến đấu tiêu hao tiêu diệt quân địch khi chúng đánh ra vùng tự do. Sau hạ tuần tháng 10, Bộ có lệnh cho trung đoàn 9 Đại đoàn 304 di chuyển ra bắc Đò Lèn làm lực lượng dự bị cho Đại đoàn 320.

Vùng tây nam Ninh Bình, nơi xẩy ra tác chiến là khu vực rộng, mỗi chiều khoảng 25 ki-lô-mét, nằm trong địa phận các huyện Gia Viễn, Gia Khánh, Nho Quan, Yên Khánh và một phần nhỏ bắc Thanh Hóa. Đây là vùng tự do của tỉnh Ninh Bình nằm ở phía tây phòng tuyến sông Đáy của địch. Nho Quan là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, là của ngõ tiến vào khu căn cứ rừng núi hữu ngạn và là nơi nối liền Liên khu 3 và Liên khu 4 của ta. Từ khi địch chiếm đồng bằng Bắc Bộ và lập phòng tuyến sông Đáy, khu vực tự do tây nam Ninh Bình là một bàn đạp để ta tiến vào vùng địch hậu, là một căn cứ xuất phát và là nơi cung cấp người, lương thực cho các đợt hoạt động của chủ lực.

Địa hình tây nam Ninh Bình tương đối hiểm trở, đồng ruộng xen kẽ rừng núi đá vôi. Phía bắc là khu núi đá Hà Nam, Hoà Bình, phía tây và nam là dãy Tam Điệp chắn giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, phía đông là khu núi đá Gia Khánh.

Từ đồng bằng vào vùng Nho Quan chỉ có hai đường chính. Phía bắc từ Gián Khẩu vào có đường 12 và sông Hoàng Long chạy giữa cánh đồng nước Gia Viễn, phía nam, từ Ghềnh vào có đường 59. Cả hai con đường đều bị phá nhiều chỗ, các phương tiện cơ giới nặng khó cơ động.

Đứng chân ở vùng tự do tây nam Ninh Bình lúc này là Đại đoàn 320 do đồng chí Văn Tiến Dũng làm Đại đoàn trưởng. Trang bị vũ khí bộ binh của đại đoàn tương đối đầy đủ, song về hoả lực, mỗi trung đoàn chỉ có bốn đến sáu khẩu cối 81mm, hai đến bốn khẩu ĐKZ và một tiểu đội hỏa lực trợ chiến. Đại đoàn 320 là đại đoàn có nhiều kinh nghiệm đánh đồng bằng địch hậu, song ít kinh nghiệm đánh rừng núi, điểm cao. Đại đoàn vừa tổ chức chỉnh quân nên tinh thần cán bộ chiến sĩ rất hăng hái.

Từ cuối tháng 8 năm 1953, khi nhận được lệnh của Bộ đề phòng địch đánh ra vùng tự do, Đảng uỷ đại đoàn đã lãnh đạo các đơn vị một mặt tích cực chuẩn bị, phối hợp với địa phương sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt, tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng tự do; một mặt tiếp tục hoàn thành chương trình huấn luyện quân sự, nâng cao trình độ tác chiến của đại đoàn trước khi bước vào đợt hoạt động Đông Xuân 1953-1954. Để có thể vừa huấn luyện vừa sẵn sàng chiến đấu, và phán đoán mục tiêu chính của địch là Nho Quan, Rịa nên đại đoàn đã bố trí lực lượng ở những vùng vừa tiện lợi cho huấn luyện, vừa có thể đánh địch trên hai hướng đường 59 và đường 12. Trung đoàn 64 ở vùng Kỳ Lao, Quan Thạch, có nhiệm vụ đánh địch ở vùng lân cận Rịa, đường 59, đường Rịa đi Phố Cát. Trung đoàn 52 ở Châu Sơn, Nho Quan, Yên Nông có nhiệm vụ đánh địch tiến theo đường 12, khi có điều kiện vận động đánh vào sườn địch trên đường 59. Trung đoàn 48 là lực lượng cơ động của sư đoàn, bố trí ở phía nam Phố Cát (Thạch Thành, Thanh Hoá). Dựa trên kinh nghiệm chiến đấu ở vùng địch hậu và so sánh tương quan lực lượng, đại đoàn đã xác định phương châm tác chiến ban đầu là “lấy tập kích địch chiếm đóng là chính”.

Phối hợp chiến đấu cùng Đại đoàn 320 còn có bộ đội địa phương dân quân du kích tỉnh Ninh Bình mà nòng cốt là các đại đội 198 ở Yên Mô, đại đội 29 ở Gia Viễn, đại đội 195 ở Quỳnh Lưu, Nho Quan. Lực lượng vũ trang các huyện được bổ sung quân số, trang bị thêm vũ khí, đào công sự xây dựng trận địa mai phục ở khắp nơi, sẵn sàng đánh địch trên các địa bàn được phân công. Các kho vũ khí, thóc gạo trong huyện Nho Quan đã được chuyển đến địa điểm mới an toàn hơn. Các đường mòn, đường tắt từ Nho Quan đi Kim Tân, Thanh Hoá nối liền Liên khu 3 với Liên khu 4 cũng được mở rộng để tiện việc hành quân tiếp tế.

Tuy nhiên, mặc dù được dự báo trước hai tháng, nhưng do không dự kiến địch sẽ đánh ra vùng tự do vào thời điểm nào nên đại đoàn chú trọng chuẩn bị nhiều hơn cho hoạt động ở địch hậu. Việc quán triệt tư tưởng, tình hình nhiệm vụ đánh địch tiến công ra vùng tự do cho cấp dưới chưa đầy đủ, việc xây dựng phương án chiến đấu, chuẩn bị chiến trường, nhất là chuẩn bị đường cơ động cho bộ đội còn sơ sài và nhiều thiếu sót.

Sau một thời gian tiến hành các thủ đoạn nghi binh và điều động các binh đoàn đến tập kết ở các khu vực Ghềnh, Yên Mô, Ninh Bình và Hoàng Đan, Ý Yên, Hà Nam, sáng ngày 15 tháng 10 năm 1953, các binh đoàn thuộc sư đoàn A và B của Pháp rầm rộ tiến theo đường 59 đánh chiếm Rịa và các điểm cao ven đường. Đồng thời ở hướng Hoàng Đan, cánh quân 2 cũng dàn lực lượng đến tận Gián Khẩu, bảo vệ phía sau cho các lực lượng tiến công. Hướng Thanh Hóa, ngày 16 tháng 10, địch đổ bộ 500 quân lên Hải Yến, tung 40 biệt kích xuống Khoa Trường, cho nhiều tàu chiến, máy bay hoạt động ở ngoài khơi hòng nghi binh thu hút chủ lực ta. Trong khi rùm beng về hoạt động ở hướng Thanh Hóa, ngày 17 binh đoàn số 1 của Pháp ở Rịa bắt đầu đánh toả ra: chiếm đồi 94 và các vị trí xung quanh trên đường đi Nho Quan cách Rịa năm km về phía tây, chiếm đồi 201 (Trại Ngọc) trên đường đi Kim Tân, cách Rịa năm km về phía đông nam.

Đến hết ngày 17, trên hướng chính địch đã chiếm được khu bàn đạp quan trọng để tiến công vào Nho Quan. Trong đợt 1 của chiến dịch, từ ngày 15 đến 17 tháng 10, do xác định phương châm lấy tập kích là chính nên ta chỉ sử dụng bộ đội địa phương và dân quân du kích các huyện Gia Viễn, Yên Mô, Nho Quan tổ chức các trận đánh lẻ, ngăn chặn tiêu hao địch. Các trung đoàn chủ lực vẫn ém quân bí mật, sẵn sàng bước vào chiến đấu.

Ngày 18 (bắt đầu đợt 2), địch tổ chức hai cánh đánh ra các vùng xung quanh bàn đạp: Cánh phía tây gồm ba tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn thiết giáp tập kết ở Trại Ngọc, Yên Lai, sau đó để lại tiểu đoàn 3 lê dương ở Trại Ngọc, còn hai tiểu đoàn ngụy và tiểu đoàn thiết giáp tiến công vào Phố Cát - Vân Du. Cánh đông gồm ba tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn thiết giáp tập kết ở Quang Sỏi, sau đó tổ chức sục sạo ở Đồng Giao, Quang Lang Đoài.

Mặc dù ta có dự kiến địch sẽ thọc vào Phố Cát, song do công tác tổ chức nắm địch không tốt nên khi địch tiến đến Phố Cát, ta lại bị bất ngờ, không tổ chức đánh chặn. Đêm 18, khi trung đoàn 48 vận động ra Phố Cát để tập kích thì địch đã rút về Trại Ngọc, Trung đoàn bỏ lỡ thời cơ diệt địch.

Cũng đêm 18 rạng sáng ngày 19 tháng 10, trung đoàn 64 tổ chức tập kích địch ở điểm cao 94 và 201. Đồi 94 (còn gọi là đồi Rào), nằm bên trái đường 59 từ Rịa đi Nho Quan, đối diện với làng Sào Lâm, có hai mỏm nối với nhau bằng một yên ngựa, phía sau là một dải đồi tranh thấp. Lực lượng địch ở đồi 94 có hai đại đội Âu - Phi thuộc binh đoàn cơ động số 1. Đồi 201 là đỉnh cao nhất trong cụm bốn quả đồi nằm trên đường Rịa đi Kim Tân. Trên mỏm chính này cũng có hai đại đội của binh đoàn cơ động số 1 và các quả đồi lân cận cũng có lực lượng địch chiếm đóng.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 24 Tháng Bảy, 2012, 09:14:07 pm

Ngay từ chiều ngày 16 tháng 10, khi địch chiếm đồi 94, tiểu đoàn 706 đã được lệnh nghiên cứu đánh địch. 18 giờ ngày 18, tiểu đoàn rời khu rừng Kỳ Lão hành quân trong đêm tiến về khu đồi 94. Khoảng 2 giờ sáng ngày 19, các mũi của tiểu đoàn đã triển khai vây chặt quả đồi, có mũi cách địch chỉ 20 mét. Tiểu đoàn phát lệnh nổ súng, sau một loạt hoả lực đi cùng, bộ đội trên các hướng xung phong mãnh liệt, xả súng tiêu diệt bọn địch đang hoảng loạn quanh những chiếc lều vải trên đồi. Trận đánh diễn ra nhanh gọn trong khoảng 30 phút, ta diệt 150 tên, bắt sống 15 tên, thu một ĐKZ, sáu trung đại liên và nhiều vũ khí quân trang, quân dụng khác. Ta hy sinh 17, bị thương 35 đồng chí.

Ở điểm cao 201, 3 giờ 30 phút ngày 19 tháng 10, tiểu đoàn 722 cũng áp sát địch và nổ súng tiến công. Do bị địch phát hiện trước, yếu tố bất ngờ không còn, nên trận đánh diễn ra rất ác liệt. Sau nhiều lần xung phong, ta chỉ chiếm được một mỏm đồi, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, rồi tổ chức lui quân trước khi trời sáng. Trận này ta diệt 60 tên, bắt sống 15, thu 15 súng các loại, song thương vong của ta do bị pháo binh địch cũng khá lớn (hy sinh 64 người, bị thương 83 người).

Sau đợt hoạt động của ta đêm 18, địch tổ chức chiếm lại đồi 94, đồi 201, tăng cường hai tiểu đoàn pháo lên Rịa, dốc toàn lực lượng vào việc tăng cường công sự, chướng ngại vật trên các điểm cao, lùng sục bảo vệ các sở chỉ huy, trận địa pháo. Về phía ta, Đảng uỷ đại đoàn cũng triệu tập cuộc họp mở rộng và nhận định: địch đang củng cố các vị trí, song không có mục đích chiếm đóng lâu dài, sắp tới chúng sẽ tổ chức các cuộc càn rộng ra xung quanh, ta sẽ có điều kiện đánh địch trong vận động: mặt khác, tập kích địch trên các điểm cao ta bị thương vong nhiều. Do đó đại đoàn quyết định đổi phương châm tác chiến: “Phải tranh thủ đánh vận động chiến”, tránh tư tưởng chỉ muốn “ăn to” không muốn phân tán đánh nhỏ. Đại đoàn đã lệnh cho các trung đoàn tổ chức các bộ phận nhỏ kết hợp với dân quân du kích đánh nhỏ, đánh phân tán. Trung đoàn 52 điều một tiểu đoàn vào Quỳnh Lưu phát động chiến tranh du kích, Trung đoàn 48, 64 bố trí ở sườn địch trên đường Rịa, Phố Cát, sẵn sàng tiêu diệt địch khi chúng đánh vào Nho Quan.

Sau những ngày chuẩn bị và củng cố bàn đạp, 5 giờ sáng ngày 22 tháng 10, địch cho ba tiểu đoàn bộ binh cơ giới có pháo binh, không quân yểm trợ tiến lên Nho Quan bằng hai mũi. Mũi chính tiến theo đường 59 gồm hai tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn cơ giới và hai tiểu đoàn pháo binh. Mũi thứ hai có một tiểu đoàn bộ binh xuất phát từ mỏm đồi 94 đi theo con đường phía tây đường 59 lên Nho Quan (cánh trái). Cả hai mũi tiến công của địch đều bị các bộ phận nhỏ phân tán của trung đoàn 52 và 64 cùng dân quân du kích bắn tỉa nên chúng tiến rất dè dặt.

Cánh trái, khi tới Bát Cô, bị một tiểu đoàn của trung đoàn 52 chặn đánh và bị diệt 30 tên, phải dừng lại rồi rút ra đường 59. Tiểu đoàn 706 trung đoàn 64 tổ chức truy kích bọn này đến tận làng Tri Phương diệt gần một đại đội. Mũi chính, đến chiều mới tới Nho Quan, thấy trong thị trấn “vườn không nhà trống” lại nghe tin cánh trái bị đánh, nên vội vã phá một số nhà và cầu phao rồi rút ngay.

Sau khi địch rút khỏi Nho Quan, Đại đoàn phán đoán địch sẽ đánh lên lần nữa, nên điều tiểu đoàn 1 trung đoàn 48 tổ chức phục kích địch ở chân đồi Trại Ngọc. Đêm 23, tiểu đoàn bí mật triển khai trận địa phục kích dài hơn hai km ở chân đồi Trại Ngọc. 8 giờ sáng ngày 24, tiểu đoàn 1 lê dương thuộc trung đoàn 5 có khoảng 20 xe tăng xe bọc thép đi cùng từ Rịa tiến về Phủ Đồi - Trại Ngọc. Tiểu đoàn 706 nổ súng, trận chiến đấu rất ác liệt vì trận địa phục kích của ta ở gần các điểm cao có địch chiếm đóng nên địch dựa vào phi pháo, cơ giới và các lực lượng chốt giữ gần đó chống cự quyết liệt. Trận đánh kéo dài đến chiều, ta diệt hơn một đại đội địch, phá hủy năm xe tăng, bốn xe bọc thép, thu nhiều vũ khí phương tiện.

Ngày 25 tháng 10, địch đưa bốn tiểu đoàn bộ binh, bốn tiểu đoàn pháo binh và một tiểu đoàn thiết giáp từ Ghềnh mở cuộc càn quét vào Bỉm Sơn - Quý Hương, nơi chúng cho là có căn cứ, kho tàng của Đại đoàn 320. Qua ba ngày lùng sục không kết quả gì, sáng ngày 28 chúng cho phần lớn lực lượng rút về, chỉ để lại một tiểu đoàn lê dương và một tiểu đoàn ngụy Thái ở lại hòng phục kích chủ lực ta trên đường tới Sòng Cạn.

10 giờ sáng ngày 28 tháng 10, phát hiện địch đi từ Quý Hương về Sòng Cạn, đại đoàn hạ quyết tâm tiêu diệt địch. Tiểu đoàn 3 trung đoàn 48 và tiểu đoàn 706 trung đoàn 64 được lệnh cùng xuất kích ra đánh địch. Tiểu đoàn 2 trung đoàn 48 bịt hậu ở phía Quý Hương, tiểu đoàn 738 trung đoàn 64 chặn viện ở Giốc Giàng. Bị ta đánh bất ngờ cả tiểu đoàn ngụy Thái và một bộ phận của tiểu đoàn lê dương hoảng loạn tháo chạy. Ta tổ chức truy kích và đánh trả máy bay địch đến ứng viện. Sau vài giờ chiến đấu, ta loại khỏi vòng chiến đấu gần hai tiểu đoàn địch, diệt 300 tên, bắt sống 155 tên, bắn rơi hai máy bay, thu nhiều vũ khí quân trang, quân dụng. 15 giờ chiều cùng ngày (28.10), địch cho một tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn thiết giáp từ Trại Ngọc vào Giốc Giàng để đón tàn binh. Tiểu đoàn 738 trung đoàn 64 ở Sòng Cạn và các tiểu đoàn khác bố trí gần Giốc Giàng tổ chức đánh viện không thành công. Ta chỉ tiêu hao một lực lượng nhỏ địch, còn đại bộ phận chúng tổ chức rút theo kiểu cuốn chiếu về Trại Ngọc.

Sau thất bại ở Giốc Giàng - Sòng Cạn, địch co về Rịa, Vĩnh Phương củng cố, cướp phá, lùng sục đẩy ta ra xa khu vực bàn đạp của chúng. Bộ đội chủ lực cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích vẫn không ngừng đánh chặn và quấy phá diệt thêm được nhiều địch. Ngày 30 tháng 10, một bộ phận trung đoàn 52 diệt 30 tên địch ở bắc Vĩnh Phương tám ki-lô-mét. Ngày 31, bộ đội trung đoàn 64 diệt 60 tên ở gần điểm cao 253 và diệt một trung đội địch ở Phú Hưu...

Để giữ bất ngờ cho việc lui quân và làm vừa lòng phó tổng thống Mỹ Ních-xơn sẽ đến thị sát tây nam Ninh Bình, ngày 2 tháng 11 (mở đầu đợt 3), địch tung bảy tiểu đoàn chia làm hai cánh tiến công lên Nho Quan lần thứ hai. Cánh chính từ Rịa đi theo đường 59 gồm hai tiểu đoàn bộ binh, hai tiểu đoàn dù, một tiểu đoàn cơ giới và một tiểu đoàn pháo. Cánh trái có hai tiểu đoàn bộ binh, từ mỏm đồi 94 đi men theo chân núi Yên Mông lên Nho Quan, làm nhiệm vụ bảo vệ sườn cho cánh chính.

Quyết tâm của đại đoàn là: dùng một lượng nhỏ của trung đoàn 52 phối hợp với du kích ngăn chặn, tiêu hao làm chậm bước tiến của địch trên cánh chính (đường 59) đồng thời tập trung lực lượng đánh địch trên cánh trái.

Cả hai cánh quân của địch đều tiến rất thận trọng. Cánh chính bị một bộ phận của tiểu đoàn 757 trung đoàn 52 cùng du kích chặn đánh, bắn tỉa phải dừng lại nghỉ đêm tại Văn Luận, trong đêm lại bị ta tập kích hoả lực, thiệt hại gần 100 tên, trưa ngày 3 tháng 11 mới tới Nho Quan.

Trưa ngày 3 tháng 11, trong khi cánh chính tiến lên Nho Quan, thì một tiểu đoàn của cánh trái tiểu đoàn 1, trung đoàn 5 lê dương sục vào làng Mống Lá. Tiểu đoàn 391 trung đoàn 52 phục sẵn ở đây tổ chức nhiều mũi bao vây chia cắt, tiêu diệt địch. Trận đánh kéo dài trong 45 phút, ta diệt gọn hai đại đội, làm tan rã hai đại đội khác, bắt sống 110 tên.

Tiến lên Nho Quan không thu được kết quả gì, trưa ngày 5 tháng 11, các lực lượng địch ở Nho Quan rút về Rịa. Ngày 6 tháng 11, địch dùng không quân, pháo binh bắn phá ác liệt các cửa rừng và các đường xuất kích của ta bảo vệ cho toàn bộ lực lượng rút quân, kết thúc cuộc hành quân. Ta tranh thủ thời cơ đưa lực lượng xuất kích diệt thêm một số địch ở các vị trí xung quanh Rịa. Chiều ngày 6 tháng 11, bộ đội ta kiểm soát toàn bộ khu vực địch đã mất, chiến dịch phản công tây nam Ninh Bình kết thúc thắng lợi.

Sau 23 ngày đêm, Đại đoàn 320 đánh 23 trận lớn nhỏ cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích tỉnh Ninh Bình loại khỏi vòng chiến đấu 1.711 tên (bắt 311 tên), phá huỷ 21 xe (có ba xe tăng, bốn xe thiết giáp), bắn rơi hai máy bay, thu nhiều vũ khí, trang bị.



Chiến dịch phản công tây nam Ninh Bình không chỉ có ý nghĩa diệt sinh lực địch mà quan trọng là đã làm thất bại ý đồ “đánh trước” của địch. Na-va tập trung một lực lượng rất lớn đánh ra vùng tự do của ta hòng giành lại thế chủ động, buộc ta phải tập trung chủ lực đối phó. Đại đoàn 320 cùng lực lượng vũ trang địa phương đã bảo vệ được vùng hậu phương quan trọng, bảo toàn được chủ lực. Các đại đoàn khác, kể cả Đại đoàn 304 và Đại đoàn 316 đang đứng chân gần đó vẫn triển khai công tác chuẩn bị cho hoạt động Đông Xuân 1953-1954.

Nét hay về nghệ thuật chiến dịch trong chiến dịch phản công tây nam Ninh Bình là Bộ chỉ huy chiến dịch đã rút kinh nghiệm kịp thời, nhanh chóng chuyển phương châm tác chiến từ tập kích quân địch chiếm đóng sang đánh địch đang trong vận động; vận dụng cách đánh thích hợp bằng lực lượng vừa và nhỏ, kết hợp chủ lực và địa phương, kết hợp trận địa phục kích của chủ lực với làng xã chiến đấu, tránh chỗ mạnh, lúc địch mạnh, đánh vào những cánh quân yếu, lực lượng nhỏ lẻ, nhằm tiêu diệt, tiêu hao địch, bảo vệ ta, cuối cùng làm thất bại mưu đồ cuộc hành quân của chúng.

Tuy nhiên, do nắm địch không chắc, bố trí một số đơn vị không phù hợp với tình hình thực tế nhưng lại chưa thay đổi cho phù hợp, một số bộ phận không chấp hành đúng ý định của đại đoàn, nên ta còn bỏ lỡ nhiều cơ hội diệt địch, nhiều trận thương vong còn lớn.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 24 Tháng Bảy, 2012, 09:16:10 pm

CHIẾN DỊCH LAI CHÂU
(Tiến công, từ ngày 10 đến ngày 31 tháng 12 năm 1953)


Thực hiện kế hoạch tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954 của Tổng Quân uỷ, trung tuần tháng 11 năm 1953, Đại đoàn 316 từ nam Hoà Bình hành quân lên Tây Bắc mở Chiến dịch Lai Châu nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng tỉnh Lai Châu, cùng với các chiến trường Tây Nguyên, Trung Hạ Lào, thu hút, phân tán lực lượng cơ động của địch tạo thời cơ cho khối chủ lực chiến lược còn lại (Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 304...) tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch. Đầu tháng 11 năm 1953, đoàn cán bộ chuẩn bị chiến trường của đại đoàn lên đường, sau đó nửa tháng, lực lượng cơ bản của đại đoàn là trung đoàn 174 và trung đoàn 98 cũng bắt đầu hành quân.

Nhận được tin Đại đoàn 316 tiến lên Tây Bắc, Na-va và bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương cho rằng hướng tiến công chủ yếu của đối phương trong đông xuân 1953-1954 không phải là đồng bằng Bắc Bộ như đã phán đoán mà có thể lại là Tây Bắc. Và như vậy, Thượng Lào và kinh đô Luông Pha Băng sẽ bị uy hiếp. Để bảo vệ Thượng Lào và đối phó với chủ lực ta, ngày 20 tháng 11 năm 1953, Na-va chính thức cho mở cuộc hành quân Ca-xto (Casto) đánh chiếm Điện Biên Phủ, một địa bàn chiến lược, nằm gần biên giới Việt-Lào. Trước tình hình địch chiếm Điện Biên Phủ, Bộ Tổng tư lệnh quyết định Đại đoàn 316 vẫn gấp rút lên đánh địch ở Lai Châu và điều thêm Đại đoàn 308 lên vây địch ở Điện Biên Phủ, các đại đoàn 312, 351, 304 sẵn sàng đánh trả nếu địch liều lĩnh đánh lên vùng căn cứ của ta.

Lai Châu là một tỉnh miền núi Tây Bắc, phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây giáp Lào. Đây là một vị trí quan trọng nối liền hậu phương kháng chiến của ta với vùng kháng chiến Lào. Địa hình Lai Châu rất hiểm trở, đường sá giao thông khó khăn.

Với mục đích uy hiếp hậu phương của ta và bảo vệ vùng Thượng Lào, địch đã chiếm giữ Lai Châu với lực lượng khá lớn. Toàn bộ Lai Châu được địch tổ chức thành một khu vực hành binh gồm ba tiểu đoàn chính quy (hai tiểu đoàn Ta-bo một tiểu đoàn ngụy Việt Nam) cùng 25 đại đội ngụy Thái đóng quân ở năm phân khu trong tỉnh.

Lực lượng tham gia Chiến dịch Lai Châu chủ yếu là Đại đoàn 316 và lực lượng vũ trang tại chỗ. Theo kế hoạch của Bộ, lực lượng cơ bản của đại đoàn là trung đoàn 174 và trung đoàn 98 hành quân gấp lên Lai Châu, riêng trung đoàn 176 chia thành ba bộ phận: Tiểu đoàn 888 hành quân cấp tốc lên Điện Biên Phủ, hoạt động ở khu vực Him Lam, Bản Tấu ngăn chặn địch đánh rộng ra phía bắc; tiểu đoàn 970 vượt biên giới sang giúp Lào bảo vệ vùng giải phóng Sầm Nưa và đề phòng địch đánh vào sườn ta; tiểu đoàn 999 tiếp tục bảo vệ Sơn La. Bộ chỉ huy đại đoàn trong chiến dịch là các đồng chí: Lê Quảng Ba - Đại đoàn trưởng và Chu Huy Mân - Chính ủy đại đoàn.

Khi địch đổ quân chiếm Điện Biên Phủ, Bộ Tổng tham mưu ra mệnh lệnh yêu cầu Đại đoàn 316 tổ chức thành từng tiểu đoàn để đẩy nhanh tốc độ hành quân. Đồng chí Chu Huy Mân đang dự hội nghị cán bộ trung đoàn trở lên do Bộ Tổng tham mưu triệu tập, cũng được lệnh về ngay đôn đốc đại đoàn hành quân. Tình hình rất khẩn trương nên Đại đoàn 316 hành quân liên tục không nghỉ. Đêm 7 tháng 12, cơ quan Bộ tư lệnh Đại đoàn và trung đoàn 174 tới ngã ba Tuần Giáo, trung đoàn 98 tới gần đèo Pha Đin. Tại Sở chỉ huy tiền phương của Bộ ở Khu 15 Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ đại đoàn nhận được lệnh của Bộ: “Địch đã rút lính Âu-Phi ở Lai Châu về tập trung ở Điện Biên Phủ. Số quân ngụy đóng rải rác ở Lai Châu đã được lệnh rút về Điện Biên Phủ bằng đường bộ qua hướng Mường Muôn, Mường Pồn. Nhiệm vụ của đại đoàn là cắt bằng được con đường Lai Châu - Điện Biên Phủ không cho địch chạy thoát, co cụm ở Mường Thanh, đồng thời nhanh chóng giải phóng Lai Châu theo kế hoạch cũ. Nếu địch bỏ chạy thì truy kích đến cùng”.

Thực tế, khi nghe tin Đại đoàn 316 lên Lai Châu, địch đã ra lệnh rút toàn bộ lực lượng ở Lai Châu, tập trung về phòng ngự ở Điện Biên Phủ. Cuộc rút quân mang mật hiệu Pôn-luých (Pollux) dự kiến bằng cả đường không và đường bộ sẽ hoàn thành vào ngày 18 tháng 12 năm 1953. Ngày 7 các đơn vị Âu-Phi đã rút về Điện Biên Phủ bằng đường không, còn các đơn vị nguỵ binh người Thái được lệnh tập hợp thành năm bộ phận rút khỏi Lai Châu theo đường bộ.

Cũng ngay trong đêm ngày 7 tháng 12, tại sở chỉ huy tiền phương của Bộ, Bộ tư lệnh đại đoàn hạ quyết tâm và giao nhiệm vụ cho các đơn vị: Trung đoàn 174, trung đoàn 98 (thiếu tiểu đoàn 493) cùng đại đoàn bộ đi theo đường tắt cắt đường rút của địch ở đoạn Pu San - Mường Pồn, tiểu đoàn 439 trung đoàn 98 do phó chính uỷ trung đoàn Phạm Quang Vinh chỉ huy theo đường 41 đánh thẳng vào thị xã Lai Châu; tiểu đoàn 938 trung đoàn 98 tạm dừng lại bảo vệ Tuần Giáo, đề phòng địch nhảy dù tập kích phía sau.

Mọi công tác chuẩn bị, chỉ huy hiệp đồng, động viên bộ đội sau 20 ngày đêm hành quân được hoàn tất khẩn trương, đảm bảo cho đại đoàn nhanh chóng triển khai đội hình đuổi đánh địch.

Đêm ngày 9 tháng 12, tiểu đoàn 439 tới Tuần Giáo và hành quân tiếp bằng cơ giới lên Lai Châu. Ô tô chỉ đi được khoảng 30km gặp đường xấu không đi được, bộ đội lại tiếp tục hành quân bộ. Tối ngày 10 tháng 12, tiểu đoàn tới Pa Hạm cách Lai Châu 32km. Tại đây, địch có một đồn không lớn, song nghe tin chủ lực ta tiến đánh Lai Châu binh lính ở các đồn Nậm Mức, Hải Ngài, Nậm Nàng đều tập trung về đây đưa quân số trong đồn lên tới ba đại đội.

22 giờ ngày 10 tháng 12, tiểu đoàn 439 tổ chức ba mũi tiến công địch ở đồn Pa Hạm. Địch chống cự khoảng 30 phút rồi mở đường tháo chạy, thừa thắng tiểu đoàn 439 tiếp tục tổ chức tiến công địch ở đèo Cơ-la-vơ (Clave). Đèo này cách thị xã Lai Châu 14 km và có địa thế rất hiểm trở. Bình thường một trung đoàn của ta cũng khó có thể tiến công được, nhưng do hoảng sợ trước sức mạnh tiến công của ta nên khi tiểu đoàn 439 vừa nổ súng, địch đã vội vàng tháo chạy. 24 giờ ngày 11 tháng 12, tiểu đoàn 439 đến sát thị xã Lai Châu. Được nhân dân dẫn đường, bộ đội ta tiến qua cầu sắt đánh chiếm thị xã, sân bay. Địch chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy. Đúng 2 giờ ngày 12 tháng 12, tiểu đoàn 439 đã cắm lá cờ chiến thắng trong thị xã Lai Châu, chính thúc giải phóng thị xã này khỏi ách thống trị gần 80 năm của giặc Pháp. Sau khi thị xã Lai Châu được giải phóng, tiểu đoàn 439 chia làm hai cánh tiếp tục truy kích địch. Đại đội 1480 tiến sang Pu Cói bắc Lai Châu, các đại đội 28, 53 truy kích theo đường Lai Châu - Điện Biên. Bộ phận còn lại của tiểu đoàn cùng địa phương bảo đảm an ninh và ổn định đời sống nhân dân trong thị xã.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 24 Tháng Bảy, 2012, 09:17:46 pm

Trong khi tiểu đoàn 439 tiến đánh Lai Châu thì lực lượng chủ yếu của đại đoàn từ Tuần Giáo, sau bốn ngày hành quân, đã tới các vị trí trên đường Điện Biên Phủ đi Lai Châu. Trung đoàn 174 bố trí ở khu vực Mường Muôn - Mường Pồn, đón đánh địch từ Lai Châu chạy về, trung đoàn 98 ở Pu San chặn địch từ Điện Biên Phủ tiến lên. Tiểu đoàn 888 trung đoàn 176 tiếp tục bám địch ở phía Him Lam - Bản Tấu.

Sáng ngày 12 tháng 12, đại đội 674 tiểu đoàn 251 trung đoàn 174 dẫn đầu đội hình trung đoàn tiến xuống Mường Pồn. Phát hiện trong bản có nhiều địch, đại đội 674 bao vây áp sát chờ lực lượng phía sau tới tổ chức tiến công.

Địch ở Mường Pồn khá đông, gồm hai đại đội bộ binh thuộc tiểu đoàn ngụy 301 và một đại đội vận tải. Đây là lực lượng rút ở Lai Châu về Điện Biên nhưng bị đại đội 35 tiểu đoàn 251 chặn đánh ở Cò Cháy nam Mường Pồn hai km, phải quay về Mường Pồn tổ chức phòng ngự chờ quân ở Điện Biên lên đón.

Địa hình trong khu vực trống trải, địch phát hiện lực lượng ta bao vây đã tổ chức nhiều mũi, được sự yểm trợ của máy bay, tiến công phá vây. Cuộc chiến đấu giữ vây của đại đội 674 diễn ra ác liệt suốt cả ngày 12. Chính trong cuộc chiến đấu ác liệt này đã xuất hiện gương chiến đấu dũng cảm của chiến sĩ Bế Văn Đàn “lấy thân mình làm giá súng” tạo điều kiện cho đồng đội chặn các đợt phản kích của địch. Sáng ngày 13, toàn bộ tiểu đoàn 251, được tăng cường đại đội 317, tổ chức tiến công và làm chủ Mường Pồn, loại khỏi vòng chiến đấu các đại đội địch ở đây, diệt 95 tên, bắt sống 52 tên, thu nhiều vũ khí và lừa, ngựa.

Cũng vào những ngày này, quân địch ở Điện Biên đưa các tiểu đoàn dù lê dương số 1 và tiểu đoàn dù ngụy số 2 từ Điện Biên Phủ kéo ra đón cánh quân ở Lai Châu về. Ngày 11 tháng 12 lực lượng này vừa ra tới Bản Tấu thì bị tiểu đoàn 888 trung đoàn 176 chặn đánh, bị diệt gần 100 tên, chúng bỏ đường cái xuyên rừng lên Pu San. Trưa ngày 13, địch lên tới Pu San đông nam Mường Pồn bốn km. Tại đây, được máy bay yểm trợ, chúng tổ chức tiến công điểm cao 1.168 hòng chiếm điểm cao này làm bàn đạp đón cánh quân ở Lai Châu về. Các chiến sĩ tiểu đoàn 215 và đại đội phòng không 677 dựa vào thế hiểm của địa hình, đã kiên cường chiến đấu đánh bật mọi đợt tiến công của hai tiểu đoàn địch. Sau nhiều đợt tiến công không thành, lại nghe tin đồng bọn đã bị diệt ở Mường Pồn, địch tổ chức quay về Điện Biên. Dọc đường số này lại bị đại đội 811 từ Bản Tấu lên đánh chặn đầu và tiểu đoàn 215 đánh ở phía sau nên đội hình tan tác, binh lính chạy tán loạn vào rừng tự tìm đường về Điện Biên Phủ.

Như vậy, với sự trợ giúp của không quân, suốt ba ngày luồn rừng, cánh quân của địch từ Điện Biên Phủ đã không sao ứng cứu được cánh quân ở Lai Châu về, mà còn bị chết và bị thương 112 tên, bị bắt 38 tên, đội hình tan rã khi quay trở lại Điện Biên.

Đường từ Mường Pồn về Điện Biên Phủ bị chặn, các lực lượng địch rút từ Lai Châu về Điện Biên buộc phải chia làm hai khối. Khối thứ nhất gồm đại bộ phận tiểu đoàn ngụy 301 và bốn đại đội ở Nậm Lầm, Sốp Nhom tìm đường vòng xuyên rừng về Điện Biên Phủ. Khối thứ hai gồm tàn quân ở Mường Tòng, Mường Bum, Mường Chà tìm đường chạy sang Lào.

Các đơn vị trong đại đoàn được lệnh tiếp tục truy kích địch. Tiểu đoàn 255 trung đoàn 174, có tham mưu trưởng đại đoàn đi cùng, hành quân lên hướng Mường Tòng để phối hợp với tiểu đoàn 439 trung đoàn 98 từ Lai Châu đánh xuống. Các tiểu đoàn 249, 251 của trung đoàn 174 tiến ra Nậm Lầm, Sốp Nhom. Tiểu đoàn 215 trung đoàn 98 bố trí ở Mường Muôn, sẵn sàng tiếp sức cho trung đoàn 174. Tiểu đoàn 888 trung đoàn 176 chuyển về chốt giữ ở Mường Pồn, sẵn sàng chặn địch ở Điện Biên Phủ lên.

Chiều ngày 13 tháng 12, tiểu đoàn 255 và 439 gặp nhau cách Mường Tòng một km. Tham mưu trưởng đại đoàn trực tiếp chỉ huy hai tiểu đoàn tiến công cụm quân địch ở Mường Tòng. Bốn đại đội địch cụm ở Mường Tòng chống cự yếu ớt rồi vội vã rút chạy, ta chuyển sang truy kích. Đến 21 giờ, bộ đội ta đuổi kịp bộ phận đi sau diệt và bắt một số tên, trong đó có tên đại uý Pháp. Địch tiếp tục rút chạy xuống phía nam. Sáng ngày 16, đến Nà Pheo bị đại đội 317 của ta diệt thêm một đại đội. Địch bỏ đường lớn chạy sang hướng tây, ta truy kích đến Si-pa-phin, bắt thêm 80 tên.

Trên hướng Sốp Nhom, đại đội 673, đơn vị đi đầu của cánh quân tiểu đoàn 251 và tiểu đoàn 249 gặp địch ở Huổi Mét. Đại đội tổ chức tiến công đánh tan một đại đội địch, bắt sống 40 tên, thu năm trung liên, 30 tiểu liên, 30 súng trường.

Hướng tây bắc thị xã Lai Châu, đại đội 1480 cùng một bộ phận của tiểu đoàn 930, trung đoàn 148 truy kích địch qua sông Đà. Sáng ngày 17, đại đội gặp địch ở Nậm Cáy, diệt 30 tên, bắt 70 tên (có một đại uý Pháp) xoá sổ cơ bản khối tàn quân chạy lên bắc Lai Châu.

Trải qua 12 ngày đêm liên tục tiến công, truy kích địch trên đoạn đường khoảng 300 km ở địa bàn rừng núi hiểm trở, Đại đoàn 316 đã tiêu diệt và làm tan rã 24 đại đội địch1 (khoảng 2.500 tên), đánh thiệt hại nặng ba tiểu đoàn, thu 528 súng trường và tiểu liên, 148 súng trung liên, năm súng cối, 12 máy vô tuyến điện, ba ô tô, 200 lừa ngựa. Đại đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng toàn bộ khu vực Lai Châu, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch.



Lai Châu giải phóng, Điện Biên Phủ bị uy hiếp trực tiếp từ phía bắc, địch buộc phải điều lực lượng từ đồng bằng Bắc Bộ lên Điện Biên Phủ, biến nơi đây thành nơi tập trung lực lượng thứ hai của chúng trên chiến trường Bắc Việt Nam. Như vậy, thắng lợi của chiến dịch Lai Châu không chỉ có ý nghĩa tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một địa bàn rừng núi quan trọng mà đây còn là thắng lợi bước đầu của ta trong việc thực hiện chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị: Tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai đi đôi với buộc địch phải phân tán khối cơ động chiến lược của chúng. Thắng lợi của chiến dịch giải phóng Lai Châu là thắng lợi mở đầu xuất sắc của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, tạo ra những điều kiện thuận lợi để ta tiến hành Chiến dịch Điện Biên Phủ sau này.

Bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch là ngay từ đầu đã hình thành thế trận chia cắt địch, làm cho chúng hoàn toàn lâm vào thế bị động trong cuộc rút quân. Bằng nhiều lực lượng, trên nhiều hướng, thực hiện nhiều hình thức, thủ đoạn chiến thuật như: tiến công, truy kích, đón lõng, phục kích, chốt chặn... ta đã chia cắt được lực lượng địch ở khu vực Lai Châu, chia cắt bộ phận rút chạy và bộ phận ứng cứu để lần lượt đánh tan rã từng bộ phận địch. Sau khi phái một lực lượng nhanh chóng tiến công tiêu diệt hai vị trí phía trước (Pa Ham, Cơ-la-vơ), nhanh chóng tiếp cận mục tiêu chủ yếu ( Lai Châu), đại đoàn đã dựa vào phần lớn lực lượng đang đứng chân giữa con đường độc đạo Lai Châu - Điện Biên để nhanh chóng triển khai lực lượng tiêu diệt địch đang vận động (đón đánh địch từ Lai Châu về, chặn địch từ Điện Biên Phủ lên, bám đánh địch ngay từ Him Lam, Bản Tấu). Nghệ thuật hình thành thế trận chốt chặn ở những khu vực hiểm yếu, nhất là đoạn Mường Pồn- Bản Tấu, là nghệ thuật điều hành chiến dịch sáng tạo, phát huy được sức mạnh của các lực lượng trong quá trình truy kích địch. Chốt chặn chiến dịch trong chiến dịch Lai Châu là bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch mà cả ba chiến dịch trước đó (Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào) ta chưa thực hiện được.

Trong chiến dịch Lai Châu, ta đã khắc phục được những thiếu sót chủ yếu trong truy kích của chiến dịch Thượng Lào trước đó. Đó là tinh thần chủ động, quyết tâm truy kích địch đến cùng của các đơn vị trên các hướng. Trong chiến dịch, bộ đội ta đã vượt qua những khó khăn rất lớn về đường sá xa xôi, địa hình hiểm trở, mùa đông giá rét... để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao.
_____________________________________
1. Theo lịch sử quân sự tập 4 bộ tổng tham mưu ngụy, 1972 thì số địch chạy thoát về Điện Biên Phủ là 10 trong tổng số 40 sĩ quan Pháp và 120 trong tổng số 2.100 lính ngụy Thái.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 26 Tháng Bảy, 2012, 07:56:17 am

CHIẾN DỊCH TRUNG - HẠ LÀO
(Tiến công, từ ngày 21 tháng 12 năm 1953 đến tháng 5 năm 1954)


Trong kế hoạch tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, ta chủ trương phối hợp với quân giải phóng Pa Thét Lào mở cuộc tiến công ở Trung - Hạ Lào nhằm thu hút quân cơ động Pháp, phá thế tập trung lực lượng của Na-va ở đồng bằng Bắc Bộ, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng và củng cố vùng giải phóng của bạn, đồng thời phá âm mưu đánh vào hậu phương ta của định, bảo vệ vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh. Cuối tháng 11 năm 1953, cùng với việc giao nhiệm vụ cho các hướng, Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Trung - Hạ Lào.

Trung - Hạ Lào là vùng rừng núi rộng lớn, phía bắc giáp tỉnh Xiêng Khoảng, phía tây giáp Thái Lan, phía nam giáp Căm Pu Chia và phía đông giáp các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam của Việt Nam. Địa hình hầu hết là rừng núi dân cư thưa thớt. Ở phía tây dọc theo lưu vực sông Mê Công có dải bình nguyên hẹp, tập trung đông dân và là nơi sản xuất lúa gạo chính của Trung - Hạ Lào. Khí hậu Trung - Hạ Lào khắc nghiệt chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa khô nóng nắng rất hiếm nước, mùa mưa, mưa tầm tã, nước suối dâng cao rất khó cơ động.

Đường số 13 là con đường chiến lược quan trọng nhất của Lào chạy dọc theo sông Mê Công từ bắc xuống nam. Đây là con đường vận chuyển chủ yếu của địch ở Trung - Hạ Lào. Nối từ đường 13 sang Việt Nam là các trục đường ngang số 8, số 12 và số 9. Các con đường này hầu hết đều len lỏi trong địa hình rừng núi hiểm trở nên rất xấu, riêng chỉ có con đường 9 chạy từ Cửa Việt của Việt Nam sang Xa-va-na-khét của Lào là con đường dễ đi hơn cả.

Các nhà chiến lược phương Tây coi vùng Trung - Hạ Lào là một trong những địa bàn chiến lược quan trọng đối với toàn bán đảo Đông Dương. Đặc biệt là các khu vực đường số 12 đường số 9 và cao nguyên Bô-lô-ven (Hạ Lào). Nắm được các địa bàn này sẽ tạo được thế chia cắt chiến lược trên toàn Đông Dương và là một bàn đạp tiến công rất lợi hại.

Từ ngày trở lại gây chiến tranh xâm lược ba nước Đông Dương, thực dân Pháp coi Trung - Hạ Lào là vùng hậu phương, vĩ tuyến 18 ngang qua Trung Lào là “tuyến cấm” cắt đôi Đông Dương và đường số 12 (Thà Khẹt - Ba Na Phào) là then cửa của “tuyến cấm” đó. Khi ta ít hoạt động ở Hạ Lào, Trung Lào, việc tổ chức phòng thủ của địch ở đây còn sơ sài, lực lượng chủ yếu là quân ngụy Lào đóng rải rác trên các trục đường số 8, 12, 9, 13, 23... Đầu tháng 12 năm 1953, phát hiện thấy chủ lực ta tiến sang Trung Lào, địch vội điều hai binh đoàn cơ động số hai và số ba gồm sáu tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn pháo binh từ Bắc Bộ sang tăng cường cho Trung Lào hòng bịt các cửa ngõ vào Trung Lào, chủ yếu trên trục đường số 8 và 12. Chúng bố trí thành ba cụm:

- Cụm A ở khu vực Na Pê, Cam Cốt, Lạc Sao trên đường số 8 gồm tiểu đoàn Ta-bo số 9 và một đại đội pháo 105mm.

- Cụm B ở Ba Na Phào, Nhom Ma Rát trên đường 12, gồm hai tiểu đoàn bộ binh Ma-rốc số 1, số 2 của trung đoàn 1 (1/1 RTM, 2/1 RTM); tiểu đoàn bộ binh số 2 trung đoàn 4 (2/4 RTM); tiểu đoàn bộ binh An-giê-ri số 27 (27 BTA) và một tiểu đoàn pháo 105mm thuộc trung đoàn pháo binh An-giê-ri số 69.

- Cụm C ở Nậm The làm lực lượng dự bị, có tiểu đoàn bộ binh cơ giới Xpa-hi (Spahis) số 6.

Các đơn vị Âu-Phi được điều sang Trung Lào lần này là những đơn vị từng trải trên chiến trường miền Trung, mới được chuyển ra đồng bằng Bắc Bộ theo kế hoạch xây dựng lực lượng cơ động mạnh của Na-va. Từ khi đặt chân tới Trung Lào, chúng ráo riết củng cố, mở rộng các vị trí án ngữ thành những cứ điểm kiên cố, thường xuyên tổ chức các cuộc hành quân thăm dò, thọc sâu vào các vùng căn cứ du kích Trung Lào và biên giới Việt Nam - Lào để phát hiện chủ lực của ta.

Về tình hình ta, cơ sở của bạn ở Trung - Hạ Lào khá mạnh. Lực lượng vũ trang của bạn ở Trung Lào có một đại đội và năm trung đội, ở Hạ Lào bảy trung đội. Bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Trung Lào có hai tiểu đoàn và bốn đại đội vũ trang tuyên truyền, ở Hạ Lào có một tiểu đoàn và một đại đội.

Lực lượng ta tham gia chiến dịch Trung - Hạ Lào gồm có: trung đoàn 66 Đại đoàn 304 trung đoàn 101 Đại đoàn 325, tiểu đoàn 274 trung đoàn 18 Đại đoàn 325, một tiểu đoàn phòng không 12,7mm, một đại đội công binh, một đại đội vận tải (tổng cộng quân số là 7.263 người) cùng các đơn vị tình nguyện của Liên khu 4, Liên khu 5 và một số đơn vị Pa-thét Lào. Riêng trung đoàn 18 (thiếu tiểu đoàn 274) hoạt động ở Bình Trị Thiên. Bộ chỉ huy chiến dịch mang mật danh là “Mặt trận D” do đồng chí Hoàng Sâm, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304 làm Tư lệnh, đồng chí Trần Quý Hai Chính uỷ kiêm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 325 làm chính uỷ. Cơ quan chiến dịch được tổ chức trên cơ sở cơ quan Đại đoàn 325.

Căn cứ vào chủ trương chung và tình hình địch đã tăng cường, Bộ chỉ huy chiến dịch xác định kế hoạch tác chiến đợt 1 của chiến dịch như sau:

Tập trung cả hai trung đoàn 66 và trung đoàn 101 (thiếu) tiến công cụm phòng ngự then chốt của địch trên đường 12 (Bộ tư lệnh xác định đây là hướng chính của chiến dịch). Trung đoàn 66 tiến công cứ điểm Mụ Giạ và Ba Na Phào. Trung đoàn 101 tổ chức phục kính đánh viện trên đường số 12 đoạn từ Thà Khẹc đến Ba Na Phào. Hướng phát triển tiếp theo của 2 trung đoàn này là theo đường số 12 đánh về Nhom Ma Rát, giải phóng phía đông tỉnh Khăm Muộn.

Tiểu đoàn 319, trung đoàn 101 cùng bộ đội bạn tiến công Na Pê, Lạc Sao, Cam Cốt. Đây là hướng tiến công thứ yếu của chiến dịch, sau đó phát triển theo trục đường số 8 đánh xuống đường số 12.

Tiểu đoàn 436 trung đoàn 101, được tăng cường thêm quân số và chỉ huy, thọc sâu chiến dịch xuống Hạ Lào tạo bàn đạp cho lực lượng lớn của ta phát triển xuống phía Nam.

Trung đoàn 18 (thiếu tiểu đoàn 274), giai đoạn đầu phối hợp với lực lượng vũ trang Bình Trị Thiên cắt đường số 9 không cho địch cơ động lực lượng theo đường bộ lên ứng cứu, sau đó theo đường 9 phát triển sang đánh địch ở Trung - Hạ Lào.

Về vấn đề bảo đảm1, Trung ương Đảng và Chính phủ đã chỉ thị cho Liên khu 4 tổ chức dân công, bảo đảm hậu phương chiến dịch. Trung ương Đảng của bạn cũng động viên nhân dân sẵn sàng phục vụ chiến trường. Liên khu 4 đã thành lập Hội đồng cung cấp Mặt trận chuyên phục vụ chiến dịch và tiến hành công tác chuẩn bị từ tháng 9 năm 1953. Tổng cục Cung cấp cử một đoàn cán bộ do đồng chí Đinh Thiện phụ trách, trực tiếp cùng Hội đồng cung cấp Mặt trận tổ chức công tác bảo đảm cho chiến dịch. Liên khu 4 còn tổ chức Ban chỉ huy tiếp tế vận tải có đồng khí trưởng phòng cung cấp Đại đoàn 325 tham gia, để thiết lập một hành lang tiếp tế từ Nghệ An sang Trung Lào. Phòng cung cấp của Đại đoàn 325 làm nhiệm vụ hậu cần chiến dịch, bệnh viện hậu phương K43 ở Thanh Chương, kho quân khí 700 ở Chu Lễ bảo đảm tuyến sau cho Đại đoàn 325.

Riêng việc đảm bảo cho tiểu đoàn 436 thọc sâu xuống Hạ Lào, Trung ương đã chỉ thị cho Bình Trị Thiên - Liên khu 5 đảm bảo cung cấp cho đơn vị hành quân tới đích, khi đến Hạ Lào, đơn vị sẽ dựa vào sự cung cấp của bạn để hoạt động.
__________________________________
1. Kết quả trong chiến dịch, đã đảm bảo 50 tấn đạn, cứu chữa 1.350 thương binh, và 1.024 bệnh binh. Hội đồng cung cấp Mặt trận đã tiếp tế cho bộ đội 3.409 tấn gạo, 154 tấn muối, 2.102 con trâu bò, huy động 54.075 dân công phục vụ chiến dịch thành 1.974.800 ngày công, cùng 1.429 thuyền, 2.217 xe đạp thồ.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 26 Tháng Bảy, 2012, 07:58:27 am

Cuối tháng 11 năm 1953, lực lượng chủ yếu của chiến dịch bất đầu hành quân từ Nam Đàn, Nghệ An vào Chu Lễ, Hương Khê rồi vượt đèo Quắc và dốc Trìm Trẹo tiến sang phía bắc Trung Lào. Theo sau cánh quân này là gần 2.000 dân công Nghệ An, Hà Tĩnh do Liên khu 4 tổ chức bảo đảm việc vận chuyển đạn, gạo phục vụ chiến dịch.

Sau một thời gian hành quân gian khổ, vượt Trường Sơn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đầu tháng 12, các đơn vị đã tới khu vực tập kết ở vùng biên giới Việt - Lào. Ngày 19 tháng 12, Bộ chỉ huy mặt trận giao nhiệm vụ và phổ biến kế hoạch tác chiến cho các đơn vị.

Theo kế hoạch, ngày 23 tháng 12 năm 1953, trung đoàn 66 sẽ nổ súng tiến công cứ điểm Mụ Giạ, Ba Na Phào, mở màn chiến dịch. Nhưng trong ngày 20 tháng 12 đoàn cán bộ trung đoàn 101 khi trinh sát thực địa, đã bắt được tù binh và phát hiện địch đã cho tiểu đoàn An-giê-ri số 27 (27e BTA) và một đại đội pháo 105mm từ Thà Khẹc, Nhom Ma Rát lên xây dựng cứ điểm mới ở khu vực cầu Khăm He. Binh đoàn cơ động số 2 cũng đã thiết lập sở chỉ huy nhẹ ở khu vực cầu Kha Ma (đường số 12).

Ban chỉ huy trung đoàn 101 quyết định chuyển từ chuẩn bị phục kích sang tổ chức tập kích tiêu diệt tiểu đoàn Âu-Phi ở cứ điểm Khăm He và báo cáo Bộ chỉ huy chiến dịch đề nghị điều chỉnh phương án chiến dịch.

Được Bộ chỉ huy chuẩn y, trung đoàn đã khẩn trương tổ chức đội hình hành quân theo hướng đường 12 đến căn cứ Khăm He.

Trong đội hình trung đoàn lúc này có hai tiểu đoàn bộ binh 328, 274 và một số bộ phận trực thuộc. Trung đoàn trưởng là đồng chí Trần Văn Bành và chính uỷ là đồng chí Hoàng Văn Thái.

Xuống tới chân đèo Phu Ắc, trung đoàn gặp một tốp lính Âu-Phi chốt trên quả đồi ven đường. Đại đội đi đầu đã nhanh chóng hình thành bao vây và tiêu diệt toán địch.

Mờ tối ngày 21, trung đoàn ra tới mặt đường và nhanh chóng tổ chức đội hình áp sát cứ điểm Khăm He ngay trong đêm 21. Mọi vấn đề về xây dựng quyết tâm, tổ chức hiệp đồng được tiến hành ngay trên thực địa.

4 giờ sáng ngày 22, sở chỉ huy trung đoàn phát lệnh nổ súng. Hoả lực súng cối của các đơn vị dồn dập bắn vào cứ điểm, sau đó hai tiểu đoàn trên hai hướng tổ chức nhiều mũi đánh vào căn cứ của địch. Cứ điểm rộng, lực lượng địch đông, lính Âu-Phi dựa vào công sự trong cứ điểm ngoan cố chống cự, trận chiến đấu diễn ra rất ác liệt. Bộ đội ta trên hai hướng phải tổ chức hai mũi thọc sâu đánh thẳng vào sở chỉ huy và trận địa pháo 105mm, chia cắt địch ra thành nhiều mảng, kết hợp trong đánh ra ngoài đánh vào, tiến công mãnh liệt không để cho địch co cụm. Đến sáng ngày 22 ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Hầu hết binh lính thuộc tiểu đoàn An-giê-ri số 27 và đại đội pháo 105mm bị diệt, hơn 60 tên bị bắt sống. Ta thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng, trong đó có bốn khẩu pháo 105mm cùng hàng nghìn viên đạn pháo.

Sau khi làm chủ Khăm He, trung đoàn 101 sử dụng tiểu đoàn 274 bố trí hai đầu đường cách Khăm He ba đến bốn ki-lô-mét, sẵn sàng chặn địch từ Ba Na Phào và Nhom Ma Rát kéo tới. Trưa ngày 22, tên thiếu tá chỉ huy cứ điểm Ba Na Phào đích thân dẫn một đại đội thuộc tiểu đoàn Ma-rốc số 2 trung đoàn 4 xuống ứng cứu cho Khăm He. Lực lượng này rơi vào trận địa phục kích của tiểu đoàn 274 và bị diệt gọn. Tên thiếu tá Pháp bị chết, ta thu một xe Zép cùng nhiều tài liệu quý, trong đó có tấm bản đồ phòng thủ Trung Lào.

Chiều ngày 22, chấp hành mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, trung đoàn 101 để lại một đại đội tiếp tục chặn quân địch ở hướng Ba Na Phào còn toàn bộ lực lượng hành quân theo đường 12 xuống tiến công địch ở Kha Ma.

Lúc này, ở Kha Ma, chỉ huy binh đoàn cơ động số 2 được tin tiểu đoàn An-giê-ri 27 ở Khăm He bị diệt, vội vàng điều lính Ma-rốc lên tổ chức các chốt ở dãy đồi bắc đường 12, đồng thời cho rời sở chỉ huy về Nhom Ma Rát, đề phòng ta tiến công.

Đêm 22, trung đoàn 101 tới Bản Bo, được sự giúp đỡ của nhân dân, đơn vị đã áp sát Kha Ma, hoàn thành mọi công tác chuẩn bị và hình thành thế bao vây toàn bộ quân địch. Sáng ngày 23, trung đoàn đồng loạt nổ súng. Địch dựa vào các mỏm đồi cao ngoan cố chống lại. Bộ đội ta phải chia cắt và diệt từng mỏm đồi. Sau năm giờ chiến đấu quyết liệt, ta làm chủ Kha Ma. Tiểu đoàn địch ở Kha Ma bị đánh tan tác, 90 tên bị bắt, số sống sót tháo chạy thục mạng về Nhom Ma Rát.

Hai cứ điểm Khăm He và Kha Ma bị diệt, tinh thần binh lính Pháp trên tuyến phía đông suy sụp, hệ thống phòng thủ của địch ở Trung Lào rung chuyển. Bộ chỉ huy Pháp ra lệnh cho các đơn vị chiếm giữ đường số 8, đường số 12, rút nhanh về thị xã Thà Khẹt và thị xã Xa-van-na-khét để cố thủ phòng tuyến sông Mê Công.

Phát hiện ý định chuẩn bị rút khỏi đường số 8 và đường số 12 của địch, Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho trung đoàn 66, tiểu đoàn 319 kết hợp cùng các đơn vị Pa-thét Lào gấp rút đánh vào các mục tiêu đã quy định, trung đoàn 101 nhanh chóng đánh xuống thị trấn Nhom Ma Rát.

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ chỉ huy, đêm 23 tháng 12, trung đoàn 66 tiến vào bao vây vị trí Mụ Giạ và Ba Na Phào. Nhưng địch ở đây đã bỏ đồn chạy về hướng Pà Cuội từ buổi chiều. Trung đoàn tổ chức cắt rừng truy đuổi địch. Đến ngã ba Na Ca Chăm, ta gặp địch, diệt một số. Số còn lại trên một tiểu đoàn chạy vào khu vực đồn Pà Cuội. Mặc dù lúc này ta chỉ mới có một đại đội giáp địch, nhưng lợi dụng lúc chúng đang hoang mang, trung đoàn vẫn hạ lệnh tiến công. Đại đội 134 các tiểu đoàn Lê Lợi đi đầu tổ chức tiến công thẳng vào lực lượng địch ở Pà Cuội. Các lực lượng đi sau nhanh chóng dồn lên hình thành một mũi từ phía sau chia cắt đội hình địch. Cả tiểu đoàn Ma-rốc số 2 (24 RTM) cùng đại đội ngụy Lào trong đồn Pa Cuội bị thiệt hại nặng và nhanh chóng tan vỡ. Ta bắt hàng trăm tù binh và làm chủ Pà Cuội.

Trên hướng đường số 12, trong hai ngày 23 và 24, trung đoàn 101 liên tục đập tan các cụm chốt của binh đoàn Âu-Phi số 2 ở khu vực cầu Buông Pao, cầu Bi Lan, bản Na Hay rồi đánh thẳng vào thị trấn Nhom Ma Rát. Ngày 24 tháng 12 năm 1953, thị trấn Nhom Ma Rát được giải phóng, cửa ngõ vào Thà Khẹt mở toang, trung đoàn 101 gấp rút tiến hành công tác chuẩn bị đánh Thà Khẹt.

Cùng thời gian này trên hướng thứ yếu, một số đơn vị của bạn Lào đã thực hiện việc đánh cắt giao thông trên đường 13, đoạn nối Trung Lào với Thượng Lào. Tiểu đoàn 319 cùng bạn đánh chiếm Na-pê, Cam-cớt, Lạc Sao. Tiểu đoàn Ta-bo số 9 của địch bị quây chặt trên đường số 8 không còn đường rút, vội vã phá hủy 70 xe và bốn khẩu pháo 105mm, rồi rút bằng đường không về Xa-van-na-khét.

Bị đòn tiến công liên tục, hai binh đoàn cơ động Pháp trên tuyến phòng thủ đường 12 và đường số 8 bị diệt hơn một nửa, không còn đủ sức thực hiện kế hoạch “cố thủ Thà Khẹt”. Ngày 25 tháng 12, địch rút khỏi thị xã Thà Khẹt, trung đoàn 101 tiến vào giải phóng thị xã và bàn giao cho bạn. Tỉnh Khăm Muộn rộng hơn bốn vạn ki-lô-mét vuông, cùng hàng chục vạn dân cơ bản được giải phóng.

Cùng ngày 25 tháng 12, Na-va lên Sê Nô nghiên cứu tình hình và quyết định điều động thêm quân từ đồng bằng Bắc Bộ và Sài Gòn lên Xa-van-na-khét, hòng chặn đứng cuộc tiến công của liên quân Việt - Lào, cứu vãn tình thế nguy ngập trên hướng Trung Lào. Trong những ngày cuối cùng của năm 1953, Na-va điều đến Xa-van-na-khét chín tiểu đoàn, gồm hai tiểu đoàn dù Âu Phi số 1 và 2, một tiểu đoàn dù số 2 trung đoàn 1, hai tiểu đoàn dù lê dương số 2 và 6, một tiểu đoàn dù ngụy số 3, một tiểu đoàn cơ động ngụy số 17, hai tiểu đoàn pháo ngụy số 1 và 35. Đầu tháng 1 năm 1954, Na-va điều tiếp thêm binh đoàn lê dương số 1, binh đoàn cơ động ngụy số 51 và một số đại đội lẻ để bổ sung củng cố các đơn vị bị tổn thất ở Khăm Muộn.

Qua hai lần ồ ạt tăng quân lực lượng địch ở Trung Lào đã lên tới 24 tiểu đoàn bộ binh và ba tiểu đoàn pháo binh. Chúng tổ chức một tập đoàn cứ điểm mới ở Sê Nô, lấy tên là binh đoàn tác chiến Trung Lào do tướng Phờ-răng-xi chỉ huy.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 26 Tháng Bảy, 2012, 07:59:16 am

Trước tình hình địch tăng cường lực lượng, được sự đồng ý của tiền phương Bộ Tổng tham mưu, cuối tháng 12 năm 1953, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định chủ động kết thúc đợt 1 chiến dịch và chủ trương tiến hành đợt 2, với mục đích bao vây, giam chân quân cơ động của địch ở Sê Nô, mở đợt tiến công xuống phía nam phá vỡ phòng tuyến đường số 9. Kế hoạch tác chiến được xác định như sau:

Trung đoàn 101 hoạt động trên đường 13, có nhiệm vụ đánh xuống phía nam sông Xê Băng Phai, phối hợp cùng bạn mở rộng vùng giải phóng xuống bắc tỉnh Xa-van-na-khét và sẵn sàng đánh bại các cuộc hành quân hòng chiếm lại thị xã Thà Khẹt của địch.

Trung đoàn 66 chuyển xuống Ca Sốc, Ma Pi Lạng, đánh một số cứ điểm và cắt đường 9 Xa-van-na-khét, buộc địch phải ứng cứu, tổ chức phục kích đánh địch ngoài công sự, tạo điều kiện giải phóng miền Đông tỉnh Xa-van-na-khét.

Trung đoàn 18 cùng bộ đội địa phương Cam Lộ, Hương Hóa tăng cường hoạt động đánh cắt giao thông trên đường 9, chuẩn bị cùng trung đoàn 66 tiến công phá vỡ hệ thống phòng thủ của địch trên đường 9.

Thời gian nổ súng tiến công tuyến phòng thủ trên đường 9 dự kiến vào 0 giờ ngày 15 tháng 1 năm 1954.

Trong khi ta đang gấp rút chuẩn bị cho đợt 2 chiến dịch, ngày 6 tháng 1, địch tung ba tiểu đoàn Pháp và Âu-Phi ở Sê Nô ra chiếm một số bàn đạp ở khu vực bắc sông Xê Băng Phai và đưa một tiểu đoàn cơ động ngụy lên chiếm lại vị trí Hìn Xìu.

Trước tình hình địch tổ chức phản công, Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh cho các trung đoàn 66 và 101 tích cực tổ chức tập kích, phục kích tiêu hao, tiêu diệt quân địch ở ngoài công sự.

Đêm ngày 8 tháng 1, trung đoàn 66 tập trung cả ba tiểu đoàn tập kích quân địch ở Hìn Xìu, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn ngụy cơ động số 3, loại khỏi vòng chiến đấu gần 400 tên, bắt sống 88 tên, trong đó có tên đại uý tiểu đoàn trưởng Môn Lê.

Cũng trong các ngày từ mồng 7 đến 12 tháng 1, các tiểu đoàn 319, 328 và 274 thuộc trung đoàn 101 liên tiếp tổ chức các trận tập kích, phục kích đánh vào hai tiểu đoàn Âu-Phi số 1 và lê dương số 6 đang lưu động ở khu vực bắc sông Xê Băng Phai, buộc hai tiểu đoàn này phải rút về Sê Nô.

Ngày 18 tháng 1, địch tiếp tục đưa binh đoàn lê dương số 1, binh đoàn Âu-Phi số 2 và một số đơn vị dù ra lập các cụm cứ điểm mới ở Po Ung, Na Xoi. Tiếp đó, chúng phát triển theo trục đường số 13 và bờ bắc sông Xê Băng Phai đánh lên hướng Ma Ha Xây, Thà Khẹt, Nhom Ma Rát.

Kiên quyết bảo vệ vùng giải phóng của bạn, trung đoàn 101 kết hợp cùng lực lượng vũ trang của bạn liên tục chặn đánh, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch. Đặc biệt ở khu vực Na Kham, tiểu đoàn 328 cùng cơ quan trung đoàn bộ đã anh dũng chiến đấu, bẻ gãy cuộc tiến công của ba tiểu đoàn địch, loại khỏi vòng chiến đấu gần 600 tên. Âm mưu chiếm lại tỉnh Khăm Muộn của địch bị đánh bại một bước quan trọng.

Trên hướng đường 9, theo kế hoạch, trung đoàn 66 phải nổ súng tiến công địch vào ngày 15 tháng 1, song do công tác đảm bảo gặp nhiều khó khăn, nên đến ngày 24 tháng 1, trung đoàn mới thực hiện được. Đêm 24, cả trung đoàn đồng loạt nổ súng: tiểu đoàn Lê Lợi tiến công cứ điểm Pha Lan, tiểu đoàn Cô Tô tiến công cứ điểm Ha Xa Lai và tiểu đoàn Nguyễn Huệ diệt cứ điểm Xê Ta Mốc. Sau khi diệt song ba cứ điểm, trung đoàn sử dụng tiểu đoàn Cô Tô và Lê Lợi tổ chức trận địa phục kích trên đường 9 đoạn từ Đồng Hến đến Pha Lan (cách Đồng Hến khoảng 20 ki-lô-mét về phía đông). Sáng ngày 26 tháng 1, binh đoàn cơ động ngụy Việt Nam số 51 từ Đồng Hến hành quân bằng cơ giới xuống hòng chiếm lại Pha Lan. Tiểu đoàn đi đầu của địch lọt vào trận địa phục kích của trung đoàn, bị đánh thiệt hại nặng nề. Hai đại đội ngụy bị diệt, 40 xe bị phá huỷ, gần 100 tên bị bắt sống, lực lượng còn lại vội vã quay về Đồng Hến. Cũng ngay trong đêm 26 tháng 1, tiểu đoàn Nguyễn Huệ của trung đoàn 66 đã nổ súng tiến công Mường Phìn, một cứ điểm nằm ở ngã ba đường 9 đi Xa Ra Van, diệt gọn một đại đội ngụy Lào trong căn cứ này.

Suốt trong đợt 2 chiến dịch, bộ đội ta ở Trung Lào đã phá tan âm mưu nối lại đường số 9 trước Tết Nguyên Đán (31.1.1954) của địch, đánh thiệt hại nặng sáu tiểu đoàn, vô hiệu hoá hoàn toàn đường số 9. Hai cụm cứ điểm lớn của địch ở hai đầu đường 9 là Sê Pôn và Sê Nô bị cô lập. Chiến trường Đông Dương gần như bị cắt làm đôi. Thế trận của địch trên chiến trường Trung Lào hết sức bất lợi.

Trên hướng Hạ Lào, ngay từ cuối tháng 11 năm 1953, tiểu đoàn 436 trung đoàn 101 đã được lệnh hành quân từ Nghệ An cắt rừng tiến xuống Hạ Lào làm nhiệm vụ thọc sâu chiến dịch và tạo bàn đạp cho lực lượng lớn của ta từ Trung Lào phát triển xuống, buộc địch phải phân tán hơn nữa khối cơ động chiến lược của chúng. Do nhiệm vụ đặc biệt, tiểu đoàn được tăng cường lực lượng và hoả lực mạnh. Tổng quân số tiểu đoàn có 760 cán bộ chiến sĩ (gấp rưỡi biên chế thông thường) được biên chế thành năm đại đội (ba đại đội bộ binh, một đại đội ĐKZ và một đại đội súng cối 82mm). Các chiến sĩ bộ binh được trang bị hầu hết là tiểu liên K50. Hai đồng chí trung đoàn phó và phó chính uỷ trung đoàn 101 trực tiếp xuống chỉ huy tiểu đoàn.

Tham gia chiến đấu trên hướng thọc sâu (Hạ Lào) còn có đại đội quân tình nguyện Liên khu 5 và tiểu đoàn chủ lực của bạn đang đứng chân ở Xa Ra Van bắc Hạ Lào.

Giữa tháng 1 năm 1954, tiểu đoàn 436 vượt dốc Pa Ninh, theo đường dây của Liên khu 5 vào tập kết ở khu căn cứ Quân khu Hạ Lào. Ngày 28 tháng 1, ta và bạn mở hội nghị quân chính bàn kế hoạch đánh địch.

Mục tiêu tiến công đầu tiên của ta và bạn là hệ thống chiếm đóng của địch ở Atôpơ. Lực lượng định trong vùng gồm một tiểu đoàn tăng cường (khoảng 1.000 tên) bố trí thành hai cụm: cụm thứ nhất ở khu vực thị xã và sân bay Atôpơ, có bốn đại đội chủ lực; cụm thứ hai ở cứ điểm Pui tây nam Atôpơ 19 ki-lô-mét có một đại đội xung kích và một trung đội pháo. Ngoài ra, chúng còn có lực lượng địa phương và phỉ đóng ở các đồn lẻ rải rác trong vùng để khống chế kìm kẹp nhân dân.

Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình địch, ta và bạn hạ quyết tâm đánh địch ở Atôpơ theo hai bước. Bước 1, tập trung toàn bộ lực lượng của tiểu đoàn 436 đánh cứ điểm Pui, các lực lượng chủ lực của nam Hạ Lào và bộ đội tình nguyện Liên Khu 5 diệt các lô cốt tháp canh ở ngoại vi thị xã và tiến hành bao vây khu vực thị xã, sân bay Atôpơ. Bước 2, tiểu đoàn 436 chuyển về cùng các đơn vị bạn tiến công thị xã, phát triển giải phóng hoàn toàn vùng Atôpơ.

Nửa đêm về sáng ngày 30 tháng 1 năm 1954, từ hai hướng, tiểu đoàn 436 tiến công cứ điểm Pui. Địch ở đây ngoan cố chống cự, song do ta đưa được hoả lực lên sát hàng rào, xung kích xung phong mãnh liệt nên chỉ sau 30 phút, ta đã đánh tan cứ điểm Pui, diệt gọn số địch ở đây và bắt sống 84 tên.

Tại khu vực thị xã Atôpơ, ngay từ chập tối ngày 29 tháng 1, các đơn vị của bạn đã tổ chức vây ép, uy hiếp địch. Sáng 30 tháng 1, nghe tin cứ điểm Pui bị diệt, địch ở Atôpơ hoang mang lo sợ, tổ chức đốt phá kho tàng, phá hủy vũ khí và tổ chức rút quân về thị xã Pắc Xế. Chiều ngày 30 tháng 1, khi tiểu đoàn 436 từ Pui vận động đến thì thị xã đang bốc cháy. Tiểu đoàn cùng lực lượng của bạn lập tức tiến công giải phóng thị xã. Đến 21 giờ, ta làm chủ thị xã, thu rất nhiều vũ khí đạn dược và bắt sống trên 100 tên địch.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 26 Tháng Bảy, 2012, 08:02:23 am

Từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 2, tiểu đoàn 436 truy kích địch chạy về Pắc Xế. Trên đường truy kích, tiểu đoàn đã cùng bạn quét sạch địch ở các vị trí Nha Hỏn, Keng Xay, Huội Coòng... Số địch chạy từ Atôpơ cơ bản bị diệt và tan rã, chỉ còn một bộ phận rất nhỏ chạy về được Pắc Xế.

Ngày 5 tháng 2, tiểu đoàn 436 tiến lên vùng Xa Ra Van, đánh vào các cứ điểm Bung Kma, Lào Ngam. Quân địch ở đây bỏ chạy về thị xã Xa Ra Van. Tiểu đoàn 436 tiếp tục đánh sang thị trấn Thà Teng (Viêng Thông), nơi địch đang bị chủ lực bạn bao vây từ trước đó bốn ngày. Khi phát hiện tiểu đoàn 436 tràn tới, địch vội vã tháo chạy về thị xã Xa Ra Van.

Trước nguy cơ thị xã Xa Ra Van có thể bị mất, địch điều ngay một binh đoàn lê dương vừa từ Bắc Bộ sang và binh đoàn ngụy số 51 từ Sê Nô xuống lập thêm hai cụm cứ điểm mới ở thị xã Xa Ra Van và Pắc Xế. Quân cơ động Pháp lại một lần nữa bị phân tán hơn.

Trung tuần tháng 2 năm 1954, khi trung đoàn 18 được điều sang cùng trung đoàn 66 hoạt động ở Trung Lào, thì trung đoàn 101 (gồm tiểu đoàn 329 và 328) được lệnh xuống Hạ Lào, đông bắc Cam Pu Chia cùng tiểu đoàn 436 tiếp tục phát triển tiến công địch để phối hợp với Chiến trường Điện Biên Phủ.

Đầu tháng 3, trung đoàn 101 (cả ba tiểu đoàn) vượt qua cao nguyên Bô Lô Ven vào tập kết ở phía tây Bờ Chom thuộc phía nam tỉnh Atôpơ. Tại đây, trung đoàn 101 đã thống nhất kế hoạch chiến đấu cùng bạn Cam Pu Chia. Theo kế hoạch, trung đoàn 101 sẽ nhanh chóng tiến công hai cứ điểm lớn của địch ở hai thị trấn Xiêm Pạng tỉnh Xtung Treng và thị trấn Von Xai tỉnh Ra Ta Na Ki Ri nhằm đẩy nhanh sự tan vỡ hệ thống phòng thủ của địch trên vùng đông bắc Cam Pu Chia.

Trung tuần tháng 3 năm 1954, tại khu vực Xiêm Pạng, tiểu đoàn 319 dùng một bộ phận nhỏ vây cứ điểm địch, còn đại bộ phận tổ chức trận địa phục kích tại Bản Khế, phía tây cứ điểm Xiêng Pạng 3 km. Một tiểu đoàn ngụy thuộc binh đoàn cơ động 52 đi giải toả cho cứ điểm, lọt vào trận địa phục kích của tiểu đoàn, bị đánh thiệt hại nặng, 20 xe quân sự và bốn khẩu pháo 105mm bị phá huỷ. Thừa thắng, tiểu đoàn tổ chức tiến công làm chủ hoàn toàn cứ điểm Xiêm Pạng.

Cũng trong thời gian này, tại khu vực Von Xai, tiểu đoàn 436 đã chặn đánh làm tan rã một tiểu đoàn địch ở bắc Von Xai hai km, thu hai khẩu pháo 105mm, sau đó tiến công vào Von Xai, diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, làm chủ thị trấn.

Thừa thắng, trung đoàn 101 hình thành hai mũi đánh dọc trục lộ 13 và trục lộ 19, lần lượt chiếm Bò Kéo, Bò Kó, Bò Kham, La Ban Xiếc... và áp tới gần thị xã Xtung Treng.

Trong bảy ngày chiến đấu ở vùng đông bắc Cam Pu Chia, trung đoàn 101 đã đánh thiệt hại nặng binh đoàn cơ động ngụy số 52, loại khỏi vòng chiến đấu trên 1.000 tên, góp phần giải phóng vùng đất đai rộng ở vùng đông bắc Cam Pu Chia.

Lo sợ trước sức tiến công của ta ở Hạ Lào đông bắc Cam Pu Chia, địch phải điều thêm nhiều tiểu đoàn củng cố các cứ điểm dọc sông Mê Công ở các khu vực Không Xê Đôn, Pắc Xế, Phia Phay, Xtung Treng... Quân cơ động Pháp tiếp tục bị căng ra trên toàn chiến trường miền trung Đông Dương và tiếp tục ngập sâu trong thế lúng túng bị động.

Từ hạ tuần tháng 3, trung đoàn 101 được lệnh tiến sâu hơn nữa xuống phía nam, cùng bạn chuyển sang hoạt động quy mô nhỏ (cỡ đại đội), từng bước mở rộng củng cố các khu du kích, tiếp tục kìm chân một bộ phận lực lượng cơ động của địch.

Cũng trong tháng 3 và tháng 4 năm 1954, khi trung đoàn 101 chuyển xuống hoạt động ở Hạ Lào, đông bắc Cam Pu Chia, thì ở Trung Lào, địch huy động các binh đoàn cơ động số 1 và 2 mở các cuộc hành quân chiếm lại các vị trí đã mất. Trung đoàn 66, trung đoàn 18 cùng lực lượng vũ trang bạn đã liên tục vây hãm, chặn đánh làm hai binh đoàn này bị tổn thất nặng nề.

Trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào đợt cuối, cuộc tiến công của ta và bạn ở Trung Lào kết thúc.

Trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào, ta giành thắng lợi lớn, đã loại khỏi vòng chiến đấu 9.510 tên địch (4.715 tên bị giết, 3.716 tên bị thương, 1.039 tên bị bắt, có ba quan ba, 10 quan hai, ba quan một), thu nhiều vũ khí1, xóa sổ nhiều căn cứ và giải phóng 16.000km2 với 600 nghìn dân.



Trên cơ sở thắng lợi quan trọng về tiêu diệt sinh lực địch và giải phóng đất đai, Chiến dịch Trung-Hạ Lào đã thực hiện được một yêu cầu chiến lược hàng đầu là buộc Na-va phải tiếp tục phân tán khối cơ động chiến lược của chúng, góp phần làm giảm khối chủ lực của địch trên chiến trường chính Bắc Bộ, nhất là đối với hướng chính Điện Biên Phủ. Ở Trung Lào, ta đã mở rộng vùng giải phóng của bạn từ nam, bắc đường 9 xuống đến đông Xa-van-na-khét, vô hiệu hoá đường số 12, cắt đứt đường số 9, buộc địch phải ở trong tình thế “Đông Dương bị cắt làm đôi”. Ở Hạ Lào và đông bắc Cam Pu Chia, ta đã giải phóng một vùng rộng lớn, nối liền các căn cứ du kích đông, đông bắc Cam Pu Chia với vùng giải phóng Hạ Lào, góp phần thực hiện chủ trương đánh thông hành lang chiến lược nam bắc Đông Dương, sau đó tiếp tục kìm chân một bộ phận lực lượng cơ động của địch sau Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Về nghệ thuật chiến dịch, chiến dịch Trung - Hạ Lào có bước phát triển. Trước hết, ta đã chọn đúng nơi địch yếu và sơ hở để mở chiến dịch tiến công, quan trọng hơn là ta đã liên tục thọc sâu xuống phía nam, đánh vào “hậu phương an toàn” của địch, từng bước làm đảo lộn thế phòng thủ của chúng ở khu vực này. Mở chiến dịch Trung - Hạ Lào và không ngừng phát triển xuống phía nam, ta đã ngày càng khoét sâu điểm yếu cơ bản của địch là mâu thuẫn giữa chiến trường rộng với binh lực hạn chế; giữa tập trung binh lực trên chiến trường chính với đối phó với nhiều hướng tiến công của ta. Mũi thọc sâu chiến dịch ở Hạ Lào - đông bắc Cam Pu Chia của ta là bất ngờ lớn đối với địch. Chúng cho rằng ta không có đủ sức vượt qua “tuyến cấm” (đường số 12) và lá chắn Sê Nô để phát triển tiến công. Từ bất ngờ ban đầu ở Trung Lào, tiếp đến ở Hạ Lào và cuối cùng là đông bắc Cam Pu Chia, địch phải liên tiếp điều lực lượng từ các chiến trường nhất là từ miền Bắc đến để đối phó, nhưng cũng không hạn chế được nhịp độ phát triển nhanh và ngày một sâu xuống phía nam của ta.

Về cách đánh chiến dịch, ngay từ đầu cũng như trong quá trình phát triển chiến dịch, ta đã liên tiếp triển khai thế trận chia cắt địch. Ta đã chia cắt địch trên các đường chiến lược số 12, số 9 và số 13, chia cắt địch trên từng khu vực, từng địa bàn. Với lực lượng ít hơn địch nhiều, song ta đã từng bước chuyển hướng tiến công, đánh vào những vùng quan trọng về chiến lược, nhưng mỏng yếu của địch, nhằm chia cắt địch, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực của chúng, mở rộng vùng giải phóng và thực hiện yêu cầu chiến lược thu hút, phân tán chủ lực địch.

Trong thực hành chiến dịch ta đã rất linh hoạt trong đánh điểm diệt viện và truy kích địch. Ta đã chọn các mục tiêu vừa sức nhưng lại có vị thế quan trọng trong hệ thống phòng thủ của địch, tạo nên sự chấn động lớn, buộc chúng phải ứng cứu giải toả để ta đánh địch ngoài công sự hoặc tạo thuận lợi uy hiếp tiến công các mục tiêu chính. Khi địch rút chạy, mặc dù địa hình không quen thuộc, nhưng bộ đội ta đã biết dựa vào bạn, khẩn trương nhanh chóng, quyết tâm truy kích địch đến cùng.

Một nét nổi bật trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cánh, các hướng; giữa bộ đội Việt Nam với nhân dân và lực lượng vũ trang nước bạn. Đó là sự hiệp đồng chiến đấu với ý thức chủ động rất cao giữa các lực lượng thuộc các đơn vị khác nhau trên một địa bàn chiến dịch rộng lớn, kéo dài từ Trung Lào đến đông bắc Cam Pu Chia. Sự phối hợp hành động của nhiều lực lượng trên một phạm vi rộng trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào, chứng tỏ trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng cấp chiến dịch của ta có bước phát triển quan trọng.
_______________________________________
1. Số vũ khí thu được gồm: 647 súng trường, 315 tiêu liên, 85 trung đại liên, 12 súng cối, bảy ĐKZ, bốn khẩu pháo 105mm, 63 máy vô tuyến điện.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 26 Tháng Bảy, 2012, 08:09:29 am

CHIẾN DỊCH BẮC TÂY NGUYÊN
(Tiến công, từ ngày 26 tháng 1 đến ngày 17 tháng 2 năm 1954)


Nghiên cứu kế hoạch Na-va của địch, Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng tư lệnh đã dự kiến khả năng địch mở cuộc tiến công đánh chiếm vùng tự do Khu 5 và Khu 9. Sau Hội nghị quân sự tháng 11 năm 1953, trong phương án tác chiến chiến lược trình Bộ Chính trị (27-11-1953), Tổng Quân uỷ đã chỉ rõ: nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của Liên khu 5 trong Đông xuân 1953-1954 là phát triển vào Tây Nguyên, trước hết là phía bắc đồng thời tiếp tục củng cố và bảo vệ vùng tự do hiện nay.

Chấp hành chủ trương chiến lược trên, đầu tháng 12 năm 1953, Hội nghị Liên Khu uỷ và Đảng uỷ Bộ tư lệnh Liên khu 5 quyết định mở chiến dịch tiến công bắc Tây Nguyên nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, củng cố và mở rộng vùng tự do về phía tây, nối Liên khu 5 và Hạ Lào, phá âm mưu củng cố Tây Nguyên của địch.

Bắc Tây Nguyên gồm hai tỉnh Kom Tum và Gia Lai, địa hình rừng núi hiểm trở, dân cư thưa thớt. Khu vực này có các đường giao thông số 5, 14, 19 nối bắc Tây Nguyên với các tỉnh phía đông và phía nam. Bắc Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng, uy hiếp trực tiếp vùng tự do Quảng Nam, Quảng Ngãi của ta. Tiến công vào bắc Tây Nguyên ta có điều kiện mở rộng vùng tự do về phía tây, uy hiếp toàn bộ vùng Tây Nguyên, Hạ Lào và đông Cam Pu Chia của địch.

Trên địa bàn Tây Nguyên, địch chia làm bốn khu: Kon Tum, Gia Lai, Buôn Ma Thuộc và Lâm Đồng. Bắc Tây Nguyên thuộc chiến trường “Cao nguyên Trung Bộ” của địch, gồm hai khu Kon Tum, Plây Cu, lực lượng có khoảng bốn tiểu đoàn cơ động và 15 đại đội chiếm đóng (cơ bản là ngụy quân). Tại khu Kon Tum, địch phòng thủ thành ba khu vực (Bắc, Nam, Đông) và thị xã. Khu Đông gồm các cứ điểm dọc đường số 5 như cứ điểm Măng Đen, Kon Brây, Măng Bút, là khu vực phòng ngự tương đối mạnh. Đặc biệt là Măng Đen, một cứ điểm trên đường 5 cách Kon Tum khoảng 40 ki-lô-mét, là một cứ điểm mạnh, do một tiểu đoàn đóng giữ. Khu nam Kon Tum có các cứ điểm Đạc Đoa, Buôn Hồ án ngữ trục đường 14 nối Kon Tum với Plây Cu. Nhìn chung, các cứ điểm của địch đều án ngữ các trục giao thông, các cứ điểm cách nhau khoảng 10 đến 30 km. Trong mỗi cứ điểm có một số đồn, nhiều cứ điểm có hệ thống công sự, vật cản khá kiên cố.

Lực lượng của ta tham gia chiến dịch gồm: hai trung đoàn chủ lực 108, 803, trung đoàn địa phương 120, cùng một số tiểu đoàn, đại đội độc lập của Liên khu và các địa phương. Tổng số quân tham gia chiến dịch khoảng 10.000 người.

Giữa tháng 12 năm 1953, kế hoạch tiến công lên bắc Tây Nguyên chính thức được thông qua. Theo kế hoạch, chiến dịch được tiến hành trên hai hướng.

Hướng chính: Bắc Kon Tum, sử dụng trung đoàn 108, trung đoàn 803 (thiếu một đại đội), tiểu đoàn 30 chủ lực độc lập, liên đội đặc công, toàn bộ các đơn vị pháo, cối, phòng không, phần lớn các đơn vị công binh, trinh sát, thông tin cùng lực lượng địa phương tại chỗ thực hành tiến công theo hai bước. Bước 1: trung đoàn 108 và đặc công tiến công hai cứ điểm Măng Đen, Măng Bút, phá vỡ thế phòng thủ đông bắc của địch; trung đoàn 803 tiến công cứ điểm Công Brây, uy hiếp thị xã Kon Tum, đánh viện trên đường 5, đoạn Kon Tum - Công Brây. Bước 2, một bộ phận chủ lực tiếp tục kiềm giữ địch trên đường số 5, còn phần lớn lực lượng phát triển sang hướng tây bắc, phá vỡ hệ thống phòng thủ của địch trong khu vực Đắc Tô – Đắc Lây, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Kon Tum.

Hướng phụ: Đường 19 An Khê do trung đoàn địa phương 120 cùng tiểu đoàn 40 chủ lực của khu, đại đội 11, tiểu đoàn 59, trung đoàn 803 đảm nhiệm. Hướng này phải nổ súng trước, tiêu diệt các cứ điểm Kà Tung, Ba Bả, Kà Tu, đánh phá giao thông trên đường 19, diệt sinh lực, thu hút giam chân địch, tạo điều kiện cho hướng chính phát triển.

Để thống nhất việc lãnh đạo chỉ huy, được sự ủy nhiệm của Trung ương, Liên khu uỷ Khu 5 quyết định thành lập Đảng uỷ, Bộ chỉ huy Chiến dịch bắc Tây Nguyên. Đồng chí Nguyễn Chánh - Bí thư Liên khu uỷ Khu 5 giữ chức Bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh kiêm Chính uỷ chiến dịch đồng chí Nguyễn Bá Phát - Tham mưu phó Liên khu làm Tham mưu trưởng chiến dịch. Cơ quan của Bộ tư lệnh Liên khu hình thành hai bộ phận, một bộ phận phục vụ sự chỉ đạo chỉ huy chiến dịch, một bộ phận chỉ đạo chỉ huy hoạt động thường xuyên của Liên khu. Gần 200 cán bộ cấp tỉnh và huyện được điều động về tăng cường cho bộ máy lãnh đạo dân công phục vụ mặt trận. Hàng trăm cán bộ khác của cơ quan khu uỷ và Bộ Tư lệnh Liên khu được giao nhiệm vụ về các tỉnh tự do, kiểm tra đôn đốc việc xây dựng lực lượng, sẵn sàng đánh trả các cuộc tiến công của định.

Căn cứ vào ý định của Liên khu, phòng cung cấp Liên khu 5 cùng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên tổ chức soi đường, mở các tuyến hành lang bí mật lên Tây Nguyên, huy động hơn 100.000 dân công vận chuyển gạo, muối lên dự trữ ở những vùng tiếp giáp chiến trường. Gần như toàn bộ lực lượng vận tải ở tuyến hậu phương của Liên khu dài 264 km, đã được huy động để vận chuyển chuẩn bị cho chiến dịch. Đến ngày 15 tháng 1 năm 1954, 10 hành lang vận chuyển từ 5 đến 10 cung vận tải bộ (có hành lang tới 15 cung) đã đưa hơn 1.000 tấn gạo, gần 100 tấn muối và thực phẩm tới các kho mặt trận. Vũ khí, đạn dược của Tổng cục Cung cấp chi viện cho Liên khu 5 cũng đã vào đến nơi. Bộ đội tham gia chiến dịch được trang bị ĐKZ 57mm, được bổ sung đạn súng trường DAM (lúc đó rất thiếu ở chiến trường Liên khu 5) và được chuẩn bị khá đầy đủ về vũ khí trang bị chiến đấu1.

Để đảm bảo bí mật cho việc chuẩn bị và nghi binh đánh lạc hướng phán đoán của địch, từ đầu tháng 1 năm 1954, Bộ chỉ huy chiến dịch đã chỉ đạo các tỉnh ở vùng sau lưng địch như Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Ninh Thuận, Bình Thuận... tổ chức lực lượng vũ trang phối hợp với nhân dân hoạt động rầm rộ, tập kích các căn cứ hậu cần, kho tàng, diệt tề trừ gian...

Đúng trong dịp này, ngày 20 tháng 1 năm 1954, Na-va huy động gần 30 tiểu đoàn các loại, bắt đầu cuộc hành binh Át-lăng (Atlante) tiến công vùng tự do Phú Yên. Nắm được tình hình, trong cuộc họp ngày 21 tháng 1, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định: Phần lớn lực lượng cơ động của địch đã tập trung ở Phú Yên. Nếu đòn tiến công của ta lên Tây Nguyên không đủ sức uy hiếp mạnh thì không buộc được địch điều động lực lượng lên đối phó. Bộ chỉ huy hạ quyết tâm cho hướng thứ yếu nổ súng trước tiêu diệt các cứ điểm trên đường 19 từ Plây Cu đến An Khê để thu hút sự chú ý của địch, đồng thời trên hướng chính mở màn bằng một đòn tiến công đồng loạt ba mục tiêu: Măng Đen, Măng Bút và Công Brây, đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự đông bắc Kon Tum của địch.

Đêm 26 tháng 1, trên hướng phụ, trung đoàn 120 nổ súng diệt các cứ điểm Kà Tung, Ba Bả, Tà Tu và Búp Bê trên đường 19, mở màn chiến dịch, tiếp đó phát triển tiêu diệt thêm ba cứ điểm trên địa bàn đảm nhiệm.

Trên hướng chính, đêm ngày 27 tháng 1, ta nổ súng tiến công ba cứ điểm mạnh nhất trong hệ thống phòng thủ bắc Tây Nguyên của địch: Măng Đen, Măng Bút và Công Brây. Măng Đen và Măng Bút cách nhau 10 ki-lô-mét, Công Brây nằm lùi về phía Kon Tum, cách Kon Tum 30 ki-lô-mét và cách Măng Đen 25 ki-lô-mét. Măng Đen là cứ điểm then chốt nhất, nằm trên quả đồi hình yên ngựa và được xây dựng thành hai khu: Khu A (đồn lớn) cấu trúc theo hình tam giác, ở giữa có lô cốt mẹ bằng bê tông cốt thép, ba góc là ba lô cốt nhỏ, nối liền các lô cốt là hệ thống giao thông ngầm, xung quanh là hệ thống dây thép gai hình ngôi sao rộng từ 30 đến 90 mét. Khu B được xây dựng theo hình móng ngựa cũng có ba lô cốt và hệ thống hầm ngầm, giao thông hào ngầm nối liền các lô cốt. Giữa khu A và khu B rộng khoảng 800 mét, có một sân bay nhỏ. Khu A do hai đại đội địch đóng giữ, còn khu B thường có từ 100 đến 150, có khi lên đến 400 lính ứng chiến.

23 giờ 30 phút, tiểu đoàn 19 và 70 của trung đoàn 108 cùng nổ súng đánh vào Măng Đen. Ở hướng tiến công vào Khu A, do tiểu đoàn 19 đảm nhiệm, địch dựa vào công sự lô cốt, hầm ngầm chống trả quyết liệt. Sau ba đợt tiến công, ta thương vong lớn song vẫn không phát triển được. Trận đánh rơi vào thế giằng co.

Trên hướng tiến công vào khu B, do công sự và hoả lực của địch yếu hơn nên sau sáu giờ chiến đấu, tiểu đoàn 79 đã hoàn toàn làm chủ trận địa và tổ chức một mũi vượt qua sân bay đánh vào sau lưng địch ở khu A, hỗ trợ cho tiểu đoàn 19. Bị kẹt giữa hai hướng tiến công, địch ở khu A rơi vào thế bị động lúng túng và lần lượt bị tiêu diệt. 7 giờ ngày 28 tháng 1, sau tám giờ chiến đấu liên tục, ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm Măng Đen.

Cùng đêm 24, tiểu đoàn 59 trung đoàn 803 tổ chức đánh cứ điểm Công Brây. Do đường vận động xa hơn nên khi hướng Măng Đen nổ súng, tiểu đoàn vẫn còn cách Công Brây 5 km. Địch ở Công Brây đề phòng. Bộ đội ta nằm phục đến mờ sáng, thấy địch có biểu hiện chủ quan cho là ta không đánh mới bất ngờ nổ súng diệt đồn. Địch tan rã nhanh chóng. Sáng 28, tiểu đoàn 59 làm chủ Công Brây. Hướng Măng Bút, trận đánh diễn ra nhanh gọn. Tiểu đoàn 89 cùng liên đội đặc công làm chủ cứ điểm sau 30 phút chiến đấu.

Ba cứ điểm Măng Đen, Công Brây, Măng Bút bị san phẳng, cụm phòng ngự then chốt của địch ở bắc Tây Nguyên bị đập tan, tiểu khu Kon Tum bị uy hiếp trực tiếp. Lực lượng cơ động (GM100) đang bị giam chân ở Phú Yên chưa thể ứng cứu ngay được. Địch ở Kon Tum rơi vào tình trạng hoang mang dao động.
_____________________________________
1. Kết quả về công tác đảm bảo hậu cần trong chiến dịch, các địa phương đã huy động hơn 10.000 tấn lương thực thực phẩm, hơn 200.000 lượt dân công, phục vụ gần 6.000.000 ngày công, hơn 2.000 xe đạp thồ, hơn 1.000 xe bò, xe ngựa. Hậu cần chiến dịch đã cung cấp cho bộ đội 72 tấn vũ khí đạn dược, 900 tấn gạo, 200 tấn thịt, 50 tấn cá tươi, gần 100 tấn thực phẩm khô, 20 tấn thuốc quân y cứu chữa hơn 2.000 thương binh.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 26 Tháng Bảy, 2012, 08:10:10 am

Chớp thời cơ, đêm 28 tháng 1, Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho các đơn vị đẩy nhanh tốc độ tiến công. Trung đoàn 28 phát triển tiến công địch trên hướng bắc Kon Tum, diệt các cứ điểm Đắc Tô, Đắc Sút, Đắc Lây... Trên đường 14 trung đoàn 803 áp sát uy hiếp thị xã Kon Tum, đồng thời đưa một bộ phận luồn sâu xuống phía nam cắt đường 14, đoạn Plây Cu - Kon Tum. Trung đoàn 120 phát triển sang hướng đèo Măng Giang tiến công các cứ điểm của địch ở khu vực ngã ba đường 19 và đường 19 bis.

Bước vào đợt 2, trên hướng bắc Kon Tum, trung đoàn 108 đã nhanh chóng tổ chức tiến công địch từ ngày 29 tháng 1. Nhưng nghe tin chủ lực ta tiến công, địch ở các đồn từ Đắc Tô, Đắc Lây, Đắc Sút cùng nhiều đồn bốt khác đã bỏ chạy trước khi ta đến. Trung đoàn chuyển sang truy kích địch. Sau bảy ngày đuổi địch, trung đoàn 108 đã diệt và bắt hàng trăm tên, giải phóng dải đất phía bắc Kon Tum và áp sát uy hiếp thị xã.

Trong khi trung đoàn 108 đang truy kích, tiến về thị xã Kon Tum từ phía bắc, ngày 31 tháng 1, địch điều GM100 từ Phú Yên lên tăng viện cho Kon Tum và Plây Cu (một tiểu đoàn ở Plây Cu, hai tiểu đoàn ở Kon Tum). Ngày 1 tháng 2, địch ở Kon Tum mở cuộc hành binh giải toả ra hướng Măng Đen, đến gần Công Brây thì sa vào trận địa phục kích của một bộ phận trung đoàn 803, một đại đội bị diệt, số còn lại phải quay về Kon Tum. Ngay đêm đó, đặc công của trung đoàn 803 đã tập kích diệt sở chỉ huy tiểu đoàn địch ở trung tâm thị xã. Trung đoàn 803 tiếp tục vây ép thị xã Kon Tum và cho một bộ phận xuống phía nam thị xã để chia cắt đường 14 theo kế hoạch. Ngày 4 tháng 2, tiểu đoàn 59 (bộ phận luồn xuống phía nam Kon Tum) của trung đoàn 803 đã phục kích một đoàn xe địch trên đường 14 từ Plây Cu tiếp tế cho Kon Tum, diệt bảy xe.

Mặc dù lực lượng ở bắc Tây Nguyên còn đông, nhưng thế trận của địch hoàn toàn bất lợi. Đường số 5, số 14 bị cắt, Kon Tum bị uy hiếp và hoàn toàn cô lập. Để thực hiện chủ trương co cụm hòng đối phó với cuộc tiến công lớn của ta, Bộ chỉ huy Pháp ra lệnh bỏ thị xã Kon Tum, co về phòng thủ Plây Cu, đồng thời tạm dừng cuộc hành quân Át-lăng, đưa lực lượng tăng cường tuyến phòng thủ đường 19 và nam Tây Nguyên.

Đêm 6 tháng 2, địch rút khỏi Kon Tum, trung đoàn 803, do không nắm chắc địch, đã bỏ lỡ cơ hội diệt địch. Ngày hôm sau, trung đoàn tổ chức truy kích, song không có kết quả.

Bộ Tư lệnh chiến địch quyết định đưa trung đoàn 108 và 803 tiếp tục phát triển về hướng Plây Cu. Đêm 16 rạng ngày 17 tháng 2, cùng lúc ta tổ chức tiến công cứ điểm Đắc Đoa và tập kích thị xã Plây Cu.

Đắc Đoa là một cứ điểm mạnh do hai đại đội của binh đoàn cơ động 100 chiếm giữ. Cứ điểm có hệ thống công sự, lô cốt khá vững chắc. Trung đoàn 803 tổ chức hai mũi tên tiến công Đắc Đoa. Mũi chủ yếu phát triển khó khăn, mũi thứ yếu gặp thuận lợi hơn. Cuộc chiến đấu kéo dài hơn tám tiếng sáng ngày 17, ta làm chủ Đắc Đoa, xoá sổ hai đại đội địch, bắt sống 150 tên lính Âu - Phi.

Tại thị xã Plây Cu, đại đội 1, tiểu đoàn 78, trung đoàn 108 tập kích một số kho tàng và sở chỉ huy địch, diệt và làm bị thương gần 200 tên. Tại Buôn Hồ, ta vây ép, gọi hàng một đại đội địch, thu vũ khí rồi phóng thích tại chỗ.

Ngày 17 tháng 2, Chiến dịch bắc Tây Nguyên kết thúc. Trải qua hơn 20 ngày đêm chiến đấu, bộ đội ta đã diệt hơn 2.000 địch, bắt sống 310 tên, đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch ở Kon Tum giải phóng một vùng chiến lược gần 16.000km2 gồm cả một thị xã. Cùng với cuộc tiến công ở Hạ Lào, tạo thành vùng giải phóng liên hoàn từ nam Quảng Ngãi tới Hạ Lào. Ta còn thu nhiều vũ khí đủ trang bị cho một trung đoàn bộ binh.



Chiến dịch bắc Tây Nguyên là một thắng lợi lớn của quân và dân ta trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Đây là lần đầu tiên ta giải phóng được một vùng rộng lớn trên chiến trường rừng núi bắc Tây Nguyên, trong đó có một thị xã có tầm quan trọng cả về quân sự và chính trị. Thắng lợi của chiến dịch còn có ý nghĩa buộc địch phải ngừng cuộc hành quân Át-lăng, rút sáu tiểu đoàn bộ binh và dù lên ứng cứu cho Tây Nguyên, xây dựng hai tập đoàn cứ điểm ở Plây Cu và An Khê. Chiến dịch bắc Tây Nguyên đã đánh bại ý đồ “chủ động tiến công trước” và làm phân tán hơn nữa khối cơ động chiến lược của Na-va trên chiến trường Đông Dương.

Thành công của Chiến dịch bắc Tây Nguyên là ở chỗ ta đã chọn cách đánh hay cả về chiến dịch và chiến thuật, tổ chức hiệp đồng toàn diện, có hiệu quả trên địa bàn toàn liên khu.

Về chỉ đạo tác chiến trên địa bàn toàn liên khu, liên khu đã giao nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang và nhân dân vùng tự do chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng đánh địch bảo vệ hậu phương đồng bằng, để bộ đội chủ lực rảnh tay tác chiến tập trung trên chiến trường rừng núi; chỉ đạo vùng sau lưng địch đẩy mạnh hoạt động để phối hợp với hướng chính. Sự chỉ đạo phối hợp này không những đã tạo thêm bất ngờ đối với địch trên hướng chủ yếu (Tây Nguyên) mà còn buộc địch phải đối phó trên diện rộng trong địa bàn toàn liên khu trước khi địch mở cuộc hành quân Át-lăng.

Về nghệ thuật chiến dịch nét độc đáo của Chiến dịch Bắc Tây Nguyên là ta đã chọn đúng hướng mở màn chiến dịch. Đông bắc Kon Tum là khu vực phòng thủ cứng của địch nhưng lại là khu vực phòng ngự hiểm yếu, không liên hoàn nên khi ta tiến công địch buộc phải ứng cứu, tạo điều kiện cho ta đánh địch ngoài công sự. Khi bị mất thì toàn bộ khu vực bắc Kon Tum và thị xã Kon Tum bị uy hiếp trực tiếp và nhanh chóng dẫn tới tan vỡ.

Sau khi diệt xong các cứ điểm trong tuyến phòng thủ đông bắc Kon Tum, Bộ chỉ huy chiến dịch đã thúc đẩy các đơn vị nhanh chóng bước vào đợt 2, chuyển hướng tiến công các cứ điểm trên tuyến Đắc Tô – Đắc Lây và áp sát uy hiếp thị xã Kon Tum. Chủ trương linh hoạt đó đã khiến cho lực lượng lớn của địch trong thị xã không đủ khả năng tự cứu mà một lực lượng cơ động lớn được điều lên ứng cứu (GM100) cũng bị vô hiệu hóa.

Trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên ta còn chủ trương nổ súng đồng loạt trên các hướng (đông bắc, bắc và đường số 19) và tiêu diệt hàng loạt cứ điểm trong mấy ngày đầu chiến dịch, làm đảo lộn thế trận phòng thủ của địch, gây tâm lý hoang mang dao động trong binh lính địch, tạo điều kiện thuận lợi để ta đánh các trận tiếp sau.

Trong thực hành, bộ đội ta đã vận dụng khá linh hoạt các hình thức, thủ đoạn chiến thuật. Ngoài việc tổ chức tiến công một loạt các cứ điểm, ta đã tổ chức các trận địa phục kích trên đường 5 và đường 14 để đánh địch ngoài công sự, chớp thời cơ tập kích khi địch chủ quan, hay tổ chức các lực lượng luồn sâu đánh phá sở chỉ huy địch trong thị xã.

Tuy còn một số hạn chế trong tổ chức chỉ huy đánh địch trong công sự cũng như trong đánh vận động, song Chiến dịch Bắc Tây Nguyên là một bước tiến quan trọng về nghệ thuật tiến hành chiến dịch ở một chiến trường xa sự giúp đỡ hậu phương của ta.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 26 Tháng Bảy, 2012, 08:14:14 am

CHIẾN DỊCH THUỢNG LÀO 1954
(Tiến công, từ ngày 29 tháng 1 đến ngày 13 tháng 2 năm 1954)


Trưa ngày 26 tháng 1 năm 1954, trước tình hình địch đã tăng cường phòng ngự ở Điện Biên Phủ, Đảng uỷ Chiến dịch Điện Biên Phủ quyết định tạm thời đình chỉ cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiếp tục chuẩn bị thêm để đánh với phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”. Đồng thời, Đảng uỷ chiến dịch quyết định đưa Đại đoàn 308 tiến công sang hướng Thượng Lào, nhằm cô lập địch ở Điện Biên Phủ hơn nữa, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giúp bạn Lào mở rộng vùng giải phóng, không cho địch đánh vào sau lưng ta, vừa nghi binh thu hút sự chú ý của chúng, bảo đảm cho bộ đội ở Điện Biên Phủ rút ra khu tập kết an toàn.

Về địch, sau khi tướng Na-va quyết định xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để giao chiến với chủ lực ta, thì ở Thượng Lào từ đầu tháng 12, địch cũng bắt đầu xây dựng “Phòng tuyến sông Nậm Hu”. Phòng tuyến này gồm một loạt cứ điểm dọc sông Nậm Hu từ Pắc U lên Mường Ngòi, Mường Khoa, với tổng số binh lực khoảng 20 đại đội (sáu tiểu đoàn). Nhiệm vụ của “phòng tuyến sông Nậm Hu” là bảo vệ Thượng Lào, bảo vệ cho Điện Biên Phủ khỏi bị cô lập, và tạo thành hành lang bảo đảm việc lui quân từ Điện Biên Phủ về Luông Pha Băng (Lào) khi cần thiết.

Về phía ta, 14 giờ ngày 26 tháng 1, Đại đoàn 308 chính thức nhận lệnh hành quân sang Lào kết hợp với bạn tiến công phòng tuyến sông Nậm Hu. Mặc dù trong mệnh lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho phép “lực lượng sử dụng bao nhiêu tuỳ thuộc vào khả năng cung cấp của đại đoàn... làm sao bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ... giữ vững lực lượng, có lệnh trở về ngay”1, nhưng Đảng ủy đại đoàn đã họp và quyết định đưa toàn bộ đại đoàn sang Lào để thực hiện nhiệm vụ.

Vào thời điểm này, biên chế của Đại đoàn 308 gồm các trung đoàn bộ binh 102, 88, 36, tiểu đoàn phòng không, cối 102 mm và một số đơn vị trực thuộc. Toàn bộ đại đoàn ở khu vực Hồng Lếnh phía tây cánh đồng Điện Biên Phủ.

18 giờ 30 ngày 26 tháng 1 (chỉ sau khi nhận lệnh bốn giờ), các đơn vị của đại đoàn lần lượt rút khỏi Điện Biên Phủ lên đường sang Thượng Lào. Chỉ huy đại đoàn sang Thượng Lào là đồng chí Vương Thừa Vũ - Tư lệnh kiêm bí thư Đảng uỷ đại đoàn.

Vì thời gian gấp nên đại đoàn vừa hành quân vừa tổ chức nắm địch, nghiên cứu địa hình, tổ chức bảo đảm hậu cần tại chỗ. Khó khăn lớn nhất trong đảm bảo cho chiến dịch là vấn đề thuốc quân y và lương thực. Mỗi ngày đại đoàn cần năm tấn gạo, nhưng khi lên đường các chiến sĩ của đại đoàn chỉ mang theo mỗi người một ngày lương khô và một ngày gạo. Đại đoàn đề ra phương châm “tự lực và gấp rút”, nhanh chóng tổ chức lực lượng cán bộ đi bắt liên lạc với cán bộ địa phương bạn huy động lương thực trong nhân dân. Bộ phận tiền phương của Tổng cục Cung cấp một mặt cử đoàn vận tải hỗ trợ tiếp tế cho đại đoàn, một mặt cử đại diện sang Lào liên hệ với bạn giải quyết vấn đề cung cấp tại chỗ cho bộ đội (ta dựa vào bạn dùng tiền Đông Dương để mua lương thực thực phẩm). Bộ Tổng tham mưu cũng cử một đại đội trinh sát của Bộ đi trước nắm địch ở Mường Khoa, để đảm bảo cho đại đoàn tiến quân thuận lợi.

Ngày 29 tháng 1, sau khi vượt 80 ki-lô-mét đường rừng, phần lớn lực lượng đại đoàn đã tới Sốp Nạo, riêng bộ phận đi trước đã tới sát bờ sông Nậm Hu. 20 giừ ngày 29 tháng 1, đại đoàn nhận được điện của Bộ Tổng tư lệnh tiền phương: “Địch đã phát hiện Đại đoàn 308 rời khỏi Điện Biên Phủ sang Lào, chúng đã ra lệnh rút khỏi Mường Khoa và các đồn lân cận về Nậm Bạc”.

Nhận được điện, Bộ chỉ huy đại đoàn quyết định: chia làm hai cánh, nhanh chóng truy kích địch: Cánh thứ nhất, trung đoàn 102 truy kích theo hướng Mường Khoa - Mường Sài; cánh thứ hai, trung đoàn 88 và 36 truy kích theo hướng Nậm Bạc - Luông Pha Băng.

Sáng ngày 30 tháng 1, cánh quân thứ nhất tổ chức vượt sông Nậm Hu tiến về phía Mường Khoa - Mường Sài. Đi cùng cánh quân này có sở chỉ huy nhẹ của đại đoàn, do Đại đoàn phó Cao Văn Khánh phụ trách. Nửa đêm 30, trung đoàn 102 vừa được lệnh dừng lại nghỉ đêm thì nhận được tin của quân báo đại đoàn phát hiện địch đang trên đường nhạy về Mường Sài, ở cách đơn vị khoảng 10 ki-lô-mét. Cả đơn vị lập tức gấp rút đuổi theo. Bộ phận quân báo của đại đoàn nhanh chóng tìm đường vượt lên trước, đến rạng sáng ngày 31, bộ phận này đã kết hợp được với một đơn vị địa phương tạo được một “cái nút” chặn trước đường hành quân của địch.

Quân địch đang nhốn nháo do bị chặn ở phía trước, thì phía sau, đại đội 261 tiếp đó là cả tiểu đoàn 18 của trung đoàn 102 đã kịp thời ập tới, tổ chức nhiều mũi đánh thẳng vào đội hình địch. Một đại đội Pa-thét Lào thuộc tiểu đoàn 920 đang trên đường đi Mường Sài để phối hợp với ta, nghe tiếng súng nổ đã chủ động đến cùng tiểu đoàn 18 đánh địch.

Bị tiến công bất ngờ, đội hình địch bị chia cắt làm đôi. Cụm thứ nhất gồm tiểu đoàn Ta-bo số 5 và ba đại đội ngụy do thiếu tá Vô-đơ-rây chỉ huy; cụm thứ hai có ba đại đội thuộc tiểu đoàn lê dương số 2 và một đại đội ngụy do thiếu tá Ca-ba-ri chỉ huy. Các cụm quân này chiếm giữ các điểm cao, vừa ngoan cố chống cự, vừa tìm đường rút chạy. Địch đông, địa hình rừng núi phức tạp nên trận đánh kéo dài, ta diệt và bắt sống một số, nhưng không đủ khả năng dứt điểm.

Chiều ngày 31 tháng 1, đại bộ phận lực lượng của trung đoàn 102 mới tới khu vực đánh địch. Trung đoàn trưởng lệnh cho các tiểu đoàn 79 và 54 tổ chức tiến công địch ngay. Lúc này lợi dụng trời bắt đầu tối và địa hình rừng núi, địch bí mật rút về Mường Sài. Tiểu đoàn 18 thấy cụm quân của Vô-đơ-rây xuống núi, lập tức chiếm lĩnh địa thế có lợi từ trên đánh xuống diệt hàng trăm tên, bắt sống 54 tên.

Ở phía sau, tiểu đoàn 79 và 54 tổ chức tiến công chậm. Lợi dụng trời tối, bốn đại đội do Ca-ba-ri chỉ huy đã rút chạy trước khi ta tiến công. Trung đoàn tổ chức lùng sục, truy đuổi địch ngay trong đêm.

Sáng ngày 1 tháng 2, tiểu đoàn 79 phát hiện được địch ở khu rừng rậm trước mặt. Đây chính là đại đội địch ở cụm 2. Tiểu đoàn nhanh chóng tổ chức một mũi vòng xuống phía nam chốt chặn, còn đại bộ phận tổ chức nhiều mũi đồng loạt tiến công bọn địch đang tạm dừng. Địch chống cự yếu ớt, nhanh chóng tan rã, lẩn trốn vào rừng tìm đường về Mường Sài. Trong các ngày 1 và 2 tháng 2, trung đoàn 102 tiếp tục tổ chức lực lượng đuổi địch và truy tìm những tên còn lẩn trốn trong rừng. Cả hai tiểu đoàn địch chạy từ Mường Khoa cơ bản bị trung đoàn 102 loại khỏi vòng chiến đấu. Trung đoàn đã diệt và bắt sống hàng trăm tên, trong đó có tên thiếu tá Ca-ba-ri và tên đại uý Lăm-be. Đêm 2 tháng 2, trung đoàn dừng lại ở sát Mường Sài củng cố chờ nhận nhiệm vụ mới.
_______________________________________
1. Lịch sử Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Nxb QĐND, H, 1991. tr.752.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 26 Tháng Bảy, 2012, 08:14:47 am

Trên hướng Nậm Bạc - Luông Pha Băng, trung đoàn 36 đi đầu cũng khẩn trương xuyên rừng tiến về hướng Nậm Bạc. Chiều 30 tháng 1, trung đoàn đến sát Mường Ngòi, địch ở đây đã rút chạy. Sáng ngày 1 tháng 2, trung đoàn tổ chức vượt sông Nậm Hu. Nhân dân địa phương huy động thuyền độc mộc giúp đơn vị chở vũ khí nặng và các chiến sĩ đau yếu, còn lại toàn đơn vị kết bè mảng, dùng mọi thứ làm phao dìu nhau vượt qua sông rộng.

Tiểu đoàn 89 vượt sông đầu tiên, phát hiện một tiểu đoàn địch đang tạm dừng trên các quả đồi trước mặt, tổ chức tiến công ngay và nhanh chóng đánh tan đội hình địch. Suốt trong ngày 1 tháng 2, tiểu đoàn đã truy đuổi đánh 10 trận đạt hiệu suất cao và xóa sổ cả tiểu đoàn địch, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.

Ngày 2 tháng 2, trung đoàn 36 tiến vào thung lũng Nậm Bạc. Trong thung lũng có một đồn địch. Quân địch trong đồn đang nhốn nháo chuẩn bị rút chạy. Chớp thời cơ đại đội 396, bộ phận đi đầu của tiểu đoàn 89, nhanh chóng đánh thẳng vào đồn. Địch hốt hoảng bỏ chạy, ta làm chủ cả vùng thung lũng Nậm Bạc.

Nậm Bạc là một khu vực ngã ba, một đường đi về phía Mường Sài, nơi trung đoàn 102 đang đánh tới, một đường qua Nậm Ngà rồi thẳng xuống Luông Pha Băng, nơi có sở chỉ huy Pháp ở Thượng Lào.

Sau khi chiếm được Nậm Bạc, trung đoàn 36 xốc lại đội hình, ngày 3 tháng 2, tiếp tục tiến thẳng về phía Nậm Ngà. Phía sau trung đoàn 36, trung đoàn 88 cũng đã tiến vào các khu vực mới giải phóng truy quét tàn binh địch, cùng bạn xây dựng cơ sở cách mạng. Ngày 5 tháng 2 trung đoàn 36 tiến đến sát Nậm Ngà. Đi đầu đội hình vẫn là tiểu đoàn 89, gồm đại đội 399 dẫn đầu, tiếp sau là các đại đội 395 và 397.

Lúc này, tiểu đoàn ngụy Thái số 1 cũng từ Mường Sài tới tăng viện cho Nậm Ngà. Đại đội đi đầu của chúng đã vào đồn, còn hai đại đội đang tới khu vực ngã ba Nậm Bạc - Nậm Ngà - Mường Sài.

Hai đại đội (395, 397) đi sau của tiểu đoàn 89, gặp địch ở khu vực ngã ba, nhanh chóng tổ chức thế bao vây hai đại đội của địch ở khu vực này. Đại đội 399 đi đầu tiếp tục tiến về phía đồn Nậm Ngà, tổ chức bao vây địch ở trong đồn. Ở khu vực ngã ba, trận tao ngộ chiến diễn ra khá ác liệt. Ta và địch đều cố chiếm những điểm cao có lợi, dùng hoả lực kiềm chế nhau. Lực lượng của ta dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn phó và chính trị viên tiểu đoàn, nhanh chóng chia thành nhiều mũi hình thành thế bao vây đồng thời sử dụng cối 82mm và súng máy chi viện cho bộ binh tiến công phía chính diện. Ở phía sau, chính trị viên của đại đội 395 dẫn một tiểu đội vòng theo đường núi đánh chọc sườn cụm hoả lực của địch. Bị bất ngờ, cụm hoả lực địch không kịp trở tay nhanh chóng bị tiêu diệt. Mất hoả lực, lại bị phân tán và uy hiếp bởi nhiều mũi tiến công của ta, hai đại đội địch tan rã và bị tiêu diệt gần hết.

Thừa thắng, tiểu đoàn 89 dồn toàn bộ lực lượng tiến công đồn Nậm Ngà. Địch ở đây chống cự yếu ớt và chịu thất bại hoàn toàn. Như vậy chỉ sau vài giờ chiến đấu, tiểu đoàn 89 đã giành được thắng lợi giòn giã, loại khỏi vòng chiến đấu gọn một tiểu đoàn địch, thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng.

Chiều ngày 7 tháng 2, trung đoàn 36 tiến xuống tới Bắc Sương. Ở đây, trung đoàn bắt liên lạc được với tiểu đoàn địa phương 970 của bạn và biết năm đại đội địch đã bỏ đồn chạy về Luông Pha Băng. Trung đoàn tiếp tục tiến vào hướng Luông Pha Băng. Ngày 11 tháng 2, trung đoàn vượt sông Nậm Hu (quãng ngã ba sông Nậm Hu gặp sông Mê Công). Ngay chiều hôm đó, tiểu đoàn 80 - bộ phận đi đầu của trung đoàn 36 đã tổ chức tiến công đồn Bản Na cách Luông Pha Băng 10 ki-lô-mét. Địch hoang mang, tan vỡ nhanh chóng, ta diệt một trung đội lê dương, một trung đội dù ngụy, bắt sống hàng chục tên, trong đó có tên quan hai Pháp.

Trên hướng Mường Sài, từ ngày 4 tháng 2, trung đoàn 102 cũng áp sát các vị trí tiền tiêu, dùng cối bắn vào các khu vực của địch. Trước sức ép của ta, địch phải lập cầu hàng không tăng cường lực lượng cho Mường Sài và Luông Pha Băng, xây dựng hai tập đoàn cứ điểm ở đây. Lực lượng cơ động chiến lược của Pháp lại thêm một lần nữa bị phân tán. Ngày 13 tháng 2 năm 1954, Đại đoàn 308 được lệnh của Bộ kết thúc chiến dịch và bí mật quay trở về Điện Biên Phủ. Đơn vị trinh sát của Bộ ở lại làm nhiệm vụ phao tin ta chuẩn bị đánh Luông Pha Băng để đại đoàn rút quân an toàn.

Như vậy, trong hơn mười ngày tiến công, truy kích địch trên chặng đường dài hơn 200 kém, Đại đoàn 308 đã đánh nhiều trận đạt hiệu quả cao. Ta và bạn đã tiêu diệt gọn một tiểu đoàn lê dương (2/2 REI), ba đại đội ngụy, đánh tan hai tiểu đoàn ngụy, tiêu hao một bộ phận của tiểu đoàn Ta-bo số 5 (tổng số 15 đại đội). Loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 2.000 tên, bắt sống 354 tên (trong đó có một quan tư, hai quan ba, sáu quan hai, một quan một), thu hàng chục tấn vũ khí, quân trang, quân dụng. Toàn bộ phòng tuyến sông Nậm Hu của địch bị phá vỡ. Một vùng rộng lớn lưu vực sông Nậm Hu được giải phóng, đẩy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào thế hoàn toàn bị cô lập.

Đòn tiến công sang Thượng Lào của Đại đoàn 308 thực sự bất ngờ đối với bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp. Thất bại ở Thượng Lào lần này chứng tỏ ý định của Na-va chiếm đóng Điện Biên Phủ để bảo vệ Thượng Lào, bảo vệ Luông Pha Băng đã bị phá sản. Địch buộc phải tăng quân cho Mường Sài và Luông Pha Băng, lực lượng cơ động của chúng lại một lần nữa bị phân tán. Chiến dịch Thượng Lào đã đạt được mục đích đề ra là tiêu hao sinh lực địch, đánh lạc hướng chú ý của địch với Điện Biên Phủ, tạo điều kiện để các lực lượng chuẩn bị tốt hơn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến thắng Thượng Lào còn tạo điều kiện cho trung đoàn 148 cùng bộ đội Pa-thét Lào giải phóng Bun Tầy, Bun Nừa, khu vực tỉnh lỵ và một vùng rộng lớn tỉnh Phông Xa Lỳ. Có thể nói Chiến dịch Thượng Lào đã đạt trọn vẹn mục tiêu của cả chiến lược và chiến dịch.

Nghệ thuật chiến dịch trong chiến dịch Thượng Lào trước hết thể hiện trong việc sử dụng lực lượng. Mặc dù được Bộ Tổng tư lệnh cho phép tự quyết định quy mô lực lượng ra quân (ít nhất là một tiểu đoàn), nhưng Bộ tư lệnh chiến dịch đã quyết tâm khắc phục khó khăn về bảo đảm hậu cần, sử dụng toàn bộ lực lượng của đại đoàn, tạo sức mạnh áp đảo trên cả hai hướng chiến dịch. Trước sức mạnh áp đảo của ta, địch buộc phải rút chạy, tạo điều kiện cho ta truy kích đánh địch ngoài công sự.

Việc tổ chức điều hành chiến dịch cũng là một thành công của Chiến dịch Thượng Lào. Chỉ sau khi nhận lệnh bốn giờ, đại đoàn đã hoàn thành cơ bản mọi công tác tổ chức chuẩn bị, từ chuẩn bị bộ đội, tổ chức dẫn đường nắm địch, tổ chức tiền trạm, tổ chức thông tin đảm bảo liên lạc đến việc đảm bảo hậu cần trong điều kiện chiến trường rừng núi xa, rộng và chia cắt. Điều này chứng tỏ trình độ tổ chức chỉ huy của cán bộ Đại đoàn 308 đã có bước trưởng thành đáng kể.

Trong thực hành chiến dịch, một ưu điểm nổi bật của cán bộ chiến sĩ đại đoàn là tính chủ động trong truy kích địch. Ở địa hình rừng núi, trên từng cánh, việc chỉ huy toàn bộ lực lượng của một trung đoàn hay cả đại đoàn là rất khó khăn. Mà việc truy kích địch thì thời gian, thời cơ lại là nhân tố hết sức quyết định. Trong chiến dịch, cán bộ các cấp của đại đoàn đã nêu cao tinh thần chủ động, không chờ đợi cấp trên, không chờ đủ lực lượng, đơn vị nào gặp địch là chủ động triển khai đánh địch, đơn vị đến sau hiệp đồng theo tiếng súng, hỗ trợ cho đơn vị đến trước, nhanh chóng khoét sâu điểm yếu tinh thần của quân địch rút chạy để tiến công giành thắng lợi. Trong truy kích, ta còn tổ chức được các bộ phận gọn nhẹ vượt lên trước ngăn chặn địch, tạo điều kiện cho các đơn vị phía sau đuổi kịp triển khai tiến công.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Tám, 2012, 09:56:47 pm

CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
(Tiến công, từ ngày 13 tháng 3 đến ngày 7 tháng 5 năm 1954)


Thực hiện kế hoạch tác chiến trong Đông Xuân 1953 - 1954, ngày 15 tháng 11 năm 1953, Đại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc, mở cuộc tiến công giải phóng Lai Châu. Phát hiện sự di chuyển của chủ lực ta lên hướng tây bắc, ngày 20 tháng 11, Na-va vội vã mở cuộc hành binh Ca-xto, đổ sáu tiểu đoàn Âu - Phi tinh nhuệ đánh chiếm Điện Biên Phủ, một địa bàn chiến lược quan trọng để giữ vững Lai Châu và bảo vệ Thượng Lào.

“Vô luận rồi đây địch sẽ thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta”1. Ta kiên trì kế hoạch tiến công giải phóng Lai Châu, đồng thời tăng cường Đại đoàn 308 lên vây địch ở Điện Biên Phủ.

Ngày 3 tháng 12 năm 1953, Na-va quyết định bỏ Lai Châu, co lực lượng về Điện Biên Phủ, đồng thời gấp rút tăng cường lực lượng, phương tiện chiến tranh xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh, gọi là “Binh đoàn tác chiến Tây Bắc”. Đến ngày 15 tháng 12 năm 1953, quân địch ở Điện Biên Phủ đã lên đến 12 tiểu đoàn. Chúng hy vọng Điện Biên Phủ vừa là một cái chốt, vừa là một cái bẫy sẵn sàng nghiền nát các sư đoàn thép của đối phương.

Khi Na-va chấp nhận giao chiến với ta ở Điện Biên Phủ và quyết giữ Điện Biên Phủ bằng bất cứ giá nào, thì phương án tiến công Điện Biên Phủ của ta cũng cơ bản được dự thảo xong. Đầu tháng 1 năm 1954, Bộ Chính trị họp tại bản Tỉn Keo, xã Điềm Mạc, huyện Định Hoá, Thái Nguyên nghe Tổng Quân uỷ báo cáo và chính thức hạ quyết tâm: “Tập trung đại bộ phận chủ lực thiện chiến của ta lên mặt trận Điện Biên Phủ mở chiến dịch tiến công tiêu diệt những lực lượng tinh nhuệ nhất của địch trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng trên chiến trường Đông Dương này”. Tại cuộc họp, Bộ Chính trị đã cử Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ gồm: Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ mặt trận; Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng; Lê Liêm, Chủ nhiệm chính trị; Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm cung cấp. Ngày 5 tháng 1 năm 1954, đồng chí Võ Nguyên Giáp lên đường đi Điện Biên Phủ.

Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Lai Châu, là một thung lũng rộng lớn nằm ở phía tây vùng rừng núi Tây Bắc, cách Hà Nội khoảng 300 ki-lô-mét đường chim bay, cách Luông Pha Băng 190 ki-lô-mét. Thung lũng Điện Biên (cánh đồng Mường Thanh) có chiều rộng từ sáu đến tám ki-lô-mét, chiều dài gần 20 ki-lô-mét, nằm gần biên giới Việt-Lào, trên một ngã ba của nhiều tuyến đường quan trọng. Xung quanh thung lũng là một vùng rừng núi điệp trùng bao bọc. Núi có độ cao trung bình 500m, có mỏm đột xuất cao tới 1461m. Thung lũng Điện Biên là cánh đồng bằng phẳng đồng ruộng khô ráo, thỉnh thoảng nổi lên những đồi cao hơn mặt ruộng tám đến 20 mét, cá biệt có điểm cao tới 250m. Trong thung lũng có sông Nậm Rốm chảy theo hướng bắc nam đổ xuống sông Nậm Hu và có sân bay Mường Thanh được xây dựng từ năm 1889.

Thời tiết Điện Biên Phủ chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9. Vào mùa khô sương mù dày đặc từ 15 giờ ngày hôm trước đến tận 9 giờ ngày hôm sau. Mùa mưa, mưa kéo dài, nhiều lũ, độ ẩm lớn nên việc cơ động trong rừng vô cùng khó khăn.

Dân số Điện Biên Phủ có hơn hai vạn người, gồm 11 dân tộc khác nhau, đời sống nhân dân trong vùng còn rất khó khăn.

Về địch, đến khi ta nổ súng tiến công, chúng đã có gần bốn tháng để xây dựng và củng cố hệ thống phòng ngự ở Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Lực lượng phòng ngự ở đây có 12 tiểu đoàn và bảy đại đội bộ binh, hai tiểu đoàn lựu pháo 105mm (24 khẩu), hai tiểu đoàn súng cối 120mm (20 khẩu), một đại đội trọng pháo 155mm (4 khẩu), một tiểu đoàn công binh, một đại đội xe tăng (10 chiếc), một đại đội xe vận tải (khoảng 200 xe ô tô) và một phi đội máy bay thường trực (14 chiếc). Tổng số quân lúc đầu lên tới 11.800 tên, chủ yếu là lính dù và Âu - Phi tinh nhuệ, đặt dưới quyền chỉ huy của đại tá Đờ Cát-xtơ-ri.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có 49 cứ điểm, mỗi cứ điểm đều có hệ thống công sự, hàng rào vật cản, hoả lực để độc lập chiến đấu, đồng thời những cứ điểm gần nhau lại được tổ chức lại thành cụm cứ điểm (trung tâm đề kháng). Tập đoàn cứ điểm có tám trung tâm đề kháng (mỗi trung tâm mang tên một thiếu nữ Pháp) và được chia thành ba phân khu:

Phân khu trung tâm (trận địa trung tâm) là phân khu quan trọng nhất, nằm ở ngay giữa Mường Thanh, có năm tiểu đoàn chiếm đóng, ba tiểu đoàn cơ động (tức gần 2 phần 3 lực lượng của định ở Điện Biên Phủ). Phân khu trung tâm được tổ chức thành năm trung tâm đề kháng bao bọc lấy cơ quan chỉ huy của tập đoàn. Các trung tâm đề kháng đó là: Trung tâm đề kháng đồi D (Đô-mi-nich), phòng ngự ở hướng đông bắc, gồm các cứ điểm D1, D2, E1, D3, 203, 204, 507, 508 do tiểu đoàn 3 An-giê-ri (3/3 RTA) chiếm giữ; trung tâm đề kháng đồi A (E-li-an), phòng ngự hướng đông và đông nam, là khu vực phòng ngự then chốt của trận địa trung tâm, gồm các cứ điểm C1, C2, A1, A3, 512, 506, 511 do tiểu đoàn 1 Ma-rốc (1/4 RTM) và tiểu đoàn 2 ngụy Thái (2e BAT) chiếm giữ; trung tâm đề kháng nam sân bay Mường Thanh (Clô-đin), phòng ngự hướng tây nam, gồm các cứ điểm 309, 310, 311B, 305, 322, 603, 604, 607 do tiểu đoàn 1 lê dương (1/13 DBLE) chiếm giữ; trung tâm đề kháng tây sân bay (Huy-ghét) trực tiếp bảo vệ sân bay, gồm các cứ điểm 311, 311A, 206, 209, 307, do tiểu đoàn 1 lê dương (1/2 REI) chiếm giữ. Trung tâm đề kháng Him Lam (Bê-a-tơ-ri-xơ) là vị trí phòng ngự đột xuất ở đông bắc cách Mường Thanh 2.500 mét, gồm các cứ điểm 101A, 101B, 102 do tiểu đoàn 3 lê dương (3/13 DBLE) chiếm giữ. Khu vực phía đông của phân khu trung tâm có các điểm cao có giá trị, địch đã xây dựng thành các cứ điểm rất lợi hại, đặc biệt là các ngọn đồi A1, C1, D1, E1...

Phân khu bắc gồm hai trung tâm đề kháng: Trung tâm đồi Độc Lập (Ga-bri-en) do tiểu đoàn 5 An-giê-ri (5/7 RTA) chiếm đóng, trung tâm Bản Kéo - Căng Na (An-nơ Ma-ri) phòng ngự ở hướng bắc, gồm các cứ điểm 104A, 104B, 105, 106 do tiểu đoàn ngụy Thái số 3 (3e BAT) chiếm giữ.

Phân khu nam còn có tên gọi là Hồng Cúm (I-da-ben) có nhiệm vụ ngăn chặn quân ta tiến công từ phía nam lên. Phân khu này do binh đoàn cơ động số 6 chiếm giữ. Lực lượng cụ thể gồm tiểu đoàn lê dương số 3 (3/3 REI), tiểu đoàn An-giê-ri số 2(2/1 RTA) một đại đội pháo 105mm và một trung đội xe tăng có ba chiếc.

Trung tâm đề kháng Him Lam (Bê-a-tơ-ri-xơ) tuy thuộc phân khu trung tâm, nhưng cùng với các trung tâm đề kháng đồi Độc Lập và Bản Kéo của phân khu bắc tạo thành trận địa phòng ngự tiền duyên án ngữ phía bắc, ngăn chặn sự tiến công của ta từ hướng bắc và đông bắc.

Pháo binh của tập đoàn cứ điểm được chia thành hai căn cứ: căn cứ Mường Thanh có một đại đội pháo 155mm (bốn khẩu), một tiểu đoàn pháo 105mm (12 khẩu) và hai đại đội cối 102mm (16 khẩu); căn cứ Hồng Cúm có một tiểu đoàn pháo 105mm.

Đại đội xe tăng có 10 xe hạng nhẹ: bảy chiếc ở trận địa trung tâm, ba chiếc ở phân khu nam.

Với lực lượng đông, hoả lực mạnh, hệ thống công sự vật cản được xây dựng vững chắc, hoàn chỉnh và tận dụng được thế lợi của địa hình, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thực sự là một hệ thống phòng ngự mạnh chưa từng có ở Đông Dương lúc bấy giờ. Bộ chỉ huy Pháp coi Điện Biên Phủ là một “pháo đài không thể công phá” và tin chắc “sẽ gây cho Việt Minh một thất bại nghiêm trọng” ở đây.
________________________________________
1. Báo cáo về kế hoạch tác chiến và tổng kết kinh nghiệm trong các chiến dịch lớn. Bộ Tổng tham mưu, xb, 1963, tr.16.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Tám, 2012, 09:59:35 pm
Về phía ta, lực lượng tham gia chiến dịch lúc đầu gồm các đại đoàn bộ binh: Đại đoàn 308 (có trung đoàn 102, 88, 36), Đại đoàn 312 (có trung đoàn 141, 209, 165), Đại đoàn 316 (có trung đoàn 174, 98, một tiểu đoàn của trung đoàn 176); và trung đoàn 57 thuộc Đại đoàn 304. Hoả lực có Đại đoàn công pháo 151 gồm: trung đoàn pháo binh 45 (có hai tiểu đoàn pháo 105mm: 24 khẩu); trung đoàn sơn pháo 675 (có năm đại đội sơn pháo 75 mm: 15 khẩu); trung đoàn pháo cao xạ 367 có hai tiểu đoàn cao xạ 37 mm (24 khẩu) và hai đại đội súng máy cao xạ 12,7mm (24 khẩu). Tổng số quân chủ lực của ta khoảng hơn 40 nghìn, nếu tính cả tuyến hai thì số quân lên tới 55 nghìn.

Lực lượng phục vụ chiến dịch cũng rất lớn: 628 ô tô vận tải, 21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng nhiều tàu thuyền, lừa, ngựa...

Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được Bộ Chính trị phê chuẩn mang mật danh Chiến dịch Trần Đình, ngày 14 tháng 1 năm 1954, tại Thẩm Phúa, Đảng uỷ và Bộ chỉ huy chiến dịch mở hội nghị cán bộ phổ biến kế hoạch tiêu diệt tập đoàn Điện Biên Phủ theo phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”.

Ý định ban đầu của ta là “Tập trung ưu thế binh lực, hoả lực đột phá chủ yếu từ phía tây đánh thắng vào trung tâm Mường Thanh đồng thời từ phía đông giáp công...”, dự kiến ngày 20 tháng 1 năm 1954 sẽ nổ súng.

Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, ta thấy địch đã ráo riết xây dựng trận địa phòng ngự vững chắc hơn, đồng thời hàng ngày sử dụng từ 50 đến 60 chuyến máy bay chở từ 150 đến 200 tấn hàng tăng cường cho việc phòng thủ Điện Biên Phủ. Mặt khác, việc làm đường và đưa pháo vào trận địa của ta gặp rất nhiều khó khăn, ta chỉ dự kiến kéo pháo trong ba đêm song thực tế phải dùng một đại đoàn bộ binh kéo pháo trong bảy đêm liền mà pháo vẫn chưa vào hết vị trí. Bộ chỉ huy chiến dịch phải lùi thời hạn nổ súng vào 16 giờ ngày 25 tháng 1 năm 1954.

Trước sự tăng cường phòng ngự của địch và những khó khăn của ta về kéo pháo, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận thấy nếu đánh theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì không đảm bảo chắc thắng. Đúng 15 giờ 45 phút ngày 25 tháng 1 năm 1954 (trước thời hạn nổ súng 15 phút), Bộ chỉ huy quyết định hạ lệnh đình chỉ cuộc tiến công, kéo pháo ra, rút bộ đội, dân công về vị trí tập kết, và tiến hành mọi công tác chuẩn bị theo phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”. Đại đoàn 308 được lệnh tiến công sang Thượng Lào nhằm giúp bạn mở rộng vùng giải phóng và nghi binh thu hút địch, tạo điều kiện cho các đơn vị ở Điện Biên Phủ rút ra chuẩn bị tiếp.

Theo kế hoạch mới, việc chuẩn bị và thực hành chiến dịch chia làm ba giai đoạn:

Giai đoạn 1: hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, chủ yếu là làm đường vận chuyển, xây dựng các trận địa pháo binh thật kiên cố, bí mật, triển khai đội hình bao vây khống chế sân bay.

Giai đoạn 2: tiến hành đánh bao vây nhằm tiêu diệt các trung tâm đề kháng ngoại vi, hình thành và thắt chặt trận địa bao vây tiến công địch, thu hẹp dần phạm vi chiếm đóng, tiêu hao lực lượng, khống chế sân bay.

Giai đoạn 3: tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Về tác chiến, giai đoạn thực hành chiến dịch dự định chia làm hai đợt.

Đợt 1: Tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt các trung tâm đề kháng Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo, phá vỡ thế trận phòng ngự ở phía bắc và đông bắc của tập đoàn cứ điểm, chiếm địa hình có lợi, siết chặt trận địa bao vây tiến công.

Đợt 2: Mở các trận tiến công tiêu diệt các cụm cứ điểm trên dãy điểm cao phía đông, đồng thời ở phía bắc tiến vào chiếm lĩnh sân bay, hình thành vòng vây lửa xung quanh tập đoàn cứ điểm, thu hẹp không phận và sự tiếp viện của địch, tạo thời cơ chuyển sang tổng công kích. Sở chỉ huy chiến dịch đặt tại Mường Phăng. Thời gian nổ súng dự định vào ngày 13 tháng 3 năm 1954.

Việc chuẩn bị cho chiến dịch theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc” được tập trung triển khai từ sau Hội nghị cán bộ chiến dịch ngày 7 tháng 2 năm 1954. Công việc nặng nề nhất là chuẩn bị đường cơ động và xây dựng trận địa kiên cố cho pháo. Lần này ta chủ trương bố trí pháo phân tán trên các điểm cao thành một đường vòng cung bao lấy tập đoàn cứ điểm để có thể ngắm bắn trực tiếp các mục tiêu dưới lòng chảo. Qua nghiên cứu thực địa, ta tìm được sáu trận địa cho các đại đội lựu pháo 105mm. Cự ly từ các trận địa pháo đến trung tâm Mường Thanh khoảng từ sáu đến tám ki-lô-mét (tức nằm gọn trong trong tầm bắn có hiệu quả của pháo binh hạng nặng của ta). Pháo và đạn được đặt trong hầm khoét sâu vào triền núi và được ngụy trang kín đáo. Để đưa pháo lớn vào các trận địa đã lựa chọn, ta phải mở năm tuyến đường cơ động với tổng chiều dài 63 ki-lô-mét. Đường phải đủ rộng cho xe pháo đi lại được dễ dàng và phải giữ được bí mật nghiêm ngặt. Các con đường mới đều qua các sườn núi ngọn đèo và nằm trong tầm hoạt động của phi pháo địch nên công việc hết sức khó khăn. Nhiệm vụ làm đường do trung đoàn công binh 151, Đại đoàn 312 và 316 đảm nhiệm.

Cùng với việc xây dựng trận địa pháo, các đại đoàn bộ binh còn tổ chức xây dựng một hệ thống công sự trận địa tiến công quy mô lớn. Các sở chỉ huy, hầm thương binh, hầm nghỉ đều được cấu trúc kiên cố.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Tám, 2012, 10:06:56 pm

Công tác đảm bảo hậu cần cho chiến dịch1 được Trung ương Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Theo tính toán, khối lượng vật chất đảm bảo cho chiến dịch đánh theo phương châm, đánh chắc, tiến chắc tăng vọt lên gấp hai, ba lần. Riêng về lương thực, tổng số gạo cần huy động không phải là trên bảy nghìn tấn như trước mà là trên 20 nghìn tấn. Trung ương Đảng và Chính phủ đã động viên toàn Đảng, toàn dân tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến, đảm bảo cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Hệ thống đường vận chuyển cơ giới, đường thuỷ và đường bộ được tổ chức chặt chẽ để đảm bảo cho chiến dịch.

Tổng cục Cung cấp tiền phương được tăng cường thêm lực lượng (tổng quân số gồm 3.168 cán bộ chiến sĩ và hơn ba mươi nghìn dân công) để tổ chức lại một bộ máy hậu cần chiến dịch gồm sở chỉ huy hậu phương, các kho, các tuyến vận tải, các đội điều trị... Ta đã tổ chức ba tuyến hậu cần chiến dịch2, mỗi tuyến đều có một ban chỉ huy riêng, không những chỉ đảm nhiệm công tác vận tải quân sự mà còn làm cả nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, thống nhất chỉ huy các ngành hậu cần trên toàn tuyến.

Vào cuối thượng tuần tháng 3, sau một thời gian cố gắng liên tục, công tác chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã hoàn thành, thế trận chiến dịch đã triển khai xong, các đơn vị đã sẵn sàng nổ súng vào đúng ngày quy định. Trong thực tế, chiến dịch được tiến hành theo ba đợt:

Đợt 1 (từ 13 đến 17 tháng 3 năm 1954): Tiêu diệt hai cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo.

Nhiệm vụ của đợt tiến công thứ nhất là tiêu diệt cả ba trung tâm đề kháng Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo, phá vỡ thế trận phòng ngự từ tây bắc sang đông bắc tập đoàn cứ điểm, đánh chiếm các vị trí vành ngoài, tạo điều kiện để ta thắt chặt vòng vây và tiến công vào khu trung tâm.

Nhiệm vụ cụ thể các đơn vị được phân công như sau: Đại đoàn 312 (thiếu trung đoàn 165) tiến công trung tâm đề kháng Him Lam; trung đoàn 165 Đại đoàn 312 và trung đoàn 88 Đại đoàn 308 tiến công trung tâm đề kháng Độc Lập; trung đoàn 36 Đại đoàn 308 tiến công trung tâm đề kháng Bản Kéo; Đại đoàn 316 (thiếu trung đoàn 176) tổ chức nghi binh và bí mật xây dựng trận địa tiến công ở phía đông phân khu trung tâm; trung đoàn 57 Đại đoàn 304 tổ chức hoả lực kiềm chế pháo binh địch phân khu Hồng Cúm; Đại đoàn công pháo 351 bắn phá hoại công sự địch trong các trung tâm đề kháng chi viện cho bộ binh tiến công, kiềm chế pháo binh địch, tập kích hoả lực vào sân bay, sở chỉ huy, kho tàng của chúng.

Lúc đầu, ta định đồng thời đánh cả Him Lam, Độc Lập và bao vây Bản Kéo. Nhưng khi trinh sát lần cuối, phát hiện địch bố trí nhiều hoả điểm tiền duyên ở Him Lam và Độc Lập, Bộ chỉ huy chiến địch quyết định tập trung pháo ngắm bắn trực tiếp đánh Him Lam trước, rồi nhanh chóng cơ động pháo sang đánh Độc Lập sau.

Trung tâm đề kháng Him Lam có năm điểm cao được tổ chức thành ba cứ điểm vững chắc do tiểu đoàn 3 thuộc bán lữ đoàn lê dương số 13 (3/13 DBLE) phòng giữ. Cứ điểm 1 (102) ở phía tây, gồm hai cao điểm 515 và 507, là điểm tựa chủ yếu có sở chỉ huy tiểu đoàn. Cứ điểm 2 (101A) ở đông bắc gồm hai cao điểm 517,5 và 505. Cứ điểm 3 (101B) ở phía nam, là đồi trọc, thấp hơn hẳn cứ điểm 1 và 2. Ở từng cứ điểm trận địa phòng ngự được xây dựng vững chắc, có nhiều lô cốt và chiến hào, vòng ngoài có bốn đến sáu hàng rào dây thép gai và nhiều bãi mìn rộng từ 100 đến 200m.

Xác định đây là trận then chốt mở màn chiến dịch, Tư lệnh chiến dịch giao nhiệm vụ đánh Him Lam cho Đại đoàn 312 và tăng cường cho đại đoàn hai đại đội sơn pháo 75mm (6k), hai đại đội cối 120mm (8k), hai đại đội cối 82mm (8k). Trong quá trình chiến đấu, đại đoàn còn được hai đại đội lựu pháo 105mm chi viện trực tiếp.

Theo kế hoạch, 16 giờ pháo binh sẽ bắn chuẩn bị 15 phút, sau đó chi viện trực tiếp cho Đại đoàn 312 tấn công. Phát hiện ta xây dựng trận địa tiến công, khoảng 12 giờ ngày 13, địch cho một đại đội bộ binh cùng hai xe tăng từ Mường Thanh ra đánh phá. Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho đại đội 806 (lựu pháo 105mm) bắn 20 quả vào trung tâm đề kháng Him Lam. 18 quả đạn của ta bắn trúng mục tiêu, tên thiếu tá Pê-giô tiểu đoàn trưởng cùng ba sĩ quan khác bị chết trong loạt đạn này, bọn địch đi lùng sục hoảng sợ bỏ chạy về Mường Thanh.

Đúng 17 giờ, pháo 105mm của ta bắn cấp tập, mãnh liệt vào các trận địa pháo của địch ở 307A, 307B, chân đồi A và D, sau đó chuyển sang bắn phá hoại sân bay và cứ điểm 1, cứ điểm 3. Tranh thủ thời cơ địch bị chế áp, hỏa lực các cỡ của Đại đoàn 312 vào chiếm lĩnh trận địa, tham gia bắn phá hoại, chi viện trực tiếp cho bộ binh chiếm lĩnh trận địa xuất phát xung phong. Kết quả hoả lực bắn chuẩn bị rất tốt, đã làm tê liệt các trận địa pháo, sân bay, phá hủy nhiều mục tiêu, công sự trận địa hoả lực của địch, chi viện có hiệu quả cho các tiểu đoàn bộ binh hoàn thành việc chiếm lĩnh trận địa tiến công.

Từ 18 giờ 30, bộ binh ta bắt đầu mở cửa, trung đoàn 141 (ba tiểu đoàn) sử dụng tiểu đoàn 11 làm nhiệm vụ chủ công, tiến công trên hướng bắc tiêu diệt cứ điểm 102; tiểu đoàn 428 làm nhiệm vụ trợ công, tiến công trên hướng đông bắc tiêu diệt cứ điểm 101A. Trung đoàn 209 sử dụng tiểu đoàn 130 tiến công trên hướng đông nam tiêu diệt cứ điểm 101B.

Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt, nhất là trên hướng chủ yếu khi tiến công cứ điểm 102. Đây là cứ điểm rắn nhất của trung tâm Him Lam, đại đoàn phải tung lực lượng dự bị (tiểu đoàn 166 thuộc trung đoàn 209) vào tham gia chiến đấu, đồng thời có một mũi của tiểu đoàn 128 đánh từ 101A sang phối hợp mới chiếm được cứ điểm cuối cùng này.

Khoảng 23 giờ 30 phút, trận đánh kết thúc: trung tâm đề kháng Him Lam hoàn toàn bị tiêu diệt. Hơn 200 tên bị chết, 270 tên bị bắt sống, tiểu đoàn lê dương số 3 bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Mất Him Lam, Bộ chỉ huy Pháp bàng hoàng và liên tục thúc dục Đờ Cát tung quân ra phản kích chiếm lại. Nhưng trong suốt ngày 14, Đờ Cát không có cơ hội làm điều đó vì phải lo chỉ huy cấp dưới củng cố lại trận địa và đối phó với các cuộc tập kích hỏa lực chính xác của pháo binh ta. Đặc biệt, khu vực sân bay Mường Thanh đã bị pháo binh ta khống chế chặt chẽ. Chiều ngày 14 tháng 3, địch cho tiểu đoàn dù ngụy số 5 (5[supe[/sup] BPV) nhảy dù xuống tăng viện cho Điện Biên Phủ.

Đêm 14 tháng 3, ta mở cuộc tiến công vào trung tâm đề kháng đồi Độc Lập, một cụm cứ điểm có chiều dài khoảng 500m, rộng 200m cách trung tâm Mường Thanh bốn ki-lô-mét về phía bắc. Đây được coi là cụm cứ điểm phòng ngự kiên cố nhất của Điện Biên Phủ, trận địa phòng ngự được xây dựng vững chắc, có hệ thống công sự phụ khá mạnh, xung quanh có nhiều lớp hàng rào vật cản nhất là ở phía bắc và phía nam. Trung tâm do tiểu đoàn 5 thuộc trung đoàn An-giê-ri thứ 7 (5/7 RTA) và một đại đội ngụy Thái chiếm giữ.

Nhiệm vụ tiến công đồi Độc Lập được giao cho trung đoàn 165 Đại đoàn 312 và trung đoàn 88 Đại đoàn 308, được tăng cường hai đại đội sơn pháo 75mm cùng hai đại đội cối 120mm vừa đánh Him Lam xong. Chỉ huy trận đánh là đồng chí Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308.

Trung đoàn 165 đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu đột phá từ hướng đông nam vào, trung đoàn 88 đảm nhiệm hướng tiến công thứ yếu đột phá từ hướng đông bắc vào. Trận đánh dự định vào 16 giờ 45 phút ngày 14, nhưng do trời mưa, sơn pháo 75mm và cối 120mm từ Him Lam chưa sang kịp, đồng chí Chỉ huy trưởng trận đánh quyết định để lựu pháo 105mm bắn chuẩn bị vào 17 giờ theo kế hoạch, còn bộ binh chờ pháo ở Him Lam tới, chuẩn bị thật chu đáo mới nổ súng.

2 giờ sáng ngày 15, sơn pháo 75mm và cối 120mm có mặt đầy đủ và nhanh chóng bắt tay vào xây dựng trận địa bắn. Đúng 3 giờ 30 phút, đồng chí Chỉ huy trưởng hạ lệnh nổ súng tiến công đồi Độc Lập. Trên hướng chủ yếu, trung đoàn 165 đột phá thuận lợi. Một mũi thọc sâu để tạo điều kiện cho trung đoàn nhanh chóng đánh sâu vào cứ điểm, diệt khu thông tin, trận địa cối, uy hiếp sở chỉ huy. Trên hướng thứ yếu, trung đoàn 88 lúc đầu mở cửa chưa đúng hướng, phải định hướng lại do đó vào chiến đấu bên trong chậm hơn. Cuộc chiến đấu bên trong khá quyết liệt, song do tinh thần chiến đấu dũng cảm và sức tiến công áp đảo, 6 giờ 30 phút ngày 15 ta hoàn toàn làm chủ trung tâm đề kháng đồi Độc Lập, diệt 483 tên, bắt 200 tên, trong đó có hai tên tiểu đoàn trưởng.

Trong lúc trận đánh đang diễn ra trên đồi Độc Lập, địch đã điều một tiểu đoàn bộ binh cùng năm xe tăng ra tăng viện. Lực lượng này bị pháo binh của ta bắn chặn, cháy một xe tăng, thương vong một số tên, chúng phải chạy về Bản Kéo.

Hai trung tâm đề kháng Him Lam và Độc Lập thất thủ, tinh thần binh lính địch ở trung tâm đề kháng Bản Kéo suy sụp. Theo kế hoạch, trung đoàn 36 Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ triển khai tiến công tiêu diệt Bản Kéo. 15 giờ ngày 11 tháng 3, sau khi ta bắn 20 quả lựu pháo 105mm uy hiếp và tiến hành binh vận gọi hàng, mặc dù bị bọn chỉ huy khống chế, binh lính tiểu đoàn ngụy Thái số 3 (3e BTA) đóng ở Bản Kéo đã kéo cờ trắng chạy vào rừng đầu hàng quân ta. Trung đoàn 36 chưa cần nổ súng đã chiếm được cụm cứ điểm Bản Kéo, tiếp nhận 232 hàng binh.

Đến đây, ta kết thúc đợt một chiến dịch. Trong năm ngày với hai trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng lớn ta đã đập tan hệ thống phòng ngự tiền tiêu của địch trên hướng bắc và đông bắc, mở thông cửa xuống vùng lòng chảo, tạo điều kiện thuận lợi để các lực lượng chiến dịch áp sát khu trung tâm. Đây là thắng lợi mở đầu rất quan trọng không chỉ về quân sự mà còn đánh mạnh vào tinh thần, tâm lý của địch, làm cho chúng vô cùng hoảng sợ, đối phó lúng túng.
_____________________________________
1. Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất trong kháng chiến chống Pháp. Lực lượng huy động cho chiến dịch lên tới 53.830 người, cộng với 33.000 thanh niên xung phong và dân công thường xuyên phục vụ. Hậu cần chiến dịch đã đảm bảo cho bộ đội 1.200 tấn đạn, 1.783 tấn xăng dầu. 14.950 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 565 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác; đã cứu chữa 10.130 thương binh, 4.429 bệnh binh. Để có lượng lương thực, thực phẩm trên cung cấp cho chiến dịch, Hội đồng cung cấp Mặt trận đã huy động 25.056 tấn gạo và 1.824 tấn thực phẩm. Về nhân lực đã huy động 261.453 lượt người, phục vụ gần 12 triệu ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 736 xe thô sơ khác...
2. Ba tuyến hậu cần chiến dịch là: Tuyến Sơn La - Tuần Giáo gồm các lực lượng vận tải, kho tàng, đội điều trị 6 (sau chuyển thành bệnh viện Mặt trận Sơn La); tuyến Tuần Giáo - Km 62 đường vào Điện Biên Phủ cũng gồm các lực lượng vận tải, kho tàng, đội điều trị 7 (sau chuyển thành bệnh viện Mặt trận); tuyến Hậu cần hỏa tuyến ngoài lực lượng vận tải, kho tàng còn hai đội điều trị 1 và 4.



Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Tám, 2012, 10:12:19 pm

Đợt 2 (từ 30 tháng 3 đến 30 tháng 4 năm 1954): Đánh chiếm các ngọn đồi phía đông và sân bay Mường Thanh, siết chặt vòng vây, tạo thế trận cho tổng công kích.

Sau khi ta chiếm được các cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, cánh cửa phía bắc xuống lòng chảo đã mở thông. Nhưng phân khu trung tâm của địch vẫn còn bốn trung tâm đề kháng gồm trên 30 cứ điểm liên kết chặt chẽ với nhau nằm giữa cánh đồng bằng phẳng trên hai bờ sông Nậm Rốm. Địch ở đây tập trung khoảng một vạn quân, có sở chỉ huy, các căn cứ hoả lực, các đơn vị xe tăng và sân bay. Ngày 16 tháng 3, địch lại tăng viện cho Điện Biên Phủ tiểu đoàn 6 dù thuộc địa (6e BPC) cùng một khối lượng khá lớn vũ khí phương tiện chiến tranh và ra sức củng cố trận địa phòng ngự ở phân khu trung tâm. Những vị trí có giá trị đặc biệt về chiến thuật ở phân khu trung tâm là các cứ điểm, các điểm cao phía đông (A1, C1, D1, và E). Đây là khu vực phòng ngự then chốt, hiểm yếu của địch, nếu chiếm được ta sẽ có lợi thế tràn xuống Mường Thanh tiến công vào trung tâm chỉ huy của tập đoàn cứ điểm.

Nhiệm vụ chủ yếu nhất của ta trong đợt 2 chiến dịch là đánh chiếm khu vực phòng ngự then chốt trên các điểm cao phía đông, mở cửa thọc sâu vào tập đoàn cứ điểm.

Để có thể tiếp cận mục tiêu, đánh theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc” từ sau Hội nghị cán bộ chiến dịch ngày 17 tháng 3, ta đã dồn sức xây dựng một hệ thống trận địa tiến công và bao vây quanh tập đoàn cứ điểm. Hệ thống này gồm các đường hào trục, đường hào nhánh để vận chuyển và cơ động lực lượng, hệ thống trận địa tiến công và xuất phát xung phong của các trung đoàn cùng rất nhiều hầm trú ẩn, hầm chỉ huy.

Sau 10 ngày vừa lao động cật lực, vừa phải đối phó với bom đạn và đánh trả các đợt phản kích của địch, bộ đội ta đã đào được trên một trăm km giao thông hào, hàng vạn công sự ụ súng, hình thành một hệ thống trận địa tiến công và bao vây liên hoàn từ đại đoàn xuống các đơn vị.

Ngày 27 tháng 3, Bộ chỉ huy chiến dịch tập trung cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên để giao nhiệm vụ. Chủ trương chung của ta trong đợt 2 là: Tập trung tuyệt đối ưu thế binh hỏa lực, tiêu diệt cùng một lúc các vị trí phía đông Điện Biên Phủ, chiếm các điểm cao uy hiếp Mường Thanh, tạo điều kiện chuyển sang tổng công kích. Nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị như sau:

Đại đoàn 312, được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75mm, hai đại đội cối 120mm, một đại đội cối 82mm, có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt các cứ điểm đồi E(102), D1(200), D2(201A) thuộc trung tâm đề kháng Đô-mi-nich, vị trí pháo binh địch ở 210 và quân cơ động thuộc tiểu đoàn dù ngụy số 5 hoặc bộ phận của tiểu đoàn dù ngụy số 6.

Đại đoàn 316 (thiếu trung đoàn 176), được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75mm, hai đại đội súng cối 120mm, có nhiệm vụ tiến công các cứ điểm A1 (310), C1 (302), C2 (304) thuộc trung tâm đề kháng E-li-an và phối hợp với Đại đoàn 308 tiêu diệt tiểu đoàn 6 dù thuộc địa.

Đại đoàn 308, có nhiệm vụ tiêu diệt khu trung tâm phía tây gồm tiểu đoàn ngụy Thái số 2 (2e BAT), trận địa pháo binh ở phía đông trung tâm và phối hợp với Đại đoàn 316 tiêu diệt tiểu đoàn 6 dù thuộc địa, dùng hỏa lực kiềm chế địch ở Mường Thanh và chặn viện từ Hồng Cúm lên.

Trung đoàn 57 Đại đoàn 304, được phối thuộc tiểu đoàn 888 Đại đoàn 316, một đại đội lựu pháo 105mm, một số đơn vị hoả lực khác có nhiệm vụ chặn viện từ Hồng Cúm lên và đánh quân nhảy dù xung quanh Hồng Cúm.

Đại đoàn 351 sử dụng trung đoàn lựu pháo 105mm chi viện trực tiếp cho bộ binh tiến công các cứ điểm E1, D1, D2, C1, C2, A1, đồng thời kiềm chế pháo binh địch ở Mường Thanh, Hồng Cúm. Riêng trung đoàn pháo cao xạ 367 được tăng cường phải giáng cho địch những đòn bất ngờ, yểm hộ cho pháo binh, bộ binh chiến đấu cả, ngày lẫn đêm.

Thời gian bắt đầu tiến công đợt 2 vào chiều ngày 30 tháng 3 năm 1954. Ngày 30, sau mấy ngày mưa, trời đã tạnh nhưng mây đen vẫn bao phủ bầu trời, máy bay địch ít hoạt động, bộ đội ta chiếm lĩnh trận địa tiến công từ sớm. 17 giờ 30 phút, pháo binh chiến dịch bắn chuẩn bị, cuộc tiến công lớn vào các cứ điểm phía đông bắt đầu.

Trên hướng đông bắc, trung đoàn 141 sử dụng tiểu đoàn 16 và 428 tiến công cứ điểm đồi E. Sau 1 giờ 30 phút chiến đấu, trung đoàn đã tiêu diệt gọn tiểu đoàn An-giê-ri số 3, chiếm lĩnh đồi E. Cùng thời gian, Trung đoàn 209 cũng sử dụng hai tiểu đoàn 166 và 154 tiêu diệt gọn một tiểu đoàn địch và chiếm lĩnh cứ điểm đồi D1. Như vậy, Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm đồi E, D1. Đại đoàn tiếp tục điều tiểu đoàn 130 tiến công sang D2, các đơn vị vừa chiếm được đồi E phát triển vào các ngọn đồi ở phía trong. Cuộc chiến đấu của đại đoàn kéo dài cho đến khi trời sáng.

Trên hướng đông, trung đoàn 98 Đại đoàn 316 tiến công cứ điểm C1, sau 45 phút, trung đoàn làm chủ cứ điểm, diệt và bắt sống 140 tên. Thừa thắng, trung đoàn điều tiểu đoàn 215 tiến công sang C2 nhưng không thành công. Cùng thời gian trên, tiểu đoàn 54 trung đoàn 102 luồn vào giữa D3 và C1 để tiêu diệt tiểu đoàn ngụy Thái số 2, nhưng do chuẩn bị không tốt, địch chống trả mạnh, bộ đội không mở được cửa, đội hình ùn tắc ở C1.

Trung đoàn 174 tiến công cứ điểm A1, một cứ điểm quan trọng nhất trong cụm điểm cao phía đông. Do đường dây điện thoại bị đứt, đại đoàn vào chiến đấu chậm hơn quy định 35 phút. Trung đoàn tổ chức đột phá hai mũi, 21 giờ 30 phút các mũi mở cửa xong, bộ binh xung phong đánh vào cứ điểm. Địch dựa vào hầm ngầm trên đỉnh đồi chống trả rất quyết liệt, cuộc chiến đấu của trung đoàn 174 hết sức ác liệt. Trung đoàn đã tung hết lực lượng dự bị, nhưng đến sáng 31 cũng chỉ chiếm được một phần A1.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Tám, 2012, 10:13:05 pm

Buổi chiều và đêm 30 tháng 3, ngoài lực lượng tiến công vào các ngọn đồi ở phía đông, Bộ chỉ huy chiến dịch còn sử dụng các tiểu đoàn 11 trung đoàn 141, tiểu đoàn 115 trung đoàn 165, tiểu đoàn 54 làm nhiệm vụ thọc sâu, diệt trận địa pháo địch ở cứ điểm 210 và tiểu đoàn dù ngụy số 5 đóng ở vòng trong. Các tiểu đoàn 115 và 54 đã vượt qua được khoảng trống tiếp giáp giữa các vị trí C1 và D2, E và D1 tiến vào bên trong nhưng không mở được cửa mở qua hệ thống vật cản bên trong nên không thực hiện được nhiệm vụ. Riêng mũi của tiểu đoàn 11 đánh vào được một số vị trí, gây cho địch nhiều thiệt hại. Đội dũng sĩ 243 phát triển ra tới bờ sông Nậm Rốm và gan góc trụ lại trong lòng địch suốt ngày hôm sau.

Ngày 31 tháng 3, địch tung lực lượng ra phản kích cố chiếm lại các vị trí đã mất. Ở khu vực đồi D1, đồi E, địch phản kích thất bại, buổi chiều chúng rút khỏi cả 210 và D2. Riêng ở cứ điểm A1, địch cho nhiều đại đội bộ binh có xe tăng, pháo binh, không quân yểm hộ, tìm mọi cách thu hẹp khu vực chiếm lĩnh của trung đoàn 174. Về phía ta. Bộ chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm tăng cường trung đoàn 102 từ hướng tây chuyển sang hướng đông tiếp tục tiến công A1, đồng thời lệnh cho Đại đoàn 308 đẩy mạnh hoạt động ở phía tây và bắc Mường Thanh, buộc địch phải phân tán đối phó.

Đêm 31 tháng 3, trung đoàn 102 và một bộ phận của trung đoàn 174 tiến công A1 lần thứ hai. Cuộc chiến đấu kéo dài đến sáng ngày 1 tháng 4, ta chiếm được 2 phần 3 vị trí. Ban ngày địch tổ chức phản kích chiếm lại phần lớn trận địa. Đêm 1 tháng 4, ta tổ chức tiến công lần ba cũng không thành công. Trận đánh ở khu vực này kéo dài đến ngày 4 tháng 4, ta chỉ chiếm được 1 phần 3 đồi A1, Bộ chỉ huy chiến dịch cho trung đoàn 102 rút về củng cố và giao cho trung đoàn 174 phòng ngự giữ phần đồi đã chiếm được.

Ở hướng tây bắc sân bay, đêm 1 tháng 4, trung đoàn 36 tiến công tiêu diệt gọn cứ điểm 106, tiến vào uy hiếp sân bay. Đêm 2 tháng 4, trung đoàn lại bao vây uy hiếp cứ điểm 311. Khoảng 120 tên thuộc tiểu đoàn ngụy Thái số 3 ra hàng, ta làm chủ cứ điểm này. Cũng đêm 2 tháng 4, hai đội dũng sĩ của hai Đại đoàn 308 và 312 đột nhập vào sân bay, diệt một số địch, bắt sống 10 tù binh.

Đêm 3 tháng 4, ở phía bắc sân bay, trung đoàn 165 tiến công cứ điểm 105. Cuộc chiến đấu kéo dài đến sáng 4 tháng 4, ta chiếm được 2 phần 3 cứ điểm, trời sáng địch tổ chức phản kích chiếm lại toàn bộ.

Ngày 4 tháng 4, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tạm ngừng cuộc tiến công để củng cố lực lượng, giữ vững trận địa và tiếp tục chuẩn bị cho đợt tiến công mới.

Sau năm ngày chiến đấu trong đợt 2 của chiến dịch, ta đã thu được những kết quả quan trọng. Ở phía đông, ta chiếm được bốn ngọn đồi hiểm yếu (E, D1, D2, C1), riêng điểm cao A1 địch vẫn chiếm giữ. Ở phía tây, ta chiếm thêm được điểm cao 106 và 311. Phạm vi chiếm đóng của địch bị thu hẹp, lực lượng bị tổn thất lớn, ba tiểu đoàn thiện chiến của chúng bị tiêu diệt.

Ngày 8 tháng 4, địch tăng viện cho Điện Biên Phủ tiểu đoàn dù thứ tư. Ngày 9 tháng 4, chúng tổ chức phản kích hòng chiếm lại C1. Lực lượng phòng ngự của trung đoàn 98 bẻ gẫy nhiều đợt xung phong của địch, nhưng do địch đông và có các cứ điểm lân cận hỗ trợ nên đến trưa ngày 10, chúng chiếm được một nửa đồi phía tây, ta chỉ giữ được nửa đồi phía đông.

Sau khi tạm ngừng đợt tiến công, Bộ chỉ huy chiến dịch tổ chức rút kinh nghiệm, đồng thời hạ quyết tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đề ra cho đợt 2, tiêu diệt thêm một bộ phận sinh lực, chiếm thêm một số vị trí có lợi, đưa trận địa tiến công và bao vây vào gần địch hơn nữa, thất chặt thêm vòng vây, đánh chiếm sân bay, quyết tâm triệt hẳn tiếp tế và tăng viện của địch, uy hiếp chúng mạnh hơn nữa.

Thực hiện chủ trương đó, ngày 10 tháng 4, Bộ chỉ huy giao nhiệm vụ cho các đơn vị như sau:

Đại đoàn 308 bố trí ở phía tây, từ sông Nậm Rốm đến Bản Kéo, có nhiệm vụ làm trận địa tiến công các cứ điểm 206, 311A, 311B, 310, bố trí lực lượng chặn viện giữa các cứ điểm 105, 206, 208, phối hợp với Đại đoàn 312 đào giao thông hào cắt ngang sân bay ở đoạn nam cứ điểm 206.

Đại đoàn 312 bố trí ở phía bắc, từ Bản Kéo đến đoạn đông sân bay Mường Thanh, có nhiệm vụ củng cố trận địa phòng ngự ở các cứ điểm 201, 202; xây dựng trận địa tiến công các cứ điểm 105, 203 và khu tiểu đoàn ngụy Thái số 2; phối hợp với Đại đoàn 308 đào giao thông hào cắt ngang sân bay.

Đại đoàn 316 làm trận địa tiến công ở đông Mường Thanh, bên trái tiếp giáp với Đại đoàn 312, bên phải tiếp giáp với Đại đoàn 308, xây dựng trận địa tiến công các cứ điểm A1, C2; củng cố trận địa phòng ngự ở đồi C1, A1.

Trung đoàn 57 Đại đoàn 304 tiếp tục hoạt động bao vây chặn viện ở phân khu Hồng Cúm.

Đại đoàn 351 xây dựng thêm trận địa pháo ở tây bắc Mường Thanh, đưa pháo sát vùng lòng chảo, tổ chức phòng không, hiệp đồng chặt chẽ các loại pháo chi viện cho bộ binh và kiềm chế pháo binh địch.

Từ cuối thượng tuần tháng 4 năm 1954, các đơn vị bắt tay vào xây dựng trận địa tiến công. Các khu vực đã chiếm được như đồi E, D1 đã trở thành các cứ điểm phòng ngự vững chắc của ta. Ngày 16, chiến hào của Đại đoàn 312 và Đại đoàn 308 nối liền với nhau, cắt đôi sân bay Mường Thanh. Đêm 18 tháng 4, sau nhiều ngày vây lấn, trung đoàn 165 tiến công dứt điểm cứ điểm 105. Sáng 19, địch cho quân ra phản kích bị Đại đoàn 308 chặn đánh phải quay lại. Cứ điểm 105 bảo vệ phía bắc sân bay bị xoá sổ. Đêm 22, trung đoàn 36 sau ba ngày vây lấn cũng đã tiến công chiếm gọn cứ điểm 206. Ngày 24, địch tung tiểu đoàn dù lê dương số 2 cùng năm xe tăng, có pháo binh, không quân yểm hộ mở đợt phản kích quyết liệt hòng đánh bật ta ra khỏi 206 và khu vực sân bay. Được pháo binh chi viện đắc lực, bộ đội ta đã đánh bại nhiều đợt xung phong của địch, thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ cắt đôi sân bay Mường Thanh, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch.

Tại khu vực đồi A1, ngoài việc trung đoàn 174 kiên cường trụ vững tại trận địa đã chiếm được, ta còn tổ chức đào một đường hầm xuyên sâu vào lòng đồi A1, dưới hầm ngầm của địch để đặt khối thuốc nổ lớn chuẩn bị tiến công A1.

Từ trung tuần tháng 4, kết hợp với vây hãm, đánh lấn, các đơn vị còn tích cực tham gia bắn tỉa, tổ chức các đội dũng sĩ luồn sâu, các tổ đoạt dù... gây cho địch nhiều tổn thất về sinh lực, phương tiện, căng thẳng về tinh thần.

Cùng với hoạt động vây ép của bộ binh, pháo cao xạ và súng máy phòng không của các đại đoàn tiến sâu vào thung lũng, tạo một lưới lửa phòng không khống chế không cho địch dùng máy bay tiếp tế cho quân địch bị vây trong lòng chảo Điện Biên Phủ. Đến giữa tháng 4 ta đã hạ 50 máy bay địch, buộc chúng phải thả dù ở độ cao trên ba ki-lô-mét, do đó trên một phần ba số dù tiếp tế rơi vào trận địa của ta.

Đợt 2 chiến dịch đã kéo dài gần một tháng, các đơn vị của ta đều bị thương vong khá lớn, thời tiết lúc này bắt đầu vào mùa mưa, bộ đội ta sống dưới chiến hào gặp rất nhiều khó khăn, tư tưởng bộ đội đã xuất hiện các biểu hiện ngại hy sinh gian khổ, chấp hành mệnh lệnh không nghiêm. Trước tình hình này, Tổng Quân uỷ đã mở hội nghị các bí thư đại đoàn uỷ để kiểm điểm và mở đợt giáo dục chính trị tư tưởng, tập trung đẩy mạnh công tác bảo đảm hậu cần cải thiện một phần sinh hoạt cho bộ đội, nhằm củng cố thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho cán bộ chiến sĩ các cấp.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Tám, 2012, 03:55:39 pm

Đợt 3 (từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 5 năm 1954): Đánh những điểm cao cuối cùng ở phía đông, thực hành tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

Cho đến cuối tháng 4 năm 1954, vòng vây của ta đã siết chặt, phạm vi chiếm đóng của địch mỗi bề còn lại chỉ từ 1,3 đến 1,7 ki-lô-mét, lực lượng không vượt quá 37 đại đội. Việc thả dù tiếp tế cho Điện Biên Phủ hết sức khó khăn, lương thực, thực phẩm khan hiếm, binh lính địch thực sự lâm vào tình trạng bị “bóp nghẹt”.

Trong lúc bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp và quan thầy Mỹ của chúng đang lúng túng chưa tìm được lối thoát cho Điện Biên Phủ, thì ta quyết định tiến hành đợt tiến công thứ ba vào đầu tháng 5 năm 1954. Nhiệm vụ các đại đoàn được giao như sau:

Đại đoàn 316 tiêu diệt C1 và giữ vững trận địa ở đó; đồng thời đánh lấn sang C2 để phối hợp với trận đánh ở A1. Nếu điều kiện thuận lợi thì phát triển tiêu diệt toàn bộ C2; tổ chức đánh chiếm những lô cốt quan trọng ở A1.

Đại đoàn 312 tiêu diệt các cứ điểm 505 và 505A, dùng một bộ phận lực lượng bộ binh và hoả lực chặn viện khi Đại đoàn 316 tiến công C1. Ngày 5 tháng 5, phải tiêu diệt cứ điểm 204.

Đại đoàn 308 có nhiệm vụ diệt các cứ điểm 310, 311A, 311B.

Trung đoàn 57 Đại đoàn 304 có nhiệm vụ kiềm chế pháo binh địch và đánh lấn vào phân khu Hồng Cúm, chuẩn bị một tiểu đoàn vận động tác chiến ở hướng Thượng Lào khi có lệnh.

Ngày 1 tháng 5 năm 1954, đợt tiến công thứ 3 bắt đầu. Ngay từ trưa, pháo các cỡ của ta bắt đầu bắn mãnh liệt khu vực trận địa địch. Trong đợt bắn phá này, hoả tiễn 122 của ta lần đầu tiên xuất hiện làm cho binh lính địch càng thêm hoảng sợ. Cụm pháo địch ở Hồng Cúm bị tê liệt hoàn toàn, một kho đạn pháo với trên ba nghìn viên đạn bị nổ tung, một kho lương thực, thực phẩm bốc cháy. Sau đợt pháo kích kéo dài, bộ đội ta đồng loạt tổ chức tiến đánh nhiều vị trí.

Trên dãy đồi phía đông, trung đoàn 98 Đại đoàn 316 diệt gọn C1, thừa thắng, đẩy mạnh vây lấn và chuẩn bị tiêu diệt C2. Trên bờ phía đông sông Nậm Rốm, trung đoàn 209 Đại đoàn 312 tiến công các cứ điểm 505 và 505A. Đến 4 giờ sáng ngày 2 tháng 5, trung đoàn hoàn toàn làm chủ hai cứ điểm này. Ở phía tây, trung đoàn 88 cũng diệt gọn cứ điểm 311A trong vòng 30 phút. Ở phân khu Hồng Cúm, trung đoàn 57 tăng cường vây ép, tiến công diệt nhiều sinh lực địch. Cũng ngày 2 tháng 5, trung đoàn 36 tiến công tiêu diệt gọn tiếp cứ điểm 311B.

Thấy nguy cơ Điện Biên Phủ bị tiêu diệt, ngày 3 tháng 5, Cô-nhi - Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ, cho phép Đờ Cát rút chạy về Thượng Lào.

Nhưng kế hoạch rút chạy chưa kịp triển khai thì ngày 6 tháng 5, quân ta lại tiếp tục tiến công.

Ở hướng đông nam, trung đoàn 174 sau thời gian đánh lấn để phối hợp, đúng 17 giờ ngày 6 tháng 5, cho nổ khối bộc phá gần 1.000 kg đặt dưới đường hầm đào sâu vào cứ điểm địch, đồng thời bộ đội từ ba hướng đồng loạt xung phong. Trận chiến đấu diễn ra rất ác liệt, đến 4 giờ 30 phút ngày 7 tháng 5, ta làm chủ hoàn toàn A1.

Cùng thời gian này, trung đoàn 98 tiến công C2, trung đoàn 165 tiến công cứ điểm 506. Ở phía tây, trung đoàn 102 tiến công cứ điểm 310.

Đến 9 giờ ngày 7 tháng 5, các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ được giao và sẵn sàng chuyển sang tổng công kích.

Khoảng từ 10 giờ ngày 7 tháng 5, trong khi các đại đoàn đang xúc tiến việc chuẩn bị bảo đảm cho tổng công kích thì cơ quan quân báo phát hiện địch có dấu hiệu rối loạn và có khả năng đầu hàng. Hồi 15 giờ ngày 7 tháng 5, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích trước giờ quy định: “Phải đánh thẳng vào sở chỉ huy, phải đánh mạnh, bao vây chặt không cho Đờ Cát hoặc bất cứ tên địch nào chạy thoát”.

Chấp hành mệnh lệnh, từ hướng đông trung đoàn 209 tiến thẳng vào Mường Thanh. Tiếp sau là các trung đoàn 98 và 174. Bên phía tây, trung đoàn 36 tiến thẳng vào cứ điểm cuối cùng che chở cho sở chỉ huy của Đờ Cát. Trung đoàn 88 cũng mở đường qua sân bay tiến vào sào huyệt cuối cùng của địch. Bộ đội ta tiến tới đâu quân địch đầu hàng tới đó. 17 giờ 15, một cánh quân của Đại đoàn 312 tiến sát sở chỉ huy địch, tại cửa hầm của Đờ Cát xuất hiện cờ trắng xin hàng. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng hai chiến sĩ Vinh và Nhỏ tiến vào hầm bắt sống tướng Đờ Cát cùng toàn bộ bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17 giờ 30 phút ngày 7 tháng 5 năm 1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Trên hướng Hồng Cúm, lúc này địch vẫn chống cự. Đêm 7 tháng 5, lợi dụng đêm tối địch ở đây rút chạy về hướng Thượng Lào. Bộ chỉ huy chiến dịch đã lệnh cho Đại đoàn 304 phải tích cực truy lùng đồng thời lệnh cho trung đoàn 102 đi gấp sang Tây Trang chặn đường rút của địch. Hồi 22 giờ ngày 7 tháng 5, Đại đoàn 304 đã bao vây và bắt gọn toàn bộ quân địch ở Hồng Cúm thoát ra.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu liên tục, các lực lượng vũ trang nhân dân ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tổng số quân địch bị diệt và bị bắt sống là 16.200 tên, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, ba tiểu đoàn pháo binh, 10 đại đội ngụy vừa bổ sung và các đơn vị công binh, vận tải, xe tăng... Tổng số sĩ quan và hạ sĩ quan bị diệt và bị bắt là 1.706 tên, gồm một thiếu tướng, 16 đại tá và trung tá, 353 sĩ quan từ thiếu úy đến thiếu tá. Số máy bay bị bắn rơi tại mặt trận là 57 chiếc. Ta đã thu toàn bộ vũ khí kho tàng của địch ở Điện Biên Phủ, trong đó có 28 khẩu pháo lớn, 64 xe, 5.915 súng các loại, 20.000 lít xăng dầu cùng rất nhiều đạn dược, quân trang, quân dụng khác.

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã loại khỏi vòng chiến đấu một số lượng lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, giải phóng vùng đất đai có ý nghĩa chiến lược. Chiến thắng Điện Biên Phủ giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao của ta đi tới kết thúc thắng lợi. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành niềm tự hào của dân tộc của nhân dân ta và phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân thế giới lúc bấy giờ.



Chiến dịch Điện Biên Phủ là đòn quyết chiến chiến lược, là chiến dịch tiến công trận địa có quy mô lớn nhất của ta trong kháng chiến chống Pháp. Lần đầu tiên ta tập trung một lực lượng lớn chủ lực tiêu diệt chủ lực địch phòng ngự trong một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất lúc bấy giờ.

Nghệ thuật chiến dịch trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được biểu hiện cụ thể trong các nội dung sau:

Sớm hình thành thế bao vây, xây dựng trận địa tiến công và bao vây, ngày càng siết chặt từng cụm cứ điểm và tập đoàn cứ điểm, chia cắt thế liên hoàn của chúng. Quá trình chuẩn bị chiến dịch theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” lúc đầu, là quá trình quân ta hình thành thế bao vây quân địch. Đại đoàn 308 ở phía bắc và tây bắc; Đại đoàn 312 ở phía đông bắc; hai trung đoàn của Đại đoàn 316 ở phía đông; trung đoàn 57 ở phía nam. Đặc biệt là từ hạ tuần tháng 1, khi ta đổi sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, cho đến ngày quân ta giành toàn thắng, hệ thống chiến hào hàng trăm ki-lô-mét ngày càng ken dày và siết chặt từng phân khu, từng cụm cứ điểm. Bằng hệ thống trận địa tiến công và bao vây, quân ta đã “trói chặt”, chia cắt thế liên hoàn của địch để lần lượt tiêu diệt từng bộ phận và đập tan mọi kế hoạch tháo chạy của chúng.

Tập trung ưu thế binh lực, hoả lực, đánh chắc thắng, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, từng bước uy hiếp tiến tới tiêu diệt khu vực trọng yếu nhất của địch giành thắng lợi quyết định.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm 49 cứ điểm trải trên một diện tích khoảng 40km2. Trên các điểm cao từ tây bắc sang đông bắc và đông hình thành những cụm cứ điểm ngoại vi bảo vệ cho phân khu trung tâm. Khu vực giao chiến rộng, so sánh trang bị kỹ thuật chênh lệch, kinh nghiệm đánh công kiên của ta còn hạn chế, không cho phép ta tổ chức nhiều hướng tiến công đồng thời vào phân khu trung tâm của địch. Ta đã chọn cách “đánh chắc, tiến chắc”, tập trung ưu thế binh hoả lực1 đánh từng trận hay một số trận gối đầu liên tiếp, diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm ngoại vi, trước hết là trên các điểm cao khống chế phía bắc rồi phía đông, “bóc vỏ” từ ngoài vào, mở đường tiến xuống cánh đồng Mường Thanh, tiếp cận và từng bước uy hiếp tiến tới tiêu diệt phân khu trung tâm, trọng điểm là sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm.

Chọn cách đánh hiểm, phát huy uy lực mọi thứ vũ khí của ta, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch.

Sau thắng lợi bước đầu của ta ở đợt 2, địch vẫn còn trên một vạn quân chiếm giữ trên các điểm cao khống chế và hỏa lực phi pháo còn rất mạnh. Trước tình hình đó, ta chủ trương dùng lực lượng nhỏ, hoạt động rộng rãi dưới các hình thức đánh lấn, phá hủy từng ụ đề kháng, tiêu diệt thêm một số vị trí địch; bắn tỉa tiêu hao địch rộng rãi làm cho binh lính địch luôn ở trong trạng thái căng thẳng; đánh chiếm sân bay, thắt chặt vòng vây, thu hẹp không phận, khống chế máy bay, đoạt dù tiếp tế, hạn chế tiến tới triệt hẳn nguồn tiếp tế và tăng viện của địch.

Trên thực tế, từ trung tuần tháng 4, quân ta đã từng bước làm thay đổi cục diện chiến trường. Sân bay địch đã bị chiến hào ta cắt đôi, hai vị trí sát sân bay là 105 và 206 bị các đơn vị của ta vây lấn rồi tiêu diệt. Máy bay địch không thể lên xuống hoặc thả dù tiếp tế xuống khu vực sân bay. Hai trận địa pháo địch ở 307A và 307B bị lựu pháo của ta loại khỏi vòng chiến đấu. Các tổ bắn tỉa được tổ chức rộng khắp và hoạt động thường xuyên đã gây nên nỗi kinh hoàng đối với binh lính địch. Pháo cao xạ của ta tiến sâu xuống cánh đồng Mường Thanh, khống chế không phận, trong khi hoả lực pháo cối thu hẹp phạm vi thả dù, buộc máy bay địch phải thả dù ở độ cao lớn. Gần một nửa số dù của địch rơi sang phía trận địa ta hoặc rơi vào khoảng trống giữa ta và địch. Đến cuối tháng 4, quân số của địch ở Điện Biên Phủ tuy còn khoảng một vạn, nhưng chỉ có 42 phần trăm quân số đủ sức chiến đấu, tinh thần binh lính suy sụp, nguồn tiếp tế bị bóp nghẹt, vũ khí trang bị thiếu thốn nghiêm trọng.

Chọn cách đánh thích hợp, ta đã làm cho địch quân còn đông mà hoá ít, trang bị còn nhiều mà hoá yếu, tinh thần, vật chất và thế trận hoàn toàn rơi vào thế bất lợi. Chính bằng cách đánh hiểm và sáng tạo, đến cuối tháng 4, mặc dù quân ta chưa hoàn toàn làm chủ các dãy điểm cao phía đông, nhưng đã uy hiếp mạnh phân khu trung tâm và chuẩn bị đầy đủ điều kiện chắc thắng để chuyển sang đợt tiến công cuối cùng.

Chiến dịch Điện Biên Phủ thực sự là một điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Hết
_______________________________________
1. Trong đợt 1, ta đã tập trung ưu thế binh hoả lực tiêu diệt ba cứ điểm ngoại vi phía bắc. Tỷ lệ binh lực trong trận Him Lam: địch 1/ta 3; trận đồi Độc Lập: địch 1/ta 4,5; trận Bản Kéo (theo kế hoạch) địch 1/ta 3. Trong trận then chốt mở đầu chiến dịch (Him Lam), so sánh pháo cối trực tiếp chi viện đánh vào mục tiêu, ta hơn địch gấp 10 lần. Nếu tính cả nhiệm vụ chế áp các mục tiêu khác ta cũng hơn địch 2,6 lần.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: lexuantuong1972 trong 07 Tháng Mười, 2012, 04:59:17 pm
CHIẾN DỊCH TÂY BẮC
(Tiến công, từ ngày 14 tháng 10 đến ngày 10 tháng 12 năm 1952)[/color]

Quân địch ở Tây Bắc được tổ chức thành khu tự trị Tây Bắc, gọi tắt là ZANO. gồm tám tiểu đoàn, trong đó có năm tiểu đoàn ngụy Thái và ba tiểu đoàn cơ động người Phi. Ngoài ra, có 40 đại đội ngụy Thái làm nhiệm vụ chiếm đóng, 11 khẩu pháo. Địch bố trí thành bốn phân khu: phân khu Nghĩa Lộ; phân khu Sông Đà; phân khu Sơn La và phân khu Lai Châu. Ngoài ra còn có các tiểu khu Tuần Giáo, Thuận Châu, Phù Yên. Địch đóng 400 cứ điểm, phần lớn là trung đội, có 40 cứ điểm đại đội. Riêng một vị trí Nghĩa Lộ, Mộc Châu, một nơi có một tiểu đoàn...

Một thời trận mạc
Kỷ niệm 60 năm trận Mộc Châu (11-1952 / 11-2012)

MỞ ĐƯỜNG VÀO TÂY BẮC (Kỳ 1)

QĐND - Thứ Bẩy, 06/10/2012, 22:54 (GMT+7)

QĐND - Tháng 11-2012 là tròn 60 năm ngày quân đội ta đánh thắng trận Mộc Châu (Sơn La), mở đường lên chiến trường Điện Biên Phủ và vùng Thượng Lào. Mộc Châu hôm nay đã trở thành vùng đất trù phú, dân cư đông đúc và là vùng có nhiều tiềm năng du lịch của miền Tây nhưng chắc ít người biết tới trận đánh năm ấy. Tôi đã đi tìm gặp ông Đặng Văn Việt, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316) năm xưa được giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị đánh trận Mộc Châu để nghe ông kể về chiến công cách đây hơn nửa thế kỷ…


Kỳ 1:Trọng điểm trên cao nguyên

Tôi đã từng viết câu chuyện về Sư đoàn 335 hành quân lên bảo vệ Mộc Châu và thành lập Nông trường Quân đội Cờ Đỏ năm 1955 để xây dựng miền đất này. Và hôm nay tôi gặp ông, để nghe ông kể về trận đánh phá tan khu vực phòng thủ Mộc Châu của thực dân Pháp, mở đường cho bộ đội và dân công tiến lên chiến trường Điện Biên Phủ, tiếp tế lương thực và chuẩn bị cho trận đánh quyết định 2 năm sau đó. Trong căn phòng tập thể chưa đầy 15m2, người lính già đã 93 tuổi vẫn hào sảng kể lại trận chiến năm ấy…

Khi đó phân khu Mộc Châu có một vị trí rất đặc biệt, nằm giữa Quân khu Tây Bắc, dưới Sơn La, trên Hòa Bình, án ngữ trục Quốc lộ 6 và ngã ba Pa Háng để sang Lào. Ông Việt nhấn mạnh, đồn Mộc Châu là hệ thống phòng thủ của Pháp với sự bố phòng đặc biệt khi nằm trên một núi đá tai mèo, có chiều dài gần 500m, vách đứng thành vại và được bố trí tới gần 100 hỏa điểm cố định thay cho lô cốt, 2 vạn quả mìn, 2.000 tấn dây thép gai rào thành nhiều tầng lớp… Ban ngày leo lên được núi còn khó, chưa nói gì tới ban đêm. Đồn Mộc Châu khi đó như một con nhím khổng lồ, húc vào là chỉ có chết. Đồn có một tiểu đoàn lính Thái, một đại đội biệt kích, quân số chừng 450 tên, được trang bị 2 đại bác 94mm, 2 cối 81mm, trọng liên 20mm, 2 đại liên, 27 trung liên... Trong số gần 100 hỏa điểm, mỗi hỏa điểm bố trí 2-3 người, có dự trữ đủ đạn dược, lương thực để chiến đấu lâu dài. Ngoài ra, địch chất dây thép gai thành 4 lớp bùng nhùng để không thể phá bằng bộc phá. Mìn được gài gắp nơi, trên các nẻo đường, trong vườn rau và cả trên lớp dây thép gai… Trên đỉnh núi, địa hình được san phẳng để làm đài quan sát, đặt trung tâm hỏa lực, thông tin và chỉ huy. Ngoài đồn chính, địch còn bố trí hai trạm tiền tiêu, mỗi trạm một tiểu đội là Pom Lót và Pom Thơm.

(http://image.qdnd.vn/Upload/phucthang/2012/10/6/3668237720121006214425465.jpg)
Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174 Đặng Văn Việt.

Đã 60 năm trôi qua, nhưng Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt vẫn nhớ rõ. Đời binh nghiệp của ông chỉ có 15 năm, ông đã chỉ huy đánh hơn 100 trận lớn nhỏ nhưng trận Mộc Châu với ông là một ký ức đặc biệt. Ông gọi đó là một trận đánh tuyệt đẹp. Khi ấy, người Trung đoàn trưởng mới 32 tuổi đã có biệt danh Hùm xám đường số 4. Trong chiến đấu, yếu tố bí mật, bất ngờ là vô cùng quan trọng, tuy nhiên ở trận Mộc Châu này không có nhiều điều bất ngờ. Chiến dịch mở ra từ ngày 13-10-1952 mà đêm 19-11-1952 ta mới công đồn, vì vậy trinh sát của địch đã theo dõi khá kỹ mọi động thái của quân ta. Điều bất ngờ ở đây, có chăng chỉ có thể là cách đánh sáng tạo mà thôi. Theo nhận định lúc bấy giờ của chúng ta, nếu không đánh được đồn Mộc Châu trong đêm 19-11-1952 thì những đêm sau khó mà đánh vì Pháp sẽ cho máy bay B26 ném bom làm tan tác cả núi rừng xung quanh, ta không còn chỗ trú ẩn mà tiếp tục công đồn…

Diệt đồn Ca Vịnh, Ba Khe, Thượng Bằng La

Người lính già đã sống gần trọn thế kỷ, nheo mắt nhìn ra ô cửa nhỏ của căn phòng tập thể đầy nắng thu. Có lẽ lúc này mọi ký ức của trận đánh cách đây hơn nửa thế kỷ đang ùa về với ông… Khi ấy Bộ Tổng tư lệnh chủ trương mở chiến dịch Tây Bắc với mục đích tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng vùng Tây Bắc rộng lớn. Trận Mộc Châu là một trận then chốt của chiến dịch. Nếu đồn Mộc Châu không bị tiêu diệt thì coi như chiến dịch bế tắc, ta không thể khống chế đường số 6. Thế trận của địch vẫn vững chắc và chưa biết khi nào chúng ta mới giải phóng được Tây Bắc. Nếu ta không làm chủ được Mộc Châu thì hàng trăm xe vận tải chở đầy ắp gạo đang chờ ở Hòa Bình để lên tiếp tế cho cả vạn quân dân sẽ bị chặn lại. Và 15 ngày lương trên vai từng cán bộ, chiến sĩ, dân công sẽ cạn kiệt… Tư tưởng quân sự được xác định khi đó là “cưỡi lên đầu hổ - đánh từ nóc nhà đánh xuống”.

(http://image.qdnd.vn/Upload/phucthang/2012/10/6/2233238920121006214420730.jpg)
Trung đoàn 174 trước giờ xuất trận.

Trung đoàn 174 (E174) là một cánh quân chủ lực mạnh, nằm trong đội hình của Sư đoàn 316, được giao nhiệm vụ làm một mũi tiến công vào Tây Bắc từ hướng Yên Bái, đặc biệt là đánh đồn Mộc Châu. Thời điểm nhận nhiệm vụ, E174 đang đóng quân trên vùng Đông Bắc trung du (Mẹt - Bắc Giang) được lệnh hành quân qua Thái Nguyên, tập kết ở bến Âu Lâu (tả ngạn sông Thao, thuộc tỉnh Yên Bái). Việc chỉ huy hành quân của đơn vị được giao cho Chính ủy Chu Huy Mân (sau này là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước), còn Trung đoàn trưởng tổ chức đi khảo sát thực địa và lo kế hoạch tác chiến. Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt khi ấy đã không ít lo nghĩ, suy tư bởi E174 từ khi thành lập (năm 1949) đến nay chỉ hoạt động trên chiến trường Đông Bắc, dọc đường số 4 theo biên giới Việt - Trung, nay lại được giao tác chiến trên một địa bàn hoàn toàn mới. Chính vì vậy đoàn trưởng đã tổ chức một đội trinh sát và đích thân dẫn đầu để thăm dò tình hình cũng như địa thế khu vực này. Sau đợt thực địa hơn chục ngày, Trung đoàn trưởng Việt xác định rõ, muốn tiếp cận Mộc Châu, trước tiên phải diệt các đồn tiền tiêu Ca Vịnh, Ba Khe và Thượng Bằng La. Oái oăm thay, đúng ngày định ra lệnh tiến công đồn Ca Vịnh đầu tiên thì hầu hết cán bộ chủ chốt của trung đoàn lăn ra sốt rét. Ngay cả Trung đoàn trưởng cũng nằm bẹp không dậy nổi. Vào thời điểm gấp rút, cam go ấy, Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt đã quyết định vẫn phải đánh, ông yêu cầu quân y tăng liều thuốc cao chạy chữa cho cán bộ, còn riêng mình sử dụng lượng thuốc gấp đôi để đẩy lùi cơn sốt, cùng trung đoàn ra trận. Ngay sau đó, một số tiểu đoàn trưởng và chỉ huy đại đội chủ chốt gượng dậy được và bám lấy đơn vị. Trung đoàn trưởng vẫn chưa khỏe nhưng đã ngồi trên cáng để anh em khiêng tới vị trí chỉ huy trận đánh. Nhưng trên đường cáng ra trận địa, có những dân công nhìn thấy xì xào: “Thương binh mà lại cáng ra trận à?”. Sợ việc ngồi cáng sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của bộ đội trước khi bước vào trận đánh nên Trung đoàn trưởng Việt đã cương quyết rời khỏi cáng, nhờ đồng chí cần vụ buộc mình vào lưng ngựa để đi… Nhưng ông chỉ trụ được trên lưng ngựa tới chân đồi thì phải xuống vì quá mệt. Quyết phải đi tới đích, ông tiếp tục yêu cầu hai chiến sĩ buộc dây vào thân người kéo lên dốc, hai chiến sĩ đẩy lưng đằng sau để tiến lên đỉnh đồi… Bằng cách ấy, người chỉ huy đã tiếp cận được trận địa để chỉ huy bộ đội tác chiến. Sau thắng lợi diệt đồn Ca Vịnh, bộ đội ta thu toàn bộ vũ khí quân dụng, bắt sống tên quan hai và 20 tù binh. Thắng lợi đó tạo đà cho Trung đoàn 174 tiêu diệt tiếp đồn Ba Khe và Thượng Bằng La, là những đồn tiền tiêu bảo vệ phía đông của Tây Bắc bị quét sạch. Niềm vui chiến thắng diệt 3 đồn địch liên tiếp đã thổi thêm sức mạnh cho bộ đội E174 đẩy lùi sốt rét, hành quân 3 ngày đêm để tiếp cận đồn Mộc Châu.

Người lính già Đặng Văn Việt cho biết: “Với cán bộ, chiến sĩ E174 chúng tôi khi đó, niềm vui và sự tự tin đầy ắp. Lần đầu tác chiến ở một địa bàn mới mà đã hoàn thành nhiệm vụ, diệt 3 đồn tiền tiêu của Tây Bắc. Đó là động lực lớn lao thúc giục chúng tôi hành quân nhằm đồn Mộc Châu thẳng tiến”. Sau khi hành quân tới Mộc Châu, Trung đoàn 174 đóng quân cách đồn địch khoảng 12km, trong khu rừng chuối ven Quốc lộ 6. Giữa núi rừng Tây Bắc hoang sơ, hùng vĩ, tại một lòng suối cạn trong khe núi, Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt cùng các chỉ huy đơn vị Nguyễn Hữu An (sau này Thượng tướng, Giám đốc Học viện Quốc phòng), Lê Hoàn, Thanh Tâm, Lê Vũ, Đình Giang, Hùng Quốc… đã họp bàn để thống nhất phương án tác chiến…

(còn tiếp)
Ghi chép của Hoàng Trường Giang

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/296/296/209927/Default.aspx


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: lexuantuong1972 trong 08 Tháng Mười, 2012, 07:50:20 am
Kỷ niệm 60 năm trận Mộc Châu (11-1952/11-2012)

MỞ ĐƯỜNG VÀO TÂY BẮC (Tiếp theo và hết)

QĐND - Chủ Nhật, 07/10/2012, 20:37 (GMT+7)

Kỳ 2: Công đồn Mộc Châu

QĐND - Sau khi diệt xong các đồn Ca Vịnh, Ba Khe, Thượng Bằng La, Trung đoàn 174 hành quân ròng 3 ngày đêm tiếp cận Mộc Châu với nhiệm vụ công đồn trọng điểm mở đường vào Tây Bắc. Núi rừng cao nguyên những ngày cuối năm 1952, sương mù, gió bấc, rét cắt da thịt nhưng không hề làm giảm đi chút nào khí thế tiến công của những người lính Cụ Hồ. Giữa rừng già hoang sơ, hùng vĩ, Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt lại tập hợp các chỉ huy đơn vị nòng cốt để bàn kế hoạch tác chiến…

Đòn tấn công lúc nửa đêm

Người lính già nhớ lại, phía Việt Minh lúc đó lực lượng gồm Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316) được phối thuộc thêm Tiểu đoàn 215, 439 của Trung đoàn 98 và Tiểu đoàn 888 của Trung đoàn 176. Ngoài ra có thêm một đại đội pháo 75mm, một đại đội cối 120mm… Tất cả nằm dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt. Quyết tâm đặt ra là phải nhổ kỳ được đồn Mộc Châu. Trong cuộc họp bàn giữa rừng ấy, người thì nêu ý kiến đánh 2 mũi, người đề xuất đánh 3 mũi… Sau khi để cán bộ phát biểu hết ý kiến, ông Việt mới đưa ra quyết định: “Chúng ta đã đi vòng quanh 4 phía của đồn Mộc Châu và thấy rằng khó đánh hơn cả Đông Khê. Với địa hình thành vại, nhiều hỏa điểm xung quanh, nếu đánh theo cách thông thường thì trung đoàn sẽ nướng hết quân. Nhưng đồn Mộc Châu có hình thù như một cây quần vợt, ta phải lợi dụng cái cán vợt mới xoay chuyển được tình thế. Tôi quyết định chỉ đánh một mũi, tất cả tập trung đánh từ cán quần vợt chọc thẳng lên đỉnh núi, chiếm trung tâm hỏa lực, thông tin, chỉ huy. Ta dùng chiến thuật từ nóc đánh xuống, gõ lên đầu các lô cốt gọi hàng, nếu địch không hàng thì dùng lựu đạn tiêu diệt. Các hướng đông, tây, nam ta chỉ dùng hỏa lực kiềm chế, nghi binh, không dùng bộ binh đột phá, xung phong. Nếu đồng chí nào không đồng ý, tôi cho bảo lưu ý kiến sau trận đánh sẽ phân giải”. Ngay sau đó, các đơn vị được phân công vào vị trí, Tiểu đoàn 249 đột phá ở hướng chính tiến lên chiếm lĩnh đỉnh đồi. Tiểu đoàn 255 và 251 ở hướng phụ, phòng bị và Tiểu đoàn 215, 439 tổng dự bị. Tiểu đoàn 888 chặn viện binh, chống nhảy dù.

(http://image.qdnd.vn/Upload/phucthang/2012/10/7/1589368320121007184343984.jpg)
Chính ủy Chu Huy Mân và Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt. Ảnh tư liệu.

23 giờ ngày 19-11-1952, từ trung tâm chỉ huy, Trung đoàn trưởng Việt hạ lệnh nổ súng bắt đầu trận đánh. Một đại đội của Tiểu đoàn 215 nhận nhiệm vụ sơ tán bà con dân bản ở khu tập trung ra xa đồn để tránh tên bay, đạn lạc và đề phòng địch sử dụng máy bay oanh tạc sau đó… Tất cả hỏa lực của trung đoàn dồn dập bắn theo hướng chính lên đỉnh đồi, hàng rào dây thép gai và mìn nổ tung trời… Các bộc phá viên tranh thủ thời cơ xông lên mở đường cho bộ binh xung phong. Ngay từ những phút đầu Tiểu đoàn 215 đã tiêu diệt được 2 trạm Pom Lót và Pom Thơm, lợi dụng vị trí cao, bố trí hỏa lực bắn vào đồn lớn. Ngay sau đó, Đại đội 1, Tiểu đoàn 249 xông thẳng lên chiếm đỉnh núi, đại đội trưởng cầm đèn pin quay mấy vòng báo hiệu cho sở chỉ huy. Trung đoàn trưởng Việt ra lệnh cho Đại đội 2, 3 xung phong lên thẳng vị trí đồn, bao vây trọng điểm này. Quan ba đồn trưởng Vincent bị bắt sống, nhưng địch vẫn chống cự quyết liệt. Từ các hỏa điểm đạn bắn ra như mưa, con nhím Mộc Châu đang xù lông tua tủa với hàng trăm ngàn mũi gai nhọn… Vào thời điểm này, Tiểu đoàn 249 đã cưỡi lên lưng cọp, không thể nào xuống nên lần theo các khe núi, tuột xuống từng lô cốt gọi hàng… Một số tên địch hoảng sợ, định vượt rào thoát ra khỏi đồn thì dính vào chính bẫy mìn của chúng, nhiều tên phơi xác trên hàng rào thép gai. Về phía ta cũng có một số đồng chí hy sinh, trong đó có Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 249 Khái Tâm. Anh đang nấp dưới bờ ruộng, vừa nhô đầu lên quan sát thì đã hứng trọn một băng liên thanh của địch…

Đến khoảng 2 giờ 30 phút sáng 20-11-1952, trận đánh kết thúc, quân ta đã toàn thắng, 450 tên địch của đồn Mộc Châu bị tiêu diệt và bắt sống không sót một tên. Ta thu toàn bộ trang bị, vũ khí của địch. 6 giờ sáng, Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt lên đồn trực tiếp nghiên cứu cách bố phòng của địch, giữa làn sương mù ban mai Tây Bắc, quang cảnh núi rừng hiện ra hoang sơ, hùng vĩ.

Đúng như dự đoán của ta, 9 giờ sáng, 3 chiếc máy bay B26 của địch đã bay đến giội bom rải thảm làm kho thóc và nhà cửa trong đồn cháy ngùn ngụt. Do đã lường trước tình huống, nên bộ đội ta đã cơ động khỏi trận địa, đến nơi trú ẩn an toàn. Trận đánh đồn Mộc Châu phía ta thương vong 53 cán bộ, chiến sĩ. Cũng vào buổi sáng ấy, trong khi đang quan sát trận địa, Trung đoàn trưởng Việt bỗng nghe mấy tiếng mìn nổ dữ dội, nhìn về phía sau đã thấy mấy tên địch tìm cách chạy trốn bị vướng mìn chết ngay tại chỗ...

Đối thoại với Vincent

Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt xuất thân từ một gia đình có truyền thống hiếu học, lại được đào tạo tại Đại học Y Hà Nội (thuộc Đại học Đông Dương) nên ông có thể sử dụng thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp. Ngay từ ngày chỉ huy các trận đánh trên đường số 4, mỗi khi bắt được tù binh địch, ông đều trực tiếp thẩm vấn bằng tiếng Pháp. Sau trận Mộc Châu, ông đưa đơn vị về nơi trú quân và gọi quan ba Vincent (chỉ huy đồn Mộc Châu) đến để hỏi chuyện…

Mở cửa sổ căn phòng tập thể trên tầng 4, châm một điếu thuốc hút, người lính già nheo mắt nhớ lại buổi đối thoại cách đây 60 năm cũng bắt đầu như thế… “Tôi hỏi tỉ mỉ về quân số, vũ khí, cách bố phòng của đồn Mộc Châu. Vincent trả lời rất đầy đủ và lễ phép, có lẽ hắn cũng biết người đang ngồi trước mặt là ai. Tôi hỏi, ông có biết vì sao với cách bố phòng chắc chắn, với 2 vạn quả mìn, 2000 tấn dây thép gai, lại thêm một đại đội biệt kích, đồng thời biết trước Việt Minh sẽ tấn công mà các ông vẫn mất đồn? Vincent cúi gầm mặt một lúc rồi mới ngẩng lên nói: “Thưa ông, thám báo và biệt kích của tôi từ trên núi đã đếm được từng người của các ông. Tôi biết trước 100% Mộc Châu sẽ bị tấn công, chúng tôi đã bố trí phòng ngự chu đáo nên tin tưởng tuyệt đối là các ông không thể nào chiếm nổi Mộc Châu. Tôi hơn các ông về vũ khí trang bị, lợi thế, nhưng tôi thua các ông về chiến thuật và cách đánh. Ngay từ những phút đầu giao chiến, đỉnh núi đã bị chiếm, pháo đài tê liệt, tôi bị bắt sống thì làm sao chống cự nổi. Binh lính mất tinh thần hết cả rồi. Quá bất ngờ, quá bất ngờ”. Vincent ôm lấy đầu rồi gục xuống bàn như muốn khóc…

(http://image.qdnd.vn/Upload/phucthang/2012/10/7/4612793420121007184337890.jpg)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ cựu chiến binh Trung đoàn 174. Ảnh tư liệu.

Trung đoàn trưởng tiếp tục hỏi: “Anh có luôn giữ liên lạc với Hà Nội không? Bộ Tổng hành dinh đã có lệnh gì khi các anh bị tấn công?”. Vincent: “Tất nhiên là tôi phải giữ liên lạc thường xuyên với Hà Nội, ngay từ chiều hôm kia tôi đã nhận được điện báo rằng, Việt Minh chuẩn bị tấn công Mộc Châu. Bằng mọi giá phải giữ được đồn qua đêm, nếu qua một đêm Việt Minh không chiếm được Mộc Châu thì sẽ không thể nào chiếm được. Bộ Tổng hành dinh sẽ cho máy bay B26 ném bom oanh tạc, đẩy Việt Minh lui về sông Thao… Tôi đã không giữ được Mộc Châu, thật đáng buồn”. Sau cuộc gặp gỡ tôi cho Vincent một bao thuốc lá rồi bảo: “Bây giờ anh là tù binh chiến tranh, chúng tôi sẽ thi hành luật tù binh quốc tế. Anh phải chấp hành mọi luật lệ của trại. Không được trốn, Anh có nhiệm vụ vẽ lại sơ đồ trận địa mìn và giúp công binh Việt Nam tháo gỡ”. Vincent gật gật cái đầu rồi trả lời một cách ngổ ngáo: “Thưa ông, việc giữ tù binh là của các ông, còn việc tìm cách trốn là của chúng tôi”. Tuy nhiên hắn đã không kịp thực hiện lời nói đó, mấy hôm sau tôi được tin Vincent đã chết vì giẫm phải mìn trong khi đang đi hướng dẫn bộ đội ta dò gỡ mìn do chính hắn chỉ huy đặt...

Ngay sau trận đánh, hàng trăm xe vận tải chở đầy ắp gạo từ rừng Hòa Bình đã ngược lên Tây Bắc, tiếp tế kịp thời cho hàng vạn dân công và bộ đội đang áp sát đường số 6. Mộc Châu, một vị trí kiên cố vùng Tây Bắc thất thủ, các đồn bốt khác nghe tin hốt hoảng bỏ chạy như Yên Châu, Hát Lót, Cò Nòi… Lợi dụng tình thế, các đơn vị chủ lực của ta thừa thắng xông lên giải phóng Sơn La, Thuận Châu, Chiềng Đông… và sau này là Điện Biên Phủ. 60 năm đã trôi qua, bằng thời gian cả một đời người. Trung đoàn trưởng 174 năm ấy 32 tuổi nay đã sắp bước sang tuổi 93 những ông vẫn nhớ lắm. Ông nhớ trận đánh hào hùng, nhớ trung đoàn của mình, nhớ những đồng đội đã hy sinh, và cả những người đồng đội nay còn hay mất…

Ghi chép của Hoàng Trường Giang

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/296/296/209997/Default.aspx


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: lexuantuong1972 trong 08 Tháng Mười, 2012, 09:15:26 am
Nếu như không có những xoay vần của thời cuộc biết đâu đấy con hùm xám đường số 4 ĐVV vẫn tiếp tục đường binh nghiệp thì lịch sử chiến tranh VN có thể sẽ ghi thêm tên một danh tướng nữa.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: qtdc trong 08 Tháng Mười, 2012, 03:49:22 pm
Phần tóm tắt các chiến dịch này nếu bác chuongxedap sưu tầm được bản đồ đưa vào vào thì tốt.
Trận Mộc Châu là một trận độc đáo trong chiến dịch Tây Bắc 1952 mà cụ Việt rất tâm đắc, cụ đã kể khá kỹ trong hồi ức "Người lính già Đặng Văn Việt, chiến sỹ đường số 4 anh hùng".

Nếu như không có những xoay vần của thời cuộc biết đâu đấy con hùm xám đường số 4 ĐVV vẫn tiếp tục đường binh nghiệp thì lịch sử chiến tranh VN có thể sẽ ghi thêm tên một danh tướng nữa.

Với lý lịch và tính cách của cụ Việt thì em nghĩ khó đấy bác Tường ạ. Sau này cụ làm sinh viên già đi học Bách Khoa ngành Vật liệu xây dựng.


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: lexuantuong1972 trong 08 Tháng Mười, 2012, 04:27:44 pm

Chiến dịch Tây Bắc năm 1952

CHỦ ĐỘNG NGHI BINH LỪA ĐỊCH VÀ ĐÁNH TRẬN THEN CHỐT

QĐND - Thứ Bẩy, 06/10/2012, 18:13 (GMT+7)

QĐND - Đầu tháng 9-1952, sau khi phân tích, đánh giá tình hình địch, ta trên chiến trường Bắc Bộ, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tham mưu quyết định mở chiến dịch Tây Bắc nhằm tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch ở 4 phân khu: Lai Châu, Sông Đà, Nghĩa Lộ, Sơn La và 3 tiểu khu độc lập: Thuận Châu, Phù Yên, Tuần Giáo, giải phóng nhân dân và phần lớn đất đai Tây Bắc.

Để tiến hành chiến dịch thắng lợi, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu, Bộ tư lệnh chiến dịch triển khai đồng bộ công tác chuẩn bị cho chiến dịch, trong đó đặc biệt chú trọng kế hoạch thiết lập phương án tác chiến và nghi binh lừa địch, không cho chúng dự đoán được thế trận và bố trí lực lượng của ta.

Công tác nghi binh, lừa địch được Bộ Tổng tư lệnh và Bộ tư lệnh chiến dịch tập trung chỉ đạo thống nhất, chuẩn bị tỉ mỉ công phu và được các lực lượng trên các hướng trọng điểm chấp hành nghiêm túc, thực thi triệt để. Không phát hiện ta chuẩn bị mở chiến dịch Tây Bắc, Bộ Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương cho rằng, “hoạt động quân sự của Việt Minh trong Thu - Đông 1952 là ở Đồng bằng Bắc Bộ”, vì thế, chúng thường xuyên bố trí 29 tiểu đoàn (trong tổng số 32 tiểu đoàn cơ động chiến lược của toàn Bắc Bộ) vào vùng chiến lược này. Địch cho một số tiểu đoàn mở các cuộc hành quân càn quét thăm dò ra vùng tự do Ninh Bình và Vĩnh Phúc. “Tương kế, tựu kế”, Bộ Tổng tham mưu đưa một bộ phận trinh sát của Bộ vào hoạt động ở các hướng giáp ranh và vùng sau lưng địch ở đồng bằng Nam Liên khu 3 (Hà Nam, Ninh Bình), cho bộ đội công binh và lực lượng vũ trang địa phương làm cầu, sửa đường, lập các bến vượt, các khu tập kết giả dọc tuyến sông Đáy để củng cố sự phán đoán của địch về ta. Bộ tư lệnh chiến dịch tăng cường giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tham gia chiến dịch ý thức phòng gian, giữ bí mật; chỉ đạo các trạm vô tuyến điện ở nguyên vị trí cũ phát sóng theo phiên trực thường lệ để chúng không nghi ngờ; tổ chức phong tỏa tin tức, bao vây, theo dõi nơi khả nghi, tiêu diệt các ổ tề điệp nằm vùng…
(http://image.qdnd.vn/Upload/phucthang/2012/10/6/1930101320121006174501934.jpg)
Bắc cầu phao tại bến Mậu A trong chiến dịch Tây Bắc (1952). Ảnh tư liệu.

Hoạt động nghi binh, lừa địch đạt kết quả đã tạo ra thế trận và niềm tin cho các đơn vị tiến hành chiến dịch. Với phương châm tác chiến “đánh điểm, diệt viện”, trong đợt 1 chiến dịch (từ ngày 14-10 đến ngày 25-10-1952), Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng các Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316), Trung đoàn 141 (Đại đoàn 312) tiêu diệt hàng loạt vị trí quân địch dọc Đường 13, hỗ trợ đắc lực cho hai Đại đoàn 308, 312 (thiếu) bí mật luồn sâu tiến công tiêu diệt tiểu đoàn tăng cường chốt giữ cứ điểm kiên cố, giải phóng Phân khu Nghĩa Lộ. Đây là trận then chốt thứ nhất. Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ đạo các đơn vị cơ động đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn dù (có tăng viện) và một số chốt điểm trên đoạn đường Tú Lệ-Ít Ong, đập tan hầu hết phòng tuyến vòng ngoài của địch từ hữu ngạn sông Thao đến tả ngạn sông Đà, từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai.

Bước vào đợt 2 chiến dịch (từ ngày 7-11 đến ngày 20-11-1952), biết rõ địch tăng cường 5 tiểu đoàn thiện chiến (2 cho Lai Châu, 2 cho Nà Sản, 1 cho Điện Biên Phủ) và tập trung 17 tiểu đoàn bộ binh, công binh, pháo binh, xe tăng mở cuộc hành binh Lo-ren đánh vào hậu phương ta ở Phú Thọ để đỡ đòn cho Tây Bắc, nhưng Bộ tư lệnh chiến dịch vận giữ vững kế hoạch tác chiến, điều Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) về phối hợp với lực lượng tại chỗ đánh địch ở Phú Thọ; đồng thời, điều động cánh quân vu hồi từ Quỳnh Nhai (hướng thứ yếu) hình thành hai mũi tiến công Tuần Giáo, Lai Châu, Điện Biên Phủ; truy kích địch từ Thuận Châu về Sơn La. Trong giai đoạn 1, ta tổ chức lực lượng vượt sông Đà, tiến công tiêu diệt địch ở Mộc Châu và một loạt vị trí khác, làm cho 4 tiểu đoàn địch còn lại ở Chiềng Đông, Cò Nòi, Tạ Khoa, Yên Châu phải rút về Nà Sản. Trên hướng phối hợp, các Trung đoàn 36, 176 và lực lượng vũ trang địa phương đánh bại cuộc hành binh Lo-ren, buộc chúng phải tháo chạy khỏi Phú Thọ…

Tuy còn có những mặt hạn chế và tiến công không dứt điểm được tập đoàn cứ điểm Nà Sản, song với việc tiêu diệt và bắt hơn một vạn tên địch (kể cả hướng phối hợp) giải phóng gần 3 vạn km2 với 25 vạn dân, nối liền các vùng chiến lược Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Thượng Lào đã là một chiến công xuất sắc. Chiến thắng đó chứng tỏ bước phát triển mới về nghệ thuật nghi binh lừa địch bằng các biện pháp linh hoạt, sáng tạo. Bộ tư lệnh chiến dịch đã chọn chính xác hướng (khu vực) mục tiêu chủ yếu, thứ yếu và có phương pháp tác chiến phù hợp “đánh điểm, diệt viện”, phối hợp chặt chẽ giữa phía trước và phía sau, giữa vu hồi, luồn sâu, chia cắt, nên đã đạt được mục tiêu chiến dịch đề ra. Chiến thắng Tây Bắc đã làm thay đổi hình thái chiến trường, không chỉ giúp ta từng bước giữ vững quyền chủ động chiến lược; các lực lượng vũ trang nhân dân (đặc biệt là bộ đội chủ lực) tích lũy thêm kinh nghiệm tác chiến quy mô lớn hơn, mà còn tạo ra những điều kiện mới để quân và dân ta tiến lên giành nhiều thắng lợi quyết định trong Đông Xuân 1953-1954.

Đại tá Trần Tiến Hoạt
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/302/302/209889/Default.aspx


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: lexuantuong1972 trong 18 Tháng Mười, 2012, 04:26:52 pm

 Chiến dịch Tây Bắc 1952 - Nhìn từ phía bên kia


THẤT BẠI ĐƯỢC DỰ ĐOÁN

QĐND - Thứ Tư, 17/10/2012, 22:9 (GMT+7)

QĐND - 60 năm đã trôi qua kể từ khi diễn ra chiến dịch Tây Bắc 1952, tại Pháp và các nước phương Tây đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp. Trong khi phần lớn các ý kiến đều cho rằng chiến dịch Tây Bắc là một thất bại về chiến lược của thực dân Pháp.

Năm 1952, thắng lợi liên tiếp và sự trưởng thành của quân và dân ta, nhất là từ sau Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 làm cho tình hình nước Pháp càng rối ren. Chỉ trong tháng 2 và tháng 3-1952, nội các Pháp đổ liên tiếp 3 lần. Đờ-lát đờ Tát-xi-nhi bị gọi về nước rồi chết. Sa-lăng lên làm Tổng tư lệnh. Lơ-tuốc-nô làm Cao ủy Đông Dương. Trên chiến trường Việt Nam, thực dân Pháp chủ trương thực hiện chiến lược phòng ngự, ráo riết bình định các vùng tạm chiếm.

(http://image.qdnd.vn/Upload/thuha/2012/10/17/708478520121017210831133.jpg)
Toàn bộ Ban chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ của địch bị ta bắt sống trong trận tấn công ngày 17-10-1952. Ảnh tư liệu.

Trong bối cảnh đó, dựa vào so sánh lực lượng giữa ta và địch, căn cứ vào đề nghị của Tổng quân ủy và Bộ Tổng tham mưu, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc (từ 14-10 đến 10-12-1952).

Thời điểm trước khi diễn ra chiến dịch, đời sống và bối cảnh chính trị của nhân dân Pháp vẫn là vấn đề nan giải đối với Chính phủ lâm thời. Tờ tuần báo Hành động (L’Action) số ra ngày 2-4-1952, ký giả người Pháp Hen-ri Clâu (Henri Clau) viết: “Dư luận tiến bộ lên án Chính phủ Pháp đang theo đuổi cuộc chiến ở Đông Dương, nhân dân Pháp bất bình vì tình trạng bắt lính kéo dài”.

Tại Hà Nội, nơi quân Pháp coi là “cái nút của chiến tranh”, tình hình không mấy lạc quan. Các nguồn tin tức đều cho thấy chiến sự sẽ xảy ra mà quân Pháp ngày càng đuối sức về mọi mặt. Tổng chỉ huy Sa-lăng vội vã điện về chính quốc xin viện trợ về lực lượng và tài chính nhưng không được chấp nhận. Khi đó, Béc-na Xta-đi là Phó chủ tịch Quốc hội phụ trách các vấn đề an ninh, tỏ ra thờ ơ và không đệ trình Chính phủ.

Liên tiếp trong hai tháng 7 và 8-1952, nhiều cuộc họp của tướng, tá Pháp đã diễn ra tại Sài Gòn và Hà Nội, ngoài việc xin viện trợ từ chính quốc còn tập trung phán đoán hướng tiến công của Việt Minh nhưng không có gì sáng sủa mà chỉ dừng ở nhận định: “Tình hình ở Tây Bắc không mấy tốt đẹp, chiến sự có thể xảy ra".

Cũng trong thời gian này, một số nhà nghiên cứu quân sự phương Tây lại nhận định rằng: “Nhìn vào nội tình chính trị nước Pháp và cuộc chiến tranh mà Pháp đang theo đuổi, chiến dịch có thể diễn ra cuối năm 1952. Nhưng rồi chiều hướng ngày càng xấu đi về mọi mặt đối với giới cầm quyền Pháp. Không hiểu số phận của cuộc chiến đi đến đâu nhưng nhân dân yêu chuộng tự do, hòa bình ở Pháp đều bất bình”.

Từ những nhận xét trên đây, không chỉ Bộ chỉ huy Pháp mà người cầm quân trực tiếp là Tướng Sa-lăng cũng tỏ ra lo lắng cho số phận của vùng Tây Bắc. Điều lo lắng ấy không có phương sách đối phó nào khác hơn khi mà chiến trường quá rộng, lực lượng Pháp và ngụy đều rất hạn chế.

Về phía ta, đến thời điểm này, công tác phòng gian, giữ bí mật, nghi binh được thực hiện tốt nên địch không phát hiện được hướng tiến công chủ yếu của ta là Tây Bắc, mà chúng nghi ngờ ta sẽ tiến công vùng đồng bằng. Bởi vậy, tướng Sa-lăng cho dàn các lực lượng cơ động dọc tuyến Trung du và phần lớn trên sông Đáy. Tất cả các cứ điểm của địch ở đồng bằng và Trung du được lệnh báo động khẩn cấp, điều đó rất trúng ý định nghi binh của ta.

Cuối tháng 9, qua tin tức tình báo, phía Pháp nghi ngờ hướng tiến công của ta, Tổng chỉ huy Sa-lăng lệnh báo động toàn khu Tây Bắc từ ngày 4-10. Đồng thời, chúng nhanh chóng triển khai lực lượng.

Sau khi ta chuẩn bị về mọi mặt, theo đúng kế hoạch, giai đoạn 1 chiến dịch bắt đầu từ ngày 14-10, các mũi tiến công nhanh chóng thọc sâu, chia cắt địch. Trước diễn biến quá nhanh, Sa-lăng không kịp trở tay. Ngày 15-10, viên Tổng chỉ huy thảo gấp chỉ thị mật từ Sài Gòn và giao cho Đại tá Bút-xa-ri chuyển cho Đờ Li-na-rét đang chỉ huy quân Pháp tại Hà Nội, trong đó chỉ rõ: “Nghĩa Lộ và Sơn La đang bị uy hiếp nặng nề… nhưng các yếu tố nắm được chưa cho phép chúng ta có chủ trương… Phải đợi cho Việt Minh lộ rõ ý định của họ”, và “Địa hình rừng núi đang buộc đối phương phải phân tán. Đó là nhân tố thuận lợi cần chú ý. Để tăng cường cho Nghĩa Lộ và bảo vệ Sơn La, không cần phải ném quân xuống Gia Hội hay Tú Lệ vì hai nơi này quá xa Nghĩa Lộ. Trước mắt, phải dành phần lớn không quân yểm trợ cho Tây Bắc”. Bản chỉ thị tới Tây Bắc quá chậm, sáng sớm 16-10, tiểu đoàn dù số 6 do thiếu tá Bi-gia chỉ huy đã đổ quân xuống Tú Lệ.

Khi đó, Tổng chỉ huy Sa-lăng đang ở Sài Gòn vẫn từng giờ, từng phút chờ đợi Đờ Li-na-rét điện báo về và tự thú nhận rằng, đêm 17-10 là “một đêm đầy lo âu, vì những tin tức hằng giờ bay vào Sài Gòn luôn mâu thuẫn nhau”.

Ngày 18-10, mọi lo ngại của tướng Sa-lăng đã thành sự thật, Đờ Li-na-rét bay từ Tây Bắc về Hà Nội báo cáo: “Thế là hết”. Nội dung ngắn gọn nhưng viên Tổng chỉ huy đã hiểu mọi điều. Thêm vào đó, Béc-na Phôn khẳng định: “Từ trên máy bay, các phi công nhìn thấy rất rõ từng đoàn tù binh kéo đi, tay giơ quá đầu, lê bước giữa hai hàng lính Việt Minh”.

Đến hết ngày 18-10, ta đã đánh những trận then chốt đầu tiên của chiến dịch ở khu vực Nghĩa Lộ thành công. Đây cũng là đòn choáng váng đối với địch. Khi trả lời báo chí về sự thất bại nhanh chóng, Tổng chỉ huy Sa-lăng biện minh: “Ông Giáp đã bất ngờ tập trung Sư đoàn 308 vào Nghĩa Lộ. Các hướng khác như Sầm Nưa, Mường Hét, Mường Hum… chỉ là nghi binh”. Do bị bất ngờ về hướng tiến công và không có sự chuẩn bị trước về mọi mặt nên thất bại ngay từ trận đầu đối với Pháp là điều dễ hiểu.

(còn nữa)

Trung tá, TS Trương Mai Hương

http://image.qdnd.vn/Upload/thuha/2012/10/17/708478520121017210831133.jpg


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: lexuantuong1972 trong 21 Tháng Mười, 2012, 08:21:54 pm
Kỷ niệm 65 năm chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947

PHÂN TÁN BINH LỰC, ĐÁNH ĐỊCH RỘNG KHẮP, SÁNG TẠO

QĐND - Thứ Bẩy, 20/10/2012, 20:32 (GMT+7)

QĐND
- Ngày 7-10-1947, thực dân Pháp huy động lực lượng bắt đầu mở cuộc tiến công quy mô lớn lên Việt Bắc, nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não của ta. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Phải phá tan cuộc tiến công mùa đông của thực dân Pháp” và đề ra phương hướng hành động phải đánh địch khắp mọi nơi. Tháng 10-1947, Bộ Tổng chỉ huy quyết định mở chiến dịch phản công nhằm đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn của quân Pháp lên Việt Bắc, bảo vệ căn cứ địa cách mạng và cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm 7 trung đoàn bộ binh của Bộ và các Khu 1, 11 12, cùng 30 đại đội độc lập và dân quân, du kích các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên.

Chiến dịch đã diễn ra rất quyết liệt giữa ta và địch, với hai đợt chiến đấu liên tục. Đợt 1 từ ngày 7-10 đến 20-11; đợt 2 từ ngày 21-11 đến 20-12-1947. Thực tiễn chiến dịch cho thấy cuộc đấu trí, đấu lực diễn ra hết sức căng thẳng giữa ta và địch, trong đó đối với ta nổi lên một số nét đặc sắc về nghệ thuật chiến dịch:

(http://image.qdnd.vn/Upload/phucthang/2012/10/20/183924382012102016052615.jpg)
Cán bộ Bộ chỉ huy chiến dịch thị sát tình hình trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947. Ảnh tư liệu.

Trước hết, ta xác định hướng tiến công kịp thời, đúng đắn. Từ phân tích tình hình, ta nhận thấy, điểm mạnh của địch là ưu thế về máy bay, pháo binh, cơ giới, nhưng chúng không thể phát huy sức mạnh hỏa lực trên chiến trường rừng núi, nhất là trong điều kiện thời tiết mùa đông. Hơn nữa, địch chủ quan mở cuộc hành binh lớn bằng hai cánh quân cách nhau quá xa. Chúng phải dùng các trục đường bộ, đường sông để tiếp tế, vận chuyển lương thực. Trên cơ sở phán đoán âm mưu, hướng tiến công, phân tích đánh giá điểm mạnh, yếu của địch, ta xác định các hướng tiến công chiến dịch. Cụ thể, hướng Tây- sông Lô (đánh địch trên dòng sông Lô và trên đường bộ, chặn địch tăng viện); hướng Đông- đường số 3 (đánh địch trên đường Bắc Cạn-Cao Bằng ); đường số 4 (đánh địch trên đường Lạng Sơn-Cao Bằng).

Ở Mặt trận Sông Lô và đường số 2, Trung đoàn chủ lực của Khu 10 và một tiểu đoàn chủ lực của Bộ, có nhiệm vụ đánh địch trên sông Lô, đoạn từ Việt Trì đến Tuyên Quang; Trung đoàn 147 và 2 tiểu đoàn chủ lực Bộ bố trí ở phía nam đường liên tỉnh Tuyên Quang-Thái Nguyên. Ở Mặt trận Đường số 3, Trung đoàn 121 để lại tiểu đoàn 25 làm nhiệm vụ cơ động, lực lượng còn lại phân tán thành 7 đại đội, hoạt động trên các địa bàn trọng điểm Thái Nguyên, Vĩnh Yên và Phúc Yên; đồng thời sử dụng các đại đội khác bố trí ở các huyện Đông Anh, Đa Phúc, Kim Anh, Yên Lãng, Phú Bình, Võ Nhai, Chợ Chu, Đại Từ, Đồng Hỷ. Trung đoàn 72 để lại Tiểu đoàn 25, lực lượng còn lại phân tán thành 5 đại đội bố trí ở Chợ Đồng, Chợ Rã, Ngân Sơn. Trung đoàn 165 được tăng cường Tiểu đoàn 11 bố trí ở các huyên Chợ Rã, Chợ Đồn và thị xã Bắc Kạn. Trên Mặt trận đường số 4, Trung đoàn 74 để lại Tiểu đoàn 73 cơ động, còn lại 6 đại đội được bố trí ở các huyện Nguyên Bình, Sóc Giang, Hòa An, Quảng Nguyên, Phục Hòa, Đông Khê. Trung đoàn 11 để lại Tiểu đoàn 374 làm nhiệm vụ cơ động, hai tiểu đoàn còn lại phân thành 6 đại đội về hoạt động ở các huyện Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng, Điềm He, Lộc Bình và Đồng Mỏ. Với tổng số khoảng 20 tiểu đoàn bộ binh và pháo binh tập trung triển khai lực lượng, hình thành các mặt trận trên ba hướng chiến dịch, không những ta tránh được chỗ mạnh của địch mà còn từng bước vô hiệu hóa, trước hết là hướng Tây (Sông Lô-đường số 2), tiến tới bẻ gãy từng gọng kìm, phá thế hợp vây tiến công Việt Bắc bằng hai gọng kìm của địch.

Cùng với việc xác định hướng, mục tiêu tiến công, tổ chức lực lượng tạo thế trận phù hợp, ta vận dụng cách đánh sáng tạo, linh hoạt. Sau khi xác định mục tiêu tác chiến chủ yếu là quân địch vận động trên đường bộ và trên sông, Bộ Tổng chỉ huy đã quyết định phân tán chủ lực của Bộ và các Khu 1, 10, 12 thành 18 tiểu đoàn, tác chiến trên ba mặt trận và chuyển thành 30 đại đội về hoạt động độc lập ở một số huyện trên địa bàn chiến dịch. Việc phân tán binh lực một số trung đoàn thành “các đại đội độc lập và tiểu đoàn tập trung” không phải là “bước lùi” về quy mô tổ chức sử dụng lực lượng mà là chủ trương sáng tạo phù hợp với tình hình chiến trường, nhằm đẩy mạnh chiến tranh du kích, tạo điều kiện cho các tiểu đoàn của ta tập trung tác chiến chiến dịch hiệu quả. Trên ba mặt trận (ở ba hướng chiến dịch), ta tổ chức lực lượng quy mô cấp tiểu đoàn, đại đội, nhất là ở Mặt trận Sông Lô-đường số 2, bộ đội ta chủ yếu tổ chức phục kích, kết hợp bộ binh đánh trên bộ với pháo binh đánh trên sông. Bằng cách đánh đó, ta đã khoét sâu chỗ yếu cơ bản của địch khi chúng thoát ly công sự kiên cố, thoát ly khỏi chi viện của máy bay, pháo binh; tổ chức đánh nhiều trận giành thắng lợi lớn. Các đơn vị bộ đội còn hỗ trợ dân quân, du kích hoạt động ở nhiều nơi, tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, buộc chúng phải rút lui, giữ vững căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc.

Chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông 1947 có ý nghĩa chiến lược quan trọng, đã đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của địch, góp phần quyết định làm phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, giữ vững căn cứ địa kháng chiến của cả nước. Chiến dịch Việt Bắc đánh dấu mốc hình thành rõ nét về nghệ thuật chiến dịch, trong đó chọn đúng hướng (khu vực tác chiến) phản công, lập thế trận bố trí lực lượng phù hợp và vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo để đánh địch giành thắng lợi.
Đại tá, TS Dương Đình Lập

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/302/302/211923/Default.aspx


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: lexuantuong1972 trong 21 Tháng Mười, 2012, 08:28:33 pm

BÍ MẬT VƯỢT SÔNG, ĐÁNH THẮNG TRẬN MỞ MÀN

QĐND - Thứ Bẩy, 20/10/2012, 20:32 (GMT+7)

QĐND - Tháng 9-1952, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở chiến dịch Tây Bắc và lựa chọn Nghĩa Lộ làm mục tiêu tấn công mở màn chiến dịch.

Thực hiện chủ trương của Đảng, từ tháng 5-1952 quân và dân tỉnh Yên Bái bước vào chuẩn bị mọi mặt để phối hợp và phục vụ chiến dịch. Dân quân, du kích các xã Việt Long, Hưng Khánh, Đại Đồng, Tân Hợp (huyện Trấn Yên), Cát Thịnh, Thượng Bằng La, Minh An, Bình Thuận, Chấn Thịnh (huyện Văn Chấn) cùng các đơn vị bộ đội địa phương dẫn đường đưa quân báo của Đại đoàn 308 vào vùng địch và bảo vệ an toàn các con đường từ vùng tự do vào Nghĩa Lộ như đường 13A, đường từ Mậu A qua đèo Quế, đèo Khâu Vác, nắm tình hình địch ở các đồn Ba Khe, Ca Vịnh, Sài Lương, Thượng Bằng La, Đồng Bồ. Tỉnh còn thành lập Hội đồng cung cấp tiền phương, bố trí cán bộ phụ trách việc huy động và chỉ huy dân công phục vụ chiến dịch.
(http://image.qdnd.vn/Upload/phucthang/2012/10/20/3181559820121020160718640.JPG)
Bộ đội ta hành quân tiến vào Tây bắc năm 1952. Ảnh tư liệu.

Cuối tháng 9, đầu tháng 10-1952, các đơn vị từ địa điểm tạm đứng chân đã tiến vào vị trí tập kết, song do địa hình hiểm trở, phải vượt sông Hồng, nên việc vận chuyển vũ khí, vật chất hậu cần cho chiến dịch gặp nhiều khó khăn. Bộ đội và dân quân du kích đã dựa vào dân, nghiên cứu địa hình, học tập kinh nghiệm của dân để lập bến, tổ chức vượt sông. Ban chỉ huy vượt sông tại các bến hiệp đồng chặt chẽ, liên hệ và vận động nhân dân các xã ven sông ủng hộ tre, nứa, lá cọ, dựng các lán trại cho các đơn vị tập kết chuẩn bị vượt sông; phối hợp, tạo điều kiện cho bộ đội công binh lắp cầu phao, đóng thuyền, bè, mảng, dẫn đường cho bộ đội chủ lực, vũ khí, đạn dược qua sông an toàn, đúng kế hoạch. Khối lượng vũ khí, vật chất vận chuyển qua sông Hồng lên tới gần 50 nghìn tấn.

Phục vụ chiến dịch, nhân dân ở các xã ở vùng tự do ủng hộ lương thực, thực phẩm cho bộ đội; tham gia dân công vận chuyển vũ khí, vật chất hậu cần, bảo vệ bộ đội. Bộ chỉ huy chiến dịch và các đơn vị bộ đội, dân quân, du kích tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, thực hiện tốt phòng gian, bảo mật, nên kế hoạch tác chiến, ý định mở chiến dịch giữ được bí mật đến khi mở màn chiến dịch. Chỉ sau 2 ngày chiến đấu, trận đánh Nghĩa Lộ mở màn chiến dịch Tây Bắc đã giành thắng lợi.

Tân Vũ Bảo Yên

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/302/302/211930/Default.aspx


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: lexuantuong1972 trong 03 Tháng Mười Một, 2012, 08:46:49 pm
Chiến dịch Biên giới Thu-Đông 1950

NGHỆ THUẬT LỰA CHỌN KHU VỰC TÁC CHIẾN VÀ ĐỘT PHÁ MỞ MÀN CHIẾN DỊCH

QĐND - Thứ Bẩy, 03/11/2012, 18:54 (GMT+7)

QĐND
- Từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1950, tình hình thế giới có nhiều thay đổi, cách mạng Trung Quốc thành công, nhà nước Trung Hoa ra đời (1-10-1949). Để thúc đẩy cuộc kháng chiến phát triển và đánh bại âm mưu của thực dân Pháp, tháng 6-1950, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch tiến công biên giới (Chiến dịch Lê Hồng Phong II), nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, khai thông biên giới với Trung Quốc và các nước XHCN, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc.

Thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng, sau khi phân tích, nắm tình hình, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định phương châm đánh điểm, diệt viện, lấy tiêu diệt địch ngoài công sự là chính. Trận then chốt mở màn chiến dịch là cứ điểm Đông Khê. Thất thủ Đông Khê, địch sẽ phải ứng cứu và ta bố trí trận địa sẵn đón địch. Sáng 16-9-1950, bộ đội ta nổ súng tiến công cứ điểm Đông Khê; đến 10 giờ ngày 18-9-1950 ta đã làm chủ Đông Khê. Đúng như dự kiến, Đông Khê thất thủ, ngày 1-10-1950, quân Pháp điều động Binh đoàn Lơ-pa-giơ từ Thất Khê lên ứng cứu Đông Khê và ngày 3-10-1950, rút Binh đoàn Sác-tông từ Cao Bằng về nhằm hợp quân với Binh đoàn Lơ-pa-giơ ở Cốc Xá. Từ ngày 3 đến 7-10, bộ đội ta lần lượt tiêu diệt Binh đoàn Lơ-pa-giơ ở Cốc Xá, Binh đoàn Sác-tông ở điểm cao 477 và một số điểm cao khác như 590, 649, 765... hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngày 14-10-1950, chiến dịch kết thúc thắng lợi.

(http://image.qdnd.vn/Upload/phucthang/2012/11/3/5463238020121103164701390.jpg)
Niềm vui của bộ đội ta tham gia Chiến dịch Biên giới Thu-Đông 1950 thắng lợi. Ảnh tư liệu

Bị thất bại, địch hoang mang rút khỏi các cứ điểm Thất Khê, Lộc Bình, Na Sầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Đình Lập, An Châu. Đường số 4 và một vùng biên giới Việt-Trung được giải phóng. Thắng lợi của chiến dịch, mở ra một bước ngoặt quan trọng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh dấu bước phát triển vượt bậc nghệ thuật quân sự Việt Nam, điển hình là nghệ thuật lựa chọn chính xác khu vực tác chiến chủ yếu và điểm đột phá mở màn chiến dịch.

Trong chiến dịch này, ta chọn Đường số 4 dài 320km, riêng đoạn Cao Bằng - Thất Khê dài 70km được chọn làm khu vực tác chiến chủ yếu. Đó là đoạn đường cách xa Lạng Sơn (trung tâm chỉ huy biên thùy của địch) khoảng100km, là khu vực địch sơ hở. Các vị trí Cao Bằng - Đông Khê - Thất Khê cách xa nhau từ 25km đến 45km, lại là đầu mút của đường số 4, nên khả năng tự vệ của địch ở từng vị trí kém, khả năng ứng cứu và tăng viện tiếp tế từ dưới lên càng khó khăn, tốn kém và nguy hiểm kể cả bằng đường bộ, đường không. Địa hình núi non, hiểm trở thuận tiện cho ta cơ động tác chiến, mà chủ yếu là đi bộ và sử dụng vũ khí mang vác.

Chọn Đường số 4 phù hợp với mục đích chiến dịch là giải phóng Đường số 4, khai thông biên giới Việt-Trung. Khu vực này gần hậu phương kháng chiến của ta, thuận tiện chỉ đạo và huy động lực lượng cùng phương tiện phục vụ tiền tuyến, cũng như toàn bộ công tác bảo đảm chiến dịch. Cao Bằng và Đông Khê nối liền với Trung Quốc bằng 4 trục đường, trong đó Trùng Khánh và Thủy Khẩu đang được dùng cho việc chuẩn bị vật chất cho chiến dịch.

Trong khu vực tác chiến chủ yếu (Cao Bằng-Đông Khê-Thất Khê), Bộ chỉ huy chiến dịch chọn Đông Khê làm điểm đột phá mở màn chiến dịch, bởi vì Đông Khê là mắt xích quan trọng nối Cao Bằng với Thất Khê. Tiến công Đông Khê, toàn bộ tuyến phòng ngự của địch trên Đường số 4 bị chia cắt và Cao Bằng bị cô lập, địch sẽ phải tăng cường đưa quân ứng cứu Đông Khê hoặc rút quân từ Cao Bằng về để giữ Đông Khê. Mặt khác, địch ở Đông Khê yếu hơn so với các vị trí khác, chỉ có 2 đại đội lê dương, 2 trung đội ngụy, một trung đội pháo 105mm, công sự kiên cố. Trong khi đó, địch bố trí ở liên khu biên giới Đông Bắc 11 tiểu đoàn và 9 đại đội bộ binh, gần 30 khẩu pháo lớn, 4 đại đội cơ giới, 4 đại đội công binh, 8 máy bay, có lực lượng dự bị cơ động chiến lược chi viện. Về ta, chọn Đông Khê phù hợp với nguyên tắc bảo đảm chắc thắng trận đầu trong tác chiến chiến dịch, phù hợp với cách đánh điểm diệt viện, lấy tiêu diệt địch ngoài công sự là chính, thuận tiện triển khai binh hỏa lực, phù hợp với khả năng chiến đấu của bộ đội.

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới 1950 còn do chọn phương châm tác chiến đúng; tập trung ưu thế lực lượng đến mức cần thiết để bảo đảm đánh chắc thắng trận then chốt mở màn chiến dịch. Ta bố trí thế trận hiểm, chuyển hóa thế trận kịp thời, bao vây chặt, chia cắt tốt, chỉ đạo vận dụng chiến thuật linh hoạt, sáng tạo, tiến công mạnh, lần lượt tiêu diệt từng mục tiêu. Trong suốt quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch, ta luôn giữ vững và phát huy quyền chủ động; chuẩn bị mọi điều kiện cơ sở vật chất, tiến hành công tác chính trị sắc bén, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu anh dũng, chiến đấu liên tục cho bộ đội.

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới Thu-Đông năm 1950 tạo nên sự thay đổi cục diện của cuộc chiến tranh, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta sang một giai đoạn mới - giai đoạn ta hoàn toàn nắm quyền chủ động tiến công chiến lược. Thực tế chiến dịch để lại những kinh nghiệm quý về nghệ thuật lựa chọn khu vực tác chiến và điểm đột phá mở màn chiến dịch, là cơ sở khoa học để ta vận dụng sáng tạo vào các chiến dịch tiếp theo, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Đại tá ĐÀO VĂN ĐỆ

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/302/302/214067/Default.aspx
______
Tôi đang nghi ngờ tấm ảnh minh họa ở bài này bị nhầm lẫn. Hình ảnh mấy chiến sĩ ta đầu đội mũ cối  và ngồi trên xe jeep lùn của những năm chống Mỹ  >:(. Các bác đánh giá hộ. [/i]


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: lexuantuong1972 trong 04 Tháng Mười Một, 2012, 10:54:28 am

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Tây Bắc (1952-2012)


KÝ ỨC NHỮNG NGÀY ĐI CHIẾN DỊCH  


QĐND - Thứ Bẩy, 03/11/2012, 18:54 (GMT+7)

Đánh thắng trận mở màn

QĐND - Sáu mươi năm đã trôi qua, nhưng ấn tượng về trận tiêu diệt Phân khu Nghĩa Lộ còn in đậm trong tâm trí chúng tôi, những cựu chiến binh của Đại đoàn Quân Tiên Phong - 308, đơn vị đảm nhiệm trọng trách tiến công Phân khu Nghĩa Lộ, mở màn chiến dịch Tây Bắc thu đông 1952. Trung đoàn Thủ Đô (e102) tiêu diệt địch ở Pú Chạng, Trung đoàn Tu Vũ (e88) tiêu diệt địch ở Nghĩa Lộ phố, Trung đoàn Bắc Bắc (e36) tiêu diệt địch ở Cửa Nhì.

Phân khu Nghĩa Lộ là một trong bốn phân khu của giặc Pháp cùng với các Phân khu Sông Đà, Phân khu Sơn La, Phân khu Lai Châu hợp thành Khu tự trị Tây Bắc (gọi tắt là ZANO), chiếm đóng miền Tây Bắc của ta.

Chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ là viên quan tư Ti-ri-ông (Tirillon), một tên ác ôn thực dân cáo già từ thời kỳ Pháp thuộc, y nói được tiếng Thái, có mặt ở Tây Bắc từ năm 1940.

Tại thung lũng Nghĩa Lộ, chính giữa là thị trấn, cuối thị trấn về phía tây nam là cứ điểm Nghĩa Lộ (còn gọi là Nghĩa Lộ phố) xây dựng trên vị trí trại lính khố xanh cũ, có khoảng 500 quân đồn trú. Sân bay dã chiến của phân khu trải dài từ cứ điểm Nghĩa Lộ đến gần dãy núi Pú Chạng. Cứ điểm Pú Chạng (còn gọi là Nghĩa Lộ đồi) có 300 quân chiếm đóng ở một địa thế cao. Với hệ thống công sự vững chắc, với địa thế hiểm hóc, lại có vành đai các tiền đồn bảo vệ, khi bị uy hiếp, lại có quân tăng viện bằng nhảy dù, nên viên quan tư Ti-ri-ông cho rằng, Việt Minh không có khả năng đánh Nghĩa Lộ. Y không biết số phận của y sắp được định đoạt.

(http://image.qdnd.vn/Upload/hoangha/2012/11/3/6130950020121103183607343.jpg)
Một đơn vị tham gia chiến dịch nghiên cứu vị trí chiến đấu trên sa bàn. Ảnh tư liệu  


Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ nhận nhiệm vụ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao trong Hội nghị của Bộ Tổng tư lệnh họp từ ngày 6 đến ngày 9-9-1952. Ông nhận rõ trách nhiệm rất nặng nề: Trận đầu phải thắng! Đó là truyền thống của quân đội ta. Ông giao cho Trung đoàn trưởng 36 Hồng Sơn đi trinh sát đồn Cửa Nhì, còn ông dẫn đầu đoàn cán bộ đi vào Nghĩa Lộ. Phương án tác chiến sơ bộ hiện ra trong đầu ông: “Giao cho Trung đoàn 102 đánh Pú Chạng, Trung đoàn 88 đánh Nghĩa Lộ phố”. Trong đoàn cán bộ, ai cũng biết Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ tuổi cao, mắc bệnh đau dạ dày nặng; Trung đoàn trưởng 102 Vũ Yên đang bị lên một cái nhọt ở bắp đùi, Trung đoàn trưởng 88 Thái Dũng bị cụt bàn tay phải, trèo đèo leo dốc hay bị ngã…

Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đến Nậm Mười thì gặp đồng chí Sinh, Phó bí thư Huyện ủy Văn Chấn từ vùng địch ra cung cấp tình hình. Đồng chí Sinh là người mà tên Boa Lô (Boileau), chỉ huy phó Phân khu Nghĩa Lộ đặt giá cái đầu bằng một tạ muối. Được vài ngày, đoàn cán bộ chuẩn bị chiến trường cạn lương thực, đồng chí Phách cán bộ địa phương đã kịp thời vận động nhân dân bản Hẻo tiếp tế cho đoàn. Lúc đoàn rút ra thì đại đội trưởng súng cối Mạnh Trung lên cơn sốt ly bì, một số chiến sĩ trinh sát dầm sương, ngâm nước, nhịn đói, cũng bị ốm nặng. Đồng chí Phách đề nghị với Đại đoàn trưởng để các đồng chí ốm ở lại bản Hẻo...

Đêm 7-10-1952, đại quân vượt sông Thao. Đại đoàn 308 và pháo binh qua bến Âu Lâu, các đơn vị khác qua các bến Mậu A, Cổ Phúc. Chỉ trong một đêm, nhân dân Yên Bái chở hết quân của Đại đoàn 308 và pháo binh sang sông. Thật là một kỳ tích! Người chèo thuyền số đông lớn tuổi, lại có những em gái 15, 16 tuổi, bóng nhỏ vai gầy, cúi rạp xuống dưới sức nặng của mái chèo. Nam nữ thanh niên Yên Bái đi bộ đội, đi dân công hết cả rồi chăng? Một kỳ tích nữa là cả một tập đoàn chiến dịch gần 5 vạn quân vượt sông Thao tiến vào Tây Bắc mà địch không hề hay biết. Cho tới 10 ngày sau đó, khi quân ta nổ súng tiêu diệt Phân khu Nghĩa Lộ, Bộ chỉ huy Pháp ở Hà Nội vẫn đinh ninh là Việt Minh sẽ tấn công hướng đồng bằng Bắc Bộ.

Qua sông, Trung đoàn 102 và Trung đoàn 88 ở mũi tiến công chính theo đường mòn xuyên rừng vượt Khau Vác tiến vào Nghĩa Lộ; Trung đoàn 36 theo đường 13 vượt đèo Bụt tiến vào Cửa Nhì.

Dân công gồng gánh lương thực, đạn dược theo sát bộ đội, đường trơn mưa ướt, có lúc ùn tắc không nhích được nửa bước vẫn cứ gánh gồng trên vai không dám đặt xuống. Đường mòn nhão bùn như vữa, bốc lên mùi tanh của lá mục rừng già, muỗi vắt hàng đàn, bàn chân bị nước ăn trắng bệch, có chỗ rộp phồng. Nhưng không một ai lùi bước.

Ngày 14-10-1952, chiến dịch Tây Bắc mở màn. Để tạo thế cho Đại đoàn 308 vào sâu chiếm lĩnh trận địa bao vây tiêu diệt Sở chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ, các trung đoàn của đơn vị bạn đánh trước một số vị trí: Trung đoàn 174 đánh Ca Vịnh, Trung đoàn 141 đánh Sài Lương, quân địch ở các vị trí này bỏ chạy. Trung đoàn 98 tiêu diệt vị trí Gia Phù.

Ngày 15, Ti-ri-ông chỉ huy trưởng Phân khu Nghĩa Lộ đưa một đại đội Ta-bo (lính Ma-rốc) vừa được tăng cường đi sục sạo ở Khau Vác, bị một đơn vị của Đại đoàn 312 tiêu diệt gọn tại Nậm Mười.

Ngày 16-10, các vị trí địch ở Thượng Bằng La, Ba Khe rút chạy. Bộ chỉ huy Pháp ở Hà Nội thấy tình hình nghiêm trọng vội ném tiểu đoàn dù số 6, do Bi-gia (Bigeard) chỉ huy xuống Tú Lệ để chặn đường tiếp tế của quân ta, giữ Sơn La và giải tỏa cho Nghĩa Lộ. Chúng cũng tăng cường Tiểu đoàn 3 Lê dương lên Nà Sản để bảo vệ Sơn La.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho Đại đoàn 308 nhanh chóng tiến vào bao vây chặt quân địch ở Nghĩa Lộ, không cho chúng rút chạy về Sơn La và nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Ngày 17-10, hai Trung đoàn 102 và 88 từ đỉnh cao 1.500m đổ xuống tiến vào chiếm lĩnh trận địa, bao vây Nghĩa Lộ.

Lợi dụng sương mù, Trung đoàn 102 cùng với pháo binh và súng phòng không chiếm lĩnh những điểm cao đối diện với Pú Chạng, đợi lệnh nổ súng; Trung đoàn 88 chờ trời tối sẽ tiến vào Nghĩa Lộ phố. Trong lúc đó, Trung đoàn 36 đã bao vây Cửa Nhì.

14 giờ 30 phút, pháo binh ta bắn phá trận địa pháo 105mm của địch ở Nghĩa Lộ phố, tạo điều kiện cho Trung đoàn 102 từ 3 hướng chia làm nhiều mũi tiến đánh Pú Chạng.

Ba tốp máy bay Hen-cát và một tốp B26 xuất hiện trên bầu trời, ném bom na-pan và bom phá vào đội hình xuất phát xung phong, làm 34 cán bộ, chiến sĩ bị thương, trong đó có Trung đoàn phó Hùng Sinh. Bộ đội phòng không nghênh chiến, bắn rơi 2 chiếc Hen-cát. Đại đội chủ công 267 lọt vào đồn, nhanh chóng thọc sâu chia cắt quân địch. Đến 20 giờ, Trung đoàn 102 tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Pú Chạng, bắt sống 177 tên địch, trong đó có viên quan tư Ti-ri-ông. Trong lúc quân ta thu dọn chiến trường, máy bay địch lại ném bom xuống trận địa, Tiểu đoàn trưởng Vũ Phương hy sinh ngay dưới chân đồi.

Tôi rất quen biết Vũ Phương, một cán bộ trẻ tuổi, thông minh, dũng cảm đã đánh thắng trận Bình Ca năm 1947. Khi ấy tôi là chính trị viên tiểu đoàn, đã kết nạp Vũ Phương vào Đảng ngay sau chiến thắng. Rồi Vũ Phương đánh thắng trận Non Nước và lần này đánh thắng trận Pú Chạng, nhưng đã anh dũng hy sinh.

Cứ điểm Pú Chạng bị tiêu diệt sớm, Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ ra lệnh cho Trung đoàn 88 chiếm lĩnh trận địa dưới ánh pháo sáng và đèn dù của máy bay địch, đến 3 giờ sáng ngày 18-10 thì nổ súng. Giai đoạn mở của đột phá diễn ra rất gay go. Bộ đội ta vừa đối phó với máy bay vừa khẩn trương diệt các ổ đề kháng của địch trong cứ điểm. Đến 8 giờ sáng ngày 18, Trung đoàn 88 tiêu diệt hoàn toàn vị trí Nghĩa Lộ phố, bắt 235 tên địch, trong đó có cả tên Đại úy Bác-be, chỉ huy quân tăng viện. Ta thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng, trong đó có 2 khẩu pháo 105mm và hàng nghìn viên đạn pháo.

Tại Cửa Nhì, địch cũng dùng máy bay thả bom na-pan xuống trận địa bao vây của ta. Có người trúng na-pan lăn mình dập lửa rồi tiếp tục vây ép địch. Nắm đúng thời cơ lúc quân địch chuẩn bị rút chạy, Trung đoàn trưởng Hồng Sơn ra lệnh tấn công. Trận đánh diễn ra nhanh, gọn. Trong đêm 18, Trung đoàn 36 diệt đồn Cửa Nhì, bắt sống 80 tên địch, trong đó có 2 tên sĩ quan chỉ huy.

Đại đoàn 308 đã hoàn thành nhiệm vụ. Cả 3 trung đoàn đều lập công xuất sắc.

Tại Cửa Nhì, Tiểu đoàn phó Tường (có biệt hiệu là Tường kính) hy sinh. Đó là một cán bộ trẻ, có cặp mắt tươi cười sau cặp kính trắng, rất có năng lực, đầy triển vọng. Anh vấp phải mìn khi đi trinh sát. Trong khi Đại đoàn 308 tiêu diệt Sở chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ thì trên các hướng khác, Trung đoàn 98 tiêu diệt Sở chỉ huy Tiểu khu Phù Yên; địch ở Vạn Yên rút chạy.

Trên hướng Bắc, dưới áp lực của Đại đoàn 312, quân địch ở Gia Hội rút chạy về Tú Lệ, nhập với tiểu đoàn dù tháo chạy về phía sông Đà. Trung đoàn 165 đuổi địch suốt 5 ngày đêm, diệt và làm tan rã hàng trăm quân địch. Ngày 23-10, Đại đoàn 312 đã có mặt ở bờ sông Đà.

Trung tướng PHẠM HỒNG CƯ

(còn nữa)

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/10/52/52/214117/Default.aspx


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: lexuantuong1972 trong 04 Tháng Mười Một, 2012, 10:59:48 am

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Tây Bắc (1952-2012)

KÝ ỨC NHỮNG NGÀY ĐI CHIẾN DỊCH (tiếp theo và hết)

QĐND - Chủ Nhật, 04/11/2012, 9:22 (GMT+7)

QĐND - Phía mũi vu hồi chiến dịch đánh vào sau lưng địch ở Lai Châu, Tiểu đoàn 910 (Trung đoàn 148) từ Lào Cai tiến vào Quỳnh Nhai đánh tan một tiểu đoàn ngụy và một tiểu đoàn Ta-bo tới cứu viện.

Sau 10 ngày đêm chiến đấu (từ 14-10 đến 23-10-1952), ta đã giải phóng một khu vực rộng lớn vùng hữu ngạn sông Thao, tả ngạn sông Đà từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, làm chủ con đường 13 nối liền Yên Bái với Nghĩa Lộ. Phân khu Nghĩa Lộ và Tiểu khu Phù Yên bị tiêu diệt. Ta diệt 500 tên địch, bắt sống hơn 1000 tên, trong đó có 300 lính Âu Phi, nhiều sĩ quan, chỉ huy các cấp.

Đợt một chiến dịch kết thúc thắng lợi.

Bảo vệ vững chắc hậu phương


Mở màn Chiến dịch Tây Bắc, chỉ trong mười ngày, quân ta đã tiêu diệt Phân khu Nghĩa Lộ, Tiểu khu Phù Yên, giải phóng vùng hữu ngạn sông Thao, tả ngạn sông Đà từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, áp sát sông Đà, chuẩn bị vượt sông tiến sâu vào Tây Bắc.

Quân Pháp đối phó quyết liệt. Một mặt chúng lập phòng tuyến hữu ngạn sông Đà, tăng quân lập tập đoàn cứ điểm Nà Sản; mặt khác, chúng huy động lực lượng mở cuộc hành binh Lo-ren đánh lên hậu phương chiến dịch ở Phú Thọ nhằm triệt đường tiếp tế, tàn phá làng mạc, kho tàng, hòng kéo lực lượng ta về để giảm nhẹ áp lực ở Tây Bắc.

(http://image.qdnd.vn/Upload/phucthang/2012/11/3/638712920121103165227359.jpg)
Bộ đội hành quân luồn rừng đi chiến dịch. Ảnh tư liệu

Trong các chiến dịch quân sự mà quân Pháp đã tiến hành cho tới lúc đó ở Đông Dương, thì Lo-ren là cuộc hành binh lớn nhất. Lực lượng gồm: 4 binh đoàn cơ động, 3 tiểu đoàn dù, 5 đội com-măng-đô, 2 tiểu đoàn thiết giáp, 2 đại đội chiến xa hạng nhẹ và thiết giáp trinh sát, 2 thủy đoàn xung kích, 2 cụm pháo binh cùng các đơn vị công binh, tổng số quân lên đến 30.000 người. Cuộc hành binh Lo-ren do Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ, Đờ Li-na-rét lập kế hoạch và trực tiếp chỉ huy.

Ngày 28-10-1952, quân địch từ Trung Hà, Việt Trì theo đường sông và đường số 2 đánh lên thị xã Phú Thọ. Ngày 8-11-1952, chúng cho quân nhảy dù xuống Đoan Hùng.

Sự kiện này xảy ra không ngoài dự kiến của Bộ Tổng tư lệnh. Trong hồi ức của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Ta đã dự kiến khi mở cCiến dịch Tây Bắc, địch có thể đánh lên Phú Thọ, nên đã bố trí tại đây Trung đoàn 176 một tiểu đoàn của Trung đoàn 146 cùng bộ đội địa phương với nhiệm vụ ngăn chặn quân địch, bảo vệ nhân dân, bảo vệ kho tàng".

Bộ Tổng tư lệnh quyết định giữ vững quyền chủ động tiếp tục thực hiện đợt hai chiến dịch Tây Bắc, vượt sông Đà tiến vào giải phóng Sơn La, chỉ rút khỏi đội hình chiến dịch một trung đoàn, nhanh chóng quay về tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, cùng với bộ đội chủ lực và địa phương phá âm mưu địch đánh vào hậu phương ta. Đơn vị được trao nhiệm vụ là Trung đoàn 36, một trung đoàn giỏi đánh vận động, do tiền phương Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy. Thời gian nổ súng đánh địch ở Phú Thọ được quy định chậm nhất là ngày 14-11-1952, trước khi đợt hai chiến dịch bắt đầu.

Tại Phú Thọ, nhân dân và các cơ quan, xí nghiệp, kho tàng đã được lệnh sơ tán vào rừng. Quân và dân Phú Thọ sẵn sàng nghênh chiến. Giặc Pháp bước chân vào huyện Tam Nông đã bị chặn đánh, chết 40 tên. Du kích một xã ở Lâm Thao một ngày ba lần đánh bật địch ra khỏi xã, diệt 20 tên. Du kích thị xã Phú Thọ giật bom tiêu diệt một trung đội địch. Dân quân Thanh Ba diệt 10 tên giặc. Dân quân Phù Ninh bám đường số 2 đánh mìn, diệt một xe... Tuy chỉ một, hai xe cơ giới bị lật đổ, vài tên giặc gục xuống, nhưng hiệu quả lớn hơn nhiều: Binh lính địch gờm sợ, không dám tiến sâu vào hai bên đường, đốt nhà, phá phách. Tuy vậy, chúng cũng phá được 3 kho gạo, 1 kho muối, 1 kho vũ khí hơn 100 tấn ta chưa kịp di chuyển.

Sau nửa tháng hành quân, cuộc hành binh Lo-ren với 3 vạn quân Pháp đánh lên Phú Thọ không mang lại cho chúng kết quả mong đợi. Ở Tây Bắc, quân ta vượt sông Đà, tiếp tục tiến công địch.

Ở đồng bằng Bắc Bộ, nắm thời cơ lúc đại bộ phận quân cơ động bị địch giam chân ở Phú Thọ, hai Đại đoàn 320 và 304 tiến sâu vào vùng hậu địch trống rỗng như trong Chiến dịch Hòa Bình cuối năm 1951. Trong vòng 10 ngày, từ 5 đến 15-11-1952, chỉ riêng bên tả ngạn sông Hồng đã có tới 34 vị trí từ một trung đội đến một đại đội địch bị quân ta tiêu diệt, 16 vị trí rút chạy và 29 vị trí bị bao vây. Sáng 14-11-1952, quân ta đánh vào Phát Diệm, bắn chìm 3 tàu địch và tiêu diệt 3 đại đội đồn trú.

Bộ chỉ huy Pháp ở vào tình thế buộc phải rút quân về cứu nguy cho đồng bằng Bắc Bộ. Cũng có thể chúng đã phát hiện có một bộ phận chủ lực ta ở Tây Bắc đã quay về.

Chiều 14-11-1952, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, tướng Sa-lăng ra lệnh rút quân.

Lúc này, Trung đoàn 36 đã kịp về đến đất Phú Thọ sau một cuộc hành quân thần tốc đi liên tục 4 ngày 3 đêm từ Cửa Nhì về Phú Thọ. Bộ đội hành quân thâu đêm suốt sáng, chân bước vội vã như chạy, như bay. Điều gì thôi thúc chiến sĩ như vậy? Đó là các tin tức: "Địch đánh lên Phú Thọ!"... "Chúng chiếm Thái Ninh rồi!"... "Chúng nhảy dù Phú Đoan!".

Theo kế hoạch ban đầu, Trung đoàn trưởng Hồng Sơn đã thống nhất với Chỉ huy trưởng Mặt trận Phú Thọ Vũ Hiển, Trung đoàn 36 sẽ đánh đồn địch ở Vân Mộng. Qua sông Hồng, trung đoàn đi đến khu vực Tăng Mỹ, giấu quân bí mật, không chạm trán với quân địch đi càn quét, tích cực chuẩn bị cho trận đánh đồn Vân Mộng diễn ra vào tối 16-11-1952.

Đúng ngày 16-11-1952, trung đoàn nhận được tin địch rút. Điện của tiền phương Bộ Tổng tư lệnh: "Địch bắt đầu rút. Sơn Đông tìm cách đánh ngay" (Sơn Đông là bí danh của Trung đoàn 36 trong Chiến dịch Tây Bắc). Trinh sát của Trung đoàn 36 phái đi trước quay về báo tin: Từ sáng đến chiều 15-11, có 90 xe địch từ Đoan Hùng về Phú Hộ.

Trung đoàn trưởng Hồng Sơn chỉ huy trung đoàn đã nhiều năm, biết rất rõ năng lực của trung đoàn: Tích cực chủ động, cơ động linh hoạt, đã đánh là thắng, đã đánh là quyết định chiến trường. Đó là truyền thống Quân Tiên Phong. Trung đoàn trưởng chuyển quyết tâm tác chiến từ đánh đồn sang phục kích đánh địch rút lui. Thời gian rất gấp, phải đánh ngay sáng hôm sau (17-11), không để cho địch rút quá xuống dưới, địa hình trống trải khó đánh. Khu vực được chọn để phục kích là đoạn đường số 2 từ Chân Mộng đến Trạm Thản.

Cán bộ quân sự đi trước, vừa đi vừa hình thành kế hoạch tác chiến, vừa đi vừa giao nhiệm vụ; Tiểu đoàn 80 chặn đầu, Tiểu đoàn 89 khóa đuôi, gọi Tiểu đoàn 84 về làm dự bị.

Địch chốt 3 đồn ở Vân Mộng, Châu Mộng, Năng Yên. Đoàn cán bộ quân sự do Trung đoàn trưởng Hồng Sơn, các Tiểu đoàn trưởng Cao Lưu, Mai Xuân Tân dẫn đầu đang tìm đường mòn ra đường số 2 thì từ một bụi cây, một ông già tay cầm rìu xuất hiện, nói khẽ: "Bộ đội đi đâu? Đồn Năng Yên kia! Nói to nó nghe thấy?". Đó là cụ Nguyễn Văn Kính quen gọi là ông già "Lán than", chuyên chặt củi đốt than. Cụ dẫn đoàn cán bộ tránh đồn địch, đi ra đường số 2. Trung đoàn trưởng chỉ khu vực bố trí cho các đơn vị, giao nhiệm vụ tại thực địa. Ông già “Lán than” dắt Tiểu đoàn trưởng Cao Lưu và Tiểu đoàn 89 ra nơi ém quân. Phía tiểu đoàn 80 có đồng chí Bình, dân quân xã dẫn đường. Những người đi sau cùng xóa sạch dấu vết. Trận địa phục kích được hình thành trước 5 giờ sáng. Tiết đông lạnh lẽo, trời đầy mây, gió thổi rào rạt. Các chiến sĩ 36 thu mình dưới tán lá rừng đào công sự, chờ giặc đến. Chỉ có vài tổ cảnh giới bí mật bám đường.

Về phía địch, binh đoàn lính dù do Đơ Cuốc-nô chỉ huy đã rút an toàn về tới Việt Trì chiều 15-11. Lực lượng còn lại tập kết tại Đoan Hùng, sáng 17-11 bắt đầu rút, GM4 đi đầu do Kéc-ga-va-rat chỉ huy. GM1 đi sau do Bát-tia-va-ni chỉ huy. Mỗi đơn vị đều có pháo binh, có xe tăng thiết giáp yểm trợ riêng.

Đoàn cơ giới địch nặng nề rời Chân Mộng đi vào thung lũng. Chúng xua đẩy một số đồng bào ta bị bắt đi đầu làm bia đỡ đạn. Chờ cho số đồng bào và bộ phận đi đầu vượt qua trận địa, Trung đoàn trưởng Hồng Sơn hạ lệnh đánh. Kèn lệnh vang lên, toàn trận địa nổ súng. Địch bị hoàn toàn bất ngờ. Ngay từ loạt đạn đầu, hàng chục xe địch bốc cháy, hàng trăm tên địch trúng đạn. Quân ta từ các cánh rừng hai bên đường số 2 tràn xuống, xông vào đội hình xe và binh lính địch đang hoảng loạn, diệt địch. Đội hình địch bị đánh vào khúc giữa. Số xe đi đầu (40 chiếc) chạy thoát về Phú Hộ. Số đi sau chùn lại ở đồn Chân Mộng. Ta đánh nhanh rút nhanh, bắt tù binh, thu vũ khí. Đốt xe xong, ta lui quân, chỉ để lại một lực lượng nhỏ kiềm chế. Suốt ngày 17-11, địch co lại ở đồn Chân Mộng không dám cựa, đến sẩm tối, chúng bí mật rút chạy, nhưng thật bất ngờ, đúng lúc đó, Tiểu đoàn 84 xuất hiện.

Tiểu đoàn 84 đi đánh địch ở Đồn Vàng, nhưng địch ở đó đã rút. Tiểu đoàn trưởng Sơn Mã cho hành quân cấp tốc theo hướng có tiếng súng nổ. Gặp đoàn xe đi cuối, Sơn Mã ra lệnh đuổi theo trong đêm. Đường số 2 đầy xác lính địch và xe cháy làm cho Tiểu đoàn 84 càng hăng say truy kích. Tiểu đoàn trưởng Sơn Mã dẫn đầu bị trúng đạn hy sinh. Chiến sĩ Trần Văn Thoa căm thù đuổi theo dùng thủ pháo diệt xe. Tiểu đoàn 84 đuổi kịp địch, đánh vào những xe đi cuối ở Trạm Thản. Trận phục kích Chân Mộng-Trạm Thản kết thúc lúc 9 giờ tối 17-11-1952. Kết quả: Ta diệt 400 địch, bắt sống 84 tên, bắn cháy 44 xe cơ giới có 17 thiết giáp, thu 1 xe tăng còn nguyên vẹn.

Lúc ấy, tôi là Phó chính ủy Trung đoàn 36 cùng với Ban Chỉ huy trung đoàn nhanh chóng đưa Trung đoàn từ Tây Bắc quay về Phú Thọ đánh thắng trận Chân Mộng-Trạm Thản, tham gia bảo vệ hậu phương chiến dịch.

Sau đó trung đoàn ở lại Phú Thọ giúp đồng bào khắc phục hậu quả cuộc hành binh Lo-ren của giặc Pháp. Chúng tôi không tham dự đợt hai Chiến dịch Tây Bắc.

Đợt hai Chiến dịch Tây Bắc, đêm 15 và 16-11-1952, đại quân ta vượt sông Đà. Sau gần một tháng chiến đấu, ta đã giải phóng toàn tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản) và một phần quan trọng tỉnh Lai Châu.

Ngày 10-12-1952, Chiến dịch Tây Bắc kết thúc, giành thắng lợi to lớn. Chiến thắng Tây Bắc Thu đông 1952 đã mở đường cho chiến thắng Thượng Lào, giải phóng Sầm Nưa tháng 5-1953, chiến thắng giải phóng Lai Châu tháng 12-1953 và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tháng 5-1954./.

Trung tướng PHẠM HỒNG CƯ

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/10/52/52/214071/Default.aspx


Tiêu đề: Re: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: lexuantuong1972 trong 18 Tháng Mười Một, 2012, 05:06:43 pm
Kỷ niệm 60 năm Chiến dịch Tây Bắc (1952 - 2012)


BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI VỀ NGHỆ THUẬT CHIẾN DỊCH VIỆT NAM TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

QĐND - Thứ Bẩy, 17/11/2012, 12:21 (GMT+7)

QĐND - Sau chiến thắng Hòa Bình, Tây Bắc là vùng rừng núi duy nhất địch còn kiểm soát được tại Bắc Bộ. Nhận thấy đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, ta có điều kiện tác chiến tập trung, tháng 9-1952, Tổng Quân ủy quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc nhằm: Tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân và giải phóng một phần đất đai. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: 3 đại đoàn chủ lực (308, 312, 316), 6 đại đội sơn pháo 75mm, 3 đại đội súng cối 120mm, 1 trung đoàn công binh, 1 tiểu đoàn bộ binh và 11 đại đội bộ đội địa phương.

Sau gần 2 tháng tiến công liên tục, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 6.029 tên địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn khoảng 30.000km2 với 250.000 dân, nối liền Tây Bắc với Việt Bắc và Thượng Lào... Chiến dịch Tây Bắc đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc, toàn diện, vững chắc của quân đội ta, đặc biệt là bước phát triển mới, quan trọng về nghệ thuật chiến dịch (NTCD).

Sự phát triển ấy trước hết thể hiện, ta đã tập trung lực lượng phá vỡ từng khu vực phòng thủ then chốt của địch, tạo sự chuyển biến lớn cho chiến dịch. Địch ở Tây Bắc bố trí trên một khu vực rất rộng, trong đó chú trọng tăng cường phòng ngự ở một số điểm then chốt như Nghĩa Lộ, Mộc Châu, Lai Châu để tạo các lá chắn bảo vệ khu trung tâm Sơn La, Lai Châu. Trước đặc điểm phòng ngự của địch, Bộ chỉ huy chiến dịch đã kiên quyết tập trung lực lượng và các mặt bảo đảm để phá vỡ một số khu vực then chốt của địch. Trong đợt 1, ta sử dụng 2 đại đoàn, 1 trung đoàn bộ binh và toàn bộ pháo binh chiến dịch đánh địch ở khu vực Nghĩa Lộ, trong đó sử dụng 2 trung đoàn cùng pháo binh chiến dịch tiến công cụm cứ điểm Pú Chạng - Nghĩa Lộ. Do có ưu thế về binh hỏa lực và cách đánh phù hợp, ta nhanh chóng đập tan phòng tuyến vòng ngoài của địch từ hữu ngạn sông Thao đến tả ngạn sông Đà, từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai.

(http://image.qdnd.vn/Upload/phucthang/2012/11/17/1558846820121117112929859.jpg)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo phương án tác chiến đánh đồn Nghĩa Lộ năm 1952. Ảnh tư liệu.

Trong đợt 2 chiến dịch, ta sử dụng 3 đại đoàn thiếu (6 trung đoàn) và toàn bộ pháo binh chiến dịch đánh địch ở khu vực Mộc Châu, Bản Hoa, Ba Lay..., trong đó, sử dụng 2 trung đoàn tiến hành trận then chốt tiêu diệt cứ điểm Mộc Châu, do tiểu đoàn ngụy Thái số 2 chiếm giữ. Các trận tiến công ưu thế của ta trên khu vực này, đặc biệt là trận Mộc Châu đã phá vỡ chiếc lá chắn của địch trên Đường số 6, buộc chúng phải rút khỏi các vị trí Chiềng Pan, Sông Con, Tạ Say, Sa Piệt, Tạ Khoa..., khai thông con đường lên Tây Bắc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Trung đoàn 165 thọc sâu giải phóng Mường Sài, Sơn La và một vùng rộng lớn Nam Lai Châu.

Bằng việc chọn đúng và tập trung lực lượng ưu thế đập vỡ các khu vực then chốt, hiểm yếu, ta nhanh chóng phá vỡ thế trận phòng ngự của địch, làm rối loạn chỉ huy, dồn địch vào thế bị động đối phó, tạo ra những thuận lợi để chiến dịch phát triển nhanh chóng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai.

Cùng với đó ta tổ chức nghi binh, giữ bí mật chặt chẽ, tạo bất ngờ lớn với địch. Chiến dịch Tây Bắc là chiến dịch lớn, tiến hành trên một địa bàn rộng, với lực lượng và binh khí kỹ thuật lớn, đường hành quân xa... Để giữ bí mật, tạo bất ngờ lớn đối với địch, Bộ Tổng tư lệnh đã có kế hoạch chu đáo để che giấu mọi hoạt động chuẩn bị và tìm cách đánh lạc hướng quân Pháp. Trong quá trình chuẩn bị, việc sửa chữa những trục đường vận chuyển bằng ô tô, đường 13 từ Chủ Chè đi Yên Bái vào Ba Khe, Đường số 6 từ Hòa Bình lên Suối Rút và đường Hồi Xuân lên Suối Rút, được tiến hành từ nơi xa địch trước. Hậu cần không chuyển hàng hóa lên lót ổ, lập chân hàng bên hữu ngạn sông Hồng, mà phải tập kết bên tả ngạn, tổ chức vận chuyển theo sát các mũi tiến công...

Đặc biệt, Bộ chỉ huy tiến hành một kế hoạch nghi binh lớn, hiệu quả. Trung đoàn 238 ở Bắc Ninh, Bắc Giang mang tên mới là Đại đoàn 316; Trung đoàn 246 ở Vĩnh Yên mang tên Đại đoàn 308; Trung đoàn 91 ở Sơn Tây, Phú Thọ mang tên Đại đoàn 312; điện đài thường trực của các đại đoàn chủ lực tham gia Chiến dịch Tây Bắc đều bố trí ở vị trí cũ, tiếp tục phát tin liên lạc định kỳ theo mật mã cũ để lừa địch. Đúng ngày triển khai chiến dịch, Bộ Tổng tham mưu cho thay đổi mật mã, tổ chức tập trung dân quân tiến hành các cuộc chuyển quân rầm rộ ở Vĩnh Phúc, Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình; tổ chức làm cầu, sửa đường qua Tu Vũ để xuống Khu 3; đồng thời đưa 2 đại đoàn 304 và 320 vào địch hậu cùng thời điểm các đơn vị tham gia chiến dịch lên đường.

Các hoạt động nghi binh của ta trên nhiều hướng đã đánh lừa được Bộ chỉ huy Pháp ở Hà Nội. Chúng vẫn đinh ninh ta sẽ đánh đồng bằng và bố trí 29 trong số 32 tiểu đoàn cơ động vào việc phòng thủ hai bờ Nam, Bắc sông Hồng. Ngay cả khi một loạt vị trí xung quanh phân khu Nghĩa Lộ bị tiêu diệt, Bộ chỉ huy Pháp ở Hà Nội vẫn chưa biết hướng tiến công chủ yếu của ta.

Khi tiến hành chiến dịch, ta vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp nghi binh, bảo mật làm cho địch bất ngờ về hướng tiến công chủ yếu của đợt 2. Ta đã sử dụng Trung đoàn 165 tiến công trên hướng thọc sâu, ở khu vực phía Nam Lai Châu làm cho địch lầm tưởng đây là hướng chính, lập tức điều lên Lai Châu 2 tiểu đoàn đồng thời tăng viện cho Nà Sản 2 tiểu đoàn. Trong khi đó, trên hướng chủ yếu (Nam Sơn La), các trung đoàn của ta vượt sông Đà bí mật, an toàn, triển khai lực lượng đánh địch thắng lợi.

Có thể nói, trong Chiến dịch Tây Bắc, ta đã kết hợp chặt chẽ giữa nghi binh với phòng gian, giữ bí mật; đã lừa được địch trong một chiến dịch lớn, tạo được yếu tố bất ngờ để giành thắng lợi. Đây thực sự là bước tiến quan trọng, thể hiện sự phát triển mới về NTCD trong giai đoạn này.

Ta đã tổ chức thành công các trận then chốt tiêu diệt các cụm cứ điểm mạnh của địch ở địa hình rừng núi, thể hiện bước tiến mới trong đánh công kiên của bộ đội ta. Trong đợt 1, ta đã tổ chức thành công trận then chốt tiêu diệt cụm cứ điểm Pú Chạng - Nghĩa Lộ. Đây là trận công kiên quy mô 2 trung đoàn, đánh vào cụm cứ điểm mạnh nhất của phân khu Nghĩa Lộ, do 1 tiểu đoàn chiếm giữ, có hỏa lực khá mạnh và hệ thống công sự vật cản kiên cố, trên điểm cao có giá trị về chiến thuật. Trong trận này, ta đã tập trung ưu thế hơn hẳn địch; tổ chức đội hình chặt chẽ; thực hành chiến đấu công kiên, như bao vây, chiếm lĩnh trận địa, đột phá tiền duyên, chiến đấu tung thâm, củng cố giữ vững trận địa, rút lui, hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh, cũng như kiềm chế pháo binh địch... bộ đội ta cũng có nhiều tiến bộ. Bộ chỉ huy chiến dịch còn tổ chức tiêu diệt một loạt vị trí nhỏ tiền tiêu, đồng thời đưa lực lượng bao vây kiềm chế các cứ điểm lân cận không cho địch tổ chức ứng cứu, chi viện, tạo điều kiện chắc thắng cho trận đánh... Trong đợt 2, ta cũng đã tổ chức thành công trận công kiên quy mô hai trung đoàn, tiêu diệt cứ điểm Mộc Châu, do Tiểu đoàn ngụy Thái số 2 chiếm giữ.

Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định tại Hội nghị sơ kết Chiến dịch ngày 10-12-1952: "Thu Đông 1952 là Thu Đông chiến thắng Tây Bắc. Nếu nhìn rộng ra toàn chiến trường Bắc Bộ thì đó là thắng lợi lớn của ta trên con đường tiếp tục giành thế chủ động...”

--------------

[1]. Thắng lợi đó đã rèn luyện nhiều cho bộ đội ta, đánh dấu bước phát triển mới về NTCD, tạo điều kiện để ta tổ chức các chiến dịch giành những thắng lợi lớn hơn.

[2] Báo cáo kế hoạch TCCD và tổng kết kinh nghiệm của các chiến dịch lớn, BTTM... Xb 1963, tập 2, tr217.


Đại tá PHẠM HỮU THẮNG

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/302/302/216203/Default.aspx