Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 12:14:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc  (Đọc 84395 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #90 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2011, 10:42:46 pm »

Tuy cán bộ và nhân viên quản lý khu di tích đã cố gắng rất nhiều để có được Phòng truyền thống Thanh niên xung phong như bây giờ, nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu vắng một cái gì đó, còn phải bổ sung tiếp.

Vì thời gian có hạn, chúng tôi đi sang Phòng truyền thống Ngã Ba Đồng Lộc – nằm cạnh Nhà truyền thống Thanh niên xung phong toàn quốc – thành một khối liên hoàn, và được gọi chung là Bảo tàng Đồng Lộc.

Ở đây, tôi và Nguyễn Thế Linh bàn với nhau về từng tấm ảnh liệt sỹ A4 treo trang trọng trên tường, để xem ai giống nhất, và ai chưa thật giống. Tôi đưa cho Linh xem hai tấm ảnh ngày một số liệt sỹ mới tập trung vào Thanh niên xung phong, xem ai còn, ai mất. Người đã mất tên là gì, đứng ở đâu … Linh xem rất lâu, nhưng cuối cùng không thể nhận ra ai, vì từ khi ảnh chụp đến nay đã là 36 năm trôi qua rồi… Linh nói:

- Lúc còn sống, không có việc gì thì không ai để ý kỹ đến ai. Đến khi mất rồi, thì bao nhiêu việc dồn đến phải giải quyết cho cả đại đội, nên tôi không thể nhớ hết từng người một. Anh phải hỏi cô nào ở A4 cũ còn sống sót, thì may ra mới biết được.

Tôi nói, giọng đầy nuối tiếc:

- Tôi đã tìm cô Đức ở thị xã, nhưng tôi không thấy tăm hơi đâu cả. Còn cô Hồng ở Vinh, mấy hôm nữa ra đó tôi sẽ tìm. Địa chỉ không có, liệu có tìm được không?

                                                                                                      *
                                                                                                *          *
Đoàn chúng tôi lại trở lên nhà khách của Ban Quản lý khu di tích Đồng Lộc, để chuẩn bị đi tiếp. Ở đây, Yến tặng tôi và Thu Hà hai tập sách giới thiệu Khu di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc và Thanh niên xung phong toàn quốc, mang tên NGÃ BA ĐỒNG LỘC – NGÃ BA ANH HÙNG.

Tập sách này in đẹp, khổ 18 x 26 dày 52 trang giấy trắng, ảnh lên rõ nét và màu rất thực. Tôi trân trọng lật giở từng trang, xem lướt từ đầu đến cuối. Tư liệu hấp dẫn đáng tin cậy. Đặc biệt từ trang 34 trở đi, viết về Mười Cô gái Ngã Ba Đồng Lộc – Mười đóa hoa bất tử, tôi chú ý đặc biệt . Tôi nhận ra ngay lá thư của Võ Thị Tần báo cáo lên trên về việc anh lái xe dũng cảm hy sinh vì đồng đội. Thảo nào, có nhà báo đã căn cứ vào đây để làm kêt thúc cho bài báo của mình, có lý của nó. Tiếp sau đó, phần tóm tắt các tiểu sử của Mười Cô, phần lớn đều trích nguyên văn trong Đài hoa tím in năm 1978 của tôi. Thế là Đài hoa tím không chết, không bị lãng quên như tôi đã tưởng. Nó vẫn là căn cứ tin cậy để người đời sau tham khảo chi tiết về cuộc đời Mười Cô. Tôi vui mừng nói điều này nói với Thu Hà và quay sang hỏi Yến:

- Em dựa vào Đài hoa tím để viết phần này, sao em không báo cho anh một lời, để anh yên tâm?

Yến cười rất tươi:

- Đã ba lần về Hà Nội vào Báo Phụ nữ tìm anh, nhưng không ai biết anh ở đâu! Em cứ tưởng anh đã chống gậy rồi, hay đang ở Hưng Yên cơ! Ai  ngờ còn được gặp anh!

Cả đoàn cùng cười vui vẻ. Tôi nhờ Yến chuyển gói quà tinh thần của tôi cho gia đình Xuân Vĩnh Lộc, chuyển hộ tấm ảnh mẹ của Dương Minh Châu cũng ở Vĩnh Lộc – là bạn thân của Xuân Vĩnh Lộc hồi xưa. Yến vui vẻ nhận lời, và bảo:

- Trời mưa thế này, xe ôtô to vào nhà Hà Thị Xanh rất khó. Để em mang vào sau cũng được.

Thu Hà cũng gửi quà và tiền của Nhà xuất bản biếu mẹ liệt sỹ Xanh, cùng với quà của tôi đưa cho Yến một thể.
Chúng tôi ra xe để đi Thiên Lộc, thăm ra đình Võ Thị Tần và Võ Thị Hợi. Yến đi cùng với chúng tôi để dẫn đường.

Lúc ấy là 11 giờ. Trời vẫn lất phất mưa.
Xe đi qua cầu tối – còn có tên là cầu Dương Tài – đi thẳng ra ngã ba Khiêm Ích. Ngày trước, đạp xe từ Ngã Ba Đồng Lộc ra ngã ba này sao cảm thấy lâu thế. Bây giờ, vèo một thoáng là tới.

Nếu rẽ trái, đi Lạc Thiện, rồi đi Đức Thọ. Rẽ phải ra Nghèn, đường số Một. Bưu điện Đồng Lộc đóng ngay ở Ngã ba này. Xe chúng tôi rẽ phải ra Nghèn, để đi Thiên Lộc. Xe qua cầu Dị, rồi phóng ra đường số Một. Trên xe, tôi và Yến trao đổi với nhau về việc xây dựng bảo tàng Đồng Lộc.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #91 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2011, 10:12:39 pm »

Yến là con liệt sỹ, ở Nghệ An. Ngay sau khi tốt nghiệp khoa Bảo Tàng – Trường Văn hóa nghệ thuật năm 1977, Yến được phân công về huyện Can Lộc để làm việc. Tại Ngã Ba Đồng Lộc anh hùng, Yến thấy mình có bao nhiêu việc phải làm và cần làm để xây dựng một bảo tàng cho xứng đáng với tầm vóc của nó. Năm 1978 Yến đọc các tài liệu, sách, báo đã viết về Ngã Ba Đồng Lộc từ trước đến nay, rồi sàng lọc lấy sự thật lịch sử, đi tìm nhân chứng lịch sử, sưu tầm các hiện vật quý giá có ý nghĩa bảo tàng… Yến tích lũy các thành quả thu thập được, năm này qua năm khác; cùng với các đồng chí lãnh đạo Huyện và Tỉnh động viên các lực lượng có liên quan ở Ngã Ba Đồng Lộc để sưu tầm tài liệu, hiện vật cần thiết. Cứ thế, kiến tha lâu cũng đầy tổ, hơn hai mươi năm sau Bảo tàng Đồng Lộc cấp Huyện ra đời…

Gia đình riêng của Yến ở ngay ngã ba Nghèn, có ba mặt con phải chăm sóc. Trong khi phải đi đây đi đó nhiều để làm việc có hiệu quả, Yến vẫn thu xếp tốt mọi việc. Rồi Bảo tàng Đồng Lộc được nâng lên thành cấp Quốc gia. Biết bao nhiêu việc phải làm gấp rút nhưng thật chỉn chu, chính xác; Yến đều vượt qua được bằng tấm lòng yêu Đồng Lộc, yêu nghề một cách say sưa. Yến bám trụ ở Ngã Ba Đồng Lộc gần trọn tuổi thanh xuân, trở thành cô gái thứ Mười một như người ta vẫn nói, để góp phần tôn vinh và chăm sóc khu mộ của Mười Cô.

                                                                                                          *
                                                                                                    *          *
Đường vào xã Thiên Lộc cũng thay đổi nhiều, nhưng không đến nỗi không thể nhận ra. Tôi thầm đoán xem lối rẽ vào nhà Võ Thị Tần ở đâu, đang ngờ ngợ thì Yến bảo dừng xe lại. Đây rồi! Ngõ vào nhà Tần ngập nước vì trời mưa. Tôi lội cả giầy xuống nước, đi vào trước. Tới ngã ba nhỏ, tôi dừng lại, đang lưỡng lự thì yến rẽ vào nhà Tần. Tôi đi theo vào căn nhà đã sửa sang lại – sau năm 1976 – nên tôi không nhận ra ngay.

Bọ Cung còn sống. Bọ đang ngồi trong nhà, trông không khác sưa mấy. Chỉ có điều là chậm chạp hơn, không còn tinh nhanh như hồi trước. Bọ Cung không nhận ra tôi, cũng phải, vì đã hơn hai mươi năm rồi không gặp lại; Cụ bà thì đã mất.

Chị Đặng Thị Hồng – vợ anh Võ Nhân Tửu, em trai Tần – đã thay mặt gia đình tiếp chúng tôi rất niềm nở. Các cháu quây quần xung quanh nghe người lớn nói chuyện. Ảnh Võ Thị Tần trên ban thờ như đang mỉm cười nhìn chúng tôi. Bằng Tổ quốc ghi công của Tần để ngay bên cạnh. Tôi nghĩ đến tấm ảnh Tần ở Bảo tàng Đồng Lộc – to hơn, giống y như thế này – xếp hàng cùng đồng đội… Mười nấm mồ trắng toát đá hoa cương trong nghĩa trang liệt sỹ thiêng liêng… Các em đã được đền đáp xứng đáng, yên giấc ngàn thu. Còn gia đình các em sau đó như thế nào, đó là việc của những người còn sống – những người được hưởng thành quả của bao nhiêu liệt sỹ, anh hùng đã hy sinh, để lại cho đến mai sau… Rất may là chúng tôi còn được gặp cụ thân sinh ra liệt sỹ Võ Thị Tần tại nhà, và trao tận tay cho cụ chút quà thơm thảo của chúng tôi. Chị Hồng cho biết là bọ mới đi viện về, vì bị ngã gãy tay, giờ đã gần trở lại bình thường. Anh Tửu đang công tác ở Hải Phòng. Anh đã đọc rất kỹ Đài hoa tím tôi gửi tặng gia đình năm 1978, và theo chị Hồng nói thì anh Tửu rẩt phục tác giả đã viết được đúng về chị mình như thế. Không có gì vui sướng hơn, khi chính tác giả được nghe những lời khen chân thật đó. Thế là tôi hoàn toàn yên tâm về việc các tập sách đã đến được các gia đình liệt sỹ. Công lao này, thuộc về anh Trần Quang Đạt. Tôi rất biết ơn anh… chúng tôi hỏi thăm chi tiết về gia đình chị Hồng, và được biết: Anh Tửu sinh năm 1948, làm việc trong ngành hàng hải ở Hải Phòng, còn bốn năm nữa là nghỉ hưu. Chị Hồng sinh năm 1953, dâu trưởng của bọ Cung, quán xuyến tất cả mọi việc đồng áng, nội trợ, đối nội, đối ngoại trong gia đình. Anh chị có năm người con: bốn trai, một gái. Cháu trai đầu lòng là Võ Nhân Hiển sinh năm 1976, làm việc trong ngành hàng hải của bố đã được hai năm. Cháu Võ Nhân Đạt sinh năm 1980, đang học ở Học viện Kỹ thuật quân sự. Cháu Võ Nhân Lưu sinh năm 1982, đang học ở Đại học Giao thông. Cháu Võ Nhân Hoài sinh năm 1986 đang học lớp 12; và cháu gái duy nhất Võ Thị Trang sinh năm 1990 đang học lớp 8.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #92 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2011, 07:04:36 pm »

Nhìn thấy các cháu vui vẻ, nhanh nhẹn, xinh xẻo quây quần bên chị Hồng và biết một số một số cháu đã có công ăn việc làm, đang được học hành đến nơi đến chốn chúng tôi rất yên tâm về tương lai của các cháu. Tôi nói với chị Hồng:

- Cái vốn quý nhất anh chị để dành cho các cháu là sự học hành đến nơi đến chốn. Tôi tin là các cháu sẽ thành đạt, xứng đáng là cháu của bác Võ Thị Tần, con ngoan của anh chị… Mong lần sau đến đây, tôi vẫn còn gặp bọ Cung!

                                                                                                            *
                                                                                                      *          *
Chia tay với gia đình Võ Thị Tần, chúng tôi sang nhà Võ Thị Hợi. Nhà Hợi vẫn ở gần một nhà thờ họ nào đó, không thay đổi mấy.
Tiếp đón chúng tôi là anh Võ Xuân Vĩnh – sinh năm 1958, em trai của Võ Thị Hợi. hiện nay, anh Vĩnh là Phó chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, đại biểu Hội đồng nhân dân xã. Vĩnh chăm lo sản xuất và công tác, cùng với vợ là Võ Thị Lộc – sinh năm 1959 – Họ có với nhau hai con trai và ba con gái. Cháu gái lớn nhất đã lấy chồng, và có con. Một cháu đang ở nhà sản xuất, còn ba cháu đang đi học. Gia đình tùng tiệm đủ ăn.

Tôi nhìn thấy ảnh của mẹ Võ Thị Hợi đặt trên ban thờ. Ảnh bà rất giống với hồi xưa tôi gặp và chụp ảnh. Tôi làm sẵn một tấm ảnh thờ theo phim đen trắng, và tặng Vĩnh. Bà đã mất năm 1990. Tôi tặng gia đình một số ảnh chụp hồi năm 1976, trong đó có nhiều người còn ít tuổi, bây giờ không thể nhận ra ai… Ảnh thờ của Võ Thị Hợi giống hệt như ảnh trong Bảo tàng Đồng Lộc. Trước đây, tôi xin gia đình Hợi được một tấm ảnh nhỏ, rất giống Hợi. Tôi đã làm ảnh to hơn, để cho vào tập ảnh của Mười Cô sau này. Tôi đưa cho Vĩnh xem, và em công nhận là giống hơn cả ảnh đang thờ.

Chúng tôi xin phép gia đình Vĩnh được đi tiếp. Trước khi chia tay, Vĩnh còn kịp giúi vào tay chúng tôi một chai rượu do nhà nấu lấy.

                                                                                                            *
                                                                                                      *          *
Trong lúc ngồi nghỉ ở phòng khách Ban quản lý khu di tích, Yến cho chúng tôi xem các phim tư liệu về Ngã Ba Đồng Lộc. Xúc động nhất là phim tài liệu Hương Bồ Kết của đạo diễn Trần Minh Đại. Tôi xem một lần trên truyền hình rồi, nhưng nay xem lại ngay tại Ngã Ba Đồng Lộc, sau khi vừa ở nhà Võ Thị Tần và Võ Thị Hợi ra… cảm xúc mạnh mẽ hơn. Tôi thấy trên phim con đường mình mới đi qua lúc nãy, những con người mình vừa gặp xong. Qua phim, tôi được gặp Võ Nhân Tửu và vợ chồng anh Nguyễn Đức Hồng – người yêu cũ của Võ Thị Tần, cô Nguyễn Thị Xanh em ruột của Xuân Vĩnh Lộc… là những người tôi chưa được gặp bao giờ. Riêng hình ảnh mẹ Võ Thị Hà xuất hiện thường xuyên trong im lặng làm tôi xúc động nhất. Trước hết vì Mẹ quá già so với hồi tôi được gặp và chụp ảnh Mẹ trên bờ sông La, cạnh nhà thờ đạo đổ nát… Mẹ còn sống, và lúc nào cũng hy vọng em Hà trở về… Tôi thương Mẹ quá. Mẹ già, như chuối chín cây, không biết thế nào… Chỉ lát nữa thôi, chúng tôi sẽ đến thăm mẹ, được nói chuyện với mẹ và các em của Hà…

Bắt đầu là cầu Tùng Cóc – nổi tiếng một thời – rồi đến cầu Mường Tề, qua hai chiếc cầu đang sửa chữa rồi đến cầu Kênh N19, cầu Chợ Giấy. Tới ngã ba Lạc Thiện gặp đường 8A rồi lại qua cầu Đăng Quan. Đi qua cầu Đôi 1, cầu Đôi 2 là đến thị trấn Đức Thọ. Từ xa xa, chúng tôi thấy những ngôi nhà nhiều tầng, liền sát bên nhau, như một thành phố nhỏ. Nhiều lần đi tàu Bắc Nam vào Huế, vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi chỉ đi qua Đức Thọ khoảng 15 phút bằng xe lửa, nên không biết đường ngang ngõ tắt của Đức Thọ giờ thay đổi như thế nào. Lần này, tôi đến Đức Thọ theo đường bộ, nên có dịp để chiêm ngưỡng sự thay đổi sâu sắc của thị trấn ven sông La này… Đường có rộng hơn trước. Nhà cửa san sát bên nhau theo từng phố một. Các cửa hàng buôn bán nhiều mặt hàng, từ thông thường đến cao cấp, phục vụ đủ loại yêu cầu của nhân dân thị trấn và các xã lân cận.

Không có một dấu vết gì của thời kỳ chiến tranh phá hoại để lại. Nhân dân đã hàn gắn tất cả và to đẹp hơn.
Xe đi về phía nhà thờ Đức Thọ, ở đó có nhà mẹ Võ Thị Hà. Tôi cảm động khi nhìn nhà thờ được xây dựng lại hoàn toàn , trên sông La. Tôi không thể xác định được mình đã đứng chỗ nào để chụp ảnh cho mẹ hồi năm 1976. Tất cả thay đổi hết rồi, chỉ có lối rẽ vào nhà Hà là vẫn thế.


Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #93 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2011, 10:05:36 pm »

Chúng tôi dừng xe ven đê sông La, đi bộ vào nhà Hà.
Nhà Võ Thị Hà thay đổi nhiều, không còn như sưa nữa. Cả nhà trở thành một cửa hàng bán tiểu sành, và các đồ sành sứ khác.
Nhìn những chiếc tiểu sành xếp hàng dài, chồng lên nhau, tôi thoáng rùng mình. Hàng ngày nhìn những chiếc tiểu sành này, mẹ có cảm thấy được gần gũi với Hà hơn không, hay lại không nguôi thương nhớ con gái! Mẹ Hà đang ngồi im lặng trong nhà. Mẹ ngồi hơi còng xuống, hai bàn tay đan vào nhau, mắt nhìn ra xa, hai dòng lệ chảy xuôi. Chiến tranh qua đi lâu rồi. Con gái mẹ hy sinh hơn ba mươi năm rồi… Nhưng nước mắt của mẹ không ngừng chảy, hết năm này qua năm khác. Mẹ còn sống ngày nào, mẹ còn khóc con ngày ấy; khóc cho đến khi nào nhắm mắt xuôi tay… Nhìn những giọt nước mắt của mẹ lăn trên cặp má nhăn nheo, chúng tôi không cầm lòng được, vì thương mẹ, thương và cảm phục những người mẹ Việt Nam đã có chồng con hy sinh cho độc lập tự do của Tổ Quốc.

Võ Tây Sơn – em trai Hà – thay mặt gia đình tiếp chúng tôi rất niềm nở. Trên Hà có chị Hợi – sinh năm 1947 – đang cùng chồng con ở Nha Trang. Võ Văn Nam – em trai Hà, sinh năm 1954, đi bộ đội, đã nghỉ hưu, cùng vợ và hai con trai ở chỗ khác. Võ Trọng Lâm – em trai út của cả nhà, sinh năm 1964, đi bộ đội, mới bị bệnh mất năm 2002, chỉ kịp có một người con gái… Cậu út này có ảnh chụp cùng gia đình năm 1976. Sơn chỉ cho tôi xem tấm ảnh ngày xưa tôi đã gửi vào cho gia đình. Sơn còn nhớ nhà tôi ở Ngõ Lê Văn Hưu 2 Hà Nội nhưng chưa có dịp nào ra thăm được…

Võ Tây Sơn sinh năm 1959, hiện đang làm việc ở Công an huyện Đức Thọ. Sức khoẻ Sơn không được tôt lắm. Vợ chồng Sơn cũng có hai con trai đang đi học. Vợ Sơn trông nom cửa hàng tại nhà, nên cũng tạm đủ ăn… Suốt cuộc viếng thăm hầu như chỉ có chúng tôi hỏi và con trai mẹ trả lời, còn mẹ chỉ ngồi lặng lẽ vậy. Hình như trong trí nhớ của mẹ chỉ còn hình ảnh cô bé Hà 17 tuổi còi cọc nhưng lúc nào cũng rứu rít như chim, thương mẹ lắm nhưng xa đơn vị hai ngày đã thấy nhớ, thấy lo cho đồng đội…

Mong mẹ giữ gìn sức khoẻ, để lần sau vào đây, con còn được nói chuyện với mẹ… - Tôi nắm bàn tay nhăn nheo gầy guộc của mẹ, nói.

Mẹ lại lặng lẽ tiễn chúng tôi ra cổng, mắt nhìn với về phía Ngã Ba Đồng Lộc, nơi con gái mẹ đang yên nghỉ cùng đồng đội.

                                                                                 *
                                                                          *           *
Nhà chị Miên của Nhỏ ở gần nhà Sơn. Chúng tôi đến trước ngôi nhà một tầng, có giàn cây chanh leo ở phía ngoài sân, gọi cửa. Chị Miên ra, đang ngỡ ngàng trước những người xa lạ, thì Sơn giới thiệu ngay chúng tôi với chị.

Trong trí nhớ của tôi và trong tấm ảnh còn lưu lại, chị Miên là một trong những người vất vả nhất trong các gia đình liệt sỹ. Vừa nuôi con, vừa nuôi em, vì bố bỏ đi lấy vợ khác, mẹ mất sớm. Chông đi bộ đội, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Khi có cháu trai đầu lòng được ít lâu, thì chồng chị mất. Chị ở vậy nuôi con và nuôi em. Năm 1967, Nhỏ vào Thanh niên xung phong. Ở nhà mẹ góa, con côi, chị Miên lại phải đi bước nữa. Năm 1976 tôi gặp lại chị ở Đức Lạng, chụp ảnh bốn mẹ con nheo nhóc đứng bên nhau… Sao bây giờ nhà vắng thế?
Như bíêt được ý nghĩ của tôi, chị Miên cười:

- Các cháu đi vắng hết rồi. Cháu Thảo sinh năm dì Nhỏ mất. giờ đã có hai con. Chồng cháu làm công nhân. Còn hai cháu trai… Cháu Nguyễn Mạnh Tường sinh năm 1971 và cháu Nguyễn Mạnh Cường sinh năm 1974 đều đi làm công nhân. Riêng cháu Cường làm cẩu cảng, lấy vợ và có con trai rồi. Em thành bà nội, bà ngoại rồi.

- Chúc mừng chị. Thế còn cháu đầu của chị… Cái thằng ăn mất quả trứng luộc của dì Nhỏ hôm lên đường đi Thanh niên xung phong ấy, nó đâu rồi?

- Anh nhớ giỏi thật đấy! Đó là cháu Khoa, cháu sinh năm 1963. Bây giờ cháu đang làm ở Viện kiểm sát huyện Hương Khê. Cháu cũng có gia đình riêng rồi…

Tôi tặng lại chị Miên tấm ảnh  bốn mẹ con chụp năm 1976 và tranh thủ hỏi thêm về năm sinh của chị, nhất là của Nhỏ, để khẳng định lần cuối trong tư liệu của mình. Chị Miên nói:

- Tôi sinh năm 1940. Còn dì Nhỏ - nếu còn sống – năm nay cũng được 59 tuổi.

Tôi biết, chị nói theo tuổi ta. Nghĩa là Nhỏ sinh năm 1945.
Đoàn chúng tôi từ giã gia đình chị Miên vào lúc 17 giờ. Khi đi qua sân, qua giàn chanh leo sai trĩu quả, tôi vui mừng vì cuộc đời chị Miên đã khác xa xưa. Chị trồng cây, đã đến ngày hái quả…



Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #94 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2011, 09:58:38 pm »

Lên đến bờ sông La, nơi xe ô tô đậu, thật lòng tôi muốn sang sông, để thăm gia đình Xuân “Đức Tân”. Tôi muốn biết hiện nay gia đình Xuân như thế nào? Các em và các cháu ra sao. Xuân rất đông các em: Dung, Kiều, Nam, Hà và Vân… Cây vú sữa Xuân trồng trước khi đi thanh niên xung phong, hồi năm 1976 tôi vào, thấy cây rất xanh tươi, nhưng không ra quả. Bây giờ, liệu có quả hay chưa? Tôi chụp khá nhiều ảnh ở nhà Xuân, có đầy đủ các em Xuân và cha mẹ. Nếu không vào hôm nay, thì lúc nào đưa cho các em được? Nếu tôi đi một mình như trước, thì chắc chắn đã sang sông rồi. Nhưng, lần này lại đi cả đoàn…

Trời đã xế chiều. Trong lòng tôi ngổn ngang trăm mối tơ vương. Tôi muốn ở lại một đêm tại Ngã Ba Đồng Lộc, để thăm nhà Linh, thăm nhà Xuân Vĩnh Lộc, thăm nhà Dương Minh Châu… Nhưng, chắc chắn Thu Hà không muốn tôi ở lại một mình. Nếu cả đoàn ở lại, thì không có chỗ nào tạm nghỉ được.

Xe theo đường cũ về thị xã Hà Tĩnh. Tượng đài chiến thắng cao vút trong bóng chiều chập choạng ở Ngã Ba Đồng Lộc, đứng nhìn theo mãi chúng tôi…

                                                                                                                *
                                                                                                          *          *

Sau một đêm nghỉ tại khách sạn Bình Minh, thị xã Hà Tĩnh chúng tôi chuẩn bị lên đường đi Hương Sơn, đến thăm gia đình liệt sỹ Hồ Thị Cúc ở Sơn Bằng.

Xe tới thị trấn Nghèn, chúng tôi lại theo đường ra ngã ba Khiêm Ích, gặp đường 15A, đi Lạc Thiện; gặp đường 8A, đi qua bên ngoài thị trấn Đức Thọ, rồi tiến thẳng về phía phà Linh Cảm.

Phà Linh Cảm cũng một thời bị giặc Mỹ ném bom ác liệt, để ngăn chặn nút giao thông thủy – bộ của ta. Ở đây, cũng có nhiều cỗ quan tài dự trữ, sẵn sàng đáp ứng kết quả của những lần truy điệu sống trước khi đi phá bom nổ chậm, từ trường…

Bến phà Linh Cảm nay không còn nữa. Thay thế vào đó là một cây cầu rất đẹp và vững chãi, bắc qua sông Ngàn Phố trong xanh…
Nhờ cây cầu này, mà theo đường 8A có thể đi thẳng một mạch sang nước bạn Lào; trở thành một trong những tuyến đường đẹp nhất nước ta. Cũng bắt đầu từ cây cầu này, chúng tôi vào đất Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Mới ngày nào, chúng tôi đi họp hội nghị Hai giỏi ở Sơn Bằng, Hương Sơn… Thế mà nay đã 35 năm trôi qua rồi! Sông Ngàn Phố không bao giờ ngừng chảy, và thời gian cứ trôi đi… Năm 1969, 1976 tôi về Sơn Bằng một mình bằng xe đạp. Năm nay, đi với cả đoàn về đây bằng ô tô. Hoàn cảnh khác xa nhau, nhưng tình cảm vẫn như ngày trước: bùi ngùi thương tiếc Hồ Thị Cúc – người con gái khổ nhất trong tiểu đội anh hùng…

Sông Ngàn Phố mùa này nước cạn, trông hiền lành, nên thơ là thế, vậy mà mùa nước lũ vừa qua, sống Ngàn Phố nổi giận vô cớ, tràn qua nhiều xóm làng ven sông, gây ra bao nhiêu tai họa…
Qua cầu Sơn Trà, cầu Nầm rồi đến cầu Sơn Bằng.

Chúng tôi đến Phố Châu – thị trấn của huyện Hương Sơn – vào lúc 10 giờ. Theo hướng dẫn của Yến, tôi đi tìm Hồ Thị Hải – là em con chú ruột của Hồ Thị Cúc, tại bệnh viện Hương Sơn. Hải là y sĩ khoa Ngoại. Vì được Yến báo bằng điện thoại trước, nên Hải không ngạc nhiên trước sự có mặt của chúng tôi. Cô y sỹ trẻ trung, thanh mảnh, duyên dáng mời chúng tôi về nhà riêng ở khối 7 – thị trấn Phố Châu. Ở đây, Hải cho biết là không gặp o Loan được, vì o đi vắng. Hải mời chúng tôi về thăm cha mình – là ông Hồ Văn Dũng, chú ruột Cúc. Hiện ông đang ở xóm 2, xã Sơn Hồng – Hương Sơn, gần biên giới Việt – Lào. Anh cả Hải là Hồ Trường Thanh cũng đang ở cùng cha, mẹ.

Những lần trước, tôi chỉ gặp o Loan và người thân của Cúc ở Sơn Bằng, chưa bao giờ được gặp chú thím ruột của Cúc – là những người nuôi Cúc lớn lên, gả chồng cho Cúc… Tôi rất muốn đi, nhưng ngại đường xa, làm cả đoàn vất vả theo, Thu Hà nói:

- Ta đi thôi, vì đã đến đây rồi. Chiều hoặc tối ra Vinh vẫn kịp.

Thế là chúng tôi lên xe ngay. Hải cử cô cháu gái là Hồ Thị Thủy – con lớn nhất của anh Thanh, đưa đoàn về Sơn Hồng.

Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #95 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2011, 10:11:01 pm »

Cháu Hồ Thị Thủy lấy chồng làm lái xe, có một con trai. Gương mặt đôn hậu và thanh thoát, nhưng có mấy vết sẹo bỏng to ở tay… làm tôi liên tưởng đến những vết sẹo bỏng của  Hồ Thị Cúc năm xưa. Sao lại có sự trùng hợp đến lạ lùng như thế?

Đường 8A đi gần như ven sông Ngàn Phố thanh bình. Mặt trời đã lên cao. Xe càng đi, càng vào vùng có nhiều rừng cây xanh và đồi, núi. Qua cầu Phố Châu đến cầu Kè, cầu Tấn, cầu Sến, cầu Hà Tân. Qua cầu Nam Nhe, đến cầu Sài Phố, rồi đến cầu Mãn Châu là đến xã Sơn Hồng. Xe chúng tôi thận trọng đi trên con đường nhỏ được đắp bằng đất đỏ, đến trước một trang trại nhỏ thì dừng lại.
Anh Hồ Trường Thanh ra đón chúng tôi vào trang trại.

Chúng tôi bước vào một vườn cây ăn quả đủ loại. Trong vườn, có ngôi nhà ba gian rộng rãi, thoáng mát. Anh Thanh trông vẫn còn ra dáng một người lính từng xông pha trận mạc, dung dị tiếp chúng tôi. Anh giới thiệu đoàn chúng tôi với ông Hồ Văn Dũng và mẹ mình. Chúng tôi thấy ông Dũng mắt đã kém lắm rồi, và bà Dũng cử động rất khó khăn, nhưng các cụ nói chuyện còn minh mẫn lắm.

Câu chuyện xoay quanh cuộc đời Hồ Thị Cúc từ khi còn nhỏ. Ông Dũng rất nhớ ngày ông bà nội và bố Cúc mất, mẹ Cúc đi lấy chồng. Cúc lớn lên như thế nào, rồi Cúc lấy chồng ra sao… Tất thảy đều trùng khớp với những gì tôi biết qua o Loan kể trước đây, và viết lại rất dè dặt trong đài hoa tím. Tôi thở phào, nhẹ nhõm vì thấy mình không phải đính chính gì về cuộc đời Cúc nữa. Tôi chủ động hỏi về cuộc đời anh Thanh, và gia đình anh hiện nay. Anh cho biết gia đình anh có bảy anh em. Anh là con trai cả, dưới anh còn có ba cậu em trai và ba cô em gái. Cô Hải là út, sinh năm 1965, năm chị Cúc lên đường đi thanh niên xung phong.

Gia đình anh có hai con gái, hai con trai. Cháu Thủy là con gái lớn nhất, đã có chồng và con trai. Cháu gái út học lớp 12, sắp thi vào đại học. Anh mở một xưởng gỗ tại trang trại, để làm kế sinh nhai, đồng thời cũng giải quyết việc làm cho một số cháu ở gần nhà. Kinh tế ổn định.

Tôi ngỏ ý muốn sang thăm xưởng gỗ của anh Thanh. Anh dẫn tôi đi ngang qua một vườn cây, tới một chiếc máy cưa to chạy bằng điện ở góc vườn. Một mái tranh lợp tạm che mưa, nắng cho cỗ máy. Những thanh gỗ xẻ đều tăm tắp xếp hàng, chồng đống lên nhau. Mùn cưa trắng, hồng, vảng trải đầy mặt đất. Ngay bên cạnh xưởng gỗ là một con suối nhỏ đang mùa nước cạn. Những hòn sỏi to, đủ loại hình thù, màu nâu, xám phơi mình hai bên bờ và dưới lòng suối trong veo. Tôi hiểu, gỗ đến từ con suối này, và gỗ thành phẩm ra đường ô tô trước cổng nhà anh.

Vốn là dân công nghiệp, tôi hình dung ra các mối quan hệ của anh Thanh từ đầu vào, đến đầu ra sản phẩm. Quy trình thu gom vận chuyển nguyên liệu, chế biến ra thành phẩm, tiêu thụ có hiệu quả các thành phẩm đó… Không hề đơn giản chút nào. Tôi thầm cảm phục một người lính từ mặt trận trở về, đã làm nên cơ nghiệp của mình như thế. Tôi mong anh Thanh thành đạt hơn, thu hút được nhiều lao động hơn nữa.

Anh Thanh mời đoàn chúng tôi ở lại ăn cơm trưa với gia đình. Cháu Thủy và chị Thanh làm cơm xong từ lúc nãy. Cả nhà ngồi vào mâm cơm thịnh soạn, trong không khí đầm ấm của một gia đinh xa nhau, lâu ngày mới gặp. Sát biên giới Việt – Lào, tôi ăn một bữa cơm trưa như thế.
Cơm nước xong, tôi mới dè dặt hỏi anh Thanh:

- Bàn thờ chị Cúc đặt ở chỗ nào?

- Nhà em không có ảnh chị Cúc, nên không lập được bàn thờ…

- Tôi sẽ biếu gia đình ta một tấm ảnh thờ của Cúc. Anh nghĩ sao?

- Thế thì… tốt quá. Rất cám ơn anh.

Tôi lấy ngay một tấm ảnh Hồ Thị Cúc – do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chụp lại của Bảo tàng Đồng Lộc – mang từ Hà Nội vào, đưa ngay cho cháu Thủy, để cháu có ảnh gốc mang về Phố Châu phóng to ra.

Sau khi chào chú thím của Cúc, hẹn còn gặp lại, chúng tôi chia tay với gia đình anh Thanh, để về Phố Châu rồi ra Vinh.
Anh Thanh tặng đoàn chúng tôi hai chai mật ong rừng và một bọc quýt vườn nhà. Anh xúc động nói:

-  Gặp nhau bất ngờ và vội quá… không kịp chuẩn bị gì. Gọi là có chút quà… cây nhà, lá vườn. Mong gặp lại lần sau…

Xe chúng tôi rời khỏi xã Sơn Hồng lúc 14 giờ 30 phút. Cháu Thủy theo xe về Phố Châu với tấm ảnh bác Hồ Thị Cúc.

Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #96 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2011, 09:43:19 pm »

Tôi rất tiếc là không gặp được o Loan và một số người thân của Cúc ở Sơn Bằng – trước đây đã có lần được gặp. Nhưng thôi, đành vậy, để dịp khác. Chúng tôi còn phải ra Vinh, với bao nhiêu việc đang chờ…

Chia tay gia đình Hải lúc 15 giờ 30, chúng tôi vội vã về Vinh.
Xe lại qua cầu Linh Cảm, về ngã ba Lạc Thiện, rẽ trái về Bãi Vọt theo đường 8A; qua cầu Đức Trung, cầu Đò Trai nổi tiếng một thời, cầu Đức Thuận rồi ra đường số Một… Tôi băn khoăn, tự hỏi: “Các nhân chứng sống của Ngã Ba Đồng Lộc đang còn ở Vinh, hay đã đi rồi?”.

Qua cầu Đôi, cầu Mới, cầu Mây, cầu Rong, cầu Giằng và cầu Bản là đến cầu Bến Thủy. Chiếc cầu cao, to lừng lững bắc qua hai bờ sông Lam – một thời gian dài trước đây là một bến phà nổi tiếng về bom đạn và anh hùng – hôm nay đón đoàn chúng tôi từ Ngã Ba Đồng Lộc trở về. Bên này cầu là Hà Tĩnh. Bên kia cầu là thành phố Vinh của tỉnh Nghệ An. Xe qua cầu nườm nượp vì đang giờ tan tầm.

Thành phố Vinh đã thay đổi hoàn toàn so với trước đây tôi biết trong chiến tranh. Đường phố được mở rộng nhiều lần. Nhà cửa san sát hai bên đường, đều xây từ hai tầng trở lên, không thua gì Hà Nội. Cửa hàng đều to và đẹp, bán đủ loại mặt hàng cần thiết cho cuộc sống xã hội đang đà lên cao.

Qua bên núi Quyết, chúng tôi tới ngã ba quen thuộc đầu tiên. Ở đó, đã sừng sững một tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đứng nhìn về phía sông Lam. Quảng trường rộng lớn, uy nghi và đẹp quá.

Ở Vinh, chúng tôi sẽ gặp những nhân chứng sống của Ngã Ba Đồng Lộc anh hùng. Việc này, Thu Hà đã liên lạc trước với Tỉnh Hội rồi, nhưng còn cô Lê Thị Hồng ở A4 cũ vẫn không có tin tức gì. Tôi sốt ruột quá, vì bao nhiêu năm nay không gặp được Hồng. Đã không tìm thấy cô Đức ở thị xã Hà Tĩnh rồi. Còn Hồng, gia đình em đang ở đâu?

Với tâm trạng ấy, tôi ngồi dự bữa cơm chiều ở khách sạn do Tỉnh Hội Phụ nữ chiêu đãi. Trong bữa ăn, chị Phó Chủ tịch Hội có gợi ý cho tôi viết về tấm gương mười hai cô gái ở Truông Bồn. Tôi rất cảm động về niềm tin cậy của chị đối với tôi, nhưng lực bất tòng tâm, tôi đành phải thoái thác:

- Bao nhiêu năm trôi qua rồi… Không khí chính trị và mạch đập thời đại đã khác trước. Bao nhiêu gia đình, bao nhiêu mối quan hệ của mười hai cô gái Truông Bồn, mười hai cuộc đời dang dở… tôi không còn đủ sức và thời gian để làm tốt việc này nữa. Xin các chị hãy tìm anh chị em văn nghệ trẻ ở địa phương – có nhiều tâm huyết – nhờ làm việc này. Tôi tin là họ sẽ làm được và làm tốt hơn tôi…

Phải từ chối một vinh dự là điều rất khó khăn đối với bản thân mình; nhưng tôi không thể nào làm khác được.
Cả đêm hôm ấy, gần như tôi không ngủ nổi, vì những cuộc gặp gỡ mấy ngày qua ở Đồng Lộc, Đức Thọ và Hương Sơn. Tôi phải viết như thế nào đây – sau hơn hai mươi năm không viết nữa?

Thành phố Vinh trong đêm yên tĩnh quá. Tượng Bác Hồ ngoài quảng trường vẫn đang nhìn về phía sông Lam…

                                                                                                            *
                                                                                                       *        *

Sáng ngày cuối cùng ở Vinh, theo lịch làm việc, đoàn chúng tôi đến thăm anh Trần Quang Đạt trước. Hồi chưa có chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, anh là Trưởng ty Thủy lợi Hà Tĩnh, người chủ trì xây dựng hồ Kẻ Gỗ sau này. Khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, anh là trưởng Ban chỉ huy Đảm bảo giao thông tỉnh Hà Tĩnh, là nhân chứng lịch sử hiếm hoi còn sót lại – có tầm chiến lược – của thời kỳ oanh liệt đó. Sau này, anh làm Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho đến khi hòa bình lập lại. Từ tháng 4 năm 1976, anh là Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ Tĩnh cho đến lúc nghỉ hưu. Anh Đạt quê ở Thanh Làng, Đức Thanh, Đức Thọ, Hà Tĩnh; là người giúp đỡ anh em làm văn nghệ về thâm nhập thực tế ở Hà Tĩnh rất chân tình và hiệu quả. Anh giúp đỡ tôi rất nhiều trong những năm tìm hiểu và viết về Mười cô Đồng Lộc.

Nhà anh Đạt nằm khiêm tốn trong một đường phố nhỏ, không có gì nổi bật  lên hơn so với hàng xóm, láng giềng. Nhà một ông Phó Chủ tịch tỉnh lớn như Nghệ An, sau khi nghỉ hưu chỉ có vậy thôi. Tự nhiên, tôi thấy yên tâm, vì biết anh vẫn không khác thời chiến tranh là mấy…

Quả đúng như vậy. Tôi nhận ra anh ngay, mặc dù gần ba mươi năm xa cách không gặp lại nhau. Anh già hơn và tóc bạc nhiều hơn… Sau vài câu giới thiệu, anh hồ hởi, như với người bạn cũ xa lâu, bây giờ mới gặp lại…










Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #97 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2011, 10:09:24 pm »

Anh tâm sự, những ngày mới có chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, tỉnh  đã cho làm những con đường tránh số 21, 22, 28, 29 … để nếu quốc lộ 1 bị tắc, vẫn còn có đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Chiều dài những con đường đó bằng tám mươi năm thực dân Pháp đã làm đường ở Hà Tĩnh… Rồi đến việc ghép phà thành cầu phao, cả thế giới không ai làm. Nếu nối cứng phải có thiết bị hiện đại và đắt tiền. Ta không có nối cứng thì nối mềm vậy! Nhân nói chuyện cầu phao, anh Đạt say sưa kể về huyền thoại làng Hạ Lội, nay là xã Tiến Lộc thuộc huyện Can Lộc. Trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, trên 4km quốc lộ chạy qua xã Tiến Lộc có ba chiếc cầu lớn: Cầu Già, cầu Cổ Ngựa và cống Thượng Gia; có đến ba bến phà dã chiến vượt Ba Nái, sông Nghèn… Mỹ điên cuồng ném ở đây trên 20.000 quả bom các loại và 1600 quả tên lửa… Bình quân mỗi đầu người dân xã Tiến Lộc phải nhận 5, 7 quả bom và 4,5 quả tên lửa. Ở tọa độ lửa ấy, hai mươi ngày sau khi các cô thanh niên xung phong - A4  hy sinh, nhân dân xã Tiến Lộc tự nguyện dỡ 130 nóc nhà để lấp hố bom và làm đường tránh cho hàng ngàn xe chở đạn đang bị tắc ở núi Hồng Lĩnh vào miền Nam kịp thời. Một sự trùng hợp huyền thoại: trong các đoàn xe đi qua Tiến Lộc ngày ấy có 130 chiếc xe chở xăng của bộ đội ta. Chính vì vậy, từ ngày đó, làng Hạ Lội còn có tên là K130. Năm 1994 xã Tiến Lộc được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt nam.

Anh Đạt rơm rớm nước mắt khi kể lại đêm 24 tháng 7 năm 1968, anh đang trực ở sở chỉ huy – đặt tại xã Quang Lộc – Can Lộc – thì có điện thoại báo tin mười cô A4 hy sinh, cô Cúc chưa tìm thấy xác! Cả sở chỉ huy lặng đi. Chưa ai kịp nói gì thì đơn vị báo tin là hết cả quan tài rồi, xin phép lãnh đạo cho được bó các thi hài bằng ni lông để chôn cất như ở ngoài mặt trận. Anh Nguyễn Xuân Linh lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy, nói như gào lên: “Không thể được! Phải làm lễ an táng cho trọng thể. Phải đợi áo quan về, khâm liệm cẩn thận đã”. Nói xong, anh chỉ thị phải điều động mười cỗ áo quan trong kho dự trữ ở huyện Can Lộc về. Anh Đạt thực hiện ngay, và thấy anh Linh quay lưng lại, vai rung lên, lấy khăn thấm nước mắt…

Tôi rất xúc động khi nghe anh Đạt kể chuyện này. Trước đây, tôi chưa hề biết đến, nên Đài hoa tím in lần đầu không thể có đoạn này được. Anh Đạt nói tiếp:

- Sau ngày các cô A4 hy sinh, không có một ai ở Đồng Lộc bỏ đi hoặc đào ngũ cả. Chúng nó còn đánh hai trận ác liệt nữa. Ở Eo Út C555 hy sinh nhiều, nhưng không một ai dao động. Tấm gương hy sinh của Mười Cô Đồng Lộc đã động viên mọi người ngay từ ngày đó tiến lên, cho đến ngày toàn thắng…

Anh Đạt bịn rịn chia tay chúng tôi ở cổng ngôi nhà bình dị. Còn tôi, kính trọng và quý mến anh hơn, vì anh vẫn như ngày nào bám trụ ở Ngã Ba Đồng Lộc anh hùng…

                                                                                                                  *
                                                                                                            *         *

Xe chuyển bánh lúc 10 giờ 30 phút. Trên xe, Thu Hà thông báo cho tôi biết đã nhờ Tỉnh Hội Phụ nữ và nhà báo Lưu Quý Kỳ tìm Hồng A4 trước, nhưng cho đến hôm nay, đến cả hai nơi đều không phải. Một cô Hồng ở Nhà trẻ Hoa Sen ngày trước là công binh. Còn cô Hồng khác cũng trạc tuổi ấy, nhưng không phải Hồng A4. Bây giờ, chỉ còn một cách cuối cùng là đến nhà anh Đặng Thắng Châu – trưởng ban liên lạc Thanh niên xung phong Nghệ An, may ra thì tìm được.

Trên đường đến nhà anh Châu tôi vẫn tin tưởng là sẽ gặp Hồng ngay hôm nay, không hiểu vì sao. Nhà anh Châu ở Bảo tàng Nghệ An nơi tôi đã đến nhiều lần, nhưng không biết anh ở phòng nào. Căn phòng tiếp khách của anh cũng đơn sơ như ở nhà anh Đạt. Tôi chú ý đến tấm bằng ghi nhận bốn mươi năm tuổi Đảng của anh. Tôi đọc: Đặng Thắng Châu – Cẩm Quan – Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh; vào Đảng ngày 5 – 5 – 1960… và một số giấy khen khác treo trên tường. Trông anh già rồi, nhưng đi lại vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Thu Hồng ở Tỉnh Hội Phụ nữ giới thiệu chúng tôi xong, tôi vào đề luôn:

- Chúng tôi đang tìm cô Lê Thị Hồng, sinh năm 1949 quê ở Đức Lạc – Đức Thọ - Hà Tĩnh. Ngày xưa, cô ấy ở A4  - C552 – P18. Hiện giờ cô ấy đang ở đâu. Anh có biết không?

Anh Châu mỉm cười:

- Cô Hồng Đức Lạc chứ gì! Tôi biết! vợ chồng cô ấy đang ở xóm Quang Trung, xã Vinh Tân, thành phố Vinh. Hiện giờ cô ấy đang bán hoa quả ở chợ Vinh. Để tôi gọi điện hỏi xem sao…

Tôi nói ngay:

- Đúng cô ấy rồi. Anh cứ báo tin là chúng tôi sẽ đến nhà cô Hồng ngay bây giờ. Xin anh dẫn đường cho chúng tôi!
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #98 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2011, 09:05:47 pm »

Xe đi vòng vo một lúc thì đến nhà Lê Thị Hồng. Gia đình cô ở một xóm ngoại thành Vinh, chưa phải phố phường, nên không sầm uất như tôi nghĩ.

Vợ chồng Hồng và cháu trai đang đợi ở trước sân nhà. Tôi nhận ra Hồng ngay, mặc dù một phần tư thế kỷ trôi qua, anh em không có dịp gặp nhau. Hồng chào tôi;

- Anh Đồng Tâm!

Tôi bất ngờ, vì Hồng còn nhớ tên gọi của tôi hồi đang còn ở trên Khu Gang thép Thái Nguyên, và hồi đi vào Hà Tĩnh… Tên trên bìa sách nên không ai nhớ đến cũng phải!

Căn phòng khách đơn sơ. Tôi ngồi xuống ghế, lặng lẽ nhìn em… Vẫn cô Hồng ngày xưa khi tôi mới gặp năm 1969. Khi ấy Hồng tròn hai mươi tuổi, là tiểu đội  phó A4 mới, thay thế A4 cũ đã hy sinh gần hết. Bây giờ, trước mặt tôi, Hồng là một người vợ hiền của anh bộ đội phục viên Nguyễn Xuân Hồng – một thời là pháo binh phòng không 12 ly 7 và 14 ly 5 – quê ở Tùng Ảnh – Đức Thọ, gần quê Đức Lạc, nhà Hồng. Hồng tròn 54 tuổi… là mẹ của bốn đứa con, hai gái hai trai đã lớn khôn và trưởng thành rồi. Em có già hơn, đẫy người hơn trước, nhưng cái nhìn và nụ cười của em vẫn thế.

Tôi chủ động hỏi Hồng về 25 năm đã trôi qua… Hồng cho biết: Em đi thanh niên xung phong từ năm 1967 đến năm 1972. 1967 đến 1969 ở Đồng Lộc. 1970 vào Đèo Ngang. Ở đó, em được kết nạp vào Đảng lớp Hồ Chí Minh ngày 3-2-1970. Một năm sau lại ra Can Lộc ở Nghèn và Chợ Củi. Năm 1972, Hồng được Ủy ban Tỉnh cho đi học lớp Văn thư lưu trữ, rồi về làm việc ở Ban Miền Tây tỉnh Hà Tĩnh, làm giao liên và đón tiếp các bạn Lào. Thời gian này, Hồng gặp bố các cháu, hồi ấy mới ra quân, đang làm việc ở Đoàn xe vận tải thương nghiệp Hà Tĩnh. Hai người yêu nhau. Đến tháng 11 năm 1973 hai cơ quan tổ chức đám cưới cho ở quê nhà. Năm 1974 sinh cháu gái Nguyễn Thị Hiền; hiện cháu đang làm việc tại khách sạn Thanh Lịch – thành phố Vinh. Hồi bé tí cháu đã phải xa mẹ, ở Tùng Ảnh với bà nội. Khi ấy, chú ruột Nguyễn Chí Thanh vẫn còn đang ở nhà, cùng bà chăm sóc cháu. Năm 1976 tôi vào Đức Phong tìm vợ chồng em, nhưng không gặp, chỉ kịp chụp tấm ảnh bà nội đang bế cháu Hiền trong lòng.

Tháng 4 năm 1976 sát nhập hai tỉnh làm một thành Nghệ Tĩnh, Hồng sinh cháu gái thứ hai là Nguyễn Thị Hòa. Hiện nay, học đại học xong, cháu Hòa đang làm dự án cho Canađa ở Hà Nội. Hồi sinh cháu Hòa được ba tháng, Hồng vào làm ở ngành thương nghiệp, ở Ngã ba Tuần – cách thị trấn Quỳnh Lưu 20 km. Hai năm sau ra thị trấn Cầu Giát bán hàng, với một cách hai con nhỏ. Năm 1978, Hồng sinh cháu trai Nguyễn Xuân Quỳnh, nay cháu đã tốt nghiệp đại học Thương Mại, nhưng chưa xin được việc làm. Năm 1981 Hồng về Vinh để học lớp Mậu dịch viên một năm. Lại phải đưa ba con về nhà, nhờ bà và chú trông nom, dạy dỗ giúp. Năm 1982 học xong, Hồng được điều về Vinh làm việc. Mãi đến năm này, Hồng mới có hộ khẩu chính thức ở thành phố Vinh. Năm 1983 Hồng sinh cháu trai út, đặt tên là Nguyễn Xuân Ngọc; hiện cháu đang đi bộ đội, đóng quân ở Nha Trang. Tất cả bốn con, chưa ai có gia đình riêng. Vợ chồng Hồng còn nặng gánh lắm.

Đến năm 1991 lại tách ra làm hai tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh. Các cơ quan giảm biên chế. Hồng nghỉ hưu luôn, chỉ được tính 23 năm công tác; mỗi tháng được 50 ngàn lương hưu. Năm 1993 chồng cô – anh Xuân Hồng cũng về hưu luôn. Hai vợ chồng Hồng xin địa phương được một cái ao ở xóm Quang Trung, xã Vinh Tân, để lấp đi, làm chỗ định cư lâu dài cho các cháu. Hai vợ chồng gom góp tiền thuê lấp ao thành thổ cư. Hiện nay, diện tích nhà và đất trồng cây của vợ chồng Hồng cũng được 200 mét vuông. Thế là mãn nguyện lắm rồi.

Tôi hỏi Hồng về việc sinh hoạt Đảng ra sao. Hồng đau khổ nói:

- Hồ sơ Đảng viên của em hồi ở cơ quan cũ – Công ty kinh doanh Tổng hợp – bị thất lạc rồi. Các vị lãnh đạo thay đổi luôn, nên không biết ai đã đốt hồ sơ của em đi. Bây giờ trắng tay, không biết sinh hoạt vào đâu.

Tôi không thể nào an ủi Hồng trong tình huống này được, đành im lặng. Vợ chồng Hồng mời đoàn chúng tôi ở lại ăn bữa cơm trưa. Tôi mang anbum ảnh gần hai chục chiếc chụp Hồng và đồng đội hồi 1969 ở Đồng Lộc nói:

- Khi nào em có dịp gặp lại Đức và Tịnh cùng các bạn khác hồi ấy, em cho các bạn xem những tấm ảnh này để nhớ về kỷ niệm một thời. Em cho anh gửi lời hỏi thăm gia đình các bạn ấy. Sẽ có ngày còn gặp nhau ở Ngã Ba Đồng Lộc…

Hồng cảm động, nâng niu từng tấm ảnh, rồi cất đi. Cháu Quỳnh vồ ngay lấy phiên bản Đài hoa tím tranh thủ đọc. Tôi nói:

- Cháu bắt đầu đọc từ chương 8, trang 148 trở đi, sẽ thấy mẹ cháu hồi ấy như thế nào…
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #99 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2011, 09:39:03 pm »

Buổi chiều chúng tôi lại tìm gặp một nhân chứng lịch sử nữa – anh Nguyễn Tiến Chương, nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh những năm kháng chiến chống Mỹ. Nhà anh Nguyễn Tiến Chương ở khối Trung Hòa, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, một khu nhà vườn yên tĩnh ở sâu trong một con hẻm. Nổi bật lên trước căn nhà một tầng bình dị là hai cây mẫu đơn hoa vàng rực rỡ. Tôi chợt nhớ hai câu thơ:

Hoa mẫu đơn là hoa phú quý
Hễ làm trai có chí thì nên…

Tôi xúc động đến lặng người, khi thấy anh Chương ra đón chúng tôi. Gương mặt anh vẫn thế. Dáng người hơi thấp nhỏ, khiêm nhường của anh vẫn thế. Đôi mắt tinh anh và đằm thắm tình người nhìn tôi hơi ngỡ ngàng. Tôi chào anh, và tự giới thiệu ngay về mình. Anh siết chặt tay tôi, mỉm cười:

- Lâu quá rồi! Hơn ba chục năm, giờ mới gặp lại nhau!

Trong lúc anh pha cà phê tiếp chúng tôi, tôi thấy trên bàn làm việc anh đang dở ra tập tài liệu bằng tiếng Pháp, viết về sức khỏe của người già; bên cạnh là bản dịch ra tiếng Việt. Chữ anh viết rất đẹp và chân phương. Một cán bộ lãnh đạo, một trí thức chân chính, khi nghỉ hưu còn làm việc như thế này, không kính nể sao được?

Sau những lời thăm hỏi, tôi chỉ xin hỏi anh một câu:

- Em vừa qua Ngã Ba Đồng Lộc thăm mộ Mười Cô về. Em xin ý kiến nhận xét của anh về khu tưởng niệm này như thế nào?

Anh Chương ngẫm nghĩ một lát, rồi nói:

- Mọi cái đều tốt đẹp. Nhưng, tôi thấy cái hố bom đã làm Mười Cô hy sinh, bây giờ nông quá. Giá như, có cách nào khôi phục được hình dạng hố bom như lúc ban đầu. Dùng kỹ thuật hiện đại gia cố bờ hố bom sao cho không sạt lở - bằng đá hoa cương chẳng hạn – chứa nước trong vắt đầy hố bom… Như thế sẽ phù hợp với khu tưởng niệm này hơn.

Tôi tán thành ý tưởng này của anh ngay, và hỏi thêm về những binh chủng hợp thành đã làm nên Ngã Ba Đồng Lộc anh hùng, nên tưởng niệm như thế nào. Anh Chương nói ngay:

- Cần phải có Khu tưởng niệm của Trung đoàn pháo 210, vì 147 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Đồng Lộc, họ đã hy sinh 122 người, bị thương nặng gần 260 người… Việc làm khu tưởng niệm này còn liên quan đến Bộ Quốc phòng, Binh chủng Phòng không nữa chứ. Đâu phải chỉ một mình Đoàn Thanh niên lo liệu mà đã sợ không có đủ kinh phí? Vấn đề là làm khu di tích ấy ở đâu? Làm như thế nào cho xứng đáng với đơn vị anh hùng này, và những ai có trách nhiệm làm khu di tích này. Tôi nói như vậy là vì lẽ công bằng … Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc đã đi vào lịch sử, hằng năm có biết bao du khách đến thăm viếng. Phải biến nơi đây thành một trong những biểu tượng sống động nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam cho các thế hệ mai sau… để cho các du khách quốc tế hiểu thêm về Việt Nam đã sống và chiến đấu như thế nào, để có ngày hôm nay hạnh phúc, hòa bình… Chính chúng ta hiểu rõ về hòa bình, cần phải có hòa bình hơn ai hết.

Chúng tôi im lặng nghe anh nói những lời tâm huyết như nhắn gửi lại cho các thế hệ mai sau. Hóa ra trong thâm tâm, tuy nghỉ hưu rồi, nhưng anh vẫn còn băn khoăn về những việc chưa làm được…

Khi nói chuyện về vua phá bom Vương Đình Nhỏ ở Ngã Ba Đồng Lộc năm xưa, cho đến tận bây giờ - sau khi chết – anh vẫn chưa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Anh Chương rơm rớm nước mắt:

- Trước đây, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đề nghị lên trên phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Vương Đình Nhỏ rồi nhưng mắc mớ vì đâu, chúng tôi không kiểm tra thật kỹ lưỡng để gỡ vướng mắc này… Đến bây giờ truy tặng danh hiệu Anh hùng cho anh Nhỏ vẫn còn chưa muộn. Nếu anh Vương Đình Nhỏ không được phong tặng danh hiệu Anh hùng nữa, thì khi chết tôi không nhắm mắt được.

Tôi và Thu Hà đều lặng đi khi nghe anh Chương nói tha thiết chí tình như vậy. Tôi biết tấm lòng anh luôn luôn trân trọng những gì tốt đẹp nhất đã trải qua anh và anh cảm thấy mình phải có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ nó.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM