Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Năm, 2024, 09:14:04 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Dải đất hẹp - Chặng đầu đánh Mỹ  (Đọc 15700 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #10 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2017, 10:07:44 am »

5.

Kan Lịch là một cô gái dân tộc Pa-koh, sinh ra và lớn lên tại bản Lê Lốc cứ đến mùa xuân là nở đầy hoa đào, bên dòng sông Plin xanh trong.

Các cô gái của làng Lê Lốc đều tham gia đánh giặc. Riêng Kan Lịch đã đánh hai mươi sáu trận. Kan Lịch đã giết chết bốn mươi mốt tên địch, trong số đó có ba thằng Mỹ, một thằng là đại tá, cùng đi chung trên một cái máy bay bị Kan Lịch bắn rơi. Đúng ra, những tên địch bị Kan Lịch tiêu diệt vượt khá xa con số bốn mươi mốt. Nhưng Kan Lịch đã tự quy định cho mình những nguyên tắc nghiêm ngặt khi tính toán lại con số này. Điều đầu tiên là phải hết sức rõ ràng. Một đêm mò vào căn nhà của bọn lính gác một cái lô-cốt bảo vệ đồn A Lưới, Kan Lịch thấy bọn lính đang đắp chăn nằm ngủ say. Bắn địch nằm ngủ thì dễ, nhưng không biết rõ ràng nó sống chết thế nào để về báo cáo. Cô gái quyết định đánh thức bọn địch dậy. Sau khi bắn bốn viên đạn các-bin, biết chắc chắn là mình giết được bốn tên, Kan Lịch mới rút chạy trước tiếng hò la đuổi theo của bọn địch. Lời nói của Kan Lịch hoàn toàn khớp với lời mấy tên lính ba ngày sau ra làng mua heo, kháo chuyện đêm trước, một mụ to to đen đen đã mò vào tận nhà ngủ bắn chết của chúng bốn người.

Những tên địch Kan Lịch báo cáo là mình đã tiêu diệt đều rõ ràng như thế. Kan Lịch không tính vào thành tích của mình những tên bị chính Kan Lịch giết bằng lựu đạn, bằng thuốc nổ, bằng tiểu liên trong những trận cùng đánh với các đồng chí khác. “Những cái nớ bỏ vô thành tích chung thôi”, theo lời Kan Lịch nói.

Một lần, Kan Lịch được cử đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua của các lực lượng vũ trang giải phóng miền Trung Trung-bộ. Sau đó Kan Lịch đi các nơi báo cáo. Khi quay về phân khu, cô đã xa làng Lê Lốc gần một năm. Kan Lịch tưởng được trở về làng ngay, thì các đồng chí ở phân khu lại bảo Kan Lịch nghỉ ngơi tại đây ít ngày, chờ dự Đại hội mừng công của các lực lượng vũ trang giải phóng Trị - Thiên.

Thấy Kan Lịch có vẻ buồn, các đồng chí ở phân khu đoán là Kan Lịch nhớ nhà. Kan Lịch còn mẹ già ở Lê Lốc. Chủ nhiệm chính trị cho Kan Lịch về thăm mẹ ba ngày. Sau này, Kan Lịch nói lại: “Thiệt ra không phải mình buồn vì nhớ nhà. Mình có nhớ nhà, nhưng nhớ mẹ, không làm cho mình buồn. Mình buồn vì nghe tin từ ngày chú Vai đi vắng 1, phong trào địa phương xuống, địch càn quét ác liệt, nhiều đồng chí hy sinh. Mình theo cách mạng chỉ mong có một điều là được chiến đấu. Một ngày không chiến đấu là một ngày mình không ưng. Chừ trên cứ cho mình đi mãi... Đi nhiều thì cũng học tập được thêm nhiều, nhưng chỉ có đi thì thành tích của mình cũng chỉ có rứa. Đại hội mô mình lên báo cáo cũng có chừng nớ chuyện. Vì rứa mình buồn.”

Được phân khu cho phép, Kan Lịch phóng thẳng một mạch về làng. Cũng vẫn con đường ấy, nhưng khi về nhanh gấp rưỡi khi đi. Tới làng, Kan Lịch chưa về với mẹ, cô vào ngay nhà đồng chí thôn đội trưởng. Ông cụ già báo cáo tình hình hoạt động của đội du kích từ ngày Kan Lịch đi vắng. Hai người cùng bàn cách củng cố phong trào. Kan Lịch nói:

- Mình muốn đêm ni ra đồn đánh một trận, người già ưng đi không?

- Ưng đi lắm chớ!

Một em bé nhà ở gần đó, thấy chị Kan Lịch về, chạy sang chơi, nghe hai người rủ nhau ra đồn đánh địch, cũng xin đi theo.

Đêm ấy, Kan Lịch dẫn đồng chí thôn đội trưởng và em bé ra đồn A Lưới. Dọc đường, từng ngã ba, con suối, gốc cây, Kan Lịch lại nhớ tới những kỷ niệm với từng đồng chí, nam có, nữ có, trẻ có, già có đã cùng đi chiến đấu với mình, hiện nay không còn nữa.

Tới đồn, Kan Lịch đi vòng quanh xem xét tình hình, nghĩ cách đánh địch. Trời tối, Kan Lịch dẫn tổ du kích vào cạnh sân bay đồn A Lưới. Cô gái đã biết sáng nào bọn chúng cũng đi tuần một lượt quanh sân bay. Kan Lịch chọn chỗ trú chân bất ngờ này để sớm sau đón đường phục kích quân địch. Cô giao hẹn:

- Gặp địch, thấy rõ người, có lệnh mình mới bắn. Chưa thấy rõ hắn thì chưa bắn mô!

Kan Lịch bảo đồng chí thôn đội trưởng và em bé ngủ cho khỏe lấy sức sớm mai chiến đấu, còn mình sẽ thức để canh gác. Một điều không may cho tổ du kích, địch vừa bố phòng lại chung quanh đồn. Ngay gần chỗ họ trú chân, có một vọng gác bí mật. Kan Lịch mới đi xa về và cả đồng chí thôn đội ở nhà, cũng không biết.

Ông già thao thức suốt đêm. Em bé đặt mình xuống mảnh ni-lông là ngủ ngay. Chú bé ngáy rất to. Bọn địch theo dõi sát hành động của tổ du kích. Chúng báo tin vào đồn. Tên chỉ huy ra lệnh canh gác chặt chẽ chung quanh, chuẩn bị sáng hôm sau bắt sống tất cả.

Nghe tiếng gà rừng gáy sáng, Kan Lịch đánh thức em bé dậy. Kan Lịch bảo mọi người lên đạn và nhắc lại:

- Thấy rõ địch, có lệnh của mình mới bắn.

Trời tang tảng sáng. Sương mù vẫn phủ trắng núi đồi. Tổ du kích đi ra phía đường chạy vòng quanh sân bay. Một toán địch lặng lẽ theo chân họ, nhưng chúng chưa hành động. Kẻ địch chờ cho họ lọt vào giữa ổ phục kích của chúng.

Tổ du kích đang đi trên đường thì sương mù chợt tan. Bất thần, Kan Lịch nhìn thấy phía trước, phía sau đều có địch. Chúng đông chừng hai trung đội. Kan Lịch nổ súng ngay vào những tên địch ở trước mắt. Hai thằng lính ngã vật. Nhưng địch không bắn trả. Thằng chỉ huy mặt tái đi, miệng vẫn cười, giọng ngọt ngào:

- Đừng có bắn! Ai mà lại bắn rứa? Anh em gặp nhau nói chuyện thôi mà!

Chúng sợ bắn lầm phải nhau, bọn chúng ở hai đầu rất đông mà tổ du kích thì ở vào chính giữa. Nếu tên chỉ huy ra lệnh cho bọn lính nằm cả xuống để bắn, du kích có thể nhanh chân tháo chạy. Hơn nữa, chúng đã nhìn thấy nhúm du kích bé nhỏ này chỉ có một cô gái, một ông già và một em bé; bắt sống họ chẳng có gì khó.

Kan Lịch ngoái lại phía sau. Em bé đã bị một thằng to lớn đội mũ sắt nắm lấy tay. Bây giờ ngừng chiến đấu là khoanh tay cho kẻ địch bắt sống. Kan Lịch thét to:

- Tiếp tục nổ súng!

Một viên đạn các-bin của Kan Lịch xuyên vào đúng ngực tên giặc đội mũ sắt đang giữ tay em bé. Một viên nữa trúng mặt một thằng đội mũ dạ đen. Khẩu tiểu liên lăm le định nhả đạn rời khỏi tay nó, cái thân hình cao gày, khòng khoèo cũng đổ xuống đất cùng với khẩu súng.

Tên chỉ huy địch buộc phải ra lệnh cho bọn lính nằm cả xuống mặt đường. Không bỏ lỡ dịp tốt, Kan Lịch hô khẩu lệnh rút lui:

- Xung ph.o.n.g!

Ba người cùng chạy lao vào bãi cỏ gianh rậm rạp. Phải một lát, bọn địch mới kịp bắn đuổi theo họ. Một viên đạn trúng vào báng súng và bao đạn của đồng chí thôn đội. Khói bốc lên. Một mảng áo của người du kích già cháy khét. Nhưng ông cụ vẫn không can chi, tiếp tục chạy thoát.

Kan Lịch trở về phân khu. Đầu tiên, cô gái nhận khuyết điểm đã đi quá hạn hai ngày. Sau đó, cô nói:

- Mình báo cáo với các đồng chí: Mình vừa có một thành tích con con, mình đã bắn thêm được bốn tên địch để trả thù cho các đồng chí bị chúng nó giết.



------------------------------------------------------------------------------------
1. Anh hùng giải phóng miền Nam, chú của Kan Lịch, ra thăm miền Bắc
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #11 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2017, 01:52:24 pm »

6.

Chúng tôi đã nhớ ra Kan Lịch chính là cô cháu gái đã được anh hùng Vai nhắc tới nhiều lần trong khi báo cáo tại Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua của lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam năm trước.

Chỉ sau vài câu chuyện, chúng tôi trở thành những người bạn thân của Kan Lịch. Kan Lịch có thể nói với chúng tôi mọi điều về mình mà không hề e ngại. Có lẽ không phải riêng với chúng tôi, đối với những người cán bộ khác, Kan Lịch cũng đều cởi mở và thành thật như thế. Ở một người như Kan Lịch, cả đối với những chuyện riêng tư, tất cả đều rõ ràng. Kan Lịch không có điều gì phải giấu giếm. Mà có lẽ, Kan Lịch không có cả đến những ý nghĩ về sự giấu giếm.

Chúng tôi cũng đã biết câu chuyện riêng của Kan Lịch đang làm cho các đồng chí ở phân khu quan tâm. Kan Lịch xây dựng gia đình đã được hai năm. Chồng chị là Cu Chiến làm việc tại đoàn vận chuyển Y. Hai năm trước một ngày chớm đông, Cu Chiến khoác ba-lô về vùng sông Plin để tổ chức đám cưới. Một điều không may cho anh, Kan Lịch đang bận chỉ huy một cụm gồm bốn trung đội vừa bộ đội địa phương vừa du kích bao vây đồn A Lưới. Ở đây, các chiến sĩ giải phóng và du kích người Thượng hàng ngày ăn quả vả thay cơm, ăn ớt thay muối đang giam chặt chân một tiểu đoàn địch. Địch đang có triệu chứng muốn tháo chạy nên Kan Lịch không thể bỏ bộ đội về nhà. Chiến về chuẩn bị lễ cưới lại gặp thêm một khó khăn vì đồng chí bí thư chi bộ lúc đầu không ưng cho cưới ngay, sợ Kan Lịch về nhà chồng ở xã khác mình sẽ mất cán bộ. Chuẩn bị mọi thứ xong xuôi, thời gian đi phép của Cu Chiến là mười ngày đã qua hết tám. Buổi chiều hôm làm lễ, họ hàng và dân làng tới đông đủ rồi, Kan Lịch mới lật đật ở ngoài đồn về. Cô chỉ còn kịp treo khẩu các-bin vào góc nhà, chạy vội ra vòi nước rửa mặt mũi chân tay rồi quay vào. Kan Lịch nói với mọi người:

- Mình với Chiến đi chiến đấu, đi làm công tác vận tải cũng vì cách mạng, chừ đây làm lễ cũng vì cách mạng. Mình báo cáo với người già, với dân làng và các đồng chí vừa rồi mình đã chiến đấu lấy thành tích để mừng ngày cưới, mình đã bắn chết thêm bảy thằng địch...

Lễ tuyên bố xong, Kan Lịch quay lại nói với Cu Chiến:

- Bây chừ Chiến ở nhà uống rượu với dân làng, với các đồng chí, mình ra đồn. Đánh xong đồn A Lưới, vợ chồng mình lại gặp nhau.

Kan Lịch khoác súng lên vai, trở lại với các chiến sĩ du kích. Cu Chiến ở nhà tiếp rượu dân làng đến khuya, sáng sau, dậy thật sớm, khoác ba-lô trở về đơn vị trả phép cho kịp.
Một năm sau, Cu Chiến mới có dịp đi công tác tạt qua làng. Hai bờ sông Plin không còn bóng giặc. Trước vòng vây sít sao của các đội du kích, các tay súng bắn tỉa nằm sát hàng rào, bọn địch không ăn không ngủ được, đã phải bỏ đồn A Lưới, rút chạy bằng máy bay về đồng bằng. Kan Lịch là người đầu tiên đã đi qua sân bay, bước vào đồn A Lưới giải phóng.

Chiến đinh ninh lần này vợ chồng sẽ được gặp nhau. Nhưng tới nhà, anh được tin Kan Lịch vừa lên huyện chỉnh huấn đảng viên. Việc chỉnh huấn là rất quan trọng, cần để cho Kan Lịch tập trung tư tưởng học tập. Để một dịp khác gặp nhau cũng chưa muộn mà, chàng trai khỏe mạnh có nụ cười hiền hậu đó lại khoác ba-lô lên vai, lặng lẽ ra đi.

Kể từ ngày cưới đến nay, đã hai năm qua, cặp vợ chồng này chưa có dịp gần nhau. Năm nay, Kan Lịch lại được mời lên dự Đại hội dũng sĩ diệt Mỹ của phân khu Trị -Thiên. Qua đại hội, Kan Lịch được tuyển lựa cùng với mấy đồng chí khác đi dự Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn miền 1. Đi chuyến này, cũng phải mất một thời gian lâu lâu Kan Lịch mới quay về. Trong khi họ tập trung ở đây, đợi miền báo ngày ra đi, phân khu tính chuyện tạo điều kiện cho hai vợ chồng được gần gụi nhau. Kan Lịch là một người chỉ huy hết sức dũng cảm nhưng còn là một cô gái, hơn thế, một người vợ.

Tôi và Xương đang đi đến chỗ hẹn làm việc với Kan Lịch thì gặp đồng chí trợ lý thi đua của phân khu. Đồng chí này đã nhận chỉ thị của chủ nhiệm chính trị đến đây bàn bạc với Kan Lịch cách tổ chức cho hai vợ chồng gặp gỡ nhau. Xương hỏi:

- Ý kiến của huyện đội phó như thế nào, đồng chí? (Kan Lịch hiện nay là huyện đội phó) Kan Lịch muốn đến chơi ở đoàn vận tải hay mời Cu Chiến lên đây?

Đồng chí trợ lý giơ bàn tay lên trán xua xua rồi nói:

- Còn đang cân nhắc hung... chưa có ý kiến.

Không biết vì sao cô gái đã phải cân nhắc nhiều đến thế về việc gặp chồng, tôi tự hỏi. Chúng tôi đã biết là trong khi xa nhau, họ đã viết cho nhau những lá thư rất dài, đầy tình thương nỗi nhớ. Kan Lịch không phải là người có tính cả thẹn. Kan Lịch đã nói với chúng tôi một cách tự nhiên về những tình cảm của một người vợ xa chồng.
Kan Lịch đang nằm đung đưa trên một chiếc võng cột vào những thân cây sau căn nhà của các đồng chí thông tin đang phát ra những tiếng máy quay sè sè. Để báo cho cô gái biết là chúng tôi đã đến, Xương hỏi từ xa:

- Đồng chí Kan Lịch làm gì đấy?

Kan Lịch vội ngồi dậy, giơ cánh tay trần khỏe mạnh vuốt những sợi tóc lúc nào cũng bướng bỉnh không chịu nằm im trong cái cặp nhỏ bằng kim khí, cứ xõa xuống trán và hai bên tai, đáp:

- Mình đang học báo.

Lần đầu, tôi nghe thấy có người nói hai tiếng “học báo”. Tôi biết không phải Kan Lịch nói sai. Kan Lịch nói tiếng Kinh khá thạo. Có lần Kan Lịch vừa cười vừa kể lại với chúng tôi, đồng bào Phong Sơn nói “nấu canh” là “nấu keeng” và “ăn cơm” là “eeng côôm”. Kan Lịch đang học thật, học tất cả những điều đã được in lên báo.

Kan Lịch gấp tờ báo lại, nhẹ nhàng cầm khẩu các-bin - chắc cô đem ra đây để lau - dầu mỡ bóng loáng, dựng ở gốc cây, khoác lên vai. Đây là khẩu các-bin thứ ba mà Kan Lịch đã dùng. Một khẩu bị hỏng vì trúng đạn địch. Một khẩu bị gãy trong lúc đánh nhau. Khẩu thứ ba này sẽ theo Kan Lịch đến đại hội miền. Có thể Kan Lịch sẽ phải dùng đến nó trên dọc đường dài từ đây vào đó. Vô phúc cho tên biệt kích nào xuất hiện trước mũi súng của Kan Lịch.
Kan Lịch rủ chúng tôi đi ra bờ suối ngồi nói chuyện.

Bữa nay, Kan Lịch mặc một chiếc áo đen có những sọc đỏ nằm ngang, kiểu áo may rất đơn giản của đồng bào Thượng để hở hai cánh tay tròn rám nắng. Tôi bỗng nhận thấy có thêm khẩu súng trên vai, cả thân hình và dáng đi của Kan Lịch trở nên mềm mại, nhẹ nhàng, thanh thoát, khác hẳn với mọi ngày. Kan Lịch đã nói với chúng tôi là Kan Trào kia mới là cô gái đẹp của làng Lê Lốc, còn Kan Lịch chỉ là một cô gái to và khỏe nhất làng thôi. Vậy mà trước khi lấy chồng, Kan Lịch đã là niềm mơ ước của bao nhiêu chàng trai vùng sông Plin. Sáng hôm nay, tôi đã nhìn thấy vẻ đẹp thật sự của cô gái. Kan Lịch đi trên con đường mòn giữa rừng, hai bàn chân không dép nhẹ nhàng đặt trên những chiếc lá khô, khẩu các-bin đeo hờ hững trên vai. Cặp mắt trong sáng của Kan Lịch có cái nhìn thanh thản, chiếc cằm hoi lẹm duyên dáng và đôi môi mỏng lúc nào cũng như chỉ muốn cười. Kan Lịch hay cười thật. Nhiều lần, chúng tôi bắt gặp Kan Lịch nằm một mình ở góc lán chợt nghĩ ra một điều gì vui vui, Kan Lịch nói lên điều mình vừa nghĩ, rồi phá ra cười, làm cho những người ở chung quanh cũng bật cười theo. Kan Lịch đã nói với chúng tôi vì sao mình hay cười: “Mình ưng cười”. Chỉ đơn giản có thế thôi, vẻ đẹp và sức hấp dẫn của người con gái này chính là ở cái nhiệm vụ lớn lao mà cô đang làm và cái nguồn vui tràn trề mà cách mạng đã đem lại cho cô.

Tôi hỏi Kan Lịch về cái điều đang làm cho tôi thắc mắc:

- Đồng chí Kan Lịch ưng đến đoàn vận tải thăm Cu Chiến hay để Cu Chiến về đây chơi. Chúng tôi đề nghị để Cu Chiến về đây cho chúng tôi gặp với.

Kan Lịch mỉm cười, rồi nói thủng thẳng:

- Không có ai đi, cũng không có ai về!

- Sao vậy?

Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, sau một thoáng tư lự, Kan Lịch nói bằng một giọng dịu dàng:

- Vợ chồng mình rất thương nhau, khi mô cũng nghĩ đến nhau. Mình đi đến đoàn hay Cu Chiến về đây chơi đều được thôi. Nhưng bây chừ cách mạng giao nhiệm vụ cho mình đi miền rồi, mình phải đi miền... - Kan Lịch ngập ngừng một chút rồi nói tiếp: “Nhiều bạn của mình lấy chồng có con cả rồi. Mình cũng ưng có một đứa con. Nhưng gặp nhau chừ mà có con thì mình lại không đi miền được. Mình định sau khi đi miền về, hai vợ chồng mới gặp nhau.”

Tôi nói:

- Kan Lịch đã viết thư hỏi ý kiến Cu Chiến chưa?

Đôi lông mày nhỏ của Kan Lịch cong lên. Kan Lịch nhìn tôi một lát, rồi nói:

- Hỏi ý kiến Cu Chiến à...? Cu Chiến cũng một ý kiến như mình thôi...



----------------------------------------------------------------------------------
1. Tại đại hội này, Kan Lịch được tuyên dương Anh hùng Quân giải phóng miền Nam
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #12 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2017, 01:59:51 pm »

7.

Như một nhà thiên văn học trong đêm nào đó, qua ống kính lớn nhìn vào khoảng không vũ trụ mọi khi vẫn có một đám tinh vân quen thuộc mờ sáng như sương mù, bỗng thấy hiện lên một dải thiên hà với vô vàn những mặt trời chói lọi, chúng tôi ngỡ ngàng trước những hiểu biết mới thu lượm được về những con người trên dải núi xanh này.

Những con người đến với cách mạng không phải chỉ bằng khối óc mà với cả trái tim nóng bỏng. Tình yêu nồng cháy của họ đối với cách mạng không những đã đem lại cho đồng bào Thượng tinh thần và sức chiến đấu không hề biết mỏi mệt, mà còn giúp cho đồng bào tránh được lầm lẫn trước mọi thử thách, và có những cách suy nghĩ, những cách xử trí thật sâu sắc.

Ở làng nọ, một cán bộ có lề lối làm việc không được tốt. Anh không chịu lắng nghe ý kiến của đồng bào, cứ tự mình quyết đoán mọi công việc. Anh đã phạm vào một số phong tục của địa phương là điều xưa nay đồng bào Thượng rất coi trọng. Dân làng nói với nhau: “Hắn không phải là cách mạng mô!” Tính tình người Thượng vốn rất cương trực, khi đã không bằng lòng thì có thái độ liền. Không kể đối với kẻ thù, ngay với những người không tốt, đồng bào cũng chống lại một cách rất quyết liệt. Nhưng anh cán bộ này vẫn cứ sống yên ổn trong làng, đi tới đâu cũng được đồng bào chia cơm, nhường sắn, khi ốm đau vẫn được chăm nom cẩn thận. Anh không hay biết chi sự căm ghét của đồng bào đối với mình, nhiều lúc còn tưởng là mình có uy tín và được đồng bào quý mến. Mãi tới khi có anh cán bộ cấp trên về, đồng bào mới nói ra mọi điều uất ức của mình. Đồng chí cấp trên rất ngạc nhiên, không hiểu tại sao một cán bộ có lề lối làm việc như vậy, lại vẫn được đồng bào đối xử tốt. Đồng bào nói: “Ưng đuổi hắn đi từ lâu, nhưng hắn đi thì mình mất cách mạng. Hắn không tốt, có điều hắn thay mặt cho cách mạng, bụng mình ghét hắn nhưng việc làm phải quý hắn.”

Nhưng vì đâu mà đồng bào Thượng đã có được một tình yêu sâu sắc như vậy đối với cách mạng?

Sáng hôm sau, tôi chia tay Kan Lịch và Xương để đi xuống đồng bằng. Trên đường đi, tôi lại tự hỏi mình: Vì đâu mà một cô gái Thượng như Kan Lịch đã trở thành một cán bộ của cách mạng? Trước ngày Kan Lịch đi hoạt động cách mạng, làng chòi chưa bị bom đạn giặc tàn phá, gia đình Kan Lịch không thiếu thốn đâu: Có nhà gỗ to, có hai con voi thồ, hàng đàn ngựa, đàn trâu thả rong trong rừng, không bao giờ thiếu gạo thóc ăn.

Có phải Kan Lịch có một người mẹ, những năm đen tối trước đây, ngày ngày giấu cơm xôi dưới đáy gùi, trên phủ vỏ sắn và những vật dơ dáy để che mắt chúng nó, lần ra rừng tìm cán bộ?

Có phải vì có cái người tên là A Meo, râu tóc để dài, răng đen, tai đeo vòng, mình trần đóng đót, từ năm năm mươi bảy đêm đêm vào nhà rì rầm với cha của Kan Lịch? Ba năm sau, A Meo cạo râu, cắt tóc, bỏ vòng, mặc quần áo dài, bấy giờ Kan Lịch mới biết A Meo là người Kinh.

Có phải vì bọn Đại Việt và bọn Diệm làm lắm điều ác không? Cả gia đình Kan Lịch kể cả chú Vai, không một ai cưa răng. Kan Lịch, đã giữ được hàm răng trắng đẹp cho đến năm mười ba tuổi. Ngày Đại Việt kéo lên Lê Lốc, thấy Kan Lịch xinh xắn, lại có hàm răng đẹp, chúng bảo Kan Lịch là người Kinh. Chúng nói: “Nếu là người Thượng tại sao lại không cà răng?” Cả gia đình đã xúm lại giữ tay, giữ chân cô bé, dùng rựa chặt cả hàm răng cửa bên trên của Kan Lịch. Những chiếc răng bị chặt đi như thế không bao giờ mọc lại được nữa.

Có phải vì anh cán bộ Minh thương Kan Lịch bị gia đình ép lấy chung chồng với người chị, chỉ khóc không chịu ăn, không chịu ngủ, đã giúp cho Kan Lịch ra khỏi nhà chồng, đưa Kan Lịch qua quãng đường rừng lắm beo dữ trở về với bố mẹ không? Có phải vì chú Vai nghèo khổ rất thương, rất chiều Kan Lịch, đã sớm biết chọn con đường cách mạng, rồi rủ Kan Lịch cùng đi không...?

Có lẽ vì tất cả những điều đó cũng như nhiều điều khác nữa mà Kan Lịch không nhớ hết. Vì trên bản Lê Lốc hẻo lánh ở đỉnh Trường Sơn cũng như trên bất cứ mảnh đất nhỏ nào ở miền Nam, hễ đã có Mỹ, có Diệm hay Thiệu, Kỳ là đều có những người cách mạng. Người cách mạng và chúng nó khác nhau như ngày với đêm, như điều lành với điều ác. Tất cả những gì đã diễn ra trên mảnh đất này đều đưa Kan Lịch, đưa những người Thượng tới con đường đi theo cách mạng.

Ở Kan Lịch cũng như ở nhiều người Thượng khác mà chúng tôi đã gặp, những việc làm, những ý nghĩ, những tình cảm đối với cách mạng đều mang một mầu sắc sơ khai. Tất thảy đều đơn giản, do đó, cũng rất gần với chân lý. Có lúc nào đó, trong sóng gió hỗn loạn của một cuộc đấu tranh phức tạp, chúng ta dễ quên đi những điều chân lý giản dị nhất. Ở những con người như Kan Lịch, chúng tôi đã bắt gặp một cái gì giống như ánh sáng thiên thần ở đôi mắt của trẻ thơ, thứ ánh sáng làm cho tâm hồn ta trong trẻo hơn lên, thứ ánh sáng rọi cho ta những điều chân lý.

Những ý nghĩ mê mải đã làm tôi quên là mình đã đi được một quãng đường khá dài. Đồng chí Quang, anh phóng viên trẻ tuổi của báo Quân giải phóng Trị - Thiên - Huế quay lại, nói với tôi:

- Đi một quãng nữa đến Ba Chòi ta sẽ nghỉ.

Chúng tôi bắt đầu đi trên những sườn núi bị B.52 tàn phá. Những cây cổ thụ trúng bom bật gốc, nằm ngả đầu xuống khe suối. Một phiến đá lớn bị bom bửa làm đôi, những vụn đá sắc nhọn rơi khắp chung quanh. Lại một cơn điên đầu của thằng khổng lồ mù hai mắt chăng? Nó đập phá gì những cây cối, những tảng đá ở sườn núi hiền lành này, tôi tự hỏi.

Vượt qua những cây đổ, những mảng đất đá lở được một quãng, chúng tôi bắt đầu nhìn thấy mấy mương sắn nhỏ nằm giữa bãi bom. Tôi đã tìm ra lý do cơn giận dữ của nó.
Trên một quả đồi, dưới những lùm cây xanh tươi trận bom còn để sót lại, tôi nhìn thấy ba ngôi nhà lá khá rộng. Chắc Ba Chòi là chỗ này. Trên mặt đất lầy bùn và phân gia súc, những con gà mái dẫn đàn con lông vàng mịn như nhung ríu rít đi kiếm ăn. Tiếng lợn ăn oàm oạp đâu đó. Từ một ngôi nhà vang ra tiếng trẻ con bi bô đọc sách. Sự có mặt của mấy ngôi nhà thanh bình này giữa một vệt bom của B.52 còn khét mùi thuốc nổ làm cho tôi hơi ngạc nhiên.

Tôi dừng chân trước mái nhà thông tin nhỏ. Một mảnh giấy dán ở tấm phên nứa với những dòng chữ viết bằng phẩm xanh đập vào mắt tôi.

Rãy rộng chiên trường
Rựa riu khi
Nha nông là chien
Thà chết bom đan không để dân ta đói
Thưc hiên lời kêu gọi của Bác Hồ.1

Tờ giấy rất trắng, sắc mực còn tươi nguyên. Những chữ viết sai âm và thiếu dấu này toát ra một sức mạnh thật kỳ lạ, làm tôi đứng lặng hồi lâu. Phải chăng đây là một bản tuyên ngôn của những người dân ở quả đồi bé nhỏ này với đế quốc Mỹ và những hành động chiến tranh diệt chủng của chúng.

Quang nhắc tôi vào nhà đồng bào nghỉ chân. Chúng tôi vắt áo mưa vào mái gianh, rồi khom lưng bước vào một ngôi nhà. Hai cụ già, một anh thanh niên và mấy em bé xúm lại đón khách.

Đồ đạc trong nhà sắp xếp giống như một cơ quan. Cũng hai chiếc sạp nứa chạy dài, cách nhau bằng một chiếc bàn nứa rộng. Dưới sạp là hầm trú ẩn, gỗ đất đắp khá dày. Chỉ có khác là bếp ở ngay giữa nhà. Dàn bếp ám khói bồ hóng lủng lẳng mấy miếng thịt heo rừng đã sấy khô, bên trên, xếp đầy những bắp ngô giống. Mấy bà già mình trần, váy mặc cao che kín ngực, đang đứng giã gạo bằng những chiếc chày dài.

Chủ và khách ngồi quây quanh chiếc bàn nứa. Quang mở cái túi vải đeo bên sườn, rút ra tặng gia đình một tờ báo Quân giải phóng. Món quà làm cho những người ngồi đó rất vui vẻ. Quang kể cho gia đình nghe những tin chiến thắng mới ở đồng bằng. Mỗi lần nghe kể xong một trận đánh Mỹ, hai cụ già lại trầm trồ:

- Phấn khởi...! Phấn khởi...!

Những người đàn ông trong nhà này, kể cả các em bé, đều mặc quần dài. Các em bé ngồi nghe chuyện bên cạnh những người lớn. Thỉnh thoảng, các em lại nói với hai cụ già bằng tiếng Thượng, như để dịch lại những điều Quang nói. Đôi khi, các em vừa nói vừa cười như có lời bình luận thêm vào đó.

Ở cột nhà cạnh chỗ tôi ngồi, - treo một khẩu tiểu liên báng cong, nước thép còn xanh bóng. Khi nghe Quang hỏi anh thanh niên về tình hình trị an ở địa phương, tôi mới biết anh là du kích.

Căn nhà khá rộng nhưng thấp và tối. Đồng bào phải làm nhà thấp để dễ che ánh lửa ban đêm phòng máy bay. Trong màu gio lờ mờ của căn nhà, một mảnh ánh sáng đập vào mắt tôi. Đó là khung cửa sổ được trổ ở phên liếp tại một góc nhà. Phía ngoài cửa sổ, những cành cây được phát quang, hiện lên một mảng trời trắng đục vì mưa. Tôi nhận ra ở đó có một cái bàn nứa, trên đặt mấy cuốn sách và một lọ mực. Chắc đây là bàn học của các em nhỏ có cặp mắt trong sáng này.

Đúng rồi, tất cả là như thế đó. Ngày xưa, đồng bào Thượng ở những ngôi nhà sàn cao ráo, chan hòa ánh sáng mặt trời, đế quốc Mỹ đã đem bom đạn đến cướp đi ánh sáng của họ; chúng còn muốn cướp nốt cả cuộc đời của họ. Nhưng đồng bào Thượng đã đứng dậy dưới lá cờ của Mặt trận, cuộc chiến đấu đã bắt đầu, và sẽ tiếp tục đến thắng lợi cuối cùng. Từ những con người ngồi thanh thản, tươi vui, tin tưởng giữa vệt bom B.52 này, cái mảng trời rọi sáng vào bàn học của các em, những dòng chữ ở chòi thông tin trước cửa nhà... đến khẩu súng được lau chùi bóng nhoáng, đến những bắp ngô dành để gieo vụ nương sau... tất cả, tất cả đều là những lời tuyên chiến quyết liệt với kẻ thù. Trong cuộc chiến đấu để giành quyền sống, giành lấy ánh sáng, những người ngồi đây hôm nay đều tin là mình đã nắm chắc trong tay phần thắng.



-----------------------------------------------------------------------------------
1. Ruộng rẫy là chiến trường
    Cuốc cày là vũ khí
    Nhà nông là chiến sĩ...
                (Thơ của Hồ Chủ Tịch)
Ở đây đồng bào Thượng đã thay đổi mấy chữ cho thích hợp với tập quán canh tác địa phương.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #13 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2017, 04:13:15 pm »

III.


1.

Rừng cây thưa dần. Mắt không còn nhức nhối vì cái màu xanh của lá lúc nào cũng bưng bít phía trước. Tiếng nước suối từ trên sườn núi cao đổ xuống sôi sục. Chúng tôi vẫn tiếp tục xuống dốc. Con đường mòn bị dòng nước chảy ngày này qua ngày khác khoét thành lòng máng, đầy những hòn đá đỏ lớn, nhỏ. Nhìn về phía rừng cây bên cạnh khi ẩn, khi hiện sau một màn sương lúc đậm lúc nhạt, tôi bỗng thây tất cả cảnh vật đang chuyển động trên một đường vòng, giống như hình ảnh trên màn ảnh được người quay phim ghi lại bằng cách lia ngang ống kính. Tôi nhận ra ngay hình ảnh hư ảo ấy chỉ là do dải sương trắng đang bay ngang sườn núi, thêm vào đó, là tiếng thác nước réo ầm ầm làm rung động cả khoảng không trong lúc chúng tôi đang đi xuống dốc, chân bước nhẹ lâng lâng. Vòm trời rộng lớn hiện ra trước mắt, xuôi xuôi đổ xuống biển Đông, sắp đến đồng bằng rồi, tôi nghĩ vậy. Tôi cởi mấy cái cúc, phanh áo đón làn gió thoảng, có mùi muối mặn từ ngoài biển thổi vào. Tôi lặng lẽ đi theo người dẫn đường, không muốn hỏi anh, sợ làm tan mất sự hồi hộp chờ đợi của mình.

Bây giờ thì chúng tôi đang đứng giữa một vạt tràm nở đầy những bông hoa trắng xinh xắn, có mọc xen lẫn những khóm thanh hao nhỏ nhẹ giống những cây cảnh trồng trong công viên. Đồng bằng trải rộng dưới mắt chúng tôi, như những đường phố nhìn từ trên tầng gác cao của một ngôi nhà.

Đứng ở đây, chúng tôi có thể phân biệt cả những khóm sim, khóm mua mọc trên các bãi hoang nằm dọc theo những thửa ruộng mới cấy. Làng xóm kia rồi. Cũng vẫn những ngôi nhà thâm thấp, những hàng cau thẳng tắp, những cây ăn quả xanh rờn sau trận mưa, bao bọc bằng một lũy tre. Chỉ có khác một chút là làng xóm ở đây nhỏ bé hon, nằm chen chúc nhau trên một dải đất nào ruộng, nào đồi, nào những cồn cát trắng, những con đường màu đỏ cắt ngang, cắt dọc. Xa xa, sáng lên một dải bạc lấp lánh như kim khí, khác với màu trắng mịn màng của bãi cát. Phá Tam Giang đó. Xa hơn chút nữa là biển Đông xanh ngắt, một màu xanh hoi nặng nề so với màu xanh trong sáng của chân trời có một đám mây vàng rực, to sừng sững như trái núi. Tất cả những hình ảnh ở phía trước ùa vào mắt chúng tôi như ánh sáng ùa vào mắt một người ở trong căn buồng tối vừa mở những cánh cửa sổ.

Nhưng rồi tôi bị thu hút vào những điểm nhất định của bức tranh đang bầy ra trước mắt. Đó là những ngôi nhà rất nhỏ bé nằm rải rác trên cánh đồng lỗ chỗ hố bom. Mái rạ màu vàng tươi như đang bốc lên mùi thơm của lúa chín và nhất là hơi ấm quen thuộc của những người thân. Gần một phần tư thế kỷ trôi qua, bom đạn của kẻ thù không ngừng rơi trên dải đất nhỏ hẹp này. Mẹ, cha, anh, chị và các em ta vẫn dựng lên ngay giữa vùng đất lửa những ngôi nhà mới. Cũng như ở trong kia, nhiều xóm làng với những ngôi nhà liền mái, những cây cối xanh tốt đùm bọc lấy nhau, không ở được với chúng nữa rồi. Làng xóm bây giờ rải ra trên khắp các cánh đồng, tiếp tục thi gan với bom đạn. Những ngôi nhà sau bao cơn dông bão vẫn bình thản, giản dị đứng đó, như cô gái đêm qua vừa cầm súng ra trận, sáng nay lại đứng soi gương, chải mớ tóc đen dài. Những ngôi nhà mái tranh, vách đất, liếp nứa đứng đó, thật nhỏ nhoi, nhưng cũng thật gan góc, quật cường. Nó cũng giống như các chiến sĩ ta ăn rau rừng, đi chân đất đánh giặc, mười lần ngã xuống lại mười lần đứng lên. Nhũng ngôi nhà đó như đang nói với người ở xa đến: Không sao đâu, kẻ thù dù có tàn bạo bao nhiêu chăng nữa thì cũng không làm cho ta mảy may run sợ, chúng ta đã đánh giặc ngoài hai mươi năm rồi vẫn thế này đây, nếu chúng buộc ta phải đánh tiếp thì ta sẽ đánh hai mươi năm nữa cũng không sao...

Bên tay trái tôi, một cái đồn địch khá lớn đã bị quân giải phóng tiêu diệt, còn lại những bức tường đổ vỡ màu trắng lạnh lẽo. Bên phải, một vệt bom B.52 chạy dài trên những quả núi trọc nằm giáp với đồng bằng.

Quang nói với tôi đây là nơi máy bay B.52 đã thả trận bom đầu tiên. Trước khi ném bom, địch đã rải khắp đồng bằng rừng núi hàng triệu truyền đơn in hình loại máy bay chiến lược này, và khoe khoang sức hủy diệt ghê gớm của nó. Khi cho rằng những người dân đã đủ thấm sợ rồi, chúng mới đưa máy bay từ đảo Gu-am tới. Lần đầu, đồng bào ở đây được nghe những tiếng bom rơi hồi lâu không đếm được như những hạt mưa trong một trận mưa rào. Cả những người đánh cá đang đi thuyền ngoài biển, cũng nhìn thấy những chớp lửa bốc lên liên tiếp trên dải Trường Sơn. Sáng hôm sau, khi sương tan, những người ở xa cũng có thể nhìn thấy cái vệt đỏ kéo dài như một đám mây hiện trên màu xanh của núi. Chẳng phải bọn Mỹ đã phung phí bom đạn một cách vô ích khi chúng chọn những quả đồi không tên, không người, không cây cối này làm mục tiêu cho trận ném bom. Cũng ngay ngày hôm sau, lại thêm hàng triệu truyền đơn khác được thả xuống trắng ruộng, trắng rừng. Chúng viết trong đó, nếu các chiến sĩ giải phóng đã cảm thấy không chịu đựng nổi những trận bom mà họ đã được nhìn tận mắt, thì hãy mau tìm đường “quy chánh” về với “quốc gia”. Mặt sau truyền đơn, là một tờ giấy thông hành. Đế quốc Mỹ tự hào về sức mạnh của mình và cũng tự hào là mình biết dùng sức mạnh đó. Mỗi trái bom, mỗi đồng đô-la chúng bỏ ra đều nhằm những món lời cao nhất. Trận mưa bom đầu tiên trên những đồi núi ở vùng giáp ranh này đã được dùng vào việc phô trương sức mạnh. Những dấu vết của nó để lại cũng được tính toán vào mục đích hăm dọa. Chúng cho rằng sau đó, những ai đã lên núi sẽ phải quay về đồng bằng, và những người ở đồng bằng từ nay, sẽ không dám lên núi. Một lần nữa, chúng lại tính lầm.

Quang chỉ tay về phía chân trời còn một đám mù sót lại sau những ngày thời tiết xấu, nói rằng khi trời trong, đứng tại đây có thể nhìn thấy rõ thành phố Huế. Anh quấn chéo dù vào người rồi giục tôi xuống núi vì đứng ở đây lâu bọn Mỹ có thể trông thấy.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #14 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2017, 04:16:11 pm »

2.

Chiều hôm đó, chúng tôi nghỉ chân tại nhà chú Tư.

Căn nhà nhỏ của chú thím nằm giữa cánh đồng. Tôi cứ tin là mình đã nhìn thấy ngôi nhà này khi đứng trên núi tuy từ trưa đến giờ, Quang đã đưa tôi đi quanh quẩn khá nhiều đường đất.

Lúc đầu, Quang không định nghỉ chân ở đây. Quang muốn đưa tôi tới nhà mẹ nuôi của anh ở xóm Mít, cạnh đường quốc lộ số 1. Quang thuộc những con đường tắt và độ nước nông sâu của từng con lạch ở vùng này. Các chiến sĩ du kích đứng cảnh giới trên những ngã ba đường, vui vẻ để tôi đi theo anh, vượt qua những trạm gác của họ. Chúng tôi đang đi men theo lũy tre của một xóm nhỏ nằm trên một quả gò, thì một chiến sĩ giải phóng từ trong búi cây cạnh đường nhô ra như định ngăn chúng tôi lại.

Anh nói cho Quang biết đi khỏi đoạn đường vòng này, xuống đến tràn ruộng, bọn Mỹ đứng gác trên quả đồi ở đường số 1 có thể nhìn thấy chúng tôi. Quang thản nhiên nói:

- Đi ít người không can chi mô!

Anh bẻ một cành cây đưa tôi cầm để ngụy trang thêm, rồi tiếp tục đi. Xuống đến tràn ruộng, Quang liếc nhìn về phía những quả đồi cạnh đường quốc lộ, rồi quay lại mỉm cười nói với tôi:

- Xuống đồng bằng thì vô chỗ mô cũng như gia đình, có điều vô nhà quen vẫn vui hơn. Bà mẹ ở nhà chúng ta sắp tới quý tôi như con đẻ.

Chúng tôi vừa rẽ vào con đường nhỏ thì gặp mấy chiến sĩ giải phóng ở phía trong đi ra. Nhìn nét mặt linh lợi và cách trang bị nhẹ nhàng của họ, tôi đoán họ là những chiến sĩ trinh sát. Một người thấp nhỏ, bụng quấn một chéo dù hoa, kẹp khẩu tiểu liên ở nách, nhanh nhẩu hỏi:

- Các đồng chí đi mô?

Quang đáp:

- Vô xóm Mít.

- Xóm Mít còn chi mô! Trưa ni, Mỹ kéo vô đốt xóm, hốt hết dân sang bên tê đàng số 1 rồi.

Niềm vui vụt tắt trên mặt Quang, cái niềm vui mà tôi đã nhìn thấy rạng rỡ trong đôi mắt sáng và ươn ướt của anh từ khi chúng tôi đặt chân xuống đồng bằng. Anh đứng ngẩn ra một lúc. Sau đó, anh đưa tôi về đây.

Chúng tôi vừa đến cửa đã nghe tiếng thím Tư ở trong nhà reo lên:

- Ô! anh Quang! Mấy tháng ni không thấy anh, vợ chồng tôi nghĩ là anh hy sinh rồi.

Quang mỉm cười, bộ mặt xương xương, trắng trẻo của anh đỏ lên.

Chú Tư trạc ngoài bốn mươi tuổi, tóc cắt ngắn, râu rậm, vẻ mặt lành hiền, đang ngồi trên chiếc giường tre chơi với đứa con nhỏ. Chú tươi cười gật đầu đáp lời chào của chúng tôi. Thím trẻ hơn chú vài tuổi, mặt tròn, da bánh mật, ngồi cạnh bếp, tay thái sắn thoăn thoắt, miệng nói hết chuyện này qua chuyện khác. Đứa con trai lớn chừng mười hai tuổi, giống mẹ, có cặp mắt tròn và to, đến ngồi sán bên Quang. Hễ thím Tư ngừng lời là chú bé nói tiếp ngay.

Em nói lại cho Quang nghe một cách tỉ mỉ, rành rọt hơn câu chuyện mẹ em vừa kể. Sáng hôm qua, ba thằng Mỹ có lẽ là biệt kích từ Bồng-bồng lên, nấp ở bãi mua đầu làng. Thấy một anh du kích đi ngang, chúng gọi lại. Anh du kích không đem súng, phải chạy. Ngay khi ấy, ba thằng Mỹ cũng quay đầu chạy. Sau đó, chúng bắn đại bác về vùng này. Theo ý em bé, bọn Mỹ không dám bắn anh du kích vì chúng đi trinh sát có ít người, chúng sợ nổ súng thì lộ, du kích sẽ xô tới.

Nếu thím Tư không giục em lần nữa là phải đi kiếm con trâu đưa về chuồng, thì em còn kể với Quang vô khối chuyện.

Thím Tư than phiền mình “bất hợp pháp” 1 không đi chợ được nên không có thuốc lá mời khách. Thím nói mấy ngày rầy, tụi ác ôn kiểm soát chợ ngặt, chỉ cho mỗi người được đong hai chục đồng 2 gạo. Chúng sợ đồng bào mua gạo tiếp tế cho giải phóng. Chú Tư tham gia vào câu chuyện của vợ và con bằng đôi mắt chăm chú, cái miệng mỉm cười như để nói với chúng tôi tất cả những điều đang được kể đó đều đúng. Thấy tôi ngồi nhìn ra sân im lặng, thím Tư nói:

- Anh nè, quay lại nói chuyện cho vui.

Quang nói đỡ:

- Anh nớ mới ở trong miền ra, chưa nói quen tiếng Thừa Thiên mô!

- Anh kể chuyện miền cho chúng tôi nghe ra răng. Tiếng Nam, tiếng Bắc, tiếng mô chú và tôi cũng nghe được. Có mấy anh vừa ra cứ bắt chước tiếng Thừa Thiên nói líu la líu lo, tôi bảo: “Anh cứ nói tiếng miền thôi, chúng tôi ưng nghe tiếng miền lắm mà!”

Quang đặt bàn tay vào cái cột nhà bằng thân cây cau, hỏi:

- Cái nhà ni, chú thím mần lâu chưa?

Căn nhà mới dựng, vách đất còn ướt. Những cột chính đều bằng gỗ nhưng lại có một chiếc bằng thân cây cau. Thím Tư đáp:

- Mần được hơn tháng rồi. Nhưng cứ mần lần lần. Chú mới trát vách được dăm bữa. Bữa tê hắn thả bom ngoài nớ, cắt đứt mất cái cột ở chỗ ni. Chú phải về xóm, chặt một cây cau ra thay tạm. Bom hốt đất tung lên đầy mái nhà đó. Chú mần cái ni là cái thứ năm rồi. Hắn cứ phá, mình cứ mần. Còn đất thì còn mần. Chỉ khi mô hắn hốt hết đất đi thì mình mới phải chịu.

Cơm chín, thím bới ra rá, bảo chúng tôi ăn trước với chú và hai con. Thím thổi lửa, tiếp tục nấu một nồi cơm khác.

Sương chiều đã giăng trên cánh đồng. Chập tối nay, địch không bắn đại phá. Tiếng xe chạy ầm ầm suốt ngày trên đường số 1 lúc này cũng im. Ngọn đèn dầu thắp lên ấm cả căn nhà. Lâu ngày, tôi mới được ăn một bữa cơm gia đình. Cơm có độn những lát sắn sượng nhung nóng sốt, chúng tôi ăn rất ngon miệng. Hơn nữa, lại có món canh nưa tôi mới được ăn lần đầu. Khi đi kiếm trâu ở ngoài đồng, đứa con lớn của chú Tư đã cố bắt vài con cá nhỏ để thết mấy chú giải phóng. Người nọ nhường người kia, bát canh đơm đi đơm lại, mấy con cá trắng hết nổi lên rồi lại lặn xuống đáy bát, vẫn còn nguyên.

Chú Tư loay hoay bón cơm cho đứa con nhỏ. Chúng tôi ăn đã gần xong bữa, chưa thấy chú xới thêm bận nào. Thím Tư vẫn không rời khỏi cái bếp lửa. Từ lúc chúng tôi vào nhà đến giờ, đôi tay của thím lúc nào cũng thoăn thoắt. Nồi cơm thứ hai đã cạn; thím đang ngồi sàng gạo.

Cơn gió lốc nóng bỏng của chiến tranh như ngừng thổi ở đây, hay là nó đã chừa ra ngôi nhà bé bỏng này. Tất cả những cảnh tàn phá trên những con đường mà chúng tôi đã đi qua ngày hôm nay và ở chung quanh đây, đều biến đi trong màn sương chiều xám nhạt. Không gian thu lại trong căn lều với bếp than đỏ hồng, ngọn đèn dầu ấm áp, với đứa bé đang ngồi phá mâm, với vợ chồng chú Tư đang bận bịu vào những việc nho nhỏ trong gia đình.

Đang dở bữa cơm thì một bà cụ người đậm và thấp, mặc chiếc áo cánh lụa bước vào nhà. Cụ vén những sợi tóc bạc lòa xòa trước trán lên mang tai, không để ý đến chúng tôi, chao chát nói với vợ chồng chú Tư một thôi một hồi. Tôi nghe câu được câu chăng. Nhưng rồi tôi cũng biết bà cụ là mẹ chú Tư, đến mách tội người con dâu thứ hai. Chú Tư hiền lành chẳng biết nói câu nào, bà cụ vì thế càng thêm bực bội. Thím Tư phải khéo léo lựa lời làm cho bà cụ dịu cơn giận ra về.

Tôi ngồi âm thầm hưởng hết cái không khí gia đình của nhà chú thím. Thím Tư chắc không hiểu ngay cả câu chuyện to tiếng của mẹ chong thím vừa rồi mà thím đã cố dẹp đi, cũng không làm cho những người khách như chúng tôi khó chịu chút nào. Mọi việc vẫn diễn ra bình thường thôi, tôi nghĩ vậy.



-----------------------------------------------------------------------------------
1. Bị địch kết tội là đã có hành động chống lại chính quyền của chúng
2. Tiền của ngụy quyền miền Nam trị giá khoảng một đồng của miền Bắc

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #15 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2017, 04:18:57 pm »

3.

Đêm đầu tiên ở đồng bằng, tôi nằm cứ thao thức mãi. Vợ chồng chú Tư nhường cho chúng tôi chỗ ngủ ở ngoài hầm, Quang và tôi không nhận vì chú thím có cháu bé. Bảo chúng tôi ra hầm mãi chẳng được, hai vợ chồng cũng ngủ lại trong nhà. Chú thím nằm trên chiếc giường tre độc nhất trong căn nhà, giữa hai người là đứa con nhỏ. Quang và tôi mắc hai cái võng cạnh giường của chú thím. Không còn chỗ nằm nào khác, đứa con lớn của chú thím đành ra ngủ một mình ở căn hầm đắp nổi cạnh nhà.

Buổi tối, khi thím Tư nấu xong nồi cam thứ hai, tôi đã nhìn thấy thím xẻ già nửa vào chiếc mo cau, vắt một vắt cơm lớn. Tôi hỏi:

- Nhà ăn cơm rồi, thím vắt cơm làm gì?

- Vắt cho chú, phòng mai địch tới sớm, chú phải đi thì cả ngày khỏi đói.

Hai anh thanh niên ghé vào nhà xin nước uống. Chú Tư rót nước chè vừa hãm trong ấm tích ra mời. Tôi nghĩ họ là những người đi ngang vì thấy trên lưng mỗi người đều có một chiếc ba-lô nhỏ rất vuông vắn. Họ ngồi mãi cho tới khi một cô gái mặc áo đen cộc tay, đeo chiếc máy thu thanh bán dẫn, bước vào sân nhà chú Tư. Cô gái ngó vào nhà, cười khanh khách, rồi nói:

- Biết ngay mà! Lại ghé vô chú Tư trà thuốc. Nhân dân tới đông cả rồi!

Nói xong, cô gái lại cười. Tiếng cười thật giòn. Một anh chào chú thím và chúng tôi, đứng dậy đi ra. Anh kia vớ cái điếu cầy cố rít thêm một hơi, rồi chạy vội ra theo. Anh nói với cô gái đang cười ngặt nghẽo:

- Con gái vô duyên, chưa nói đã cười.

Tiếng cười của cô gái vụt tắt. Cô đứng sững nhìn anh, buông xuôi hai cánh tay thật là trắng. Rồi cô nói:

- Tôi không cười thì anh ưng cho tôi khóc à?

Dứt lời, cô gái lại phá lên cười. Khi cô gái quay đi, tôi thấy trên lưng của cô cũng có một chiếc ba-lô. Tiếng nói trong trẻo của cô phát thanh viên đài miền Bắc nhỏ dần trên con đường vẫn còn sót lại những hàng rào dây thép gai của ấp chiến lược năm trước. Tôi hỏi Quang:

- Họ đi đâu vậy? - Tôi đoán đêm nay ở đây có cuộc đưa tiễn thanh niên lên đường tòng quân.

- Thanh niên đi họp xóm đó.

- Sao lại mang ba-lô?

- Ở ni rứa đó. Thanh niên từ nhà ni qua nhà tê cũng ba-lô trên vai. Quân sự hóa mà. Địch đến là mần luôn.

Theo ý Quang, đêm nay, chúng tôi không nằm màn để dễ ứng phó khi có động. Khẩu súng ngắn đặt trong võng cứ kềnh kệnh giữa hai bắp đùi.

Bên ngoài, trăng thượng tuần đã lên cao. Cái sân nhà chú Tư bằng đất nện trắng xóa. Những ngôi nhà nằm rải rác trên cánh đồng lại hiện lên âm thầm dưới ánh trăng. Đêm yên tĩnh. Cái yên tĩnh đã kéo dài suốt từ buổi chiều đến giờ. Cũng có những tiếng đại bác nhưng rất xa, không đủ át tiếng rít đinh tai của một chú dế ở dưới cái chân cột nhà bằng thân cây cau, chốc chốc lại cất tiếng inh ỏi. Con trâu ở đầu hồi nhà đang nằm nhai lại cỏ thỉnh thoảng lại thở phì phì. Từ những ruộng lúa mới cấy đầy nước vây quanh nhà chú Tư đưa vào mùi phân ải. Có những hàng lúa đứng ngay dưới mái tranh. Ở đây, mọi người nép gọn chỗ ăn ở để dành đất cho khoai lúa. Khoai mọc ngay trên nền những ngôi nhà bị giặc đốt cháy. Những hố bom trên cánh đồng nếu chưa bị lấp đi thì trở thành những nơi chứa nước. Buổi tối chú Tư đi họp về rì rầm nói với thím Tư về việc chuẩn bị chống càn, việc trồng mầu gối vụ và phải bón thêm cho mỗi sào ruộng ba gánh phân chuồng.

Các cửa ra vào của nhà chú Tư vẫn để ngỏ. Từ ngày giải phóng đến giờ, tất cả các ngôi nhà ở vùng này lúc nào cũng để ngỏ cửa. Không phải chỉ vì nạn trộm cắp không còn nữa, mà vì đây là một con đường bộ đội giải phóng hay qua lại. Anh em thường nghỉ chân tại đây trước khi ra vùng biển hoặc đi lên vùng núi. Những người khách lúc nào cũng tất bật, vội vã ấy đến đây không kể ngày hay đêm. Có buổi trưa, họ ghé vào nhà xin vài gáo nước, mấy nắm rơm, nấu xong “hăng-gô” cơm, chỉ ăn một nửa rồi treo vào ba-lô, lại hấp tấp lên đường. Có lúc nửa đêm, họ vào nhà đặt đầy những gùi gạo nặng, mắc võng dày đặc, trải vải mưa ngay dưới đất, nằm quay ra ngủ. Trước khi trời sáng, họ đã đi hết. Cũng có những người như chúng tôi hôm nay, nhờ chú thím cho ăn một bữa trưa, ngủ lại một đêm, sớm mai tiếp tục chặng đường. Trong những người khách ấy, nhiều người vợ chồng chú Tư chưa hề biết mặt. Chủ và khách đã có những quy ước lặng lẽ với nhau. Trước khi đi làm đồng hoặc đi ngủ, chú thím thu xếp nhà cửa thật gọn gàng. Cái nồi, con dao, mớ củi được để vào những chỗ dễ nhận ra nhất chung quanh bếp. Khách cần nghỉ lại thì nhà đó, muốn nằm đâu thì nằm. Khách cần nấu nướng thì nồi đó, củi đó, nước đó. Nửa đêm, khách vào nhà thấy vợ chồng chú thím đã ngủ say, lặng lẽ bấm đèn pin hoặc đánh đá lửa, rón rén ra vào cố gắng không gây tiếng động; khách biết rõ mỗi giờ phút yên tĩnh nghỉ ngơi ở đây quý giá biết chừng nào. Sáng ra, chú thím nhìn trên bếp thấy đống gio đầy hơn, hay có những cành củi cháy dở, chút tàn thuốc lá, ít hạt gạo vãi trên đất, mới biết đêm qua có bộ đội ghé vào nhà. Những khung cửa mở rộng này là tấm lòng của vợ chồng thím đối với khách. Những bước chân ra vào rón rén, cái nồi, con dao được đặt vào đúng chỗ cũ, những vết chổi in trên nền nhà... là những lời cám ơn đầy đủ nhất của khách đối với vợ chồng chú thím.

Lúc này, vợ chồng chú Tư đã ngủ say. Thím nằm ôm lấy đứa nhỏ, cùng đắp cho với con một chiếc chăn đơn. Ban nãy, thằng bé thức giấc khóc, thím đã nằm như vậy ru nó rồi ngủ thiếp đi. Chú Tư nằm xây lưng về phía thím, quay mặt vào bức vách. Tiếng ngáy của chú đều đều, thỉnh thoảng lại rộ lên. Từ lâu, vợ chồng chú thím chắc chẳng có mấy lúc sống riêng với nhau. Thím Tư cũng chẳng còn phải giữ ý như ngày xưa, hễ có khách nghỉ lại nhà là vợ chồng mỗi người phải nằm mỗi nơi. Giữa vợ chồng thím và những anh cán bộ, chiến sĩ giải phóng nhiều lứa tuổi đã gắn bó với nhau bằng một thứ tình thân của những người con trong một gia đình. Thứ tình thân này đã vượt lên những câu nệ, giữ gìn. Trước khi đi ngủ, Quang đã đưa thím Tư số tiền gạo theo tiêu chuẩn hàng ngày mà chúng tôi đã được cấp phát để ăn dọc đường. Nhưng Quang nói thế nào thím cũng không chịu nhận. Thím chỉ nói là mấy lưng cơm sắn chả đáng bao nhiêu. Chú thím đã tiếp đón chúng tôi như trăm, ngàn chiến sĩ giải phóng đi ngang, ghé vô nhà. Một bó rơm, vài cành củi, mấy lưng cơm sắn thôi.. với mỗi người. Một con toán đơn giản hiện lên trong óc tôi. Chú thím ở đây ngày đêm bám lấy từng tấc ruộng, tấc vườn quyết không phải chỉ vì cái gia đình bé nhỏ của mình...

Cả cánh đồng bỗng nhiên tối sầm. Một đám mây dầy đã che khuất mặt trăng chăng? Lát sau, tôi nhận ra mảnh trăng lưỡi liềm đã khuất về bên kia dãy Trường Son. Tôi vẫn cứ thao thức, mặc dầu đã nhiều lần tự bảo mình phải ngủ một chút, ngày mai chúng tôi cần dậy sớm để đi. Nhưng lúc người ta thấy bằng lý lẽ mình cần phải ngủ, thì chính là lúc người ta không thể ngủ được. Hình như cũng có đôi lúc nào đó, giấc ngủ đã thoáng đến với tôi, nhưng nó chỉ như một đám mây bay qua che khuất mặt trăng, ngay trong khoảnh khắc lại vụt biến đi, và đầu óc tôi lại trong suốt.

Tôi bỗng nghe một tiếng động nhỏ ngoài sân. Vừa nhìn ra, mắt tôi đã bắt gặp ngay những tia lửa nhỏ lóe lên ở phía cửa. Một người đang đánh đá lửa. Qua ánh lửa vụt sáng vụt tắt tôi nhìn thấy mấy cái mũ giải phóng. Khi các bấc dầu đã bén lửa, tôi thấy hiện lên khuôn mặt tròn quen thuộc, hơi mệt nhọc của một cô gái. Chiếc áo bà ba của cô căng lên vì cái gùi nặng ở sau lưng.

- Nhà ni có người rồi mi à - Cô gái nói.

- Đi nữa hỉ? - Tiếng một cô gái khác đứng bên ngoài.

Ánh lửa phụt tắt. Tôi đã nhớ ra cái cô đánh đá lửa vừa rồi là cô bán hàng tại mậu dịch Thừa Thiên. Trên đường đi, mặc dầu không có nhiều thời giờ, tôi và Xương vẫn yêu cầu được vào thăm cái cửa hàng mậu dịch của tỉnh. Chúng tôi đã làm quen với trường hợp một người bạn gặp ở dọc đường, chuyện trò “tâm đầu ý hợp” suốt buổi, bỗng dưng bỏ đi biến ở một khúc ngoặt nào mà không nói với mình nửa lời. Chúng tôi đã biết là anh phải giữ nguyên tắc không để người khác nhìn thấy con đường rẽ vào cơ quan. Chỉ nguyên cái điều ở đây cũng có một cái cửa hàng để mọi người đến mua bán, đã là một sự hấp dẫn đặc biệt đối với chúng tôi... Ở một nơi chỉ nhìn qua cũng biết là không yên ổn lắm, những cô bán hàng đứng sau chiếc quầy nứa vui vẻ đón tiếp các chiến sĩ giải phóng. Các cô đưa cho khách lựa chọn những chiếc khăn mặt, những ống thuốc đánh răng, những bao bột ngọt, những hộp sữa nước... và cả những chiếc lược bằng ni-lông có hoa văn dùng cho phụ nữ. Họ phải tin vào tất cả những người khách mua hàng hầu hết là không quen biết này. Họ cứ ở cái địa điểm đã quen thuộc với mọi người này chừng nào kẻ địch còn chưa tìm ra. Nếu lộ, họ sẽ phải gan góc chịu đựng, phải bảo vệ lấy hàng dưới những trận mưa bom. Sau đó, họ sẽ đưa tất cả các thứ được xếp trong những chiếc gùi gọn ghẽ kia tới một nơi khác, không thể nói chắc chắn là sẽ yên ổn hơn ở đây. Tại đó, họ sẽ lại dựng nhà, làm những quầy nứa mới, mở lại cửa hàng đón khách, sẵn sàng chịu đựng những chuyện không hay khác nếu có... Cô gái mặt tròn này bữa ấy mặc chiếc áo cổ bẻ có những bông hoa tím nho nhỏ. Cô đã kiên nhẫn lục hết gùi này qua gùi khác để tìm đổi cho chúng tôi bao thuốc lá thơm đã mua, lấy một thứ thuốc đậm hơn và cũng hợp với túi tiền của chúng tôi hơn. Người đi cùng cô mà tôi không nhìn rõ mặc chắc cũng là một nhân viên tại cửa hàng. Các cô gái ở đây rất thích cái mũ vải tròn cũng như bộ quần áo bà ba đen của các o giải phóng. Chắc họ đi đồng bằng để lấy hàng về. Đêm nay, tôi càng hiểu rõ hơn công việc của các cô và giá trị của mỗi bao thuốc lá, mỗi viên đá lửa chúng tôi nhận được từ tay các cô ở cửa hàng.

Hai cô gái đi khuất rất nhanh vào bóng đêm dày đặc như chứa đựng đầy cạm bẫy. Con đường cạnh nhà chú Tư vẫn im ắng. Lúc đó, tôi mới biết họ chỉ có hai người. Tôi tự trách mình tại sao lại để cho họ đi như vậy. Tôi bỗng nhớ tới câu thơ của Nguyễn Du: “Canh khuya, thân gái, dậm tràng”. Nàng Kiều run như chiếc lá của Nguyễn Du đêm nào gần hai trăm năm về trước, đã hóa thân thành các cô gái mạnh mẽ, xông pha trên đường công tác đêm nay.

Tiếng đại bác nổ rền phía đường số 1. Lại thêm hình ảnh hai cô gái đi trong đêm khuya ở vùng đất lửa này tới cản trở giấc ngủ của tôi.

Có lẽ tôi vừa chợp mắt được một lúc thì thấy có người lay vai mình nhè nhẹ. Quang đang đánh thức tôi. Đã ba giờ sáng. Chúng tôi đeo bao đồ lên lưng, tháo võng gấp lại, rồi im lặng rời khỏi nhà chú thím Tư.

Cỏ trên đường ướt đẫm sương. Tôi cố giương mắt thật to nhìn cái bóng người cao gầy có cái lưng gù gù chập chờn trước mắt. Chốc chốc, Quang lại phải dừng bước, chỉ cho tôi tránh một hố chông hay một chỗ lội. Anh có cặp mắt tinh như mắt mèo. Trời lờ mờ sáng thì có tiếng máy bay lên thẳng. Những tiếng phành phạch, phành phạch mỗi lúc một rõ dần. Chúng tôi đứng nép vào một bụi cây, chờ cho những con chuồn chuồn ngô bằng sắt đó bay qua đầu. Chẳng mấy lúc đã nghe thấy tiếng súng nổ rền.

Quang dùng bước, quay lại nhìn về phía có tiếng súng. Hình như anh cũng chỉ ngủ được ít, da mặt khô và tai tái.

- Đúng chỗ chúng mình nghỉ đêm qua.

Quang nói với tôi như vậy, đôi mắt sáng và ươn ướt của anh bỗng đỏ lên.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #16 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2017, 02:02:20 pm »

4.

Xã Mỹ Thủy nằm cách sân bay Phú Bài vài ki-lô-mét là một trong những xã được giải phóng trong đợt đồng khởi tháng 7 năm 1964.

Tháng 4 năm 1965 quân Mỹ từ Đà Nẵng kéo ra Thừa Thiên. Chúng ập tới như một cơn bão.

Những đoàn xe vận tải, bọc sắt, những khối thép xám nặng nề rùng rùng chạy trên đường số 1. Tiếng xích sắt nạo sỏi đá nhức óc. Bụi cát cuốn lên trên mặt đường, làm bạc trắng cả những cành dương. Xen vào các đoàn xe là những đám lính bộ. Chúng mặc quần áo nhà binh dã chiến màu xanh sẫm, mang tiểu liên cực nhanh và trung liên cá nhân, quấn chéo, quấn quanh đầy người những dây đạn đồng vàng óng, xếp hàng đi đều như lúc duyệt binh. Trông chúng bóng lộn như những bộ dao đĩa vừa được ném ra mặt bàn ăn trong các bữa tiệc nước ngoài.

Những tên lính cao vai hẹp đó khua gót giày đinh cao cổ ầm ĩ. Chúng nhìn những cồn cát, những xóm làng sao mà thấp và xanh thế, bằng cặp mắt vui vẻ. Nhiều tên cách đây không lâu còn mặc những chiếc áo ngắn tay sặc sỡ, dạo chơi trên các hè phố ở nước Mỹ. Chúng đã được cạo trọc đầu đi, rồi đưa vào các trại huấn luyện. Ở đây nhà nước Mỹ trao vũ khí cho chúng, và dậy cho chúng: “Tinh thần của lưỡi lê là giết”. Khi chúng đã thông thuộc các điều lệnh chiến đấu, chúng được đưa xuống tàu để đi một chuyến công vụ có thời hạn là một năm. Bây giờ thì chúng đang bỡ ngỡ trước ánh nắng chan hòa của một xứ ở vùng nhiệt đới rất xa tổ quốc, một nơi có nhiều “Việt cộng” như người ta nói với chúng. Chúng đang kiêu hãnh vì chúng là một dân tộc “thượng đẳng” ở một nước văn minh tới đây. Chúng giơ tay vẫy những người đàn ông chân lội bùn đi sau con trâu, làm việc trên cánh đồng đầy nước. Chúng mỉm cười với những em bé tóc đen, mắt đen, đứng bên đường nhìn chúng với vẻ mặt khó hiểu. Nhưng ngay lúc ấy, chúng có thể bấm cò súng nhả một loạt đạn vào họ mà sau đó không phải nghĩ ngợi gì. Trước mắt chúng vẫn chỉ là những “sinh vật hạ đẳng”, không phải là những “con người” như chúng. Ở nước chúng, màu da đen thuộc về loài nô lệ; da vàng, cũng chẳng khác là bao.

Chúng hiểu rất mơ hồ về mục đích mà nhà cầm quyền Mỹ đang sử dụng chúng. Những kẻ gây tội ác khi không bận lòng vì mình đang gây tội ác thì lại càng nguy hiểm, nhất là khi chúng nắm trong tay những vũ khí giết người tinh xảo.

Phần lớn bọn chúng chưa hiểu chiến tranh là gì. Chúng rất tin vào sức mạnh của vũ khí chúng đeo đầy người, và những thứ đang làm ầm trời ầm đất trên dải đất hẹp chẳng thấy có gì đáng kiêng nể này.

Chắc chưa mấy đứa nghĩ là một ngày kia, chúng sẽ trở lại con tàu đã đưa chúng đến đây, trong những bao chất dẻo, trên phủ một lá cờ có những sọc đỏ và những ngôi sao, để quay về nước Mỹ. Lúc đó, chúng không còn có tri giác để đáp lại cái chào của viên sĩ quan cấp trên đứng đón chúng với bộ mặt không biểu lộ một thứ tình cảm gì rõ rệt, bàn tay đưa lên vành mũ rồi lại bỏ xuống đều đều như một cái máy. Phần lớn bọn chúng đều đang vui vẻ.

Vùng trời Phú Bài nổi lên một cơn lốc xoáy. Nơi đây đã trở thành một sân bay. Những tiếng ầm ầm, tiếng rú, rít đinh tai nhức óc suốt ngày đêm, làm cho những chị có mang lo sợ bị sảy thai. Đêm đêm, Phú Bài rực lên một vừng ánh sáng. Ở xa, người ta cũng vẫn nhìn thấy ngọn đèn đỏ trên cột điện vô tuyến nhấp nháy. Từ chấm lửa đỏ lơ lửng giữa trời và vừng ánh sáng trắng đó, đạn đại bác địch vãi ra bốn chung quanh. Đạn đại bác của chúng rơi xuống các thôn ấp, các ngã ba đường, các khu rừng để tạo cho chúng một hàng rào lửa. Bọn sĩ quan và lính pháo thủ Mỹ thích thú khi nhìn thấy những loạt đạn pháo của chúng nổ giòn giã, đúng vào các tọa độ đã được tính toán.

Nhưng bọn Mỹ cũng biết hàng rào của đại bác không đủ bảo đảm an ninh cho những chiếc máy bay đắt tiền ở đây. Nền khoa học ở nước chúng đã có thể làm ra những tên lửa bay lên mặt trăng, nhưng chưa chế tạo được những viên đạn biết tìm đến những người du kích. Chúng nống quân ra quanh Phú Bài.

Riêng tại xã Mỹ Thủy, quân Mỹ đã kéo tới trên hai ngàn tên. Chúng vui vẻ đi vào những thôn ấp còn khét mùi bom đạn của chính chúng vừa trút xuống. Chúng dựng lên khắp nơi những nhà bạt, xếp những bao cát thành công sự, đặt dây thép gai bùng nhùng chung quanh. Đi đến đâu cũng chạm lưỡi lê và súng Mỹ. Binh lính Mỹ vẫy trẻ con vào chơi với chúng. Có những tên Mỹ nói tiếng Việt dẻo như kẹo, đi lân la khắp các nhà trong làng. Chúng cũng thăm hỏi sức khỏe của dân làng. Thỉnh thoảng, chứng mang cho họ ít bột mì mốc, một hộp thịt hay một hộp sữa quá hạn. Xó xỉnh nào chúng cũng mò tới. Có lúc chúng sục cả vào buồng riêng, nói tưởng có người ốm nằm trong đó nên vào thăm. Những tên Mỹ này có cặp mắt làm cho đồng bào phải chú ý. Cặp mắt của chúng không mấy khi thanh thản, hay nhìn soi mói vào những nơi, những vật không có liên quan gì đến câu chuyện của chúng: Một xó nhà bếp, một góc chuồng bò, chiếc ô kéo ở bàn máy may, cái ống hương đặt trên bàn thờ... Cặp mắt đó chứng tỏ là chúng đang nghĩ khác những điều chúng nói. Rồi đồng bào còn nhận ra là bọn này hay thay hình đổi dạng. Thoắt thấy chúng mặc thế này, thoắt thấy chúng mặc thế khác. Vừa buổi sáng thấy tên Mỹ này màu da trắng, thì buổi chiều, cũng chính nó đã trở thành đen tuyền từ đầu chí chân.

Gái điếm xuất hiện cùng với lính Mỹ. Nhưng lính Mỹ không chỉ thích có gái điếm. Hai thằng vào chơi nhà một ông cụ. Chúng nhìn thấy một cô gái mới lớn. Hai đứa nhấm nháy nhau. Một thằng ném lên bàn bốn trăm bạc, rồi đi lại nắm tay cô gái. Cô gái giằng co vùng vẫy để dứt ra. Cụ già chạy lại cứu con, làm cho thằng Mỹ tuột tay. Cô gái chạy thoát. Tên Mỹ quay lại bóp cổ ông cụ. May mà dân làng kịp kéo tới. Một cô gái khác đang ngồi giặt quần áo bên giếng, bất thần, thấy mình bị nhấc bổng. Nhận ra mình đã nằm trong tay một thằng Mỹ, cô giãy giụa, la thét. Mấy thằng khác xúm lại, giúp tên này khiêng cô đi. Bà con vội gọi nhau đổ xô tới. Biết không lọt, bọn Mỹ quăng cô xuống đường, rồi bỏ đi. Cô gái thoát khỏi tay chúng bữa ấy, nhưng từ đó trở thành người mất trí.

Bọn ác ôn thoát chết sau ngày đồng khởi ở Mỹ Thủy, trốn tránh ở các vùng địch còn chiếm giữ, lại trở về núp sau lưng lính Mỹ. Chúng nhận mặt những người hoạt động cho Mặt trận và mang thuốn đi xâm hầm.

Binh lính Mỹ ào ào đổ xô đến những nơi có tiếng súng, lùng sục du kích...

Quân Mỹ mở liên tiếp hàng loạt những cuộc càn xung quanh các vị trí trú quân. Đại bác của chúng bắn không thương tiếc vào các thôn ấp không có quân chúng đóng, và bắn cả lên rừng núi.

Vào đầu mùa xuân năm ấy, chính là lúc đế quốc Mỹ ném vào chiến trường miền Nam thêm hai mươi vạn quân. Tổng số quân Mỹ, tay sai và chư hầu đã lên tới gần một triệu. Trong lịch sử chống ngoại xâm của loài người, các dân tộc mấy khi đã phải đương đầu với một kẻ thù đông tới một triệu tên. Một thế kỷ rưỡi trước đây, Na-pô-lê-ông vét quân các nước chư hầu ở châu Âu, mở cuộc tấn công vào nước Nga bao la, khi tiến về Mạc-tư-khoa tính ván bài quyết định với Nga hoàng, số quân của hoàng đế Pháp cũng chỉ tới nửa triệu.

Đùng một cái, trên chiến trường nhỏ hẹp của đất nước, đổ tới thêm hai mươi vạn quân xâm lược. Lần này, chính là quân Mỹ. Bọn lái buôn máu xưa nay, chỉ quen dùng đô-la thuê người nước ngoài đi đánh, đã đến lúc phải đưa người của chúng ra trận. Bọn lái buôn chiến tranh từ xưa đến nay, chỉ thích đứng ngoài cuộc, chờ tình thế ngã ngũ thì nhảy vào kiếm lời, lần này, đã phải nhảy vào trận đánh trong lúc tình hình đang bất lợi.

Ý định của kẻ thù lần này cũng rõ rệt như chính lòng tham của chúng. Chúng thẳng tay ném thêm một quả tạ lên bàn cân khi thấy cán cân lực lượng không lợi cho chúng. Chúng muốn đùng một cái, đảo ngược lại tình thế, giành một thắng lợi quyết định.

Cuộc chiến đấu của nhân dân ta đã tiến sang một giai đoạn mới mà đây chỉ là bước mở đầu. Rồi đây, quân Mỹ không phải chỉ là hai mươi vạn. Nhân dân ta đang đảm đương trước lịch sử một nhiệm vụ thật nặng nề.

Các đồng chí lãnh đạo đứng trước tấm bản đồ đất nước nhỏ hẹp, sau lưng là núi cao, trước mặt là biển cả, nhìn những chấm xanh xuất hiện mỗi ngày một nhiều. Chúng ta không có đất lùi. Chỉ còn cách đứng tại chỗ tấn công giáng trả lại kẻ thù. Những ngày mưa giăng trắng đôi bờ sông Cửu Long, những đêm nước tràn ngập các khu rừng ở bưng biền, trên những vừng trán cao ấy, chắc đã có thêm những nếp nhăn, trên những mái tóc hoa râm ấy, chắc đã có thêm nhiều sợi bạc. Những người du kích Trị - Thiên ở xóm làng bé nhỏ của mình, phá chặn trước mặt, cát ngăn sau lưng, đường chiến lược bao vây chung quanh, nghe đất trời rung chuyển dưới trận bão của kẻ thù vừa ập tới. Mưa trên đỉnh Trường Sơn đã dứt, sương mây vén gọn lại trả màu xanh cho núi, những cồn cát vàng rực lên dưới nắng hè. Thời tiết ở đây khác với trong kia, nhung những suy nghĩ đang đè nặng trên đầu mỗi người ở đây không khác.

Xã đội trưởng dân quân Mỹ Thủy là Nguyễn Viết Phong năm ấy vừa tròn hai mươi tuổi. Khi Mỹ vào, anh đang theo học một lớp huấn luyện về trinh sát ở trên tỉnh. Những đồng chí dưới xã lên đã nói cho Phong biết rõ tình hình ở nhà. Phong nghe những tin dữ về gia đình, về các đồng chí, về thôn ấp, thấy cay cay ở đôi mắt. Bố anh đã bị chúng bắt đi đầy biệt tin từ mấy năm nay. Giờ lại đến lượt mẹ anh. Nhưng mẹ Phong bị bắt lần này chẳng phải là lần đầu. Người anh ruột của Phong vừa bị giặc Mỹ bắn chết. Giữa Phong và anh, ngoài tình ruột thịt còn tình đồng chí. Hai anh em đã dắt díu nhau cùng đi hoạt động. Hai đứa em nhỏ của Phong giờ mất thêm mẹ, phải đi theo bà chị dâu vừa góa chồng. Cây mai hoa vàng trồng trước nhà Phong bị đạn pháo của Mỹ chém cụt rồi. Đêm đêm, ánh sáng ở sân bay Phú Bài tỏa đến tận nhà anh, đại bác Mỹ nhả ra các thôn ấp chung quanh hàng ngàn quả đạn. Ấp Năm bị chúng bắn tan nát cả rồi. Ác ôn kéo về đông. Nhiều đồng chí bị giết và bị bắt. Nhưng tất cả những chuyện đó không làm cho người thanh niên ngạc nhiên. Phong chẳng phải đã được sinh ra và lớn lên trong nôi ấm. Anh đã nhìn tận mắt bao nhiêu tai ương, bao cơn dông bão từ ngày “tố cộng” đầu tiên đến giờ.

Điều làm Phong ngạc nhiên, băn khoăn là thằng Mỹ ra sao? Chúng nó có nhiều súng đạn, có những khẩu tiểu liên cực nhanh rất nhẹ... Những cái đó chẳng có chi lạ. Nhưng điều lạ đối với Phong là theo các đồng chí nói, mỗi lần chúng ta nổ súng là địch ùa tới, bu lại như một đàn ruồi. Có thể nào như thế nhỉ? Chả lẽ chúng không biết sợ đạn, không biết sợ cái chết? Nhưng các đồng chí ở dưới xã lên đều nói như thế. Anh em đã gọi chúng là “ruồi bu”.

Chính vì chúng nghe tiếng súng là bu lại nên gần đây, thôn ấp vắng tiếng súng; đội du kích nhỏ bé mới xây dựng của Mỹ Thủy bị tiêu hao, chưa biết hoạt động cách nào. Bà con trong thôn ấp có phần lo lắng.

Có cách nào đánh thắng chúng được không? Tâm tư của người du kích trẻ tuổi Nguyễn Viết Phong cũng là tâm tư của tất cả những người đang cầm súng chiến đấu khi hai mươi vạn quân Mỹ từ bên kia đại dương ào ạt tới. Phong ngồi học luôn luôn thấy trong người như có lửa đốt. Hai tháng sau, lớp học kết thúc, người du kích như con chim sổ lồng khoác tiểu liên trở về xã.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #17 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2017, 02:07:57 pm »

5.

Nửa đêm về sáng, ba người du kích từ ấp Bốn đi sang ấp Năm. Trời sáng trăng, gió biển thổi vào mát rời rợi. Phong trở về xã đã được bốn ngày. Tình hình hoạt động của dân quân du kích chẳng có gì đáng phấn khởi. Nhưng lúc này đi trên những trái đồi quen thuộc để trở về ấp Năm, Phong thấy trong lòng vui vui. Bữa nay, anh cùng hai đồng chí du kích ra đây chuẩn bị lại cơ sở để thử sức một trận với bọn Mỹ. Phong đã thấy rõ muốn giải quyết tình hình này, chỉ có cách nổ súng trở lại, nổ súng thật quyết liệt. Bọn Mỹ ngày càng nghênh ngang. Bây giờ thì không phải chúng chỉ càn quét loanh quanh vùng đóng quân mà chúng đã mở rộng những trận càn tới vùng giáp ranh.

Suốt mấy tháng nay, ấp Năm là nơi bọn Mỹ càn quét quyết liệt nhất vùng này. Chúng nghi du kích xã và bộ đội giải phóng ở trên về thường tụ họp ở đây. Chúng còn muốn quét thật sạch ấp Năm vì đây là nơi mỗi lần đi càn ở vùng giải phóng, quân lính của chúng phải qua lại. Đến quả đồi cạnh ấp, họ dừng lại. Dưới ấp, không một ánh đèn lửa. Phong bảo Tiêu:

- Mi ở đây thôi, cảnh giới nghe, sắp sáng rồi, để tau với thằng Xê vô ấp coi ra răng.

Các nhà trong ấp vắng tanh. Phong nhớ lại hồi còn ấp chiến lược, đêm đến là giờ thiết quân luật, quang cảnh cũng như thế này. Có lẽ nào lại quay lại như cũ, Phong tự hỏi mình. Theo lời các đồng chí thì trong ấp vẫn còn những nhà có người ở lại, nhưng ban đêm, họ ngủ trốn nơi nào không biết. Phong và Xê vào một nhà cơ sở cũ. Tro bếp còn nóng, nồi khoai vẫn đặt trên kiềng, nhưng tìm mãi không thấy người nhà đâu. Phong bảo Xê:

- Ở đây chờ sáng thôi. Nói cho thằng Tiêu biết.

Xê đi một lát rồi quay về.

- Hầm bị hỏng nắp, tui đã thay rồi. Khi cần biến là có chỗ biến ngay. Tui đã báo cho thằng Tiêu là chúng mình đặt “chỉ huy sở” ở nhà ni.

Phong mỉm cười nói:

- Bữa ni đập một trận cho đã. Chưa chắc đã thèm nằm hầm mô!

- Tui cũng không ưng nằm hầm. Đồng đất nhà mình thiếu chi chỗ nấp.

Họ ra nương chè sau nhà. Phong mở tấm ni-lông rải lên miệng hầm tránh pháo. Ở đây, địch hay bắn đại bác về bất thần. Anh bỏ ra một vắt cơm, hai người cùng ngồi ăn. Phong nói:

- Bữa ni, tau muốn coi bọn hắn bu ra răng?

- Bọn tui coi nhiều rồi. Anh phải cho lanh nghe.

- Để coi. Chừ cứ tranh thủ ngả lưng cái đã.

Họ cùng nằm trên mảnh ni-lông. Hoi đất ẩm mát lạnh dưới lưng. Từ hôm Phong về, anh em đều đồng ý với Phong là phải bớt nằm hầm, lên ở nổi để đánh địch. Nhưng một số còn ngại nổ súng thì địch sẽ bu lại. Phải đánh một trận coi ra sao, đánh được ngay hôm nay thì càng tốt... Có lẽ nào chúng nó lại không biết sợ đạn? Nằm bên anh, Xê đã ngáy đều đều.

Có tiếng chân người chạy gấp phía sau, Phong nhỏm dậy. Nhìn thấy cái mũ giải phóng và dáng người cao to của Tiêu, Phong hỏi ngay:

- Tiêu, có chuyện chi?

- Mỹ lên rồi!

- Đông hay ít?

- Lúc nhúc, nhiều lắm!

Xê cũng đã thức giấc. Không ai bảo ai, cả hai người vùng đứng dậy. Phong nói:

- Thu gùi đi.

Họ lột quần dài, tụt dép, gói vào tấm ni-lông, giấu biến vào bụi cây. Phong và Xê quấn chéo dù lên cổ, xách súng theo Tiêu, chạy vụt lên đồi.

Những vệt đèn pin quét ngang quét dọc trên một quả đồi phía trước. Bọn mi cũng siêng đó, Phong nghĩ thầm. Đứng đây nghe được cả tiếng máy điện thanh sè sè, và thấy rõ cả những bóng người cao dài đi lại lố nhố. Địch ở cách họ hai quả đồi nhỏ. Phong đoán bọn này vừa đi càn về. Năm ngày qua, ba tiểu đoàn Mỹ đã mở một cuộc càn ở vùng giáp ranh.

Những người du kích kéo xuống ấp, ngồi trao đổi nhận xét tình hình. Họ phân vân chưa rõ đây là bọn chúng đi càn về qua, hay chúng định mở một cuộc càn mới vào ấp hôm nay.

Nền trời mỗi lúc một xanh và trong hơn. Vừng trăng dần dần trắng bệch như một mảnh gương. Một chiếc máy bay trinh sát xám xịt từ đâu bay đến. Nó vè vè lượn vòng quanh ấp. Cũng lúc ấy, những tiếng phành phạch phành phạch của máy bay lên thẳng ngày càng dồn dập.

Tiêu đứng cảnh giới ngoài nương chè, quay lại gọi:

- Anh Phong ơi, hắn đổ quân xuống chiếm mấy trái đồi rồi!

Phong và Xê cùng chạy ra nương chè. Máy bay lên thẳng nối theo nhau, nhả xuống các quả đồi từng loạt những tên Mỹ trắng, Mỹ đen. Chúng đội mũ vải lưỡi trai, mặc quần áo màu xanh thẫm, quấn đạn đầy mình. Họ có thể nhìn rõ cả những chiếc giày cao cổ màu đen của chúng.

Phong nhận thấy ngay tất cả những con đường ra khỏi ấp địch đều đã bịt kín. Trong khoảnh khắc, ba người đã như bị lùa vào trong một chiếc rọ. Cánh quân địch ở phía Phú Bài đi lên theo đường cái đang tiến vào ấp. Bọn địch trên đồi, chắc cũng sắp đánh xuống.

Đạn réo quanh tai như ong vỡ tổ. Nhiều ngôi nhà trong ấp bắt đầu bốc cháy vì những viên đạn lửa. Từ bốn phía, tiếng nổ mỗi lúc một nhiều. Phong nói như quát:

- Đánh chớ các đồng chí?

Mặt Tiêu trắng bệch nhưng lại có những đám đỏ ửng.

- Chừ hắn đông, đánh cách răng? Hướng mô trước?

- Đông mặc kệ! Hắn càn. Bọn ta kiên quyết chống càn.

Phong mở túi cấp cứu, rút ra một cuốn băng cấp cứu, nhét vào túi ngực để dễ lấy khi cần đến. Anh lên đạn. Hai chiến sĩ du kích làm theo anh. Cặp mắt Phong nảy lửa, anh nói:
- Từ giờ phút ni, coi như mệnh lệnh chiến đấu. Bám nhau thật sát! Phải đánh đến cùng! Không ỷ lại, ai có sáng kiến chi cứ tự động.

Anh chưa kịp nghĩ ra một kế hoạch đánh địch, nhưng anh tự bảo: Cứ đánh đã rồi sẽ liệu dần. Chợt nhận ra là mình ở chỗ thấp không lợi, anh bảo:

- Ở đây thất thế. Phải đánh bật bọn hắn đi, chiếm lấy một quả đồi.

Thế là họ đã có hướng tấn công bọn địch. Họ lợi dụng vạt tràm bò về phía quả đồi máy bay lên thẳng đang tiếp tục đổ quân. Phong quanh lại bảo Xê và Tiêu:

- Bắn cho thật trúng nghe!

Mặt Phong nóng ran. Anh nắm chắc khẩu tiểu liên, vừa tiến về phía địch vừa thầm nói với mình: Để coi bọn mi có biết sợ đạn hay không?
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #18 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2017, 02:09:17 pm »

6.

Họ đã vượt qua hết vạt tràm. Địch vẫn còn ở cách họ khoảng ba chục mét, khoảng cách hơi xa đối với những người du kích. Trước mắt họ là một bãi trống. Phong nằm lại, không được vừa ý lắm. Nòng súng của những chiến sĩ du kích hơi di động, tìm những mục tiêu hỗn độn ở phía trước. Phong đã chọn được cái thằng mang khẩu đại liên. Anh muốn kiếm một tên sĩ quan nhưng chưa thấy nên phải nhắm thằng này. Chợt thấy địch đang chuẩn bị tiến công, anh xua tay bảo Xê và Tiêu:

- Khoan bắn! Chờ hắn tới gần đã.

Sau lưng họ, cánh quân địch từ Phú Bài lên đã tiến vào trong ấp. Khói mù mịt bao phủ các ngôi nhà. Một toán địch đã xộc vào căn nhà họ ngồi khi nãy.

Bọn địch trên đồi bắt đầu tiến xuống ấp. Chúng dàn thành hàng ngang, đi thẳng người trước mũi súng của Phong y hệt những cái bia. Phong vẫn không rời thằng mang khẩu đại liên. Nó có một cái mũi dài và cái cằm mới cạo râu xanh biếc. Mặt nó hơi khó hiểu, không có vẻ gì là một tên lính bắt đầu xung trận. Hai cái môi mỏng của nó hình như đang mỉm cười. Chính cái mồm của nó đã làm Phong bỗng nhiên tức lộn ruột. Nhà cửa cháy rừng rực trước mặt mày thế kia mà mày vẫn vui vẻ à? Người nó như cứ ngửa dần ngửa dần mãi về phía sau làm Phong cứ phải nâng nòng súng lên cao để chiếu cho đúng vào giữa ngực nó.

- Bắn!

Thằng mang đại liên ngã ngay. Một thằng nữa ngã. Và một thằng ném khẩu súng chạy lui. Tự nhiên, từ miệng Phong bật lên một tiếng hô “xung phong”. Anh không ngờ tiếng hô đó lại là của chính mình. Và những tiếng hô khác cũng cùng một lúc bật lên. Họ chỉ có ba người, nhưng những tiếng hô của họ dữ dội và kéo dài như của cả một đạo quân. Cả ba người cùng chồm dậy vừa nổ súng, vừa lao về phía quân địch. Chúng hốt hoảng chạy xé ra hai bên để tránh những viên đạn bắn đuổi theo.

Họ đã đến lưng đồi. Phong định phóng tới chiếm cái lăng  trên đỉnh. Nhưng anh chợt nhìn thấy đạn địch từ đó xối xả bắn ra. Địch đã chiếm lăng này mất rồi. Biết không thể tiến lên nữa, ba người phải quay lại, chạy trở về phía ấp.

Bọn địch ở trong ấp đã xuất hiện trước mặt họ. Tiếng súng nổ và nhất là những tiếng thét xung phong của các chiến sĩ du kích, đã làm cho chúng đổ xô về phía này, giống như trong các cuộc lùng tìm mọi lần.

Ngoái lại phía sau, Phong nhận thấy quân địch trên đồi vừa tháo chạy đã quay trở lại. Và bọn địch ở trong cái làng trên đỉnh đồi cũng tiến xuống. Có lẽ chúng đã nhìn thấy họ chỉ có ba người.

- Lên đồi chè đi! - Xê nói với Phong.

Gần đó có một cái đồi chè, nhưng vì nó ở ngay giữa làng nên ban nãy Phong không muốn lên đó. Giờ thì cũng phải lên đó thôi. Phong nói:

- Lên đồi chè. Đi cho khéo đừng để địch nom thấy.

Nhưng một số địch ở trong ấp cũng đã tiến lên đồi chè. Tổ du kích ẩn nấp sau những khóm chè, những ngôi mộ và những ụ đất trên đồi, quần nhau lộn ẩu với kẻ địch một hồi lâu. Địch không nhìn rõ họ, lại sợ bắn phải nhau, nên chúng nổ súng dè dặt.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #19 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2017, 02:11:23 pm »

7.

Mặt trời đã lên tới đỉnh đầu, đổ nắng lửa xuống những quả đồi. Tổ du kích chỉ còn lại Phong và Xê. Khẩu súng của Tiêu bị hỏng; Phong đã buộc anh phải rời trận địa bằng cách ra lệnh cho anh về phía sau báo cáo. Hai người đã đánh lừa và bắn chặn kẻ địch giúp cho Tiêu thoát khỏi vòng vây. Họ đã di chuyển vị trí thêm nhiều lần. Bây giờ thì họ ngồi trong một chiếc lăng ở trên một quả đồi nằm giữa ấp Năm và làng Phương Chánh. Bốn chung quanh họ, vẫn là bọn chúng. Địch cứ hết tiến lại lùi mãi vẫn không đến được gần vị trí của những người du kích. Chúng đã chuyển sang bắn tỉa bằng súng trường và dùng súng cối cá nhân sát thương họ từ xa.

Tiếng súng của địch đột nhiên im bặt hồi lâu. Chắc chúng cần nghỉ ngơi một lát sau cuộc chạy đuổi và những miếng vồ hụt rất mất sức suốt từ sáng tinh mơ đến giờ. Xê lau súng xong, ngả người dựa lưng vào thành lăng, mắt lim dim nói:

- Bọn hắn đọa, nghỉ rồi, mình cũng mần chút giải lao, anh Phong?

- Ừ, cậu nghỉ đi.

Nắng vàng cả mắt. Khát quá, cổ họng rát như phải bỏng. Sân bay Phú Bài cách đó vài ki-lô-mét, nằm trắng lóa như một tấm gương. Những cột điện vô tuyến, những cột điện cao thế dựng lên tua tủa chung quanh sân bay. Những con chuồn chuồn ngô bằng sắt lên lên xuống xuống. Loại trực thăng này khỏe lắm. Bữa trước, Phong đã nhìn thấy nó ôm theo cả một chiếc lô-cốt. Xe nhà binh bò như cua trên đường số 1, trên các đường chiến lược. Bọn hắn rứa đó! Cái chi hắn cũng có hết, sắt thép thiệt là nhiều. Rầm rầm rộ rộ, đầy đất đầy trời, nhưng có mần được chi mô. Trời hôm ni răng mà lặng gió rứa. Những cây thông trên núi Thiên Thai đang cháy vàng cả vì nắng. Bây chừ mà được xuống con sông Lệ Nông kia tắm một cái thì sướng quá chừng. Phong đưa mắt nhìn quang cảnh chung quanh, không quên xem tình hình động tĩnh của quân địch.

- Anh Phong coi này!

Xê vẫn ngồi dựa lưng vào tường, giơ cao hai tay căng miếng vải dù trước mặt. Phong nhìn thấy bốn lỗ thủng. Xê hạ tay xuống, nhoẻn miệng cười rồi bảo Phong:

- Anh coi lại chéo dù của anh cái nào.

Phong mở rộng chiếc dù của mình ra coi, và cũng tìm được hai vết đạn.

- Coi bộ đạn Mỹ nó sợ anh em mình... Anh Phong, đã thấy đúng là ruồi bu chưa?

Phong lắc đầu, rồi nói:

- Hắn bu thiệt nhưng mà đập được. Đập cho mạnh là bay thôi.

Chừng hai giờ sau, súng địch lại nổ. Chúng vẫn ở quả đồi trước mặt bắn sang. Nhìn những viên đạn lửa, Phong thấy đường đạn đi rất cao. Những viên đạn này không hề đe dọa gì anh và Xê nằm trong lăng bốn bề có tường chắn. Ban sớm, chúng bắn còn nguy hiểm hơn nhiều, đạn cắm phầm phập vào tường, vôi vữa bốc trắng cả lên. Xê cầm lấy khẩu súng nói thủng thẳng:

- Kệ cha mi! Cho bắn hết đạn đi. Vô gần đây tau sẽ tính cho.

Phong bỗng cảm thấy nghi hoặc. Tại sao bỗng dưng chúng lại bắn tồi hẳn đi như thế? Anh nhô đầu khỏi lăng, ngó xuống chung quanh chân đồi; Phong giật mình khi nhìn thấy bọn Mỹ đã nằm sau lưng, cách bọn anh khoảng ba chục mét. Anh vội thụt đầu xuống, bảo Xê:

- Hắn sắp lên tới nơi. Sang băng bắn liên thanh!

Lựu đạn của địch rơi lộp bộp ngoài tường. Nhiều tiếng nổ quanh lăng. Hai khẩu tiểu liên của Phong và Xê cũng nổ giòn giã. Nhiều tên địch trúng đạn gục ngay tại chỗ. Những tên khác lao đầu chạy xuống chân đồi.

Khói lựu đạn bốc mờ trong lăng. Phong vung mảnh vải dù xua khói, rồi bảo Xê:

- Cứ đập cho mạnh là bay thôi!

Anh chợt nhìn thấy máu mũi Xê chảy ròng ròng. Một mảnh lựu đạn địch đã văng trúng mũi Xê làm anh bị thương. Xê lấy một miếng gạc đắp vào mũi để thấm máu. Nhưng khi nhấc miếng gạc ra, máu lại nhỏ giọt.

Từ đồi bên kia, vang lên một thứ tiếng Việt lơ lớ:

- Hàng đi, hàng đi, hàng thì sống, không hàng thì chết!

Phong tức mình chửi váng lên. Xê cũng định chửi, nhưng vừa mở miệng thì máu mũi lại trào ra, anh phải nhét miếng gạc vào mũi. Nhìn mặt Xê tái đi, Phong biết anh mệt lắm. Phong nói:

- Công sự ở đây tốt. Cứ ở đây mà đánh. Không chạy đi ngả mô nữa!

Anh rút cuốn băng ở túi ngực ra băng cho Xê.

Một lát sau, nghe tiếng máy bay lên thẳng phành phạch. Chiếc máy bay xiên xiên lao về phía đầu họ, mỗi lúc một gần. Nó định đổ quân ngay xuống lăng này chắc? Phong chĩa súng vào máy bay, bắn liền mấy phát. Nó vọt lên cao, rồi sà xuống quả đồi cuối làng Phương Chánh, đổ xuống một toán lính Mỹ. Các tiểu đoàn Mỹ đánh nhau với ba người du kích từ sớm đến giờ đã phải xin thêm lực lượng cứu viện.

Bọn địch mới đến coi chừng hung hăng hơn. Chúng vừa nổ súng vừa la hét, tiến về phía lăng. Từ bốn phía, quân địch cũng la lối rầm lên như sắp cùng xông tới. Một luồng khói đen nghịt bốc lên cạnh lăng. Rồi lại một luồng khói khác. Chúng đã phải dùng đến một thứ vũ khí mới: lựu đạn hỏa mù. Phong và Xê không còn nhìn thấy rõ mặt nhau. Tiếng súng nổ và tiếng la hét mỗi lúc một gần. Phong nói:

- Chuyển vị trí!

Anh nắm lấy tay Xê, kéo Xê chạy ra khỏi làn khói đen mờ mịt. Họ lao xuống phía khe nước ở chân đồi. Một lần nữa, bọn địch, lại vồ trượt họ. Nhưng sau đó, chúng lập tức chia làm hai cánh, đổ xô xuống khe suối, đuổi theo hai người.

Xê bị thêm một viên đạn của địch xuyên vào vai. Phong định băng, nhưng Xê gạt tay Phong, nói:

- Không cần băng.

Từ hai phía địch lại tiến lên. Phong lắp đạn vào băng cho Xê, thấy Xê chỉ còn đúng mười viên. Bây giờ thì Xê phải đặt súng bên bờ suối, bấm cò bằng tay trái. Anh bắn thong thả từng phát một. Khi súng của Xê không nổ nữa, Phong quay lại thấy Xê đã nằm ngửa người rất ngay ngắn trên bờ suối. Anh đã dùng tất cả sức lực còn lại để bắn nốt viên đạn cuối cùng.

Một toán địch từ sau màn khói xông tới. Phong đứng thẳng người nghiến răng, bóp cò súng. Nhưng đạn không nhảy nữa. Anh rút trái lựu đạn cuối cùng, ném về phía chúng. Lựu đạn vừa nổ xong, anh phóng lên bờ, lao chạy về phía làng Phương Chánh. Một toán địch thoáng thấy Phong chạy, hò la đuổi theo. Phong nhảy vào một bụi cây bên đường ngồi lại. Anh nắm chắc khẩu súng trong tay. Lúc này, nó chỉ còn giá trị như một thanh sắt.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM